25 | Tự do quyết định cách con biểu hiện quả vị Ki-tô

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Saint Germain, và thầy rất vui, nếu con có thể dùng chữ vui cho một chân sư thăng thiên lúc nào cũng ở trong tâm thái trung hòa, có mặt ở đây với các con. Thày muốn có vài nhận xét về tình hình Hàn Quốc, thày không muốn nói tình hình vật lý nhưng hoàn cảnh được thể hiện bởi sự việc có rất nhiều các con đã đến với giáo lý này, đã làm rất nhiều công việc như dịch thuật, đọc thỉnh, tham gia canh thức, lập nhóm, học giáo lý.

25.1. Công việc tuyệt vời của các đệ tử Chân sư Thăng thiên tại Hàn Quốc

Các con có thể nhìn vào cõi vật lý và nói: “Kết quả của nỗ lực của chúng tôi là gì, chúng tôi đã đem lại khác biệt gì nơi cõi vật lý?” Thày không mấy quan tâm đến kết quả vật lý vì cõi vật lý lúc nào cũng sẽ phản ánh những gì xảy ra trên ba cõi cao. Chỉ là vấn đề thời gian để các thay đổi trên ba cõi cao đột phá xuống tầng vật lý. Qua các công việc mà các con đã hoàn thành tại đây ở Hàn Quốc, các con quả thực đã tạo ra một xoay chuyển địa chấn nơi các thể xúc cảm, tư tưởng và bản sắc của tâm thức tập thể.

Các con đã đặc biệt tạo ra thay đổi ở các tầng bản sắc và tư tưởng. Thể cảm xúc lúc nào cũng náo loạn vì quá nhiều người có một số nỗi sợ, nghi ngờ, ác cảm và giận dữ khó có thể an tịnh. Tuy nhiên, thay đổi thực lúc nào cũng bắt đầu ở các tầng bản sắc và tư tưởng, và điều mà các con đã đem lại là tải xuống một số ý tưởng từ thày vào thể bản sắc và tư tưởng, không những của tâm thức tập thể, mà còn của nhiều người dân Hàn Quốc sẵn sàng tiếp nhận các ý tưởng đó. (Thày bao gồm những người sống ở Bắc Hàn, vì Bắc Hàn cũng thuộc Hàn Quốc). Các người đó hoàn toàn không biết gì về chân sư thăng thiên và không cần biết đến chân sư thăng thiên, nhưng họ ở trong vị thế có thể hiện thực một số ý tưởng đó, và do đó trong những năm tới các con sẽ thấy thay đổi ngay cả nơi tầng vật lý.

Khi nào chuyện đó xảy ra, chúng xảy ra chính xác như thế nào, là điều không thể tiên đoán vì như các thày có giảng, có những nhân duyên liên khởi với nhiều yếu tố rất phức tạp liên quan đến con người ở cả miền Bắc và miền Nam Hàn Quốc. Ta có thể nói, điểm quan trọng là khi có đủ túc số người đứng thẳng hàng với một ý tưởng, thì ý tưởng đó có thể đột phá xuống cõi vật lý. Khi nào chuyện đó xảy ra lẽ tất nhiên tùy thuộc luật tự quyết. Điều ta có thể nói là các con là đệ tử chân sư thăng thiên đã làm phần công việc của mình. Các con đã làm nhiều hơn là phần việc của mình. Các con đã làm công việc tuyệt vời và thày thành thật hy vọng là các con cảm thấy mãn nguyện với công việc đã hoàn thành, và đón tiếp công việc tới mà các con muốn làm, các con sẵn lòng làm, với lòng hân hoan, mãn nguyện, an bình và thành tựu.

25.2. Phương pháp đường thẳng cần thiết khi tiếp cận đường tu

Tia thứ Bảy, Tia của Tự do, con phải làm gì để hòa điệu với Tia thứ Bảy? Lẽ đương nhiên, con cần tự do nhưng tự do khỏi cái gì? Như các Thượng sư khác đã giảng, tự do khỏi tâm đường thẳng. Tâm đường thẳng phóng chiếu gì liên quan đến tự do? Nó nhìn vào các điều kiện đương thời và nói: “Tôi không thể tự do vì tôi đang bị đàn áp bởi nhà độc tài này. Tôi không thể tự do vì tôi không có đủ tiền. Tôi không thể tự do vì tôi không có cái này cái kia.” Sau đó tâm đường thẳng tìm cách thiết lập một lối đi đường thẳng, một tiến trình đường thẳng, nói rằng: “Tôi không có tự do vì tôi thiếu cái này hay tôi dư cái kia. Do đó, tôi cần phóng chiếu một kế hoạch từng bước dẫn tôi tới điểm tôi có những gì tôi cần để được tự do.” Con bắt đầu đi về hướng đó, con bắt đầu nỗ lực về hướng đó, con dùng tâm đường thẳng để đặt kỷ luật cho chính con và các hành động, cảm xúc và tư tưởng của con, và con nỗ lực, nỗ lực, nỗ lực.

Các thày có nói là trên con đường tâm linh con tiến từ tầng 48 lên tầng 96 bằng cách tự nâng mình lên khỏi tâm thức tập thể. Con cần sử dụng phương pháp đường thẳng: “Tôi cần làm gì? Tôi cần đọc bao nhiêu bài chú? Tôi cần đọc các bài thỉnh nào? Tôi cần học hỏi những gì? Tôi cần làm gì? Tôi cần loại trị liệu nào?” Con cần tất cả những chuyện đó, và con có thể lên kế hoạch. Trên căn bản, con có thể lập một kế hoạch để đi từ tầng 48 đến tầng 96 một cách tuần tự từng bước. Đây là điều hoàn toàn phải phép. Như thày Nada có nói, con dùng tâm đường thẳng để đối phó với những thực tại thực tiễn trong bát cung vật lý, trong đó có tâm thức tập thể. Con có thể định ra một lối đi, như nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã làm khi họ khám phá giáo lý chân sư thăng thiên (trong đợt truyền giáo này hay một đợt truyền giáo khác), và nói: “Tôi cần học hỏi, tôi cần tham gia các sinh hoạt này, tôi cần đọc bao nhiêu bài chú mỗi ngày.” Họ đã làm chuyện này một cách kiên định trong một thời gian, có người trong một thời gian dài. 

Nhưng đây là vấn đề với tâm đường thẳng. Điều nhiều đệ tử đã làm là họ lập ra kế hoạch với những việc họ sẽ làm, và nói: “Tôi cần tiếp tục làm theo kế hoạch này cho tới khi tôi được tự do” hoặc họ nói: “Tôi cần làm theo kế họach này cho đến hết đời.” Nhưng đây là vấn đề với tâm đường thẳng khi liên quan đến tự do. Con làm gì khi con lập một kế hoạch với tâm đường thẳng? Con đang, nói một cách thẳng thắn, giam mình vào nhà tù. Con đang nói: “Đây là những chuyện tôi phải làm, và đây là những chuyện tôi phải tiếp tục làm cho tới khi tôi được tự do.” Con thấy chăng, con đang giam mình vào một cấu trúc: “Đây là những chuyện tôi phải làm.” Phải chăng con đã tạo trong tâm mình một loại nhà tù? 

25.3. Xoay chuyển cần thiết ở tầng 96

Con có thể nói là khi con bị tâm thức tập thể thống trị, thì con đang ở trong một loại nhà tù vì con có ít khả năng lấy chọn lựa cá nhân. Sau đó con tìm ra một giáo lý tâm linh (và nhiều người tâm linh không tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên mà một giáo lý khác cũng đã làm vậy) và con lập một kế hoạch và con nói: “Đây là những chuyện tôi phải làm” để đạt bất kể mục tiêu nào đã được định ra bởi giáo lý tâm linh, có thể là giác ngộ, thức tỉnh, thăng thiên, hay bất cứ gì khác.

Như các thày có giảng, giữa tầng 48 và 96 điều thích đáng là con lập kế hoạch dùng giáo lý và dụng cụ tâm linh để nâng con lên khỏi tâm thức tập thể, tiêu trừ các ngã và theo con đường tự điều ngự. Đây là điều con cần làm để nâng mình ra khỏi nhà tù của tâm thức tập thể. Để làm việc này, con cần chú tâm, nhưng hậu quả là con đặt tâm mình vào một cấu trúc và đây lại là một nhà tù cho tâm.

Đây không phải là một vấn đề nếu con vẫn nâng mình lên khỏi tâm thức tập thể, nhưng như thày Nada đã giảng một cách rất hùng hồn, nó sẽ trở thành một vấn đề khi con dùng tâm đường thẳng để phóng chiếu quá những thực tại thực tiễn của thế giới vật chất, kể cả bốn tầng của cõi vật chất. Điều mà rất rất nhiều người tâm linh (kể cả đệ tử chân sư thăng thiên) đã làm là họ dấn thân vào con đường tâm linh và họ dùng giáo lý để phóng chiếu kế hoạch cần theo đuổi dựa trên hiểu biết mà họ có khi bắt đầu con đường tâm linh: “Đây là điều tôi cần tiếp tục làm, nó sẽ dẫn tôi tới các tầng giác ngộ cao hơn hay tâm thức Ki-tô (bất kể con gọi là gì)”.

Như các thày đã giảng, ở tầng 96 con đối diện một khai ngộ, một khai ngộ then chốt và khai ngộ này có thể được mô tả bằng nhiều cách như các thày đã làm. Một cách để mô tả là nói con phải nhận ra là những gì đã dẫn con tới tầng 96 không thể dẫn con lên cao hơn nữa. Con thấy chăng, con đã dùng tâm đường thẳng để phóng chiếu thế nào là Ki-tô, thế nào là đạt các tầng tâm thức trên tầng 96 là các tầng của quả vị Ki-tô cá nhân.

Các thày đã nhiều lần cố giảng điều gì? Con hãy xem lại giáo lý của các thày. Con hãy xem lại và học hỏi những điều mà các thày đã nói về quả vị Ki-tô, trở ngược mãi tận năm 2002. Ki-tô không thể bị gò bó vào bất cứ cấu trúc nào. Thách thức thứ nhì của Ki-tô là gì? Đó là sau khi con đã nhận ra Ki-tô, thì con không tìm cách lôi kéo Ki-tô vào cấu trúc do tâm đường thẳng tạo ra. Con không thể tiến vào quả vị Ki-tô bằng tâm đường thẳng, tâm đường thẳng sẽ không thể dẫn con tới đó. Bất kể hình ảnh nào con đã phóng chiếu lên chính mình và con đường tu dựa trên tâm đường thẳng ở dưới tầng 96, chúng không thể dẫn con đến các tầng quả vị Ki-tô – áp dụng chúng không hiệu quả. Thày không nói ở đây là con cần ngưng đọc chú hay học hỏi giao lý. Con cần một xoay chuyển tâm thức vi tế hơn nhiều.

25.4. Trạng thái lắng nghe trong hồng ân

Điều lợi ích cho nhiều người trong các con là con lấy một quyết định và nói: “Tôi sẽ không ngưng đọc chú đọc thỉnh, tôi sẽ không ngưng học hỏi giao lý, nhưng tôi sẽ dành một chút thì giờ để ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, nhắm mắt lại và tìm cách hay nhất mà tôi có thể làm để đi vào trạng thái tâm trung hòa. Đây là điều Giê-su ám chỉ khi thày nói: “Trừ phi con trở thành giống như trẻ thơ, thì con không có minh triết để vào được vương quốc.” Đây là điều mà các Phật tử ám chỉ khi nói đến “sơ tâm”. Con hãy thỉnh thoảng tìm cách đi vào trạng thái lắng nghe – lắng nghe trong hồng ân.

Nếu con cảm thấy mình hòa điệu đặc biệt với một vị chân sư nào đó, thì con hãy xin vị chân sư đó neo trụ Hiện diện của thày bên trên con và giúp con chỉ lắng nghe. Con hãy chỉ giữ tâm trung hòa. Con hãy đừng xin giải đáp, đừng xin hướng dẫn, đừng xin đáp số cho những vấn đề hay hoàn cảnh đặc thù mà con đang phải đối diện. Các chuyện này con có thể làm lúc khác. Con hãy chỉ xin vị chân sư giúp con giữ tâm trung hòa và lắng nghe vì khi con tiến lên trên tầng 96 (và quả thực cũng vậy khi con tới gần tầng 96) thì con cần cảm nhận hướng kế tiếp mà con cần theo là gì, giai đoạn kế tiếp của con đường tâm linh của con là gì. Điều này sẽ khác cho mỗi người trong các con, do đó không có câu trả lời mẫu.

25.5. Cố gắng sống đúng theo hình ảnh đệ tử gương mẫu

Một lần nữa đây là lý do vì sao tâm đường thẳng tạo nhiều vấn đề vì điều mà ta thấy trong những đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước là các đệ tử lấy giáo lý của các thày và tạo ra một hình tư tưởng thế nào là một đệ tử gương mẫu. Từ đó một nền văn hóa tổ chức đuợc tạo ra với một hình tư tưởng – thế nào là đệ tử gương mẫu – và hình ảnh này rất khó noi theo. Quả thật đây giống như điều các thày đã nói về sa nhân phóng chiếu hình ảnh toàn hảo nhưng không ai có thể thực sự xác định nó là gì, do đó không thể noi theo được. Hình ảnh người đệ tử gương mẫu cũng vậy. Con có thể quy định một số yêu cầu vỏ ngoài, nhưng không có gì được quy định rõ ràng, do đó rất khó noi theo. Sống theo đúng hình ảnh đó cần một lượng thời gian và tận tụy vĩ đại vì những yêu cầu vỏ ngoài rất, rất phức tạp. Con phải đọc tất cả các bài chú này. Con phải sống một cách nào đó, ăn một cách nào đó, đi đứng một cách nào đó, nói một cách nào đó, nghĩ một cách nào đó, cảm nhận một cách nào đó và kết quả là sống theo đó rất mệt và rất khó.

Những người cố gắng sống theo đúng mẫu đó phải cố gắng quá nhiều để chu toàn hình ảnh đó nên họ bị căng thẳng tâm thần. Họ đặt họ vào tình trạng thường trực bị căng thẳng tâm thần gần như tới điểm suy sụp thần kinh. Họ giống như một sợi dây thun bị kéo dãn đến mức tối đa và gần tới điểm bị đứt. Khi con người đi vào trạng thái tâm đó thì họ có khuynh hướng rất phán xét người khác. Quả thật là họ phán xét chính họ vì họ lúc nào cũng phán xét: “Tôi có sống đúng theo hình ảnh người đệ tử gương mẫu hay tôi đang không làm tròn điểm gì?” Họ cũng có khuynh hướng rất phán xét người khác và đó là lý do vì sao các tổ chức đó đã tạo ra trạng thái tâm thức rất phán xét thể hiện qua việc các thành viên luôn luôn phán xét lẫn nhau.

Thày có thể bảo đảm với con là đã có người tiếp cận một trong những tổ chức chân sư thăng thiên đó và cảm nhận nền văn hóa phán xét, và họ nói: “Không thích hợp cho tôi!” Nhiều người này có tâm thức cao hơn những người trong tổ chức, và đây là điều những người trong tổ chức không thể tin là có thật. Họ nghĩ họ đang ở trong trạng thái tâm thức cao nhất vì họ đang cố gắng sống đúng theo hình ảnh người đệ tử gương mẫu. Khi họ thấy có người đến rồi bỏ đi, thì họ nói: “Những người này không có căn cơ đệ tử”, nhưng những người đó thực sự có căn cơ đệ tử. Họ thật sự ở tầng cao hơn những người trong tổ chức. Họ ở cao hơn tầng văn hóa phán xét. 

25.6. Các ngã nhị nguyên rất vi tế trên tầng 96

Thày chỉ muốn nói là các thày không muốn con lặp lại khuôn nếp này. Các thày muốn các đệ tử trong đợt truyền giáo này vượt thăng những khuôn nếp đó để con có thể tới điểm đạt được tự do. Đạt được tự do nghĩa là gì? Từ tầng 48 đến tầng 96, đó là đạt được tự do khỏi tâm thức tập thể, tự do khỏi các ngã nhị nguyên. Thày tin con nhận ra là con cần một hiểu biết sâu sắc về các ngã đó. Các thày có giảng là khi con đi xuống dưới tầng tâm thức thứ 48 thì con đi vào tách biệt và con sử dụng tâm thức nhị nguyên để tạo ra các ngã đó, do đó chúng là các ngã nhị nguyên. Sau đó, con vươn lên cao hơn tầng tâm thức thứ 48 và đi về hướng tầng 96. Vì độ dày đặc của hành tinh, con vẫn còn mang theo mình một số các ngã nhị nguyên mà con chưa khắc phục. Nói cách khác, không phải là khi con tới tầng 48 là con đã khắc phục tất cả các ngã được tạo ra trong nhị nguyên.

Con cần suy ngẫm điều này vì có lẽ các thày đã quá dùng lý đường thẳng trong những lời giải thích trước của các thày. Con hãy nhìn như thế này. Có tất cả là 144 tầng tâm thức mà con người có thể có trên trái đất. Nếu con bắt đầu từ trên cùng (là nơi con bắt đầu với Hiện diện TA LÀ) và đi về hướng tầng 144, thì để xuống tầng 144 con cần mang vào một ảo tưởng. Đây không phải là một ảo tưởng nhị nguyên. Nó chỉ là một ảo tưởng liên quan đến bát cung vật lý trên một hành tinh có độ dày đặc như trái đất. Con cần gì để giúp con cảm thấy con có thể đầu thai, thậm chí có thể hòa nhập vào một thân thể vật lý? Con mang vào một ảo tưởng ở tầng 144, con mang vào ảo tưởng kế tiếp, con đi xuống tầng 143, và con tiếp tục làm vậy cho tới tầng 96.

Đây là những ảo tưởng trên cản bản, ở tầng này, giúp con hòa nhập vào thể bản sắc, thể tư tưởng và thể cảm xúc để con có thể bắt đầu tạo những ngã trong các thể đó để giúp con trải nghiệm trong bát cung vật lý. Sau đó, ở tầng 96 con tạo ra thêm các ngã liên quan đến việc hòa nhập với thể cảm xúc nhưng cũng với thể vật lý. Khi con đầu thai lần đầu ở tầng 48, bản thể của con, cái ta ý thức của con hòa nhập với thân thể vật lý. Con có những cấu trúc trong tâm bản sắc, tâm tư tưởng, tâm cảm xúc và ngay cả tâm kết nối với thân thể cho phép con sinh hoạt và hành động trên trái đất.

Những ngã này không phải là ngã nhị nguyên. Sau đó, con đi xuống dưới tầng 48, xuống tầng 47, con mang vào thêm một ảo tưởng nữa, tạo thêm một ngã nữa và con tiếp tục như vậy cho tới tầng thấp nhất. Điều thày muốn nói là ở mỗi tầng trong số 144 tầng, có một ngã đặc thù cho phép con ở tầng tâm thức đó. Tuy nhiên, có rất nhiều hơn 144 loại ngã mà con người đã tạo ra trên trái đất. Bởi vì khi con ở một tầng tâm thức nào đó, có một ảo tưởng đặc thù lôi kéo con xuống tầng đó, và một ngã đặc thù giữ con ở tầng đó. Con vẫn có thể tạo ngã khác theo chiều ngang ở tầng đó. Điểm này có tầm quan trọng khi con đi xuống dưới tầng tâm thức 48, đi vào nhị nguyên, thì có một số rất lớn các ngã nhị nguyên mà con người đã tạo ra trong suốt dòng lịch sử và một số các ngã này đã trở nên ngã tập thể ở trong các thể cảm xúc, tư tưởng và bản sắc của tập thể. 

Có rất nhiều hơn 144 ngã đã được tạo ra trên trái đất, và con không thể tránh mang vào một số các ngã đó, hay đúng hơn là con tạo ra phiên bản riêng của con của các ngã đó. Điều thày muốn nói là khi con tới tầng 48 và bắt đầu con đường tâm linh thì không có nghĩa là con đã khắc phục tất cả các ngã nhị nguyên. Con vẫn còn mang theo một số với con và thậm chí con còn có thể mang theo một số các ngã nhị nguyên vi tế hơn ở trên tầng 96. Lẽ tất nhiên, các ngã này không thể gọi là hung hãn muốn hại người khác nhưng chúng vẫn là ngã liên quan đến ảo tưởng nhị nguyên, một cái nhìn nhị nguyên về thế giới.

Thày Nada đã nói là các người Bà la Môn Ấn giáo đã làm gì? Nhiều người trong họ đã sử dụng tâm thức nhị nguyên để phóng chiếu vào cõi tâm linh. Thày Lanto đã giảng một cách rất hùng hồn sự hình thành của khái niệm Vô ngã. Có khái niệm Brahman, có khái niệm hư vô, nhưng cả hai là khái niệm nhị nguyên. Con có thể mang theo những loại ngã này trên tầng 96 vì con người rất khó giải quyết chúng. Quả thật con có thể thấy có các vị thày tâm linh trong thế gian đã lên trên tầng 96 nhưng họ vẫn còn mang theo một số các ngã nhị nguyên đó vì họ chưa giải quyết ảo tưởng. Họ chưa nhìn xuyên thấu ảo tưởng.

25.7. Thách thức thứ nhì của Ki-tô ở mỗi tầng của đường tâm linh

Điều thày muốn nói là có một điểm khi con tới gần tầng 96 và vượt lên trên, thì con không thể dùng tâm đường thẳng để lập kế hoạch làm sao đi từ tầng tâm thức 96 đến tầng 144. Thày biết là con có thể có quan niệm là con chỉ tiếp tục sự tăng triển mà con đã trải qua từ tầng 48 đến tầng 96. Vì ở tầng 96, thách thức tựu chung là gì? Là khắc phục ảo tưởng sẽ mang con lên tầng 97. Ở tầng này thách thức là khắc phục ảo tưởng sẽ mang con lên tầng 98, vân vân. Con thấy chăng, tiến trình này không thể thực hiện với tâm đường thẳng. Thậm chí con cũng có thể nói tiến trình từ tầng 48 lên tầng 96 cũng không thể thực hiện bằng tâm đường thẳng, vì tâm đường thẳng không giúp con nhìn xuyên thấu các ảo tưởng.

Thực sự là chỉ có tâm Ki-tô mới giúp con nhìn xuyên thấu ảo tưởng. Đặc biệt là ở trên tầng 96, con cần bước lui lại và thực sự nhìn nhận một cách có ý thức những giới hạn của tâm đường thẳng, và thực sự nhìn nhận là ngay cả khi con tới tầng 144 con vẫn đối diện ở mỗi tầng thách thức thứ nhì của Ki-tô. Con có sẽ dùng tâm thức Ki-tô để thăng vượt tầng hiện tại của con, hay con sẽ tìm cách kéo tâm Ki-tô để nó tuân theo ảo tưởng, thế giới quan mà con có ở tầng đó? Ở tầng 96 và trên nữa con cần luôn luôn nhận biết thách thức này vì con có thể trên lý thuyết ngừng ở tầng 143 và không đi lên cao hơn vì con nghĩ Ki-tô đã xác chứng thế giới quan của con ở tầng đó. Như các thày đã nói nhiều lần, không có chân lý tối hậu, thế giới quan tối hậu trên trái đất và con chỉ nâng mình lên, con chỉ thăng thiên, bằng cách vượt thăng thế giới quan mà con đang hiện có.

25.8. Nguy cơ bị kẹt lại ở bất cứ tầng nào

Một lần nữa, một số đệ tử từ những đợt truyền giáo trước sẽ kịch liệt phản đối điều thày vừa nói ở trên. Họ sẽ nói đây là một giáo lý hoàn toàn sai, nó đi ngược lại tất cả những gì đã được dạy trong các đợt truyền giáo trước, nhưng thực sự là nó không đi ngược lại những điều đã được nói trước kia, nó chỉ vượt lên trên những điều đó. Con yêu dấu, nếu tiết lộ tuần tự không đi quá những gì đã được trao truyền trước kia, thì làm sao nó lại là một tiến bộ? Con hãy để ý tưởng này bắt rễ trong tâm con vì nó là chìa khóa để tiếp cận các khai ngộ rất vi tế bên trên tầng 96.

Có một chuyện khó xử, một loại phân đôi, sẽ luôn luôn có mặt trên một hành tinh như trái đất vì độ dày đặc của vật chất và tâm thức tập thể. Có thể nói là khi con vươn lên các tầng cao của con đường tu, thì con đạt những tầng tâm thức cao hơn, chắc chắn là như vậy. Nhưng – và đây là một cái “nhưng” quan trọng – điều này không có nghĩa là các khai ngộ trở nên dễ dàng hơn. Khuynh hướng mà nhiều người có khi họ lên tới những tầng tâm thức cao (và ở đây thày không chỉ nói đến đệ tử chân sư thăng thiên mà các người tâm linh nói chung) là họ nhìn con đường mà họ đã đi qua, họ nhìn đoạn đường dài mà họ đã trải qua và nói: “Tôi đã có tiến bộ vĩ đại so sánh với điểm tôi khởi đầu 30, 40 năm hay không biết bao nhiêu năm trước đây.” Các người đó cũng có khuynh hướng nhìn người khác và nói: “Tôi rõ ràng ở tầng tâm thức cao hơn những người này, tôi biết về con đường tâm linh nhiều hơn họ rất nhiều, tôi đã khắc phục nhiều ảo tưởng và dính mắc.” 

Thày không hề nói là điều này sai. Có nhiều người đã đạt những tầng tâm thức cao so với người trung bình trên trái đất. Có nhiều người suốt chiều dài lịch sử đã đạt được một tầng nào đó và tự coi mình là đạo sư hay thày tâm linh. Có nhiều người hiện nay đã thực sự đạt được một tầng tâm thức cao, cao hơn tầng 96, cao hơn quần chúng. Họ đã tự coi họ là thày tâm linh và họ từ tầng tâm thức cao của họ nhìn xuống và thấy rõ: “Tôi ở một tầng cao hơn.” Điều họ có khi không nhận ra là khi con nhìn xuống những khai ngộ mà người khác đang trải qua thì con rất dễ thấy những ảo tưởng mà họ vẫn còn đang bám víu, do đó con nghĩ con đã đạt được khả năng nhìn xuyên thấu mọi ảo tưởng.   

25.9. Lúc nào cũng khó thấy ảo tưởng kế tiếp

Con còn có thể nghĩ con đã giác ngộ hay con đã thức tỉnh hay con không còn tự ngã hay đã đạt trạng thái vô ngã hay bất kỳ nhãn hiệu nào mà con người gán cho trạng thái đó. Điều mà nhiều người không nhận ra là con chưa tới tầng tâm thức cao nhất có thể có trên trái đất, vì nếu như vậy thì con đã thăng thiên. Khi con nhìn lên những khai ngộ mà con chưa vượt qua, những ảo tưởng mà con chưa thấy, thì mặc dù con đã có nhiều thành đạt con vẫn không dễ nhìn ra ảo tưởng kế tiếp.

Bất kể con đang ở tầng tâm thức nào, lúc nào cũng khó thấy ảo tưởng kế tiếp. Ảo tưởng mà con chưa thấy ở tầng 143 cũng khó như ảo tưởng ở tầng 48. Tại sao vậy? Vì đó là ảo tưởng đã mang con xuống tầng đó và nó khó thấy ở tầng 143 y như ở các tầng thấp hơn. Con đã tạo ra động lượng, con đã mở rộng nhận biết, con đã nhìn thấu suốt các ảo tưởng ở các tầng thấp, nhưng ở tầng tâm thức hiện tại của con, con vẫn không dễ nhìn ra ảo tưởng hiện thời của con. Điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là ở bất kể tầng tâm thức nào, con đều cần tâm Ki-tô. Con không thể, với trạng thái tâm hiện tại của con, tự mình nhìn thấu suốt ảo tưởng. Con không thể suy luận để giải tỏa ảo tưởng. Cái Ta Biết, khi nó nhìn từ bên trong ngã ở tầng hiện tại của con, không thể phân tích, suy luận, dùng lô gíc hay giáo lý tâm linh để nhìn thấu suốt ảo tưởng. Con lúc nào cũng cần bước ra ngoài ngã, trải nghiệm tầm nhìn Ki-tô, và sau đó nhìn thấu suốt ảo tưởng.

25.10. Con không thể bảo đảm thành công cho tới khi con thăng thiên

Con không thể bước ra ngoài ngã nếu con nghĩ con đã đạt tầng tối hậu. Nếu con nghĩ cái ngã mà hiện nay con đang nhìn đời qua nó là một ngã giác ngộ, thì con không thể bước ra ngoài nó. Đó là lý do vì sao con có thể bị mắc kẹt ở bất cứ tầng nào, và nhiều người suốt dòng thời gian đã rơi vào cạm bẫy này. Có nhiều người đã coi mình là đạo sư, đã được tôn sùng như đạo sư, đã được tôn vinh “vị đạo sư này chắc chắn đã giác ngộ”. Vị đạo sư có thể đã đạt được một tầng tâm thức cao, tỷ dụ như tầng 140 (là một tầng rất cao so với người trung bình), do đó ta có thể hiểu tại sao con người nhìn vào vị đạo sư đó và nói: “Ồ, vị ấy chắc chắn là đã giác ngộ, chắc chắn là vị ấy hiểu biết nhiều hơn rất nhiều.” Quả thực là vị ấy hiểu biết hơn, và vị ấy có thể có khả năng giúp đỡ con người, nhưng vị ấy có quả thực đã giác ngộ khi vị ấy ngưng ở tầng 140 và không nhìn nhận là có điều mà vị ấy chưa nhìn ra, có ảo tưởng mà vị ấy chưa thấy?

Phải chăng có nguy cơ là vị đạo sư sẽ, dù vị ấy có thể không nhận ra một cách có ý thức, truyền cho các đệ tử quan niệm đây là tầng cao nhất mà họ cần đạt tới và sau đó thì con bảo đảm thành công? Con sẽ không bảo đảm thành công khi con ở tầng 140. Con không thể thăng thiên từ tầng 140, và quả thực cũng không từ tầng 143. Nếu một đạo sư ngưng ở một tầng nào đó, thì chuyện gì xảy ra? Vị ấy trở thành một đạo sư giả. Tất cả những gì vị ấy nói vẫn có thể có đôi phần chân lý, và vị ấy vẫn có thể chỉ ra một con đường tu dẫn con người lên cao hơn. Nhưng vị ấy là một đạo sư giả nếu vị ấy nói là không có gì cao hơn tầng đó. Hoặc vị ấy là một đạo sư giả nếu vị ấy dạy rằng mục đích của con đường tu là đạt trạng thái vô ngã thay vì trạng thái cái ta luôn luôn tự thăng vượt.

25.11. Tâm Ki-tô hình quả cầu, không đường thẳng

Đây là một số nhận xét mà thày muốn phát biểu để mang chúng ra công chúng như một phần của giáo lý mà các thày liên tục trao truyền. Liên quan đến chủ đề của hội nghị này, chủ đề hòa điệu, kết nối với các vị thày tâm linh, thì đâu là cách tốt nhất để kết nối với Tia thứ Bảy? Ta có thể nói là giáo lý mà thày vừa trao truyền có thể giúp con kết nối vì nó giúp con nhận ra là để kết nối thực sự thì con cần giải thoát mình khỏi hình ảnh về cách tiến triển trên con đường tu mà tâm đường thẳng đã tạo ra. 

Như thày có nói, có một giai đoạn trong đó con phải theo đường thẳng. Trên tầng 96 hay ở tầng 96, con cần nhận ra là con đường tu theo hình quả cầu hơn. Thay vì bước theo tiến trình đường thẳng thì trên tầng 96 con quả thực có thể nhảy vọt. Con có thể đang ở tầng 97 và bỗng nhiên con nhìn thấu suốt ảo tưởng ở tầng 108. Sau đó con nhảy vọt lên tầng 120, và nhảy ngược về tầng 98, và sau đó lên tầng 104. Nói cách khác, các ảo tưởng lúc đó không hoàn toàn theo đường thẳng. Con không cần nhìn thấu suốt các ảo tưởng ở tầng 97, sau đó tới tầng 98, và sau đó tới tầng 99. Con có nhiều khả năng nhảy vọt từ tầng này sang tầng khác. 

Lẽ tất nhiên đây lại là một điểm vi tế vì con có thể nghĩ rằng: “Ồ, tôi đã nhìn thấu suốt ảo tưởng ở tầng 120 và do đó tôi đã ở trên ảo tưởng ở tầng 97.” Nếu con bỏ qua ảo tưởng ở tầng 97 thì, ấy, con không sẵn sàng thăng thiên. Tuy nhiên, điều con cần làm với tâm ý thức là nhận ra một cách có ý thức là tâm đường thẳng đã dẫn con tới mức xa nhất mà nó có thể đưa con, và giờ đây con cần chú tâm hơn vào tâm trực giác, quả cầu và đó là tâm Ki-tô. Tâm Ki-tô không theo đường thẳng.

Thày biết đây là một điều cần hiểu một cách vi tế vì các thày có nói là có một khía cạnh của tâm thức Ki-tô ở mỗi tầng tâm thức để khi con ở tầng thấp nhất con vẫn có khả năng nhìn xuyên thấu ảo tưởng ở tầng đó. Tâm Ki-tô không theo đường thẳng. Tại sao vậy? Bởi vì tâm Ki-tô là tâm một, tâm không phân chia, và nếu tâm Ki-tô không phân chia thì làm sao con tạo được một tiến trình đường thẳng? Con chỉ có thể tạo ra một tiến trình đường thẳng khi có sự phân chia thành nhiều bước, nhiều tầng.

25.12. Giải thoát khỏi và tự do để

Con có thể nói là khi các thày trao truyền quan niệm 144 tầng tâm thức thì có nguy cơ tâm đường thẳng sẽ phóng chiếu đây là một tiến trình hoàn toàn đường thẳng. Đó là lý do vì sao các thày đã trao truyền nhiều giáo lý về tâm thức Ki-tô và việc cái Ta Biết bước ra ngoài ảo tưởng hiện tại. Khi con sẵn lòng làm việc này, khi con khóa chặt vào tiến trình này, thì con sẽ vượt lên trên tâm đường thẳng. Điều mà các thày cũng có thể nói là giữa tầng 48 và 96, con nỗ lực để giải thoát mình khỏi. Rốt cuộc đây là giải thoát khỏi tâm thức tập thể, nhưng cũng là giải thoát khỏi các ảo tưởng. Sự chuyển vọt mà con cần làm ở tầng 96 là thay vì tìm cách giải thoát khỏi, con đi tìm tự do để.

Tự do để gì? Tự do khỏi rất dễ hiểu. Con có một giới hạn mà con muốn vượt thoát. Con có thể nói: “À, tôi đang ở trong một nhà tù, nhưng bây giờ tôi có chìa khóa và tôi sẽ bước ra ngoài khung cửa, giờ đây tôi sẽ thoát khỏi nhà tù.” Con để ý là nhiều người ở trong tù lâu năm, khi được trả tự do thì họ đứng đó và nói: “Bây giờ tôi làm gì?” Họ không biết phải làm gì với cuộc đời của họ khi họ được tự do khỏi nhà tù, và đây là một khai ngộ khó mà con đối diện ở trên tầng 96. Con đã thoát khỏi tâm thức tập thể. Con đã giải thoát khỏi nhiều ảo tưởng trong tâm mình: “Tôi bây giờ làm gì đây? Tôi phải làm gì đây với tầng tâm thức hiện tại của tôi?”

25.13. “Cha ta vẫn làm việc cho tới nay và ta cũng đang làm việc”

Đây là điểm con cần bước lên cao hơn và nhận ra là sống Ki-tô không như những gì con nghĩ trước đây, dựa trên cách con nhìn sự việc với tâm đường thẳng. Bởi vì nhiều người đã dùng tâm đường thẳng để tạo hình ảnh là khi con đạt tâm thức Ki-tô, thì Hiện diện TA LÀ của con hay các chân sư thăng thiên sẽ cho con biết con phải làm gì. Trên căn bản, các người đó nghĩ là con từ bỏ quyền tự quyết, con trở thành một con rối, thậm chí một số người còn lấy giáo lý của Giê-su và nói: “Tự tôi không làm được việc gì, chính là đức Cha trong tôi đang làm việc.” Họ nghĩ: “Khi tôi đạt tới tầng này, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm và nói công việc đã làm xong, giờ đây Hiện diện TA LÀ có thể lấy quyền điều khiển, tôi không cần suy nghĩ nữa, tôi không cần lấy quyết định nữa, tôi sẽ chỉ để Hiện diện làm mọi chuyện.” Sống Ki-tô không có nghĩa như vậy, vì Giê-su đã nói gì: “Cha ta vẫn làm việc cho tới nay và ta cũng đang làm việc”.

Với cương vị Ki-tô, con nhận ra một điều mà con không thể nhận ra với tâm đường thẳng. Với tâm đường thẳng con nghĩ: “Tôi là một sinh thể tách biệt, tôi có một số quyền năng, tôi có một số khả năng, tôi có thể làm một số chuyện.” Con quả thật có thể. Ngay cả trong tâm thức nhị nguyên con vẫn có thể làm một số chuyện. Mọi chuyện đều có một giá phải trả, mọi chuyện đều tạo nghiệp, nhưng con có thể làm một số chuyện. Thậm chí có những người cảm thấy là chỉ khi họ đi vào nhị nguyên thì họ mới có trọn vẹn quyền tự quyết vì lúc đó họ có thể làm bất cứ gì họ muốn mà không bị gò bó bởi nghiệp quả phi lý và hậu quả và phải quan tâm đến người khác và chìa má bên kia và những chuyện tương tự.

Có người nghĩ rằng khi con đạt tâm thức Ki-tô thì Thượng đế hay các chân sư thăng thiên hay Hiện diện TA LÀ của con sẽ nói con biết con phải làm gì. Các thày đã nói gì? Con được sinh tạo như một người đồng-sáng tạo và như một người đồng-sáng tạo con không nghĩ con là một sinh thể tách biệt có những khả năng tách biệt. Con nhận ra là tất cả những gì con làm con đều làm với năng lượng đến từ Hiện diện TA LÀ, do đó đấng cha, Hiện diện TA LÀ, đang làm bằng cách cho con năng lượng. Hiện diện TA LÀ cũng có thể cho con chỉ thị vì nó mong muốn trải nghiệm một số chuyện trên trái đất.

Trong khuôn khổ đó, con, cái Ta Biết vẫn là người lấy quyết định. Con muốn làm gì trên trái đất? Con muốn biểu hiện quả vị Ki-tô của con như thế nào? Con muốn có trải nghiệm gì trên trái đất? Đây có thể là một thách thức rối rắm cho nhiều người, nhất là khi họ rất chuyên cần theo một con đường đầy kỷ luật: “Vậy bây giờ tôi làm gì?”

25.14. Nhìn quá hình ảnh của con về con đường tu

Nhiều người trong các người đó đã từ chối suy ngẫm câu hỏi này và đi vào tâm thái: “Tôi sẽ chỉ cần tiếp tục đọc thỉnh Ánh sáng Tím ba tiếng mỗi ngày cho đến hết đời và sau đó tôi sẽ được bảo đảm thăng thiên.” Họ làm như vậy (như một số đệ tử các đợt truyền giáo truớc đã làm) và khi họ rời xác thân vật lý họ vui mừng nghĩ: “Tôi sẵn sàng thăng thiên.” Lúc đó có chân sư thăng thiên xuất hiện với nhiệm vụ cho họ biết: “Con chưa sẵn sàng thăng thiên. Con phải trở lại và vượt qua các khai ngộ mà con chưa vượt qua.” Một số đệ tử cảm thấy tức giận và nghĩ: “Các chân sư thăng thiên đã lừa tôi.” Chuyện này đã xảy ra.

Điều con cần làm ở đây, nếu con muốn kết nối với Tia thứ Bảy của Tự do là đi vào tâm thái sẵn lòng thấy một điều gì mà con chưa từng thấy. Để thấy nó, con cần sẵn lòng nhìn quá thế giới quan, hình ảnh về đường tu mà con có cho tới nay, và xem xét: “Biểu hiện quả vị Ki-tô thực sự có nghĩa gì?” Con cần sẵn lòng lấy một quyết định, nhưng con không thể lấy một quyết định tự do khi con chưa giải thoát mình khỏi cách con nhìn đường tu ở các tầng thấp, do đó con cần thời gian.

25.15. Dụng cụ của Saint Germain

Như thày đã nói, con hãy đi vào một căn phòng yên tĩnh, ngồi xuống, và thư thả. Con có thể tự hỏi mình: “Nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn, thì tôi sẽ muốn làm gì?” Nhiều người trong các con sẽ khám phá là cả cuộc đời mình con có một ý niệm mình phải làm gì. Với nhiều người trong các con, tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên có nghĩa là con đã chuyển nó thành một phiên bản mới của những gì con phải làm. “Tôi là một đệ tử chân sư thăng thiên. Tôi phải đọc bằng này bài chú bài thỉnh mỗi ngày. Tôi phải học hỏi giáo lý. Tôi phải làm điều này điều kia.”

Điều này không có nghĩa là con phải ngưng đọc chú đọc thỉnh, nhưng con cần tự hỏi chính mình: “Nếu không có gì phải làm, nếu không có ràng buộc nào về những chuyện tôi phải làm, thì tôi muốn làm gì?” Với nhiều người trong các con, điều này có nghĩa là con có thể trải qua một giai đoạn trong đó con cần làm một số chuyện có vẻ như không tâm linh, vì đây là những trải nghiệm mà con muốn có trên trái đất và con cần những trải nghiệm này cho tới khi con khắc phục ham muốn và nói: “Tôi bây giờ đã chán trải nghiệm này rồi.”

25.16. Trải nghiệm hoàn tất chu kỳ

Có những người đã theo con đường tu rất thẳng để đạt một tầng tâm thức cao. Họ có một hình ảnh thế nào là một người tâm linh và sau đó họ tới điểm có cái gì đổ vỡ. Họ không thể duy trì hình ảnh đó. Họ cảm thấy như họ đã mất nền móng và họ lao mình vào một số sinh hoạt mà họ đã nghĩ họ sẽ không bao giờ làm vì những sinh hoạt đó không có tính chất tâm linh. Với nhiều người, đây là một thay đổi chấn thương, một xoay chuyển chấn thương trong đó họ lên án họ vì đã làm như vậy, vì đó là sinh hoạt không tâm linh. Nhiều người đã vật vã với tình trạng này trong nhiều năm.

Thậm chí một số người đã rời bỏ hẳn con đường tâm linh vì họ không thể quân bằng hai sinh hoạt. Các thày đã thấy cựu đệ tử chân sư thăng thiên rất chuyên cần trong 30 năm hay hơn nữa và sau đó, tỷ dụ như khi một đợt truyền giáo chấm dứt và không còn tiết lộ tuần tự qua tổ chức đó nữa, thì họ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn, không biết phải làm gì, và rời bỏ con đường tâm linh. Con có thể xoay chuyển thái độ của con trước chuyện này và nhận ra là trong phạm vi quả vị Ki-tô con cần trải qua một số trải nghiệm trên trái đất để hoàn tất chúng, hoàn tất ham muốn có những trải nghiệm đó, để con được tự do tiến bước kế tiếp.  

Có một số chuyện mà Thánh kinh không ghi lại, vì Thánh kinh chỉ chú trọng vào giai đoạn ba năm cuối của đời Giê-su, nhưng khi Giê-su ở tuổi từ 12 đến 30 thì thày trải qua một giai đoạn có một số trải nghiệm mà thày cần có để chán ngán chúng. Một số những trải nghiệm này được mô tả trong quyển Các kiếp sống của tôi, nhưng quyển sách này không nói đến tất cả, vì như Thánh kinh có nói, nếu tất cả những gì Giê-su nói và làm đều được ghi lại, thì cả thế giới cũng không chứa được những quyển sách cần được viết ra.

Con nhận ra là ở trên tầng 96, con đường quả vị Ki-tô không theo đường thẳng, như con thường thấy ở dưới tầng 96. Nếu con có thể xoay chuyển tầm nhìn của con về con đường tu theo hướng đó, thì con nhận ra là có lẽ con cần một số trải nghiệm không được coi là tâm linh, tuy thế chúng vẫn thuộc con đường tu của con. Thày biết đây luôn luôn là một điều vi tế vì tự ngã sẽ có thể dùng nó để biện minh mọi chuyện, nhưng thày không muốn nói đến chuyện biện minh, và ở tầng này con có thể thấy sự khác biệt giữa một biện minh của tự ngã và đơn giản là nhu cầu có một trải nghiệm để hoàn tất trải nghiệm, hoàn tất chu kỳ.

25.17. Con chỉ thấy một ảo tưởng khi biểu lộ nó

Một lần nữa thày đã trao truyền nhiều hơn những gì đa số các con có thể tiếp nhận trong một bài giảng, nhưng các thày không truyền giáo lý cho riêng một người, do đó thày hy vọng là mỗi người trong các con đã tìm thấy trong bài giảng này một điểm gì có âm vang với con mà con có thể trụ vào và sử dụng để tăng triển khả năng kết nối với Tia thứ Bảy của Tự do. Các thày đã nói là không có tiêu chuẩn nào quy định cách một sinh thể Ki-tô hành xử trên trái đất. Khi con vươn lên các tầng tâm thức càng ngày càng cao, thì con càng ngày càng có thêm tự do quyết định cách con biểu lộ quả vị Ki-tô. Điều này không có nghĩa là con bắt đầu hành hạ hay khuynh loát người khác, lẽ dĩ nhiên đây không phải là quả vị Ki-tô, nhưng con tự do hơn trong cách con muốn biểu lộ chính mình.

Con không trở nên một con rối, con trở nên tự do, con tự do là, và con tự do khỏi tâm đường thẳng lúc nào cũng muốn phân tích và nói: “Ồ, người này tự cho là đã đạt được tâm thức cao, nhưng ta hãy nhìn những gì y làm, những cái này không có tính chất tâm linh.” Toàn bộ tâm thức này phai nhạt đi, ngay cả khi người khác nói vậy về con, nó phai nhạt đi và con chỉ tự do tiếp tục biểu lộ chính mình, trải nghiệm là điều đó ảnh hưởng tâm thức con ra sao và con nâng tâm thức mình lên tầng kế tiếp.

Trên căn bản, khi con đạt những tầng tâm thức cao, con nhận ra là khi con biểu lộ chính mình, thí dụ ở tầng tâm thức 120, thì con biểu lộ chính mình xuyên qua các ảo tưởng còn sót lại, các phin lọc nhận thức còn sót lại. Chỉ khi con biểu lộ chúng thì con mới có cơ hội thấy phin lọc nhận thức, thấy ảo tưởng kế tiếp. Con nhận ra là con không thể thấy một ảo tưởng trên lý thuyết, con chỉ thấy ảo tưởng khi con biểu lộ nó và trải nghiệm sự biểu lộ đó ảnh hưởng con và trạng thái tâm thức của con như thế nào. Đây là cách con tăng trưởng ở các tầng cao. Có thể nói đây cũng là cách con tăng trưởng ở các tầng thấp, nhưng con chỉ không ý thức điều này.

Tới đây thì thày đã trao cho các con những gì thày muốn trao, nhưng điều thày thực sự muốn trao không phải là ngôn từ. Thày muốn trao cho các con Hiện diện của thày, Hiện diện Tự do của thày. Thày mong rằng vượt quá lời nói, con cảm nhận được Hiện diện đó, vì thày, Saint Germain, thương yêu tất cả các con, mỗi người trong các con và tất cả các con. Thày thương yêu các con.

Con có tình thương sâu xa nhất của thày, lòng tri ơn sâu xa nhất của thày vì các con đã sẵn lòng đầu thai trên hành tinh rất dày đặc này, sẵn lòng nâng tâm thức mình và qua đó góp phần vào phong trào kỳ diệu đang đem lại thời hoàng kim tới hành tinh quá ư tăm tối trên nhiều phương diện này. Có thể có người sẽ nói: “Ồ, vị Chân sư Saint Germain này lạc quan một cách vô vọng khi ông nghĩ ông có thể đem lại thời hoàng kim trên trái đất.” Con yêu dấu, các con đang chứng tỏ là thày không phải là người lạc quan, mà là người thiết thực. Vì vậy thày tri ân và thương yêu các con.

15 | Thăng vượt cách giao tiếp bằng lời với cái ta cao

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Padmasambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2023, nhân một hội nghị ở Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Padmasambhava. Ý định của thày là bài đóng góp này sẽ không dài dòng, nhưng thày muốn trình bày đôi chút về ngôn từ. Bởi vì nếu con nhìn lại lịch sử các giáo lý tâm linh đã được trao truyền trên hành tinh này, con có thể tự hỏi: “Đâu là cản trở lớn nhất, đâu là chướng ngại lớn nhất cho bước tiến tâm linh của rất nhiều người tâm linh chân thành đã tìm thấy con đường tâm linh suốt các thời đại?” Và quả vậy, trở ngại lớn nhất đó là ngôn từ. Bây giờ con cũng có thể tự hỏi: “Vậy đâu là tài nguyên lớn nhất cho các vị thày tâm linh của nhân loại? Đâu là cơ hội lớn nhất cho sự thăng tiến của người tâm linh?” Và trả lời cũng là ngôn từ. Lý do đơn giản cho sự kiện này tất nhiên là trên một hành tinh như địa cầu, với sự dày đặc của vật chất lẫn của tâm thức đại chúng, việc thần giao cách cảm thật không thực tế lắm trên quy mô rộng lớn. Và do đó giáo lý tâm linh phải được chuyển tải qua ngôn từ.

15.1. Ngôn từ: cơ hội lẫn trở ngại cho sự tăng triển tâm linh

Một mặt, việc dùng ngôn từ để trao truyền giáo lý quả là một cơ hội vì đây là một sự giao tiếp từ cõi tâm linh dưới dạng ngôn từ. Nhưng mặt khác, ngôn từ cũng là trở ngại lớn nhất cho sự tăng triển tâm linh. Tại sao như vậy? Ấy, là vì con người có xu hướng trở nên dính mắc với một cách diễn đạt bằng lời đặc thù, và họ muốn lời này truyền đạt hay quy định một chân lý tối hậu nào đó. Lý do là vì tâm đường thẳng – cái tâm thuần trí, phân tích, lý luận hợp lý – có khả năng làm nhiều trò phù phép với ngôn từ. Có thể con đã được xem các nhà ảo thuật trình diễn nhiều trò lạ, nhưng trí năng con người cũng có thể làm nhiều trò ảo thuật với ngôn từ. Nó có thể diễn giải theo cách của nó. Nó có thể chẻ nhỏ thật chi li và suy diễn bất tận. Và điều này, tất nhiên, con đã thấy các nhà Bà la môn đạo Ấn làm như vậy và đức Phật đã tìm cách vô hiệu hóa việc làm đó. Nhưng chẳng bao lâu sau khi Phật không còn hiện thân thì chính những nhà trí thức của đạo Phật lại bắt đầu làm y như vậy. Khi Giê-su bước chân trên trái đất, các thày thông giáo và người Pha-ri-si cũng làm như vậy, và ngay sau khi Giáo hội Công giáo được thành lập – và cả trước đó nữa – thì các nhà thần học cũng bắt đầu làm chuyện tương tự với lời dạy của Giê-su.

Và hiển nhiên trong thời hiện đại, các nhà khoa học, các nhà duy vật cũng làm đúng chuyện này với các khám phá hay giảng dạy của khoa học. Rồi nhiều người tâm linh khi họ tìm ra một giáo lý tâm linh dù là mới hay cũ, thì họ cũng làm y chang như vậy. Họ tranh luận bất tận về ý nghĩa của ngôn từ, họ diễn giải bất tận để cố làm thế nào đạt tới một cách diễn giải tối hậu nào đó.

15.2. Đi tìm giáo lý cao nhất trong quá khứ

Một sự kiện, một xu hướng mà con có thể nhận thấy trong lãnh vực tâm linh là có rất nhiều người tâm linh nhìn ngược về phía sau. Họ đi tìm một lời dạy đã được truyền giảng một thời gian trước đây. Có thể đó là lời dạy cổ xưa nhất mà con người biết đến hiện nay – kinh Veda – hay đó có thể là lời dạy của Phật, có thể là Kinh Cựu ước, là lời dạy của Giê-su, là những cách diễn giải sau này hay kinh điển của Phật giáo hay kinh Koran. Đó có thể là những lời dạy mới hơn, thậm chí là lời dạy của chân sư thăng thiên được trao truyền trong những đợt truyền pháp trước. Nhưng con thấy xu hướng người ta cứ nhìn ngược dòng thời gian, như thể họ cho rằng vào thuở khi các bậc hiền giả Veda còn hiện thân, đó là một thời trong sáng hơn, thuần khiết hơn, cho nên lời tiết lộ của các bậc này cũng là lời tiết lộ cao nhất có thể được trao truyền. Hay họ cho rằng thời của Mohammed mới là một thời đặc biệt làm sao, và đó là lý do kinh Koran phải là lời tiết lộ tối thượng có thể được đưa ra.

Liệu những người này chẳng bao giờ mở báo ra đọc hay sao, chẳng bao giờ xem truyền hình, đọc sách hay lên mạng? Chẳng lẽ họ không nhận ra là mức sống con người đã có tiến bộ so với mười ngàn năm về trước? Họ chẳng tự hỏi vì nguyên do gì sự tiến bộ này đã xảy ra? Họ chẳng nhìn ra là tiến bộ đã đạt được là do tâm thức tập thể ngày nay cao hơn thời các hiền giả Veda, hay thời Mohammed, hay thời Giê-su hay thời của Phật? Vậy có hợp lý lắm không khi cho rằng mười ngàn năm về trước, người ta có thể đưa ra một lời tiết lộ cao hơn bây giờ? Làm sao đó là tiết lộ cao nhất được khi tâm thức tập thể thấp hơn ngày nay? Điều này có hợp lý không?

15.3. Càng ngày càng ít khoảng rộng cho việc diễn giải

Đấy, đối với một số người thì chuyện đó hợp lý, hay họ chỉ đơn giản từ chối không chịu suy nghĩ. Nhưng vì lý do gì người ta không chịu chấp nhận bất kỳ lời tiết lộ nào đến sau? Tại sao họ cứ bám vào cái cũ? Là vì lời tiết lộ ở những thời trước được trao truyền cho một mức tâm thức thấp hơn, có nghĩa là gì? Có nghĩa là lời tiết lộ có thể đươc đưa ra vào thời điểm đó không chính xác bằng những lời có thể được đưa ra ngày hôm nay. Không chính xác nghĩa là gì, lời diễn đạt giáo lý không chính xác bằng hôm nay, có nghĩa là gì? Có nghĩa là có nhiều khoảng rộng để người ta diễn giải. Và càng có nhiều khoảng rộng để diễn giải thì tâm đường thẳng càng dễ giở trò phù phép của nó và càng nhiều người bị mắc bẫy vào đó – chẳng hạn các nhà Bà la môn hay các thày thông giáo và người Pha-ri-si thuở trước đã có thể sử dụng trí năng cao trội của họ để tự ban cho mình một địa vị đặc quyền. Và một khi họ đạt được địa vị này thì họ không muốn buông nó ra, và đó là tại sao họ cố bám lấy những lời dạy cũ mà họ có thể diễn giải một cách bất tận.

Ngay cả các lời dạy của chân sư thăng thiên được trao truyền trong thế kỷ vừa qua cũng cho thấy một chiều hướng tiến triển rõ ràng. Con thử quay lại các đợt truyền pháp trước, đọc lại lời dạy, thì con sẽ thấy những lời dạy này không chính xác, không trực tiếp như lời dạy hôm nay. Một số các con đã bày tỏ: “Nhưng các lời dạy cũ dùng từ ngữ cao siêu hơn nhiều,” trong khi lời dạy ngày nay rất giản dị, dùng từ vựng rất hạn hẹp. Thày đồng ý như vậy, tuy nhiên ngôn từ cao siêu cho phép người ta rộng đường suy diễn hơn.

Điều các thày muốn làm trong khuôn khổ việc tiết lộ tuần tự, như một phần của tiến trình tiết lộ tuần tự, như khía cạnh Omega của tiết lộ tuần tự, là làm cho lời giảng thật bình dị để càng ngày càng có nhiều người nắm bắt được, nhưng cũng để cho ngay cả những người ở một mức tâm thức cao hơn không còn gì nghi ngờ về những điều được bày tỏ, không còn nhiều khoảng rộng để diễn giải, không còn nhiều nhu cầu để suy diễn.

15.4. Sự suy diễn dựa trên mức tâm thức hiện thời

Tất nhiên, một lời dạy được trao truyền bằng lời nói luôn luôn sẽ bị suy diễn vì con người sẽ suy diễn dựa trên mức tâm thức hiện tại của họ. Thày có thể đưa ra một lời dạy cho một tầng tâm thức nào đó nhưng sẽ vẫn có những người ở các tầng từ 48 đến 96, hay ngay cả những người ở các tầng bên dưới có thể diễn giải dựa theo tầng của họ, dựa theo thế giới quan và phin lọc nhận thức ở tầng đó. Điều này không thể tránh được, nhưng ít ra các thày làm những gì mình có thể làm từ cõi thăng thiên hầu giúp cho giáo lý càng khó tranh cãi, càng chính xác càng tốt.

Tất nhiên thày không bảo là những lời dạy các thày đang ban truyền là giáo lý tối thượng, không thể nào chính xác hơn được trong tương lai khi tâm thức tập thể vươn lên cao hơn. Nhưng dẫu vậy, con hiểu điều thày muốn nói chứ. Thày đoan chắc là việc quay lại cái cũ không thực sự hiệu quả, đặc biệt khi chúng ta đang ở một thời kỳ chuyển tiếp giữa hai thời đại, giữa hai chu kỳ tâm linh đang chuyển từ thời Song ngư sang thời Bảo bình, vì các lời dạy trong thời Song ngư được đưa ra cho mức tâm thức của chu kỳ đó và giờ đây thì các thày đang giảng dạy cho thời Bảo bình.

15.5. Vượt quá ngôn từ

Tất nhiên, lời dạy thày trao cho con ở đây không chỉ là một lời dạy chung chung, vì nó cũng liên quan đến khái niệm nối kết với cái ta cao của con, Hiện diện TA LÀ của con. Maitreya vừa trao truyền một lời dạy thật chính xác, và thày đây chỉ muốn đóng góp thêm từ nhãn quan của thày. Maitreya có giải thích là tới một điểm nào đó con cần phải thách thức những hình ảnh con có về Hiện diện TA LÀ của con, những hình ảnh mà con đã hình thành ở một tầng thấp hơn. Con cần ngừng phóng chiếu những hình ảnh này, vì nếu không thì Hiện diện TA LÀ sẽ phải rút lui khỏi con và ngừng trả lời các câu hỏi của con hay hướng dẫn con.

Đấy, trong khuôn khổ tiến trình này, con thử nhìn xem rất nhiều người khi họ nghe nói lần đầu về Hiện diện TA LÀ, họ thường làm điều họ vẫn quen làm dựa trên bất kỳ truyền thống tôn giáo hay tâm linh nào mà họ đã theo. Họ thỉnh gọi Hiện diện TA LÀ, họ cầu nguyện Hiện diện TA LÀ, họ đặt câu hỏi cho Hiện diện TA LÀ, nhưng làm thế nào con thỉnh gọi, cầu nguyện hay đặt câu hỏi đây? Bằng lời nói, chẳng phải vậy sao?

Có thể là ở một tầng nào đó trên đường tu tâm linh, con có thể nhận được sự hướng dẫn bằng lời nói hay câu trả lời từ Hiện diện TA LÀ của con – không phải là một giọng nói ầm ầm từ trên trời vọng xuống mà là lời nói đến với con từ bên trong tâm con. Nhưng khi con đến tầng cao hơn nơi con cần bước lên để bắt đầu trải nghiệm sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, thì khi đó con cần nhìn nhận là con không thể đạt được hợp nhất bằng cách tiếp tục giao tiếp với Hiện diện TA LÀ qua ngôn từ, bằng cách nói chuyện với Hiện diện TA LÀ, đặt câu hỏi hay thỉnh gọi. Bởi vì tại sao con lại cần giao tiếp bằng lời chứ? Chỉ khi con nói chuyện với một sinh thể bên ngoài tâm con, một sinh thể tách biệt với con. Đương nhiên đó là cách con nói chuyện với người khác – các thày hiểu rõ là con đã quen làm vậy rồi và một lần nữa các thày không chê trách gì con. Việc con cũng làm vậy với Hiện diện TA LÀ trong một thời gian là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sẽ tới một điểm sự giao tiếp bằng ngôn từ biến thành một trở ngại sẽ ngăn con đạt đến sự Hợp nhất lớn với Hiện diện mà các thày đã giải thích.

Đến một điểm con đơn giản cần lấy quyết định ý thức là con sẽ ngừng tiếp cận Hiện diện TA LÀ của con qua từ ngữ. Con ngừng chờ đợi hay hy vọng là con sẽ nhận được một hồi đáp bằng từ ngữ. Bởi vì đến một điểm con vẫn có thể nhận được xung lực hồi đáp từ Hiện diện nhưng xung lực này sẽ không mang hình dạng lời nói, nó sẽ giống hơn một cảm giác hay một hình ảnh. Và cuối cùng như Maitreya đã mô tả, ngay cả cái đó cũng phai nhạt đi, và tới một điểm con không còn tìm cách nhận được một điều gì từ Hiện diện hay giao tiếp với Hiện diện của con, bởi vì như Maitreya đã tả chân thật hùng hồn, sự phân biệt giữa Hiện diện TA LÀ, cái Ta Biết và tâm Ki-tô tan biến mất.

Con không còn hướng bất cứ gì về Hiện diện của con nữa, con không còn chờ đợi gì nữa từ Hiện diện. Con chỉ là một với đại dương của Hiện diện và tâm con chảy theo Hiện diện, khi lên khi xuống. Và con không phân tích, con không cố giải thích hay đặt chuyện này chuyện nọ vào một khuôn khổ vũ trụ hay một tầm quan trọng vũ trụ. Con chỉ – con là Hiện diện và Hiện diện cũng chính là con. Đâu còn nhu cầu giao tiếp bằng lời nữa?

15.6. Đề nghị của Padmasambhava

Nếu con cảm thấy cần sự trợ giúp để thực hiện việc trên thì thày cống hiến cho con sự giúp đỡ của thày. Con chỉ đơn giản đọc câu thần chú của thày*. Con đọc lớn 9 lần, xong con nhắm mắt lại, tập trung vào bên trong và không đọc thần chú. Con chỉ đơn giản để cho thần chú đến với con.

Có thể con sẽ thắc mắc: “Nhưng thần chú chẳng phải là từ ngữ hay sao?” Là gì chứ – từ ngữ? Đó là âm thanh con ạ, nó không mang ý nghĩa nào mà tâm vỏ ngoài có thể chụp lấy. Tất nhiên con có thể lên mạng internet truy tìm cách diễn giải câu chú, nhưng nếu con tìm thêm chút xíu, con sẽ tìm thấy 17 cách diễn giải khác nhau. Cách nào mới là cách đúng? Thôi con hãy quên đi chuyện tìm ý nghĩa câu thần chú mà hãy đơn giản nhìn nó như là âm thanh. Âm thanh này làm gì chứ? Nó làm yên tâm con, tâm vỏ ngoài của con, để con có thể trải nghiệm Hiện diện của thày cùng Hiện diện của con. Đó là điều thày có thể làm cho con trong bối cảnh này, và thày sẽ giúp những ai đọc câu chú này nếu con cảm thấy con cần đến nó.

Thày không bảo là việc này nên thay thế việc con hòa điệu với một vị Thượng sư hay một chân sư đặc biệt mà con cảm thấy gần gũi. Đây chỉ là thêm một dụng cụ mà các thày đã quyết định cho con.

Với lời này, thày đã cho con những gì là niềm vui mà cũng là trách vụ của thày trao cho con tại buổi họp mặt thật tuyệt vời này mà các con đã tổ chức và tham gia. Tất cả các thày mong con có thể nhìn thấy tác động mà một đại hội như thế này tạo ra trong tâm cảm xúc, lý trí và bản sắc của mọi người. Chỉ tiếc là các thày không thể truyền đạt điều này bằng tư tưởng nên con phải tin lời thày thôi.      

Và như vậy, thày niêm con trong tình yêu của tim thày.

* Câu thần chú của Padmasambhava: OM AH HUM, VAJRA GURU PADME SIDDHI HUM

23 | Vượt quá hình tư tưởng để trực tiếp trải nghiệm Hiện diện

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Con có thể thấy điều trớ trêu là các thày nói về tâm đường thẳng, vậy mà các thày, các Thượng sư, lại nối tiếp nhau xuất hiện một cách đường thẳng.

Tuy nhiên, như các thày có nói, lẽ tất nhiên có một tiến trình đường thẳng đi từ đấng Sáng tạo xuyên qua các tầng của sự sáng tạo, các bầu cõi trước, cho tới bầu cõi này. Con không thể nói là mọi chuyện theo một tiến trình đều nhất thiết giống như những gì thày nói về tâm đường thẳng. Đó là vì tâm đường thẳng là một hiện tượng đặc thù có mặt nơi một bầu cõi chưa thăng thiên. Như các thày có nói, tâm đường thẳng không thực sự là một vấn đề khi ta thấy nó như nó là, tức là một dụng cụ để lo liệu các khía cạnh thực tiễn của đời sống.

23.1. Một tiến trình đường thẳng trong đời sống thực tiễn

Con biết rõ là trong cuộc đời của mình con có một thời biểu nào đó, một số bổn phận nào đó. Có thể là con phải đi học, có thể là con phải dẫn con đến trường, có thể là con phải đi làm, vì vậy con cần ở một số nơi vào một số lúc. Do đó, con cần một tiến trình đường thẳng, một thời biểu đường thẳng trong cuộc sống thường nhật để mọi chuyện vận hành suôn sẻ.

Đây là một chuyện rất thực tiễn. Tỷ dụ, con biết là nếu con muốn xây một căn nhà thì con cần thiết lập một tiến trình đường thẳng. Con mua mảnh đất, con nhờ người vẽ sơ đồ, con tổ chức các người thợ cần thiết để hoàn thành công việc, và mọi chuyện cần diễn ra theo một tiến trình đường thẳng, một thời khóa biểu đường thẳng. Trong xã hội cũng vậy, khi có việc cần làm, khi cần hoàn thành một công trình xây dựng lớn, hay chỉ để đời sống thường nhật vận hành trong xã hội, xe buýt phải chạy đúng giờ, xe lửa chạy phải đúng giờ và những việc tương tự, thì tâm đường thẳng là một dụng cụ rất hữu dụng.

23.2. Dùng tâm đường thẳng để lý luận về cõi tâm linh

Vấn đề khởi lên khi con người bắt đầu dùng tâm đường thẳng để giải quyết những đề tài ngoài đời sống thực tiễn trong bát cung vật lý. Đây là một vấn đề đã xảy ra suốt chiều dài lịch sử. Như các thày có giảng, vào thời đức Phật, các vị Bà la môn Ấn giáo dùng tâm đường thẳng để lý luận về các đề tài không dính dáng gì đến đời sống thường nhật thực tiễn, tỷ dụ liên quan đến sự vận hành của vũ trụ, kề cả cõi tâm linh như thế nào.

Đức Phật thấy các cố gắng này đã tạo ra đủ loại ngộ nhận, vì điều mà tâm đường thẳng làm là nó nhìn vào những điều kiện trong thế giới vật chất. Nó tìm cách thiết lập một tiến trình đường thẳng, một chuỗi nguyên nhân-kết quả đường thẳng mà nó phát hiện trong thế giới vật lý, sau đó nó muốn kéo dài chuỗi nhân-quả đó lên cõi tâm linh. Do đó, nó dùng những điều kiện trong thế giới vật chất và lý luận ngược trở lại về sự vận hành của thế giới tâm linh.

Con nó nắm bắt vì sao phương pháp này nguy hiểm? Các điều kiện trong thế giới vật chất không phản ánh trung thực thế giới tâm linh. Các thày có giảng là có một loại tiến trình đường thẳng từ đấng Sáng tạo tới tầng cao nhất của thế giới tạo vật, là bầu cõi thứ nhất. Đấng Sáng tạo đề ra một khuôn đúc. Các sinh thể trong bầu cõi thứ nhất sinh hoạt trong khuôn khổ khuôn đúc đó. Họ tạo ra bầu cõi thứ hai, và sau đó cũng như vậy với bầu cõi thứ ba, vân vân. Tất cả những gì được tạo ra ban đầu trong bầu cõi của con là một biểu hiện của các tầng lớp bên trên.

Do đó, con có thể nói là có một tiến trình, nhưng trước nhất, tiến trình này đi từ tầng cao nhất tới những tầng càng ngày càng có hình tướng biểu hiện hơn. Đó không phải là một chuỗi nhân-quả đường thẳng. Đó không phải là kết quả của các định luật máy móc. Đó là kết quả của một quá trình sáng tạo không hoàn toàn đường thẳng. Điều thày muốn nói là con không thể nào, từ một hành tinh như địa cầu trong một bầu cõi chưa thăng thiên, hiểu được những gì xảy ra ở các bầu cõi cao hơn. Con không thể hiểu được khi con còn đầu thai trên trái đất. Do đó, tìm cách lý luận dựa trên những gì con thấy trên trái đất để suy diễn ra cõi tâm linh là một tìm cầu vô bổ.

23.3. Phóng chiếu những điều kiện không trong sạch của trái đất lên cõi tâm linh

Sau đó lại có một tầng khó khăn khác. Các thày có giảng là lúc ban đầu bảy vị Elohim tạo ra trái đất. Các vị này tất nhiên là các sinh thể thăng thiên. Lẽ tất nhiên họ là một với toàn thể đại đoàn chưởng giáo dẫn đến tận đấng Sáng tạo. Họ tạo ra trái đất trong khuôn khổ khung sườn của những bầu cõi trước. Tuy nhiên, những gì các Elohim tạo ra không phải là những điều kiện con thấy trên trái đất ngày nay. Con có thể nói là nếu con thấy được những điều kiện nguyên thủy do các Elohim tạo ra, thì con có thể thấy một số nguyên tắc, điều mà các khoa học gia gọi là luật thiên nhiên, tuy các luật này có tính chất tâm linh hơn là thiên nhiên. Con có thể nói: “Nếu ta hiểu những luật này, ta có thể suy luận lý do vì sao các sinh thể đó đã định là các luật đó như vậy. Do đó, chúng ta có thể suy luận để tìm ra ý tưởng của các sinh thể đó, tâm thức của họ. Ta có thể nhìn các điều kiện nguyên thủy của trái đất và dùng tâm đường thẳng để suy luận các đặc tính của tầng các Elohim.”  

Con có thể đạt kết quả với tâm đường thẳng, nhưng con không thể đi quá tầng các Elohim với tâm đường thẳng, vì tiến trình từ bầu cõi thứ sáu lên bầu cõi thứ năm không theo đường thẳng. Tâm đường thẳng không thể đi quá xa trở ngược lên cõi tâm linh. Thêm nữa, các thày cũng đã giảng là những điều kiện con thấy trên trái đất hiện nay không phải là những gì các Elohim tạo ra lúc ban đầu. Lý do là, như các thày đã giảng nhiều lần, nhân loại đã đi vào tâm thức tách biệt và đã bắt đầu sử dụng tâm thức nhị nguyên, và điều này đã đưa đến nhiều biến đổi sâu đậm trên trái đất. Độ dày đặc của vật chất, sự thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, và toàn thể tâm thức tập thể đã bị hạ xuống một tầng thấp hơn rất nhiều so với khi địa cầu được tạo ra lúc ban đầu.

Điều kiện hiện này của trái đất không tự nhiên, không là một nối dài trong sáng của những gì các Elohim tạo ra. Các thày Bà la môn Ấn giáo đã làm gì? Họ nhìn các điều kiện hiện hành trên trái đất, họ cố tìm ra những mô thức, những gì xảy ra đều đặn, và sau đó họ dùng tâm đường thẳng để phóng chiếu: các điều xảy ra đều đặn, các mô thức mà ta thấy trong cõi vật lý, có thể được phóng rộng lên trên tới cõi bên trên cõi vật lý. Chúng có thể cho ta biết về các thần linh, vì sao các thần linh lại là như họ là, và vì sao họ lại tạo thế giới như họ đã tạo ra.

Con có thấy chăng là phương pháp này sẽ không bao giờ cho con một hình ảnh chính xác về cõi tâm linh? Con lấy những điều kiện không thuần túy tâm linh và phóng chiếu chúng lên cái có tính chất tâm linh. Lẽ tất nhiên, không phải chỉ có các vị Bà la môn Ấn giáo đã làm việc này. Như các thày đã giảng, trong truyền thống Thiên chúa-Do thái giáo, vị Thượng đế giận dữ ở trên trời là một hình ảnh phóng chiếu bởi con người dựa trên tâm lý sa ngã và tâm thức nhị nguyên. Con thấy suốt dòng lịch sử, ở khắp nơi trên thế giới, con người đã lấy những điều kiện mà họ quan sát ngay lúc này trên hành tinh phi tự nhiên này và dùng tâm đường thẳng để phóng chiếu chúng lên cõi tâm linh, cõi thiên đường, hay bất cứ tên gì mà họ gọi. 

23.4. Cố gắng phù phiếm thay đổi hậu quả ở tầng hậu quả

Trên căn bản, tại sao họ lại làm vậy? Đó là vì họ bị xáo trộn bởi những điều kiện hiện tại trên trái đất. Họ đang đau khổ, như đức Phật có giảng, vì khi con đi vào tâm thức nhị nguyên thì cuộc đời là đau khổ. Con bị xô đẩy từ bên này sang bên kia trong Biển Luân hồi. Con người muốn thoát khổ đau, và họ trực giác cảm nhận là phải có một lý do cho sự đau khổ của họ. Đây là một trực giác chân chính. Sự đau khổ của con có lý do.  

Sau đó họ quan sát là dường như trong bát cung vật lý một số chuyện, một số hậu quả có nguyên do. Đôi khi đó là một nguyên do sâu kín. Nếu con cầm một hòn đá trong tay và buông tay ra, thì hòn đá sẽ rơi xuống đất. Phải có một nguyên do sâu kín khiến hòn đá rơi xuống đất. Đây là một quan sát căn bản mà con người đã làm từ rất lâu. Họ cảm nhận bằng trực giác là phải có những nguyên do không thể thấy, phi vật lý của khổ đau của họ, của các điều kiện hiện hành trên trái đất. Sau đó họ tìm cách sử dụng tâm đường thẳng để suy luận ngược lại từ những điều kiện hiện hành trên trái đất để tìm ra nguyên do của các điều kiện này, nguyên do khổ đau của họ. Họ trực nhận là nếu họ khám phá ra nguyên do, và thay đổi nguyên do, thì họ cũng có thể thay đổi hậu quả.

Một lần nữa, đây là một trực giác chân chính. Nếu con có thể thay đổi nguyên do thì con có thể thay đổi hậu quả. Sự thật là thay đổi nguyên do là cách hữu hiệu duy nhất để thay đổi hậu quả. Lẽ tất nhiên, con người cũng đã tìm cách thay đổi nguyên do ở tầng hậu quả. Họ đã tìm cách thay đổi hậu quả ở tầng hậu quả. Con thấy đây là điều mà khoa học đã làm từ mấy thế kỷ bằng cách nhìn vào bát cung vật lý và tìm cách hiểu điều kiện vật lý dựa trên nguyên do vật lý.

Có hai phương pháp mà con người áp dụng khi dùng tâm đường thẳng. Hay ta cũng có thể nói đây là hai mặt của cùng một đồng tiền. Con nhìn vào điều kiện hiện hành, con coi chúng là hậu quả, và con tìm cách dùng tâm đường thẳng để suy luận trở ngược cho tới khi con tìm ra nguyên do của hậu quả, và sau đó con tìm cách thay đổi nguyên do. Điều mà khoa học cố làm là tìm ra nguyên do trong thế giới vật lý, vật chất, và dùng hiểu biết này để thay đổi các điều kiện vật lý. Điều mà các tôn giáo đã làm từ nhiều ngàn năm là đi xa hơn các nguyên do vật lý và tìm các nguyên do phi vật lý. Do đó, họ tìm một thần linh có trách nhiệm về địa hạt mà họ đang bị đau khổ, và sau đó tìm cách cầu xin thần linh này để thần linh thay đổi điều kiện đang gây đau khổ cho họ.

23.5. Suy luận trí năng là ngõ cụt

Ta có thể nói đây là hai mặt của cùng một đồng tiền, nhưng nhìn từ góc độ tâm linh thì vấn đề thực sự được tìm thấy nơi truyền thống tôn giáo. Họ không những muốn tìm một nguyên do của khổ đau hiện tại của mình, nhưng họ còn muốn tạo nhữnh hình ảnh tinh vi mô tả cõi tâm linh. Đây là điều khiến các vị Bà la môn Ấn giáo đi vào nhiều ngõ cụt khi họ dùng lý luận trí năng, đường thẳng, phân tích để phóng chiếu rằng: Thượng đế như thế này, các điều kiện như thế kia, đây là nguyên do tâm linh thật đằng sau hậu quả này, vân vân. Điều xảy ra vào thời đó là họ phân chia thành rất nhiều chi nhánh và giáo phái, họ có quá nhiều ý kiến khác nhau, mỗi người đều tất nhiên khẳng định họ có hiểu biết tối hậu. 

Điều con thấy là hiện tượng rất ư phức tạp với rất nhiều người khẳng định họ có chân lý tối hậu, nhưng không có ai trong đó có chân lý tối hậu vì họ đều lý luận bằng tâm đường thẳng dựa trên những quan sát điều kiện hiện tại. Con có thể tiếp nối hiện tượng này tới thời nay và nói rằng một số những người đã đầu thai là người Bà la môn Ấn giáo mấy ngàn năm trước nay lại đầu thai là khoa học gia duy vật, họ trên căn bản lý luận giống như xưa, chỉ khác là nay họ quyết định rằng: “Chúng tôi không đi ra ngoài thế giới vật lý, chúng tôi tìm những nguyên do càng ngày càng sâu thẳm trong thế giới vật chất của các hiện tượng vật chất.” Họ vẫn phân chia thành nhiều trường phái, nhiều nhóm, họ có rất nhiều lý thuyết về sự phức tạp này hay phức tạp khác, như các thuyết đa vũ trụ, lỗ đen, năng lượng tối, vật chất tối, hay các đề tài phức tạp khác.

Những chuyện này ngăn con người làm việc gì? Chúng ngăn con người đạt tâm bình an. Con thấy gì ngày hôm nay, con thấy gì thời đức Phật? Con có thấy chăng các xung đột giữa con người, và các xung đột này dựa trên gì? Chúng dựa trên lý luận trí năng trên các điểm vi tế. Một nhóm Bà la môn diễn giải kinh Vệ đà theo lối này, một nhóm Bà la môn khác diễn giải cùng kinh đó theo cách khác. Mỗi nhóm đều tin chắc họ đúng, mỗi nhóm cảm thấy nhất định phải thuyết phục nhóm khác hay con người là các nhóm khác sai, và như vậy luôn luôn có đấu đá không ngừng.

23.6. Một triết lý mới chú trọng vào nâng cao tâm thức

Đức Phật khi xưa đã thấy chuyện đó. Đức Phật thấy các người đó làm chuyện phù phiếm vì họ sử dụng tâm đường thẳng. Các con nhớ là khoảng cùng thời với đức Phật có một triết gia Hy Lạp tên Plato có đưa ra câu truyện ẩn dụ về hang động. Câu truyện kể là có một nhóm người bị xiềng trong một hang động và không nhìn thấy những gì xảy ra bên ngoài hang, nhưng bên ngoài có ánh sáng chiếu vào hang và có người đi lại giữa ánh sáng và hang động nên bóng họ chiếu lên thành hang. Nhóm người bên trong hang động chỉ thấy những bóng đó, họ quan sát các bóng và tìm cách lý luận ngược để tìm ra chuyện gì xảy ra bên ngoài hang, nhưng họ chỉ thấy các bóng. Đức Phật nhận ra đây là điều các Bà la môn Ấn giáo thấy, chỉ là các bóng, và làm sao bóng của một vật lại có thể cho con biết mọi chuyện về vật đó?

Tỷ dụ, làm sao bóng của một vật có thể cho con biết vật đó màu gì? Bóng là một phóng chiếu lên một mặt hai chiều kích, làm sao nó có thể cho con biết hình dáng ba chiều kích của vật? Con thấy đấy những giới hạn. Đức Phật thấy các giới hạn đó, và đó là lý do vì sao ngài nói: “Chúng ta hãy sáng tạo một triết lý mới, một phong trào mới, không tìm cách lý luận ngược để tìm ra điều kiện trên cõi tâm linh như thế nào. Chúng ta hãy chú tâm vào công việc thiết thực là nâng cao tâm thức, giúp con người khắc phục khổ đau, và khi họ đã nâng tâm thức đủ thì họ có thể nắm bắt một số chân lý vượt lên trên thế giới vật lý.”

Vì sao thày lại trao các con bài giảng dài dòng này? Bởi vì thày là Thượng sư của Tia thứ Sáu là Tia của Bình an, và điều tước đi bình an chính là lý luận với tâm đường thẳng, dùng tâm đường thẳng (là một dụng cụ thực tiễn dùng trong đời sống thường nhật trong thế giới vật chất) và tìm cách mở rộng nó ra ngoài thế giới vật chất để suy diễn điều gì vượt lên trên thế giới vật chất. Khi con còn làm điều này thì con không thể có bình an, và con cũng không thể kết nối với Tia thứ Sáu của Bình an.

Nếu con muốn thực sự hiểu giáo lý của đức Phật thì con cần nhận ra một điều giản dị, nhưng đối với tâm đường thẳng thì điều này không giản dị. Giáo lý của đức Phật không – KHÔNG – nhằm đem lại một chân lý cao trội. Mục đích của giáo lý đức Phật là cho con người một số giáo lý và dụng cụ thực tiễn để giúp họ nâng cao tâm thức, vượt thăng khổ đau, Biển Luân hồi. Đây là một điều mà đại đa số những người hiện nay tự coi là Phật tử sẽ phản đối hung hãn, hay ít ra là phản đối kịch liệt. Họ sẽ nói vì đức Phật là bậc giác ngộ nên điều đức Phật dạy là chân lý cao trội, thậm chí là chân lý tuyệt đối – nhưng điều này đơn giản không phải là sự thực.

Đúc Phật không muốn đưa ra một chân lý tối hậu vì thày thấy đây là điều các vị Bà la môn muốn làm. Vì sao các vị Bà la môn lại muốn làm vậy? Như các thày đã giảng, tâm đường thẳng muốn làm gì? Nó muốn xếp mọi chuyện vào một đường thẳng, một tiến trình, rồi nói: phải có một điểm kết tối hậu của đường đó, phải có một tầng cao nhất. Nếu ta có thể đặt chân lý lên một đường thẳng, thì sẽ có nhiều tầng của chân lý, nhiều tầng hiểu biết, và ta có thể càng ngày càng hiểu hơn về thế giới, như khoa học đã làm từ lâu nay. Nếu ta tiếp tục sự tăng trưởng hiểu biết đó thì sẽ phải đến một chân lý tối hậu. Như thày Hilarion có nói, chân lý tối hậu sẽ chỉ đến khi con tới tầng đấng Sáng tạo, và có một khoảng cách rất xa giữa tầng của trái đất và tầng của đấng Sáng tạo.

23.7. Đường lối thực tiễn của các chân sư thăng thiên

Đức Phật nhận ra điều trên nên ngài chỉ chú tâm vào những gì có khả năng nâng con lên, nâng con người lên tầng tâm thức kế tiếp. Con hãy nhìn những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian từ thời đức Phật tới ngày nay. Khoa học đã chiếm ưu thế trong thế giới hiện đại, và khoa học cũng đặt căn bản trên tâm đường thẳng. Khoa học cho rằng ta phải bắt đầu bằng những quan sát nơi thế giới vĩ mô, sau đó khám phá các tầng vi tế, sâu thẳm hơn cho tới khi ta tới tầng tối hậu là hạt Thượng đế, hay bất cứ gì họ gọi nó.

Tại sao điều này lại quan trọng cho người tâm linh? Đó là vì con đã lớn lên trong xã hội hiện đại, con không thể tránh bị ảnh hưởng bởi tư duy đó. Con nay ở đây, con đã lớn lên với tư duy đó và sau đó con tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên. Lúc đó con nói: “À, rốt cuộc tôi đã tìm thấy một cái gì không đến từ thế gian này, không phải là kết quả của tâm đường thẳng lý luận ngược lại từ những điều kiện thế gian. Đây là một giáo lý đến từ cõi thăng thiên, đến từ các chân sư thăng thiên là những người bên trên thế gian này. Giáo lý này phải là chân lý tuyệt đối, vì chắc hẳn các chân sư thăng thiên thấy chân lý tuyệt đối, và đâu có lý nào các thày lại trao truyền cái gì khác?”  

Các thày đã nhiều lần giải thích từ nhiều góc độ khác nhau là các thày không thể trao cho con chân lý tuyệt đối mà các thày thấy vì con không thể nắm bắt nó trên một hành tinh phi tự nhiên. Các thày đang làm gì ngày hôm nay? Các thày đang làm y như đức Phật cách đây 2500 năm, tức là nhìn một cách thiết thực xem tâm thức con người đang ở đâu và nói: “Chúng ta có thể trao cho con người cái gì mà họ có thể nắm bắt với tầng tâm thức hiện tại của họ và giúp họ vươn lên tầng cao hơn?” Các thày không tìm cách trao cho các con chân lý tuyệt đối. Một lần nữa, nhiều đệ tử từ các đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước sẽ kịch liệt phản đối câu nói trên, nhưng vì sao họ phản đối? Đó là vì họ bị kẹt trong tâm đường thẳng: Phải có một chân lý tối hậu, và nếu ta không thể tìm thấy nó nơi các tôn giáo trên thế giới hay nơi khoa học duy vật, thì chắc hẳn ta phải tìm được nó nơi giáo lý của các chân sư thăng thiên. Thày không nói là giáo lý của các thày sai, là ảo tưởng hay sự lừa gạt, nhưng chúng thích nghi với tầng tâm thức, không những của các đệ tử chân sư thăng thiên, mà thậm chí của tâm thức tập thể. Không thể có cách nào khác trên một hành tinh như trái đất.

Chuyện đã xảy ra trong các đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước là các đệ tử đã sử dụng tâm đường thẳng để tiếp thu giáo lý, lý luận dựa trên giáo lý, tạo hình tư tưởng dựa trên giáo lý và phóng chiếu chúng lên các chân sư thăng thiên. Đây là điều tâm đường thẳng vẫn làm. Nó nhìn vào điều kiện trên trái đất, tạo ra hình tư tưởng dựa trên các điều kiện này, tỷ dụ như những nguyên do của điều kiện hiện hành trên trái đất. Sau đó, nó mở rộng hình ảnh đó ra và phóng chiếu hình ảnh đó lên cõi tâm linh.

23.8. Phóng chiếu hình tư tưởng lên các chân sư thăng thiên

Khi các đệ tử tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên, thì việc đầu tiên họ làm là sử dụng những hình tư tưởng mà họ thu thập khi họ lớn lên hay từ các giáo lý tâm linh khác mà họ đã học. Sau đó, họ lấy giáo lý chân sư thăng thiên và dùng nó để chỉnh tu những hình tư tưởng đó và sau đó phóng chiếu chúng lên các chân sư thăng thiên.

Tại sao điều này lại dính dáng đến chủ đề của khóa nhập thất này, là kết nối với các vị thày tâm linh? Ấy, con yêu dấu, thày là một chân sư thăng thiên. Làm sao con kết nối với thày? Con có nghĩ là con có thể kết nối với thày bằng cách phóng chiếu một hình tư tưởng lên thày, một hình tư tưởng đã được tạo ra trong thế giới vật chất, trong tâm con? Bất kể hình này có hoàn chỉnh đến đâu, bất kể con nghĩ nó xác đáng đến đâu dựa trên giáo lý chân sư thăng thiên, thì nó vẫn là một hình tư tưởng. Thày nhìn nhận là trong các đợt truyền giáo trước, các đệ tử không dễ nắm bắt điều này vì một số giáo lý chưa được trao truyền. Họ không có được các giáo lý mà các thày đã trao truyền trong đợt truyền giáo này về các ngã tách biệt, các ngã này tạo ra phin lọc nhận thức như thế nào, tại sao cái Ta Biết không phải là các phin lọc nhận thức, đã không trở thành các ngã tách biệt và do đó cái Ta Biết có thể bước ra ngoài các ngã. Làm sao cái Ta Biết bước ra ngoài phin lọc nhận thức của một ngã? Chỉ bằng cách duy nhất là nhìn nhận là điều ngã thấy chỉ là một phin lọc nhận thức. Có nghĩa là con phải nhìn nhận là bất cứ hình ảnh nào về chân sư thăng thiên mà con đã tạo trong tâm chỉ là thế đó: một hình tư tưởng.

Lẽ tất nhiên con có thể nói là trong khuôn khổ Luật Tự quyết, không có gì sai trái khi con người tạo hình tư tưởng của các chân sư thăng thiên vì điều này cho họ một trải nghiệm. Con có thể nhìn các đệ tử của các đợt truyền giáo trước và con có thể thấy là nhiều người có những hình tư tưởng rất cầu kỳ về các chân sư thăng thiên và họ phải tương tác thế nào với các chân sư thăng thiên. Thậm chí nhiều người trong số các đệ tử đó còn cảm thấy là họ đã kết nối với các chân sư thăng thiên, họ đã có trải nghiệm các chân sư thăng thiên. Giờ đây thì thày không nói là các đệ tử từ các đợt truyền giáo trước đó đã có trải nghiệm thực sự với các chân sư thăng thiên. Có những đệ tử nghĩ họ có một trải nghiệm thực sự nhưng họ đã kết nối với những sinh thể trong cõi tư tưởng vì họ quá dính mắc vào các hình tư tưởng của họ. 

Những đệ tử có trải nghiệm thực sự là những đệ tử không quá dính mắc với hình tư tưởng của họ. Bởi vì con làm gì khi con phóng chiếu một hình tư tưởng? Con chính yếu nói: “Nada, con không muốn kết nối với thày như thày là. Con chỉ muốn kết nối với thày theo hình tư tưởng của con. Do đó, Nada, nếu thày muốn kết nối với con vì thày phải tuân theo hình tư tưởng của con.” Như các thày khác đã nói, nếu thày làm vậy thì kết quả là gì? Kết quả là thày xác chứng hình tư tưởng của con, và con sẽ nghĩ: “Hình tư tưởng của tôi không phải là một hình tư tưởng, đó chính là Nada như thày thực là.” Làm sao kết quả này có thể giúp con tăng trưởng tâm linh? Làm sao thày có thể giúp con tăng triển bằng cách xác chứng hình tư tưởng đang ngăn cản con tăng triển?

Câu hỏi luôn luôn là: nếu con muốn kết nối với một chân sư thăng thiên, thì con muốn kết nối với vị chân sư hay với một hình tư tưởng của vị chân sư? Con có sẵn sàng buông bỏ hình tư tưởng để trải nghiệm Hiện diện của vị chân sư thăng thiên? Đó chính là câu hỏi. Các thày không muốn trốn tránh con, nhưng nhiều đệ tử đang tìm cách trốn tránh các thày. Nếu con muốn trốn tránh các thày bằng cách phóng chiếu một hình tư tưởng lên các thày, thì các thày phải để con làm chuyện này. Các thày phải cho phép con có trải nghiệm đó, thậm chí các thày còn phải cho phép con kết nối với các sinh thể giả danh các thày trên cõi tư tưởng, các sinh thể này sẽ hoan hỷ tuân theo hình ảnh của con. Họ sẽ tuân theo bất cứ hình ảnh nào mà con phóng chiếu lên họ nếu con cho họ năng lượng của con. Thày không cần năng lượng của con, thày không chịu tuân theo các hình tư tưởng của con vì thày không cần gì từ con, và thày không muốn con nghĩ là hình tư tưởng của con đã được thày xác chứng.  

Nếu nói một cách rất thẳng thắn, thì trên căn bản nếu con không trải nghiệm, nếu con chưa bao giờ trải nghiệm Hiện diện của một chân sư thăng thiên, thì đó là vì con có một hình tư tưởng đang xua đẩy vị chân sư thật ra khỏi con. Một lần nữa, các thày không chê trách con vì con có quyền tự quyết, các thày hiểu là con sống trên một hành tinh rất khó khăn, các thày hiểu là con có nhiều tiền kiếp đã tạo ra biết bao ngã trong bốn tầng của tâm con. Các thày không chê trách con. Các thày chỉ nói là nếu con thực sự muốn kết nối với các thày, thì con phải sẵn sàng nhìn quá các hình tư tưởng vì chúng đang ngăn cản con kết nối.

23.9. Hình tư tưởng về El Morya như một người áp dụng kỷ luật nghiêm khắc

Chuyện gì xảy ra khi con tạo một hình tư tưởng về một chân sư thăng thiên, hình tư tưởng này có tác dụng gì? Nó cho phép con có một quan điểm nào đó, một trải nghiệm nào đó, và trải nghiệm này không thể bị thách thức bởi vị chân sư thực, do đó con có thể trốn tránh vị chân sư. Để cho con một thí dụ, trong một đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước, các đệ tử đã tạo ra một hình ảnh rất đặc biệt về El Morya, bây giờ là Chân sư MORE. Đó là một lý do khiến thày quyết định đổi tên, vì các đệ tử đó vẫn còn hình ảnh này về thày, hình ảnh một vị thày nóng nảy chiếu ánh sáng xanh, một vị thày áp dụng kỷ luật rất nghiêm khắc sẵn sàng thách thức đệ tử và phơi bày tự ngã của họ không chút thương hại. Họ đã tạo khái niệm là những đệ tử chân chính của El Morya có những đặc tính đó và có quyền đi khắp nơi và chiếu áng sáng xanh vào người khác bằng cách thách thức họ, nói cho họ biết những điểm sai trái của họ. Có nhiều người trong tổ chức đó hãnh diện là đã chiếu ánh sáng xanh vào những người họ cho là kém họ.

Những đệ tử đó đã làm gì? Con có thể nói là tự ngã của họ muốn có trải nghiệm cao trội hơn người khác, có quyền kỷ luật người khác và nói họ phải làm gì. Họ dùng hình tư tưởng mà họ đã tạo ra về El Morya như một cái cớ để biện minh cho cách cư xử của họ, cách cư xử dựa trên tự ngã, dù họ sẽ kịch liệt phản đối là cư xử của họ không dựa trên tự ngã – nhưng nó quả thật như vậy.

Một lần nữa, những đệ tử đó có quyền tự quyết và họ có quyền lấy một giáo lý chân sư thăng thiên, tạo hình tư tưởng về El Morya, và xác chứng trải nghiệm mà họ muốn có cho tới một ngày hy vọng họ chán chê trải nghiệm đó. Một số đệ tử đã chán chê và không còn cư xử như vậy nữa, nhưng một số chưa chán. Điều thày muốn nói là tuy một số các đệ tử đó tưởng họ có trải nghiệm thực sự về El Morya, nhưng không phải vậy. Tại sao El Morya lại xác chứng hình ảnh đó về thày khi thày thấy rõ là làm vậy sẽ chỉ giam cầm các đệ tử đó và ngăn họ thực sự kết nối với thày?

Thày chỉ giản dị muốn nói là trong đợt truyền giáo này con đã nhận được giáo lý thâm sâu hơn về các ngã, các ngã tiềm thức và tách biệt, hình tư tưởng, phin lọc nhận thức. Do đó, con có thể theo tiến trình giải thoát mình khỏi các hình tư tưởng, ngưng phóng chiếu, và qua đó con có thể tới điểm con thực sự kết nối với các thày là chân sư thăng thiên. Kết nối với các thày không qua giáo lý, không qua trí năng, không qua hiểu biết và nắm bắt, mà chỉ kết nối với các thày như trải nghiệm quý báu nhất mà con có thể có trên con đường tâm linh vì nó cho con một khung tham chiếu trực tiếp từ bên trên thế giới vật chất. Điều này có nghĩa là thực sự không có gì trong thế giới vật chất có thể đánh lừa con nữa, hay kéo con vào phản ứng. Nếu đây là điều con muốn, thì con có các dụng cụ để hoàn thành.

23.10. Một dụng cụ thực tiễn từ Nada

Thày trao cho con một dụng cụ thực tiễn sẽ giúp con trên Tia thứ Sáu. Thày bắt đầu bài giảng này bằng cách nói về tâm đường thẳng muốn phóng chiếu hình ảnh một chân lý tuyệt đối và vì sao như vậy lại lấy đi an bình nội tâm của con. Điều con có thể làm là dùng giáo lý của các thày để nhận ra mục đích thực của con đường tâm linh không phải là biết chân lý tuyệt đối mà là nâng tâm thức từ tầng hiện tại lên tầng kế tiếp. Như các thày có giảng, con sẽ tới một điểm bắt đầu đi vào những tầng của quả vị Ki-tô cá nhân. Ta có thể nói quả vị Ki-tô cá nhân chính là chìa khóa của an bình, đó là lý do vì sao Giê-su đã được gọi là Hoàng tử An bình vì Giê-su đại diện Tâm thức Ki-tô cho nhân loại. Quả vị Ki-tô, tâm Ki-tô liên hệ ra sao với an bình?

Chính qua tâm Ki-tô mà con kết nối và trải nghiệm có thực tại vượt quá thế giới vật chất. Chỉ khi nào con trực tiếp trải nghiệm điều này thì con mới làm được điều mà đức Phật dạy con người: khắc phục những dính mắc vào thế gian. Khi con trải nghiệm Tâm thức Ki-tô thì con khắc phục dính mắc. Dính mắc của con trụ ở đâu? Chúng trụ nơi các ngã tách biệt, đúng vậy, nhưng cũng trụ nơi tâm đường thẳng và các hình tư tưởng do tâm đường thẳng phóng chiếu. Con muốn thế giới phải như thế nào đó. Con muốn cuộc đời mình phải như thế nào đó.

Nếu con xem xét hiểu biết cơ bản về đau khổ, thì cái gì tạo đau khổ? Đó là do con thiết lập trong tâm, trong tâm đường thẳng, hình ảnh cuộc sống trên trái đất phải như thế nào đó. Con phóng chiếu hình ảnh đó ra ngoài, nhưng sau đó con trải nghiệm là cuộc sống không phù hợp với hình ảnh của con. Trải nghiệm là cuộc sống không phù hợp với hình ảnh của mình chính là căn bản của khổ đau, nguyên do của khổ đau. Khi con bắt đầu trải nghiệm tâm Ki-tô thì con nhận ra có cái gì vượt quá hình tư tưởng của mình, con trải nghiệm có cái gì vượt lên trên. Nhưng sau đó con giáp mặt thách thức thứ nhì của Ki-tô. Con có sẽ dùng trải nghiệm Ki-tô để buông bỏ hình tư tưởng của mình, buông bỏ các ngã tách biệt, khắc phục dính mắc? Hay con sẽ làm giống như Peter khi xưa và tìm cách kéo trải nghiệm Ki-tô vào hình tư tưởng của mình để con có thể tưởng rằng Ki-tô đã chứng thực những hình tư tưởng này? Đây là điều nhiều đệ tử đã làm trong những đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước, như thí dụ về El Morya mà thày có đề cập. Lẽ dĩ nhiên, con cũng có thể làm như vậy ngay cả trong đợt truyền giáo này – nếu con không áp dụng giáo lý. Nhưng con cũng có dụng cụ giúp con tránh làm như vậy.

Làm sao con đạt được an bình nội tâm hơn? Bằng cách lúc nào cũng với lên tâm Ki-tô, dùng tâm Ki-tô như khung tham chiếu để nhìn vào cuộc đời mình, nhìn vào những điều kiện mà con gặp phải trong đời. Các thày hiểu là một số các con gặp những điều kiện rất khó khăn. Các thày không muốn các con nghĩ là các thày không hiểu điều này. Tuy nhiên, lời hứa muôn thuở của tâm Ki-tô là con có thể dùng nó để có một tầm nhìn khác về các điều kiện vật lý và khắc phục dính mắc, khắc phục hình tư tưởng. Khi con nhìn điều kiện mà không phóng chiếu là chúng không được như vậy, thì con có thể giáp mặt điều kiện mà không khổ đau.

Thày biết đây là một khái niệm mà những người đang sống với các điều kiện khó khăn khó nắm bắt. Các người đang không sống với điều kiện khó khăn thì dễ nắm bắt hơn. Thày hiểu điều này, nhưng đây vẫn là chân lý muôn thuở. Điều kiện, điều kiện vật lý, không tạo khổ đau, khổ đau do cách con nhìn điều kiện vật lý. Trong nhiều trường hợp, điều kiện vật lý không thể thay đổi cho tới khi con thay đổi cách con nhìn chúng. Đây là lời hứa của Ki-tô, là Ki-tô có thể cho con tầm nhìn khác, và điều này sẽ cho con an bình nội tâm.

23.11. Hãy để Dòng sông sự Sống đưa con đi tới

Nếu con muốn có một hình ảnh thì con hãy hình dung mình đang ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, như một chiếc xuồng, và con đang chèo theo dòng nước. Khi con đang ngồi trong chiếc thuyền nhỏ và ra sức chèo, thì có thể con chú tâm vào việc mình đang làm. Con muốn đi tới một điểm đến. Có thể có những tảng đá trong dòng sông, dòng sông có thể uốn khúc, con cần điều khiển, lèo lái con thuyền, có chỗ con cần chèo nhanh hơn để vượt qua khúc quanh hay tránh thác ghềnh. Con luôn luôn tập trung vào động tác chèo thuyền để thuyền đi về phía trước. Nếu con đang trên một dòng sông an toàn, không có tảng đá hay thác ghềnh, thì con có thể hành xử khác. Con có thể buông chèo, ngồi thoải mái trong xuồng, và chỉ để xuồng trôi theo dòng nước, chỉ để dòng nước đưa xuồng đi. Hành trình có thể lâu hơn, hay không lâu hơn, nhưng con sẽ tới điểm đến.    

Con có thể tới điểm trong tâm con, con như đang ngồi trong chiếc xuồng, thư giãn, nhìn hai bên bờ lướt nhẹ vì dòng nước đang đẩy xuồng đi về hạ nguồn. Đây là trạng thái không dính mắc. Con đang ngồi trong xuồng, con đang di chuyển về hạ nguồn, và dòng nước, Dòng sông sự Sống, đang kéo con đi. Tại sao con cần chèo và vật lộn mãi? Tại con con cần dính mắc vào những gì xảy ra trên bờ sông? Có thể có một con gấu đang đứng trên bờ gầm gừ với con, có thể có người đang la hét con. Con biết là nếu con ngồi đó không dính mắc, thì dòng nước sẽ mang con đến hạ lưu bất kể những gì xảy ra hai bên bờ sông. Con hãy chỉ hòa điệu với Dòng sông sự Sống, và để dòng nước kéo con đi tới. Tại sao con lại phải vật lộn với tâm vỏ ngoài, tâm đường thẳng, tâm trí năng? Tại sao con cần phóng chiếu hình tư tưởng lên mọi chuyện? Tại sao con cần diễn giải mọi chuyện? Tại sao mọi chuyện cần phải có một ý nghĩa tối hậu, một ý nghĩa hoàn vũ, một ý nghĩa tâm linh nào đó? Nhiều chuyện đang xảy ra trên trái đất không có ý nghĩa tâm linh.

Con hãy xem xét vì sao con người tin chiêm tinh. Có chuyện gì đó xảy ra cho họ, họ đi gặp một chiêm tinh gia, họ muốn biết cấu hình chiêm tinh nào trên bầu trời đã gây ra điều kiện mà họ đang gặp phải. Các điều kiện trên trời không biểu hiện tất cả mọi chuyện trên trái đất. Điều tạo ra mọi chuyện trên trái đất là sự điên rồ của con người và sự tương tác giữa con người, là điều mà đức Phật đã gọi là các nhân duyên liên khởi. Không có một nguyên do hoàn vũ cho rất nhiều hoàn cảnh mà con đối mặt trong đời. Con hãy giản dị vô hiệu hóa tâm phân tích lúc nào cũng muốn khám phá nguyên do, và con hãy chỉ để Dòng sông sự Sống đưa con quá điều kiện, dẫn con vượt quá điều kiện, và con không dính mắc. 

Khi con dính mắc thì con làm gì? Con nắm một cành cây trên bờ sông và con vật vã cố sức ghìm xuồng ở một vị trí. Dòng nước đang kéo xuồng về phía hạ lưu. Con cần càng lúc càng thêm nỗ lực kềm giữ cho tới khi con không chịu nổi hay cành cây bị gãy. Con hãy chỉ buông tay … buông tay … buông tay. Thày biết nói dễ hơn làm, nhưng cái gì đang kềm giữ vậy? Đó là con hay là một ngã tách biệt? Con hãy nhìn vào ngã, con có dụng cụ – con hãy buông bỏ đi. Con sẽ không bao giờ đạt được an bình trên trái đất bằng tâm đường thẳng, bằng những hình tư tưởng mà tâm đó phóng chiếu phải xảy ra hay không được xảy ra.

Vì sao con nghĩ Giê-su lại để cho mình bị đóng đinh trên thập tự? Giê-su là một người đã đạt được một tầng tâm thức Ki-tô rất cao. Tại sao Giê-su lại cho phép mình bị đóng đinh? Con có nghĩ Giê-su muốn bị đóng đinh chăng? Không đâu, nhưng Giê-su thấy là các nhân duyên liên khởi của hoàn cảnh đó đang tuôn chảy và Giê-su cho phép chúng xảy ra. Giê-su buông bỏ ý niệm chuyện gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Khai ngộ cuối cùng của Giê-su là gì? Giê-su bị treo trên thập tự và nghĩ rằng Thượng đế sẽ gửi thiên thần tới cứu, nhưng sau đó thày nhận ra là chuyện đó sẽ không xảy ra và thày buông bỏ ý muốn đó, buông bỏ hồn ma cuối cùng đó, hình tư tưởng cuối cùng về điều phải xảy ra và không được xảy ra trên trái đất.   

Nhiều người trong các con là avatar. Các thày đã trao truyền nhiều giáo lý về chấn thương nhập đời hoàn vũ và ngã gốc. Nhiều người trong các con tới địa cầu với một hình tư tưởng về lý do con xuống đây, con tới đây để làm gì, con tới đây để hoàn thành việc gì, thay đổi tích cực mà con nghĩ con có thể đem tới hành tinh này. Con tới đây, con chạm mặt với chấn thương nhập đời, nhưng con phản ứng ra sao? Con đã phản ứng bằng cách tạo hình tư tưởng dựa trên tâm đường thẳng. Con lấy hoàn cảnh đã xảy ra cho con, chấn thương nhập đời đó, bất kể nó là gì, và con phân tích, con tìm nguyên do. Tại sao chuyện này lại xảy ra, tại sao những người đó đã làm vậy với tôi, tôi đã làm gì để xứng đáng bị hoàn cảnh đó? Con tạo ra hình tư tưởng và con tạo ra hình tư tưởng về những gì phải và không được xảy ra trên trái đất, và về những gì phải và không được xảy ra cho con trong phần thời gian còn lại của con trên trái đất.   

23.12. “Tôi không bao giờ có thể an bình trên trái đất”

Đằng sau tất cả các hình tư tưởng đó thì con làm gì? Hầu hết các avatar đã làm gì sau khi đến trái đất? Họ đã lấy một quyết định. Con đã lấy quyết định và quyết định này đã tạo ra một ngã tách biệt, và quyết định này là: “Tôi không bao giờ có thể an bình trên trái đất”. Con hãy nghĩ về câu này: “Tôi không bao giờ có thể an bình trên trái đất”. Khi con còn ngã đó, thì con không bao giờ có thể an bình trên trái đất, phải không con? Bởi vì con không thực sự muốn được an bình. Con đã quyết định là hành tinh này rất xấu xa và không ai có thể an bình ở đây. Con nhìn vào đức Phật và những câu chuyện kể là đức Phật an bình, thày đã đạt được an bình và con không thực sự muốn công nhận điều này, bởi vì nếu con công nhận là đức Phật có thể đạt được trạng thái an bình, thì tại sao con lại không đạt được trạng thái an bình? Con thấy chăng, con không thể đạt được trạng thái an bình nếu con không làm điều mà đức Phật đã làm: nhìn vào ngã mà thày đã tạo ra khi bị chấn thương nhập đời khiến thày quyết định “Tôi không thể an bình trên trái đất”. Tất cả các avatar đều đã làm như vậy.

Con yêu dấu, nếu con thực sự muốn an bình, nếu con thực sự muốn kết nối với Tia thứ Sáu của An Bình, thì con hãy nhìn vào ngã đó. Có quả thực là con không thể an bình trên một hành tinh như trái đất chăng? Thày đồng ý với con là khó có thể an bình trên một hành tinh như trái đất vì những điều kiện ở đây quá khác những gì con đã quen thuộc trên một hành tinh tự nhiên. Có thực sự khó an bình hơn trên trái đất chăng? Hay chỉ vì tâm cảm thấy khó hơn?

23.13. Không dính mắc vào mọi điều kiện bên ngoài

Vì sao con an bình trên hành tinh tự nhiên? Bởi vì trên hành tinh tự nhiên con không có những hình tư tưởng về những gì phải hay không được xảy ra cho con – con tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống. Đúng thật là trên một hành tinh tự nhiên con không tìm thấy những điều kiện như trên trái đất, tỷ dụ như sa nhân sẵn sàng giết hay tra tấn con. Tuy nhiên, tại sao con an bình trên hành tinh tự nhiên? Bởi vì con không dính mắc. Điều mà đức Phật đã chứng minh là con cũng có thể không dính mắc trên trái đất, vì sự không dính mắc đến từ một trạng thái tâm, không phải từ điều kiện bên ngoài. Không dính mắc có nghĩa là không dính mắc vào điều kiện bên ngoài, bất kể các điều kiện này là gì.  Con có thể an bình trên trái đất nếu con không dính mắc các điều kiện bên ngoài trên trái đất. Các thày đã trao cho các con dụng cụ để đạt được trạng thái này bằng cách xem xét các ngã đang dính mắc, luôn luôn phóng chiếu: điều này phải xảy ra, điều kia không được xảy ra.

Con có thể giữ chặt trong tâm hình ảnh này chăng? Con đang ngồi trong chiếc xuồng, hay phải chăng đó chính là con thuyền Bát nhã? Con nhìn hai bên bờ sông, nhưng nếu con chỉ thư giãn thì con biết là dòng sông sẽ dẫn con đi qua bất cứ gì xảy ra hai bên bờ. Vậy tại sao dính mắc, tại sao kềm giữ? Con hãy chỉ nhìn mọi chuyện mà không có hình tư tưởng chuyện gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Con hãy chỉ nhìn một cách trung hòa. Con hãy nhìn sự việc như chuyện gì đang xảy ra, đang trải bày trên trái đất, vì một số người cần một trải nghiệm nào đó. Con không cần trải nghiệm mà các người kia đang cần. Do đó, con không cần dính mắc vào những gì họ đang làm. Con hãy để họ làm chuyện của họ, nhưng không dính mắc vào chuyện đó. Con đừng tham dự vào tấm bi kịch của họ và trở nên một phần của bi kịch, dù họ đang tìm cách kéo con nhập cuộc bằng cách ảnh hưởng con.

Con hãy chỉ giản dị buông bỏ. Con hãy buông bỏ ý tưởng họ phải làm gì hay không được làm gì. Con hãy chỉ chú tâm vào việc không kháng cự dòng chảy đang mang con về hạ nguồn Dòng sông sự Sống. Con có thể nhìn bất cứ điểm nào hai bên bờ và cảm thấy chiếc thuyền đang di chuyển và con nói: “Chuyện này rồi cũng sẽ qua đi.” Thày biết là làm vậy có khi không giúp con khuây khỏa, vì có vẻ như con sẽ phải trải nghiệm một điều kiện cho tới cuối đời, nhưng không phải là chỉ khi con qua đời thì điều kiện kia mới sẽ qua đi. Nó có thể qua đi bất cứ lúc nào, nếu con có thể buông bỏ dính mắc trong tâm đang khiến con đau khổ vì điều kiện đó. Một lần nữa, một số người cảm thấy những lời này nghe khó khăn quá, nhưng đó vẫn là sự thực. Đau khổ là một điều kiện của tâm. Liều thuốc tối hậu chữa đau khổ là an bình nội tâm. Đau khổ do dính mắc tạo ra. An bình chỉ có thể đạt được bằng không dính mắc. 

23.14. Dụng cụ đặc biệt mà Nada trao truyền

Một dụng cụ cuối mà thày muốn trao cho con như sau. Con đã có khái niệm: “Từng mỗi tế bào là một âm thoa, với chuông của Mẹ nó đang giao hòa.” Thày, Nada, có một âm điệu đặc biệt, một âm điệu an bình, một âm thanh an bình, một rung động an bình. Nó không là âm thanh vật lý. Mỗi người trong các con sẽ tiếp thu nó một cách hơi khác. Thày trao cho con đặc miễn là nếu con hòa điệu với âm điệu đó, âm thanh đó, âm thanh an bình đó, thì thày sẽ củng cố sự hình dung của con. Âm thanh an bình là một rung động và các con đều đã thấy hình ảnh một số âm thanh có thể làm cho nước rung động hay tạo mô thức trên mặt cát. Mọi chuyện đều là năng lượng, mọi chuyện đều là mô thức. Biển Luân hồi chỉ là năng lượng hỗn loạn. Con có thể sử dụng âm thanh an bình trong tâm con hay ngay cả trong một số hoàn cảnh bên ngoài, nhưng mục đích chính yếu của nó là dùng trong tâm.

Một lần nữa, con đi vào một căn phòng yên tĩnh, ngồi tư thế thoải mái, khép mắt và hòa điệu với Hiện diện của thày, với âm thanh an bình, và con hình dung là âm thanh này bắt đầu rung động trong tâm con, bắt đầu nơi thể tình cảm của con. Âm thanh rung động và tạo nên một mô thức đều đặn trong những xúc cảm hỗn loạn. Những xúc cảm rối loạn dần dần rung động theo mô thức đều đặn đó cho tới khi chỉ còn mô thức đều đặn. Sau đó mô thức lắng đọng xuống và nay thể cảm xúc của con như mặt đại dương yên lắng, mặt nước hoàn toàn yên lặng, bằng phẳng.

Sau đó, con lên thể tư tưởng và một lần nữa, âm thanh an bình bắt đầu ảnh hưởng tư tưởng của con. Những ý tưởng hỗn loạn luôn luôn bị tâm vượn kéo đi khắp hướng mang vào mô thức đều đặn của âm thanh an bình. Sau đó, khi mọi chuyện đã vào mô thức đều đặn, thì các làn sóng dịu xuống và giờ đây thể tư tưởng của con như mặt đại dương yên tĩnh. Sau đó con đi lên thể bản sắc và cùng chuyện lại xảy ra. Năng lượng hỗn loạn nơi đó trở nên một làn sóng rung động đều đặn và sau đó sự đều đặn lắng xuống và thể bản sắc giống như mặt đại dương yên tĩnh.

Sau đó, con từ thể bản sắc đi xuống thể vật lý, và con hình dung là thân thể vật lý của con bắt đầu rung động đồng điệu. Tất cả mọi tế vào, các phần thân thể có vấn đề, bắt đầu rung động đồng điệu với mô thức đều đặn. Chúng trở nên hoàn toàn đồng điệu với rung động đều đặn của âm thanh an bình. Sau đó, làn sóng bắt đầu lắng xuống và nay ngay thân thể của con cũng như mặt đại dương yên tĩnh. Con có thể ngồi bao lâu cũng được trong sự yên tĩnh của đại dương này.

Con có thể lặp lại bài tập này nếu con thấy có gì xao động, và con có thể thiền quán về điều này. Ban đầu thì con không nên thiền lâu quá, nhưng dần dần thì con có thể duy trì trạng thái thiền này lâu hơn. Dần dần con cũng có thể cảm nhận Hiện diện của thày bao bọc con khi con thiền quán. Đây là món quà mà thày trao cho con để giúp các con nào cảm thấy gần gũi Tía thứ Sáu hòa điệu với Hiện diện của thày.

Tới đây thì thày niêm con trong niềm vui của sự An bình của thày, vì thày đã có niềm vui lớn chia xẻ với các con Hiện diện của thày trong khoảng thời gian này.

Kết nối với Phật Gautama và trải nghiệm sự trống không là một khái niệm rỗng tuếch

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6//2023, nhân Hội nghị 2023 ở Seoul, Hàn quốc – Nối kết với cái Ta Cao và vị thày tâm linh.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Và như truyền thống trong thời gian qua, thật là một đặc ân và niềm vui cho thày được trao truyền bài truyền đọc sẽ niêm hội nghị này, một hội nghị đã đánh dấu một chiến thắng to lớn từ nhãn quan của các thày là chân sư thăng thiên, vì nó đã tạo được một xung lực đi vào tâm thức tập thể sẽ khởi động những thay đổi sâu xa và giúp cho nhiều người kết nối chặt chẽ hơn với các chân sư thăng thiên cùng cái Ta Cao của họ. Tất nhiên, các thày cũng thấy được là nhiều người trong các con đã sẵn lòng tham gia, sẵn lòng xem xét bản thân mình, dùng các lời dạy để vươn lên cao hơn. Các thày hy vọng là các con đã cảm thấy đáng công sức cùng thời giờ bỏ ra, và các con cũng cảm thấy mãn nguyện như các thày.

Thày muốn nhân cơ hội này trao cho con một số lời dạy về một khái niệm có vẻ không liên quan đến đề tài của hội nghị này là làm thế nào nối kết với cái Ta Cao cùng các vị thày tâm linh của con, nhưng để xem, chúng ta sẽ thấy nó có liên quan hay không. Có một khái niệm đã được biết đến từ thời của Phật, là Śūnyatā hay sự trống không (emptiness). Từ này thực sự có nghĩa là gì? Một lần nữa, các nhà trí thức của đạo Phật hay truyền thống Phật giáo đã nhìn vào từ này, đã nghĩ ra nhiều cách diễn giải khác nhau và không đồng ý được với nhau cách diễn giải đúng đắn là gì. Và ở đây, thày không đang cố cho con cách diễn giải “đúng đắn” vì không có một cách diễn giài đúng đắn duy nhất nào. Luôn luôn sẽ có nhiều trình độ tâm thức khác nhau và vì vậy có nhiều cách hiểu khác nhau về bất kỳ giáo lý tâm linh nào.

Trải nghiệm thực tại đằng sau lời dạy

Nhưng thày sẽ nói là có một sự khác biệt cơ bản giữa việc diễn giải một giáo lý tâm linh và việc trải nghiệm thực tại sâu xa hơn đằng sau một giáo lý được diễn tả bằng lời nói. Và điều con thấy trong mọi truyền thống tâm linh được thế giới biết đến là khi truyền thống này phát triển và thu hút ngày càng nhiều người theo, thì sẽ nẩy sinh một lớp người tự xưng mình là những người diễn giải giáo lý. Xong có một nhóm người ít ỏi hơn cố gắng trải nghiệm thực tại sâu xa hơn đằng sau ngôn từ. Và sau đó có số đông quần chúng đi theo giáo lý, và họ cũng đi theo cách diễn giải do lớp tu sĩ kia đưa ra vì họ hy vọng nó sẽ đem lại cho họ một cuộc đời tốt đẹp hơn trong thế giới hiện tại hay thế giới kế tiếp. Con có thể nhìn thấy mô hình này ở khắp mọi nơi. Con có thể thấy nó suốt chiều dài lịch sử, con có thể thấy nó ngày nay cả với các lời dạy tâm linh hiện đại, và thậm chí trong giáo lý của chân sư thăng thiên cũng có xu hướng này. Nếu con thực sự mong muốn sử dụng một giáo lý tâm linh, hiển nhiên con cần vượt ra khỏi việc diễn giải các ngôn từ và tìm kiếm không chỉ cái hiểu, không chỉ đơn giản cái nắm bắt, mà con cần trải nghiệm thực tại sâu xa hơn đằng sau ngôn từ.

Chúng ta có thể so sánh với một rạp chiếu phim. Hầu hết mọi người ngồi đó nhìn vào màn hình chiếu phim. Họ chỉ đang trải nghiệm bộ phim trên màn hình. Xong có những người cố tìm hiểu xem bộ phim đến từ đâu, và có thể họ sẽ lên tận phòng chiếu, nhìn tận mắt dải phim trong máy chiếu. Nhưng hình ảnh trên dải phim có thật là thực tại sâu xa đằng sau bộ phim? Hay thực tại sâu xa hơn là ánh sáng trắng tinh trong máy chiếu? Hay thực tại sâu xa hơn nữa là dụng ý của nhà đạo diễn bộ phim, hay của nhà biên kịch, hay của các diễn viên?

Dùng giáo lý để thăng vượt mức tâm thức hiện tại

Một lời dạy tâm linh chân truyền đến từ cõi tâm linh hay cõi thăng thiên. Nó đến từ tâm của một sinh thể tâm linh, và nếu con muốn tận dụng lời dạy, con cần sử dụng lời dạy vỏ ngoài như một công cụ mà thôi, một công cụ để bắt liên lạc với sinh thể tâm linh mà lời dạy đã xuất phát từ tâm vị đó. Đây là cách cao nhất để sử dụng một lời dạy tâm linh. Khi con nắm bắt được điều này, con nhận ra là nếu con chỉ đọc chữ rồi cố gắng hiểu hay diễn giải chữ nghĩa bằng tâm thuần trí năng, thì đây không phải là cách dùng cao nhất. Thậm chí còn có thể nói là con đã không dùng giáo lý chút nào, bởi vì đâu là mục đích của một giáo lý tâm linh chứ? Là giúp con thăng vượt mức tâm thức hiện tại của con. Và khi con cứ tìm cách hiểu và diễn giải với mức tâm thức hiện tại thì con sẽ giữ con kẹt lại ở tầng mức này.

Con có thể dùng giáo lý tâm linh để khiến con tưởng là bởi vì con đã có một cách diễn giải trí thức, cao cấp và tinh xảo như thế này, thì con đã đạt được một tầng tâm thức cao hơn. Nhưng con không đạt được một tầng tâm thức cao hơn qua sự diễn giải và hiểu biết thuần trí năng. Con chỉ đạt được bằng cách dời chuyển tâm thức của con. Đây là điều mà tâm đường thẳng không thể nắm bắt. Vì tâm đường thẳng chỉ có thể định ra một chuỗi sự kiện dẫn từ điểm này đến điểm kế tiếp, chứ nó không thể tưởng tượng, không thể thấu suốt được là có một tầng thực tại hoàn toàn khác mà con không thể đặt lên một loại thang điểm đường thẳng như vậy.

Trung đạo

Đó cũng là tại sao nhiều người đã không hiểu được khái niệm Trung đạo. Họ không nắm bắt được ý nghĩa của Trung đạo và những cặp đối cực, mà ngày nay chúng ta gọi là tâm thức nhị nguyên luôn có hai cực đoan. Bên này có đối cực này, bên kia có đối cực ngược lại, và có những người cho rằng Trung đạo nằm đâu đó ở giữa.

Nhiều người đã trí thức hóa các lời dạy được ban truyền qua thày cách đây 2500 năm, và họ cứ nghĩ là việc bước chân trên đường tu, con đường Trung đạo, có nghĩa là tìm được thế quân bằng. Và họ đã cố tìm một thế quân bằng nào đó giữa hai thế đối cực do họ quy định, cho dù quy định này có là gì. Nhưng Trung đạo không phải là chuyện tìm thế quân bằng trên một thang điểm đường thẳng giữa hai đối cực, mà Trung đạo là sự thăng vượt chính thang điểm nhị nguyên đó, thăng vượt cả hai đối cực nhị nguyên, và điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là thăng vượt tâm đường thẳng.

Khái niệm trống không

Trở về với khái niệm trống không. Tâm đường thẳng sẽ lập tức đặt câu hỏi, trống không cái gì? Trống không so sánh với cái gì? Phải có cái gì để có thể so sánh chứ. Điều này cũng phần nào chính đáng, theo nghĩa là một giáo lý tâm linh luôn luôn được trao truyền trong một bối cảnh. Khi thày xuất hiện trong hiện thân vật lý 2500 năm trước đây, thày đã xuất hiện trong một xã hội đặc thù, một nền văn hóa đặc thù là văn hóa Bà la môn Ấn giáo.

Những người Bà la môn đạo Ấn đã đưa ra đủ loại cách diễn giải, đủ loại môn phái, đủ loại tư tưởng khác nhau, cho nên họ đã có đủ loại khái niệm. Giáo lý mà thày đưa ra cách đây 2500 năm được thích ứng với nền văn hóa này – một phần nó dùng lại một số khái niệm, nhưng nó cũng thách thức một số khái niệm khác đã trở nên phổ thông trong truyền thống Ấn giáo. Con không thể thực sự hiểu được khái niệm trống không nếu con không nhìn vào bối cảnh nơi nó được đưa ra. Và khái niệm vô cùng nổi trội trong đạo Ấn là khái niệm về Atman, hay Ngã, là Ngã tối thượng. Và đã có nguyên một nền văn hóa được xây dựng chung quanh khái niệm này mà ít người thời nay hiểu được thật sự.

Để cho con một tóm lược ngắn gọn về cách họ nhìn Atman, có thể nói đó là ý tưởng cho rằng ở cõi trên cao chỉ có một Ngã độc nhất này, Atman, và đó là một Ngã vĩnh hằng bất biến. Nó không bao giờ có thể thay đổi. Có nghĩa là cho dù con có nghĩ ra bất kỳ khái niệm nào – không nhất thiết từ tầng cấp con người mà cả bất cứ những gì có thể xuất phát từ cõi tâm linh – thì trong Atman đó, trong Ngã đó, có một sự quy định mà chúng ta có thể gọi là một hình ảnh, một khuôn đúc (matrix). Thậm chí điều này có thể so sánh với khái niệm của Plato về các hình thể lý tưởng (ideal forms) ở cõi cao.

Nói cách khác, khái niệm này cho rằng ở cõi cao có một khuôn đúc toàn hảo đã được quy định cho tất cả mọi thứ có thể thị hiện trong thế gian cùng mọi sự có thể xảy ra trong thế giới. Và điều này làm nẩy sinh ý tưởng là từ Atman duy nhất đó, mọi Ngã khác đều được quy định, và mỗi Ngã này thì quy định một biểu hiện đặc trưng. Cho nên đối với trái đất, có một cái Ngã ở cõi cao sẽ quy định khuôn đúc toàn hảo bất biến cho trái đất. Cho mỗi con người, có một cái Ngã ở cõi cao quy định linh hồn này là như thế nào, và mặc dù mọi chuyện trên trái đất có thể trải bày ra để trái đất lẫn con người có thể xa rời Ngã vĩnh hằng đó, nhưng kết cuộc thì mọi thứ cũng sẽ đều quay trở về Ngã đó. Và đây chính là khái niệm mà thày đã bác bỏ.

Khi thày nói đến sự trống không, thày nói là nó trống rỗng theo nghĩa nó không có ngã, nghĩa là nó không được định trước bởi một cái Ngã nào đó ở một một cõi cao mà nó phải quay trở về. Thày Lanto cũng đã trao cho con một bài giảng vô cùng sâu sắc về đề tài này, nhưng thày muốn trình bày thêm vì nhiều người theo đạo Phật ngày nay đã sử dụng tư duy hiện đại – một tư duy đã trở nên đường thẳng hơn nhiều – để diễn giải khái niệm trống không, hay khái niệm vô ngã, theo nghĩa là không những nó không có ngã mà nó còn không có gì hết. Ở đó không có gì hết. Một lần nữa, đây là một điều mà tâm đường thẳng rất ưa làm.

Ngã cố định hay ngã không ngừng thay đổi, không ngừng tự thăng vượt?

Tâm đường thẳng nhìn vào thế gian này thấy mọi thứ đều mang hình tướng, rồi nó nghe nói về khái niệm trống không, xong nó nghe nói là chính đức Phật đã dạy khái niệm này, mà Phật thì là một sinh thể cao cả đã giác ngộ, nhất định các khái niệm mà Phật dạy phải được nể trọng. Thế là tâm đường thẳng nói: “Bây giờ tôi muốn hiểu khái niệm này một cách tối hậu. Thế gian này có hình tướng, vậy trống không phải có nghĩa là vô hình tướng, không có gì ở đó cả.” Và một số người đã diễn giải theo nghĩa là chỉ có Brahman mà thôi, chỉ có sự nhận biết vô biên như một số người thời nay gọi như vậy, và đây là sự trống không. Cho nên, hoặc là có hình tướng như trong thế gian, hoặc là có sự trống không, và họ nghĩ hình tướng đi ra từ trống không, hay nói cách khác, có cái gì đó đi ra từ cái không-có-gì. Nhưng tất nhiên, chuyện không phải là như vậy.

Thày đã không nói trống không nghĩa là không có gì ở đó. Điều thày nói là không có một cái Ngã trường cửu cố định nào ở đó. Thày nói là thế giới không sinh ra từ trống không, và mục đích của thế giới không phải là quay trở về trống không sau một chu kỳ đầu thai dài đằng đẵng. Điều thày đã nói – và điều thày đã có ý nói – là không có một cái ngã cố định nào, nhưng có một cái ngã không ngừng thay đổi, không ngừng tự thăng vượt. Và cái ngã luôn luôn thay đổi này không có mục đích quay trở về cái không-có-gì sau một chu kỳ đầu thai và đau khổ gần như bất tận. Mục đích của nó là thăng lên một tầng cấp cao hơn nơi nó có thể tiếp tục vươn lên cao hơn nữa.

Chúng ta có thể hiểu được gì về cõi tâm linh?

Đó không phải là điều thày đã dạy cách đây 2500 năm vì thày đã quyết định trao truyền một giáo lý tập trung vào các khía cạnh thực tiễn chứ không vào các khía cạnh vũ trụ học, cho nên chủ đích của thày là nâng cao cho tâm thức con người vượt khỏi tâm đường thẳng, vì thày thấy rõ qua những người Bà la môn là tâm đường thẳng sẽ không bao giờ cho con được cái hiểu tối hậu về các khái niệm vũ trụ học. Làm thế nào cuối cùng con sẽ hiểu được cõi tâm linh vận hành ra sao? À, tất nhiên, bằng cách thăng thiên lên cõi tâm linh, vì lúc đó con sẽ kinh nghiệm được cõi tâm linh, con sẽ có thể theo đuổi việc tìm hiểu mọi khiá cạnh, mọi cõi giới của thế giới tâm linh, con có thể đi đây đi đó, đi lên càng ngày càng cao hơn và thám hiểm mọi thứ có thể được thám hiểm.

Con cũng có thể nói: “Nhưng ích lợi gì mà cố hiểu những chuyện đó khi con còn đang đầu thai?” Và đây chính là điều thày đã suy luận 2500 năm về trước khi tâm thức tập thể còn khá thấp. Nhưng thật ra ngày nay có chút ích lợi, vì nhiều người có thể lợi lạc nếu họ nắm được một vài khía cạnh của cõi tâm linh cùng cách vận hành của cõi tâm linh. Chắng chắn con sẽ lợi lạc khi con nắm bắt là ở cõi đó có những sinh thể tâm linh – các chân sư thăng thiên là thày tâm linh của con. Nhưng con cũng lợi lạc khi con nắm bắt là có hành tinh tự nhiên, và nhiều người tâm linh đã từ các hành tinh tự nhiên đó đến hành tinh phi tự nhiên này là trái đất.

Cho nên ngày nay có nhiều ích lợi hơn, nhiều giá trị hơn trong việc tìm hiểu cõi tâm linh, và đây là lý do các thày đang truyền giảng vào ngày hôm nay. Và tất nhiên, con sẽ thấy là ngày nay người ta cũng có cùng xu hướng y như 2500 năm về trước, khi có rất, rất nhiều người tìm cầu hiểu biết cao hơn nhưng lại dùng các loại giáo lý được diễn tả bằng ngôn từ để đạt được hiểu biết đó, xong họ phóng chiếu ra, họ diễn giải ra. Và tất nhiên, thời nay cũng có nhiều giáo lý được “truyền kênh” (channeled), thường thường từ cõi lý trí, cho nên chúng thường hấp dẫn đối với tâm đường thẳng, tâm phân tích, tâm thuần trí năng.

Có những giáo lý tự xưng là vô cùng cao cấp, cao hơn cả giáo lý của chân sư thăng thiên, và có những người tin rằng sách này hay sách nọ là lời dạy tâm linh tối thượng – và chuyện này, tất nhiên, hoàn toàn phải lẽ thôi. Con người cần đến một số trải nghiệm trước khi họ có thể nâng cao khả năng phân biện của mình để thấy được sự khác biệt về rung động giữa một lời dạy đến từ cõi lý trí và một lời dạy đến từ cõi thăng thiên. Đây không phải là một điều tâm đường thẳng thấu suốt được. Nó chỉ biết nhìn vào chữ nghĩa, diễn giải chữ nghĩa, rồi suy ra một diễn giải nào đó để bảo rằng lời dạy này cao siêu hơn lời dạy kia.

Sự trống không của nhận biết thuần khiết

Trở về với “trống không”, đâu là giá trị thực sự của khái niệm này? À, trước tiên hết, khía cạnh alpha là không hề có một ngã trường cửu cố định bất biến nào. Con là một cái ngã, một cái ta. Trong giáo lý ngày nay, các thày đã gọi đó là cái Ta Biết, tức là sự nhận biết thuần khiết. Nhưng một từ khác cho nhận biết thuần khiết có thể là sự trống không. Không có ý niệm bản sắc, không có những ý tưởng, không có những cảm xúc ngụ trong hay được sản xuất bởi các thể – hay các tâm – bản sắc, lý trí, cảm xúc. Con có thể nói là đối với hầu hết mọi người, sự chú ý của họ tập trung vào cảm xúc, ý tưởng hay ý niệm bản sắc của họ. Họ tập trung vào nội dung của tâm thức – nếu có thể nói như vậy – cho nên sẽ có thể ích lợi nếu họ thiền quán về mặt kia của đồng tiền, về khía cạnh alpha của tâm thức, tức là thay vì tập trung vào nội dung của tâm thức thì họ tập trung vào chính tâm thức. Và tâm thức thì trống không, hay có thể trống rỗng mọi nội dung. Và khi cái Ta Biết tự trải nghiệm chính nó như sự nhận biết thuần khiết, đây là một trạng thái trống không. Chỉ có nhận biết mà không có nội dung nào trong bình chứa của tâm thức.

Những tầng hiểu khác nhau về trống không

Tất nhiên con có thể đem nó lên một tầng cao hơn và thấy rằng khi con bước chân trên đường tu, vươn cao hơn tầng 48 và đến gần với tầng 96, thì con đang khắc phục các ngã tiềm thức, trong số này có nhiều ngã dựa trên tâm thức nhị nguyên. Con có thể nói là ở các tầng tâm thức thấp nhất được phép hiện diện trên trái đất, con người bị bao trùm, bị mù quáng, bị đồng hóa với tâm vị kỷ, tâm tách biệt. Khi con vươn đến tầng 96 và vượt ra khỏi bốn thể phàm của con, bình chứa phàm ngã của con trở nên trống rỗng cái tâm vị kỷ đó. Cho nên đây là một hình thức khác của trống không, một tầng cấp khác của trống không, nhưng tất nhiên không có nghĩa là trong tâm con không có gì.

Con vẫn có một ý niệm bản sắc, vẫn có ý tưởng và cảm xúc. Con vẫn hành động, con hồi đáp lại thế giới, con tương tác với thế giới, con tương tác với Hiện diện TA LÀ của con, với các chân sư thăng thiên. Con không trống rỗng mọi thứ, mà con trống rỗng một số thứ nẩy sinh từ một tầng tâm thức nào đó.

Con thấy là trống không có thể hiểu ở những cấp độ khác nhau. Không chỉ có một cách hiểu, một cách nắm bắt duy nhất. Nhưng tất nhiên con có thể đưa khái niệm này xa hơn nữa vì con có thể nói là khi con thăng thiên, nhìn từ nhãn quan cái Ta Biết, có vẻ như con bước vào hình thức tối thượng của trống không. Bởi vì giờ đây cái Ta Biết hoàn toàn nhập một với Hiện diện TA LÀ, nó trở thành chính Hiện diện TA LÀ, và không còn ngôn từ nào có thể mô tả tiến trình này trọn vẹn. Nhưng dẫu sao, con có thể nói là cái Ta Biết bây giờ đã trở nên trống rỗng cái ý niệm bản ngã mà nó đã mang từ khi nó được Hiện diện TA LÀ gửi vào hiện thân. Nhưng tất nhiên, điều này vẫn không có nghĩa là không có gì, mà giờ đây có sự nhận biết viên mãn của Hiện diện TA LÀ. Như các chân sư khác có giải thích, con có khả năng lại gần một điểm trong quả vị Ki-tô nơi con ngày càng trở thành một, càng hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Nhưng cái Ta Biết không thể hoàn toàn hợp nhất với Hiện diện TA LÀ cho đến khi con thăng thiên.

Khái niệm trống rỗng (void) và vô ngã

Để nắm bắt trọn vẹn sự trống không, con cũng cần nắm bắt là khái niệm này có thể bị tha hóa, lạm dụng như thế nào. Và đây là điều đã xảy ra trong một số hình thức xưa hơn của đạo Phật cũng như trong các giáo lý tâm linh hiện đại, thậm chí cả một số truyền thống khác như Advaita Vedanta cùng một số đạo sư hiện đại. Họ nắm lấy khái niệm trống không đó phối hợp với lời dạy của ta rằng nó không có Ngã, rồi họ đã diễn giải theo nghĩa rằng trạng thái phát triển tâm linh tối hậu là trạng thái “vô ngã”, là sự trống không tối hậu. Nhưng tất nhiên đây là một cách diễn giải sai lạc.

Như Lanto vừa giải thích, quả thực một sinh thể đang đầu thai trên địa cầu có thể trải nghiệm một trạng thái có vẻ trống rỗng mọi hình tướng, trống rỗng mọi biểu hiện, trống rỗng mọi ý niệm bản ngã. Nhưng đó không phải là vì có một trạng thái trống không tối hậu nào đó được quy định bởi một sinh thể cao hơn hay bởi Thượng đế. Các thày đã có dạy rằng ở thuở ban đầu có Đấng Sáng tạo, và Đấng Sáng tạo quyết định sáng tạo. Trước hết ngài vẽ một lằn ranh chung quanh chính ngài trong cõi Tất Cả. Ngài rút mọi thứ bên trong lằn ranh đó và tạo ra trống rỗng (void).

Tất nhiên, trống rỗng này có thể được quan niệm như là trạng thái trống không tối hậu. Nhưng con là người đồng sáng tạo, con không thể trải nghiệm sự trống rỗng. Có thể nói là ngay cả Đấng Sáng tạo cũng không trải nghiệm sự trống rỗng. Tại sao? Trải nghiệm là gì chứ? Trải nghiệm là một cái gì có hình tướng. Nếu không có hình tướng thì làm sao có trải nghiệm? Trong trống rỗng không có hình tướng. Vậy làm sao con trải nghiệm được trống rỗng? Khi người ta trải nghiệm điều mà họ tuyên bố là thực tại cao nhất, là nhận biết thuần khiết, là trạng thái nhận biết tối hậu, thì cái đó là gì chứ? Họ đã trải nghiệm gì chứ? Họ đã không trải nghiệm một sự trống rỗng. Họ trải nghiệm một trạng thái đã được các sinh thể trong tâm thức nhị nguyên tạo ra.

Như Lanto giải thích, sa nhân đã chụp lấy một cách tiếp cận là việc tìm cách tâng ngã tách biệt lên một địa vị tối thượng, và một cách tiếp cận khác là việc phủ nhận sự hiện hữu của bất kỳ ngã nào. Và như vậy chúng đã tạo ra trong tâm thức tập thể một con quái vật, một khuôn đúc, một cái ngã có vẻ như trống rỗng. Nhưng như Lanto có giảng, nếu con bảo: “Tôi không có ngã,” hay “tôi đã trải nghiệm vô ngã,” hay “tôi đã trải nghiệm sự trống không”, thì ở đó vẫn có một cái “tôi”, cho nên không có trạng thái vô ngã.

Vậy thì “vô ngã” là gì? Đó là sự phóng chiếu của một hình ảnh. Cũng giống như vậy, đã có một sự phóng chiếu của một hình ảnh về cái không-có-gì, về sự trống không, và mặc dù một số người tuyên bố là mình đã trải nghiệm trống không, nhưng họ đã trải nghiệm hình ảnh của trống không. Nhưng cái này không phải là trống không, bởi vì nó chứa đầy hình ảnh, và hình ảnh thì có một hình tướng mà một sinh thể trên trái đất có thể trải nghiệm. Cho nên đó không phải là trống không.

Khi người ta có một trải nghiệm – và thày không bác bỏ là họ có một trải nghiệm, thày chỉ bác bỏ đó là một trải nghiệm tối hậu của sự trống không – nhưng khi người ta có một trải nghiệm rồi trở về mức nhận biết bình thường của mình, và họ bắt đầu sử dụng ngôn từ để bày tỏ trải nghiệm này, thì họ chỉ đang xây đắp cho tâm ảnh đó, củng cố thêm và có lẽ diễn giải tâm ảnh đó, thế là giờ đây họ sử dụng nó để phóng chiếu ra là họ đã có một trải nghiệm tối hậu. Và điều này có nghĩa gì? À, nếu có ai đó tự cho mình là một vị thày tâm linh và giảng dạy về một trải nghiệm trống không hay “vô ngã” tối hậu, thì các môn đồ của vị đạo sư này sẽ làm gì? Họ sẽ phóng chiếu ra là nhất định vị ấy phải chứng được tâm thức tối thượng vì vị ấy đã có trải nghiệm tối hậu về trống không. Nhưng làm sao trống không có thể là trạng thái tâm thức tối thượng được? Làm sao trống không có thể là thực tại tối hậu được?

Trống không là một khái niệm rỗng tuếch

Tại sao con hiện hữu? Tại sao thế gian hiện hữu? Tại sao lại có một thế giới có khả năng cung cấp trải nghiệm cho con? Tại sao, như nhiều nhà khoa học hiện đại đang hỏi, lại có một cái gì đó thay vì không-có-gì? À, bởi vì luôn luôn đã có một cái gì. Chưa bao giờ mà không có gì hết. Nếu chưa bao giờ có gì thì bây giờ cũng sẽ không có gì, và nếu vậy thì cũng không có con đang ngồi đây mà đặt câu hỏi. Chính sự kiện con hiện hữu cho thấy là không có cái không-có-gì. Có một sự sinh tạo những sinh thể tự nhận biết, và luôn luôn đã có một sự sáng tạo nào đó. Có một mục đích, có một đường hướng trong sự sáng tạo đó, và đường hướng này là tăng triển đến những tầng tâm thức ngày càng cao hơn. Và con không tăng triển đến những tầng tâm thức ngày càng cao hơn qua cái không-có-gì. Cái không-có-gì không thể trở nên ngày càng cao hơn. Cái không-có-gì không thể là tối thượng. Thật ra không thể có gì tối thượng được, bởi vì luôn luôn có thể có những tầng tâm thức cao hơn.

Một lần nữa, tâm đường thẳng sẽ hốt hoảng khi nghe những ý tưởng này. Nhưng trong trực giác, con có thể nắm bắt mục đích của sự sống là sự tăng triển tâm thức. Và ở đây trên trái đất, con có khả năng tăng triển để trở thành một chân sư thăng thiên, tức là cao hơn rất nhiều những gì con người đang có trên trái đất. Nhưng một chân sư thăng thiên có thể tăng triển để đạt tới tâm thức của Đấng Sáng tạo, và Đấng Sáng tạo thì có thể tăng triển đến những tầm mức cao hơn nữa. Nhưng này con, khi con bàn đến các tầm mức vượt khỏi tâm thức Đấng Sáng tạo thì ngôn từ thật vô nghĩa. Con không thể thấu suốt được khi con chưa thăng thiên. Ngay cả khi con thăng thiên rồi, con cũng không thể thấu suốt mà con chỉ có thể hé thấy.

Cho nên sự trống không rỗng tuếch mọi ý nghĩa. Đó là một khái niệm vô nghĩa. Nó không có chỗ đứng trong một giáo lý tâm linh chân truyền. Những ai giảng dạy nó, tuyên bố nó là một trạng thái tối hậu nào đó, không phải là thày tâm linh đích thực. Họ không thẳng hàng với các chân sư thăng thiên. Đơn giản là họ đã gạt qua bên cõi thăng thiên, gạt qua bên cõi tâm linh, gạt qua bên tất cảc các sinh thể ở giữa con người trên địa cầu và Đấng Sáng tạo. Thậm chí họ gạt cả Đấng Sáng tạo qua bên nếu họ dạy rằng sự nhận biết vô biên, hay nhận biết thuần khiết, hay Brahman, là một loại khái niệm không có bất kỳ hình tướng nào. Và do đó họ không giảng dạy một giáo lý chính đáng.

Động lực tích cực đến từ ý muốn tự thăng vượt

Họ không giảng dạy một giáo lý có thể cho con một lẽ sống hay một mục đích, và đó là tại sao nhiều người như vậy không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, giống như nhiều tín đồ Ấn giáo vào thời của Phật cũng không tìm được ý nghĩa nào trong cuộc sống.

Bởi vì Ấn giáo giảng dạy về những chu kỳ vũ trụ gần như bất tận kéo dài hàng tỷ năm trời, cho nên tác động trên quần chúng vào thời đó cũng như thời nay cho họ cảm tưởng là họ đã đi ra từ cái không-có-gì, xong họ sống qua một số kiếp đầu thai gần như vô lượng nơi họ phải chịu khổ đau trong mỗi kiếp, để cuối cùng phần thưởng cho tất cả sự phấn đấu, tất cả công sức, tất cả khổ đau đó là họ quay trở về cái không-có-gì và biến mất – thật sự, một loại phần thưởng khiến người ta muốn cố gắng hết sức để đạt tới cái không-có-gì, không phải vậy sao?

Điều này cũng phần nào tương tự như nhiều người đạo Cơ đốc mang động lực chủ yếu muốn lên thiên đàng chỉ vì họ muốn tránh không rơi xuống địa ngục. Con thử nhìn xem có bao nhiêu người Cơ đốc giáo có tầm hiểu nào đó về thiên đàng, về những gì họ có thể làm ở thiên đàng, nhưng họ lại hiểu rõ địa ngục là gì cho nên đây là cái họ muốn né tránh. Chúng ta có thể gọi đó là một loại động lực tiêu cực. Và quan niệm về cái không-có-gì, quan niệm về một chu kỳ đầu thai bất tận sẽ dẫn con trở về cái không-có-gì, cùng lắm cũng chỉ là một động lực tiêu cực hay không là động lực gì hết.

Những gì các thày trao cho con ngày nay – các thày hy vọng như vậy – là một động lực khích lệ hơn, qua đó con được sinh tạo như một người đồng sáng tạo, con có tiềm năng thăng vượt ý niệm bản ngã của con, và con vươn đến những tầng cấp cao hơn và cao hơn nữa nơi con tìm được ý nghĩa sâu sắc hơn trong việc biểu đạt bản thân như một người đồng sáng tạo, không chỉ cùng với Đấng Sáng tạo mà cùng với tất cả mọi sinh thể đồng sáng tạo khác. Thậm chí chúng ta có thể nói là ngay cả trong số các sa nhân đã rơi vào nhị nguyên, thì một số dường như cũng có một động lực. Giấc mơ của chúng là hoàn thiện ngã tách biệt để chứng tỏ là Thượng đế sai lầm và chúng sẽ được phép bước vào cõi tâm linh và trở thành bất tử, hay được giao phó việc cai trị bầu cõi chưa thăng thiên này. Con có thể nói là chúng có động lực, nhưng không phải loại động lực mà con có khi con neo mình vào việc đồng sáng tạo và tự thăng vượt. Bởi vì việc xây đắp cho ngã tách biệt ngày càng tinh xảo hơn không phải là tự thăng vượt. Đây là điểm mà nhiều người không nắm bắt, tâm đường thẳng không nắm bắt, và chắc chắn sa nhân cũng không nắm bắt.

Có một cách để minh họa sự thể này là bảo rằng con có thể quyết định, một nhóm người có thể quyết định xây cất một toà nhà vô cùng tinh xảo, và giống như trong truyền thuyết Tháp Babel, họ quyết định là tòa nhà này sẽ vươn lên cao vút, cao đến tận trời. Họ vẽ đồ án, họ thu thập vật liệu và họ bắt đầu xây tháp, họ xây cao hơn, cao hơn và cao hơn nữa. Họ bỏ ra công sức khổng lồ cho cái tháp này, nhưng chuyện gì cuối cùng sẽ xảy ra? À, có một lực gọi là trọng lực, và sẽ đến một điểm khi bất kỳ cấu trúc nào trên trái đất sẽ đạt tới độ cao tối đa trước khi nó sụp đổ dưới sức nặng của chính nó. Cho dù con có xây nền móng vững chắc đến đâu bên dưới, nhưng khi con ngày càng chồng thêm sức nặng bên trên thì sẽ tới một điểm nền móng không thể chịu nổi trọng lượng ở trên được nữa, và tháp bắt đầu vỡ vụn. Thình lình toàn bộ cấu trúc bắt đầu rung chuyển, lắc lư bên này sang bên kia rồi tất cả đổ ập xuống.

Đây là điều sa nhân đang cố làm. Chúng cố dùng vũ lực để xông lên thiên đàng bằng cách xây dựng một tháp Babel từ vật liệu của ngã tách biệt. Tự thăng vượt là gì chứ? Là làm hoàn toàn khác. Để minh họa một cách thô thiển, con hãy mường tượng là con quyết định chế tạo một chiếc hỏa tiễn có khả năng đưa con lên thiên đàng thay vì xây một toà nhà cao đến chín tầng mây. Việc này, khoa học đã chứng minh là khả dĩ. Nhưng tất nhiên, một cách minh họa tinh tế hơn nữa là bảo rằng con sẽ thăng vượt toàn bộ tầng tâm thức nhị nguyên, là tầng tâm thức không những tùy thuộc vào trọng lực mà cả định luật thứ nhì của nhiệt động học. Con không cần sử dụng sức mạnh để đi lên thiên đàng, mà con tự giải thoát khỏi nhu cầu sử dụng sức mạnh, cho nên con vươn lên các tầng cao hơn một cách tự nhiên.

Bởi vì nói cho cùng, thiên đàng là gì? Thiên đàng có phải là một địa điểm vật lý ở cao trên mặt đất mấy kilomét như người ta vẫn nghĩ vào thời Trung cổ bên Âu châu? Hay là như các thày đã giảng, đó là một chiều kích khác, một tầng tâm thức khác? Cho nên thật ra cách duy nhất để lên thiên đàng là thăng vượt tầng tâm thức hiện thời của con, có nghĩa là thay vì tìm cách hoàn thiện cái ngã, con thăng vượt ngã. Và tại sao đây là cách duy nhất? Bởi vì có một cái Ta ở cõi tâm linh, và con đã đi ra từ cái Ta này, đã đi xuống thế giới vật chất bằng cách khoác vào một số ngã khiến con xa rời trạng thái nguyên thủy của con, đã đưa con xuống thấp hơn và khiến con tưởng mình là kém hơn những gì mình thực là. Bằng cách rũ bỏ những ngã này đã kéo con ra khỏi trạng thái thăng thiên, con sẽ trở về đó một cách tự nhiên. Bây giờ một số các con có thể phản bác với tâm đường thẳng: “Nhưng Gautama, chẳng phải là hồi nãy thày bảo là trên cõi cao không có Ngã hay sao?” Ủa, thày đã nói vậy sao?

Cái Ta không ngừng tự thăng vượt

Các nhà Bà la môn bảo là có một Đại ngã, một ngã trường cửu cố định ở cõi cao. Còn thày thì nói là không có Ngã cố định. Thày không nói là không có Ngã. Có một cái Ngã, và đó chính là cái Ta không ngừng tự thăng vượt chính nó, nói cho cùng là Đấng Sáng tạo đang tự thăng vượt bằng cách sáng tạo. Rồi sau đó là tất cả các tầng cấp sinh thể thăng thiên trong các bầu cõi trước đã tự thăng vượt bằng cách tạo ra những phần nối dài của mình – những sinh thể đồng sáng tạo mới – xuống tận đến dưới này là các chân sư thăng thiên đang làm việc với bầu cõi chưa thăng thiên của con và cũng đã tự thăng vượt bằng cách tạo ra Hiện diện TA LÀ của con. Và Hiện diện TA LÀ đã tự thăng vượt bằng cách tạo ra cái Ta Biết. Và cái Ta Biết đã đi xuống thế giới hình tướng xa nhất mà nó có thể trong hiện tại. Và một khi tiến trình này – là tiến trình của tâm Đấng Sáng tạo tự nối dài vào thế giới hình tướng – đã đi xa hết mức trong bầu cõi hiện thời, thì bước tự nhiên lúc đó sẽ là gì?

Là khởi sự hành trình quay trở về, đi lên trở lại, và đây chính là chức năng, mục đích của cái Ta Biết, là tiến trình thăng thiên. Và khi con hoàn tất tiến trình thăng thiên này, con không bước vào cái không-có-gì mà con vẫn tiếp tục đi lên – một hành trình dẫn con trở về đến tận cao chót là tâm thức của Đấng Sáng tạo. Những gì con làm sau đó tùy vào những chọn lựa mà con sẽ lấy ở mức đó, và nói thật ở mức hiện tại của con, con không cần lo lắng về chuyện này. Điều con cần quan tâm là làm thế nào hoàn tất tiến trình thăng thiên để con có thể thăng khỏi trái đất, khỏi hành tinh chưa thăng thiên này. Và một khi con thăng thiên thì con sẽ quyết định con muốn làm gì từ điểm đó.

Kết nối với chân sư thăng thiên qua giáo lý

Cho nên một lần nữa, các thày đã trao cho con nhiều hơn những gì hầu hết các con có thể tiếp nhận trong một buổi – chén của con đã đầy và đang tràn ra ngoài. Nhưng các thày không chỉ cố cho con một điều gì con có thể nắm bắt ở mức nhận biết hiện tại của con. Các thày cũng cố cho con một điều gì mà con có thể đọc lại và nghiên cứu hết lần này sau lần nọ, để khi con nắm lấy một điểm giáo lý đánh động tâm con ở mức hiện thời của con và con thể nhập nó, thì con vươn lên mức kế tiếp, rồi con có thể học lại giáo lý một lần nữa, tìm ra một điểm mới mà con đã bỏ sót lần đầu nhưng bây giờ mới hấp dẫn con, con lại thể nhập và vươn lên mức cao hơn. Và đây chính là cách con tiến bộ trên đường tu.

Những ai cho rằng mình chỉ cần đọc hay nghe bài truyền đọc một lần mà thấu suốt được mọi điều có thể lãnh hội, thì họ đã bỏ lỡ sự kiện là một lời dạy luôn luôn được trao truyền cho nhiều tầng cấp khác nhau. Cho nên con không bao giờ thực sự học xong một lời dạy tâm linh vì nếu con cởi mở, lời dạy tâm linh sẽ làm gì? Nếu con quay trở lại 20 năm nữa và đọc lại bài truyền đọc mà con vừa nghe hay vừa đọc hôm nay, thì con có tiềm năng làm gì? Con có thể nói: “Ồ, tôi đã hiểu bài này cặn kẽ bằng tâm trí thức, vỏ ngoài của tôi rồi.” Nhưng mục đích thực sự của lời dạy là gì chứ? Là kết nối con với vị chân sư thăng thiên đã trao truyền lời dạy đó.

Trong 20 năm nữa thày vẫn sẽ còn đây. Trong 20 năm nữa thày sẽ đã tự thăng vượt cũng như thày tin là con cũng sẽ tự thăng vượt. Và điều này có nghĩa là khi con đọc lại bài truyền đọc này trong 20 năm nữa và hòa điệu với Hiện diện của thày, thày có thể cho con những điều không nằm trong lời dạy thành văn mà vượt khỏi lời dạy thành văn. Và thật sự điều này sẽ tùy con có sẵn lòng đến chừng nào để kết nối và nhận được gì từ thày. Có thể sẽ không phải là ngôn từ. Có lẽ con đã vươn tới mức con với thày có thể hòa nhập theo một cách vượt khỏi ngôn từ. Nhưng giáo lý vỏ ngoài vẫn có thể giúp con hòa điệu tâm con với tâm thày để hai tâm gặp gỡ, và thày cam đoan với con sự gặp gỡ này không phải là trống không, mặc dù nó có thể trống rỗng cái tâm của tự ngã, trống rỗng tâm đường thẳng cùng tất cả những khái niệm và tư tưởng kia đang bay phất phơ quanh địa cầu. Cho nên có thể con sẽ không có khả năng diễn tả sự hòa điệu này bằng lời, nhưng thày cam đoan với con đó không phải là trống không. Bởi vì như thày đã cố giải thích, trống không là một khái niệm rỗng tuếch.      

Với lời này, thật là một niềm vui rất lớn cho thày được niêm hội nghị này, khoá tu này, buổi gặp gỡ này, và một lần nữa thày bày tỏ lòng biết ơn của tất cả các thày đã tham dự. Và kỳ thực ngoài các thày đã ban bài truyền đọc, còn có nhiều chân sư thăng thiên khác cũng đã tham gia. Cho nên tất cả các thày đều hy vọng là mặc dù vị chân sư gần gũi nhất với con đã không giảng dạy, hội nghị này vẫn đã giúp con hòa điệu với vị thày gần nhất với tim con. Vì nói cho cùng, tất cả các thày đều là một, cho nên con có thể dùng bài truyền đọc của bất kỳ chân sư nào để hoà điệu với bất kỳ chân sư nào khác.

Và như vậy, một lời cảm tạ thật lớn của các thày cho các con đã hiện diện ở đây trong cõi vật lý và đã sẵn lòng trải nghiệm Hiện diện của các thày.

Là hay không là Hiện diện

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Maitreya qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2023 nhân một hội nghị ở Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Maitreya. Chắc các con đang nghĩ: “Các thày đã dạy chúng ta rất nhiều về cách làm thế nào nối kết với các vị thày tâm linh của chúng ta, nhưng không nhiều lắm về cách nối kết với cái ta cao hay với Hiện diện TA LÀ của chúng ta.” Thật ra các thày cũng đã nói cho các con rất nhiều điều liên quan đến việc kết nối với Hiện diện TA LÀ của con đó, bởi vì tất cả những gì giúp con nối kết với vị thày tâm linh tất nhiên cũng giúp con nối kết với Hiện diện TA LÀ của con. Nhưng bây giờ thày muốn trao thêm cho con một vài ý tưởng về đề tài này.

Hình ảnh Hiện diện TA LÀ ở những giai đoạn khác nhau của đường tu

Như các Thượng sư đã giải thích rất kỹ lưỡng, trên đường tu có một số giai đoạn. Sẽ chẳng ích lợi gì cho các thày đến với một người ở tầng tâm thức 48 và trao cho họ lời dạy mà thày sắp sửa trao cho con trong bài truyền đọc này. Bởi vì khi con ở tầng 48, con không thể nắm bắt lời dạy này. Tất nhiên con có thể đã nghe về Hiện diện TA LÀ của con và đã nghe nhiều lời giảng về Hiện diện TA LÀ, và những lời dạy liên quan đến Hiện diện TA LÀ đi ngược trở về các phong trào trước vẫn còn hiệu lực và có giá trị – như tập The I AM Discourses (Thuyết giảng về TA LÀ) thời I AM Movement (Phong trào TA LÀ).

Nhưng ở tầng 48 cũng như giữa tầng 48 và 96, con sẽ có xu hướng cảm thấy mình tách rời với Hiện diện TA LÀ, và giữa con và Hiện diện TA LÀ của con có một khoảng cách hay một hố sâu. Tất nhiên đây không thực là một khoảng cách. Thày biết là các thày đã nói Hiện diện TA LÀ của con cư ngụ nơi các tầng thấp của cõi tâm linh. Con có thể nói là có một khoảng cách trong độ rung giữa cõi tâm linh và cái Ta Biết vốn chú tâm vào những cõi dày đặc hơn của bát cung vật lý nơi đây. Tất nhiên là có khoảng cách. Và đó là tại sao con sẽ, ở những giai đoạn sơ khởi trên đường tu, trải nghiệm cảm nhận khoảng cách này.

Nhưng như các thày đã cố giải thích, con không thực sự chia cách khỏi cõi tâm linh theo nghĩa là cõi tâm linh thâm nhập vào cõi vật lý. Hiện diện TA LÀ của con bao quanh con, nó ở trong con, nó ở với con cho dù con ở đâu. Nhưng hiển nhiên con không thể trải nghiệm điều này ở các tầng thấp hơn. Và đó là lý do tại sao trong các đợt truyền pháp trước, các thày đã trao cho con cái biểu đồ về Hiện diện TA LÀ cho thấy con là nhân vật nằm bên dưới, và ở một khoảng cách bên trên thì có Hiện diện TA LÀ của con với các vòng tròn đủ màu bao quanh, và các vòng này tượng trưng cho căn thể của con.

Việc sử dụng hình ảnh này là một việc hữu lý trong một thời gian. Trong giai đoạn đó, cũng sẽ hữu lý nếu con thỉnh gọi Hiện diện TA LÀ, con cầu nguyện Hiện diện TA LÀ, con xin Hiện diện TA LÀ giúp đỡ con, hướng dẫn con, chỉ đường cho con. Nhưng tất nhiên sẽ tới một điểm khi điều này không là một việc con cần làm nữa, vì giờ đây con cần xoay chuyển và nhận ra là con sẽ không thực sự nối kết được với Hiện diện TA LÀ bằng cách phóng chiếu ra hình ảnh đó – là hình ảnh đã được bao nhiêu tôn giáo truyền tải, coi Hiện diện TA LÀ giống như một vị thượng đế có khả năng toại nguyện mọi ước muốn của con.

Trước hết, Hiện diện TA LÀ của con không phải là một thượng đế, bởi vì cho dù các đệ tử trong những đợt truyền pháp trước có nghĩ gì đi nữa thì Hiện diện TA LÀ của con vẫn chưa thăng thiên. Hiện diện TA LÀ của con không phải là một sinh thể thăng thiên. Nó sẽ trở thành một sinh thể thăng thiên khi con, cái Ta Biết, thăng lên nhập lại với Hiện diện. Con cần nhận chân ở đây sự khác biệt cơ bản giữa Hiện diện TA LÀ của con và một chân sư thăng thiên. Chân sư thăng thiên đã thăng thiên. Còn Hiện diện TA LÀ của con vẫn chưa là một chân sư thăng thiên mặc dù nó cư ngụ nơi những tầng thấp của cõi tâm linh.

Buông bỏ hình ảnh cũ về Hiện diện TA LÀ

Bây giờ ở các tầng cao hơn trên đường tu, chắc chắn ở tầng 96 nhưng ngay cả trước đó, con có thể bắt đầu suy nghiệm về sự kiện đó. Con cần bỏ đi cái biểu đồ cho thấy Hiện diện TA LÀ nằm bên trên chính con. Con có thể quán chiếu hình ảnh Hiện diện TA LÀ bao quanh con, con hình dung điều này trong tâm con, nhưng thật ra đây là một chuyển đổi vi tế hơn. Đây là con xoay chuyển tâm con qua đó con bắt đầu thách thức hình ảnh về một khoảng cách giữa con và Hiện diện. Con bắt đầu thách thức bất cứ hình ảnh nào con đã hình thành trong tâm khi con bước trên đường tu, bất cứ hình ảnh nào mà con đã hình thành dựa trên các lời dạy của các thày ban ra về Hiện diện TA LÀ. Vì đâu là điều các thày đã cố giải thích cho con thật tường tận? Đó là cho dù con đã tìm thấy con đường tâm linh ở tầng nào đi nữa – lấy ví dụ ở tầng 48 – thì con nhìn đường tu tâm linh qua tâm thức mà con đang có ở tầng 48.

Điều đã xảy ra cho nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên là họ tìm thấy một lời dạy của chân sư – trong nhiều trường hợp khi họ ở cao hơn tầng 48 – nhưng cho dù họ ở tầng tâm thức nào đi nữa thì khi họ tìm thấy giáo lý, họ tiếp cận giáo lý xuyên qua mức tâm thức đó, thế giới quan đó, phin lọc nhận thức đó mà họ đang có. Không thể tránh được sự kiện con phóng chiếu ra một tâm ảnh vốn là sự pha trộn giữa giáo lý và phin lọc nhận thức của con vào lúc con tìm thấy giáo lý. Con hình thành tâm ảnh này trong tâm con, và rất có thể nó sẽ giúp con nâng cao thế giới quan, nâng cao tâm ảnh của con, nhưng con vẫn đang phóng chiếu một hình ảnh nào đó lên giáo lý. Đây là một điều tự nhiên, không thể tránh được, và các thày hoàn toàn không trách móc gì con đã làm vậy.

Thày chỉ đơn giản trình bày là khi con bước lên các tầng cao hơn của đường tu, con cần nhận biết điều này. Và con cần sẵn lòng nhìn lại đường tu của mình và nói: “Có thể nào khi tôi tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên bao nhiêu năm về trước, tôi đã hình thành một tâm ảnh về Hiện diện TA LÀ dựa trên tầng tâm thức của tôi lúc đó, và do đó tâm ảnh này không chính xác, không thích hợp, không có khả năng giúp tôi nối kết với Hiện diện?” Và nếu con xem xét một cách trung hòa, con sẽ thấy câu trả lời luôn luôn là “có”. Bởi vì như thày vừa nói: “Con đâu làm gì khác được?”

Lời dạy xuất hiện khi đệ tử cần đến lời dạy

Tiếc thay điều con nhận thấy, đặc biệt trong các đợt truyền pháp trước, là người ta đã đưa ra tiền đề – một tiền đề được khuyến khích bởi nét văn hóa của đợt truyền pháp, và như các thày có giảng, đây là những đợt truyền pháp của Thời Song ngư – rằng bởi vì họ đã có thể tìm thấy giáo lý cao siêu của chân sư thăng thiên cho nên nhất định họ cũng phải có một mức tâm thức rất cao siêu. Có thể là con có mức tâm thức cao hơn một người trung bình, nhưng dẫu vậy con vẫn ở một tầng tâm thức nào đó. Nhiều người đã tìm thấy giáo lý của chân sư ở tầng 48, trong khi một số đã tìm thấy ở tầng cao hơn, và một số khác ở tầng cao hơn hẳn.  

Nhưng đa số, tuyệt đại đa số những ai đã tìm thấy giáo lý của chân sư đều tìm thấy ở dưới tầng 96, thậm chí dưới hơn rất nhiều. Tại sao như vậy? Bời vì hiển nhiên, giáo lý được thiết kế để giúp con người leo từ tầng 48 lên tầng 96, kể cả các giáo lý của những đợt truyền pháp trước. Liệu sẽ ích gì cho con nếu con tìm được một giáo lý cao hơn trong khi con cần giáo lý ở những mức thấp hơn? Điều xây dựng là con cần khiêm tốn một chút và nhận ra là khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày sẽ xuất hiện. Có nghĩa là vị thày sẽ xuất hiện, hay giáo lý sẽ xuất hiện khi nào đệ tử cần đến giáo lý. Liệu sẽ ích gì nếu vị thày cứ chờ xuất hiện cho đến khi đệ tử không còn cần đến giáo lý nữa? Con thấy đó, một lượng định thực tế sẽ cho thấy là khi con tìm thấy giáo lý, đó là vì con cần đến nó, và điều này có nghĩa là con không ở tầng tâm thức cao nhất.

Nhưng tiếc thay trong các đợt truyền pháp trước, nhiều người đã giả định theo một cách khác. Họ nghĩ: “Tôi phải ở một mức tâm thức cao lắm thì tôi mới có thể tìm ra giáo lý cao siêu này.” Họ đã tạo ra một nét văn hóa trong tổ chức, một lối tư duy nơi nhiều cá nhân đệ tử, bảo rằng: “Cách tôi nhìn giáo lý khi tôi mới tìm thấy giáo lý là cách cao nhất có thể.” Và điều này có nghĩa là như các Thượng sư đã giải thích, nhiều người cho rằng: “Cách tôi nhìn các chân sư thăng thiên khi tôi mới tìm thấy giáo lý là cách cao nhất mà người ta có thể nhìn chân sư thăng thiên.” Nhưng họ cũng nghĩ: “Cách tôi nhìn Hiện diện TA LÀ của tôi khi tôi mới tìm thấy giáo lý là cách cao nhất mà tôi có thể nhìn Hiện diện TA LÀ của tôi.”

Dính mắc với hình ảnh cũ về giáo lý

Điều này có nghĩa là họ tìm thấy giáo lý ở một trạng thái tâm thức thấp hơn, họ sử dụng giáo lý để hình thành một tâm ảnh về Hiện diện TA LÀ của họ – Hiện diện TA LÀ là gì, thế nào là nối kết với Hiện diện TA LÀ, Hiện diện TA LÀ sẽ làm gì cho họ. Và họ cứ tưởng tâm ảnh này là chính xác, là cao nhất có thể, cho nên họ tiếp tục phóng chiếu nó ra. Nhiều đệ tử đã trở nên vô cùng dính mắc với tâm ảnh của họ. Bởi vì điều đáng tiếc xảy ra – khi con cho rằng con ở một mức rất cao lúc con tìm thấy giáo lý – là nếu con phải thừa nhận hình ảnh của con về Hiện diện TA LÀ là không thích đáng thì con sẽ bắt đầu nghi ngờ sự cao siêu của con khi tìm thấy giáo lý. Và điều này sẽ là một cú giáng cho tự ngã, cho nên tự ngã sẽ không muốn thừa nhận như vậy. Tiếc thay đây là một cơ chế mà các thày đã chứng kiến nơi nhiều đệ tử.

Đây chính là một trong những lý do tại sao nhiều đệ tử đã không thể chuyển tiếp từ phong trào I AM Movement sang Summit Lighthouse, tại sao nhiều đệ tử đã không thể chuyển tiếp từ Summit Lighthouse để chấp nhận sứ giả này. Đó không phải là lý do duy nhất vì nhiều đệ tử không cứ là cần chuyển tiếp. Nhưng điểm thày muốn nói là nhiều đệ tử đã nắm lấy một lời dạy đặc thù, đã hình thành một tâm ảnh rồi trở nên dính mắc với việc duy trì ảo tưởng cho rằng tâm ảnh này đúng đắn. Và vì vậy họ không sẵn lòng chất vấn nó.

Sẽ đến một điểm khi họ gần hơn với tầng 96, thì tâm ảnh được hình thành ở các tầng thấp hơn về Hiện diện TA LÀ sẽ không thoả đáng nữa, vì giờ đây họ cần bước lên một trình độ quan hệ cao hơn với Hiện diện của họ. Khi họ từ chối xét lại điều này thì đây là một cách phản ứng đáng tiếc. Cách phản ứng này có thể thực sự chặn nghẽn đường tu của họ. Có những người đã bước chân trên đường tu mấy chục năm nhưng không thực sự thăng tiến trong một thời gian dài. Hay họ không thăng tiến nhiều như họ đã có thể nếu họ sẵn lòng thay đổi tâm ảnh của họ về chân sư lẫn về Hiện diện TA LÀ.

Tìm hiểu Hiện diện TA LÀ từ xa

Tất nhiên đó là một sai lầm mà các thày không muốn thấy con rơi vào trong đợt truyền pháp này với những lời dạy cao hơn hẳn mà con đang có. Các lời dạy này cao hơn vì con có khái niệm về cái Ta Biết cùng các ngã tách biệt. Đây là một khái niệm cách mạng so với các lời dạy trước đây vì lý do đơn giản là khi con nắm bắt được nó, khi con trải nghiệm được nó, khi con trải nghiệm cái Ta Biết của con có khả năng bước ra ngoài một cái ngã tiềm thức, thì con có một dụng cụ, con có một quy trình có thể dẫn con lên tận tầng 144. Nhưng nó cũng có thể giúp con phát triển một mối quan hệ khác với Hiện diện TA LÀ không dựa trên một tâm ảnh.

Như các Thượng sư đã giảng thật kỹ lưỡng, con đang làm gì khi con hình thành tâm ảnh này với tâm đường thẳng rồi phóng chiếu nó ra? À, con đang nhìn từ xa. Con nhìn thấy: “Tôi đang ở đây. Tôi là chủ thể. Hiện diện TA LÀ của tôi đang ở trên kia. Đó là một đối tượng mà tôi đang tìm hiểu, đang tiếp cận, đang cầu nguyện.” Nhưng chừng nào con còn thấy mình như một chủ thể và Hiện diện TA LÀ như một khách thể thì con đang làm gì? Con đang xác nhận có một khoảng cách giữa con và Hiện diện TA LÀ. Nhưng làm thế nào con vượt qua khoảng cách này? Làm thế nào nối kết được đây? Làm thế nào trở thành một với Hiện diện TA LÀ nếu con cứ phóng chiếu ra một khoảng cách?

Trải nghiệm sự Hợp nhất với Hiện diện TA LÀ

Một số đệ tử đã chui vào cái tâm thái gần như ám ảnh cưỡng chế khi họ nghĩ: “Nếu như tôi thỉnh gọi đủ lửa tím để chuyển hóa nghiệp của mình thì tôi sẽ hợp nhất với Hiện diện của tôi. Mỗi ngày tôi đã đọc chú lửa tím 3 giờ đồng hồ nhưng tôi vẫn chưa nhập một được với Hiện diện. Có lẽ nếu tôi đọc chú lửa tím 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tôi sẽ nhập một với Hiện diện chăng? Và nếu chuyện này vẫn chưa đem lại kết quả thì tôi có thể đọc thêm bao nhiêu nữa mỗi ngày?”Con nghĩ là để đạt mục tiêu, con phải cố đẩy tới. Và nếu con không đạt được mục tiêu thì con phải đẩy tới mạnh hơn, hay con phải cứ tiếp tục đẩy tới theo cùng cách đó lâu hơn. Nhưng làm sao con có thể đạt được mục tiêu nếu con cứ đẩy nó về phía trước hay đẩy nó ra xa hơn? Sẽ tới lúc con phải bước lui lại và ngừng đẩy.

Và con cần nhận ra cách vận hành thật đơn giản mà các thày đã giảng giải qua các lời dạy về những cái ngã tiềm thức. Điều ngăn cản con đạt được sự Hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con là những cái ngã tiềm thức mà con mang. Khi con vượt qua chúng, càng ngày cái Ta Biết sẽ càng dễ rút ra khỏi tâm vỏ ngoài – là tâm bản sắc, tâm lý trí, tâm cảm xúc. Cái Ta Biết sẽ dễ dàng hơn bước ra khỏi những cái ngã còn sót lại. Có nghĩa là khi con đến gần hơn với tầng 96, điều tự nhiên là con sẽ trải nghiệm được Hiện diện TA LÀ của con, không phải từ xa mà như bao quanh con. Có thể nói là con trải nghiệm con là một phần của Hiện diện, con ở bên trong Hiện diện.

Thay vì xem Hiện diện như nằm ở trên cao, con bắt đầu trải nghiệm Hiện diện ở quanh con, và giống như hình ảnh các Thượng sư đã trao cho con về một ngọn sóng dâng lên từ đại dương, con chỉ là một ngọn sóng dâng lên từ đại dương của Hiện diện TA LÀ của con. Khi con chú tâm, khi sự chú tâm của con được tập trung nơi đỉnh sóng thì thật khó thấy được như vậy. Nhưng khi con cho phép con trầm mình ngày càng sâu hơn vào ngọn sóng, con sẽ có thể cảm nhận được chính đại dương. Và con có thể xuôi theo sự chuyển động đó của đại dương. Và đó là khi con bắt đầu trải nghiệm ngày càng nhiều hơn, không phai một sự nối kết với Hiện diện TA LÀ, mà sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con.

“Tôi chính là sự Hiện diện”

Tại sao các thày lại nói đến sự nối kết với một chân sư thăng thiên nhưng sự hợp nhất với Hiện diện? À, là vì con không phải là vị chân sư đó, nhưng con chính là Hiện diện TA LÀ. Con đi ra từ Hiện diện TA LÀ. Đúng, về mặt kỹ thuật con có thể nói Hiện diện TA LÀ của con được tạo ra từ Hiện diện TA LÀ của các chân sư thăng thiên, nhưng dẫu vậy từ góc nhìn của con, không phải là một ngày kia con sẽ hoàn toàn hợp nhất được với một chân sư thăng thiên. Con có thể có một cảm nhận hợp nhất nhưng con vẫn nhận ra chân sư MORE hay Saint Germain là những sinh thể cá biệt. Nhưng Hiện diện TA LÀ của con thì không phải là một sinh thể cá biệt mặc dù nó có vẻ như vậy ở các tầng thấp hơn của đường tu. Đó là ảo tưởng mà con cần bắt đầu thách thức khi con vươn lên cao hơn.

Con cần thách thức ảo tưởng Hiện diện TA LÀ của con là một sinh thể tách rời khỏi con. Như thày vừa nói, con đi ra từ Hiện diện TA LÀ. Con là một ngọn sóng trên đại dương của Hiện diện. Cho nên nói thế này sẽ ích lợi hơn: Con nối kết với một chân sư thăng thiên, con hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Hay đúng hơn, con khắc phục ảo tưởng cho rằng con tách rời khỏi Hiện diện TA LÀ, rằng con là một cái gì khác hơn Hiện diện TA LÀ… cho đến khi con ngộ ra: “Tôi chính là sự Hiện diện.” Và tất nhiên tất cả mọi điều các chân sư khác đã trao cho con về việc nối kết với các vị thày tâm linh của con cũng đều áp dụng cho Hiện diện TA LÀ. Con càng chuyển đổi tâm thức, càng vượt qua tâm đường thẳng, càng khắc phục nhiều ngã tách biệt, thì con sẽ càng dễ cảm nhận được sự hợp nhất này với Hiện diện TA LÀ.

Nhưng thày cũng muốn cho con một dụng cụ tuy có vẻ thật đơn giản – một số người sẽ gọi là đơn sơ – nhưng nó lại có tiềm năng tạo ra một tác động sâu xa. Con cũng biết người ta thường bảo là diễn viên kia có một sự hiện diện tuyệt vời trên sân khấu? Hay một người kia có một sự hiện diện nào đó? À, Hiện diện TA LÀ của con là một sự hiện diện. Phải, nó có mang cá tính của nó nhưng nó là một sự hiện diện. Con đã quen nhìn Hiện diện TA LÀ như một sự hiện diện ở trên cao tách biệt khỏi con, hay thậm chí con còn có thể nói: “Tôi là Hiện diện TA LÀ.”

Nhưng dụng cụ thày muốn cho con là con xoay đi một chút, con giản dị dành ra một chút thời gian, con vào một căn phòng yên tĩnh, nhắm mắt lại. Sau đó con quán câu chú này: “Tôi là Hiện diện.” Không phải “Hiện diện TA LÀ,” mà “Tôi là Hiện diện.” Con thấy đó, sự khác biệt có vẻ như một thuật chơi chữ nhưng nó nhiều hơn như vậy. Thay vì nghĩ đến Hiện diện của con như Hiện diện TA LÀ, con dùng câu chú: Tôi là Hiện diện, Tôi là Hiện diện, Tôi là Hiện diện.” Và khi con thiền quán câu này, đây có thể là một cách rất hiệu quả để con thực sự đi vào trải nghiệm sự Hiện diện.

Hiện diện TA LÀ của con là một sinh thể chưa thăng thiên

Và thật sự con sẽ không bắt đầu nối kết hay cảm thấy hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con cho đến khi cái Ta Biết đã có trải nghiệm bước ra ngoài nhân cách vỏ ngoài và trải nghiệm sự Hiện diện, trải nghiệm chính con như là Hiện diện. Nhưng tất nhiên, đây mới chỉ là thử thách đầu tiên của Ki-tô liên quan đến Hiện diện TA LÀ. Thử thách thứ nhì của Ki-tô là giờ đây khi cái Ta Biết trở về trạng thái tâm bình thường của nó, con phải rất cẩn thận không bị rớt thử thách thứ nhì này của Ki-tô mà bắt đầu phóng chiếu các tâm ảnh của con lên trên trải nghiệm sự Hiện diện. Con lại bắt đầu phóng chiếu các tâm ảnh của con áp lên Hiện diện.

Đặc biệt một khi con đã bắt đầu trải nghiệm hợp nhất với Hiện diện, con phải thận trọng không phóng chiếu lên Hiện diện hình ảnh mà con có thể có về một thần linh toại nguyện mọi mong ước hay về các chân sư thăng thiên. Như thày vừa nói, Hiện diện TA LÀ của con chưa phải là một sinh thể thăng thiên. Con không thể chờ đợi Hiện diện TA LÀ của con biết mọi chuyện. Đây là một sự phỏng đoán mà con tìm thấy trong các đợt truyền pháp trước khi người ta nghĩ rằng Hiện diện TA LÀ giống như một vị thần linh, giống như một chân sư thăng thiên, hiểu biết tất cả, có những khả năng siêu nhân siêu phàm, và có thể ban cho con đủ loại ân huệ, bảo vệ con khỏi nghiệp chướng và làm cho con đủ điều. Nhưng thật không phải vậy.

Hiện diện TA LÀ của con là một sinh thể chưa thăng thiên. Tất nhiên nó không ở trong nhị nguyên, nó không ở cả trong những cõi thấp kém của bát cung vật lý. Nó có nhãn quan rộng lớn hơn con, nhưng con cần nhìn nhận là nó vẫn còn một số mong muốn về những điều nó muốn trải nghiệm trên trái đất, là những mong muốn đã khiến nó gửi con xuống – con, cái Ta Biết, như một phần nối dài của Hiện diện. Và Hiện diện TA LÀ không có một cái hiểu trọn vẹn về tất cả mọi thứ một chân sư thăng thiên có thể hiểu được. Mặc dù nó ngụ ở các tầng thấp của cõi tâm linh, nó vẫn chưa là một sinh thể thăng thiên. Nó không có được tầm nhìn của một sinh thể thăng thiên. Hiện diện TA LÀ vẫn tập trung vào chính nó như nó đang thấy chính nó. Đó là tại sao con không thể xem Hiện diện TA LÀ của con như một sinh thể có khả năng trả lời mọi câu hỏi của con.

Có những người nghĩ rằng họ có thể hỏi Hiện diện TA LÀ của họ về bất cứ vấn đề vũ trụ nào. Nhưng thật không phải như vậy. Con thật không muốn nhìn Hiện diện TA LÀ của con như một sinh thể sẽ làm gì đó cho con. Chính vì con vẫn duy trì hình ảnh Hiện diện TA LÀ sẽ bảo vệ con hay làm gì cho con, sẽ giải đáp câu hỏi của con hay bảo con phải làm gì, chính vì vậy mà con vẫn củng cố cho cảm nhận khoảng cách. Và như các chân sư khác đã có đề cập, có một bí ẩn, có một mâu thuẫn khó xử, gần như có một giai đoạn tâm thần phân liệt (schizophrenic) trên đường tu tâm linh khi con phải cân bằng những thứ có vẻ như không thể đi đôi với nhau.

Bước lên sự hợp nhất trọn vẹn hơn với Hiện diện

Và thật sự khi con bắt đầu trải nghiệm Hiện diện, con cũng bước vào một giai đoạn hơi phân liệt một chút. Vì con vẫn có cuộc sống bình thường hàng ngày, con vẫn đảm đương những trách nhiệm trong thế gian, tuy nhiên con lại bắt đầu trải nghiệm Hiện diện vốn có một tầm nhìn khác hơn về cuộc sống trong thế gian. Có thể con sẽ khó cân bằng được cả hai. Điều có thể khó đặc biệt là cưỡng lại sự cám dỗ muốn sử dụng Hiện diện TA LÀ để nó giúp con thoát ra khỏi một tình thế khó khăn, hay để nó bảo con cần làm gì trong một số hoàn cảnh cụ thể. Nhiều người đã xin Hiện diện TA LÀ khuyến cáo cho họ.

Nhưng con thấy đó, khi con bắt đầu bước vào giai đoạn này, Hiện diện TA LÀ cũng ở trong một vị thế tế nhị do nó muốn cái Ta Biết tăng triển cho đến khi nhập lại với nó. Và điều này có nghĩa là nếu con yêu cầu Hiện diện TA LÀ khuyên nhủ con hay hướng dẫn con, và nếu nó trả lời thì nó sẽ xác nhận hình ảnh rằng con tách biệt với nó, rằng Hiện diện nằm ở tuốt trên kia, rằng Hiện diện giống như một ông thần trong chai có khả năng ban cho con mọi điều mong ước. Con thấy không, nếu con cho phép mình duy trì tâm ảnh tách biệt này thì đến một giai đoạn Hiện diện TA LÀ của con sẽ phải rút lui khỏi con – nếu có thể gọi như vậy – và không trả lời các câu hỏi của con, không trao cho con một khung tham chiếu. Và đã có những người cảm nhận được điều này, họ cảm thấy như thể họ bị cắt ra khỏi một sự nối kết mà họ đã có trước đó. Đây có thể là sự nối kết với một chân sư thăng thiên, nhưng trong nhiều trường hợp đây là sự nối kết với Hiện diện. Và nguyên nhân là vì họ đã không bước lên cao hơn.

Con đã không buông bỏ tâm ảnh kia dựa trên cảm nhận khoảng cách. Và vì vậy, Hiện diện TA LÀ buộc phải rút lui cho đến khi con giải quyết trong tâm, con khắc phục cảm giác xa cách và bắt đầu thách thức nó. Khi đó Hiện diện của con sẽ lại có thể tương tác với con. Nhưng điều con cần đạt đến, điều thày đang tìm cách giúp con đạt đến, là con đạt tới điểm không yêu cầu Hiện diện TA LÀ của con trả lời những câu hỏi đặc thù, hay hướng dẫn con phải làm gì hay không được làm gì trong một số tình huống. Con tiến về hướng một điểm nơi con có khả năng – như thày vừa chỉ ra trong câu chú hồi nãy – nhận chân rằng “Tôi là Hiện diện” ngay đây trong thế gian. Không phải “Tôi là Hiện diện TA LÀ” mà “Tôi là sự Hiện diện” vì Hiện diện đang ở ngay đây với con. Hiện diện có thể được biểu đạt xuyên qua con người phàm của con. Và đây mới thực là ý nghĩa của việc con ở trong giai đoạn này của quả vị Ki-tô cá nhân.

Thày cũng biết là các thày đã giải thích rằng chính tâm Ki-tô tự biểu đạt xuyên qua con, và điều này chính xác. Đúng là con cần đến tâm Ki-tô, nhưng Hiện diện TA LÀ của con không tách rời với tâm Ki-tô. Điều các thày đã từng nói, và Saint Germain cũng từng giải thích, là khi con bước lên những tầng này của quả vị Ki-tô, con không biến thành một con múa rối. Con không biến thành một con rối trên một sợi dây, bởi vì con phải quyết định là con sẽ biểu đạt quả vị Ki-tô của mình như thế nào. Tuy nhiên cái Ta Biết không phải quyết định một mình hay trong tư cách một sinh thể tách biệt. Khi con đạt đến sự hợp nhất trọn vẹn hơn với Hiện diện thì ai là người quyết định chứ? Có phải là cái Ta Biết hay là Hiện diện? Như Giê-su đã diễn tả, “Cha ta làm việc cho đến giờ và ta cũng làm việc.”

Khía cạnh “Ta Sẽ Là” của Hiện diện

Có thể đến một điểm con bắt đầu cảm thấy: “Đâu là sự khác biệt giữa Hiện diện và cái Ta Biết? Đâu là sự khác biệt giữa Hiện diện và chính tôi?” Ngay cả việc đặt câu hỏi như vậy cũng ngụ ý một khoảng cách. Nhưng có thể đến một điểm con vượt xa hơn câu hỏi đó và chỉ vỏn vẹn trải nghiệm: “Thật không có nghĩa lý gì mà đặt câu hỏi vì không còn sự khác biệt nào nữa.” Con bắt đầu ngộ ra cái Ta Biết chính là Hiện diện. Con là sự Hiện diện trong bát cung vật lý, trong cõi cảm xúc, trong cõi lý trí, trong cõi bản sắc.

Con là Hiện diện. Nhưng như các thày đã có nói một thời gian trước đây, con là khía cạnh “Ta Sẽ Là Cái Ta Sẽ Là” của Hiện diện, đối chiếu với khía cạnh “TA LÀ CÁI TA LÀ” của Hiện diện.

“Ta Sẽ Là Cái Ta Sẽ Là” là omega, khía cạnh nữ hay khía cạnh diễn đạt của Hiện diện. Và có “TA LÀ CÁI TA LÀ” nằm ở cõi tâm linh và sẽ tiếp tục ở cõi tâm linh hầu nó không thể bị tiêu diệt bởi bất cứ gì xảy ra trong bầu cõi chưa thăng thiên. Nhưng “Ta Sẽ Là Cái Ta Sẽ Là” là khía cạnh đã quyết định biểu đạt chính nó trong bầu cõi chưa thăng thiên. Con có thể nói là tâm Ki-tô cho con một năng lượng và một động lượng đang chuyển động. Nhưng chính khía cạnh “Ta Sẽ Là” của Hiện diện chỉ đạo cho chuyển động này hướng vào những tình huống cụ thể, hiển thị thành những biểu hiện cụ thể hay những trải nghiệm cụ thể.

Đến một điểm những phân biệt như vậy sẽ tan biến mất. Đâu là sự khác biệt giữa tâm Ki-tô, Hiện diện TA LÀ và cái Ta Biết? Ở các tầng thấp hơn, đúng là sự phân biệt còn có ý nghĩa vì nó có thể giúp cho cái Ta Biết xoay chuyển nhận biết. Nhưng đến một điểm sự phân biệt sẽ tan biến đối với cái Ta Biết. Con không quan tâm chuyện đó nữa. Đến một điểm con không quan tâm là con đang ở tầng nào trong số 144 tầng tâm thức. Liệu con đang ở tầng 97 hay 108 hay 128? Con không còn quan tâm nữa vì con biết con vẫn tiếp tục tìm kiếm bất kỳ ảo tưởng nào con cần nhìn thấy. Gần như mọi lúc, con tập trung vào việc biểu đạt chính mình trong thế gian này, vào những gì con muốn thể hiện trong cuộc sống. Thật không quan trọng con đang ở tầng nào. Thật không quan trọng việc phân biệt giữa các tầng, hay phân biệt giữa tâm Ki-tô, tâm Ki-tô hoàn vũ, Hiện diện TA LÀ và cái Ta Biết. Tất cả đều hòa quyện với nhau.

Sự hợp nhất của cái Ta Biết với Hiện diện

Đến một điểm con sẽ có thể nhận ra là khi con nhìn vào tâm và những gì xảy ra trong tâm, con trải nghiệm cảm thể của con an bình hơn rất nhiều, vì con đã khắc phục mọi dính mắc với hoàn cảnh vỏ ngoài. Nói chung, cảm xúc của con rất an hòa. Nhưng vẫn có thể có những trải nghiệm hay những tình huống khi cảm xúc của con bị khuấy động. Nhưng con cũng trải nghiệm là chỉ trong một thời gian khá ngắn, chúng lại chìm xuống, vì con không nhân chúng lên, con không góp mặt với chúng. Có một sự kiện đang diễn ra trong cảm thể và sự kiện này không liên hệ gì đến con.    

Con có thể nhìn vào trí thể và nhận thấy tâm lý trí của con cũng đã trở nên tĩnh lặng hơn nhiều, nhưng tâm khỉ thì vẫn là tâm khỉ. Khỉ đã học thói thì khỉ chỉ biết làm theo. Luôn luôn sẽ có những ý nghĩ khởi lên – đơn giản chúng khởi lên từ tâm. Nói cách khác, con nhìn nhận là con đã đạt đến một mức tâm thức cao hơn khi cảm thể, trí thể lẫn bản sắc thể yên tĩnh hơn rất nhiều. Không còn nhiều ngã tách biệt hay năng lượng tồn đọng nữa, nhưng con vẫn đang hiện thân trên một hành tinh có vật chất dày đặc. Tâm thức tập thể luôn hỗn loạn và con không hoàn toàn cách ly khỏi tâm thức đại chúng. Con đang bơi trong Biển Luân hồi, hay ít nhất con đang ngồi trong chiếc thuyền Bát nhã trên mặt Biển Luân hồi. Sẽ có một chút động sóng. Sẽ có cảm xúc, sẽ có ý tưởng, có thể thỉnh thoảng có cả chút ý niệm bản sắc, nhưng con không dính mắc với nó.

Điều con bắt đầu nhận ra ở điểm này là: “Cái gì đang cảm thấy những cảm xúc tích cực này, đang có những ý tưởng tích cực này, đang khoác vào ý niệm bản sắc tích cực này, đang làm những hành động tích cực này?” Cái đó là cái Ta Biết hay là Hiện diện? À, thật sự đó là cả hai. Đó là sự hợp nhất của cả hai. Đây là điểm con có thể nhận ra: “Hiện diện của tôi làm việc cho tới giờ và tôi cũng làm việc.” Và sự phân biệt giữa cả hai trở nên vô nghĩa. Và thật sự một điều con có thể nhận thấy là rất nhiều ý tưởng của con đến từ Hiện diện. Đó là Hiện diện đang suy nghĩ xuyên qua con. Ý niệm bản sắc của con đến từ Hiện diện. Ý tưởng của con trong trí thể đến từ Hiện diện. Cảm xúc của con đến từ Hiện diện. Và do đó hành động của con cũng tuôn chảy từ Hiện diện. Đây là trạng thái con muốn đạt được.

Thày không đang bảo là con có thể đến đó bằng cách lần theo một chuỗi đường thẳng. Tâm đường thẳng không thể đưa con đến đó. Thày chỉ đơn giản trao cho con hình ảnh là sẽ tới điểm sự phân biệt giữa Hiện diện TA LÀ, cái Ta Biết và tâm Ki-tô trở nên vô nghĩa. Con không quan tâm đến nó. Nhưng để đến được điểm đó, con phải làm việc một cách ý thức với chính bản thân con để xem xét những tâm ảnh mà con có, sẵn sàng lần lượt thách thức chúng rồi khắc phục chúng. Con phải nhận ra là chúng đã phục vụ cho con, chúng đã đưa con đến một điểm nào đó trên đường tu, nhưng bây giờ đã đến lúc con buông chúng ra.

Các thày đã cho con hình ảnh chiếc hỏa tiễn mang theo một tầng máy đẩy khổng lồ bên dưới nhằm phóng hỏa tiễn lên một độ cao nhất định. Thế rồi để hoả tiễn có thể bay lên tiếp, tầng máy này cần được bỏ lại, rơi xuống mặt đất. Đây cũng là điều xảy ra trên đường tu tâm linh. Con đã xây dựng một cái ngã tâm linh giữa các tầng 48 và 96 và ngã này đã đưa con đến đó, nhưng sau tầng 96 con cần lần hồi bỏ nó lại cho nó rụng xuống để con không còn những sự phân biệt như vậy. Có thể nói là không bao giờ con thực sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của con. Hoặc con có thể là Hiện diện, hoặc con không là Hiện diện. Là hay không là.

Trên đây là những khái niệm mà thày muốn trao cho con liên quan đến Hiện diện TA LÀ cùng mối quan hệ giữa cái Ta Biết với Hiện diện TA LÀ. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là đến một điểm sẽ không còn một mối quan hệ nữa, vì quan hệ ngụ ý là có hai sinh thể trong mối quan hệ đang liên hệ với nhau. Nhưng khi không có phân biệt nào thì không thể nói là có quan hệ. Đây là tiềm năng mà con có với Hiện diện. Con luôn luôn sẽ có một mối quan hệ với các chân sư thăng thiên hay với người khác. Nhưng với Hiện diện, con có khả năng thăng vượt quan hệ. Con chỉ đơn giản là Hiện diện. Con là Hiện diện.

Với lời này thày cảm ơn con đã cống hiến hiện diện của con trong đại hội này ở cõi vật lý, và hiển nhiên nó nhiều hơn là một sự kiện vật lý vì nó chạm đến các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc, lên tận đến các cõi thăng thiên. Đây là sự hiệp thông của các vị thánh, là dòng chảy hình số 8 giữa trên và dưới. Và để bảo đảm các con không tạo ra thêm một hình ảnh ở đây, có một điểm trên đương tu khi con có thể xem xét câu này: “Trên sao, dưới vậy,” và nói: “Ở trên như thế nào trong Hiện diện TA LÀ thì ở dưới cũng như vậy trong cái Ta Biết.” Nhưng như thày vừa giảng, sẽ đến một điểm khi Hiện diện TA LÀ không ở trên và cái Ta Biết không ở dưới. Con đã hoà nhập. Cái Ta Biết ngộ ra nó là Hiện diện. Và tất nhiên đây là nơi con muốn đến.

Thày hy vọng đã cho con một số dụng cụ cùng ý tưởng có thể giúp con đạt đến nơi đó. Thày khen ngợi và cảm ơn các con đã sẵn lòng tương tác với các thày, và điều này đã gửi những ngọn sóng chấn động, nếu có thể gọi như vậy, vào tâm thức tập thể. Điều này sẽ khiến cho nhiều người khác ngoài các con ra có thể dễ dàng hơn nối kết với thày tâm linh của họ để bắt đầu tiến trình hợp nhất với cái ta cao của họ. Chắc chắn con đã nhận thấy là các thày dùng một số từ đặc thù, “Hiện diện TA LÀ” và “chân sư thăng thiên”, nhưng luôn luôn đã từng có “thày tâm linh” và “cái ta cao”. Và nhiều người từ đủ mọi truyền thống tâm linh, hay ngay cả không có truyền thống tâm linh nào, cũng đã tìm ra cách nối kết.

Các thày đang cho con một lời dạy và một dụng cụ đặc thù, nhưng ngay cả những ai không tìm thấy dụng cụ này tất nhiên vẫn có thể nối kết. Và công việc các con đã hoàn thành qua đại hội này sẽ giúp cho mọi người dễ nối kết hơn. Hiển nhiên đây là điều các thày muốn thấy. Các thày không quan tâm đến chuyện người ta công nhận mình hay không, mà các thày quan tâm đến việc nâng cao tâm thức của hành tinh, nâng cao tâm thức của những cá nhân có tiềm năng làm người đi tiên phong cho Thời Hoàng kim của Saint Germain hay hội đủ tư cách để thăng thiên. Một lần nữa, thày cảm ơn nỗ lực của các con, và thày niêm con trong Hiện diện vui mừng của thày. Maitreya TA LÀ.

9| Khắc phục cảm giác xa cách giữa con và cái ta cao của con

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Chỉ đạo Thiêng liêng qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Chỉ đạo Thiêng liêng. Thật là một niềm vui cho thày được trình bày về thể bản sắc. Điều gì nơi thể bản sắc ngăn chặn sự hòa điệu của con với các chân sư thăng thiên và với cái ta cao của con? À, chúng ta có thể đặt một câu hỏi khác. Điều gì nơi thể bản sắc của con không ngăn chặn sự hòa điệu với các thày? Bởi vì thật sự, hòa điệu với cõi tâm linh có nghĩa gì? Có nghĩa, là một với cõi tâm linh. Và làm sao con có thể là một với cõi tâm linh nếu con tự đồng hóa mình là một sinh thể vật chất? Và tất nhiên đây chính là điều xảy ra trên trái đất ngày nay khi chín tầng thấp nhất của cõi bản sắc đầy rẫy những hình ảnh nhân tạo đó về thế nào là một con người. Và khi thày nói “nhân tạo” thì tất nhiên thày cũng muốn nói “bị ảnh hưởng bởi sa nhân”, và trong số đó có những sa nhân cư ngụ nơi các tầng thấp nhất của cõi bản sắc, kể cả Chúa tể Bóng tối mà các thày đã có đề cập trước đây.

9.1. Khía cạnh Alpha và Omega của bản sắc

Tình trạng trên trái đất thật rất khó khăn và các thày hiểu rõ nó khó khăn đến chừng nào. Các thày không chờ đợi là các con với tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên sẽ chuyển đổi ý niệm bản sắc của mình ngay tức khắc. Các thày chỉ đơn giản muốn con nhận ra là đối với cá nhân con khi con lui lại nhìn vào bản thân mình và xem xét điều gì đang ngăn chặn sự kết nối của con với các thày, thì chắc chắn con cần xét xem con tự nhận diện mình như thế nào. Và điều này hiển nhiên có hai khía cạnh, Alpha và Omega. Omega là nền văn hóa đặc thù nơi con đã lớn lên, rất có thể là quốc gia của con, nhưng cũng là tôn giáo, chủng tộc, những yếu tố địa phương ở khu vực và văn hóa nơi con đã lớn lên. Đây là một điều cần xét đến.

Ngoài ra cũng cần xét đến khía cạnh Alpha là cách tổng quát con người tự nhận diện mình là gì trong tâm thức tập thể của nhân loại nói chung. Tất nhiên, bản sắc chung này làm nền tảng cho sự hình thành các bản sắc địa phương mà con thấy. Và mặc dù con sẽ tìm thấy một số khác biệt trong các bản sắc địa phương đó, những khác biệt này vẫn nằm gọn trong phạm vi tổng quát của cái bản sắc chung được áp đặt lên nhân loại và đã được nhân loại đồng sáng tạo trong một thời gian rất dài.

9.2. Tác dụng tự tăng cường khi vật chất trở nên dày đặc hơn

Trước tiên chúng ta hãy xét đến ý niệm bản sắc chung này. Điều mà hầu hết mọi người, thậm chí hầu hết mọi người tâm linh trên trái đất, không nắm bắt được là trái đất đã thay đổi đến chừng nào so với trạng thái nguyên thủy khi được các Elohim sinh tạo. Đối với con người và ngay cả đối với những người tâm linh, thật khó lòng nào nắm bắt được mức độ to lớn của những thay đổi đã xảy ra. Qua các lời dạy, các thày đã cho con một cái nhìn hé thoáng về điều này, và một điểm các thày có giải thích là vật chất tự thân nó đã trở nên dày đặc hơn. Qua sự dày đặc hóa của vật chất, ý thày muốn nói là giác quan vật lý của con người đã mất đi khả năng nhìn thấy vật chất thực sự là năng lượng. Trong trạng thái nguyên thủy, vật chất trên trái đất rung động ở một mức cao hơn, có nghĩa là với thị giác chẳng hạn, mắt vật lý của con người thuở đó có khả năng nhìn thấy vật chất phần nào trong suốt.

Con thử đi vào rừng mà xem, đặc biệt vào lúc sang xuân khi lá cây còn non xanh. Con đứng dưới một tàng cây và ngước nhìn lên mặt trời, nhìn ánh nắng chiếu xuyên qua lá và lá cây hiện ra gần như trong suốt. Màu lá nhạt hơn vì ánh sáng mặt trời như thể chiếu xuyên qua lá. Đấy, con thử tưởng tượng toàn bộ vật chất đều giống như vậy, và mắt vật lý của con có thể nhìn thấy không chỉ một mặt trời vật lý mà một nguồn năng lượng cao hơn đang chiếu xuyên qua mọi vật chất. Vào thuở đó, con người thật khó lòng tự xem mình là tách biệt khỏi một cõi cao hơn, vì qua giác quan vật lý họ có thể phát hiện một cái gì đó vượt khỏi vật chất. Có một ánh sáng chiếu xuyên qua mọi vật chất.

Nhưng với tâm thức tập thể trở nên dày đặc hơn thì chính vật chất cũng dày đặc hơn, qua đó độ rung của tất cả vật chất trên hành tinh bị kéo thấp xuống. Điều này có nghĩa là con mắt vật lý, chẳng hạn, khó lòng nào thấy được ánh sáng chiếu xuyên qua vật chất. Ánh sáng vẫn chiếu xuyên qua vật chất nhưng giác quan vật lý khó thấy nó hơn. Một khi sự thể này xảy ra, có một tác động tự tăng cường khởi sự, vì giờ đây con người dễ chấp nhận ý tưởng cho rằng cõi vật lý tách riêng khỏi cõi tâm linh, rằng có một khoảng cách, có một hàng rào.

Và điều này có nghĩa là con người bắt đầu phóng chiếu với tâm mình rằng vật chất là một chất tách biệt khỏi tánh linh, gây ra hậu quả là giác quan vật lý trở nên mờ đục, hòa điệu nhiều hơn với vật chất thay vì hòa điệu với ánh sáng chiếu xuyên qua vật chất. Và một khi giác quan mờ đục hơn, con người cũng tin chắc hơn rằng tánh linh với vật chất là tách biệt, và điều này khiến cho giác quan càng đờ đẫn thêm nữa. Đây là một chuỗi tác động đã tự tăng cường suốt một thời gian rất dài, và quá trình này chỉ thực sự lật ngược với sự hiện thân của Phật cách đây 2500 năm và Giê-su cách đây 2000 năm khi càng ngày càng có nhiều người bắt được sóng của cõi tâm linh. Và nhờ vậy đã có một sự chuyển động trong tâm thức đại chúng, qua đó con người có khả năng chất vấn ảo tưởng cơ bản nhất trên trái đất mà chúng ta có thể nói là sự tách biệt giữa vật chất và tánh linh.

9.3. Ảo tưởng cơ bản trên trái đất: sự tách biệt của vật chất và tánh linh

Thật vậy, ảo tưởng này làm nền tảng cho ý niệm bản sắc mà hầu hết mọi người đều có, rằng mình là con người, rằng hoặc mình là một xác thân vật lý hoặc là một sản phẩm của xác thân vật lý, rằng mình sống trên một hành tinh vật lý, rằng mình cùng với hành tinh đều tách biệt khỏi tánh linh. Tất nhiên con sẽ thấy một số người phủ nhận sự hiện hữu của một thế giới tâm linh, họ đã xoay sở để dựng lên một ý niệm bản sắc cho rằng họ chỉ là những con thú tiến hóa, họ chỉ là những sinh thể vật lý, và tâm họ tách biệt khỏi bất cứ gì vượt quá bộ não – tâm họ là sản phẩm của bộ não. Nhưng này con, làm sao họ có thể lý luận rằng một bộ não không có tâm thức mà lại sản xuất được tâm thức? Vì tất nhiên điều này không dựa trên lô-gíc đích thực, mà như các thày đã có giải thích, nó khởi lên do tâm con người có khả năng chứng thực cũng như bác bỏ bất kỳ quan điểm nào. Có sự phủ nhận hợp lý (plausible deniability) và có sự hợp lý hợp lý (plausible plausibility). Bất cứ điều gì con muốn tin thì con đều có thể loại bỏ mọi chứng cớ trái ngược hầu ra vẻ như tin tưởng của con là chính đáng. Và tất nhiên đây là điều những người theo chủ nghĩa duy vật đã làm, nhưng họ đã bỏ sót một sự thật lô-gíc đơn giản: Chỉ do họ có tâm thức mà họ mới có khả năng phủ nhận là họ có tâm thức! Tâm thức không thể được sản xuất bởi một vật chất vô thức.

Dẫu sao thì hiển nhiên, có nhiều người trên địa cầu tin rằng có một cõi tâm linh nào đó, một loại thiên giới nào đó, có một loại sinh thể nơi cõi đó ở mức cao hơn con người. Nhưng họ vẫn tự nhận diện mình là con người, có thể là người có tội hay bất toàn theo một nghĩa nào đó, có thể họ tự nhận diện mình là những sinh thể bị giam hãm trong một xác thân vật lý và xác thân vật lý này là kẻ thù cho sự tăng triển tâm linh của họ.   

Con thấy biết bao những loại bản sắc như vậy khắp nơi, nhưng khi con đi ra sau lưng chúng, khi con bước lui lại, thì con thấy bản sắc cơ bản vẫn là như sau: “Chúng tôi không phải là sinh thể tâm linh, chúng tôi là con người, có lẽ thậm chí là những con thú tiến hóa.” Nhưng cũng có một ý niệm bản sắc như thế này khi con thấy một số người bảo: “Phải, chúng tôi là sinh thể tâm linh, nhưng chúng tôi bị giam hãm trong cõi vật lý cùng xác thân vật lý này, cho nên chúng tôi bị tách rời khỏi tánh linh.” Và điều này dẫn đến niềm tin là có một khoảng cách to lớn, trong nhiều trường hợp một khoảng cách vật lý giữa trái đất và thiên đàng.  

9.4. Những sinh thể trong cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc

Con thấy đó, cách đây không lâu lắm, nhiều người ở các nước phương Tây vẫn tin rằng trái đất là một cái đĩa phẳng có mái vòm bên trên, và bên ngoài mái vòm bao phủ trái đất là thiên đàng. Có một khoảng cách vật lý giữa mặt đất bằng phẳng và thiên giới. Và con thấy nhiều phiên bản của niềm tin này cho rằng có một khoảng cách như vậy. Và tất nhiên đây lại là một bí ẩn trong số các bí ẩn, vì đúng là có một khoảng cách rung động giữa cõi vật lý và cõi tâm linh, và xen vào giữa là các cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc. Như các thày đã giải thích, trong ba cõi này có những sinh thể sinh sống, mà một số tự nhận mình là sinh thể tâm linh, là thày tâm linh, thậm chí là thần linh dù nam hay nữ, hay còn mạo nhận là chân sư thăng thiên bằng cách sử dụng danh tính của các thày. Có những người nghĩ là họ cần dùng tâm để với ra ngoài tâm, hầu bắt liên lạc với một sinh thể nào đó ở một cõi cao hơn, và một số quả đã có thể liên lạc với những sinh thể như vậy, tin rằng đó là sinh thể tâm linh chân chính. Con thấy đó, có những sinh thể, đặc biệt ở cõi lý trí và cõi bản sắc thấp, không phải là những sinh thể có thể gọi là xấu ác. Họ không nhất thiết có ý định xấu ác muốn tiêu diệt loài người hay biến loài người thành nô lệ, nhưng họ cần đến năng lượng từ con người. Họ không ở mức các chân sư thăng thiên vì các chân sư không cần và cũng không muốn bất cứ gì từ con người.

9.5. Cái Ta Biết so với những ngã tách biệt

Điều con thấy là toàn bộ ý tưởng, toàn bộ ý niệm bản sắc cho rằng “Chúng ta những con người trên trái đất tách biệt khỏi tánh linh bởi một khoảng cách” – đây chính là điều ngăn chặn con nối kết với các chân sư thăng thiên và cái ta cao của con. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là ý tưởng cho rằng con phải nối kết – nếu con hiểu nối kết theo nghĩa sự nối kết trên một khoảng cách rất xa – cũng có thể ngăn chặn con. Nếu con thấy một sự chia cách, nếu con thấy một hố sâu, một vực cao giữa con và cõi tâm linh, thì cái đó có thể ngăn chặn con. Ngay cả quan niệm rằng con ở trên bờ này của Biển Luân hồi và con phải băng qua bờ kia cũng có thể ngăn chặn con. Điều thày muốn nói ở đây là bất kỳ hình ảnh nào mà các thày có thể cho con từ cõi thăng thiên cũng có thể bị tâm sử dụng để ngăn chặn nối kết. Và do đó, điều hay hơn, điều xây dựng hơn, ít ra đối với các con là đệ tử trực tiếp của các thày, là con nhìn xem vấn đề không cứ là chuyện nối kết mà là ngộ ra rằng khoảng cách không có, tách biệt không có.

Ngày nay con sống trong thế giới hiện đại mà nhiều người gọi là một thế giới nối kết. Mạng internet đã nối kết con người ở khắp mọi nơi. Nhưng khi con nối kết trên internet với ai đó ở một nước khác, con biết có một sự xa cách vật lý. Con thường gán ý này lên các thày và con nghĩ: “Ừ, các chân sư ở trên kia nơi cõi tâm linh có rung động cao hơn. Tôi cần nâng cao tâm thức của tôi, tôi cần tạo một sự nối kết với các thày ở xa tuốt trên kia vượt khỏi tầm với bình thường của tôi.” Nhưng các thày đã cho con gì chứ? Con ngẫm xem những lời dạy mà các thày đã cho con. Con hãy ngẫm lời dạy rằng nhân cách vỏ ngoài của con, cảm xúc, ý nghĩ và ngay cả ý niệm bản sắc của con đều được cấu tạo bởi tất cả những cái ngã riêng rẽ kia trong tiềm thức – mà rất nhiều là ngã tách biệt. Và những ngã tách biệt này được tạo ra để phản ứng lại, để đáp trả lại các điều kiện có mặt trong cõi vật lý. Đây là những cái ngã hướng ra ngoài. Chúng liên quan đến một thế giới mà rõ ràng con đang trải nghiệm ở bên ngoài cơ thể vật lý của con, thậm chí bên ngoài cả tâm con. Những ngã đó được tạo ra để nhìn ra ngoài. Chúng được tạo ra dựa trên cảm nhận con là một sinh thể tách biệt sống trong một thế giới vật lý. Cơ thể con là một đơn vị tách biệt sống trong một thế giới vật lý. Thày không đang bảo những ngã này là xấu ác hay tiêu cực, chắc chắn nếu con đã vươn lên cao hơn tầng tâm thức 48. Ngã không xấu ác hay tiêu cực, nhưng vấn đề là chúng không tự nhận biết. Chúng chỉ có thể làm những gì chúng đã được thiết kế để làm, là nhìn ra ngoài.

Cho nên con đứng ở đây, con nhận ra là phải có cái gì nhiều hơn thế giới vật chất. Con tìm thấy giáo lý tâm linh nói đến chân sư thăng thiên ở một tầng cõi cao hơn. Liệu con có thể làm gì khác hơn là tiếp cận đường tu tâm linh dựa trên tất cả những cái ngã con mang? Nhưng con có thấy chăng cái kết quả không thể tránh được? Con đang tiếp cận con đường tâm linh xuyên qua những cái ngã được tạo ra để phản ứng lại thế giới vật chất. Con không thể tránh phóng chiếu hình ảnh từ các ngã đó lên đường tu tâm linh, lên cõi tâm linh cùng các thày tâm linh. Một lần nữa, các thày hoàn toàn không chê trách gì con. Con đâu làm gì khác được ở khởi đầu khi con mới tìm thấy đường tu? Các thày đã nhìn thấy hàng triệu và hàng triệu người suốt bốn, hay năm, hay sáu thập niên vừa qua khi sự quan tâm về tâm linh đã gia tăng khắp thế giới. Các thày đã nhìn thấy hàng triệu người tìm thấy đường tu tâm linh dưới một hình thức nào đó, rồi đã phóng chiếu lên đường tu này những hình ảnh từ những cái ngã mà họ mang trong bốn thể phàm. Điều này không thể tránh khỏi.

Nhưng các thày đã cố trao cho con, các đệ tử trực tiếp và đặc biệt qua đợt truyền pháp này, một nhận thức cao hơn – một nhận thức cao hơn cho phép con nhận ra rằng con không là cơ thể vật lý của con, con không là tâm cảm xúc của con, con không là tâm lý trí của con, con không là ngay cả tâm bản sắc của con. Con là nhiều hơn tất cả những tâm đó. Con là nhiều hơn tất cả những ngã đó, vì khi con bước vào cốt lõi bản thể con, có cái các thày đã gọi là cái Ta Biết, mà các thày cũng mô tả bằng từ “nhận biết thuần khiết”. Từ này là để chuyên chở ý nghĩa rằng cái ta, cái ta ý thức, cái Ta Biết không phải là ngã vỏ ngoài. Nó là nhiều hơn ngã vỏ ngoài. Nó là cốt tủy của bản sắc đã bước vào hiện thân. Cái Ta Biết đã tạo ra ngã vỏ ngoài nhưng không biến thành ngã vỏ ngoài. Con thấy là con không thể nối kết với các chân sư thăng thiên qua những ngã vỏ ngoài đó, ngay cả những cái ngã con mang trong thể bản sắc của con. Và ngay cả nếu con tạo dựng một ngã mới xem mình là một sinh thể tâm linh thì con cũng không thể nối kết với các thày xuyên qua ngã này. Đây là điều các thày đã có thể quan sát qua các đợt truyền pháp trước của giáo lý chân sư thăng thiên.

9.6. Ngã tâm linh giữa tầng 48 và 96

Trong đợt truyền pháp này, các thày đã trao truyền một lời dạy cao hơn, rằng giữa tầng tâm thức 48 nơi con thực sự neo chặt vào con đường tâm linh và tầng 96, con vươn lên cao hơn tâm thức tập thể bằng cách gầy dựng một ngã mới trong thể bản sắc, và tất nhiên những cái ngã trong thể lý trí và cảm xúc, nhưng con xây dựng một ý niệm bản ngã mới, một ý niệm bản sắc mới trong thể bản sắc xem mình là một người tâm linh. Một lần nữa, điều này hoàn toàn không thể tránh được. Con không thể làm gì khác trên một hành tinh dày đặc như địa cầu. Con cần tự kéo mình lên khỏi tâm thức tập thể và con làm vậy bằng cách xây dựng một cái ngã nói rằng: “Tôi không phải là cái này, tôi không đồng hóa với cái này, tôi sẽ không tham gia vào hoạt động này, tôi sẽ không tham gia vào hoạt động này vì nó không tâm linh. Tôi sẽ tập trung vào cái kia và cái nọ vì đó là tâm linh.” Cho nên con tạo dựng một cỗ xe, con chế tạo chiếc hỏa tiễn sẽ nâng con rời khỏi mặt đất, đưa con lên không gian cho tới khi con nhập vào vòng quỹ đạo cao hơn ở tầng 96.

Nhưng ngã này mà con xây dựng vẫn là một cái ngã đang phần nào phản ứng lại thế giới nơi con sống. Có thể con đã tạo ngã này dựa trên một giáo lý tâm linh nhưng đây vẫn là sự phản ứng đối với tâm thức tập thể: “Tôi không dự phần vào tâm thức tập thể vì tôi là người tâm linh. Cho nên tôi khác với tâm thức tập thể ở điểm này hay điểm nọ, ở cách này hay cách nọ, và tôi không làm chuyện này hay chuyện nọ, tôi không tin những gì người ta tin và thay vào đó tôi tin điều này.” Nhưng con vẫn đang xây dựng ngã tâm linh này trong sự phản ứng đối với các điều kiện trên trái đất. Một lần nữa, đây là chuyện hoàn toàn tự nhiên, con đâu làm gì khác được? Dẫu vậy, ngã này cũng là một cái ngã hướng ngoại. Điều này có thể khó hiểu vì nhiều người sẽ nói: “Nhưng con đã thiền tập suốt 30 năm trời và chú tâm vào bên trong.” Nhưng nếu con đã xây dựng một cái ngã là một thiền gia, đây vẫn là một ngã phản ứng các điều kiện trên trái đất. Chẳng hạn, nhiều người rút về một tu viện và thiền quán hàng giờ mỗi ngày đã xây dựng một ý niệm bản sắc vi tế nói rằng: “Tôi là một người tâm linh, tôi tâm linh hơn những người kia ở bên ngoài vì tôi tuân thủ những điều kiện này mà giáo lý tâm linh của tôi quy định.”

9.7. Cái Ta Biết: một cái ta thay đổi liên tục

Con thấy đó, con vẫn đang phóng chiếu một hình ảnh ra thế giới, phóng chiếu một hình ảnh lên chính con về người tâm linh là như thế nào. Và như các thày đã giảng, điều này rất hữu ích cho con trên hành trình từ tầng 48 lên 96. Nhưng cao hơn 96, con cần bắt đầu ngẫm xem điều này có còn hữu ích cho con nữa không. Đó là lúc con cần thực sự bắt đầu suy nghiệm lời dạy về cái Ta Biết vì những lời dạy này được ban ra với dụng ý giúp con tránh khỏi cạm bẫy mà hầu hết người tâm linh đều vướng phải suốt các thời đại – cụ thể là họ xây dựng ý niệm bản sắc tâm linh đó, họ từ chối buông bỏ nó, tiếp tục tìm cách tinh luyện nó và khiến nó trở nên tinh xảo hơn. Và khi làm vậy, họ nghĩ: “Khi cuối cùng tôi tạo được cái ngã tâm linh này, đủ tinh xảo căn cứ theo giáo lý của tôi, thì ngã này sẽ đưa tôi lên thiên đàng.” Nhưng Phật đã dạy gì cách đây 2500 năm? Phật đã đi ngược lại các nhà Bà la môn trong truyền thống Ấn giáo vốn tuyên bố tự ngàn xưa rằng mỗi con người là một cái ngã bất tử, là Atman, một cái ta bất tử không bao giờ thay đổi. Phật nói rằng dựa trên toàn bộ quá trình quán chiếu của mình, thày đã không bao giờ phát hiện trong chính mình một cái ta bất di bất dịch. Thay vào đó, thày dạy về một cái ta không ngừng thay đổi, một cái ta thay đổi liên tục.    

Xong con có thể quay sang thời Giê-su, khi thày dạy rằng chỉ có con người, hay đúng hơn chỉ có cái ta đã đi xuống từ thiên đàng mới có thể thăng lên trở lại thiên đàng. Làm thế nào con dung hòa được cả hai lời dạy đây? À, cái ta đi xuống từ thiên đàng, nếu có thể nói như vậy, là cái Ta Biết. Nhưng cái Ta Biết không phải là một cái ta bất di bất dịch, vì cái Ta Biết không ngừng chuyển đổi tùy theo nó đặt chú ý vào đâu. Cái Ta Biết nhìn chính nó như thế nào? Đối với hầu hết mọi người, cái Ta Biết tự nhìn nó xuyên qua tất cả những cái ngã trong các thể bản sắc, lý trí, cảm xúc, thậm chí cả cơ thể vật lý.

Như vậy cái Ta Biết trải nghiệm chính nó và trải nghiệm thế gian xuyên qua tất cả những ngã đó, và nó không ngừng chuyển từ cái này sang cái khác. Khi một tình huống khởi lên, con người phản ứng ra sao? À, cái Ta Biết dời chuyển vào một số những cái ngã tiềm thức đó và nó hồi đáp lại tình huống xuyên qua đó. Khi tình huống thay đổi, cái Ta Biết chuyển sang những ngã khác và giờ đây nó phản ứng dựa theo những ngã này, và cứ như vậy. Cho nên khi con dấn thân vào đường tu tâm linh từ tầng 48 đến 96, con không chỉ làm giống như hầu hết mọi người là phản ứng bằng cách chuyển vào đủ loại ngã theo chiều ngang, nhưng con bắt đầu vươn lên theo chiều dọc, con bước lên chiếc cầu thang vòng xoắn ốc bằng cách tạo dựng những cái ngã ngày càng cao hơn. Cho nên con dời chuyển theo hướng đi lên, nhưng con vẫn dời chuyển.

Con có thể nói là cái Ta Biết luôn luôn là nhận biết thuần khiết. Nhưng liệu nó có thường xuyên nhận biết chính nó là nhận biết thuần khiết hay không? Cái Ta Biết không được tạo ra như một cái ta vĩnh hằng, một cái ta không thay đổi, bất di bất dịch. Cái Ta Biết được tạo ra để là một cái ta liên tục thay đổi.

Vậy thì khi con lên cao hơn tầng tâm thức 96, cái Ta Biết bắt đầu ngộ ra: “Tôi KHÔNG phải là những ngã vỏ ngoài kia, tôi là nhiều hơn những ngã vỏ ngoài.” Đây là điều tâm thức Ki-tô chỉ ra cho con thấy. Và đó là khi con bắt đầu nắm bắt được vấn đề không phải là tinh lọc cái ngã tâm linh con đã xây dựng, mà là tháo gỡ nó, thoát ra khỏi sự đồng hóa với nó, để cho các ngã riêng biệt đó chết đi từng cái một, cho đến khi con có thể lại đứng đây như sự nhận biết thuần khiết đã đi xuống từ Hiện diện TA LÀ.

9.8. Không có chia cách giữa con và Hiện diện TA LÀ của con

Vậy bài thuyết giảng dài dòng này dẫn đến đâu, nó liên quan thế nào với chủ đề kết nối? À, nó liên quan đến sự kiện cái Ta Biết không thể kết nối với các chân sư thăng thiên hay với Hiện diện TA LÀ – bởi vì cái Ta Biết không hề chia cách khỏi các chân sư thăng thiên và Hiện diện TA LÀ. Thoạt tiên điều này có thể khó nắm bắt. Cho nên tạm thời, chúng ta sẽ nói là khi cái Ta Biết chú tâm vào cõi vật lý, hay ít ra vào bầu cõi chưa thăng thiên, nó vẫn ở một độ rung động nào đó và các chân sư thăng thiên thì ở một độ rung cao hơn, cho nên con sẽ thấy sự cần thiết phải nối kết với các thày. Nhưng liên quan đến Hiện diện TA LÀ, con cần nhìn nhận ở đây là đúng vậy, Hiện diện TA LÀ của con ngụ ở cõi tâm linh, còn con thì tập trung vào bầu cõi chưa thăng thiên. Dẫu vậy, con là phần nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, giống như một ngọn sóng là sự nối dài của đại dương. Con không thể thực sự chia cách, con không bao giờ có thể chia cách khỏi Hiện diện TA LÀ của con.

Và như vậy, đây là điểm khi cái Ta Biết cần khởi sự xoay chuyển, nghĩa là thay vì nhìn thấy một khoảng cách và nhu cầu nối kết xuyên qua khoảng cách đó, con khắc phục ảo tưởng khoảng cách. Có thể con sẽ hỏi: “Còn sự khác biệt trong độ rung thì sao?” Nhưng liệu sự khác biệt trong độ rung có hàm ý một khoảng cách hay không? Đối với các ngã tách biệt thì quả là có một khoảng cách – vì chúng không thể kinh nghiệm cái một, chúng đã không được sinh tạo trên nền tảng cái một. Còn cái Ta Biết vỏn vẹn là sự nối dài của Hiện diện TA LÀ, và chỉ có một chuyện nó cần ngộ ra: “Tôi không hề chia cách khỏi đại dương, tôi là một phần của đại dương.”

Bây giờ con hãy tưởng tượng một ngọn sóng. Có một đại dương mênh mông, có nhiều ngọn sóng, nhiều ngọn sóng rất cao. Và ở đây có một ngọn sóng nhận biết được chính nó. Và từ trên đỉnh của chính nó, nó nhìn quanh. Nó thấy tất cả những ngọn sóng kia, những cái đỉnh của tất cả những ngọn sóng kia, và nó chỉ chú tâm vào những cái đỉnh này. Nó cố liên tục chú tâm vào đỉnh sóng để nó luôn luôn nhìn thấy đỉnh của nó lẫn đỉnh của các con sóng khác, cho nên nó thấy: “Tôi khác tất cả những sóng kia.”

9.9. Sự xoay chuyển ở trên tầng 96

Nhưng cái Ta Biết kinh nghiệm điều gì khi con vươn lên cao hơn tầng 96? Con bắt đầu nhận ra: “Tôi là một ngọn sóng, nhưng tôi là sóng trên đại dương, và đại dương thì chuyển động. Và như một con sóng, thay vì chỉ chú tâm vào bề nổi của đỉnh sóng, tôi cảm nhận được sự chuyển động sâu xa bên dưới, tôi có thể dự phần vào sự chuyển động sâu xa này.” Thế là bỗng chốc, ngọn sóng nhận biết được đại dương cùng sự chuyển động của đại dương. Và thay vì cố cưỡng lại động tác của đại dương, sóng bắt đầu xuôi chảy với nó. Đây là điều cái Ta Biết của con có khả năng ngộ được, là nó không cưỡng lại sự chuyển động của tánh linh, nó nhận ra Hiện diện TA LÀ chính là đại dương: “Tôi là một con sóng trên đại dương này, nhưng tôi có thể chuyển động cùng với đại dương, chuyển động cùng với Hiện diện TA LÀ.” Và hơn thế, con có thể nhận ra là các chân sư thăng thiên cũng chính là đại dương, và con có thể chuyển động cùng với các thày khi con chuyển động cùng với Hiện diện TA LÀ. Nói cho cùng, đây là cách con kết nối.

Thật ra con không kết nối mà con khắc phục cảm nhận khoảng cách. Và tất nhiên lúc đầu, có thể con sẽ chỉ khắc phục được khoảng cách trong một giây phút ngắn ngủi. Nhưng tất cả các con đều có thể có trải nghiệm này như các thày mô tả, là cái Ta Biết bước ra ngoài các ngã tách biệt và tự trải nghiệm nó như sự nhận biết thuần khiết, nó tự trải nghiệm như là một phần của đại dương, chuyển động với đại dương của Hiện diện TA LÀ, chuyển động với đại dương của các chân sư thăng thiên. Con chuyển động đồng nhịp với đại dương thay vì chống cự lại, thay vì cố làm điều mà chúng ta có thể gọi là “lướt sóng” – lại thêm một hình ảnh nữa! Con thử hình dung một người đứng trên chiếc ván, lướt một ngọn sóng, nhưng bây giờ con tưởng tượng người đó thốt lên: “Tôi đã chán chê chuyện lướt sóng rồi. Tôi cho phép mình chìm vào làn sóng, cảm nhận sự chuyển động của đại dương và xuôi chảy với chuyển động của đại dương.”

9.10. Giai đoạn phân liệt của đường tu tâm linh

Hiển nhiên, tự ngã của con sẽ la lớn: “Nhưng nếu bạn xuôi theo đại dương thì bạn sẽ là ai đây? Bạn sẽ không còn là tôi, bạn sẽ không là một cái tôi tách biệt. Tôi sẽ làm gì đây nếu bạn nhập làm một với đại dương, số phận của tôi sẽ ra sao?” Phải công nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất trên đường tu tâm linh, qua đó con vẫn quen sống trong các ngã tách biệt, xem mình là một sinh thể tách biệt trong thế gian, nhưng giờ đây con lại bắt đầu cảm nhận được một sự chuyển động nào đó của đại dương của cái ta. Và làm thế nào con sẽ hoà giải cái hố khác biệt đó giữa việc con ở trong một cơ thể vật lý – có thể là con có gia đình, có việc làm, có sự nghiệp, có nhiều trách nhiệm trong thế gian – và đồng thời bên dưới những thứ này, con bắt đầu cảm thấy cử động của đại dương?

Các thày là chân sư thăng thiên hiểu hoàn toàn việc kinh qua giai đoạn này khó khăn đến chừng nào trên một hành tinh dày đặc như địa cầu. Đây gần như là một chuyện tâm thần phân liệt (schizophrenia) vì bản sắc của con bị lôi kéo về những hướng khác nhau. Và con yêu dấu – xin con thật chú ý ở đây – đó là tại sao các thày giảng dạy một con đường tu, một con đường tuần tự, qua đó con tuần tự lột bỏ các ngã tách biệt hầu con không bị sốc, là cú sốc mà một số người đã trải qua khi bỗng nhiên họ cảm thấy điều họ gọi là “cái chết của tự ngã”, hay một trạng thái “vô ngã”,  tức là họ đột nhiên cảm thấy như thể mình không còn ý niệm bản sắc nữa, mình không biết mình là ai nữa và mình trải qua một cơn khủng hoảng bản sắc. Đây không phải là điều các thày giảng dạy trong tư cách chân sư thăng thiên. Các thày giảng dạy một con đường tuần tự.

Có những người phóng chiếu ra là khi con đạt đến tầng 96 thì con giác ngộ – con đã kinh qua một cuộc thức tỉnh tâm linh, con đã giác ngộ tâm linh, và bây giờ con chứng được một trình độ tối thượng nào đó. Nhưng đây chính là điều thường phóng chiếu họ vào cuộc khủng hoảng bản sắc đó, vì làm sao họ sẽ hòa giải được cái hố khác biệt kia? Tất nhiên là họ vẫn còn ngã tách biệt, cho nên rất có thể họ sẽ ngừng lại ở tầng 96, có nghĩa là họ sẽ bắt đầu tuột xuống trở lại, sau một thời gian.

9.11. Kỳ vọng một sự đột phá ấn tượng

Cho nên lý do các thày đã nói với con ở trên tầng 96 còn nhiều bước nữa chính là để con có thể tiếp tục bước chân trên một con đường tuần tự sẽ không đẩy con lao xuống một cuộc khủng hoảng bản sắc, không biết mình là ai nữa và tại sao mình ở đây. Và như vậy, hầu hết các con đã khởi sự bước đi trên con đường này. Điều quan trọng, cực kỳ quan trọng, là con xoay chuyển trong tâm và chấp nhận đây là một đường tu tuần tự, đây phải là một đường tu tuần tự. Có một xu hướng – có lẽ thịnh hành ở phương Tây hơn là ở phương Đông, nhưng vẫn có mặt tại phương Đông – là khi đệ tử tâm linh tìm thấy con đường tâm linh thì họ bước vào tư duy mong muốn một cuộc thay đổi ấn tượng, một sự đột phá ấn tượng, một thành quả ấn tượng qua đó họ đột nhiên thay đổi và giờ đây họ đạt tới một trạng thái cao siêu. Dù họ gọi đó là thức tỉnh hay giác ngộ hay cái chết của tự ngã – hay bất kỳ tên gọi nào hợp thời ở ngoài kia – thì đó cũng là một kỳ vọng, hay một tư duy có khả năng ngăn chặn hoàn toàn sự kết nối đích thực với các chân sư thăng thiên.    

Nhiều người đã dùng tham vọng này để nối kết với những sinh thể ở cõi lý trí hay cả ở cõi bản sắc thấp, và họ nghĩ các sinh thể này phần nào tâm linh. Nhưng đây là một ngõ cụt, một con đường không lối thoát. Một số người khác đã đuổi theo một sự đột phá, mong mỏi rằng nó sẽ xảy đến, và nếu nó không xảy đến với đạo sư này thì họ sẽ tìm kiếm một đạo sư khác. Nếu nó không xảy đến với giáo lý này thì họ tìm kiếm một giáo lý khác. Bởi vì họ đinh ninh rằng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy cái sáng ngộ tuyệt đỉnh kia. Một ngày nào đó họ sẽ gặp được vị đạo sư kia sẽ gõ lên con mắt thứ ba của họ và họ sẽ giác ngộ. Một ngày nào đó họ sẽ đọc được một câu gì đó trong sách và mọi chuyện sẽ vỡ ra, thế là họ giác ngộ.

9.12. Con đường tuần tự ở trên tầng 96

Nhưng đó không phải là con đường các thày giảng dạy. Các thày dạy một con đường tuần tự có nhiều bước giữa các tầng tâm thức 96 và 144, và con bước đi từng bước một để không bao giờ bị lạc lối. Con không bao giờ đánh mất cảm nhận tại sao mình ở đây trong thế gian. Con không bao giờ đánh mất khả năng chu toàn các trách nhiệm của mình. Nhưng mặt khác, con không bao giờ đánh mất hướng đi của mình là đạt tới điểm mình không còn những cái ngã kia phản ứng lại thế gian. Và đó là lúc con trở thành một cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ cùng các chân sư thăng thiên hành động xuyên qua con, trong khi con vẫn không đánh mất cảm nhận mình là ai và mình đang đứng ở đâu trên đường tu. Đây là tại sao con có khả năng tuần tự xoay chuyển ý niệm bản sắc của con.

Vậy thày đang nói gì chứ? Thày đang nói là nhiều người mang kỳ vọng là họ có thể đi từ một cảm giác ít nối kết với chân sư thăng thiên rồi đột ngột có được một sự nối kết trọn vẹn. Nhiều người mong mỏi sự đột phá này. Một số còn phóng chiếu ra là sứ giả này có sự nối kết hoàn toàn rộng mở với các thày. Nhưng đây là một kỳ vọng thiếu thực tế. Tiến trình xảy ra tuần tự. Đúng là sứ giả này có sự nối kết với các thày, nhưng phần lớn thời gian ông lo làm một công việc gì đó và ông chú tâm vào công việc này. Thật ông không cần nối kết nhiều lắm với các chân sư để rà đọc lại một bài truyền giảng, là công vịêc ông bỏ ra nhiều thì giờ thực hiện. Ông không cần nối kết nhiều lắm với các chân sư để đi chợ, hay đổ rác, hay dọn dẹp nhà cửa, hay bất kỳ hoạt động nào ông làm trong đời sống thường nhật.

Cho nên việc nối kết với các chân sư thăng thiên không phải là một trải nghiệm thần sầu quỷ khốc nào đó. Phần lớn thời gian khi con làm lụng công việc hàng ngày, con không cần nối kết với các thày, ít ra là con không nhận biết một cách ý thức. Cái Ta Biết chỉ chú tâm vào hoạt động vỏ ngoài, thậm chí chú tâm xuyên qua những cái ngã kia mà con còn sót lại, tùy theo con ở mức nào trên đường tu. Và điều này hoàn toàn tự nhiên thôi, thật trong đó chẳng có gì phản tâm linh. Nhiều người tâm linh có một cái nhìn hoàn toàn thiếu thực tế về thế nào là giác ngộ hay thức tỉnh hay thế nào là một trình độ tâm thức cao.

9.13. Hãy tìm đúng một khái niệm hấp dẫn con

Thày cũng biết thày đã cho con quá nhiều điều để suy ngẫm. Nhưng thày mong con nhận ra là khi các thày trao một bài truyền đọc, các thày không chỉ nhắm vào một người mà nguyên một loạt người khác nhau. Cho nên các thày phải trao một số lời dạy cho những người ở các tầng tâm thức thấp hơn, một số cho các tầng cao hơn, và một số cho những người ở giữa. Đó là tại sao các thày thường đưa ra nhiều khái niệm có vẻ choáng ngợp. Nhưng con không cần tập trung vào tất cả mọi thứ. Con chỉ cần tìm ra đúng một khái niệm nào đó hấp dẫn đối với con, đánh động con ở mức tâm thức hiện thời của con. Xong con chú tâm vào đó, con học tập, con thể nhập, con suy nghiệm, con yêu cầu các thày giúp con nắm bắt và con thực sự thể nhập, và điều này sẽ giúp con bước lên bước kế tiếp. Và rồi có thể lại có một khái niệm khác con có thể tập trung vào. Cho nên con không cần cảm thấy choáng ngợp khi con gặp một bài truyền giảng chứa đựng quá nhiều ý tưởng khiến con nghĩ con bị quá tải. Con chỉ cần tìm đúng một ý tưởng thu hút con và con chú tâm vào đó. Con không quan tâm đến phần còn lại, vì con luôn luôn có thể trở lại sau đó, đọc lại bài truyền đọc, nghe lại bài truyền đọc và tìm ra cái ý tưởng kế tiếp mà con sẵn sàng tiếp nhận.

Vậy để tóm lược bài giảng này, tới một điểm con sẽ thấy lợi ích xem xét điều này: “Đâu là bản sắc tôi có khi lớn lên? Bản sắc này là gì trong nền văn hóa của tôi cho dù ở Hàn quốc hay một nơi nào khác? Người ta tự nhận diện như thế nào, và làm người có nghĩa là gì trong môi trường đó?” Xong con bắt đầu chất vấn bản sắc đó. Con dùng giáo lý tâm linh để hỏi: “Đây có thực là cách duy nhất để làm người hay chăng?” Và con có thể bắt liên lạc với những người đã lớn lên trong một nền văn hóa khác, nhìn ra là con có thể là một loại người khác so với những gì con đã được dạy dỗ, và lần hồi con bắt đầu chất vấn sự thể này. Xong từ từ con nỗ lực phơi bày ý niệm bản sắc chung của mọi con người và con tuần tự chất vấn cái đó. “Liệu tôi có thực sự xa cách tánh linh, tôi có thực sự tách biệt? Có cần thiết tôi phải xem mình là một sinh thể tách biệt, hay tôi có thể tuần tự chuyển đổi bản sắc của tôi?”

Sau đó khi con sử dụng giáo lý và thực hành đọc chú đọc thỉnh, con dần dần chuyển đổi bản sắc của con. Nhiều người trong các con sẽ nhận ra là mình đã đi trên đường tu được nhiều năm và phần lớn thời gian này có vẻ như con không tiến nhiều lắm. Nhưng thỉnh thoảng, có thể đột nhiên con có dịp nhìn ngược lại mình từng ở mức nào mười năm về trước, hay chỉ một năm về trước, và con bỗng nhận ra là con đã có tiến bộ. Bây giờ con không nhìn cuộc đời giống như trước nữa, con không phản ứng lại các tình huống theo cùng một cách nữa. Và đó là lúc con có thể nhận ra là mặc dù đây là một con đường tuần tự, vẫn có vẻ như con đường này đã đưa con lên cao hơn trước rất nhiều. Và đó cũng là lúc con có thể từ bỏ giấc mơ muốn nếm một cuộc xoay chuyển ấn tượng, một sự đột phá ấn tượng nơi con bỗng chốc giác ngộ.

9.14. Ảo tưởng về sự đốn ngộ tối hậu

Các thày biết là trên thế giới có những người tuyên bố là họ đã trải qua một sự giác ngộ tự phát đột ngột. Nhưng đây không phải là đường tu các thày giảng dạy và thày đã giải thích tại sao. Đối với những ai có thể đã có một sự giác ngộ ấn tượng nào đó trong kiếp này, thì điều này chỉ có thể xảy ra vì trong những kiếp trước họ đã bước theo một con đường tuần tự. Có thể họ không ý thức, thậm chí họ còn có thể phủ nhận. Họ có thể phủ nhận là một người có thể bước theo một con đường tuần tự dẫn đến giác ngộ. Như một số đạo sư tâm linh quả quyết, giác ngộ luôn luôn phải tự phát vì con không thể ép buộc nó xảy ra. Đấy, con yêu dấu, con không thể ép buộc nó xảy ra. Nhưng thày đã giảng điều gì trong bài này? Con không thể nối kết hay thức tỉnh xuyên qua những ngã tách biệt phản ứng lại thế gian, nhưng con có thể tuần tự buông bỏ chúng. Và con buông bỏ càng nhiều ngã tách biệt thì cái Ta Biết sẽ càng dễ ngộ ra nó là ai. Nói cho cùng thì đó chính là giác ngộ. Có gì khác nữa đâu?

Nhưng đối với một số người, trải nghiệm ấn tượng là một điều có thể xảy ra, qua đó họ cảm thấy như thể ý niệm bản sắc của họ tan biến mất và họ nghĩ họ đã giác ngộ, nhưng họ có thể vẫn chỉ ở tầng tâm thức 96 thôi. Và như vậy còn sót lại bao nhiêu ngã tách biệt nữa trước khi họ đạt đến tầng 144? Và nếu giờ đây họ tuyên bố là mình đã giác ngộ, nếu họ bước ra ngoài và bắt đầu giảng dạy, rồi họ thu hút đông đảo những người đi theo trầm trồ: “Ồ đúng vậy, vị này đã giác ngộ,” thì liệu họ sẽ bao giờ xem xét những cái ngã còn lại hay không, hay họ sẽ bác bỏ là mình vẫn còn những điểm cần giải quyết? Và nếu họ bác bỏ thì làm thế nào họ sẽ giải quyết được đây? Làm thế nào họ đạt đến mức sẵn sàng thăng thiên?

Trên thế giới ngày nay có những đạo sư tâm linh với rất nhiều người đi theo, và ai ai cũng nghĩ là họ đã giác ngộ. Nhưng họ còn khá xa tầng 144. Và nếu họ không lần hồi tiến lên gần hơn – do họ nghĩ họ không còn gì cần giải quyết trong tâm lý nữa – thì họ sẽ không hội đủ tư cách để thăng thiên sau kiếp này. Tình trạng này đã xảy ra cho nhiều đạo sư suốt các thời đại, đặc biệt trong truyền thống Ấn Độ nơi nhiều vị đã thiết lập đạo tràng. Họ thu nhận nhiều tín đồ và ai nấy đều phóng chiếu là vị đạo sư này đã chứng đạt trạng thái tối hậu. Nhưng các thày đang cố giúp con nhìn ra điều gì? Rằng chừng nào con còn đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất thì không có trạng thái tâm thức tối hậu. Cho nên nghĩ rằng mình đã chứng đạt một trạng thái tối hậu nào đó là một ảo tưởng, một ảo tưởng thật nguy hiểm. Bởi vì nếu con không chịu nhìn vào bản thân con thì làm thế nào con sẽ buông bỏ và khắc phục được những cái ngã còn sót lại đang ngăn chặn con thăng thiên? Đây là một cạm bẫy mà các thày mong con là đệ tử trực tiếp sẽ không rơi vào.

Và với lời này, thày đã trao cho con những gì thày muốn trao trong lượt này. Thày cảm ơn con đã chú ý. Thày cảm ơn các con đã tổ chức và tham dự khóa nhập thất này, đại hội này. Bởi vì tất nhiên, đại hội này đã cho phép các thày sử dụng luân xa các con để truyền rải vào tâm thức tập thể những xung lực thật mãnh liệt. Có nghĩa là không chỉ các con được hưởng lợi mà hàng triệu người khác cũng được lợi lạc khi xung lực tỏa rộng vào tâm thức tập thể giống như những vòng tròn trên mặt nước. Và do đó nhiều người sẽ đột nhiên nhìn ra một điều gì đó mà trong một thời gian dài họ đã khó lòng nhìn thấy. Họ sẽ nhìn ra mục đích thực của con đường tâm linh. Và họ sẽ tìm ra con đường tâm linh dưới hình thức này hay hình thức khác hấp dẫn nhất đối với họ, và con đường này sẽ đưa họ lên cao hơn.   

Đây là một công việc đáng kể mà các con đã và đang làm khi các con đến với nhau trong đại hội này. Và con hãy nhận sự biết ơn của các thày. Bây giờ thày sẽ đơn giản niêm con trong Ngọn lửa của Chỉ đạo Thiêng liêng mà TA LÀ trên trái đất.

15 | Con đã là tâm thức Ki-tô rồi

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô qua trung gian Kim Michaels ngày 5/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Con hãy xem xét chủ đề kết nối với các vị thày tâm linh. Mọi người trên trái đất dễ kết nối với vị thày tâm linh nào nhất? Đó chính là thày, Chân sư Thăng thiên Giê-su.

15.1. Tâm thức Ki-tô ở trong tất cả mọi thứ và tất cả mọi người

Câu tuyên bố trên có thể khiến nhiều người nghe giật mình. Lẽ đương nhiên, những ai không theo Cơ đốc giáo sẽ nói: “Chúng tôi dính dáng gì đến Giê-su?” Nhiều tín đồ Cơ đốc cũng cảm thấy rất khó kết nối với thày. Vì sao thày lại nói thày là vị thày dễ kết nối nhất? Bởi vì thày là vị chân sư đại diện tâm thức Ki-tô cho mọi người trên trái đất, và tâm thức Ki-tô là gì? Thánh kinh nói gì về điều này? Không có nó thì không có gì đã được tạo thành, được tạo thành. Do đó, tâm thức Ki-tô là tâm thức hoàn vũ, cái tâm thức hoàn vũ, một, thống nhất, hợp nhất từ đó mọi thứ được tạo thành.

Điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là tâm thức Ki-tô ở trong mọi thứ và mọi người. Do đó, bất cứ con ở đâu trong cõi vật lý trên trái đất, cho dù hành tinh và địa phương con ở có dày đặc đến đâu, cho dù tâm thức của con có thấp đến đâu, thậm chí nếu con ở tầng tâm thức thấp nhất có thể có trên trái đất, thì con vẫn đắm chìm trong tâm thức Ki-tô.

Con không thể trốn chạy tâm thức Ki-tô. Con không thể xa rời tâm thức Ki-tô, và vì thày là vị chân sư đại diện tâm thức Ki-tô hoàn vũ trong một hình tướng cá thể, nên thày là vị thày dễ kết nối nhất vì không những thày luôn luôn ở sát bên con, thày còn ở bên con ở mọi nơi và bất cứ nơi nào con đang ở.

Lẽ tất nhiên, sa nhân đã làm tất cả những gì họ có thể làm để ngăn cản con người không kết nối được với thày, chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô. Công cụ chính yếu mà sa nhân đã dùng để đạt mục đích này là gì? Dĩ nhiên đó là Cơ đốc giáo. Sự kiện thảm hại là Cơ đốc giáo đã góp phần nhiều hơn bất cứ nỗ lực nào khác trên trái đất vào việc ngăn cản con người kết nối với các vị thày tâm linh và với tâm thức Ki-tô hoàn vũ.

15.2. Một biểu hiện cá nhân của tâm thức Ki-tô hoàn vũ

Lẽ tất nhiên, quả thực là đa số con người không có khả năng kết nối với tâm thức Ki-tô hoàn vũ. Đó là lý do họ cần một biểu hiện cá nhân của tâm thức Ki-tô. Thày đầu thai xuống trái đất vào đầu Kỷ nguyên Song ngư để chứng minh cho tất cả mọi người trạng thái tâm thức khiến con có thể nói: “Ta và Cha ta là một”. Đấng Cha ở đây là tâm thức Ki-tô hoàn vũ, và lẽ dĩ nhiên, đấng Sáng tạo, và lẽ dĩ nhiên, các chân sư thăng thiên.

Trước tiên, chính tâm thức Ki-tô là cái mà con, như đấng Con, như Mặt trời của Thượng đế, có thể hợp một với và do đó con biểu lộ và đại diện nó trên trái đất. Đây chính là mục đích của kiếp đầu thai của thày: để chứng minh cho tất cả mọi người là bất kể họ đang ở đâu trong cõi vật lý, bất kể tâm thức của họ đang ở mức nào, thì họ vẫn có thể kết nối và thực sự hợp một với tâm thức Ki-tô hoàn vũ. Con cũng có thể là một biểu hiện cá nhân của tâm thức Ki-tô, như con đã thấy thày là một biểu hiện cá nhân của tâm thức Ki-tô.

15.3. Tâm Ki-tô là thực tại bên dưới mọi sự

Cơ đốc giáo đã được dùng như một công cụ, đặc biệt là ngay từ lúc khởi đầu có Giáo hội Công giáo, để phóng chiếu hình ảnh là con không thể đi theo gương thày, con không thể khoác vào tâm thức Ki-tô, con không thể là một với tâm thức Ki-tô, con không thể biểu lộ nó, vì chỉ có thày mới có thể làm việc này, vì thày là người quá đặc biệt. Trong tâm thức Ki-tô, không có ai “đặc biệt” cả.

Vì sao thày lại nói không có ai đặc biệt? Không có sinh thể nào đặc biệt hơn một sinh thể khác vì mọi sinh thể đều xuất phát từ tâm một của tâm thức Ki-tô và tâm của đấng Sáng tạo. Nếu tất cả mọi sinh thể đều xuất phát từ Bản thể của đấng Sáng tạo, thì làm sao bất cứ sinh thể nào lại có thể đặc biệt? Đây là điều con có thể thấy nếu con dùng lô-gíc của tâm Ki-tô. Lẽ tất nhiên, sa nhân đã dùng mọi sắc thái của tâm thức nhị nguyên để che giấu thực tại bên dưới mọi sự này. Như các con đã thỉnh cầu và như trong bài thỉnh mà các con vừa đọc, con có thể thấy là phương tiện chính của sa nhân là khiến một số người cảm thấy đặc biệt. Họ đứng trên luật lệ của con người, nhưng nhiều người còn nghĩ là họ đứng trên luật của Thượng đế, họ có thể dẹp các luật này sang một bên, làm bất cứ gì họ muốn mà không phải chịu hậu quả. Những hậu quả mà đa số con người phải gánh chịu không áp dụng cho họ.

Con thấy rất nhiều thí dụ của tâm thức này, và khi con đi vào trạng thái tâm thức muốn mình đặc biệt, thì con không thể kết nối với Giê-su Ki-tô. Vì thày không ở đây để giúp một số người cảm thấy đặc biệt bằng cách hạ người khác xuống. Thày ở đây, và tâm thức Ki-tô ở đây, để nâng mọi người vào Vương quốc của Thượng đế, và lẽ tất nhiên, vương quốc này đúng thực là trạng thái tâm thức khi con kết nối với Ki-tô bên trong mình. Con tới điểm con chấp nhận con là Ki-tô đang hiện thân trên trái đất. Đây là Vương quốc của Thượng đế trên bình diện cá nhân, và khi có đủ số người, một số lượng tới hạn những con người biểu lộ tâm thức này thì con có Vương quốc của Thượng đế thể hiện trên trái đất.

Lẽ tất nhiên, sa nhân đã làm tất cả những gì họ có thể làm để trì hoãn ngày này, nhưng họ không thể trì hoãn mãi mãi. Họ không thể ngăn chặn ngày này xảy đến vì có quá nhiều người đã mở tâm ra đón nhận một thực tại cao hơn, một viễn quan cao hơn vượt quá chủ trương của các giáo hội Cơ đốc giáo chính thức hay các triết lý khác, như thuyết khoa học duy vật, cộng sản, mác-xít hay những chủ thuyết khác. Các chủ thuyết này được đặc biệt tạo ra để che giấu cái một bên dưới mọi sự sống, chia rẽ con người thành nhiều nhóm, nâng một số nhóm lên như đặc biệt và hạ một số nhóm xuống. Đây là một mô thức mà con có thể thấy đằng sau nhiều lớp hóa trang. Mô thức này luôn luôn phát xuất từ tâm thức nhị nguyên, nhưng tối hậu đó là tâm thức sa ngã và các sa nhân đằng sau tâm thức đó, mà ta có thể gọi là các lực phản-Ki-tô, thậm chí là tâm phản-Ki-tô.

15.4. Hình ảnh giả của Ki-tô trong Cơ đốc giáo

Vì sao thày lại nêu lên những điều này khi chủ đề là cách kết nối với các vị thày tâm linh? Bởi vì nếu con đã từng có bất kỳ quá trình Cơ đốc giáo nào trong kiếp sống này, thì con cần xem xét những hình ảnh mà phiên bản Cơ đốc giáo của con đã phóng chiếu lên thày, một sinh thể tâm linh. Bất kể những hình ảnh này là gì, chúng đều ngăn cản không cho con kết nối với thày.

Con cũng có thể xem xét và nói: “À, tôi không có quá trình Cơ đốc giáo trong kiếp sống này.” Nhưng còn các kiếp trước thì sao? Con có thực sự nghĩ là con có thể đầu thai trên hành tinh này trong khoảng 2000 năm vừa qua mà không có kiếp nào dính dáng đến Cơ đốc giáo và hình ảnh giả của họ về Ki-tô? Thày bảo đảm với con là điều này không có xác suất cao đâu, và do đó tất cả các con đều sẽ được lợi lạc nếu con xem xét các hình ảnh về Ki-tô mà Cơ đốc giáo đã gán cho thày, và sau đó đập tan các hình ảnh này và khám phá các ngã tách biệt đang duy trì các hình ảnh đó.

Tác dụng của những hình ảnh này là gì? Đó là khi con đứng trước hình ảnh Giê-su rất đặc biệt vì Giê-su là người Con duy nhất của Thượng đế, thì có một phản ứng khởi lên trong con. Cho dù con có nhận ra phản ứng này một cách có ý thức hay không, nhưng cái Ta Biết của con cảm thấy là chuyện này không thể thực, không thể đúng. Cái Ta Biết có cảm nhận nó cũng là con của Thượng đế, nó cũng phát xuất từ tâm Một. Khi nó đứng trước lời tuyên bố rất mạnh mẽ, hình ảnh giả đó, thì con phải có phản ứng. Con phản ứng bằng cách tạo ra các ngã tiềm thức có khả năng giải quyết mâu thuẫn trong nội tâm con và dồn nén nó để con có thể sống với nó. Con không bị mâu thuẫn tràn ngập, thắc mắc tại sao Thượng đế lại tạo ra một người Con quá đặc biệt và tất cả các người khác ở địa vị thấp hơn.

Con sẽ được lợi ích nếu con nhìn vào các ngã này, moi chúng ra và con có thể dùng nhiều giáo lý và dụng cụ mà các thày đã trao truyền. Con có thể dùng một số sách của thày để khám phá phản ứng của con với Ki-tô và hình ảnh của Ki-tô đã được đưa ra cho con. Sau đó, khi con tới chỗ nhìn thấy các ngã đó, con có thể tách mình ra khỏi chúng và buông bỏ chúng. Con có thể tới chỗ chấp nhận là con (cái Ta Biết mà con là) là một phần nối dài của Bản thể đấng Sáng tạo. Ngã vỏ ngoài, các ngã vỏ ngoài, tự ngã không phải là phần nối dài của Bản thể đấng Sáng tạo. Một khi con bắt đầu trải nghiệm con là một phần nối dài của Bản thể đấng Sáng tạo, thì con sẽ có thể mau chóng khắc phục các ngã tách biệt để con có thể chấp nhận con xứng đáng kết nối với thày, Giê-su, con có khả năng kết nối với thày, Giê-su. Sau đó, lẽ tất nhiên con có thể quyết định: con có sẵn lòng kết nối với thày, Giê-su, hay con chọn kết nối với một chân sư thăng thiên khác?

Lẽ đương nhiên, thày hoàn toàn không có phản ứng gì trước chọn lựa này, thày hoàn toàn không đòi hỏi con phải trung thành với thày. Nếu có một chân sư thăng thiên khác gần gũi hơn trong tim con, thì con nên tập trung vào vị chân sư đó. Con sẽ vẫn dễ kết nối với vị chân sư đó hơn khi con khắc phục những hình ảnh sùng bái Ki-tô. Vì con người có khuynh hướng chuyển các hình ảnh sùng bái này sang bất cứ vị chân sư thăng thiên nào khác, nhìn vị chân sư đó, nhìn các thày như đang ở “trên này” ngoài tầm với của con. Con quả thật khó kết nối với một sinh thể mà mình coi như ngoài tầm với của mình, phải không con?

15.5. “Tôi đã là tâm thức Ki-tô rồi”

Điều gì sẽ giúp con thu hẹp khoảng cách? Một khi con đã xem xét và khắc phục các ngã tách biệt được tạo ra để phản ứng lại Cơ đốc giáo, thì con có thể tiến thêm bước nữa. Thày đã nói gì ở đầu bài? Không có nó, không có tâm thức Ki-tô, thì không có gì đã được tạo thành, được tạo thành. Không có tâm thức Ki-tô thì không có con người nào đã được tạo thành được tạo thành, hay nói đúng hơn, không có gì đã được sinh ra được sinh ra. Vì các con nhớ là theo Kinh Tin kính Cộng đồng Nixêa (Nicene Creed) thì thày không được tạo thành (made) mà được sinh ra (begotten), người con duy nhất được sinh ra từ bản thể đức Cha, nhưng lẽ tất nhiên câu này không chỉ thày, Giê-su Ki-tô, mà chỉ tâm thức Ki-tô. Sự thực là tất cả các con đều sinh ra từ Thượng đế, các con đều xuất phát từ tâm thức Ki-tô, nhưng điều này có nghĩa gì? Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu mà con cần chiêm nghiệm để nắm bắt.

Con, cái Ta Biết, là gì? Con được tạo ra từ đâu? Con được tạo ra từ đâu? Con được tạo ra từ tâm thức Ki-tô, vì nếu không làm sao con có thể có tự nhận biết? Vì chỉ có tâm thức Ki-tô mới có tự nhận biết, do đó con đã xuất phát từ tâm Ki-tô rồi, con là tâm Ki-tô, con đã kết nối với tâm Ki-tô. Con là một với tâm Ki-tô. Con có thể thấy điều này bằng nhiều cách, và con có thể bắt đầu bằng cách thấy mình kết nối với tâm Ki-tô và dần dần tiến tới cảm nhận sâu đậm hơn con là một với tâm Ki-tô.

Sự xoay chuyển mà con trải nghiệm khi con đã khắc phục đủ số các ngã là con nhận ra: “Nhưng tôi là tâm thức Ki-tô, vì không có gì ngoài nó. Bất kể các hình tướng mà tôi thấy trong thế giới hình tướng, đằng sau mọi hình tướng, bên trong mọi hình tướng, là tâm thức Ki-tô. Khi tôi nhận ra cái Ta Biết của tôi không phải là các ngã tách biệt, không phải là tự ngã, không phải là nhân cách vỏ ngoài, thì tôi có thể trải nghiệm mình là nhận biết thuần khiết. Và nhận biết thuần khiết là gì? À, nó có thể là gì nếu không là tâm thức Ki-tô? Không có nhận biết nào ngoài tâm thức Ki-tô.” Con có thể nói: “Nhưng còn bản sắc tách biệt, sa nhân, tâm thức nhị nguyên thì sao?” Tâm thức sa ngã không phải là nhận biết, nó là phản-nhận biết. Con không nhận biết cái Một của mọi sự sống. Nhưng tâm thức Ki-tô vẫn còn ở trong con, vì con không thể trốn chạy tâm thức Ki-tô. Con có thể tạo một ảo tưởng trong tâm, nhưng ảo tưởng chỉ hiện hữu trong tâm mà thôi.

15.6. Các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô cá nhân

Những người trong các con sẽ đạt tới tầng này trong kiếp sống này hay đã đạt tới rồi, sẽ được lợi ích nếu các con chiêm nghiệm các điều này và nhận ra là con đã là tâm thức Ki-tô rồi. Cái Ta Biết là tâm thức Ki-tô. Nhưng con hãy chú ý, thày không nói con là Ki-tô, thày nói con là tâm thức Ki-tô, và đây là một điểm quan trọng mà con cần chiêm nghiệm cho tới khi con hoàn toàn nhận ra con là tâm thức Ki-tô. Sau đó, con có thể chấp nhận: “Tôi là Ki-tô, tôi là Ki-tô Hằng sống đang hiện thân trong cõi vật lý, và tôi ở đây để là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của tôi, cho các chân sư thăng thiên, cho dòng chảy của Thánh linh chảy xuyên qua tôi.”

Lẽ tất nhiên, điều này không có nghĩa là con mất đi ý niệm bản ngã của con, cá tính của con, vì con điều khiển dòng chảy đó, và con có thể càng ngày càng trung hòa hơn trong việc điều khiển dòng chảy. Làm như vậy sẽ khiến con càng ngày càng thêm hân hoan khi con trở nên trung hòa và không dính mắc vào kết quả đặc trưng mà dòng chảy qua con phải tạo ra. Thay vào đó, con chỉ giản dị vui hưởng sự trải nghiệm dòng chảy xuyên qua con, đi vào thế gian và tạo ra bất cứ kết quả nào mà nó tạo ra. Con yêu dấu, đây là một tầng cao hơn mà ta có thể gọi là quả vị Ki-tô cá nhân, là Ki-tô hành động, khi con là cánh cửa mở cho dòng chảy.

Cảm tưởng gần giống như con chỉ là nhân chứng của dòng chảy, vì con nhận ra: “Tự tôi, cái tôi vỏ ngoài, không làm được gì”. Thậm chí con còn nhận ra: “Tự tôi, cái Ta Biết, không làm được gì vì dòng chảy xuất phát từ trên cao và nó chỉ chảy xuyên qua tôi mà thôi. Nhưng nó chảy xuyên qua tôi vì tôi là tâm thức Ki-tô, và do đó tôi là trụ điểm trong thế gian này để tâm thức Ki-tô chảy xuyên qua.”

15.7. Khắc phục ảo tưởng tách biệt với Ki-tô

Đây là một xoay chuyển quan trọng mà con cần chiêm nghiệm. Thày không nói là tất cả các con đều sẵn sàng để thực hiện sự xoay chuyển này. Một số các con chưa sẵn sàng, và điều này, lẽ dĩ nhiên, hoàn toàn phải phép. Các con có thể tiếp tục sử dụng các dụng cụ và tiêu trừ các ngã đang chắn lối các con. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là thực tại, thực tại sâu thẳm, là con không trở thành một cái gì mà con không đang là ngay lúc này.

Thày biết là các thày đã cho các con hình ảnh và giáo lý về con đường tu, đi từ tầng tâm thức 48 lên tầng 96. Các thày có giảng về việc khoác vào tâm Ki-tô, khoác vào quả vị Ki-tô cá nhân, trở thành Ki-tô Hằng sống. Đây là ngôn từ thích hợp cho một tầng đặc trưng của con đường tu khi con chưa sẵn sàng làm sự xoay chuyển đó vì con vẫn còn có quá nhiều các ngã đang níu kéo cái Ta Biết để nó tự đồng hóa với chúng và nhìn thế gian xuyên qua chúng.

Khi con tới gần và lên cao hơn tầng 96, thì con bắt đầu chiêm nghiệm sự xoay chuyển là con không trở thành cái mà con không là. Vì khi tâm thức Ki-tô ở trong tất cả mọi sự, và không có gì được tạo thành ngoài tâm thức Ki-tô, thì làm sao con có thể trở thành Ki-tô? Làm sao con chưa là Ki-tô rồi? Làm sao con có thể đã từng tách biệt khỏi cái ở khắp nơi và trong mọi sự? Con thấy chăng, vấn đề không phải là vượt qua một khoảng cách, trải qua một thay đổi. Vấn đề là thức tỉnh khỏi ảo tưởng cho rằng có khoảng cách, để tới điểm nhận ra con đã là, con lúc nào cũng đã là, tâm thức Ki-tô.

Lẽ tất nhiên, đúng là con có thể hiểu điều này bằng trí năng ở các tầng thấp của con đường tu, nhưng nếu con vẫn còn quá nhiều ngã níu kéo con nhìn thế gian và chính mình qua phin lọc của chúng, thì con không thể làm sự xoay chuyển tâm thức mà thày nói tới. Một lần nữa, con cứ tiếp tục đi trên con đường tu, sử dụng các dụng cụ và sẽ có một ngày con tới điểm sự xoay chuyển xảy ra. Con không thể khiến nó xảy ra, con không thể ép nó xảy ra, nhưng con chắc chắn có thể làm việc để tiến về hướng đó bằng cách khắc phục các ngã và chuyển hóa các năng lượng đang níu kéo con vào phản ứng.

Như các chân sư khác đã nói về các bí ẩn của con đường tu, thì đây cũng là một bí ẩn nữa. Ở một giai đoạn nào đó, con cần có hình ảnh là con đang trở thành cái gì con không đang là vì con chưa thể thấy mình là Ki-tô vào lúc đó. Con có hình ảnh là con đang đi trên con đường tu. Con đang tiến bước trên con đường tu, con đang chuyển hóa năng lượng, con đang tiêu trừ các ngã. Khi con tiêu trừ một ngã ở tầng 48 thì con lên tầng 49, và cứ tiếp tục như thế. Con tiến bước trên con đường tu, nhưng khi con đến những giai đoạn cao hơn của con đường tu, thì vấn đề là nhận ra điều con cần thực hiện là khắc phục ảo tưởng tách biệt, ảo tưởng là con đã từng tách rời, vì tách biệt là một ảo tưởng.

Có phải chăng là thày đã nói nhiều lần: Không có tâm thức Ki-tô thì không có gì đã được tạo thành được tạo thành, do đó tâm thức Ki-tô ở trong mọi thứ và mọi người. Không có tách biệt trong thực tại. Không thể nào có, không bao giờ từng có, do đó tách biệt là một ảo tưởng chỉ có thể có mặt trong tâm của những người có tự nhận biết và có quyền tự quyết. Do vậy họ có chọn lựa sử dụng tâm thức nhị nguyên để xây dựng trong tâm bức màn, phin lọc, tấm lá chắn che giấu cái Một bên dưới mọi sự sống và khiến họ tập trung vào những ngã tách biệt và thân thể vật lý, coi mình là sinh thể tách biệt.

Một lần nữa, như các thày đã giảng, điều này nằm trong khuôn khổ Luật Tự quyết. Luật Tự quyết hoàn toàn cho phép con người có trải nghiệm dùng quyền tự quyết như sinh thể tách biệt. Lẽ tất nhiên, khi con sử dụng ý chí của mình với tư cách một sinh thể tách biệt, thì ý chí của con không tự do, và con càng có thêm chọn lựa dựa trên tách biệt thì con càng giới hạn ý chí của mình, con càng giới hạn các chọn lựa mà con có thể có. Con bị nghiệp của mình đè nặng cho tới khi con bị đóng đinh trên thập tự và không còn nhúc nhích được nữa.

15.8. Chối bỏ Ki-tô

Tuy nhiên, đây thuộc vào những trải nghiệm mà con được phép có trên một hành tinh như trái đất. Chính thực là trong giai đoạn hiện nay của trái đất, một trong những mục đích của trái đất là cho con người trải nghiệm này. Con thấy có biết bao nhiêu người trên thế gian xây dựng ý niệm họ đặc biệt, nhiều khi dưới sự lãnh đạo của một hình thức độc tài, hoặc của một nhà lãnh đạo hay của một tổ chức như Giáo hội Công giáo. Họ khiến con người cảm thấy vì họ đi theo chế độ độc tài đó, vì họ tuân phục chế độ độc tài đó, nên họ đặc biệt khi so với những người không tuân phục.

Con thấy chăng là Ki-tô không bao giờ tuân phục bất cứ gì trên trái đất. Đó là điều thày đã chứng minh hai ngàn năm trước đây: rằng con không cần tuân phục. Con không có bổn phận tuân phục. Trái lại, con có quyền không tuân phục, con có quyền đứng lên không tuân phục bất cứ sự độc tài nào và để họ làm bất cứ gì họ muốn tới con và qua đó họ sẽ phải nhận sự phán xử của Ki-tô.

Đây là điều mà nhiều người đã làm. Đây là điều nhiều người đang làm hiện nay. Đó là những người đang phản đối sự độc tài dưới mọi hình thức, họ đang là Ki-tô hành động, dù họ không biết tới quan niệm Ki-tô hành động. Tuy nhiên, đó là điều họ đang làm. Họ không những chỉ đứng lên chống lại và đem lại sự phán xử tới kẻ độc tài, nhưng họ còn chứng minh cho mọi người thấy là ta có thể đứng lên chống những người đang là các lực phản-Ki-tô và tìm cách đàn áp con người.

Làm cách nào họ đàn áp con người? Họ chỉ có thể làm được chuyện này bằng cách khiến những người này chối bỏ họ có Ki-tô trong họ. Chỉ khi những người này thấy họ tách biệt với Ki-tô, với cái Một bên dưới mọi sự, thì họ mới có thể bị đàn áp và kiểm soát. Công việc của sa nhân luôn luôn nhằm khiến con người chối bỏ họ xứng đáng là Ki-tô, chối bỏ họ đã là Ki-tô rồi và họ xứng đáng biểu lộ Ki-tô trên thế gian này.

Các chế độ độc tài đó có thể không dùng danh từ Ki-tô, nhưng con hãy nhìn các tôn giáo, các triết lý chính trị và lẽ dĩ nhiên khoa học duy vật. Họ đều chối bỏ rằng Ki-tô ở trong con. Hoặc họ chối bỏ có cái gọi là Ki-tô, có cái gì ngoài thế giới vật chất. Đây là một sự chối bỏ, và con lúc nào cũng thấy là khi có sự độc tài, thì có một tập đoàn thượng tôn quyền lực. Vì làm sao con có chế độ độc tài nếu nhà độc tài và những người chung quanh y không đặc biệt? Nếu không như vậy thì không có độc tài, mà là dân chủ. Chế độ độc tài lúc nào cũng đưa ra ý niệm là có một số người đặc biệt và đa số dân chúng thuộc giai cấp thấp hơn, và do đó không thể chọn phản đối tập đoàn thượng tôn quyền lực. Dân chúng không có quyền và có thẩm quyền là Ki-tô hành động.

Như thày có nói, tổ chức đứng hàng đầu trong việc khiến con người chối bỏ Ki-tô trong họ là Cơ đốc giáo. Vì lý do này, việc con kêu gọi sự phán xử tôn giáo này là điều chính đáng, chính thày đã tuyên bố sự phán xử này nhiều lần. Đây là một công việc cần thiết vì mỗi lần con kêu gọi sự phán xử, thì có thêm tà lực bị tiêu trừ, có thêm nhiều người được giải thoát và có thể xét lại hình ảnh về Ki-tô mà Cơ đốc giáo đã cho họ từ thuở thơ ấu. Những hình ảnh này về Ki-tô quả thật xuất phát từ tâm phản-Ki-tô, vì sự thực tuyệt đối là Giáo hội Công giáo ngay từ khởi thủy đã bị các lực phản-Ki-tô chiếm hữu và kiểm soát. Giáo hội Công giáo vẫn còn như vậy cho tới ngày nay, và điều này được chứng minh bởi việc Giáo hội Công giáo đã không thể tự cải tổ. Mặc dù các vụ xâm phạm tình dục thiếu nhi được phơi bày, mặc dù tất cả các chuyện khác đang xảy ra, Giáo hội Công giáo vẫn không thể tự cải tổ.

À, các con yêu dấu, tâm thức Ki-tô có thể tự cải tổ vì tâm thức Ki-tô không đứng yên hôm qua, hôm nay và mãi mãi, vì tâm thức Ki-tô là lực liên tục của sự tự thăng vượt. Vì mục đích cuộc sống là gì? Đó là, như các thày đã giảng, con bắt đầu với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm và con dần dần thăng vượt ý niệm đó. Con với lên những tầng bản sắc càng ngày càng cao hơn, cho tới khi con tới ý niệm con là một với tâm Ki-tô, con là một với mọi sự sống. Con là một với đức Cha trên thiên đàng và con khắc phục ảo tưởng tách biệt, ảo tưởng mình là một cái ta bé nhỏ bị gò bó trong một khu vực địa phương rất eo hẹp trên hành tinh nhỏ bé gọi là địa cầu này. Thay vào đó, con trải nghiệm sự kết nối với tâm thức Ki-tô là cái Một của mọi sự sống.

Đây là điều mà sa nhân đã chối bỏ trong chính họ. Đây cũng là điều mà họ đang cố sức khiến tất cả mọi người chối bỏ. Các con, là các đệ tử trực tiếp của các thày, có tiềm năng khắc phục sự chối bỏ đó và chứng minh là con đã khắc phục nó, để mọi người có thể thấy là có chọn lựa khác. Quả thực có chọn lựa khác. Qua đó, con người thấy được vì sao thày đã đầu thai hai ngàn năm trước, thày đã chứng minh những gì, và họ tới điểm thấy Giê-su Ki-tô không là một ngoại lệ. Giê-su Ki-tô là một tấm gương cho tất cả mọi người, cho dù họ lớn lên trong một nền văn hóa Cơ đốc giáo hay không. Do đó, con có thể giúp con người khắc phục sự chối bỏ Ki-tô, thực sự là sự chối bỏ chính mình, chối bỏ mình là ai.

15.9. Ki-tô ở trong con

Bây giờ thày trở lại chủ đề của hội nghị này và con đường tu của con. Con là Ki-tô. Đó là lý do vì sao con có thể trải nghiệm là một với thày, Giê-su. Vấn đề không phải là con kết nối với thày, vì nếu con còn thấy mình ở dưới này trên trái đất và thày ở cao trên kia trên thiên đàng, thì con sẽ không thể kết nối. Thày không ở kia trên thiên đàng, thày ở khắp nơi. Thày ở ngay đây bên cạnh con, và nếu con còn tìm thày ở ngoài kia thì làm sao con thấy được thày? Nếu con nhìn qua một ống nhòm và tìm thày ở đằng xa, thì làm sao con có thể thấy là thày không những đang ở ngay cạnh con và còn ở trong con?

Vì Ki-tô ở đâu? Trong Vương quốc Thượng đế! Vương quốc Thượng đế ở đâu? Nó ở bên trong con. Đó là nơi con sẽ tìm thấy thày. Thày không lẩn trốn con. “Thày” không lẩn trốn “con”. Con lẩn trốn chính mình. Thày không tìm cách ép con phải ngưng lẩn trốn. Thày chỉ nói là khi con tới điểm chán ngán lẩn trốn, thì con sẽ khám phá ra thày ở bên trong con. Khi con không chối bỏ mình là Ki-tô, thì con sẽ tìm thấy thày như Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô.

Con yêu dấu, tới đây thì thày niêm phong các con trong niềm vui mà thày LÀ. Niềm vui không phải là niềm vui nhân gian đối ngược với buồn khổ, mà là niềm vui Thiêng liêng không có đối ngược, vì làm sao cái ở khắp mọi nơi lại có thể có đối ngược? Sự thực là Ki-tô không có đối ngược. Phản-Ki-tô không phải là đối ngược của Ki-tô, phản-Ki-tô là đối ngược của một ảo tưởng nhị nguyên khác, một hình ảnh nhị nguyên của Ki-tô. Đây là cái mà phản-Ki-tô có thể chống đối. Phản-Ki-tô không thể chống đối Ki-tô thực.

Con thấy chăng, sa nhân đã làm gì? Họ đã tạo ra hình ảnh giả của Ki-tô và hình ảnh của ác ma chống đối Ki-tô. Cả hai hình ảnh đều không thực, vì trong thực tại không thể có tách biệt vì không có Ki-tô thì không có gì đã được tạo thành được tạo thành. Tới đây thì thày niêm phong các con trong niềm vui của Ki-tô và thày hy vọng là các con sẽ đem niềm vui này tới thế gian.

17| Hãy mở tâm để trải nghiệm trực tiếp tình thương Thiêng liêng

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels ngày 5/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ Chân sư thăng thiên Paul người Venice. Con có thể nghĩ rằng kết nối với các thày tâm linh là một việc khó khăn. Đối với nhiều người quả thật đấy là một điều khó làm, do đó các thày là các Thượng sư đã quyết định là nhiều người sẽ thấy dễ kết nối hơn với vị thày tâm linh qua một trong bảy tia và đặc tính Thiêng liêng của các tia.

Lẽ tự nhiên, Giê-su biết rõ là bài giảng của thày nhắm vào những người ở một tầng tâm thức nào đó, vì đa số không thể chuyển đổi và chấp nhận Ki-tô bên trong họ. Nhiều người sẽ thấy dễ hơn nếu họ tập trung vào một trong bảy tia và các đặc tính của tia này. Do đó, khi họ suy ngẫm, hòa điệu vào đặc tính của tia, đọc các bài chú và thỉnh của tia đó, có thể dùng cuốn sách của tia trong bộ Khóa học Tự điều ngự, thì họ sẽ dễ hòa điệu hơn, trước tiên là với đặc tính của tia và từ đó nhận ra là những đặc tính này được thể hiện và đại diện bởi một vị thày đặc thù, một vị chân sư đặc thù, là một trong các vị Thượng sư.

Nhằm mục đích này, các thày đã quyết định trao truyền một số bài giảng, lẽ tất nhiên không có mục đích thay thế các bài trong Khóa học Tự điều ngự hay các bài khác mà các thày đã giảng về một số tia đặc trưng. Các bài này được thảo ra đặc biệt để giúp các con hòa điệu với một tia sáng và đặc tính của nó. Lẽ dĩ nhiên, thày là chân sư đại diện cho đặc tính của Tia thứ Ba, thường được gọi và được xem là đặc tính của tình thương.

17.1. Tình thương Thiêng liêng khác tình thương nhân gian

Như thày Giê-su đã nói, nhìn theo một khía cạnh nào đó, thày Giê-su là vị chân sư dễ kết nối nhất, nhưng nhìn theo một khía cạnh khác, thày Giê-su là vị chân sư khó kết nối nhất vì những hình ảnh được phóng chiếu bởi Cơ đốc giáo. Giống như vậy, con cũng có thể nói tình thương là đặc tính của Thượng đế dễ kết nối nhất vì có ai trên trái đất mà không có ít nhất khái niệm về tình thương? Lẽ tất nhiên, con cũng có thể nói tình thương là đặc tính khó kết nối nhất vì hầu hết con người có thể có khái niệm về tình thương, nhưng đó không phải là tình thương Thiêng liêng. Họ có khái niệm về tình thương nhân gian đã được phóng chiếu lên trên tình thương Thiêng liêng.

Lẽ tất nhiên, nếu con bị bao trùm trong hình ảnh của tình thương dựa trên tình thương nhân gian, thì làm sao con hòa điệu và kết nối được với tình thương Thiêng liêng? Điều này không thể làm được. Một lần nữa, nếu quả thực con muốn hòa điệu với tình thương, trước hết con phải xem xét con đã bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh nào của tình thương nhân gian, mà thậm chí ta có thể gọi là phản-tình thương, khi con lớn lên trong kiếp này hay có thể ngay cả từ những kiếp trước.

Nhiều người có hình ảnh về tình thương mà đáng lẽ phải gọi là làm chủ hay sở hữu thay vì là thương yêu. Họ nghĩ rằng thương yêu một người là một bổn phận cho nên khi con nói con thương ai đó, thì người kia phải có bổn phận với con. Nếu con có một quan hệ thương yêu với một người, cho dù đó là người phối ngẫu, hay cha mẹ hay con cái, thì con có bổn phận với người đó.

Con thấy là biết bao nhiêu người ở trong một quan hệ được gọi là thương yêu nhưng thực sự họ bị giam trong một loại trò chơi quyền lực trong đó cả hai bên tìm cách làm cho bên kia cảm thấy có bổn phận với mình. Chính họ cũng cảm thấy mình có bổn phận, cho nên họ tìm cách khiến người kia cảm thấy có bổn phận cho mình điều gì đó hay làm điều gì đó đáp ứng nhu cầu của mình. Tình thương này, lẽ tất nhiên, không phải là tình thương Thiêng liêng, vì tình thương Thiêng liêng không tìm cách làm chủ, không tìm cách sở hữu.

Tại sao con cần làm chủ một cái gì nếu con không cảm thấy thiếu thốn? Mọi mong muốn làm chủ phát xuất từ ảo tưởng thiếu thốn, và lẽ tất nhiên tình thương Thiêng liêng không bị giam trong ảo tưởng thiếu thốn. Do đó, tình thương Thiêng liêng không bao giờ có thiếu thốn. Nó là một dòng chảy miên viễn chảy từ đấng Sáng tạo tới cái được sáng tạo và đi vào cái được sáng tạo. Thày là đại diện cho tình thương Thiêng liêng nên làm sao thày có thể cảm thấy thiếu thốn? Thày cảm nhận dòng chảy liên tục của tình thương xuyên qua thày, biểu lộ tới mọi người và thày trải nghiệm dòng chảy này vô tận. Nó không bao giờ cạn kiệt.

Dù thày có cho con người trên trái đất bao nhiêu tình thương chăng nữa, thày vẫn không bao giờ cạn kiệt vì thày càng cho nhiều hơn thì thày càng nhận thêm nhiều hơn. Đó là tình thương. Lẽ tất nhiên, khi thày cho tình thương thì thày cho một cách tự do. Thày cho trong trạng thái tâm trung hòa mà các thày đã đề cập, thày không có ý muốn đạt được kết quả gì khi cho tình thương, thày không chờ đợi mọi người phải đáp ứng thế nào, họ phải làm gì hay không được làm gì với tình thương đó. Thày không có những ý muốn đó cho nên khi thày nhận được tình thương từ cao trong tự do, thày cũng cho tình thương trong tự do cho tất cả mọi người ở dưới. Thày không tạo ra trong tâm cấu trúc muốn làm chủ, muốn sở hữu, muốn kiểm soát cách người nhận làm gì với món quà của thày. Thày không thực sự cho một món quà, thày chỉ cho phép tình thương chảy xuyên qua thày.

17.2. Con có mở tâm đón nhận tình thương chăng?

Con có thể quán sát điều này. Con có thể quán sát xem con muốn tình thương nhân gian hay tình thương Thiêng liêng. Nếu con muốn tình thương Thiêng liêng thì việc đầu tiên con cần nhận ra là tình thương Thiêng liêng được trao tặng tự do cho tất cả ai muốn nhận nó. Đối với riêng cá nhân con, vấn đề không phải là tình thương Thiêng liêng có được trao cho con không? Câu hỏi duy nhất là con có nhận nó hay không nhận nó? Tình thương Thiêng liêng luôn được trao tặng – đây là một sự thật nhất định. Nhưng nhận tình thương không là một điều nhất định vì hầu hết, ngay cả những người tâm linh, từ chối tình thương vì nhiều lý do.

Việc đầu tiên luôn luôn là nhìn vào các ngã tiềm thức đang khiến con chối bỏ hay lờ đi không thấy tình thương. Một trong những ngã tiềm thức thông thường nhất là ngã nói rằng con không xứng đáng được thương yêu, con không xứng đáng được nhận tình thương Thiêng liêng. Có những ngã khác phóng chiếu rằng: “Ồ, tình thương Thiêng liêng rất đặc biệt.” Vì nó rất đặc biệt, nên tôi cũng phải đặc biệt mới nhận được nó. Tình thương Thiêng liêng không đặc biệt, nó vượt lên trên mọi nhãn hiệu. Nó chẳng đặc biệt mà cũng chẳng không đặc biệt. Không thể gán nhãn hiệu cho nó.

17.3. Tình thương vượt lên trên điều kiện

Một từ mà các thày thường dùng với tình thương Thiêng liêng là “vô điều kiện”. Đây chỉ là một từ khác mà tâm có thể bóp méo và phân tích và nói: Điều này nghĩa là gì? Các sa nhân sẽ luôn luôn phản đối: “Không có cái gọi là tình thương vô điều kiện, ngay cả tình thương của Thượng đế cũng có điều kiện, vì chẳng phải là chúng tôi đã bỏ ra bao nhiêu công sức trên hành tinh này và các bầu cõi trước để tạo ra Thượng đế giả, vị Thượng đế giận dữ có điều kiện ở trên trời? Chẳng phải là chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để phóng chiếu đấy là vị Thượng đế duy nhất, vị Thượng đế thật duy nhất?” Đây là điều sa nhân sẽ luôn luôn khẳng định và do đó họ sẽ khẳng định là Thượng đế giận dữ có điều kiện ấy, tình thương của ông chỉ có thể có điều kiện và chỉ những ai hội đủ một số điều kiện nào đó (do sa nhân quy định) mới xứng đáng được nhận tình thương của Thượng đế.

Tình thương vượt lên trên các điều kiện, đặc biệt là những điều kiện có thể được quy định trên một hành tinh không tự nhiên như trái đất hay có thể được quy định bởi các sa nhân trong tư duy nhị nguyên. Bởi chưng, bất kỳ điều gì, bất kỳ điều kiện nào mà tư duy nhị nguyên có thể quy định, đều là một điều kiện tương đối trong khi một đặc tính thiêng liêng thì không tương đối. Vì nếu nó tương đối, thì nó không thể thiêng liêng. Đây là bí ẩn, thách đố cho các con chiêm nghiệm: sự khác biệt giữa tình thương nhân gian có điều kiện và tình thương Thiêng liêng, vượt lên trên các điều kiện.

Vì ảnh hưởng của người khác, con đã quá quen với khái niệm cho rằng để nhận được tình thương từ người khác, thì con phải hội đủ một số điều kiện. Đa số các con đã nhận được hình ảnh này từ cha mẹ, tuy không nhất thiết là họ phóng chiếu một cách ý thức hình ảnh này lên con. Họ chỉ giản dị có hình ảnh về tình thương có điều kiện này từ cha mẹ họ phóng chiếu và họ làm được gì khác ngoài việc truyền lại hình ảnh đó cho con? Họ không biết là có một cách thương yêu khác.

17.4. Thượng đế có điều kiện của tôn giáo có tổ chức

Con tìm được một tình thương khác với tình thương có điều kiện ở đâu trên thế giới? Chắc chắn con không tìm thấy nó nơi các tôn giáo coi mình phát xuất từ Abraham hay đa số các tôn giáo khác. Tôn giáo là gì? Tất cả những tôn giáo lớn, có tổ chức, được chính thức hóa, hệ thống hóa đều là dụng cụ của sa nhân để kiểm soát dân chúng. Làm sao một tôn giáo như thế có thể dạy về tình thương vô điều kiện hay cho tình thương này cho con người?

Con chỉ có thể có một tổ chức lớn có quyền lực trên con người nếu những người này nghĩ rằng giới lãnh đạo tổ chức rất đặc biệt và ở tầng mức cao hơn họ. Do đó, mọi người phải tuân theo một số điều kiện thì mới được các nhà lãnh đạo chấp nhận. Hình ảnh này được phóng chiếu tiếp tục lên tới vị Thượng đế giận dữ ở trên trời cho nên nhiều người ngày nay tin rằng tình thương của Thượng đế có điều kiện. Điều này tất nhiên là sự ngạo mạn, sự kiêu căng tâm linh của sa nhân tin rằng họ có thể quy định một Thượng đế và phóng chiếu hình ảnh đó. Sau đó, thậm chí họ còn ngạo mạn tin rằng Thượng đế tuân theo hình ảnh của họ, hình ảnh khô chết, hình ảnh có điều kiện. Rất ít người chịu suy nghĩ về hình ảnh vị Thượng đế có điều kiện và suy ngẫm xem nó thật sự có lý không. Nếu Thượng đế vượt quá thế gian, nếu Thượng đế đã sinh tạo thế gian, thì tại sao Thượng đế phải tuân thủ một hình ảnh được tạo ra trong thế gian?

17.5. Thượng đế vượt lên trên các hình ảnh nhân gian

Một hình ảnh có hình tướng. Con sống trong thế giới hình tướng. Con người nhìn các hình tướng thấy được trên trái đất, họ nhìn thấy các hình tướng của chính tâm lý của họ, tâm lý nhị nguyên, tâm tách biệt và họ dùng những hình tướng này để tạo dựng những hình ảnh và sau đó phóng chiếu những hình ảnh này ra ngoài. Họ phóng chiếu hình ảnh lên Thượng đế, nhưng nếu Thượng đế vượt lên trên hình tướng thì làm sao Thượng đế lại có thể tuân theo hay bị gò bó trong bất kỳ hình ảnh nào được tạo ra trong thế giới hình tướng?

Nếu Thượng đế là nguồn gốc của hình tướng thì há chẳng hợp lý sao là Thượng đế vượt quá hình tướng? Chúng ta không hoàn toàn chính xác khi nói Thượng đế vô hình tướng vì đấng Sáng tạo có cá tính, nhưng chắc chắn cá tính này vượt lên trên mọi hình tướng tìm thấy trong thế giới hình tướng. Làm sao hợp lý được khi con người trên hành tinh này, một hành tinh rõ ràng là lạc hậu, lại có thể tạo ra một hình ảnh về Thượng đế và Thượng đế sẽ tuân theo hình ảnh này? Lẽ tự nhiên, sa nhân sẽ nói đây không phải là một hình ảnh về Thượng đế vì Thượng đế chính là như vậy. Một lần nữa, con hãy nhìn vào hầu hết các thượng đế do các tôn giáo trên thế gian miêu tả và sẽ thấy vị Thượng đế này có hình tướng, Thượng đế này có điều kiện và tình thương của Thượng đế đó có điều kiện.

Khoa học cho con biết là mọi sự đều được tạo ra từ năng lượng. Năng lượng đã khoác vào hình tướng của những vật mà con thấy trong thế giới vật chất, mà con thấy được bằng giác quan hay bằng tâm. Các vật này đều có một hình tướng khác biệt phân biệt vật này với vật kia, nhưng năng lượng đã tạo mọi hình tướng từ đâu đến? Nó đến từ bên ngoài vũ trụ vật chất. Có lý chăng khi cho rằng năng lượng tạo hình tướng cũng có cùng hình tướng?

