5 | Con có muốn buông bỏ nỗi sợ của con không?

Bài truyền đọc của Đại thiên thần Michael qua trung gian Kim Michaels ngày 3/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Đại thiên thần Michael. Thày vui mừng được hỗ trợ các con cho một khía cạnh có thể ngăn cản các con không chú tâm vào bên trong. Và lẽ đương nhiên đây là tầng kế tiếp của thể vật chất của con, tức là thể tình cảm.

5.1. Nỗi sợ và tính bất định

Cảm xúc cơ bản nào khiến đa số con người không chú tâm được vào nội tâm? Lẽ đương nhiên, đó là sợ hãi. Sợ hãi có thể mang nhiều hình dạng, nhưng nó lúc nào cũng là cảm nhận có chuyện gì có thể xảy ra mà ta không có sự che chở nào, không thể trốn chạy, không thể tự vệ. Đây là một phản ứng rất dễ hiểu, vì con đang ở trong xác thân vật lý và có nhiều chuyện xảy ra mà con không thể kiểm soát. 

Tuy nhiên, con thấy là trong thế gian có nhiều người đã tìm cách đối phó với nỗi sợ bằng cách đi vào tư duy muốn kiểm soát mọi chuyện. Trường hợp cực đoan nhất thể hiện điều này là các sa nhân muốn kiểm soát mọi chuyện và mọi người chung quanh họ vì họ bị nỗi sợ bao trùm họ. Nhưng nhiều người có trạng thái tâm sợ hãi, và nhiều người không có quyền lực và không có khuynh hướng hung hãn đã tìm cách đối phó với nỗi sợ bằng cách gia nhập một tôn giáo cho họ cảm tưởng là có một đấng trên trời sẽ tối hậu che chở họ khỏi mọi điều kiện trên trái đất.

5.2. Tư duy thần thông

Vì vậy suốt dòng lịch sử, nhiều người đã kêu gọi thày hay các chân sư thăng thiên khác tới bảo vệ họ. Lẽ tất nhiên, họ thường khi, thật sự là mỗi khi họ bị nỗi sợ giam hãm, có tư duy thần thông và đây là một điều mà các con, là đệ tử chân sư thăng thiên, cần biết. Tư duy thần thông là niềm tin rằng, tuy mọi chuyện xảy ra theo cách của cõi vật lý, nhưng có một lực thần thánh có khả năng và được phép can thiệp để đình chỉ các định luật mà con gọi là luật thiên nhiên và qua đó giúp con được đặc miễn không bị các định luật này ảnh hưởng như chúng ảnh hưởng tất cả mọi người khác.

Ngay cả ngày nay, nhiều tín đồ Thiên chúa giáo hay tôn giáo khác, tin rằng có một thượng đế hay sinh thể tâm linh nào đó có quyền năng thần thông can thiệp và che chở họ tuy họ thấy rõ ràng các người khác không được che chở. Như thày có nói, họ cho rằng có một quyền lực thần thông có thể đình chỉ các định luật thiên nhiên hay luật nhân quả và che chở họ khỏi một số hậu quả mà họ sợ.

5.3. Sự khuynh loát của sa nhân

Tuy nhiên, như các thày đã giảng nhiều lần trong đợt truyền giáo này, luật tự quyết là luật tuyệt đối trên trái đất. Thày là Đại thiên thần Michael. Thày có tất cả mọi quyền năng trên trái đất. Thày có thể thay đổi bất cứ gì. Thày có thể che chở con người khỏi bất cứ gì, nhưng thày không phải chỉ cần có khả năng mà còn cần có thẩm quyền chiếu theo luật tự quyết. Sự thật phũ phàng trên trái đất là sa nhân đã rất khôn khéo dùng tư duy trọng thần thông để tạo ra một tín ngưỡng, một học thuyết, một nền văn hóa trong các tôn giáo khiến tín đồ tin rằng tai ương không thể xảy ra cho họ vì, do một lý do nào đó, họ thuộc một nhóm người chọn lọc. Sau đó sa nhân dùng các sa nhân đang đầu thai hay những người dễ bị ảnh hưởng tới hành hạ những tín đồ tôn giáo, khiến các tín đồ này thấy là họ không được che chở như họ nghĩ, và sau đó càng đi sâu thêm vào cảm giác sợ hãi hay bị bất công, hay tức giận Thượng đế vì ngài đã không giữ lời hứa.

