Hiểu sâu sắc hơn về linh hồn

Có một số từ ngữ đã trở nên gần như vô nghĩa vì quá nhiều người đã sử dụng với dụng ý khác hẳn nhau. Đó là trường hợp từ “hồn”, hay “tâm hồn” hay “linh hồn”. Trong nhiều thế kỷ, từ này đã khoác lấy bao nhiêu ý nghĩa khác nhau tùy theo tôn giáo hay giáo lý tâm linh, nhiều khi còn được sử dụng mà không có định nghĩa rõ ràng, chắc hẳn là vì người ta cho rằng ai ai cũng hiểu là gì rồi.    

Trong các đợt giáo lý trước đây, các chân sư cũng đã dùng từ “linh hồn” như hầu hết giáo lý khác, tức là không định nghĩa rõ ràng. Nhưng ngày nay, các thày cho chúng ta một cách hiểu trau chuốt hơn và chia linh hồn, hay phàm ngã, thành mấy phần riêng biệt.

Nhiều người tâm linh chia sẻ quan niệm đầu thai và người ta thường cho rằng linh hồn là bộ phận được đầu thai. Điều này dẫn đến ý tưởng khá phổ biến là linh hồn được tạo ra ở một cõi cao hơn trước khi nó đi xuống cõi vật chất. Và như thế, linh hồn cũng chính là cái sẽ thăng lên trở lại cõi tâm linh.

Nếu hiểu như vậy thì vấn đề được đặt ra là bạn phải làm gì để linh hồn có đủ tư cách trở lên cõi tâm linh, và điều này dẫn đến hai ý tưởng cũng khá phổ biến:

  • Linh hồn đã “sa ngã”, hay đã rơi suống một trạng thái thấp hơn và đã mất tư cách ở lại cõi tâm linh, cho nên bạn sẽ phải đền bù những lỗi lầm mà bạn đã phạm vào, phải gột rửa cho linh hồn trong sạch hay phải nâng nó thăng lên.
  • Linh hồn có khả năng trở nên hoàn thiện, cho nên bạn có nhiệm vụ cải hóa cho nó toàn hảo (tùy theo bạn định nghĩa thế nào là “toàn hảo”).

Nhưng gần đây với khái niệm về cái Ta Biết được các chân sư giảng dạy, cách hiểu của bạn về linh hồn sẽ hoàn toàn đổi khác. Điểm then chốt là hiểu rằng Ta Biết mới là cái đi xuống từ cõi tâm linh ở ban đầu để khởi sự một tiến trình hiện thân trong cõi vật chất. Và vì vậy, chính cái Ta Biết mới có tiềm năng thăng trở lại cõi tâm linh.  

Tuy nhiên, tiến trình thượng thăng KHÔNG xảy ra vì cái Ta Biết đã đền bù cho một trạng thái bất toàn nào đó hay cố gắng trở thành toàn hảo dựa theo một số tiêu chuẩn thế gian, nhân tạo. Trái lại, cái Ta Biết CHỈ có thể thượng thăng khi nó làm tròn tiềm năng cao nhất của nó, tức là đạt được tỉnh giác thuần khiết nơi nó là cánh cửa mở cho Hiện diện.     

Có hai điều xảy ra cùng một lúc. Thứ nhất, Hiện diện có thể tự biểu đạt qua cánh cửa mở của Ta Biết bằng cách để cho ánh sáng nó tràn xuống cõi vật chất. Và thứ hai, Hiện diện có thể trải nghiệm thế giới vật chất xuyên qua tấm kính trong suốt của Ta Biết.

Nói cách khác, ở tâm thức cao nhất, cái Ta Biết không có chút ý niệm cá thể nào hay ý niệm bản ngã tách biệt nào. Nó chỉ thấy, không hơn không kém, rằng nó là cánh cửa mở để Hiện diện biểu đạt trong thế gian và là tấm kính trong suốt để Hiện diện trải nghiệm thế gian. Cái Ta Biết thấy nó là khía cạnh Ta Sẽ Là của Hiện diện TA LÀ.