Chẳng phải có lý hơn là năng lượng vượt lên trên hình tướng? Nó hơn bất kỳ hình tướng nào mà con có thể thấy trong thế giới này. Do đó, một trong những năng lượng được dùng để tạo ra thế giới hình tướng là tình thương, tình thương Thiêng liêng, nhưng tình thương này vượt lên trên mọi hình tướng trong thế giới này. Ánh sáng trắng trong máy chiếu phim vượt lên trên những màu sắc trên màn ảnh. Ánh sáng này khoác vào màu sắc khi nó đi xuyên qua cuộn phim, nhưng ánh sáng trắng vượt lên trên những hình ảnh trên cuộn phim.

17.6. Con không nhận được tình thương qua ngã phản ứng

Nếu con muốn kết nối với tình thương Thiêng liêng, con phải bắt đầu bằng cách nhận ra là nó không tuân theo những điều kiện do con người quy định. Con phải sẵn sàng nhận chân rằng chuyện không thể tránh được là trong kiếp này và các kiếp trước, con đã tạo ra những ngã phản ứng lại những hình ảnh về tình thương có điều kiện, tình thương nhân gian, tình thương kiểm soát. Các ngã này không thể kết nối với tình thương Thiêng liêng, không thể hiểu thấu tình thương Thiêng liêng.

Một cái ngã không thể hiểu thấu khái niệm tình thương vô điều kiện. Nó không thể xử lý khái niệm này. Con không thể trải nghiệm tình thương Thiêng liêng xuyên qua một ngã như thế. Đó là lý do tại sao con cần phơi bày ngã, thấy ảo tưởng, buông bỏ nó. Lẽ tất nhiên đây là mục đích chính của giáo lý của các thày, đặc biệt là cuốn sách do thày trao tuyền trong khóa học tự điều ngự. Con có thể tiến triển trong công việc này bằng cách làm một bài thiền tập có vẻ giản dị, thậm chí có vẻ thô sơ vì nó không cần lý luận trí năng phức tạp nào.

17.7. Bài thiền tập về Tình thương

Bài thiền tập mà thày đề nghị giản dị như sau. Con ngồi trong tư thế thoải mái trong một căn phòng yên tịnh, con khép mắt lại và con nhắc nhẹ nhàng trong tâm câu thần chú:

Tình thương là, Tình thương là.

Con sẽ nhận thấy là trong con có thể khởi lên một phản ứng với câu đó. Có một cái tâm, một cái ngã muốn nói: “Tình thương là gì? Tình thương phải là cái gì đó. Nó không thể chỉ là, nó phải là cái gì đó. Nó phải có hình tướng. Hãy cho tôi một cái gì mà tôi có thể nắm bắt và cầm giữ. Hãy cho tôi một cái gì mà tôi có thể sỡ hữu, mô tả, phân tích. Tôi là cái tâm, công việc của tôi là giải thích và hiểu mọi việc, nhưng nếu cái đó không có đặc tính, thì đâu có gì để giải thích và hiểu? Hãy cho tôi một cái gì mà tôi có thể làm việc với nó. Bạn đã tạo ra tôi để tôi hiểu và giải thích mọi thứ cho bạn. Bạn không thể chỉ ngồi đó và nói: ‘Tình thương là,’ nó phải là cái gì đó.”

Nếu con chịu xem xét phản ứng này, thì nó có thể giúp con phơi bày một số những ngã tiềm thức đó. Vì lúc đó con có thể nói, à tâm của tôi nói tình thương phải là gì? Con hãy cho phép tâm con nói hết câu tình thương là và cho phép tâm con gán cho tình thương những đặc tính. Giờ đây con đã đưa tâm con vào tình trạng khó xử, vì khi tâm nói tình thương là thế này, thế nọ, thì con đã phơi bày một trong những ngã tiềm thức đang cầm giữ một hình ảnh do con người tạo ra về Thượng đế, về tình thương.

Lúc đó con có thể làm việc với ngã này cho tới khi con thấy nó và con có thể buông bỏ nó. Nếu tâm làm những gì nó được lập trình để làm, nếu nó nói hết câu, thì nó phơi bày ngã ra. Điều khôn ngoan nhất tâm có thể làm là lặng thinh nhưng tâm có thể lặng thinh chăng? Thường thì không đâu. Con thấy đây là một bài tập rất, rất giản dị, một bài thiền tập rất, rất giản dị, nhưng nó có thể vô cùng hữu hiệu. Nếu con muốn, con có thể dùng bài tập này để trải qua một giai đoạn trong đó con làm việc với những ngã đang cầm giữ những hình ảnh về tình thương có điều kiện, một điều kiện nào đó. Con có thể tới điểm mà con chỉ ngồi và lặp lại câu thần chú, “Tình thương là” và con bình an với vỏn vẹn Tình thương là.

Con không cần thêm phần cuối vào câu nói. Con không cần gán đặc tính lên tình thương. Con có thể cho phép tình thương là bất cứ cái gì nó sẽ là, cái “Ta Sẽ Là Cái Ta Sẽ Là.” Đây là lúc con có thể kết nối và trải nghiệm tình thương Thiêng liêng vượt lên trên mọi điều kiện. Nó là một năng lượng. Nó là một Hiện diện. Nó là một trạng thái tâm thức. Con không thể hiểu nó, không thể nắm bắt nó với tâm. Khi con bắt đầu trải nghiệm nó, thì con nhận ra chính vì tâm không thể nắm bắt nó, nên tâm cũng không thể gạt nó ra ngoài.

Tâm có thể khiến con chia trí và không tập trung vào tình thương Thiêng liêng nhưng nó không thể gạt tình thương Thiêng liêng ra ngoài vì các ngã tách biệt, các ngã tiềm thức chỉ có thể gạt ra ngoài những gì có đặc tính mà tâm có thể nắm bắt. Phin lọc nhận thức của con, như các thày đã gọi nó, chỉ có thể lọc ra những gì có đặc tính, chỉ có thể ngăn chận cái gì có đặc tính. Cái không có đặc tính mà tâm nhị nguyên có thể nắm bắt, cái đó sẽ đi xuyên qua rào cản của phin lọc nhận thức. Lúc ấy con có thể một lần nữa dùng bài thiền tập giản dị để vô hiệu hóa tâm đường thẳng muốn đặt tình thương vào một tiến trình đường thẳng, một thước đo đường thẳng với hai đối cực nhị nguyên, như tình thương chân thật. 

17.8. Chỉ có tình thương Thiêng liêng mới có thể khiến con mãn nguyện

Con hãy xem xét khái niệm đã thấm vào tâm thức tập thể: tình thương thật đối ngược với tình thương giả. Làm sao tình thương có thể thật hay giả? Tình thương có điều kiện có thể thật hay giả, nhưng tình thương Thiêng liêng làm sao có thể thật hay giả? Làm sao con có thể gán những khái niệm thật và giả lên một đặc tính thiêng liêng? Đây là điều mà tâm muốn làm, vì qua đó nó cảm thấy nó đang nắm quyền kiểm soát. Tâm cảm thấy vì nó kiểm soát được tình thương, nó có thể dùng tình thương để kiểm soát người khác, có được điều nó muốn và vượt qua được cảm giác thiếu thốn gắn liền với tâm tách biệt.

Một khi con bước vào tách biệt, con sẽ cảm thấy thiếu thốn vì con không nhận được các đặc tính thiêng liêng là điều duy nhất có thể thực sự khiến con mãn nguyện và lấp đầy tâm con. Ngã tách biệt không thể hiểu và nắm bắt điều này, nhưng cái Ta Biết lẽ dĩ nhiên hiểu được. Con có thể tới điểm con nhận ra và hoàn toàn chấp nhận là cách duy nhất khiến con mãn nguyện là nhận được một đặc tính thiêng liêng.

Nếu con muốn tình thương, con có nhận được bao nhiêu tình thương nhân gian cũng không thể thật sự thỏa mãn nhu cầu tình thương của con. Chỉ tình thương Thiêng liêng mới có thể thỏa mãn nhu cầu tình thương. Lẽ tất nhiên, tình thương Thiêng liêng không thể thỏa mãn nhu cầu tình thương của ngã tách biệt. Không gì có thể thỏa mãn nhu cầu tình thương của ngã tách biệt, nhưng cái Ta Biết có thể bước ra ngoài ngã đó và nhận ra ngã đang cố tìm kiếm điều không bao giờ thỏa mãn được.

Con có nhận bao nhiêu tình thương nhân gian chăng nữa, nó vẫn không thể thỏa mãn con. Tình yêu nhân gian có thể khiến con xao lãng một thời gian ngắn khi con đang yêu ai đó, nhưng sớm muộn thì tuần trăng mật cũng chấm dứt. Cái Ta Biết có thể tới điểm nhận ra: “Tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn với cái này. Tôi chỉ có thể cảm thấy thỏa mãn, tràn đầy, mãn nguyện khi tôi trải nghiệm tình thương Thiêng liêng.”

17.9. Bài thiền tập chấp nhận Tình thương

Một khi con đã làm xong bài thiền tập “Tình thương là,” thì thày đề nghị bước kế tiếp. Một lần nữa, con vào một phòng yên tĩnh, nhắm mắt lại và trong tâm con lặp lại câu thần chú, “Tôi chấp nhận tình thương.”

Một lần nữa, con có thể khám phá một phản ứng. Tâm có thể có nhiều phản ứng hay lý do vì sao con không thể giản dị chấp nhận tình thương. Một lần nữa, có thể có những điều kiện mà con hay thế gian cho rằng con phải hội đủ để có thể chấp nhận tình thương, và lúc đó con có thể làm việc với các ngã này. Con có thể tới điểm có thể lặp lại câu thần chú này, “Tôi chấp nhận tình thương”, và tiếp tục lặp lại cho tới khi con trải nghiệm nó.

Tâm con vẫn sẽ tìm cách xen vào vì nó sẽ nói: “À, ông thày nói nghe có vẻ hay, ông nói về tình thương, ông nói về tình thương vô điều kiện, nhưng tình thương vô điều kiện như thế nào? Cảm giác khi trải nghiệm tình thương vô điều kiện như thế nào? Nói cho tôi biết đi, bởi vì làm sao bạn có thể biết bạn đang nhận được tình thương vô điều kiện nếu bạn không thể mô tả nó, và ông ấy thì nói là tình thương này vượt quá các đặc tính, vượt quá hình tướng. Làm sao bạn có thể biết được bạn đã trải nghiệm nó?”

17.10. Tâm không thể nào trải nghiệm tình thương Thiêng liêng

Đây là điều tâm sẽ làm, đây là thủ thuật mà tâm dùng để khuynh loát con. Giải pháp cho điều có vẻ bí ẩn này rất ư giản dị. Con không cần có một hình ảnh trong tâm về cảm giác trải nghiệm tình thương Thiêng liêng sẽ như thế nào. Thày có thể bảo đảm với con là khi con trải nghiệm nó, con sẽ biết đây là tình thương Thiêng liêng. Con sẽ không có chút nghi ngờ là con đã trải nghiệm tình thương Thiêng liêng.

Con không cần mô tả tình thương Thiêng liêng theo cách mà tâm có thể nắm bắt, vì con không trải nghiệm tình thương Thiêng liêng bằng tâm. Như các thày đã nói, tâm quan sát mọi vật từ một khoảng cách. Nó tạo ra một tâm ảnh và sau đó nó phóng chiếu rằng tâm ảnh chính là vật. Tâm muốn tạo ra một hình ảnh về trải nghiệm tình thương Thiêng liêng nghĩa là gì, cảm thấy nó như thế nào.

Con hãy bảo tâm con mô tả cảm giác khi ăn một trái táo và con sẽ thấy là tâm bị kẹt. Con có cần ai mô tả cảm giác khi ăn một trái táo chăng? Hay con có thể giản dị vào cửa hàng thực phẩm mua một trái táo và cắn một miếng? Tại sao con cần mô tả khi con có trải nghiệm trực tiếp? Cũng thế thôi với tình thương Thiêng liêng. Tại sao con cần mô tả cảm giác như thế nào? Con hãy mở tâm ra với trải nghiệm trực tiếp và thày có thể bảo đảm với con trải nghiệm này không thể nhầm lẫn được. Con không hề nghi ngờ con đã chạm gấu áo của chân sư và con đã trải nghiệm cái gì đó vượt lên trên tâm. Vì tình thương Thiêng liêng vượt lên trên tâm. Tâm không thể trải nghiệm nó.

Các thày muốn ngụ ý gì khi nói về tâm, tâm đường thẳng, tâm phân tích? Nếu thày hỏi con, tâm con ở nơi nào trong thân thể con? Chắc hẳn hầu hết các con sẽ chỉ vào đầu, vào bộ óc và nói chính bộ óc là cái đang suy nghĩ. Tâm nằm trong bộ óc và đây là một hình ảnh tiện dụng.

Lẽ đương nhiên, con không thể hiểu nó theo nghĩa đen vì tâm nhiều hơn bộ não, nhiều hơn sinh hoạt của bộ não. Tâm đường thẳng, lý luận, phân tích quá ăn khớp với não bộ và các chức năng của não bộ nên, khi con xem xét thân vật lý và năng trường của con, thì nói rằng tâm nằm trong đầu, trong não bộ là chuyện hợp lý.

Con trải nghiệm tình thương Thiêng liêng ở đâu? Không phải trong đầu mà nơi luân xa trái tim và nó không ở trong đầu. Tại sao con cần tâm đường thẳng suy nghĩ để trải nghiệm tình thương Thiêng liêng chứ? Con không thể suy nghĩ để tới được trải nghiệm tình thương Thiêng liêng, giống như con không thể suy nghĩ để tới được trải nghiệm hương vị trái táo. Trải nghiệm một đặc tính của Thượng đế không đến từ suy nghĩ về đặc tính đó. Vấn đề là cắn vào trái táo tình thương thay vì đứng đó và suy nghĩ sẽ cảm thấy thế nào khi cắn vào trái táo?

Ấy, tâm sẽ phản đối: “Nhưng giả dụ tôi không thể đơn giản cắn nếm tình thương? Cắn một miếng táo thì dễ, nhưng làm thế nào để cắn một miếng tình thương Thiêng liêng? Trái táo thì có hình tướng tôi nắm bắt được. Thày nói tình thương Thiêng liêng không có hình tướng. Vậy thì làm sao tôi cắn một miếng được?” Lại thêm một lần nữa và một lần nữa, con thấy tâm làm điều duy nhất nó có thể làm, đó là nắm bắt một hình tướng: “Hãy cho tôi cái gì tôi có thể cầm giữ.”

17.11. Vô hiệu hóa tâm

Một lần nữa, cái Ta Biết có thể nhận biết tâm và cách vận hành của tâm, và có thể quyết định tìm cách vô hiệu hóa tâm, bước ra ngoài tâm và đây chính là công dụng của câu thần chú: “Tình thương là.” Ta có thể coi nó như một công án, và như mọi công án mục đích của nó là làm cho tâm bị rối loạn, mờ tối và vô hiệu hóa. Con không thể suy nghĩ để tìm ra lời giải cho một công án vì lời giải cho một công án là một trải nghiệm vượt quá tâm suy nghĩ.

Khi con đã dùng câu thần chú “Tình thương là,” và “Tôi chấp nhận tình thương,” thì một số người có thể lợi lạc nếu gán ghép tình thương Thiêng liêng với một hình tướng con người (nếu con không thể nắm bắt và trải nghiệm tình thương Thiêng liêng như một đặc tính hoàn vũ). Lẽ tất nhiên, điều dễ nhất là con tập trung vào thày là Thượng sư của tia thứ ba.

17.12. Dùng bài chú như một thần chú

Con có thể đọc bài chú của thày, con có thể tìm hiểu sách của thày. Nếu con cảm thấy dễ kết nối hơn với một Đại thiên thần hay một Elohim thì con hãy làm thế, nhưng hầu hết mọi người sẽ cảm thấy dễ kết nối với vị Thượng sư hơn vì các thày gần người đang hiện thân trong cõi vật lý hơn. Các thày đang làm việc trực tiếp hơn với các con. Con cứ dùng bất cứ cách nào giúp con hòa điệu với thày. Một lần nữa, tâm sẽ nói: “Vâng, vậy hãy cho tôi một hình ảnh, cho tôi một chân dung. Chân dung của chân sư đó đâu?”

Con sẽ thấy là với các đợt truyền giáo trước có chân dung các chân sư và nhiều người dùng các chân dung này để hòa điệu với vị chân sư, ít nhất là hòa điệu phần nào. Dùng một tấm hình không nhất thiết là sai nhưng với các con trong đợt truyền giáo này, các con không cần hình ảnh vì đôi khi hình ảnh có thể ngăn chặn trải nghiệm vì con tập trung vào hình ảnh và do đó con cho tâm một cái gì đó để nắm giữ.

Thay vào đó, thày đề nghị con lấy bài chú của thày, con đọc hết bài chú và con tìm hai câu nào đặc biệt thu hút con và con dùng hai câu này như câu thần chú. Con chỉ lặp lại hai câu này trong tâm, con thiền quán về hai câu này, chiêm nghiệm chúng hay chỉ lặp lại mà không nghĩ về chúng. Khi con có ý tưởng khởi lên và con nhận biết mình đang suy nghĩ, thì con chỉ trở về với hai câu đó, bất kỳ hai câu nào mà cá nhân con đã chọn.

Thày sẽ không cho con một ví dụ vì thày không muốn bỏ bất cứ gì vào tâm con. Con đọc bài chú chậm rãi, quán chiếu nó và coi xem có hai câu nào nổi bật, rồi con dùng hai câu đó như câu thần chú để hòa điệu với thày. Thày là một vị chân sư dễ hòa điệu với vì tình thương ở khắp mọi nơi. Làm sao con tìm thấy được nơi nào không có tình thương? Thày đại diện tình thương Thiêng liêng trên địa cầu giống như Giê-su đại diện tâm Ki-tô.

Như Giê-su đã nói, con không thể tách biệt khỏi tâm Ki-tô vì làm sao con có thể tách biệt khỏi cái ở khắp nơi? Tình thương Thiêng liêng cũng vậy. Tình thương Thiêng liêng không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nó không bị gò bó vào một địa điểm đặc thù. Đây là một hình ảnh khác mà con cần vượt qua vì các sa nhân đã phóng chiếu điều gì từ rất lâu nay? Trên trái đất có những nơi linh thiêng. Có một số nơi đặc biệt và ở đó con có thể có một ngôi đền, một ngôi đền tình thương Thiêng liêng và nếu con tới đó, con sẽ trải nghiệm tình thương Thiêng liêng.

Đây lại là một ảo tưởng vì khi tình thương Thiêng liêng có khắp nơi, tại sao con cần tới một nơi đặc biệt? Người Cơ đốc giáo đã phóng chiếu vì Giê-su xuất hiện ở Israel, đấy phải là đất thánh, nhưng như Giê-su đã giải thích, đó là nơi con người bị mắc kẹt nhiều nhất trong tâm thức sa ngã. Con không thể quy định là một nơi nào đó trên trái đất có một sự tập trung cao của tình thương, vì tình thương không thể bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Tình thương ở khắp mọi nơi, nghĩa là con có thể hòa điệu với tình thương bất kỳ con đang ở đâu.

Tới đây thì thày đã trao cho các con những gì thày muốn trao. Các dụng cụ này trông có vẻ giản dị nhưng chúng hiệu quả vô cùng, nếu con sẵn lòng vô hiệu hóa tâm bằng cách khắc phục những ngã tách biệt luôn phóng chiếu ra ngoài

Tình thương bị tha hóa muốn kiểm soát. Tình thương Thiêng liêng không thể bị kiểm soát. Nếu con tìm cách kiểm soát nó bằng cách ép nó vào một hình tướng nào đó, nó sẽ lướt qua con, con sẽ không nhận thấy nó, con sẽ không trải nghiệm nó. Khi con có thể mở tâm ra đón nhận nó, nó sẽ tuôn chảy xuyên qua con. Không cần phải thắc mắc điều này vì đây là điều tình thương làm, đây là điều tình thương là: Một dòng chảy liên tục từ Tánh linh vào trong thế giới vật chất, để nhắc nhở thế giới vật chất, để đánh thức thế giới vật chất nhận ra Tình thương là. Do đó, TA LÀ tình thương và đây có thể là một câu thần chú khác mà con có thể sử dụng nếu con cảm thấy nó giúp ích con.

Trong tình thương lớn, trong lòng biết ơn lớn, thày niêm con trong Tia sáng Thứ ba của Tình thương Thiêng liêng mà THÀY LÀ cho địa cầu. TA LÀ Paul người Venice.

19 | Tự gia tốc vượt lên trên tiêu chuẩn nhị nguyên về sự tinh khiết

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels ngày 5/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Serapis Bey, Thượng sư của Tia sáng thứ Tư. Tia sáng thứ Tư có thể giúp gì cho các con để các con hòa điệu được với các thày? Sẽ không có nhiều người có thể hòa điệu được với Tia thứ Tư, nhưng lẽ tất nhiên luôn luôn có một số sẽ hiểu, sẽ nắm bắt, sẽ hòa điệu, sẽ cộng hưởng được với Tia thứ Tư.

Tia thứ Tư gần như nằm ở điểm kết nối giữa ba tia sáng đầu và ba tia sáng kế tiếp, do đó nó đòi hỏi các con phải bước lên cao hơn. Trước đây thày gọi nó là Tia của Gia tốc, dù rằng theo truyền thống nó được xem là Tia của Tinh khiết. Thật ra cả hai là một bởi vì con đạt được tinh khiết bằng cách nào? Chỉ bằng cách gia tốc sự rung động của cái có rung động thấp hơn, và lẽ dĩ nhiên một rung động thấp hơn là định nghĩa của bợn nhơ. Thật ra không có gì hoàn toàn ô trược theo nghĩa nhị nguyên, nhưng có rung động cao hơn và rung động thấp hơn, và những rung động thấp hơn một mức nào đó là cái mà chúng ta coi là bợn nhơ. Bởi vì dù sao chăng nữa thì tất cả đều là năng lượng, nên năng lượng thấp luôn luôn có tiềm năng gia tốc và trở nên tinh khiết, trở thành năng lượng cao chảy về phía trên. Năng lượng thấp chảy về phía dưới, năng lượng cao chảy về phía trên.

Sẽ có một số người có sự đồng cảm với Tia thứ Tư. Có thể họ thích cái gì tinh khiết, cái thường giản dị, không phức tạp, không bị quấy nhiễu bởi nhiều cách diễn giải hay nhiều khía cạnh khác nhau. Quả thật, khi con nhìn vào rung động, khi con có thể đọc sự rung động, thì diễn giải trí năng đâu còn chỗ đứng nữa? Ta có thể coi đây là một điều mà khoa học đã đem vào thế gian, rằng con có thể đo lường chính xác, được gọi là khách quan, và không cần bàn cãi gì nhiều nữa. Nhiệt độ hoặc là 20 độ hay 40 độ, nhưng con có con số chính xác và lẽ tất nhiên, rung động cũng vậy.

19.1. Dụng cụ để hòa điệu với Tia thứ Tư

Làm sao con hòa điệu với Tia thứ Tư? Lẽ tất nhiên con có thể làm bằng nhiều cách. Các bài chú và bài thỉnh trong quyển Những Khai ngộ thần bí về Ý định, sách của thày trong bộ Con đường dẫn tới Tự điều ngự, đều có thể giúp con hòa điệu, nhưng như các thày khác đã giải thích, các thày đã quyết định cho các con những dụng cụ trông có vẻ giản dị hơn.

Dụng cụ đầu tiên thày muốn trao cho con như sau: Con ngồi yên, khép mắt và rút sự chú ý vào bên trong. Có một trung tâm trong bản thể con. Con có thể thấy trung tâm đó ở bất kỳ đâu, không nhất thiết là luân xa gốc hay luân xa trái tim hay một luân xa đặc thù nào khác. Con rút sự chú ý vào trung tâm đó cho tới khi nó đi vào một điểm mà khoa học gọi là điểm dị biệt – một điểm duy nhất không có nối dài, không có chiều rộng, chỉ có một điểm mà thôi. Con không hình dung điều gì sẽ xảy ra, con chỉ đơn giản cho phép nó xảy ra. Cái xảy ra giống như một nổ bùng với ánh sáng trắng tỏa ra từ điểm đó và ánh sáng thâm nhập hào quang của con, nó thâm nhập trường năng lực của con và nó tỏa ra ngoài từ bản thể của con. Đây là một bài hình dung và thiền tập rất giản dị. Con rút sự chú ý của con vào điểm dị biệt nơi trung tâm và sau đó cho phép ánh sáng nổ bùng ra ngoài.

Thày không khuyên con làm bài tập này suốt ba tiếng đồng hồ mỗi lần. Có thể con chỉ nên làm bài tập này ba lần khi con bắt đầu để không bị quá tải. Bài tập này có nhiều sức mạnh giúp con cảm nhận sự chiếu tỏa của Tia thứ Tư của Tinh khiết, là ánh sáng trắng đến độ nó trắng hơn bất cứ thứ gì con thấy trong bát cung vật lý. Nếu con có bất cứ chứng bệnh nào trong thân thể, thì con có thể làm bài tập này và chú tâm vào nơi đau trong cơ thể và cho phép ánh sáng tỏa rạng ra. Con không ép ánh sáng hay đẩy ánh sáng ra, con chỉ đơn giản rút sự chú ý vào điểm duy nhất đó, và sau đó con cho phép thày, là Thượng sư của Tia thứ Tư, tỏa rạng ánh sáng trắng ra.

19.2. Tâm đường thẳng muốn khiến mọi chuyện phức tạp

Một lần nữa, đây là một bài tập giản dị, nhưng sự giản dị thường là chìa khóa của thay đổi. Thay đổi, vượt thăng không phức tạp. Con không thể vượt thăng bằng cái tâm muốn khiến mọi chuyện thêm phức tạp vì như vậy nó cảm thấy cao trội hay tinh vi và cảm thấy nó đã tìm ra cách dùng sức mạnh để xông vào thiên đường. Đó là điều tâm muốn làm, không cứ là tự ngã nhưng tâm đường thẳng cũng vậy. Dù các thày nói về tâm đường thẳng, nhưng các thày không muốn tố cáo tâm đường thẳng. Tâm đường thẳng có chỗ đứng của nó, có chức năng của nó. Nó có thể giúp con làm nhiều, nhiều chuyện trong thế giới vật chất.

Khoa học, như con được biết đến, phần lớn dựa trên tâm đường thẳng. Lẽ tất nhiên đó cũng là lý do vì sao khoa học ngày nay đã tạo ra những vấn đề có thể trở nên mối đe dọa lớn cho tương lai của hành tinh này, cho dù đó là chiến tranh nguyên tử hạch nhân, nạn ô nhiễm hay bất kỳ vấn đề nào khác. Tâm đường thẳng có một chức năng. Nó có một chỗ đứng, nhưng nếu cho phép nó cai quản thì nó phải tạo ra vấn đề. Nó sẽ gây vấn đề. Do đó tâm đường thẳng sẽ không dẫn con vào thiên đàng. Một khi con tìm ra con đường tâm linh và bắt đầu học một giáo lý tâm linh, thì tâm đường thẳng có thể bắt đầu tin rằng nó có thể đưa con lên thiên đàng vì tâm đường thẳng nhìn mọi chuyện theo một cách nào đó.

Có thể con đã có nghe câu ngạn ngữ tiếng Anh: nếu dụng cụ duy nhất mà con có là cái búa thì con sẽ nghĩ tất cả mọi vấn đề đều là cái đinh. Tâm đường thẳng chỉ có dụng cụ duy nhất là sự phân tích, lý luận. Cho nên nó nghĩ mọi vấn đề đều có thể giải quyết được bằng phân tích, lý luận, tìm hiểu vấn đề. Tâm đường thẳng nghĩ rằng một khi nó hiểu vấn đề, thì nó có thể giải quyết vấn đề bởi vì nếu con có hiểu biết đường thẳng thì con sẽ thấy một giải pháp đường thẳng. 

Lẽ tất nhiên, “vấn đề” tăng triển tâm linh không có giải pháp đường thẳng. Chỉ có tâm đường thẳng mới xem tăng triển tâm linh là một vấn đề. Nó nói: “Tôi đang ở đây. Đáng lẽ tôi không được ở đây. Đáng lẽ tôi phải ở trong một trạng thái tâm linh cao hơn. Thế nào cũng có một trình tự đường thẳng tới trạng thái đó, và nếu tôi hiểu ra cơ chế đưa tới trình tự đó thì lúc ấy tôi sẽ có thể vào thiêng đàng.” Lẽ tất nhiên, các thày đã cho các con khái niệm về con đường tâm linh và 144 tầng tâm thức, đây là điều mà tâm đường thẳng rất thích. Các thày cũng đã nói rất nhiều lần là các con không tiến bộ được trên con đường tâm linh bằng cách hiểu. Điều quan trọng là xoay chuyển tâm thức và điều này không thể thực hiện bằng hiểu biết trí năng. Điều đã xảy ra cho hầu hết mọi người là họ đã đi xuống dưới tầng tâm thức 48. Họ đã đi vào tách biệt. Họ đã bị choáng ngợp và mù quáng bởi trạng thái tâm thức nhị nguyên nơi đó có một thước đo với hai đối cực cực đoan. Khi con theo lối suy luận nhị nguyên này thì con nghĩ một đối cực là vấn đề, là điều kiện cần khắc phục, và đối cực kia là giải pháp, là điều kiện cần đạt tới. Tâm đường thẳng sẽ suy nghĩ: “Làm sao chúng ta có thể tiêu trừ vấn đề? Làm sao chúng ta có thể đem lại giải pháp?”

19.3. Tâm đường thẳng không thể thăng vượt chính nó

Như Phật khi xưa tìm cách dạy con người khái niệm Trung đạo, giải pháp không phải là một trong hai đối cực nhị nguyên. Giải pháp là thăng vượt thước đo, thăng vượt tầng mức tâm thức thấy có hai đối cực. Tâm đường thẳng không làm sự thăng vượt này vì chính nó đã quy định các đối cực, quy định thước đo và tâm đường thẳng không thể thăng vượt chính nó. Nó có thể lý luận trên một số đề tài nhưng nó không thể thăng vượt chính nó. Cái Ta Biết có thể thăng vượt chính nó vì nó có tự nhận biết, trong khi tâm đường thẳng giống như một máy tính nhưng nó là một máy tính tinh vi có thông minh nhân tạo và do đó có thể thích ứng.

Tâm đường thẳng có thể học thêm và thêm nữa. Nó có thể thích nghi với một số điều kiện. Con gần như có thể coi tâm đường thẳng giống như một trong những rô-bốt mà con người đã chế tạo và có vẻ như có khả năng suy nghĩ như con người. Con có thể nói là con rô-bốt suy nghĩ giống cách hầu hết con người nghĩ vì họ nghĩ với tâm đường thẳng. Dẫu thế, một máy tính không thể vượt quá lập trình của nó, nó không thể vượt thăng lập trình của nó, và tâm đường thẳng cũng vậy. Cái Ta Biết có thể vượt thăng chính nó, vì nó không có lập trình khi nó nhận ra nó là nhận biết thuần khiết.

Điều gì giúp con trải nghiệm nhận biết thuần khiết? Như các thày đã nói, điều cốt yếu là tinh lọc các thứ trong bốn thể phàm của con đang lôi kéo sự chú ý của Cái Ta Biết vào ngã tách biệt, vào phin lọc nhận thức, vào ý niệm bản ngã đó. Khi con đã trong lọc đúng mức, thì Cái Ta Biết có thể rút ra khỏi ngã tách biệt dễ dàng hơn.

19.4. Bài tập để làm rối tâm đường thẳng

Thày cho con một bài tập khác có thể giúp con với chuyện này. Một lần nữa, con hãy ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, và bây giờ con tưởng tượng, con hình dung con đang đứng ở một nơi hoàn toàn bằng phẳng, một mặt phẳng hoàn toàn bằng phẳng, tuyệt đối bằng phẳng, và nó mở rộng về mọi hướng tới tận xa nhất mà con có thể nhìn. Bây giờ con hãy rút sự chú ý vào bên trong, vào trung tâm của bản thể của con. Con không tỏa rạng ánh sáng mà để sự chú ý đi xuyên qua trung tâm bản thể của con và sau đó đi ra ngoài trên mặt phẳng bằng phẳng. Con rút sự chú ý vào bên trong nhưng thay vì đi thẳng ra ngoài, con đi xuyên qua trung tâm và sau đó đi ra ngoài về mọi hướng. Có thể là tập trung nơi hai mắt sẽ giúp con dễ hình dung nhất. Hai mắt con kéo về trung tâm và ánh mắt của con đi xuyên qua trung tâm tới cả hai hướng, tới lui, vào trong ra ngoài, vào trong ra ngoài, vào trong ra ngoài.

Con cứ thong thả làm bài tập này. Con không cần làm nhanh. Lúc mới đầu, con có thể cảm thấy rất bị rối, mất phương hướng, thậm chí rất khó thực hiện, nhưng sau khi tập một lúc, con sẽ thấy là sự chuyển động đi vào bên trong đi ra bên ngoài khiến tâm đường thẳng bị rối và con có thể tới được điểm cảm thấy một sự yên tĩnh nào đó, một sự im lặng nào đó trong tâm. Lúc ấy, con thôi không chú tâm đi vào bên trong đi ra bên ngoài nữa. Con chỉ chú tâm vào sự yên tĩnh đó, con mở rộng sự chú ý của con ra ngoài trên mặt phẳng bằng phẳng không có hình tượng gì đặc biệt. Con đơn giản để chú ý của con đi ra ngoài và tiếp tục ra ngoài, kéo giãn nó ra xa thật xa và xa tối đa và sau đó con dần dà, chậm rãi kéo sự chú ý vào bên trong trở lại. Con có thể lặp lại nhiều lần. Hoặc con có thể đơn giản cho phép sự chú ý của con nghỉ ngơi khi con đã kéo nó ra xa tối đa, nếu con cảm thấy làm vậy tự nhiên hơn.

Một lần nữa, đây là một bài tập rất giản dị, hay ít nhất nó có vẻ giản dị. Tâm sẽ không thể nắm được mục tiêu của bài tập. Nó sẽ nói: “Mục đích là gì vậy? Bài tập này dẫn tới đâu? Bài tập này đem lại gì cho tôi?” Con thấy chăng, ý chính của bài tập là không có ý gì, bài tập không có mục đích, không có chỉ tiêu mà con phải đạt. Con chỉ trải qua tiến trình và cho phép nó trải bày. Khi thày nói không có mục đích gì, lẽ tất nhiên, thày muốn nói là không có mục đích mà tâm đường thẳng có thể nắm bắt được.

Con sẽ thấy là ngoài thế gian có nhiều kỹ thuật thiền định luôn luôn hứa hẹn là con sẽ đạt được một thành quả nếu con tập theo đúng kỹ thuật. Thày sẽ không hứa hẹn thành quả, thày sẽ nói là nếu con cảm thấy bài tập thu hút con, thì con cứ tập. Nếu nó không thu hút con, thì con quên nó đi. Nếu con quyết định tập, thì con hãy dành chút thời giờ và xem chuyện gì xảy ra. Thay vì bắt đầu với một mục đích và tiến tới mục đích, con hãy coi mục đích của bài tập chỉ là thử nghiệm, tham gia tiến trình và xem nó trải bày ra sao. Một lần nữa, tâm đường thẳng sẽ phản đối: “Hãy định ra mục đích để tôi nhắm tới. Làm sao tôi biết được cách tới đó nếu tôi không biết tôi đi đâu?”

Con thấy chăng, tâm đường thẳng không đi đâu cả. Đấy chính là ý nghĩa bài tập và cũng có thể nói là con cũng không đi đâu cả. Cũng có thể là con sẽ đi, khi an bình hiện ra khi tâm đường thẳng bị vô hiệu hóa, khi con trải nghiệm con là nhận biết thuần khiết không có đặc tính và không có nối dài nhất định trong không gian. Nó không tập trung vào một điểm, nó không có biên giới, nó chỉ là nhận biết thuần khiết.

19.5. Cốt lõi của con đường tâm linh ở các tầng cao

Có nhiều đệ tử, đặc biệt là trong các đợt truyền giáo trước, đã nghĩ rằng Tia thứ Thư rất nghiêm khắc, rằng thày là người rất trọng kỷ luật. Thật vậy không, tại sao họ lại nghĩ thế? Họ nghĩ thế vì họ chưa nhận được giáo lý về các ngã tách biệt, cho nên họ không thật sự hiểu cơ chế vận hành mà các thày đã trao truyền – rằng cốt lõi của tăng triển tâm linh là tới chỗ nhận ra các ngã tách biệt và buông bỏ chúng. Do đó, họ nghĩ họ phải ép mình vào kỷ luật, cố gắng kiểm soát tâm, áp chế tâm, đi theo một con đường tu được xác định rõ ràng. Họ nhìn con đường tâm linh khác với các con. Một lần nữa, các thày không chỉ trích, các thày không tìm lỗi, các thày chỉ giản dị cho thấy là với tiến trình tiết lộ tuần tự, các thày có thể trao truyền một hiểu biết càng ngày càng cao hơn về con đường tu.

Như các thày đã nói, từ tầng tâm thức 48 tới tầng 96, con cần có kỷ luật, chú tâm để nâng mình lên khỏi tâm thức đại chúng. Khi con đã thoát đủ sức hút xuống của tâm thức đại chúng, thì con có thể lợi lạc hơn nếu con xét lại cách con nhìn con đường tu. Con hiểu là ở đây thày không bác bỏ những gì được dạy trong các đợt truyền giáo trước. Rõ ràng là con không thể tiến lên khỏi tâm thức đại chúng nếu con lười biếng, không tập trung hay thiếu miên mật. Con không thể tà tà trong việc tăng triển tâm linh vì tâm thức đại chúng sẽ liên tục kéo con xuống. Con cần có đủ chú tâm và quyết tâm để vun bồi một động lực kéo con lên khỏi trọng lực hút xuống của tâm thức đại chúng.

Một khi con đã làm được phần nào, thì con có thể áo dụng những giáo lý mà các thày đã trao truyền về cái Ta Biết và các ngã tách biệt. Con nhận ra là điều quan trọng không phải là cái Ta Biết đập dí các ngã tiềm thức để chúng phải phục tùng, dùng kỷ luật để ép các ngã tiềm thức hay dồn nén các ngã tiềm thức. Việc dồn nén và ép tâm tiềm thức vào kỷ luật có thể là một việc thích đáng lúc ban đầu, vì nếu không nó sẽ lôi kéo con theo quá nhiều hướng. Nhưng một khi con vượt lên trên sức hút của tâm thức đại chúng, thì con sẽ được lợi lạc nhiều nếu con xoay chuyển cách tu và nhận ra rằng cốt yếu của tăng triển tâm linh không do ép uổng bất cứ gì, mà do buông bỏ.

Con tới điểm thấy được một ngã tách biệt. Con thấy nó có tác dụng gì khi nó khiến con bị kẹt trong việc liên tục lặp lại không ngừng một khuôn nếp phản ứng. Con thấy ảo tưởng khiến con nghĩ con phải tiếp tục phản ứng như thế, đây là cách phản ứng duy nhất, thậm chí có thể đây là cách duy nhất để là một đệ tử tâm linh. Con thấy đây là một ảo tưởng. Con thấy ảo tưởng cho rằng có một vấn đề con phải giải quyết. Sau đó, con giản dị buông bỏ, con để cho ngã chết đi. Khi con để cho ngã chết đi, giả dụ ở tầng 96, thì con tức khắc lên tầng 97. Con không phải nỗ lực để lên tầng 97. Vì khi ngã đó chết, khi năng lượng được chuyển hóa, thì con sẽ lên tầng trên một cách tự nhiên. Do đó, sẽ có một điểm, và điểm này có thể xảy ra trước tầng 96, khi con xoay chuyển cách con tiếp cận con đường tâm linh, khi con nhận ra điều quan trọng không phải là cưỡng chế bất cứ điều gì.

19.6. Cái Ta Biết đến từ tâm thức Ki-tô

Điều quan trọng là buông bỏ và bắt đầu quán chiếu, như các thày đã nói, là cái Ta Biết quả thật là tâm thức Ki-tô bởi vì nó từ tâm thức Ki-tô mà ra. Tâm thức Ki-tô là tâm thức một. Tâm thức Ki-tô một cách tự nhiên tìm đường tới gần cái một hơn. Ở tầng 64, con gần cái một hơn khi con ở tầng 63. Cho nên khi con giải quyết một ngã ở tầng 63, thì cái Ta Biết vươn lên tầng kế tiếp một cách tự nhiên. Con không cần áp chế. Con không cần ép tâm theo kỷ luật. Con vươn lên một cách tự nhiên.

Con hãy cẩn thận xem xét điều thày đang nói. Có lúc con cần dùng khả năng của tâm để kỷ luật chính nó. Đúng vậy, con lúc đó có dùng sức mạnh. Con dùng vũ lực để trấn áp những ngã tách biệt đang kéo con xuống, kéo con vào những thói quen cũ, những khuôn nếp phản ứng cũ. Con nói: “Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống thế gian này. Tôi muốn một cuộc sống tâm linh hơn.” Sau đó con triệt hạ những điều đang kéo con vào đời sống thế phàm và làm vậy có ích lợi trong một thời gian. Điều con đang làm là dùng tâm để trấn áp tâm, để ép tâm vào kỷ luật, áp chế tâm. Con có thể đạt đôi chút tiến bộ, nhưng con không thể đi xa hơn một mức nào đó. Con chắc chắn không thể đi quá tầng 96 bằng vũ lực.

“Con không thể dùng vũ lực để xông vào thiên đàng,” như Giê-su đã nói. Thày Giê-su cũng nói: “Kẻ hung bạo muốn cưỡng chiếm vương quốc thiên đàng bằng vũ lực, dùng vũ lực cưỡng ép mình vào tâm thức Ki-tô.” Điều này không thể làm được. Nếu con tới tầng 96 mà vẫn còn tìm cách dùng vũ lực thì con sẽ không đạt được sáng ngộ ở tầng này và do đó con sẽ bắt đầu đi xuống, đẩy mình đi xuống bằng vũ lực. Con có thể nghĩ con đang tiến triển vì con cảm thấy mình càng lúc càng giỏi hơn trong việc áp chế mình, nhưng con không đang vươn lên một tầng tâm thức cao hơn. Con chỉ đang bồi đắp cái ngã tâm linh mà con đã tạo ra từ tầng 48 tới tầng 96. Thậm chí con còn có thể rơi vào tâm thức sa ngã khi con nghĩ mục tiêu tối hậu là xây dựng một ngã tâm linh tinh vi nhất chưa ai làm được và sau đó chắc chắn Thượng đế phải cho phép con vào thiên đàng.

19.7. Gia tốc lên tinh khiết

Điều quan trọng con cần quán chiếu là con sẽ tới điểm con cần thăng vượt vũ lực, không dùng tâm đường thẳng để đè nén tâm đường thẳng hay thậm chí đè nén các ngã tiềm thức không nhất thiết lúc nào cũng đường thẳng. Trong một số trường hợp, chúng chỉ hỗn loạn và thiếu tập trung, chuyển từ ngã này sang ngã kia. Đây là một sự xoay chuyển quan trọng khi con rời bỏ cách tiếp cận dựa trên vũ lực. Đây là lúc con có thể thực sự gia tốc, gia tốc vào tinh khiết.

Con ngẫm nghĩ lý luận rất giản dị này: Tinh khiết là một đặc tính thiêng liêng. Làm sao con bước ra ngoài tinh khiết? Con ép mình rời tinh khiết.  Có lý chăng nếu con phải ép mình trở về tinh khiết? Không đâu, bởi vì một đặc tính thiêng liêng là một điều kiện tự nhiên. Như thày đã nói, tâm thức Ki-tô một cách tự nhiên tìm về với cái một. Bất cứ đặc tính thiêng liêng nào cũng tự nhiên tìm về cái một.

Khi con ngưng cưỡng bách mình rời cái một, thì cái Ta Biết một cách tự nhiên bắt đầu trở về hợp một với Hiện diện TA LÀ. Điều này xảy ra một cách tự nhiên. Nó không cần cố gắng vì con cần ngừng sự cố gắng đã ép con ra khỏi trạng thái tự nhiên. Đây là điều nhiều, nhiều người tâm linh khắp mọi nơi trải qua các thời đại không nắm bắt. Lẽ tất nhiên có một số người hiểu. Một số người nắm bắt được. Cũng đã có các giáo lý mô tả phương pháp không cố gắng, không dựa trên vũ lực. Tiếc thay, nhiều giáo lý trong số này không có khái niệm về các ngã tách biệt và khái niệm cái Ta Biết có thể đứng ra ngoài các ngã tách biệt và để cho chúng chết đi. Do đó, nhiều giáo lý trong số các giáo lý đó khó thực hành đối với một số người, đặc biệt là các người có tư duy Tây phương đường thẳng, vì họ gần như không thể khắc phục khuynh hướng nghĩ rằng họ phải làm chuyện này với cái tâm.

Như các Thượng sư khác đã nói, một đặc tính thiêng liêng không có sắc thái có thể được quy định bởi tâm đuờng thẳng trên thế gian này hay bởi tâm thức sa ngã. Tinh khiết Thiêng liêng không đối chọi với ô trược. Thực ra trong tâm thức nhị nguyện, có một cực ô trược và một cực được quy định là tinh khiết, nhưng ngay cả cái mà con người định nghĩa là tinh khiết cũng không phải là tinh khiết Thiêng liêng.

19.8. Tiêu chuẩn nhị nguyên về tinh khiết và ô trược

Một lần nữa, như các thày đã nói, đây là vấn đề với nhiều tôn giáo. Họ nghĩ rằng một tôn giáo vỏ ngoài trên trái đất có thể, trong kinh điển giáo điều và văn hóa của họ, quy định một mục tiêu cuối cùng, có thể quy định những cư xử ô trược và những cư xử tinh khiết. Sau đó, họ nghĩ rằng khi đi theo con đường vỏ ngoài đó, con đường phần nào máy móc đó, một ngày kia họ sẽ tinh khiết.

Con sẽ không tinh khiết khi cố gắng đạt một trạng thái tinh khiết nhị nguyên tương đối. Chắc chắn nó có thể khá hơn trạng thái nhị nguyên ô trược khiến con có khuynh hướng tạo nghiệp nặng hơn. Có rất nhiều, rất nhiều người trên trái đất đã theo một tôn giáo, có thể là trong nhiều kiếp sống và đã cố gắng đạt được một trạng thái do tôn giáo đó quy định. Họ đi vào trạng thái tâm cảm thấy vì họ đã làm tất cả những điều mà giáo điều và kinh điển quy định, và vì họ đã không làm tất cả những điều không được làm, do đó họ là người tốt. Họ là tín đồ tôn giáo. Họ là người tâm linh. Họ cũng có thể cảm thấy họ là người tinh khiết và là bậc thánh. Đáng tiếc thay, các chân sư thăng thiên khó tiếp cận những người này nhất, vì họ quá dính mắc vào ý niệm họ là người tốt nên các thày rất khó chỉ cho họ thấy họ không tốt theo một sự lượng định bất nhị. Họ “tốt” đối ngược với “xấu” nhưng đấy là theo thang đo nhị nguyên.

19.9. Không có tiêu chuẩn quy định thế nào là Ki-tô Hằng sống

Trong những đợt truyền giáo trước, các thày đã thấy có các đệ tử bỏ ra nhiều thập niên tìm cách sống theo một lý tưởng, nhưng họ không sẵn sàng bước lên tầng mức cao hơn và nhận ra rằng có một điểm khi cả lý tưởng cũng phải buông bỏ, vì Ki-tô Hằng sống không thể bị ép vào một lý tưởng, một mô hình, một tiêu chuẩn. Không có tiêu chuẩn quy định thế nào là Ki-tô Hằng sống. Bởi chưng Ki-tô Hằng sống là gì? Ki-tô Hằng sống là cánh cửa mở cho gì? Là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ và các chân sư thăng thiên.

Tâm vỏ ngoài, tâm đường thẳng không thể hiểu được Hiện diện TA LÀ hay các chân sư thăng thiên của con muốn làm gì xuyên qua con, muốn đem lại gì xuyên qua con. Tâm đường thẳng muốn lượng định mọi thứ dựa trên một tiêu chuẩn mà tâm đường thẳng có thể nắm bắt, có nghĩa đấy là một tiêu chuẩn thế gian có hai cực với những đặc tính có thể xác định được. Các thày không ở trong bầu cõi chưa thăng thiên, các thày không ở trong tâm thức nhị nguyên. Nếu con dính mắc với tâm đường thẳng và tiêu chuẩn của nó, thì làm sao con có thể là cánh cửa mở cho các thày? Con sẽ có lượng định vi tế như sau: “Điều này phải được biểu hiện, điều này không được biểu hiện.” Lúc ấy, các thày phải tôn trọng quyền tự quyết và bước lùi lại.

Chỉ khi nào con là cánh cửa mở thì các thày mới tuôn chảy xuyên qua con được, và cánh cửa mở có nghĩa trung hòa và trung hòa là một từ khác để chỉ sự tinh khiết. Khi con có ý định tinh khiết, khi con sẵn sàng cho phép các thày biểu lộ bất cứ gì các thày muốn biểu lộ xuyên qua con, thì lúc ấy con là cánh cửa mở. Nếu con có ý định là có một số điều phải được biểu lộ và một số điều không được biểu lộ, hoặc con muốn được biết trước và con muốn lượng định dựa theo tiêu chuẩn của tâm vỏ ngoài thì con không tinh khiết, ý định của con không tinh khiết. Khi con tới những tầng cao hơn của con đường tu, con sẽ được lợi lạc khi quán chiếu chuyện này. Các thày đã nói điều này bằng nhiều cách trước đây, nhưng các thày cố gắng lặp lại, lần này đặt trọng tâm đặc biệt vào chủ đề làm sao kết nối với các thày. 

19.10. Làm sao kết nối với Serapis Bey

Làm sao con kết nối được với thày là Serapis Bey? Con phải có một ý định trung hòa, nghĩa là con có ý định kết nối với thày nhưng con không phóng chiếu một hình ảnh đặc thù là sự kết nối đó phải xảy ra như thế nào, hình thức phải như thế nào, thày phải cư xử ra sao và ngay cả con phải cư xử ra sao. Con trung hòa. Con có ý định kết nối nhưng không có ý định đạt một kết quả đặc thù. Đây là ý định tinh khiết và khi con tới được ý định tinh khiết này bằng cách loại bỏ các ngã tách biệt, thì con thấy rằng nếu con có mối liên hệ với Tia thứ Tư, thì con sẽ kết nối được. Con sẽ trải nghiệm Hiện diện của thày.

Như các Thượng sư khác đã nói, không có gì mà thày giữ lại không cho con. Thày luôn luôn bên con vì như Giê-su đã nói: “Tâm thức Ki-tô ở khắp mọi nơi.” Tia thứ Tư và tất cả các tia khác cũng thế. Lúc ban đầu có Ngôi Lời hay Logos và Ngôi Lời ở bên Thượng đế và Ngôi Lời là Thượng đế. Nếu không có tâm thức Ki-tô hoàn vũ này không gì được làm ra đã được làm ra. Khi sự phân biệt thành hình tướng bắt đầu, nó bắt đầu với sự phân biệt thành bảy tia sáng. Từ bảy tia sáng này tất cả mọi hình tướng được tạo thành. Cho nên như tâm thức Ki-tô ở trong mọi sự, bảy tia sáng cũng thế. Con không thể tách biệt khỏi Tia thứ Tư.

Thày luôn luôn ở nơi con đang ở, con chỉ cần xoay chuyển điểm chú tâm để trải nghiệm Hiện diện của thày. Lẽ dĩ nhiên thày hy vọng và thày biết là một số các con đã trải nghiệm Hiện diện của thày trong khi nghe bài truyền đọc này. Một số các con có thể nghe lại và trải nghiệm Hiện diện của thày. Một số có thể làm các bài tập mà thày mô tả và trải nghiệm Hiện diện của thày. Trải nghiệm Hiện diện của một chân sư thăng thiên là cách kết nối với chân sư thăng thiên đó – không phải là kết nối băng qua một khoảng cách lớn rộng, băng qua một khoảng trống, băng qua một hố sâu, nhưng là trải nghiệm Hiện diện luôn luôn có mặt. Tới đây, thày niêm con trong sự tinh khiết mãi mãi thăng vượt của Tia thứ Tư mà THÀY LÀ.

21 | Với tới sự thật sẽ giúp con tiến lên cao hơn

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels ngày 5/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Sư thật là gì? À, đây là một câu hỏi mà tâm đường thẳng ưa thích, vì nó nghĩ nó có thể định nghĩa một cách rất rõ ràng: Sự thật ngược lại với Không thực. Sự thật là một cái gì ta có thể hiểu, có thể nắm bắt, có thể đặt trên một thang điểm đường thẳng, với sự thật ở một đầu và không thực ở đầu kia.

Quả thật, tâm đường thẳng có thể làm chuyện này với tất cả mọi đức tính của Thượng đế, nhưng nó cảm thấy là nó thật sự kiểm soát được sự thật. Sa nhân đã từ rất lâu, từ lúc họ sa ngã, cảm thấy là họ kiểm soát được sự thật. Họ tin rằng họ có thể quy định sự thật. Lẽ đương nhiên, họ đã không loan báo cho mọi người, tỷ dụ như trên địa cầu, là họ đã quy định sự thật. Thay vào đó, họ loan báo là sự thật được trao truyền bởi một thẩm quyền tối hậu. Do đó, đó là sự thật, chân lý cao nhất có thể có.

21.1. Định nghĩa giản dị nhất của sự thật

Sự thật quả thực là gì? Sự thật là cái gì dẫn con tới gần cái một hơn. Không thực là gì? Không thực là cái gì mang con ra xa cái một. Đây là định nghĩa giản dị nhất của sự thật mà ta có thể đưa ra, ít nhất là trên trái đất.

Lẽ đương nhiên, tâm đường thẳng sẽ rất bất mãn với định nghĩa này, vì làm sao từ đó có thể định nghĩa sự thật là gì? Nhất định phải có một sự thật tối hậu. Nói nó dẫn con tới gần hơn không đủ. Nhất định phải có một chân lý tối hậu, và lúc đó con ở trong cái một. Sự thực là chỉ có đấng Sáng tạo là chân lý tối hậu, như vậy có nghĩa là ở bất cứ tầng nào của tạo vật của Ngài, ở bất cứ tầng nào của thế giới hình tướng, có một chân lý có thể nắm bắt và hiểu ở tầng đó.

Lẽ đương nhiên, địa cầu ở thấp hơn tầng của đấng Sáng tạo rất nhiều, và đó là lý do vì sao các thày đã rất nhiều lần nói là không thể trao truyền một chân lý tuyệt đối trên trái đất, nhưng ta quả thật có thể nói là chân lý tuyệt đối không có ở đâu ngoại trừ nơi đấng Sáng tạo. Bất kỳ con đang ở tầng nào trên bước đường tiến tới hợp nhất với đấng Sáng tạo, nếu con chưa là một với đấng Sáng tạo, đó là vì con vẫn còn thấy một khoảng cách. Do đó có một chân lý giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Cho nên, mục đích của đường tu không bao giờ là hiểu chân lý tối hậu, nhưng là thấy chân lý sẽ dẫn con lên tầng kế tiếp.

21.2. Các tầng thể hiện tiềm năng của cái ta

Một lần nữa, tâm đường thẳng sẽ bất mãn vì nó sẽ nói: “Ồ, như vậy phải có nghĩa là có điều gì sai ở bất cứ tầng nào cho đến khi tới tầng đấng Sáng tạo. Ngay cả các sinh thể trong bầu cõi thứ nhất đã thăng thiên từ rất lâu, đã có rất nhiều thời gian để tăng triển và vượt thăng chính họ, họ vẫn sống trong ảo tưởng.” Một lần nữa, đây lại là tâm đường thẳng, nó phải nghĩ theo kiểu tâm đường thẳng. Nó hoạt động với thang điểm nhị nguyên, và trên một thang điểm nhị nguyên có cực đoan này và cực đoan ngược lại, cả hai đều tối hậu, ta hoặc có sự thật tối hậu hoặc giả dối tối hậu. Con có thể nói là khi con chưa tới sự thật tối hậu thì con vẫn bị ảnh hương bởi một sự giả dối, nhưng không phải vậy. Một khi con hợp một với tâm thức Ki-tô, trở thành Ki-tô Hằng sống, thì con biết và trải nghiệm tâm Ki-tô đó, và đó là tâm của cái Một. Con biết là mọi sự là một, nhưng con cũng thấy và trải nghiệm các tầng tâm thức có cấp bậc và con tiến lên theo một tiến trình đường thẳng dẫn con từ nơi con đang ở tới đấng Sáng tạo. Đây không phải là một ảo tưởng.  

Một khi con đã thăng thiên từ trái đất thì con không còn ở trong ảo tưởng nữa vì con biết thực tại bên dưới mọi sự là cái một. Con chỉ giản dị ở một tầng nào đó trong tiến trình thể hiện cái ta, và con biết con đang trên con đường dẫn tới những tầng thể hiện cái ta cao hơn cho tới khi con đạt tới trạng thái tối hậu của thể hiện cái ta mà các thày đã gọi là tâm thức đấng Sáng tạo. Đúng ra phải nói đây là trạng thái tối hậu trong thế giới hình tướng này. Con không ở trong ảo tưởng vì con trải nghiệm cái một, và con thậm chí không đặt vấn đề cao hơn hay thấp hơn vì con thuộc vào một tiến trình, một tiến trình luôn luôn tự thăng vượt, là vũ khúc hoàn vũ của sự tự thăng vượt.

Thày Serapis Bey có nói tới sự gia tốc không ngừng, và đây là một khái niệm quan trọng mà con cần xem xét. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng sẽ gặp khó khăn khi nó xem xét sự tự thăng vượt bất tận, liên tục, gia tốc này. Nó lúc nào cũng đi tìm cái tối hậu, nhưng nó cũng sẽ hỏi tại sao nó cần tự thăng vượt nếu nó đã đạt được một tầng cao? Tại sao con cần tự thăng vượt khi con đã tới tầng 96 và đã trải nghiệm tâm Ki-tô, tại sao con cần tiếp tục tự thăng vượt?

21.3. Dòng sông sự Sống luôn luôn tự thăng vượt

Sự thực là toàn thể tạo vật của đấng Sáng tạo, toàn thể thế giới hình tướng, là cái mà các thày đã gọi là Dòng sông sự Sống. Một dòng sông là gì? Nó là nước luôn luôn tuôn chảy. Nếu dòng sông ngừng chảy thì nó không còn là một dòng sông nữa. Nó là một hồ nước. Không sớm thì muộn phẩm chất, độ trong sạch của nước trong hồ nước sẽ suy giảm. Nước có thể bốc hơi, nhiều chất cặn và bợn nhơ sẽ có thể xâm nhập nước hồ, và dần dần nước sẽ bắt đầu nhiễm độc. Vì sao nước không nhiễm độc khi ở trong dòng sông? Bởi vì nước di động. Các phân tử nước di dộng và phủi đi những bợn nhơ. Chúng hòa lẫn với khí oxy, cũng giúp trong lọc nước.

Con thấy là toàn thể tạo vật của đấng Sáng tạo là một sự chuyển động lên cao, không ngừng tự thăng vượt. Điều này không có nghĩa là con, như một cá nhân, không thể nói: “Tôi đã đạt một tầng nào đó. Tôi muốn vui hưởng tầng này trong một thời gian.” Con có quyền làm như vậy, nhưng nếu con ở một tầng nào đó quá lâu, thì tâm con sẽ bắt đầu trở nên cũ kỹ. Do đó con sẽ không theo kịp hướng đi lên của Dòng sông sự Sống. Con sẽ ở dưới tầng mà con có thể tới nếu con chịu thăng vượt.

Những người sáng suốt vẫn đang tiếp cận Dòng sông sự Sống thì biết rằng họ có thể đứng yên và vui hưởng cuộc sống trong một thời gian ở một tầng nào đó, nhưng họ sẽ có trực giác khi nào đến lúc tiếp tục tiến bước. Nhiều người trong các con là những người tâm linh đã có cảm nhận đến lúc bước vào một chu kỳ mới. Đã đến lúc cất bước và làm chuyện gì khác. Chân lý chuyển động không ngừng. Có một chân lý ở tầng 48 giúp con khắc phục ngã tách biệt, ảo tưởng ở tầng 48 và vươn lên tầng 49. Có một chân lý khác ở tầng 49, và một chân lý khác ở tầng 50, vân vân. Không phải chỉ có một chân lý. Lẽ tất nhiên, đó là điều tâm đường thẳng muốn: “Hãy cho tôi chân lý, chân lý cao nhất, chân lý tuyệt đối.” Nếu vậy thì đây nhé: Chân lý tuyệt đối là không có chân lý tuyệt đối. Hay ta cũng có thể nói là có nhiều chân lý tuyệt đối. Chân lý mà con có thể nắm bắt ở tầng tâm thức của con là chân lý tuyệt đối ở tầng đó. Lẽ tất nhiên, chân lý là cái giúp con tới gần cái một hơn. Ta không thể đặt cái dẫn con tới cái một lên một thang điểm nhị nguyên, có chân lý ở đầu này và không thực ở đầu kia.

21.4. Khái niệm nhị nguyên về sự thật tối hậu

Sư thật Hằng sống không phải là đối ngược của một sự giả dối. Chỉ những gì do tâm thức nhị nguyên quy định mới có một đối ngược. Tâm thức nhị nguyên quy định cái này là giả dối và đối ngược của nó là sự thật, nhưng cả hai đều xuất phát từ nhị nguyên, và vì vậy cả hai đều tương đối. Chúng chỉ hiện hữu khi có cái kia, có thang điểm nhị nguyên, có tâm thức nhị nguyên. Con có thể nói: “Nhưng phải chăng sự thật dẫn con lên tầng kế tiếp cũng tương đối với tầng đó?” Phải, nhưng không trên một thang điểm nhị nguyên. Khi con ở trên một thang điểm nhị nguyên, con có thể nói: “Đây là một sự không thực” và con có thể bắt đầu tiến về phía đối cực kia trên thang điểm. Con có thể nghĩ con đã đi một hành trình dài từ sự không thực tương đối đến sự thật tương đối, nhưng con đã không tới gần cái một hơn. Con vẫn ở trong nhị nguyên, và đó là lý do vì sao khi con nghĩ con là một người tốt đang nắm giữ chân lý thì con không đến gần cái một hơn. Ý nghĩ này chỉ tiếp tục giam con trong nhị nguyên.

Thày có thể bảo đảm với con là những người tin rằng họ có chân lý tối hậu là những người mà thày khó tiếp cận nhất. Vì sao họ lại cần đến Thượng sư của Tia thứ Năm khi họ đã có chân lý tuyệt đối rồi? Thày có thể cống hiến gì cho những người đã có chân lý tuyệt đối được quy định ở đây trên trái đất? Con có thể nói: Nhưng, thày, Hilarion, là một chân sư thăng thiên! Thày ở một tầng tâm thức cao hơn, do đó lẽ dĩ nhiên thày có thể cống hiến cái gì đó cho những người chưa thăng thiên. Nhưng những người kia không thấy vậy đâu. Con hãy nhìn sự kiện trang mạng Hỏi Giê-su Thật (https://askrealjesus.com/) đã xuất hiện trên mạng được hơn 20 năm. Con có thực sự nghĩ là các vị Hồng y của Giáo hội Công giáo chưa nghe tới hay chưa xem trang mạng này? Họ có thay đổi gì chăng dựa trên các điều được công bố trên đó? Họ có mở lòng xem xét là Chân sư Thăng thiên Giê-su có thể hiện đang hướng dẫn con người tu tập? Lẽ dĩ nhiên là không. Tại sao họ lại cần Chân sư Thăng thiên Giê-su khi họ đã có chân lý tuyệt đối trong giáo điều của họ?

Con thấy là nhiều người khác, tỷ dụ như người cộng sản, duy vật, tranh đấu môi sinh, triết gia thuộc trường phái này hay trường phái nọ, lãnh dạo tôn giáo này tôn giáo kia, họ đều không cần đến các chân sư thăng thiên. Họ không muốn các chân sư thăng thiên. Họ không muốn các đức thính thiêng liêng, vì họ muốn trải nghiệm ý niệm cao trội hơn người mà họ có khi họ tin là họ có chân lý tuyệt đối. Nếu con tin rằng con có chân lý tuyệt đối, thì có thể nào có chân lý nào cao hơn? Bất cứ ai, ngay cả các chân sư thăng thiên, có gì để cống hiến cho con? Lẽ tất nhiên, các con là đệ tử chân sư thăng thiên đã thăng vượt tầng tâm thức này, nhưng con cần nhận ra là các ngã tách biệt của con, các ngã tách biệt còn sót lại, chưa thăng vượt tầng tâm thức đó. Cái Ta Biết của con đã thoát khỏi sự đồng hóa hoàn toàn với các ngã đó, nhưng con vẫn còn các ngã đang pha màu tầm nhìn của con, và khiến con tin rằng con đã đạt được một tầng hiểu biết tối hậu hay một tầng tâm thức tối hậu nào đó.

21.5. Mở lòng đón nhận một chân lý tuần tự cao hơn

Đây là điều đã xảy ra cho nhiều đệ tử tâm linh qua các thời đại, nhưng điều đó cũng đã xảy ra cho các đệ tử chân sư thăng thiên, đặc biệt là trong các đợt truyền giáo trước, khi họ nghĩ là họ đã có giáo lý cao nhất hay sự tiết lộ sau cùng mà các chân sư thăng thiên ban ra, và do đó tại sao họ lại cần gì khác? Tại sao họ lại cần tiết lộ tuần tự?

Con luôn luôn cần xem chừng khuynh hướng này nơi một ngã tách biệt hay thậm chí sự hình thành một ngã tách biệt khiến con nghĩ: “Tôi đã đi trên con đường tu nhiều năm rồi. Tôi đã dụng công nhiều rồi. Tôi đã đọc nhiều bài chú rồi. Chắc chắn là tôi đã đạt một trình độ nào đó rồi.” Con quả thật có. Con đã tiến bộ, con đã đạt một tầng nào đó, nhưng chưa phải là tầng tối hậu. Nếu con đã đạt tầng cao nhất có thể đạt được trên địa cầu thì con đã thăng thiên. Khi con đã đạt được tầng tối hậu có thể đạt được trên trái đất thì con sẽ không còn trên trái đất nữa. Nếu con còn ở trên trái đất thì, ấy, con vẫn còn một tầng cao hơn để con vươn tới, và làm sao con vươn lên tầng đó? Bằng cách với tới chân lý cao nhất mà con có thể nắm bắt ở tầng hiện nay của con, và chân lý đó sẽ dẫn con lên tầng kế tiếp.

Trong đợt truyền giáo này, con không dễ bị kẹt vào trạng thái tâm thức đó nếu con nghiên cứu và cố gắng thể nhập giáo lý. Các thày đã nói rõ về nhu cầu tiến bộ liên tục hơn là trong các đợt truyền giáo trước. Tuy nhiên, tự ngã lúc nào cũng là tự ngã, và nó lúc nào cũng làm những gì tự ngã vẫn làm: nó tìm cách chặn sự tiến bộ của con ở bất cứ tầng nào. Con cần mở lòng đón nhận một chân lý tuần tự cao hơn. Đó là một phần vì sao các thày đã trao truyền các giáo lý tuần tự cao hơn, nhưng cá nhân con cần mở tâm đón nhận khai ngộ kế tiếp giúp con nhìn thấu suốt ảo tưởng hiện thời của con, và như vậy con vươn lên tầng kế tiếp.

21.6. Tặng phẩm và bài hình dung của thày Hilarion

Con nhận được khai ngộ này từ đâu? Con sẽ nhận được từ Hiện diện TA LÀ của con. Con sẽ nhận nó từ các chân sư thăng thiên của con, nhưng con cần phải yêu cầu, con cần phải mở tâm ra đón nhận. Như các thày đã nói rất nhiều lần, các thày sẽ không vi phạm quyền tự quyết của con. Con chắc chắn có thể yêu cầu thày, Hilarion, chỉ cho con thấy chân lý kế tiếp. Con có thể đọc bài chú Chân sư Thăng thiên Hilarion. Con có thể dùng quyển sách Những Khai ngộ Thần bí về Viễn kiến để hòa điệu với thày. Con có thể tìm trong bài chú của thày hai câu thực sự hấp dẫn con, học thuộc lòng hai câu này, thiền quán về chúng, và con sẽ thấy con nhận được hướng dẫn của thày nếu con gần Tia thứ Năm. Con có thể dùng nhiều dụng cụ, nhưng thày sẽ cho con ở đây một dụng cụ đơn giản như các Thượng sư khác đã làm.

Đây là dụng cụ giản dị đó: con đi vào một căn phòng yên tĩnh, con ngồi tư thế thoải mái, nhắm mắt lại và con hình dung con có hai con mắt. Nếu con nghĩ về chuyện này thì con biết là con có hai mắt để thấy được chiều sâu. Con có thể lượng định khoảng cách giữa con và một vật một cách chính xác hơn vì con có cái nhìn song đôi đó. Có hai mắt không phải là nhị nguyên. Các thày không bao giờ nói rằng khi con thoát khỏi nhị nguyên thì hai mắt của con sẽ bắt đầu di chuyển gần nhau hơn cho tới khi chúng hợp thành một con mắt ở giữa trán của con.

Lẽ tất nhiên, con có một mắt thứ ba, đó là luân xa mắt thứ ba, nhưng bài hình dung này dựa trên con có hai mắt, và con hình dung hai mắt di chuyển xa nhau ra cho đến khi chúng cách thân thể con một quãng. Sau đó, con dùng mắt nhìn về phía trước và con thấy trước mỗi mắt là một đường thẳng. Con theo đường thẳng đó nhìn về quãng xa. Nếu con có chút hiểu biết về hình học, thì con biết là phối cảnh sẽ khiến con thấy giống như hai đường thẳng sẽ càng ngày càng gần nhau hơn khi con càng đi ra quãng xa.

Con cũng có thể biết thuyết không gian-thời gian cho rằng tất cả các đường song song sẽ rốt cuộc nhập một, gặp nhau. Con chỉ cần phóng chiếu về khoảng xa, thật xa để hai đường thẳng từ hai mắt con càng ngày càng gần nhau hơn cho tới khi tới một điểm, bất kể điểm này xa tới đâu, hai đường thẳng nhập một và trở nên một đường. Sau đó, con tiếp tục hình dung con theo đường thẳng đó xa nhất mà con có thể hình dung. Khi con đã hình dung đường thẳng duy nhất đó thì con rút sự chú ý của con trở về trán, trở về mắt thứ ba của con. Sau đó, con cho phép mình trải nghiệm viễn quan một mắt đó. 

Một lần nữa, đây là một bài thực tập giản dị mà nhiều người sẽ cho là quá thô sơ, nhưng nếu con cảm thấy gần Tia thứ Năm thì con hãy thực tập bài này và sẽ thấy là kinh nghiệm không thô sơ chút nào và có thể sâu sắc hơn những gì con tưởng tượng lúc này. Sự thật rất giản dị. Chỉ có trong nhị nguyên thì sự thật mới có vẻ phức tạp bởi vì sa nhân muốn sự thật phức tạp. Họ muốn biến mọi chuyện thành phức tạp để họ có vẻ cao trội hơn người khác vì họ có thể nắm bắt, hiểu hay quy định hệ thống tư duy tinh vi, trí thức và đường thẳng đó. Họ là những người quá ư thiện xảo trong khi con người không hiểu được do đó họ phải tuân theo các lãnh đạo.

Con hãy nhìn xem cách Giáo hội Công giáo đã phóng chiếu trong suốt 17 thế kỷ là con người không thể hiểu thực tại tâm linh và phải được giảng dạy với từ ngữ thật đơn giản. Con hãy thấy là họ đã suốt bao năm đốt sách, từ chối không chịu dịch Thánh kinh để con người không thể tự mình đọc Thánh kinh mà phải trông cậy vào sự diễn giải của các linh mục Công giáo. Sa nhân lúc nào cũng nghĩ rằng con người không thể biết sự thật. Chỉ có họ mới biết được sự thật. Lẽ dĩ nhiên, một sa nhân sẽ không bao giờ biết được sự thật cho tới khi y bắt đầu với tới sự thật Ki-tô duy nhất mà y có thể hiểu ở tầng tâm thức hiện tại của mình và sau đó tiếp tục với lên sự thật kế tiếp cho tới khi y không còn là sa nhân nữa.

21.7. Sự thật như là kết quả của vun bồi hiểu biết

Như Giê-su có nói, tâm thức Ki-tô ở khắp mọi nơi. Ở mỗi tầng tâm thức, có một biểu lộ của tâm thức Ki-tô có khả năng đập tan ảo tưởng ở tầng tâm thức đó và giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Có một chân lý ở mỗi tầng tâm thức, nhưng đó không phải là chân lý tối hậu. Đó là chân lý giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Tiến trình này sẽ tiếp diễn từ tâm thức hiện tại của con cho tới tiềm năng cao nhất của con là tâm thức của đấng Sáng tạo.

Do dó, chân lý không thể bị gò bó vào bất cứ tầng nào, và vì vậy không ai trên cõi thăng thiên tuyên bố hay tin rằng vị ấy đã đạt được chân lý tối hậu. Các thày đều trải nghiệm chân lý là Dòng sông sự Sống đang hằng sống, tuôn chảy, mà con có thể lần theo về cội nguồn. Và cũng có chân lý cao nhất mà con có thể đạt được trong thế giới hình tướng. Lẽ đương nhiên, vượt quá nơi đó là cái mà các thày đã gọi là cái Tất cả, nhưng các thày không muốn mô tả bằng lời vì nó quá xa vời các hình tướng và khái niệm mà con có trong thế giới hình tướng này.

Một số các con sẽ được lợi ích nếu con suy ngẫm là con đã lớn lên với một quan niệm rất sai lệch về chân lý, đặc biệt là nếu con đã theo học bất cứ học viện cao đẳng nào, tỷ dụ như một viện đại học. Nhiều người coi những viện giáo dục cao đẳng này như các nơi vun bồi hiểu biết và minh triết, và họ nghĩ là nếu họ tích lũy hiểu biết lâu đủ thì họ sẽ đạt được chân lý. Một số còn nghĩ là họ đã đạt được chân lý rồi, ít nhất là trong một số lãnh vực của đời sống. Nhiều người trong các viện giáo dục cao đẳng tin rằng viễn quan duy vật và thuyết tiến hóa của Darwin biểu hiện chân lý tối hậu mà không có hiểu biết nào có thể vượt qua. Lẽ tất nhiên, đây là một ảo tưởng, như lịch sử đã chứng minh. Đã có nhiều giai đoạn trong lịch sử khoa học khi các khoa học gia, ít nhất là các khoa học gia duy vật, đã nghĩ rằng họ đã đạt được hiểu biết tối hậu, tỷ dụ như của các định luật vật lý học. Lúc nào cũng đã có một hiểu biết cao hơn xuất hiện và thay thế hiểu biết cũ. 

Như các thày có nói, các định luật của Newton đã không trở nên vô hiệu lực, nhưng niềm tin các định luật của Newton mô tả sự vận hành cơ bản của bộ máy hoàn vũ đã được thay thế bởi một hiểu biết cao hơn dưới dạng thuyết tương đối (relativity) và vật lý lượng tử (quantum physics). Nhiều khoa học gia đương thời biết rằng thuyết tương đối và vật lý lượng tử là hai thuyết không tương hợp. Lẽ tự nhiên, hiện trạng này không thể là hiểu biết cao nhất. Rốt cuộc sẽ có một lý thuyết về mọi thứ (theory of everything), tuy rằng nó cũng sẽ không bao giờ đầy đủ. Ít nhất sẽ tới một điểm có một lý thuyết bao trùm những yếu tố cơ bản về sự vận hành của thế giới.

Tuy nhiên, thuyết này nhất định phải bao gồm tâm thức. Lẽ tất nhiên các thày cảm thấy khích lệ là một số khoa học gia đã bắt đầu nhìn nhận chuyện này và thăm dò ý nghĩa là gì và một lý thuyết khoa học bao gồm tâm thức sẽ như thế nào, khi lý thuyết này không coi tâm thức như một hiện tượng nằm trên sự vận hành của não bộ mà là một sắc thái căn bản của vũ trụ. Các khoa học gia này đã bắt đầu công nhận là vũ trụ không thể xuất hiện nếu không có một hình thức nhận thức nào đó, mà một số đã gọi là “tác nhân có nhận biết”.

Nếu con đã tiếp thu bất cứ giáo dục cao đẳng nào thì một việc xây dựng mà con có thể làm là xem xét các ngã tách biệt mà con đã có thể tạo ra khi con đáp ứng với môi trường tư duy đó. Nó phóng chiếu đến con là mục đích của nếp sống hàn lâm là tích lũy hiểu biết và dữ liệu cho tới khi đạt được một hiểu biết tối hậu nào đó.

21.8. Tổng thể hơn các thành phần cộng lại

Con cũng có thể được lợi ích nếu con suy ngẫm là con đã bị lập trình, nói theo nghĩa bóng, bởi nền giáo dục cao đẳng để theo phương pháp giản hóa (reductionist), đã có từ thời Aristotle. Ông này đưa ra quan điểm nếu ta nên nghiên cứu các thành phần càng ngày càng nhỏ cấu tạo thế giới vật chất thì rốt cuộc ta sẽ tới được các thành phần cơ bản của vật chất. Khi ta hiểu được cách các thành phần này vận hành thì ta hiểu được cách toàn thể vũ trụ vận hành. Đây là phương pháp đã hướng dẫn khoa học từ rất lâu nay, nhưng phương pháp này hoàn toàn sai lạc. Phương pháp giản hóa sẽ không bao giờ tìm ra cách thế giới vận hành, một phần vì nó không bao gồm tâm thức, và phần kia vì nghiên cứu các thành phần không thể cho biết cách tổng thể vận hành.

Con không thể xem xét một tổng thể, tỷ dụ như thân thể con người, và hiểu được cách nó vận hành bằng cách xem xét các thành phần càng ngày càng nhỏ cấu tạo nên nó, như các tế bào, phân tử, nguyên tử, hạt cơ bản. Chắc chắn là cơ thể được cấu tạo bởi hạt cơ bản, nhưng con có thực sự tin rằng – và đúng là các nhà duy vật tin điều này, nhưng có phải vậy mà tin tưởng này có giá trị? – nếu con hiểu tất cả mọi chuyện có thể hiểu về các tỷ tỷ hạt cơ bản cấu tạo thân thể vật lý, thì một ngày kia con sẽ giải thích được vì sao con thích sôcôla hơn các loại kẹo khác? Làm sao mà thông tin này có thể được ghi mã vào các hạt cơ bản? Nhưng đó là một phần của đời sống của một con người, vì theo câu ngạn ngữ nhân gian, tổng thể hơn các thành phần cộng lại. Do đó, nếu con muốn hiểu tổng thể thì con cần nhìn vào, nghiên cứu tổng thể, thay vì chỉ nghiên cứu các thành phần. Lẽ dĩ nhiên, nếu con muốn hiểu con người vận hành ra sao thì con phải nghiên cứu tâm con người. Con phải nghiên cứu tâm thức.

Khoa học gia đã quy định cái mà họ gọi là bài toán khó khi nghiên cứu tâm thức, đó là: Làm sao các thành phần không có nhận thức cấu tạo não bộ vật lý lại có thể tạo ra trải nghiệm có nhận thức? Đây chỉ là một bài toán khó khi họ tiếp cận vấn đề với tầm nhìn duy vật. Tâm thức không do các thành phần của não bộ tạo ra. Tâm thức là một cái gì độc lập với não bộ có thể tương tác với não bộ, và phần nào nhập chung vào não bộ, nhưng não bộ không tạo ra tâm thức. Chính tâm thức đem lại sinh hoạt và sự sống cho não bộ và thân thể vật lý. Con sẽ không bao giờ hiểu được con người bằng cách xem xét não bộ.

21.9. Tâm thức là gì?

Con cần xem xét tâm thức, là lẽ tất nhiên câu hỏi đặt ra là: Tâm thức là gì? Tâm thức có thể được xem là thực tại nền bên dưới mọi sự, nhưng con không thể hiểu tâm thức nếu con chỉ nhìn nó như thực tại nền. Tâm thức có nhiều biểu lộ, nhiều tầng. Ở một tầng, ta có thể nói tâm thức là cái có tiềm năng mang hình tướng và duy trì hình tướng trong một khoảng thời gian, và đây là loại tâm thức đưa đến sự hiện diện của các vật vô tri giác.

Sau đó có một tầng tâm thức cao hơn biểu lộ như các hình tướng sống, các sinh thể, có sự sống, có khả năng thay đổi, thích nghi với môi trường, sinh sản. Tầng tâm thức này kích động tiến trình mà khoa học gia gọi là tiến trình tiến hóa, một tiến trình mà họ cho là vô thức. Tiến trình này không thực sự vô thức, vì làm sao một sinh vật có thể thích nghi với môi trường khi nó không có một dạng tâm thức cho nó khả năng nhận tín hiệu từ môi trường và điều chỉnh cách cư xử của nó theo tín hiệu? Thậm chí tiến trình tiến hóa cũng không là một tiến trình duy vật vô thức, ngay cả khi nó ứng dụng vào sự tiến hóa của thú vật.

Lẽ tất nhiên, sau đó là tầng tâm thức cao hơn mà ta có thể thấy nơi con người. Đây là tiềm năng cho phép con người tự nhận biết, là khả năng chọn lựa một cách có ý thức và cố ý cách con đáp ứng với môi trường. Ở tầng tâm thức của thú vật, các sinh thể không đáp ứng một cách có ý thức và cố ý. Thú vật đáp ứng dựa theo những gì đã được ghi mã trong tâm thức của chủng loại, tâm thức tập thể của chủng loại. Các cá nhân hầu như bị tâm thức tập thể đó hoàn toàn sai khiến, và do đó đáp ứng theo những trải nghiệm mà chủng loại đã tích lũy trong một thời gian dài dựa trên kinh nghiệm sinh tồn. Ở mỗi cá nhân, đây là một tiến trình vô thức. Với con người, con có tiềm năng ý thức về tiến trình này, biết chính mình và quyết định là con không chỉ đáp ứng trên căn bản trải nghiệm tập thể. Con sẽ đáp ứng như một cá nhân, và con sẽ thăng vượt tập thể.

Lẽ đương nhiên, đây chính là nền tảng của con đường tâm linh, mà chủ yếu là con không chỉ giản dị làm theo tâm thức tập thể. Con không chỉ đơn giản làm theo cách hành xử mà con đã được dạy dỗ trong nền văn hóa nơi con khôn lớn. Con nhìn nhận là có cách sống khác hơn trạng thái sống bình thường này. Con có thể hơn một con người phàm bình thường. Con có thể, một cách có hệ thống, chọn nâng tâm thức mình ngày càng cao hơn. Lẽ tất nhiên, nếu các khoa học gia chịu nghiên cứu tâm thức thì họ sẽ nhận ra, như một số đã bắt đầu nhận ra, là phải có các tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức con người, vì nếu không có những tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức con người, thì làm sao địa cầu, mặt trời, các thiên hà được tạo ra?

21.10. Tầng tâm thức thị hiện vũ trụ

Có những người khóa mình vào suy luận trí năng và nói rằng mặt trăng không có đó khi không có ai nhìn nó. Vũ trụ chỉ hiện hữu khi được quan sát. Vì họ không nhìn nhận là có thể có các tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức con người, nên họ nghĩ chính sự quan sát của con người khiến vũ trụ thị hiện. Lẽ dĩ nhiên, đây là một ngõ cụt và quả thực là một lối suy nghĩ nực cười, khi ta thấy trình độ tâm thức của con người trên trái đất.

Giải đáp hợp lý duy nhất là có một tâm thức cao hơn đã hình dung các thiên hà, toàn vũ trụ. Đây chính là tầng tâm thức đã thể hiện vũ trụ, và đây cũng là tầng tâm thức đã duy trì vũ trụ từ đó tới nay. Vậy thì vũ trụ có đó chăng khi không có ai nhìn? Theo đúng lý thuyết thì không, nhưng lúc nào cũng có ai đang nhìn. Lẽ tất nhiên, ai đó không phải là một sinh thể mà là toàn thể đại đoàn các chân sư thăng thiên, lên đến tận đấng Sáng tạo.

Đấng Sáng tạo đã quy định các hàm số của sự sáng tạo và lúc nào cũng đang nhìn. Nhiều sinh thể khác đã quy định hàm số ở các tầng cấp khác, đi xuống tận nơi con đang ở trên trái đất. Như các thày là chân sư thăng thiên đã giảng, các Elohim đã tạo ra trái đất và mang nó vào biểu hiện vật lý. Các vị đó duy trì nó bằng cách nhìn nó, nhưng các vị ấy làm việc theo khung sườn của các chân sư thăng thiên ở trên họ, ở tầng thái dương hệ, tầng thiên hà, tầng vũ trụ và ở các bầu cõi cao hơn bầu cõi này.

Con là con người đang đầu thai không thể vươn tới nhận biết của bầu cõi cao nhất, của những tầng tâm thức cao nhất, nhưng con có thể cảm nhận xuyên qua tâm thức Ki-tô là con thuộc vào toàn bộ đại đoàn chưởng giáo, lên đến tận đấng Sáng tạo. Con là một nối dài của đại đoàn chưởng giáo này, con là một người đồng-sáng tạo với đại đoàn này. Đây là điều cho con ý niệm tối hậu về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống và hướng đi của mình, mình đang đi đâu, mình muốn tới đâu, điều mình muốn đồng-sáng tạo, những gì mình muốn trải nghiệm, cách mình vươn lên các tầng tâm thức cao hơn để có thể đồng-sáng tạo hơn những gì mình có thể làm ở tầng hiện tại.

21.11. Xem mình là một thành phần của đại đoàn chưởng giáo toàn vũ

Cốt lõi của việc kết nối với các chân sư thăng thiên là tới điểm nhận ra con là một phần của đại đoàn đó, lên đến tận đấng Sáng tạo. Có thể là con không thể hình dung tầng tâm thức của đấng Sáng tạo, nhưng ít ra con có thể hình dung tầng tâm thức ngay trên con, tức là các thày, các Thượng sư? Con có thể kết nối với các thày chăng? Lúc đó con sẽ kết nối với toàn thể đại đoàn chưởng giáo, và con sẽ có được một ý niệm bản sắc mới, một ý niệm mới về mục đích đời mình, ý niệm mình thuộc vào một kế hoạch vĩ đại đang trải bày, và con sẽ có một tầm nhìn mới về cuộc đời trên trái đất.

Như các thày có nói: các thày hiểu là đầu thai trên trái đất vào lúc này khó khăn như thế nào. Khi con có được ý niệm con thuộc vào đại đoàn chưởng giáo thì con có thể tránh bị các điều kiện trên trái đất đè nặng, tránh đồng hóa mình với chúng, tránh bị ý muốn thay đổi chúng ám ảnh và cưỡng chế. Con có thể hoàn toàn xoay chuyển tầm nhìn của mình. Con khắc phục mọi thái độ dựa trên thiếu hụt và đi vào tâm thái tích cực, nhận ra là con đã tới một điểm tốt lành rồi và thực sự không có gì trên trái đất có thể ngăn cản con tiếp tục thăng vượt chính mình và vươn lên các tầng tâm thức cao hơn. Các thày là Thượng sư chỉ muốn thấy vậy nơi mỗi người và tất cả chúng con. Ở thời điểm này, đây chính là điều mà các thày đã hiến dâng cuộc đời mình để giúp con đạt được, để con có thể vươn lên tầng tâm thức mà các thày đã đạt tới khi thăng thiên và sau đó, lẽ tất nhiên, lên cao hơn nữa như các thày đã làm.

Con yêu dấu, đây là điều mà thày muốn trao cho các con. Nếu con cảm thấy đồng điệu với Tia thứ Năm, thì thày tin rằng bài giảng này sẽ có lợi ích cho con và giúp con kết nối với thày và các vị chân sư khác thuộc Tia thứ Năm, và qua đó tạo điều kiện để con kết nối với Hiện diện TA LÀ của con. Tới đây thì thày niêm con trong Ngon lửa Sự thật mà thày LÀ cho địa cầu.

13| Trải nghiệm Minh triết Thiêng liêng vượt quá tâm đường thẳng

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels ngày 4/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Lanto, Thượng sư của Tia sáng thứ Hai, thường được liên kết với minh triết, nhưng minh triết thật sự là gì? Có rất nhiều người trên thế giới coi minh triết như một loại kiến thức hữu hạn, một cái gì có thể được diễn tả bằng ngôn từ, hay bằng ngôn ngữ khoa học tỷ dụ như toán học. Ta có thể nào nắm bắt minh triết bằng ngôn từ, con số, công thức hay phương trình chăng? Ta có thể nắm bắt nó bằng hình tư tưởng, khái niệm hay ý tưởng chăng? Ta có thể giam hãm nó trong bất kỳ hình tướng nào chăng? À, có và không!

13.1. Một tìm cầu minh triết tối thượng phù phiếm

Ta có thể nói không có minh triết tối thượng ngoại trừ cái một, chính là tâm thức của đấng Sáng tạo. Lẽ tất nhiên, khi nào con còn hiện thân trên một hành tinh như trái đất, con khó trải nghiệm tâm thức này. Ta có thể nói là minh triết, là một trong những đức tính được dùng để sáng tạo bầu cõi chưa thăng thiên của con, quả thật có hình tướng. Bởi chưng nếu nó không có hình tướng, làm sao có thể dùng nó để sáng tạo một thế giới có hình tướng? Minh triết chắc chắn không thể bị giam hãm trong ngôn từ hay những cách biểu hiện khác được dùng trên trái đất.

Bước đầu tiên để nối kết với các chân sư thăng thiên và đức tính Minh triết Thiêng liêng là nhận ra rằng những người đi theo tâm linh, tôn giáo, chính trị và khoa học qua các thời đại vẫn cố gắng khám phá, tạo sinh hay quy định một hình thức kiến thức tối thượng, hiểu biết tối thượng, minh triết tối thượng. Lẽ tất nhiên, các thày hiểu rằng khi con mới tìm thấy lần đầu con đường tâm linh thì con đã bị ảnh hưởng bởi sự tìm cầu muôn thuở này. Con đem nó vào con đường tâm linh và con nghĩ mục đích của một giáo lý tâm linh là đem lại cho con một hình thức minh triết tối thượng.

Đó là lý do vì sao rất nhiều người tâm linh đã bị kẹt trong tư duy nghĩ rằng vị đạo sư của họ, tổ chức tâm linh của họ, giáo lý tâm linh của họ có minh triết cao nhất, hiểu biết cao nhất, sự diễn tả cao nhất về sự vận hành của thế giới và cõi tâm linh. Điều này có thể hiểu được ở một tầng nào đó của con đường tâm linh nhưng con sẽ tới một điểm trên con đường tu khi tư duy này không còn tính xây dựng nữa vì nó sẽ không giúp con tăng triển.

13.2. Một con đường thực tiễn giúp nâng cao tâm thức con người

Có một thời Phật hiện thân và giảng dạy trực tiếp. Ngày nay nhiều người muốn phóng chiếu là Phật không những là một sinh thể giác ngộ nhưng là sinh thể giác ngộ tối thượng vì hoàn cảnh thày sinh ra, cuộc đời và giáo lý của thày rất ư đặc biệt. Họ muốn phóng chiếu hình ảnh là Phật không những đưa ra giáo lý cao nhất có thể có nhưng hơn thế giáo lý của Phật và chắc chắn chính Phật có thể trả lời mọi câu hỏi. Những người này chưa nghiên cứu lịch sử Phật giáo vì sự thật là Phật đã từ chối không trả lời một số câu hỏi.

Một ví dụ của những câu này là có ngã hay không có ngã. Đây là một câu hỏi mà Phật từ chối không trả lời nhưng tại sao thế? Vì mục đích của Phật không phải là cho con người một kiến thức tối thượng có thể trả lời mọi câu hỏi của họ. Mục đích của Phật là cho con người một con đường tu giản dị giúp họ từng bước một nâng cao tâm thức của họ. Nếu con nhìn lịch sử con sẽ thấy là mục đích này tương phản rất nhiều truyền thống của các giáo sĩ Vệ đà, các thày Bà la môn của Ấn giáo. Vào thời của Phật, họ ở trong một giai đoạn tách ra nhiều xu hướng, nhiều bộ phái trong Ấn giáo giữa các người Bà la môn. Giáo lý của họ có điểm hơi khác nhau nhưng vẫn nằm trong cùng một khung sườn chung và họ tốn nhiều thời gian tranh luận về hiểu biết tối thượng, giáo lý tối thượng tỷ dụ như giáo lý tối thượng về ngã là gì và ngã như thế nào?

Sau khi giác ngộ, Phật nhận ra là tất cả các tranh luận này phát xuất từ tầng mức của tâm phàm, tâm đường thẳng lý luận, phân tích. Phật nhận ra là tất cả những lập luận và mô tả tinh vi mà con người đã dựng lên này, quả thực chỉ giam con người ở một tầng tâm thức nào đó. Phật thấy rằng nếu thày tham gia cuộc tranh luận này, nếu thày nhảy vào sân khấu diễn xiếc này và bắt đầu tranh luận với các thày Bà la môn, thì Phật sẽ chẳng đạt được điều gì. Phật cũng nhận ra là có những câu hỏi mà tâm đường thẳng lý luận không thể trả lời bởi vì như các thày đã giải thích, tâm này có thể đưa ra lập luận bênh vực hay phản bác bất cứ điểm gì. Một số người có thể dùng tâm đường thẳng để tự thuyết phục là có ngã và một số người khác có thể dùng cùng tâm đường thẳng lý luận để tự tuyết phục là không có ngã. Làm sao có hội tụ khi cả hai nhóm tin tuyệt đối là lập luận của họ là lập luận tối thượng, dù cả hai lập luận đều tương đối?

Phật nhận ra là trong tư duy nhị nguyên mọi lập luận đều tương đối do đó không thể cho những người với tư duy này một lập luận chung cuộc, và đây là lý do vì sao Phật nêu lên khái niệm về các cặp. Phật đã làm gì? Phật lúc đó làm việc với một số chân sư thăng thiên để hoàn thành sứ vụ của thày, và vì vậy thay vào đó, Phật nói: “Chúng ta đừng lý luận ở tầng mức của tâm đường thẳng, phàm phu, lý luận này. Chúng ta hãy cho con người một con đường tu giản dị để họ nâng cao tâm thức của họ. Khi con người đã nâng cao tâm thức quá một mức nào đó, thì họ có thể bắt đầu có được minh triết thật sự, họ có thể bắt đầu có được câu trả lời cho những câu hỏi mà tâm đường thẳng không giải quyết được.” Con cũng có thể nói là Phật nhận ra là mục đích của việc làm của thày là nâng cao tâm thức con người, không phải là đem lại minh triết hay kinh điển cao trội nào đó có thể đứng vững mãi mãi với thời gian.

13.3. Những tranh luận trí năng không bao giờ dứt

Một số Phật tử hiện đại sẽ phản đối điều thày vừa nói. Họ sẽ nói rằng vì Phật là một sinh thể hoàn toàn giác ngộ, giáo lý của Phật phải là chân lý tối thượng. Nhưng, tại sao chính Phật giáo lại tẽ ra nhiều phương hướng? Dù họ đồng ý trên một khung sườn chung, nhưng họ có những lập luận và giáo lý phức tạp, những ý tưởng và pháp thực hành khác nhau và không đồng ý trên nhiều điểm. Nếu con nhìn một cách trung hòa, thì con thấy là sau khi Phật không còn hiện thân nữa, Phật giáo đã có cùng số phận như Ấn giáo.

Phật giáo trở nên đa dạng, có sự phân chia ra nhiều hướng và nhiều nhóm. Những người trong các nhóm đó đưa ra những lập luận trí năng và họ bắt đầu biến những điều Phật nói hay ngụ ý thành lập luận trí năng. Nếu giáo lý của Phật là giáo lý tuyệt đối cao nhất thì làm sao có thể có bất đồng và những lý giải khác nhau? Nếu ta có minh triết tối thượng, thì phải chăng bất kỳ ai đọc nó sẽ phải đạt được tầng tâm thức tối thượng? Đáng lẽ không thể có bất đồng nếu đó là minh triết cao trội và tối thượng. Nhưng vì có bất đồng, thì phải chăng ta có thể lý luận rằng ngay cả giáo lý của Phật cũng không là minh triết tối thượng, không do khiếm khuyết nơi Phật nhưng do khiếm khuyết nơi người nhận giáo lý?

13.4. Cách tiếp cận thực tiễn giáo lý tâm linh

Có đúng chăng là Phật giáo đã khẳng định rõ ràng mục đích là nâng con người lên trên trạng thái đau khổ, vượt Biển Luân hồi? Phật giáo đã nói rõ ràng là những người được trao truyền Phật giáo đang không ở trong trạng thái tâm thức tối thượng. Vậy ta có thể suy luận được chăng là Phật không thể trao truyền bất kỳ minh triết tối thượng nào, vì làm sao những người ở một trạng thái tâm thức thấp có thể nắm bắt và sử dụng minh triết cao như thế? Do đó, ta có thể tiến thêm bước nữa chăng và nhận ra là không có gì tối thượng trên trái đất, cho dù đó là giáo lý của Phật hay giáo lý của Giê-su hay giáo lý của Vệ đà hay bất kỳ giáo lý tâm linh nào khác? Bởi vì tâm đường thẳng, lý luận, phân tích có thể lấy bất kỳ giáo lý tâm linh nào và đưa ra nhiều cách diễn giải và lập luận khác nhau để chứng minh là cách diễn giải này hay hơn cách diễn giải kia. Tâm đường thẳng sẽ phóng chiếu là phải có một cách diễn giải cao hơn, một cách diễn giải tối thượng.

Ta có thể nhận được chăng là những người rơi vào khuôn đúc này ở một tầng tâm thức nào đó? Một giáo lý tâm linh chân chính không có mục đích xác chứng những diễn giải của con người ở tầng tâm thức của họ, mà là nâng tâm thức của họ lên cao hơn và vượt quá tầng tâm thức đó. Đâu có khó nhận ra điều này, phải không con?

Ta có thể nói chưa bao giờ có nỗ lực đem lại giáo lý tối thượng hay giáo lý tâm linh cuối cùng cho hành tinh trái đất. Vì những người khởi xướng các giáo lý tâm linh, tức là các chân sư thăng thiên, đều ý thức rõ ràng các điều kiện trên trái đất. Các thày thấy rõ ràng những giới hạn của tâm thức tập thể và của những nhóm người khác nhau. Các thày không tìm cách làm điều bất khả thi mà làm điều gì thực tiễn có thể làm được, đó là trao truyền một giáo lý cho một nhóm người đặc thù có thể nâng họ lên cao hơn một tầng tâm thức cao hơn nơi họ có thể nắm bắt một giáo lý cao hơn và cứ như thế tiết lộ tuần tự. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng sẽ nói: “Vậy khi nào thì giáo lý tối hậu sẽ được trao truyền? Bởi vì chắc hẳn phải có một giáo lý tối hậu.”

13.5. Giáo lý tối thượng về mọi sự

Lẽ tất nhiên ý kiến này được sự hậu thuẫn của khoa học, đã từ nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ tìm cầu lý thuyết hay nhận biết tối thượng về sự vận hành của thế giới, Lý thuyết về mọi sự (Theory of Everything). Minh triết về mọi sự, giáo lý về mọi sự ở đâu? Khi nào nó được trao truyền? Một lần nữa, sẽ không bao giờ có một giáo lý tối thượng được trao truyền trên trái đất một phần bởi vì trái đất hiện nay đang ở một tầng mức mà các thày gọi là một hành tinh không tự nhiên có nhiều giới hạn trầm trọng. Lý do khác là ngay cả trên một hành tinh tự nhiên cũng không thể trao truyền một giáo lý tối thượng. Bởi vì giáo lý tối thượng là gì, giáo lý tối thượng về mọi sự là gì?  Nội dung của giáo lý tối thượng về mọi sự phải bao gồm những gì? Lẽ tự nhiên, giáo lý này phải bao gồm mọi sự. Giáo lý tối thượng về thế giới hình tướng này có thể tìm ở đâu? Trong tâm đấng Sáng tạo.

Làm sao giáo lý về mọi sự có thể truyền đạt đến bất kỳ tầng mức sáng tạo nào thấp hơn đấng Sáng tạo? À, điều này không làm được. Con chỉ có thể đạt tới tầng minh triết tối thượng bằng cách trở thành một với tâm đấng Sáng tạo. Lúc ấy con biết minh triết tối thượng. Lẽ tất nhiên, ta có thể tiếp cận vấn đề một cách khác và nói: “Khi nào thì giáo lý tối thượng sẽ được trao truyền trên trái đất?” Ấy, giáo lý tối thượng cho một hành tinh như trái đất là gì? Đó là giáo lý chỉ dạy cách vượt thăng những tầng mức tâm thức có mặt trên trái đất. Con có thể bắt đầu ở bất kỳ tầng mức nào, vươn lên những tầng tâm thức có thể có trên trái đất cho tới khi đạt được tầng cao nhất và rồi con vượt thăng tầng mức này và đi vào một trạng thái cao hơn. Cho dù con gọi nó là Niết bàn hay giác ngộ hay trạng thái thăng thiên hay gì khác, con có thể tốt nghiệp từ Trường học Trái đất.

Có thể nói là giáo lý nào giúp con tốt nghiệp trường học trái đất là giáo lý tối thượng có thể được trao truyền, tùy theo tình trạng đặc thù, hòan cảnh đặc thù trên trái đất, chính yếu là tùy theo tầng mức của tâm thức tập thể nhưng cũng tùy theo độ dày đặc của vật chất. Nhìn theo góc độ này, chúng ta có thể nói là giáo lý tối thượng đã được trao truyền dưới nhiều dạng vì giáo lý của Phật có thể giúp con người thăng vượt các tầng mức tâm thức khả thi trên trái đất, và giáo lý của Ki-tô cũng thế, cũng như nhiều giáo lý khác có tính chất tôn giáo hay thần bí. Vấn đề không phải là nghĩ rằng có một giáo lý tối thượng sẽ đem lại kết quả một cách máy móc. Đây là một khiếm khuyết trong tư duy mà thày muốn sửa đổi, vì tâm đường thẳng sẽ nói: “À, nếu tôi có giáo lý tối thượng, thì khi tôi học hỏi giáo lý này và hiểu nó nói gì, chắc chắn tôi phải đạt được tầng tâm thức tối thượng và sẽ giác ngộ, thức tỉnh và thăng thiên.”

13.6. Hiểu giáo lý so với nâng cao tâm thức

Không thể trao truyền một giáo lý có thể đem lại sáng ngộ một cách tự động và máy móc cho bất cứ ai hiểu giáo lý. Tại sao không làm được? Bởi vì mục đích của con đường tâm linh là nâng cao tâm thức của con lên quá các tầng tâm thức có thể có trên trái đất để con có thể nhảy vọt lên tâm thức thăng thiên. Mục đích là xoay chuyển tâm thức con lên cao, không phải là xoay chuyển hiểu biết của con lên cao và điều này lẽ tất nhiên sẽ làm chấn động khiến nhiều nguời tâm linh thuộc nhiều truyền thống. Thậm chí nhiều người thuộc các thời đại trước cũng sẽ bị chấn động bởi câu nói này vì trong tâm của họ, họ nghĩ rằng hiểu biết tương đương với tầng mức nhận biết. Ắt hẳn để có thể hiểu trọn vẹn một giáo lý nào đó, bạn phải đạt tới tầng nhận biết cao nhất – nếu không làm sao bạn hiểu được giáo lý?

Có sự khác biệt giữa hiểu một giáo lý bên ngoài và thể nhập giáo lý qua đó con nâng cao tâm thức mình. Hiểu một giáo lý khác nâng cao tâm thức vì hiểu điều gì đó có nghĩa gì? Hiểu nghĩa là quan sát từ bên ngoài. Khi con lấy một giáo lý dù là kinh Phật hay kinh Ki-tô hay bất kỳ kinh nào khác, thì con lấy một giáo lý mà con xem đến từ bên ngoài tâm con. Con đánh giá nó với trí năng, tâm phân tích, tâm đường thẳng. Con tìm cách nắm bắt và hiểu nó nhưng con vẫn coi nó là cái gì bên ngoài con. Con có thể tìm cách hiểu cõi tâm linh. Con có thể tìm cách hiểu một chân sư thăng thiên như thế nào, con nghĩ rằng nếu con hiểu Thày Lanto thì con sẽ nối kết với thày, nhưng điều này không thể làm được.

13.7. Trải nghiệm so với biết từ bên ngoài

Hiểu mang ngụ ý là có khoảng cách giữa người biết và cái được biết. Làm sao con nâng cao tâm thức khi con còn thấy có khoảng cách? Làm sao con nối kết với Thày Lanto và Minh triết của Tia thứ Hai? Con không nối kết được nếu con nghĩ đây là điều con có thể nắm bắt bằng trí năng, điều con thấy bên ngoài con, một hiểu biết mà con phải đạt được. Con rốt cuộc sẽ nối kết được khi con tới điểm nhận ra là không có khoảng cách và con trải nghiệm là không có khoảng cách. Con không cố gắng hiểu thày, vì dù con hiểu thày rõ tới đâu bằng trí năng, con sẽ vẫn không nối kết được với thày. Thày đã nhiều lần đứng sát cạnh, nói theo nghĩa bóng, một học trò đang tìm cách nắm bắt Minh triết Thiêng liêng. Thày đang vỗ vai, nói theo nghĩa bóng, người học trò và nói: “Thày đang ở đây.” Nhưng người học trò mải nhìn vào kinh điển bằng trí năng để cố gắng hiểu: “Ắt hẳn thày ở ngoài kia. Thày không thể ở quá xa.”

Một số người nghĩ: “Thày càng ở xa, tôi càng cần nhiều nỗ lực để hiểu thày, thì tôi càng cao trội hơn, càng đặc biệt hơn nếu tôi có thể hiểu vị thày ở xa tít đó.” Thày vẫn còn đứng ngay đây, con chỉ cần quay đầu và nhìn. Nhưng không đâu, y đang nhìn vào cuốn sách và kinh điển, đo lường với trí năng của mình: “Cách giải thích này cao trội hơn hay là cách giải thích kia cao trội hơn? Gía chi tôi tìm thấy cách giải thích cao trội thì chắc đấy là thày Lanto.” (Người sứ giả gõ vào máy thu âm ba lần). Thày vẫn còn ngay đây. Tại sao con không ngửng đầu khỏi cuốn sách và có thể tình cờ nhìn thấy thày? Nhưng không đâu: “Tôi đang tập trung vào cuốn sách, bởi vì chắc chắn thày Lanto phải đang lẩn trốn giữa các hàng chữ trên trang giấy. Thày có thể nào ở đâu khác?” Con thấy chăng đây là trò chơi mà con người có thể chơi vô thời hạn khi họ vẫn tìm cầu cái ưu việt của trí năng thay vì tìm cầu sự giản dị của trải nghiệm.

Minh triết là gì? Nó có thể nói ra lời được chăng? Không đâu. Minh triết là một trải nghiệm. Nó là một Hiện diện. Con chỉ có thể trải nghiệm Hiện diện. Con không thể hiểu Hiện diện. Đó là lý do tại sao con không thể hiểu Hiện diện TA LÀ của con, con chỉ có thể trải nghiệm Hiện diện.

13.8. Có một cái ngã chăng?

Trở lại câu hỏi mà Phật từ khước trả lời: Có một cái ngã chăng hay không có ngã? Các thày Bà la môn tranh luận điều này không ngừng. Một số vẫn còn tranh luận ngày nay. Một số người ngày nay đã lấy những giáo lý cổ xưa này và tạo ra phiên bản hiện đại của họ. Họ vẫn còn đang tranh luận: “Có chăng một cái ngã hay một trạng thái vô ngã?  Chúng ta có nên cố gắng đạt tới ngã tối thượng là Atman, cái ngã trường tồn và bất biến? Nhưng hãy đợi một chút. Phật nói rằng  không có một ngã như thế. Vậy chúng ta phải làm ngược lại và nói như vậy có nghĩa là không có ngã nào cả. Không có ngã trường tồn mà cũng không có bất kỳ loại ngã nào khác. Chúng ta phải cố gắng đạt được vô ngã và chối bỏ là chúng ta có bất cứ ngã nào. Lúc ấy chúng ta sẽ trở về hợp nhất với nhận biết tối thượng, vô biên của Brahman.”

Giáo lý Vệ đà nói rằng có một Atman, là cái ta tối thượng, cái Ta Một, cái ta không phân chia trường tồn, bất biến. Vậy các hiền giả Rishi có hoàn toàn sai khi nói thế? Có và không. Chúng ta có thể nào soi sáng vấn đề một cách khác với giáo lý do các chân sư thăng thiên trao truyền chăng? Có và không. Các thày có thể giải thích, các thày có thể cố gắng giải thích bằng từ ngữ, nhưng con người có thể nắm bắt được chăng? Hay họ sẽ rơi vào tranh cãi không dứt và lấy bất cứ giáo lý nào mà các thày trao truyền để tạo ra những lập luận mới, những diễn giải mới, những diễn giải trí năng cầu kỳ mới?

13.9. Hai khía cạnh của tâm thức Ki-tô

Hãy để thày cố gắng trao truyền cho con một điều. Các nhà tiên tri Vệ đà có nói sai chăng về Atman? Dựa trên các khái niệm và ngôn từ mà các thày đã dùng trong các giáo lý này, thì ta có thể nói “không hẳn thế”, bởi vì các thày đã nói gì? Các thày đã nói đấng Sáng tạo đã tạo ra mọi sự từ chính bản thể ngài, từ chính tâm thức ngài, từ chính bản ngã ngài. Cái đầu tiên được tạo, đấng Con đầu tiên, là tâm thức Ki-tô. Tâm thức này có mục đích đem lại sự hợp nhất giữa đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài để tạo vật này, tức là những phần nối dài có tự nhận biết của đấng Sáng tạo, không thể mãi mãi lạc lối trong hình tướng. Con có thể nói là có một khía cạnh của tâm thức Ki-tô, của tâm thức Ki-tô hoàn vũ, ngày hôm qua ngày hôm nay và mãi mãi vẫn là một, như kinh điển có nói. Có thể nói là nó không có sắc thái, không biến đổi theo thời gian, không có phân biệt, không có hình tướng. Do vậy, nó không thể biến đổi, vì nó vượt lên trên quan niệm mà con có thể có từ thế giới hình tướng.

Mặt khác, tâm thức Ki-tô hoàn vũ được sinh ra từ đâu? Từ Bản thể của đấng Sáng tạo, từ tâm thức của đấng Sáng tạo. Có đúng chăng là đấng Sáng tạo luôn luôn thăng vượt chính mình?  Có đúng chăng là đấng Sáng tạo tạo tác để ngài có thể trải nghiệm sự sáng tạo, trải nghiệm tạo vật của chính ngài từ bên trong xuyên qua các con là những nối dài có tự nhận biết của đấng Sáng tạo? Như vậy phải chăng tâm thức Ki-tô quả thật không biến đổi hay nó giản dị có hai khía cạnh? Một khía cạnh luôn luôn hợp nhất với đấng Sáng tạo và khía cạnh kia của tâm thức Ki-tô luôn luôn thay đổi, thích ứng với những ảo tưởng mà con người tạo ra và cho họ con đường từ ảo tưởng quay về cái một.

Các nhà tiên tri Vệ đà có hoàn toàn nắm bắt điều này chăng? Không đâu, vì họ bị kẹt trong lý luận trí năng cho rằng nhất định phải có hai mặt của đồng tiền, hai đối nghịch. Họ lý luận rằng khi có một thế giới nơi mọi sự đều biến đổi và chuyển động thì phải có cái đối nghịch không thay đổi gì cả. Phải chăng những giáo lý mà các hiền triết (Rishis) nhận được đến từ tầng tâm thức đã bị phân chia và như thế có tính chất nhị nguyên? Con thấy ở đây đặc tính của trí năng, của tâm đường thẳng. Tâm này lấy một trạng thái đặc thù, thông thường từ những gì có thể quan sát trong thế gian, và sau đó nó từ đó lý luận lên trên hay ngược lại để suy ra cõi tâm linh và nguồn gốc của sáng tạo.

Nó luôn luôn lý luận rằng bất cứ điều gì có thể quan sát thì phải có cái ngược lại. Nếu con quan sát thấy mọi điều trên thế gian đều biến đổi và chuyển động thì phải có cái ngược lại không thay đổi. Sau đó, nó phóng chiếu là phải có một minh triết nào đó cao hơn. Các hiền giả (Rishis) nói là có một cái ta bất biến và trường tồn là Atman, và mọi người đều phát xuất từ Atman đó. Khi họ thức tỉnh từ ảo tưởng họ tách biệt với Atman, thì họ sẽ tan biến vào Atman, trở thành một với Atman. Mặt khác, Phật nói rằng khi quan sát nội tâm, Phật chưa bao giờ khám phá thấy một cái ta bất biến trường tồn trong mình. Vậy Phật sai hay các hiền giả (Rishis) sai?

13.10. Cái ta luôn luôn vượt thăng chính nó

Những gì Phật dạy quả thật Phật đã gần sự thật hơn, một sự thật không thể bày tỏ đầy đủ bằng ngôn từ. Bởi vì khi con truy tìm nguồn gốc của mình, thì đầu tiên hết con tìm thấy Cái Ta Biết của con vượt quá cái ta vỏ ngoài, sau đó con tới Hiện diện TA LÀ của con là một nối dài của các chân sư thăng thiên, là nối dài của các chân sư thăng thiên khác, nối kết trở lại tới tận đấng Sáng tạo xuyên qua các bầu cõi đã thăng thiên. Con là một phần của tạo vật của đấng Sáng tạo và trong sự sáng tạo luôn luôn có biến đổi và chuyển động. Sự sáng tạo luôn luôn thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia. Thật có chăng một cái ngã bất biến, một cái ngã cá nhân bất biến?

Các thày đã giải thích là các con được tạo ra để là những người đồng sáng tạo. Người đồng sáng tạo là gì? Đó là một sinh thể bắt đầu như một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm, dần dà mở rộng ý niệm bản ngã của mình cho tới khi đạt được tự nhận biết của đấng Sáng tạo. Điều này không có nghĩa là con tan biến trong đấng Sáng tạo đã tạo ra con, mà có nghĩa là con đã tự mình trở thành một đấng Sáng tạo. Con được tạo ra như một sinh thể chuyển động, tự thăng vượt và tiến trình này có thể tiếp diễn vô tận. Vậy thì Atman, cái ta bất biến, ở đâu? Nó không có đó.

13.11. Trạng thái không có cái ta vỏ ngoài

Có một khía cạnh của tâm thức Ki-tô, tâm Ki-tô hoàn vũ mà con có thể trải nghiệm ngay khi là một con người đang hiện thân trên trái đất. Khi con trải nghiệm tâm thức Ki-tô trên một hành tinh luôn luôn chuyển động, thì tâm thức này giống như một tảng đá không lay động so với sự chuyển động liên tục của con. Đó là lý do vì sao trước kia nó được diễn giải như vậy, như một cái ta bất di dịch. Đây là sự diễn giải nhìn từ thế giới hình tướng trên một hành tinh như trái đất. Sau đó con có thể tiếp tục và nói: “Phải chăng Phật có nói tới một trạng thái vô ngã? Vậy thì Phật ngụ ý gì?” Nhiều người Phật tử hiện đại nghĩ rằng mục đích tu theo Bát chánh đạo là đạt tới một trạng thái vô ngã bằng cách buông bỏ tất cả mọi ngã. Có những người khác trong thế giới Tây phương đã dùng tư duy đường thẳng lý luận và nghĩ rằng mục đích của con đường tâm linh là trừ tiệt cái ngã. Ai đúng? Ai sai?

Câu trả lời tùy theo con đang nói tới ngã nào. Nếu con nói tới ngã tách biệt, cái tự ngã sinh ra từ tâm thức nhị nguyên, thì quả thật Phật dạy đạt tới một trạng thái không còn tự ngã này, không còn ngã vỏ ngoài. Điều này không có nghĩa là Phật nói con không có ngã. Bởi vì khi con không còn bị kẹt trong sự đồng hóa với tự ngã, thì con khám phá con là một nối dài của cái ta cao của con, Hiện diện TA LÀ của con. Hiện diện TA LÀ của con có một cá tính được quy định bởi cha mẹ tâm linh của con, các chân sư thăng thiên. Con được sinh ra để mở rộng cái ta đó, vượt thăng nó và trở nên hơn nữa khi cá thể này tăng triển.

Nếu con lý luận rằng mục đích của con đường tâm linh là đạt trạng thái vô ngã nơi con thật sự không hiện hữu, thì một lần nữa con lại dùng tâm đường thẳng để lý luận rằng mọi chuyện phải có hai đối cực, và điều này một lần nữa cho con thấy khuyết điểm của tâm lý luận này. Khi Cái Ta Biết tách ra khỏi ngã vỏ ngoài và cá tính vỏ ngoài, thì con khám phá cái ta cao, Hiện diện TA LÀ và cá tính của nó và con bắt đầu biểu thị cá tính đó.

13.12. Trạng thái vô ngã

Vậy tại sao có những người đã trải nghiệm hay tự nhận là đã trải nghiệm trạng thái vô ngã? Có thể có chuyện này chăng? Suốt một thời gian rất dài, kể từ khi sa nhân sa ngã ở bầu cõi Thứ tư, thì họ đã tạo ra cái mà các thày gọi là một quần thể, một ngã tập thể, một quái vật tập thể giống như trạng thái trống không, trạng thái vô ngã. Trên trái đất các sa nhân đã làm hai điều với cái ngã. Một mặt, họ tìm cách nâng cao bản ngã của họ lên một địa vị tối thượng qua đó họ nghĩ rằng Thượng đế bắt buộc phải cho họ vào thiên đường hay cho họ quyền điều hành vũ trụ vì họ quá ư tinh xảo. Mặt cực đoan kia, họ đã tạo ra trạng thái vô ngã này, với mục đích gì? Họ tìm cách lôi kéo, đặc biệt là những người tâm linh, đi vào một trong hai hướng đó. Hoặc là tìm cách làm cho ngã tinh xảo đến mức nó có thể đi vào thiên đường, hoặc chối bỏ có một cái ngã và đi vào trạng thái lấp lửng hay chốn vô định hay chốn vô ngã khi nghĩ rằng mình không có ngã.

Có những người tin rằng họ đã khắc phục ngã và ngã đã chết. Họ phóng chiếu là có những chân sư đã đạt tới trạng thái vô ngã, bất nhị. Làm sao con biết được là con đã đạt trạng thái vô ngã này? Khi con nói: “Tôi đã đạt vô ngã, tôi đã đạt bất nhị” thì cái “ngã” nào đang nói? Chẳng phải đấy là một ngã hay sao? Khi con có cái ngã nói: “Tôi là vô ngã” thì con có thật sự thoát khỏi ngã chăng? Hay là con chỉ giản dị đi vào một ảo tưởng lừa gạt mình nghĩ rằng mình đã đạt được một trạng thái tối thượng nào đó trên đường tâm linh?

13.13. Thăng vượt liên tục

Trạng thái tối thượng trên con đường tâm linh là gì, ít nhất là trên trái đất? Đó là nhận ra con là một người đồng-sáng tạo. Con đi ra từ Bản thể đấng Sáng tạo, con có thể gọi là Brahman hay nhận biết vô biên hay bất cứ gì khác mà con muốn. Con không được tạo ra để hiện thân trên một hành tinh như trái đất và trải qua nhiều ngàn kiếp đầu thai với tất cả khổ đau mà đầu thai đem lại để rồi một ngày kia con giản dị thức tỉnh và tan biến vào cái hư không mà con từ đó đi ra.

Đấy không phải là mục đích của tiến trình sáng tạo. Mục đích của sự sáng tạo là tự thăng vượt, thăng vượt vô hạn định, mãi mãi, liên tục. Đấy là minh triết cao nhất. Thày không nói là minh triết tối thượng, nhưng đó là minh triết cao nhất có thể trao truyền trên một hành tinh như trái đất. Nếu con nắm bắt được điều này và vượt thăng và tiếp tục vượt thăng, thì nó sẽ đưa con vượt quá tầng tâm thức của trái đất và con có thể trải nghiệm một dạng minh triết vô vàn cao hơn, không thể trao truyền hay trải nghiệm trên trái đất. Bởi vì chỉ khi nào con là một chân sư thăng thiên, con mới có thể thực sự trải nghiệm tầng tâm thức vượt quá trái đất.

13.14. Hiểu sai về truyền thống Vệ đà

Một trong những hiểu sai chí tử về toàn bộ hệ thống Vệ đà (dù con gọi nó là Vedanta hay Advaita Vedanta hay bất kỳ tên nào khác), và thày dùng chữ “chí tử” hiển nhiên như một khiêu khích, là họ đã không nắm bắt ý nghĩa của nhị nguyên. Một câu nói thường được trích dẫn là: “Brahman là thực tại duy nhất. Thế gian là một ảo tưởng.” Cho nên họ nghĩ, họ lý luận chỉ có Brahman là thực và do đó, con như là một cái ta, con không thực. Cái ta không thực. Cái ta là một cái ta tách biệt. Nó không thực và do đó để đạt được bất nhị, để thoát khỏi nhị nguyên mà họ coi là mục đích cao nhất, con phải khắc phục cái ta vì cái ta chỉ có thể là nhị nguyên.

Con hãy xem xét câu nói: “Chỉ Brahman mới thực, thế gian là một ảo tưởng.” Trong câu này có nhị nguyên. Nếu Brahman là thực và là điều duy nhất hiện hữu, thì thế gian từ đâu tới? Nó ắt hẳn phải tới từ Brahman. Đâu có gì khác. Làm sao thế gian có thể là một ảo tưởng nếu nó đến từ Brahman và do Brahman tạo ra? Thế gian là Brahman biểu hiện chính mình như thế gian. Làm sao khi Brahman biểu hiện chính mình như hình tướng lại tạo ra ảo tưởng, khi chỉ có Brahman là thực? Thế gian cũng là Brahman vậy ảo tưởng ở đâu?

Nói thế gian tách biệt khỏi Brahman là một ảo tưởng. Khi nói Brahman là thực và thế gian là một ảo tưởng, phải chăng con đã tách thế gian ra khỏi Brahman? Phải chăng con đã tạo ra nhị nguyên dù con khẳng định câu nói này vượt trên nhị nguyên? Con thấy sự gian xảo của tâm lý luận. Thế gian không phải là một ảo tưởng. Thế gian được tạo ra từ các sinh thể thăng thiên biết và trải nghiệm họ là những nối dài của Bản thể của đấng Sáng tạo – con có thể gọi là Brahman hay đấng Sáng tạo hay bất kỳ tên gọi nào khác. Chúng ta biết chúng ta từ đâu tới và chúng ta biết chúng ta được sinh tạo bởi đấng Sáng tạo, chúng ta được sinh tạo từ Bản thể của đấng Sáng tạo và do đó sự hiện hữu của chúng ta không phải là một ảo tưởng. Chúng ta có thực và thế giới có thực. Thế giới hình tướng có một thực tại dù con đang ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Nơi đây vẫn có những cấu trúc thực. Thế giới không phải chỉ là một ảo tưởng.

Giờ đây con hãy xem xét: Nếu Brahman là tất cả những gì có thực và Brahman sinh tạo thế giới, lẽ tất nhiên Brahman biết thế giới là Brahman thì làm sao có thể có ảo tưởng? Có thể nào có ảo tưởng trong tâm Brahman chăng? Điều này nghe có hợp lý chăng? Vậy thì ảo tưởng nằm ở đâu? Nó chỉ có trong tâm tách biệt khỏi nguồn cội của tâm. Nó chỉ có trong tâm nhìn Brahman từ một khoảng cách và tìm cách hiểu và phóng chiếu một hình ảnh lên Brahman. Toàn bộ truyền thống bắt nguồn từ kinh Vệ đà và các nhà tiên tri Vệ đà (Vedic seers), đều đặt nền tảng trên nhị nguyên.

13.15. Hình tướng khác biệt không phải là nhị nguyên

Các thày đã trao truyền gì cho các con? Một cái nhìn khác. Các nhà tiên tri Vệ đà sẽ nói tầm nhìn này thô thiển, đây là một mức hiểu thấp hơn. Họ sẽ nói chỉ có Brahman là thực. Mỗi khi con có sự phân chia thành một thứ gì đó khác với Brahman, thì con có nhị nguyên. Thày vừa nói gì? Nếu chỉ có Brahman là thực, mọi sự đều được sinh tạo từ Brahman ra cho nên thế gian vẫn là Brahman. Nhị nguyên ở đâu? Nhị nguyên không ở trong thế giới hình tướng. Nhị nguyên không ở trong thực tại. Nhị nguyên chỉ có ở trong tâm, tâm tách biệt, tâm thấy mình tách biệt.

Đúng vậy, mục đích của con đường tâm linh là khắc phục tâm tách biệt, nhưng con không khắc phục tâm tách biệt bằng cách đi vào trạng thái vô ngã. Con khắc phục nó bằng cách khắc phục ảo tưởng rằng con có thể là một ngã tách biệt, tách biệt khỏi tâm một. Khi con khắc phục ảo tưởng là con đồng hóa với ngã tách biệt, thì con không tan biến mất, con không đi vào vô ngã. Con khám phá Hiện diện TA LÀ của con: “À, tôi là cái này. Tôi không là cái ở dưới này, tôi là cái này! Và ô kìa, Hiện diện TA LÀ đến từ cái này, và cái này đến từ cái kia, và cái kia đến từ đấng Sáng tạo.” Con không thấy một đấng Sáng tạo không phân chia, con thấy một chuỗi cấp bậc đi lần tới đấng Sáng tạo.

13.16. Bẫy của tâm sa ngã: hoặc ngã tách biệt ưu việt hoặc vô ngã

Những tín đồ Vệ đà đã tạo ra cảm tưởng này: “Chỉ có Brahman và thế gian. Chỉ có nhận biết vô biên và thế gian. Thế gian là một ảo tưởng. Khi ta thức tỉnh khỏi ảo tưởng, ta trở về với Brahman.” Đây là lời gian dối của tư duy sa ngã. Khi con thức tỉnh khỏi ảo tưởng mình tách biệt, thì con thức tỉnh và nhận ra con tới từ thực tại nào, con là nối dài của cái gì và mục đích của con là tăng trưởng tự nhận biết. Con không trở về đấng Sáng tạo bằng cách tan biến và trở thành số không. Con trở về đấng Sáng tạo bằng cách trở thành tất cả những gì đấng Sáng tạo là, đạt được tâm thức của đấng Sáng tạo. Đó là lý do tại sao đấng Sáng tạo sinh tạo tất cả chúng ta là những sinh thể cá biệt có tự nhận biết. Nếu chúng ta muốn, tất cả chúng ta đều trên hành trình trở về nguồn cội, nhưng nguồn cội chúng ta không phải là hư không. Nguồn cội chúng ta là đấng Sáng tạo và đấng Sáng tạo muốn chúng ta đi trên hành trình trở về này một cách ý thức, đạt được những tầng nhận biết và ý niệm bản ngã càng ngày càng cao hơn, để chúng ta có thể nhận chân mọi tầng mức của tạo vật của đấng Sáng tạo và góp phần đồng-sáng tạo nó. Đây là điều đấng Sáng tạo muốn; không phải là hành trình giả dẫn tới sự ưu việt của ngã tách biệt hay vô ngã.

Các con yêu dấu, thày nhận ra, như Chân sư MORE và các thày khác đã nói, là đôi khi các thày trao cho các con nhiều hơn những gì con có thể hiểu thấu. Nếu con cứ tiếp tục thăng vượt chính mình thì con sẽ tới điểm hiểu thấu được. Vì nếu tiết lộ tuần tự chỉ cho con những gì con có thể hiểu thấu ở tầng mức hiện tại của con, thì sao nó có tín chất tuần tự được?

13.17. Nối kết với Thày Lanto

Tất cả những điều trên liên quan gì tới kết nối? Thày đã cho các con những gợi ý về Hiện diện TA LÀ của con. Thày đã cho con những gợi ý về minh triết thật sự. Làm sao con kết nối được với Thày Lanto và Hiện diện của Minh triết? Bằng cách trải nghiệm Hiện diện của thày. Thày vẫn đang đứng ngay cạnh con (âm thanh gõ trên vai con). Con hãy giản dị nhìn đi. Nhìn với tâm không thành kiến. Nhìn với sơ tâm (beginner’s mind). Nhìn với tâm trẻ thơ và con có thể tìm thấy thày. Nếu ý muốn của con là trải nghiệm Hiện diện của Minh triết thì thày đang ở ngay đây. Thày chẳng đi đâu cả. Con có đi nơi nào khác chăng? Nếu thế thày hy vọng nơi ấy gần thày hơn. Gần điểm nơi con khám phá thày lúc nào cũng đang ở ngay đây.

Tới đây thày cám ơn con đã kiên nhẫn và thày niêm con trong Hiện diện của Minh triết Thiêng liêng mà thày hy vọng đã chứng minh là minh triết này vượt lên trên trí năng và tâm đường thẳng. Lanto THÀY LÀ.

11 | Quy thuận theo ý chí cao hơn của Tâm Một

Bài truyền đọc của Chân sư MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 4/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên MORE (HƠN NỮA). Con kết nối với thày bằng cách nào? Lẽ tất nhiên, bằng cách muốn hơn nữa. Làm sao có thể có cách nào khác? Con không thể kết nối với thày bằng cách muốn ít hơn, vì lúc nào thày cũng LÀ HƠN NỮA. Con có thể hỏi, “Hơn gì?”, nhưng câu hỏi này không cần đặt ra. Vì cái HƠN NỮA mà thày LÀ không thể so sánh với bất cứ cái gì ít hơn, mà nó cũng không thể so sánh với tất cả cái gì hơn nữa. Vì không thể có gì hơn Chân sư MORE.

Thày tin rằng con có thể thấy điều này nếu con vô hiệu hóa tâm đường thẳng, là cái tâm lúc nào cũng muốn nghĩ là có cái gì hơn nữa. Nếu con cố gắng có hơn những gì con hiện có, thì làm sao con kết nối được với Chân sư MORE, vì thày không hơn và cũng không kém. Bí quyết là vô hiệu hóa tâm đường thẳng, và điều gì có thể giúp con làm việc này?

11.1. Nhiều khía cạnh của Ý chí

Thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất, thường được coi là Tia của Ý chí. Và trong những đợt truyền giáo trước, họ coi thày như một vị thày rất nghiêm khắc, và con phải có ý chí mãnh liệt và có kỷ luật thì mới dám tới gần thày, nhưng ý chí có nhiều khía cạnh. Ý chí không phải lúc nào cũng là ý chí mãnh liệt và nhất quyết, vì các thày đang tìm cách giảng điều gì? Cách nối kết với các chân sư thăng thiên không qua việc nhấn và nhấn mạnh hơn, cố gắng và cố gắng nhiều hơn.

Rõ ràng là có một ý chí trên trái đất, và đó là ý chí nhân gian, một ý chí bên ngoài. Có ý chí của tự ngã và của các ngã tách biệt. Có ý chí muốn tiếp cận con đường tâm linh vì tự ngã nghĩ nó có thể gặt hái điều nó muốn gặt hái, là sự an toàn – một địa vị tối hậu nơi nó có thể cảm thấy an toàn. Tự ngã nghĩ rằng nếu con đi theo con đường tu thì con sẽ đến một giai đoạn tối hậu. Và nếu con chú tâm vào ý chí và quyết tâm, thì tự ngã nghĩ rằng con cần ý chí tối hậu, quyết tâm tối hậu. Trong các đợt truyền giáo trước, một số đệ tử đã đi vào tâm thái cho rằng muốn nối kết với thày, El Morya là hình ảnh họ có về thày lúc đó (và dĩ nhiên vẫn còn đang duy trì), thì họ phải thể hiện ý chí mãnh liệt này. Họ phải là ngọn lửa xanh, tia sáng xanh và họ phải nhất quyết và rất chú tâm.

Nhiều người trong số các đệ tử đó quên đi câu chuyện mà các thày có kể, rằng thày Kuthumi và thày được trao nhiệm vụ trèo lên một đỉnh núi để lấy một thông điệp, và thày hoàn toàn chú tâm và xông thẳng lên đỉnh núi, trong khi thày Kuthumi chậm rãi nối kết với chim muông và hoa. Nhưng khi các thày đi xuống từ đỉnh núi, thì thày Kuthumi nhớ thông điệp, trong khi thày thì quên mất. Câu chuyện này cho con thấy là khi con có ý chí quá mạnh, bất quân bình, thì không những con không nhớ thông điệp, mà con còn không nhận được thông điệp nữa.

Sau đó, lẽ dĩ nhiên còn có một hình thức khác của ý chí vỏ ngoài mà ta có thể gọi là phản-ý chí, là điều mà con thấy nơi nhiều người trên trái đất khi họ bị tâm thức tập thể chế ngự. Họ không biểu lộ cá tính mạnh, họ không muốn ló ra khỏi đám đông, họ muốn nhập vào đám đông, biến vào đám đông, làm những chuyện họ được bảo, tuân theo quy ước, tuân theo truyền thống xã hội.

11.2. Trung đạo của Ý chí

Con có cả phản-ý chí lẫn ý chí bất quân bình. Con thực sự có thể thấy cả hai khía cạnh này trên con đường tâm linh. Như thày có nói, có một số đệ tử rất quyết tâm trong khi có một số khác gia nhập một phong trào tâm linh và quyết định họ sẽ làm bất cứ gì được bảo, không bao giờ chất vấn, không bao giờ suy nghĩ tự lập, nhưng chỉ trôi theo nền văn hóa của tổ chức, trôi theo bất kể yêu cầu nào của tổ chức. Cả hai loại ý chí này đều bất quân bình. Thế nào là ý chí quân bình? Có phải chăng là điểm giữa hai đối cực mà thày vừa mô tả, hay là Trung đạo, khác với điểm giữa hai đối cực, nhưng là sự thăng vượt tâm thức của hai đối cực nhị nguyên?

Nhiều đệ tử đã chọn phương hướng tu là cần có kỷ luật và quyết tâm. Và thày hoàn toàn không nói phương pháp này không có giá trị. Khi con đang đi từ tầng tâm thức 48 đến tầng 96, thì lẽ tự nhiên ý chí của con, quyết tâm của con cần mạnh hơn sức kéo xuống của tâm thức tập thể. Vì nếu không thì làm sao con có thể vươn lên trên tâm thức tập thể?

Khi con đi tới các tầng cao hơn và bắt đầu đi quá tầng 96, thì con bước vào một giai đoạn khác. Con nên xem xét là có một cách khác để tiếp cận các đức tính của bảy tia. Con có thể lấy đức tính uy lực ý chí, con có thể thấy nó diễn bày ra sao trên trái đất và con có thể thiết lập hai đối cực. Con có thể nghĩ uy lực ý chí có thể yếu hay mạnh, hoặc hướng ngoại hoặc ù lì, hoặc hung hãn hoặc thụ động.

Một cách nhìn khác là vươn lên tới nhận biết uy lực ý chí là một đức tính thiêng liêng mà con không cần thu nhập khi con là một sinh thể đang đầu thai. Đây là điều nhiều đệ tử trong các đợt truyền giáo trước nghĩ. Họ nghĩ rằng đây là uy lực Ý chí Thiêng liêng của Tia thứ Nhất và tôi cần có được uy lực ý chí đó để tôi có được uy lực ý chí đó khi ở trong xác thân này. Nhưng uy lực ý chí này sẽ biểu lộ ra sao nếu con nghĩ như vậy?

11.3. Nỗ lực tới điểm gãy đổ

Con sẽ xây dựng một ngã tập trung vào uy lực ý chí và cách con nhìn uy lực ý chí xuyên qua một ngã khác. Đó là lý do vì sao con đang xây dựng một uy lực ý chí là ý chí của tự ngã dựa trên ảo tưởng tách biệt. Và một lần nữa con nghĩ rằng phải có một rào cản mà con phải đẩy qua vì chắc hẳn thế giới vật lý tách biệt khỏi đức tính Thiêng liêng của Uy lực Ý chí của Tia thứ Nhất. Con cần phải nỗ lực để có được nó, con cần phải nỗ lực để có được bất cứ gì trên trái đất. Con đi vào trạng thái làm, làm, làm, làm nhiều hơn và dùng nhiều nỗ lực hơn và nhiều hơn nữa.

Một số người đã nhận ra là khi họ cố làm nhiều hơn thì họ lại đạt được ít hơn. Đây là điều các thày đã giải thích trước đây. Khi con tạo ra ngã vỏ ngoài phóng chiếu ra ngoài, thì con cũng tạo sự chống đối. Con càng nỗ lực nhiều hơn thì sức chống đối càng mạnh hơn, và sẽ đến lúc con không thể nỗ lực mạnh hơn nữa, con không thể chịu nổi việc cứ luôn luôn phải nỗ lực quá mạnh. Điều này đã khiến một số đệ tử rốt cuộc bị suy sụp, không còn làm được nữa. Các thày đã thấy điều này nơi các đệ tử trong các đợt truyền giáo trước, hội chứng hoàn toàn thất bại khi họ nỗ lực mạnh đến độ họ không còn nỗ lực được nữa. Lúc đó họ phải hoàn toàn rút lui khỏi đường tu, ngay cả rời bỏ con đường tu, tuy đã có lúc họ nghĩ họ đang tiến bộ rất tốt và là các đệ tử ưu tú nhất.

11.4. Cảm nhận sự chuyển động của đại dương của Ý chí Thiêng liêng

Một cách khác là điều mà thày Quân Âm đã đề cập, là không làm nhưng không việc gì không được làm. Con nhận ra là con không tách biệt khỏi Ý chí Thiêng liêng, con là một ngọn sóng trong đại dương của Ý chí Thiêng liêng. Thay vì nghĩ con cần bơi trên ngọn sóng và bơi càng lúc càng nhanh hơn để bắt kịp Ý chí Thiêng liêng, thì con ngừng bơi, con thư giãn và con cảm thấy sự chuyển động của đại dương của Ý chí Thiêng liêng. Nó dâng lên, nó hạ xuống, nó dâng lên, nó thư giãn và nó chảy về một hướng. Hướng này có thể không phải là hướng mà tâm vỏ ngoài, tự ngã, các ngã tách biệt của con muốn con đi tới. Nhưng đó là hướng sẽ cho con tăng trưởng cao nhất, thăng vượt cao nhất, tiến bộ cao nhất về hướng tầng tâm thức 144 và việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con, bất kể điều gì con đã ghi vào sứ vụ này mà tâm vỏ ngoài của con đã quên khuấy, và tâm vỏ ngoài không còn ý thức.

Con đã tạo trong tâm vỏ ngoài một mục đích dựa trên nền văn hóa và môi trường nơi con khôn lớn và con nghĩ con cần nỗ lực mạnh để tiến tới mục đích đó, nhưng hướng đó không phải là hướng của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Một lần nữa, nếu con dùng nỗ lực mạnh đi ngược lại Sứ vụ Thiêng liêng của con thì con tạo sự chống đối bên trong chính mình, và con càng ngày càng phải cố gắng hơn. Đó là lý do một số người trải nghiệm là có cái gì gãy đổ, có cái gì chết đi, họ trải qua một đột phá, một sáng ngộ hay một sự suy sụp tinh thần, nhưng họ cảm thấy có một xoay chuyển và họ không thể tiếp tục đi theo hướng cũ. Nhưng nhận biết này không cần phải là một xoay chuyển quá to lớn khiến con cảm thấy trống vắng hay cảm thấy là không có gì trong đời mình đang suôn sẻ. Con thực sự có thể học cách giải quyết các ngã tách biệt này, nhận diện các ngã tách biệt muốn con đẩy mạnh, đẩy mạnh và đẩy mạnh. Con có thể tới chỗ nhìn thấy chúng, tách mình ra khỏi chúng, để chúng chết đi, và sau đó con nỗ lực, một nỗ lực có ý thức để hòa điệu với hướng đi tới nhịp nhàng của Sứ vụ Thiêng liêng của con, do Ý chí Thiêng liêng hướng dẫn.

11.5. Ý chí của Thượng đế đối với Ý chí của Hiện diện TA LÀ

Có nhiều sự ngộ nhận về Ý chí Thiêng liêng, mà có người cũng gọi là Ý chí của Thượng đế. Vị sứ giả này nhiều năm trước đây tham gia một đợt truyền giáo nói nhiều đến Ý chí Thiêng liêng, Ý chí của Thượng đế. Có sự tương phản giữa ý chí của tự ngã và Ý chí của Thượng đế, và ông trăn trở điều này trong tâm và lúc đó cảm thấy chỉ có hai chọn lựa, hoặc theo ý chí của tự ngã hoặc theo Ý chí của Thượng đế, và cả hai cách đều không có chỗ cho chính ông. Dù ông theo ý chí của tự ngã hay Ý chí của Thượng đế thì ông cũng cảm thấy đây là một ý chí bên ngoài ông. Có chỗ nào cho ý chí của chính ông chăng? Lúc đó ông không hiểu rõ vấn đề nhưng đó là điều ông cảm nhận. Rốt cuộc một ngày kia ông quy hàng và nói: “Được rồi Thượng đế, xin ngài cho tôi thấy ý chí của ngài và tôi sẽ tuân theo” thì lúc đó ông nhận được một xung lực từ bên trong nội tâm, sự thực là từ chính thày: “Nếu Thượng đế chỉ muốn con tự mình lấy quyết định thì sao?” Xung lực này khiến ông chấn động, nhưng nó tạo một phản ứng dây chuyền trong ông khiến ông nhận ra là không có Ý chí Thiêng liêng nào áp đặt bất cứ điều gì lên con người.

Không có một Thượng đế giận dữ trên thiên đàng, hay ngay cả một Chân sư MORE giận dữ trên thiên đàng, đang nhìn xuống con và muốn ép buộc con làm điều gì. Thày còn không muốn ép con phải theo Sứ vụ Thiêng liêng của con. Thày không áp đặt Sứ vụ Thiêng liêng của con lên con, và các chân sư thăng thiên khác cũng vậy. Chính con đã chọn lựa, chính con đã chọn lựa. Vấn đề có phải chăng là lấy vào một ý chí bên ngoài muốn ép buộc vũ trụ phải tuân theo những mục đích và ham muốn của con, hay là vượt lên trên tất cả mọi ý chí bên ngoài, cho dù đó là ý chí của tự ngã, ý chí của thế gian, ý chí của gia đình, ý chí của xã hội, Ý chí của Thượng đế hay của một chân sư thăng thiên nào đó? Có thể nào hòa điệu với cái mà nhiều người còn không coi là uy lực ý chí? Nó giống như đại dương dâng lên lắng xuống, sự đi tới nhẹ nhàng của các làn sóng xuyên qua đại dương để rốt cuộc tới bờ bên kia. Đây là một loại ý chí khác. Đây là một ý chí không thể bị một phản-ý chí chống đối. Đây là một ý chí không áp đặt lên con.

Đây không phải là một ý chí mà con muốn chấp nhận hay chối bỏ. Đây là một ý chí mà con trầm mình vào, giống như con trầm mình vào đại dương. Con hãy tưởng tượng con đang bơi trên mặt đại dương và có những ngọn sóng lớn nhưng nhẹ, và thoạt tiên con bơi và phải vất vả mới giữ được đầu trên mặt nước, nhưng con nhận ra là con không cần thở vì con đang ở trong những thể cao của mình. Con có thể thư giãn, con có thể trầm mình vào lòng đại dương, và như vậy con không còn vùng vẫy trên mặt đại dương nữa và con chỉ nhẹ nhàng di động theo sự trồi sụt của đại dương và con di động theo ý chí cao đó. Con không vùng vẫy, con không dùng lực, và đó là điều mà Lão Tử có nói là con không làm gì cả nhưng không có nghĩa là con thụ động. Không có nghĩa là con phải ngồi trong một hang động trong núi Himalaya và suốt ngày thiền định về Thượng đế. Con có thể có một cuộc sống tích cực, con có thể làm một số công việc, con có thể lấy quyết định nhưng con không áp đặt các quyết định của mình. Con không lấy các quyết định này với tâm vỏ ngoài. 

Con chỉ trầm mình trong ý chí rộng lớn là Ý chí của Hiện diện TA LÀ của con, cũng là ý chí mà chính con đã sắp đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Không có vũ lực, không có vật lộn, chỉ có sự di động nhẹ nhàng nâng con lên, kéo con qua bên này, kéo con qua bên kia, và bỗng nhiên con thấy là tuy con có cảm tưởng là không có gì được làm, nhưng không có gì không được làm, vì điều con quyết định hoàn thành trong Sứ vụ Thiêng liêng đã được hoàn thành. Nhưng điều này nghĩa là gì?

11.6. Vật lộn với ý chí và mục tiêu vỏ ngoài

Con có thể nhìn vào cuộc đời mình và thấy là con đã được dạy dỗ để chấp nhận một số mục tiêu vỏ ngoài cho cuộc đời của mình chăng? Có lẽ cha mẹ con đã thúc đẩy con đi học, làm một công việc nào đó, bắt đầu một sự nghiệp sẽ dẫn con dần dần tới những chức vụ cao hơn cho tới khi con tới mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp nơi tất cả mọi sự nghiệp phải chấm dứt, đó là về nghỉ hưu.

Con làm việc trong 40 năm hay nhiều hơn để đạt được chức vụ đó, để rồi về nghỉ hưu một thời gian ngắn sau khi con đạt tới đó. Con đã trải qua cả cuộc đời tìm cầu, và khi con nghỉ hưu và không còn tìm cầu nữa thì con không biết phải làm gì với chính mình. Có rất nhiều người chết trong vòng một hoặc hai năm sau khi nghỉ làm về hưu vì họ không còn lẽ sống nữa. Con có thể thấy nhiều người đi theo con đường vạch sẵn đó suốt đời họ, và sau khi họ rốt cuộc về hưu thì họ nhìn lại cuộc đời họ và cảm thấy: “Cuộc đời này có nghĩa gì? Tôi đã đạt được gì? Những thành tựu bên ngoài mà tôi đã đạt được, cuộc đời thật sự chỉ là thế hay sao?”

11.7. Những trồi sụt trên con đường tu

Khi con là một đệ tử tâm linh thì con có thể nói: “Không, những thành tựu bên ngoài không phải là điều quan trọng trong cuộc đời. Mục đích cuộc đời là nâng cao tâm thức.” Con thấy là ý chí thật sự trong Sứ vụ Thiêng liêng của con là nâng cao tâm thức, và đôi khi việc nâng cao tâm thức không phải là một tiến trình suôn sẻ, lúc nào cũng đi lên. Một ngọn sóng trồi lên, con có thể có một trải nghiệm tâm linh cao, cảm thấy nối kết thật sự, nhưng sau đó tới lúc phải làm việc, phải nhìn vào tâm lý của mình. Con có thể cảm thấy mình đang tụt dốc, nhưng làn sóng cứ tiếp tục đi tới xuyên qua đại dương, và nó sẽ lại trồi lên, và lần này nó trồi lên cao hơn trước. Con nhận ra là tuy có trồi sụt trên con đường tu, nhưng hướng chung vẫn đi lên cao hơn. Đến cuối đời con thấy là bất kể các kết quả vật lý mà con đạt được, con đã nâng tâm thức mình lên. Các thành tựu vật lý có quan trọng chăng khi con đã nâng tâm thức?

Vì khi con bỏ xác thân vật lý lại đằng sau thì con có thể mang theo thành tựu vật lý nào chăng? Con có thể mang được gì theo con? Chỉ có trình độ tâm thức. Nếu con đã nâng tâm thức mình lên tầng 100 trong một kiếp sống, thì con sẽ bắt đầu ở mức đó trong lần đầu thai kế tiếp, hay ít ra là con có thể mau chóng đạt trở lại mức đó. Như vậy có nghĩa là việc con thăng thiên trong kiếp đó là điều thiết thực. Hoặc con có thể thăng thiên trong kiếp đầu thai này, nhưng không phải nhờ dùng nỗ lực mạnh nhưng bằng cách nối kết với dòng chảy của ý chí, của Ý chí Thiêng liêng, không chú trọng vào thành tựu đặc thù nhưng vào việc nâng cao toàn thể sự sống lên. Mục đích của Ý chí Thiêng liêng không phải là thể hiện một điều kiện vật chất đặc thù nào, mà là nâng mọi sự sống lên các tầng tâm thức cao hơn, lên các tầng rung động cao hơn.

11.8. Vũ khúc hoàn vũ của Tâm Một

Con có thể hỏi, khác biệt giữa tâm thức và rung động là gì? Tâm thức là cái gì có thể rung động và có khả năng khiến năng lượng rung động. Tâm thức là thực tại bên dưới mọi sự, tối hậu nó là tâm thức của đấng Sáng tạo, hay là tâm thức của cái Tất cả vượt quá đấng Sáng tạo, là Tâm Một, tâm không phân chia, không thể phân chia.

Trong cái Tâm Một đó, tâm thức có thể tự nó khiến nó rung động như năng lượng, và sau đó tâm thức có thể biểu thị chính nó như một sinh thể cá biệt có tự nhận biết, và lúc đó có thể khiến năng lượng rung động để thành hình tướng, và sinh thể thị hiện hình tướng lúc đó có thể nhận biết và trải nghiệm hình tướng. Đây là cách sự đồng-sáng tạo tiến hành, nhưng sự đồng-sáng tạo không những chỉ có mục đích nâng các sinh thể cá biệt lên các tầng tâm thức và khả năng đồng-sáng tạo cao hơn, nhưng còn có mục đích nâng lên cái mà ta có thể gọi là năng lượng hay vật chất, nâng cao độ rung động cho tới khi thấy rõ ràng là mọi hình tướng đều là tâm thức, đều xuất phát từ Tâm Một.

Đây là vũ khúc hoàn vũ, khi Tâm Một khoác vào hình tướng, khởi đầu với một ý niệm bản ngã hạn hẹp, nới rộng ý niệm bản ngã đó ra cho tới khi cái ta nhận ra nó là một phần nối dài của tâm một, nó là một đồng-sáng tạo với đấng Sáng tạo. Lúc đó, cái ta cá biệt xoay chuyển để không còn theo đuổi các mục đích như một ngã tách biệt nữa, nhưng trở thành một phần của tiến trình đồng-sáng tạo lớn lao nâng tất cả mọi sự sống lên, qua đó nâng mọi sự sống lên, nâng Tâm Một lên, và đây là điều mà tâm đường thẳng không thể hiểu.

Khi các thày nói chỉ có Tâm Một, con nghĩ (như nhiều người đã nghĩ) là điều này có nghĩa Tâm Một toàn hảo, nó không bao giờ thay đổi, nó là thực tại tối hậu, nhưng vì sao con hiện hữu như một hình tướng được biểu lộ? Đó là vì lúc nào cũng có các hình tướng được biểu lộ từ Tâm Một, và khi tâm tự biểu lộ mình như hình tướng và sau đó tới chỗ nhớ mình là Tâm Một, thì Tâm Một tăng trưởng, mở rộng. Tâm đường thẳng hỏi: tiến trình này đã diễn ra từ bao lâu rồi? Từ muôn thuở là câu trả lời duy nhất. Ấy – tâm đường thẳng lại hỏi – nếu Tâm Một tăng trưởng chính nó từ muôn thuở, thì ắt hẳn nó phải tới một trạng thái tăng trưởng tối hậu. Làm sao nó có thể tăng trưởng mãi mãi? Tiến trình này khởi sự lúc nào? Có cái gì trước khi Tâm Một hiện hữu hay trước khi Tâm Một quyết định biểu lộ chính nó?” Lúc nào cũng có Tâm Một tự biểu lộ chính nó và qua đó trở nên hơn nữa, và tiến trình này sẽ tiếp diễn mãi mãi, và sự tự tăng trưởng của Tâm Một không có giới hạn, không có kết thúc. Đây là điều mà tâm đường thẳng không thể nắm bắt, vì ai có thể nắm cái vô biên?

11.9. Hòa điệu với Hiện diện của các chân sư

Thày không nói là thày, như một chân sư thăng thiên, có thể nắm bắt sự tăng trưởng vô biên, vô tận nhưng thày có thể nắm bắt nó nhiều hơn mỗi ngày. Khi con nắm bắt cái hơn nữa, và tiến trình lúc nào cũng trở nên hơn nữa, thì con có lý do gì cần nắm bắt tiến trình một cách tối hậu? Vì tại sao con lại muốn đạt một mục đích nào đó, một mục đích tột cùng nào đó, khi con nhận ra là bản chất của tiến trình là trở nên hơn nữa? Làm sao có thể có một mục đích tột cùng trong tiến trình tăng trưởng vô biên, vượt thăng vô biên? Mục đích không quan trọng, tiến trình mới quan trọng – và tiến trình là trở nên hơn nữa.

Con có thể trụ vào tiến trình hơn nữa này bằng cách hòa điệu với Hiện diện của thày, vì thày nắm giữ ngọn lửa này cho địa cầu. Thày chỉ có thể cống hiến con Hiện diện của thày, các bài chú bài thỉnh của thày, quyển sách của thày là quyển đầu trong bộ sách về khóa học Tự Điều ngự. Lẽ tất nhiên, tất cả các thày là các Thượng sư trao truyền khóa học này không phải chỉ để giúp các con nâng tâm thức từ tầng 48 lên tới tầng 96, mà còn để các con có thể dùng mỗi quyển sách để hòa điệu với vị Thượng sư đã trao truyền quyển đó. Nếu con cảm thấy gần gũi với một vị Thượng sư, thì con hãy lấy quyển sách của vị ấy, đọc các bài truyền đọc, đọc các bài thỉnh với mục đích hòa điệu, chỉ hòa điệu với hiện diện của vị Thượng sư đó. Bất kể tầng tâm thức hiện tại của con, ngay cả khi con ở trên tầng 96, thì con sẽ thấy là sử dụng quyển sách sẽ cho con một hòa điệu lớn lao với vị Thượng sư, và qua đó với tia đó.

Con thấy chăng, tuy mục đích đặc trưng của quyển sách là giúp con người nâng tâm thức, trong trường hợp của thày bắt đầu từ tầng 48, nhưng lúc nào cũng có những mục đích khác. Nếu con nhìn quyển sách của thày và nói: “Ồ, tôi chắc hẳn đã trên trình độ từ tầng 48 đến tầng 55, do đó tôi không cần học quyển sách của Chân sư MORE nữa”, thì con không nắm được là có một tầng cao hơn. Quyển sách cống hiến một cái gì hơn các tầng căn bản. Hơn bao nhiêu? Khi con còn hiện thân trong cõi vật lý, thì lúc nào cũng có cái hơn nữa. Con có thể ở tầng 144 và con có thể sử dụng quyển sách mà vẫn gặt hái được điều gì từ đó giúp con kết nối với cái hơn nữa. Vì giống như vẻ đẹp nằm trong mắt người nhìn ngắm, tất cả mọi chuyện đều nằm trong mắt người nhìn ngắm, và vấn đề chỉ là cách con nhìn sự việc và cách con dùng một giáo lý hay một dụng cụ tâm linh để vượt thăng tầng tâm thức hiện tại của con.

11.10. Con không vượt quá mức này

Kẻ địch lớn nhất của tăng triển tâm linh là gì? Đó là con cho phép mình tin lời nói của các ngã tách biệt còn sót lại và của tự ngã cho rằng: “Ồ, tôi đã vượt quá mức này. Tôi không cần học giáo lý này nữa. Quyển sách này được trao truyền cho những ai ở các tầng tâm thức thấp. Tôi đã vượt quá mức này. Tôi không cần học quyển sách này nữa.” Con đang hiện thân trong cõi vật lý, phải không con? Quyển sách của thày, bất kể mục đích đặc trưng của nó, đã được trao truyền từ một tầng tâm thức cao hơn tâm thức hiện thân vật lý. Làm sao con có thể vượt quá nó khi con còn xác thân vật lý? Làm sao con có thể vượt quá sự trợ giúp của thày là một chân sư thăng thiên?

Con hãy giám sát chính mình để nhận ra mánh lới của sa nhân và các ngã tách biệt muốn con nghĩ: “Tôi đã đạt được một tầng cao hơn và bây giờ tôi đã vượt quá mức này.” Con lúc nào cũng có thể gặt hái được cái gì hơn nữa từ một giáo lý tâm linh. Lúc nào cũng có cái gì hơn nữa có thể kích hoạt điều gì đó trong con giúp con bỗng nhiên thấy một ảo tưởng, nếu con sẵn lòng thấy ảo tưởng, nếu con có ý chí muốn thấy ảo tưởng.

Có một tha hóa khác của ý chí khi con không sẵn lòng thấy ảo tưởng vì con nghĩ mình đã vượt quá ảo tưởng đó hay mọi ảo tưởng. Con nghĩ rằng con đã đạt tới một tầng nơi con không cần với lên cái hơn nữa, con chỉ cần đợi tới lúc thăng thiên. Nếu con đang hiện thân trong thân vật lý thì làm sao con thăng thiên nếu con không với lên cái hơn nữa? Không có một tầng tối hậu mà con có thể đạt được khi con còn xác thân vật lý. Con lúc nào cũng phải với lên cái hơn nữa để nâng mình lên tầng tâm thức kế tiếp và rốt cuộc tới tầng 144 là nơi con phải với lên cái hơn nữa để nâng mình lên tầng tâm thức kế tiếp, là tầng tâm thức đầu tiên của cõi thăng thiên.

11.11. Những tầng cao hơn của tâm thức thăng thiên

Đúng vậy, con yêu dấu, thày quả thực vừa nói tầng tâm thức đầu tiên của cõi thăng thiên, vì con không nghĩ, phải không con, là khi con thăng thiên thì con đã đạt được một tầng tâm thức tối hậu? Con không nghĩ, phải không con, là khi con thăng thiên từ trái đất, con đã đạt tới cùng tầng tâm thức với Phật Gautama hay Đại chỉ đạo Thiêng liêng hay Alpha và Omega? Lẽ tự nhiên, khi con thăng thiên từ trái đất, con ở tầng tâm thức thấp nhất có thể có ở cõi thăng thiên, và sau đó con bắt đầu làm việc để nâng mình lên cao hơn bằng cách với lên cái hơn nữa. Sau đó, con dần dần, và với đa số chúng ta tiến trình này có thể cần thời gian, con dần dần đạt tới tầng tâm thức của đấng Sáng tạo, nhưng đây là một đoạn đường dài cho tất cả chúng ta, kể cả thày. Thày đã trải nghiệm chợt thoáng nhận tâm thức của đấng Sáng tạo, và nó chắc chắn cao hơn tâm thức của thày vô lượng, tuy thày không còn ở tầng tâm thức đầu của một chân sư thăng thiên.

Lúc nào cũng có cái hơn nữa, ngay cả trên cõi thăng thiên cũng có cái hơn nữa. Con có thể lấy thái độ này, là thái độ sẵn lòng vươn lên cái hơn nữa. Điều này không chỉ có nghĩa là kết nối với thày, tuy rằng thày đã đặt cho mình tên Chân sư MORE. Vì bất cứ chân sư thăng thiên nào cũng hơn những gì con gặp khi con còn đầu thai.

Con hãy tính chuyện tuôn chảy, tuôn chảy theo ý chí đang nâng mọi sự sống lên. Không xua đẩy, không vật lộn, không chống cự, nhưng quy thuận theo ý chí cao đó. Con hãy suy ngẫm quan niệm có thể xem là một nghịch lý: quy thuận theo ý chí. Nhiều người cho rằng có ý chí có nghĩa là nhất quyết, quyết định, tập trung, phải hung hãn, dùng lực để có ý chí. Thay vào đó, con hãy tính chuyện quy thuận theo ý chí. Vì đó là một ý chí cao hơn mọi thứ con có thể thể hiện qua các ngã tách biệt và qua tâm thức thấy nó tách biệt với đại dương của cái ta.

11.12. Lòng tri ân của các chân sư thăng thiên đối với các đệ tử Hàn Quốc

Tới đây thì thày muốn biểu lộ lòng tri ân của thày vì các con đã hiện diện ở đây, đã tổ chức hội nghị này, đã tham dự đông đảo vào công việc này tại Hàn Quốc, phiên dịch các bài giáo lý, phổ biến các giáo lý, đọc chú đọc thỉnh, tổ chức các sinh hoạt này, tạo ra tất cả các dụng cụ tu tập mà các con đã tạo ra. Các thày biết là các con không cần được khen ngợi, vì con không cần tham vọng thế tục đó. Nhưng các thày muốn các con biết rằng, lẽ đương nhiên, các thày biết các nỗ lực lớn lao mà các con đã bỏ ra. Các thày biết ơn các con đã làm nhiều việc để mang các giáo lý này đến nhiều người hơn trong quốc gia này. Tuy có thể có lúc con cảm thấy hơi nản chí vì con có hy vọng các nỗ lực của mình gặt hái được kết quả vật lý cao hơn, nhưng thày bảo đảm với các con là trong sự vận chuyển rộng lớn hơn của đại dương là tâm thức tập thể của quốc gia này, các con đã tạo ra một sự vận chuyển mới, một sự vận chuyển đi lên. Điều quan trọng không phải là kết quả bên ngoài mà là sự nâng cao tâm thức.

Các thày đều hy vọng là các con cảm thấy mãn nguyện khi biết rằng các con thuộc vào làn sóng nâng cao tâm thức sẽ nâng cả dân tộc này lên. Thày không phải chỉ nói đến phần phía nam của dân tộc này, mà cả dân tộc, cho tới khi làn sóng đó tràn qua biên giới và cuốn đi mọi kháng cự một ngày mới. Tới đây, thày niêm phong các con trong Ngọn lửa HƠN NỮA mà thày LÀ.

7 | Thoát ra khỏi tâm đường thẳng

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Shiva qua trung gian Kim Michaels ngày 3/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Shiva. Ắt hẳn con cũng có thể khẩn cầu thày để thày giúp con khắc phục các nỗi sợ của con và con có thể niệm câu chú Om Shiva, hay chỉ chữ Shiva để giúp con đi vào bên trong và thiêu rụi các nỗi sợ đó trong cảm thể của con. Con cũng có thể kết hợp các lời kêu gọi Đại thiên thần Michael và thày vì lẽ tất nhiên các thày không bị phân rẽ bởi bất kỳ phân chia nào giữa các truyền thống Đông và Tây. Các thày là một, tuy các thày có những sắc thái khác nhau, những pha màu khác nhau của ánh sáng mà các thày đem lại. Kết hợp hai thày rất hiệu quả để tiêu trừ các nỗi sợ.

7.1. Điều nghịch lý của tâm đường thẳng

Tuy nhiên mục đích chính yếu của bài giảng này lẽ tất nhiên không phải là để giải quyết nỗi sợ mà là để tiến tới điều kế tiếp thực sự khiến con người rời xa sự kết nối và đó tất nhiên là tâm lý trí. Chắc chắn cả hai thày Quan Âm và Mẹ Mary đều đã giảng về chủ đề này, nhưng thày muốn cho các con thêm một số ý nghĩ vì trong thế giới hiện đại tâm lý trí là chướng ngại lớn nhất cho người tâm linh. Lý do chính là vì các chế độ dân chủ Tây phương đã lan truyền khắp thế giới nhiều ý tưởng rất dính chặt vào tâm đường thẳng, tâm lý trí, tâm lô gíc, tâm phân tích, đặc biệt là qua khoa học và khoa học duy vật.

Các thày quả thực muốn nói gì khi nói đến tâm đường thẳng? À nó là cái tâm muốn đặt mọi sự trên một dòng thời gian, hoặc trên một loại đường thẳng nào đó có thể chia thành nhiều phần nhỏ hơn. Nó cũng muốn đặt mọi sự trên một dòng thẳng nơi có một nguyên nhân dẫn đến hậu quả. Hậu quả có thể trở thành một nguyên nhân khác dẫn đến hậu quả khác, nhưng có một sự đều đặn, một quy luật tự nhiên nào đó quy định rằng một nguyên nhân đặc trưng sẽ luôn luôn dẫn tới một hậu quả đặc trưng theo một lối đường thẳng mà không có ngoại lệ.

Để đơn cử vài thí dụ về tâm này, con hãy bắt đầu đếm. Một, hai, ba, bốn, năm và con tiếp tục đếm. Con tiếp tục được bao lâu? À, giả sử là vô thời hạn. Câu hỏi là có ai có thời giờ để làm chuyện này? Ai có thời gian vô tận? Giả sử con có thời gian vô tận, thì con có muốn dùng thời gian này để đếm và xem mình đếm được tới đâu chăng? Đấy có phải là tầm nhìn cao nhất của con về điều con làm được với thời gian vô tận? Con thấy là khi con thực sự bắt đầu suy ngẫm về vô hạn hay về con số vô tận thì tâm đường thẳng không cam nổi. Nhưng phải chăng chính tâm đường thẳng đã quy định là lúc nào con cũng có thể thêm một và do đó coi như con có thể đếm đến vô tận? Con thấy đó, tâm đường thẳng dựng lên một diễn tiến đường thẳng, nhưng khi con bắt đầu nghĩ tới kết quả cùng cực của diễn tiến đường thẳng này thì tâm đường thẳng gần như bị chạm dây điện vì nó không thể nắm bắt điều này.

Một ví dụ khác là triết gia Hy Lạp Zeno, người đã đề ra nghịch lý cho rằng nếu muốn đi bộ từ thành phố này tới thành phố kia, thì con sẽ không bao giờ tới nơi, vì trước tiên con phải đi bộ tới điểm ở giữa. Sau đó con phải đi bộ tới điểm ở giữa của khoảng cách còn lại và con có thể tiếp tục chia vô tận khoảng cách còn lại làm hai. Con luôn luôn có thể chia bất cứ con số nào làm hai, bất cứ khoảng cách nào làm hai, cho nên con không bao giờ tới nơi được. Một lần nữa, khi con bắt đầu nghĩ tới chuyện này, con nhận ra đây là điều tâm đường thẳng làm. Nó tạo ra một diễn tiến đường thẳng dựa trên một sự đều đặn nào đó, một quy luật nào đó và coi như có thể kéo dài vô tận, nhưng khi con bắt đầu nghĩ tới hậu quả cùng cực của diễn tiến đường thẳng đó thì tâm đường thẳng không đương được nữa.

Vì quả thực, con lấy từ đâu ý tưởng là con có thể tiếp tục đếm số vô thời hạn? À, đó là cái ý tưởng đường thẳng cho rằng con luôn luôn có thể cộng thêm một số. Nhưng nếu con tiếp tục đi xa đủ, phải chăng sẽ tới điểm con đạt tới một con số lớn vô tận? Làm sao tâm đường thẳng đương nổi điều này? Chắc chắn nó không thể đương được khái niệm vô tận. Nhưng phải chăng đấy là điều tâm đường thẳng nói, rằng con có thể tiếp tục đếm vô thời hạn? Con có thể đếm vô thời hạn vậy thì tại sao tâm đường thẳng không cam nổi vô thời hạn?

Con cũng có thể nhìn vào chuyện mà các thày có giảng, là thế giới hình tướng do chỉ một đấng Sáng tạo sinh tạo ra. Nhưng đấng Sáng tạo từ đâu tới? Có gì trước khi thế giới hình tướng hiện hữu? Và sau đó tâm đường thẳng muốn hỏi, nhưng nếu thế giới này có điểm khởi đầu thì có gì trước điểm khởi đầu? Có cái gì khi thế giới chưa có, chưa được sinh tạo? Và sự sinh tạo các thế giới bắt đầu lúc nào? Có gì trước đó? Và các thày có thể nói lúc nào cũng có một thế giới hình tướng, nhưng tâm đường thẳng có đương đầu được chăng với chuyện này?

7.2. Mọi hình tướng đều được quy định bởi giới hạn

Tâm đường thẳng hầu như bị chạm dây điện khi con suy ngẫm điều này. Bởi vì dù không cam nổi cái vô tận, tâm đường thẳng muốn có điểm khởi đầu. Có thể là không có điểm kết thúc nhưng phải có một điểm khởi đầu. Con phải bắt đầu đếm ở chỗ nào đó. Một, hai, ba, trừ mười, trừ chín, trừ tám. Nhưng con phải bắt đầu đếm ở chỗ nào đó. Nhưng nếu không có điểm kết thúc, làm sao có điểm khởi đầu? Hãy suy ngẫm điều này.

Nếu con nói con có thể tiếp tục đếm vô thời hạn, tại sao phải bắt đầu từ số một? Con thực sự bắt đầu ở đâu và khi nào thì càng đếm tới số cao hơn và cao hơn nữa, cuối cùng con sẽ tạo một vòng tròn khép kín? Quả thật như Albert Einstein đã nói, nếu con du hành trong không gian và tiếp tục đi cùng một hướng theo một đường thẳng, thì một ngày kia từ hướng đối ngược, con sẽ trở về điểm khởi đầu vì sự liên tục không gian-thời gian tạo thành một vòng khép kín. Có hợp lý chăng là không có gì vô tận trong thế giới hình tướng? Con không thể tiếp tục đếm vô thời hạn trong một diễn tiến đường thẳng vì thế giới hình tướng có giới hạn.

Thế giới hình tướng có hình tướng, và hình tướng là gì nếu không là giới hạn? Một hình vuông được quy định bởi bốn đường thẳng. Một hình tròn được quy định bởi một đường. Con quả thật có thể mãi mãi đi vòng chung quanh hình tròn, nhưng con không thể đi ra ngoài hình tròn. Có một giới hạn. Mọi hình tướng đều được quy định bởi một giới hạn. Nếu con bắt đầu ở số không và đếm đủ lâu, thì không sớm thì muộn con sẽ trở về số không. Con hãy chiêm nghiệm câu này và xem tâm đường thẳng phản ứng ra sao. Ở đây thày không muốn nói đến một chân lý tuyệt đối. Thày chỉ đang tìm cách chỉ cho con thấy những giới hạn của tâm đường thẳng. 

7.3. Luật Tự quyết không theo đường thẳng

Tâm đường thẳng làm gì khi con xem xét ý tưởng kết nối với một chân sư thăng thiên? Nó sẽ nói: “Có một khoảng cách giữa nơi tôi đang ở và nơi vị chân sư ở và tôi cần phải vượt qua khoảng cách đó.” Nhưng nó sẽ tìm cách thiết lập một diễn tiến. “Tôi phải làm gì để vượt qua khoảng cách? Tôi phải đọc chú. Tôi phải đọc thỉnh. Tôi phải bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hổ mỗi ngày để đọc chú và nếu tôi tiếp tục làm vậy năm này qua năm nọ, thì không sớm thì muộn, có lẽ là muộn, có lẽ là sau một thời gian dài, thì một ngày kia, như một phép lạ, vị chân sư sẽ hiện ra.” Vì tâm đường thẳng muốn tin rằng có nguyên nhân và có hậu quả, và có những quy luật quy định diễn tiến từ nguyên nhân tới hậu quả. Nếu con ngồi đây và quyết định: “Tôi muốn kết nối với một chân sư thăng thiên, tôi sẽ thiết lập một chương trình hợp lý, lô-gíc, tuần tự từng bước đọc chú và đọc thỉnh”, và sau đó con quyết định là nếu con tiếp tục làm theo chương trình này, thì một lúc nào đó vị chân sư sẽ phải xuất hiện. Vì con nghĩ chắc hẳn các chân sư thăng thiên phải tuân theo một quy luật nào đó, một diễn tiến nào đó.

Và đúng vậy, con yêu dấu, các thày có tuân theo một quy luật. Nó được gọi là Luật Tự quyết, nhưng Luật Tự quyết không đi theo đường thẳng. Làm sao nó có thể như vậy? Làm sao con có tự quyết khi con phải đi theo một con đường nào đó? Làm sao con có tự quyết khi chỉ có sự tiến hành đường thẳng, và như vậy nếu con bước một bước về một hướng nào đó, thì sau đó con phải từng bước tiếp tục đi cùng hướng đó và không thể đi trệch hướng mà con đã chọn? Làm sao như vậy lại có thể là tự quyết? Con hãy tưởng tượng con đang đứng trong một quảng trường vĩ đại và bằng phẳng, giống như Quảng trường Thế Vận hội không cách xa đây bao nhiêu. Con đứng ở giữa quảng trường. Quảng trường mở rộng và bằng phẳng về mọi hướng chung quanh con. Con dự định bước một bước. Nhưng con có vòng tròn 360 độ chung quanh con. Con có thể đi về bất cứ hướng nào. Nhưng bây giờ con hãy tưởng tượng là một khi con đã bước một bước về một hướng nào đó, thì con sẽ phải tiếp tục bước theo đường thẳng về hướng đó.

Con có thể nói chọn lựa đầu tiên là chọn lựa tự do, nhưng các chọn lựa sau thì không. Như vậy có thực sự là tự quyết chăng? Không đâu, đó là điều mà sa nhân muốn con tin đấy.  Đó là lý do vì sao họ đã sáng chế ra hình ảnh một Thượng đế giận dữ và phán xét coi con là một tội đồ ngay từ khởi thủy, hoặc cách diễn giải hạn hẹp của luật nhân quả ở phương Đông cho rằng mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời này đều đã được định trước bởi nghiệp quả từ các kiếp trước. Nhưng luật nhân quả không theo đường thẳng, như các thày đã giảng, vì nếu con vượt thăng tâm thức đã khiến con lấy một quyết định nào đó trong một tiền kiếp, thì khi xung lực nghiệp trở về nó sẽ không đi xuống tầng vật lý vì không có gì ở các thể cao của con củng cố nó.

Luật Tự quyết có nghĩa là bất kể con đã bước bao nhiêu bước về một hướng, nhưng con lúc nào cũng có thể đổi hướng. Làm sao lại có thể có quy tắc đường thẳng? Làm sao lại có thể có diễn tiến máy móc? Làm sao con có thể thiếp lập một chương trình trong tâm nói rằng nếu tôi trung thành theo chương trình này thì một ngày kia chân sư phải xuất hiện và kết nối với tôi? Đúng, khoa học đã khiến con nghĩ như vậy, rằng thế giới giống như một bộ máy vĩ đại. Và nếu con đi một số bước, tỷ dụ như cắm máy thu thanh vào ổ điện, bấm nút bật, rà đúng đài, thì con sẽ nghe được âm nhạc mà con muốn.

7.4. Con không thể kết nối qua tâm đường thẳng

Hoặc nếu con để thực phẩm vào lò vi ba, định nhiệt độ và thời gian, thì có lúc sẽ có tiếng kêu “đinh” và thực phẩm của con được nấu chín. Khoa học và công nghệ đã khiến biết bao người trong thế giới hiện đại tin rằng, nếu con theo đúng một thủ tục nào đó, thì phụt một cái, một chân sư thăng thiên sẽ phải xuất hiện, giống như thằng hề có lò xo bật ra từ trong hộp. Vì con đã xoa vào cây đèn của Aladdin bằng cách đọc biết bao bài chú bài thỉnh trong nhiều năm, nên chắc chắn vị chân sư phải xuất hiện giống như vị thần hiện ra từ cây đèn và nói: “Chủ nhân muốn sai khiến gì? Tôi sẽ cho ngài bất cứ gì ngài muốn. À, ngài chỉ được ba điều ước, nhưng như vậy còn hơn là không có điều nào.”

Đây là tư duy của nhiều người khi họ tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên và bắt đầu đọc chú đọc thỉnh. Một lần nữa, các thày không chê trách ai. Các thày chỉ giản dị chỉ cho con thấy đây là điều tâm đường thẳng làm, nhưng các thày là chân sư thăng thiên không đang hiện thân ở cõi vật lý. Các thày không nằm dưới luật đường thẳng. Và quả thật con cũng không nằm dưới luật đường thẳng. Lẽ tất nhiên có quy luật nguyên nhân và hậu quả, và nếu con đi về một hướng trong một thời gian dài và luôn luôn cảm thấy giận người khác, thì con sẽ chịu một số hậu quả.

Nhưng các thày đã nhiều lần nói điều gì? Nếu con lấy một chọn lựa và nó không có hậu quả, thì làm sao con biết là con đã chọn lựa? Hậu quả của chọn lựa của con không có mặt để áp đặt những chọn lựa tương lai của con. Chúng chỉ có mặt để cho con thấy là tư duy này sẽ dẫn tới hậu quả nọ. Nếu con không thích hậu quả đó, thì con thay đổi tư duy. Con thay đổi điều con phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ và con gặt hái một cái gì khác.

7.5. Con không thể đồng sáng-tạo một cách đường thẳng, máy móc

Con thấy chăng, có lẽ con không thấy nhưng con có thể tới điểm thấy, là không có gì thực sự đi theo đường thẳng. Ngay cả khoa học cũng đã chứng minh điều này gần một thế kỷ trước đây. Các nhà vật lý lượng tử khám phá rằng, ở tầng cơ bản nhất của vật chất, tâm người khoa học gia không những ảnh hưởng hiện tượng quan sát, mà còn tạo ra hiện tượng quan sát. Cho nên có câu hỏi trong dân gian là nếu một cây đổ trong rừng mà không có ai ở đó, thì liệu cây đổ có tạo ra tiếng động chăng? Hoặc mặt trăng có đó chăng khi không ai nhìn? Và sự thực là nếu không ai nhìn thì mặt trăng sẽ không có đó. Nhưng, như các thày có nói, các thày là chân sư thăng thiên lúc nào cũng nhìn, các tinh linh lúc nào cũng nhìn. Và tại sao vậy? Vì mục đích duy nhất của thế giới hình tướng là để giúp con tăng triển nhận biết. Các thày duy trì một số hình tướng trong một thời gian cho đến khi con người học xong bài học. Con học bài học gì khi đầu thai trong cõi vật lý? Đó là những gì con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật thì Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ biểu hiện. Đây là điều các khoa học gia đã khám phá một thế kỷ nay.

Không có nhiều khoa học gia chịu thực sự suy nghĩ ý nghĩa của khám phá này. Nhưng nó có nghĩa là điều mà các khoa học gia đã khám phá ở tầng lượng tử là điều mà các thày gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật có thể mang vào bất kể hình tướng nào, nhưng nó chỉ mang vào một hình tướng khi có một hình tư tưởng từ tâm một sinh thể có tự nhận biết phóng chiếu lên nó. Thế nào là có tự nhận biết? Điều này có nghĩa: “Tôi muốn thể hiện một cái gì mà tôi đang không hiện có. Tôi là một người đồng-sáng tạo. Tôi sẵn sàng đồng-sáng tạo.”

Con thể hiện bằng cách nào? Không theo cách đường thẳng máy móc. Con thể hiện một cách sáng tạo khi con nhận ra là con nắm giữ hình ảnh trong tâm bản sắc, tư tưởng và cảm xúc và phóng chiếu chúng lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và Ánh sáng Mẫu-Vật khoác lên một hình tướng vật lý. Tiến trình này có vẻ máy móc, nhưng nó không phải vậy, vì con có thể thay đổi các hình ảnh đó bất cứ lúc nào, và không có một bộ máy vĩ đại nào với những kết quả đã được định sẵn hay có thể tiên đoán. Ngược lại, không có gì có thể tiên đoán. Chỉ có những xác suất, nhưng theo luật bất định mà cơ học lượng tử đã chứng mình cách đây một thế kỷ, không có kết quả nhất định.

7.6. Rơi vào cạm bẫy của tâm đường thẳng

Vì sao các khoa học gia lại không chấp nhận điều trên? Bởi vì đó là một trong những điều sau cùng mà sa nhân muốn con người chấp nhận. Họ khẩn thiết muốn con tin rằng một khi con đã lấy một chọn lựa thì con giới hạn khả năng lấy chọn lựa trong tương lai, và đây là một lời gian dối mà các thày đã nhiều lần phơi bày. Nhưng tâm đường thẳng thấy khó chấp nhận vì tâm đường thẳng muốn có sự đều đặn, muốn có thể đoán trước việc gì sẽ xảy ra, muốn có nguyên nhân và hậu quả, một quy luật nguyên nhân và hậu quả bất khả kháng. Đây là điều tâm đường thẳng muốn vì lúc đó nó nghĩ nó làm chủ tình hình vì nó có thể tiên đoán kết quả.

Chuyện này dính dáng gì đến chủ đề của khóa nhập thất này? Ấy, nếu con nghĩ là con có thể kết nối với một chân sư thăng thiên bằng một quá trình máy móc, thì con sẽ tạo ra một hình ảnh trong tâm con và phóng chiếu hình ảnh đó lên vị chân sư thăng thiên. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các thày cư xử đúng theo hình ảnh đó? À, như vậy coi như các thày chứng thực là hình ảnh của con đúng. Con quả thật có thể xoa cây đèn và vị thần sẽ xuất hiện. Nhưng điều này sẽ có kết quả gì? Nó sẽ chỉ giam con vào tâm đường thẳng. Và trong tâm đường thẳng con cảm thấy con làm chủ tình hình, nhưng ở một tầm vóc rộng lớn hơn thì sa nhân cảm thấy họ đang làm chủ tình hình vì khi con còn bị giam trong tâm đường thẳng thì họ có thể kiểm soát con vì họ có thể nhìn vào sự đều đặn, và diễn tiến mà con đã tạo ra trong tâm mình. Và họ có thể dễ dàng tiên đoán bước tới của con là gì.

Con trở nên quá dễ tiên đoán khi con ở trong tâm đường thẳng. Con người nói chung trở nên quá dễ tiên đoán khi họ ở trong tâm đường thẳng, và đây dĩ nhiên là điều sa nhân muốn. Họ muốn ngưng sự sáng tạo, ngưng sự bất định bằng cách ngưng tự do chọn lựa, khi con nghĩ con không có chọn lựa nào khác ngoài chọn lựa khởi sự chuỗi dây chuyền, nhưng khi chuỗi dây chuyền đã bắt đầu thì kết quả đã được định sẵn. Tất cả mọi giáo lý mà các thày trao truyền trong đợt truyền giáo này đều nhằm phá tan ảo tưởng này để con thấy là con không bị trói buộc bởi bất cứ gì, và bất cứ chọn lựa nào mà con đã lấy đều có thể bị một chọn lựa khác chế ngự.

7.7. Phóng chiếu một hình ảnh lên các Chân sư

Đây là điều mà các thày mong muốn con nhận ra. Vì lúc đó con có thể chọn lựa và nói: “Cho tới nay tôi chưa cảm thấy kết nối với các chân sư thăng thiên như tôi mong muốn. Có thể chăng là vì tôi đã phóng chiếu một hình ảnh lên các Chân sư, lên chính tôi, và lên sự kết nối, và hình ảnh này đang giam tôi vào tâm đường thẳng và do đó các Chân sư không thể xuất hiện với tôi vì như vậy tôi sẽ còn bị giam chặt hơn nữa?”

Có những người, khá nhiều người, đã tìm ra một giáo lý chân sư thăng thiên chân chính được các thày bảo trợ. Dựa trên một số giáo lý cũ mà các thày đã trao truyền trong thời Song ngư, họ đã phóng chiếu một hình ảnh về cách họ kết nối với các Chân sư. Và họ đã có một số trải nghiệm mà họ nghĩ là họ có với các chân sư thăng thiên, nhưng thật ra trong đa số trường hợp đó là với các sinh thể trong cõi tư tưởng, trong một số ít trường hợp với các sinh thể trong cõi bản sắc thấp, và trong một số trường hợp với các sinh thể trong cõi trung giới. Nhưng đại đa số các người đã tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên trong thời đại duy lý đường thẳng hiện đại này đã kết nối với các sinh thể trong cõi tư tưởng.

Nhiều hiện tượng kết nối đồng bóng mà con thấy trong thế gian là với các sinh thể trong cõi tư tưởng và con có thể học cách tức khắc nhận diện rung động của họ, hoặc đọc các câu trả lời và thấy là chúng nhằm thu hút tâm đường thẳng, tâm lý trí. Và có những người tin rằng họ đã và vẫn đang có một kết nối chân chính với các chân sư thăng thiên, nhưng đó là họ kết nối với những kẻ mạo danh trên cõi tư tưởng có khi dùng tên các thày hay có khi dùng tên khác không liên quan đến các chân sư thăng thiên. Những người thuộc phần sau ít ra còn thành thực, tuy họ đôi khi tự nhận là những sinh thể tâm linh có địa vị hay thẩm quyền.

Đây là chuyện xảy ra khi con người có mong muốn mãnh liệt kết nối, nhưng họ lại phóng chiếu một hình tư tưởng lên sự kết nối. Các thày là chân sư thăng thiên sẽ không cư xử theo hình ảnh đó, nhưng các sinh thể trong cõi tư tưởng hoàn toàn không ngần ngại cư xử theo hình ảnh của con người nếu họ có thể khiến các người đó cho họ năng lượng. Các sinh thể trong cõi tư tưởng đó cần năng lượng của con, các người đang đầu thai, vì họ không còn nhận được năng lượng từ cội nguồn nữa. 

Các thày là chân sư thăng thiên. Có năng lượng nào mà thày có thể cần từ một người đang đầu thai? Con có thể nói, như một số người đã nói, là các thày trao bài truyền đọc này cho một số người ngồi nghe, và khi họ chú tâm vào các thày thì họ cho các thày năng lượng của họ. Thật vậy sao? Con có nghĩ là thày, một chân sư thăng thiên, cần loại năng lượng chảy ra từ sự chú ý của con người? Thày có thể tiếp nhận nguồn năng lượng vô biên của đấng Sáng tạo. Tại sao thày lại cần bất cứ gì từ trái đất? Nếu con đang trực diện mặt trời, thì tại sao con lại cần mặt trăng?

7.8. Shiva, thần phá hủy ảo tưởng

Thày là Shiva. Thày đã đạt được một địa vị nào đó trong đại đoàn hoàn vũ. Thày không cần bất cứ gì từ trái đất. Thày không cần bất cứ ai quy phục thày. Thày ở đây chỉ để phụng sự những ai muốn thoát khỏi bất cứ hình thức nô lệ nào, cho dù đó là trong chính tâm mình, hay là một dính mắc vào người khác, hay vào các sinh thể trong cõi tư tưởng, cảm xúc hay bản sắc, hay vào sa nhân. Bất cứ ai yêu cầu, thày tới và cắt đứt và giải thoát họ khỏi ảo tưởng. Ai sẽ yêu cầu thày tới để cắt đứt và giải thoát họ khỏi ảo tưởng? Đó chính là công việc của thày.

Quả thực thày dùng tên được biết trong truyền thống Ấn giáo như Brahma, Vishnu và Shiva, trong đó Shiva được coi là thần phá hủy. Nhưng thày phá hủy cái gì? Làm sao thày lại có thể phá hủy cái gì thật? Chỉ có ảo tưởng mới có thể bị phá hủy, do đó thày LÀ kẻ phá hủy ảo tưởng. Nhưng những ai không muốn buông bỏ ảo tưởng thì chớ nên xin thày giúp. Lẽ tất nhiên, con có thể mặc tình xin thày giúp, vì nếu con thực sự không muốn buông bỏ ảo tưởng của mình thì thày sẽ không xâm phạm quyền tự quyết của con. Có thể nói con không mất mát gì khi con xin thày giúp, mặc dù con không muốn buông bỏ ảo tưởng, và đây là điều con là đệ tử chân sư thăng thiên nên biết.

Thày tới đây đặc biệt là để hỗ trợ con buông bỏ các ảo tưởng của tâm lý trí. Những ảo tưởng này đang tách con ra khỏi thày hay một chân sư thăng thiên khác gần tim con. Nếu con là đệ tử chân sư thăng thiên thì con ít nhất có một chân sư thăng thiên rất gần tim con. Nhưng vì sao con không kết nối được với vị chân sư thăng thiên đó? Bởi vì tâm con ngăn chặn sự kết nối đó. Tâm lý trí của con ngăn chặn sự kết nối đó. Tại sao vậy? Vì con suy nghĩ. Con suy nghĩ xem sự việc phải diễn tiến ra sao: “Đâu là các cơ chế để kết nối với một chân sư thăng thiên? Tôi phải làm được điều mà tâm đường thẳng thiện nghệ. Lấy một hoàn cảnh, phân nhỏ nó ra từng thành phần càng ngày càng nhỏ cho tới khi tới thành phần nhỏ nhất, và lúc đó tôi sẽ hiểu cách thế giới vận hành.”

7.9. Những giới hạn của phương pháp phân nhỏ

Đây là tiến trình đã, ít ra trong lịch sử được biết, bắt đầu với Aristotle, nhưng lẽ tất nhiên, đã bắt đầu sớm hơn rất nhiều khi sa nhân tới địa cầu. Phương pháp phân nhỏ. Bất cứ gì đều có thể phân nhỏ thành những thành phần càng ngày càng nhỏ. Nhưng con hãy nhớ lại điều thày giảng về tâm đường thẳng. Chỉ có tâm đường thẳng mới nghĩ ra ý tưởng là mọi chuyện được cấu tạo bởi thành phần nhỏ hơn, và nếu ta có thể hiểu các định luật – các định luật máy móc chi phối các thành phần nhỏ – thì ta cũng có thể hiểu cách vận hành của cái được cấu tạo bởi các thành phần nhỏ. Nếu vật chất được cấu tạo bởi hạt nguyên tử và ta có thể kiểm soát hạt nguyên tử thì ta có thể kiểm soát vật chất.

Quan niệm về hạt nguyên tử được các triết gia Hy Lạp đề ra và họ nghĩ đây là thành phần nhỏ nhất cấu tạo vật chất, và nó không thể chia nhỏ thêm nữa. Hạt nguyên tử không thể phân chia. Khi các khoa học gia trong các thế kỷ gần đây khám phá ra cái mà họ nghĩ là hạt nguyên tử, thì họ dùng tên đó. Họ ban đầu tưởng nó không thể phân chia, nhưng sau đó họ khám phá là nó có thể phân chia. Nó có một lõi gồm hai loại hạt phân tử và với các hạt electron bay nhanh chung quanh. Sau đó họ khám phá là, không phải, các hạt cơ bản này không cơ bản. Có những hạt cơ bản khác nhỏ hơn. Và điều này sẽ bao giờ chấm dứt?

À, nó không bao giờ chấm dứt. Điều này cũng giống như chuyện nghịch lý của Zeno. Nếu chúng ta có một máy gia tốc cường mạnh hơn có thể gia tốc các hạt phân tử tới vận tốc ánh sáng, thì chúng ta sẽ khám phá ra hạt phân tử của Thượng đế, và lúc đó chúng ta sẽ biết vật chất vận hành ra sao. Nhưng con sẽ không bao giờ biết được làm sao vật chất mang hình tướng bằng cách tìm các phân tử càng ngày càng nhỏ hơn. Bởi vì vật chất mang hình tướng vì một hình tư tưởng từ một cõi cao phóng chiếu xuống nó. Nguyên nhân vì sao các hình tướng lại là như chúng đang là không thể tìm thấy trong cõi vật lý, cõi vật chất. Nguyên nhân được tìm thấy trong các cõi cảm xúc, tư tưởng, bản sắc và tâm linh. Bất kể cách con phân tích như thế nào thành phần của một màn ảnh chiếu phim, làm sao việc hiểu mọi chuyện liên quan đến các thành phần của màn ảnh lại có thể giúp con tiên đoán phim nào sẽ được chiếu vào lúc bảy giờ tối hôm nay? Chuyện này không được quy định ở tầng của màn ảnh.

7.10. Hãy ngưng đẩy các thày ra xa

Con là đệ tử chân sư thăng thiên không thể phân nhỏ các thày, là chân sư thăng thiên, thành các thành phần cơ khí. Nếu con làm vậy và chờ đợi các thày xuất hiện – thì ai đó có thể xuất hiện nhưng không phải các chân sư thăng thiên. Con không thể phân nhỏ chính con thành các thành phần cơ khí. Con có thể đọc chú trong nhiều năm, nhiều giờ mỗi ngày. Nhưng không có gì bảo đảm là một ngày kia con sẽ kết nối với các thày. Vì sao vậy? Vì con cần xoay chuyển tâm mình để thay vì đẩy sự kết nối ra xa như con đang làm, con ngừng gắng sức và để cho sự kết nối xảy ra.

Thày đang ở đây. Ở đây là gì? Bất cứ con đang thấy mình ở đâu, thì thày ở đó. Con không cần với ra xa để kết nối với thày. Sự thực là con không cần kết nối. Con chỉ cần xoay chuyển tâm và nhận ra là thày đang ở đây. Thày LÀ Shiva. Thày không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Thày ở bất cứ đâu con đang ở. Nhưng tâm lý trí không thể hiểu điều này, bởi vì cái gì tạo ra diễn tiến từ cái này sang cái tới? Đúng rồi, đó là quan niệm tách biệt. Bằng cách nào con đi từ một thành phố này sang thành phố khác? Con phải vượt qua khoảng cách. Con nghĩ rằng để kết nối với một chân sư thăng thiên con phải vượt qua một khoảng cách. Nhưng khoảng cách đó không có.

Thày có thể tiếp tục nói mãi về chủ đề này. Thày có thể tiếp tục trao cho con giáo lý càng ngày càng vi tế, và rất rất nhiều người đã và vẫn còn chờ đợi giáo lý kế tiếp. Chắc hẳn phải có một giáo lý tối hậu hay một giáo lý cao siêu hơn. Một ngày nào đó tôi sẽ tìm ra giáo lý sẽ mở cửa cho tôi. Nhưng con chỉ đang đẩy các thày ra xa, hay đúng hơn con đẩy con ra khỏi các thày, vì con không thể đẩy các thày. Đúng đấy, đây lại là một bí ẩn khác. Quả đúng là không phải ai ai cũng có thể xoay chuyển tâm ngay lúc này và nhận ra là thày ở đây. Bởi vì con đang ở một tầng tâm thức thấp trong số 144, con có quá nhiều ngã tách biệt, con có quá nhiều năng lượng tồn đọng, nên con không thể xoay chuyển tâm, vì tất cả các thứ đó níu kéo tâm con, tâm ý thức của con. Chúng kéo cái Ta Biết của con về phía các ngã tách biệt.

7.11. Một dụng cụ để thoát ra khỏi tâm đường thẳng

Quả đúng là có một diễn tiến. Con bắt đầu bằng đọc chú, học giáo lý và con dần dần chuyển hóa một phần năng lượng, buông bỏ ảo tưởng và lực trì kéo trên tâm con giảm bớt. Và con càng ngày càng dễ thoát ra khỏi tâm đường thẳng, nhưng con sẽ phải làm sự vượt thoát đó. Và việc này có tính chất sáng tạo, nó không phải là kết quả máy móc của một tiến trình máy móc. Nếu con theo đuổi một giáo lý khác và sau đó con không kết nối, và con nghĩ là phải có một giáo lý cao hơn và con lại theo đuổi giáo lý đó và vẫn không kết nối, con có thể tiếp tục làm như vậy mãi mãi. 

Đâu là giải đáp cho nghịch lý của Zeno – cho rằng trước tiên con đi tới điểm giữa, sau đó tới điểm giữa của khoảng cách còn lại, do vậy con sẽ không bao giờ tới được mức đến vì con cứ phải đi một nửa khoảng còn lại? Giải đáp là gì? À, một thời gian đầu con có thể nói: “Trước tiên tôi đi đến điểm giữa, rồi sau đó tôi đi tới điểm giữa của khoảng cách còn lại bằng cách bước một số bước cho tới khi tôi tới điểm giữa đó.” Nhưng nếu con tiếp tục làm vậy thì con sẽ tới điểm con tới thật gần mức đến và con chỉ cần bước một bước để vượt qua khoảng cách còn lại. Lúc đó thì có nhu cầu đi tới điểm giữa nữa chăng? Không có nhu cầu.

Con chỉ cần thoát ra khỏi tâm đường thẳng và nói: “Tại sao tôi lại cần đi tới điểm giữa khi chỉ cần một bước là vượt qua được khoảng cách còn lại? Tại sao tôi lại phải bước nửa bước, sau đó một phần tư bước, sau đó một phần tám bước? Tại sao lại cần sự ngu ngốc này khi tôi chỉ cần bước một bước là tới đích?” Con phải tới điểm trong tâm khi con nói: “Tại sao tôi cần nghĩ là tôi phải làm chuyện gì khác để kết nối với một chân sư thăng thiên? Tại sao tôi không kết nối ngay bây giờ?”

Vấn đề không phải là suy nghĩ bằng tâm đường thẳng. Vấn đề là vô hiệu hóa tâm đường thẳng, do đó chúng ta sẽ làm chuyện này. Con đã tụng niệm tên thày, nhưng thày mời con hãy tụng niệm cùng với thày, và chúng ta sẽ thấy chuyện gì có thể xảy ra:

Shiva (40x)

OM Shiva (16x)

OM Shiva OM (8x)

OM Shiva OM (10x)

Shiva OM (3x)

Shiva (96x)

TA LÀ Shiva (16x)

Shiva TA LÀ, TA LÀ Shiva (16x)

TA LÀ xác thân này, Shiva TA LÀ (18x)

TA LÀ các cảm xúc này, Shiva TA LÀ (13x)

TA LÀ các tư tưởng này, Shiva TA LÀ (11x)

TA LÀ bản sắc này, Shiva TA LÀ (12x)

OM Shiva (8x)

OM Shiva (20x)

OM Shiva (38x)

Shiva OM (40x)

OM Shiva (9x)

OM (3x)

Thày LÀ Shiva và thày đã góp công vào việc khiến tâm đường thẳng bị xáo trộn, rối rắm, vô hiệu hóa. Bất cứ lúc nào con cảm thấy cần vượt quá tâm đường thẳng, thì con có thể tụng niệm những câu chú gọi tên thày bằng cách dùng một bản thu âm hay bằng cách tự con tụng niệm. Con có thể thay đổi các câu chú tùy theo cảm hứng. Con có thể chế ra vô số dạng chú Shiva để tụng niệm. Con đừng nên sợ dùng khả năng sáng tạo của mình và hãy dùng dụng cụ này để vô hiệu hóa tâm đường thẳng. Với đa số các con, tâm đường thẳng chính là trở ngại chính cho việc kết nối với cái ta cao của con và với các thày, các chân sư thăng thiên.

Quả thật là các thày ở đây vì các con, vì nếu không thì các thày đã không ở lại địa cầu, vì hành tinh là gì khác ngoài một tấn tuồng để con người trên sân khấu có một môi trường trải bày những gì họ phản-sáng tạo hay đồng-sáng tạo? Làm sao con có thể đồng-sáng tạo nếu con không kết nối được với các đấng sáng tạo ở tầng cao hơn con? Lúc đó con sẽ phải đi vào tách biệt và phản-sáng tạo cho tới khi định luật sẽ rốt cuộc phản-sáng tạo những gì con phản-sáng tạo. Tới đây thì thày đã trao cho các con những gì thày muốn trao, và thày cảm ơn sự hiện diện của các con ở đây, sự hiện diện vật lý, sự hiện diện cảm xúc, sự hiện diện tư tưởng, sự hiện diện bản sắc và Hiện diện TA LÀ của các con. Thày niêm các con trong tình thương bốc cháy của Shiva mà thày LÀ.

3 | Chứng tỏ con có thể là người tâm linh trong thân thể

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 3/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary. Thày đại diện cho Mẹ Thiêng liêng đối với mọi người trên trái đất. Thày giữ trách vụ Mẹ Thiêng liêng cho trái đất và cho dù danh hiệu Mẹ Mary gắn liền với truyền thống Cơ đốc giáo, thày là Mẹ Thiêng liêng cho mọi người trên trái đất. Hiện diện của thày, Bản thể của thày, là phổ quát – nó vượt khỏi đạo Cơ đốc, vượt khỏi mọi nhãn hiệu nào khác, vượt khỏi mọi hình tướng nào khác.

3.1. Khía cạnh nuôi dưỡng của Thượng đế

Vậy trách vụ Mẹ Thiêng liêng vốn làm gì trên trái đất, làm gì cho con người trên trái đất? À, nó có mục đích làm nhiều thứ, nhưng trước hết là đại diện cho khía cạnh Mẹ của Thượng đế, tức là khía cạnh nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng. Một khái niệm xa lạ với nhiều người không cảm thấy mình được nuôi dưỡng, đang sống trong nghèo khó, thiếu cái này, thiếu cái kia, thiếu cái nọ, và do đó không cảm thấy là cõi của mẹ, cõi vật chất, đang nuôi dưỡng. Như các thày đã giải thích, sự thiếu thốn này một phần do những kẻ hình thành tầng lớp thượng tôn quyền lực chế tạo ra – họ muốn dân chúng sống trong thiếu thốn để họ có nhiều hơn – nhưng một phần lớn cũng do chính con người chế tạo ra khi mình dần dà chấp nhận một hình ảnh về bản thân rằng mình không xứng đáng được nuôi dưỡng, không dám chờ đợi được nuôi dưỡng.

Điều thày thực sự muốn đem lại cho mọi người là gì? Là sự chấp nhận rằng họ xứng đáng nhận được sự nuôi dưỡng từ đấng Mẹ. Điều này đặc biệt có nghĩa là nuôi dưỡng cơ thể vật lý. Vì cơ thể vật lý được tạo ra bằng gì? Có phải bằng máu thịt chăng? Không đâu, cơ thể vật lý được tạo ra bằng Thân thể của Mẹ Thiêng liêng, và đó là Ánh sáng của Mẹ Thiêng liêng, là cái mà các thày đã gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật. Tại sao thày lại nói về cơ thể vật lý trong một khóa tu nhằm giúp con kết nối với cái Ta Cao của con cùng các vị thày tâm linh của con? À, chẳng phải là vì một trong những điều cơ bản có thể kéo con ra khỏi cảm giác kết nối bên trong chính là cơ thể vật lý – những đau đớn, những nhức nhối, những nhu cầu, những đòi hỏi của cơ thể không ngừng lôi kéo sự chú ý của con: “Cho tôi cái này, cho tôi cái kia. Tôi không có đủ cái này, tôi không có đủ cái kia.” Nó cho con một cơn đau ở chỗ này, một cảm giác là lạ ở chỗ kia, luôn luôn thu hút sự chú ý của con.

3.2. Lòng căm hận đối với Mẹ

Đối với nhiều người tâm linh suốt các thời đại, cơ thể, cơ thể vật lý đã là một thách thức to lớn, nó kéo họ ra khỏi thiền tập của họ. Từ rất lâu nhiều người tâm linh đã xem cơ thể là kẻ thù cho sự phát triển tâm linh của họ, là một cái gì phải được chinh phục, phải bị làm ngơ, phải bị kiểm soát, phải bị trấn áp. Nhiều người xem toàn bộ bát cung vật lý, cõi vật chất, cõi của Mẹ, là kẻ thù cho sự phát triển tâm linh của mình. Và một lần nữa như hiền tỷ yêu dấu của thày, Quan Âm, đã giải thích, đây là những mâu thuẫn khó xử mà chúng ta phải đối mặt trên địa cầu. Là chân sư thăng thiên, các thày hoàn toàn cảm được nỗi đau khổ to lớn mà con người phải nếm trải trong cõi Mẹ.

Thày giữ trách vụ Mẹ Thiêng liêng cho trái đất. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là thày nghe thấy mọi điều mà con người trải nghiệm, mọi tiếng than, mọi oán trách, mọi cảm giác bất công, mọi căm hận đối với Mẹ. Tất cả đều đi qua trách vụ của thày. Thày biết rất rõ tất cả mọi sự xảy ra trên trái đất, mọi khổ đau, và thày hiểu được trọn vẹn tại sao các con khó lòng nào tin tưởng được cõi Mẹ. Vì làm sao con biết được chuyện gì sẽ xảy ra và bỗng chốc toàn bộ cuộc sống của con bị đảo lộn hay tàn phá, hay con mất mạng, hay con mắc phải một căn bệnh làm con đau đớn? Thày hiểu hoàn toàn. Thày trải nghiệm điều này trong tim 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm, suốt biết bao năm trời thày đã chăm lo trách vụ này.

Thế nhưng cách tiếp cận cơ thể vật lý của người tâm linh suốt hàng ngàn năm qua không phải là cách xây dựng nhất. Cơ thể của con có phải là kẻ thù cho sự phát triển tâm linh của con không? Chỉ khi nào con nghĩ như vậy thôi. Chỉ khi nào con tìm cách trốn thoát khỏi cơ thể trong khi mình vẫn ở trong cơ thể, con khuất phục cơ thể, kiềm chế cơ thể, xem thường cơ thể, trấn áp cơ thể, thì chỉ khi đó nó mới là kẻ thù.

3.3. Đầu thai là một cơ hội

Nhiều năm trước đây, sứ giả này đã có một trải nghiệm rời xác thân (out-of-body experience) khi ông được đưa ra khỏi thân thể trong một vùng ánh sáng, rồi ông được gửi trở về một cách vũ bão, và ông hiểu ra thông điệp: “Tôi không đang hiện thân để có những trải nghiệm tâm linh. Tôi đang hiện thân để làm gì đó trong cõi vật lý, để trải nghiệm cõi vật lý, để thay đổi cõi vật lý.” Liệu cơ thể của con, cơ thể vật lý, có là kẻ thù cho việc kết nối với cái ta cao hơn của con và các chân sư thăng thiên? Chỉ khi nào con nghĩ như vậy thôi, bởi vì cơ thể vật lý là gì chứ? Đó là một cơ hội tuyệt vời. Một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm cõi vật lý từ bên trong và trở thành một phần của tiến trình đồng sáng tạo này.

Phải, thày nghe thấy tất cả những tiếng than vãn, tất cả những lời phản đối từ tâm thức tập thể đối với câu nói trên. Thày đã nghe những lời này từ hàng trăm năm rồi. Thày biết rõ chúng cả đầu ngược lẫn đầu xuôi, nhưng thày là ai chứ? Thày có phải là kẻ chỉ ngồi nghe những lời than này một cách thụ động, hay thày là đại diện của Mẹ Thiêng liêng đang ở đây để đôi khi là một người mẹ nghiêm nghị bảo rằng: “Than vãn như vậy đủ rồi. Hãy nhìn vào cơ hội kìa, hãy xem cơ thể là một cơ hội, hãy xem việc đầu thai là một cơ hội.”

Một lần nữa, thày nghe thấy nỗi đau, thày cảm thông nỗi đau. Nhưng đau khổ trên địa cầu đã trở thành một vòng xoáy trong tâm thức tập thể cứ ngày càng tự tăng cường, và phải có ai đó đập vỡ vòng xoáy này đi. Nhiều các con đây đã thảo vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình là con sẽ giúp đập vỡ vòng xoáy này đã khiến con hoặc than phiền về thân xác, hoặc tìm cách kiểm soát nó như những người tâm linh vẫn thường làm. Thày hiểu rõ tất cả các con là người tâm linh đều có phần nào một mối quan hệ đối chọi với cơ thể vật lý của mình. Chính thày cũng đã như vậy khi thày còn ở trong một cơ thể vật lý. Giê-su cũng đã như vậy. Chắc chắn thày đã có mối quan hệ ngược ngạo này khi thày đứng đó nhìn Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá.

Dẫu vậy, rất nhiều các con đã nguyện là trong kiếp đầu thai này, các con sẽ kéo tập thể này vươn lên một cách tiếp cận cao hơn đối với cơ thể vật lý. Một cách tiếp cận cao hơn xem cơ thể là một cơ hội. Một cơ hội. Khi con ở trong cơ thể, tại sao con lại chối bỏ cơ thể? Tại sao lại tìm cách lánh xa cơ thể? Cách cao hơn là nhìn thực tiễn và nói: “Vì lý do gì tôi đang hiện thân vật lý?” Và con thừa nhận là chính con đã chọn hiện thân vật lý. Có thể con không cảm thấy là mình đã chọn. Có thể con nhìn lại đời mình và bảo: “Đúng ra tôi đã không nên chọn cuộc đời này. Không ai lại đi chọn cuộc đời của tôi, một cuộc đời đầy gian khổ như tôi đã sống qua.” Nhưng chính con đã chọn, vì nếu không thì con đã không ở đây. Con đã chọn. Có thể con đã bị giới hạn trong các tùy chọn do những khuôn nếp con đã tạo ra trong tiền kiếp, nhưng các khuôn nếp này là do con tạo ra khi chọn lựa.

Và những ai trong số các con là người tâm linh, là đệ tử của chân sư thăng thiên, chắc chắn các con đã chọn đầu thai trong kiếp hiện thân này vào thời điểm này để giúp Saint Germain đem lại Thời Hoàng kim và tạo điều kiện thuận lợi cho địa cầu xoay chuyển. Con có nghĩ là trong Thời Hoàng kim của Saint Germain, con người sẽ giữ nguyên mối quan hệ mà hầu hết mọi người đang có với thân thể của họ hôm nay hay đã từng có trong thời đại Song ngư và những thời đại trước nữa? Con chẳng nghĩ là sẽ có một cuộc xoay chuyển để tiếp cận cơ thể khác hơn hay sao? Vậy chẳng lô-gíc là con đang ở đây để giúp đem lại xoay chuyển này hay sao? Nhưng làm thế nào con có thể giúp tập thể xoay chuyển trừ khi con xoay chuyển tâm mình trước tiên? Thày không đang cố tỏ ra vô cảm đối với những ai đã phải chịu đựng rất nhiều về thể xác cùng đủ loại bệnh tật ngặt nghèo. Nhưng thày đang tìm cách đánh thức con dậy để con nhìn ra các chọn lựa mà con đã lấy trước khi bước vào hiện thân, đặc biệt khi các chọn lựa này liên quan đến cơ thể vật lý.

3.4. Chấp nhận “tôi là thân thể này”

Là người tâm linh, con cũng biết con là nhiều hơn cơ thể. Một số người sẽ nói: “Tôi không phải là cơ thể.” Có một truyền thống rất lâu đời trở ngược về hàng ngàn năm trời tại Ấn Độ nói rằng: “Tôi không phải là cái này. Tôi là cái kia,” và khi nói vậy, họ chỉ về một cái gì trong thế giới thần linh. Nhiều người chối bỏ cơ thể của mình. Nhiều người cố làm ngơ hay lánh xa khỏi nó. Nhưng cách tiếp cận cao hơn mà thày mong con lưu ý là đón nhận cơ thể. Đón nhận việc mình đang hiện thân, thậm chí đến độ con nói được: “Tôi là thân thể này.”

Con hãy xem xét phản ứng của con trước câu nói đó. Liệu con có thể trụ trong tim và cảm thấy an bình khi con nói “Tôi là cơ thể này” không? Hay con có một phản ứng? À, nếu thế thì phản ứng này đến từ một tập đoàn ngã tiềm thức mà rất có thể con đã tạo ra trong những kiếp trước – đối với nhiều người là avatar thì nó có thể trở ngược về chấn thương nhập đời khi lần đầu tiên con hiện thân vật lý trên trái đất và bị sa nhân tấn công, và chúng tìm cách dùng cơ thể vật lý của con để tiêu diệt con về mặt tâm lý lẫn tâm linh. Nhưng các thày đã cho con các dụng cụ để làm việc với vấn đề này, để con nhìn ra các ngã đó và để chúng chết đi. Đối với một số các con, điều sẽ rất lợi lạc là con nên dành ra một chút thời giờ để tập trung vào những cái ngã con đã tạo ra trong tiền kiếp có liên quan đến cơ thể vật lý, đến việc con ở trong cơ thể vật lý, và con chấp nhận là không những con ở trong cơ thể mà con còn chấp nhận cơ thể. Thay vì chấp nhận hay thấy mình ở trong cơ thể, con chấp nhận mình là cơ thể.

Tại sao sự phân biệt này quan trọng? Là vì chỉ khi nào con chấp nhận trọn vẹn mình là cơ thể thì bản mẫu của cơ thể con – được cầm giữ bởi Hiện diện TA LÀ của con, được cầm giữ trong tâm bản sắc, tâm lý trí và tâm cảm xúc của con – mới hoàn toàn trở nên vật lý. Có rất, rất nhiều người tâm linh vì họ không chấp nhận “Tôi là cơ thể” cho nên họ không thể đưa bản mẫu này vào cõi vật lý. Nó bị chặn đứng trước khi nó đến cõi vật lý và do đó họ không thể nhận được sự chữa lành mà họ cần để tập trung vào sự tăng triển tâm linh của họ. Và hiển nhiên trong tư cách Mẹ Thiêng liêng, thày mong nhìn thấy tất cả các con được chữa lành càng nhiều càng tốt trong phạm vi Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nhưng chắc chắn thày mong muốn tất cả các con bị đau đớn tối thiểu do cơ thể của mình. Và như Quan Âm có nói, nếu con luôn bị kẹt trong cái tâm cứ phóng ra ngoài thì con sẽ không nối kết được.

Cho nên đã đến lúc con thử một cách khác hơn. Quá nhiều người tâm linh suốt các thời đại đã chối bỏ cơ thể, đã cố tránh né nó, đẩy nó ra xa. Bây giờ chẳng phải là lúc con thử một cách khác hơn? Và cách này là đón nhận cơ thể, chấp nhận cơ thể, đồng hóa mình là cơ thể, biểu hiện khuôn đúc cao nhất cho cơ thể.

3.5. Một dụng cụ thực tiễn để giúp con chấp nhận cơ thể

Trong khuôn khổ nỗ lực của các thày giúp con nối kết, thày cống hiến cho con một số dụng cụ thiết thực để bước vào một tâm thái nơi cơ thể của con, cơ thể vật lý, không ngăn cản con kết nối với các chân sư thăng thiên cùng cái ta cao của con, do cơ thể không đang lôi kéo sự chú ý của con ra ngoài. Như vậy con có thể có những giây phút an bình trong cơ thể để bước vào nội tâm. Đây là mong muốn của thày, cho nên thày sẽ yêu cầu con tham gia cùng với thày một số bài tập thực tiễn nhằm giúp con hoặc thay đổi cách tiếp cận của con đối với cơ thể, hoặc thật ra chữa lành cơ thể.

Các thày đã có giảng là cơ thể vật lý của con được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật. Các thày cũng nói Ánh sáng Mẫu-Vật là nền tảng cho hình tướng, nhưng tự nó không khoác vào hình tướng. Phải có một khuôn đúc, một khuôn đúc tư tưởng, được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật thì nó mới khoác vào hình tướng này. Khuôn đúc đó được phóng chiếu xuyên qua tâm bản sắc, tâm lý trí và tâm cảm xúc lên Ánh sáng Mẫu-Vật, hình thành cơ thể vật lý. Điều này có nghĩa là cơ thể vật lý của con cho dù nó có vẻ dày đặc đến vậy, nhưng nó không dày đặc chút nào. Nó mềm lỏng. Nó tựa như loại nhựa dẻo có thể được uốn nắn, như đất sét có thể được nhào nặn, nhưng nó được nhào nặn bởi tư tưởng, bởi bản sắc, bởi cảm xúc. Và vì vậy nó có tiềm năng chuyển đổi chớp nhoáng. Chớp nhoáng. 

Bây giờ con cũng biết là cơ thể vật lý được cấu tạo bằng tế bào. Nếu con từng nghiên cứu điều này, con sẽ biết là tế bào phức tạp một cách khó tưởng tượng. Đã có một thời khi các nhà khoa học khám phá ra tế bào, họ tưởng tế bào cũng giống như nguyên tử thuở trước khi người ta tin rằng hạt nguyên tử không thể phân chia nhỏ hơn. Họ nghĩ tế bào chỉ là những viên gạch cơ bản xây dựng cơ thể và ngay trong tế bào thì không có gì nhiều. Nhưng một khi họ có được những dụng cụ để nghiên cứu tế bào, họ mới biết là họ lầm lẫn đến chừng nào và tế bào phức tạp như thế nào. Như một số bác sĩ đã phát hiện, tế bào hòa điệu chặt chẽ với trạng thái tâm con. Theo một nghĩa nào đó, tế bào là những chiếc máy radio nhận tín hiệu, và những tín hiệu này đến từ môi trường của con, từ tâm thức tập thể, nhưng chúng cũng nhận được tín hiệu từ chính tâm cảm xúc, tâm lý trí và tâm bản sắc của con.   

Tất nhiên con có thể dùng các dụng cụ của các thày như bài chú, bài thỉnh để cũng thỉnh cầu sự bảo vệ tâm linh cho cơ thể vật lý của con, niêm phong nó khỏi tâm thức tập thể cùng môi trường chung quanh. Nhưng điều thày muốn trao cho con ở đây là một dụng cụ thật đơn giản dựa trên hai dòng thơ trong bài chú của thày. Và hai dòng này là: “Từng mỗi tế bào là một âm thoa. Với chuông của Mẹ, nó đang giao hòa.”

Ý tưởng ở đây là tế bào của con giống như một chiếc âm thoa và nó có thể được điều chỉnh theo tần số của thế gian, một khuôn đúc thấp, hay nó có thể hòa điệu với một khuôn đúc cao hơn. Khuôn đúc cao nhất là viễn quan của Mẹ Thiêng liêng cho cơ thể vật lý của con. Và viễn quan này có thể được nhận thức như một âm thanh, một rung động, một tiếng chuông. Đây là dụng cụ mà thày muốn cho con. Nó không nhằm mục đích thay thế những dụng cụ khác mà các thày đã trao truyền, các bài thỉnh chữa lành. Nhưng dù sao đây là một dụng cụ mà con có thể tự mình thực tập, hay con có thể nghe lại bài truyền đọc này hết lần này sau lần khác và thể nhập nó. Thày xin con cùng thày đọc hai dòng này: “Từng mỗi tế bào là một âm thoa, Với chuông của Mẹ, nó đang giao hòa.” Con hãy đọc cùng với thày:

Từng mỗi tế bào là một âm thoa,
với chuông của Mẹ, nó đang giao hòa.

(9 lần, với tiếng chuông điểm sau mỗi lần)

Đây là một dụng cụ con có thể dùng một mình. Nếu con không có chuông, con có thể hoà điệu nội tâm con với một tiếng chuông, nhưng con hãy đọc hai dòng này trong ngôn ngữ của con, hòa nhập vào Hiện diện của thày, hòa điệu với cơ thể cùng bất kỳ điều kiện nào trong cơ thể, và để cho mình thâm nhập vào đó. Thày xin con không lặp lại theo thày bây giờ mà lắng nghe giọng đọc của vị sứ giả. Lắng nghe cái vượt khỏi giọng đọc, giọng đọc con người. Lắng nghe giọng của thày bên trong con.

Từng mỗi tế bào là một âm thoa,
với chuông của Mẹ, nó đang giao hòa
.
(30 lần)

Từng mỗi tế bào là một âm thoa,
với chuông của Mẹ, nó đang giao hòa.
Âm thanh phá tan bùa mê đáy vực
đến từ cõi chết và cõi địa ngục.

Con yêu dấu, con có thể dùng phiên bản trên hay phiên bản trong bài chú của thày:

Từng mỗi tế bào là một âm thoa,
với chuông của Mẹ, nó đang giao hòa.
Lời nguyền bệnh tử, con đã thoát trọn,
con xác nhận đây bất tử của con.

Nếu con dùng dụng cụ này, đặc biệt nếu con nghe lại bài truyền đọc này, con có thể thấy với thời gian cách nhìn của con về cơ thể vật lý sẽ chuyển đổi. Thày hy vọng là con có thể đạt tới điểm đọc câu chú này: “Tôi là cơ thể này” và cảm thấy an bình với câu đó, không khởi lên phản ứng nào và chấp nhận mình là cơ thể, và cơ thể là một cơ hội trong thời gian con ở trong cơ thể. Thậm chí con còn có thể đi xa hơn và chấp nhận: “Tôi là thân thể của Mẹ Thiêng liêng. Tôi là thân thể của Mẹ Trái đất.”   

3.6. Là một người tâm linh trong cơ thể

Đối với những đệ tử nào đã có trù hoạch sự chấp nhận này trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình, các con có thể qua đó cống hiến một việc phụng sự to lớn cho sự hàn gắn của thân thể hành tinh cùng các cơ thể vật lý của nhân loại. Thật sự, một trong những lợi ích to lớn có thể mang lại khi chúng ta tiến đến Thời Hoàng kim của Saint Germain là mọi người dần dần chấp nhận rằng bệnh tật trong cơ thể vật lý không phải là chuyện tự nhiên. Thật không tự nhiên khi cơ thể bị bệnh. Thật không cần thiết cho cơ thể phải mắc bệnh, mặc dù điều này tất nhiên rất khó tránh trong điều kiện hiện thời. Nhưng dù sao, bằng cách chấp nhận con là cơ thể và sau khi đã làm việc với ba thể cao, con cũng có thể dần dần chấp nhận là việc tạo thay đổi trong cơ thể là chuyện khả dĩ ngay cả khi bác sĩ hay tâm thức tập thể bảo chuyện này không thể xảy ra. Bởi vì con đang ở trong cõi vật chất. Đây là cõi của Mẹ Thiêng liêng. TA LÀ cõi vật chất. Không có gì trong vật chất là bất khả đối với Mẹ Thiêng liêng.

Chỉ sự chấp nhận hay không chấp nhận của con mới có thể ngăn cản một điều mà nhiều người sẽ gọi là phép lạ. Nhưng chẳng có phép lạ gì đâu con. Chỉ có sự biểu hiện tự nhiên của sự kiện Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ trình chiếu ra bất kỳ hình tướng nào được phóng chiếu lên nó và do đó hình ảnh trình chiếu được thay đổi. Và con thay đổi điều kiện vật chất giống như con thay đổi truyện phim trên màn hình bằng cách thay thế dải phim trên máy chiếu. Đây chính là nội dung trong quyển sách của thày, Khóa học về sự Dồi dào. Và một số các con có thể thấy lý do xem lại khóa học này, và tất nhiên quyển sách về Khuôn đúc Chữa lành cũng có thể giúp con xoay chuyển thái độ của minh đối với cơ thể cho đến khi con chấp nhận cơ thể.

Dù điều này có vẻ kỳ lạ, có vẻ mâu thuẫn, có vẻ bí ẩn, nhưng trong nhiều trường hợp con cần phải hoàn toàn chấp nhận một điều kiện trong cơ thể trước khi con có thể thăng vượt điều kiện đó. Chừng nào con còn đẩy nó ra xa – không những đẩy điều kiện mà cũng đẩy cả cơ thể đã buộc con phải đối mặt với điều kiện đó – thì làm thế nào con có thể chấp nhận được thay đổi? Con có thể đã có nghe câu nói quen thuộc này: “Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới.” Nhưng liệu chúng ta cũng có thể nói: “Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong cơ thể”? Nhưng làm thế nào con thay đổi được cơ thể trừ khi con là cơ thể? Và làm thế nào con là cơ thể được nếu con chối bỏ nó, đẩy nó ra xa, cho rằng nó phản tâm linh hay là kẻ thù cho sự tăng triển tâm linh của con?

Đâu là mục đích của việc làm người tâm linh trong thời đại này và hiện thân vật lý? Có phải là để đẩy cơ thể ra xa? Hay để chứng tỏ con có thể là người tâm linh trong cơ thể? Con hãy là một người tâm linh trong cơ thể. Có cách nào khác để làm người tâm linh trong hiện thân hay không? Làm người hiện thân, đó chính là mục đích của con.

Với lời này, thày đã trao cho con phần trình bày mà thày mong muốn đem lại ở thời điểm này. Có thể thày có nhiều điều sẽ nói sau, nhưng chắc chắn các chân sư khác cũng có nhiều điều muốn nói. Cho nên con hãy nhận lòng biết ơn của thày vì con đã có mặt ở đây với cơ thể của con. Và thày mong con có thể có mặt ở đây và đồng thời cũng là cơ thể của con.

1 | Trải nghiệm mình là một sinh thể vượt hình tướng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels ngày 3 tháng 6, 2023, nhân một hội nghị ở Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Quan Âm.

Tại sao thày lại nói chậm như vậy?

Con hãy nhận xét phản ứng của con.

Con có cảm thấy bực bội, nóng nảy, sốt ruột?

Thế thì con thử nghĩ sự thể này xuất phát từ đâu.

Chẳng phải là nó xuất phát từ một tâm trí quá ghiền nghiện sự kích động hay sao? Con nghĩ xem trong thời đại hôm nay, biết bao nhiêu người đã quen thói nhận được sự kích động liên tục như vậy trong tâm. Từ biết bao nguồn gốc khác nhau, tâm con bị cuốn hút vào một phản ứng liên tục đối với quá nhiều thứ từ bên ngoài chính nó. Nhưng liệu thày đây, một chân sư thăng thiên, có phải là một nguồn từ ngoài? Liệu quyển sách này có chỉ là thêm một kích động từ ngoài đối với con hay nó là nhiều hơn vậy? Phải, nó có thể là nhiều hơn, nhưng nhiều hơn bao nhiêu thì tùy thuộc vào con.

1.1. Giọng nói yên ắng trong con

Con có thể bảo: “Nhưng chẳng phải là con đang nghe giọng nói một người ở bên ngoài đang đọc thông điệp từ một chân sư thăng thiên? Chẳng phải giọng nói này cũng đến từ một nguồn bên ngoài giống như mọi thứ khác đang lôi kéo tâm con?” Nhưng liệu thày, một chân sư thăng thiên, có thật là một nguồn bên ngoài hay không? Vì thày nói con này, là một chân sư thăng thiên thày không bị hạn chế bởi thời gian lẫn không gian. Thày ở khắp mọi nơi trong tâm thức Thượng đế. Có nghĩa là thày ở khắp mọi nơi trong bát cung vật lý. Có nghĩa là thày ở bên trong con lẫn bên ngoài con cũng như ở khắp mọi nơi chung quanh con. Nhưng thày cũng không ở bất kỳ vị trí cụ thể nào trong thời gian lẫn không gian.

Dù con nghe thày như một nguồn bên ngoài đang nói chuyện bằng giọng nói con người hay con nghe thày như giọng nói nhỏ nhẹ yên ắng bên trong, thì điều này tùy thuộc vào con. Con có thể nghe cả hai cùng một lúc. Hoặc con có thể làm giống như cái tâm kia bị ghiền nghiện, chỉ cố nghe giọng nói bên ngoài mà dập tắt giọng nói bên trong. Là một đệ tử của chân sư thăng thiên, con chẳng nắm được hay sao là ông hoàng của thế gian, bọn quỷ của Mara, đang cố hết sức lôi kéo chú ý của con ra ngoài để con liên tục hướng nó về bất cứ gì ở bên ngoài chính con?

Chúng không cần biết sự chú ý của con tập trung vào nơi đâu miễn là nó tập trung ở ngoài con. Vì chúng biết là cho dù con có chú tâm vào ngoại vật gì đi nữa thì vật này sẽ kéo con ra khỏi cái bên trong. Và bên trong con là cái ta cao của con, là các thày tâm linh của con, là các chân sư thăng thiên, là trải nghiệm mà con có về chính mình rằng con không phải là tâm vỏ ngoài mà là điều các thày – vì không có cách gọi nào hay hơn – đã gọi là sự nhận biết thuần khiết. Cái Ta Biết đang tự trải nghiệm nó như sự nhận biết thuần khiết.

1.2. Các vị thày tâm linh cho nhân loại

Các con đã chọn chủ đề này cho buổi đại hội hôm nay: Kết nối với cái ta cao và các thày tâm linh của mình. Các thày sẽ trước hết giúp con kết nối với các thày, các chân sư thăng thiên, đang là những vị thày tâm linh cho hành tinh này và cho nhân loại. Cho dù người ta có biết đến các thày hay có biết danh xưng này hay không, thì các thày là thày tâm linh cho tất cả mọi người. Vì các thày là những sinh thể ở cõi thăng thiên, ở cõi tâm linh, đã được Đại đoàn chưởng giáo vũ trụ giao phó việc hoạt động với trái đất. Các thày hợp nhất. Các thày là một.

Tất nhiên là có những kẻ mạo danh tự xưng mình là thày tâm linh, có lẽ sử dụng cả danh hiệu các thày. Và họ thường ở cõi lý trí, một số ở cõi bản sắc thấp, một số thậm chí ở cõi cảm xúc. Và hiển nhiên có cả những kẻ đang hiện thân vật lý, tự xưng mình là đạo sư đủ kiểu, tự nhận mình có đủ loại thẩm quyền khác nhau hay một trạng thái tâm thức cao siêu nào đó. Nhưng các thày là chân sư thăng thiên, là những vị thày tâm linh đã được bổ nhiệm cho trái đất. Tất nhiên con có thể tìm đến bất kỳ vị thày nào hấp dẫn con ở mức tâm thức hiện thời của con, và hẳn là có nhiều người cần đến loại trải nghiệm mà họ có được khi họ đi theo đạo sư của họ.

1.3. Vượt lên trên sự hào nhoáng tâm linh

Nhưng các con đã biết đến chân sư thăng thiên, tất nhiên các con sẽ thăng tiến nhiều nhất khi tìm sự nối kết với các thày. Nhưng nối kết này sẽ xảy ra như thế nào? Liệu con sẽ nối kết được với các thày qua trung gian cái tâm bận rộn luôn luôn bị lôi ra ngoài, bị kéo đi đây đó, khiến con không bao giờ nghỉ chân được ở nơi nào lâu hơn vài giây? Liệu con sẽ nối kết được với các thày qua tâm đó? Không đâu, con sẽ không làm được. Có thể con sẽ nối kết được với những sinh thể ở cõi lý trí, họ sẽ kích động con với những hào nhoáng đủ loại. Con thấy đó, biết bao người bị hấp dẫn bởi những kẻ thuyết giảng về đủ loại chủ đề huyền bí theo những cách thường rất khó hiểu. Nhưng liệu họ có được sự nối kết với Đại đoàn vũ trụ hay không?

Con là người biết đến các chân sư thăng thiên, con cần đến hào nhoáng tâm linh đó để làm gì? Tại sao nó lại cần thiết đối với con? Bởi vì đường tu tâm linh không phức tạp lắm đâu. Đường tu không huy hoàng vẻ vang theo các tiêu chuẩn phán xét của người đời. Người đời muốn cái gì hào hứng. Họ muốn cái gì thu hút chú ý của họ, liên tục lôi kéo chú ý của họ, bởi vì đây là điều tâm vỏ ngoài ghiền nghiện, là những thứ không ngừng lôi kéo sự chú ý.

Chỉ cần xem các bộ phim, các chương trinh truyền hình thì con sẽ thấy nhịp độ dồn dập đã gia tăng như thế nào, đến nỗi cốt truyện gần như không có mà chỉ còn lại những cảnh đánh đấm với hiệu ứng đặc biệt, luôn luôn có gì đó để lôi kéo con vào. Không còn thời gian để ngừng chân tĩnh lặng. Có những người tự xem mình là tâm linh nhưng tâm họ bị cuốn hút ra ngoài liên tục, không bao giờ nhìn vào bên trong. Đường tu tâm linh là thế nào chứ? Có phải là tâm bị kích động liên tục mà không biết chán? Hay đó là bước vào bên trong, là tìm thấy một cái gì ở bên trong mà con không thể tìm được ngoài thế gian? Bởi vì nếu cái đó có thể tìm thấy ngoài thế gian thì chắc chắn nó đã được những kẻ luôn tìm cơ hội kiếm tiền tung ra phổ biến rồi.

1.4. Hướng chú ý vào bên trong

Con đường tâm linh mà các thày giảng dạy trở ngược về hàng thiên niên kỷ. Và mặc dù các thày có thể dùng từ ngữ cho phù hợp với thế giới hiện đại, trong tinh túy đó vẫn là cùng một con đường. Con sẽ không tìm thấy những gì con tìm kiếm bằng cách nhìn ra ngoài chính con. Con sẽ chỉ tìm thấy những gì con tìm kiếm khi con bắt đầu hướng chú ý vào bên trong.

Hiển nhiên đây không phải là chuyện dễ. Các thày hiểu hoàn toàn. Các thày hiểu hoàn toàn việc hướng chú ý vào bên trong khó khăn đến chừng nào, một phần vì hành tinh nơi con đang sống có một tâm thức tập thể dày đặc không ngừng lôi kéo con ra ngoài. Nhưng phần khác cũng vì con đã trải qua nhiều kiếp sống trên hành tinh gian lao này, cho nên chắc chắn con đã chạm trán đủ loại chấn thương với cường độ khác nhau. Khi con khởi sự nhìn vào nội tâm, có thể con sẽ chạm mặt những năng lượng cảm xúc, những chấn thương cùng tin tưởng sâu đậm gây đau đớn và khó khăn.

Nhiều người trên thế giới khi họ bắt đầu thiền tập, thực hành chánh niệm hay bất kỳ phương pháp phổ biến nào khác, thì họ đối diện với những chấn thương từ tiền kiếp. Một số cảm thấy sợ hãi, họ cho rằng nó quá sức họ, hay thậm chí nó còn nguy hiểm. Họ có xu hướng tụ quanh một số đạo sư hay tôn giáo hứa đem lại cho họ sự cứu rỗi vỏ ngoài, tức là có ai đó sẽ làm gì cho họ để họ không phải nhìn vào nội tâm của họ. Họ chỉ cần đi theo con đường vỏ ngoài đó, thực hành pháp tu tâm linh đó, bước theo đạo sư đó. Dù những lời dụ dỗ là gì, những hứa hẹn là gì, những tuyên bố là gì về thẩm quyền hay sự cao siêu của đạo sư, thì những lời này được tung ra để kéo hành giả bước xa khỏi con đường duy nhất đã từng đem lại kết quả, là nhìn vào nội tâm.

Trong số các chân sư thăng thiên được giao phó nhiệm vụ chăm sóc trái đất, nhiều người đã từng đầu thai trên trái đất. Các thày biết rõ hành tinh này dày đặc như thế nào. Các thày đã nếm trải điều này ngay bốn thể phàm của mình, nhưng các thày cũng chứng nghiệm là mình có khả năng vượt qua. Và do đó, các thày biết rõ con đường này hiệu quả và chính các con cũng có khả năng vượt qua. Tất nhiên, các thày cũng nghiệm thấy là mình không thể vượt qua bằng riêng quyền năng của mình. Các thày cần đến sự trợ giúp của những chân sư thăng thiên làm việc với trái đất vào thuở các thày thăng thiên. Và hiển nhiên đây là tại sao ngày nay các thày cũng cống hiến sự trợ giúp này cho bất cứ ai sẵn lòng nhận lấy. Các thày đã đến với nhau như một nhóm để xét xem làm cách nào các thày có thể giúp các con hoàn thành mục tiêu mà các con đã chọn cho đại hội này, là kết nối.

1.5. Mở rộng kết nối của con với các chân sư thăng thiên

Nhiều người trong số các con đã có được một sự kết nối nào đó với các thày và với cái ta cao của con. Một số thì cảm thấy mình chưa thiết lập được sự kết nối mà mình muốn có. Nhưng nhiều các con đã theo học giáo lý này được một thời gian, đặc biệt những ai đã sử dụng giáo lý được ban truyền cho các avatar về chấn thương nhập đời vũ trụ, về ngã gốc và làm cách nào khắc phục rất nhiều ngã tách biệt, những ngã tiềm thức, và nhiều các con đã tiến bộ nhiều hơn là con tưởng. Nhưng dẫu vậy, các thày đã quyết định cho các con cơ hội mở rộng sự kết nối này.

Tại sao thày lại nói “mở rộng” thay vì “thiết lập”? Bởi vì tất cả những ai có khả năng nhận ra chân sư thăng thiên đều đã có một sự kết nối nào đó với các thày rồi. Bởi vì chỉ khi nào đệ tử sẵn sàng thì thày mới có thể xuất hiện. Không phải vì thày trốn né đệ tử. Các thày luôn luôn ở đây. Các thày luôn luôn ở đây cho tất cả mọi người. Nhưng khi nào đệ tử chưa sẵn sàng thì đệ tử không thể cảm nhận được Hiện diện của các thày.

1.6. Tại sao con đang đọc quyển sách này?

Mục đích của thày với bài giảng mở đầu này là giúp con nhận biết – hay ít ra giúp con chú tâm, bởi vì tất nhiên đa số các con đã nhận biết là con không thể kết nối với chân sư thăng thiên qua trung gian tâm vỏ ngoài luôn luôn bận rộn quá đỗi. Tại sao con đang đọc quyển sách này? Điều gì đã thúc đẩy con khởi sự đọc? Con hy vọng rút tỉa được điều gì từ quyển sách? Riêng thày thì thày biết rõ tại sao thày ở đây. Con có biết tại sao con ở đây không? Nhiều các con sẽ chỉ ra đủ loại lý do khác nhau, nhưng liệu con đã bỏ ra chút thì giờ để xét xem thực sự tại sao mình ở đây? Liệu con đã xét có thể một phần động cơ của con là một số ngã tiềm thức hy vọng được hưởng gì đó từ việc ở đây? Liệu con đã xét có thể con có những động cơ nào chăng? Có thể con mang những kỳ vọng nào chăng?

Nhiều người đến tham dự một buổi họp tâm linh với hy vọng có được một trải nghiệm ấn tượng nào đó. Thậm chí có người đến với hy vọng sẽ có một số biểu hiện hay chứng cớ vật lý. Một số hy vọng mình sẽ cảm thấy thật đặc biệt hay người ta xem mình là đặc biệt. Nhiều loại kỳ vọng khác nhau, nhưng con hãy nhìn chủ đề con đã chọn: Kết nối. Con nghĩ – hay những cái ngã tiềm thức của con nghĩ – chuyện gì sẽ xảy ra khi con nối kết với một chân sư thăng thiên? Có kỳ vọng nào về một sự cố ấn tượng hay hoành tráng nào đó?

1.7. Kỳ vọng một sự cố ấn tượng

Thày không ở đây để cố tìm lỗi hay chỉ trích, mà thày chỉ tìm cách giúp con nhận thức rõ hơn về những chờ đợi mà con có thể có. Vì nhiều người đến với những chờ đợi sẽ ngăn chặn họ nối kết thật sự với các chân sư thăng thiên. Nhiều người đến mà cứ chờ đợi một sự cố ấn tượng, một sự cố hoành tráng nào đó. Và chắc chắn chúng ta có thể nói là phần nào kỳ vọng này đã được các giáo lý trước của chân sư thăng thiên tăng cường, qua đó đã có truyện kể về những người đi lên núi, gặp Saint Germain thị hiện vật lý trước mắt, rồi được dẫn đến Hang Biểu tượng, được có trải nghiệm ngoạn mục với Saint Germain hay với các chân sư khác nữa.

Nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã đến tham gia với sự chờ đợi dựa trên những lời dạy khá cũ đó. Nhưng trong thời đại hôm nay, các thày đã trao cho con những lời dạy mới, soi một ánh sáng khác hơn trên các thày ngày hôm nay cũng như cách làm việc của các thày với đệ tử ngày hôm nay. Một số những lời dạy kia đã được đưa ra rất lâu về trước trong đợt truyền pháp của thời Song ngư khi tâm thức tập thể dày đặc hơn bây giờ rất nhiều. Con người thời đó cần đến nhiều kịch tính hơn, họ cần sự hứa hẹn về một sự cố đầy kịch tính. Nhưng con có thấy chăng đây là một ví dụ về sự thể các thày đã đề cập trước đây, là các thày phải thích ứng lời dạy và cách biểu đạt của mình với tâm thức của những ai các thày muốn tiếp cận? Và con thấy chăng cho dù các thày có làm gì đi nữa thì việc này cũng có một hiệu ứng phụ nào đó? Nếu con nhìn trở ngược về các lời dạy cũ đó, con sẽ thấy nhiều người đã bị lời dạy thu hút chính vì những câu chuyện ấn tượng như thế kia, vì họ hy vọng có được cuộc gặp mặt ấn tượng với một chân sư thăng thiên sẽ khiến họ cảm thấy đặc biệt biết mấy.

Nhưng con cũng thấy chăng là hầu hết những người đó, tuyệt đại đa số những người được thu hút bởi giáo lý của chân sư thăng thiên đã không có được loại gặp gỡ ngoạn mục như vậy? Và kết quả là gì? Họ đã thất vọng. Họ tự hỏi: “Có gì không ổn với chính tôi khiến cho Saint Germain không hiện ra trước mắt tôi, không dẫn tôi đến Hang Biểu tượng, không bảo tôi là sứ mạng của tôi đặc biệt đến chừng nào? Vậy làm thế nào tôi sẽ đơn thương độc mã cứu nguy được hành tinh và đem lại thời hoàng kim?” Con thấy đó, luôn luôn có một thế cân bằng tế nhị giữa việc hấp dẫn, thu hút sự chú ý của họ, rồi sau đó có rủi ro đem lại thất vọng khi những kỳ vọng quá đáng của họ không được đáp ứng.

1.8. Đẩy sự kết nối ra xa

Các con là học trò trong thời đại này, đã sẵn sàng tiếp nhận giáo lý được trao truyền qua sứ giả này, con có thể nhìn vào chính mình và xét xem liệu con có còn một số chờ đợi gặp gỡ ấn tượng không. Và nếu còn thì chờ đợi này sẽ ngăn chận sự kết nối của con với các thày. Tại sao? À, vì nhiều lý do. Trước hết là vì các thày là thày tâm linh đích thực. Có nghĩa gì? Có nghĩa là các thày muốn con giải thoát khỏi tự ngã, khỏi những cái ngã tiềm thức. Nếu con có một kỳ vọng dựa trên tự ngã ham muốn cảm thấy đặc biệt khi con được gặp chân sư thăng thiên, thì điều gì sẽ xảy ra nếu các thày thỏa mãn kỳ vọng của con? Điều gì sẽ xảy ra nếu các thày hiện ra trước mặt con đúng y như con chờ đợi và khiến con cảm thấy thật đặc biệt? Con sẽ bị yếu tố đó của tự ngã đánh bẫy, có lẽ cho đến hết kiếp này.

Cho nên là thày tâm linh chân chính thì các thày phải bước lùi lại khi con mang kỳ vọng. Vì các thày không thể nhận rủi ro đẩy con về hướng ngược lại sự tăng triển. Nhưng tất nhiên cũng có một lý do nội tâm, đó là khi con kỳ vọng một cuộc gặp gỡ ấn tượng thì một lần nữa, đây là tâm con đang phóng chiếu ra ngoài. Nhưng như thày vừa giảng, con sẽ không tìm thấy các thày ở ngoài kia, con sẽ không nối kết được với các thày ở ngoài kia. Nhưng nếu tâm con cứ phóng chiếu hình ảnh sự nối kết phải diễn ra thế nào thì chẳng phải là con đang phóng chiếu con muốn nối kết với các thày ở ngoài kia? Chẳng phải là với kỳ vọng này, con đang đẩy xa sự nối kết khỏi chính con hay sao? Đây là mâu thuẫn khó xử mà các thày phải đối mặt – nó không khó xử cho các thày mà nó khó xử cho con.

Các thày hiểu hoàn toàn thực trạng của việc đầu thai. Vì sao con lại muốn nối kết với thày tâm linh của con trừ phi sự nối kết này mang lại cho con cái gì đó mà con không có được trong cuộc sống thường nhật? Phải, các thày hiểu là con phải có một động cơ nào đó để học tập giáo lý, để thực hành các bài thỉnh, bài chú. Các thày hiểu. Nhưng các thày cũng hiểu là trong hầu hết trường hợp khi con không cảm thấy nối kết, đó là do kỳ vọng của con đang ngăn chặn sự nối kết. Không phải các thày.

1.9. Thiết lập một nối kết nội tâm trực tiếp với chân sư

Một điểm thày muốn con chú ý và lắng nghe là điều sau đây. Các thày, các chân sư thăng thiên, không giới hạn sự nối kết mà con có thể có với các thày. Một lần nữa, thày không đang cố chỉ trích dưới bất cứ hình thức nào. Thày chỉ đang chỉ ra là các thày sẵn lòng kết nối với bất cứ ai trên địa cầu ở mức tâm thức hiện thời của họ. Bởi vì đây chính là thực chất của tâm thức Ki-tô. Tâm Ki-tô là tâm có khả năng gặp gỡ mọi người ở bất kỳ mức tâm thức nào và cống hiến cho họ một khung tham chiếu sẽ giúp họ bước lên bước tâm thức kế tiếp. Dựa trên tâm Ki-tô, không có một người nào trên địa cầu mà các thày không sẵn lòng nối kết. Và thày nói điều này để các con là đệ tử trực tiếp của các thày có thể nhận rõ là các thày sẵn lòng nối kết với con. Mong muốn của các thày là tất cả các con thiết lập một sợi dây nối kết trực tiếp với các thày để con có thể nhận được những sáng ngộ cá nhân, những xoay chuyển tâm thức cùng sự giúp đỡ từ các thày, chứ không phải từ bất kỳ nguồn nào bên ngoài hay qua trung gian bất kỳ nguồn nào bên ngoài.

Con đang học hỏi và thực hành giáo lý được trao truyền qua sứ giả này. Nhưng cả các thày – là các chân sư thăng thiên đang đỡ đầu cho sứ giả này – lẫn chính sứ giả đều không mong muốn con chỉ nối kết qua trung gian sứ giả hay qua các giáo lý được trao truyền qua sứ giả. Các thày muốn con thiết lập một sự nối kết nội tâm trực tiếp với các thày để con đạt tới điểm không cần đến sứ giả nữa. Con có thể không cần đến lời dạy vỏ ngoài. Con có thể không cần đến pháp tu vỏ ngoài. Hoàn toàn không có mong muốn hạn chế con, cầm giữ con trong một trạng thái đồng phụ thuộc (co-dependence) vào sứ giả, hay vào giáo lý, hay vào pháp tu. Điều này không có nghĩa là con phải rời khỏi giáo lý hay pháp tu. Nhưng các thày mong muốn tất cả các con có được sự nối kết trực tiếp đó.

1.10. Rút lui khỏi thế giới

Câu hỏi đặt ra cho con thực sự là như sau: “Điều gì trong tâm con có thể ngăn cản sự nối kết trực tiếp của con?” Và tất nhiên, đây là điều các thày sẽ giúp con nhìn ra và khắc phục trong đại hội này. Nhiều các con sẽ coi đại hội này là một hội nghị, nhưng con cũng có thể xem đây là một khóa nhập thất. Tại sao thày dùng chữ “nhập thất”? Bởi vì khi con tham gia một khóa nhập thất thì con làm gì? Con rút ra khỏi thế giới. Trong những ngày sắp tới, các thày yêu cầu con rút càng nhiều càng tốt ra khỏi cuộc sống bình thường của con, khỏi những gì con bình thường tập trung chú ý. Không cứ là từ bỏ bất cứ trách nhiệm nào mà con đang có, nhưng là việc rút lui vào trong tâm hầu con rút chú ý ra khỏi tất cả những chuyện kia đang lôi kéo con.

Bây giờ con có thể, nếu con sẵn lòng, quyết định tắt máy điện thoại kia đi, tắt đường dây internet kia đi. Con yêu dấu, nếu con không để ý đến thế giới trong những ngày sắp tới, chắc chắn thế giới sẽ vẫn còn đó. Vì thày có thể cam đoan với con là thế giới vẫn còn đó khi không có ai nhìn – khi không có con người nào nhìn – vì các thày là chân sư thăng thiên luôn luôn nhìn.

1.11. Vô vi nhi vô bất vi

Có một khái niệm bắt nguồn từ đạo Lão được tìm thấy ngay cả trong bài chú của thày qua câu: “Mọi việc không làm, cũng không không làm”, hay “Không làm việc gì, nhưng không sót việc gì không làm.” Nhiều các con mong muốn nhìn thấy thay đổi trên thế giới hay nơi đất nước Hàn quốc này đây. Các thày hiểu. Nhưng có lẽ bằng cách rút ra khỏi sự chú tâm bình thường vào thế giới và việc thay đổi thế giới, con sẽ có thể đem lại một thay đổi lớn hơn trên thế giới qua việc kết nối trực tiếp với các thày. Có lẽ bằng cách không làm những chuyện con thường làm, không để ý đến những gì con bình thường để ý, con có thể làm nhiều hơn cho thế giới.

Thày yêu cầu con, nếu con muốn gặt hái kết quả lớn nhất từ khoá nhập thất này thì con hãy rút ra khỏi các quan tâm bình thường của con. Con đã đến đây vì con muốn kết nối với cái ta cao cùng các vị thày tâm linh của con. Con hãy quên đi sự kết nối với thế gian. Bởi vì nếu con đã có thể kết nối với các thày qua tâm vỏ ngoài cứ luôn phóng chiếu ra ngoài thì chắc chắn con đã kết nối được rồi vì tâm đó hoạt động rất ráo riết. Vậy con thử nghĩ xem con có thể làm gì khác, hay con có thể không làm gì cả. Không làm!

Một lần nữa, các thày hiểu vì các thày đã từng đầu thai trong cõi vật lý. Các thày hiểu là hành tinh địa cầu trải bày nhiều bí ẩn, nhiều uẩn khúc, nhiều điều dường như mâu thuẫn. Vì lý do gì biết bao người tâm linh khắp thế giới và khắp các thời đại đã rút lui khỏi thế gian để bước vào bên trong? Bởi vì thế gian, tâm thức đại chúng, luôn luôn kéo chú ý của họ ra ngoài. Các thày hiểu hoàn toàn là để thiết lập một sợi dây nối kết với cái ta cao, với các thày tâm linh của con, con cần phải kéo mình, phải vươn mình lên khỏi sức kéo hướng hạ đó, sức hút nặng trịch của tâm thức đại chúng đó đang kéo con xuống. Các thày hiểu là việc này cần sự nỗ lực.

Nhiều các con đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực suốt nhiều năm trời để thực hành nhiều loại pháp tu tâm linh, cho dù là chú, thỉnh hay một pháp nào khác. Và nhờ làm vậy mà con đã tự nâng mình lên một cấp độ nào đó là cấp độ con đang đứng hôm nay. Các thày hiểu là nhiều các con, giống như sứ giả này cũng đã từng làm nhiều năm trời, đã tập trung vào công việc tâm linh, vào pháp tu tâm linh để nâng cao tâm thức cùa mình cũng như thay đổi thế giới. Các thày thấu hiểu, các thày kính trọng tất cả mọi công việc con đã làm. Các đệ tử của chân sư thăng thiên, đặc biệt các đệ tử ở Hàn quốc này đây, đã làm biết bao công việc suốt nhiều năm, đã nỗ lực biết bao trong nhóm hội của mình để đăng tải giáo lý, để thực hành các bài thỉnh và bài chú – các thày tôn vinh tất cả mọi việc con đã làm.

Nhưng các thày hy vọng là con cũng hiểu rằng cho khóa nhập thất này, vấn đề không phải là cố đẩy mạnh hơn để thiết lập một sự nối kết với các thày. Con đã biết cách đẩy mạnh rồi. Con đã phần lớn vươn mình lên trên tâm thức đại chúng rồi. Giờ đây con cần một cái gì khác! Con cần một cái gì khác để thiết lập hay để mở rộng sự nối kết. Con hãy sẵn sàng bỏ qua bên những kỳ vọng của mình, bỏ qua bên pháp tu bình thường của mình, thậm chí cả tư duy mà con thường có là tư duy năng động, tư duy làm việc. Thày không đang bảo – xin con lắng nghe lời thày nói – thày không đang bảo là việc hoạt động hay tu tập tâm linh có gì sai trái, mà thày chỉ nói rằng mọi chuyện đều có thời của nó, và bây giờ là thời điểm con cần làm khác hơn, hay đúng hơn, không làm. Bởi vì bằng cách không làm với tâm vỏ ngoài, có thể con sẽ tìm được sự nối kết qua đó không còn việc gì là không làm, mặc dù không có gì được làm qua tâm vỏ ngoài.   

1.12. Những dụng cụ để giúp con kết nối

Các chân sư sẽ ban ra một số lời dạy và mỗi bài truyền đọc sẽ nhắm tới việc giúp con nối kết với vị chân sư đó. Một số các con sẽ nối kết với thày, một số thì không. Thật chẳng có gì không ổn nếu con không nối kết chặt chẽ với thày hay với một chân sư nào khác. Điều quan trọng là con tìm ra vị chân sư mà con nối kết, xong con tập trung vào đó. Những bài truyền đọc này mà các thày sẽ cho con là công cụ để con dùng. Con có thể bảo là các thày như thể vẫn làm giống như mọi lần, vẫn ban ra những lời dạy mà tâm con có thể hiểu và nắm bắt. Nhưng thực sự mục đích ở đây không phải là đưa ra lời dạy mà là giúp con kết nối.

Đó là mục đích các thày. Và thày hy vọng qua những nhận xét mở đầu thày vừa đưa ra, mục đích của con cũng là việc thiết lập sự nối kết, trải nghiệm sự nối kết. Không phải là đẩy nó về phía trước như con lừa đẩy củ cà rốt treo lủng lẳng trên cây gậy trước mũi nó.

Với lời này, thày sẽ cùng đọc với con một số câu chú và thày xin con tập trung vào Hiện diện của thày. Bởi vì Hiện diện của thày là cái con có thể nối kết vượt quá ngôn từ, vượt quá lời nói của bài truyền đọc cùng lời nói của câu chú. Nhưng dẫu vậy, lời nói là chén thánh sẽ neo trụ sự Hiện diện, và như vậy lời nói có thể giúp con trải nghiệm Hiện diện nếu con không dính mắc vào lời nói hay ý nghĩa lời nói.

Mặc dù đây là một bài truyền đọc mà bình thường con sẽ giữ im lặng, nhưng thày mời con đọc cùng với thày:

OM (5 lần)
OM Mani Padme Hum (48 lần)
OM Quan Âm OM (14 lần)
OM (13 lần)

TA LÀ chân sư thăng thiên Quan Âm. Nhưng sinh thể mà thày là có thể nào bị bắt giữ trong một danh xưng? Có thể nào bị bắt giữ trong bất kỳ hình tướng nào? Một lần nữa, đây lại là một mâu thuẫn khó xử trên địa cầu. Qua các thế kỷ và thiên niên kỷ, các thày là chân sư thăng thiên đã mở vòng tay để cố chạm tất cả mọi người khắp nơi trong mọi nền văn hóa. Đâu là giới hạn lớn nhất cho các thày? Đó là sự dính mắc của con người vào hình tướng, sự đồng hóa với hình tướng. Liệu họ sẽ nắm bắt được một thứ gì không có hình tướng? Liệu họ sẽ muốn nối kết với một thứ gì không có hình tướng? Hay là họ sẽ quá tập trung vào những gì các thày có thể làm cho họ trong thế giới hình tướng đến độ họ không thực sự mở tâm ra để nối kết?

1.13. Một thượng đế toại nguyện mọi ước muốn

Con nhìn xem rất nhiều nền văn hóa khắp thế giới đã tạo ra những vị thần cả nam lẫn nữ dưới đủ mọi hình dạng. Và mặc dù các vị này thường rất khác nhau trong mỗi hình dạng cụ thể mà con người đã phóng chiếu lên thần linh, rất nhiều vị được tạo dựng theo cùng một mẫu số chung: một vị thượng đế có khả năng toại nguyện mọi ước muốn của con người. Người ta muốn gì từ thần linh của họ? Họ muốn thần linh làm điều gì đó cho họ ở đây trong thế giới hình tướng. “Có lợi lạc gì cho tôi trong chuyện này? Tôi sẽ được hưởng gì? Tại sao tôi cần thờ phượng thần linh, hy sinh cho thần linh, đọc câu thần chú, nếu tôi không được hưởng lợi gì trong thế giới hình tướng?”

Nhưng chức năng của chân sư thăng thiên là gì? Các thày không ở trong thế giới hình tướng – ít ra là không ở trong thế giới hình tướng chưa thăng thiên mà con đang sinh sống. Các thày không phải là những thượng đế toại nguyện mọi ước muốn. Các thày không ở đây chủ yếu để làm chuyện gì cho con trong hình tướng. Các thày ở đây để chứng tỏ cho con thấy là có gì đó vượt khỏi thế giới hình tướng! – ít nhất cái thế giới hình tướng mà con nhìn thấy qua giác quan vật lý trong bầu cõi chưa thăng thiên này. Các thày ở đây để cho con một khung tham chiếu. Có gì đó nhiều hơn hình tướng. Chính con là nhiều hơn hình tướng!

1.14. Trải nghiệm điều gì đó vượt hình tướng

Đâu là thành quả lớn nhất mà con có thể gặt hái từ đại hội này, từ khóa nhập thất này? Phải chăng là một vật gì trong thế giới hình tướng? Hay là sự kết nối, sự trải nghiệm một điều gì đó vượt hình tướng? Thày vượt khỏi hình tướng. Con thử nghĩ tại sao trong đợt truyền pháp này các thày đã không dùng đến những tấm ảnh hay bức tượng? Đó là vì các thày hy vọng con sẽ có thể nối kết với các thày ngoài hình tướng, cái hình tướng đang bao quanh con và lôi kéo sự chú ý của con tập trung vào hình tướng. Nó quyến rũ con. Như bọn quỷ Mara, nó cám dỗ con đồng hoá với hình tướng. Nhưng các thày ở đây là để giúp con ngừng đồng hóa với hình tướng.

Nhưng để thực hiện điều này, con phải nối kết, phải trải nghiệm những gì vượt khỏi hình tướng mà lại vô cùng thực. Nói cho cùng, chỉ có cái vượt hình tướng mới là thực. Nhưng nếu con cho phép tâm con tập trung vào hình tướng, con sẽ bị cuốn hút vào trò chơi muôn thuở bảo rằng hình tướng này là thực, hình tướng kia không thực. Rằng hình tướng này là chân, hình tướng kia là giả. Hình tướng này là thiện, hình tướng kia là ác. Một lần nữa, con lại kẹt trong nhị nguyên. Các thày hy vọng sẽ kéo con vượt ra khỏi sự đồng hóa với hình tướng.

Thày biết ơn con đã chịu đựng bài giảng chậm chạp này, qua đó thày đã cố làm chậm lại cái tâm quá năng động cứ muốn chuyện gì đó phải xảy ra – không những vậy, phải xảy ra ấn tượng hơn cả trong quá khứ. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất có thể xảy ra là sự kiện không có gì xảy ra, không có gì có hình tướng xảy ra. Bởi vì nếu không có gì xảy ra thì điều có thể đang xảy ra là con đang chứng nghiệm thực tại vô hình tướng mà TA LÀ.

Quan Âm, TA LÀ. Hơn nữa, TA LÀ. Vượt hình tướng, TA LÀ.

Chính con đây cũng vượt khỏi hình tướng. Nhưng tất nhiên con vẫn ở trong thế giới hình tướng. Cho nên các thày hiểu là các con sẽ khó lòng hơn chấp nhận chính mình vượt khỏi hình tướng. Nhưng dẫu vậy, các thày sẽ tìm cách giúp con trải nghiệm chính mình là một sinh thể vượt hình tướng.

5 | Con có muốn buông bỏ nỗi sợ của con không?

Bài truyền đọc của Đại thiên thần Michael qua trung gian Kim Michaels ngày 3/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Đại thiên thần Michael. Thày vui mừng được hỗ trợ các con cho một khía cạnh có thể ngăn cản các con không chú tâm vào bên trong. Và lẽ đương nhiên đây là tầng kế tiếp của thể vật chất của con, tức là thể tình cảm.

5.1. Nỗi sợ và tính bất định

Cảm xúc cơ bản nào khiến đa số con người không chú tâm được vào nội tâm? Lẽ đương nhiên, đó là sợ hãi. Sợ hãi có thể mang nhiều hình dạng, nhưng nó lúc nào cũng là cảm nhận có chuyện gì có thể xảy ra mà ta không có sự che chở nào, không thể trốn chạy, không thể tự vệ. Đây là một phản ứng rất dễ hiểu, vì con đang ở trong xác thân vật lý và có nhiều chuyện xảy ra mà con không thể kiểm soát. 

Tuy nhiên, con thấy là trong thế gian có nhiều người đã tìm cách đối phó với nỗi sợ bằng cách đi vào tư duy muốn kiểm soát mọi chuyện. Trường hợp cực đoan nhất thể hiện điều này là các sa nhân muốn kiểm soát mọi chuyện và mọi người chung quanh họ vì họ bị nỗi sợ bao trùm họ. Nhưng nhiều người có trạng thái tâm sợ hãi, và nhiều người không có quyền lực và không có khuynh hướng hung hãn đã tìm cách đối phó với nỗi sợ bằng cách gia nhập một tôn giáo cho họ cảm tưởng là có một đấng trên trời sẽ tối hậu che chở họ khỏi mọi điều kiện trên trái đất.

5.2. Tư duy thần thông

Vì vậy suốt dòng lịch sử, nhiều người đã kêu gọi thày hay các chân sư thăng thiên khác tới bảo vệ họ. Lẽ tất nhiên, họ thường khi, thật sự là mỗi khi họ bị nỗi sợ giam hãm, có tư duy thần thông và đây là một điều mà các con, là đệ tử chân sư thăng thiên, cần biết. Tư duy thần thông là niềm tin rằng, tuy mọi chuyện xảy ra theo cách của cõi vật lý, nhưng có một lực thần thánh có khả năng và được phép can thiệp để đình chỉ các định luật mà con gọi là luật thiên nhiên và qua đó giúp con được đặc miễn không bị các định luật này ảnh hưởng như chúng ảnh hưởng tất cả mọi người khác.

Ngay cả ngày nay, nhiều tín đồ Thiên chúa giáo hay tôn giáo khác, tin rằng có một thượng đế hay sinh thể tâm linh nào đó có quyền năng thần thông can thiệp và che chở họ tuy họ thấy rõ ràng các người khác không được che chở. Như thày có nói, họ cho rằng có một quyền lực thần thông có thể đình chỉ các định luật thiên nhiên hay luật nhân quả và che chở họ khỏi một số hậu quả mà họ sợ.

5.3. Sự khuynh loát của sa nhân

Tuy nhiên, như các thày đã giảng nhiều lần trong đợt truyền giáo này, luật tự quyết là luật tuyệt đối trên trái đất. Thày là Đại thiên thần Michael. Thày có tất cả mọi quyền năng trên trái đất. Thày có thể thay đổi bất cứ gì. Thày có thể che chở con người khỏi bất cứ gì, nhưng thày không phải chỉ cần có khả năng mà còn cần có thẩm quyền chiếu theo luật tự quyết. Sự thật phũ phàng trên trái đất là sa nhân đã rất khôn khéo dùng tư duy trọng thần thông để tạo ra một tín ngưỡng, một học thuyết, một nền văn hóa trong các tôn giáo khiến tín đồ tin rằng tai ương không thể xảy ra cho họ vì, do một lý do nào đó, họ thuộc một nhóm người chọn lọc. Sau đó sa nhân dùng các sa nhân đang đầu thai hay những người dễ bị ảnh hưởng tới hành hạ những tín đồ tôn giáo, khiến các tín đồ này thấy là họ không được che chở như họ nghĩ, và sau đó càng đi sâu thêm vào cảm giác sợ hãi hay bị bất công, hay tức giận Thượng đế vì ngài đã không giữ lời hứa.

Đây là một lý do khiến ngày nay nhiều người đã bỏ các tôn giáo truyền thống, thậm chí còn bỏ mọi tôn giáo và trở nên vô thần. Họ đã trải nghiệm là cái họ nghĩ là quyền năng của Thượng đế không thể che chở họ, và họ giận dữ đến độ chối bỏ là Thượng đế có quyền năng. Họ chối bỏ sự hiện hữu của Thượng đế, và qua đó một số cũng chối bỏ luôn là có ma vương đang tìm cách hãm hại họ, tuy ma vương là một quan niệm mà sa nhân đã rất khôn khéo đút vào mọi tôn giáo.

Thật ra thì một số các người đó đã trải nghiệm là họ có thể bị tổn thương, tuy họ chối bỏ cả Thượng đế lẫn ma vương. Nhưng nhiều người sống trong các chế độ dân chủ tân tiến có thể trọn đời sống trong hoàn cảnh tương đối an bình, và do đó họ có thể đi vào tâm thái mà ta có thể gọi là kiêu hãnh tâm linh, trong đó họ cảm thấy là họ hiểu rõ mọi chuyện hơn người bình thường. Họ cảm thấy họ biết là không có Thượng đế và ma vương, và họ đã chưa từng thật sự bị thất vọng vì trong kiếp sống này, không ai và không việc gì đã làm tổn thương họ.

5.4. Thượng đế xa xăm có mặt theo yêu cầu

Thày muốn dẫn con, là đệ tử chân sư thăng thiên, tới nhận biết là con cần buông bỏ tư duy thần thông, vì chính tư duy thần thông đã xua đẩy sự kết nối của con với cái ta cao của con và với các chân sư thăng thiên. Tại sao vậy? Vì đâu là ý niệm đằng sau tư duy thần thông? Con đang sống trên trái đất. Có một sinh thể trên thiên đàng, một sinh thể xa xăm trên thiên đàng bình thường không có mặt, nhưng con tin rằng sẽ can thiệp khi con cần đến. Ta có thể gọi đây là một Thượng đế có mặt theo yêu cầu, theo cách nói tân thời, nhưng cũng có nghĩa đây là một Thượng đế xa xăm có mặt theo yêu cầu, một Thượng đế không có mặt khi không có yêu cầu, có nghĩa là con có thể lẩn trốn vị Thượng đế đó. Và khi con phóng chiếu là có khoảng cách giữa con và thày, thì làm sao con có thể kết nối với thày là một chân sư thăng thiên? Và nếu con không thể kết nối với thày, thì làm sao thày có thể giúp con thăng vượt nỗi sợ đang níu kéo thể cảm xúc của con.

5.5. Nỗi sợ chết

Một lần nữa, như thày Quan Âm và Mẹ Mary đã trình bày, con lúc nào cũng gặp thế có vẻ là khó xử này trên trái đất. Thày vừa nói là luật tự quyết không cho phép thày làm một số chuyện để giúp con. Điều này có nghĩa là con đang hiện thân trong cõi vật lý và có một số chuyện mà con không thể được bảo vệ, tùy theo cách người khác sử dụng quyền tự quyết của họ.

Đồng thời, thày cũng nói chuyện giúp con thăng vượt nỗi sợ. Hai điều này có hợp lý chăng? À, chuyện hợp lý giản dị là con đang hiện thân trong cõi vật lý. Con biết là một ngày kia thân thể của con sẽ chết, nhưng con đã tìm ra một cách để sống với hiểu biết này để vẫn sinh hoạt được trong đời sống. Ngay cả những người không tâm linh hay không theo một tôn giáo nào cũng có thể sống với hiểu biết là một ngày kia thân thể họ sẽ chết. Đa số đẩy ngày đó ra thật xa trong tương lai, trong tương lai bất định, nhưng con cũng biết là cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhưng con vẫn tìm ra một cách để sống với nỗi sợ đó.

Điều thày đang muốn chỉ ra là có sự khác biệt giữa điều kiện mà con sợ và chính nỗi sợ. Và đó là lý do vì sao con có thể thăng vượt nỗi sợ. Bởi vì nỗi sợ là một điều kiện trong tâm con. Con có thể nói là có biết bao điều kiện trên trái đất mà con có thể sợ, và quả thật con có thể liệt kê đủ loại điều kiện trên trái đất mà con có thể sợ và con có thể đi vào tâm thái bị tê liệt và không còn sinh hoạt được vì quá sợ.

Tuy nhiên, như thày đã nói nỗi sợ tối hậu trên trái đất là gì? Ta có thể nói đó là nỗi sợ chết. Tuy nhiên có một số người có thể không đồng ý và cho rằng cách mình chết có thể là một nỗi sợ ghê gớm hơn chính cái chết. Nhưng nếu con tìm được cách để sống với nỗi sợ, và nếu con sống trong một hoàn cảnh mà mạng sống của con không bị đe dọa ngay lập tức, thì phải chăng chuyện hợp lý là con cũng có thể đối phó với những nỗi sợ khác.

5.6. Làm cách nào vượt thăng nỗi sợ

Dụng cụ mà thày sẽ cho con là nhận ra một cơ chế tâm lý giản dị. Chắc con cũng biết là khi một con đà điểu gặp nguy cơ bị ăn thịt, thì có khi nó dùng cái cổ dài của nó để vùi đầu vào trong bãi cát thay vì dùng cặp chân dài của nó để chạy. Đây là cơ chế qua đó, khi con bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hay con cảm thấy không có cách chi thoát được điều kiện, thì con chối bỏ hay phớt lờ nỗi sợ. Và quả thực đây là cách nhiều người đã đối phó với nỗi sợ chết, bằng cách vùi đầu vào bãi cát và không để ý tới nó, từ chối không chịu nhìn vào nó. Lẽ tất nhiên, vấn đề với phương pháp này là tuy con có thể phớt lờ nỗi sợ ở mặt nổi nhưng cách này không tiêu trừ nỗi sợ ở thể cảm xúc của con.

Và nếu con có nỗi sợ ở thể cảm xúc, thì nó sẽ buộc con vào thể cảm xúc của hành tinh, của tâm thức tập thể. Bất cứ lúc nào con cũng có thể bị các nỗi sợ tập thể làm choáng ngợp, đặc biệt là khi có chuyện xảy ra trong thế giới khiến con người đi vào trạng thái hốt hoảng. Lẽ tự nhiên, như các thày có giảng, phương pháp xây dựng hơn là đối phó với nỗi sợ. Và chắc chắn là mọi nỗi sợ đều bắt nguồn từ một ngã tách biệt, và do đó phương pháp tối hậu để khắc phục nỗi sợ là tách cái Ta Biết ra khỏi ngã để con có thể thấy nó. Và dĩ nhiên các thày đã cho các con dụng cụ có giá trị để con lột mặt nạ các ngã và tới chỗ thấy chúng. Nhưng dụng cụ mà thày muốn cho con ở đây có thể nói là giản dị hơn, và nó có mục đích giúp con nhận ra là nỗi sợ có mặt trong tâm con, nhưng thông thường thì điều kiện mà con sợ không có mặt trong tâm con. Điều kiện ở bên ngoài tâm con.

5.7. Nỗi sợ là một lốc xoáy năng lượng cảm xúc

Nỗi sợ ở trong tâm con là gì? Nó không phải là một điều kiện vật lý, ít ra là theo nghĩa thông thường của chữ vật lý. Nó là một điều kiện năng lượng và là một điều kiện trong tâm. Năng lượng là gì? Như các thày đã giảng nhiều lần, một cảm xúc là năng lượng đang vận chuyển, do đó nó là một cái gì rung động và cuộn xoáy và có thể tạo ra một lốc xoáy, một vũng năng lượng cuộn xoáy. Và nỗi sợ trở thành giống như vậy trong thể cảm xúc của con. Nó đi vào, nó bắt đầu cuộn xoáy, nó thu hút thêm năng lượng, nó xoáy nhanh hơn và nhanh hơn nữa cho tới khi nó giống như một cuồng phong.

À, con cũng biết cuồng phong là gì. Nó chỉ là không khí cuộn xoáy ở vận tốc cao, và lốc xoáy cảm xúc cũng vậy. Không có gì trong đó ngoài năng lượng cuộn xoáy. Không có điều kiện nào bên trong năng lượng và đó là lý do vì sao con có thể tới chỗ nhận ra là nỗi sợ giống như một cuồng phong, một lốc xoáy, một vũng xoáy, hay có thể hữu ích hơn nếu ta dùng hình ảnh một bão xoáy, vì con biết là ngay giữa bão xoáy có mắt bão là nơi yên tĩnh. Không khí cuộn xoáy chung quanh mắt bão, nhưng ngay mắt bão thì yên tĩnh, và thể cảm xúc của con cũng vậy khi con sợ hãi.

5.8. Dụng cụ Đại thiên thần Michael cống hiến

Này con, đa số những người không tâm linh sợ không dám nhìn vào nỗi sợ của họ. Đó là điều xảy ra khi con cho phép cơn lốc xoáy, cơn bão xoáy hình thành trong thể cảm xúc của con, Khi con chú ý vào nó và chạm nó, thì gió thổi mạnh và khó chịu đến độ con cảm thấy choáng ngợp khi phải đối phó với nó, và do đó con rút lui và tìm cách lờ đi nỗi sợ.

Nhưng một cách khác là đi thẳng vào nỗi sợ cho tới khi con đi xuyên qua lớp năng lượng đang cuộn xoáy và đi vào nơi yên tĩnh ở chính giữa. Lẽ tất nhiên, điều này tự nó cũng có thể đáng sợ, và đó là lý do thày cống hiến sự trợ giúp của thày. Khi con yêu cầu thày thì thày sẽ đặt Hiện diện của thày lên trên con, và thày được phép làm điều này trong khuôn khổ luật tự quyết nếu con yêu cầu, và lúc đó con sẽ được bao bọc bởi Hiện diện của thày, và con và thày chúng ta cùng nhau đi vào cơn bão xoáy đầy năng lượng sợ hãi đang cuộn xoáy cho tới khi chúng ta tới trung tâm điểm. À, làm sao con có thể ngưng một bão xoáy hay một cuồng phong? Thật ra thì con có thể, nếu con đủ chính xác, thả một trái bom vào giữa cơn bão xoáy, và nếu sức nổ đủ mạnh thì nó có thể dập tắt bão xoáy.

5.9. Nỗi sợ như một cái cớ

À, thày quả thực có đủ uy lực để dập tắt bất cứ bão xoáy năng lượng sợ hãi nào trong thể cảm xúc và thày sẽ làm điều này nếu con cho phép. Nhưng để hoàn thành công việc này, con cần buông bỏ nỗi sợ. Này con, điều này có vẻ dễ làm. Ai lại chẳng muốn loại bỏ nỗi sợ của mình?

Ấy, con sẽ ngạc nhiên khi con thấy là có nhiều người không muốn loại bỏ nỗi sợ của họ. Bởi vì các nỗi sợ đó quy định những điều mà họ không thể và không nên làm, điều mà họ cần né tránh, và một khi họ chấp nhận nỗi sợ đó, thì nỗi sợ cho họ một cái cớ để không làm một số chuyện. Nhiều tín đồ tôn giáo sợ không dám có ý kiến riêng của mình, không dám suy nghĩ ngoài học thuyết và giáo điều của tôn giáo của họ, và họ đã tới chỗ chấp nhận nỗi sợ là một tai họa sẽ xảy ra nếu họ có ý kiến riêng của họ. Họ có thể sẽ phải xuống địa ngục, hay mở cửa tâm để ma vương xông vào, hay mọi nỗi sợ nào khác. Không đâu, vì lúc đó họ sẽ mất đi cái cớ để không suy nghĩ, và khi đó họ sẽ phải bắt đầu suy nghĩ về những điều bất nhất, mâu thuẫn trong tôn giáo của họ, về những câu hỏi họ đặt ra mà tôn giáo của họ không có câu trả lời, và do đó họ thích giữ nỗi sợ hơn.

Do đó, nếu con là đệ tử chân sư thăng thiên cảm thấy khó kết nối với các thày, thì con nên suy ngẫm xem con có nỗi sợ nào trong thể cảm xúc chăng. Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con kết nối với một chân sư thăng thiên? Con có sẽ phải thay đổi gì chăng trong lối sống, hay trạng thái tâm của mình? Ấy, nếu vậy thì con có thể có một nỗi sợ. Ta hãy giả sử con có một thói quen nào đó mà con biết không có tính chất tâm linh, nhưng con đã xây dựng trong tâm một cái cớ vì sao con có thể tiếp tục có thói quen đó mà vẫn học giáo lý tâm linh. Con có thể sợ là nếu con quả thật kết nối với một chân sư thăng thiên thì con sẽ không thể chối bỏ nhu cầu ngưng thói quen đó. Vậy, con có thật sự muốn loại trừ nỗi sợ hay chăng?

Một lần nữa, như thày Quan Âm đã nói, các thày không muốn bắt lỗi ai. Các thày không tìm cách chỉ trích. Nhưng mục đích của khóa nhập thất này là giúp con nối kết, do đó điều tự nhiên là chúng ta cần xem xét những điều kiện đang ngăn chặn một số các con nối kết. Một điều kiện lớn là nỗi sợ, và thày có thể dễ dàng dập tắt nỗi sợ đó, nhưng con có muốn buông bỏ nó chăng? Con có muốn thấy cái ngã tiềm thức là nơi nỗi sợ tập trung chăng? Con có chịu để cho nó chết đi chăng? Đây là một số điều quan trọng mà con cần suy ngẫm trước khi con yêu cầu thày giúp, vì thày sẽ không xâm phạm quyền tự quyết của con. Có hai hàng trong bài chú của thày như sau:

Đại thiên thần Michael, thày có mặt,
Ánh sáng thiêu mọi sợ hãi nghi ngờ.

Đây là một câu chú giản dị, dễ nhớ, dễ áp dụng khi con gặp một nỗi sợ nào đó. Con không nhất thiết cần đọc câu chú ra lời, và có thể tập trung trong tâm: “Đại thiên thần Michael, thày có mặt, Ánh sáng thiêu mọi sợ hãi nghi ngờ”, và thày sẽ có mặt bên con khi con đọc câu chú. Thày sẽ ở bên con bất kể con đang ở đâu, vì thày cũng vượt quá thời gian và không gian. Con không thể đi đến một nơi mà thày không có mặt.

5.10. Ảo tưởng là con có thể trốn Thượng đế

Con có thể đi vào một nơi trong tâm nơi con không cảm thấy Hiện diện của thày, nhưng Hiện diện của thày vẫn ở đó, cho dù con có cảm thấy nó hay không. Lẽ dĩ nhiên, đây là một điều nữa có thể giới hạn khả năng nối kết của con. Đây là mong muốn không bị Thượng đế trông thấy mà con người đã có từ rất lâu và vẫn còn đang có. Quả thật đúng là, như các thày đã giảng, sa nhân đã tạo ra các tôn giáo nói tới một Thượng đế xa xăm trên trời, nhưng tại sao các tôn giáo này lại thu hút con người? Tại sao các tôn giáo này tiếp tục thu hút con người? 

Đó chính là vì các tôn giáo đó mô tả một khoảng cách giữa con người và Thượng đế. Con ở đây hiện thân trong thân vật lý. Các giác quan vật lý của con không thể thấy cõi tâm linh, do đó con phóng chiếu hình ảnh trong tâm là thiên đàng ở trên kia, xa tít và tách biệt với cõi vật lý một cách căn bản. Do đó con có thể có ảo tưởng là những gì con che giấu người khác cũng khuất mắt Thượng đế, và từ đó lại có thêm ảo tưởng là con có thể làm một số chuyện mà không chịu hậu quả vì Thượng đế không trông thấy.

Đây là một trong những ảo tưởng vĩ đại nhất trên trái đất và nó dựa trên việc con người mất sự nối kết với cái ta cao của họ, vì nếu con có chút nối kết với cái ta cao thì con sẽ biết con là phần nối dài của cái ta cao đó, do đó làm sao con có thể tách biệt khỏi nó được? Cũng giống như ý nghĩ ngọn sóng có thể tách biệt khỏi đại đương. Lẽ dĩ nhiên, điều này không thể xảy ra, vì nếu một vũng nước tách biệt khỏi đại dương thì nó không thể nào có sóng. Chính sự chuyển động của đại dương tạo ra sóng, và nếu một vũng nước tách biệt khỏi đại dương, thì sức mạnh nào tạo ra được ngọn sóng?

Do đó, khi con nhận ra là tâm không thể nào tách biệt khỏi Hiện diện TA LÀ, thì con cũng có thể dễ dàng nhận ra là bát cung vật lý không tách biệt khỏi cõi tâm linh. Lẽ tất nhiên, các độ rung có khác nhau, và các thày đã trao cho các con hiểu biết sâu sắc là có quang phổ rung động vật lý, và ở trên đó có quang phổ cảm xúc, trên đó là quang phổ lý trí, trên đó là quang phổ bản sắc và trên đó là quang phổ tâm linh. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng của các con đã xây dựng hình ảnh là có khoảng cách, có sự khác biệt trong độ rung giữa cõi vật lý và cõi tâm linh.

Nhưng các rung động của cõi vật lý từ đâu nảy sinh? Chúng chỉ là các ngọn sóng trong đại dương, nhưng đại dương là gì? Chính là cõi tâm linh. Nếu cõi vật lý thật sự tách biệt khỏi cõi tâm linh, thì làm sao có thế giới này? Làm sao bất cứ gì có thể thể hiện nếu quả thật có một rào cản giữa cõi vật lý và cõi tâm linh? Nhất định cần một môi giới trong đó các ngọn sóng tạo nên cõi vật lý nảy sinh, nếu không thì không thể có gì thể hiện.

5.11. Một điều kiện vật lý không thể ảnh hưởng cái ta thực của con

Do vậy, khi con chiêm nghiệm các ý tưởng này, thì con có thể chiêm nghiệm xem một điều kiện vật lý có thể thật sự ảnh hưởng con chăng? Lẽ dĩ nhiên, nó có thể ảnh hưởng xác thân vật lý của con, nhưng nó có thể ảnh hưởng con chăng, con người thực của con? Vì khi con là một người tâm linh, một đệ tử chân sư thăng thiên, thì ít nhất con đã bắt đầu nhận ra là con là một sinh thể tâm linh đang ở trong một thân thể vật lý. Con không phải là một sản phẩm của thân thể. Thày biết một tôn giáo lớn của thế gian là khoa học duy vật quả quyết không bằng chứng rằng tâm là sản phẩm của bộ óc vật lý, nhưng chắc hẳn con là người tâm linh thì đã nhìn thấu lời gian dối này.

Câu hỏi thực là: có bất cứ điều gì trong cõi vật lý có thể ảnh hưởng được Hiện diện TA LÀ chăng? Và các thày đã nhiều lần nói với các con là không có. Các thày cũng đã giảng là cốt lõi con người con là cái Ta Biết, cũng là nhận biết thuần khiết và do đó không thể bị bất cứ gì trong cõi vật lý ảnh hưởng. Cái Ta Biết có phải sợ bất cứ điều kiện nào trong cõi vật lý chăng? Không đâu, chỉ các ngã tách biệt mới có thể sợ các điều kiện đó, vì chúng không thể trốn chạy các điều kiện đó.

Nhưng cái Ta Biết thì có thể, bằng cách bước ra ngoài ngã tách biệt và để chúng chết đi. Và điều này quả thật khó nắm bắt hơn, nhưng điều quan trọng là con suy ngẫm điều này, vì nhiều người trong các con đã tới giai đoạn trên con đường tăng triển tâm linh khi con vẫn còn một số sợ hãi vi tế, nhưng con có thể khắc phục chúng bằng cách nhìn vào chúng, đi vào chúng với thày và nhìn chúng. Đúng, quả thật con đang hiện thân trong cõi vật lý. Đúng, có những điều kiện vật lý có thể ảnh hưởng con. Đúng, có những điều kiện vật lý ảnh hưởng nhiều người, nhưng không có điều kiện vật lý nào ảnh hưởng tất cả mọi người, ít ra là loại điều kiện mà con sợ.

5.12. Con hãy sẵn lòng nhìn vào các nỗi sợ của mình

Khác biệt ở đâu? Tại sao một số người bị một điều kiện ảnh hưởng, trong khi một số khác thì không bị? Nhiều người nói đó là do nghiệp quả, nhưng nghiệp quả là gì? Nó chính là các ngã tách biệt mà con đã mang theo từ các kiếp trước. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con nhìn vào các ngã tách biệt đó và để chúng chết đi? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con nhìn vào một ngã tách biệt đang sợ một điều kiện và để cho nó chết đi? Khi đó tại sao con lại phải trải nghiệm điều kiện đó? Trong nhiều trường hợp, con trải nghiệm một điều kiện vì con có một ngã tách biệt trói buộc con vào điều kiện đó, và con cần trải nghiệm điều kiện để nhìn vào ngã tách biệt.

Đây là môi trường sinh hoạt của đa số con người trong thế gian, là Trường đời Cay đắng. Nhưng nếu con sẵn lòng nhìn vào ngã tách biệt, thì tại sao con lại cần trải nghiệm điều kiện? Tại sao con cần sợ nó, khi con biết có cách để tránh nó? Nhưng con thấy chăng, chính một ngã tách biệt đang sợ điều kiện, và nếu con là cái Ta Biết không sẵn sàng nhìn vào ngã tách biệt, thì con không thể để ngã chết đi, và do đó vẫn còn một vũng xoáy đang trì kéo thể cảm xúc của con, có thể nói nó trì kéo toàn thể cõi vật chất và thu hút về con những gì con sợ.

Con nghĩ rằng khi con phớt lờ nỗi sợ thì con xua đẩy điều kiện đi, nhưng sự thực là nỗi sợ của con thu hút điều kiện để rốt cuộc con được giải thoát khỏi nỗi sợ. Với một đệ tử tâm linh thì cách giải quyết là nhìn vào nỗi sợ. Như thày có giảng, ta có thể nói là có hai loại sợ. Có nỗi sợ một hoàn cảnh nào đó trong thế gian, một tai ương có thể gây tổn thương cho con, và có nỗi sợ gặp gỡ các chân sư thăng thiên vì như vậy các ngã tách biệt, tự ngã của con sẽ bị phơi bày và con sẽ phải thay đổi. Thày sẵn lòng giúp con khắc phục cả hai loại sợ, nhưng con cần yêu cầu, và con cần sẵn lòng xem xét cuộc đời của mình sẽ ra sao nếu con không còn nỗi sợ, và quyết định: “Cuộc đời của tôi sẽ khá hơn nếu tôi không còn nỗi sợ. Do đó tôi sẵn lòng yêu cầu Đại thiên thần Michael giúp tôi thấy nó, và yêu cầu Đại thiên thần Michael thực sự tung ra một bom nổ ánh sáng vào vũng xoáy trong thể cảm xúc của tôi để dập tắt nó và không cho nó cuộn xoáy nữa.”

Sau đó, lẽ dĩ nhiên, con cần sẵn lòng làm công việc dọn dẹp, dùng ngọn lửa tím và các bài chú bài thỉnh khác để chuyển hóa năng lượng, vì dập tan cơn bão xoáy không tiêu trừ tất cả năng lượng, nó chỉ ngưng năng lượng cuộn xoáy và do đó con dễ chuyển hóa nó hơn. Nhưng con cần làm công việc dọn dẹp để được giải thoát, nếu không thì một cuồng phong khác có thể sẽ hình thành và rốt cuộc trở thành một bão xoáy. Đây là một công việc khả thi cho tất cả các con.

Một số các con có thể nghĩ: “Tôi đã đi quá giai đoạn này rồi, tôi không cần làm công việc này nữa.” Nhưng nếu con cảm thấy mình không còn sợ gì cả, thì con hẳn không có vấn đề yêu cầu thày đi vào thể cảm xúc của con và chỉ cho con thấy có điều gì con cần thấy chăng. Con hãy xem xét phản ứng của con khi thày nói như vậy. Con có cảm thấy: “Tôi đã vượt quá điều này rồi; tôi không sợ gì cả.” À, nếu vậy, con sẽ không sợ nhìn. Con sẽ không sợ thày đi vào thể cảm xúc của con và chỉ cho con thấy có điều gì chăng. Nếu không có gì cả, thì có gì để sợ nhìn đâu? Nếu con cảm thấy có e dè không muốn nhìn, thì chỉ có một lý do là có điều gì mà con chưa thấy một cách ý thức, vì nếu không tại sao lại có sự đề kháng?

Con có thể xem xét chính mình và thấy có điều gì trong thể cảm xúc mà con e ngại không muốn thấy. Một lần nữa, thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Thày không muốn ép buộc con bằng bất cứ cách nào. Thày chỉ giản dị chỉ cho con thấy là nếu mục đích của con là thiết lập một nối kết mạnh hơn với các chân sư thăng thiên, thì sợ hãi là một chướng ngại mà con giản dị phải khắc phục, và đây là một việc mà con có thể làm được với sự giúp đỡ mà thày cống hiến.

5.13. Quyết định buông bỏ nỗi sợ

Tới đây thì thày đã trao cho các con những gì mà thày muốn trao truyền, trừ một điều. Sợ hãi là một cảm xúc. Tối hậu, cái gì khởi sự lốc xoáy sợ hãi là một quyết định, một ý muốn. Khi đã xem xét kỹ thì cách duy nhất để khắc phục sợ hãi là lấy một quyết định khác, quyết định buông bỏ nó. Buông bỏ nỗi sợ bất kể điều kiện mà con sợ có còn đó hay không. Đây là một hành động của ý chí. “Tôi muốn được giải thoát khỏi sợ hãi.” Và điều này thày không thể làm thay con, bởi vì luật tự quyết đòi hỏi là con cung cấp ý chí, và thày có thể cung cấp uy lực. Nhưng nếu không có ý chí, thì uy lực không thể được phát ra.

Tới đây thì thày cảm ơn các con đã chú tâm, đã hiện diện rất đông đảo, cùng tới đây tập trung ý chí muốn có mặt, ý chí muốn hơn nữa. Chắc chắn là các con đã bắt đầu tạo ra một vòng xoáy năng lượng hướng thượng, xây dựng một động lượng sẽ tiếp tục được bồi đắp trong những ngày các con ở đây. Các thày khen ngợi các con đã làm như vậy và các thày hy vọng là các con đều cảm thấy là nỗ lực tới đây, nỗ lực xây dựng vòng xoáy hướng thượng, sẽ tự nó là phần thưởng. Do vậy, các con hãy được niêm trong Ý chí và Uy lực của thày.

Không ngã nào có thể đem con vào trạng thái thăng thiên

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 10/4/2023, nhân Webinar Phuc sinh 2023 – Đem đạo Cơ đốc và chính con xuống khỏi thập tự giá.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Phật có liên quan gì đến thập tự giá và việc đem một ai đó xuống khỏi thập tự giá? À, con không thật tin rằng trước khi Giê-su xuất hiện trên trái đất thì con người đã bị đóng đinh trong tâm họ rồi sao? Các biểu tượng mà các thày đã giải thích trong hội nghị này về ý nghĩa sâu xa hơn của thập tự giá tất nhiên cũng áp dụng cho Giê-su. Các biểu tượng này đã áp dụng kể từ khi con người trên địa cầu bước vào nhị nguyên.

Gautama bước xuống từ thập tự giá

Khi thuở đó ta chuẩn bị sứ vụ của ta trong tư cách là Phật, sứ vụ giáo huấn của ta, nhiều lần ta đã phải gỡ mình xuống khỏi thập tự giá. Ta đã lớn lên trong một môi trường vô cùng bảo bọc nơi cung điện. Ta đã sống trong một số điều kiện vỏ ngoài thật đặc thù, không bao giờ gặp người nào bệnh tật, và ta được hưởng mọi giàu sang cùng thú vui vật chất mà ta có thể mong muốn. Ta đã bị đóng đinh bởi lối sống rất trần tục, thoải mái, sung sướng đó. Ta đã phải gỡ mình xuống khỏi thập tự giá mấy lần trước khi ta thực sự sẵn sàng rời bỏ cung điện này, đi vào rừng để sống như một người khổ hạnh, thiền định, nhịn đói cho đến gần chết. Và khi ta ngồi đó thiền định, tất nhiên là ta xem xét tâm mình và khắc phục được một số ảo tưởng, có nghĩa là một lần nữa ta lại đem mình xuống khỏi một thập tự giá khác, vì như ta đã giải thích, con có thể nói là với mỗi tầng tâm thức trong số 144 tầng, có một ảo tưởng khiến con bị trói chặt vào thập tự giá.