Đây là một lý do khiến ngày nay nhiều người đã bỏ các tôn giáo truyền thống, thậm chí còn bỏ mọi tôn giáo và trở nên vô thần. Họ đã trải nghiệm là cái họ nghĩ là quyền năng của Thượng đế không thể che chở họ, và họ giận dữ đến độ chối bỏ là Thượng đế có quyền năng. Họ chối bỏ sự hiện hữu của Thượng đế, và qua đó một số cũng chối bỏ luôn là có ma vương đang tìm cách hãm hại họ, tuy ma vương là một quan niệm mà sa nhân đã rất khôn khéo đút vào mọi tôn giáo.

Thật ra thì một số các người đó đã trải nghiệm là họ có thể bị tổn thương, tuy họ chối bỏ cả Thượng đế lẫn ma vương. Nhưng nhiều người sống trong các chế độ dân chủ tân tiến có thể trọn đời sống trong hoàn cảnh tương đối an bình, và do đó họ có thể đi vào tâm thái mà ta có thể gọi là kiêu hãnh tâm linh, trong đó họ cảm thấy là họ hiểu rõ mọi chuyện hơn người bình thường. Họ cảm thấy họ biết là không có Thượng đế và ma vương, và họ đã chưa từng thật sự bị thất vọng vì trong kiếp sống này, không ai và không việc gì đã làm tổn thương họ.

5.4. Thượng đế xa xăm có mặt theo yêu cầu

Thày muốn dẫn con, là đệ tử chân sư thăng thiên, tới nhận biết là con cần buông bỏ tư duy thần thông, vì chính tư duy thần thông đã xua đẩy sự kết nối của con với cái ta cao của con và với các chân sư thăng thiên. Tại sao vậy? Vì đâu là ý niệm đằng sau tư duy thần thông? Con đang sống trên trái đất. Có một sinh thể trên thiên đàng, một sinh thể xa xăm trên thiên đàng bình thường không có mặt, nhưng con tin rằng sẽ can thiệp khi con cần đến. Ta có thể gọi đây là một Thượng đế có mặt theo yêu cầu, theo cách nói tân thời, nhưng cũng có nghĩa đây là một Thượng đế xa xăm có mặt theo yêu cầu, một Thượng đế không có mặt khi không có yêu cầu, có nghĩa là con có thể lẩn trốn vị Thượng đế đó. Và khi con phóng chiếu là có khoảng cách giữa con và thày, thì làm sao con có thể kết nối với thày là một chân sư thăng thiên? Và nếu con không thể kết nối với thày, thì làm sao thày có thể giúp con thăng vượt nỗi sợ đang níu kéo thể cảm xúc của con.

5.5. Nỗi sợ chết

Một lần nữa, như thày Quan Âm và Mẹ Mary đã trình bày, con lúc nào cũng gặp thế có vẻ là khó xử này trên trái đất. Thày vừa nói là luật tự quyết không cho phép thày làm một số chuyện để giúp con. Điều này có nghĩa là con đang hiện thân trong cõi vật lý và có một số chuyện mà con không thể được bảo vệ, tùy theo cách người khác sử dụng quyền tự quyết của họ.

Đồng thời, thày cũng nói chuyện giúp con thăng vượt nỗi sợ. Hai điều này có hợp lý chăng? À, chuyện hợp lý giản dị là con đang hiện thân trong cõi vật lý. Con biết là một ngày kia thân thể của con sẽ chết, nhưng con đã tìm ra một cách để sống với hiểu biết này để vẫn sinh hoạt được trong đời sống. Ngay cả những người không tâm linh hay không theo một tôn giáo nào cũng có thể sống với hiểu biết là một ngày kia thân thể họ sẽ chết. Đa số đẩy ngày đó ra thật xa trong tương lai, trong tương lai bất định, nhưng con cũng biết là cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhưng con vẫn tìm ra một cách để sống với nỗi sợ đó.