Cái Ta Biết trong tâm thức cao nhất không hề có phin lọc nhận thức. Vì vậy nó không ngăn chặn hay cản trở bất cứ biểu đạt nào của Hiện diện, đồng thời nó cũng không ngăn cản bất cứ trải nghiệm nào của nó đi lên Hiện diện. Cái Ta Biết không phán xét theo hình dạng bên ngoài, mà chỉ tạo cơ hội cho Hiện diện đánh giá các trải nghiệm của nó, rồi học hỏi từ trải nghiệm và lưu giữ thành quả trong căn thể. Bạn hãy so sánh tiến trình này với cách thức chúng ta thường dùng tiêu chuẩn thế gian để đánh giá những trực nhận của mình. Và không những thế, chúng ta còn thường hay có những chuyện giấu giếm Thượng đế. Bạn cần hiểu rằng cái Ta Biết đã không giáng thế với tâm thức thấp kém như vậy, và bạn cần hiểu tại sao.

Cái Ta Biết giáng thế như thế nào

Như đã trình bày, thế giới vật chất được tạo ra từ ánh sáng tâm linh đã bị hạ thấp độ rung, và tỷ lệ hạ giảm được thể hiện qua bảy tia sáng. Điều này có nghĩa là thế giới vật chất ở ban đầu có một độ rung đặc thù do được sinh tạo từ những năng lượng dày đặc hơn cõi tâm linh. Đó là lý do chúng ta không trực tiếp nhận biết được cõi tâm linh qua giác quan vật lý. Giác quan chúng ta đã được điều chỉnh để đồng điệu với tần số vật chất, ở một độ rung thấp kém đến nỗi chúng không tài nào vượt qua hố ngăn cách để mà bắt được các rung động tâm linh (tuy nhiều người tâm linh vẫn có khả năng cảm nhận năng lượng tâm linh, bằng trực giác chứ thường không bằng giác quan vật lý).

Cõi vật chất dày đặc có mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh thể tự nhận biết phát triển, là chúng ta. Khi đi xuống một cõi không còn nhận thức tâm linh trực tiếp, chúng ta mới có cơ hội nâng cao tâm thức lần hồi cho đến khi có thể phụng sự như một cánh cửa mở giữa hai cõi tâm linh và vật chất. Và khi đi muốt tiến trình này, chúng ta cũng giúp nâng cao rung động của chính cõi vật chất cho tới khi nó rung động đồng bộ với cõi tâm linh.

Trong phần trình bày ở đây, bạn cần nắm rõ là cái Ta Biết khi giáng thế vẫn chưa đạt được khả năng tự nhận biết cao nhất. Cái Ta Biết ra đời với một ý niệm về cái ta cô đọng tựa như đầu que diêm, nhưng lại có tiềm năng nâng lên qua nhiều tầng mức để đạt được cùng ý niệm bản ngã rộng khắp như Đấng Sáng tạo.

Khi đi xuống vùng rung động dày đặc của vũ trụ vật chất, cái Ta Biết cần một “cỗ xe”, một phương tiện biểu hiện, nghĩa là một ý niệm bản ngã được tạo bằng cùng những rung động của cõi vật chất. Và đây là điểm quan trọng cần hiểu rõ: cái Ta Biết chỉ khoác lên mình phương tiện đó, chứ nó KHÔNG trở thành phương tiện. Cái Ta Biết hoàn toàn KHÔNG thay đổi trong nguyên tiến trình này, mà chỉ có ý niệm bản ngã – tức sự nhận thức của nó – mới thay đổi. Một lần nữa, nó giống như một diễn viên mặc y phục vào và vẽ thêm hóa trang để diễn xuất một vai tuồng trên sân khấu, và tất nhiên diễn viên có thể cởi áo ra dễ dàng như khi mặc vào.   