Ta đã đạt tới mức có thể gỡ mình xuống khỏi một thập tự giá vĩ đại, một ảo tưởng vĩ đại, khi ta ngộ ra là lối sống khổ hạnh thật quá cực đoan và vì thế không phải là con đường tối thượng. Đó là khi ta chứng được Trung đạo, nhưng ngay cả khi đó, ta vẫn phải kinh qua một quá trình đã không được thực sự ghi lại trong kinh sách Phật giáo là ta phải hội đủ tư cách để có thể bắt đầu sứ vụ hoằng pháp, và một lần nữa ta lại gỡ mình xuống khỏi một loạt thập tự giá nữa. Nhưng rồi khi ta bắt đầu sứ vụ giảng dạy thì các Phật tử, đại đa số Phật tử, cứ muốn nghĩ là khi đó chắc chắn ta đã là một sinh thể toàn hảo. Nhiều Phật tử muốn nghĩ rằng ta còn toàn hảo ngay từ đầu cơ, nghĩa là ta đã không phải đi qua nguyên một tiến trình. Nhưng điều họ nghĩ thật không có căn cứ nếu họ nhìn kỹ câu chuyện cuộc đời của ta.

Ngay cả sau khi khởi sự giảng dạy, ta vẫn còn những ảo tưởng phải khắc phục, vì lý do giản dị là nếu ta đã vượt qua mọi ảo tưởng thì ta đã không thể cầm giữ một thân thể vật lý. Ta vẫn phải nhìn ra nhiều điều trong bản thân mình, vẫn phải khắc phục những cái ngã tách biệt, vẫn phải gỡ mình xuống khỏi những thập tự giá đó. Điều ta muốn nói giản dị ở đây là ta đã đi qua tiến trình bước xuống khỏi thập tự giá, và vì thế ta đủ tư cách để nói chuyện về đề tài này.

Đồng sáng tạo trong một trạng thái hợp nhất

Các thày có thể trình bày một cách nhìn nào khác về thập tự giá hay không? À như các thày khác có nói, có bốn tầng vật chất, bốn cánh hay bốn đầu trên thập tự giá, bốn điểm của thập tự giá, và vì vậy con bị đóng đinh trong vật chất. Nhưng vật chất là gì? Có thể nói vật chất là hình tướng. Con sống trong một thế giới hình tướng. Con sống trong một thế giới hình tướng không do cá nhân con tạo ra.

Các thày đã giải thích là khi con đi xuống hiện thân lần đầu tiên ở một cõi chưa thăng thiên, con là một người đồng sáng tạo. Con tự xem mình là một sinh thể nối kết, và con thấy mình đang ở trong một môi trường đã được tạo dựng bởi những sinh thể ở một tầng tâm thức cao hơn con. Con đang sử dụng sự nối kết của con để đồng sáng tạo và con cũng biết là con không đang sáng tạo qua uy lực của riêng minh. Cho nên trong hoàn cảnh này khi con chưa bước vào nhị nguyên, con không bị đóng đinh vào vật chất vì con biết con là nhiều hơn hình tướng. Thậm chí con là nhiều hơn cái ngã mà con đã khoác vào trong bầu cõi chưa thăng thiên này.

Ngay khi con đầu thai lần đầu, con đã có bốn thể phàm. Con có một bản sắc thể, một trí thể, một cảm thể và một cơ thể vật lý, và để bắt đầu đồng sáng tạo, con tạo ra một số cấu trúc trong những thể cảm xúc, lý trí và bản sắc đó. Điều này xảy ra khi từ mức Hiện diện TA LÀ của con, con bước xuống qua tầng 144, tầng 143, rồi xuống mãi đến tầng 48 trong bầu cõi của con. Theo một cách nào đó, con khoác vào tất cả những ảo tưởng này, nhưng vì con vẫn xem mình là một sinh thể nối kết cho nên con không bị đóng đinh trong tâm con, và nhờ thế khi con tạo ra một tình huống vật lý nào đó, con không đồng hóa với tạo vật của mình. Cho nên con không bị đồng hóa với tạo vật vật chất mà con đã tạo dựng và con không xem mình đồng nhất với xác thân vật lý của con.

Ảo tưởng vật chất là quan trọng

Chỉ khi con xuống dưới tầng 48 đó và bước vào cõi tách biệt thì con mới bị đóng đinh. Nhưng ta chẳng vừa nói là với mỗi tầng tâm thức, kể cả ở trên tầng 48, đều có một ảo tưởng mà con phải khắc phục và do đó, theo một nghĩa nào đó, con bị đóng đinh vào ảo tưởng này hay sao? Bây giờ có phải ta đang nói ngược lại? Không, vì ta không nói về cùng một hoàn cảnh. Khi con giáng thế lần đầu, con không đi xuống một hành tinh có nhị nguyên. Ngay cả các cư dân nguyên thủy của trái đất cũng đã đầu thai lần đầu khi chưa một ai trên trái đất đã bước vào nhị nguyên. Nhưng khi con đầu thai trên một hành tinh như trái đất nơi tâm thức bị thấm đẫm nhị nguyên, thì con mới có thể nói là con bị đóng đinh vào từng ảo tưởng, và chỉ khi nào con lên đến tầng 144 thì thực sự mới nói được là con đã khắc phục trọn vẹn cái cảm nhận rằng vật chất là quan trọng.

Con không chỉ bị vướng kẹt, hay bị đóng đinh, hay bị ám ảnh về mặt thể xác, cảm xúc hay lý trí, mà con mang cảm nhận các điều kiện vật chất là quan trọng. Không nhất thiết là con đồng hóa với chúng, vì khi con bắt đầu lên cao hơn tầng 96 thì con ngừng không đồng hóa với vật chất nữa nhưng con vẫn nghĩ là trên địa cầu có gì đó quan trọng, có gì đó mà con muốn thấy thay đổi, và trên một hành tinh dày đặc như trái đất thì con duy trì cảm nhận này cho tới chót. Như con thấy thày Giê-su treo thân trên cây thập tự mà vẫn còn chút mong muốn làm gì đó trên trái đất, mong muốn tiếp tục sứ vụ của mình, cho nên thày mới muốn Thượng đế đến cứu thày khỏi thập tự giá để thày có thể tiếp tục sứ vụ của mình. Thày vẫn còn cái cảm nhận là vật chất quan trọng, có gì đó quan trọng trong vật chất.

Mặc dù điều này không được ghi lại trong kinh sách, con cũng có thể nhìn vào sứ vụ giáo huấn của ta. Ta không còn đồng hóa với cơ thể, không còn đồng hóa với vật chất, nhưng ta vẫn còn cảm nhận là trong vật chất có điều gì quan trọng, và đó chính là tại sao ta đã ở lại địa cầu và đã giảng dạy. Ta cảm thấy ta có thể đem lại một cái gì khác biệt. Ta không bảo chuyện này là sai, mà ta chỉ muốn giải thích cho con hiểu là trên một hành tinh dày đặc như trái đất, chỉ khi nào con thăng thiên thì con mới thật sự khắc phục ảo tưởng cuối cùng khiến các điều kiện của thế giới vật chất có vẻ quan trọng.

Sự (không) sẵn lòng buông bỏ hình tướng con đã tạo dựng

Này con, khi con nhìn bức tranh tổng thể và nhìn xa hơn trái đất, con có thể nói là Đấng sáng tạo thế giới hình tướng của con đã tạo ra bầu cõi đầu tiên từ chính bản thể ngài, tạo ra các sinh thể tự nhận biết từ chính bản thể ngài, rồi gửi họ vào bầu cõi để hoạt động trong tư cách làm người đồng sáng tạo với mục đích họ sẽ dần dần tăng triển tâm thức. Bầu cõi thứ nhất thăng thiên, bầu cõi thứ nhì được tạo dựng, nó cũng thăng thiên. Rồi bầu cõi thứ ba rồi thứ tư, và mỗi bầu cõi sau dày đặc hơn bầu cõi trước một chút, cho tới một điểm ở bầu cõi thứ tư khi một số sinh thể từ chối không thăng thiên với bầu cõi của họ, cho nên họ bị rơi xuống, họ sa xuống bầu cõi thứ năm, vân vân. Điều có thể nói về ba bầu cõi đầu là những người đồng sáng tạo nâng bầu cõi họ thăng thiên đã không bao giờ trở nên đồng hóa với hình tướng, có nghĩa là gì? Có nghĩa là, chẳng hạn, cho dù nền văn hóa mà họ tạo dựng trên một hành tinh có tinh xảo tuyệt diệu đến chừng nào thì họ vẫn không bao giờ đồng hóa với hình tướng họ đã tạo dựng.

Chúng ta không chỉ đang nói tới chuyện đồng hóa với thân xác vật lý mà thôi, chúng ta nói đến những sinh thể đã sống trong bầu cõi này suốt một thời gian dài đằng đẵng, đã làm người đồng sáng tạo từ thuở họ mới khởi lên một ý niệm bản ngã vô cùng giới hạn và khả năng đồng sáng tạo cũng vô cùng giới hạn, nhưng lần hồi sau một thời gian rất dài họ đã khuếch trương khả năng đồng sáng tạo này đến mức họ có thể tạo dựng những hình tướng, những hành tinh, những nền văn hóa trên hành tinh vô cùng tinh xảo. Nhưng mặc dù các hình tướng này cực kỳ tinh xảo công phu, họ đã không bao giờ đồng hoá với chúng. Không bao giờ họ bị lạc lối trong hình tướng mà họ tạo ra.

Nhưng bây giờ đến bầu cõi thứ tư, cũng có một số sinh thể đã bỏ ra một thời gian rất dài để khuếch trương khả năng đồng sáng tạo của mình, nhưng khi đến lúc bầu cõi thăng thiên thì họ không sẵn lòng bỏ lại tạo vật của họ. Trong khi các sinh thể từng thăng thiên trong các bầu cõi trước đã đạt tới điểm sẵn lòng buông bỏ những hình tướng tinh xảo mà họ đã tạo ra, thì các sinh thể này ở bầu cõi thứ tư không sẵn sàng bỏ lại. Họ chiêm ngưỡng tạo vật của họ, họ mê say tạo vật của họ, và trong cái tâm đã tạo nên tất cả tạo vật tinh xảo đó, họ không sẵn lòng bỏ nó lại. Nói cách khác, họ đã trở nên đồng hóa với hình tướng họ tạo dựng.

Tất nhiên giáo lý mà các thày đã trao cho con về cái Ta Biết nói rằng cái Ta Biết không bao giờ có thể trở thành hình tướng do nó tạo ra. Nó có thể sáng tạo những hình tướng rất công phu khi nó khuếch trương khả năng đồng sáng tạo, nhưng nó không thể trở thành hình tướng. Tại sao vậy? Con đồng sáng tạo như thế nào chứ? Con đồng sáng tạo bằng cách tạo ra một cái ngã trong cõi bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý, và con đồng sáng tạo xuyên qua ngã này. Ở đây chúng ta không nói về một cái ngã tách biệt. Tuy con tự xem mình là một sinh thể kết nối nhưng con vẫn tạo ra một cái ngã, và điều tài tình ở đây là cái Ta Biết không thay đổi trong nguyên tiến trình nó đi qua. Nó không thay đổi! Chỉ có cái ngã là ngày càng trở nên tinh xảo hơn mà thôi.

Khi bầu cõi của con sẵn sàng thăng thiên, con phải buông bỏ ngã này. Con phải buông bỏ hồn ma. Và đây chính là điều các sinh thể sa ngã không muốn làm vì họ quá mê say với nó, họ quá đồng hóa với ngã do họ tạo ra, họ quá đồng hóa với hình tướng đến nỗi – theo cách diễn tả của Ki-tô hoàn vũ – họ không chịu để mất đời sống của họ vì ta. Họ không chịu đánh mất đời sống của họ để đi theo Ki-tô và bước vào một trạng thái cao hơn của sự sống là sự sống vĩnh hằng. Họ đã được phép kinh qua trải nghiệm mà họ muốn, nhưng hiển nhiên, họ không thể duy trì tạo vật của họ ở bầu cõi thứ tư, cho nên họ đã – cùng với ngã tách biệt mà họ đã tạo dựng – rơi xuống bầu cõi thứ năm. Và ở đây, họ đã có thể sử dụng cái ngã tinh xảo này để khởi sự tạo ra gì đó trong bầu cõi thứ năm, và tất nhiên tạo vật này tiến bộ hơn tất cả mọi thứ các dân cư mới trong bầu cõi này có thể đồng sáng tạo.

Tâm thức sa ngã ảnh hưởng giáo lý tâm linh như thế nào

Những điều trên liên quan thế nào với con là người đang hiện thân trong bầu cõi thứ bảy trên một hành tinh dày đặc chưa thăng thiên có tên là trái đất? À, đó là thế này: toàn bộ mục đích của thế giới hình tướng chỉ đơn giản là cung cấp một môi trường cho các sinh thể tự nhận biết đồng sáng tạo để họ có thể mở rộng khả năng đồng sáng tạo, mở rộng tâm thức của họ. Nhưng trong một bầu cõi chưa thăng thiên, sự mở rộng tâm thức này không xảy ra trong bốn thể phàm, nó cũng không xảy ra ở mức cái Ta Biết, mà nó xảy ra ở mức Hiện diện TA LÀ và căn thể. Và điều này nhằm mục đích là ngay cả nếu con chọn sa ngã, nếu con chọn bị lạc lối trong tạo vật của con, thì Hiện diện TA LÀ vẫn không thể bị đánh mất, và do đó các trải nghiệm của con như một người đồng sáng tạo không bao giờ bị đánh mất.

Có nghĩa là gì? Có nghĩa là như một đệ tử bước chân trên con đường tâm linh, con đường quả vị Ki-tô, con đường quả vị Phật, con đường dẫn đến thăng thiên, con cần nhận ra là mọi khía cạnh của cuộc sống trên địa cầu đã bị tâm thức sa ngã chi phối, kể cả mọi khía cạnh của tôn giáo lẫn tâm linh. Bất kể lời cả quyết của bất kỳ tôn giáo nào, bất kỳ triết lý tâm linh hay tổ chức tâm linh nào, thì mọi giáo lý tâm linh đều đã bị ảnh hưởng bởi tâm thức sa ngã, theo nghĩa là nếu giáo lý không thích nghi với tâm thức sa ngã một cách nào đó, thì quần chúng sẽ không thể nắm bắt được giáo lý, bởi vì tâm thức sa ngã đã tràn lan quá đỗi, đã trở nên quá thuyết phục khắp địa cầu.

Ngay cả giáo lý của các chân sư thăng thiên cũng phải thích nghi với tâm thức sa ngã, vì nếu không, không ai sẽ có thể nắm bắt được. Đấy là vì sao các thày mới nói đến phương pháp bán hàng của các nhân viên bán xe cũ gọi là “dụ mua hàng hấp dẫn để hướng sang hàng cao cấp”, và các con cần dùng giáo lý này để bước lên một tầng cao hơn nơi con có thể nhận được những giáo lý không bị tâm thức sa ngã ảnh hưởng.

Một cách mà các tôn giáo, chẳng hạn, bị tâm thức sa ngã chi phối là quan niệm cho rằng con có một linh hồn do Thượng đế tạo ra có khả năng bước vào vương quốc thiên đàng. Nhưng như các thày đã giải thích, hồn chỉ vỏn vẹn là những cái ngã hay ngã tách biệt trong bốn thể phàm của con – và cuối cùng cũng gồm cả tự ngã – và tất cả những thứ này sẽ không bao giờ vào được thiên đàng. Hồn không thể hội đủ tư cách để thăng thiên. Chỉ có “người đã đi xuống từ thiên đàng mới có thể lên trở lại thiên đàng” – tức là cái Ta Biết. Đây là một lời dạy có thể làm xốn xang tuyệt đại đa số mọi người trên địa cầu nếu họ có thể thực sự nắm bắt được. Đây là một lời dạy gây xao động và nó đã bị một số đệ tử của các đợt truyền pháp trước bác bỏ. Nhưng lời dạy kia, ý tưởng kia, đến từ đâu? Đâu là gốc gác của ý tưởng cho rằng có một cái gì rõ ràng nằm trong cõi này, nằm trong một cơ thể vật lý nhưng là nhiều hơn một cơ thể vật lý, và cái đó có thể được hoàn thiện một cách nào đó, hay trở nên tinh xảo đến độ nó có thể đi lên thiên đàng hay bước vào cõi tâm linh? Ý tưởng đó đến từ đâu?

Hoàn thiện ngã hay buông bỏ ngã

À, nó đến từ sa nhân bởi vì giấc mơ của sa nhân, ít ra của một số sa nhân từ khi họ sa ngã, là họ có thể cứ tiếp tục xây đắp cái ngã mà họ đã tạo ra nơi bầu cõi khi họ sa ngã, và họ có thể cứ tiếp tục tô điểm cho nó ngày càng tinh xảo hơn cho đến một ngày kia Thượng đế sẽ phải cho nó vào thiên đàng – hay đúng hơn, các chân sư thăng thiên sẽ phải cho nó vào thiên đàng. Đây là giấc mơ cơ bản của ít nhất một số sinh thể sa ngã.

Một số sa nhân khác bị mắc kẹt trong giấc mơ muốn chứng minh là Thượng đế sai lầm, và một trong những cách này là chứng mình Thượng đế đã sai lầm khi ban quyền tự quyết cho mọi người. Nhưng nhiều sa nhân bị kẹt trong giấc mơ là họ có thể tạo ra một cái ngã tinh xảo đến mức nó sẽ nhận được sự sống vĩnh hằng. Nói cách khác, sa nhân sẽ có thể duy trì ngã đó thay vì bị rơi xuống các bầu cõi dày đặc hơn để cuối cùng phải đối mặt với cái chết thứ nhì, nghĩa là họ có thể tránh cái chết thứ nhì bằng cách trở nên tinh xảo đến độ ngã cũng hội đủ điều kiện thăng thiên. Và đây chính là điểm ẩn núp đằng sau tuyệt đại đa số các giáo lý tôn giáo lẫn tâm linh trên hành tinh, và cũng là một điểm rất khó giải thích cho mọi người khi chúng ta còn trong Thời đại Song ngư.

Đối với các đợt truyền pháp của chân sư thăng thiên khởi sự trong Thời đại Song ngư, thật khó giải thích điều đó cho mọi người. Đã có những sự gợi ý nhưng có rất ít người đã nắm được. Một số ít đã nắm được, và một số sẽ hiểu được. Nhưng trong Thời đại Bảo bình, có khả năng rất nhiều người hơn sẽ đạt tới mức nhận thức được. Những người này sẽ tới mức nhận ra là để thăng thiên, con cần phải để cho hồn ma cuối cùng chết đi. Con cần từ bỏ hồn ma cuối, cái yếu tố chót cùng này của ngã tách biệt vì nó sẽ không bao giờ hội đủ tư cách. Nó sẽ không bao giở đủ tư cách để được cứu rỗi, để bước vào thiên đàng, hay niết bàn hay thăng thiên. Cho dù con có gọi cái vượt khỏi bốn tầng vật chất đó là gì, thì cái ngã được tạo ra trong thế giới hình tướng không thể đủ tư cách. Nó không thể bước vào. Đây là chứng ngộ cơ yếu trước khi con hội đủ tư cách thăng thiên.

Điều này không có nghĩa là trước thời hiện đại chưa từng có ai thăng thiên. Tất nhiên là đã có Giê-su, có chính ta, có Mẹ Mary và nhiều người khác nữa. Họ đến từ nhiều truyền thống tôn giáo hay tâm linh, nhiều truyền thống thần bí khác nhau, và họ đã hội đủ tư cách thăng thiên. Nhưng tất cả đều đã làm được vậy bằng cách đạt đến nhận thức rằng đây không phải là chuyện hoàn thiện cái ngã của mình, mà là buông nó ra, thăng vượt nó, để cho nó chết, cho dù cách nhìn hay cách diễn tả của họ là gì. Tất cả đều đã đạt đến chứng ngộ này và điều này cũng đã được truyền dạy qua những lời dạy tôn giáo và tâm linh khác nhau. Con có thể tìm thấy một số dấu vết còn sót lại của lời dạy này. Ngay cả trong tôn giáo hay giáo lý đạo Phật, con cũng có thể tìm thấy nếu con cố tìm. Con có thể tìm thấy một số lời dạy về Biển Luân hồi là cùng một thứ với Niết bàn, và con tới mức ngộ ra là cả hai không có gì khác biệt. Có những lời dạy khác nữa mà rất it người đã nắm bắt được nhưng một số thì đã hiểu.    

Việc các thày đang làm hiện nay trong đợt truyền pháp này là giải thích rõ ràng hơn trước kia, để giúp mọi người dễ dàng nắm bắt hơn rồi khởi sự áp dụng. Hiển nhiên như con có thể nói, đây là sự thách đố cùng cực đối với sa nhân, cơn ác mộng tột độ đối với sa nhân, vì nó thách đố trực tiếp giấc mơ của họ về sự bất tử của ngã tách biệt, sự thường hằng của hình tướng, giấc mơ cho rằng một cái gì được tạo ra trong thế giới hình tướng có khả năng đạt đến thường hằng mà không đi qua tiến trình thăng thiên.

Mục đích của bầu cõi chưa thăng thiên

Và con cũng có thể hỏi giống như một số người đã tự hỏi suốt các thời đại: Tại sao mọi chuyện lại như vậy? Chúng ta có bầu cõi chưa thăng thiên để làm gì? Có hàng tỷ và hàng tỳ và hàng tỷ con người đồng sáng tạo, tất cả đều đang sáng tạo – hoặc một mình, hoặc cùng nhau khi họ nâng cao tâm thức – họ tạo ra những nền văn mình công phu tinh xảo đó trên những hành tinh tuyệt đẹp đó. Rồi sau biết bao thời gian dài đằng đẵng, tất cả những thứ đó họ sẽ phải buông bỏ, họ sẽ phải bỏ lại để chính họ có thể thăng thiên và toàn bầu cõi của họ cũng thăng thiên. Và trong tiến trình thăng thiên này, tất cả những thứ mà họ đã tạo ra sẽ tiêu tan, sẽ bị cuốn mất, sẽ bị xóa bỏ, cho dù con có muốn mô tả như thế nào. Đây là một tiến trình tịch diệt.

Tại sao lại như vậy? Tại sao không có chuyện là trên một số hành tinh, họ có thể tạo ra một cái gì tinh xảo đến độ nó có thể thăng thiên khi bầu cõi thăng thiên? À, các thày đã cho con lời giải thích rồi đó: Quyền tự quyết là cách mọi người tăng triển, mọi sinh thể tăng triển, và quyền tự quyết phải được phép trải bày ra, cho nên luôn luôn có khả năng là có người sẽ từ chối thăng vượt một điều gì đó, muốn bám giữ cái đó, và để tránh cho cái đó trở thành thường hằng thì bầu cõi phải thăng thiên. Nhưng con vẫn có thể nói: “Vâng, chúng con hiểu được là có những hành tinh có người không chịu buông bỏ và vì vậy sẽ sa ngã, thì các hành tinh này có thể bị phân hủy. Nhưng tại sao mọi hành tinh phải bị phân hủy?”

À, bởi vì để thực sự thăng thiên, con phải chứng tỏ sự không dính mắc vào hình tướng, không dính mắc vào cái ngã mà xuyên qua đó con đã tạo ra hình tướng. Và con chỉ làm được vậy bằng cách buông bỏ nó và tin tưởng rằng những trải nghiệm được thu hoạch trong nguyên hành trình của con qua bầu cõi chưa thăng thiên được bảo tồn trong Hiện diện TA LÀ và căn thể của con, và như vậy chúng không bị mất.

Có nghĩa là gì? Có nghĩa là sau khi một bầu cõi thăng thiên, tất cả mọi trải nghiệm được thu thập trong căn thể của tất cả mọi sinh thể thăng thiên vẫn còn đó. Và sau khi bầu cõi thăng thiên, năng lượng được thanh lọc, có nghĩa là nó không còn dày đặc như ở bầu cõi chưa thăng thiên, và giờ đây việc sáng tạo trong bầu cõi thăng thiên sẽ dễ dàng hơn hẳn. Điều này có nghĩa là tất cả các Hiện diện TA Là đã trở thành chân sư thăng thiên giờ đây có sự chọn lựa. Họ sẽ sáng tạo những gì trong bầu cõi thăng thiên? Họ sẽ đồng sáng tạo những gì trong bầu cõi thăng thiên? Giờ đây họ hoàn toàn tự do quyết định những gì họ sẽ sáng tạo và như thế nào.

Nhưng con thấy không, trước điểm thăng thiên thì con mang cái ngã mà xuyên qua đó con đã sáng tạo một vật gì và nghĩ nó tốt đẹp, tinh xảo. Nhưng con vẫn mang ngã đó. Có nghĩa gì? Có nghĩa là mặc dù con đang khiến cho tạo vật ngày càng tinh xảo hơn, con vẫn làm vậy xuyên qua ngã, qua các thông số của ngã đó. Tạo vật do con đang đồng sáng tạo tùy thuộc và được quy định bởi tạo vật con đã đồng sáng tạo trước đó. Nhưng giờ đây khi con đã thăng thiên và bỏ lại ngã đó, con hoàn toàn tự do đồng sáng tạo bất cứ gì trong bầu cõi thăng thiên. Con có thể rất nhanh chóng tạo lại một cái gì tương tự như cái con đã tạo ra trong bầu cõi chưa thăng thiên nếu đây là điều con quyết định làm. Nhưng trên thực tế, tuyệt đại đa số các sinh thể thăng thiên sẽ muốn sáng tạo một cái gì khác hơn vì giờ đây họ có viễn quan rộng lớn hơn trước rất nhiều.

Tiến trình mở rộng ý niệm bản ngã

Con thấy đó, tất cả đều là một phần của nguyên tiến trình mở rộng ý niệm bản ngã khi một người đồng sáng tạo bắt đầu với một ý niệm bản ngã vô cùng giới hạn rồi lần hồi khuếch trương cho đến khi cuối cùng nó đạt được mức tâm thức trọn vẹn của Đấng Sáng tạo. Nhưng làm thế nào con khuếch trương ý niệm bản ngã? À, qua một tiến trình lần hồi mở rộng ngã, xong con trải qua một số xoay chuyển cách mạng trong ý niệm bản ngã – và một xoay chuyển cách mạng như vậy là khi bầu cõi nơi con đã khởi sự đồng sáng tạo thăng thiên.

Con cũng có những xoay chuyển khác. Lấy ví dụ con thăng thiên trong bầu cõi hiện thời. Trước tiên, con có thể mở rộng ý niệm bản ngã của con trong bầu cõi thứ bảy cho dù bầu cõi này chưa thăng thiên. Nhưng một khi con đã làm vậy – con đã mở rộng đến mức tối đa của con – thì con có thể thăng thiên lên bầu cõi thứ sáu. Rồi ở đó con lại mở rộng thêm nữa và con cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con đạt đến tâm thức của Đấng Sáng tạo. Mỗi bước thăng thiên lên bầu cõi kế tiếp như vậy là một cuộc xoay chuyển cách mạng, và cho dù con đã bước vào các bầu cõi thăng thiên, con vẫn phải từ bỏ ý niệm bản ngã mà con đã mang trong bầu cõi trước.

Đạo Phật là một triết lý thực tiễn

Như con thấy, đây là một tiến trình rất phức tạp. Và tại sao nó lại phức tạp đến vậy? Bởi vì tâm thức của Đấng Sáng tạo vượt khỏi một cách gần như vô hạn những gì con có thể nắm bắt trên địa cầu. Vậy tại sao ta lại đề cập đến chuyện này làm gì? À, con sẽ thấy là 2500 năm trước đây, ta đã có một cách tiếp cận khác hẳn cách tiếp cận mà các thày, các chân sư thăng thiên, đang có ngày nay. Vào thời đó hiển nhiên có nhiều tôn giáo, kể cả đạo Ấn, nói về thế giới thượng thiên cùng các cõi thánh thần và điều này điều nọ. Các giáo lý này đi ngược trở về kinh cổ Veda được ban truyền 10 ngàn năm về trước vào thời tâm thức loài người thấp hơn bây giờ – mặc dù ngày nay vẫn còn những người theo đạo Ấn nghĩ đó là giáo lý cao nhất có thể được ban ra trên địa cầu.

Vậy tình thế như thế nào vào thời ta hiện thân là Phật? Con có những người Bà-la-môn của Ấn giáo, họ hoàn toàn giống như lời mô tả mà Giê-su vừa đưa ra hồi nãy về các thày thông giáo và người Pha-ri-si của Do Thái giáo. Họ đã lấy những lời mà họ xem là chuẩn mực đích thực của kinh Veda, rồi họ đã diễn giải một cách trí thức và càng ngày càng xây dựng những cách diễn giải, những hình tư tưởng tinh xảo hơn mà họ cứ nghĩ là chân lý tuyệt đối.

Và những ai tin họ – các tín đồ Ấn giáo vào thời đó, những người dân bình thường, tuyệt đại đa số dân chúng – không thể thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của những người Bà-la-môn này. Họ không thể nhìn xuyên thấu để nhìn ra đó chỉ là hình tư tưởng, chỉ là ảo tưởng. Họ không có sự nhận biết, khả năng tri thức hay kiến thức về thế giới để nhìn xuyên thấu. Và đó là vì sao ta đã có một cách tiếp cận thật thực tiễn và ta nói: “Đạo Phật không phải là một tôn giáo như đạo Ấn. Đạo Phật không là một tôn giáo nhằm cung cấp kiến thức về các vị thần và cõi thần thánh, vì hầu hết mọi người không thể nắm bắt cõi thần thánh là gì, cho nên họ sẽ bị vướng kẹt trong các học thuyết và cách diễn giải vỏ ngoài đó. Thay vào đó, chúng ta hãy thiết lập một triết lý thực dụng nhằm đưa con người từ nơi họ đang đứng, nâng cao tâm thức của họ, ít nhất giúp họ khắc phục một số ảo tưởng của Maya. Rồi một khi họ đã nâng cao tâm thức thì họ sẽ có khả năng nắm bắt nhiều hơn. Họ sẽ phát triển khả năng trực giác và có thể biết được từ bên trong cái gì là thực, cái gì không thực.”    

Nói cách khác, điều ta đã tránh không làm trong kiếp đầu thai làm Phật là tạo ra một tôn giáo khác nữa tự xưng là cao trội hơn tôn giáo của người Bà-la-môn, vì điều này sẽ khóa chặt ta vào một cuộc chiến với người Bà-la-môn và họ sẽ tấn công ta và hành xử với ta y như họ đã cố hành xử với Giê-su. Đây là một lượng định dựa theo các chân sư thăng thiên đang hướng dẫn địa cầu vào thời đó, nhận định rằng đây là điều con người sẵn sàng làm được, ít ra ở vùng này của thế giới.

Thêm tiết lộ tuần tự

Điều xảy ra trong vòng 500 năm giữa thời của Phật và thời của Giê-su là tâm thức tập thể đã có tiến bộ. Và sự tiến bộ này phần lớn là do nhiều người đã đón nhận đạo Phật, đã chân thành nỗ lực cải hóa tâm thái của mình, nỗ lực khắc phục các ảo tưởng của Maya bằng cách bước chân trên Bát chánh đạo, là con đường ta vừa giải thích trong một bài trước nhằm giúp đỡ con người vượt qua các ảo tưởng. Đến thời của Giê-su, các chân sư thăng thiên đã xác định là các thày có thể dùng một cách tiếp cận khác xuyên qua Giê-su. Giê-su sẽ giảng dạy về Thượng đế, về cõi tâm linh và tiến trình thăng thiên, vì giờ đây đã có nhiều người hơn sẵn sàng chấp nhận tiềm năng thăng thiên một cách ý thức.

Tất nhiên các thày cũng biết là có những hạn chế do tâm thức tập thể dựng lên. Quả là có một tiềm năng rất thực tế là đạo Cơ đốc có thể trở thành cái mà nó đã trở thành sau này, một tôn giáo do sa nhân kiểm soát. Nhưng dẫu sao, đó là một cách tiếp cận mới mẻ khi Giê-su trình bày công khai về đấng Cha, nhưng như con thấy, tương đối Giê-su cũng đã đưa ra ít chi tiết về cõi tâm linh và mọi thứ ở đó. Kỳ thực, Giê-su đã nói về cõi tâm linh ít hơn là kinh Cựu ước, ít hơn rất nhiều những người Bà-la-môn của Ấn giáo. Theo một nghĩa nào đó, Giê-su cũng đã lấy một cách tiếp cận thực dụng.

Rồi những gì xảy ra kể từ thời Giê-su đến nay là, tất nhiên và trên hết do thành quả của lời dạy của Giê-su lẫn của Phật, tâm thức tập thể đã được nâng lên cao hơn. Nhưng rồi sau đó Saint Germain lại quyết định ban truyền phương pháp khoa học, và điều này lại nâng tâm thức lên cao hơn nữa. Nó khiến cho thế giới quan của con người được mở lớn. Nó cho con người một tầm hiểu biết về một số khái niệm tổng quát mà bây giờ các thày đã sử dụng trong khoảng thế kỷ vừa qua để ban truyền thêm nhiều tiết lộ tuần tự qua trung gian một số tổ chức và vị sứ giả khác nhau.

Bây giờ chúng ta đang ở một điểm khi các thày lại cảm thấy tự do hơn giảng dạy về các điều kiện trong cõi tâm linh, nhưng các con sẽ thấy là trọng điểm của các thày vẫn tập trung vào việc cho con thấy làm thế nào con có thể thăng vượt tâm thức của mình. Theo một nghĩa nào đó, các thày đang làm cùng công việc mà các thày đã làm qua tôn giáo hay triết lý của Phật, là trình bày cho mọi người cách nâng cao tâm thức hầu họ có thể biết được từ bên trong cái gì là thực và cái gì không thực, hầu họ không cần lệ thuộc vào một thẩm quyền bên ngoài, thậm chí một giáo lý vỏ ngoài của chân sư thăng thiên, mà ngược lại họ biết được từ bên trong nội tâm. Và tất nhiên, đây là cách duy nhất con có thể tự giải thoát khỏi các ảo tưởng của Maya, các lời dối trá của sa nhân.

Đọc rung động là cách tối hậu để thoát khỏi thập tự giá

Nhiều người trong số những Bà-la-môn Ấn giáo kia là sa nhân. Họ có một khả năng đặc biệt làm rối trí và gần như thôi miên những ai chưa thiết lập được mối liên lạc nội tâm với tâm Ki-tô. Nhưng khi con bắt đầu nối được mối liên lạc nội tâm này, con sẽ có thể nhìn xuyên thấu các ảo ảnh của sa nhân. Con có thể làm điều này phần nào qua tâm vỏ ngoài khi con đánh giá là họ không nhất quán, họ không hợp lý, họ không tương hợp với những giáo lý khác mà con xem là đáng tin cậy. Nhưng nói cho cùng, con sẽ bắt đầu làm được điều này giản dị bằng cách đọc sự rung động. Con có thể đạt tới điểm đọc được rung động, con đọc một lời dạy nào đó và chỉ trong vòng một vài câu, con cảm nhận được là rung động không đến từ tâm Ki-tô. Và tất nhiên, đây chính là điểm mà các thày đã cố đưa tất cả các con đến, qua các lời dạy và các dụng cụ về việc khắc phục các ngã, vì chính những cái ngã này ngăn cản con thiết lập sự nối kết với tâm Ki-tô, ngăn cản con sử dụng tâm Ki-tô làm khung tham chiếu để đọc được rung động của bất cứ gì trong thế giới hình tướng.

Theo một nghĩa nào đó, đây là cách tối hậu để thoát khỏi thập tự giá: con đọc rung động. Con có thể gọi đó là nhận thức ngoại cảm, là khả năng thấu thị – con muốn gọi là gì cũng được – nhưng khả năng này không gắn liền với giác quan vật lý. Nói cách khác, nhiều người tâm linh mơ ước có thể nhìn thấy hào quang bằng cách mở con mắt thứ ba, nhưng đây vẫn chỉ là sự nối dài của nhãn quan. Nhưng đọc được rung động thì vượt khỏi năm giác quan. Con có thể gọi là giác quan thứ sáu hay thứ bảy hay bất kỳ tên gọi nào khác, nhưng đó là khả năng đọc rung động.

Tại sao người ta có thể đọc được rung động? À, ta đã nói gì cách đây 2500 năm? Tất cả mọi thứ đều là Phật tánh. Điều gì đã được nói về tâm thức Ki-tô? Đó là Ngôi Lời, là Logos, là Đứa con Một, và nếu không có Lời thì không có tạo vật nào được tạo thành. Tất cả trong thế giới hình tướng đều khởi lên từ tâm thức Ki-tô, từ Phật tánh, bất kể tên gọi là gì, và tất cả đều có một rung động nào đó. Tâm thức Ki-tô, Phật tánh, không bao giờ xuống dưới một độ rung nào đó trong dạng thuần khiết của nó khi nó nối kết. Nhưng vì quyền tự quyết phải được phép trải bày, cho nên con có thể hạ thấp độ rung của năng lượng hầu tạo ra ảo tưởng tách biệt cùng ảo tưởng con tách rời khỏi nguồn cội của con. Như các thày có nói, ngay cả độ rung của vật chất trên trái đất đã bị hạ thấp dưới mức ban đầu, và đó là tại sao đã có vẻ hợp lý là con sống trong một thế giới tách biệt, và ngay cả nếu có Thượng đế thì Thượng đế này sẽ có vẻ ở tuốt trên kia nơi thiên đàng.

Phật tánh và các ảo tưởng của Maya

Có một sự khác biệt rõ rệt về rung động giữa những gì là tâm thức thuần khiết của Ki-tô, Phật tánh thuần khiết, và những gì tuy vẫn là Phật tánh nhưng đã bị ảo ảnh của Maya che mờ, khi tâm thức Ki-tô bị che lấp bởi các ảo tưởng của phản-Ki-tô. Nhưng tất nhiên, nó chỉ bị che lấp khi con nhìn hình tướng xuyên qua các ngã tách biệt đã tạo ra hình tướng. Khi đó, con không thể thấy được là mặc dù nó rung động thấp hơn tâm thức Ki-tô thuần khiết, nó vẫn chính là tâm thức Ki-tô. Kỳ thực, đó là một ảo tưởng được tạo dựng từ các rung động thấp hơn. Nó không bao giờ có thể thường hằng, nó không thể trở thành thường hằng, nó không thể nhận được sự sống vĩnh cửu, và do đó, khi con bắt đầu cảm nhận rung động, con có thể lập tức cảm nhận được đâu là rung động thấp và đâu là rung động của Ki-tô hay của Phật tánh.

Và đây là cách tối hậu để tránh khỏi bị lừa bởi sa nhân, bởi ảo tưởng cuả Maya, bởi quỷ dữ của Mara, và đây là cách tối hậu để thoát khỏi thập tự giá. Vì chừng nào con không thấy được là một số rung động không phải là bản tánh thuần khiết mà chỉ là những ảo ảnh tạm thời, thì con sẽ nghĩ những hiện hình đó rất có thể thường tồn và chúng có quyền năng trên con, thậm chí chúng còn quy định được con. Con có thể đồng hóa với chúng, ngay cả con có thể say mê những gì chính con hay một ai khác, một sa nhân, đã tạo ra dưới dạng một cấu trúc tinh xảo. Và nó có vẻ thật tinh xảo từ một tầm nhìn nào đó, nhưng nó không thể trở nên thường tồn vì sự sống vĩnh cửu chỉ có thể đạt được qua Ki-tô, qua sự hợp nhất với Phật tánh, sự khắc phục mọi ảo tưởng rằng con có thể tách rời khỏi Phật tánh, sự khắc phục mọi ảo tưởng rằng hình tướng – bất kỳ hình tướng nào – có thể tách rời khỏi Phật tánh và là gì khác hơn Phật tánh.

Đây là ảo tưởng cơ bản mà các thày đã trình bày qua tâm thức nhị nguyên. Ảo tưởng cơ bản là kìa có Phật tánh, có Ki-tô, và kìa có một cái gì khác hơn. Cái này không phải là Phật tánh, cái này khác với Phật tánh, tách biệt khỏi Phật tánh. Đây là ảo tưởng cơ bản của nhị nguyên rằng thế giới có thể được phân chia làm hai, nhưng sự phân đôi này không thể là thực. Phật tánh không thể bị phân chia. Chỉ trong ảo ảnh của Maya con mới có thể tạo ra dáng vẻ có hai. Cho nên ý tưởng bảo rằng có một thượng đế và có một ác quỷ chỉ là một ảo tưởng, và thượng đế mà con nhìn thấy từ trạng thái tâm thức này không phải là Thượng đế chân thực, không phải là Thượng đế vô hình tướng. Các thày gọi là vô hình tướng vì các thày không thể đặt ra ngôn từ nào cho tâm thức Thượng đế. Thượng đế hoàn toàn vượt khỏi các hình tướng mà con có thể thấy từ một bầu cõi chưa thăng thiên.

Cho con người động lực bước trên đường tu

Thế giới không là hai, nó không bị phân chia, nó là một. Nó luôn luôn là một. Nhưng điều gì có thể thúc đẩy một sinh thể bị kẹt trong ảo tưởng của Maya muốn nỗ lực khắc phục ảo tưởng của Maya? Tại sao ta như đức Phật lại nói về niết bàn? Vì ta phải cống hiến một động cơ cho con người cất bước trên con đường khắc phục tất cả những cái ngã dựa trên ảo tưởng của họ. Hiển nhiên những người này đang đau khổ và họ muốn thoát khổ đau. Nhưng khi con bị kẹt trong tâm thức tạo ra đau khổ, con không thể nhìn ra cách thoát khỏi khổ đau. Con cứ nghĩ là có lẽ con có thể phá hủy các điều kiện gây ra khổ đau. Có lẽ con có thể tạo ra những điều kiện tốt đẹp hơn từ tâm thức tách biệt. Nhưng điều này không thể làm được.

Con không thể thoát khỏi khổ đau nhờ tâm thức tách biệt, nhưng con cũng không thể thực sự nắm bắt thế nào là ở ngoài tâm thức tách biệt. Cho nên các thày trong tư cách là thày tâm linh, phải cho con người một động lực nào đó để họ cất bước trên con đường thoát khỏi tách biệt mà họ có thể nắm được, một động lực hấp dẫn đối với họ khi họ vẫn còn trong tách biệt. Đó là vì sao ta đã đưa ra Diệu đế thứ nhất. Cuộc đời là đau khổ, nhưng cũng có một con đường thoát khổ, và đó là Bát chánh đạo. Nhưng cái gì sẽ thúc đẩy con đây? Phải, ta có thể thúc đẩy con lánh xa khỏi đau khổ, nhưng con sẽ bước vào cái gì? Con sẽ hỏi và có những người đã từng hỏi: “Khi con bước trên Bát chánh đạo, mục tiêu chót cùng là gì? Phần thưởng ở điểm đến sẽ là gì?”

À, đấy chính là vì sao ta đã hình thành khái niệm niết bàn như một giải pháp thay thế cho đau khổ, cho Biển Luân hồi. Không phải là ta có khái niệm này trong tâm, nhưng khi người ta nghe nói về khái niệm này thì họ làm gì? Họ liền phóng chiếu một hình tư tưởng lên niết bàn dựa trên ảo tưởng tách biệt, thế là họ nghĩ mục đích con đường Bát chánh đạo là để đạt tới cái hình ảnh nhị nguyên đó về niết bàn. Đấy là tại sao mới có một lời dạy trong kinh sách đạo Phật nói rằng sẽ tới một điểm con nhận ra là niết bàn và luân hồi chỉ là cùng một thứ trên cơ bản, hay cả hai là cùng một chất liệu vì cả hai đều đi ra từ ảo tưởng tách biệt. Và vì vậy, cả hai đều cần bị tiêu diệt trước khi con tự do, trước khi con giải thoát. Và đây là điểm dối trá của nhiều tôn giáo trên trái đất, kể cả Cơ đốc giáo, Do thái giáo và truyền thống Do thái-Cơ đốc.

Như các thày đã nói, một lần nữa khi con bước vào nhị nguyên, con bắt đầu tạo ra một thượng đế trong hình ảnh của ngã tách biệt và giống như ngã tách biệt, thậm chí giống như sa nhân. Con sử dụng các điều kiện của hình tướng trong một bầu cõi chưa thăng thiên trên một hành tinh chưa thăng thiên để phóng chiếu ra cõi tâm linh là thế nào, cho nên con không thể biết được cõi tâm linh là thế nào. Các thày, các chân sư thăng thiên ở cõi tâm linh, sẽ không bao giờ có thể cho con một lời dạy về một số điều kiện trên cõi tâm linh. Nhưng các thày hoàn toàn không có ý định cho con một tầm nhìn toàn diện vì các thày biết nó không thể được nắm bắt, và thật chẳng ích lợi gì nếu con biết cõi tâm linh như thế nào. Bởi vì, như các thày cũng đã giải thích, con sẽ làm gì khi con bước vào tâm tách biệt đường thẳng? Con tự xem mình là một chủ thể đang tìm hiểu một khách thể từ xa. Và đối với cõi tâm linh, con cũng sẽ làm y như vậy. Khi con ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên, khi con chưa thăng thiên, con tìm hiểu cõi tâm linh như một đối tượng tách biệt.

Điều này có thể cần thiết cho con để con có được một cái hiểu nào đó về cơ học của tiến trình thăng thiên, và đó là vì sao các thày trao cho con lời dạy này. Nhưng con phải nhìn nhận là cho dù con nghĩ cái hiểu của con về cõi tâm linh tinh xảo đến đâu đi nữa, thì con không đang ở cõi tâm linh và cái hiểu này sẽ không đưa con lên đó. Con sẽ chỉ lên đó bằng cách buông bò hình tư tưởng đó, những cái ngã tách biệt đó. Rồi khi con ở đó, con sẽ trải nghiệm được cõi tâm linh, ít ra từ mức tâm thức vào lúc con thăng thiên. Con không trải nghiệm một cách trọn vẹn vì như ta nói, có nhiều tầng cấp trải dài cho đến Đấng Sáng tạo.

Một lần nữa, ta đã nói quá nhiều, ta đã cho con thật nhiều điều để con suy ngẫm, nhưng ta biết một số các con sẽ hiểu được, một số sẽ sẵn lòng suy ngẫm, sử dụng lời dạy mà các thày đã trao truyền để con đem mình xuống khỏi thập tự giá của cái hiểu cũ của con về con đường tâm linh. Không một cách mô tả vỏ ngoài nào về đường tu có thể đưa con vào trạng thái thăng thiên. Chỉ bằng cách thăng vượt mọi sự mô tả vỏ ngoài mà con có thể thăng thiên.

Và như vậy, ta sẽ niêm hội nghị này. Các thày biết ơn con đã tham dự, đã sẵn lòng tiếp nhận những lời dạy này và phóng chiếu ra qua hào quang cùng luân xa của con vào tâm thức tập thể, đã sẵn lòng thỉnh gọi qua những bài thỉnh đã có ảnh hưởng sâu xa, trong thời buổi đặc thù này khi quá nhiều tín hữu Cơ đốc giáo chú tâm vào Ki-tô bị đóng đinh thay vì Ki-tô phục sinh.

Với lòng biết ơn sâu xa, ta niêm con trong sự an bình vô biên, vô điều kiện, không thể tả xiết của Phật.

Điều gì xảy ra cho những người lính thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine?

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Elohim Astrea qua trung gian Kim Michaels ngày 8/4/2023, nhân Webinar Phục sinh 2023 – Đem đạo Cơ đốc xuống khỏi thập tự giá.

TA LÀ chân sư thăng thiên Elohim Astrea. Ta đã quyết định dùng cơ hội này để cho các con một số sáng ngộ về cách làm thế nào Hội đồng Nghiệp quả lượng định hoàn cảnh trên trái đất và tìm cách giúp đỡ con người, kể cả việc ta cắt đứt các sợi dây ràng buộc để giải thoát con người, để khi họ rời khỏi hiện thân, họ có thể đi đến những cõi giới cao nhất có thể, và họ được trợ giúp trên con đường thăng tiến cá nhân của họ.

Các chân sư thăng thiên muốn giúp mọi người tăng triển

Ta sẽ đặt trọng tâm vào cuộc chiến ở Ukraine và ta sẽ, ít ra là để mở đầu, tập trung vào những gì xảy ra cho những người lính rời khỏi hiện thân. Trước hết, con cần nhìn nhận là các thày, các chân sư thăng thiên, không có cùng tầm nhìn về tình hình trên trái đất như con người. Ta không nói điều này để chê bai con người. Khi con ở trong một cơ thể vật lý, lẽ tự nhiên con đến từ một bối cảnh đặc thù và con nhìn các tình huống một cách đặc thù. Nhưng hiển nhiên các thày đã thăng vượt tất cả các thành kiến và quan điểm nhân thế đó, cho nên các thày nhìn từ nhãn quan tâm Ki-tô. Tâm Ki-tô đương nhiên thấy rõ sự hợp nhất giữa mọi cách biểu hiện của tâm thức Thượng đế, bởi vì “nếu không có ngài thì không có tạo vật nào được tạo ra”, cho nên tâm thức Thượng đế ở trong mọi thứ và mọi người.

Các thày nhìn mọi người đều là những đứa con của Thượng đế, ít ra là mọi người đều khởi sự như vậy và kể từ đó họ đã đi xuống – rất nhiều người đã đi xuống – một ý niệm bản sắc thấp hơn. Nhiệm vụ của các thày trong tư cách chân sư thăng thiên là giúp cho mọi người tiến bước cho đến mức họ có thể nhận diện nguồn gốc của họ, bản sắc của họ, và tất nhiên họ làm vậy bằng cách nhìn vượt ra khỏi những phân chia vỏ ngoài đã gây chia rẽ giữa loài người và khiến họ xung đột với nhau.

Ý ta muốn nói ở đây là khi các thày nhìn vào một tình trạng như cuộc chiến ở Ukraine, các thày không có những phán đoán của con người. Các thày không phán xét là cái này sai, cái kia đúng, mặc dù tất nhiên các thày thấy rõ là những gì nước Nga đã làm tại Ukraine trong tư cách một quốc gia đã vi phạm định luật tự quyết. Dẫu vậy, điều ta muốn tập trung ở đây là làm thế nào để có thể giúp đỡ từng cá nhân, đặc biệt những người lính, những người dân thường đã phải lìa cõi hiện thân do hậu quả cuộc chiến. Đối với các thày, hoàn toàn không có khác biệt nào trong mong muốn giúp đỡ người Ukraine hay người Nga, nhưng trong cách thực hiện thì có một số khác biệt. Nhưng những khác biệt này trong cách trợ giúp con người không đến từ các thày hay từ tâm thức các thày, mà nó đến từ sự kiện mỗi cá nhân ở cả hai bên đều có những cách tiếp cận khác nhau, đều mang những tâm thái khác nhau.

Hãy cho ta bắt đầu nói đến những người lính Nga. Nhiều người trong số các con sống ngoài nước Nga đã tìm hiểu sự việc đã xảy ra. Con biết là có hàng ngàn, hàng vạn lính Nga đã tử trận. Con cũng biết đã có một số hành vi tàn bạo, một số tội ác chiến tranh do binh lính Nga gây ra đối với thường dân và dĩ nhiên cũng đối với binh lính Ukraine. Con cũng biết là trong y khoa có một nguyên tắc gọi là phân loại để chọn cách chữa trị hiệu quả nhất. Nếu có nhiều thương vong, bác sĩ sẽ xếp họ vào ba loại khác nhau dựa trên lượng định họ có thể được cứu giúp hay không và cách cứu giúp tối ưu là như thế nào. Theo một nghĩa nào đó, các thày cũng làm một lượng định tương tự khi xem xét những người lính Nga. Các thày phải nhìn vào trạng thái tâm thức của họ trước khi họ tham gia cuộc chiến, điều gì xảy ra cho họ trong suốt cuộc chiến, và hiển nhiên trạng thái tâm thức của họ bây giờ một khi họ lìa khỏi cõi hiện thân.

Những lính Nga không thể được giúp đỡ

Có một số lính Nga các thày không thể giúp được. Điều này đặc biệt áp dụng cho những ai đã phạm tội ác chiến tranh hay có hành vi tàn tệ nhất – những ai đã giết hại thường dân, đã hãm hiếp phụ nữ, đã nhắm bom vào các tòa nhà dân sự hay các cơ sở hạ tầng cho dù họ đã làm vậy bằng tên lửa phóng từ xa. Thường thường họ đã thâm căn cố đế trong một tư duy nhất định, và trong cốt lõi, tư duy này là như sau: ở một tầng sâu thẳm trong bản thân họ, họ thừa biết là hành vi của họ vi phạm quyền tự quyết, nhưng ở bề mặt tâm trí, họ không chịu và họ không thể thừa nhận sự thật này. Đặc biệt có nhiều người trong số các chiến binh chuyên nghiệp do nhóm Wagner sử dụng rơi vào hạng người này. Nói cách khác, các thày phải xét xem các thày có thể giúp họ được không. Và nếu tâm họ hoàn toàn đóng chặt, nếu họ nhất định không sẵn lòng nhìn vào hành vi của họ từ một nhãn quan cao hơn thì các thày không thể giúp được họ.

Điều ta đang giảng ở đây là nếu con nhìn con người một cách phổ quát, con sẽ thấy là khi một người rời khỏi xác thân vật lý, y có một cơ hội độc nhất để nhìn lại đời mình cùng trạng thái tâm thức của mình từ bên ngoài – hay nếu có thể nói như vậy – từ một nhãn quan cao hơn. Tuy nhiên, nếu y ở trong một tâm thái vô cùng khép kín trước khi rời khỏi hiện thân, thì y sẽ không thể hay không chịu làm điều đó. Y sẽ không sẵn lòng xem xét đời mình vì y không thể chịu đựng nhìn từ một nhãn quan trung lập những gì y đã làm, những hậu quả y đã gây ra cho người khác và cả hậu quả cho chính bản thân trong tương lai. Có thể nói, những người như vậy không thể chịu nổi việc thừa nhận các nghiệp quả mà họ đã tạo ra.

Những người như vậy, các thày không thể giúp. Vậy thì họ sẽ đi đâu khi họ lìa khỏi hiện thân? Họ đi đến một số tầng cấp khác nhau của cái mà các thày gọi là cõi trung giới (astral plane) là cõi cảm xúc thấp nhất nơi những người có tâm khép kín vốn đi tới. Một số đã ở đó suốt một thời gian rất dài vì trạng thái của họ thấp đến độ họ không thể trở lại đầu thai. Trong cõi trung giới có những cõi giống như địa ngục mà nhiều người thường mường tượng. Đúng thực là thi sĩ Dante khi ông thấy chín vòng địa ngục đã hình dung ra một vài tầng – nhưng chỉ vài tầng chứ không phải tất cả. Những tầng này của cõi trung giới mang hình dạng của địa ngục, và những người lính với tâm vô cùng đóng kín sẽ đi về đó. Và ở đó họ sẽ phải giáp mặt với những người hay những dòng sống ở cùng mức tâm thức như họ. Thậm chí họ phải hứng chịu cùng những hành vi mà họ đã từng hứng chịu trong quân đội Nga hay trong nhóm Wagner khi thượng cấp đã ngược đãi họ, đã không đếm xỉa gì đến họ, đã trù dập họ bằng nhiều cách, và vì thế họ cảm thấy xung khắc. Và họ bị xung khắc chừng nào khi còn sống thì đến khi rời khỏi xác thân họ vẫn xung khắc như vậy.

Thật không có gì để nói thêm. Các điều kiện đặc thù ở cõi trung giới không đặc biệt quan trọng ngoại trừ sự kiện là những người đó, tất nhiên, bị thu hút đến một tầng đặc thù tương ứng với mức tâm thức của họ, tức là họ sẽ bị những sinh thể khác đối xử với họ tồi tệ y như họ đã đối xử tồi tệ với người khác trong kiếp đầu thai vừa rồi của họ, đặc biệt là trong cuộc chiến. Nói cách khác, họ phải trải nghiệm đúng những gì họ đã gây ra cho người khác, chỉ có điều là bây giờ họ là kẻ hứng chịu để họ có thể trải nghiệm sự tàn bạo của chính họ. Những người đã phải hứng chịu hành vi của họ trong cuộc chiến đã chịu đựng những gì? Chính nhờ vậy mà đôi khi – và các thày nhìn sự thể này sau một quá trình lâu năm làm việc với con người – đây là cách duy nhất để cho một dòng sống có thể quay đầu mà nhìn ra: “Tôi không muốn trải nghiệm điều này nữa, có nghĩa là tôi phải thay đổi chính tôi.” Cách này không cứ sẽ hiệu quả đối với mọi người nhưng nó hiệu quả đối với một số, và các điều kiện đặc thù mà họ trải nghiệm không mấy quan trọng.

Những người lính Nga bị bối rối

Bây giờ có một loại dòng sống, một loại binh lính khác là những người, bằng cách này hay cách nọ, đã đặt niềm tin vào tư duy đứng đằng sau cuộc xâm lăng của Nga. Trong quân đội cũng như trong quần chúng có một tư duy tin vào tính ưu việt của nước Nga, của đế chế Nga, rằng Nga có quyền xâm lăng Ukraine vì nhiều lý do. Nói cách khác, họ đã bước vào cuộc chiến với một tư duy mà chúng ta có thể gọi là tư duy ý thức hệ, mặc dù đây không hẳn là điều con thường gọi là ý thức hệ như chủ nghĩa cộng sản. Nhưng đây vẫn là một tư duy ý thức hệ khi họ tin theo lời bịa đặt mà Putin và giới thượng tôn quyền lực Nga đã đưa ra xung quanh cuộc chiến về sự vĩ đại của nước Nga và đế chế Nga cùng nhu cầu phải khôi phục đế chế, phải bảo vệ nước Nga chống lại NATO, hay thậm chí phải giải phóng nhân dân Ukraine khỏi bọn Quốc xã ở Kiev.

Bất kể những lý do được đưa ra trong không gian tuyên truyền của Nga để viện cớ cho cuộc tấn công, có thể nói là họ đã cả tin theo đó. Họ đã đặt tin tưởng vào đó. Nhưng họ lại trải nghiệm là cuộc chiến hoàn toàn không giống như những gì họ chờ đợi, cho nên khi họ lìa cõi hiện thân, họ phần nào bị bối rối. Và sự bối rối có nghĩa là tâm họ cởi mở. Ít ra có một chút cởi mở trong tâm họ, có nghĩa là giờ đây các thày có cơ hội làm việc với họ. Và điều xảy ra là linh hồn hay dòng sống của họ được đưa về một nơi dễ chịu đối với họ.

Không phải là họ sẽ được tặng cho 70 trinh nữ trên thiên đàng như người đạo Hồi tưởng tượng, nhưng họ được đưa đến một nơi có thể gọi là bình yên, ngơi nghỉ, nơi họ có thể nhận được sự chữa lành tâm lý. Rồi lần hồi một khi họ đã bình tĩnh trở lại và họ có đôi chút cảm giác nghỉ ngơi, lành lặn, các thày sẽ cống hiến cho họ cơ hội nhìn lại cuộc đời của họ, nhìn vào tư duy của họ, cái tư duy mà họ đã được nuôi dạy, cái tư duy mà họ đã mang trong cuộc chiến, và họ xem xét nó từ một nhãn quan trung hòa. Nếu họ nắm lấy cơ hội này thì một số sẽ có thể được giúp đỡ, nhưng một số khác thì không. Những người không thể được giúp đỡ – tức là những người không sẵn lòng chấp nhận những điều họ đã nhìn thấy từ một nhãn quan trung hòa – họ sẽ trở về với cùng cái tư duy mà họ đã có khi còn hiện thân và đã từ chối chất vấn. Lại có cả những người không chịu nắm lấy cơ hội xem xét một cách trung hòa và cứ khăng khăng nắm giữ tư duy cũ. Trong trường hợp này, một lần nữa, các thày sẽ không thể giúp họ. Các thày phải để yên cho họ ra đi và họ sẽ loanh quanh luẩn quẩn ở một tầng nào đó nơi cõi trung giới.

Những lính Nga có khả năng xoay chuyển

Nhưng những người nắm lấy cơ hội và sẵn lòng xem xét tư duy từ một tầm nhìn trung hòa, thậm chí sẵn lòng xem xét bối cảnh rộng lớn hơn của nước Nga cùng lý do tại sao Nga đã gây chiến, thì họ sẽ được giúp đỡ – một cách rất từ từ, vì tiến trình này không xảy ra lập tức mà rất lần hồi – để họ nhìn một cách trung hòa vào một số yếu tố trong tư duy cùng hành động của họ cũng như của nước Nga. Có nghĩa là họ sẽ có một sự xoay chuyển nào đó. Xoay chuyển lớn hay nhỏ tùy theo mỗi cá nhân, tùy họ có ý muốn hay khả năng xoay chuyển đến đâu. Nhưng trong số những người xoay chuyển một chút thì một số sẽ ngừng lại ở một điểm nào đó. Họ sẵn lòng xoay chuyển đôi chút nhưng không muốn đi xa hơn. Những người này sẽ đi vào một tầng ở cõi trung giới cao hơn những người kia với tâm hoàn toàn khép kín, họ sẽ không phải hứng chịu cùng những cực hình, nhưng họ vẫn phải chạm mặt những chuyện tương ứng với mức tâm thức mà họ đã không chịu thăng vượt hay xem xét.

Nhưng có những người sẵn lòng xem xét, họ dần dần bước lên cao hơn, và họ nhìn ra là trong suốt thời gian họ lớn lên rồi bị nhập ngũ và tham gia cuộc chiến, họ đã tự cho phép mình cả tin vào một ảo tưởng hoàn toàn, một sự bịa đặt hoàn toàn. Toàn bộ tư duy của người Nga – những lý lẽ bào chữa cùng bộ máy tuyên truyền chung quanh cuộc chiến – là hoàn toàn không thực, hư cấu. Một sự dối trá toàn diện. Và một số người lính đó bị thiệt mạng trong cuộc chiến có thể vươn lên một tầng cấp nơi rốt cuộc họ sẽ có thể nhìn xuyên thấu. Và điều này có nghĩa là giờ đây họ có thể bước lên cao hơn.

Thật ra họ không đi vào cõi cảm xúc. Họ bước vào cõi lý trí nơi họ nhận được sự trợ giúp để mở rộng đáng kể tầm hiểu của họ về thế giới, về cách thế giới vận hành và làm thế nào họ có thể nhìn xuyên thấu các ảo tưởng mà khi còn đầu thai họ đã không thể nhìn thấu. Ở cõi lý trí có một số tầng đặc biệt được thiết lập cốt ý để hỗ trợ cho công việc này. Chúng hơi giống như các khóa nhập thất của các chân sư thăng thiên nhưng, tất nhiên, chúng không phải là khóa nhập thất của các thày vì các khóa này nằm ở phần cao của cõi bản sắc. Nhưng những khóa này thật đặc trưng, có thể gọi là sự phối hợp giữa một trường học với một trung tâm chữa bệnh nơi họ được trợ giúp để khuếch trương tầm hiểu về cách vận hành của thế giới, và làm thế nào trong kiếp đầu thai tới họ sẽ có thể tránh khỏi bị lôi cuốn vào một chuyện hoàn toàn hư cấu như vậy, không cứ là ở Nga mà có thể ở bất cứ nơi nào khác.

Những lính Nga không tin lời tuyên truyền của chính quyền

Xong có một loại người thứ ba là những ai đã không rơi vào lời tuyên truyền của chính quyền Nga trước khi họ tham chiến. Họ đã nhìn ra là việc gây chiến với một dân tộc láng giềng thật không chính đáng, và một số đã nhìn ra điều này vì họ lớn lên trong một môi trường Cơ đốc giáo, và bất chấp lời khẳng định của vị đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga nói rằng cuộc chiến được Thượng đế tán thành, họ có thể thấy rõ là việc giết người không bao giờ biện minh được.

Một số trong nhóm người này vẫn tình nguyện nhập ngũ vì họ sẵn lòng bảo vệ quê hương của họ, nhưng họ cũng thấy là khi người ta tấn công một nước khác thì người ta không đang bảo vệ quê hương. Có một số khác thì giản dị không tin những gì họ được tuyên truyền, họ có quan điểm riêng của họ khi lớn lên, và nhiều người trong số này đã không tình nguyện nhập ngũ mà bị gọi phải nhập ngũ. Hạng người này đã sẵn có tâm cởi mở để nhìn thấu các ảo tưởng trước khi họ lìa khỏi cõi hiện thân, và thường thường cách hành xử của họ trong cuộc chiến khiến họ không phạm tội ác chiến tranh hay hành động tàn ác, và họ đã cố hết sức không giết một ai. Khi những binh lính này rời hiện thân, họ sẵn sàng nhận được trợ giúp của các thày, cho nên họ có thể nhanh chóng đạt được cái nhìn toàn bộ về tình hình từ một nhãn quan trung hòa. Vì vậy họ có thể nhanh chóng vươn lên tầng cấp của cõi lý trí nơi họ nhận được thêm giáo huấn cùng hàn gắn.

Sự trừng phạt từ chính tâm thái con người

Nhưng này, cho dù các thày không thể giúp hạng binh lính ở mức thấp nhất, ta vẫn muốn cho con một số nhận xét về những gì thực sự xảy ra cho họ. Họ đi xuống một tầng ở cõi trung giới nơi họ phải chạm trán với đúng y cái tư duy mà họ đã có, cùng một lòng vô cảm, cùng một sự tàn nhẫn mà họ đã có. Nhưng thay vì là thủ phạm gây tội ác cho những nạn nhân, chẳng hạn những người thường dân tay trắng không vũ khí, thì bây giờ họ là nạn nhân, và có những kẻ khác sẽ vô cảm đối với họ, sẽ tàn nhẫn đối với họ, sẽ làm đủ mọi thứ chính họ đã từng làm. Câu hỏi đặt ra là, họ sẽ ở lại trong tình trạng này cho đến bao lâu? Điều này tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng khép kín của tâm họ, và tinh trạng khép kín của tâm thì tùy thuộc rất nhiều vào những gì họ đã làm trong kiếp đầu thai trước. Bao nhiêu người họ đã giết hại, tra tấn, hãm hiếp hay bất cứ chuyện gì khác? Vì những hành vi như vậy càng nhiều khi họ biết nơi sâu thẳm là việc mình làm không phải, thì tâm họ sẽ càng đóng chặt hơn nữa. Đối với con, có một điểm đáng suy ngẫm ở đây, và tuy các thày không cần nêu ra trong tư cách là chân sư thăng thiên nhưng ta vẫn muốn con biết vì điều này có thể giúp con hiểu sự thể.

Tất nhiên con có các giáo lý truyền thống về nghiệp quả, và nhiều người xem nghiệp quả là một hình thức trừng phạt. Con làm chuyện gì sai trái như giết người, rồi con bị gửi xuống tầng này của cõi trung giới, một môi trường địa ngục nơi con phải chịu sự tra tấn như một hình phạt. Đây là cách nhìn của rất nhiều người, họ gọi đó là nghiệp xấu. Nhưng hiển nhiên đây không phải là cách nhìn của các chân sư thăng thiên. Dù sao thì nếu con theo lối nhìn truyền thống đó về nghiệp quả, con sẽ bảo là đối với một người lính cá biệt, nếu anh ta càng giết nhiều người trong cuộc chiến thì nghiệp quả anh tạo ra càng nặng nề, và thời gian anh phải ở lại trong môi trường địa ngục đó sẽ càng dài cho đến khi anh nhận trừng phạt đích đáng. Cho nên từ góc nhìn này, sẽ tốt hơn cho anh nếu anh chết vào thời điểm anh đã chết, vì nếu anh đã sống lâu hơn thì anh đã có thể giết nhiều người hơn và tạo nhiều nghiệp hơn.

Như ta vừa nói, từ tầm nhìn của các chân sư thăng thiên, nghiệp quả không phải là sự trừng phạt. Không có ai đang trừng phạt ai, và các chân sư thăng thiên cũng không trừng phạt ai. Sự trừng phạt là chính trạng thái tâm của người đó. Cho nên như ta vừa nói, anh ta càng giết nhiều người thì anh càng chìm sâu vào tâm thái của anh, là cái tâm thái cho phép anh giết người rồi tự biện minh, hay tiếp tục giết người mà không cần biện minh. Càng chìm sâu vào tâm thái này thì theo một nghĩa nào đó, sẽ càng dễ hơn cho những người chết sớm so với những người ở lại trong hiện thân lâu hơn và giết nhiều người hơn. Con thấy con có thể nói, giống như nhiều người Nga cũng nói: “Ồ, thật đáng buồn những người lính của chúng tôi phải thiệt mạng.” Nhưng trong một số trường hợp, việc họ bị thiệt mạng thật ra là một ân sủng vì số phận họ sẽ tệ hơn nhiều nếu họ ở lại hiện thân và giết nhiều người hơn.

Tất nhiên điều này không có nghĩa là các thày mong thấy người ta bị chết hay lìa khỏi cõi hiện thân. Ta chỉ cho con điều này để con suy ngẫm vì một phần những gì ta cố làm ở đây là cho con một góc nhìn khác về loại tình huống như thế này. Các thày nói gì giờ đây? Từ một tầm nhìn thăng thiên, các thày chỉ nói được là các thày có một mối quan tâm duy nhất, đó là: Làm thế nào giúp cho con người tăng triển. Làm thế nào các thày có thể giúp mọi người tăng triển? Như ta vừa nói, có một số người các thày sẽ không thể giúp trực tiếp, và giản dị họ sẽ phải tiếp tục học Trường đời Cay đắng là nơi họ đã theo học, thường từ nhiều kiếp sống, để đạt đến trạng thái tâm thức thấp kém đã khiến họ có thể làm những chuyện họ làm.

Nhưng có một số thì các thày có thể giúp được và các thày sẽ cố giúp, và mục đích của các thày luôn luôn là giúp họ tăng triển. Khi một người lìa cõi hiện thân, mục đích các thày là giúp họ chữa lành và tăng triển cho tới mức khi họ đầu thai tiếp tới, họ có thể gặp một hoàn cảnh cao hơn kiếp vừa qua. Ngược lại, những người các thày không thể giúp, những người phải đi vào các tầng địa ngục, họ sẽ ở đó một thời gian, rồi ít nhất một số sẽ trở lại hiện thân ở một thời điểm nào đó, nhưng họ sẽ không trở lại trong một hoàn cảnh tốt hơn kiếp trước. Rất có thể họ sẽ phải trở lại trong một hoàn cảnh tệ hơn – một số sẽ tái đầu thai ở Nga, một số ở Bắc Hàn, một số ở Trung quốc, nhưng rất nhiều người trong bọn họ sẽ đầu thai ở Phi châu ở những khu vực có chiến tranh bộ lạc.

Còn những người mà các thày có thể giúp và đã nâng cao tâm thức, họ sẽ đầu thai trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn cho sự tăng triển. Một số sẽ vẫn tái đầu thai ở Nga nhưng với một mức tâm thức cao hơn, và tất nhiên nước Nga sẽ thay đổi, trong khi một số khác sẽ đầu thai ở các nước khác, một số ở cả các nước dân chủ phương Tây. Tất nhiên, một phần đáng kể những lính Nga đã thiệt mạng tại Ukraine và sẵn lòng được giúp đỡ sẽ đầu thai tại Ukraine trong kiếp tới. Đó là chuyện thường xảy ra trong nhiều trường hợp có chiến tranh giữa hai nước. Như các thày đã từng nói, nhiều binh lính và quan chức Đức quốc xã thời Đệ nhị Thế chiến đã đầu thai ở Israel.

Thay đổi sắp đến với nước Nga

Một điểm cân nhắc nữa mà ta muốn lưu ý con ở đây là một số các con nhìn vào nước Nga rồi nghĩ: “Thật chẳng có gì đã thay đổi. Hầu hết ai nấy vẫn ủng hộ cuộc chiến, nền kinh tế không đến nỗi tệ lắm, đến bao giờ nước Nga mới thay đổi đây?” À, như Mẹ Mary có trả lời một câu hỏi ở buổi hội thảo trực tuyến kỳ trước, nếu con có thể thấy được những gì đang xảy ra ở các tầng bản sắc, lý trí và cảm xúc thì con sẽ thấy là thay đổi sắp sửa đến với nước Nga, và nước Nga sẽ thay đổi trong những năm tới. Cho dù cuộc chiến có kéo dài bao lâu, nước Nga sẽ thay đổi. Sự thay đổi đã bắt đầu. Nó đã trở nên không thể đảo ngược. Và con có thể thấy chuyện này khi chính quyền ngày càng cuồng nộ hơn trong việc trấn áp bất cứ ai phản đối chiến tranh. Thậm chí con thấy thanh thiếu niên bị bắt giữ chỉ vì đã lỡ thốt ra chữ cấm trên mạng xã hội. Loại quốc gia nào sẽ làm chuyện này ngoại trừ một quốc gia tuyệt vọng? Đây là một chỉ dấu tuyệt vọng. Thật sự, việc bất cứ nước nào giết hại hay bỏ tù công dân mình rõ ràng là một hành động tuyệt vọng. Và mặc dù họ không thừa nhận một cách ý thức, nỗi tuyệt vọng có mặt là vì họ biết tình thế đang vuột khỏi tầm tay họ. Họ không thể kéo dài được mãi mãi.

Lực kéo tâm thức tập thể Nga

Nhưng điều ta muốn nói đến ở đây là khi con nhìn vào những người lính đã lìa hiện thân do chiến tranh, họ không còn ở trong một xác thân vật lý. Nhưng con đừng nghĩ điều này có nghĩa là họ hoàn toàn cắt đứt khỏi nước Nga. Như các thày đã giải thích, mỗi quốc gia có một tâm thức tập thể. Tâm thức này có một thành phần cảm xúc, lý trí, bản sắc. Những binh lính Nga đã thiệt mạng ở Ukraine vẫn bi buộc vào tâm thức tập thể này ở các cõi cảm xúc, lý trí, bản sắc. Ngay cả những người lính đi vào các cõi địa ngục cũng bị buộc vào tâm thức của người Nga. Họ vẫn đang lôi kéo tâm thức người Nga.

Những người lính nào đã nhận được, đã chấp nhận sự trợ giúp của các thày và đã nâng cao trạng thái tâm thức của mình, thì họ sẽ kéo tâm thức tập thể đi lên. Còn những người lính đi vào cõi trung giới sẽ kéo tâm thức tập thể đi xuống. Điều này có nghĩa là họ sẽ lôi kéo những ai đang nắm quyền quyết định, từ Putin trở xuống cho đến dưới cùng, kể các những người trong quân đội mang cùng một tâm thái khép kín. Có nghĩa là họ lôi kéo những người này ngày càng trở nên cực đoan hơn, ngày càng sẵn sàng lấy những biện pháp cùng cực hơn – một điều mà con thấy rồi đó nhưng con sẽ ngày càng thấy nhiều hơn, tùy theo cuộc chiến kéo dài bao lâu. Và mục đích thực sự của chuyện này – nếu có một mục đích như vậy – dĩ nhiên là để quyền tự quyết trải bày ra, với tiềm năng đem lại kết quả tích cực là mọi chuyện có thể trở nên cực đoan đến độ những ai đang đầu thai sẽ bắt đầu nhìn thấy, bắt đầu thừa nhận là mọi chuyện đã quá mức, quá cùng cực rồi.

Tại sao người ta lại gây nỗi này cho tôi?

Một số những binh lính đang ở trên lãnh thổ Ukraine và chưa thiệt mạng, cũng như nhiều binh lính bị thương đã trở về Nga hay vẫn còn ở Ukraine, họ đã bắt đầu nhìn thấy điều đó. Chẳng hạn một người lính đã cả tin vào toàn bộ lời tuyên truyền của Nga bảo rằng anh đang chiến đấu cho quê hương của anh, đang làm một công việc quan trọng, đang hy sinh đời mình để làm một việc gì thật quan trọng cho đất nước, rồi anh bị đưa tới Ukraine. Trước hết, anh ta không được huấn luyện, không được cung cấp thiết bị hẳn hoi, thậm chí cả thức ăn ngon miệng, lều chõng hay túi ngủ cũng không có. Anh bị vứt ra ngoài đó cùng với một nhóm người. Họ cũng không có vũ khí thích hợp. Họ không có hậu thuẫn thích hợp. Ngay cả thượng cấp thích hợp hay lãnh đạo giỏi, họ cũng không có. Xong anh được lệnh xung phong trên cánh đồng trống trơn về phía quân lính Ukraine đang thủ sẵn trong chiến hào kiên cố. Anh có khẩu súng trường, nhưng quân Ukraine có súng máy. Bất cứ ai có trí thông minh tối thiểu cũng thấy được đây là chuyện tự sát. Và bất cứ ai cũng thấy được anh không đang phục vụ đất nước anh bằng cách đó. Anh đang không giúp gì cho nước anh vì anh sẽ bị bắn hạ mà không có hy vọng bắn quân thù.

Đâu là mục đích của chuyện này? Nếu anh ta sống sót thì nhất định một tiến trình suy nghĩ sẽ khởi lên trong anh. Không thể nào không có một tiến trình suy nghĩ: “Tại sao? Tại sao họ lại muốn tôi chết mà không cho tôi cơ hội chiến đấu? Tại sao họ lại gửi tôi ra đây để bỏ mạng? Tại sao họ không lo huấn luyện và trang bị cho tôi? Tại sao họ không có sĩ quan tài giỏi? Đâu là mục đích cuộc chiến này? Tại sao chúng ta lại đi làm chuyện này?” Tất cả những câu hỏi đại loại như vậy, nhưng có thể anh sẽ không muốn chia sẻ với ai. Thậm chí anh có thể không muốn nghĩ tới một cách ý thức nhưng các câu hỏi sẽ thấm vào khắp tâm tiềm thức của anh. Không thể nào khác được, vì con người không thể đối mặt với cái chết mà không tự hỏi trong tâm: “Tại sao? Tại sao chuyện này lại xảy ra cho tôi?” Và khi anh nhận ra nước anh đã cưỡng bức anh vào tình cảnh này, anh không thể không nghĩ ngợi: “Tại sao họ lại gây ra nỗi này cho tôi? Họ nói nước Nga là một quốc gia quan trọng, vì vậy tôi rất quan trọng là một người Nga và việc tôi phục vụ nước tôi là quan trọng. Nhưng họ lại ném tôi vào một tình huống tôi không thể phục vụ nước tôi. Tôi chỉ đang bỏ mạng một cách vô nghĩa. Tại sao họ lại gây ra nỗi này cho tôi?”

Một chấn động to lớn

Nếu con có thể thấy được những gì các thày nhìn thấy từ cõi thăng thiên, con sẽ nhìn ra là trong thể lý trí của người Nga, của cả nước Nga như một quốc gia, tất cả các câu hỏi đó đang quay cuồng như thế nào. Tiến trình này đã có trớn. Nó khởi đầu với những người lính ở mặt trận và những người dân có nhận biết cao, nhưng nó đang thấm sâu vào những vòng tròn ngày càng lan rộng trong quần chúng, tùy theo tầng tâm thức của họ. Người ở những tầng cao nhất nhìn thấy trước nhất, còn người ở những tầng thấp nhất sẽ nhìn thấy chót cùng. Nhưng nó đang lan truyền qua toàn tâm thức. Thế rồi tất nhiên ở tầng cảm xúc, làm sao mà không có cảm xúc được khi bị đẩy ra chiến trường chống chọi với súng máy mà không được trang bị hẳn hoi? Làm sao không có cảm xúc mãnh liệt khi vừa thoát chết trong gang tấc? Không, con không thể, trừ khi con là một kẻ bị rối loạn nhân cách (psychopath) hay ái kỷ (narcissist) hoàn toàn tê dại. Nhưng một người bình thường sẽ có cảm xúc rất mãnh liệt.

Con có thể là một bà mẹ Nga yêu nước cho nên bà hãnh diện khi thấy con mình ra chiến trường. Nhưng khi con bà trở về tật nguyền, hay bà nhận tin anh ta đã hy sinh hay bị mất tích, hay bà không nhận được tin tức gì hết, không biết anh đang ở đâu, còn sống hay đã chết, thì bà không thể nào không có cảm xúc dữ dội. Chuyện cũng sẽ tương tự nếu đây là một người thân. Nếu con thấy được cảm thể tập thể của người dân Nga, con sẽ thấy một sự chấn động to lớn. Con sẽ thấy những cơn lốc xoáy hình thành, mỗi ngày mỗi kéo nhiều người hơn vào vòng của chúng. Rồi nếu con có thể bước lên tầng bản sắc, một lần nữa con lại thấy những câu hỏi nhức nhối được đặt ra về bản sắc dân tộc Nga. Nguyên tiến trình này đã khởi sự khi cuộc chiến bắt đầu, do nhiều người với tầm nhận biết cao nhất bỏ nước ra đi, nhưng con có thể mường tượng là khi ở ngoài nước, tất nhiên họ vẫn bị buộc chặt vào các cảm thể, trí thể, bản sắc thể và họ vẫn lôi kéo các thể này.

Chu kỳ thay đổi không thể đảo ngược ở Nga

Sau khi cuộc chiến bùng nổ, nhiều người ở Nga đã bắt đầu âm thầm chất vấn bản sắc dân tộc mình: “Liệu chúng ta có thật sự cần xem mình là một đế chế? Chúng ta có thật sự cần cao trội hơn mọi người? Và đặc biệt, chúng ta có cần dùng vũ lực để cao trội hơn mọi người?” Tất cả những câu hỏi này dẫn đến gì? À, nó dẫn đến suy nghĩ là khi Putin và những người lân cận với của ông quyết định xâm lăng Ukraine, thì họ đã khởi đầu một chu kỳ không thể nào đảo ngược sẽ mang lại thay đổi cho nước Nga. Không phải là thay đổi đã chưa xảy ra ở Nga – chủ yếu do ở Nga có nhiều người tâm linh cho dù họ có theo đợt truyền pháp này hay một giáo lý tâm linh nào khác, đồng thời ở Nga cũng đã có sự tăng triển và như các thày có nói, kịch bản lý tưởng là sự tăng triển này sẽ tiếp diễn từ từ – nhưng điều Putin đã làm là đặt nước Nga vào một vòng xoáy ốc nơi tiến trình thay đổi từng bước bị đình chỉ để nhường chỗ cho những biến đổi vũ bão hơn xảy ra. Cần phải có một biến cố bên ngoài dữ dội đánh thức đa số quần chúng Nga nhanh chóng hơn, và biến cố này không thể đảo ngược, không thể chặn đứng.

Lẽ tự nhiên từ nhãn quan thăng thiên, các thày sẽ mong muốn một sự tăng triển từng bước, hòa bình, cho cả Ukraine lẫn Nga. Nhưng một lần nữa, mọi chuyện đều tùy thuộc vào luật tự quyết, và chắc chắn nhân dân Nga không phải là không có trách nhiệm trong việc cho phép thiểu số thượng tôn quyền lực hành xử như họ đã hành xử, và do đó nhân dân Nga cũng sẽ bị tác động và sẽ phải thay đổi nhanh hơn và đột ngột hơn rất nhiều. Ngay cả tại Ukraine, các thày đã có đề cập đến tình trạng chia rẽ trước khi cuộc chiến xảy đến, thì bây giờ tiến trình thay đổi cũng đã gia tốc đến độ Ukraine cần xây dựng một bản sắc dân tộc mà trước đây Ukraine không có.

Tình trạng những người lính Ukraine

Còn những người lính Ukraine thì sao? Đa số những điều nói trên cũng sẽ áp dụng, theo nghĩa là chỉ có một số ít binh lính Ukraine ở trong một trạng thái tâm thức rất thấp – những kẻ giết người mà không cảm thấy thương cảm hay hối hận, và tất nhiên nếu họ không sẵn lòng thay đổi, họ cũng sẽ đi vào các tầng trung giới. Nhưng tuyệt đại đa số binh lính Ukraine đã rời hiện thân thuộc về phạm trù những người lập tức sẵn lòng nhận được sự trợ giúp từ các thày, vì họ không ở trong cùng tư duy như lính Nga. Họ thấy rõ là họ đã bị tấn công và họ phải bảo vệ đất nước cùng gia đình của họ chống lại kẻ tấn công. Không phải là họ không thấy được việc giết người là sai trái, họ biết rõ điều này, nhưng họ cảm thấy không có chọn lựa nào khác hơn là tự vệ.

Tiến trình chữa lành và tình huynh đệ

Khi họ rời hiện thân, họ thường cởi mở hơn với việc xem xét tâm thái của mình cùng các hành động của mình từ một nhãn quan trung hòa, cho nên rất nhiều người hơn có thể được trợ giúp để họ vươn đến các tầng ở cõi lý trí. Và điều xảy ra tại các lớp nhập thất ở cõi lý trí là không phải sẽ có một lớp cho lính Nga và một lớp cho lính Ukraine. Cả hai đều học chung với nhau. Và giờ đây họ tương tác với nhau, họ dần dần nhìn vào tình thế với một tầm hiểu chung. Kỳ thực, họ thường tha thứ cho nhau, và kết quả là họ đạt đến một tình huynh đệ và một cảm nhận hợp nhất.

Ở đó có một tiến trình chữa lành đã khởi sự, và trong những năm sắp tới, tiến trình này có thể ảnh hưởng cả hai dân tộc, và mong thay, nó sẽ giúp cho mọi người tiến lên nhanh hơn bình thường. Bởi vì khi những người lính Nga – những người có khả năng được giúp đỡ – rời khỏi hiện thân, họ không còn mong muốn thấy nước Nga chiến thắng và Ukraine bị chinh phục hay tiêu diệt. Và những người lính Ukraine khi rời cõi hiện thân, họ không có lòng căm thù người Nga. Họ không muốn nước Nga bị tàn phá, nhưng hiển nhiên, họ muốn Ukraine tiếp tục là một quốc gia riêng biệt. Và hầu hết mọi lính Nga cũng đạt đến cùng kết luận. Họ thấy rõ tất cả chỉ là trò hư cấu, sự biện minh cho chiến tranh là hoàn toàn hư cấu, vì người Nga với người Ukraine phải có khả năng sống chung với nhau trong hòa bình và nhìn nhau như anh em. Và họ muốn điều này nhiều hơn là thấy Ukraine bị chinh phục và nước Nga trở thành một đế chế vĩ đại. Những người lính này có thể đạt được một tầm hiểu. Đã có những ví dụ lính Nga giết lính Ukraine rồi bị giết – hay trường hợp ngược lại cũng vậy – thì cả hai gặp nhau ở lớp nhập thất và giờ đây họ có thể làm hòa. Họ có thể tha thứ lẫn nhau. Họ có thể nhận ra đây không phải là chuyện cá nhân, mà họ đã bị hoàn cảnh ép buộc phải hành xử như vậy. Có một tiến trình chữa lành đã khởi sự nơi những người lính từ cả hai bên chấp nhận trợ giúp của các thày và đã vươn lên một mức cao hơn.

Vươn lên khỏi mọi dính mắc và mọi điều kiện trên trái đất

Trên đây là một số suy nghĩ mà các thày muốn trao cho con để con có một tầm nhìn khác hơn. Con cũng hiểu là khi con ở trong một kiếp hiện thân làm người, khi con đang đầu thai, con nhìn vào tình huống và con hình thành trong tâm một kết quả đặc thù mà con muốn thấy xảy ra. Và ngay cả từ tầm nhìn thăng thiên, các thày cũng nhìn vào tình huống và mong muốn nhân dân Ukraine có đất nước riêng biệt, mong muốn nhân dân Nga tăng triển tối đa từ biến cố này. Không chắc là họ sẽ duy trì được một nước Nga thống nhất – ngay bây giờ đang có một sự bất an về những gì sẽ xảy đến cho Nga sau cuộc chiến. Nhưng vượt khỏi những mối quan tâm này – và con có thể nói là những quan tâm này phát xuất từ mong muốn giúp cho càng nhiều người tăng triển càng tốt – mối quan tâm trên hết của các thày là giúp cho con người tăng triển. Không phải là các thày gắn bó, hay tập trung vào một thành quả nhất định, mà các thày luôn luôn tập trung vào việc giúp con người tăng triển, rồi sau đó kết quả cụ thể trong cõi vật lý chỉ có tầm quan trọng thứ yếu, vì trong cách các thày nhìn thế giới, tất cả mọi sự việc đều là cơ hội tăng triển.

Và thày Giê-su đã nói gì trong bài truyền đọc đầu tiên hôm nay về câu chuyện Phục sinh? Mục đích của mọi câu chuyện là tác động tích cực đến người tiếp nhận câu chuyện. Đấy, tất cả mọi thứ trên trái đất đều là một câu chuyện, cho nên các thày xem mọi điều kiện chỉ là những câu chuyện có mục đích trao cho con người một cơ hội tăng triển. Và các thày luôn luôn tìm cách giúp đỡ bất cứ nhóm người nào tăng triển, để họ dùng bất kỳ câu chuyện nào mà họ chấp nhận để giúp họ tăng triển. Chính vì vậy mà điều kiện vật lý cụ thể, kết quả vật lý cụ thể, đối với các thày chỉ là một phương tiện cho một cứu cánh.

Tất nhiên con có thể nhìn lại lịch sử loài người và thấy được là khi con người bước vào tâm thức nhị nguyên, khi họ bước vào ảo tưởng tách biệt, thì họ không thể xem các điều kiện vỏ ngoài là phương tiện để đạt cứu cánh. Những điều kiện đó tự thân trở thành cứu cánh. Và đó là tại sao họ mới quá dính mắc với việc thị hiện một kết quả nhất định đến độ họ sẵn lòng giết người hay gây chiến để thị hiện. Con có thể trở nên dính mắc với giấc mơ xây dựng một đế chế vĩ đại đến độ con sẵn sàng dùng những biện pháp cùng cực để thị hiện nó. Nhưng tất nhiên khi con làm vậy, con cũng sẽ đụng phải một sự chống đối cùng cực, cho nên cuối cùng con thường tự hủy diệt chính mình, và con cũng thường hủy diệt cái đế chế con đang cố tạo ra, như con thấy rõ với Hitler và giấc mộng thiết lập đế chế Quốc xã bao trùm cả địa cầu.

Nếu có một bài học lịch sử thì đây chắc chắn là một bài học: Nếu con trở nên dính mắc với một kết quả, sẽ có lúc kết quả này phải bị đập vỡ tan tành để con có thể tự giải thoát khỏi dính mắc. Và đây là vì sao đối với một đệ tử tâm linh, việc nhìn vào dính mắc của mình thật quan trọng. Con có dính mắc vào một kết quả đặc thù hay không? Xong con bắt đầu chất vấn nó. Nhưng tất nhiên điều này thày Giê-su đã vừa trình bày rồi, cho nên ta sẽ không bàn thêm, mặc dù tất nhiên trong vai trò của ta là Elohim của Tia thứ Tư, ta cắt mọi người tâm linh ra khỏi dính mắc của họ, ra khỏi tâm thức tập thể, ra khỏi cõi trung giới, ra khỏi cõi lý trí, ra khỏi cõi bản sắc.

Và với lời này, ta cảm ơn con đã chú ý. Ta cảm ơn con đã sẵn lòng vật lộn với những điều kiện này. Và ta hy vọng là những ai đến từ Nga hay từ Ukraine có thể nhìn vượt ra khỏi cuộc xung đột này và thấy được là con trước hết không phải là người Ukraine hay người Nga. Trước hết con là người tâm linh, và tất cả các con đều đến từ cùng một nguồn cội, và các con đều đang bước trên con đường trở về nguồn cội đó bằng cách vươn lên khỏi mọi dính mắc, mọi điều kiện, mọi cảm nhận bản sắc trên trái đất. Điều này, ta sẽ hân hoan giúp con hoàn thành mỗi lần con thỉnh gọi ta đến cắt đứt cho con tự do.

Astrea, TA LÀ.

11 | Sinh kế cao hơn là làm việc cho tổng thể

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 8 tháng 1, 2023. Bài này được trao truyền nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Trong bước tiếp theo, chúng ta sẽ nói về khái niệm sinh kế cao hơn. Một lần nữa, xu hướng trong đạo Phật là tập trung vào từ “chánh” [như trong Chánh mạng] cho nên quy định là có những cách kiếm sống chân chính và những cách bất chính. Đối với nhiều Phật tử thuận thành, xu hướng này dẫn đến hậu quả là không có nhiều hình thức sinh nhai được xem là “chánh”, và điều này hạn chế khắt khe các chọn lựa trong việc tìm kế sinh nhai. Không những vậy, nó cũng hạn chế các chọn lựa trong việc hoàn thành Kế hoạch Trọn đời của mình.  

Bây giờ con hãy nhìn hành tinh này. Bước lùi lại và nhìn vào trái đất. Tình trạng con phải đối mặt trên hành tinh này thật vô cùng phức tạp. Khi con nhìn những gì xảy ra trên hành tinh, con thấy rõ là có rất nhiều hỗn loạn nhưng đồng thời cũng có một chiều hướng tiến triển nào đó. Khi con nhìn ngược về các thế kỷ trước, con thấy đã có một tiến bộ rõ rệt: tâm thức con người nâng lên, tính nhân bản cũng nâng lên, các nền dân chủ xuất hiện và mức sống cao hơn cho ngày càng nhiều người hơn. Rõ ràng có sự tiến triển trong xã hội, nhưng điều gì đã thúc đẩy tiến triển này? À, đó là sự kiện một số người đã có khả năng hòa điệu với một mức độ nhận biết vượt khỏi cái chúng ta có thể gọi là sự nhận biết bình thường của con người. 2500 năm về trước, thày đã gọi mức độ nhận biết cao đó là Phật tánh. Tất cả mọi thứ đều có Phật tánh ở bên trong và mỗi con người đều có tiềm năng đạt được mức nhận biết của Phật.

Tiềm năng này mang hai khía cạnh. Một là con vươn lên trên toàn bộ nhân cách vỏ ngoài, nhân cách dựa trên tự ngã, là ý niệm cho rằng con là một sinh thể tách biệt, tách biệt khỏi người khác và thế giới nơi con sống. Cho nên con vươn lên đến tầng tâm thức nơi con trở thành một vị Phật vì con đã chứng tâm thức Phật. Đó là một khía cạnh. Khía cạnh kia như thày đã giải thích là cốt lõi bản thể con, cái Ta Biết, có khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm của con ít ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, và nhờ vậy bắt liên lạc với Phật tánh là mức nhận biết cao hơn đó. Khi con có khả năng bước ra ngoài, con có thể nhận được một ý tưởng, một sáng kiến về cách cải thiện một điều gì đó trên trái đất.

11.1. Có nhiều chỗ cho sự cải tiến

Con nhìn vào địa cầu, nhìn vào biết bao vấn đề, biết bao xung đột, biết bao hỗn loạn đang có mặt, và con thấy không có một phần nào của cuộc sống hay của xã hội mà không thể được cải thiện. Trong mọi lãnh vực đời sống đều có chỗ cho sự cải tiến. Cải tiến này xảy ra khi có những người tham gia vào lãnh vực đó của cuộc sống và có khả năng bước ra ngoài tình trạng vỏ ngoài, bước ra ngoài chính tâm họ, để nhận được một ý tưởng có thể cải thiện lãnh vực đó từ mức nhận biết cao, từ nhận biết của Phật, từ Phật tánh.

Sinh kế thực sự của con là gì? Khi con là một người tâm linh cởi mở với các giáo lý tâm linh, đâu là sinh kế thực sự của con? Đó là cải thiện một khía cạnh nào đó của cuộc sống, nâng cao một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Có nghĩa là sẽ quá hời hợt nếu con nhìn vào đủ loại nghề nghiệp kiếm sống rồi bảo: “Ồ các loại nghề này một người tâm linh sẽ không nên làm. Chỉ có một ít nghề nghiệp mà bạn có thể tham gia nếu bạn là người tâm linh.”

Một lần nữa, tất nhiên là chúng ta cần tìm một thế cân bằng tế nhị ở đây. Chắc chắn như một người tâm linh, con không muốn làm nghề buôn ma túy hay buôn người. Phật tánh không hề có mong muốn hoàn thiện việc buôn ma túy hay buôn người, vì các loại hoạt động này cần được bỏ lại đằng sau khi hành tinh hướng lên những mức nhận biết cao hơn. Con có thể nhìn lại lịch sử và nhận thấy nhiều hoạt động đã được bỏ lại, ít ra bởi nhiều người. Các khía cạnh hung bạo hơn đã được nhiều quốc gia bỏ lại đằng sau khi luật mới được ban hành hay xã hội được ổn định và con người nói chung không tìm cách hãm hại lẫn nhau. Rõ ràng đây là điều sẽ xảy ra khi hành tinh ngày càng bước vào một thời đại mang đặc tính nhận biết cao hơn so với quá khứ. Và khi tiến trình này trải bày, có những thứ sẽ được bỏ lại. Con người sẽ đạt tới điểm chúng dần dần biến mất.

Con có thể nhìn nạn buôn ma túy đang tràn lan khắp mọi nơi hôm nay và tự hỏi: “Ủa, cái gì làm động cơ cho nguyên chuyện này?” Không phải là bọn tội phạm đâu mà là sự kiện có một thị trường cho ma túy. Có những người mua ma túy, nhưng tại sao họ lại mua ma túy? À, phần lớn là vì họ tìm sự khuây khỏa khỏi áp lực họ cảm thấy trong cuộc sống thường nhật – vì họ không biết và không bao giờ được dạy làm cách nào đối phó với chính tâm lý của họ, cũng như giải quyết các khía cạnh tâm lý đã khiến họ cảm thấy áp lực, khiến họ đi tìm một sự giải khuây tạm bợ qua ma túy, rượu hay nhiều loại sinh hoạt khác.

Khi tâm thức tập thể được nâng lên và sự nhận biết cũng cao hơn trong quần chúng về cách giải quyết tâm lý cá nhân và giải tỏa áp lực qua cách này, nhu cầu dùng ma túy sẽ giảm bớt cho nên nó sẽ dần dần biến mất. Khi không còn thị trường thì sẽ không còn buôn bán. Một điều tương tự tất nhiên cũng xảy ra với toàn bộ kỹ nghệ sản xuất vũ khí, hay tổ hợp công nghiệp quân sự như người ta thường gọi. Trái với những gì có vẻ xảy ra hiện nay, tới một điểm nào đó chiến tranh sẽ bắt đầu phai tàn, và con người sẽ đơn giản không thể hiểu nổi tại sao chiến tranh lại cần tồn tại. Cho nên nhu cầu phát triển, chế tạo và buôn bán vũ khí cũng sẽ biến mất.

Điều này nghe như một giấc mơ không tưởng, nhưng thật không khó gì mà nhận ra là suốt các thế kỷ đã có một tiến bộ lần hồi và tiến bộ này sẽ chỉ tiếp diễn, thậm chí còn gia tốc khi càng ngày càng có nhiều người bắt đầu giải quyết tâm lý cá nhân của mình và do đó cũng giải quyết các khía cạnh phản chức năng trong tâm thức tập thể. Không thể nào khác được.

11.2. Khi mọi thứ được tâm linh hóa

Vậy đối với con, một người tâm linh, kết luận là gì khi nói đến “chánh mạng” hay đúng hơn, “sinh kế cao hơn”? À, hiển nhiên là có một số hình thức kiếm sống mà con không muốn dự phần. Tuy nhiên, nhiều Phật tử lại suy luận rằng nếu con là một người thực sự tâm linh thì con không được làm kinh doanh. Chắc chắn có một số khía cạnh của thế giới kinh doanh cũng sẽ biến mất, nhưng không có nghĩa là kinh doanh sẽ biến mất. Sẽ vẫn có một thế giới kinh doanh.

Rất có thể là do kinh nghiệm trong các kiếp trước và sự quan tâm đặc biệt của con đến thế giới kinh doanh, con đã đặt vào Kế hoạch Trọn đời của mình việc tìm kiếm một vị thế trong thế giới kinh doanh để con nhận được ý tưởng mới về những cách cải thiện thế giới này và đẩy nó đi tới. Liệu sẽ xây dựng lắm không nếu con lấy thái độ vỏ ngoài rất phổ biến trong các Phật tử và nhiều người tâm linh là bảo: “Ồ không được, tôi không thể nào là người tâm linh mà lại đi làm kinh doanh?” Tất nhiên sẽ không xây dựng. Con cần hòa điệu với những gì ở trong Kế hoạch Trọn đời của chính con và theo đuổi cái đó.

Trên cơ bản, con có thể nói là con không thể đơn giản phân chia các loại hoạt động và bảo hình thức sinh sống này là sai, hình thức sinh sống kia là đúng. Điều gì sẽ xảy ra khi trái đất tiến vào thời đại nhận biết cao hơn? Điều sẽ xảy ra là với thời gian, tất cả mọi thứ sẽ được tâm linh hóa. Đâu là ý nghĩa thâm sâu trong câu nói rằng mọi thứ đều là Phật tánh? Ý nghĩa là con không thể quy định một sự phân biệt rõ rệt – mà rất nhiều người tâm linh đã quy định – giữa những việc tâm linh và những việc không tâm linh. Con cần nhận biết sâu sắc hơn và thấy là theo một nghĩa nào đó, tất cả mọi thứ đều có tiềm năng là việc tâm linh, có tiềm năng được xem là việc tâm linh. Một lần nữa, đây là một trong những câu nói đòi hỏi một chút phân biện.

Tất nhiên thật dễ bảo rằng: “Nhưng nếu mọi thứ đều có Phật tánh bên trong thì bạn có thể thấy được Phật tánh trong mọi hoạt động, cho nên bạn có thể là một kẻ buôn ma túy mà vẫn thấy Phật tánh trong việc buôn ma túy.” Khi con đạt đến một trình độ phân biện và nhận biết cao hơn, con hiểu ra là cho dù Phật tánh ở trong tất cả, điều này không có nghĩa mọi biểu hiện diễn ra là cao nhất có thể. Bởi vì Phật tánh là gì? Bảo rằng Phật tánh ở trong tất cả có nghĩa là gì? À, Phật tánh là một mức độ nhận biết. Thày đã có giảng điều gì? Có những sinh thể đã tạo hình tư tưởng từ một mức tâm thức cao hơn và đã phóng chiếu ra hành tinh địa cầu. Sau đó những con người đã được gửi vào hiện thân để khoác lấy không chỉ một cơ thể vật lý mà cả cảm thể, trí thể lẫn bản sắc thể, và họ là những kẻ đồng sáng tạo trên địa cầu.

Ở nguyên thủy, trái đất ở trong một trạng thái thuần khiết hơn hiện nay, và từ trạng thái nguyên thủy này nhân loại đã kéo thấp trái đất xuống trong một thời gian dài. Đó là tại sao ngày nay sự đau khổ là trải nghiệm phổ thông nhất trong cuộc sống và con người bị chìm đắm trong Biển Luân hồi. Tình trạng này đã không do một Thượng đế toàn năng nào tạo ra hay do các sinh thể có nhận biết cao hơn tạo ra. Tại sao các sinh thể nhận biết cao hơn lại tạo ra đau khổ làm gì? Chính con người đã tạo ra các điều kiện hiện thời trên trái đất cùng sự đau khổ, hỗn loạn và điên đảo hiện thời. Họ đã làm thế nào? Như thày đã giải thích, bằng cách hình thành những tâm ảnh trong các thể bản sắc, lý trí và càm xúc rồi phóng chiếu chúng lên năng lượng cơ bản cấu tạo thế giới vật chất nơi họ sống.

11.3. Con người đã tạo ra Biển Luân hồi

Có nghĩa là gì? Có nghĩa là bất kỳ biểu hiện nào con nhìn thấy trên trái đất đều khởi đầu trong tâm thức. Trên cơ bản, đây là điều thày đã giảng dạy 2500 năm về trước: Tất cả đều là tâm thức, tất cả đều là biểu hiện của tâm thức. Nói cho cùng, đây cũng là ý nghĩa của câu nói “Phật tánh ở trong tất cả”, vì Phật tánh chính là tâm thức, một dạng tâm thức. Đặc điểm của Phật tánh là nó nhận biết tất cả, nó nhận biết được tổng thể. Phật tánh là sự nhận biết về tổng thể.

Khổ đau và điên đảo hiện thời trên trái đất được tạo ra như thế nào? Nó không được tạo ra từ sự nhận biết về tổng thể, mà như thày đã giải thích, nó được tạo ra từ sự nhận biết – hay đúng hơn từ ảo tưởng – rằng con người là những sinh thể tách biệt. Nhưng con đã không được sinh tạo là sinh thể tách biệt. Qua các chọn lựa con đã chọn trong quá khứ, con đã bước vào tâm thức tách biệt này và sử dụng các đối cực nhị nguyên – các cặp nhị đối – để biện mình cho chọn lựa của con, để dựng lên những tâm ảnh về cách vận hành của thế giới, về con người mà con là trong tương quan với thế giới, và con có quyền làm một số chuyện như một sinh thể tách biệt bất chấp hậu quả trên người khác. Hay nói cách khác, đã có một thời điểm khi loài người biến đổi, quên mất mình là những sinh thể nối kết, quên mất lý duyên khởi vốn nhìn mọi chuyện đều ảnh hưởng đến mọi chuyện khác. Họ bước vào trạng thái ảo tưởng cho rằng: “Ừ, tôi là một sinh thể tách biệt và tôi có quyền làm bất cứ gì tôi muốn như một sinh thể tách biệt mà không cần xét đến hậu quả trên tổng thể.”

Đây chính là tâm thức đã tạo ra Biển Luân hồi, tạo ra tình trạng hầu hết mọi người đều kinh nghiệm cuộc sống là đau khổ. Có bảy tỷ người trên hành tinh xem mình là sinh thể tách biệt và vì vậy họ phải tranh đấu chống lại bảy tỷ người còn lại. Đây là Biển Luân hồi. Con có thể nhìn lại một số hoạt động và con có thể nói: “Đúng vậy, các hoạt động này mang Phật tánh bên trong, vì nói cho cùng thì chúng được tạo ra từ tâm Một, từ tâm Phật duy nhất, từ tâm thức duy nhất. Nhưng chúng không được tạo ra với một nhận biết về tổng thể, là điều Phật tánh nhận biết. Chúng được tạo ra từ tách biệt.”

Cho nên con có thể nói là có những hoạt động trên địa cầu hoàn toàn dựa trên nhận biết tách biệt không đếm xỉa gì tới tổng thể, tới người khác, tới hậu quả mà chúng đem lại. Thậm chí chúng cũng không đếm xỉa gì tới chính những người ở trong tâm thái đó, họ bị chi phối như thế nào, họ đang gây ra loại nghiệp quả gì, và những kiếp tới của họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao – ngay cả khi họ có thể trốn tránh hậu quả trong kiếp này.

11.4. Nhận biết về tổng thể hay nhận biết về tách biệt

Đó chính là một sự lượng định mà con có thể áp dụng cho mọi hoạt động con người, chắc chắn cho kế sinh nhai. Liệu hoạt động có dựa trên sự nhận biết về tổng thể hay sự nhận biết về tách biệt? Cho nên con có thể thấy có những hoạt động tác hại hơn những hoạt động khác cho sự sống nói chung. Tất nhiên con có thể đi vào thế giới kinh doanh hiện nay chẳng hạn và bảo rằng thế giới kinh doanh ở mọi quốc gia đều bị khống chế bởi một thiểu số thượng tôn quyền lực kẹt cứng trong tâm thức tách biệt. Những người này tin như đinh đóng cột họ là một tầng lớp ưu tú và họ có quyền – một quyền hạn do Thượng đế ban bố hay do luật tiến hóa trao cho họ vì họ là những kẻ mạnh nhất, thích hợp nhất để nắm trùm thế giới kinh doanh – đến độ họ có thể xây dựng những tài sản khổng lồ cho riêng họ, nhiều tiền hơn là họ có thể cần đến, bằng cách lạm dụng sức lao động của người khác. Con có thể thấy vậy và nói: “Đấy, chắc chắn thế giới kinh doanh bị tâm thức tách biệt áp đảo cho nên nếu tôi là một người tâm linh, tôi không nên dự phần vào đó.”

Như thày vừa nói, có một số nghề như buôn ma túy hay sản xuất vũ khí sẽ dần dần biến mất vì chúng chỉ có thể làm hại con người, nhưng thế giới kinh doanh sẽ không biến mất vì trong kinh doanh có những khía cạnh xây dựng. Không có chuyện kinh doanh biến mất khi địa cầu tiến lên cao hơn. Điều sẽ xảy ra là kinh doanh cũng được nâng lên một cấp độ khác hẳn một khi ý niệm tổng thể được nhận thức rõ hơn. Điều này đang bắt đầu xảy ra rồi đó vì có những người đã nhận thức được rồi. Có những người tiêu dùng đã nhận thức được và họ không ủng hộ một số doanh nghiệp, hay thậm chí không mua sản phẩm từ một số quốc gia có nhận biết thấp hơn.

Đây là điều con có thể áp dụng khi con xem xét đâu là sinh kế cao nhất cho con như một người tâm linh. Con không dùng tâm vỏ ngoài mà nói: “Ồ, tôi sẽ không tham gia vào lãnh vực này,” mà con dùng trực giác để hòa điệu với kế hoạch mình đã lập ra trước khi đầu thai, cho nên con nói: “À, đây là sự lượng định tôi sẽ cân nhắc. Đây là một điều quan trọng để tôi xem xét. Nơi đâu là nơi tôi có thể phụng sự để đem lại cải tiến trong lãnh vực này?” Tất nhiên đây không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn có thể là chính trị, là hành chánh, là giáo dục, rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Trên cơ bản, những khía cạnh này của cuộc sống không hoàn toàn nguy hại, chúng có chỗ cho sự cải tiến, và chúng sẽ chỉ được cải tiến khi có người dấn thân vào lãnh vực đó.

Con có thể nói là đối với một người tâm linh, việc kiếm tiền không phải là quan tâm hàng đầu, mà quan tâm hàng đầu của con là phụng sự bằng cách cải thiện một khía cạnh nào đó của cuộc sống và xã hội. Đây là một điểm để cân nhắc. Kế hoạch Trọn đời của con ghi ra những gì?   

11.5. Giấc mơ kiếm tiền dễ dàng

Khái niệm về sinh kế có thể được đưa lên một cấp độ khác nữa. Hầu hết mọi người khi họ nghĩ đến sinh kế đều cho rằng sinh kế có nghĩa là kiếm tiền. Con phải đi làm, phải lập doanh nghiệp vì con phải có đủ tiền sống. Điều này đã khiến cho nhiều người tâm linh có những loại giấc mơ gọi là mưu kế làm giàu chớp nhoáng. Họ hy vọng tìm ra cách kiếm một số tiền kếch sù để họ có đủ tiền sống suốt đời, không phải lo lắng tiền bạc gì nữa hầu có thể tập trung vào việc đeo đuổi tâm linh.

Có rất rất nhiều người tâm linh như thày vừa trình bày, có đặt vào Kế hoạch Trọn đời là mình sẽ tham gia vào một lãnh vực nào đó. Mục đích là để con ở trong lãnh vực này và đem lại một số cải thiện, thậm chí chỉ do sự có mặt của con và một mức tâm thức cao hơn mà con có thể kéo người khác trong lãnh vực đi lên. Kế hoạch Trọn đời của con không có việc làm giàu chớp nhoáng để sau đó con rút lui khỏi xã hội và tập trung vào những đeo đuổi tâm linh mà con nhìn thấy.

Kế hoạch Trọn đời của con là dấn thân vào xã hội và tiếp tục đem lại cải tiến. Đây không phải là trường hợp của mọi người nhưng chắc chắn là của đại đa số. Con có thể buông giấc mơ làm giàu nhanh chóng này đi, giấc mơ tìm thấy một con đường tắt. Việc con buông giấc mơ này thật quan trọng vì mơ ước của lớp thượng tôn quyền lực kinh tế là gì chứ? Chúng mơ ước đúng chuyện đó: một con đường tắt để làm giàu. Nhiều người trong số họ đã tìm ra đường tắt này nhưng chỉ bằng một cách thôi, là lạm dụng người khác, đánh cắp sức lao động của người khác. Đây là cách duy nhất để đi đường tắt.

Nếu con là một người tâm linh và con mơ làm tiền theo cách này thì nó không ăn khớp với sự thăng tiến tâm linh của con. Có những người tâm linh mơ làm vậy đã bỏ ra hàng năm trời hay hàng chục năm trời để đeo đuổi việc này, nghĩ rằng: “Khi nào tôi đủ tiền, tôi sẽ có thể tập trung vào chuyện tìm đạo.” Nhưng điều xây dựng hơn rất nhiều là con làm việc trong một việc làm bình thường, từ từ kiếm đủ tiền rồi nhìn ra là việc mình tham gia vào xã hội là một phần trong bước tăng triển tâm linh của mình, là một phần trong đeo đuổi tâm linh của mình. Đừng nên tách rời các hoạt động tâm linh với các hoạt động thế tục mà bảo: “Ồ, nếu tôi có một việc làm tầm thường thì tôi không thể tâm linh, thật chẳng có gì tâm linh trong đó.” Tất cả mọi thứ đều có thể trở thành một phần của đường tu khi con dùng nó như một phần của đường tu.

11.6. Sinh kế và năng lượng

Bây giờ chúng ta hãy bước thêm một bước cao hơn. Sinh kế là gì? À, hầu hết mọi người sẽ trả lời sinh kế là việc kiếm tiền, nhưng liệu tiền bạc có phải là tài nguyên thực trên trái đất không? Thày đã nói gì chứ? Mọi thứ đều là năng lượng. Tài nghuyên thực của thế giới không phải là tiền bạc mà là năng lượng. Nhưng này con, thày cũng có nói thế giới được sinh tạo là vì có một tầng cõi với nguồn năng lượng bất tận vượt quá vũ trụ vật chất. Một phần năng lượng này chảy xuống, hay được hạ xuống phổ tần số cấu tạo vũ trụ vật chất. Thày đã nói là có một dòng năng lượng liên tục từ ngoài vũ trụ vật chất chảy xuống vũ trụ vật chất.

Sự kiện này có thể được chứng minh bởi khoa học. Khoa học đã phát hiện là vũ trụ không chỉ đang giãn nở mà sự giãn nở của vũ trụ đang gia tốc. Nhưng đấy, mọi thứ đều là năng lượng. Bất kỳ thay đổi nào cũng chỉ có thể xảy ra do năng lượng thúc đẩy. Nếu vũ trụ giãn nở thì phải cần nhiều năng lượng hơn để giãn nở. Môt trạng thái thấp hơn chỉ có thể bước lên một trạng thái cao hơn bằng cách bổ sung thêm năng lượng. Phải có năng lượng làm động cơ cho sự giãn nở. Cho nên nếu vũ trụ đang giãn nở và càng ngày càng giãn nở nhanh hơn, và nếu vũ trụ đã làm vậy từ thuở các nhà khoa học gọi là Big Bang (vụ Nổ Lớn), thì nhất định phải có năng lượng đi vào vũ trụ vật chất từ một nguồn bên ngoài, nếu không thì giản nở không thể xảy ra.

Con hãy bước ra ngoài nhìn lên bầu trời đêm, ngắm nhìn tất cả những ngôi sao cùng dải thiên hà và con có thể tự nhủ: “Nguyên cái này không thể nào hiện hữu nếu chỉ có một lượng năng lượng cố định trong vũ trụ. Nó sẽ chẳng bao giờ sinh ra được.” Tài nguyên thực không chỉ là năng lượng mà là năng lượng đi vào vũ trụ vật chất từ một cõi cao hơn. Như thày đã nói, tâm con có tiềm năng trở thành một cửa vào cho năng lượng đó.

Con thử nhìn các nhà tỷ phú mà xem, họ đã gom góp những số tiền vĩ đại và con có thể nghĩ là nếu ai đó có hàng tỷ đô-la, chắc họ phải cảm thấy thật an bình: “Bây giờ tôi có dư tiền để chăm lo bản thân tôi và gia đình tôi cho đến mãn kiếp. Tôi cần thêm tiền nữa để làm gì?” Nhưng đối với hầu hết những người đó, chuyện này không xảy ra. Tiền không bao giờ đủ. Họ luôn luôn muốn nhiều hơn vì nếu như có ai lấy mất thì sao? Cho nên không có chuyện có tiền rồi cảm thấy an bình. Điều sẽ khiến con an bình như một người tâm linh là con có đủ năng lượng. Không theo nghĩa là con có một lượng năng lượng cố định, mà theo nghĩa con đã thiết lập một sự nối kết ý thức với cái ta cao của con, và qua nối kết này năng lượng có thể liên tục chảy xuống từ cái ta cao vào bốn thể phàm của con. Đây chính là yếu tố sẽ cho con năng lượng sáng tạo, khả năng tạo ra điều gì đó, thị hiện điều gì đó, nhưng nó cũng sẽ khiến con cảm thấy trọn vẹn, viên mãn, an bình.

11.7. Tự ngã sẽ không bao giờ có đủ

Thày vừa nói điều xảy ra cho hầu hết mọi người là gì? Con đã bước vào cái tâm thức tách biệt đó. Con xem mình là một sinh thể tách biệt. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con đánh mất sự kết nối với cái ta cao của con. Nhiều người đã phóng chiếu hình ảnh là trong quá khứ xa xôi, con người đã sống trong một thiên đàng, thế rồi họ đã làm điều gì đó khiến cho Thượng đế tức giận và ngài đã trục xuất họ ra khỏi thiên đàng. Thượng đế bỏ rơi họ. Đấy, một khi con bước vào tâm thức tách biệt và tạo ra ngã tách biệt đó – nhân cách tự ngã đó, tự ngã đó, tức là một ngã tách biệt tự xem nó là tách biệt – thì con sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Con sẽ cảm thấy lẻ loi. Nếu con tin là có một Thượng đế đã ép buộc con vào trạng thái này thì con sẽ cảm thấy là Thượng đế này đã bỏ rơi con, nhưng thực tế không phải vậy.

Sự bỏ rơi diễn ra trong tâm con. Không có bỏ rơi thực sự. Con nối kết với cái ta cao, thật ra con là một biểu hiện của cái ta cao của con. Cái ta, cái Ta Biết, cốt lõi của bản thể con, là một phần nối dài của cái ta cao được gửi vào thế gian này vì cái ta cao không thể bước xuống thế gian một cách trực tiếp. Cái ta cao mong muốn trải nghiệm thế giới này và nó đã gửi cái Ta Biết vào thế giới như một phần nối dài của nó, để trải nghiệm thế giới từ bên trong. Con không bao giờ có thể cắt đứt sự nối kết đó nhưng con có thể che phủ nó bằng các khía cạnh dựa trên tự ngã trong các thể bản sắc, lý trí và cảm xúc của con. Cho nên con cảm thấy bị bỏ rơi, con cảm thấy cô đơn, con cảm thấy thiếu sót và không trọn vẹn. Đó chính là tại sao con cảm thấy nghèo nàn túng thiếu, tại sao con nghĩ con cần đến một cái gì bên ngoài chính mình để lấp đầy khoảng trống, lấp đầy lỗ hổng mà con mang bên trong.

Tự ngã sẽ luôn luôn có một lỗ hổng bên trong nó, nhưng là một lỗ hổng không thể nào lấp đầy. Tự ngã được tạo ra trong thế gian cho nên nó chỉ biết nghĩ là cách duy nhất để khắc phục cảm giác trống trải và nỗi khổ thiếu hụt là đạt được một thứ gì đó từ thế gian. Tiền bạc là một trong những thứ này nhưng còn nhiều thứ khác nữa. Tự ngã không ngừng đuổi theo ngày càng nhiều thứ của thế gian vì nó tưởng là nó sẽ cảm thấy trọn vẹn khi nó có đủ, nhưng điều này không bao giờ xảy ra. Tự ngã sẽ không bao giờ cảm thấy trọn vẹn.

Nhưng cái ta mà con là có thể đạt tới điểm nó cảm thấy trọn vẹn trong thế gian, nhưng chỉ khi nào con không bị mù quáng bởi các ảo tưởng của Maya cấu tạo tự ngã. Con phải loại bỏ các ảo tưởng này một cách có hệ thống khỏi các thể bản sắc, lý trí và cảm xúc của con, và một khi con làm vậy, con sẽ thiết lập một sự nối kết ý thức càng ngày càng chặt chẽ với cái ta cao. Con sẽ cảm nhận được dòng chảy năng lượng, là năng lượng dựa trên tình thương liên tục chảy xuống từ cái ta cao vào tâm con. Đây mới là điều khiến con cảm thấy trọn vẹn, viên mãn.

Cho nên cái hiểu đích thực về sinh kế cao hơn là con làm tất cả những gì có thể để tái lập sự kết nối với cái ta cao hầu con đạt tới điểm cảm thấy mình trọn vẹn và viên mãn trong bản thân mình. Nói cách khác, con không cần bất cứ gì từ thế giới này để cảm thấy trọn vẹn. Con vẫn có thể mong muốn có một số thứ, trải nghiệm một số thứ của thế gian, nhưng con không bị điều khiển bởi nhu cầu ám ảnh cưỡng chế muốn đạt được gì đó từ thế gian để lấp đầy lỗ hổng. Vì con đã bước ra ngoài tự ngã cho nên con không trải nghiệm thế gian qua tự ngã, và vì vậy con không cảm thấy lỗ hổng. Thay vào đó, con trải nghiệm sự nối kết với cái ta cao, dòng tình thương chảy xuống từ cái ta cao, và điều này khiến con tràn đầy bên trong. Tất nhiên con vẫn có thể còn một số khía cạnh của tự ngã, một số những cái ngã – nếu có thể gọi như vậy – có mặt trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, và con có thể tạm thời bước vào chúng và bị chúng khống chế. Nhưng con có khả năng lại bước ra ngoài chúng, kết nối lại với cái ta cao và lại trải nghiệm sự trọn vẹn.

11.8. Tăng dòng chảy năng lượng

Rõ ràng là trên đường tu có nhiều bước, cho nên sẽ tới một điểm con bắt đầu có những hé thoáng nối kết với cái ta cao, con bắt đầu có những cái nhiều người gọi là trải nghiệm thần bí. Sau đó con lại trở về nhận biết bình thường của mình, lại bị tô màu bởi tự ngã đang đồng hóa với những cái ngã kia và con lại phản ứng theo chúng. Nhưng một khi con đã trải nghiệm được sự nối kết với cái ta cao, con có thể sử dụng trải nghiệm này để bước ra ngoài sự đồng hóa với nhân cách vỏ ngoài và thiết lập thêm nối kết. Dần dần với thời gian, càng ngày con càng nối kết nhiều hơn và những trường hợp bị ngã vỏ ngoài, nhân cách vỏ ngoài, áp đảo ngày càng hiếm hoi. Con càng nối kết và trọn vẹn lâu hơn, thường xuyên hơn. Đây là ý nghĩa tối hậu của Chánh mạng.

Chánh mạng cũng liên quan đến lượng năng lượng chảy vào tâm con từ cái ta cao, và điều này tùy thuộc vào hai yếu tố. Đầu tiên phải có một sự nối kết rộng mở hơn. Như thày đã giải thích, có nghĩa là con biến hóa năng lượng trong ba thể cao của con đang ngăn chặn sự nối kết, con gỡ bỏ các tin tưởng sai lầm hầu con làm sạch các thể cảm xúc, lý trí, bản sắc. Khi có nhiều khoảng trống hơn thì nhiều năng lượng hơn sẽ chảy xuống.  

Kỳ thực con có thể thỉnh năng lượng chảy vào các thể phàm của con, và con có thể làm vậy qua nhiều kỹ thuật khác nhau, kể cả việc tụng niệm như trong đạo Phật, hay nhiều bài chú, bài thỉnh là kỹ thuật hiện đại hơn được trao cho con người trong thế giới ngày nay. Điều này đòi hỏi con phần nào cởi mở với một cách nhìn mới khi con nhận ra là kỳ thực có nhiều sinh thể hiện hữu nơi tầng cõi vượt khỏi vũ trụ vật chất. Qua việc thỉnh gọi các sinh thể này, con có thể thỉnh những năng lượng đặc thù mà các vị đó biểu tượng.

Trong nhiều giáo lý tâm linh đã có khái niệm là có bảy loại năng lượng chính mà con có thể thỉnh, có khi được gọi là các tia sáng tâm linh. Có những vị chân sư đặc thù đảm nhiệm việc rải truyền các năng lượng này đến trái đất. Khi con thỉnh cầu các chân sư đó, con có thể gia tăng dòng chảy năng lượng xuyên qua bản thể con vào trường năng lượng của con, được thể hiện xuyên qua những điểm mà nhiều giáo lý tâm linh gọi là luân xa (chakra) tức là những trung tâm năng lượng trong năng trường của con.

Qua việc nhận thức sự kiện này, con có thể gia tăng dòng chảy đó, gia tăng lưu lượng. Tuy nhiên có một mặt khác nữa là con cũng hiểu được ý nghĩa truyện ngụ ngôn của Giê-su về ba người đầy tớ. Truyện kể có chủ nhà kia đi xa, ông trao cho ba người những lượng ta-lăng khác nhau. Khi trở về, ông hỏi họ đã làm gì với các ta-lăng. Hai người đã nhân ta-lăng lên gấp bội, còn một người thì chôn ta-lăng dưới đất để khỏi đánh mất. Hai người đã nhân ta-lăng lên được chủ tưởng thưởng. Câu chuyện chỉ ra cho con thấy một nguyên lý chung là khi con lấy năng lượng mà con đã nhận được từ một nguồn cao hơn rồi sử dụng để nâng cao cả tổng thể, để phụng sự những phần khác của sự sống và đem lại sự cải thiện ở đâu đó, thì những gì con đã dùng sẽ được nhân lên. Như thày đã giải thích, cho dù con có làm gì thì con cũng gửi ra ngoài một xung lực năng lượng luân lưu qua bốn tầng của vũ trụ vật chất, nhưng nếu xung lực này dựa trên tình thương, nó sẽ vượt quá vũ trụ vật chất, nó được nhân lên và con sẽ nhận lại nhiều năng lượng hơn so với những gì con đã gửi ra ban đầu.

Điều này có nghĩa là giờ đây đời con trở thành một vòng xoáy ốc hướng thượng, qua đó con dùng năng lượng với một sự nhận biết về tổng thể, con nỗ lực nâng cao một khía cạnh nào đó của tổng thể, với kết quả là con nhận thêm nhiều năng lượng sáng tạo hơn nữa để con lại có thể phụng sự nhiều hơn, và chu kỳ này cứ thế tăng lên suốt đời con. Con có thể nói việc xây dựng vòng xoắn ốc năng lượng tuần tự này là hình thức sinh kế tối hậu. Nó có thể biểu hiện qua nhiều loại hoạt động, nhiều công trình khác nhau trong đời sống, qua đó con dùng năng lượng sáng tạo này cùng nhận biết cao hơn của con, cảm nhận nối kết của con để đem lại cải tiến. Thật rõ ràng là nếu con làm vậy, con sẽ nhận được phần thưởng tương ứng. 

11.9. Làm việc để nâng cao tổng thể

Một lần nữa con thấy có những người tâm linh tìm thấy một giáo lý tâm linh nhưng lại nhìn giáo lý tâm linh qua phin lọc của ngã tách biệt. Trên cơ bản, họ nói: “Làm thế nào tôi có thể dùng giáo lý này để tạo lợi thế cho ngã tách biệt? Chẳng hạn làm thế nào tôi dùng nó để cảm thấy an toàn, yên ổn? Hay làm thế nào tôi dùng nó để cảm thấy mình tốt thiện hơn người khác?” và đó là loại mong muốn của ngã tách biệt. Con đang cố tâng mình lên cao hơn người khác, thậm chí có lẽ còn dìm người khác xuống. À, chuyện này sẽ không giúp con khắc phục ảo tưởng tách biệt, phải không con? Con càng dùng giáo lý tâm linh để khiến con cảm thấy mình đặc biệt so với người khác thì con sẽ càng củng cố cho ngã tách biệt cùng ảo tưởng con là một sinh thể tách biệt.

Đâu là mục đích của giáo lý của Phật và con đường Bát chánh đạo? Đó là để khắc phục ảo tưởng đó. Chỉ bằng cách chất vấn ảo tưởng, tách rời cái Ta Biết ra khỏi ngã vỏ ngoài, thì con mới có thể nối kết với Phật tánh và nhờ vậy bước vào vòng xoắn ốc hướng thượng nơi con dần dần ngừng đồng hóa với ngã vỏ ngoài, và thay vào đó đồng hóa với cái ta cao là sự biểu hiện của Phật tánh. Con trở nên nối kết trước tiên với cái ta cao trong chính con, và xuyên qua nối kết này, con nối kết với mọi người khác, với môi trường, với mọi sự sống. Con bắt đầu hành động dựa trên sự nhận biết về tổng thể và đây chính là Phật tánh.

Đây là sinh kế tối hậu. Con không chú tâm vào tiền bạc, con không chú tâm vào chuyện đánh giá xem hình thức nghề nghiệp nào là ổn thỏa cho một người tâm linh. Mà con chú tâm vào: “Đâu là nơi tôi có thể đem lại sự cải thiện? Đâu là nơi tôi có thể phụng sự tổng thể?” Khi con tập trung vào đó, những đại lộ mới sẽ mở ra mà rất có thể ngày hôm nay con không thể tưởng tượng nổi. Khi con nâng cao nhận biết, con nhìn ra cơ hội mới và con trực nhận đây là hướng đi đúng đắn. Đời con trở thành một vòng xoắn ốc phụng sự cứ lên cao hơn mãi, trong khi con vẫn có đầy đủ phương tiện để chăm sóc cơ thể vật lý của con, gia đình của con lẫn những trách nhiệm khác.

Con không thể chỉ quyết định bằng tâm vỏ ngoài. Qua trực giác con phải hòa điệu với cái ta cao của con, với Kế hoạch Trọn đời của con và luôn luôn nỗ lực vượt xa hơn tâm vỏ ngoài chỉ biết xem nó là một sinh thể tách biệt trong một thế giới có nhiều sinh thể tách biệt khác. Con nỗ lực vượt xa khỏi Biển Luân hồi cho nên con an bình. Đây là Sinh kế Cao hơn.

17 | Con chú tâm vào điều gì?

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị qua mạng Internet mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. 

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Chúng ta đang đi đến giai đoạn cuối của Bát Chánh đạo, đây là giai đoạn dồn hết sự chú ý, mà thật sự có lẽ tốt hơn nên gọi là chú tâm. Con chú tâm vào điều gì? Thày đã nói điều vô cùng quan trọng là con cần nhận ra Bát Chánh đạo – tức con đường tâm linh, con đường hướng đến các tầng nhận biết cao hơn – có nhiều giai đoạn.

Con đã tới điểm con tìm thấy một giáo lý tâm linh vỏ ngoài. Con không nhận định mình đang ở mức nào khi con tìm thấy giáo lý này. Qua khắp các thời đại, nhiều người đã đưa ra nhận định: “Đối với tôi, dường như đây là một giáo lý rất vi diệu mà tôi xem là cao siêu, đặc biệt, và điều này phải có nghĩa là tôi là một học trò tâm linh tinh thông”. Điều này không hẳn đúng, và cũng không nhất thiết là sai, nhưng con cần nhận ra một điều, đó là con đang sống trong một thời kỳ mà thông tin dễ dàng lan truyền hơn bao giờ hết.

Nhờ các trang mạng và sách nên mọi người hoàn toàn có thể bắt gặp một giáo lý tâm linh ngay cả khi họ chưa sẵn sàng đón nhận giáo lý này, hay họ chưa đạt được một mức tâm thức nhất định trong giai đoạn đi từ mức nhận thức thấp hơn lên đến những mức cao hơn. Thày nói điều này không có ý chê trách ai. Thật không có tính xây dựng khi áp đặt nhận định này lên mức tâm thức của con lúc con tìm ra một giáo lý tâm linh. Điều quan trọng con cần nhận ra là khi con tìm thấy con đường tu thì con đang ở một mức tâm thức nào đó, và mức tâm thức này sẽ pha màu và ảnh hưởng đến cách con tiếp cận đường tu. Hay nói cách khác, thật khó lập ra một phương pháp chuẩn mực hay một quy trình chuẩn mực để tất cả mọi người có thể đi theo khi họ tìm ra một giáo lý tâm linh. Mọi người cần khởi sự tại mức tâm thức hiện tại của mình và điều này không thể khác được. Khi tìm ra một giáo lý tâm linh, người ta cần phải đi qua một giai đoạn, có lẽ một giai đoạn khá dài, sử dụng giáo lý tâm linh để củng cố thế giới quan hiện hữu hoặc dùng giáo lý này để xây dựng một thế giới quan mới. Thế giới quan này dựa trên ý niệm tách biệt và mong muốn mình dường như cao trội, hay khiến mình có cảm giác an toàn vì mình hiện đang đi theo giáo lý tâm linh này. 

Cũng có nhiều người cần cảm thấy: “Vì tôi đang theo giáo lý tâm linh này, cho nên thế nào tôi cũng sẽ được cứu rỗi, thế nào tôi cũng sẽ giác ngộ”. Cảm giác này khiến họ dễ đương đầu hơn với các hoàn cảnh sống và đây là điều cần thiết khi còn ở mức thấp trên đường tu. Có những người vẫn cần điều này. Họ không thể làm gì khác ngoài việc dùng những nhu cầu này để tiếp cận con đường tâm linh, và họ cũng cần có những trải nghiệm này trong một thời gian cho đến khi họ mở tâm ra với một tầm nhìn cao hơn về đường tu. Các thày có thể nói rằng một số người khi tìm ra con đường tâm linh cần phải đi qua một giai đoạn trong đó họ dùng giáo lý tâm linh để thật sự xây dựng hay củng cố một thế giới quan sẽ giữ họ trong tách biệt. Điều này không thể tránh được. Một số cuối cùng có thể đạt đến điểm sẵn sàng vượt lên khỏi giai đoạn này, trong khi một số khác vẫn sẽ đứng yên cho đến hết kiếp.

17.1. Bí quyết là thay đổi chính mình

Giai đoạn kế tiếp là gì? À, giai đoạn tiếp theo là con bắt đầu nhận ra con cần thay đổi chính mình. Đó không phải là chuyện thay đổi người khác, hay thay đổi thế giới, hay thay đổi Thượng đế và những gì Thượng đế sẽ làm cho con. Đó là thay đổi chính con. Con bắt đầu nhận ra điều thày đã đề cập trong loạt bài giảng này: Đó là con cần chú tâm thay đổi tâm mình từ bên trong, thay vì trước tiên thay đổi các hoàn cảnh bên ngoài với hy vọng điều này sẽ thay đổi trạng thái tâm con. 

Giờ đây khi con bắt đầu hiểu được điều này là lúc con bước vào giai đoạn mà công việc chính là thật sự kéo mình khỏi lực hút từ tính của tâm thức đại chúng. Mọi thứ đều liên kết với nhau, vì vậy con là một phần của tâm thức nhân loại. Con cũng là một phần của tâm thức đại chúng trong nền văn hoá và chủng tộc nơi con lớn lên. Điều con thấy trong tất cả những nền văn hoá này là có một ý niệm nào đó về sự bình thường. Đây là điều bình thường trong văn hoá của con và có một áp lực từ tâm thức đại chúng khiến con phải tuân theo điều bình thường này. Dĩ nhiên, chuẩn mực cho sự bình thường được quy định dựa trên ảo tưởng tách biệt và tâm thức nhị nguyên. Hầu hết mọi người đều có cảm nhận văn hoá của mình cao trội hơn của người khác, và việc xung đột với các nền văn hoá khác là lẽ thường tình. Để có thể đạt được tiến bộ trên con đường tâm linh, tất nhiên con cần kéo mình ra khỏi tâm thức này.

Giờ đây con bước vào giai đoạn tập trung chính yếu – dồn hết chú tâm – giải phóng mình khỏi lực hút từ tính của tâm thức đại chúng. Như thày đã mô tả, con làm điều này bằng cách chuyển hoá các năng lượng mà tâm thức đại chúng có thể chụp lấy và kéo đi. Con làm điều này bằng cách nhận ra các khuôn nếp phản ứng, các ngã tách biệt của mình, con giải toả các ảo tưởng và để cho ngã chết đi. Tâm thức đại chúng chỉ có thể hút con khi trong bốn thể phàm của con có cái chúng có thể thu hút. Điều này cũng giống như trọng lực vậy, trọng lực chỉ hấp dẫn những thứ có khối lượng. Nếu một vật không có khối lượng thì trọng lực không thể hấp dẫn được. Khi con làm điều này, con càng lúc càng độc lập với tâm thức đại chúng. Con đang nâng chính mình khỏi tâm thức đại chúng để khi những con quỷ của Mara đến và cám dỗ con, chúng không tìm thấy gì trong con để kéo con quay lại khuôn nếp mà con thấy trong văn hoá của con hay ngay cả trong toàn thể nhân loại nói chung. Con không bận tâm đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn, con chỉ quan tâm đến việc nâng cao tâm thức của con.

17.2. Bước trên con đường tâm linh như một cá thể

Giờ đây như thày đã nói, một khi con trong lọc các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của mình khỏi những ngã tách biệt này và những năng lượng thấp, thì con bắt đầu kết nối nhiều hơn với cái ta cao của con. Đây là lúc con có thể đạt đến một điểm cơ yếu trên con đường tâm linh, và nhiều người cũng cảm thấy bối rối về điểm này. Có thể con đạt đến điểm con đã giải thoát mình phần lớn hay thậm chí hoàn toàn khỏi sức hút của tâm thức đại chúng, nhưng con làm điều này bằng cách nào? Bằng cách nào con giải thoát mình khỏi tâm thức tập thể? À, con chỉ có thể làm được điều này dựa trên tầng mức nhận thức của con, và khi con khởi sự đường tu thì mức nhận thức này ít nhất cho con cảm giác con là một sinh thể tách biệt. Điều tự nhiên là con người trên trái đất bị chế ngự bởi tâm thức tập thể đến mức họ có rất ít ý thức cá thể. Có thể nói là họ trôi theo dòng nước cuốn của tâm thức đại chúng thay vì tuôn chảy theo cách của riêng mình. 

Để đi trên con đường tâm linh, con cần đi riêng biệt vì hiện nay không có một nền văn hoá nào trên trái đất xem việc tu tập là một chuyện bình thường. Con phải luôn đi ngược lại với quy tắc xã hội và con chỉ có thể làm điều này như một cá nhân riêng biệt. Con thật sự đang làm gì khi trong giai đoạn này con nâng mình lên, giải thoát mình khỏi sức hút của tâm thức đại chúng? À, đó là con đang xây dựng một ý thức cá thể mới của một người tâm linh, nhưng con làm điều này bằng cách nào? À, đó là con xây dựng hay con tạo ra một tập hợp những ngã tách biệt dựa trên việc xem mình là một người tâm linh đang bước chân trên đường tu trong giáo lý tâm linh đặc thù của con. Thày tuyệt đối không ngụ ý điều này có gì sai trái vì con không thể làm gì khác được. Con phải bắt đầu ngay vị trí con đang đứng. Ở giai đoạn đầu, con phải giải thoát mình khỏi tâm thức đại chúng, và con làm điều này bằng việc tạo nên một cái ngã riêng biệt thật mạnh mẽ để nó không bị hút vào những khuôn nếp tập thể trong nền văn hoá của con. Con đang thật sự nắm lấy một giáo lý tâm linh và dùng giáo lý này để xây dựng một tập hợp các ngã tách biệt khiến con có thể cưỡng lại áp lực hay sức hút từ tâm thức tập thể.

Một khi con đã làm được điều này một lúc thì con tới một bước ngoặt quan trọng nhất trên đường tu, vì giờ đây con đối mặt với một chọn lựa cốt yếu. Chọn lựa này là, con sẽ tiếp tục bồi đắp cho ý niệm bản sắc tách biệt này như một sinh thể riêng biệt, hay con sẽ bắt đầu hiểu ra là mặc dù bản sắc riêng biệt này đã hữu ích nhưng nó vẫn không thể đưa con đến những giai đoạn cao hơn của con đường tâm linh. Quả thật, nó không thể đưa con vượt quá một điểm nào đó. Thày đã giải thích mục đích thực của con đường tâm linh là con vượt qua tất cả các ý niệm bản ngã, tất cả những cái ngã dựa trên ảo tưởng tách biệt. Do đó, cái ngã giúp con tự do khỏi tâm thức đại chúng được xây dựng trên ý niệm tách biệt – không nhất thiết là nhị nguyên hay thấy mình là kẻ thù của người khác, nhưng nó khiến con tách hẳn ra khỏi người khác và tách khỏi tâm thức đại chúng.

Để có thể đến được các giai đoạn cao hơn của đường tu, con cần bắt đầu nhận ra là ngã này đã hoàn tất mục tiêu của nó, nhưng giờ đây con cần bắt đầu buông bỏ nó. Dĩ nhiên, điều này nghe có vẻ mâu thuẫn – thoạt tiên con dựng lên một cái ngã, sau đó con lại phải lột bỏ nó. Nhưng con hãy hình dung một chiếc hoả tiễn, một chiếc hoả tiễn có lẽ gồm có ba tầng. Có một bình nhiên liệu khổng lồ cùng động cơ nằm ở bên dưới hoả tiễn được dùng để đẩy hoả tiễn lên đến một độ cao nào đó nơi trọng lực trái đất và lực cản không khí giảm bớt. Sau đó bình nhiên liệu đã cạn, và để hoả tiễn có thể bay cao hơn thì nó cần tách khỏi bình nhiên liệu và bộ động cơ đầu tiên, rồi khởi động bộ động cơ thứ nhì để đẩy nó lên mức cao hơn nữa. Ý niệm bản ngã của con cũng tương tự như vậy. Con có một cái ngã và con bồi đắp nó để nó đưa con vượt khỏi sức hút hấp dẫn của tâm thức đại chúng, nhưng sau đó con cần bỏ cái ngã này đi để con lên cao hơn. Có sự khác biệt giữa hoả tiễn và con, đó là con không thể và hiển nhiên con không phải loại bỏ tất cả các ngã cùng một lúc. Con cần loại bỏ chúng lần lượt vì thật sự không chỉ có một cái ngã, mà là một tổ hợp các ngã tách biệt, nên con phải tháo gỡ từng cái một.

Nhiều người suốt các thời đại đã không hiểu thấu quá trình này. Có một số ít đã thấu triệt quá trình này nhưng phần đông thì chưa hiểu được, nên họ quả thật vẫn dính mắc vào ngã này hay dính mắc với bản sắc mà họ đã bồi đắp đến mức họ không thể buông bỏ được. Như thày đã từng mô tả về tự ngã, những người này giờ đây tin rằng đây thật sự là cái ngã sẽ đưa họ lên thiên đàng hay niết bàn, vì vậy họ cần phải tiếp tục bồi đắp, cải tiến và kiện toàn nó cho đến khi cái ngã này có thể bước vào thiên đàng hay cõi tâm linh hay cõi niết bàn hoặc bất cứ gì con có thể gọi. Đây là một ảo tưởng, và là một ảo tưởng mang tiềm năng tác hại khiến nhiều người mắc kẹt, thậm chí trong nhiều kiếp đầu thai. Thày đã cho con các công cụ giúp con nhận ra tại sao đây là một ảo tưởng vì nó dựa trên tách biệt, một ảo tưởng tách biệt.

17.3. Niềm tự hào tâm linh 

Con cũng có thể nhìn vào những phong trào tâm linh mà con đã hoặc đang tham gia, và nhận thấy có những người đã ở trong những phong trào này có lẽ cũng khá lâu, và họ đã tạo nên một niềm tự hào, tự hào về các thành quả tâm linh, về sự hiểu biết giáo lý và công phu tu tập của mình. Họ cảm thấy không những họ cao hơn những người không theo giáo lý mà cao hơn cả những người đang theo học giáo lý nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm như họ. Nếu con bước lùi lại thì con có thể nhìn rõ niềm tự hào tâm linh này chỉ có thể xuất phát từ một cái ngã tách biệt, nhưng một ngã tách biệt không thể đưa con lên đến một mức nhận thức cao hơn. Nó không thể đưa con đến Quả vị Phật, nó không thể đưa con đến niết bàn hay vào thiên đàng. Không cách gì chuyện này có thể xảy ra.

Giờ đây con bắt đầu nhận thấy khi tiến đến mức này, con cần chuyển đổi tâm mình. Con cần đi qua một sự xoay chuyển khác để nhận ra là từ giờ trở đi con đang thật sự xây dựng một loại ngã khác. Con đang xây dựng một cái ngã không dựa vào việc nhìn mình tách biệt khỏi tâm thức đại chúng, mà nhìn mình đang nối kết với cái ta cao của mình. Trong quá trình xây dựng ý niệm bản sắc nối kết này, con dần loại bỏ một số những cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra khi con còn đang nâng mình khỏi tâm thức đại chúng. Đây chỉ là một giai đoạn khác của đường tu, thật sự không có gì bí ẩn ở đây cả, chỉ là điều mà nhiều người không nhận ra.

Điều con cần làm ở đây là con cần bắt đầu sẵn lòng chất vấn cách con tiếp cận con đường tâm linh. Con đã nhìn đường tu như thế nào? Con có thể xác định những thành phần nào đến từ tách biệt hay ngay cả có lẽ đến từ nhị nguyên không? Con có thể bắt đầu thấy những thành phần này thật sự đang giới hạn con, chúng ngăn con có được tự do. Về cơ bản, con có thể nhìn đường tu như một quá trình nhờ đó tâm con càng lúc càng trở nên tự do. Con có thể thấy những ai bị tâm thức đại chúng chế ngự đều không có tự do tâm trí. Ý niệm bản sắc của họ do ý niệm bản sắc tập thể quyết định. Họ thường có xu hướng tư duy theo một kiểu nào đó và hiếm khi đưa ra một ý kiến cá nhân độc lập, vì tâm lý trí của họ đã bị chế ngự bởi tâm đại chúng. Họ thường không thể chọn theo cảm nhận riêng của mình mà lại theo bất kỳ khuôn nếp cảm xúc nào có mặt trong tâm thức tập thể. Nếu một tình huống nào đó xảy ra khiến những người trong nhóm phản ứng lại bằng cơn giận thì họ cũng sẽ phản ứng bằng cơn giận. Thường họ thấy điều này là hoàn toàn tự nhiên, là cách phản ứng duy nhất, vì vậy họ không có tự do tâm trí, họ không có tự do lựa chọn phản ứng với hoàn cảnh, không có tự do lựa chọn hành động, cảm xúc, suy nghĩ hay cả ý niệm bản sắc của mình.

Khi con còn xây dựng một cái ngã đưa con vượt khỏi tâm thức đại chúng thì con càng lúc càng tự do, nhưng chính cái ngã khiến con tự do khỏi tâm thức tập thể giờ đây lại trở thành một giới hạn cho tâm con vì con nghĩ con phải sống bằng cái ngã đó. Con phải sống bằng pháp tu mà con đã chấp nhận khi con còn ở trong một tầng tâm thức thấp hơn, vì vậy con vẫn không đạt được tự do tâm trí. Con tự do hơn lúc con bị tâm thức tập thể chế ngự, nhưng con chỉ tự do khỏi tâm thức tập thể vì con đã tạo ra một ý thức cá thể mạnh mẽ, nhưng nó vẫn là một ý thức cá thể vỏ ngoài và nó vẫn giới hạn tự do tâm trí con.

17.4. Gắn kết với cái ta cao hơn của con 

Bước kế tiếp là con giải phóng mình khỏi ngã này, khỏi tổ hợp những ngã này, trong đó con thấy mình là một sinh thể riêng biệt không kết nối đang cố nâng tâm thức mình so với một đối tượng là tâm thức tập thể. Khi con xây dựng ý thức riêng biệt này thì kỳ thực con đang phản ứng với tâm thức đại chúng, thậm chí con chống cự lại tâm thức này khi con nói: “À, tôi sẽ không cảm xúc, suy nghĩ hay đồng hoá mình với tâm thức đại chúng. Tôi sẽ làm theo cách khác”. Vậy thì con vẫn đang tương quan với tâm thức đại chúng, con giống như một hành tinh quay xung quanh mặt trời của tâm thức đại chúng. Giờ đây con cần gia tốc mình để thay vì quay xung quanh nó, thì hành tinh của con đi vào một quỹ đạo xoắn ốc đưa con vượt khỏi điểm này. Con làm điều này bằng cách nhận ra bước kế tiếp là thay vì gắn kết với tâm thức tập thể thì nay con gắn kết với cái ta cao hơn của con – cái ta này đến từ bên trong con, không phải từ bên ngoài con.

Đây là lúc con đi vào con đường nội tâm, giai đoạn nội tâm của đường tu cũng là lúc con chú tâm vào tâm thức của chính mình – giải quyết các trạng thái tâm thức của mình. Điều này giúp con tăng trưởng và theo một nghĩa nào đó, con có thể tiếp tục làm việc trên tâm lý của mình một thời gian khá lâu, và bằng cách này con có thể đạt được nhiều tiến bộ. Tuy vậy, đến một lúc con cần nhận ra mặc dù con đã nâng tâm thức mình, đã trong lọc tâm thức mình, nhưng bước tiếp theo con vẫn phải thật sự tạo ra một ý niệm bản ngã mới dựa vào việc con là một sinh thể có kết nối, dựa vào trải nghiệm con là một sinh thể có kết nối. 

Giai đoạn đầu là con kết nối với cái ta cao của con và nhận ra rằng ngoài cá tính vỏ ngoài và ý thức riêng biệt tương quan với thế giới này, thì cái ta cao của con cũng có một sắc tính. Thật sự con không thể gọi nó là một cá tính như hầu hết mọi người quan niệm, nhưng cái ta cao của con có những đặc tính cá thể mà con có thể neo trụ vào, và vì vậy con có thể bắt đầu đem đặc tính này vào tâm ý thức và biểu lộ nó qua bản sắc thể, trí thể và cảm thể. Giờ đây con đang trong giai đoạn nối kết với cái ta cao của con thay vì tương quan với tâm thức đại chúng hay với người khác, và con đang biểu đạt một số sắc tính từ cái ta cao của mình.

17.5. Bước vào tâm thức hợp nhất

Giai đoạn tiếp theo là lúc con bắt đầu nhận ra cái ta cao không thuộc thế giới vật chất. Nó cũng không nằm ở bốn tầng, vật lý, tình cảm, lý trí và bản sắc. Cái ta cao của con nằm ngoài thế giới hình tướng mà con đang biết đây. Nó vẫn có hình tướng nhưng nó ở nơi mà người ta gọi là cõi tâm linh. Khi con vượt khỏi thế giới hình tướng này thì tất cả đều là một, tất cả đều là duy nhất, và cái ta cao của con thấy được sự duy nhất này vì nếu không, nó không thể ở trên cõi cao đó. Con không thể bước vào cõi cao đó nếu con không thấy tất cả là một.

Giai đoạn kế tiếp là con đem cái một từ cái ta cao vào nhận biết ý thức. Giờ đây con bắt đầu xây dựng một ý niệm bản sắc không phải dựa trên sự tách biệt với tâm thức đại chúng, không phải dựa trên việc con vẫn là một sinh thể riêng biệt đang tương quan với cái ta cao. Con xây dựng một bản sắc dựa trên việc nhìn chính mình là một con người không những kết nối với cái ta cao mà còn kết nối với người khác và với môi trường vật lý của con. Hay nói cách khác, con bắt đầu vượt qua ý niệm tách biệt. Không nhất thiết đây là ý niệm nhị nguyên mà là ý niệm con tách khỏi người khác, tách khỏi môi trường, vân vân. 

Đây là chánh định. Đây là ý nghĩa sâu sắc và cao hơn của chú tâm hay tập trung. Con không chú tâm vào tâm thức tập thể, con không chú tâm vào chính mình như một sinh thể cá biệt, mà con tập trung vào tổng thể, con chú tâm kết nối, con chú tâm vào hợp nhất và điều này có nghĩa là giờ đây con bắt đầu nhìn cuộc sống theo một cách khác. Thay vì ước đoán: “Làm sao tôi nâng mình lên như một cá nhân?” thì con lượng định: “Làm sao tôi nâng tổng thể lên, làm sao tôi nâng người khác lên? Những người tôi biết quanh tôi, làm sao tôi nâng họ lên? Làm sao tôi giúp họ nâng tâm thức? Làm sao tôi giúp cải thiện một số khía cạnh của cuộc sống? Làm sao tôi góp phần thúc đẩy tiến bộ của nhân loại và thế giới nơi tôi đang sống?”

17.6. Chú tâm nâng cao tổng thể 

Trái đất đã có những tiến bộ đáng kể theo những gì được ghi nhận trong lịch sử. Con có thể thấy những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực công nghệ hơn hai thế kỷ qua. Con cũng nhận thấy tiến bộ công nghệ không song hành với tiến bộ tâm thức nhân loại. Đã có vài tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ để con người có thể dùng những tiến bộ công nghệ một cách cân bằng. Con thấy được điều này qua sự kiện công nghệ gây ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, vân vân. Con cũng thấy vũ khí càng lúc càng có sức mạnh và nguy cơ giết hại nhiều người hơn. Con có thể thấy có sự tiến triển nhưng cần phải tiến xa hơn nữa, đặc biệt cần phải gia tốc tâm thức nhân loại, nâng cao tâm thức tập thể. Bằng cách nào để điều này xảy ra? Bằng cách nào con nâng cao tâm thức tập thể? À, điều này chỉ có thể xảy ra khi từng cá nhân nâng cao tâm thức mình nhờ vậy kéo tất cả lên theo. 

Ngay cả trong giai đoạn con tìm cách nâng mình lên khỏi sức kéo của tâm thức đại chúng, tất nhiên con không hoàn toàn tách khỏi tâm thức này. Tâm thức đại chúng đang kéo con nhưng con cũng đang kéo tâm thức đại chúng. Khi con nâng mức nhận thức của mình lên, con cũng nâng tâm thức đại chúng lên. Chừng nào con còn chú tâm nâng mình lên như một cá nhân thì sức kéo này không mạnh lắm, nhưng ngay lúc con chuyển đổi thấy mình như một sinh thể nối kết thì sức kéo của con đối với tâm thức đại chúng trở nên mãnh liệt hơn rất nhiều. Do đó con tạo ra một tác động lớn hơn hẳn. Con đóng góp nhiều hơn hẳn vào việc nâng cao mọi sự sống bằng cách nâng cao tâm thức tập thể. Có người gọi việc này là giữ cân bằng tâm linh cho hành tinh hay cho xã hội, vì nhờ đó con kéo đại chúng lên cho đến khi mọi người bắt đầu thấy cần phải chuyển đổi một điều gì đấy.

Dân chủ đã ra đời như thế nào? Khi có đủ túc số tới hạn những con người đi qua giai đoạn chuyển đổi tâm thức thì họ bắt đầu bắt gặp các ý tưởng và các lý tưởng đặt nền tảng cho dân chủ. Họ dần dần chấp nhận các ý tưởng này và khi họ nâng cao nhận thức, họ cũng kéo đại chúng lên theo cho đến khi việc này bắt đầu lan ra như những vòng tròn trên mặt nước khi càng lúc càng có nhiều người bắt đầu thấy những sự thật làm nền tảng cho dân chủ sao quá hiển nhiên. Con người có những quyền hạn mà không một thế lực nào trên trái đất có thể tước đi được bởi vì quyền này được trao từ một tầng tâm thức cao hơn. Đây là cách dân chủ đã ra đời, đây là cách tất cả các tiến bộ đã diễn ra bằng việc nâng cao nhận thức đại chúng, trong đó một túc số tới hạn bất ngờ chuyển đổi tâm thức và thấy được điều mà họ không thấy trước đây. Thay vì tranh luận đúng sai, họ chỉ nhận thấy: “Nhưng điều này rõ ràng là vậy. Điều này thật hiển nhiên. Điều này là cách xã hội cần tăng triển”.

Đây là tiềm năng to lớn của con khi con đạt đến tầng cao hơn này của đường tu. Đó là chuyển đổi sự chú tâm. Thay vì chú tâm phát triển cá nhân mình thì con chú tâm nâng cao tổng thể. Đây là cách duy nhất khiến con có khả năng thật sự vượt quá một điểm nhất định trên đường tu. Con không thể đạt quả vị Phật nếu con nhìn mình như một cá thể tách biệt và chỉ quan tâm đến cá nhân mình mà không đoái hoài đến tổng thể. Quả vị Phật chú tâm vào tổng thể, tập trung vào tổng thể chứ không phải chỉ vào một phần nào đó, nhưng tất nhiên, con là một phần của tổng thể và đây là lý do vì sao con có thể kéo cả tổng thể lên.

Con thấy ở đây có một sự khác biệt cốt yếu giữa việc là một phần của tâm thức đại chúng với việc con vẫn là một phần của tổng thể. Hay nói cách khác, ấy là nếu con bị tâm thức đại chúng chế ngự thì con không kéo tâm thức này lên được. Hoặc con không tác động được gì, hoặc kỳ thực con sẽ kéo tâm thức tập thể đi xuống. Chỉ khi con bắt đầu nâng mình lên, nâng tâm cá nhân vượt khỏi mức tâm tập thể thì con mới có thể kéo tâm tập thể lên. Con càng nâng mức nhận biết của mình lên cao, con càng chú tâm vào tổng thể nhiều hơn là vào cái ta cá nhân, thì con càng kéo tâm thức tập thể mạnh hơn và tất nhiên con càng ít bị tâm thức này kéo xuống hơn. Con không bị dính mắc với tâm thức tập thể, nghĩa là con trở nên trong suốt trước tâm thức này.

17.7. Trở nên trong suốt 

Con có thể nói những con quỷ của Mara đang cố kéo con quay lại với tâm thức tập thể và chúng có khả năng làm điều này nếu con có những tin tưởng, có một ngã tách biệt cảm thấy nó phải phản ứng theo một cách nào đó trước cám dỗ của những con quỷ này. Giê-su đã diễn đạt điều này theo một cách hơi khác. Thày nói ông hoàng thế gian đến và không nắm được gì trong con. Hay nói cách khác, có một lực nào đấy, một tâm thức nào đấy trong thế giới này muốn kéo con vào những khuôn nếp cũ để ngăn hành trình tâm linh của con, ngăn con nâng cao tâm thức, vì vậy con cần học cách nhận diện điều này. Con đã vượt qua các ngã tách biệt. Con đã để chúng chết đi. Giờ đây con trở nên trong suốt.

Lực này có thể hướng điều gì đấy vào con – đó có thể là một suy nghĩ, một năng lượng cảm xúc, một xung lực nào đấy ở tầng bản sắc – nhưng khi nó đi vào tâm con thì không có gì trong đấy để nó có thể đánh trúng, khuấy động và tăng cường. Lực này đi xuyên thẳng qua con vì con không dính mắc, con tự do. Giê-su đã diễn đạt điều này trong câu nói: “Chuyện này can hệ gì với con, con cứ bước theo thày”. Hay nói cách khác, con hãy đi theo thày, hãy đi theo nhận biết cao hơn và hãy buông bỏ tất cả những cám dỗ kéo con vào những khuôn nếp phản ứng này.

Có một cách để nâng cao toàn thể là gì? Đó là biểu lộ cho mọi người thấy có một cách phản ứng khác ngoài cách đang thống trị tâm thức đại chúng trong văn hoá của họ. Nếu người thân trong gia đình con có xu hướng phản ứng bằng sự giận dữ trong những tình huống nào đó, và nếu con cho họ thấy con không phản ứng tức giận trong những tình huống như vậy thì có người sẽ hiểu. Họ sẽ hỏi ngay: “Tại sao người này không phản ứng như chúng ta thường làm, hay phản ứng như cách anh ta đã từng làm? Chuyện gì xảy ra vậy? Có khác gì không?” Có người sẽ nắm bắt được điều này. Có lẽ không phải là những người thân nhất trong gia đình con nhưng một số người sẽ nắm bắt được.

17.8. Không có nhân riêng rẽ và quả riêng rẽ 

Giờ đây con bắt đầu chú tâm nâng cao tổng thể, nhưng để nâng cao tổng thể con cần một sự xoay chuyển khác nữa, hoặc tối thiểu để tạo ảnh hưởng lớn nhất, con cần một sự xoay chuyển khác. Con cần suy ngẫm giáo lý về lý duyên khởi. Thày đã đưa ra nhận xét về giáo lý này là khoa học hiện đại có xu hướng muốn tách riêng một hiện tượng đặc trưng rồi tuyên bố: “Đây là một kết quả riêng rẽ và nó phải có một nguyên nhân riêng rẽ”. Ấy, trong thực tế không có những kết quả riêng rẽ và những nguyên nhân riêng rẽ. Tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau. Như thày cũng đã đề cập, đây là nền tảng của thuyết hỗn mang trong đó một thay đổi nhỏ ở một nơi có thể đưa đến một thay đổi lớn hơn rất nhiều ở một nơi khác.

Điều con cần suy ngẫm là con đang khởi sự chú tâm nâng cao tổng thể và trong các giai đoạn đầu của quá trình này, con có xu hướng nhìn thế giới và nói: “Đây là vấn đề cần được thay đổi”. Chẳng hạn vấn đế có thể là: Chúng ta cần khắc phục vấn đề chiến tranh và biểu lộ hoà bình thế giới. Con có xu hướng nói: “Đây là một hiện tượng tách biệt, chiến tranh. Chúng ta khắc phục chiến tranh bằng cách nào? À, chúng ta phải xác định nguyên nhân rồi sau đó loại bỏ nguyên nhân”. Đây là cách giải quyết vấn đề phổ biến trong các xã hội hiện đại dựa trên tâm phân tích đường thẳng, thuần trí năng. 

Không phải là con không thể đạt được sự hiểu biết sâu sắc về chiến tranh và nguyên nhân của chiến tranh, nhưng trên hết, con cần nhận ra các nguyên nhân gây ra chiến tranh không thể đứng riêng rẽ. Tại sao vậy? Bởi vì cái gây ra chiến tranh chính là con người. Con có thể nhìn vào những lý do vỏ ngoài như: “Ồ, người ta đang đánh nhau vì dầu lửa, hay họ đánh nhau vì tiền bạc hay vì đất đai”. Nguyên nhân thật sự của chiến tranh nằm trong tâm lý con người và nguyên nhân này đến từ ảo tưởng chúng ta là những sinh thể tách biệt, ảo tưởng là chúng ta có quyền định ra cho mình một chính nghĩa cuồng đại nào đó bị người khác chống đối, và do đó việc chúng ta sát hại những người này là chính đáng. Ảo tưởng tách biệt này là nguyên nhân tâm lý của chiến tranh. Con có thể hỏi: “ Làm sao con có thể thay đổi được điều này? Chúng con có thể làm gì? Chúng con không thể đi vào tâm của mọi người và thay đổi tâm họ.” Điều thày đang cố truyền đạt ở đây là con không thể loại bỏ chiến tranh bằng cách tách rời một nguyên nhân và tìm cách thay đổi nguyên nhân đó. Chiến tranh chỉ có thể được loại bỏ khi tâm thức tập thể được nâng lên tới mức có đủ túc số những người thình lình xoay chuyển tâm thức và rồi họ thốt lên: “Hiển nhiên là chiến tranh không thể chấp nhận được.”

Điều thày đang giải thích ở đây đó là trong những giai đoạn đầu khi con chú tâm nâng cao tổng thể thì con có xu hướng tìm kiếm một hiện tượng tách biệt khiến con cảm thấy con nên làm một điều gì và con muốn nhìn thấy sự thay đổi. Sau đó con tìm cách tách riêng nguyên nhân và giải quyết nguyên nhân này, từ đó con cảm thấy con đã thành tựu được một điều gì đấy. Rất rất nhiều người tâm linh ở mọi thời đại đều làm giống như vậy. Họ tách riêng một hiện tượng trong thế giới và nỗ lực thay đổi nó. Dĩ nhiên nhiều người muốn khắc phục chiến tranh nhưng con thấy đấy, đến nay chưa ai thành công. Nhiều người sau một thời gian cảm thấy thất vọng, chán nản, họ nói: “Các giáo lý tâm linh không đem lại kết quả gì. Rõ ràng những điều tôi đã làm không có chút kết quả gì.” Đó là do con nhìn vào hiện tượng riêng rẽ và nguyên nhân riêng rẽ.

Con có thể xoay chuyển bằng cách con không mong đợi tạo ra những thay đổi đặc trưng bên ngoài. Con tập trung, chú tâm nâng cao nhận thức ở mức cá nhân và mức tập thể. Con đang kéo nhận thức của cả cá nhân và tập thể lên thay vì chỉ thực hiện những thay đổi vật lý đặc thù. Tại sao điều này lại quan trọng? Đó là vì như thày đã giải thích, những gì xảy ra ở tầng vật lý của thế giới này là kết quả của những gì xảy ra ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc. Con có khả năng thay đổi một điều gì ở tầng vật lý. Con có thể lấy một cái xẻng và bắt đầu đào, và nếu con đào đủ lâu thì con có thể di dời cả một quả núi. Đối với những hiện tượng lớn hơn thế chẳng hạn như chiến tranh thì con không thể vượt qua bằng việc tạo nên những thay đổi vật lý. Cách duy nhất là tạo nên một quân đội hùng mạnh đến mức có khả năng đánh bại quân đội của nước khác, điều này có thể đem lại một nền hoà bình tạm thời, nhưng liệu nó có loại bỏ được chiến tranh không, hay có loại bỏ được nguy cơ chiến tranh khỏi hành tinh này không? À, chừng nào con còn có quân đội và vũ khí thì con chưa khắc phục được chiến tranh.

Thay vì tập trung vào những thay đổi vật lý đặc thù, con có thể chú tâm tạo ảnh hưởng để thay đổi ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc. Con làm điều này bằng cách nâng cao tâm thức chính mình, bằng cách chứng tỏ cho người khác thấy con có thể phản ứng một cách khác, có lẽ bằng cách lan truyền một giáo lý ở thời điểm thích hợp khi người ta mở tâm ra với giáo lý đó. Với cách này, con không đề ra một mục tiêu mà mình không thể đạt được. Do đó, con tránh được sự thất vọng và chán nản vốn là dụng cụ sắc bén nhất trong bộ dụng cụ của ma quỷ. Con có khả năng bước vào một trạng thái tâm trong đó con thăng vượt các nghi ngờ, sự thất vọng, niềm hy vọng về một số thay đổi mà mắt con có thể nhìn thấy.

Con đã thăng vượt tất cả những thất bại tiềm ẩn này và con đang đi trên đường tu mà con biết sẽ có kết quả vì con biết việc nâng cao tâm thức đem lại kết quả, con biết con đang làm công việc nâng cao toàn thể và điều này sẽ đem lại kết quả. Con chỉ cần tiếp tục làm, tiếp tục nâng cao sự nhận biết của mình, tìm cách nâng cao sự nhận biết của người khác và đây là điều khiến con cảm thấy con đang đóng góp chứ không phải con có nguy cơ thất bại hay thất vọng, vì con không đòi hỏi những thay đổi đặc thù. Tại sao con không nên mong đạt được những thay đổi đặc thù? À, trong vài trường hợp thì điều này cần thiết vì nó nằm trong Sứ vụ Trọn đời của con nhằm tạo ra một thay đổi cụ thể trong một lĩnh vực cụ thể qua việc nhận được một ý tưởng từ một tầng nhận biết cao hơn. Điều thày đang nói đến là tầng mức bao quát mong muốn tạo ra những thay đổi to lớn, chẳng hạn như chấm dứt mọi chiến tranh, điều mà cá nhân con thật sự không thể thực hiện được vì tất cả đều gắn kết với nhau. Chiến tranh là một trải bày của tâm thức tập thể và cách duy nhất để vượt qua hoàn cảnh vật lý này đó là nâng cao tâm thức tập thể.

Để không đề ra một mục tiêu bất khả thi cho chính mình, con tập trung nâng cao tập thể và con biết điều này có thể thực hiện được. Con có thể làm điều gì đó và khi người khác cũng làm những điều tương tự thì đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ xây dựng lực kéo để kéo tâm thức đại chúng lên và tạo ra một sự xoay chuyển. Một túc số tới hạn trong quần chúng đã mang lại nền dân chủ cũng như nhiều thay đổi tích cực khác. Có rất rất nhiều người trên trái đất ngày nay, dù họ có thuộc một phong trào hay một giáo lý tâm linh hay là không, cũng đang làm việc để kéo tâm thức tập thể lên, và vì vậy họ đặt nền móng cho những xoay chuyển sẽ đem lại những thay đổi vật lý mà nhờ đó con thấy được sự xoay chuyển xảy ra.

17.9. Chú tâm vào kết nối thay vì tách biệt

Trong Bát Chánh đạo, trong con đường tâm linh, con đi qua nhiều giai đoạn, và ở mỗi giai đoạn con lại chú tâm, tập trung vào những mục tiêu, khía cạnh, phương pháp nhất định. Những giai đoạn con đi qua càng lúc càng cao trong đó con xoay chuyển tâm mình không còn chú tâm xuyên qua các ngã tách biệt, các ngã nhị nguyên nữa, ngược lại tâm con càng lúc càng chú tâm đến sự kết nối thay vì sự tách biệt. Con có thể nói các con quỷ của Mara, ông hoàng của thế gian này, đang liên tục tìm cách cám dỗ con người và có rất nhiều các cám dỗ cá nhân, nhưng bên dưới những cám dỗ này là một cám dỗ toàn thể kéo con vào một trạng thái tâm khiến con nhìn cuộc sống, nhìn thế giới xuyên qua phin lọc tách biệt. Con thấy mình là một sinh thể tách biệt, con thấy người khác là những sinh thể tách biệt.

Điều xảy ra trong quá trình này là khi con chú tâm vào ảo tưởng tách biệt này, khi tâm con chú ý đến ảo tưởng tách biệt này thì con không thể thấy đằng sau những hình tướng riêng rẽ là Phật tánh. Con không thể thấy ngay cả những hình thể có vẻ tách biệt cũng kết nối với nhau ở một tầng sâu hơn. Con không thể thấy đằng sau những hiện tượng và nguyên nhân có vẻ tách biệt là lý duyên khởi. Mục đích thật sự của quỷ Mara là giữ con trong ảo tưởng tách biệt khiến con nghĩ: “À, người này đã làm điều gì đó với tôi mà lẽ ra anh ta không được làm. Vì vậy, anh ta là một người tách biệt, vì nếu không thì anh ta đã không làm vậy với tôi. Nhóm người kia đã làm điều gì đấy với đất nước tôi mà lẽ ra họ không được làm, vì thế họ tách biệt và tôi có thể giết họ mà không ảnh hưởng gì đến tôi. Thế giới thật sự chống lại tôi vì đó là một thế giới tách biệt và tôi tách biệt khỏi thế giới này.”

Có nhiều ảo tưởng như vậy, có hàng triệu ảo tưởng dưới các lớp ngụy trang khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm mục đích che mờ cái một và sự nối kết nằm bên dưới, đồng thời khiến con chú tâm vào ảo tưởng tách biệt này. Ngay cả một giáo lý tâm linh cũng có thể được sử dụng cho mục đích này. Con thấy một xu hướng chung trong hầu hết các tôn giáo và các giáo lý tâm linh đó là người ta tạo ra một sự phân biệt rất rõ rệt giữa những người đang theo giáo lý và những người ngoại đạo. 

Người ta có thể nhìn người ngoại đạo theo hai cách. Có thể có những người mà họ nghĩ có tiềm năng cải đạo theo giáo lý của họ, và có những người họ nghĩ sẽ chống đối giáo lý của họ và vì vậy là kẻ thù. Nhiều người mộ đạo nhìn người vô thần hay người theo chủ nghĩa duy vật như kẻ thù, và tất nhiên nhiều người theo chủ nghĩa duy vật nhìn người mộ đạo như kẻ thù. Con có thể dùng một giáo lý tâm linh để củng cố cảm nhận là con tách biệt, vì con đang theo một giáo lý nên con tách mình khỏi những người không theo giáo lý. Khi con làm như vậy, con chỉ mắc kẹt thêm vào ảo tưởng tách biệt, và tất nhiên điều này không đem lại tiến bộ trên đường tu, vì đường tu là khắc phục sự tách biệt như thày đã đề cập nhiều lần trước đây. Thày sẽ nói lại nhiều lần nữa vì đây là một trong những điểm khó nắm bắt nhất và rất nhiều người tu hàng thập kỷ vẫn chưa hiểu được.

Có những Phật tử tu tập giáo lý đạo Phật trong nhiều kiếp sống nhưng vẫn chưa hiểu được điều này. Họ tách ra khỏi những người không cùng hệ phái Phật giáo như họ và dựng nên ý tưởng cho rằng bởi vì họ có khả năng hiểu và đàm luận những giáo lý trí năng rất cao siêu, bởi vì họ đã thực hành tâm linh trong nhiều giờ, đã sống cuộc đời tu sĩ và tận tuỵ cho sự tăng triển, cho nên có nghĩa là họ chắc hẳn đã tăng triển. Họ chắc hẳn đã đạt đến một mức vượt bậc nào đó khiến họ đứng biệt lập khỏi những người chưa áp dụng được giáo lý như họ. Họ chưa xoay chuyển để nhận thấy mục đích thật sự của việc nâng cao tâm thức là để giúp toàn thể, và mục đích thật sự của một giáo lý tâm linh là cho họ quyền năng nâng cao toàn thể thay vì chỉ nâng cao chính mình như một cá nhân tách biệt, hay thậm chí nâng cao nhóm mình lên như một nhóm tách biệt.

Đến điểm con cần nhận ra con đã tìm thấy một giáo lý tâm linh, con đã thực hành giáo lý này và con đã dùng giáo lý để nâng mình lên đến một mức nào đó. Một cách sẽ giúp con đi xa hơn là tránh đi vào ngõ cụt mà nhiều người đã mắc phải khi họ nghĩ cách thay đổi thế giới là cải đạo người khác, bởi vì khi mọi người thay đổi thì chúng ta sẽ có thiên đàng trên trái đất. Trong thực tế, điều quan trọng duy nhất là nâng cao tâm thức, và con đã dùng một giáo lý tâm linh đặc thù để nâng cao tâm thức của con, nhưng điều này không có nghĩa là mọi người khác cũng nên làm vậy hay có thể làm vậy. Họ có thể cần những giáo lý khác, hoặc cần những ý tưởng phổ quát trong bản chất, không theo một môn phái nào, không gạt bỏ một ai nhưng bao gồm tất cả.

Thật vậy, điều cần xảy ra trong thời đại nhận biết cao hơn sắp tới là càng ngày càng có nhiều người tâm linh cần thăng vượt tư duy môn phái, chú tâm cải đạo người khác hay khiến người khác phải đi theo đạo sư của mình. Thay vì vậy, họ neo trụ vào tầng mức vượt ngoài thế giới vật chất, vào tầng nhận biết cao hơn mà từ đó những ý tưởng toàn vũ đang được trao truyền, và chính những ý tưởng toàn vũ này sẽ có ảnh hưởng tối đa lên việc nâng cao tâm thức tập thể. Những ý tưởng toàn vũ này có thể được biểu đạt xuyên qua một giáo lý tâm linh hay một vị thày tâm linh đặc thù, nhưng không nhất thiết phải được biểu đạt trong khuôn khổ đó.

Lấy ví dụ, con hãy nhìn vào các nước Phương tây nơi có nhiều người tập bộ môn yoga. Yoga có nguồn gốc rất lâu đời từ một nền văn hoá rất đặc thù, mặc dù ngay từ đầu yoga có tính phổ quát, nhưng sau đó nó bị đồng hoá với đạo Hindu. Nếu con đi ngược thời gian thì đã có thời để tập luyện bộ môn yoga, con phải là người theo đạo Hindu hoặc con phải sống theo lối sống khổ hạnh, rút lui khỏi thế giới, sống trong một tăng đoàn hay sống trong hang động, ăn uống kham khổ, không sinh hoạt tình dục, không có gia đình và dành hết thời gian chú tâm vào việc thực hành tâm linh rất gian khổ giống như pháp tu khổ hạnh mà đức Phật đã thực hành khi thày rời kinh thành.

17.10. Đạo Phật không được tạo ra như một tôn giáo 

Điều này có nghĩa là yoga thoạt tiên là một phương pháp và triết lý thực hành tâm linh rất cực đoan không thích hợp với lối sống năng động hiện đại khi con có gia đình và việc làm. Nhưng con thấy nhiều người ở thế giới Phương tây vẫn tập được yoga trong khi sống một đời sống năng động. Đó là vì yoga đã trở nên phổ quát. Yoga đã tập trung vào một cách thực hành đặc thù và tách ra khỏi một giáo phái cục bộ hạn hẹp. Giờ đây, một số các con cũng biết đến phong trào thiền chánh niệm (mindfulness) và chắc chắn có sự liên hệ giữa đạo Phật và thiền chánh niệm. Con không cần cải đạo thành Phật tử để thực hành thiền chánh niệm, và tại sao vậy? Vì đạo Phật ban đầu không phải là một tôn giáo. Đó là một loạt các tư tưởng và thực hành phổ quát.

Giê-su đã không truyền bá hay khởi xướng một giáo phái cục bộ tuyên bố chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi. Giê-su đã dạy một loạt các tư tưởng và thực hành bao quát, và đây chính xác là lý do vì sao thày bị xem là mối đe dọa đối với những người có thẩm quyền trong đạo Do thái. Điều gì có thể bao quát hơn là nâng cao tâm thức và thăng vượt những ảo tưởng tách biệt và nhị nguyên đã gây ra mọi xung đột của con người? Do đó, tới một điểm con cần chuyển sự chú tâm khỏi tư tưởng cho rằng chỉ có một giải pháp cho các vấn đề trên thế giới, và giải pháp đó là cải đạo tất cả mọi người sang việc thực hành các triết lý tâm linh đặc thù của con. Thay vì vậy, con chú tâm vào các tư tưởng bao quát, các diễn đạt bao quát có thể giúp cho nhiều người với nhiều gia cảnh khác nhau, đến từ nhiều tầng lớp khác nhau mà không cần đòi hỏi họ phải chuyển sang một tôn giáo hay một phong trào vỏ ngoài.

Hay nói cách khác, đây có phải là những gì tâm tách biệt luôn muốn làm không? Thày đã nói tâm tách biệt muốn tạo ra một cảm giác an toàn, và để làm điều này nó xây dựng một thế giới quan, đồng thời nó đánh giá từng ý tưởng dựa trên: “Điều này có đe dọa thế giới quan của tôi không, hay nó có xác nhận thế giới quan của tôi không?” À, đây là phân biệt, đây là chủ nghĩa bè phái, đây là xu hướng cục bộ. Điều nào xác nhận thế giới quan của tôi thì điều đó là đúng, điều nào chất vấn thế giới quan của tôi thì điều đó sai, xấu xa, tội lỗi. Nhưng đây không phải là Phật tánh. Nó khiến cho con người bị giam chặt trong cái bẫy tách biệt.

Phật tánh là cái một, là sự kết nối, và vì vậy đây là điều con cố gắng đạt được để giúp người khác nhìn vượt quá tách biệt, nhị nguyên, chủ nghĩa độc quyền, sự cuồng tín, để thấy rằng đằng sau tất cả những phân chia giữa người với người là những tư tưởng và giá trị rộng khắp đang kết nối mọi người. Vượt lên trên các tư tưởng phân chia con người có một tập hợp các tư tưởng toàn vũ nối kết và hợp nhất mọi người. Đây là điều sẽ ảnh hưởng lớn nhất trong việc nâng cao tâm thức tập thể trong thời nay, trong chu trình đặc trưng này của tâm thức đại chúng. Những ai có khả năng chú tâm vào điều này sẽ có ảnh hưởng lớn nhất, và những ai chấp vào những tin tưởng môn phái và mong muốn cải đạo người khác theo một tôn giáo vỏ ngoài hay một vị thày vỏ ngoài có thể cảm thấy mình rất tâm linh, thánh thiện hơn người, cao trội hơn người, nhưng họ sẽ không tạo được ảnh hưởng tối đa trong việc nâng cao tâm thức đại chúng.

Mục đích của Phật là gì? Đó là giải thoát con người khỏi ảo tưởng. Ảo tưởng căn bản là gì? Đó là cảm nhận rằng Phật tánh không ở ngay nơi con ở, rằng con tách khỏi Phật tánh. Mục đích của Phật là giúp tất cả các sinh thể tự nhận biết thấy được Phật tánh trong chính họ và trong mọi người.

17.11. Chữ “Phật” ban đầu mang nghĩa trung lập 

Khi thày ban những giáo lý này lúc đầu thì chữ “Phật” không mang ý nghĩa môn phái. Nó không liên quan đến một tôn giáo cụ thể, nó trung lập, nó phổ quát. Đạo Phật ngày này được xem như một tôn giáo riêng biệt, vì vậy chữ “Phật” ngày nay mang ý nghĩa khác với thuở ban đầu. Trong thế giới ngày nay, các thày có thể đưa ra một diễn đạt khác, toàn vũ hơn và trung hoà hơn: “Phật” nghĩa là một nhận thức cao hơn, là có một nhận biết cao hơn. Có một mức nhận biết cao hơn có khả năng kết nối mọi người, có thể hợp nhất mọi người và giúp họ thoát khỏi nhận biết thấp khiến mọi người chống đối lẫn nhau và tạo ra vô số xung đột.

Điều gì tạo ra căng thẳng? Điều gì tạo ra đau khổ trên thế giới? Đó là mức nhận biết thấp hơn khiến con người không thấy được yếu tố hợp nhất và vì vậy họ xem mình là những sinh thể tách biệt. Mục tiêu là gì? Đó là nâng cao tâm thức để mọi người đạt được một tầm nhìn cao hơn, một trạng thái tâm thức cao hơn để thấy được sự hợp nhất vượt lên tất cả những biểu hiện đa dạng nhiều mặt. Họ thấy được dù mọi người trông khác nhau nhưng có gì đấy nối kết tất cả. Giờ đây con chỉ có thể thấy điều này khi con kết nối với một cái gì đấy cao hơn, một tầng mức nhận biết cao hơn trong con. Chỉ lúc đó con mới có thể thấy một tầng mức nhận biết cao hơn nơi người khác. Đây là những tư tưởng toàn vũ thật sự không là độc quyền của đạo Phật hay của bất cứ tôn giáo hay triết lý tâm linh nào khác. Đây là điều con có thể chú tâm vào: cái phổ quát, cái trung hoà, sự kết nối, sự hợp nhất đằng sau sự khác biệt.

Thày biết ơn đã có cơ hội trao truyền bài giảng này. Nhiều người trong số các con đã là đệ tử của các chân sư thăng thiên trong nhiều năm, các con có thể nghĩ: “Nhưng chúng con chưa nghe về điều này trước đây sao? Các chân sư khác chưa giải thích tất cả những điều này trước đây sao?” Lý do là nhân cơ hội đây thày trao truyền những bài giảng này vì mục đích lâu dài của thày là xuất bản một quyển sách đưa ra một cái nhìn mới về đạo Phật thích ứng với thế giới hiện đại và tư duy hiện đại. Đây là phần đầu của quyển sách này. Sách cũng sẽ bao gồm những bài truyền đọc khác mà thày đã ban ra trong những năm qua, và chúng sẽ không được trình bày như là bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Các bài truyền đọc này sẽ được chỉnh lược để biểu đạt một cách phổ quát hơn, và quyển sách sẽ được phát hành và có người sẽ hiểu được.

Thày cám ơn con đã cho thày cơ hội được trình bày bài giảng này và thày có thể đảm bảo hội nghị này đã có một ảnh hưởng to lớn trong việc nâng cao tâm thức đại chúng. Mặc dù các thày không đề cập đến nhưng nó cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với tình hình ở Ukraine, tình hình kinh tế và tình hình ở Nga. Việc rất nhiều đệ tử từ Nga và Ukraine sẵn lòng hoà điệu và gia nhập quá trình hướng thượng này là rất quan trọng. Một lần nữa, con không thể đi tìm những kết quả đặc thù hiển thị ở một thời điểm cụ thể, nhưng con có thể yên tâm là con đã kéo tâm thức đại chúng đi lên ở cả Ukraine và Nga, và dĩ nhiên cả phần còn lại của thế giới nơi con đang theo dõi qua làn sóng. Và do đó con đã đưa hành tinh này đi lên mặc dù con không nói được đây là kết quả rõ ràng mà chúng ta đạt được tại hội nghị này.

Thày tin nhiều người trong số các con đang bắt đầu nhận thức được con cần tới một điểm, đó là con không đi tìm một kết quả cụ thể từ một hội nghị hay từ một canh thức. Con không đặt mình vào vị thế có thể đem lại thất vọng và nản chí. Con tham gia vào một quá trình không ngừng nghỉ là nâng cao tâm thức tập thể, và con hài lòng khi biết mình đang nâng cao tâm thức tập thể. Con đang nâng cao toàn bộ lý duyên khởi và điều này sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực giúp thực hiện thời Hoàng kim của Saint Germain.

Thày không niêm hội nghị này vì thày Padmasambhava sẽ tiếp tục, nhưng thày cám ơn con đã cho thày cơ hội trao truyền những giáo lý mới, những lời dạy hiện đại này về triết lý Phật giáo. Vì vậy, thày gửi đến con lòng biết ơn sâu sắc nhất và giờ đây thày niêm con trong niềm vui của Phật! Niềm vui này chỉ đến khi con đang trải nghiệm cái duy nhất. Làm sao có thể có niềm vui nào khác ngoài niềm vui hợp nhất? Chỉ có tách biệt mới tạo ra thất vọng. Thày niêm tại đây, con yêu dấu. 

13 | Nỗ lực cao hơn là ngừng nỗ lực

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị qua mạng Internet mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. 

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Chủ đề kế tiếp là tinh tấn hay nỗ lực. Một lần nữa theo truyền thống mọi người quy định có nỗ lực đúng và có nỗ lực sai. Sau đó họ cố né tránh nỗ lực sai và trau dồi và thực hành nỗ lực đúng. Điều này trở nên một chiếc áo tù bó tay trong đó họ hầu như cảm thấy không làm được bất cứ điều gì vì họ quá sợ hãi mình nỗ lực sai rồi tạo nghiệp. Rốt cuộc họ cảm thấy điều duy nhất làm được là hoạt động thể chất tối thiểu và hoặc thiền định hoặc làm những thực tập tâm linh khác trong hầu hết thời gian. Sau đó điều này mang tính cách ám ảnh cưỡng chế và tuy họ cảm thấy họ rất tâm linh nhưng thật ra họ không tiến bộ chút nào trên đường tâm linh. Họ không leo lên các tầng cao hơn. Họ chỉ dậm chân tại chỗ, càng lúc càng trở nên xao động hơn, càng lúc càng lo sợ tất bật để có “nỗ lực đúng” theo như họ quy định.

Lẽ tất nhiên, dựa trên những điều thày đã trao truyền trước đây cho các con, giờ đây ta có thể khá dễ dàng thẩm định các nỗ lực của con một cách khác. Thày đã cố gắng nhiều để giải thích mục tiêu của Bát chánh đạo, mục tiêu của Trung đạo. Đó chính là nâng cao tâm thức và con nâng cao tâm thức bằng cách nào? Bằng một cách duy nhất: giải quyết tâm lý. Điều này sẽ mới lạ và gây sốc cho nhiều người, thậm chí cho nhiều người trong truyền thống Phật giáo. Họ đã đưa họ vào trạng thái tâm nghĩ rằng nỗ lực đúng là làm một số thực tập tâm linh. Họ cho rằng những thực tập tâm linh này có khả năng hầu như thần diệu chuyển hóa tâm thức họ và đưa họ tới gần giác ngộ hơn, hay niết bàn hay bất cứ điều gì mà họ quy định. 

13.1. Khắc phục ảo tưởng không phải là chuyện làm máy móc

Thày có nói có những thực tập tâm linh có giá trị và hiệu quả nhưng chúng mang lại hiệu quả như thế nào? Chúng hiệu quả bằng cách chuyển hóa những năng lượng dựa trên sợ hãi đã tích tụ trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con, thậm chí phần nào trong các tế bào vật lý. Một thực tập tâm linh có thể có tác dụng chuyển hóa năng lượng, nhưng không có thực tập tâm linh nào có thể chuyển hóa trạng thái tâm của con, tin tưởng của con, ảo tưởng của con, bất kể các kỹ thuật này là gì, đến từ đâu, do bất cứ ai quy định hay truyền ra.

Một ảo tưởng là một ảo tưởng. Nó không thật, nhưng ngày nào con còn nghĩ ảo tưởng là thật, ngày nào con chưa nhận biết mình đang có một ảo tưởng, thì con bị giam hãm trong cách nhìn đời xuyên qua phin lọc của ảo tưởng đó. Làm sao con tới điểm chấp nhận ảo tưởng đó? Có con quỷ dữ nào cấy ảo tưởng vào tâm con? Có thể có một sinh thể thấp, một sinh thể với nhận biết thấp phóng chiếu một ảo tưởng nào đó vào tâm con. Thật ra tâm thức tập thể đang phóng chiếu nhiều ảo tưởng vào tâm mọi người. Nhưng con là một sinh thể cá biệt. Con không phải là một sinh thể tách biệt, nhưng con là một sinh thể cá biệt, có nghĩa con có thẩm quyền cho phép cái gì đi vào tâm con, ra khỏi tâm con và xảy ra trong tâm con. Có thể con đã quên mình đã cho phép một ảo tưởng đi vào tâm mình trong một tiền kiếp nhưng cho dù con nhớ hay quên, đã có một thời điểm khi con quyết định chấp nhận một ảo tưởng nào đó là sự thật. 

Giờ đây, sau khi con đã đi vào tâm thức tách biệt, con đã cho phép rất nhiều ảo tưởng xâm nhập tâm con. Chúng tạo nên tấm màn huyễn Maya khiến con đui mù không thấy được thực tại con là một biểu hiện của Phật tánh và tất cả mọi thứ khác cũng là một biểu hiện của Phật tánh bất kể hình tướng vỏ ngoài như thế nào. Không có kỹ thuật tâm linh nào có thể thay đổi trạng thái tâm của con, thay đổi các tin tưởng của con, tự động giải thoát con khỏi các ảo tưởng. Con chỉ có thể thoát khỏi các ảo tưởng khi con thấy một cách ý thức chúng là ảo tưởng và do đó con buông bỏ chúng, vì con thấy chúng là ảo tưởng.

Đây là tình trạng cách đây 2,500 năm, nó vẫn là tình trạng trong khoảng thời gian từ đó tới nay, và nó sẽ vẫn là tình trạng trong tương lai. Tăng trưởng tâm linh tới những tầng tâm thức cao hơn là một tiến trình thấy được các ảo tưởng một cách có ý thức. Một thực tập tâm linh có thể chuyển hóa các năng lượng lưu trữ giả dụ như trong tâm tình cảm của con khiến tâm ý thức của con khó lòng thấy được các ảo tưởng. Không phải là thực tập tâm linh không hữu ích nhưng nó không tự động vì nó không thể lấy quyết định thay con được. Con là Cái Ta Biết, là cốt lõi của bản thể con, con phải lấy quyết định, nhưng con lấy quyết định như thế nào? Bằng cách con ý thức những điều mà ngay bây giờ con chưa ý thức. Bằng cách con moi các ảo tưởng tiềm thức của con lên để con có thể thấy chúng, xem xét chúng và sau đó khi con nhận ra chúng là ảo tưởng, con buông bỏ chúng, con xua duổi chúng.

13.2. Tạo ra các ngã tiềm thức

Các thày có đưa ra nhiều giáo lý dạy rằng ảo tưởng không chỉ là ảo tưởng. Không phải chỉ là con có hiểu biết hư giả. Không phải chỉ là con có tin tưởng mình đang cầm sợi dây khi thật sự đấy là con rắn. Bất cứ điều gì xảy ra trong tâm con đều có ba yếu tố. Đó là năng lượng, một hiểu biết hay tin tưởng nào đó và tâm thức. Khi con nhìn vào một ảo tưởng đặc trưng một cách ý thức và quyết định chấp nhận nó trong tâm mình, thì chuyện gì xảy ra lúc đó? Trước hết, cái Ta Biết, mà con là, giờ đây bắt đầu nhìn thế giới xuyên qua ảo tưởng đó.

Giống như con đang ở trong một căn nhà và căn nhà là các thể vật lý, bản sắc, lý trí và tình cảm của con. Căn nhà có cửa sổ, nhưng khi con chấp nhận một ảo tưởng thì con đặt một mảnh kính có màu trước một cửa sổ, hay ít nhất trước một phần của cửa sổ đó. Bây giờ con nhìn qua cửa sổ đó và những gì con nhìn thấy ở ngoài kia đã bị pha màu bởi mảnh kính nên con sẽ thấy một hình ảnh méo mó. Điều này có nghĩa là giờ đây con thấy thế giới không như nó là, nghĩa là khi năng lượng từ cái ta cao của con chảy xuyên qua nhận biết ý thức của con và qua phin lọc đó, thì nó bị pha màu bởi rung động dựa trên sợ hãi. Ảo tưởng khiến con nhìn đời dựa trên sợ hãi, bởi vì nếu con thấy mọi sự đều là Phật tánh thì đâu cần sợ hãi. Sau khi con đã chấp nhận một tin tưởng hư giả, thì con bắt đầu tha hóa, hạ thấp rung động của năng lượng qua tin tưởng này. Một phần của năng lượng đó được phóng chiếu ra ngoài, một phần khác tích tụ trong ba thể bản sắc, lý trí và tình cảm của con. 

Khi năng lượng tích tụ thì nó tạo lực hút trên nhận biết ý thức của con, nghĩa là con dễ, tỷ dụ, nổi giận hơn. Khi con nhìn thế giới qua phin lọc của ảo tưởng, con quả thực đang thấm đẫm ảo tưởng đó với tâm thức của con. Bởi vì khi con tập trung vào bất cứ gì, thì con cho phép tâm thức của con tuôn chảy vào đó và xuyên qua đó. Giờ đây con có ba yếu tố, con có một tin tưởng không thực tế và huyễn ảo, con có năng lượng tích tụ tạo nên lực hút từ tính và con có sự thấm đẫm ảo tưởng với tâm thức của con. Nghĩa là con đang tạo tác điều mà thày đã gọi là hành uẩn (samskara), là các khuôn nếp mà các thày có thể gọi là “ngã” theo cách diễn đạt hiện đại hơn. Con tạo tác một ngã tách biệt trong tâm bản sắc, lý trí và tình cảm của con, và điều quan trọng là ngã này có một mức tâm thức nào đó. Nó không có sự tự nhận biết của Cái Ta Biết, cho nên ngã này không tạo tác chính nó. Cái Ta Biết có thể tạo tác một ngã nhưng ngã không thể tạo ra chính nó.

Điều này có nghĩa là ngã cũng không thể thay đổi chính nó. Nó có thể tăng triển, theo nghĩa nó có thêm cường độ, nó có lực hút từ tính càng ngày càng mạnh hơn trên tâm ý thức của con nhưng nó không thể thay đổi chính nó. Nếu con tạo ra một ngã dựa trên ảo tưởng là trong một số tình huống nổi giận là một phản ứng chấp nhận được, thì ngã không thể nói: “Ồ đợi chút nhé, nổi giận không đúng với giáo lý tâm linh, cho nên tôi sẽ tự cho phép mình chết đi.” Ngã sẽ không bao giờ làm được điều này. Ngã có cái mà chúng ta có thể gọi là bản năng sinh tồn. Nó có thể càng ngày càng dễ nóng giận hơn, nhưng nó không thể bớt nóng giận, ít nhất là qua nỗ lực của chính nó. Nó có thể bớt nóng giận nếu con ngừng bơm năng lượng nuôi nó và dùng các dụng cụ tâm linh để chuyển hóa năng lượng tích tụ, nhưng ngã không thể tự nó làm điều này.

Thật vậy ngã giống như một chương trình máy tính chỉ có thể làm những gì mà nó được lập trình để làm. Khi nó thêm cường độ, thì lực hút của nó trên Cái Ta Biết của con mạnh hơn. Con bị hút vào ngã đó và chuyện xảy ra qua nhiều kiếp hiện thân là con dần dà tạo ra một tập đoàn các ngã đều dựa trên ảo tưởng tách biệt, và chúng tạo lực hút trên Cái Ta Biết của con khiến nó bị hút vào tấm màn ảo tưởng. Con bị hút vào đằng sau tấm màn ảo tưởng đó và bây giờ con nhìn mọi sự xuyên qua tấm màn ảo tưởng đó. Thậm chí con có thể tới điểm con quên khuấy con đã từng ở bên ngoài tấm màn ảo tưởng. Đấy là cách con quên mình có sự nối kết với cái ta cao hơn của con và con có Phật tính và tiềm năng Phật trong con. Con đồng hóa mình là người phàm, hoặc một kẻ tội đồ, hoặc một kẻ mang nghiệp quả lớn, hoặc một con vượn tiến hóa. Điều này chỉ có thể xảy ra khi con quên mình có sự kết nối với cái gì bên ngoài tâm của con.

13.3. Ngã tách biệt chỉ có thể tạo thêm nghiệp quả

Nếu con muốn thẩm định nỗ lực một cách cao hơn, thì con có thể nói nếu con hoàn toàn đồng hóa với tập đoàn ngã tách biệt và với tự ngã là cái bình chứa các ngã tách biệt đó, thì mọi chuyện con làm, mọi nỗ lực con bỏ ra qua ngã tách biệt sẽ tạo nghiệp quả. Nỗ lực đó sẽ tha hóa năng lượng. Nó sẽ chuyển năng lượng dựa trên tình thương thành năng lượng dựa trên sợ hãi và nó sẽ chỉ buộc con chặt hơn vào ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt. Rõ ràng đây không phải là nỗ lực cao, đây là nỗ lực thấp.

Vậy thì nỗ lực cao là gì? Đó là những hoạt động có tác dụng giải thoát con khỏi sự đồng hóa với các ngã tách biệt và tự ngã. Bây giờ con cần cẩn thận phân biện ở đây. Nhiều người thuộc truyền thống Phật giáo sẽ nói: “Nhưng Phật đã chối bỏ kịch liệt sự hiện hữu của tự ngã tách biệt.” Đúng đấy, nhưng hãy lắng nghe điều đã được nói. Phật chối bỏ sự hiện hữu, sự có thật của tự ngã tách biệt. Tự ngã tách biệt không có thật, nó không hiện hữu trong Phật tánh, trong tâm Phật, nhưng không có nghĩa là nó không có hiện hữu tạm thời và phù du trong tâm con người. Như thày đã giảng, mọi thứ đều là năng lượng. Năng lượng có thể khoác lên bất kỳ hình tướng nào, nhưng nó khoác lên hình tướng xuyên qua tâm thức, khi tâm thức phóng chiếu một tâm ảnh lên năng lượng.

Đây là điều con làm khi hiện thân như một con người. Con đồng sáng tạo bằng cách dùng khả năng của tâm để áp chồng những hình tư tưởng lên trên năng lượng. Khi con làm chuyện này xuyên qua một trong những ảo tưởng tách biệt, thì con tạo một ngã tách biệt, thậm chí con tạo luôn ảo tưởng tổng quan rằng mình là một sinh thể tách biệt. Ngã này, tự ngã này, có một sự hiện hữu tạm bợ. Không có sinh thể cao nào tạo ra nó, nhưng con tạo ra nó và do đó nó hiện hữu trong tâm con. Nó không có một sự hiện hữu khách quan, và nói theo cách diễn đạt của khoa học thì nó có một sự hiện hữu chủ quan, nhưng ngày nào nó còn ở trong tâm con thì năng lượng, ảo tưởng và ý niệm bản ngã còn đó và nó ảnh hưởng được tâm con. Một trong nhiều ý nghĩa của điều này là tự ngã không thể chuyển hóa chính nó. Quả thực có nhiều người đã xây dựng một ngã tách biệt dũng mãnh và họ đồng hóa với nó đến độ họ nghĩ rằng mục đích con đường tâm linh là thay đổi ngã tách biệt này cho tới khi nó đạt được một trạng thái có thể đi vào thiên đàng hay giác ngộ.

Đây là ý nghĩa thật của giáo lý được truyền dạy 2,500 năm trước. Tự ngã không có sự hiện hữu, cho nên nó không thể trở thành Phật, nó không thể đựợc nâng lên cao và đạt bất cứ tính trường tồn hay bất diệt nào. Có những người trong truyền thống Cơ đốc giáo tin rằng nếu họ là người Cơ đốc ngoan đạo và làm tròn mọi yêu cầu của Cơ đốc giáo thì sau khi chết, Giê-su sẽ hiện ra và đem cá thể vỏ ngoài của họ, ý niệm bản ngã tách biệt của họ vào thiên đường.

13.4. Giấc mơ bất khả thi của tự ngã

Đặc tính của thiên đàng, hay cõi tâm linh, hay bất cứ chữ nào con muốn dùng, là gì? Đặc tính ấy là nhận ra mọi sự sống là một, mọi thứ đều liên thông với nhau, tất cả là một tổng thể phụ thuộc lẫn nhau. Như thế làm sao một ngã tách biệt chối bỏ sự liên thông này, chối bỏ cái một, có thể đi vào cái một? Chuyện này không thể xảy ra được, không làm được. Nó giản dị là một giấc mơ bất khả thi, là giấc mơ tối hậu của ngã tách biệt. Tại sao con người nảy ra giấc mơ này? Ấy như thày đã nói, đó là vì khi con đi vào ảo tưởng tách biệt thì con sẽ cảm thấy mình đã mất mát cái gì đó. Con đã mất đi sự nối kết với cái ta cao của con. Con sẽ cảm thấy một nỗi mất mát và con có mong muốn bù đắp mất mát này, dù con không ý thức điều này thực sự nghĩa là gì. Trong con có sự khát khao cái gì đó. Người ta có thể tạm thời phủ lấp khao khát này bằng cách chìm đắm trong các sinh hoạt thế gian, nhưng sẽ tới điểm nỗi khao khát cái gì đó, trên cơ bản là khao khát cái gì đó ở ngoài chính tâm của con, ngoài tâm tách biệt của con, sẽ trồi lên và con không thể chối bỏ nó nữa.

Tự ngã có một dạng nhận biết sơ đẳng. Nó muốn duy trì quyền lực của nó trên tâm con. Khi nỗi khao khát cái gì hơn nữa trồi lên, thì tự ngã biết nó không thể đáp ứng được nhưng nó sẽ cố làm cho con tin rằng con có thể đáp ứng nỗi khao khát đó bằng cách hoàn thiện ngã tách biệt. Tỷ dụ khi con tìm thấy một giáo lý tâm linh nói về nâng cao nhận biết của con, đạt được một trạng thái cao hơn, nhập niết bàn, thiên đàng, cõi hỷ lạc, giác ngộ, thì tự ngã sẽ nói: “Lẽ dĩ nhiên! Tôi ủng hộ mong muốn tự cải thiện của bạn và đạt tới trạng thái cao này. Bạn có thể làm được điều này bằng cách nâng tôi lên tới trạng thái cao này. Tôi có thể trở nên toàn hảo. Tôi có thể trở nên bất tử.” Đây là lời nói dối hoàn toàn, một sự hiểu lầm hoàn toàn. Tự ngã sẽ không bao giờ đi vào thiên đàng, cõi tâm linh, niết bàn. Điều này – không – thể – làm – được.

Một ngã tách biệt không thể tự chuyển hóa thành một cái ta của nhất nguyên. Đây là điều mà nhiều người tâm linh thuộc nhiều truyền thống sẽ phủ nhận, nhưng đây là sự thực. Con đã sinh tạo những ngã này dựa trên ảo tưởng tách biệt. Mỗi ngã là một ảo tưởng đặc thù, nó có một số năng lượng nào đó và nó được thấm đẫm một ý niệm tâm thức thô sơ nào đó, cho nên nó nghĩ rằng nó có một thực tại nào đó, một hiện hữu nào đó.

Giống như triết gia René Descartes đã nói: “Tôi nghĩ, do đó tôi là.” Nói cách khác, sự kiện tôi ý thức phải có nghĩa là tôi hiện hữu và đấy là điều ngã tách biệt nghĩ. Tự ngã nghĩ rằng sự kiện tôi ý thức mình là một sinh thể tách biệt có nghĩa là tôi có một thực tại nào đó, một hiện hữu nào đó như một sinh thể tách biệt. Đây là ảo tưởng mà thày đã cố gắng giảng 2,500 năm trước đây khi thày nói không có tự ngã tách biệt nào có một sự hiện hữu thật. Lẽ tất nhiên thày rất ý thức là ngã tách biệt có một sự hiện hữu tạm thời và toàn bộ mục đích của Bát chánh đạo là giúp con người vượt qua sự đồng hóa với tự ngã này.

13.5. Buông bỏ từng ngã tách biệt một để khắc phục tự ngã

Con có thể làm gì để khắc phục tự ngã? Ấy, tự ngã là cốt lõi của ý niệm bản sắc tách biệt nhưng nó không phải là cái dễ khắc phục nhất. Con có thể thực tiễn hơn. Con bắt đầu bằng cách nhận ra tự ngã giống như cái thùng chứa trong đó có nhiều ngã tách biệt riêng lẻ khác nhau và mỗi ngã dựa trên một ảo tưởng đặc trưng. Con khắc phục từng ngã một và cách dễ nhất để phơi trần ngã là con nhìn vào phản ứng của mình trong những tình huống đặc thù. Tỷ dụ, tại sao con phản ứng với sợ hãi trong một số hoàn cảnh? Tại sao con đáp trả với sự giận dữ hay bực tức? Tại sao trong một số tình huống con nghi ngờ bản thân mình? Tại sao con trở nên hung hãn hay tại sao con tùng phục khi bị tấn công?

Con làm việc với một phản ứng cá biệt của mình. Con nhận ra mình có một ngã tách biệt trong tâm tiềm thức. Một số hoàn cảnh nào đó kích hoạt ngã này hoạt động và khi chuyện này xảy ra thì nó làm chủ phản ứng của con. Con không quyết định phản ứng thế nào với hoàn cảnh đó với tâm ý thức của mình. Giản dị là ngã tách biệt được kích hoạt, nó tiếp quản và điều khiển phản ứng của con. Điều này chỉ cho con thấy là có một ngã tách biệt lẩn trốn sau khuôn nếp này. Bây giờ con có thể đi sâu vào nó. Con đi vào các cảm xúc của mình cho tới khi con đi xuyên suốt chúng và con có thể quán xét và dùng trực giác cho tới khi thấy được tin tưởng đằng sau chúng.

Sẽ tới một điểm khi bỗng nhiên cái Ta Biết bước ra khỏi ngã tách biệt này và con nhìn nó từ bên ngoài. Nhiều người chưa từng nghe về giáo lý tâm linh và chắc chắn chưa nghe giáo lý về các ngã tách biệt, đã trải nghiệm điều này một cách tự phát trong suốt cuộc đời họ. Họ ở trong một tình huống nào đó, thường là một tình huống nghiêm trọng mà họ cảm nhận như một khủng hoảng và đột nhiên họ cảm thấy tâm mình xoay chuyển. Thay vì phản ứng theo như họ vẫn thường làm, bỗng nhiên tâm họ trùng xuống yên lặng. Gần giống như trong một khoảnh khắc vượt thời gian, họ đã bước ra khỏi tình huống đó và bất giác họ thấy nó từ bên ngoài. 

Trong một số trường hợp con có thể có một ý tưởng ý thức như sau: “Tại sao tôi cứ phản ứng cùng kiểu này?” Đây là một ví dụ con tới được điểm cái Ta Biết bước ra ngoài một ngã tách biệt đặc thù và một khi đứng ra ngoài, con có thể thấy được ngã đó. Con có thể thấy ngã này dựa trên ảo tưởng gì. Con có thể thấy ngã hạn chế con như thế nào và hạn chế phản ứng của con, tước đi quyền tự do phản ứng một cách ý thức của con. Đấy là lúc con có thể lấy quyết định: “Tôi không muốn phản ứng kiểu này nữa. Tôi không muốn điều này trong cuộc sống của tôi nữa. Tôi không muốn nhìn đời qua phin lọc này nữa.” Sau đó con làm được gì? Ấy con không cần giải quyết một vấn đề gì, con không cần làm gì đó với ngã này. Một khi con thấy ảo tưởng, con giản dị tiến sang việc buông bỏ ngã, thải ngã ra, cho ngã chết đi.

Con không thể hoàn thiện một ngã tách biệt. Con không thể chuyển hóa nó lên một trạng thái cao hơn. Giản dị con cần cho nó chết đi. Trên cơ bản một ngã tách biệt là một dính mắc và con khắc phục dính mắc như thế nào? Bằng cách buông bỏ nó. Bằng cách buông bỏ bất kỳ ảo tưởng và ham muốn nào đằng sau sự dính mắc. Con nghĩ con phải thành tựu điều gì đó trên thế gian này – trên cơ bản là để khỏa lấp cảm giác con không trọn vẹn. Khi nhận ra điều trên, con có thể buông bỏ nó và hiểu ra con không cần thành tựu bất cứ điều gì trên thế gian để cảm thấy mình trọn vẹn. Con cần buông bỏ ý tưởng con phải làm gì đó trên thế gian này và sau đó một cách tự nhiên con sẽ cảm thấy mình trọn vẹn.

Tại sao lại như vậy? Con hãy nhớ lại điều thày đã nói. Thoạt đầu con cảm nhận mình kết nối với cái ta cao của mình. Con che phủ cảm nhận này bằng một ảo tưởng nhưng trạng thái mặc định là con cảm nhận sự kết nối đó. Khi con buông bỏ ảo tưởng thì con sẽ trở về cảm nhận mình có sự kết nối. Lẽ tất nhiên con có thể mở rộng cảm nhận kết nối, và đó là kết quả tự nhiên khi con tiến bước trên Bát chánh đạo. Trạng thái mặc định của con người là cảm thấy mình kết nối với cái ta cao của mình. Con có thể biết điều này một cách ý thức hơn, con có thể mở rộng sự kết nối hơn, nhưng con không thể hoàn toàn mất đi tiềm năng trở về với sự kết nối này. Theo một nghĩa nào đó, sự kết nối này luôn có đó. Cái ta cao của con luôn ở đó, nó luôn luôn gửi năng lượng tới con. Chỉ là trong tâm con, con đã đi vào một ảo tưởng nên con không ý thức cảm nhận kết nối đó. Đây không phải là chuyện nghĩ rằng con cần hoàn thiện cái ngã tách biệt đang ngăn cản con trải nghiệm sự kết nối và sau đó con sẽ cảm thấy kết nối trở lại. Không đâu, con chỉ cần buông bỏ cái ngã và trở về trạng thái tự nhiên của sự kết nối.

13.6. Tăng triển không có gì bí mật

Điều này nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bất kỳ cố gắng nào củng cố cảm nhận tách biệt sẽ không giúp con đi xa hơn trên con đường tu. Bất kỳ cố gắng nào giảm thiểu tấm màn huyễn Maya sẽ tái lập sự kết nối hay mở rộng sự kết nối và đây là điều đưa con tiến xa hơn trên đường tu. Nó nghĩa là bất kỳ cố gắng nào giúp con trở về với kết nối là cố gắng cao. Như thày có giảng, không phải là con chỉ cần có hành động hay nỗ lực vật lý. Một thực tập tâm linh tự nó không tự động đem lại sự chuyển hóa tâm thức. Học hỏi một giáo lý tâm linh không tự động đem lại sự chuyển hóa tâm thức.

Có rất rất nhiều người, rất nhiều người tâm linh qua các thời đại trong truyền thống Phật giáo và các truyền thống khác tin rằng có một bí quyết đem lại sự tăng triển tâm linh. Họ nghĩ rằng có một giáo lý cao nào đó mà họ có thể tìm được. Nhiều người tin rằng có giáo lý công truyền dành cho đại chúng nhưng có giáo lý bí truyền chỉ dành cho giới ưu tú được tuyển chọn đã đạt tới tầng cao hơn trên con đường tâm linh. Họ nghĩ rằng các giáo lý này được cất giấu đâu đó và họ bỏ ra cả cuộc đời cố đi tìm các giáo lý này vì họ nghĩ rằng một khi tìm ra họ sẽ tự động giác ngộ chỉ giản dị bằng cách đọc giáo lý đó. Làm sao chuyện này xảy ra được? Đúng, một giáo lý tâm linh có thể giúp con thấy một ảo tưởng, nhưng không bảo đảm là đọc một giáo lý đặc trưng sẽ giúp con thấy ra ảo tưởng của con.

Có thể có hai người có cùng ảo tưởng, cùng ngã tách biệt. Họ đọc một giáo lý tâm linh. Một người có thể thấy ra ảo tưởng và buông bỏ nó nhưng người kia không thấy ra ảo tưởng. Tại sao không? Ấy, vấn đề là con có nhận ra tinh túy của con đường tâm linh không? Tinh túy là thấy ra ảo tưởng và buông bỏ ngã tách biệt, hay là bằng cách nào đó nâng cao và hoàn thiện ngã tách biệt? Chúng ta cũng có thể nói vấn đề là con tập trung chú ý nơi nào? Con nhìn ra bên ngoài con hay ở trong con? Con có sẵn lòng nhìn vào chính tâm lý mình, nhìn các ảo tưởng của chính mình, vật lộn với chúng cho tới khi con nhìn xuyên thấu chúng? Hay con nghĩ có cái gì thần diệu ở bên ngoài con có thể làm giùm cho con? Hay đúng hơn, con còn không nghĩ là điều gì đó ở bên ngoài kia sẽ giải quyết tâm lý của con. Con nghĩ vị đạo sư bên ngoài sẽ đem cho con giác ngộ một cách thần diệu nào đó. 

13.7. Những điều một vị đạo sư không làm được cho con

Tại phương Đông có một truyền thống lâu dài về quan hệ giữa vị đạo sư và người đệ tử. Nhiều, rất nhiều người tin rằng và có nhiều vị đạo sư cũng xác nhận, là một vị đạo sư chân chính (và họ hầu hết thuộc nam giới) có khả năng thần diệu nâng đệ tử lên một trạng thái cao, được giác ngộ, được nhập niết bàn, hay bất kỳ con gọi nó là gì. Điều này không thể làm được. Không ai có thể gỡ bỏ quyết định của con hộ con. Con phải sẵn lòng nhìn một cách ý thức những quyết định chấp nhận một ảo tưởng và tạo ra một ngã tách biệt mà con đã lấy trong quá khứ, và con phải muốn lấy quyết định một cách ý thức cho ngã tách biệt này chết đi.

Một vị đạo sư có thể giúp con thấy ngã tách biệt. Vị ấy có thể khiến con phải đối mặt tự ngã của con. Vị ấy có thể hành xử để phơi bày, kích hoạt một trong những khuôn nếp phản ứng mà con có. Vị ấy không thể quyết định hộ con vì quyết định được làm ra trong tâm con và chỉ có thể gỡ bỏ trong chính tâm con. Có thể con không ý thức mình đã lấy quyết định đó nhiều kiếp trước, nhưng con vẫn có thể ý thức mình đã từng lấy quyết định, hậu quả là gì và do đó con buông bỏ nó. Không có cố gắng bên ngoài, sức mạnh bên ngoài hay vị đạo sư bên ngoài, dù mạnh tới đâu chăng nữa có thể làm hộ con. Ngày nào con còn nghĩ con có thể hướng chú ý ra ngoài và cố gắng thay đổi điều gì đó bên ngoài, thì con sẽ dậm chân tại chỗ trên con đường tâm linh. Con sẽ chẳng đi tới đâu. Một lần nữa, con có thể tạo cảm tưởng con đang tiến tới nhưng con thật sự làm gì khi con làm thế? 

Con hãy suy ngẫm những gì thày nói ở đây. Con có một số ngã tách biệt dựa trên ảo tưởng. Chúng giam cầm con trong tấm màn huyễn Maya. Giờ đây, con tìm thấy con đường tâm linh, giáo lý tâm linh. Đấy là một giáo lý tâm linh có giá trị. Nó có tiềm năng giúp con tăng triển khi con dấn thân theo con đường Bát chánh đạo, nhưng nó có sẽ làm vậy chăng? Không thể bảo đảm kết quả bởi vì tinh túy của con đường tu chân chính là con khắc phục được các ngã tách biệt, con phơi bày chúng hiện lên trong ý thức của con và sau đó con thải bỏ các ngã này một cách ý thức. Nếu con không chịu làm điều trên hay con không nắm bắt điều trên, thì con sẽ làm gì thay vào đó? Con sẽ lấy giáo lý tâm linh và con sẽ dùng nó để xây dựng một ngã tách biệt mới. Ngã tách biệt này sẽ dựa trên ảo tưởng là nếu con chăm chỉ học một giáo lý tâm linh, nếu con chăm chỉ thực hành các thực tập tâm linh, thì con sẽ trở nên một học trò càng ngày càng cao cấp khi con chứng minh mình đang làm những điều vỏ ngoài đó. Vì những điều vỏ ngoài đó, con đang tiến bộ trên đường tu. 

Nhiều, rất nhiều người qua các thời đại có thiện ý muốn tiến triển tâm linh nhưng họ không nắm bắt bản chất cốt yếu của đường tu và do đó họ giản dị tạo ra một số ngã tách biệt dựa trên giáo lý tâm linh. Họ đã củng cố tự ngã. Tự ngã tin rằng nó tách biệt và luôn cố gắng có một vị trí cao trội. Một lần nữa, tại sao tự ngã cố gắng đạt điều này? Ấy, tự ngã có đủ nhận biết để biết mình không trọn vẹn. Nó không thật sự hiểu nó không bao giờ có thể vào thiên đàng nhưng nó biết nó không trọn vẹn. Nó biết con cảm thấy con không trọn vẹn và lúc nào nó cũng tìm cách che phủ sự thiếu trọn vẹn này, bù đắp nó. Tự ngã luôn luôn tìm cách được cao trội theo môt cách nào đó vì nó nghĩ, tự ngã nghĩ, nếu nó tinh xảo đủ trên thế gian này, thì bắt buộc nó phải được phép vào cõi cao.  

13.8. Tự ngã được tâm linh hóa

Nhiều, nhiều người khi tin vào một Thượng đế tối cao thì trên cơ bản, họ đã tạo ra một tự ngã nghĩ rằng nếu tôi làm hết mấy chuyện vỏ ngoài đúng theo quy định của tôn giáo, thì đơn giản là Thượng đế phải cho phép tôi vào thiên đường. Thượng đế phải ban cho tôi đời sống bất diệt. Như thể tự ngã đang thương thảo với Thượng đế. Con làm mấy chuyện vỏ ngoài này thì Thượng đế phải cho con vào thiên đàng. Vấn đề là đây toàn là tưởng tượng. Trước tiên, hình ảnh mà tự ngã tạo ra về Thượng đế chẳng dính dáng gì tới thực tại của cõi tâm linh. Ví dụ, con có thể nhìn lại ba tôn giáo độc thần đặt căn bản trên hình ảnh Thượng đế giận dữ trên trời ở trong Cựu Ước kinh và con có thể nói: “Có chăng một Thượng đế như thế trên trời phù hợp với hình ảnh này?” Sự thực là không có thượng đế nào như thế trên trời, nhưng có một sinh thể được tạo ra bởi tâm thức đại chúng và nó có sự hiện hữu tạm bợ ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc của vũ trụ vật chất và tâm thức tập thể. Đây là một thượng đế do con người tạo ra, dựa trên hình ảnh của tự ngã và giống tự ngã. Đây là một thượng đế thiên vị tưởng thưởng những ai làm theo mệnh lệnh của ông nhưng trừng phạt những ai không vâng lời ông. Thượng đế này chỉ có thể là một thượng đế nhị nguyên và do đó ông ấy không thể nào có chút thực tại nào một khi con nắm bắt nhị nguyên và bất nhị là gì.

Tự ngã đang cố làm một điều không thể làm được. Nó cố gắng quy định những tiêu chuẩn thế gian sẽ bảo đảm cho nó vào cõi cao. Tự ngã sinh ra từ ảo tưởng tách biệt. Nó không bao giờ thấu rõ được cái một. Vậy tự ngã đang làm gì? Nó đang quy định những tiêu chuẩn dựa trên ảo tưởng tách biệt, nghĩa là chúng không thật. Sự thật là cái một, sự không thật là tách biệt và phân chia. Con nghĩ, hay tự ngã nghĩ, con có thể rời cái một và đi vào tách biệt và dựa trên ảo tưởng tách biệt con có thể trở về với cái một. Điều này không khả thi. Làm sao điều này có bao giờ khả thi được?

Con có thể thấy nhiều người sùng đạo hay tâm linh tìm được một giáo lý tâm linh hay một tôn giáo. Giờ đây họ tạo ra, hay đúng hơn thường là họ lấy vào điều đã được những thành viên của tôn giáo đó cùng tạo ra, là một cái nhìn phức tạp về những gì họ phải làm và không được làm. Họ xả thân cần cù thực tập như thế, và họ tuyệt đối tin chắc họ tiến bộ và một ngày kia chuyện gì đó sẽ xảy ra. Giê-su sẽ hiện ra trên trời, dẫn người Cơ đốc lên thiên đàng, cuộn thế giới lại như cuộn giấy và xử phạt mọi người khác xuống địa ngục. Phật sẽ hiện ra cho con người, ban cho họ giác ngộ và bỏ mặc người khác. Một giáo lý thần diệu nào đó sẽ hiện ra cho họ và khi họ đọc giáo lý đó, họ sẽ giác ngộ.

Nhiều người có tin tưởng rằng bước chân trên đường tâm linh là một cuộc phiêu lưu vinh quang dẫn họ tới những trạng thái càng ngày càng tinh thông hơn và đem lại cho họ chức vị và sự công nhận càng ngày càng nhiều hơn của thế gian dựa trên tiêu chuẩn do thế gian quy định. Những tiêu chuẩn này do tự ngã quy định và dựa trên tách biệt. Làm sao chúng dẫn tới cái một được? Con đường tâm linh thật sự không vinh quang chút nào. Nó là con đường liên tục nhìn vào chính mình, phản ứng của mình, phơi bày phản ứng trong tâm lý mình và cho chúng chết đi. Vạch trần các ngã tách biệt này và cho chúng chết đi. Đấy chính là ý nghĩa của con đường tâm linh. Ngày nào con còn hiện thân con sẽ còn ngã tách biệt nào đó mà con chưa khám phá ra bởi vì nếu con không có ngã tách biệt, thì con không thể ở lại trong một xác thân vật lý trên một hành tinh dày đặc như trái đất.

13.9. Giác ngộ nghĩa là gì

Có một tin tưởng rất xưa trong các đệ tử tâm linh cho rằng: “Ồ, người này đã giác ngộ, vị đạo sư này đã giác ngộ.” Ấy ở đây có sự thật và cũng có ảo tưởng. Một mặt rõ ràng là có những người đã đạt một tầng nhận biết cao hơn người trung bình. Chắc chắn là với những người hiểu cách vận hành của con đường tâm linh mà thày đã giảng ở đây, các con đều có thể tu tập dần dần tiến tới những tầng tâm thức cao hơn so với khi con bắt đầu, và chắc chắn là những tầng cao hơn người trung bình. Tuy nhiên, nếu con nghĩ giác ngộ có nghĩa là con không có ảo tưởng, không còn ngã tách biệt nữa thì con không có hiểu biết cao.

Có câu truyện về Phật nói rằng thày đạt giác ngộ. Thày nhập Niết bàn và sau đó thày quyết định thay vì ở lại Niết bàn, thày sẽ trở về trái đất và giảng dạy và do đó thày trở về trong trạng thái giác ngộ. Nhiều người phóng chiếu rằng thày, bằng một cách nào đó, là một sinh thể hoàn hảo, thày không còn ảo tưởng, không còn ngã tách biệt nữa. Sự thật là thày đã khắc phục hầu hết các ảo tưởng có thể có được khi là một con người hiện thân. Nhưng thày chưa khắc phục tất cả ảo tưởng vì nếu được vậy thì thày không thể ở lại trong một thân vật lý. Điều này không có nghĩa là thày không đạt được một tầng tâm thức cao hơn người trung bình. Thày có đạt được như vậy. Nghĩa là thày có một sự thẩm định thực tế, hay con có thể nói là thẩm định khiêm tốn về chính mình. Thày không coi mình là một sinh thể hoàn hảo như nhiều môn đồ của thày thời đó nghĩ, và đặc biệt sau này tiếp tục nghĩ. 

Có một hiện tượng trong các phong trào tâm linh mà chúng ta có thể gọi là “hội chứng đạo sư chết”. Một khi vị đạo sư qua đời, người ta bắt đầu phóng chiếu giấc mơ và ảo tưởng lên vị đạo sư như vị thày đặc biệt và hoàn hảo như thế nào. Tại sao họ làm thế? Vì vị đạo sư càng đặc biệt bao nhiêu thì các đệ tử theo thày càng đặc biệt bấy nhiêu. Qua cách này họ xây đắp tự ngã và ảo tưởng cho rằng khi đi theo vị đạo sư hoàn hảo và bởi vì thày quá đỗi hoàn hảo, thày có quyền năng thần diệu biến hóa họ mà không cần họ nhìn vào chính trạng thái nhận biết và tâm lý của họ.

Thày đang nói điều gì ở đây? Thày giản dị đang nói là khi con còn hiện thân trong thân thể vật lý thì con có một số ảo tưởng đặc thù mà con cần khắc phục. Nghĩa là con phải khiêm cung, con phải thực tế và không tuyên bố mình đã đạt được một trạng thái hoàn hảo nào đó. Có những người tuyên bố họ là hiện thân của vị thần nào đó hoặc họ đã đạt được một trạng thái giác ngộ nào đó. Có những người không tự mình tuyên bố điều trên nhưng họ cho phép những người theo họ tin vào điều này mà không cải chỉnh. Đây không phải là cách nhìn cao nhất.

Ngày nào con còn trong thân vật lý, con vẫn còn ít nhất một ảo tưởng phải khắc phục và khi con khắc phục nó thì con không thể ở lại trong thân vật lý. Nó giản dị như thế. Con có thể chế ra đủ loại truyện và ý tưởng về những sinh thể hoàn hảo sống trên dãy núi Himalaya và họ duy trì được thân vật lý vài thế kỷ. Không phải là chuyện này không có một phần sự thật nhưng các sinh thể này không nhìn họ như con nhìn họ trong trạng thái tách biệt. Họ đạt được một tầng nhận biết cao nhưng họ thực tế nhận rằng vẫn còn điều gì đó giữ họ trong thân vật lý và để vĩnh viễn thoát khỏi thân ấy họ phải khắc phục ảo tưởng đó. Họ thực tế trong sự đánh giá chính mình bởi vì con không thể đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn mà không khắc phục sự tách biệt, ý niệm tách biệt. Chỉ trong ý niệm tách biệt mới có người cao trội hơn người khác. Sự tôn thờ một vị thày tâm linh chỉ có thể phát xuất từ ý niệm tách biệt. Nếu vị đạo sư tuyên bố ông cao trội, hoặc nếu ông cho phép người theo ông nâng ông thành người cao trội, thì ông đã không khắc phục được tách biệt. Làm sao ông đã làm chuyện đó được?

13.10. Nỗ lực giả để nâng mình cao hơn người khác

Khi khắc phục hết các ngã tách biệt đó, con đánh giá một cách thực tế con là sự biểu hiện của tâm một và mọi người cũng thế. Ấy, làm sao một sự biểu hiện của tâm một có thể tinh vi hơn, hoàn hảo hơn một biểu hiện khác? Mọi sự đều là Phật Tánh. Mỗi sinh thể có tự nhận biết là một biểu hiện của Phật Tánh. Làm sao trên cơ bản một sinh thể có thể đặc biệt hơn sinh thể khác? Tuyên ngôn Độc lập của Hoa kỳ nói: “Mọi con người được tạo ra bình đẳng.” Ấy, theo một nghĩa nào đó, đây là sự nhìn nhận tất cả là biểu hiện của Phật tánh. Trong Phật tánh không có phán xét giá trị. Chỉ trong màn huyễn maya, trong ảo tưởng tách biệt mới có phán xét giá trị nói rằng môt người đặc biệt hơn người khác.

Chuyện này liên quan gì tới nỗ lực? Ấy, bất kỳ nỗ lực nào tìm cách nâng con lên cao hơn so với người khác không phải là nỗ lực cao. Làm sao có thể được? Khi con tiến cao hơn và thoát khỏi càng ngày càng nhiều hơn ảo tưởng tách biệt, con bắt đầu thấy cái tổng thể và do đó mỗi nỗ lực của con có mục đích nâng cao tổng thể, chớ con không nâng cao chính mình như một cá nhân tách biệt.

Tìm cách nâng mình lên cao như một cá nhân tách biệt phát xuất từ ảo tưởng tách biệt và nó chỉ có thể buộc chặt con vào ảo tưởng đó. Nếu con nâng mình để là một đạo sư hoàn hảo, và con khiến những người theo con tin điều này, mọi nỗ lực con bỏ ra chỉ làm cho con mắc bẫy sâu hơn trong ảo tưởng tách biệt và giữ những người theo con mắc bẫy sâu hơn trong ảo tưởng tách biệt. Nếu con đọc kỹ những ghi chép, thành thực mà nói khá rời rạc và không đầy đủ, về cuộc đời của Phật và con đọc giữa hai hàng chữ, thì con sẽ thấy điều này – thày không dựng mình lên trong vị thế một sinh thể toàn hảo. Giờ đây, con có thể tìm thấy những giáo lý làm điều này nhưng chúng đã được thêm vào sau này vì con người nhìn vào đời sống và giáo lý của Phật qua màn huyễn maya, họ áp chồng tin tưởng tách biệt của họ lên đó, tin tưởng vào sự tách biệt của họ lên đó và do đó họ thần tượng hóa Phật, cho rằng Phật rất là đặc biệt, Phật sinh ra một cách đặc biệt và đo đó Phật là vị đạo sư hoàn hảo duy nhất xuất hiện trên trái đất từ trước tới giờ. Đó là lý do tại sao thày có khả năng thần diệu dẫn họ tới giác ngộ mà không cần họ bỏ ra nỗ lực khó khăn và khó chịu nhìn vào chính tâm lý mình và khắc phục các dính mắc của mình.

Đấy là những ảo tưởng do ngã tách biệt tạo ra. Con không thể khắc phục tách biệt bằng tách biệt. Con không thể tạo ra một ngã tách biệt nắm bắt cái một, trải nghiệm cái một, đi vào cái một. Con không thể lấy một ngã tách biệt và hoàn thiện nó để nó đi vào cái một. Con không thể khắc phục một trạng thái tâm thức, khắc phục một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề.

Một số người sẽ nói thày đang lặp đi lặp lại. Khi con đọc trở lại một số giáo lý nguyên thủy, con sẽ thấy thường có một câu truyện được kể ra để minh họa một điểm nào đó. Sau đó truyện này được kể một lần rồi lần nhì rồi lần ba, trong một số trường hợp còn kể hơn ba lần. Tại sao như thế? Bởi vì hầu hết người nghe không nắm bắt giáo lý lần đầu họ tiếp cận. Con có thân tình cảm, lý trí và bản sắc. Con học một giáo lý, con nắm bắt nó ở tầng cảm xúc, rồi con học nó lại và nắm bắt nó ở tầng lý trí, và con học nó lại và nắm bắt nó ở tầng bản sắc. Nếu con không nắm bắt ở tầng tình cảm thì sao? Con có thể dễ dàng đọc giáo lý và nó không chuyển hóa tâm thức con. Con hiểu giáo lý qua trí năng và con dùng sự hiểu biết trí năng để tạo ra một loại tâm ảnh về giáo lý. Đấy không phải là nắm bắt giáo lý.

Nắm bắt giáo lý thật sự nghĩa là gì? Con ghi nhớ ở đây là thày không nói hiểu biết mà thày nói nắm bắt, thể nhập. Khi con lấy một giáo lý tâm linh đặc trưng và con dùng giáo lý như tấm gương để nhìn chính mình, nhìn phản ứng của chính mình, nhìn chính tâm lý mình, và khi con thấy điều gì đó trong mình, con ý thức về nó và buông bỏ nó, lúc ấy con đã sử dụng giáo lý, lúc ấy con nắm bắt giáo lý. Con đã đưa giáo lý vào hành động.

13.11. Mục đích thật của một giáo lý tâm linh

Thậm chí còn hơn thế, mục đích của một giáo lý vỏ ngoài là gì? Đó là nối kết con với cội nguồn của giáo lý. Con làm sao nối kết với cội nguồn của giáo lý?À không phải là qua tâm tách biệt. Làm sao tâm tách biệt có thể kết nối với bất cứ gì? Làm sao tâm tách biệt có thể kết nối với bất cứ gì vượt quá sự tách biệt? Làm sao tâm tách biệt có thể kết nối với cái một?

Ở đây con thấy Phật. Thày đã đi trên con đường tâm linh nhiều năm. Thày đạt được một tầng nhận biết cao và thày có một chọn lựa. Thày có thể bỏ trái đất lại đằng sau vĩnh viễn và nhập niết bàn. Thày sẽ không mô tả điều gì xảy ra trên niết bàn, nó không liên quan đến cuộc thảo luận này. Thày có chọn lựa bỏ lại trái đất đằng sau. Thay vào đó thày chọn trở lại thân vật lý để giáo huấn. Thày muốn đạt điều gì? Ấy, thày biết là thân vật lý của thày có tuổi thọ giới hạn. Thày biết thời gian thày giảng dạy trực tiếp và tương tác với đệ tử chỉ có thể xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó, do đó mục đích của thày là trao truyền một giáo lý có thể tồn tại lâu hơn thân vật lý của thày và giúp những thế hệ tương lai bước trên con đường đạo, chính con đường thày đã đi qua để tới những tầng nhận biết cao hơn.

Có những tầng khác của con đường, như thày đã mô tả, có thể giúp con đi một số bước khác. Cốt lõi của con đường đạo, mụch đích thật của giáo lý là gì? Ấy, thày đã đạt được một tầng nhận biết cao như thế nào? Thày đạt được bằng cách khắc phục cáo ảo tưởng, vứt bỏ chúng từng cái một. Sau khi thày bắt đầu khắc phục những ảo tưởng này, chuyện gì bắt đầu xảy ra?  Chuyện bắt đầu xảy ra là thày kết nối với cái ta cao của thày, với Phật tánh trong thày. Thày kết nối với tâm một và thày không làm thế qua trí năng. Thày không làm thế từ một khoảng cách, thày không làm thế bằng cách tạo ra một hình tư tưởng về tâm một. Thày không làm thế bằng cách dùng tâm tách biệt để tạo ra một hình tư tưởng về tâm một. Không đâu, thày làm thế bằng cách bước ra ngoài tâm tách biệt và trải nghiệm trực tiếp tâm một. Đây là mục đích nội tại thật của một giáo lý – kết nối con với tâm một bên trong con để con không phóng chiếu là tâm một ở ngoài con.

Sự thật đằng sau giáo lý nói rằng mọi sự đều là Phật tánh là gì? Con có Phật tánh trong con. Làm sao con tìm thấy Phật tánh? Làm sao con tìm thấy Phật? Chỉ bằng cách nhìn bên trong con. Tâm tách biệt, tự ngã không thể nắm bắt điều này. Nó sẽ mãi mãi đi tìm ở ngoài nó, bên ngoài chính nó. Con tìm thấy một giáo lý Phật giáo nói về Phật và tâm tách biệt phóng chiếu: “À Phật ở bên ngoài mình. Phật ở kia. Phật ở kia. Phật ở đằng sau tảng đá kia. Phật ở trong hang đá kia trên dãy Himalaya. Phật ở trong kinh điển kia. Phật ở trong pháp tu tập này.” Có một vị thày Phật giáo đưa ra ý tưởng rằng nếu con gặp Phật trên đường thì con cần giết Phật. Tại sao thế? Bởi vì nếu con gặp một người và con nhận diện người đó là Phật, khi làm thế con sẽ cản con thấy Phật tánh trong chính con và điều này sẽ ngưng sự tiến triển của con trên đường đạo. Tốt hơn là con giết người ngoài kia, không phải là giết thân vật lý của họ mà là giết tâm ảnh trong tâm con để con còn có cơ hội khám phá Phật tánh trong chính con.

Làm sao con khám phá được Phật tánh trong chính con? Không qua sự hiểu biết trí năng mà qua một trải nghiệm trực tiếp. Điều gì có thể cho con trải nghiệm này? Ấy, thày đã giảng cốt lõi bản thể con là Cái Ta Biết, cái ta ý thức. Nó tạo ra cái nhân cách vỏ ngoài. Nó tạo ra nội dung trong tâm tình cảm, lý trí và bản sắc nhưng nó không trở thành các nội dung đó. Con tạo ra tự ngã nhưng con không trở thành tự ngã. Con chỉ chui vào tự ngã giống như con mặc vào một áo giáp. Con không thể mất đi khả năng bước ra ngoài tự ngã và tâm vỏ ngoài. Khi con ý thức về khả năng này, khi con trau dồi nó, khi con dùng nó, khi con giảm thiểu lực hút của tâm vỏ ngoài trên tâm ý thức của con, thì con sẽ tới điểm mà con tự nhiên trải nghiệm bước ra ngoài ý niệm bản ngã bình thường của con và do đó con kết nối với cái gì lớn hơn, cái gì vượt quá ý niệm bản ngã bình thường của con. Đây là trải nghiệm tâm một, trải nghiệm Phật tánh trong con.

Đây là mục đích của bất kỳ giáo lý tâm linh thật nào. Đây là mục đích của Bát chánh đạo.

13.12. Mục đích của các nỗ lực của con

Do đó giờ đây con có thể đánh giá các nỗ lực của mình. Nỗ lực của con nhắm tới mục đích gì? Phải chăng mục đích là nâng con lên một vị thế nào đó, dựa trên những tiêu chuẩn do thế gian quy định? Hay mục đích là con trải nghiệm sự kết nối, trải nghiệm là một với tâm một, với Phật tánh? Thấy Phật tánh trong con thay vì thấy nó ngoài con. Mục đích của Phật khi trở về từ niết bàn để giáo huấn là gì? Phải chăng là để đời đời nâng mình lên cao khiến cho mọi người trên trái đất nói: “Ồ, ngày xửa ngày xưa, có sinh thể kia toàn hảo tuyệt vời đã bước chân trên trái đất. Chúng ta phải tôn thờ ngài, chúng ta phải đi theo ngài và một ngày kia ngài sẽ nâng chúng ta lên chỗ toàn hảo?” Có thật chăng là Phật muốn tự đề cao bản thân, nâng mình lên trên tất cả mọi người khác đời đời kiếp kiếp? Nếu con tin điều này thì con đang ở trong trạng thái tách biệt và con đang phóng chiếu giấc mơ của chính tự ngã của con lên Phật. Thà là con giết Phật này vì làm thế còn có thể giúp con tiến bộ, bởi vì tôn thờ Phật đó dứt khoát không giúp con tiến bộ.

Phật thật sự muốn gì? Phật muốn đưa ra một tấm gương là bất kỳ người nào cũng có thể đạt một tầng nhận biết cao hơn. Như thế khi nhìn vào Phật như một tấm gương, họ có thể nói: “Điều gì một người làm được, mọi người đều có thể làm được.” Nếu Phật có thể đạt được một trạng thái nhận biết cao thì tôi cũng có thể làm được. Làm thế nào Phật đạt được một trạng thái nhận biết cao? Bằng cách tìm lại được Phật tánh trong ngài. Phật nói mọi sự đều là Phật tánh, nghĩa là tôi có Phật tánh trong tôi, nghĩa là tôi có thể tìm lại Phật tánh trong tôi bằng cách theo gương và giáo lý của Phật. Nếu tôi phóng chiếu là Phật tánh chỉ có thể hiện ra trong Phật, thì tôi không thật sự là người theo Phật. Tôi không dùng giáo lý và tấm gương của Phật. Tôi đang tạo một thần tượng và tôn thờ thần tượng đó.

Một lần nữa, nỗ lực của con phải nhắm tới gì? Ấy, mục đích của con trên đường tâm linh phải là trải nghiệm cái một, trải nghiệm nối kết. Bây giờ con hãy quan sát tâm vỏ ngoài của con phản ứng như thế nào. Tâm vỏ ngoài của con sẽ nói: “Ồ, để tạo ra trải nghiệm này, để bảo đảm có trải nghiệm này, hẳn tôi phải nỗ lực một cách đặc biệt nào đó.” Nếu con hiểu những gì thày nói ở đây, con sẽ thấy sự điên rồ của lối tiếp cận này. Không có nỗ lực nào dựa trên ảo tưởng tách biệt bảo đảm trải nghiệm được cái một. Điều con cần làm là không nỗ lực, không cố gắng giỏi hơn, không cố gắng mãnh liệt hơn. Con cần ngưng cố gắng. Con cần ngưng các nỗ lực của ngã tách biệt muốn tạo sự tiến bộ tâm linh.

Giờ đây thày đã nói có những nỗ lực con có thể làm để khắc phục các ảo tưởng nhưng không có nỗ lực nào con có thể làm để trải nghiệm cái một. Để trải nghiệm cái một, con phải ngưng nỗ lực. Con thật sự phải cho tâm con yên lặng nhưng làm sao con làm cho tâm yên lặng? Tâm con sẽ hỏi, tôi phải nỗ lực như thế nào để an tâm mình. Chẳng có nỗ lực nào con có thể làm được để an tâm mình.

13.13. Nỗ lực ngừng tâm lại

Nhiều người, thật nhiều người trong truyền thống Phật giáo đã suy ngẫm kỹ về thiền định và thực tập nhưng họ thấy tâm họ luôn xen vào. Cái tâm khỉ luôn xẹt ra ý tưởng nên họ nghĩ họ phải tìm ra một nỗ lực cao để khiến tâm im bặt. Con càng nỗ lực làm cho tâm im lặng, con càng thật sự dùng tâm nhiều hơn, do đó con càng bị kẹt trong tâm mình hơn. Nghĩ rằng con có thể dùng tâm để làm cho tâm im lặng chỉ trở thành một cái bẫy, một cái bẫy mới. Vậy con làm được gì? Ấy, con có thể tiến bước trên đường tu. Con có thể dùng những giáo lý mà thày cho con ở đây. Khi con khắc phục những ngã tách biệt, sẽ có lúc con tới điểm trải nghiệm một cách tự phát mình đang bước ra ngoài ý niệm bản ngã bình thường của mình và nối kết với cái gì vượt lên trên chính tâm mình.

Trải nghiệm cái một không phải là điều gì con có thể tạo ra được. Nó là điều con nhận được. Con có thể xem nó như một món quà, một ân huệ, nhưng con hãy cẩn thật đừng nghĩ là có một lực bên ngoài nào ban nó cho con. Nó chỉ xảy ra một cách tự phát khi con bước trên đường tu. Cho nên con cần kiên nhẫn với chính mình, tiếp tục bước trên đường tu và chờ nó xảy ra. Nói theo một khía cạnh nào đó, con đừng dính mắc nó xảy ra hay không xảy ra, bởi vì nếu con muốn nó xảy ra thì con đang làm gì? Con đang dùng tâm vỏ ngoài để cố gắng cho nó xảy ra, và điều này đẩy nó xa ra khỏi con. Nhiều, nhiều người tâm linh quả thực đã đạt được một tầng cấp trong đó họ đã vứt bỏ nhiều chướng ngại trong tâm họ. Họ có thể trải nghiệm sự kết nối với tâm cao của họ vì các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của họ đã mở rộng đủ. Họ có thể làm được điều này nhưng trong tâm ý thức của họ, họ quá mức chú tâm nỗ lực nên họ đẩy trải nghiệm này xa ra khỏi họ.

Không có nỗ lực nào con có thể áp dụng được. Con chỉ có thể từ bỏ nỗ lực. Con có thể xả bỏ. Con có thể buông bỏ. Buông bỏ sự dính mắc. Nhiều người tâm linh bị dính mắc muốn có những trải nghiệm tột đỉnh này và sự dính mắc ngăn cản tâm họ buông bỏ và do đó đẩy trải nghiệm ra xa. Nhiều người đã làm điều này cả nhiều thập niên, thậm chi cả nhiều kiếp, họ liên tục tập trung mạnh trong tâm thay vì buông bỏ. Hầu hết những người mở tâm với giáo lý này đã có một mức cởi mở nào đó trong tâm. Do đó, con có thể ngay lúc này trải nghiệm sự kết nối nhưng con chỉ trải nghiệm được khi con có thể buông bỏ. Thay vì ở trong trạng thái tâm bình thường của con và thay vì ở trong tâm muốn có một trải nghiệm nào đó, con đi vào trạng thái tâm hoàn toàn trung hòa. Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra. Nếu con có trải nghiệm, con có trải nghiệm. Nếu không có trải nghiệm, con tiếp tục bước trên đường tu.

Trên đường tu tâm linh con có thể có những nỗ lực giúp con tăng triển. Có những nỗ lực con có thể áp dụng sẽ dần dần đưa con lên những tầng cao hơn và cao hơn. Sẽ tới một tầng trên đường tu khi con cũng cần nghĩ tới chuyện vượt lên trên nỗ lực, và thày không nói là con phải ngừng nỗ lực, nhưng vượt lên trên nỗ lực, con cần vun trồng khả năng không nỗ lực. Con buông bỏ, con phó thác, con xả bỏ để xuôi theo dòng sông sự sống, theo bất kỳ cách nhìn nào của con. Con không nỗ lực. Nỗ lực tối cao là không nỗ lực.

Với điều này, thày niêm con. Đối với thày trao truyền bài giảng dài này hoàn toàn không có nỗ lực. Con có nỗ lực để học bài giảng này chăng? Ấy, con hãy suy ngẫm điều thày nói về buông bỏ, vì con có thể tới điểm học và thể nhập bài giảng mà không cần nỗ lực, và đấy là lúc con đã hiểu thấu trọn vẹn nỗ lực cao.

Hãy đón nhận sự hỗn loạn

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên PadmaSambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 8 tháng 1, 2023. Bài này được trao truyền vào dịp Webinat Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên PadmaSambhava và đúng vậy, thày là một Đạo sư Kim cương (Vajra Guru). Điều này nghĩa là gì? Có nghĩa là thày khẳng định quyền là một đạo sư ban giáo lý trên địa cầu mặc dù tuyệt đại đa số loài người không muốn bị quấy rầy bởi giáo lý này, mặc dù các tà lực và các sinh thể ích kỷ vĩ cuồng (narcissistic) không muốn bị quấy rầy bởi giáo lý này, mặc dù tâm thức tập thể loài người không muốn bị quấy rầy bởi giáo lý này. Nhưng thày vẫn khẳng định quyền ban giáo lý trên địa cầu vì chính địa cầu sẽ xác chứng quyền này như đã từng xảy ra suốt các thời đại.

Quyền quấy rầy người khác

Vì nếu không như vậy thì loài người sẽ có thể làm bất cứ gì mình muốn với Ánh sáng Mẫu-Vật, và Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ phải thụ động tuân phục bất kỳ hình ảnh nào được phóng chiếu lên nó. Ánh sáng Mẫu-Vật có một khả năng tự nhận biết và nó có quyền khẳng định một thực tại khác hơn những hình tượng đang được phóng chiếu lên nó, khẳng định là có một con đường cao hơn, có những hình thể cao hơn, có một tầng cấp nhận biết cao hơn, và con có thể có được nhận biết này ngay cả trong phổ tần số vật chất.

Thày là một Đạo sư Kim cương. Vị sứ giả này là một sứ giả Kim cương. Ông khẳng định quyền làm cánh cửa mở cho các sinh thể vượt khỏi cõi vật chất phát biểu qua trung gian chính ông để ban truyền những lời dạy không thể nào được tâm vỏ ngoài của ông chế tạo. Các con có tiềm năng là những đệ tử Kim cương khi con khẳng định quyền làm đệ tử tâm linh, quyền đạt tới những tầng cao hơn nữa nơi con không còn là đệ tử, không còn là người theo chân vì con đã thể nhập quả vị Ki-tô, quả vị Phật. Cho nên con có thể làm cánh cửa mở, không cứ là qua việc nhận bài truyền đọc mà bằng cách truyền rải các ý tưởng, truyền rải ánh sáng, đọc chú đọc thỉnh để toả vào tâm thức tập thể những xung lực sẽ quấy rầy, sẽ làm dao động tâm thức tập thể, các sinh thể sa ngã cũng như hầu hết mọi người trên trái đất. Con có quyền làm dao động những người đã biến tâm mình thành hệ thống kín mít. Bởi vì một khi tâm trở thành một hệ thống kín mít tự nó chứng thực chính nó, làm thế nào con người sẽ có thể thoát ra khỏi trừ khi có gì đó từ bên ngoài hệ thống khép kín ấy quấy rầy thế cân bằng đang giam họ trong đó?

Quyền làm cánh cửa mở cho ánh sáng

Đấy là vì sao con có định luật nghiệp quả, là nguyên lý đằng sau định luật thứ hai của nhiệt động học, qua đó trong một hệ thống khép kín, các mâu thuẫn sẽ nảy sinh và phá sụp hệ thống cho đến khi nó rơi xuống một trạng thái thấp hơn. Cho nên mới có một Trường đời Cay đắng, nhưng cũng có một Trường học của Nhận biết Cao, và những ai đang đầu thai trên địa cầu đều có quyền bước vào trường học này để trở thành những cánh cửa mở cho các thày ở cõi cao phát biểu qua con, để truyền rải các ý tưởng, để truyền rải ánh sáng qua các bài thỉnh bài chú của con. Các thày có quyền ở trên trái đất và mở ra một cái gì vượt khỏi trái đất. Quyền này đã luôn luôn hiện hữu và sẽ luôn luôn hiện hữu, chắc chắn nó đang ở ngay đây ngay lúc này. Thày đã khẳng định quyền này rất lâu trước đây khi thày còn hiện thân. Vị sứ giả này cũng đã khẳng định quyền của ông. Liệu con đã khẳng định quyền của con hay chưa? À, con có thể nếu con sẵn lòng. Và nếu con chưa sẵn sàng thì con có thể dùng lời dạy của các thày để giải quyết bất cứ gì trong tâm lý con đang khiến con do dự chưa khẳng định quyền này.

Xét lại cơ sở cho thế thăng bằng của con

Phật Gautama vừa trao cho con một số lời dạy nhắm đến một cử tọa rộng lớn hơn, mặc dù thày đây biết chắc là các con, các đệ tử trực tiếp của các thày, cũng sẽ được lợi lạc từ đó. Nhưng thày sẽ ban thêm một số lời dạy đặc thù cho các đệ tử trực tiếp. Các thày biết rất rõ là từ hai ba năm qua, đầu tiên với đại dịch và bây giờ với chiến tranh ở Ukraine, đã có một biến động to lớn trong tâm thức tập thể. Điều này khiến cho nhiều người phản ứng theo một cách mà mấy năm trước đây họ không phản ứng. Đó là vì tâm thức tập thể đã bị dao động bởi các biến cố này, cho nên có thể nói, mọi người đã bắt buộc phải phản ứng do cảm giác thăng bằng của họ bị xáo trộn. Các thày nhận thấy nhiều người trong các con là đệ tử tâm linh cũng đã tạo dựng một thế thăng bằng nào đó, và con đã hy vọng, đã mong chờ và nỗ lực để việc trái đất tiến dần đến thời hoàng kim sẽ không phải nếm quá nhiều biến động, khủng hoảng, xung đột lẫn chiến tranh.

Nhưng dẫu sao một khi sự thể đã xảy ra, con có thể nhìn chuyện này theo hai cách. Hoặc đó là một sự xáo trộn và con cần vượt qua nó càng nhanh càng tốt để tái lập thăng bằng trong con, hoặc con cũng có thể xem đó là một cơ hội để xét lại thế thăng bằng của con. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là khi con đang đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất – như Gautama nói vậy – con phải chạm trán với một áp lực lớn khủng khiếp từ tâm thức tập thể, và để sống còn về mặt tâm lý trong áp lực này, con phải thiết lập một thế thăng bằng nào đó. Điều này không thể tránh khỏi nhưng dù sao như một đệ tử tâm linh, con có thể hưởng rất nhiều lợi lạc nếu con tái xét cơ sở cho thế thăng bằng của con.

Ví dụ sứ giả này khi vụ xâm lăng Ukraine xảy đến, ông nhận ra và nhìn nhận là trước đó ông đã có một thế thăng bằng nhất định vì ông tin rằng địa cầu đang tiến đến Thời đại Hoàng kim của Saint Germain, và có một tiến trình tuần tự không đòi hỏi những cú sốc lớn, những tai biến lớn. Trong nhiều năm trời, ông đã làm việc và quan sát điều này qua phận sự sứ giả của mình, qua công việc đọc chú trong một đợt truyền pháp trước và giờ đây trong đợt truyền pháp này, và ông mường tượng tiến trình lân hồi này sẽ tiếp diễn. Nhưng như các thày có giải thích, đôi khi lực cưỡng chống sự thay đổi trong tâm thức tập thể mãnh liệt đến độ các biến cố vật lý phải được cho phép trải bày ra để chúng làm xáo trộn mọi người, phá vỡ thế cân bằng của họ và buộc họ phải nghĩ lại cách tiếp cận cuộc sống của mình. Và điều này chắc chắn đã xảy ra đầu tiên với đại dịch và bây giờ với cuộc xâm lăng Ukraine, và trong thập niên 2020 này có thể sẽ còn thêm những biến động tương tự.

Tất nhiên trong quá khứ cũng đã có những biến động như nhiều các con đã sống qua với cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, biến cố 9-11 năm 2001 và nhiều nữa. Tùy theo con sống ở nơi nào, chắc chắn cũng đã có những biến động khác nữa. Nhưng dù sao thì nhiều người trên địa cầu ngày nay đã bị chấn động bởi các biến cố mới nhất này và họ bắt đầu tự hỏi liệu thế giới đang đi về đâu, hay như câu nói phổ biến, thế giới sẽ nên nỗi nào? Nếu con đã bị xốn xang trong mấy năm qua, con sẽ được lợi lạc tái xét lại cái gì là cơ sở cho cảm giác thăng bằng đó.

Cảm giác là nó quá mức

Bây giờ tất nhiên, nhiều người trong các con là avatar đã đến địa cầu và đã mang đủ loại viễn quan khác nhau về lý do tại sao mình đến đây, về những gì con muốn thấy xảy ra ở đây do việc mình đến địa cầu. Và nhiều các con có một cái nhìn chung chung là con muốn thấy một sự cải thiện, một tiến bộ hướng tới một trạng thái cao hơn, một mức tâm thức cao hơn. Trong mấy kiếp đầu thai, nhiều các con đã hòa điệu với ý muốn của Saint Germain thị hiện thời hoàng kim và kể từ đó, con đã tập trung vào việc đóng góp cho công cuộc này.

Lẽ tự nhiên trong viễn quan này, con mang một số ý tưởng về những điều kiện cần được khắc phục, được thăng vượt và thay đổi hầu thời hoàng kim có thể thị hiện. Nhưng nhiều các con cũng mang một lớp phủ từ chấn thương nhập đời nguyên thủy, qua đó con bị sốc do sự tàn bạo phi nhân tính trên địa cầu đến độ con khởi lên mong muốn giúp địa cầu vượt khỏi mức tàn bạo đó. Con mong muốn nhìn thấy các loại biểu hiện hung dữ nhất được thăng vượt và điạ cầu bước vào một trạng thái cao hơn mà không phải chịu quá nhiều biến động, chinh chiến, cường bạo, hay ngay cả quá nhiều biến cố vật lý khốc liệt. Như sứ giả này hiểu ra, con hình thành ý muốn được chứng kiến những thay đổi từng bước không đem lại điều gì quá tệ hại. Có thể con đã có cách định nghĩa riêng những thay đổi đó là thế nào, đâu là những chuyện con xem là quá đáng – và đa số các con đều mang ý niệm là có những chuyện thật quá mức. Thày không đang bảo con làm vậy là sai trái. Thày không bảo là đối với các thày, các chân sư thăng thiên, không có những điều mà các thày muốn thấy điạ cầu tránh khỏi.

Nhưng dẫu sao, mục đích của thày tại hội nghị này là giúp con gây dựng một cảm giác an bình với việc mình ở đây trên trái đất – như Gautama mô tả – không dựa trên sự phủ nhận bất cứ gì đe dọa thế giới quan cùng thế thăng bằng của con. Nói cách khác, hiện giờ con có một thế giới quan đem lại cho con một thế thăng bằng nếu như một số chuyện không xảy ra. Nhưng nếu những chuyện này xảy ra thì sự thăng bằng của con bị xáo trộn. Đấy, các thày muốn giúp con vươn lên một tầng cao hơn nơi con nâng cao thế giới quan của mình và thiết lập một thế thăng bằng không dựa trên bất kỳ thế giới quan mỏng manh nào, mà ngược lại dựa trên sự nối kết với cái ta cao của con, với các chân sư thăng thiên và một viễn quan rộng lớn hơn về tiến trình thị hiện thời hoàng kim, và do đó, con không bị đe dọa bởi một số biến cố. Thế cân bằng của con không dựa trên sự cố nào trên địa cầu, hay biểu hiện nào, hay hình dạng nào trên địa cầu. Nó dựa trên sự nối kết với cái ta cao của con, với các chân sư thăng thiên. Tất nhiên Gautama đã trao cho con nhiều lời dạy có thể giúp con đạt được trạng thái này nhưng các thày mong muốn đi xa hơn một chút.

Mong muốn đổi địa cầu thành hành tinh tự nhiên

Trong một bài truyền đọc ở cuối hội thảo trực tuyến về Ukraine, Gautama có đề cập đến thuyết hỗn mang. Và ở một khía cạnh nào đó, con có thể nói là con sống trong một thế giới hỗn loạn vì quá nhiều sự việc không thể tiên đoán được. Có bao nhiêu nhóm người với tầm nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, thế giới quan khác nhau. Tất cả đều cảm thấy bị đe dọa bởi những ai khác mình, cho nên luôn luôn có tiềm năng xung đột. Vậy con có thể làm gì? À, con có thể nhận ra là tự ngã, ngã tách biệt mong tìm thấy một cách kiểm soát, kiểm soát các tình huống bên ngoài để tránh khỏi cảm giác xáo trộn bên trong. Giản dị là mong muốn này đã cài sẵn trong tự ngã được tạo ra từ tách biệt. Nhưng là một avatar, con có thể đem theo từ hành tinh tự nhiên một viễn quan về các điều kiện sống trên loại hành tinh đó. Và khi con xuống một hành tinh như địa cầu, con không thể tránh khỏi bị xốn xang khi con tìm thấy điều kiện trên trái đất khác đến chừng nào. Con thấy rõ hành tinh này có nhiều bạo lực, nhiều xung đột, nhiều điều vô nhân đạo đến chừng nào. Con không thể tránh khỏi bị sốc. Tất cả các con đều đã bị sốc.

Điều có thể xảy ra cho một avatar là sau đó con hình thành một mong muốn thay đổi địa cầu thành một hành tinh tự nhiên, biến một hành tinh phi tự nhiên thành tự nhiên. À, con sắp sửa phản bác: “Nhưng chuyện này có gì sai trái đâu? Thày chẳng nói đó cũng là điều thày muốn hay sao?” Phải, dĩ nhiên là đúng vậy, nhưng sự khác biệt ở chỗ các thày hiện không đang đầu thai. Con đang đầu thai. Các thày không có rủi ro đột nhiên phải chạm trán với một biến cố bạo động do bàn tay sa nhân gây ra. Nhưng con có rủi ro đó. Ý của thày là thế này: Con, một người đang đầu thai, có thể xử lý các điều kiện hiện thời trên trái đất như thế nào? Con có thể làm vậy bằng cách lui lại một chút và nhận ra là con mang một cái ngã tách biệt – là đứa con đẻ của ngã gốc – có mong muốn biến địa cầu phi tự nhiên thành một hành tinh tự nhiên. Xong con có thể nhận ra là ngã này ở trong một trạng thái thiếu hụt liên tục vì có những biến cố đang liên tục xảy ra khiến nó dao động và phản ứng: “Ồ, biết bao lâu nữa địa cầu mới là một hành tinh tự nhiên, đến khi nào địa cầu mới thành một hành tinh tự nhiên đây?”

Con có thể đứng lui lại và nhận ra là địa cầu sẽ không trở thành một hành tinh tự nhiên trong kiếp này của con. Saint Germain nói đến một thời hoàng kim nhưng đâu có nghĩa là trong những thế kỷ đầu của thời hoàng kim, địa cầu sẽ trở thành một hành tinh tự nhiên. Nó có khả năng tiến gần đến giai đoạn tự nhiên vào phần sau của thời hoàng kim, nhưng chuyện này không có gì chắc chắn. Nói cách khác, con vẫn có thể có một thời hoàng kim với một địa cầu chưa tự nhiên, vì tiến bộ đã xảy ra với nhiều hòa bình hơn, nhiều thịnh vượng hơn, nhiều phát minh hơn, v.v. Con có thể nhận ra điều này một cách ý thức, chấp nhận nó và từ đó khởi sự xem xét cái ngã này. Rồi con dùng các dụng cụ mà các thày đã trao truyền để giải thể nó, hầu con khỏi bị thất vọng, khỏi rơi vào tình trạng căng thẳng cho đến mãn kiếp này chỉ vì con thấy địa cầu quá lâu nữa mới biến thành một hành tinh tự nhiên. Khi con làm vậy, khi con để cho ngã này chết đi, con sẽ có thể nhìn thế giới và thấy rõ nó hỗn loạn đến chừng nào, nhưng con có khả năng chấp nhận sự hỗn loạn như một trạng thái tạm thời chứ không vĩnh viễn.

Chuyện gì cứ việc xảy ra!

Con có khả năng chấp nhận sự hỗn loạn. Có nghĩa gì? Có nghĩa là con không thể kỳ vọng là con, hay đúng hơn tự ngã và các ngã tách biệt của con, có thể kiểm soát được hành tinh này một chút nào. Đối với hầu hết các con là người tâm linh, đây không phải là vấn đề kiểm soát đời mình mặc dù tất cả các con đều mang một số ngã muốn như vậy. Nhưng đối với nhiều các con, đây là vấn đề giành chút kiểm soát trên hành tinh hầu những chuyện tệ hại mà con muốn tránh không xảy ra. Nhưng con có thể dần dần chấp nhận một cách ý thức rằng đây là một hành tinh hỗn loạn, và do đó con không thể chờ đợi mình sẽ có bất kỳ kiểm soát nào trên các biến cố vỏ ngoài. Điều con có thể làm được là con đạt tới một mức chủ động cao độ trên chính tâm con cùng tâm thái của con, nhưng không qua trung gian tự ngã hay ngã tách biệt muốn kiểm soát và kỷ luật ý tưởng cùng cảm xúc của mình. Như Gautama đã mô tả rất tỉ mỉ, con làm điều này qua việc giải quyết những cái ngã. Nói cách khác, làm thế nào con chủ động được tâm mình? Bằng cách buông bỏ những cái ngã muốn kiểm soát tâm con hầu con không có nhu cầu kiểm soát tâm nữa, và dù biến cố vỏ ngoài nào có xảy ra trên trái đất thì nó cũng không khuấy động được ngã tách biệt để gây xáo trộn trong tâm con.

Như Gautama cũng mô tả, con có thể giữ một thái độ đối với địa cầu không dựa trên việc liên tục phán xét cái gì phải xảy ra và cái gì không được xảy ra. Con có thể tiến gần đến trạng thái không dính mắc khi con nhìn vào địa cầu và nói: “Không sao, bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra. Cho dù chuyện gì xảy ra thì tôi cũng sẽ xuôi chảy với nó, tôi sẽ sử dụng nó tốt nhất, tôi sẽ vẫn tiến tới trên con đường tâm linh của mình, tôi sẽ tiến tới và thực hiện sứ vụ thiêng liêng như tôi đang thấy. Vậy chuyện này hay chuyện nọ xảy ra có thực sự quan trọng hay không?”

Sứ giả này chưa bắt đầu làm sứ giả vào năm 2001 khi ông có một việc làm tầm thường. Hôm đó, ông nghe nói có một biến cố xảy ra ở New York và ông đứng đó ở sở làm, theo dõi chương trình ti vi đang chiếu hình hai toà tháp sụp đổ. Lẽ tự nhiên, bản tin khiến ông dao động và ông lo lắng hàng vạn người có thể thiệt mạng khi tòa tháp đổ xuống. Tuy vậy cho dù lúc đó ông đang sống tại Hoa Kỳ và đây là một biến cố đáng sợ, nó đã không làm xáo trộn cảm giác thăng bằng của ông nhiều như cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù cuộc chiến này diễn ra nhiều năm sau đó. Lý do là vì ông mang một cái ngã tách biệt dựa trên giáo lý mà các thày đã trao truyền, một cái ngã mong muốn nhìn thấy một tiến trình chuyển tiếp tuần tự vào thời đại hoàng kim.

Một khi ông bước lui lại và nhận ra mình có mang ngã đó, ông đã có thể trụ chặt vào Saint Germain để hiểu ra là nếu muốn thời hoàng kim biểu hiện một cách tiệm tiến thì sẽ phải tốn rất nhiều thời gian do sức kháng cự mạnh mẽ của tâm thức tập thể chống lại sự thay đổi. Và vì thế, ông nhận ra và chấp nhận một cách ý thức rằng ông có thể sống chung với những biến cố khủng khiếp như vậy, là những chuyển biến sẽ buộc mọi người phải xét lại cách sống của mình. Sau đó ông đã có thể buông ngã đó, và ông chấp nhận là nếu có những diễn biến cần phải xảy ra để buộc mọi người nghĩ lại cách tiếp cận cuộc sống hay một số tình huống đặc thù, thì hãy cứ để yên cho chúng trải bày ra. Con sẽ chỉ cần thích ứng và bước tới, luôn luôn hướng mắt nhìn về mục tiêu của thời hoàng kim, về sự hoàn thành sứ vụ thiêng liêng cùng việc thăng thiên của mình. Trong bối cảnh vỏ ngoài đó, con bước tới từng bước một về hướng đó trong khả năng của mình.

Lẽ tự nhiên nếu con là một đệ tử tâm linh đang sống tại Nga hay Ukraine, con phải đối mặt với một tình thế khó khăn hơn hẳn những ai đang sống ở nơi khác trên thế giới. Tuy vậy, con vẫn có thể đi xuyên qua tiến trình này, là con nhìn vào bất kỳ ngã nào trong con phản ứng lại tình hình hôm nay và nhờ vậy dần dần chấp nhận là hoàn cảnh hiện tại, dù đáng lo đến chừng nào, vẫn là sự cần thiết để cả hai dân tộc Nga lẫn Ukraine tiến bước về thời hoàng kim. Thày biết, mọi chuyện hiện nay không có vẻ gì khả quan, nhưng ít nhất con có thể thấy được biến cố này có khả năng gia tốc sự chuyển bước về thời hoàng kim, trong khi trước kia thì cả hai nước – và cả thế giới, đặc biệt là châu Âu – bị kẹt cứng ở một mức tâm thức nhất định, một cái nhìn nhất định về thế giới. Tình trạng bế tắc này cần được phá vỡ, và một khi con chấp nhận điều này, con sẽ thấy là con cần tập trung vào tương lai. Chính vì vậy mà các thày đang trao cho con các bài truyền đọc này nhân dịp cuộc hội thảo trực tuyến về Ukraine, về tiềm năng tương lai của Ukraine và phần nào cũng về tương lai nước Nga.

Con có thể dõi mắt nhìn vào tiềm năng tích cực, con có thể dõi mắt vào sứ vụ thiêng liêng của con, vào bước tăng triển tâm linh không ngừng của con, vì hiển nhiên điều quan trọng hơn bao giờ hết là ở Nga và Ukraine có những người đang nâng cao nhận biết của mình, đang kéo tâm thức tập thể đi lên và cầm giữ sự cân bằng tâm linh cho dân tộc mình. Với tâm vỏ ngoài, con không thể hiểu được đầy đủ và nhận chân tầm quan trọng của sự có mặt của con trong thời buổi này ở nước con. Tương tự như vậy, hầu hết đệ tử của các thày ở các nước khác cũng không thể nhận chân một cách ý thức tầm quan trọng của sự có mặt của mình, sự nâng cao nhận biết và công việc tâm linh của mình trong thời buổi này. Nhiễu loạn càng nhiều thì sự hiện diện cùng nỗ lực của con càng quan trọng. Một khi con chấp nhận điều này và khắc phục ý muốn tránh cho một số biến cố xáo trộn xảy ra, con sẽ đạt được một tầm nhìn khác về tình trạng trên địa cầu.

Một thế giới hỗn loạn so với một hệ thống tiền định

Phải, con có thể nói là có hỗn loạn, nhưng hỗn loạn có nhất thiết là điều gì tiêu cực không? Các thày đã cho con rất, rất nhiều lời dạy về sự có mặt của sa nhân cùng đủ loại nhóm thượng lưu quyền lực đang tìm cách kiểm soát trái đất. Chúng muốn nắm càng nhiều quyền lực càng tốt trên địa cầu và khống chế quần chúng. Chúng đã thành công phần nào trong việc này nhưng như các thày đã nói, chúng không thể đoạt được sự kiểm soát tối hậu trên địa cầu, và tại sao chứ? À, một phần do sự xung đột nội tại trong bọn chúng vì chúng luôn luôn bị chia rẽ, và phần khác do tâm thức nhị nguyên vốn tạo ra cái đối lập với chính nó. Nhưng một cách khác để nhìn sự thể này là nói rằng trong một hệ thống hỗn loạn không thể nào có sự kiểm soát.

Kiểm soát ngụ ý trật tự. Và hỗn loạn không cứ là nghịch đề của trật tự, nhưng hỗn loạn không phải là trật tự. Nếu có trật tự thì không có hỗn loạn. Nhưng bây giờ con có thể đi thêm một bước và nói: “Vâng, con hiểu là các chân sư đã dạy con là hầu hết mọi người đã bước vào ảo tưởng tách biệt, vào tâm thức nhị nguyên, và đó là tại sao họ đã gây ra mọi xung đột được thấy trên trái đất.” Phải, điều này đúng, nhưng bây giờ con hãy tự hỏi. Trước khi loài người bước vào nhị nguyên, liệu đã có hỗn loạn trên địa cầu hay địa cầu hoàn toàn trật tự? Thậm chí con có thể hỏi thêm một câu nữa, liệu một hành tinh tự nhiên là một hành tinh hỗn loạn hay là một hành tinh hoàn toàn trật tự? Và con có thể ngạc nhiên nhận ra rằng kỳ thực hành tinh tự nhiên là một hành tinh hỗn loạn, và trước khi loài người bước vào nhị nguyên thì địa cầu cũng là một hành tinh hỗn loạn. Điều này có thể gây chấn động cho một số các con, nhưng con hãy bước lui thêm nữa và nhìn lại xem hỗn loạn là gì.

Sự hỗn loạn có nhất thiết hỗn loạn? Sự hỗn loạn có phải là một điều tiêu cực hay phá hoại? Một cách khác để nhìn sự hỗn loạn là bảo rằng đó không phải là một hệ thống tiền định (deterministic). Con biết mấy trăm năm về trước, các nhà khoa học tin rằng trái đất là một bộ máy khổng lồ, vũ trụ là một bộ máy khổng lồ. Nó giống như cỗ máy đồng hồ có bánh răng cưa quay theo một số quy luật nhất định. Các nhà khoa học tin rằng nếu con biết các quy luật vận hành vũ trụ và nếu con cũng biết các điều kiện tiên khởi khi cỗ máy khởi động, thì con có thể tiên đoán mọi chuyện có thể và sẽ xảy ra khi cỗ máy cứ thế chạy. Tất nhiên, đây chính là giấc mơ của sa nhân là tạo ra một vũ trụ cơ học như vậy nơi chúng là kẻ định ra cả quy luật lẫn điều kiện tiên khởi để chúng có thể kiểm soát tất cả.

Nhưng thật ra các thày đã nói gì về sự vận hành của thế giới chứ? Các thày đã nói với con là các Elohim đã tạo ra hành tinh địa cầu và vì thế, theo một nghĩa nào đó, cũng đã tạo ra các điều kiện tiên khởi. Nhưng các thày cũng có nói là mặc dù địa cầu vận hành theo một số quy luật nhưng nó không là một hệ thống tiền định. Tại sao lại không? Bởi vì mục đích của địa cầu là cống hiến một phương tiện cho sự tăng triển tâm thức của những sinh thể tự nhận biết đã đến địa cầu và trở thành những người đồng sáng tạo. Các sinh thể tự nhận biết này – trong đó có các con – có quyền tự quyết. Con gia tăng nhận biết của mình bằng cách dùng quyền tự quyết để thử nghiệm, bằng cách chọn lựa rồi trải nghiệm hậu quả của chọn lựa. Đấy, các chọn lựa của con càng tự do bao nhiêu thì chúng càng khó tiên đoán bấy nhiêu. Đối với một người hoàn toàn tự do trong tâm mình, sẽ không có ai – ngay cả sa nhân khôn ngoan nhất hay thậm chí chính Thượng đế – có thể đoán trước người đó sẽ làm gì tiếp theo.

Hỗn loạn là nền tảng của sáng tạo

Đấy, con thấy điạ cầu đã không được thiết kế để vận hành như một cỗ máy tiền định. Nó được thiết kế như một hệ thống sáng tạo. Điều các nhà khoa học gọi là hỗn mang chỉ đơn giản là một hệ thống sáng tạo không hề tiền định và bởi vậy không thể đoán trước. Các nhà khoa học nhìn thế giới rồi bảo: “Chúng tôi thấy có một số quy luật nhưng chúng tôi cũng thấy có quá nhiều hỗn loạn đến độ chúng tôi không thể dự đoán những gì xảy ra một cách chắc chắn tuyệt đối.” Trong nền vật lý lượng tử có cả một nguyên lý bất định nói rằng không có cách chi mà tiên đoán chắc chắn, vì thế giới ở mức hạ nguyên tử không tiền định và chắc chắn thế giới ở mức vĩ mô lại càng ít tiền định hơn nữa. Khi con nhìn từ góc cạnh này, con ngộ ra sự hỗn loạn không phải là một điều gì tiêu cực. Nó không tệ hại xấu xa. Kỳ thực nó là nền tảng cho sáng tạo, rồi từ đó con có thể có một tầm nhìn mới mẻ về khái niệm của Phật có tên là lý duyên khởi.

Con có thể nhìn ra là nếu địa cầu là một hệ thống được định trước thì nó đã có thể bị sa nhân kiểm soát rồi, và nếu chúng kiểm soát được thì chúng đã bành trướng tầm kiểm soát đó. Nếu hành tinh tới độ rơi vào sự kiểm soát toàn diện của sa nhân thì không thể có cách nào vực nó dậy. Chỉ còn cách để yên cho nó tự hủy diệt. Nhưng chính vì địa cầu là một hệ thống sáng tạo cho nên sa nhân sẽ không bao giờ hoàn toàn làm chủ được tình hình, và đó là tại sao địa cầu có tiềm năng vươn lên để bước vào một thời hoàng kim và vươn lên nữa để rốt cuộc trở lại với trạng thái hành tinh tự nhiên. Theo một nghĩa nào đó, sự hỗn loạn mà con thấy từ một góc cạnh kỳ thực là một cơ chế an toàn để ngăn ngừa sự thiết lập của một chế độ kiểm soát toàn diện. Kiểm soát toàn diện sẽ làm gì chứ? Nó sẽ dập tắt mọi sự sáng tạo vì sự sáng tạo vốn không thể đoán trước, và người ta chỉ có thể kiểm soát toàn diện nếu người ta tiên đoán được mọi chuyện.

Hỗn loạn không phải là một mối đe dọa. Tự ngã và ngã tách biệt của con sẽ coi hỗn loạn là một mối đe dọa vì nó đe doạ cảm giác thăng bằng của con. Nhưng con, khi con bước ra ngoài tự ngã và các ngã tách biệt, con có thể thấy sự hỗn loạn là bạn của con. Hỗn loạn là một điều tích cực. Nó là cơ sở cho sáng tạo. Con hãy bỏ công ra xem xét tại sao. Trong một hệ thống tiền định con có thể nói: “Tôi có thể làm việc này hay tôi có thể làm việc kia. Nhưng trong cả hai trường hợp, tôi có thể hoàn toàn đoán trước kết quả sẽ là gì, vậy liệu tôi đã thực sự chọn lựa hay không? Tôi không thể đem lại một cái gì mới vì tất cả phải chạy theo một đường rày.” Nhưng trong một hệ thống sáng tạo, con có thể đem lại một điều gì hoàn toàn mới.

Hiển nhiên, chuyện này có hai khía cạnh. Địa cầu được tạo ra lúc ban đầu ở một trạng thái nào đó, rồi loài người đã đưa nó xuống một trạng thái thấp hơn. Họ đã làm thế nào? À, họ đã tận dụng chức năng cơ bản của hệ thống sáng tạo là đặc tính không thể tiên đoán. Họ đã phản-sáng tạo thay vì đồng-sáng tạo, nhưng dẫu sao đây vẫn là một hình thức sáng tạo.

Tận dụng sự hỗn loạn

Nhưng con có thể đảo ngược lại và khởi sự tận dụng sự hỗn loạn để nâng địa cầu trở lên những tầng mức cao hơn. Đây chính là việc các thày kêu gọi con làm. Đây là công việc mà các đệ tử của chân sư thăng thiên đã làm kể từ Phong trào TA LÀ. Đây là công việc mọi người tâm linh đã làm từ hàng thiên kỷ qua đủ mọi cách tu tập tâm linh. Có thể nói, các con đang dấn thân vào sự hỗn loạn, và thay vì tìm cách tạo trật tự và kiểm soát, các con tìm cách tạo ra một trạng thái mới cao hơn trạng thái cũ. Nói cách khác, thay vì chế tạo hòa bình trên địa cầu bằng cách kiểm soát mọi chuyện và dùng vũ lực để kềm chế xung đột và chiến tranh, con sẽ sử dụng khả năng sáng tạo để tạo nên một trạng thái mới. Và khi con cứ tiếp tục làm vậy thì như Gautama cũng nói, sẽ tới một điểm khi tâm thức tập thế đạt đến một mức nào đó và bỗng nhiên mọi người thấy rõ là chiến tranh, chẳng hạn, không thể nào chấp nhận được nữa. Và khi có đủ số người ngộ ra điều này, mọi chuyện cũng sẽ bắt đầu chuyển đổi trong cõi vật lý.

Vậy con đang làm gì trong tư cách một đệ tử tâm linh? À, tự ngã của con, ngã tách biệt của con sẽ bảo con phải dùng giáo lý và các dụng cụ tâm linh để đem lại trật tự trên trái đất, hầu chiến tranh và bạo lực bị tiêu trừ và hoà bình được thiết lập qua trật tự. Nhưng các thày đây, các chân sư thăng thiên thì nói rằng con có cơ hội dùng giáo lý tâm linh để dấn thân, tham gia vào sự hỗn loạn, rồi sử dụng tính linh động của hỗn loạn để thị hiện một trạng thái cao hơn qua sáng tạo chứ không qua kiểm soát. Con hãy nhìn xem đời sống có biết bao hoàn cảnh hỗn loạn, và điều này nghĩa là gì? Có nghĩa là không có gì được tạc trên đá, không có gì cố định, mọi sự đều chuyển biến, và điều này có nghĩa là mọi sự có thể khá dễ dàng chuyển sang một hướng mới.

Có một ẩn dụ quen thuộc như thế này: Con thử lấy một chiếc bánh xe và đặt nó thẳng đứng trên mặt đất, nếu bánh xe đứng yên và con đẩy nó sang bên, nó sẽ đổ xuống. Nhưng nếu nó đang lăn, đang chuyển động, và con đẩy nó sang bên, nó sẽ không đổ mà chỉ đổi hướng lăn. Khi bánh xe đứng yên thì con có một hệ thống cố định, con khó lòng nào thay đổi điều gì trong một hệ thống cố định. Nhưng khi bánh xe đang lăn, con có một hệ thống động, dễ thay đổi hơn rất nhiều. Cũng vậy, con dễ thay đổi nước chảy hơn là tảng đá, cho nên con thấy một hệ thống càng năng động linh hoạt thì nó sẽ càng dễ thay đổi. Điều này cũng có nghĩa là với một hệ thống năng động linh hoạt, con sẽ cần ít người hơn để chuyển đổi nó so với một hệ thống cố định, đứng yên một chỗ.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là tâm thức tập thể càng có nhiều luồng lưu chuyển thì sẽ càng dễ cho một số ít đệ tử của chân sư thăng thiên xoay chuyển dòng chảy về một hướng khác. Đây chính là điều các thày tìm cách giúp con tận dụng, và tất nhiên các thày cũng giúp những người tâm linh khác mà các thày đang cộng tác. Chính sự kiện có nhiều luồng chảy, nhiều năng động đến vậy trên địa cầu là cơ hội để tạo ra thay đổi. Như các thày đã từng nói, nếu con có một con tàu, con chỉ cần bẻ tay lái một chút thì tuy con tàu dường như không chuyển hướng trong ngắn hạn, hành trình của nó sẽ thay đổi lớn lao trong dài hạn. Khi con chấp nhận điều này, con sẽ thấy là vai trò của con không phải là thị hiện những thay đổi vật lý đặc thù ở một thời điểm đặc thù.

Mạng lưới Antahkarana của sự Sống

Trong các đợt truyền pháp trước, các thày đã khuyến khích mọi người đọc chú để thỉnh cầu một số điều kiện đặc thù, và điều này đã khiến tâm một số đệ tử chú mục vào nhu cầu thị hiện một điều kiện nhất định vào một thời điểm nhất định, và nếu không làm được thì xem như việc đọc chú của họ đã thất bại. Điều này thậm chí khiến cho một số đệ tử nghi ngờ sự hiệu quả của bài chú, và họ đâm ra chán nản và bỏ cuộc. Nhưng con thấy đó, khi con hiểu những gì thày vừa trình bày ở đây, con sẽ tránh rơi vào những loại định kiến khiến con kỳ vọng một kết quả nào đó phải thị hiện ở một thời điểm nào đó.

Tất nhiên, điều tương tự cũng áp dụng cho cuộc đời của cá nhân con. Hàng ngàn và hàng triệu người khắp thế giới đã dùng khái niệm giữ thái độ tích cực trong tâm, lập ra một bản đồ kho báu rồi đặt vào bản đồ những gì họ muốn thị hiện ở một thời điểm nào đó. Một số đã thành công nhưng hầu hết đã bị thất vọng vì kết quả mong muốn đã không xuất hiện ở thời điểm mong muốn. Thế là nhiều người đã lật ngược và nghi ngờ sự hiệu quả của cả tiến trình này.

Nhưng nó sẽ có hiệu quả về mặt xoay chuyển phương trình hoàn cảnh cá nhân của con. Câu hỏi đặt ra là đến khi nào kết quả vật lý sẽ biểu hiện, và điều này thì tùy thuộc vào lý duyên khởi, vì con đâu phải là một hòn đảo, con đâu hiện hữu như một hòn đảo trong tâm thức tập thể cùng hệ thống năng lượng của bốn tầng cõi trên trái đất? Nếu con có thể bước lui lại khỏi địa cầu và quan sát từ tầm nhìn thăng thiên, con sẽ thấy trái đất là một tấm thảm dệt vô cùng phức tạp tinh vi gồm những liên hệ năng lượng, liên hệ nghiệp quả, liên hệ ở mức tâm thức, rồi lại có những liên hệ vật lý, liên hệ cảm xúc, liên hệ lý trí, liên hệ ở mức bản sắc, quá nhiều sự nối kết như vậy, và tất cả đều đan chặt vào với nhau. Đôi khi các thày đã có nói về Antahkarana của sự Sống, mạng lưới phức tạp tinh xảo kết nối tất cả mọi thứ. Con đang sống trong mạng lưới này. Con là một phần của mạng lưới này.

Khi con dùng ngã tách biệt để lập mục tiêu cho các thay đổi vật lý đặc thù mà ngã tách biệt muốn thị hiện, rồi con ấn định một thời điểm đặc thù chúng phải thị hiện, xong con kỳ vọng một loại phép lạ sẽ đến từ đâu đó – cho dù từ các chân sư thăng thiên hay từ cái gì khác – để thị hiện những gì con đã đặt vào bản đồ kho báu, thì con đã nắm sẵn nỗi thất vọng trong tay vì con đang cố làm chuyện bất khả thi. Con đang cố thị hiện một cái gì như thể con tách biệt khỏi Mạng lưới của sự Sống, nhưng làm sao được? Chuyện đó không thể làm được. Không ai có thể làm được.

Cách tiếp cận khác hơn là con chấp nhận con là một thành phần của Mạng lưới sự Sống đó, cho nên con cũng chấp nhận mình có khả năng thay đổi đời mình. Con có thể trước tiên thay đổi tâm thái của mình, con cũng có thể thay đổi các điều kiện vật lý của mình, nhưng việc thay đổi điều kiện vật lý xảy ra trong khuôn khổ rộng lớn hơn của hệ thống phức tạp đó, mạng lưới nối kết đó nơi con đang sống.

Con có thể, như các thày có nói, phóng chiếu một xung lực vào tấm gương vũ trụ nhưng cách nó phản ánh lại như thế nào sẽ tùy thuộc vào mạng lưới phức tạp kia. Nhưng này, rất nhiều điều con có thể muốn trong đời mình sẽ tác động đến người khác. Nếu con muốn thị hiện một ngôi nhà đặc thù chẳng hạn, một ai đó sẽ phải xây hay mướn người xây ngôi nhà, một ai đó sẽ phải đồng ý bán nhà cho con, cho nên có rất, rất nhiều người sẽ tham gia vào quá trình thị hiện ngôi nhà đó. Tất cả những người này đều có quyền tự quyết, đều có một mức tâm thức, và để thị hiện một cái gì đó cho con, con phải làm việc với tất cả những thứ đó trong bối cảnh đó. Con không thể chờ đợi một viễn quan tách biệt sẽ phải thị hiện như thể con là người duy nhất trong hệ thống. Nhưng một lần nữa, con có thể dần dần chấp nhận sự thể này, và con nhận ra là khi con nỗ lực nâng cao tâm thức của mình, hình thành những hình ảnh và phóng chiếu chúng ra ngoài thì nó sẽ có tác động, nhưng tâm vỏ ngoài sẽ không thể tiên đoán chính xác chuyện gì sẽ xảy ra, sẽ thị hiện như thế nào và khi nào.

Con có thể biết là con đã gửi ra một xung lực vào tấm gương vũ trụ. Con có thể biết là một cái gì đó sẽ quay trở về con và con có thể hài lòng biết rằng khi con cứ tiếp tục gửi xung lực như vậy thì lần hồi cuộc sống của con sẽ bắt đầu thay đổi, mọi chuyện sẽ bắt đầu thị hiện cho con. Nhưng nếu con chờ đợi những kết quả đặc thù ở những thời điểm đặc thù thì đó là một kỳ vọng không thực tế, nó chỉ có thể đem lại thất vọng. Nhiều năm trước đây, sứ giả này có nghe nói về khái niệm bản đồ kho báu, ông đã làm thử mặc dù bán tín bán nghi, và sau khi làm thử và kết quả không hiện ra vào thời điểm ông đã hình dung theo lời người ta khuyên, thì ông hiểu ra đó là một kỳ vọng không thực tế mặc dù ông không diễn tả như vậy. Thật có quá nhiều yếu tố liên hệ với nhau để có thể xem như con là một cá nhân tách biệt.

Kể từ đó, ông đã đổi cách tiếp cận và khi ông đọc chú, ông cố nâng cao tâm thức nhưng ông không kỳ vọng một kết quả nhất định ở một thời điểm nhất định. Ấy thế nhưng khi ông nhìn lại thời ông bắt đầu cất bước trên đường tu, ông thấy được là đã có rất, rất nhiều thay đổi không chỉ trong tâm thức mà cả trong hoàn cảnh vỏ ngoài của ông. Nhiều người trong các con sẽ có thể nhận ra một điều tương tự nếu con nhìn ngược trở lại, và do đó nhiều người cũng có thể nhận ra là với thời gian cuộc sống của con sẽ thay đổi khi con thực hành các lời dạy. Tất nhiên, một điều tương tự cũng không chỉ áp dụng cho việc thay đổi đời con mà cả việc thay đổi hành tinh do có nhiều người hơn tham gia vào.

Công việc tâm linh của các đệ tử chân sư ở Nga

Bây giờ con có thể nhìn vào một dân tộc như nước Nga, con thấy là trong nhiều năm trời qua sứ giả này, các thày đã trao truyền nhiều bài truyền đọc về nước Nga cùng trạng thái tâm thức ở Nga. Con thấy những bài này được ban ra với niềm hy vọng nước Nga sẽ dần dần biến đổi để tiến gần hơn với thời đại hoàng kim, rằng tâm thức tập thể có thể được chuyển hóa và nâng cao gần hơn với mức tâm thức thời hoàng kim. Xong con có thể nhìn những biến cố vừa xảy ra và nói: “Liệu đó có phải là một kỳ vọng thiếu thực tế hay không?” Nó không thiếu thực tế, nhưng không phải các chân sư thăng thiên đã có những chờ đợi nhất định về điều gì phải xảy ra. Các thày chỉ xem đó là một tiềm năng và các thày đã đưa ra một tiềm năng. Có một tiềm năng thực sự là điều đó đã có thể xảy ra lần hồi, nhưng rốt cuộc thì nó không xảy ra.

Cho nên con có thể bảo: “Thế còn các đệ tử tâm linh ở Nga thì sao? Họ đã nhận các bài truyền đọc, đã đọc thỉnh, đọc chú với niềm hy vọng chuyển đổi tâm thức tập thể. Liệu họ đã bị lừa? Liệu họ đã thất bại? Liệu nỗ lực đó đã không thành công? Liệu có vấn đề gì không do lỗi họ? Liệu có vấn đề gì với giáo lý của chân sư thăng thiên hay các bài thỉnh?” Tất nhiên con có thể lý luận theo cách đó nhưng con cũng có thể lui lại một bước, rồi con bước lên cao hơn để nhận ra là các đệ tử của chân sư tại Nga đã thực sự có tiềm năng đem lại thay đổi lần hồi đó. Nhưng chuyện xảy ra là đã không đủ số người dân Nga sẵn lòng xoay chuyển nhận biết của mình. Và vì vậy, cái tiềm năng có thực kia đã không trở thành hiện thực.

Là đệ tử của chân sư thăng thiên, tất nhiên con không thể lật bỏ quyền tự quyết của hàng chục triệu người. Con không thể chờ đợi mình làm được như vậy vì con không thể kỳ vọng các bài chú bài thỉnh sẽ có phép như một loại đũa thần và con chỉ cần khua đũa để ai nấy đổi ý. Con không thể lật bỏ quyền tự quyết qua các bài thỉnh bài chú như các thày đã nói nhiều lần. Nhưng đó đã là một tiềm năng có thực, chắc chắn không phải là sự lãng phí công sức, tuy nhiên sự việc đã không xảy ra và giờ đây con cần chấp nhận và bước tới. Dù vậy, con hãy cố nâng cao tâm thức cá nhân của mình, lượng định những gì con cần làm ở tầng cấp vật lý dựa trên tình hình mới, nhưng con cũng hãy tiếp tục đọc thỉnh đọc chú vì công việc này có tác dụng.