Điều thày đang muốn chỉ ra là có sự khác biệt giữa điều kiện mà con sợ và chính nỗi sợ. Và đó là lý do vì sao con có thể thăng vượt nỗi sợ. Bởi vì nỗi sợ là một điều kiện trong tâm con. Con có thể nói là có biết bao điều kiện trên trái đất mà con có thể sợ, và quả thật con có thể liệt kê đủ loại điều kiện trên trái đất mà con có thể sợ và con có thể đi vào tâm thái bị tê liệt và không còn sinh hoạt được vì quá sợ.

Tuy nhiên, như thày đã nói nỗi sợ tối hậu trên trái đất là gì? Ta có thể nói đó là nỗi sợ chết. Tuy nhiên có một số người có thể không đồng ý và cho rằng cách mình chết có thể là một nỗi sợ ghê gớm hơn chính cái chết. Nhưng nếu con tìm được cách để sống với nỗi sợ, và nếu con sống trong một hoàn cảnh mà mạng sống của con không bị đe dọa ngay lập tức, thì phải chăng chuyện hợp lý là con cũng có thể đối phó với những nỗi sợ khác.

5.6. Làm cách nào vượt thăng nỗi sợ

Dụng cụ mà thày sẽ cho con là nhận ra một cơ chế tâm lý giản dị. Chắc con cũng biết là khi một con đà điểu gặp nguy cơ bị ăn thịt, thì có khi nó dùng cái cổ dài của nó để vùi đầu vào trong bãi cát thay vì dùng cặp chân dài của nó để chạy. Đây là cơ chế qua đó, khi con bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hay con cảm thấy không có cách chi thoát được điều kiện, thì con chối bỏ hay phớt lờ nỗi sợ. Và quả thực đây là cách nhiều người đã đối phó với nỗi sợ chết, bằng cách vùi đầu vào bãi cát và không để ý tới nó, từ chối không chịu nhìn vào nó. Lẽ tất nhiên, vấn đề với phương pháp này là tuy con có thể phớt lờ nỗi sợ ở mặt nổi nhưng cách này không tiêu trừ nỗi sợ ở thể cảm xúc của con.

Và nếu con có nỗi sợ ở thể cảm xúc, thì nó sẽ buộc con vào thể cảm xúc của hành tinh, của tâm thức tập thể. Bất cứ lúc nào con cũng có thể bị các nỗi sợ tập thể làm choáng ngợp, đặc biệt là khi có chuyện xảy ra trong thế giới khiến con người đi vào trạng thái hốt hoảng. Lẽ tự nhiên, như các thày có giảng, phương pháp xây dựng hơn là đối phó với nỗi sợ. Và chắc chắn là mọi nỗi sợ đều bắt nguồn từ một ngã tách biệt, và do đó phương pháp tối hậu để khắc phục nỗi sợ là tách cái Ta Biết ra khỏi ngã để con có thể thấy nó. Và dĩ nhiên các thày đã cho các con dụng cụ có giá trị để con lột mặt nạ các ngã và tới chỗ thấy chúng. Nhưng dụng cụ mà thày muốn cho con ở đây có thể nói là giản dị hơn, và nó có mục đích giúp con nhận ra là nỗi sợ có mặt trong tâm con, nhưng thông thường thì điều kiện mà con sợ không có mặt trong tâm con. Điều kiện ở bên ngoài tâm con.