Vậy thì ở ban đầu, cái Ta Biết giáng thế với một ý niệm bản ngã gồm cùng những rung động cơ bản như khi vũ trụ vật chất lần đầu tiên được sinh tạo. Chính cái ngã này, cỗ xe này, được chúng ta gọi là linh hồn khi chúng ta nhìn từ một góc độ cao hơn.

Xin bạn lưu ý, linh hồn này không hề được tạo ra nơi cõi tâm linh, nó cũng không được tạo ra bằng rung động của cõi tâm linh. Như Kinh thánh viết, nó sinh ra từ bụi, nghĩa là từ năng lượng vật chất. Vậy thì trong cách nhìn này, linh hồn đã không đi xuống thì cũng không thể thăng lên. Cái thăng lên là cái Ta Biết nhưng chỉ khi nào nó không còn đồng hóa với linh hồn nữa mà ngược lại đã đạt tới tiềm năng cao nhất – là sự tỉnh giác thuần khiết nơi nó thấy nó với Hiện diện là một.

Tuy nhiên, vẫn còn một sự phân biệt mà bạn cần nắm. Hầu hết mọi người đều xem linh hồn là cá tính, tính tình, nhân cách (personality) hoặc là cá thể, sắc tính (individuality) của mỗi người. Linh hồn ra đời và bị ảnh hưởng sâu đậm bởi những hoàn cảnh có mặt trong vũ trụ vật chất vào lúc cái Ta Biết giáng thế lần đầu. Tính tình và cá thể đó là sản phẩm của những trải nghiệm mà bạn sống qua trong suốt thời gian bạn ở lại thế gian, và hẳn nhiên bạn đã bỏ thêm rất nhiều thứ khác vào cái Ta Biết nguyên thủy.

Cá tính và cá thể vỏ ngoài nói trên không phải là con người thực của bạn. Thực sự bạn là cá thể trụ vững nơi Hiện diện TA LÀ. Cá thể này có thể được biểu đạt qua cái Ta Biết, nhưng sự biểu đạt sẽ bị ngăn trở, hoặc tô màu bởi cái cá tính vỏ ngoài mà bạn đã dựng lên khi bạn tương tác, phản ứng với các hoàn cảnh của cuộc sống vật chất.

Như vậy, mục đích của bạn KHÔNG PHẢI là làm cho cá tính vỏ ngoài của mình đẹp đẽ hơn, mà là thăng vượt hẳn cá tính. Điều này có hai hệ quả. Linh hồn được tạo ra từ một số tin tưởng khiến cho năng lượng tâm linh bị giảm độ rung. Có thể nói, những ý tưởng hay tin tưởng đã nhào nặn linh hồn bạn đã tạo ra một cái khuôn, hay một giỏ lưới, thành một cái “rọ” nơi năng lượng tha hóa chồng chất ngày càng dày đặc. Năng lượng càng dày đặc thì cái Ta Biết sẽ càng đồng hóa chặt chẽ hơn với linh hồn và bạn sẽ càng khó khăn hơn thoát khỏi đồng hóa.   

Vì vậy, chìa khóa phát triển tâm linh là nâng cao rung động của năng lượng đã tích tụ trong linh hồn, và trang web này có những pháp tu thăng vượt để giúp bạn làm việc đó. Khi độ dày đặc giảm bớt, cái Ta Biết sẽ bắt đầu hé thấy một tầng tỉnh giác cao hơn. Đầu tiên sẽ chỉ là một vài tia chớp trực giác ngắn ngủi, hay một cảm nhận mông lung rằng cuộc sống không chỉ có bây nhiêu. Sau đó sẽ là cảm nhận mình là một phần của sự sống rộng lớn. Và cuối cùng bạn sẽ thấy thoáng hiện tỉnh giác thuần khiết khi bạn trực nhận cái Ta Biết thực sự là nhiều hơn cá thể phàm phu.       