Có lẽ con không thể nói: “Chúng tôi là một nhóm người đã đọc từng nấy bài thỉnh vào thời buổi đó, đem lại từng nấy thay đổi đặc thù,” nhưng điều con có thể nói là các nỗ lực của con đã có tác động tích cực đến một tình thế vô cùng phức tạp, là một quốc gia trải rộng mênh mông với 140 triệu con dân sống trên dải đất bao la này. Đây không phải là một nước dễ thay đổi, nhưng hiển nhiên, không có nước lớn nào mà dễ thay đổi. Không nước nào là dễ thay đổi, nhưng nước càng nhỏ thì việc xoay chuyển tâm thức tập thể sẽ càng dễ.

Tăng triển bằng cách thử nghiệm

Một khi con lui lại, chấp nhận, đón nhận sự kiện con đang sống trong một môi trường sáng tạo chứ không phải một môi trường tiền định, con có thể ôm lấy sự sáng tạo, ôm lấy dòng lưu chuyển, ôm lấy cái mà nhiều người gọi là hỗn loạn nhưng con xem là tiềm năng đem lại những trạng thái mới mẻ cao hơn. Nếu không gì có thể thay đổi thì làm thế nào thay đổi được bất cứ gì? Làm thế nào con có thể đem lại cái mới nếu con không thể thay đổi cái gì đó? Và làm thế nào con có thể thay đổi một cái gì cố định, bị buộc chặt vào tình trạng hiện thời của nó? Con chỉ có thể đem lại thay đổi khi có sự linh hoạt, khi có những luồng đang chảy. Con hãy đón nhận cái đó, đón nhận môi trường con đang sống.

Hãy hài lòng là một con người sáng tạo không hề kiểm soát xung lực sáng tạo của mình sẽ biểu hiện ra sao. Nhưng con có thể tới mức nhìn vào đó và nói: “À, nếu tôi thực sự có thể tiên đoán mọi chuyện xảy ra do nỗ lực sáng tạo của tôi thì làm sao gọi đó là sáng tạo được? Kỳ thực tôi không đang sáng tạo mà đang máy móc.” Nhưng này, một số các con có thể nghĩ là trên một hành tinh tự nhiên, con có thể tiên đoán chính xác những gì sẽ xảy ra do nỗ lực sáng tạo của mình, và theo một nghĩa nào đó, con có thể đoán trước vì ở đó không có yếu tố nhị nguyên như trên địa cầu. Mọi chuyện trên hành tinh tự nhiên dễ tiên đoán hơn, nhưng làm thế nào con tăng triển được chứ? Con tăng triển bằng cách thử nghiệm.

Thử nghiệm là gì? Là con gửi ra một xung lực, con có ý chung chung điều gì sẽ quay trở lại nhưng con không biết chinh xác. Rồi con thấy kết quả, con điều chỉnh xung lực sáng tạo của con, con lại gửi ra một xung lực khác và con cứ tiếp tục làm vậy, con tiếp tục thử nghiệm nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Nếu khi con bấm cái nút, con đã biết rõ kết quả sẽ thị hiện máy móc ra sao, liệu đây có thật là sáng tạo hay không? Con chỉ đang làm chuyện máy móc. Vậy con sẽ học được gì từ đó? Làm thế nào cái đó sẽ chuyển đổi tâm thức của con? Nếu con dùng tâm thức hiện thời để thị hiện, phóng chiếu một hình ảnh nào đó và con biết rõ kết quả sẽ ra sao, làm thế nào tâm thức con sẽ chuyển đổi? Để con có thể là một người đồng sáng tạo, con không thể ở trong một môi trường cơ học kiểm soát. Phải có luồng chảy, phải có linh hoạt thì mới có chỗ cho sự thử nghiệm, có chỗ cho một cái gì chưa ai nghĩ ra bao giờ.

Đây chính là điều sa nhân lo sợ vì chúng không thể tiên đoán, chúng không thể kiểm soát. Đó là tại sao chúng sợ con, vì khi con bước lên tầng mức đó, con là một người sáng tạo. Trong các tổ chức chân sư thăng thiên và các tổ chức tâm linh khác đã có một xu hướng suy nghĩ rằng đường tu phần nào là máy móc. Con học hỏi giáo lý, con tránh làm chuyện sai trái, con làm chuyện đúng đắn, con mặc loại y phục này, con lái loại xe kia, con ăn loại thực phẩm nọ, rồi con tu hết các pháp tu tâm linh càng nhiều càng tốt, thế là một cách máy móc như Gautama có nói, con đạt được giác ngộ.

Nhưng đây là một tiến trình sáng tạo, không phải một tiến trình cơ học. Thày cũng biết nó có một số khía cạnh cơ học trong việc biến đổi năng lượng tha hóa chẳng hạn, nhưng về cơ bản con đường tâm linh là một tiến trình sáng tạo. Có một số đệ tử tâm linh bước vào giáo lý của chân sư thăng thiên mà lại muốn kéo nó xuống thành một tiến trình máy móc. Họ muốn tin rằng nếu họ sống một cách nào đó và đọc một lượng chú mỗi ngày thì họ bảo đảm sẽ thăng thiên ở cuối kiếp này. Như các thày đã cố giải thích từ đủ mọi góc cạnh, không phải vậy đâu.   

Xuôi chảy với sự hỗn loạn

Khi con chấp nhận điều này, việc sống trên một hành tinh như địa cầu sẽ dễ hơn hẳn vì con không đang cố làm chuyện bất khả thi, con không cố dùng giáo lý và các dụng cụ tâm linh để kiểm soát một môi trường không thể kiểm soát. Con dùng giáo lý và các dụng cụ tâm linh để hướng dòng chảy của hỗn loạn về một hướng khác. Đây có thể sẽ là một sự xoay chuyện vô cùng xây dựng cho con nếu con có thể xoay chuyển như vậy và đón nhận sự hỗn loạn, đón nhận sự linh hoạt trong môi trường của con. Nó có thể đem lại nhiều hệ quả cho đời sống hàng ngày và đường tu tâm linh của con.

Nó có thể cho phép con nói: “Tại sao tôi lại cần một số điều kiện vỏ ngoài đặc thù thị hiện trong đời tôi? Thật ra chỉ vì tự ngã và một số ngã tách biệt của tôi muốn những điều kiện này, vì chúng nghĩ nhờ đó chúng sẽ có được cảm giác an toàn. Nhưng tôi, sinh thể mà tôi thực LÀ, tôi không cần an toàn mà tôi cần tăng triển. Tôi không cần những điều kiện không làm phiền tôi. Kỳ thực tôi muốn những điều kiện sẽ làm phiền tôi, sẽ khiến tôi phản ứng hầu tôi có thể xem xét các khuôn nếp phản ứng của tôi, phơi bày những cái ngã tách biệt đó và để chúng chết đi. Tôi muốn tăng triển suốt phần còn lại của kiếp này. Tôi muốn tăng triển tối đa để nếu đó là sứ vụ thiêng liêng của tôi thì tôi có thể thăng thiên, tôi có thể hội đủ tư cách thăng thiên. Và nếu trong sứ vụ thiêng liêng không có điều đó, tôi sẽ đạt mức tâm thức cao nhất mà tôi có thể, để tôi có nền tảng tốt nhất cho kiếp tới khi tôi góp phần thị hiện thời đại hoàng kim. Đây là điều tôi muốn cho đến hết kiếp này. Tôi không muốn thoải mái. Tôi không muốn cảm thấy an toàn. Tôi không muốn những điều kiện vỏ ngoài thoải mái an toàn. Tôi muốn tăng triển tối đa.”

Làm thế nào con sẽ tăng triển? Bằng cách xuôi chảy với sự hỗn loạn. Bằng cách nhìn ra những gì khuấy động tâm con, rồi bằng cách làm việc trên điểm đó, con vượt qua nó và tiến bước. Rất nhiều Phật tử mang xu hướng nhìn vào đức Phật và nghĩ rằng trước hết, Phật sinh ra đã sẵn là một sinh thể rất đặc biệt. Cho nên ngay từ khi ra đời, thày đã khác hẳn mọi người tầm thường ngay trong cơ bản. Họ nghĩ thày không phải đối mặt cùng những vấn đề như họ, cùng những khai ngộ trên đường tu như họ. Họ cũng mang xu hướng nghĩ rằng vì thày quá đặc biệt cho nên thày đã có cách thần diệu nào đó để giác ngộ. Thày đã không phải đi qua tiến trình chứng ngộ dài đằng đẵng – như thể nó xảy ra tự nhiên, và họ cũng mong mỏi nó sẽ xảy ra tương tự với họ.

Nhưng Phật và chính thày đây cùng tất cả các chân sư thăng thiên khác đều đã phải kinh qua cùng cái quá trình các con đang kinh qua. Các thày đã mang một tâm lý rất giống con với rất nhiều ngã tách biệt mà các thày đã dựng lên suốt bao kiếp sống trên hành tinh này. Các thày đã phải khắc phục từng cái ngã đó như chính con đang làm. Đường tu là một tiến trình. Đó là một tiến trình sáng tạo. Luôn luôn đã là như vậy và sẽ mãi mãi là như vậy. Nếu con chấp nhận được điều này thì đường tu của con sẽ dễ hơn nhiều. Vì nếu không, điều này có nghĩa là trong tâm tiềm thức của con có những cái ngã đang kháng cự lại tiến trình, đang cưỡng chống sự tăng triển tâm linh, cưỡng chống những khía cạnh sáng tạo của đường tu. Nhưng để chấp nhận sáng tạo, chấp nhận hỗn loạn, con sẽ cần gì? Con cần sẵn lòng lấy quyết định và thử nghiệm cho dù con không biết kết quả sẽ ra sao.

Trong đời không có lỗi lầm

Đây là điểm nhiều học trò tâm linh gặp khó khăn vì họ bị ảnh hưởng bởi sa nhân, bởi tâm thức nhị nguyên, rằng có một chuẩn mực một người tâm linh phải như thế nào. Và nếu con tuân theo chuẩn mực thì con đúng, nếu con không tuân theo thì con sai. Đây chính là sa nhân với tiêu chuẩn xét đoán của chúng. Các đệ tử này lo sợ mình sai lầm cho nên họ không muốn lấy quyết định, vì họ biết mỗi khi họ lấy quyết định thì họ có thể lầm lỗi dưới mắt chính họ. Kỳ thực họ muốn bước vào một phong trào tâm linh với những lời dạy nghiêm ngặt, những luật lệ nghiêm ngặt, một cách tu tập nghiêm ngặt, và họ muốn nhận chỉ thị là họ không được tự ý suy nghĩ mà cứ việc tuân theo luật lệ, cứ việc làm đúng pháp tu thì ở cuối đường, họ sẽ thăng thiên hay sẽ nhập Niết bàn hay bất kỳ mục tiêu nào khác. Điều này như Gautama giải thích, không thể làm được.

Con cần bước lui lại và nhận ra là ngược với niềm tin đó, con không thể lầm lỗi trên đường tu tâm linh. Nhiều người sẽ bị sốc bởi câu vừa rồi, nhưng lý do là vì con đã bị ảnh hưởng bởi sa nhân cùng chuẩn mức của chúng về đúng và sai. Đó là một chuẩn mực nhị nguyên dựa trên một ảo tưởng toàn diện. Chuẩn mực này không có mặt trong trạng thái thăng thiên, trong tâm thức Phật. Thày biết rõ các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên đã bị chuẩn mực này ảnh hưởng sâu xa. Chính sứ giả này đã nếm mùi một tổ chức với tâm thức tập thể vô cùng xét đoán. Nhưng ông cũng đã có thể vượt thăng nó, vì nếu không thì ông đã không cả gan làm những gì ông đã làm từ khi ông bắt đầu làm việc với Giê-su suốt 20 năm qua. Và ông đã làm được là vì ông bắt đầu ngộ ra là trên đường tu không hề có lỗi lầm.

Theo một nghĩa nào đó, trong đời cũng không có lỗi lầm. Cho dù con có làm gì thì quyết định con lấy cũng là một thử nghiệm. Đó là một cơ hội nhìn xem điều gì sẽ xảy ra. Và khi con thấy cái đó xảy ra, trước hết con có thể nhìn xem phản ứng của mình là gì và dùng đó như một cơ hội chuyển đổi các khuôn nếp phản ứng, khắc phục các khuôn nếp phản ứng của con. Nhưng con cũng có thể nhìn xem con có thể điều chỉnh các quyết định cùng hình ảnh con phóng chiếu lên tấm gương vũ trụ như thế nào. Con có khả năng tăng triển khi con quyết định thử nghiệm. Nhưng nếu con cứ ngồi đó không muốn quyết định, không muốn thử nghiệm mà chỉ muốn người ta bảo mình làm gì và phải làm như thế nào một cách thật chi tiết, thì làm sao con tăng triển được đây?

Hãy cả gan thử nghiệm rồi tiến bước

Có những đệ tử tâm linh – không chỉ các đệ tử của chân sư thăng thiên mà trong nhiều phong trào tâm linh kể cả đạo Phật – đã bỏ ra nguyên kiếp đầu thai để tuân theo luật lệ mà không bao giờ dám lấy một quyết định thực sự nào. Liệu trong kiếp sống đó họ đã tăng triển hay không? Họ đã có thể bỏ ra hàng ngàn giờ tu tập chuyên cần, nhưng họ có tăng triển hay không? Nhiều người trong số đó đã không tăng triển chút nào. Con có thể là một học trò chuyên cần học tập một triết lý tâm linh, một người chuyên cần tu hành một pháp tu tâm linh suốt mấy chục năm trời mà không tăng triển gì hết. Hiển nhiên đây không phải là điều các thày mong muốn cho các để tử trực tiếp của thày, và thày cũng không nghĩ con muốn điều đó cho chính con.

Vậy con cần nhìn xem liệu con đang có một cái ngã tách biệt được tạo ra dựa trên chuẩn mực đúng-sai đó, thái độ xét đoán đó, nỗi sợ sai lầm đó, xong con cần xem xét nó, sử dụng các dụng cụ của các thày để đạt tới mức con có thể buông nó ra và nói: “Tôi sẵn lòng thí nghiệm, tôi sẵn lòng thử nghiệm. Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra. Tôi sẽ nhìn kết quả, tôi sẽ dùng nó để nâng cao nhận biết và do đó tôi sẽ tăng triển cho dù kết quả là gì.” Một lần nữa, như các thày đã nói, mục đích của cuộc sống là gì chứ? Sự tăng triển và sự nhận biết của con. Liệu các kết quả thử nghiệm, các kết quả vật lý của việc thử nghiệm, có quan trọng gì trong đời con hay không? Không. Điều quan trọng là những gì con làm với kết quả đó về mặt nâng cao tâm thức. Đó là điều quan trọng duy nhất.

Con nghĩ xem làm thế nào con trở thành một sinh thể thăng thiên? Các thày đã giảng rồi nhưng thày sẽ giảng thêm lần nữa. Con thử hình dung làm thế nào con nhập được cõi thăng thiên? Con phải buông bỏ mọi thứ trên địa cầu. Con có quyền tự quyết. Nếu vẫn còn điều gì đó con muốn làm, muốn hoàn thành, muốn thị hiện hay trải nghiệm trên trái đất, con sẽ không thể chọn rời bỏ trái đất vĩnh viễn. Con sẽ phải quay trở lại cho tới khi con chán chê những gì con có thể trải nghiệm trên trái đất.

Con có nghĩ là các thày, các chân sư thăng thiên, ngồi trên đây xem xét từng quyết định của con và đánh giá: “Ồ, quyết định này quá tệ. Bạn này đã không nên biểu hiện kết quả đó. Kết quả này quá tệ.” Không đâu con. Các thày đã buông mọi chuyện trên trái đất. Liệu những gì xảy ra trong cõi vật lý trên địa cầu do kết quả cuộc thử nghiệm của con có quan trọng gì không đối với các thày? Điều quan trọng duy nhất cho các thày là tác dụng trên tâm thức của con.

Nhiều người trong các con đã nắm lấy khái niệm thời đại hoàng kim của Saint Germain và đặt chồng lên đó một hình ảnh dựa trên những cái ngã vỏ ngoài bảo rằng một số chuyện phải thị hiện. Nhưng như chính Saint Germain đã nói, thời đại hoàng kim là một tiến trình. Mục đích chủ yếu là nâng cao tâm thức tập thể cũng như tâm thức của mỗi cá nhân. Mục đích chủ yếu không phải là thị hiện những kết quả vỏ ngoài đặc thù. Hẳn là các thày đã có đề cập đến những kết quả vỏ ngoài và đó cũng là một phần của thời đại hoàng kim, nhưng đó không phải là mục đích chủ yếu vì ngay cả kết quả vỏ ngoài cũng chỉ là công cụ cho việc nâng cao tâm thức.

Lấy ví dụ bao nhiêu công nghệ đã được thị hiện trong khoảng hai trăm năm vừa qua do Saint Germain đỡ đầu nền khoa học. Đấy, mục đích của Saint Germain không bao giờ là việc thị hiện một loại xã hội với những toà nhà tối tân, những phương tiện giao thông tinh xảo, những dạng công nghệ cao cấp như con có thể thấy trong phim khoa học viễn tưởng. Mục đích của Saint Germain là nâng cao nhận biết. Thày đã đem lại công nghệ để con người không phải cong lưng làm lụng 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày ở đồng ruộng, rồi về nhà trong tình trạng kiệt sức đến độ họ không còn năng lực hay chú ý cho đời sống tâm linh. Mục tiêu của Saint Germain với công nghệ là đem lại cho mọi người thì giờ rảnh rỗi để họ có thể tập trung vào việc giải quyết tâm lý của họ và tăng triển tâm linh.

Trong Dòng sông sự Sống không có đúng đường hay sai đường

Không có gì trên trái đất tự thân nó là một mục tiêu cần đạt. Mọi sự việc trên địa cầu chỉ là phương tiện cho mục tiêu nâng cao tâm thức. Hãy nắm bắt điều này thì phần còn lại của đời con trên địa cầu sẽ dễ dàng hơn biết bao, vì giờ đây con có thể xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Dòng sông sự Sống hỗn loạn. Con thử lên núi nhìn sông chảy xiết qua vách đá, nó uốn lượn, trong dòng sông có xoáy nước, có đá sỏi. Con hãy nhìn dòng nước. Linh hoạt làm sao, hỗn loạn làm sao, khó lường làm sao! Đó là Dòng sông sự Sống. Sông càng hỗn loạn thì nó càng chảy nhanh. Nó càng êm ả thì nó càng chảy chậm. Con là một đệ tử tâm linh. Con muốn hội đủ tư cách để thăng thiên. Con muốn làm gì cho đến mãn kiếp này? Con có muốn bước chậm hay muốn tiến nhanh? À, hãy đón nhận sự kiện con càng tiến nhanh thì con càng phải linh hoạt, môi trường của con càng phải linh hoạt.

Thật không quan trọng nếu con phạm lỗi miễn là con đang chuyển động. Con chỉ cần chọn lựa khác đi và thăng vượt lỗi lầm. Thậm chí con không cần xem đó là lỗi lầm. Đó là một thử nghiệm trải bày ra một kết quả nào đó. Con dùng nó để nâng cao nhận biết của con, hình thành một xung lực tốt hơn và thị hiện một kết quả khác hơn. Một lần nữa, đây lại là một lời gian dối của sa nhân. Chúng muốn con tin là con có thể làm một chọn lựa mà con không thể tháo gỡ. Thày cũng biết các thày đã nói điều này rồi, nhưng con hãy lắng nghe thật cẩn thận. Sa nhân rất ghét quyền tự quyết vì quyền tự quyết khiến không ai có thể kiểm soát được con.

Chúng muốn con ngưng dùng quyền tự quyết của con. Chúng đã tạo ra chuẩn mực đúng-sai đó và phóng chiếu là con cần đánh giá mọi chuyện mình làm dựa theo chuẩn mực này. Và chúng muốn con tin là có một số chọn lựa với những hậu quả nghiêm trọng đến độ con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi. Người ta có khái niệm là con có thể bán linh hồn cho quỷ rồi không bao giờ thoát ra nổi. Điều này không đúng đâu con. Đó là một sự lừa bịp toàn diện có ác ý.

Quyền tự quyết, hay ý chí tự do, sẽ tự do như con muốn nó tự do thế nào. Con không bao giờ có thể dùng quyền tự quyết để làm một chọn lựa sẽ đình chỉ quyền tự quyết của con. Điều này không thể làm được. Đó là một cơ chế an toàn được gắn sẵn trong định luật tự quyết. Điều sa nhân muốn con làm khi con xuôi chảy với Dòng sông sự Sống và vấp phải một tảng đá trên sông, con chỉ có ít hơn một giây để lấy quyết định, liệu con sẽ lái sang phải hay sang trái? Con quẹo trái, thế là giờ đây sa nhân bảo con đã quyết định sai lầm và con phải bám vào tảng đá đó, giữ chặt lấy nó để cưỡng lại dòng nước chảy xiết, và con phải tiếp tục bám lấy tảng đá cho đến mãn kiếp này vì con đã quyết định sai lầm.

Nhưng điều con cần làm như một đệ tử tâm linh là nói một cách đơn giản: “À, đi vòng tảng đá phía trái có thể đã đưa tôi đến chỗ này, nhưng tôi vừa đổi hướng và lại quay trở về đó. Chỉ cần ít thời gian hơn chuyện bám lấy tảng đá và phân tích hệ quả xem mình đã làm gì sai, tôi đã cứ trôi tiếp và bây giờ tôi đến được nơi tôi muốn đến.” Con không bao giờ làm một chọn lựa sai lầm mà con chỉ đơn giản đổi hướng trên dòng sông, và nếu con đến một nơi con không muốn đến thì con chỉ việc đổi hướng lần nữa và đi tiếp.

Đây là điều tất cả các thày đã phải làm để hội đủ tư cách thăng thiên. Không một ai trong các thày được miễn không phải kinh qua điều này, cả Giê-su lẫn Phật lẫn chính thày đây. Tất cả các thày đều tới chỗ phải lấy quyết định. Các thày đã điều chỉnh lại tâm thức mình, bước đi tiếp, lấy thêm một số quyết định, đổi hướng. Không có đúng hướng hay sai hướng trong Dòng sông sự Sống. Con có thể nói là nếu con quyết định ôm lấy một tảng đá thì sẽ không xây dựng lắm, nhưng chừng nào con còn chuyển động thì không có chọn lựa sai hay đúng. Con chỉ đổi hướng và đi tiếp.

Con không cần phân tích, con không cần tự trách móc, con không cần buồn phiền hối hận, con không cần bước vào nguyên tiến trình: “Ồ, tại sao tôi đã làm chuyện này, tôi không nên làm vậy, tôi thật ngu ngốc, tôi cứ làm đi làm lại chuyện này và tôi cứ mắc phải cùng một lỗi lầm.” Đây là những cái ngã tách biệt đang nói chuyện. Con hãy nhận ra đó là ngã tách biệt. Con hãy nhìn chúng và nói: “Ta không muốn mi nữa trong trải nghiệm cuộc sống của ta. Hãy lui ra sau ta, Sa-tăng.” Hãy để cho chúng chết. Bước tới. Sáng tạo. Dám là con người sáng tạo, dám xuôi chảy, dám trải nghiệm, dám làm một điều gì đó mà con chưa từng làm. Hãy cả gan không phân tích, không đánh giá kết quả hành động của mình dựa trên tiêu chuẩn đúng-sai. Lời gian dối lớn nhất, một trong những lời gian dối lớn nhất, là bảo rằng Thượng đế hay các chân sư thăng thiên đã tạo ra tiêu chuẩn này. Nó hoàn toàn do sa nhân tạo ra.

Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn cho con trong bài giảng này. Ý định của thày là trở lại trao cho con thêm một số ý nghĩ có thể sẽ giúp con đối phó với cuộc sống trên hành tinh khó khăn này. Nhưng thày cũng biết con cần nghỉ ngơi, cho nên thày để con nghỉ và thày sẽ trở lại khi thuận lợi.


* Cho năm nay, chúng ta sẽ dùng cùng hình tư tưởng Mặt trời như năm ngoái:

Phật Gautama, thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất.”

Saint Germain, thày là tấm gương tuyệt hảo cho nền kinh tế.”

Mẹ Mary, thày là tấm gương tuyệt hảo cho phụ nữ.”

Chấp nhận là nhiều người còn trong Trường đời Cay đắng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên PadmaSambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 8 tháng 1, 2023. Bài này được trao truyền nhân Webinat Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên PadmaSambhava. Thày đã cho con một cái nhìn đặt phần nào trọng tâm vào hoàn cảnh cá nhân của con – làm thế nào con có thể nhìn chính mình và hoàn cảnh của mình như một sinh thể đầu thai trên trái đất. Nhưng bây giờ chúng ta hãy lấy một góc nhìn khác và xem xét tình trạng chung của địa cầu.

Con là một đệ tử tâm linh. Nhiều người trong các con đã từng là đệ tử tâm linh hàng bao nhiêu kiếp sống, và đó là tại sao trong kiếp này con có thể nhận diện một giáo lý cao hơn. Con không thể nhớ cuộc sống của con như thế nào, tâm thái của con như thế nào khi có lẽ vào một thời quá khứ rất xa con không là một đệ tử tâm linh. Hầu như con không nhớ gì hết. Con có thể có chút hiểu biết trí thức rằng nhiều người trên địa cầu đang ở trong một tâm thái thấp hơn, nhưng con có rất ít ký ức trực tiếp về điều này.

Những người cưỡng lại thay đổi

Các thày đã nói gì? Địa cầu là một lớp học, và có hai cách để học trong lớp học địa cầu. Một cách là qua sự chỉ đạo cao hơn, qua giáo lý tâm linh, qua tu tập tâm linh, qua việc tự quan sát, nỗ lực thay đổi tâm lý của mình, bước đi trên một đường tu. Nhưng cách kia là Trường đời Cay đắng. À, có thể con đã ở trong Trường đời Cay đắng vào một thời rất xa hàng bao kiếp trước, cho nên con không nhớ nó như thế nào, và tuy con hiểu một cách trí thức là hầu hết mọi người còn trong Trường đời Cay đắng, liệu con có thực sự nắm bắt được điều này có nghĩa là gì? Hậu quả là gì?

Bây giờ con nhìn lại chính con và con có thể chấp nhận ý tưởng về một thời hoàng kim và chúng ta đang tiến dần đến thời hoàng kim. Nhưng con có hiểu chăng là nếu con cố giải thích cho họ thời hoàng kim là gì, thì tuyệt đại đa số con người trên hành tinh này sẽ không có khái niệm gì về những chuyện con nói – về tiềm năng tiến đến thời hoàng kim? Như câu nói thông dụng, họ mù tịt về chuyện này.

Bởi vì họ không thể hiểu nổi họ có thể nâng cao tâm thức và nhờ vậy đưa địa cầu lên một trạng thái cao hơn một cách hệ thống. Thậm chí họ không nghĩ cả tới chuyện họ có thể chủ tâm nâng cao tâm thức của họ. Họ không sẵn lòng xem xét bản thân hay nhìn vào cái xà trong mắt họ, như Giê-su gọi vây. Cho nên chừng nào họ còn trong tâm thái đó thì làm thế nào đưa họ vào thời hoàng kim, và làm thế nào đưa địa cầu vào thời hoàng kim?

Nhiều người trong số đó sống một đời sống mà con có thể gọi là nghèo nàn, nhưng họ vẫn cố bám lấy nó. Con hãy nhìn biết bao người ở những vùng nghèo của thế giới đã lớn lên trong nghèo khó với viễn quan là họ chỉ có thể nghèo khó, và họ còn chống đối những thay đổi trong xứ họ sẽ đem lại nhiều sung túc hay nhiều tự do hơn cho họ. Con nhìn xem bao nhiêu người khắp thế giới đang cưỡng lại sự tiến bộ. Làm thế nào con có thể thị hiện thời hoàng kim trên một hành tinh với quá nhiều người – đa số mọi người – cưỡng chống lại sự tiến bộ cho dù là tiến bộ nào? Họ không có viễn ảnh nào về thời hoàng kim nhưng họ chống đối tiến bộ vì họ cố bám lấy bất kể những gì họ đang có.

Làm thế nào con có thể thị hiện thời hoàng kim trên một hành tinh như thế này? Con chỉ có thể thực hiện được một khi những người đó chuyển đổi tâm thức của họ và trở nên sẵn lòng trải nghiệm tiến bộ, sẵn lòng trải nghiệm hoàn cảnh của họ được cải thiện. Là một đệ tử tâm linh, hẳn con đang nghĩ: “Nhưng nếu người ta đau khổ, tại sao người ta lại không muốn cải thiện hoàn cảnh của mình?” Nhưng họ không muốn. Đây chính là sự khác biệt giữa con và đa số mọi người trên hành tinh này.  

Con muốn nâng cao cuộc sống của con, con muốn khắc phục đau khổ, con muốn đạt được tự do và con sẵn lòng tự thay đổi để đạt được. Đó là tại sao con là một đệ tử tâm linh. Nhưng hầu hết mọi người chưa ở mức nhận biết này. Họ không thể có viễn ảnh về một thời hoàng kim hay về đường tu tâm linh. Họ chỉ biết những gì họ đang có. Họ không muốn đánh mất cái đó cho nên họ cưỡng lại thay đổi – họ cho rằng thay đổi chỉ có nghĩa là mất mát chứ không là lợi lạc.

Động lực trên địa cầu

Làm thế nào con thị hiện thời hoàng kim trên một hành tinh như thế này? Đấy, con phải tìm ra cách chuyển hóa tâm thức con người. Và đây là chỗ con cần hiểu động lực của ý chí tự quyết. Cách đây hai ba ngàn năm, việc thị hiện thời hoàng kim như Saint Germain mường tượng sẽ không thể thực hiện được. Tại sao vậy? Vì vào thời đó, rất rất ít người có thể nắm bắt khái niệm thời hoàng kim, khái niệm con đường tâm linh, khái niệm tự thay đổi bản thân, khái niệm rằng việc thay đổi tâm thức có khả năng ảnh hưởng đến các điều kiện của hành tinh.

Nhưng ngày nay, rất rất nhiều người đã bước vào nhận biết đó. Nhiều người dù chưa bao giờ nghe nói về chân sư thăng thiên hay ngay cả về đường tu tâm linh, đã cởi mở hơn với sự thay đổi, đã nhận ra là các điều kiện có thể thay đổi. Họ nhìn vào khối lượng tiến bộ đã xảy ra trong mấy thế kỷ qua và họ thấy là tiến bộ có thể tiếp tục trong tương lai, họ chấp nhận, họ mong muốn tiến bộ.

Trái đất đã vượt quá số lượng tới hạn khi có đủ túc số những người muốn thay đổi, và vì vậy định luật không cho phép những kẻ chống đối thay đổi có thể kìm hãm bước tiến dẫn đến thời hoàng kim. Mặc dù đa số còn kháng cự sự thay đổi, nhưng vẫn có một số người tới hạn đã đón nhận sự thay đổi, và đây chính là khối người sẽ đẩy mạnh động cơ dẫn đến thời hoàng kim.

Họ là những người đang quyết định hướng đi chung của hành tinh, vì họ là số 10% ở trên cùng về mặt tâm thức và đông hơn cả số 10% đó. Cho nên luật tự quyết được thiết lập để đảm bảo là khi có đủ số lượng tới hạn những người muốn thay đổi trên một hành tinh, thì thay đổi này phải được phép trải bày ra.

Nhưng điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là thành phần dân chúng kháng cự lại sự thay đổi sẽ không bị ép buộc phải thay đổi, mà điều sẽ xảy ra là nghiệp chướng của họ sẽ không còn được trì hoãn lại – nếu đây là một cách giải thích. Có thể nói là đã có một thời gian miễn thứ khi nghiệp chướng của con người được trì hoãn, được giữ lại, để tạo điều kiện cho con người tăng triển. Nhưng khi chu kỳ xoay vòng, nghiệp chướng sẽ được phóng thích. Có nghĩa là Trường đời Cay đắng sẽ giáng thêm nhiều cay đắng cho họ.

Con cũng có thể nhìn sự việc một cách khác và nói rằng sự phản hồi của tấm gương vũ trụ được gia tốc, cho nên cũng như trên, Trường đời Cay đắng sẽ giáng những cú mạnh hơn trong một thời gian ngắn hơn. Và qua đó họ sẽ bắt buộc phải thay đổi tâm thức, nhưng yếu tố sẽ bắt buộc họ thay đổi không phải là khối người mong muốn thay đổi, cũng không phải là các chân sư thăng thiên, mà là chính những chọn lựa của họ trong quá khứ. Thay vì được phép làm ngơ các chọn lựa cũ thì giờ đây họ phải giáp mặt với các chọn lựa này và không thể nào bỏ qua được nữa.

Bóng hình trên vách

Đây là động lực đang diễn ra trên trái đất. Làm thế nào sự thể này sẽ giúp con, một đệ tử tâm linh, thay đổi cái nhìn của mình về trái đất? À, chúng ta hãy bắt đầu bằng hang động của Plato, một truyện ngụ ngôn từ lâu đời do nhà hiền triết Plato đưa ra. Con có một hang đá. Trong hang có một nhóm người bị xiềng xích khiến họ không thể quay đầu ngó ra đằng sau. Họ ngồi đối mặt với vách đá.

Ngoài hang trời nắng chói chang, có người đi lại bên cửa hang, và ánh sáng mặt trời chiếu lên vách bóng hình những người qua lại. Theo một nghĩa nào đó, những người trong hang cảm nhận là có chuyện gì đang xảy ra sau lưng họ, một chuyện gì ở ngoài hang, nhưng họ không thể thấy chính xác đó là gì, mà họ chỉ thấy bóng hình trên vách đá.

Tất nhiên, Plato muốn dùng hình ảnh này để minh họa sự kiện là những gì con nhìn thấy với tâm vỏ ngoài và giác quan vật lý chỉ là hình bóng của những căn nguyên đang hiện hữu ở những cõi cao hơn, mà ông gọi là “cõi của hình tượng lý tưởng”. Điều này cũng tương tự như những gì các thày gọi là cõi cảm xúc, cõi lý trí và cõi bản sắc, nơi các hình ảnh do mỗi người và nhân loại nói chung cầm giữ được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật trong bát cung vật lý. Thế giới vật chất chỉ là hình bóng của những hình ảnh và hình tượng ở ba cõi cao.

Bản đồ các tầng tâm thức con người

Này con cũng biết khoa học đã tạo ra nhiều loại dụng cụ đo lường khác nhau. Con có vệ tinh không ngừng bay quanh trái đất, dõi tìm một số vật cụ thể trên mặt đất. Con hãy tưởng tượng con đang bay trên quỹ đạo trái đất trong trạm vũ trụ nhìn xuống mặt đất như một con người. Con thấy gì? Con thấy phong cảnh, con thấy những khu rừng, con thấy đại dương, con thấy nhiều thành phố, con thấy đường xá, con thấy cả người ta. Là một con người, xu hướng tự nhiên của con là chú tâm nhìn sinh hoạt con người.

Bây giờ con có một vệ tinh rà xét nhiệt độ. Con thấy mặt đất hiện ra như một mô hình, nhưng vì vệ tinh này chỉ thấy được khác biệt nhiệt độ cho nên một số vùng lạnh hơn sẽ màu xanh, một số vùng ấm hơn sẽ màu đỏ. Vệ tinh không thấy được người ta, không thấy thành phố, không thấy đường xá, mà chỉ thấy sự khác biệt về nhiệt độ.

Rồi có một máy rà xét khác tìm kiếm khoáng chất, nó thấy được những cấu trúc địa chất, những loại quặng sắt. Một chiếc máy khác tìm kiếm dầu hỏa, một chiếc khác nữa đo đạc độ cao và nó chỉ thấy được những khác biệt về độ cao.

Con có thể tạo một bản đồ trái đất về những thứ do bàn tay con người xây dựng. Trên bản đồ có thành phố, đường xá, ranh giới giữa các quốc gia. Hay con có thể tạo ra đủ loại bản đồ khác dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau, như nhiệt độ, độ cao, lượng mưa, quặng mỏ hay bất cứ gì khác. Có rất nhiều cách nhìn trái đất. Là một đê tử tâm linh, con có thể sử dụng cách thức này, con có thể bước lui lại và nói: “Trái đất là gì? Trái đất là gì, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta đang tiến về thời hoàng kim?”

Chúng ta đang đến gần điểm thời hoàng kim sẽ bắt đầu xuất hiện, nhưng để cho thời hoàng kim thị hiện, rất nhiều thay đổi phải cần xảy ra. Con có thể bước lui lại và có được một cách nhìn khác về trái đất. Con có thể nói: “Sẽ cần gì để cho thời hoàng kim thị hiện? Sẽ cần một số lớn những người này phải xoay chuyển nhận biết của mình.”

Thậm chí con có thể tạo ra một bản đồ trưng bày những nơi nào có người tập trung sinh sống cùng với mức tâm thức của họ. Liệu loài người đã đến gần hơn với tâm thức thời hoàng kim? Còn xa đến bao nhiêu? Và con có thể lập ra một bản đồ nhiều màu cho thấy là ở một số vùng trên thế giới có nhiều người đã đạt gần đến mức tâm thức thời hoàng kim, trong khi ở những vùng khác thì hầu hết mọi người vẫn còn rất xa. Và như vậy con có thể nói: “Sẽ cần gì để khiến cho những người còn xa tâm thức hoàng kim xoay chuyển được tâm thức của họ đây?”

Trường đời Cay đắng

À, một giáo lý tâm linh sẽ không đủ để làm chuyện này. Những loại giáo lý khác, ngay cả tư tưởng về dân chủ chẳng hạn, cũng sẽ không đủ để làm chuyện này. Các giáo lý về giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ, tính nhân bản cao hơn, cách hành xử trung thực và tử tế giữa mọi người, tất cả những giáo lý và tư tưởng như vậy cũng không đủ để làm chuyện này, bởi vì nếu chúng đủ thì chúng đã làm được rồi.

Vậy sẽ phải cần gì để những người đó chuyển đổi? Đấy, họ còn trong Trường đời Cay đắng, cho nên những cú giáng phải trở nên dữ dội đến độ họ thực sự chú ý. Ngay bây giờ, con có thể nói là họ đang đau khổ, họ đã đau khổ từ rất lâu, có thể họ đã phải nếm mùi đủ loại cay đắng, đủ loại tai ương, đủ loại hoạn nạn, nhưng vẫn không đủ để lay họ thức giấc khỏi trạng thái tâm thức hiện thời, không đủ để khiến họ ngộ ra: “Không, chính chúng ta mới phải thay đổi.” Câu hỏi đặt ra là những cú giáng mà các nhóm người trải nghiệm phải dữ dội đến chừng nào trước khi họ chứng được điều này: “Chúng ta cần thay đổi, chúng ta không thể cứ tiếp tục như thế này”?

Cuộc sống trên trái đất là một màn trình diễn

Khi con ngộ ra điều đó, con có thể nói: “Trái đất là gì chứ?” Con có thể trở về thời Hy Lạp cổ với những nhà hát ngoài trời để trình diễn kịch nghệ. Một loại kịch là bi kịch. Mục đích của bi kịch – mà các sọan giả lẫn diễn viên đều biết rõ – là trình bày một số tình huống trong đời sống, diễn xuất một số cảm xúc đặc thù, một số hoàn cảnh khó xử mà mọi người đều sống qua, hầu cử toạ có dịp giải quyết một vấn đề nào đó trong tâm thức của mình khi xem kịch thay vì phải trải nghiệm tình thế đó trong đời sống thật, hay có lẽ cử toạ có thể học được điều gì từ vở kịch sẽ áp dụng cho đời sống thật.

Đấy, theo một nghĩa nào đó, Trường đời Cay đắng cũng giống như một vở kịch. Mục đích của nó là đánh thức cử toạ nhìn ra nhu cầu phải thay đổi. Câu hỏi là loại kịch nào sẽ cần được trình diễn cho một nhóm người đặc thù để họ thức tỉnh trước nhu cầu phải thay đổi. Và do đó con có thể thấy là các biến cố vỏ ngoài đang xảy ra trên điạ cầu, tuy có vẻ rất dữ dội và đáng lo ngại, nhưng chúng chỉ là những phương tiện để đạt cứu cánh. Kỳ thực, các biến cố vật lý vỏ ngoài đang diễn ra trên địa cầu có thể ví như màn trình diễn trên sân khấu.

Vấn đề là khi con ngồi trong một rạp hát vật lý theo dõi một màn trình diễn kịch nghệ, con biết rõ những gì xảy ra trên sân khấu không có thật, đó không phải là cuộc đời thật. Vậy tại sao con không nhận ra điều này khi xem cái gọi là cuộc đời thật – rằng những hình dạng diễn ra trên địa cầu thật ra không có gì thực hơn một màn trình diễn trong nhà hát? Vấn đề ở đây là không có sân khấu, mà có một môi trường nơi con đã nhập vai, đã chìm đắm vào đó, cho nên nó có vẻ thực hơn. Thày không đang nói đến đa số con người nhận ra được điều này, mà thày nói đến con là đệ tử tâm linh nhận ra rằng những gì xảy ra trên địa cầu là một màn trình diễn có mục đích đánh thức một số người đang cưỡng lại bước tiến về thời hoàng kim. Và do đó, vấn đề chỉ đơn giản là liệu sự kháng cự của con người sẽ lớn đến chừng nào, và các cú giáng sẽ phải dữ dội đến chừng nào trước khi họ thức tỉnh.

“Chuyện này đáng lẽ không được xảy ra”

Và khi con nhận ra, khi con chấp nhận điều này, con sẽ có thể nói: “Ừ nhỉ, tại sao tôi phải xem đó là hệ trọng? Tại sao tôi phải coi đó là chuyện cá nhân của mình? Tại sao tôi phải cưỡng lại những gì đang xảy ra? Taị sao tôi phải dùng giáo lý tâm linh để lượng định: Ồ, chuyện này đáng lẽ không được xảy ra?” Vị sứ giả này khi vụ xâm lăng Ukraine xảy ra đã cảm thấy rõ ràng: “Ồ, chuyện này đáng lẽ không được xảy ra.” Trước khi nó xảy ra và bất chấp các dấu hiệu báo trước, ông nghĩ: “Chuyện này sẽ không xảy ra đâu. Không có cách chi Putin không thấy được hậu quả, không có cách chi giới lãnh đạo nước Nga không thấy được hậu quả. Họ không thể đui mù đến như vậy.” Nhưng như mọi người có thể chứng kiến hôm nay, họ đã đui mù đến như vậy.

Sứ giả này đã thấy được hậu quả và ông đã phóng chiếu trạng thái tâm thức của ông rằng nhất định phải có ai đó trong giới lãnh đạo nước Nga cũng sẽ thấy được hậu quả và sẽ ngăn cản vụ này. Nhưng ông đã lầm và ông chịu nhìn nhận là mình lầm. Cũng vậy, con có thể dần dần nhìn nhận là trên trái đất có nhiều người cần đến những kịch bản vô cùng dữ dội được trải bày ra trên sân khấu địa cầu mà họ xem là đời sống thực trong thế giới vật chất, trước khi họ có thể thức tỉnh thấy được nhu cầu một sự thay đổi.

Nhưng con không nằm trong số những người đó. Con là một người tâm linh. Con cởi mở tiếp nhận sự hướng dẫn từ một cõi vượt khỏi tâm con cùng vũ trụ vật chất. Con không ở trong Trường đời Cay đắng. Tại sao con lại xem đó là hệ trọng đến vậy, thậm chí con còn xem đó là chuyện cá nhân? Tại sao con lại cưỡng lại? Tại sao con lại cố thay đổi nó đi? Nó là một phần của tiến trình đưa địa cầu đến gần với thời hoàng kim.

Chắc chắn con không thể chờ đợi mọi người có khả năng bước tới thời hoàng kim như con đang bước? Con cần nhìn nhận là nhiều người cần đến Trường đời Cay đắng để có thể bước tới. Điều con có thể làm là lui lại và nhận ra là cho dù những chuyện này có vẻ thực đến đâu, đó chỉ là một vở kịch đang được trình diễn. Thày biết, điều này sẽ có vẻ thật vô cảm đối với nhiều người vì hiển nhiên thế giới đang chứng kiến nhiều khổ đau có thực như chết chóc, bom đạn và tất cả những thứ đó. Thày không yêu cầu con vô cảm. Nhưng thày xin con hãy lui lại và nhận ra là trong tư cách một người tâm linh, con cần cho phép vở kịch này trải bày ra để những ai không thể được đánh thức bởi một giáo lý tâm linh có thể được đánh thức bởi các biến cố đang diễn ra trong cái họ tưởng là đời sống thực.

Tránh không bị i kéo vào màn trình diễn

Tất nhiên là có hậu quả tàn khốc cho nhiều người. Tất nhiên con muốn tránh cho nó không xảy ra. Tất nhiên các chân sư thăng thiên cũng muốn tránh cho nó không xảy ra. Nhưng một khi nó không thể tránh được thì con có thể tránh bị lôi kéo vào trong đó, bị cuốn hút vào các cảm xúc, các ý nghĩ, các cơn lốc, thậm chí vòng xoáy vật lý của các biến cố này. Con có thể đứng lui lại và quan sát, và con quan sát y như con đang ngồi trong nhà hát xem vở bi kịch cổ Hy Lạp được trình diễn trên sân khấu. Thày không nói là con cần thưởng thức vở kịch, nhưng con có thể xem đó như một buổi biểu diễn và con tránh không bị cuốn hút vào đó. Con có thể tránh không phản ứng lại như thể đó là một điều đáng lẽ không được xảy ra.

Từ một nhãn quan nào đó, đúng vậy, tốt hơn là nó không xảy ra. Sẽ tốt hơn biết mấy nếu con người có thể tăng triển mà không đau khổ. Nhưng nếu họ không thể, thì trong chiều dài của thời hoàng kim, nó vẫn gây ra ít khổ đau hơn trong dài hạn so với kịch bản con người không thay đổi. Một khi con hiểu luân hồi thì vấn đề ở đây là con nhận ra, cho dù ai đó có phải rời kiếp đầu thai quá sớm do chiến tranh, thì cơ hội của họ vẫn chưa kết thúc. Họ sẽ lại có cơ hội trở lại hiện thân trong một hoàn cảnh khác và do đó họ sẽ vẫn bước tới.

Cho nên ngay cả nếu con nhìn từ nhãn quan một linh hồn, con có thể nói là người đó có thể đã đau khổ dữ dội trong một thời gian ngắn trong kiếp này, nhưng nó có thể ngăn chặn sự khổ đau kéo dài hơn rất nhiều trong những kiếp tới. Từ một quan điểm toàn bộ, đây là một kết quả xây dựng hơn.

Con hiểu là thày không đang ngồi đây như một chân sư thăng thiên và đưa ra những lời đánh giá như vậy. Thày đã trình bày những điểm này với con như một cách để giúp con tránh không bị lôi cuốn vào sợ hãi, vào phản ứng dựa trên sợ hãi hay nỗi giận hay lòng oán hận hay bất kỳ phản ứng nào khác mà con có thể bị cuốn hút vào khi con chứng kiến những biến cố như vậy. Con có thể trụ ở trung tâm, con có thể tiếp tục tập trung vào công cuộc đưa hành tinh tiến bước về hướng thời hoàng kim. Con có thể đọc bài chú bài thỉnh, con có thể nâng cao tâm thức, con có thể làm việc với Sứ vụ Thiêng liêng của con và nhờ vậy đưa hành tinh đi tới, thay vì bị trật đường rày hay chui vào ngõ hẻm do con phản ứng quá mạnh trước các biến cố.

Mọi thứ đều là dáng vẻ

Con hãy lấy câu này trong bài chú của thày: “Địa cầu là hình bóng, chẳng có chi là thật.” Câu này khiến cho nhiều người xốn xang, nhưng con là một đệ tử tâm linh, con có thể bước lên một tầm nhìn khác và nhận ra là tất cả mọi thứ con người nhìn thấy, mọi thứ con người trải nghiệm đều là một vẻ ngoài. Vẻ ngoài được tạo ra do sự phối hợp giữa những gì xảy ra bên ngoài tâm con với những gì xảy ra bên trong tâm con. Nói cách khác, có những sự kiện bên ngoài, nhưng con cũng có phin lọc nhận thức sẽ pha màu cách con nhìn sự kiện đó.

Có những nhà khoa học đang tranh luận nghiêm túc rằng khi có hai người nhìn vào bãi cỏ, họ có thể đồng ý là cỏ màu xanh lá cây, nhưng liệu họ có thật nhìn thấy cùng một màu xanh hay là cách nhận thức màu xanh của mỗi người là một cái gì cá nhân? Vấn đề này – con có tin không – là chủ đề của một cuộc tranh luận nghiêm túc, và cuộc tranh luận này không vô căn cứ vì nó mở đầu cho việc ngộ ra là mọi người đều mang những phin lọc nhận thức cá nhân. Và đây không chỉ là chuyện nhìn màu sắc, vì nếu việc nhìn màu sắc cũng đã chủ quan và cá nhân, thì việc nhìn các biến cố, các tư tưởng và đời sống riêng của mình sẽ chủ quan hơn đến chừng nào?

Con nhận ra là khi con nhìn vấn đề này từ một nhãn quan thăng thiên, con có thể nói: “Các Elohim đã thị hiện hành tinh Địa cầu. Với tầm mức nhận biết của các vị đó thì Địa cầu là thực, có một hành tinh có thực.” Nhưng nếu con nhìn từ nhãn quan con người đang đầu thai, họ không đang thấy hành tinh thực sự mà họ thấy một vẻ ngoài được chế tạo bên trong tâm họ. Từ nhãn quan một người đầu thai, địa cầu là một hình dạng không có gì là thực, vì cái họ nhận thức không phải là cái được các Elohim tạo ra, mà là một hình dạng bị chính tâm họ ảnh hưởng sâu đậm. Và nếu họ càng ở trong trạng thái tâm thức thấp bao nhiêu, nếu tâm họ càng khép kín bao nhiêu, nếu họ càng chống lại sự thay đổi bao nhiêu, thì họ sẽ chỉ càng thấy được cái hình dạng chứ không phải thực tại.

Cái gì là thực?

Bây giờ con có thể xét tới nhiều điểm khác và hỏi: “Khi bảo rằng một cái gì có thực thì có nghĩa là gì?” Và nhiều người sẽ trả lời, đó là một cái gì mang trải nghiệm khách quan, độc lập với tâm. Có một chút giá trị trong quan điểm này nếu con nhận ra là đối với những người ở trong tâm thức nhị nguyên, tâm họ hoàn toàn chủ quan và tất cả mọi thứ họ thấy đều chủ quan. Con có thể nói là ở bên ngoài tâm đó – cái tâm tách biệt nhị nguyên – có một sự hiện hữu khách quan. Nhưng con không thể bảo rằng chỉ những gì không do tâm tạo ra hay ảnh hưởng mới là thực, bởi vì làm thế nào các Elohim tạo ra địa cầu chứ? Qua uy lực của tâm họ. Các Elohim cũng đã hình thành những hình tư tưởng, đã phóng chiếu chúng lên Ánh sáng Mẫu-Vật và thị hiện hành tinh.

Và đấy, tất cả phần còn lại của vũ trụ cũng y chang như vậy. Tất cả mọi thứ đều được tạo ra từ tâm, cho nên nếu con bảo bất cứ gì tạo ra từ tâm đều không thực một cách tối hậu, thì chẳng có gì là thực trong toàn bộ vũ trụ. Nhưng tất nhiên trên một hành tinh như trái đất, điều thực tiễn hơn là nhận ra rằng khi tâm càng chủ quan, càng khép kín thì tâm này sẽ chỉ càng thấy được những hình dạng không có gì là thực.

Điều nói trên sẽ hữu ích như thế nào cho con, một đệ tử tâm linh? À, con có thể một lần nữa neo chặt vào ẩn dụ rạp hát hồi nãy, và nói rằng trong rạp hát không có gì là thực một cách tối hậu – đó là một buổi trình diễn nhằm ảnh hưởng tâm khán giả. Toàn bộ hành tinh là một màn trình diễn, nhưng sự khác biệt giữa rạp hát với hành tinh nằm ở chỗ mọi người trên địa cầu không chỉ là kẻ bàng quan thụ động, mà họ cũng tham gia vào màn trình diễn. Có thể nói, họ ở trên sân khấu, họ là một phần của vở kịch, nhưng tất nhiên họ lại nghĩ đấy là cuộc đời thật. Nhưng con là một đệ tử tâm linh, con có khả năng giải thoát tâm con khỏi ảo tưởng này về một thế giới có thực. Và lợi ích cho con khi con làm vậy là con có thể nhận ra làm thế nào một cái gì không thực có khả năng ảnh hưởng tâm con?

Ảo tưởng về một thế giới khách quan

Con đã được nuôi dạy suốt nhiều kiếp sống và bị sa nhân lập trình để nghĩ rằng có một thế giới thực, một thế giới khách quan, và tâm con không có quyền lực nào trên thế giới khách quan đó, mà ngược lại thế giới khách quan có quyền lực trên tâm con. Nó có khả năng ảnh hưởng tâm con. Đây là điều sa nhân muốn con tin – có một thế giới khách quan không do tâm tạo ra, cho nên những gì con có thể thay đổi trong hoàn cảnh cá nhân của mình hay những gì nhân loại có thể thay đổi trên hành tinh, có giới hạn.

Sa nhân muốn con tin là con đang sống trong một thế giới thực. Con không thể thay đổi nó, cho nên con không thể thay đổi ảnh hưởng của nó trên tâm con cho tới giờ. Con không có quyền năng thay đổi sự thể này. Thế giới đang đi theo một cách nào đó, như đang có chiến tranh trên thế giới. Điều này ảnh hưởng tâm con theo một cách nào đó, và chừng nào còn có chiến tranh trên thế giới thì con không thể thay đổi cách nó ảnh hưởng tâm con. Đây là điều sa nhân muốn con tin và tất nhiên, đây là một lời nói dối xảo quyệt.

Thực tại mà các chân sư thăng thiên đã giảng dạy từ rất lâu là chính con có quyền năng thay đổi tâm con, để con thay đổi cách thế giới bên ngoài tâm con ảnh hưởng thế giới bên trong tâm con. Thật ra, con có thể đạt tới một tâm thái khi không có gì trên thế giới có thể ảnh hưởng tâm thái của con. Con chọn lựa tâm thái của con một cách độc lập đối với những sự kiện bên ngoài xảy ra trên thế giới.

Đây là điều mà Phật Gautama dạy là “chánh đạo” – Bát chánh đạo – qua đó con lần hồi đạt tới điểm không có gì trên thế giới ảnh hưởng được con. Quỷ dữ của Mara, ông hoàng của thế gian này không thể ảnh hưởng được con, ép buộc con bước vào một phản ứng nào đó.

Quả vị Phật và quả vị Ki-tô

Nhiều người trong các con chưa bắt đầu nắm bắt được điều này. Một số các con đã hiểu được một cách trí thức nhưng con chưa thể nhập được hoàn toàn. Quả vị Phật, quả vị Ki-tô có nghĩa là con đạt tới điểm không có gì xảy ra trên thế giới có thể kiểm soát tâm thái của con. Không có gì có thể buộc con phản ứng lại. Con tự do, cho nên con có thể nhìn vào bất kỳ biến cố nào trên địa cầu mà hoàn toàn tự do chọn lựa phản ứng của mình, chọn lựa những gì mình cảm nhận, những gì mình suy nghĩ, những gì mình tự đồng hóa trong quan hệ với biến cố, và những cách mình sẽ hành động trong quan hệ với biến cố. Con tự do. Con không bị các sự kiện bên ngoài ép buộc.

Làm thế nào con đến được trạng thái này? Bằng cách nhận ra là con mang một số ngã – những cái ngã tách biệt dựa trên ảo tưởng rằng tâm con phải bị các điều kiện bên ngoài ảnh hưởng, và chúng chỉ có thể bị ảnh hưởng theo một cách nào đó. Điều này trở ngược về thuở con đến địa cầu lần đầu tiên và nhận chịu những cú sốc kia. Con trải nghiệm trên địa cầu có chiến tranh. Con trải nghiệm sự tàn nhẫn tuyệt đối của một số sa nhân khi chúng sẵn sàng giết hại hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn hay hàng triệu người chỉ để thỏa mãn tự ngã của chúng. Con bị chấn động đến độ con tạo ra một cái ngã tách biệt để đối phó với sự thể hầu con vẫn giữ được một chút cảm giác thăng bằng, tức là cho dù con phải sống trên một hành tinh khó khăn, nó cũng không hoàn toàn điên rồ đến nỗi con không thể sống sót về mặt tâm lý.

Đó là một phản ứng dễ thông cảm khi con mới đến trái đất lần đầu, nhưng con đã ở đây rất lâu rồi, con đã bước chân trên đường tu và đã đến lúc con cần xem xét ngã tách biệt này, những cái ngã tách biệt này, và để cho chúng chết đi. Điều này không có nghĩa là con trở nên vô cảm theo nghĩa là con phủ nhận sự đau khổ đang tiếp diễn hay con không có lòng từ bi đối với mọi người. Nhưng nó có nghĩa là con nhận ra mặc dù vẫn có chiến tranh trên trái đất, con có khả năng chọn lựa cách phản ứng của mình, hay con chọn không phản ứng trong sợ hãi, trong tách biệt. Thay vào đó, con chọn nói rằng: “Tôi sẽ giữ vững viễn quan. Tôi sẽ đọc chú đọc thỉnh để vấn đề này được vượt thăng. Tôi sẽ nỗ lực nâng cao tâm thức tập thể để vấn đề này được vượt thăng và không thể nào tái diễn.”

Nhưng con không bị xáo trộn, con không bị cuốn hút vào phản ứng tiêu cực của giận dữ, sợ hãi hay thù hận. Con tiếp tục không dính mắc. Không có nghĩa là con không hành động, con không làm tất cả những gì có thể làm để thay đổi tình thế, nhưng con không hành động từ trạng thái dính mắc, xáo trộn, bởi vì trạng thái này đến từ một ngã tách biệt và khi con hành động dựa theo đó, tác động của con sẽ yếu ớt hơn nhiều so với nếu con hành động từ trạng thái cao của quả vị Ki-tô và quả vị Phật.

Con cũng có thể nói là Hiện diện TA LÀ của con có thể gửi xuống một xung lực vào bốn tầng của tâm con nhằm biến hóa năng lượng đang lôi kéo người ta vào cuộc chiến, nhưng năng lượng này phải đi qua các thể bản sắc, lý trí và cảm xúc, và khi nó đi qua như vậy, nó sẽ tương tác với bất kỳ khuôn nếp phản ứng nào có mặt ở đó, khiến cho sức mạnh của xung lực bị giảm bớt. Cho nên khi con loại bỏ được các khuôn nếp phản ứng, các ngã tách biệt này, xung lực có thể đi từ cái ta cao xuyên qua tâm con mà không bị cản trở, và nhờ vậy nó có tác động lớn hơn rất nhiều.

Đừng trì hoãn vô hạn định quả vị Ki-tô

Tất nhiên, việc nhìn ra là không có gì thực một cách tối hậu còn có một lợi điểm nữa, là nó có thể giúp con đạt được trạng thái an bình với sự hiện diện của mình trên trái đất ngay cả trong các điều kiện hiện thời.

Để thị hiện quả vị Ki-tô hay quả vị Phật khi con vẫn hiện thân trong một cơ thể vật lý, con sẽ cần những gì? À, một trong những cơ chế do sa nhân tạo ra là chúng phóng chiếu: “Bạn là một đệ tử tâm linh có trách nhiệm. Bạn đang nỗ lực đạt được một mức nhận biết cao hơn. Bạn đã đạt đến một mức nhận biết cao hơn nhưng bạn cần dấn thân vào những gì đang xảy ra trên trái đất. Bạn không thể lạnh nhạt đứng ngoài cuộc. Bạn không thể rút lui, bạn không thể thản nhiên không quan tâm gì đến người khác.” Cho nên chừng nào địa cầu còn những điều kiện khủng khiếp như chiến tranh chẳng hạn, con sẽ không thể biểu hiện quả vị Ki-tô của con. Con sẽ cần triệt tiêu các điều kiện vỏ ngoài đó để địa cầu được thái bình hơn, rồi sau đó con mới có thể biểu hiện quả vị Ki-tô của mình.

Sa nhân luôn luôn nói: “Bạn cần phải dấn thân vào các điều kiện hiện thời và tìm cách thay đổi chúng đi, sau đó bạn mới có thể biểu hiện quả vị Ki-tô của bạn.” Và như thế nếu con đồng ý làm vậy, chúng khiến con trì hoãn lại quả vị Ki-tô của con một cách vô hạn định: “Ồ, có chuyện này tôi phải lo cái đã.” Đây chính là truyện ngụ ngôn của Giê-su với chàng thanh niên kia đến nói với Giê-su: “Con muốn theo thày nhưng thày cho phép con chôn cất cha con cái đã.” Phản ứng của Giê-su là gì? “Hãy để cho người chết đi chôn người chết.” Bởi vì điều chàng thanh niên muốn nói là: “Con muốn theo thày. Con muốn cất bước trên đường tu dẫn đến quả vị Ki-tô, nhưng có đúng một chuyện này trong thế gian mà con phải lo cái đã. Có chuyện này con phải làm, rồi sau đó con mới có thể tập trung vào quả vị Ki-tô.”

Đấy, có thể có những công việc là một phần chính đáng trong Sứ vụ Thiêng liêng của con mà con phải làm, hay con phải trải nghiệm để thoát ra khỏi nó, và việc này nằm trong con đường của con dẫn đến quả vị Ki-tô. Nhưng điều sa nhân phóng chiếu vào con là có một tình huống vỏ ngoài nào đó, và chừng nào tình huống này còn tồn tại thì con không thể biểu hiện quả vị Ki-tô. Tất nhiên, đâu là cách duy nhất để loại trừ chiến tranh khỏi trái đất? Là khi có một lượng tới hạn những con người thể hiện được quả vị Ki-tô của mình, và nhờ vậy họ có thể kéo tâm thức tập thể đi lên hầu càng ngày càng có nhiều người thức tỉnh với cái nhìn đổi khác về chiến tranh.

Thế bí lưỡng nan

Vậy nếu con trì hoãn quả vị Ki-tô của mình bởi vì chiến tranh, làm thế nào chiến tranh sẽ được loại bỏ đây? Đây là một thế kẹt, một thế bí lưỡng nan do sa nhân tạo ra và chúng đã tạo ra nhiều thế kẹt kiểu như vậy. Sẽ tới một điểm con cần xem xét điều này và nhận ra là bất kể trên hành tinh đang trải bày ra điều kiến gì, con có quyền gỡ mình ra khỏi nó và tập trung vào sự phát triển tâm linh của mình và thể hiện quả vị Ki-tô. Bởi vì một khi con đạt đến một trạng thái nhận biết cao hơn, con sẽ có tác động lớn hơn trong việc chuyển đổi các điều kiện trên địa cầu, nhưng con sẽ không thể làm vậy nếu con còn bị dính mắc và phản ứng lại theo một ngã tách biệt.

Nhưng cũng có một góc nhìn khác mà con có thể xem xét. Như thày vừa nói, sa nhân đã dựng lên nhiều điều bí ẩn, một thế kẹt khó xử, một thế tiến thoái lưỡng nan, một tình huống không có giải pháp. Có một ví dụ điển hình là sa nhân tấn công con trong vật lý và hăm dọa giết con. Con làm gì đây? Liệu con sẽ để yên cho chúng giết con hay con đánh trả và giết chúng? Đây chỉ là một trong nhiều tình huống. Sa nhân gây ra một cuộc chiến. Một nước tấn công một nước khác. Con sẽ làm gì?

Chấp nhận trọn vẹn quyền tự quyết

Đó là những thế kẹt mà sa nhân tạo ra và con bị cuốn hút vào đó khi con ở trong tâm thức nhị nguyên và mang những ngã tách biệt đó, nó khiến con cảm thấy mình phải làm một cái gì. Tất nhiên, cách tối hậu là con giải quyết những ngã vỏ ngoài đó. Nhưng con cũng có thể xoay chuyển thái độ của mình và nói: “Nhưng tôi đang sống trên một hành tinh nơi định luật tối hậu là quyền tự quyết. Nếu người khác dùng quyền tự quyết của họ để làm một chuyện gì, tại sao tôi lại phải ra tay chỉnh sửa? Tôi không có vai trò thay đổi quyền tự quyết của người khác. Tôi có quyền tự quyết của riêng tôi. Vai trò của tôi, thẩm quyền của tôi là những chọn lựa mà tôi lấy, chứ tôi không chịu trách nhiệm những gì người khác làm với quyền tự quyết của họ, và tôi không có thẩm quyền ép buộc họ đổi ý, ép buộc họ đổi ý chí tự do của họ. Cho nên khi có ai làm gì đó, tại sao tôi lại phải phản ứng lại? Tại sao tôi phải tìm cách thay đổi chọn lựa của họ? Tại sao tôi không thể đơn giản để yên cho họ trình diễn nó ra rồi gánh lấy hậu quả?”

Trong một số trường hợp, đó là vì con muốn bảo vệ chính mình khỏi hậu quả, nhưng trong tư cách là người tâm tinh – hầu hết các con – thật ra đó là vì con muốn bảo vệ họ khỏi hậu quả chọn lựa của họ, vì con thấy được những hậu quả đó và con không muốn họ khổ đau. Nhưng trên một hành tinh với quyền tự quyết, con không có trách nhiệm ngăn chặn người ta chọn lựa hay ngăn chặn người ta đau khổ do hậu quả các chọn lựa này.

Như các thày đã có nói, nhiều avatar đến trái đất là vì họ đã chưa neo chặt, chưa hoàn toàn thể nhập quyền tự quyết. Đây là một trong những thử thách mà các avatar phải đối mặt trên hành tinh này – là đạt tới điểm con có thể nhìn sự việc xảy ra, nhìn những người đang làm việc đó, và thay vì tìm cách ngăn chặn họ có những chọn lựa gây ra khổ đau, con đứng lui lại và nói: “Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra. Để yên cho họ nếm trải hậu quả vì đằng nào họ cũng không nghe tôi nói. Họ không thể học hỏi từ ai đó nói cho họ nghe, mà họ chỉ học hỏi bằng cách nếm trải hậu quả. Tại sao tôi lại ngăn cản không cho họ học hỏi qua cách duy nhất mà họ có thể học hỏi? Tại sao tôi có nhiệm vụ chèn mình vào giữa họ và quả báo của họ? Là một avatar trên địa cầu, vai trò của tôi có thật là ngăn chặn người khác gặt hái hậu quả những chọn lựa của họ bằng cách ngăn chặn không để họ chọn lựa như vậy? Tôi có ở đây để khiến họ thay đổi tâm họ, hay tôi ở đây để thay đổi tâm tôi, nâng cao tâm thức của tôi, thoát ra khỏi bất kỳ ảo tưởng nào mà tôi đang có về quyền tự quyết và thăng vượt nó?” Khi con nhận ra điều này, con sẽ có thể đứng lui lại, nhìn địa cầu và để yên cho mọi chuyện trải bày.

Bí ẩn gắn sẵn với quyền tự quyết

Trên đây là những điều liên quan đến các thế kẹt do sa nhân tạo ra để khiến con mắc bẫy và lôi kéo con vào vòng xoáy bất tận của phản ứng. Nhưng cũng có một số điều khó xử không do sa nhân. Chúng ta có thể nói là những điều này đã được gắn sẵn vào quyền tự quyết và nguyên tiến trình nâng cao tâm thức. Có một số điều khó xử hay bí ẩn như vậy, nhưng điều thày muốn đề cập ở đây là như sau. Như các thày đã nói, con được sinh tạo như một sinh thể cá biệt với một ý chí tự do cá biệt. Các thày có nói con là một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ của con đang hiện hữu ở cõi tâm linh. Ở cõi tâm linh, mọi người, mọi sinh thể đều cảm thấy mình nối kết với mọi sinh thể khác, mình là thành phần của một tâm, và thế giới là một tổng thể tương kết. Con đã được gửi xuống một bầu cõi chưa thăng thiên như một sinh thể cá biệt. Con có sự tùy chọn để bước vào nhị nguyên và xem mình là một sinh thể tách biệt, nhưng điều thày đang đề cập là sự kiện con đã đến đây như một sinh thể cá biệt.

Con trù hoạch sẽ trải nghiệm thế giới này như một sinh thể cá biệt từ góc nhìn đặc thù của con. Con trù hoạch sẽ tăng triển, sẽ mở rộng sự nhận biết của mình, nhưng vẫn trong tư cách một sinh thể cá biệt. Thế rồi khi con đạt đến một tầng nhận biết nào đó, con có thể từ bỏ đời sống cá biệt này và trở về với Hiện diện TA LÀ của con – hay bất kỳ cách giải thích nào khác mà các thày đã cố đưa ra bằng ngôn từ nhưng sẽ không bao giờ thỏa đáng. Bí ẩn được gắn sẵn trong tiến trình này là: Làm thế nào con cân bằng được quyền tự quyết cá nhân của mình với sự kiện con không sống một mình trong thế giới này và trên hành tinh có đến 8 tỷ người khác với quyền tự quyết của họ? Làm thế nào con cân bằng được điều này?

Các thày có nói là trên một hành tinh tự nhiên, con không đánh mất cảm giác nối kết. Nhưng các thày cũng có nói là trên một hành tinh tự nhiên, con vẫn phải khởi đầu với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm. Con thấy mình là một sinh thể cá biệt, con nhận ra là con nối kết với một cái gì vượt khỏi tâm con – con nối kết với mọi người khác, con nối kết với môi trường xung quanh, nhưng con vẫn là một sinh thể cá biệt. Cho nên ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, con cũng có bí ẩn này, tình trạng khó xử này. Làm thế nào con giải quyết sự kiện mình có quyền tự quyết cá biệt và mọi người khác trong môi trường của mình cũng có quyền tự quyết cá biệt? Làm thế nào con xử lý được đây?

Nhưng này, thày không đang trình bày cho con điều này với ý nghĩ là sẽ có một cách nhiệm màu để xem xét và giải quyết bí ẩn. Thày không đang nói con có một nhận thức sai lầm, con có một cái nhìn sai lầm và con nên xoay chuyển cái nhìn đó thì con sẽ giải quyết được bí ẩn. Khi con thăng thiên, con có thể nói là con đã giải quyết bí ẩn, nhưng chừng nào con chưa thăng thiên thì thày không thể cho con những từ ngữ và lời dạy sẽ giải quyết bí ẩn dùm con.

Cân bằng ý muốn của con với ý muốn người khác

Chuyện đó không thể diễn tả bằng lời, nhưng điều con có thể làm là chấp nhận bí ẩn có ở đó. Con có thể chấp nhận là chừng nào con còn đầu thai, ngay cả khi con đạt đến tầng tâm thức 144, con vẫn phải xử lý nhu cầu giữ sự cân bằng giữa quyền tự quyết của con và quyền tự quyết của người chung quanh.

Con thử nhìn hai người sống trong một mối quan hệ. Họ sống với nhau trong cùng ngôi nhà, họ có thể có con với nhau, họ có cuộc sống chung. Hãy giản dị hóa và chỉ nhìn vào hai người. Cả hai có thể rất yêu nhau, hiểu nhau sâu sắc và kính trọng lẫn nhau, nhưng hai con vẫn là hai cá thể. Hai con có góc nhìn khác nhau, có quan điểm khác nhau về cuộc đời, có ý chí tự quyết cá biệt. Làm thế nào con sẽ cân bằng đây? Xử lý thế nào khi một người muốn cái này và người kia muốn cái kia?

Một lần nữa thày không đang bảo là có một giải pháp rõ ràng sẽ giải quyết vấn đề. Thày chỉ đang chỉ ra cho con, đây là một bí ẩn sẽ đeo đuổi con chừng nào con còn sống cuộc đời cá biệt này trong một bầu cõi chưa thăng thiên, và ngay cả ở một hành tinh tự nhiên vì đó vẫn là một bầu cõi chưa thăng thiên. Là một người tâm linh, con có thể làm gì? Tại sao thày lại nói cho con điều này nếu con không thể giải quyết hay làm bất cứ gì?

À, con có thể dùng cái đó để nhìn vào toàn bộ hành tinh một lần nữa và con có thể nói: “Lẽ tự nhiên, tôi cần tìm ra cách cân bằng quyền tự quyết của tôi với quyền tự quyết của những người gần gũi với tôi, là những người tôi có mối quan hệ riêng tư trực tiếp. Nhưng phần còn lại của nhân loại, tôi không có nhu cầu làm vậy. Cho nên tôi có thể đứng lui lại và nói: “Tám tỷ người kia trên hành tinh này đều có quyền tự quyết cá nhân, nhưng tôi không chịu trách nhiệm về quyền tự quyết của họ. Tôi không trách nhiềm về các chọn lựa của họ. Tôi không có nhu cầu điều chỉnh quyền tự quyết của tôi dựa trên chọn lựa của họ.”

Khi con ở trong một mối quan hệ riêng tư trực tiếp, con cần điều chỉnh quyền tự quyết cùng các chọn lựa của mình theo người chung quanh. Nhưng con không cần làm vậy đối với nhân loại nói chung. Con thử suy ngẫm, làm sao con có thể làm được điều đó? Có quá nhiều người khác nhau muốn làm quá nhiều chuyện khác nhau.

Điều con có thể làm như một người tâm linh là bước lui lại và nói: “Tôi không trách nhiệm chọn lựa của những người đó. Tôi không cần phản ứng lại các chọn lựa hay hậu quả chọn lựa của họ. Tôi cần tiếp tục không dính mắc và để yên cho các hậu quả này trải bày ra. Chúng có thể ảnh hưởng đến cá nhân tôi nhưng tôi cần càng không dính mắc càng tốt và hiểu ra là họ cần nếm trải các hậu quả này để chuyển đổi tâm thức. Tôi cần hoàn toàn không dính mắc và chú tâm vào trạng thái tâm thức của tôi. Tôi không trách nhiệm chọn lựa của những người đó. Tôi không cần điều chỉnh quyền tự quyết của tôi dựa trên chọn lựa của họ. Tôi có quyền tập trung vào sự phát triển tâm linh của tôi, con đường tâm linh của tôi, và chú ý tối thiểu đến chọn lựa của người khác. Cho dù nó có tác động đến tôi trong cõi vật lý, tôi có thể tìm ra cách để nó tác động càng ít càng tốt đến tâm và tâm thái của tôi.”

Làm thế nào an bình trong một thế giới hỗn loạn

Điều trên sẽ không giải quyết được bí ẩn, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp con dễ sống hơn trên một hành tinh có quá nhiều biến động. Và nó là một phần trọng tâm của những gì các thày muốn trao cho con tại hội nghị này. Hy vọng của các thày là giúp con an bình hơn trong một thế giới hỗn loạn. Và làm thế nào con sẽ an bình hơn? Bằng cách chấp nhận sự hỗn loạn, đón nhận sự hỗn loạn, nhận ra là bất kể chọn lựa của người khác, con vẫn có thể có chọn lựa của riêng con. Và cho dù con không thể kiểm soát các tình huống vỏ ngoài, con có thể làm chủ tâm thái của con một cách độc lập khỏi chọn lựa của người khác. Nói cách khác, con có thể nói: “Tôi không cho phép sự hỗn loạn do chọn lựa của người khác gây ra đi vào tâm tôi và ảnh hưởng chọn lựa của tôi. Tôi vẫn đang lèo lái trên Dòng sông sự Sống với một ý hướng rõ ràng mình muốn đi về đâu. Và cho dù điều gì có xảy ra, cho dù phải quẹo trái hay quẹo phải, tôi chỉ đơn giản tìm về hướng đi mà tôi đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình.”

Thày biết rất rõ những gì thày vừa trao không phải là một phương thuốc thần kỳ. Mục đích không phải để con có thể nghiên cứu các giáo lý được ban ra ở hội nghị này và bỗng chốc giải quyết được cảm giác xáo trộn rồi lập tức an bình. Nhưng không có phương thuốc thần kỳ đâu con ạ. Và các thày đã giải thích tại sao.

Đường tu đích thực là gì?

Con cần học hỏi, con cần trải nghiệm, con cần thay đổi tâm thức của mình. Đó là cách con tăng triển nhận biết. Quá nhiều người tâm linh đến với đường tu tâm linh với mục đích đạt được một tâm thái nào đó, và tâm thái này có thể cao hơn nhiều bậc so với tâm thái hiện thời của họ. Nhưng họ thấy được mục tiêu ở đó, cho dù con gọi là quả vị Ki-tô hay quả vị Phật hay giác ngộ hay tâm thức cao, và họ nói với vị thày tâm linh: “Thày hãy cho con phương thuốc thần kỳ để con lập tức có thể bước từ mức hiện thời của con lên cái mức mà con thấy ở trên kia. Thày hãy chỉ con cách làm thế nào từ nơi con đứng, con có thể nhảy cóc lên nơi thày đứng.”

Nhưng làm thế nào thày đã đạt được mức tâm thức hiện tại của thày? Bằng cách bước từng bước một. Vì bằng cách bước từng bước một mà thày đã lần hồi biến đổi tâm thức thày. Làm sao con có thể nhảy cóc lên mức tối hậu từ mức hiện thời của con? Không thể được. Con cần sẵn lòng kinh qua cùng cái quá trình mà mọi người thăng thiên từ trái đất đã sẵn lòng kinh qua.

Nếu con muốn đường tắt, nếu con muốn nhảy bước, thì con chưa thật sự sẵn sàng với đường tu đích thực đã được truyền dạy suốt mọi thời đại trong nhiều bối cảnh khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, con còn tìm kiếm con đường tay trái của các thày giả, họ đưa ra đủ loại hứa hẹn mà họ biết rõ không thể nào giữ lời.

Một vị thày chân chính sẽ không đưa ra một lời hứa không thể nào thực hiện. Làm vậy để làm gì? Một vị thày chân chính không cần gì từ đệ tử. Thày giả cần một điều gì đó từ đệ tử, có thể là ánh sáng của con, năng lượng của con, cũng có thể sự vâng lời của con, một số hành động từ con. Nhưng thày chân chính đã thăng vượt tâm thức nhị nguyên cùng bầu cõi chưa thăng thiên, vị ấy không cần gì từ con. Vị ấy muốn con tăng triển và do đó chỉ có thể cho con một con đường mô tả cách duy nhất để tăng triển – từng bước một.

Mỗi bước là một bí ẩn mà con cần phải giải quyết, một ảo tưởng mà con cần phải vượt qua. Đôi khi đệ tử sẽ nghĩ: “À, mục tiêu chót cùng là giải thoát khỏi mọi ảo tưởng, vậy tại sao tôi không thể nhảy lên đó và được tự do? Hãy cho tôi cái sáng ngộ thần kỳ để tôi giác ngộ ngay lập tức.” Nhưng mục đích thật ra không phải là giải thoát khỏi các ảo tưởng. Mục đích là kinh qua tiến trình giải quyết các ảo tưởng, từng cái một, vì chính qua sự giải quyết ảo tưởng mà con mở rộng nhận biết. Điều sẽ mở rộng nhận biết của con không phải là trạng thái tự do khỏi ảo tưởng. Điều sẽ mở rộng nhận biết của con là tiến trình giải quyết ảo tưởng. Đây mới là đường tu đích thực.

Hành trình mới cốt yếu chứ không phải mức đến

Một khi con nắm bắt điểm này, một khi con chấp nhận điều này, con sẽ có thể an bình bước theo con đường tuần tự đó. Con có thể chấp nhận, con có thể đón nhận từng bước mà con đang đi, con có thể tập trung vào cái ảo tưởng hiện tại. Con không phải lo lắng về những ràng buộc cao hơn tầm tay của con. Con chú tâm vào cái ảo tưởng trước mặt, con làm việc với cái bí ẩn này, con nhìn ra ngã tách biệt, con buông bỏ nó xong con vươn lên mức kế tiếp. Con bằng lòng là mình đã vươn đến mức này. Nhưng sau một thời gian con nói: “Đâu là ảo tưởng kế tiếp? Đâu là bí ẩn của tầng này?” Và con lại tập trung vào đó. Và cứ như vậy, con an bình với sự kiện mình sẽ tiếp tục làm vậy chừng nào mình còn hiện thân trên trái đất.

Hãy bước từng bước một, giải quyết từng ảo tưởng một. Và khi con neo chặt vào tiến trình này, khi con ôm lấy nó, con sẽ có thể khắc phục thái độ thiếu hụt, mà qua đó con cảm thấy mình bất toàn khi mình biết là mình chưa đến mục tiêu chót cùng. Thay vào đó, con có thể cảm thấy là con trọn vẹn khi tham gia vào tiến trình. Như người ta thường nói, và câu này phần nào đã trở thành sáo ngữ: “Hành trình mới là cốt yếu chứ không phải mức đến.” Nhưng trong câu đó có một sự thật. Rất rất nhiều người tiếp cận đường tu tâm linh với thái độ thiếu hụt đó cho rằng họ sẽ không bao giờ an bình, sẽ không bao giờ toại nguyện hay viên mãn cho tới khi họ đến được tầng mức tối hậu của giác ngộ.

Hãy trung hòa khi quan sát mọi sự trải bày

Nhưng con có thể xoay chuyển thái độ để con an bình, con toại nguyện khi con đang bước trên đường tu, nhìn thấy tiến trình trải bày, cảm thấy tràn đầy mỗi lần con bước lên một nấc, thậm chí còn cảm thấy tràn đầy ở ngay mức hiện thời của mình, tràn đầy khi con quan sát thế giới qua tầng tâm thức hiện thời của mình.

Con có thể đạt tới điểm con an bình quan sát màn trình diễn của địa cầu đang trải bày ra, con thấy rõ mọi người đang phản ứng như thế nào, thấy rõ mọi người đang làm gì. Con quan sát và không có nhu cầu phán xét, con chỉ quan sát xem một số nhóm người có thể rơi vào đối cực đến chừng nào trước khi những cú giáng của Trường đời Cay đắng mới mạnh đủ để khiến họ chú ý và nhận ra sự cần thiết mình phải thay đổi chính mình. Con có thể quan sát điều này. Con hãy quan sát nó trải bày ra như thể con đang theo dõi một bộ phim hay một vở kịch trên sân khấu.

Cuối cùng thì mục tiêu của bất kỳ vị thày tâm linh nào là các thày mong muốn đệ tử của mình có thể đạt được cùng tầng mức tâm thức, cùng sự nhận biết như các thày. Cuối cùng tất nhiên, thày muốn con, mỗi người trong các con, sẽ thăng thiên và nghiệm được sự tự do cùng niềm vui hiện hữu ở cõi thăng thiên, nhưng thày cũng biết điều này không thực tế.

Cho nên điều thứ nhì mà thày muốn, mà tất cả các thày đều muốn cho đệ tử của mình, là trong khi con còn đầu thai trong thế giới hỗn loạn này, con vẫn có thể đạt được một sự giải quyết nội tâm, một sự an bình nội tâm, một sự chấp nhận nội tâm đối với thế giới mình đang sống, đối với các biến cố đang diễn ra cùng tiến trình nâng cao tâm thức của mình và tham gia vào việc nâng cao thế giới cho gần hơn với thời hoàng kim.

Các thày, các chân sư thăng thiên tìm thấy sự toại nguyện khi góp phần vào tiến trình này. Các thày mong con cũng tìm thấy sự toại nguyện mặc dù các thày cũng biết đối với con sẽ khó khăn hơn khi con còn ở trong sự dày đặc của bốn tầng cõi vật chất. Nhưng dẫu vậy, con có thể đạt được sự giải quyết nội tâm đó khi con ngừng cưỡng lại tiến trình để mà ôm lấy nó. Con đón nhận sự hỗn loạn, con đón nhận các biến chuyển và sự năng động trong môi trường của con.

Khao khát tĩnh lặng

Điều thú vị – và đây là một bí ẩn khác – là sự kiện con đã được Hiện diện TA LÀ của con gửi vào thế gian để cho Hiện diện TA LÀ những trải nghiệm khi bước qua các giai đoạn. Có thể nói là Hiện diện TA LÀ của con an bình hơn, tự tại hơn, trong khi một bầu cõi chưa thăng thiên thì chuyển động theo cách khác. Theo một nghĩa nào đó, con đã được gửi ra khỏi sự tĩnh lặng để bước vào chuyển động, nhưng con vẫn khao khát trở về với tĩnh lặng.

Thày không nói là cõi thăng thiên đứng yên một chỗ, nhưng thày đang cố cho con một sự tương phản có thể diễn tả bằng lời. Con bước ra khỏi tĩnh lặng đi vào một thế giới chuyển động. Con là một sinh thể chuyển động nhưng con lại khao khát tĩnh lặng, và con nghĩ cách duy nhất để đạt được tĩnh lặng là ngừng chuyển động. Nhưng đây là một ảo tưởng. Cách duy nhất để đạt được tĩnh lặng là đón nhận chuyển động và nhìn thấy sự chuyển động chỉ có thể có được nhờ sự hiện hữu của một hậu cảnh tĩnh lặng.

Và khi con hoà điệu vào hậu cảnh đó, con có thể cảm nhận sự an bình cho dù con đang chuyển động. Và đây là điều tất cả các thày đều đã làm được ở các tầng cao hơn của đường tu. Nhưng không có quy luật nào bảo rằng con phải ở các tầng cao hơn của đường tu để đạt được điều đó. Con có thể đạt được điều đó hầu như ở bất kỳ tầng nào trên tầng 48 và chắc chắn khoảng tầng 96. Đây là điều mà Gautama lẫn thày đây mong muốn cho con, rằng con sẽ có được một niềm an bình nào đó khi đang chuyển động.

Với lời này, con nhận được lòng biết ơn của Gautama lẫn của thày vì con đã sẵn lòng làm dụng cụ để tiếp nhận vào tâm mình rồi toả ra tâm tập thể. Các thày mong mỗi cá nhân con đã được lợi lạc. Các thày biết tâm thức tập thể đã được lợi lạc. Việc truyền rải một lời dạy như thế này là một bước quan trọng, không những nó được truyền rải vào cõi vật lý mà vào cả bốn tầng của vũ trụ vật chất.

Với lời này và lòng biết ơn sâu xa, cả Gautama lẫn thày niêm các con trong sự bình an mà các thày là. So với mọi người trên trái đất thì các thày an bình nhưng các thày vẫn chuyển động, bởi vì ngay cả trên cõi thăng thiên cũng có sự tự thăng vượt, và các thày đón nhận tiến trình này.

Các con được niêm trong sự chuyển động của an bình, sự chuyển động bình an.


* Cho năm nay, chúng ta sẽ dùng cùng hình tư tưởng Mặt trời như năm ngoái:

Phật Gautama, thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất.”

Saint Germain, thày là tấm gương tuyệt hảo cho nền kinh tế.”

Mẹ Mary, thày là tấm gương tuyệt hảo cho phụ nữ.”

9 | Hành động cao hơn

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Chủ đề tiếp theo của chúng ta đương nhiên là điều mà theo truyền thống được gọi là Chánh nghiệp, nhưng thày sẽ chọn gọi là hành động cao hơn.

Con cần lấy các lời dạy của thày về lời nói cao hơn [Chánh ngữ], về năng lượng và việc sử dụng năng lượng vì các đề tài này cũng liên quan đến hành động. Con có thể hỏi: “Làm thê nào một hành động vật lý với một cơ thể vật lý lại liên quan đến năng lượng?” À như thày đã nói, mọi thứ đều là năng lượng. Mọi việc con làm đều được làm với năng lượng. Thày biết có thể con sẽ dễ tưởng tượng hơn việc gửi ra một xung lực năng lượng xuyên qua cảm thể khi con phóng chiếu một cảm xúc thật mạnh mẽ. Và có thể con sẽ khó tưởng tượng hơn việc gửi ra một xung lực năng lượng bằng cơ thể vật lý.

Vấn đề này tương đối dễ giải quyết khi con nhận ra cơ thể vật lý là thể thấp nhất trong bốn thể phàm của con. Con không thể nào có một hành động vật lý chỉ diễn ra trong cơ thể vật lý ở tầng vật lý mà thôi. Tầng vật lý là sự phóng chiếu của những gì xảy ra ở ba tầng cao hơn. Bất kỳ hành động nào cũng khởi sự ở thể bản sắc của con, đi xuống thể lý trí, đi xuống thể cảm xúc rồi mới được chuyển thành một hành động vật lý. Mỗi khi con hành động vật lý, con gửi ra một xung lực xuyên qua cả bốn thể phàm của con. Hầu hết mọi người không nhận biết điều này. Họ cứ đinh ninh là họ có thể hành động vật lý ở tầng vật lý thôi. Nhiều người cho rằng nếu họ quyết định làm việc gì đó thì họ đang quyết định bằng tâm ý thức, mà họ không biết là họ đang có những khuôn nếp trong cả ba tâm cao hơn, và những khuôn nếp này đã phần lớn định ra ranh giới cho những gì họ có thể quyết định bằng tâm ý thức.

Ngăn chặn một vòng xoáy nghiệp quả không kềm chế

Như thày đã giảng, nhiều người thường hành xử giống như một loại rô-bốt, một loại máy tính với những lập trình, những mô thức mà họ mang nơi cái tâm cao hơn, là tâm tiềm thức của họ. Các chương trình này điều khiển phản ứng của họ, cho nên họ không đang lấy một quyết định vật lý, ý thức, để làm một việc gì. Quyết định được định đoạt bởi các khuôn nếp trong tâm tiềm thức. Đây là một sự kiện mà một lần nữa chúng ta có thể nói nó có vẻ như là nghịch lý. Thày đã có giảng là trên cơ bản, con có thể chọn một trong hai cách tiếp cận trên đường tu tâm linh. Con có thể tìm cách kìm nén một số cảm xúc, một số ý tưởng, một ý niệm bản sắc nào đó, thậm chí cả một số hành động, nhưng điều này sẽ không giúp con nâng cao mức nhận biết của con. Để nâng cao nhận biết, con cần bước vào bên trong, xem xét các khuôn nếp và giải quyết chúng một cách ý thức – giải quyết thay vì phủ nhận và đè nén.

Khi nói đến hành động, có một giai đoạn trên đường tu khi quả thực con cần trau dồi một sức mạnh ý chí ý thức để chặn không cho một xung lực từ tâm tiềm thức, từ ba tầng của tâm con, bị đưa ra biểu hiện thành một hành động vật lý. Ở một tầng tâm thức nào đó, con không hoàn toàn có khả năng giải quyết các khuôn nếp đó, con không thật sự biết cách làm thế nào, có thể con không có sự quyết tâm để giải quyết, hay con không sẵn lòng nhìn vào bên trong tâm mình – nhìn vào cái xà trong mắt mình theo cách diễn tả của Giê-su.

Xuyên qua các thời đại, không chỉ đạo Phật mà nhiều tôn giáo và nhiều truyền thống tâm linh đã lập ra một quy tắc ứng xử, một quy tắc hành động về những gì con làm hay không làm khi con là tín đồ của tôn giáo đó. Chúng ta không thể chỉ đơn giản bác bỏ quy tắc này và bảo nó hoàn toàn sai trái, ngay cả nếu chúng ta dùng những từ “sai” và “đúng” trong bối cảnh này. Thày sẽ không tìm cách bác bỏ nó vì tất nhiên, khi con làm một hành động thì hành động này có thể tạo nghiệp. Như thày có giảng, nghiệp là các xung lực năng lượng đi qua bốn tầng cõi và quay trở về với con. Nếu con cứ liên tục làm những việc tạo ra các dạng nghiệp nghiêm trọng hơn, con có thể phá hoại khả năng nâng cao nhận biết của con. Cho nên ở một giai đoạn nào đó, thật là tự nhiên hoặc cần thiết con dùng sức mạnh của ý chí vỏ ngoài để kỷ luật hành động của mình, bởi vì nếu không, con sẽ phá hoại bước tiến tâm linh của con. Có thể con đang theo học một giáo lý tâm linh, có thể con đang thực hành một số pháp tu, nhưng nếu con không ngừng làm những việc tạo ra các dạng nghiệp nặng nề thì làm thế nào con tăng triển tâm linh được đây? Quả báo thường sẽ ngăn chặn hay cản trở đường phát triển tâm linh của con.

Có một số hành động đã được nhiều tôn giáo quy định suốt các thời đại. Chính thày đây chắc chắn cũng đã định ra một số giới luật cách đây 2500 năm. Một số điều răn được xác định trong Kinh Cựu ước qua những câu “Ngươi chớ…” Những câu này có thể hiệu nghiệm ở một tầng nào đó trong việc ngăn chặn một vòng xoáy nghiệp quả không kềm chế mà nhiều người đã vướng phải suốt nhiều kiếp sống. Đến một lúc nào đó con phải chặn nó lại, và bằng cách chấp nhận một khuôn mẫu lý tưởng về những gì một tín đồ trong tôn giáo của con không làm, thì quả thực con có thể tiến bộ. Nhưng tiến bộ này chỉ có thể đưa con đến một điểm nào đó, vì thật ra nó không khiến cho vòng xoáy nghiệp quả ngừng hẳn. Nó sẽ ngăn không cho nghiệp trở thành vật lý nếu con không có hành động vật lý, và nhờ vậy nó giảm bớt độ khắc nghiệt của vòng xoáy nghiệp quả. Tuy nhiên nếu con vẫn mang cùng những khuôn nếp trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, tất nhiên con vẫn phóng chiếu ra ngoài xuyên qua chúng. Chỉ có điều là nghiệp sẽ bớt nặng, bớt mãnh liệt.

Con đường vỏ ngoài và con đường nội tâm

Vậy con sẽ làm gì khi con vượt quá giai đọan đó? Thành thật mà nói, hầu hết những người cởi mở tâm linh đều nằm trong số này. Thường thường từ rất nhiều kiếp, con đã không tham gia vào chuyện giết người, không dùng ma túy hay rượu chè cùng nhiều loại sinh hoạt như vậy mà thày đã quy định ngay từ thuở đó là không có tính xây dựng trên con đường Bát chánh đạo. Vậy bước kế tiếp từ điểm này là gì? Ấy, đó là trước hết con nhìn nhận là nếu con chỉ quy định một số hành động như vậy thôi thì thật không đủ. Bởi vì tâm vỏ ngoài, tự ngã, vô cùng khéo léo sử dụng một giáo lý tâm linh để ngăn chặn bước tiến của con, để nó lẩn trốn hầu con không thấy nó, con không thấy cần buông bỏ nó, chối từ nó, giải thể nó.

Một trong những cách tự ngã làm là nó tạo ra, như thày đã có đề cập trước đây, khái niệm một con đường vỏ ngoài, một con đường tự động. Con đường này bảo rằng có hành động chân chính và hành động bất chính, có hành động đúng và hành động sai. Nếu con ép mình kiêng cữ những việc sai và nếu con ép mình chỉ làm những việc đúng, thì đảm bảo con sẽ lên được niết bàn. Nếu con cứ nhắm mắt bước theo con đường tự động này thì ở một điểm nào đó trong tương lai, đùng một cái, con sẽ giác ngộ. Con kiêng những việc làm phi tâm linh và con làm những việc làm tâm linh, kể cả các pháp tu do tôn giáo con quy định, và nếu con cứ siêng năng thực hành thì con sẽ tự động tiến bước.

Như thày vừa giảng, bằng cách nhịn không làm những hành động tạo nghiệp và thực hành các pháp tu tâm linh, con có thể tiến bộ nhưng chỉ tới một tầng nào đó. Sẽ đến một điểm con không bước xa hơn tầng này cho tới khi con neo chặt vào con đường nội tâm. Thật không đủ nữa nếu con chỉ kiêng một số hành động và làm một số hành động khác. Con cần làm việc trên tâm lý của con, giải quyết các khuôn nếp, các ảo tưởng, những cái ngã mà con có trong tâm tiềm thức giống như những chương trình điều khiển phản ứng của con. Con không thể đi quá một điểm nào đó cho đến khi con nhận ra và bước chân trên con đường nội tâm này. Điều tự ngã thường làm là nó định ra một con đường vỏ ngoài rồi bảo, bởi vì con đã chuyên cần kiêng cữ việc sai và chỉ làm việc đúng, cho nên con không cần xem xét bản thân mình. Con không cần nhìn vào tâm tiềm thức của con. Con không cần làm bất cứ gì có thể phơi bày chính tôi là tự ngã của con.   

Xuyên qua các thời đại, biết bao nhiêu người – không chỉ người theo đạo Phật mà bất kỳ giáo lý tâm linh nào – đã tin vào chuyện này. Nhiều người thời nay là Phật tử, là người tâm linh, tin vào con đường vỏ ngoài này. Quả là có một giai đoạn con có thể tinh tiến với con đường vỏ ngoài, nhưng sẽ tới một điểm nó sẽ cản trở bước tiến của con vì nó sẽ ngăn con nhìn vào tâm tiềm thức.

Khi các nỗ lực tâm linh cản trở bước tiến

Có những người đã quy định thế nào là hành động bất chính hay chân chính và họ đã rất chăm chỉ sống theo cách định nghĩa đó. Nhưng dần dần họ đã cảm thấy một sự căng thẳng bất an nào đó. Lý do là vì qua trực giác, họ cảm thấy họ không đang thực sự tiến bước với cách tu này. Nhưng tâm vỏ ngoài của họ thì rất gắn bó, và họ gắn bó rất chặt với con đường vỏ ngoài. Họ có nỗi dính mắc nói rằng nếu họ thay đổi cách tiếp cận đường tu thì điều này sẽ chứng tỏ là họ đã đi lầm đường cho đến giờ. Và điều cuối cùng họ mong muốn là bị sai trật về con đường tâm linh họ đang đi.

Cho nên họ mới dính mắc, họ ôm chặt lấy quan điểm của họ, họ bám víu vào cách tiếp cận hiện thời của họ về đường tu. Do cảm giác bất an, giờ đây họ lý luận: “Tôi phải tu tập chăm chỉ hơn nữa. Tôi phải cần mẫn hơn nữa, kiêng cữ việc làm bất chính và chỉ làm những việc chân chính.” Có thể đầu tiên họ sẽ suy luận là họ không thể nào sống tiếp một cuộc đời thế tục, họ phải lánh xa xã hội, rút vào tu viện nơi họ sẽ không bao giờ bị cám dỗ vào những hành động bất chính. Nhưng ngay cả khi họ sống trong tu viện, họ vẫn cảm được sự bất an cho nên giờ đây họ nghĩ: “Tôi phải tu tập nghiêm mật hơn nữa.” Thế là nó biến thành một chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tới mức rốt cuộc họ cảm thấy hành động chân chính độc nhất còn lại là pháp tu của họ – dù đó là quỳ lạy trên sàn nhà, quay bánh xe cầu nguyện hay bất cứ gì khác. Càng ngày họ càng bị ám ảnh nhiều hơn đến độ họ cảm thấy đây là tất cả những gì họ có thể làm.

Bấy giờ tâm vỏ ngoài sẽ thì thầm vào tai họ: “Ồ xem kìa, bạn tu tập sao quá thuần thành. Hiếm có ai tu nghiêm mật như bạn. Điều này chứng minh bạn là môt đệ tử cao cấp, cho nên bạn không có nhu cầu nhìn vào tâm tiềm thức, bạn không có nhu cầu soi gương. Đừng để ý đến những loại xung lực kia và tập trung tâm trí vào việc tu tập đúng đắn.” Có những người có thể làm chuyện này nguyên một kiếp sống hay hàng chục năm trời mà không bước lên được một bước nào trên đường tu đích thực.

Trung đạo đích thực

Tất nhiên con sẽ muốn tránh điều đó, và làm thế nào con sẽ tránh được chứ? Một lần nữa, qua con đường Trung đạo, mà thật sự chúng ta có thể gọi là Thượng đạo, con đường cao hơn, hay Việt đạo, con đường siêu việt. Tâm đường thẳng nói chuyện như thế này: “Đây là một đối cực, kia là một đối cực nữa. Giữa hai đối cực có một thang điểm, có nhiều sắc thái khác nhau từ màu đen qua đủ các sắc xám ngày càng nhạt hơn cho đến khi bạn có màu trắng. Khi Phật dạy về Trung đạo, nhất định phải có nghĩa là trung điểm giữa hai đối cực.”

Và người ta lý giải: “Ồ đúng rồi, tôi cần phải nhịn không làm điều sai và tôi cần thực hành pháp tu, nhưng tôi không thể bỏ ra quá nhiều thì giở tu tập đến độ tôi không còn tham gia vào cuộc sống bình thường năng động được nữa. Tôi phải tìm ra một thế cân bằng.” Đây không phải là một cách tiếp cận hoàn toàn vô giá trị, nhưng có một cách hiểu cao hơn. Trung đạo trong nghĩa nguyên thủy, ngay cả trong cách biểu đạt nguyên thủy của nó, không phải là con đường chính giữa. Đó không phải là trung điểm giữa hai đối cực. Đó là con Đường Cao hơn, con Đường Thăng vượt, con Đường Siêu việt. Là con đường vượt khỏi không chỉ hai đối cực mà toàn bộ thang điểm nhị nguyên giữa cả hai, tất cả mọi sắc đậm nhạt giữa cả hai. Cho đến giờ thày đã nói là tâm nhị nguyên quy định hai cực đối lập, nhưng tâm nhị nguyên hoàn toàn có khả năng quy định một vùng xám với những độ xám khác nhau giữa hai cực. Toàn bộ thang điểm này, không chỉ hai đối cực mà cả những sắc thái khác nhau cùng với điểm chính giữa, vẫn do tâm nhị nguyên quy định.

Hòa điệu với Kế hoạch Trọn đời

Vậy thế nào là con Đường Cao hơn để tiếp cận hành động? À một lần nữa đó là tìm cách gia tăng khả năng trực giác để chạm được phần nào những gì đã được ghi vào Kế hoạch Trọn đời của con. Như thày đã có nói, vào lúc con lập ra Kế hoạch Trọn đời, có thể con đã quyết định là có một trải nghiệm nào đó con có thể có trên trái đất mà con chưa chán chê – như thể con cần trải nghiệm nó cho thỏa thuê tới mức con hoàn toàn chán chê, và nhờ vậy con có thể giải quyết toàn bộ ham muốn này và buông bỏ nó. Con thăng vượt hoạt động đó, ham muốn đó, trải nghiệm đó. Nhưng bây giờ khi con bước vào đầu thai, con đã quên mất. Con tìm thấy một giáo lý tâm linh bảo rằng chính cái sinh hoạt mà con muốn nếm thoả thuê cho tới mức chán ngán, là không tâm linh. Và vì vậy con phải kiêng khem không được làm. Con buộc mình phải nhịn hẳn sinh hoạt đó, và kết quả là gì? Con không đạt được tiến bộ mà con đã trù liệu trong Kế hoạch Trọn đời của con.

Thày đang nói gì ở đây? Thày đang nói là con không thể lập ra một thang điểm vỏ ngoài rồi bảo: “Đây là cách một người tâm linh phải hành động, và kia là những hành động mà một người tâm linh không bao giờ được làm.” Chẳng hạn: “Một người tâm linh phải sống độc thân và kiêng quan hệ tình dục.” Nhiều người tâm linh, đặc biệt trong truyền thống Phật giáo, đã lý luận kiểu đó. Nếu ham muốn trải nghiệm tình dục là dính mắc cuối cùng ngăn cản con nhập niết bàn, thì làm như vậy sẽ cản trở bước tiến của con. Đương nhiên tự ngã có thể dễ dàng dùng điểm này như một cái cớ và nói: “Ồ lời dạy này nghe hay quá. Có nghĩa là tôi có thể làm bất cứ chuyện gì tôi muốn. Có lẽ chăng trải nghiệm này nằm trong Kế hoạch Trọn đời của tôi?” Tất nhiên, làm như vậy chỉ là rơi vào cực đoan ngược lại. Tất cả là vấn đề sử dụng trực giác của con để phát hiện chính xác những gì chính con đã đặt vào Kế hoạch Trọn đời của con. Những gì người khác nói hay đặt vào Kế hoạch Trọn đời của họ thật không quan trọng gì. Con cần khám phá chính con đã ghi gì trong Kế hoạch của con và con có thể làm vậy qua trực giác. Một lần nữa, bằng cách dùng những dụng cụ này để nâng cao nhận biết, khắc phục các khuôn nếp và chuyển hóa năng lượng thấp, con sẽ có được một tầm nhìn sáng suốt.  

Kế hoạch Trọn đời của con neo trụ ở đâu? À, nó thật sự neo trụ nơi cái ta cao của con. Kế hoạch Trọn đời của con có thể được xem như một quyển sách hay ít ra một tấm bảng trên kia ở một cõi có năng lượng cao hơn. Cách duy nhất con có thể thấy nó là nhìn từ tâm ý thức xuyên qua các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Nhưng nếu các thể này chất đầy những năng lượng thấp, những ảo tưởng của Maya, thì con sẽ không thể nhìn thấy tấm bảng đó, hay ít ra con không thể đọc được.

Khi con bắt đầu dọn dẹp rác rưởi trong các thể cao hơn, loại bỏ Maya, làm sạch năng lượng, thì một cách tự nhiên con sẽ có thể bắt đầu hé nhìn thấy Kế hoạch Trọn đời. Do đó con có thể bắt đầu nhìn ra thế cân bằng cá nhân của con là gì, những hoạt động nào con nên tham gia mà con đã muốn tham gia để khắc phục chúng và được giải thoát khỏi chúng.

Tất nhiên một khía cạnh khác trong Kế hoạch Trọn đời là con muốn đóng góp vào sự thăng tiến của cuộc sống trên trái đất, của tâm thức tập thể, của hoàn cảnh nhân loại. Một lần nữa, nhiều người tâm linh đã đặt ra chuẩn mực quy định sự đóng góp này phải như thế nào. Thường thường có thể là họ tham gia vào công việc từ thiện hay họ thực hành pháp tu tâm linh của họ vì đây là cách họ có thể thay đổi thế giới. Điều này không hẳn là sai, nhưng liệu có phải là điều chính con đã định ra trong Kế hoạch Trọn đời của con không? Mặc dù con là một người tâm linh, có thể có một đóng góp cụ thể mà con muốn cống hiến trong một lãnh vực thế tục nào đó. Con muốn đưa ra một ý tưởng mới nhằm đề xướng một cải tiến nào đó chẳng hạn trong lãnh vực kinh doanh, giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay nhiều thứ khác. Có lẽ con muốn viết một quyển sách đặc biệt để giúp một số người đạt sáng ngộ. Có thể là nhiều thứ khác nhau. Có muôn ngàn chuyện mà con đã có thể quyết định muốn làm nhưng lại không được hầu hết các phong trào tôn giáo hay tâm linh định nghĩa là việc làm tâm linh, chính vì họ đã mang sẵn quy chuẩn kia. Một lần nữa, con có thể bỏ lỡ cơ hội mà con đã đặt vào Kế hoạch Trọn đời của mình, và điều này sẽ không giúp con tăng triển tâm linh cho dù con đã thực hành những pháp tu được thiết kế để giúp con tăng triển tâm linh. Nó sẽ giúp con cảm thấy mình tâm linh hơn, mình tinh tiến hơn, nhưng điều này không phải là tăng triển tâm linh, như thày hy vọng đã giảng rõ rồi.

Làm hay không làm đều không đủ

Có rất nhiều khía cạnh ở đây cần được cân nhắc nhưng không bằng tâm vỏ ngoài đường thẳng. Kỳ thực, chính tâm vỏ ngoài đường thẳng mới thường ngăn cản con hòa điệu với Kế hoạch Trọn đời của con qua trực giác. Con cần vô hiệu hóa tâm vỏ ngoài đường thẳng này, nó luôn luôn muốn lập ra chuẩn mực có hai đối cực đúng-sai, nó bảo tất cả những gì con cần làm là làm cái này mà không làm cái kia và như thế con sẽ đạt mục tiêu. Vì lý do gì con sẽ không đạt được mục tiêu bằng cách làm những việc tâm linh và nhịn không làm những việc phi tâm linh?

Thày đã nói mục tiêu là gì? Giác ngộ là gì? Đó là một mức nhận biết cao hơn. Làm thế nào con sẽ đạt được mức nhận biết cao hơn? Chỉ bằng cách, duy chỉ bằng một cách là thăng vượt mức nhận biết hiện tại của con và cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con vươn tới ít nhất những tầng ờ các giai đoạn khởi đầu của giác ngộ. Khi con làm hay nhịn không làm những việc vỏ ngoài, điều này sẽ không tự động chuyển đổi mức nhận biết của con. Trên thực tế, nhiều người tâm linh đã chui vào rồi bị kẹt lại trong một ngõ cụt, và cách duy nhất để họ tiến bước là chất vấn chính cái chuẩn mực về tâm linh và phi tâm linh, trong hành động, trong lời nói, trong ý định, trong toàn bộ cái nhìn của họ về cuộc sống.

Thày có nói là con sống trong một thế giới bất ổn, rằng con không thể nào sống sót về mặt tâm lý, cho nên để sống sót con phải kìm nén một số cảm xúc, một số ý tưởng, một số xung lực ở tầng bản sắc, hầu con tìm được một thế quân bình và một cảm giác liên tục nào đó. Việc kìm nén cần thiết cho sự sống còn ở một tầng nào đó, nhưng kìm nén cũng trở thành cái bẫy chủ chốt – Maya, tấm màn của Maya – sẽ giam giữ con người trong Biển Luân hồi. Do tấm màn ảo tưởng, con người không thấy được là nội dung trong chính tâm họ sản xuất ra trải nghiệm mà họ đang có về cuộc sống. Cho nên cách duy nhất để thay đổi trải nghiệm cuộc sống là thay đổi nội dung trong tâm họ, chứ không phải một cái gì ở ngoài họ ngay cả ở mức hành động.

Con cần lượng định lại các hành động dựa theo ảnh hưởng của chúng trên trình độ tâm thức của con. Rõ ràng có một số hành động sẽ kéo thấp mức tâm thức của con. Và một trong những hành động phổ biến nhất là ma túy, rượu và các chất gây say khác. Tại Ấn Độ đã có một truyền thống khá lâu đời là một số người – thậm chí họ còn tự xưng là swami hay yogi – sử dụng nhiều loại ma túy và cho đây là cách đạt được tiến bộ tâm linh. Nếu có một chất vật lý nào có thể đưa con đến giác ngộ thì tại sao lại có truyền thống hàng ngàn năm trời của các vị thày tâm linh giảng dạy pháp tu khó khăn kia thay vì chỉ cứ giản dị sử dụng chất đó? Đấy, có lẽ là vì các vị thày tâm linh này biết rõ ma túy là một ngõ cụt. Nó cho con một cảm giác, có thể nó khiến con nghĩ vì con có một số trải nghiệm cho nên nhất định con phải là người tâm linh. Nhưng không có gì con có thể làm cho bộ não vật lý sẽ nâng cao mức tâm thức của con. Trái lại nó có thể hạ thấp mức tâm thức của con, hay ít ra ngăn con vươn lên cao hơn vì con bị kẹt lại ở một tầng nhất định.

Nếu con cứ tiếp tục làm vậy thì quả thực nó sẽ kéo thấp mức tâm thức của con xuống, vì sẽ tới một điểm sau khi con dùng ma túy một thời gian, con bắt đầu trực nhận trong nội tâm là con không thể tiếp tục như vậy được nữa, con cần bước tới vì con đang không tăng triển. Như thày vừa nói, điều này gia tăng sự căng thẳng. Bây giờ nếu con phớt lờ cảm giác này và cứ nhất định làm tiếp – hay con tiếp tục ăn cắp, lừa gạt người ta hay bất kỳ thói nào khác – thì chỉ có một chuyện có thể xảy ra. Con sẽ phủ nhận mãnh liệt hơn, và chính việc gia tăng phủ nhận sẽ hạ thấp trạng thái tâm thức của con. Cho nên con bước xuống các bực thang tâm thức khi sự phủ nhận càng ngày càng sâu đậm hơn.

Có những hành động khác cũng có thể đem lại tác động tương tự nhưng lại được nhiều người tâm linh liệt vào loại việc làm tâm linh, thậm chí còn thánh thiện nữa. Ngày nay không còn nhiều thông tin về hoàn cảnh thực tế mà thày đã gặp phải trong tư cách là Phật cách đây nhiều thế kỷ. Thày đã gặp khá nhiều sự chống đối từ các nhà Bà la môn đạo Hindu, họ cho rằng họ có độc quyền giảng dạy tâm linh ở vùng này của nước Ấn. Họ rất coi trọng các loại nghi lễ vỏ ngoài. Ngày nay con cũng thấy rất nhiều lễ hội, có những nghi lễ người ta đi vào đền thờ, được một tu sĩ rưới nước trái cây lên người hay bất cứ việc gì khác, và điều này được cho là sẽ trợ giúp tiến bộ tâm linh. Tất nhiên đó là vì các nhà Bà la môn đã tự đặt minh làm kẻ trung gian giữa quần chúng và cõi tâm linh, hay các vị thần được mô tả trong đạo Hindu. Cũng giống như các chức sắc giáo hội vào thời Giê-su cũng định nghĩa một tôn giáo dạy rằng cách duy nhất để đến với Thượng đế là qua trung gian hội thánh cùng các tu sĩ, thành phần tu sĩ của giáo hội. Giê-su bị kết án tử hình và hành quyết là vì thày đã thách thức quan điểm đó với lời dạy rằng Nước Trời ở ngay trong con.

Trong tinh túy, nói rằng Nước Trời ở ngay trong con cũng giống như nói rằng mọi thứ đều là Phật tánh và mọi người đều có tiềm năng vươn lên quả vị Phật. Đây chính là điều mà các tu sĩ của một tôn giáo có tổ chức không thể chịu nổi. Họ đã dựng lên quan niệm là qua những hành động được tôn giáo vỏ ngoài quy định và việc kiêng khem những loại hành động khác, thì đảm bảo con sẽ được cứu rỗi, con sẽ được lên niết bàn hay bất cứ tên gọi nào khác. Đây là một động lượng vô cùng lâu đời trên trái đất, một động lượng rất mạnh mẽ trong tâm thức tập thể. Rất, rất nhiều người tin như vậy. Tại sao họ tin vào điều đó? Vì nó cho họ một cái cớ để họ không nhìn vào chính tâm họ cùng tâm lý của họ.

Nỗi sợ những gì nằm trong tâm tiềm thức

Tại sao họ không muốn nhìn vào? Vì họ sợ những gì họ có thể tìm thấy trong đó. Điều này con sẽ không hiểu nổi nếu con không hiểu về luân hồi. Con thử nhìn trường hợp đứa bé kia lớn lên tại một trong những nền dân chủ thịnh vượng hiện đại mà xem. Nhìn từ mọi khía cạnh, đứa bé này đã được hưởng một sự nuôi dạy lý tưởng với cả cha lẫn mẹ thương yêu nó, có thày giáo tốt ở trường học, anh chị em cũng tốt bụng. Nói chung nó có những điều kiện tốt nhất mà một người có thể mong muốn, nhưng nó lại mắc phải những chứng bệnh tâm lý trầm trọng đến độ nó không thể hoạt động bình thường trong xã hội. Có vấn đề gì trong cách nuôi dưỡng hay trong gen của nó hay không? Không ai trong gia đình nó có xu hướng mắc bệnh tâm lý cho nên không thể quy cho di truyền được. Trong suốt tuổi ấu thơ nó không bị chấn thương, cho nên cũng không thể quy cho cách nuôi dạy. Làm thế nào con giải thích được tại sao một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh lý tưởng lại mắc phải một chứng bệnh tâm lý ngặt nghèo đến thế? Chỉ có một cách giải thích là trong tiền kiếp, nó đã trải qua chấn thương trầm trọng.

Con hãy nhìn bao nhiêu cuộc chiến đã diễn ra chỉ trong một thế kỷ qua. Bao nhiêu người đã phải chịu cảnh chiến tranh? Bây giờ khi họ tái đầu thai, họ mang chấn thương này trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc. Rất nhiều người trong thế giới ngày nay đã đầu thai lại nhiều lần cho nên họ đã hứng chịu đủ loại chấn thương, nhưng chính họ cũng đã làm nhiều chuyện rất ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình, dựa trên ảo tưởng họ là những sinh thể tách biệt, và những gì họ gây cho người khác sẽ không ảnh hưởng gì đến họ, hay ít ra nếu họ không phải chịu hậu quả vật lý trực tiếp thì hình như họ đã tránh khỏi tội tày trời. Nếu họ không bị bắt thì hình như họ đã thoát được hình phạt. Bây giờ họ hiện thân trong thời đại tân tiến, một trong những biến chuyển to lớn đã xảy ra trong tâm thức tập thể trong mấy thế kỷ qua là rất, rất nhiều người hơn trước bắt đầu lo việc cải sửa tâm lý, như chữa lành tâm lý, đón nhận nhiều loại giáo lý tâm linh, từ yoga qua thiền chánh niệm cho đến đủ loại liệu pháp khác nhau. Cho nên họ đã khởi sự làm việc trên tâm lý của họ.

Có một động lượng đang lớn mạnh trong tâm thức tập thể xem việc tu sửa tâm lý là bình thường, tự nhiên, cần thiết, xây dựng. Trên thế giới có một nhóm người rất đông không chỉ mang theo chấn thương từ tiền kiếp, mà họ cũng mang theo sự nhận biết là họ đã làm những chuyện mà đúng lý họ không nên làm. Và họ không muốn nhìn vào những cái đó. Họ không muốn xem xét tâm lý của họ vì họ sợ họ có thể tìm thấy điều gì trong đó. Họ sợ bị choáng ngợp đến độ không thể hoạt động bình thường được nữa. Những người đó muốn gì? Họ muốn con đường tự động, họ muốn có ai đó hứa hẹn với họ: “Con hãy tuyên bố Giê-su Ki-tô là Chúa, là Đấng Cứu rỗi, thì bảo đảm con sẽ được cứu rỗi,” hay “Bạn hãy gia nhập môn phái Phật giáo này, học tập các giáo lý này, thực hành các pháp tu này thì bảo đảm bạn được cứu rỗi,” hay “Bạn hãy làm bài tập này, quỳ lạy trên sàn, quỳ lạy đủ 10 ngàn lần trong kiếp này thì bảo đảm bạn được nhập niết bàn.” Đó là điều người ta muốn.

Vậy một lần nữa, đâu là cách nhìn cao hơn về hành động? Đó là con nói: “Việc này sẽ tác động đến tâm thức của tôi như thế nào? Không những nó có nâng cao mức tâm thức của tôi hay không, mà khi tôi làm một hành động thì phản ứng của tôi là gì? Phản ứng tâm lý của tôi là gì? Nó khởi lên những gì trong tâm lý tôi? Cái gì đang bị khuấy động?” Rồi con dùng đó như một cơ hội để nhận ra chính vì con là một sinh thể tâm linh, vì con muốn tăng triển tâm linh, cho nên con đã tự đặt mình vào những tình huống sẽ buộc con – nếu có thể nói như vậy – làm một số hành động để khuấy động những điểm chưa giải quyết trong tâm lý của con. Đó là một cơ hội để con nhìn ra một điểm chưa giải quyết, con xử lý nó và nhờ vậy con tinh tiến, con bước lên cao hơn. Thêm một bực nữa trên chiếc cầu thang. Nếu con xem mình là một người tâm linh, con cần thực hiện cuộc xoay chuyển này để con sẵn lòng làm công việc này, con ngộ ra sự cần thiết của công việc này, và con bỏ hẳn giấc mộng kia về con đường tự động. Con cần quan sát phản ứng của con khi con nghe những ý tưởng này và nhìn thấy lực kháng cự trong con đang không muốn xem xét chính mình.

Hành động không thể đưa con vào Niết bàn

Sau đó con có thể đi thêm một bước liên quan đến hành động. Trong giới mộ đạo truyền thống có nhiều người sẽ bảo rằng nếu con làm một số chuyện thì hành động của con sẽ kết án con xuống địa ngục. Nếu con giết một người hay thậm chí nhiều người, con sẽ bị đọa xuống địa ngục. Một lần nữa, đây lại là lối suy nghĩ nhị nguyên. Con đang định ra một đối cực nhị nguyên. Có một thiên đàng, có một địa ngục, và liệu con đi đến nơi này hay nơi kia tùy thuộc vào hành động của con. Một số hành động sẽ đày con xuống địa ngục, một số hành động khác sẽ bảo đảm đưa con lên thiên đàng. Một lần nữa có một động lượng mạnh mẽ trong tâm thức tập thể khiến người ta muốn tin vào chuyện đó, ít ra nếu những người này đã kiêng cữ không làm những việc đưa xuống địa ngục. Thật không có cơ sở thực tế nào trong chuyện này.

Thày không hề phủ nhận là có một tầng cõi vượt khỏi vũ trụ vật chất, vượt cả bốn tầng của vũ trụ vật chất. Thày không phủ nhận là con người có khả năng vươn lên tầng cõi đó để được giải thoát khỏi bánh xe sinh tử – con không phải trở lại hiện thân mà sẽ vĩnh viễn thăng khỏi trái đất. Tầng cõi này có đó, đó là một tiềm năng, nhưng đó không phải là cái những người mộ đạo gọi là thiên đàng. Sự khác biệt giữa cõi con đang sống và cõi cao hơn kia – mà thày không muốn dùng ngôn từ để mô tả – sự khác biệt giữa cõi hiện hữu của con bây giờ trên trái đất và tầng cõi cao hơn là mức độ tâm thức. Không phải các hành động của con sẽ quyết định con có thể thoát khỏi trái đất và vươn lên cõi cao kia nơi không còn xung đột, không còn Biển Luân hồi như trên trái đất. Điều duy nhất sẽ quyết định là mức độ tâm thức của con.

Hãy thử lấy một ví dụ cùng cực, con hãy tự hỏi loại sinh thể nào có thể bước vào cõi cao đó? Hãy thật cụ thể. Giáo hội Công giáo có dạy về thiên đàng và những tín đồ Công giáo ngoan đạo đảm bảo được lên thiên đàng. Con có thực sự hình dung được một người Công giáo trung bình tồn tại ở một cõi cao được cho là thiên giới hay chăng? Thử lấy một vị linh mục Công giáo. Từ một góc nhìn vỏ ngoài về hành động, thật con không thể tìm được ai tốt đẹp hơn một linh mục Công giáo. Nhưng nếu như vị này đã lạm dụng trẻ em thì sao? Ông là một kẻ đạo đức giả vì ông giả vờ là một linh mục và một người của Chúa, nhưng ông lại xâm hại trẻ em. Liệu con có thể nào hình dung một người như vậy được bảo đảm lên thiên đàng ở mức tâm thức đã khiến ông xâm hại trẻ em? Có thể nào không? Có thể tưởng tượng được không? Đối với những ai đã kích hoạt trực giác thì chắc chắn không thể. Con sẽ lập tức nhìn ra là tuyệt đại đa số mọi người trên trái đất không thể lên thiên đàng hay nhập niết bàn với mức tâm thức hiện thời của họ.

Điều này liên quan thế nào với hành động? À, nhiều người rất lo sợ khi họ tin vào luân hồi, là có thể họ đã làm một việc gì đó trong kiếp trước sẽ ngăn họ không lên được thiên đàng hay niết bàn, cho dù họ định nghĩa là gì. Sau đây là sự thật giản dị mà thày đã cố giải thích cách đây 2500 năm nhưng thày sẽ trao cho con dưới một hình thức trực tiếp hơn nữa. Không có hành động nào con có thể làm trên trái đất sẽ đưa con lên thiên đàng, và không có hành động nào con có thể làm trên trái đất sẽ ngăn con khỏi thiên đàng. Tại sao? Vì hành động không phải là yếu tố quyết định con có lên thiên đàng hay không, mà là mức tâm thức của con. Tất nhiên, một hành động tuôn ra từ một mức tâm thức nào đó. Nếu con đã làm một hành động thì nó cho thấy là it ra trong tiền kiếp đó khi con đã hành động như vậy – hay ngay cả trong kiếp này – con đã ở mức tâm thức đó, và mức tâm thức này sẽ giữ con ở ngoài thiên đàng.

Nếu con là một người tâm linh, con không cần sợ xem xét tâm lý của mình. Bởi vì cho dù con đã làm gì đi nữa trong một kiếp trước, con vẫn có thể khắc phục hậu quả của hành động bằng cách thăng vượt mức tâm thức đã tạo ra hành động. Vũ trụ, Thượng đế, hay bất cứ gì con có thể tưởng tượng, không quan tâm đến những hành động con làm trên trái đất. Quan tâm duy nhất là trình độ tâm thức của con. Thật chẳng quan trọng gì nếu trong một tiền kiếp con đã làm gì đó bị quy định là phi tâm linh hay phản tâm linh. Nếu con đã thăng vượt mức tâm thức này, hay nếu con sẵn lòng thăng vượt tâm thức này ngay bây giờ, thì con có thể và con sẽ thoát ra khỏi hành động. Cho nên con sẽ tiến bộ trên đường tâm linh dựa trên những tiến bộ con đạt được trong tâm thức của con. Hành động không phải là yếu tố quyết định mà là mức tâm thức. Và một khi con đã thăng vượt mức tâm thức thì con không cần cảm thấy tội lỗi về những việc con đã làm.

Nghiệp quả vận hành thực sự như thế nào

Con có thể được lợi lạc từ việc thỉnh cầu năng lượng cao để nó biến hóa xung lực năng lượng do hành động tạo ra, là điều mà nhiều người gọi là nghiệp. Con có khả năng chuyển hóa nghiệp quả – nếu con đã giải quyết tâm thức. Cũng có thể nói là khi con làm một hành động, con gửi một xung lực vào bốn tầng của vũ trụ vật chất, và khi nó đi lên tầng bản sắc, nó được phản chiếu lại cho con, đi vào thể bản sắc của con. Đây là một xung lực năng lượng. Năng lượng làm gì? Nó tạo ra những mô thức giao thoa với năng lượng ở xấp xỉ cùng độ rung. Nếu con chưa thăng vượt tâm thức đã khiến con hành động như vậy, nếu con vẫn còn một số ảo tưởng và niềm tin chưa giải quyết trong thể bản sắc của con, năng lượng nghiệp báo sẽ tương tác với những thứ này, sẽ được tăng cường bởi những thứ này. Có nghĩa là nghiệp báo bây giờ đi xuống thể lý trí dưới một dạng tăng cường. Nếu trong thể lý trí con vẫn còn những khuôn nếp và niềm tin, nó sẽ lại tương tác với chúng và được tăng cường thêm nữa. Rồi nó đi vào thể cảm xúc, và nếu con vẫn còn khuôn nếp cảm xúc chưa giải quyết, nó lại được củng cố thêm, cho nên khi nó băng qua lằn ranh của cõi vật lý, rất có thể nó sẽ thị hiện như một hậu quả dữ dội.

Nhiều người tin vào nghiệp quả tin rằng nếu con đã giết ai đó trong một kiếp trước, quả báo có thể khiến con bị giết hại trong kiếp này. Không có gì con làm có thể ngăn chặn được sự kiện này vì con đã tạo nghiệp và giờ đây nghiệp phải giáng xuống với kết quả là con bị giết. Điều này chỉ đúng nếu con chưa thăng vượt tâm thức. Nếu con đã thăng vượt tâm thức ở tầng bản sắc, nghiệp báo có thể quay trở lại nhưng không có gì để nó tương tác, không có gì để nó gia tăng. Kỳ thực nếu con đã tạo ra những khuôn nếp cao hơn hay đã tự giải phóng khỏi ảo tưởng và thỉnh cầu năng lượng, nghiệp báo có thể suy giảm.

Đến khi nó xuống đến thể lý trí và nếu con đã thăng vượt các khuôn nếp lý trí, cũng lại không có gì tăng cường cho nó và nó suy giảm thêm. Điều tương tự lại xảy ra ở thể cảm xúc, cho nên khi nó xuống đến thể vật lý, có thể nó đã được chuyển hóa toàn diện thành một độ năng lượng cao hơn, hay nó chỉ thị hiện dưới một dạng nhẹ hơn rất nhiều. Thay vì bị giết, có thể con chỉ gây cho mình một thương tích ngoài da.

Như ngành vật lý hiện đại cho thấy, hành động gắn liền với phản ứng. Không có hành động mà không có phản ứng, nhưng cũng không có phản ứng mà không có hành động. Tất cả buộc chặt với nhau trong lý duyên khởi. Con có thể nói: “Tôi đã làm một hành động vật lý. Hành động này tạo ra một phản ứng từ người khác, và phản ứng đã ảnh hưởng đến tôi.” Hay có lẽ nó không ảnh hưởng đến con vì con đã tránh né được, nhưng nó vẫn tạo ra một phản ứng trong bốn tầng của vũ trụ vật chất. Nó cũng tạo ra một phản ứng trong tâm con. Thật ra hành động đi theo một tiến trình trong tâm con. Nếu con bị kẹt trong Maya và các ảo tưởng, trong một trạng thái tâm thức tách biệt, trong tâm nhị nguyên, rất có thể hành động của con đã khởi lên từ các khuôn nếp phản ứng có mặt trong ba tâm cao của con. Cho mỗi hành động đều có một phản ứng, nhưng con có khả năng thăng vượt, biến hóa phản ứng từ tấm gương vũ trụ bằng cách thăng vượt cái tâm thức đã dẫn đến hành động.

Có rất nhiều người tin vào nghiệp quả, tin đó là một sự trừng phạt, nhưng thật sự nghiệp quả không phải là trừng phạt. Đó là một cơ hội. Thày đã nói gì về mục đích cuộc sống? Là để tăng triển nhận biết của con. Làm thế nào con tăng triển nhận biết? Bằng cách nhìn ra điều gì đang cầm giữ con lại ở mức nhận biết hiện thời, khiến con không thể thăng vượt và vươn lên mức cao hơn. Nếu con không nhìn ra thì làm sao con thăng vượt đây? Đôi khi con có thể cố tình nhìn và con thấy, nhưng khi khác con không cố tình nhìn. Thế rồi một tình huống bên ngoài buộc con phải nhìn thấy nó bằng cách tạo ra một phản ứng trong con. Đấy, đó là điều nghiệp quả vốn làm. Luật nghiệp quả bảo rằng con đang làm một hành động. Con giết một người – một sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự quyết của họ cũng như quyền được có cơ hội tăng triển. Nếu luật nghiệp quả trải bày tức khắc, con sẽ bị giết ngay lập tức, nhưng điều này có nghĩa là con sẽ đi ra ngoài hiện thân. Nếu con không bị giết ngay lập tức, con sẽ phải sống phần còn lại của kiếp này biết rằng mình đã giết một người.

Và điều này cho con một cơ hội để con xử lý nó trong kiếp sống đó. Trong những kiếp tiếp theo, có thể con không nhớ lại một cách ý thức, nhưng con vẫn mang cái tâm lý, các khuôn nếp trong tâm lý đã khiến con giết người. Con vẫn có cơ hội nhìn ra cái đó, xử lý nó và khắc phục nó. Mấy kiếp sau, xung lực nghiệp quả quay trở lại. Đây không phải là một trừng phạt mà là một cơ hội. Nếu con chưa thăng vượt tâm thức, xung lực nghiệp quả sẽ khuấy động tâm thức đó lên, ngay cả khi không có một tình huống bên ngoài kích động. Có thể con không ở trong một hoàn cảnh bị thúc giục giết người, nhưng xung lực nghiệp quả quay trở về các thể bản sắc, lý trí và cảm xúc của con sẽ khuấy động những gì chưa được giải quyết, để con kinh nghiệm nó và được thêm cơ hội xem xét nó trước khi nghiệp quả trở thành vật lý.

Nếu con không sẵn lòng xem xét nó, nghiệp quả sẽ trở thành vật lý, và giờ đây con hứng chịu một hậu quả vật lý mà con không thể phủ nhận. Nhưng trước khi con phải chịu hậu quả vật lý không thể phủ nhận này, con đã có một cơ hội để chuyển hóa trạng thái tâm thức của con. Con chỉ phải chịu hậu quả vật lý nếu con không sử dụng cơ hội. Vậy đâu là trừng phạt chứ? Mọi sự đều là cơ hội. Đây là điều con có thể neo trụ vào và chấp nhận một cách ý thức. Con có thể tự hỏi, con có thể dùng trực giác mà hỏi: “Đâu là cơ hội ở đây? Tôi cần nhìn ra điều gì trong tình huống này? Có điều gì trong tâm lý mà tôi cần giải quyết để thăng vượt hoàn cảnh này, sử dụng hoàn cảnh này như một bàn đạp để vươn lên cao hơn trên con đường Bát chánh đạo?”  

Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn cho con về hành động. Thày niêm con trong niềm vui của Phật biết rằng thày đã chọn một hành động cao hơn khi trao truyền lời dạy này.

7 | Lời nói cao hơn cần năng lượng cao hơn

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 7 tháng 1, 2023. Bài này được trao truyền nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Đề tài tiếp theo mà chúng ta cần bàn đến ở đây là khái niệm lời nói cao hơn. Một lần nữa, nhiều Phật tử đã nhìn vào khái niệm này, lấy cách dịch “Chánh ngữ” và tìm cách định nghĩa thế nào là lời nói chân chính và thế nào là lời nói bất chính. Như thày đã có giảng, đây không phải là cách tiếp cận cao nhất. Làm thế nào vươn lên cao hơn?

À, con không thể thấu triệt khái niệm lời nói cao mà không hiểu về năng lượng. Phải công nhận đây là một điều khó giải thích cho con người 2500 năm về trước, nhưng với tiến bộ của khoa học hiện đại, việc này đã dễ dàng hơn. Như đã có đề cập, Albert Einstein đã chứng minh là thực sự thế giới được cấu tạo bằng năng lượng. Có nghĩa gì? Có nghĩa là tất cả mọi thứ con làm đều được làm với năng lượng. Con không thể cảm xúc, con không thể suy nghĩ, con không thể cầm giữ một ý niệm bản sắc, con không thể nói năng và con không thể hành động mà không sử dụng năng lượng. Thày cũng biết là nhiều người nhận thức được là cơ thể của họ cần đến năng lượng, và họ nghĩ họ lấy năng lượng từ thức ăn, có lẽ từ ánh sáng mặt trời, cũng có thể từ việc hít thở không khí, nhưng đây chỉ là khía cạnh vật lý của năng lượng.

Tất nhiên điều đó không liên quan gì lắm đến lời nói, lời nói cao hơn. Để nắm bắt khái niệm lời nói cao, con cần nhận ra năng lượng là một tấm thảm liên tục những rung động. Có những năng lượng cấu tạo cái con gọi là cõi vật chất, nhưng còn nhiều rung động năng lượng khác nữa. Con biết qua khoa học là người ta có cách đo những rung động năng lượng không thể nào phát hiện bằng giác quan vật lý. Có một dạng năng lượng rung động trong phạm vi cái chúng ta có thể gọi là phổ tần số vật lý, nhưng vượt ngoài phạm vi này là một dạng năng lượng rung động trong phổ tần số cảm xúc, rồi có một dạng năng lượng lý trí, và cuối cùng là năng lượng rung động ở tầng bản sắc, tức là tầng cao nhất trong vũ trụ vật chất. Vượt ngoài những cái đó tất nhiên có cõi tâm linh với những rung động còn cao hơn nữa, vượt khỏi khả năng đo đạc của các loại dụng cụ vật lý.

Có thể con chưa biết điều này, nhưng có sự giới hạn trong những gì các dụng cụ làm bằng vật chất có thể đo lường. Cũng ví như một kính hiển vi quang học không thể nhìn thấy hạt nào nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng khả kiến (wavelength of visible light), và đó là lý do người ta đã chế tạo loại kính hiển vi điện tử để phát hiện những hạt nhỏ hơn. Tương tự như thế, có thể có những dụng cụ khác được chế tạo để đo rung động cao hơn, và một số dụng cụ như vậy đã được sáng chế, tuy nhiên có một giới hạn trong khả năng đo đạc của những dụng cụ làm từ cõi vật chất. Cho nên con sẽ không thể nào tạo ra một dụng cụ có khả năng chứng minh sự hiện hữu của một cõi tâm linh vượt khỏi cõi vật chất. Đơn giản là không thể. Tuy vậy, những năng lượng này có thật.

7.1. Tâm đường thẳng, tâm trực giác và sự khách quan

Bây giờ con có thể nhìn sang những gì các nhà khoa học đã khám phá khi họ đưa ra thuyết Big Bang (vụ Nổ Lớn). Họ bảo là vào thuở Big Bang thật sự không có vật chất theo cách con hiểu vật chất hôm nay, vì mọi thứ đều là năng lượng bị dồn nén trong một điểm cực nhỏ gọi là điểm dị biệt (singularity). Quan niệm này về điểm dị biệt thật ra là do tâm đường thẳng mà có, và chúng ta cần nói lướt qua về vấn đề này. Thày có nói là tâm đường thẳng nhìn vào một hiện tượng xảy ra trong hiện tại, nó nhìn vào sự phức tạp đang có mặt ngay bây giờ, nhưng nó muốn gỡ nhỏ và bảo rằng sự phức tạp đến từ một trạng thái đơn giản hơn chỉ tuân theo một vài định luật tự nhiên giản dị. Cho nên nếu con cứ tiếp tục đi ngược về các trạng thái thấp hơn hay cơ bản hơn, cuối cùng con sẽ lần đến cuối đường dây nơi con tìm thấy nguyên nhân ban đầu.

Theo khoa học, đây là điểm dị biệt có mặt trong một khoảnh khắc ngắn ngủi ngay trước Big Bang. Không ai thực sự giải thích được một điểm dị biệt là gì. Không ai thực sự giải thích được làm thế nào toàn bộ năng lượng được tạo ra trong vũ trụ mênh mông bát ngát này có thể dồn nén lại thành một điểm độc nhất. Đây là một thuyết do tâm đường thẳng dựng lên bảo rằng con phải có thể đi ngược trở lại những giai đoạn đơn giản hơn, cơ bản hơn, cho đến khi con chạm được giai đoạn nguyên thủy, nguyên nhân đầu tiên. Cũng giống như bảo rằng ở một thời điểm quá khứ, trong canh súp ban sơ có một tia sét đánh và sinh vật đơn bào đầu tiên xuất hiện. Nhưng đây có thật là cách  hiểu duy nhất không? Đối với tâm đường thẳng thì đây là cách hiểu duy nhất, nhưng đối với tâm không đường thẳng thì sao? Ngày nay càng ngày càng có nhiều người ý thức được trực giác. Càng ngày càng có nhiều người nghiệm ra trực giác chỉ đơn giản là một phương pháp khảo sát thế giới nơi mình đang sống, và trực giác cũng có thể sáng giá và chính đáng như tâm phân tích đường thẳng.

Sở dĩ xã hội hiện đại ngày nay phần nào bị bế tắc về mặt phát triển, gây ra biết bao vấn nạn chẳng hạn với môi trường, là vì các nhà chủ nghĩa duy vật khi họ chiếm lãnh nền khoa học đã muốn bác bỏ vai trò của tâm thức. Họ muốn bác bỏ trực giác vì họ quyết đoán trực giác là chủ quan, không đáng tin cậy, và chỉ có tâm thuần trí, đường thẳng, lô-gíc mới có thể khách quan, đáng tin cậy. Đây là một quyết đoán giả tạo đã gây ra những hậu quả sâu rộng trong xã hội hiện đại cũng như rất nhiều vấn nạn mà con thấy dường như không có giải pháp. Họ không đem lại giải pháp nào với tâm đường thẳng, vì một lần nữa tâm đường thẳng chỉ có thể suy nghĩ trong sự phân biệt so sánh, chỉ có thể nhìn cuộc sống theo cách phân tích tạo ra đối cực nhị nguyên, rồi hàm ý một sự phán xét giá trị. Một khi con rơi vào phán xét giá trị thì con đã khép tâm con lại.   

Ban đầu khoa học đã là một tiến trình khách quan nhằm quan sát những gì có thể được quan sát. Thay vì cho rằng một học thuyết hay một giáo điều có thể mô tả vũ trụ chính xác mặc dù sự quan sát đi ngược lại học thuyết, thì con người đã sẵn lòng nhìn vào những gì thực sự xảy ra. Đây là một nỗ lực nhằm thiết lập một phương thức khách quan để tiếp cận thế giới. Đây là một phương thức chính đáng nhưng vẫn chỉ là một mặt của đồng tiền – đồng tiền những khả năng của tâm. Trực giác cũng là một phương thức để bước ra khỏi sự chủ quan. Khi con có trải nghiệm mà thày đã mô tả, khi cái ta, cái Ta Biết bước ra ngoài các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, đó là một trải nghiệm khách quan. Việc trải nghiệm trực giác có thể có giá trị y như việc sử dụng lô-gíc và phân tích, nhưng các nhà khoa học lại quyết định chỉ có tâm thuần trí mới đáng tin cậy. Họ đã tìm cách loại bỏ trực giác, tuyên bố là nó chủ quan, trong khi tâm thuần trí thì không chủ quan. Tất nhiên đây là một lời tuyên bố giới hạn, vì con làm gì với cả hai loại tâm đó? Cho dù con dùng lô-gíc và lý luận hay con dùng trực giác thì con vẫn đang có một trải nghiệm trực tiếp về một điều gì vượt khỏi mức nhận biết bình thường của con.

Câu hỏi trở thành như sau: Vậy liệu con có sẵn lòng, khi con trở về mức nhận biết bình thường của mình, sử dụng trải nghiệm đó để tra vấn sự nhận biết của mình, tra vấn tâm mình? Hay con sẽ cố diễn giải trải nghiệm xuyên qua mức tâm thức hiện thời của con vì con muốn nó ăn khớp với phin lọc nhận thức, với hộp tư duy mà con đang có? Các nhà khoa học diễn giải các quan sát khoa học nhiều khi không trung lập hay khách quan. Chắc chắn họ không trung lập hay khách quan nếu họ là những nhà chủ nghĩa duy vật tiếp cận khoa học theo ý thức hệ. Họ sẵn có ý về cách họ muốn vũ trụ phải vận hành ra sao, xong họ áp chồng ý này lên quan sát khoa học vì họ nhất định sự quan sát phải ăn khớp với hệ thống tư tưởng của họ.

7.2. Một giải pháp trực nhận cho thuyết Big Bang

Đó là cách họ đã tạo ra thuyết Big Bang. Phải có sự khởi đầu ở đâu đó, và nếu con dùng tâm đường thẳng để đi đến vật nhỏ nhất con có thể tưởng tượng, thì con sẽ đến một cái gì tâm không thể tưởng tượng nhưng tâm có thể dán nhãn và gọi đó là một điểm dị biệt. Có ai biết cái đó là gì không? À, nhưng con hãy thử dùng tâm trực giác và nói: Big Bang – hay đúng hơn, quá trình thị hiện của vũ trụ vật chất – đã không khởi đầu với một điểm dị biệt. Nó đã khởi đầu với một cánh cửa mở ra giữa phổ tần số vật chất và phổ tần số nằm ngay bên trên, một độ rung cao hơn vượt quá phổ tần số vật chất. Không cần thiết là toàn bộ năng lượng của vũ trụ hiện hữu bị dồn nén lại trong một điểm độc nhất, bởi vì chuyện này rõ ràng không thể xảy ra. Điều cần thiết duy nhất là có một cửa mở giữa cõi cao hơn và cõi vật chất để năng lượng tuôn xuống qua cửa mở này.

Bây giờ, tất nhiên vẫn còn khái niệm giả tạo là nếu cửa chỉ mở ra ở đúng một điểm, thì sẽ khó lòng tưởng tượng nguyên vũ trụ rộng lớn này có thể khởi đầu ở một điểm độc nhất. Nếu như không phải vậy thì sao? Nếu như thay vào đó có rất nhiều cửa mở thì sao?Thay vì mọi thứ phải chui qua cái lỗ nhỏ độc nhất đó, nếu như có một lượng năng lượng rất lớn được giảm độ rung từ phổ tần số cao hơn xuống phổ tần số của vũ trụ vật chất thì sao? Nói cách khác, một sự thị hiện đồng bộ, một sự hòa nhập đồng bộ của năng lượng đi vào phổ vật chất, không từ một điểm độc nhất mà từ nhiều điểm.

Nếu vậy thì con không cần đến điểm dị biệt nữa. Bây giờ tất nhiên, tâm đường thẳng sẽ cãi: Chứng minh đi! Và thày sẽ nói: Con hãy dùng trực giác của con thì con sẽ trải nghiệm được sự thật. Làm sao thày diễn tả được đây? Vì tâm con có tiềm năng trở thành một điểm vào, một điểm tiếp nhận năng lượng đến từ cõi cao. Thật ra nếu tâm con không có khả năng này thì con đã không thể có ý thức. Từ ngày chủ nghĩa duy vật lên ngôi, các khoa học gia đã cố loại trừ tâm thức ra khỏi các nghiên cứu khoa học, bảo rằng: “Chúng tôi không cần nghiên cứu tâm thức làm gì vì tâm thức chỉ có thể chủ quan.”

Một nhà khoa học giỏi sẽ biết rõ các dụng cụ mình dùng, sẽ sẵn lòng xem xét những hạn chế của dụng cụ. Các nhà khoa học đã có thể dùng kính hiển vi quang học để quan sát hạt nhỏ nhất họ có thể quan sát nhưng vẫn lớn hơn bước sóng của ánh sáng khả kiến. Nếu họ có cùng tư duy như những nhà duy vật kia thì họ đã có thể quả quyết: “Không có gì nhỏ hơn hạt nhỏ nhất này. Không thể có gì nhỏ hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy qua kính hiển vi quang học này.” Con cần biết hạn chế của dụng cụ con dùng để con biết liệu con có đang quan sát chính xác hay không. À, đâu là dụng cụ cơ bản mà các nhà khoa học sử dụng? Đó là tâm họ. Không những họ dùng tâm họ để xây dựng lý thuyết hầu chế tạo dụng cụ quan sát, mà họ cũng dùng tâm họ để diễn giải các quan sát đó.

7.3. Sự mở rộng nhận biết dẫn đến kiến thức mới

Bây giờ con có thể trở ngược về 2500 năm trước khi thày hiện thân trên trái đất và con người không có nhận thức về bất cứ chuyện gì vượt ngoài khả năng giác quan của họ. Nhiều người không biết là trong cơ thể họ có những bộ phận, Chắc chắn họ không biết đến tế bào, phân tử, nguyên tử, hạ nguyên tử. Họ có thể quan sát năng lượng như ánh sáng mặt trời, nhưng họ thật không có khái niệm về năng lượng. Họ cũng không có khái niệm về rung động, tần số, bước sóng, biên độ. Ngay cả khái niệm về sóng năng lượng họ cũng không có. Họ có thể nhìn thấy sóng trên mặt nước nhưng họ không quan niệm được sóng năng lượng. Không có cách chi giải thích được cho họ. Kỳ thực, không có cách chi các nhà khoa học có thể xây dựng các thuyết hiện thời dựa trên những gì con người hiểu biết vào thời đó.

Điều gì đã xảy từ thuở đó? Nhân loại đã mở rộng nhận biết của mình, không những dựa trên khám phá mới mà cũng nhờ việc hình thành khái niệm mới. Ngày nay con người có nhiều khái niệm hơn hẳn cách đây 2500 năm, và đây là tại sao con người có thể giải thích những chuyện không thể nào giải thích trước đây. Một điều các nhà khoa học không ý thức là cách họ hình thành khái niệm có tác động đến cách họ nhìn toàn bộ vấn đề. Nó tác động đến các lý thuyết mà họ có thể xây dựng, các dụng cụ mà họ nghĩ họ sẽ chế tạo, các đo đạc mà họ nghĩ họ sẽ đo đạc, cũng như cách họ diễn giải các đo đạc đó.

7.4. Cái gọi là lưỡng tính sóng-hạt

Con cũng biết nếu con đã học môn này là trong khoa vật lý lượng tử có một hiện tượng gọi là lưỡng tính sóng-hạt (wave-particle duality). À, hạt là gì chứ? Hạt là một khái niệm đã khởi đầu trong cái tâm sử dụng giác quan để nhìn thế giới, để trải nghiệm thế giới. Mắt con có thể nhìn thấy một quả bóng bi-a, nó có thể nhìn thấy những vật nhỏ hơn rất nhiều xuống đến hạt cát. Cho nên con mang khái niệm về hạt là một hạt khả kiến, rồi khái niệm này được các nhà khoa học dùng tâm đường thẳng nới rộng ra, bảo rằng chắc phải có những hạt càng ngày càng nhỏ hơn cho đến hạt nhỏ nhất có thể. Đây là cái mà người Hy Lạp cổ gọi là nguyên tử, nghĩa là hạt bất khả phân chia. Rồi tới thời điểm các nhà khoa học hiện đại phát hiện cái họ nghĩ là hạt nhỏ nhất không thể phân chia thì họ cũng gọi là nguyên tử. Nhưng sau đó, họ khám phá là nguyên tử thật ra có thể được phân chia và có những hạt nhỏ hơn nữa – thường gọi là hạt hạ nguyên tử với những cái tên khác nhau.

Các thí nghiệm cho thấy là nếu con quan sát hiện tượng hạ nguyên tử này theo một cách nào đó thì nó cư xử như một hạt, nhưng nếu con quan sát theo cách khác, nó sẽ cư xử như một sóng. Cho nên các nhà khoa học nghĩ ra cái tên “lưỡng tính hạt-sóng”, xem như đây là một trong vài bí ẩn còn sót lại trong ngành vật lý hiện đại. Nhưng lưỡng tính hạt-sóng là kết quả của việc lấy một khái niệm vĩ mô (macroscopic) có thể được phát hiện bằng giác quan, rồi phóng chiếu nó lên thế giới vi mô (microscopic) không thể phát hiện bằng giác quan. Nếu con lấy thuyết của Einstein, thuyết này nói rằng mọi vật chất đều thực sự là năng lượng và năng lượng là sóng, thì làm gì có chuyện có hạt nào nhỏ nhất. Kỳ thực ở mức hạ nguyên tử, không hề có hạt nào mà con có thể nhận thức là hạt bằng tâm vỏ ngoài đường thẳng. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy các khái niệm mà con mang trong tâm ảnh hưởng như thế nào đến cách con nhìn thế giới, đến những kết luận mà con rút tỉa, và do đó đến những trải nghiệm mà con có về thế giới.

7.5. Quan niệm một Thượng đế cá nhân

Có rất rất nhiều người cởi mở với một giáo lý tâm linh nghĩ rằng giáo lý tâm linh có thể cho họ sáng ngộ về cách vận hành của thế giới. Hiển nhiên nhiều giáo lý làm công việc này, nhưng nhiều người cũng hy vọng là giáo lý tâm linh có thể giúp họ thay đổi hoàn cảnh vật lý của họ. Họ tìm kiếm một loại đũa thần được cài đặt trong giáo lý để họ có thể thay đổi hoàn cảnh vật lý. Ví dụ điển hình là người ta dựng lên ý tưởng là ở một cõi cao trên kia có một vị Thượng đế mà họ nghĩ là một ông già ngồi trên ngai trắng vĩ đại, đang nhìn xuống cá nhân họ và đánh giá từng việc họ làm là đúng hay sai theo quy chuẩn tối thượng của ngài.

Nếu con làm theo những gì Thượng đế này bảo là đúng – hay đúng hơn những gì mà một con người, một tu sĩ thuộc nhân gian, một nhà Bà la môn, đã quy định là đúng dưới mắt Thượng đế – thì con sẽ được tưởng thưởng và được lên thiên đàng. Còn nếu con không nghe theo các nhà Bà la môn của tôn giáo con thì con sẽ bị trừng phạt đày xuống địa ngục. Niềm hy vọng ẩn chứa trong thế giới quan này là bằng cách làm những điều được tôn giáo mình quy định, con có thể dụ dỗ vị Thượng đế cá nhân này ban cho con một số ân huệ, lấy đi một số trải nghiệm khó chịu và cho con những gì con mong muốn.

Tất nhiên đây là một niềm tin có từ cổ xưa và nhiều người đã sống bao nhiêu kiếp sống với niềm tin đó. Nhiều người thời nay từng sống với niềm tin này nhiều kiếp đến độ họ phải từ bỏ nó vì họ nhận ra là nó không hiệu nghiệm – ít ra là không có cách nào khiến cho nó hiệu nghiệm mỗi lần. Họ bước vào đầu thai trong thời đại hôm nay với một lòng ngờ vực sâu sắc đối với các tôn giáo truyền thống dạy về một Thượng đế sẽ toại nguyện mọi ước muốn. Lý do là vì họ trải nghiệm là mặc dù niềm tin này cho họ niềm hy vọng, nhưng rốt cuộc đây là một hệ thống tín ngưỡng tước đi quyền năng (disempowering). Bởi vì nếu Thượng đế này không đáp ứng nỗ lực ảnh hưởng ngài làm theo ý muốn của họ, thì họ sẽ chẳng làm gì được. Họ bị kẹt cứng, theo nghĩa đen. Họ bị tước mất quyền năng.

7.6. Một giáo lý tâm linh trao quyền năng

Lý do cách đây 2500 năm thày đã không nói đến một cõi tâm linh hay thần linh là vì thày muốn cho con người một phương pháp, một lời dạy trao quyền năng (empowering) cho con. Thế nào là trao quyền năng? Là con nhận ra sự kiện thày vừa nhắc đến lúc nãy. Tâm con có ý thức là do có một luồng năng lượng từ một cõi cao hơn đi vào tâm con. Năng lượng này đến từ cái ta cao của con – mà chúng ta không cần đào sâu ở đây – nhưng trước tiên nó đi vào tâm bản sắc của con. Ở đây năng lượng được phú cho đặc tính, hay nó khoác lấy hình dạng các hình ảnh con cầm giữ trong tâm bản sắc. Điều này khiến cho năng lượng mang đặc tính, cho nên nó khoác vào một hình tướng nào đó. Con có thể so sánh với một chiếc kính vạn hoa với nhiều lớp hạt màu khác nhau, và khi ánh sáng đi qua lớp hạt màu đầu tiên, nó khoác vào màu sắc đó, rồi cứ vậy nó đi qua các lớp màu tiếp theo.

Trước hết con có tâm bản sắc và ở đây con có ý niệm của con về con người mà con là cùng những gì con có thể làm. Nếu con cảm nhận mình là một sinh thể thụ động không có quyền năng thì đây là đặc tính mà năng lượng sẽ khoác vào khi nó đi vào tâm bản sắc của con. Rồi năng lượng đi qua tâm lý trí nơi con có thể có một số tin tưởng khác gây giới hạn – giới hạn những gì con có thể làm hay không thể làm – và bây giờ năng lượng khoác vào những đặc tính này. Cuối cùng nó đi vào tâm cảm xúc nơi con có thể có một số khuôn nếp xúc cảm như sợ hãi, nghi ngờ hay bất cứ gì khác, và một lần nữa điều này lại phú thêm đặc tính cho năng lượng. Thế rồi năng lượng đi vào tâm ý thức của con, khoác vào bất kỳ tin tưởng nào con có ở mức ý thức.

Con làm gì với tất cả năng lượng này? À, con dùng nó để suy nghĩ, để bày tỏ cảm xúc, con dùng nó để thốt ra lời nói, và con dùng nó để hành động, những hành động vật lý. Đây không phải là tất cả những gì con làm. Tâm con kỳ thực là một máy chiếu tương tự như máy chiếu phim trong rạp xi-nê. Nhưng thay vì chỉ có một cuộn phim độc nhất, nó có tới bốn cuộn phim, một cuộn cho mỗi thể trong số bốn thể phàm của con. Xuyên qua bốn tầng của tâm con, con liên tục chiếu phim vào năng lượng cấu tạo vũ trụ vật chất.

7.7. Tấm gương vũ trụ

Con có thể – và một số các con đã nghe các thày đề cập trước đây – con có thể so sánh vũ trụ vật chất với một tấm gương. Những gì con phóng chiếu ra ngoài bằng tâm con sẽ được tấm gương phản chiếu lại. Có nghĩa gì? À, đây thực sự là ý nghĩa sâu sắc hơn của lời dạy mà thày đã trao truyền 2500 năm trước về lý duyên khởi.

Tất cả mọi thứ trong thế giới vật lý trên hành tinh địa cầu được cấu tạo bằng bốn tầng này: tầng vật lý, tầng cảm xúc, tầng lý trí và tầng bản sắc. Vũ trụ vật chất có bốn tầng và mọi thứ biểu hiện ở tầng vật lý đều là sự phóng chiếu của những hình ảnh nơi ba tầng cao hơn. Tầng vật lý giống như một màn ảnh xi-nê có những hình ảnh được phóng chiếu lên đó xuyên qua máy chiếu. Tuy nhiên, vũ trụ vật lý có sự nối kết với tâm con người. Con người là những sinh thể đồng sáng tạo. Có một số sinh thể tự nhận biết đã tạo ra hành tinh địa cầu từ bên ngoài, nhưng con người là những sinh thể đồng sáng tạo tạo ra hành tinh địa cầu từ bên trong. Con làm việc này xuyên qua tâm con bằng cách cho phép năng lượng chảy qua tâm khoác vào các hình ảnh, các hình tư tưởng trong tâm, và phóng chiếu chúng vào tấm gương vũ trụ, phóng chiếu chúng vào năng lượng cấu tạo bốn tầng. Đây là ý nghĩa sâu xa hơn của lý duyên khởi đã không thể được giải thích 2500 năm về trước, nhưng có thể được giải thích ngày hôm nay ở một mức dễ nắm bắt hơn nhờ hiểu biết hiện thời về năng lượng.

Con thấy đó, con sống trong một hệ thống duyên khởi, một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Đúng là có một hành tinh vật lý có thực – chúng ta có thể tranh luận nó thực đến chừng nào, nhưng ngay bây giờ thì không phải là chuyện thích đáng nhất. Đúng là có một hành tinh vật lý có thực, nhưng hành tinh vật lý này là một phóng chiếu từ ba tầng cao hơn. Nói cách khác như thày đã giảng về Big Bang, thay vì toàn bộ năng lượng cấu tạo vũ trụ hiện thời bị dồn ép vào một điểm dị biệt, đã có một thời điểm khi vũ trụ không thị hiện vì không có năng lượng nào trong phổ rung động vật lý. Tất cả năng lượng đều nằm ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc. Rồi tới một điểm đã có một sự phóng chiếu đưa năng lượng vào phổ vật lý. Việc này không xảy ra ở một điểm độc nhất mà ở nhiều điểm, và những điểm này quy định một khoảng không gian là không gian nguyên thủy.

Năng lượng đã tiếp tục xối xuống cho tới khi nó bắt đầu kết tụ thành các hạt vật lý, xong các hạt này ngày càng phức tạp hơn, có tổ chức hơn, cho đến khi tất cả mọi thiên hà được hình thành như con thấy được ngày hôm nay – hay đúng hơn, còn nhiều thiên hà hơn nữa mà con chưa thấy được ngày hôm nay do vũ trụ quá vĩ đại. Đây đã là một quá trình xảy ra từ bên ngoài, nhưng về cơ bản, nó cũng xảy ra theo cùng một cách như con đồng sáng tạo, nghĩa là năng lượng được phép chảy qua bốn tầng của tâm cho đến khi nó được đưa vào phổ vật lý.

7.8. Một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau

Vậy ở đây con có một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Có bốn tầng trong cái chúng ta có thể gọi là vũ trụ vật chất, nhưng ở trong vũ trụ vật chất này có nhiều sinh thể tự nhận biết cá biệt, những con người, mỗi người với tâm cá biệt hiện hữu trong trường năng lượng rộng lớn hơn của cõi vật chất. Con có một tâm ý thức, một tâm cảm xúc, lý trí, bản sắc. Xa hơn, tất cả những tâm con người cá biệt này đều nối kết, hình thành cái chúng ta có thể gọi là tâm tập thể. Khoa học thậm chí đã khám phá là khi một số biến cố xảy ra, có một sự mạch lạc gắn kết trong tâm tập thể, và điều này ảnh hưởng đến các bộ sinh số ngẫu nhiên (random number generator). Thày không đang cố chứng minh một điều gì cho tâm đường thẳng mà chỉ muốn khích động trải nghiệm trực nhận của con.

Mọi thứ con làm đều được làm với năng lượng, nhưng con không là một hòn đảo. Ngay cả trường năng lượng của con cũng không là một hòn đảo vì con hiện hữu trong tổng thể này, một tổng thể duyên khởi. Tại sao nó lại trao quyền năng cho con, ngược lại với tước quyền năng? Bởi vì các tình huống vật lý của con liên kết với các tình huống trong bốn tầng tâm con. Chúng là những phóng chiếu. Phải, hoàn toàn đúng là các tình huống vật lý của con không chỉ là sản phẩm của sự phóng chiếu từ riêng tâm con. Chúng cũng là sản phẩm do tác động liên kết của tâm tập thể và tất nhiên cả sự phóng chiếu nguyên thủy đã tạo ra hành tinh.

Đây không phải là một niềm tin thần diệu vào một Thượng đề toại nguyện mọi ước muốn, có uy lực gạt qua bên quyền tự quyết của tám tỷ con người hầu ban cho con đúng những hoàn cảnh mà con muốn, vì như vậy là tước quyền năng. Nhưng nếu như Thượng đế không làm vậy thì sao, vì trong hầu hết trường hợp ngài sẽ không làm vậy? Với hiểu biết này, con có thể nhìn theo cách trao quyền năng và nói: “Có thể tôi không thể thay đổi từng khía cạnh trong hoàn cảnh vật lý của tôi, nhưng tôi có khả năng thay đổi một số bằng cách thay đổi những gì tôi phóng chiếu qua tâm tôi. Dù có tình huống vật lý tôi không thể thay đổi theo cách này, nhưng chắc chắn tôi có thể thay đổi cách tôi trải nghiệm nó, thay đổi cách tôi phản ứng với nó. Kỳ thực, tôi có thể đạt tới điểm tôi tự do chọn lựa, hoặc chọn một cách phản ứng xây dựng hơn, hoặc chọn không phản ứng gì cả.”

Đây là trao quyền năng. Và mặc dù thày đã không thể giải thích điều này cách đây 2500 năm, đó vẫn là điều thày đã cố giải thích. Chìa khóa để chuyển đổi bất kỳ khía cạnh nào của đời con là khởi sự thay đổi chính tâm con, nâng cao mức tâm thức của con. Đây là tinh túy của Bát chánh đạo. Con đi qua tám giai đoạn hay tám bước, qua đó con lần hồi nâng cao mức tâm thức của mình.

7.9. Lời nói và năng lượng

Vậy tất cả những điều vừa rồi liên quan thế nào với lời nói và lời nói cao hơn? Ấy, lời nói là một cách sử dụng năng lượng. Mỗi khi con mở miệng thốt ra âm thanh, con đang dùng năng lượng. Tuy nhiên, ngay cả khi con im lặng trong tâm bản sắc, lý trí và cảm xúc, thì con vẫn đang phóng chiếu, nhưng những phóng chiếu này không có tác động trực tiếp ở tầng vật lý như khi con hành động vật lý hay khi con phát biểu. Nói cách khác, khi con tạo ra một tác động có thể được quan sát bởi giác quan vật lý, điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hơn ở tầng vật lý so với khi con phóng chiếu từ một trong ba tầng cao.

Giọng nói là một dụng cụ đầy quyền năng có thể được dùng để phú đặc tính cho năng lượng, và con sẽ không bao giờ hiểu được khái niệm Chánh ngữ – hay như thày chọn diễn tả ở đây: lời nói cao – nếu con không hiểu là giọng nói của con chuyên chở và định đoạt tính chất của năng lượng. Năng lượng này sẽ tác động đến người khác, hoàn cảnh vật lý của con lẫn chính con.

Có thể con đã ý thức điều này vì con đã quan sát là nhiều lần con có thể có những cảm xúc mãnh liệt, thì con cảm được trong trường năng lượng của con có một sự xáo trộn. Có thể con không ý thức lắm về trường năng lượng của mình, nhưng con có thể cảm thấy có gì đó đang xảy ra. Nếu con rất tức giận, nó gần như có thể biến thành một hiệu ứng tự tăng cường, một vòng xoáy hướng hạ. Một khi con băng qua một lằn ranh nào đó, con mất hết tự chủ. Thường thường con biểu lộ nỗi giận qua giọng nói của mình và nó cuốn hút con vào một cơn lốc, một vòng xoáy đi xuống có thể rất khó lòng nào thoát khỏi. Có thể con đã quan sát sự giận dữ nơi người khác hay con đã trải nghiệm nơi chính con. Tất nhiên còn có nhiều loại cơn lốc hay vòng xoáy khác có thể khống chế con, và đây chỉ là một ví dụ về cách con sử dụng năng lượng. Con khiến cho năng lượng mang một sắc thái nào đó và nó tác động trực tiếp đến trạng thái tâm con.

Để biểu hiện lời nói cao hơn, con cần ý thức làm thế nào giọng nói của con phú cho năng lượng một đặc tính và phóng chiếu năng lượng. Con cần không làm vậy một cách đường thẳng, lý luận. Luôn luôn có cám dỗ muốn xử lý một cách đường thẳng, và đây là một chuyện khả dĩ. Hiện nay người ta đã có những dụng cụ có thể đo đạc giọng nói con người cùng sự rung động trong giọng nói con người. Con có thể dùng dụng cụ này nếu muốn, hầu lập ra một thang điểm đường thẳng, rõ ràng, có thể phát hiện những loại rung động khác nhau do giọng nói tạo ra. Một số người đã thử nghiệm điều này, chẳng hạn con thấy những nhà khoa học thí nghiệm ảnh hưởng của âm thanh trên đống cát đặt trên một tấm kính hay những loại dụng cụ tương tự. Điểm đáng nói là thay vì giàn dựng việc này theo kiểu phân tích, điều sẽ thực sự hữu ích cho con là con trau dồi khả năng trực nhận những gì đang diễn ra trong chính trường năng lượng của con khi con dùng giọng nói.    

7.10. Âm thanh ảnh hưởng trường năng lượng của con như thế nào

Con cũng biết là nếu ai đó nổi giận la hét với con, điều này tác động đến con. Lý do là vì họ đang phóng chiếu năng lượng mang một rung động đặc thù nào đó vào cảm thể của con. Mọi năng lượng đều có khả năng tương tác với những hình dạng năng lượng khác. Nếu con có một số khuôn nếp đặc thù trong thể cảm xúc và nếu người kia tức giận với con, nó sẽ khuấy động các khuôn nếp này. Chẳng hạn chính con cũng có thể nổi giận theo. Hoặc con có thể xấu hổ hay buồn phiền vì cảm thấy mình có lỗi khi người kia la hét buộc tội mình.

Điều này con có thể sử dụng. Con đã có khả năng này rồi nhưng con có thể tinh luyện và phát triển thêm nữa để con cảm rõ là có những loại lời nói phú cho năng lượng một đặc tính rung động thấp. Về cơ bản có hai loại rung động. Có rung động dựa trên tình thương, có rung động dựa trên sợ hãi. Có rung động cao hơn, có rung động thấp hơn. Con có thể học cách cảm nhận được điều này. Thật đơn giản, con trụ vào tim ngay trung tâm lồng ngực và con tự hỏi: “Tôi cảm thấy năng lượng đang cao hơn hay thấp hơn? Nó có nâng cao năng lượng của tôi chăng? Hay nó kéo thấp năng lượng của tôi xuống?” Con sẽ có thể cảm được là nếu có ai la mắng con thì năng lượng của con bị kéo thấp xuống, Và nếu có ai nói chuyện với con một cách tích cực, thương yêu, thì năng lượng của con được nâng lên.

Đây là những tiêu chí mà hầu hết người tâm linh đều có thể phát triển khá nhanh chóng. Tất nhiên một số đã làm vậy rồi. Con có thể lượng định mình sử dụng lời nói như thế nào và người khác sử dụng lời nói như thế nào. Điều này sẽ cho con một tiêu chí để lượng định: “Liệu đây có phải là loại lời nói tôi muốn tham gia vào không? Liệu tôi có muốn tạo ra những xung lực năng lượng thấp kém phóng về người khác?” Bởi vì dù con có gửi ra những gì, và cho dù con nghĩ con chỉ hướng nó về đúng một người và trong phòng này không có ai khác và không ai khác có thể nghe thấy con, thì bất cứ gì con gửi ra tấm gương vũ trụ vào bốn tầng của vũ trụ vật chất, cái đó sẽ trở về với con.   

7.11. Nghiệp thật ra là xung lực năng lượng

Đó là một cách để giải thích quan niệm cổ xưa về nghiệp (karma). Nghiệp là khi con dùng bốn thể phàm của con để phóng chiếu một xung lực năng lượng vào bốn tầng của vũ trụ vật chất. Xung lực năng lượng này khởi đầu nơi thể bản sắc của con, đi vào thể lý trí, vào thể cảm xúc, vào thể vật lý rồi được phóng ra ngoài. Trước tiên nó đi vào cõi vật lý, đi lên cõi cảm xúc, rồi cõi lý trí, rồi cõi bản sắc. Ở đây, nếu đó là một năng lượng dựa trên sợ hãi, nó không thể đi xa hơn, nó bị phản chiếu lại bởi cái thày đã gọi là tấm gương vũ trụ, và như vậy nó bắt đầu đập lại chính con, đầu tiên ở thể bản sắc, rồi thể lý trí, rồi thể cảm xúc, rồi thể vật lý. Đây là điều các tôn giáo và triết lý phương Đông gọi là nghiệp. Giản dị đó chỉ là sự phản hồi về chính con của năng lượng mà con đã gửi ra.

Bây giờ nếu như con phú cho năng lượng một rung động cao hơn, một rung động yêu thương thì chuyện gì xảy ra? À, cùng điều đó lại xảy ra. Nó lại đi xuyên qua bốn thể trong tâm con, đi vào bốn tầng của vũ trụ. Khi nó lên đến tầng bản sắc, rung động cao sẽ không bị chặn lại và phản chiếu trở về con. Kỳ thực nó sẽ vượt ra khỏi cõi vật chất, đi vào cõi cao hơn đến cái ta cao của con. Giờ đây con sẽ nhận được nhiều năng lượng hơn với rung động cao từ cái ta cao của con, khiến cho các khả năng sáng tạo của con gia tăng, năng lực tinh thần của con cũng gia tăng. Nó cũng giúp nâng cao tâm thức của con. Nói cách khác, khi con phú cho năng lượng một rung động thấp, năng lượng này được gửi trả lại cho con với rung động thấp. Khi con phú cho nó một rung động cao, nó được gửi trả lại cho con với rung động cao đó, nhưng nhiều hơn và mãnh liệt hơn. “Người nào đã có, sẽ nhận được nhiều hơn.” Đây là ý tưởng về các ta-lăng được nhân lên gấp bội mà Giê-su đã mô tả trong một truyện ngụ ngôn.

Vậy chúng ta cũng có thể hỏi: “Tại sao cuộc sống trên trái đất lại đau khổ? Tại sao lại có Biển Luân hồi?” Đấy, bởi vì trái đất là một hệ thống năng lượng, nhưng hiện nay phần lớn năng lượng trong hệ thống này bị tha hóa bởi một rung động thấp kém dựa trên sợ hãi. Có quá nhiều năng lượng sợ hãi trong hệ thống năng lượng và tâm thức tập thể, đến độ nó thường khiến cho tâm con người bị quá tải và con người bị đau khổ, cảm thấy buồn phiền, bất lực, tuyệt vọng, oán giận và đủ mọi thứ khác. Tất cả những cảm xúc thấp này liên quan đến sự kiện năng lượng trong tâm thức tập thể làm choáng ngợp trường năng lượng cá nhân của mỗi người. Phương thức để thoát khỏi sự thể này là đổ đầy trường năng lượng cá nhân của con với những năng lượng cao, rung động cao, và thanh lọc các rung động thấp khỏi trường năng lượng cá nhân của con.

Con thấy đó, thày có giảng là nếu con gửi ra một xung lực dựa trên sợ hãi, nó sẽ được gửi trả về cho con, nhưng tác dụng sẽ ra sao trên trường năng lượng của con? Tác dụng là sẽ có sự phản ứng lại, sự khuấy động, sự tăng cường các năng lượng thấp vốn có trong năng trường của con. Con trở nên căng thẳng hơn, bực dọc hơn, sợ hãi hơn. Nếu con loại bỏ năng lượng vốn có trong năng trường của con và cũng loại bỏ các khuôn nếp phản ứng đã khiến con tha hóa năng lượng với lòng sợ hãi, thì sẽ chẳng có gì để năng lượng tương tác với. Xong nếu con đổ đầy năng trường của con với rung động cao, thì khi rung động thấp quay trở lại, chúng sẽ được các rung động cao này biến hóa. Một lần nữa, đây lại là một điểm khó giải thích vào thời của Phật nhưng dễ giải thích ngày hôm nay qua các nguyên tắc động học sóng đơn giản.     

Nếu con hướng một sóng năng lượng với một độ rung nào đó vào một sóng năng lượng khác, sẽ có một mô thức giao thoa giữa hai sóng với kết quả là một sóng thứ ba phối hợp cả hai. Nói cách khác, con có một sóng năng lượng ở tần số thấp, nếu con hướng vào đó một sóng khác có tần số cao hơn, con có thể tạo ra một sóng thứ ba cao hơn sóng đầu tiên nhưng thấp hơn sóng thứ nhì. Kết quả chung cuộc là con đã nâng năng lượng thấp vào một trạng thái cao hơn.

Con thử nghĩ nếu con đã mang một khuôn nếp trong mấy kiếp sống và đã tha hóa năng lượng với lòng giận dữ, và năng lượng này có phần được phóng ra ngoài, có phần tích tụ lại trong trường năng lượng của con, thì con có thể thấy khuôn nếp đó không chỉ là một niềm tin – tin rằng con cần đáp trả bằng sự tức giận hay đây là cách đáp trả duy nhất. Một phần của khuôn nếp chính là năng lượng tác động lên cảm xúc của con, và con càng nhiều năng lượng giận dữ trong cảm thể thì con sẽ càng có xu hướng đáp trả, phản ứng lại bằng sự giận dữ trong đủ loại tình huống khác nhau. Nếu con bỏ được năng lượng này đi, con sẽ dễ nhìn ra khuôn nếp phản ứng hơn, nhìn ra tin tưởng đằng sau khuôn nếp và buông bỏ nó, hầu con được tự do và con vươn lên một mức tâm thức cao hơn, một cấp độ cao hơn trên đường tu.       

7.12. Dùng lời nói để chuyển hóa năng lượng

Tại sao thày lại nói tất cả những điều này khi chủ đề là lời nói? À theo truyền thống, các giáo lý đạo Phật hay các phong trào Phật giáo đã dùng nhiều dụng cụ tâm linh khác nhau để nâng cao tâm thức. Người ta đã dùng thiền quán im lặng, nhưng nhiều người cũng đã dùng pháp tụng niệm, đọc Om, đọc các câu chú hay một số âm tiết, và các pháp này cũng đã được sử dụng trong các truyền thống tâm linh hay nền văn hóa khác. Lý do làm vậy là vì con người từ thuở xưa đã biết sâu trong trực giác là việc sử dụng giọng nói của mình là một cách đầy quyền năng để thỉnh năng lượng có tần số cao và hướng nó vào năng lượng có tần số thấp. Nhờ vậy họ chuyển hóa năng lượng và giải phóng khỏi lực kéo trên tâm họ.

Bây giờ con thấy được là có hai khía cạnh khi con mang những dính mắc mà thày đã nói đến khoảng 2500 năm về trước. Một, con có một tin tưởng là một ảo tưởng, và hai, con có một số năng lượng đã được phú cho một đặc tính xuyên qua tin tưởng đó, và năng lượng này lôi kéo tâm ý thức của con. Nếu con đã tích lũy nhiều năng lượng giận dữ, thật không cần nhiều lắm để kích hoạt phản ứng giận dữ của con trong một số tình huống nhất định. Con có thể nhìn thấy những người với thời gian càng ngày càng có xu hướng phản ứng giận dữ, và lý do đơn giản là vì họ càng ngày càng tích tụ nhiều năng lượng giận dữ hơn trong cảm thể của họ, và nó áp đảo tâm ý thức của họ.

Khi con ý thức được điều này, và bằng cách sử dụng những loại dụng cụ thích hợp để thỉnh năng lượng có tần số cao, con có thể tự giải thoát khỏi lực kéo. Và cách mãnh liệt nhất để thỉnh năng lượng có tần số cao là dùng giọng nói của mình. Tất nhiên con có thể dùng các pháp tụng niệm truyền thống trong đạo Phật, nhưng cũng có những phiên bản hiện đại hơn, có khi gọi là bài chú hay bài thỉnh mà con có thể dùng trong mục đích này. Điều con nhận ra ở đây là ý nghĩa nguyên thủy của khái niệm lời nói, lời nói cao hơn, là con học cách dùng giọng nói của mình, quyền năng của giọng nói, để thỉnh và hướng năng lượng hầu năng lượng dựa trên sợ hãi được biến hóa trở lại thành năng lượng dựa trên tình thương. Khi làm vậy, con giải phóng tâm con để nhìn vào các khuôn nếp và bước lên một tầng cao hơn trên đường tu. Đây là điểm then chốt con cần ngộ ra liên quan đến lời nói.

Nhiều người trong các con đã sẵn cảm thấy là khi mình nói chuyện giận dữ hay bài bác thì năng lượng của mình bị kéo thấp xuống. Khi con nói chuyện tử tế yêu thương, năng lượng của con được nâng lên. Một lần nữa, với thời gian, nhiều Phật tử cũng như nhiều người tâm linh khác đã quyết định bằng tâm vỏ ngoài là trong tư cách người tâm linh, họ phải luôn luôn nói chuyện theo một cách nào đó. Họ phải tránh nói năng giận dữ, họ phải tránh nói to, họ phải luôn luôn ăn nói nhỏ nhẹ tử tế, và họ cho rằng như vậy là đủ, nhưng họ đang làm gì chứ? Họ đang dùng sức mạnh để trấn áp một số hình thức phát biểu và nuôi dưỡng một số hình thức khác.

Thày vừa cho con điều gì ở đây? Một giải pháp khác. Con không dùng sức mạnh để kềm chế xu hướng nói năng giận dữ, mà con dùng giọng nói của mình để chuyển hóa năng lượng đang lôi kéo tâm ý thức của con. Xong con dùng khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm, xem xét các khuôn nếp trong tâm cảm xúc, tâm lý trí và tâm bản sắc, và nhờ vậy con phá tan Maya là ảo tưởng đã tạo ra cái khuôn nếp khiến con phản ứng giận dữ. Con tự giải phóng khỏi lòng giận dữ thay vì dồn nén nó xuống. Đây là một khác biệt to lớn, cốt tủy.

Con có thể cho rằng bằng cách kềm chế mọi phát biểu thiếu hài hòa thì con đã chứng tỏ một sự tiến bộ vượt bực trên đường tu tâm linh, nhưng thày thà thấy con loại bỏ chỉ một khuôn nếp còn hơn là con kềm chế cả trăm khuôn nếp. Ít ra một khuôn nếp này sẽ đưa con lên một bước cao hơn, trong khi việc kềm chế sẽ chỉ khiến con cảm thấy mình không cần bước lên bước nào vì con đã là một đệ tử tâm linh cao cấp quá rồi. Một lần nữa, con có khả năng bước lên cao hơn và nhìn mọi chuyện như một cơ hội. Nhiều người tâm linh đã chấp nhận chuẩn mực quy định mình phải nói năng nhỏ nhẹ, không bao giờ được mất hài hòa, không bao giờ được to tiếng, không bao giờ được cáu kỉnh, và nếu làm vậy thì mình cảm thấy vô cùng xấu hổ và hối hận, mình phải tự khiển trách hay khiển trách người khác.

Thực sự tại sao một vị thày tâm linh lại muốn quan tâm đến cách cư xử như vậy? Đúng, nếu đấy là một khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại thì nó thật không xây dựng, nhưng thày vừa nói gì chứ? Con có thể nhìn mọi chuyện xảy ra trong đời con như một cơ hội để nhìn ra một điều gì đó trong tâm thức của con và khắc phục cái đó. Nếu con bị mất hài hòa và phát biểu giận dữ, thật chẳng ích gì mà tự khiển trách hay cảm thấy xấu hổ. Con chỉ bước lui lại và nói: “Ồ, đây là một cơ hội để tôi nhìn ra một khuôn nếp tôi đang có trong tâm tiềm thức. Khuôn nếp này là gì? Tôi sẽ bước vào lòng nó. Tôi bước vào lòng năng lượng, tìm ra cái tin tưởng đằng sau nó, gỡ rối nó cho đến khi tôi nhìn thấy nó.” Đây chính là phương thức xây dựng. Đây là cách cao hơn để dùng lời nói, để nhìn vào lời nói, tiếp cận lời nói.

Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn trao về chủ đề này. Cho nên thày sẽ niêm con trong lời nói vui mừng của Phật.

1 | Tiến bước trên con đường tâm linh đòi hỏi con sẵn lòng bị xao động

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. 

TA LÀ Chân sư Thăng Thiên Phật Gautama. Padmasambhava và thày đã bàn bạc với nhau để xem nên trao truyền điều gì cho các con, những học trò trực tiếp của các thày, ngõ hầu giúp các con trong thời điểm cụ thể này. Các thày cũng xem những gì trao truyền có thể giúp được những ai có tinh thần cởi mở đồng thời giúp cho cả hành tinh này nói chung. Hiển nhiên, nhờ có kết nối internet và cùng đọc các bài chú, bài thỉnh nên các con cũng đang giúp cho hành tinh này rất nhiều.

Giờ đây thày có thể nói gì về cuộc sống trên trái đất mà có ý nghĩa cho đại đa số mọi người? À, thày có thể nói cuộc sống khó khăn và đầy thử thách, hay như cách đây 2500 năm, thày nói về Khổ đế – Chân lý đầu tiên của Tứ diệu đế – rằng cuộc sống là đau khổ. Có lẽ hầu hết mọi người trên trái đất đều đồng ý như vậy. Nếu con bước lùi lại và đặt một câu hỏi khác: “Cuộc sống trên trái đất là gì vậy, có gì có thể so sánh với cuộc sống này không?” vậy thì đây là một cách khả dĩ để trả lời những câu hỏi này.

1.1. Cảm giác khi đầu thai 

Con có biết trước đây người ta có những bộ đồ lặn rất lớn, không thấm nước và khá nặng, gồm một cái mũ bảo hiểm to bằng kim loại có những lỗ nhỏ xíu để nhìn ra ngoài. Thày biết hầu hết các con tất nhiên chưa từng mặc bộ đồ lặn này nhưng dẫu sao con cứ hình dung đang mặc một bộ đồ như vậy và cảm thấy khá gò bó. Bộ đồ vừa nặng, lại kềnh càng, ngay đơ, khó chuyển động trong đó. Tất nhiên sau đó người ta dùng một sợi dây cột con vào một vật cố định trên mặt nước và có một cái vòi dùng để bơm không khí vào cái mũ bảo hiểm. Hãy hình dung chuyện gì xảy ra khi con ở dưới nước trong một bộ đồ như vậy. Bộ đồ đã khiến con cảm thấy gò bó, nhưng khi con xuống dưới nước thì áp suất của nước sẽ tác động lên thân thể con qua áp suất đè lên bộ đồ. Con càng xuống sâu thì áp suất nước càng lớn. Khi con ở trên mặt nước, ít nhất con có thể nhìn khá xa qua những lỗ nhỏ trên mũ bảo hiểm nhưng một khi con đã xuống nước, con không thể nhìn quá xa vì còn tuỳ thuộc vào độ trong của nước. Bây giờ con hãy hình dung để có thể xuống sâu hơn con cần phải đeo những vật nặng. Con có thể cần những đôi giày lặn thật nặng, hoặc chì lặn đeo ở thắt lưng để có thể chìm xuống đáy. Đó, tình trạng này giống như khi một sinh thể tâm linh, một sinh thể phi vật chất, còn gọi là hồn hay bất cứ tên gì mà con muốn gọi, bước vào hiện thân vật lý.

Con không chỉ đang mặc một bộ mà đến bốn bộ đồ lặn. Từ một sinh thể tâm linh đi xuống đầu thai, thoạt tiên con đi xuống một thể mà các thày gọi là thể bản sắc là trụ điểm của bản sắc của con. Bản sắc mà giờ đây con có trong kiếp sống này có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường con sinh ra, bởi nền văn hoá, bởi cách mọi người nhìn chính mình và bởi cái mà các thày gọi là tâm thức đại chúng. Con đã được nuôi dạy để xác định mình theo một cách nào đấy.

Đến thể tiếp theo, bộ đồ lặn tiếp theo con mặc vào là thể lý trí, là cách con nhìn cuộc sống, cách con nhìn khía cạnh “như thế nào” của cuộc sống, khác với khía cạnh “là gì” khi con nhìn qua thể bản sắc. Thể lý trí là những điều con có khả năng hay không có khả năng thực hiện, con thực hiện bằng cách nào, và nhiều cách vi tế con nhìn cuộc đời cũng như quy định về con người mình, những chọn lựa, những tuỳ chọn của con là gì.

Nhờ trí thể con có khả năng tranh luận đồng tình hay bác bỏ một quan điểm. Con có thể thấy thể lý trí của những người khác nhau có thể suy ra những kết luận rất khác nhau. Thậm chí người ta có thể nhìn vào cùng một ý tưởng, cùng một bằng chứng, nhưng có người đi đến kết luận không có Thượng đế, không có gì bên ngoài vũ trụ vật chất. Nhưng người khác lại kết luận chắc phải có cái gì đấy nằm ngoài vũ trụ vật chất, và tất nhiên còn vô số những câu hỏi khác mà mọi người không thể đi đến thống nhất. Đây là điều diễn ra rất nhiều trong trí thể, nhưng dĩ nhiên mọi thứ bắt đầu ở bản sắc thể vì có người lớn lên đã chấp nhận bản sắc mình là người sùng đạo, trong khi người khác xem mình là kẻ vô thần hay khoác vào rất nhiều các bản sắc khác nữa.

Thể thứ ba con khoác vào tất nhiên là thể tình cảm là trụ điểm của những cảm xúc của con. Một lần nữa tuỳ vào nơi con lớn lên, con đã được nuôi dạy để khoác vào những khuôn nếp quy định cách phản ứng của mọi người trong nền văn hóa của con đối với một số tình huống nhất định. Có người rất thụ động, họ có xu hướng phục tùng kẻ có thẩm quyền, họ không muốn lấy quyết định, họ có cảm giác mình không được quyền đòi hỏi. Có người lại hung hãn hơn, cảm thấy mình có quyền yêu cầu hay ngay cả áp đặt ý muốn lên người khác. Có người lại cảm thấy có quyền nổi giận, có người lại cảm thấy phải đè nén cảm xúc, không được giận dữ hay bộc lộ bất kỳ cảm xúc nào khác. Một lần nữa con thấy có vô số phản ứng.

Và cuối cùng tất nhiên là thể vật lý, đây là thể gò bó nhất trong bốn thể vì nó dày đặc nhất. Con có thể thấy việc một sinh thể phi vật chất đi vào bốn thể này quả thật rất bị gò ép. Con hiện thân bằng cách khoác vào bốn thể này. Dĩ nhiên đạo Phật và nhiều triết lý tâm linh khắp thế giới công nhận sự đầu thai. Con không chỉ đem vào kiếp sống này nền văn hoá nơi con lớn lên mà con còn đem theo các khuôn nếp bản sắc, lý trí, tình cảm từ các kiếp sống trước và giờ đây con có thể nói rằng cơ thể vật lý là một thân thể mới mỗi lần hiện thân, nhưng một số khuôn nếp từ quá khứ sẽ quyết định cơ thể vật lý kiếp này của con, quyết định sự vận hành và ngay cả xu hướng bệnh tật của nó.

Con thấy là khi con bước lùi lại và nhìn cuộc sống, con có thể nhận thấy một khi con ở bên trong bốn thể này, bốn bộ đồ lặn này, và một khi con đã lặn xuống dưới nước tức tâm thức tập thể hay trường năng lượng của trái đất, thì con không thể không cảm thấy bị gò ép. Đơn giản là không thể khác được. Con không thể đầu thai trên trái đất mà không cảm thấy áp lực rất lớn.

1.2. Nguyên nhân thật sự của khổ đau 

Đấy là ý nghĩa sâu sắc của Khổ đế, rằng cuộc sống là khổ đau. Vì vật chất dày đặc, tâm thức đại chúng dày đặc, vì những xung đột liên tục giữa người với người nên cuộc sống trên một hành tinh như trái đất chính là khổ đau. Con không thể thoát khỏi khổ đau bởi vì đây là môi trường con đang sống. Vậy thì con có thể làm gì? À, dĩ nhiên con có thể làm nhiều việc và các thày cũng đã trao truyền nhiều giáo lý nhưng chúng ta hãy tập trung vào Tập đế – Chân lý thứ nhì của Tứ diệu đế. Đau khổ xuất phát từ cái thường được gọi là ham muốn sai lầm. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc hơn, hiểu biết cao hơn đó là không có “sai” ngược lại với “đúng”.

Có một kiểu ham muốn đặc thù gây khổ đau và tất nhiên điều này có thể giảng giải ở nhiều mức độ hiểu khác nhau. Ở đây thày không đang tìm cách bác bỏ cách phần lớn Phật tử đã hiểu giáo pháp của Phật trong suốt 2500 năm qua. Thày không cố nói họ đã hiểu sai, nhưng điều con cần thấy đó là không chỉ trong đạo Phật mà trong hầu hết các tôn giáo khác và ngay cả trong các triết lý phi tôn giáo trên hành tinh này, thì con người có xu hướng xác định cái đúng đối lập với cái sai.

Đây lẽ tất nhiên là bản chất của tâm thức nhị nguyên. Có hai đối cực nhưng chúng không phải chỉ đối lập như trắng và đen. Có một sự phán xét giá trị được gán ghép lên hai đối cực này và điều này có nghĩa là người ta thấy một cực đúng và cực còn lại sai. Tương tự như vậy, nhiều Phật tử xuyên suốt mọi thời đại đã nhìn những ham muốn theo cách này và đã nỗ lực quy định bên này là những ham muốn sai mà Phật nói tới và bên kia là những ham muốn đúng mà Phật nói tới. Nhưng cùng lắm đây cũng chỉ là một mức hiểu biết nông cạn.

Người ta cũng có thể nói đây không phải là lời Phật dạy. Đây không phải là điều Phật đã nói 2500 năm trước vì Phật đã trao truyền những giáo lý về “các cặp” trong kinh Pháp cú. Khi con nói đúng và sai, con đã tạo ra một cặp và chính điều này khiến con rơi vào bẫy của tâm thức nhị nguyên. Quả thật chính trạng thái tâm thức nhị nguyên này là nguyên nhân của khổ đau. Giờ đây thày nói rằng con không thể đầu thai trên một hành tinh như trái đất mà không cảm thấy áp lực này, nhưng đó là vì tâm thức đại chúng trên trái đất bị ảnh hưởng rất mạnh bởi nhị nguyên, bởi các cặp, bởi những đối cực nhị nguyên, bởi những phán xét giá trị: tốt xấu, đúng sai, vân vân.

Dĩ nhiên nhiều người trên thế giới ngày nay sẽ không thể nắm bắt được điều đó. Họ sẽ không thể hiểu thấu nhị nguyên. Đây cũng là lý do tại sao các thày tâm linh luôn phải đối mặt với một số giới hạn. Con hãy quay lại hình ảnh một người mặc bộ đồ lặn, các thày muốn nói con người trên trái đất cũng đang mặc bộ đồ lặn nặng trịch như vậy, họ đang bị tất cả mọi thứ trì kéo xuống, vì vậy mà họ đang ở tận dưới đáy. Điều gì đang kéo họ xuống? Ấy, đó là cơ thể vật lý của họ, các khuôn nếp cảm xúc của họ, các tin tưởng lý trí của họ hay những con bò thiêng trong trí thể của họ, và ngay cả ý niệm bản sắc của họ. Những thành phần này nằm trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể là chì lặn của con, chúng kéo con xuống tận đáy đại dương.

1.3. Thách thức đặt ra cho các thày tâm linh 

Giờ đây chúng ta thấy con người trên trái đất, họ đang ở trong bộ đồ bốn thể phàm rất gò bó hiện đang trì kéo họ xuống đáy đại dương. Khả năng có thể nhìn xa thế nào tuỳ vào độ trong của nước nơi họ sống. Nhưng là những vị thày tâm linh, các thày đã giải phóng mình khỏi sức nặng này, giải phóng mình khỏi các bộ đồ lặn, các thày đã lên khỏi mặt nước và hoà mình vào ánh sáng mặt trời trong veo nhờ đó nhìn được rất rất xa, và giờ đây các thày đang cố gắng liên lạc với những người trong bộ đồ lặn nặng trịch còn ở tít dưới đáy biển và không có khả năng nhìn xa hơn mũi mình ba mét.

Khi con bước lùi lại và bằng trí năng bước ra ngoài bộ đồ lặn thì con có thể nhận ra vấn đề. Các thày, những vị thày tâm linh, đang trải nghiệm một thực tại hoàn toàn khác với những gì hầu hết mọi người đang trải nghiệm ở đáy biển. Các thày đang nỗ lực cho mọi người biết có một chọn lựa khác hơn những điều các con đang trải nghiệm. Có một góc nhìn khác, một cách khác để nhìn cuộc sống, và các thày đang cố gắng nói trước tiên là các con nên mong muốn đạt được tầm nhìn rộng lớn hơn này. Các thày cũng muốn nói, mặc dù không thể đạt được một tầm nhìn toàn vẹn như các thày đang không hiện thân, nhưng các con có khả năng tối thiểu đạt được một tầm nhìn rộng lớn hơn khi vẫn đang đầu thai. 

Nhưng có bao nhiêu người có khả năng trụ vững vào đó? Có bao nhiêu người hiểu được có một cách nhìn đời khác với cách họ đã được dạy dỗ trong kiếp này, khác với những điều họ đã khoác vào trong nhiều kiếp trước? Bao nhiêu người có thể nắm bắt được điều này?

Điều đã xảy ra với triết lý Phật giáo và nhiều giáo lý tâm linh của các tôn giáo khác, là tất nhiên các triết lý này được trao truyền từ một tầm nhìn cao hơn, một tầm nhìn rộng hơn so với hầu hết mọi người trên trái đất. Nhưng mọi người không thể nâng tâm thức lên để đạt được tầm nhìn này, và tất nhiên một vị thày tâm linh không mong đợi như vậy. Nếu là một vị thày tâm linh, con mong đợi mọi người sẽ theo con đường tuần tự đi từ mức nhận biết hiện thời, tầm nhìn hiện thời của họ, và rồi từng bước một mở rộng sự nhận biết, mở rộng tầm nhìn và ít ra cũng đến gần hơn với tầm nhìn của vị thày. Tuy vậy, điều không thể tránh xảy ra và đã xảy ra với tất cả các tôn giáo và các triết lý tâm linh, đó là có những người bị thu hút bởi triết lý và vì vậy họ phải (và họ không thể làm được gì khác) tiếp cận triết lý này ở tầng mức nhận thức hiện thời của họ. Có nghĩa không thể tránh việc họ phóng chiếu điều gì đó lên giáo lý tâm linh. Các thày cũng có thể nói vì họ tiếp cận giáo lý từ bên ngoài cho nên để giáo lý tới được tâm ý thức của họ, giáo lý này phải đi qua phin lọc của cảm thể, trí thể và bản sắc thể, thậm chí qua cả thể vật lý và bộ não của họ.

Con có thể nói con đang mặc bốn bộ đồ lặn và ở ngay chính giữa những bộ đồ lặn này là con, tức cốt lõi của bản thể con như một sinh thể tự nhận biết. Nhưng con không thể nhìn thế giới một cách trực tiếp như nó là, con chỉ có thể thấy qua bốn bộ đồ lặn, tức bốn thể phàm tạo thành một phin lọc. Vì thế, một lời dạy tâm linh là một xung lực đến với con từ bên ngoài, và để có thể tới được con như một sinh thể có nhận biết, một sinh thể có khả năng suy nghĩ, khả năng đưa ra quyết định, thì lời dạy này phải đi qua phin lọc của bốn thể, tức bốn tầng của tâm.

1.4. Làm thế nào một giáo lý tâm linh có hiệu quả được?

Tuỳ thuộc những gì có trong bốn thể của con trước khi giáo lý tâm linh tới được con, những thứ này sẽ lọc lựa và pha màu giáo lý. Câu hỏi là: “Làm thế nào một giáo lý tâm linh có hiệu quả được?” À, nó chỉ có thể hiệu quả nếu con, cái ta mà con là, hiểu được cách vận hành cơ yếu của một giáo lý. Vậy mục đích trao truyền một giáo lý tâm linh là gì? Mục đích là cho con thấy có một cách vượt ngoài tâm con, con thấy con có khả năng vượt khỏi tầm nhìn hiện tại của con, tầng mức nhận thức hiện nay của con, và giáo lý này nhằm cho con một công cụ để con đi muốt chặng đường này, là quá trình vượt khỏi nhận thức hiện nay của con về thế giới, phin lọc nhận thức hiện nay của con, cách nhìn đời hiện nay của con.

Nếu một người không hiểu điều này thì chuyện gì sẽ xảy ra? À, họ sẽ nắm lấy giáo lý rồi áp chồng lên trên giáo lý những gì họ có trong ba thể cao của họ. Họ sẽ chồng lên giáo lý các khuôn nếp cảm xúc, khuôn nếp lý trí và một ý niệm bản sắc nào đó. Một kết quả tiêu biểu của việc này là có nhiều người trên thế giới khao khát cảm thấy cao trội hơn người khác. Họ sẽ thường nắm lấy một giáo lý và dùng bất kỳ lời dạy nào để tạo dựng một lớp phủ lên giáo lý, khiến những ai theo giáo lý này, những ai sống theo đủ bộ các yêu cầu vỏ ngoài này, tuân thủ những quy tắc, công phu tu tập, đều cảm thấy mình cao trội hơn những kẻ không theo giáo lý.

Con thấy trong hầu hết mọi tôn giáo trên trái đất đều có những người cảm thấy họ cao trội hơn kẻ ngoại đạo. Rất rất nhiều Phật tử cảm thấy như vậy. Tất nhiên nhiều người Cơ đốc giáo, người theo Ấn giáo, Hồi giáo, hay bất cứ tôn giáo nào khác đều có cảm nhận như vậy. Và đây chỉ là một thí dụ cho thấy khi con không nắm bắt được cách vận hành cơ yếu của một giáo lý tâm linh thì con sẽ áp chồng nội dung trong tâm tình cảm, lý trí và bản sắc của chính mình ở tầng tiềm thức lên giáo lý này. Về bản chất, con đang kéo giáo lý vào bộ đồ lặn của mình.

Thày đã nói khi con mặc một trong những bộ đồ lặn này, con cần có một cái vòi bơm không khí vào mũ bảo hiểm nhưng cũng có một sợi dây cột con với mặt nước phía trên. Một giáo lý tâm linh là gì? À, giáo lý là sợi dây. Câu hỏi là con định làm gì với sợi dây đó? Con có thể thấy rất rất nhiều người khắp nơi trên thế giới không hề biết có sợi dây này. Họ đơn giản chỉ lang thang ở đáy biển tìm kiếm một thứ gì đấy với tầm nhìn rất hạn hẹp. Nhưng với những ai đã tìm thấy một giáo lý tâm linh thì họ nhận ra: “Ồ, đây là sợi dây tôi có thể nắm lấy.” Nhưng câu hỏi giờ đây là: Họ có hiểu mục đích của sợi dây không? Họ có nói: “Ô, chắc phải có cái gì ở cuối sợi dây và nếu tôi lần theo nó mà leo lên thì liệu tôi có tìm thấy cái gì đấy ở cuối sợi dây không?”

Và dĩ nhiên đây là mục đích của sợi dây. Con lần theo sợi dây để leo lên, nhưng những ai không hiểu được cách vận hành cơ yếu của một giáo lý tâm linh thì sẽ làm chuyện khác. Họ sẽ kéo sợi dây về phía họ cho đến khi cả sợi dây rơi xuống tới tầng cấp của họ, rồi họ quấn sợi dây xung quanh mình để giờ đây sau khi tiếp cận một giáo lý tâm linh hay một tôn giáo, họ lại càng bị bó chặt hơn trong bộ đồ lặn ban đầu. Sợi dây đáng lẽ dùng để giải thoát họ, nay lại được họ dùng để quấn chặt hơn nữa xung quanh người mình, bởi vì giờ đây tất cả những ý tưởng về một người Phật tử, một tín đồ Hồi giáo hay một tín đồ Cơ đốc giáo cần phải hành xử ra sao, cảm thấy thế nào, nên suy nghĩ kiểu gì hay xác định mình là ai, khiến họ khó nhúc nhích.

1.5. Mong muốn thoát khỏi áp lực 

Đây là hoàn cảnh trên trái đất và điều này đưa chúng ta quay trở lại với những mong muốn đúng đắn. Mong muốn sai lầm gây khổ đau, vì vậy những ai kéo sợi dây về phía mình lý luận rằng nếu họ xác định được những mong muốn nào là đúng và trau dồi những mong muốn này thì chắc chắn họ sẽ thoát khổ. Nhưng việc làm này sẽ không đem lại kết quả. Rất rất nhiều người, không chỉ các Phật tử mà cả những người theo các tôn giáo hay các giáo lý tâm linh khác đã chứng minh điều này không đem lại kết quả, nhưng con không thể giải thích được cho họ khi họ không hiểu được mục đích của một giáo lý là để giúp họ thấy cái mà hiện giờ họ không thể thấy, giúp họ thấy cái vượt ngoài trạng thái tâm hiện nay của họ.

Sự khác nhau giữa người giác ngộ và chưa giác ngộ là gì? Chỉ khác một điều duy nhất đó là trạng thái tâm. Để đi về phía giác ngộ (và Bát chánh đạo được định nghĩa là một quá trình đi về phía giác ngộ), con phải bắt đầu ở tầng mức của mình. Con không thể nhảy một bước vĩ đại, hay ít nhất hầu hết mọi người không thể nhảy một bước vĩ đại. Bát chánh đạo là một quá trình đi dần từng bước có hệ thống giúp mọi người có thể tiến đến giác ngộ. Có nhiều điều cần nói về điều này và thày sẽ trở lại đề tài này sau. Nhưng điều căn bản của Bát chánh đạo đó là có một quá trình dẫn con đi từ nơi này đến nơi kia. 

Nơi kia là gì? Ấy, đó là nơi, như thày đã nói, con giải phóng chính mình khỏi tầm nhìn hạn hẹp hiện nay và đạt được viễn kiến rộng hơn, một trạng thái tâm khác hơn. Hay nói cách khác từ một nhãn quan nào đó, sự khác nhau giữa người chưa giác ngộ và người đã giác ngộ là tầng cấp nhận biết. Rồi con có thể định ra một con đường tuần tự đưa con từ mức nhận biết hiện thời lên đến những mức nhận biết ngày càng cao hơn, cho đến khi con đạt đến trạng thái tự do khỏi hầu hết các giới hạn chung của con người.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể định nghĩa điều gây ra đau khổ là những mong muốn, nhưng đó là loại mong muốn nào? Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bị hạn chế vì tất cả đều đang mặc bộ đồ lặn. Mọi người cảm thấy bị cản trở bởi một loạt các giới hạn đối với những gì mình có khả năng hay không có khả năng làm. Họ thường cảm thấy hoàn cảnh bắt buộc họ phải làm nhiều điều.

Ở tầng cấp cơ bản nhất, con phải nuôi sống cơ thể vật lý. Và nếu con không phải là Thái tử Tất đạt đa lớn lên trong cung điện xa hoa được cung cấp mọi thứ cần thiết, thường thường con sẽ phải làm lụng vất vả để nuôi sống cơ thể vật lý, thì ngay ở điểm này nhiều người cảm thấy bị áp lực. Nhưng cũng có nhiều thứ khác mà con người cảm thấy bắt buộc phải làm. Nhiều áp lực đè nặng lên cảm thể. Nhiều khuôn nếp trong tâm lý trí khiến người ta cảm thấy buộc phải đương đầu với những ý tưởng nào đó. Và tất nhiên, nơi bản sắc thể, con bị áp lực phải xem mình thuộc thành phần của nhóm người này hay nhóm người kia. Và có lẽ ngay cả khi con là một thành phần của nhóm này thì cũng có nghĩa con phải chống lại nhóm kia, con phải đánh nhau với họ, tranh đấu với họ. Các thày có thể nói là nhiều người cảm thấy những áp lực này. Vậy họ mong muốn điều gì? Họ khao khát điều gì? À, họ mong muốn rũ bỏ áp lực hay ít nhất tìm cách giảm nhẹ áp lực. Mọi người có rất rất nhiều mong muốn liên quan đến áp lực mà ai ai cũng đều cảm thấy trong hoàn cảnh hiện tại của mình, cho dù áp lực đó là gì tùy theo nơi họ lớn lên.

Con có một số mong muốn như thoát khỏi những giới hạn, giảm bớt các áp lực. Câu hỏi là: “Những mong muốn như vậy có toại nguyện được không?” Và câu trả lời tất nhiên là: có và không. Nhiều người đã giảm bớt được phần nào áp lực đời sống. Chẳng hạn có nhiều người ở một số nơi trên thế giới được đi học, có công ăn việc làm với thu nhập ổn định và đều đặn nên họ không phải lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống. Những nhu cầu này đã được chu toàn. Nhưng như vậy họ có thoát khỏi áp lực không? Họ thoát khỏi một số áp lực nhưng chắc chắn nhiều người vẫn bị đè nặng bởi các áp lực khác.

Nhìn chung con thấy con có thể tự do khỏi một số áp lực nào đó của cuộc sống nhưng vô cùng khó khăn để tự do khỏi tất cả mọi áp lực. Tại sao lại vậy? Ấy, đó là vì con đang tìm kiếm tự do khỏi áp lực nhưng áp lực này ở đâu? Con trải nghiệm áp lực này ở đâu? Con có thể nói: “Tôi đang mặc bộ đồ lặn này ở dưới nước và sức nặng của nước tạo một áp lực lên tôi, chính việc tôi đang đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất cùng với tâm thức tập thể cũng dày đặc thì có một áp lực bên ngoài tác động lên tôi.” Cũng đúng, quả là có một áp lực bên ngoài.

1.6. Cái biết cốt yếu trong một giáo lý tâm linh 

Nhưng cái biết cốt yếu trong một giáo lý tâm lính là sự khác biệt giữa áp lực bên ngoài và việc trải nghiệm áp lực này bên trong. Một lần nữa con người ở mọi thời đại đã không nắm bắt được điều này. Họ đã học một giáo lý tâm linh truyền đạt những ý tưởng này dưới một hình thức nào đó trong khuôn khổ một thời đại và một nền văn hóa khi các ý này được trao truyền. Nhưng họ đã không nắm được sự khác biệt giữa áp lực bên ngoài và việc trải nghiệm áp lực này bên trong. Điều này có nghĩa là gì?

Ấy, con đang cảm nhận áp lực từ thế giới. Giờ đây con tìm thấy một giáo lý tâm linh và một lần nữa đây lại là một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các vị thày tâm linh. Các thày đã vượt lên trên áp lực. Các thày không có cảm giác áp lực. Các thày trải nghiệm tự do và sự hỷ lạc nhiều hơn vì các thày không cảm thấy áp lực này. Các thày thấy các con đang chịu áp lực, nhưng các thày cũng thấy nhiều người bị áp lực đè nặng đến mức họ không thể nghĩ xa được. Các thày cần cho họ động lực để ít ra còn khích lệ họ học giáo lý tâm linh đang được trao truyền cũng như tham gia vào quá trình theo học và áp dụng giáo lý.

Điều gì thúc đẩy những người đang chịu một áp lực rất lớn? Ấy, đó là họ muốn tự do thoát khỏi áp lực. Một giáo lý tâm linh phải ngầm cam kết là con có thể được giải thoát khỏi áp lực. Tất nhiên lời cam kết này đúng sự thật – và đồng thời cũng không thật. Vì nếu con nhìn vào một giáo lý tâm linh và như thày đã nói, con kéo sợi dây xuống rồi con quấn nó quanh mình thì cam kết này không thật vì giáo lý sẽ không giúp con tự do khỏi áp lực. Tại sao vậy? Đó là vì áp lực mà con trải nghiệm không đến từ bên ngoài.

Thày vừa nói gì? Bất kỳ một xung lực nào phóng tới con đều phải đi xuyên qua cảm thể, trí thể và bản sắc thể trước khi chạm được vào con, tức sinh thể có ý thức bên trong bốn bộ đồ lặn. Áp lực cũng giống như vậy. Có một áp lực từ thế giới ngoài kia, từ tâm thức đại chúng. Chúng ta không thể chối bỏ điều này. Thày không hề cố nói là không có áp lực nào lên con. Nhưng việc trải nghiệm áp lực này diễn ra trong tâm con, và vấn đề là con có những khuôn nếp cảm xúc gì, những tư tưởng gì, niềm tin gì và ý niệm bản sắc gì. Những điều này tạo ra trải nghiệm áp lực cho con. Áp lực có đó, nhưng chính việc con trải nghiệm áp lực như thế nào mới tác động đến con.

1.7. Sử dụng một giáo lý tâm linh như thế nào 

Một lần nữa, con đang ở đây, con đang đầu thai trên một hành tinh rất khó khăn. Con tìm ra một giáo lý tâm linh. Vậy làm sao con sử dụng giáo lý này? Giả dụ như mục tiêu của con là giảm bớt phần nào áp lực mà con đang cảm thấy. Và lúc này con nói: “Đây là giáo lý đã hứa là tôi có thể tìm thấy tâm an bình hay giác ngộ hay niết bàn”. Nhưng làm sao điều này xảy ra? Có phải bằng việc tìm ra một giáo lý tâm linh đặc thù rồi quyết định theo học giáo lý thì con có thể loại bỏ những áp lực bên ngoài đang đè nặng lên con? À tất nhiên là không phải vậy. Vì áp lực bên ngoài một phần do độ dày đặc của vật chất, phần còn lại do độ dày đặc của tâm thức đại chúng liên quan đến tất cả mọi người trên hành tinh này.

Làm sao việc con tìm ra và đi theo một giáo lý tâm linh có thể thay đổi được điều kiện bên ngoài này? Làm sao con thay đổi được độ dày đặc của vật chất và tâm thức đại chúng khi con ngồi đâu đó trong một tu viện Phật giáo, chân xếp bằng, tụng niệm hay nghiên cứu kinh điển? Một giáo lý tâm linh trao truyền từ những sinh thể đã tự do khỏi áp lực, khỏi bộ đồ lặn, chưa bao giờ đưa ra những cam kết như vậy. Những ai đã đạt được tự do sẽ không bao giờ cam kết như vậy. Chọn lựa còn lại là gì? Đó là việc đi theo một giáo lý tâm linh sẽ không loại bỏ áp lực nhưng nó sẽ thay đổi cách con trải nghiệm áp lực. Một giáo lý tâm linh không thể làm gì khác. Nó chỉ có thể thay đổi kinh nghiệm bên trong của con, nó không thể thay đổi hoàn cảnh bên ngoài.

Dĩ nhiên đây là lời phát biểu cần được giải thích thêm vì mọi việc đều là sự trải bày của lý duyên khởi mà thày sẽ trình bày sau. Do đó, bằng việc thay đổi tâm thức mình, hoàn cảnh bên ngoài cũng sẽ thay đổi. Nhưng ngay bây giờ chúng ta cần nhận ra là cho dù con có thay đổi tâm thức nhiều thế nào đi nữa, con cũng sẽ không thay đổi được nền tảng cơ bản của vật chất dày đặc và tâm thức đại chúng dày đặc. Con không thể mong thay đổi toàn bộ áp lực này. Nhưng bằng việc đi theo một giáo lý tâm linh, con có thể mong thay đổi cách mà áp lực này ảnh hưởng đến con, cách con trải nghiệm cuộc sống trên trái đất. Và đây là cốt lõi của bất kỳ giáo lý tâm linh nào. Đây là sự thật của bất kỳ giáo lý tâm linh nào. Mục tiêu chính của bất kỳ giáo lý tâm linh nào là giúp con nhận diện chì lặn đang trì kéo bộ đồ lặn của con ở những tầng tình cảm, lý trí và bản sắc, giúp con thấy những chì lặn này, đem chúng vào tâm ý thức và nói: “Tôi có muốn tiếp tục kéo lê những thứ này không?” Và nếu con trả lời là không thì con hãy buông bỏ chúng.

1.8. Mong muốn bất khả thi 

Một mong muốn mang tính xây dựng và không mang tính xây dựng là gì? Ấy, mong muốn dựa trên tầng nhận biết hiện tại của con và mong muốn thoát khỏi áp lực là một mong muốn không mang tính xây dựng vì nó trói buộc con vào tầng nhận biết hiện tại. Mong muốn này chống lại sự tăng triển vươn lên những tầng nhận biết cao hơn. Làm sao có thể khác được? Khi có chì lặn trong bộ đồ lặn, trong cái đai của bộ đồ lặn thì chúng sẽ kéo con xuống do tác động của trọng lực. Trọng lực của tâm thức đại chúng sẽ kéo con xuống. Không có cách nào khác, đơn giản đây là vật lý học cơ bản, là định luật cơ bản của tự nhiên. Duy có điều đây là vật lý học nằm ngoài tầng cấp vật chất nhưng bao gồm mọi tầng của thế giới vật chất, tình cảm, lý trí và bản sắc.

Những gì giống nhau sẽ thu hút nhau. Có một trọng lực, và lực này sẽ thu hút mọi thứ con đang có trong tâm tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Không có cách nào khác. Hầu hết mọi người lần đầu tìm thấy một giáo lý tâm linh thì họ mong muốn điều gì? Họ mong muốn thoát khỏi áp lực bằng cách dùng những thành phần sẵn có trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Như vậy, thày đã nói gì? Trải nghiệm áp lực của con được quyết định bởi những gì có trong ba thể của con, ba tầng của tâm con. Chính những thành phần này khiến con trải nghiệm áp lực theo cách con đang trải nghiệm.

Giờ đây con tìm ra một giáo lý tâm linh hứa rằng con có thể thoát khỏi áp lực này. Và con nghĩ chỉ cần học giáo lý vỏ ngoài và thực hành vỏ ngoài là con có thể thoát khỏi áp lực mà không cần làm việc với những thành phần trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Hay nói cách khác, con có thể thoát khỏi trải nghiệm mà không cần làm bất kỳ điều gì với chính những điều kiện đã tạo ra trải nghiệm đó.

Điều này không thể thực hiện được, không bao giờ có thể thực hiện được. Không có đường tắt nào sẽ giúp con thực hiện được. Đó là một mong muốn bất khả thi. Vì vậy từ một viễn quan nào đó, các thày có thể nói đây là một mong muốn sai lầm. Chắc chắn đây là ý thày muốn nói trong lời dạy 2500 năm về trước. Con cần trong lọc các mong muốn để không chờ đợi những kiểu đường tắt giúp thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi áp lực nhưng lại không chịu nhìn vào chính mình và tâm mình. Hãy nhìn những điều kiện trong tâm đang tạo ra trải nghiệm áp lực nơi con – đây là cách thực tế duy nhất để nhìn vào một giáo lý tâm linh.

1.9. Nhu cầu duy trì sự liên tục 

Giờ đây điều gì ngăn mọi người nắm bắt điều này hay hiểu ý nghĩa về mong muốn trong Tập đế – Chân lý thứ nhì của Tứ đế? Ấy, đấy là nội dung của Diệt đế – Chân lý thứ ba của Tứ đế gọi là sự dính mắc. Mọi người đều có một nhu cầu thường không được xã hội, hay ngay cả ngành tâm lý hiện đại nhận ra. Các thày có thể gọi đó là nhu cầu an toàn, nhu cầu bình an, nhưng sẽ xây dựng hơn nếu gọi đó là nhu cầu duy trì sự liên tục.

Nhu cầu này phát xuất từ phản ứng của con đối với áp lực, những áp lực bên ngoài. Nếu con nhìn điều này từ một viễn quan nào đó, thì con có thể nói tất cả nhân loại đều có khả năng bị cái gọi là suy sụp tinh thần. Ngày càng có nhiều người đang phải chịu khủng hoảng tinh thần, ngay cả những người trong thế giới hiện đại không gặp khó khăn vật chất. Mọi việc trở nên quá sức, quá tải và họ không thể đương đầu với cuộc sống. Họ không thể sinh hoạt theo một cách được xem là bình thường trong xã hội. Đằng sau điều này là gì? À, điều đằng sau đó là một sự việc rất đơn giản, con sống trên một hành tinh nơi con phải tiếp xúc với một áp lực quá lớn ở thể vật lý, thể tình cảm, thể lý trí, thể bản sắc đến mức không ai có thể đương đầu nổi.

Con không thể sống sót về mặt tinh thần, tâm lý, trước áp lực trên hành tinh này nếu con không tìm ra cách bảo vệ mình trước áp lực. Hay nói cách khác, áp lực quá lớn đến mức không chịu nổi. Vậy tại sao nhiều người vẫn tìm được cách sống tương đối bình thường? Vì họ cũng có khả năng gạt bỏ phần nào áp lực. Đây là điều thày muốn nói khi đề cập đến vài thành phần trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể hoạt động như một phin lọc giữa con và thế giới xung quanh. Nhờ những phin lọc này mà con có thể ngăn chặn, có thể kìm nén những cảm xúc, kìm nén những tư tưởng, kìm nén một số áp lực ở bản sắc của con và nhờ vậy con không bị quá tải nên con mới có thể sinh hoạt được.

Điều thày có thể nói là đại đa số mọi người đã tạo dựng một cảm giác cân bằng cho phép họ có đời sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, việc liên tục chịu áp lực khiến luôn luôn có nguy cơ xảy ra điều gì đó phá vỡ thế cân bằng này khiến người ta trở nên quá tải, quá sức. Chính cơ cấu nhằm duy trì trạng thái cân bằng này là lý do khiến người ta dính mắc. Con bị dính mắc vào những khuôn nếp cảm xúc nào đó vì mặc dù con không ý thức được điều này nhưng con vẫn cảm thấy chúng bảo vệ con khỏi những cảm xúc choáng ngợp. Các khuôn nếp lý trí cũng tương tự như vậy. Chẳng hạn có nhiều người sùng đạo rất dính mắc với những khuôn nếp ngăn họ không nghi ngờ tôn giáo của mình. Đây là nguyên nhân của dính mắc.

Thày đã không thể trao truyền giáo lý này cách đây 2500 năm vì tâm thức đại chúng thời đó thấp hơn bây giờ rất nhiều, và rất ít người, hầu như không một ai hiểu được điều này. Nhờ những tiến bộ ở nhiều lĩnh vực trong thế giới hiện đại, trong ngành tâm lý học nhưng không chỉ trong ngành tâm lý học, mà giờ đây thày trao truyền được một giáo lý sâu sắc hơn. Về căn bản, các thày có thể nói để sống sót về mặt tâm lý trên hành tinh này, hầu hết mọi người đều dựng lên những thành luỹ bảo vệ mình khỏi những áp lực quá sức. Nhưng tuyến phòng thủ này cũng ngăn con vượt khỏi mức nhận biết hiện thời của mình. Các thày có thể nói bộ đồ lặn giữ cho con được khô ráo và các chì lặn giữ cho con thẳng đứng. Nhưng chúng cũng giam hãm con trong bộ đồ lặn và khiến con chìm xuống tận đáy biển, vì thế đây là một trong những tương phản, những tình thế khó xử, những bí ẩn về đường tu. Để thay đổi trải nghiệm sống hiện nay của mình, con cần nhìn vào chính những điều vừa bảo vệ con lại vừa giới hạn con, và đây chính là điều mà Bát chánh đạo được thiết lập để giúp đỡ mọi người. Tất nhiên, Bát chánh đạo không phải là phương pháp duy nhất. Có nhiều phương pháp giá trị khác mô tả quá trình này, nhưng nỗ lực của thày ở đây là chia nhỏ tối đa quá trình này ra và khiến nó trở nên phổ quát nhất có thể.

1.10. Hiểu mục đích của Bát chánh đạo

Chúng ta hãy tóm tắt một chút. Khổ đau là do những áp lực con gặp phải. Từ đó con mong muốn thoát khỏi áp lực, muốn vơi đi những áp lực. Những mong muốn này không giải thoát con khỏi áp lực nếu con mong muốn thoát khỏi áp lực nhưng lại không nhìn vào nguyên nhân gây ra áp lực. Nguyên nhân chính là những điều kiện bên trong con, vậy nên những mong muốn này không thể giải thoát con. Khi con dấn thân vào quá trình thật sự của đường tu tâm linh, dù con gọi là Bát chánh đạo hay gì khác, thì nó cũng đòi hỏi con nhìn vào những cơ cấu một đằng sẽ bảo vệ con khỏi bị áp lực làm choáng ngợp, nhưng đằng khác lại giữ con trong áp lực vô hạn định. Con được bảo vệ bởi bộ đồ lặn, nhưng con cũng không bao giờ ra khỏi bộ đồ lặn nếu con không nhìn vào điều gì đang trì kéo con xuống.

Đây là mục đích thật sự của Bát chánh đạo. Đây không phải là giải pháp vỏ ngoài nhằm thay đổi những điều kiện vỏ ngoài để giờ đây không còn những điều kiện gây áp lực hay đau khổ cho con. Bát chánh đạo không thiết kế một quá trình thần thông giúp thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Nó thiết kế một quá trình tuần tự có hệ thống giúp thay đổi những điều kiện bên trong con, từ đó con thay đổi cách trải nghiệm những điều kiện bên ngoài.

Đây là cốt lõi không chỉ của đạo Phật mà của các triết lý tâm linh mang tính xây dựng khác. Những ai nắm được điều này sẽ tiến bộ khi áp dụng Bát chánh đạo hay bất kỳ tên gọi nào để chỉ đường tu. Những ai không nắm được điều này thật ra sẽ chỉ dùng giáo lý tâm linh để trói mình chặt hơn vào tầng mức nhận biết hiện thời của mình. Họ sẽ chỉ củng cố phin lọc nhận thức của mình, và trong quan hệ với mọi người họ cảm thấy mình rất đặc biệt so với những ai không theo giáo lý của mình, mình cao trội vì mình đã đạt đến mức hiểu biết cao hơn, hiểu biết trí năng về giáo lý. Họ cũng đã miên mật thực hành nhiều năm đến mức cảm thấy chắc chắn mình đã gặt hái được vài tiến bộ.

Giờ đây chúng ta cần đặt ra một câu hỏi. Liệu có thể tìm thấy một giáo lý tâm linh có giá trị, rồi theo học và miên mật thực hành những gì giáo lý yêu cầu mà không tiến bộ chăng? Câu trả lời tất nhiên là có thể. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào ba thể. Ở cảm thể, con có những khuôn nếp cảm xúc khiến con phản ứng một cách nào đó trong những tình huống nhất định. Đây là chì lặn con có trong cảm thể. Con có đủ loại chì lặn với đủ loại khuôn nếp phản ứng khác nhau. Đâu là cách để con được tự do và đi lên những tầng nhận biết cao hơn? Đó là nhìn vào những chì lặn này, xem xét chúng, xem tại sao con phản ứng theo cách này, đằng sau những phản ứng này là gì, là những tin tưởng gì, rồi con bỏ chúng đi một cách ý thức. Đây là cách con bỏ chì lặn khỏi thắt lưng và thả chúng xuống đáy đại dương. Con nhẹ hơn và do đó con dễ dàng bước thêm một bước trên con đường tu tuần tự.

Các thày cũng có thể nói con đang chìm dưới nước trong bộ đồ lặn nhưng rồi con bắt gặp một cái thang. Con bám vào cái thang, và khi con ném bỏ một chì lặn thì con bước lên được một bực thang. Nhưng nếu con không vứt cái chì lặn đó thì con tha hồ nắm chặt lấy thang mà không bước lên được. Đây thật sự là cách tăng triển – nhìn vào chính mình, nhìn vào những khuôn nếp cảm xúc và buông bỏ chúng. Nhưng thày đã nói gì? Con người chịu quá nhiều áp lực đến mức chức năng tâm lý của họ không thể hoạt động. Họ đã học cách tạo ra một cơ chế đè nén một số cảm xúc. Rất rất nhiều người không chỉ trong đạo Phật mà trong cả những truyền thống tâm linh và tôn giáo khác đã dùng giáo lý tâm linh để củng cố cơ chế đè nén một số cảm xúc.

Trong hầu hết các phong trào tâm linh, con sẽ thấy có những người đi theo những phong trào này từ rất lâu, họ rất chăm chỉ thực hành bất cứ pháp hành nào được quy định, họ toát ra sự điềm tĩnh khi di chuyển. Họ đi chậm rãi, cử động, nói năng theo một cách nào đấy. Dường như cảm xúc của họ luôn luôn được kiểm soát, luôn phải điềm tĩnh. Nhưng trong nhiều trường hợp, đơn giản là họ đã dùng giáo lý để củng cố hoặc dựng lên những cơ chế mới nhằm đè nén cảm xúc, và điều này không đưa đến tăng triển. Con có thể nói: “Nhưng những người này đang kinh nghiệm cuộc sống khác với trước khi họ tìm ra giáo lý, vậy phải chăng họ chưa tiến bộ gì trong việc thay đổi trải nghiệm nội tâm? Thày vừa nói khía cạnh chính của cuộc sống trên trái đất là những trải nghiệm nội tâm, kinh nghiệm cuộc sống. Và những người này rõ ràng đã thay đổi.”

À đúng vậy, nhưng điều thày đang nói ở đây là có hai cách để thay đổi kinh nghiệm sống. Con có thể đè nén hay con có thể làm tan đi. Con có thể đè nén cảm xúc và đạt được một trạng thái tĩnh lặng và an bình nội tâm nào đó, nhưng điều này thật mong manh và có thể dễ dàng bị xáo trộn. Đây là lý do tại sao con thấy trong nhiều truyền thống tôn giáo và tâm linh, người ta cách ly và cô lập mình khỏi thế giới bằng cách sống trong tu viện chẳng hạn, hay trong các cộng đồng hoặc bất kỳ nơi nào khác. Họ có thể duy trì cảm giác an bình nội tâm mong manh vì họ hiếm khi bị môi trường bên ngoài quấy rầy, họ hiếm khi bị thách thức. Điều này không dẫn con đến những bước kế tiếp trên bậc thang, và khi những điều kiện bên ngoài thay đổi thì con có thể dễ dàng bị xáo trộn.

Rất rất nhiều người, không chỉ những người tâm linh mà rất nhiều người khác đã trải qua những năm tháng, bắt đầu với đại dịch, bây giờ là chiến tranh ở Ukraine rồi sau đó là khủng hoảng kinh tế thì trạng thái cân bằng của họ đã bị xáo trộn. Thật dễ hiểu. Thày giản dị đang chỉ ra rằng nếu trạng thái cân bằng của con bị xáo trộn bởi ngoại cảnh thì có nghĩa là có điều gì đấy con chưa giải quyết và điều này xuất phát từ cơ cấu thày đã mô tả. Con có điều gì đấy đang đè nén mà con chưa giải quyết vì con vẫn dính mắc vào việc duy trì trạng thái cân bằng này.

1.11. Con phải sẵn lòng bị xao động

Điều này nghĩa là gì? Rất giản dị, để thật sự hiểu con đường tâm linh là gì, để thật sự neo trụ vào con đường này, con phải sẵn lòng bị xao động. Thày không nói con phải sẵn lòng trải qua sự suy sụp tinh thần hay bị choáng ngợp, vì Bát chánh đạo và những con đường tâm linh khác được thiết lập như một con đường tuần tự. Nó sẽ đưa con lên từng nấc thang mà không khiến con bị quá tải. Nhưng con phải chịu bị xao động một chút và đây chính là điều quan trọng mà rất rất nhiều người không nắm bắt được.

Nếu con nhìn vào đời mình và đường tu của mình, con có thể thấy rất nhiều người khi lần đầu tìm thấy một giáo lý tâm linh đều có khao khát đạt được an bình nội tâm. Đây không phải là một khao khát không chính đáng, nhưng nó lại khiến nhiều người sử dụng giáo lý tâm linh nhằm tạo ra những ranh giới bao quanh tâm mình, họ nghĩ họ có thể đạt được an bình nội tâm bằng cách đè nén cảm xúc thay vì nhìn vào cảm xúc và buông bỏ chúng, cho tiêu tan các khuôn nếp của chúng.

Tại sao con phản ứng tức giận trong một số tình huống? Tức giận là một cảm xúc. Nó là một loại năng lượng nhưng như thày đã giải thích, cảm thể là tầng cấp thấp nhất của tâm con. Trên cảm thể là trí thể và trên cùng là bản sắc thể. Năng lượng chảy vào tâm từ cái ta cao của con. Đầu tiên, năng lượng đi vào bản sắc, đến lý trí, rồi đến cảm xúc. Cảm xúc của con không thể đột ngột xuất hiện trong cảm thể. Nó đến từ những khuôn nếp tư tưởng nào đấy trong trí thể và thậm chí đến từ một ý niệm bản sắc trong bản sắc thể. Chính điều này cho con cảm nhận cân bằng hiện thời.

Một lần nữa, thày không đang cố tìm lỗi ở đây. Con không thể làm gì khác trên một hành tinh như trái đất. Con cần có một ý niệm bản sắc nào đó. Con cần có những khuôn nếp lý trí và cảm xúc nào đó để đối phó với ngoại cảnh. Nhưng để đi đến sáng ngộ hay có thể gọi là một trạng thái tâm thức cao hơn thì con phải sẵn lòng xem xét những khuôn nếp này và nói: “Tại sao tôi lại đáp trả bằng cơn giận?” À đó là vì con có một chờ đợi những gì phải hay không được xảy ra bên ngoài kia. Chờ đợi đó đã không được đáp ứng. Nhưng thật sự không phải vì sự chờ đợi không được đáp ứng mà cơn giận nảy sinh. Đó là vì khi sự chờ đợi không được đáp ứng, trạng thái cân bằng của con bị xáo trộn. Trạng thái cân bằng che đậy một cảm giác bất lực sâu xa và khi cảm giác bất lực bị khuấy động thì con nổi giận. Cơn giận là phản ứng mặc định đối với cảm giác bất lực. Có người trong cơn thịnh nộ sẽ có những hành động mà họ không thường làm và trong vài trường hợp cơn giận giúp họ thay đổi ngoại cảnh. Trong các trường hợp khác, cơn giận chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp, cơn giận củng cố cho khuôn nếp.

Cách thực sự để thoát khỏi tình trạng này là truy về cảm giác bất lực và sự chờ đợi điều này điều kia phải hay không được xảy ra, con truy từ cảm thể lên trí thể cho đến bản sắc thể. Con có những khuôn nếp nào khiến con cảm thấy bất lực, khiến con cảm thấy điều này điều kia phải hay không được xảy ra? Đây chính là đường tu. Bát chánh đạo là xem xét những khuôn nếp trong tâm con một cách tuần tự và có hệ thống, sau đó đem chúng ra ánh sáng của nhận biết ý thức. Con thấy chúng và nói: “Tôi thấy khuôn nếp này bảo vệ tôi khỏi bị choáng ngợp nhưng tại sao tôi lại có nguy cơ bị choáng ngợp? Đó là vì có một khuôn nếp sâu xa hơn quy định mối quan hệ của tôi với thế giới tôi đang sống như thế nào. Tôi có một chọn lựa ở đây. Tôi có thể tiếp tục đè nén với hy vọng sự đè nén vẫn có tác dụng, nhưng như vậy thì tôi sẽ không bước tiếp lên bậc thang. Tôi không thật sự bước trên Bát chánh đạo cho dù tôi có học giáo lý bao nhiêu và thực hành bao nhiêu đi nữa. Chọn lựa kia là tôi có thể thật sự nhận ra Bát chánh đạo là gì, và tôi xem xét một cách có hệ thống những khuôn nếp của tôi, phản ứng của tôi đối với thế giới.”

Thày từng nói về những người đã đi theo một giáo lý tâm linh từ rất lâu và học cách đè nén cảm xúc để luôn luôn tỏ ra điềm tĩnh, tự chủ, bình an và mọi chuyện trong vòng kiểm soát của họ. Nhưng có nhiều người lại dùng tâm lý trí, trí năng để học giáo lý. Và giờ đây ở tầng lý trí, họ đã củng cố những khuôn nếp cho phép họ duy trì một cảm giác cân bằng. Đây là điều con không chỉ thấy trong các giáo lý tâm linh hay tôn giáo. Quả thật con thấy rất nhiều ví dụ về những người đã dùng tâm lý trí để tạo ra một cảm giác cân bằng. Và điều này dựa vào đâu? Nó dựa vào ý niệm là họ hiểu bằng trí năng, phân tích, lý luận thế giới vận hành ra sao, và họ nghĩ họ nắm bắt được những khuôn mẫu nào đó, những quy luật thiên nhiên nào đó, những nguyên lý nào đó được Thượng đế quy định. Và vì họ hiểu những điều này nên họ nghĩ họ có khả năng kiểm soát thế giới, hay tối thiểu là kiểm soát được ngoại cảnh.

Kết quả là con thấy có rất nhiều người đã tạo ra một ý tưởng về việc thế giới phải vận hành thế nào rồi dùng tâm lý trí tìm cách phóng chiếu ý tưởng này lên vũ trụ. Và họ nghĩ mình có khả năng thu hẹp sự vận hành của vũ trụ trong vài quy tắc đơn giản rồi cảm thấy họ kiểm soát được thế giới. Điều họ làm là dùng giáo lý tâm linh, hay có thể là một ý thức hệ chính trị như chủ nghĩa cộng sản hay ngay cả chủ nghĩa khoa học duy vật để tạo ra một hình tư tưởng về cách vận hành của thế giới. Nhưng thày đã nói mục đích của một giáo lý tâm linh là gì? Đó là nó giải phóng con khỏi trạng thái nhận biết hiện thời. Có nghĩa là giải phóng con khỏi những khuôn nếp trong trí thể của con. Và một lần nữa, những khuôn nếp này bảo vệ con khỏi bị choáng ngợp bởi những nỗi nghi ngờ chẳng hạn.

Nhiều người mộ đạo đã tạo ra những khuôn nếp này và nói: “Ồ, tôi không cần suy nghĩ về điều này. Tôi không cần suy nghĩ về bất kỳ điều gì chất vấn giáo lý tâm linh và tôn giáo của tôi. Điều này không cần thiết vì tất cả đều sai, chúng không thể nào đúng được, vì vậy tôi có thể gạt bỏ chúng mà không cần suy nghĩ.” Điều này cho phép họ duy trì cảm giác cân bằng. Nhưng vấn đề tất nhiên là thế giới lại khá hỗn loạn. Mọi người đều có những tin tưởng khác nhau và có những hệ thống tin tưởng, tôn giáo và ý thức hệ khác nữa. Sẽ luôn luôn có điều gì trong thế giới đe dọa các tin tưởng của con.

1.12. Làm sao thăng vượt tầng tâm thức hiện thời 

Nhiều người cũng đã tạo ra cảm nhận là nếu họ theo học một giáo lý tâm linh, thực tập theo quy định thì đảm bảo là cuối cùng họ sẽ đạt được mục tiêu. Nhiều Phật tử trải qua nhiều thời đại và ngày nay vẫn tin rằng: “Nếu tôi chỉ học những lời Phật dạy, chỉ chú tâm vào Phật pháp và miên mật thực hành theo quy định của giáo phái Phật giáo của mình thì tôi được đảm bảo sẽ giác ngộ hoặc nhập niết bàn. Vì đức Phật là một vị đạo sư tâm linh chân chính và ngài đã hứa nếu tôi tu tập theo Bát chánh đạo thì tôi sẽ giác ngộ. Vì ngài là một vị thày tâm linh chân chính nên lời hứa của ngài phải đúng sự thật.”

Thày đã giải thích thế nào? Các thày đã phải hứa hẹn để hấp dẫn những đệ tử đang ở mức tâm thức hiện thời của họ. Nhưng con không thể chụp lấy lời hứa đó, diễn giải bằng tâm thức hiện thời của mình, nghĩ ra một ý tưởng mình nên tu tập Bát chánh đạo ra sao, rồi tu bằng tâm thức hiện thời của mình và điều này đảm bảo mình sẽ thăng vượt tâm thức hiện thời của mình. Không thể có chuyện như vậy.

Con không thể thăng vượt tâm thức hiện thời bằng việc ở yên tại mức tâm thức này. Làm sao có thể vậy được? Cho dù con có xây dựng những ý tưởng cầu kỳ đến đâu chăng nữa, chúng cũng sẽ không giúp con thăng vượt phin lọc nhận thức trong trí thể. Con phải sẵn lòng bị dao động, nghi ngờ ít nhất một khía cạnh trong cách con nhìn cuộc sống. Con phải sẵn lòng đặt một số câu hỏi nhức nhối và xem xét những gì đằng sau khuôn nếp tư tưởng hiện thời của mình.

Nếu con không chịu làm vậy thì con tiếp tục đè nén tất cả những nghi ngờ và tự thuyết phục là mình đúng, và vì vậy con không thể leo tiếp một nấc thang nữa. Con chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi. Con chỉ giữ chặt những tin tưởng của mình mà thôi. Và có lẽ trong suốt kiếp này, con càng lúc càng tin chắc mình đúng vì mọi người quanh con có cùng những khuôn nếp tư duy như nhau, và các con củng cố lẫn nhau rằng mình là kẻ đã hiểu giáo lý của Phật. Nhưng con thấy điều thày giải thích ở đây. Con hiện đang ở một mức nhận biết giới hạn. Phật đã vượt khỏi tất cả những giới hạn của con người trên trái đất. Con sẽ không đạt đến tầng cấp của Phật nếu con không thăng vượt những giới hạn hiện thời một cách hệ thống và tuần tự. Điều này không thể làm được. Không có cách gì làm được.

Điều này dẫn chúng ta đến đâu? Con là một người tâm linh. Con đã học giáo lý tâm linh một thời gian khá dài. Con đã thực hành miên mật đúng theo quy định một thời gian khá dài. Con chẳng đã tiến bộ hay sao? Ấy, đa số đã tiến bộ vì họ sẵn lòng nhìn vào một vài điều, xem xét chúng, buông bỏ chúng. Còn một số thì chưa tiến bộ vì, như thày đã nói, họ đã dùng giáo lý để củng cố những khuôn nếp. Nhiều người đã củng cố ý niệm bản sắc cho rằng mình đặc biệt hơn những ai không theo giáo lý này, những ai không hiểu giáo lý như cách mình hiểu hay những ai chưa chăm chỉ thực hành. Họ củng cố bản sắc mình là người đặc biệt nhưng tất nhiên điều này chỉ làm họ mắc kẹt trong bộ đồ lặn. Có thể họ đã thay đổi trải nghiệm cuộc sống khiến họ thấy mình càng lúc càng đặc biệt, nhưng họ không leo thêm một nấc thang nào nữa.

1.13. Những gì một phong trào tâm linh không thể làm cho con 

Phần lớn các con đều đã đạt tiến bộ. Nhưng con có thể tiến xa hơn khi hiểu những điều thày đã giảng ở đây – đó là quá trình thăng vượt tâm thức đích thực và con luôn cần bị xao động. Như thày đã nói, một số sẽ nhận ra khi lần đầu tìm thấy giáo lý và nghĩ: “A, bây giờ tôi đã tìm ra cái tôi khao khát. Giờ đây tôi đã về nhà. Tôi thật sự thuộc về nơi này, cùng với giáo lý này, cộng đồng này với những người cùng chí hướng này, và khi tôi ở đây, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Tôi sẽ đạt được cảm giác an bình nội tại, có nghĩa là tôi có khả năng đương đầu với việc tôi có mặt trên hành tinh này.”

Giờ đây nhiều người trong các con đã cảm thấy đầy nhiệt huyết khi tìm ra giáo lý và phong trào tâm linh đầu tiên của mình. Nhưng rồi có chuyện xảy ra làm xáo trộn và gây thất vọng cho con. Đột nhiên con nhận ra đây không phải là điều con nghĩ. Có người đã bỏ đường tu vì lý do này, có người khác lại tìm ra một hướng để tiếp tục. Nhưng con có hoàn toàn hiểu chăng là không có một giáo lý tâm linh hay phong trào tâm linh nào sẽ tự động cho con điều con muốn? 

Nhiều người tìm được một phong trào tâm linh, rồi bị thất vọng, nhưng sau đó họ lại tìm thấy một phong trào tâm linh khác và họ suy luận: “Đây rồi”. Hoặc họ lý luận: “Chắc phải là cái này vì tôi không thể chịu nổi thất vọng lần nữa, vì vậy tôi sẽ đè nén bất kỳ nỗi nghi ngờ nào đối với phong trào thứ nhì hay thứ ba, hay bất kể là thứ mấy.” Nhưng cách duy nhất để tăng triển thật sự là dùng một giáo lý vỏ ngoài và một phong trào vỏ ngoài để chất vấn cảm giác cân bằng của con. Giờ đây con có thể nói: “Nhưng khi tôi lần đầu tìm được một giáo lý tâm linh, tôi đã mong muốn tìm thấy an bình nội tâm thoát khỏi áp lực của thế giới. Mong muốn này có gì sai không?” À, có đúng và sai. Con có thể nói đây là một mong muốn chính đáng vì sau cùng khi con đạt được giác ngộ hay niết bàn, con sẽ tự do khỏi áp lực của thế giới. Nhưng làm cách nào đạt được tự do này? Có người sẽ nói: “Ấy, tôi sẽ chỉ có tự do sau khi rời thế giới này. Khi tôi không còn đầu thai nữa thì tôi sẽ tìm thấy an bình thật sự.”

Nhưng con thấy đấy, tất cả giáo lý nói về nghiệp quả và luân hồi, cho dù là Phật giáo, Ấn giáo hay những giáo lý hiện đại hơn nói về quá trình thăng thiên, tất cả đều ngụ ý nếu chưa đạt đến một tầng mức nào đó thì con chưa thể thoát khỏi bánh xe luân hồi, con sẽ phải quay lại đầu thai. Trên hết, con có thể nói vấn đề không phải là khi thân xác này chết đi thì con sẽ đạt được an bình. Con sẽ chỉ an bình khỏi áp lực của thế giới này khi con tốt nghiệp khỏi bánh xe luân hồi, hay con thăng thiên và không còn phải quay lại đầu thai nữa.

Tất nhiên, đây là những điều các thày dạy ngày nay. Nhưng đây không phải lời dạy thiết thực khi trao truyền cho đại chúng cách đây 2500 năm. Vì vậy, trọng tâm của Bát chánh đạo thời ấy là giúp mọi người thay đổi trải nghiệm sống khi vẫn còn đang đầu thai. Và tất nhiên đây cũng là viễn quan phù hợp với ngày nay. Điều các thày muốn dạy con là làm thế nào thay đổi trải nghiệm sống để con đạt được an bình nội tâm khi vẫn còn thân vật lý và vẫn phải tiếp xúc với những áp lực bên ngoài. Một phần lý do là nếu con đạt được an bình nội tâm, con sẽ giữ được sự cân bằng tuyệt vời cho toàn bộ hành tinh. Con sẽ giúp kéo tâm thức tập thể đi lên khi con đạt đến mức nhận biết cao hơn khi vẫn hiện thân trong cơ thể vật lý. Đối với nhiều người các con, đây chính là sứ vụ Trọn đời của con – là đạt được cảm giác yên bình cao hơn này khi vẫn còn trong thân vật lý. 

1.14. Kìm nén hay giải quyết 

Giờ đây con thấy rất nhiều người ở khắp các thời kỳ lịch sử đã cách ly khỏi thế giới, sống trong các tu viện để kiểm soát chặt chẽ môi trường bên ngoài. Họ được bảo vệ khỏi những hành động bạo lực xảy ra ở bên ngoài và vì vậy họ sống trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ nơi cảm nhận cân bằng của họ không bị xao động. Nhiều người đã sống cả cuộc đời trong những môi trường như vậy và quả thật đã không tăng triển. Họ đã không bước lên bậc thang. Họ chỉ dùng môi trường và giáo lý vỏ ngoài để củng cố trạng thái cân bằng bằng sự đè nén. Tất nhiên đây không phải là điều thày kêu gọi con làm ngày nay.

Các thày kêu gọi con tìm một lối tu tập giúp con đạt được an bình thật sự, an bình không do đè nén mà do giải quyết. Con đạt được sự an bình này khi con vẫn còn thân vật lý hầu con có thể kéo tâm thức đại chúng đi lên, và con cũng trở thành cánh cửa mở qua đó con nhận được các ý tưởng và xung lực từ một tầng nhận biết cao hơn mà sau đó con có thể biểu đạt ra thế giới. Nếu con có thể làm được xoay chuyển cơ bản này thì toàn bộ cách con tiếp cận cuộc sống có thể thay đổi rất nhanh. Giờ đây con đạt được một tầm nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống.

Con có nhận thấy điều khác biệt cơ bản mà thày đã mô tả ở đây không? Một đằng là cách tiếp cận qua nỗ lực giảm bớt áp lực của đời sống trong thế giới này. Con tìm kiếm một loại an bình nội tâm nào đó cho dù con muốn định nghĩa thế nào. Nhưng cách con đạt bình an là dùng một giáo lý và thực hành tâm linh để đè nén cảm xúc, đè nén tư tưởng, đè nén một ý niệm bản sắc để dựng lên một cảm nhận hư giả là con kiểm soát cảm xúc, con cảm thấy trí năng mình vượt trội, và từ đó chủ yếu cảm thấy mình cao trội hơn những ai không theo giáo lý của mình.

Còn cách tiếp cận kia là con cố đạt được một sự giải quyết. Sự khác biệt trong cách nhìn thế giới là gì? À, khi con tìm cách đè nén một điều gì thì con nhìn thế giới như một mối đe dọa tiềm ẩn. Bất cứ điều gì xảy ra xáo trộn sự cân bằng của con đều là mối đe dọa đối với trạng thái cân bằng và do đó cần phải đè nó xuống. Con cần tìm cách loại bỏ nó thật nhanh để quay về trạng thái cân bằng. Con đã tạo nên những khuôn nếp trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể chỉ để làm chuyện đó là đè nén bất cứ gì làm xáo trộn thế cân bằng này.

Khi con chọn cách thứ nhì này thì con sẵn sàng bị xáo trộn. Và con có thể quả thật xoay chuyển khi nói: “Mục tiêu thật sự của tôi là giải quyết tất cả những khuôn nếp trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể đã trói tôi với trái đất, đã giữ tôi trong bộ đồ lặn, không cho tôi bám lấy sợi dây, leo lên nấc thang để càng lúc càng tự do. Tôi muốn đi theo chánh đạo của đức Phật, đi theo Bát chánh đạo, không phải con đường vỏ ngoài mà là con đường tu nội tâm của Bát chánh đạo.”

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là khi một điều gì xảy ra bên ngoài làm xáo trộn thế cân bằng của con thì nó không phải là một mối đe doạ. Nó là một cơ hội. Nó là một cơ hội để con nói: “Tại sao điều này khiến tôi xáo trộn? Tôi đang có cảm xúc gì? Đằng sau cảm xúc này là gì? Thay vì chối bỏ cảm xúc và cố kìm nén nó, tôi hãy đi vào nó. Tôi đang thật sự cảm thấy gì? Có gì đằng sau cảm xúc này? Tôi có thể nhận biết tiến trình tư duy gì? Tôi đã có những tin tưởng gì? Tôi đã xây dựng loại thế giới quan nào khiến tôi cảm thấy cân bằng nhưng đồng thời cũng giữ tôi lại ở một tầng cấp nào đó? Tôi quả là không thể nắm bắt được các giáo lý tâm linh tôi đang theo học vì những khuôn nếp lý trí của tôi. Các giáo lý luôn phải rập theo các khuôn nếp lý trí này thay vì lẽ ra phải thách thức chúng. Và rồi khi tôi vượt lên trên những điều này thì ý niệm bản sắc của tôi trong quan hệ với trái đất là gì?”

Lấy ví dụ, con làm điều gì đấy và người ta phản ứng tiêu cực với điều con làm. Cảm xúc đầu tiên là con nổi giận với phản ứng của họ. Khi con đi vào trong cảm xúc, thoạt tiên con cảm nhận một sự bất lực không thay đổi được phản ứng của người kia đối với con, thay đổi cách người kia nhìn con. Nhưng con cũng cảm thấy con phải thay đổi được phản ứng của người kia vì con muốn hoà đồng với mọi người. Con không muốn người kia giận con và con không biết làm cách nào khác, ít nhất thể cảm xúc của con không biết làm thế nào khác hơn là thay đổi cảm xúc của người kia để con không phải cảm thấy mình đã quấy rầy họ. Sau đó, con lên đến cõi lý trí và nhận ra: Tại sao con lại có những tin tưởng này? Có lẽ con có cảm giác mình hiểu quyền tự quyết, con tôn trọng quyền tự quyết của người khác, và con cảm thấy mình phải sống được trên hành tinh này mà không làm phiền ai, không khiến họ nổi giận, không khiến họ kết tội con. Con luôn tìm cách hoà hoãn với người khác, đưa ra lời giải thích cho họ thấy lý do họ không nên giận con, lý do con là người thật sự tốt, vân vân.

Rồi con lên tầng bản sắc và nhận ra có lẽ con có cảm giác mình không thật sự được phép thuộc về nơi đây, trái đất này, con không được phép biểu đạt mình, ít nhất nếu điều này gây phiền toái hay khiêu khích người khác. Con cảm thấy mình phải sống được ở đây mà không quấy rầy người khác. Con luôn tìm cách rút mình khỏi các hoàn cảnh mà con có thể gây phiền phức tới người khác để con duy trì cảm nhận mình có thể ở đây mà không phải liên tục đối mặt với những người bảo con không có quyền ở đây. Có thể còn nhiều khuôn nếp khác nhưng đây là một ví dụ có thể áp dụng với nhiều người tâm linh.

Điều con có thể làm sau đó là bắt đầu nhìn vào những khuôn nếp này và dần dần qua thời gian (và có thể cần một thời gian rất dài) làm việc với chúng, thấy được chúng, dần dần giải quyết chúng cho đến khi con nhận ra con thật sự có quyền có mặt trên trái đất. Con quả thật có quyền đeo đuổi một mức tâm thức cao hơn, một mức nhận biết cao hơn. Con thật sự có quyền biểu lộ mức nhận biết này ngay cả nếu nó có quấy rầy người khác. Con thậm chí có thể nhận thấy điều này chắc chắn sẽ quấy rầy người khác vì đây là điều xảy ra với bất cứ ai nâng cao nhận biết mình vượt khỏi những điều được xem là bình thường trong bất kỳ xã hội nào. Con sẽ làm xáo trộn cảm giác bình thường, cảm giác cân bằng của họ.

Hầu hết mọi người đã tạo ra một cảm giác cân bằng cho rằng họ có quyền là con người mà họ là, và khi điều gì đấy từ bên ngoài khuấy động cảm giác cân bằng này thì họ nổi cơn thịnh nộ. Họ đã quy định một cảm giác bình thường rằng đây là tất cả những gì mà họ có thể là như một con người. Đây là tính cách mà họ cần là. Khi điều bình thường này bị khuấy động, họ lên cơn giận, và con làm gì khi con đang theo con đường tu tâm linh? Con đang dần nâng nhận biết lên vượt khỏi những điều thông thường trong xã hội. Nó sẽ xáo trộn mọi người chăng? Ấy, làm sao lại không xáo trộn được?

1.15. Sẵn lòng xáo trộn người khác 

Đây là điều chưa được ghi chép trong các lời dạy của Phật hay trong các huyền thoại về Phật, đó là thày đã gặp phải rất nhiều kháng cự, chống đối, tức giận lúc bắt đầu truyền đạo. Điều này được ghi chép lại nhiều hơn trong Kinh thánh khi Giê-su gặp phải sự chống đối khi thày bắt đầu giảng đạo. Nhưng ở một mức độ nào đấy, tất cả các vị thày tâm linh đều gặp phải những chống đối này. Vài vị thày đã tìm được cách rút lui, như thày cuối cùng đã rút vào Tăng đoàn. Vì đây là một cách truyền đạo thích đáng, thày rút khỏi thế gian và những ai mở tâm ra với giáo lý sẽ tìm đến thày.

Một cách thích đáng khác, như Giê-su đã nêu gương, là ra ngoài thế gian và làm bối rối nhiều người. Giê-su đã làm gì? Nếu con nhìn vào toàn bộ sứ vụ trong ba năm của Giê-su thì con thấy thày đã làm gì? Thày đã thách thức cảm giác bình thường của mọi người. Thày đã nói: “Có một cái gì hơn là con người con đang là bây giờ.” Và phản ứng của mọi người là gì? Hoàn toàn bác bỏ. Người ta muốn trả tự do cho một tên sát nhân hơn là cho kẻ khuấy động họ vì họ có thể đương đầu với tên sát nhân. Đây là lẽ thường. Có những người giết người khác. Nhưng khi bảo rằng con có thể là nhiều hơn một con người thường thì thật là thái quá. “Chúng tôi sẽ không chịu bị khuấy động vì vậy chúng tôi sẽ giết ai khuấy động chúng tôi.”

Con thấy phần lớn những người tâm linh rất ngần ngại không muốn quấy rầy người khác. Vậy điều gì sẽ giúp cho thời hoàng kim của Saint Germain, thời đại của nhận biết cao hơn thị hiện? Đó là việc có một số người cần biểu lộ là cuộc sống có cái gì hơn nữa, hơn cái mà mọi người xem là bình thường, và con cần làm điều này bằng cách bước ra ngoài kia trong bất kỳ vai trò và khả năng nào. Điều này không có nghĩa con phải làm những gì Giê-su hay Phật đã làm, bị giết hay bị hành hạ, nhưng con sẽ quấy rầy người khác và đồng thời con cần tìm ra một cách để con an bình với việc làm này để hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nhưng con không cần làm vậy khi con khởi sự đường tu. Con có thể dành một khoảng thời gian dài để giải quyết những khuôn nếp này để khi người khác phản ứng lại, con không cảm thấy xao động.

Thày biết rõ đây là một bài giảng dài. Nhưng thày mong thiết lập một nền tảng để thày có thể ban ra những giáo lý sâu sắc hơn về Bát chánh đạo và cách thức giúp con có thể tiến tới cảm nhận thật sự về an bình nội tại không dựa trên đè nén và chối bỏ, nhưng dựa trên việc giải trừ các ngã và một cái nhìn sáng ngộ hơn.

Tới đây, thày cám ơn các con đã chú tâm để thày có thể phóng chiếu ý tưởng này qua tâm và luân xa của con để nó đi vào tâm thức đại chúng, từ đó đi tới những ai sẽ không bao giờ nghe tới người sứ giả này, sẽ không bao giờ nghe tới Chân sư Thăng thiên Phật Gautama hay sẽ không bao giờ chấp nhận các ý này, nhưng ý tưởng này vẫn sẽ có một ảnh hưởng lên tâm thức họ. Họ sẽ đột nhiên thấy điều họ chưa từng thấy trước đây và từ đó sẽ có thể dùng bất kỳ lời dạy tâm linh nào họ tiếp nhận ở một tầng mức cao hơn.

Một lần nữa con nhận thấy mục tiêu của các thày là nâng cao sự nhận biết của mọi người. Mục đích của các thày không phải là đưa họ vào một giáo lý tâm linh đặc thù, nhưng với những ai mở tâm ra với một giáo lý tâm linh có giá trị, các thày mong muốn họ đạt được những tầng cấp ngày càng cao hơn trong việc nắm bắt giáo lý này. Điều này có nghĩa là, con là chất xúc tác giúp củng cố phong trào này, và tất nhiên phong trào này đã diễn ra trong một thời gian rất dài, thậm chí trước cả khi thày truyền đạo cách đây 2500 năm. Đây là một quá trình không ngừng nghỉ từ lúc bầu cõi chưa thăng thiên này được tạo lập, thậm chí từ các bầu cõi trước. Đây là hơi thở-ra và hơi thở-vào của Thượng đế. Là một phần của hơi thở-vào này, ý thức mình là một phần của hơi thở-vào có thể rất hữu ích để con đạt được trạng thái an bình dù con đang sống trong thế giới nhiều xáo trộn, con có mặt ở đây để là một phần của quá trình tiếp diễn vô tận, vượt thời gian, nâng cao mọi sự sống từng bước lên đến những tầng càng lúc càng cao hơn. Điều gì sẽ có thể xáo trộn con nếu không phải đó là một khuôn nếp con chưa giải quyết, một ngã tách biệt con chưa buông bỏ, một dính mắc với ngã tách biệt hay với khuôn nếp đó?

Bằng cách nhận ra điều này, bằng cách làm việc với ngã tách biệt này cho đến khi con tách mình ra khỏi nó và đột nhiên con thấy nó từ bên ngoài, con thấy nó giới hạn con biết chừng nào và con để nó chết đi – đây chính là cách con dần dần đạt được an bình ngày càng nhiều hơn. Không có công thức thần diệu đâu. Con không thể bất thần búng ngón tay mà đạt được an bình nội tại. Nhưng con có thể đi qua sự chuyển hoá này và con đi nhanh hay chậm tùy vào con sẵn lòng tới đâu để nhìn vào những điều gây xáo trộn con. Qua bài giảng này, thày hy vọng thày đã xáo trộn sự an bình lẫn trạng thái cân bằng của con, đổi lại thày trao cho con một cảm nhận an bình sâu sắc hơn. Chắc chắn thày sẽ quay lại và trao truyền những lời dạy uyên thâm hơn, và thậm chí còn xáo trộn con hơn nữa khi con sẵn lòng.

Thày niêm con trong niềm vui của Phật mà Ta Là.

5 | Con không thể lên cao hơn ý định của con

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. 

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Ý định cao hơn có nghĩa là gì? Ý định là gì? Thông thường người ta nói: “Tôi có một ý định dựa trên mong muốn có một vật gì, trải nghiệm một điều gì, hoàn thành một điều gì.” Ý định hàm ý quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó hàm ý là trong quá khứ con đã hình thành một số mong muốn nào đó, một viễn quan nào đó. Ngay bây giờ, con có ý định là viễn quan này trở thành hiện thực, nhưng con nghĩ nó sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng ý định cao nhất là gì? Chẳng có cách nhìn nào khác về ý định hay sao?

Thày đã có nói là con sống trong một thế giới khó khăn. Nhiều người có mong muốn tự bảo vệ khỏi thế giới hỗn loạn này. Họ có ý định được bảo vệ khỏi một phần của sự hỗn loạn để không bị quá tải, nhưng cũng có thể họ mong muốn sở hữu một cái gì, thực hiện một việc gì, trải nghiệm một điều gì trong thế gian này. Một lần nữa, tất nhiên là chuyện này không có gì sai trái. Con là con người mà con là ngay bây giờ, và dựa trên con người con là bây giờ, con nhìn vào thế giới, con nhìn vào bản thân, con nhìn vào cuộc đời theo cách nào đó. Dựa trên cái đó, con có một số ý định, một số mong muốn mà con muốn thấy sẽ hiện thực, một số vật mà con muốn có, một số sự việc mà con muốn tránh. Không thể nào khác được.

Khi con cất bước trên con đường Bát chánh đạo, con nhận ra là ý định con có ngay bây giờ không phải là ý định cao nhất có thể. Thật con không cần nhất thiết lên án ý định của con, phán xét nó là sai lầm hay mạnh bạo trấn áp nó, mà con cần nhận ra là cuộc sống trên một hành tinh như địa cầu có hai khía cạnh. Một khía cạnh như thày đã nói, là có một số chuyện con cần làm để sống còn, để giữ cho thân xác vật lý của mình tồn tại. Và khía cạnh kia là con có một mục đích rộng lớn hơn, một mục đích dài hạn hơn, là đạt niết bàn, đạt sự an bình nội tâm, đạt sự giác ngộ, bước chân trên đường tâm linh, nâng cao trình độ nhận biết của mình cho dù con định nghĩa như thế nào.

Con cần bắt đầu suy ngẫm là thực sự con có hai loại ý định khác nhau ở đây. Con có một ý định liên quan đến việc sinh sống trên trái đất, ngụ trong một cơ thể vật lý trên trái đất, và con có một ý định liên quan đến việc vượt xa hơn trái đất, vượt xa hơn cơ thể vật lý. Khi con bắt đầu có sự nhận biết tâm linh, thử thách là làm thế nào quân bình được cả hai. Đây là thử thách muôn đời, là thử thách vượt thời gian mà con người đã đối mặt trong một thời gian rất dài. Làm thế nào con dung hòa được sự kiện con đang ở đây với ý định là mình sẽ không ở đây vĩnh viễn, vô thời hạn? Đây là điểm đòi hỏi con khởi đầu một tiến trình thực sự chất vấn các ý định cùng các mong muốn của mình.

5.1. Sự căng thẳng tinh thần khi quy định thế nào là ý định chân chính

Có nhiều Phật tử đã xem xét khái niệm ý định “chân chính” này [còn được gọi là Chánh tư duy] theo cách nhìn của họ, và một lần nữa họ lại tìm cách quy định một cách thức vỏ ngoài để phân biệt ý định chân chính với ý định bất chính. “Tôi cần tránh, tôi cần ép mình để không có ý định nào sai trái, và thay vào đó tôi sẽ ép mình để có, hay để trau dồi, những ý định chân chính.” Điều này đã khiến cho nhiều, rất nhiều người rơi vào một vòng xoắn ốc phải vận dụng càng ngày càng nhiều áp lực tinh thần để kìm nén các ý định mà họ đã dán nhãn là sai trái, để luôn luôn tỉnh thức, tập trung ý định vào việc cho phép chỉ những ý định được họ dán nhãn là đúng đắn. Điều này có thể trở thành một nỗ lực tinh thần gay gắt, một sự dồn ép căng thẳng mà con có thể chứng kiến không những nơi các Phật tử mà nơi nhiều người tâm linh hay mộ đạo, thậm chí cả nhiều người đang cố sống theo một loại lý tưởng nào đó.  

Đây là lúc chúng ta cần bước lui lại một chút. Chúng ta cần nhìn nhận là đường tu dẫn đến nhận thức cao hơn có nhiều giai đoạn. Có một số giai đoạn và con phải bắt đầu ở một điểm nào đó. Con bắt đầu ở mức con đang đứng khi con tìm thấy giáo lý tâm linh trong kiếp này. Đối với mỗi người thì mức này mỗi khác, tùy theo trình độ phát triển con đã đạt được trong tiền kiếp. Đối với cá nhân con, con đã bước vào kiếp đầu thai này với một mức độ ý định nào đó, một mức độ nhận biết nào đó. Con đạt tới điểm lần đầu tiên con khám phá giáo lý tâm linh, con nhận chân là có một đường tu tâm linh, có một quy trình con có thể đi theo. Vào lúc đó, cách con nhìn sự việc này thể hiện trình độ nhận thức tổng quát của con, và dựa theo đó, con hình thành một số ý định về những gì con muốn gặt hái từ việc bước chân trên đường tâm linh. Một lần nữa, không có gì sai trái ở đây – con đâu làm gì khác được?

Điều con cần nhận ra ở đây là khi con bước chân trên đường tu, khi con nâng cao mức nhận biết, con cần tái xét các ý định đã khiến con đi theo đường tu cùng các ý định về cuộc sống trên trái đất. Con không thể chỉ đơn giản lập ra một cách đánh giá trắng-đen nhị nguyên về thế nào là ý định “đúng”, thế nào là ý định “sai”. Con không thể tự ép buộc mình. Hay đúng hơn, con có thể tự ép buộc mình nhưng làm như vậy sẽ không nâng cao nhận biết của con. Nó sẽ giữ con kẹt lại ở mức này nơi con cảm thấy bởi vì con đã tự ép mình để không có ý định sai mà chỉ có ý định đúng, cho nên con đã đạt đến một giai đoạn cao cấp nào đó trên đường tu, và vì thế con tốt thiện hơn những kẻ đã không làm giống con. Như thày đã giảng rất nhiều lần, đây không phải là tiến bộ thực.

5.2. Một lượng định cao hơn về ý định

Có một giải pháp khác là con không đánh giá các ý định của con dựa trên đúng hay sai. Thày đã giảng về sự tách biệt, về ảo tưởng tách biệt và tâm thức nhị nguyên. Chuyện gì thực sự xảy ra khi con quy định có hai đối cực nhị nguyên là đúng và sai? Con tự đặt mình vào một tâm thái sẵn lòng sử dụng vũ lực. Như thày đã trình bày, hậu quả cùng cực là con sẵn lòng tiêu diệt một nhóm người khác với nhóm của con theo cách con định nghĩa. Là một người tâm linh, con đã vươn lên một mức cao hơn nơi con không còn quá chú tâm vào việc ép buộc người khác nữa. Thật ra hầu hết những người tâm linh đều không sẵn lòng dùng sức mạnh trên người khác, nhưng thường khi con lại sẵn lòng dùng sức mạnh trên chính con. Con có thể rất dễ bước vào tâm thái cảm nhận mình phải vận dụng ý chí, vận dụng chú ý và tập trung của mình để cưỡng ép mình, cưỡng ép tâm mình.

Nhiều người tâm linh cho rằng họ có thể tiến bộ qua việc thiền quán, nhưng thiền quán thường bị xáo trộn bởi cái mà một số Phật tử gọi là tâm khỉ, qua đó ý tưởng cứ chạy tứ tung. Họ đã tạo dựng quan điểm cho rằng họ có thể cưỡng ép tâm họ để nó không suy nghĩ, cưỡng ép tâm để nó không có ý tưởng, và điều này có thể trở thành một nỗi căng thẳng to lớn cho một số người đã tập theo như vậy trong một thời gian dài. Có thể họ nghĩ là họ đã đạt được ít nhiều kết quả, nhưng tất cả đều dựa trên sức mạnh. Giải pháp khác hơn là con tra vấn cách tiếp cận dựa trên sức mạnh này và nhận ra là con không cần dùng đến sức mạnh.

Điều có thể giúp con trong việc này là con hiểu rằng trước khi con đầu thai trong kiếp này, con đã lập ra một Kế hoạch Trọn đời. Con đã lập ra như vậy cùng với các vị cố vấn tâm linh của con tùy theo quá trình cùng mức phát triển cá nhân của con. Con đã nhận được lời khuyên từ những vị thày già dặn hơn, giàu kinh nghiệm hơn, và dựa theo đó con đã lập ra một Kế hoạch Trọn đời. Đa số con người trên trái đất hoặc không có Kế hoạch Trọn đời, hoặc có một Kế hoạch Trọn đời rất đơn giản, nhưng con là một người tâm linh cởi mở với giáo lý tâm linh thì con có một Kế hoạch Trọn đời tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn. Kế hoạch này nhằm mục đích chủ chốt là tăng triển trình độ tâm thức, nâng cao mức nhận biết ngày càng cao hơn. Con đã ngồi xuống với các vị thày tâm linh của con và lượng định: “Con đang ở mức tâm thức nào, đâu là những khuôn nếp, những ảo tưởng mà con có trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc mà con cần khắc phục để có thể tinh tiến, và làm thế nào con có thể tạo thuận lợi nhất cho công việc này trong kiếp đầu thai tới của con?” 

Và đó là cái khung tổng quát để con chọn lựa mình sẽ hiện thân lúc nào, ở nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Hầu hết những người tâm linh đều chọn cha mẹ và gia đình của mình, họ chọn nền văn hóa và quốc gia, vì trong môi trường đó có một điều gì có thể giúp họ khắc phục các ảo tưởng, các dính mắc, các khuôn nếp, các khuôn nếp phản ứng mà họ muốn vượt qua trong kiếp đầu thai này.

Đây là điểm mà con có thể nói là có một yếu tố vũ lực nào đó, vì khi con lập ra Kế hoạch Trọn đời thì con có một tầm nhìn rõ ràng hơn về những gì con cần khắc phục. Tất nhiên, con biết là một khi con lại bước xuống hiện thân thì con sẽ quên mất tầm nhìn này. Đây chính là bản chất của việc khắc phục một điều gì đó. Nếu con biết trước con sẽ phải khắc phục điều gì thì việc khắc phục đâu còn là thử thách gì nữa?

Làm thế nào con sẽ khắc phục trong thực tế? Con có một ảo tưởng. Nếu con biết đó là ảo tưởng thì con đã khắc phục nó rồi. Cách duy nhất để khắc phục là con bước xuống hiện thân với ảo tưởng đó, con quên mất ảo tưởng rồi trong khi con đầu thai con nhìn ra ảo tưởng. Đây là cách con khắc phục nó. Con vẫn mang một sự nhận biết nào đó trước khi đầu thai về những điều con cần khắc phục, và con quyết định tự đặt mình vào một tình huống bắt buộc con phải giải quyết cái khía cạnh cụ thể đó trong tâm lý của con. Hoàn cảnh vỏ ngoài của con, những người mà con cùng đầu thai như cha mẹ và anh chị em con chẳng hạn, tất cả đều mang một số khuôn nếp trong tâm lý của họ sẽ bắt buộc con phải phản ứng lại họ hầu con có dịp nhìn thấy các khuôn nếp nơi chính con. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là con đã tự ép mình phải đương đầu với hoàn cảnh đó, nhưng tất nhiên khi con bước vào đầu thai thì con đã quên mất, và đây chính là tại sao con thường phản ứng mạnh mẽ đến như vậy đối với cha mẹ mình, gia đình mình, hoàn cảnh vỏ ngoài của mình. Thử thách của con là con nối kết lại với cái đó.

5.3. Tâm muốn kềm chế

Con thấy những gì thày vừa nói đó, có một cơ chế trong tâm muốn kềm chế, trấn áp một số chuyện mà nó xem là mối đe dọa. Đó có thể là mối đe dọa bị choáng ngợp, hay phải chất vấn các niềm tin của mình hay là gì đi nữa, nhưng con muốn kềm chế nó. Khi con bước vào kiếp đầu thai, điều này thường có nghĩa là trong những hoàn cảnh khó khăn phải đương đầu với một người khó tính, con muốn đè nén nhu cầu xem xét chính mình. Con muốn trấn áp các cảm xúc, các tin tưởng, kềm chế tình huống con phải đối mặt để nó không làm xáo trộn thế cân bằng của con. Một lần nữa, đây là một điều tự nhiên trong một thời gian, nhưng nếu con là một người tâm linh, Kế hoạch Trọn đời của con có trù liệu là tới một điểm con sẽ tìm ra một giáo lý tâm linh và con được nhắc nhở một cách ý thức là có một con đường để mình bước theo.

Điều có thể đem lại lợi lạc cho con là con nắm lấy lời dạy này ở đây và nói: “Khi tôi lập ra Kế hoạch Trọn đời của tôi, tôi đã muốn ép buộc mình phải nhìn thấy điều gì? Tại sao tôi đã tự đặt mình vào hoàn cảnh này? Tôi muốn phơi bày điểm gì trong tâm lý của tôi?” Bằng cách quyết định ý thức như vậy, con có thể ít nhất khắc phục được phần nào sự kháng cự không muốn nhìn vào tâm lý của mình để tìm ra tại sao mình lại có khuôn nếp phản ứng như vậy đối với một số loại người.

Đây là một phần trong tiến trình con hình thành một ý định cao hơn, qua đó con nhận ra là trong cái “bây giờ và ở đây”, trong tình huống trước mắt con, con có một số khuôn nếp phản ứng đang muốn con kìm hãm việc xem xét tâm lý của con. Con có thể chọn gạt bỏ các khuôn nếp này và quyết định: “Không, tôi sẵn lòng nhìn vào tâm lý của tôi, các khuôn nếp của tôi, để nhìn thấy chúng và khắc phục chúng.” Điều này có nghĩa là giờ đây con đang nối kết với ý định đằng sau Kế hoạch Trọn đời là ý định của chính con. Và khi con nối kết vào đó thì có còn đâu yếu tố vũ lực nào nữa? Con đâu cần ép buộc mình phải xem xét điều gì khi con nối kết lại với ý muốn giải thoát khỏi điều đó? Khi con nhận ra là con muốn được tự do khỏi cái đó, con không đang ép buộc mình phải đương đầu với nó.

5.4. Con là ai?

Khi đó, con có thể bắt đầu chiêm nghiệm là có hai cấp độ ý định. Như thày vừa nói, bây giờ và ở đây, trong tình huống hiện tại, có một phần trong tâm con, tâm phàm của con có thể gọi là tự ngã, đang có một ý định duy trì thế cân bằng của con, không muốn bị xáo trộn, không muốn cảm thấy bị đe dọa. Con muốn kềm chế cảm xúc, kềm chế tư tưởng, kềm chế cách con nhìn chính con. Đây là điều mà phần này của tâm vốn làm. Nó giống như một chương trình máy tính không biết làm gì khác. Đây không phải là ý định cao nhất của con. Ý định cao nhất của con là những gì nằm trong Kế hoạch Trọn đời khi con đã có ý muốn khắc phục một số những khuôn nếp đó, có thể tất cả các khuôn nếp mà con còn sót lại. Một khi con nhận chân điều này thì không có chuyện ép buộc mình phải từ bỏ ý định thấp và chấp nhận ý định cao. Con tái nối kết với ý định cao. Con nhận ra rằng cái ta mà con là, đó là chính con có một ý định cao hơn. Đây mới là ý định của con.

Ý định muốn bưng bít và tránh né một chuyện gì không phải là ý định của con, đó là ý định của tự ngã, của ngã vỏ ngoài. Xong với thời gian, con có thể lần hồi chiêm nghiệm được điều này: Con là ai chứ? Đâu là cái ta đang có một ý định cao hơn cái ta mang ý định thấp?

Đây là điểm con sẽ được lợi lạc khi con tự hỏi một số câu hỏi mà hầu hết mọi người không thể đặt ra. Chẳng hạn, con là ai ngay lúc này, ai đang thu nhận bài giảng này? Đây là một bài giảng tâm linh. Nó có ý định giúp con nâng cao mức nhận biết của con. Ai là cái ta đang thu nhận lời dạy này?

Con cũng có thể hỏi ai là cái ta đang cưỡng lại lời dạy này? Con có thể nhận ra là trong tâm con có một cố gắng nào đó để khiến con cưỡng lại lời dạy. Có một cố gắng moi ra những kiến thức và tin tưởng hiện thời của mình, rồi dựa trên đó đánh giá lời dạy, tìm xem có điểm nào, có lý do hay viện cớ nào để bác bỏ lời dạy. Nhiều người tìm thấy một giáo lý tâm linh rồi phát hiện một chi tiết nhỏ xíu không tán thành với những niềm tin hiện tại của họ, thì họ dùng điểm này để bảo: “Ồ, toàn bộ giáo lý này sai bét.”

Ai là cái ta đang học giáo lý và ai là cái ta đang cố khiến con bác bỏ giáo lý? Nói cách khác, ai là cái ta đang cởi mở và ai là cái ta đang muốn con đóng tâm lại? Cái ta cởi mở là cái ta thực của con, trong khi cái ta cưỡng chống muốn con khép kín tâm con lại là tâm vỏ ngoài, là nhân cách tự ngã muốn con ở lại trong ảo tưởng. Toàn bộ nhân cách tự ngã này dựa trên ảo tưởng. Nó khởi lên từ ảo tưởng nhưng nó muốn con ở lại trong ảo tưởng. Đâu là cái ta mà con là? Ấy, con có thể bắt đầu cố sức tìm hiểu nó một cách trí thức, nhưng thật sự tất cả chỉ là việc trải nghiệm, cho nên con hãy thử làm bài tập đơn giản sau đây.

Một số các con đã biết bài tập này rồi nhưng đối với một số khác thì đây là điều mới lạ. Con hãy nhận biết là con đang ngồi đây thu nhận bài giảng này. Con nhận biết là có thể con đang ngồi trên một chiếc ghế, cho nên con hãy bước ra ngoài chính con bằng tư tưởng, bước ra ngoài tâm con, và con hình dung, con tưởng tượng là con đang đứng sau ghế và đang nhìn thân con ngồi trên ghế. Bây giờ con nhận ra là con đang ngồi trong một căn phòng, nhưng có gì đó bên ngoài căn phòng. Bây giờ bằng tư tưởng, con hãy lùi về thêm nữa cho đến khi con nhìn thấy nguyên căn phòng nơi con ngồi. Con thấy thân con đang ngồi trên chiếc ghế trong căn phòng. Rất có thể căn phòng này thuộc một căn nhà. Con lại lùi thêm, lại hình dung, tưởng tượng toàn bộ căn nhà, căn phòng trong căn nhà, và thân con ngồi trên ghế trong căn phòng. Bây giờ con có thể lùi lại thêm nữa trong khoảng môi trường bên ngoài căn nhà, nhìn căn nhà, căn phòng, chiếc ghế, vân vân. Con có thể lui lại, lui nữa và lui thêm nữa, nhìn thấy toàn bộ trái đất, con nhìn trái đất từ ngoài không gian, nhìn thái dương hệ, nhìn dải thiên hà, và suốt thời gian này từ nhãn quan của con, con vẫn nhìn xuống nơi thân con đang ngồi trên chiếc ghế.

Đây là một bài tập thật đơn giản nhưng một số người sẽ không thể làm được, trong khi một số khác sẽ không bị khó khăn gì hết, ít ra để tưởng tượng và hình dung là mình đang bước lùi lại. Câu hỏi bây giờ là như sau: Ai là cái ta đang lùi lại? Đâu là khả năng mà con có trong tâm con để lùi lại khỏi thân vật lý của con?

5.5. Cái ta là nhiều hơn cơ thể và tâm vỏ ngoài

Tuyệt đại đa số con người trên trái đất bị đồng hóa với cơ thể vật lý của mình đến độ họ không thể tưởng tượng là họ có thể bước ra khỏi cơ thể và đứng nhìn cơ thể. Nếu con có khả năng làm điều này thì có nghĩa là con không đến nỗi đồng hóa với cơ thể mình như hầu hết mọi người. Điều này có nghĩa là có một cái ta không phải là cơ thể, bởi vì nếu không thì làm sao con đã có thể bước ra khỏi nó bằng tư tưởng? Con không phải, như các nhà chủ nghĩa duy vật thường bảo, là một sản phẩm của những quá trình điện hóa (electrochemical) trong bộ não. Là người tâm linh, con đã chấp nhận mình không phải là cơ thể vật lý của mình. Thế thì con cũng có thể chiêm nghiệm rằng con không là thể cảm xúc của con, con không là các tình cảm của con, con không là các ý nghĩ của con, thậm chí con không là cả cái ý niệm bản sắc của con liên hệ với trái đất. Vậy con là ai? Con là gì?

Khi con suy nghiệm điều này, cuối cùng con sẽ nhận ra là giống như con có thể bước ra ngoài thân xác vật lý của mình bằng tư tưởng, thì con cũng có thể bước ra ngoài các cảm xúc của mình, các ý nghĩ của mình cùng ý niệm bản sắc của mình, và con ngộ ra là thực sự mình y như một diễn viên. Con bước vào một rạp hát, con mặc vào một bộ trang phục, con trét vào một lớp phấn son, thậm chí con khoác vào một giọng nói đặc thù, một cách nói năng, một nhân cách đặc thù, và đột nhiên con có thể bước ra sân khấu, diễn xuất như thể con là một người khác hẳn con người mà con vốn là trong đời sống bình thường. Cả bốn thể của con giống như một bộ đồ mà con đã chui vào. Vậy đâu là cái ta của con? Cái ta chính là cốt lõi của bản thể con.    

Thày biết là tâm con đang bị khó khăn, nó đang đánh lộn vì nó muốn làm những gì nó vẫn thường làm. Nó muốn có một sự mô tả, nó muốn có một cái nhãn, một tên gọi, nó muốn nắm một số đặc tính để nó có thể hiểu được cái ta là gì. Con thấy không, khi bàn đến bản sắc thế gian, tâm lý trí, cảm xúc và cơ thể vật lý của con, tất cả những thứ này đều mang những đặc tính có thể được mô tả bằng từ ngữ, bằng những tâm ảnh mà con sử dụng trên trái đất. Nhưng cái ta mà con là, nó vượt khỏi cái đó. Nó là nhiều hơn bốn thể của con, cho nên nó không thể được mô tả qua ngôn từ cùng các tâm ảnh được sử dụng trên trái đất.

Tâm vỏ ngoài của con không thể nào nắm bắt cái ta thực của con, và rất có thể nó đang nổi loạn chống lại ý tưởng này, nó đang cuống cuồng muốn nắm bắt, gắn nhãn, phân loại khái niệm này. Có thể nó đang lập luận rằng thật vô nghĩa mà nói chuyện về một cái gì có thực nhưng lại không mang đặc tính nào khả dĩ được mô tả.

Đâu là mục đích của một giáo lý tâm linh? Là giúp con nâng cao nhận biết, và làm thế nào con sẽ nâng cao nhận biết? Bằng cách thăng vượt mức nhận biết hiện thời của con. Đâu là mức nhận biết hiện thời của con? Đó là nội dung của các thể bẳn sắc, lý trí, cảm xúc của con. Đó là cái cho con một cái ngã vỏ ngoài, một cảm nhận vỏ ngoài rằng con là ai và con liên hệ thế nào với môi trường nơi con sống.

Ngay bây giờ đây, con có một mức nhận biết nào đó, và khi thày cho con khái niệm là có một phần trong bản thể con vượt khỏi mức nhận biết đó, thì tâm con liền muốn dùng mức nhận biết hiện thời này để cố nắm bắt, phân loại, gắn nhãn, mô tả cái phần này của bản thể con. Có những đệ tử tâm linh đã bỏ ra hàng chục năm trời để cố tìm hiểu các khái niệm tâm linh một cách trí thức bằng tâm vỏ ngoài đường thẳng. Thậm chí một số đã cố tìm hiểu khái niệm bảo rằng có một phần của họ vượt khỏi tâm, vượt khỏi tâm vỏ ngoài, nhưng họ không thể hiểu nổi với mức nhận biết hiện tại của họ. Con hãy ngẫm đi, và khi đó nếu con có khả năng buông bỏ cách nhìn cuộc đời hiện thời của mình, con sẽ có thể đạt được cái người ta thường gọi là một trải nghiệm thần bí.

Cái gọi là trải nghiệm thần bí đó thật chẳng thần bí gì cả. Nó dựa trên sự kiện có một cái ta. Chúng ta có thể gọi đó là cái ta ý thức, hay cái Ta Biết, nhưng ở một thời điểm nào đó có một cái ta đã bước vào cơ thể vật lý của con cùng các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Nó đến từ ngoài, nó đã bước vào đó, và nó đang dùng bốn thể này như một cỗ xe để tương tác với môi trường của con trên trái đất. Nó không do các thể này sản xuất ra, mà nó đã khoác vào các thể này. Theo một nghĩa nào đó, thậm chí nó đã chế tạo ra các thể bản sắc, lý trí, cảm xúc trong những kiếp trước. Chính sự kiện nó đã bước vào tâm hiện thời của con cũng có nghĩa là cái ta này có khả năng bước ra ngoài tâm con. Con có thể nói là ngay bây giờ đây, cái ta đang nhận biết chính nó là bốn thể phàm, nhưng cái ta có khả năng bước ra ngoài bốn thể này và ý thức được chính nó vượt hơn bốn thể, vượt hơn tâm. Đây là nền tảng cho mọi sự tăng triển nhận biết.

Nếu con lại dùng tâm đường thẳng thì con có thể ví con đường này như một chiếc cầu thang có nhiều bực riêng rẽ. Ngay bây giờ con đang đứng ở một bực nào đó trên cầu thang. Câu hỏi là làm thế nào con bước lên bước kế tiếp? Ai đang bước lên chứ? À, đó không phải là các thể cảm xúc, lý trí, bản sắc của con. Đó không phải là ý niệm bản ngã hiện thời của con, ý niệm con là ai, ai đang bước lên, bởi vì cái ngã hiện tại này của con bị buộc chặt vào bực thang hiện tại. Vậy cái gì bước lên? Cái Ta bước lên.  

5.6. Tự quan sát là cốt tủy của con đường tâm linh

Điều này xảy ra khi con nhìn vào bản thân, chẳng hạn một khuôn nếp phản ứng. Con thấy mình có xu hướng phản ứng một cách nhất định nào đó trong một số hoàn cảnh. Thay vì cho rằng đây là cách phản ứng duy nhất, con đạt tới điểm tự hỏi: “Tại sao tôi lại phản ứng cách này? Tôi thật không muốn nổi giận khi có ai đó không làm theo ý tôi. Tôi không muốn có trải nghiệm giận dữ này. Nếu tôi nghĩ đây là cách duy nhất thì làm thể nào tôi có thể thoát ra khỏi nó? Vậy tôi hãy nhìn vào nó, nhìn vào cái gì ở đằng sau nó. Tại sao tôi lại cho rằng đây là cách phản ứng duy nhất?”

Xong con có thể nhận ra là người khác không phản ứng cùng cách đó trong những tình huống tương tự. Có những cách phản ứng khác. Thật ra, Phật có nói là luôn luôn có một cách phản ứng khác dựa trên sự không dính mắc. Nói cách khác, con không mang một khuôn nếp khiến con bị dính mắc với một cách phản ứng nhất định. Điều này con có thể ngộ ra, con có thể nhìn ra là có một ảo tưởng khiến con tin rằng đây là cách phản ứng duy nhất. Khi con nhìn xuyên thấu ảo tưởng này, khi con thấy đó là một ảo tưởng đang giới hạn con, đang cầm giữ con lại, thì con sẽ tự động buông nó ra.

Có một câu chuyện quen thuộc được nhiều vị thày tâm linh sử dụng là nếu con đang đứng trong bóng tối, con nắm một vật gì đó và tưởng đó là sợi dây thừng thì có thể con sẽ nắm tiếp. Nhưng nếu người ta bật đèn lên và con thấy đó là một con rắn, thì con không phải nặn óc phân tích phức tạp dài dòng. Con chỉ tự động mở tay ra và buông con rắn. Điều tương tự cũng xảy ra ở đây. Khi con thấy rằng cái con tưởng là cách phản ứng duy nhất hay sự thật chỉ là một ảo tưởng, thì con tự động buông ảo tưởng ra, thế rồi con bước lên bực kế tiếp. Tất nhiên, con sẽ vẫn đem theo các ảo tưởng khác còn sót lại trong ba thể. Nhưng khi con xem xét ảo tưởng kế tiếp và buông nó ra, con lại vươn lên một bước nữa, và đây là cách làm thế nào con lần lần tiến bước trên đường tu. Nhưng công việc này chỉ có cái Ta của con mới làm được, không phải là tâm vì tâm không thể xem xét chính nó.

5.7. Máy tính sẽ không bao giờ có khả năng tự nhận biết

Hiện trong các giới khoa học đang có một phong trào nỗ lực tạo ra thông minh nhân tạo, vì nhiều nhà khoa học trong ngành nghiên cứu hành xử con người, chẳng hạn, đã tìm ra là các phản ứng của con người gần giống như máy tính. Đối với hầu hết mọi người thì nhận xét này không sai. Con đặt người ta vào một tình huống nào đó thì họ sẽ phản ứng y như cách họ đã phản ứng mười lần trước đó trong cùng tình huống này. Lý do là vì như thày đã giải thích, con mang một số khuôn nếp trong tâm tiềm thức của con. Thông thường một khuôn nếp nằm yên như đang ngủ, nhưng khi con gặp một tình huống đặc thù, tình huống sẽ kích hoạt khuôn nếp, sẽ tiếp quản phản ứng của con, thế là bây giờ con phản ứng theo đúng cách đó. Tâm tiềm thức của con có nhiều mặt giống như một chiếc máy tính, nó mang sẵn một số chương trình và khi chương trình được kích hoạt, chúng sẽ điều khiển phản ứng con, con sẽ phản ứng theo một cách nào đó, rồi có thể sau đó con sẽ hối hận hay con lập luận rằng: “Ồ, đó là cách duy nhất mình có thể phản ứng.”       

Điều các nhà nghiên cứu thông minh nhân tạo đã hiểu lầm là đối với một con người, đó không phải là cách duy nhất. Một con người luôn luôn có tiềm năng thay đổi khuôn nếp của mình một cách ý thức và cố tình, và cho dù con đã có thể phản ứng theo một cách hàng trăm lần, con vẫn có thể đột nhiên chọn một cách phản ứng khác trong lần kế tiếp. Một chiếc máy tính sẽ không thể làm được vậy. Tại sao? Vì nó không có sự tự nhận biết. Nó không có một cái ta nhận biết. Cái ta mà thày vừa nói đến là cái ta có khả năng trở nên ý thức về chính nó. Lúc đầu nó trở nên ý thức về chính con, nhưng nó cũng nhận biết nó không phải là ngã vỏ ngoài. Đây là tại sao chính con có tiềm năng – như một con người và mọi con người – thay đổi phản ứng cùng hành động của mình một cách ý thức và cố tình. Con có thể chọn một phản ứng khác so với cách phản ứng trong quá khứ. Trong quá khứ có thể con đã phản ứng theo một chương trình nơi con thực sự không có chọn lựa. Đúng, con đã chọn lựa trong một quá khứ xa xôi khi con tạo ra chương trình, nhưng mỗi khi chương trình kích hoạt thì con không đang chọn lựa ý thức. Đây chính là lý do tại sao một số nhà khoa học đã khám phá là con đã có một phản ứng trong bộ não trước khi con chọn lựa ý thức trong một tình huống đặc thù. Lý do là vì có một chương trình tiềm thức đã chọn lựa trước khi con biết đến chọn lựa đó ở mức ý thức.

Vấn đề rộng lớn hơn ở đây là con mang tiềm năng trở nên tự ý thức, tự nhận biết, không những về các phản ứng của mình mà còn về những mức độ tự nhận biết cao hơn, về con người mà con thực là. Con không là các phản ứng của con, con không là các cảm xúc của con, con không là các ý nghĩ của con, con không là ý niệm bản sắc vỏ ngoài của con. Con là cái mà một số người gọi là một sinh thể tâm linh. Con đến từ ngoài cái môi trường mà con gọi là trái đất. Theo một nghĩa nào đó, Bát chánh đạo – hay bất cứ tên gọi nào cho con đường tâm linh – là một tiến trình càng ngày càng tự nhận biết nhiều hơn. Cái ta mà con là càng ngày càng trở nên ý thức về cái nó là và cái nó không là.

5.8. Không có giác ngộ tức thì

Một lần nữa, tâm vỏ ngoài của con sẽ lại nói: “Vậy tại sao thày không cho con ngay mức tự nhận biết tối thượng đó đi, cái bí ẩn tối hậu về sự tự nhận biết, để con nhảy tất cả những bước này và bước vào cõi Niết bàn ngay bây giờ? Con có thể giác ngộ ngay lập tức.” Con thấy đó, điều này không thể làm được. Không có sự giác ngộ tức thì và lý do thật đơn giản. Cái ta mà con là đã không đến trái đất ban đầu để đạt giác ngộ. Con đến trái đất là để có một số trải nghiệm ở đây có thể tạo thuận lợi cho tiến trình hướng đến giác ngộ của con. Con đã không đến địa cầu chỉ để thoát khỏi nơi đây, mà con đến địa cầu để có một số trải nghiệm. Và để có những trải nghiệm này, cái ta mà con là phải tạo ra những nội dung, trước tiên trong tâm bản sắc, xong trong tâm lý trí, rồi trong tâm cảm xúc của con. Chính những khái niệm này đặt nền tảng cho các trải nghiệm con đã có trên trái đất, với mục đích để con có được loại trải nghiệm con có thể có trên trái đất, cho đến khi con chán chê các loại trải nghiệm này và mong muốn một cái gì hơn nữa. 