5.7. Nỗi sợ là một lốc xoáy năng lượng cảm xúc

Nỗi sợ ở trong tâm con là gì? Nó không phải là một điều kiện vật lý, ít ra là theo nghĩa thông thường của chữ vật lý. Nó là một điều kiện năng lượng và là một điều kiện trong tâm. Năng lượng là gì? Như các thày đã giảng nhiều lần, một cảm xúc là năng lượng đang vận chuyển, do đó nó là một cái gì rung động và cuộn xoáy và có thể tạo ra một lốc xoáy, một vũng năng lượng cuộn xoáy. Và nỗi sợ trở thành giống như vậy trong thể cảm xúc của con. Nó đi vào, nó bắt đầu cuộn xoáy, nó thu hút thêm năng lượng, nó xoáy nhanh hơn và nhanh hơn nữa cho tới khi nó giống như một cuồng phong.

À, con cũng biết cuồng phong là gì. Nó chỉ là không khí cuộn xoáy ở vận tốc cao, và lốc xoáy cảm xúc cũng vậy. Không có gì trong đó ngoài năng lượng cuộn xoáy. Không có điều kiện nào bên trong năng lượng và đó là lý do vì sao con có thể tới chỗ nhận ra là nỗi sợ giống như một cuồng phong, một lốc xoáy, một vũng xoáy, hay có thể hữu ích hơn nếu ta dùng hình ảnh một bão xoáy, vì con biết là ngay giữa bão xoáy có mắt bão là nơi yên tĩnh. Không khí cuộn xoáy chung quanh mắt bão, nhưng ngay mắt bão thì yên tĩnh, và thể cảm xúc của con cũng vậy khi con sợ hãi.

5.8. Dụng cụ Đại thiên thần Michael cống hiến

Này con, đa số những người không tâm linh sợ không dám nhìn vào nỗi sợ của họ. Đó là điều xảy ra khi con cho phép cơn lốc xoáy, cơn bão xoáy hình thành trong thể cảm xúc của con, Khi con chú ý vào nó và chạm nó, thì gió thổi mạnh và khó chịu đến độ con cảm thấy choáng ngợp khi phải đối phó với nó, và do đó con rút lui và tìm cách lờ đi nỗi sợ.

Nhưng một cách khác là đi thẳng vào nỗi sợ cho tới khi con đi xuyên qua lớp năng lượng đang cuộn xoáy và đi vào nơi yên tĩnh ở chính giữa. Lẽ tất nhiên, điều này tự nó cũng có thể đáng sợ, và đó là lý do thày cống hiến sự trợ giúp của thày. Khi con yêu cầu thày thì thày sẽ đặt Hiện diện của thày lên trên con, và thày được phép làm điều này trong khuôn khổ luật tự quyết nếu con yêu cầu, và lúc đó con sẽ được bao bọc bởi Hiện diện của thày, và con và thày chúng ta cùng nhau đi vào cơn bão xoáy đầy năng lượng sợ hãi đang cuộn xoáy cho tới khi chúng ta tới trung tâm điểm. À, làm sao con có thể ngưng một bão xoáy hay một cuồng phong? Thật ra thì con có thể, nếu con đủ chính xác, thả một trái bom vào giữa cơn bão xoáy, và nếu sức nổ đủ mạnh thì nó có thể dập tắt bão xoáy.

5.9. Nỗi sợ như một cái cớ

À, thày quả thực có đủ uy lực để dập tắt bất cứ bão xoáy năng lượng sợ hãi nào trong thể cảm xúc và thày sẽ làm điều này nếu con cho phép. Nhưng để hoàn thành công việc này, con cần buông bỏ nỗi sợ. Này con, điều này có vẻ dễ làm. Ai lại chẳng muốn loại bỏ nỗi sợ của mình?