Và đây là lúc bạn thật sự chất vấn những tin tưởng tạo nên linh hồn bạn, và bạn sẽ lần hồi nâng cao ý niệm bản ngã đến mức hòa nhập vào Hiện diện. Song song, bạn cũng giúp nâng cao rung động của vũ trụ vật chất, tra vấn các tin tưởng trong tâm thức đại chúng, và giúp mọi người nâng tâm thức dễ dàng hơn. Và một ngày sẽ đến khi có đủ số người cũng thực hiện được điều này thì toàn thể hành tinh sẽ được nâng lên, và sự thật về thế giới tâm linh sẽ là chuyện tất nhiên đối với mọi người.

Nhưng hãy trở lại đề tài chính yếu của chúng ta ở đây. Cá tính và cá thể vỏ ngoài – tức là cái ngã vỏ ngoài – mà bạn hiện có đã được bạn bồi đắp suốt nhiều kiếp sống khi bạn phải phản ứng trước những hoàn cảnh bất toàn của thế giới vật chất. Vì vậy, nó không bao giờ có thể được hoàn thiện để thăng lên cõi tâm linh. Chỉ có cái Ta Biết mới có thể thượng thăng, tức là cùng cái Ta Biết đã từng giáng thế. Có điều là Ta Biết chỉ thượng thăng được một khi nó đã giải thoát khỏi sự đồng hóa với ngã vỏ ngoài.

Nó tự giải thoát bằng cách thăng vượt các tin tưởng gây giới hạn và nâng cao các năng lượng cấu tạo linh hồn. Cho nên cũng có thể nói rằng linh hồn được nâng lên, nhưng khi nâng lên, linh hồn không còn tách biệt nữa. Đúng hơn, các tin tưởng gây giới hạn được hóa giải, các năng lượng thấp kém được gia tốc lên rung động cao hơn. Tỷ như nếu bạn đặt nồi nước lên bếp và đun sôi cho tới khi cạn nước, liệu bạn sẽ bảo là nồi nước đã được đem lên một cõi cao hơn? Hay đúng hơn, nước đã gia tốc, biến hóa thành hơi nước là trạng thái cao hơn?  

Đa số chúng ta đã chẳng may đi lạc vào một con đường tu tập vỏ ngoài khi chúng ta sử dụng giáo lý tâm linh để làm đẹp linh hồn mình, để nó hoàn thiện theo một số tiêu chuẩn nào đó. Nhưng linh hồn sẽ không bao giờ toàn hảo, mà trái lại chúng ta phải để cho nó lần hồi giải thể. Thánh Paul có nói, “Tôi chết mỗi ngày”, có nghĩa là mỗi ngày một chút linh hồn lại chết đi khi các tin tưởng gây giới hạn được bỏ lại. Chính Giê-su cũng đã cho phép mình bị đóng đinh trên thập tự giá để biểu tượng cho cái Ta Biết bị đóng cứng trong sự đồng hóa với ngã vỏ ngoài, tức là linh hồn. Cử chỉ chót của Giê-su trên thập tự là “trút bỏ cái bóng”, tượng trưng cho mảnh vụn cuối cùng của linh hồn còn sót lại.    

Như Giê-su nói, “Không người nào có thể lên trời mà đã không xuống từ trời”. “Người” trong câu này chính là cái Ta Biết đã đi xuống rồi sẽ thăng lên một khi nó nhận biết được bản sắc chân thực của mình – là khía cạnh Ta Sẽ Là của Hiện diện TA LÀ. Nói cách khác, “linh hồn” không phải là cái gì đã đầu thai lúc ban đầu. Linh hồn chỉ là cái gì đã được tạo dựng và bồi đắp trong suốt nhiều kiếp sống. Cho nên tuy cái Ta Biết lẫn linh hồn đều tái đầu thai, nhưng chỉ có cái Ta Biết mới hiện thân lúc ban đầu.

Trong những trang kế tiếp, chúng ta sẽ xét đến một vài khía cạnh khác của phàm ngã, trong đó có cả những thành phần của linh hồn.