Đó là lúc con sẵn sàng cất bước trên đường tu. Cho đến khi đó, con vẫn có loại trải nghiệm mà con có thể có trên trái đất, rằng mình là một sinh thể tách biệt sống trong một thế giới với những sinh thể tách biệt khác, và con đang tranh đấu chống lại các sinh thể này. Con có thể nói bằng tâm ý thức: “Tôi không bao giờ mong muốn chuyện tranh đấu này. Đó không phải là lý do tôi đã đến địa cầu.” Nhưng thật ra đó chính là lý do. Khi con bước lui lại khỏi trải nghiệm hiện thời của mình, con nhận ra đây chính là tại sao con đã đến địa cầu. Con có thể có nhiều lý do khác nhau, nhiều động lực khác nhau, nhiều ý định khác nhau ở bên sau, nhưng đó chính là tại sao con đã đến trái đất – để có loại trải nghiệm mà con có thể có trên trái đất. Sẽ tới một điểm sau rất nhiều kiếp sống nếm mùi loại trải nghiệm này, con sẽ chán chê và bây giờ con muốn cái gì khác hơn. Đó là lúc con mở tâm ra đón nhận con đường tâm linh dưới bất kỳ phiên bản nào con có khả năng nắm bắt.

Mục đích của con đường tâm linh bây giờ là giúp con dần dần trở nên ý thức về những nội dung mà con đã bỏ vào các tâm cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, con lần hồi vứt bỏ chúng đi để càng ngày con càng có ít hơn trong những tâm này. Con trở nên ngày càng tự do hơn. Thực sự giác ngộ là điểm khi trong tâm con không còn nội dung nào nữa dựa trên các ảo tưởng của nhị nguyên và tách biệt. Con đã khắc phục tất cả mọi ảo tưởng rằng con là một sinh thể tách biệt, rằng con có thể sử dụng các đối cực nhị nguyên để biện minh cho mọi việc mình muốn làm như một sinh thể tách biệt. Đó là khi con giác ngộ. Có thể nói là trong khi con bước chân hướng đến giác ngộ, con lấy từng nội dung từ trong tâm và bỏ nó đi, con để nó ra đi, mỗi lần một ảo tưởng, cho đến khi con không còn ảo tưởng nhị nguyên tách biệt nào còn sót lại.

5.9. Con có đánh mất nhân cách của mình?

Tuy nhiên một số người sẽ phản đối chuyện này và cho rằng: “Liệu sẽ có nghĩa là tôi không còn quan điểm, niềm tin hay lý thuyết nào về cuộc sống, không còn khuôn nếp nào trong cảm xúc? Liệu có nghĩa là tôi không còn nhân cách nào, bản sắc nào?” Phải, có nghĩa đúng như vậy. Con không còn nhân cách cùng bản sắc vì những thứ này được định nghĩa trên trái đất dựa trên các ảo tưởng của Maya, các ảo tưởng của tách biệt và nhị nguyên. Con mất đi cái mà hầu hết mọi người xem là nhân cách và bản sắc của họ. Không có nghĩa là con trở thành một con số không, vì con vẫn có một sự cá biệt trong bản thể cao của con mà bây giờ con có thể bắt đầu biểu đạt trên trái đất. Cái con mất đi là cái chúng ta có thể gọi là cá tính, nhân cách và bản sắc nhân gian. Nếu con cởi mở với một giáo lý tâm linh, đây chính là ý định cao hơn mà con đã có trước khi con lập ra Kế hoạch Trọn đời của mình.

Điều này có nghĩa là giờ đây khi con nhìn vào đời mình và các hoạt động của mình, con không phải làm điều mà nhiều Phật tử đã làm, là đánh giá lại xem ý định nào là chân chính, ý định nào là bất chính: “Tôi cần phải ép buộc mình không được có ý định bất chính.” Thay vào đó, con có thể nói: “Trong Kế hoạch Trọn đời của tôi có điều gì nói đến một khía cạnh đặc thù trong đời tôi ngay bây giờ?” Lấy ví dụ con nhận diện trong con mong muốn được nếm một loại trải nghiệm nào đó. Trên trái đất có thể có nhiều loại trải nghiệm khác nhau, nhưng như trong trường hợp nhiều người, con quyết định mình muốn một mối quan hệ riêng tư, một quan hệ tình dục với ai đó. Đây là một loại mong muốn rất phổ biến, ngay cả trong số những người tâm linh.

Có rất rất nhiều sự hiểu lầm về điểm này trong số những người tâm linh, và con vẫn thấy rất nhiều Phật tử tu học giáo lý rồi dùng tâm vỏ ngoài để bảo: “Ồ, bất cứ hoạt động nào không tâm linh đều sai trái cả và tôi phải tránh làm chuyện đó.” Có một điều khác con có thể xem xét ở đây. Giả dụ con đang thảo Kế hoạch Trọn đời của mình, khi đó con có một tầm nhìn rộng lớn hơn bây giờ. Con nhận ra là con vẫn còn mong muốn trải nghiệm một quan hệ riêng tư, ngay cả một quan hệ vật lý. Con quyết định là con sẽ tự đặt mình vào một tình huống nơi con có thể gặp một người và có được loại quan hệ này. Có sai trái gì đâu trong việc trải nghiệm như vậy nếu con đã lượng định là mình cần có trải nghiệm này trong một thời gian để mình có thể chán chê chuyện này? Nhờ vậy con sẽ có thể thoát ra khỏi nó, để sau đó con có thể tập trung vào những trải nghiệm khác mà con muốn cho phần còn lại của kiếp này. Có sai trái gì đâu trong việc này?

Đó là một phần trong Kế hoạch Trọn đời của con sẽ cuối cùng dẫn con lên một mức nhận biết cao hơn. Thay vì ép buộc mình phải kìm nén một trải nghiệm, con bước vào trải nghiệm cho đến khi con chán chê, con chán ngán nó, rồi con có thể lượng định – không nhất thiết là con phải từ bỏ tình huống vỏ ngoài đó, mà con đạt tới điểm mình không còn ham muốn cưỡng chế nào để nếm trải nghiệm đó. Thật chẳng có gì tự thân là phi tâm linh trong hoạt động tình dục, nhưng nếu con dính mắc với nó, nếu đó là một ám ảnh cưỡng chế, thì tất nhiên nó có thể cản trở sự tăng triển lên những tầng nhận biết cao hơn. Nếu con đạt tới điểm khắc phục được sự dính mắc, khắc phục được sự cưỡng chế, khắc phục được ảo tưởng là con cần đến nó để cảm thấy trọn vẹn, thì hoặc con có thể chọn ngừng hẳn hoạt động đó, hoặc tiếp tục một cách khác mà không dính mắc. Trong cả hai trường hợp, nó sẽ tạo thuận lợi cho con tăng triển nhận biết.

Con thấy đó một lần nữa, đâu là ý định cao hơn của con ở đây? Có phải là giải quyết các ảo tưởng, giải quyết Maya trong tâm con? Hay có phải là sử dụng một lời dạy tâm linh để che đậy các ảo tưởng để con, ở mức ý thức, có thể giả vờ như thể con không có ảo tưởng? Con có thể nghĩ: “Ồ, tôi đã hiểu lời dạy tâm linh cao cấp này rồi, tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu thời giờ thực hành các pháp tu này, cho nên tôi đã vượt xa mong muốn này, ý định này.” Nhưng con chỉ giả vờ thôi con. Con đang che phủ mong muốn đó và điều này sẽ không giúp con vươn lên bước kế tiếp của chiếc thang hay của cầu thang.

5.10. Xét lại các ý định của mình

Đây là bước tiếp theo trên con đường Bát chánh đạo, là xét lại các ý định của con. Ý định trên hết của con là cuối cùng con sẽ thoát khỏi trái đất, nhưng con không thể ép mình thoát khỏi trái đất. Nếu con kìm nén một ham muốn nào đó thì con sẽ phải trở lại đầu thai lần nữa để đạt tới điểm con buông được ham muốn một cách ý thức. Nhiều người tâm linh đã ép buộc mình phải sống trong một khung cảnh tu viện nơi họ phải kìm nén ham muốn tình dục của họ. Có thể là họ đã sống được như vậy suốt một kiếp dài, hay ngay cả mấy kiếp, nhưng sẽ tới một điểm họ nhận ra – khi họ ở ngoài hiện thân – là họ đã không tự giải phóng khỏi ham muốn mà chỉ kìm nén ham muốn. Họ sẽ cần trở lại trải nghiệm hoạt động đó cho dù nó là gì, cho đến khi họ có thể buông bỏ ham muốn một cách ý thức và cố tình: “Tôi đã chán chê trải nghiệm này rồi.” Việc này không thể cưỡng ép được, nhưng tiếc thay, rất rất nhiều người đã dùng một giáo lý tâm linh để tạo ra ý tưởng là họ phải tự cưỡng ép. Nếu con thực sự muốn tiến triển tâm linh, ý định của con phải là giải quyết, từ bỏ, buông xả, khắc phục, vượt qua các mối dính mắc của mình, các khuôn nếp, các nội dung trong thể cảm xúc, thể lý trí và thể bản sắc. Đây phải là một ý định bao trùm tất cả, và khi con vươn lên đến mức đó và ý thức được điều đó, con có thể lượng định tất cả mọi ý định khác của con.

Một lần nữa, con phải kiếm sống để nuôi cơ thể, giữ cho nó sống còn. Có thể con có một số bổn phận đối với gia đình và với người khác. Làm thế nào con quân bình được một cuộc sống gia đình bình thường với sự kiện mình là một người tâm linh có nhận thức về giáo lý tâm linh? Con chỉ có thể làm được bằng cách ngộ ra là bất kỳ hoạt động nào – ừm, hầu hết mọi hoạt động trên địa cầu – đều có khả năng tạo thuận lợi cho sự tăng triển nhận biết của con. Nguyên cái ý tưởng cho rằng con phải từ bỏ cuộc sống trần tục, phải lui vào tu viện để tiến bộ tâm linh không luôn luôn đúng. Có thể có một số người cần làm như vậy trong một hay vài kiếp sống, nhưng chắc chắn không phải là mọi người. Kỳ thực, trong thời buổi con đang sống hôm nay, điều quan trọng hơn so với các thời đại trước là mọi người cần bước trên đường tâm linh bằng cách sống một cuộc đời năng động ngoài xã hội. Đây là điểm sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người hơn trước để họ cởi mở với đường tu khi họ thấy là họ không phải từ bỏ đời sống bình thường, rút vào tu viện trên đỉnh núi hầu là người tâm linh.

Bây giờ là một thời đại, một thời điểm có rất nhiều người đã tình nguyện bước vào hiện thân để chứng tỏ là con có khả năng tìm ra một sự quân bình giữa đời sống trần thế và sự tăng triển tâm linh, tăng triển nhận biết. Tuy nhiên, thày cũng nói là điều này quan trọng hơn bao giờ hết do thời buổi, nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng trong quá khứ. Con nghĩ tại sao thày đã gọi con đường này là Trung đạo? Một lần nữa, Trung đạo là một cách dịch đáng tiếc về một khái niệm phức tạp hơn. Dẫu vậy, Trung đạo không phải là pháp tu khổ hạnh cực đoan mà thày đã đi theo trong thời non trẻ dại dột, cũng không phải là cuộc sống thế tục hoàn toàn mù quáng mà đa số con người đi theo. Nó thăng vượt cả hai, qua đó con sống một cuộc sống năng động trong xã hội với bổn phận gia đình, nhưng con vẫn bước chân trên con đường tâm linh vì con có ý định sử dụng các hoạt động thế tục của mình để tạo thuận lợi cho mình tăng trưởng nhận biết.

Làm thế nào thực hiện được việc này? À, một phần bằng cách xem xét phản ứng của mình trong các tình huống thế tục, và phần khác bằng cách nhận ra là con có khả năng tạo cảm hứng cho người khác qua tấm gương của con. Điều gì xảy ra khi người ta rút lui khỏi xã hội, trở thành tăng ni và sống trong thiền viện? Họ tránh được nhiều áp lực của đời sống thường nhật khả dĩ kích hoạt các khuôn nếp phản ứng của họ. Họ sống trong một môi trường kiềm chế, và một khi họ đã chấp nhận các ràng buộc của môi trường này, rất có thể không có nhiều thứ sẽ kích hoạt phản ứng của họ. Họ có thể tự đánh lừa là họ không còn các phản ứng này nữa, rằng bằng cách chọn sống trong một hoàn cảnh không kích động khuôn nếp thì họ đã khắc phục khuôn nếp. Nhưng không, tất nhiên là họ chỉ áp chế nó thôi.

5.11. Trung đạo thực sự nghĩa là gì

Toàn bộ khái niệm Trung đạo là con không định nghĩa con đường tâm linh theo hai đối cực nhị nguyên, qua đó hoặc con là một người hoàn toàn trần tục, hoặc con phải rút ra khỏi thế gian để là một người tâm linh. Có một con đường khác cho tình trạng “hoặc cái này hoặc cái kia”, một giải pháp khác cho cái nhìn trắng đen đó. Con có thể tìm ra một cách để là người tâm linh trong khi vẫn năng động trong xã hội. Đây là ý nghĩa sâu xa của ý định cao hơn, và bỗng nhiên tất cả mọi thứ đều hiện ra dưới một sắc thái mới. Con có được một nhãn quan mới về mọi khía cạnh đời con. Bỗng nhiên con có thể bắt đầu xem lại một vấn đề đã là một trong những cản trở lớn nhất cho người tâm linh. Đó là sự phân biệt giữa những gì là hoạt động tâm linh và những gì là hoạt động không tâm linh, hay thậm chí phản tâm linh. Tất nhiên đây là một chủ đề thày sẽ quay trở lại khi trình bày về hành động cao [Chánh nghiệp]. Nhưng dẫu vậy, điều quan trọng khi con xem xét ý định của mình là con cần vượt qua cái nhìn nhị nguyên về con đường tâm linh.

Đâu là một trong những lời dạy nền tảng của đạo Phật? Đó là mọi thứ đều là Phật tánh. Hiển nhiên, con người trên địa cầu không nhìn thấy mọi thứ là Phật tánh. Tại sao họ không thấy được mọi thứ là Phật tánh? Bởi vì tâm họ bị mù quáng bởi tấm màn Maya. Nhưng cái gì cấu tạo tấm màn Maya? Đó là tâm thức nhị nguyên luôn luôn tạo ra hai đối cực nghịch lại với nhau một cách đen trắng. Tâm thức này ngụ ý một sự phán xét giá trị, nó bảo hoạt động này không tâm linh và hoạt động kia thì tâm linh. Nếu tất cả đều là Phật tánh thì có nghĩa lý gì mà nói: “Cái này tâm linh, cái kia không tâm linh?” Sẽ ý nghĩa hơn không nếu con nhận ra mục đích thực của đường tu là khắc phục ảo tưởng? Ảo tưởng là cái che phủ Phật tánh ở bên trong tất cả mọi thứ. Có nghĩa mục đích thực của đường tu không phải là định nghĩa thế này là tâm linh, thế kia là phản tâm linh để rồi phải tránh cái phản tâm linh và chú tâm vào cái tâm linh.

Mục đích thực của con đường tâm linh, của Trung đạo, là ngộ ra mọi hoạt động trên trái đất đều có khả năng tạo thuận lợi cho sự tăng triển nhận biết của con khi con tiếp cận chúng với ý định thăng tiến nhận biết, nhìn vào bản thân mình, phản ứng của mình, ảo tưởng của mình. Đó là khi hoạt động đó trở nên tâm linh. Bảo rằng một hoạt động là không tâm linh cho nên việc tham gia vào đó – như việc lập gia đình chẳng hạn – sẽ phá hoại bước tiến tâm linh, chỉ đơn giản là một mức độ hiểu biết thấp hơn về đường tu. 

Hiển nhiên là có một số hoạt động sẽ không tạo thuận lợi cho sự tăng triển nhận biết vì chúng càng nhốt con sâu hơn sau tấm màn Maya, nhưng bất kỳ hoạt động nào cũng có thể được sử dụng để giúp con nhìn ra ảo tưởng đằng sau hoạt động. Vì vậy thày không bảo là việc xông ra ngoài kia giết hại người khác sẽ giúp con tăng triển nhận biết, nhưng quả thực việc nhìn ra các ảo tưởng đằng sau việc giết người có khả năng tạo thuận lợi cho con tăng triển nhận biết.

Một lần nữa, tâm nhị nguyên luôn luôn muốn tạo ra sự phân biệt và tách biệt để giàn dựng một thế nhị đối, nhưng đường tu, con đường Bát chánh đạo, là nhìn vượt lên trên tấm màn Maya để nhìn thấy mọi sự là Phật tánh. Phật tánh ở trong mọi thứ, cho nên ý định đích thực là nhìn ra điều này, chứ không phải là nhận diện cái này hay sinh hoạt này là tâm linh và sinh hoạt kia thì không. Điều gì sẽ giúp con thấy được Phật tánh đằng sau tấm màn Maya? Nếu điều đó giúp con thấy được thì làm sao nó không tâm linh cho được? Nếu điều gì buộc chặt con vào các ảo tưởng nhị nguyên, thì cho dù con có dùng giáo lý tâm linh để củng cố cho ảo tưởng, làm sao nó tâm linh cho được?

Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn trao trong bài này. Những ngọn sóng chấn động chắc chắn đang được gửi vào tâm thức tập thể, làm khuấy động lũ quỷ của Mara. Chúng đang gầm gừ la hét, chúng đang cố khiến cho mọi người bác bỏ những xung lực này để họ lại tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh của Biển Luân hồi.   

Nhưng các con cởi mở với những lời dạy này, các con có thể tránh được chuyện đó bằng cách biến lời dạy thành con thuyền Bát nhã, nhưng con sẽ chỉ làm được vậy nếu con luôn nỗ lực vươn lên một cấp độ ý định cao hơn so với ngay bây giờ. Thày đã hoàn thành ý định của thày trong việc ban truyền lời dạy này. Thày hy vọng nó sẽ giúp con hoàn thành ý định của con trong kiếp đầu thai này.  

Tự do khỏi vũ lực là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trên địa cầu

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels ngày 30/10/2022, nhân Webinar 2022 cho Ukraine. Đăng ngày 28/11/2022.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain, Thượng sư của Tia thứ Bảy.

Tự do là gì? Ở những thời điểm khác nhau, tự do đã mang những định nghĩa khác nhau cho những người khác nhau. Con sẽ thấy ví dụ những chế độ, những đế quốc, những ý thức hệ đủ loại đã định nghĩa tự do là việc tuân thủ hệ thống. Ngay cả trong thế giới hôm nay, con cũng thấy được điều này. Các giáo sĩ cực chính thống của Hồi giáo tại Iran định nghĩa tự do như thế nào? Là tuân theo chính quyền, tuân theo hệ thống, tuân theo luật Sharia và sống – thậm chí còn chấp nhận – một cuộc đời định ra dùm họ, rằng đây là những gì ý chí Thượng đế đã muốn cho họ, là tất cả những gì họ có thể mong mỏi.

Tự do được định nghĩa thế nào ở Liên Xô? Là trở thành một công dân thuần phục tuân thủ luật pháp cùng mọi phép tắc và mệnh lệnh của giới lãnh đạo trong đảng. Giáo hội Công giáo sẽ định nghĩa tự do thế nào? Là tuân thủ mọi quy luật, tín điều và học thuyết của đạo Công giáo. Các hội thánh cực chính thống định nghĩa tự do thế nào? Là tin vào cách diễn giải phúc âm theo nghĩa đen và tuân thủ từng chữ, cho dù nó có nghĩa là gì cho cuộc đời của con ở đây trên trái đất, bởi vì – họ dạy như vậy – điều quan trọng là những gì sẽ xảy ra sau cuộc đời này.  

Một cuộc sống tốt đẹp hơn sau địa cầu

Hiển nhiên, là chân sư thăng thiên, chính các thày là những ví dụ sống cho thấy có sự sống sau cuộc đời trên địa cầu. Có thể gọi đó là sự sống sau đời sống – cái mà con người gọi là đời sống. Nhưng nếu muốn cho khái niệm “có sự sống sau đời sống” có chút ý nghĩa, thì chẳng hợp lý hay sao khi bảo rằng sự sống sau đời sống phải tốt đẹp hơn cuộc đời trên trái đất? Nhiều người đạo Cơ đốc khắp thế giới mong mỏi gì? Nhiều người Cơ đốc ở Nga mong mỏi gì? Họ mong mỏi có một sự sống sau đời sống của họ trên trái đất, và họ mong nó sẽ tốt hơn những gì họ đang có. Ngụ ý là gì?

Tôn giáo Cơ đốc đã quen làm gì trong 1700 năm qua từ ngày thành lập Giáo hội Công giáo, qua đó họ cũng đã lập khuôn cho tất cả các giáo hội Cơ đốc khác, kể cả Chính thống giáo Đông phương? Phải, đạo Cơ đốc đã trở thành công cụ cho thiểu số thượng tôn quyền lực để cố ép buộc dân chúng phải chấp nhận cuộc đời mà chúng, thiểu số quyền lực, đã quy định cho mọi người. Thiểu số quyền lực đã cố ép mọi người phải tin rằng cuộc đời mà họ đang có, ngay cả khi họ nghèo khó, là do Thượng đế quy định. Đó là cuộc đời mà Thượng đế đã quy định họ phải sống – nhưng đừng lo, bởi vì trong cõi tới, cuộc sống sẽ khá hơn. Nhưng tất nhiên, đây là một lời gian dối vì nó đi ngược lại luân hồi.

Sự thật là tâm thức mà con mang trong kiếp này định đoạt cuộc sống của con sẽ ra sao trong kiếp tới. Nếu con đã không tự giải thoát khỏi ách thao túng của thiểu số quyền lực trong kiếp này, thì trong kiếp tới con sẽ trở lại dưới ách nô lệ của chúng. Tất nhiên thiểu số quyền lực biết rõ chuyện này, nhưng chúng tước mất hiểu biết này khỏi người dân để họ không thể nổi dậy chống lại chúng vì cứ tin rằng làm vậy sẽ có hại cho đời sống của họ trên trái đất, sẽ cản trở việc họ được lên thiên đàng, mà thay vào đó, họ sẽ bị đày xuống địa ngục với nỗi thống khổ kéo dài đời đời kiếp kiếp.    

Một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên địa cầu

Nhưng con thấy đó, nếu con dùng suy luận cao để suy ngẫm – một khả năng mà nhiều người có nhưng không phải ai ai cũng có – nếu con mang khái niệm về một sự sống tốt đẹp hơn sau cuộc đời trên trái đất, thì con đã cởi mở với khả năng là cuộc sống có thể khá hơn bây giờ. Vậy tại sao con không thể có cuộc sống đó ngay trên trái đất? Tại sao con phải chờ một cõi cao hơn để sống tốt hơn?

Các Thượng sư kia đã nói đến quá trình tiến hoá trong lịch sử, những chiều hướng, những xoay chuyển đã xảy ra trong lịch sử. Ở đây, con có thể nhìn từ góc cạnh Tia thứ Bảy của Tự do. Đã có một thời con người phải sống trong tình trạng dốt nát dưới đế chế Công giáo thời Trung cổ. Họ chỉ biết những gì giáo hội bảo họ được phép biết, và tất nhiên, giáo hội không cho họ biết là có một cách sống khác hơn cuộc đời của họ. Giáo hội không nói cho họ biết là có những người ở những nơi khác trên thế giới đang có một cuộc sống khác hơn.

Điều tương tự tất nhiên cũng đã xảy ra ở Liên Xô. Không ai nói cho dân chúng biết rằng người dân ở các nước Tây phương có một đời sống tốt đẹp hơn Liên Xô rất nhiều, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Con hãy nhìn sự kiện thật đơn giản là cái người ta gọi là Bức màn Sắt. Nếu Liên Xô đã thật là thiên đường xã hội chủ nghĩa tuyệt vời như họ tuyên bố, thì chức năng của Bức Màn Sắt phải là để ngăn không cho dân nghèo tại Tây Âu đang quằn quại dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư bản di cư đến thiên đường Liên Xô. Nhưng thay vào đó, hiển nhiên, chức năng của Bức màn Sắt là để giam dân chúng trong “thiên đường” xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn họ không thể biết được cuộc sống ở những nơi khác trên trái đất tốt đẹp hơn như thế nào.

Con thấy gì? Con thấy quá trình tiến hóa, sự tiến hóa của xã hội, đã đem lại điều kiện sống tốt đẹp hơn gấp bội cho con người trên trái đất. Chắc chắn vẫn có người phải sống trong những điều kiện khủng khiếp, nhưng so với 100 hay 500 hay 1000 năm trước, rất nhiều triệu người đang có một cuộc sống tươm tất hơn hẳn. Điều này đã không xảy ra do tầng lớp thượng tôn quyền lực hay với sự chấp nhận của chúng – thật sự chúng đâu có muốn chuyện này xảy ra. Tại sao như vậy? Vì chúng muốn duy trì tình trạng mọi người đều không nghĩ là một cách sống khác hơn cách họ đang sống có thể hiện hữu. Họ không nghĩ có bất cứ ai đang được hưởng những điều kiện tốt hơn điều kiện của họ tại xứ họ. Tại sao Liên Xô phải ngăn không cho dân chúng trong nước biết đến những gì xảy ra bên ngoài? Vì Liên Xô phải cố ngăn không cho họ biết là cuộc sống trên địa cầu có thể tốt hơn những gì họ đang có.

Boris Yeltsin, như các thày đã từng đề cập, đã hiểu ra điều này khi ông sang thăm Hoa Kỳ. Ông thấy một cửa hàng tạp hóa chỉ tầm thường thôi nhưng kệ hàng thì đầy ngập những mặt hàng đủ loại, và khách mua thì chỉ việc bước vào chọn mua bất cứ gì họ muốn. Và ông nhận ra là nếu người dân Liên Xô biết người dân Tây phương đang sống như vậy thì họ cũng sẽ muốn được như vậy. Và do đó, Liên Xô sẽ không thể nào sống còn.

Điểm này dẫn đến điều gì? Nó dẫn đến nhận thức là ai ai cũng đều muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tất cả mọi người trên địa cầu đều muốn sống tốt hơn. Lý do duy nhất mà quá nhiều người không có được cuộc sống đó là vì trong tâm họ, do sự thao túng của thiểu số quyền lực, họ đã tin rằng chuyện này không thể nào xảy ra cho họ.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Ukraine

Đâu là một trong mấy lý do đã gây ra cuộc chiến tại Ukraine? À, người Nga tại Nga hay tuyên bố rằng người Ukraine và người Nga là hai dân tộc anh em. Họ quả quyết là hai dân tộc sao có thể giống nhau đến như vậy, và Putin tạo ra ý tưởng là người Ukraine muốn được giống như người Nga. Họ muốn là người Nga – hay ít ra họ phải muốn được vậy chứ. Nhưng sự cai trị của Putin tại Nga dựa trên gì?

Nó dựa trên sự kiện là người dân Nga không tin là họ có khả năng thay đổi các điều kiện ở Nga. Họ không tin là họ có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn, rằng họ có thể thoát khỏi hệ thống hiện hữu, thoát khỏi Putin lẫn tầng lớp thượng lưu quyền lực của ông ta. Hầu hết mọi người đều không tin là họ có khả năng thoát ra được. Nhưng điều gì đã xảy ra tại Ukraine, đặc biệt từ khi một tổng thống mới được bầu lên, và ngay cả trước đó nữa? Điều xảy ra là nhân dân Ukraine đã nổi lên nỗi khát vọng muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Rõ ràng họ muốn sống tốt hơn thời Liên Xô. Rõ ràng họ muốn sống tốt hơn ngay cả thời hậu Liên Xô. Và ngày càng có nhiều người tại Ukraine hiểu ra là chỉ có một cách họ có thể có được cuộc sống đó – là tiến lại gần với Âu châu, vì họ thấy rõ cuộc sống này đang là hiện thực ở đó.

Con cũng biết trong lịch sử, hay thậm chí trong cả Kinh thánh, tình anh em có thể mang những khía cạnh không mấy âu yếm. Hẳn con có nghe truyện về Cain và Abel. Abel có một điều gì mà Cain cũng có thể có nếu y sẵn lòng tự thăng vượt, nhưng Cain lại không sẵn lòng. Y không sẵn lòng tự thăng vượt, cho nên y không thể có cái Abel có. Nhưng sự kiện Abel có cái đó khiến cho y bực bội, bối rối, ghen tuông. Y không chịu nổi Abel có mà y lại không có. Và vì y không sẵn sàng tự thăng vượt cho nên y đã làm gì? Cain đã sát hại Abel để y không phải nhìn anh mình sở hữu một cái gì mà mình không sẵn lòng đạt được. Đó, đây cũng chính là điều xảy ra cho tâm thức tập thể toàn nước Nga, nhưng đặc biệt trong giới thượng tôn quyền lực.

Tại sao Putin lại quyết tâm nắm quyền tại Ukraine đến như vậy? Vì ông không muốn người dân Ukraine tạo được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và hướng về phía phương Tây. Tại sao ông không muốn? Vì nếu nhân dân Ukraine có thể làm được điều này thì tại sao nhân dân Nga không thể làm được tại Nga? Cho nên ông sợ nếu người Nga ở Nga chứng kiến điều này, chứng kiến người Ukraine sống tốt đẹp hơn, thì chính họ cũng sẽ muốn được như vậy. Và ông biết việc này chỉ có thể xảy ra nếu chế độ của ông bị lật đổ – không chỉ chính quyền của ông, nhưng cả những đại gia đầu sỏ (oligarch), những nhà tài phiệt, cùng toàn bộ cách vận hành của nền kinh tế Nga.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Nga?

Muốn cho đa số người dân Nga được sống tốt hơn, nguyên hệ thống phải thay đổi một cách cơ bản. Như các thày đã nói về quân đội Nga, nếu con muốn sửa một vấn đề, con không thể sửa vấn đề đó trong phạm vi cùng hệ thống, vì chính hệ thống đó là vấn đề. Putin không thể đem lại một cuộc sống tốt hơn cho dân Nga vì chính ông là người đang kìm hãm nước Nga.

Cho nên ông cho rằng nếu Ukraine thành công trong việc thiết lập một nền kinh tế cường thịnh hơn, một mức sống cao hơn cho dân Ukraine bằng cách hướng về phương Tây và bảo đảm những quyền tự do dân chủ rộng rãi hơn, thì đây sẽ là một mối đe dọa cho chinh ông. Putin mô tả đó là mối đe dọa cho nước Nga, nhưng như các thày đã nói, Putin ở trong trạng thái tâm thức thấp nhất có thể có trên trái đất, cho nên trong tâm ông, tất cả mọi thứ đều xoay quanh chính ông. Trong tâm Putin không có một người nào khác ngoài Putin. Mọi người khác đều chỉ là công cụ để thăng cấp hay bảo vệ cho hình ảnh mà Putin muốn có về chính mình. Điều này, bất cứ ai sẵn sàng quan sát khách quan đều có thể thấy rõ.

Kế hoạch của Putin cho Ukraine

Một phần động cơ ở đây là sự ghen tuông, là khi con không muốn để cho một người mà con xem là anh em có nhiều hơn những gì con đang có. Và do đó, Putin sẵn sàng hủy diệt xứ Ukraine như một quốc gia độc lập, tiêu diệt dân tộc Ukraine bằng cách cưỡng bức họ phải giống như người Nga. Có nghĩa là họ phải tuân phục ông ta, tuân phục chế độ cai trị của ông ta.

Con có biết chăng là không những chính quyền và quân đội Nga đã lên kế hoạch xâm lăng Ukraine mà họ còn hoạch định những biện phạp tiếp theo sau? Bây giờ con có thể nhìn ngược lại và thấy các kế hoạch đó thiếu thực tế, nhưng họ đã dự tính chiếm đóng Ukraine, lật đổ chính phủ và nắm quyền kiểm soát cả nước rất nhanh chóng. Sau đó, họ trù hoạch làm những gì mà nước Nga cùng Stalin đã làm trong thập niên 1940 tại các nước Baltic: bắt giữ tất cả những ai có thể đe doạ sự kiểm soát của Nga. Họ đặt cùng những đơn vị Vệ binh Quốc gia đã từng đàn áp người biểu tình tại Nga và Ukraine. Họ lên kế hoạch thiết lập những trại giam để bắt giữ và lượng định xem những người đó có thể được “cải tạo” hay phải bị thủ tiêu ngay lập tức. Đó là tại sao các thày đã nói là nếu những kế hoạch này đã thành hình, thì số người dân Ukraine bị sát hại sẽ cao hơn những tổn thất được ghi nhận cho tời giờ rất nhiều.

Tự do khỏi vũ lực

Con cần nhận ra ở đây điều gì đã xảy ra trên thế giới. Các thày đã nói đến sự kiện các quốc gia tân tiến đạt được một trình độ nhân tính cao hơn, một mức độ sẵn sàng phụng sự cao hơn, nhưng các nước này cũng đã đạt được một tầng cấp tự do cao hơn. Các thày cũng từng nói là tự do có những giai đoạn khác nhau, và các tầng thấp của tự do là “tự do khỏi”, tức tự do khỏi một điều gì đó. 

Trong nhãn quan này, điều đã xảy ra là thế giới tân tiến đã đạt được tự do khỏi vũ lực. Kể từ Thế chiến thứ Hai, ở các nước phương Tây trong các nền dân chủ hiện đại, đã có sự tự do khỏi các thế lực bên ngoài muốn dùng vũ lực để cưỡng ép người dân, nhưng họ cũng đạt một mức tự do cao độ khỏi các thế lực nội tại dưới hình thức chính quyền trong nước. Gần như không có ai – à, không hẳn là vậy vì chắc chắn vẫn còn một số người – nhưng hầu hết mọi người trong thế giới tân tiến đều không cảm thấy bị chính phủ mình tìm cách bắt nạt. Ngay cả những ai trong thế giới tân tiến có cảm giác chính phủ mình tìm cách bắt nạt mình, thì họ chỉ nghĩ vậy do họ hoàn toàn không biết gì về đời sống tại Nga. Vì nếu họ biết, nếu họ sẵn lòng nhìn nhận, thì họ sẽ hiểu ra là chính phủ của họ không có ý bắt nạt họ, và tin tưởng này thật không thực tế chút nào.

Con nhận ra là nhân dân trong thế giới tiền tiến đã đạt được một mức tự do cao độ khỏi vũ lực. Đây cũng chính là điều nhân dân Ukraine, đa số nhân dân Ukraine, mong muốn. Họ đã mong muốn điều này trước khi chiến tranh xảy ra, nhưng như các thày đã có giải thích, họ chưa hẳn tới được mức đó. Và đây là lý do tình hình hôm nay đã có thể xảy đến, phần nữa cũng là vì họ đã khoác vào vai trò nhằm chứng tỏ người Nga đang thiếu tự do đến chừng nào đối với vũ lực.    

Nếu con nhìn tâm thức tập thể của nhiều nước, con có thể lập ra một thang điểm qua đó con bảo: đây là mức tự do khỏi vũ lực, hoàn toàn tự do khỏi vũ lực; và dưới mức đó có nhiều mức độ tự do khác nhau. Sau đó con bước vào mức âm, là những độ vũ lực khác nhau, và ở mức thấp chót cùng là hoàn toàn không có tự do khỏi vũ lực.

Con có thể nhìn vào thang điểm này và thấy trước cuộc chiến, tuy Ukraine chắc chắn cao hơn Nga nhưng vẫn có những người còn phần nào trung thành với Nga. Họ đã cầm chân Ukraine lại nhưng nói chung, Ukraine vẫn cao hơn Nga. Điều xảy ra sau khi cuộc chiến bùng nổ là trong dân tộc Ukraine đã có một sự xoay chuyển khi càng ngày càng có nhiều người bắt đầu khát khao tự do đó. Có thể nói, chiến tranh vẫn tiếp diễn và vì vậy họ vẫn bị một lực bên ngoài chi phối, nhưng dẫu vậy, càng ngày càng có nhiều người thực sự đạt đến nhận thức là họ mong muốn tự do khỏi vũ lực.

Sự thờ ơ tại Nga

Nhưng ở Nga, người ta đã đi theo chiều hướng ngược lại. Trong lòng nhiều người Nga, ít ra cho tới giờ, có sự cam chịu là không gì có thể thay đổi. Một số những ai tin rằng sự thể có thể thay đổi đã bỏ nước ra đi. Một số người ra đi chính vì giờ đây họ không nghĩ sự thể có khả năng thay đổi. Còn những người ở lại Nga thì họ cam chịu, hầu hết đã buông xuôi, và do đó tâm thức, tâm thức tập thể nước Nga, đã xuống thấp rất nhiều. Bây giờ họ sẵn sàng chấp nhận càng ngày càng nhiều vũ lực hơn từ chính quyền. Tất nhiên như một vài chuyên gia có nói, sự thể này có thể chuyển đổi một lúc nào đó khi lòng sợ hãi chế độ bị lấn át bởi những nỗi sợ hãi khác và họ sẵn sàng đứng lên đòi hỏi thay đổi. Nhưng ngay bây giờ thì trên thế giới, có rất ít quốc gia có trình độ tâm thức tập thể thấp hơn nước Nga, ít nhất nếu dựa trên tiêu chí tự do khỏi vũ lực.

Con có thể nhìn vào Putin và tự hỏi, không hiểu ai là người ít tự do nhất nước Nga? Từ một nhãn quan nào đó, có vẻ như ông ta là người quyền lực nhất nước. Ông có thể làm bất cứ gì ông muốn và cả nước sẽ răm rắp làm theo chỉ thị của ông. Nhưng khi con nhìn vào khía cạnh tâm lý, Putin là con người ít tự do nhất nước Nga và một trong những người ít tự do nhất trên toàn địa cầu, vì ông bị kẹt quá đỗi trong chính cách tư duy của ông.

Và điểm này dẫn tới gì? Nó dẫn tới nhận thức là chắc chắn vũ lực vật lý có thể hạn chế tự do, nhưng tại sao con bị vũ lực vật lý chi phối chứ? Tại sao con lại chấp nhận là tình trạng của con trên địa cầu không thể thay đổi, rằng con không thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn? À, là vì các điều kiện tâm lý. Con mang một cơ chế trong tâm lý đang ngăn cản không cho con chấp nhận là con có thể có những điều kiện tốt hơn, cho nên con cam chịu, con buông xuôi. Khi con nhìn vào chiều dài lịch sử, đây chính là điều mà tất cả mọi thiểu số thượng tôn quyền lực, tất cả mọi chế độ độc tài hay lạm quyền trong lịch sử đều trông cậy vào.

Chúng trông cậy là một khi chúng đã áp đặt đủ vũ lực trên dân tộc của chúng, thì nhân dân sẽ buông xuôi, sẽ chịu thua – cuộc đời bắt buộc phải trải ra như vậy và không có gì sẽ cải thiện được cuộc đời, ít ra là nơi đây trên trái đất. Như các thày đã giải thích, người Nga đã phải hứng chịu tình trạng này từ rất rất lâu, rất nhiều người như vậy. Nhưng tất nhiên cũng có nhiều người đã chọn đầu thai ở Nga trong thời buổi này vì họ muốn chứng tỏ là có một cách sống khác hơn. Vấn đề là giờ đây, nhiều người trong số đó đã bỏ nước ra đi. Hiển nhiên họ vẫn lôi kéo tâm thức tập thể đi lên, và ngay cả việc này cũng có thể đem lại một tác động tích cực dài hạn.

Nhưng điểm cần nói ở đây là như sau. Một quốc gia không thể đạt đến tự do khỏi vũ lực cho tới khi có một túc số tới hạn (critical mass) người dân xoay chuyển, tức là xoay chuyển chính tâm lý của họ để bắt đầu xét xem tại sao họ lại nghĩ họ phải cam chịu số phận của mình trong đời. Tại sao họ nghĩ là họ phải bỏ cuộc mà không cố cải thiện đời mình. Đôi khi nhận thức này đòi hỏi những cú giáng thật đau đớn. Như con thấy tại Iran, giới thanh thiếu niên gần như phải chạm đáy tuyệt vọng khi nhìn ra là mình không có tương lai trước khi họ sẵn sàng phản đối. Nhưng luôn luôn có tiềm năng là mọi người có thể thức tỉnh, và đây chính là điều đã xảy ra tại Ukraine và cũng là lý do tại sao con chứng kiến Ukraine đã tiến bộ nhiều hơn Nga. Và cũng là tại sao con chứng kiến âm mưu tuyệt vọng của Nga hầu chặn đứng tự do tại Ukraine.   

Cuộc xoay chuyển ở Ukraine

Vậy điều này có nghĩa gì cho nhân dân Ukraine? Có nghĩa đơn giản như sau: Các con đã khởi hành trên con đường dẫn đến tự do rộng lớn hơn. Đã có một túc số tới hạn tại Ukraine mở tim mình ra cho Ngọn lửa Tự do của Tia thứ Bảy. Các con đã tiếp nhận ngọn lửa theo khả năng xử lý của mình, nhưng các con đang trên đường đi đến tự do. Các con chỉ cần đơn giản bước chân đi tiếp và gia tốc. Và một lần nữa, đang có một sự gia tốc to lớn ngay bây giờ, đang có một tiềm năng to lớn ngay bây giờ, vì nhiều người chưa nhìn ra trước chiến tranh thì nay họ bị chấn động đến độ họ thốt lên: “Chúng tôi muốn tự do, chúng tôi muốn thoát khỏi tình trạng này.”   

Họ nhìn vào sự tàn phá, và nếu con chưa sống trong vùng chiến sự, nếu con chưa bước chân đến những vùng Ukraine bị Nga chiếm đóng, thì con không thể tưởng tượng nổi người dân đã phải chịu đựng những gì. Nhiều người bị chấn động đến tận xương tủy khi chứng kiến nhà cửa bị tàn phá, người dân bị giết hại, những tra tấn, những hãm hiếp, cách hành xử hoàn toàn vô nhân đạo, ăn cướp bất cứ gì có thể ăn cướp. Thật là một cú sốc cho rất nhiều người đến độ những ai từng trung thành với nước Nga cũng phải mở lòng ra mà nói: “Chúng tôi không bao giờ muốn chuyện này tái diễn, chúng tôi muốn thoát khỏi sự thể này, chúng tôi muốn tự do khỏi loại vũ lực này.”

Tự do khỏi tham nhũng

Một lần nữa, có một cơ hội mở ra ở đây cho Ukraine thực hiện một cuộc xoay chuyển sâu xa khi mọi người nhận ra: “Chúng tôi muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cái gì đã ngăn cản chúng tôi? Đó là vũ lực, và chúng tôi muốn tự do khỏi vũ lực.” Điều này có nghĩa rất nhiều thứ. Tất nhiên ngay bây giờ thì con nói: “Chúng tôi muốn tự do khỏi nước Nga đang đàn áp, tấn công, tàn phá chúng tôi.” Nhưng con hãy nhìn vào các lực nội tại đang cầm chân bước tăng trưởng của Ukraine. Như các thày đã trình bày rất nhiều lần, nạn tham nhũng là một trong số đó. Nhưng thêm vào đó còn có toàn bộ hệ thống kinh tế với đại gia đầu sỏ và tệ nạn thiên vị, cùng với toàn bộ hệ thống chính trị không đặt nền tảng trên việc phục vụ nhân dân mà phục vụ đặc quyền đặc lợi.

Có một cơ hội tuyệt vời để người Ukraine thức tỉnh, nhìn lại xứ sở mình và nói: “Chúng ta cần làm gì để vươn lên cao hơn, để đạt được tự do khỏi các thế lực bên ngoài lẫn bên trong? Chúng ta cần thay đổi chính chúng ta như thế nào?” Và con sẽ thấy là tại Ukraine đã có đủ túc số những người mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn và tin rằng đó là chuyện khả dĩ, là điều thật sự có khả năng thị hiện. Ngoài ra còn có sự kiện nhiều người Ukraine đã tị nạn ra nước ngoài, ở đó họ có thể nhìn thấy tận mắt một cuộc sống tốt đẹp hơn là điều khả dĩ. Họ thấy tận mắt những người chẳng khác gì họ đang có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Con cũng thấy nhiều người ti nạn như vậy nhận được cú sốc – một cú sốc thú vị – khi họ được các quốc gia đó tiếp đón nồng hậu như thế nào. Trở về với bải giảng của thày Nada về phụng sự, nhiều người tị nạn Ukraine đã chứng kiến và trải nghiệm một mức phục vụ cao hơn khi nhân dân các nước đó đã đón tiếp họ và chứng tỏ ý muốn giúp đỡ họ cho dù không được hưởng lợi lộc gì. Nhiều người Ukraine từng nghi kỵ quốc gia và nhân dân Ba Lan do hiềm khích quá khứ. Nhưng họ được cú sốc thú vị khi Ba Lan mở vòng tay đón tiếp họ, và Ba Lan là quốc gia đón nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất thế giới.

Một lần nữa con thấy một bằng chứng về sự sẵn lòng phụng sự vô vị lợi, và những người Ukraine đó có thể đem tinh thần này về nước mình, và một cuộc xoay chuyển có thể xảy ra khi con nói: “Thôi đủ rồi những cách hành xử lỗi thời kia. Đủ rồi các đặc quyền đặc lợi. Đủ rồi những các quan chức tiếng là phục vụ công chúng nhưng chỉ mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình, cho những kẻ chịu chi trả hay chịu đổi chác đặc quyền. Chúng ta không thể chấp nhận chuyện này nữa. Chúng ta sẽ không dung túng chuyện này trong nước chúng ta. Và chúng ta đòi tự do khỏi những thế lực bên trong, vì đó là một lực kỳ thị đối với nhân dân khiến cho một số được đặc lợi trong khi một số khác bị chà đạp.”

Tạo dựng một bản sắc dân tộc và văn hóa mới

Tất nhiên còn nhiều khía cạnh khác nữa. Về dài hạn, Ukraine sẽ có một nhu cầu to lớn những con người sáng tạo. Họ là nghệ sĩ, họ là nhạc sĩ, họ là triết gia, họ là những nhà tư tưởng. Họ không nhất thiết có bằng cấp trong tất cả những ngành đó, nhưng họ có khả năng suy nghĩ độc đáo. Họ có thể nhìn vào sự việc, nhận ra các mội liên hệ nối kết, hiểu ra tại sao một số sự thể đã xảy ra, rồi sau đó họ có thể rèn đúc một bản sắc dân tộc và một văn hóa mới. Có người Ukraine đã nói: “Nước chúng tôi không có nhiều anh hùng. Khi nhìn lại quá khứ, chúng tôi không thấy nhiều vị anh hùng.” Nhưng bây giờ con có anh hùng rồi đó. Không chỉ là các chiến sĩ mà rất nhiều người khác. Và các con có khả năng tạo ra một bản sắc dân tộc mới nơi con không những thoát khỏi quá khứ, kể cả quá khứ Xô viết, mà con còn thoát khỏi tinh thần vô cảm đối với sự sống, thoát khỏi sự tàn bạo, sự tham nhũng, xu hướng vi phạm luật pháp, xu hướng ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Con có khả năng thoát khỏi tất cả những thứ đó về lâu về dài. Con có thể hun đúc một cách nhìn mới về chính mình, và như các thày có nói, các con đạt tới điểm tự chấp nhận mình thực sự là một thành viên xứng đáng của gia đình châu Âu. Các con là một vốn quý cho gia đình châu Âu vì các con đã vươn tới trình độ nhân bản của châu Âu, và như vậy có nghĩa là giờ đây con là một quốc gia bình đẳng giữa các quốc gia.

Phân biện Ki-tô và sự bình đẳng

Nói chuyện về bình đẳng cũng tốt thôi, và ở một mức độ nào đó, tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nhưng đó là khi họ mới đầu thai lần đầu tiên trên địa cầu. Kể từ đó, qua rất nhiều kiếp sống, họ đã phát triển theo những chiều hướng khác nhau và vì thế con không thể nói là ngày nay, mọi người đều ngang hàng. Đây chính là một nhược điểm của các nền dân chủ hiện đại, là xu hướng cho rằng mọi người đều ngang nhau và có thể được đối xử giống nhau. Tất nhiên đây không phải là phân kiện Ki-tô, vì để dùng một ví dụ hiển nhiên, con cần nhìn nhận rằng Putin cùng chính quyền Nga không hề có ý định trong sáng đối với các nước dân chủ, và bởi vậy con không thể đối xử với ông ta như thể ông có ý định trong sáng.

Điều tương tự cũng áp dụng cho nhiều lãnh vực khác. Nhưng trước tiên là trình độ nhân bản, mức độ nhân tính. Khi con đạt đến một mức độ nhân tính nào đó, con không thể cho phép mình làm ngơ hay quên mất là người khác có thể chưa đạt đến mức đó. Và vì vậy, con không thể đối xử với họ như là ngang hàng khi họ vẫn ở một mức nhân tính thấp hơn và họ sẽ đâm con sau lưng ngay khi nào họ có cơ hội.

Sự hợp tác bình đẳng

Một lần nữa, Ukraine có tiềm năng tự vươn mình lên, nâng cao tâm thức tập thể để bình đẳng với các nước châu Âu kia về trình độ nhân tính và khát vọng tự do, và nhờ vậy có thể hợp tác trong sự bình đẳng. Các thày cũng từng nói là các thày mong muốn nước Nga cũng hợp tác bình đẳng với mọi nước khác, nhưng hiển nhiên điều này không thể xảy đến ngay bây giờ. Cần có sự nâng cao tâm thức tập thể trước khi điều này có thể xảy đến. Và đối với Ukraine, điều thật sự cần xảy ra ở đây là Ukraine cần nắm bắt sự thật đơn giản này mà các thày đã giải thích, rằng sự phát triển mà con chứng kiến trong thế giới hiện đại đã không đến qua sự cưỡng ép. Không có một tổ chức trung ương nào đã cưỡng bách các nước dân chủ phải trở nên tự do và thịnh vượng hơn. Điều này đã xảy ra qua sự hợp tác tự nguyện.

Nhưng hợp tác tự nguyện đặt nền tảng trên một nhận thức. Nó không dựa trên những con tính của ai đó nghĩ rằng: “À, tôi thấy các nước châu Âu này đang hợp tác với nhau. Vậy chúng ta hãy giả vờ cũng hợp tác với họ, nhưng chúng ta sẽ chỉ tìm xem chúng ta có thể lợi dụng họ đến chừng nào và chúng ta có thể gian lận họ được bao nhiêu.” Hiện có một số nước trên thế giới đã mang tâm thức luôn luôn tìm cách gian lận này từ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm qua. Nhưng đó không phải là hợp tác bình đẳng.

Sự hợp tác sẽ hiệu quả khi nó tự nguyện, vì nó dựa trên nhận thức rằng qua sự trung thực, chúng ta đang giúp chính chúng ta một cách tối ưu. Bằng cách hợp tác cởi mở và trung thực, chúng ta đang hành xử tốt nhất cho mình lẫn cho đất nước mình. Vấn đề không phải là Ukraine phải làm gì để giành được lợi điểm, mà là Ukraine vươn lên tới cùng một mức như các quốc gia châu Âu khác, qua đó sự hợp tác trung thực và cởi mở là cách hành xử tự nhiên. Đơn giản, đó là bản chất thứ hai của mình, hay có lẽ hơn vậy nữa, là bản chất thứ nhất của mình. Con không hành động với bất kỳ thâm ý nào hết. Con nhận ra là các nước Tây Âu kia, hay các nước kia tại châu Âu, thực sự muốn giúp Ukraine vươn lên để trở thành một quốc gia tân tiến.

Tự do khỏi tâm thức của Cain

Con có thể cãi: “Nhưng tại các nước đó có những công ty muốn làm tiền từ việc tái thiết Ukraine.” Cũng đúng đấy, nhưng điều này không áp dụng cho tất cả mọi người. Có những người trong thế giới hiện đại, không chỉ tại châu Âu mà ở cả nơi khác, mong muốn nhìn thấy phần còn lại của thế giới cũng được hưởng những gì mình đang được hưởng. Họ là những người không mang tâm thức của Cain. Họ không ghen tuông với anh chị em. Họ muốn mọi người có được cuộc sống mà họ đang có, vì đây chính là tự do. Đây là tự do khỏi một cái gì. Là tự do khỏi đố kỵ và ghen tuông. Chuyện ghen tị anh chị em mình, đó là tâm thức của Cain. Khi con đạt được tự do khỏi cái đó, làm sao con có thể cảm thấy mình bị đe dọa khi người khác cũng có những gì con đang có, hay còn nhiều hơn nữa? Làm sao đó là một đe doạ cho con? Làm sao nó gây bất lợi cho con? 

Một khi con đã trải nghiệm sự thật là toàn bộ thế giới tân tiến đã trở nên trù phú hơn qua sự hợp tác, con nhìn ra là nếu người khác có nhiều thêm thì toàn bộ nền kinh tế sẽ được nâng cao, và chính con cũng sẽ có nhiều thêm. Nếu toàn bộ thế giới – con hãy bước lui lại và hình dung điều này – con hãy tưởng tượng toàn bộ thế giới có được cùng mức độ trù phú vật chất như Tây Âu. Con thử tưởng tượng đi. Ta biết con có thể nghĩ ra đủ loại lý lẽ và luận cứ bảo rằng chuyện này không thể xảy ra vì tài nguyên tự nhiên có hạn và vân vân. Nhưng hãy tạm gác cái đó sang một bên, vì trước hết, ta cũng đã từng trình bày là tài nguyên thiên nhiên không là một lượng cố định. Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng toàn thể thế giới được hưởng cùng mức trù phú như nhân dân cùng các nước Tây Âu. Làm sao điều này có thể gây thiệt hại cho Tây Âu được chứ? Ngược lại là đằng khác, Tây Âu sẽ càng trù phú hơn nữa. Không có nghĩa là họ sẽ vẫn luôn luôn dẫn đầu, nhưng nếu toàn bộ nền kinh tế thế giới được nâng lên thì mọi người sẽ đều hưởng lợi.

Một lần nữa, những ai ít tự do hơn sẽ có xu hướng phóng chiếu trạng thái tâm thức của họ lên mọi người khác. Đây là điều được trình chiếu quá rõ ràng qua con người của Putin cùng tư duy dựa trên vũ lực của ông. Ông không thể hiểu nổi là các quốc gia trong NATO đã có thể thăng vượt tư duy vũ lực đó, cho nên ông phóng chiếu lên họ ý tưởng là họ muốn gây cho Nga những gì ông muốn gây cho họ. Ông muốn dùng vũ lực để giành lại những gì ông xem là lãnh thổ của Nga, thế mà NATO lại đứng cản đường, cho nên ông phóng chiếu ra chính họ mới là kẻ muốn xâm chiếm Nga. Theo một nghĩa nào đó thì ông có lý. Tham vọng của ông là chiếm đất đai mà ông xem là của Nga, nhưng NATO lại ngăn cản ông thực hiện giấc mơ đế quốc đó. Dưới mắt Putin, lực nào kềm chế sức hung hãn của ông phải là một lực hung hãn chống lại ông. Trong tâm trí Putin, ông là trung tâm vũ trụ, cho nên bất cứ hành động nào của nước khác cũng nhắm trực tiếp vào ông. Nếu các nước đó hạn chế tham vọng bành trướng của ông thì, hiển nhiên trong tâm Putin, đó là một hành động gây chiến.

Điều này cũng liên quan tới Ukraine ở chỗ Ukraine có thể xoay chuyển. Người dân Ukraine có thể nhận ra là trong tâm thức tập thể của mình vẫn còn tàn dư của tinh thần nghi kỵ kẻ khác và nghi kỵ động cơ của họ. Chắc chắn con có thể thấy sự thể này bắt nguồn từ thời Xô viết, nhưng nó còn trở ngược về xa hơn nữa. Con phóng chiếu ra là có lẽ người khác sẽ lợi dụng con, nhưng con có khả năng xoay chuyển và nhận ra là nếu con buông tư duy đó, con sẽ có thể tự do hợp tác với những quốc gia hiện đã hợp tác với nhau một cách tự do.

Ta đang không cố mô tả Tây Âu như một loại thiên đường nào đó trên địa cầu. Ta chỉ muốn nói là họ đã tiến xa hơn so với Ukraine hiện nay và Ukraine có thể được lợi lạc khi vươn lên tới mức đó. Con thấy rõ là Nga không sẵn lòng tái thiết Ukraine sau cuộc chiến. Cho dù Ukraine có đầu hàng Nga ngay bây giờ và nói: “Mời các ông vào đây chiếm chúng tôi,” con có nghĩ nước Nga sẽ bỏ tài nguyên ra để xây dựng lại Ukraine? Chắc chắn là không, cho đến khi họ “cải tạo” dân chúng cả nước biến thành người Nga, và ngay cả khi đó, con có thể thấy là phần lớn xứ Ukraine sẽ bị kéo xuống thấp đồng đều như xứ Nga.

Vậy ai sẽ muốn giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh đây? Tất nhiên là Tây Âu rồi, hay châu Âu nói chung. Đâu là điểm lợi cho Ukraine? Là thoát ra khỏi cái tư duy nghi kỵ ý định của người khác. “Ồ có lẽ họ đang cố lợi dụng chúng ta đây.” Nếu con có thể khắc phục tư duy này, con sẽ tiến bộ nhanh hơn rất nhiều trong việc xây dựng lại đất nước.

Mọi người đều thắng khi hợp tác

Cách đây không lâu, chúng ta đã có một hội nghị tại Ukraine nơi các thày đã có mặt trong vật lý, hay đúng hơn, sứ giả này đã đích thân đến tham dự. Con có thể tìm lại và học hỏi các bài truyền đọc đó và con sẽ thấy là mọi điều các thày đã nói vẫn áp dụng cho Ukraine. Mọi điều đều vẫn có giá trị để con tìm hiểu. Nhưng hiển nhiên kể từ đó, nhiều điều mà các thày chỉ ẩn ý hoặc ám chỉ thì giờ đây đã rõ nét hơn hẳn. Đó là tại sao trong các bài truyền đọc lần này, các thày đã trình bày bộc bạch hơn. Vì bây giờ các thày có thể nhận ra một sự cởi mở trong tâm thức tập thể. Có những điều các thày không nói trực tiếp trước đây thì bây giờ có thể nói trực tiếp hơn, vì trước đây không có cùng sự cởi mở. Biết bao nhiêu người muốn giữ nguyên như cũ tình trạng hiện thời, hoặc vì họ cảm thấy được ưu đãi trong hoàn cảnh của họ, hoặc vì họ đã chấp nhận cuộc sống này là số phận của họ và không muốn đánh mất nó.

Con có thể nhận ra một sự thật ở đây, là khi con vươn lên tự do khỏi vũ lực, vươn lên khỏi tư duy dựa trên vũ lực, con có thể tự do hợp tác với người khác vì con không sợ mất gì trong hợp tác. Đây là điều con thấy, một tâm thức mà rất ít người ngộ ra, nhưng nó đang lộ diện trong thế giới tân tiến. Đây là sự nhận thức rằng chúng ta không mất gì khi chúng ta hợp tác, mà chúng ta đều được thêm khi hợp tác. Mọi người đều thắng trong sự hợp tác. Đây là nguyên lý con thấy thể hiện trong thiên nhiên, là lý do tại sao sự sống đã bền vững trên hành tinh này trong một thời gian rất dài. Như các thày đã giảng, thành ngữ “sự sống còn của kẻ thích nghi” (survival of the fittest) có nghĩa là những ai sẵn sàng hợp tác nhất sẽ sống còn, chứ không phải những ai sẵn sàng dùng vũ lực nhất.

Đây là một sự xoay chuyển quan trọng cho dân tộc Ukraine. Nó có thể đem lại những lợi ích to lớn trong một thời gian dài trước mặt. Nhiều người đã làm cuộc xoay chuyển này. Tổng thống và nhiều vị mới gia nhập Quốc hội đã làm cuộc xoay chuyển này. Nhiều người khác cũng đã xoay chuyển. Nhưng con vẫn có thể bồi đắp thêm để cái trớn đó đưa dân tộc Ukraine vượt quá điểm then chốt khi bước tiến bộ không thể đảo ngược lại và tự nó sẽ tăng cường. Đây là cách tiến bước nhanh chóng nhất sau biến cố đáng tiếc mà không ai trong chúng ta muốn thấy, nhưng dẫu vậy vì biến cố đã xảy ra, cho nên các thày đang trao cho con động lực để con hãy sử dụng – sử dụng theo cách tốt nhất mà con có thể.

Người xưa có câu: Thắng được cuộc chiến là một chuyện, nhưng thắng được hòa bình là chuyện khác. Đấy, các thày muốn Ukraine thắng cả cuộc chiến lẫn hòa bình. Các con có thể thắng cuộc chiến với tư duy mà các con đang có; tuy nhiên một lần nữa, nếu con thăng vượt được tư duy này thì nó sẽ giúp con chiến thắng nhanh hơn. Nhưng chắc chắn các con sẽ không thể thắng được hòa bình với tư duy mà các con đang có. Nó đòi hỏi con thăng vượt, như các thày đã giải thích.

Lẽ tự nhiên, tự do có nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ. Thày có thể nói nhiều hơn về tự do, nhưng thày đã nói nhiều rồi cho những ai sẵn sàng nhìn vào các khía cạnh cao hơn đó của tự do. Qua hội nghị này, các thày, các Thượng sư, đã cho con một lời dạy cân nhắc dựa trên sự quan sát tâm thức tập thể, những thay đổi đã xảy ra từ khi cuộc chiến bùng nổ, sự sẵn lòng chuyển đổi của mọi người để suy nghĩ theo những cách mới.

Hãy cả gan mơ ước!

Con cũng biết một cách nhìn khác về những gì đã xảy ra trên thế giới là nói đến trí tưởng tượng. Con hãy trở ngược về thời Liên Xô, tại Ukraine cùng các nước cộng hòa khác và ngay tại Nga, và con sẽ thấy cái mà Liên Xô đã hủy diệt nơi hầu hết mọi người là trí tưởng tượng. Không ai còn dám tưởng tượng bất cứ gì mới mẻ, bất cứ gì khác biệt, bất cứ gì tốt hơn. Vì sao các quốc gia trong thế giới tân tiến đã đạt được những tiến bộ mà họ đã đạt? Vì trí tưởng tượng của người dân được tự do hơn. Họ dám mơ ước. Họ dám thử nghiệm. Họ dám suy nghĩ theo những cách mà không ai suy nghĩ trước đó. Có người bảo rằng khoa học là tiến trình nhìn thấy những gì mọi người đều thấy nhưng lại suy nghĩ những gì chưa ai suy nghĩ bao giờ. Đấy, tưởng tượng là nhìn thấy những gì ai ai cũng thấy nhưng trải nghiệm trong tâm một điều gì vượt hẳn ra ngoài, một điều gì mà hầu hết mọi người không thể trải nghiệm, nhưng khi con có trí tưởng tượng thì con trải nghiệm được.

Điều gì cầm chân một quốc gia? Chính là sự thiếu tưởng tượng. Tâm mọi người bị khóa chặt vào một đường rày. Họ được nuôi dạy và lớn lên trong một số điều kiện. Họ có một quá khứ được gia đình hay nhà trường kể lại, và họ nghĩ: “Chúng ta người Ukraine là như vậy đó. Đây là cách chúng ta đã làm mọi chuyện, đây là cách chúng ta suy nghĩ, đây là cách chúng ta nhìn cuộc sống.” Và họ chấp nhận có những lằn ranh giới và chẳng có ích gì mà suy nghĩ vượt ra ngoài ranh giới, chẳng có ích gì mà tưởng tưởng bên ngoài biên giới, bởi vì: “Chúng ta là người Ukraine, chúng ta đang kéo lê theo mình tảng đá khổng lồ này, và chúng ta không thể buông sợi dây ra, chúng ta cứ phải tiếp tục kéo lê tảng đá này. Dù chúng ta có đi đâu, dù chúng ta có đến đâu, dù chúng ta nghĩ dân tộc mình có thể đi đến nơi nào thì chúng ta cũng sẽ phải kéo dĩ vãng này theo chúng ta.” 

Nhưng con không phải. Con không phải kéo nó theo con. Nhưng để ngừng kéo nó theo con, để buông sợi dây ra, con phải dám cả gan suy nghĩ những gì mà cho đến giờ chưa ai trong đất nước con đã nghĩ tới. Con cần cả gan tưởng tượng mọi chuyện có thể thực hiện khác hơn cách truyền thống. Con có bắt buộc phải có sự thối nát tham nhũng, một tệ nạn mà con đang có và đã từng có từ bấy lâu nay? Con có phải mang theo cái đó hoài hoài mãi mãi hay không? Con có phải luôn luôn đấu tranh theo cách con đã từng đấu tranh cho tới giờ? Con có phải kinh doanh theo kiểu con đã từng kinh doanh? Hay có cách nào khác hơn không? Con có phải sinh hoạt chính trị theo cách con đã từng làm chính trị? Hay có cách nào khác hơn không?

Món quà lớn nhất mà con có thể trao như một cá nhân cho đất nước con là giải thoát trí tưởng tượng của con, để con cả gan tưởng tượng những gì chưa ai đã tưởng tượng cho đến giờ. Nếu có đủ số người làm điều này, các con sẽ có khả năng tiến bộ ngoài sức tưởng tượng điên rồ nhất của mình hiện giờ. Con có khả năng thị hiện một điều gì vượt khỏi những mơ ước cuồng nhiệt nhất của con. Viễn quan của ta cho Ukraine cao hơn rất nhiều tầm hiểu biết của bất cứ ai tại Ukraine ngay bây giờ. Và ta sẵn sàng trao viễn quan này cho bất kỳ người nào chịu mở tâm mình ra.

Theo một nghĩa nào đó, con thường hay nghĩ, và nhiều người cũng nghĩ vậy, rằng trí tưởng tượng chỉ là chuyện mơ huyễn. Nhưng con hãy trở về 500 năm trước và nhìn xem người ta sống thế nào vào thời đó. Rồi con nhìn thực tế cuộc sống của con ngày hôm nay. Liệu con người thời đó có thể tưởng tượng nổi cách con sống hôm nay? Không. Và nếu có ai dám tưởng tượng thì hầu hết sẽ bảo đó là hoàn toàn mơ huyễn. Nhưng rõ ràng con đang sống trong thế giới ngày nay và con biết đó không phải là mơ huyễn mà là thực tế. Cái tương lai mà con không dám tưởng tượng hôm nay không phải là mơ huyễn. Đó là một tiềm năng rất thực. Và nó chỉ đòi hỏi một điều, là sự chấp nhận đó là khả năng có thực chứ không phải mơ tưởng.

“Hỏi và con sẽ nhận được,” người ta từng nói vậy. Còn ta sẽ nói: “Chấp nhận thì con sẽ nhận được. Chấp nhận điều đó là khả dĩ thì con sẽ nhận được.” Bởi vì nếu con không chấp nhận nó là khả dĩ, làm thế nào ta có thể trao nó cho con? Đó sẽ là vi phạm quyền tự quyết của con.

Tự do khỏi tâm trạng nạn nhân

Các thày đã trình bày về tâm thức nạn nhân. Đâu là cốt tủy của tâm thưc nạn nhân? Con nghĩ là con không chủ động tương lai của mình. Con tùy thuộc vào những thế lực bên ngoài mà con không thể kiểm soát. Phải, các con từng thuộc về Liên Xô. Các con cảm thấy bị cưỡng ép phải gia nhập, bị cưỡng ép phải là một thành phần. Nạn đói Holodomor đã bị áp đặt lên các con. Và bây giờ thì chiến tranh bị áp đặt lên các con. Một số người nhìn về thời hậu chiến và hy vọng Liên Âu sẽ bước vào như một vị cứu tinh và ép buộc các con thay đổi. Nhưng Liên Âu không dựa trên vũ lực. Chính các con cần đứng dậy và quyết định các con muốn gì. Các con cần quyết định mình muốn loại tương lai nào. Trí tưởng tượng là một khía cạnh nhưng khía cạnh kia là quyết định: “Chúng ta muốn gì đây? Chúng ta sẽ sẵn sàng tự thay đổi như thế nào để đạt được cái đó?” Sau đó sẽ tới quyết định chấp nhận là cái đó khả dĩ. Con chỉ là nạn nhân nếu con nghĩ mình là nạn nhân.

Câu hỏi đặt ra là: Con có muốn tiếp tục là nạn nhân của những thế lực vượt khỏi sự kiểm soát của con – cho dù đó là thế lực bên ngoài hay là các đại gia đầu xỏ, hay các nhà chính trị hay quan chức hay thời tiết hay điều này điều nọ? Con có muốn tiếp tục là nạn nhân? Hay con muốn được tự do khỏi tâm trạng nạn nhân? Nếu con muốn tự do thì ta sẽ giúp được con. Ta sẵn sàng giúp con được tự do. Hãy cho ta một số tâm cởi mở thì ta sẽ cho các con viễn quan về một tương lai tốt đẹp hơn cho Ukraine. Ta không cất giấu bất cứ gì khỏi bất cứ ai. “Vì vậy con hãy chứng minh cho ta qua việc này – vị Chủ tể của Tự do phán như vậy – thì ta sẽ đổ phước lành xuống cho con đến độ con sẽ không đủ chỗ để mà hứng lấy.”

Nước Nga sẽ thay đổi

Với câu đó, ta cũng đã nói xong. Một lần nữa ta bày tỏ lòng biết ơn của ta đến tất cả các con đã sẵn lòng làm công cụ, đã lắng nghe bài giảng này và đã phát sóng qua luân xa của mình. Nếu con có thể thấy tác động của hội nghị này – tác động mà hội nghị này đã tạo ra, những gợn sóng mà nó đã dấy lên và gửi vào tâm thức tập thể của Ukraine, Belarus và Nga – con sẽ rất hứng khởi. Ta biết ơn là rất nhiều người đã đến tham dự hội nghị này từ Belarus, từ Nga và từ chính xứ Ukraine. Lẽ tự nhiên, khi con đến từ một nước đang lắng nghe, thì việc thể nhập những bài truyền đọc này sẽ có tác dụng to lớn hơn trên tâm thức tập thể so với những người đã không sinh trưởng tại quốc gia đó. Con hãy nhìn nhận là con đã đóng góp một việc làm quan trọng, không những cho Ukraine mà chắc chắn còn cho Belarus và trong lâu dài cho cả nước Nga.

Có một điều thật rõ ràng, nước Nga sẽ không thể không thay đổi sau cuộc chiến này. Chuyện này sẽ tốn bao nhiêu thời gian và sẽ trải bày ra như thế nào thì hiện thời không ai tiên đoán được. Nhưng một điều là chắc chắn: nước Nga sẽ không bao giờ như trước nữa. Putin đã đi một bước không thể nào đảo ngược lại, với những hậu quả vượt ngoài tất cả những gì ông ta có thể tưởng tượng – cho dù, nói thật, ông đã không tưởng tượng nhiều lắm. Nước Nga sẽ thay đổi, không có nghi ngờ gì về điều này.

Và như vậy ta niêm con trong Ngọn lửa Tự do hân hoan nhất mà ta là. Có thể đối với nhiều người Ukraine ngay bây giờ, có vẻ như không có nhiều lý do để vui mừng – ta nhận ra điều này – nhưng ta vẫn gửi niềm vui đó vào tâm thức tập thể cho những ai có khả năng bắt lấy nó và nhận được phần nào sự an ủi trong tình cảnh hiện tại. Các con đều có tình yêu của ta mà ta ban ra vô lượng, và ta trao tình yêu này đến mọi người ở Belarus, ở Nga, ở Ukraine và tất nhiên là ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tình yêu của ta không giới hạn, con yêu dấu, nó không bị ràng buộc vào không gian lẫn thời gian, nó vô biên, nó tràn khắp mọi nơi. Ta chỉ có một mong muốn cho địa cầu là nhìn thấy Thời Hoàng kim thị hiện.

Ta niêm con trong Ngọn lửa Tự do hân hoan đó, vì TA LÀ Saint Germain, Trưởng giáo của Thời đại Bảo bình, Thượng sư của Tia thứ Bảy và Đại diện của Tự do cho trái đất.

Hãy tĩnh tâm và xuôi theo Dòng sông sự Sống

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 10/10/2022, nhân dịp Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền Dân chủ.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

“Chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng” [Bài chú 8.06 Gautama, con an bình trọn vẹn].

Khi ta còn hiện thân là Phật nhiều thế kỷ về trước, một phần lớn trong sứ vụ của ta – mà con có thể gọi là trong Tăng đoàn của Phật – là giúp cho các đệ tử tĩnh tâm hầu chấm dứt ý nghĩ lăng xăng. Điều này cần thiết 2500 năm về trước. Thời nay con khó lòng tưởng tượng được thời đó con người sống như thế nào. Con có tưởng tượng nổi không? Đối với những ai trong số các con đủ lớn tuổi để còn nhớ, liệu con có nhớ cuộc sống như thế nào khi chưa có internet? Con có tưởng tượng cuộc sống như thế nào khi chưa có truyền hình? Chưa có máy phát thanh? Con có thể tưởng tượng khi chưa có sách vở và hầu hết mọi người đều không biết đọc?

Ý nghĩ lăng xăng

Chắc chắn đa số con người thời đó đều bận rộn làm lụng thể xác để kiếm sống. Và so với ngày nay, họ chẳng có gì để tiêu khiển hay khích động tinh thần. Con thử nhìn xem thế giới hiện đại có biết bao nhiêu thứ đang níu kéo sự chú ý của con? Có lạ lắm không nếu con không có nhiều ý nghĩ lăng xăng? Thật có quá nhiều thứ đang đòi hỏi sự tập trung của con, đòi hỏi con phản ứng lại và làm gì đó. Nhưng ngay cả thuở trước cũng vậy, thử thách lớn nhất mà ta đã gặp trong cương vị một vị thày tâm linh chính là các ý nghĩ lăng xăng nơi mọi người.

Vậy con hãy tưởng tượng ngày nay với tất cả những thứ kích thích đó, thì liệu việc neo trụ vào Ngọn lửa Hòa bình hầu chấm dứt ý nghĩ lăng xăng sẽ khó khăn đến chừng nào? Việc tĩnh tâm đã luôn luôn là một thách đố, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử ghi chép mà thách đố này to lớn như ngày nay. Các thày, các chân sư thăng thiên, biết rất rõ là khi các thày trao cho con bấy nhiêu giáo lý như đã ban truyền, thì không nhất thiết là các thày sẽ giúp con tĩnh lặng các ý nghĩ lăng xăng của con dễ dàng hơn.

Đa số mọi người – và chắc chắn vị sứ giả này có thể chiêm nghiệm điều này nơi bản thân ông – đều trải qua một giai đoạn khi họ lần đầu tiên khám phá đường tu tâm linh, và hẳn giai đoạn này đã phấn khích họ mãnh liệt. Nhiều người trong số các con đã lớn lên trong một cuộc sống thiếu vắng chất liệu tâm linh, nhưng con vẫn biết là có một điều gì đó cần tìm kiếm, một điều gì đó còn thiếu sót, một hiểu biết nào đó mà con hằng khao khát. Khi con tìm ra giáo lý tâm linh thì bấy giờ tâm con được dịp rồ máy. Con muốn học giáo lý, con muốn hiểu giáo lý, con muốn thể nhập giáo lý, con muốn thực hành mọi pháp tu mà giáo lý đưa ra. Và con tập trung hết mình vào đó.

Không cứ là việc này có gì sai trái – đó là một tiến trình mà con cần kinh qua. Nhưng liệu con có thấy là kỳ thực nó tạo ra một mức độ suy nghĩ lăng xăng cao hơn nữa hay không? Nhiều người chú tâm vào giáo lý vỏ ngoài, cách tu tập vỏ ngoài, nét văn hóa vỏ ngoài của tổ chức tâm linh mà họ tham gia. Và họ bị cuốn hút vào đó đến độ gần như không còn lúc nào tâm họ có thể tĩnh lặng, có thể trung hòa, có tai lắng nghe.

Sự phóng chiếu liên tục vào tâm con

Thế rồi tới điểm khi con trụ chặt vào đường tu nội tâm. Bây giờ con nhận ra đường tu không thực sự là chuyện tuân theo pháp tu vỏ ngoài hay học hỏi lời dạy vỏ ngoài, mà là giải quyết tâm lý. Con tập trung vào việc giải quyết tâm lý của con, như nhiều người trong các con và sứ giả này đã làm suốt nhiều năm. Nhưng đây lại là thêm một mức độ ý nghĩ lăng xăng nữa. Bỗng nhiên một ý tưởng nảy ra: “Ồ, có lẽ chăng tôi mang xu hướng này trong tâm lý mình? Tại sao tôi lại phản ứng cách đó trong hoàn cảnh đó? Có điều gì tôi chưa nhìn ra? Có điều gì tôi chưa giải quyết? Ồ, tốt hơn tôi nên nhìn xem, tôi nên tìm xem cái đó là gì, vì chắc chắn tôi không muốn trong tâm mình có vấn đề gì chưa giải quyết.” Cho mỗi tầng trên đường tu đều có nguyên một bộ ý nghĩ lăng xăng. Chúng được phóng chiếu vào tâm con từ các tà lực, các sa nhân, từ tâm thức tập thể và từ những cái ngã tách biệt mà con còn sót. Đây là một sự phóng chiếu liên tục.

Lẽ tự nhiên, con có thể làm gì đó về chuyện này. Các thày có dạy con là con có thể thỉnh gọi Đại thiên thần Michael để thày niêm phong tâm con cùng các luân xa của con. Con có thể thỉnh gọi Astrea để thày cắt đứt cho con thoát khỏi nhiều sợi dây ràng buộc với tà lực.

Nhưng có sự phóng chiếu liên tục những ý nghĩ lăng xăng. Một số vị thày trong đạo Phật gọi đó là “tâm khỉ” không ngừng suy nghĩ. Con bị phóng chiếu liên tục. Con có thể làm gì đây? Có thể nào con tắt nó đi? Con không thể thực sự tắt nó đi. Sa nhân sẽ tiếp tục làm những gì chúng vẫn làm. Tâm thức tập thể sẽ tiếp tục làm những gì nó vẫn làm. Con có thể giải quyết những cái ngã và điều này sẽ giảm bớt các ý nghĩ. Nhưng dù sao con vẫn có một bộ não, một bộ não vật lý. Và bộ não vật lý được thiết kế để suy nghĩ, hay ít ra để chuyên chở suy nghĩ. Nhưng bộ não vật lý cũng có khả năng tạo ra ý nghĩ vì nó có thể tạo ra một số trải nghiệm và cảm thọ khác nhau. Khi con bước chân trên đường tâm linh, não của con sẽ bắt đầu tạo ra những ý nghĩ tâm linh. Và con có thể cảm thấy mình bắt buộc phải suy nghĩ chúng. Sứ giả này đã bước trên đường tu nhiều năm trời trước khi ông ngộ ra là ông thực sự không bắt buộc phải suy nghĩ bất kỳ ý nghĩ nào đi vào trong đầu ông.

Chuỗi tư tưởng cưỡng chế

Con thử xem xét điều này. Có một ý tưởng đột ngột xuất hiện trong đầu con. Nó có thể được phóng chiếu từ đâu đó không liên quan gì tới con. Nhưng tâm con vẫn cảm thấy bị bó buộc phải suy nghĩ về nó. Con cho rằng, và hầu hết mọi người cũng cho rằng, ý nghĩ đó là của mình. Và con thấy bó buộc phải suy nghĩ nó. Có nguyên một tiến trình khi ý tưởng trải bày ra trong tâm con, thế rồi ý tưởng này dẫn đến một sự liên tưởng, và đột nhiên một ý tưởng khác xuất hiện. Và trước khi con biết chuyện gì xảy ra, mấy phút đã trôi qua và con đã nhảy vào đủ loại đề tài vớ vẩn khác dẫn con thật xa khỏi ý tưởng ban đầu. Sứ giả này đã phải mất một thời gian dài trước khi ông chịu nhìn nhận là ông đã có hiện tượng này suốt đời ông. Những chuỗi tư tưởng, những quy trình này chẳng dẫn tới đâu và chẳng chế tạo được gì. Chúng chẳng giải quyết được gì mặc dù đôi khi chúng khoác lấy hình dạng một vấn đề. Nhưng chúng không bao giờ ngừng, không bao giờ giải quyết hay tạo ra bất cứ gì.

Ta không bảo là con không thể có những ý tưởng xây dựng dẫn đến một hành động tạo ra một kết quả. Nhưng rất nhiều khi con chỉ có ý nghĩ chạy loanh quanh luẩn quẩn, nhảy từ đề tài này sang đề tài khác và không sản xuất được gì. Đây là cái ta gọi là ý nghĩ lăng xăng. Nhiều người, hầu hết mọi người, đều cho rằng: “Ồ, chắc đây là ý tưởng của tôi. Tại sao nó lại nảy lên trong đầu tôi nếu nó không phải là ý tưởng của tôi? Và nếu nó là ý tưởng của tôi thì tôi phải suy nghĩ nó, tôi phải đi theo nó, tôi phải chú ý đến nó.” Nhiều người bỏ ra cả đời trong tâm thái này, không ngừng có những ý nghĩ lăng xăng mà họ cảm thấy họ phải suy nghĩ. Ý tưởng dẫn đến liên tưởng, nó tiếp tục như vậy một vài giây, xong nó dẫn đến một ý tưởng khác, và nó nhảy từ cái này sang cái kia rồi cái nọ, chẳng khác gì một con khỉ đu cây. Nó chẳng đi tới đâu, giống như con khỉ cũng chẳng đi tới đâu. Con khỉ nhảy từ cành này sang cành nọ nhưng vẫn ở nguyên trên cây.

Tâm muốn bận rộn

Tới một điểm trên đường tu con cần nhận thức hiện tượng này và tự hỏi: “Tôi có thực sự muốn các ý nghĩ lăng xăng này chiếm trọn tâm tôi? Tôi có muốn cảm thấy bó buộc phải suy nghĩ về chúng và bị cuốn vào các quy trình tư duy đó, những liên tưởng đó, nhảy qua nhảy lại kiểu đó?” Là một học trò tâm linh, con thường vô hiệu hóa nó, vì khi con học tập một giáo lý tâm linh thì con chú tâm vào lời dạy, và nhiều khi không hay biết, con bỗng gạt đi rất nhiều ý nghĩ như thế do con tập trung vào giáo lý. Ý tưởng nhập vào tâm con vì tâm con lẫn bộ nảo được thiết kế để suy nghĩ, cho nên chúng tưởng là chúng phải suy nghĩ hoài hoài. Có một phần trong tâm con, và ngay cả não của con, cảm thấy là nếu nó không đang suy nghĩ thì có gì đó không ổn và nó không đang làm nhiệm vụ của nó. Cũng từa tựa như nếu tim con ngừng đập. Tim ngừng đập quả sẽ là một vấn đề, nhưng tâm mà ngừng suy nghĩ thì thật sự không là vấn đề, thế nhưng tâm lại cho đó là một vấn đề. Nó nghĩ con sẽ chết nếu nó không suy nghĩ.

Con cũng có thể vô hiệu hóa quy trình đó bằng cách đọc chú, đọc thỉnh, vì nó khiến tâm con bận việc. Con thấy đó, tâm con phải bận làm một chuyện gì đó. Nó có thể bận học giáo lý, nó có thể bận đọc thỉnh đọc chú, nó có thể bận làm một công việc thực tiễn, nhưng tâm phải chất chứa một chút nội dung nào đó. Phải có chuyện gì diễn ra trong tâm, vì nếu không thì tâm cảm thấy có vấn đề không ổn. Con sẽ thấy là tâm có khuynh hướng muốn bận rộn. Tâm muốn làm việc. Cách đây khá nhiều năm, sứ giả này phát hiện có một phần trong tâm ông muốn giải quyết những vấn đề. Nó được tạo ra để giải quyết vấn đề. Và nó phải có vấn đề để mà giải quyết. Nếu nó không có vấn đề nào để giải quyết ở bên ngoài thì nó tạo ra vấn đề ở bên trong. Và ông nhận ra là ông có thể bỏ ra cả phần đời còn lại để giải quyết những vấn đề trong tâm do chính tâm ông tạo ra. Nhưng liệu làm vậy sẽ giúp ông đạt được gì chăng trên đường tu hay đường đời?

Làm thế nào con có thể thoát khỏi ý tưởng?

Nếu con quan sát chính mình khi con đang nghe hay đang đọc bài giảng này, chuyện gì xảy ra trong tâm con ngay lúc này? Con đang nhận diện ta là một vị thày tâm linh và một chân sư thăng thiên. Ta đang trao cho con một lời dạy và ta có một mục đích khi làm việc này. Ta muốn giúp con bước chân trên đường tu tâm linh, cho nên con cảm thấy bó buộc phải đặt chú ý vào lời dạy. Và điều gì xảy ra khi con làm vậy? Con có những ý tưởng nảy lên trong tâm. Đó có thể là nhiều loại ý tưởng khác nhau tùy theo từng người, nhưng con có ý nghĩ: “Lời dạy này ý nghĩa là gì? Tôi có thể áp dụng thế nào? Tôi có thể làm gì? Làm thế nào tôi có thể tránh các ý nghĩ lăng xăng đó? Bởi vì đây chính là điều mà hình như Gautama đang ngụ ý tôi phải làm.” Một số các con có thể cảm thấy vô vọng, và một số có thể đang suy nghĩ về cách ngừng hẳn sự suy nghĩ. Làm sao chuyện này có thể được? Và câu hỏi trở thành: Con sẽ làm gì đây?

Nhiều vị thày tâm linh và nhiều đệ tử tâm linh khắp các thời đại đã cố gắng giải quyết vấn đề này theo nhiều cách. Nhiều người, đặc biệt trong truyền thống đạo Phật, đã biết về tâm khỉ. Nhiều người đã tự đặt ra mục tiêu làm cho tâm tĩnh lặng. Họ đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, thiền định, quán chiếu, để làm yên tâm họ. Rất nhiều người thời nay, cả tại Mỹ lẫn khắp các nơi khác, đang tu tập đạo Phật và cố gắng áp dụng các kỹ thuật của đạo Phật. Họ sống trong thế giới Âu Tây nhưng họ cho rằng họ phải có thể làm yên tâm họ, y như người ta có vẻ làm được trong một đạo tràng hay một đoàn tăng trên núi ở phương Đông.

Nhưng nếu các con đang sống trong một thế giới Âu Tây bận rộn, liệu điều này có thực tế lắm không? Với tất cả những thứ đang níu kéo sự chú ý của con, tất cả những chuyện được phóng chiếu vào con, liệu làm yên tâm mình có thực tế lắm không? Ngay cả nếu con có thể bay đến núi Himalaya để sống trong một tu viện, liệu làm yên tâm mình có thực tế lắm không trong một thế giới hiện đại với tâm thức đại chúng bao quanh? Con có thể tự cô lập về mặt địa lý, nhưng đâu là giới hạn của tư tưởng? Thậm chí, liệu tư tưởng có phải tuân thủ giới hạn vận tốc của vũ trụ hay tốc độ của ánh sáng hay không? Không đâu, một ý tưởng không cần bay đến một địa điểm cụ thể để hiện diện tại nơi đó trong vật lý. Nó có mặt ở đó tức thì. Làm thế nào con có thể thoát khỏi các ý nghĩ? Làm thể nào con có thể thoát khỏi tâm thức đại chúng? Chắc chắn là có những cường độ khác nhau, nhưng con không bao giờ có thể thực sự thoát khỏi nó. Và làm thế nào con có thể thoát khỏi chính tâm con khi nó cứ muốn suy nghĩ suốt ngày để cảm thấy nó đang làm nhiệm vụ của nó?

À, xuyên qua các thời đại, một số người đã tìm kiếm nhiều cách khác nhau để cố xử lý cái tâm này. Một số vị thày Phật giáo đã nhìn nhận là chuyện này không thể làm được. Và họ còn đặt vấn đề là liệu việc khiến cho tâm tĩnh lặng có cần thiết hay không.

Con không thể tĩnh tâm bằng cách suy nghĩ về phương cách tĩnh tâm

Điều ta muốn gợi ý, duy chỉ như một cách để xử lý vấn đề này, là con nhìn nhận rằng con là một đệ tử của chân sư thăng thiên và các chân sư đã trao cho con một số dụng cụ. Tất nhiên, con sẽ dùng các dụng cụ này. Con sẽ thỉnh gọi sự bảo vệ tâm linh, thỉnh cầu để mình được cắt ra, thỉnh cầu cho tâm được che chở và niêm phong khỏi tà lực cùng tâm thức đại chúng. Đó là một việc quan trọng và cũng là một việc chính đáng. Nhưng ta cũng sẽ gợi ý là ở giữa tất cả những bài chú, bài thỉnh, ở giữa tất cả việc học tập giáo lý cùng các sinh hoạt thường nhật, con hãy dành ra một chút thời gian để chỉ ngồi đó mà thôi. Con không nỗ lực làm yên tâm con, vì khi con cố làm cho tâm yên tĩnh thì con đang làm gì chứ? Con đang sử dụng tâm để khiến cho tâm tĩnh. Và làm thế nào tâm có thể khiến cho tâm tĩnh ngoại trừ bằng cách suy nghĩ về một cách khiến cho tâm tĩnh? Và khi con suy nghĩ về cách khiến cho tâm tĩnh thì con vẫn đang suy nghĩ đó. Tâm đang làm công việc mà nó nghĩ nó phải làm, cho dù hình như con đang muốn nó tĩnh lặng.

Buông các ý nghĩ

Ta đề nghị con tiếp cận một cách khác hơn. Trước hết, con quyết định là con sẽ dành ra một khoảng thời gian, con vào một phòng yên tĩnh và con có thể bắt đầu đọc chú, đọc thỉnh, nhưng con hãy vào một phòng yên tĩnh. Con không ngồi trong tư thế thiền định, khoanh chân như người ta thường làm. Con nằm trên một chiếc giường hay đi-văng êm ái nơi con có thể thư giãn thân thể, hầu con không có cảm giác nào, không bị khó chịu phải giữ một tư thế nhất định nào. Con chỉ nằm đó, tốt nhất là trong phòng tối, chắc chắn một phòng yên tĩnh. Và sau đó mục tiêu của con là tĩnh tâm, ở trong một trạng thái trung hòa của tâm. Tâm trung hòa (neutral) quan trọng hơn là tâm tĩnh (still) không có ý tưởng. Thay vào đó, con cố gắng, con nỗ lực, con có mục tiêu rằng: “Tôi sẽ trung hòa.”

Điều này có nghĩa là con không đóng chặt để ý tưởng không vào được, mà con không giao tiếp với nó. Con quyết định: “Tôi không ở đây để suy nghĩ về bất cứ chuyện gì, tôi không ở đây để hiểu ra bất cứ điều gì, tôi không ở đây để nhìn thấy bất cứ cái gì. Tôi không ở đây để giải quyết bất cứ vấn đề gì hay đạt được sáng ngộ gì. Tôi chỉ ở đây để không tiếp cận, không tham gia vào các ý nghĩ đang bay đến.” Và như vậy, con nằm đó với mắt nhắm. Con chỉ quan sát tâm. Khi một ý nghĩ bay đến, con nói nhẹ nhàng trong tâm: “Tôi buông [surrender trong tiếng Anh có mấy nghĩa: buông bỏ, từ bỏ, hàng phục, trả lại]. Tôi để cho nó đi.” Con buông ý nghĩ. Thay vì suy nghĩ về nó, đặt chú ý vào nó, cho phép nó liên kết bay ra mọi phía, thì con buông nó, con không nghĩ về nó, con chỉ để cho nó đi. Lúc đầu, việc này có thể khó khăn. Nhưng con càng giải quyết được nhiều ngã tách biệt trong tâm thì sẽ càng dễ dàng hơn. Và con có thể đạt tới điểm khi, ít nhất trong một khoảng thời gian, con có thể tiếp tục nói: “Tôi buông. Tôi cho nó đi. Tôi buông. Tôi buông.” Bất kỳ ý tưởng nào hiện lên, con chỉ buông nó ra. Con không giao tiếp với nó. Rất có thể con sẽ nhận thấy là tâm con bị chuyện này làm khuấy động, nó có thể cuống cuồng hoảng sợ: “Tại sao bạn lại không suy nghĩ những ý tưởng tôi đang gửi cho bạn? Tại sao bạn lại làm ngơ, phớt lờ tôi đi? Bạn không còn ưa tôi nữa sao?” Tất cả những điều đó có thể khởi lên với con. Hoặc có thể con chỉ cảm thấy một sự xao động hay bối rối, vì tâm không biết nó phải làm gì khi con không suy nghĩ các ý tưởng đó. Nhưng con có khả năng cứ tiếp tục như vậy.

Thỉnh thoảng sẽ có một ý tưởng thu hút sự chú ý của con. Con đi theo nó. Và con đi tới chỗ này chỗ nọ, xong thình lình con chợt nhận ra: “Ồ, tôi lại đang suy nghĩ rồi.” Khi đó, con chỉ quay trở lại: “Tôi buông. Tôi buông. Tôi buông.” À, con cần thận trọng ở đây. Con đừng cuồng loạn khi làm chuyện này. Đừng biến nó thành một áp lực. Đừng bị căng thẳng bởi nó. Đừng cảm thấy là con phải có khả năng làm bài tập nói trên và con phải có khả năng buông bỏ các ý nghĩ. Con chỉ việc thực tập một cách thoải mái, càng thư giãn càng tốt. Quả thực những giây phút như thế sẽ giúp con rất nhiều, như các thày đã có đề cập, khi cái Ta Biết của con đứng bên ngoài tâm ý thức và trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết. Nhận biết thuần khiết là gì? À, đó là khi con ý thức mà không có ý nghĩ. Giống như thể con ý thức nhưng không có nội dung chất chứa trong tâm thức.

Sử dụng thần chú

Một số kỹ thuật thiền lấy điều này làm mục tiêu. Một số kỹ thuật thiền sử dụng một câu thần chú không mang ý nghĩa nào, và con chỉ lặp đi lặp lại câu đó. Và khi nào con nhận ra là con đang suy nghĩ, con chỉ quay trở lại với câu thần chú. Theo một nghĩa nào đó, đây chính là điều mà con đang làm ở đây, chỉ có điều câu thần chú của con là: “Tôi buông.” Nếu chuyện này không hiệu quả thì con có thể dùng một câu chú. Ta đề nghị con dùng câu OM, con đọc OM lặng lẽ trong tâm con. Khi con có một ý nghĩ, con chỉ quay trở lại với OM. Con chú tâm vào OM, con lặp lại OM. Nhưng đối với nhiều các con, sẽ hiệu quả hơn nếu con nói: “Tôi buông. Tôi buông ý nghĩ này.”

Ta hoàn toàn không có ý nói rằng đây là một liệu pháp thần kỳ, rằng nó nhất thiết sẽ chấm dứt mọi ý nghĩ lăng xăng. Nhưng nó có thể hữu ích nếu con thực hành. Con không cần phải làm thật lâu, thậm chí con không phải làm mỗi ngày. Chẳng hạn, con có thể thực tập buổi tối khi con nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ. Nó có thể sẽ mở tâm con ra một cảm giác an bình – “niềm thanh thản cho Biển động Luân hồi được yên lắng.”

Tâm tĩnh do trung hòa

Thế nào là Biển động Luân hồi? Nhiều người nghĩ đó là thế gian cùng các hoạt động vật lý trong thế gian, nhưng thật ra đó là tâm. Khổ đau xảy ra ở đâu? Trong tâm. Và con khăc phục khổ đau ở đâu? Trong tâm. Nhưng những ai không nắm được lời dạy của Phật sẽ chú tâm vào các thứ vỏ ngoài. Họ nghĩ rằng chính các cảnh huống vỏ ngoài khiến cho tâm trải nghiệm khổ đau. Và do vậy họ nghĩ giải pháp duy nhất là thay đổi cảnh huống vỏ ngoài. Nhưng trong nhiều trường hợp, họ không thể thay đổi cảnh huống vỏ ngoài, một phần là vì người khác không chịu hợp tác, cho nên họ sống trong nỗi bực bội không nguôi tức là Biển Luân hồi.  

Bây giờ là một đệ tử của chân sư thăng thiên, con cũng có thể tạo ra phiên bản riêng của con về Biển Luân hồi, qua đó – như PadmaSambhava có nói – con không ngừng tập trung vào việc giải quyết một vấn đề gì đó trong tâm lý của con, hay thay đổi thế giới, hay đọc bài thỉnh, hay tìm hiểu giáo lý, hay một việc để cải thiện thế giới, quảng bá giáo lý, hay bất kỳ điều gì khác. Con có thể nhìn vị sứ giả này và nói: “Đấy, ông ấy đã đi trên đường tu tâm linh rất nhiều năm trời, ông đã làm sứ giả được gần 20 năm, ông đã có một cuộc sống đầy ý nghĩa và ông được làm việc với các chân sư thăng thiên để ban truyền tất cả những lời dạy kia với sách với trang mạng kia, vân vân.” Nhưng có lẽ con không nhận ra là việc làm này đã khó khăn đến chừng nào. Ông đã có thể làm việc cho tới kiệt sức, ông đã có thể bị căng thẳng đến độ suy sụp tâm thần, ông đã có thể bị choáng ngợp bởi tinh thần trách nhiệm phải chu toàn điều này hay điều nọ. Và chắc chắn đã có những thời kỳ ông phải nếm mùi sự bực tức cao độ khi ông cảm thấy cho dù mình có làm nhiều đến đâu thì vẫn chưa đủ, hay chưa tốt đủ, và mình luôn luôn muốn làm nhiều hơn nữa. Nhưng cuối cùng thì ông đã sống sót, và các con cũng vậy, các thày muốn tất cả các con sống còn. Ông đã sống còn bằng cách xem xét tất cả những gì ta vừa trình bày với con, bằng cách tìm ra một thế quân bình, tìm ra Trung đạo, và không bị bực bội, không quá cuồng nhiệt, không bị ám ảnh cưỡng chế – và thỉnh thoảng, bằng cách tĩnh tâm.

Điều đã giúp cho sứ giả này là ngay từ buổi đầu, ông đã nhận ra là để nhận được thông điệp từ các chân sư thăng thiên, ông phải ở trong một tâm thái trung hòa. Có thể trong Sứ vụ Thiêng liêng của con không hoạch định con sẽ trở thành một sứ giả, nhưng chắc chắn trong Sứ vụ của con có việc tiếp nhận sự hướng dẫn trực tiếp từ các thày thay vì từ một giáo lý vỏ ngoài. Hầu nghe được Hiện diện TA LÀ của con hay một chân sư thăng thiên, con cần ở trong tâm thái trung hòa đó. Con cần dành ra một thời gian để nỗ lực ở trong tâm thái trung hòa đó mà không phấn đấu. Thay vào đó, con đánh gạt tâm con, con khiến cho nó bối rối, để các ý nghĩ lăng xăng không chiếm trọn sự chú ý của con.

Một cách tiếp cận giáo lý cân bằng

Biết bao nhiêu thứ níu kéo tâm con. Biết bao nhiêu thứ. Các thày nhìn nhận là các lời dạy của các thày có thể dễ dàng biến thành một lực níu kéo khác đối với tâm con. Các thày đành nhận lấy rủi ro này, một rủi ro có tính toán. Khi con quan sát diễn biến trong thời gian gần 20 năm qua khi đợt truyền pháp này hoạt động, con sẽ thấy – như các thày đã có đề cập – là giáo lý được ban ra có nhiều cấp độ. Đã có những giáo lý vượt xa hơn giáo lý ban đầu. Con sẽ thấy là một số người đã khám phá ra giáo lý, tham gia được một thời gian rồi bỏ đi làm công việc khác. Lại có một số người đã buộc tội sứ giả này trở thành một sứ giả giả trá. Còn một số khác thì đã tìm được một giáo lý khác để chuyên chú đi theo.

Các thày xác định được là sứ giả này đã sẵn lòng thăng vượt mức tâm thức của ông đến độ các thày có thể ban truyền những cấp độ giáo lý khác nhau đó. Cho nên các thày đã và đang tiếp tục ban truyền giáo lý vì các thày muốn gửi càng nhiều giáo lý càng tốt vào cõi vật lý. Nhưng điều này không có nghĩa là con phải cảm thấy bó buộc luôn luôn theo sát những lời dạy mới nhất. Điều hoàn toàn phải lẽ là con có thể thấy một lời dạy nào đó – ngay cả một lời dạy được ban ra cách đây nhiều năm – hấp dẫn con, có vẻ quan trọng đối với con. Điều hoàn toàn phải lẽ là con tập trung vào lời dạy đó, học hỏi nó, thực hành nó, thể nhập nó, và không để ý đến những lời dạy đang được ban ra.     

Con không cần phải tham dự tất cả mọi hội nghị hay hội thảo trên mạng. Con không cần phải đọc tất cả mọi quyển sách hay mọi bài truyền đọc hay mọi lời giải đáp được đăng tải. Con không cần cảm thấy áp lực phải dự phần vào những giáo huấn đó. Đây quả thực là một sự thay đổi so với các tổ chức trước đây mà trọng tâm được đặt nhiều hơn vào việc đệ tử phải làm cái gì đó suốt ngày, thậm chí phải đọc chú hàng giờ liền để thay đổi thế giới. Nhưng các thày muốn các con được tự do đi vào nội tâm. tập trung vào những giáo lý mà con cảm thấy mình cần tập trung và bỏ qua phần còn lại. Thật hoàn toàn phải lẽ nếu con bỏ ra mấy tháng trời hay mấy năm trời để chú tâm vào một lời dạy cụ thể, rồi khi con cảm thấy mình đã tiến xa đủ với nó thì con có thể quay trở lại và nói: “À các chân sư có vừa dạy thêm gì nữa không?”        

Không có một cách duy nhất để bước chân trên đường tâm linh. Việc đi theo một giáo lý tâm linh không được biến thành một cái áo tù bó tay bó chân như từng xảy ra cho nhiều người, cả đệ tử của chân sư thăng thiên lẫn các đệ tử tâm linh khác, hay tất nhiên như đang xảy ra cho hầu hết mọi người sùng đạo. Nhưng để tránh sự thể này, con cần sẵn sàng nhìn vào tâm lý mình và nhận ra là phản ứng đó đến từ một cái ngã trong tâm. Chân sư MORE có nói: “Hãy nhìn cuộc đời. Mọi thứ xảy ra trong đời đều là một cơ hội để con làm việc trên tâm lý của con.” Vậy con hãy nhìn vào một lời dạy tâm linh, một đường tu tâm linh và một tổ chức tâm linh cũng theo cách tương tự. Tất cả mọi thứ đều là cơ hội để con nhìn ra một điều gì đó chưa giải quyết trong chính tâm con, trong tâm lý của con. Tại sao con phản ứng cách con đang phản ứng?  

Nguyên nhân của trải nghiệm nội tâm nằm ngay trong tâm

Con thử nhìn xem những ai đã rời bỏ giáo lý tâm linh và bây giờ đổ lỗi cho đạo sư hay vị thày hay sứ giả hay chính giáo lý đó. Họ đang làm gì vậy? Họ đang phóng chiếu ra là nguyên nhân trải nghiệm của họ nằm ngoài tâm họ. Trải nghiệm thì xảy ra trong tâm nhưng nguyên nhân thì nằm ngoài tâm. À, nếu thế thì con không thực sự là một học trò tâm linh rồi, vì cốt lõi của con đường tâm linh chính là việc điều ngự tâm con. Và làm sao con có thề điều ngự tâm con nếu con nghĩ nguyên nhân của trải nghiệm nội tâm nằm ngoài tâm? Nếu con nghĩ một vị đạo sư hay một sứ giả nào đó có quyền lực trên trải nghiệm nội tâm của con, thì con bất lực không thể thay đổi được trải nghiện nội tâm. Và nếu con bất lực không thay đổi được trải nghiệm nội tâm thì làm sao con có thể tinh tấn trên đường tu tâm linh khi tinh túy của đường tu tâm linh là việc điều ngự trải nghiệm nội tâm? Khi con tự xưng là một học trò tâm linh mà lại phóng chiếu ra là nguyên nhân trải nghiệm nội tâm của con nằm ngoài tâm con, thì đây chính là một bất nhất nhận thức (cognitive dissonance).

Chờ đợi giáo lý sẽ chứng thực phin lọc nhận thức của mình

Các thày thấy, không cứ trong phong trào này mà chắc chắn trong nhiều phong trào tâm linh, là có một tỷ lệ những người tìm ra một giáo lý tâm linh – một giáo lý tâm linh chính đáng và chân truyền – nhưng họ lại rơi vào phản ứng như vậy. Hoặc họ ở lại trong phản ứng đó vì họ đã từng ở trong đó trước khi tìm ra giáo lý, và họ phóng chiếu ra. Thày Giê-su đã giảng dạy điều gì về tâm thức Phêrô (Peter)? Phêrô công nhận là có điều gì đó đặc biệt nơi Giê-su, nhưng ông không nắm bắt được sự kiện Giê-su đặc biệt là vì Giê-su ở ngoài tâm của Phêrô cho nên có thể cho Phêrô một khung tham chiếu từ ngoài tâm ông. Thay vào đó, Phêrô lại muốn kéo Giê-su vào chính tâm mình và khiến Giê-su phải tuân theo những hình ảnh cùng chờ đợi mà ông có trong tâm.

Hàng ngàn, hàng vạn người, cả ở phương Tây lẫn phương Đông nhưng đặc biệt ở phương Tây, đã tìm ra một giáo lý tâm linh chân chính nhưng họ lại phóng chiếu ra ngoài. Họ nhận diện một điều gì đó trong giáo lý đó, nhưng rồi họ lại bắt đầu phóng chiếu ra để khiến cho vị thày phải tuân theo những chờ đợi của họ. Họ không nắm được là toàn bộ mục đích của con đường tâm linh là thoát khỏi, là thăng vượt, là giải quyết các hạn chế trong chính tâm mình.

Điều kiện vỏ ngoài kích hoạt chứ không gây ra

Khi con nắm được điểm này, con sẽ thấy là không thể nào có một nguyên nhân bên ngoài tạo ra các hiện tượng bên trong tâm con. Không thể nào. Hiện tượng trong tâm là do tâm sản xuất ra. Chúng có thể được kích hoạt, chúng có thể là phản ứng trước một cảnh huống bên ngoài, nhưng cảnh huống bên ngoài không gây ra điều kiện bên trong. Chính tâm mới gây ra điều kiện bên trong qua cách nó phản ứng lại điều kiện bên ngoài. Đây là tinh túy của lời dạy mà ta đã trao cách đây 2500 năm. Con sẽ không tìm thấy lời dạy này trong bất kỳ giáo lý nào được ghi lại. Nó đã không được diễn đạt với ngôn từ đó, nó đã không được diễn đạt rõ ràng như chúng ta có thể ngày nay, vì tâm thức tập thể đã được nâng lên. Nhưng đó chính là điều ta đã cố gắng trao cho đệ tử của ta. Một số đã nắm được nhưng phần đông thì không. Đó cũng là điều mà Giê-su đã cố trao cho đệ tử của thày. Một số đã nắm được nhưng phần đông thì không, và Phêrô nằm trong số người này.

Các thày mong mỏi là những ai trong các con cởi mở với những lời dạy này có thể làm cuộc xoay chuyển đó trong tâm mình, tức là con có thể chấp nhận không có gì bên ngoài tâm con là nguyên nhân cho những gì xảy ra bên trong tâm con. Mọi chuyện xảy ra trong tâm con là kết quả của những điều kiện trong tâm con. Con có thể nghĩ là ta đang mâu thuẫn với những gì ta vừa nói ở trên liên quan đến rất nhiều ý nghĩ được phóng chiếu vào tâm con. Nhưng con thấy đó, ý nghĩ chỉ có thể kích hoạt một khuôn nếp, một cái ngã tách biệt, đã có sẵn trong tâm. Ta đã trình bày về điểm nay 2500 năm trước đây, về hành uẩn (samskara) trong tâm, về các khuôn nếp trong tâm. Bây giờ các thày gọi là ngã tách biệt. Chúng nằm đó tiềm ẩn, im lìm. Khi một cảnh huống bên ngoài xảy đến, một ý nghĩ được phóng chiếu vào tâm con, kích khởi một trong những cái ngã đó hoạt động. Nhưng nếu con cứ tập trung vào cái nguyên do bên ngoài, cái điều kiện bên ngoài, và tưởng đó là nguyên nhân, thì làm thế nào con có thể thay đổi được phản ứng bên trong tâm con? Con không thể đóng chặt không cho các ý tưởng phóng chiếu đi vào tâm con. Là một cá nhân, con không thể thay đổi tâm thức tập thể. Nhưng con có thể thay đổi chính tâm thức của con để không phản ứng lại tâm thức tập thể.

Tĩnh tâm có nghĩa là gì

Và đây là điều có thể xảy ra lần hồi khi con giải quyết các ngã đó, khi con thực hành bài tập này và buông ý nghĩ. Con có thể đạt tới điểm khi không phải là con không có ý nghĩ nào phóng chiếu vào tâm từ ngoài, không phải là con không có bộ não và tâm vỏ ngoài sản xuất ý nghĩ từ trong, mà cái Ta Biết của con, sự nhận biết ý thức của con, không giao tiếp với chúng. Chúng chỉ lướt xuyên qua.

Con hãy nghĩ đến hình ảnh của PadmaSambhava, của người đứng đó, hay người đứng trong phong cảnh bao la đó nhưng không nhìn thấy phong cảnh mà chỉ tập trung vào đám mây đen. Đấy, con có thể nghĩ là có nhiều ý nghĩ đi vào đầu con, nhưng trong thế giới vẫn còn rất, rất nhiều điều kiện mà con không nhận thấy, không chú ý. Con có thể đi bộ trên đường phố, bước qua nhiều người khác nhau nhưng con không để ý đến họ. Hay có lẽ con để ý một hai người nhưng số còn lại thì chỉ lướt xuyên qua. Con có thể đạt tới điểm khi con có đủ loại ý nghĩ đi vào tâm con, nhưng chúng chỉ lướt xuyên qua vì con không chú tâm vào đó. Và đây chính là khi con đã làm yên tâm con. “Chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng” không có nghĩa là ý nghĩ ngừng hẳn, mà có nghĩa là chúng ngưng không tác động tâm ý thức của con, không níu kéo sự chú ý ý thức của con. Đó là cách mà ý nghĩ lăng xăng chấm dứt.

Trải nghiệm Ngọn lửa Hoà bình Hoàn vũ

Thế thì câu điệp khúc mà các con vừa đọc lên nói gì? “Gautama, Lửa Hòa bình Hoàn vũ, chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng”. Con có thể suy ngẫm và hòa điệu với Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ mà ta giữ cho địa cầu, và con cũng có thể sử dụng để tránh tập trung vào các ý nghĩ. Nhưng đây là một điều mà hầu hết mọi người không thể làm được khi mới bắt đầu, và đó là tại sao ta đã cho con các bài tập kia trước. Nhưng chắc chắn một khi con đã đạt được một trình độ không dính mắc nào đó đối với ý tưởng, một khi con đã bỏ ra một thời gian để nói: “Tôi buông, tôi buông, tôi buông,” thì sau đó con có thể quyết định chú tâm vào Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ của ta, hòa điệu vào đó, mở tâm con ra với nó và đơn giản được nó bao bọc chung quanh.

Tuy nhiên con hãy cẩn thận ở đây. Điều gì xảy ra cho tâm con khi ta nói Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ? Điều xảy ra trong tâm sứ giả là ông nghĩ ông phải thấy nó như một ngọn lửa. Phải có một loại lửa nào đó có một hình thù nào đó, và ông phải có thể hòa điệu vào ngọn lửa. Nhưng làm vậy thì đã khiến cho tâm suy nghĩ rồi – con không hòa điệu vào ngọn lửa mà con đang suy nghĩ về chuyện hòa điệu vào ngọn lửa. Và chừng nào con còn nghĩ ngợi về nó, con còn suy nghĩ, con còn nhìn ngọn lửa như một cái gì tách biệt với con, một cái gì ở ngoài kia: “Lửa ở đó, tôi ở đây, tôi phải hòa điệu vào cái ở đó,” thì con không thể làm được. Không thể nào làm được. Con có thể hoặc ở trong ngọn lửa hoặc không ở trong ngọn lửa. Con có thể hoặc ở trong ngọn lửa hoặc suy nghĩ về chuyện ở trong ngọn lửa. Nhưng ở trong đó hay nghĩ tới việc ở trong đó – hai cái này khác nhau. Đó là tại sao con cần một chút thực tập để tới điểm con không thực sự hòa điệu vào ngọn lửa mà con đang trải nghiệm ngọn lửa, con đang ở trong đó, con đang được nó bao trùm.

Trong chương trình canh thức chữa lành tâm lý, con vừa được thày Hiện diện Tình thương ban truyền một bài thực tập, một bài thỉnh cầu, qua đó con hình dung một cái tháp quan sát [xem bài truyền đọc ở đây] và con nhận thấy có một chiếc cầu thang dẫn lên một mặt phẳng và có một vị chân sư đang đứng trên mặt phẳng. Khi sứ giả này bắt đầu làm bài tập đó, ông hình dung trong tâm có một chân sư đứng đó như một hình người đứng trên mặt phẳng, và ông bước chân lền cầu thang rồi ôm lấy chân sư như thể ông ôm một người. Nhưng sau vài ngày, ông nhận ra là kỳ thực, làm vậy sẽ khiến ông bị rối trí, vì ông cho rằng mình phải hình dung tiến trình và điều này kéo chú tâm của ông ra khỏi việc trải nghiệm vị chân sư. Thế rồi ông nhận ra là thay vì hình dung hình một người và chính ông cũng là một hình người đang ôm lấy chân sư, thì ông có thể thay đổi cách hình dung để cảm thấy mình không phải là một hình người đang leo lên cầu thang, mà mình chỉ là một điểm chú ý, mình được bao bọc trong quả cầu là vị chân sư, quả cầu tâm thức, Hiện diện của vị chân sư. Thậm chí ông có thể cảm thấy mình là một cái chấm bên trong quả cầu của chân sư đang nhìn xuyên qua Hiện diện của chân sư, và làm như vậy sẽ cho ông một trải nghiệm mật thiết hơn.

Một điều tương tự cũng xảy ra với Ngọn lửa Hòa bình. Con không ngồi đó như một hình người cố gắng hòa điệu với ngọn lửa ở ngoài kia đang bốc cháy giống như những đám lửa mà con thường thấy. Ngọn lửa ở đây là một quả cầu, và con thì là một cái chấm. Con ở bên trong quả cầu. Con trải nghiệm ngọn lửa, thậm chí con trải nghiệm xuyên thấu qua ngọn lửa. Khi con đã làm nhiều lần và có trớn, con còn có thể nhìn thế giới xuyên qua ngọn lửa. Đây là cách con có thể dùng Ngọn lửa Hòa bình. Và khi con chỉ trải nghiệm Ngọn lửa Hòa bình và chính con cũng ở trong ngọn lửa, chính con là một với ngọn lửa, thì các ý nghĩ lăng xăng sẽ chấm dứt. Nhưng như ta vừa trình bày, ít người làm được điều này ngay từ đầu, và con cần đi qua một số bước.

Một lần nữa đối với một số người, điều này sẽ khó thực hiện. Con đừng quá lo lắng. Đừng cảm thấy là mình phải làm cho được. Ta chỉ cống hiến cách này cho những ai đã sẵn sàng. Nếu con chưa sẵn sàng thì chẳng có vấn đề gì, và cũng không có gì để xấu hổ. Con không đang làm gì sai trái cả. Con hãy tìm một lời dạy hấp dẫn đối với con rồi chú tâm vào đó. Đôi khi như PadmaSambhava có nói, con có thể bị ghiền chuyện giải quyết một vấn đề nào đó trong tâm lý con, gần như thể con nghiện bước chân trên đường tâm linh, và con cảm thấy mình phải có khả năng làm tất cả mọi thứ các thày đưa ra, con phải có thể sử dụng, phải có thể tận dụng, phải có thể hình dung cái này hay cái nọ.

Dùng trực giác để bước trên đường tu

Hãy đứng lui lại. Con không phải làm tất cả mọi thứ. Con không phải tận dụng mọi thứ mà các thày đề nghị ở đây. Con cần tìm ra cái khía cạnh của giáo lý thu hút con ở mức tâm thức hiện thời của con trong số 144 tầng tâm thức. Con không nhất thiết cần biết mình đang đứng ở tầng nào, mà con chỉ đơn giản cảm nhận bằng trực giác rằng lời dạy này hấp dẫn đối với con. Xong con hãy tập trung vào đó chừng nào con cảm thấy mình còn cần đến nó. Sự thể là nhiều người trong các con đã không làm như vậy. Con đã tiếp cận một cách năng động hơn, con tìm ra giáo lý, con hào hứng với giáo lý và con nói: “Ồ, tôi muốn làm mọi thứ. Tôi muốn học hỏi tất cả, đọc hết tất cả. Tôi muốn thực hành tất cả, đọc tất cả các bài thỉnh và điều này điều nọ.” Làm như thế cũng phải lẽ thôi, nhưng đó chỉ là một giai đoạn. Mong thay sẽ tới một giai đoạn khác khi con bắt đầu có nhiều trực giác hơn. Thay vì cố bước trên đường tu với tâm vỏ ngoài, con bắt đầu lắng nghe trực giác của mình. Và thay vì cố làm mọi thứ một lượt, con tập trung vào đúng một thứ mà con cần ngay bây giờ, và con không tiếc nuối, con không có cảm tưởng mình bị bắt buộc, hay cảm giác là mình phải làm nhiều hơn. Con chú tâm vào đúng một chuyện, xong con tận dụng nó chừng nào mà con còn cần đến nó, sau đó con lại tìm đến điều kế tiếp sẽ đưa con lên tầng kế tiếp.

Các thày đã cho con rất nhiều thứ vì các thày biết khi con tìm thấy đường tu lần đầu tiên, con thường chưa có một phương hướng nội tâm mạnh mẽ. Con nói: “Tôi có thể làm gì? Hãy cho tôi một việc gì đó mà tôi có thể làm.” Đó cũng chính là cảm nhận của sứ giả này khi lần đầu tiên ông tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên. Ông vô cùng háo hức – chúng ta có thể gọi là ám ảnh cưỡng chế – khi đọc chú, học hỏi giáo lý, dọn sang Hoa Kỳ, tu học tất cả những khóa tu kia và vân vân. Một lần nữa, ông cần kinh qua giai đoạn đó, nhưng sẽ tới điểm khi ông nhận ra đã tới lúc ông cần tiếp cận một cách khác. Tới lúc ông cần ngưng tập trung vào việc cứu nguy thế giới cho Saint Germain, và thay vào đó, ông tập trung vào việc giải quyết tâm lý của chính mình. Và điểm đó đã tới khi thay vì để cho tâm vỏ ngoài của ông cuống cuồng muốn làm chuyện này chuyện nọ, ông đã bắt đầu lắng nghe trực giác, và nhờ vậy ông đã bắt đầu nhận được nhiều sự hướng dẫn hơn từ các chân sư, cho đến khi ông có khả năng nhận được lời hướng dẫn của Giê-su muốn thực hiện một công việc xuyên qua ông, và tất cả đã dẫn đến việc phụng sự mà ông đã cống hiến.

Bước từng bước một là đủ rồi

Con cũng có thể đi theo cùng mô thức như vậy. Tất nhiên, tất cả các con sẽ không phụng sự giống nhau, nhưng các con vẫn có thể đi theo tiến trình lắng nghe đó, bước đi từng bước một, tập trung vào từng bước một. Con không thể leo nguyên cái cầu thang bằng cách bước tất cả mọi bực thang cùng một lúc. Con có thể toan nhảy hai ba bước một, nhưng làm vậy sẽ khiến con kiệt sức trước khi con leo đến đỉnh. Con hãy vừa lòng với việc bước đi từng bước. Chẳng có gì sai trái nếu con ở tầng tâm thức 48 và chú tâm tìm cách bước lên tầng 49. Con sẽ luôn luôn ở một tầng nào đó cho tới khi con thăng thiên, và thử thách sẽ luôn luôn là bước lên bực kế tiếp. Đường tu là như thế đó.

Tâm đường thẳng muốn làm đủ mọi trò trống. Các ngã tách biệt của con cứ muốn nói: “Ồ, lẽ ra tôi phải tiến bộ hơn thế này. Đáng lý tôi phải ở một tầng cao hơn hiện nay. Tôi không được ở tầng hiện tại của tôi. Tôi phải cao hơn 10 hay 50 tầng. Tôi phải có khả năng làm tất cả mọi thứ các thày chỉ bảo. Tôi phải biết hết giáo lý.” Tất cả những chuyện này chỉ là tâm vỏ ngoài đó thôi, là những ý nghĩ lăng xăng do các ngã tách biệt sản xuất ra, hay là phóng chiếu của tà lực đang cố khiến con kiệt sức và bị cháy trên đường đạo.

Hãy đứng lui lại. Lắng nghe từ bên trong. Khi tâm vỏ ngoài phóng chiếu tới con: “Bạn phải làm cái này hay bạn phải làm cái kia,” con sẽ phản ứng ra sao? “Tôi buông. Tôi buông. Tôi buông làm chuyện này, tôi buông làm chuyện kia. Tôi buông.” Và con cứ tiếp tục buông hoài cho tới khi con đạt tới trạng thái có khả năng lắng nghe từ bên trong. Rồi một ý tưởng sẽ đến với con: “À, tôi sẽ làm điều này, vì nó không đến từ bên ngoài, nó không đến như một bổn phận tôi phải làm điều đó.” Nó chỉ đến như một ý nghĩ về một điều con có thể làm. Không có chút áp lực nào, cho nên con làm theo. Nhưng đây là một thử thách, một thử thách to lớn để có thể hành xử như vậy trong một thế giới hiện đại quá bận rộn, nơi có quá nhiều thứ níu kéo chú ý của con, lôi con về phía này hay phía nọ, nơi có quá nhiều áp lực mình phải làm cho giỏi, phải làm tốt hơn nữa, phải học hành, phải có giáo dục hay nghề nghiệp, phải kiếm nhiều tiền, phải có ngôi nhà thật lớn, tất cả những thứ như vậy, đặc biệt tại Hoa kỳ nơi mọi người đều phải cố sánh kịp với ông A bà B, và không một ai bỏ ra một phút để tự hỏi: “Ủa, thế ông A bà B đang cố sánh kịp với ai đây? Liệu người đó có thật không? Có ai đã gặp ông Nặc danh bao giờ chưa?”

Con nhận ra ở đây là khi lần đầu con tìm thấy một con đường tâm linh, như ta có nói về sứ giả này, ông đã đương đầu với nó như một thách đố. Cũng giống như chuyện chinh phục một ngọn núi vậy. Đó là một nhiệm vụ phải làm cho được, là một sự nghiệp khi ông bước trên đường tu tâm linh. Đó là một cuộc phấn đấu. Ông cảm thấy ông phải đạt được kết quả tốt. Ông phải làm tròn những mong đợi của chính mình cũng như mong đợi của người khác, mong đợi của một vị sứ giả và mong đợi của các chân sư thăng thiên. Có quá nhiều thứ mà ông phải cố xứng đáng và ông háo hức muốn làm tròn. Nhưng rất may, thay vì bị kiệt lực, ông đã tới điểm đứng lui lại và nhận ra nhu cầu tập trung vào tâm lý của mình. Và tất cả các con có thể làm được tương tự.

Đây không phải là một sự nghiệp, không phải là một áp lực, không phải là một chuyện con phải hoàn thành và đạt được. Các thày đã nói gì về những ai sẵn sàng dùng vũ lực? Rằng vũ lực sẽ không đưa con đến đâu trên đường tu tâm linh. Con không thể cưỡng chiếm thiên đàng bằng vũ lực. Con có thể cưỡng chiếm bằng vũ lực một vật mô phỏng thiên đàng, nhưng đó không phải là thiên đàng. Con đừng tự ép mình phải đi trên đường tu. Vũ lực đến từ ngã tách biệt. Hãy nhận diện nó và buông nó ra. Rồi sau đó, làm thế nào con sẽ bước trên đường tu tâm linh khi con không còn tự ép mình chứ? Bằng cách xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Ta cũng biết đây là một khái niệm khó khăn, đặc biệt đối với những ai đã lớn lên trong thế giới Âu tây – xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Nhưng dù sao thì đó vẫn là một điều để con ngẫm nghĩ cùng với các lời dạy mà các thày đã trao và sẽ trao.

Cho phép mình xuôi chảy

Câu kinh thánh nói gì chứ? “Tốt lắm, hỡi người đày tớ trung tín kia. Con đã từng trung tín trong một ít việc. Ta sẽ giao cho con trọng trách của nhiều việc.” Một lần nữa, đây là câu chuyện nhân lên các ta-lăng. Con đã nhân lên các ta-lăng mà các thày đã giao cho con. Con đã tinh tấn. Hãy nhìn nhận điều đó. Đứng lui lại. Hãy nhìn xem con đã tiếp cận con đường tâm linh như thế nào cho tới giờ, rồi hãy quyết định buông bỏ cách đó, và nhìn xem những gì đến với con từ nội tâm. Con có thể nghĩ sứ giả này có một số khả năng hay chứng đạt đặc biệt và đó là lý do ông làm sứ giả. Chắc chắn người ta đã phóng chiếu ý tưởng này trong các tổ chức chân sư thăng thiên trước đây khi vị sứ giả được xem là vô cùng đặc biệt. Nhưng tại sao sứ giả này lại là sứ giả chứ? Tại sao ông lại trở thành sứ giả? Tại sao ông vẫn là sứ giả 20 năm sau? Bởi vì ông đã sẵn lòng buông xả hết lần này đến lần khác. Ông đã sẵn lòng buông ra bất kỳ dính mắc nào về giáo lý cũng như về việc làm sứ giả. Tới một điểm khi cách duy nhất để tiến bước trên đường tu tâm linh không phải là bằng vũ lực hay bằng nỗ lực, không phải là qua trung gian tâm vỏ ngoài. Cách duy nhất để tiến tới là buông ra, là từ bỏ, là cho phép chính mình xuôi chảy với dòng chảy.

Với những lời này, ta đã cho con những gì ta muốn cho con, và ta chỉ có thể bày tỏ lòng biết ơn của tất cả các chân sư đối với sự tham gia của con trong hội nghị này cũng như việc con sẽ sử dụng các lời dạy. Ta niêm hội nghị này trong ngọn lửa vui mừng của Hòa bình Hoàn vũ của đức Phật mà TA LÀ. Hãy an bình. An bình. Tĩnh lặng.

Buông mọi ý niệm nghĩa vụ đối với địa cầu

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên PadmaSambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 10/10/2022. Bài giảng này được ban truyền nhân dịp Webinar 2022 cho Hoa Kỳ – Khôi phục nn dân chủ.

TA LÀ chân sư PadmaSambhava. TA LÀ một Đạo sư Kim cương (Vajra Guru). Điều này biểu thị ta đã đạt đến một mức quả vị Phật với quyền ở đây trên trái đất, giảng dạy trên trái đất. Ta không thường phát biểu theo cách này nhưng ta muốn nhân cơ hội này trao cho con một lời giảng có thể đem lại lợi lạc cho con.

Thày Astrea đã trình bày về khả năng bị ghiền một sự kích thích nào đó trên địa cầu. Là một người đang bước đi trên con đường quả vị Ki-tô, con vươn lên khỏi các thói nghiện ngập đối với những thứ của thế gian. Nhưng có thể con vẫn gần như bị ghiền việc giải quyết các vấn đề, giải quyết mọi chuyện trong tâm hồn, trong tâm lý của con.

Xu hướng tập trung vào các vấn đề

Ta muốn cho con một hình ảnh. Có một phong cảnh bao la, một đồng bằng rộng lớn với đồi núi bao quanh trải dài đến chân trời xa tắp. Bên trên là bầu trời xanh bát ngát có mặt trời sáng rỡ tuyệt đẹp. Dưới đất ngay giữa đồng bằng rộng lớn đó có một người đang đứng. Trên đầu người đó là một đám mây đen rất nhỏ. Và y ngước mắt nhìn lên đám mây rồi bảo: “Ồ, xem mây đen kia kìa, chắc chắn thế giới sắp đến ngày tận thế”. Y hoàn toàn không để ý gì đến cảnh vật bao la, đến bầu trời xanh ngắt và ánh nắng tươi sáng, mà chỉ chú tâm vào đám mây đen.

Ta biết rất rõ – chúng ta đều biết rất rõ – rất nhiều giáo lý mà các thày đã ban ra, đặc biệt qua trung gian vị sứ giả này, về việc giải quyết tâm lý, khắc phục chấn thương nhập đời cùng giải thể các ngã tách biệt của con, có thể gần như choáng ngợp đối với con. Như một số các con có bày tỏ, con cảm thấy gần như vô vọng, gần như không có cách nào nhìn hết được những khía cạnh thâm sâu đó của tâm lý mình. Nhưng một số khác đã đạt được kết quả đáng kể, và con nhận ra là con đã giải quyết nhiều cái ngã, nhiều vết thương, nhiều vận đề trong tâm lý mình.      

Sứ giả này đã bước trên đường tu suốt hơn 45 năm qua. Đã có một giai đoạn trong thập niên 1990 khi ông thường xuyên có ý nghĩ: “Tôi đã nhìn ra và đã giải quyết quá nhiều chuyện trong tâm lý của tôi, nhưng những chuyện mới cứ không ngừng xuất hiện. Đến bao giờ mới hết đây?” Và tất nhiên, ông vẫn còn tìm kiếm các vấn đề trong tâm lý của ông. Nhưng từ khá lâu nay, ông chỉ đơn giản mở tâm ra quan sát rồi giải quyết chúng. Ông không tập trung vào chúng. Ông không bị chúng đè nặng. Chúng không lấy đi sự an bình của ông. Chúng không khiến ông bực dọc.

Điều ta muốn nói ở đây là đặc biệt trong cương vị một avatar, con đã đến địa cầu với ý định tạo ra một sự thay đổi tích cực, cho dù con đã nhìn việc đó như thế nào trước khi con đến, con đã thay đổi cách nhìn của con như thế nào, con đã thay đổi phương thức hoạt động của con như thế nào sau khi con đến hiện thân ở đây. Nhưng con vẫn còn mang một cách nhìn nào đó về lý do tại sao con ở đây, những gì con định bụng sẽ làm hay sẽ hoàn thành. Và cái nhìn này có thể cho con một xu hướng tập trung vào các vấn đề, tập trung vào những gì chưa được giải quyết. Và con giống như anh chàng kia đứng giữa phong cảnh bao la mà không ngắm phong cảnh, chỉ lo chú mục vào đám mây đen nhỏ xíu trên đầu mình.

Đúng, con có thể còn sót một số vấn đề tâm lý chưa giải quyết. Đúng, như các thày đã nói, vẫn còn một số ảo tưởng mà con cần nhìn xuyên thấu trước khi con thăng thiên. Nhưng nếu như những điều còn sót lại không nhiều như con tưởng thì sao? Nếu như con đã giải quyết xong phần lớn những gì con cần giải quyết nhưng con không nhìn ra điều này, con không công nhận điều này vì con quá tập trung vào vấn đề kế tiếp? Gần như con ghiền chuyện giải quyết các vấn đề, ghiền cảm giác kích thích mà nó cho con mỗi khi con giải quyết hay chú tâm vào vấn đề.

Một lần nữa, ta không đang bảo con phải ngừng giải quyết tâm lý của con. Ta chỉ nói là thỉnh thoảng con hãy bước lui lại, và con tiếp tục bước lui lại cho đến khi con nhìn xa hơn đám mây đen kia trên đầu mình và thấy được quang cảnh rộng lớn, bầu trời xanh tươi của tâm hồn con, thấy được mặt trời của Hiện diện TA LÀ của con đang toả ánh nắng, và cảm thấy hơi ấm của Hiện diện TA LÀ đang chiếu rọi trên con.

Nhìn nhận mình đã có tiến bộ

Các thày đã trao cho con rất nhiều lời dạy về tâm thức nhị nguyên. Nhưng ta tự hỏi không hiểu con đã nắm bắt được một khía cạnh của những lời dạy đó và áp dụng trên bản thân mình hay chưa? Các thày đã nói đến sự cân bằng, nói đến Con đường Trung đạo, không đi về đối cực nhị nguyên này lẫn đối cực nhị nguyên kia. Nhưng các thày cũng đã nói là tâm thức nhị nguyên có khả năng chụp lấy bất kỳ lời nào của một vị thày tâm linh và khiến nó trở nên mất quân bình. Liệu con đã hoàn toàn nắm bắt là khi các thày trao cho con một giáo lý, thì sẽ có một cái ngã tách biệt trong tâm con – thậm chí cả các tà lực ở ngoài tâm con – sẽ kéo con vào cực đoan đối chọi, hoặc cái mà tâm nhị nguyên xem là cực đoan đối chọi?

Các thày đã khá nhiều lần đề cập đến các đệ tử bước vào đường tu, đã đến với các chân sư thăng thiên vì họ muốn cảm thấy mình đặc biệt. Họ muốn cảm thấy họ đã tiến xa hơn các đệ tử khác, thậm chí còn là đệ tử tâm linh cao cấp nhất trên hành tinh. Nhiều các con đã nhận các giáo lý này và quyết định là con muốn khắc phục xu hướng nói trên nếu con đang mang xu hướng đó, hoặc con không muốn rơi vào xu hướng đó. Nhưng lại có một cái ngã trong tâm con bảo rằng, để tránh cảm thấy mình đặc biệt, con phải tránh không được cảm thấy bất cứ gì về mình. Nói cách khác, con không được phép công nhận mức chứng đạt của mình, công nhận những gì mình đã giải quyết trong tâm lý bởi vì làm vậy có thể khiến con kiêu mạn.

Có một cái ngã muốn con cảm thấy kiêu mạn và cũng có một cái ngã bảo con không được kiêu mạn và do đó con không được công nhận bước tiến của mình. Nhưng con đường quả vị Ki-tô là gì chứ? Đó là con đường tiến bước, tự thăng vượt. Nếu con không công nhận mức tự thăng vượt của mình thì con sẽ rơi vào một vùng hoang địa nơi con sợ cảm thấy kiêu mạn đến độ con không dám công nhận mình đã thật sự có tiến bộ, mình đã đạt tới một mức nào đó. Đây chính là tác động của tâm thức nhị nguyên trên những ngã này.

Bây giờ con hãy quan sát bản thân. Con có thể nhìn vào sự kiện này. Con có xu hướng gì khi con nghe ta trình bày những điều trên? Con có thể cảm thấy những loại ngã nào? Xong con có thể sử dụng các dụng cụ của các thày để làm việc trên điểm này, khắc phục những cái ngã đó cho tới khi con đạt tới điểm con buông được nhu cầu cảm thấy mình đặc biệt, mình cao trội, mình kiêu mạn. Và như vậy con cũng buông luôn cái ngã cho con sự khiêm tốn giả tạo, sự nhún nhường giả tạo không muốn công nhận bước tiến của mình. Con có thể đơn giản buông chúng ra và nhờ vậy trụ trong một tâm thái trung hòa nơi con có thể nhận diện, con có thể nhìn lại con đường của mình và nói: “Thật ra tôi đã đi được nhiều bước trên con đường của tôi. Tôi đã kinh qua nhiều trải nghiệm. Tôi đã nhìn ra nhiều điều trong tâm lý của tôi. Tôi đã giải quyết được nhiều chuyện. Tôi thực sự đã có tiến bộ.” Không phải là con tự hào mà con cảm thấy vui mừng.

Và tại sao con lại không được cảm thấy ngày càng vui hơn khi con bước cao hơn trên đường tu chứ? Tâm Ki-tô vốn hoan hỉ. Tâm Ki-tô không nghiêm nghị như quá nhiều người vẫn tưởng vậy, thậm chí nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên lẫn nhiều tín hữu Cơ đốc giáo vẫn tưởng rằng Ki-tô thật nghiêm trang, Thượng đế thật nghiêm trang. Ki-tô vốn vui mừng. Tại sao con không có quyền cho phép mình vui mừng khi con đã có chứng đạt trên đường tu? Đây không phải là một niềm vui nghịch với đối cực ngược lại, không phải là hạnh phúc nghịch với sự bất hạnh theo một định nghĩa nhân thế nào đó. Mà đây là niềm vui vượt khỏi cặp đối cực phàm phu, vượt khỏi mọi nhị nguyên và phân cực. Con có quyền cảm thấy niềm vui này. Tại sao không cho phép mình cảm thấy nó, ghi nhận nó?

Con đường Thương khó

Các thày chưa bao giờ bảo rằng con đường dẫn đến quả vị Ki-tô là Con đường Thương khó (Via Dolorosa). Không, các thày đã nói điều ngược lại. Ai đã chế ra Con đường Thương khó, ai đã chế ra toàn bộ khái niệm này? À, tất nhiên là sa nhân rồi. Chúng muốn vắt kiệt niềm vui khỏi mọi người đến độ người ta không thể mua được cái ảo tưởng phổ biến trong đạo Cơ đốc về con đường cứu rỗi tự động: Con hãy đi lễ nhà thờ, hãy tuân theo các luật lệ và quy tắc, hãy tin vào giáo điều thì con sẽ tự động được cứu rỗi. Luôn luôn có những người muốn nhiều hơn, thế là sa nhân dựng lên khái niệm bảo rằng đây là con đường hy sinh, đây là con đường đau đớn, cho nên không hề có niềm vui nào trên con đường của các vị thánh.

À, tất nhiên khi con có một giáo hội đặt nền tảng trên tâm thức của Peter và tâm thức của phản Ki-tô, thì làm sao có niềm vui được? Làm sao những người lãnh đạo giáo hội đó cảm thấy vui mừng? Và nếu các lãnh đạo không vui mừng thì tại sao bất cứ ai khác trong giáo hội lại vui được? Nói cho cùng, bản chất con là một kẻ có tội. Làm sao con có thể cho phép mình vui sướng khi con là một kẻ tội đồ khốn nạn đúng lý phải ăn năn xấu hổ chỉ vì mình đang tồn tại? Tất cả thật là vô lý. Vô lý. Con hãy buông nó ra. Hãy nhận diện những cái ngã đó, nhìn thẳng vào mặt chúng và bảo: “Mi không phải là ta. Ta không phải là mi. Ta không muốn mi nữa. Ta để cho mi chết đây.” Đây chính là những gì Ki-tô muốn nói khi thày bảo: “Ai sẵn sàng vì ta bỏ đời sống, sẽ tìm thấy sự sống.” Con sẽ tìm thấy một dạng sống cao hơn vượt khỏi những cái ngã tách biệt đó.

Lý do đưa con đến địa cầu

Khi con nhìn lịch sử, nhìn vào ngày hôm nay, phải nói là những gì loài người có thể tin được thật đáng kinh ngạc. Bao nhiêu dối trá, bao nhiêu ảo tưởng mà con người đã có thể tin theo, thật không thể nào ngờ được. Đối với một chân sư thăng thiên thì không đến nỗi nào, vì các thày đã chứng kiến đủ mọi chuyện. Tuy nhiên vẫn là một khối lượng lừa dối và ảo tưởng khó tin. Con người có khả năng tin những chuyện đó, thậm chí còn tin rằng chúng diễn tả một chân lý nào đó, hay chúng đã được ban ra bởi Thượng đế, hay bởi đức Phật, hay Krishna, hay Ki-tô, hay bất kỳ thẩm quyền nào mà họ nhìn thấy. Con hãy nhìn vào đó và nhận diện đó là chuyến hồ đồ, vô lý. Xong con chỉ đơn giản buông nó ra.

Có lẽ con có thể nhận diện một cái ngã mà hầu hết mọi avatar đều có, và các con đã mang ngã này ngay từ lúc đầu thai. Đó là hệ quả của sự kiện con đến đây với lòng mong muốn giúp đỡ mọi người, tạo cuộc thay đổi. Để giúp người khác, con cảm thấy con phải lắng nghe họ, phải nhạy bén với họ. Con gặp những người tin vào các dối trá đó hay con gặp sa nhân và con nghĩ: “Tôi nên để ý và quan tâm những gì họ nói. Tôi nên mở tâm lắng nghe họ.” Con bắt đầu hấp thụ, con cảm thấy một nghĩa vụ. Khi sa nhân ném cho con một ý tưởng sai lầm, con cảm thấy mình có bổn phận xem xét nó: “Không hiểu trong lời nói này có gì đáng xem xét chăng? Có thể nào đó là sự thật?” Con thấy chuyện này xảy ra ngay cả trong câu chuyện Vườn Eden khi Eva cảm thấy bắt buộc phải lắng nghe lời nói của rắn và cân nhắc xem nó nói gì. Là một avatar, sẽ tới điểm con cần nhìn vào sự kiện này. Con cần nhìn xem con có cảm thấy nghĩa vụ nào đối với trái đất, đối với người khác, thậm chí đối với cả sa nhân. Và con cần bác bỏ ngã đó và để cho nó chết hầu con có thể nhìn nhận: “Tôi không bắt buộc phải làm bất cứ gì trên địa cầu. Tôi không có nghĩa vụ gì trên địa cầu.”

Bây giờ, để đi muốt toàn bộ tiến trình này, có thể con sẽ phải xét xem những gì đã đưa con đến trái đất, những gì con muốn thực hiện, những gì con muốn hoàn tất, vì đó chính là cái đã cho con cảm giác nghĩa vụ. Con muốn hoàn thành một điều gì đó và để làm vậy, con có bổn phận ra tay. Con cảm thấy mắc kẹt, vướng víu vì con đã nghiệm thấy là khi con làm những gì con nghĩ mình có bổn phận phải làm, thì thật ra con không đạt được kết quả con muốn. Vậy con có chọn lựa nào không?

Nhiều người hết kiếp này tới kiếp khác cứ cố đẩy tới, cố tìm cách thị hiện được kết quả mong muốn. Nhưng chỉ có một lối thoát duy nhất khỏi sự khó xử này, điều bí ẩn này, tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, đó là nghĩ xem có phải con đã thiếu cố gắng? Không, vấn đề có thể nằm ngay ở mục tiêu của con. Và có thể con sẽ phải xét lại chính cái lý do đã đưa con đến địa cầu, ngộ ra nó không là cao nhất. Nó là một sản phẩm của mức tâm thức mà con đã có vào thuở đó. Nhưng giờ đây con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn thì con có khả năng nhìn vào nó, tái xét nó, và con buông nó ra. Buông nó ra!

Vị sứ giả này đã làm việc trên vấn đề này được năm sáu năm từ khi các thày ban truyền các giáo lý về ngã tách biệt. Ông đã mô tả bước đột phá quan trọng đầu tiên mà ông có được khi ông nhận ra: “Tôi không phải làm gì trên trái đất.” Nhưng kể từ đó, ông đã có thêm nhiều đột phá khác liên quan đến điểm này – tại sao ông có mặt trên địa cầu, ông xem vai trò của mình là gì, muc tiêu của mình là gì khi ở đây – và ông đã sẵn lòng cứu xét lại tất cả. Việc này vượt khỏi chấn thương nhập đời vì nó được định đoạt trước khi con gặp phải chấn thương nhập đời.

Đó là những gì con đã đem theo con từ một hành tinh tự nhiên, những gì đã đưa con đến đây từ một hành tinh tự nhiên. Và đây là bước kế tiếp sau khi con giải quyết chấn thương nhập đời, là con xem xét các khía cạnh sâu sắc hơn, chẳng hạn như: Tại sao con lại có mặt ở đây? Bởi vì nếu con không giải quyết chuyện này thì làm sao con sẽ rời được nơi đây? Làm sao con có thể thăng thiên? Làm sao con có thể đứng đó trước cánh cổng, nhìn lại trái đất một lần chót và tìm xem còn điều gì níu con ở lại? Làm sao con có thể nhìn quỷ Mara đang cố kéo con vào một phản ứng mà vẫn không phản ứng lại? Chỉ khi nào con cảm thấy con không còn việc gì cần làm trên trái đất thì con mới có thể tránh không phản ứng lại bất kỳ điều kiện nào trên trái đất.

Một số các con chưa đạt tới mức sẵn sàng với lời dạy này. Nhưng ta muốn đem nó vào cõi vật lý để những ai đã sẵn sàng có thể tiếp nhận được, và những ai sẽ sẵn sàng trong tương lai có thể tìm thấy và đọc được. Và với tư cách một Đạo sư Kim cương, ta có quyền đem lại bất kỳ giáo lý nào ta muốn khi có cánh cửa mở ra cho giáo lý đi vào. Và như vậy, ta nói Vajra, Vajra, Vajra. PadmaSambhava TA LÀ.

Làm thế nào loại bỏ đau khổ con người

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2022, nhân dịp Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

Một truyền rải chưa từng có của Ngọn lửa Hòa bình

Hòa bình là một ngọn lửa, một năng lượng, một tâm thức, một sinh thể – một sinh thể vũ trụ mà sự chứng đạt vượt khỏi tầng mức nơi ta đang đứng trong tư cách đức Phật cho trái đất. Sinh thể vũ trụ này đã được từ hóa (magnetized) đến địa cầu bởi các chân sư thăng thiên, bởi các con là đệ tử của chúng tôi và bởi sự xoay chuyển tâm thức vừa xảy ra do hệ quả cuộc xâm lăng nước Ukraine. Biến cố đó đã tạo ra một sự xoay chuyển trong tâm thức tập thể đến độ chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã khẩn khoản sinh thể vũ tru đó từ hóa sự hiện diện của thày trong cõi ê-the bên trên địa cầu và rải xuống một sự phát tỏa chưa từng có của Ngọn lửa Hòa bình.

Hiển nhiên ngọn lửa hòa bình này không có nghĩa là trên địa cầu sẽ tức khắc có hòa bình theo nghĩa hòa bình vật lý. Ý nghĩa thực sự là ngọn lửa sẽ phơi bày ra tất cả mọi năng lượng, mọi tâm thức, mọi sinh thể của phản hoà bình, cho nên có vẻ như ngọn lửa sẽ đem lại cái đối nghịch của hòa bình, nhưng điều này sẽ chỉ kéo dài một thời gian. Chúng tôi đã từng nói là địa cầu không thể cưỡng lại lực kéo hướng thượng của toàn bộ bầu cõi. Và địa cầu cũng không thể cưỡng lại Ngọn lửa Hòa bình Toàn vũ. Cho nên đây là một sự đặc miễn, một cơ hội cho một địa cầu đã được từ hóa bởi bao nhiêu người trên trái đất mong muốn hòa bình. Họ mong muốn một tương lai được hưởng thái bình khỏi tay những kẻ sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực.

Tâm thức sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực

Thế nào là tâm thức sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực? Đó là một chất độc tâm linh. Nó có mấy yếu tố. Thật ra nó khởi lên từ tất cả những chất độc kia, từ vô minh cho đến dục vọng, thèm muốn, tham lam, bởi vì tâm thức sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực không bao giờ thấy đủ. Những người, những sinh thể sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực tạo ra điều gì? Họ tạo ra đau khổ, thường là cho người khác, nhưng họ luôn luôn tạo ra đau khổ cho chính họ. Những kẻ chủ mưu chiến tranh, chẳng hạn, không thể tránh tạo ra trong chính tâm họ và bốn thể phàm của họ một sự nhiễu loạn có thể sẽ nhanh chóng khiến họ không sao chịu đựng nổi. Đó là tại sao con thấy một số nhà lãnh đạo khởi sự chiến tranh đã trở nên điên loạn – trong nghĩa đen – và họ bước vào một tâm trạng hoàn toàn hoang tưởng, xa rời thực tế. Cho nên liệu con có thể nói được là khi một sinh thể bước vào tâm thức mong muốn hay sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực, thì sinh thể đó có còn quyền tự quyết, còn ý chí tự do nữa hay không? Hay chẳng phải là họ đã nộp quyền tự quyết của họ cho những con quái vật tập thể, những quỷ dữ hay sa nhân chỉ muốn gây rối loạn hoặc mưu toan chứng minh Thượng đế sai lầm? Liệu những người như thế có còn ý chí tự do hay không? Họ có một ý chí, nhưng ý chí đó không tự do.

Điều gì xảy ra trong tâm lý những người đi vào tâm thức sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực? Hiển nhiên, họ cũng bước vào tâm thức nhị nguyên. Có nghĩa là họ có thể dùng tiến trình lý luận nhị nguyên để biện minh cho hành động của mình, nhưng chỉ từ một góc cạnh nào đó thôi. Con thấy đó, sức mạnh hướng thượng của toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên là tâm thức Ki-tô đưa tất cả mọi thứ xích lại ngày càng gần hơn với duy nhất. Chắc chắn, duy nhất là một cái gì khó mường tượng cho những người đầu thai trên một hành tinh với vật chất dày đặc như địa cầu, nhưng dù sao đi nữa, trong vũ trụ có một hướng chuyển động đi lên. Khi con đi vào tâm thức chiếm đoạt bằng vũ lực, con không thể ở trong duy nhất. Bởi vì nếu con ở trong duy nhất, con sẽ nhận ra là nếu con lấy của người khác bằng vũ lực thì con cũng lấy từ chính con, và thử hỏi có ai lại điên rồ đến mức làm chuyện đó?

Trạng thái phi hòa bình và phi tự do

Các sinh thể đó đi ngược lại sức mạnh hướng thượng của vũ trụ và họ không thể nào không cảm thấy điều đó. Thường thường họ không cảm thấy một cách ý thức. Họ không nhận thức được tại sao họ lại có cảm giác đó, nhưng họ cảm được một sự nhiễu loạn. Họ liên tục ở trong tâm trạng phi an bình, bất ổn này. Họ không thể bình an trong tâm. Cuối cùng nó có thể khiến họ điên loạn – cho dù con có định nghĩa từ này như thế nào – nhưng trong trung hạn, họ sẽ rơi vào một tâm trạng hoang tưởng nơi họ không thể nhìn ra hậu quả việc làm của mình. Họ không có khả năng nhìn nhận hậu quả việc làm của họ. Tại sao thế? Bởi vì để có thể sống còn về mặt tâm lý trong trạng thái phi an bình đó, họ phải cố tìm ra trong tâm một cách biện luận hầu bênh vực cho hành động hung hãn bạo ngược của họ, và họ không thể nhìn nhận hậu quả vì hậu quả sẽ vô hiệu hóa cách biện luận đó. Họ bắt buộc phải đi vào tâm trạng hoang tưởng, phủ nhận thực tế, hầu sống còn trong tâm lý.

Có nghĩa là gì? Có nghĩa là giờ đây họ bước vào tâm trạng cùng cực của phi tự do. Họ có còn tự do nào nữa hay chăng khi họ không thể rút lại những chuyện bạo lực mà họ đã làm, không thể hủy bỏ hay tháo gỡ những hậu quả mà họ đã gây ra cho tha nhân? Và nếu họ nhìn nhận các hậu quả đó, dù chỉ là hậu quả trên nhân dân họ và chính họ, thì họ sẽ phải công nhận là cách biện minh của họ không sao đủ được.

Có nghĩa là trong tâm, họ sẽ phải nhìn nhận là mình sai lầm, nhưng nếu họ đã ở trong trạng thái cùng cực muốn cưỡng chiếm thì họ cũng tự coi mình là cao trội hơn, vì cái cho họ ý muốn nắm quyền lực cao nhất cũng chính là cái khiến họ cưỡng chiếm. Và nếu đã là một sinh thể cao trội hơn thì họ không thể sai lầm – hay đúng hơn, họ không thể chịu đựng nổi là mình sai lầm, và do đó họ cũng không thể nhìn nhận là mình sai lầm. Họ không thể nhìn nhận thực tế của những gì đang xảy ra trên thế giới, và do đó họ hoàn toàn phi tự do.

Họ không thể thay đổi quan điểm, vì khi họ thay đổi quan điểm hay thay đổi cách hành động, họ sẽ phải thừa nhận là hành động nguyên thủy của mình là sai trái và cách biện minh cho hành động đó cũng sai trái. Cho nên họ đã sai lầm, và khi đã là một sinh thể cao trội thì họ không thể chịu đựng mình đã sai lầm, và vì thế họ phải phủ nhận. Trong sự phủ nhận toàn diện đó, họ đánh mất tất cả mọi tự do trong tâm.

Bề ngoài có vẻ như sa nhân có tự do làm bất cứ gì họ muốn mà không phải cân nhắc những hậu quả cho người khác mà một người bình thường sẽ cân nhắc. Có vẻ như họ thường hay trốn tránh được hậu quả việc làm của họ vì họ khiến cho những ai đi theo họ phải gánh dùm nghiệp chướng. Nhưng khi con nhìn sâu vào tâm của sa nhân, con sẽ thấy ở tầm mức của tâm, họ là những sinh thể ít tự do nhất. Họ có vẻ tự do ở tầm mức hành động vật lý, nhưng họ ít tự do nhất ở tầm mức của tâm.

Những lãnh đạo không chịu nổi là mình sai

Từ khá lâu nay chúng tôi đã có đề cập đến các thiên thần sa ngã qua một đợt truyền pháp trước. Trong đợt truyền pháp này, chúng tôi nói đến các sinh thể sa ngã và đưa ra một số lời dạy rất thâm thuý về sa nhân. Lời dạy đó đã đi vào tâm thức tập thể, đã chạm được những ai có tâm cởi mở do họ đã nhìn vào lịch sử và tự hỏi tại sao trên địa cầu lại có loại lãnh tụ như vậy, những người thiếu hẳn lòng trắc ẩn hay quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác. Hẳn lời dạy này đã chạm được các con, những học trò trực tiếp của chúng tôi. Các con đã suy ngẫm những ý tưởng đó, đã đọc thỉnh dựa trên những bài truyền đọc của chúng tôi, và tất cả đã tạo ra một động lượng hướng thượng – giờ đây được tăng cường và kết tinh do cuộc xâm lăng nước Ukraine – đến độ hành tinh đã đạt đến một khối lượng tới hạn (critical mass).

Hiện nay đã có một sự xoay chuyển trong tâm thức tập thể khi có nhiều người hơn thấy được, nhận ra được, sự cần thiết phải hiểu biết tại sao ngay cả trong thế giới hiện đại vẫn có những loại lãnh đạo như thế, những lãnh đạo sẵn sàng hành động bạo lực rõ ràng, gây ra biết bao hậu quả khốc liệt cho nhân dân xứ họ cũng như các xứ khác. Hơn thế, họ không sẵn lòng công nhận hậu quả đó để mà thay đổi hành động, thay đổi quan điểm của mình. Họ không có lòng trắc ẩn. Họ xem thường hậu quả mà họ gây ra, tại sao chứ? Như ta vừa nói, vì họ không thể chịu đựng nổi là mình sai lầm, và đây chính là điểm mà nhiều người đã bắt đầu nhìn ra: sự xơ cứng hoàn toàn, sự thiếu vắng khả năng cùng thiện chí để chấp nhận là mình đã sai lầm, hay việc làm của mình đã không tối ưu mà lại còn gây tổn hại cho chính quyền lợi của mình.

Sự xơ cứng của các chế độ độc tài

Điều này dẫn đến sự tỉnh ngộ rằng các nền dân chủ là những xã hội có đủ khả năng cho phép một lãnh đạo sai lầm. Những xã hội đó có đủ khả năng cho phép người ta sai lầm. Người ta có đủ khả năng nhìn nhận là mình đã sai lầm, rồi dựa vào đó, thay đổi cách nhìn và cách làm của mình. Đây là một trong những khác biệt cơ bản giữa một chế độ độc tài và một thể chế dân chủ. Người lãnh đạo trong một chế độ độc tài không thể công nhận là mình sai lầm, người dân không thể công nhận là mình đã sai lầm về lãnh đạo độc tài của mình, và sự thể này tạo ra một sự xơ cứng ở mức cơ bản, có nghĩa là một chế độ độc tài không có khả năng thích ứng với những tình huống thay đổi. Họ phải tiếp tục hành xử y như trước mà cứ chờ đợi kết quả sẽ khác đi, và như con cũng biết Einstein đã từng nói, đó chính là một hình thức điên rồ. Họ rơi vào một vòng xoắn ốc hướng hạ sẽ cứ đi xuống mãi cho tới khi một biến cố xảy đến, một biến cố gây sốc đến độ nó sẽ đập tan sự phủ nhận của họ. Có thể biến cố đó là một thảm bại toàn diện như con thấy trong trường hợp Đức quốc xã. Đó có thể là sự phơi bày những dã man khủng khiếp như con thấy với Đức quốc xã và cuộc diệt chủng người đạo Do Thái. Hay đó có thể là hiểm họa một sự sụp đổ kinh tế toàn diện như con thấy trong trường hợp Liên Xô.

Con cũng thấy đôi khi một chế độ độc tài có thể chuyển hướng và bước vào một vòng xoắn ốc hướng thượng. Con đã thấy Đế chế Anh đã phải tự xét mình như thế nào do tấm gương của Gandhi và phong trào bất bạo động, và vì thế họ đã chuyển đổi từ cách cư xử chuyên chế đối với Ấn Độ sang nhận thức là họ không thể tự xưng là một nền dân chủ ở trong nước mà lại hành xử độc tài ở ngoài nước. Con đã thấy nước Đức chuyển đổi từ một quốc gia độc tài dưới Hitler thành một quốc gia dân chủ. Gần đây con thấy nước Đức nhìn nhận là chính sách của họ đối với Nga và Putin là một sai lầm và họ sẵn sàng thay đổi. Con cũng thấy các nước dân chủ khác nhìn nhận là họ đã đánh giá sai về Putin cùng tình hình ở Nga và họ cũng sẵn sàng thay đổi theo đó. Nhưng con cũng thấy một số nước dân chủ chưa sẵn sàng làm chuyện đó.

Uyển chuyển có nghĩa là sống còn

Dù sao đi nữa, điều ta muốn nêu ra ở đây là ta đã từng đầu thai trên trái đất rất nhiều ngàn năm trước khi hiện thân là Phật Gautama. Ta đã không là Phật trong suốt thời gian đó – ta chưa chứng được tâm thức Phật nhưng ta đã đầu thai trong một thời gian rất dài. Ta thăng thiên cách đây 2500 năm và kể từ đó, ta đã là một chân sư thăng thiên trong tâm thức Phật. Ta có một kinh nghiệm rất dài, một cái nhìn vô cùng dài hạn về địa cầu. Điều này có nghĩa là khi nói về xã hội, ta biết cái gì có thể sống còn và cái gì không thể sống còn. Và quả thực, cái duy nhất có thể sống còn là khả năng thích nghi, tính linh hoạt uyển chuyển, sự sẵn lòng thay đổi. Không chỉ thay đổi chiều ngang mà thay đổi chiều dọc, thay đổi trong sự thăng vượt mức tâm thức cũ của mình.

Bất cứ ai có cái nhìn dài hạn như ta đều có thể thấy sự tiến bộ là một đòi hỏi tuyệt đối, không chỉ trên địa cầu mà khắp mọi nơi trong vũ trụ. Thăng vượt trạng thái cũ, tiến lên một trạng thái cao hơn, đó chính là nền tảng để sống còn. Con cũng có thể thấy được điều này khi con nhìn vào lịch sử, nhìn xem những xã hội đã ra đời và biến mất như thế nào. Con có thể nhìn vào các loài động vật và dòng tiến hóa. Tại sao loài khủng long lại tuyệt chủng? Vỉ chúng không thể thích nghi. Thật sự con có thể thấy, đây chính là một định luật tự nhiên. Tất nhiên, đây cũng là một định luật tâm linh nhưng con có thể nhìn hoàn toàn trung hòa và gọi đó là một định luật tự nhiên. Khi xã hội trở nên xơ cứng, thiếu uyển chuyển và từ chối thích ứng, xã hội đó sẽ không thể bền vững trong thời gian. Nó có một thời hạn, một thời điểm hết hạn. Điều gì khiến cho một xã hội trở nên xơ cứng? Khi người ta không thể nhìn nhận, không nhất thiết rằng mình sai lầm, mà người ta không thể nhìn nhận là mình có khả năng làm tốt hơn những gì mình đang làm.

Sự sụp đổ của các nền văn minh và sức kéo hướng thượng của phần còn lại của vũ trụ

Tiến tới cái tốt đẹp hơn là một định luật. Tất nhiên, dựa theo lịch sử ghi chép thì con không nhất thiết thấy được là đã từng có những thời đại trong quá khứ khi toàn bộ hành tinh rơi vào một vòng xoắn ốc hướng hạ khiến cho các nền văn minh bị sụp đổ. Một hành tinh như địa cầu hoàn toàn có khả năng rơi vào một vóng xoáy hướng hạ và đi ngược lại định luật tự nhiên của sự tự thăng vượt tuần tự. Nhưng hiển nhiên biến cố đó cũng đã gây ra sự sụp đổ cho các nền văn minh, sự hủy diệt của các nền văn hiến và dân số bị suy giảm xuống một mức rất thấp so với ngày nay. Tình trạng này tất nhiên không thể duy trì mãi, và đã tới một điểm khi không còn nơi nào thấp hơn để đi xuống và vòng xoáy hướng hạ đã chạm đáy.

Thế rồi lực kéo hướng thượng của phần còn lại của vũ trụ bắt đầu vực địa cầu lên trở lại, và lần hồi loài người lại đáp ứng, tạo nên một động lượng đi lên. Có những thế lực hoạt động chống lại một động lượng đi lên như vậy và chúng có thể phần nào thành công dựng lên những đế quốc tạm thời chặn đứng sự tăng trưởng. Và mặc dù đôi khi chúng có thể kéo dài cả ngàn năm nhưng chúng không thể tồn tại mãi mãi.

Và ngay cả nếu con nhìn vào lịch sử được ghi chép, con sẽ thấy tuổi thọ của những đế quốc như vậy rõ ràng ngày càng ngắn ngủi hơn. Đế chế La Mã sống sót được khá lâu. Đế chế Công giáo La Mã sống sót được một thời gian. Đế chế Nga hoàng, các vị vua tại Âu châu, các vương quốc châu Âu, cũng sống sót một thời gian, nhưng con thấy ngày càng ngắn hơn. Rồi con chứng kiến các lãnh tụ với tham vọng chinh phục toàn thế giới, như Napoleon thành công một thời gian nhưng không được bao lâu. Con thấy Hitler cũng thành công một thời gian nhưng rất ngắn ngủi. Con thấy là lãnh đạo càng hành xử bạo ngược bao nhiêu thì tuổi thọ của chế độ càng ngắn ngủi bấy nhiêu. Liên bang Sô viết sống sót được như vậy là vì họ tránh được chiến tranh lạnh trở nên quá nóng. Putin đã kéo dài được như vậy cũng là vì ông đã tránh vượt qua lằn ranh đó. Nhưng bây giờ lằn ranh đã bị vượt qua thì không có đường nào để quay trở lại được nữa.

Một nhận biết mới tại các quốc gia phi dân chủ

Đây là một điểm mà nhiều người có thể nhận biết và nắm bắt được, không những tại các nước dân chủ mà cả các nước phi dân chủ. Có một động lượng đang được vun đắp trong tâm thức tập thể, đó là: Rất, rất nhiều người tại các nước phi dân chủ đã hiểu ra – đột nhiên mà không cần suy nghĩ gì đặc biệt – rằng họ cũng đang mang các nhược điểm nói trên trong quốc gia của họ, trong chính quyền cũ và trong các chế độ độc tài. Họ bắt đầu thấy được là mình đang ở trong một vòng xoắn ốc tự hủy diệt không thể kéo dài lâu hơn. Và nếu xã hội của họ muốn tránh khỏi phần nào bị đổ vỡ thì phải có một sự thay đổi.

Có những người tại Trung quốc thấy được là một cuộc xâm lăng Đài Loan sẽ là một hành động tự sát đối với đảng Cộng sản và thiểu số tự tôn quyền lực Trung quốc. Có những người tại các nước Ả rập thấy được là không thể nào kéo dài tình trạng đạo Hồi chi phối chính quyền đến mức đó. Có những người tại một số nước khác thấy được là âm mưu của một số lãnh đạo nhằm khuynh đảo và phá hoại nền dân chủ, cũng như tự trao cho mình những quyền hạn vi hiến, là không bền vững. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ hiển nhiên của tệ trạng này. Đổi tên thôi thật không đủ mà cần đổi cả cách hành xử, có nghĩa là cần đổi người cầm đầu ở trên cùng.

Hẳn là có một động lượng như vậy đang được bồi đắp ở hạ tầng nhưng hầu như chưa được người ta nhìn thấy hay công nhận – một động lượng hướng tới việc nhận thức rằng đau khổ không phải là một điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Đau khổ phần lớn do con người tạo ra, và nó được tạo ra bởi những kẻ chiếm đoạt bằng vũ lực, những kẻ biện minh cho bạo lực và nhất định không thừa nhận là mình sai lầm. Chính sự xơ cứng đó, chính sự kháng cự lại nhu cầu phải thích nghi và thay đổi, là nguyên nhân thực sự của hầu hết mọi khổ đau có mặt trên địa cầu. Hay nói cách khác, đó là động lực chủ yếu làm khuấy động biển luân hồi.

Chìa khóa để khắc phục đau khổ con người

Như ta có nói, động lượng hướng thượng đã phần nào do các học trò của chân sư thăng thiên xây dựng lên, phần nào do rất nhiều Phật tử suốt 2500 năm qua đã cố gắng hiện thân những lời dạy mà ta truyền giảng, phần nào do rất nhiều tín hữu Cơ đốc đã cố gắng hiện thân những lời dạy của Giê-su, và phần nào cũng do rất nhiều người tại các nước dân chủ lẫn phi dân chủ đã suy ngẫm về sự khác biệt giữa chế độ độc tài và thể chế dân chủ. Họ đã suy ngẫm: “Tại sao lại có đau khổ con người? Đâu là nguyên nhân? Có thể làm gì được để giảm bớt, thậm chí loại bỏ, đau khổ con người? Có thể nào trừ hẳn mọi đau khổ con người?” Nhiều người đã đặt ra câu hỏi đó. Một số đã kết luận là chuyện đó không thể làm được, vì họ không thấy được làm thế nào. Nhưng một số đã suy ngẫm là chuyện đó phải có cách làm được. Họ có thể trực nhận, hoặc có thể họ biết được từ tiền kiếp, hay trong thời gian giữa hai kiếp đầu thai, rằng có cách giảm bớt, loại bỏ, giải quyết đau khổ con người.

Nói cho cùng, chẳng phải đó là những gì Phật đã nói hay sao? Chẳng phải là những gì Giê-su đã nói? Chẳng phải là những gì nhiều tôn giáo khác và nhiều phong trào tâm linh khác cũng đã nói? Có cách vượt qua đau khổ. Một số sẽ bảo, người ta chỉ thoát được đau khổ sau khi nhắm mắt bỏ lại cõi đời này. Nhưng nhiều người khác, đặc biệt trong thời đại hôm nay, bắt đầu tự hỏi: “Hẳn là phải có cách nào thoát khỏi khổ đau ngay trong thế giới này chứ?” Điều mà nhiều người trong số đó bắt đầu cảm nhận là con người có khả năng thoát khỏi khổ đau không qua một phương thức vỏ ngoài, không bằng cách tạo dựng một xã hội lý tưởng hay không tưởng. Vì nói cho cùng, đau khổ xảy ra ở đâu? Con có thể bảo rằng nếu con ngã ngựa và gẫy chân thì có một cơn đau vật lý khiến con đau khổ. Nhưng đau khổ đó được trải nghiệm ở đâu? Trong tâm con. Khi con được tiêm một mũi thuốc tê để làm dịu cơn đau, liệu thuốc tê có ảnh hưởng gì trên cái chân gẫy của con? Hay là thuốc tê ảnh hưởng đến bộ não cảm nhận cơn đau vật lý?

Nhưng xa hơn cơn đau vật lý, tất nhiên còn có trải nghiệm tâm lý về nỗi đau, và đây chính là đau khổ. Cơn đau, nỗi đau vật lý, ngay cả khi được trải nghiệm bởi bộ não, không thật là đau khổ, bởi vì đau khổ không là cùng một thứ như cơn đau. Cơn đau có thể gây ra hay kích hoạt đau khổ, nhưng tự thân cơn đau không phải là đau khổ. Đau khổ là một trải nghiệm của tâm. Nó có thể bao gồm một số yếu tố nhưng luôn luôn có yếu tố này: “Đúng ra tôi không được cảm thấy cơn đau này. Đúng ra tôi không phải trải nghiệm điều kiện này. Đúng ra những người kia không được hành xử như vậy với tôi.” Luôn luôn trong tâm có một ý niệm rằng chuyện đó đúng lý không được xảy ra. Nhưng bởi vì nó đang xảy ra và con không thể làm cho nó biến mất, cho nên đó là cái gây ra đau khổ.

Nhiều người ít ra đã bắt đầu ngờ ngợ và cảm nhận được là đau khổ diễn ra trong tâm, có nghĩa là mặc dù nó có thể được những yếu tố bên ngoài kích hoạt, nhưng nguyên nhân thực sự của đau khổ phải nằm bên trong. Và điều này có nghĩa là cách duy nhất để loại bỏ đau khổ là làm việc trực tiếp trên tâm mình. Chắc chắn các xã hội dân chủ đã cố gắng tạo ra một môi trường nơi các công dân không phải trải nghiệm rất nhiều điều kiện vỏ ngoài thường hay gây ra đau khổ hay kích hoạt đau khổ. Có nhiều người lớn lên trong một xã hội dân chủ đã sống cả đời mà không phải trải nghiệm những loại tình huống vật lý khắc nghiệt đó. Thế nhưng nhiều người vẫn đau khổ. Họ đau khổ mặc dù họ không có lý do vật lý nào để đau khổ, nhưng họ có một lý do tâm lý gây ra đau khổ.

Các nền dân chủ đã chứng minh là cho dù người dân được cung cấp những điều kiện vật chất lý tưởng, điều này vẫn không loại bỏ được đau khổ. Giờ đây đã rõ ràng là cách duy nhất để loại bỏ đau khổ là phải làm việc trên tâm. Và như con cũng biết, đó chính là điều ta đã nói cách đây 2500 năm. Đó là điều Giê-su đã nói cách đây 2000 năm. Và đó cũng là điều mà Khổng Tử và Lão Tử cùng bao nhiêu vị sứ giả tâm linh khác đã nói rất nhiều lần trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thường người ta đã không lắng nghe các vị đó, bởi vì mặc dù người ta có thể nghe được lời dạy vỏ ngoài nhưng người ta không thể hoàn toàn thể nhập được lời dạy. Nhưng ngày nay chúng ta đã tiến gần hơn đến một thời đại khi càng ngày sẽ càng có nhiều người có khả năng nắm bắt lời dạy, nắm bắt nội dung thực sự của lời dạy, và đó là: Chìa khóa để vượt qua đau khổ nằm trong tâm con người.

Con có thể toan tính tạo dựng một xã hội không tưởng, và con có thể toan tính tạo dựng một xã hội lý tưởng, nhưng con sẽ không bao giờ giảm thiểu được đau khổ. Con thấy được điều gì trong một xã hội dựa trên vũ lực với một chính quyền dựa trên vũ lực? Con thấy đau khổ ở một mức cao trong loại xã hội đó. Người dân trong Liên bang Sô viết rõ ràng đau khổ hơn người dân tại Tây Âu vào thời đó. Người dân ở Nga trước cuộc xâm lược rõ ràng đau khổ hơn người dân tại Tây Âu vào lúc đó. Người dân ở Nga sau cuộc xâm lược rõ ràng đang đau khổ hơn người dân tại Tây Âu.

Con thấy đó, trong một xã hội dựa trên vũ lực, với một chính quyền dựa trên vũ lực, người dân đau khổ hơn. Trong một quốc gia dân chủ, người dân đau khổ ít hơn, nhưng họ vẫn đau khổ. Và đau khổ của họ cũng khác. Họ không đau khổ do hệ quả của những điều kiện vỏ ngoài, nhưng giờ đây càng ngày họ sẽ càng đau khổ do những điều kiện tâm lý. Chúng tôi đã từng giải thích nguyên nhân của sự thể này, rằng những ai đã từng trải qua chấn thương trong tiền kiếp sẽ có xu hướng muốn đầu thai, nếu có thể, trong một quốc gia dân chủ nơi họ có cơ hội tốt hơn để giải quyết tâm lý chấn thương của họ.

Con không thể loại bỏ đau khổ bằng vũ lực

Nhưng dù sao thì điểm ta muốn nói ở đây là con cần tự hỏi, chủ yếu tại các nước dân chủ nhưng cũng ở mọi nước khác: Đâu là mục đích của xã hội chúng ta? Con có thể nhìn vào các chế độ độc tài và thấy được mục đích của độc tài là để cung cấp cho nhà độc tài cùng thiểu số thượng lưu quyền lực đang ủng hộ ông ta tất cả những gì mà họ thèm khát – cảm giác quyền lực, cảm giác mình cao trội, cảm giác mình đặc biệt, cảm giác mình giàu có, cảm giác mình có nhiều đặc quyền, bất kỳ … Nhưng toàn bộ xã hội đó đặt trên nền tảng sự tước đoạt bằng vũ lực mà thiểu số độc tôn quyền lực này đã áp đặt lên dân chúng.

Rõ ràng là khi con có một xã hội dựa trên vũ lực nơi đa số dân chúng gần như làm nô lệ cho một thiểu số thượng lưu, thì dân chúng sẽ phải khổ đau. Sẽ không thiếu gì những điều kiện bên ngoài khiến cho dân chúng khổ đau vì họ sẽ cảm thấy là chuyện đó không phải phép, rằng đúng ra họ phải có một cuộc sống tốt đẹp hơn, đúng ra họ không được bị kềm kẹp đến như vậy, đúng ra họ không được bị chà đạp, vân vân. Nhưng như ta vừa giải thích, thật sự không có ai đau khổ bằng chính nhà độc tài cùng nhóm tay sai của ông ta. Họ mới là những người đau khổ nhiều nhất.

Con có thể nói được như thế này: Một xã hội dựa trên vũ lực không phải là một xã hội có mục đích chấm dứt, hay ngay cả giảm thiểu, đau khổ của con người, và cho dù nó có muốn biết mấy thì nó cũng sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu đó. Con không thể loại trừ đau khổ bằng vũ lực. Vũ lực sẽ chỉ tạo thêm đau khổ. Và tất nhiên, đau khổ cũng tạo thêm vũ lực, bởi vì những người có tư duy đó sẽ nghĩ rằng nếu họ đang đau khổ thì hẳn phải có một nguyên do vỏ ngoài nào đó, và nếu họ dùng vũ lực để tiêu diệt nguyên do đó thì họ sẽ hết đau khổ. Thế nhưng nỗ lực tiêu diệt nguyên do sẽ chỉ gây ra thêm nhiều khổ đau, và như thế họ rơi vào cái vòng xoắn ốc không bao giờ ngừng lại mà sẽ chỉ ngày càng cuồng nhiệt hơn, cho tới khi họ không thể sống còn về mặt tâm lý, thậm chí cả về mặt vật lý.

Con không thể loại bỏ đau khổ qua phúc lợi vật chất

Khi con nhìn vào các nền dân chủ, con có thể nói được điều gì về dân chủ? Con có thể nói đó là những xã hội có mục đích giảm thiểu tối đa đau khổ con người, giảm thiểu tối đa đau khổ của quần chúng nói chung. Thậm chí con có thể nói rằng mục đích cao hơn của một nền dân chủ là loại bỏ đau khổ con người. Nhưng điều chúng tôi đang chỉ ra cho con qua loạt bài giảng này là điều đó không thể nào thực hiện được, bất kể xã hội vỏ ngoài mà con tạo dựng có tốt đẹp đến đâu. Bất kể các điều kiện vật chất có tốt đẹp thế nào, bất kể người dân có tự do chừng nào, bất kể cuộc sống có dễ dàng biết mấy, thì điều đó cũng không loại bỏ được khổ đau bởi vì nguyên nhân đau khổ nằm trong nội tâm. Như chúng tôi đã có nói, bước lô-gíc kế tiếp cho các nền dân chủ tân tiến là cần chú tâm vào sức khỏe tâm lý, phúc lợi tâm lý, thay vì phúc lợi vật chất.

Đây rõ ràng là thêm một bước tiến, một bước lô-gíc và tự nhiên trong tiến trình mà các nền dân chủ hiện đại đi qua – ít ra là các nền dân chủ đã phát triển cao nhất trong tiến trình dân chủ. Một lần nữa, điều này không có nghĩa là họ phải công nhận một giáo lý tâm linh hay sự trợ giúp của các chân sư thăng thiên, nhưng họ thực sự cần khám phá ra một số nguyên lý phổ quát về tâm lý con người rồi đem ra áp dụng.

Con có thể nói giống như các thày cũng đã nói, vấn đề quan trọng thực sự cho dân chủ là con người, chứ không phải là tư tưởng, hay lý thuyết, hay chủ nghĩa. Điều thực sự quan trọng cho dân chủ là quần chúng nói chung, chứ không phải một thiểu số thượng lưu. Và một bước cao hơn trong mục đích của dân chủ chính là giảm thiểu nỗi khổ đau của dân chúng. Hiển nhiên, đây là một điểm mà càng ngày sẽ càng có nhiều người xét đến, nắm bắt, công nhận, rồi họ sẽ nói đến, sẽ viết lách. Là học trò trực tiếp của chúng tôi, các con là một thành phần của tiến trình này khi các con nâng cao tâm thức của mình, khi các con đọc thỉnh đọc chú, khi các con tu học giáo lý, nhưng ngoài các con ra thì còn rất, rất nhiều người khác.

Tạo vòng xoáy hướng thượng cho mọi người

Như chúng tôi có giảng mấy lần trong các đợt truyền pháp trước, học trò của chúng tôi đã có nhu cầu cảm thấy chỉ có mình mình đang cứu nguy địa cầu cho Saint Germain. Nhưng như con đủ trưởng thành để nhận ra, đó chỉ là một cái nhìn ngây thơ. Muốn thay đổi thế giới phải cần đến rất, rất nhiều người. Con có thể là người đi tiên phong, là mũi nhọn của ngọn giáo, nhưng con không thể làm chuyện đó một mình. Thật là ngây thơ mà nghĩ như vậy. Cho nên mấy lần rồi chúng tôi đã yêu cầu các con xoay chuyển, tức là các con không làm những gì con đang làm để nâng mình lên thành người đặc biệt, vì khi con mang tư duy đó thì con sẽ rất dễ dàng mở cửa ra cho chất độc tâm linh của ganh tị và ghen ghét. Chất độc này khiến con làm gì? Con muốn chỉ có mình con thực hiện một điều gì tích cực cho Saint Germain. Con không muốn mọi người ở ngoài kia hoà điệu với tư tưởng của các chân sư rồi đem ra áp dụng vì họ sẽ tước mất công lao của con. Trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên đã có lối tư duy như thế, cũng như trong nhiều phong trào tôn giáo lẫn tâm linh.

Nhiều đạo sư vẫn còn mong muốn nâng cao bản thân mình và họ truyền mong muốn đó cho đệ tử của họ. Chúng tôi yêu cầu các con hãy bước lên một mức trưởng thành cao hơn, buông nó ra để nắm lấy viễn kiến rằng tất cả những ai có tiềm năng hòa điệu với các ý tưởng nói trên, tiềm năng đem vào thực hiện và thay đổi thế giới, sẽ ra tay làm chuyện đó. Họ sẽ đạt được thành công tối đa như trong sứ vụ thiêng liêng của họ. Bởi vì thật sự, con yêu dấu, khi con đạt đến một mức cao hơn của quả vị Ki-tô, con sẽ thấy việc người khác hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của họ hiển nhiên không thể ngăn trở chính sứ vụ thiêng liêng của con. Ngược lại là đằng khác, người khác càng thành công bao nhiêu thì chính con cũng thành công bấy nhiêu, vì con là một phần của tổng thể, và chỉ bằng cách nâng cao tổng thể đó thì con mới nâng cao chính con một cách tối đa. Điều này con sẽ thấy là chuyện đương nhiên một khi con đạt đến một mức nào đó của quả vị Ki-tô. Con hiểu ra cái quan trọng nhất không phải là con như một sinh thể tách biệt. Cái quan trọng nhất là cái ta rộng lớn hơn của tất cả những ai đã bước vào vòng xoáy hướng thượng. Nói cho cùng, đó là toàn bộ nhân loại, vì tất cả mọi người đều có thể được vòng xoáy hướng thượng đó kéo lên, ngay cả khi họ chưa tích cực neo chặt và chưa gia tốc vòng xoáy đó.

Thành công to lớn của hội nghị này

Hội nghị này – và ta không nói điều này để khiến con cảm thấy mình đặc biệt, nhưng con xứng đáng nhận được một sự lượng định thực tiễn – hội nghị này đã có một tác động đáng kể do thời điểm của nó. Do sự xoay chuyển, sự thức tỉnh mà liều thuốc gây sốc của Putin đã kích hoạt, hội nghị này, các bài truyền đọc của chúng tôi, những lời kêu gọi của các con, nỗ lực thể nhập và lắng nghe bài truyền đọc của các con, đã có một tác dụng to lớn hơn rất nhiều so với bình thường.

Con có thể nói: “Nhưng các thày đã có thể, nói chung, ban ra cùng những bài giảng này cách đây sáu tháng.” Các con đã có thể đọc, không cùng những bài thỉnh nhưng những bài thỉnh quyền năng hơn, và chúng ta đã có thể tổ chức một hội nghị về dân chủ và quả vị Ki-tô vào mùa thu [Bắc bán cầu]. Nhưng bởi vì tâm thức tập thể lúc đó ở trong một tình trạng bế tắc cho nên một hội nghị vào thời điểm đó sẽ không thể nào có được tác dụng mà nó có bây giờ. Trong hội nghị này, các con đã tác dụng thật to lớn để định hướng một tâm thức tập thể bị lâm vào rối loạn – một tâm thức tập thể chứa đựng rất nhiều năng lượng nhưng lại thiếu sót một hướng đi. Tuy đã có một đường hướng nào đó vì như chúng tôi có nói, quả thật các quốc gia dân chủ đã phản ứng ở mức độ cao hơn là chúng tôi chờ đợi, nhưng hướng đi vẫn thiếu sót và các con đã cống hiến được một lực đẩy. Lực đẩy này, nếu người ta chịu nắm lấy, có thể sẽ kết tụ thành những viễn quan mới, những đường hướng mới và một niềm quyết tâm mới. Về điểm này, các con xứng đáng được chúng tôi biết ơn.

An bình đến từ thái độ “bất cứ gì xảy ra cũng được”

Có lẽ con đã nhận diện ra chúng tôi là những sinh thể uyển chuyển, linh hoạt tột bậc. Điều này sẽ khiến cho một số hoc trò của chúng tôi ngạc nhiên vì họ tưởng chúng tôi bất biến. Theo một nghĩa nào đó, chúng tôi bình đẳng ở mức tâm thức của mình mặc dù vẫn luôn luôn tự thăng vượt như chúng tôi đã có nói. Nhưng chúng tôi uyển chuyển một cách vô biên trong việc giúp đỡ loài người trên địa cầu. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, bất kỳ chuyển đổi nào trong các điều kiện trên địa cầu, chúng tôi cũng luôn luôn tìm cách tận dụng để khởi xướng tăng triển. Chắc chắn chúng tôi sẽ ưa thích hơn nếu cuộc chiến này đã không xảy ra. Nhưng giờ đây nó đã xảy ra thì chúng tôi không nhìn cuộc chiến với chút tiếc nuối nào. Chúng tôi nói:”Làm thế nào giúp được mọi người tiến tới tử điểm này? Làm thế nào biến nó thành một cái gì tích cực, biến nó thành một cơ hội tăng triển sẽ thực sự đem lại tăng triển, để đưa hành tinh và những xã hội có thiện ý đó xích lại gần hơn với Thời đại Hoàng kim của Saint Germain?”

Tất nhiên đây cũng là một thái độ mà các con là học trò của chúng tôi có thể khoác vào. Vị sứ giả này, như ông có chia sẻ, đã bị chấn động khi cuộc chiến bùng nổ, nhưng ông đã làm việc trên bản thân cùng tâm lý của ông, và ông đã thay đổi thái độ. Một ý tưởng đã giúp cho ông là khi con nhìn vào trái đất ngày nay, con có thể thấy các điều kiện hiện hữu trên hành tinh kém xa những gì sẽ hiện hữu trong Thời đại Hoàng kim của Saint Germain. Chúng tôi đã ban ra nhiều lời dạy về Thời đại Hoàng kim của Saint Germain, đủ để con thấy được là các điều kiện hiện hữu trên điạ cầu ngay bây giờ rất, rất thấp kém so với Thời Hoàng kim, và điều này có nghĩa là những cuộc thay đổi to lớn sẽ cần diễn ra trước khi thời đại đó có thể thực sự bắt đầu thị hiện.

Sứ giả này đã hiểu ra là cho tới giờ, ông đã có thái độ, có tư duy, ông đã hy vọng, đã mong mỏi, đã cầm giữ viễn kiến rằng những thay đổi đó sẽ diễn ra lần hồi và tuần tự, để không có những biến động quá lớn, chẳng hạn như chiến tranh, như bệnh dịch corona, như một sự sụp đổ kinh tế hay những biến cố khác giống như vậy. Ông cứ hy vọng sẽ được thấy cùng một loại tăng trưởng như ông đã chứng kiến gần như suốt đời và hầu hết các con cũng đã chứng kiến gần như suốt đời trong thế giới dân chủ tân tiến – tức là một sự phát triển lần hồi và ổn định không có cú sốc lớn.

Ông hy vọng như vậy. Nhưng khi ông xem xét tư duy đó, ông mới nhận ra: “Nhưng nếu sự thay đổi lớn lao cần thiết đó chỉ diễn ra thật tuần tự, thì chẳng phải là nó sẽ tốn rất nhiều thời gian trước khi thời hoàng kim có thể thị hiện hay sao?” Điều này đã khiến ông xoay chuyển tư duy, và ông nói: “Nếu vậy thì tôi có thể chấp nhận một số biến động to lớn, một số biến cố dữ dội có khả năng xoay chuyển tư duy, hầu chúng ta có thể biểu hiện thời hoàng kim sớm sủa hơn.” Tất cả các con đều có thể làm giống như vậy, không những vì nó sẽ gia tốc sự tăng triển bởi con không mang một viễn kiến khuyến khích sự tăng triển chậm chạp, mà cũng vì chính con có thể đạt được một niềm an bình lớn hơn khi các biến cố đó xảy ra.

Ta hoàn toàn không có ý giảm thiểu nỗi đau khổ của người dân Ukraine. Ta không đang nói rằng nếu con sống tại Ukraine thì con phải giữ được an bình giữa tất cả những gì đang xảy ra. Nhưng có rất nhiều các con, hầu hết các học trò của chân sư đang sống tại các quốc gia hòa bình hơn, các con có thể chọn lấy một trạng thái tâm an bình hơn. Các con chọn lấy thái độ “bất cứ gì xảy ra cũng được” thay vì lòng sợ hãi: “Ồ, chuyện này không được xảy ra, hay chuyện kia không được xảy ra.” Có nghĩa là khi một biến động lớn xảy đến, con sẽ không bị mất an bình. Con sẽ không bước vào trạng thái nhiễu loạn khi con nghĩ, giống như ngay cả sứ giả này trong những ngày đầu của cuộc chiến cũng nghĩ: “Ồ, chuyện này đúng lý không được xảy ra. Làm sao nó đã xảy ra được? Chuyện này không được xảy ra.” Thay vào đó, con bước vào thái độ: “Vậy à, chuyện đó đã xảy ra, làm thế nào chúng ta có thể dùng nó một cách tối ưu? Làm thế nào chúng ta có thể biến nó thành một bước tăng triển?” Làm như vậy sẽ giúp con đối mặt dễ dàng hơn với thời gian còn lại của con trong kiếp hiện thân.

Lời đề nghị của Gautama

Có thể sẽ có những sự xoay chuyển rất mãnh liệt. Chúng tôi không bao giờ nói rằng những cuộc xoay chuyển như vậy sẽ không xảy ra. Nhưng chúng tôi đã cố làm việc để đạt đến một nhịp tăng triển đều đặn hơn không đòi hỏi những cú sốc quá lớn trong Trường đời Cay đắng. Các con là những học trò trực tiếp, các con không ở trong Trường đời Cay đắng, cho nên các con có thể cố gắng đạt được một trạng thái tâm không bị xáo trộn khi người khác phải nhận chịu những cú giáng đó. Tâm này, ta mong muốn con có được. Ta hy vọng hội nghị này đã giúp con xích lại gần hơn với trạng thái an bình đó. Nếu không, ta trao cho con Ngọn lửa An bình Toàn vũ của ta sẽ dẹp yên những ý nghĩ lăng xăng đó. Con hãy đọc bài chú của ta, hay con có thể chỉ đọc đoạn lặp lại, gồm có bốn câu. Con có thể học thuộc lòng đoạn này rất nhanh chóng và con hãy đọc khi cảm thấy nhiễu loạn. Con hãy đọc khi con nằm trên giường vào buổi tối và thấy mình khó ngủ. Con chỉ cần lặp lại đoạn điệp khúc trong bài chú của ta:

Gautama, Lửa Hoà bình Hoàn vũ,
Chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng,
Thày với con tỏa ra niềm thanh thản
Cho Biển động Luân hồi được yên lắng.

Ta giữ viễn kiến cho con là biển luân hồi sẽ được yên lắng trong tâm con. Và như vậy, ta niêm con trong Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ của ta cũng như ngọn lửa biết ơn của tất cả các chân sư thăng thiên mà con đã lắng nghe hay đã cầu thỉnh trong suốt dịp hội nghị tuyệt vời này.

Thử thách của con là giải quyết bí ẩn của quyền tự quyết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 31/12/2021. Đăng ngày 3/1/2022.

Ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Thật là một niềm vui cho tất cả chúng tôi, các chân sư thăng thiên, được dõi nhìn các con, các đệ tử trực tiếp của chúng tôi, trong suốt năm vừa qua. Rất nhiều người trong số các con đã sử dụng giáo lý của chúng tôi và đã có những tiến bộ vượt bực trên đường tu. Thường khi, có thể ta không là người đầu tiên ban lời khen ngợi, nhưng dù sao thì ta muốn ghi nhận bước tinh tấn này – bước đó đã rất đáng kể đối với nhiều người trong số các con đã dùng những lời dạy này.

Khi ta nói tiến bộ tâm linh, tất nhiên là ta muốn nói đến sự tiến bộ trong việc giải quyết tâm lý của con, là tâm lý đang buộc chặt con lại với địa cầu, bởi vì đó chính là mục đích của tiến bộ tâm linh. Trước đây chúng tôi đã có đề cập đến một tình thế oái oăm mà chúng tôi gặp khi làm việc với con người trên trái đất. Thày Giê-su có nói là chúng tôi giống như những nhân viên bán xe cũ, sử dụng kỹ thuật nhử mồi xong đánh tráo. Để khiến con bước qua ngưỡng cửa, chúng tôi phải đưa cho con một lời dạy hấp dẫn đối với con, sau đó chúng tôi hy vọng là con sẽ có thể tiến xa hơn, tự điều chỉnh và nhận diện được mục đich thực sự của đường tu tâm linh.

Tất nhiên khi con nhìn địa cầu trong tổng thể, có một số đáng kể những người tự xem mình là tâm linh nhưng họ vẫn bước đi trên con đường vỏ ngoài, con đường công truyền. Họ nghĩ đó chỉ là chuyện sử dụng một kỹ thuật tâm linh, tìm hiểu một giáo lý tâm linh, học hỏi nó một cách trí thức, đi theo một vị đạo sư, thì một ngày kia họ sẽ tự động đạt đến cái mà họ xem là mục tiêu, cho dù mục tiêu đó là gì. Như chúng tôi đã giải thich rất nhiều lần, tất nhiên chuyện đó không phải vậy. Đó là một ảo tưởng được khởi xướng bởi các sa nhân, các thày giả muốn giam giữ con người kẹt lại trên địa cầu, kẹt lại dưới quyền kiểm soát của chúng.

Điều gì cho phép một thế lực nào đó – cho dù là con người hay những sinh thể phi hiện thân – nắm quyền kiểm soát trên con? Phải, ngoại trừ một nhà độc tài kiểm soát được thân xác của con, thì đó chỉ có thể là một sự kiểm soát tâm lý. Vậy điều gì cho phép một ai đó kiểm soát tâm lý của con? Đó là một cái gì trong chính tâm lý con mà họ có thể sử dụng để kiểm soát con. Ông hoàng của thế gian nắm được trong con một cái gì đó để y sai khiến con. Y có thể bắt con làm những điều y muốn con làm. Y có thể khiến con phản ứng, giống như bọn quỷ của Mara đã mưu toan khiến ta phản ứng lại khi ta sẵn sàng bước vào Niết bàn.

Tại sao con không sẵn sàng bước vào Niết bàn chứ? Vì bọn quỷ của Mara nắm được một phản ứng nơi con mà chúng có thể dùng để kéo con vào vở tuồng, như ta đã giảng dạy hồi năm ngoái. Điều gì lôi kéo và khiến con tập trung vào vở tuông đang được trình diễn trên địa cầu? Có một dính mắc nào đó. Nhiều người trong các con đã nghe nói về “dính mắc”, có người đã nghe nói nhiều năm rồi, nhưng liệu con đã nắm bắt được dính mắc thật sự là gì chăng?  

Thế nào là một dính mắc? Con thử lấy tình cảnh được mô tả trong kinh Tân ước. Có một thanh niên kia đến với Giê-su, nói: “Thưa thày, con thực sự muốn đi theo thày, nhưng trước tiên xin thày cho phép con đi chôn cha con đã.” Giê-su nói với anh ta: “Hãy để cho người chết đi chôn người chết.” Rồi có một tình cảnh khác khi Giê-su bước đến các môn đồ tương lai của thày đang vá lưới đánh cá, và thày nói: “Hãy bỏ lưới lại và đi theo ta.” Chàng thanh niên kia muốn chôn cha mình thì bị dính mắc vào một loại phong tục tập quán. Và nếu các môn đồ kia không chịu rời bỏ lưới cá của họ ngay tức khắc thì đó cũng là vì họ có dính mắc.

Nói cách khác, vị thày tâm linh luôn luôn tìm cách thực hiện điều gì? Đó là giúp con chuyển dời từ tầng tâm thức của con ngay bây giờ để bước lên tầng tâm thức cao hơn một bậc. Cho nên vị thày sẽ luôn luôn đến và nói: “Con hãy bước với ta lên tầng kế tiếp.” Nếu trong con có cái gì đó mà con dính mắc, con sẽ trả lời: “Ồ, con sẽ đi theo thày, nhưng trước tiên con phải làm xong việc này hay việc nọ cái đã.” Con không thể theo thày được, và có thể con sẽ nói: “Nhưng chắc hẳn con sẽ có thể theo thày sau đó.” Tất nhiên là con có thể, chúng tôi không bảo là hoặc có hoặc không – phải ngay bây giờ hay không bao giờ.

Nhưng đằng khác, liệu con có xét xem con có một Sứ vụ Thiêng liêng hay chăng? Liệu con có xét xem trong Sứ vụ Thiêng liêng đó, khi con hoạch định kiếp đầu thai sắp tới của con – tức kiếp này đây – chính con đã có một viễn quan cao hơn. Con đã định ra một muc tiêu, và con thấy được là để đạt mục tiêu mà con định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng, con sẽ phải kinh qua một tiến trình, vì con sẽ phải chuyển từ mức tâm thức sẵn có khi con bước vào hiện thân, để vươn lên mức tâm thức cần thiết cho việc hoàn thành mục tiêu trong Sứ vụ của con.

Con cũng định ra một mốc thời gian, và con nói, lý tưởng nhất con muốn đạt mục tiêu trước khi con mãn kiếp đầu thai này, hoăc ở một thời điểm nhất định nào đó, một độ tuổi nào đó. Cho nên con không có nhiều thì giờ để do dự lần lữa, đi lạc đường hay chui vào ngõ cụt đâu con. Con đã có một thời khóa biểu mà con định ra cho chính mình. Khi vị thày đến với con, thày không đến bởi thày muốn ép uổng gì con. Thày đến là vì trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, con đã muốn thày đến nhắc nhở cho con là đã tới lúc con cần bước đi. Cho nên nếu bấy giờ con nói: “Ồ, xin thày để yên con một lúc, con đang bận đây,” không phải là con đang thất hứa với thày mà con thất hứa với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Cho nên đó là tại sao tất cả các con sẽ được ích lợi rất nhiều nếu các con ghi nhớ rằng: “Tôi đã định ra những gì trong Sứ vụ Thiêng liêng của tôi? Tôi đã muốn thực hiện những điều gì trong kiếp này?”  

Khi đó, con có thể nhìn vào bản thân và nói: “Tôi thấy là trong hai ba năm vừa qua, tôi đã trở nên dính mắc với một số quan điểm, một số vấn đề đã chiếm mất quá nhiều sự chú ý của tôi. Thực sự chúng đã hút mất một khối năng lượng đáng kể, cả về lý trí lẫn tình cảm, vì tôi đã nghĩ ngợi quá nhiều về các vấn đề này rồi cứ nghiền đi nghiền lại, duyệt qua đủ loại kịch bản trong tâm trí mình và cố thuyết phục người khác là mình đúng. Tôi mang quan điểm thật dứt khoát về các vấn đề đó.” Nếu con nhận thấy tâm trạng này trong con, con có thể nói: “Liệu chuyện này sẽ giúp hay sẽ ngăn cản Sứ vụ Thiêng liêng của mình? Liệu chuyện này sẽ giúp mình tiến gần hơn đến mục tiêu, hay nó sẽ khiến mình bị kẹt lại một mức tâm thức nào đó? Vậy đây có phải là một dính mắc hay không?”

Và rồi có lẽ con sẽ có một căn bản tốt hơn để quyết định: “Bây giờ đã đến lúc tôi buông nó ra. Bởi vì so với Sứ vụ Thiêng liêng, liệu vấn đề này sẽ quan trọng lắm không, cho dù là nó thế này, thế kia hay thế nọ? Nó quan trọng thế nào? Liệu tôi sẽ nói được với Giê-su: Chuyện đó có là gì đâu đối với con, vì con sẽ bước theo thày.”

Liệu con sẽ nói được với vị thày: “Con sẽ đi theo thày. Con sẽ bỏ lại lưới cá của con. Con sẽ để yên cho những người chết đi chôn người chết. Con sẽ để yên cho những kẻ chết bàn cãi, tranh luận về vấn đề này hay vấn đề nọ. Con sẽ chỉ BUÔNG nó ra và bước chân đi tiếp.”

Đây là điểm khác biệt giữa những người có thể tận dụng một vị thày tâm linh và những người không thể. Đó là điểm khác biệt giữa những ai sẽ đạt được mục tiêu và những ai không đạt được. 

Nếu con so sánh đợt truyền pháp này mà chúng tôi đã ban truyền qua sứ giả này, với đợt trước qua tổ chức Summit Lighthouse, con sẽ thấy là nhiều người trong Summit Lighthouse đã ý thức rõ ràng hơn nhiều rằng cốt yếu của đường tu tâm linh là kỷ luật, là đi theo vị thày, tuân lời đạo sư, nhắm theo một hướng nhất định nào đó. Họ đặt trọng tâm nhiều hơn vào mục tiêu.

Trong đợt truyền pháp này, chúng tôi đã không đặt áp lực nào lên các con. Chúng tôi đã để yên cho con tự ý chọn cách thi hành lời dạy, định ra tốc độ thăng tiến của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cách tiếp cận này hay hơn cách trước. Chỉ là hai cách tiếp cận khác nhau mà thôi, vì khi con nhìn vào Summit Lighthouse, con sẽ thấy rất nhiều thành viên có mục tiêu rõ ràng, họ rất kỷ luật, rất quyết chí trong tâm vỏ ngoài để dành ra rất nhiều giờ đọc chú mỗi ngày, để thi khảo hạch và nhiều thứ khác. Nhưng họ đã không thực sự tinh tấn nhiều lắm vì họ vẫn còn dính mắc. Họ dính mắc với cách thức làm việc, họ cũng dính mắc với một số quan điểm cứng nhắc, kể cả quan điểm về tầm quan trọng của bản thân họ trong vai trò đệ tử tâm linh đang đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain, hay đang cứu nguy địa cầu cho Saint Germain theo cách nhìn của họ.

Phương pháp mà chúng tôi sử dụng thật không quan trọng mấy, vì không có gì bảo đảm là học viên sẽ đáp ứng. Chuyện này tùy thuộc vào học viên có đáp ứng hay không. Con thấy chẳng hạn, sứ giả này đã không tự xưng mình là đạo sư, ông đã không quy tụ một nhóm tín đồ chung quanh ông và bảo họ rằng: “Phải làm cái này, phải làm cái kia.” Nhưng ông đã làm gương cho con. Ông rất chuyên chú nhắm đến mục tiêu. Khi ông khám phá con đường tâm linh, khi ông tìm ra các giáo lý, ông đã tỏ ra rất chuyên cần. Cách đây rất lâu rồi, ông đã tới điểm là ông quyết định làm việc trực tiếp trên tâm lý của ông. Ông rất kỷ luật, rất sẵn lòng xem xét tâm lý mình, học tập giáo lý cùng sách vở. Ông rất sẵn lòng nắm lấy các giáo lý được ban truyền qua trung gian chính ông và ông không lý luận: “Ồ, lý do tại sao các chân sư truyền giáo lý này xuyên qua tôi là vì tôi đã vượt xong tất cả các khai ngộ đó rồi.” Ông đã không cho phép mình suy luận như thế. Trái lại, ông nắm lấy các lời dạy, soi vào gương và nói: “Những lời này áp dụng cho tôi như thế nào?”

Tất nhiên, tất cả các con đều có cùng tiềm năng như vậy. Chúng tôi không đang tâng ông lên mà thật sự chúng tôi muốn nói: “Điều gì một người làm được thì mọi người cũng làm được.” Liệu con quyết tâm như thế nào để hoàn thành những mục tiêu mà con đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng của con cho kiếp này? Con cảm thấy mình đã hoàn thành được tới đâu? Liệu con có sẵn lòng tự hỏi, hay hỏi một chân sư, hay hỏi một vị Thượng sư? Vào ngày 2 tháng 1 tới đây, các con sẽ tiếp tục khóa canh thức với các Thượng sư, liệu con có sẵn lòng hỏi thày Lanto và sau đó các Thượng sư kia rằng: “Xin thày chỉ cho con thấy con đang ở điểm nào trên đường tu. Liệu con có bị trễ trong Sứ vụ Thiêng liêng hay con đang đồng hành với Sứ vụ? Xin thày chỉ cho con thấy con còn thiếu sót chỗ nào, và dính mắc nào đang kìm hãm con lại?” Với khoá canh thức này, đây là một cơ hội to lớn cho các con trong cương vị một cộng đồng. Nó có thể đem lại sự tăng triển vượt bực cho những ai trong số các con thật chuyên cần.

Như ta vừa nói, sứ giả này đã sẵn lòng thực hành các lời dạy, xem xét tâm lý của mình, không những để giải quyết chấn thương nhập đời vũ trụ khi ông mới đến địa cầu, mà còn để nhận ra một điều mà chúng tôi chưa đề cập nhiều lắm – đó là sự kiện ông đã không đến địa cầu với một tâm lý đã giải quyết xong xuôi hoàn toàn. Khi ông đến địa cầu, ông chưa sẵn sàng thăng thiên. Ông đến địa cầu với một thái độ nào đó, một tư duy nào đó, và như ông đã sẵn lòng nhận ra, tư duy đó đã khiến ông nghĩ mình đến đây là để giúp nâng cao địa cầu, giúp giải thoát người khác.

Kỳ thực, ông đến đây là để tự giải thoát chính ông khỏi tư duy đã cầm chân ông lại trên một hành tinh tự nhiên. Tất nhiên điều này cũng đúng với tất cả các con là avatar. Tại sao chúng ta đã đến địa cầu chứ? Không phải như con nghĩ bởi vì chúng ta là những người xấu ác hay ích kỷ chỉ biết lo lợi cho mình, và do đó chúng ta đã xứng đáng đi xuống một hành tinh như thế này. Không phải vậy đâu con. Chúng ta xuống đây là để giúp nâng cao địa cầu bằng cách có một trạng thái tâm thức cao hơn hầu hết mọi người khác trên trái đất, hầu chúng ta có thể kéo tập thể đi lên. Nhưng chúng ta cũng không đến đây với một mục đích nhất định để đem lại một số thay đổi nhất định và để thay đổi một số người nhất định.

Nói cách khác, trước khi ta đến địa cầu như một avatar, ta đã không có ý định đặc biệt gì để sáng lập một tôn giáo có tên là Phật giáo. Trước khi Giê-su đến địa cầu như một avatar, thày cũng không có ý định đặc biệt trở thành Ki-tô hiện thân cũng như sáng lập một tôn giáo toàn cầu. Ngược lại với các tín đồ của chúng tôi muốn tin là chúng tôi thật đặc biệt, chúng tôi không có gì là đặc biệt so với tất cả mọi avatar khác đã đến địa cầu. Chúng tôi mang cùng tiềm năng y như mọi avatar khác, nhưng tiềm năng này chỉ có thể trải bày ra khi chúng tôi đáp ứng với sự có mặt của mình trên địa cầu, là khi chúng tôi bắt đầu khắc phục phản ứng ban đầu, chấn thương nhập đời và những phản ứng của mình đối với địa cầu, cũng như khắc phục chính cái tâm lý đã đưa chúng tôi tới đây.

Đâu là tầng giáo lý kế tiếp mà chúng tôi muốn trao truyền trong khuôn khổ công việc tiết lộ tuần tự về các avatar? Đó là sự kiện trong cương vị một avatar, con đã nhập thế gian trên một hành tinh tự nhiên, có nghĩa là ở đó không có sa nhân, không có chuyện phần lớn dân cư bị rơi vào nhị nguyên và tách biệt. Có tiềm năng là con sẽ rơi vào tâm thức tách biệt, tương tự như ở địa cầu trước khi nó biến thành một hành tinh phi tự nhiên, nhưng chuyện này không có gì là chắc chắn.

Con khởi sự trên một hành tinh tự nhiên cũng gần giống như chúng tôi đã nói về địa cầu, nghĩa là con khởi sự với một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm. Nhưng khác với địa cầu, trên một hành tinh tự nhiên con khởi sự ở tầng tâm thức thấp nhất có mặt trên hành tinh đó (vì chỉ trên hành tinh phi tự nhiên con mới bắt đầu ở tầng 48 và có nhiều tầng khác ở dưới mức này). Trên một hành tinh tự nhiên, con khởi sự ở tầng tâm thức thấp nhất mà hành tinh đó được thiết kế, xong con lần hồi vươn lên cao hơn cho tới tầng cao nhất có mặt trên hành tinh đó.

Tất nhiên, điều xảy ra trên một hành tinh tự nhiên là sẽ có một số dòng sống đi qua tiến trình này nhanh hơn một số dòng sống khác. Một số chuyên cần hơn, họ tận dụng những vị thày mà họ có, nghĩa là họ đạt tới tầng tâm thức cao nhất hiện diện trên hành tinh đó.

Vấn đề đặt ra là khi đó họ sẽ làm gì đây? Bởi vì chẳng có lý do gì mà họ ở lại trên hành tinh đó, ít ra là không quá một thời hạn nào đó. Trong một thời gian, con có thể phụng sự trong một tư cách lãnh đạo, nhưng sẽ tới một điểm con khao khát một việc làm khác hơn. Con biết là con sẽ cần tiến lên bước kế tiếp. Đối với các avatar đã đạt đến mức này, có hai chọn lựa mở ra cho họ. Một là có những hành tinh tự nhiên khác đang ở tâm thức cao hơn hành tinh nơi con đã khởi sự, và con có thể chuyển sang một hành tinh như thế. Và chọn lựa thứ hai là con có thể di đến một hành tinh phi tự nhiên.

Là một sinh thể đã đạt đến tầng tâm thức cao nhất có thể có trên một hành tinh tự nhiên, vì lý do gì con lại muốn chọn đến một hành tinh phi tự nhiên chứ? Điều này tùy thuộc phần lớn vào trình độ tâm thức của con lúc đó. À, ta vừa nói là trên mỗi hành tinh tự nhiên (vì hiển nhiên các con không đều đến từ cùng một hành tinh tự nhiên) thì trên hành tinh đó có một tầng tâm thức cao nhất. Nhưng điều này không nhất thiết là con đã sẵn sàng thăng thiên. Không phải là khi con đi mút tíến trình tăng trưởng trên một hành tinh tự nhiên thì con sẽ tự động sẵn sàng thăng thiên để trở thành chân sư đâu.

Lý do là vì để trở thành chân sư thăng thiên, con phải giải quyết xong toàn bộ bí ẩn của quyền tự quyết. Con cần thực sự thể nhập và hiểu rõ quyền tự quyết là gì và mang ý nghĩa như thế nào. Con cần giải được tại sao đó là một quyết định kỳ tài, một tuyệt tác của Đấng Sáng tạo khi ngài ban quyền tự quyết cho mọi sinh thể tự nhận biết. Sự thật là tất nhiên, đấng Sáng tạo đã không phát minh ra khái niệm đó, và quyền tự quyết đã được sử dụng trong nhiều cuộc sáng thế khác – nhưng không trong mọi cuộc sáng thế, vì đã có một số Đấng Sáng tạo đã thử nghiệm một quyền tự quyết không hoàn toàn tự do, và tất cả các Đấng ấy đều đã học được bài học là việc hạn chế quyền tự quyết không mấy thành công. Thật sự cách duy nhất để sáng thế, để sáng tạo một thế giới hình tướng bền vững là ban cho nó quyền tự quyết toàn diện.

Để thăng thiên từ một bầu cõi phi tự nhiên, con cần giải quyết bí ẩn đó. Một số các con sẽ nói: “Được rồi, tôi sẽ cố làm vậy trên một hành tinh tự nhiên.” Nhưng cũng có một số khác – thành thật mà nói, đó là những người có can đảm bảo rằng: “Tôi không nghĩ tôi hiểu được chuyện này. Tôi không nghĩ tôi hiểu được quyền tự quyết. Tôi không hiểu tại sao Đấng Sáng tạo của chúng ta lại ban cho mọi người quyền tự quyết.” Và số đó trong các con sẽ nhìn về các hành tinh phi tự nhiên và nói: “Khi tôi nhìn một hành tinh phi tự nhiên, tôi thật sự không hiểu nổi tại sao Đấng Sáng tạo lại ban quyền tự quyết cho mọi người. Nhưng tôi muốn nắm bắt lý do tại sao như vậy. Tôi muốn nắm bắt nó và đó là lý do tôi sẵn lòng đầu thai trên một hành tinh phi tự nhiên. Tôi sẵn lòng trải nghiệm trong chính bản thể của mình thực tế của những con người bị kẹt vào nhị nguyên và tôi thì không thể nào thuyết phục họ. Tôi muốn trải nghiệm thực tế của những sinh thể sa ngã bị mắc kẹt trong nhị nguyên đến độ họ không thể được thuyết phục, mà ngược lại họ còn cố bịt miệng tôi hay chứng minh là tôi sai, hoặc thậm chí họ cố cải tạo tôi để tôi cũng rơi vào trạng thái tâm của họ.”

Nói cách khác, có một số sinh thể trên hành tinh tự nhiên sẽ nói: “Tôi thực sự muốn giải quyết vấn đề này và có lẽ cách hay nhất là tôi đi đến một hành tinh phi tự nhiên nơi quan điểm mà tôi đã tạo dựng về cuộc sống và tiến trình sáng tạo, về quyền tự quyết trên hành tinh tự nhiên ấm cúng này của tôi, sẽ bị thách thức. Hay nói cách khác nữa, con nói: “Tôi muốn quan điểm của tôi bị thách thức. Tôi muốn đi đến một chỗ nơi tôi không thể tìm ra lý lẽ nào sẽ thuyết phục được người khác, như tôi vẫn từng quen làm trên một hành tinh tự nhiên.” Khi con là người lãnh đạo, khi con ở một tầng tâm thức cao trên một hành tinh tự nhiên, con quen nghĩ rằng con có khả năng đưa ra một tiến trình suy luận sẽ giúp cho những ai ở một tầng tâm thức thấp hơn thấy được là “con có lý”, và do đó họ sẽ đi theo con, họ sẽ nghe theo lời khuyên nhủ và hướng dẫn của con.

Đó là cách vận hành trên một hành tinh tự nhiên nơi ai nấy đều cởi mở học hỏi điều mới, học hỏi những điều mà họ chưa biết. Nhưng trên hành tinh phi tự nhiên thì không như thế, như chắc chắn các con sẽ đều đồng ý như vậy. Đó là tại sao trong số chúng ta có những người – mà ta không nhất thiết gọi là tinh tấn hơn, hay hăng hái hơn, hay can đảm hơn – nhưng chúng ta đã quyết định: “Chúng tôi muốn tự thách thức mình bằng cách đầu thai trên một hành tinh phi tự nhiên.”

Đối với đệ tử nào đã sẵn sàng cho lời dạy này, điều có thể ích lợi cho con là con bắt đầu một cách rất chậm, rất lần hồi, xét xem con sẽ nhìn vấn đề tự quyết như thế nào, và con sẽ giáp mặt với nó như thế nào. Quan điểm của con về vấn đề đó là gì? Đâu là phản ứng cố hữu, phản ứng tức thì từ ruột gan – nếu có thể gọi như vậy. Khi con chứng kiến tình trạng thảm hại mà con người đã tạo ra trên địa cầu, khi con thấy sa nhân đã lạm dụng quyền tự quyết của chính họ lẫn của người khác như thế nào, phản ứng của con ra sao? Từ đó con có thể bắt đầu xét xem thái độ nào, tin tưởng nào đứng đằng sau phản ứng đó, phản ứng từ ruột gan đó. Con nghĩ gì trong đầu về quyền tự quyết? Sau đó con có thể đi vào tầng bản sắc và khởi sự xem xét: “Tôi tự nhìn mình như thế nào trong cương vị một sinh thể có quyền tự quyết đang tương tác với người khác cũng có quyền tự quyết? Tôi tự nhìn mình thế nào như một sinh thể ít ra đã bắt đầu vươn lên khỏi nhị nguyên, đang tương tác với những người ở trong nhị nguyên và do đó họ không thực sự sử dụng ý chí tự do vì ý chí của họ chưa tự do?”

Rồi con có thể bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề này, và như vậy con có thể nhìn ra bài toán về quyền tự quyết mà con chưa giải quyết trên hành tinh tự nhiên. Rồi con có thể bắt đầu nhìn vào địa cầu và thật sự xem xét: “Làm thế nào tôi giải quyết được đây?” Chúng tôi các chân sư đã ban ra nhiều lời dạy có thể hữu ích cho con, và con có thể xem các lời dạy này. Nhưng trong tương lai chúng tôi sẽ ban ra nhiều hơn nữa, vì tất nhiên đây chỉ là bước khởi đầu của một cấp giảng dạy mới.

Cảm giác của con đối với quyền tự quyết như thế nào? Con nghĩ quyền tự quyết vận hành thế nào và nó có thể vận hành cách khác hay không? Con tự xem mình ra sao như một sinh thể có quyền tự quyết trong quan hệ với người khác? Con nghĩ làm thế nào con sẽ thoát ra khỏi hành tinh này – hành tinh điên đảo này như một số chúng ta thường cảm thấy, kể cả chính ta ở một giai đoạn nào đó? Điều gì sẽ giải quyết được vấn đề tự quyết, và con có những dính mắc nào về quyền tự quyết đang níu giữ con ở lại đây? Không phải vì con bị bó buộc ở đây, nhưng vì con không muốn rời nơi đây trước khi con thực hiện được mục đích của con khi đến đây. Con không muốn rời nơi này cho tới khi con giải quyết được bí ẩn đã đem con tới đây, đã khiến con quyết định tới đây.

Điều con có thể khởi sự là có lẽ con bắt đầu xoay chuyển thái độ của con đối với sự hiện diện và trải nghiệm của mình trên địa cầu, kể cả chấn thương nhập đời, kể cả toàn bộ nỗi bực dọc khi con thấy người ta tự gây tổn thương cho họ mà vẫn không muốn ngừng tự gây tổn thương. Họ không muốn biết họ đang làm hại chính họ. Họ không muốn lắng nghe con là người hiểu biết hơn lại có khả năng giúp họ thoát khỏi khổ đau. Họ cứ muốn sống tiếp trong đau khổ, và không những họ phớt lờ con, họ còn tích cực bác bỏ, hạ thấp, chế giễu con, thậm chí tra tấn hay giết hại con để bịt miệng con. Làm sao con đương đầu với sự thể này? Con nhìn chuyện đó như thế nào?

Đấy, điều con có thể làm là làm như sứ giả này. Con có thể nói: “Liệu tôi có là một tên ngu ngốc khi tôi chọn đến hành tinh này hay không? Liệu tôi có đáng chịu tất cả mọi chuyện xảy ra cho tôi? Liệu tôi phải cảm thấy tội lỗi về hành vi của mình trên hành tinh này, vế cách ứng xử của mình?” Hiển nhiên, có lẽ con có thể bắt đầu xoay chuyển tâm trạng đó và nói: “Không, thật ra tôi đã rất tỉnh trí, rất chín chắn, rất mong muốn tăng triển, và đó là tại sao tôi đã quyết định đến đây.” Quyết định đó của con dựa trên mong muốn tăng triển. Con không hề bị bó buộc. Không phải là con không thể tiến xa hơn trên hành tinh tự nhiên nên con đã phải hiện thân trên địa cầu. Không, con ở đây là vì con đã quyết định đây là cơ hội tăng triển tối đa cho con.

Khi đó, con có thể bắt đầu xét đến một điểm khác nữa sẽ giúp con ứng phó với sự có mặt của con trên địa cầu, và điểm đó như sau. Như chúng tôi có nói, khi con đến địa cầu như một avatar, con đi xuống tầng tâm thức thứ 48 để hiện thân. Đương nhiên, với mỗi bước đi xuống từ tầng 144, con khoác vào một ảo tưởng. Ảo tưởng này trở thành cái phin lọc nhận thức sẽ che khuất tầm nhìn của con cũng như ký ức về thời con ở trên một hành tinh tự nhiên. Nhưng điều này không có nghĩa là con không đem theo con một số hành trang.

Không phải là một ký ức rõ mồn một về thời con từng ở trên hành tinh tự nhiên, nhưng con đem theo với con một thái độ nào đó về cuộc sống, một thái độ nào đó về bản thân như một avatar, kể cả khi con ở tầng tâm thức 48. Dĩ nhiên, khi con nâng tâm thức lên thì điều này trở nên càng rõ ràng hơn. Một lần nữa con có thể lấy ví dụ của sứ giả này, và tuy mỗi người mỗi khác, nhiều người trong số các con sẽ nhận ra điều ta nói ở đây. Sứ giả này đã cảm thấy có một số lỗi lầm trên địa cầu mà ông không nên mắc phải. Có một số việc trên địa cầu mà ông không nên làm, một cấp độ nào đó mà ông không nên hạ mình xuống, và ông nên đứng trên một số hỗn tạp mà ông tìm thấy ở đây. Trong suốt kiếp này cũng như những kiếp trước đi ngược trở về kiếp đầu thai đầu tiên của ông, ông đã luôn luôn vô cùng khó tính với bản thân mình.

Nhiều người trong số các con sẽ nhận ra mình cũng như vậy. Con có thể vô cùng dễ tính đối với người khác, nhưng con không tha thứ được chính con, vì con đã đến đây với một thái độ nhất định về cuộc sống dựa trên cách sống trên một hành tinh tự nhiên. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con đã tạo ra một chuẩn mực cho bản thân về cách cư xử, về những gì con phải làm hay không được làm. Và nếu con đi ngược lại chuẩn mực đó, con cảm thấy mình đã làm chuyện tồi tệ nhất có thể có trong toàn thể vũ trụ.

Chúng tôi đã nói gì về sa nhân, rằng chúng đã làm gì cho tan nát mọi chuyện trên trái đất? Phải, chúng đã tạo ra một chuẩn mực và phóng chiếu khiến mọi người phải đánh giá mọi chuyện dựa theo tiêu chuẩn đó. Sự khác biệt ở đây là chuẩn mực do sa nhân tạo ra là một chuẩn mực nhị nguyên phát sinh từ tâm thức nhị nguyên. Là một avatar trên một hành tinh tự nhiên nơi con đã đạt đến mức tâm thức cao nhất ở đó, con không ở trong tình trạng nhị nguyên. Con đã không tạo ra một chuẩn mực dựa trên nhị nguyên.

Nhưng con thấy đó, điều này nghĩa là gì? Giờ đây con đến một hành tinh nơi mọi chuyện bị thấm đẫm, bị ô nhiễm bởi nhị nguyên, vậy mà con lại cho rằng có những chuyện con không được làm trong nhị nguyên, và cũng có những chuyện con phải làm. Con không nhận ra – bởi vì con không thể nhận ra điều này cho tới khi con đạt đến một mức tâm thức và một trình độ phân biện Ki-tô nào đó – rằng con không thể nào thấy sự khác biệt giữa chuẩn mực của con và chuẩn mực của sa nhân.

Con cho rằng nếu con không hành xử theo đúng tiêu chuẩn của con thì con đã làm chuyện gì đó xấu xa, sai trái. Trên một hành tinh tự nhiên, con đã từng có một chuẩn mực để đánh giá cách cư xử của mình, nhưng con không xét đoán theo tiêu chuẩn đúng-sai, con không đánh giá chủ quan bởi vì đó là nhị nguyên. Nhưng bây giờ con ở trên một hành tinh thấm đẫm nhị nguyên, và con bắt đầu áp dụng cách đánh giá chủ quan đúng-sai nhị nguyên đó đối với bản thân con. Đó là tại sao con cảm thấy: “Vì tôi đã hành xử như vậy, liệu tôi có khá hơn bọn sa nhân chút nào không, hay là tôi cũng xấu như sa nhân?”

Tất nhiên, sa nhân sẽ khai thác điểm này một cách không thương tiếc. Đâu là cách thoát ra? Con không thể lật ngược những gì con đã làm. Con không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Điều con có thể làm là nói: “Được rồi, tôi đã làm chuyện đó, nhưng chuyện tôi đã làm, cho dù chỉ mới năm phút trước, cũng không còn đó nữa. Đó không phải là một thực tế đang hiện thực vật lý. Trong hành vi đó, điều ảnh hưởng đến tôi chính là phản ứng của tôi. Vậy thì phản ứng của tôi xuất phát từ đâu – từ sự kiện tôi đã tạo ra những cái ngã tách biệt.”

Như vậy con có thể xem xét những ngã tách biệt này, con có thể dùng các dụng cụ của chúng tôi để giải hóa chúng, nhưng con cần đi xa hơn nữa. Thật sự con cần nói: “Nhưng một số ngã này không phải là ngã tách biệt được tạo ra trên địa cầu. Đó là một thái độ mà tôi đã đem theo tôi từ một hành tinh tự nhiên và tôi cần giải hóa nó. Tôi cần buông nó ra và nói: Tuyệt đối không có nghĩa lý gì mà tôi áp dụng một chuẩn mực từ một hành tinh tự nhiên khi tôi đang đầu thai trên một hành tinh phi tự nhiên. Những gì tôi đã làm trên hành tinh dày đặc hỗn tạp này có quan trọng lắm không? Nếu tôi đã lầm lỗi nơi đây, điều đó có quan trọng hay không? Ngay cả việc đánh giá xem đó là lỗi lầm hay không lỗi lầm, liệu nó có ích gì không? Những hành vi của tôi phát xuất từ một mức tâm thức nào đó với một số ngã tách biệt nào đó. Nếu tôi vượt qua được thì tôi sẽ giải thoát khỏi nó. Nếu tôi sẵn sàng tự giải phóng khỏi nó thì tôi phải được giải thoát khỏi nó.”   

Nói cách khác, điều ta muốn nói là như sau. Tất cả chúng ta đã làm y hệt như con đã làm. Chúng ta đã đến với một chuẩn mực, rồi đã làm gì đó trên địa cầu này mà mình cảm thấy không đúng với chuẩn mực. Chúng ta bị rơi vào vực thẳm, rơi vào hố đen của tự trách, của tủi hờn và tiếc nuối, chúng ta ghét bỏ và oán giận bản thân vì chúng ta đã không toàn hảo, không luôn luôn tự chủ mọi phản ứng của mình.

Gần như là do trên hành tinh tự nhiên chúng ta đã luôn luôn “bình thản, điềm tĩnh và trầm lặng”, cho nên chúng ta cũng chờ đợi là khi bước xuống tình trạng hỗn loạn toàn diện của hành tinh địa cầu, chúng ta cũng sẽ vẫn giữ được thái độ “bình thản, điềm tĩnh và trầm lặng” đó, chúng ta sẽ luôn luôn hoàn toàn tự chủ.

Thế nhưng, con yêu dấu, đó là một chuẩn mực hoàn toàn không thực tế. Chưa từng có ai thực hiện được điều đó. Chưa từng có ai, bất kể trình độ tâm thức, đã làm tròn được một chuẩn mực như vậy. Là Phật, ta đã không làm được. Là Ki-tô, Giê-su đã không làm được. Thày Maitreya cũng đã không làm được – không một ai đã từng hiện thân nơi đây làm được. Chuyện đó không thể làm được – vì con phải đi xuống tầng tâm thức 48 và phản ứng dựa theo mức tâm thức ở tầng 48. Làm sao khác được? Đó chính là cơ chế của việc hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên.

Trên một hành tinh tự nhiên thì con sẽ phản ứng một cách khác. Ở đây, con không thể giữ bình tĩnh, nhưng tại sao con lại cần bình tĩnh? Tại sao con phải bình tĩnh? Tại sao con phải đặt ra tiêu chuẩn đó cho con? Điều ta muốn nói là như thế này. Tất cả chúng ta đều đã làm vậy, chúng ta đều đã rơi xuống vực thẳm của tự trách móc. Chúng ta đều đã phải bò ra khỏi vực thẳm đó từng bước một, bằng cách bám chặt vào cái thang dây mà các chân sư thăng thiên đã hạ xuống cho chúng ta, rồi chúng ta đã trèo lên bằng cả tay lẫn chân, từng bước một. Chúng ta đã leo đến bờ vực thẳm, nhưng cách duy nhất để rời khỏi vực thẳm là nhìn vào chuyện này và nói: “Tại sao tôi lại tự trách mình chứ? Tại sao tôi cảm thấy có lỗi? Tại sao tôi lại giận mình? Tại sao tôi nghĩ mình phải toàn hảo, rằng đáng lẽ mình đã không được phản ứng lại? Tại sao tôi lại nghĩ ngợi kiểu đó? Có thật sự hợp lý hay không, có nghĩa lý gì hay không?”

Thế rồi con đạt tới một điểm, không phải là một quyết định vỏ ngoài với tâm vỏ ngoài, mà con chỉ nhìn thấy nó. Con nhìn thấy cái ngã mà con đã mang trên một hành tinh tự nhiên. Vì trên một hành tinh tự nhiên, làm thế nào con tăng triển, làm thế nào con có thể tăng triển? Trên một hành tinh tự nhiên, con khởi sự ở mức tâm thức thấp nhất trên hành tinh đó. Nghĩa là gì? Đúng vậy, có một số ảo tưởng mà con chưa giải hóa. Bởi vì ngay cả một hành tinh tự nhiên cũng có ảo tưởng, nếu không thì làm thế nào có nhiều tầng tâm thức được? Làm thế nào tăng triển được nếu không có những tầng tâm thức? Con tăng triển như thế nào chứ? Chúng tôi đã dạy con điều gì, làm thế nào con học hỏi được chứ?

Con là một sinh thể đồng sáng tạo, con học hỏi bằng cách đồng sáng tạo. Làm thế nào con đồng sáng tạo? Con tạo ra một tâm ảnh, con phóng chiếu tâm thức và năng lượng qua tâm ảnh đó lên trên vật chất, và nó khoác một hình tướng. Xong con lượng định. Nhưng khi con đồng sáng tạo, con làm gì chứ? Chúng tôi vừa nói là con tạo ra một tâm ảnh, đúng vậy, nhưng kỳ thực con đang tạo ra một cái ngã, con đang tạo ra một ý niệm bảo rằng: “Đây là con người mà tôi là, đây là bản sắc của tôi, đây là trí thể của tôi, đây là cảm thể của tôi và đây là cơ thể vật lý của tôi. Đây là con người mà tôi là.” Và cái đó trở thành một cái ngã mà con đang phóng chiếu qua.

Khi con tiến lên những tầng tâm thức cao hơn, con sẽ để cho một cái ngã chết đi, con tạo ra một cái ngã khác, y hệt như con làm trên địa cầu. Sự khác biệt, tất nhiên, là con không đi vào nhị nguyên, nhưng con vẫn tạo ngã, con vẫn tạo những cái ta. Lần lần khi con vươn lên cao hơn trên một hành tinh tự nhiên, càng ngày con càng tạo ra ý niệm bản ngã tinh xảo hơn. Như chúng tôi đã nói, y như con làm trên điạ cầu giữa tầng 48 với 96. Đây chỉ là một tiến trình tăng trưởng trong tâm thức.

Nhưng làm thế nào con thăng thiên? Phải, con thăng thiên bằng cách khắc phục những cái ngã đó. Đối với những sinh thể đã đạt đến tầng trên cùng ở hành tinh tự nhiên của họ và chuyển sang một hành tinh tự nhiên cao hơn, họ đem theo những cái ngã mà họ đang có, và ngã này trở thành điểm khởi đầu của họ trên hành tinh thứ hai. Lẽ tự nhiên đối với con khi con quyết định đến một hành tinh phi tự nhiên, con cũng đem theo những ngã này, và ở một mức nào đó, chúng trở thành khởi điểm cho thái độ của con đối với bản thân con ở nơi đây, thậm chí cả thái độ của con đối với địa cầu.

Vậy con cần làm gì để thăng thiên? Đối với chúng tôi là những con người đã thăng thiên từ địa cầu, tất cả chúng tôi đã cần làm gì? Chúng tôi đã cần xem xét những ngã đó và buông chúng ra. Chúng dễ buông bỏ hơn vì chúng không xuất phát từ nhị nguyên, chúng không là cùng một loại ảo tưởng. Nhưng mặt khác, con chỉ có thể buông chúng ra khi con nhìn thấy chúng, và trên một hành tinh phi tự nhiên dày đặc như trái đất, con khó nhìn thấy chúng hơn rất nhiều, con khó lòng nhìn ra những cái ngã con đã đem theo từ một hành tinh tự nhiên.

Đó là tại sao trước tiên, con cần giải quyết chấn thương nhập đời và nhiều cái ngã mà con đã tạo ra nơi đây trên địa cầu trước khi con có thể bắt đầu xét đến những gì đã đưa con tới đây. Nhưng trong số các con, có khá nhiều người đã sử dụng giáo lý mà chúng tôi ban ra về avatar, về việc chữa lành các chấn thương tâm linh và nhiều hơn thế, cho nên giờ đây con đã sẵn sàng tiến lên bước kế tiếp và bắt đầu xem xét những cái ngã mình đã đem theo với mình, giải hoá chúng đi, hầu con đạt tới điểm khi con nhìn lại địa cầu và bảo: “Không có gì ở đây có thể níu kéo tôi lại.” Nhưng con cũng có thể nhìn vào toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên và nói: “Thật chẳng có một hành tinh tự nhiên nào khác lôi kéo được tôi nữa. Tôi đã sẵn sàng thăng thiên. Tôi sẵn sàng bỏ lại đằng sau nguyên bầu cõi chưa thăng thiên này.” Đó là cách con trở thành một chân sư thăng thiên.

Với lời này, ta đã trao cho con những gì ta muốn trao trong bài giảng dịp Tân niên này. Chúng tôi sẽ nhìn xem có lời dạy nào khác chúng tôi mong muốn trao truyền về đề tài này trong năm sắp tới hay không. Ta muốn cảm ơn các con đã sử dụng những giáo lý trước đây, vì các con là những người tiên phong đã khai mở tâm thức của tập thể đến mức bài giảng này có thể được ban ra trong cõi vật lý. Một lần nữa, con hãy nhận lòng biết ơn sâu đậm của ta. Lòng biết ơn này sẽ còn tiếp tục vì tất nhiên, bất cứ lời truyền đọc nào mà chúng tôi ban ra cũng chỉ là một trong chuỗi dài những tiết lộ liên tục.

Ta biết, đôi khi một số trong các con có thể có cảm giác – và ngay cả vị sứ giả này cũng có cảm giác rằng: “Bài truyền đọc hôm nay thật đặc biệt, nó ở một tầng cấp cao hơn và tự thân nó gần như trọn vẹn.” Thật tốt lành thay khi con có cảm giác như thế, nhưng tất nhiên, bất kỳ bài truyền đọc nào cũng chỉ là một viên ngọc quý trong một chuỗi ngọc trải dài về tương lai, và hiện không có cách nào nói trước được nó sẽ kéo dài đến bao giờ. Nhưng chắc chắn chúng tôi dự kiến một chuỗi liên tục thật dài sẽ đem lại những hòn ngọc nhận thức cao hơn.

[Hình tư tưởng của Phật được sử dụng trong năm 2022 sẽ là cùng hình tư tưởng về Mặt trời giống như năm ngoái:

  • “Phật Gautama, thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất.”
  • “Saint Germain, thày là tấm gương tuyệt hảo cho nền kinh tế.”
  • “Mẹ Mary, thày là tấm gương tuyệt hảo cho phụ nữ.”]

[Bạn cũng có thể đọc thêm bài vấn đáp do chân sư thăng thiên Saint Germain: “Avatar và những cái ngã được tạo ra trên một hành tinh tự nhiên”]

Bước ra khỏi cơ chế vận hành tự ti và tự đại

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Sanat Kumara qua trung gian Kim Michaels ngày 2/10/2021, nhân Webinar 2021 cho Hàn quốc – Là Cánh cửa mở cho Hành tinh Địa cầu. Đăng ngày 20/10/2021.

TA LÀ chân sư thăng thiên Sanat Kumara. Ta đến đây với lòng biết ơn đối với các con đã đọc bài thỉnh vừa rồi cũng như đối với rất nhiều người đã thỉnh ta suốt nhiều năm trời, không những trong đợt truyền pháp này mà các đợt khác nữa. Việc này đã cho phép ta nhập cuộc và truyền rải nhiều năng lượng cùng một số ý tưởng đến địa cầu mà nhiều người đã tiếp nhận được. Nhiều người trong số này không nhất thiết là học trò của chân sư thăng thiên. Và một trong những đóng góp thực sự mà các con có thể làm trong tư cách là học trò của chân sư là nhận ra thời đại hoàng kim cần có rất nhiều ý tưởng được nhân loại hiện đang đầu thai tiếp nhận, đem ra áp dụng và thực hiện.

Và nhiều khi các con, những đệ tử của chân sư thăng thiên, sẽ không ở trong cương vị tốt nhất để nhận hay để thực hiện một ý tưởng. Và do đó con không thể bị dính mắc là liệu con có là người nhận được ý tưởng cùng với niềm vinh dự, hay có người khác nhận được. Khi con mang viễn quan làm đệ tử của chân sư thăng thiên, con có thể trau dồi lòng sẵn sàng cầu thỉnh, nâng cao tâm thức mình và tu học các giáo lý, và đồng thời con cũng có viễn quan là những ai có khả năng nhận được một số ý tưởng quả nhiên sẽ nhận được, sẽ áp dụng và sẽ theo đó mà hành động, rồi từ đó có thật nhiều người hơn chấp nhận ý tưởng giúp nó lan truyền. Đây chính là một phần của viễn quan mà con cầm giữ, một phần của việc phụng sự của con.

Vượt qua mặc cảm tự ti-tự đại

Điều này gắn liền với chủ đề đầu tiên mà ta muốn nêu lên. Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu? À, con phải vượt qua cái thường được gọi là mặc cảm tự ti-tự đại. Suốt nhiều thập niên trao truyền giáo lý trực tiếp, các thày đã và đang nhìn thấy hai xu hướng rõ rệt trong số học trò của mình.

Một số học trò rất, rất sốt sắng áp dụng giáo lý, học hỏi giáo lý. Họ đưa ra bộ mặt là những học trò rất chăm chỉ, rất háo hức. Nhưng họ thường làm vậy vì họ mang một mặc cảm tự tôn. Họ mong muốn là người tốt đẹp hơn người khác, là học trò cao cấp hơn học trò khác, cho nên họ bị thôi thúc bởi mong muốn sử dụng giáo lý để nâng cao bản thân và đạt được một cảm giác vượt trội nào đó.

Xu hướng kia mà các thày nhận thấy là có nhiều học trò, thường là đa số, chấp nhận giáo lý, học hỏi giáo lý, thực hành các bài chú bài thỉnh, nhưng họ không thực sự chấp nhận là mình có thể liên lạc trực tiếp với các thày, nhận được ý tưởng hay xung lực từ các thày, hay làm được gì đó đáng kể cho các thày. Họ thỏa mãn với chuyện theo chân tổ chức, theo chân một sứ giả hay một đạo sư, làm những gì họ được chỉ bảo và họ sẽ thành tâm làm việc đó nhưng họ không thực sự chuyển tâm để nghĩ rằng có lẽ họ không phải luôn luôn là những kẻ theo chân.

Con thấy đó, có những người muốn lãnh đạo và có những người muốn đi theo, và tiếc thay điều này thường tạo ra một tình trạng rất không lành mạnh và không quân bình trong tổ chức. Ta không chỉ nói đến các tổ chức của chân sư thăng thiên, và con có thể thấy cùng tình trạng này trong rất nhiều tổ chức khác khắp thế giới. Điều ta muốn chú trọng nói đến ở đây chính là cách vận hành đó, cơ chế tự ti-tự đại.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là không có mặc cảm tự đại mà chỉ có mặc cảm tự ti. Thật không phải là vấn đề người ta cảm thấy tự đại hay tự ti, bởi vì trong rất nhiều kiếp sống mọi người đã phải giáp mặt với sa nhân trên hành tinh này, đã bị chúng khuynh loát và dồn vào thế cảm thấy tự ti. Thật không phải vấn đề người ta cảm thấy tự ti hay tự đại – vì họ đều cảm thấy tự ti – mà là vấn đề ứng phó như thế nào. Một số ứng phó bằng cách chấp nhận sự thua kém của mình, khiến họ trở thành kẻ đi theo. Một số khác ứng phó bằng cách chối bỏ sự thua kém của mình, cố gắng dựng lên một vẻ mặt cao trội để có thể cảm thấy cao trội bề ngoài, và như vậy họ phủ nhận cái mặc cảm tự ti vẫn nằm đó sâu bên trong tâm lý họ.

Thêm vào đó tất nhiên là có các sa nhân đang đầu thai. Dĩ nhiên có một số ít sa nhân đã bị thu hút hay được gửi vào tham gia các giáo lý cùng tổ chức của chân sư thăng thiên, và con có thể nói khi con nhìn những sa nhân đó, chắc chắn họ mang một mặc cảm tự tôn. Họ cho là họ thật sự cao trội hơn người khác, nhưng nếu con nhìn kỹ hơn, con sẽ thấy là ngay cả các sa nhân này cũng mang một mặc cảm tự ti ở sâu bên dưới, được che lấp bởi quá nhiều lớp phủ nhận đến độ họ cũng cảm thấy mình thua kém. Và họ là ví dụ điển hình của những người phản ứng lại sự thua kém của mình bằng cách che lấp nó đi và tìm cách dựng lên một cảm giác cao trội trong thế gian này qua những vật của thế gian.

Tìm lại quân bình

Điều các thày mong nhìn thấy nơi học trò của mình tất nhiên là các con tìm được một trạng thái cân bằng. Và các thày đã thấy, chẳng hạn trong một đợt truyền pháp trước – đợt chót mà các thày đã có thể trao truyền trong Thời đại Song ngư – là có một nhóm học trò khá đông cảm thấy mình cao trội. Trong tổ chức có một nét văn hóa cho rằng: “Chúng ta có giáo lý tâm linh tinh tiến nhất trên hành tinh, chúng ta là những người tiên phong cho Thời Hoàng kim của Saint Germain, chúng ta giống như các tông đồ của Giê-su và do đó rõ ràng chúng ta là những đệ tử cao cấp nhất trên hành tinh.” Hiển nhiên, điều này không đến nỗi phổ biến trong đợt truyên pháp này vì các thày đã cho con bao nhiêu lời dạy để các con khắc phục xu hướng này. Nhưng ta vẫn muốn bàn đến cảm giác tự ti.

Con cũng hiểu là mục tiêu chính của sa nhân trên trái đất là kiểm soát loài người, kiểm soát các avatar, kiểm soát các cư dân nguyên thủy của địa cầu. Chúng muốn kiểm soát mọi người. Như các thày có giảng nhiều lần, điều này khó lòng thực hiện qua sự kiểm soát vật lý, cho nên phải có một yếu tố kiểm soát tâm lý. Và yếu tố kiểm soát tâm lý quan trọng nhất chính là mặc cảm tự ti.

Khi con có thể khiến người ta cảm thấy thua kém, khi con khiến số đông quần chúng cảm thấy thua kém một nhóm nhỏ thượng lưu, thì con có thể kiểm soát đại bộ phận dân chúng. Thiểu số thượng lưu có thể kiểm soát quần chúng qua cảm giác tự ti này. Con thử nhìn lại biết bao nền văn minh khắp thế giới trong quá khứ và nhận thấy là đã có một niềm tin cho rằng có một tầng lớp thượng lưu với phẩm chất đặc biệt, khả năng và quyền uy đặc biệt. Một cách nào đó, họ khác biệt mọi người. Họ mang máu mủ đặc biệt, họ mang gốc gác khác thường, họ mang dòng dõi khác thường, cho nên họ thật xuất chúng. Họ có thể làm những chuyện không ai khác làm được.

Con chỉ cần nhìn quá biên giới sang Bắc Hàn, và ở đó người ta tin gì về lãnh tụ của họ? Một lần nữa, một con người xuất chúng từ một dòng dõi đặc biệt, đặc biệt ngay từ khi sinh ra, và vì vậy lời nói của ông ta luôn luôn thập toàn. Ông ta không thể nào sai lầm, không thể nào phạm lỗi, vân vân. Con thấy được niềm tin vô cùng lâu đời vào chủ nghĩa tinh hoa cho rằng có một nhóm nhỏ thượng tôn, cho nên tuyệt đại đa số dân chúng phải thấp kém hơn.

Nhưng này, có một tiến trình để leo ra khỏi tình trạng thấp kém này. Để leo ra khỏi thấp kém, một số người sẽ bơi sang đối cực ngược lại và cố dựng lên một cảm giác cao trội. Đây thực chất là tại sao các thày đã cho phép nét văn hóa cao trội kia hình thành trong đợt truyền pháp trước, bởi vì các thày thấy rõ là có những người ở cuối Thời đại Song ngư cần đến cảm giác cao trội này, trải nghiệm cao trội này, để tìm đường trở lại trạng thái quân bình nơi họ không cần cảm thấy cao trội nữa nhưng cũng không xem mình là thấp kém. Các thày đã cho phép họ tạm thời có cảm giác cao trội để họ có thể khắc phục tự ti.

Điều các thày mong thấy trong đợt truyền pháp này là con tìm được một cách tiếp cận quân bình hơn, qua đó con không cần bước vào cảm giác tự đại mà con lần hồi đạt được một thế cân bằng biết mình là ai. Và ta muốn nói gì qua từ “cân bằng”? À, tất nhiên ta muốn nói đây là cốt yếu của quả vị Ki-tô.

Trải nghiệm nhận biết thuần khiết

Như các thày có nói, quả vị Ki-tô có một số giai đoạn. Có giai đoạn quả vị Ki-tô nơi con bắt đầu vươn lên trên tâm thức tập thể. Như các thày cũng nói, có một con quái vật  tập thể, một lốc xoáy tập thể vô cùng mạnh mẽ cuốn hút con người vào cảm giác thua kém. Và để bước chân trên đường tu tâm linh và vượt lên trên tầng tâm thức thứ 48, con phải tách mình ra khỏi lực kéo hướng hạ của tâm thức tập thể. Có nghĩa là cuối cùng con sẽ hiểu biết nhiều hơn một người trung bình, con có kỷ luật tự giác cao hơn một người trung bình, con có một số sáng ngộ nội tâm vượt quá một người trung bình, và do đó con có thể nói là con đạt được một sự vượt trội nào đó – nếu con muốn dùng thuật ngữ này.

Khi con bước từ tầng 48 đến tầng 96, con xây dựng một cảm nhận là con khác biệt hầu hết mọi người – không nhất thiết là cao trội, nhưng đối với nhiều đệ tử, cảm nhận này biến thành một cảm giác cao trội. Ở giai đọan này thì điều đó chấp nhận được. Nhưng để đi xa hơn tầng 96, con sẽ cần bắt đầu vượt quá trạng thái này. Con không thể tiến xa hơn tầng 96 nếu con còn một cảm nhận cao trội mạnh mẽ hay một cảm nhận thua kém mạnh mẽ. Con cần tìm ra một cách tiếp cận quân bình hơn, và cách tiếp cận quân bình này chỉ có thể tìm được bằng một cách: qua trải nghiệm.

Con không thể tìm được một cách lý thuyết. Con không thể tìm được một cách trí thức. Con không thể tìm được chỉ qua hiểu biết. Sẽ đến một điểm con không thể thoát khỏi thế bí này trừ khi con trải nghiệm cái mà các thày gọi là cái Ta Biết, khi nó bước ra ngoài bốn thể phàm của con và trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết. Con yêu dấu, con không thể làm được, chưa có ai có thể làm được bằng trí năng. Con có thể làm được một số chuyện bằng trí năng, con có thể khiến mình tin rằng mình không thua kém hay không cao trội, nhưng tâm thức con sẽ không xoay chuyển cho đến khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết. Tại sao như vậy?

Vì như các thày mô tả rất nhiều lần, nhận biết thuần khiết vượt khỏi nhị nguyên. Không có phân cực, không có những đối cực nhị nguyên. Và khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết, con cũng nghiệm thấy là tất cả mọi phân rẽ hay phân cực nhị nguyên đơn giản tan biến mất. Chúng trở thành lỗi thời, chúng trở nên vô nghĩa. Chúng không còn quan trọng gì với con. Và khi con chán chê các trải nghiệm này, kết quả sẽ là một xự xoay chuyển trong tâm thức khi con bắt đầu chuyển dần ra khỏi cảm nhận đó.

Việc con cao trội hơn người có quan trọng gì không? Trong nhận biết thuần khiết, nó có giá trị gì không? Việc con thua kém người khác có quan trọng gì không? Trong nhận biết thuần khiết, nó có quan trọng gì không? Con trải nghiệm trực tiếp là có một mức tâm thức vượt khỏi mức con người, và ở đó tất cả những chuyện quan trọng biết mấy cho con người sẽ hoàn toàn và tuyệt đối không quan trọng gì nữa. Chúng chỉ tan biến mất.

Bước vào tâm bình đẳng

Đây là một trong những đặc tính của giác ngộ. Con nhìn vượt khỏi cái mà Phật gọi là “những cặp” khi luôn luôn có hai đối cực. Và con thấy là không có chuyện đối cực này đúng, đối cực kia sai. Cả hai đều lỗi thời, đều vô nghĩa, đều không thực. Không phải là chuyện đúng hay sai, tốt hay xấu, mà là chuyện thực hay không thực. Và khi con kinh nghiệm nhận biết thuần khiết, con trải nghiệm một thực tại vượt khỏi tâm thức con người, vượt khỏi tâm thức tập thể, vượt khỏi cả mức tâm thức hiện thời của con. Và thực tại này, con trải nghiệm nó thực hơn là trạng thái tâm thức bình thường của con.  

Đây thật là điều duy nhất sẽ xoay chuyển con ra khỏi tự đại lẫn tự ti. Vì khi con đến với trải nghiệm đó và kinh qua nó nhiều lần, con nhận ra là chuyện hơn thua người khác chẳng quan trọng gì nữa. Giản dị là nó không quan trọng gì nữa đối với con. Ngay cả việc lượng định xem mình đứng ở đâu trên thang điểm ai cao ai thấp, cũng không quan trọng gì. Ta không bảo là điều này sẽ xảy ra trong một giây phút giác ngộ huy hoàng mà nó xảy ra lần hồi trên một khoảng thời gian. Nhiều người trong các con đã bắt đầu kinh qua điều này, và tất cả các con đều có tiềm năng kinh qua như vậy khi con ngộ ra là nếu mọi con người đều đến từ cùng một nguồn cội thì ai có thể thấp hơn, ai có thể cao hơn được đây?

Những khái niệm đó, những phân chia đó, những phân cực đó chỉ đơn giản là vô hiệu lực. Chúng chỉ hiệu lực cho một mức tâm thức nào đó. Nhưng khi con nếm được nhận biết thuần khiết, tâm thức nhị nguyên sẽ tự thân nó trở nên vô giá trị. Và khi chính tâm thức nhị nguyên vô giá trị thì tất cả mọi phân chia khởi lên từ tâm thức nhị nguyên cũng vô giá trị y như vậy. Còn quan trọng gì nữa?

Con thử nhìn xem tất cả những kịch bản kia, tất cả những nền văn hóa kia do loài người tạo ra suốt các thời đại. Con hãy trở ngược lại và đọc sách lịch sử, đọc xem người ta tin gì về các nền văn minh bao ngàn năm về trước với lãnh tụ xuất chúng biết mấy so với dân chúng bình thường. Con sẽ tìm thấy những chuyện như thế khắp mọi nơi, ở mọi quốc gia, ở mọi vùng thế giới, con sẽ tìm thấy. Xong con nhìn xem nền văn hiến kia có thể đã vĩ đại và hưng thịnh 5 ngàn năm về trước, liệu nó có liên quan gì đến con người ngày nay không? Có ai còn quan tâm nữa không? Trong một vài trường hợp thì có thể, nhưng trong đa số trường hợp chẳng ai quan tâm gì nữa. Đế chế La Mã ư? Ngày hôm nay có ai quan tâm đến đế chế La Mã? Dân tộc Inca, dân tộc Aztec, một vài nền văn mình cổ ở châu Á như Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản? Có ai lo lắng gì về họ? Liệu có quan trọng gì không?

Khi con nhìn những gì xảy ra cho các đế chế vĩ đại đó trong lịch sử, con chẳng thấy được hay sao, con chẳng phóng chiếu được vào tương lai hay sao? Như các thày đã nói, khi con hiểu các xu hướng của quá khứ, con sẽ có thể phóng chiếu vào tương lai, cho nên con chẳng thấy hay sao là trong một hai ngàn năm nữa, hay năm ngàn năm nữa, nền văn minh của con cũng sẽ không quan trọng y như vậy đối với con người tương lai? Điều này có nghĩa là các con, trong tư cách đệ tử chân sư thăng thiên, có thể nhìn vào nền văn minh của mình, nhìn vào nền văn hóa của mình và nói: “Chuyện này có quan trọng gì với tôi? Chuyện này có quan trọng gì với tôi? Nó có là gì đối với tôi? Tôi sẽ theo chân Giê-su bước vào tâm thức Ki-tô.”

Con có thể nhìn nền văn hóa của con, xã hội của con, văn minh của con và thấy là ngay cả ở các nước dân chủ cũng có một hệ thống tin tưởng vô cùng vi tế cho rằng có một số người cao trội, còn số đông thì thấp kém. Có một số người thông minh hơn mọi người. Có một số người được trang bị tốt hơn để lãnh đạo các tập đoàn khổng lồ, lãnh đạo chính phủ hay bất cứ gì khác. Vẫn có một nét văn hóa hơn thua vô cùng vi tế. Người ta phải biết vị trí của mình và chấp nhận vị trí này trong xã hội. Văn hóa này, mọi quốc gia đều có. Ngay cả những quốc gia dân chủ hiện đại nhất cũng mang một phiên bản của nó. Nó thường không được nói đến vì nhiều nước dân chủ vẫn muốn tạo ra bộ mặt là ai ai cũng bình đẳng, và vì vậy họ không muốn thừa nhận điều này. Nhưng họ vẫn mang cái đó. Con vẫn thấy cái đó trong mọi nền văn hóa cho dù con có ở đâu trên địa cầu. Con đã được lập trình để mang mặc cảm thua kém này so với giới lãnh đạo.

Trung hòa để trở thành cánh cửa mở

Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu? À, con cần xem xét điều này. Con cần khắc phục nó. Bởi vì nếu không, rất có thể con sẽ mang trong tiềm thức niềm tin vi tế chưa được nhận diện, bảo rằng: “Ồ, tôi sinh trưởng trong một gia đình tầm thường. Tôi chỉ là một người tầm thường. Tôi không giỏi gì đặc biệt khi đi học. Làm sao tôi có thể nhận được từ Saint Germain một ý tưởng sẽ giúp đem lại thời hoàng kim? Làm sao tôi có thể xứng đáng được như vậy? Cho nên tôi sẽ ngồi yên đây và đọc thỉnh đọc chú, nhưng tôi không dám nghĩ đến chuyện nhận được một gợi ý nào đó.”      

Đối cực ngược lại với thái độ trên là những học trò háo hức quá đáng cho mình là người đặc biệt, mình là người xứng đáng nhận được gợi ý. Và họ luôn luôn chú mục vào việc nhận được những ý tưởng sẽ đem lại vẻ vang và vinh dự cho họ, sẽ khiến họ được người khác khâm phục. Và dù thế nào đi nữa, dù con có xem mình là cao trội hay thua kém, thì chính cái cảm giác cao trội hay thua kém này, chính sự phán xét giá trị này mà con áp đặt lên chính mình sẽ đóng cánh cửa của con lại. Nó sẽ ngăn cản không cho con làm cánh cửa mở.

Các thày đã nói điều gì rất nhiều lần? Sứ giả này đã nói gì rất nhiều lần? Con phải cần có gì để nhận bài truyền đọc từ các chân sư thăng thiên? Con phải ở trong một tâm thái trung hòa. À, điều này nghe có vẻ tốt thôi, nhưng tương đối chỉ ít người có thể nắm bắt được thế nào là tâm thái trung hòa. Nhưng tất cả các con đều có tiềm năng trau dồi, lần hồi trau dồi khả năng đó, là khả năng không những bước ra ngoài sự hơn thua, mà còn bước ra ngoài mọi định kiến về những gì nên làm, những gì có thể làm, những gì không thể làm – và con chỉ trung hòa tiếp nhận ý tưởng.

Con sẽ thấy là nhiều khi con tìm hiểu khoa học, chẳng hạn khi một nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu một vấn đề cụ thể trong lãnh vực của mình. Ông đã làm việc ráo riết và đã tập trung tất cả chú ý vào đó. Ông biết là có một điều gì ông chưa thể hiểu nhưng ông không thể nắm được. Tâm trí ông không thể nắm lấy nó. Thế rồi ông nghỉ ngơi một chặp, ông đi đâu khác, ông làm gì đó hoàn toàn khác, và bỗng nhiên ý tưởng nảy ra trong tâm ông. Và ông nhìn thấy nó trong một trải nghiệm trực giác nội tâm.

Và điều này cũng tương tự với mọi người. Con cần nhìn nhận là việc tiếp nhận một ý tưởng đòi hỏi một sự thay đổi bên trong. Trước hết con tập trung. Con tìm hiểu một đề tài. Con suy nghĩ về đề tài. Con đặt chú tâm vào nó, nhưng sẽ tới một điểm khi đơn giản con cần buông nó ra. Thế là có một khoảng trống, rồi có một khe hở để ý tưởng đi vào tâm con. Con có thấy tại sao không? À, đó là vì khi một nhà khoa học chẳng hạn nghiên cứu một đề tài, ông ta đã có sẵn một giả thuyết về những gì phải xảy ra, những gì cuộc thử nghiệm phải chứng minh và bước đột phá mới phải là gì. Cái gì đã đóng chặt tâm ông? Định kiến. Ông không cởi mở. Ông không trung hòa. Ông muốn một kết quả nhất định được thể hiện.

Con có hiểu điều này liên quan thế nào với con trong tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên? Nếu con mang lớp phủ cao trội này thì con đang muốn một kết quả nào đó thể hiện. Nếu con mang lớp phủ thua kém kia, con cũng muốn một kết quả nào đó không thể hiện. Nhưng con vẫn có định kiến. Giê-su đã nói gì rất, rất nhiều năm trước đây? “Ta không thể tự mình làm gì cả.” Đây là một cách khác để đối phó với mặc cảm tự ti-tự đại khi con là đệ tử của chân sư thăng thiên. Các thày đã dạy con điều gì?

Hành động và phản ứng

Các thày đã dạy con là con có bốn thể phàm. Các thày đã dạy con là trong bốn thể phàm này không những có những cái ngã tách biệt mà còn có rất, rất nhiều những niềm tin, rất nhiều ý tưởng cùng khuôn nếp mà con đã dựng lên suốt nhiều kiếp sống về cách tương tác với trái đất, với môi trường nơi con hiện thân. Điều này cũng tốt thôi – ta không bảo tất cả là sai trái, mà ta chỉ ra cho con là con đang mang cơ chế này trong bốn thể phàm, nó cho con một cái nhìn về bản thân, về con người mà con là, về hành tinh và cách con tương tác với hành tinh cũng như người khác. Và những thứ này hình thành một lớp phủ. Các thày đã gọi đó là một phin lọc nhận thức.

Cái đó, như các thày đã giảng cho con nhiều lần, không phải là con người thực của con. Đó chỉ là một cái gì con đã khoác vào khi liên hệ với trái đất, liên hệ với việc đầu thai trên trái đất. Toàn bộ giá trị của giáo lý về cái Ta Biết nằm ở chỗ là trong bản thân con có một thành phần – mà con có thể gọi bất cứ tên gì con muốn – nhưng có một thành phần của con có khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm, bước ra ngoài cái tâm và nhân cách bình thường của con. Giáo lý này đã có mặt trong mọi giáo lý thần bí được biết đến trên trái đất, nó đã mang nhiều tên khác nhau và không nhất thiết gọi là cái Ta Biết, nhưng trong mọi giáo lý thần bí đều có khái niệm là trong con có một thành phần có khả năng bước ra ngoài cái con bình thường gọi là “cái tôi”, là nhân cách, là cá tính của con hay bất kỳ tên gọi nào khác.

Khi con trải nghiệm điều này, rằng con là nhiều hơn tâm vỏ ngoài, thì con có thể nhận ra là tâm vỏ ngoài này có thể làm nhiều chuyện – hay đúng hơn, con có thể làm nhiều chuyện xuyên qua tâm vỏ ngoài. Nhưng con cũng bắt đầu thấy là thường thường những gì con có thể làm bị giới hạn. Khi con hành động qua tâm vỏ ngoài, con thường tạo ra một số hậu quả không còn là những gì con muốn. Và đây là điều Giê-su đã cố giảng giải, Phật đã cố giảng giải và nhiều vị thày tâm linh khác đã cố giảng giải, là sẽ có một điểm trên đường tu tâm linh khi con bắt đầu tách mình ra khỏi sự đồng hóa với nhân cách vỏ ngoài.

Con hướng chú ý vào bên trong. Con hướng chú ý vào cốt lõi sinh thể của con là Hiện diện TA LÀ của con. Là một con người, con có hai cách hành động: con có thể hành động xuyên qua nhân cách vỏ ngoài, hay con có thể bước ra ngoài nhân cách vỏ ngoài và cho phép Hiện diện TA LÀ hành động xuyên qua con. Như Giê-su nói, chính Cha trong tôi, Hiện diện TA LÀ trong tôi, làm mọi việc. Đây là những chọn lựa, những chọn lựa cơ bản mà con có. À, hầu hết mọi người không có chọn lựa này vì họ không có hiểu biết hay nối kết với Hiện diện TA LÀ của họ. Nhưng con là học trò của chân sư thăng thiên, con càng bước lên cao hơn trên đường tu thì con sẽ càng có nhiều chọn lựa. Liệu con sẽ hành động xuyên qua nhân cách vỏ ngoài? Hay liệu con sẽ bước qua bên và để cho Hiện diện TA LÀ hành động xuyên qua con?

Con có thể nói ở đây có một bí ẩn, là sẽ tới một điểm con bắt đầu nắm bắt được những lời dạy này, cho dù một lời dạy thần bí hay một lời dạy khác. Nhưng hãy thử lấy cách trình bày của các thày trong đợt truyền pháp này. Con đang bắt đầu nắm bắt là có một phần cốt lõi của con là cái Ta Biết. Con đã bắt đầu trải nghiệm nhận biết thuần khiết. Và con đã bắt đầu trải nghiệm là con có khả năng tách mình ra khỏi nhân cách vỏ ngoài và không hành động qua nhân cách đó. Con không phản ứng lại – nếu có thể nói như vậy, vì nhân cách vỏ ngoài thật ra không thể hành động mà chỉ có thể phản ứng. Con có thể nói chọn lựa cơ bản mà con có là: Liệu con sẽ phản ứng xuyên qua nhân cách vỏ ngoài hay con sẽ hành động bằng cách để cho Hiện diện Ta LÀ chảy xuyên qua con? Lý do nhân cách vỏ ngoài chỉ có thể phản ứng là vì nó đã được tạo ra trong sự phản ứng đối với các điều kiện con gặp trên trái đất. Nó được tạo ra như một phản ứng và do đó nó luôn luôn phản ứng. Đây chính là lời dạy về các ngã tách biệt được lập trình giống như một máy tính. Bất cứ khi nào chúng bị kích hoạt thì lần nào như lần nấy, chúng sẽ phản ứng lại theo một cách nhất định.

Tôi là ai?

Nhưng tới một thời điểm, sự bối rối sẽ xuất hiện, và sẽ có một giai đọan con cần sẵn lòng kinh qua nỗi bối rối huy hoàng này là câu hỏi: Ai đang là “tôi” trong lúc này? Con có một giai đoạn, và hầu hết mọi người vẫn còn trong giai đoạn này, khi con bị hoàn toàn đồng hóa với nhân cách vỏ ngoài. Khi con bảo “tôi” thì cái đó là nhân cách vỏ ngoài. Sau đó sẽ đến giai đoạn khi con bắt đầu nhận ra con là nhiều hơn nhân cách vỏ ngoài. Nhưng khi đó, “tôi” là ai chứ?

Tôi có phải là Hiện diện TA LÀ? Không, vì Hiện diện TA LÀ ở cõi tâm linh. Tôi có phải là cái Ta Biết? Cái Ta Biết là gì? Các thày đã nói đó là nhận biết thuần khiết. Gần như các thày đã mô tả như thể nó không là gì cả. Nó giống như một cái chấm. Nó là gì? Tôi là ai ngay lúc này? Và con yêu dấu, đây chỉ là một giai đoạn cần thiết và con cần sẵn lòng đi xuyên thấu nỗi bối rối này. Tất cả những ai đã từng hiện thân và đã thăng thiên đều đã phải đi xuyên thấu nỗi bối rối này. Đôi khi nó có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí mấy chục năm trời.

Tôi là ai khi tôi bảo “tôi”? Tôi biết tôi không phải là nhân cách vỏ ngoài, nhưng nếu vậy thì tôi là ai hay tôi là gì? Không có lời dạy nào các thày có thể cho con sẽ giải quyết được bí ẩn này tức thì. Điều thật sự cần xảy ra là con đạt đến một điểm khi câu hỏi đó trở nên vô hiệu lực. Sự kiện tôi là ai hay là gì thật không quan trọng, bởi vì tôi chỉ là. Từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc sau, tôi chỉ là, cho dù tôi có là gì. Trong khoảnh khắc này tôi có thể hành động cách này, và trong khoảnh khắc sau tôi có thể hành động cách kia. Nhưng dù tôi có là gì thì tôi vẫn là. Con không cần phân tích, con không cần suy tư, con không cần mang ý tưởng là con luôn luôn phải là cùng y như vậy.

Hành động không cần có lý do

Sau đây là yếu tố chót ta muốn trao cho con trong bài giảng này vì ta biết ta đã cho con một số khái niệm rất tinh tế, phức tạp. Nhưng nhiều người trong các con đã sẵn sàng để bắt đầu suy ngẫm. Yếu tố chót này là khi con nhìn thế giới, các thày đã nói trong những bài giảng trước ở nơi đây là trong tâm thức tập thể có những rào cản, có những con xoáy, có những cơn lốc tìm cách lôi kéo con vào, nhưng cũng có những rào cản ngăn chặn những gì con người có thể thấy và có thể nghĩ. Và một trong những rào cản này, trong số những rào cản thực sự vi tế, thực sự gian xảo, thực sự làm tổn thương và tê liệt, là ý tưởng cho rằng con luôn luôn phải có một lý do để làm những gì con đang làm. Và con phải nhất quán trong những gì con làm.  

Nói cách khác. con quyết định phản ứng lại một tình huống nào đó theo một cách nào đó, và con phải có khả năng đưa ra một cách giải thích hợp lý, đường thẳng, lô-gíc về lý do con hành xử như vậy. Xong một khi con đã hành xử như vậy trong một tình huống thì con luôn luôn phải hành xử theo cùng cách đó trong những tình huống tương tự. Đây là điều mà văn hóa của con đòi hỏi con làm. Đây là điều xã hội của con đòi hỏi con làm, là điều mọi người chung quanh con sẽ đòi hỏi con làm. Họ đòi hỏi con phải có lý do. Họ đòi hỏi một sự nhất quán.

Đằng sau tất cả sự thể này cuối cùng là sa nhân, chúng muốn kiểm soát con. Bởi vì chúng bảo, con luôn luôn phải có một lời giải thích hữu lý về lý do con làm những gì con làm. Nhưng điều này thực sự nghĩa là gì? Nghĩa là con cần có một lời giải thích có thể chấp nhận được ở đây trên trái đất, trong xã hội và nền văn hóa đặc thù của con. Và nếu xã hội và văn hóa này bị sa nhân chi phối thì con sẽ chỉ có thể hành xử theo những cách được chấp nhận bởi chuẩn mực và quy định của chúng. Và sau đó tất nhiên, một khi con đã làm vậy một lần thì con sẽ phải đi theo đường rày này cho đến mãn kiếp. Con sẽ phải luôn luôn làm cùng một chuyện như vậy.

À, con yêu dấu, trong Kinh thánh có nói gì về Thánh linh? Rằng Thánh linh thổi nơi nào nó muốn. Có nghĩa chăng là Thánh linh không tuân theo quy tắc nào? Ấy, chúng ta có thể bàn cãi liệu Thánh linh có theo quy tắc nào hay không, nhưng điều chắc chắn chúng ta có thể nói là Thánh linh không tuân theo quy tắc nào do con người đặt ra. Thánh linh không tuân theo quy tắc do sa nhân quy định.

Sa nhân muốn đóng chặt Tánh linh để Tánh linh không thể tuôn chảy. Đây là mục đích chính của chúng. Mối đe doạ lớn nhất đối với chúng là có người đạt đến một mức tâm thức khi có gì từ cõi tâm linh tuôn chảy xuyên qua họ. Đây là mối đe dọa chủ yếu và cũng là điều chúng muốn ngăn cản bằng mọi cách có thể. Chúng muốn mọi chuyện phải tiên đoán được, phải kiểm soát được, và tất nhiên điều này không ảnh hưởng chút nào đến Tánh linh.

Đây là một trong những bước đột phá to lớn con có thể ngộ được trên đường tu tâm linh, con đường quả vị Ki-tô, khi không những con hiểu bằng trí năng mà con còn thấy được. Con thấy được là Tánh linh hoàn toàn độc lập và không bị tác động bởi các lý thuyết cùng tin tưởng của con người trên trái đất – và tất nhiên của sa nhân. Không một niềm tin nào trên trái đất có bất kỳ ảnh hưởng nào trên Tánh linh. Nếu con muốn một minh họa về điểm này thì con hãy lấy một chiếc búa thật lớn, chiếc búa lớn nhất mà con có thể cầm trong tay, con đi xuống bãi biển một hôm đẹp trời và con lấy búa đập vào đại dương với tất cả sức bình sinh của con. Đồng ý, nước sẽ bắn tung tóe, nhưng chỉ vài giây sau, đại dương sẽ làm gì? Đại dương sẽ êm đềm lại như cũ. Đấy, điều này phần nào minh họa cho Tánh linh, ngoại trừ điểm khác biệt là dù con có chế tạo một chiếc búa vĩ đại đến chừng nào trên trái đất thì con vẫn không thể khiến cho Tánh linh bắn tung tóe. Tánh linh hoàn toàn không bị tác động bởi hành động con người.

Sa nhân có một niềm tin vô cùng lâu đời mà nhiều người đã hấp thu. Chúng nghĩ là những gì chúng làm, hay con người làm ở đây trên trái đất có thể ảnh hưởng được cõi tâm linh, ảnh hưởng các thiên thần, ảnh hưởng Thượng đế. Sa nhân muốn tin là chúng có thể thay đổi quan điểm của Thượng đế và được giao phó việc cai quản tạo vật của ngài. Nhiều người muốn tin là Thượng đế chú ý đặc biệt đến họ, ban cho họ ân huệ. Tất cả chỉ là chuyện hư cấu, con yêu dấu. Tất cả đều là hư cấu. Các thày đã từng nói rồi đó. Các thày là chân sư thăng thiên chứ không phải là thần thánh đáp ứng lời cầu của con. Các thày ở đây để giúp con tự giải thoát khỏi tâm thức con người chứ không để ban cho con những ân huệ mà con nghĩ là quan trọng trong tâm thức con người.

Tánh linh hoàn toàn thản nhiên trước quan điểm và tin tưởng của con người. Điều này nghĩa là gì? Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở cho Tánh linh? Bằng cách, ở mức độ cao nhất mà con có thể, giải phóng tâm con khỏi tất cả những quy tắc, luật lệ do con người đặt ra. Đây là điều các thày gọi là đi vào tâm thái trung hòa. Điều này đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong các giáo lý thần bí: Hồng ân lắng nghe, tâm thức thuần khiết lắng nghe, sự nhận biết thuần khiết. Còn nhiều tên gọi nữa, nhưng tên gọi không quan trọng. Điều quan trọng là con, tất cả các con, có thể vun bồi một cách ý thức khả năng bước vào tâm thái trung hòa và đơn giản mở cửa ra cho Tánh linh.

Tôi buông, tôi buông, tôi buông

Chắc chắn sẽ có những người không làm được chuyện này vì tâm họ mở ra quá lớn với cõi cảm xúc hay cõi lý trí. Nhưng các con là đệ tử của chân sư thăng thiên, con đã thực tập các bài chú của các thày để tự bảo vệ tâm linh, con đã thỉnh gọi Astrea, đã đọc các bài thỉnh, đã nỗ lực giải quyết tâm lý của mình, thì hầu hết các con đều có thể được lợi lạc – một khi con đã giải quyết phần nào tâm lý của mình và không bị buộc vào các thế lực thấp kém kia – con có thể được lợi lạc dành ra một chút thì giờ để ngồi xuống trong một tư thế thoải mái, hay con nằm xuống, và con chỉ bước vào tâm thái trung hòa này. Ta biết là ta đang nói “con chỉ bước vào”, nhưng kỳ thực đây là một trong những việc khó làm nhất do có quá nhiều áp lực từ ngoại cảnh trên tâm con cứ muốn kéo con ra khỏi tâm trung hòa. Nhưng dẫu vậy, ít nhất con có thể bắt đầu tiến trình này.

Con có thể dành ra một chút thời gian. Và một cách là con thực hiện một đợt canh thức (novena) như các thày ta đã có bàn đến. Các thày có một canh thức cho Đại chỉ đạo Thiêng liêng khi con đọc bài chú Đại chỉ đạo Thiêng liêng 9 lần (hay 14 lần – có hai bài chú cho Đại chỉ đạo Thiêng liêng, và cho canh thức thì con dùng bài nào cũng được). Sau đó con ngồi lại đó với một tờ giấy trắng và một cây bút, và con ghi xuống bất cứ gì khởi lên trong con. Tương tự như vậy, con cũng có thể làm canh thức cho ta bằng cách đọc bài chú của ta 9 lần, xong con ghi xuống bất cứ gì đến với con mà không có phán xét, không có định kiến gì hết.

Nhưng chuyện này cũng không cần nghi thức đến vậy. Con có thể chỉ đơn giản bước vào một trạng thái lắng nghe. Con không cần ghi xuống, nhưng đôi khi việc ghi xuống có thể giúp con vô hiệu hóa tâm mình. Nhưng nếu con có thể, con chỉ đi vào một tâm thái trung hòa. Điều có thể giúp con là con nằm xuống, hay con nhắm mắt, con ngồi thẳng nhắm mắt, và con chỉ chú ý đến ý tưởng của mình. Nhiều hình thức thiền định bảo con chú ý đến hơi thở, và nếu điều này hữu ích cho con thì cũng tốt thôi, nhưng con hãy chú ý đến ý tưởng của mình. Và bất cứ khi nào một ý tưởng hiện ra, con thầm nói trong tâm: “Tôi buông, tôi buông nó” [surrender trong tiếng Anh có mấy nghĩa: buông bỏ, từ bỏ, hàng phục, trả lại]. Con không cần suy nghĩ. “Tôi không cần suy nghĩ về chuyện này. Tôi không cần giải quyết bất cứ gì. Tôi chỉ buông nó ra. Tôi để cho nó ra đi. Tôi buông, tôi buông, tôi buông.” Con có khả năng làm được.

Vị sứ giả này đã làm như vậy rất nhiều lần trong đời ông và ông vẫn tiếp tục làm vậy. Con có thể làm vậy một cách thường xuyên, chỉ cần một vài phút, hay con có thể làm lâu hơn, bất cứ gì con muốn. Nhưng con chỉ buông. Con không có ý là chuyện gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Con chỉ đi vào trung hòa. Con không có ý là một chân sư thăng thiên phải hiện ra trước mặt con và cho con một ý tưởng huy hoàng nào đó. Con không có định kiến về điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Con hãy lưu ý điều ta vừa nói: “điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra”. Con không có ý tưởng là không gì được xảy ra, hay con không xứng đáng được nhận ý tưởng nào. Nhưng con cũng không có ý tưởng là con muốn như vậy.

Nếu con có thể trau dồi khả năng lắng nghe nội tâm này, con có thể thấy như các thày có nói là lúc đầu con nhận được một số sáng ngộ về những gì con cần giải quyết trong tâm lý. Và nếu con sẵn lòng thì với thời gian, con sẽ bắt đầu xoay chuyển và con nhận được những ý tưởng khác nữa về những gì con có thể làm – những gì con có thể làm trong đời mình, làm cho các chân sư thăng thiên, làm cho Saint Germain.

Để yên cho Tánh linh làm việc xuyên qua con

Và làm sao con có thể nói được với tâm thái hiện thời của con là chuyện này sẽ dẫn con xa đến đâu? Con hiểu là ngay bây giờ, ngay ở đây, con đang lắng nghe bài truyền đọc này, hay con đang đọc bài giảng này. Ngay bây giờ con đang ở một tầng nào đó trong số 144 tầng tâm thức. Cho dù tầng tâm thức của con là gì, con nhìn nhận là khi con cứ tiếp tục tiến bước trên đường tu tâm linh và thực hành các giáo lý mà các thày đã cho con, con sẽ lần hồi nâng cao tâm thức. Nhưng các thày đã nói gì với con? Khi con khởi sự ở tầng 144 và đi xuống, con khoác vào một ảo tưởng để bước xuống tầng 143. Và con cứ khoác thêm từng ảo tưởng như vậy để đi xuống tầng tâm thức hiện thời của con. Có nghĩa là nếu con đang ở tầng 80 chẳng hạn, con vẫn còn mang khá nhiều ảo tưởng ngăn cản con nhìn thấy rõ.

Con cần nhìn nhận ở đây là ở tầng tâm thức hiện thời của con, con không thể nào thấy được con sẽ như thế nào khi con ở 10, 20 hay 30 tầng cao hơn bây giờ. Con cần phải nhìn ra và chấp nhận với tâm ý thức là khi con tiếp tục bước chân trên đường tu, con sẽ đi lên cao hơn và một ngày kia con sẽ ở 20 tầng cao hơn ngày hôm nay.

Điều gì quan trọng với con bây giờ? Là con không cho phép tâm vỏ ngoài, hay bất kỳ thế lực nào đang lôi kéo tâm con, khiến con tin rằng có sự giới hạn trong những gì con có thể làm. Thật vô cùng quan trọng con nhìn nhận là ở mức hiện thời, con đang có một viễn quan nào đó. Và ở mức này thì đúng vậy, có những điều con không thể làm được. Nhưng cũng thật quan trọng con nhận ra là khi con nâng cao tâm thức, viễn quan hiện thời của con sẽ không còn hạn chế con nữa. Và do đó, con không thể quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ làm được chuyện này.” Suốt các thời đại, quá nhiều người đã nhìn vào Giê-su, chẳng hạn, cùng toàn bộ câu chuyện về những phép lạ của thày và nói: “Tôi sẽ không bao giờ đi bộ được trên mặt nước.”

Nhưng này con, trong thời đại hôm nay chuyện đi bộ trên nước thật không có ý nghĩa gì mấy, cho nên ta không yêu cầu con nuôi dưỡng ý tưởng là một ngày kia con sẽ có thể đi bộ trên nước, và nếu con không thể thì con là một kẻ thất bại. Con hãy để cho ý tưởng đó tàn lụi, vì có nhiều cách khác để con biểu hiện quả vị Ki-tô. Và thật vô cùng quan trọng là con đừng nhìn vào Ki-tô rồi thần tượng hóa, đừng rơi vào sự sùng bái thần tượng đã được xây đắp chung quanh Giê-su hay chung quanh Phật, để rồi quyết định bằng tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi không thể nào làm được những gì Giê-su hay Phật đã làm.” Trên thực tế, điều thật quan trọng là con không tìm cách so sánh mình với các vị đó để mà nghĩ rằng nếu con đạt được quả vị Ki-tô hay quả vị Phật thì con phải làm được y như họ đã làm.

Bởi vì với mức tâm thức hiện giờ của con, làm sao con biết được những gì Tánh linh sẽ thực hiện xuyên qua con khi con bước lên 20 tầng cao hơn? Làm sao con thấy được? Thực tế là con không thể nào thấy được do những ảo tưởng mà con chưa giải quyết. Nhưng có những người – và người ta làm chuyện này thường xuyên – vẫn có thể quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi không thể nào làm được. Không bao giờ tôi sẽ làm được.” Ấy, con không bao giờ nên nói “không bao giờ”, vì khi con quyết định vỏ ngoài như vậy, thật ra con có thể hạn chế những gì tâm vỏ ngoài của con có thể chấp nhận. Và điều này có nghĩa là giờ đây có thể có tình huống là con đã thực sự bước cao hơn 20 tầng trên đường tu và Tánh linh có khả năng làm gì đó xuyên qua con mà trước đó nó không thể làm, nhưng tâm vỏ ngoài của con thì không thể chấp nhận. Tâm vỏ ngoài không thể chấp nhận sự chứng đạt của con, cho nên điều này ngăn chặn Tánh linh làm việc qua con.

Sứ giả này vào thời Summit Lighthouse khi ông ngồi đó lắng nghe hàng trăm bài truyền đọc do bà Elizabeth Clare Prophet trao truyền, một số bài truyền đọc rất cao siêu, rất dũng mãnh, thì ông đã có thể nói: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ làm được như vậy.” Nếu con nhìn lại và so sánh, con có thể nói là một số bài truyền đọc của bà ấy rất khác với những gì sứ giả này đang trao truyền. Có người sẽ bảo là chúng cao hơn, có người sẽ bảo là chúng nhiều uy lực hơn, nhưng liệu so sánh như vậy có nghĩa lý gì không? Sứ giả này không có mục đích làm giống y như bà Elizabeth Clare Prophet mà ông chỉ có mục đích cho phép Tánh linh làm việc xuyên qua ông theo cách Tánh linh muốn làm việc xuyên qua ông.

Không ích gì mà so sánh những gì Tánh linh làm qua một người với những gì Tánh linh làm qua một người khác. Tánh linh thổi nơi nào nó muốn. Thật không ích gì con tự so sánh với Giê-su, với Phật hay với một vị thày tâm linh nào khác, hay với sứ giả này. Những loại so sánh như vậy chẳng ích lợi gì hết. Con không biết được Tánh linh sẽ làm gì xuyên qua con trong tương lai. Và quan trọng hơn, con không biết được Tánh linh sẽ không làm gì, cho nên con đừng quyết định với tâm vỏ ngoài là Tánh linh phải làm gì hay không được làm gì xuyên qua con. Đây là một trong những cách thông thường nhất mà người tâm linh giới hạn những gì Tánh linh có thể làm xuyên qua mình.

Con hãy sẵn lòng nhận bài truyền đọc này, nhận những bài truyền đọc khác từ hội nghị này, và nhìn xem: “Tôi đang giới hạn Tánh linh như thế nào?” Sứ giả này nhiều năm trước đây đã đi đến kết luận đó. Ông đã có thể hòa điệu và nhận được ý tưởng đó, và như vậy ông đã bắt đầu xem xét: “Tôi đang giới hạn Tánh linh như thế nào? Tôi đang giới hạn cách Tánh linh chảy qua tôi như thế nào?” Và việc quán chiếu này đã là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn ông vào tâm thái qua đó Giê-su đã có thể khởi sự huấn luyện ông cho sứ mạng đặc thù hiện nay của ông. À, sứ mạng của con sẽ khác, nhưng điều quan trọng là con xem xét những giới hạn con đang áp đặt lên Tánh linh như thế nào, hay con đang tìm cách hướng dòng chảy của Tánh linh đi về đâu để đem lại một số kết quả mà tâm vỏ ngoài của con mong muốn.

Giai đoạn vô vi

Sứ giả này trước khi ông bắt đầu luyện tập với Giê-su, đã chứng được sáng ngộ là quá nhiều nỗ lực của mình trên đường tu tâm linh đã bị sai khiến bởi tự ngã. Ông đã mong muốn trở thành một đệ tử tinh tấn với dáng vẻ một đệ tử cao cấp. Quá nhiều chuyện ông làm đã bị thúc đẩy bởi động cơ này. Và như các thày có nói, chuyện này cũng thật hợp lẽ giữa tầng 48 và 96 vì con cần vươn lên khỏi tâm thức tập thể. Nhiều các con sẽ có cảm nhận tương tự, cảm giác tương tự như vậy, và con sẽ có thể nhìn ra điều này nếu con sẵn lòng, và con sẽ làm được những gì sứ giả này đã làm – con chỉ buông bỏ, con chỉ để cho nó ra đi và con ngộ: “Không có gì mà tôi muốn làm trên hành tinh này.”    

Và khi không có gì mà con – cái nhân cách vỏ ngoài – muốn làm trên hành tinh này thì đó là lúc Tánh linh có thể nói: “Vậy con có cho phép ta làm gì đó xuyên qua con hay chăng?” Giờ đây, con không cần đạt tới điểm buông bỏ mọi thứ, mọi mong muốn của con người. Nhưng con cần có một khe mở để Tánh linh làm việc xuyên qua con theo những cách con không đoán trước được hay không cố gắng kiểm soát.

Con yêu dấu, sa nhân đang mưu toan kiểm soát Tánh linh. Là đệ tử của chân sư thăng thiên, con thật sự không muốn làm cùng chuyện đó. Thánh linh thổi nơi nào nó muốn. Có nghĩa là để cho Thánh linh thổi xuyên qua con, con phải sẵn lòng để yên cho nó thổi theo những cách con không thể tiên đoán, không thể dự trù, không thể điều khiển. Nếu con muốn kiểm soát trước dòng chảy của Tánh linh thì Tánh linh sẽ phải đứng lui lại và đợi cho đến khi con mở cửa ra. Không thể nào khác được, con yêu dấu, vì Thánh linh sẽ không vi phạm quyền tự quyết của con, ý chí tự do của con. Vậy con có thể hỏi: “À, thế khi sứ giả này khởi sự vào năm 2002 hay 2001, liệu ông có biết ông sẽ làm gì ngày hôm nay không? Ông có biết trước việc gì sẽ xảy ra không?” Không, ông không biết. Vậy thì làm thế nào ông đã tự do chọn lựa? Nhưng ông đã tự do chọn lựa là ông sẽ bỏ sang bên các mong muốn cùng tham vọng của con người phàm. Ông sẽ mở rộng ra với Tánh linh và nói: “Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra, Tánh linh cứ việc tuôn chảy xuyên qua tôi.” Đó cũng là một chọn lựa tự do đó con.

Chỉ có tâm vỏ ngoài mới muốn kiểm soát kết quả, muốn tiên đoán kết quả. Nó muốn biết trước kết quả sẽ ra sao, nó muốn một sự đảm bảo. Nhưng không có gì là đảm bảo. Ác quỷ sẽ cho con một hợp đồng. Tánh linh không cho con hợp đồng nào. Con có rộng mở ngay bây giờ hay chăng? Nếu thế thì Tánh linh sẽ chảy qua con. Nếu ngày mai con không rộng mở thì ngày mai Tánh linh sẽ không chảy qua con. Nếu 10 năm sau con lại rộng mở, Tánh linh sẽ lại chảy qua con một lần nữa – bất cứ khi nào có sự cởi mở. Không có hợp đồng, không có nghĩa vụ, không có bó buộc. Quá nhiều người cho rằng để là cánh cửa mở cho chân sư thăng thiên, con như thể phải mặc vào một bộ áo tù khóa chặt chân tay. Giờ đây con phải làm mọi chuyện cho thật chỉnh. Các thày đã nói gì chứ? Câu hỏi duy nhất đặt ra là liệu sự cởi mở có mặt hay không, có một khe mở hay không, có một cửa mở hay không? Khi đó Tánh linh có thể và sẽ tuôn chảy. Thường khi vấn đề không phải là con phải làm một điều gì đó, mà là không làm một điều gì đó.

Điều nghịch lý tất nhiên là hầu hết mọi người khi cất bước trên đường tu tâm linh đều có quá nhiều năng lượng tha hóa trong cảm thể và trí thể, quá nhiều ảo tưởng đến độ họ cần phải dọn dẹp đi phần nào, cho nên trong một thời gian họ sẽ phải làm một điều gì đó. Con phải đọc chú, đọc thỉnh để giải tỏa các năng lượng, con phải làm việc trên các ngã tách biệt và ảo tưởng của con, con phải học tập các giáo lý. Con phải nỗ lực một thời gian để dọn sạch những rác rưởi trong bốn thể phàm sẽ đóng chặt tâm con, vì đó cũng là một cách đóng tâm con lại. Nhưng một khi con đã làm công việc này, vấn đề không phải là làm nữa mà kỳ thực là không làm.

“Vô vi nhi vô bất vi” – không làm nhưng cũng không không làm – là một khái niệm trong đạo Phật mà con có thể quán chiếu. Vô vi nhi vô bất vi. Một số các con đã sẵn sàng để bắt đầu quán chiếu bí ẩn này. Một số thì chưa hẳn như vậy cho nên con có thể bỏ qua điểm này, nhưng sẽ tới một điểm khi con không còn là tác nhân nữa. Nhưng dẫu sao con cũng nhìn nhận là có một số công việc phải được chăm sóc trong đời sống thực tế, và con hãy chăm sóc chúng, rồi sau đó con hãy tập trung vào các hoạt động tâm linh của con. Nhưng phần nào con luôn luôn mở ra, con luôn luôn lắng nghe, luôn luôn trong tâm con có một khoảng trống, một khe mở. Có thể con đang chú tâm vào một số vấn đề trong cuộc sống, nhưng vẫn có một phần trong con mở ra để tiếp nhận một sáng ngộ mới, một ý tưởng mới. Nhiều khi giữa sinh hoạt hàng ngày, con vẫn có thể nhận được một sáng ngộ nào đó, một xung lực nào đó.

Đây là điểm các thày muốn con đạt được, là khi con bắt đầu có được hồng ân lắng nghe – nếu các thày có thể gọi như vậy – là sự cởi mở nội tâm mở ra phần nào với Tánh linh, với Hiện diện TA LÀ, với các chân sư thăng thiên. Và ai nói được Tánh linh có thể làm gì xuyên qua con? Chắc chắn không người nào khác nói được là Tánh linh có thể hay không thể làm gì xuyên qua con. Ta có ý gì khi ta bảo là không người nào khác có thể nói cho con? À, bốn thể phàm, nhân cách vỏ ngoài của con là gì chứ? Đó là một con người, cho nên chính nhân cách vỏ ngoài của con không thể nói cho con Tánh linh có thể hay không thể làm gì xuyên qua con.

Với lời này, ta đã trao cho con những ý tưởng mà ta muốn trao. Ta cũng biết – nếu có thể nói vậy – đây là một bài truyền đọc thật huyền bí hay thần bí, đòi hỏi nơi con rất nhiều suy ngẫm. Đối với một số các con, có thể nó sẽ không vang dội trong con vì con chưa ở mức cần đến nó. Nhưng với một số khác, nó đúng là điều con đang cần để bước lên thêm một tầng nữa trên đương tu. Ta để con tùy tiện sử dụng thế nào cũng được. Nhưng như ta có nói, nếu con nỗ lực tập trung vào Bản thể của ta, vào Hiện diện của ta, thì ta sẽ làm mọi cách để cho con những sáng ngộ mà con cần hầu bước lên một mức độ phụng sự và hòa điệu cao hơn. Với lời này, ta niêm con trong ngọn lửa vui mừng mà TA LÀ.

Cách giao tiếp không ép buộc

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/9/2021, nhân Webinar 2021 cho Hoa kỳ – Tiến tới các Quan hệ của Thời Hoàng kim. Đăng ngày 9/10/2021.

TA LÀ chân sư thăng thiên Hilarion, Thượng sư của Tia sáng thứ Năm. Tia thứ Năm thường được xem là Tia của Sự thật, hay Tia của Chữa lành. Đâu là mối liên hệ giữa sự thật và chữa lành? Nghĩ cho cùng, con cần chữa lành cái gì chứ? Con cần chữa lành khỏi tâm lý mà con chưa giải quyết. Nhưng tâm lý chưa giải quyết đến từ đâu? Nó dựa trên gì? Nó dựa trên một ảo tưởng. Ảo tưởng là sự vắng mặt của sự thật. Khi con đem lại sự thật thì con thực hiện việc chữa lành.