Ấy, con sẽ ngạc nhiên khi con thấy là có nhiều người không muốn loại bỏ nỗi sợ của họ. Bởi vì các nỗi sợ đó quy định những điều mà họ không thể và không nên làm, điều mà họ cần né tránh, và một khi họ chấp nhận nỗi sợ đó, thì nỗi sợ cho họ một cái cớ để không làm một số chuyện. Nhiều tín đồ tôn giáo sợ không dám có ý kiến riêng của mình, không dám suy nghĩ ngoài học thuyết và giáo điều của tôn giáo của họ, và họ đã tới chỗ chấp nhận nỗi sợ là một tai họa sẽ xảy ra nếu họ có ý kiến riêng của họ. Họ có thể sẽ phải xuống địa ngục, hay mở cửa tâm để ma vương xông vào, hay mọi nỗi sợ nào khác. Không đâu, vì lúc đó họ sẽ mất đi cái cớ để không suy nghĩ, và khi đó họ sẽ phải bắt đầu suy nghĩ về những điều bất nhất, mâu thuẫn trong tôn giáo của họ, về những câu hỏi họ đặt ra mà tôn giáo của họ không có câu trả lời, và do đó họ thích giữ nỗi sợ hơn.

Do đó, nếu con là đệ tử chân sư thăng thiên cảm thấy khó kết nối với các thày, thì con nên suy ngẫm xem con có nỗi sợ nào trong thể cảm xúc chăng. Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con kết nối với một chân sư thăng thiên? Con có sẽ phải thay đổi gì chăng trong lối sống, hay trạng thái tâm của mình? Ấy, nếu vậy thì con có thể có một nỗi sợ. Ta hãy giả sử con có một thói quen nào đó mà con biết không có tính chất tâm linh, nhưng con đã xây dựng trong tâm một cái cớ vì sao con có thể tiếp tục có thói quen đó mà vẫn học giáo lý tâm linh. Con có thể sợ là nếu con quả thật kết nối với một chân sư thăng thiên thì con sẽ không thể chối bỏ nhu cầu ngưng thói quen đó. Vậy, con có thật sự muốn loại trừ nỗi sợ hay chăng?

Một lần nữa, như thày Quan Âm đã nói, các thày không muốn bắt lỗi ai. Các thày không tìm cách chỉ trích. Nhưng mục đích của khóa nhập thất này là giúp con nối kết, do đó điều tự nhiên là chúng ta cần xem xét những điều kiện đang ngăn chặn một số các con nối kết. Một điều kiện lớn là nỗi sợ, và thày có thể dễ dàng dập tắt nỗi sợ đó, nhưng con có muốn buông bỏ nó chăng? Con có muốn thấy cái ngã tiềm thức là nơi nỗi sợ tập trung chăng? Con có chịu để cho nó chết đi chăng? Đây là một số điều quan trọng mà con cần suy ngẫm trước khi con yêu cầu thày giúp, vì thày sẽ không xâm phạm quyền tự quyết của con. Có hai hàng trong bài chú của thày như sau:

Đại thiên thần Michael, thày có mặt,
Ánh sáng thiêu mọi sợ hãi nghi ngờ.

Đây là một câu chú giản dị, dễ nhớ, dễ áp dụng khi con gặp một nỗi sợ nào đó. Con không nhất thiết cần đọc câu chú ra lời, và có thể tập trung trong tâm: “Đại thiên thần Michael, thày có mặt, Ánh sáng thiêu mọi sợ hãi nghi ngờ”, và thày sẽ có mặt bên con khi con đọc câu chú. Thày sẽ ở bên con bất kể con đang ở đâu, vì thày cũng vượt quá thời gian và không gian. Con không thể đi đến một nơi mà thày không có mặt.

5.10. Ảo tưởng là con có thể trốn Thượng đế

Con có thể đi vào một nơi trong tâm nơi con không cảm thấy Hiện diện của thày, nhưng Hiện diện của thày vẫn ở đó, cho dù con có cảm thấy nó hay không. Lẽ dĩ nhiên, đây là một điều nữa có thể giới hạn khả năng nối kết của con. Đây là mong muốn không bị Thượng đế trông thấy mà con người đã có từ rất lâu và vẫn còn đang có. Quả thật đúng là, như các thày đã giảng, sa nhân đã tạo ra các tôn giáo nói tới một Thượng đế xa xăm trên trời, nhưng tại sao các tôn giáo này lại thu hút con người? Tại sao các tôn giáo này tiếp tục thu hút con người? 

