Một người thương cảm có thể đối phó với năng lượng của người khác như thế nào

Hỏi: Khi con ở gần một số người hay khi con đến một số nơi, con cảm thấy hơi bị choáng ngợp bởi những gì người ta đang làm hay phải chịu đựng. Làm cách nào con có thể biết đâu là năng lượng của con và đâu là năng lượng mà con tiếp thu từ người khác? Làm thế nào một người thương cảm, hay đồng cảm (empath), có thể học cách lèo lái trong những tình huống rất đau buồn nhưng không phải là tình huống của mình? Làm thế nào đem lại ánh sáng mà không cảm thấy kiệt lực?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Washington D.C., Hoa kỳ, năm 2019. Đăng ngày 4/12/2019.

Khi con ở gần người khác, đặc biệt khi họ vô cùng động cảm, năng lượng mà con cảm thấy luôn luôn là năng lượng của họ, hay đó là phản ứng của con trước năng lượng của họ. Điều con cần xem xét trong cả hai trường hợp là tại sao con lại phản ứng. Con cần nhìn vào khuôn nếp phản ứng của con và nhìn ra tại sao con lại bị cuốn hút vào khuôn nếp đó hết lần này đến lần khác. Con sẽ phát hiện đằng sau những khuôn nếp như vậy là, tất nhiên, có một cái ngã. Và đằng sau mỗi cái ngã là một loại tin tưởng nào đó cho rằng, chẳng hạn, trong tư cách là một người tâm linh thì con phải có lòng thương xót đối với người khác, và cách để thương xót là con cảm được năng lượng, hay con hứng lấy năng lượng của họ để họ nhẹ bớt gánh nặng.  

Nhiều người tâm linh có một tin tưởng rất giống như vậy, tuy không nhất thiết được diễn tả với những từ đó. Con cần sử dụng lời dạy của chân sư thăng thiên về quyền tự quyết, cho tới mức con nhận ra là con không đang giúp cho người khác tăng triển bằng cách khoác vào năng lượng của họ, mà thật ra con đang giúp họ giữ nguyên trạng thái tâm thức cũ do con đã làm dịu gánh nặng của họ. Chính điều này cho phép họ cứ tiếp tục ở lại trong trạng thái tâm thức đó.

Tất nhiên con có thể thỉnh sự bảo vệ tâm linh để niêm phong trường năng lượng của con khỏi mọi sự xâm nhập. Nhưng thực tế là con cần giải quyết cái khuôn nếp phản ứng đó, cái ngã tách biệt đó khiến con cảm thấy mình phải phản ứng lại những người đó. Con có thể nói định nghĩa của người thương cảm là một người cảm thấy mình phải phản ứng lại cảm xúc của người khác thay vì có cảm xúc của riêng mình.

Rất, rất nhiều người tâm linh đã bước vào động lượng mong muốn giúp đỡ người khác đến độ họ phủ nhận cảm xúc của mình. Gần như thể họ đẩy cảm xúc của họ sang một bên, và họ cảm thấy họ không có những cảm xúc đó. Họ không nhận diện được cảm xúc riêng của họ. Điều này, tất nhiên, không có gì lành mạnh và không phải là điều sẽ dẫn con lên các tầng tâm thức cao hơn.

Con cần sẵn lòng nhìn vào cảm xúc của mình và biết mình đang cảm thấy gì. Tất nhiên là khi con vươn lên tâm thức Ki-tô, vượt qua ngã gốc và ngừng cá nhân hóa trong cuộc sống, thì con sẽ không còn loại tình cảm thấp kém đó nữa. Nhưng con vẫn có những tình cảm cao hơn. Bởi nếu không có tình cảm, con sẽ không thể thị hiện được điều gì trong bát cung vật lý, vì tiến trình thị hiện chính là khi năng lượng cùng các tâm ảnh đi xuống từ tầng bản sắc qua tầng lý trí vào tầng tình cảm rồi mới xuống đến tầng vật lý.

Thời nay, rất nhiều người tâm linh đã trở thành quá trí thức đến độ họ cố nhảy qua giai đoạn cảm xúc để đem thẳng từ tâm lý trí xuống vật lý, nhưng chuyện này không thể làm được.