Chính xác điều này có nghĩa là gì trong lãnh vực các mối quan hệ? À, chúng tôi các chân sư thăng thiên đã nói gì? Con hãy lấy một mối quan hệ điển hình trên địa cầu. Cả hai người đều mang tâm lý chưa giải quyết. Con có thể định ra một cách đo lường hay một cái thang khi nhìn con người. Con có thể nói là ở đầu bên này là những người mà toàn bộ hành động, toàn bộ cảm xúc, toàn bộ ý nghĩ và toàn bộ ý niệm bản sắc của họ đều là sản phẩm của một tâm lý chưa giải quyết. Đây là điều mà con nhận thấy nơi các sa nhân ở gần tầng tâm thức thấp nhất có thể có trên địa cầu. Và ở đầu bên kia của cái thang, của quang phổ tâm thức, là những người chỉ còn rất ít tâm lý chưa giải quyết, đến độ họ tự do hơn rất nhiều để không những chọn lựa hành động của mình, mà chọn lựa cả phản ứng của mình. Nói cách khác, họ chọn lựa cảm xúc của họ, chọn lựa ý nghĩ của họ, chọn lựa ý niệm bản sắc của họ.

Khi con nhìn vào tuyệt đại số con người trên địa cầu, con sẽ thấy là hầu hết mọi người ở một mức không hoàn toàn bị tâm lý chưa giải quyết chế ngự, nhưng họ vẫn bị tâm lý đó tác động rất, rất mạnh mẽ. Con nhìn vào mối quan hệ điển hình thì con sẽ thấy gần như mọi chuyện trong quan hệ đó hoặc là hệ quả, hoặc bị ảnh hưởng và bị tô màu một cách vô cùng sâu đậm bởi tâm lý chưa giải quyết của cả hai người. Như thày Serapis có nói, nó tương tự như ngã tách biệt này đang tương tác với ngã tách biệt khác. Những ngã tách biệt của một người tương tác với ngã tách biệt của người kia, quy định cách họ hành xử với nhau và phản ứng lẫn nhau.

Lẽ tự nhiên, trong cương vị một người tâm linh, con đã bắt đầu khắc phục được phần nào vấn đề nói trên. Và lẽ tự nhiên, con cũng nhận ra, hay con có khả năng nhận ra nhanh chóng, là toàn bộ mục tiêu của con đường tâm linh là đạt tới điểm khi các mối quan hệ của con không còn bị chế ngự và không còn bị hoàn toàn chi phối bởi tâm lý chưa giải quyết của con. Như chúng tôi có nói, trong bất kỳ quan hệ nào, con đừng nên tập trung vào người kia, vào đối tác, vào người bạn đường của con. Con hãy tập trung vào những gì con có quyền năng thay đổi, mà cái đó chính là bản thân con, là tâm lý của con. Khi nói đến các mối quan hệ, đấy có thể được xem là sự thật cao nhất. Con không có khả năng thay đổi người bạn đường của con nhưng con có khả năng thay đổi chính con. Cho nên nếu con muốn được nội lực, nếu con muốn tăng triển, con phải tập trung vào những gì con có quyền năng thay đổi.

Tuy nhiên, ta cũng muốn nói với con là việc thay đổi tâm lý của mình không hoàn toàn là một tiến trình nội tâm. Nếu con lấy các giáo lý mà chúng tôi đã ban ra thì con đã có thể nói: “Bây giờ tôi nhận ra những gì các thày đã dạy về tâm lý của tôi. Nếu tôi lấy tất cả những lời giảng dạy đó thì tôi phải có thể rút về một hang đá trên núi Himalaya, sử dụng các giáo lý đó để xem xét tâm lý mình, rồi với thời gian, lần lần tôi sẽ giải quyết hết mọi tâm lý chưa giải quyết cho tới khi tôi sẵn sàng thăng thiên. Cá nhân tôi phải làm được chuyện đó mà không cần tương tác chút nào với người khác, vì như các thày có nói, tôi có trọn vẹn quyền năng trên tâm lý của tôi. Tôi hoàn toàn có khả năng thay đổi ngã tách biệt của tôi, tháo gỡ chúng ra, buông bỏ mọi ảo tưởng và chuyển hóa mọi năng lượng.”

Điều đó đúng, con có thể làm như vậy. Có những người đã làm được như vậy, đã rút về ở ẩn nơi hang đá trên núi Himalaya, rồi nhiều năm sau họ bước ra khỏi hang sau khi đã thực hiện một số tiến bộ tâm linh. Tuy nhiên đó không phải là cách nhanh nhất để phát triển tâm linh. Và nếu con đang sống kiếp đầu thai chót của con và con muốn hội đủ tư cách để thăng thiên, đó không phải là cách hiệu quả nhất để đạt tới thăng thiên. Bởi vì chúng tôi đã nói gì chứ? Trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, con đã tự đặt mình vào mối quan hệ với một số người nhất định chính vì con đã thấy được đây là cách nhanh nhất để mà tinh tấn.

Trên lý thuyết thì con có thể ngồi đó, và trong tâm con có thể hoàn toàn giải quyết tâm lý của con, nhưng điều này sẽ tốn rất nhiều thời gian, vì với một tiến trình hoàn toàn nội tâm như vậy, con không có cùng khung tham chiếu, con không nhận được sự phản hồi, con không có tương tác nào với người khác để mà có được một tầm nhìn về bản thân mình, hay để nó bắt buộc con phải phản ứng một cách nào đó, rồi chính cách phản ứng này làm lộ ra cái ngã tách biệt mà con cần thấy.

Có những người, thật ra có khá nhiều người, đã rút vào một khung cảnh tu viện, cho dù họ theo đạo Cơ đốc, đạo Phật hay bất kỳ tôn giáo nào khác. Họ rút hẳn khỏi thế giới để ẩn mình trong tu viện nơi mọi chuyện đều có luật lệ nghiêm ngặt rõ ràng. Họ dành ra một phần thời gian để làm việc, một phần thời gian để tu tập, và có thể một phần thời gian để nghiên cứu. Tất cả mọi thứ đều tuân theo luật lệ. Và khi họ chấp nhận bước vào sống trong một môi trường như thế, thường khi tự ngã của họ sẽ thở phào nhẹ nhõm, bởi vì giờ đây họ sẽ sống trong một khung cảnh kềm chế nơi họ không phải phản ứng lại bất cứ điều gì, và như thế tự ngã mới có chỗ để lẩn trốn. Có nhiều người tưởng mình đã tinh tấn, nhưng đó là vì tự ngã đã luôn luôn tìm được cách lẩn tránh. Họ không thấy được tự ngã vì không có gì đẩy nó ra ngoài cho nó lộ diện.

Chính con đã chọn tự đặt mình vào một số mối quan hệ vì con nhận ra đây là cách nhanh nhất. Điều này không có nghĩa là con phải ở lại trong quan hệ đó mãi mãi, mà chỉ cho tới khi con giải quyết được những gì con cần giải quyết trong quan hệ đó. Nhưng bằng cách tham gia năng động vào xã hội, có nhiều quan hệ khác nhau, nhận sự phản hồi của người khác và giám sát cách phản ứng của mình đối với người khác, đó thật là cách nhanh nhất để con tăng triển tâm linh. Đối với tuyệt đa số mọi người, cách này hiệu quả hơn hẳn một lối sống ẩn dật.

Điều này có thể hơi khác cho những ai đã làm công việc này trong tiền kiếp, nhưng đối với tuyệt đại đa số người tầm đạo, cuộc sống năng động và việc tương tác với người khác là cách hữu hiệu hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa gì? Như ta vừa nói ở trên, điều này có nghĩa là cách hữu hiệu nhất không phải là một tiến trình hoàn toàn nội tâm, và việc tương tác với người khác là cách hữu hiệu hơn.   

Và tất nhiên, nó có nghĩa trước hết là con nói chuyện với người kia. Thày Lanto có bảo là con hãy bước ra lãnh vực thế tục và tìm hiểu các nghiên cứu về quan hệ, và nếu con làm việc đó, con sẽ thấy đa số các chuyên gia về quan hệ đều chỉ ra rằng vấn đề hàng đầu trong mọi quan hệ, đặc biệt các mối quan hệ trục trặc, là sự thiếu giao tiếp – không có dòng giao tiếp chảy tự do. Có thể trong một số trường hợp dòng giao tiếp có mặt, nhưng là một dòng trục trặc.

Nói cách khác, trong các mối quan hệ không diễn ra tốt đẹp, con thường thấy hai thái cực. Một thái cực là hai người không còn nói chuyện với nhau nữa. Hoàn toàn không có giao tiếp xảy ra, hoặc là họ không giao tiếp, hoặc họ chỉ giao tiếp về một số đề tài vô hại như thời tiết, hàng xóm, con cháu hay bất kỳ chuyện gì khác. Đây là thái cực đầu, người ta không nói chuyện với nhau.   

Có một thái cực thứ nhì là họ có nói chuyện với nhau, nhưng thay vì nói chuyện về mối quan hệ, họ lại nói về những chuyện khác, hay họ chỉ trích lẫn nhau, cằn nhằn với nhau, tìm cách ép buộc nhau phải nhìn theo cách của mình. Nói cách khác, họ dùng một dạng giao tiếp ép buộc nơi họ tìm cách kiểm soát, hay có lẽ thay đổi người kia.

Dù sao thì trong cả hai cách đều có sự ép buộc, có vũ lực, vì cách duy nhất để hai người không thể nói chuyện với nhau là ép buộc mình, là đè nén xuống. Hoặc khi hai nguời cãi nhau và tìm cách lấn át nhau, thì hiển nhiên cả hai cũng đang dùng lực.

Món quà dựa trên Tia thứ Năm mà ta muốn tặng cho con là con có khả năng thiết lập một dạng giao tiếp khác hơn. Chúng ta có thể gọi đó là dạng giao tiếp không ép buộc, giao tiếp không dựa trên lực. Bình thường con sẽ có thể hỏi: “Nhưng giao tiếp chẳng phải là một con đường hai chiều hay sao? Tôi có thể học một cách giao tiếp tiến bộ mới mẻ và tôi có thể nói điều gì đó cho người bạn đường của tôi, nhưng nếu người ấy chỉ lạnh lùng nhìn tôi, hay nhún vai bước ra khỏi phòng, hay nổi giận và bắt đầu la hét thì sao?”

Nhưng chúng tôi đã nói gì? Con cần giành lại uy quyền trên những gì con có quyền năng thay đổi, và cái đó là chính con, là tâm lý của con, phản ứng của con. Con sẽ thấy nhiều người trên thế giới mang thói quen lạm dụng giọng nói của mình. Họ lạm dụng quyền năng của lời nói bằng cách miệt thị, tranh cãi, xúc phạm, mỉa mai, chế nhạo người khác, hay bằng những cách khác như la hét, chửi mắng người khác. Nhiều người có rất nhiều khí lực và họ không ngần ngại dùng khí lực đó trong giao tiếp.

Nhưng đa số các con là người tâm linh, các con không thuộc loại người đó. Con thuộc loại người không muốn lạm dụng giọng nói của mình, và do đó trong đa số trường hợp, con có xu hướng giữ im lặng. Con có xu hướng không nói lên những gì mình cảm thấy, những gì mình suy nghĩ, những gì mình trải nghiệm. Điều ta muốn gợi ý cho con, trong tư cách là người tâm linh thuộc loại này, thì con cần làm việc trên bản thân để con đạt tới mức con không bị hạn chế trong những điều con có thể bày tỏ với người khác, hay với người bạn của con trong quan hệ. Ngay trong bản thân, con có tự do nói ra bất cứ gì con cảm thấy mình cần nói ra.

Và điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều người trong số các con bỏ ra một số nỗ lực. Con cần nỗ lực nắm bắt toàn bộ khái niệm này. Con cần nhìn xem tại sao con cảm thấy miễn cưỡng làm chuyện đó, tại sao một số các con lại sợ làm chuyện đó. Có khi là vì con sợ phản ứng của người kia. Nhưng rất nhiều các con mang một nỗi sợ phát biểu mà con không thật sự nhận diện được. Và đối với nhiều người trong các con, vấn đề này đi trở ngược về thuở chấn thương nhập đời của con khi con từng lên tiếng chống lại sa nhân, xong con bị chúng đánh gục tàn bạo đến độ con quyết định là mình sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Nhưng con chẳng thấy hay sao là con đang dùng vũ lực chống lại chính mình? Và con không thể vừa làm vậy mà vừa thăng thiên. Khi con ở tầng 144 hay gần tới đó, con tự do nói lên bất cứ gì. Không có hàng rào nào trong tâm con ngăn cản con bày tỏ bằng lời nói những gì con có trong tâm. Tất nhiên là có rất nhiều thứ không nằm trong tâm con, nhưng dù sao đi nữa…

Điều con cần nhìn nhận ở đây là sa nhân mơ ước chúng là thẩm quyền tối thượng mà không ai có thể phản bác. Không ai có thể nói gì về chúng để thách thức uy quyền của chúng, hay để chất vấn chúng, hay để nói lên những điều chúng không muốn nghe. Chắc chắn con không thể nói ra bất cứ gì khiến chúng có vẻ sai trái, hay khiến chúng cảm thấy bối rối xấu hổ, cho dù một sa nhân thường không thể cảm thấy như vậy. Chúng muốn bịt miệng mọi người, bịt miệng mọi sự chống đối, và do đó chúng đã thiết lập một loạt cơ chế rất đa diện để bưng bít mọi người và khiến mọi người phải ngừng nói.

À, con sẽ có thể hỏi: “Làm thế nào chuyện đó có thể thành công?” Nó có thể thành công vì con đã từng có trải nghiệm lên tiếng rồi đã gặt hái hậu quả đau đớn. Con đã quyết định – con đã tạo ra một cái ngã tách biệt quyết định – là con sẽ không bao giờ lên tiếng kiểu đó nữa, hay bất cứ kiểu nào khác nữa. Con đang mang những ngã tách biệt đó, và trong khuôn khổ sự phát triển của con, con cần giải quyết chúng đi, con cần để cho chúng chết đi và được tự do.

Con có thể tự theo dõi, tự giám sát mình. Con có thể tự xem xét mình trong những hoàn cảnh quá khứ, hay ngay cả những hoàn cảnh hiện tại, và con có thể tự hỏi một số câu hỏi giản dị: “Liệu tôi có thể nhận diện những tình huống mà tôi không muốn lên tiếng hay không? Tôi có thể nhận diện những tình huống khi tôi muốn nói điều gì đó nhưng lại nhịn không nói? Tôi có thể nhận điện những tình huống khi tôi có lên tiếng, nhưng giọng nói của tôi đượm một nỗi cảm xúc tạo ra phản ứng tức thì nơi người kia trong quan hệ?”

Con cũng có thể cân nhắc xem con có bị rơi vào khuôn nếp sau đây hay không. Rất nhiều người tâm linh kinh qua một số tình huống với một đối tác nhất định trong quan hệ khi không chịu lên tiếng. Họ có một số cảm xúc, một số ý nghĩ, một số điều mà họ muốn nói nhưng họ lại không nói. Kết quả là một sự căng thẳng bắt đầu chồng chất trong cảm xúc. Năng lượng xúc cảm bắt đầu tích tụ lại nơi cảm thể, một số ý nghĩ bắt đầu tích tụ nơi trí thể, và lần hồi sau một thời gian, cường độ của nó cứ thế dâng tràn.  

Bấy giờ nó trở nên dữ dội đến độ con không thể chịu đựng được nữa, con không thể cầm giữ nó lại, thế là con lên tiếng với người bạn đường của con. Nhưng con lên tiếng một cách rất cường độ, mất cân bằng. Con nổi giận, con bực tức, con đổ lỗi cho người kia, con chỉ ra lầm lỗi của họ, những gì họ đã làm sai trái và những gì đáng lý họ phải làm. Và con phóng chiếu theo một cách mà chính con cũng nhận thấy là quá cường độ. Nếu người kia đã cư xử với con như con đang cư xử với họ thì chính con cũng sẽ không phản ứng tich cực được. Và vì thế, người bạn đường của con sẽ phản ứng tiêu cực, và cuối cùng hai con sẽ cãi nhau. Và cho dù con có cố giải quyết hay bước ra khỏi tình huống đó và phần nào giải tỏa căng thẳng, nhưng vấn đề vẫn không thực sự được giải quyết. Thế tương tác giữa hai con vẫn y nguyên, thế là hai con lại bắt đầu một chu kỳ mới, lại thêm một vòng xoáy mới dồn nén năng lượng và gia tăng cường độ cho tới khi con không thể kiểm soát được nữa. Và một lần nữa, con lại lên tiếng hùng hổ quá trớn, và vân vân.      

Nếu con có thể nhận diện bất kỳ xu hướng nào giống như vậy, con cần nhận ra nguyên nhân ở đây chính là những cái ngã tách biệt tác động lên cách con phát biểu. Con không đang tự do phát biểu – có thể nói con không tự do phát biểu từ trái tim, và vì vậy con phát biểu từ ngã vỏ ngoài, từ những cái ngã tách biệt. Và hiển nhiên – tất cả các con đều thấy được điều này – đó không phai là hình thức giao tiếp cao nhất giữa con người.

Điều ta muốn nói là một trong những mục tiêu con cần đạt đến trong quan hệ là khả năng phát biểu từ một trạng thái tâm trung hòa. Con không mang một nỗi niềm động cảm nào cả. Con không cảm thấy mình bị bó buộc phải nói ra điều đó, và người kia phải bắt buộc hiểu ra, phải chấp nhận điều đó, và phải thay đổi. Con chỉ nói lên từ một trạng thái trung hòa và con chia sẻ: “Đây là cách tôi nhìn sự thể. Đây là những gì tôi cảm nhận về sự việc. Đây là những cảm xúc mà cách hành xử và lời nói của bạn – hay của anh, của em – khơi lên trong tôi.” Nhưng con không nói vậy khi trong lòng con chất chứa một động cảm muốn đổ lỗi, con không làm vậy với nỗi sợ hãi phản ứng của người kia. Con chỉ đơn giản có khả năng phát biểu một cách trung hòa.

Đây là một mục tiêu mà con có thể quyết định trong ý thức là con sẽ sẵn lòng hướng tới. Một lần nữa, trong xã hội thế tục có những lời dạy nói về sự giao tiếp giữa con người mà con sẽ được ích lợi học hỏi, nhưng điểm học hỏi chính yếu không phải là kiến thức trí thức mà là những phản ứng nó khởi lên trong con. Nó sẽ làm rõ, làm lộ ra những cái ngã tách biệt trong con đang ngăn chặn sự giao tiếp của con. Và nếu con áp dụng điều này vào mối quan hệ nồng nàn nhất của mình thì nó sẽ tác động tích cực lên tất cả mọi mối quan hệ của con. Thực tế là nó sẽ chuyển đổi đáng kể các mối quan hệ của con.

Trong nhiều năm qua, sứ giả này đã tu tập về vấn đề này, và mặc dù ông chưa hoàn toàn điều ngự được, ông đã tinh tấn đáng kể so với lúc đầu. Ông đã đạt tới một điểm khi ông nhận ra là ông có xu hướng lo sợ cách phản ứng của người khác vì ông không muốn làm họ phiền lòng – không hẳn là ông sợ phản ứng của họ nhưng ông không muốn làm họ phiền lòng, vì ông sẽ tự trách mình đã làm cho người khác phiền lòng. Ông không muốn làm tổn thương cảm xúc của họ vì ông sẽ cảm thấy mình đáng trách, cho nên – nếu có thể nói như vậy – ông cứ cố đoán trước phản ứng của họ.

Và tất nhiên, ông đã thu hút về phía ông một số người rất dễ giận hờn bởi lời nói của người khác về mình. Người đầu tiên trong trường hợp này là chính cha ông – cha ông có một số “nút bấm” nhất định mà nếu có ai nhấn vào thì ông sẽ nổi giận tức khắc. Sứ giả này đã học được điều này ngay từ tuổi thơ ấu. Nhưng rồi đến một thời điểm khi ông vừa thành niên, ông nhận ra là khi ông nói chuyện với cha một cách nào đó, chủ yếu với một giọng nói trung hòa, thì ông có thể nói ra một số điều mà ông không thể nói được trong động cảm, bởi vì cha ông sẽ phản ứng lại sự động cảm thay vì lắng nghe lời ông nói. Nhưng nếu ông phát biểu không động cảm thì, ít ra thỉnh thoảng, cha ông sẽ sẵn sàng lắng nghe ông nói. Nói cách khác, cảm xúc đã che lấp mất thông điệp. Và sau này trong đời sống, khi ông ngày càng biết cách phát biểu trung hòa, chính ông đã ngạc nhiên thấy mình có thể nói rất nhiều thứ với người khác mà không gây ra phản ứng tiêu cực.

Một số các con sẽ nhận xét thấy là khi các con nói chuyện với sứ giả này, thỉnh thoảng ông phát biểu một cách rất trung hòa không làm con khó chịu, mặc dù ông đang nói ra một số điểm rất thẳng thắn về chính con hay tâm lý của con. Một số khác trong các con cũng có thể nhận xét thấy những khi con bị phiền lòng bởi lời đó của ông, nhưng con không dám nói ra vì con cho ông là người thẩm quyền và con không muốn nói ngược lại thẩm quyền, thì điều này có nghĩa là con mang một số ngã tách biệt con chưa giải tỏa được.

Điểm ở đây là nếu con nỗ lực đạt khả năng giao tiếp trung hòa, khi con có thể lên tiếng một cách trung hòa, thì con sẽ kinh ngac nhìn thấy các mối quan hệ của mình cải thiện đến chừng nào. Nhưng con cũng sẽ kinh ngạc là trong tiến trình tu tập dẫn tới điểm đó, con nhìn thấy nhiều điều hiện rõ ra trong tâm lý mình. Tất nhiên, ta không đang bảo là giờ đây con cần đem tất cả những lời dạy này, rút vào hang đá kia rồi nói: “Tôi sẽ làm việc trên tâm lý của tôi cho tới khi tôi có khả năng phát biểu một cách hoàn toàn trung hòa. Và cho tới khi đó, tôi sẽ không nói gì hết.” Đó không phải là điều ta muốn nói. Trong tiến trình tu tập hướng đến mục tiêu trên, con sẽ phải có can đảm nói lên những gì trước đó con không dám nói. Và bằng cách phát biểu trong khả năng phát biểu của con vào thời điểm đó, con sẽ nhận được phản ứng từ người kia trong quan hệ. Và bằng cách giám sát phản ứng của mình, con sẽ có thể tự nhủ: “Tôi đang có ngã tách biệt nào đang đứng đằng sau cách phản ứng này của tôi?” Và một lần nữa, con sẽ tiến nhanh hơn là nếu con chỉ ngồi một mình trong hang đá. Đây là cách mà con có thể, trong một thời gian tương đối ngắn, đạt tới điểm con có thể giao tiếp trung hòa hơn hẳn.          

Ta đã bắt đầu bài giảng này với câu nói rằng sự thật dẫn đến chữa lành. Có một số vết thương mà con đã nhận lãnh trong tiền kiếp khi con bị hà hiếp nhưng lại không lên tiếng phản đối, và chúng tôi có nói là con cần nhận diện ngã tách biệt đó, tách rời ra khỏi nó, nhìn thấy nó không phải là mình và để cho nó ra đi. Nhưng có một số ngã tách biệt đó liên quan đến phát biểu mà con không thể buông bỏ được nếu con không lên tiếng. Con không thể buông ngã đó ra mà không nói lên những gì con chưa nói. Nếu con chưa đứng lên quả quyết thì con cần đứng lên quả quyết trước khi con có thể cho ngã đó ra đi. Nếu con chưa vạch ra lằn ranh và nói: “Điều này, tôi sẽ không chấp nhận”, thì con cần vạch ra lằn ranh đó để hoàn toàn buông bỏ nó đi.

Sự thật – là sự thật mà con nói lên như con đang thấy – có thể đem lại chữa lành, vì khi con đạt tới điểm con có thể phát biểu mà không sợ phản ứng, thì đó là lúc con nhận ra: “À, sự lên tiếng không đến nỗi nguy hiểm như mình vẫn tưởng, vậy tại sao mình lại lo lắng về chuyện đó? Tại sao mình lại cảm thấy miễn cưỡng, lo sợ, tại sao trong tiềm thức mình lại gánh nguyên cái khối khổng lồ của sự lên tiếng?” Gần giống như một số các con sợ bóng tối khi còn nhỏ. Đến một lúc nào đó, con đã phải bước vào một căn phòng tối đen hay bước ra ngoài trời tối để đối đầu với bóng tối. Và khi con thấy không có ma quỷ nào ở đó để vồ lấy con, thì cuối cùng con đã có thể trút bỏ nỗi sợ hãi. Như sứ giả này đã từng mô tả, ông đã tự nhốt mình trong một phòng tối với một bộ xương người, và bằng cách sống sót qua trải nghiệm đó, ông đã có thể trút bỏ nỗi sợ hãi những bộ xương.

Con hãy sẵn lòng tập tành như vậy. Hãy sẵn lòng nói ra sự thật như con đang thấy. Hãy để ý phản ứng, làm việc trên phản ứng cho tới khi con có thể tự do lên tiếng, nhưng con lên tiếng một cách trung hòa. Thật ra con không phát biểu để thay đổi người kia hay khiến họ buồn phiền. Như chúng tôi có nói nhiều lần, con chỉ đơn giản chia sẻ ý nghĩ và cảm xúc của con với họ. Và khi con có thể tự do nói ra điều đó thì con cũng giải thoát cho họ tự do phản ứng theo cách họ muốn. Và nếu họ không tiếp nhận những điều con nói một cách tích cực, nếu họ nổi giận, nếu họ phản bác hay phớt lờ, thì chuyện đó cũng chẳng quan trọng với con. Nó không quan trọng với con vì con đã tăng triển, con đã trở nên tự do. Và điều tất phải đến là tới lúc người kia sẽ không còn nắm được gì nơi con làm cho con phiền hà nữa. Không có gì về người kia làm cho con phiền hà vì họ không có quyền năng gì trên phản ứng của con, trên cảm xúc, ý nghĩ và trạng thái tâm con. Thật sự, khi con không có phản ứng tiêu cực nào đối với họ thì con đâu có vấn đề gì mà có quan hệ với họ? Nếu đó là một người thân thiết trong gia đình mà con cảm thấy không thể cắt đứt mọi liên lạc, con vẫn có thể tiếp tục quan hệ với người đó mà không đặt vấn đề gì cho con. Nhưng trong nhiều trường hợp, điều xảy ra là con có thể sẽ rời khỏi quan hệ đó. Con tìm được những người mà con có thể có quan hệ cởi mở tự do hơn, mà con có thể giao tiếp dễ dàng tốt đẹp hơn.

Điều hoàn toàn có khả năng xảy ra là con kinh qua tiến trình tăng triển này và con thay đổi, nhưng người kia thì không thay đổi. Bây giờ thử lấy ví dụ này, là có hai người trong một mối quan hệ cho dù là bạn bè, tình yêu, kinh doanh hay bất cứ gì khác. Và mặc dù cả hai có thể không phải là học trò chân sư thăng thiên, nhưng cả hai đều sẵn lòng cải thiện chính mình lẫn tâm lý của mình, sẵn lòng nỗ lực cải thiện quan hệ.    

Điều các con có thể làm là dành ra một thời gian để ngồi xuống nói chuyện với nhau: “Bây giờ chúng ta sẽ giao tiếp một cách không rủi ro. Chúng ta sẽ hứa với nhau là mình sẽ cho phép người kia tự do phát biểu và mình sẽ không phản ứng lại tiêu cực.” Một người sẽ bắt đầu nói, dành ra một thời gian để bày tỏ những gì mình muốn bày tỏ, và người kia không phản ứng lại. Sau khi một người đã nói xong phần mình, có thể dành ra một chút thời gian để suy ngẫm hay có thể để người kia đặt câu hỏi. Có thể ngay sau đó hay trong một buổi khác, đến lượt người thứ hai bày tỏ một cách tự do, nhưng sự giao tiếp vẫn cần xảy ra một cách không rủi ro. Làm như vậy, các con sẽ có thể giúp nhau cùng tiến tới điểm mình dám phát biểu tự do – tự do phát biểu một cách trung hòa.   

Vừa rồi là một số ý nghĩ mà ta muốn trao cho con từ nhãn quan Tia thứ Năm. Ta không đang bảo là con nên cố gắng biểu đạt những sự thật tối thượng, mà con nên biểu đạt những gì con thấy ngay lúc này, và tất nhiên con cũng nhận thức là con đang ở một tầng tâm thức nơi con chỉ thấy được những gì con thấy, và khi con tiếp tục nâng cao tâm thức thì con sẽ thấy nhiều thứ con chưa thấy được hôm nay. Điều này có thể cho con một góc nhìn hoàn toàn khác lạ, và do đó con không cần bám giữ ý tưởng sai lầm là con hiện đã nắm được sự thật cao nhất, hay quan điểm cao nhất, hay sự hiểu biết cao nhất có thể có về một vấn đề. Kỳ thực, con không thể thật sự giao tiếp trung hòa nếu con nghĩ là có một hiểu biết tối thượng và con đang nắm giữ sự thật hay hiểu biết tối thượng này.

Và như vậy, ta niêm con trong Tia sáng Sự thật màu xanh lục bảo mà TA LÀ.  

Không ai đã từng làm con điều gì

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/9/2021, nhân dịp Webinar 2021 cho Mỹ châu – Tiến tới quan hệ Thời Hoàng kim.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey, Thượng sư của Tia sáng thứ Tư, thường được gọi là Tia Thanh tịnh, nhưng ta ưa gọi là Tia Gia tốc.

Từ góc nhìn của Tia thứ Tư, ta mong muốn trao cho con điều gì? Các thượng sư khác đã trình bày về điều gì? Chúng tôi đã nói về sự kiện tất cả mọi người trên địa cầu đều mang những nét tâm lý chưa giải quyết. Trong sứ vụ thiêng liêng của con, con đã ghi vào mục đích là sẽ giải quyết một số khía cạnh đặc thù của tâm lý mình. Đa số những vấn đề này đã được tạo ra trong những kiếp trước, có lẽ từ nhiều tiền kiếp trước đây, trở ngược về tới tận chấn thương nhập đời của con. Chúng tôi cũng có nói rằng con đã tự đặt mình vào những mối quan hệ với một số người cũng mang tâm lý chưa giải quyết như vậy, và đó là tại sao họ đã hành xử theo cách của họ, và điều này đã khơi lên những tâm lý chưa giải quyết nơi con và khiến con phản ứng lại.    

Khi con nhìn vào thế giới rộng lớn, con sẽ thấy là mỗi con người đều có một số tâm lý chưa giải quyết, và nhiều người có một số rất lớn tâm lý chưa giải quyết. Điều này thực sự nghĩa là gì? Trong một nghĩa nào đó, rằng mọi công việc mà con người làm đều là kết quả, hay ít ra bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tâm lý chưa giải quyết.   

Con là một học trò tâm linh, con có nhận thức khá tốt về đường tu tâm linh và con nhìn ra, như chân sư More có nói, rằng tinh túy của con đường tâm linh là nâng cao tâm thức bằng cách vượt qua tâm lý chưa giải quyết ở trình độ hiện tại của con.

Khi con lùi lại một bước và nhìn kỹ điều này, con có thể nhận thấy trong đời mình có bao nhiêu việc đã làm là kết quả của tâm lý chưa giải quyết. Nhìn lại đời con, con có thể thấy một số thời điểm khi con đã phản ứng một cách nào đó, đã lấy những quyết định nào đó, đã có những hành động nào đó đã đưa tới những hậu quả mà con không mong muốn. Nhưng con cũng thấy được là nguyên do con đã hành xử như vậy là bởi tâm lý chưa giải quyết của con.

Sau đây là điểm đầu tiên ta muốn trao cho con. Từ góc độ của các chân sư thăng thiên và đặc biệt từ Tia thứ Tư là tia gia tốc, con hoàn toàn không có gì phải xấu hổ nếu con có tâm lý chưa giải quyết. Ta biết rõ là hầu hết mọi người sẽ hơi sốc khi nghe câu nói vừa rồi. Bởi vì suốt nhiều kiếp sống, con đã bị lập trình, con đã bị tẩy não bởi sa nhân khiến con nghĩ rằng đáng lý ra con phải toàn hảo. Và nếu con không toàn hảo thì con phải cảm thấy mình có lỗi. Đây là một trong những cách thức chủ yếu mà sa nhân sử dụng để kiểm soát, kềm giữ, hạ thấp và tiêu diệt con. Chúng muốn con nghĩ rằng sự kiện con đang mang tâm lý chưa giải quyết cho thấy nơi cốt lõi của con có điều gì đó sai trái, tồi tệ, xấu xa, đáng xấu hổ.    

Ta xin con hãy lùi về một bước và nhìn xem địa cầu này là loại hành tinh như thế nào? Như chúng tôi đã nhắc con nhiều lần, đây không phải là một hành tinh lý tưởng. Hãy nhìn những chuyện đang diễn ra, nhìn xem con người đang đối xử với nhau như thế nào. Làm sao con có thể hiện thân trên một địa cầu như thế này suốt nhiều kiếp sống mà không phải gánh chịu những vết thương và chấn thương tâm lý? Làm sao con có thể không có vấn đề tâm lý chưa giải quyết? Thật chúng tôi đã nói gì? Rằng con cần phải giải quyết hết vấn đề tâm lý này đến vấn đề tâm lý khác cho đến khi con lên tới tầng thứ 144. Và khi con không còn tâm lý nào chưa giải quyết thì con sẽ không thể cầm giữ xác thân vật lý này của con nữa và con sẽ thăng thiên. Chỉ duy sự kiện con còn hiện thân trên địa cầu cũng đủ để cho thấy con còn tâm lý chưa giải quyết.  

Cho nên nếu có những chuyện con không thể tránh được thì đâu có lý do gì con phải cảm thấy xấu hổ? Có lý do gì mà con phải tự trách thân? Thế con có tự trách thân là mình có màu da hay màu mắt của mình hay không? Chuyện đó chỉ giản dị xảy ra như vậy. Con sống trên một hành tinh đầy những chuyện xảy ra như vậy và thật là không có lý do gì con phải cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi.

Tại sao các sa nhân lại muốn con cảm thấy xấu hổ, tội lỗi? Bởi vì nó sẽ ngăn chặn con thực sự xem xét tâm lý của con. Và nếu con không thể xem xét phần tâm lý chưa giải quyết thì con sẽ không bao giờ giải quyết nó được. Muốn giải quyết thì phải nhìn vào tâm lý, nhìn thấu qua các ảo tưởng, hóa giải các năng lượng, hóa giài các tin tưởng giả trá. Nếu con không thể nhìn vì con quá xấu hổ hay sợ hãi hay tội lỗi, con sẽ không giải quyết được và con sẽ bị kẹt lại. Và ta có thể cam đoan với con rằng chúng tôi là những sinh thể phụng sự trên tia sáng thứ tư cuả gia tốc, chúng tôi không muốn con bị kẹt lại. Chúng tôi muốn con gia tốc. Kẹt lại là đối nghịch của gia tốc. Đúng là con mang tâm lý chưa giải quyết nhưng đó chỉ là một chuyện đang xảy ra. Không có lý do gì con phải cảm thấy xấu hổ. Con có thể nói, đấy chỉ là một chuyện cỏn con. Đấy là một chuyện mình sẽ giải quyết cho xong để mình bước đi tiếp.   

Bây giờ hãy nhìn sâu sắc hơn. Suốt rất nhiều kiếp, con đã bị lập trình, bị rửa não là nếu con đã làm điều gì bị người ta xem là sai trái, đã nói điều gì bị xem là sai trái, đã không làm điều gì đáng lý con phải làm, hay đã không nói điều gì đáng lý con phải nói, thì chính con là người sai trái do hành xử như vậy.

Giả dụ con đã làm chuyện gì đó trong đời con mà con xem là sai trái và hầu hết mọi người cũng xem là sai trái. Chẳng hạn, con đã làm hay nói điều gì khiến cho người khác bị tổn thương, buồn phiền. Nhưng tại sao con làm vậy? Con làm vậy vì con có tâm lý chưa giải quyết. Tâm lý chưa giải quyết nghĩa là gì? Đúng vậy, trong giáo lý mà chúng tôi đã ban cho con, nó có nghĩa là con có một cái ngã tách biệt đã khiến con làm điều con đã làm.  

Nhưng chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại điều gì? Đâu là ý tưởng chủ yếu đằng sau giáo lý về cái Ta Biết? Rằng nơi cốt lõi của chính con là sự nhận biết thuần khiết. Có nghĩa là gì? Rằng cái Ta Biết không có đặc tính nào nằm trong thế gian, nó không thể sai trái. Nó cũng không thế đúng đắn – trong nghĩa nhị nguyên. Bởi vì trong tinh túy của nó, cái Ta Biết không thể làm bất cứ điều gì trên địa cầu. Để làm được gì trên địa cầu, cái Ta Biết phải tự biểu đạt qua một cái ngã tách biệt.

Đó là cách thức con hành động qua bốn thể phàm của con. Ai là người hành động, ai là người làm? Ai đã làm nhưng điều con làm mà con coi là sai trái? Thật không phải là cái Ta Biết đâu, mà là một cái ngã tách biệt. Ngã tách biệt đó chính là người làm. Ngã tách biệt đã làm cái mà con đã làm. Ai là người coi đó là sai trái? Có phải cái Ta Biết không? Cũng không luôn, bởi vì cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết, nó không vận hành trong đúng và sai. Ai nghĩ điều con làm là sai trái? Phải, một cái ngã tách biệt nghĩ đó là sai trái.

Vậy thì ở đó đang có một ngã tách biệt khiến con làm một chuyện gì đó, và đang có một ngã tách biệt khác khiến con cảm thấy tội lỗi về chuyện đó. Nhưng cả hai không phải thực sự là con. Làm thế nào con sẽ vượt qua đây? Cuối cùng con sẽ chỉ vượt qua được bằng cách nhìn thấy đó không phải là con.

Đó là một cái ngã. Nó mang một tin tưởng, nó mang một cái khuôn năng lượng nào đó. Nhưng nó chỉ là một cái ngã. Nó không thực, và chắc chắn nó không phải là con. Khi con nhìn ra điều này, con có thể buông bỏ tin tưởng đó, con có thể giải phóng năng lượng đó, và con có thể để cho ngã đó chết đi, bởi vì con không còn nuôi dưỡng nó nữa. Nói cách khác, con đã làm điều mà con làm vì tâm lý chưa giải quyết của con.   

Bây giờ con hãy nhìn vào người khác mà xem. Con thấy rất rõ là họ cũng có tâm lý chưa giải quyết. Tại sao họ đã làm chuyện đó? Tại sao họ đã làm con những chuyện đó? Cũng vì tâm lý chưa giải quyết của họ. Có nghĩa là gì? Rằng họ cũng có một cái Ta Biết nằm trong cốt lõi của chính họ. Và cái Ta biết của họ thực sự đã không làm chuyện đó đến cái Ta Biết của con. Chỉ có ngã tách biệt của họ đã làm chuyện đó đến ngã tách biệt của con. Có nghĩa là gì?

Và đây là món quà ta muốn tặng cho con từ Tia sáng thứ Tư, là điều này đây: Không có ai đã từng làm con một điều gì. Không có ai thực sự hiện hữu đã từng làm bất cứ điều gì đến cái ta thực của con. Chỉ có hai ngã tách biệt tương tác với nhau mà thôi. Ngã tách biệt của người kia đã khiến họ tức giận đối với con, khiến họ tố cáo con, khiến họ phóng chiếu ý tưởng rằng con phải cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi bởi hành vi của con. Tất cả chì toàn là ngã tách biệt với nhau mà thôi.

Cũng đúng là người kia có thể đã đối xử rõ ràng là tồi tệ. Nhưng có phải điều họ làm đã tác động trên con? Thực tế là không. Phải, ở đây ta cũng biết cần phân biệt giữa sự ngược đãi vật lý trực tiếp với sự ngược đãi thiên về tâm lý, tình cảm hay tinh thần. Đương nhiên, nếu có ai đánh đập, hành hung con, thì đấy là một hành động vật lý. Nhưng một hành động vật lý chỉ gây tác động trên xác thân vật lý, và nó sẽ không tác động trực tiếp trên các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Sự ngược đãi xác thân có thể vượt quá một lằn ranh nào đó, nhưng nó vẫn vận hành trên cùng một căn bản như sự ngược đãi tâm lý, bởi vì điều tác động trên con không phải là hành vi vật lý hay lời nói của người kia, mà điều tác động trên con là những gì diễn ra bên trong tâm lý của con, bên trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Chính phản ứng của con đã tác động trên con. Nó tác động trên con như thế nào? Bằng cách khiến cho con tạo ra một cái ngã tách biệt, hoặc nó khiến con củng cố hay khuấy động một cái ngã tách biệt sẵn có.

Tại sao điều này lại quan trọng? Vậy Tia sáng thứ Tư bản chất là gì? Phải rồi, là gia tốc. Nhưng làm thế nào con gia tốc? Sự thật là ta có quyền năng rất lớn. Ta có thể truyền rải những lượng ánh sáng to lớn. Ngay cả trong tư cách là thượng sư, với lượng ánh sáng it hơn các bậc Đại thiên thần và Elohim, ta vẫn có khả năng gia tốc tức thì hành tinh này lên một mức cao hơn. Chắc chắn ta có thể rải truyền đủ ánh sáng đề gia tốc tức thì bất cứ người nào lên một mức cao hơn. Nhưng làm như vậy hiển nhiên sẽ vi phạm quyền tự quyết. Ta không thể gia tốc cho con. Sinh thể duy nhất có khả năng gia tốc cho con là chính con. Nhưng sinh thể nào, thành phần nào trong con có thể được gia tốc? Không phải những cái ngã tách biệt đâu, bởi chúng không có khả năng tự nhận biết. Chỉ có cái Ta Biết mới có thể tự gia tốc mà thôi – bằng cách con hiểu ra rằng con không phải là ngã tách biệt và con quyết định tự gia tốc để vượt khỏi nó. Con vượt khỏi cái khuôn đúc, vượt khỏi những tin tưởng và những năng lượng của ngã tách biệt.

Nhưng làm thế nào con thực hiện được chuyện này? Chỉ khi nào con giành lại được quyền năng của con. Và tại sao con phải giành lại quyền năng? Bởi vì các sa nhân đã tìm được cách tước lấy quyền năng khỏi con. Tất cả mọi con người đều đã bị chúng tước đi quyền năng, ít hay nhiều. Điều này không sao tránh khỏi. Con không thể hiện thân trên địa cầu này mà không bị lấy mất quyền năng – bởi vì có quá nhiều những phóng chiếu nhắm vào con hầu tước đi quyền năng của con. Chẳng hạn con lấy lời dạy mà ta vừa cho con. Đa số người ta sẽ nói: “Kẻ này đã làm gì tôi, kẻ kia đã làm gì tôi.” Có nghĩa là gì? Rằng kẻ đó đã có quyền năng trên con. Làm thế nào con lấy lại quyền năng từ người kia đây?  

Chỉ khi nào con nhìn nhận điều ta vừa nói. Không ai đã từng làm con một điều gì cả. Có nghĩa là không ai có quyền năng gì trên những phản ứng của con trong tâm lý của con. Tất nhiên là câu “Không ai đã từng làm con điều gì” có thể được thay đổi bởi vì, trong một nghĩa nào đó, trong một kiếp trước đã có kẻ làm điều gì đó thật hung bạo và dữ tợn đến độ nó khiến con phải tạo ra một cái ngã tách biệt.

Ta biết là ta hơi khắt khe khi nói rằng không ai từng làm con điều gì, nhưng ta nghĩ con cũng đã hiểu ý. Cuối cùng thì không ai đã từng làm con điều gì, và ngay cả khi sa nhân đã giáng cho con cái chấn thương vũ trụ nhập đời, thì cũng chính là con đã tạo ra ngã tách biệt đó, và ngã này từ đó đã không ngừng nhào nặn cách phản ứng của con. Có thể nói là người khác có quyền năng trên con, nhưng họ chỉ có quyền năng qua trung gian những cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra. Đây là điểm thiết yếu.

Bởi vì nếu con nghĩ rằng sa nhân, hoặc người khác, có quyền năng ảnh hưởng tâm lý của con và tạo ra ngã tách biệt trong tâm con, thì họ sẽ có quyền năng trên con và con không thể giành lại quyền năng của con. Con chỉ có thể giành lại bằng cách nhìn nhận chính con đã tạo ra ngã tách biệt này. Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì chỉ có người đã tạo ra ngã tách biệt mới có thể giải thể ngã tách biệt. Chỉ khi nào con chấp nhận là con đã tạo ra cái ngã tách biệt đã khiến con phản ứng một cách nào đó đối với người khác, thì con mới có thể chấp nhận rằng con là người duy nhất có khả năng giải thể ngã đó.

Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì đó chính là cách con giành lại quyền năng của con. Hãy tưởng tượng con quan hệ với một người. Đây là mối quan hệ yêu thương với một người phối ngẫu mà con đã chung sống suốt nhiều năm. Trong quan hệ này có một khuôn nếp khiến con hay rơi vào một cách phản ứng nào đó. Nếu con cho rằng để con thoát khỏi mô thức phản ứng này, người kia phải thay đổi, thì quả là con đã không lấy lại quyền năng của con, mà ngược lại con đã trao một phần quyền năng đó cho người kia. Chỉ khi nào con nhìn nhận rằng con là người duy nhất có quyền năng tạo ra và giải thể ngã tách biệt, thì con mới thực sự lấy lại quyền năng của con – bởi vì con có khả năng tự thay đổi cho dù người kia không sẵn lòng thay đổi.

Chúng tôi đã nói gì? Rằng con đã tự đặt mình vào những mối quan hệ với những người có một tâm lý đặc thù nào đó sẽ bắt buộc con phải giải quyết các vấn đề tâm lý của con. Một số những người này mang tâm lý rất nan giải, một số còn là sa nhân với rất ít hy vọng sửa đổi. Có lẽ tất cả các con đều quen biết một số người có rất ít hy vọng sửa đổi khi con nhìn vào chính họ và quá khứ của họ. Làm thế nào con có thể tự thay đổi, làm thế nào con có thể tự giải thoát khi họ sẽ không thay đổi?

Đúng vậy, con sẽ chỉ tự do được khi con nhìn nhận là con có khả năng tự thay đổi cho dù người khác không thay đổi, bởi vì con có quyền năng giải thể những ngã tách biệt mà con đang mang. Chính những ngã tách biệt này đã khiến con phản ứng lại người kia, và do đó, chính ngã tách biệt này đã khiến con bị quấy nhiễu bởi người kia. Và cách duy nhất để vượt qua cảm giác này, vượt qua phản ứng này, là giải quyết ngã tách biệt.

Đâu là phép lạ của lời dạy này về ngã tách biệt? Phép lạ đó là như sau: Không hề có vấn đề gì mà con cần phải giải quyết. Trong lối suy nghĩ của thế gian, nếu có ai đó gần gũi với con đang làm khổ con, con sẽ nghĩ: “Vấn đề này nằm ở cách cư xử của người kia, cho nên cách duy nhất để tôi thoát ra là phải thay đổi người kia. Tôi phải giải quyết vấn đề cư xử của người kia.”

Phép lạ của lời dạy về ngã tách biệt chỉ giản dị là con có khả năng lấy lại quyền năng của con và nói: “Tôi không cần phải thay đổi người kia hầu thoát khỏi các khuôn nếp phản ứng của tôi. Tôi có thể tự thay đổi, tôi có thể để cho ngã chết đi. Hoàn toàn không có một điều gì, không có một vấn đề gì mà tôi cần phải giải quyết. Tôi chỉ cần đơn giản nhìn ra rằng phản ứng của tôi bắt nguồn từ một cái ngã tách biệt. Và khi tôi để cho ngã này chết đi, phản ứng sẽ không còn đó nữa, và do đó vấn đề cũng được giải quyết.” Bởi vì một lần nữa, vấn đề của con là gì chứ nhỉ? Có thật là vấn đề của con là cách cư xử của người kia hay không? Không đâu, vấn đề của con là phản ứng của con, bởi vì chính phản ứng này mới tác động trên con.  

Con có thể giải quyết vấn đề phản ứng của con mà không giải quyết vấn đề cư xử của người kia. Đây là một lời dạy cách mạng, một lời dạy thần diệu so với những gì đã được giảng dạy trong ngành tâm lý học hay các giáo lý tâm linh.  Nhiều người trong số các con đã áp dụng được rồi và đạt được kết quả đáng kinh ngạc. Nhiều người trong số các con cũng sẽ kinh ngạc khi các con thấy nó hiệu nghiệm như thế nào. Và tất cả các con đều có thể kinh nghiệm điều này. Thật là có một phép thần diệu ở đây. Chúng ta có thể gọi đó là phép thần diệu của gia tốc.

Đây là khi con nhìn nhận, như các thượng sư khác có dạy, rằng con đã cố tình tự đặt mình vào một mối quan hệ với một người vô cùng khó khăn. Con đã làm như vậy để buộc bản thân con, buộc ngoại tâm của con, phải công nhận rằng con có những điều mà con cần vượt qua trong tâm lý mình, trong bản thân mình. Con tự buộc con phải giải quyết nó, phải cải sửa nó, hầu con tự giải thoát khỏi nó. Con giải thoát khỏi nó để con có thể phụng sự cao hơn và hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con trong kiếp này và những kiếp sau, hoặc để con được tự do mà thăng thiên.    

Nhưng ta cũng biết, sự gia tốc có thể dễ dàng bị hiểu lầm. Thực tế là trong nhiều đợt truyền pháp trước đây, nhiều học trò đã hiểu lầm điểm này. Rồi họ xem Serapis Bey là một vị thày vô cùng nghiêm ngặt, luôn luôn có giọng nói nghiêm khắc – y như ta đang làm ngay bây giờ đây, con có nghĩ vậy không? Và hình như ta luôn luôn đòi hỏi kỷ luật sắt đá từ học trò của ta. Sự thật là ta chỉ muốn gia tốc. Đó là tại sao ta nói năng mạnh mẽ. Hầu ta cắt xuyên qua mọi kháng cự. Tuy nhiên ta không hề có ý định thúc ép học trò gia tốc, và ta cũng không muốn học trò của ta sử dụng vũ lực.     

Ta vẫn biết là khi con lái một chiếc xe cần gia tốc, làm thế nào con cho nó gia tăng tốc độ đây? Con phải đạp mạnh chân ga để chiếc xe nhận thêm sức mạnh phóng tới đằng trước. Nhưng trên phương diện tâm linh, đó không phải là cách mà con gia tốc. Tại sao không? Bởi vì gia tốc trong ý nghĩa tâm linh không phải là chuyện vận dụng sức mạnh. Ngược lại, đó là chuyện lấy đi sức mạnh, là cái sức mạnh đang giữ con buộc chặt vào địa cầu, là cái sức mạnh khiến con giảm tốc, kéo con xa hơn Hiện diện TA LÀ và gần hơn với trái đất. Khi con loại bỏ sức mạnh này đang giữ con lại địa cầu, con sẽ tự động gia tốc về phía Hiện diện TA LÀ và sự thăng thiên.

Không một ai đã từng thăng thiên mà lại vận dụng quyền năng vật lý to lớn đó, sức mạnh vật lý khổng lồ đó. Mà trái lại, thăng thiên xảy ra do sự buông bỏ, là đối nghịch của vũ lực – hay đúng hơn, là sự thăng vượt hoàn toàn mọi vũ lực. Con buông ra, con đầu hàng, con bỏ lại. Và khi đó, sinh thể đã từng đi xuống từ thiên đàng sẽ tự động được gia tốc và thăng trở lên thiên đàng, là nơi không còn một sức mạnh nào sẽ buộc nó vào trái đất. Đây là cách con thăng thiên. Đây là những gì ta giảng dạy trong khóa nhập thất của ta tại Luxor cho những học trò nào đã sẵn sàng, và tất nhiên điều này cần một chút thời gian.

Trên căn bản, con cần lên cao hơn tầng tâm thức thứ 124 trước khi con thể nhập được hoàn toàn điều này, nhưng ta vẫn đưa ra cho con hôm nay để ít ra con sẽ giữ nó trong ngoại tâm của con. Rồi đôi khi con có thể suy ngẫm về điểm này, và chắc chắn con có thể đem ra áp dụng hầu ngộ được sự thật rằng việc vượt qua ngã tách biệt không phải là chuyện vận dụng sức mạnh.

Chúng tôi đã chứng kiến một số học trò, đặc biệt là học trò từ các lần truyền pháp trước, đã từ lâu quen thói đem bài chú ra đọc mỗi khi họ cần vượt qua một vấn đề nào đó. Và họ cho rằng để thật sự khắc phục được trở ngại, họ cần sử dụng càng nhiều sức mạnh càng tốt. Tất nhiên là việc đọc chú với một khí thế nào đó cũng rất hữu ích. Tuy nhiên như chúng tôi đã từng trình bày, nhiều người lại tạo thêm nghiệp quả khi họ phú cho bài chú một rung động phát xuất từ sợ hãi, và họ không gia tốc được. Sự sợ hãi sẽ giảm tốc, trong khi tình thương sẽ gia tốc. Con thấy không, mặc dù chúng tôi đã nói với con rằng con đọc chú để làm tan năng lượng, nhưng chúng tôi không muốn con đọc chú trong sự sợ hãi. Con không nên nghĩ rằng con cần phải sử dụng sức mạnh to lớn đó, và nếu con không đạt được kết quả con muốn qua đọc chú thì con phải đọc to hơn, nhanh hơn, nhiều hơn, lâu hơn nữa. Nhưng con yêu dấu, con không đang chạy đua tại Thế vận hội. Con không phấn đấu để luôn chạy xa hơn.      

Nếu con khôn ngoan, con sẽ nỗ lực tìm ra một cách tiếp cận nào khác, một cách tiếp cận sự phát triển tâm linh không phát xuất từ vũ lực. Vũ lực sẽ không bao giờ đưa con vào thiên đàng. Không một vũ lực nào sẽ đưa con vào thiên đàng. Nếu có thể làm được chuyện đó thì từ lâu các sa nhân đã vào được thiên đàng rồi, và chúng đã tung hoành khắp cõi tâm linh và làm hỏng mọi chuyện. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nói giản dị, đây là cơ năng an toàn của cõi tâm linh, và chỉ có tình thương và phi vũ lực mới giúp con trở thành một sinh thể quyền năng như một chân sư thăng thiên, một đại thiên thần, một elohim, hay thậm chí cả những sinh thể ở những tầng cao hơn của đại đoàn vũ trụ.

Ta đã vừa trao cho con điều ta muốn trao trong lần giảng dạy này. Ta tin rằng nó sẽ ích lợi cho một số trong các con. Lẽ tự nhiên, mỗi chúng tôi là thượng sư của bảy tia sáng sẽ trao cho con một số ý tưởng. Con không nhất thiết phải chú ý đồng đều đến mỗi ý tưởng được ban ra, mà con cần nhập vào câu hỏi: Tôi đang ở mức nào trong hiện tại? Tôi cần làm gì ngay bây giờ? Sau đó con hãy tập trung vào một tư tưởng từ một vị thày, trong số những giáo lý con nhận được trong webinar này, và con tận dụng tối đa tư tưởng đó. Rồi sẽ tới một điểm trong tương lai khi con sẽ sẵn sàng xem đến những ý tưởng kia. Nhưng chắc chắn chúng tôi hy vọng rằng bảy chiếc chìa khóa mà chúng tôi đang trao cho con sẽ quý giá đối với con ở những giai đoạn khác nhau trên hành trình tâm linh của con, cũng như cuộc hành trình mà con đang đi hầu giải quyết thái độ của con trong quan hệ. Với lời này, ta niêm con trong ngọn lửa trắng, nóng và gia tốc của tia sáng thứ tư mà TA LÀ.       

Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/10/2021, nhân dịp Webinar 2021 cho Hàn quốc – Là cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu.

Ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Thày Giê-su vừa nói đến sự kiện có quá nhiều tín đồ đạo Cơ đốc không thấy được mối liên hệ nào giữa thày và công nghệ hiện đại. Chắc chắn một điều tương tự cũng có thể nói về rất nhiều Phật tử không thấy mối liên hệ nào giữa sự thị hiện rất “phi công nghệ” của ta cách đây 2500 năm và xã hội phương Tây là xã hội hiện đại với công nghệ rất cao. Nhưng ta đang giữ một trách nhiệm tâm linh cho hành tinh này, là Chủ tể của Thế giới. Vậy chức năng của trách vụ này là gì?

Nạn nghèo đói và ý thức hệ

Hiển nhiên, đó là nâng cao tâm thức loài người, và ta hỗ trợ hoàn toàn mục tiêu xóa nghèo. Và tất nhiên ta biết rõ, như các thày Saint Germain và Giê-su đã có trình bày, để cho điều này xảy ra, để mức sống vật chất của con người được nâng lên, chúng ta cần đến những hình thức công nghệ mới, bởi vì vấn đề này chỉ có một giải pháp công nghệ.

Chắc con cũng nhận thấy khi ta thị hiện 2500 năm về trước, toàn bộ dân số trên địa cầu rất, rất ít so với ngày nay. Do đó hầu hết mọi người vào thời đó, ít ra trong khu vực ta thị hiện, có một mức sống tương đối thoải mái trong một xã hội nông nghiệp. Con có thể thấy trên thế giới đã có những thời kỳ xã hội nông nghiệp khi cuộc sống con người tuy không mấy sung túc, nhưng người ta cũng không đến nỗi chết đói, không đến nỗi phải lo lắng bữa cơm tới của mình sẽ đến từ đâu. Cái giá mà họ phải trả, dĩ nhiên, là họ phải bỏ ra phần lớn thời gian làm lụng để duy trì một mức sống vật chất, một đời sống vật chất nào đó.

Rõ ràng là trong những xã hội này, cách duy nhất để con người có thể tập trung vào việc tu tập tâm linh là rút về một tu viện hay một nơi ẩn cư nơi họ không có nhu cầu phải bỏ ra toàn bộ thời gian lo việc nuôi thân. Đây là một mô thức khá thực tế cho thời đó, nhưng kể từ đó tất nhiên với sự gia tăng dân số mạnh mẽ trên địa cầu, con gặp phải tình trạng một xã hội nông nghiệp không còn khả năng cung ứng mức sống tốt đẹp cho số đông được nữa. Và cũng vậy, xã hội vật chất hay công nghệ cũng không có khả năng cung ứng mức sống đó. Tuy vậy, phải nói là nếu các nguồn tài nguyên sẵn có được phân phối đồng đều hơn, thì nạn nghèo đói, ít ra là trong những dạng cùng cực nhất, chắc chắn có thể được giảm thiểu đáng kể.

Như luôn luôn, vấn đề không chỉ là công nghệ, mà vấn đề là tư duy, là ý thức hệ, và đặc biệt là ý thức hệ đã khoác vào nhiều dạng cụ thể, và tất cả những dạng này đều hỗ trợ cho sự hiện hữu của một giai cấp thượng lưu nhỏ hẹp với một mức sống khác hẳn mức sống của quần chúng rộng lớn. Con có cái mà ta gọi là những ý thức hệ thường tình phổ quát, vượt ra khỏi các dạng hệ tư tưởng đặc thù hơn, sự phân biệt ưu tú đặc thù hơn. Và một trong những ý thức hệ này nằm sâu bên dưới là sự phân chia xã hội thành những phân loại hay giai cấp tách biệt. Đây tất nhiên, phần nào là vấn đề mà ta đã cố giúp xã hội và dân chúng thời đó vượt lên khỏi. Con sẽ thấy là khi ta bước chân trên địa cầu, xã hội thời đó là một xã hội nông nghiệp bị Ấn giáo chi phối, và Ấn giáo chủ trương phân chia con người thành bốn giai cấp thật rõ ràng, và ngay cả ngày nay con vẫn thấy hệ thống giai cấp này được Ấn giáo tiếp nối và duy trì. Đương nhiên, điều ta đã cố làm là thành lập một tôn giáo không chấp nhận, hay không dựa trên một sự phân chia con người như thế.   

Khi con nhìn đạo Phật, con thấy là tất nhiên, tâm thức phân rẽ đã len lỏi vào được trong đó, cho nên mới có sự phân biệt giữa người đạo Phật và người không đạo Phật, người thuộc môn phái này hay biến thể kia của đạo Phật. Một số tự xem mình là cao trội và các môn phái khác là thua kém, vân vân. Và lại có cả những người xem giai cấp tu sĩ đạo Phật phần nào đứng cao hơn quần chúng, nhưng ngay cả quần chúng thì vẫn cao hơn những kẻ chưa sẵn sàng nhận được bất kỳ giáo lý tâm linh nào. Một lần nữa, con tìm thấy những phân chia như vậy trong xã hội, và đó tất nhiên là điều mà ta đã cố giúp con người vượt qua bằng cách khắc phục tâm thức nhị nguyên.

Vấn đề kiểm soát

Bởi vì dĩ nhiên, chính tâm thức nhị nguyên là nền tảng và cũng là phương pháp mà cách phân chia như thế được tạo ra. Ở đây ta muốn giảng cho con một số điều tiếp nối những gì chúng tôi, các chân sư, đã trao cho con trước đây, nhưng đi xa hơn một chút. Con có thể xem đến một số lời dạy của chúng tôi về sa nhân, là những kẻ đã thực sự đưa hành tinh địa cầu vào vòng xoáy đi xuống khi chúng đem tới đây một cách hiểu cực đoan hơn về nhị nguyên. Chúng tôi có nói là các xã hội trên địa cầu đã rơi vào nhị nguyên trước đây nhưng không đến nỗi những hình thức hung hãn của nhị nguyên, vì đây chính là hình thức mà sa nhân đã đem đến đây. Chúng tôi có nói là các sa nhân hình thành một nhóm thượng lưu quyền lực khi chúng đầu thai, và chúng lập ra nhiều nhóm ở các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc. Chúng tôi cũng có nói là mục đích của chúng là nắm quyền kiểm soát địa cầu, kiểm soát loài người trên địa cầu, trong âm mưu rộng lớn hơn là chứng minh Thượng đế sai lầm.

Điều ta muốn bàn đến ở đây là chủ đề kiềm soát. Có vẻ như trên địa cầu có một số xã hội gần như bị hoàn toàn kiểm soát bởi một thiểu số thượng lưu. Chúng có thể là chế độ độc tài, như các nước cộng sản chẳng hạn, Liên xô dưới Stalin, Đức dưới Hitler, Trung quốc dưới Mao và nhiều ví dụ khác nữa, Bắc Hàn dưới chế độ hiện hữu. Dựa trên đó, con có thể nghĩ sa nhân có khả năng áp đặt một độ kiểm soát rất cao trên các xã hội. Có người cho rằng sa nhân cũng kiểm soát chặt chẽ một số xã hội đã trở thành dân chủ và các xã hội này thực sự là những chế độ độc tài, nhưng thực tế là ngay cả ở một nước nghiêm ngặt như Liên xô, sa nhân cũng không nắm được kiểm soát toàn diện.

Chúng chưa bao giờ toàn quyền kiểm soát được địa cầu, và chúng sẽ không bao giờ làm được chuyện đó, tại sao vậy? Bởi vì sa nhân là nạn nhân của chính tâm lý của chúng. Chúng tôi nói sa nhân đã làm gì? Chúng đã bị rơi vào tâm thức nhị nguyên, chúng đã hoàn toàn bị bao trùm, bị chế ngự, bị đui mù, bị mắc bẫy, bị đồng hóa với tâm thức nhị nguyên. Nhưng điều gì xảy ra trong tâm thức nhị nguyên chứ?

Trong tâm thức đó, con lấy toàn bộ chiều rộng của nhận thức con người, xong con tập trung vào một lãnh vực nhất định và con nâng nó lên vị thế tuyệt đối của một chân lý – như một ý thức hệ cao trội, hay tôn giáo cao trội, hay cái gì gì nữa. Và con dùng cái đó, đưa nó ra làm chuẩn mực để lượng định xem mọi thứ là đúng hay sai, tốt hay xấu. Và con có thể nghĩ, những kẻ đã chiếm đoạt được đặc quyền định nghĩa vấn đề là gì, đã kiểm soát chuẩn mực để đo đạc mọi thứ theo chuẩn mực đó, thì chúng phải kiểm soát được sự suy nghĩ của mọi người.

Tuy nhiên trong nhị nguyên, con không bao giờ có thể kiểm soát được toàn diện, vì lý do giản dị là khi con lấy ra một đơn vị khỏi tổng thể và nâng nó lên vị thế cao trội, con bắt buộc sẽ tạo ra một sự mất cân bằng cơ bản. Chúng tôi đã có nói về định luật thứ hai của nhiệt động học sẽ đưa mọi vật trở về trạng thái năng lượng thấp nhất có thể có, nhưng chúng tôi cũng có thể bảo đó thực sự chỉ là sự minh hoạ của định luật cân bằng của vũ trụ. Không phải là luật cân bằng, hay ngay cả định luật thứ hai của nhiệt động học, cố đưa tất cả vào một trạng thái không phân biệt, mà quy luật vũ trụ được thiết lập để đảm bảo mọi thứ tăng trưởng đến những trạng thái ngày càng cao hơn, nhưng là một sự tăng trưởng bền vững, liên tục và tuần tự.

Điều con làm trong nhị nguyên là con tách rời con ra khỏi sự tăng trưởng vững bền liên tục đó, và con tạo ra một trạng thái mất cân bằng bằng cách con chù trương, thay vì tổng thể được tăng trưởng, con lại muốn sự tăng trưởng cục bộ của một ý thức hệ, một nhóm người hay một tầng lớp thượng lưu mà thôi, và điều này chỉ có thể xảy ra bằng cách tước đi một cái gì đó từ tổng thể. Nói cách khác, một nhóm ít người tước đoạt một cái gì đó từ tổng thể, và chính điều này vi phạm quy luật cân bằng của vũ trụ, vì khi tổng thể mất cân bằng thì quy luật vũ trụ sẽ kéo nó trở về cân bằng.

Luôn luôn sẽ có một đối cực kéo bất kỳ mất cân bằng nào trở về trạng thái cân bằng. Đây là điều mà chúng tôi đã mô tả là một đặc điểm của nhị nguyên, nghĩa là khi con tạo ra một đối cực nhị nguyên, nó cũng đồng thời tạo một đối cực nhị nguyên trái ngược. Đây là điểm mà triết gia Hegel đã mô tả là phép biện chứng, nghĩa là khi một tư tưởng hay một lý thuyết trở thành luận đề tạo ra phản đề, thì sẽ có một cuộc đấu tranh giữa hai lực, dẫn đến kết quả một trạng thái mới gọi là tổng hợp, tuy nhiên chính tổng hợp này lại trở thành luận đề kế tiếp tạo ra một phản đề mới nữa, rồi lại có một cuộc đấu tranh, vân vân và vân vân cho đến vô tận. Hegel tin đó là cách thức người ta đạt được tiến bộ và là cách thức duy nhất. Đấy là sự giới hạn trong cái nhìn của Hegel.

Thật ra đó lá cách thức vận hành trong một trạng thái mất cân bằng, bởi vì khi con có cân bằng, con vẫn tăng trưởng nhưng không có đấu tranh, không có đối lập, không có căng thẳng giữa hai đối cực. Tất cả những gì xảy ra trong một trạng thái cân bằng trên một hành tinh tự nhiên đều nhắm vào việc nâng cao tổng thể. Chỉ khi con tìm cách nâng cao một thành phần của tổng thể qua việc hạ thấp phần còn lại của tổng thể, thì con mới có mất cân bằng, mới có đối lập, mới có đấu tranh biện chứng. Điều mà Hegel và Marx đã làm là nhìn vào một trạng thái mất cân bằng xuất hiện đâu đó trên địa cầu, rồi cố dùng nó để tạo ra một xã hội lý tưởng hơn không còn xung đột mâu thuẫn. Hiển nhiên, chuyện này không bao giờ có thể thực hiện được, vì một dạng mất cân bằng không thể dẫn đến hài hòa và trọn vẹn, mà nó chỉ dẫn đến một dạng mất cân bằng khác mà thôi.

Tại sao ta nói là sa nhân không có quyền kiểm soát? Bởi vì mỗi khi chúng lấy một tư tưởng, một nhóm người hay một tôn giáo và nâng lên vị thế cao trội, chúng cũng tạo ra một đối nghịch. Nghĩa là chúng sẽ không bao giờ có thể đạt đến trạng thái mà chúng mơ ước, tức là một quyền kiểm soát vĩnh viễn mà không gì có thể đe dọa. Luôn luôn sẽ có một sự đối lập, hay đe doạ, cho quyền kiểm soát của chúng. Tất nhiên, điều này chúng không thể nào chịu được, cho nên chúng bắt buộc phải tìm cách tiêu diệt đối lập. Đó là vì sao con thấy tất cả những ý thức hệ loại đó luôn luôn chứa đựng ý tưởng là có phải và trái, có đúng và sai. Có những người theo phe đúng, có những người theo phe sai, và những ai theo phe đúng phải tiêu diệt những ai theo phe sai. Vì thế mới có đấu tranh liên tục. Chuyện này là một đặc điểm không thể thiếu của nhị nguyên.

Không có an bình trong phản ứng  

Nhưng bây giờ con hãy nhìn vào tâm lý của sa nhân. Chuyện gì xảy ra trong tâm lý sa nhân? Như các chân sư khác đã nói, khi con là avatar mới đến địa cầu, con đã phải nhận chịu một chấn thương gọi là chấn thương nhập đời. Còn sa nhân thì sao? Nơi bầu cõi chúng bị sa ngã, khi chúng phải đối mặt với các chân sư thăng thiên, đối mặt với sự thật là có một quyền uy lớn hơn quyền năng của chúng, thì chúng cũng nhận chịu một chấn thương, hay chúng tạo ra chấn thương, như chính con cũng từng làm vậy.

Kể từ đó trở đi, sa nhân đã luôn tìm cách bù đắp cho chấn thương mà cảm giác mất mát đó đã gây ra. Chúng đã mưu toan giành lấy quyền kiểm soát hầu tìm cầu một tâm trạng bình an, không bị phân rẽ, không bị tổn thương và đau đớn bởi chấn thương. Nhưng tất nhiên, điều này chúng không thể làm được vì chúng cố làm qua trung gian tâm thức nhị nguyên, mà nhị nguyên thì bắt buộc phải tạo ra đối nghịch. Luôn luôn phải có một cặp đối nghịch. Vậy có nghĩa là gì?

Có nghĩa là một sa nhân, một sa nhân nào đó, sẽ bắt đầu tìm cách nâng cao, chẳng hạn, một tôn giáo nào đó thành tôn giáo cao trội. Nó sẽ tin là nếu nó có thể tạo ra một tình trạng trên địa cầu nơi ai ai cũng đi theo tôn giáo đó và không có ai thách thức, không có ai chống đối tôn giáo đó, thì hẳn là nó sẽ vô cùng yên trí. Nó sẽ nắm quyền kiểm soát. Và nó sẽ cảm thấy là nó nắm toàn quyền, vì đó là cách duy nhất mà một sa nhân có thể mường tượng sự yên trí. Không hẳn là sa nhân tìm cầu sự yên trí, mà nó tìm kiếm một thế cân bằng nào đó nơi nó có thể cảm thấy mình làm chủ tình hình, và cách duy nhất nó có thể nghĩ ra là nắm quyền lực một cách độc đoán. Nhưng cho dù sa nhân có phấn đấu đến đâu, nó cũng sẽ không bao giờ đạt được trạng thái tâm lý nơi nó cảm thấy nó làm chủ và nắm quyền lực tuyệt đối.

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là, như chúng tôi đã có nói, tâm lý của một sa nhân thật sự là định nghĩa chính xác nhất về chứng rối loạn đa nhân cách (split personality disorder), chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder). Một sa nhân có vẻ như kiểm soát được tình hình, chẳng hạn như Stalin, nếu nói về sự kiểm soát trong cõi vật lý thì Stalin hoàn toàn kiểm soát Liên xô, vì ông muốn gì thì người ta răm rắp làm theo. Nhưng nhìn vào tâm lý của Stalin, con sẽ thấy ông hoàn toàn không kiểm soát được trạng thái tâm ông, vì ông luôn luôn cảm thấy mình bị đe dọa, luôn luôn sợ hãi, luôn luôn tìm cách triệt hạ mọi tiềm năng đe dọa bằng cách sát hại ngay cả những cộng tác viên thân cận nhất của mình. Mao, Hitler, cũng tương tự như thế. Điều con thấy ở đây là sa nhân bị mắc kẹt trong nhu cầu ám ảnh cưỡng chế đó, luôn tìm cách tạo ra một trạng thái – có thể nói là – yên tâm, hay ít ra không bị đe dọa, nhưng nó lại làm vậy bằng cách tiêu diệt một cái gì khác.

Hiển nhiên, không một sự an bình hay một thế cân bằng nào có thể đạt được qua hủy diệt, nhưng sa nhân sẽ không bao giờ nhìn ra được chuyện đó từ tâm thức nhị nguyên. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói là sa nhân có vẻ như kiểm soát được ngoại cảnh, nhưng trong nội tâm, sa nhân không ngừng phản ứng, và tất nhiên, khi con phản ứng lại những hoàn cảnh vượt quá tầm kiểm soát của mình, làm sao con có thể giữ được kiểm soát? Không thể được. Sa nhân không bao giờ kiểm soát được chính tâm lý của chúng. Chúng luôn luôn phản ứng lại những mối đe dọa, cho dù là thực hay là tưởng tượng.

Khi ta nói “thực”, tất nhiên là ta dùng dấu ngoặc kép, mặc dù con có thể bảo là có một số đe dọa hiện hữu trong cõi vật lý, và có một số đe dọa khác thì do sa nhân bịa đặt ra trong tâm trí. Kỳ thực, khi con trong tư cách là một học trò tâm linh nhận ra điều này, đương nhiên con sẽ nhận ra là tâm lý của sa nhân cũng không khác tâm lý của con người trên cơ bản. Sa nhân chỉ cực đoan hơn mà thôi. Con là một học trò tâm linh, chừng nào con còn mang chấn thương nhập đời, thì con cũng sẽ ở trong tâm trạng phản ứng lại những sự kiện có vẻ vượt khỏi tâm kiểm soát của con, và con cũng làm vậy bằng cách tạo ra một cảm giác cân bằng, an tâm, yên trí nào đó.

An bình nội tâm

Khi con nhận ra điều này, con cũng nhận ra đây là một tâm thức vô cùng xưa cũ trên hành tinh địa cầu, một động lượng đã có từ rất lâu, thậm chí một con quái vật tập thể luôn khiến con người tạo dựng một cảm giác an tâm qua nhiều phương cách. Một phương cách, chẳng hạn, trong cõi vật lý là xây thành lũy kiên cố với tường dày đến độ không một kẻ thù nào có thể đâm thủng, rồi con tích trữ lương thực để cố thủ trong đó thật lâu, chẳng khác gì cách phản ứng sợ hãi của những kẻ gọi là lãnh đạo xã hội thời trung cổ. Hay con cũng có thể dùng nhiều phương cách khác, qua khoa học, qua công nghệ, hay con mua bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ hoặc mọi loại bảo hiểm mà con có thể nghĩ ra, hay con cũng có thể tích trữ nhiều tiền bạc đến độ con tưởng con sẽ có thể tung tiền mà thoát khỏi mọi khó khăn. Nhưng phương cách của con cũng có thể là tôn giáo hay giáo lý tâm linh. Con thấy Giê-su đã nói gì về những tín đồ Cơ đốc tạo dựng một tâm trạng mà họ tưởng là cân bằng do họ tin chắc là họ sẽ được cứu rỗi khi Giê-su tái lâm, và họ tin chắc là họ chỉ cần tiếp tục sống cuộc đời thoải mái và có lẽ đóng góp một chút tiền bạc cho từ thiện.

Con thấy trong Phật giáo có bao nhiêu người, ngay cả những vị tu sĩ trong tu viện, cũng đã tạo ra một trạng thái tương tự như vậy, có vẻ rất cân bằng và yên ổn vì họ cho là mình chỉ cần tiếp tục sống cuộc đời tu hành, tuân thủ mọi yêu cầu tụng niệm, cầu nguyện, tu tập, thiền định, và điều này và điều kia. Nói cách khác, đó là con đường vỏ ngoài, con đường tự động mà qua đó con nghĩ con có thể đắc đạo hay nhập niết bàn mà không cần xem xét đến tâm thức của mình và chuyển đổi tâm thức.

Tất nhiên, như chúng tôi đã nói nhiều lần, có những học trò tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên cũng đã cố làm y chang như thế với giáo lý của chân sư, và hiển nhiên, đó là chuyện khả thi. Chuyện này dễ hơn trong những đợt truyền pháp trước, và nó khó hơn hẳn trong đợt truyền pháp này, vì lần này, lần đầu tiên ít ra là trong lịch sử được ghi chép, chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm để phơi bày ra các cơ chế tâm lý, hầu con chỉ có thể vừa ở lại với giáo lý, vừa xây đắp một cảm giác yên ổn, bằng cách con bỏ qua, hay phủ nhận, một phần đáng kể của giáo lý. Nếu con là người cởi mở, tất nhiên con nhận ra là con không thể là một cánh cửa mở hoàn toàn nếu con dùng giáo lý theo cách đó. Con cần bước vào một trạng thái – và đa số các con đã bước vào rồi – nơi mình sẵn lòng xem xét tâm lý mình một cách liên tục, sẵn lòng giải quyết những gì cần giải quyết, rồi vươn lên cao hơn hầu thực sự trở thành một cánh cửa mở.

Tất nhiên, điều mà con cũng gặt hái được qua cách này là một trạng thái an bình chân thực hơn. Chúng tôi có nói là luôn luôn sẽ có những ảo tưởng mà con cần vượt qua cho tới khi con thăng thiên, nhưng chúng tôi cũng có nói là điều này không có nghĩa là con phải sống hết kiếp này trong một tâm trạng thiếu sót, cảm thấy như mình luôn luôn bất cập, khiếm khuyết, như luôn luôn có điều gì mình chưa làm hay cần phải làm. Điểm mà con cần thực sự đạt đến là sự chấp nhận. Con chấp nhận chính mình như một học trò sẵn lòng bước đi trên đường tu, luôn luôn tìm xem mình có cần nhìn ra điều gì trong tâm mình, trong tâm lý mình. Một khi con vượt qua được điểm đó, là điểm mà chúng tôi gọi là điểm kháng cự không muốn nhìn vào tâm lý mình, thì con sẽ có được một cảm giác an bình nội tâm nào đó, vì không có điều gì trong tâm mà con sợ nhìn vào, không có gì trong tâm lý của con mà con không thể khắc phục, không có gì trong thế gian mà con cần sợ hãi.

Điều kiện ngoại cảnh có mục đích gì

Tại sao con người lại sợ ngoại cảnh? Họ có nhiều lý do. Họ nói, tôi sợ đau ốm, tôi sợ đau đớn, tôi sợ này sợ kia. Phải, điều này có thể thông cảm được. Nhưng dù sao đi nữa, tại sao họ lại sợ một điều kiện bên ngoài chưa thị hiện? Bởi vì họ sợ nó sẽ tác đông đến tâm lý của họ như thế nào. Như chúng tôi đã có trình bày, không phải là điều kiện vỏ ngoài khiến con đau đớn. Nỗi đau hiện hữu trong tâm con. Ngay cả đau đớn thể xác cũng hiện hữu trong tâm con, hay ít nhất nó khơi ra một phản ứng trong tâm con. Đó là điều khiến nó không chịu đựng nổi. Kỳ thực, con luôn luôn lo sợ phản ứng của con đối với một điều kiện bên ngoài thay vì chính điều kiện đó. Nhưng nếu con biết là con có thể khắc phục phản ứng đó bằng cách nhìn vào phản ứng cũng như ngã tách biệt đằng sau nó, thì tại sao con lại cần lo sợ phản ứng? Và nếu con không lo sợ phản ứng thì tại sao con lại cần sợ hãi điều kiện đó?

Thật sự, điều mà một số các con đã bắt đầu sẵn sàng nhìn nhận là con không có lý do gì để sợ hãi bất cứ điều kiện nào trên địa cầu. Phần nào đây cũng là điều mà Giê-su đã chứng tỏ khi thày chấp nhận để mình bị đóng đinh trên thập tự giá. Con có thể nói là nếu việc bị đóng đinh và chịu đựng nỗi đau đớn tạm thời đó đã giúp cho thày đủ tư cách thăng thiên, thì liệu việc trải qua nỗi đau nhất thời đó chẳng bõ lắm hay sao? Con thử nhìn xem Giê-su sau khi thày thăng thiên. Thày có thể nhìn lại những giờ phút đau đớn đó, nhưng chuyện đó còn hề chi nữa? Trong trạng thái thăng thiên, bất cứ gì đã xảy ra trên địa cầu có còn quan trọng gì nữa không?

Chúng tôi đã nói gì về mục đích thực sự của địa cầu, của trải nghiệm của con trên địa cầu? Đó là để nâng cao tâm thức. Một phần công việc nâng cao tâm thức là con phải vượt qua một cái gì đó nơi bản thân con – những cái ngã tách biệt, hay cái gì khác nữa. Và để vượt qua cái đó, con phải nhìn thấy nó. Và để nhìn thấy nó, chuyện gì cần xảy ra? Phải, đôi khi con có thể nhìn thấy nó qua một tiến trinh nội tâm. Nhưng có những thứ mà con không thể nhìn thấy, hoặc ít ra con sẽ nhìn thấy nhanh chóng hơn nếu nó được các điều kiện ngoại cảnh kích hoạt cho hiển lộ ra.

Đâu là mục đích của bất kỳ trải nghiệm nào mà con có thể có trên địa cầu? Đó là để làm hiện rõ ra trong nội tâm của con một số điều kiện đang hạn chế con – đó chính là tại sao con mới có một phản ứng khó chịu – hầu con có thể nhìn thấy điều kiện đó, giải quyết nó và được giải thoát khỏi nó. Và một khi con đã giải thoát khỏi điều kiện đó trong chính con, thì điều kiện bên ngoài hoàn toàn vô can, không dính dáng gì đến con nữa. Nếu con không có phản ứng tiêu cực nào đối với điều kiện, thì nó có quan trọng gì nữa không? Nó không kìm hãm được sự tăng trưởng tâm linh của con.

Một khi con bắt đầu suy ngẫm điều này, con có khả năng đạt đến một điểm khi con xoay chuyển một cách ý thức, và con nói: “Tại sao tôi lại sợ tất cả những điều kiện đó có thể xảy đến? Tại sao tôi lại cần sợ tất cả những điều kiện đó? Bất cứ gì xảy ra cũng sẽ tạo ra phản ứng. Khi tôi nhìn thấy phản ứng, đó là cơ hội cho tôi tìm kiếm những ảo tưởng, những cái ngã tách biệt đã gây ra ảo tưởng, hóa giải những ảo tưởng đó, để cho ngã tách biệt chết đi, và khi đó tôi được tự do. Tại sao tôi lại sợ những chuyện xảy ra cho mình khi thật sự chúng sẽ giúp mình đạt được giải thoát tối hậu và thăng thiên? Tại sao tôi cần phải sợ bất cứ điều kiện nào? Liệu tôi có thể nói, “Chuyện gì xảy ra cũng được! Bất cứ gì xảy ra cũng được!”?

Hết sợ hãi

Một lúc nào đó con hãy thử ngồi xuống trong một khung cảnh yên lắng, nhắm mắt lại, tập trung vào trái tim rồi nói: “Bất cứ gì xảy ra cũng được.” Xong con dõi nhìn xem phản ứng đến từ bên ngoài tim con, đặc biệt từ những luân xa bên dưới, từ cảm thể của con. Con nhìn xem con có phản ứng thế nào. Thử theo dõi phản ứng. Thử nhìn xem con có nhận diện được một ngã tách biệt nào hay không. Nhìn xem cái tin tưởng đứng đằng sau nó. Con đang thực sự sợ hãi điều gì? Tại sao con lại nghĩ, đây là một chuyện khủng khiếp mình cần phải tránh? Cái gì ở trong điều kiện đó mà con thực sự sợ hãi, và con sẽ thấy đó là phản ứng bên trong con, nhưng một phản ứng bên trong thì con có khả năng ảnh hưởng. Con có thể bó tay không làm gì được đối với điều kiện bên ngoài, nhưng con có thể làm gì đó với phản ứng của con. Không phải đây chính là cốt lõi lời dạy của các chân sư hay sao?

Tại sao con thực sự sợ nó? Con có nghĩ là con cần sợ nó? Điều này sẽ lần hồi dẫn con – đồng ý, tất cả các con sẽ cần thời gian để đạt tới đó – nhưng nó sẽ dẫn con đến điểm khi con có thể nói: “Ừ nhỉ, bất cứ gì mà tôi gặp trên địa cầu chỉ là một thử nghiệm. Nó không có gì là thực, theo nghĩa là nó không có quyền năng gì trên tôi để có thể định nghĩa được tôi.” Và khi con có thể nhìn mọi chuyện xảy ra cho mình chỉ là thêm một thử nghiệm trong số muôn vàn thử nghiệm khác, thì con sẽ có khả năng vượt qua nỗi sợ hãi mà biết bao người gán ghép cho tương lai, là nỗi sợ những chuyện có thể xảy ra.

Khi ta hiện thân trên địa cầu, trong sáu năm trời ta đã sống trong rừng, ta đã ngồi đó và bỏ đói thân mình, ta đã đối mặt với đủ loại điều kiện trong thể xác. Qua đó ta đã học được điều này, rằng không một điều kiện nào của thể xác có quyền lực đối với tâm mình trừ khi ta cho nó quyền lực. Qua đó ta đạt được một sự thản nhiên nào đó đối với thân xác mình và những gì có thể xảy ra cho thân xác, và hơn thế nữa, đối với những gì có thể xảy đến cho ta trong cõi vật lý. Trong phần còn lại của cuộc đời phụng sự, chắc chắn là sau khi ta trở về giảng dạy, ta không có sợ hãi nào về tương lai. Con có thể nói: “Nhưng chuyện đó quá dễ, thày đã có một cuộc đời quá dễ dàng.” Đúng, nhưng ta vẫn đang là người đầu thai giữa tâm thức tập thể của loài người, và tâm thức này luôn luôn tác động lên ta y như mọi người khác. Chỉ vì ta không phản ứng lại bọn quỷ của Mara mà ta mới giải thoát ra được mà thôi.

Giải phóng khỏi ngoại cảnh

Cho dù chuyện gì có xảy ra trong điều kiện bên ngoài, con vẫn mang sẵn tiềm năng thoát ra khỏi phản ứng của mình, và do đó, con không thể bị quỷ Mara cám dỗ. Điều gì gây ra phản ứng chứ? Tại sao con lại phản ứng tiêu cực trong một số hoàn cảnh mà không phản ứng tiêu cực trong một số hoàn cảnh khác? Đó là vì trong tâm, con có một cái chuẩn bảo con: “Chuyện này được xảy ra cho tôi, chuyện kia không được xảy ra cho tôi.”

Khi có điều gì xảy ra nằm trong danh mục “những chuyện được xảy ra”, con có một cảm giác tích cực. Con có một phản ứng tích cực. Nhưng khi có điều gì xảy ra nằm trong danh mục “không được xảy ra”, con rơi vào phản ứng tiêu cực, và con cho đó là cách duy nhất để nó diễn ra. Nhưng tại sao đó là cách diễn ra duy nhất? Đó chỉ là cách duy nhất trong tâm thức nhị nguyên mà thôi, nơi con có một cái chuẩn và một phán đoán giá trị. Nhưng khi con giải thoát khỏi nhị nguyên, nó sẽ phai nhạt đi. Tại sao lại có hoàn cảnh tích cực và hoàn cảnh tiêu cực? Tại sao một cái dẫn đến phản ứng hân hoan mất cân bằng, còn cái kia dẫn đến phản ứng tiêu cực cũng mất cân bằng? Tại sao có bất cứ gì mà con cần phải tránh né? Cho dù chuyện gì có xảy ra thì đó là một trải nghiệm, và bất kỳ chuyện gì xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là điều thích hợp để phơi bày ra một điểm nào đó trong tâm lý của con mà con chưa nhìn thấy. Vậy không tích cực lắm hay sao?

Con có thể nói: “Nhưng vẫn có những trải nghiệm trên địa cầu mà con không muốn có.” Điều này có thể hiểu được. Nhưng có một sự khác biệt giữa (1) sợ hãi và muốn tránh né một cái gì đó, và (2) quyết định là mình thật sự không muốn có trải nghiệm đó. Khi con làm điều thứ hai, con sẵn sàng nói: “À, vậy thì tôi cần làm gì để tránh loại trải nghiệm đó? Tôi cần tim xem trong tâm lý mình có điều gì sẽ được đưa ra ánh sáng bởi trải nghiệm đó, rồi tôi cần giải hóa điều kiện tâm lý đó hầu tôi không cần phải trải nghiệm điều kiện bên ngoài.”

Không có trừng phạt ở đây. Không có cưỡng ép, theo nghĩa là mọi chuyện xảy ra là để giải quyết vấn đề tâm lý. Mà nếu con giải quyết được tâm lý thì con không cần phải có biến cố bên ngoài xảy ra cho con. Trừ khi con làm vậy để chịu gánh nặng cho người khác – luôn luôn có ngoại lệ cho mọi quy luật – nhưng đối với đa số các con, nếu con giải quyết được điều kiện tâm lý thì con sẽ không cần trải nghiệm điều kiện bên ngoài. Giản dị như vậy đó.

Dựa trên đó, con thấy được là đối với số đông các con đã thực hành lời dạy này trong một thời gian, việc đạt được trạng thái cân bằng, an bình đó là một điều khả thi và thực tế. Nhưng nó không dựa trên sự phủ nhận. Ta có nói là nhiều Phật tử có được một cảm giác cân bằng, nhiều tín đồ Cơ đốc cũng có được cảm giác cân bằng, nhưng đó là vì họ phủ nhận một điều gì đó trong tâm lý họ. Họ làm ngơ. Họ từ chối nhìn vào, và do đó họ mang ảo giác yên tĩnh mà không thực sự an bình. Nhưng con có khả năng áp dụng các lời dạy của chúng tôi để đạt được trạng thái đó nơi tâm – là khi những chuyện ngoại cảnh không làm phiền con, con không phản ứng, con có thể nhìn quỷ Mara diễn hành trước mặt mình mà không phản ứng. Có nghĩa là khi đó con đạt được tự do tư duy để thực sự tự vấn: “Tôi thực sự muốn những loại trải nghiệm nào cho phần còn lại của kiếp này?” Và nhiều người trong số các con sẽ có khả năng xoay chuyển và nhận ra: “Chính những gì đang xảy ra là những trải nghiệm mà tôi muốn có, bởi vì trải nghiệm này nằm gọn trong tiến trình tăng trưởng của tôi. Đây là mong muốn mà tôi đang có, và bằng cách kinh qua và trải nghiệm nó, tôi có thể tự giải phóng mình khỏi mong muốn đó.”

Nhiều người trong số các con sẽ thấy mình đạt tới điểm này khi mình tự dưng biết rõ là đã đến lúc mình cần thay đổi cuộc sống, cho dù cuộc sống đó là gì trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Con có thể thực hiện thay đổi đó và con có thể có một trải nghiệm khác xa những gì con đã sống qua trước đây. Và trải nghiệm này là một phần của tiến trình tăng trưởng của con. Nó cũng có thể là một phần của món quà mà con muốn mang lại qua sứ vụ thiêng liêng của con.

Ngoại cảnh tự nhiên thay đổi

Một số các con có thể sẽ tự hỏi: “Tôi muốn loại trải nghiệm nào? Chẳng hạn tôi muốn trải nghiệm việc bày tỏ một ý tưởng nào đó.” Nhưng để làm điều này, con cần một số thay đổi, rồi con phải thực hiện những thay đổi đó. Ta sẽ không nói chi tiết những thay đổi cần thiết là gì. Chính con, tất nhiên, sẽ nhận thấy khi nào con sẵn sàng thay đổi. Đây không phải là một điều mà con áp đặt bằng tâm vỏ ngoài, mà nó sẽ xảy đến khi nào con đã đạt được trạng thái an bình nội tâm một khi con giải quyết tâm lý mình. Khi đó con sẽ ý thức tự đặt câu hỏi: “Tôi muốn loại trải nghiệm nào trong giai đoạn kế tiếp của đời tôi?”

Rất nhiều các con sẽ nhận thấy là một khi con sáng rõ, một khi con không còn bị phân ly trong tâm nữa, thì hoàn cảnh cuộc sống sẽ tự nhiên ăn khớp vào nhau và con thấy mình sống trong một tình cảnh đổi mới. Đây là tình huống mới được thị hiện một cách không khó nhọc. Nó xuôi chảy với Dòng sông sự Sống khi con không kháng cự lại bất cứ gì. Con không đang tìm cách gò ép cho điều gì xảy ra – có thể nói là con chỉ quan sát nó xảy ra. Con quan sát mọi sự trải bày ra.

Liệu ta có đang bày đặt một ảo mộng gì đó ở đây? Liệu chuyên này chỉ xảy ra cho một số ít người? Không đâu, nó áp dụng cho tất cả những ai sẵn lòng thực hành lời dạy và giải quyết tâm lý của mình. Tại sao nó lại có thể xảy ra? Tại sao khi con thay đổi trạng thái tâm mình thì hoàn cảnh vỏ ngoài cũng có thể thay đổi theo? Đây không phải là hiện tượng mà người ta thường gọi là lấy tâm điều khiển vật chất. Con thấy đó trên thế giới, có cả một phong trào những kẻ cố sức đạt được quyền năng lấy tâm điều khiển vật chất, ép buộc vũ trụ phải ban cho họ những gì họ muốn. Họ muốn ép buộc chì phải biến thành vàng, hoặc thế này thế khác – bất cứ gì mà họ mơ ước. Nhưng đó là sa nhân đang tìm cách sử dụng điều mà các chân sư gọi là ma thuật để thị hiện một số kết quả nào đó.

Điều mà ta đang nói đến ở đây là thị hiện mà không chút cố gắng và cũng không dùng đến sức lực hay quyền lực. Con thấy không, khi tâm lý con đã giải quyết, con không cần phải gò ép gì nữa. Bởi vì con không tìm cách tránh né bất cứ gì. Con không tìm cách cưỡng bách bất cứ gì lên bất cứ ai, hoặc xua đuổi bất cứ gì. Tại sao khi con xoay chuyển trong tâm, thì bên ngoài, các tình huống lại có thể xảy ra như ăn khớp vào với nhau?

Tất cả đều nối kết

Phải, điều đó xảy ra được là do một nguyên lý mà ta đã giảng dạy bao nhiêu năm về trước, đó lý duyên khởi (interdependent originations). Đây là một khái niệm vô cùng thâm sâu. Các chân sư đã có đề cập rồi và đã khuyến khích con nên suy ngẫm, và một lần nữa, ta lại khuyên con nên suy ngẫm và từ từ chiêm nghiệm nguyên lý này. Con cần nhìn nhận là con đã lớn lên trong thế giới hiện đại, là môt thế giới chủ yếu dựa vào, không những một nhân sinh quan dựa trên sức mạnh, một hệ tư tưởng dựa trên sức mạnh, mà cả một hệ tư tưởng dựa trên tách biệt. Ta đã nói gì về tâm thức nhị nguyên? Trong nhị nguyên, con nhìn vào toàn bộ tấm thảm của sự tồn hữu con người, xong con lấy ra một phần, con nâng nó lên, đồng thời con cũng kéo thấp những phần khác xuống. Con tạo ra một sự mất cân bằng. Nhưng trong lý duyên khởi không hề có mất cân bằng, tất cả đều nối kết với nhau.

Nhưng con đã lớn lên và được dạy dỗ cái nhìn cho tằng tất cả mọi thứ đều không nối kết với nhau. Tất cả đều là những thực thể tách biệt. Chúng hiện hữu riêng rẽ. Chúng là những thứ riêng rẽ bị tác động bởi những nguyên nhân riêng rẽ. Khi con nhìn khoa học, khoa học hiện đại, con sẽ thấy khoa học đặt nên tảng trên cái nhìn tách biệt này. Con cho rằng con có thể nhìn vào tấm thảm của vũ trụ và lôi ra một sự kiện nào đó, một điều kiện nào đó, và cô lập nó ra rồi bảo: “Đây là một hiệu ứng biệt lập, và hiệu ứng biệt lập này là do nguyên nhân biệt lập kia. Hiệu ứng này hoàn toàn được gây ra bởi nguyên nhân kia, và nguyên nhân kia là nguyên nhân độc quyền gây ra hiệu ứng này.” Đây là cái nhìn tách biệt mà khoa học phương Tây vẫn tiếp tục cổ võ, cho dù nó đã bị chính khoa học phương Tây – vật lý lượng tử – bác bỏ.

Có lẽ con cần bỏ ra thì giờ để suy ngẫm về điều này và nhận ra cách nhìn về nguyên nhân tách biệt và hệ quả tách biệt chỉ hữu ích cho một giai đoạn nào đó. Đó là một giai đoạn cần thiết khi loài người cần chuyển từ thế giới quan tôn giáo thời trung cổ sang thế giới quan khoa học, lý tính, hiện đại hơn. Không phải là cách nhìn đó sai – nó không sai khi xã hội cần kinh qua giai đoạn đó, nhưng đó chỉ là một giai đoạn, hay ít nhất, đó là một giai đoạn mà xã hội phải đi qua nhưng nó không thể đưa xã hội hay loài người quá một trình độ nào đó.

Là học trò tâm linh, con sẽ muốn suy ngẫm xem làm thế nào con có thể giải thoát tâm con khỏi niềm tin đó. Một lần nữa, con có thể hỏi, tại sao mình lại sợ một tình huống nào đó? Phải chăng là vì con cho rằng có nguyên nhân tách biệt kia sẽ tác động đến con là một sinh thể tách biệt, và con như một sinh thể tách biệt sẽ phản ứng lại nguyên nhân đó? Và con như một sinh thể tách biệt sẽ muôn tránh né nó, muốn tránh né nguyên nhân đó? Nhưng con đang nhìn bản thân như một sinh thể hiện hữu trong một tổng thể rộng lớn hơn. Con biết điều đó. Con đang sinh sống trên một hành tinh với bảy tỷ người khác, với đủ loại điều kiện vật lý khác nhau, có cả những chuyện như thời tiết, và nếu trời mưa và con ra ngoài đường thì con sẽ bị ướt. Con biết là con đang sống trong cái tổng thể đó, nhưng thay vì nhìn vào tổng thể, con lại tập trung vào một số khía cạnh đặc thù của tổng thể, và con xem mình như một sinh thể tách biệt đang hiện hữu trong tổng thể, và con nghĩ đối với sinh thể tách biệt đó, có những chuyện nên xảy ra cho nó và những chuyện khác không được xảy ra cho nó.

Xong con tìm cách làm thị hiện những chuyện nên xảy ra và xua đuổi những chuyện không được xảy ra, dựa theo tiêu chuẩn của con. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói con là một sinh thể cá biệt với quyền tự quyết cá nhân, nhưng con không nhận ra là con hiện hữu trong một tổng thể với bảy tỷ cá nhân khác cũng có quyền tự quyết. Có nghĩa lý gì mà lại cho rằng con có thể tự cô lập khỏi tổng thể đó và không bị tác động bởi những chọn lựa tự quyết của người khác? Nghĩ như vậy có thực tế hay chăng?

Nhiều người nghĩ như vậy. Như ta vừa nói, có những người xây thành lũy với tường thật dày để cố cách ly, tưởng là mình có thể tự cô lập khỏi tổng thể, nhưng tất nhiên họ không thể. Họ có thể tạm thời tạo cảm tưởng là họ có thể, nhưng thực tế là họ không thể. Toàn bộ ý tưởng cho rằng mình có thể cách ly khỏi tổng thể để che chở bản thân khỏi một số điều kiện – và hấp dẫn một số điều kiện khác – là một ảo tưởng. Dù con có ưa hay không ưa, con vẫn là một phần của tấm thảm nhân loại. Điều ta gợi ý cho con ở đây, và cũng là điều xảy ra cho những ai đã vươn lên một mức tâm thức Ki-tô nào đó và đã bắt đầu khoác vào tâm thức Phật, là con có khả năng xoay chuyển cách nhìn của mình về cuộc sống.

Con có thể khởi sự suy ngẫm là có một cách khác để nhìn cụôc sống hơn là nhìn từ quan điểm một cá nhân tách biệt đang cố tránh né một số chuyện và tìm cầu một số chuyện khác. Con có thể nhận ra là với tư cách một cá nhân tách biệt, thật chẳng có nghĩa lý gì khi con muốn cái này và không muốn cái kia. Bởi vì thực tế là mọi thứ đều nối kết với nhau, và rất có thể điều gì con muốn có sẽ khiến cho ai khác không có được, và điều gì con tránh né sẽ khiến cho ai khác không tránh được. Nói cách khác, nếu mọi sự đều là một tổng thể liên kết và con ở trong tổng thể đó, con không thực sự là một thành phần (a part) của tổng thể vì con không hề tách rời (apart) khỏi tổng thể. Mà giản dị, con là một khía cạnh trọn vẹn và không thể thiếu của tổng thể. Thật sự không có nghĩa lý khi nói: “Tôi muốn gì như một cá nhân tách biệt?”

Có một cách nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống, và đó là nhìn cuộc sống từ một cá nhân nối kết, một người nối kết với tổng thể – tức là thật sự sẽ không nghĩa lý gì khi con bảo: “Liệu tôi có thể trở thành tỷ phú bằng cách lấy tiền của người khác hay không?” Con có thể làm vậy như một số người đã từng làm, nhưng kỳ thực con không tách rởi khỏi tổng thể. Khi con tạo ra một sự mất cân bằng thì con sẽ trải nghiệm một sự mất cân bằng nơi chính con. Khi con tạo một sự mất cân bằng tác động lên người khác, con sẽ tạo một sự mất cân bằng tâm lý tác động lên chính con. Con cũng sẽ tạo ra một đối nghịch vật lý có thể sẽ tác động đến con trong tương lai. Vì tác động này có thể bị trì hoãn tới một kiếp sau cho nên con không thể thấy được, nhưng con sẽ trải nghiệm một sự mất cân bằng tâm lý. Chẳng hạn như con thấy đó, tất cả những ai làm giàu do tước đoạt của người khác cũng đều phải chịu những mất cân bằng tâm lý sẽ liên tục gây tổn hại cho họ.

Mục đích là nâng cao tổng thể

Có một cách nhìn cuộc sống khác hẳn cái nhìn tách biệt mà con đã được giáo dục, được lập trình và đã phải tiếp cận suốt nhiều kiếp sống. Con sẽ cần trang bị lại tâm trí để có thể xoay chuyển, nhưng ở đây thày đang chỉ ra cho con những giai đoạn khởi đầu của tiến trình đó. Con có thể bắt đầu suy ngẫm và chuyển dời tâm thức. Con có thể bắt đầu trau dồi nhận thức là con không thực sự ở đây để tự nhấc mình lên, ít ra là không tạo sự mất cân bằng sẽ làm hại đến người khác. Con ở đây để nâng cao tổng thể.

Liệu điều này có ăn khớp với đường tu tâm linh dẫn đến quả vị Ki-tô hay không, vì chúng tôi đã có nói là ở những chặng đầu của đường tu, công việc quan trọng nhất của con là tách mình ra khỏi tâm thức tập thể? Đúng vậy, có vẻ như con cần tự tách ra khỏi một cái gì đó, và theo một ý nghĩa nào đó, con đang tự tách mình ra khỏi tâm thức tập thể. Nhưng tâm thức tập thể là gì? Đó là tâm thức tách biệt. Khi con tách mình ra khỏi tâm thức tách biệt, liệu con đang tách ra khỏi một cái gì đó, lánh xa một cái gì đó, hay con đang bước vào tâm thức hợp nhất, tâm thức nối kết? Con không thể thực sự tách ra khỏi sự tách biệt. Con chỉ có thể đi vào tâm thức vượt khỏi tách biệt, tức là đi vào hợp nhất. Con nhận ra là để nâng cao tổng thể, con cần phải tách mình ra khỏi tâm thức tập thể hầu con có thể nâng cao chính tâm thức cá nhân của mình, và khi con làm vậy, con tạo ra một lực kéo theo cả tập thể đi lên.

Sự khác biệt vi tế nằm ở chỗ một số đệ tử sẽ tìm cách làm vậy với động lực nâng mình lên như một cá nhân tách biệt. Đây là điều chúng tôi từng đề cập là ở tầng thứ 96, con cần tìm ra đáp số cho bí ẩn là con không còn cố nâng mình lên như một cá nhân tách biệt, mà con nhìn ra sự nối kết với tổng thể. Đây là tâm thức Ki-tô, không phải mức cao nhất nhưng chắc chắn là chặng khởi đầu của tâm thức Ki-tô. Khi con xoay chuyển, con nhận ra là tất cả mọi thứ đều tương kết với nhau. Theo một nghĩa, con có thể nói là tâm lý của mọi người trên địa cầu đều nối kết với nhau. Có một vài ngã tách biệt mà mọi người đều có, và có rất rất nhiều ngã tách biệt mà hầu hết mọi người đều có.

Vậy sẽ cần gì để nâng cao nhân loại? Sẽ cần gì để nâng cao tâm thức tập thể? Cần giải quyết những cái ngã tách biệt. Nhưng làm thế nào? Điều này không thể xảy ra trên bình diện tập thể, vì tập thể không có ý thức và mọi người đang bị những cái ngã tập thể phân rẽ. Không có hy vọng nào khơi lên ý thức này, ít ra là trong tương lai gần, vì mọi người đều có ngã tách biệt và đều cần khắc phục nó cái đã. Tuy nhiên, con có thể thấy một số chuyển đổi tập thể đang diễn ra, nhưng những chuyển đổi này khởi lên là do một số cá nhân đã bắt đầu tự xoay chuyển bản thân, và điều này tạo ra động lượng khiến cho nhiều người khác cũng chuyển đổi theo.

Nhân loại được nâng lên là nhờ một số người đã sẵn sàng xem xét và giải quyết ngã tách biệt của riêng mình. Điều này tạo ra một khuôn mẫu, một khung sườn, một đường khai thông cho người đi sau, một động lượng cho tập thể. Nếu có một người nhìn thấu qua một ngã tách biệt nào đó, thì sẽ có một người khác khắc phục ngã tách biệt đó dễ dàng hơn do người kia đã làm được trước đó. Rồi sẽ có một người thứ ba cũng thấy dễ dàng hơn nữa, và nó sẽ lan rộng ra giống như vòng tròn trên mặt nước, cho tới khi tập thể được xoay chuyển, và bỗng nhiên nó gần như trở thành một loại kiến thức phổ thông, hay ít nhất một chuyện đầu môi của nhiều người. Ngay cả chỉ trong một đời người, con đã thấy trong lãnh vực xuất bản sách tự cải tiến, đã xảy ra những chuyển đổi khiến cho một vấn đề nào đó bỗng nhiên trở nên thời trang và được nhiều người nói tới. Chẳng hạn ngay giờ đây, con có thấy đề tài về những kẻ ích kỷ yêu mình quá độ đang trở thành phổ biến hay không? Tất cả đã bắt đầu là do có một vài người sẵn sàng tự cải sửa rồi kéo theo mọi người đi lên.

Không còn kháng cự

Như vậy có nghĩa là bây giờ con có thể trở về với khái niệm ta đề cập ở trên, là có một số điều kiện mà con muốn tránh né, nhưng giờ đây con nói: “Phải, có một điều kiện này mà tôi không muốn xảy ra nhưng nó vẫn xảy ra như thường, vậy có nghĩa là gì?” Có lẽ có nghĩa là: “Cho dù tôi có muốn tránh né với tâm vỏ ngoài, nhưng trong sứ vụ thiêng liêng của tôi, chính tôi đã hứa là mình sẽ tiếp nhận điều kiện đó để nó giúp mình giải quyết cái tâm lý ở đằng sau, và nhờ vậy tôi sẽ nâng cao tổng thể.” Nói cách khác, những gì xảy ra cho con không phải là điều gì nhằm đánh phá con, nó không phải là điều gì mà con cần kháng cự lại. Trái lại, đó là một điều mà con cần ôm lấy và nói: “Tôi có thể học được gì từ chuyện này? Có gì trong bản thân mình mà tôi cần nhìn thấy qua chuyện này? Làm thế nào tôi có thể giúp giải quyết một điều gì đó trong tâm thức tập thể và nhờ đó nâng cao tập thể?”

Một lần nữa, cách suy nhĩ này là một phần của câu “Bất cứ gì xảy ra cũng được”. Khi con nói “Bất cứ gì xảy ra cũng được”, nó không có nghĩa là chỉ có những thứ dễ chịu mới được quyền xảy ra. Mà nó có nghĩa là “bất cứ gì”. “Dù bất cứ gì xảy ra, tôi cũng sẽ gặp gỡ nó với tâm tích cực, tôi sẽ tìm cách tận dụng nó tốt nhất, và tôi sẽ vui mừng vì những gì tôi đã phải chịu đựng đều đã đóng góp nâng cao tổng thể.”

Điều này sẽ xoay chuyển trạng thái tâm con, khiến con không cưỡng chống lại bất cứ gì nữa. Và tất nhiên, con không thể an bình nội tâm khi con còn cưỡng chống hay tìm cách tránh né bất cứ gì. Làm sao an bình được? Và điều này ăn nhập thế nào với đề tài trở thành cánh cửa mở? Thật hiển nhiên là khi con càng giải quyết được tâm lý của con thì con sẽ càng sẵn sàng nói “Bất cứ gì xảy ra cũng được”, và con càng trở thành một cánh cửa mở. Khi còn đầu thai trong cõi vật lý, con luôn luôn gặp thử thách mình bị mù quáng bởi toàn bộ hoàn cảnh mà mình đang trải qua, bởi tâm thức tập thể, bởi chính bốn thể phàm của mình, và con không thấy được rõ ràng trong tâm ý thức những gì con đã thảo ra trong sứ vụ thiêng liêng của con. Con không nhìn thấy sự nối kết rộng lớn với công cuộc nâng cao tổng thể mỗi khi con trải qua một tình huống. Nhưng tư duy mà con có thể trau dồi là không những con sẽ cởi mở đón nhận những ý tưởng tuyệt vời từ cõi tâm linh, mà con cũng sẽ cởi mở để trải nghiệm tất cả những tình huống mà con đã quyết định trong sứ vụ thiêng liêng, là những trải nghiệm mà con muốn kinh qua và đương đầu hầu giúp nâng cao tập thể. Thậm chí có cả những bệnh tật mà con muốn chuốc lấy.

Làm hòa với sự đầu thai trên địa cầu

Điều ta cố trao cho con ở đây là ý tưởng con có khả năng làm hòa với sự đầu thai của con trên địa cầu, cho dù hành tinh này có đày đặc và khó khăn như hiện tại. Điều này không có nghĩa là ta yêu cầu con phủ nhận những điều kiện hiện hữu trên trái đất. Khi con nâng cao tâm thức, con nhìn thấy rõ hơn mọi điều kiện. Nhưng con cũng nhìn những điều kiện đó mà không có phán đoán nào về giá trị, là sự phán đoán của tâm thức nhị nguyên, và đây là điểm mà một số người đã không hiểu. Một số người đã đi qua giai đoạn mà thày Saint Germain đã giải thích rất tỉ mỉ là những giai đoạn khởi đầu trên con đường quả vị Ki-tô, khi con vẫn con suy nghĩ mọi chuyện theo đen và trắng. Con vẫn còn cho rằng cái này đúng, cái kia sai. Nếu cái này đúng thì cái đối nghịch phải sai. Đấy là cách con suy nghĩ ở một giai đoạn nào đó. Đó là khởi đầu của phân biện nhưng đó chưa thực sự là quả vị Ki-tô, vì quả vị Ki-tô là khi con bước lên cao hơn một chút, và con bắt đầu nhìn vượt khỏi mọi phán đoán giá trị. Khi nào con còn ở trong tâm trạng trắng đen này thì con sẽ vẫn phán xét giá trị, con sẽ vẫn cho rằng cái gì sai là xấu, là ác, là cần tránh né, là không có quyền hiện hữu.

Khi con bước lên cao hơn trong tâm thức Ki-tô, con nhận ra là bất cứ gì hiện hữu cũng chỉ là quyền tự quyết của con người đang trải bày ra. Khi con lên cao hơn nữa vào những mức tâm Phật, con bắt đầu bỏ lại toàn bộ ý thức lượng định là một điều gì đó phải hiện hữu hay không được hiện hữu. Khi con nối kết với bản chất nối kết của tổng thể cũng như với quyền tự quyết được trải bày ra, con nhận ra là theo một nghĩa nào đó, từ một quan điểm nào đó, hoàn toàn không có gì mà không được hiện hữu – bởi vì bất cứ gì hiện hữu cũng là sự trải bày của tâm thức con người sống trên địa cầu, và tâm thức này đang trải bày nó ra để làm cho nó lộ diện. Khi con thấy được cách vận hành của bộ máy giả thực tại này, và thấy được loài người đã bước vào nhị nguyên như thế nào, thì bất cứ gì hiện hữu cũng hiện hữu như sự trải bày của một cái gì đó khó nhìn thấy, bây giờ được hiển lộ ra cho con thấy. Nhìn từ góc độ đó, nó phải hiện hữu.

Con thử lấy tất cả những đánh giá mà nhiều người có trên hành trình tu tập, thì con có thể nói tiến trình đi tới quả vị Ki-tô và quả vị Phật là khi con bắt đầu kết nối với tổng thể, cho nên con trải qua một giai đọan khởi lên lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Con nhìn thế giới ngày nay, nhìn rất, rất nhiều người mà xem. Có thể họ đi theo hay không theo tôn giáo nào, nhưng con thấy là rất nhiều người – mà chúng ta có thể gọi là người tiến bộ, thiện tâm – được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn. Họ có lòng thương xót đối với nỗi đau khổ của người khác, và với lòng thương xót đó, họ nói: “Ồ, điều kiện tệ hại này không được có mặt ở đây. Người ta phải đau khổ như thế này thì thật là sai trái. Những chứng bệnh này không được hiện hữu, tình trạng nghèo đói này không được hiện hữu, tra tấn, bạo lực, chiến tranh này không được hiện hữu.”

Hiển nhiên, con có thể lấy quan điểm đó và bảo rằng theo nguyên tắc lý tưởng, theo cách vận hành của một hành tinh tự nhiên, thì những chuyện như vậy sẽ không có mặt ở đây nếu địa cầu là một hành tinh tự nhiên. Nhưng một lần nữa, mục đích của chúng ta trên địa cầu là gì chứ? Phải, tối hậu là đưa địa cầu trở về trạng thái một hành tinh tự nhiên, nhưng đó vẫn chưa phải là mục đích thật. Mục đích thật là nâng cao tâm thức. Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, không ngồi đây bảo: “Ồ, địa cầu là một hành tinh đen tối thật, và chúng tôi phải cố gắng hết sức hồi phục địa cầu về vị thế một hành tinh tự nhiên càng sớm càng tốt, bất chấp điều gì xảy ra.”

Không, thật ra chúng tôi nói: “Với tình trạng hiện nay của địa cầu, trong những điều kiện hiện tại, làm thế nào chúng tôi có thể nâng cao tâm thức loài người bằng cách làm hiển lộ cái tâm thức đã tạo ra những điều kiện đó?” Khi con nối kết với điều này, con sẽ tránh bị mắc kẹt trong lòng trắc ẩn, bởi vì kỳ thực, nhiều người thiện tâm và nhạy cảm bị mắc kẹt trong lòng trắc ẩn. Chính sứ giả này cũng từng bị mắc kẹt như vậy trong những năm đầu của kiếp này, ngay cả những năm đầu sau khi ông cất bước trên đường tu, thậm chí sau khi ông tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên. Rất nhiều các con có thể nhận thấy một điều tương tự nơi chính mình. Con cảm thấy một lòng trắc ẩn mãnh liệt đối với sự khổ đau của mọi người đến độ con sẵn sàng sử dụng vũ lực để loại bỏ khổ đau.

Các chân sư thăng thiên cũng muốn xóa bỏ đau khổ của loài người, nhưng tại sao chúng tôi đã không dùng quyền năng lớn lao của mình để xóa bỏ nạn nghèo đói trên trái đất? Phải, bởi vì như vừa nói, mục đích chủ yếu của chúng tôi không phải là xóa bỏ nghèo đói, xóa bỏ cách thể hiện vỏ ngoài của nghèo đói, mà chúng tôi muốn giúp con người thăng vượt cái tâm thức đã làm thị hiẹn tình trạng nghèo đói đó. Chúng tôi muốn dùng nghèo đói để khiến cho tâm thức đó hiển lộ ra hầu mọi người có thể nhìn thấy và giải quyết. Đó là mục đích chúng tôi. Đó là cách chúng tôi làm việc. Nhiều người trong số các con đã không hiểu điều này, nhưng khi con hiểu ra thì con cũng sẽ xem xét và chấp nhận là con không cần khiến cho lòng trắc ẩn của mình trở thành một chứng ám ảnh cưỡng chế, khi con luôn bị thôi thúc phải làm cái gì đó để giảm bớt một dạng đau khổ nào đó, và con không thể an bình cho tới khi điều này xảy ra.

Rất nhiều người thiện tâm mà ta đang nói tới, ngay cả một số đệ tử của chân sư thăng thiên, bị rơi vào trạng thái ám ảnh cưỡng chế này khi họ không thể an bình cho tới khi vấn nạn này hay vấn nạn kia vẫn còn hiện hữu. Sứ giả này đã sống qua một thời kỳ ở tổ chức Summit Lighthouse khi ai nấy đọc bài chú trong những buổi canh thức kéo dài hàng giờ nhằm chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, hay đem lại một số thay đổi nào khác. Không phải là những công việc đó vô ích và vô giá trị. Nhưng sứ giả này đã nhận ra là mình ở trong một trạng thái tâm thức ám ảnh cưỡng chế, và ông thấy nhiều người khác cũng giống như ông. Con không an bình khi con ở trong trạng thái tâm thức đó.

Chắc chắn chúng tôi mong muốn đệ tử của mình kêu gọi thay đổi một số điều kiện trên thế giới, nhưng có bao giờ chúng tôi bảo các con phải làm vậy trong tâm trạng ám ảnh cưỡng chế đâu? Tại sao chúng tôi lại muốn đệ tử của mình hành động với tâm mất cân bằng trong khi chúng tôi luôn cân bằng? Chúng tôi muốn đệ tử có những gì mà chúng tôi có – tâm cân bằng. Con có thể nói là trong trạng thái thăng thiên, chúng tôi nào cần đến tâm cân bằng vì ở đây không thể có sự mất cân bằng. Nhưng con đang sống trong một môi trường khác, nơi tâm mất cân bằng là chuyện khả dĩ, và có rất, rất nhiều thế lực tác động lên tâm con để lôi kéo con vào những phản ứng mất cân bằng.

Các chân sư cố giúp con đạt được trạng thái tự do khỏi tất cả những thế lực đó, những con quỷ của Mara, hầu con cũng có thể ngồi dưới cây bồ đề mà không mảy may bị quỷ Mara ảnh hưởng, hay bị phiền hà bởi ông hoàng của thế gian tới đòi phần ăn của y. Chúng tôi đã trao cho con những dụng cụ để con đạt được điều đó. Con sẽ cần thời gian, nhưng bằng cách ý thức nhận biết điều đó và đặt nó làm mục tiêu ý thức, con sẽ đạt được nhanh chóng hơn rất nhiều.

Nhiều người trong số các con gần hơn là các con tưởng, nhiều người trong số các con gần hơn là các con tưởng.

Như chúng tôi đã nói: “Hãy hỏi thì con sẽ nhận được”. Con hãy hỏi chân sư gần gũi nhất với con, hãy yêu cầu thày giúp con nhìn ra trong thái độ của con có điều gì đang kéo con ra khỏi bình an. Nhưng cũng đừng quên hỏi vị sứ giả này, vì ông đã đạt được một mức độ bình an rất cao và sẵn lòng làm việc với con để con cũng đạt được như vậy. Một lần nữa, con sẽ cần đến gì để con cũng trở thành cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu? Hãy hỏi và sẵn sàng nhận.

Và một nhận xét chót – ta muốn gửi đến tất cả các con lòng biết ơn sâu xa của các chân sư khi con đã sẵn lòng tham gia vào tiến trình buổi hội thảo này. Rất đông các con đã hòa điệu để cùng nhau đọc bài thỉnh, các con đã thực sự hoàn thành một công việc tuyệt vời để nâng cao tâm thức tập thể. Các con đã vượt quá chỉ tiêu ban đầu của chúng tôi, đã vượt quá mục đích đó, và các con hãy nhận lòng biết ơn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng là chính các con cũng cảm thấy hội nghị này đã nâng tâm thức mình lên cao hơn cả kỳ vọng ban đầu của mình.

Chắc chắn bây giờ sứ giả này có thể thư giãn, như ông thường làm sau những buổi hội thảo như thế này, và ông kinh ngạc nhìn vào số lượng giáo lý mới mà chúng tôi ban truyền. Đôi khi ông cảm thấy rất nhiều lời dạy đã được đưa ra, và ông tự hỏi, không hiểu làm sao chúng tôi lại có thể đưa ra nhiều thêm nữa như vậy, nhưng ông luôn vui mừng khi được trải nghiệm nhiều bài giáo lý mới và chúng tôi thì luôn luôn sẵn lòng đưa ra nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng các con đã có cùng trải nghiệm đó, đã vui mừng được chiêm nghiệm dòng chảy của Tánh linh và sự trải bày của những ý tưởng này. Ta hy vọng một số các con có thể đã cảm thấy là mình vừa nhận được một điều gì đó mà mình không yêu cầu. Nhưng con đã chỉ nhận được những gì con không yêu cầu một cách ý thức, chứ trong tiềm thức, chắc chắn là con đã yêu cầu. Và điều đó, một lần nữa, chúng tôi thật biết ơn. Và như vậy, ta niêm các con, ta niêm hội nghị này trong sự an bình vui mừng của Phật.

Hãy buông cái cũ!

Bài giảng của chân sư thăng thiên PadmaSambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 1/10/2021, nhân dịp Webinar 2021 cho Hàn quốc – Là Cánh cửa Mở cho Địa cầu. 

TA LÀ chân sư thăng thiên PadmaSambhava.

Ta là Phật PadmaSambhava. Ta là Vajra Guru PadmaSambhava. Có thực tế, có huyền thoại. Có sự thật, có hư cấu. Có một sự tạo dựng công phu trong Phật giáo Tây tạng và các dạng khác của Phật giáo chung quanh PadmaSambhava – danh tính của PadmaSambhava, PadmaSambhava là ai, làm gì, hiện ra lúc nào, hiện ra như thế nào, khoác lấy những thị hiện nào, vân vân và vân vân.

Lần xuất hiện của PadmaSambhava

Nếu con nhìn vào khối tài liệu công phu, rất công phu này, con phải nói rằng phần rất lớn đều là hư cấu, là huyền thoại. Điều này không có nghĩa là nó hoàn toàn vô dụng theo nghĩa là xuyên qua các thời đại, đã có những người đã dùng được tài liệu đó một cách xây dựng. Nhưng cũng có rất nhiều người, thật ra là tuyệt đại đa số đã bị mắc kẹt trong hình dạng vỏ ngoài của tài liệu, rồi đã tập trung vào hình dạng vỏ ngoài này và không thể nhìn xa hơn.

Tất nhiên, đây là thách đố mà chúng tôi là các chân sư thăng thiên, những sinh thể tâm linh, phải đối diện, đã từng và sẽ phải đối diện trên một hành tinh phi tự nhiên. Chúng tôi sẽ phải đối diện với điều này chừng nào địa cầu còn là một hành tinh phi tự nhiên, bởi vì khi đó sẽ còn có rào cản, còn có khoảng cách khiến cho con không thể nhận thức được trực tiếp rằng vật chất là một dạng năng lượng và cõi vật chất không tách biệt khỏi cõi tâm linh, mà là sự biểu hiện của cõi tâm linh, sự nối dài của cõi tâm linh, sự hiện thân của cõi tâm linh.

Vì thế con mới tìm đến một số huyền thoại cùng ý tưởng đã được tạo dựng, và con thấy có một truyền thống bảo rằng đức Phật Gautama – hay Thích ca Mâu ni như danh tính được sử dụng trong các truyền thống này – đã thấy trước sự xuất hiện của PadmaSambhava. Một số truyền thống cho rằng Gautama thấy trước sự xuất hiện của một vị Phật tương lai còn giác ngộ hơn cả chính mình. Nhưng khi các truyền thống đó cũng nói rằng Gautama đã hoàn toàn giác ngộ thì làm sao có ai có thể giác ngộ hoàn toàn hơn được, cho nên đó không thể là ý nghĩa thực sự. Nhưng đó cũng cho thấy PadmaSambhava quan trọng như thế nào trong tâm của đức Phật. Đây là một ví dụ điển hình của cái tâm đường thẳng khi nó chụp lấy những khái niệm tâm linh rồi cố biến thành sự thật đường thẳng để tâm có thể nắm bắt và điều khiển.  

Đâu là sự thật? Sự thật là Gautama là một sinh thể đã khoác lấy hiện thân vật lý. Con là đệ tử của chân sư thăng thiên đã được dạy rằng Gautama đã đầu thai lần đầu trên địa cầu cách đây rất lâu, rằng thày đã bước xuống tâm thức nhị nguyên, đã bị mắc kẹt và chìm đắm trong nhị nguyên, nhưng sau nhiều kiếp đã bắt đầu thức tỉnh khỏi nhị nguyên. Sau thêm nhiều kiếp nữa, thày đã đạt được mức tâm thức hội mọi điều kiện để thày đầu thai lần chót và trở thành Phật – vì trong kiếp đó, thày đã đắc quả vị Phật. Như vậy, Gautama là một tấm gương cho tất cả nhân loại noi theo, là tấm gương chứng tỏ mọi người đều có khả năng giác ngộ. Tại sao như vậy? Vì mọi thứ đều mang sẵn Phật tánh nơi mình. Cho nên mỗi người đều có tiềm năng đạt được trạng thái tâm thức mà Gautama gọi là quả vị Phật, hay niết bàn, hay giác ngộ.  

Như vậy thì Gautama đúng ra phải là một tấm gương. Nhưng tâm đường thẳng đã biến Gautama thành gì? Phải, tâm đường thẳng muốn so sánh. Không một tôn giáo nào xuất hiện trong hư không, cho nên Phật giáo cũng đã xuất hiện trong một quốc gia, trong một truyền thống tâm linh, trong một vùng nằm dưới ảnh hưởng của Ấn giáo và đã từng bị tư duy Ấn giáo chi phối từ rất lâu. Đối với Ấn giáo, Gautama cống hiến một chọn lựa mới, nhưng tâm đường thẳng của những người sau này tự xưng mình là tín đồ của Gautama lại muốn so sánh Phật giáo với Ấn giáo. So sánh nghĩa là gì? Là phải tốt hơn, phải cao hơn, phải tiến bộ hơn Ấn giáo.

Vì thế họ mới tạo ra huyền thoại rằng Gautama không chỉ là một người đã vươn lên đến quả vị Phật sau nhiều kiếp đầu thai. Gautama phải thật đặc biệt ngay từ khi sinh ra, thậm chí có thể là chưa từng đầu thai bao giờ như người ta vẫn nói, mà đã sẵn hiện thân như một đấng giác ngộ.

Và Gautama vô cùng đặc biệt trong cách chào đời, có cả phép lạ chung quanh ngày đản sanh của thày, y như những phép lạ đã bao quanh ngày Giê-su ra đời và nhiều chuyện như thế. Vậy thì tâm đường thẳng đã làm gì với tấm gương của Phật? Nó đã khiến cho tấm gương này trở nên vô giá trị và vô hiệu lực, bởi vì giờ đây Gautama đặc biệt đến độ không ai còn có thể noi gương và sánh bước được với thày. Hoặc là con phải sinh ra sẵn như vậy, hoặc con không thể hy vọng đạt được cùng tâm thức như Gautama.

Thế là do muốn đạo Phật cao trọng hơn đạo Ấn – thậm chí là tôn giáo tối hậu – Gautama nhất định phải là đấng giác ngộ tối thượng, nhất định phải hoàn toàn giác ngộ. Cho nên khi chính Gautama nói rằng có một người đến sau sẽ giác ngộ hơn mình, tâm đường thẳng không thể nào chấp nhận lời tuyên bố đó, vì nó chỉ biết nhìn vào giác ngộ duy một cách mà thôi. Trong cách nhìn này, nếu đức Phật là vị thày tâm linh tối thượng thì bắt buộc thày đã phải đạt mức tâm thức cao nhất. Nhưng sự thật, tất nhiên, là trong cách giải thích giản dị nhất, giác ngộ có nghĩa là một người đã đạt đến mức tâm thức cao nhất có thể có trên địa cầu, và ở trên mức này hiển nhiên là cõi thăng thiên.

Nơi cõi thăng thiên có một chuỗi rất dài, trải ra từ các hành tinh liên hệ với bầu cõi chưa thăng thiên hiện nay, cho đến những bầu cõi cao hơn từng có trước đây mà chúng tôi đã có nói đến. Cho nên có rất, rất, rất, rất nhiều, thật ra là có vô số sinh thể trong cõi thăng thiên với tâm thức cao hơn nhiều và do đó cao hơn hẳn mức giác ngộ mà Gautama đã chứng đạt trong kiếp chót của thày – hay mức chứng đạt của Giê-su trong kiếp chót của Giê-su. Chuỗi này trải mãi lên tới tận mức tâm thức viên mãn của Đấng Sáng tạo, và cao hơn nữa, tâm thức vẫn còn có khả năng thăng vượt lên. Và như thế, ngay từ buổi đầu của huyền thoại về sự xuất hiện của PadmaSambhava, đã có một sự hiểu lầm len lỏi vào cách diễn giải.

Vậy đâu là sự thật? Sự thật là mọi thứ đều có một khía cạnh Alpha và một khía cạnh Omega. Khía cạnh Omega mà các chân sư có thể thực hiện từ cõi tâm linh là qua trung gian một sự hiện thân trong kiếp đầu thai. Sau khi đã đạt tới một mức tâm thức cao trong tiền kiếp, một người có thể đầu thai, và trong kiếp đầu thai chót, người đó chứng ngộ mức tâm thức cao nhất có thể được chứng ngộ trên địa cầu, hay ít ra một mức tâm thức vô cùng cao, và sau đó thì người đó thăng thiên. Đây là khía cạnh Omega, và đúng thật có một sự đầu thai vật lý.

Khía cạnh Alpha có nghĩa là trong một số hoàn cảnh, một số điều kiện, một chân sư thăng thiên có thể được phép hiện ra trước mặt loài người đang đầu thai. Đây không phải là đầu thai. PadmaSambhava là một sự xuất hiện chứ không đầu thai. Ta đã không đầu thai trong một thân xác vật lý. Ta đã không khoác vào một cơ thể vật lý (như một số chân sư thăng thiên đã làm trong một số dịp hiếm hoi). Sự xuất hiện của ta hoàn toàn tâm linh – nghĩa là sao? Nghĩa là không thể nhìn thấy bằng mắt thịt. Hầu hết những ai đã từng tiếp xúc với ngoại hình của ta sẽ không thể nhìn thấy ta. Có thể có hai người đứng ngay cạnh nhau, nhưng một người sẽ không thấy điều gì lạ trong khi người kia sẽ thấy được – hay đúng hơn, chiêm nghiệm được – sự xuất hiện của PadmaSambhava.

Mục đích là để làm gì? Để trưng bày sự tiến bộ tâm linh xảy ra như thế nào trên địa cầu. Tiến bộ xảy ra qua sự hiện thân vật lý, qua trung gian tiến trình mà ngày nay gọi là sự tiết lộ tuần tự, hay tiết lộ liên tục. Nếu con xem kỹ những gì Phật đã nói, thì Phật nhìn nhận sự cần thiết của một tiến trình truyền pháp tuần tự và liên tục. Thày đã đến để đem lại một giáo lý, một chân lý nhất định, nhưng sẽ có một vị thày cao hơn đến sau, một chân sư thăng thiên sẽ đến để đem lại một chân lý cao hơn cả những gì mà Gautama đã được phép đưa ra trong hoàn cảnh tâm thức tập thể thời đó. Sự truyền pháp đã luôn luôn xảy ra như vậy.

Cho nên, sự thật ở đây là ta là PadmaSambhava, ta đã từng là và hiện đang là một chân sư thăng thiên. Sự kiện ta đã thăng thiên ở đâu và vào thời nào không liên quan gì đến cuộc thảo luận hôm nay, nhưng nó đã xảy ra cách đây rất lâu nơi một thiên hà xa, rất xa. Và ta đã xuất hiện trên địa cầu như một sinh thể thăng thiên, một chân sư thăng thiên. Thời đó chưa dùng cách gọi này nhưng đó là điều đã xảy ra.

Nhu cầu đổi mới mọi lãnh vực xã hội

Khái niệm mà ta đã đến để truyền giảng là sự kiện có một số giáo lý bí truyền (terma) chỉ có thể được khám phá bởi những đệ tử đã tự dọn mình để mà tìm thấy (tertons). Thời nay, người ta sẽ diễn tả như sau: Có những giáo lý được tiết lộ từ cõi thăng thiên nhưng chưa đi xuống cõi vật lý, không được viết ra thành chữ, không được thốt ra thành lời bởi một vị sứ giả đang đầu thai. Những giáo lý này tuyệt đối chỉ hiện hữu nơi cõi bản sắc, và chỉ những ai đã nâng tâm thức mình lên tới mức đó và đã hòa điệu trực tiếp thì mới có thể nắm bắt mà thôi.

Vậy có một vị thày giác ngộ xuất hiện trong một hình dạng vật lý, giảng dạy một số giáo lý. Mục tiêu của giáo lý này có hai khía cạnh. Trước hết như trong trường hợp của Giê-su giảng dạy cho số đông qua ngụ ngôn, một số giáo lý được đưa ra cho quần chúng rộng lớn chưa sẵn sàng nhận giáo lý cao hơn, để cho họ một cái gì đó mà nhắm hướng, để họ sử dụng hầu nâng cao tâm thức nếu họ muốn. Nhưng song song còn có một giáo lý cao hơn, như Giê-su đã giải thích mọi điều cho môn đồ khi thày gặp riêng, và cũng vậy, Gautama đã giải thích mọi điều cho đệ tử của thày khi thày ngồi riêng với họ và chỉ có mặt những người sẵn sàng tiếp nhận giáo lý cao hơn. 

Nhưng xa hơn, cả Giê-su lẫn Gautama đều công nhận là sẽ có những vị thày khác cao hơn, như Giê-su có nói, “Ta sẽ cầu nguyện Cha để ngài gửi xuống một vị An ủi khác,” vân vân. Cho nên tiến trình tiết lộ tuần tự và liên tục này đã luôn luôn hiện hữu cho những ai có khả năng và sẵn lòng nâng cao tâm thức mình để nắm bắt lấy.

Đâu là kết quả mà chúng tôi muốn nhìn thấy qua sự tiết lộ mà chúng tôi đã trao truyền qua sứ giả này? Phải, chúng tôi muốn thấy ít nhất có những đệ tử sẽ lấy các giáo lý vỏ ngoài được ban truyền, rồi vượt xa hơn để nắm bắt những gì chúng tôi trao trực tiếp từ cõi thăng thiên hầu họ không cần đến trung gian của một sứ giả nữa.

Có thể nói đây là một cơ hội có một không hai, vì trong suốt bao nhiêu thời đại, đa số sứ giả đã bám mắc vào địa vị của mình, bám mắc vào giáo lý vỏ ngoài mà họ truyền đạt và muốn nó có vẻ như cao nhất. Nhưng vì sứ giả này đã thăng vượt nhu cầu đó, cho nên chúng tôi có thể nói công khai và rõ ràng rằng hiển nhiên, mục đích của chúng tôi là mọi đệ tử sẽ không phải lệ thuộc vào sứ giả này trong cõi vật lý khi họ muốn tiếp xúc với chúng tôi, các chân sư thăng thiên. Chúng tôi mong muốn đệ tử, càng nhiều càng tốt, có thể liên lạc trực tiếp với chúng tôi.

Điều này không có nghĩa là tất cả các con sẽ bắt đầu nhận bài truyền đọc hay đưa ra giáo lý cạnh tranh với sứ giả này, vì như vậy sẽ chỉ gây lộn xộn, mà nó có nghĩa là rất nhiều người trong số các con có tiềm năng nhận được trực tiếp điều gì đó từ chúng tôi, mà con có thể sử dụng để khai sáng một lãnh vực đặc thù nơi con có kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn. Chẳng hạn, điều này áp dụng cho mọi tôn giáo, vì mọi tôn giáo đang đều có nhu cầu đổi mới to lớn. Nếu con lấy Phật giáo, con sẽ thấy đạo Phật nói chung đã đi qua cùng một tiến trình giống như đạo Ấn, nghĩa là đã trở nên mê mải, cuốn hút vào trong những dạng vỏ ngoài của giáo lý. Hiển nhiên, đây không bao giờ là ý định. Sự tập trung vào hình tướng vỏ ngoài không phải là mục đích của giáo lý – sự thăng vượt hình tướng vỏ ngoài mới là mục đích của giáo lý. 

Và như vậy, một số các con đã kinh nghiệm đạo Phật cùng một số dạng của đạo Phật, như Thiền tông và một số nữa, và các con có tiềm năng đem lại sự đổi mới. Giáo lý mà sứ giả này trao cho con có thể giúp con mở tâm ra, nhưng một số các con có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về Phật giáo hơn sứ giả này rất nhiều. Cho nên con có khả năng bày tỏ, có khả năng tiếp nhận từ chúng tôi những tư tưởng cùng lời dạy mà sứ giả này không thể nhận được trừ khi ông bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu, và điều này thì chúng tôi không thật sự muốn ông làm. Tất nhiên, vấn đề cũng tương tự như vậy đối với đạo Cơ đốc, đạo Ấn, đạo Hồi, hay nhiều lãnh vực khác trong xã hội.

Hiển nhiên cũng phải nói tới khoa học, nơi nhu cầu đổi mới cũng rất lớn, và một số các con đã được đào tạo làm nhà khoa học. Các con có tiềm năng nhận được từ chúng tôi. Điều này không có nghĩa là giờ đây con sẽ đứng ra nói: “Tôi là một nhà vật lý nhưng tôi tin vào chân sư thăng thiên.” Không, con chỉ cần đưa ra các ý tưởng đó như thể là ý tưởng của con, đến từ cảm hứng của con. Bởi vì điều quan trọng là phải đưa ra được ý tưởng. Điều này cũng sẽ nhẹ nhõm hơn cho hầu hết các con, vì hiện nay có một sự chống đối, kháng cự, đối với ý tưởng chân sư thăng thiên cũng như việc làm sứ giả cho chân sư, như vị sứ giả này đã phải đối phó ngay từ buổi đầu. Và cũng sẽ dễ dàng hơn cho con vì con không phải nói rõ ý tưởng đến từ đâu – con chỉ việc trình bày và để yên cho ý tưởng làm công việc của ý tưởng. Cho nên quả thực là trong mọi lãnh vực của xã hội, giáo dục, chữa bệnh, văn hóa, triết lý, bất cứ khía cạnh nào của xã hội cũng đều mang tiềm năng đó.

Cách đây rất lâu, ta đã đưa ra khái niệm về một số người làm thợ săn châu báu. Họ đi tìm những kho báu ẩn tàng này. Nhiều người trong đạo Phật đã diễn giải là những kho báu trong cõi vật lý mà người ta có thể phát hiện ra, hay thậm chí là một quyển kinh cụ thể được khám phá trong một hang động bí mật trên núi Himalaya và bỗng nhiên mở ra trước mặt họ. Kho báu hoàn toàn không có nghĩa là vậy. Đó là một lời dạy, một lời dạy được nhận thẳng từ cõi thăng thiên, thường không nói thành lời nhưng đôi khi cũng được nói thành lời. Đây là vai trò mà chúng tôi muốn nhìn thấy nơi đệ tử của chúng tôi, càng nhiều càng tốt.

Sẽ không có nghĩa là con cần phải tách ra khỏi sứ giả này, coi thường sứ giả này, tấn công ông, chứng minh là ông sai, hay này kia nọ. Mà sẽ chỉ có nghĩa là con nhận ra ở đây có một tiềm năng để con bước vào bên trong, sử dụng giáo lý vỏ ngoài để thiết lập sự kết nối nội tâm và nhận được một điều gì đó từ chúng tôi.

Vậy chính xác có nghĩa là gì? Chúng tôi chẳng đã có sáng kiến như vậy trong các đợt truyền pháp trước hay sao? Tất nhiên là có. Nhưng tiếc thay, nhiều người trong các đợt trước đã diễn giải điều này theo một cách riêng. Họ diễn giải là họ đã sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng đó, và mỗi khi họ nghe về một ý tưởng thì chắc hẳn là vì họ đã sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng này. Cho nên họ cho rằng họ chỉ cần đọc bài chú, hay học hỏi bài truyền đọc, hay nghe bài truyền đọc rồi hoà điệu với chân sư thì họ sẽ nhận được ý tưởng.

Nhưng con yêu dấu có thấy không, làm thế nào sứ giả này đã trở thành được sứ giả? Điều này ít khi nào con nghĩ tới, và ngay cả vị sứ giả này cũng ít khi nào nhận ra. Đâu là những xung lực đầu tiên mà ông đã nhận được từ các chân sư thăng thiên? Đó không phải là điều tiết lộ gì, hay sáng ngộ gì, hay giáo lý gì cao siêu lắm đâu. Đó là những sáng ngộ về tâm lý của chính ông cùng những điều mà ông cần giải quyết trong tâm lý của ông. Giai đoạn này đã kéo dài hơn 15 năm trước khi ông sẵn sàng bước vào khóa huấn luyện trực tiếp với Giê-su và trở thành người sứ giả mà ông đã trở thành, và tất nhiên ngày nay ông đã vượt xa hơn nữa.

Buông bỏ cái cũ

Vậy thì đâu là tiết lộ đầu tiên mà con sẽ nhận được từ cõi thăng thiên? Đó sẽ là một số gợi ý, hướng dẫn, cảm giác, khải tượng, ấn tượng về những điều mà con cần chữa lành trong chính tâm lý của con. Đó là khoá huấn luyện. Đó là điều mà mọi người phải kinh qua. Con có nghe rõ không – ta nói, mọi người. Không ai được miễn. Nếu con nghĩ là con được miễn thì con đang tự lừa dối con và con sẽ đi vào ngõ cụt, và rất có thể con sẽ tiếp xúc với những kẻ mạo danh trong hàng ngũ tà đạo, là những kẻ sẽ mừng rỡ khen con là tuyệt vời xuất chúng, với dụng ý giữ con trong ngõ cụt đó cho tới cuối kiếp đầu thai này của con.

Tất cả các con sẽ phải kinh qua giai đoạn này. Rất nhiều các con đã khởi sự tiến trình này rồi, đã nhận được nhiều ấn tượng từ chúng tôi và đã sử dụng một cách xây dựng để nâng cao tâm thức. Ta không nói là ngay bây giờ, mọi người đều phải khởi đầu từ mức thấp nhất, nhưng tất cả các con đều phải sẵn lòng nhìn vào một điều gì đó trong tâm lý của mình. Nếu con không sẵn lòng làm chuyện này, thì đúng vậy, con đang chặn nghẽn cánh cửa tâm con. Cánh cửa tâm con chưa mở ra.

Chúng tôi muốn nói gì qua câu “cánh cửa tâm con”? Hiển nhiên, cánh cửa tâm con có thể bị chặn lại ở tầng bản sắc, tầng lý trí, tầng tình cảm, hay ở tầng vật lý, tức là cái mà chúng tôi gọi là tâm ý thức. Cuối cùng hết, để con có thể chuyển dời tâm thức, con cần có một sáng ngộ ý thức. Con cần quyết định là con sẵn lòng buông bỏ những cái cũ và ôm lấy một hiểu biết cao hơn, một viễn kiến cao hơn, một nhận thức cao hơn. Con cần sẵn lòng buông bỏ cái cũ. Con có nghe ta nói không, con yêu dấu? Con cần sẵn lòng buông bỏ cái cũ.

Đây là hạn chế lớn nhất mà các chân sư phải đối mặt – là khi đệ tử không chịu buông bỏ cái cũ. Con người hay bám mắc vào quá nhiều thứ và không chịu buông nó ra. Chúng tôi đều sẵn sàng, đều sẵn lòng trao cho con sáng ngộ cao hơn đó. Con đã chuẩn bị bản thân, và trong bản sắc thể, trí thể và cảm thể của con đã có một khoảng trống. Nhưng ở mức tâm ý thức, tâm vỏ ngoài của con vẫn còn bám mắc vào một cái gì đó mà con không muốn buông ra, cho nên con không thể neo trụ một cách ý thức điều sáng ngộ mà chúng tôi trao cho con. Một ví dụ: quan điểm kiên cố, cứng nhắc.

Suốt trong năm qua, một số các con đã bày tỏ những quan điểm thật cứng nhắc về dịch COVID, chích ngừa, đeo khẩu trang. Một số đã bày tỏ những quan điểm cứng nhắc về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và một vị tổng thống nào đó. Ta không ở đây để tranh luận với con về những quan điểm đó. Ta chỉ đơn giản chỉ ra cho con là bất cứ khi nào con có ý kiến cứng nhắc, thì con không đang sẵn lòng nhìn xa hơn, con không sẵn lòng tra vấn, con không sẵn lòng chấp nhận là có thể có một cái nhìn cao hơn.

Bất cứ khi nào con như vậy thì con đang chặn nghẽn dòng chảy. Con không phải là một người đi tìm, một terton, con không là một kẻ săn kho báu vì con nghĩ con đã có kho báu rồi, tức là quan điểm của con. Đó là kho báu của con. Con cảm thấy “chuyện này đúng tuyệt đối, chuyện này vô cùng quan trọng đối với tôi”. Đây là khó báu của con và con ôm chặt lấy nó. Con nắm chặt ý tưởng trong tay, như nhà Thiền tông sẽ nói. Dù cho kho báu của con là gì, con yêu dấu, thì chúng tôi cũng sẽ chấp nhận quyền tự quyết của con, cũng như quyền con nắm giữ nó cho tới khi con còn cần trải nghiệm này.

Ta không đang bảo con phải làm gì hay không làm gì. Ta chỉ đơn giản chỉ ra là con không thể ăn hết cái bánh mà vẫn còn nguyên cái bánh. Con không thể cầm giữ bất cứ gì trên địa cầu mà nhận được tư tưởng cao hơn từ cõi thăng thiên. Chuyện đó . không . thể . xảy . ra.

Có lẽ một số các con đã chán nghe mấy chuyện này lắm rồi. Có lẽ con nghĩ chúng tôi đã lặp đi lặp lại chuyện này nhiều lần suốt hai năm qua.

Đó là vì chúng ta đang ở một thời điểm nhất định là có nhiều đệ tử đã sẵn sàng vượt trên mức những giáo lý được ban truyền cho tới giờ, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được đủ túc số những đệ tử đó. Do đó chúng tôi không thể nâng lên một cấp và ban truyền một trình độ giáo lý cao hơn. Sứ giả này có khả năng và cũng sẵn lòng làm chuyện đó. Nhưng chúng ta cần đến khía cạnh Omega, tức là có đủ túc số những đệ tử sẵn sàng nhìn xa hơn những ý tưởng cũ, chứ không cầm giữ, nắm chặt ý tưởng cũ.

Nhiều người trong số các con hiểu khá rõ các chân sư thăng thiên là ai, dạy những gì, vũ trụ vận hành làm sao. Con hiểu tất cả tiến trình tạo dựng các bầu cõi trước, các sa nhân cùng tất cả những vấn đề đó. Nhưng chúng tôi có nhiều điều hơn nữa để ban truyền cho con. Vậy câu hỏi là như sau, đến bao giờ sẽ có đủ số đệ tử mong muốn nhiều hơn hầu chúng tôi có thể trao cho họ? Một lần nữa, chúng tôi không bảo con phải làm gì hay không làm gì. Chúng tôi chỉ đơn giản nói rõ tình hình cho con thấy.

Nhưng song song chúng tôi cũng nói, nếu trong số các con có ai đã mở tâm ra những lời dạy cao hơn thì hãy đừng chờ đợi người khác. Hãy đi thẳng vào bên trong và chụp lấy lời dạy đó. Những gì chúng tôi có thể đem vào hình dạng vật lý qua sứ giả này chỉ giới hạn, nhưng những điều mà mỗi đệ tử có thể nhận được trong nội tâm thì vô hạn. Giới hạn duy nhất là sự rộng mở của tâm con.

Và như vậy, thực tế tình hình trên trái đất là tuyệt đại đa số con người đang đầu thai đều mang trong tâm mình một số ý tưởng gọi là “cấm kỵ”, tức là những điều mà họ cầm giữ, bám chặt và không thể nào buông bỏ. Đây là điều đang ngăn chặn tâm thức dời chuyển vào thời hoàng kim. Như Phật Gautama đã giải thích thật kỹ lưỡng nhân dịp cuộc hội thảo trên web về ý thức hệ, có quá nhiều người bị vướng mắc vào những loại ý thức hệ không phải là ý thức hệ truyền thống mà là những ý tưởng mà họ tin là không thể tra vấn. Và như Quan Âm đã bày tỏ trong bài giảng tuyệt vời của thày, có quá nhiều sự hiểu lầm, giới hạn, rào cản trong tâm con người về vật chất, về bản chất của vật chất vật lý, và về những gì có thể được thay đổi hay không thể thay đổi.

Hãy để ta nói cho con cái gì có thể được thay đổi hay không thể thay đổi. Tất cả mọi thứ đều có thể được thay đổi. Tất cả . đều . có thể . được . thay đổi. Không có gì là không thể thay đổi. Bởi vì nếu con nâng vật chất lên cho bớt dày đặc đi, thì những chuyện bây giờ tưởng chừng là bất khả thi sẽ tức khắc trở thành khả thi. Tại sao con nghĩ dưới lòng đất có nhiều nguồn tài nguyên hơn là đã từng được khám phá cho tới giờ? Phải, con có thể nói là vì loài người giờ đây có công nghệ để khám phá tài nguyên, như các loại cảm biến và radar xuyên đất hay cái này cái nọ. Nhưng câu hỏi thực sự là: tại sao loài người lại có công nghệ như vậy ngày nay mà không có cách đây 50 năm về trước? Là vì tâm thức tập thể đã nâng lên, và khi tâm thức tập thể nâng lên thì kết quả là vật chất bớt dày đặc đi.

Điều này có nghĩa là công nghệ hiện hành đang có mặt, trong khi 50 năm trước đây, công nghệ đó đã không thể có mặt vì vật chất dày đặc hơn và các tia sáng đó không thể đâm xuyên qua vật chất vào thời điểm đó. Những ý tưởng như thế này thật là quá nhiều, quá vi tế và mang những hệ quả sâu rộng đến độ chúng tôi biết hầu hết mọi người sẽ bị choáng ngợp. Đối với các đệ tử như các con, chắc các con cũng bị choáng ngợp. Nhưng một lần nữa, con không cần hiểu biết tất cả mọi thứ về mọi lãnh vực trong xã hội. Bao nhiêu lần chúng tôi đã nói điều gì? Con hãy chọn lấy một lãnh vực mà con thực sự ưa thích trong tim con, hãy tập trung vào đó và học hỏi để trở thành một nhà chuyên môn.

Con không nhất thiết cần phải (cho dù ta không nói là con không nên) đi học đại học và lấy bằng tiến sĩ trong ngành đó. Nhưng con hãy trở thành một nhà chuyên môn để con hiểu biết, tài giỏi hơn một người trung bình trong lãnh vực này. Và như vậy, con sẽ ăn nói với sáng ngộ sâu sắc hơn và khiến cho mọi người phải suy ngẫm. Con yêu dấu, đây không phải là chuyện đi thuyết phục hay cải đạo người khác, mà là khiến cho họ suy ngẫm.

Nếu con chưa biết rồi thì con nên tìm hiểu các cuộc đối thoại của Socrates, tìm hiểu cái gọi là phương pháp Socrates. Socrates không hề có mục đích thuyết phục một ai tin vào một triết lý, một tôn giáo hay một lý thuyết nào đó. Ông chỉ muốn khiến người ta suy ngẫm xa hơn tư tưởng mà mình hiện có. Cho nên ông không bảo họ phải nghĩ làm sao, mà ông tra vấn các niềm tin và tư tưởng hiện thời, chỉ ra những điểm mâu thuẫn, thiếu sót, không nhất quán, và như vậy ông khiến cho một số người phải suy ngẫm. Cũng có những người đã nổi giận, muốn bác bỏ ông và rốt cuộc kết án ông tử hình, nhưng chuyện này khó lòng xảy ra cho con trong thế giới ngày nay. Cho nên con hãy hăng hái lên, hãy sẵn sàng đặt lại vấn đề, và bằng lòng khiến người ta tra vấn quan điểm.

Con yêu dấu, đối với người tâm linh thì điều tối quan trọng là con cần từ bỏ tâm thức cho rằng mọi nỗ lực của con phải đạt được kết quả vật lý có thể đo lường được. Trong các cõi vật lý, tình cảm, lý trí và bản sắc thấp, có một tâm thức vô cùng mạnh mẽ do sa nhân tạo ra cho rằng trừ khi con đạt kết quả có thể thấy và đo được thì nỗ lực của con đã thất bại. Nhưng chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại điều gì? Rằng yếu tố thực sự quyết định sự tiến bộ của địa cầu là việc nâng cao tâm thức tập thể. Dù con có làm gì, như tự giáo dục, mở tâm ra một ý tưởng mới mẻ hay học hỏi một bộ môn mới, thì con cũng đang nâng cao tâm thức của con, và như vậy con đang nâng cao cả tổng thể. 

Thật là con đã có tác động rồi đó. Đọc bài chú và bài thỉnh có một tác động, nhưng có thể con không thấy được kết quả trực tiếp trong cõi vật lý. Chúng tôi thừa hiểu là con đã lớn lên trong một nền văn hóa, đặc biệt là những ai đã lớn lên tại phương Tây, cho rằng trong nhân và quả, con phải có khả năng tách riêng ra một kết quả duy nhất và một nguyên nhân duy nhất. Nhưng trong những năm qua, chúng tôi đã dạy con về lý nhân duyên, qua đó tất cả mọi thứ đều được nối kết trong mạng lưới cực kỳ phức tạp của sự sống. Trong thế gian liên kết chặt chẽ này, con không thể chỉ ra một nguyên nhân tách biệt cũng như một hệ quả tách biệt. Điều này không có thật, điều này là hư cấu. Nó cũng hư cấu y như bảo rằng PadmaSambhava hay Gautama là những đấng cực kỳ đặc biệt. Đó là một huyền thoại khoa học thay vì là một huyền thoại tôn giáo, nhưng vẫn hư cấu y như vậy.

Không hề có nguyên nhân nào tách biệt, không hề có hệ quả nào tách biệt. Điều mà con có thể làm được là nói: “Đâu là kết quả trên tâm thức của tôi? Liệu tôi có thấy được việc học hỏi và thực hành giáo lý cũng như việc sử dụng các dụng cụ tâm linh, đã có nâng cao tâm thức của tôi hay không?” Đấy, con có một kết quả mà con có thể đo lường được, và đó là kết quả duy nhất mà con cần đến. Nhưng tất nhiên, con cần biết là khi con nâng cao tâm thức của con thì con cũng nâng cao tâm thức của người khác. Con có thể thấy được là khi con nói chuyện với người khác, có lẽ con đã giúp, đã tạo cảm hứng cho họ. Nhưng một lần nữa, đừng bị bận tâm khi con nói chuyện với họ là con phải cải đạo họ để họ tin vào các chân sư, hay tin vào mọi điều con tin về các chân sư, hay họ phải bắt đầu đọc bài chú, phải làm cái này hay cái nọ.

Ta không bảo con làm điều đó. Ta chỉ bảo con hãy trở thành vị đại sứ cho ý tưởng, để con quảng bá ý tưởng. Nếu có ai đó muốn biết ý tưởng đó từ đâu đến thì tất nhiên, con có thể nói cho họ biết, tuy nhiên mục đích của con không phải là đi quảng bá chân sư thăng thiên hay giáo lý của chân sư thăng thiên, quảng bá vị sứ giả này hay quyển sách nọ. Sứ giả này hoàn toàn bằng lòng sống hết kiếp này càng ẩn danh càng tốt với tương đối ít người biết đến mình. Cá nhân ông không cần mấy chuyện đó, và chính con cũng không cần đến chuyện đó khi con bỏ được những cái ngã tách biệt khiến con nghĩ là con cần.

Thế nào là không dính mắc

Giản dị là con chỉ cần ở nơi đây, nâng cao tâm thức, và đóng góp bằng cách tốt nhất mà con có thể. Nhưng con yêu dấu, câu sau đây chính là phương châm cho tất cả các chân sư thăng thiên mặc dù chúng tôi thật chẳng cần đến phương châm nào: “Khi món quà đã trao thì công việc đã hoàn thành.” Vấn đề không nằm ở chỗ món quà có được người ta nhận lấy hay không, vì đó không phải là trách nhiệm của con. Bởi vì định luật tối hậu của vũ trụ này là gì? Là quyền tự quyết. Con thật không muốn tạo nghiệp khi con cố kiểm soát cách người khác phản ứng lại món quà mà con trao cho họ. Con cần để họ tự do, để yên cho họ là như họ là. Con hãy bằng lòng là con đã gieo hạt giống, có thể một ngày nào đó nó sẽ mọc thành cây, nhưng đó không phải là trách nhiệm của con. Đó là trách nhiệm của người kia, là quyền tự quyết của họ. Con chỉ nên quan tâm tới một chuyện mà thôi, là trao món quà, làm cánh cửa mở.

Chuyện gì xảy ra không thành vấn đề. Con là cánh cửa mở, có nghĩa là ánh sáng và tư tưởng tuôn chảy qua tâm thức con đi vào hệ thống năng lượng của địa cầu. Một khi nó đã rời khỏi cánh cửa của con, trách nhiệm của con đã xong. Không có vấn đề phải đạt được một kết quả nào đó, hay nhận được một điều gì trở ngược về con. Nhiều người đã quá quen sống với một số tin tưởng ẩn náu không bao giờ được chất vấn, và họ muốn nhận được sự phản ứng khi mình làm bất cứ điều gì.

Như chúng tôi đã có nói, nếu con không nhìn thấy hậu quả của chọn lựa của con thì làm sao con biết được con đã có chọn lựa đó? Nhưng đó chỉ là vấn đề khi con còn ở một mức tâm thức thấp hơn, khi con chưa bắt đầu thể hiện quả vị Ki-tô. Bởi vì khi con thể hiện quả vị Ki-tô, con sẽ hoàn toàn bằng lòng một khi con đã cho ra, và khi con đã trao món quà thì con không còn quan tâm gì nữa đến kết quả. Phần nào, quả vị Ki-tô nghĩa là như vậy.

Thế nhưng chúng tôi đã chứng kiến nhiều đệ tử đã bám mắc vào kết quả suốt hàng mấy chục năm trời. Hiện có một số đệ tử từ những đợt truyền pháp trước vẫn còn mơ mộng về ngày mà giáo lý cùng vị sứ giả của họ sẽ được công nhận là khuôn mặt tâm linh nổi bật nhất của Thời đại Bảo bình. Còn họ thì sẽ được công nhận là những môn đồ cao trọng nhất, y như tông đồ của Giê-su vậy. Chính họ mới là những người đã đột phá, đã giải cứu hành tinh này cho Saint Germain, và còn bao nhiêu giấc mơ khác nữa. Nhưng khi nào con nghĩ như vậy thì con sẽ còn bị kẹt lại ở một mức tâm thức nhất định – vì con mong muốn phản hồi từ địa cầu.

Chúng tôi đã nói gì? Con phải vượt qua các bám mắc của mình. Con cần đạt đến một điểm khi ông hoàng của thế gian này và ma quỷ của Mara không còn nắm được gì nơi con khi chúng cố cám dỗ con vào phản ứng. Vậy thì đâu là phản ứng cơ bản nhất của con? Đó là khi con muốn một phản ứng từ thế gian, từ cõi vật lý, từ người khác. Cho tới khi nào con còn vướng mắc đó, ma quỷ của Mara sẽ vẫn nắm được con. Vì thật là quá dễ khuynh loát người ta để họ chối bỏ con. Nhưng cho dù con có thể khiến cho mọi người ủng hộ một quan điểm cứng nhắc của con thì ngay cả chuyện này cũng sẽ đánh bẫy con. Cho nên cho dù con có được ủng hộ hay bị bác bỏ thì con vẫn sẽ bị mắc kẹt trong trò chơi phản hồi. Con muốn một sự phản hồi.

Hành động và phản ứng. Con làm một hành động và con chờ đợi một phản ứng từ vũ trụ. Chuyện đó tự nhiên thôi, chúng tôi hiểu. Chúng tôi đã nói gì bao nhiêu lần rồi? Và con có thể nói, ta đang mâu thuẫn với những gì các chân sư vẫn nói, rằng vũ trụ là một tấm gương, rằng bất kỳ điều gì con gửi ra sẽ được phản chiếu ngược về cho con. Phải, con yêu dấu, điều đó hoàn toàn đúng ở một mức tâm thức nào đó. Nhưng khi con đạt tới những mức tâm thức cao hơn, những mức cao hơn của quả vị Ki-tô và quả vị Phật, và con vượt qua mọi bám mắc, con sẽ hoàn toàn thản nhiên cho dù có phản hồi hay không phản hồi. Con không quan tâm đến phản ứng. Con không đang tìm một sự xác nhận của ai đó hay đạt được một kết quả nào đó. Đây là không vướng mắc.

Đồng ý, thật là quá dễ cho ta nói ra những lời này vì ta không còn đầu thai trên địa cầu. Nhưng ta đã từng đầu thai trong cõi vật lý ở những hành tinh khác, và ta biết rõ dính mắc dễ xảy ra đến chừng nào. Dù sao thì chuyện dễ dính mắc cũng không thay đổi được thực tế cơ bản. Con chỉ có thể giải thoát khỏi vật một khi con giải thoát khỏi sự dính mắc vào vật. Không có cách nào khác. Chưa từng có và sẽ không bao giờ có cách nào khác.

Nếu con thấy mình có những quan điểm kiên cố, cứng nhắc về bất cứ điều gì, con hãy xét xem tại sao con lại có quan điểm cứng nhắc và tin tưởng kiên cố như vậy. Tại sao đề tài đó lại quan trọng với con đến vậy? Tìm hiểu xem con đang cố tạo ra phản ứng gì từ thế gian trên đề tài này. Con có đang tìm sự xác nhận, sự chứng thực từ ai đó? Con có đang cố khiến người ta đồng ý với con, yêu mến con, xem con là thông minh, thông minh hơn họ, hay cái gì khác? Những ngã tách biệt của con sẽ được hưởng lợi gì khi con dính mắc vào chuyện trên địa cầu? Luôn luôn có một cái ngã được hưởng lợi lạc. Con cần phải tỉnh giác về điểm này và tự hỏi: “Có phải đây thật sự là lợi lạc mà tôi muốn để nó tiếp tục khống chế đời tôi, hay là tôi chỉ đơn giản muốn ngã này chết đi?”

Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở? Đúng vậy, cửa của con phải mở ra, tâm con phải mở ra. Đâu là tinh túy giáo lý của Phật? Là làm thế nào giữ cho tâm mình mở rộng. Đâu là tinh túy giáo lý của Giê-su? Là làm thế nào giữ tâm mình mở rộng cho dòng chảy của tánh linh. “Chuyện kia liên hệ gì đến con? Con hãy theo ta.” Không có cách nào khác, thật là quá giản dị. Quá cơ bản nhưng lại quá khó nắm bắt đối với biết bao người tâm linh, quá khó khăn. Con nhìn vào thế gian, nhìn vào lịch sử của người tâm linh trên hành tinh này, và con thấy khó khăn làm sao để người ta hiểu được đúng một điều này thôi, đúng một yếu tố này trên đường đạo.

Tinh túy của tăng trưởng tâm linh

Con hãy nhìn vào thời kỳ của đức Phật dưới sự thống trị của đạo Ấn. Đạo Ấn đã trở thành gì? Ấn giáo đã khởi sự với một số kinh sách, một số truyền thống được truyền miệng, và bình thường kinh Veda là một sự tiết lộ trực tiếp. Nhưng lần hồi nó bị trộn lẫn với nhiều thứ khác. Lần hồi nó trở thành một cấu trúc tạo dựng ngày càng phức tạp hơn. Thế là bỗng nhiên hiện ra những lý thuyết mâu thuẫn lẫn nhau, và các nhà Bà la môn bắt đầu cãi nhau về điều này điều nọ – như cõi tâm linh ra làm sao, cách này là thực hay cách kia mới là thực, và như vậy đủ kiểu tranh luận trí thức, học thuật, khởi lên.

Đức Phật nhìn thấy vậy mới nói: “Với tất cả những quan điểm khác nhau như thế này thì làm thế nào giải quyết được đây? Làm thế nào ta có thể đem lại một giáo lý giải quyết được toàn bộ vũng lầy này, toàn bộ tình trạng hỗn tạp này với đủ loại quan điểm, đủ loại phe phái đang tranh cãi và giao chiến với nhau?”

“Ta có thể làm được gì đây?” Gautama tự hỏi, “Ta có thể làm gì để thay đổi được tình thế chứ không chỉ lại tạo thêm một nguyên nhân chia rẽ, tranh luận và cãi vã?” Và như vậy, thày nhận được sự sáng ngộ – nhân tiện cũng xin nói, sáng ngộ này đến từ chính ta và các chân sư thăng thiên khác – rằng mình cần đem lại một giáo lý không nhằm giải quyết các tranh chấp trong đạo Ấn, mà tránh hẳn vấn đề cốt lõi, là “có chăng một Thượng đế và cõi tâm linh như thế nào?” Thay vào đó, thày nói: “Chúng ta hãy thực tế, chúng ta hãy tập trung vào những gì có khả năng thay đổi tâm thức con người, nâng cao tâm thức con người. Một khi chúng ta đã nâng cao tâm thức thì có lẽ chúng ta sẽ có khả năng nhìn xa hơn tất cả những mối chia rẽ đó.” Và đây là mục đích của Phật giáo trong dạng thuần khiết.

Nhưng tất nhiên khi con nhìn vào Phật giáo bây giờ thì con lại thấy một cấu trúc phức tạp đã được tạo dựng lên, và yếu tố nguyên thủy kia đã phần lớn bị quên lãng. Tuy nhiên, hẳn là nó có thể được tái khám phá bởi những ai quan tâm đến Phật giáo, là những người có cái nhìn sâu sắc lẫn kinh nghiệm, con có nghĩ vậy không?

Vậy thì con không thấy hay chăng một điều tương tự như vậy cũng xảy ra với giáo lý của các chân sư thăng thiên? “Ồ, đợt truyền pháp này mới là đợt chân chính nhất, sứ giả này mới là sứ giả cao nhất, không thể có một sứ giả nào khác và không thể có sứ giả nào sau sứ giả này.” Đủ thứ lập luận như thế, chia rẽ như thế. Chỉ có một cách để vượt lên trên mà thôi, đó là cá nhân mỗi người hãy hòa điệu vào cõi thăng thiên. Bởi vì chúng tôi vượt lên trên mọi vũng lầy nhân thế. Chỉ khi nào con tiếp xúc với chúng tôi thì con mới trải nghiệm được một cái gì không những vượt lên trên vũng lầy nhân thế mà cũng vượt lên trên ngoại tâm của con.

Ngoại tâm của con có thể bám mắc vào quan điểm một cách dữ dội. Nhưng đó chỉ là một quan điểm trên trái đất. Con chỉ có thể bám mắc vào nó khi nào con chưa trải nghiệm được một tâm thức cao hơn hẳn, nơi quan điểm đó chẳng có gì là hệ trọng giữa vô số quan điểm khác. Cho nên, điều duy nhất sẽ thay đổi tình thế của con là con cần có trải nghiệm đó. Con trải nghiệm được cái mà chúng tôi gọi là cái Ta Biết. Sự nhận biết thuần khiết không hề bị lôi kéo vào tất cả những sự chia rẽ, quan điểm và bám mắc đó. Đây là giải pháp duy nhất, sự tiến bộ duy nhất.

Chúng tôi mong muốn tất cả các con có được chứng nghiệm này. Một số các con đã có được rồi, và con biết chính xác ta đang nói về điều gì. Nhưng con cũng sẽ thấy là những ai đã có được chứng nghiệm đó sẽ không là kẻ đứng ra hô hào quan điểm cứng nhắc về bất cứ chuyện gì. Cho nên đối với những ai đang bám mắc vào quan điểm của mình, đang thèm khát được người ta chứng thực mình, các con cần xét xem mình muốn làm gì với phần còn lại của đời mình. Liệu con có sẵn lòng đưa đường tu của mình lên một mức cao hơn? Bởi vì chúng tôi đã giải thích cho con bằng đủ mọi cách là con hiện không đang ở mức cao đó. Vậy liệu con có chịu chuyển vọt hay không?

Chúng tôi đã truyền cho con bao nhiêu giáo lý và dụng cụ để giúp con làm điều đó. Nếu con làm được thì nó sẽ trao uy lực cho con. Hãy lắng nghe! Lắng nghe những lời dạy một lần nữa. Lắng nghe thực sự. Hãy mở tâm ra để lắng nghe và thôi tìm cách chứng minh một quan điểm có sẵn. Làm sao khác con có thể trở thành một cánh cửa mở đây? Nhiều người trong số các con mơ ước mình sẽ nhận được ý tưởng cao siêu sẽ đem lại danh vọng hay của cải cho mình. Nhưng làm sao con nhận được nếu tâm con không có một lỗ mở? Và làm sao tâm con có lỗ mở nếu con cứ bám mắc vào những thứ vỏ ngoài đó? Điều đó không thể xảy ra, con yêu dấu. Con đang cố làm chuyện bất khả thi. Con đang có một giấc mơ bất khả thành. Thế rồi con lại cho phép con nghĩ thế này: “Đáng lý tôi đã phải đạt được một số kết quả rồi chứ. Nếu giáo lý thực sự hiệu nghiệm thì tôi đã phải đạt được kết quả. Nhưng vì tôi không thấy kết quả nào, nhất định phải có điều gì không ổn với người sứ giả, không ổn với giáo lý, thậm chí cả chân sư thăng thiên cũng có thể không có thật”, vân vân và vân vân.    

Không phải là giáo lý không hiệu nghiệm, mà chính con đã không hiệu nghiệm khi sử dụng giáo lý. Con không đang áp dụng giáo lý.  Con không đang lắng nghe. Con giống như lời mô tả của Mẹ Mary: “nhìn mà không nhìn thấy, nghe mà không nghe thấy.” Nhưng không chỉ có con mà thôi. Hãy nhìn vào 99,9% loài người trên trái đất, họ đều nhìn mà không nhìn thấy, nghe mà không nghe thấy. Lấy tất cả các Phật tử đã theo học giáo lý này, và lấy một số Phật tử đã vô cùng nhiệt tình với PadmaSambhava trong tâm họ. Liệu họ có nghe được những gì ta đang cố nói với họ trong nội tâm của họ? Không, vì họ quá bám mắc vào hình tướng. Hình tướng vỏ ngoài. Hình tướng vỏ ngoài. Đừng chiều theo hình tướng vỏ ngoài. Nếu con là một terton, một người đi tìm kho báu, nếu con tìm kiếm các chân lý terma – con hãy đừng chạy theo hình tướng vỏ ngoài.

Con yêu dấu, nhiều khi con có thể tự hỏi tại sao chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại cùng một chuyện hoài. Con có thể tự hỏi liệu chúng tôi có kỳ vọng một kết quả nào khác hơn hầu hội đủ định nghĩa của Einstein về sự điên rồ. Nhưng kỳ thực, chúng tôi không mong đợi kết quả. Chúng tôi truyền rải một giáo lý từ một góc độ nào đó, với một năng lượng nào đó, và nó sẽ chạm được một số người. Lời dạy mà ta vừa trao cho con hôm nay đã chạm được một số người mà lời dạy trước đã không thể với tới. Đó là cách vận hành của tiết lộ tuần tự. Lời dạy này sẽ vẫn chưa chạm được nhiều người, và điều này cũng hoàn toàn bình thường thôi.

Nhưng có một tiềm năng thật lớn cho các đệ tử tâm linh, không chỉ đệ tử của chân sư thăng thiên mà nhiều người tầm đạo tâm linh khác, nếu họ trở nên ý thức hơn và sẵn sàng lùi lại một bước để xem xét: “Đường tu tâm linh thật sự là gì, liệu tôi đã thực sự hiểu thấu nó hay chưa, liệu tôi đã nắm bắt được ý nghĩa của sự tự thăng vượt, sự nâng cao tâm thức, sự chuyển vọt tâm thức? Liệu tôi đã thực sự nhìn ra sự cần thiết phải thấy được những gì tôi chưa thấy? Liệu tôi có thực sự nắm được ý nghĩa? Rằng đó không phải là chuyện đạt được sáng ngộ tối thượng mà liên tục nhìn thấy một tiết lộ cao hơn rồi cao hơn nữa? Đây là một tiến trình liên tục cho tới khi nào tôi còn đầu thai trong cuộc đời này. Liệu tôi đã chấp nhận điều đó hay không? Hay là tôi vẫn còn đang mơ mộng mình sẽ đạt được trạng thái tối hậu, và khi đó người đời sẽ phải quỳ lạy và thờ phượng mình?”

Rất nhiều người trong số các con đã thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình với mục tiêu đạt mức tâm thức cao hơn rất nhiều những gì mình đã đạt được cho tới giờ. Nhưng con sẽ không đạt được mức đó nếu con không chịu lùi lại một bước và tái cứu xét, đặt ra những câu hỏi để con nhìn ra những gì con chưa nhìn thấy bây giờ. Con ở mức hiện tại của con là vì con không thể thấy xa hơn một rào cản nào đó. Con sẽ chỉ vượt qua được một khi con nhìn thấy xa hơn. Và điều này có nghĩa là con sẵn lòng mở tâm con ra và đặt ra một số câu hỏi mà con chưa đặt.

Vị sứ giả này, như ông đã viết và kể lại, đã khởi sự với một hiểu biết vô cùng ngây thơ về sự tăng triển tâm linh cũng như về ý nghĩa của tăng triển tâm linh. Làm sao ông có thể làm khác được khi ông đã lớn lên trong một xã hội Tây phương chối bỏ mọi sự thật tâm linh? Nhưng rồi ông tới một điểm khi ông nhận ra rằng tinh túy của đường tu tâm linh là nhìn vào trong bản thân mình và thấy được một cái gì đó cho dù là nó vô cùng khó chịu và tự ngã gạt bỏ nó. Tự ngã gạt bỏ ý tưởng đó ra và kháng cự lại. Nhưng nếu con sẵn lòng nhìn nó, thấy nó, nỗ lực đi muốt qua nó, vượt qua nỗi đau của nó, thì bỗng nhiên con thấy là thực sự con đã thay đổi. Con đã chuyển vọt. Con ở một mức cao hơn trước đây, có lẽ là một mức cao hơn cả những gì con chờ đợi.

Đây là tinh túy của sự tăng triển tâm linh. Không có gì là vẻ vang mà là một công việc nặng nhọc. Đó là từng bước nhỏ một ở mỗi lúc. Không có những đột phá to lớn và chứng ngộ huy hoàng. Ừm… đột phá và chứng ngộ có thể xảy ra, tuy nhiên khi con càng đi lên cao hơn trên đường đạo, thì những trải nghiệm chứng ngộ này sẽ ngày càng ít vẻ vang hơn vì sự tương phản càng ít rõ rệt hơn. Cho nên niết bàn không hẳn giống như những gì con chờ đợi – hoặc để dùng một cách mô tả phổ biến, niết bàn được đánh giá quá cao bởi những ai cho rằng đó là một trạng thái cực lạc tối hậu nào đó. Nhưng so với trạng thái tâm thức phân cực, nhị nguyên mà hầu hết mọi người đều kinh nghiệm, thì niết bàn là một trạng thái tâm thức hoàn toàn trung hòa. Không có điểm cao hay điểm thấp, không có vui lòng hay buồn lòng. Không có đau khổ. Nhưng cũng không có cảm giác thích thú và thành đạt giả tạo mà con có trên địa cầu. Tất cả đều trung hòa, ít ra là khi so sánh với những gì con người trải nghiệm trên trái đất. Tất nhiên là có một niềm vui không dứt, một cảm giác thỏa nguyện, là những cảm giác không có đối cực.

Trong trạng thái thăng thiên, tâm thức của con không hề có đối cực. Không có tương phản. Không có chuyện đu đưa giữa trạng thái này rồi trạng thái kia, và đây là một trong những thứ mà con phải bỏ lại. Con phải bỏ lại kịch tính – kịch tính rằng con xuất chúng, rằng con làm được những chuyện thật đặc biệt.

Hôm nay ta đã trao cho con rất nhiều điều để con suy ngẫm nếu con sẵn lòng đọc lại hay nghe lại bài giảng này. Có rất nhiều điều ẩn giấu đằng sau lời nói. Ẩn giấu giữa những dòng chữ. Và nếu con sử dụng bài truyền đọc này cùng với băng thâu âm của câu thần chú mà ta đã cho con trước đó, con có thể hòa điệu với ta.

Con có khả năng tìm thấy kho báu ẩn tàng mà ta mong mỏi sẽ trao cho con. Con có thể trở thành một người terton của ta, một số các con đã là terton rồi đó, vậy thì các con hãy tiếp tục nỗ lực thật tốt, bởi vì ta không giữ lại bất cứ điều gì khỏi con. Chính con mới giữ lại một điều gì đó khỏi ta. Nhưng tất nhiên đó là chọn lựa của con. Là quyền của con chọn lựa như vậy. Một lần nữa ta chỉ hỏi: “Con muốn cái này hay con muốn cái kia?” Vì con không thể có cả hai, đây chính là tinh túy của cuộc sống trên địa cầu, vì có một số thứ loại bỏ lẫn nhau. Tâm đóng kín và tăng trưởng tâm linh là hai thứ loại bỏ lẫn nhau. Bám mắc vào quan điểm và tăng trưởng tâm linh cũng loại bỏ lẫn nhau.

Vậy thì con yêu dấu, tới đây ta sẽ niêm con trong ngọn lửa vui mừng mà Ta Là. Vì Ta Là PadmaSambhava. Ta Là Vajra Guru, có nghĩa là “Ta sử dụng quyền thị hiện trên địa cầu qua trung gian những ai có thể hòa điệu với Hiện diện của ta, Bản thể của ta.”

Mối quan hệ trực tiếp của con với các chân sư thăng thiên

Bài truyền giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 5/9/2021, nhân Webinar 2021 cho Hoa kỳ – Hướng tới các quan hệ Thời Hoàng kim.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

TA LÀ với an bình. TÀ LÀ trong an bình. TA LÀ sự an bình. Ta truyền giảng từ an bình. Làm sao có thể có vũ lực trong Phật? Điều này thật không thể, vì Phật vượt khỏi vũ lực. Phật không phản vũ lực mà vượt lên trên vũ lực.

Phật biết gì về các mối quan hệ? Chẳng phải là khi ta còn hiện thân, ta đã bỏ lại vợ hiền cùng con thơ, bỏ lại mọi người để ra đi sống trong rừng giữa thú hoang lẫn con người hoang dại? Đúng vậy, nhưng Phật đã làm gì trong cuộc đời sau đó? Chẳng phải là ta đã thiết lập một cộng đồng và quy tụ các đệ tử đến học từ Phật?

Cho nên ít ra Phật cũng biết đôi điều về mối quan hệ giữa thày và đệ tử. Và tất nhiên trong tư cách một chân sư thăng thiên, ta cũng biết đôi điều về mối quan hệ giữa chân sư thăng thiên và những sinh thể chưa thăng thiên trên địa cầu. Chúng ta hãy bàn về mối quan hệ này. Bởi vì như các thày đã có nói, các thày không hẳn mong con tìm thấy một vị đạo sư trong cõi vật lý, mà hơn thế các thày mong muốn con có khả năng nhận được sự hướng dẫn ngay trong nội tâm của con từ các chân sư thăng thiên.

Việc khám phá mối quan hệ tốt nhất với các chân sư thăng thiên sẽ đòi hỏi nơi con những gì? À, trước hết, con cần suy ngẫm rào cản lớn nhất cho một mối quan hệ trực tiếp với chân sư thăng thiên là việc sùng bái thần tượng. Thần tượng hóa là khi con đặt một ai đó lên làm thần tượng, ở một địa vị cao hơn con đến độ nhân vật đó vượt khỏi tầm với của con.

Vị sứ giả này sống ở vùng quê và khi ông lái xe ra thành phố, ông thường đi ngang một cơ sở Phật giáo, một trong vài cơ sở hiện diện trên đất Đan mạch này. Sau nhiều năm lái xe ngang qua đó, một hôm ông quyết định tra cứu trên mạng internet xem cơ sở này như thế nào. Ông ngạc nhiên tìm ra là cái nhìn của họ về Phật rất khác với những gì ông thường nghĩ người Phật tử nhìn Phật. Họ có cái nhìn rất sùng bái về ta. Không những họ nghĩ rằng ta thật đặc biệt ngay từ lúc sinh ra đời mà ta còn đặc biệt trước cả khi sinh ra đời. Ta thuộc về một hạng người hoàn toàn cách biệt khỏi mọi người khác trên địa cầu, và đó là tại sao ta đã có thể là vị thày độc nhất vô nhị này, tại sao Phật giáo là tôn giáo độc nhất vô nhị sẽ dẫn con người đến một cõi cao siêu hơn.

Sứ giả này thấy rõ chính cách nhìn thần tượng hóa này đã ngăn chặn các Phật tử đó có được một mối quan hệ cá nhân với đức Phật đích thực, vì họ chỉ có thể tương tác với thần tượng mà họ đã tạo ra trong tâm họ. Làm sao họ có thể thực sự bước theo lời dạy chân chính của Phật, và lời dạy chân chính của Phật là gì chứ? À, chẳng phải là ta đã dạy mọi thứ đều là Phật tánh hay sao? Tất cả mọi thứ đều mang Phật tánh ở bên trong. Mỗi con người đều có Phật tánh trong bản thân mình, và điều này có nghĩa là mỗi người đều có tiềm năng trở thành Phật.

Nhưng làm thế nào con trở thành Phật đây? Bằng cách học hỏi và nhận linh hứng, bằng cách đi theo tấm gương của Phật cho tới khi con trở thành một với Phật. Nhưng làm sao con có thể trở thành một với Phật nếu con nghĩ Phật ở quá cao trên con đến độ Phật thuộc về một phạm trù hoàn toàn riêng biệt?

Con thấy đó, trên hành tinh này có một truyền thống rất, rất lâu đời sùng bái thần tượng kiểu đó. Tất nhiên, nó do sa nhân tạo dựng. Sa nhân là những kẻ muốn tự đặt mình vào một phạm trù mà trong cơ bản khác hẳn mọi người khác trên địa cầu. Theo một nghĩa nào đó, đúng là chúng khác mọi người vì tâm thức của chúng thấp hơn hẳn mọi người trên trái đất, nhưng điểm này không khiến chúng đặc biệt mà chỉ khác biệt mà thôi. Chắc chắn nó không khiến chúng cao trội hơn, mặc dù chúng tin là chúng có trí tuệ và hiểu biết cao siêu hơn, hay ngay cả trong một số trường hợp, một số khả năng vượt trội do chúng đã có nhiều thời gian hơn để rèn luyện các khả năng này.

Con thấy sự thần tượng hóa này – được tìm thấy trong biết bao tôn giáo – thật ra là điều mà sa nhân mơ ước. Chúng mới là kẻ mơ ước được thờ phượng y như nhiều người thờ phượng Thượng đế vậy. Chúng là những kẻ muốn trở thành thần thánh trên trái đất, thậm chí loại thần thánh ở cõi bản sắc được con người tôn thờ như những kẻ tự thân đã siêu đẳng – một hạng người đặc biệt mà không ai có thể với tới. Điều này khiến chúng cảm thấy chúng thật đặc biệt, trong khi một chân sư thăng thiên thì không hề có mong muốn cảm thấy mình đặc biệt, không có nhu cầu cảm thấy đặc biệt, thậm chí còn không nghĩ tới chuyện đặc biệt hay có gì đặc biệt nhiều hay ít.

Là học trò của chân sư thăng thiên, con có thể quán chiếu những ý tưởng này. Con có thể nhìn vào bất cứ tôn giáo nào mà con đã lớn lên trong kiếp sống này. Con có thể nhìn vào những tôn giáo mà con đã tiếp cận trong tiền kiếp và nhận diện hiện tượng sùng bái đó. Con có thể nhìn ra làm thế nào những tôn giáo gọi là độc thần (monotheistic) tuyên bố Thượng đế của họ mới là cao trội, và đồng thời họ gán cho Thượng đế này một số đặc tính kỳ thực chỉ phản ánh cái tâm lý chưa giài quyết của chính họ. Con người phóng chiếu ra là Thượng đế cũng giống như họ vậy, cho nên đó là một thượng đế nóng giận ở trên trời, đó là thượng đế thù hằn có ý muốn đập tan mọi kẻ thù và đày đọa những ai cả gan chống đối vào nỗi thống khổ triền miên nơi địa ngục.

Rõ ràng một số những điều trên phát xuất từ sa nhân vì chúng là kẻ muốn tiêu diệt hay trừng phạt bất cứ ai chống lại chúng. Con thấy được ở đây, con có thể bắt đầu nhận diện ở đây ảnh hưởng của sa nhân trên các tôn giáo trên địa cầu to lớn đến chừng nào, ngay cả trên nhiều khía cạnh của đạo Phật. Khi con làm vậy thì con có thể khởi sự giải tỏa những ảo tưởng đó khỏi tâm mình. Con còn có khả năng nhận ra là trong những kiếp trước, con đã từng tiếp xúc với hình thức tôn giáo này, với hậu quả là con đã gây dựng một số ngã tách biệt.

Có một thời điểm sứ giả này đã nhận biết là mình mang một cái ngã tách biệt – mà vào thời đó ông chưa gọi là ngã tách biệt – nhưng ông mang trong tâm lý của ông một khía cạnh sợ hãi xúc phạm Thượng đế. Ông sợ mình có thể nói ra hay thậm chí nghĩ ngợi một số chuyện sẽ khiến cho Thượng đế phật lòng. Khi đó ông đã là một đệ tử của chân sư thăng thiên trong một đợt truyền pháp trước, nhưng ông đã bỏ ra một thời gian khá dài vật lộn với ảo tưởng này trước khi ông nhận ra thượng đế đó không thể nào là Thượng đế đích thực. Cái đó bắt buộc phải là một thượng đế giả, vì thực sự, làm thế nào Thượng đế đích thực lại có thể bị xúc phạm bởi bất cứ điều gì trên trái đất?

Thế rồi ông chứng nghiệm được Thượng đế đích thực, Đấng Sáng tạo đích thực vượt khỏi mọi hinh tướng như ông từng mô tả trong một số bài viết của ông. Lý do ông mở tâm ra với sự chứng nghiệm này là vì ông đã vật lộn với hình ảnh Thượng đế đó. Ông đã từng vật lộn với hình ảnh một Thượng đế nóng giận xét đoán, một Thượng đế xa vời ở trên trời muốn được thờ phượng và có khả năng bị con người làm tổn thương. Ông ngộ ra là một sinh thể ở cõi tâm linh không thể nào thực sự bị bất cứ hành vi nào của con người trên trái đất làm cho tổn thương. Làm sao chuyện này có thể hữu lý được khi sinh thể đó vượt khỏi mọi điều trên trái đất? Cho nên ông ngộ ra vị thượng đế có thể bị xúc phạm đó cũng chỉ là sự phóng chiếu của một tâm lý chưa giải quyết, mà nói cho cùng là tâm lý của sa nhân và cũng là tâm lý dễ bị xúc chạm của rất nhiều người trên địa cầu.

Nếu con nhìn sự kiện các tôn giáo độc thần đều bắt nguồn ở vùng Trung Đông, con có thể thấy là ngay cả ngày nay, rất nhiều người ở Trung Đông rất dễ bị xúc chạm. Họ vô cùng nhạy cảm và dễ bị nhục mạ khi có ai đó nói điều gì mà họ cho là không được nói ra. Họ nổi giận, trở nên hằn học và mong muốn trừng phạt những ai làm nhục họ như vậy. Đây là những đặc điểm của một nhóm người đặc thù được chính họ phóng chiếu lên hình ảnh của họ về Thượng đế.

Một khi con nhận ra vấn đề này trong các tôn giáo lớn, con có thể bắt đầu xem xét mối quan hệ của con với các chân sư thăng thiên. Con có thể nhận ra thử thách lớn nhất mà các thày phải đối mặt trong tư cách chân sư thăng thiên là các đệ tử của mình không phải là những tờ giấy trắng tinh khi họ đến với giáo lý. Các con đều đến với một loại gốc tích, một loại hành lý nào đó, các con đã tiếp xúc với một hay nhiều tôn giáo khác nhau, cả trong kiếp này lẫn các kiếp trước. Con đến với một số kỳ vọng và định kiến, con đến với một cái nhìn nhất định về một sinh thể tâm linh là như thế nào và phải như thế nào.

Và nếu con sẵn lòng, con có thể nhận ra là các quan điểm mà con đã khoác vào về Thượng đế cùng các sinh thể tâm linh là sự phản ánh của chính tâm lý chưa giải quyết của con. Con có thể nhận ra hạn chế lớn nhất mà các thày phải đối mặt khi cố giúp con phát triển tâm linh, tất nhiên, là sự phóng chiếu đó đến từ tâm lý chưa giải quyết của con.

Khi con mang một tâm lý chưa giải quyết mà con phóng chiếu lên các thày, và khi một khía cạnh của tâm lý chưa giải quyết đó là con cho rằng các thày toàn hảo và do đó cái nhìn của con về các thày cũng toàn hảo, thì làm thế nào con có thể giải thoát mình khỏi điều này đây? Đó là một thế tiến thoái lưỡng nan. Có hai quan điểm đang khóa sừng chống chọi nhau trong bài toán nan giải này, vì làm thế nào con có thể nhận ra rằng quan điểm của mình về chân sư thăng thiên là giới hạn nếu con nghĩ các thày toàn hảo và cái nhìn của con cũng toàn hảo, hoặc nếu con nghĩ các thày sẽ bị xúc phạm nếu con chất vấn cái nhìn của con về chân sư thăng thiên? Nhiều các con mang cảm nhận vi tế là con không thể chất vấn cái nhìn của mình về chân sư thăng thiên vì con nghĩ đó không phải là một cái nhìn, mà con nghĩ các thày là y như vậy, và con nghĩ các thày sẽ bị xúc phạm nếu con chất vấn cái nhìn của con về các thày.

Một lần nữa, con yêu dấu, các thày đã thăng thiên. Các thày không hề bị xúc phạm bởi bất cứ gì trên trái đất. Không có gì con làm, nói, nghĩ hay cảm thấy có thể xúc chạm được các thày. Điều duy nhất các thày có thể làm nếu con ở trong một tâm thái khiến các thày không thể giúp con ngay lúc này là để yên cho con một mình. Nếu đệ tử của các thày cần nhận thêm nhiều cú giáng từ Trường đời Cay đắng, thì đôi khi các thày phải để yên họ một thời gian cho tới khi họ nhận đủ những cú giáng rồi mở tâm ra để các thày lại có thể giúp được họ trực tiếp hơn.

Nhưng điều này không có nghĩa là các thày bị xúc chạm. Các thày không bị xúc chạm khi bị con từ chối hay làm ngơ. Các thày không thể bị bất cứ gì xúc chạm. Con có thể nghĩ các thày có thể bị như vậy, con có thể phóng chiếu ra là các thày có thể bị như vậy, con có thể cảm thấy là mình đã xúc chạm các chân sư và do đó con không xứng đáng được tiếp xúc với chân sư. Cho nên con chui vào cái hang nhỏ nơi con cảm thấy buồn rầu tủi thân, và con phóng chiếu lên các thày rằng các thày mới là kẻ đang trừng phạt con vì con đã hư đốn chất vấn một tâm ảnh do chính con tạo ra về các thày. Nhưng các thày nhìn thấy rất rõ các tâm ảnh của con. Và làm sao các thày có thể bị xúc phạm khi con chất vấn một hình ảnh không liên quan gì đến bản thể thực của các thày – ngay cả trong trường hợp không thể xảy ra là các thày có thể bị xúc phạm?

Một lần nữa con thấy đó, các thày không thể giận hờn. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là như đã nói nhiều lần, các thày ở trong một trạng thái tâm thức khác hẳn trong bản chất so với tâm thức của con người chưa thăng thiên. Ta cũng biết đây là một khái niệm thật trừu tượng, ta biết là con không thể nắm bắt được hoàn toàn khi con vẫn con đầu thai, nhưng ít nhất nhiều người trong số các con có thể bắt đầu hé thấy, bắt đầu có một trải nghiệm nào đó về trạng thái tâm thức của các thày, giống như sứ giả này đã trải nghiệm khi ông nhận bài truyền đọc, hay giống như con có thể trải nghiệm khi con lắng nghe bài truyền đọc hay con thiền quán về các thày trong tim con. Và một khi con có trải nghiệm đó, con có thể đạt đến một chứng nghiệm, và ta sẽ cho con chứng nghiệm này từ bên ngoài, nhưng nó sẽ chỉ thực sự có giá trị đối với con khi nào nó cũng đến từ bên trong.

Chứng nghiệm đó là như sau – mối quan hệ của con với chân sư thăng thiên sẽ không giống như mối quan hệ của con với con người. Hạn chế lớn nhất mà các thày phải đối diện khi thiết lập mối quan hệ trực tiếp với con là sự kiện con chụp lấy cách nhìn của con về quan hệ con người rồi chuyển nó sang các thày. Cho nên ví dụ, nhiều các con có thái độ là nếu con là đệ tử của chân sư thăng thiên, nếu con muốn quan hệ trực tiếp với các thày, thì có một số điều con phải làm hay không được làm, một số điều con phải nói hay không được nói, một số điều con phải cảm thấy hay không được cảm thấy, một số chuyện con phải nghĩ hay không được nghĩ.

Các thày đã chứng kiến, đặc biệt trong các tổ chức chân sư thăng thiên trước, các đệ tử có thể trở nên gần như cuống cuồng, gần như điên loạn khi cố sức đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi mà họ phóng chiếu ra là các thày đang phóng chiếu lên họ. Họ cứ tưởng chính các thày đang phóng chiếu tất cả những yêu cầu đó lên họ. Nhưng những yêu cầu này dựa trên những quan hệ giữa con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm thức sa ngã, những cái “phải làm” và những cái “không được làm”, ý thức nghĩa vụ và bổn phận, ý thức mình phải trung thành với người khác, vân vân và vân vân.

Nhưng các thày không mang tâm lý của người phàm, các thày không có tâm lý sa ngã. Tại sao con lại cho rằng các thày phản ứng giống như sa nhân hay cư xử giống như con người? Điều này không hữu lý, không lô-gíc chút nào, và khi con bắt đầu suy ngẫm thì con sẽ có khả năng lần lần thoát mình ra khỏi nó, có nghĩa là ít ra con có thể khởi sự đáp ứng được yêu cầu duy nhất để bắt liên lạc với các thày, đó là một tâm cởi mở, một tâm trung hòa.

Trong tâm con phải có khoảng trống để các thày bước vào, và nếu con cứ mang những cái “phải” và những cái “không được”, những quan điểm cố định, cái nhìn sùng bái thần tượng nói trên, thì đâu là khoảng trống đây? Các thày sẽ không cưỡng ép con, các thày sẽ không hiện ra trong một dạng thị hiện không thể nào chối cãi, ngoại trừ trong một số trường hợp thật hiếm hoi khi việc này nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, là một điều mà con đã quyết định trước khi đầu thai trong kiếp này.

Các thày sẽ không bao giờ vi phạm quyền tự quyết của con người, cho nên các thày sẽ chỉ bắt liên lạc với một sinh thể chưa thăng thiên khi trong tâm con có khoảng trống để các thày bước vào, và điều này không có nghĩa là con phải có một ý định ý thức muốn liên lạc với các thày. Các thày đã chứng kiến nhiều đệ từ tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên rồi họ quyết định: “À, tôi muốn một trải nghiệm trực tiếp, một sự tiếp xúc trực tiếp với các chân sư, tôi muốn nhận được một thông điệp cá nhân từ chân sư,” thế rồi họ nghĩ họ phải làm chuyện này chuyện nọ, phải đọc bài chú, phải cầu nguyện, phải thỉnh gọi các thày. Họ trở nên gần như cuống cuồng, gần như điên loạn làm những chuyện mà họ nghĩ họ cần phải làm để có liên lạc trực tiếp đó.

Nhưng họ đang làm gì chứ? À, họ đang chất đầy tâm họ với tất cả những hoạt động đó, tất cả những ý nghĩ đó, tất cả những lời cầu đó, tất cả những hình dung đó khi họ tưởng tượng việc liên hệ trực tiếp với các thày sẽ tuyệt vời đến chừng nào, khi các thày ban cho họ những khả năng đặc biệt như thế nào, và giờ đây họ trở thành đặc biệt đến làm sao, họ sẽ thực hiện bao điều kỳ diệu mà ai nấy đều ngưỡng mộ, hay bất kỳ mơ tưởng nào mà con người có thể nghĩ đến. Và như vậy, càng ngày họ càng lấp đầy tâm họ với nhiều tiếng ồn ào hơn. Đâu là sự tĩnh lặng, đâu là khoảng trống để các thày bước vào? Cho nên các thày phải lui lại, chờ cho tới khi có lẽ họ sẽ mệt mỏi, sẽ chán ngán tất cả những hoạt động cuồng nhiệt đó, cho tới khi một khoảnh khắc tĩnh lặng hiện ra và đột nhiên mối liên lạc với chân sư thăng thiên xảy đến.

Bây giờ, một thử thách lớn khác mà các thày phải đối diện trong quan hệ với một đệ tử chưa thăng thiên là, tất nhiên, nhiều người chờ đợi việc tiếp xúc với chân sư thăng thiên phải là một trải nghiệm tột đỉnh tuyệt vời, ấn tượng, siêu phàm. Và đúng thế, một số đã có trải nghiệm như vậy, nhưng rất, rất hiếm hoi trải nghiệm đó đến từ chân sư thăng thiên. Họ đã có một cảm giác kịch tính dữ dội như vậy là do, như các thày đã giảng, sự tương phản to lớn giữa trải nghiệm đó và trạng thái tâm thức bình thường của họ. Nhưng thực tế là các thày không hề tìm cách cho con những trải nghiệm ngoạn mục tuyệt vời.

Các thày cố gắng cho con một khung tham chiếu để con thẩm định trạng thái tâm thức hiện thời của con. Các thày cố gắng cho con một sự hướng dẫn có thể giúp con bước lên bước kế tiếp. Cho nên nếu con đang ở tầng tâm thức thứ 60, các thày sẽ cố cho con một xung lực giúp con vươn lên tầng 61. Các thày không tìm cách cho con một loại trải nghiệm tột đỉnh ngoạn mục nào đó mà con có thể có ở những tầng tâm thức cao hơn vì con chưa sẵn sàng nhận lấy, và hầu hết mọi người nếu họ kinh qua trải nghiệm này sẽ cảm thấy choáng ngợp. Sứ giả này đã có được trải nghiệm Thượng đế vô hình tướng vì ông đã sẵn sàng, nhưng ông vẫn tốn nhiều năm trời để suy nghiệm và thể nhập trải nghiệm đó.

Cho nên nói chung, con thường không có trải nghiệm ấn tượng, siêu phàm đó khi tiếp xúc trực tiếp với các thày. Thật ra nhiều người đã nhận được một sự hỗ trợ trực tiếp từ các thày mà không hay biết nó đến từ đâu vì nó có vẻ quá bình thường, nó quá tầm thường đối với họ. Vì vậy con có thể bắt đầu nhìn xem kỳ vọng của con là gì trong việc quan hệ với chân sư. Con có thể bắt đầu xem xét liệu con có mang những kỳ vọng thiếu thực tế đó, những mong muốn trải nghiệm đặc biệt khiến mình cảm thấy mình là đặc biệt, và cũng khiến người khác cảm thấy con là người đặc biệt vì họ đã không có được trải nghiệm đó. Xuyên qua các đợt truyền pháp khác nhau, nhiều đệ tử đã ấp ủ giấc mơ này – là ảo giác mình vĩ đại cao quý khi mơ ước đạt được những khả năng đặc biệt sẽ khiến người ta nể phục, ngưỡng mộ mình. Và không cứ tất cả các đệ tử đó đều là sa nhân mặc dù một số là sa nhân.

Ta đoán con cũng biết là khi một sa nhân đang hiện thân tìm được một giáo lý của chân sư thăng thiên, sa nhân đó chỉ nhìn vào giáo lý cùng các chân sư với ý định: “Làm thế nào cái này có thể giúp tôi ra vẻ là người đặc biệt? Làm thế nào nó khiến tôi cảm thấy đặc biệt? Tôi có thể dùng giáo lý này như thế nào để cất mình lên cao hơn?” Tất nhiên, đó không phải là động lực mà hầu hết các con đều có, nhưng chắc hẳn con có mang một số ngã từ tiền kiếp khi con hứng chịu sự hiếp đáp của sa nhân khiến con tạo ra một số ngã muốn đền bù bằng cách nâng mình lên cao, bằng cách tỏ ra đặc biệt hơn người, hay bằng cách đạt một khả năng nào đó hầu chứng minh sa nhân sai trái. Có thể có những cái ngã đủ loại giống như vậy, và khi con tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên thì những ngã này sẽ muốn dùng giáo lý để thực hiện kỳ vọng của chúng – nhưng tất nhiên đây là một kỳ vọng rỗng tuếch. Cácc thày sẽ không bao giờ cho con cái đó, vì nếu các thày cho con thì chuyện gì xảy ra chứ? Ngã sẽ càng được củng cố, và con sẽ càng đồng hóa nhiều hơn với ngã, khiến con càng khó lòng tách ra khỏi nó và cho nó chết đi.

Cho nên con nhận ra ở đây là các thày, các chân sư thăng thiên, không cảm thấy mình đặc biệt. Tại sao vậy? Con có thể bảo: “Nhưng chẳng phải các chân sư đặc biệt lắm hay sao? Chẳng phải các chân sư ở trong một trạng thái tâm thức cao hơn con người chưa thăng thiên hay sao?” Và đúng thế, các thày có như vậy thật, nhưng vì sao các thày lại ở trong trạng thái tâm thức cao hơn đó chứ? Bởi vì các thày đã thăng vượt nhị nguyên. Cảm nhận mình đặc biệt có thể có mặt ở đâu chứ? Chỉ có thể trong cõi nhị nguyên, vì khi có ai đặc biệt thì điều này ngụ ý một sự so sánh giữa những người đặc biệt và những người không đặc biệt, và đó chính là cốt lõi của nhị nguyên – cái thang điểm đó, sự tương phản đó, sự xét đoán giá trị đó.

Các thày đã thăng vượt cái đó rồi. Thậm chí các thày còn không nghĩ tới chuyện đặc biệt. Các thày không nhìn thấy con là người kém cỏi, thiếu sót hay tội lỗi. Các thày không tìm cách trừng phạt con dù bằng cách nào đi nữa, các thày không tìm cách khiến con cảm thấy xấu hổ. Các thày không tìm cách khiến con phải nhận tội hay khai tội. Các thày chỉ cố giúp con thăng vượt tất cả cái tâm thức phàm phu đó. Cho nên các thày chỉ có một mục đích, một mong muốn thôi là giúp con thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con và cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con thăng thiên. Không hề có một mong muốn nào khác.

Ta cũng biết là trong các đợt truyền pháp trước đã có trọng tâm đặt vào việc phụng sự thày Saint Germain và đem lại thời hoàng kim, và ở đây con cũng có thể nói là các thày có đặt một chút trọng tâm vào công việc này. Tất nhiên là các thày mong muốn con phụng sự, nhưng chỉ khi nào đó là một việc con đã quyết định trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Các thày không tìm cách ép buộc con làm vậy. Các thày không tìm cách khiến con cảm thấy là mình bắt buộc phải làm, mình có bổn phận đối với chân sư. Các thày không tìm cách khiến con cảm thấy là con phải làm chuyện này và không được làm bất cứ gì khác, nhất là bất cứ gì thú vị.

Con thấy là trong tôn giáo, trong các giáo lý tâm linh, có một truyền thống rất lâu đời cho rằng thế giới tự thân nó xấu xa, rằng các sinh hoạt thế tục là tội lỗi, rằng chúng khiến con xao lãng mà xa rời việc tăng triển tâm linh, vân vân và vân vân. Và điều này đã tạo ra cái tư duy mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên bị lạc vào, kể cả sứ giả này trong những năm đầu. Con nghĩ, bây giờ con đã tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên thì con phải tập trung tất cả chú ý của mình vào chuyện này, con phải chú tâm vào việc phụng sự, dù là qua các bài chú hay một cách nào khác, và con không được làm bất cứ gì khác, bất cứ gì đem lại thú vị cho con. Con phải làm tối thiểu để kiếm kế sinh nhai hay làm tròn bổn phận đối với gia đình, nhưng con không được làm bất cứ gì để tìm niềm vui thú.

Đấy như các thày đã nói, con đã thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng từ một mức tâm thức cao hơn mức hiện tại của con. Nếu con đã quyết định là có một số trải nghiệm con muốn kinh qua vì các thày sẽ giúp con sạch hết lỗi lầm để sẵn sàng bước tới, thì không những đó là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng mà đó còn là một hoạt động vô cùng tâm linh cho con. Chúng sẽ chỉ thúc đẩy chứ không cản trở sự tăng triển tâm linh của con. Cho nên con không thể mang thái độ trắng đen đó mà cho rằng mọi sinh hoạt thế gian đều là phản tâm linh và con phải kềm chế chúng lại. Đặc biệt con không nên có thái độ đó.

Ta nhận thấy là ta đang sử dụng các từ “phải” với “không được”, nhưng dù sao đi nữa, thật sẽ không xây dựng cho con nếu con mang thái độ là các thày đang áp đặt con phải làm gì hay không được làm gì, rằng các thày đang bắt con không được cho phép mình hưởng thụ mà chỉ được sống tối thiểu cuộc đời thế gian, và con không được thực sự hưởng thụ vì như vậy sẽ chứng tỏ con không phải là người tâm linh. Con yêu dấu, con không cần chứng tỏ cho các thày rằng con là người tâm linh, và con không cần chứng tỏ điều đó qua hoạt động vỏ ngoài. Các thày đã chứng kiến những người tìm ra giáo lý chân sư, gia nhập một tổ chức rồi bỏ ra không biết bao nhiêu giờ đọc chú, tham dự hội nghị, tham dự các buổi lễ và tất cả những thứ đó. Họ tuân thủ tất cả những thứ vỏ ngoài đó nhưng họ không vui thú. Không có niềm vui nào trong việc làm đó mà họ chỉ làm do bổn phận.

Đâu là cái tư duy đằng sau cách hành xử như vậy? Đó là điều các thày đã từng đề cập, là sự kiện nhiều người mộ đạo tìm cách mặc cả với Thượng đế. “Chúa ơi, con đang thờ phượng ngài như một tín đồ ngoan đạo. Con đang xưng tội với ngài đây. Con không đang làm gì thú vị cả. Con đang sám hối. Con đang làm đúng tất cả mọi điều quy định, và Chúa ơi, khi nào con làm vậy đủ lâu, khi nào con đã khiến mình bị đau đớn đủ nhiều, thì đương nhiên ngài sẽ phải cho con lên thiên đàng.” Nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã tìm cách mặc cả với các thày: “Khi nào con đọc xong tất cả các bài chú này để cứu nguy thế giới, khi nào con tự chế không làm tất cả những chuyện kia, thì thày phải cho con thăng thiên,” hoặc “thày phải biến con thành một người đặc biệt,” hoặc “thày phải cho con một chứng ngộ gì đó.”

Con yêu dấu, con không thể mặc cả với chân sư thăng thiên. Tại sao con không thể? Trước hết vì như các thày có nói, con không thể dùng vũ lực để xông lên thiên đàng. Nhưng thêm vào đó, vì các thày không muốn thấy con tìm cách dùng vũ lực xông lên thiên đàng, vì các thày biết rõ cách duy nhất để thăng thiên là buông bỏ. Một lý do nữa là muốn mặc cả, phải có điều gì đó mà cả hai bên đều mong muốn. Nhưng trên địa cầu liệu có điều gì mà một chân sư thăng thiên có thể mong muốn hay chăng?

Biết bao nhiêu các con đã bị cái nhìn tôn giáo truyền thống kia ảnh hưởng và cho rằng Thượng đế, đấng Thượng đế tối cao của vũ trụ, cần được thờ phượng bởi những con người trên hành tinh nhỏ bé này, và do đó họ phải đến nhà thờ mỗi chủ nhật, phải quỳ gối và lẩm nhẩm những lời cầu nguyện đã được định sẵn, như thể Thượng đế cần chuyện đó, như thể ngài cần sự chú ý hay năng lượng của con người. À, ai mới là kẻ cần đến chú ý và năng lượng của con người? Sa nhân, tà lực, là những kẻ không có khả năng tự mình nhận được năng lượng từ một nguồn cao hơn.

Các thày đã thăng thiên là vì các thày nhận năng lượng trực tiếp trong bản thể mình từ một nguồn cội cao hơn. Các thày tự đủ. Các thày không cần bất kỳ năng lượng nào từ ngoài mình. Các thày không cần sự chú ý từ ngoài mình. Các thày có cần gì nữa hay muốn gì nữa chăng? Không gì nữa, tuyệt nhiên không có gì nữa. Một khi đã thăng thiên thì không cần gì nữa từ địa cầu. Các thày không cần con chú ý. Các thày không cần ai thờ phượng, cho nên làm sao con có thể mặc cả với các thày đây? Làm sao con có thể cống hiến điều gì để các thày nói: “Ừ há, người này đã cho ta điều ta muốn, cho nên ta sẽ cho người đó thăng thiên?” Làm sao các thày có thể cho con thăng thiên? Làm sao các thày có thể cho phép con thăng thiên? Đây hoàn toàn là sự chọn lựa tự quyết của con dựa trên sự buông bỏ mọi dính mắc với địa cầu.

Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là không có một khối lượng bài chú nào mà con có thể đọc để hội đủ tư cách thăng thiên. Điều này không có nghĩa là con không cần đọc chú để biến hóa năng lượng, nhưng tự thân bài chú không thể đưa con lên cõi thăng thiên, vì trong tâm con cần có một sự giải quyết, là buông bỏ mọi dính mắc, buông bỏ mọi ham muốn và đạt tới điểm con có thể ngoái nhìn lại trái đất mà không còn gì níu kéo con trở xuống đó. Con có thể ngồi dưới cây Bồ đề, con có thể nhìn tất cả ma quỷ của Mara, tất cả mọi thế lực của thế gian này diễn hành trước mắt, và cho dù chúng có làm gì, nói gì, bày ra những gì, cho dù chúng có làm gì với nhau, có làm gì tới con người, thì không có gì ở đây, không có gì trong đó mà con phản ứng lại.

Điều này không thể thực hiện được bằng vũ lực, không thể đạt được bằng bài chú, và không thể làm được bằng học tập. Con chỉ có thể đạt được qua một sự nhận biết nhạy bén giúp con nhìn ra các ảo tưởng và từ bỏ chúng. Đó là sự buông bỏ, buông bỏ, buông bỏ sau khi buông bỏ sau khi buông bỏ. Có lúc nào sự buông bỏ sẽ ngừng lại chăng? Có, sau khi con thăng thiên, nhưng ngay cả khi đó, con vẫn buông bỏ cái ý niệm bản sắc giới hạn như một chân sư thăng thiên để đạt đến một bản sắc cao hơn nữa như một chân sư thăng thiên. Các thày đã có nói là con thăng thiên trong tư cách Ki-tô, nhưng sau khi thăng thiên một thời gian, con có thể đạt đến mức quả vị Phật. Nhưng con chỉ làm được vậy bằng cách buông bỏ ý niệm bản sắc giới hạn để vươn lên một ý niệm bản sắc cao hơn.

Mối quan hệ các thày mong muốn là như thế nào? À, các thày mong muốn một mối quan hệ mà trước hết, con cởi mở để nhận được một điều gì đó từ các thày. Con mở tâm ra để nhận những gì các thày thấy sẽ giúp con vươn lên từ tầng tâm thức hiện thời của con lên tầng kế tiếp. Điều này có nghĩa là nếu con muốn như vậy từ các thày, con cần nhìn vào các kỳ vọng của con. Làm đệ tử của chân sư thăng thiên có nghĩa là gì, và quan hệ với các thày có nghĩa là gì? Con có thể nhận được gì từ các thày? Con muốn điều gì từ các thày? Con chờ đợi những gì? Liệu con chờ đợi như ta đã nói, một loại trải nghiệm siêu phàm nào đó khi con gặp chân sư? Liệu con chờ đợi các thày sẽ hiện ra trước mắt con và trao cho con những chỉ dẫn cụ thể sẽ khiến con cảm thấy mình thật đặc biệt, đặc biệt hơn người khác?

Nếu con có những kỳ vọng như thế thì chúng sẽ chặn nghẽn khả năng của các thày để giao tiếp với con một cách trực tiếp hơn, vì kỳ thực con sẽ làm ngơ hay bác bỏ những điều các thày nói. Con sẽ nghĩ: “Ồ, cái này không thể đến từ chân sư thăng thiên. Nó không đúng với kỳ vọng của tôi về những gì một chân sư thăng thiên phải nói với tôi, cách chân sư phải phát biểu như thế nào và phải hiện ra như thế nào.”

Một lần nữa, ở những mức sơ khởi trên đường tu, nhiều khi các thày sẽ không cho con một sự giao tiếp trực tiếp vì con không cởi mở với nó, cho nên các thày sẽ cố giao tiếp với con qua những người khác. Đó là vì sao nếu vị sứ giả là một con kiến thì con hãy lắng nghe nó, vì con chưa sẵn sàng nghe thấy các thày trực tiếp.

Nhưng vấn đề tệ nhất cho các thày, trở ngại khó khăn nhất cho các thày là loại đệ tử có thành kiến rất cố định về mối quan hệ của họ với các thày phải như thế nào. Trong một số môn phái Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, người ta có khái niệm “nắm chặt, giữ chặt lấy quan điểm của mình.” Đó là vì các vị thày Phật giáo đó nhận thấy nhiều người đến tu tập với quan điểm và niềm tin có sẵn, và họ cứ nắm chặt lấy như thể đó là chuyện sinh tử. Các vị thày đó đã nhận ra là loại học trò này không cởi mở.

Các thày đã nói điều này nhiều lần và ta sẽ nói lại một lần nữa, nếu con thực sự muốn có quan hệ với các thày, con hãy xem xét bản thân mình. Hãy xem xét quan điểm của mình. Liệu con có một số quan điểm thật kiên cố? Những quan điểm mà con bám lấy rất chặt? Mà con cảm thấy nhu cầu phải bênh vực? Mà con cảm thấy phải bác bỏ bất cứ ai chất vấn hay không chia sẻ quan điểm của mình? Liệu con có một ý tưởng rất, rất kiên cố về những gì một chân sư thăng thiên phải nói hay không được nói? Trong trường hợp đó, nếu con sẵn lòng thành thật với chính mình, con sẽ biết là con không cởi mở với một sự tương tác trực tiếp với các chân sư thăng thiên.

Suốt nhiều năm trời với những đợt truyền pháp khác nhau của chân sư thăng thiên, các thày đã chứng kiến một khuôn nếp nhất định cứ diễn đi diễn lại hoài hoài. Chẳng hạn các thày thấy một nhóm học trò – có thể là một nhóm học trò từ một quốc gia nào đó – và dựa trên văn hóa cùng lịch sử của quốc gia này, họ mang sẵn một quan điểm mà họ vô cùng gắn bó. Nó vô cùng quan trọng trong nền văn hóa của họ. Họ giữ chặt ý tưởng là nó phải đúng, do đó vì chân sư là bậc cao siêu chắc chắn phải biết rõ sự thật, cho nên chân sư không bao giờ được nói gì sẽ chất vấn điều họ tin là cái nhìn tối hậu về một sự việc nào đó.

Khi các thày nói ra một điều gì chất vấn niềm tin đó thì các thày từng thấy nguyên nhóm học trò xác quyết: “Ồ, sứ giả này không phải là sứ giả đích thực, bởi vì một chân sư thăng thiên đích thực không thể nào nói ra lời này.” Thế là họ rút ra khỏi giáo lý. Các thày từng thấy những cá nhân cũng hành xử tương tự bởi nhiều lý do khác nhau. Thường là vì trong tâm lý của họ, họ chạm trán với một điều gì mà họ không sẵn sàng xem xét hay từ bỏ, mà các thày thì lại nói ra những lời chất vấn cái đó, cho nên họ phải gạt bỏ lời nói của các thày. Có một số học trò đến với giáo lý của chân sư thăng thiên với một số ngã tách biệt mà họ không sẵn sàng xem xét, không sẵn sàng buông bỏ. Họ đã tạo ra một ngã tách biệt khác bảo rằng: “Tôi không phải từ bỏ điều này.” Họ không phải xem xét nó vì họ nghĩ người ta có thể thăng thiên mà không cần xem xét khía cạnh này của tâm lý mình. Họ tin rằng họ có thể làm những chuyện khác, chẳng hạn như nếu họ thỉnh đủ số lượng lửa tím thì họ sẽ không cần nhìn vào điều này trong tâm lý họ mà vẫn có thể thăng thiên.

Rất nhiều lần các thày đã nói gì? Con không thể thăng thiên với một tâm lý chưa giải quyết. Một chân sư thăng thiên không có tâm lý chưa giải quyết. Con thấy có những người bị phật lòng vì điều này. Đó là những người trong một đợt truyền pháp trước – khi có lời dạy được đưa ra là con có thể thăng thiên sau khi cân bằng 51% nghiệp chướng của mình – đã hiểu lời đó theo nghĩa đen, nghĩa là nếu có ai cân bằng được 51% nghiệp của mình thì người đó có thể thăng thiên, và một khi họ thăng thiên thì họ trở thành một chân sư thăng thiên. Nhưng nếu con biết một số người đã băng qua tấm màn cuộc đời sau khi được sứ giả đợt truyền pháp đó cho biết là họ đã cân bằng 51% nghiệp chướng, thì con sẽ dễ dàng thấy được là họ vẫn còn một số tâm lý chưa giải quyết. Điều mà họ không sẵn lòng xem xét là liệu họ có thể thực sự trở thành chân sư thăng thiên khi họ vẫn còn tâm lý chưa giải quyết? Hiển nhiên là không.

Có thể có ai đó đã cân bằng hơn 51% nghiệp của mình và không phải trở lại đầu thai, nhưng người đó vẫn phải bỏ ra một thời gian trước khi trở thành chân sư thăng thiên, vì trước tiên họ phải giải quyết xong tâm lý cái đã. Như Mẹ Mary có giảng, phần 51% nghiệp chướng là nghiệp con mang với người khác và phần 49% là nghiệp con mang với chính con dưới dạng tâm lý chưa giải quyết, nhưng phần này thì con có thể cân bằng mà không đầu thai. Đối với hầu hết mọi người, nếu họ ở trong hiện thân thì họ sẽ cân bằng nhanh hơn là khi đứng ngoài hiện thân. Nhưng đối với một số người, họ đã chọn làm vậy và do đó họ sẽ tốn một số thời gian.

Có người bám quá chặt vào những điều được nói trong các đợt truyền pháp trước đến độ họ đã chối bỏ khi các thày chất vấn điều đó trong đợt truyền pháp này. Họ chối bỏ sứ giả này. Họ chối bỏ các thày vì các thày không nói những điều mà họ nghĩ các thày phải nói.

Nhiều người khác trong các đợt truyền pháp khác nhau có cùng những dính mắc đó vào một số quan điểm, một số góc nhìn đến độ họ đến với giáo lý cốt yếu là để xác chứng các niềm tin kiên cố của họ. Và khi không nhận được xác chứng thì họ tìm ra một lý cớ nào đó để chối bỏ giáo lý.

Nhiều người bị rơi vào một khuôn nếp đặc trưng là họ tìm thấy một lời dạy, họ chấp nhận sứ giả là vị sứ giả của đợt truyền pháp đó, và họ tin đó là vị sứ giả đích thực nhận được lời truyền đọc từ chân sư thăng thiên. Nhưng rồi xuyên qua sứ giả, các thày chất vấn một trong những quan điểm mà họ không sẵn sàng từ bỏ hay tra vấn.

Thế là họ lý luận: “Ồ hỏng rồi, chuyện gì đã xảy ra cho sứ giả rồi. Khi chúng ta bước vào tổ chức này, chúng ta đã không sai lầm nhận định sứ giả này là vị sứ giả chân chính. Nhưng giờ đây có chuyện gì đã xảy đến và sứ giả này không còn là sứ giả chân chính nữa. Ông ấy hay bà ấy đã bị tước mất trách vụ và hiện đang liên lạc với hàng ngũ thày giả hay những kẻ mạo danh. Cho nên chúng ta phải rời tổ chức và bác bỏ bất cứ lời dạy nào từ một thời điểm nào đó trở đi.” Các thày đã chứng kiến sự kiện này mấy lần trong mấy đợt truyền pháp, mỗi lần đại khái với cùng những lập luận như thế. Và tại sao chứ? Bởi vì đó là cùng cái tâm lý chưa giải quyết nơi đệ tử khiến họ phải bác bỏ sứ giả hầu họ không phải nhìn vào cái đà trong mắt họ.

Đây là một điểm con có thể cảnh giác nơi chính mình, con có thể nhìn xem: “Liệu tôi có một niềm tin nào mà tôi bám chặt đến độ tôi không muốn các chân sư thăng thiên thách đố?” Và nếu con có mang loại niềm tin đó thì con có thể nói: “À, không thể nào chính tôi trong tư cách cái Ta Biết đang bám chặt lấy quan điểm đó, bởi vì cái Ta Biết không thể bám vào bất cứ quan điểm nào trên địa cầu, cho nên đây chỉ có thể là một cái ngã tách biệt. Và nếu tôi muốn tinh tiến, tôi sẽ phải xem xét ngã tách biệt này và đạt tới điểm có thể buông nó ra, buông cho nó chết đi, buông quan điểm đó và ngộ ra là phải có một cách hiểu biết cao hơn. Và tôi muốn hiểu biết cao hơn này thay vì cứ bám giữ cái hiểu biết giới hạn kia.”

Nói cho cùng, điều gì sẽ giúp con hội đủ tư cách để thăng thiên? Phải chăng là bám giữ ý tưởng của mình, ôm chặt lấy ý tưởng, hay là buông nó ra? Chỉ bằng cách buông bỏ thì con mới có thể trở về trạng thái mà cái Ta Biết đã đi xuống thế gian và do đó cũng sẽ thăng lên. Như Giê-su đã diễn tả thật hùng hồn cách đây 2000 năm: “Chỉ duy nhất con người đã đi xuống từ thiên đàng mới có thể thăng trở lại lên thiên đàng.”

Con muốn gì từ một mối quan hệ, từ mối quan hệ của con, mối quan hệ cá nhân của con với các chân sư thăng thiên? Con muốn gì? Không phải cái mà sa nhân muốn hay cái mà sa nhân muốn con muốn. Không phải cái mà người đời muốn hay cái mà họ muốn con muốn. Không phải cái mà tự ngã hay ngã tách biệt của con muốn hay cái mà nó muốn con muốn. Không, con muốn gì chứ? Ở mức tâm thức hiện thời của con, với mức nhận biết hiện thời của con, mức nối kết hay không nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, trải nghiệm hiện thời hay thiếu trải nghiệm của con về sự nhận biết thuần khiết, con muốn gì chứ? Con có muốn bước lên bực thang kế tiếp trên cái thang 144 bực? Nếu con muốn vậy thì cái cơ chế, cơ học của chuyện này thật giản dị. Ngay bây giờ con đang mang một ảo tưởng mà con không thể nhìn thấy. Chỉ bằng cách nhìn ra ảo tưởng đó và đón nhận một tầm nhìn cao hơn – cao hơn một chút thôi – thì con mới có thể vươn lên bước kế tiếp. Con không thể nhảy từ nơi con đang đứng lên thẳng tầng 144. Con phải đi qua tất cả mọi bước, từng bước một.

Con muốn gì chứ? Nếu con muốn sự tăng triển này thì con không thể nắm chặt vào các ý tưởng của mình. Con không thể nắm chặt vào ảo tưởng đã ngăn con vươn lên bước kế tiếp mà đồng thời lại vươn lên được bước kế tiếp. Con không thể ăn hết bánh mà lại vẫn còn bánh. Con không thể có được đức Phật của con mà lại thần tượng hóa đức Phật. Con không thể có được các chân sư thăng thiên của con mà lại phóng chiếu những đặc tính nhân phàm hay sa ngã lên chân sư thăng thiên. Đơn giản là có những thứ không thể đi đôi với nhau.

Các thày thấy có một số đệ tử không tin như vậy. Họ không chấp nhận điều đó, vì họ cả tin vào lời dối gạt của sa nhân rằng họ có thể tìm cách gian lận để lên thiên đàng. Một số sa nhân vẫn tin là chúng có thể tìm ra cách thay đổi quan điểm của Thượng đế vì chúng xem đó là quan điểm của Thượng đế, là sự phán xét của Thượng đế đối với chúng. Chúng nghĩ là ngài đã phán xét chúng, ngài đã cưỡng ép chúng phải sa ngã, và chúng phóng chiếu ra là một sinh thể bên ngoài đã gây chuyện đó cho chúng. Và do đó để quay trở về trạng thái cũ, chúng phải thay đổi sinh thể bên ngoài đó, phải thay đổi quan điểm cùng sự phán xét của sinh thể đó đối với chúng. Và chúng vẫn nghĩ là chúng có thể tìm ra cách làm chuyện này vì chúng vẫn chưa nhìn nhận là chính những chọn lựa của chúng mới khiến chúng sa ngã, và sự thay đổi duy nhất mà chúng cần làm là thay đổi các chọn lựa đó đi, thay đổi cái tâm lý đó đi.

Cho nên chính chúng mới cần thay đổi. Đây là một sự thay đổi nội tâm cần phải xảy ra, và không một nỗ lực gian lận hay khuynh đảo nào sẽ đem chúng lên thiên đàng. Và đối với các con cũng vậy, các đệ tử của chân sư thăng thiên. Con không thể khuynh loát các thày, con không thể đánh lừa các thày, con không thể mặc cả với các thày. Con không thể khiến các thày thương hại con. Tại sao như thế? Vì các thày không muốn con lên thiên đàng trong tư cách một con người – nếu giả dụ điều này có thể xảy ra.

Các thày muốn con trở thành chân sư thăng thiên như các thày đang là, và con chiêm nghiệm sự tự do cùng niềm vui không sao tưởng tượng nổi mà các thày đang cảm thấy, vì nó vượt khỏi mọi cảm giác mà con có được trên địa cầu. Các thày không thể nào truyền đạt được cảm giác này cho con, chắc chắn là không thể qua ngôn từ. Nhưng các thày hy vọng có thể trao cho con một hé thoáng là trên cõi thăng thiên có một điều gì đó mà con mong muốn hơn bất cứ gì trong tâm thức nhân phàm. Và làm thế nào con đạt được chứ? Bằng cách từ bỏ tâm thức nhân phàm. Yêu cầu chỉ có vậy thôi. Các dính mắc đều đến từ tâm thức nhân phàm. Chúng phải được buông bỏ. Con thử nhìn xem con có đang bám giữ cái gì không. Đâu là cách duy nhất để giải thoát khỏi cái đó? Nếu con cứ nắm chặt một cái gì trên địa cầu thì con cũng buộc chặt con vào địa cầu. Đâu là cách duy nhất để được tự do? Có phải đó là thay đổi một cái gì trên địa cầu hay là đơn giản buông tay ra và để cho nó rơi xuống?

Chính sự buông tay này sẽ giải thoát con khỏi dính mắc. Chừng nào con còn nắm chặt ý tưởng của mình, làm sao con có thể thoát khỏi chúng đây? Điều này không thể. Cho dù con có tìm cách thao túng thế giới, thao túng người khác, Thượng đế hay các chân sư thăng thiên đến chừng nào, thì con cũng không thể thoát ra được. Chỉ có một cách mà thôi, và để giúp con tìm đường trở về, các thày cống hiến cho con một mối quan hệ trực tiếp với các thày. Nhưng các thày không thể cưỡng ép con, các thày sẽ không cưỡng ép con. Con mới là người phải đáp ứng các yêu cầu bằng cách tiếp nhận lời dạy của các thày, đem ra áp dụng và buông những gì ngăn cách con với các thày.

Con không thể có một mối quan hệ trực tiếp với các thày xuyên qua tự ngã của con hay các ngã tách biệt, mà chỉ bằng cách vượt khỏi ngã tách biệt và ngộ ra sự nhận biết thuần khiết của con. Nhận biết thuần khiết là một tâm thái trung hòa. Nó không mang đặc tính những quan điểm kiên cố, quan điểm đối cực hay cảm xúc mãnh liệt. Ta là Phật. Ta trụ trong một tâm thái trung hòa so với tâm thái nhị nguyên. Đề mô tả nó đầy đủ, ta có thể dùng những từ khác, nhưng những từ này sẽ ích gì cho con? Ta sẽ mô tả là nó khác biệt với tâm thái của con để con có thể nhìn ra đây thực là cái con muốn. Trong số các con có ai là avatar thì đang mong mỏi trở về với tâm thái tự nhiên hơn mà con từng có trên một hành tinh tự nhiên. Và con có khả năng có được tâm thái này, con có thể có nó ngay trên hành tinh này nhưng chỉ khi nào con buông bỏ những gì đang ngăn cách con khỏi nó.

Với lời này, ta đã trao cho con những gì ta muốn trao trong bài truyền giảng này. Ta có thể nói nhiều hơn nữa, và rất nhiều điều hơn nữa sẽ được ban truyền. Sứ giả này đã nỗ lực tu tập trong một thời gian dài để sẵn sàng nhận được một lời dạy trực tiếp hơn từ ta, nó có thể sẽ được ban truyền trong một tương lai không quá xa. Ta có rất nhiều điều để trao cho con cùng những ai trên địa cầu cởi mở với một lời dạy trực tiếp từ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

Giờ đây ta cũng gửi lời cảm tạ của ta cũng như tất cả các thày đến tất cả các con đã tham dự buổi hội nghị này. Một lần nữa, các thày đã đạt được những gì các thày mong muốn đạt được, các thày đã vượt quá mức tối thiểu mà các thày mong muốn đạt được, qua số người cùng sự sẵn lòng của các con mở tâm ra, buông bỏ định kiến để nhận được lời dạy.

Các thày rất biết ơn điều đó. Một lần nữa, nó đã xoay chuyển tâm thức tập thể, nó đã giải thoát nhiều người là những con người sáng tạo hơn, cởi mở với các ý tưởng mới về quan hệ. Và với thời gian, nó sẽ tỏa rộng giống như những vòng tròn trên mặt nước và thực sự mở ra khả năng càng ngày càng có nhiều người hòa điệu với mối quan hệ của Thời Hoàng kim. Họ có khả năng mở tâm ra để thử nghiệm mối quan hệ này, và trải nghiệm một dạng quan hệ mới hơn và cao hơn không dựa trên vũ lực, mà dựa trên dòng chảy tự do của năng lượng sáng tạo của Thượng đế. Với lời này, ta biết ơn và niêm các con trong sự an bình hoan hỉ của đức Phật mà ta là.

Từ bỏ ý thức cá nhân trong quan hệ cá nhân

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels ngày 5/9/2021, nhân dịp Webinar 2021 cho Mỹ quốc – Tiến tới Quan hệ Thời đại Hoàng kim.

TA LÀ chân sư thăng thiên Nada, Thượng sư của Tia sáng thứ Sáu. Đặc tính của Tia thứ Sáu mà ta muốn đặt trọng tâm ở đây là sự an bình.

Nhiều người trong số các con nhìn vào các quan hệ của mình và có thể thấy được trong rất nhiều quan hệ, con không an bình. Trong quan hệ không có an bình. Nhiều người nhìn vào một số quan hệ cụ thể với những người khó tính và tự hỏi: “Liệu có bao giờ tôi sẽ được an bình trong quan hệ với người này hay không?” Chắc chắn điều này sẽ tùy thuộc vào câu hỏi, liệu con đang tìm an bình vỏ ngoài hay an bình nội tâm?

Thật vậy, có nhiều người mà con không thể đạt được an bình vỏ ngoài với họ, vì họ vẫn còn những phần tâm lý chưa giải quyết. Họ không sẵn lòng thay đổi tâm lý của họ. Họ không sẵn lòng khắc phục cái khuôn nếp cứ phóng ra ý tưởng con luôn luôn là người có lỗi, và họ không nhận trách nhiệm về bất cứ điều gì. Con không thể có an bình vỏ ngoài với những người như thế, có thể là cho tới hết kiếp này, hay ít ra hết kiếp này cho một trong hai người. Nhưng như các Thượng sư khác đã trình bày, cho dù người đó có làm gì đi nữa thì con vẫn có thể có được an bình nội tâm. Con có thể có an bình trong quan hệ của con. Nhưng con cần làm gì để đạt được kết quả đó?

Tất nhiên như các Thượng sư khác có nói, con cần nhận diện ra những cái ngã tách biệt đặc thù đã tước mất sự an bình của con bằng cách khiến con phản ứng lại người kia một cách không an bình. Cả hai đều có những cái ngã tách biệt đặc thù từ những kiếp trước, nơi con cảm thấy khi ai đó làm gì con thì con chỉ có thể phản ứng bằng một cách mà thôi, tức là một cách không an bình. Con yêu dấu, cách duy nhất để con gỉai quyết chuyện này là con tự hỏi: “Ai là kẻ cảm thấy không thể phản ứng an bình trong tình huống này? Phải chăng đó là cái Ta Biết hay một ngã tách biệt?”

Các chân sư đã nói gì về cái Ta Biết? Đó là sự nhận biết thuần khiết. Có nghĩa là gì? Chắc chắn đây là một khái niệm trừu tượng, nhưng trong cách diễn giải trần trụi và thẳng thừng nhất, nó có nghĩa là cái Ta Biết không có cảm xúc. Con thử suy nghĩ câu này. Cái Ta Biết không có cảm xúc, ít ra là những cảm xúc trong quan niệm thường tình của con người. Chúng ta có thể nói cho câu trên nhẹ bớt và bảo rằng cái Ta Biết không có cảm xúc xuất phát từ sợ hãi. Nhưng điều này cũng không hẳn chính xác. Tuy vậy, chúng ta cứ dùng tạm xem sao.

Những cảm xúc phổ biến nhất mà con thấy nơi con người là cái mà chúng tôi gọi là cảm xúc phát xuất từ sợ hãi. Nhiều người trong các con sẽ nói: “Nhưng khi người ta giận dữ, họ đâu có vẻ gì là sợ hãi? Vì nếu thật sự họ sợ hãi thì tại sao họ lại hung hãn đến thế?” Thực tế là họ hung hãn chính là vì họ sợ hãi. Hầu kìm nén nỗi sợ của mình, họ khoác lấy cái tư thế nóng giận hung hăng kia để hung hăng khiến con phải khuất phục họ, để cố kềm giữ nỗi sợ của họ. Những kẻ hung hãn nhất thực sự cũng là những kẻ sợ hãi nhất.

Cái mà con thường gọi là cảm xúc con người – tất cả – đều dựa trên sợ hãi. Kỳ thực, cái mà nhiều người gọi là tình yêu, như các thày đã giảng, là một trò chơi kiểm soát lẫn nhau, và nó cũng dựa trên sợ hãi. Tự ngã người đó sợ đánh mất cảm giác nó làm chủ tình hình. Do đó, nó sử dụng tình yêu như một phương thức để khuynh loát, để khiến người kia phải phục tùng mình, hầu tự ngã cảm thấy nó vẫn nắm quyền kiểm soát và không bị đe dọa.

Rất nhiều cảm xúc mà người ta có như vậy phát xuất từ lòng sợ hãi. Nhưng vì cái Ta Biết là nhận biết thuần khiết, nó không thể cảm thấy sợ hãi. Cái Ta Biết không bao giờ có thể sợ hãi bất cứ điều gì. Chỉ một cái ngã tách biệt mới có thể sợ hãi. Tại sao vậy? Bởi vì cái Ta Biết, khi nó hòa điệu với con người mà nó là, với cái mà nó là, biết rằng nó không thể chết. Nó là một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ, mà Hiện diện TA LÀ thì là một sinh thể bất tử. Cái Ta Biết không thể chết. Con không thể chết. Nhưng ngã tách biệt biết rõ nó có thể chết, và nó sợ chết.

Khi con bắt đầu vật lộn với những khái niệm trên, mặc dù chúng có thể trừu tượng lúc ban đầu, nhưng con có thể đạt tới điểm khi con khởi sự trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết đó, ý niệm vượt khỏi sợ hãi đó, sự gia tốc đó, cảm giác im lặng hay an bình nội tâm đó. Và nó cho con một tầm nhìn khác hẳn, có thể là về mọi thứ trong cuộc sống, nhưng chắc chắn là về mọi thứ trong tâm lý của con cũng như trong các quan hệ của con.

Bây giờ giả dụ con đang có một mối quan hệ khó khăn với một người nào đó. Con phần nào e ngại nói năng một cách thoải mái với họ vì đã quá nhiều lần con gặp phải phản ứng tiêu cực của họ. Điều này có nghĩa là đối với con, họ đã đạt được một vị thế nào đó trong tâm con. Theo một nghĩa nào đó, con sợ họ. Và qua lòng sợ hãi đối với họ, con đã gán cho họ một tầm quan trọng nào đó. Người kia chiếm giữ một địa vị, và một phần lượng chú ý của con bị kéo hút về phía họ. Giống như là trong tâm con, người kia đã nhận được một ngôi vị lớn hơn thực tế. Điều này có nghĩa là gì? Rốt cuộc ra, nó có nghĩa là con có một số ngã tách biệt đang nhìn người đó một cách đặc biệt nào đó.

Hẳn một số trong các con đã nhìn thấy điều này nhiều năm trước đây, khi sứ giả này có đưa cho con xem một hình vẽ minh họa các trung tâm thần kinh trên cơ thể vật lý con người. Và hình vẽ cho thấy một số bộ phận trong cơ thể có nhiều dây thần kinh hơn và do đó nhạy cảm hơn. Và các bộ phận này được vẽ lớn hơn bình thường, lớn hơn kích thước vật lý của chúng. Nói cách khác, chẳng hạn cái lưỡi có rất nhiều thụ quan cảm giác, nên nó được vẽ lớn hơn cánh tay, vì trên cánh tay không có nhiều thụ quan thần kinh bằng.

Nếu con nhìn vào tâm lý, nhìn vào tâm tiềm thức của mình, con sẽ thấy người khó tính kia hiện hữu ở đó, là người mà con có quan hệ khó khăn. Và trong tâm con, họ to lớn hơn hẳn kích thước vật lý thật của họ. Có thể là trong vòng quen biết của con, có một người nào đó hiện ra to lớn hơn mọi người khác. Điều này cho thấy là người này vô cùng quan trọng đối với con. Con phải lắng nghe họ nói gì. Có lẽ họ có ảnh hưởng lớn trên con, hay có lẽ đơn giản là con chỉ sợ nói chuyện thoải mái với họ. Làm thế nào con đối phó với sự thể này đây?

Đúng vậy, bằng cùng phương thức mà con dùng để khắc phục nỗi sợ bóng tối. Con phải lên tiếng và nhận ra là việc lên tiếng sẽ không giết con chết. Nhưng để có thể làm vậy, con hãy tự giúp mình và khiến cho công việc mình nhẹ nhàng hơn bằng cách giảm thiểu kích thước của người đó trong tâm con. Để mượn một thành ngữ quen thuộc, con có thể đặt họ lại đúng vị thế, để họ không quá to lớn trong tâm con và vượt khỏi kích thước bình thường của họ. Làm thế nào con làm được chuyện này? Con phải nhìn tình huống từ một góc độ khác. Con phải điều chỉnh lại tỷ lệ, vì con đang nhìn họ và tầm quan trọng của họ với một con mắt bóp méo tầm vóc thật của họ.

Gần đây, sứ giả này vừa làm một chuyện mà cả đời ông chưa từng làm. Ông ngủ ngoài trời dưới những vì sao. Ông đã từng ngủ trong lều, nhưng ông chưa bao giờ ngủ mà không có gì che chắn bầu trời. Và ông nằm ngửa ở đó trong một tư thế thoải mái, nhìn thẳng lên trời ngắm dải ngân hà. Tất nhiên là ông vẫn biết, và cũng đã từng trải nghiệm nhiều lần, rằng mọi thứ trên địa cầu không có tầm quan trọng tối hậu nào. Nhưng khi ông ngẩng mặt nhìn lên khoảng mênh mông của dải ngân hà, và ngắm xem có bao nhiêu tinh tú trên trời, ngắm xem chúng xa xôi đến chừng nào, vũ trụ vĩ đại đến chừng nào, và trái đất nhỏ nhoi đến chừng nào, thì ông nghiệm ra là thật sự, trên địa cầu chẳng có gì là quan trọng lắm đâu so với vũ trụ bát ngát đó. Điều gì trong tình cảnh cá nhân của mình có thể thực sự quan trọng trong khoảng vũ trụ rộng lớn đó?

Và ông ngộ ra là so với vũ trụ rộng ngút ngàn, tất cả mấy chuyện cá nhân mà mình phải kinh qua trong cuộc sống trên trái đất thật sự không thể quan trọng lắm. Chúng không thể quan trọng như tầm vóc mà chúng hiện ra trong tâm mình. Nhưng ai đã khiến cho chúng trở nên quan trọng đến thế? Có phải là cái Ta Biết? Không, bởi vì chính cái Ta Biết vừa trải nghiệm sự kinh ngạc kỳ diệu trước vũ trụ vô biên. Vậy thì cái gì đã khiến cho mấy chuyện kia quan trọng? Chỉ có thể là một cái ngã tách biệt.

Hiển nhiên, sứ giả này đã nhiều lần, đặc biệt là khi ông nhận bài truyền đọc, trải nghiệm được tâm của các chân sư thăng thiên. Ông trải nghiệm được sự khác biệt to lớn so với cái nhìn của mình trong kiếp đầu thai. Và so với tầm nhìn của chân sư, ông trải nghiệm được tầm nhìn của mình trong tư cách một con người hiện thân thật sư không quan trọng lắm đâu. Và tất nhiên, điều này đã giúp ông có đủ uy lực để có một tầm nhìn khác hẳn về chính đời mình cũng như những gì mình trải nghiệm trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa là ông không còn quan tâm, mà có nghĩa là ông không rơi vào ám ảnh cho rằng bất cứ điều gì xảy ra cho mình cũng cực kỳ quan trọng.

Nói cách khác, ta đang nói về cái gì đó? Ta đang nói về một tiến trình mà tất cả các con đều có thể đi qua. Ta không đang tìm cách tâng bốc sứ giả này, mà chỉ dùng ông ta như là một ví dụ về những gì tất cả các con đều có thể thực hiện. Và đó là tiến trình buông bỏ ý thức cá nhân trong các mối quan hệ cá nhân của mình, hay thậm chí bỏ cả ý thức cá nhân trong đời sống cá nhân của mình.

Làm thế nào con có thể đạt được an bình trong mối quan hệ với một người bất an nếu con không bỏ ý thức cá nhân trong quan hệ đó, hầu con không còn xem những gì họ nói hay làm nhắm vào cá nhân con? Tất nhiên, người kia sẽ coi đó là chuyện cá nhân. Nhưng con yêu dấu, có định luật tự nhiên nào phán rằng nếu có ai xem điều con nói và làm là những chuyện nhắm vào cá nhân họ, thì con cũng phải hành xử tương tự như họ? Có định luật tự nhiên nào phán rằng nếu họ nóng giận với con, thì con phải cảm thấy bực bội? Rằng con phải phản ứng lại? Rằng con phải xem đó là chuyện hệ trọng, rồi con cho là con cần phải làm gì đó để họ khuây khỏa? Có định luật tự nhiên nào phán như vậy? Không. Thế có định luật tâm linh, vũ trụ nào phán như vậy? Cũng không.

Vậy thì nó đến từ đâu? Nó đến từ các sa nhân, chúng muốn con cảm thấy con phải phản ứng lại chúng. Con phải xem chúng là hệ trọng. Con phải xem những gì chúng làm hay nói về con là nhắm vào cá nhân con, vì khi con coi đó là chuyện cá nhân thì chúng sẽ kiểm soát được con. Vì khi con coi đó là chuyện cá nhân, con trao cho nó một tầm quan trọng trong tâm con.

Điều tồi tệ nhất mà con có thể làm đối với một sa nhân là con hoàn toàn an bình cho dù chúng có nói hay làm gì, hoàn toàn không dính mắc, hoàn toàn vô phản ứng. Chúng không thể chịu nổi khi chúng bị phớt lờ. Chúng không thể chịu đựng được những ai không nghĩ là chúng quan trọng. Chúng không thể chịu đựng được khi chúng không nhận được sự chú ý mà chúng thèm khát hơn hầu hết mọi thứ khác. Hiện đang có một con quái vật tập thể vô cùng dũng mãnh phóng chiếu vào mọi người ý tưởng là con phải xem người khác là chuyện cá nhân. Khi con bắt đầu khắc phục được nó, rất có thể là sẽ có những người trách cứ con là con không quan tâm đến họ. Rằng con không thương họ. Rằng con không xem họ là hệ trọng. Vì họ cảm được là họ không còn quyền kiểm soát mà họ vẫn có trên con. Chuyện này, con cũng không được dính mắc. Và con làm vậy bằng cách, một lần nữa, chú tâm vào câu: “Điều gì mới thực sự quan trọng cho tôi? Tôi là ai? Tôi là một sinh thể tâm linh. Tôi là một học trò tâm linh. Tôi là một đệ tử của chân sư thăng thiên. Tôi nỗ lực hội đủ mọi điều kiện để thăng thiên. So với việc thăng thiên của tôi, liệu còn gì trên địa cầu quan trọng nữa không?”

Phải, ngay bây giờ con chưa ở tầng tâm thức 144, cho nên có thể có một số điều còn quan trọng đối với con vì con chưa sẵn sàng thăng thiên. Và do đó, ngay bây giờ có thể có những điều quan trọng hơn là việc thăng thiên. Nhưng nói cho cùng, không thể có gì trên trái đất quan trọng hơn việc thăng thiên của con đối với con. Bởi vì nếu có, thì con không thể thăng thiên. Một lần nữa, con cần ngoái lại nhìn địa cầu một lần chót đi. Và nếu có điều gì trên địa cầu quan trọng hơn là được bước qua cánh cổng dẫn vào cõi thăng thiên, thì hiển nhiên con không thể bước qua cổng đó. Con phải trở lại địa cầu và trải nghiệm những gì quan trọng đối với con cho tới khi nó hết còn quan trọng nữa.

Con có thể nói, như các chân sư cũng đã từng nói, rằng làm thế nào con vươn từ tầng tâm thức này lên tầng kế tiếp? Đúng, bằng cách vượt qua ảo tưởng mà con đang có. Nhưng con cũng có thể nói là con đã nhìn ra những gì trước kia quan trọng ở tầng đó, nhưng bây giờ chúng không còn quan trọng nữa. Và vì vậy, con vươn lên tầng kế tiếp là nơi có điều gì khác quan trọng hơn. Và sau một thời gian, con lại thấy chính cái này cũng hết quan trọng, và con bước lên tầng cao hơn nữa. Và cứ như vậy khi con đạt đến tầng 144, thì không còn gì trên địa cầu quan trọng đối với con nữa. Bấy giờ, điều quan trọng là con bước qua cánh cổng đó để nhập vào cõi thăng thiên.

Nhưng ngay cả trước khi con tới được tầng 144, con có thể sử dụng một cách ý thức những ý tưởng mà ta vừa trao cho con. Con có khả năng bỏ đi ý thức cá nhân trong đời con. Và con có khả năng đạt tới điểm khi con có sự an bình nội tâm về các mối quan hệ của mình. Cho dù người kia có bất an đi nữa, con vẫn có thể an bình. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là đối với một avatar, đây là thử thách tối hậu. Bởi vì như chúng tôi đã giảng, đã có một thời điểm khi sa nhân được phép đầu thai trên địa cầu và một số avatar đã tình nguyện hiện thân trên trái đất để cầm giữ thế cân bằng, hầu sa nhân không thể chiếm hữu và tàn phá địa cầu.

Điều này có nghĩa là với tư cách một avatar, con đã gặp gỡ sa nhân trong những kiếp trước, rất có thể là ngay kiếp đầu thai đầu tiên của con. Và do đó theo một nghĩa nào đó, các sa nhân biểu tượng cho thử thách chủ yếu của con trên mặt quan hệ, vì chúng chính là những kẻ đã hung hăng tìm cách tiêu diệt con. Thử thách tối hậu của con là con quan hệ thế nào với sa nhân.

Và thử thách thực sự là giờ đây con đã tới một điểm khi con có thể đối mặt với sa nhân, và cho dù chúng có làm gì hay nói gì, dù chúng có ném gì vào con rồi đổ lỗi cho con, thì con vẫn hoàn toàn bình an. Con không có mong muốn thay đổi chúng. Con không có mong muốn tự biện hộ, chứng minh là chúng sai trái hay chứng minh là con đúng và rốt cuộc con là người có lý.

Và con có thể trau dồi sự an bình nội tâm đó, không từ giây phút này tới giây phút khác, mà con thực sự trau dồi nó. Và con sẽ thấy khi con đạt được an bình nội tâm phi cá nhân đó, tất cả mọi quan hệ của con sẽ đều hưởng lợi. Khi con đến được điểm này của an bình nội tâm, con sẽ có những quan hệ xây dựng hơn hẳn, hài hòa hơn hẳn, vì giờ đây, không còn gì mà con muốn từ người khác sẽ khiến con muốn ép buộc họ nữa. Và cũng không có gì mà con cảm thấy phải làm sẽ khiến cho người khác có thể ép buộc được con. Điều con đã thực hiện được qua an bình nội tâm là con đã lấy vũ lực ra khỏi các mối quan hệ của con.

Ta nghĩ hầu hết các con đều mường tượng được thế nào là một quan hệ không dựa trên vũ lực. Có lẽ con đã kinh nghiệm được điều này với một số người, những bạn thân của con, khi không có bất kỳ ý muốn nào để ép buộc lẫn nhau. Các con chỉ vui hưởng tình bạn bè với nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Và quan hệ này, con cũng có thể có với nhiều người khác – không phải với tất cả, nhưng khi đó thì hoặc con có thể tiếp tục mối quan hệ với những người khó tính đó vì họ không còn quấy rầy an bình nội tâm của con nữa, cho nên quan hệ với họ có vấn đề gì đâu? Hoặc đơn giản là con sẽ trôi xa khỏi họ, con quyết định là con sẽ không dành thời gian cùng sự chú ý cho họ, và như vậy con bước lên một mức phụng sự cao hơn. Tất nhiên, Tia sáng thứ Sáu cũng là tia sáng của phụng sự. Nhưng con phải cần gì để cống hiến phụng sự tối hậu? Con cần một tâm lý đã phần nào được giải tỏa, bởi vì phụng sự tối hậu không dựa trên vũ lực. Và nếu không dựa trên vũ lực thì nó dựa trên gì? Nó dựa trên an bình.

Nhiều người trong số các con khi thảo ra sứ vụ thiêng liêng, đã quyết định tự đặt mình vào những mối quan hệ khó khăn vào tuổi thơ ấu và tuổi mới trưởng thành, với mục đích cụ thể là giải quyết tâm lý mình càng nhanh càng tốt hầu còn được tự do phụng sự sau này trong đời. “Sau này trong đời” là một cách nói uyển chuyển. Ta không muốn con cảm thấy mình đáng trách nếu mình đã đứng tuổi mà vẫn chưa đạt được sự an bình mà mình mong muốn. Ta không trao cho con những lời dạy này để con tự trách móc.

Ta ban cho con lời dạy này để giúp con nhận ra là con có khả năng vươn lên một mức độ an bình cho phép con khởi đầu phụng sự dựa trên an bình. Và điều này sẽ đem lại thỏa nguyện cho con nhiều hơn hẳn so với những việc con đã làm cho tới nay, vì trước đây có thể con đã tự ép mình phải phuc vụ vì con coi đó là bổn phận phải làm. Và có thể con cũng nhận ra là con đã tự ép mình vào những quan hệ với một số người vì con cảm thấy đó là điều cần làm vì lý do nào đó.

Nhưng sẽ tới một điểm khi con đã từ bỏ ý thức cá nhân trong quan hệ của mình, khi con nhận ra là con không bị ép buộc phải quan hệ với bất cứ ai. Con không có bổn phận phải ở lại trong quan hệ với bất cứ ai. Có thể con đã chọn tự đặt mình vào một gia đình, một số người thân. Con đã chọn lựa như thế và tất nhiên, con nên nỗ lực học hỏi bài học mà con mong muốn học hỏi từ những người đó. Nhưng sẽ tới một điểm khi con cảm thấy đã học xong bài học, con đã đạt được một an bình nội tâm nào đó, và con có thể tự do chọn lựa: “Liệu tôi có muốn tiếp tục quan hệ này hay không khi tôi không còn cảm thấy tôi phải ở lại trong quan hệ đó?”

Có thể nói, an bình đích thực có nghĩa là con không còn những chữ “phải” trong tâm thức của con nữa. Bây giờ chỉ là chuyện con muốn gì, con thực sự muốn gì. Và chủ đề này, ta sẽ nhường lại cho bài giảng của thày Saint Germain vì nó gần hơn với ngọn lửa tự do của thày.

Với câu này, ta niêm con trong ngọn lửa an bình sống động nồng nhiệt. Bởi vì đây không phải là an bình thụ động. Đây là an bình sống động mà ta là. TA LÀ Nada.

Con đang chú tâm vào điều gì?

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 31/12/2020.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Địa cầu là gì? Địa cầu là gì? Địa cầu, tất nhiên, có thể mô tả bằng nhiều cách, nhưng một cách là coi địa cầu là một cuộc trình diễn như khi con đi xem phim hay xem kịch vậy. Nhiều người thời nay có internet, có truyền hình và phim ảnh, hiếm khi nào đi xem một vở kịch biểu diễn sống, và một số bạn trẻ thì chưa bao giở. Trong số các con nếu đã đi xem kịch nghệ đều biết rằng có những lúc diễn tiến vở kịch thay đổi đột ngột, có biến chuyển bất thần xảy ra trên sân khấu và bỗng nhiên con nghe thấy khắp cử tọa ồ lên một tiếng vì mọi người đều phản ứng đồng loạt với nhau.

Điều này cho con thấy tất cả khán giả đều bị lôi cuốn vào vở kịch đến độ họ quên bẵng mất là chỉ trước đó không lâu, họ đã sửa sọan ở nhà, tắm gội sạch sẽ, cạo râu chải đầu, mặc quần áo, lái xe đến rạp hát, đậu xe bước vào, đưa áo choàng cho người ta giữ, ngồi vào ghế, nhìn quanh xem có ai cũng đang đi xem kịch như mình, và vẫn tiếp tục lo nghĩ đến những công chuyện khác trong ngày. Nhưng khi vở kịch bắt đầu, mặc dù họ biết mọi diễn biến trên sân khấu đều là giả bộ, rằng đó chỉ là một câu chuyện gì đó do một kịch gia nào đó viết ra có thể là hàng trăm năm trước – họ vẫn từ từ bị lôi cuốn vào, rồi họ dồn hết tập trung tâm trí vào buổi trình diễn đến nỗi họ quên mất tất cả mọi chuyện khác. Họ quên hẳn lý do nào đã khiến họ vào đây ngồi, quên hẳn cuộc đời của họ ở ngoài rạp, và bây giờ họ bị cuốn hút vào những gì xảy ra trên sân khấu, và đó là lý do tại sao khi có biến chuyển ly kỳ trong vở kịch, họ đều phản ứng đồng loạt như thể một người.   

Con yêu dấu, đó là địa cầu đấy con. Ở khởi thủy, tất cả các con đều biết mình bước vào nơi đâu, tại sao các con bước vào đây để làm gì, các con biết rõ đây chỉ là cái máy giả thực tại, như ta đã từng gọi là như thế. Nếu con nhìn hành tinh hôm nay, con sẽ thấy là hầu hết mọi người, tuyệt đại đa số mọi người, đều giống như những khán giả kia ngồi trong rạp hát, quên hẳn họ đến từ đâu, quên hẳn là có một thế giới khác ở ngoài rạp hát. Họ quên mất là đang có những sự kiện khác đang xảy ra, rằng điều mà họ theo dõi chỉ là một câu chuyện đang biểu hiện ra trên sân khấu. Họ đã bị cuốn hút vào vở kịch, vào buổi trình diễn. Thay vì xem buổi trình diễn là một cái gì có thể giúp họ thăng tiến trong hiểu biết và chuyển vọt tâm thức mình, thì họ xem đó là sự thực, là thế giới thực, và mọi diễn biến trên sân khấu là những sự cố có thực.

Phải, ta biết là khi ta nói như vậy, và dĩ nhiên là ta cố tình nói vậy, nhiều người trong số các con sẽ có phản ứng. Họ sẽ nói, “Thày bảo con là thế gian không có thật, nhưng hàng triệu người đã bị nhiễm vi-rút corona trong năm vừa qua, nhiều người đã chết, không lẽ tất cả đều không thực hay sao?” Dĩ nhiên là không phải vậy! Khi con trong rạp hát, đó là một sân khấu, và trên sân khấu có người ta. Những người này đều thực. Họ có thể đang mặc trang phục trình diễn và hóa trang, nhưng họ là những người thực đang đóng một vở kịch.

Khi ta bảo những người kia đã quên là nó không thực, ta muốn nói họ đã quên là họ không phải là những con người, mà là sinh thể tâm linh. Các con hiện diện ở đây để trải nghiệm một cuộc trình diễn đang được biểu hiện trên địa cầu. Những gì xảy ra trên hành tinh có thể thực từ một góc cạnh nào đó, nhưng con không là một con người, con là một sinh thể tâm linh, con đang ở đây để có một trải nghiệm hầu chuyển đổi tâm thức mình. Tất cả mọi thứ xảy ra trên địa cầu chỉ là chuyện xoay chuyển tâm thức của con.

Khi Shakespeare ngồi vào bàn viết kịch, ông không có ý muốn giải trí người ta đâu. Ý của ông là xoay chuyển tâm thức người xem. Ông không đang tìm cách khiến cho người ta tin là có một Hoàng tử xứ Đan Mạch tên là Hamlet vì ông thừa biết là không bao giờ có người này. Ông chỉ muốn dẫn cử tọa qua một cốt truyện có khả năng chuyển đổi tâm thức của họ, và trái đất này cũng thế, trái đất chỉ là vậy thôi. Ta biết, điều này nghe có vẻ vô cảm khi nhiều người coi năm 2020 vừa qua là một năm đầy khó khăn.

Đương nhiên là năm qua đã vô cùng khó khăn cho nhiều người – các thày đâu có đui mù. Nhưng có điều, cái gì đây sẽ làm giảm bớt nỗi khó khăn của mọi người? Cái gì sẽ giúp cho mọi người đương đầu dễ dàng hơn? Có phải chỉ là chuyện an ủi và nói với họ là năm rồi quả là một năm tồi tệ? Hay là phải cho họ một góc nhìn khác? Vì các thày là chân sư thăng thiên, vai trò của các thày là gì? Vai trò các thày là cho mọi người một góc nhìn khác, đó là lý do duy nhất mà các thày có mặt trên hành tinh này. Các thày có mặt ở đây là để nhắc nhở mọi người rằng mặc dù các con sinh sống trên hành tinh trái đất, mặc dù các con đều có một xác thân vật lý bị tổn thương do những gì đang xảy ra, nhưng các con không thể bị định nghĩa bởi cõi vật chất, bởi xác thân vật lý, bởi ngoại tâm của con. Con là nhiều hơn tất cả những thứ đó.     

Điều này thực sự có nghĩa là gì? Thực sự có nghĩa là trong bản chất, con là cái mà ta gọi là tính nhân bản cốt yếu, là tiềm năng cho con vượt lên trên những trải nghiệm vỏ ngoài. Đâu là cốt lõi của tiềm năng này? Là cái phần của tâm con mà ta gọi là cái Ta Biết, hoặc con có thể gọi bằng bất kỳ tên nào con muốn, nhưng trong tâm con có một thành phần cho con cái khả năng, cho con quyền năng dừng lại và nói: “Tất cả những ý tưởng quấy phá đó, hãy ngừng lại.”  

  • Tôi sẽ lùi ra khỏi tình trạng ngoại cảnh trên địa cầu.
  • Tôi sẽ lùi ra khỏi tình cảnh của riêng tôi.
  • Tôi sẽ lùi ra khỏi xác thân tôi và mọi điều làm nó tổn thương.
  • Tôi sẽ lùi ra khỏi cảm thể của tôi và mọi rối loạn ở đó.
  • Tôi sẽ lùi ra khỏi trí thể của tôi và mọi ý tưởng về những điều tôi phải nghĩ, phải hiểu, phải biết.

Tôi sẽ lùi ra khỏi bản sắc thể của tôi và mọi xu hướng tự xem mình là một con người do ngoại cảnh định đoạt.

Tôi sẽ lùi ra cho tới khi tôi chiêm nghiệm – tôi kết nối được với cái phần của chính tôi, Hiện diện TA LÀ của tôi, cái ta tâm linh của tôi, là phần biết rõ và chưa bao giờ quên là nó không do trái đất này định đoạt.

Đây là bản chất nhân bản cốt yếu của con, cái thực chất nhân bản mà qua đó con có thể lùi lại một bước, có thể kết nối, có thể chiêm nghiệm rằng:

  • Tôi là nhiều hơn thế này.
  • Tôi là nhiều hơn những gì đang xảy ra trên địa cầu.
  • Tôi là nhiều hơn những gì đang xảy ra trong xác thân tôi.
  • Tôi là nhiều hơn sự rối loạn trong cảm thể của tôi.
  • Tôi là nhiều hơn những ý tưởng trong trí thể của tôi.
  • Tôi là nhiều hơn ý niệm bản sắc vỏ ngoài hay bản sắc làm người của tôi.
  • Ta là.

Và con không cần thêm bất cứ gì sau hai chữ “ta là”. Con có thể chứng nghiệm TA LÀ. Tôi có cái là. Tôi có nhận biết. Tôi có tự nhận biết.

Tự nhận biết có nghĩa là gì? Đối với rất nhiều người, nó có nghĩa là tôi nhận biết rằng tôi hiện hữu trong bản sắc này, rằng tôi có những ý tưởng này đang chạy trong tâm tôi, những cảm xúc mà tôi cảm thấy, thân xác mà tôi đang có, tình huống ngoại cảnh mà tôi đang trải. Đó là sự tự nhận biết của tôi. Tôi là một con người đang đau khổ trên địa cầu, đó là sự tự nhận biết của tôi. Nhưng sự tự nhận biết thực sự, cốt lõi của tự nhận biết, chỉ đơn giản là “ta là”. Tôi ý thức. Tôi nhận biết.    

Triết gia René Descartes nổi tiếng với lời nhận định: “Tôi nghĩ, do đó tôi là.” Nhiều người đã hiểu lầm câu này của ông. Ông chỉ muốn nói là ông đã nhìn vào tất cả mọi thứ mà ông có thể đặt vấn đề hay xem là giả trá, thì chỉ có một điều mà ông không thể chối cãi được, đó là ông có sự suy nghĩ. Nhưng thực sự đây không phải là sự suy nghĩ trong ý nghĩa một sinh hoạt của trí thể. Điều ông ngộ ra là điều duy nhất mà ông không thể chối cãi là sự kiện ông đang ý thức, ông đang nhận biết. Đó là điều duy nhất ông không thể chối cãi. Đó cũng là điều duy nhất mà con có thể nối kết để nhận ra rằng con không chỉ là ngoại vật. Khi con lùi về khỏi ngoại cảnh và chiêm nghiệm con là sự nhận thức, sự hiện diện, sự chiêm nghiệm, sự nhận biết, thì con không còn bị lôi cuốn vào vở kịch đang diễn ra trên sân khấu, sân khấu của thế gian. Con không còn tự đồng hóa với nó nữa. Con không còn bị nó định nghĩa là gì.

Thế nào là một con người? Trong cốt lõi, là cái này đây, là ta là, tôi đang nhận biết, tôi đang nhận biết rằng tôi là cái gì đang là. Trong cốt lõi của nhận biết, không cần thêm bất cứ gì khác, ít ra là không cần thêm bất cứ gì khác của điạ cầu bởi vì con không là tất cả những ngoại vật đó trên địa cầu. Tất nhiên hầu hết mọi người đều không nhận thấy như vậy, họ nghĩ họ là ngoại vật. Nhưng tính nhân bản cốt yếu có nghĩa là con có thể đứng riêng ra và chiêm nghiệm mình là nhiều hơn những ngoại vật, rằng chúng không thể định nghĩa được mình là ai. Khi con chiêm nghiệm điều này, đó là chiêm nghiệm thực. Và con biết là vở tuồng đang diễn ra trên sân khấu không thực được như thế.

Nhưng ngay giây phút con bước ra khỏi kinh nghiệm “ta là” đó và bước vào bản sắc vỏ ngoài của con, vào trí thể, cảm thể cùng xác thể của con, thì lập tức những gì con kinh nghiệm qua bốn thể phàm này sẽ có vẻ là thực đối với con. Chính điều này cho con cảm giác thực tế. Mọi lời dạy của các thày muốn hướng con về đâu? Hướng con về sự chứng nghiệm này đây, rằng có một thực tại vượt khỏi cảm giác thực tế mà con có được qua bốn thể phàm. Có một sự cảm nhận thực tại lớn hơn cảm giác thực tế mà con có được qua bốn thể. Do đó con không bị định hình bởi trải nghiệm của con trong bốn thể. Con tự định mình khi con là cái mà con là, khi con kết nối với cảm nhận “ta là”.  

Đây là điều đã giúp ta vượt qua thử thách khi đương đầu với quỷ Mara. Hẳn con cũng biết câu chuyện được kể lại trong đạo Phật rằng khi ta sẵn sàng nhập Niết bàn, ta đang ngồi thiền dưới cây bồ đề. Tất cả những con quỷ của Mara diễn hành trước mặt ta để lôi kéo ta nhập vào với chúng. Chúng đang diễn một vở tuồng và muốn ta bị cuốn hút vào đó, muốn ta tin rằng vở tuồng có một thực thể nào đó, có quyền lực nào đó trên ta, có quyền lực nào đó trên thế gian, có quyền lực nào đó trên người khác.       

Làm thế nào ta vượt qua được thử thách? Bằng cách nối kết với chứng nghiệm TA LÀ. Khi không có chữ nào đi theo sau hai chữ TA LÀ thì không có gì mà quỷ Mara có thể giao tiếp được. Như Giê-su đã diễn tả: “Không có gì trong ta mà ông hoàng của thế gian có thể nắm lấy.” Cho nên đây là cốt lõi giáo lý của ta. Tất cả mọi điều mà ta đã dạy con chỉ có một mục đích dẫn con đến điểm này mà thôi. Những lời này không chỉ là lý thuyết. Đây không phải là một giáo lý công truyền mà con có thể hiểu được bằng lý trí mà là một điều con phải chiêm nghiệm. Hầu hết các con đã chiêm nghiệm được rồi, một số đã chiêm nghiệm mà không ý thức, nhưng nhiều người trong số các con đã có chiêm nghiệm.  

Một khi con đã chiêm nghiệm được thực tại đó, con có thể sử dụng nó, bồi đắp nó, con có thể dùng các dụng cụ tu tập của các thày nhằm giải quyết những chấn thương sâu xa, đi ngược trở về chấn thương đầu tiên, và ngay cả trước đó nữa khi con là avatar giáng thế từ hành tinh khác. Và con có thể đạt tới một điểm khi bất kể chuyện gì xảy ra trên địa cầu, bất kể việc gì con đang làm, con cũng nhận biết liên tục rằng con là nhiều hơn thế, rằng con đang (phần nào) chứng kiến những gì đang diễn ra thay vì phải đứng ngay giữa cơn bão lốc. Hoặc ít nhất, con cũng nhận biết rõ rằng con có thể, bất cứ lúc nào, dời chuyển vào trong sự nhận biết TA LÀ nơi con không còn hoàn toàn tập trung vào cơn bão nữa.

Con người là gì? Ta đã từng nói: “Theo một nghĩa nào đó, con người là sự chú tâm, là sự nhận biết rằng mình chọn cách mình tập trung. Có thể nói, vượt ngoài tất cả mọi thứ đang xảy ra chung quanh, con là sự tỉnh giác, là sự nhận biết. Một số người nhận biết rất hạn hẹp, một số người khác nhận biết rộng rãi hơn. Một số thì rất chú tâm vào chính mình, trong khi một số khác có sự nhận biết toàn cầu hơn. Nhưng bất kể nhận biết hẹp hay rộng, con là sự nhận biết. Chọn lựa căn bản của con, có thể nói là chọn lựa duy nhất mà con có thể có, là chọn đối tượng cho sự chú tâm của con. Nhiều năm trước, Saint Germain có nói: “Anh đó là nô lệ sự chú tâm của anh ta”, và tất nhiên câu này cũng áp dụng cả cho phái nữ.  

Cho nên vấn đề là như sau: con đang chú tâm vào điều gì? Một lần nữa trong thời buổi này, ta không có ý bảo con phải chú tâm vào điều gì đó. Đã có những thời trước đây, và ngay cả bây giờ trong số học trò của các chân sư, khi người ta hay nghĩ rằng thế giới này không có gì là tâm linh, và do đó con không được chú tâm vào những chuyện trần thế. Con phải rút sự tập trung ra khỏi những chuyện trần tục và đặt trọng tâm vào những chuyện tinh thần. Rất nhiều người ở mọi thời đã làm điều này, họ đã rút lui khỏi thế giới để sống ẩn dật nơi một tu viện, một cái am Phật giáo, một nhà tu Cơ đốc giáo, hay bất cứ một khung cảnh, môi trường nào được tạo ra để họ triệt thoái khỏi thế gian, và khi họ chú tâm học hỏi kinh sách, cầu nguyện và làm lễ và hát và tụng, thì họ nghĩ, “À, tôi thật là tâm linh vì tôi đang tập trung vào những chuyện này.”        

Nhưng con yêu dấu thấy đó, rất nhiều người trong số đó thật ra không khác gì người đời. Người đời có sẵn một ý tưởng nào đó trong đầu về cuộc sống, về họ phải làm gì hay không làm gì, và họ sống theo cái tâm ảnh đó. Những người tâm linh rút khỏi xã hội cũng có một tâm ảnh về cuộc sống mà họ muốn sống, chỉ khác là tâm ảnh của họ không giống người đời. Thành thử một bên, chúng ta có đa số mọi người sống theo một tâm ảnh trần tục, và bên kia một thiểu số sống theo một tâm ảnh mà họ nghĩ là tâm linh. Nhưng con yêu dấu, đó vẫn chỉ là một tâm ảnh và tâm ảnh này sẽ giam giữ họ y như nó giam giữ người trần tục.

Thật không có bao nhiêu người, thời xưa cũng như thời nay, đã đạt được sự tinh tấn khi họ chỉ thay đổi tâm ảnh mà thôi, bởi vì tâm ảnh vẫn còn đó. Nếu con tập trung chú tâm của con đến độ con nghĩ: “Tôi là người thế này, tôi thật là tâm linh vì tôi đang làm tất cả những điều vỏ ngoài này” thì con đang làm gì? Con đang ban thêm sức mạnh cho tâm ảnh. Trong khi đó thì những người sống trong thế gian và tự đồng hóa với thế gian, khi họ trải qua một năm 2020 thật tồi tệ do dịch corona, thì họ làm gì? Họ cũng tăng thêm sức mạnh cho tâm ảnh của họ.     

Khi con chú tâm vào điều gì thì con tạo ra một luồng năng lượng xuyên qua bốn thể phàm của con hướng về tâm ảnh đó. Con củng cố tâm ảnh cho nó mạnh hơn, cả trong tâm con lẫn trong tâm tập thể. Con củng cố cấu trúc mà tâm ảnh này đã tạo ra. Con càng củng cố nó thì năng lượng sẽ hình thành một lực từ trường càng mạnh hơn để thu hút sự chú tâm của con. Con càng đặt chú tâm vào một đề tài nào thì càng có nhiều năng lượng xối vào đó. Càng nhiều năng lượng xối vào thì nó càng thu hút chú tâm của con, và tất cả trở thành một vòng xoáy triền miên, tự nó nuôi nó cho ngày càng lớn mạnh.    

Đó là lý do tại sao người ta đi xem kịch bị cuốn hút vào vở kịch và tưởng đó là thực. Tâm trí họ bị cuốn hút vào vòng xoáy mà chính họ đã tạo dựng, và song song cũng có sự tạo dựng tập thể đến độ nhiều người không thể gỡ mình ra do họ đã cho phép vòng xoáy cuốn tâm trí họ vào. Cũng vậy với nhiều người tự xem mình là tâm linh, họ đã tạo ra một vòng xoáy tuy có khác hầu hết người trần tục, nhưng vẫn kéo tâm trí họ vào một cách mãnh liệt. Giáo lý của ta chủ ý là gì và luôn luôn vẫn là gì? Giáo lý trong đợt truyền pháp này đã nói rõ ràng và rành mạch những gì? Rằng mục tiêu là để giúp con dời chuyển sự chú tâm của con khỏi tâm ảnh và chiêm nghiệm được “ta là”. “Tôi là nhiều hơn những tâm ảnh vỏ ngoài, nhiều hơn tâm ảnh mà tôi có về chính tôi và bốn thể phàm của tôi. Tôi nhiều hơn thế. Cho nên tôi không có nhu cầu bị lôi cuốn vào những gì đang xảy ra trên thế giới.”   

Ta đã có dịp giảng về khái niệm “giữ quân bình tâm linh”. Đã có những lời dạy đề cập đến khái niệm này, về một nhóm người tiến hóa cao độ trên dãy núi Himalaya mà chưa ai được gặp, chưa ai được nghe biết. Một số người đã có nghe về vị thày Babaji chưa thăng thiên, và một số khác nữa. Người ta bảo rằng các vị này cầm giữ quân bình tâm linh cho địa cầu. Giữ quân bình tâm linh nghĩa là gì? Là các vị ấy tập trung chú ý vào “là hơn nữa”. Mình biết mình là “hơn nữa”, và bằng cách duy trì một trạng thái tĩnh lặng toàn hảo, một nội tâm hoàn toàn an bình, mình có thể giữ được sự quân bình vì vẫn hiện thân trong xác thân vật lý. Tuy nhiên, mặc dù ta không muốn giảm bớt công sức phụng sự của những vị đó, điều mà ta mong muốn, và Saint Germain cũng mong muốn cho Thời Hoàng kim, là có thật nhiều người có khả năng giữ được quân bình tâm linh trong khi vẫn tích cực tham gia vào cuộc sống.   

Theo một nghĩa nào đó, việc giữ quăn bình sẽ dễ dàng hơn nếu con ngồi trong hang động và không bao giờ bị quấy rầy, bị thử thách. Và lẽ tự nhiên, sẽ khó giữ quân bình hơn nếu con sống một cuộc đời năng động. Nhưng con yêu dấu, điều sẽ thực sự hiệu quả, sẽ thực sự đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain nhanh chóng hơn, là có thật nhiều người sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày, làm lụng những công việc mà họ thường làm, mà vẫn nhận biết rằng đây không phải là con người thực của mình. Nói cách khác, con ngồi trong rạp hát, con quan sát vở tuồng trên sân khấu, và thay vì hoàn toàn chú tâm vào sân khấu, con vẫn nhận biết rằng “tôi là nhiều hơn buổi trình diễn này”. Con tỉnh giác rằng mọi người khác trong rạp đều hoàn toàn bị cuốn hút vào vở kịch, nhưng con vẫn giữ được cái phần tỉnh giác nằm ngoài vở kịch. Con trải nghiệm vở kịch như là một vở kịch, chứ không như một cái gì thực, như hầu hết mọi người khác. Đó là cách con giữ sự quân bình tâm linh, là thái cực Omega cho những ai đang giữ thái cực Alpha khi họ rút lui khỏi xã hội.

Đây chính là điều đã thiếu sót từ hàng ngàn năm nay. Đã có những vị sống ẩn dật và giữ được quân bình tâm linh, nhưng chưa có những vị để cầm giữ thái cực Omega của những người có thể sống trong thế gian, ở trong thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian. Điều này sẽ đem lại sự khác biệt lớn lao trong thời đại này, là thời đại mà chúng ta đang bước vào khi ngày càng có nhiều người đạt tới mức có thể nhìn thế giới và nói: “Tôi nhiều hơn thế này. Tôi sẽ không cho phép mình bị cuốn hút vào cái đang cuốn hút người khác. Tôi không cần tham dự vào đó, nó sẽ nuốt hết sự chú ý của tôi, và cuối cùng tôi sẽ chỉ vứt thêm năng lượng mình vào để nuôi cho vòng xoáy kéo mình vào thêm.”   

Trên thực tế, con có thể đạt tới một điểm khi con biến nó thành một quyết định ý thức. “Tôi sẽ không để cho bất kỳ vòng xoáy tập thể nào lôi kéo bốn thể phàm của tôi”. Nhân tiện, đây cũng là một cách để nâng cao sức khỏe thể chất của con, khi con không để cho các vòng xoáy tập thể ảnh hưởng đến xác thể, hay cảm thể, trí thể, bản sắc thể. Con không bị kéo vào. Cho nên con có khả năng đứng ngoài các khuôn nếp phản ứng mà đa số người ta bị cuốn vào. Con có thể ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Con có thể ngồi dưới gốc cây bồ đề, nhìn bọn ma quỷ của Mara diễn hành trước mắt nhưng con không hề tham dự với chúng. Sau khi con để cho chúng làm trò chán chê, con sẽ đặt tay xuống mặt đất và nói: “Vajra, Vajra, Vajra, nay ta xác nhận quyền làm Ki-tô của ta, quyền làm Phật của ta trên địa cầu.”  

Đó là những gì ta mong muốn cho tất cả các con là học trò trực tiếp của các chân sư, để con khỏi bị lôi kéo. Các chân sư hoàn toàn không trách móc gì các con. Các thày hiểu rõ năm qua đã là một năm khó khăn. Các thày biết nhiều vòng xoáy tập thể to khủng khiếp đã được tạo ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Một phần là vì đại dịch corona, phần khác vì nền kinh tế, phần khác nữa vì một số điều kiện chính trị như cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Các thày hoàn toàn không muốn con buồn rầu về cách phản ứng của mình nếu chẳng may con đã bị lôi cuốn vào những vòng xoáy đó – đành chịu thôi. Nhưng con có cơ hội bước lùi lại, nối kết với cái TA LÀ, để con nhận ra rằng con là nhiều hơn thế, và có lẽ để con nhìn vào “điều gì trong bốn thể phàm của tôi đã khiến tôi bị cuốn hút”.    

Sau đó nếu con dùng cac dụng cụ tu tập để giải quyết chấn thương, con sẽ thấy là cuối cùng, tất cả đều liên quan đến cái chấn thương nhập đời vũ trụ, và cả những cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra sau trải nghiệm nhập đời này. Con sẽ luôn luôn nhận thấy mỗi lần con bị lôi cuốn vào một phản ứng, thì y rằng sẽ có một cái ngã hiện diện, có khi nhiều hơn là một, nhưng tất cả những ngã này đều không thực. Chúng không thực trong ý nghĩa mà ta vừa mô tả. Chúng nằm trong bốn thể phàm của con – không nghi ngờ gì cả. Chúng có một sự hiện hữu nào đó vì chúng được tạo ra từ năng lượng, chúng dựa trên một tin tưởng nào đó của con và do đó đã trở thành như một sinh thể sống trong lòng bốn thể phàm của con, tương tự như một con thú sống trong nhà con vậy. Nhưng chúng không thực trong ý nghĩa là chúng không phải là con, và con không phải là chúng.

Khi con kết nối với nhận biết TA LÀ, Hiện diện TA LÀ, con có thể nhận ra: “À, đây chỉ là một cái ngã, đây không thực là tôi, tôi không là ngã đó. Hoàn toàn không phải là tôi. Chưa bao giờ nó là tôi. Trước kia tôi tưởng nó là tôi. Nhưng bây giờ tôi thấy nó chỉ là một cái ngã. Tôi thấy nó hạn chế tôi. Tôi thấy nó bắt nguồn từ một tin tưởng nào đó mà bây giờ tôi không chấp nhận nữa.” Và điều này đưa con đến một điểm khi con có, không phải một quyết định vỏ ngoài của ngoại tâm, mà một sự giải tỏa tự phát: “À, tôi sẽ để cho mi chết. Mi không phải là tôi. Tôi để cho mi chết đây.” Đây là điều mà ta mong muốn thấy tất cả các con làm được nếu con chưa làm trong năm 2021 này.  

Con yêu dấu, điều đó sẽ khiến ta vui mừng làm sao. Và nó cũng sẽ khiến con vui mừng. Nó sẽ đem vui mừng cho mọi người chung quanh con, ít ra là đa số, cho dù là một số người sẽ không bằng lòng khi thấy con không gần gũi như trước, và do đó họ không thể ảnh hưởng con được như trước nữa. Nhưng đành thôi, đành thôi. Con không thể tiến bước trên đường dẫn đến quả vị Ki-tô và quả vị Phật mà không làm phật lòng một số người.  

Bây giờ, con yêu dấu, năm 2021 sẽ như thế nào? Nhiều người cho rằng đây sẽ là một năm khó khăn, một phần vì đại dịch sẽ không được giải quyết nhanh chóng như mong muốn. Thành thật mà nói, ta đã mong có thể giải quyết sớm hơn nhưng điều này đòi hỏi nhiều người phải xử sự một cách khác, mà nhiều người thì không chịu thay đổi và đại dịch cứ thế tiếp diễn. Nhưng tất nhiên, thử thách lớn nhất cho năm 2021 là nền kinh tế vì kinh tế đã bị đại dịch làm tổn thương, cho nên đối với rất nhiều người, năm 2021 sẽ là một năm rất khó khăn, không khó khăn bằng 2020 nhưng trên một vài phương diện sẽ khó khăn hơn.

Nhưng tại sao sẽ khó khăn cho mọi người? Bởi vì mọi người tự đồng hóa với vở kịch. Ta vẫn biết là hầu hết không có khả năng tách mình ra khỏi vở kịch, nhưng có một điều ta muốn con ghi nhớ và cầu gọi, là có những người tuy không có nhu cầu biết đến các chân sư và họ cũng chưa từng nghe đến các chân sư, nhưng họ lại cởi mở với ý tưởng đặc biệt này. Ý tưởng đó, ta đã từng giảng dạy cách đây 2500 năm, rằng toàn bộ thế gian là một tổng thể tương kết. Ý tưởng này trong đạo Phật thường có tên là Lý Duyên khởi. Không có sự kiện riêng rẽ nào tự dưng xảy ra mà trái lại mọi sự kiện đều xảy ra do vô số những nguyên nhân, một chuỗi nguyên nhân dài dằng dặc và phức tạp vô cùng – phần nào cũng giống như thuyết hỗn mang mà khoa học đưa ra.  

Và như vậy, nhiều người trong đó có những thành phần cấp tiến, sáng tạo nhất, đã trở nên thực sự cởi mở và nhận ra điều này, với tiềm năng dẫn đến nhiều hệ quả tích cực khi người ta bắt đầu xét lại cách nhìn cố hữu của mình về xã hội. Một điều có thể xảy ra là người ta bắt đầu đặt nghi vấn: “Ơ kìa, cái gì đã gây ra đại dịch corona? Phải chăng chỉ vì đúng một con dơi ở Trung quốc đã tiếp xúc với con người? Hay là vì bất kỳ nguyên nhân đơn lẻ nào khác mà người ta có thể nghĩ tới? Liệu chỉ có một nguyên do duy nhất hay là có nhiều nguyên do sâu xa hơn? Phải chăng một số điều kiện trong xã hội, trong cách chúng ta nhìn xã hội, cũng đã góp phần vào toàn cảnh? Phản ứng của chúng ta đối với đại dịch nói lên điều gì về những điều kiện đó, và như vậy chúng ta có thể xem xét, phân tích, học hỏi và thay đổi điều gì? Chúng ta có thể rút tỉa điều gì tích cực từ đại dịch để giúp đưa xã hội về một hướng tốt đẹp hơn?”

Con yêu dấu, hiển nhiên là rất, rất nhiều điều người ta có thể nêu lên, có thể học hỏi từ khủng hoảng này, và ta không có ý liệt kê ra hết bởi vì có quá nhiều và cũng quá rộng lớn. Nhưng có một điều nổi bật ở đây mà ta muốn đặt trọng tâm là kinh tế. Thật là dễ mà nói rằng: “Ồ, kinh tế có xuống dốc thật nhưng chỉ là do đại dịch. Chỉ vì người ta không thể đi du lịch, ra tiệm mua sắm, đi ăn nhà hàng mà dân chúng bị mất việc, và đó là lý do kinh tế phải đi xuống”.    

Con yêu dấu, kinh tế không chỉ là kinh tế, kinh tế không là một hiện tượng biệt lập. Kinh tế là một thành phần của lý duyên khởi của toàn thể xã hội, của tâm thức tập thể. Tâm thức tập thể chúng ta đang ở đâu? Nếu con nhìn kinh tế từ một góc độ rộng lớn hơn, con thấy gì? Con sẽ thấy như một số kinh tế gia và ký giả đã thấy được, là kẻ giàu, giới thượng lưu, đã không bớt giàu đi trong cơn đại dịch, trong cơn khủng hoảng.

Mặc dù kinh tế có suy thoái nhưng người giàu đã trở nên giàu có hơn. Đầu tư của họ trị giá nhiều hơn, thị trường chứng khoán tăng vọt. Nhưng những ai đã nghèo hơn? Phải, những người tầm thường. Những người bình thường, những người dân hàng ngày phải gánh chịu hậu quả lớn nhất của đại dịch, do bị nhiễm bệnh, do phải trông nom người bị nhiễm bệnh, do phải ở nhà mà thiếu hụt ngân sách, do mất nguồn lợi thu nhập. Đúng vậy, những người bình thường, dân chúng nói chung.  

Con hãy nhìn quanh thế giới. Những nước nào đã bị tác động nặng nhất? Chắc chắn rất nhiều nước nghèo đã bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng không phải tất cả. Con cũng thấy một nước như Hoa Kỳ có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do đại dịch cao hơn. Vậy con hãy tự hỏi: “Tại sao như thế, tại sao lại thấy những những chuyện như thế?” Con sẽ thấy nguyên do nằm bên dưới tất cả là sự chú tâm vào chính mình, chỉ chăm sóc cho chính mình, chỉ quan tâm đến cái tâm ảnh của mình, làm sao cố giữ tâm ảnh đó cho bằng được.   

Con hãy nhìn ở ngay khởi đầu của đại dịch, Trung quốc biết rõ có một loại vi-rút mới đang lan rộng. Nhưng họ giấu giếm thông tin cho ngay cả công dân của họ và đối với thế giới. Có nghĩa là khi người ta biết đến, vi-rút đã lan vượt ra ngoài biên giới của Trung quốc đến độ không thể kiềm chế được nữa. Có thể nào ngăn chặn ngay từ đầu không? “Có, có thể lắm chứ”, nếu giới chức trách Trung quốc kể cả đỉnh cao của lãnh đạo sẵn sàng có những biện pháp cần thiết. Nhưng tại sao họ lại không sẵn sàng có biện pháp cần thiết? Bởi vì họ đang cố, với tất cả sức bình sinh, bám giữ cái tâm ảnh mà họ có về Trung quốc là một quốc gia toàn hảo, một xã hội toàn hảo, một xã hội cộng sản toàn hảo, là xã hội thực sự cộng sản duy nhất còn sót lại? Tại sao vi-rút đã lây lan? Tại vì tâm ảnh của giới lãnh đạo Trung quốc. Hiển nhiên con có thể hỏi thêm: “Tại sao vi-rút lại xuất hiện tại Trung quốc?” Một lần nữa, phần nào là vì lãnh đạo, và phần khác cũng vì người dân Trung quốc, vì cái tâm ảnh mà người dân ôm giữ về một nước Trung quốc vượt trội hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Thế những nước khác thì sao? Họ cũng có một tâm ảnh nào đó về Trung quốc, và họ đã chưa quyết định là họ muốn quan hệ thế nào với Trung quốc, họ muốn làm gì với Trung quốc. Như ta đã có nói, các nước có thể nào thực sự tiếp tục buôn bán với Trung quốc, một nước đàn áp chính dân mình và không tôn trọng lý tưởng dân chủ mà các con mong muốn? Liệu con có thể chấp nhận để cho các tập đoàn ở Tây phương kiếm những số tiền khổng lồ do sản xuất rẻ tiền tại Trung quốc rồi bán lại với lợi nhuận lớn hơn là nếu họ sản xuất tại xứ họ? Liệu con có thể cho phép sự thể này tiếp tục rồi bảo: “Các thày sẽ bỏ qua những vi phạm nhân quyền của Trung quốc, bỏ qua những diễn biến tại Hồng Kông nơi họ đang bóp nghẹt dân chủ. Các thày sẽ không đứng ra hỗ trợ dân chủ vì Trung quốc quá lớn. Các thày thật sự không muốn nhúng tay vào, không muốn có quyết định về Trung quốc”. Không phải đây là lý do vi-rút đã lây lan khắp các nước hay sao? Là vì các nước đã không chịu lấy quyết định họ muốn làm gì với Trung quốc và mối quan hệ với Trung quốc.

Bây giờ con hãy nhìn sang Hoa Kỳ, một trong những nước bị thiệt hại lớn nhất về tỷ lệ nhiễm bệnh COVID-19 cũng như tỷ lệ tử vong. Điều này cho con thấy gì? Nhìn một cách thực tế, con có thể thấy rõ Hoa Kỳ đã đáp ứng kém hơn hẳn những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. So với Âu châu, cho dù ở đó cũng có một số nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng vẫn đỡ hơn Hoa Kỳ. Điều này cho con thấy gì? Đúng vậy, Hoa Kỳ có thể nào tiếp tục là quốc gia giàu mạnh duy nhất trên thế giới không có một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng? Sự thể này có bền vững không? Và Hoa Kỳ xem mình là quốc gia vĩ đại nhất, là xã hội tốt đẹp nhất thế giới, điều này có bền vững không?     