Đó chính là vì các tôn giáo đó mô tả một khoảng cách giữa con người và Thượng đế. Con ở đây hiện thân trong thân vật lý. Các giác quan vật lý của con không thể thấy cõi tâm linh, do đó con phóng chiếu hình ảnh trong tâm là thiên đàng ở trên kia, xa tít và tách biệt với cõi vật lý một cách căn bản. Do đó con có thể có ảo tưởng là những gì con che giấu người khác cũng khuất mắt Thượng đế, và từ đó lại có thêm ảo tưởng là con có thể làm một số chuyện mà không chịu hậu quả vì Thượng đế không trông thấy.

Đây là một trong những ảo tưởng vĩ đại nhất trên trái đất và nó dựa trên việc con người mất sự nối kết với cái ta cao của họ, vì nếu con có chút nối kết với cái ta cao thì con sẽ biết con là phần nối dài của cái ta cao đó, do đó làm sao con có thể tách biệt khỏi nó được? Cũng giống như ý nghĩ ngọn sóng có thể tách biệt khỏi đại đương. Lẽ dĩ nhiên, điều này không thể xảy ra, vì nếu một vũng nước tách biệt khỏi đại dương thì nó không thể nào có sóng. Chính sự chuyển động của đại dương tạo ra sóng, và nếu một vũng nước tách biệt khỏi đại dương, thì sức mạnh nào tạo ra được ngọn sóng?

Do đó, khi con nhận ra là tâm không thể nào tách biệt khỏi Hiện diện TA LÀ, thì con cũng có thể dễ dàng nhận ra là bát cung vật lý không tách biệt khỏi cõi tâm linh. Lẽ tất nhiên, các độ rung có khác nhau, và các thày đã trao cho các con hiểu biết sâu sắc là có quang phổ rung động vật lý, và ở trên đó có quang phổ cảm xúc, trên đó là quang phổ lý trí, trên đó là quang phổ bản sắc và trên đó là quang phổ tâm linh. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng của các con đã xây dựng hình ảnh là có khoảng cách, có sự khác biệt trong độ rung giữa cõi vật lý và cõi tâm linh.

Nhưng các rung động của cõi vật lý từ đâu nảy sinh? Chúng chỉ là các ngọn sóng trong đại dương, nhưng đại dương là gì? Chính là cõi tâm linh. Nếu cõi vật lý thật sự tách biệt khỏi cõi tâm linh, thì làm sao có thế giới này? Làm sao bất cứ gì có thể thể hiện nếu quả thật có một rào cản giữa cõi vật lý và cõi tâm linh? Nhất định cần một môi giới trong đó các ngọn sóng tạo nên cõi vật lý nảy sinh, nếu không thì không thể có gì thể hiện.

5.11. Một điều kiện vật lý không thể ảnh hưởng cái ta thực của con

Do vậy, khi con chiêm nghiệm các ý tưởng này, thì con có thể chiêm nghiệm xem một điều kiện vật lý có thể thật sự ảnh hưởng con chăng? Lẽ dĩ nhiên, nó có thể ảnh hưởng xác thân vật lý của con, nhưng nó có thể ảnh hưởng con chăng, con người thực của con? Vì khi con là một người tâm linh, một đệ tử chân sư thăng thiên, thì ít nhất con đã bắt đầu nhận ra là con là một sinh thể tâm linh đang ở trong một thân thể vật lý. Con không phải là một sản phẩm của thân thể. Thày biết một tôn giáo lớn của thế gian là khoa học duy vật quả quyết không bằng chứng rằng tâm là sản phẩm của bộ óc vật lý, nhưng chắc hẳn con là người tâm linh thì đã nhìn thấu lời gian dối này.

Câu hỏi thực là: có bất cứ điều gì trong cõi vật lý có thể ảnh hưởng được Hiện diện TA LÀ chăng? Và các thày đã nhiều lần nói với các con là không có. Các thày cũng đã giảng là cốt lõi con người con là cái Ta Biết, cũng là nhận biết thuần khiết và do đó không thể bị bất cứ gì trong cõi vật lý ảnh hưởng. Cái Ta Biết có phải sợ bất cứ điều kiện nào trong cõi vật lý chăng? Không đâu, chỉ các ngã tách biệt mới có thể sợ các điều kiện đó, vì chúng không thể trốn chạy các điều kiện đó.

Nhưng cái Ta Biết thì có thể, bằng cách bước ra ngoài ngã tách biệt và để chúng chết đi. Và điều này quả thật khó nắm bắt hơn, nhưng điều quan trọng là con suy ngẫm điều này, vì nhiều người trong các con đã tới giai đoạn trên con đường tăng triển tâm linh khi con vẫn còn một số sợ hãi vi tế, nhưng con có thể khắc phục chúng bằng cách nhìn vào chúng, đi vào chúng với thày và nhìn chúng. Đúng, quả thật con đang hiện thân trong cõi vật lý. Đúng, có những điều kiện vật lý có thể ảnh hưởng con. Đúng, có những điều kiện vật lý ảnh hưởng nhiều người, nhưng không có điều kiện vật lý nào ảnh hưởng tất cả mọi người, ít ra là loại điều kiện mà con sợ.

5.12. Con hãy sẵn lòng nhìn vào các nỗi sợ của mình

Khác biệt ở đâu? Tại sao một số người bị một điều kiện ảnh hưởng, trong khi một số khác thì không bị? Nhiều người nói đó là do nghiệp quả, nhưng nghiệp quả là gì? Nó chính là các ngã tách biệt mà con đã mang theo từ các kiếp trước. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con nhìn vào các ngã tách biệt đó và để chúng chết đi? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con nhìn vào một ngã tách biệt đang sợ một điều kiện và để cho nó chết đi? Khi đó tại sao con lại phải trải nghiệm điều kiện đó? Trong nhiều trường hợp, con trải nghiệm một điều kiện vì con có một ngã tách biệt trói buộc con vào điều kiện đó, và con cần trải nghiệm điều kiện để nhìn vào ngã tách biệt.

Đây là môi trường sinh hoạt của đa số con người trong thế gian, là Trường đời Cay đắng. Nhưng nếu con sẵn lòng nhìn vào ngã tách biệt, thì tại sao con lại cần trải nghiệm điều kiện? Tại sao con cần sợ nó, khi con biết có cách để tránh nó? Nhưng con thấy chăng, chính một ngã tách biệt đang sợ điều kiện, và nếu con là cái Ta Biết không sẵn sàng nhìn vào ngã tách biệt, thì con không thể để ngã chết đi, và do đó vẫn còn một vũng xoáy đang trì kéo thể cảm xúc của con, có thể nói nó trì kéo toàn thể cõi vật chất và thu hút về con những gì con sợ.

Con nghĩ rằng khi con phớt lờ nỗi sợ thì con xua đẩy điều kiện đi, nhưng sự thực là nỗi sợ của con thu hút điều kiện để rốt cuộc con được giải thoát khỏi nỗi sợ. Với một đệ tử tâm linh thì cách giải quyết là nhìn vào nỗi sợ. Như thày có giảng, ta có thể nói là có hai loại sợ. Có nỗi sợ một hoàn cảnh nào đó trong thế gian, một tai ương có thể gây tổn thương cho con, và có nỗi sợ gặp gỡ các chân sư thăng thiên vì như vậy các ngã tách biệt, tự ngã của con sẽ bị phơi bày và con sẽ phải thay đổi. Thày sẵn lòng giúp con khắc phục cả hai loại sợ, nhưng con cần yêu cầu, và con cần sẵn lòng xem xét cuộc đời của mình sẽ ra sao nếu con không còn nỗi sợ, và quyết định: “Cuộc đời của tôi sẽ khá hơn nếu tôi không còn nỗi sợ. Do đó tôi sẵn lòng yêu cầu Đại thiên thần Michael giúp tôi thấy nó, và yêu cầu Đại thiên thần Michael thực sự tung ra một bom nổ ánh sáng vào vũng xoáy trong thể cảm xúc của tôi để dập tắt nó và không cho nó cuộn xoáy nữa.”