Con hãy nhìn vào kinh tế và thấy bao người bị mất việc làm. Có bền vững hay chăng một nên kinh tế nơi người giàu đã giàu hơn rất nhiều và sẽ còn giàu hơn nữa? Người giàu tại Hoa Kỳ đã kiếm tiền giữa cơn khủng hoảng này nhiều hơn là họ có thể kiếm được khi không có khủng hoảng. Con có thể chấp nhận một nền kinh tế mất cân bằng đến độ ngày càng đổ thêm nhiều tiền vào túi người giàu mặc dù các nghiên cứu cho thấy sự thể này đã tiếp diễn suốt bốn thập niên qua? Có bền vững không? Liệu điều này có phần nào giải thích tại sao Hoa Kỳ lại bị đại dich đập nặng đến như vậy? Không phải là nguyên hệ thống đã trở thành quá thiên vị cho người giàu hay sao? Có bền vững không?

Nay con hãy nhìn sang nước Nga, là một nước khác nữa cũng rất quyết tâm duy trì một tâm ảnh nào đó. Hóa ra số người bị chết bởi đại dịch lớn hơn rất nhiều các con số tử vong chính thức. Tại sao như vậy? Bởi vì giới lãnh đạo cho tới Putin ở tột đỉnh đều thèm muốn, thèm muốn giữ lấy tâm ảnh về sự vĩ đại của nước Nga, về khả năng kiểm soát và giải quyết mọi vấn đề. Nhưng họ có làm được không? Có thể nào một lãnh tụ nắm hết quyền hành đảm đương được mọi chuyện? Có phải chăng là một hệ thống tập trung quyền lực không thể thực sự là một xã hội bền vững, đặc biệt trong thời đại này?     

Xong hãy trở lại với nước Mỹ và nhìn xem đại dịch đã ảnh hưởng tiến tình bầu cử như thế nào. Tại sao Tổng thống Trump ở giai đoạn đầu của đại dịch lại chọn chiến lược coi nhẹ đại dịch? Đúng vậy, chỉ vì ông muốn duy trì một tâm ảnh về chính ông cùng khả năng cầm quyền của ông. Một khi đã phóng tâm ảnh này ra công chúng, ông không chịu thay đổi nó, nhưng đáng lý ông phải chấp nhận thay đổi khi đại dịch không diễn biến như ông chờ đợi. Điều này có khiến ông thất cử? Đúng vậy, con yêu dấu. Nếu không có đại dịch thì Trump đã tái đắc cử. Nhưng vì cách ông phản ứng trước đại dịch, và vì có nhiều người thấy được điều đó, cho nên ông không thắng cử một lần thứ hai.

Ông đã làm gì sau bầu cử? Ông vẫn cố giữ nguyên cái tâm ảnh rằng ông không thua, rằng ông không là một người thua cuộc, rằng người ta đã đánh cắp chiến thắng của ông. Bầu cử đã gian lận, một sự gian lận to lớn, với những lời tố cáo được lặp đi lặp lại, nhưng không thấy bằng chứng nào được đưa ra trước tòa án. Ông phải cố giữ cái tâm ảnh.

Vậy chúng ta có thể mong mỏi những gì trong năm nay? Chúng ta mong thấy trên thế giới có những người, những chính phủ, những người sáng tạo, những người với tỉnh giác cao độ, sẽ sẵn sàng suy ngẫm xem cơn đại dịch, nền kinh tế, phản ứng của chúng ta trước đại dịch, phản ứng của chúng ta đối với kinh tế, tất cả những thứ đó nói gì về chúng ta? Chúng ta cần thay đổi thế nào, chúng ta đã mất quân bình như thế nào, chúng ta đã trở nên thiếu bền vững như thế nào. Để giúp các con trong tiến trình suy ngẫm này, ta sẽ cho các con một hình tư tưởng cho năm tới đây. 

Đây là một hình tư tưởng rất giản dị. Trong năm nay 2021, mặt trời sẽ là một tấm gương phản chiếu. Ta có hỏi ý Helios và Vesta là những chân sư thăng thiên, những sinh thể vũ trụ đứng đầu mặt trời của các con. Các thày đã nghĩ ra một cơ chế vô cùng giản dị có mặt trời làm tấm gương. Khi con tập trung nhìn vào mặt trời, các hình ảnh trong tâm trí con sẽ được phản chiếu lại để con dễ thấy hơn, và con cũng khó lòng bỏ qua hơn. Không chỉ có cá nhân mới dùng được cách này mà cả toàn thể xã hội.

Khi con sử dụng hình tư tưởng này một cách đều đặn, con sẽ khiến cho hiệu quả tăng lên gấp bội. Ta khuyến khích con làm một việc vô cùng đơn giản, không có gì cầu kỳ. Mỗi ngày, con hãy tập trung vào mặt trời – dù là nó có ở trên trời hay không thì hoàn toàn không quan trọng. Nhưng con hãy tập trung vào mặt trời trong tâm con, và nói lên lời xác định này. “Phật Gautama, thày là tấm gương toàn hảo cho địa cầu.” Giản dị, dễ nhớ, và chỉ mất một vài giây. “Phật Gautama, thày là tấm gương toàn hảo cho địa cầu”.    

Nếu con muốn, con có thể hình dung ta đang ngồi trong tư thế hoa sen ngay trên mặt trời, nhưng điều này không mấy cần thiết. Chỉ cần con nói lời xác định ngắn ngủi trên. Tập trung vào mặt trời, con không cần nói lớn, nhưng con có thể nếu con muốn. “Phật Gautama, thày là tấm gương toàn hảo cho địa cầu.” Điều này có thể tác động mạnh mẽ, đồng thời với các bài cầu của con vì ta sẽ hướng dẫn con đọc các bài cầu, và tất nhiên, cả xã hội cũng cần suy ngẫm về toàn bộ tình thế hôm nay và những bài học có thể rút tỉa. Ta đã nói gì ở đầu bài giảng, địa cầu là gì? Là một cuộc trình diễn. Mục đích để làm gì? Để chuyển đổi tâm thức con người. Vậy thì kết quả cao nhất của đại dịch corona và cuộc khủng hoảng kinh tế hôm nay là gì? Là nó chuyển đổi tâm thức con người, nó chuyển đổi sự nhận biết của con người, con người bắt đầu nhìn lại chính mình, nhìn vào xã hội mình và nói: “Đây là những điều mà chúng ta có thể thay đổi. Đây là những điều chúng ta cần thay đổi bởi vì nếu không, mọi thứ sẽ tan rã – khi chúng ta đặt trọng tâm vào của cải, cho phép một tầng lớp thượng lưu nhỏ xíu tiếp tục điều khiển xã hội mà chỉ mang lại lợi ích cho họ trong khi người dân phải trả giá.

Sự thể này không còn bền vững được nữa, không thể kéo dài được nữa. Đây là sự nhận thức có thể bắt đầu đột phá trong năm 2021 nhiều hơn là cho đến nay, rằng có nhu cầu, một nhu cầu tuyệt đối và cấp bách, tạo ra những xã hội quân bình hầu lớp thượng lưu không thể bóc lột người dân được nữa. Nhu cầu này cấp bách hơn rất, rất nhiều cuộc khủng hoảng khí hậu, hay đại dịch, hay kinh tế, hay bất cứ khủng hoảng nào khác. Đây là khủng hoảng thực sự, khủng hoảng duy nhất trên địa cầu như đã kéo dài từ hàng bao thế kỷ. Nhưng bây giờ chúng ta mới đến một mức mà ngày càng có nhiều người sẵn sàng nhìn thấy, ngày càng có nhiều xã hội sẵn sàng làm cái gì đó để giải quyết, nhiều hơn là cho tới nay, và mặc dù cũng có nhiều quốc gia dân chủ đã tiến bộ đáng kể để cải biến xã hội cho bớt độc quyền, nhưng Hoa Kỳ không có trong số đó, và Anh quốc cũng không có trong số đó. Cần nhiều tiến bộ hơn, đặc biệt là trên bình diện toàn cầu.

Và điều này kết thúc những nhận xét mà ta mong muốn đưa ra cho các con ở đây. Ta sẽ rút về, niêm phong các con trong sự bình an tuyệt đối của Phật, và nhường lời cho Mẹ Mary trao cho các con thái cực Omega của bài giảng này. TA LÀ Gautama.       

Trải nghiệm sự nhận biết quả cầu ở các tầng cao của quả vị Ki-tô

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 6/12/2020, nhân Webinar 2020 – Tăng triển Phân biện Ki-tô.

Ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Phật biết gì vể quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô? À, làm thế nào con trở thành Phật chứ? Bằng cách vượt qua giai đoạn phân biện Ki-tô và quả vị Ki-tô. Như chúng tôi các chân sư thăng thiên đã có giải thích cho con, có một số tầng tâm thức và măc đù trên địa cầu có 144 tầng như thế, trên cõi tâm linh còn có nhiều tầng hơn nữa. Trước tiên con vươn lên tầng quả vị Ki-tô, xong từ đó con có thể vươn lên tầng quả vị Phật. Con không cần phải đạt đến quả vị Phật để thăng thiên nhưng con có thể.

Chúng tôi đã cố trao truyền cho con ở đây một số lời dạy về một số yếu tố ngăn cản con có được sự phân biện Ki-tô. Yếu tố mà ta muốn lưu ý con trong bài này là khi con đạt đến tầng tâm thức 96, con đối mặt với một cuộc khai ngộ nhất định. Chúng tôi có nói là ở tầng 96, con đối diện với một ngã ba đường khi con có thể, hoặc thăng vượt trọng tâm của con vào bản thân con, hoăc rơi vào một vòng xoắn ốc hướng hạ khi con ngày càng tập trung vào chính mình. Một trong những yếu tố sẽ quyết định con đi lên hay đi xuống ở tầng đó là vấn đề mà ta muốn chỉ ra cho con thấy ở đây. Đây là một vấn đề đã được các giới tâm lý học hiện đại bàn cãi và thường được gọi là “những vấn đề kiểm soát”.

Kiểm soát và quyền tự quyết

Một lần nữa nếu trở lại với các sa nhân và nhìn vào tình trạng của chúng, chúng tôi đã có trình bày về bầu cõi thứ tư khi có những sinh thể đã tự xưng làm kẻ cai trị tuyệt đối ở một số hành tinh. Con cần điều gì để chiếm địa vị nắm mọi quyền lực mà không ai có thể phản kháng? Hiển nhiên con cần giành lấy quyền kiểm soát trên hành tinh đó và kiểm soát tất cả mọi cư dân đầu thai ở đó. Con tìm cách tạo dựng cho mình một vị thế hay một cảm nhận cao trội qua sự kiểm soát. Một đằng, con tìm cách tự kiểm soát mình, kiểm soát tâm mình, cho nên con rất tự chủ, kỷ luật và không bao giờ mất cảnh giác, nhưng con cũng tìm cách kiểm soát người khác.

Sau khi các sa nhân bị sa ngã, tất nhiên chúng đã tiếp tục trên cái trớn kiểm soát đó. Một số đã tìm cách kiểm soát toàn bộ vũ trụ, thậm chí kiểm soát cả Thượng đế. Nhưng đương nhiên, chúng không bao giờ có thể đạt được mục tiêu đó vì không có cách chi chúng hiểu được Đấng Sáng tạo đích thực là như thế nào. Tuy vậy con cũng có thể thấy chuyện trớ trêu là có những kẻ lại muốn kiểm soát một vũ trụ nơi định luật tuyệt đối duy nhất là Định luật Tự quyết.

Làm thế nào con có thể kiểm soát thật sự khi quyền tự quyết là định luật tuyệt đối? Làm thế nào con có thể kiểm soát được chọn lựa của mọi người? Tất nhiên như con thấy sau khi sa nhân đến địa cầu, chúng đã mưu toan kiểm soát toàn thể dân chúng bằng rất nhiều cách. Chúng đã làm vậy trên bình diện vật lý bằng cách giết hại hay cầm tù những ai không chấp nhận kiểm soát. Chúng đã làm vậy trên bình diện tình cảm bằng cách cuốn hút con người vào những cơn lốc động cảm nơi họ rơi vào vòng kiểm soát của tác giả cơn lốc, tức là chính các sa nhân. Chúng đã làm vậy ở mức lý trí bằng cách lôi kéo con người tin vào một loạt những hệ thống tín ngưỡng, từ tôn giáo cho đến chủ nghĩa duy vật cùng những ý thức hệ chính trị đủ loại.

Và tất nhiên chúng cũng đã làm vậy ở mức bản sắc bằng cách xui khiến mọi người trên hành tinh chấp nhận rằng mình chỉ là những con người bị muôn vàn giới hạn gò bó – duy có một số ít người thật đặc biệt có khả năng vượt ra ngoài giới hạn đó, vì thế cho nên con phải nhắm mắt đi theo những người có tầm nhận thức cao trội đó. Hiển nhiên, các sa nhân đều mang động lượng kiểm soát người khác, cho nên chúng phóng ý muốn kiểm soát này ra ngoài và chúng sẵn sàng kiểm soát người khác. Không phải tất cả mọi sa nhân đều sẵn sàng giết hại để mà kiểm soát – vì một số sẽ cố làm một cách ít bạo lực hơn – nhưng chúng vẫn phóng chiếu nó ra ngoài.

Con không được lầm lẫn, nhiều sa nhân cũng có một đặc tính mà người ta thường gọi là sự tự chủ. Chúng có thể vô cùng kỷ luật, vô cùng kiên quyết, nhắm thẳng đến mục tiêu, và đó là tại sao chúng thường rất thành công trong chính trường hay thương trường. Chúng khao khát kiểm soát người khác và chúng rất hung hãn khi ra tay vì chúng cảm thấy được quyền làm như vậy. Lẽ tự nhiên, con có thể nói là chúng ở trong một tâm trạng vô cùng bị động, đe dọa, vì chúng luôn luôn nhận ra là việc kiểm soát quần chúng thật là khó khăn, đặc biệt khi phải kiểm soát tất cả mọi người, vì ngay cả trên một hành tinh như địa cầu cũng có xu hướng là thỉnh thoảng sẽ hiện ra một số cá nhân từ chối để cho chúng kiểm soát, từ chối đi theo tâm thức đại chúng, đi theo đường lối của đảng hay mệnh lệnh của giáo hoàng hoặc bất cứ ai khác.

Cho nên mới có những người nổi loạn, và đôi khi kẻ nổi loạn lại chính là những sa nhân khác hình thành một lớp tự tôn quyền lực thay thế, nhằm lật đổ lớp tự tôn quyền lực đang nắm quyền. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, những con người từ chối bị kiểm soát đó thực sự là những sinh thể đã đạt đến một trình độ quả vị Ki-tô cao, và do đó họ đứng nổi bật ra hầu chứng tỏ cho mọi người, chứng tỏ cho quần chúng thấy là có cách giải tỏa được vòng kiểm soát.

Một số trong những người đó đã đạt tới mức quả vị Ki-tô tương tự như Giê-su, tức là họ có khả năng đem lại sự phán xử Ki-tô trên một số sa nhân.

Đối với sa nhân, thật là khó lòng duy trì được cảm giác rằng mình luôn luôn nắm kiểm soát. Cho nên nhiều sa nhân đã dựng lên trong tâm một số cấu trúc phức tạp hầu duy trì cảm giác là mình vẫn nắm kiểm soát bất kể sự việc xảy ra bên ngoài có là gì. Chúng có một thế giới quan luôn luôn đặt mình ở trung tâm vũ trụ, và chúng có nhiều cách khác nhau để giải thích tại sao sự việc xảy ra lại không thể kiểm soát, không thể tránh được.

Nhu cầu giải thích mọi sự

Vậy hành tinh địa cầu là gì chứ? Như chúng tôi đã trình bày mấy lần, địa cầu có thể được ví như một bộ máy giả thực tại (reality simulator). Khi con đầu thai trên địa cầu, con bước vào bộ máy giả thực tại đó với khả năng mô phỏng nhiều loại môi trường khác nhau. Một phần trong cách mô phỏng là khi con người, đặc biệt là tâm thức tập thể, đè chồng một số hình ảnh, một số niềm tin, một số thế giới quan lên trên Ánh sáng Mẫu-Vật, rồi qua đó bộ máy giả thực tại sẽ trải bày những thứ đó ra.

Chúng tôi đã có nói là ở ban đầu, hành tinh này đã được sinh tạo trong một trạng thái cao hơn khi không một ai phải đổ mồ hôi lao động để nuôi tấm thân vật lý. Sau cuộc sa ngã vào tâm thức nhị nguyên, giờ đây các con phải làm lụng vật lý để nuôi thân. Cho nên điều con thấy ở đây là hành tinh địa cầu là một bộ máy giả thực tại, nhưng đồng thời cũng có một cơ chế an toàn khiến cho mọi người khó lòng nghĩ rằng môi trường mô phỏng này là thực tại tuyệt đối bất di bất dịch. Tất nhiên có một vài cách để tạo ra cơ chế an toàn này, trong số đó có định luật thứ hai của nhiệt động học sẽ làm tan vỡ bất cứ gì do nhị nguyên tạo ra. Và một cách khác nữa là sự đa dạng của loài người, khiến cho việc bắt mọi người phải hành xử giống hệt nhau thật khó xảy ra.

Cho nên thỉnh thoảng sẽ có một sinh thể Ki-tô đứng lên thách thức những quy định bảo con người là gì và phải cư xử ra sao. Đấy, con thấy được động cơ là thế đấy: Sa nhân sẽ muốn nắm quyền kiểm soát môi trường của chúng, nhưng trên địa cầu sẽ có một số yếu tố khiến cho một sa nhân gần như không thể nào đạt được kiểm soát tuyệt đối. Điều này có nghĩa là ngay từ lúc sa nhân bị sa ngã, ngay từ lúc chúng đến địa cầu, chúng đã phải đối mặt với thực tế đó, là sự kiện chúng muốn nắm kiểm soát vật lý tuyệt đối trên hành tinh nhưng thực sự chúng không bao giờ có khả năng làm được chuyện đó.

Vậy thì sa nhân sẽ đối phó như thế nào? Cách đối phó của chúng là tạo ra một cách giải thích nào đó trong tâm của chúng. Đó có thể là một sự giải thích ở mức cá nhân mà chúng sẽ không bao giờ chia sẻ với ai. Đó cũng có thể là một ý thức hệ, một chủ nghĩa, một tôn giáo, một lý thuyết khoa học, một lý thuyết chính trị, bất kể. Nói cách khác, sa nhân có một nhu cầu ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive) phải giải thích những gì chúng không thể kiểm soát một cách tuyệt đối trong cõi vật lý. Chúng cố tạo ra một hệ thống nhằm giải thích tại sao có những chuyện xảy ra mà chúng không thể tiên liệu hay mong muốn. Đây quả thực là một động lượng rất lâu đời trên địa cầu, và đã có những con quái vật tập thể khổng lồ được dựng lên để thực hiện chuyện này. Bởi vì lẽ tự nhiên, không chỉ có sa nhân bị tác động mà hầu hết loài người trên địa cầu cũng bị tác động.

Vì như con thấy, người bình thường chứ không cứ sa nhân cũng có vấn đề cần giải thích như vậy. Họ trải nghiệm quá nhiều chuyện trên địa cầu mà họ không muốn xảy ra cho mình, và họ phải giải thích tại sao lại như vậy. Một số người phải tìm cách giải thích vì họ đi theo một lãnh tụ sa ngã hứa hẹn sẽ dẫn họ đến một Xã hội Không tưởng nếu họ cứ đi theo – cho nên họ cần giải thích tại sao có những chuyện xảy ra không đúng như lời hứa, hầu họ có thể tiếp tục cắm đầu đi theo do không chịu tự quyết định cho bản thân mình. Một số người lại tin lời hứa của một tôn giáo và họ cũng có nhu cầu giải thích tại sao tôn giáo đó không thể thực hiện toàn bộ lời hứa. Cho nên con có thể nói chung chung, mọi người trên địa cầu đều có vấn đề giải thích nói trên. Họ cần phải giải thích tại sao có những chuyện xảy ra mà mình không muốn hay không chờ đợi.

Đây chính là nguồn gốc của cơ chế tâm lý mà các nhà tâm lý học đã bắt đầu nhìn ra, và cho tới nay họ gọi đó là “những vấn đề kiểm soát”. Tâm lý học nhận ra là mặc dù một số người có vấn đề kiểm soát lớn hơn người khác, nhưng trên cơ bản, mọi người ở một mức tâm thức nào đó đều có những vấn đề kiểm soát.

Cho nên con thấy gì khi một người tìm ra các giáo lý tâm linh, kể cả giáo lý của chân sư thăng thiên? Đấy, như ta vừa nói, con đã lớn lên trên một hành tinh mang tâm thức muốn kiểm soát, muốn giải thích. Con không phải xấu hổ nếu con mang khuynh hướng này. Tất cả các con đã đều có khuynh hướng này khi con tìm thấy đường tu lần đầu tiên. Điều này có thể đã xảy ra trong một tiền kiếp, nhưng khi lần đầu tiên con khám phá ra đường tu tâm linh thì con đã mang sẵn vấn đề kiểm soát này rồi.  

Dùng giáo lý để kiểm soát

Vậy con sẽ làm gì đây? Phải, con làm điều duy nhất mà con có thể làm. Con tìm cách sử dụng giáo lý tâm linh của con để giải quyết nhu cầu cần giải thích, để giải thích những gì đang diễn ra trên trái đất, tại sao một số chuyện lại xảy ra mà con không chờ đợi, không mong muốn, và tại sao mặc dù những lời hứa hẹn mà giáo lý hay tôn giáo hay lãnh đạo tâm linh của con có thể đã đưa ra, con vẫn không thể tránh khỏi những chuyện mình không muốn. Nói cách khác, con cũng có nhu cầu giải thích tại sao con không thể kiểm soát môi trường và hoàn cảnh của con, và bây giờ con tìm cách sử dụng giáo lý tâm linh của mình để làm chuyện đó.

Điều mà sa nhân thường làm là chúng chỉ định một con dê tế thần, và do dê tế thần không chịu tuân theo chân lý duy nhất và tuyệt đối mà mọi chuyện mới tồi tệ như vậy. Một lần nữa, ví dụ điển hình là Hitler với con dê tế thần là người đạo Do Thái – và vì họ là kẻ mang trách nhiệm gây ra tất cả mọi vấn nạn của nước Đức cho nên họ cần bị diệt chủng để vấn nạn được giải quyết. Đó không phải là lần đầu tiên người ta tạo ra ý tưởng đó để giết người hàng loạt. Lẽ tự nhiên, khi con là một người tâm linh và đã đạt được một trình độ trưởng thành nào đó cho phép con nhận diện một giáo lý của chân sư thăng thiên, thì con cũng đã khắc phục được mong muốn kiểm soát của sa nhân – miễn là con không phải là một sa nhân đã tìm ra giáo lý của chân sư, nhưng ngay cả một sa nhân tìm được giáo lý của chân sư cũng đã khắc phục được xu hướng dùng bạo lực. Con không còn muốn giết hại người khác, con không còn muốn hung hãn vật lý để kiểm soát người khác. Thật ra có thể nói là nhiều người tâm linh, ít ra những người tìm thấy giáo lý của chân sư, đã vượt qua nhu cầu muốn kiểm soát người khác. Nhưng không phải mọi người đều đã vượt qua nhu cầu đó, như con có thể thấy trong các đợt truyền pháp trước của chân sư và ngay cả trong những năm đầu của đợt truyền pháp này. Có một số người có mong muốn kiểm soát người khác – họ không dùng những phương tiện vật lý mà những phương tiện tâm lý.

Điều ta thực sự muốn đề cập ở đây là vấn đề con có ý muốn giải thích tại sao con không thể kiểm soát mọi khía cạnh của đời con. Con tìm cách sử dụng một giáo lý của chân sư thăng thiên để giải thích. Tất nhiên, chúng tôi cho phép chuyện đó vì chúng tôi biết con không thể làm khác được ở những tầng tâm thức giữa 48 với 96. Chúng tôi cũng đã thiết kế khóa giảng về bảy tia sáng để con có thể lần hồi khắc phục mong muốn kiểm soát này và thoát dần ra khỏi vòng kềm toả của ý muốn kiểm soát. Bởi vì như chúng tôi đã có nói nhiều lần, con không thể tìm cách kiểm soát người khác trừ khi chính con bị kiểm soát bởi cái tâm lý ở đằng sau, bởi các tà thể tập thể hay thậm chí bởi cả sa nhân.

Cho nên giờ đây tới điểm con đạt đến tầng 96. Điều đầu tiên con cần khắc phục là mong muốn kiểm soát người khác bằng những phương tiện tâm lý. Nếu con không trực diện với nó, nếu con không chịu nhìn vào những cái ngã đã thúc đẩy con muốn kiểm soát người khác một cách ám ảnh cưỡng chế, thì con sẽ không thể vươn lên cao hơn tầng 96. Và do đó con sẽ phải bước vào vòng xoắn ốc hướng hạ, và con sẽ kiểm soát người khác ngày càng chặt chẽ hơn trong một thời gian.  

Vì vậy, nếu con có thể khắc phục ý muốn kiểm soát này đối với người khác, cho dù bằng những phương tiện tâm lý hay bằng cách sử dụng giáo lý của chân sư, thì con sẽ có thể vươn lên cao hơn tầng 96. Điều này không có nghĩa là con đã khắc phục mọi vấn đề kiểm soát. Trong một thời gian ngay cả trên tầng 96, con sẽ vẫn phải đối phó với nó trong phiên bản vi tế hơn của nó. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là con sẽ phải đối phó với nó tuốt mãi cho tới tầng 144 và điểm thăng thiên. Một lần nữa, con có ý muốn sử dụng giáo lý của chân sư để giải thích mọi sự việc xảy ra trên địa cầu, mọi sự việc xảy ra cho con. Vậy con có thể làm gì để vượt qua nó? Hay là chúng ta cần hỏi: Tại sao con lại cần vượt qua nó? Có gì sai trái khi con dùng giáo lý chân sư để cố giải thích mọi chuyện?

À, cái sai trái là con có một số ngã tách biệt giờ đây đang sử dụng giáo lý của chân sư, và do đó các ngã tách biệt này đang tự xưng là chúng nhận được thẩm quyền từ giáo lý chân sư, có nghĩa là con không được chất vấn chúng. Nhưng chúng tôi có dạy: Nếu con không chất vấn một cái ngã thì làm thế nào con có thể khắc phục được nó, làm thế nào con thăng vượt được nó? Cho nên điều này có nghĩa là nếu con cho phép những ngã đó sử dụng giáo lý kiểu đó, con sẽ bị kẹt lại ở một tầng nào đó.

Để vươn lên cao hơn một mức quả vị Ki-tô nào đó, con phải trực diện với lòng mong muốn kiểm soát qua việc sử dụng giáo lý chân sư để giải thích tất cả mọi khía cạnh trong hoàn cảnh cá nhân của con lẫn trong đời sống. Làm thế nào con có thể bắt đầu đương đầu với nó một khi các chân sư đã chỉ nó ra cho con một cách công khai? Nhiều người trong số các con đã tinh tấn đáng kể mà không thực sự ý thức mình đang làm gì, nhưng các con đã có tinh tấn. Một số các con đã bỏ được một số vấn đề từng khiến con quan tâm cách đây 10, 20, 30 năm về trước. Cho nên chúng ta hãy thử nhìn rộng xem những phương pháp nào thường được sử dụng để giải thích mọi chuyện.

Ý muốn giải thích có nhiều tầng cấp

Ý muốn giải thích một chuyện nào đó có mấy mức độ khác nhau. Nó có một thành phần cảm xúc, là nơi con muốn giải thích ở mức cảm xúc. Đây là nơi con có thể, chẳng hạn, bị ảnh hưởng bởi một lãnh tụ cứng cỏi dựng lên một thế giới quan tự nhận là sẽ giải thích được mọi chuyện. Quần chúng bị lôi cuốn vào đó vì khi họ đi theo lãnh tụ đó, họ nhận được một cảm giác như thể mình có quyền năng, mình nắm quyền kiểm soát. Trong thế giới hiện đại, đặc biệt là ở phương Tây, điều xảy ra khá phổ biến là người ta dùng tâm phân tích, lý luận đường thẳng để giải thích mọi chuyện. Tâm đường thẳng làm gì? Nó nhìn thấy một quan hệ đường thẳng giữa nhân và quả. Tâm đường thẳng tin rằng mọi sự xảy ra trên địa cầu đều có một nguyên nhân, rằng mọi sự con nhìn thấy đều là một hậu quả và có một nguyên nhân đã sản xuất ra hậu quả đó.

Theo một nghĩa nào đó và ở mức chung chung như vậy thì điều đó không sai. Có nguyên nhân và có hậu quả. Không có gì trong vũ trụ vật chất mà không có một nguyên nhân nào đó. Nhưng cái giới hạn của tâm đường thẳng là nó dựa trên phân tích, mà phân tich thì làm gì? Nó lấy một tổng thể, chia tổng thể ra làm nhiều thành phần riêng rẽ, xong nó bảo: “Đây là một hậu quả tách biệt mà bây giờ chúng ta có thể tìm hiểu hiểu riêng rẽ, và hậu quả tách biệt này phải có một nguyên nhân tách biệt đã gây ra hậu quả một cách đường thẳng.” Nói cách khác, một hậu quả nào đó luôn luôn phải đến từ cùng một nguyên nhân và chỉ nguyên nhân đó thôi. Khi một quả táo từ trên cây rơi xuống thì quả táo đó có thể được tìm hiểu như một đơn vị riêng rẽ. Nhất định phải có một nguyên nhân đã khiến nó rơi xuống: đó là trọng lực tác dụng lên quả táo. Cho nên có một hậu quả là quả táo rơi, và có một nguyên nhân là trọng lực. Không một yếu tố nào khác cần được xét tới bởi vì bây giờ chúng ta đã có một cách giải thích gọn ghẽ và đường thẳng về nhân quả. Xong tâm đường thẳng suy luận rằng mặc dù có rất nhiều chuyện hỗn độn xảy ra trên địa cầu, vẫn phải có cách chia chúng ra thành từng thành phần đơn giản và tìm ra một nguyên nhân riêng biệt cho mỗi hậu quả, và như vậy chúng ta sẽ hiểu rõ tại sao mọi sự vận hành.

Con sẽ thấy là xuyên qua mọi thời đại, con người đã tìm cách dựng lên đủ loại hệ thống giải thích. Thuở trước, một số nền văn minh tin rằng mọi hiện tượng trong thiên nhiên đều có một nguyên nhân và nguyên nhân này là một vị thần cai quản hiện tượng đó. Có một thần nông nghiệp, một thần săn bắn, một thần mưa, một thần gió, vân vân. Từ rất xưa, người ta cũng đã dùng khoa chiêm tinh để giải thích rằng chuyển động của tinh tú trên trời hình thành một nguyên nhân gây ra một hậu quả nhất định trên trái đất, cho dù tinh tú ở rất xa.

Nói cho thực tế thì vào thời đó, người ta không hiểu là các vì sao xa đến chừng nào vì họ tưởng bầu trời gần hơn rất nhiều. Ngày nay, người ta biết rõ các vì sao xa đến chừng nào nhưng họ vẫn tin là có một nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến cá nhân họ, rồi dựa theo đó họ đặt ra những giới hạn trên những gì họ có thể làm hay không được làm trong đời mình. Con yêu dấu, con không thể biểu hiện tâm Ki-tô nếu con tin là con bị giới hạn bởi lá số tử vi của con và con không có khả năng vươn lên cao hơn lá số. Cho nên con thấy điều ta muốn nói, có đủ loại ví dụ cho thấy là con người cứ đi tìm mối quan hệ quá giản dị như thế giữa nhân và quả.

Tất nhiên, nhiều người đi tìm cái đó vì họ muốn dùng hiểu biết của mình về nhân quả để tiên đoán tương lai. Như chúng tôi đã có nói, nếu con không thể tiên đoán chuyện gì có thể xảy ra thì làm thế nào con có thể kiểm soát nó được? Cho nên để thực sự kiểm soát hiện tại, con cũng cần quan tâm đến những gì có thể xảy ra trong tương lai, và con nghĩ là nếu con biết được tương lai thì con sẽ có thể tiên đoán, và con có thể điều chỉnh để sự thể diễn ra không đến nỗi tồi tệ, hoặc ít ra không vượt ngoài dự đoán của con. Cho nên con mới thấy trong một số thành phần của cộng đồng tâm linh trên thế giới, cộng đồng Thời Mới và ngay cả cộng đồng tôn giáo, người ta đã dùng đủ loại phương thức bói toán để tìm cách biết trước một sự cố. Và thường thường phương thức đó dựa trên hên xui may rủi – lá bài tarot, cầu cơ, lời sấm đủ loại, mổ bụng một con thú để xem nội tạng như thế nào – và người ta tin những cách đó là chỉ dấu cho sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.  

Nói cách khác, con có thể thấy được sự thiếu ăn khớp, sự bất nhất về nhận thức. Đây con có một người tìm cách kiểm soát tương lai của mình qua một lời tiên đoán, nhưng phương thức người đó dùng để tiên đoán tương lai lại dựa trên một yếu tố hên xui may rủi, không thể tiên đoán trước trong bản chất. Có lý gì mà lại nghĩ rằng việc bói toán dựa trên may rủi có thể nói trước tương lại một cách chính xác? À, điều con cũng có thể nói được là phương pháp may rủi này cũng chính xác không kém một số phương pháp bói toán khác mà người ta đã tìm ra, trong đó có một số phương pháp tiên đoán khoa học.

Cho nên khi con vượt trên tầng 96 và bắt đầu tu đến những tầng cao hơn đó, sẽ rất hữu ích nếu con xem xét toàn bộ động cơ vừa kể. Con có thể nỗ lực nhìn xem con có mang bất kỳ cái ngã nào không, là những cái ngã dựa trên ý muốn kiểm soát. Con có thể khá dễ dàng học cách nhận diện chúng khi có chuyện bất ngờ xảy đến cho mình và con nhận xét cách phản ứng của con. Liệu con có cảm thấy phiền hà, bực tức khi có chuyện bất ngờ xảy đến? Liệu con có cảm giác đó là chuyện bất công, không phải lẽ? Liệu con có xu hướng tự hỏi tại sao Thượng đế lại cho phép nó xảy ra cho mình, vì con đã làm mọi thứ mà con nghĩ Thượng đế mong muốn, vậy thì tại sao nó vẫn xảy ra cho con? Hay tại sao các chân sư thăng thiên đã không ngăn cản chuyện đó xảy ra cho con?  

Cho nên trong số những người tâm linh, có một giấc mơ cho rằng nếu con tuân thủ và chuyên cần áp dụng một giáo lý tâm linh chân chính, thì con phải có khả năng nắm được quyền kiểm soát trên đời mình để không thể xảy ra bất cứ gì mà con không chờ đợi hay không mong muốn.

Nhưng con hãy nhìn vào cuộc đời của Giê-su. Liệu thày có phải là một kẻ bị ám ảnh bởi khả năng kiểm soát mọi khía cạnh trong đời mình? À, nếu thày là một người như thế thì tại sao thày lại cho phép mình bị đóng đinh trên thập tự giá? Thày có muốn bị đóng đinh hay không? Liệu thày có nghĩ: “Ồ, đây có thể là một kinh nghiệm thú vị được nếm mùi việc đóng đinh trên cây thập tự?” Dĩ nhiên là không. Nhưng thày vẫn cho phép nó xảy ra vì thày tự cho phép mình bước vào một tình huống hoàn toàn hỗn độn và không thể tiên đoán trước, nơi thật sự không một ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Thực tế của hành tinh địa cầu là hành tinh này hỗn độn, dày đặc đến độ không một ai, và ngay cả một chân sư thăng thiên, cũng không thể nào tiên liệu mọi chuyện trong mọi tình huống.        

Lý duyên khởi

Tại sao như thế chứ? À, điều ta muốn trao cho con ở đây là một sự hiểu biết sâu sắc hơn về một khái niệm mà ta từng giảng dạy 2500 năm về trước. Đó là khái niệm mà trong đạo Phật vẫn được biết tới như là lý duyên khởi – như chúng tôi cũng có đề cập rồi. Điều quan trọng khi con đạt đến những tầng cao hơn tầng 96 là con bắt đầu suy ngẫm về điểm này. Ta không nói là con cần đạt được một hiểu biết sắc sảo về động cơ vận hành của nó, nhưng con cần hiểu khái niệm và ý nghĩa của nó, đặc biệt liên quan đến vấn đề kiểm soát.

Chúng tôi các chân sư thăng thiên đã có nói là quyền tự quyết là định luật tối thượng, và không một sinh thể nào ở cõi thăng thiên sẽ can thiệp vào quyền tự quyết của con người. Do đó, bất cứ nguyên nhân nào mà con đã kích hoạt, chúng tôi sẽ để yên cho con trải nghiệm hậu quả của nó, trừ khi con thay đổi tâm thức của mình trước khi hậu quả ập vào cõi vật lý. Chúng tôi cũng có nói rằng tất cả mọi thứ đều kết nối với nhau. Mọi sự sống đều là một, toàn bộ vũ trụ là một khối liên kết. Điều này thực sự có nghĩa là gì? Trong bối cảnh những gì ta đang trình bày ở đây, điều này có nghĩa là ảo tưởng của tâm đường thẳng cho rằng nó có thể chia tổng thể ra thành nhiều thành phần tách biệt… đúng là một ảo tưởng.    

Tất nhiên con có thể nhìn vào một tổng thể, chia nó ra thành từng thành phần tách biệt và tìm cách nghiên cứu từng phần nhỏ, nhưng làm như thế con sẽ không giải thích được chuyện gì đang xảy ra, vì tất cả là một tổng thể nối kết. Cho nên ngay lúc con quyết định chú tâm vào một khía cạnh đặc thù của tổng thể và coi đó là một vật tách biệt, thì ngay lúc đó con đã bỏ rơi mọi khả năng hiểu được điều gì xảy ra. Bởi vì khi tất cả là một tổng thể nối kết, thì làm sao có thể có khái niệm một vật tách biệt, làm sao có thể có một vật tách biệt với một nguyên nhân tách biệt? Chuyện đó không thể xảy ra. Và cũng không thực tiễn. Đồng ý, ở một tầng cấp nào đó có thể có một mối quan hệ nhân quả. Chắc chắn nếu trong ly nước con uống có một loại vi khuẩn nhất định thì con sẽ mắc bệnh tả. Nhưng điều này vẫn không thực sự giải thích tại sao vi khuẩn đó lại hiện hữu trên điạ cầu, tại sao có chứng bệnh gọi là bệnh tả hay nhiều chứng bệnh khác, và tại sao hai người uống cùng ly nước mà chỉ có một người mắc bệnh còn người kia thì không. Cho nên con thấy ở đây là con có thể sử dụng tâm phân tích đường thẳng để dựng lên những chuỗi nhân quả sẽ vận hành ở một mức rất cục bộ, nhưng chúng chỉ có thể giải thích một số hiện tượng trong một khoảng rất hạn chế, và vẫn còn một bầu cõi khổng lồ mà chúng không thể giải thích được.  

Vì vậy cũng có thể nói là khi con dùng tâm đường thẳng để tìm kiếm hiện tượng tách biệt, hậu quả tách biệt và nguyên nhân tách biệt, thì con sẽ không bao giờ thành tựu được giấc mơ kiểm soát mọi chuyện. Chẳng phải điều đó đã được khoa học chứng minh hay sao khi khoa học duy vật cố thu nhỏ con người thành một sinh thể cơ học nơi mọi chuyện xảy ra trong tâm chỉ là hậu quả của điều kiện vật lý trong bộ não? Và mặc dù đã cố kiểm soát bộ não, khoa học vẫn không thể kiểm soát được hành vi và tâm lý con người. Mặc dù đã vận dụng công nghệ để kiểm soát thiên nhiên hay khí hậu hay nguyên cả hành tinh nói chung, thì khoa học vẫn không thể kiểm soát được mọi chuyện. Khi con là một học trò tâm linh đạt đến những tầng tâm thức cao hơn đó, điều con có thể làm là con hãy bắt đầu suy ngẫm về lý duyên khởi, suy ngẫm về sự liên kết của mọi thứ trên địa cầu.

Một lần nữa, chúng tôi hiểu là điều này sẽ khiến con thắc mắc. Vì chúng tôi đã có dạy: Có một giai đoạn giữa tầng 48 và 96 khi con nỗ lực nâng mình lên khỏi tâm thức tập thể, và con làm vậy bằng cách xây dựng một bản sắc cá biệt. Cho nên lẽ tự nhiên điều này có nghĩa là con sẽ suy nghĩ theo chiều hướng “tôi có thể làm gì để nâng tâm thức mình lên? Tôi có thể làm gì để đảm đương và cải thiện hoàn cảnh vỏ ngoài của mình?” Ở mức tâm thức đó thì điều này chính đáng. Nhưng khi con bắt đầu tiến xa hơn tầng 96, con đang làm gì chứ? Như chúng tôi đã nói, con đang tháo gỡ cái ngã cá biệt mà con đã tạo dựng. Ngã đó chỉ là một cỗ xe đưa con tới một mức nào đó, và giờ đây nó không thể đưa con lên cao hơn. Nó cần được gỡ bỏ.    

Làm thế nào con gỡ bỏ nó chứ? Con cần gỡ bỏ bằng cách xem xét toàn bộ khái niệm tách biệt, và con khắc phục điều chúng tôi đã có đề cập, là ảo tưởng tách biệt do tâm thức nhị nguyên tạo dựng. Khi con tiến đến những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, càng ngày con càng ngộ ra tính duy nhất nằm bên dưới mọi sự sống. Con nhìn thấy mọi sự sống được nối kết như thế nào, con thấy chính con nối kết với Hiện diện TA LÀ, nối kết với các chân sư thăng thiên cùng mọi người khác, thậm chí nối kết cả với hành tinh, với vật chất. Một khi con bắt đầu trải nghiệm sự nối kết rộng lớn này với tất cả, con cũng bắt đầu trải nghiệm và nhận ra tất cả đều liên kết với nhau – đó là lý duyên khởi. Nói cách khác, không có gì khởi lên mà đứng riêng biệt, không có nguyên nhân nào riêng biệt. Bởi vì không một hiện tượng nào trên địa cầu là một hiện tượng riêng lẻ mà là một phần của tổng thể, và do đó nó cũng bước đồng bộ với tổng thể.

Bây giờ để ta cho con một ví dụ hiển nhiên. Con có thể – ít ra là trước khi có cuộc đại dịch – đến một nơi gọi là phi trường. Con mua vé, bước vào một thiết bị công nghệ gọi là máy bay. Chiếc máy bay cất cánh lên không trung và nó bay rất, rất nhanh so với mặt đất. Con khởi đầu hành trình ở một nơi và chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, con đã tới một nơi khác ở rất xa. Cho nên con có thể nói là máy bay chuyển động một cách độc lập đối với địa cầu vì nó không bị buộc chặt vào mặt đất. Nó bay trên không trung với tốc độ cao và thậm chí nó có khả năng bay nghịch cả hướng quay của trái đất.  

Do đó nếu con nhìn máy bay từ mặt hành tinh này, con sẽ thấy một chiếc máy bay cao trên trời như một vật tách biệt đang chuyển động độc lập đối với những gì xảy ra trên mặt đất. Nếu con ở trong máy bay, con cũng nghĩ mình đang ngồi trong một vật tách biệt chuyển động độc lập với mặt đất. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu con đi vào không gian vũ trụ và nhìn ngược lại trái đất? Con có đem theo một chiếc ống nhòm để theo dõi chiếc máy bay kia. Con có thể nói, đúng vậy, ở một mức rất cục bộ nhỏ bé, nó đang di chuyển độc lập đối với mặt đất, nhưng khi con điều chỉnh ống nhòm để nhìn nguyên hành tinh thì con thấy nó di động trong trọng trường của hành tinh. Và nếu con có thể nhìn cả hành tinh quay trên một quỹ đạo xung quanh mặt trời, con sẽ nhận ra là nó đang đồng hành với hành tinh trên quỹ đạo đó, và nó không hề di chuyển độc lập đối với quỹ đạo đó hay độc lập đối với mặt trời.

Thuyết hỗn mang và sự buông bỏ ý muốn kiểm soát

Trên đây là một ví dụ rất thô thiển về lý duyên khởi. Tất cả là một tổng thể nối kết. Con biết thuyết hỗn mang (chaos theory) cũng nói về sự nối kết của tất cả mọi vật, và từ đó mới có câu nói quen thuộc bảo rằng “cái vỗ của một cánh bướm ở một nơi trên trái đất khởi động nguyên một chuỗi những nguyên nhân liên kết với nhau có khả năng kích hoạt sau đó một trận bão lớn ở một nơi khác trên trái đất.” Mặc dù có lẽ đó không là ví dụ thực tế nhất nhưng đó vẫn là một ví dụ có giá trị, theo nghĩa là địa cầu không phải là một hệ thống cơ học đường thẳng như khoa học đã muốn con tin trước đây do sự thiếu hiểu biết. Với thuyết hỗn mang, một cách hiểu biết sâu sắc hơn đã mở ra, cho thấy là không có nguyên nhân nào là đường thẳng giản đơn, vì mọi thứ đều nối kết với nhau đến độ một hiệu ứng rất nhỏ nơi một điểm trong hệ thống, hay một nguyên nhân nhỏ bé nơi nột phần của hệ thống, có thể đem lại một hậu quả to lớn nơi một phần khác của hệ thống.       

Điều này có ý nghĩa gì cho con trên đường tu đến quả vị Ki-tô? Phải, khi con tiến bước ngày càng cao hơn trong tâm Ki-tô, con sẽ có khả năng nhiều hơn để buông bỏ mong muốn kiểm soát hoàn cảnh cá nhân của mình. Một cách nào đó, con gia tăng khả năng đồng sáng tạo, khả năng điều khiển vật chất và do đó điều khiển một số khía cạnh của hoàn cảnh vỏ ngoài, nhưng điều này cũng có thể trở thành một cái bẫy, một ngõ cụt. Có những người đã thực sự tinh tấn trên đường tu tâm linh, đã khắc phục các dạng vị kỷ thấp kém và vươn lên cao hơn tầng 96. Họ đã bắt đầu chứng được cái mà chúng tôi gọi là khả năng của tâm điều ngự vật chất, như con cũng thấy Giê-su từng thể hiện.

Nhưng có một số người sau đó đã mê mải chuyện này đến độ họ muốn dùng khả năng của tâm điều ngự vật chất đó để kiểm soát mọi khía cạnh trong hoàn cảnh vỏ ngoài của mình hầu không một sự kiện trái ý nào sẽ xảy đến cho mình. Họ phải được đúng những điều kiện mà họ muốn, cho dù đó là một căn nhà đẹp đẽ nơi một vùng xinh đẹp của thế giới với thời tiết luôn luôn tuyệt hảo, hay tiền bạc dồi dào, hay bất kỳ giấc mơ nào khác mà họ từng có ở những mức thấp hơn của đường tu nhưng chưa buông bỏ được. Thế là giờ đây họ có được chút ít khả năng điều ngự thì họ đem ra sử dụng để tạo hoàn cảnh mình từng mơ ước.      

Làm như vậy có thể chính đáng trong một thời gian, nhưng sẽ tới một điểm khi con cần bỏ nó lại đằng sau để có thể biểu hiện các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô mà Giê-su đã chứng tỏ. Giê-su đã không dùng khả năng điều ngự của thày để tạo cho mình một đời sống thoải mái. Đó là vì sao thày đã không bao giờ sở hữu đất đai, không bao giờ xây nhà, không bao giờ thiết lập một cộng đồng biệt lập bao quanh mình nơi thày cùng các môn đồ của thày sẽ được bảo vệ. Trái lại, thày đi lang thang khắp mọi nơi mà không thuộc về bất cứ nơi nào, không sở hữu bất cứ gì, tương tự như chính ta vào thuở ta hiện thân là Phật – mặc dù trong những năm chót ta đã có thiết lập một đạo tràng.   

Cho nên con thấy được là tới một điểm con sẽ nhận biết rõ hơn về lý duyên khởi. Con đang khắc phục những cái ngã muốn con kiểm soát môi trường của mình, kiểm soát cuộc đời của mình, và điều này nghĩa là gì? Nghĩa là càng ngày con càng buông bỏ nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Càng ngày con càng buông bỏ mong muốn kiểm soát, con từ bỏ các kỳ vọng, con từ bỏ ngay cả những ý tưởng, những giấc mơ, những hình ảnh về đời con phải như thế nào trên địa cầu. Tại sao con lại cần làm vậy? À, quả vị Ki-tô là gì chứ? Đó là tiến trình sẽ dẫn con đến thăng thiên. Thăng thiên là gì? Là điểm con buông hết mọi thứ của địa cầu. Con ngoảnh nhìn lại địa cầu. Khi con đứng đó ở tầng 144, con ngoảnh nhìn lại: “Còn gì nữa có thể níu tôi lại ở đó?” Nếu còn thì con sẽ phải quay trở lại và giải quyết nó. Nhưng nếu không còn gì nữa thì con sẽ có thể bước qua cánh cổng vào cõi thăng thiên.

An bình phụng sự

Điều con làm khi con đến gần tới tầng 144, là con buông bỏ những cái mà ta gọi là dính mắc, nhưng con cũng buông bỏ những giấc mơ, những ý tưởng về đời con phải trải ra như thế nào. Nếu đây là kiếp chót của con trên địa cầu, con cần buông hết mọi chờ đợi là đời con phải ra sao hay không được ra sao. Con cần đạt tới điểm nhận ra là những giai đoạn chót trên đường tu của con có thể đòi hỏi con trải nghiệm một số sự việc, phải kinh qua một số tình huống mà con thà muốn tránh ở những tầng thấp hơn. Nhưng con đã tới điểm con có khả năng buông bỏ chúng, kinh qua các trải nghiệm đó trong sự an bình nội tâm. Con không bị bận tâm. Con không đổ lỗi cho Thượng đế. Con không đổ lỗi cho các chân sư thăng thiên. Con không đổ lỗi cho chính con. Con chấp nhận đời con trải ra theo cách như vậy. Con cho phép nó trải ra vì con biết là khi con đạt đến những mức này của quả vị Ki-tô, đời con không còn là câu chuyện về con nữa, nó cũng không là chuyện con muốn gì trong cương vị một sinh thể độc lập. Đời con là chuyện con sẽ phụng sự như thế nào.

Con có thể phụng sự tha nhân như thế nào? Con có thể phụng sự các chân sư thăng thiên như thế nào? Con có thể phụng sự con đường phát triển của hành tinh như thế nào? Đây không phải là điều có thể định nghĩa dễ dàng. Có rất, rất nhiều cách để làm điều đó. Suốt các thời đại đã có rất, rất nhiều người đã phải trải qua trong kiếp đầu thai chót những tình huống dường như vô cùng tủi nhục. Nhưng đó là một phần trong công việc phụng sự rộng lớn hơn mà họ có thể cống hiến. Bởi vì khi sống qua tình huống đó, họ đã kích hoạt một số nguyên nhân, một chuỗi nhân và quả vô cùng phức tạp, phức tạp hơn tất cả những gì tâm vỏ ngoài có thể hiểu được, và chuỗi nhân quả này đã tác động lên tâm thức tập thể.

Điều thật sự xảy ra là ở những mức thấp hơn của đường tu, con sử dụng tâm vỏ ngoài phân tích, đường thẳng, để hiểu mọi chuyện. Cho nên ở những mức đó khi có sự cố bất ngờ xảy đến cho con, lập tức con muốn có một cách giải thích. Như con có thể thấy qua một số câu hỏi được đặt ra trên trang mạng này, người ta muốn giải thích mọi chuyện dù nhỏ nhặt nhất trong đời mình. “Tại sao chuyện đó lại như vậy? Tại sao nó lại xảy ra? Tôi đã có thể làm gì để tránh khỏi nó?” Điều này có thể thông cảm được ở một mức nào đó, nhưng khi con đạt đến các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, con cần bắt đầu suy ngẫm về những giới hạn của tâm đường thẳng. Con cần nhận ra là do lý duyên khởi, do sự nối kết của tất cả mọi thứ, cho nên tâm đường thẳng không thể nào hiểu và giải thích được mọi chuyện. Sẽ có những chuyện xảy ra cho con mà không có cách chi giải thích đường thẳng, ít ra là không có cách giải thích nào mà tâm đường thẳng có thể hiểu được.

Cái nhìn quả cầu

Nếu con nhìn thuyết khoa học gọi là thuyết hỗn mang, con sẽ nhận ra là nền khoa học duy vật đã đeo đuổi cùng một mục tiêu như thế hầu giải thích mọi chuyện. Mọi chuyện phải có một nguyên nhân đơn giản, người ta phải có khả năng lập ra một phương trình toán học để giải thích, hay ít ra một cách thử nghiệm khoa học nào đó để mô phỏng nguyên nhân. Trong tinh túy của nó, thuyết hỗn mang đề ra là khoa học – nền khoa học duy vật đường thẳng – sẽ không bao giờ có thể giải thích được mọi chuyện, vì sẽ có những hậu quả không mang nguyên nhân đường thẳng, vì không có nguyên nhân duy nhất nào, mà trái lại trong hệ thống nối kết đó có thể có biết bao nguyên nhân khác nhau, biết bao chuỗi sự cố phức tạp.    

Đó là tại sao thuyết đó mới có tên là thuyết hỗn mang. Bởi vì cho đến khi thuyết hỗn mang ra đời thì hầu hết các nhà khoa học vẫn tin rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ khám phá ra tất cả mọi nguyên nhân cùng mọi phương trình toán học phức tạp, và như vậy mọi chuyện sẽ có thể được tiên đoán. Nhưng thuyết hỗn mang đặt lên câu hỏi là liệu việc tiên đoán như vậy sẽ khả dĩ hay chăng, liệu sẽ có một số sự kiện mà khoa học không thể nào giải thích hay tiên đoán được. Thế là các nhà khoa học chọn một cái tên thật hấp dẫn – “hỗn  mang” – bởi vì suốt nhiều thế kỷ, khoa học đã dựa trên mẫu đồ cơ học xem thế gian như một bô máy khổng lồ, và nếu con biết các điều kiện tiên khởi cùng những định luật vận hành bộ máy, thì con sẽ có thể tiên đoán tất cả mọi chuyện xảy ra trong tương lai. Đó là trật tự, sự trật tự tuyệt đối, và như vậy cái tên “hỗn mang” được chọn ra để chỉ điều ngược lại, rằng thế gian kỳ thực không phải là một hệ thống trật tự mà một hệ thống hỗn loạn.

Nhưng tất nhiên, ý tưởng một hệ thống hỗn loạn phần nào là một cái tên nghịch lý, vì làm thế nào một hệ thống lại có thể hỗn loạn và làm thế nào sự hỗn loạn có thể được hệ thống hóa? Tuy vậy, dĩ nhiên con vẫn có thể tìm kiếm một số xu hướng trong sự hỗn loạn. Khi con đạt đến những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, đây chính là điều con bắt đầu tìm kiếm. Con tìm kiếm một cách hiểu quả cầu hơn (spherical understanding) về sự sống thay vì một cách hiểu đường thẳng. Con nhận ra là có một số giới hạn trong những gì có thể được giải thích. Hay đúng hơn, con nhận ra là một hậu quả đặc trưng nào đó không có một nguyên nhân duy nhất mà một loạt những nguyên nhân vô cùng phức tạp đã dẫn đến hậu quả đó.

Trong một số trường hợp, điều này vượt khỏi khả năng lãnh hội của tâm vỏ ngoài. Con tới mức làm hòa với nó. Con nhận ra là con không phải hiểu mọi chuyện xảy ra trong đời con. Con không phải hiểu tại sao nó lại xảy ra. Thật ra con đạt tới điểm con làm hòa với một số sự kiện mà con không tiên đoán được, hay con không chờ đợi, hay con không nhất thiết mong muốn ở một mức nào đó của đường tu.

Cho nên một lần nữa, điều này có thể hiện ra như một nghịch lý hay một bí ẩn, bởi vì chúng tôi đã khuyến khích con làm gì chứ? Chúng tôi đã khuyến khích con nhìn vào đời mình. Chúng tôi đã dạy rằng bất cứ gì xảy ra trong cõi vật lý đều có một nguyên nhân nơi ba cõi cao hơn. Nghĩa là nếu con phát hiện nguyên nhân trong chính tâm lý của con và giải quyết cái ngã đó, thì con có thể thay đổi các điều kiện vỏ ngoài. Lời dạy này vẫn đúng – không phải là ta đang đặt lại vấn đề. Nhưng nó chỉ đúng cho cái ngã của con, đúng cho tâm con – con có khả năng nắm lấy quyền điều khiển, hay đúng hơn quyền điều ngự trên bốn thể phàm của con, và do đó con có thể kiểm soát màu sắc hay hình dạng của ánh sáng khi ánh sáng đi xuống từ Hiện diện TA LÀ xuyên qua các thể bản sắc, lý trí và cảm xúc để đi vào cõi vật lý. Chuyện này, con có khả năng điều khiển. Và con có thể được ích lợi khi con áp dụng phương pháp tìm xem cái gì trong tâm lý mình đang thị hiện ra một điều kiện nào đó.

Nhưng con phải nhìn nhận (và con sẽ bắt đầu trải nghiệm điều này khi con đạt đến quả vị Ki-tô) là con nhìn thấy được sự nối kết. Đúng là con vẫn có thể điều ngự, con vẫn có thể hiểu rõ những gì trong ba thể cao đã gây ra một số hiện tượng vật lý trong đời con, và con có thể cải sửa tất cả những thứ ấy. Nhưng con không đang sống như một đơn vị lẻ loi trên hành tinh này nữa, mà con sống như một phần của hệ thống rộng lớn hơn có sự tham gia của nhiều người khác. Do đó khi con vươn lên những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, con không tìm cách xây dựng cho mình một cuộc sống thoải mái, mà con tìm cách phục vụ tổng thể. Và đây chính là lúc con cần từ bỏ mong muốn, hay niềm tin, rằng con có thể kiểm soát mọi khía cạnh trong đời con.

Con vẫn biết là con có thể kiểm soát tâm mình cùng bốn thể phàm của mình. Con vẫn có thể tìm cách phát hiện cái ảo tưởng ở tầng tâm thức kế tiếp hầu vươn lên tầng đó. Cho nên con có thể leo đến tầng 144 bất kể những gì xảy ra trong hoàn cảnh vỏ ngoài. Sự tiến bộ trên đường tu của con không tùy thuộc vào các điều kiện vỏ ngoài khi con đạt đến những tầng này. Kỳ thực, nó cũng không tùy thuộc vào các điều kiện vỏ ngoài ở những tầng thấp hơn, nhưng con cứ tưởng là nó tùy thuộc. Vì vậy sẽ tới một điểm khi con nhận ra là con đã nhìn vào tâm lý mình và đã giải quyết một số vấn đề trong tâm lý. Và con có thể thấy là có những điều xảy ra trong đời con không phải là hệ quả của một tâm lý chưa giải quyết, mà là hệ quả của sự kiện con là một phần của hệ thống rộng lớn đó, và chính để con có thể phụng sự tha nhân, để con giúp đỡ một số người, để con phục vụ một nghĩa vụ cao hơn, mà con mới cần kinh qua trải nghiệm đó. Con làm hòa với điều này. Con kinh qua trải nghiệm đó và nó không phiền hà gì con, nó không ngăn cản con tiến bước trên đường tu và tiến tới những tầng cao hơn trực chỉ tầng thứ 144.

Không phải ý con mà ý Cha

Vì vậy có thể nói là ở những tầng thấp hơn của đường tu, có vẻ như con bước trên đường tu để đạt một khả năng điều ngự lớn hơn mà con xem là một khả năng kiểm soát chặt chẽ hơn. Ở giai đoạn đó, đúng là con cần làm vậy, theo nghĩa là con cần nâng mình ra khỏi tâm thức tập thể. Nhưng rồi ở trên tầng 96, con nhận ra cái đó thực sự là gì – đó là một ảo tưởng khi con nghĩ rằng đường tu tâm linh sẽ trao cho con quyền kiểm soát. Đó là một ảo tưởng khi nghĩ rằng việc hiện thân Ki-tô sẽ cho con sự kiểm soát toàn diện trên tình huống vỏ ngoài. Bởi vì để biểu hiện những tầng cao của quả vị Ki-tô, con cần buông mọi mong muốn kiểm soát, cả mong muốn kiểm soát hoàn cảnh vỏ ngoài của mình. Con nói: “Làm thế nào tôi có thể phục vụ sự sống?” Con nói – như Giê-su đã nói khi thày ngồi trong Vườn Gethsemane, dư biết rằng mình sẽ bị bắt giữ vào ngày hôm sau và rất có thể mình còn bị tra tấn và đóng đinh – và Giê-su đã nói: “Lạy Cha, nếu đây là ý Cha, xin hãy lấy chén này khỏi con. Dầu vậy, xin ý Cha được thành, chứ không phải ý con.” Thậm chí, con còn đạt tới điểm không cần phải làm vậy. Thày Giê-su đã làm vậy một phần là để chứng tỏ tiến trình, nhưng khi con tới điểm đã làm hòa với điều này thì con luôn luôn ở trong trạng thái: “Không phải ý con mà ý Cha được thành. Cho dù con có phải kinh qua điều gì để phục vụ một sứ mạng nào đó thì con vẫn sẵn lòng kinh qua. Con không cần biết sứ mạng đó là gì. Con không cần một chân sư thăng thiên hiện ra trước mặt giải thích cặn kẽ cho con với giọng nói oang oang tại sao nó cần xảy ra. Con không cần biết vì con tin tưởng. Con tin tưởng là con đã quy hàng bản thân mình cho một mức phụng sự cao hơn, cho nên bất cứ gì xảy ra cũng nằm trọn trong công việc phụng sự đó. Con không cần biết mọi chuyện. Con không cần dùng tâm vỏ ngoài đường thẳng để hiểu mọi chuyện.”    

Nhưng chính ở điểm này con cũng sẽ bắt đầu nhận được một cái gì vượt khỏi một lời giải thích đường thẳng. Con bắt đầu có trải nghiệm nội tâm. Có thể gọi đó là một trải nghiệm trực giác hay thần bí, nhưng kỳ thực đó là một trải nghiệm quả cầu. Đó là lúc con bắt đầu có cái mà thày Maitreya đã để cập ở cuối bài truyền đọc vừa rồi, là giờ đây con không cần đến một vị sứ giả vỏ ngoài làm trung gian giữa con và các chân sư thăng thiên, vì con đang xây dựng một mối quan hệ nội tâm cá nhân với các chân sư.

Điều chúng tôi trao cho con không phải là một lời giải thích đường thẳng dựa trên dữ kiện. Chúng tôi cho con một cái gì phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều hơn cả một khải tượng. Nhiều hơn cả một cảm nhận. Đó là một cái gì con không thể giải thích bằng lời nói. Chúng tôi cho con một trải nghiệm nội tâm giúp con nhìn ra đâu là bước kế tiếp trên đường tu của mình. Con thu hoạch ý thức rằng đây là một phần của tấm thảm sự sống đang trải bày ra một cách vô cùng phức tạp, là lý duyên khởi, là một phần của sứ mạng phụng sự của con. Nó cho con cảm nhận an bình rằng đây chính là điều cần xảy ra cho mình. Cho nên con kinh qua nó mà không bị động tâm như trước đây khi con vẫn còn những vấn đề kiểm soát. Bởi vì vào thời đó, nếu có chuyện gì xảy ra mà con không muốn, con sẽ vô cùng bận tâm, phiền hà, do con phải đối diện với nỗi sợ bị mất kiểm soát. Nhưng ở những mức cao hơn này của quả vị Ki-tô, con đã buông bỏ nỗi sợ đó, con đã để cho cái ngã đó chết đi, là cái ngã mang lòng sợ hãi đó.    

Con không sợ là mình không nắm quyền kiểm soát, vì con đã làm hòa với sự kiện là Thượng đế đang cai quản, các chân sư thăng thiên đang cai quản, Hiện diện TA LÀ của con đang cai quản. Con không cần phải luôn luôn biết điều đó với tâm vỏ ngoài, mà con chỉ cần có ý thức nội tâm là mình đang nối kết. Con nối kết với cái tâm rộng lớn đó là Hiện diện TA LÀ của con, là các chân sư thăng thiên, là tâm Ki-tô. Cho nên con an bình. Con có thể nhìn lại cuộc đời của Phật và thấy ta đã đạt một mức tâm thức cao. Ta đã nhập Niết bàn, và ta đã quyết định trở lại. Xong ta bỏ ra nhiều năm trời giảng dạy, giảng dạy những lời dạy cao cấp và thiết lập đạo tràng. Thế rồi chuyện xảy ra vào cuối tuổi 81 là ta đến thăm một vị cho ta ăn thức gì đó ô nhiễm, khiến xác thân ta từ trần.      

Và con có thể tự hỏi: “Nhưng đức Phật chẳng có khả năng tiên đoán được chuyện đó hay sao, để thày không ăn thức ăn đó và thày không đến thăm nơi đó? Tại sao thày lại cho phép nó xảy ra khi thày đã đạt tới mức chứng đạt như vậy?” Đó, bây giờ con có lời giải thích rồi đó. Điều đó đã cần xảy ra như một phần của việc phụng sự của ta. Tại sao nó cần xảy ra? Con yêu dấu, không có lời giải thích đường thẳng nào mà ta có thể ban cho con qua ngôn từ. Có thể con sẽ trải nghiệm được điều này khi con đạt đến mức đó, khi con có khả năng tiếp nhận cái ma trận (matrix) phức tạp hơn đó. Nhưng tâm đường thẳng thì sẽ không thể hiểu nổi. Cho nên ở những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, phân biện Ki-tô có nghĩa là gì? Nó không có nghĩa là con luôn luôn biết được cái gì đúng, cái gì sai, con luôn luôn có thể giải thích được mọi chuyện, con có kiến thức về mọi chuyện, và tại sao chuyện này đã xảy ra và tại sao nó là như vậy.

Không, nó có nghĩa là con có một tầm nhìn rộng lớn hơn, một sự nhận biết quả cầu không cách chi chuyển thành ngôn từ, hay chuyển thành bất kỳ khái niệm nào khác mà người ta tìm thấy trong tâm đường thẳng. Nhưng con có một sự thấu hiểu vượt khỏi mọi hiểu biết. Con có một viễn quan vượt khỏi mọi viễn kiến. Đó là cái cho con cảm nhận an bình tối hậu mà con có thể có được trên địa cầu – vì con an bình với bất cứ gì xảy ra, bất cứ gì trải bày ra.

Ta cũng biết lời giảng dạy này ở một mức cao hơn tâm thức của hầu hết các con, cho nên con sẽ khó lòng bắc được nhịp cầu với nó. Nhưng lời giảng vẫn được ban ra vì có một số người đã được hưởng lợi rồi đó. Tất cả các con tiếp tục bước tới trên đường tu, sẽ đạt tới điểm được hưởng lợi từ lời dạy này – nó có thể không xảy ra ngày mai hay tuần tới, nhưng đối với rất nhiều người trong số các con, nó có thể xảy ra trong kiếp này. Cho nên giờ đây lời dạy đã được ban ra, nó đã đi vào bát cung vật lý nơi con có thể tìm thấy nó, có thể suy ngẫm về nó, và do đó con có thể vươn lên tới điểm đó, là điểm con không còn cần đến giáo lý vỏ ngoài nữa vì con đã nhận được trực tiếp từ bên trong cái ma trận phức tạp hơn gấp bội, cái ma trận không thể nào ban ra bằng ngôn từ qua một lời dạy vỏ ngoài.

Con nhận thấy là rất, rất nhiều giáo lý tâm linh hay tôn giáo, tư tưởng chính trị, khoa học hay triết lý trên địa cầu được diễn tả qua lời nói. Rất nhiều lời dạy như vậy – kỳ thực, tuyệt đại đa số các lời dạy đó – đều tự xưng là chứa đựng Lời của Thượng đế, rằng Thượng đế đã ban ra lời đó và vì vậy lời đó mô tả thực tại một cách trọn vẹn, chính xác. À, đấy là một ảo tưởng do các sinh thể sa ngã dựng lên trong mong muốn kiểm soát con người. Bởi vì nếu chúng có thể khiến mọi người tin rằng kinh thánh là lời đúng từng chữ của Thượng đế, rằng họ không bao giờ được chất vấn lời đó, hay đúng hơn không bao giờ được chất vấn cách diễn giải mà sa nhân đã đưa ra, thì họ sẽ bị mắc bẫy. Con nhận thấy là đợt truyền pháp hiện nay là một trong những giáo lý hiếm hoi trên địa cầu công khai nói rằng có sự giới hạn trong những gì có thể diễn tả bằng ngôn từ, rằng sẽ tới một điểm khi con phải vượt khỏi ngôn từ để chứng được điều gì đó trực tiếp từ cõi thăng thiên. Đây là thực tế. Đây là một lời dạy trung thực và thẳng thắn nhằm giải thoát con thay vì khiến con kẹt lại ở một mức nào đó, rồi bị lệ thuộc vào một vị đạo sư, một nhà lãnh đạo hay một khuôn mặt thẩm quyền vỏ ngoài nào đó.

Chúng tôi không hề có mong muốn hạn chế con, hay đánh bẫy con, hay ràng buộc con vào một giáo lý vỏ ngoài hay vị sứ giả này. Chính sứ giả này cũng không có mong muốn làm rào chắn giữa con và các chân sư thăng thiên hay ngăn cản bước tiến của con. Đó là tại sao chúng tôi mới có thể trao cho con một lời dạy như thế này. một lời dạy không thể trao cho một người vẫn còn những vấn đề kiểm soát. Nó không thể trao cho một nhóm học trò vẫn bị mắc kẹt, không sẵn sàng nhìn xa hơn những vấn đề kiểm soát đó. Ta không nói ra điều này để khơi lên bất kỳ lòng kiêu hãnh nào, vì khi con đạt tới mức con cởi mở với lời dạy này thì cái đó cũng đã hết là vấn đề. Đây chỉ đơn giản là một lượng định thực tiễn rằng sẽ tới một điểm con cần nhìn nhận rằng bất kỳ giáo lý nào được trao qua ngôn từ chỉ có thể dẫn con đến một tầng nào đó – nếu con nhất định cứ mãi trung thành với một giáo lý thì con sẽ cản trở sự tinh tấn của mình – và con cần đạt tới điểm con thăng vượt ngôn từ, thu hoạch tầm nhìn quả cầu và nắm bắt ma trận của hoàn cảnh của mình như nó được thiết kế để trải bày ra.

Ta không muốn nói là chúng tôi đã trao truyền cho con trong hội nghị này mọi điều có thể được trao truyền về quả vị Ki-tô hay phân biện Ki-tô. Tất nhiên chúng tôi đã đưa ra rất nhiều giáo lý khác về đề tài này, và rất có thể chúng tôi sẽ đưa ra thêm nữa trong tương lai. Nhưng những gì chúng tôi đã đưa ra, chúng tôi cảm thấy đó có thể là hữu ích nhất cho cộng đồng đệ tử. Không chỉ có các con đang theo dõi đợt truyền pháp này mà còn có cả một tập thể học trò rộng lớn hơn, là những người có thể sẽ bước vào tìm giáo lý này trong một tương lai không xa lắm.

Cho nên đây hoàn toàn không phải là giáo lý tối thượng, vì quả vị Ki-tô vốn là một tiến trình tuần tự, và không một giáo lý tối thượng nào có thể được đưa ra. Nhưng đó là lời dạy mà chúng tôi cảm thấy hữu ích nhất dựa trên hiện trạng của lý duyên khởi trên hành tinh này. Cho nên chúng tôi tin tưởng lời dạy, tin tưởng con sẽ dùng lời dạy này để khởi lên cái vỗ cánh của bướm sẽ kích hoạt một chuỗi tác động liên kết mà với thời gian sẽ ảnh hưởng to lớn trên tâm thức tập thể cũng như trên lý duyên khởi đang dẫn dắt sự sống trải bày ra trên hành tinh.

Và với lời này, ta muốn gửi lời cảm tạ của tất cả các chân sư đến các con, vì có biết bao người đã sẵn lòng tham gia hội nghị này, đã đặt hết chú tâm vào đề tài phần nào khó khăn này, và cho phép luân xa của mình được sử dụng để phát sóng thông điệp này vào tâm thức tập thể. Ta đã có thể dùng hình ảnh một chiếc cánh bướm. Nhưng tác dụng của một hội nghị như thế này với bao nhiêu người hòa điệu vào, hiển nhiên lớn hơn gấp bội cái vỗ của một cánh bướm. Ta không mong muốn gán bất kỳ hình ảnh nào lên đó. Hội nghị này tất nhiên đã có một tác dụng to lớn, mà với thời gian sẽ đưa hành tinh này vào một hướng đi cao hơn, một hướng đi quyết định. Cho nên vì lý do đó chúng tôi vô cùng biết ơn. Ta niêm các con và ta niêm hội nghị này trong niềm an bình hoan hỉ và luôn luôn tự thăng vượt của Phật.

Quả vị Ki-tô là sự buông bỏ

Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/12/2020. Bài này được truyền đọc trong Webinar 2020 – Tăng triển khả năng phân biện Ki-tô của bạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô. Chúng ta đã bàn về bốn tầng của tâm, là bốn thể phàm của con, và các sa nhân đã nỗ lực như thế nào để ngăn chặn khả năng phân biện Ki-tô của con ở các thể này bằng cách lôi kéo con vào những cơn lốc xoáy, những khuôn nếp phản ứng khác nhau. Nhưng tại sao chúng lại làm được điều đó? Tất nhiên, chúng làm được là vì con có cái xà trong chính mắt con, con có một số tâm lý chưa giải quyết – là điều hoàn toàn bình thường trên đường tâm linh. Chúng ta đã bàn về các cấp độ khác nhau trên đường tu, về 144 tầng tâm thức, và rõ ràng khi con lần đầu tiên tìm thấy đường tâm linh – bất kể lúc đó con đang ở tầng tâm thức nào trong kiếp đầu thai này – con cũng không thể nắm hết được những khai ngộ và ảo tưởng ở những tầng cao hơn, con không thể nhìn xa hơn tầng tâm thức bấy giờ của con.     

Cho nên, một khi con đã học cách nhận diện phần nào những gì sa nhân đang cố làm từ bên ngoài để phá hoại khả năng phân biện Ki-tô của con, thì con cần bắt đầu xem tới, đâu là những điều kiện bên trong đã khiến con dễ bị chúng thao túng đến thế. Và điều này, tất nhiên, có nghĩa là con cần bắt đầu xem xét tâm lý mình. Và ở đây con cần phân biệt một số chuyện. Ta biết nhiều người trong số các con đã theo học đợt truyền pháp này từ khá lâu và đã vượt qua chướng ngại này, nhưng ta vẫn muốn đưa ra cho những ai lần đầu đọc lời dạy này mà chưa theo dõi những bài dạy trước đây.

Ta đã từng so sánh chúng tôi, các chân sư, với những nhân viên bán xe cũ, chuyên môn nhử mồi xong đánh tráo. Chúng tôi quảng cáo một chiếc xe rẻ mạt, xong một khi con đã vào trong tiệm rồi, chúng tôi mới cố bán cho con một chiếc xe mắc tiền hơn. Nói cách khác, để khiến con đoái nhìn vào giáo lý của chúng tôi, chúng tôi phải đưa ra một cái gì hấp dẫn đối với mức tâm thức hiện tại của con cho dù mức đó là gì. Xong một khi con đã bắt đầu học hỏi giáo lý, chúng tôi cần đưa con lên tầng cao hơn của đường tu nơi con thực sự bắt đầu tinh tấn, là sự tinh tấn đặc trưng của một người đang mặc lên chiếc áo của quả vị Ki-tô cá nhân. Cho nên khi con nhìn vào cộng đồng tâm linh Thời mới nói chung, con sẽ thấy mỗi người đang ở một trình độ tâm thức khác nhau, mỗi người có một trọng điểm khác nhau, ý tưởng và kỳ vọng khác nhau về những điều mình có thể gặt hái trên đường tu tâm linh.

Rồi sẽ đến một điểm khi để tiến xa hơn trong phân biện Ki-tô, con sẽ cần xem xét: “Đâu là động lực đã khiến tôi đi theo con đường tâm linh? Tại sao tôi đã cất bước? Tại sao tôi đã đi cho tới điểm này? Tôi đã chờ đợi những gì từ đường tu?” Có lẽ con chưa từng tự hỏi như thế một cách ý thức – đa số hành giả tâm linh thì không. Thường họ tìm thấy một phong trào tâm linh, rồi phong trào đó, giáo lý đó vang dội với cái gì bên trong họ, và họ không nhận thức rõ ràng rằng sở dĩ họ đi theo như vậy là vì phong trào đã hứa hẹn là họ sẽ thỏa mãn được bất cứ kỳ vọng nào của họ về đường tu. Nói cách khác, đường tu sẽ đem lại gì cho họ? Phong trào hay giáo lý đã vang dội trong họ có hứa ở đâu đó là các kỳ vọng của họ sẽ được thỏa mãn. Cho nên điều rất quan trọng là con phải lui lại và xét xem kỳ vọng của con về đường tu là gì.

Đại đa số hành giả, và các con đã theo đợt truyên pháp này từ khá lâu, sẽ có thể nhìn ngược lại thời con lần đầu tiên ý thức đường tu và sẽ nhận diện được điều này trong tâm mình. Hầu hết các con đều có một kỳ vọng rõ rệt là đường tu sẽ làm gì đó cho mình, sẽ đem lại điều gì đó mà mình muốn hay cần trên địa cầu. Có những lợi lạc liên quan tới đời sống ở đây trên điạ cầu mà con sẽ có được, và con mong mỏi đời con sẽ trải ra như thế nào trong tương lai. Điều này không có gì sai trái – con không thể tránh khỏi đã suy nghĩ như thế, nhất là đối với những ai đã lớn lên trong một xã hội phi tâm linh, dù đó là xã hội tôn giáo hay phi tôn giáo. Các con đều đã được dạy dỗ, được lập trình để coi trọng trên hết đời sống trong vũ trụ vật chất.

Các sa nhân đã từ hàng ngàn năm cố gắng lập trình nhân loại để con người đặt trọng tâm trên hết vào cuộc sống thế gian. Tất nhiên, các tôn giáo cũng đưa cho con một lối thoát khỏi thế giới này, đoán chừng là con sẽ được cứu rỗi sau kiếp này. Nhưng vì chuyện đó xảy ra sau kiếp này, đó không phải là điều mà hầu hết người theo đạo sẽ bỏ thời gian ra mà nghĩ đến – đâu là những yêu cầu để vào được Nước Trời, dù người ta định nghĩa Nước Trời là gì? Và một lần nữa, họ sẽ chỉ tập trung vào những gì tôn giáo họ có thể làm cho họ trong cuộc sống ngay đây trên trái đất. Khi con nhìn vào người tâm linh nói chung, con sẽ thấy họ có rất nhiều kỳ vọng khác nhau về những gì đường đạo sẽ đem lại cho họ. Chẳng hạn, một số người kỳ vọng họ sẽ chữa lành bệnh tật thể chất, một số kỳ vọng sẽ thị hiện rất nhiều tiền để mua sắm bất cứ gì mình muốn, một số kỳ vọng sẽ đạt được tâm hồn thanh thản và đời sống an lạc, có thể nơi một tu viện hẻo lánh. Một số sẽ kỳ vọng cả điều ngược lại là họ sẽ có quyền năng bước ra thế giới và tác động mạnh mẽ trên xã hội và người chung quanh.

Có rất nhiều kỳ vọng dưới nhiều hình thức khác nhau như vậy đối với mỗi người, và như ta vừa nói, chuyện đó không có gì sai trái. Con phải khởi sự ở một mức nào đó, mức tâm thức hiện tại của con. Thật là lô-gíc khi con sẵn sàng bước trên đường tu ở tầng tâm thức thứ 48, con cởi mở hơn với con đường tâm linh để thực sự phát triển tâm thức. Con sẽ có những kỳ vọng này và chúng sẽ theo con cho tới tầng 96. Nhưng sẽ tới một điểm khi con cần cứu xét kỳ vọng đó và bắt đầu tự hỏi: “Đi theo Ki-tô sẽ đòi hỏi tôi phải làm gì?”

Nếu con nhìn ngược lại cuộc đời của ta cách đây 2000 năm, nếu con đọc được giữa những hàng chữ, con sẽ thấy điều mà ta thực sự giảng dạy cho các đệ tử của ta và dân chúng nói chung là con đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Đi theo Ki-tô có nghĩa là đi theo một vị thày ở một mức tâm Ki-tô cao hơn mình, và như vậy con mới lần hồi khoác lên tâm Ki-tô. Con có thể đọc lại một số lời ta giảng thời đó và con thấy ta nói đến sự cần thiết phải sẵn sàng mất sự sống để theo Ki-tô. Con phải không bám mắc vào Mammon, con cần để cho những người chết đi chôn người chết. Nói cách khác sẽ tới một lúc, để bước theo Ki-tô con phải buông bỏ một cái gì đó. Điều này thực sự có nghĩa là tạm thời trên đường tâm linh, từ tầng 48 đến tầng 96, con có thể duy trì ảo tưởng rằng đường tâm linh chỉ là chuyện hoàn thành một cái gì đó trong đời sống trên trái đất.

Ta không nói rằng đường tu sẽ không thực hiện được điều gì cho con. Điều ta muốn nói là giữa hai tầng 48 và 96, con có thể duy trì ảo tưởng rằng động lực chủ yếu khi theo đường tu là con kỳ vọng sẽ đạt được lợi lạc gì đó trong đời sống của con nơi vũ trụ vật chất. Bây giờ khi con tiến đến gần mức 96, con cần giải quyết kỳ vọng này bởi vì nó sẽ không đưa con xa hơn mức 96 đâu. Tới một điểm con phải bắt đầu nhìn nhận rằng mục đích thực sự của đường tu không phải là đạt được một lợi thế tạm thời trong thế gian này. Mục đích thực sự là đạt được sự sống vĩnh hằng vượt khỏi thế gian, và đây là một vấn đề rất khác với cái nhìn khi con mới khởi sự. Nó rất khác với cái nhìn mà hầu hết những ai theo tôn giáo đều có về sự cứu rỗi, hay thế nào là vào Thiên đàng cho dù mỗi tôn giáo có định nghĩa Thiên đàng là gì. Và sẽ tới một điểm con cần nhìn nhận rằng những tầng cấp cao hơn của tâm Ki-tô, những tầng tâm Ki-tô có ý thức hơn, sẽ đòi hỏi con bỏ lại mọi thứ.

Thật ra để bước lên những tầng mức cao đó của tâm Ki-tô, con sẽ phải đi qua một giai đoạn nơi con bỏ lại hết thứ này rồi tới thứ khác. Con lần lượt buông bỏ một ý niệm nào đó về sự sống, một kỳ vọng nào đó, một quan điểm nào đó, và một trong những điều con phải buông bỏ là sự mong đợi rằng đường tu sẽ đem lợi lạc gì cho con. Đó là tại sao con cần xem xét các kỳ vọng của con rằng đường tu sẽ làm gì cho mình, và mình sẽ có được gì nhờ nó. Nếu con chờ mong, chẳng hạn, là con sẽ thị hiện được vô số của cải, sẽ tới lúc con phải nhìn lại và tự hỏi tại sao con cần của cải bất tận như thế, con mong thực hiện được điều gì với nó, con sẽ có cảm giác thế nào khi con có của cải? Và con cần bắt đầu tự hỏi: “Ừ nhỉ, ngay cả nếu tôi có số tiền bất tận đó, nó có sẽ nhất thiết cho tôi cảm giác mà tôi đang tìm?”

Con hãy nhìn rất nhiều người giàu có đến độ họ không thể tiêu hết tiền, họ đang cảm thấy thế nào? Tâm trạng tâm lý của họ ra sao? Hầu hết đều không cảm thấy thoải mái, an bình, vì họ lo lắng kiếm tiền nhiều hơn cho dù họ không cần, hay họ lo lắng làm sao không bị mất tiền. Họ vẫn căng thẳng. Họ không an lạc. Họ không dùng tiền của họ để làm gì cho tha nhân, một điều mà bao nhiêu người tâm linh đều mơ ước làm được. Con nhìn thấy vậy và con nghĩ: “Chà, chắc chắn mình sẽ làm tốt hơn vì mình là người tâm linh.” Con sẽ làm tốt hơn nếu con bước lên cao hơn và nhận xét đơn giản: điều mà con đang tìm kiếm – cho dù đó là sự thay đổi vật lý, thành quả vật lý nào đó mà con mong có được do bước chân trên đường đạo – động lực khiến con đi tìm cái đó chỉ là để sản xuất ra một cảm giác nào đó trong tâm con.

Con cần bước lên và nhận ra rằng khi con đạt được những điều kiện vỏ ngoài như thế, con sẽ không tự động sản xuất được cám giác con tìm, bởi vì cảm giác xảy ra trong tâm lý con, mà tâm lý con, ít ra là ở các tầng cao của tâm Ki-tô, thì không lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Cảm giác bên trong, sự trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm sống của con, tất cả được định đoạt bởi những gì xảy ra trong bốn thể phàm của con. Vì vậy, dù con có nghĩ rằng sự giàu có sẽ sản xuất ra cảm giác bên trong mà con muốn, nhưng nó không thể làm được. Chỉ khi nào con làm việc trực tiếp với tâm lý của mình, giải quyết những gì đang chặn nghẽn cảm giác bên trong thì con mới có được cảm giác đó. Con có thể kỳ vọng là một ngày kia con sẽ đạt khả năng đi thuyết phục, truyền đạo cho người khác, sẽ cải thiện hành tinh và phục vụ mục tiêu của các chân sư. Đó có thể chỉ là những gì ngoại tâm con nhìn thấy, là cách ngoại tâm con nhìn thấy. Nhưng khi con nhìn vào sâu hơn, có một cảm giác ở đằng sau mà con đang mong có được, và cảm giác này sẽ không do khả năng vỏ ngoài đem lại. Nó chỉ có thể đạt được sau khi con giải quyết những yếu tố tâm lý đang ngăn chặn cảm giác, nếu đó là cảm giác thanh cao chứ không là cảm giác nào đó dựa trên sợ hãi.

Đấy, có một khúc rẽ trên đường đạo mà con sẽ không thể vượt qua cho tới khi con hoàn toàn nhìn nhận rằng bước kế tiếp của con là phải đặt trọng tâm vào việc giải quyết tâm lý của con. Một số người sẽ nhận ra điều này trước tầng 96, nhưng con cần phải nhận ra thì mới bước xa hơn tầng 96. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con đã tới chỗ nhìn nhận rằng con phải buông bỏ mọi kỳ vọng, những kỳ vọng mà con đã ôm giữ từ khi con mới cất bước, những kỳ vọng đã là động cơ khiến con bỏ công sức ra cho đến mức này. Tất cả phải được bỏ lại.

Nhiều hành giả tâm linh, tuy tiếng là người chân thành tu tập theo một giáo lý hay một pháp môn, không sẵn sàng buông bỏ mọi kỳ vọng của mình. Họ bám chặt vào những kỳ vọng này và không thể buông ra. Tại sao như thế? Tại vì cái mà ta gọi là ngã gốc (primal self). Như các chân sư đã giải thích cặn kẽ trong sách “Healing your spiritual traumas” (Chữa lành chấn thương tâm linh) và những quyển khác trong cùng bộ, đã có một thời điểm khi lần đầu tiên con gặp gỡ sa nhân và phải đối mặt với ý muốn vô hạn của chúng nhằm tiêu diệt con như một sinh thể tâm linh. Sự kiện đó đã khiến con bị cú sốc, bị tổn thương sâu sắc, và để đối phó với chấn thương này hầu tiếp tục sống và sinh hoạt trên hành tinh, con đã tạo ra một cái ngã gốc. Ngã gốc đó có chức năng chủ yếu là để kìm nén, che giấu nỗi đau của cái gọi là chấn thương nhập đời, chấn thương vũ trụ nguyên thủy. Ngã gốc được con tạo ra để phản ứng lại những gì xảy ra cho con trên điạ cầu khi con đối diện với sa nhân.

Đối với một vài người, sự kiện này đã xảy ra trên một hành tinh khác, nhưng dù sao thì lần đầu tiên con gặp sa nhân, con đã bị cơn sốc khi nhận ra là có ai đó đang hoàn toàn sẵn sàng tiêu diệt mình nếu họ có thể. Con cảm thấy đau đớn vô cùng vì con không thể tưởng tượng nổi có ai muốn tiêu diệt mình, bởi vì con là một người tích cực luôn muốn giúp mọi người và đưa hành tinh lên một tầm cao hơn. Con không thể tưởng tượng có ai cảm thấy bị đe dọa đến độ phải hủy hoại con. Và con đứng đó, con gặp sự kiện đó, con bị choáng váng, ngập tràn đau khổ khi sa nhân không ngừng tấn công con, buộc con đủ mọi thứ tội vạ trong đủ mọi hoàn cảnh vỏ ngoài khác nhau.

Ngã gốc được tạo ra để bù đắp cho cơn sốc, cho cảm giác mất mát – mất mát sự trong trắng của con – và trên hết để che giấu mất mát đó hầu con không phải sống lại nỗi đau đã trải qua, và hơn nữa để tạo lên niềm kỳ vọng là một ngày kia con sẽ tìm lại được tâm trạng trinh nguyên mà con đã mất. Con có khả năng trở lại cái tâm trinh nguyên ấy, nhưng con thấy không, ngã gốc đã sinh ra từ tình huống này. Nó không sinh ra từ tâm trinh nguyên của con. Ngã gốc thực sự không thể hiểu nổi tâm con trước khi chấn thương xảy ra, nó chỉ có thể đối tác với tâm trạng của con sau đó mà thôi. Ngã gốc không thể cảm thông được tâm Ki-tô, không thể cảm thấu được sự trong trắng chân thực là tâm của con trước sự cố. Ngã gốc định ra những mục đích mà dường như con phải đạt, nhưng đó không phải là mục đích thật, không là mục đích thực tế, không là muc đích có giá trị. Ngã gốc cũng không thể nhìn xa hơn cái tầng tâm thức nơi nó được sinh tạo, tất nhiên là gắn liền với địa cầu, cho nên nó không thể hiểu được tâm Ki-tô  Nó không thể hiểu rằng chỉ bằng cách vượt lên tâm thức cao hơn thì nó mới tìm được sự an bình nội tâm thực sự và lấy lại sự trong trắng.

Ngã gốc chỉ có thể đối tác với trái đất, và bởi vì nó nghĩ rằng một số điều kiện trên trái đất đã khiến con đánh mất trạng thái trinh nguyên, thì bắt buộc phải có những điều kiện khác trên trái đất sẽ giúp con lấy lại được trạng thái đó. Thế là nó bị kẹt cứng trong một vòng luẩn quẩn khiến nó đi tìm một trạng thái của tâm, một điều kiện nào đó trên địa cầu, dựa trên sự kỳ vọng rằng điều kiện này sẽ sản xuất ra một cảm giác không hề có trên địa cầu.

Tâm trong trắng nguyên thủy là cái mà con đã đem theo con trước khi con gặp sa nhân, tâm này không xuất phát từ những điều kiện trên địa cầu. Con đánh mất nó không phải vì con đã thực sự đánh mất nó, mà con chỉ đánh mất sự nhận biết về nó. Bởi vì cái Ta Biết bị cơn sốc nặng nề đến nỗi nó sinh tạo ra những cái ngã tách biệt này, khiến con bây giờ đứng trong ngã tách biệt, con nhìn ra ngoài qua phin lọc của ngã tách biệt, và đây là lý do con không thể thấy được là con chưa bao giờ đánh mất sự trinh nguyên, con chưa bao giờ đánh mất cái gì hết. Là sự nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, con không thể mất gì được cả. Tâm trong trắng là sự kết nối của con với Hiện diện TA LÀ của con, và sự kết nối này không thể nào đánh mất. Nó chỉ có thể bị bao phủ bởi những cái ngã vỏ ngoài, những cái ngã tách biệt. Con không làm sao thấy được nối kết của con với Hiện diện TA LÀ chỉ vì con đứng trong ngã mà nhìn ra. Cách duy nhất để con lấy lại sự nối kết với Hiện diện TA LÀ là đứng ra ngoài ngã.

Nhưng để đứng ra ngoài ngã, con phải nhìn ngã. Ngã gốc không thể hiểu nổi tiến trình này. Nó nghĩ là trên địa cầu có một số điều kiện đã khiến con mất một cái gì đó. Nó không biết rõ cái đó là gì, nhưng nó biết đại khái con đã mất gì đó. Nó đang cố giúp con lấy lại cái con đã mất. Nhưng nó nghĩ cách duy nhất là con phải có được một số điều kiện nào đó trên trái đất. Và đó là lý do tại sao khi lần đầu tiên con gặp đường tu tâm linh cho dù dưới hình thức nào – một lời dạy của chân sư hay bất cứ gì khác – thì ngã gốc có kỳ vọng rằng bằng cách theo đường tâm linh này, bất kể con định nghĩa đó là gì, con sẽ đạt được khả năng, quyền năng thay đổi hoàn cảnh bên ngoài để nó sản xuất ra cái điều kiện bên trong mà ngã gốc cho là mục đích cần đạt. Nhưng tiếc thay, trong cốt lõi, cái điều kiên mà ngã gốc thấy được đó không phải là một điều kiện thực tế. Điều mà con thực sự cần lấy lại là sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, và cái này thì không nằm trên trái đất và do đó không thể được sản xuất bởi bất cứ điều kiện nào trên trái đất.

Con có thể nhìn thấy rất, rất nhiều người đã đi theo một phong trào tâm linh nào đó rồi rút lui khỏi xã hội, ẩn cư nơi vùng hẻo lánh xa xôi nơi họ được che chắn khỏi sự nhộn nhịp hối hả của cuộc sống hàng ngày, và con có thể thấy nhiều người trong số họ tu tập những pháp môn thật khắc khổ suốt hàng chục năm trời trong khung cảnh đó. Nhưng rất, rất ít người đạt được sự tinh tấn mà họ mơ ước. Tại sao vậy? Bởi vì đa số giáo lý và phương pháp tâm linh trên địa cầu thường hứa hẹn những kết quả tự động, hứa rằng nếu con theo học giáo lý, thực hành những tu tập vỏ ngoài, thì con sẽ đạt được mục tiêu mà không cần xem xét tâm lý của mình.

Con hãy để ý câu vừa rồi. Đa số giáo lý tâm linh hứa hẹn con sẽ đạt được bất kỳ mục đích nào con mong muốn mà không cần xem xét đến tâm lý của mình. Các chân sư đã đưa ra những lời dạy vô cùng thâm sâu và chi tiết về ngã gốc cũng như về những cái ngã tách biệt khác tuôn ra từ đó, và lời dạy này trong tinh túy thật đơn giản. Ngã tách biệt, ngã gốc và mọi cái ngã riêng biệt khác luôn luôn phóng chiếu ra ý tưởng là con có một số vấn đề mà con phải giải quyết, một số điều kiện mà con phải đạt được. Nhưng kỳ thực, đây là một ảo tưởng. Khi nào con còn tin rằng có những điều mà con phải làm, những điều mà con phải đạt, hay những điều mà con phải giải quyết, thì con sẽ vẫn còn kẹt trong ngã đó. Và đây, cái chìa khoá để đi xa hơn một mức nào đó của tâm Ki-tô thực sự là phải giải hóa ngã gốc. Nhưng con không thể làm điều này chừng nào con còn cố giải quyết những vấn đề do ngã gốc định ra, hay có thể nói, giải quyết cái vấn đề đã định ra ngã gốc. Con cần bước tới điểm khi con có thể, trong tư cách cái Ta Biết, bước ra khỏi ngã gốc, nhìn thẳng vào nó và hỏi: “Đây có thực sự là một vấn đề không? Vấn đề này có bao giờ giải quyết được không? Và ngay cả khi giải quyết được thì tôi sẽ đạt được gì?”

Và con ngộ ra, con chiêm nghiệm ra sự thật rằng đó không phải là một vấn đề có thật, và con không hề được gì khi giải quyết nó. Ở điểm này, con sẽ tách ra khỏi ngã đó. Như các chân sư đã chỉ cho con cách thực hành và tu tập, con có thể để cho nó chết đi. Thay vì cố giải quyết vấn đề, con chỉ đơn giản để cho nó chết đi. Nói cách khác, điều mà ngã cũng như sa nhân phóng chiếu vào con chỉ là ý tưởng rằng con có thể đạt được trạng thái nội tâm mà con mong mỏi bằng cách giải quyết vấn đề vỏ ngoài. Nhưng các chân sư nói với con, con sẽ không bao giờ đạt được trạng thái nội tâm mà con mong mỏi cho tới khi nào con buông bỏ sự tìm cầu cách giải quyết vấn đề, tìm cầu cách sản xuất điều kiện vỏ ngoài. Con buông nó ra. Con để cho ngã chết. Con không tìm cách giải quyết bất cứ gì, bù đắp cho bất cứ gì hay đạt được bất cứ trạng thái nào. Con chỉ đơn giản để cho ngã chết.

Con hãy đọc lại câu ta nói trước kia: “Can hệ gì tới ngươi? Còn con, hãy theo ta”. Ý nghĩa thật của câu này là sẽ có rất, rất nhiều điểm trên đường tâm linh khi con phải đối mặt với một ảo tưởng, một khai ngộ nào đó. Ảo tưởng là khi có những điều mình phải làm, những chuyện mình phải giải quyết. Nhưng thực sự điều con cần làm là nhận ra cái đó xuất phát từ một ngã tách biệt, và thay vì cố giải quyết, con từ bỏ mọi nỗ lực giải quyết. Con để yên cho ngã chết vì con đã ngộ được rằng việc bước theo chân Ki-tô quan trọng hơn gấp bội chuyện sản xuất một thành quả vỏ ngoài trên địa cầu.

Bây giờ, ta trở lại những gì ta đã nói về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Nếu con quan sát một cách vô tư những người tuyên bố theo Trump, con sẽ thấy họ bị xúc động mạnh mẽ. Họ dính mắc với Trump và hình ảnh mà ông phóng ra. Cái mà họ thật sự dính mắc là cái cảm giác mà ông đã cho họ, và họ tin rằng cách duy nhất để có được cảm giác này là qua Trump, qua việc ông là tổng thống, ông là người lãnh đạo. Những người này đang cố làm gì? Họ đang cố sản xuất ra một cảm giác, nhưng họ làm vậy qua trung gian một điều kiện trên địa cầu, và bây giờ họ phải đối diện với sự kiện điều kiện này có thể sẽ thay đổi và Trump sẽ không còn là tổng thống nữa. Làm sao thoát khỏi sự thể này? Chỉ bằng một cách là nhận ra có một cái gì hơn thế nữa, quan trọng hơn điều kiện vỏ ngoài đó đối với con. Nếu con là học trò của chân sư và con tin vào Trump, làm thế nào con sống tiếp được khi ông rời Nhà Trắng? Phải, chỉ bằng một cách là sẵn sàng tự nhủ: “Chuyện đó can hệ gì tới tôi? Vì tôi đi theo Ki-tô”.

Con nhận ra việc nâng cao khả năng phân biện Ki-tô của mình quan trọng hơn bất kỳ điều kiện nào bên ngoài, cho dù tổng thống có là ai. Quả vị Ki-tô của con không tùy thuộc ai làm Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu con nghĩ là nó tùy thuộc thì con chưa thực sự hiểu tâm Ki-tô là gì, và con cần học hỏi rất nhiều lời dạy của ta về tâm Ki-tô. Vậy làm thế nào con sống tiếp được từ điểm này trở đi? Chỉ bằng một cách là buông bỏ một cái gì đó, chỉ bằng cách nhận ra rằng cảm giác mà con mong muốn không thể phát xuất từ điều kiện bên ngoài mà từ sự kiện con làm việc trực tiếp với tâm lý của con. Đây là cốt lõi của giáo lý các chân sư trong đợt truyền pháp này. Nếu con đã đến mức không thể áp dụng những giáo lý này, đó là chọn lựa của con, và con hãy ra đi bình an, hoặc con cũng có thể ra đi không bình an nếu con muốn như vậy. Nhưng các chân sư không thể giúp những ai không sẵn lòng buông bỏ một cái gì.

Ta chỉ dùng sự kiện trên như một ví dụ, bởi vì dĩ nhiên có rất nhiều ví dụ khác. Con nhìn vào những người tâm linh nói chung, con nhìn học trò của chân sư trong các đợt truyền pháp trước hay ngay cả trong đợt này, con sẽ thấy rất nhiều người tới một điểm sẽ đụng phải một điều gì đó mà họ không sẵn lòng buông bỏ. Rồi hoặc là họ ngừng tiến bước trên đường tâm linh, hoặc họ bước vào con đường tay trái, con đường công truyền, nơi họ từ chối thay đổi một điểm gì đó trong tâm lý họ, họ từ chối từ bỏ một cái gì đó để theo Ki-tô. Họ đã không nói được: “Chuyện này can hệ gì tới tôi? Tôi đi theo Ki-tô, tôi sẽ đi theo Ki-tô,” mà ngược lại họ đã như người thanh niên kia nói với ta rằng: “Con muốn theo Giê-su lắm chứ, nhưng trước tiên con có thể đi chôn cha con được không?” Nói cách khác, họ có một việc gì đó trong thế gian mà họ phải làm trước khi đi theo Ki-tô, và như thế họ không thể nào theo Ki-tô vì lúc nào cũng sẽ có những công việc trong đời phải làm trước. Ta đã nói gì với thanh niên đó? “Hãy để cho kẻ chết đi chôn người chết”. Hãy để cho những ai bị kẹt trong tâm thức chết đối phó với mọi vấn đề mà họ tưởng họ phải cần đối phó. Con có thể từ chối đối tác với tất cả những vấn đề này, buông chúng đi, rồi cất bước cùng Ki-tô đi tới những tầng cao hơn của đường tu. Nhưng tất nhiên, tại sao họ không làm được? Bởi vì họ chưa chịu nhìn vào cái ngã gốc luôn nghĩ rằng nó phải sản xuất ra một cảm giác nào đó bằng cách sản xuất những điều kiện cụ thể ở đây trên địa cầu.

Có thể nói, đây là ảo tưởng ngàn đời. Đây chính là bí mật của con đường tâm linh nếu chẳng qua có một bí mật. Đây là bí mật vì có rất ít giáo lý nào thật sự tiết lộ với những lời thẳng thắn, rõ ràng như thế. Lý do một phần là vì, thực tế mà nói, việc nâng cao tâm thức tập thể trên địa cầu là một tiến trình chậm chạp, lần hồi. Không có ích gì đưa ra một giáo lý khi chưa có một số người sẵn sàng nắm lấy và đem ra thực hành. Nhưng dù sao đi nữa, cốt lõi của vấn đề là như sau: “Khi bảo rằng con người chưa sẵn sàng áp dụng giáo lý thì điều này có nghĩa gì?” Có nghĩa là con người chưa sẵn sàng nhìn vào bản thân mình, nhìn vào cái xà trong mắt mình. Bao nhiêu tín đồ đạo Cơ đốc tự nhận là họ sùng tín ta, nhưng liệu họ có sẵn lòng đoái nhìn đến những lời ta đã dạy, chẳng hạn như phải nhìn vào cái xà trong mắt mình thay vì phán xét người khác theo cái giằm trong mắt người? Đây thực sự là một điều mà con phải buông bỏ, một trong những điều khó bỏ nhất khi con lên cao hơn tầng thứ 96. Con thấy không, các sa nhân là một ví dụ rõ ràng nhất của tình trạng tư duy này. Chúng từ chối nhìn vào bản thân, vào cái xà nơi mắt chúng, để chỉ tập trung vào cái giằm trong mắt người khác, luôn luôn vạch ra cái giằm đó, luôn luôn hướng ra bên ngoài và nghĩ rằng vấn đề nằm ở bên ngoài, rằng người khác có lỗi và cần phải thay đổi.

Các sa nhân bị mắc bẫy trong tâm thức này và không thể vượt ra ngoài cho đến khi chúng quyết định quay đầu lại. Nhưng dù quay đầu thì chúng cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để vượt qua được. Chúng đã tạo ra trên hành tinh này một con quái vật tập thể vô cùng hùng mạnh luôn cuốn hút mọi người vào tâm thức đó. Vì thế mà con luôn phán xét người khác. Có bao nhiêu trường hợp như thế, như khi con dựng lên ai đó thành con dê tế thần, đổ tội cho họ là nguyên nhân những vấn đề của con, và con tin rằng nếu con có thể loại trừ hay thay đổi con dê thì vấn đề của con sẽ giải tỏa. Vấn đề sẽ tự nhiên biến mất như trong phép lạ. Đây là một con quái vật tập thể vô cùng kiên cố, và một lần nữa, khi con lần đầu tiên gặp giáo lý của chân sư, con vẫn bị nó ảnh hưởng vì con đã lớn lên trong một môi trường lấy chuyện phê phán người khác làm chuẩn. Nó hoàn toàn tự nhiên và ta hoàn toàn thông cảm. Ta nói như vậy bất kể con đã lớn lên ở đâu với rất, rất ít ngoại lệ.

Trong xã hội có một chuẩn mực, một cách cư xử gọi là bình thường. Đó là cách cư xử tại Đan Mạch, người Đan Mạch là như thế, người Mỹ là như thế, người Pháp, người Đức, người Anh cũng là như thế, vân vân. Mọi quốc gia đều có chuẩn mực này, chuẩn mực mà một người tiếng là tốt lành trong xã hội phải tuân thủ, và con được nuôi nấng lớn lên để phê phán chính mình lẫn người khác dựa theo chuẩn này. Con có tuân thủ hay không tuân thủ? Có những áp lực và biện pháp được áp đặt lên những ai không tuân thủ. Cho nên thật là không thể tránh được khi con tìm thấy giáo lý các chân sư, con đã mang sẵn nguyên cái tâm thức này trong bốn thể phàm của con. Con mang những cái ngã đã được tạo ra để đáp ứng tình trạng đó, và có lẽ suốt nhiều kiếp đầu thai, rất có thể con đã củng cố cho nó lớn mạnh hơn. Những cái ngã này không ngừng lượng giá chính con, lượng giá người khác và mọi sự xảy ra chung quanh, nó phán xét tất cả. Cho nên chuyện gì xảy ra khi lần đầu con gặp giáo lý chân sư dạy về quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô? Đúng vậy, những cái ngã này đồng loạt kêu lên: “Hoan hô! Đây hẳn là miền đất hứa, vì nếu chúng ta có thể đạt được quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô, chúng ta sẽ có một chuẩn mực tuyệt đối để phán xét mọi người”.

Trong hầu hết người tâm linh, có một cơ chế tâm lý vận hành. Con đã lớn lên trong một xã hội chắc là bị chi phối bởi một tôn giáo nào đó, hoặc cũng có thể bởi tôn giáo của chủ nghĩa duy vật khoa học. Con đã luôn cảm thấy con không thực sự muốn là một người duy vật, nhưng con cũng không làm sao theo được tôn giáo đang chiếm ưu thế. Cho nên con có cảm tưởng mình là một người đứng bên lề, bị ruồng bỏ. Con đã luôn cảm thấy mình bị phán xét bởi người ngoan đạo lẫn người duy vật, thậm chí cả người cộng sản tùy theo con lớn lên ở đâu. Con cảm thấy mình là người ngoài cuộc. Con bị người ta đánh giá vì con không theo một chuẩn mực nào. Cho nên để đối phó với sự thể, rất có thể vào thời thơ ấu hay trong những kiếp trước, con đã tạo ra những cái ngã, và những cái ngã này mong muốn bù đắp cho sự kiện con bị đánh giá.

Ngã thực hiện sự bù đắp bằng cách cố đạt một ấn tượng, một tin tưởng rằng cho dù con bị người ta đánh giá thì chính họ mới sai lầm vì chỉ có con là đúng vì con là một người tâm linh. Con hoàn toàn có lý khi là người tâm linh, và đây, có cả giáo lý của chân sư thăng thiên xác minh con có lý khi con là người tâm linh. Thật không tránh nổi những cái ngã này sẽ bắt đầu sử dụng giáo lý chân sư để phán xét người khác. Nếu họ không tin ý kiến này thì họ sai rồi. Họ không tin vào luân hồi thì họ phải sai thôi. Họ không tin điều này, không tin điều kia mà các chân sư giảng dạy, do đó họ ở một mức tâm thức thấp hơn mình. Một lần nữa, ta không trách móc ai cả. Chính ta cũng như vậy khi ta còn ở những mức thấp kém của đường tu, không phải trong kiếp đầu thai chót mà những kiếp trước đó. Tất cả chúng ta đều đã trải qua vấn đề này, đó là một phần không thể thiếu của đường tu tâm linh. Nhưng vấn đề là khi một số người tâm linh, thậm chí một số học trò của chân sư, không thể đứng riêng ra khỏi vấn đề. Họ không thể nhận diện cái ngã tách biệt này trong họ, những ngã tách biệt muốn phê phán mọi thứ, lại dùng cả giáo lý của chân sư để thiết lập, dưới mắt họ, một cái chuẩn tối hậu để phán xét mọi người.

Đây là một sự thể con thấy khắp mọi nơi, một phần của cái mà chúng ta có thể gọi là thân phận làm người. Con phớt lờ cái xà trong mắt mình và tim giằm trong mắt người, và con phê phán người khác một cách vô cùng khắc nghiệt dựa trên một chuẩn mực mà con coi là tuyệt đối. Có điều, hầu hết người tâm linh và nhiều học trò của chân sư chắc chắn mang kỳ vọng có thể tạo dựng một cộng đồng tâm linh dựa trên tình thương và tốt thiện. Cho nên con có trực giác là có thể có một cộng đồng tâm linh nơi sự phê phán sẽ vắng bóng. Bao nhiêu người kỳ vọng là khi họ tìm thấy giáo lý của chân sư, những ai theo giáo lý này sẽ không hề xoi mói mà sẽ hiền hòa, tương thân tương ái. Ta hiểu được con có kỳ vọng như thế, nhưng điều này không thực tế.

Vị sứ giả này, nhiều năm trước đây, có nghe tin về tổ chức Summit Lighthouse khi ông sống ở Đan Mạch. Dĩ nhiên ông đã dựng lên một kỳ vọng về cuộc sống tại Summit Lighthouse cũng như về những thành viên ở đó, dựa trên một cái nhìn từ xa, thấy được lý tưởng của giáo lý và nghĩ rằng mọi người theo giáo lý chắc hẳn là yêu thương và hiền hòa. Khi ông đến trụ sở của Summit Lighthouse tại Montana năm 1987, ông bàng hoàng. Chỉ sau ba ngày, giống như ba ngày mà – theo kinh sách – ta đã từng trải nơi địa ngục, ông ngồi xuống và phải lấy một quyết định. Hoặc ông phải ra đi, hoặc ông sẽ ở lại và tìm một giải pháp ổn thỏa. Một ý nghĩ đến với ông, mà ông nhận được trong ngoại tâm, là “Nhưng khoan đã, khi tôi bước qua cánh cổng này, làm gì có tấm bảng nào nói là phải bỏ tự ngã trước khi vào? Cho nên tôi đã không bỏ tự ngã của tôi ngoài cửa, và rất có thể mọi người khác cũng không ai bỏ tự ngã của họ ngoài cửa. Có nghĩa là mọi người trong đây vẫn đều mang tự ngã, tôi cũng vẫn mang tự ngã, vậy thì có lẽ kỳ vọng của tôi hơi thiếu thực tế đó. Có lẽ tôi thiếu thực tế khi tôi chờ đợi mọi người bước qua cánh cửa này bỗng nhiên trở thành toàn hảo, và chính tôi cũng trở thành toàn hảo khi tôi bước vào.” Đây chính là ý tưởng đã cho phép ông ở lại với cộng đồng và tinh tấn vượt bực trong thời gian 10 năm ông sống ở đó.

Một số ý tưởng tương tự cũng đã hữu ích cho nhiều người khác, nhưng cũng có những người không nhận ra được điều này, họ phản ứng một cách khác và bắt đầu phán đoán, hay họ tiếp tục phán đoán người khác và ngay cả chính họ mà không hề hay biết. Vì vậy con có thể thấy tại Summit Lighthouse, hồi đó cũng như bây giờ, có một không khí phán xét mà qua đó họ sử dụng các giáo lý của chân sư để tạo ra hình ảnh về một đệ tử lý tưởng của chân sư. Họ phán xét lẫn nhau dựa trên tiêu chuẩn đệ tử có tuân thủ các đòi hỏi vỏ ngoài này hay không: bạn là nhân viên à? Bạn là nhân viên của bộ phận nào? Bạn có đọc đủ số bài chú hay không? Có là người giao tiếp? Có đóng góp tài chánh cho nhà thờ? Có cư ngụ ở Glastonbury? Lái xe hiệu gì? Màu gì? Mặc áo màu gì? Ăn thức gì? Có kiêng ăn gì không, và vô số những chuyện khác. Cái gì đứng đằng sau khuynh hướng phán xét đó? Chính là ý tưởng cho rằng việc tuân thủ các nghi lễ và luật lệ vỏ ngoài sẽ tự động đưa con tới trạng thái tâm Ki-tô.  

Cho tới giờ, các chân sư đã ban cho con nhiều lời dạy để chất vấn ảo tưởng đó cho nên con phải đủ khả năng thấy được rằng sẽ tới lúc con sẽ không thể tiến bước cao hơn trong quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô cho tới khi con nhìn nhận một cách toàn diện và ý thức rằng quả vị Ki-tô không phải là sản phẩm của các điều kiện ngoại cảnh trên địa cầu. Quả vị Ki-tô không phải là chuyện đã đạt được gì, đã làm được gì, sở hữu cái gì, tu tập pháp môn nào, đọc được bao nhiêu bài chú. Những thứ đó không sản xuất ra quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô chỉ là một điều duy nhất mà thôi – nó không phải là những gì con đã thu được mà là những gì con đã bỏ lại. Con đã bỏ lại bao nhiêu cái ngã tách biệt? Bao nhiêu ảo tưởng con đã bỏ lại? Bao nhiêu kỳ vọng con đã bỏ lại? Bao nhiêu lần con đã đương đầu với một kỳ vọng, một vướng mắc, và đã tự nhủ một cách hoàn toàn chân thành: “Cái này can hệ gì đến tôi? Tôi sẽ đi theo thày!” Đó là chìa khóa duy nhất cho quả vị Ki-tô.

Con có thể là thành viên của một tổ chức tâm linh. Con có thể nhiệt thành tuân thủ một pháp môn tu tập suốt nhiều năm hay nhiều thập niên. Các chân sư đã thấy điều này rất nhiều lần rồi, nhưng con vẫn không tiến một bước nào về phía tâm Ki-tô chính vì con không chuyển dời tâm thức để nhận ra tâm Ki-tô là gì. Đây không phải là chuyện bám giữ vào cái này hay cái kia trên địa cầu, không là chuyện hoàn thiện cái này hay cái nọ, mà là chuyện buông bỏ. Rất, rất nhiều hành giả khi họ tìm thấy một con đường tâm linh, tập trung rất nhiều vào ý niệm chứng đạt tâm linh cũng như một số khả năng. Nhiều người mơ ước có được quyền năng thần thông, và thật tiếc thay, cuộc đời của ta đã phần nào kích động mơ ước này bởi vì ta đã thực hiện một số phép siêu phàm. Cho nên một số người cũng muốn làm giống thế, hoặc họ muốn chứng đạt được gì đó tùy theo định nghĩa của tổ chức hay giáo lý của họ, và tất cả là để biến cái mà họ đang có thành một cái gì hoàn hảo và tốt đẹp đến nỗi các chân sư phải trầm trồ: “Ồ, có đệ tử kia đã thật sự chứng đạt được cả bảy tia sáng, người ấy đã sẵn sàng thăng thiên rồi đấy.”

Con có thấy không, đường tu thật sự không phải là đạt được một khả năng nào đó, hay ngay cả kiến thức và sự hiểu biết, bởi vì con đường giả trá do các sa nhân phóng chiếu ra – và được nhiều hành giả ở một cấp bậc nào đó chấp nhận vì họ không biết làm gì khác hơn – chính là con đường nâng cao một khía cạnh nào đó của tự ngã, nâng cao một ngã tách biệt nào đó. Vì chúng ta đang bàn về phân biên Ki-tô, con có biết con có một cái ngã tách biệt rất mạnh mẽ khi con tìm thấy một con đường đã được thiết lập suốt nhiều kiếp sống do văn hóa phán xét gây ra? Như vậy, con có một cái ngã tách biệt với khả năng phán xét người khác, và bây giờ ngã này cảm thấy nó có thể áp dụng lời khuyên răn của ta là phải “phán xét theo lẽ công bình” bởi vì nó đinh ninh là nó không phán xét theo chuẩn mực của con người mà theo một chuẩn mực cao hơn. Thế là khi con tìm được giáo lý của chân sư, ngã này liền nói: “À, đây là cơ hội quá tốt cho tôi, tôi sẽ lấy lời dạy này, học tập thật kỹ, đem ra áp dụng, tôi sẽ hoàn thiện khả năng phán xét của tôi. Tôi sẽ chứng đạt chuẩn mực cao nhất của phán xét là phân biện Ki-tô, và tôi sẽ có khả năng phán xét như một chân sư phán xét.”

Nhiều học trò của chân sư tin rằng chỉ có chuyện hoản chỉnh cái ngã này, và khi họ có được sự phán xét tối thượng đó thì họ sẽ chứng đạt quả vị Ki-tô. Đây là quả vị Ki-tô, họ nghĩ như thế. Nhưng con yêu dấu, đây chỉ là một cái ngã. Nó sẽ không bao giờ lên được Thiên đàng. Dù cho khả năng phán xét của con có cao siêu biết mấy, nó sẽ không bao giờ vào được Thiên đàng. Con sẽ không bao giờ vào được Thiên dàng khi nào con còn lôi cái ngã này theo con. Nó không thể chui qua cánh cửa. Làm thế nào con vào được Thiên đàng? Chỉ bằng cách bỏ cái ngã này lại. Có nghĩa là gì? Nhiều học trò tâm linh mà chân sư đã thấy, trong đợt truyền pháp này cũng như những đợt trước, vẫn còn rơi vào cạm bẫy mà nghĩ rằng tâm Ki-tô là chuyện nhìn thế giới, nhìn hành động, nhìn ý nghĩ, nhìn mọi thứ hiện ra và xét đoán chúng dựa trên tiêu chuẩn là chúng đúng hay sai.

Các chân sư đã từng nói gì? Các sa nhân đã phải làm gì để phá nát cuộc sống trên hành tinh này? Chúng phải phóng chiếu ra một chuẩn mực về những gì phải xảy ra hoặc không được xảy ra, khiến loài người phải lượng định mọi thứ dựa trên giá trị đúng hay sai, thật hay giả. Những người này nghĩ rằng bằng cách lấy một lời dạy của chân sư rồi áp dụng và học tập, họ sẽ có thể hoàn thiện cái ngã phán xét ấy để nó nhìn vào mọi chuyện xảy ra trên địa cầu mà xét đoán. Cái này đúng hay sai? Là Ki-tô hay phản-Ki-tô? Nhưng đây là một ảo tưởng và ở tầng tâm thức thứ 96, con sẽ cần phải đương đầu với nó nếu con muốn bước lên những tầng cao hơn. Nếu không, con sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống của sự xét đoán và sẽ ngày càng xét đoán nhiều hơn, trong khi cứ đinh ninh mình là đấng Ki-tô Hằng sống đang xét đoán.  

Ta sẽ minh họa cho con thấy. Giả sử con đang ở một phi trường sầm uất. Đó là trước nạn dịch corona và phi trường đầy nghẹt người. Ai ai cũng nói năng, có loa phóng thanh, có nhạc, có đủ mọi loại tiếng động. Con bước vào đó và nghĩ: “Công việc của tôi là xét đoán xem những tiếng động này là của Ki-tô hay phản-Ki-tô”. Con sẽ làm gì? Con sẽ chú tâm lắng nghe từng tiếng động và con nghĩ rằng bằng cách phát triển khả năng phán xét tiếng động, con sẽ biểu hiện tâm Ki-tô. Nhưng tâm Ki-tô thực sự là gì? Tâm Ki-tô không phải là nghe và phán xét tiếng động đâu. Người có tâm Ki-tô là người nghe được sự im lặng vượt ngoài mọi tiếng động. Con có thể đứng giữa nơi ồn ào nhất cả hành tinh nhưng đằng sau tiếng động vẫn có im lặng. Tiếng động cần có không gian để hiện hữu, là không gian mà đức Phật cầm giữ cho địa cầu. Không gian này – tánh nhận biết im lặng đằng sau tiếng động – đó chính là tâm Ki-tô là phân biện Ki-tô tối hậu.

Đã có một thời, như ta có giải thích, khi con nhìn vào các tầng vật lý, cảm xúc, lý trí và bản sắc, con sử dụng khả năng của mình để phân biện giữa những gì là ảo tưởng, là sự thao túng, là cơn lốc xoáy và tất cả những thứ đó. Ở cấp độ đó, có thể nói là con vẫn còn phán xét. Ít ra là còn lượng giá và phân tích. Đấy là một phần của tâm Ki-tô ở những bước đầu. Nhưng ta nói với con, sẽ tới một lúc khi con có thể bước lên những tầng cao hơn của tâm Ki-tô, hay con có thể đi xuống những tầng thấp hơn vì con tưởng rằng tâm Ki-tô chỉ là chuyện phán xét. Hãy trở lại ví dụ con đang đứng ở phi trường, với tiếng động khắp nơi và người ta qua lại thật náo nhiệt. Con sực nhớ ra là con đang đeo một cặp tai nghe chống ồn, úp chặt vào hai tai. Trên tai nghe có cái nút bật nhỏ xíu, và nếu con vặn nút đó lên, tai nghe sẽ khiến cho mọi tiếng ồn biến mất và con sẽ chỉ nghe thấy im lặng. Đấy, đó là những tầng cao của tâm Ki-tô và phân biện Ki-tô. Đó là con đang đặt tâm con trong sự im lặng đằng sau tiếng động.

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là con nhận ra điều quan trọng nhất cho con là lắng nghe im lặng. Làm sao con nghe được im lặng? Bằng cách lấy chú tâm ra khỏi tiếng động. Khi nào con còn tập trung vào tiếng động thì con không thể nghe thấy im lặng. Đâu là yếu tố hàng đầu lôi kéo con tập trung vào tiếng động? Đó là sự tin tưởng rằng con cần phải xét đoán xem tiếng động nào là tốt hay xấu, tiếng động nào là phải hay trái. Nhưng đến mức này, con sẽ nhận ra là sự phán xét một ý tưởng nào, một hiện tượng nào là đúng hay sai, không còn quan trọng nữa. Quan trọng hơn là chiêm nghiệm được sự im lặng, tâm Ki-tô. Một khi con bắt đầu chiêm nghiệm im lặng đó – mà đối với hầu hết mọi người sẽ không xảy ra thường xuyên trước khi con hóa giải được ngã gốc, và tuy nhiều người thoáng nghe được im lặng trước khi họ hóa giải ngã gốc, họ không có khả năng giữ vững được lâu – và sau khi con hóa giải ngã gốc, con sẽ chứng nghiệm im lặng đó, và bỗng nhiên nó trở thành điều quan trọng nhất, quan trọng hơn mọi sự xét đoán là ai sẽ là tổng thống hay đủ mọi chuyện khác mà người đời thường đem ra xét đoán.   

Và đây là lúc con sẽ bắt đầu nhìn xa hơn tất cả những loại quan điểm vỏ ngoài. Như ta đã trình bày, có thể có hai học trò của chân sư đều tin rằng mình có một khả năng phân biện Ki-tô nào đó, và một người thì muốn Trump làm tổng thống và người kia ủng hộ một người khác làm tổng thống. Nhưng nếu cả hai bước lên một tầng cao hơn của tâm Ki-tô, họ sẽ bắt đầu thấy ai làm tổng thống không còn quan trọng gì nữa. Có nhiều thứ khác quan trọng hơn. Chẳng hạn, một điều quan trọng hơn là nếu họ đạt tới một sự hợp nhất nào đó nơi họ không còn bị ngăn cách bởi vấn đề ai sẽ làm tổng thống. Đây là một ví dụ hành giả có thể khắc phục cái ngã chỉ muốn phê phán tất cả. Đây là cách duy nhất cho con hay bất cứ ai kiến tạo được một cộng đồng mà nhiều người tâm linh vẫn mơ ước, một cộng đồng dựa trên tình thương, nhân ái và tương trợ.

Làm sao một cộng đồng có thể tương trợ nếu ai ai cũng luôn phê phán nhau? Làm thế nào có thể ngừng phê phán nhau nếu không ai chịu nhìn vào chính mình và nhìn vào cái ngã đang khiến mình phê phán mọi thứ, kể cả chính mình? Con phải đương đầu với ngã này, con phải nhận ra rằng không phải là chuyện đạt được khả năng phê phán tuyệt hảo, mà là chuyện để cho ngã chết đi hầu sánh bước với Ki-tô bước vào trong im lặng. Con muốn gì? Con muốn quả vị Ki-tô hay muốn sự phán xét của con người? Ta đã đặt trước mặt con sự sống và sự chết. Con hãy chọn sự sống nếu con muốn bước tiếp với ta. Còn không thì ta sẽ phải bỏ con lại đằng sau, và con có thể đi theo bất cứ đường nào mà con định ra dựa trên cái ngã phán xét đúng hay sai, Ki-tô hay phản-Ki-tô. Cái ngã này sẽ phê phán bất cứ gì đứng ra chất vấn thẩm quyền của ngã.

Con hãy chân thật với chính mình. Ta đã có nói, con tự nhận là học trò của chân sư, con đã bỏ thời gian học hỏi giáo lý của chân sư. Con thực sự muốn gì? Con muốn tinh tấn hay muốn bào chữa cho cái ngã không bao giờ vào được Nước Trời? Cái ngã xét đoán sẽ xét đoán bất kỳ giáo lý nào đứng ra tra vấn nó, kể cả giáo lý của chân sư, và nó sẽ xét định rằng giáo lý này không phải là của Ki-tô.

Các chân sư đã từng thấy những nhóm người đã tự thuyết phục mình và thuyết phục cả người khác rằng sứ giả này hay sứ giả kia không còn là sứ giả nữa bởi vì các chân sư sẽ không bao giờ nói ra điều đó. Họ đã rời bỏ tổ chức này hay tổ chức kia để đi theo đường riêng, tin chắc là họ biết rõ hơn cả vị sứ giả là sứ giả có nhận được thông điệp chính xác từ chân sư hay không. Nhưng đằng sau tất cả, họ nghĩ rằng – cái ngã xét đoán của họ nghĩ rằng – họ biết rõ hơn cả chân sư những gì chân sư muốn nói. Nhưng nếu lời ta nói phải phù hợp với sự xét đoán của ngã xét đoán, thì làm sao ta giúp được con thoát khỏi ngã tách biệt đây?    

Ngã nghĩ rằng nó có thể vào được Thiên đàng một khi nó biết phán xét tuyệt hảo, nhưng con yêu dấu, ta là một chân sư thăng thiên và ta biết ngã đó sẽ không bao giờ vào được Thiên đàng, và con cũng không vào được nếu con cứ bám víu vào nó. Cơ hội duy nhất cho ta giúp con thăng hoa là khiến con nhận ra ngã đó hầu con buông nó ra. Nhưng nếu con cho phép nó thuyết phục con rằng khi ta tra vấn nó thì không phải một chân sư đang nói chuyện với con, thì con tiêu rồi. Đối với ta, con đã tiêu mất. Ta không thể giúp con. Ta chỉ có thể tôn trọng quyền tự quyết của con và nói rằng, một lần nữa hành giả này đã chọn con đường tay trái tôn vinh ngã thay vì để cho ngã chết đi mà đi theo Ki-tô. Đối với những ai trong số các con làm điều này trong kiếp này, ta có thể cam đoan rằng con đã làm chuyện đó trong nhiều kiếp đã qua. Con sẽ tiếp tục chọn lựa làm như thế đến bao giờ nữa đây, cứ theo ngã tách biệt mà không theo Ki-tô? Con sẽ cần tới bao nhiêu lần nữa để chiêm nghiệm chuyện này không thể thành được? Vì thế mà cuối cùng con sẽ phải trở lại cuộc đời này trong một kiếp đầu thai nữa và một kiếp nữa và một kiếp nữa, trong khi những ai chịu buông bỏ ngã xét đoán sẽ thăng hoa. 

Ta phải làm gì thêm nữa đây để xuyên thủng những lớp phòng thủ kiên cố mà ngã tách biệt đã xây đắp chung quanh cái Ta Biết của con? Và con cần gì thêm nữa đây? Con hãy suy ngẫm câu hỏi này. Đâu là những rào cản mà ngã tách biệt đã dựng lên hầu cái Ta Biết không thể nghe thấy ta, hầu con không có tai để mà nghe, không có mắt để mà nhìn, khiến con không thể chiêm nghiệm được cái vượt khỏi tầm của ngã là sự im lặng vượt khỏi mọi tiếng động? Có sự sống vượt khỏi tầm của sự chết. Đó là tâm Ki-tô vượt khỏi cái mà con nghĩ là tâm Ki-tô, cái tâm thức phản-Ki-tô, tâm thức của cái chết, tâm thức của Sa-tăng.

Hôm nay con hãy chọn, chọn đi theo Ki-tô hay phản-Ki-tô. Ta cho con tự do hoàn toàn bởi vì nay ta đã làm tất cả những gì ta có thể nghĩ được để giúp con chọn sự sống, và vì vậy ta sẽ buông bỏ, bởi vì là một chân sư thăng thiên thì ta không vướng mắc liệu ta có cứu vớt được con hay không. Nhưng tất nhiên, ta sẽ cương nghị và tung ra ngọn lửa để giúp đâm thủng những phòng thủ bao trùm quanh cái Ta Biết của con.

Các chân sư có dạy rằng cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết. Thật vậy, nó đi song song với sự im lặng. Chứng nghiệm im lặng là chứng nghiệm tỉnh giác thuần khiết, là sự chứng nghiệm rằng con là cái gì nhiều hơn tất cả những cái ngã bên ngoài. Cho nên con có thể bỏ chúng lại mà sẽ không chết, con sẽ không biến mất bởi vì con là, cái Ta Biết là, sinh thể nguyên thủy đã giáng thế từ Thiên đàng – và ta nói gì nhỉ? – không một người nào có thể thăng lên trở lại Thiên đàng ngoại trừ đó là người đã giáng thế từ Thiên đàng.  

Cái Ta Biết đã đi xuống trong sự tỉnh giác thuần khiết mà không có bất kỳ ngã tách biệt nào, vậy thì chỉ có cái Ta Biết mới thăng lên trở lại, và làm thế nào nó thăng trở lại? Bằng cách để cho tất cả ngã tách biệt chết đi. Bằng cách buông bỏ chúng hết. Tất cả bọn chúng phải chết đi để con có được sự sống vĩnh hằng.   

TA LÀ con đường, sự thật và sự sống vì TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô.

Con có quyền không thập toàn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/8/2020 trong Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng trong hành động qua sự hòa nhập bảy tia sáng.

Ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Con có thể tự hỏi: Phật dính dáng gì đến chuyện của phụ nữ? Phật dính dáng gì đến chuyện của phụ nữ Tây phương hay phụ nữ đang sống trong các nước dân chủ tân tiến? À, các con yêu dấu, ta không có dính dáng trực tiếp. Nhưng chắc chắn là ta có dính dáng gián tiếp, vì ta có thể cung cấp một tầm nhìn có thể giúp phụ nữ thoát khỏi một yếu tố đang giới hạn họ, đang giam họ trong những khuôn nếp cũ. Các thày đã nói là các sa nhân đã lấy quyết định là: “Chúng ta sẽ khiến phái nam trở thành phái tính cao cấp trên Trái đất, chúng ta sẽ dìm phái nữ xuống để họ phải lệ thuộc phái nam. Qua đó chúng ta sẽ tạo ra một xung đột mà nhân loại sẽ không bao giờ giải quyết được”. Tại sao họ lại làm vậy? Các thày cũng đã giải thích là họ nghĩ phái nam dễ nghe theo tư duy cuồng đại cho rằng có một đại nghĩa cần phải được thực hiện.

Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là một người đàn ông sẽ dễ nói: “Tôi phải bỏ qua một bên quyền lợi cá nhân của mình, ước muốn của mình, đời sống thường nhật thực tiễn của mình. Tôi phải bước ra biểu tình nơi hàng rào chắn lối hay phải gia nhập quân đội để tranh đấu cho đại nghĩa này. Bất kể chuyện gì xảy ra cho gia đình tôi, tôi phải làm việc này”. Người Mỹ có câu nói: “Một người đàn ông phài làm những gì người đàn ông phải làm”. Phụ nữ không dễ bị tu duy cuồng đại quyến rũ bằng. Phụ nữ không dễ dàng chịu bỏ qua một bên đời sống thường nhật thực tiễn của mình để phục vụ một đại nghĩa. Dĩ nhiên đó là vì phụ nữ là các bà mẹ, và làm sao một bà mẹ đang có con nhỏ lại có thể nói: “Tôi cần phải bỏ con cho nó tự lo liệu lấy và ra đi tham gia cuộc chiến này, vì cuộc chiến này quan trọng hơn con của tôi”.

Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là các sa nhân đã rất khôn ngoan khi họ chọn phái nam làm phái cao cấp, vì điều này đã tạo ta bao hình thức ngược đãi phụ nữ và xung đột giữa hai phái suốt mấy ngàn năm qua. Nhưng như các thày cũng đã nói: “Trong tâm thức nhị nguyên, việc gì cũng có giá phải trả”. Giá mà sa nhân phải trả khi họ chọn phái nam làm phái cao cấp và dìm phái nữ xuống, là họ không ngờ là họ đã tạo ra tiềm năng giúp nhân loại thoát ra khỏi tâm thức nhị nguyên, ngay cả mối xung đột giữa hai phái. Bởi phụ nữ có tiềm năng nâng chính họ lên, nâng phái nam lên và do đó nâng cả hành tinh vượt lên trên tư duy nhị nguyên. Chắc chắn là đàn ông cũng có thể nhận ra các thiếu xót và mâu thuẫn của tư duy nhị nguyên. Nhưng trên một bình diện rộng lớn, chính phụ nữ là những người có thể nhìn vào các ý tưởng đựơc đề ra trên thế giới và nói: “Ý tưởng này không đúng nếu nó có thể làm hại con của tôi. Dẹp đời sống hàng ngày và việc nuôi con qua một bên để theo đuổi các ý tưởng trừu tương này là điều không phải. Con tôi là sinh thể có thực, có sự sống, trong khi ý tưởng này là một cái gì trừu tượng, không có sự sống. Sự sống phải ở trên các ý tưởng trừu tượng, chết.” Đó là điều có thể giúp phụ nữ khắp thế giới đứng lên giải thoát mình khỏi cuộc đấu tranh cuồng đại đã và đang diễn ra trên hành tinh này và nói: “Hãy để lưỡi cày thắng đao kiếm, hãy quên đi những đại nghĩa cuồng đại và chú tâm vào việc cải thiện đời sống hàng ngày của mọi người trong xã hội.”

Nhiều người trong các nền dân chủ tân tiến đã nhiều phần nâng họ ra khỏi tư duy cuồng đại và các đại nghĩa cuồng đại, Họ không còn thấy là họ phải đi chinh phục thế giới hay làm cảnh sát cho toàn thế giới, và họ không còn thấy các chuyện này quan trọng hơn đời sống thường nhật của công dân nước họ. Nước Hoa Kỳ hiển nhiên là một thí dụ một nước dân chủ đã không làm được bước chuyển tiếp này. Vì vậy Hoa Kỳ vẫn thấy cần duy trì khả năng quân sự lớn nhất toàn cầu để lúc nào cũng sẵn sàng cấp tốc phóng quyền lực đến bất cứ nơi nào trên hành tinh. Do đó, phụ nữ có tiềm năng thúc đẩy cuộc chuyển đổi này. Nhưng điều mà thày muốn cống hiến ở đây là để thúc đẩy cuộc chuyển đổi này, phụ nữ cần vượt qua một khía cạnh của tư duy cuồng đại mà các sa nhân, đàn ông và nhiều nền văn hóa và xã hội đã áp đặt trên phái nữ.

Có nhiều khía cạnh tinh tế của vấn đề này. Có nhiều cách để giải thích vấn đề, nhưng các con hãy cho thày bắt đầu bằng cách đưa ra một lối giải thích. Phụ nữ đã từ rất lâu bị dìm trong nhiều dân tộc. Nhưng chúng ta hãy chú tâm vào tình trạng ở các nước dân chủ tiên tiến nhất. Nếu các con nhớ lại thời kỳ trước khi các nước này trở nên dân chủ, thì lúc đó phụ nữ bị dìm, phải chịu một địa vị xã hội thấp kém so với đàn ông. Các nước này trải qua một cuộc chuyển dời và họ chuyển qua thể chế dân chủ, nhưng trong nhiều thập niên, phụ nữ vẫn không được quyền bầu phiếu, họ bị coi là không có khả năng hiểu chuyện thế giới, tức là, mở ngoặc, đóng ngoặc, hiểu tư duy cuồng đại, và do đó họ không nên có quyền bầu phiếu vì như vậy sẽ gây hỗn loạn. Một điều tương tự xảy ra trong thương trường. Phụ nữ bị ngăn không cho giữ các chức vụ có quyền quyết định. Trong một thời gian rất dài, phụ nữ còn không được đi làm, ngoại trừ ở một số công việc được coi là hợp với phụ nữ. Vậy chuyện gì đã xảy ra khi các nước dân chủ tân tiến này trở nên tân tiến hơn và bắt đầu cho phụ nữ bình quyền và bình cơ hội? Chuyện xảy ra là đã có một khía cạnh rất tinh tế của tư duy cuồng đại khởi ra mà các nền dân chủ tân tiến không nhận ra. Chúng ta hãy lấy thí dụ một người phụ nữ gia nhập thương trường và đạt tới một địa vị thường do đàn ông nắm giữ. Điều gì người ta, trong tiềm thức hay ít ra là không nói ra, chờ đợi nơi người phụ nữ này? Người ta chờ đợi là họ sẽ thất bại, cũng có khi đồng nghiệp nam của họ mong họ thất bại. Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là người ta chờ đợi người phụ nữ phải chứng tỏ khả năng của mình bằng cách làm việc giởi hơn là những gì một người đàn ông đã làm và có thể làm.

Như vậy việc này đã tạo ra hậu quả gì trong các nước dân chủ tân tiến được coi là tiến bộ và đã cho nam nữ bình quyền? Nó đã tạo ra một tư duy rất tinh tế, và tư duy này đã tạo ra một tà thể quần chúng rất mạnh mẽ, một quái thể quần chúng tìm cách đút những vòi của nó vào từ trường các phụ nữ. Nó là một quái thể, mà chúng ta có thể gọi là quái thể cầu toàn, hay là tà thể cầu toàn. Nó cũng ảnh hưởng nam nhân, nhưng từ sau phong trào giải phóng phụ nữ, nó đã có một ảnh hưởng rất lớn trên ba thể cao – là cảm thể, trí thể và bản sắc thể – của nhiều phụ nữ trong các nước dân chủ tân tiến. Nó đã phóng chiếu tới các phụ nữ khiến họ bị lập trình để tin, nhưng chính họ cũng đã chấp nhận, là họ cần phải thập toàn.  Họ cảm thấy họ cần phải giống như Mary Poppins, tức là phải toàn hảo trên mọi phương diện để có thể được chấp nhận, dù họ đang sống trong những nước dân chủ tân tiến tiến bộ đáng lý phải cho phụ nữ đồng quyền và đồng cơ hội.

Các con có thể thấy là trong các xã hội tân tiến này, phụ nữ đã được bình quyền bề ngoài trên các mặt chính trị, kinh tế, luật pháp, nhưng họ chưa được bình quyền tâm lý. Vì các xã hội này vẫn chấp nhận, có thể là mặc nhiên nhưng vẫn là chấp nhận, là một người đàn ông không giỏi lắm vẫn được quyền giữ chức vụ của mình. Nhưng một phụ nữ thì cần phải gần như toàn hảo trong công việc của mình. Người phụ nữ không thể phạm lỗi như một người đàn ông vì sẽ bị ngược đãi, hay ít ra thì cũng sẽ bị coi là đã không làm tròn bổn phận vì họ là phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã chấp nhận điều này, và họ đã tự tạo sự chờ đợi là họ sẽ làm được như vậy, tức là họ sẽ trở thành một siêu nhân. 

Khi con là một phụ nữ trong các nước dân chủ tân tiến và tiến bộ thì người ta chờ đợi con sống ra sao? Con phải là người vợ toàn hảo cho chồng, là người mẹ toàn hảo cho các con, là người nhân viên toàn hảo trong công việc. Con cũng có thể phải là người lo cho cha mẹ toàn hảo, người con gái toàn hảo, và làm sao có ai sống được như vậy? Nếu con lấy bất cứ người đàn ông nào trong các nước dân chủ tân tiến này và đặt họ vào địa vị của đa số phụ nữ, ít nhất là các phụ nữ được coi là thành công, thì các vị đàn ông này sẽ bị xụm về mặt tâm lý vì không chịu nổi áp lực mà các phụ nữ kia phải đương đầu. Đàn ông giản dị là sẽ không đương nổi. Họ sẽ bị khủng hoảng tâm thần, hay họ sẽ cởi bỏ yếm làm bếp và vừa chạy ra khỏi nhà bếp vừa la làng.

Điều mà phụ nữa phải gánh chịu trong các nước dân chủ tân tiến quả thực là vô nhân đạo. Đây là một vi phạm quyền làm người. Theo chuẩn mực mà các sa nhân đã phóng chiếu lên nhân loại, một chuẩn mực nhị nguyên, thì không ai toàn hảo. Chưa một ai đã từng toàn hảo theo chuẩn mực này, kể cả chính các sa nhân, và không một ai sẽ có thể toàn hảo theo chuẩn mực đó. Các thày đã nói điều gì? Mẹ Mary trong bài truyền đọc mở đầu hội nghị đã nói đến hậu quả của lý luận đường thẳng và suy nghĩ nhị nguyên. Điều mà tâm nhị nguyên tạo ra là một chuẩn mực. Nó phóng chiếu ra rằng con người phải sống đúng theo chuẩn mực đó. Nếu các con nhìn vào nhân loại nói chung, không chỉ riêng phụ nữ trong các nước dân chủ tân tiến, thì con thấy là đa số người trên hành tinh đã bị ảnh hưởng. Bất kể con sống trong xã hội nào, lúc nào cũng có một chuẩn mực, một sự phóng chiếu rất mạnh là con phải sống đúng theo chuẩn mực đó.

Vậy đa số con người phản ứng ra sao trước tình trạng này?  Đã có hai phản ứng chính. Nhiều người, đúng hơn là ở đa số các nơi trên thế giới số đông nhìn nhận là họ không thể sống đúng theo chuẩn mực đã được đề ra. Vậy họ phản ứng ra sao? Họ phản ứng theo chuẩn mực, theo nền văn hóa nơi họ sống: họ cảm thấy tội lỗi, họ cảm thấy nhục nhã, họ cảm thấy không xứng đáng, họ cảm thấy bất lực. Nhưng họ khuất phục sự kiện là họ sẽ không bao giờ theo đúng được chuẩn mực. Ngoài ra có một số người, con số tùy quốc gia, sẽ làm một số điều khiến họ cảm thấy là: “Tôi đang làm đúng theo chuẩn mực”.  Làm sao họ nói vậy được? Bằng cách dùng tâm nhị nguyên. Tâm nhị nguyên làm được gì? Nó có khả năng tạo ra một phiên bản riêng của chuẩn mực đã được lọc lựa theo những gì nó muốn. Nói cách khác, khi con đi vào tư duy này, con cho rằng vì con thực thi một số yêu cầu của chuẩn mực giỏi hơn người khác, con đã thực thi tất cả mọi yêu cầu. Nói cách khác, con chối là mình không thực thi tất cả mọi yêu cầu. Không ai có thể thực thi mọi yêu cầu, sẽ không có một ai làm được điều này, nhưng có một số người đã trong tâm chối bỏ là họ không làm theo đúng chuẩn mực. Họ tin rằng vì họ đã thực thi một số yêu cầu, vì họ đã làm được một số điều, vì họ là trường hợp đặc biệt vì lý do này hay lý do khác, nên họ đã làm đúng theo chuẩn mực. Do đó, họ cho rằng họ thật sự toàn hảo trên mọi phương diện, trong khi người khác thì không. Đó là lý do họ nghĩ họ phải lãnh đạo và các người kia phải phục tùng và tuân lời họ.

Nhưng đó chỉ là một chuẩn mực đã được lựa lọc và cá nhân hóa dựa trên sự chối bỏ một số điều, từ chối không thấy một số điều. Chuẩn mực lựa lọc do sa nhân tạo ra, chính sa nhân bị giam trong đó, nhưng họ đã khai thác nó khiến rất nhiều người không phải là sa nhân cũng bị giam trong đó.  Hậu quả của chuẩn mực sa ngã này là gì? Nó tạo ra một thái độ rất phán xét, thích chỉ trích nghiêm khắc. Đây là điều các con có thể quan sát, là có rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ trong các nước dân chủ tân tiến, phải gánh chịu thái độ phán xét nặng nề này. Nếu họ làm một lỗi lầm nhỏ, họ cảm thấy là họ phải hổ thẹn. Nhiều người trong các con là phụ nữ trong các nước dân chủ, nhiều người trong các con không sống trong các nước dân chủ, đều có thể thấy là mình đã lớn lên với chuẩn mực này. Các con được dạy dỗ là phải tự phán xét mình dựa theo chuẩn mực này. Các con được dạy dỗ là phải phản ứng khi người khác phán xét con dựa theo chuẩn mực này.

Các con hãy cho thày lặp lại, vì thày biết là có nhiều người khó chấp nhận và hiểu được điều này. Không một ai có thể làm đúng theo chuẩn mực. Không một ai đã từng làm được, không một ai sẽ làm được. Nếu con chấp nhận được điều thày nói, thì con sẽ nhận ra là chuẩn mực này không thể làm được. Sự toàn hảo không có. Như một con người, một trong những quyền làm người căn bản là quyền không toàn hảo dựa trên bất cứ chuẩn mực nào. Ta có quyền không toàn hảo. Ta không cần phải toàn hảo trên Trái đất. Các con nghĩ coi, có hợp lý chăng là ta sống trên hành tinh lôi thôi và hỗn loạn này mà ta lại phải toàn hảo? Điều này có hợp lý chăng? Khi con suy nghĩ một chút thì sẽ thấy là hoàn toàn không hợp lý. Dĩ nhiên là đa số con người không suy nghĩ về điều này. Họ còn không có khả năng đặt câu hỏi, họ còn không nhận ra là có một chuẩn mực. Khi con bắt đầu nhận ra nó, thì con có thể tự nói với mình: “Không, không, không, sa nhân không thể lừa tôi nữa. Họ sẽ không thể kiến tôi sống phần còn lại cuộc đời tự phán xét mình đựa theo chuẩn mực này. Tôi chán việc này lắm rồi. Tôi sẽ nhìn vào những cái ta đang bị việc này ảnh hưởng, những cái ta và tôi đã tạo ra để phản ứng lại việc này. Tôi sẽ tuần tự loại trừ chúng ta khỏi bốn thể phàm của tôi và để cho chúng chết đi, vì tôi muốn được giải thoát khỏi tính cầu toàn này, khỏi ý niệm phải tự phán xét mình dựa trên chuẩn mực này. Tôi có thể không thoát khỏi bị phán xét bởi người khác, vì họ có quyền tự quyết của họ. Nhưng ít nhất tôi có thể tự giải thoát mình, để khi người khác phán xét tôi, thì ông hoàng thế gian tới nhưng không nắm được gì nơi tôi cả. Chuyện này không ảnh hưởng được tôi. Tôi cho họ quyền tự do tha hồ phán xét tôi, nhưng tôi cũng có quyền tự quyết không để sự phán xét của họ ảnh hưởng tôi và cách tôi sống cuộc đời mình.”

Nhiều phụ nữ đã là người đi tiên phong thách đố chuẩn mực thập toàn này, dù có khi họ không nhận ra hay không làm một cách ý thức. Họ từ chối không sống theo chuẩn mực của cha mẹ họ, những gì cha mẹ họ chờ đợi, xã hội chờ đợi, những tiêu chuẩn của xã hội đã được gán lên họ. Họ từ chối các điều này. Có khi họ làm vậy chỉ giản dị vì họ không thể sống theo chuẩn mực được. Nhưng cũng có phụ nữ hành động một cách có ý thức bằng cách thách đố những chuẩn mực quy định thế nào là phụ nữ trong xã hội họ sống. Vậy, thày là Phật thì thày có thể cống hiến gì cho những phụ nữ sống trong thế giới tân tiến khi họ nhận ra là có chuẩn mực thập toàn đã được gán lên họ? Thày có thể cống hiến khái niệm mà thày đã cống hiến 2,500 trước, tức là khái niệm không dính mắc. Các con cũng có thể nói là Bát Chánh Đạo mà thày đã giảng mấy ngàn năm trước có thể coi là một cách để vượt qua chuẩn mực thập toàn.

Thày biết là có nhiều Phật tử đã bị ảnh hưởng bởi tư duy sa ngã, tư duy nhị nguyên. Họ đã lấy Bát Chánh Đạo và nói rằng: “Bát Chánh Đạo quy định một chuẩn mực thập toàn. Nếu ta theo Bát Chánh Đạo, nếu ta thực hành chánh mạng, chánh ngữ và các chi phần khác, thì ta sẽ là người toàn hảo.” Nhưng Bát Chánh Đạo hoàn toàn không dạy điều này. Bát Chánh Đạo nói lên điều phải. Thày biết là thời nay, nhất là trong nền văn hóa Thiên chúa giáo, phải và trái có nghĩa hoàn toàn khác, có hàm ý hoàn toàn khác 2,500 trước đây.

Chữ chánh được dùng trong chánh nghiệp, chánh mạng không có nghĩa đúng đối ngược với sai. Chuẩn mực thập toàn do sa nhân đề ra nói rằng: “Nếu bạn sống đúng theo chuẩn mực, thì bạn đúng, nếu không thì bạn sai.” Mục đích của thày khi giảng pháp là để giúp con người thoát ra đối đãi, đối cực nhị nguyên.  Do đó thày không dạy cái đúng đối ngược với cái sai. Điều thày dạy là đạt không dính mắc, tức là theo trung đạo, tức là không cố gắng làm đúng đối ngược với sai. Cái con muốn đạt là vượt lên trên cả tâm thức này, đạt không dính mắc đến đúng và sai, đến các đối cực nhị nguyên. Do đó, con làm điều đúng dựa trên một viễn quan cao hơn, viễn quan bất nhị, viễn quan của Phật. Chữ “chánh” có một ý nghĩa khác, một hàm ý khác vào thời đó, bằng không thày đã dùng một chữ khác. Ngay cả chữ “trung đạo” cũng có một hàm ý khác ý nghĩa trong thế giới Tây phương ngày nay. Đó là lý do vì sao có nhiều người Tây phương tưởng họ là Phật tử, nhưng họ không hiểu ra ý nghĩa thực của trung đạo. Trung đạo không phải là ở giữa, là một thỏa hiệp giữa hai cực. Trung đạo là vượt lên trên các cực đối đãi.

Đó là gì các thày đã truyền dạy, không phải chỉ riêng mình thày, mà tất cả các chân sư nữ, và một số các chân sư nam. Các thày đã truyền cho các con các bài giảng về tư duy cuồng đại, về chấn thương nhập đời, về cái ngã gốc, về các ngã tách biệt và làm sao khắc phục được chúng. Nếu các con dùng các bài giảng này và ghi nhớ những gì thày nói ở đây về chuẩn mực thập toàn, thì con sẽ đạt được tiến bộ rất lớn. Các con là đệ tử trực tiếp của các thày có thể đạt tiến bộ rất lớn trong việc giải thoát mình khỏi chuẩn mực đó. Các con có thể thoát khỏi ý niệm phải là một phụ nữ thập toàn, mà là một “chánh” phụ nữ, một phụ nữ không dính mắc. Các con có thể là một phụ nữ tự do, một phụ nữ đã vượt lên trên chuẩn mực xét đoán và tâm thức xét đoán. Các con đã có những dụng cụ tâm linh để làm chuyện này. Khi con áp dụng cho chính mình, sau đó dùng tự do của mình để kêu gọi cho các phụ nữ khác, thì sẽ có một nhóm phụ nữ khác, một tầng lớp phụ nữ khác hiện đang đầu thai có khả năng làm việc này. Sau đó, sẽ có thêm người khác theo sau, và việc này sẽ lan ra như những vòng sóng trên mặt nước. Thực sự là nếu các nước dân chủ tân tiến tự coi là tiên tiến nhìn nhận quyền này – quyền không cần phải toàn hảo – như một nhân quyền thì đó là điều rất lợi ích, nhưng quyền này cần phải được công nhận đặc biệt cho phụ nữ. Phụ nữ đã được bình quyền trên mặt pháp lý và vật lý nhưng họ không được bình quyền trên mặt tâm lý vì họ không được làm những lỗi mà đàn ông vẫn thường được làm. Đã bao lần con nghe câu nói bình dân này: “Ồ, đây chỉ là điều đàn ông vẫn làm, hắn chỉ là một người đàn ông, trai trẻ lúc nào cũng là trai trẻ.”? Nhưng có bao giờ con nghe người ta nói: “Ồ, không sao đâu, vị này là phụ nữ, vị này không sống theo đúng chuẩn mực, nhưng không sao cả, con gái lúc nào cũng là con gái.”? Con không bao giờ nghe người ta nói vậy, vì ý niệm này không có mặt trong xã hội. Hiện nay vẫn còn khuynh hướng phán xét tâm lý phụ nữ. Đã đến lúc điều này phải được mang ra giải quyết, được nói lên, được mang ra anh sáng, để người thẩm quyền giải quyết.

Đương nhiên là đã có phụ nữ nhận ra điều này, sẽ có hơn nhiều phụ nữ nhận ra điều này, và như vậy sẽ tạo ra một lực đẩy. Các con có thể đứng lên và nói: “Phụ nữ phải được quyền tự do không toàn hảo giống như đàn ông, và đàn ông cũng phải được quyền tự do không toàn hảo. Tất cả mọi người phải được quyền tự do bắt đầu ở một mức nào đó và dần dần cải thiện chính mình.” Chuẩn mực thập toàn đã có hậu quả gì? Nó đã tạo ra một con đường giả, giống như những gì trước kia được gọi là tà đạo. Tức là như sau: “Đây là một con đường, có một số yêu cầu, có một số điều mà bạn phải làm. Nếu bạn chịu phục tùng con đường này, theo từng bước và từng giới luật, và khi bạn đỗ kỳ thi khảo hạch cuối cùng, thì bạn trở nên toàn hảo.” Đó là con đường tà đạo mà các sa nhân đã hứa hẹn. Nếu bạn theo đúng từng bước, thì bạn sẽ trở thành một thày cấp 33 trong hội các thày tạc đá, bạn là người thập toàn, bạn đứng trên mọi chỉ trích.

Cũng đã có đệ tử chân sư thăng thiên trong các đợt truyền pháp trước đã tin rằng: “Nếu ta tuân thủ tất cả các yêu cầu của tổ chức này, nếu ta đọc tất cả các bài chú, nếu ta làm Người Giữ Lửa, nếu ta làm Người Hiệp Thông, nếu ta vào ban nhân viên, nếu ta thành một người trưởng ban nhân viên, nếu ta thành thư ký riêng của sứ giả, và vân vân và vân vân, thì ta sẽ trở nên toàn hảo. Lúc đó, ta sẽ hơn tất cả các đệ tử bất toàn mới gia nhập, ta sẽ ở đia vị quyền lực. Ta có quyền, ta còn có bổn phận phải phán xét các người đó và cho họ biết là cọn còn bất toàn, để họ bắt đầu tiến theo con đường mà ta đã đi theo.” Những người đó đã và vẫn tin chắc rằng họ theo con đường của các chân sư thăng thiên, con đường dẫn tới quả vị Ki-tô.

Nhưng những vị đó theo con đường nào? Những vị đó ở trong một tổ chức được các chân sư thăng thiên bảo trợ, họ dùng giáo lý của chân sư thăng thiên để biện hộ cho hành động của họ, nhưng họ đang theo tả đạo hay con đường của sa nhân. Con sẽ không thể vào thiên đường nếu chỉ theo một chuẩn mực thập toàn được quy định trên Trái đất. Nếu các sa nhân có thể quy định một chuẩn mực giúp họ vào thiên đường, thì tại sao họ lại không có ở đó? Thể nào họ cũng muốn vào Thiên đường và làm những chuyện họ muốn làm ở đó? Vậy, nếu các sa nhân không vào được thiên đường bằng cách theo chuẩn mực của họ, thì làm sao con lại nghĩ một đệ tử chân sư thăng thiên lại làm được điều này? Đây là một nhận thức hoàn toàn phi lý, hoàn toàn sai lạc.

Nhưng ở đây thày không muốn chỉ xoáy riêng vào các đệ tử chân sư thăng thiên tuy rằng ai cũng hy vọng họ sẽ dùng giáo lý này để tự giải thoát khỏi tư duy sa ngã và tả đạo. Các con có thể nhìn các tín đồ tôn giáo và các người tâm linh trên thế giới, trong hầu như tất cả mọi tổ chức, kể cả Phật giáo, ít ra là trong nhiều giáo phái của Phật giáo, để thấy rằng họ đi theo cùng một chiều hướng. Họ đã tạo ra một chuẩn mực, nhiều khi bất thành văn, có khi chỉ mặc nhiên, hoặc chỉ được nói ra từng phần đơn lẻ: “Bạn phải làm điều này, bạn phải làm điều kia”. Một áp lực tâm lý được tạo ra là khi bạn là một tín đồ Công giáo, Phật tử, Hồi giáo vân vân tốt, thì bạn phải sống theo chuẩn mực này. Có người tuân theo, và cũng có người không tuân theo. Những người tuân theo cảm thấy là họ đã tự nâng mình lên một địa vị cao và có quyền phán xét người khác: “Đúng là Giê-su đã nói rằng – đừng phán xét nếu con không muốn bị phán xét, nhưng điều này không áp dụng tới chúng ta. Chúng ta là linh mục, là linh mục Công giáo.”

Nhiều tín đồ Công giáo nghĩ gì về các linh mục của họ? Khi họ nói: “À, vị ấy là một người của Thiên chúa” thì họ có ý gì? Ý họ là: “Vị ấy sống đúng theo chuẩn mực do đạo Công giáo quy định, và do đó vị ấy không thể bị chỉ trích. Chúng ta là người thường không có quyền phán xét vị ấy. Chúng ta không nên phán xét vị ấy. Vị ấy là một người của Thiên chúa. Đúng là con tôi có về nhà và nói rằng vị linh mục dẫn nó đi cắm trại và sờ mó nó một cách không thích nghi. Nhưng tôi không nên phán xét vị ấy. Vị ấy là một người của Thiên chúa. Có thể là con tôi chỉ tưởng tượng vậy thôi. Có thể là nếu tôi lờ chuyện này thì nó sẽ biến đi.”

Các con có thể thấy là cái cơ chế, cái chuẩn mực đã dẫn tới thái độ phán xét của những người tự coi là họ đang sống đúng theo chuẩn mực, cũng đã dẫn tới tình trạng bạo hành rộng lớn không những chỉ trong đạo Công giáo, mà trong nhiều tôn giáo khác nữa. Cái chuẩn mực đó là gì nếu không phải là biểu hiện của tư duy cuồng đại, là bản chất của tư duy cuồng đại: “Có người tốt, có người xấu, ta đúng, họ sai, Do đó ta có quyền phán xét họ.”? Đó chính là tư duy cuồng đại, mà ai là những người bị nó ảnh hưởng nhiều nhất? Chính là đàn ông. Có đúng chăng là tất cả linh mục Công giáo đều là đàn ông? Nhiều nhà lãnh đạo các phong trào tâm linh hay tôn giáo, phong trào chính trị, quân đội, vân vân, là đàn ông.

Các con hãy nhìn vào quân đội và thấy là họ có chuẩn mực riêng của họ. Con hãy nhìn binh chủng Thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ, họ có một chuẩn mực rất khe khắt quy định thế nào là một người lính Thủy quân lục chiến, và những ai không tuân theo sẽ bị ngược đãi, bị áp lực tâm lý vĩ đại. Vậy, ai có thể giải thoát hành tinh này ra kỏi tư duy phán xét? Có lẽ không phải là đàn ông. Các con yêu dấu, vậy còn lại ai? Đương nhiên là phụ nữ là những người có cơ hội, một cơ hội xuất chúng tại thời điểm lịch sử này, để nhận ra cơ chế này, và bắt đầu giải thoát chính mình và các con mình, và sau đó là chồng mình và xã hội chung quanh của mình.

Thày biết rất rõ là nhiều phụ nữ đã được giáo dục là họ phải tự phán xét mình dựa theo chuẩn mực. Mẹ họ, cha họ đã phán xét họ như vậy. Bây giờ thì họ đã trưởng thành và lập gia đình thì người chồng của họ cũng phần nào phán xét họ. Ta có thể hiểu vì sao một số phụ nữ không chịu được sự căng thẳng này và đối chọi lại chồng họ. Họ muốn tự giải thoát khỏi tình trạng này, và người muốn tự giải thoát có khi phải qua một giai đoạn xa lánh người đang hành hạ mình. Họ cần nhìn nhận là người kia đang hành hạ mình, và như vậy khiến họ khó có liên hệ với người đó. Nhưng nếu phụ nữ có thể dùng bất cứ phương tiện tâm lý nào mà họ tìm ra để tự giải thoát khỏi chuẩn mực, thái độ, tư duy phán xét, thì bước tới của họ là giúp những người đàn ông trong đời họ cùng làm như vậy.

Các con có thể quan sát nhiều xã hội trong đó đàn ông có thái độ rất phán xét đối với phụ nữ, trong đó có tất cả các xã hội dân chủ tân tiến, tuy họ không phán xét nhiều bằng một số thành phần khác, tỷ dụ như đàn ông Hồi giáo. Con có thể nghĩ rằng đàn ông là những người đang có thái độ phán xét. Nhưng nếu con nhìn kỹ thì con sẽ thấy là cả đàn ông lẫn đàn bà đều bị dính vào đó. Như các thày đã nói nhiều lần, con không thể làm gì cho người khác mà không làm cho chính mình trước. Nếu con phán xét phụ nữ, thì có thể con đang hướng tâm phán xét về phụ nữ, nhưng con đã tự phán xét mình trước rồi. Con đã tự nhốt mình vào một cái hộp trong đó con không có chỗ xoay xở. Do đó, nếu một phụ nữ đã tự giải thoát được khỏi con quái thể cầu toàn, thì bước tới họ sẽ giúp giải thoát chồng mình. Họ cũng có thể nhìn vào các con và nói: “Tôi chắc chắn không muốn con tôi lớn lên với cái chuẩn mực bất khả thi và thái độ phán xét này.”

Nếu người phụ nữ giải thoát được chồng mình, thì có thể người chồng đó sẽ giúp giải thoát được các đàn ông khác. Một lần nữa, con thấy là đầu mối xảy ra trong gia đình, đầu mối là một nguời đứng lên tỏ thái độ, và sau đó mọi chuyện lan dần ra. Khi có đủ cá nhân trong xã hội đứng lên tỏ thái độ ở cương vị cá nhân, là một điều thoạt trông không có gì đáng kể, nhưng tiếp theo đó sẽ có một chuyển dời, túc số đã hội đủ và đã có đủ số người để nâng tâm thức đại chúng lên. Đó là khi một chuyển dời sẽ xảy ra, là khi xã hội bắt buộc phải giải quyết vấn đề. Họ phải trực diện sự việc là tuy họ nghĩ họ sống trong một xã hội dân chủ tiến bộ đã trao bình quyền cho phụ nữ, nhưng thực sự họ chưa bắt đầu trao bình quyền cho phụ nữ.

Bởi vì, khi chúng ta còn cái chuẩn mực phán xét này thì làm sao chúng ta trao được tự do cho phụ nữ? Làm sao chúng ta giải phóng được phụ nữ? Làm sao chúng ta giải phóng được đàn ông? Làm sao chúng ta có thể là một xã hội tự do khi vẫn bị giam trong cái chuẩn mực phán xét này? Tự do và phán xét có thể sống chung được chăng? Do đó, họ có thể thấy là họ đã có những bước tiến tới một xã hội tự do, nhưng họ chưa phải là một xã hội tự do thực sự. Bởi vì, tuy họ đã cho quyền tự do pháp lý, chính trị, kinh tế cho người dân, nhưng họ chưa cho người dân quyền tự do tâm lý. Ta chỉ cần vào các bệnh viện tâm thần và các khóa phục hồi để thấy rằng con người không thể hưởng được quyền tự do chính trị và kinh tế nếu không có tự do tâm lý. Mục đích của thày là gì khi thày truyền pháp cách đây 2,500 năm? Thày muốn cho con người tự do tâm lý. Thày Giê-su muốn gì khi thày bước đi trên những con đường bụi bặm ở Palestine 2,000 trước đây? Thày muốn đem lại tự do tâm lý cho con người. Tất cả các vị thày tâm linh chân chính muốn làm gì? Các chân sư thăng thiên muốn làm gì hiện nay? Đương nhiên là đem lại tự do tâm lý. Các thày muốn trao quyền này cho tất cả mọi người, nhưng các thày nhận ra là chưa thể làm được điều này, ít nhất là ở thời điểm này. Các thày có thể cố gắng ban cho những ai đã mở tâm đón nhận, chịu tu tập để đạt được nó, chịu theo một con đường tuần tự dẫn đến giải thoát, giải thoát bốn thể phàm, giải thoát ba thể cao khỏi các mưu mô của sa nhân chỉ có một mục đích là tước đoạt quyền tự do tinh thần của con người. Con có thể nghĩ việc tước đọat quyền tự do chính trị trong một thể chế độc tài nhằm một mục đích vất chất. Không phải vậy đâu. Đằng sau các việc này là sa nhân, và sa nhân chỉ có một mục đích, đó là tước đoạt quyền tư do tâm lý của nhân loại trên Trái đất.

Tất cả mọi việc khác, tất cả mọi chuyện con thấy bên vỏ ngoài chỉ là phương tiện đưa tới cứu cánh này. Chỉ là phương tiện để đạt cứu cánh tước đoạt tự do tâm lý của nhân loại. Rất nhiều người trong các xã hội dân chủ tân tiến đã sẵn sàng nhận ra điều này. Họ đã sẵn sàng nhận ra là có một con đường dẫn tới tự do tâm lý. Và họ đầu thai để khám phá và theo con đường này, và qua đó nâng tâm thức đại chúng lên để kéo xã hội ra khỏi mưu mô tước đọat tự do tâm lý của con người. Các con đã khám phá ra con đường, đã theo con đường và cất tiếng kêu gọi. Các con có thể tạo một xung lực sẽ lan tỏa ra, giải thoát vòng đầu tiên, và vòng sau đó, và vòng sau đó, và vòng sau đó. Con chưa kịp nhận ra thì đã đủ túc số, một chuyển dời xảy ra, và sau đó túc số khác lại hội đủ, một chuyển dời khác lại xảy ra, và cứ như vậy sẽ tiếp tục tăng trưởng giúp xã hội thể hiện các sắc thái càng ngày càng cao của thời Hoàng kim của Saint Germain.

Đúng như các thày đã nói, các con hãy nhìn lại lịch sử, nhận ra các khuynh hướng, tiến trình nâng cao nhận thức. Các con đã thấy gì nơi các nền dân chủ tân tiến? Một khuynh hướng tiến tới tự do, nhưng cũng bắt đầu có bước tiến tới tự do tâm thần, tự do tâm lý. Bây giờ con hãy quay mặt nhìn về tương lai, khuynh hướng này sẽ đi về đâu? Phải chăng là các nền dân chủ tân tiến này sẽ dần dần cho nhiều quyền tự do tâm lý hơn cho người dân xứ họ? Người dân sẽ giành quyền tự do tâm lý, sẽ đòi hỏi quyền này, họ sẽ nâng các người khác lên, và xã hội sẽ phải tới điểm nhìn nhận mục đích cao nhất của một nước dân chủ tự do là tạo ra điều kiện tốt nhất để mỗi người dân giành tự do tâm lý ở mức cá nhân. Điều này tất nhiên sẽ xảy ra. Đây không phải là một lời tiên đoán. Điều này đã được viết trong lịch sử nhân loại, vạch rõ khuynh hướng tương lai.

Mọi phát triển tích cực mà các con thấy trong lịch sử đều đẩy xã hội tới điểm nhìn nhận quyền tự do tâm lý là mục đích tối hậu. Tất cả mọi việc đều chỉ tới hướng đó. Khi các con thấy nó, khi nó hiện ra rõ ràng, thì các con là đệ tử trực tiếp của các thày, các con có thể chuyển dời tâm thức và thấy nó chăng? Các con có thấy tính tất nhiên của nó chăng? Do đó, các con hãy vững tin, hãy can đảm, hãy được khích lệ và nhận ra là mình đang ở hàng đầu của làn sóng. Nếu dùng một lối nói cũ, thì có thể nói đó là làn sóng lịch sử tất yếu. Thật ra thì đây không phải là một tất yếu lịch sử, vì nó xảy ra khi có rất nhiều người đứng lên đáp ứng lực kéo lên của cả vũ trụ. Do đó, đây không phải là một tất yếu lịch sử, mà là một tất yếu do chọn lựa, nhưng quả thật nó là một điều tất yếu. Câu hỏi không phải là “sẽ có xảy ra không” mà là “khi nào sẽ xảy ra”.

Vậy thì các con có thể nào vượt thăng các nghi ngờ, sợ hãi, băn khoăn: “Xã hội đi về đâu? Ta làm việc này có kết quả gì? Sẽ có thời Hoàng kim không?” Các câu hỏi này sẽ mờ nhạt đi khi các con nhìn lại lịch sử, nhận ra các khuynh hướng, phóng các khuynh hướng này tới tương lai, thì các con sẽ thấy là 100 năm, 200 năm nữa sẽ có những phát triển vĩ đại, một chuyển dời vĩ đại của tâm thức đại chúng. Những gì các con đã nhận ra bây giờ, đa số con người, ít nhất là trong các nước phát triển, sẽ nhận ra lúc đó. Điều đó sẽ trở nên đương nhiên với họ, như nó đã là đương nhiên cho con. Không có gì thần bí về các con cả. Các con chỉ trưởng thành hơn, phát triển hơn người trung bình trong xã hội các con một chút.

Đó là lý do vì sao con thấy được một số điều mà họ chưa thấy. Nhưng khi con nâng họ lên, khi họ tự phát triển, họ sẽ thấy những điều mà con đã thấy bây giờ. Vì sao con lại thấy được các điều này? Con có khả năng đặc biệt gì chăng? Không đâu. Con đã đả thông được một số bế tắc trong tâm thức của mình khiến cho điều đó trở nên hiển nhiên. Khi người khác cũng làm như vậy, thì điều này cũng sẽ trở nên hiển nhiên với họ. Không có gì thần bí cả. Khi con ở trong một phòng tối, thì tại sao nó lại tối? Phòng tối vì các cửa sổ bị lấp kín bởi một lớp bụi dày đặc. Khi con đục một lỗ thủng trong lớp bụi này đi thì chuyện gì xảy ra? Ánh sáng sẽ vào căn phòng, và khi có một tia ánh sáng lọt vào căn phòng, thì con nhận ra rằng bên ngoài căn phòng có ánh sáng. Vì nếu không thì làm sao lại có tia sáng lọt vào căn phòng?  Do đó, nếu ta đục thủng một lỗ lớn hơn, thì phải chăng ta sẽ có thêm ánh sáng rọi vào? Và nếu ta rửa sạch cả cửa sổ, phải chăng là ta sẽ có toàn thể ánh sáng tràn vào? Không có gì thần bí cả. Không ai có khả năng gì đặc biệt cà, một người làm được thì mọi người đều làm được. Do đó, con nên nhớ rằng khi con đi con đường của mình, người khác sẽ được nâng lên để làm giống như vậy, và việc đó sẽ lan dần ra, lan dần ra, lan dần ra và thời Hoàng kim sẽ là thực tại thể hiện, có thể không trong kiếp sống này của con, nhưng nó sẽ thành sự thực.

Vậy con có thể nào không được khích lệ chăng? Con hãy buông bỏ mọi sợ hãi, nghi ngờ, băn khoăn, và nhận ra rằng con thuộc một trào lưu đi lên của hành tinh này. Con thuộc về đại đòan chân sư thăng thiên và trào lưu mà các thày đã tạo ra trên Trái đất. Con là phần nối dài của các thày. Các thày biết là sống kiếp đầu thai ở một hành tinh dày đặc như thế này rất khó khăn. Nhưng con có thể nào giữ chặt theo viễn quan của các thày khi các thày nhìn về lịch sử một cách rất thực tế, phóng chiếu tới tương lai, và qua đó, thấy một cách rất rất rất rõ ràng là thời Hoàng kim sẽ tất nhiên xảy ra trên hành tinh này? Sa nhân sẽ không cản được điều này, nhân loại sẽ không cản được điều này. Những ai cản trở nó, những ai chưa thấy nó, họ sẽ không cản được nó vì túc số những người đã chuyển dời đã được hội đủ. Không phải chỉ có các con là những đệ tử trực tiếp của chân sư thăng thiên mà còn nhiều người khác đã chuyển dời tâm thức, và do đó sẽ không có gì ngăn trở thời Hoàng kim được.

Trong hội nghị vừa qua và hội nghị này, các thày đã trao truyền nhiều giáo pháp rất dũng mãnh, rất thâm sâu, cùng dụng cụ để giúp phụ nữ tự giải thoát và làm động lực thay đổi, một thay đổi cần xảy ra bây giờ trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt nơi các nền dân chủ tân tiến. Đúng thật là các dụng cụ đã có mặt, giáo pháp đã có mặt. Bất cứ ai dùng các dụng cụ này một cách chân thành sẽ đạt được kết quả, không những cho chính mình, mà họ còn ảnh hưởng xã hội bằng cách giải phóng người khác. Đó là mục đích của các thày. Các thày mong được thấy những gì sẽ xảy ra trên lãnh vực giải phóng phụ nữ trong 10 năm sắp tới. Các thày cảm ơn các con đã tham dự các hội nghị này, đã làm đầu mũi giáo chọc thủng màn ngăn trở của tâm thức đại chúng không muốn thấy giải phóng tâm linh thực sự nơi phụ nữ.

Bây giờ thày niêm các con. Thày niêm hội nghị này trong ánh sáng đức Phật mà TA LÀ. Ánh sáng không thể nói tới, không thể mô tả nhưng toàn thắng, không thể ngăn chặn. Có lẽ chính vì nó không thể mô tả mà không có gì ngăn chặn được nó, vì nó không phân biệt. Nó không phải là một vật và không thể hiểu bằng lý trí đường thẳng, cũng như thày không thể hiểu được bằng lý trí đường thẳng, và pháp của thày cũng không thể hiểu trọn vẹn được bằng lý trí đường thẳng. Lý trí đường thẳng có thể tạo ra một hình tư tưởng của giáo lý Phật. Nhưng hình tư tưởng sẽ không bao giờ giúp con tiếp cận được Phật, và chỉ khi con tiếp cận được Phật thì con mới hiểu được giáo pháp của Phật.

Ta là Phật, ta là Chủ tể Thế gian của Trái dất. Bất cứ ai trên Trái đất đều có thể tiếp cận ta nếu họ chấp nhận vượt thăng không những giáo lý Phật giáo vỏ ngoài, và tất cả giáo lý vỏ ngoài, tất cả chuẩn mực vỏ ngoài. Vì ta không bị giới hạn bởi bất cứ gì trên Trái đất. Do đó, nếu con muốn tiếp cận ta, con cũng không được giới hạn chính mình. Tất cả các con đều có tiềm năng đó, các con có giáo lý, các con có dụng cụ. Các con có gương của sứ giả này, đã tiếp cận ta nhiều lần, và hiện đang tiếp cận ta ngay lúc này vì ông đang cảm thấy Hiện diện không thể mô tả của Phật, Hiện diện quả cầu của Phật. Một số trong các con đang cảm được nó. Tất cả các con đều sẽ cảm được nó. Ta không ngăn các con tiếp cận ta. Tại sao các con lại tự ngăn không cho mình tiếp cận ta?

Đã đến lúc bước lên một nhận biết cao hơn về chức năng làm mẹ

Bài giảng của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/8/2020 trong Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng trong hành động qua sự hòa nhập bảy tia sáng.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary và ta đến để gửi cho con một số ý nghĩ về chức năng làm mẹ.

Các chân sư từng nói nhiều lần là mỗi thay đổi trên địa cầu khởi sự ở cõi ether nơi tầng bản sắc. Thay đổi xảy ra ở đó trước tiên, rồi từ đó chuyển xuống cõi lý trí, rồi cõi cảm xúc, và sau khi đi qua cõi cảm xúc, cuối cùng nó đi xuống cõi vật lý. Ta muốn chia sẻ với con một vài cảm nghĩ về những gì các chân sư đã làm trong một thời gian rất dài để đem lại một số ý tưởng và hiểu biết xuyên qua ba cõi cao hầu những ý tưởng này có thể sẵn sàng đi xuống cõi vật lý. Qua đó ta muốn nói là đa số phụ nữ sẽ nhận ra những ý tưởng này. Hiển nhiên nhiều phụ nữ đã nhận ra rồi, và nhiều phụ nữ với thiên hướng tâm linh hay mức nhận biết cao hơn cũng đã nhận ra. Nhưng chúng ta đang ở một điểm khi trong thập niên tới, những ý tưởng này sẽ được quần chúng rộng lớn nhìn nhận, có lẽ chưa là đa số, nhưng chắc chắn một túc số đủ để kích hoạt những thay đổi.  

Chúng ta hãy nhìn vào hoàn cảnh của một phụ nữ trên địa cầu đang có mang. Dù đây là lần đầu hay một lần sau, con đang mang thai một đứa bé. Con sắp trở thành mẹ, và tất nhiên con mang niềm hy vọng và mường tượng con mình sẽ lớn lên, trưởng thành và sống một cuộc đời dài lâu. Là mẹ, con muốn thấy gì nơi con mình? Nhìn chung quanh hành tinh, con thấy người mẹ trong nhiều hoàn cảnh đời sống khác nhau. Họ sống trong nhiều nền văn hóa, có những góc nhìn và tin tưởng khác nhau về cuộc sống. Họ mong muốn những điều khác nhau cho con mình tùy theo hoàn cảnh họ đã lớn lên và họ chờ đợi con mình cũng sẽ lớn lên ở đó. Nhưng hãy chưa đi vào chi tiết vội, hảy nhìn chung chung trước cái đã.       

Một người mẹ muốn gì cho con mình? Điều căn bản là muốn con mình có một cuộc sống tốt đẹp. Mỗi người ở trong hoàn cảnh khác nhau có thể định nghĩa “tốt đẹp” không giống nhau, nhưng dù sao thì mọi người mẹ đều muốn con mình có cuộc sống tốt đẹp. Có nghĩa là họ không muốn một số điều xảy ra cho chúng. Họ không muốn chúng chết sớm. Họ không muốn chúng nghiện ma túy, không muốn chúng trở thành tội phạm, không muốn chúng bị gọi đi nghĩa vụ quân sự và bỏ mạng hay bị tàn phế nơi chiến trường. Họ không muốn chúng mắc phải những chứng bệnh nan y chết người, không muốn chúng bị tàn tật hay tổn thương tâm lý đến độ không thể sống hữu ích, không thể học hành, đi làm hay lập gia đình. Chắc chắn có nhiều điều mà một người mẹ không muốn cho con mình.  

Bây giờ hãy nhìn vào tâm trạng của một người sắp làm mẹ. Khi cô ấy nhìn về tương lai và dự kiến điều gì có thể xảy ra – hay không xảy ra – cho con mình, làm thế nào cô ấy xử lý được đây? Như thày Portia có nói, con có thể nhìn lại lịch sử khắp thế giới, có những hoàn cảnh nơi phụ nữ phải sống vô cùng bấp bênh, có thể một đời nghèo khó, hay sống trong vùng xung đột. Cho nên nói chung có nguy cơ con mình phải đối diện với bạo lực và rủi ro. Thời nay ở những nước tương đối trù phú thanh bình, có những phụ nữ có thể mong đợi con mình có cuộc sống khá tốt. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, người mẹ không thể biết được liệu con mình sẽ bị bệnh tật, bị những vấn đề tâm lý ngăn cản chúng được hưởng một cuộc sống bình thường, hữu ích, hoặc bất kỳ những vấn đề nào khác có thể xảy ra. Khi con nhìn dưới mắt người mẹ, con có thể tự hỏi: “Điều gì sẽ định đoạt cuộc sống của con tôi, điều gì sẽ định đoạt đời nó sẽ có đóng góp xây dựng hay là sẽ trắc trở, đau buồn, sầu thảm, hung bạo? Điều gì sẽ quyết định cuộc đời con tôi? Tôi muốn đời nó tốt đẹp nhưng điều gì sẽ định đoạt những nét chính trong đời nó?”                 

Ở điểm này, nhiều người mẹ sẽ nhìn ra một cách ý thức một điều mà họ vốn đã biết nhưng thường chưa nhìn nhận. Khi họ ngẫm nghĩ về tương lai con mình, họ cảm thấy phần nào bất lực không làm gì được. Họ cảm thấy mình rất ít quyền hạn để định đoạt cuộc đời con mình sẽ hữu ích hay không. Hiển nhiên nhiều người mẹ không dám nghĩ đến tương lai con mình chính vì cảm hấy mình không có khả năng làm được gì, và họ tránh không nghĩ tới. Nhưng nếu con suy nghĩ, phụ nữ trong những hoàn cảnh khác nhau trên thế giới có những tin tưởng gì về các yếu tố sẽ ảnh hưởng tương lai con mình? Phải chăng là định mệnh? Là số mạng? Là sự may mắn? Là những chuyện ngẫu nhiên hên xui may rủi? Là ý muốn của Thượng đế như một số phụ nữ tin như vậy, dù đó là Thượng đế này hay Thượng đế kia? Đó có phải là nghiệp chướng như một số phụ nữ, rất nhiều phụ nữ đặc biệt là tại phương Đông, tin như vậy? Điều gì sẽ định đoạt vận mạng, cuộc sống của nó? Nếu thật là tất cả những điều ở trên, cho dù đó là ý muốn của Thượng đế hay nghiệp quả hay sự may rủi, thì với tư cách người mẹ con quả là không thể làm được gì. Nếu con tin rằng ý muốn Thượng đế sẽ ảnh hưởng đến con mình, con có thể cầu nguyện và tin tưởng lời cầu của con sẽ thay đổi ý định của ngài đối với nó, nhưng ngoài chuyện đó ra thì phụ nữ cảm thấy bất lực ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên trên bình diện rộng lớn của tâm ý thức loài người trong cõi vật lý, hiện đang có một sự khai ngộ sắp sửa đột phá, rằng cảm giác bất lực này nơi người mẹ là một ảo tưởng. Nó phát xuất từ một số tin tưởng sai lạc được truyền bá trong tâm thức tập thể. Thậm chí nó phát xuất từ một số tin tưởng đã được cố tình cài đặt vào phụ nữ trong một số bối cảnh văn hóa khác nhau. Cho nên trong thập niên sắp tới, nhiều phụ nữ sẽ có khả năng nhận ra là trong vai trò người mẹ, quả thực là có những điều mà họ có thể làm được để định đoạt cuộc sống mà họ mong muốn cho con mình. Chắc chắn nhiều người sẽ hỏi ngay: “Tôi có thể làm gì được trong cõi vật lý?” Và tại một số nước nghèo hay đang lâm vào cảnh chinh chiến, nhiều phụ nhữ sẽ cảm thấy mình chẳng làm được gì nhiều trên phương diện vật lý bởi vì tương lai thật quá bất định. Tại các nước trù phú hơn, một số phụ nữ sẽ cảm thấy là họ đã làm đủ tất cả những gì họ có thể làm rồi. Họ có cuộc sống vật chất tốt đẹp, bảo đảm, họ sẽ cho con đi học những trường tốt nhất, họ sẽ giúp cho con học hành đến nơi đến chốn rồi có công ăn việc làm trên mức trung bình. Và họ cảm thấy như thế là đủ. Con họ sẽ có một tương lai tương đối bảo đảm, sung túc.  

Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, nếu con nghĩ xa hơn, làm sao chắc chắn đứa con ra đường không bị xe đụng? Không thể biết được, phải không? Cho nên điều con cần nhận ra là cho dù con cảm thấy bất an hay vững tin về tương lai, vẫn có những điều mà con có thể làm để bảo đảm nhiều hơn cho cuộc sống con mình. Có những việc mà con có thể làm để cải thiện cuộc sống của nó bất kể những điều kiện nơi xứ con, bất kể số mạng hay may mắn hay rủi ro hay bất cứ con gọi là gì. Yếu tố này bảo đảm sẽ cải thiện cuộc sống đứa con của con. Vậy yếu tố sẽ cho con quyền năng cải thiện cuộc sống đó là gì?   

Đúng vậy, như chúng tôi đã có nói, đó là sự thừa nhận rằng con người là những sinh thể tâm lý. Hẳn nhiên, đứa con của con sẽ lớn lên trong một số hoản cảnh vỏ ngoài. Sẽ có một số điều kiện vỏ ngoài ảnh hưởng đời sống của nó, và những điều kiện này có thể con sẽ không thay đổi được. Nhưng khi con nhìn cuộc đời một cách thực tế – có thể chính đời con hay đời người khác – con sẽ thấy hai đứa trẻ có thể lớn lên trong những hoàn cảnh rất tương tự, thế nhưng một đứa sống hữu ích còn đứa kia thì không. Con thấy nhiều đứa trẻ lớn lên tại các nước giàu có với đầy đủ mọi thứ, với cả cái thìa bằng bạc ngậm trong miệng như câu thành ngữ quen thuộc vẫn nói. Thế nhưng một số đứa không có khả năng có một cuộc đời xây dựng, hữu dụng. Tại sao như vậy? Tại vì tâm lý của chúng mà thôi. Đâu là sự khác biệt giữa một đứa trẻ lớn lên và trở thành hữu ích với một đứa không làm được vậy? Tất cả là trong tâm lý, trong cách nó tiếp cận cuộc sống, thái độ của nó với cuộc sống, cách nó nhìn cuộc sống, cách nó nhìn chính nó. Đó hoàn toàn là vấn đề nó đã đi vào hiện thân trong những điều kiện tâm lý như thế nào.          

Và đây là điểm mà nhiều phụ nữ nay đã sẵn sàng nhìn nhận. Tại nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã được dạy dỗ, đã được lập trình để tin rằng mình không có khả năng làm gì nhiều để ảnh hưởng tâm lý của mình lẫn tâm lý con mình – đứa trẻ sinh ra đã mang sẵn một tâm lý nào đó rồi và con không làm gì được nhiều. Nhưng đó là lời dối gạt, đó là ảo tưởng mà nhiều phụ nữ nay đã sẵn sàng nhìn thấu. Sự nhìn nhận này có thể khởi sự trên bình diện rộng lớn tại các nước giàu có, nhưng ngay cả tại những nước nghèo hơn, nhiều phụ nữ hiện đang đầu thai đã sẵn sàng chuyển dời tâm thức và nhận ra rằng tâm lý có tầm ảnh hưởng trên mọi lãnh vực cuộc sống. Sự chuyển vọt tâm thức mà phụ nữ có thể làm được là nhìn nhận rằng: “Tâm lý con tôi không hề được tạc vào đá. Con tôi sinh ra với một tâm lý nào đó, nhưng có những điều tôi có thể làm để giúp nó phát triển tâm lý hầu nó có cái nhìn xây dựng hơn về cuộc sống.”

Khi suy ngẫm điều này, thật là không khó khăn gì cho các bà mẹ thấy được rằng những ai có thái độ và cách nhìn xây dựng tich cực về cuộc sống thường có một cuộc đời tốt đẹp hơn thật, ngay cả trên phương diện vật lý. Nhưng đặc biệt họ có một cuộc đời tốt đẹp hơn trên phương diện tâm lý, trong hạnh phúc tâm lý. Có bà mẹ nào mà không muốn con mình hạnh phúc tâm lý? Có bà mẹ nào không muốn con mình hạnh phúc, bình an, bằng lòng với cuộc sống? Sự thật là một số bà mẹ không dám muốn điều này vì chính họ đã lớn lên với những vết thương tâm lý sâu đậm đến độ họ không thể mang ước vọng đó cho con mình. Nhưng đại đa số bà mẹ đều mong muốn con mình sống hữu ích, hạnh phúc. Cho nên không phải là điều quá xa vời – mà ngược lại rất gần kề – khi rất nhiều bà mẹ, một túc số đủ các bà mẹ nơi các nước giàu có, thực hiện một cuộc đột phá, chuyển vọt tâm thức và nhận ra rằng: “Có một điều mà tôi có thể làm cho con tôi sẽ tác động lên từng khía cạnh cuộc sống của nó, đó là giúp cho nó chữa lành và phát triển tâm lý của nó.”  

Và điều này có nghĩa là phụ nữ có thể cởi mở hơn để tìm kiếm những phương cách giúp đỡ tâm lý con mình. Ta cũng biết có một số phụ nữ, đặc biệt tại các nước giàu có hơn, đặc biệt những người bận rộn nghề nghiệp, bận rộn công việc và quen trả tiền cho đủ loại dịch vụ để mình khỏi phải bận tâm, sẽ nói: “Ô, có nghĩa chăng là tôi sẽ đưa con tôi đi chữa bác sĩ tâm lý và bác sĩ đó sẽ lo cho nó?” Nhưng sẽ có rất nhiều phụ nữ khác sẽ nắm lấy trách nhiệm và nói: “Nếu tôi muốn con tôi cải sửa tâm lý, ai sẽ là người làm chuyện đó? Có phải là cha nó? Chắc là không rồi. Liệu tôi sẽ có đủ tiền đưa nó đi chữa trị tâm lý và liệu một nhà tâm lý học sẽ thực sự giúp được nó không? Cũng chắc là không luôn.” Ngón tay con sẽ chỉ tiếp vào ai đây? Ngón tay sẽ chỉ vào ai và bảo: “Đây là người sẽ giúp được con tôi”? Đúng vậy, tất nhiên, ngón tay sẽ chỉ vào chính con. Và một câu hỏi hợp lý sẽ nảy ra ở điểm này: “Nếu tôi muốn giúp tâm lý con tôi, tôi sẽ làm thế nào đây? À ra vậy, tôi phải giúp chính tâm lý của tôi trước tiên cái đã, bởi vì nếu tôi đang mang những thương tích tâm lý thì thứ nhất tôi sẽ không có khả năng giúp con tôi, và thứ nhì, rất có thể tôi sẽ truyền những vấn đề tâm lý của tôi cho nó.”        

Nếu con nhìn vào lịch sử hay ngay cả gia đình của con, mẹ của con, cha của con, con thấy được bao nhiêu trường hợp cha mẹ truyền lại tâm lý tổn thương cho con cái, hay ít nhất cũng tác động sâu xa tâm lý con mình. Vậy thì điều hợp lý để giúp con cái, hay thậm chí để tránh làm hại nó, cách hay nhất có phải chăng là con cần tìm cách giải quyết tâm lý của chính con? Nhưng khoan đã. Đứa con của con có phải là người duy nhất sẽ được hưởng lợi từ việc con giải quyết tâm lý của con? Không, tất nhiên con cũng sẽ hưởng lợi, vì khi con giải quyết tâm lý, con sẽ thỏa nguyện hơn với cuộc sống, và ta trong vai trò Mẹ Thiêng liêng cho địa cầu, ta rất mong muốn điều này cho mọi người mẹ. Hơn thế nữa kìa, ta mong muốn cho tất cả mọi người. Cần có sự tỉnh ngộ là mặc dù các yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng cuộc sống, yếu tố chủ yếu vẫn là tâm lý của mình. Và sự tỉnh ngộ tiếp ngay sau là tâm lý con người không hề được tạc vào đá. Và sự tỉnh ngộ kế tiếp, mỗi con người ngoại trừ một số rất ít bị tổn thương vô cùng trầm trọng, đều có chọn lựa nắm lấy quyền cai quản tâm lý của mình, có những biện pháp chữa lành vết thương và giải quyết những bế tắc đủ loại đang ngăn cản mình có một cuộc sống tâm lý lành mạnh.        

Và điều này có thể dẫn tới một sự tỉnh ngộ nữa, nằm trong cái mà chúng tôi gọi là tính nhân bản căn bản và cốt yếu. Tính nhân bản cốt yếu giúp con nhận ra rằng nhiều người có cuộc sống rất khó khăn do tâm lý của họ, rằng con có khả năng thay đổi tâm lý và con có thể hành động ý thức để thay đổi tâm lý. Đây là tiềm năng mà nhiều người sẵn sàng nhìn nhận như là một nhu cầu tự hiện thực (self-actualisation). Đây cũng là một điều mà đa số các nền dân chủ hiện đại cần nhìn nhận là bước tiến bộ cần thiết sắp tới, là vượt xa hơn phúc lợi vật chất để đem lại phúc lợi tâm lý.

Nhưng còn thêm một điều tỉnh ngộ nữa, dựa trên sự lượng định về nhân loại. Quốc gia nào, xã hội nào hiện có sức khỏe thể chất cao nhất? Các con đều biết rõ. Người ta đã đặt ra một chỉ số để đo đạc chuyện này. Người dân nước nào khỏe mạnh nhất? Nước nào có hệ thống chăm sóc sức khỏe, hay cả một cách tiếp cận sức khỏe phát triển cao nhất và do đó chăm sóc người dân tốt nhất? Rồi con có thể hỏi khác đi một chút: “Chỉ nhìn vào sức khỏe thể xác liệu có đủ hay chăng?” Hiển nhiên là không rồi. Phải cần xét cả sức khỏe tâm lý nữa chứ. Các nước đang làm gì trong lãnh vực này? Liệu các nước đã nhìn ra đây là một vấn đề vĩ đại? Liệu họ đã tìm hiểu và thực sự nhìn nhận tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý? Mọi nước cho tới giờ đều đã nhìn nhận sức khỏe thể xác là quan trọng để có cuộc sống tốt đẹp, hữu ích. Nhưng gần như chưa có quốc gia nào công nhận trọn vẹn rằng sức khỏe tâm lý con quan trọng hơn gấp bội. Và đây là một sự thay đổi có thể xảy ra nếu giới phụ nữ lên tiếng đòi hỏi do quan tâm cho con em của mình. Phụ nữ sẽ nói: “Chúng ta phải thay đổi. Chỉ lo điều kiện vật lý cho con cái thật là không đủ nữa. Quan trọng hơn hẳn là phải lo những điều kiện tâm lý.” Ở một mức nào đó, tiến trình này đã bắt đầu xảy ra tại một vài nước, nhưng vẫn chưa có sự chuyển vọt cần thiết hầu trở thành một ưu tiên hàng đầu của xã hội.

Vậy cái gì có thể thúc đẩy thay đổi này? Phải, lực thúc đẩy chính là cá nhân mỗi người phụ nữ chuyển vọt tâm thức mình và nói: “Đâu là những dụng cụ tâm lý hiện có để tôi áp dụng trước tiên trên bản thân tôi và sau đó áp dụng trên con tôi?” Nhìn vào tình hình ngay cả tại các nước dân chủ tiên tiến nhất, hầu hết phụ nữ sẽ nhanh chóng đi đến kết luận là hiện không có nhiều phương tiện để họ sử dụng. Chắc chắn đã có một số it được tìm thấy trong sách và khoá huấn luyện và này kia nọ, nhưng thật là không nhiều, và chắc chắn là ít hơn nhu cầu. Và điều này có thể dẫn đến một sự tỉnh thức, ngay cả một đòi hỏi: “Chúng tôi muốn những phương tiện tâm lý tốt hơn. Chúng tôi muốn hiểu biết cao hơn về tâm lý so với những gì chúng tôi đã nhận được từ ngành tâm lý truyền thống và ngành tâm lý trị liệu truyền thống.”

Nhìn vào vấn đề này một cách thực tế ngay cả tại những nước giàu có nhất, liệu phụ nữ sẽ có đủ phương tiện tài chánh để bỏ ra nhiều năm đi khám bác sĩ tâm lý mỗi tuần, trả khoản phí rất cao cho một tiếng đồng hồ trị liệu với kết quả giới hạn? Người mẹ nào có khả năng chi trả cho con mình đi trị liệu như vậy? Vậy có thực tế lắm không nếu phụ nữ phải đi theo con đường trị liệu truyền thống hầu giúp con mình có cuộc sống tâm lý tốt đẹp? Thưa không. Vậy thì giải pháp thực tế duy nhất là gì? Đó là tìm ra một số cách tiếp cận tâm lý mới mà mỗi cá nhân có thể tự áp dụng lấy. Con không cần sự giúp đỡ của một nhà trị liệu đã học năm năm đại học, đã tìm hiểu tâm lý học mà nhiều khi vẫn chưa giải quyết được tâm lý chính mình.

Điều con cần là một người có kinh nghiệm thực tiễn, một sự chín chắn sành sỏi, có khả năng nói với con: “Tôi đã tự cải sửa bản thân tôi. Tôi đã nỗ lực hiện thực bản thân, đã chữa lành tâm lý, đã phát triển khả năng lẫn tiềm năng cá nhân suốt nhiều năm. Tôi đã tìm ra những dụng cụ này, những giáo lý này. Những phương tiện này đã giúp được tôi, tôi nghĩ nó cũng sẽ giúp được bạn.” Và cả một phong trào mới có thể khơi dậy khi ngày càng nhiều phụ nữ tìm học một phương thức thực tiễn để trị liệu và phát triển tâm lý mà họ có thể áp dụng trước hết trên bản thân xong trên con cái mình, một phương thức thiết thực, rẻ tiền và thích hợp với cuộc sống hàng ngày. Khi mức cầu đã có thì mức cung sẽ phải theo, và con sẽ thấy nguyên một công nghiệp hoàn toàn mới trồi dậy. Một phong trào hoàn toàn mới có thể lan rộng. Hiện nay ở một mức độ nào đó, đã có phong trào tự cải thiện bản thân, thiền tỉnh thức và một số phương pháp tự nhận biết, nhưng phong trào này có thể mở rộng ra các lãnh vực tâm lý, liệu pháp tâm lý, phát triển cá nhân. Tất nhiên một số phụ nhữ sẽ ưa thích một cách tiếp cận tâm linh, nhưng nhiều người khác sẽ muốn một phương thức phổ thông hơn, không liên quan đến tâm linh trực tiếp hay lộ liễu.     

Đây là một hướng phát triển rất quan trọng. Con có thể đọc cầu thỉnh, có viễn kiến về hướng phát triển đó, và con cũng có thể bắt đầu thực hiện, tạo ra nhu cầu và đáp ứng nhu cầu. Một số trong các con đã có kinh nghiệm trong các loại dịch vụ huấn luyện, tự cải tiến, hay trong ngành tâm lý truyền thống, cho nên nhiều người có khả năng tham gia bằng nhiều cách. Không những phụ nữ mà phái nam cũng có thể nhập cuộc trong các vai trò trị liệu, huấn luyện, viết lách và nhiều nữa. Đầu tiên, trọng tâm có thể là sự phát triển bản thân với tư cách là một người mẹ muốn giúp con mình phát triển thành những cá nhân hữu dụng. Dài hạn hơn, rõ ràng là nhu cầu này cần tăng trưởng tới mức trở thành một ưu tiên của xã hội và một dịch vụ bình thường của hệ thống sức khỏe thể chất, và nhiều hơn nữa. Thẳng thắn mà nói, có rất nhiều phụ nữ nay đã mở tâm ra để nhìn nhận: “Tôi không thể chờ cho xã hội làm điều này vì khi đó con tôi đã quá tuổi trưởng thành rồi. Tôi cần bắt đầu ngay bây giờ, cần làm gì đó ngay bây giờ. Cho nên tôi sẽ xông ra làm.”        

Giới phụ nữ có thể tụ họp lại, lập thành đoàn nhóm, những nhóm hỗ trợ cho nhau để giúp nhau phát triển tâm lý mình và cũng phát triển con mình. Có rất nhiều phương cách. Ở nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau, con sẽ cần thử nghiệm để tìm ra phương cách thích hợp nhất cho mỗi nơi. Ta không nói là chỉ có một cách thực hiện, hay cách thực hiện của chân sư là cách hay nhất. Sáng kiến cần nẩy ra từ khắp toàn cầu. Một số ý tưởng hiện đã có mặt rồi nhưng cần được góp lại thành những phương pháp, những pháp trị liệu, những cách tiếp cận thiết thực. Đây là một sự phát triển vô cùng quan trọng. Chắc chắn nó sẽ khởi đầu tại các nước giàu có vì ở đó người ta có nhiều thời gian rảnh rỗi và được tự do quan tâm. Người ta có tiền bạc và tài nguyên, cho nên nó có thể lan rộng như những vòng nước trên mặt hồ.

Trên dài hạn sẽ phát triển tới đâu? Như chúng tôi đã có đề cập, nó sẽ phát triển tới mức khi con bắt đầu nhận ra các nhu cầu tự hiện thực của mình, và con mở tâm ra với nhiều hình thức tư tưởng tâm linh. Đến một lúc, để tự hiện thực một cách trọn vẹn, con sẽ cần nhận ra là con không phải là một sinh thể vật lý, một sinh thể vật chất. Vì nếu không, con sẽ không thể có tiềm năng tự hiện thực. Một con bò hay một con khỉ không thể nào tự hiện thực mà chỉ một con người mới có thể tự hiện thực. Và điều này sẽ mở rộng cửa cho rất nhiều phụ nữ bước vào cái nhìn tâm linh. Một số phụ nữ đã sẵn cởi mở như vậy rồi, nhưng trong thập niên tới đây, rất, rất nhiều phụ nữ hơn nữa sẽ mở ra với nhiều cách tiếp cận tâm linh mới. Một lần nữa, sẽ không chỉ có một phương cách chiếm ưu thế mà sẽ có nhiều nguồn tư tưởng phổ quát mà giới phụ nữ sẵn lòng xem đến.

Đầu tiên là ý tưởng về luân hồi. Chúng tôi đã có đề cập điểm này rồi. Ý tưởng này vô cùng quan trọng hầu giải đáp một số câu hỏi mà các bà mẹ đặt ra. Chẳng hạn như ta đã nói, khi con suy tính tương lai của con cái, con biết chúng luôn luôn có rủi ro gặp tai nạn hay gặp khó khăn khả dĩ đưa đời chúng vào một đường rày tiêu cực, thậm chí đẩy chúng kết liễu cuộc đời. Nếu con hiểu rằng chúng đã từng sống và tạo ra nghiệp quả trong nhiều kiếp sống, thì đó chính là nguyên nhân kết lại thành những sự kiện tiêu cực hôm nay. Con có thể tự hỏi: ”Vậy thì tôi có thể làm gì với nghiệp chướng của con tôi từ tiền kiếp?” Theo nhiều truyền thống tâm linh, dĩ nhiên con có thể làm nhiều điều để hoán chuyển nghiệp này trước khi nó thị hiện trong cõi vật lý. Học trò của các chân sư thăng thiên trong nhiều đợt truyền pháp đã làm như vậy từ nhiều năm qua, như đọc bài chú, thỉnh ngọn lửa tím để biến hóa nghiệp quả của con cái. Nhưng nhiều phụ nữ hơn nữa có thể mở tâm ra: “Tôi có thể sử dụng một số dụng cụ tâm linh để biến hóa nghiệp quả của con tôi trước khi nghiệp đi vào cõi vật lý và thị hiện thành sự cố bất hạnh”.

Có một câu hỏi khác mà nhiều phụ nữ đặt ra mặc dù không hoàn toàn ý thức hay không nói ra, đó là câu hỏi giản dị: “Tại sao con tôi lại như vậy?” Ở đây chúng ta không chỉ nói đến các đặc điểm ngoại hình. Đa số bà mẹ đều nhận thấy quan hệ của mình vời con cái tùy thuộc rất nhiều vào cá tính của đứa con, hay nói cách khác, tâm lý của nó. Nhiều bà mẹ nhận thấy quan hệ với một đứa con, hay ngay cả với mọi đứa con, có sự giới hạn trên phương diện gần gũi, cởi mở. Tại sao vậy? Một lý do quan trọng là tâm lý mà nó đã tạo ra trong tiền kiếp và mang theo trong kiếp này, nhưng không chỉ có vậy, vì quan hệ với đứa con cũng tùy thuộc vào tâm lý của người mẹ. Cho nên khi con chấp nhận ý tưởng luân hồi, con thấy được là trong tiền kiếp của con, con cũng đã có một số trải nghiệm mà con hiện đem theo trong kiếp này – một số điều kiện tâm lý, bế tắc, vết thương hay xu hướng. Con có một khuôn nếp phản ứng khiến con luôn luôn phản ứng một cách nhất định, và đứa con biết rõ là nó có thể nhấn nút nào để kích động phản ứng đó nơi con.

Cho nên con có thể khởi sự nắm lại chủ quyền của mình với ý nghĩ: “Được rồi, tôi nhìn thấy quan hệ của tôi với nó đang theo một khuôn nếp, và nguyên nhân những khuôn nếp trong tâm lý nó cũng như những vết thương, bế tắc và khuôn nếp trong tâm lý tôi. Vậy liệu tôi có bắt buộc phải sống mãi với những khuôn nếp này? Liệu khuôn nếp sẽ hạn chế quan hệ của tôi với nó cho đến khi một trong hai người qua đời? Hay là tôi có thể làm gì khác?” Và tất nhiên, con nhận ra là con có khả năng làm cái gì khác. Con có khả năng thay đổi nền tảng quan hệ, nhưng chỉ khi nào cả hai người đều thay đổi tâm lý mình. Đôi khi tâm lý đứa con có thể khó lòng thay đổi, nhưng với xã hội ngày càng tiến bộ, sự nâng cao ý thức sẽ khiến cho tiến trình này ngày càng dễ dàng hơn. Trẻ con sẽ được học ngay ở lớp mẫu giáo rằng chúng có khả năng đương đầu với tâm lý của chúng. Con sẽ thấy là bắt đầu từ thập niên tới và sau đó, xã hội sẽ ngày càng chấp nhận ý tưởng rằng mọi quan hệ giữa con người đều tùy thuộc vào tâm lý của các đương sự. Đó là một yếu tố trong tầm khả năng của con. Ngay cả khi con không thay đổi được tâm lý con mình, nhưng nếu con thay đổi tâm lý của con thì con vẫn thay đổi được quan hệ của con với nó.  

Ta công nhận là sẽ có một số đứa trẻ khó lòng được giúp đỡ khi chúng còn nhỏ vì chúng cần phải trưởng thành. Chúng cần phải ra đời và trải nghiệm cuộc đời trước khi sẵn sàng và sẵn lòng nhìn vào tâm lý của chúng. Một số sẽ cảm thấy mẹ mình đang cố áp đặt tiến trình thay đổi lên chúng, cho nên dĩ nhiên là con cần không được cưỡng ép chúng. Tuy nhiên, hầu hết mọi đứa trẻ đều có thể được giúp đỡ một khi người mẹ đã giải quyết được bế tắc của mẹ trước khi cố giúp con mình. Khi con đã giải quyết các khuôn nếp tâm lý của con, con sẽ bớt mong muốn cưỡng ép đứa con bởi vì bây giờ con không còn cố giải quyết vấn đề của nó hầu tránh né đương đầu với vấn đề của con – ngược lại với nhiều bà mẹ thời nay chưa hiểu được chuyện này. Con có thể nhìn vào khuôn nếp, có lẽ ngay cả khuôn nếp của chính mẹ của con khi con còn bé và đã khiến cho bà tức giận, và vì bà không thích tức giận cho nên bà đã cố ép buộc con phải thay đổi cách cư xử để bà không phải tức giận.

Tất nhiên đây không phải là mô thức mà con muốn lặp lại với con của con. Con muốn tiếp cận một cách khác và nói: “Trước tiên, hãy để tôi cải sửa tâm lý của tôi trước khi tôi tìm cách thay đổi tâm lý nó, để tôi chắc chắn là tôi không đang cố ép uổng bất cứ gì lên nó hầu tôi né tránh đương đầu với chính tôi. Nói cách khác, tôi sẽ gỡ bỏ cái xà trong mắt tôi trước khi lo đến cái giằm trong mắt con tôi.” Trong một số trường hợp, có khi con chỉ cần gỡ bỏ cái giằm trong mắt con trước khi xem đến cái xà trong mắt nó, bởi vì không phải lúc nào đứa con cũng có ít bế tắc tâm lý hơn cha mẹ. Ngược lại là đằng khác, thời nay rất nhiều trẻ con bị vấn đề tâm lý nhiều hơn là cha mẹ. Lý do phần nào là vì như chúng tôi có mô tả, lịch sử địa cầu trong mấy trăm năm gần đây đã đầy rẫy chiến tranh và xung đột, khiến cho rất nhiều linh hồn bị tổn thương trầm trọng trong tiền kiếp. Và họ bước vào kiếp sống hôm nay với mong muốn hàn gắn vết thương tâm lý của họ, và họ tự hỏi: “Tôi sẽ muốn đầu thai ở đâu đây?”

Phải, rất nhiều người sẽ muốn đầu thai tại một nước giàu có nơi họ có nhiều xác suất hơn để cải sửa tâm lý, nhưng họ cũng sẽ cố tìm bậc cha mẹ thích hợp và họ nghĩ: “Tôi muốn làm con của người cha người mẹ không mang quá nhiều vết thương tâm lý như tôi, để cha mẹ còn dư ra một ít tự do mà giúp tôi.” Đương nhiên đây không phải là trường hợp của mọi người bởi vì cũng có nhiều đứa trẻ tâm linh như các con đây có ít vấn đề hơn cha mẹ mình, và như vậy chính các con lại có tiềm năng giúp đỡ cha mẹ các con, hoặc it ra các con có thể thoát ly khỏi cha mẹ để không cho các vấn đề tâm lý của cha mẹ định đoạt đời mình. Nhưng nói chung, có một xu hướng rõ ràng tại các nước giàu có là nhiều trẻ em sinh ra với những bế tắc tâm lý trầm trọng từ tiền kiếp với hy vọng tìm được bậc cha mẹ có khả năng tạo cơ hội cho chúng hàn gắn và chữa lành.  

Và như vậy, đó cũng là một cách thể hiện tính nhân bản cốt yếu khi phụ nữ bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của câu hỏi: “Tại sao con tôi lại như vậy?” Hỏi như thế thì sẽ dễ chấp nhận ý tưởng luân hồi nhiều hơn, bởi vì luân hồi có khả năng to lớn để giải thích tại sao một đứa trẻ lại như vậy, tại sao nó mang một số vết thương tâm lý không có cách giải thích nào khác. Chúng ta đã có bàn tới xu hướng hiện thời trên thế giới dựa trên hiểu biết của khoa tâm lý, là khi xã hội và thậm chí cả thân nhân trong gia đình thường hay đổ lỗi cho cha mẹ về các vấn đề tâm lý của trẻ con. Tức là nếu đứa con không biết tự lo lấy hay học hành thành đạt, thì đó phải là lỗi của cha mẹ – hoặc gen của cha mẹ không được tốt lắm, hoặc là cách dạy dỗ tồi tệ. Nhưng như đã nói, điều đó không phải lúc nào cũng đúng mà ngược lại là đằng khác. Con nhìn vào một đứa trẻ và con thấy rõ nó mang vết thương tâm lý rất sâu. Một vết thương thật sự sâu sắc chỉ có thể phát xuất từ một chấn thương vật lý trầm trọng tạo ra chấn thương tâm lý. Con dõi nhìn cuộc sống của nó thì thấy nó lớn lên trong một quốc gia trù phú, một gia đình khá giả với đời sống ổn định, và con không thấy có lúc nào trong suốt buổi thơ ấu nó đã từng gặp phải chấn thương to tát đến như vậy. Thế nhưng vết thương thì nằm chình ình ở đó, ngăn cản nó có được một cuộc đời hữu dụng. Giải thích làm sao đây? Đúng vậy, chỉ có luân hồi mà thôi.   

Vì vậy, chức năng làm mẹ và một nhận thức sắc bén nơi người mẹ sẽ là hai yếu tố giúp cho phụ nữ mở tâm ra với nhiều ý tưởng tâm linh phổ quát. Bây giờ con có thể hỏi: “Nhưng thưa Mẹ Mary, tại sao thày lại giảng bài học này cho con?” Bởi vì, ít ra là trong phần thế giới theo đạo Cơ đốc, người ta biết ta là mẹ của Giê-su. Và tất nhiên khi con mở tâm ra với luân hồi, có lẽ con cũng mở ra với ý tưởng là ta đã hiện thân làm người mẹ vật lý của Giê-su cách đây 2000 năm, và từ đó ta đã thượng thăng và trở thành một chân sư thăng thiên. Bây giờ khi con ngẫm nghĩ về tính nhân bản cốt yếu của con người, các chân sư có nói rằng tinh thần nhân bản không những là sự công nhận các quyền căn bản – những gì được quyền hay không được quyền xảy ra cho một đứa trẻ trong cõi vật lý – mà cả những cơ hội, cơ hội của con người, cơ hội của trẻ nhỏ. Vậy khi con nâng cao nhận thức về vai trò người mẹ, con cũng nhìn vào: “Đâu là những cơ hội cho con tôi? Làm thế nào tôi có thể cải thiện cơ hội cho con tôi?” Chắc chắn con sẽ cải thiện cơ hội cho nó bằng cách giúp nó chữa lành tâm lý, nhưng liệu còn điều gì khác nữa mà con có thể làm đề cải thiện cơ hội cho con mình, để ảnh hưởng “phẩm chất” của những đứa con mà mình sắp có? Hẳn sẽ có những phụ nữ trên thế giới có thể học được từ tấm gương của ta.

Nếu con vượt lên trên mọi chi tiết cùng các tín điều quen thuộc và nếu con bỏ sang một bên những gì con nghĩ về Giê-su và về đạo Cơ đốc, có một điều con có thể chắc chắn, đó là Giê-su đã là một đứa trẻ với tiềm năng phi thường. Nó có một cơ hội phi thường để làm điều gì đó trong đời sẽ tác động thế giới một tích cực, một cách lớn lao. Vậy nếu con là một người mẹ có sự nhận thức nhạy bén hơn trung bình, liệu con có muốn là mẹ của một đứa trẻ, hay của mấy đứa trẻ, với cơ hội tác động tích cực lên thế giới? Và con sẽ nghĩ: “Làm thế nào để được như vậy? Làm thế nào tôi trở thành mẹ của một đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt và một tiềm năng to lớn?” Phải rồi, con sẽ phải làm như ta đã làm cách đây 2000 năm, và điều này tất nhiên đã không được ghi lại trong kinh sách. Con sẽ phải sẵn lòng tự cải sửa chính mình, không những tâm lý của con, bởi vì đó không chỉ là vấn đề chữa lành vết thương tâm lý và những khuôn nếp phản ứng. Đó là vấn đề phát triển tâm lý của mình để nâng nó lên những tiềm năng cao hơn của tâm lý con người. Trong thuật ngữ mà chúng tôi sử dụng, điều đó có nghĩa là con sẽ phải bước đi trên đường tu tâm linh, và con sẽ phải nỗ lực một cách cố tình và ý thức để tự nâng mình lên một trạng thái tâm thức cao hơn mức bình thường của mọi người. Cách đây 2000 năm, một phụ nữ trung bình sẽ không sinh được đứa bé Giê-su đâu con. Nếu điều đó xảy ra thì quả là một tai họa cho cả người mẹ đó lẫn cho Giê-su. Người mẹ đó cần phải có một tâm lý đã được giải quyết ở một mức độ nào đó rồi. Vậy mức giải quyết đó là gì?  

Thật vậy, ta đã phải giải quyết tâm lý của mình rốt ráo đến độ không còn một điểm nào có thể tác động tiêu cực đến Giê-su. Ta phải giải quyết rốt ráo đến độ ta có thể hoàn toàn chú tâm vào sự hòa điệu với tiềm năng của Giê-su và làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ cho tiềm năng đó. Điều này ta phải quyết định trước khi có thể sinh ra Giê-su, và có những quyết định đã xảy ra trong cả những tiền kiếp trước đó nữa. Hiện có rất nhiều phụ nữ đã từng cải sửa tâm lý của mình trong kiếp này và đạt được một trình độ giải quyết nào đó, cho nên sứ vụ thiêng liêng của họ trong kiếp này là sinh ra một đứa trẻ với một tiềm năng nhất định, một tiềm năng cao hơn. Nhiều phụ nữ đó đang sinh sống tại các nước giàu có, nhưng không phải tất cả. Vì thế hiện có một số lớn phụ nữ chưa ý thức được điều này, nhưng họ có khả năng tỉnh ngộ và tự hỏi: “Vậy tôi có thể làm gì để chuẩn bị sinh ra một đứa trẻ như thế?”       

Câu trả lời hiển nhiên vượt khỏi cả vấn đề giải quyết tâm lý. Con hãy nâng cao tâm thức, hãy cất bước trên con đường tâm linh, hãy đạt tới mức hiểu được một con người cần phải làm gì để nâng cao tâm thức và phát huy tiềm năng tâm linh của mình. Có những phụ nữ có khả năng làm được chuyện này trong vòng thập niên tới và có những phụ nữ khác sẽ làm được trong một tương lai xa hơn. Thực sự là có hẳn một lớp phụ nữ có khả năng lần hồi vươn tới mức này. Con đã tiến lên một bước để nhận ra tiềm năng tâm linh này, tiềm năng phát triển tâm linh. Con có thể cầu thỉnh điều này. Một số các con có thể giúp đỡ những phụ nữ khác qua việc tư vấn, huấn luyện, trị liệu, hội thảo, bất cứ điều gì mà con có thể làm để hoàn thành tiềm năng đó. Cho nên có rất nhiều việc mà con có thể làm. Rất, rất nhiều việc có thể được thực hiện trong 10 năm tới đây để khởi lên một sự đột phá, mà qua đó các bà mẹ sẽ mở tâm ra, nhìn xa hơn các quan điểm truyền thống, các niềm tin truyền thống, các hệ tư tưởng truyền thống và nhìn vào điều này: “Tôi có thể làm gì để cải thiện cuộc sống của con tôi, và tất nhiên cùng lúc cũng cải thiện cuộc sống của tôi? Tôi có thể làm gì để cải thiện quan hệ của tôi với con tôi, hay quan hệ của những đứa con tôi với nhau?” 

Đã có bao nhiêu bà mẹ sinh con đầu lòng được tận hưởng những giây phút thần tiên chỉ có hai mẹ con và dành trọn sự chăm soc cho đứa con đó. Và họ mong có đứa con thứ hai để hai đứa chơi với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu nhau. Ngờ đâu rất nhanh chóng, hai đứa bắt đầu cãi lộn, đánh nhau, cạnh tranh với nhau. Và kết quả là những xung đột rất sâu sắc giữa anh chị em.

Làm sao con có thể hiểu được chuyện đó nếu con không biết về luân hồi? Con không nhận ra rằng hai linh hồn này rất có thể đã có những xung đột gay gắt trong một kiếp trước mà chúng đã đem theo mặc dù là anh chị em trong cùng một gia đình, là con của cùng một người mẹ và đáng lý phải thương yêu nhau. Nhưng trong tiền kiếp, chúng ta đã thù ghét nhau, và bây giờ con lại rơi vào hoàn cảnh là liệu con sẽ chịu đựng tình trạng này cho tới khi chúng rời mái ấm gia đình, hay con sẽ tìm cách giải quyết? Con sẽ làm gì được đây? Được chứ, con có thể dùng các phương tiện tâm lý để chữa lành tâm lý hai đứa con, con có thể dùng dụng cụ tâm linh để tiêu hủy nghiệp quả giữa hai đứa và đưa chúng vào một con đường tích cực, qua đó chúng có thể vượt khỏi các khuôn nếp mà chúng đã mang theo từ tiền kiếp, nghĩa là trên căn bản, hoặc chúng sẽ tự gỡ nhau ra khỏi mối quan hệ và đi con đường riêng, hoặc chúng sẽ giải quyết các mối bất đồng và tạo dựng một quan hệ xây dựng với nhau. Nhưng trong cả hai trường hợp, chúng sẽ thoát khỏi cảnh xung đột triền miên có nguy cơ tàn phá cuộc đời của chúng trong mấy kiếp tới.    

Một lần nữa con có thể hỏi: “Là một phụ nữ, tôi có thể làm gì để bảo đảm tôi không có những đứa con như vậy?” Như ta đã nói, con hãy nâng cao tâm thức, hay ít ra nâng cao tâm thức đến một mức mà nếu con có đứa con như vậy, con sẽ giúp được nó và tránh không phản ứng tiêu cực. Cho nên con thấy đó, con yêu dấu, thông điệp căn bản mà ta phóng chiếu vào tâm thức tập thể ở đây là trong chức năng làm mẹ có rất nhiều điều mà người ta không nhìn thấy. Đã đến lúc con người bước lên một nhận thức cao hơn về chức năng làm mẹ. Và khi ta nói rằng trong chức năng làm mẹ có nhiều điều mà con mắt vật lý không thấy được, thì ta cũng nói thêm rằng có nhiều điều mà ý thức bản ngã của người mẹ không nhìn thấy được.

Chức năng làm mẹ không chỉ có cái “tôi”. Làm mẹ nhiều hơn cái tôi. Thông thường, nhiều phụ nữ bước vào vai trò làm mẹ từ quan điềm coi mình là trung tâm. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Một là họ đã không tính có thai, cho nên khi họ rơi vào tình cảnh có con, họ cảm thấy như bị cưỡng bách rồi trở nên vị kỷ do phải đối phó với một tình huống ép buộc. Hai là họ có kế hoạch có con nhưng lại mang ý muốn vị kỷ rằng con mình phải như thế này hay như thế kia. Nhiều người trong số các con đã sống trong một khung cảnh gia đình như vậy khi người mẹ có định kiến cứng nhắc về cuộc đời của con mình, về những chuyện nó phải làm hay không được làm. Đó chỉ là vì đối với người đó, chức năng làm mẹ không là gì hơn bản ngã, cái ngã tách biệt, cái cá tính vỏ ngoài.  

Khi con nhìn vào lịch sử và đi trở ngược về quá khứ, ngay cả tại các quốc gia dân chủ hiện đại, con sẽ thấy người mẹ từng có những kỳ vọng lớn hơn về con mình, đặc biệt là về con gái. Các bà mẹ thường có nhiều kỳ vọng cho con gái hơn là cho con trai và vì vậy họ thường cho con gái ít tự do hơn. Cho nên trong quá khứ, cuộc đời đứa con gái thường phải theo đúng kỷ cương, phải đạt được kỳ vọng của mẹ mình, thậm chí kỳ vọng của gia đình họ hàng và cả nền văn hóa. Ngược lại tại các nước giàu có và tiến bộ hơn, phụ nữ đã đạt được không những sự tự do thể chất hay kinh tế, mà cả tự do tâm lý, tức là họ có quyền sống đời mình không theo khuôn mẫu hay sự chờ đợi của mẹ mình. Nhiều phụ nữ đã tự giải phóng khỏi các kỳ vọng này, và nhiều bà mẹ cũng đã giảm bớt những kỳ vọng truyền thống để con mình được tự do hơn.

Con thử nhìn sang các nước khác như các xứ Hồi giáo vùng Trung đông, cả Ấn độ, Trung quốc và nhiều nước khác. Thậm chí Nam hàn là một quốc gia dân chủ hiện đại, nhưng trong sự lượng định của chúng tôi, vẫn có những kỳ vọng mạnh mẽ từ phía cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, đối với con mình và đặc biệt là con gái. Ở những nước này, con cái phải sống theo sự trông chờ đó mà phụ nữ rất khó lòng thoát ra khỏi. Một lần nữa, đây là một vấn đề mà con có thể đọc bài thỉnh để giải hóa.    

Về điểm này, phụ nữ tại các nước Tây phương có thể kết nối với phụ nữ tại các nước khác hầu giúp họ vượt qua vấn đề này. Hãy giúp họ tăng trưởng tới mức họ nhận ra tính nhân bản cốt yếu của mình và nói: “Tôi có quyền đi xa hơn sự chờ đợi của mẹ tôi, của cha tôi, của gia đình và xã hội của tôi, và sống cuộc đời của mình. Tôi có quyền đưa đời mình tới một nơi mà cha mẹ tôi và thế hệ của cha mẹ không thể tưởng tượng hay hình dung được. Tôi có quyền đưa xã hội của tôi vượt ngoài những gì xã hội có thể tưởng tượng hay hình dung. Đây là tính nhân bản cao hơn, tính nhân bản cốt yếu, là tiềm năng cao hơn của tôi.”

Con thấy có quá nhiều điều mà con có thể làm được chứ? Con có thể viết sách. Rất, rất nhiều phụ nữ khắp thế giới có thể viết sách về tình trạng của mình, về tiến trình tăng triển, về kinh nghiệm bản thân, về các thử thách mình phải vượt qua. Người vợ của vị sứ giả này vừa đọc được một quyển sách do một phụ nữ tại Ả-rập Xê-út viết về câu chuyện cô ấy đã làm vỡ tung một số điều cấm kỵ. Cô ấy lái xe rồi bị bắt bỏ tù, cuối cùng cô phải rời xứ ra đi nhưng cô vẫn ghi lại những bước mình đã trải qua hầu nhiều phụ nữ khác có thể học hỏi. Nhưng tại các nước giàu có, phụ nữ cũng có thể viết lại câu chuyện từng trải của mình, và làm cách nào họ đã khắc phục giới hạn để mà vượt qua. Mà cũng không cứ là phải viết sách. Họ có thể viết blog hay đăng bài trên internet. Họ có thể làm phim điện ảnh, thực hiện chương trình truyền hình. Rất nhiều điều có thể khởi lên từ đó vì con có thấy chăng là trong mấy thập niên qua, ngày càng có nhiều phụ nữ lên tiếng, không cứ là về những đề tài chính trị hay triết lý to lớn – cho dù là họ cũng có thể làm vậy – mà về hoàn cảnh riêng của họ và những phương thức để vượt qua đủ mọi loại hạn chế? Con có thấy chăng đây sẽ là nguồn cảm hứng lớn lao cho giới phụ nữ? Đây là một việc vô cùng cần thiết!    

Cũng cần có những loại báo chí khác hơn là loại tạp chí phụ nữ truyền thống không hơn gì những công cụ quảng cáo cho cái nhìn truyền thống về phụ nữ, về vai trò của phụ nữ, về cách trang phục bề ngoài, cách trang điểm sắc đẹp để quyến rũ tình dục phái nam và những thứ như thế. Cần có những phương tiện phát biểu cho người phụ nữ đích thực để họ kể những câu chuyện thật về sự phấn đấu cũng như sự khắc phục các hạn chế mà họ phải chịu đựng. Đây sẽ là nguồn cảm hứng to lớn cho mọi phụ nữ khác, không những tại các vùng giàu có trên thế giới mà ở cả những vùng khác nơi phụ nữ có thể tìm đọc. Ngày nay, truyền hình đã đến với hầu hết mọi nơi trên thế giới và trở nên rất sáng giá ngay cả tại các nước nghèo hơn nơi phụ nữ có khả năng xem truyền hình. Và nếu con xem các bộ phim truyền hình về phụ nữ do các hãng lớn tại Hollywood sản xuất, con sẽ phải nói rằng những bộ phim này hoàn toàn xa rời đời sống thực sự của phụ nữ cũng như hoàn cảnh của họ nơi các xứ nghèo. Và tất nhiên con nói rất đúng.          

Tuy nhiên đối với phụ nữ tại xứ nghèo, việc theo dõi các bộ phim truyền hình như thế cũng không hoàn toàn vô ích bởi vì họ có thể thấy được cuộc sống của phụ nữ ở các nước kia khác xa đời sống của họ như thế nào. Phụ nữ trong phim sao mà quá đầy đủ sung túc đến độ họ không cần bỏ thì giờ ra để lo lắng tới đời sộng vật chất. Hình như họ chỉ lo lắng về bạn trai của họ và liệu họ sẽ có đủ quan hệ với phái nam mà thôi. Và phụ nữ ở xứ nghèo xem thấy vậy thì hiểu ra là người ta có thể có cuộc sống vật chất đầy đủ mặc dù nhân vật trong phim thật sự chẳng có gì là thông minh hay tinh tế, mà ngược lại còn vô cùng ích kỷ. Và họ nghĩ, tại sao chúng tôi không thể có được cuộc sống như vậy ở xứ chúng tôi?

Và đây là ích lợi của truyền thông, vì mặc dù chương trình chì là văn hóa đại chúng không có chất lượng cao gì đặc biệt, nhưng nó vẫn đưa ra một góc nhìn khác biệt. Cho nên phụ nữ cần phải chia sẻ những câu chuyện thật của mình, không phải là loại chuyện đã được Hollywood đánh bóng, mà những chuyện thật của con, những phấn đấu thật của con. Con có thể nói: “Nhưng tôi đã lớn lên trong một xã hội với nhiều thuận lợi và chắc chắn tôi chưa phải nếm mùi nghèo khổ thiếu thốn. So với các điều kiện mà phụ nữ phải sống tại Ả-rập Xê-út hay Ấn độ và Bangladesh, câu chuyện của tôi có giá trị gì cho họ?” Nhưng họ vẫn có thể rút tỉa cảm hứng từ sự kiện con đã phải đối đầu với một số giới hạn của riêng con mà con đã khắc phục được, và điều này sẽ thúc đẩy họ suy nghĩ: “Ừ nhỉ, tôi cũng có khả năng khắc phục các giới hạn của tôi cho dù không giống hẳn.”

Bởi vì con đã khắc phục giới hạn của con như thế nào? Bằng cách con tự cải sửa, con cải sửa tâm lý của con, và con yêu dấu, con có thể hỏi làm thế nào một phụ nữ sống trong cảnh nghèo khó có thể cải sửa tâm lý? Nhưng thực tế là nếu con hiểu chút đỉnh về tâm lý, liệu việc tự cải sửa có tốn một đồng xu nào hay không? Con chỉ cần dành ra một chút thời gian đây đó trong ngày và con sẽ tinh tấn. Cho nên con không nên có quan điểm tiêu cực rất phổ biến là cho rằng con không thể làm gì được, hay dù con có làm gì thì cũng không có tác dụng nào cả. Con cần ghi nhớ lời của đức Phật khi thày ra khỏi niết bàn và bị bọn quỷ Mara thử thách. Chúng bảo rằng không ai sẽ hiểu được giáo lý của Phật, nhưng thày trả lời như con cũng biết: “Vẫn có một số người sẽ hiểu được, vẫn có một số người sẽ được lợi.” Cho nên có một số phụ nữ sẽ nhận được cảm hứng từ con, vậy liệu có đáng để con lên tiếng và góp mặt với đời?     

Hơn nữa, con sẽ học hỏi khi con góp mặt, khi con đóng góp những câu chuyện của con và con quan sát cách con phản ứng trước sự phản hồi của người khác. Đây là một cơ hội để con tăng triển. Khi con nhìn lại lịch sử thời phong trào phụ nữ đòi quyền đi bầu, hay thời phong trào giải phóng phụ nữ, con sẽ thấy phụ nữ đã không thể đạt được những thành quả đó nếu họ đứng riêng từng cá nhân. Họ chỉ đạt được khi họ hội tụ lại, hỗ trợ lẫn nhau, cộng tác với nhau, không phải như phái nam khi phái nam cộng tác, mà như phái nữ trong cách cộng tác đặc biệt của phái nữ. Sự tác động trên thế giới đã vô cùng to lớn nhưng tiềm năng tác động thì lại to lớn hơn, là tiềm năng gần như vô hạn khi phụ nữ hội tụ lại và làm việc chung với nhau.  

Phái nam thường tập trung nhiều hơn vào vẻ ngoài, vào các điều kiện vỏ ngoài như tôn giáo, đảng phái chính trị, xuất xứ chủng tộc, màu da, những thứ như vậy. Còn phái nữ có tiềm năng nhìn xa hơn tất cả những thứ vỏ ngoài đó để nối kết ở mức con tim, ở mức trực giác, và như vậy họ có thể hình thành một tình chị em vượt khỏi mọi lằn ranh vỏ ngoài. Phái nam không thể làm được điều đó, ít nhất là không trong một tương lai gần kề. Nhưng phải nữ thì có thể làm được. Một số các con đã làm được rồi, nhiều phụ nữ cũng làm được rồi, nhưng trong 10 năm tới đây, điều này sẽ có tiềm năng đột phá rộng lớn, vượt qua rất nhiều lằn ranh khác chưa từng được vượt qua. Đây là một trong những tiềm năng lớn nhất để thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain.

Chắc chắn nam giới cũng sẽ có vai trò trong việc thị hiện Thời Hoàng kim nhưng trong thực tế của những vấn đề thực tiễn hàng ngày, phụ nữ mới là lực chuyển đổi, vì nếu không thì sẽ không có sự chuyển đổi. Vậy thì liệu các con sẽ chỉ lái xe tại xứ Ả-rập Xê-út, hay các con sẽ lái sự chuyển đổi tại Ả-Rập Xê-út? Và tại Iran, tại Ấn độ, Bangladesh, Trung quốc, Đan mạch, Hoa kỳ, Nam Mỹ, châu Phi và tại bất cứ đâu nữa? Các con là phụ nữ sẽ lái chiếc xe chuyển đổi hay không? Đó là câu hỏi, thậm chí là thách thức mà ta đưa ra cho các con. Ta không muốn các con cảm thấy tiêu cực về vấn đề này, mà ta muốn các con nhìn vào cơ hội rồi nói: “Tôi có thể làm được gì? Tôi có thể làm được gì để cải thiện cuộc sống của con tôi?” Nếu con không có con cái hay nếu con cái đã lớn khôn, con có thể tự hỏi: “Tôi có thể làm được gì để cải thiện cuộc sống của những đứa trẻ khác cũng như mẹ của chúng? Tôi có thể làm gì để cải thiện cuộc sống của phụ nữ khắp thế giới?”

Con có thể làm được một cái gì. Có một lời gian dối nữa mà sa nhân luôn luôn phóng chiếu vào con và con sẽ nhận thấy nếu con nhìn vào chính mình một cách trung thực. Khi con nghe hay đọc những bài truyền đọc này, con có thể cảm thấy vô cùng hứng khởi, phấn chấn, nhưng chỉ một thời gian sau có một phản ứng sẽ đến với con: “Ồ, tôi chẳng làm gì được đâu. Tôi là cái gì? Tôi nghĩ tôi là cái gì? Tôi làm được gì đây?” Nhưng con có thể nói lên cùng với Phật Gautama: “Có những việc mà tôi làm được.” Và dù con có làm gì thì vẫn tốt hơn là không có gì, bởi vì thế giới có thay đổi là do có người làm gì, và nhiều cái làm nhỏ quả thật đã và sẽ thay đổi thế giới. Nhiều học trò của chân sư thăng thiên vốn tìm kiếm một sự thay đổi nhảy vọt lớn lao và bây giờ thì chúng ta đang nói tới Thời Hoàng kim. Nhưng Thời Hoàng kim sẽ đến được nhờ rất nhiều những bước nhỏ, rất nhiều thay đổi nhỏ ở đây và ở đó. Và 500 năm nữa sẽ vẫn còn có người ngồi chờ Thời Hoàng kim bởi vì họ chưa nhận ra là thời đó đã đến và có mặt. Ngày hôm nay cũng có những người không công nhận những tiến bộ to lớn đã được hoàn thành trong 500 năm qua, ít ra là tại một số nước, vì họ không nhìn ra. Họ đã không thay đổi trong tâm họ. Nhưng ta có thể bảo đảm với con là 500 năm nữa đây, con sẽ khó lòng nhận ra hành tinh này của chúng ta, bởi vì khi đó, Thời Hoàng kim sẽ thực sự trên đà thị hiện tiềm năng cao nhất của nó.    

Và với lời này, ta cảm ơn sự chú ý của các con, sự cởi mở để làm đài phát thanh cho ta, và ta niêm ấn con trong tình thương của trái tim mẹ ta. Trong ý nghĩa tâm linh, con là con của ta và ta muốn làm điều tốt nhất cho con. Ta đã tự hỏi ta có thể làm gì được thì bài truyền đọc này cùng nhiều bài truyền đọc khác là cách biểu hiện của ta. Ta mong muốn giúp con tự giải thoát và sống một cuộc đời thoả nguyện khi con biết con đang hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của mình cũng như tiềm năng cao nhất của mình, bằng cách chữa lành mọi chấn thương tâm linh và làm hoà với việc hiện diện trên trái đất.

Hành tinh địa cầu là một bộ máy giả thực tại

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/12/2019 tại Tallinn, Estonia.

Ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Ta sẽ trở ngược về một câu ta đã nói cách đây 2500 năm vào thời ta còn hiện thân trong một cơ thể vật lý trên địa cầu. Một trong những lời dạy cốt yếu của Phật giáo là mọi thứ đều là Phật tánh. Câu này thật sự nghĩa là gì? Nhiều người đã bị bối rối vì câu này. Nhiều Phật tử chân thành và có thiện chí đã suy đoán về câu này và đưa ra những thuyết cùng những cách diễn giải khác nhau, trong số đó có nhiều điểm có căn cứ phần nào. Ta hoàn toàn không muốn chỉ trích hay thay thế những thuyết đó nhưng ta muốn cho con một cái nhìn dựa trên tâm thức tập thể ngày hôm nay cũng như những giáo lý mà các chân sư thăng thiên đã ban ra cho tới giờ.

Nếu con hiểu mọi thứ đều là Phật tánh, điều này có nghĩa là Phật tánh phải vượt khỏi hình tướng. Con thử nhìn hình tướng trong vũ trụ, nhìn cái ghế này, nhìn tấm thảm kia, nhìn cửa sổ, nhìn cái bàn; liệu con có thể nói cái bàn đó là Phật tánh hay không? Con sẽ không nói như vậy, nhưng con sẽ nói là cái bàn được tạo ra từ Phật tánh. Nói cách khác, nếu con có thể nhìn đằng sau hình tướng, nhìn vượt khỏi hình tướng, thì con sẽ thấy Phật tánh. Điều này khó hiểu cho con người cách đây 2500 năm.

Với trí năng thời nay, việc nắm bắt điều này đã trở nên dễ dàng hơn một chút vì con đã lớn lên và được dạy dỗ khái niệm về cái ghế này, cái bàn này được cấu tạo bằng những đơn vị nhỏ hơn gọi là phân tử, nguyên tử, ngay cả hạt hạ nguyên tử. Cho nên con có thể nói mọi thứ đều là nguyên tử, và do đó cái ghế này cũng là nguyên tử. Tất nhiên, không có nghĩa là các hạt nguyên tử trông giống như cái ghế. Con cũng biết nguyên tử không thể nhìn thấy bằng mắt trần trụi và do đó nguyên tử không có cái mà bình thường con gọi là hình dạng. Chúng không có hình dạng của bàn ghế. Chúng có thể có một hình dạng nào đó như con đã được dạy dỗ suy nghĩ, nhưng đó không phải là cái gì con nhìn thấy được bằng giác quan. Cho nên con có thể nhảy vọt một bước và bảo rằng cái ghế được tạo bằng nguyên tử và nguyên tử được tạo bằng Phật tánh. Nhưng sự khác biệt là ở chỗ Phật tánh không có hình tướng. Nó không có hình tướng nào mà con có thể nhận thức, không có hình tướng nào mà con có thể nhận thức bằng một tâm trí vẫn tập trung vào vũ trụ vật chất này.

Điều con có thể nói là Phật tánh có tiềm năng khoác lấy hình tướng. Nhưng nếu Phật tánh không có hình tướng, tại sao con lại cần đến Phật tánh? Con cần đến nó bởi vì nếu không có một bản thể vô hình tướng có khả năng khoác lấy hình tướng, thì hình tướng được tạo ra như thế nào? Con có thể suy ra điều gì từ những khám phá của khoa học? Con lấy một vật mà mắt con có thể nhìn thấy, một hình dạng hữu hình như một cái ghế và con nhận ra là cái ghế đó không bỗng xuất hiện một cách hoàn toàn bất ngờ trong hình tướng hiện thời của nó, nó không xuất hiện từ tự nhiên hay từ hư vô. Không lúc nào con có thể nói: “À bây giờ không có ghế, à bây giờ có ghế. Đùng một cái, thế là ghế hiện ra.” Đó không phải là cách thức mà vật được tạo ra, con biết chuyện này, con biết cái ghế làm bằng kim loại. Kim loại đó khởi đầu là các loại quặng dưới đất, nó phải được đào lên, phải được nấu chảy, phải được biến thành sắt, và chất sắt này phải được chế tạo thêm nữa để có hình dạng nhất định và trở thành chân ghế. Xong lại cần thêm gỗ cũng được chế tạo và ghép vào. Rồi thêm lớp đệm, thêm lớp vải, tất cả những thứ đó phải được chế tạo để làm cái ghế.

Nhưng tất cả những thứ đó mà con gọi là nguyên liệu cũng không xuất hiện hoàn toàn bất ngờ. Quặng sắt nằm dưới đất được tạo bằng những phân tử sắt, nhưng phân tử được tạo bằng những đơn vị nhỏ hơn gọi là nguyên tử, nguyên tử được tạo bằng hạt hạ nguyên tử, và thậm chí hạt hạ nguyên tử được tạo bằng sóng năng lượng. Cho nên khi con đi vào từng giai đoạn cần thiết để tạo ra một hình tướng, một hình tướng mà mắt thấy được, con bước xuống những tầng cấp ngày càng vi tế hơn. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là con lần hồi tiến tới những hình thức đơn giản hơn. Một cái ghế, hay ngay cả một công trình công phu hơn như toàn bộ tòa nhà này, là một cái gì vô cùng phức tạp. Nhưng phân tử thì ít phức tạp hơn, nguyên tử ít phức tạp hơn nữa, và hạt hạ nguyên tử còn ít hơn nữa. Cho nên con hướng về một trạng thái ngày càng ít phức tạp hơn, một hình tướng ngày càng ít rõ rệt.

Vì thế, thật khó mà nhảy được bước nhảy vọt kia và nói rằng: Phải tới một điểm chúng ta có một chất cơ bản, ít ra là chất cơ bản mà chúng ta có thể nhận thức từ vũ trụ này, và chất cơ bản này không có hình tướng nhưng lại có tiềm năng khoác lấy bất kỳ hình tướng nào. Chất này, chúng ta có thể gọi là Phật tánh. Phật tánh, một cách nào đó, là nhiều hơn thế nữa, nhưng ít ra – để giúp con hình dung hay nhận thức được – chúng ta có thể nói Phật tánh là chất cơ bản mà từ đó mọi hình tướng được nặn ra.

Bây giờ sẽ có người bảo là điều trên không phù hợp với hệ tư tưởng khoa học hiện thời, nhưng đó là vì hệ tư tưởng khoa học hiện thời dựa trên một sự bất nhất nhận thức (cognitive dissonance). Khoa học đã chứng minh là con có thể bước xuống những tầng ngày càng sâu hơn, vượt khỏi những hình thức mà mắt người có thể nhìn thấy. Kết luận hợp lý là phải có một chất cơ bản nào đó mà từ đó tất cả mọi thứ được tạo ra. Vấn đề với khoa học là khoa học bị hệ tư tưởng duy vật chi phối đến độ cho rằng không thể có bất cứ gì ngoài vũ trụ vật chất. Và theo cách nhận thức của các nhà chủ nghĩa duy vật, điều này có nghĩa là không thể có một chất nào mà không có hình tướng, bởi vì cái đó sẽ là hư vô, và như người ta hay nói, không có gì có thể hiện ra từ hư vô. Điều này hoàn toàn đúng, không có gì có thể hiện ra từ hư vô, hay chính xác hơn, không có vật gì có thể hiện ra từ hư vô, mà mọi vật hiện ra từ Phật tánh, tức là chất cơ bản. Ý tưởng một chất cơ bản vô hình tướng nhưng lại là nguồn gốc của mọi hình tướng, hoàn toàn phù hợp với các khám phá của khoa học. Có lẽ nó không phù hợp với hệ tư tưởng duy vật, nhưng chẳng qua hệ tư tưởng duy vật chỉ là một trong nhiều cách diễn giải những khám phá của khoa học. Thậm chí hệ tư tưởng duy vật còn không giải thích được tất cả mọi khám phá của khoa học hiện thời, và qua đó con có thể thấy được sự thiếu sót của nó.

Cho nên có một chất cơ bản gọi là Phật tánh mà từ đó mọi hình tướng được tạo thành. Điều này thật sự nghĩa là gì? À, có một khái niệm mà nhiều người rất gắn bó và xem là vô cùng quan trọng. Đó là khái niệm “thực tại”. Một vật hoặc có thật, hoặc không có thật. Nhưng nếu tất cả mọi thứ mà con nhìn thấy trong vũ trụ vật chất được hình thành từ một chất cơ bản vô hình tướng, thì liệu con có thể nói rằng mọi hình tướng mà con thấy là thực hay không? Chúng không có hiện hữu riêng biệt, chúng không có hiện hữu độc lập. Nếu không có Phật tánh, nếu không có chất cơ bản, thì sẽ không thể có hình tướng. Mỗi hình tướng mà con thấy, cái bàn, cái ghế, mặt trời, các vì sao, tất cả đều được tạo ra từ cùng một chất cơ bản. Chất cơ bản cấu tạo cái ghế này có thể được biến hóa, hay đúng hơn, nó có thể được đem trở lại trạng thái vô hình tướng của nó, rồi được sử dụng để nặn ra một hình tướng hoàn toàn khác như một đóa hoa hay một ngôi sao ở xa tít, đó là vì trong Phật tánh đó, trong sự vô hình tướng cơ bản đó, không có thời gian, không có không gian, không có ý niệm địa phương (locality).

Một khi hình tướng, một khi chất cấu tạo cái ghế này, được đem trở lại trạng thái vô hình tướng, nó có thể tức khắc (tức là vượt thời gian) được sử dụng để hình thành một ngôi sao ở xa hàng triệu năm ánh sáng. Vậy liệu con có thể bảo cái ghế này là thực khi nó không có sự hiện hữu độc lập, tự đủ nào hay không? Nó có một sự hiện hữu lệ thuộc, vì rốt cuộc nó phụ thuộc vào Phật tánh, nhưng tự thân nó không thể hiện hữu. Cái ghế này sẽ có nghĩa là gì nếu không có sàn nhà để đặt ghế trên sàn, hay không có một người để ngồi vào ghế? Liệu ghế có đi vào được hiện thực nếu không có những người nghĩ ra nhu cầu ngồi cao hơn sàn nhà? Cho nên, đúng vậy, không có vật gì có thể hiện ra từ hư vô, nhưng Phật tánh không phải là hư vô.

Cho nên con thấy được là mọi vật, mọi hình tướng, đều có một nguồn gốc lệ thuộc, một nguồn gốc phụ thuộc vào lẫn nhau – một lý duyên khởi. Vật không hiện ra trong hư không, nó không hiện ra từ hư không. Nó được tạo bằng một chất cơ bản, nhưng nó được tạo ra vì một lý do, một mục đích. Ghế đã không thể hiện hữu nếu không có sàn, nếu không có tường, nếu không có mái, nếu không có người, nếu không có tất cả những thứ đó. Nó đã không thể được tạo ra nếu không có một địa cầu với quặng sắt, nếu không có cây cối mọc lên thành gỗ, vân vân… cho nên con thấy là không có gì, không có hình tướng nào, có thể được xem là thực trong ý nghĩa tối hậu. Không một vật nào hiện hữu tự thân nó, hiện hữu một cách độc lập. Mọi thứ đều nối kết. Mọi thứ đều nối kết lẫn nhau. Toàn bộ vũ trụ là một tổng thể nối kết duy nhất, một tổng thể tương kết duy nhất. Thật ra điều này phù hợp với các khám phá của khoa học. Các nhà khoa học đã phát hiện là ý niệm địa phương và tách biệt không hiện hữu. Thực tại sâu xa hơn là tính phi địa phương (non-locality), tính tương kết (interconnectedness). Thực tại mà con nhìn thấy khi con đạt được cái mà ta gọi là “giác ngộ” là một thực tại nơi không có vật gì tách biệt ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Mọi thứ đều tương kết. Không chỉ có vậy, mà con còn thấy được là không có vật nào là thường hằng.

Khoa học đã cho thấy điều gì mà nhiều tôn giáo đã không chỉ ra? Khoa học cho thấy là có một tiến trình rất dài đã lần hồi hình thành những hình dạng khác nhau. Không có sự sáng tạo tức khắc, mà sự sáng tạo xảy ra lần hồi khi những gì được tạo ra trước – hay đã đi vào hiện hữu trước – trở thành nền tảng cho những gì đi sau vào hiện hữu. Cho nên một lần nữa, nguồn gốc hình thành tương kết có thể đi trở ngược về rất, rất xa. Ta biết là tâm đường thẳng sẽ nói là phải có một điểm khởi đầu tuyệt đối, nhưng chúng ta hãy gác lại chuyện này một bên để xét thấy rằng chúng ta có thể đi trở ngược lại thời gian trong quá trình lần hồi đó, thì một lần nữa, nó chứng minh tính tương kết của tất cả.

Vậy đâu là mục đích của toàn bộ tiến trình duyên khởi đó, là nơi thực tại sâu xa của Phật tánh khoác vào tất cả những hình tướng khác biệt đó? Mục đích là gì? Các nhà duy vật quả quyết là không có mục đích gì hết; tất cả chỉ xảy ra tình cờ. Tình cở là gì chứ? Họ có thể giải thích được tình cờ là gì chăng? Thế nào là tính ngẫu nhiên (randomness)? Hãy định nghĩa đi. Không thể được. Tại sao vậy chứ? Tại vì tính ngẫu nhiên đích thực không có hình tướng, và trong hệ tư tưởng duy vật, chỉ có những gì có hình tướng mới được xem là thực. Bất nhất nhận thức. Họ tuyên bố là họ có một thế giới quan, nhưng thế giới quan nhằm giải thích mọi vật đã có thể ra đời như thế nào thì phải dựa vào một điều gọi là sự tình cờ, sự ngẫu nhiên. Thế giới quan của họ bảo rằng chỉ vật nào có hình tướng mới thực, nhưng tình cờ và ngẫu nhiên không có hình tướng thì làm sao chúng là thực được đây? Và nếu chúng không thực, làm thế nào chúng có thể tạo ra tất cả những hình tướng mà họ bảo là có thực? Bất nhất nhận thức.

Thêm một tầng lớp bất nhất nhận thức nữa: Con là ai mà tuyên bố rằng chỉ có thế giới vật chất là hiện hữu? Con là ai? Con là sinh thể có khả năng tự nhận biết (self-awareness). Lý do duy nhất con có thể bảo một cái gì đó có thực hay không thực là vì con tự nhận biết. Tự nhận biết đến từ đâu? Liệu con có thể giải thích làm thế nào sự tình cờ và ngẫu nhiên sản xuất ra được khả năng tự nhận biết, là khả năng tìm kiếm trật tự ở mọi nơi? Làm thế nào chuyện đó có thể xảy ra? Con có giải thích được không? Nếu con không giải thích được thì có lẽ cách giải thích của con không trọn vẹn, thậm chí cách đó có thể là không thực nữa. Vì vậy, nếu con cởi mở đi tìm một cách giải thích khác, thì đó là như sau.

Tất cả những hình tướng mà con thấy trong thế giới vật chất, vật lý, hữu hình, đã được tạo ra vì một mục đích duy nhất: để đem lại cho các sinh thể tự nhận biết một trải nghiệm nào đó. Các con là con người, các con tự xem mình là dạng sống tiến bộ nhất trên địa cầu. Một lần nữa, bất nhất nhận thức. Con tuyên bố, con nghĩ con là một trong những dạng sống chót hết, nếu không là dạng sống xuất hiện chót hết trên trái đất. Có nghĩa lý gì mà bảo rằng dạng sống tiến bộ nhất đã được tạo ra chót hết? Chẳng hữu lý hơn hay sao là nói rằng tất cả những gì đã được tạo ra, tất cả các hình tướng đã xuất hiện, đều xoay quanh dạng sống tiến bộ nhất hầu mang lại cho các sinh thể tự nhận biết này một trải nghiệm nhất định nào đó? Con thử nhìn một nhà hát, mục đích của nhà hát là gì? Để mang lại cho khán giả một trải nghiệm. Liệu nhà hát có xuất hiện từ một tiến trình ngẫu nhiên? Liệu nhà hát có tự nó xây dựng lên, rồi sau khi xây dựng, tự dưng có khán giả ngẫu nhiên hiện ra? Chẳng hữu lý hơn hay sao là nói rằng ngay từ đầu, nhà hát đã được xây dựng với trọng tâm là khán giả?

Thế giới là gì? Trong thế giới ngày nay, người ta có một khái niệm xuất phát từ công nghệ, hẳn là do khoa học đề xướng, gọi là máy giả thực tại (reality simulator). Con có thể đeo vào một cặp kính, đi vào một căn phòng được xây đặc biệt, và bỗng nhiên con nhìn thấy trước mắt một môi trường nhân tạo. Mục đích làm ra máy giả thực tại là gì? Là đem lại cho người sử dụng máy một trải nghiệm cụ thể.

Con sẽ có thể nói trải nghiệm đó không dựa trên thực tại, và người đó không đang trải nghiệm một thế giới có thực. Nhưng người đó cho đó là thế giới thực, y trải nghiệm như thể đó là thế giới thực, và do đó dưới nhãn quan của y, y đang có một trải nghiệm thực. Và bởi vì y có trải nghiệm đó cho nên y có thể thay đổi tâm thức, xoay chuyển tâm thức của mình – tức là y có một thế giới quan đổi khác. Y có thể cảm thấy mình bị ứ một loại trải nghiệm nào đó và rốt cuộc y quyết định mình đã chán ngán trải nghiệm đó rồi. Bây giờ y muốn một trải nghiệm khác hơn.

Một số người có thể hoài nghi và bảo: “Ồ chuyện này hoàn toàn vô lý, không có gì người đó trải nghiệm là thực cả, vậy điều gì khiến bạn chắc chắn là những gì bạn trải nghiệm trong thế gian là thực?” Liệu có khó khăn lắm hay không để làm bước nhảy và nói: “Những gì tôi trải nghiệm trong máy giả thực tại có vẻ thực khi tôi ngồi trong máy.” Vậy chẳng phải là hành tinh địa cầu là một bộ máy giả thực tại tinh xảo hơn bất cứ gì mà loài người từng chế tạo ra? Chắc chắn con có thể nói là khi con ở trong bầu cõi địa cầu, ở trong một cơ thể vật lý trên địa cầu, những gì con trải nghiệm qua cơ thể đó và những giác quan đó dường như vô cùng hiện thực, phải không con? Và nếu con là một nhà duy vật, con có thể nói: “Nhưng đâu là ích lợi của một trải nghiệm không thực?” Thật không có gì quan trọng thế giới mà con trải nghiệm trong máy giả thực tại có thực hay không. Điều quan trọng là, trải nghiệm mà con đang có, trải nghiệm nhất thời mà con đang có, ảnh hưởng như thế nào lên tâm thức của con? Trải nghiệm thì nhất thời nhưng tâm thức của con thì cứ tiếp nối, và một trải nghiệm nhất thời có thể tác động lên tâm thức của con, đặt nó vào một con đường mới, tạo cho nó một hướng đi mới, mang lại cho nó một ý niệm mới về bản ngã. Đây chính là công dụng của máy giả thực tại.

Điều duy nhất con cần làm là làm bước nhảy đó và nhận ra địa cầu là một bộ máy giả thực tại. Con có thể nói, bởi vì mọi thứ đều là Phật tánh cho nên mọi thứ cũng có thể trở về trạng thái thuần khiết vô hình tướng của nó rồi chuyển thành một hình tướng khác. Không một hình tướng nào trên trái đất là thực ở mức cùng cực. Các nhà khoa học cũng biết ngay cả trái đất cũng đã không luôn luôn hiện hữu và sẽ không hiện hữu mãi mãi. Cho nên theo một định nghĩa khoa học, chúng ta phải nói là không có gì trên địa cầu là thực. Nhưng điều đó có quan trọng lắm không? Điều quan trọng là đối với mấy tỷ sinh thể tự nhận biết đã bước vào máy giả thực tại có tên là trái đất, thế gian có vẻ thực, và vì nó có vẻ thực cho nên nó đem lại cho họ một trải nghiệm khiến tâm thức của họ, ý niệm bản ngã liên tục của họ, xoay chuyển. Đó là toàn bộ mục đích.

Cho nên chúng ta có thể nói, hành tinh địa cầu là một bộ máy giả thực tại được thíết kế để đem lại cho các sinh thể tự nhận biết một loại trải nghiệm đặc thù. Đâu là trải nghiệm mà địa cầu đã được thiết kế để cho con? Có hai loại trải nghiệm, hai loại rất khác nhau mà địa cầu được thiết kế để cho con. Một loại là những trải nghiệm “trầm mình”, là khi con có cảm giác mình đang sống trong một thế giới có thực. Trong tâm con hoàn toàn đồng hóa với cơ thể vật lý và con tự xem mình là một sinh thể có thực, sinh sống trong một thế giới có thực, và thế giới này tác động lên cách nhìn của con về chính con. Nói cách khác, con bị thế gian quy định. Đây là trải nghiệm trầm mình – tuyệt đại số loài người trên hành tinh vẫn ở trong loại trải nghiệm này, vẫn ở trong giai đoạn trầm mình. Họ nghĩ thế giới là thực, họ nghĩ trải nghiệm của họ là thực, và không những họ tin chắc mình ở trong một thế giới thực, mà ngay cả nhận thức của họ về thế giới, ý tưởng của họ về loại thế giới mà họ đang sống, cũng là thực.

Điểm độc đáo của chiếc máy giả thực tại của địa cầu là nó có thể chứa bảy tỷ sinh thể tự nhận biết: họ đều sống trong cùng một môi trường – mặc dù môi trường vỏ ngoài chung quanh hành tinh có thể khác, nhưng họ sống trên cùng một hành tinh – vậy mà mỗi người lại có một trải nghiệm chủ quan cá nhân về hành tinh đó. Nói cách khác, đối với rất nhiều người, môi trường vỏ ngoài là giống nhau, nhưng đối với mỗi cá nhân thì trải nghiệm bên trong lại khác nhau. Tại sao như vậy? Bởi vì như ta đã trình bày, toàn bộ mục đích của thế giới hình tướng là để đem lại cho các sinh thể tự nhận biết một trải nghiệm đặc thù. Làm thế nào họ có được trải nghiệm đó? À, họ không có trải nghiệm đó bên ngoài tâm họ đâu. Cho dù các triết gia có nói gì, con không thể trải nghiệm thế giới như thế giới là, bởi vì con trải nghiệm thế giới qua tâm con, và điều này có nghĩa là các đặc tính của tâm con sẽ ảnh hưởng đến cách con nhìn thế giới. Ngay cả khoa vật lý lượng tử cũng đã chứng minh là tâm của nhà khoa học ảnh hưởng những đo đạc mà họ quan sát trong thử nghiệm. Cho nên mỗi con người có một trải nghiệm đặc thù của mình. Mỗi con người tin chắc trải nghiệm của mình là thực.

Nhưng cảm nhận thực tại đó đến từ đâu? Nếu thật là mọi thứ được tạo ra từ một chất cơ bản và không có hình tướng nào là thường hằng hay độc lập, thì không hề có thực tại nào bên ngoài tâm con người. Cho nên cảm nhận thực tại phải đến từ bên trong tâm con người – chứ nó đến từ đâu nữa? Vậy làm thế nào hai người có thể sống trong cùng một môi trường mà lại có trải nghiệm rất khác nhau về môi trường đó, chẳng hạn như một tín đồ sùng đạo Cơ đốc tin chắc thế giới vận hành y như Kinh thánh mô tả, trong khi người thứ hai có thể là một người cũng không kém sùng bái như lại sùng bái chủ nghĩa duy vật, sẽ tin chắc thế giới vận hành y như được mô tả trong thánh kinh duy vật? Đó là vì mỗi người mang trong tâm mình cái mà chúng ta có thể gọi là một bộ phin, lọc lựa ra một số tín hiệu đến với mình qua giác quan. Tâm loại bỏ đi một số tín hiệu, và đối với những tín hiệu được phép đi qua, tâm chồng lên trên đó một hình ảnh. Cho nên đối với tín đồ Cơ đốc, thế giới quan Cơ đốc sẽ có vẻ thực, trong khi đối với người duy vật thì thế giới quan duy vật sẽ có vẻ thực. Trong ý nghĩa tối hậu, cả hai thế giới quan đều không thực. Thậm chí, chuyện tranh luận xem cái nào thực hơn cái nào – cái nào đúng hơn cái nào – cũng không có nghĩa lý. Giản dị, chúng chỉ là những thế giới quan được tạo ra trong máy giả thực tại trên địa cầu, và máy giả thực tại là một cái máy chuyên làm đồ giả. Đó không phải là thực tại, mà chỉ mô phỏng thực tại. Có nghĩa là không một thế giới quan nào có thể được chế tạo trong máy là thực. Nó chỉ có vẻ thực khi con nhìn nó từ một góc cạnh nào đó qua một phin lọc nào đó trong tâm – một bộ phin hay một trạng thái của tâm lọc lựa ra một số tín hiệu hay chồng lên những tín hiệu khác một cách diễn giải nào đó. Khi con không chất vấn phin lọc đó, khi thậm chí con không nhận ra đó lả một phin lọc, thì những gì con trải nghiệm xuyên qua phin lọc sẽ có vẻ rất thực đối với con. Đây là “giai đoạn trầm mình” của máy giả thực tại có tên là địa cầu.

Vậy giai đoạn kia là gì? Là “giai đoạn tỉnh ngộ”. Giờ đây con đang bắt đầu thức tỉnh từ cảm nhận mình sống trong một môi trường thực nơi mọi chuyện mình trải nghiệm đều thực. Nhưng làm thế nào con thức tỉnh khỏi cảm nhận đó chứ? Nó chỉ xảy ra sau khi con sẵn lòng tra vấn thế giới quan, tra vấn phin lọc của con – là phin lọc đã loại bỏ ra một số tín hiệu và áp đặt một cách diễn giải trên những tín hiệu mà nó để cho lọt qua. Khi con khởi sự tra vấn thế giới quan này, đó là lúc con bắt đầu tỉnh ngộ. Con thấy gì trên địa cầu chứ? Con thấy là mọi người đã tạo dựng nhiều thế giới quan khác nhau. Đi trở ngược thời gian, con thấy một số nền văn minh đã hiện hữu trên địa cầu nhưng bị phân rẽ bởi khoảng cách, phân rẽ bởi đại dương. Đã có một nền văn minh Maya với thế giới quan khác hẳn thế giới quan của châu Âu vào cùng thời, nhưng do bị chia cách bởi Đại tây dương, cả hai thế giới quan đều không hay biết gì về nhau. Cho nên một nền văn minh có thể tồn tại nhiều thế kỷ mà thế giới quan không hề bị thách thức. Chuyện này cũng tốt thôi, vì nó hoàn toàn phù hợp với công dụng của bộ máy giả thực tại.

Đã có một thời khi có sự cần thiết là những nền văn minh bị chi phối bởi những thế giới quan cá biệt phải sống tách biệt và không tương tác với nhau để thế giới quan không bị thách thức. Đã có một thời khi con người được hoạch định để sống trong bộ máy giả thực tại gọi là địa cầu và không có gì sẽ thách đố thế giới quan của họ. Suốt một thời gian rất đài, họ được phép có trải nghiệm xuyên qua thế giới quan của họ. Nhưng con thấy đó, tâm con người không bao giờ chịu ngồi yên. Con người là một sinh thể không được sinh tạo trong một trạng thái tĩnh tại, mà đã mang sẵn trong bản chất một niềm khao khát vô cùng sâu sắc muốn tăng trưởng.

Do mong muốn tăng trưởng này mà con người không thể nếm mãi cùng một trải nghiệm một cách vô hạn định. Con người không thể trầm mình mãi mãi trong kinh nghiệm đó mà vẫn cứ bảo: “Ôi sao trải nghiệm này quá tuyệt vời!” Có thật không? Con không thể có trải nghiệm đó mãi mãi. Con không thể ở trong cùng trải nghiệm đó mãi mãi vì sẽ tới lúc con bị chán ngấy. Con muốn cái gì hơn thế. Có một giai đoạn khi con chán chê một loại trải nghiệm và giờ đây con muốn một loại trải nghiệm khác. Con muốn một cái gì khác hơn. Đó là tại sao con thấy có những người từng đầu thai trong một nền văn minh suốt nhiều kiếp lại muốn thay đổi, và họ đầu thai trong một nền văn minh khác để họ nếm một trải nghiệm khác mặc dù họ vẫn ở trên trái đất. Cũng sẽ tới một điểm khi giờ đây con không chỉ muốn một loại trải nghiệm khác trong khả năng mà máy giả thực tại địa cầu có thể cống hiến, mà con muốn nhiều hơn những gì con có thể có được trên địa cầu. Đây là thời điểm khi một dòng sống khởi sự giai đoạn tỉnh ngộ.

Yếu tố nào hướng dẫn loại trải nghiệm mà người ta có? Bao lâu họ cần trải nghiệm như vậy? Phải, đó là quyền tự quyết. Tuy nhiên, điều gì cho con khả năng có loại trải nghiệm mà con có thể có trên địa cầu? Như ta vừa nói, cái ghế không tự dưng hiện ra từ hư vô. Một người không hiện ra từ hư vô. Để có thể chế tạo những loại trải nghiệm có mặt trong máy giả thực tại địa cầu, phải cần có nhiều người. Đó là khi con thấy một nền văn minh xuất hiện, có thể với hàng triệu người, và trải nghiệm mà họ có được sẽ tùy thuộc vào sự có mặt và tương tác của tất cả những con người đó. Điều này tạo ra một sự nối kết nào đó giữa các sinh thể này.

Có thể nói mỗi sinh thể tự nhận biết đã, như các chân sư có giảng, khởi đầu với một ý niệm bản sắc chỉ nhỏ như cái chấm. Nếu con sống một mình trong toàn vũ trụ, con sẽ khó lòng mở rộng ý niệm bản sắc đó – chắc chắn con sẽ cần một thời gian rất dài. Nhưng vì con không một mình, vì có những sinh thể tự nhận biết khác trong thế giới của con, cho nên bằng cách tương tác với các sinh thể này, con sẽ khuếch trương được ý niệm bản ngã của mình nhanh chóng hơn. Do con phần nào bị thách đố, con thấy được nhiều cách khác để nhìn cuộc sống, nhiều cách khác để giải thích thế giới. Đây chính là yếu tố giúp cho máy giả thực tại thực hiện mục đích dễ dàng hơn, tức là khiến cho sự nhận biết của những sinh thể đang ngụ trong máy được tăng triển và ý niệm bản ngã của họ được mở rộng. Cho nên có một điểm khi một nhóm người cần sống chung với nhau dưới hình thức nhóm, nhưng họ vẫn cần sống biệt lập để xây dựng ý niệm bản sắc mà họ đã tạo ra trong nhóm.

Cũng đến một thời điểm khi mong muốn trải nghiệm một cái gì hơn nữa trở thành một nét chủ yếu trong tâm của ít nhất một số người, nhưng làm thế nào chuyện đó xảy ra được đây? Làm thế nào con có thể trải nghiệm một điều gì khác lạ hay một điều gì hơn nữa nếu mọi người đều bị kẹt trong cùng một thế giới quan? Trong một số trường hợp, người ta có thể đặt lại vấn đề thế giới quan của mình, nhưng chuyện này chỉ xảy ra khi người ta bắt đầu chuyển sang giai đoạn tỉnh ngộ – đây chính là thời điểm con bắt đầu tra vấn thế giới quan của mình một cách tự nguyện trong nội tâm. Nhưng rất khó thực hiện sự chuyển đổi này trực tiếp từ giai đoạn trầm mình sang giai đoạn tỉnh ngộ. Đại khái có một bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn đó, là khi một nền văn minh không thể tiếp tục đứng cô lập mãi, và nó tiếp xúc với một nền văn minh khác đã phát triển riêng rẽ suốt một thời gian rất dài. Như con thấy ví dụ nền văn minh Maya đã trải qua hàng bao thế kỷ phát triển tới mức những năm 1500. Nền văn minh châu Âu cũng đã bỏ ra một thời gian rất dài để phát triển cho tới điểm mốc đó. Nhưng giờ đây cả hai gặp gỡ và đây là cơ hội cho cả hai thăng vượt trạng thái cũ. Ta cũng biết một số người sẽ bảo là sự gặp gỡ đó đã đem đến hậu quả thảm khốc cho người Maya khi văn minh của họ bị người Âu châu tiêu diệt tàn bạo. Tuy vậy, đó vẫn là một cơ hội cho cả hai khám phá ra một cách sống khác, một cách nhìn khác về cuộc sống, và đó là một cơ hội tăng triển.

Tất nhiên, con có thể nói là khi hai nền văn minh với thế giới quan khác hẳn nhau bỗng nhiên gặp gỡ, chuyện gì bắt buộc sẽ xảy ra? Cả hai đều đang cảm nhận thế giới quan của mình không chỉ là một thế giới quan mà là thực tại – một thực tại dựa trên một thẩm quyền cao hơn, một chân lý tối hậu nào đó. Do đó sẽ không thể tránh được xung đột, không tránh được va chạm, và ai nấy đều cảm thấy thế giới quan của mình bị đe dọa. Mục đích là gì chứ? Mục đích là khi một nhóm dòng sống, ví dụ mấy tỷ người liên hệ với máy giả thực tại địa cầu, đã phát triển tới một mức nào đó, thì sẽ có một số dòng sống đã phát triển gần hơn tới giai đoạn tỉnh ngộ, trong khi những dòng sống kia vẫn bám vào thế giới quan cũ cùng cảm nhận về thực tại mà thế giới quan này cung cấp, cho nên họ từ chối đặt lại vấn đề. Nếu những người bám víu này cứ được để yên, có thể họ sẽ ở lại trong máy một thời gian rất, rất dài. Thật sự, họ có thể bị kẹt cứng trong thế giới quan đó. Chính vì mọi người, mọi dòng sống sinh sống trong một bộ máy giả thực tại được nối kết với nhau mà mới có sự kiện một số sẽ kéo theo những người khác đi lên, và điều này phù hợp với định luật tự quyết.

Hơn thế nữa, khi con sống trong một nền văn minh biệt lập với một thế giới quan nhất định, con có thể có một trải nghiệm nào đó, nhưng chuyện gì xảy ra khi hai nền văn minh đụng độ? Phải chăng đó cũng chỉ là một trải nghiệm khác hơn, một loại trải nghiệm khác mà con có thể có trong máy giả thực tại? Đầu tiên, con trải nghiệm là chỉ có một thế giới quan, tức là thế giới quan của nền văn minh của con. Sau đó con trải nghiệm là có những thế giới quan khác nữa – và quả thật là có rất nhiều thế giới quan khác hẳn nhau. Tất cả đều quả quyết là mình thực, là mình dựa trên một thẩm quyền cao hơn. Chuyện gì xảy ra khi người ta nhìn ra điều này? Đúng vậy, một số sẽ cố bám vào niềm tin rằng chỉ có thế giới quan của mình mới là đích thực và họ phải ép buộc người khác tuân theo. Nhưng có những dòng sống khác sẽ bắt đầu nghĩ: “Nếu từng nấy thế giới quan khác nhau đều quả quyết là mình thực, thì lôgíc cho thấy tất cả đều không thể thực cùng một lúc. Tất cả không thể đều thực khi chúng khác nhau đến như vậy, thậm chí còn đối chọi lẫn nhau.” Đây là lúc sinh thể khởi đầu giai đoạn thức tỉnh. Y bắt đầu chất vấn một cách ý thức những thế giới quan khác nhau, rồi y đạt tới điểm y bắt đầu tự vấn: “Tại sao con người tạo ra những thế giới quan đó? Tại sao chúng ta cần tới thế giới quan?” Y bắt đầu đặt vấn đề: “Có phải tất cả mọi thế giới quan trên địa cầu đều hạn chế, có phải chúng không mô tả toàn bộ cách vận hành của thế gian? Có chăng một thế giới quan nào cao hơn chưa được thị hiện trên địa cầu?”  

Sau đó sẽ đến một giai đọan cao hơn khi con bắt đầu hỏi: “Nếu như không có thế giới quan nào là thực một cách tối hậu thì sao? Nếu như chuyện bàn cãi xem thế giới quan nào là thực, là tối hậu, cũng là vô nghĩa? Nếu như tôi chỉ cần ngừng cảm thấy mình bị đe dọa bởi các loại thế giới quan khác biệt? Nếu như tôi nhìn nhận và nhận ra là một thế giới quan chỉ có một công dụng mà thôi, và công dụng này không phải để quy định thực tại là gì, không phải để mô tả cách vận hành tối hậu của thế gian là gì? Mà công dụng duy nhất của một thế giới quan là để đem lại cho một nhóm người một trải nghiệm nào đó? Vậy tại sao tôi phải lo ngại người khác có thế giới quan khác với tôi? Tại sao tôi lại không nghĩ: Mình hãy tập trung vào thế giới quan của mình cũng như trải nghiệm mình có được qua thế giới quan đó? Mình hãy vui hưởng trải nghiệm đó, trầm mình vào trải nghiệm đó, nếm mùi trài nghiệm đó cho tới khi mình chán chê, và khi mình chán chê, đâu là những chọn lựa mở ra cho mình? Phải, khi đó mình sẽ đi tìm một thế giới quan khác sẽ cho mình một trải nghiệm khác. Chuyện này không có gì sai trái.”

Con có thể xoay chuyển như vậy chỉ trong một kiếp đầu thai, nhưng nếu không, chắc chắn con có thể xoay chuyển thế giới quan từ kiếp này sang kiếp khác. Cuối cùng có thể con sẽ đạt tới một điểm khi con nhận ra nếu địa cầu thật sự là một bộ máy giả thực tại, thì nếu như có gì ở ngoài bộ máy đó thì sao? Nếu như có một thế giới khác ở ngoài máy giả thực tại thì sao? Khi con bước vào căn phòng được xây đặc biệt trên địa cầu để chiếu lên môi trường giả tưởng, con biết là bên ngoài vẫn có một thế giới mà con gọi là thế giới thực tại. Nếu như tất cả những gì mà con đã coi là thực chỉ là một cái máy giả thực tại lớn hơn? Nếu như có một cái gì đó bên ngoài bộ máy đó? Và nếu cái đó là thực hơn, có thể đó chính là thực tại bên ngoài bộ máy? Nói cách khác, những gì mà các chân sư gọi là hành tinh tự nhiên – là những hành tinh đã bước vào vòng xoáy hướng thượng luôn luôn tự thăng vượt – có thể được xem là thế giới thực, trong khi các hành tinh phi tự nhiên là máy giả thực tại. Con cũng có thể nói, toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên là một loại máy giả thực tại, và chỉ cõi thăng thiên mới là thế giới thực, cho dù con muốn nhìn như thế nào.

Tuy nhiên, con cũng có một chọn lựa là đạt tới điểm con nhận ra: “Tôi đã chán chê máy giả thực tại trên địa cầu, tôi đã chán chê những loại trải nghiệm mà tôi có thể có trong máy này rồi. Nếu như tôi “tốt nghiệp” thì sao? Nếu như tôi có thể vĩnh viễn bước ra khỏi bộ máy này thay vì cứ đầu thai lại hoài hoài?” À, làm thế nào con làm được chuyện này? Con yêu dấu, con phải nhận ra là mỗi thế giới quan – bất kỳ thế giới quan nào mà con có thể có bên trong máy giả thực tại tên là địa cầu – cuối cùng cũng không thực. Mỗi thế giới quan như vậy được cung cấp, hay được tạo ra, được sản sinh ra, để tạo điều kiện cho một loại trải nghiệm nhất định nào đó.

Giờ đây con có thể nhìn địa cầu và nói: “Thế còn tất cả những xung đột và cuộc chiến thì sao? Mục đích là để làm gì?” Địa cầu là một loại máy giả thực tại đặc biệt. Con thử nghĩ xem, các sinh thể tự nhận biết được sinh tạo với một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm rồi được ban cho quyền tự quyết để khuếch trương ý niệm bản sắc đó. Khi con mang một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm, làm thế nào con có thể nhận ra là mọi thứ đều liên kết với nhau? Làm thế nào con có thể nhận ra lý duyên khởi mà ta vừa nói đến? Đó, con hiện ra như một sinh thể tự nhận biết, con tự trải nghiệm như một sinh thể riêng biệt, khác biệt mọi sinh thể khác. Con sống trong một môi trường và con cũng khác biệt môi trường đó. Vậy làm thế nào con bắt đầu xây dựng một ý niệm bản sắc? Con phải bắt đầu bằng cách tự xem mình là một sinh thể tách biệt. Đây chính là điều mà một máy giả thực tại như địa cầu được thiết kế để giúp con làm. Nó chỉ được thiết kế để cho con một loại trải nghiệm đặc biệt là trải nghiệm của một sinh thể tách biệt.

Các chân sư có nói là có những hành tinh tự nhiên, và trên hành tinh tự nhiên, con cũng khởi đầu với một ý niệm bản sắc nhỏ như chấm. Con tự xem mình phần nào như là một sinh thể tách biệt, nhưng con nhận ra bản sắc con là nhiều hơn cái bản sắc nhỏ như chấm đó. Đó là tại sao trên các hành tinh tự nhiên, con không có những xung đột giữa các sinh thể tự nhận biết với nhau. Trên địa cầu, con có xung đột vì như các chân sư đã giải thích, một hệ quả cùng cực của quyền tự quyết được ban cho con là con phải có khả năng thám hiểm tất cả mọi cõi lựa chọn mà con có thể. Điều này có nghĩa là con phải có khả năng trải nghiệm trạng thái của một sinh thể hoàn toàn tách biệt có thể làm bất cứ gì mình muốn bất kể hậu quả cho các sinh thể tách biệt khác. Con có thể làm bất cứ gì con muốn và tin tưởng là mình sẽ tránh được hậu quả của việc mình làm.

Hành tinh địa cầu cho con trải nghiệm đó khi con không có cảm giác là mình kết nối với cái ta cao hơn của mình. Con không có cảm giác kết nối nào với những sinh thể khác. Con phủ nhận sự kiện hành động của con gây hậu quả cho người khác, hoặc hậu quả đó quan trọng đối với họ, và nó sẽ tác động lên chính con. Trên một hành tinh tự nhiên nơi các sinh thể nhận biết mọi thứ đều nối kết, họ biết mọi chuyện mình làm sẽ ảnh hưởng đến tổng thể. Trên địa cầu, con có thể có trải nghiệm mình không liên quan gì đến tổng thể, mình là một sinh thể tách biệt sinh sống giữa những sinh thể tách biệt khác, cho nên mặc dù con thấy được hành động của mình gây ra hậu quả vật lý, nó vẫn không gây ra bất kỳ hậu quả nào xa hơn, và nó không có tác động đến tổng thể.

Vấn đề là một khi người ta bước vào cảm nhận tách biệt này, họ có một cảm nhận mạnh mẽ về thực tại rằng: “Chuyện này thực. Chúng ta thực sự là những sinh thể tách biệt. Chúng ta đang sống thực sự trong một thế giới tách biệt. Chúng ta là những sinh thể cao trội trên địa cầu. Chúng ta quan trọng hơn mọi người khác. Tôn giáo chúng ta là tôn giáo chân chính duy nhất và do đó điều cần thiết và chính đáng là chúng ta giết hết những ai không theo tôn giáo chúng ta.” Đây là một trải nghiệm mà con có thể có trong máy giả thực tại trên địa cầu và nó nằm trong toàn bộ phạm vi của quyền tự quyết. Nhưng điều gì xảy ra khi người ta bị mắc kẹt trong loại trải nghiệm đó? Đúng vậy, có một cơ chế an toàn là mặc dù họ trải nghiệm mình là sinh thể tách biệt nhưng kỳ thực họ không tách biệt chút nào, vì họ luôn tương kết với tất cả mọi sinh thể khác ở trong cùng bộ máy giả thực tại, và do đó khi có một số người tỉnh ngộ, điều này sẽ kéo mọi người khác lên theo.

Đó là tại sao con đã thấy trong nhân loại, trong xã hội loài người, có một chiều hướng tiến hóa. Nhiều công nghệ mới đã được khởi xướng cho phép những nền văn minh biệt lập bắt đầu tương tác với nhau, và con thấy được thế giới đã trở nên ngày càng nối kết như thế nào, và mạng lưới internet là giai đoạn mới nhất của chiều hướng này. Bây giờ con thấy các thế giới quan của loài người sẽ bắt đầu chạm trán với nhau nhiều hơn, và đó là vì tập thể loài người đã bước vào khởi đầu của giai đọan tỉnh ngộ. Có mốt số người vẫn còn bám chặt vào tâm thức tách biệt, nhưng chuyện này hoàn toàn phù hợp với định luật tự quyết khi trong máy giả thực tại có những người bị những thế giới quan khác thách đố hầu họ có cơ hội chất vấn thế giới quan của họ.

Con sẽ có thể nói: “Nhưng rất nhiều người không đang nắm lấy cơ hội đó”. Điều này tất nhiên cũng đúng cho kiếp sống này, hay có lẽ cho nhiều kiếp sống, nhưng dù sao đi nữa trong giai đoạn mà địa cầu đang trải qua, hay nhân loại đang trải qua, thì cách cấu trúc của địa cầu khiến con không thể sống trên hành tinh này mà không nhận thức được những thế giới quan khác đang có mặt và không bị thách đố trong thế giới quan của mình. Sẽ tới một điểm, sẽ tới một thời điểm cho hầu hết mọi người khi họ sẽ cởi mở hơn để chất vấn thế giới quan của mình. Điều này sẽ xảy ra đặc biệt là vì con sẽ không mãi mãi đầu thai với cùng một thế giới quan. Nhiều người khi tái đầu thai sẽ chuyển sang một nền văn minh khác hay một thế giới quan khác, cho nên mọi người sẽ đều có cơ hội chất vấn thế giới quan của mình. Sự kiện này nằm trọn trong phạm vi của quyền tự quyết bởi vì mọi người trên địa cầu đều nối kết, cho nên khi một số bắt đầu thức tỉnh, điều hoàn toàn tự nhiên là họ sẽ kéo theo số còn lại, sẽ thách đố số còn lại cũng phải đặt lại vấn đề thế giới quan của mình.

Dựa vào đó, chúng ta có thể nói: “Liệu điều này có đem lại ý nghĩa gì cho nỗ lực khiến người khác chất vấn thế giới quan của họ hay không?” Con nhìn xem khi tín đồ các tôn giáo tin chắc là mình nắm chân lý đích thực duy nhất, hay khi người cộng sản tin chắc là họ có hệ thống chính trị chân chính duy nhất, hay người duy vật tin chắc là họ nắm thế giới quan đúng đắn duy nhất, rồi họ trở thành những nhà truyền giáo ráo riết đi cải đạo người khác, liệu điều đó có đem lại ý nghĩa gì hay không? Tất nhiên là nó đem lại ý nghĩa vì đó là thêm một trải nghiệm mà con có thể có. Trong nguyên tầm trải nghiệm mà máy giả thực tại địa cầu cống hiến, con có thể cảm nhận: “Tôi có thế giới quan cao nhất cho nên tôi cần đi cải đạo mọi người”. Và con mang cảm nhận đó suốt mấy kiếp sống cho tới khi con chán chê và con bước lên một tầm nhìn cao hơn. Bây giờ thì con có thể tập trung trải nghiệm thế giới quan mà con đã chọn, nhưng cuối cùng thì con sẽ bước lên và bắt đầu tra vấn mọi thế giới quan hiện hành trên trái đất để tìm cái gì cao hơn.

Đây là lúc cuộc xoay chuyển có thể xảy ra trong tâm con, vì bước kế tiếp trong nhận biết cao hơn là khi con nhận ra địa cầu là một bộ máy giả thực tại. Nó đúng là thế đó. Nhưng điều con nhìn thấy trong máy giả thực tại địa cầu là con nhìn thấy máy, con nhìn thấy căn phòng con đã bước vào, nhưng máy không chạy được một mình. Bên ngoài căn phòng có nhân viên điều khiển máy, và những vị điều khiển máy giả thực tại trên địa cầu là những sinh thể đã từng, phần lớn, ở trong máy đó và gọi là đã tốt nghiệp. Họ đã chán ngán những trải nghiệm trong máy và họ đã bước ra ngoài, nhưng thay vì bỏ đi luôn, họ đã hiến thân mình để giúp những ai vẫn còn trong bộ máy.

Cho nên ở một mức nào đó, sự chọn lựa mở ra cho con là con nhìn vào thật nhiều những thế giới quan có mặt trên trái đất và nhận ra là chúng đều được tạo ra trong máy giả thực tại. Có lẽ một số trong số đó đã nhận được sự đóng góp từ bên ngoài bộ máy, nhưng sau đó người đời đã sử dụng khả năng tâm thức cố hữu của họ mà phóng chiếu lên các xung lực đến từ ngoài, rồi dựng lên một thế giới quan mới, và thế giới quan này thì được tạo ra bên trong bộ máy. Cho nên một khi con ngộ ra được điều này, con có thể nói: “À, nếu như tôi có thể nhận được trực tiếp từ những vị điều khiển máy ở ngoài thì sao?” Khi đệ tử sẵn sàng, vị thày sẽ xuất hiện. Đó là tại sao suốt bao nhiêu thời đại, một số người đã sẵn sàng tiếp nhận từ ngoài bộ máy giả thực tại và họ đã nhận được.

Khi ta, Phật Gautama, bước chân trên trái đất trong một cơ thể vật lý 2500 năm về trước, có phải ta đã tự mình nghĩ ra giáo lý đạo Phật hay chăng? Liệu ta là một sinh thể vẫn sống trong máy giả thực tại mà lại đưa ra được giáo lý đó? Không đâu. Ta nhận ra sự giới hạn của những thế giới quan mà ta tiếp cận thời đó, và ta đã mở tâm ra để với lên điều gì đó nằm vượt ngoài bộ máy. Và ta đã nhận được, và điều đó đã trở thành giáo lý đạo Phật. Giáo lý này được ban truyền từ bên ngoài bộ máy, và tất nhiên kể từ thời đó, đã có những người không trực tiếp liên lạc với các vị điều khiển máy bên ngoài đã sử dụng thế giới quan cố hữu của họ để đè chồng lên những ý tưởng tạo ra giáo lý mà ngày nay con gọi là đạo Phật. Một số người đã giữ được một độ thuần khiết nào đó của lời dạy ban đầu. Một số khác đã áp đặt một cách diễn giải rất khác với lời dạy ban đầu. Nhưng rất, rất ít người đã dùng lời dạy ban đầu của Phật giáo để nối kết với các vị điều khiển ở ngoài bộ máy.

Khi Giê-su bước chân trên trái đất 2000 năm về trước, thày cũng đã đạt đến mức tâm thức chất vấn mọi thế giới quan mà thày nhìn thấy trên địa cầu. Thày cũng ngộ ra là rất nhiều thế giới quan được tạo dựng hoàn toàn bên trong máy giả thực tại. Chúng dựa trên trải nghiệm của những người bên trong bộ máy. Họ lấy những trải nghiệm đó và đè chồng lên thế giới quan. Điều này cũng tốt thôi vì nó đem lại cho họ một trải nghiệm, và cảm giác trải nghiệm đó là thực. Vấn đề là, nếu thế giới quan do các điều kiện hiện hành trong máy tạo ra không thể giúp con bước ra ngoài bộ máy, thì nó sẽ giữ chặt con lại ở trong đó.

Cho nên Giê-su đạt tới điểm khi thày sẵn lòng nhìn ra điều đó. Và thày đã nhìn ra. Thày ngộ được sự giới hạn của những thế giới quan đó. Thày sẵn sàng chất vấn chúng. Thày sẵn sàng đạt tới điểm nói rằng: “Có thể nào tự mình ta không thể làm được gì? Hay có điều gì đó mà Cha ở bên ngoài ta con thể cho ta, một viễn quan khác hơn là những gì ta có thể nhận được từ bên trong thế gian này?” Và Giê-su với tay ra, và như định luật nói rõ, khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày phải xuất hiện, và Giê-su được ban cho một lời dạy từ bên ngoài bộ máy. Người đời đã làm gì với lời dạy đó chứ? Phải, như Giê-su vừa nói trong bài giảng của thày hôm nay, người đời đã hoàn toàn bóp méo nó đi.

Điều mà thày gọi là “tâm thức Sa-tăng” là cái mà ta gọi là “tâm thức hiện hữu bên trong máy giả thực tại”. Tâm thức đó có khả năng nhận thức một cái gì đó bên ngoài bộ máy, nhưng một khi nó bắt được liên lạc với bên ngoài, nó lại muốn buộc cho sáng ngộ đó phải ép mình vào trong thế giới quan đã được tạo ra trong máy. Nói cách khác, thay vì sử dụng sự tiếp xúc đó với bên ngoài để thăng vượt máy giả thực tại, nó lại sử dụng để củng cố và xác nhận chính cái thế giới quan đã giam nó trong máy.

Có người sẽ bào: “Nhưng đó có chẳng phải là một trải nghiệm khác mà người ta có thể có, khi người ta cảm thấy thế giới quan của mình được xác nhận bởi một thẩm quyền tối thượng, dù họ gọi đó là Thượng đế hay một cái tên nào khác?” Tất nhiên đó là một loại trải nghiệm khác, nhưng một lần nữa, vì mọi sinh thể ở trong bộ máy được nối kết với nhau, điều hoàn toàn bình thường là một số người sẽ với lên một trải nghiệm cao hơn và đem xuống được một điều gì đó có thể thách đố thế giới quan hiện hữu. Dựa vào đó con có thể nói: “Có một số thế giới quan trên địa cầu bảo là có điều gì đó không ổn với tạo vật của Thượng đế và đó là lý do chúng ta chứng kiến bao nhiêu cảnh khốn cùng, bao nhiêu đau khổ và xung đột trên địa cầu.” Nhưng nếu dựa vào viễn quan mà ta vừa trao cho con, không có gì đã đi trật đường.