Sau đó, lẽ dĩ nhiên, con cần sẵn lòng làm công việc dọn dẹp, dùng ngọn lửa tím và các bài chú bài thỉnh khác để chuyển hóa năng lượng, vì dập tan cơn bão xoáy không tiêu trừ tất cả năng lượng, nó chỉ ngưng năng lượng cuộn xoáy và do đó con dễ chuyển hóa nó hơn. Nhưng con cần làm công việc dọn dẹp để được giải thoát, nếu không thì một cuồng phong khác có thể sẽ hình thành và rốt cuộc trở thành một bão xoáy. Đây là một công việc khả thi cho tất cả các con.

Một số các con có thể nghĩ: “Tôi đã đi quá giai đoạn này rồi, tôi không cần làm công việc này nữa.” Nhưng nếu con cảm thấy mình không còn sợ gì cả, thì con hẳn không có vấn đề yêu cầu thày đi vào thể cảm xúc của con và chỉ cho con thấy có điều gì con cần thấy chăng. Con hãy xem xét phản ứng của con khi thày nói như vậy. Con có cảm thấy: “Tôi đã vượt quá điều này rồi; tôi không sợ gì cả.” À, nếu vậy, con sẽ không sợ nhìn. Con sẽ không sợ thày đi vào thể cảm xúc của con và chỉ cho con thấy có điều gì chăng. Nếu không có gì cả, thì có gì để sợ nhìn đâu? Nếu con cảm thấy có e dè không muốn nhìn, thì chỉ có một lý do là có điều gì mà con chưa thấy một cách ý thức, vì nếu không tại sao lại có sự đề kháng?

Con có thể xem xét chính mình và thấy có điều gì trong thể cảm xúc mà con e ngại không muốn thấy. Một lần nữa, thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Thày không muốn ép buộc con bằng bất cứ cách nào. Thày chỉ giản dị chỉ cho con thấy là nếu mục đích của con là thiết lập một nối kết mạnh hơn với các chân sư thăng thiên, thì sợ hãi là một chướng ngại mà con giản dị phải khắc phục, và đây là một việc mà con có thể làm được với sự giúp đỡ mà thày cống hiến.

5.13. Quyết định buông bỏ nỗi sợ

Tới đây thì thày đã trao cho các con những gì mà thày muốn trao truyền, trừ một điều. Sợ hãi là một cảm xúc. Tối hậu, cái gì khởi sự lốc xoáy sợ hãi là một quyết định, một ý muốn. Khi đã xem xét kỹ thì cách duy nhất để khắc phục sợ hãi là lấy một quyết định khác, quyết định buông bỏ nó. Buông bỏ nỗi sợ bất kể điều kiện mà con sợ có còn đó hay không. Đây là một hành động của ý chí. “Tôi muốn được giải thoát khỏi sợ hãi.” Và điều này thày không thể làm thay con, bởi vì luật tự quyết đòi hỏi là con cung cấp ý chí, và thày có thể cung cấp uy lực. Nhưng nếu không có ý chí, thì uy lực không thể được phát ra.

Tới đây thì thày cảm ơn các con đã chú tâm, đã hiện diện rất đông đảo, cùng tới đây tập trung ý chí muốn có mặt, ý chí muốn hơn nữa. Chắc chắn là các con đã bắt đầu tạo ra một vòng xoáy năng lượng hướng thượng, xây dựng một động lượng sẽ tiếp tục được bồi đắp trong những ngày các con ở đây. Các thày khen ngợi các con đã làm như vậy và các thày hy vọng là các con đều cảm thấy là nỗ lực tới đây, nỗ lực xây dựng vòng xoáy hướng thượng, sẽ tự nó là phần thưởng. Do vậy, các con hãy được niêm trong Ý chí và Uy lực của thày.