Địa cầu là một máy giả thực tại được thiết kế để đem lại cho các sinh thể ở bên trong một loạt những trải nghiệm khác nhau. Họ có quyền tự quyết chọn lựa loại trải nghiệm nào họ muốn. Theo một nghĩa nào đó, họ không chọn lựa giữa những trải nghiệm đã từng có, mà họ phần nào có tự do ấn định trải nghiệm của họ, và điều này họ vẫn làm khi họ tạo ra tất cả những thế giới quan đó đụng độ với nhau. Không có gì đã bị trật đường. Vấn đề duy nhất là: “Liệu cá nhân con đã đủ chán chê những trải nghiệm con đang nhìn thấy trên địa cầu hay chưa?” Nếu con đã đủ chán thì con có thể làm hai chuyện. Con có thể tìm cách bắt liên lạc với những vị điều khiển máy bên ngoài bộ máy, và đem xuống một xung lực sẽ giúp con định ra một thế giới quan khác hơn sẽ mang lại cho con một trải nghiệm mà chưa ai trên địa cầu từng nếm mùi. Chuyện này hoàn toàn chính đáng. Nhưng chọn lựa kia là con nhận ra là con đã chán ngán tất cả mọi loại trải nghiệm – là loại trải nghiệm mà con có thể có trên trái đất, loại trải nghiệm mà con có thể có như một sinh thể tách biệt. Con muốn bước lên cao hơn và đi vào nhận thức sâu xa là mặc dù con đã khởi sự như một sinh thể nhỏ như cái chấm, giờ đây con đã khuếch trương ý niệm bản sắc của mình đến mức con ngộ ra là con không phải là một sinh thể tách biệt, mà con là thành phần của một tổng thể tương kết. Thay vì trải nghiệm những gì con có thể trải nghiệm như một sinh thể tách biệt, con muốn có trải nghiệm mình nối kết.

Cho nên khi con đạt đến điểm này, đó là lúc con có thể khởi sự giai đoạn chót của tiến trình tỉnh ngộ có thể dẫn con tới điểm vĩnh viễn bước ra khỏi bộ máy giả thực tại của địa cầu, mà hiển nhiên các chân sư gọi là thăng thiên. Liệu có tên gọi nào khác hay không? Tất nhiên là có, nhưng các chân sư đang trao cho con một lời dạy mà các thày không bảo là lời dạy tối hậu, mà là một lời dạy được thiết kế đặc biệt để giúp cho những ai sẵn lòng bước ra khỏi bộ máy càng nhanh càng tốt. Đối với nhiều người, việc này có thể thực hiện được trong một kiếp người, vì con đã làm xong nhiều chuyện trong các kiếp trước rồi. Cho nên đó là mục đích duy nhất. Các thày không có mục đích cho con chân lý tối thượng vì một lý do vô cùng giản dị. Mục đích giáo lý của chân sư không phải là cho con thêm một loại trải nghiệm để con có thể nếm mùi trong máy giả thực tại địa cầu. Mục đích giáo lý của chân sư là để giúp con vĩnh viễn rởi khỏi máy giả thực tại.

Liệu có những giáo lý nào khác có thể giúp con rời khỏi máy giả thực tại hay chăng? Chắc chắn là có. Đạo Phật là một giáo lý đã giúp được một số người. Đạo Cơ đốc trong dạng thuần khiết cũng đã giúp được một số người. Ngay cả đạo Hồi cũng đã giúp được một số người khi họ đi theo con đường thần bí. Có những giáo lý khác cũng đã giúp được con người. Nhưng những gì các chân sư thăng thiên ban truyền ngày hôm nay được dựa trên tâm thức tập thể của ngày hôm nay. Do đó nó đã được hoạch định cho những ai đã đạt tới những mức độ tỉnh thức cao hơn và đã sẵn sàng bước những bước cuối cùng. Đó là điều mà ta muốn trao cho con trong bài giảng này. Đối với một số người, đây chỉ là chuyện tầm phào. Một số người khác sẽ đọc bài này và bảo là chuyện ngớ ngẩn, vô nghĩa lý. Một số khác sẽ đọc và bảo bài này không thể nào là của đức Phật. Một số khác sẽ đọc và bảo bài này không thể nào của các chân sư thăng thiên. Hãy mặc cho họ có trải nghiệm đó. Điều quan trọng là bài này là gì đối với con?

Con đi theo những lời dạy đánh động được nội tâm của con, những lời dạy mà con biết có thể giúp con bước ra khỏi máy giả thực tại, và khi con thật sự rời khỏi bộ máy đó, chắc chắn ta sẽ ở đó để đón chào con, cùng với Giê-su, Saint Germain, chân sư More, Mẹ Mary và nhiều vị chân sư thăng thiên khác nữa. Thật ra, các thày có thể sẽ đứng xếp hàng để đón chào con. Nhưng một lần nữa, vì các thày ngụ trong tâm duy nhất cho nên chuyện đó cũng hoàn toàn tốt thôi.  

Với lời đó, con yêu dấu, ta biết ơn con đã cho phép ta đưa ra lời dạy vừa rồi, bài giảng vừa rồi. Lời dạy đó đã không thể trao cho bất cứ ai, mà chỉ cho những người đã mở tâm mình ra để có khả năng và lòng mong muốn tiếp nhận được. Và con thấy đó, luôn luôn có lý duyên khởi đang vận hành. Chúng tôi là các chân sư thăng thiên không thể truyền rải một điều gì đó trên địa cầu “từ hư vô”. Chúng tôi phải cần đến một ai đó bên trong máy giả thực tại nâng cao tâm thức mình đến mức có khả năng nhận được. Và vì thế ta vô cùng biết ơn. Như vậy, ta niêm ấn buổi hội nghị này trong Ngọn lửa Biết ơn của Phật.  

19 | Một câu hỏi về thời gian

Câu hỏi: Xin các chân sư trao cho chúng con một lời dạy sâu xa hơn về sự không hiện hữu của thời gian và về thực tại tâm linh. Chúng con biết là một số sự việc diễn ra theo trình tự thời gian, chẳng hạn như việc đổ đầy một bầu cõi tân lập với ánh sáng. Nếu thời gian không hiện hữu và mọi sự đều xảy ra cùng một lúc, làm thế nào chúng con có thể gắn liền việc này với ý chí tự quyết, vì ý chí tự quyết có cơ hội bước theo hướng hoàn thành con đường quả vị Ki-tô hoặc theo hướng ngược lại? Từ nhãn quan thế tục của chúng con, việc đó xảy ra ở một thời điểm cụ thể. Các sinh thể ở cõi tâm linh cảm nhận thời gian trôi qua trên trái đất như thế nào?

Trả lời của Phật Gautama: Con yêu dấu, thày chính là người đã nói: “Thời gian không có,” và tất nhiên câu này là một công án. Chắc chắn thời gian hiện hữu ở một mức độ nào đó. Chắc chắn thế gian mang tính chất đường thẳng ở một mức độ nào đó. Có một sự trải bày tuần tự từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau. Con có thể nói là toàn bộ thế giới quan mà các thày đã trao cho con là sự kiện Đấng Sáng tạo đã khởi sự sáng tạo qua việc tạo ra một khoảng trống, xong ngài tạo ra một tiến trình cho các sinh thể đồng sáng tạo lấp đầy khoảng trống này – và đây là một tiến trình hoàn toàn đường thẳng. Từ nhãn quan này, con có thể nói là con có thể xem thời gian như một trình tự tiến hành từ một giai đoạn sang giai đoạn kế tiếp, qua đó một giai đoạn tạo ra một biểu hiện đặc thù sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của các biểu hiện trong giai đoạn kế tiếp. Nếu con nhìn thời gian theo cách này thì chắc chắn thời gian hiện hữu. Điều thày muốn con và mọi người nói chung quán chiếu qua câu “Thời gian không có” là sự kiện thời gian không nhất thiết phải giống hệt cách nhìn hiện thời của con bằng tâm thức gọi là “bình thường” trên trái đất. Không như cách nhận thức bình thường của con, thời gian không hẳn là đường thẳng, khắc sâu vào đá, không thể tránh khỏi hay không thể thay đổi.

Một khía cạnh của vấn đề này là toàn bộ giáo lý các thày đã trao cho con về cách làm thế nào con loại bỏ các ngã tách biệt và nhờ vậy chữa lành bốn thể phàm của con. Chúng ta có thể nói là ở một thời điểm trong quá khứ xa xôi con đã trải qua một chấn thương nhập đời, và thời điểm này không còn nữa, thời điểm này đã đi qua. Bây giờ con đang ở một thời điểm khác nhưng con vẫn mang chấn thương nhập đời này theo con. Con vẫn bị nó tác động vì các khoảnh khắc sau đó, các khoảnh khắc đến sau chấn thương nhập đời, đã bị chấn thương nhập đời đưa vào một hướng đi nhất định. Mọi chuyện xảy ra sau đó được xây dựng trên nền tảng chấn thương nhập đời.

Nếu con không thể thay đổi thời gian, nếu con không thể thay đổi quá khứ, nếu con không có một cỗ máy vượt thời gian – mà qua đó con có thể đi trở ngược quá khứ để giải quyết chấn thương nhập đời – thì làm thế nào con sẽ giải thoát khỏi chấn thương được đây? Con thấy là ngay khoảnh khắc Đấng Sáng tạo ban quyền tự quyết cho các sinh thể đồng sáng tạo, phải có một sự trải bày diễn ra một cách đường thẳng, mà con gọi là thời gian, để các sinh thể này sử dụng quyền tự quyết của họ. Như vậy họ mới thấy được là khi họ phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật thì sau đó một thời gian Ánh sáng Mẫu-vật sẽ trình diễn nó ra thành những hoàn cảnh vật lý. Những hoàn cảnh vật lý này không chỉ biến mất sau một tích tắc mà chúng có thể tồn tại trong một khoảng mà con gọi là thời gian.

Để sử dụng quyền tự quyết, phải có thời gian hiện hữu để một số biểu hiện được duy trì. Tuy nhiên để đảm bảo quyền tự quyết không trở thành một hệ thống tự hạn chế – tức một hệ thống nơi con lần lần càng tạo thêm hậu quả cho chính mình, rồi với thời gian con mang các hậu quả này theo con cho tới mức chúng trở nên khắc nghiệt đến độ chẳng bao lâu con không còn chọn lựa nào nữa, con không còn quyền tự quyết nữa – để tránh kịch bản này xảy ra, thời gian không thể chỉ đi theo một hướng độc nhất. Phải có cách nào đó để con quay lại thay đổi quá khứ. Cách đây hai triệu năm có thể đã có một tình huống vật lý nơi con phải chạm mặt với chấn thương nhập đời, nhưng khía cạnh tích cực của thời gian là thời gian đã trôi qua. Và tình huống vật lý này không còn nữa.

Đây là một ân huệ, vì ngược với những gì các tác giả khoa học viễn tưởng muốn con tin, con không thể chế tạo một cỗ máy vật lý có khả năng quay trở lại một tình huống xảy ra hai triệu năm trước để con du hành về đó trong cõi vật lý và thay đổi vật lý. Chuyện này không thể làm được, không bao giờ có thể làm được. Nhưng điều con có thể làm được là tạo ra một cỗ máy vượt thời gian trong chính tâm con. Kỳ thực trong bài tập mà Mẹ Mary dẫn con đi qua bảy khu vườn trở về rạp hát nơi chấn thương nhập đời của con đã diễn ra, Mẹ đã trao cho con một cỗ máy như vậy để con có thể quay về khung cảnh khi tình huống đó vẫn tồn tại. Tình huống không còn tồn tại trong cõi vật lý nhưng nó còn tồn tại trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. [Xem bài tập này trong sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]

Con có thể quay trở về đó trong cỗ máy vượt thời gian xuyên qua các thể này, làm tan biến những vết tích còn sót lại ở đó, những khuôn đúc, những giới hạn, những cái ngã, bất kể con muốn gọi là gì cũng được. Con làm nó tan biến đi, thế là con thay đổi quá khứ cho dù thời gian đã trôi qua. Con đã thay đổi quá khứ của con. Qua việc loại bỏ ngã gốc của mình, con không còn là cùng con người mà con đã từng là, khi chính ý niệm bản sắc của con, cách con tư duy về cuộc sống và cách con cảm nhận cuộc sống bị ngã gốc đó pha màu. Con đã trở thành một sinh thể mới trong Ki-tô. Đây ít nhất là một tầng cấp cho thấy tại sao thày bảo rằng thời gian không có. Thời gian không phải là một lượng gì cố định.

Bây giờ nói về quyền tự quyết, luôn luôn đã có bàn cãi về đề tài này trong số những người tâm linh lẫn các triết gia. Chẳng hạn những ai theo tôn giáo sẽ nói: “Nếu Thượng đế là đấng toàn tri thì ngay từ khởi thủy ngài đã phải biết rõ kết cuộc. Thượng đế phải biết kết quả chung cuộc của vũ trụ sẽ ra sao trước khi ngài khởi đầu tiến trình sinh tạo vũ trụ. Và nếu Thượng đế biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra thì làm sao con người có quyền tự quyết được?”

Và câu trả lời là như sau: đó là một cái nhìn sai lạc về Thượng đế, một hình ảnh sai lạc về Thượng đế mà sa nhân đã cốt ý đưa ra nhằm gây bối rối theo kiểu này. Thượng đế không toàn tri theo nghĩa ngài biết chính xác tất cả mọi chuyện sẽ diễn bày. Ngài biết một số sự việc tổng quát nhưng ngài không biết rõ mọi chi tiết. Kỳ thực ngài đã nói, Đấng Sáng tạo đã nói: “Ta ban quyền tự quyết cho các con. Ta ban cho các con khả năng làm cho ta ngạc nhiên.” Cho nên từ một quan điểm truyền thống, Thượng đế không toàn tri.

Thậm chí con có thể thấy các nhà duy vật bảo rằng mọi chuyện đều được quy định bởi các định luật tự nhiên. Có một hình ảnh cố hữu cho rằng thế giới giống như một chiếc đồng hồ vĩ đại, và nếu con biết tất cả các điều kiện ban đầu khi thế giới khởi sự, thì bằng cách biết rõ mọi định luật tự nhiên con có thể tiên đoán chính xác thế giới sẽ như thế nào ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Con có thể đoán trước được tương lai nếu con biết rõ các điều kiện nguyên thủy cùng các định luật tự nhiên. Cách nhìn này cũng hoàn toàn sai lạc vì quan điểm duy vật không ngó gì đến quyền tự quyết, nó bỏ qua thực tế rằng vũ trụ vật lý chỉ là hệ quả của những gì xảy ra trong ba thể cao hơn. Sự biểu hiện vật lý chỉ là sản phẩm của những gì xảy ra ở mức tâm thức. Như các thày đã nói, tâm thức có trước, biểu hiện vật lý có sau. Cho nên đơn giản những quan điểm như trên đều sai lạc. Con quả là quyền tự quyết.

Con sắp sửa làm gì đây trong một phút nữa: Thượng đế không làm sao biết được, Thượng đế không quy định được, Thượng đế không giới hạn được, và các định luật tự nhiên cũng không giới hạn được. Con có thể nhìn một người nào đó, nhìn vào trạng thái tâm lý của họ, nhìn vào các ngã tách biệt mà họ đang mang, và con có thể tiên đoán với một độ chính xác rất cao là họ sắp sửa làm gì trong một phút nữa. Tuy nhiên với thời gian, con không thể biết được liệu họ sẽ quyết định thay đổi hay không. Ngay cả những người hoàn toàn không biết đến các chân sư thăng thiên, họ vẫn có thể lấy quyết định: “Tôi đã chán chê loại trải nghiệm này rồi. Tại sao tôi cứ làm đi làm lại cùng một chuyện này mãi mãi? Tôi chọn lựa thay đổi. Tôi sẽ ngừng làm chuyện đó.”

Suốt chiều dài lịch sử, con người đã có những chọn lựa như vậy và chính điều này đã đem lại tiến bộ cho bản thân họ cũng như cho nền văn minh của họ. Một khi con hiểu rõ ngã tách biệt, con có thể loại bỏ chúng, con có thể để cho chúng chết đi, và sau đó với mỗi cái ngã chết đi như vậy, con sẽ có thêm quyền tự quyết. Quả là con có quyền tự quyết nhưng con chỉ có thể chọn các chọn lựa mà con nhìn thấy. Các chọn lựa mà con nhìn thấy ngay bây giờ tùy thuộc vào toàn bộ bốn thể phàm của con, vào các ngã tách biệt, vào sự pha màu mà con đang mang. Một số những ngã tách biệt này sẽ che chắn nhiều tùy chọn khỏi mắt con, cho nên con chỉ không thể thấy chúng, và nếu con không thấy chúng là chọn lựa thì con không thể nắm lấy chọn lựa đó. Nói cho cùng, quyền tự quyết và sự nhận biết gắn liền rất chặt chẽ với nhau. Con có thể nói là con luôn luôn có quyền tự quyết chọn lựa các tùy chọn mà con thấy được ở mức tâm thức hiện thời của con. Ý chí tự do của con chỉ tự do như những gì con có thể nhìn thấy.

Hẳn nhiên quyền tự quyết là một thực tế, và bất kỳ triết lý nào, hệ tư tưởng nào mà bác bỏ quyền tự quyết hay tìm cách giới hạn quyền tự quyết qua một yếu tố nào đó mà con không có khả năng chủ động, bất kỳ hệ thống nào như vậy đều xuất phát từ tâm trí của sa nhân. Các thày không bảo là tất cả những ai đề xướng những loại hệ thống như vậy đều là sa nhân, nhưng ý tưởng nguyên thủy đã khởi lên từ tâm  trí sa nhân. Mục đích chủ yếu của chúng không phải là giới hạn dân số loài người mà giới hạn các chọn lựa mà quần chúng có thể lấy, hay đúng hơn, mà mỗi cá nhân có thể lấy. Chúng muốn hạn chế quyền tự quyết của con.

Tất cả đều nối kết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 21/9/2019 tại Kyiv, Ukraine.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Thật là một niềm vui rất lớn cho ta được niêm hội nghị chân sư thăng thiên này tại quốc gia Ukraine. Và ta cũng rất vui nói với các con là các con đã vượt quá tiềm năng cao nhất mà chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã dự đoán cho hội nghị này. Các con đã làm được như vậy là do đã sẵn sàng đến với nhau, và mặc dù những khác biệt về ngôn ngữ, quốc gia hay văn hóa, các con đã đạt được một mức độ kết hợp cao hơn là chúng tôi có thể dự đoán. Điều này đã mở ra khả năng cho chúng tôi truyền rải nhiều ánh sáng hơn những gì có thể.

Bởi vì điều gì định đoạt lượng ánh sáng mà chúng tôi truyền rải tại một hội nghị? Phần lớn, đó là khả năng của luân xa các tham dự viên – kể cả những tham dự viên nối kết qua mạng lưới internet – để tỏa rạng, phát sóng ánh sáng vào tâm thức tập thể. Nếu chúng tôi ban ra nhiều ánh sáng hơn là luân xa các con có khả năng tiếp nhận thì sẽ quá nhiều cho các con, và nếu ánh sáng không thể tỏa ra thì không chắc nó sẽ thực hiện được mục đích của nó. Qua sự kiện các con vừa nhận được những bài truyền đọc với uy lực rất lớn, các con có thể biết là mình đã sẵn lòng đến với nhau trong hợp nhất – là sự hợp nhất đạt được khi không chỉ luân xa của từng cá nhân được chúng tôi sử dụng, mà các con đã hình thành một tâm và một tim kết hợp rộng lớn hơn, khiến luân xa mọi người được phối hợp lại, được đồng bộ với nhau để nhân lên gấp nhiều lần những gì chúng tôi truyền rải.

Ta không bảo là mọi hội nghị đều như vậy, hay các con phải bắt đầu đánh giá xem hội nghị nào mà không nhận được bài truyền đọc đầy uy lực thì tham dự viên đã không kết đoàn. Có những hội nghị mang những mục tiêu khác. Có những bài truyền đọc mà mục đích chủ yếu là để giảng dạy giáo lý. Và do đó, vì phần nào chúng ta đang ở một khu vực mang tâm thức tập thể rất dày đặc nên mới có nhu cầu phóng ra một lực thúc đẩy thật mạnh mẽ hầu đâm thủng, phá vỡ một số khuôn đúc trong tâm tập thể.

Trong hội nghị này, chúng tôi đã gợi ý một số khái niệm mà chúng tôi chưa đề cập trước đây. Con đã nghe chúng tôi trình bày về một khái niệm – lý duyên khởi – có lẽ xa lạ đối với đa số các con nhưng lại khá phổ biến trong một số giới đạo Phật. Tất nhiên đó là một cách gọi hơi hoa mĩ vì con có thể diễn tả một cách khác: Tất cả mọi thứ đều nối kết với nhau. Khái niệm này mang nhiều hệ quả mà chúng tôi sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn trong thời gian tới. Thật ra chúng tôi cũng đã có đề cập bằng những từ ngữ và ý tưởng khác rồi, nhưng như con cũng biết, chúng tôi thường trở lại một đề tài đã bàn đến trước đây để đưa nó lên một tầng cao hơn, bởi vì tiến trình truyền pháp có một số chu kỳ, và tiến trình tăng trưởng của con cũng có một số chu kỳ nhất định. Cho nên thỉnh thoảng, chúng tôi sẽ giảng lại về một đề tài đã được giảng trước đó để đem lại một cái gì mới và đưa nó lên một tầm nhìn cao hơn.

Khi bảo rằng tất cả mọi thứ đều nối kết thì câu này có nghĩa là gì? Có nghĩa là ảo tưởng, hay ấn tượng do giác quan của con tạo ra là một ảo tưởng. Con nhìn qua giác quan của con, và với tâm vỏ ngoài giới hạn giác quan, con thấy mọi thứ đều tách biệt. Con có thể bảo rằng cái loa bên này tách biệt với cái loa bên kia, rằng mặt trời tách biệt với mặt trăng, địa cầu tách biệt với sao Thủy hay sao Kim. Một người bên Nga tách biệt với một người bên Mỹ, vân vân.

Thế giới chú tâm vào sự khác biệt, chú tâm vào những vật tách biệt. Đây là một ảo tưởng mà con có thể bắt đầu rèn luyện tâm trí để con nhìn vượt qua. Và con có thể làm điều này một cách cao hơn hầu hết mọi người đã làm được trước đây nhờ con được học rất nhiều giáo lý mà chúng tôi đã ban ra. Trước tiên là giáo lý về bốn tầng của vũ trụ vật chất. Nó cho thấy là dải tần số vật chất, quang phổ vật lý, cũng giống như phần nổi của một tảng băng hiển lộ trên mặt nước, trong khi phần còn lại thì không thấy được bởi nó ẩn dưới mặt nước.

Cũng vậy, ba thể cao của phàm ngã con không thấy được. Nhưng như con cũng biết, nếu 90% băng đá bên dưới chuyển động thì chẳng phải là phần nổi bên trên cũng sẽ chuyển động theo hay không? Cho nên nếu bên dưới có dòng nước ngầm di chuyển về hướng Nam, thì dù cho bên trên có một ngọn gió thật mạnh thổi về hướng Bắc, phần nổi của tảng đá vẫn sẽ trôi ngược gió về hướng Nam.

Và như vậy nếu trong ba thể cao của con có sự chuyển động về một hướng nào đó, thì có thể tâm ý thức của con sẽ rất khó lòng đi ngược về hướng kia. Con sẽ đi theo những ngọn sóng ngầm trong tiềm thức. Và đó là tại sao con có tiềm năng nắm quyền chủ động đời mình bằng cách giải tỏa những năng lượng đó, giải quyết tâm lý và buông bỏ những cái ngã, vân vân. Nhưng con cũng có thể rèn luyện tâm trí để con cảm nhận sự nối kết sâu hơn bên dưới cho dù con không nhất thiết nhìn thấy được.

Điều này sẽ đem lại rất nhiều ích lợi cho đường tu của con. Sơ khởi ta sẽ đưa ra một ví dụ. Sứ giả này đang dang hai bàn tay ra khá xa. Nếu giả dụ con lấy một tấm vải che phần dưới cơ thể của ông thì con có thể thấy hai bàn tay này tách biệt với nhau. Bây giờ hai bàn tay bắt đầu chuyển động nhịp nhàng với nhau và chúng gặp nhau ở giữa – con có thể nghĩ chúng là hai vật tách biệt đang di động nhịp nhàng. Nhưng tất nhiên vì không có tấm vải nào đang che cơ thể của ông, cho nên con thấy rõ chúng thuộc về, chúng gắn liền với cùng một cơ thể. Và do đó, thật không có gì lạ lắm khi cơ thể này có thể làm cho chúng chuyển động.

Nhưng bây giờ con hãy tưởng tượng hai vật có vẻ tách biệt đối với giác quan của con. Nếu một vật di chuyển về hướng này và vật kia di chuyển về hướng kia, con sẽ có thể nghĩ rằng có hai nguyên nhân khác nhau đang làm chúng chuyển động. Và con có thể nghĩ, như khoa học đã nghĩ như vậy từ mấy thế kỷ qua, rằng thế giới được tạo thành bởi những vật tách biệt, những vật không nối kết với nhau, không trao đổi tín hiệu với nhau. Và do đó nếu chúng di chuyển về hướng khác nhau, nhất định là phải có những nguyên nhân khác nhau khiến chúng chuyển động. Nhưng thật là không phải vậy. Không có vật nào tách biệt cả. Và cũng không có nguyên nhân nào tách biệt. Không có hậu quả tách biệt lẫn nguyên nhân tách biệt.

Điều gì có thể giải thích chuyện này? Làm thế nào con hình dung được đây? Một lần nữa, con hãy lấy ví dụ hai bàn tay của sứ giả này đang chuyển động nhịp nhàng với nhau trước khi chúng chụm lại. Dựa trên giác quan, con có thể bảo là có hai bàn tay đang hiện hữu trong thời gian và không gian. Chúng đang di chuyển một cách liên tục với nhau trước khi gặp gỡ. Nhưng như chúng tôi đã gợi ý trước đây, điều xảy ra không thực là vậy. Bởi vì quang phổ vật lý giống như hình ảnh trên một màn hình chiếu phim. Những chuyển động mà con thấy trên màn hình không liên tục vì chúng do cuộn phim tạo ra, và cuộn phim thì có nhiều tấm ảnh tách rời được ánh sáng chiếu xuyên qua. Chính các tấm ảnh này chuyển động, nhưng chúng chuyển động nhanh đến độ con không thấy có một tấm ảnh đang thay thế một tấm khác. Nhưng dĩ nhiên con cũng biết, trong phim cũ thời xưa quay chậm hơn, con có thể nhận thấy hình bị nhảy giật giật, khiến người ta đi đứng trong phim cũng giật giật như thế – và nhờ vậy con dễ nhận ra đó là những tấm ảnh cố định riêng rẽ đang được trình chiếu ở một tốc độ khiến con có cảm giác chúng là phim xi-nê.

Khi con biết mọi chuyện xảy ra trong cõi vật lý là kết quả của những nguyên nhân trong ba cõi cao hơn, con sẽ bắt đầu thấy được là không có hai bàn tay đang chuyển động cùng với nhau trong một động tác liên tục. Nếu con có thể chiếu chậm lại, con sẽ thấy: đây, có một tấm ảnh đang được trình chiếu ngay bây giờ bởi những gì đang xảy ra trong ba cõi tình cảm, lý trí và bản sắc, tức là sự tương tác giữa những năng lượng và khuôn đúc trong ba cõi đó. Nếu con hình dung được và chiếu cho thật chậm, con sẽ có thể nói: đây, có một tấm ảnh nữa đang được tạo ra bởi tương tác trong ba cõi cao. Và đây, lại thêm một tấm ảnh nữa. Và đúng vậy, đối với con hai bàn tay có vẻ như xích lại gần với nhau. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu có phải là cùng hai bàn tay đó hay không? Có phải là cùng hai bàn tay đang chuyển động từ tấm ảnh này sang tấm ảnh kia rồi sang tấm ảnh nọ? Hay phải chăng nó giống như những tấm ảnh riêng rẽ trên một cuộn phim đang quay và được chiếu lên màn hình, hết tấm này sau tấm kia?

Nói cách khác, thực tế là cho dù con thấy cái đó như một vật liên tục và một sự chuyển động liên tục, thật ra nó giống như một chuỗi ảnh được chiếu lên màn hình, nhưng nó nhanh đến độ các giác quan vỏ ngoài của con, tâm vỏ ngoài của con không thể nắm bắt được.

Tại sao chuyện này lại quan trọng? Vì nhiều lý do. Nhưng sơ khởi, vì con hiểu ra là nếu con thực sự muốn thay đổi cõi vật lý thì con sẽ cần thay đổi nguyên nhân, con cần làm việc trên nguyên nhân thay vì trên kết quả. Đây là điều chúng tôi đã dạy con làm bằng cách làm sạch bốn thể phàm của con. Và khi thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ dạy con nhiều hơn, không những về cách làm sạch bốn thể phàm mà vượt ra ngoài năng trường của con để bắt đầu làm sạch một số khuôn đúc, hình ảnh, năng lượng cùng mô thức sóng đang ảnh hưởng đến hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Nhưng điều này chúng tôi chưa thể trao cho con cho đến khi chúng tôi dạy con về cách khắc phục ngã gốc (primal self). Bởi vì nếu không, có thể con sẽ bị rất nhiều ngã tách biệt xúi giục con lạm dụng lời dạy đó để đạt quyền năng thay đổi hoàn cảnh vật lý cho dù con sẽ xen vào quyền tự quyết của người khác.

Nhưng điều con hiểu ra khi con suy ngẫm về lời dạy trên là sự kiện con đã bị lập trình để nghĩ rằng một khi một nguyên nhân đã được kích hoạt thì không gì sẽ có thể lật ngược lại được. Không gì có thể thay đổi nó được. Sứ giả này đã lớn lên với một người ông rất ham thích săn bắn và súng ống, nhưng ông cũng rất quan tâm đến an toàn. Phương châm của ông là: “Đừng bao giờ quên, một khi viên đạn đã rời khỏi nòng súng thì không một thế lực nào trên địa cầu sẽ có thể quay nó ngược trở lại.” Đây là điều mà khi lớn lên con đã được dạy dỗ để suy nghĩ. Một khi một nguyên nhân được kích hoạt thì không một thế lực nào trên địa cầu có thể quay nó trở ngược lại. Một khi trận tuyết lở đã khởi động thì không gì có thể ngăn nó đổ xuống sườn núi.

Nhưng làm thế nào Ki-tô đã làm yên được cơn bão chứ? Ki-tô đã làm được vì tâm của thày không rơi vào cái ảo tưởng thường tình cho rằng cơn bão là một hiện tượng liên tục được tạo ra bởi một nguyên nhân nào đó, và một khi nó đã được khởi động thì nó bắt buộc phải tiếp diễn cho đến khi kiệt sức. Giê-su nhận ra là rất nhiều lần trong mỗi giây, thế giới vật lý lại được tái tạo, được trình chiếu lại một lần nữa. Giữa hai lần trình chiếu riêng rẽ đó có một khoảng thời gian – một khoảnh khắc rất, rất ngắn, nhưng không phải là không có. Có một khoảnh khắc im lặng. Và nếu con có thể uốn cong tâm mình hay kéo tâm cho khỏi tập trung vào sự kiện, và nếu thay vào đó con tập trung vào sự im lặng giữa hai lần trình chiếu, thì con có thể thay đổi hình chiếu ở cõi vật lý. Hay đúng hơn, con thay đổi ở các cõi cao hơn và sau đó cõi vật lý cũng thay đổi theo.

Tuy thời nay không phải là một thời con cần sản xuất ra loại hiện tượng mà Giê-su đã làm 2000 năm về trước, nhưng con có thể dùng lời dạy này để thị hiện những hoàn cảnh vỏ ngoài tốt đẹp hơn cho mình, kể cả việc chữa lành xác thân vật lý. Nếu con suy ngẫm về lời dạy, con sẽ nhận ra là trong thế gian này không có hiện tượng nào là liên tục, mà chỉ có những hình ảnh riêng rời được phóng chiếu, và ở giữa thì có im lặng. Im lặng đó, mặc dù có vẻ ngắn ngủi hơn cả một khoảnh khắc, thật ra vượt khỏi thời gian. Điều này có nghĩa là khi con tu luyện tâm trí, con có khả năng dùng khoảnh khắc im lặng đó để thay đổi các khuôn đúc trong cõi bản sắc, lý trí và tình cảm và khiến cho sự thị hiện vật lý cũng thay đổi theo.

Ta tuyệt nhiên không bảo là lúc đầu con sẽ cần làm được chuyện này trong tích tắc. Nhưng với thời gian, con sẽ lần hồi chấp nhận những hình ảnh khác hơn về hoàn cảnh đời sống của con có thể thay đổi ra sao, về những gì con có thể thị hiện trong đời, những gì con có thể thu hút về phía con – và con làm chuyện đó trước hết trong thể bản sắc, xong trong thể lý trí, xong trong thể tình cảm. Với thời gian, có thể những hoàn cảnh tốt hơn đó sẽ thị hiện. Con có thể cho rằng chuyện này thật là khó tin, nhưng hãy để ta hỏi con câu này. Con có cảm thấy con đã từng trải nghiệm là mình đã cải thiện hoàn cảnh đời sống của mình hay không? Nếu có thì con chỉ có thể làm vậy một cách mà thôi, và cách đó là cách ta vừa mô tả. Có điều là con đã không ý thức, và vì vậy con không thể thực hiện một cách đều đặn, chắc chắn. Nhưng đó chính là cách con có thể luyện tập để thực hiện.

Con thấy đó, sự kiện một hình ảnh được chiếu ra nhiều lần mỗi giây trên màn hình của thế giới vật chất có nghĩa là ngay khi nó được thay đổi trên màn hình của ba thể cao, thì cùng lúc đó sự thị hiện vật lý cũng thay đổi. Và bởi vì rõ ràng ba cõi cao là một dạng năng lượng cao hơn – một dạng năng lượng ít vật lý hơn và do đó cũng lỏng hơn dạng vật lý – cho nên thật là hữu lý để con chấp nhận chúng dễ thay đổi hơn. Chúng linh hoạt hơn, mềm lỏng hơn, không cứng đặc như đá. Vả lại, ngay cả cái cứng đặc như đá cũng không tồn tại được hoài hoài, và đó là tại sao nó có khả năng được thay đổi khi hình ảnh do ánh sáng rọi xuyên qua thay đổi.

Chuyện này nghe có vẻ như là phép thần tiên, nhưng không đâu con. Chẳng có gì là thần tiên trong đó. Nhưng trên thực tế, đó không phải là một lời dạy có thể được nắm bắt hay thực hiện bởi một người mới cất bước trên đường tu. Nó đòi hỏi một sự trưởng thành nào đó. Nó đòi hỏi kinh nghiệm. Nhưng nhiều người trong số các con đã sẵn sàng để ít ra bắt đầu suy ngẫm, trước hết bằng cách nhận ra là không có gì là không thể thay đổi. Và thêm vào đó, con cũng cần được cảnh báo là tất cả mọi thứ đều nối kết với nhau.

Điều này có nghĩa là nếu con muốn thay đổi hoàn cảnh đời con, đó sẽ không chỉ là chuyện nhìn vào ba thể cao của mình. Chắc chắn con cần bắt đầu ở đó. Con cần bắt đầu thanh lọc năng lượng ở đó, chữa lành tâm lý của mình và vứt bỏ đi những cái ngã tách biệt. Nhưng ngay cả khi con đạt đến một mức tâm thức cao như Giê-su hay như chính ta đã đạt được, thì điều này không có nghĩa là con chỉ cần búng tay là sẽ thay đổi được tuyệt đối bất kỳ hoàn cảnh vật lý nào. Bởi vì có những hoàn cảnh mà con không muốn thay đổi do chúng sẽ áp đặt lên quyền tự quyết của người khác. Và đó là tại sao chúng tôi đã cho con tất cả những lời dạy kia về nhu cầu thanh lọc tâm thức cho sạch ngã tách biệt, hầu con không sử dụng hiểu biết này để đoạt một số ưu thế cho cá nhân mình, khiến con quên mất tổng thể rộng lớn hay thậm chí làm hại cả người khác.

Để áp dụng lời dạy này cho đúng đắn, con cần có phần nào cái mà chúng tôi gọi là sự nhận biết Ki-tô, tính nhân bản cơ yếu, cảm nhận nối kết với mọi người, để con nhận ra là có những điều con sẽ không làm. Có những điều mà con sẽ không thay đổi, bởi vì người khác có quyền trình chiếu ra những chọn lựa mà họ đã chọn. Nói cách khác và để cho con một ví dụ hiển nhiên, nếu con có con cái thì con có thể muốn tránh cho con mình những biến cố đau lòng. Nhưng nếu đứa con đã kết đọng biến cố đó qua chính tâm thức của nó thì nó sẽ cần trải nghiệm hậu quả của biến cố đó để mà tăng triển. Nếu con tránh cho nó không bị đau lòng và do đó cản trở sự tăng triển của nó, thì đây không phải là một cách dùng giáo lý và hiểu biết cao lắm.

Trước khi con có thể thực sự dùng được lời dạy này, con sẽ cần đạt được một trình độ buông bỏ, lãnh đạm nào đó, một sự không dính mắc nào đó, và con không còn ý thức cá nhân trong cuộc sống nữa.

Ta cũng biết những gì ta đưa ra ở đây chỉ là một thoáng hé mở về một giáo lý rộng lớn hơn. Nhưng vì con đã thực hiện những gì con đã thực hiện nơi đây, cho nên ta quyết định cho con thêm một chút quà đặc biệt mặc dù nó không nhất thiết nằm trong chương trình hội nghị này. Nhưng bây giờ thì lời dạy này đã được đặt vào cõi vật lý, và đối với những ai trong số các con đã sẵn sàng thì các con hãy suy ngẫm về lời dạy. Chắc chắn với thời gian, chúng tôi sẽ còn ban ra nhiều lời dạy nữa khi thấy thời điểm cũng như cộng đồng đệ tử đã sẵn sàng.

Và như vậy, thật là một niềm vui rất lớn cho ta được niêm hội nghị này, niêm các con ngồi đây lẫn các tham dự viên trên mạng internet. Ta niêm ánh sáng đã được rải truyền đến những quốc gia từng là thành viên của Liên bang Sô viết, để các quốc gia này bước lên cao hơn và để những ai sẵn sàng tự do tìm được tự do. Tất nhiên, có thể có một số người ở đâu đó vẫn muốn tiếp tục đau khổ, và bởi vì chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết cho nên chúng tôi cũng sẽ tôn trọng quyền muốn đau khổ, quyền tự do đau khổ của mọi người. Nhưng chắc chắn con cũng thấy được, quyền tự do đau khổ không nằm trong ngọn lửa tự do của Saint Germain và do đó nó không đến từ các chân sư thăng thiên, nó không phải là một ngọn lửa tâm linh. Chính sự vắng mặt này của ngọn lửa mới tạo ra đau khổ.

Đau khổ không có thực chất. Ngọn lửa thì có thực chất – mặc dù đó không phải là một chất vật lý – vì đó là một ngọn lửa tâm linh. Nhưng đau khổ, oán giận, mọi loại hận thù, mọi loại năng lượng xuất phát từ sợ hãi đó, thực sự không có thực chất của một chất trường tồn. Đó là tại sao những gì có vẻ mang chất vật lý có thể được thay đổi bởi một năng lượng cao hơn. Nó có thể được thay đổi chính vì mặc dù nó có vẻ có chất liệu, nó có vẻ là vật chất rắn đặc hay là năng lượng cảm xúc dày đặc, nhưng nó chỉ hiện ra như vậy khi được nhận thức qua phin lọc những cái ngã vỏ ngoài, qua tâm vỏ ngoài. Khi con nhìn vượt khỏi nó, con sẽ thấy là nó không hề có chất liệu liên tục. Nó chỉ là một ảo ảnh được trình chiếu trên màn hình. Và ở giữa các hình ảnh được trình chiếu thì màn hình vẫn trắng tinh. Và như con cũng biết trên một màn hình trắng tinh, bất cứ hình ảnh nào cũng có thể được trình chiếu. Khi con nhìn thấy màu trắng tinh ở giữa các hình ảnh, con biết là bất cứ lúc nào, hay đúng hơn ngay lúc sau đó, một hình ảnh mới có thể được trình chiếu. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con có thể thay đổi toàn bộ hoàn cảnh trong một tích tắc – bởi vì một phần của giáo lý duyên khởi là có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng một tình huống có vẻ giản dị – nhưng bằng cách thay đổi các yếu tố này lần hồi, con có khả năng thay đổi hoàn cảnh một cách đáng kể.

Như con có thể thấy, ta hân hoan ban cho con lời dạy này đến độ gần như ta không thể ngừng nói. Nhưng bây giờ ta sẽ niêm hội nghị này trong tim vui mừng và ta trao cho con niềm vui đó. Niềm vui của ta tràn đầy. Và ta mong niềm vui của con cũng tràn đầy.

Gautama TA LÀ.

Khi vật chất và chính con không quan trọng

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 16/1/2019.

TA LÀ chân sư Saint Germain, và cho khai ngộ thứ bảy và cũng là cuối cùng tại khóa nhập thất của thày, thày muốn dẫn con theo một hướng hơi khác. Thày có nói trong một bài giảng trước là con cần đạt tới điểm khi “vật chất không còn quan trọng” [matter trong Anh ngữ có nghĩa là vật chất, và cũng có nghĩa là quan trọng]. Cho khai ngộ thứ bảy này, con cần đạt tới điểm khi chính con cũng không quan trọng.

16.1. Trọng lực

Bây giờ con hãy dõi nhìn con xem con phản ứng thế nào khi con nghe hay đọc câu này: “Con không quan trọng.” Phản ứng con cảm thấy trong bản thân mình là thế nào? Nó sẽ phần nào cho con thấy là con có một cái ngã muốn được quan trọng, một cái ngã có nhu cầu được quan trọng, thậm chí một nhu cầu ám ảnh-cưỡng chế là mình quan trọng, là mình đem lại sự khác biệt.

Các thày đã nói gì với con về mục đích của những khai ngộ mà con kinh qua giữa các tầng 48 và 96? Đó là để con vươn mình lên khỏi lực kéo của tâm thức tập thể. Con có thể so sánh lực này với trọng lực. Theo một nghĩa nào đó, tâm thức tập thể vận hành như một lực hấp dẫn tìm cách kéo mọi người xuống mức mà chúng ta có thể gọi là mẫu số chung thấp nhất – không nhất thiết là mức thấp nhất của tâm thức tập thể nhưng là mức trung bình. Chắc chắn trong tập thể cũng có những khác biệt – sẽ có người ở mức thấp hơn và người ở mức cao hơn – nhưng có một mức trung bình nào đó, và lực hấp dẫn của tâm thức tập thể sẽ tìm cách kéo mọi người xuống ít nhất mức trung bình đó.

Để vượt lên trên mức đó và cất bước trên đường tu tâm linh, con cần kéo mình ra khỏi trọng lực đó. Điều này đòi hỏi một sự quyết tâm nào đó, một sức mạnh ý chí, một động lượng và nhiệt tình nào đó. Chúng ta còn có thể nói là nó đòi hỏi một nỗ lực chiến đấu nào đó, mặc dù các vị Thượng sư khác đã cố giúp con nắm ý là con thoát khỏi cảm nhận chiến đấu, rằng con không còn cảm giác là con đang chiến đấu chống lại tâm thức tập thể.   

Làm thế nào con thoát khỏi tâm thức tập thể, tâm thức đại chúng? Chúng ta ở trên một hành tinh có tên là địa cầu nơi vật chất rất dày đặc, nơi tâm thức tập thể cũng rất mạnh mẽ và khá thấp so với mức tâm thức của quả vị Ki-tô. Muốn thoát ra khỏi sẽ đòi hỏi một nỗ lực, một quyết tâm khá lớn. Bây giờ nếu con so sánh với nỗ lực để thoát khỏi trọng lực của trái đất, con sẽ thấy là nếu con dùng phương thức quen thuộc, con sẽ chế tạo một chiếc hỏa tiễn và động cơ của nó phải rất lớn. Nó phải đem theo thật nhiều nhiên liệu để khi đốt cháy, nhiên liệu sẽ đẩy hỏa tiễn ra khỏi vòng kềm toả của trọng lực địa cầu, bay vào quỹ đạo. Một khi tàu vũ trụ đã ở trên quỹ đạo, không còn lực hút nào sẽ kéo nó xuống mặt đất nữa. Nó quay quanh địa cầu trên một tầng quỹ đạo nhất định và nó có thể bay tiếp như vậy gần như vĩnh viễn. Nó không cần đến bất kỳ nỗ lực nào nữa.

Điều thày đang cố giúp con thực hiện với bảy tầng khai ngộ này ở khóa nhập thất của thày là dẫn con đến một điểm nơi con – nếu có thể nói như vậy – sẽ đi vào quỹ đạo, con sẽ thoát ra khỏi lực hút của tâm thức tập thể. Nhưng ngược với phi thuyền không gian, điều này không có nghĩa là thày muốn con ở lại mức đó vĩnh viễn. Thày không muốn con cứ bay vòng vòng ở mức tâm thức đó mãi mãi. Và tất nhiên thày muốn con tiếp tục tăng triển về hướng tầng 144.

Dù sao thì rất có thể sẽ tới điểm con lên được một quỹ đạo nào đó và giờ đây, ít ra là phần nào, ông hoàng của thế gian có thể đến và không tìm được gì nơi con để mà nắm lấy. Nói cách khác, nếu chúng ta gọi ông hoàng thế gian là tâm thức tập thể, thì tâm thức tập thể không tìm được gì nơi con để kéo con trở xuống. Điều này không có nghĩa là một ông hoàng thế gian khác, cụ thể là sa nhân, sẽ không nắm được gì nơi con. Chúng sẽ phần nào nắm được gì đó nơi con cho tới tầng 144, mặc dù tất nhiên, sẽ tới một thời điểm khi con bắt đầu nhìn xuyên thấu qua tất cả mọi mưu kế của chúng. Và do đó, nói một cách thiết thực, con không còn bị mắc lừa để cho chúng lôi kéo mình được nữa.

16.2. Đi vào quỹ đạo

Điều thày nói ở đây là có thể sẽ tới một điểm khi con đã vào quỹ đạo, con đã phóng mình lên cao hơn tâm thức tập thể đến độ con đi vào một quỹ đạo nơi con không có nguy cơ bị trượt trở xuống. Tất nhiên, đó là điểm mà thày muốn con đạt tới sau khi đã bước theo tất cả những tầng khai ngộ của toàn bộ khóa tu này về bảy tia sáng. Con sẽ cần gì để bay vào quỹ đạo và giải thoát khỏi lực hút của tâm thức tập thể? Nhìn vào chiếc hỏa tiễn, con cũng biết đó không chỉ là một chiếc hỏa tiễn rất lớn nằm trên mặt đất, mà nó còn có mấy tầng. Nó mang một động cơ cao áp rất lớn được hoạch định để đưa nó lên một độ cao nào đó, rồi nó làm gì chứ? Phải, nó tự tách ra khỏi động cơ đó, tách ra khỏi nguyên cái thân hỏa tiễn ở phía dưới và nó để cho phần này rơi trở lại mặt đất.

Con đã làm gì khi con vươn lên từ tầng 48 đến tầng 96? Con đã dùng một cỗ máy, một cỗ xe, và cỗ xe này là một cái ngã. Ngã được tạo thành bởi một số phàm linh nội tại, như các thày đã có đề cập trong khóa tu này. Thực sự nó là nhiều hơn một phàm linh nội tại và đó là tại sao thày ưa gọi đó là ngã, bởi vì ngã có thể có nhiều tầng lớp khác nhau. Một phàm linh nội tại có một chương trình hạn hẹp duy nhất, giống như một chương trình trong máy tính của con được thiết kế để thực hiện một công việc rất đặc thù, chẳng hạn như làm toán hay quản lý email. Đó là một phàm linh nội tại với một nhiệm vụ nhất định, một lập trình nhất định. Còn một cái ngã có thể phức tạp hơn, có nhiều thành phần, nhiều mức độ khác nhau, thậm chí nhiều phàm linh nội tại khác nhau hay nhiều ngã khác nhau.

Con đã chế tạo ra một cái ngã để dùng làm cỗ xe đưa con từ tầng 48 lên đến tầng 96. Một lần nữa, không có gì đáng trách ở đây, vì ai ai cũng đã đều phải làm vậy hầu vươn mình lên cao hơn tâm thức tập thể. Con cần nhìn nhận ở đây là nếu con muốn lên cao hơn tầng 96 và vượt qua cuộc khai ngộ then chốt ở tầng 96, cái ngã này phải ra đi. Con cần để nó rơi ra khỏi con, để nó rơi trở lại địa cầu. Làm thế nào con có thể làm được điều này?  

16.3. Cái ngã xem trọng vật chất

Con chỉ có thể làm được điều này bằng cách chấp nhận, bằng cách suy ngẫm về câu này của thày: “Tôi không quan trọng”. “Tôi” ở đây là cái “tôi” nào mà không quan trọng? Đó chính là cáí “tôi”, cái ngã đó mà con đã sử dụng làm cỗ xe để lên tới tầng 96. Ngã đó chủ yếu là một cái ngã phản ứng lại vật chất. Nó đã được tạo ra để phản ứng lại vật chất, hay đúng hơn trạng thái của vật chất được nhìn xuyên qua tâm thức tập thể.    

Thày đã rất cố gắng giúp con thấy được là có một sự khác biệt giữa cái mà khoa học gọi là thực tại khách quan và thực tại được nhận thức. Nói cách khác, có một cái có thể gọi là “thực tại khách quan” theo nghĩa đó là trạng thái của địa cầu do các Elohim sinh tạo. Xong có cái có thể gọi là “nhận thức chủ quan” của thực tại, tức là tâm thức tập thể. Tâm thức tập thể có một cái nhìn đặc thù về vật chất. Chính tâm thức tập thể đã tạo ra độ dày đặc hiện thời của vật chất, và do đó tâm thức tập thể cũng không thể vượt qua độ dày đặc hiện thời của vật chất. Ngay cả Albert Einstein cũng từng nói: “Người ta không thể vượt qua một vấn đề với cùng tâm thức đã tạo ra vấn đề.”

Làm thế nào con vượt qua được độ dày đặc hiện thời của vật chất? Chỉ bằng cách vươn lên một cái gì cao hơn, là tâm thức Ki-tô. Ở tầng tâm thức thứ 48, con có thể vươn lên cao hơn tầng này để đi lên một bước cao hơn. Đó chính là một yếu tố của tâm thức Ki-tô đưa con lên tầng 49. Con có thể cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi con đạt đến tầng 96. Con cần đến Ki-tô, cần đến tâm thức Ki-tô là cái biết toàn vũ. Con cần nó để đi lên từ tầng 48 tới tầng 96. Ở mỗi tầng như vậy, con nhận được một món quà của tâm thức Ki-tô toàn vũ hoặc từ tâm thức đã cá thể hóa qua một chân sư thăng thiên, qua chính cái ta Ki-tô của con, và vân vân.

Con không thể tự kéo con lên bằng cách kéo sợi dây giày ở chân con. Con không thể đi từ tầng 48 đến tầng 96 mà không nhận được điều gì đó từ Ki-tô. Vậy có nghĩa thế nào khi con đi lên cao hơn tầng 96? Đương nhiên con vẫn cần nhận được điều gì đó từ Ki-tô để lên được tầng 144. Cho mỗi tầng ở trên 96, con vẫn cần nhận được một món quà từ Ki-tô, nhưng bên trên tầng 96, con có tiềm năng xoay chuyển và chấp nhận rằng Ki-tô không phải là một lực ngoại lai đến với con từ ngoài. Ki-tô trở thành một lực nội tại đến với con từ bên trong. Có nghĩa là con trở thành một dụng cụ hữu hiệu hơn để Ki-tô tự biểu lộ và giúp được người khác. Con chuyển từ một cái nhìn từ ngoài về một đấng cứu thế ở ngoài mình, sang đấng Ki-tô nội tại, và con bắt đầu hiện thân đấng Ki-tô nội tại này ngày càng rõ rệt và trọn vẹn hơn khi con đến gần hơn với tầng 144.    

16.4. Cái ngã phản Ki-tô

Quan tâm của thày ở đây là làm thế nào cho con vượt qua được khai ngộ ở tầng 96, là khi con bắt đầu hiện thân được Ki-tô thay vì con xem Ki-tô là một lực ngoại lai. Con cần nhìn nhận ở đây là cái ngã mà con đã xây dựng để đưa con lên tầng 96 không có khả năng làm chuyện này. Nó không có khả năng xoay chuyển và nhìn Ki-tô như một lực nội tại, một thực tại bên trong. Nó sẽ luôn luôn nhìn Ki-tô là ngoại lai và cũng sẽ luôn luôn nhìn vật chất là ngoại lai. Nó sẽ luôn luôn nhìn mọi người khác là ngoại lai và nó cũng sẽ nhìn lực hấp dẫn của tâm thức tập thể như một lực ngoại lai đang cưỡng chống lại nó.

Con có thể nói là cái ngã mà con đã xây dựng được đặt trên nền tảng sự cưỡng chống. Nó dựa trên việc chiến đấu chống lại một đối phương, chiến đấu chống lại một cái gì kháng cự bước tiến của con. Đó là tại sao thày có nói tới việc con đạt tới điểm con hàng phục thay vì con cố ép mình cứ bước tới, và con mở tâm ra để tiếp nhận. Con mở tâm ra và để yên cho mọi sự trải bày, ngay cả khi con không thấy được rõ ràng bằng tâm ý thức vỏ ngoài của con.     

Có những đệ tử tâm linh, cho dù là theo giáo lý của chân sư thăng thiên hay những giáo lý khác, đạt đến tầng 96 nhưng vẫn chưa hiểu được những gì mà thày cùng các Thượng sư khác đã chuẩn bị cho con hiểu. Họ không nắm được những điều mà các thày đã chuẩn bị cho con nắm. Họ đã không nắm bắt được nhu cầu để cho ngã này chết đi. Con thấy đó, con yêu dấu, tất cả chúng ta đều cần đến một động lực để bước chân trên con đường tâm linh. Tất cả chúng ta đều cần nỗ lực vươn cao hơn tâm thức tập thể và chúng ta cần động cơ để thực hiện điều đó.

Khi con khởi sự ở tầng 48, con đã mang một số giấc mơ, một số mong mỏi, một số động lực để thúc đẩy con gia nhập khóa tu này. Khi con theo học khóa tu, động lực này của con đã phần nào thay đổi. Con vẫn còn một số yếu tố của cái có thể gọi là một động lực “phàm nhân”, một tham vọng, một ham muốn phàm phu muốn là một người đặc biệt với những quyền năng đặc biệt và khả năng làm được những điều mà không ai khác có thể làm được. Đối với mỗi người, mong muốn này có thể khoác vào rất nhiều hình dạng khác nhau.   

Ở đây con cần nỗ lực xét xem đâu là những yếu tố động lực của cái ngã vỏ ngoài này. Sau đó con cần sẵn lòng nhìn nhận một cách cởi mở rằng con đang mang động lực đó, vì nếu con không công khai nhìn nhận, con sẽ không thể để cho nó ra đi. Những người đã bị rớt cuộc khai ngộ ở tầng này là vì họ không sẵn sàng công nhận là họ có mang một yếu tố nào đó của động lực phàm phu này. Có thể là họ kiêu hãnh chăng? Có thể là họ mong muốn cảm thấy mình tốt đẹp hơn người khác. Có thể là họ mong muốn có khả năng thị hiện một điều gì thần diệu giống như Giê-su để không ai có thể bác bỏ họ, hay có thể bất cứ gì khác.

Nhưng cái đó luôn luôn xoay quanh ngã vỏ ngoài đó, cái ngã muốn nhận được một phần thưởng nào đó cho tất cả những phấn đấu mà nó cho là nó đã trải qua để phóng con lên tới tầng 96. Con có bắt đầu thấy điều thày đang nói ở đây chăng? Ngã này đã là cỗ xe của con đưa con đến tầng 96. Trong cương vị đó, nó đã phục vụ cho một mục tiêu chính đáng, nhưng ngã này đi con đường riêng của nó. Tự thân nó được xây dựng với một động lực. Con có nhớ bức tranh quen thuộc của củ cà rốt treo lủng lẳng trên cây gậy trước mũi con lừa đang kéo xe hay không? Con lừa tưởng là một ngày kia nó sẽ đuổi kịp củ cà rốt. Trên cơ bản, đó cũng chính là tình trạng của cái ngã vỏ ngoài này. Nó đã kéo chiếc xe của con, cái xe bò hay xe ngựa của con, từ tầng 48 đến tầng 96. Nó tưởng là một ngày nó sẽ đuổi kịp củ cà rốt. Nó sẽ bắt được củ cà rốt và cắn lấy phần thưởng.  

16.5. Cái ngã muốn phần thưởng

Điều con cần nắm bắt ở mức này, ở tầng khai ngộ thứ bảy tại khoá nhập thất của thày, là ngã vỏ ngoài sẽ không bao giờ nhận được phần thưởng nếu con tiếp tục tiến bước trên con đường quả vị Ki-tô. Không có phần thưởng nào cho ngã vỏ ngoài, chưa từng bao giờ có và cũng sẽ không bao giờ có. Suốt thời gian qua, con người đã tạo dựng biết bao hình ảnh mộng mơ vẽ vời chuyện đoạt giải thưởng. Các thày đã từng thấy những đệ tử của chân sư thăng thiên nghĩ rằng, chẳng hạn, một khi họ đạt được một trình độ nào đó thì một số chân sư sẽ bỗng nhiên xuất hiện ra trước mắt họ, dẫn họ đi tham dự một buổi lễ điểm đạo mãn khóa, rồi từ đó họ sẽ được ban cho đủ loại phúc lợi mà họ đã ao ước.

Chuyện đó sẽ không xảy ra. Chừng nào con còn mang tham vọng đó, các thày sẽ không thể tiếp cận với con, vì làm vậy sẽ chỉ củng cố cho ngã vỏ ngoài. Chừng nào con còn muốn được các thày công nhận, các thày bắt buộc sẽ phải lánh xa con vì đó là cơ hội duy nhất để các thày giúp con tránh bị mắc bẫy trong ngã vỏ ngoài. Như thày có nói, có những đệ tử đến được tầng này mà vẫn bị thôi thúc bởi lòng ham muốn phần thưởng. Họ đã quá dính mắc với lòng ham muốn phần thưởng này đến độ họ không thể buông ngã vỏ ngoài ra. Vậy họ làm gì sau đó? Họ bắt đầu sử dụng các quyền năng của tâm mà họ đã vun bồi cho đến tầng 96 để cố tặng cho mình phần thưởng đó, ngay đây trên địa cầu.  

Con sẽ thấy ngay cả Giê-su cũng từng nói đến vấn đề nhận phần thưởng trên địa cầu hay ở thiên đường – và quả thực là con có thể! Trong khuôn khổ Định luật Tự quyết, con hoàn toàn có quyền vươn lên tầng 96 với mong muốn nhận được phần thưởng nào đó. Nhưng tới đó thì con phải quyết định: “Giờ đây, liệu tôi có muốn đi lên tiếp để tìm kiếm một phần thưởng cao hơn (là thăng thiên), hay là tôi muốn phần thưởng mà mình đã định bụng sẽ nhận được khi mình đang leo lên tầng 96?” Nếu con muốn phần thưởng mà con đã định bụng trong tâm vỏ ngoài, trong ngã phàm phu, thì con có thể sử dụng các khả năng của con để tìm cầu nó ở đây trên địa cầu. Con đã trông thấy những người làm chuyện đó. Họ đã đạt đến tầng 96 và giờ đây họ cố trở thành một loại đạo sư hay lãnh đạo. Họ cố quy tụ môn đồ cho thật đông đảo để họ được nể trọng và cảm thấy mình sao quá đặc biệt, và môn đồ thì sẽ nhắm mắt theo họ trong bất kỳ cuộc phiêu lưu nào.     

Một lần nữa, chuyện đó không nhất thiết là cấm kỵ trong khuôn khổ Định luật Tự quyết, nhưng chắc chắn đó không phải là quả vị Ki-tô. Thày mong muốn những ai trong số các con hãy sẵn lòng bước lên cao hơn trên con đường quả vị Ki-tô. Con sẽ cần gì để làm được chuyện đó? Tất nhiên, con sẽ cần xem xét ngã vỏ ngoài đó một cách trung thực cùng củ cà rốt mà nó đã dùng để kéo cỗ xe bốn thể phàm của con lên đến tầng 96 – rồi sau đó con buông nó ra. Con nhận ra đó không phải là động lực cao nhất. Thậm chí đó cũng không phải là phần thưởng cao nhất mà con có thể nhận được, và con tìm ra cách để cho nó ra đi.     

16.6. Chuyện đó không nhắm vào con

Sứ giả này nhiều năm trước đây đã kinh qua khai ngộ này. Suốt thời gian mấy năm trời, cho dù ông có sống qua sự cố gì hay gặp phải tình huống gì, ông cũng dùng phương châm: “Chuyện này không nhắm vào tôi. Chuyện này thật không nhắm vào tôi!” (It is not about me!) Kết quả là ông đã lần hồi tách mình ra khỏi ngã phàm phu cho tới khi nó không còn lực kéo nào đối với ông nữa. Ông đạt tới điểm không làm theo động lực của ngã vỏ ngoài nữa. Nó không còn quan trọng gì nữa. Đơn giản là ngã vỏ ngoài không quan trọng gì nữa. Tất nhiên con sẽ có thể nói: “Liệu điều thày vừa dạy con có đủ để con khắc phục ngã vỏ ngoài hay không?” Không, không nhất thiết là vậy, nhưng hiển nhiên các thày không có ý bỏ con ở đó. Cho dù bài giảng này sẽ kết thúc khóa tu, các thày đã ban ra trong hai năm qua những giáo lý mà con có thể bắt đầu sử dụng ngay sau khi hoàn tất khóa này. Những giáo lý đó khởi đầu với quyển “Những cuộc đời của tôi” và tiếp tục với những quyển khác sẽ đào sâu hơn về những đề tài như ngã gốc cũng như tiến trình mà con – trong tư cách một avatar hay một cư dân nguyên thủy của địa cầu – đã tu bồi một cái ngã phản ứng lại sa nhân.

Tất nhiên, phương thức thực sự để vượt qua ngã vỏ ngoài là nhìn vào cái ngã gốc đó và ngừng phản ứng, ngừng phản ứng lại sa nhân, ngừng phản ứng lại hầu hết mọi người khác hay các điều kiện của vật chất. Con không phản ứng lại tất cả những điều kiện vỏ ngoài đó. Con bước tới điểm mình tự do, mình thoát ra khỏi các khuôn nếp phản ứng đó, để đời mình không biến thành một trận đấu bóng bàn bất tận nơi có người đánh trái banh cho con và con cảm thấy mình buộc phải đánh banh trở lại do mình cảm thấy mình phải phản ứng.

Con yêu dấu, ngã, cái ngã vỏ ngoài mà con đã dùng từ tầng 48 đến 96, vận hành theo cùng phương cách như ngã gốc. Thật ra, ngã gốc là một thành phần của ngã vỏ ngoài. Những ngã này luôn luôn có một vấn đề gì đó với những gì chúng thấy trên địa cầu, một vấn đề cần phải giải quyết theo cách nhìn của chúng. Làm thế nào vấn đề đó sẽ được giải quyết đây? Phải, ngã phóng chiếu lên con ý tưởng là con phải làm gì đó để giải quyết vấn đề. Nó cũng phóng chiếu ý tưởng là vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi người khác thay đổi. Nói cách khác, con liên tục nằm trong cái thế bị kéo-đẩy vì con cảm thấy mình phải làm gì đó để thay đổi người khác.    

Đương nhiên là người khác đâu có sẵn sàng thay đổi, cho nên con cũng cảm thấy là mình không bao giờ có thể hoàn thành được mục tiêu của mình. Con bất lực, con không thể hoàn thành mục tiêu vì con luôn luôn chờ cho người khác hoặc điều kiện vỏ ngoài nào khác thay đổi. Đây chính là cốt lõi của tình trạng mà cái ngã phản động này, hay tập đoàn những cái ngã này, đặt con vào. Nó đặt con vào một vị thế chờ đợi nơi con luôn luôn phải chờ một điều gì đó. Đi lên cao hơn tầng 96 có nghĩa là con bắt đầu buông xả toàn bộ ngã phản động đó, buông xả mọi ngã phản động. Con bắt đầu để cho chúng ra đi hầu con không phản ứng lại bất cứ gì trên địa cầu. Con không chờ đợi một điều gì mà ngược lại con xem xét: “Ngay bây giờ tôi có thể làm gì, tôi có thể làm gì trong hoàn cảnh vỏ ngoài của tôi để tự cải thiện, để vươn lên một mức tâm thức cao hơn?”  

16.7. Con không thể chờ quả vị Ki-tô

Không phải là chuyện các điều kiện vỏ ngoài hay người khác sẽ làm điều gì đó. Chừng nào con còn bị kẹt trong tư duy nghĩ rằng hạnh phúc của mình, hay tâm an tịnh của mình, hay sự phát triển tâm linh của mình, hay sự biểu đạt quả vị Ki-tô của mình, tùy thuộc vào một số điều kiện vỏ ngoài hay vào người khác, thì con sẽ không là Ki-tô trong hành động. Con không thể biểu đạt bất cứ gì. Con sẽ ngồi chờ và con sẽ nghĩ: “Khi nào điều kiện này hay điều kiện kia được hội đủ thì tôi mới có thể biểu lộ quả vị Ki-tô của tôi.” 

Như thày đã có nói (và các thày đã nói rất nhiều lần), không hề có điều kiện lý tưởng nào để biểu lộ quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô là thách thức hiện trạng. Theo một nghĩa nào đó, bất kỳ điều kiện nào con đối mặt cũng là điều kiện lý tưởng để con thách thức hiện trạng và biểu hiện một cái gì cao hơn – đó chính là quả vị Ki-tô. Khi con bắt đầu làm như vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào mình gặp, con sẽ tuần tự xây dựng được một động lượng, và rồi các điều kiện sẽ thay đổi. Các điều kiện sẽ không thay đổi cho tới khi con bắt đầu sử dụng những điều kiện mà con có và chấp nhận chúng là cơ hội toàn hảo để con biểu đạt quả vị Ki-tô. Con bắt đầu ngay ở chỗ con đang đứng, con tận dụng nó, con thăng vượt nó, con biểu hiện một cái gì cao hơn – đó chính là cách con bước lên được bước kế tiếp.   

Rồi khi con bước lên bước kế tiếp, và cứ thế bước này sau bước khác, sẽ tới một điểm khi con có thể nhìn lại và bảo rằng mình đã thực sự đi được một quãng đường khá dài. Con đã đi được khoảng đó bằng cách đi từng bước nhỏ một, và luôn luôn làm việc với tình huống mà con được đặt vào. Ngược lại, những ai mà nghĩ rằng một khi mình đi một bước thật dài thì mình sẽ có thể là Ki-tô, thì quả thực họ sẽ không bao giờ tới được điểm đó.  

Các thày đã có kể chuyện về nhà hiền triết cổ Hy Lạp tên là Zeno, ông đưa ra nghịch lý về cách làm thế nào con có thể đi từ một điểm A tới điểm B. Trước tiên con phải tới được điểm ở giữa A và B cái đã. Xong con chia đoạn đường còn lại làm hai và con phải tới được điểm ở giữa đó, rồi cứ thế con tiếp tục chia đoạn đường còn lại ra làm hai và con luôn luôn phải tới được điểm giữa. Có nghĩa là con sẽ không bao giờ tới đích – đây chính là tâm thức phàm phu. Theo một nghĩa nào đó, thậm chí con còn không nói được: “Tôi sẽ đi tới điểm giữa”, mà con nhìn vào ngọn núi và nói: “Khi ngọn núi đến với tôi thì tôi sẽ là Ki-tô.” Chuyện đó sẽ không xảy ra trên một hành tinh như địa cầu. Ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, chuyện đó cũng sẽ không xảy ra, nhưng trên một hành tinh tự nhiên người ta không chờ đợi chuyện đó xảy ra.

16.8. Hiểu sai tầng 96

Có một khoảng cách ở đây (Chân sư MORE đã có giảng về khoảng cách này cũng như về việc khắc phục khoảng cách trong những cuốn sách thày có nêu lên ở trên). Khoảng cách là đối với các con đã đạt đến tầng 96, con đã nối kết lại với nhận biết trực giác là có một cõi tốt đẹp hơn. Nếu con là một avatar, con biết cuộc sống trên một hành tinh tự nhiên như thế nào. Nếu con là một cư dân nguyên thủy của địa cầu, con cảm nhận được cuộc sống trên địa cầu trước khi sa nhân đến đây. Con biết có một điều kiện lý tưởng và con cũng biết hiện trạng địa cầu khác xa với điều kiện lý tưởng đó. Nếu con cho phép ngã vỏ ngoài dùng chuyện đó để bảo rằng con sẽ có thể là Ki-tô trên địa cầu khi nào địa cầu hoàn thành điều kiện lý tưởng, thì con yêu dấu, con đã hiểu sai hoàn toàn – con hoàn toàn hiểu sai rồi con. Mặc dù chuyện này có thể làm con kinh ngạc, nhưng con có thể lên đến tầng 96 mà vẫn hoàn toàn hiểu sai vì con vẫn quá đồng hóa với cái ngã vỏ ngoài đã đưa con tới điểm này. Con không sẵn lòng buông bỏ ý niệm về phần thưởng mà con nghĩ mình phải nhận được. Một lần nữa, không có phần thưởng đâu con! Cho dù ngã vỏ ngoài có tưởng tượng phần thưởng gì đi nữa khi con leo đến tầng 96, đó hoàn toàn là chuyện giả tưởng. Nó không có chút thực tế nào hết.

Liệu chuyện đó là sai trái? Không! Liệu chuyện đó là vô ích. Cũng không! Nó không vô ich nếu nó đã cho con động lực để con leo tiếp. Con yêu dấu, nếu con chịu quay trở lại và đọc lại những sách đó, học lại những sách đó, con sẽ thấy là từ Chân sư MORE trở đi, tất cả các thày đã cố giúp con khởi sự tháo gỡ tình trạng đồng hóa với ngã vỏ ngoài đó – không tới độ là con bỗng chốc mất hết mọi liên hệ với nó, vì nếu vậy thì con đã không còn cỗ xe để chở con đi. Các thày đã nỗ lực giúp con từ từ ngưng đồng hóa với nó, khắc phục những ham muốn cùng mơ tưởng của ngã vỏ ngoài. Có một điều duy nhất mà các thày không thể giúp con khắc phục ở các tầng thấp hơn, đó là cốt lõi của động lực đã khiến con cất bước trên đường tu. Con thấy không, đâu là cốt lõi của động lực đó, con yêu dấu? Ngã vỏ ngoài là gì chứ? Đó là cái ngã phản ứng, nó phản ứng lại một điều gì đó trên địa cầu. Ngã vỏ ngoài tưởng tượng là khi nào con đạt đến tầng 96 và nhận được phần thưởng của mình, phần thưởng đó sẽ cho con một sự công nhận nào đó trên địa cầu, vì đó là loại phần thưởng duy nhất mà ngã vỏ ngoài có thể tưởng tượng được.

16.9. Cốt lõi của ngã vỏ ngoài

Cốt lõi của ngã vỏ ngoài này là nó mong muốn được người ta công nhận một cách nào đó, hay được một địa vị nào đó (tựu trung cũng là cùng một thứ) trên địa cầu, nghĩa là được công nhận bởi người khác, bởi các định chế trong xã hội hoặc bất cứ gì khác. Đó là cốt lõi của ngã vỏ ngoài này. Nó muốn một phần thưởng trên trái đất. Thày không thể làm chọn lựa đó dùm con, thày không thể vượt qua khai ngộ này dùm con. Đó là tại sao thày phải kết thúc khóa học này, không chỉ phần của thày mà phần của tất cả các Thượng sư khác nữa. Thày phải chấm dứt khóa tu này và bỏ con lại nơi một ngã ba đường. Thày đã đặt con trước sống và chết. Các thày đã đặt con trước sống và chết.

Giờ đây con đứng ở ngã ba đường. Nếu con chọn ngã rẽ nơi con sẽ tiếp tục tìm cầu một phần thưởng trên địa cầu, thì nỗ lực của các thày để đưa con vào con đường quả vị Ki-tô đã thất bại. Đây là rủi ro mà các thày đã biết rõ và sẵn sàng chấp nhận. Đường tu không máy móc tự động. Các thày không thể đảm bảo một kết quả nào. Các thày là chân sư thăng thiên và sẽ không ảnh hưởng đến tâm con hay quyền tự quyết của con.    

Nhưng nếu ở ngã ba này, con lấy ngã rẽ kia, con sẽ tự đặt mình trên con đường quả vị Ki-tô. Khi đó, con sẽ có thể sử dụng các dụng cụ và giáo lý mà các thày đã ban ra, và qua sứ giả này các thày đã ban ra rất nhiều giáo lý về con đường quả vị Ki-tô. Tất nhiên là ở ngoài kia cũng có những giáo lý khác mà con có thể dùng nếu con muốn. Rồi con có thể từ từ bắt đầu leo cao hơn. Một lần nữa, thày không bảo là sẽ có một điểm khi đùng một cái, ngã vỏ ngoài của con thình lình biến mất toàn bộ. Một lần nữa, con sẽ khắc phục từng bước một. Như các thày đã có giảng, có thể nói là ở một mức độ nào đó, con sẽ vẫn còn một số yếu tố của ngã vỏ ngoài với con cho tới khi con thăng thiên. Con có thể gọi con đường từ tầng 96 tới tầng 144 là con đường khắc phục ngã vỏ ngoài này từng bước một.

16.10. Từ bỏ phần thưởng

Dù sao đi nữa, điều thày nói với con là có thể sẽ tới một điểm khi, với tâm vỏ ngoài, con làm hòa với sự kiện là bước chân trên đường tu tâm linh sẽ không bao giờ có phần thưởng nào trên địa cầu. Phần thưởng duy nhất của đường tu tâm linh là khi con thăng thiên, có nghĩa là phần thưởng của con nằm trên thiên đường khi con bước vào tâm thức thăng thiên. Thày có thể cam đoan với con là một khi con ở trong tâm thức thăng thiên và chiêm nghiệm sự khác biệt, sự tương phản giữa hai trạng thái thăng thiên với chưa thăng thiên, đó sẽ là phần thưởng tối hậu. Nhưng tất nhiên, có lẽ câu này mang rất ít ý nghĩa đối với con nếu con vẫn còn đồng hóa với cái ngã vỏ ngoài bị ám ảnh bởi ham muốn một phần thưởng trên địa cầu.  

Một lần nữa, điều quan trọng là bản thân con hay cái gì khác? Nếu điều quan trọng là bản thân con, con sẽ lấy ngã rẽ bên kia và đi tìm một địa vị hay lòng nể trọng nào đó trên địa cầu. Nếu con lấy ngã rẽ bên này, con sẽ buông bỏ ham muốn được người khác công nhận trên địa cầu. Không có nghĩa là người ta sẽ không công nhận con nhưng con không ham được công nhận, con không muốn được công nhận. Con không giữ trong tâm ý tưởng rằng một ngày kia chuyện đó phải xảy ra. Con cho nó đi, con để cho ngã đó chết đi. Ngã luôn luôn phóng chiếu ra một vấn đề – trong trường hợp này là vấn đề được công nhận, rằng con cần được người khác công nhận thế nào đó. À, được công nhận trên địa cầu nghĩa là gì chứ? Nghĩa là người khác phải để ý con và xem con là đặc biệt. Một cách nào đó, họ phải ghi nhận là con đặc biệt.

Đấy, nó có nghĩa là họ phải thay đổi, có đúng không con? Họ phải dùng quyền tự quyết của họ để công nhận con. Chuyện này vượt ra ngoài quyền tự quyết của con. Con không thể chọn lựa là người khác phải chọn lựa công nhận con. Con không thể thay đổi điều đó bằng ý chí tự do của con. Con có thể thay đổi bằng ý chí không tự do của con, tức bằng ý chí của ngã vỏ ngoài. Con có thể tìm cách ép buộc họ, và cho dù con có thể không gọi đó là cưỡng bức, con có thể cưỡng bức họ phải công nhận con. Đó không phải là ý chí tự do của con, vì khi đó con đang đi vào con đường tay trái, sử dụng ma thuật đen để ảnh hưởng lên tâm trí người khác. Con có thể làm vậy và đoạt được sự coi trọng của người khác.  

Nếu đó là mong muốn của con, thày chỉ có thể nói: “Con cứ đi theo con đường đó, rồi khi nào (trong kiếp này hay một kiếp tới) con đạt tới điểm con chán chê chuyện đó, con hãy trở về với thày và thày sẽ giúp con từ điểm đó trở đi” Nếu con đi theo con đường đó, không có một chân sư thăng thiên nào sẽ thực sự giúp được con. Con có thể nghĩ là các thày sẽ giúp được, nhưng sự giúp đỡ sẽ không đến từ các chân sư thăng thiên đích thực mà từ hàng ngũ giả trá của những kẻ giả danh là chân sư thăng thiên.

16.11. Chọn lựa giữa sống và chết

Con thấy đó, con yêu dấu, thày đã chỉ ra cho con một con đường tiến bước. Có những dụng cụ mà con có thể dùng, có sách mà con có thể đọc, nhưng cho dù chuyện này có thể khiến con kinh ngạc, thày phải bỏ con lại mà không cho con bất kỳ loại phần thưởng nào, bất kỳ kết quả chung cuộc nào. Thày không bỏ con lại trong một trạng thái đặc biệt nơi con đã vượt qua cuộc khai ngộ. Thày bỏ con lại ở đây là điểm con đã nhận thức được cuộc khai ngộ mà con đối mặt.

Như thày đã nói, thày không thể chọn lựa dùm con, và ngay cả nếu thày có thể thì thày cũng sẽ không làm, bởi vì tất nhiên nó sẽ không giúp cho con tăng triển. Con tăng triển bằng cách chọn lựa từ trong nội tâm mình, vì con đã tới điểm rốt ráo nơi con không chọn lựa bằng tâm vỏ ngoài nữa. Thày cũng biết có nhiều đệ tử đến được điểm này sẽ phản ứng như thế này: “Tôi đang chọn lựa bằng tâm vỏ ngoài để bước đi trên con đường quả vị Ki-tô. Tôi sẽ lấy tất cả những sách này, tôi sẽ học sách, tôi sẽ đọc bài thỉnh và tôi sẽ đạt tới đích.” Con thấy đó, con yêu dấu, con thực sự không thể bước trên đường quả vị Ki-tô qua tâm vỏ ngoài. Giữa tầng 48 và 96 thì con còn có thể bước trên đường tu qua tâm vỏ ngoài – đó là điều thày đã nói với con. Nhưng con không thể lên cao hơn tầng 96 với tâm vỏ ngoài. Tất nhiên, con có thể quyết định với tâm vỏ ngoài để bước vào con đường quả vị Ki-tô và con nghĩ là mình đang bước vào đường tu, nhưng quyết định đặt mình vào đường tu phải đến từ bên trong. Đó không phải là một quyết định duy ý chí mà là một quyết định tự phát, nội tâm. Con không cưỡng ép quyết định đó. Con không thể bắt nó xảy ra. Con chỉ có thể để yên cho nó xảy ra bằng cách sử dụng các dụng cụ nhằm hóa giải ngã gốc cùng những loại ngã khác đang kéo con ra khỏi quyết định và lôi con vào chuyện giải quyết một vấn đề nào đó.  

Theo một nghĩa nào đó, ta cũng có thể hỏi: “Cho tới giờ, con đã nhìn con đường tâm linh như thế nào?” Cái ngã đã đưa con từ tầng 48 lên tầng 96 đã nhìn con đường tâm linh một cách rất đặc thù: “Đường tu tâm linh là một bài toán mà tôi cần phải giải. Có một cuộc khai ngộ, và để vượt qua khai ngộ, tôi phải nhận biết một điều gì đó, phải nhìn ra một điều gì đó, phải hiểu ra một điều gì đó. Có một vấn đề mà tôi cần giải quyết.” Nói như vậy là chính đáng giữa tầng 48 và 96, nhưng cao hơn tầng 96, nó không còn chính đáng nữa. Ngay cả chuyện đưa con lên tầng 97, nó cũng sẽ không làm được.  

16.12. Từ bỏ ngã chuyên giải quyết các vấn đề

Con cần xoay chuyển toàn bộ cái nhìn của con về đường tu và nhận ra đó không phải là chuyện giải quyết một vấn đề, mà là chuyện ngừng hẳn và không cố giải quyết các vấn đề. Đó là chuyện để yên cho nó trải bày ra. Tại sao vậy? Các thày đã nói gì? Vấn đề to lớn trên địa cầu là tâm thức tách biệt mà sa nhân đã tạo ra qua tâm thức nhị nguyên. Con mang ảo tưởng con là một sinh thể tách biệt, ai ai cũng là sinh thể tách biệt, ai ai cũng chỉ lo cho mình, xem mình là số một và cố vơ tối đa về phần mình.

Trên căn bản, tâm thức tập thể hiện đang ở mức này, mặc dù tại một số quốc gia chắc chắn đã có phát triển được một ý thức phổ thông nhân bản hơn. Nhưng dù sao thì sự tách biệt vẫn đang hiện hữu. Có một tâm thức tập thể nơi ai nấy đều xem mình là những cá nhân tách biệt, nhiều khi lại còn tranh chấp, giao chiến với nhau. Ai nấy cũng xem mình thuộc vào một đoàn nhóm nào đó, và nếu con thuộc nhóm nào thì con phải tuân theo nhóm đó. Nếu con thuộc một nhóm, con sẽ phải thù ghét những ai thuộc những nhóm khác, và vân vân.    

Để gỡ mình ra khỏi toàn bộ tình trạng tranh đấu đó, con phải làm gì đây? Hiển nhiên con phải xem mình đứng tách khỏi những người trong nhóm nơi mình đã sinh trưởng, thậm chí tách cả đối với mọi người trong tâm thức tập thể. Để đi từ tầng 48 lên tầng 96, con làm gì chứ? Con xây dựng một cái ngã xem mình tách riêng khỏi mọi người trong tâm thức tập thể. Đó là điều tự nhiên. Một lần nữa, không có gì chê trách ở đây, vì đó chỉ là điều mà con phải làm, nhưng con sẽ không vượt lên cao hơn tầng 96 được nếu con sử dụng cái ngã này, vì con đường quả vị Ki-tô là gì chứ?   

Con đường quả vị Ki-tô là khắc phục ảo tưởng tách biệt và nhìn ra là đằng sau mọi hiện tượng trên trái đất (tức là mọi thứ vật chất, mọi tâm thức, tâm thức nhị nguyên, tâm thức tách biệt) có một thực tại hợp nhất nằm bên dưới, là sự duy nhất của mọi sự sống. Mọi sự sống là một, và không hề có tách biệt nào. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là để lên đến tầng 96, con phải xây dựng một cái ngã cá nhân thật dũng mãnh. Nhưng để đạt tới trạng thái thăng thiên, con phải đập vỡ ngã đó. Từng bước một từ tầng 48 đến tầng 96, con đã vun bồi một cái ngã, xong con cần chuyển hướng. Giờ đây, từng bước một, từ tầng 97 đến 144, con đang gỡ bỏ ngã đó đi. Con gỡ bỏ cái ngã tự xem mình là tách biệt. Khi nào con tới chỗ để cho yếu tố cuối cùng của ngã đó ra đi, thì đó là lúc con bước vào trạng thái hợp nhất là thăng thiên.   

Giờ đây, con đã làm tất cả những gì con muốn làm trong cương vị một ngã tách biệt trong một bầu cõi chưa thăng thiên, không chỉ trên địa cầu mà nói chung trong bầu chưa thăng thiên. Con đã làm tất cả những gì con muốn làm như một sinh thể tách biệt. Con có thể để cho yếu tố cuối cùng đó của ngã vỏ ngoài ra đi và con thăng thiên. Tất nhiên ở tầng 96 con chưa tới mức đó, nhưng con đã tới mức con có thể bắt đầu nhận ra đây là công việc mình cần làm. Con cần gỡ bỏ từng bước một ngã tách biệt đó. Và khi con làm vậy, phần thưởng là con sẽ cảm nhận được sự duy nhất ngày càng lớn hơn và lớn hơn nữa trong con.

Lúc đầu, việc này có thể hơi khó khăn một chút. Con sẽ cảm thấy hợp nhất với gì chứ? Đương nhiên, không phải với tất cả những người mà con vừa nỗ lực hết mình để tháo gỡ ra khỏi. Cũng không phải với sa nhân. Thày xin gợi ý – một lần nữa, đây là điều mà các thày đã ban cho con giáo lý cùng dụng cụ để con thực hiện – là con bắt đầu chú tâm vào việc tìm kiếm sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con ở bên trong chính con.

Rồi nếu điều này dễ dàng hơn cho con, con hãy chú tâm vào việc tìm kiếm hợp nhất với một vị chân sư thăng thiên đặc biệt nào đó. Vị đó không cần phải là thày, mà bất cứ vị nào con cảm thấy gần gũi nhất trong tim con. Xong khi con bước lên cao hơn, con có thể cảm thấy hợp nhất với những người tâm linh khác, mặc dù có thể con sẽ khó lòng tìm được những người tâm linh ở mức tâm thức đó. Con có thể tìm thấy một số và con có thể khởi sự vun bồi một cảm nhận kết hợp với các vị ấy.

Con hãy cẩn thận ở đây, vì như các thày đã chứng kiến trong biết bao phong trào tâm linh, con không thể để nảy lên ý tưởng tự cao tự đại: “Ô chúng ta là những đệ tử cao cấp nhất trên hành tinh, cho nên chúng ta tốt đẹp hơn người khác.” Đây không phải là quả vị Ki-tô, cũng không phải là hợp nhất. Các con có thể vun bồi sự hợp nhất với nhau nhưng không bằng cách mình là người cao siêu hơn mọi người. Rồi khi con bước lên cao hơn trong tâm Ki-tô, con sẽ bắt đầu vun bồi thực sự cảm nhận hợp nhất này với mọi sự sống. Một lần nữa, con có thể nói là con đang đứng riêng ra khỏi tâm thức tập thể khi con lên đến tầng 96, nhưng khi con đến gần hơn tầng 144, con không hề bị lôi kéo nữa, con không có nguy cơ bị lôi kéo vào tâm thức tập thể nữa, và do đó con có thể bắt đầu cảm thấy mình hợp nhất với mọi người, mọi sự sống.

Thày có thể giảng thêm nhiều nữa cho tới bất tận, nhưng các thày đã trao cho con đủ lời dạy trong những cuốn sách khác. Cho nên một lần nữa, thày cần bỏ con lại ở đây, không với một cảm giác chung cuộc, một cảm giác là con đã vượt xong cuộc khai ngộ chót trong khóa tu này, mà con đang đối mặt với cuộc khai ngộ chót trong khóa tu. Thày đã đặt con trước sống và chết – con hãy chọn sự sống!

Vượt qua những điều lấy mất an bình

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 15/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain, và ở tầng khai ngộ thứ sáu của khóa nhập thất của thày, dĩ nhiên chúng ta giáp mặt chủ yếu với Tia thứ Sáu của An bình. Con cần gì để an bình ở mức tâm thức của con trên một hành tinh như địa cầu? Câu hỏi thật ra nên được đặt lại như sau: “Đâu là ‘con’ mang tiềm năng an bình đó trên địa cầu?”

14.1. Làm hòa với sự kiện mình có một ngã vỏ ngoài

Suốt khóa tu này, các thày đã cho con thấy rõ là con có một ngã vỏ ngoài, và con cũng có cái các thày đã gọi là cái Ta Biết – mà các thày cũng có thể gọi là cái ta bên trong, hay cái ta thuần khiết. Các thày đã nói rõ là khi con khởi sự khóa tu này ở tầng 48, con đồng hóa khá chặt chẽ với ngã vỏ ngoài, cái Ta Biết khá đồng hóa với ngã vỏ ngoài. Con không hoàn toàn đồng hóa với nó, bởi vì nếu thế thì con đã không khởi sự được khóa tu này. Các thày cũng đã nói rõ là mục đích chính của khóa tu là làm giảm dần cảm nhận đồng hóa của cái Ta Biết với ngã vỏ ngoài. Bây giờ đến tầng này, chúng ta tới điểm hoàn tất vòng tròn, qua đó con sẵn sàng xoay chuyển trong thái độ của con, trong cách con nhìn bản thân mình, và đi một bước thật quan trọng trong tiến trình tiêu trừ sự đồng hóa.

Các thày đã chỉ rõ là khi con bước xuống hiện thân trên trái đất, con đã khoác vào tất cả những ảo tưởng tương ứng với 144 tầng tâm thức. Mặc dù khóa tu này nhằm dẫn con đến tầng 96, con vẫn còn một số ảo tưởng mà con chưa lột bỏ ở tầng này – và cũng không trù định là con lột bỏ. Điều này có nghĩa là chừng nào con còn đầu thai trên trái đất, con sẽ còn mang một số yếu tố của ngã vỏ ngoài với con. Khi con bước lên gần hơn với tầng 144, chính những yếu tố này của ngã vỏ ngoài là cái giữ con lại trong hiện thân. Chúng buộc con lại với xác thân vật lý, bởi vì nếu không thì con đã không thể ở lại trong xác thân vật lý đó và sẽ bước ra ngoài, đến độ con có thể rút đi cả sinh lực. Thậm chí con có thể rút sinh lực quá sớm trước khi con thật sự sẵn sàng thăng thiên, và điều này có nghĩa là con sẽ phải đầu thai một lần nữa. Do đó ở trên một tầng cấp nào đó, cái ngã vỏ ngoài mà con còn sót lại chính là một cơ chế an toàn.

Tất nhiên con nhận ra là dưới tầng 48 – nơi con người bị hoàn toàn đồng hóa với ngã vỏ ngoài – ngã vỏ ngoài không giúp gì hết cho sự phát triển tâm linh của con. Điều con làm giữa tầng 48 và 96 là con khởi sự tiến trình tháo gỡ cảm nhận đồng hóa đó với ngã vỏ ngoài, nghĩa là con không bị tâm thức tập thể lôi kéo xuống. Con không bị trôi theo những dòng nước cuốn của tâm thức đại chúng. Có thể nói là con đang tu bồi một cá thể sẽ giúp con tách mình ra khỏi tâm thức tập thể. Con không làm những chuyện mà mọi người đều làm. Khi con vượt lên trên tầng 48, tới một điểm ngã vỏ ngoài mà con còn sót lại sẽ không thực sự cản trở sự phát triển tâm linh của con. Điều này xảy ra khi con đạt tới điểm con làm hòa với những gì thày vừa nói với con. Con làm hòa với sự kiện là chừng nào con còn ở lại trong hiện thân thì con sẽ vẫn còn một số yếu tố của ngã vỏ ngoài.

14.2. Từ bỏ giấc mơ đạt một mức tối hậu

Điều này có nghĩa là con sẽ phải từ bỏ một giấc mơ mà nhiều người tâm linh vẫn có. Thậm chí đây là một giấc mơ nằm sâu trong tâm thức tập thể và giấc mơ này có thể trình chiếu ra nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, con thấy trong nhiều trò chơi nhi đồng có một khu vực được quy định là vùng đất nhà, là căn cứ an toàn. Nếu em nào chạy vào được vùng đất đó, em không thể bị đội kia bắt được, hay nói cách khác, em đã thoát được về nhà.

Nhiều người cũng có giấc mơ trúng số để một ngày kia họ sẽ dư giả tiền bạc cho đến cuối đời. Hoặc nữa, người ta cũng có giấc mơ đạt được trạng thái bất tử hay sức khỏe toàn hảo, hay bất kỳ trạng thái nào nơi họ cảm thấy mình tuyệt đối an toàn trên trái đất. Có rất nhiều người tâm linh, kể cả đệ tử của chân sư thăng thiên, khi họ tìm được một giáo lý tâm linh dạy về việc nâng cao tâm thức, thì họ liền khởi lên giấc mơ là một ngày kia họ sẽ vươn lên một tầng tâm thức cao đến độ họ sẽ “thoát được về nhà”. Họ sẽ giác ngộ. Họ sẽ đạt đến tâm thức toàn vũ. Họ sẽ là một chân sư thăng thiên chưa thăng. Họ sẽ sạch tự ngã. Họ sẽ là bất cứ gì họ có thể mơ tưởng, nhưng trong một nghĩa nào đó, đây là giấc mơ sống trên địa cầu mà lại không bị tác động bởi bất cứ gì trên địa cầu.

Bây giờ điều quan trọng là con nhìn vào giấc mơ đó và nhìn nhận là con đang có nó. Mọi người đều có giấc mơ đó. Thày cũng từng có giấc mơ đó trong những kiếp đầu thai trước kia khi thày chưa đến gần điểm thăng thiên. Tất cả chúng ta đều có nó vì đó là một phần của tập thể, và chúng ta thì sống trong lòng tập thể. Chúng ta chỉ thoát ra khỏi tập thể bằng cách xem xét những gì có trong tập thể và vượt lên trên.

Điều con cần làm ở đây, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, là chỉ đơn giản xoay chuyển tâm con chút đỉnh. Con cần nhìn nhận là chừng nào con còn đầu thai thì con sẽ còn mang một yếu tố ngã vỏ ngoài trong con. Sau đó con cần chấp nhận điều đó và làm hòa với nó. Tất nhiên, con sẽ không đồng hóa với ngã vỏ ngoài vì hiện thời con đã không hoàn toàn đồng hóa với nó rồi. Có nghĩa là ngã vỏ ngoài không còn thật sự quan trọng nữa. Một khi con đạt tới điểm con không đồng hóa với nó và nó không còn điều khiển đời con thì nó chẳng quan trọng gì nữa.

14.3. Ngã vỏ ngoài và Sứ vụ Thiêng liêng của con

Con nhận ra là con có thể đạt tới điểm khi ngã vỏ ngoài còn sót lại không thật sự ngăn cản con thực hiện các mục tiêu con đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng. Do đó, con có thể biểu lộ một mức độ ngã vỏ ngoài nào đó mà không bị đi trệch khỏi Sứ vụ Thiêng liêng. Một trong những cách mà điều này có thể thị hiện là khi con còn một số mong muốn chính đáng để trải nghiệm trên trái đất. Hiển nhiên là khi con lên cao hơn tầng 96, con không còn một ngã vỏ ngoài muốn thao túng hay kiểm soát người khác, hoặc làm cho họ buồn phiền hay bất cứ gì khác. Con không còn một ngã vỏ ngoài muốn làm chuyện bất hợp pháp để kiếm tiền chẳng hạn. Con đã vươn lên cao hơn những khía cạnh tương đối vị kỷ của ngã vỏ ngoài.

Có thể là con đã sống rất lâu trên hành tinh này và có một số đồ vật, một số mong muốn hay một số trải nghiệm mà con muốn có, nhưng con cảm thấy mình chưa thỏa nguyện những trải nghiệm đó. Trong trường hợp này, con hoàn toàn có thể tiến bước trên đường tu ở mức cao hơn tầng 96 mà vẫn còn mang một số mong muốn, vẫn còn tìm cách toại nguyện những mong muốn đó, nhưng con sẽ làm vậy một cách quân bình hầu không gây xáo trộn cho sự tiến hành của Sứ vụ Thiêng liêng.

Đây chỉ là một ví dụ nhưng rất rất nhiều người trên địa cầu vẫn không cảm thấy là mình đã thỏa nguyện với mong muốn tình dục của mình. Một lần nữa, các thày không bao giờ nói là một khi con đạt đến tầng 96, con sẽ cần sống độc thân cho đến chết. Đó chưa bao giờ là một mục tiêu mà các thày định ra cho con. Nếu con sinh hoạt tình dục một cách quân bình và trách nhiệm, con tuyệt đối có thể có quan hệ tình dục và chuyện này sẽ không khiến con đi trệch hướng khỏi Sứ vụ Thiêng liêng. Điều này cũng áp dụng cho các loại mong muốn khác, chẳng hạn như muốn có một lối sống vật chất nào đó, sở hữu một căn nhà đẹp, đi du lịch và thăm viếng nhiều nơi trên thế giới, bất kỳ mong muốn nào mà con có thể có mà không là một mong muốn hủy hoại.

Con cần làm hòa với thực tế là con có một cái ngã vỏ ngoài, rằng con sẽ có một cái ngã vỏ ngoài có thể ảnh hưởng đến cách con nhìn cuộc sống, và nó có thể kéo con vào việc toại nguyện một số ham muốn. Con cần biết rằng chuyện đó không sao cả, miễn là nó không làm xáo trộn sự tiến hành của Sứ vụ Thiêng liêng. Điều này có nghĩa là con đi vào trạng thái chấp nhận là mình có một ngã vỏ ngoài. Nhưng con không chấp nhận là điều này sẽ không bao giờ thay đổi.

Con không ngừng theo dõi chính mình cũng như các phản ứng của mình. Con nhận ra là đối với mỗi tầng tâm thức mà con vươn tới ở trên tầng 96, con sẽ phải nhìn ra một ảo tưởng đặc thù nào đó của ngã vỏ ngoài và con buông nó ra. Có một phàm linh nội tại, một cái ngã mà con cần để cho chết đi. Con theo dõi chuyện này liên tục – không phải một cách mất quân bình, mà đơn giản là con tỉnh thức. Con giám sát phản ứng của mình nhưng con không bị nó làm bận tâm. Con không cảm thấy là mình bất toàn hay không đủ tốt do mình mang ngã vỏ ngoài đó. Kỳ thực, như các Thượng sư khác đã có đề cập, con đạt tới điểm khi con chấp nhận con người mà con là, ngay trong lúc này. Con chấp nhận con đang ở một mức nào đó trên đường tu và việc có ngã vỏ ngoài là một chuyện hoàn toàn tự nhiên, tất phải như vậy.

14.4. Tránh sự phủ nhận

Lý do điều này quan trọng đến vậy là vì, như thày đã nói ngay từ đầu, tầng 96 đưa cho con một khai ngộ vô cùng chủ yếu. Nếu con dõi nhìn những người tâm linh, kể cả đệ tử của chân sư thăng thiên, con sẽ thấy một số không nắm được ở mức ý thức cách vận động cơ bản của đường tu tâm linh. Đơn giản là họ không xoay chuyển trong tâm và không nhận ra là ngã vỏ ngoài phải chết đi – và muốn làm vậy thì họ phải nhìn thấy nó. Thay vào đó, họ cứ tiếp tục tìn vào ảo tưởng về con đường công truyền mà các thày đã nói đến biết bao lần, là cho rằng bằng cách tuân thủ một cách tu tập vỏ ngoài thì một ngày kia họ sẽ tự động rũ bỏ tự ngã hoặc ngã vỏ ngoài.

Họ cứ chờ cho thời điểm đó xảy đến. Thậm chí có một số khởi sự khóa tu này với giấc mơ là một khi họ hoàn tất khóa tu, đùng một cái họ sẽ thoát được về nhà. Một số sẽ bị thất vọng khi đến bài học chót của thày, họ sẽ tìm ra là chuyện đó không xảy ra, chuyện đó không xảy ra một cách tự động.

Con cũng thấy một số người rơi vào một hình thái phủ nhận, là họ bắt đầu tìm cầu một số chỉ dấu cụ thể. Khi họ cố leo lên tầng 96, họ nhìn nhận là mình đã có tiến bộ. Họ đã vượt qua được một số điều mà họ đã mang nhiều năm trước đây khi họ mới cất bước trên đường tâm linh. Giờ đây họ bắt đầu tin là mình là đệ tử cao cấp, mình đã đạt đến một tầng cấp nào đó. Một số còn tới độ tự xưng mình là sạch tự ngã hay đã giác ngộ, hay bất kỳ tên nào khác mà hệ tư tưởng tâm linh của họ đặt cho mục tiêu tối hậu trên đường tu. Con thấy khắp các cộng đồng tâm linh, Thời mới hay đệ tử của chân sư, có những người rơi vào trạng thái phủ nhận khi họ thực sự tin mình không còn tự ngã hay ngã vỏ ngoài nữa, nhưng niềm tin đó dựa trên sự phủ nhận những thứ vẫn còn sót lại trong họ.

Thày đang cố giúp con tránh bước vào trạng thái phủ nhận đó, để con chấp nhận là mình vẫn còn một ngã vỏ ngoài, và con sẽ còn mang một ngã vỏ ngoài cho tới khi con thăng thiên. Cho nên bằng cách chấp nhận, con sẽ có thể làm hòa với thực tế đó, con có thể làm hòa với bản thân con là một đệ tử hoàn toàn xứng đáng của chân sư thăng thiên cho dù mình vẫn còn sót lại một ngã vỏ ngoài. Kỳ thực, các thày không bao giờ bảo là các thày chờ đợi con phải sạch ngã vỏ ngoài khi con còn hiện thân. Điểm này, con có thể làm hòa với nó. Khi nào con đã an bình với nó, con sẽ có thể xây dựng thêm từ đó.

14.5. Làm hòa với vật chất

Hiển nhiên là thày có một ý định rộng mở cho bài học này. Trong một bài trước, thày có nói về nỗi oán giận Mẹ, oán giận cõi vật chất, khi con cảm thấy cõi vật chất là kẻ thù đang kháng cự lại mình, vân vân và vân vân. Khi con làm hòa với sự kiện là con không cần toàn hảo để được các chân sư thăng thiên chấp nhận, con cũng xoay chuyển và nhận ra là trái đất, hay cõi vật chất, không cần phải toàn hảo để con có thể cảm thấy an bình khi mình hiện diện nơi đây.

Nói cách khác, một số trong các con là avatar đã đến đây từ một hành tinh tự nhiên nơi vật chất bớt dày đặc hơn hẳn địa cầu. Một số trong các con là những cư dân nguyên thủy của địa cầu vẫn còn giữ được một ký ức nội tâm về một thời trước khi trái đất rơi xuống độ dày đặc hiện thời. Con cảm nhận là mọi chuyện không được như ý. Ở đây con cần xoay chuyển và nhận ra là, đúng vậy, tình trạng địa cầu có tiềm năng cao hơn như bây giờ. Và tất nhiên, các thày là chân sư thăng thiên đang từ từ và lần hồi đưa hành tinh lên trạng thái cao hơn đó, và đương nhiên các con đang ở đây để giúp một tay.

Con sẽ không giúp được các thày nâng địa cầu lên cao hơn nếu con kháng cự lại hiện trạng của nó ngay bây giờ. Nếu con cưỡng chống lại những gì đang ở đây ngay bây giờ thì con đang nói trong tiềm thức: “Tôi không thể là Ki-tô chừng nào hành tinh dày đặc như thế này. Tôi không thể biểu đạt tiềm năng tâm linh của mình chừng nào trên hành tinh còn những biểu hiện khủng khiếp như thế này.” Đây chính là ảo tưởng của sự trụ tâm vào những thứ vỏ ngoài, và nó đã khiến cho biết bao đệ tử tâm linh đi lạc vào con đường quanh co mà thày đã có đề cập, là tìm cách dùng vũ lực để thay đổi người khác hay thay đổi các điều kiện vỏ ngoài.

Điều này dẫn chúng ta đến điểm con cần nhận chân địa cầu là một hành tinh đang ở một độ dày đặc nhất định. Tâm thức tập thể đang ở một độ dày đặc, hỗn mang, biến loạn – một độ entropy nào đó như khoa nhiệt động học sẽ gọi như thế. Con cần chấp nhận đây là hiện trạng. Con không chấp nhận là nó sẽ vĩnh viễn và cứ giữ mãi như vậy. Con chấp nhận là con sẽ làm hòa với các điều kiện hiện hữu. Con sẽ chấp nhận là không những các điều kiện này sẽ cho phép con biểu đạt quả vị Ki-tô của mình mà nó còn là điều kiện lý tưởng để con biểu đạt quả vị Ki-tô của con. Quả vị Ki-tô là gì chứ con? Các thày đã nói nhiều lần: “Quả vị Ki-tô không phải là một tình trạng lý tưởng nào đó, không phải là một trạng thái của tâm chỉ có thể biểu lộ trong những điều kiện lý tưởng.”

Con hãy nhìn Giê-su khi thày bước trên mặt đất 2000 năm trước đây tại Palestine – một vùng đất vô cùng tăm tối, nặng nề với một tâm thức tập thể rất rất dày đặc, dày đặc hơn hẳn so với những gì hầu hết các con đã chứng kiến khi lớn lên trong kiếp này. Thế nhưng thày vẫn biểu lộ được quả vị Ki-tô, vì quả vị Ki-tô là gì? Là khi con thách thức hiện trạng, và cho dù hiện trạng có là gì đi nữa, con vẫn có thể thách thức nó. Thậm chí con còn có thể nói, hiện trạng càng thấp thì thách thức càng dễ. Không có nghĩa là việc biểu lộ quả vị Ki-tô là dễ dàng, nhưng chắc chắn là nó khả thi, và đây là điều con cần chấp nhận. Con cần chấp nhận là mặc dù địa cầu đang rất dày đặc, con vẫn có khả năng hoàn thành những mục tiêu con đã đề ra trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình, bởi vì các mục tiêu đó được đề ra trong sự nhận biết về độ dày đặc hiện tại của vật chất. Con đã không định ra một mục tiêu thiếu thực tế cho bản thân, mà con đã định ra một mục tiêu thực tế. Để thị hiện mục tiêu thực tế này, con cần chấp nhận việc thị hiện là một chuyện khả dĩ ngay cả trong những điều kiện hiện tại.

Sau đó, con cũng cần bắt đầu xem xét các mong muốn, các kỳ vọng vỏ ngoài của mình. Con cần nhận chân rất nhiều những mong muốn vỏ ngoài đó không thực tế (đây là những mong muốn mà có thể con đã đem theo từ những kiếp trước, hay đã khoác vào ở tuổi ấu thơ, hay đã hình thành khi con tìm thấy giáo lý tâm linh, ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên). Chúng dựa trên cái giấc mơ “thoát được về nhà”, khi phần nào con tìm ra một cách hiện diện trên trái đất mà không bị những gì xảy ra trên trái đất chạm vào mình. Con cần nhận diện ở đây là một số những mong muốn đó chỉ đơn giản là thiếu thực tế, và con cần để cho chúng ra đi.

14.6. Kỳ vọng về những gì phải là  

Khi con làm vậy, con có thể thực hiện thêm một cuộc xoay chuyển. Con có thể nhìn nhận là kỳ thực, cản trở lớn nhất để con thị hiện một điều gì đó trên địa cầu (như thày đã nói, thị hiện một lối sống vật chất tốt đẹp hơn, thị hiện Sứ vụ Thiêng liêng của con, thị hiện sự quân bình hay hài hòa giữa cuộc sống tâm linh và cuộc sống vật chất), cản trở lớn nhất để con thị hiện các mục tiêu đó là các kỳ vọng của con – kỳ vọng rằng mọi chuyện phải như thế nào.

Nếu con có một kỳ vọng, một chờ đợi, do ngã vỏ ngoài dựng lên và nếu nó trái ngược với các mục tiêu trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì chừng nào con còn giữ chặt kỳ vọng đó trong tâm ý thức, nó sẽ chặn đứng không cho Sứ vụ thị hiện. Con sẽ không thể chấp nhận để cho các mục tiêu trong Sứ vụ đi xuống tầng vật lý. Và do đó, con sẽ ngăn chặn chúng trong tiềm thức, và nhiều người tâm linh đã làm chuyện đó.

Điều này có nghĩa là giờ đây con phải xét lại những điều con có thể đã đọc trong sách về cách thị hiện những thứ mình muốn. Chẳng hạn có sách sẽ bảo là con cần vô cùng chính xác cụ thể khi thiết lập một “bản đồ kho báu”. Nếu muốn thị hiện một căn nhà thì con phải định rõ trong nhà phải có gì, hay thậm chí con tìm một tấm hình thật chính xác cho thấy căn nhà phải như thế nào với tối đa chi tiết. Điều thày nói với con bây giờ là con hãy xoay chuyển trong tâm và làm cho tâm mình lỏng đi. Con khiến cho kỳ vọng của mình lỏng đi.

Con nhìn vào chính con và hỏi: “Liệu tôi có một số mục tiêu và tôi có ý phải hoàn thành chúng như thế nào, và tôi cảm thế nào về chúng?” Con có thể làm bài tập này và thử hỏi: “Được rồi, đây là các mục tiêu của tôi, nếu như bây giờ có một khuôn mặt thẩm quyền bảo tôi là chúng tuyệt đối không thể thị hiện được thì liệu tôi sẽ phản ứng làm sao?”

Nếu con cảm thấy một phản ứng rất mạnh gần như không cưỡng nổi, một cảm giác hoảng sợ rằng các mục tiêu đó không thể thị hiện, thì con sẽ biết là các mục tiêu và kỳ vọng đó xuất phát từ ngã vỏ ngoài. Chúng đến từ cái ngã vỏ ngoài không ứng phó nổi với sự mất mát. Một khi ngã vỏ ngoài đã quyết định về một mục tiêu hay một kỳ vọng, bất cứ gì không hoàn toàn toại nguyện được kỳ vọng đó sẽ được nó trải nghiệm như một mất mát. Nếu con nhận diện phản ứng này nơi con, con biết là nó đến từ ngã vỏ ngoài, và đó là lúc con cần xem xét lại các mục tiêu và kỳ vọng đó và hiểu ra là con cần để cho chúng ra đi.

Con cần nhìn ra đó là một phàm linh nội tại hay ngã vỏ ngoài đặc thù đang cố bám lấy các mục tiêu đó, và con cần để cho ngã đó chết đi. Con sẽ không giải thoát khỏi ngã đó bằng cách hoàn thành mục tiêu, vì nó sẽ chỉ tạo thêm một mục tiêu khác nữa và nó sẽ dời cột gôn ra chỗ khác. Con sẽ chỉ giải thoát khỏi nó nếu con để cho phàm linh đó chết đi. Con cần làm cho kỳ vọng của mình mềm lỏng.

Trong tất cả những quyển sách kia về thị hiện, người ta cũng sẽ bảo con phải định rõ ra mục tiêu, rồi con cần trụ tâm vào đó đều đặn mỗi ngày. Con cần có ý muốn vô cùng vững mạnh để thị hiện mục tiêu này, vô cùng kiên định trong quyết tâm và ý chí. Con cần đem hết sức mạnh ý chí của mình ra để ép nó đi vào hiện thực.

14.7. Không có an bình qua vũ lực

Thày không đang bảo con là những quyển sách và khóa học đó nói dối. Con hoàn toàn có khả năng thị hiện đồ vật theo cách họ mô tả, tuy nhiên nó không dính dáng chút nào với quả vị Ki-tô. Cho nên nếu con muốn thị hiện đồ vật theo cách đó thì con có thể. Đó là tại sao thày đã nói là con có thể đạt tới tầng 96 và bắt đầu sử dụng quyền năng của tâm để thị hiện một số thứ. Con có thể làm được, chuyện đó khả dĩ và có những người đã làm được.

Nhưng nó sẽ không đưa con lên cao hơn tầng 96, có nghĩa là rốt cuộc con sẽ bắt đầu thụt lùi và ngày càng chú trọng nhiều hơn đến bản thân. Kỳ thực, con có thể tuột xuống tầng tâm thức thấp nhất có thể có trên trái đất. Hơn thế nữa, con có thể rơi hẳn vào tâm thức sa ngã. Con thấy được ở đây là thày đang nói điều này cho con để con nhận ra là con đã vươn tới một mức tâm thức nào đó, con đã đạt được một số khả năng của tâm, và con có thể dùng những kỹ thuật vỏ ngoài đó để thị hiện một số điều con muốn. Điều thày mong muốn nhìn thấy, tất nhiên, là thay vì thị hiện những mong muốn, kỳ vọng và mục tiêu vỏ ngoài đó, con sẽ thị hiện những gì nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Và để làm được vậy, con cần từ bỏ các kỳ vọng và mục tiêu vỏ ngoài đó. Con cần quy hàng và buông bỏ chúng.

Làm thế nào con sẽ đạt được an bình ở mức này? Không phải bằng cách tiếp tục sử dụng sức mạnh ý chí, cưỡng ép cho mục tiêu trở thành hiện thực. Cho dù con có thị hiện được một mục tiêu thì một mục tiêu khác sẽ hiện ra. Nghĩa là có thể con phải vĩnh viễn sử dụng ý chí để cưỡng ép mọi chuyện đi vào hiện thực. Con sẽ không an bình vì chừng nào con còn dùng vũ lực, con không thể cùng lúc an bình được. Đơn giản là không thể nào vừa sử dụng vũ lực mà vừa an bình được. Và đương nhiên, con yêu dấu, nếu con không thể an bình thì con cũng không thể tự do, và đó là tầng khai ngộ thứ bảy, là cuộc khai ngộ không những sẽ dẫn con lền tầng 96 mà sẽ còn đưa con đi tiếp cao hơn cả 96.

Làm thế nào con có thể an bình? Con không thể an bình qua vũ lực. Con chỉ có thể – và thày nói CHỈ với chữ hoa – con CHỈ có thể an bình qua buông bỏ.

14.8. Một cách thị hiện cao hơn

Con có thể nhận thấy là trong con có một cái ngã vừa phản ứng lại câu nói vừa rồi. Có thể con có cảm giác như là con sẽ không bao giờ thị hiện được điều gì nếu mình không nhất quyết sử dụng sức mạnh của ý chí, đặc biệt là trên một hành tinh dày đặc như địa cầu. Điều đó đúng! Nếu con ở một mức tâm thức nào đó, cách duy nhất để thị hiện một cái gì đó là dùng ý chí mạnh mẽ để ép uổng nó vào hiện thực. Nhưng khi con xoay chuyển và vươn lên cao hơn mức tâm thức đó, con có khả năng thị hiện những gì được ghi trong Sứ vụ Thiêng liêng của con – không nhất thiết những gì nằm trong ngã vỏ ngoài, nhưng chắc chắn những gì nằm trong Sứ vụ của con. Bây giờ, làm thế nào con làm được đây?

À, con hãy xét xem con muốn thị hiện qua trung gian cái ngã nào? Khi con dùng vũ lực, con cũng đang dùng ngã vỏ ngoài. Con không chỉ thị hiện qua ngã vỏ ngoài mà con đang thị hiện xuyên qua ngã vỏ ngoài cũng như viễn quan của ngã vỏ ngoài. Có những sa nhân đã bị cắt khỏi Hiện diện TA LÀ của chúng. Chúng chỉ có thể thị hiện bằng cách sử dụng những năng lượng đã sẵn đem vào quang phổ vật lý, và chúng có khả năng thị hiện một số chuyện rất ngoạn mục dưới con mắt của hầu hết mọi người. Nhưng con, hiển nhiên, con không bị cắt đứt khỏi Hiện diện TA LÀ của con, cho nên con sẽ không chỉ thị hiện với những năng lượng đã có sẵn trong cõi vật chất, mặc dù con cũng sẽ dùng những năng lượng đó nếu con thị hiện một cách cưỡng chế.

Thật ra con sẽ lấy một số năng lượng từ Hiện diện TA LÀ và sử dụng để thị hiện các mục tiêu của ngã vỏ ngoài. Đây là tại sao con đường gọi là tà đạo, con đường tay trái, có thể quyến rũ đến như vậy. Con thấy không, con vươn lên một mức nào đó và con kết nối chặt chẽ hơn với Hiện diện TA LÀ của con, cho nên con cũng ít đồng hóa hơn với ngã vỏ ngoài. Con có khả năng sử dụng sức mạnh ý chí và cưỡng ép ánh sáng của Hiện diện TA LÀ đi vào khuôn đúc mà ngã vỏ ngoài đã quy định, và như vậy con thị hiện các mục tiêu vỏ ngoài đó.

Tất nhiên, khi con làm vậy, điều sẽ xảy ra là lần hồi ánh sáng chảy xuống từ Hiện diện TA LÀ sẽ giảm thiểu. Đây là một cơ chế an toàn để ngăn cản con tạo ngày càng nhiều nghiệp quả và trở nên đồng hóa nhiều hơn với ngã vỏ ngoài, để rồi con rơi vào một vòng xoáy ốc hướng hạ. Ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ sẽ suy giảm. Đây có thể là một lời cảnh tỉnh, và một số người đã nhận ra lời cảnh tỉnh đó. Khi họ cảm thấy mình không còn quyền năng thị hiện nữa thì họ bắt đầu tự hỏi tại sao lại như thế, và họ quay trở lại con đường chính đạo.

14.9. Con đường tay trái

Nhưng một số khác đã đi theo một con đường khác. Họ đã tiếp tục bước đi trên con đường tay trái. Giờ đây họ bắt đầu sử dụng những năng lượng đã sẵn có mặt trong cõi vật chất  để tiếp tục thị hiện những gì họ muốn. Đây là chuyện khả thi, và nếu họ làm vậy, sẽ tới một điểm khi họ trở thành đệ tử của một sa nhân. Sa nhân này sẽ dạy họ cách thức sử dụng cái gọi là ma thuật đen để thị hiện những gì họ ham muốn.

Con thấy đó, con khởi sự bằng cách sử dụng ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con, xong khi nó không còn đủ mạnh để thị hiện những gì con muốn, con quay sang sử dụng năng lượng đã có sẵn trong cõi vật chất. Đương nhiên, điều này có nghĩa là con phải đánh cắp năng lượng này từ người khác, và cứ thế chuyện này sẽ kéo con vào vòng xoáy bất tận là tìm cách khuynh đảo và kiểm soát người khác.

Nếu con không muốn bước vào tình trạng đó, con phải đạt tới điểm con nhìn nhận là con không muốn thị hiện bất cứ gì qua ngã vỏ ngoài. Có nghĩa là con phải kinh qua một giai đoạn buông bỏ một cách cố tình các mục tiêu, mong muốn và kỳ vọng của ngã vỏ ngoài. Con từ bỏ các mục tiêu đó bởi vì với ngã vỏ ngoài, con có thể học hỏi cách nhận diện các mục tiêu của nó. Chúng thường mang giấc mơ về một trạng thái tối hậu nào đó – một trạng thái giàu có tối hậu, một trải nghiệm tình dục tối hậu, một trải nghiệm tâm linh tối hậu nào đó. Nó luôn luôn cực đoan. Nó luôn luôn phải cực đoan hơn trước. Nó luôn luôn là một trạng thái cuối cùng nào đó. Đó là tại sao nó trở thành một vòng ốc xoáy bất tận, một cuộc tìm cầu không bao giờ chấm dứt để chinh phục ngày càng nhiều hơn.

Con có thể dần dà nhận diện những mục tiêu đó và sau đó con buông chúng ra. Con có thể buông mục tiêu muốn có trải nghiệm tình dục tuyệt đỉnh mà không phải từ bỏ tình dục hoàn toàn (mặc dù con cũng có thể từ bỏ trong một thời gian nếu con cảm thấy muốn làm vậy). Điều thày muốn nói là sẽ tới điểm khi chìa khóa để tiến bước cao hơn là quy hàng, là buông bỏ – buông bỏ, buông bỏ, buông bỏ.

Điều này có nghĩa là con bước vào một giai đoạn khi con nhận ra là mặc dù con có khả năng thị hiện một số mong muốn qua ngã vỏ ngoài, nhưng con lại không muốn làm vậy. Một số trong các con (kỳ thực, tất cả các con) sẽ gặp cám dỗ này dưới một dạng nào đó, nhưng một số các con sẽ gặp nó dưới một dạng rất cụ thể. Con sẽ chạm trán với một hoàn cảnh nơi con thấy rõ là con có thể thị hiện căn nhà lý tưởng, chẳng hạn, qua việc sử dụng vũ lực. Nhưng thay vào đó, con chọn sự buông bỏ, con buông bỏ giấc mơ có được căn nhà trong mơ. Điều này có nghĩa là cho một thời gian, con sẽ không có căn nhà trong mơ hay ngay cả không có nhà nào hết.

Thế rồi có thể thời điểm sẽ đến khi một căn nhà khác sẽ thị hiện, tuy không đúng hẳn căn nhà trong mơ nhưng nó vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho Sứ vụ Thiêng liêng tiến hành tốt hơn là với căn nhà mơ ước kia. Nếu con đã cưỡng ép căn nhà kia vào hiện thực thì con đã phải chịu một số ràng buộc. Nó sẽ đòi hỏi con bỏ ra một số năng lực, thời giờ cũng như chú ý, có nghĩa là con không còn gì sót lại cho những công việc khác, kể cả một số khía cạnh của Sứ vụ của con. Con bắt đầu phân biện rõ hơn là mình nên sử dụng thời gian và năng lực như thế nào để không dành ra quá nhiều cho các nhu cầu của ngã vỏ ngoài đến độ nó kéo con ra khỏi việc thực hiện Sứ vụ Thiêng liêng.

14.10. Mong muốn nội tâm hay mong muốn vỏ ngoài

Xong con cũng có thể bắt đầu làm cuộc xoay chuyển mà Giê-su đã chứng tỏ khi chính thày đã nói cách đây 2000 năm: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì.” Như con thấy đó, dựa trên những gì thày vừa nói, câu này đòi hỏi thêm một chút giải thích. Hiển nhiên là Giê-su đã có thể tự mình làm một điều gì đó, nghĩa là qua ngã vỏ ngoài của thày, thày đã có thể thực hiện một số công việc ở mức tâm thức mà thày có lúc đó. Thày đã có thể thị hiện rất nhiều thứ với ngã vỏ ngoài của thày. Điều mà thày thực sự muốn nói là: “Ta không muốn làm bất cứ gì do ngã của ta.” Và thày cũng nói: “Đó là Cha ở trong ta – chính Ngài làm mọi việc,” có nghĩa: “Chính Hiện diện TA LÀ và viễn quan cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của ta đang quyết định những gì thị hiện ra trong đời ta.”

Con đạt đến một điểm khi con cần đối mặt với sự lượng định: “Liệu tôi có muốn những gì thị hiện trong đời tôi là do quyết định của ý chí ngã vỏ ngoài, hay là tôi muốn ý chí cao hơn – Hiện diện TA LÀ của tôi, những chọn lựa mà tôi đã lấy khi thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng – định đoạt những gì sẽ thị hiện trong đời tôi?” Đây chính là điều đòi hỏi sự buông bỏ. Con buông bỏ, con quy hàng trước ý chí cao hơn đó. Giống như Giê-su, con nói: “Xin ý của Cha được thành, chứ không phải ý của con.” Điều này không có nghĩa là có một Thượng đế ở trên trời, một chúa tể độc tài nào đó đang tìm cách kiểm soát con. Con không quy phục một ý chí ở ngoài con. Khi con thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con đã sử dụng ý chí ở bên trong chính con.

Tất nhiên, ngã vỏ ngoài sẽ bảo là con quy phục một ý chí bên ngoài, vì đối với nó, ý chí cao hơn của con nằm bên ngoài. Nhưng kỳ thực, đối với con trong cương vị cái Ta Biết, ý chí của ngã vỏ ngoài mới là nằm bên ngoài. Ngã vỏ ngoài tìm cách cưỡng ép ý chí của nó lên con, ngược với những gì con đã chọn lựa và quyết định khi con ở trong trạng thái cao hơn, trạng thái minh mẫn để thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng. Con thấy đó, đây là chuyện thực hiện cuộc xoay chuyển này: “Tôi thực sự muốn gì?”

Và thực sự, có thể nói đó là chuyện con muốn có những loại trải nghiệm nào cho phần còn lại của đời con? Và ở đây chúng ta bước vào – ít nhất từ một nhãn quan nào đó – trở ngại lớn nhất, thử thách lớn nhất, mà con người phải đối diện trên địa cầu, là thử thách về sở hữu.

14.11. Thử thách sở hữu

Con hãy nhìn hành tinh này! Bước lui lại và nhìn hành tinh này. Nhìn tất cả tình trạng hỗn loạn, tất cả những xáo trộn, tất cả những chuyển biến. Những thiên tai, động đất, bão tố, chiến tranh, tất cả những thứ đang không ngừng khiến con người bị bật rễ, bị mất nhà cửa, phá hủy toàn bộ những thành phố. Đây có thật là một hành tinh nơi con muốn tìm mọi cách để sở hữu một cái gì? Có thật khôn ngoan hay không khi con bước vào tâm trạng tham vọng sở hữu một cái gì?

Một lần nữa, hãy lấy ví dụ căn nhà trong mơ. Không có gì sai trái nếu con ở một căn nhà thoải mái, nhưng liệu con sở hữu căn nhà hay là căn nhà sở hữu con? Theo một nghĩa nào đó, đây là thử thách con đối mặt trên địa cầu. Con có thể sở hữu đồ vật trên địa cầu – đúng là con có thể – nhưng luôn luôn sẽ có một cái giá mà con phải trả. Nó đòi hỏi ở con một số năng lực, thời giờ và chú ý. Thày không đang nói tới cả chuyện tiền bạc cho dù con sẽ cần tiền bạc để sở hữu một cái gì đó. Nó đòi hỏi con dành chú ý cho nó, và để bảo toàn những gì con sở hữu, nó cũng đòi hỏi nơi con sự chú ý.

Câu hỏi đặt ra là: “Con muốn loại trải nghiệm nào cho phần còn lại của đời con?” Liệu con muốn trải nghiệm chuyện sở hữu một đồ vật, hay con muốn trải nghiệm sự tăng triển tâm linh? Con hiểu chứ phải không con, rằng sở hữu là đứng yên một chỗ và tăng triển là chuyển động. Các thày đã có đề cập đến Dòng sông sự Sống. Con không xuôi chảy theo Dòng sông sự Sống khi con sở hữu một cái gì. Điều này không có nghĩa là con không thể vừa sở hữu vừa xuôi chảy với Dòng sông sự Sống – nhưng chỉ khi nào cái con sở hữu không sở hữu con. Chừng nào con còn mong muốn sở hữu thì con sẽ không an bình được trên một hành tinh như địa cầu – chuyện đó không thể. Luôn luôn sẽ có những mối đe dọa mà con tưởng tượng ra, và thày có thể cam đoan với con là khi con sở hữu một cái gì mà con không muốn đánh mất, con sẽ dư khả năng tưởng tượng ra đủ mọi loại đe dọa có thể cướp nó khỏi tay con.

Sứ giả này cách đây ít lâu đã xem một phim tài liệu trên tivi về các nhà tỷ phú. Ông hiểu ra là nếu ông tin tất cả những gì được trình chiếu, mọi người đúng lý phải cảm thấy tội nghiệp cho các nhà tỷ phú bởi vì việc ứng phó với tài sản to lớn như vậy thật là một chuyện khó khăn. Tất nhiên ông đã bật cười, nhưng bên trong ẩn một chân lý, đó là người ta càng sở hữu thì cái họ sở hữu sẽ càng sở hữu họ. Khi họ càng bị sở hữu bởi vật sở hữu, thì họ phải dành ra càng nhiều sức lực và chú ý để lo gom góp nhiều hơn hay để khỏi đánh mất những gì mình đang có. Đối với nhiều người, họ sẽ đạt tới điểm tích tụ được tất cả mọi thứ mà mình mong muốn lúc ban đầu, và giờ đây họ lo lắng sẽ đánh mất nó. Điều này, tất nhiên, sẽ không thuận lợi cho sự phát triển của con trong những mục tiêu đề ra trong Sứ vụ Thiêng liêng.

14.12. Rũ bỏ cái ngã sở hữu

Con cần nhìn vào điểm này và nhận ra đó là một ngã vỏ ngoài. Nó rất dũng mãnh trên hành tinh này vì động lượng trong tâm thức tập thể cũng rất mạnh mẽ – nhưng con đã đến đây để làm gì? Con đến đây để tự nâng mình lên cao hơn tâm thức tập thể và như vậy góp phần nâng cao tâm thức tập thể.

Tất nhiên là ở tầng khai ngộ này, con có khả năng rũ bỏ ngã này. Con có thể nhận ra là mình không muốn thị hiện những mục tiêu của ngã vỏ ngoài và mình cũng không muốn thị hiện bất cứ gì xuyên qua ngã vỏ ngoài. Con không muốn thị hiện bất cứ gì qua vũ lực. Vậy thì làm thế nào con thị hiện được cái gì đây? Nhiều người đã từng đọc những cuốn sách kinh điển kia về thị hiện, sẽ bảo: “Đúng vậy, làm thế nào con có thể thị hiện bất cứ gì nếu con không dùng vũ lực và sức mạnh ý chí, nếu con không trụ tâm và không tập trung năng lượng? Thày bảo con buông bỏ mọi mục tiêu và mong muốn, bảo con không được cụ thể chính xác, bảo con phải làm lỏng tâm mình và kỳ vọng của mình. Vậy làm sao con thị hiện được gì đây?”

Con yêu dấu, khoảng 2500 trước đây có một bậc đại hiền đã giảng dạy về Trung đạo. Thày không đang bảo con không được dùng sức mạnh của ý chí, hay không được tập trung, hay không được quyết tâm. Thày đang bảo con chuyển sự chú tâm của con ra khỏi ngã vỏ ngoài và hòa điệu với Sứ vụ Thiêng liêng. Thày cũng bảo con làm lỏng tâm con, làm lỏng các kỳ vọng của con, ít ra trong một thời gian, vì con sẽ cần chút thời gian để buông xả các kỳ vọng từ ngã vỏ ngoài. Con cần bước vào một giai đoạn tạm thời nơi con sẵn lòng để cho mọi chuyện nổi trôi, như thể nổi trôi không định hướng trên mặt nước, và con để cho dòng nước cuốn con trôi đi.

Con thấy đó, con yêu dấu, có một cách lấy quyết định với ngã vỏ ngoài, là khi con dùng sức mạnh ý chí hay con tập trung vào mục tiêu và trở thành vô cùng cương quyết. Có thể nói, con gạt sang một bên bất kỳ lực chống đối nào ngăn cản con thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng cũng có một cách khác là con buông bỏ tất cả những mong muốn vỏ ngoài đó và con đi vào trạng thái mà Giê-su mô tả là: “Xin ý của Cha được thành, chứ không phải ý của con.”

Nói cách khác, con không bảo là con không muốn bất cứ gì thị hiện trong đời con, mà con chỉ nói là con không muốn ý chí của ngã vỏ ngoài thị hiện. Con muốn ý chí cao hơn mà chính con đã định ra khi con thảo Sứ vụ Thiêng liêng. Con sẵn lòng chờ cho điều đó xảy ra. Con sẵn lòng để cho nó xảy ra, để cho nó trải bày. Con sẵn lòng bước vào một trạng thái của tâm nơi con nghĩ là mình không đang thị hiện gì hết. Con không đang cưỡng ép bất cứ gì thị hiện, mà con chỉ để yên cho nó rơi vào thị hiện.

14.13. Để yên cho mọi chuyện thị hiện

Trong thế giới Ả rập, người ta có câu ngạn ngữ về quả cam rơi vào chiếc khăn đóng mình đội trên đầu. Con ngồi dưới cây cam và quả cam rơi xuống một cách tự nhiên. Đây là trạng thái tâm mà con có khả năng bước vào ở mức này. Không tìm cách ép buộc Ánh sáng Mẫu-Vật phải cho con những gì ngã vỏ ngoài mong muốn, con trao cho Ánh sáng Mẫu-Vật khoảng trống để nó thị hiện điều mà chính con, qua ý chí cao hơn của con, đã quyết định mong muốn. Con cho phép các mong muốn cao hơn của con đi xuống thị hiện vật lý thay vì ngăn chặn chúng với tất cả những kỳ vọng vỏ ngoài đó. Con có thấy được không? Cách thị hiện cưỡng bức của ngã vỏ ngoài là một chuyện khả thi, nhưng có một cách khác mà thoạt nhìn tưởng chừng là một cách thụ động (ít ra đối với ngã vỏ ngoài), nhưng nó không thụ động chút nào. Đơn giản, con kết nối lại với Sứ vụ Thiêng liêng và cho phép tự nó thị hiện ra.

Con thấy đó, con yêu dấu, nhiều người theo học những cuốn sách về thị hiện thường làm vậy từ một tâm trạng thiếu thốn, họ thiếu thốn vì họ muốn một cái gì đó. Thường khi là tiền bạc. Họ không đủ tiền, họ muốn thị hiện ra tiền, cho nên họ theo học các khóa đó và họ khiến cho ý muốn vỏ ngoài đó bị đông đặc lại. Sau đó họ dồn tất cả sức lực của ý chí cùng quyết tâm để cố đẩy nó lên các cõi cao hơn. Có lẽ họ không biết gì về ba thể cao như con, nhưng dù sao thì họ cũng cố gắng – từ mức ý thức – đẩy nó lên các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc. Khi họ làm vậy từ tầng ý thức, trước tiên họ phải đẩy lên cõi tình cảm, rồi họ phải đẩy lên cõi lý trí, rồi họ phải đẩy lên cõi bản sắc. Một khi họ đã đẩy được vào cõi bản sắc, xung lực có thể sẽ quay ngược lại và bắt đầu đi trở xuống.

Vấn đề là con chỉ có sẵn một khối năng lượng giới hạn khi con cố gửi xung lực đó đi lên cõi tình cảm. Có thể trong thể tình cảm của con có đủ loại xáo trộn mà con chưa giải quyết, và chúng sẽ tạo ra sức cưỡng chống lại. Sóng năng lượng mà con gửi ra bằng tâm ý thức tạo ra đủ loại mô thức giao thoa với các năng lượng khuếch tán và hỗn loạn hiện diện trong cảm thể con. Đến khi nó tới được cõi lý trí thì không những nó đã bị suy yếu mà phần nào còn bị bóp méo. Một lần nữa, trong trí thể của con lại có đủ loại điều kiện hỗn loạn khác, đủ loại tin tưởng chưa giải quyết. Và khi nó lên tới thể bản sắc, nó lại bị khuếch tán thêm nữa. Nơi thể bản sắc, rất có thể là con không rõ ràng lắm về con người thực mà con là, về những gì mà con thực muốn, cho nên một lần nữa lại có sự suy giảm và biến thái. Cho nên đến khi xung lực sẵn sàng quay trở xuống, nó không còn gì như cũ và sức mạnh của nó đã suy yếu.

Nhiều, rất nhiều người làm như vậy. Họ bỏ thì giờ ra, ngấu nghiến đọc những cuốn sách hứa hẹn cho họ đủ mọi thứ. Họ dành ra nhiều thời gian và sức lực để làm theo nhưng rồi chẳng có gì xảy ra. Họ ngồi đó, không hiểu tại sao chẳng có gì thị hiện, hoặc họ bỏ rơi toàn bộ, thậm chí họ bỏ rơi cả đường tu tâm linh bởi vì sự thật là họ có bao giờ cất bước trên đường tu tâm linh đâu, mà họ chỉ tìm cầu một lối thoát vá víu tạm thời. Hoặc cũng có thể là một phần mục tiêu của họ được thị hiện, và giờ đây họ thực sự nghĩ đó là cách thị hiện mọi chuyện. Họ lại thử một lần nữa, nhưng rồi họ phải đi đến kết luận là nó không hiệu nghiệm. Chuyện đó không hiệu nghiệm chút nào.

Điều thày yêu cầu con làm khác hẳn. Thày yêu cầu con buông bỏ tất cả mọi thứ vỏ ngoài, sẵn lòng để cho mình nổi trôi, để mình xuôi chảy theo Dòng sông sự Sống, để yên cho sự sống cuốn con theo bất cứ hướng nào mà nó muốn. Và khi đó, con vươn lên, con với tới những gì con đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nghĩa là con né tránh được bất kỳ lực kháng cự nào đến từ ngã vỏ ngoài ở các thể tình cảm, lý trí và bản sắc thấp của con. Con đi thẳng tới nguồn cội của những gì con đã thảo ra trước khi con đầu thai trong kiếp này. Xong con kết nối với cái đó, và con sẵn lòng để yên cho nó thị hiện ra cho dù con chưa thấy được nó là gì, cho dù nó có thể không đồng thuận với các kỳ vọng vỏ ngoài mà con đã vun trồng ở một thời điểm nào đó. Con sẵn lòng buông bỏ các kỳ vọng đó và con nói: “Xin ý chí cao hơn của con được hoàn thành cho dù nó có là gì, chứ không phải ý chí vỏ ngoài của con. Dù bất cứ gì có xảy ra, con cũng sẽ chấp nhận, con sẽ đón nhận, và con sẽ biết ơn tất cả những gì con được nhận.”

14.14. Thị hiện qua buông bỏ

Thật ra có nhiều người đã thị hiện một điều gì không đúng hẳn như ý muốn của ngã vỏ ngoài. Họ xem đó là không đủ hay họ đã từ chối thẳng thừng. Có những người đã thị hiện được một số cơ hội mới, nhưng vì nó không đúng với mong ước cho nên họ đã không nắm lấy. Và như thế họ đã bỏ lỡ một cơ hội tăng triển mà họ đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng. Ở mức này, thày yêu cầu con hãy sẵn sàng trở nên mềm lỏng, sẵn sàng buông bỏ mọi hình ảnh cố định về đời mình phải trải ra như thế nào. Con hãy kết nối lại với ý chí cao hơn đó, là ý chí đích thực mà con đã có khi con không nhìn mọi chuyện xuyên qua lăng kính dày đặc của bốn thể phàm.

Đây là một hành động buông bỏ có khả năng thực sự đưa con đến một trạng thái an bình vì con chấp nhận một số chuyện. Con chấp nhận khía cạnh omega của sự thị hiện trên địa cầu, nghĩa là địa cầu có một độ dày đặc nào đó, mọi người đều có quyền tự quyết của mình và tâm thức tập thể ở một trình độ nào đó. Những yếu tố này định ra giới hạn cho những gì con có thể thị hiện. Do tất cả những điều kiện vỏ ngoài đó, con không nhất thiết thị hiện được điều kiện lý tưởng mà con có thể hình dung. Nhưng điều mà con luôn luôn thị hiện được là những gì sẽ giúp con tăng triển lên một mức tâm thức cao hơn. Đó là omega – là làm hòa với mọi thứ như chúng hiện là, và tận dụng chúng một cách tối hảo thay vì phàn nàn là chúng không lý tưởng.

Khía cạnh alpha là con vượt ra khỏi các ham muốn của ngã vỏ ngoài. Con tái nối kết với các mong muốn cao hơn mà chính con đã từng có trước khi hiện thân. Con cho phép những mong muốn này thị hiện và con chấp nhận như vậy là tốt đủ, đó là cơ hội mà con muốn và con sẽ ôm lấy nó. Con sẽ tận dụng nó một cách tối hảo và sẽ đặt trọng tâm vào việc tăng triển thay vì sở hữu.

Có một khái niệm rất quan trọng mà Giê-su đã bày tỏ cách đây không lâu trong một bài truyền đọc nơi thày nói là các chân sư thăng thiên giống như những nhân viên bán xe cũ sử dụng kỹ thuật nhử mồi xong đánh tráo. Con người hiện ở một trạng thái tâm thức thấp đến độ khi họ chưa tìm được con đường tâm linh thì họ sẽ tạo ra đủ mọi loại mơ ước và ham muốn. Các thày phải cho họ một cái gì đó mà họ có thể liên hệ và chấp nhận, một cái gì có thể thúc đẩy họ cất bước trên đường tu. Rồi sau đó tất nhiên, khi họ đã tiến xa hơn trên đường tu, các thày phải xoay chuyển họ để họ nhận ra là các mong muốn ban đầu của họ không thực tế lắm, và giờ đây, hy vọng là họ có thể nhận lấy một mong muốn cao hơn sẽ đặt họ trên con đường dẫn đến tầng 144.

Vấn đề ở đây y hệt như vậy. Điều không thể tránh được là khi các con khởi sự khóa tu này, con có một số mong muốn, một số chờ đợi không được cao nhất. Làm thế nào con có thể ở tầng tâm thức thứ 48? Làm thế nào con có được một chờ đợi thực tế  về đường tu tâm linh khi con ở tầng 48? Con không thể. Các Thượng sư khác cũng đã đề cập đến cùng điểm này. Điều vô cùng quan trọng ở mức này là con thực sự đạt tới mức con xem xét các kỳ vọng không thực tế đó và con để cho chúng ra đi.

14.15. Làm hòa với sự bất toàn

Con cần đặc biệt làm hòa với thực tế là chừng nào con còn ở trong hiện thân vật lý, con sẽ không đạt đến một trạng thái giác ngộ hay một tâm thức toàn vũ tối thượng nào đó (hoặc bất kỳ cái tên nào mà con muốn gọi). Cho đến khi con thăng thiên, con sẽ vẫn mang một số yếu tố của tâm thức phàm nhân. Trên thế giới sẽ có những người không đồng ý với câu này. Một số sẽ bảo đó là một lời dạy hoàn toàn sai lầm. Một số sẽ nói: “Nhưng chắc chắn Giê-su hay đức Phật, vị đạo sư này hay vị đạo sư kia, hay vị đạo sư sắp tới, phải đã chứng đạt giác ngộ chứ.” Điều này tùy thuộc vào cách con định nghĩa giác ngộ là thế nào. Nếu con định nghĩa giác ngộ là đã hoàn toàn rũ sạch ngã vỏ ngoài, thì không một ai đã đạt được trạng thái đó cho tới điểm ngay trước khi vị đó thăng thiên. Giê-su đã không đạt đến đó cho tới khi thày bị đóng đinh trên thập tự giá và từ bỏ hồn mình (the ghost), tức là khía cạnh chung cuộc của ngã vỏ ngoài, kỳ vọng chót cùng của ngã vỏ ngoài.

Con thấy ở đây, chắc chắn con có thể nói khi con đạt tới một tầng tâm thức nào đó thì con đã vươn lên cao hơn tầng 48 rất nhiều, cho nên con giác ngộ hơn khi trước. Vấn đề là con thấy trên thế giới có những vị xưng mình là đạo sư đã giác ngộ và vân vân. Giờ đây các vị ấy bắt đầu tin là mình không còn cần soi gương, không cần tìm cái xà trong mắt vì họ không còn xà nào nữa, họ không còn tự ngã, không còn ngã vỏ ngoài nữa. Có nghĩa là từ điểm đó trở đi, họ không còn tăng triển nữa. Điều thày cố trao cho con là ý niệm thực tiễn rằng chừng nào con còn đầu thai thì con vẫn cần soi mình trong gương, vẫn cần tăng triển, vẫn cần vượt qua và buông bỏ nhiều thứ, và con vẫn cần để cho chúng chết đi. Đó là cách duy nhất để con leo đến được tầng 144 và thăng thiên.

Con có nghĩ là thày đã từng làm gì khác hơn hay không, con yêu dấu? Thày đã phải làm y hệt như vậy để hội đủ tư cách thăng thiên. Giê-su cũng vậy, Gautama cũng vậy, Chân sư MORE cũng vậy, Kuthumi cũng vậy, Mẹ Mary cũng vậy, và tất cả những vị đã thăng thiên khỏi trái đất cũng đã đều làm như vậy. Tất cả các thày đều đã bước chân trên con đường mà các thày đang dạy con bước theo. Sự khác biệt là hầu hết các thày đã không có những bậc thăng thiên làm thày giáo cho mình, ít ra những bậc mà các thày ý thức được hay có thể đọc được bài giảng. Nhưng các con thì có. Thày hy vọng con sẽ sử dụng giáo lý vỏ ngoài này một cách hữu ích, sẽ làm cuộc xoay chuyển đó, sẽ làm những xoay chuyển mà thày đã nói đến trong bài giảng này, hầu còn chuẩn bị thực hiện cuộc xoay chuyển to lớn hơn nữa mà thày sẽ đề cập trong bài tới. Thày hẹn gặp lại con để trao bài học đó cho con.

Cách con nhìn vật sẽ đồng sáng tạo vật đó

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 14/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain và cho bài học thứ năm này, chúng ta sẽ giáp mặt với Tia thứ Năm của Viễn quan. Con yêu dấu, viễn quan không như người ta thường nghĩ, không như con từng hiểu khi con lớn lên trong thế giới hiện đại. Hình ảnh mà con đã nhận được từ tuổi thơ ấu bảo viễn quan là một cái gì thụ động. Có một vật nào đó hiện hữu khách quan ở ngoài kia, rồi có một cái gọi là ánh sáng đập vào nó, ánh sáng dội ngược lại trên nó, đi vào võng mạc mắt con nơi ánh sáng được chuyển thành một tấm hình mà não bộ của con nhìn thấy và xử lý.

12.1. Viễn quan thay đổi với thời gian

Các thày ta đã có nói, đây là một ảo tưởng vì thị giác không hề thụ động. Sa nhân muốn con nghĩ là nó thụ động, và đó là tại sao chúng đã thành công khiến cho tất cả mọi xã hội trên địa cầu dạy dỗ trẻ em ảo tưởng về tính thụ động của thị giác.

Nhưng như các thày đã đề cập, viễn quan là một cái gì chủ động. Chúng ta cần bàn nhiều hơn về lý do tại sao viễn quan lại chủ động và nó vận hành ra sao, và điều này liên quan tới những danh sách mà thày đã yêu cầu con lập ra trong bài giảng trước. Thày đã xin con lập ra một danh sách những thứ tuyệt đối không thể nào thay đổi được. Về từ ngữ được sử dụng ở đây, thật sự thày đã chơi một mẹo nhỏ với con khi thày bảo là thày muốn con lập danh sách một số “thứ” tuyệt đổi không thể thay đổi được, hay ít nhất không một quyền năng nào trên địa cầu có thể thay đổi được. Thày đã nói trước đó là các Elohim đã quy định và thiết lập một khuôn đúc nhất định cho trái đất và không có một quyền năng nào trên địa cầu, ngay cả toàn bộ tâm thức tập thể cũng không thể nào thay đổi được. Do đó, đúng là những thứ tuyệt đổi không thể thay đổi.

12.2. Công nghệ thay đổi viễn quan

Và tất nhiên, con đã lớn lên trong một thế giợi có rất nhiều công nghệ. Điều này dẫn chúng ta đến danh sách thứ nhì gồm những thứ có thể được thay đổi nhưng chỉ bằng những phương tiện vật lý, công nghệ hay bằng lao động vật lý. Hiển nhiên trong những thập niên vừa qua, công nghệ (do đã nhận được cảm hứng chủ yếu từ thày cũng như từ các chân sư thăng thiên khác) thật sự đã có một số khám phá thách thức những quan điểm trước đây về cuộc sống. Có những thứ mà một trăm năm về trước người ta bảo là tuyệt đối không thể nào thay đổi, nhưng giờ đây con biết rõ là chúng có thể được thay đổi.

Hạt nguyên tử có thể bị đập vỡ, và chính những hòn gạch xây dựng vật chất đó – như trước đây người ta vẫn tưởng – có thể bị đập vỡ. Đã có một thời người ta tuyệt đối bác bỏ đó là chuyện khả dĩ. Con thấy đã có sự chuyển đổi nào đó do công nghệ, và những gì không thể xảy ra cách đây chỉ vài chục năm, giờ đây trở thành khả dĩ. Tất nhiên một cách chung chung, con người đã chưa điều chỉnh được cái nhìn của mình về cuộc sống dựa theo các khám phá đó, vậy thày cần con bắt đầu điều chỉnh cái nhìn của con về cuộc sống. Thày cần con nhận chân ra công nghệ thực sự là gì. Tại sao – một lần nữa chúng ta sẽ dùng ví dụ này – tại sao nền công nghệ thời nay có khả năng đập vỡ nguyên tử? Thậm chí, tại sao con lại có một nền công nghệ có thể đập vỡ cả những hạt hạ nguyên tử thành những mảnh nhỏ hơn nữa? Đó là vì ngày nay con có sự hiểu biết không có mặt vào thời trước.

Trước khi thuyết tương đối của Albert Einstein ra đời vào năm 1905, loài người không có hiểu biết gì, ngay cả trong lý thuyết, về khả năng đập vỡ nguyên tử. Đó là vì vào thời đó, các nhà khoa học còn mang một cái nhìn nhị nguyên về thế giới, qua đó họ thấy một rào cản tuyệt đối giữa vật chất và năng lượng. Thế giới được cấu tạo bởi hai thành phần tách biệt, và cái này không thể biến hóa thành cái kia. Rồi Einstein tìm ra thuyết tương đối và ngộ ra là mọi vật chất thật sự chỉ là một dạng của năng lượng. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì thày đã nói với con trước đây. Con cần bắt đầu nhìn ra là đằng sau mọi hình tướng mà mắt người có thể trông thấy, có một năng lượng thuần khiết. Có một mô hình phức tạp những sóng năng lượng, những tín hiệu bật-tắt, những mô thức giao thoa giữa các năng lượng. Đó chính là thực tại thâm sâu hơn.

12.3. Nhìn thấy tất cả là lỏng

Lý do điểm này quan trọng là một khi con nhìn thấy một thực tại năng lượng bên dưới tầm mức vật chất (hoặc tầm mức đồ vật vĩ mô), con sẽ nhận ra tầm mức năng lượng này là lỏng. Khi con nhìn một hiện tượng vật lý nào đó, chẳng hạn đỉnh Everest hay bất kỳ ngọn núi nào mà con đã chiêm ngưỡng, con nhìn vào khối đá khổng lồ đó và con nghĩ nó vượt khỏi mọi khả năng thay đổi. Nó rắn đặc, nó to lớn khủng khiếp. Nhưng khi con nhìn vượt khỏi tầm mức vật lý, tầm mức đồ vật vĩ mô, con sẽ thấy thực tại thâm sâu hơn, và ngay cả ngọn núi rắn chắc kia cũng được tạo bằng năng lượng đang rung động, và năng lượng thì lỏng hơn vật chất rất nhiều. Ít nhất trên lý thuyết, có một khả năng thay đổi cho năng lượng cấu tạo ngọn núi đó. Tất nhiên, nếu năng lượng thay đổi thì vật chất cũng sẽ phải thay đổi theo. Điều mà Einstein đã làm là thay đổi quan điểm truyền thống, quan điểm vật lý cổ điển, về nhân và quả.

Tiếc thay, đó là điều mà các nhà khoa học nói chung đã không sẵn lòng thừa nhận. Về bề nổi, họ đã không sẵn lòng thừa nhận vì họ không muốn từ bỏ chủ nghĩa duy vật, họ không muốn nhìn thấy một mối liên hệ giữa vật chất và tâm. Ở mức sâu hơn, thực tế là họ bị đui mù bởi các sa nhân đã xâm nhập vào các giới quyền chức khoa học y như chúng đã từng chi phối Giáo hội Công giáo vào thời Trung cổ (nhưng đây chỉ là một vấn đề bên lề vì thật sự thày không muốn bước vào một cuộc tranh luận chính trị ở đây).

12.4. Xem năng lượng là nguyên nhân và vật chất là kết quả

Điều thày muốn chỉ ra cho con là trong quan điểm vật lý cổ điển về thực tại, có một cái được xem là nguyên nhân và một cái được xem là kết quả. Nói cách khác, nếu có một trái banh bi-da di chuyển trên bàn bi-da, đó là một hành động vật lý. Trái banh là một vật vật lý đang di chuyển trong một không gian vật lý, và phải có một nguyên nhân vật lý, cụ thể ở đây là một cây gậy đập vào trái banh khiến nó chuyển động. Đây là cách mà người ta quan niệm nhân và quả trong vật lý cổ điển – một nguyên nhân vật lý phải có một kết quả vật lý.

Einstein đã phá vỡ cách nhìn trên – nếu người ta chịu để cho nó bị phá vỡ trong tâm họ. Ông làm được vậy là vì trên cơ bản, ông nói rằng vật chất, và mọi hiện tượng vật chất, đều là kết quả. Trong quan điểm của Einstein, chúng là kết quả của một nguyên nhân mà mắt không nhìn thấy gọi là năng lượng. Chúng ta có thể đi xa hơn vậy nhưng dù sao thì trong nhãn quan của Einstein, nguyên nhân sâu xa của mọi hiện tượng vật chất là năng lượng, là thế giới năng lượng. Con vẫn có thể bảo là có một đồ vật vật lý gọi là trái banh bi-da và có một cây gậy vật lý đập vào banh, nhưng lý do những vật vật lý đó có thể hiện hữu là vì có một nguyên nhân nằm bên dưới, là năng lượng lỏng đang rung động.

Mọi vật vật lý rắn đặc hiện hữu như là kết quả của một nguyên nhân nằm bên dưới là năng lượng lỏng. Điểm này quan trọng, con cần ghi nhớ. Nhưng chúng ta sẽ đi xa hơn nữa. Lý do khiến cho các nhà khoa học (hay ít ra các nhà khoa học duy vật) không muốn công nhận các thuyết của Einstein hay hệ quả của ngành vật lý lượng tử là vì họ không muốn từ bỏ giấc mộng khách quan. Do ảnh hưởng của sa nhân, họ đã định nghĩa giấc mộng khách quan là sự quan sát không bị ảnh hưởng bởi tâm của nhà khoa học đang quan sát.

Chuyện này trở ngược về một thời điểm khi người ta tìm cách tách rời khoa học khỏi Giáo hội Công giáo và mô tả mọi tôn giáo là chủ quan. Hay nói cách khác, mọi trải nghiệm của tâm đều là chủ quan, và do đó phải loại bỏ tâm ra khỏi khoa học. Điều mà các nhà khoa học hay nhà duy vật không nhìn nhận là tất nhiên, họ không thể làm được chuyện đó, bởi vì cho dù con có làm gì đi nữa thì con cũng phải cần đến tâm. Nếu con thực sự muốn khách quan thì chuyện xây dựng hơn nhiều là con hãy tìm hiểu xem tâm ảnh hưởng đến sự quan sát như thế nào – hay ngay cả tìm hiểu xem tâm ảnh hưởng những quan sát nào mà con chọn lựa, con chọn lựa chúng như thế nào, và sau đó con chọn cách diễn giải như thế nào. Nếu làm vậy thì hiển nhiên con sẽ tìm ra là không có gì có thể gọi là một quan sát khoa học khách quan.

Một quan sát không có nghĩa lý gì trừ phi nó được diễn giải, nghĩa là nó được đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn. Bối cảnh mà các nhà duy vật đã tạo ra vô cùng chủ quan, bởi vì họ chỉ muốn tìm diễn giải trong vũ trụ vật chất. Đó không phải là một thế giới quan khách quan mà họ đã tạo dựng. Nó cũng chủ quan y như thế giới quan thời Trung cổ mà Giáo hội Công giáo đã tạo dựng. Và điều này, họ sẽ không chịu nhìn nhận.

12.5. Chấp nhận là con có một cái nhìn chủ quan

Điều chúng ta cần làm ở đây là nhìn nhận một chuyện thật giản dị. Con là một đệ tử tâm linh. Con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Như các thày đã giải thích, con đang nhìn cuộc sống qua một phin lọc gồm có một số ảo tưởng. Do đó cho dù các nhà khoa học có tin gì đi nữa, con vẫn có thể xác định trong tâm ý thức rằng con chấp nhận cách mình nhìn cuộc sống là hoàn toàn chủ quan. Cách nhìn này là sản phẩm của những ảo tưởng mà con vẫn mang và chưa gỡ bỏ được.

Trong cương vị một đệ tử tâm linh và một cá nhân, con không cần tìm kiếm một sự khách quan nào đó. Thày cũng biết là trong con có một cái ngã mong muốn rải truyền các niềm tin và sự hiểu biết tâm linh của mình để khiến cho người khác chấp nhận. Chúng ta hãy tạm gác chuyện đó sang một bên. Chúng ta đơn giản bỏ nó qua một bên và nói rằng trong cương vị một cá nhân, con có thể nhìn nhận là cách con nhìn cuộc sống là sản phẩm của trạng thái tâm hiện thời của con, của những ảo tưởng mà con đã khoác vào khi con bước xuống dưới tầng 144 và vẫn chưa lột bỏ được. Con không cần tìm kiếm một cái nhìn khách quan về thực tại như các nhà khoa học đang tìm.

Do đó, vấn đề đối với con không phải là sự thật tuyệt đối là gì, thực tại khách quan là gì. Vấn đề đơn giản là như sau: Làm thế nào con có thể cải thiện các điều kiện vật chất hiện thời của con? Không phải là vấn đề đạt tới một mức tối hậu nào đó, mà như các thày đã dạy xuyên qua khoá tu này, đó là vấn đề con nhận ra là cuộc sống sẽ cải thiện từng bước nhỏ một. Làm thế nào con có thể đi từ mức của con ngay bây giờ lên mức kế tiếp, rồi cứ thế lên tiếp nữa và lên tiếp mãi, để lần lần cải thiện các điều kiện vật lý và vật chất của mình, hầu chúng đứng đồng bộ với những gì thày đã nói: Trong Sứ vụ Thiêng liêng của con đã ghi những gì, và điều gì cho phép con nhận được những tư tưởng sẽ giúp thị hiện Thời Hoàng kim của thày? Làm thế nào con sẽ thực hiện được chuyện này?

12.6. Nơi nhập thất của Saint Germain không làm bằng đồ vật

Điều con có thể làm là thừa nhận rằng con đã được dạy dỗ một cái nhìn méo mó về thực tại, một cái nhìn méo mó về nhân và quả, một cái nhìn méo mó về vật chất và năng lượng. Tuy không phải là lỗi con, điều đó đã khiến con mang một số tin tưởng về những gì có thể được thay đổi và những gì không thể thay đổi. Khi nào con thừa nhận chuyện này thì con mới có thể nhìn ra bước lôgíc kế tiếp là chất vấn cách mình nhìn thực tại, những gì mình nghĩ có thểkhông thể được thay đổi.  

Đây là khi con đi vào các khía cạnh kia của các danh sách mà thày đã yêu cầu con ghi ra. Thày đã xin con lập ra một danh sách những thứ mà con nghĩ tâm có tiềm năng thay đổi và những thứ con nghĩ tâm không thể thay đổi. Tất nhiên đó là những điều quan trọng hơn để con xem xét trong bài học này, bài học thứ năm tại nhập thất của thày. Điều thày muốn cho con thấy tại khóa nhập thất này là một điều thày ao ước có thể đưa ra cho mọi người trong cõi vật lý được thấy, nhưng chưa sẵn có công nghệ để làm được chuyện đó. Thày cho con thấy rằng những gì con xem là vật chất không hề giống như nó hiện ra xuyên qua giác quan vật lý của con. Tại khóa nhập thất của thày, con ở trong thể bản sắc, con không đang trải nghiệm khóa tu qua trung gian giác quan vật lý. Đây thật là một điểm quan trọng mà con cần suy ngẫm. Thày đã có nói là trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên, một số hình ảnh của Hang Biểu tượng đã được ban ra. Nếu con đọc những cuốn sách đó, con sẽ thấy là những hình ảnh đó phần lớn dựa trên cách nhìn theo giác quan con người.

Nói cách khác, do tâm thức tập thể thời đó mà chỉ một cái nhìn nhất định về Hang Biểu tượng có thể được đưa ra. Đó là cái nhìn dựa trên giác quan, được nới rộng thêm chút xíu để con thấy một cái gì bình thường con không thấy được qua giác quan tuy con có tiềm năng thấy được qua giác quan. Tất nhiên khi con ở trong thể bản sắc, con không bị hạn chế bởi nhận thức giác quan. Con có một nhận thức hoàn toàn khác, cho nên quả thực khóa nhập thất của thày không đến nỗi vật lý đường thẳng như con tưởng trong tâm thức tỉnh ngủ.

Thật sự không có cách nào dễ dàng để khép lại khoảng cách đó. Không có cách nào dễ dàng để mô tả bằng ngôn từ khóa nhập thất của thày vì nhận thức của con quá khác lạ. Khi con trở xuống cơ thể vật lý của mình và tỉnh dậy, đương nhiên con lại nhìn cuộc sống qua giác quan vật lý. Đây là một chuyện con có thể bắt đầu thay đổi. Thày không bảo là thày chờ đợi con sẽ thay đổi được hoàn toàn sau khi học xong bài này hay ngay cả hết khóa tu này. Con cần tới gần hơn với tầng 144 trước khi con có thể thực sự giải phóng viễn quan của con khỏi giác quan vật lý. Nhưng con có thể khởi sự. Con có thể khởi sự bằng cách, như thày đã nói, nhận ra trong tâm ý thức rằng viễn quan là một khả năng chủ động.

12.7. Viễn quan bị lập trình như thế nào

Con thấy đó, con yêu dấu, tất cả các con đều đã tập đi xe đạp. Nếu con trở ngược về quá khứ, con sẽ nhớ là lúc ban đầu, giữ thăng bằng là một chuyện rất khó khăn. Rồi đến một điểm nó trở thành tự động. Đó là vì rất rất nhiều chuyện trong cõi vật lý (con dùng cơ thể vật lý để làm rất nhiều chuyện) đòi hỏi nhiều chú ý – trừ phi bốn thể phàm của con có khả năng hoạt động như một máy tính và tạo ra những chương trình có khả năng “làm việc ở đằng sau”, nếu có thể nói như vậy. Giờ đây khi con leo lên chiếc xe đạp, con không cần phải đặt chú ý vào chuyện giữ thăng bằng nữa. Con chỉ ngồi lên xe đạp và có một chương trình trong tâm tiềm thức sẽ tiếp quản, và nó hoàn toàn tự động. Con có dư chú ý để quan sát cảnh vật chung quanh, hay ngay cả rút điện thoại ra đọc tin nhắn, như con thấy nhiều người làm khi họ đạp xe khắp các thành phố trên thế giới.

Điều con cần nhận ra là có nhiều chương trình như thế vận hành. Không phải là thày đang bảo là có gì sai trái hay những chương trình đó có ý hại con. Thày chỉ nói là đã đến lúc con ngộ ra là khi con nhìn bất cứ gì – khi con dùng mắt vật lý của con – thì có một chương trình trong bốn thể phàm đã được trù hoạch để biến thị giác trở thành tự động. Thật ra đây là một lãnh vực mà khoa học đã nghiên cứu phần nào, gọi là khả năng “nhận dạng mẫu” (pattern recognition).

Chức năng của chương trình này là nhìn vào các khuôn mẫu. Thày đã nói gì với con? Thày đã nói là toàn bộ thế giới được tạo thành từ hình ảnh vô cùng phức tạp đó. Thày đã nói nó giống như một màn hình với vô số những cái chấm nhỏ, và chấm đó hình thành những mô thức vô cùng tinh xảo. Điều mà chương trình trong tâm con làm là nó áp đặt một số hình ảnh lên mô thức đó. Hẳn con nhớ khi con còn bé, có lẽ con đã lấy một bức ảnh chụp trên tờ báo và nhìn nó qua kính lúp. Con đã thấy bức ảnh đen trắng trên báo được tạo thành bởi nhiều đốm nhỏ màu đen. Mật độ của đốm tạo ra cảm tưởng là con nhìn thấy những sắc xám khác nhau, và theo một nghĩa nào đó, đây cũng chính là cách hình thành thực tại.

Khi con nhìn vào bức ảnh trên tờ báo cũ, con không thấy từng cái chấm nhỏ riêng lẻ. Không phải vì mắt con không có khả năng nhìn thấy chấm nhỏ mà vì chương trình trong tiềm thức con đã chồng một hình ảnh lên trên các dấu chấm. Con tìm kiếm một hình mẫu. Chương trình tìm kiếm một hình mẫu.

12.8. Con người có xu hướng đặt tên cho mọi thứ

Chuyện này đòi hỏi chúng ta đi trở ngược về một bộ kinh cổ có tên là Sáng thế ký. Trong đó có câu chuyện về Thượng đế tạo ra Adam, con người đầu tiên, như thế nào. Tất nhiên đây không phải là một lời dạy hoàn toàn chính xác. Thật ra, nó chịu ảnh hưởng của sa nhân, như con sẽ thấy qua sự góp mặt của rắn nơi Vườn Địa đàng Eden. Dù sao đi nữa, chuyện kể lại là trước tiên, Thượng đế đã tạo ra tất cả các loài động vật, xong ngài tạo ra Adam, xong ngài ban cho Adam quyền năng đặt tên cho tất cả các loài động vật, thực vật cùng đồ vật trên trái đất. Adam gọi tên là gì thì đó sẽ là tên của chúng. Hiển nhiên tiến trình này bị sa nhân ảnh hưởng một cách sâu đậm – một cách thâm sâu và cơ bản. Chúng ở trong tâm thức tách biệt và chỉ trong tâm thức tách biệt người ta mới có nhu cầu đặt tên.

Bây giờ con thử suy ngẫm chuyện này. Con hãy tưởng tượng con đang ở vùng thảo nguyên châu Phi và con nhìn thấy một mô thức vô cùng phức tạp những màu sắc và hình dạng. Con có thể xem hình ảnh đó duy chỉ là sự tương tác giữa những tia sáng, những chấm nhỏ, hay ngay cả nhiều loại hình dạng khác nhau. Thậm chí con có thể nhận diện một số hình dạng đang di chuyển trên thảo nguyên, hình như đang làm gì đó với các nhánh cỏ. Có những hình dạng khác đang vươn lên cao làm gì đó với cây cối. Con thử nghĩ xem, đối với người dân sơ khai từng sống trên thảo nguyên châu Phi này, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào anh ta có thể sống sót trên thảo nguyên này? Một trong những thử thách to lớn hiển nhiên là làm thế nào không biến mình thành miếng mồi ngon cho cái mà ngày nay con sẽ gọi là sư tử.

Con người sơ khai đó phải làm gì đây? Anh ta phải tạo ra một mô hình trong tiềm thức có khả năng nhận diện hình dạng con sư tử, nhận diện nó là nguy hiểm để mà có ngay biện pháp trốn chạy trước khi mình có thể suy nghĩ thấu đáo về sự việc. Con thấy đây chính là điểm nảy sinh ra nhu cầu đặt tên. “Sư tử! Nguy hiểm! Chạy trốn!” Chuyện này phải diễn ra thật mau lẹ, mau lẹ đến nỗi tâm ý thức thật không sao làm kịp.

Con thấy ở đây là trong trạng thái Địa đàng nguyên thủy của địa cầu, không có nhu cầu để mà đặt tên và xem mọi thứ là tách biệt như vậy. Chỉ sau cuộc sa ngã vào nhị nguyên mới có nhu cầu đặt tên cho vật và xem vật như một vật tuyệt đối. Chuyện xảy ra là con đã lớn lên và được dạy dỗ, ngay cả trong thế giới hiện đại, để dùng quyền năng viễn kiến của mình mà không nhìn thấy năng lượng, không nhìn thấy các mô thức phức tạp của sóng năng lượng, của những cái chấm hay những hình dạng. Con nhìn thấy những “vật” và con đặt tên cho những vật đó. Quyền năng thị nhãn của con đã phần lớn bị kết dính với ngôn ngữ, là cách dùng ngôn từ đặt tên cho vật.

Điều này không nhất thiết là một vấn đề lớn. Nó trở thành một vấn đề khi con đạt đến những tầng cao hơn của đường tu. Con cần bắt đầu nhìn nhận ở đây là những gì đã từng hữu ích ở một tầng mức nào đó (chẳng hạn cái gì đã giúp con đi xe đạp) sẽ trở thành một trở ngại ở những tầng mức cao hơn. Một khi con đã gọi tên cái gì đó là một vật, thì không những con sẽ nghĩ nó có một thực tại khách quan mà con cũng nghĩ đó là một cái gì tách biệt. Điều này nghĩa là gì?

12.9. Vật trở nên tách biệt như thế nào

Có nghĩa là ở tầm mức trước mặt, vật đó tách biệt với con. “Tôi đang ở đây, và ở kia có một vật gọi là chiếc xe đạp. Nó tách biệt khỏi tôi. Tôi có thể để nó trong ga-ra khi tôi bước vào nhà. Tôi không thể để lại thân thể tôi trong ga-ra khi tôi bước vào nhà nhưng tôi có thể để lại chiếc xe đạp. Đó là một vật tách biệt, nó tách biệt với tôi”. Ở một tầm mức tinh tế hơn, giờ đây chiếc xe đạp đã trở thành tách biệt khỏi bản chất thuần nhất của thực tại. Nó là một vật tách biệt đang nổi trôi trong không gian, hay đúng hơn nó đứng trên mặt đất, nhưng dù sao con đã nắm được ý thày. Bây giờ nó là một vật tách biệt, nó không kết nối với bất cứ gì. Chuyện vừa xảy ra ở đây là khi con bước xuống nhị nguyên, khi con sử dụng quyền năng thị nhãn của mình để tìm kiếm các hình mẫu đó và đặt tên cho chúng là đồ vật có sự hiện hữu khách quan tách biệt nào đó, thì con đã hoàn toàn che khuất thực tại nằm bên dưới, nơi mọi thứ đều kết nối và là thành phần của một tổng thể.

Con hãy tưởng tượng con đi chơi biển vào một ngày gió rất lớn và sóng rất cao. Tưởng tượng con đang nhìn biển cả, và những ngọn sóng hiển nhiên là những thành phần của biển. Sóng có thể rất lớn, rất mạnh, rất cao, và giữa sóng là những vùng lõm rất sâu. Tuy nhiên con vẫn thấy được là sóng được hình thành từ biển và không hề tách biệt khỏi biển. Bây giờ con hãy tưởng tượng con tạo ra một màn sương mù bên dưới, và sương mù nằm dưới thấp khiến con chỉ nhìn thấy đỉnh sóng ở trên mà không nhìn thấy biển cả ở dưới. Trong trường hợp này, con sẽ chỉ thấy những tháp nước, những hình dạng của nước, và con sẽ thấy chúng tách rời nhau. Thậm chí có thể con còn phân vân: “Ủa, tháp nước này từ đâu đến? Tại sao nó bỗng hiện ra nơi đây? Liệu nó có liên hệ gì với cái tháp nước ở đằng kia hay không?”

Trong cốt lõi, đây chính là điều xảy ra cho loài người như là hệ quả của tiến trình thày vừa mô tả. Con đã dần dà nhìn thấy một thế giới gồm những vật tách biệt. Con không nhìn ra là tất cả những vật đó đều nối kết với nhau vì chúng là sự biểu đạt của một thực tại duy nhất bên dưới. Hậu quả của chuyện này là gì? Đó là con nghĩ: “Đây là một vật tách biệt, nó tách biệt khỏi tôi, nó tách biệt khỏi tâm tôi, và do đó tôi không có cách chi ảnh hưởng đến nó hay thay đổi được nó bằng tâm của tôi. Làm thế nào tôi có thể thay đổi bằng tâm tôi khi không có sự nối kết nào giữa vật và tâm tôi?”

12.10. Tìm một cách nhìn khác

Để khắc phục ảo tưởng này – rằng có quá nhiều thứ con không thể thay đổi, và không thể thay đổi bằng tâm – con cần khởi sự chất vấn cái nhìn đó. Con cần bắt đầu rất từ từ nhận ra là có một cách khác để nhìn.

Con có thể tìm xem một số ảo thị (optical illusion) đã được người ta sáng chế để đánh lừa thị giác của con. Thoạt nhìn thì con thấy một vật gì đó, nhưng khi con nhìn kỹ hơn, con lại thấy một vật khác. Có một số tấm hình khá phổ biến chỉ là một đống chấm, nhưng khi con nhìn kỹ, bỗng dưng sẽ hiện ra hình dạng của một con cá heo hoặc bất kỳ hình dạng nào khác. Con có thể dùng những tấm hình này để nhận ra là con không thể hoàn toàn tin cậy giác quan của mình. Thật ra không phải là vấn đề giác quan của con mà là cái chương trình trong tâm tiềm thức đã chụp lấy dữ liệu do giác quan cung cấp và đè chồng lên một hình ảnh dựa trên khả năng nhận dạng mẫu, quy định một số vật và tìm kiếm những vật đó.

Con nhận ra là khi con nhìn một cái gì, con không đang thực sự nhìn cái đang ở đó. Chương trình trong tiềm thức nhìn vào cảnh vật, tìm kiếm những dạng mẫu mà nó đã sẵn nhận diện, đã sẵn lưu trữ trong kho dữ liệu này. Một khi nó tìm ra dạng mẫu đó, nó chỉ giản dị đè cái này lên những gì con đang nhìn. Trong nhiều trường hợp, thật sự con nhìn thấy một vật với mắt con nhưng bộ não lại hiển thị một hình ảnh gì khác trong đầu con. Bộ não hiển thị hình ảnh được tạo ra bởi chương trình tiềm thức chuyên tìm kiếm khuôn mẫu. Đây là một con sư tử. Đây là một con hươu cao cổ. Đây là một con ngựa vằn, vân vân và vân vân. Con không nhìn cái đang ở đó, vì cái đang ở đó là một mô thức phức tạp những sóng năng lượng, những cái chấm, những tín hiệu bật-tắt. Cái ở đó thì lỏng nhưng trong tâm con, nó bị biến thành một cái gì tuyệt đối, một cái gì khách quan. Con đang nghĩ – con đã bị lập trình để nghĩ – rằng cái con đang nhìn là một thực thể khách quan nằm ngoài tâm con, tách biệt khỏi tâm.

Điều thày cần con bắt đầu suy ngẫm ở đây là: Đó là một ảo tưởng. Đã đến lúc con bắt đầu chất vấn nó vì lý do giản dị là con sẽ không bao giờ thay đổi được bất cứ gì bằng tâm nếu con thấy nó tách biệt khỏi tâm. Để con, để tâm con có thể thay đổi được gì, phải có một sự nối kết giữa tâm con và vật đó. Vì vậy, chừng nào con còn nhìn thế giới qua trung gian chương trình tiềm thức này đang tô vẽ mọi thứ là tách biệt, con sẽ không bao giờ thay đổi được hoàn cảnh vật lý, vật chất, của con bằng tâm. Chuyện đó không thể nào làm được.

12.11. Thị hiện những gì có vẻ khả dĩ

Một lần nữa con có thể nhìn lại những cuốn sách hay khóa dạy về thuật kết đọng vàng bạc từ hư không. Những người theo học như vậy không thành công vì lý do giản dị là họ đang cố làm đúng chuyện đó – họ đang cố thị hiện những vật mà họ xem là tách biệt với chính họ. Đó là tại sao điều thày mong muốn cho khóa tu này là con đừng thử làm những chuyện mà ngay từ đầu đã là chuyện bất khả thi, mà thay vào đó, con hãy điều chỉnh lại cái nhìn của mình. Đó là lý do thày đã nói: “Hãy điều chỉnh kỳ vọng của con”, hầu con có thể làm được, thị hiện được một cái gì con sẽ dễ chấp nhận là chuyện khả dĩ. Nói cách khác, các thày muốn con khởi sự với một việc rõ ràng khả thi – một việc mà con có khả năng thay đổi bằng cách thay đổi tâm mình.

Môt lần nữa, con có thể nhìn vào hoàn cảnh vật lý của con và con thấy một số thay đổi con mong muốn xảy ra. Ở điểm này, chúng ta có thể xem xét: Làm thế nào để những thay đổi đó xảy ra? Thày có nói là con không muốn cưỡng ép quyền tự quyết của người khác. Nếu sự thay đổi đòi hỏi người khác phải thay đổi thì đó không phải là điều thày yêu cầu con chú tâm vào. Thày yêu cầu con chọn ra một khía cạnh nào đó của đời con mà sự thay đổi không đòi hỏi con phải cưỡng ép người khác. Sau đó, thày yêu cầu con lấy hoàn cảnh đó và nhận ra là ngay cả ở tầng vật lý, có những thay đổi khả dĩ sẽ không nhất thiết là thay đổi thần diệu. Chúng chỉ đơn giản đòi hỏi con thực hiện một sự xoay chuyển để con nhìn thấy cái gì đó mà con hiện chưa nhìn thấy.

Con có thể nhìn những người trải qua một cơn trầm cảm (và có thể chính con đã từng trải qua trong đời mình hoặc con đã thấy người khác trải qua). Họ đã bước vào một vòng xoáy ốc hướng hạ, đã khoác vào một cái nhìn rất tiêu cực, gây giới hạn, về cuộc sống hay về bản thân họ. Họ nghĩ mình thật tồi tệ: “Không cách chi tôi tìm được việc làm tốt, tôi không đủ giỏi, tôi thiếu khả năng, tôi không được học hành, tôi không có cái này, không có cái kia.” Con sẽ thấy có những người khác ở trong cùng tình cảnh như vậy ở mức vật lý, vật chất, nhưng bỗng dưng có gì xảy ra thay đổi hẳn và họ tìm được việc làm tốt.

Tại sao một người không tìm được việc làm trong khi người kia lại tìm được? Là vì người thứ nhì mở tâm ra với những điều khả dĩ mà người thứ nhất không mở ra và vì vậy không nhìn thấy được. Xoay chuyển đầu tiên mà con cần thực hiện là con bắt đầu nhìn vào hoàn cảnh của mình và nhận ra là có những khía cạnh trong hoàn cảnh mình mà cho tới giờ mình xem là không thể hoặc khó lòng thay đổi. Hay thậm chí, có lẽ con chưa hề nghĩ đó là chuyện có khả năng thay đổi vì con đã được dạy dỗ là sự thể phải như vậy.

12.12. Nhìn thấy khả năng mới

Chẳng hạn, sứ giả này đã lớn lên trong một thị trấn khá nhỏ tại Đan mạch nơi cả gia đình ông đã sinh trưởng. Thân nhân của ông vẫn sống ở đó và sẽ chết ở đó. Họ không bao giờ nảy ra ý tưởng là họ có thể dời đi một thành phố khác để tìm việc làm tốt hơn. Họ chỉ có thể mường tượng những loại công việc có sẵn nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Đơn giản, việc dọn đi xa hay đi học hay làm một nghề gì khác không phải là cách nhìn cuộc sống mà họ đã được dạy dỗ. Nhưng con cũng thấy, tất nhiên, có nhiều người khác không ngại di chuyển, không ngại tìm cầu học vấn ở mức cao hơn và do đó họ cũng đã xoay sở để có được công việc tốt hơn. Con thấy là đối với con ở mức này, con cần phải có chút tin tưởng để nhìn vào tình trạng của mình và tự hỏi: “Có thật là có những cơ hội mà hiện thời tôi chưa thấy được vì có gì đó trong thái độ của tôi đang ngăn chặn không cho chúng hiện ra? Tôi không đang nghĩ là mình có khả năng làm được chuyện này.”

Một lần nữa, con lại có thể nhìn vào tuổi thơ ấu của sứ giả này khi ông có ước mơ trở thành một nhà văn. Khi ông lớn lên, người ta bảo ông: “Con không thể nào làm nghề viết văn tại Đan mạch mà kiếm đủ sống, vì chẳng có bao nhiêu người biết đọc tiếng Đan mạch.” Đó không nhất thiết là một lời nhận định hoàn toàn thiếu thực tế, mặc dù một số nhà văn tại Đan mạch đã xoay sở để kiếm đủ sống từ nghề cầm bút. Dù sao đi nữa, sứ giả này đã làm gì? Ngay từ khi còn bé, ông luôn luôn cảm nhận mạnh mẽ là mình cần học tiếng Anh. Thế là nhờ biết viết tiếng Anh mà trong một thời gian ông đã có thể kiếm sống như một nhà văn.

Thày không đang bảo là con phải làm y như thế, nhưng con cần nhìn nhận là khi con lớn lên, con đã khoác vào một số tin tưởng từ gia đình con, từ môi trường chung quanh, từ xã hội của con. Vấn đề không phải là có những thứ con xem là bất khả thi, mà con chỉ không xem chúng là khả thi. Thậm chí con không nghĩ chúng là chuyện có thể, và ai nấy chung quanh con cũng không nghĩ chúng là có thể.

Đây là điều mà con có thể khởi sự xem xét ngay bây giờ và nhận ra là có thể có những cơ hội ở ngoài kia trong cõi vật lý, đã sẵn thị hiện trong cõi vật lý. Con chỉ cần hòa nhập với chúng rồi sau đó con cần sẵn lòng vươn theo đó và thay đổi. Điều này có thể áp dụng trong rất nhiều khía cạnh đời con, chẳng hạn như trong các mối quan hệ, nơi con sinh sống, cách sống của con, sự học tập và giáo dục của con, sự nghiệp của con. Rất rất nhiều người thời nay có nhiều hơn là một sự nghiệp trong một đời người. Một khi họ ra trường hay tìm được việc làm, họ không bị khóa chặt trong cùng một công việc suốt 40 năm trước mặt. Quả thực, xã hội đã trở nên lỏng hơn. Mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có tâm lỏng hơn, có cách suy nghĩ linh hoạt hơn rất nhiều so với thế hệ trước.

Thày chỉ yêu cầu con, trong cương vị một học trò tâm linh ở tầng khai ngộ này, nhìn lại một lần nữa những thứ gì mà con có trong tâm nơi tâm con không được lỏng, không được linh động. Con cho là có một số lằn ranh, một số giới hạn mà con không thể vượt qua. Vậy thì con cần chất vấn các giới hạn đó và khởi sự bước đi xa hơn. Đây là một bước rất thực tiễn, rất khả thi. Vượt xa hơn nữa, tất nhiên là thày muốn con vượt xa hơn nữa. Thày muốn con bắt đầu chất vấn chính cách nhìn của con về thực tại vật lý. Thày vừa nói với con làm thế nào con có thể làm được chuyện đó, là bằng cách nhìn xa hơn tầng cấp những thứ mà con đặt tên.

12.13. Tầng thâm sâu hơn của thực tại

Con cần nhìn ra là vượt quá những thứ đó còn có một tầng cấp thâm sâu hơn của thực tại – những sóng năng lượng, những mô thức giao thoa, những tín hiệu bật-tắt, những cái chấm. Đúng thực là con có thể tự đào tạo bản thân để đạt tới mức con thấy được – ít nhất là thấy thoáng hiện và không nhất thiết một cách vật lý – hay con cảm nhận được rằng mọi sự vật con nhìn thấy chung quanh mình là không rắn đặc, không cứng nhắc và bất khả chuyển đổi. Chúng chỉ là những cách biểu đạt của tầng mức năng lượng lỏng bên dưới đó mà thôi. Sau đó con có thể đi thêm một bước và nhìn nhận: “Điều gì khiến cho mọi chuyện ở mức vĩ mô có vẻ là vật tách biệt? Nếu chúng thực sự không tách biệt – như các khoa học gia đã chứng minh rất nhiều lần là không có gì tách biệt, mà mọi thứ đều nối kết với nhau – thì tại sao chúng lại có vẻ tách biệt?”

Chúng có vẻ tách biệt bởi một lý do duy nhất mà thôi. Chính tâm con đã chồng cái hình ảnh đó lên trên chúng. Chính tâm con đã khiến chúng dường như tách biệt. Con đã bị lập trình để nghĩ chúng là những thực thể khách quan, chúng là những vật tách biệt, nhưng kỳ thực không phải vậy. Không có nơi nào trong vũ trụ có vật tách biệt. Tất cả mọi sự vật đều là thành phần của bản chất thuần nhất của thực tại, tấm thảm của sự sống. Một khi con bắt đầu nhập vào và hòa điệu với nó, con sẽ nhận ra, như thày đã bảo con, rằng tất cả đều là tạo vật của tâm.

Các Elohim đã tạo ra hành tinh, và tập thể loài người đã tạo ra rất nhiều trong số các điều kiện hiện hành trên hành tinh, nhưng tất cả đều là những tạo vật của tâm. Có nghĩa là từ một nhãn quan nào đó, không hề có vật nào không thể được tâm thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: “Tâm nào?” Có một số thứ chỉ có thể được thay đổi bởi một tâm ở tầng mức Elohim. Có một số thứ không thể thay đổi ở tầng mức tâm con người. Tuy vậy, có rất rất nhiều thứ hơn nữa có thể được thay đổi ở tầng mức tâm con người, nhiều hơn là đa số con người có thể chấp nhận.

Đó là điều thày yêu cầu con khởi sự chất vấn, vì việc thay đổi hoàn cảnh vỏ ngoài của con có hai khía cạnh. Có khía cạnh alpha và khía cạnh omega. Omega là khi con thu hút về phía con những điều kiện đã có sẵn trong cõi vật lý. Con thu hút việc làm đó, con thu hút người phối ngẫu đó trong mối quan hệ. Con thu hút, con trở thành một thỏi nam châm.

Làm thế nào con trở thành một thỏi nam châm? Một lần nữa, con cần khắc phục cảm nhận tách biệt. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là ngay cả khái niệm nam châm cũng tăng cường cho cảm nhận tách biệt vì con xem nam châm như một vật khách quan đang thu hút một vật khách quan khác. Nhưng dù sao thày vẫn muốn sử dụng hình ảnh từ trường ở đây để cho con thấy là có một số điều kiện đã sẵn thị hiện trong cõi vật lý. Con chỉ cần phát hiện ra chúng, từ hóa chúng về phía con, từ hóa chính con về phía chúng, để hấp dẫn chúng về phía con, và hấp dẫn con về phía hoàn cảnh đó.

Không phải là chuyện tạo ra một cái gì chưa sẵn có trong cõi vật lý, mà là chuyện khám phá và nhận ra rằng chính tư duy mà con có ngay bây giờ đang ngăn cản con khám phá cái sẵn ở đó. Đây là khía cạnh omega của việc cải thiện hoàn cảnh của con, khía cạnh omega của thị hiện.

Bây giờ, khía cạnh alpha là khi con thị hiện một cái gì đang không có mặt trong cõi vật lý – chuyên này nghe có vẻ bí hiểm, thậm chí thần diệu, nhưng nó thật không thần diệu đến như vậy. Thày đã nói điều gì là một trong những mục tiêu mà thày mong muốn con đặt ra cho mình? Đó là con trở thành một người có khả năng tiếp nhận một tư tưởng từ thày sẽ giúp thị hiện Thời Hoàng kim. Con hãy nhìn sứ giả này một lần nữa. Tất cả những cuốn sách mà ông đã viết đều nhận linh hứng từ cõi thăng thiên. Ông đã thị hiện một cái gì chưa hiện diện trong cõi vật lý trước đây. Tất nhiên, đây không phải là cách duy nhất để thị hiện nhưng thày chỉ muốn đưa ra một ví dụ cho con.

Không có gì thần bí hay thần diệu gì trong đó. Đơn giản đó chỉ là chuyện nhận được một ý tưởng từ cõi thăng thiên mà con đưa xuống qua ba tầng cao của tâm con cho đến khi nó thị hiện ở tầng vật lý. Việc làm này không quá sức tất cả các con. Thày không đang đặt ra cho con một mục tiêu vượt quá khả năng của con cũng như những gì con có thể bắt đầu làm ở mức tâm thức hiện thời của con. Tất nhiên là thày không đề ra cho con mục tiêu thị hiện vàng bạc từ hư không, bởi vì con không thể làm chuyện đó ở mức tâm thức hiện thời của con. Thật ra, hầu hết những ai ở mức tâm thức đủ cao để thực hiện, sẽ không chọn làm chuyện đó vì nhiều lý do khác nhau. Ở đây thày đang trao cho con một mục tiêu thực tiễn về những gì khả thi, những gì con có thể thực hiện bằng cách khởi sự xoay chuyển viễn quan của mình, xoay chuyển cách mình nhìn cuộc sống.  

12.14. Con đồng sáng tạo hoàn cảnh của con

Con yêu dấu, thày đã trình bày về bộ máy giả thực tại, và vũ trụ vật chất là một bộ máy giả thực tại. Cho tới tầng tâm thức hiện thời của con, đã không có sự cần thiết để con chất vấn cách vận hành cơ bản của máy giả thực tại. Nhưng giờ đây, con cần làm một cuộc chuyển đổi nho nhỏ và đơn giản là nhận ra điều mà thày đã nói với con, tức là địa cầu không thực sự giả dạng thực tại, mà chính tâm con mới giả dạng thực tại. Chính tâm con tạo dựng cảm nhận thực tại đó khiến khi con nhìn sự vật, con sẽ nói: “Đây là một con sư tử, đây là một con hươu cao cổ” rồi con nghĩ cái đó có một thực thể khách quan. Con chỉ đặt tên cho cái đang ở đó.

Con cần nhận ra là con không chỉ đặt tên cho cái đã sẵn ở đó, mà con còn đồng sáng tạo. À, thày biết là con sắp sửa nói (và đây là một câu hỏi hữu lý): “Nhưng chẳng phải là đã có sẵn một số thứ không do tâm con tạo ra hay sao?” Tất nhiên là có. Thày đã giải thích là các Elohim đã tạo ra địa cầu và tập thể loài người đã tạo ra rất nhiều những thứ khác mà con thấy trên trái đất. Có những thứ đã có sẵn ở đó rồi. Con có thể nói là nếu con lìa đời ngay lúc này và không còn hiện thân thì sư tử và hươu cao cổ sẽ không biến mất khỏi châu Phi. Tất nhiên là chúng không biến mất. Điều thày muốn nói là những thứ khách quan, những thứ đang hiện diện trong tâm con, không phải là những thứ quan trọng đối với con.

Thày sẽ nói là những con sư tử và hươu cao cổ kia không phải là thực thể khách quan theo nghĩa các nhà khoa học thường dùng. Chúng vẫn được tạo ra bởi một cái tâm, chúng vẫn là tạo vật của tâm, chỉ có cái là không phải tâm con. Điều thày nói ở đây là: Đúng vậy, có một số thứ ở ngoài kia không do tâm con tạo ra, nhưng hoàn cảnh cá nhân của con, ngay cả hoàn cảnh vật lý của con, là do tâm con đồng sáng tạo. Tâm con đã không toàn bộ tạo ra nó bởi vì, một lần nữa, những hoàn cảnh vỏ ngoài đó cũng được người khác tạo ra, vân vân và vân vân. Con đang sống trong một bộ máy giả thực tại chịu sự ảnh hưởng của nhiều người khác, nhưng chắc chắn có những khía cạnh trong hoàn cảnh cá nhân của con là do tâm con đồng sáng tạo.  

Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điểm này thật cẩn thận – đây không phải là chuyện con nhìn một cái gì đã sẵn ở đó trước khi con nhìn, mà có một số khía cạnh trong hoàn cảnh cá nhân của con được đồng sáng tạo do hành động nhìn của con. Chính bằng cách nhìn chúng mà con thực sự tạo ra những hoàn cảnh đó. Có thể con không tạo ra mọi khía cạnh của tình huống đó, nhưng con tạo ra một số khía cạnh ảnh hưởng đến cá nhân con. Cách con trải nghiệm cuộc sống được đồng sáng tạo trong bốn thể phàm của con.

Như các thày đã nói nhiều lần, điều gì là điều duy nhất mà con có quyền năng thay đổi? Đó là chính tâm con, bốn tầng của tâm con. Con có quyền năng thay đổi cái đó, bất kể các chọn lựa của người khác và bất kể các điều kiện vỏ ngoài. Khi con thay đổi cách con nhìn cuộc đời, một số khía cạnh trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con sẽ thay đổi. Tại sao vậy? Làm sao thày nói được điều này khi nó ngược hẳn với mọi điều con đã được dạy dỗ để mà tin theo? Bởi vì thày là một chân sư thăng thiên, con yêu dấu, và thày đã thăng thiên bằng cách khắc phục ảo tưởng mà thày đang cố giúp con khắc phục, cụ thể là sự tách biệt giữa tâm và vật chất.

12.15. Thay đổi trải nghiệm về cuộc sống

Con thấy đó, con yêu dấu, như thày đã nói trong bài giảng trước, thời tiết ở Nam cực không thành vấn đề khi con ngồi đây trong căn phòng ấm áp này. Điều quan trọng đối với con là trải nghiệm của con về môi trường chung quanh, trải nghiệm của con về đời con. Điều đó mới quan trọng với con. Để hội đủ tư cách thăng thiên, con không cần phải thay đổi tình trạng vật lý trên trái đất. Điều duy nhất con cần phải thay đổi để hội đủ điều kiện thăng thiên là những điều kiện bên trong bốn thể phàm của con.

Điều duy nhất con cần phải thay đổi để có một trải nghiệm tích cực hơn về cuộc sống so với trải nghiệm của con ngay bây giờ, là các điều kiện bên trong bốn thể phàm của con. Có một câu thành ngữ phổ biến trong các cộng đồng Thời mới, đó là: “Khi con thay đổi cách con nhìn vật, thì vật mà con nhìn sẽ thay đổi.” Câu đó không nhất thiết là thực tế tuyệt đối (theo nghĩa là con có thể thay đổi mọi thứ) nhưng như thày nói, trong hoàn cảnh cá nhân của con, có những thứ mà con có khả năng thay đổi bằng cách thay đổi cách con nhìn chúng.

Bây giờ con đang ở tầng khai ngộ mà đó là bước kế tiếp của con. Con cần nhận chân nó, nhìn nhận nó, và như vậy con bắt đầu xem xét mình đang nhìn mọi vật như thế nào, mình nhìn đời mình như thế nào, mình nhìn mọi điều kiện như thế nào.

Con hãy nhìn nhận là bất kể các điều kiện vỏ ngoài có thế nào, bất kể người khác, bất kể thời tiết tại Nam cực có thế nào, vẫn có một điều gì mà con có thể khởi sự thay đổi ngay bây giờ, và điều đó chính là cách con nhìn cuộc sống. Con có thể bắt đầu chuyển rời khỏi cái nhìn vật tách biệt. Con có thể bắt đầu nhìn xa hơn hình ảnh rắn đặc đó. Con có thể bắt đầu nhìn ra là tất cả đều nối kết, tất cả đều lỏng, và tại sao nó lỏng chứ?

Làm thế nào bộ máy giả thực tại của địa cầu sản xuất ra tất cả những hiện tượng đó mà giác quan bảo con đó là những vật tách biệt, rắn đặc? Máy giả thực tại trên địa cầu có bốn tầng – bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý. Tầng vật lý là gì? Đó là một màn hình. Có một hình ảnh được chiếu lên màn hình. Làm cách nào hình ảnh đó được chiếu lên màn hình của thế giới vật lý? Nó được chiếu lên do trong cõi bản sắc có một hình ảnh được hình thành, định ra những thông số tổng quát, một khung sườn toàn bộ nào đó. Xong nó được chiếu vào tầng lý trí nơi nó trở nên cụ thể hơn, chi tiết hơn. Xong nó được chiếu vào tầng cảm xúc nơi nó nhận được động lực, thôi thúc, xung lực năng lượng biến nó thành vật lý.

Thày cần con bắt đầu xoay chuyển tâm con một cách ý thức cho đến chỗ con nhận ra là bất cứ gì con nhìn thấy cũng không là một thế giới khách quan đang hiện hữu ở ngoài kia. Bất cứ gì con thấy đều là sự phóng chiếu trên một màn hình những hình ảnh đang hiện hữu ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc. Hoàn cảnh của con ngay bây giờ có một số khía cạnh không được tạo ra bởi bốn thể phàm của con, như thày đã nói nhiều lần. Nhưng có những khía cạnh khác của hoàn cảnh đó không là gì hơn sự phóng chiếu trên màn hình thế giới vật lý của những hình ảnh mà con mang trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Những hình ảnh này, con có quyền năng khởi sự thay đổi. Con không thể búng tay thay đổi tất cả những hình ảnh đó cùng một lúc, nhưng con có thể khởi sự thay đổi chúng. Khi con làm vậy, một số khía cạnh trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con sẽ thay đổi. Chúng sẽ thay đổi, con yêu dấu.

Nếu cần, con hãy bước vào một rạp chiếu phim và nhìn lên màn hình. Con sẽ thấy khi không có phim đang trình chiếu, nó chỉ một màu trắng tinh, không có hình gì trên đó. Con sẽ thấy là bất kể bộ phim nào con đặt vào máy chiếu, hình ảnh đó cũng sẽ hiển thị trên màn ảnh. Nếu con thay đổi hình ảnh, thay đổi cuộn phim nơi ba thể cao của con, con sẽ thay đổi hình ảnh được trình chiếu trên màn hình vì hình ảnh đó không bền lâu, và tự thân nó không có thực tại khách quan nào. Đó là một hình ảnh được chiếu lên màn hình của thế giới vật lý và nó được chiếu rất rất nhiều lần mỗi giây. Ánh sáng chỉ đơn giản chiếu rọi qua cuộn phim trong ba cái tâm cao của con. Khi con thay đổi cuộn phim thì con sẽ thay đổi những gì được trình chiếu trên màn ảnh. Không có cách nào khác, con yêu dấu.

Thày biết điều này trái ngược với mọi thứ con đã được dạy dỗ và tin tưởng khi lớn lên. Đương nhiên là trái ngược rồi. Đó chính là toàn bộ mục đích của khóa tu này: thay đổi để con không bị kẹt trong những điều con đã được dạy dỗ phải tin vào. Bởi vì nếu thế, con nhất định sẽ không thể thăng thiên sau kiếp này, vì sa nhân đã làm mọi cách để lập trình tâm thức tập thể rằng thăng thiên là chuyện bất khả thi.

Trong cốt lõi, đó chính là điều mà các thày đã làm ngay từ bài học đầu tiên của Chân sư MORE trong khóa tu này. Đã đến lúc con cần bước lên và thực sự chất vấn cách con nhìn thực tại và nhận ra một số khía cạnh trong hoàn cảnh của con chỉ là sự phóng chiếu của những hình ảnh con đang cầm giữ, những gì con nghĩ là khả thi, những gì con nghĩ là có thể thay đổi, những gì con nghĩ là không thể thay đổi.

12.16. Vật được duy trì bởi tâm

Con yêu dấu, con có thấy điều thày nói ở đây? Con đã bị lập trình để tin rằng có những khía cạnh trong hoàn cảnh của mình có một thực tại khách quan bên ngoài tâm con. Chúng là những điều kiện vỏ ngoài định đoạt những gì con có thểkhông thể làm. Thày đã nói với con: “Con là một sinh thể tâm linh. Các điều kiện vật lý không quy định được con.” Cái gì quy định con chứ? Những hình ảnh trong chính tâm con, đó là cái quy định con. Liệu con có thể thay đổi một số điều kiện ngoại cảnh hay không? Không, vì chúng được tạo ra bởi một cái tâm khác tâm con. Nhưng con có khả năng thay đổi những khía cạnh trong hoàn cảnh của con mà tâm con đã tạo ra.

Tại sao có một số điều kiện cứ duy trì mãi trong thời gian? Là vì trong ba thể cao của con vẫn còn một cuộn phim mà ánh sáng chiếu rọi qua. Ánh sáng sẽ khoác vào hình dạng đó và cái đó được chiếu lên màn hình. Chừng nào con chưa đi vào ba thể cao và thay đổi những gì con tin là khả thi, con sẽ tiếp tục phóng chiếu hình ảnh đó, và nó sẽ khoác vào những gì con tưởng là tình huống ngoại cảnh đang giới hạn con.

Giới hạn chỉ hiện hữu trong tâm con mà thôi (không phải trong mọi trường hợp trong đời con nhưng trong nhiều trường hợp, nhiều khía cạnh của đời con). Con không nhìn ra là có một cách khác để nhìn. Thật ra có hẳn một cơ hội mới, có hẳn một khả năng khác để kết đọng một cái gì mà hiện thời con cho là bất khả thi.

Có những điều con không thể thay đổi trong cương vị một con người. Có những điều con không thể thay đổi ở mức tâm thức hiện tại của con. Con có thể nâng cao tâm thức mình và thay đổi chúng. Nhưng có những điều mà con có khả năng thay đổi ở mức tâm thức hiện thời của con. Điều duy nhất ngăn cản con thay đổi chúng là con đang có một niềm tin hay một chương trình trong tiềm thức khiến con nghĩ việc thay đổi là bất khả thi. Đó chính là điều con cần chất vấn ở tầng khai ngộ thứ năm này tại khóa nhập thất của thày.

Liệu sự chuyện đổi này có dễ thực hiện hay chăng? Không, con yêu dấu! Nó không dễ. Nếu con dõi nhìn con ngay lúc này, con sẽ thấy một phản ứng trong con, một cảm giác nhẹ nhõm khi con nghe thày nói vậy. Có một phàm linh nội tại, một ngã tách biệt trong con không muốn con phá vỡ hàng rào đó và thoát ra khỏi giới hạn đó – bởi vì khi đó nó sẽ chết. Sự chuyển đổi sẽ không dễ dàng nhưng đó là một chuyển đổi khả thi ở mức khai ngộ hiện thời của con.

Đó là tại sao Chân sư MORE đã không bắt con phải đối mặt với vấn đề này ở ngay tầng đầu của khóa tu này, nhưng giờ đây con có khả năng thực hiện cuộc xoay chuyển đó. Khi con bắt tay vào việc, con sẽ nhận thấy con sẽ tin một cách dễ dàng hơn rằng một số khía cạnh trong hoàn cảnh vật lý của mình có thể thay đổi thực sự.

Con sẽ tin dễ dàng hơn rằng mình có thể nhận được một hiểu biết mới, một sáng ngộ mới, một viễn quan mới, một ý tưởng mới về cách thay đổi một điều gì đó trong đời sống cá nhân (hay ngay cả thực hiện một điều gì sẽ giúp thị hiện Thời Hoàng kim của thày) bằng cách thay đổi một điều gì đó mà con nhìn thấy trong thế giới bên ngoài.

Đó là những gì thày muốn trao cho con qua bài học này. Như luôn luôn, bài học rất dài, nhưng khi chúng ta ngày càng đến gần hơn với tầng 96, tất nhiên các khai ngộ, theo một nghĩa nào đó, sẽ tinh tế hơn, gai góc hơn, cho nên đòi hỏi nhiều giải thích hơn một chút. Thày cảm ơn con đã chú ý theo đõi và thày rất mong sẽ trao cho con bài học tới.

Chào mừng con đến máy giả thực tại địa cầu

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 13/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain, và trong bài thứ tư tại khóa nhập thất của thày, chúng ta sẽ sử dụng Tia thứ Tư của Thuần khiết hay Gia tốc. Thày có ý định thanh tẩy điều gì chứ? Cái nhìn của con về cõi vật chất, cõi vật lý, vũ trụ vật lý.

Con yêu dấu, thày đã có giảng là tất cả mọi thứ được làm bằng vật chất, mà vật chất thực sự được cấu tạo bằng những hạt nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa xuống tận đến năng lượng. Thật sự năng lượng là gì? Năng lượng có thể so sánh với một thứ mà con dùng trong công nghệ máy tính là tín hiệu bật-tắt. Bất cứ gì đều hoặc bật hoặc tắt, chỉ có điều là, tất nhiên, năng lượng cấu tạo vũ trụ vật chất phức tạp hơn so với thiết bị máy tính. Cho tới nay, trình độ hiện thời của ngành tin học còn rất thô sơ vì nó dựa trên số nhị phân, tức chỉ có thể có hai tín hiệu, hoặc bật hoặc tắt.

10.1. Màn hình bật-tắt của vũ trụ vật chất

Hệ thống mà con gặp trong thực tế không chỉ có hai trạng thái bật và tắt. Nó có một trạng thái bật và một trạng thái tắt, nhưng trạng thái bật không chỉ bật thôi, mà nó có thể khoác vào bảy sắc thái hay bảy màu sắc khác nhau tùy theo bảy tia sáng. Nói cách khác, con hãy tưởng tượng vũ trụ vật lý được tạo bằng một màn hình – đây là cách dễ nhất để con hình dung. Ánh sáng Mẫu-Vật hình thành một màn hình. Bình thường, màn hình này trống không – hay đúng hơn, bình thường nó không trống không, nhưng trước khi bất cứ gì được sinh tạo, trước khi trái đất được sinh tạo thì màn hình còn trống không. Sau đó các Elohim đã áp lên màn hình một số khuôn đúc, khiến cho những chấm nhỏ đó bật lên, và chúng bật lên với màu sắc của mỗi tia trong số bảy tia sáng. Thế là con có một màn hình với những chấm nhỏ đó mang màu sắc theo bảy tia.

Tất nhiên con cần hiểu, điều thày đang giải thích ở đây là một biểu diễn tượng trưng không hoàn toàn chính xác trong cái nhìn đường thẳng. Cách trình bày này đã được điều chỉnh cho thích hợp với mức tâm thức hiện thời của con hầu con nắm bắt được với hình ảnh, với hiểu biết con đang có về vũ trụ. Khi con tiến hơn đến tầng 144, thày không muốn con nghĩ đây là cách hiểu tối hậu về cách vận hành của vũ trụ, vì tất nhiên con sẽ có thể đạt tới những trình độ hiểu biết ngày càng thâm sâu hơn.

Dù sao thì cho bài giảng này, con hãy tưởng tượng con đang ở trong một căn phòng tựa như một quả bán cầu. Hình cầu giống như một mái vòm bên trên, và bên trong hình cầu từa tựa như một màn hình tivi gồm có rất nhiều những cái chấm có thể bật hay tắt, có nghĩa là người ta có thể hiển thị ra tuyệt đối bất cứ hình ảnh nào con có thể tưởng tượng được. Con hãy nhận ra đây là cách vũ trụ vận hành trên hành tinh địa cầu. Đây là cách hành tinh địa cầu được tạo ra. Các Elohim đã tạo ra bằng cách bật lên tất cả những tín hiệu nhỏ bé đó và cho chúng một màu sắc tùy theo mỗi tia trong số bảy tia sáng. Điều này không có nghĩa là tất cả mọi thứ con nhìn thấy trên trái đất, kể cả các biểu hiện mất cân bằng, được tạo bằng những màu sắc thuần khiết của một trong bảy tia sáng hay sự phối hợp của bảy tia sáng. Bởi vì bảy tia sáng cũng có dạng tha hóa, và tất nhiên, những dạng tha hóa này được dùng để tạo ra những biểu hiện mất cân bằng mà con thấy ngày nay.

10.2. Địa cầu là một bộ máy giả thực tại

Mục đích thày cho con minh họa này là để giúp con thấy trái đất chỉ đơn giản là một màn hình có khả năng hiển thị nhiều hình ảnh khác nhau. Thày không nói trái đất có thể hiển thị bất kỳ hình ảnh nào vì các Elohim đã chọn ra một khuôn đúc nhất định cho địa cầu, nhưng trong phạm vi khuôn đúc này, trái đất có khả năng hiển thị những hình ảnh rất đa dạng. Có nghĩa là trái đất có khả năng hiển thị những sự mất quân bình hiện tại mà con thấy, nhưng nó cũng có cùng khả năng hiển thị trạng thái hài hòa đã có mặt trước khi loài người bước xuống nhị nguyên và trước khi sa nhân đến đây. Nó cũng có thể hiển thị một trạng thái còn cao hơn cả thời đó, cao hơn những gì có mặt khi các Elohim sinh tạo địa cầu. Hiển nhiên, ý định là con người đồng sáng tạo sẽ nâng hành tinh lên cao hơn trạng thái nguyên thủy, và quả thực các dòng sống trong ba lượt sóng đầu tiên đã làm được việc đó.

Điều này thật sự có nghĩa là gì? Có nghĩa là con có thể đặt ra câu hỏi: “Liệu trái đất có phải là một thế giới thực hay không?” Thày biết chúng ta đã có đề cập sơ đến vấn đề này trong bài giảng đầu của thày nhưng bây giờ thày quay trở lại vì con đã có thời gian để nghiền ngẫm ý tưởng này. Thực tế mà con đi đến là trái đất không phải là một thế giới thực. Vậy trái đất là gì chứ? Chúng ta có so sánh nó như cái mà ngày nay con gọi là một bộ máy giả thực tại (reality simulator). Hẳn con cũng đã nghe nói đến máy mô phỏng hay máy giả bộ lái máy bay (flight simulator). Chắc hẳn con cũng từng có một trình mô phỏng máy bay trên máy tính của con. Màn hình máy tính hiển thị những gì con thấy từ buồng lái của phi công khi con cất cánh, đang bay hay hạ cánh. Con có nhiều loại máy mô phỏng khác, như cặp kính thực tế ảo mà ngày nay con có thể đeo vào và có cảm giác như mình đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác lạ.

Điều thày muốn con suy ngẫm với tâm ý thức (vì con đã có nhìn và trải nghiệm điều này tại khóa nhập thất của thày) là sự kiện vũ trụ vật chất chỉ đơn giản là một bộ máy giả thực tại. Điều này thật sự có nghĩa gì? Trước hết, có nghĩa là bất cứ gì con nhìn thấy trên địa cầu không phải là thế giới thực, nó chỉ được mô phỏng, nhưng nó không được mô phỏng để hiện ra như là đồ mô phỏng, mà nó được mô phỏng để hiện ra như là thực. Con có thể đi xem chiếu phim và con cũng biết màn hình xi-nê có khả năng chiếu bất cứ phim gì. Con thừa biết là dù con đang xem phim gì trong rạp, phim con đang theo dõi không là thế giới thực. Tất cả là tạo dựng, tất cả là giả vờ. Con biết rõ điều đó vì con đã bước vào rạp chiếu phim, và con cũng biết điều đó vì khi con bước ra ngoài rạp, con lại nhìn thấy thành phố quen thuộc của con chứ không phải một ngôi làng nhỏ của dân cao bồi miền Viễn Tây xứ Mỹ.

Bây giờ con hãy tưởng tượng con sinh ra trong rạp chiếu phim, con lớn lên trong rạp và con chưa bao giờ bước ra khỏi rạp. Con hoàn toàn mù tịt mọi thứ bên ngoài rạp, và đó chính là hoàn cảnh của con làm người đầu thai trên địa cầu. Con đã sinh ra trong bộ máy giả thực tại; không những vậy, con đã từng sống trong bộ máy đó suốt nhiều kiếp trước. Khi con sinh ra đời, con không có khung tham chiếu nào để biết là bên ngoài máy có bất cứ gì. Con không biết đây là một bộ máy giả thực tại thì làm sao con có thể đặt thành vấn đề? Con không có gì để mà so sánh. Tất cả những gì con đã thấy và đã trải nghiệm là cảnh giả dạng.

Có thể con đã có những cảm giác trực quan bên trong dựa trên một tiền kiếp, có lẽ đi ngược trở về thời con mới đến hành tinh như một avatar, hay như một cư dân nguyên thủy của địa cầu khi con đã trải nghiệm trái đất trong một trạng thái thuần khiết hơn. Có thể con có nội cảm là nhất định có chuyện gì đó không ổn, nhất định phải có một cái gì khác, nhất định một thế giới phải có một cách sống nào khác hơn. Thậm chí có thể con cảm thấy là mình không thực sự thuộc về nơi đây, rằng đây không phải là môi trường thực sự của mình, rằng đúng lý mình không được ở đây, cùng rất nhiều cảm giác khác giống như vậy mà người tâm linh có thể có. Rất có thể là vì con có những cảm giác đó mà con đã trở thành một người tâm linh đang tu học giáo lý tâm linh này. Sâu thẳm bên trong, con biết là vượt khỏi vũ trụ vật chất còn có cái gì đó, con cảm nhận là phải có một thế giới tâm linh, phải có những sinh thể trong một thế giới tâm linh, và phải có cách tương tác với những sinh thể đó, và đây chính là điều con đang làm ngay bây giờ. Con có thể có những cảm nhận này và điều thày yêu cầu con làm là nắm lấy nó để dùng làm khung tham chiếu khi con nhìn địa cầu. Và giờ đây, con nhận chân trong tâm ý thức của con: “Giản dị đây chỉ là một cái máy giả thực tại.”

10.3. Tại sao máy giả thực tại có vẻ thực

Một khi con bắt đầu suy ngẫm ý tưởng này và nhận được sự xác nhận trực giác đó thật là một ý tưởng đúng đắn, con có thể đi bước kế tiếp. Bây giờ con có thể tự hỏi: “Tại sao máy giả thực tại địa cầu lại có vẻ thực?” Các thày đã cho con một lời giải thích về điểm này rồi. Các thày có nói là có 144 tầng tâm thức, và khi con đi xuống địa cầu lần đầu, hiện thân lần đầu trên địa cầu, con khởi sự ở tầng 48. Các thày cũng nói là khi con xuống đầu thai, con đã khoác vào một ảo tưởng ở mỗi tầng từ 144 xuống đến 48. Nói cách khác, cho mỗi tầng trong số 144, có một ảo tưởng nhất định mà con cần giải quyết, một bí ẩn, một câu đố nhất định mà con cần giải đáp trước khi con được giải thoát khỏi tầng đó.

Để đi xuống tầng 48, con đã khoác vào một ảo tưởng ở mỗi tầng tâm thức từ 144 đến 48, và chính những ảo tưởng này khiến cho địa cầu có vẻ như thế giới thực. Tất nhiên, nếu con bước xuống thấp hơn cả tầng 48 (cho đến tầng tâm thức thấp nhất), con sẽ khoác thêm nhiều ảo tưởng nữa, và chúng sẽ khiến cho ảo tưởng một địa cầu thực càng có vẻ thực hơn nữa – tức là cái thế giới hiện ra cho giác quan và tâm vỏ ngoài của con.

Con đã vươn lên khá gần với tầng 96 và giờ đây chúng ta đối diện với một tầng tâm thức khác hẳn vì con đã rũ bỏ rất nhiều những ảo tưởng đó. Đó là tại sao con cần, ở mức ý thức, đi thêm một bước này là nhận diện địa cầu như là một bộ máy giả thực tại. Con cũng cần nhận ra một hiểu biết thâm sâu hơn về cách làm thế nào địa cầu giả dạng được thực tại, nhưng ở đay, chúng ta cần giải quyết một vấn đề ngôn từ. Thày vừa nói gì chứ? “Làm thế nào địa cầu giả dạng được thực tại.” Con thấy không, con yêu dấu, địa cầu không giả dạng thực tại. Đây là một ý tưởng mà con thực sự cần suy ngẫm để nó ghi chặt trong tâm ý thức của con.

Địa cầu không phải là một vật sống đang làm chuyện gì đó hay đang có ý định gì đó. Cho dù một số nền văn hóa có phóng chiếu thế nào – rằng thiên nhiên là một vật sống và thiên nhiên có tâm thức, một điều mà thày không phủ nhận – trong khuôn khổ cuộc khai ngộ này, điều thày muốn con chú tâm vào là sự kiện địa cầu là một màn hình. Ánh sáng Mẫu-Vật là một màn hình. Nó hiển thị bất kỳ hình ảnh nào được phóng chiếu lên nó. Nó không có ý định, nó không có quan điểm về cách con trải nghiệm những hình ảnh được phóng chiếu như thế nào. Nói cách khác, địa cầu không làm gi con. Nó không điều khiển, khuynh loát tâm con. Trong máy giả thực tại không có gì đang khuynh loát tâm con.

Vậy làm thế nào địa cầu giả dạng được thực tại? Nó không giả dạng gì hết! Vậy cái gì đang giả dạng thực tại? Tâm con. Bốn thể phàm của con giả dạng thực tại. Ý niệm thực tại mà con đã từng có về thế giới ngay đây trên trái đất hoàn toàn là một sản phẩm của tâm con. Đây là ý tưởng then chốt mà con cần lãnh hội, không những ở tầng này mà con cần giữ vững ý tưởng này với con cho tới tuốt tầng 144, vi đây là ý tưởng sẽ chuyên chở con đến tầng 144.

Con sẽ cần đối phó với điều gì khi con lên cao hơn tầng 96? Phải, con sẽ đối phó với một mức khai ngộ khác hơn so với những tầng dưới. Dưới tầng 96, con tập trung chủ yếu vào bản thân, con nhìn mọi thứ từ một nhãn quan nhất định, tụ quanh chính con. Có rất nhiều câu hỏi mà con không thể đặt ra hay nghĩ đến ở dưới tầng đó. Khi con đến tầng 96, như thày đã nói, cuộc khai ngộ then chốt sẽ là: Liệu con sẽ tiếp tục tập trung vào bản thân hay là con sẽ tập trung vào tổng thể?

Để vượt qua những ảo tưởng đó (đang lôi kéo con chú tâm vào bản thân), con cần giữ vững trong tâm ý tưởng rằng địa cầu không giả dạng thực tại, mà bất kỳ cảm nhận hay quan điểm về thực tại mà con có liên quan đến địa cầu, là sản phẩm của một ảo tưởng trong tâm con. Đây là một ý tưởng cốt yếu, tuyệt đối cốt yếu – nếu có gì có thể tuyệt đối đến như vậy trong một bộ máy giả thực tại. Tuy nhiên, một điều tuyệt đối về máy giả thực tại, và điều đó là: Tuyệt đối không có gì là thực. Có nghĩa là tuyệt đối không có gì có thể chặn đứng sự tăng triển tâm linh của con, ngăn cản sự tăng triển tâm linh của con, kềm hãm con ở lại trong một ảo tưởng – ngoại trừ những gì xảy ra trong tâm con. Không có gì tuyệt đối trong máy giả thực tại ngoại trừ cái tin tưởng, ảo tưởng, mà con không sẵn lòng chất vấn.

10.4. Nhà tù ở trong tâm con

Nếu có một ảo tưởng trong tâm mà con không sẵn sàng chất vấn – vì con nghĩ là nó không cần chất vấn, con không được phép chất vấn hay con nghĩ nó thực – thì đó chính là cái tuyệt đối sẽ giữ con lại ở mức đó một cách vô hạn định, ít ra cho đến khi một điều gì xảy ra làm tan vỡ ảo tưởng. Tất nhiên, thày cần con nhìn nhận là một ảo tưởng không bao giờ tuyệt đối. Nó là một ảo tưởng. Nó không thực. Nó không có bất kỳ tính chất lâu dài nào. Nó không có tuổi thọ, không có hiện hữu ngoại trừ trong tâm. Chính tâm con gán thực tại cho những gì con thấy trên địa cầu. Thày cần con suy ngẫm điều này và thày mong muốn con lấy một quyển sổ và ngồi xuống với bài thỉnh. Con hãy học bài giảng trước, xong đọc bài thỉnh đi kèm với giảng này, rồi sau khi con đọc xong bài thỉnh, con hãy tự động ghi xuống bất cứ gì trên trái đất có vẻ là thực đối với con. Thày muốn con làm việc này mỗi ngày trong vòng chín ngày mà con học bài tập này, ít nhất chín ngày (hoặc nhiều hơn nếu con học nhiều hơn, và thày thật sự khuyên con làm nhiều hơn).

Con sẽ thấy là có một sự tuần tự khi con làm bài tập này. Trước hết, con sẽ khám phá ngày càng nhiều thứ hơn mà con cho là thực. Con cũng sẽ nhận ra là khi con làm bài tập, một số thứ mà con xem là thực sẽ tan biến mất. Không phải mọi thứ sẽ tan biến vì con sẽ không nhảy ngay lên được tầng 144 (và thày không yêu cầu con làm chuyện đó, thày không chờ đợi con sẽ làm chuyện đó). Điều thày yêu cầu con làm là nhận ra, giờ đây khi con đến mức này, con đã khắc phục được một số ảo tưởng so với khi con mới khởi sự khóa tu này. Con hoàn toàn có thể khắc phục một ảo tưởng về bản thân để vươn lên tầng tâm thức kế tiếp mà vẫn chưa thật sự đưa nó vào cách con nhìn thế giới. Nói cách khác, con có thể nâng tâm thức bằng cách thay đổi tâm con, nhưng vẫn còn một cái nhìn tổng quát nào đó về cuộc sống mà con chưa chất vấn. Điều thày yêu cầu con làm trong bài tập này là khởi sự chất vấn một cách ý thức cái nhìn của con về thế giới và những gì con cho là thực bên trong máy giả thực tại.

10.5. Tự ngã khiến mọi thứ có vẻ thực

Con yêu dấu, các thày đã từng đàm thoại với con và ban ra những lời dạy rất thâm sâu về tự ngã con người. Con có thể nói, máy giả thực tại “thật sự” đó là tự ngã của con vì chính tự ngã khiến cho mọi thứ có vẻ thực. Thêm vào đó, con yêu dấu, nó còn khiến cho mọi thứ có vẻ quan trọng nữa: cái đó quan trọng, cái đó mang ý nghĩa.

Điểm này có liên hệ đến lời dạy mà các thày đã ban về tâm thức nhị nguyên. Tất cả mọi ảo tưởng mà thày đang nói tới cho đến tầng 144 đều dựa trên tâm thức nhị nguyên và cảm nhận tách biệt. Con sẽ không hoàn toàn khắc phục được ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt cho tới khi con đập vỡ bí ẩn cuối cùng ở tầng 144, nhưng chắc chắn con có thể xích lại gần hơn rất nhiều với viễn kiến mình là môt sinh thể hợp nhất với Tất Cả.

Một điều khác (mà các thày đã nói đến dông dài) cũng xuất phát từ tâm thức nhị nguyên và tự ngã, là tư duy cuồng đại, tư duy cho rằng có cái gì đó tối hậu với tầm hệ trọng cuồng đại. Nhiều học trò tâm linh đã khoác lấy tư duy này và đưa nó vào giáo lý đã giúp họ tìm ra đường tu tâm linh. Nhiều học trò của chân sư thăng thiên đã làm vậy với các giáo lý của chân sư, đặc biệt trong Thời đại Song ngư và những tổ chức mà các thày đã có thể đỡ đầu vào thời đó. Những ai chưa vượt qua được các khai ngộ của Thời đại Song ngư vẫn còn nhu cầu cảm thấy công việc mình làm là hệ trọng một cách cuồng đại và – nếu có thể nói như vậy – họ cho rằng họ đang cứu nguy thế giới cho thày Saint Germain để đưa thế giới vào Thời Hoàng kim, Thời đại Bảo bình.

Nhiều người tâm linh và Thời mới khác cũng đã làm tương tự, và con thấy nhiều nhóm Thời mới dạy thành viên ý tưởng rằng mọi chuyện họ làm là quan trọng cuồng đại. Thày không đang hạ thấp những gì họ làm là không quan trọng, nhưng điều thày yêu cầu con làm ở tầng khai ngộ này là bắt đầu chất vấn thật sự, ở mức ý thức, tư duy cuồng đại đó. Tại sao thày yêu cầu điều này? Vì lý do rất giản dị là mục đích của thày là dạy con cách thị hiện, cách kết đọng, những hoàn cảnh tốt đẹp hơn cho bản thân con và hành tinh – trong vật chất. Nó đòi hỏi ta thay đổi vật chất. Con yêu dấu, làm thế nào con có được những hoàn cảnh vật chất tốt đẹp hơn nếu con không thay đổi vật chất? Làm thế nào con thay đổi được vật chất bằng tâm nếu con nghĩ vật chất không thể thay đổi và những gì xảy ra trong vật chất hệ trọng đến độ nó có thể ảnh hưởng đến con, một sinh thể tâm linh?

10.6. Cái bẫy cuồng đại nuốt hết chú ý của con

Con chẩng thấy sao, con yêu dấu, là có hai khía cạnh, hai mặt với mỗi đồng tiền? Trong nhị nguyên luôn luôn có hai mặt. Tư duy cuồng đại làm gì con? Nó cho con cảm nhận là tất cả những gì con làm đều hệ trọng, rằng chính con hệ trọng. Đâu là mặt kia của đồng tiền, đâu là cái giá con phải trả khi cảm nhận một điều gì là hệ trọng? Đó là con cũng nghĩ có một số điều kiện trong thế giới vật chất mà con không thể thay đổi. Con có thể ngồi đó (và có nhiều học trò tâm linh ở trong đúng tình cảnh này, kể cả nhiều học trò của chân sư thăng thiên) và cảm thấy mình rất quan trọng nhưng đó là một cái lồng mạ vàng.

Con cảm thấy mình quan trọng nhưng con bị đánh bẫy trong lồng và sa nhân đã đặt con vào đúng nơi chúng muốn. Con không ở nơi mà thày muốn vì thày muốn con tự do. Thày muốn con ra khỏi lồng và đó là điều thày nhắm dạy con trong khóa tu này. Trong bài học này, chúng ta khởi sự bằng cách chất vấn cảm nhận thực tại của con.

Con nghĩ các điều kiện trong vật chất là thực. Chẳng hạn – để cho con một ví dụ thô thiển – nếu chúng ta đi ngược trở lại một vài thập niên trước, con nghĩ là tại Liên Xô có những người “ở bên kia” đang chống đối tự do của con nơi các xứ Tây phương. Con nghĩ họ là mối đe dọa cho toàn thế giới và tự do của toàn thế giới. Con cảm thấy mặc dù con sinh ra ở phương Tây nhưng con không thể chỉ hưởng thụ tự do mình đang có ở phương Tây vì ngày mai tự do này có thể không còn nữa. Con phải gia nhập cuộc chiến đấu cuồng đại chống lại Liên Xô và điều này nuốt trọn hết thời giờ cũng như sự chú ý của con. Khi con làm vậy, con cảm thấy mình rất rất quan trọng, nhưng nếu như con đã sử dụng tự do con có không để giao chiến với người khác mà để làm việc trên bản thân mình và khắc phục ảo tưởng của mình thì sao? Nhiều người bị mắc bẫy trong cuộc đấu tranh cuồng đại này nơi họ phải thay đổi một điều gì đó.

Bây giờ con hãy áp dụng điều này vào một học trò của chân sư thăng thiên, và các thày đã thấy chuyện này cứ lặp đi lăp lại hoài. Các học trò của chân sư đã lý luận: “Việc khắc phục một số điều kiện trong vật chất là quan trọng một cách cuồng đại hầu chúng ta bước vào Thời đại Hoàng kim.” Cách họ có thể đóng góp là đọc bài chú mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày. Một lần nữa, không phải chuyện này không quan trọng và không có kết quả trên người đọc bài chú bài thỉnh, nhưng vấn đề là đối với nhiều học trò, nó đã trở thành một cái cớ. Họ tập trung quá sức vào việc thực hiện công việc tối quan trọng kia đến độ họ không còn chú ý sót lại để chú tâm vào việc giải quyết những vấn đề trong tâm lý họ.

10.7. Vươn lên con đường quả vị Ki-tô

Con yêu dấu, không bao giờ ý định của các thày là khiến cho một học trò tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên ở tầng tâm thức thứ 60 chẳng hạn, đề rồi khi người đó tu tập giáo lý, vươn lên tới tầng 65 mà lại quyết định: “À bây giờ tôi phải tập trung vào chuyện đọc tất cả những bài chú này để cứu nguy hành tinh cho Saint Germain.” Xong người đó ngừng ở đó. Suốt 20 năm trời, người đó đọc thật nhiều bài chú nhưng không nâng được tâm thức mình lên vì đã không nhìn vào bản thân và vượt qua ảo tưởng của mình. Đây không phải là ý định của các thày. Làm vậy sẽ không thực hiện được tiềm năng của giáo lý bởi vì nó không giúp cho con người tiến gần hơn đến việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Cũng có thể việc đọc chú và đọc thỉnh nằm trong Sứ vụ của họ, nhưng không tới mức lấn át hết mọi khía cạnh khác của Sứ vụ Thiêng liêng.

Con thấy đó, con yêu dấu, ngay bây giờ chúng ta đang ở điểm nơi các thày cần con bước lui lại khỏi tất cả những chuyện đó và nhận ra (tất nhiên hầu hết các con đã nhận ra được điều này trong khóa học này) rằng chìa khóa để tinh tấn là làm việc trên bản thân, nhìn vào bản thân, khắc phục ảo tưởng. Điều con cần nhìn ngay lúc này là: “Tại sao tôi nghĩ một số thứ là thực?” Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói: Đương nhiên là có sa nhân trên hành tinh nơi bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất. Có nhiều người ở một mức tâm thức thấp hơn đang khởi xướng, bành trướng, gia tăng cuộc giao tranh giữa mình và người khác. Và phải, cuộc giao tranh này có nguyên một con quái vật toàn cầu không ngừng tìm cách lôi kéo hành tinh vào nhiều xung đột hơn và nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên đối với con, câu hỏi đặt ra là: “Ý nghĩa chuyện này đối với con là gì?” Không phải là ý nghĩa đối với con ở 10 hay 15 hay 20 tầng tâm thức thấp hơn mức con đang đứng, mà ý nghĩa đối với con ngay trong lúc này? Liệu việc tiếp tục giao tranh cuồng đại có tầm quan trọng cuồng đại cho con hay không? Hay điều quan trọng cho con là con khắc phục các ảo tưởng mà thày đang cố giúp con khắc phục hầu con vươn lên tầng 96 và vượt quá cả tầng 96, là khi con ngừng tập trung vào chính mình để cất bước đi trên con đường quả vị Ki-tô và quả vị Phật dẫn đến tầng 144? Đó là điều mà trong tâm thày mới là quan trọng.

10.8. Chất vấn cái nhìn của con về đường tu tâm linh

Hy vọng của thày là qua những khai ngộ này tại nhập thất của thày, đó cũng là điều quan trọng nhất cho con trong tâm ý thức. Có nghĩa là con cần bắt đầu chất vấn tất cả mọi thứ, kể cả cái nhìn của con về đường tu tâm linh. Cái gì đã dẫn con đến điểm con đang đứng, cái gì đã giúp con? Con đã nhìn đường tu như thế nào? Con đã chú tâm vào những thứ vỏ ngoài hay không? Những thứ đó có vẻ quan trọng với con hay không? Liệu chúng đã có vẻ quan trọng một cách cuồng đại đối với con hay không?

Con thấy đó, con yêu dấu, đúng thật là có những sa nhân trên hành tinh nhưng đối với một học trò tâm linh đang bước trên đường tu, việc chúng có mặt ảnh hưởng đến con như thế nào? Sa nhân muốn làm gì chứ? Chúng muốn kéo con ra khỏi con đường quả vị Ki-tô. Như các thày đã có nhắc nhiều lần, việc tham gia vào cuộc giao tranh nhị nguyên với sa nhân không phải là con đường quả vị Ki-tô mà nó sẽ kéo con ra khỏi con đường đó.

Cho dù con nhập cuộc giao tranh nhị nguyên với sa nhân bằng cách chiến đấu với vũ khí vật lý hay chiến đấu với bài chú và bài thỉnh, con vẫn đã nhập vào cuộc giao tranh. Để con vượt quá khai ngộ ở tầng 96, con cần tháo gỡ mình ra khỏi giao tranh. Điều thày nói là như sau: “Giao tranh cuồng đại có thực hay không?” Phải, điều này tùy theo con định nghĩa thực tại là thế nào. Nó thực theo nghĩa là trên hành tinh sa nhân. Có một tâm thức tập thể nào đó. Có nhiều người ở các tầng tâm thức thấp hơn. Chuyện đó có thực theo nghĩa là một điều kiện tạm thời đang hiện hữu. Nhưng nó không thực theo nghĩa là nó có chút vĩnh hằng nào. Nó không hiện hữu mãi mãi. Đó là một điều kiện tạm thời nhưng nó có mặt trong lúc này.

Câu hỏi là: “Liệu sa nhân có bất kỳ thực tế thực nào hay không? Liệu các điều kiện trên địa cầu có bất kỳ thực tế thực nào hay không?” Chúng có mặt ở đây nhưng chúng nhất thời. Nếu chúng chỉ nhất thời thì điều này có nghĩa gì cho con? À, vậy con là ai, con là ? Con có phải là một con người đang bước trên đường tu tâm linh? Hay con là một sinh thể tâm linh đang bước trên con đường khai ngộ do bộ máy giả thực tại có tên là địa cầu cống hiến? Tất nhiên, con là một sinh thể tâm linh. Có nghĩa là gì? Có nghĩa, con yêu dấu, là những điều kiện đang có mặt nhất thời trên địa cầu ngay lúc này không hề có quyền năng thay đổi Tánh linh của con.

Các thày đã nói điều này bao nhiêu lần rồi! Cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết, có nghĩa là nó không thể bị bất cứ gì trên địa cầu thay đổi vĩnh viễn. Thật ra, thậm chí bất cứ gì trên địa cầu cũng không thể thay đổi cái Ta Biết một cách tạm thời, nhưng tất nhiên, cái Ta Biết có thể khoác vào những ảo tưởng sẽ tô màu cách nó nhìn thế giới. Con đã làm gì chứ? Con đã khoác vào một số ảo tưởng. Một lần nữa, không có trách cứ gì ở đây, không có sai trái gì trong chuyện này, đó là một phần của trải nghiệm sống trong máy giả thực tại. Trước tiên, con trầm mình vào trong đó, rồi sau đó con tỉnh ngộ. Con đang ở trong tiến trình tỉnh ngộ và đã đến lúc, ở tầng khai ngộ này, con tỉnh ngộ khỏi ảo tưởng rằng vật chất có ảnh hưởng trên con, một sinh thể tâm linh.

10.9. Vật chất không thể thay đổi một sinh thể tâm linh

Giọng nói của thày đang cường độ, con yêu dấu. Nó không giận dữ. Thày không đang giận con. Thày không đang bắt lỗi con. Thày chỉ đang đơn giản gia tốc tâm thức con để con dễ dàng hơn có được cái bật sáng, cái trải nghiệm “à ra thế” ở mức ý thức mà con đã từng có ở những tầng cao hơn tại nhập thất của thày, hầu con trải nghiệm thực tại của những điều thày nói. Bước đi mà con cần đi bây giờ là nhìn nhận một cách ý thức rằng không có một điều kiện nào trong vật chất có khả năng thay đổi con như một sinh thể tâm linh. Tại sao điều này quan trọng đến thế? Bởi vì làm thế nào con có thể thay đổi vật chất nếu con nghĩ vật chất thay đổi con?

Sa nhân muốn con nghĩ gì? Chúng muốn con nghĩ (ngay cả khi con nghĩ mình là một sinh thể tâm linh) là con đã đi vào thế gian này và con đã mắc phải một lỗi lầm mà con sẽ không bao giờ lật ngược, hóa giải được. Con bị mắc kẹt ở đây mãi mãi do lỗi lầm này. Con là một kẻ có tội, con đã phạm vào chuyện này và con sẽ không bao giờ vượt qua được. Có thể con đã đến đây như một sinh thể tâm linh nhưng nay con ở đây thì con đã làm một chuyện thay đổi bản chất sinh thể tâm linh của mình, và do đó con sẽ không bao giờ thoát khỏi nơi đây. Chừng nào con còn tin vào ảo tưởng đó, con sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc giao tranh với sa nhân. Đâu là khung tham chiếu của con về thực tại tối hậu trên trái đất? À, khung tham chiếu của con là sa nhân cùng những lời gian dối mà chúng đã bắt loài người phải chịu đựng suốt hàng ngàn, hàng triệu năm trời.

Điều thày muốn, điều mà tất cả các Thượng sư đều muốn, là khung tham chiếu của con, hệ tham chiếu của con, là các chân sư thăng thiên, hầu con biết những giáo lý và trải nghiệm mà các thày có thể ban cho con trực tiếp nơi tim là thực tại tối hậu. Trải nghiệm mà tất cả các thày muốn trao cho con là con là một cái Ta Biết. Con là nhận biết thuần khiết, có nghĩa là khi con trải nghiệm mình là nhận biết thuần khiết, không có gì trên địa cầu quan trọng nữa, không có gì trong vật chất quan trọng nữa [chơi chữ trong Anh ngữ: nothing in matter matters]. Vật chất không quan trọng. Nó đã không thay đổi được con là ai.

Cho dù mọi thứ có là gì trong vật chất, chúng không thể thay đổi con, và do đó một cách tối hậu, chúng không quan trọng đối với con. Con yêu dấu, con thấy đó, tại sao con lại cảm nhận bất cứ gì trên trái đất có thực tại đó? Đúng vậy, vì con đã khoác vào một ảo tưởng, nhưng ảo tưởng đó là gì? Ảo tưởng đó bảo rằng có một điều kiện nào đó trong vật chất quan trọng đối với con. Nhưng tại sao một cái gì có thể quan trọng đối với con? Bởi vì con nghĩ là nó quy định được con. Nó quy định con là ai, con có thể làm gì và không thể làm gì. Nó hạn chế con. Nó đánh bẫy con. Nếu không thì đâu có quan trọng gì?

10.10. Thay đổi nhãn quan

Ngay lúc này con đang ngồi ở một nơi thoải mái, có lẽ trong một căn phòng khá ấm cúng. Bây giờ con thử phóng chiếu con bay tới Nam cực với gió hú và nhiệt độ thấp hơn hẳn điểm đông băng. Con có thể bị đông cứng lại trong vòng mấy phút nếu con ở đó. Các điều kiện đó, con sẽ nói, khá hiện thực phải không? Chúng đang có mặt ở đó nhưng chúng có quan trọng với con không? Không, bởi vì mặc dù chúng có thể thực, chúng không thực ở nơi con ngồi.

Điều thày yêu cầu con làm ở đây là nhìn vào địa cầu, nhìn nơi con đã lớn lên, xã hội, hoàn cảnh nơi con đã khôn lớn. Nhìn vào mọi người và thấy họ đang bị mắc kẹt trong một số điều kiện, xong con nhìn vào những điều kiện đó và nói: “Liệu những điều kiện này còn quan trọng với tôi nữa hay không? Hiển nhiên chúng đã từng quan trọng với tôi khi tôi lớn lên. Tôi đã lớn lên trong môi trường đó, tôi đã có lòng hiếu thảo và đồng cảm nào đó đối với cha mẹ tôi và mọi người quanh tôi, và điều này cũng tự nhiên thôi. Nhưng bây giờ tôi có thể bước lui lại, tôi có thể nhìn vào và nói: ‘Liệu cái đó còn quan trọng với tôi nữa hay không’ khi giờ đây mình là con người mà mình là? Liệu các điều kiện đó có quan trọng không? Vậy liệu tôi sẽ để cho chúng cứ mãi quy định mình, quy định những gì mình nghĩ mình có thể làm hay không thể làm?”

10.11. Lập ra một danh sách

Thày biết thày đang cho con rất nhiều điều để suy ngẫm trong bài giảng này, nhưng đây là Tia thứ Tư của Gia tốc thì thày làm sao khác được? Thày muốn trao cho con thêm một điều nữa. Thày cần con bước lui lại, và một lần nữa điều sẽ ích lợi cho con là con đọc bài thỉnh rồi ghi xuống những gì đến với con sau đó. Thày cần con lui lại và xét xem những điều kiện vật lý nào trong hoàn cảnh nơi con đã lớn lên mà con nghĩ con không thể thay đổi bằng tâm. Sẽ hữu ích nếu con viết ra một danh sách và danh sách này có thể bao gồm một số mục:

  • Danh sách những điều kiện con nghĩ tuyệt đối không thể thay đổi được cho dù có làm gì. Như trong câu ngạn ngữ, không có một quyền năng nào trên địa cầu có thể thay đổi được những điều kiện trên danh sách này.
  • Danh sách những điều kiện có thể thay đổi được nhưng chỉ bằng những phương thức vật lý. Nói cách khác, con có thể nói là con có một thửa đất trống với tiềm năng xây nhà trên đó. Để xây căn nhà này, con phải thực hiện một số công đoạn vật lý như đào móng, đổ bê-tông, xây tường gạch hay dựng sườn gỗ, lợp mái, vân vân và vân vân. Nói cách khác, nó sẽ đòi hỏi lao động thể xác, công nghệ vật lý thì con mới thay đổi được những vật cụ thể đó.
  • Danh sách thứ ba là những thứ mà con nghĩ có tiềm năng thay đổi bằng tâm.

Thày cần con lập ra ba danh sách đó và nhìn vào những điều kiện trong danh sách thứ ba mà con nghĩ có thể thay đổi được bằng tâm. Sau khi con đã nhìn vào những điều kiện có thể thay đổi được bằng tâm, thày cần con làm một danh sách thứ tư, cũng tương tự như danh sách đầu, nhưng đây là danh sách đặc thù những thứ con nghĩ không thể thay đổi được bằng tâm.

Thày cần con lập ra những danh sách đó rồi trong bài giảng tới, thày sẽ hướng dẫn con thêm về cách sử dụng các danh sách này, con sẽ làm gì với chúng, và làm thế nào con kinh qua những xoay chuyển trong tâm sẽ chất vấn cảm nhận thực tại của con. Thày chắc chắn con sẽ nhận ra những thứ con cho là không thể thay đổi bằng tâm, thì đó chính là những thứ mà tâm con đã gán cho cảm nhận thực tại tuyệt đối này. Con yêu dấu, chính cảm nhận thực tại tuyệt đối này đang giam con trong chiếc lồng mạ vàng.

Ngay cả giáo lý tâm linh, thậm chí giáo lý của chân sư thăng thiên, cũng có thể giam con trong một cái lồng mạ vàng nơi con cảm thấy mình nằm trong số những đệ tử tâm linh cao cấp nhất trên hành tinh. Con đang làm những công việc quan trọng cho Saint Germain cho nên con cảm thấy mình quan trọng một cách cuồng đại. Tuy nhiên,  con vẫn đang bị mắc kẹt vì khi con thật sự xem xét thế giới và quan hệ của con với thế giới vật chất, con cho rằng vật chất quy định chính con cho dù con nghĩ mình là một sinh thể tâm linh.

Câu hỏi ở đây là: “Cái gì thực đối với con?” Lý do tại sao câu hỏi này quan trọng là bởi vì những gì con nghĩ là thực và những gì con nghĩ là không thể thay đổi, đó chính là cái quy định con. Nó quy định cái nhìn của con rằng con là một sinh thể đang đầu thai vật lý trên địa cầu. Nó quy định cái nhìn của con về chính con. Con có thể xem mình là một sinh thể tâm linh nhưng con vẫn xem con là một sinh thể tâm linh trong vũ trụ vật chất. Con có một cảm nhận nào đó về cách con quan hệ với vũ trụ vật chất, những gì con có thể làm và không thể làm, và cái đó quy định con.

Thày cần con bắt đầu chất vấn cái đang quy định con, vì để lên cao hơn, con cần ngừng không cho các điều kiện vật chất đó quy định con. Thay vào đó, con tìm ra một cách mới để quy định mình như một sinh thể trong cõi vật chất.

Yêu Sứ vụ Thiêng liêng hơn là mơ mộng

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 12/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain. Đây là tầng khai ngộ thứ ba ở khóa nhập thất của thày, tương ứng với Tia thứ Bảy của Tự do và Tia thứ Ba của Tình thương. Tự do và tình thương, hiển nhiên, không có nghĩa là yêu đương tự do như nhiều người diễn giải vào những năm 1960 trở về sau, mà có nghĩa là chúng ta cần nhìn vào tình thương, và đối nghịch của phản-tình-thương, trong quan hệ của con với cõi vật lý, cõi vật chất, cõi của Mẹ. Trong bài giảng vừa rồi, thày có nói là thày mong muốn giảng về cách làm thế nào con đem lại hài hòa giữa đời sống tâm linh và đời sống thực tiễn hàng ngày của con. Đây là một đề tài rất quan trọng cho mọi người tâm linh, đặc biệt khi chúng ta ngày càng bước sâu hơn vào Thời đại Bảo bình.

8.1. Sự phân chia giữa sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt hàng ngày

Con yêu dấu, khi con nhìn ngược trở về 2000 năm qua trong thế giới phương Tây, con sẽ thấy là các giáo hội Cơ đốc đã lập ra một lằn ranh tương đối rõ rệt giữa cái mà con có thể gọi là đời sống tâm linh (hay ít ra đời sống tôn giáo) và đời sống thực tiễn hàng ngày. Công bằng mà nói, chuyện đó đã xảy ra phần nào là vì ai nấy đã phải làm lụng thật vất vả để kiếm sống. Con không thể chờ đợi người ta có thể làm việc mười tiếng một ngày mà còn đủ sự chú ý hay sức lực để quan tâm đến chuyện tâm linh. Cứ sáu ngày mỗi tuần, họ đã phải làm lụng mà không thể thật sự để ý tới bất cứ gì tâm linh hay tôn giáo, cho nên họ chỉ có một ngày để đi lễ nhà thờ.

Tuy nhiên hệ quả của sự thể này là trong tâm thức tập thể ở phương Tây, nó đã tạo ra một sự phân biệt rất rõ ràng giữa cái mà con gọi là cuộc sống bình thường hàng ngày và một cuộc sống tôn giáo hay tâm linh. Có rất rất nhiều người nghĩ rằng nếu họ đi lễ nhà thờ vào ngày Chúa nhật, nếu họ xưng tội, nếu họ tham dự Thánh lễ và thắp nến, thì sau đó họ có thể bước ra và sống cuộc đời bình thường theo cách họ muốn trong sáu ngày kia. Theo nhiều cách, họ đã phần nào mặc cả với Thượng đế khi họ nói: “Lạy Chúa, nếu con dành ngày Chúa nhật cho ngài thì ngài hãy cho con sáu ngày còn lại để con làm những gì con muốn. Vậy ngày Chúa nhật tới đây, con sẽ lại đến nhà thờ, lại xưng tội, và con sẽ được tha thứ mọi chuyện con đã làm trong tuần.”

Rất rất nhiều người tâm linh, đặc biệt từ những năm 1960, đã ngộ ra trong nội tâm là cách phân chia rõ rệt như thế giữa “đời và đạo” – nếu có thể nói như vậy – không còn chính đáng nữa khi chúng ta bước sang một thời đại mới. Chúng ta cần tìm một cách nhìn khác về khía cạnh tâm linh và khía cạnh thực tiễn của cuộc sống. Đây là một thử thách to lớn cho nhiều người tâm linh và tất nhiên, nó đã đòi hỏi mỗi người thử nghiệm nhiều cách khác nhau.

8.2. Sự thù ghét cõi của Mẹ

Điều chúng ta cần nói đến trước tiên là sự kiện nhiều người tâm linh đã tạo dựng một loại mộng mơ thiếu thực tế về thế nào là sống tâm linh. Dĩ nhiên, mỗi người mỗi khác, và mỗi nhóm trong các phong trào tâm linh hay Thời mới cũng đã tạo ra biến thể riêng của mình về ý nghĩa của một đời sống tâm linh. Trong số những cách nhìn đó, có một điểm chung là viễn kiến của họ đều dựa trên một thái độ nhất định đối với cõi vật chất. Tất nhiên, đây cũng là một vấn đề đã có mặt từ lâu, không những trong truyền thống đạo Cơ đốc ở Tây phương mà ngay cả ở phương Đông trong các truyền thống đạo Phật và đạo Ấn. Đây là một con quái vật rất mạnh mẽ trong tâm thức tập thể mô tả vật chất như là kẻ thù của sự phát triển tâm linh.

Con yêu dấu, đây hoàn toàn là một ảo tưởng do sa nhân tạo dựng. Thật không có cách nào khác để mà diễn đạt. Đó hoàn toàn là một ảo tưởng, do các sa nhân cố tình tạo ra hầu ngăn cản điều mà chúng coi là mối đe dọa to lớn cho quyền cai trị của chúng trên địa cầu. Con thấy đó, con yêu dấu, điều mà sa nhân đã làm là chúng đã tạo ra sự tách biệt này vì chúng ở trong tâm thức tách biệt, cho nên chúng không thể nào nhịn nổi chuyện tạo ra tách biệt. Chúng đã tạo ra tách biệt giữa những nhóm sa nhân khác nhau, một nhóm chủ ý nắm quyền kiểm soát tôn giáo cùng đời sống tôn giáo, và một nhóm chủ ý nắm quyền kiểm soát đời sống thế tục. Đó là tại sao con có một sự tách biệt ngay đó. Trên cơ bản, chúng bảo là nếu con vâng lời các sa nhân nắm kiểm soát tôn giáo vào ngày Chúa nhật, thì con cũng vâng lời các sa nhân nắm kiểm soát đời sống thế tục vào sáu ngày còn lại.

Thái độ này dựa trên sự kiện là tự thân các sa nhân thù ghét vật chất, chúng thù ghét cõi của Mẹ, tức là cõi vật chất. Chúng thù ghét như vậy chỉ vì vật chất đem lại hậu quả cho chúng, và chúng thì rất ghét hậu quả. Sa nhân thù ghét hậu quả. Nhiều sa nhân tin rằng nếu chúng thật sự có quyền tự quyết thì chúng phải có khả năng lấy bất kỳ chọn lựa nào mà không phải đối mặt với hậu quả.

Hiển nhiên, như các thày đã từng đề cập, nhiều người tâm linh đã phần nào khoác vào thái độ đó, và chuyện này thật là không thực tế. Các thày đã nói rồi: Nếu con làm một sự chọn lựa mà không bị hậu quả vật lý nào, thì làm sao con biết con đã chọn lựa đây? Nếu con không trải nghiệm một hậu quả, làm thế nào con có thể dựa theo đó mà điều chỉnh trạng thái tâm mình? Và nếu con không thể điều chỉnh trạng thái tâm con, làm thế nào con tăng triển được đây?

Con thấy không, đối với sa nhân, tăng triển không phải là mục đích của cuộc sống vì từ rất lâu chúng đã từ chối tăng triển, từ chối tự thăng vượt. Mục đích của chúng là gầy dựng cho bản thân một địa vị quyền thế ưu đãi rồi bám lấy địa vị đó mãi mãi. Con thấy ở đây, mục đích của sa nhân hoàn toàn khác với mục đích của người tầm đạo chân chính. Vậy thì có nghĩa lý gì mà con, một người tầm đạo tâm linh, lại có thái độ đối với cõi vật chất giống như sa nhân?

8.3. Tại sao người tâm linh không ưa vật chất

Tất nhiên, các thày hiểu rõ tại sao quá nhiều người tâm linh lại có thái độ đó. Đó là vì con đã trải nghiệm những hậu quả, hay đúng hơn, con đã trải nghiệm những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, khó chịu, trong cõi vật chất.

Các thày có giảng dạy về các avatar đã đến địa cầu và thường bị sa nhân hiếp đáp tàn nhẫn, thậm chí còn bị tra tấn, giết hại tàn bạo ngay trong kiếp đầu tiên. Đây không phải là một hậu quả trực tiếp của một hành vi của con, bởi vì con đã không làm sa nhân bất cứ điều gì. Đó là một hậu quả của sự chọn lựa mà con đã lấy khi con quyết định đến một hành tinh gian nan như trái đất nơi sa nhân có tầm ảnh hưởng to lớn như vậy. Như con thấy, đó không phải là một hậu quả trực tiếp mà là một hậu quả gián tiếp.

Lẽ tự nhiên, trên một hành tinh như trái đất với quá nhiều bạo lực và đấu tranh như thế này, sự kiện con người nảy sinh gần như một nỗi thù ghét, hay ít ra một niềm oán giận, đối với cõi Mẹ hay cõi vật chất, là một chuyện vô cùng dễ hiểu. Chính cõi vật chất đã trải bày những hậu quả rất khắc nghiệt, khó chịu đó ra. Trong nhiều trường hợp, chính cơ thể vật lý đã cho con nỗi đau dữ dội này, và đương nhiên, cơ thể vật lý được cấu tạo bằng vật chất. Một lần nữa, các thày đã nhắc đi nhắc lại điều này rất nhiều lần: Không có lỗi gì từ phía con. Sự kiện bao nhiêu người tâm linh mang lòng oán giận này đối với cõi vật chất, hay cõi vật lý, cõi của Mẹ, là một điều hoàn toàn thông cảm được. Nhưng giờ đây con đã đạt tới một điểm trên đường tu của con, trong khoá học này, khi đã đến lúc con nhận ra là mặc dù phản ứng của con thông cảm được, thái độ đó không còn xây dựng nữa (thật ra nó chưa bao giờ xây dựng).

8.4. Sự oán giận vật chất ngăn chặn việc đồng sáng tạo

Con yêu dấu, điều gì mà thày vừa nói nằm trong mục tiêu của thày ở đây? Đó là giúp con kết đọng, giúp con thị hiện một hoàn cảnh tốt đẹp hơn cho con. Mục tiêu của thày qua bảy tầng khai ngộ này là để giúp con thị hiện một hoàn cảnh nơi con có sự hài hòa hơn giữa cái nhìn tâm linh của con về cuộc sống và hoàn cảnh thực tiễn hàng ngày của con. Làm sao thày làm được điều đó nếu con oán giận vật chất? Để có hài hòa giữa cuộc sống tâm linh và thực tiễn, một cái gì đó phải thay đổi trong vật chất, đúng không con? Nếu một cái gì đó phải thay đổi trong vật chất, con yêu dấu, điều này có nghĩa là con phải làm việc với vật chất thay vì cưỡng chống lại vật chất. Con phải ngừng cưỡng chống vật chất. Con phải ngừng cưỡng chống cõi Mẹ! Con phải ngừng nhìn vào các điều kiện trên địa cầu và tự nhủ (ít ra là trong tiềm thức): “Ồ, nếu điều kiện khác hơn thì sau đó tôi sẽ có thể sống một cuộc đời tâm linh hơn, sau đó tôi sẽ có thể cảm thấy an bình trên trái đất, sau đó tôi có thể hạnh phúc trên hành tinh này.”

Con thấy đó, con yêu dấu, quá nhiều người tâm linh mà con thấy trên địa cầu (trong mọi loại phong trào, dù là tôn giáo truyền thống, tâm linh, Thời mới hay bất cứ gì khác, ngay cả những người không tham gia vào phong trào nào) có thái độ này: “Ước gì vật chất thay đổi thì thái độ của tôi sẽ có thể thay đổi.” Chẳng phải toàn bộ mục đích của khóa học tự điều ngự này là để giúp con nhận ra vật chất chỉ có thể trải bày những gì được phóng chiếu lên nó hay sao? Nếu có gì phải thay đổi ở đây thì sự thay đổi đó phải bắt đầu trong tâm. Như thày đã nói, mọi hiện tượng vật chất đã khởi đầu trong một cái tâm nào đó. Nếu có điều gì cần thay đổi trong tâm liên quan đến hoàn cảnh của con, thì tâm đó là tâm của ai? Chẳng phải là tâm của con hay sao? Liệu con có quyền năng thay đổi được những cái tâm khác, cho dù là tâm Thượng đế hay tâm của người khác?

8.5. Làm thế nào thay đổi vật chất

Con yêu dấu, con hãy nhìn tín đồ các tôn giáo truyền thống mà xem. Họ đến nơi thờ phượng, họ đi lên bàn thờ, họ quỳ gối trước bàn thờ xong họ cầu nguyện Thượng đế. Trong cốt lõi, họ đang cầu nguyện để Thượng đế thay đổi tâm của ngài: “Kính thưa Thượng đế, xin ngài hãy thay đổi tâm của ngài và cho con một hậu quả khác hơn về những chuyện mà con đang phóng chiếu trong tâm của con.” À, tỷ như con có thể thay đổi được tâm Thượng đế, liệu việc thay đổi tâm con có dễ thực hiện hơn chăng? Con yêu dấu, có nghĩa lý gì mà con, một đệ tử của chân sư thăng thiên, vẫn còn giữ ở đâu đó trong tâm mình cái ý tưởng rằng một ngày nào đó mình sẽ tìm ra công thức bí mật (và có lẽ Saint Germain sẽ trao cho con trong khóa học này về kết đọng) hầu con có thể thay đổi vật chất mà không cần thay đổi tâm? Các thày đã dạy con rồi đó, thày biết rõ, nhưng liệu con có nhập tâm hay chưa? Con có vỡ ra hay chưa? Con yêu dấu, con cần đạt tới điểm nó vỡ ra và con nhận ra là con không thể làm việc với vật chất và thị hiện một hoàn cảnh tốt đẹp hơn trong vật chất mà lại vẫn cưỡng chống, oán giận vật chất – con sẽ chỉ đẩy nó ra xa hơn mà thôi.

Nhiều người trong số các con mang ý tưởng là phải có một cách thần diệu nào đó để thay đổi vật chất. Đúng là có một cách, con yêu dấu. Có một cách thần điệu để thay đổi vật chất, và cách thần diệu đó là sử dụng quyền năng của tâm con. Con không thể sử dụng quyền năng thay đổi vật chất này nếu con oán giận vật chất, nếu con cưỡng lại. Con cần tới điểm con chấp nhận là con đang ở trong vật chất, ở trong cõi vật chất. Con chấp nhận là con ở đây vì con đã chọn ở đây, vì con muốn ở đây.

Thày công nhận là việc đạt đến điểm này không hoàn toàn nằm trong ranh giới hay khuôn khổ mà thày đã định ra cho khóa tu này. Các thày đã có ban lời dạy trong những cuốn sách khác (bắt đầu với cuốn “Những kiếp sống của tôi” và những sách bài tập khác theo sau) sẽ giúp con làm hòa với sự kiện mình sống trong vật chất. Nếu con không xoay chuyển được ngay bây giờ, con sẽ cần dùng những sách đó và làm hòa với sự hiện diện của con ở đây. Một số trong các con sẽ có thể sử dụng những điều thày nói ở đây và làm cuộc xoay chuyển trong tâm mình, qua đó it nhất con sẽ nhận ra được (cho dù con chưa hoàn toàn khắc phục được chấn thương nhập đời, nhưng con vẫn nhận ra được) là con đang có thái độ kháng cự lại vật chất trong tâm. Gần như là con đã quyết định từ chối làm việc với vật chất, hay ít ra con đã từ chối sử dụng tâm mình để làm việc với vật chất. Có thể con có làm việc với vật chất bằng những phương cách vật lý nhưng con không dùng tâm để làm việc với vật chất. Trong nhiều trường hợp, chuyện này liên quan tới sự kiện là trên thế giới có một con quái vật rất lâu đời bảo rằng người tâm linh nên tránh không được giao lưu với vật chất trong đời sống thực tiễn hàng ngày vì như vậy sẽ làm hại đến sự phát triển tâm linh của họ.

8.6. Vật chất không chống lại phát triển tâm linh

Con yêu dấu, con hãy nhìn vào mô hình phổ biến tại phương Đông lẫn phương Tây. Mô hình này cho thấy gì? Tại phương Đông có ý niệm khá quảng bá là những người thật sự tâm linh sẽ rút lên núi Himalaya tu tập. Có một giáo phái mật truyền gồm những vị đắc đạo người Ấn mà không ai từng gặp mặt đang sống nơi những vùng núi hẻo lánh đó, và các vị đang cầm giữ sự cân bằng tâm linh cho hành tinh. Tại Ấn độ, con cũng có truyền thống vô cùng lâu đời của những vị đạo sư thiết lập đạo tràng nơi học trò có thể đến nhập thất, rút lui hẳn khỏi thế gian để sống trong hiện diện của thày mình. Có những thiền viện Phật giáo được thiết lập ẩn khuất, như con thấy ở Tây tạng chẳng hạn có những tu viện được lập ra với chủ ý duy nhất là cống hiến điều mà họ xem là pháp tu tâm linh, trong nhiều trường hợp bỏ hẳn đời sống thực tiễn. Và con cũng thấy một điều tương tự ở phương Tây với các vị tu sĩ và nữ tu trong truyền thống Công giáo. Trong cách nhìn đó, nếu con thật sự là người tâm linh thì con không thể gia nhập vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày. Con phải rút lui khỏi thế gian, vân vân.

Một lần nữa, nếu là trong các thế kỷ trước thì điều này cũng chính đáng, bởi vì các điều kiện sinh sống vật lý quá khó khăn, khắc nghiệt, đòi hỏi nhiều lao động về thể xác lẫn sự chú ý của con người. Sau một ngày làm lụng vất vả, ai nấy đều mệt mỏi. Nhưng ngày nay, nền công nghệ mà phần lớn do thày đỡ đầu, đã cho phép con có một cuộc sống rảnh rỗi hơn – nếu con đặt chiếc điện thoại đó xuống và ngừng theo dõi mọi chuyện xảy ra trên Facebook. Nếu con muốn, con có thể chọn lựa là mình có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn, dư dả nhiều khả năng chú ý hơn. Con có thể thấy là công nghệ cùng lối sống hiện đại đã đem lại một bối cảnh nơi con hoàn toàn có khả năng sống một cuộc đời tương đối năng hoạt giữa xã hội mà vẫn phát triển tâm linh tối đa.

8.7. Đời sống tâm linh của Thời đại Bảo bình không ở trong tu viện

Bây giờ con yêu dấu, có lẽ ở đây chúng ta cần phân biệt. Có một số người tâm linh trên địa cầu không thật sự có mối liên hệ gì với thày hay với Thời Hoàng kim mà thày mong muốn đem lại. Những gì thày nói ở đây không áp dụng cho những người đó, nhưng đối với tuyệt đại đa số những ai đang đầu thai lúc này và có sự quan tâm về tâm linh, thì họ có một mối quan hệ nào đó với thày. Vì vậy trong Sự vụ Thiêng liêng của họ (mà chính họ đã thảo ra trước khi đầu thai) có một ý muốn hỗ trợ việc thị hiện Thời Hoàng kim của thày.

Con yêu dấu, nếu con là một trong những người muốn đóng góp đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain thì thày nói với con: Con sẽ không làm được chuyện này bằng cách rút khỏi thế gian để sống trong một tu viện. Thày không bảo là con không thể làm vậy trong một thời gian ngắn, nhưng con sẽ không làm được vậy bằng cách sống một cuộc đời mà nhiều người tâm linh gọi là lối sống tâm linh, là lối sống mà họ thường hình dung khi họ nói chuyện rút lui khỏi thế gian. Quá nhiều người đã tìm cách khởi xướng những phong trào nhằm thiết lập một loại tịnh đường nào đó. Rồi họ kêu gọi người ta đến sống và làm việc, và họ nghĩ đó là lối sống tâm linh, nhưng đó không phải lả mô thức tâm linh trong Thời đại Bảo bình.

Thời đại Bảo bình là thời đại của cộng đồng, thời đại của Thánh linh. Cộng đồng không có nghĩa là con tự cô lập khỏi thế giới và tạo ra một cộng đồng những người tâm linh có cùng niềm tin và sở thích. Cộng đồng có nghĩa là con sống trong cộng đồng rộng lơn hơn. Con dự phần vào đời sống ngoài kia trong thế giới. Trong nhiều trường hợp, con vẫn có công ăn việc làm bình thường nơi con làm việc với người khác. Con phần nào gia nhập vào xã hội. Thời đại Thánh linh có nghĩa là Thánh linh có thể tuôn chảy, không chỉ trong những gì mà truyền thống xem là môi trường tôn giáo, mà trong đời sống hàng ngày bởi vì con ở đó. Con không thể biết được khi nào con có thể là cánh cửa mở khi mình thốt ra một lời nói cho ai đó và lời nói này sẽ giúp người kia nhảy vọt trên đường tâm linh của họ, ngay cả khi họ không có vẻ gì là người tâm linh.

8.8. Phá vỡ rào cản giữa đời sống thực tiễn và tâm linh

Làm thế nào con sẽ đem lại hài hòa giữa đời sống tâm linh và đời sống thực tiễn? Con sẽ chỉ làm được nếu con thay đổi thái độ đối với ý nghĩa của “đời sống tâm linh” và ý nghĩa của “đời sống thực tiễn”. Con sẽ phải phá bỏ những hàng rào cản trong tâm con. Thày đã nói ai tạo ra rào cản đó chứ? Sa nhân. Làm thế nào con sẽ có thể là người tâm linh đích thực nếu con cho phép những rào cản do sa nhân dựng lên tồn tại trong chính tâm mình? Chúng phải ra đi, con yêu dấu.

Con phải tới điểm không còn phân rẽ đó giữa đạo và đời trong tâm con. Con không còn cách biệt nào giữa những gì con xem là sinh hoạt tâm linh và những gì con xem là sinh hoạt thực tiễn. Điều này không có nghĩa là phần nào con có thể tìm ra một lối sống nơi mọi sinh hoạt đều là tâm linh dựa theo mô thức tâm linh của con. Không đâu, con yêu dấu, nó có nghĩa là con cần làm điều mà rất ít người sẵn sàng làm (trong số những người tự xem mình là tâm linh). Con cần phải thay đổi thái độ để ngừng xem các “sinh hoạt tâm linh” là tâm linh. Con phá vỡ toàn bộ khuôn đúc đó đã được dựng lên trong tâm thức tập thể về ý nghĩa sinh hoạt tâm linh.

Không phải là chuyện đi nhà thờ hay đi chùa hay đi nhập thất. Không phải là chuyện tham gia một số sinh hoạt nào đó, như tụng kinh, đọc bài chú bài thỉnh, cầu nguyện, tham thiền, trầm tư, tỉnh giác hay bất kể. Đó không phải là ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh trong Thời đại Bảo bình. Trong Thời đại Bảo bình, tất cả mọi thứ đều là sinh hoạt tâm linh – nếu con làm với tư duy xem đó là tâm linh.

8.9. Vượt qua nỗi oán giận vật chất

Con yêu dấu, điều này khởi đầu khi con xem xét, con chân thành và sẵn lòng nhìn nhận là mình đang mang trong tâm một nỗi oán giận đối với vật chất. Một lần nữa, sự kiện con có nỗi oán giận này rất dễ hiểu, và thày không trách con. Thày không đang nói là con không nên có hay con không bao giờ được có nỗi niềm đó. Con yêu dấu, thày không biết làm thế nào con có thể, như một avatar, đến một hành tinh dày đặc như thế này mà không nuôi dưỡng nỗi oán giận đối với vật chất. Không phải thày nói con không bao giờ nên như vậy, mà thày chỉ nói là con cần nhìn nhận là con có nỗi niềm đó và đã đến lúc con thăng vượt nó.

Con thăng vượt bằng cách làm việc trên chính con và thực sự nhìn vào cõi vật chất. Thày đã có nói là con cần nhìn xa hơn các hiện tượng vật chất. Con cần nhận ra vật chất được cấu tạo bằng nguyên tử, phân tử, hạt hạ nguyên tử và sóng năng lượng. Ở đây con cần nhận ra là tất cả mọi hiện tượng vật chất mà con thấy đều thật sự làm bằng chất cơ bản đó.

Con yêu dấu, chất cơ bản đó, mà các thày gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật, không phải là kẻ thù của con. Nó không tìm cách trả đũa con, hãm hại con hay kháng cự con! Khi nào con vượt khỏi tất cả những hình ảnh và khuôn đúc đó được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật, thì con mới chạm được Ánh sáng Mẫu-Vật thuần khiết. Ánh sáng Mẫu-Vật này không hề cưỡng lại con chút nào. Tự thân Ánh sáng Mẫu-Vật không tách biệt khỏi Tánh linh. Khi con đi xuống và chạm Ánh sáng Mẫu-Vật thuần khiết, như cái Ta Biết hoàn toàn có khả năng làm được (nếu con gạt sang một bên thái độ bình thường của con), thì con sẽ thấy Ánh sáng Mẫu-Vật không hề tách rời khỏi Tánh linh. Giữa Mẹ Thiêng liêng và Cha Thiêng liêng không hề có ngăn cách.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là ngay cả sự phân biệt giữa cái gọi là khía cạnh “cha” của Thượng đế và khía cạnh “mẹ” của Thượng đế có khuyng hướng tạo ra, hay ít nhất duy trì, một tính chất nhị nguyên nào đó, nhưng cả hai không hề tách biệt. Ánh sáng Mẫu-Vật là một phần nối dài của Cha. Ánh sáng Mẫu-Vật được sử dụng để hình thành hành tinh địa cầu là một phần nối dài của Ánh sáng Mẫu-Vật trong cõi tâm linh, chỉ khác chút xíu về mặt rung động. Dù sao thì, con yêu dấu, điểm quan trọng ở đây là khi con đi xuống Ánh sáng Mẫu-Vật cơ bản đã hình thành địa cầu, Ánh sáng Mẫu-Vật đó có khả năng diễn bày ra bất kỳ hình tướng nào được phóng chiếu lên nó, trong khuôn khổ cái khuôn đúc bao gồm mọi hình tướng khả dĩ mà các Elohim đã thiết lập.

Điều này có nghĩa Ánh sáng Mẫu-Vật có khả năng diễn bày một trạng thái địa đàng trên trái đất cũng dễ dàng y như tình trạng hỗn loạn mà con chứng kiến trên địa cầu. Khi con thực sự suy ngẫm điểm này, con nhận ra Ánh sáng Mẫu-Vật không phải là kẻ thù của con ở đây. Ánh sáng Mẫu-Vật không hề cưỡng lại con, vậy tại sao con lại cưỡng lại chứ – bởi vì con đang cưỡng lại nó trong tâm đó.

Một lần nữa, điều hoàn toàn thông cảm được là con đã đến hành tinh này và đã nuôi lớn niềm oán giận Ánh sáng Mẫu-Vật (hoặc ngay cả nếu con là một cư dân nguyên thủy, một khi con chạm trán với sa nhân và những gì chúng làm với Ánh sáng Mẫu-Vật tạo ra các hậu quả đau đớn đó, thì con cũng nảy sinh lòng oán giận). Một lần nữa, không có chuyện trách cứ gì ở đây, nhưng đã đến lúc con nhìn lại và nhận ra là nếu con thật sự muốn thay đổi hoàn cảnh của mình trong vật chất, thì đâu sẽ là cách duy nhất để con làm được? Đó là con hành động qua trung gian vật chất. Cách duy nhất để thay đổi vật chất là chấp nhận và ôm lấy vật chất, là ngừng oán giận nó, ngừng cưỡng lại nó, ngừng đẩy nó ra xa con.

8.10. Bất nhất trong nhận thức của người tâm linh

Con thấy chăng, con yêu dấu, nhiều người tâm linh mang cái gọi là “bất nhất nhận thức” (cognitive dissonance)? Họ mang một sự mâu thuẫn giữa những gì họ tin và những gì họ làm. Một mặt, con tin là cuộc sống có một phương điện tâm linh, có một thực tại tâm linh, nhưng con vẫn chấp nhận phần lớn lời xuyên tạc của tôn giáo cho rằng có sự phân biệt, hay sự chia cách, giữa vật chất và Tánh linh. Vật chất ở ngay đây, còn Tánh linh thì ở đâu khác, và do đó vật chất không tâm linh.

Khi con thức tỉnh thấy cuộc sống có một khía cạnh tâm linh, dường như trong con có một thành phần cảm thấy dễ chấp nhận Tánh linh. Con ôm lấy, con chấp nhận có một Tánh linh. Có thể con không có khái niệm rõ ràng Tánh linh là gì, hay con chưa có một trải nghiệm trực tiếp, nhưng con cảm thấy mình dễ dàng chấp nhận một số giáo lý tâm linh bảo con Tánh linh là gì và cõi tâm linh như thế nào. Chẳng hạn nhiều người theo Thời mới có lòng tin và sự quan tâm rất lớn đối với thiên thần và họ nghĩ mọi chuyện trên cõi thiên thần đều tuyệt vời.

Đồng thời, con vẫn tin cõi vật chất cách biệt với cõi tâm linh. Con nghĩ, để thay đổi một điều gì đó trong vật chất, con phải đi qua trung gian cõi tâm linh. Bằng một cách nào đó, con phải với tay tới một sinh thể tâm linh có quyền năng thay đổi vật chất, và sinh thể này sẽ có thể thay đổi vật chất cho con. Tên khóa tu này là gì, con yêu dấu? Là khóa tu tự điều ngự! Tự điều ngự không có nghĩa là con tìm được một sinh thể tâm linh giống như một ông thần hay ông Già Nô-en với quyền năng toại nguyện mọi ước muốn của con.

8.11. Khắc phục phàm linh oán giận vật chất

Tự điều ngự có nghĩa là chính con có khả năng thay đổi vật chất, nhưng một lần nữa, con không thể thay đổi vật chất nếu con kháng cự lại nó. Con phải đạt tới điểm con nhìn ra sự kháng cự đó, nhìn ra đó là một phàm linh nội tại hay một ngã tách biệt, và con phải lui ra khỏi nó. Con phải sử dụng những lời dạy này mà thày trao cho con, sử dụng bài thỉnh cho đến khi cái Ta Biết bỗng nhiên bước ra ngoài phàm linh đó, thấy nó là một phàm linh, thấy chính phàm linh đó đã được tạo dựng từ nỗi oán giận vật chất, từ lực cưỡng lại vật chất. Khi đó, con cần không bước vào bất kỳ kiểu tranh luận nào với nó.

Phàm linh sẽ cố bảo vệ mạng sống của nó, bênh vực sự hiện hữu của nó. Nó sẽ nghĩ ra đủ mọi lập luận (và có thể sa nhân cũng sẽ phóng vào tâm con tất cả những lập luận đó) là tại sao vật chất là như vậy, tại sao vật chất đã tách ra khỏi Tánh linh và tại sao tất cả mọi hậu quả tiêu cực mà con thấy trong vật chất không thể nào đến từ Tánh linh, cho nên vật chất phải được tách rời khỏi Tánh linh, và nhiều luận cứ khác nữa. Con không phải bước vào cuộc tranh luận vì con sẽ không vứt bỏ được phàm linh này bằng cách chứng minh là nó sai. Con sẽ chỉ vứt bỏ nó được khi con thấy nó như cái nó là, thấy nó là một phàm linh tách biệt trong bản thân con, nhận ra con là cái Ta Biết chứ không là phàm linh đó, con không muốn nó trong đời con nữa và con giản dị cho nó chết đi.

Khi nào con còn tranh cãi với nó, cố gắng biện minh cho nó hay chứng minh là nó sai, thì con đang cho nó năng lượng. Con cần ngừng không cho nó năng lượng nữa và để cho nó chết. Ai đã tạo ra nó? Chính con. Ai đã nuôi dưỡng nó? Chính con, qua sự chú ý của con, qua các tin tưởng của con. Khi con ngừng cho nó thức ăn năng lượng của con, nó sẽ chết. Tất nhiên con có thể thỉnh cầu để các chân sư tiêu hủy nó đi, nhưng dù sao thì khi con ngừng nuôi dưỡng nó, nó sẽ chết. Đây là mục tiêu của con ở mức này của khoá nhập thất của thày, là đạt tới điểm khi phàm linh oán giận vật chất của con qua đời. Nó không còn nữa.

8.12. Xét đến các mộng mơ của con

Con phải đạt tới mức chấp nhận là vật chất không cưỡng lại nỗ lực của con nhằm thiết lập một cuộc sống tâm linh hơn. Tuy nhiên, vật chất sẽ không tuân theo những mộng mơ mà con hiện có về thế nào là sống tâm linh. Con phải nỗ lực nhìn ra là ý tưởng bảo đời sống tâm linh phải như thế nào, cũng là một phàm linh. Tất nhiên, giống như phàm linh kia, cái này cũng gắn liền với một phàm linh tập thể, nhưng nó là một phàm linh nội tại và con cũng phải để cho nó chết đi.

Chừng nào con còn bám giữ phàm linh nội tại này bảo đời sống tâm linh phải như thế nào, con sẽ không thể thấy những gì chính con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng về cách con muốn sống đời con. Một lần nữa, thày có thể cam đoan là hầu hết các con đã không ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng là mình muốn rút khỏi thế gian để sống trong tu viện hay trong tịnh thất. Con đã thiết kế Sự vụ Thiêng liêng để con sẽ sống một cuộc đời tương đối năng hoạt, sẽ tương tác với người khác, để con là cánh cửa mở, như thày đã nói, cho việc biểu hiện một số ý tưởng từ cõi thăng thiên.

Thày không đang nói đến chuyện tất cả các con biểu hiện những phát minh to lớn. Cuộc sống hàng ngày được cải thiện là nhờ những người bình thường hàng ngày đưa ra ý mới về những cách làm hay hơn. Chuyện này xảy ra trong môi trường làm việc hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác nơi con có mặt. Luôn luôn có chỗ cho sự cải tiến qua sáng kiến mới, nhưng ai sẽ là người đưa ra được đây? Đúng vậy, là một người có sự hòa điệu cùng một khả năng hay kinh nghiệm chuyên môn trong lãnh vực đó.

Con thấy được ở đây là có thể có – và đối với hầu hết người tâm linh, chắc chắn là có – sự khác biệt lớn lao giữa sự mơ mộng về một đời sống tâm linh và những gì con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng của con. Khi con buông bỏ những ý tưởng về đời sống tâm linh, khi con buông bỏ nỗi oán giận đối với vật chất, con sẽ có thể bắt đầu nhìn ra những gì con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng. Khi con thảo Sứ vụ đó, con không ở trong cùng một trạng thái tâm như bây giờ. Lúc đó con không mang oán giận đối với vật chất – con không cảm thấy nó – con không mang ý nghĩa lý tưởng xa vời về lối sống tâm linh, mà con xem xét một cách rất thiết thực và nói: “Đâu là tiềm năng tăng triển cho tôi trong kiếp này? Làm thế nào tôi thực hiện được chuyện này tốt nhất dựa trên quá trình của mình, nghiệp quả của mình và những người mà mình có mối ràng buộc? Tôi muốn đầu thai trong loại xã hội như thế nào để có thể làm cánh cửa mở và biểu hiện ý tưởng mới cho các chân sư thăng thiên và Saint Germain?”

8.13. Tiến bộ là một vấn đề thực tiễn

Từ một quan điểm hoàn toàn thực tế, điều gì đã tạo ra tiến bộ trong xã hội mà con thấy trong một ngàn năm qua? Đó là sáng kiến mới! Ai đã đưa ra những sáng kiến đó? Có phải là các tu sĩ và nữ tu trong tu viện? Có phải là những vị tâm linh ngồi trong hang đá núi Himalaya? Hay đó là những người sống ở ngoài kia trong đời sống thực tế, khiến họ trong nhiều trường hợp nghiệm thấy một vấn đề, và nhờ thế họ đã với lên một giải pháp tốt đẹp hơn?

Thày không bảo là không có giá trị nào trong việc ngồi trong hang đá trên núi Himalaya và đạt đến một tầng tâm thức cao hơn. Thày chỉ nói là đối với hầu hết các con, đó không phải là điều mà con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng, vì con đã nhìn thấy rất rõ là việc đưa nền văn minh này tiến lên Thời Hoàng kim của Saint Germain không phải là một vấn đề lý tưởng, mà là một vấn đề thực tiễn.

Biết bao học trò của chân sư thăng thiên đã từng nghe nói về Saint Germain và một thời hoàng kim, đang có những mộng mơ hoàn toàn không thực tế về ý nghĩa của nó. Họ nghĩ là thày có một cái nhìn lý tưởng, xa vời, tựa như chuyện địa đàng không tưởng nào đó về một xã hội tương lai. Họ nghĩ là một ngày nào đó trong tương lai sẽ có một sự đột phá rồi Thời Hoàng kim sẽ hiện ra. Cũng từa tựa như cơn điên loạn tập thể mà con thấy trước năm 2012 khi bao nhiêu người Thời mới tin rằng địa cầu sẽ xoay hướng một cách thần diệu để bước vào một chiều không gian mới và rồi mọi chuyện sẽ thay đổi.

Con yêu dấu, đây là vấn đề mà chúng ta đã có nói đến gần đây, tức là có một khoảng cách giữa thực tế và những gì mà người tâm linh tin tưởng. Mục đích của khóa tu tự điều ngự là để giúp con khắc phục khoảng cách, hầu con có thể thị hiện những gì con có trong tâm con. Và để khắc phục khoảng cách đó, con phải điều chỉnh những thứ đó trong tâm để đem nó xuống một tầm mức thực tiễn và thực tế. Làm thế nào Thời Hoàng kim của Saint Germain thị hiện được đây? Không phải đùng một cái đâu. Nó sẽ thị hiện qua vô số những bước nhỏ có vẻ không mấy quan trọng. Sẽ có rất rất nhiều người đưa ra những ý tưởng nhỏ bé tự thân sẽ chỉ tác động rất ít trên tầng cấp toàn cầu, nhưng hợp chung tất cả những ý nhỏ bé đó lại, nó sẽ đưa nền văn minh này đi lên.

Con yêu dấu, không phải là sẽ có một thời điểm khi con có thể nói, vào ngày 11 tháng 1 năm 2053 Thời Hoàng kim sẽ xuất hiện. Khi Thơi Hoàng kim trở nên hiện thực, hầu hết mọi người trên địa cầu sẽ không để ý thấy nữa. Họ sẽ nhận thấy các điều kiện sinh sống cải thiện lần hồi, và đó chính là bản chất của Thời Hoàng kim. Đó không là chuyện xoay chuyển duy tâm, thần diệu, mà là chuyện bước đi từng bước một, và chính con cũng sẽ làm như vậy. Quá nhiều người trong các con mang ý tưởng trong tâm là một ngày kia một sự chuyển vọt to lớn sẽ xảy đến và bỗng dưng con có được lối sống tâm linh mà con hiện không có.

8.14. Thu hẹp khoảng cách

Trong tâm con thấy, đây là tình trạng thực tế của con ngay bây giờ, và kia là nơi mà các lý tưởng tâm linh của con bảo con phải đến, và giữa hai điểm đó có một khoảng cách khổng lồ. Nếu con lui lại một bước và nhìn vào khoảng cách, con sẽ thấy là trong tâm con không có một cách thực tế nào để đóng lại khoảng cách đó. Con không thấy làm sao mình đóng lại được khoảng cách. “Làm thế nào tôi sẽ rời hoàn cảnh thực tiễn hàng ngày của tôi – nơi tôi vẫn phải kiếm sống, phải chăm sóc con cái, phải đi làm, phải cái này, phải cái kia trong cõi vật lý – làm thế nào tôi sẽ rời tất cả những bổn phận đó để sống lối sống tâm linh mà tôi mường tượng?” Phải, con sẽ không bao giờ làm được bởi vì lối sống tâm linh mà con mường tượng trái ngược với chính Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Con yêu dấu, thày có thể cam đoan với con là nếu con cố thị hiện một điều gì trái ngược với Sứ vụ của con, có một phần trong tâm tiềm thức sẽ phá hoại nỗ lực của con. Các nhà tâm lý học hay nói về “hội chứng tự phá hoại” và trong một số trường hợp, đó là vì người đó có những vấn đề tâm lý trầm trọng. Nhưng đối với nhiều người tâm linh, hội chứng tự phá hoại có nghĩa là tâm ý thức của họ đã chọn ra một mục tiêu đi ngược lại Sứ vụ Thiêng liêng của họ, và trong tiềm thức họ sẽ tự phá hoại bản thân hầu tránh bị kẹt lại trong một sinh hoạt sẽ khiến họ rời xa Sứ vụ của họ.

Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điểm này thật kỹ, và có thể con nhìn ra một số sự việc trong đời mình khi mình đã có ý bước vào một lãnh vực nào đó nhưng rồi có gì đó đã xảy đến. Một cách nào đó, con đã phá hoại mục tiêu đó. Có thể con sẽ nhìn lại với sự oán giận và nuối tiếc: “Tại sao mình đã làm vậy, và tại sao mình ngu thế?” Rất có thể sự thật là bởi vì mục tiêu, hay mong muốn ý thức của con, đã không đồng thuận với Sứ vụ Thiêng liêng.

8.15. Để ý đến sự chú ý

Do đó con cần nhìn nhận là chừng nào tâm con còn bị ám ảnh bởi mộng mơ thiếu thực tế đó, con sẽ không thể lui lại và có tâm tĩnh lặng để mà thoáng nhìn thấy Sứ vụ Thiêng liêng. Con cần nhận ra là nếu con muốn nhìn thấy một điều gì mà tâm ý thức hiện chưa thấy được, thì con phải tạo một khoảng không gian trong tâm nơi viễn quan đó có thể hiện xuyên qua. Con phải nhận ra là sự chú ý của con vô cùng quan trọng.

Đã có những lời dạy của chân sư thăng thiên nói về một bức màn năng lượng. Cái ác có nghĩa là bức màn năng lượng [trong Anh ngữ, cái ác là “evil” và màn năng lượng là “energy veil”, chơi chữ là “e-veil”]. Có một bức màn năng lượng ngăn cản con nhìn thấy. Nhiều học trò của chân sư thăng thiên đã suy luận là các tà lực đã tạo ra bức màn năng lượng đó. Tất nhiên, tà lực đã tạo ra một bức màn năng lượng. Tâm thức tập thể đã tạo ra một bức màn năng lượng, và đương nhiên con sẽ phải đâm thủng qua. Nếu con đã theo học khóa tu này cho đến tầng tâm thức này thì con đã học được cách đâm thủng qua với các bài chú, bài thỉnh. Con không hoàn toàn bị đui mù bởi bức màn năng lượng của tà lực và tâm thức tập thể.

Vậy thì cái gì làm con đui mù? Đó là bức màn năng lượng mà con đã tạo ra và duy trì trong chính tâm con. Màn năng lượng này được tạo ra do sự chú ý của con đã tập trung vào một số các giấc mơ mộng và hình ảnh không thực tế đó về người tâm linh phải như thế nào và lối sống tâm linh có nghĩa là gì. Con yêu dấu – lý tưởng nhất – thày mong muốn là con sẽ nhìn được những ý tưởng đó như một quả bong bóng và con có thể lấy một cây kim nhỏ chích vào quả bong cho nó nổ tung ra – và bao nhiêu mơ mộng cũng tan theo. Một lần nữa, điều này không hẳn là thiết thực, ít ra là đối với đa số các con. Con sẽ phải nỗ lực một chút để làm chuyện này.

Con sẽ phải sẵn lòng nhận ra một sự thật rất rất giản dị. Như thày đã có nói trong một đợt truyền pháp trước, con người là nô lệ cho sự chú ý của mình. Chú ý hướng về đâu, năng lượng của con sẽ theo về đó. Khi con đặt chú ý vào một điều gì, như ước mơ về lối sống tâm linh, năng lượng con sẽ đi theo đó. Một khi con đặt nhiều chú ý hơn vào đó, một bức màn năng lượng được dựng lên. Nó sẽ ngăn cản con làm gì? Nó ngăn cản con thấy được một viễn quan nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng, bởi vì con quá tập trung vào viễn kiến con tạo ra trong tâm ý thức đến độ con không thể hòa điệu với tâm cao hơn.

Điều cũng xảy ra là càng nhiều năng lượng dành cho điều gì thì bức màn năng lượng sẽ càng kiên cố, và bấy giờ nó không chỉ trở thành một bức màn năng lượng mà một nam châm năng lượng sẽ lôi kéo chú ý của con. Con đặt chú ý vào một khuôn đúc thì con cho phép năng lượng chảy vào khuôn đúc. Khi năng lượng đạt mức tới hạn (critical mass), khuôn đúc sẽ bắt đầu lôi kéo sự chú ý để con ngày càng tập trung nhiều hơn vào nó. Nó biến thành một vòng ốc xoáy có thể nuốt hết tất cả năng lượng, tất cả sự chú ý của con cho đến hết quãng đời còn lại.

Trên lý thuyết, con có thể duy trì viễn quan hiện thời của con về con người tâm linh. Con có thể đeo đuổi viễn quan suốt phần đời còn lại mà không bao giờ đạt được. Điều này, tất nhiên, thày không mong muốn nhìn thấy ở con. Thày mong thấy con đâm thủng bức màn năng lượng, đập tan bức màn năng lượng, đập tan giấc mơ mộng không thực tế kia và nhìn ra những gì con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng, là những điều thực tế và thiết thực cho con trong kiếp này. Để làm được vậy, con phải sẵn lòng tạo ra khe hở đó, tĩnh lặng đó trong tâm mình nơi con có thể bất chợt nhìn xuyên qua bức màn.

8.16. Công thức bí mật

Thành thật mà nói, con yêu dấu, đây là một bí mật mà con có thể bảo là một trong những công thức bí mật mà nhiều người mơ ước. Chỉ có cái là nó không đúng hẳn như những gì họ ước mơ.

Bí mật là như sau: Khi sự chú ý của con bị thu hút tập trung vào một lãnh vực nào đó, con sẽ không thể nhìn quá nó được nếu con vẫn cứ chú tâm vào nó. Con phải rút chú ý ra khỏi lãnh vực đó – ít ra là đủ lâu để có được một tĩnh lặng nào đó trong tâm khi những đám mây sẽ tẽ ra và một tia sáng mặt trời từ Hiện diện TA LÀ có thể rọi qua. Phải có một khe hở. Chừng nào con còn chú tâm vào giấc mơ thì sẽ không còn chú ý nào sót lại cho Hiện diện TA LÀ của con. Đại ý con bảo rằng: “Hiện diện TA LÀ, hãy đừng làm phiền tôi, hãy đừng quấy rầy tôi, để yên cho tôi tập trung vào viễn kiến vỏ ngoài này!”

Đó không phải là cách con tinh tấn trên đường tu. Ngay đây con phải bắt đầu với một quyết định ý thức: “Được rồi, tôi sẽ xem xét giấc mơ của tôi về ý nghĩa của một người tâm linh và đời sống tâm linh. Tôi sẵn sàng tra vấn viễn kiến này. Tôi sẵn sàng nhìn xem nó có cao nhất hay không. Đặc biệt, tôi sẵn sàng nhìn xem nó có đồng thuận với Sứ vụ Thiêng liêng hay không. Nếu không thì tôi sẽ muốn biết, và tôi muốn để cho mơ mộng đó ra đi, và tôi muốn nhìn thấy những gì ở trong Sứ vụ của tôi.”

Khó khăn ở đây, con yêu dấu, là mơ mộng của con về ý nghĩa người tâm linh có thể là một viễn kiến rất đầy đủ, bao quát, chi tiết mà con mang trong tâm ý thức. Trong nhiều trường hợp, khi con có khe hở qua đó con nhận được điều gì đó từ Hiện diện TA LÀ, thì điều này sẽ không là viễn quan trọn vẹn của Sứ vụ Thiêng liêng cho phần còn lại của kiếp này. Điều con nhận được là bước kế tiếp mà con cần đi, và nó sẽ không có vẻ gì là lý tưởng, lãng mạn, tuyệt vời như giấc mơ mộng vỏ ngoài.

Một lần nữa, con cần phải quyết định trong ý thức là con sẵn sàng để cho mơ mộng này ra đi, con sẵn sàng bước theo lời gợi nhắc nhận được từ bên trong và đi từng bước một. Rất có thể con nhận được một thôi thúc từ Hiện diện TA LÀ để làm một việc gì đó rất thiết thực mà con không thấy có liên hệ nào với viễn kiên vỏ ngoài. Đó là tại sao sau đó, con phải sẵn sàng bỏ sang một bên cái nhìn vỏ ngoài và nói: “Tôi sẽ đi theo lời gợi nhắc này từ trực giác nội tâm cho dù nó có dẫn tôi đi đâu.” Thày cam đoan với con là nếu cứ bền chí đi theo những lời nhắn gọi từ Hiện diện TA LÀ, chúng sẽ đưa con tới mục tiêu mà con đã định ra trong Sứ vụ. Nó có thể không liên quan gì nhiều tới viễn kiến vỏ ngoài nhưng một lần nữa, con cần quyết định: “Tôi muốn đi theo cái nào, viễn quan thực tiễn và thực tế mà tôi đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng, hay những mộng mơ lý tưởng nhưng không thực tế mà tôi đã dần dà chấp nhận với tâm vỏ ngoài?”

8.17. Xét lại phong trào tâm linh của con

Có những người – và sẽ có nhiều người hơn nữa khi giáo lý này phổ biến nhiều hơn – sẽ khám phá ra quyển sách này và họ đang ở trong một phong trào tâm linh nhất định. Dựa trên giáo lý của phong trào đó, họ có một viễn kiến về người tâm linh phải như thế nào. Sẽ có một số người mà viễn kiến vỏ ngoài mà họ nhận được gần như đi ngược lại, hay ít nhất rất xa với những gì họ đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng. Con sẽ có thể nói: “Vậy tại sao họ lại gia nhập phong trào tâm linh đó chứ?” Họ đã gia nhập vì họ phải học hỏi một điều gì đó.

Nói cách khác, trong Sứ vụ của họ có ghi là họ nên gia nhập phong trào này nhưng Sứ vụ không bảo là họ nên tán thành và chấp nhận viễn kiến của phong trào này về ý nghĩa của một người tâm linh. Họ cần phải học một bài học nào đó, và trong một số trường hợp, đó là học làm thế nào mình không nên làm một số chuyện trong một môi trường tâm linh, hay mình không nên sống tâm linh như thế nào. Họ phải học một điều gì đó. Một khi học xong thì đến lúc họ cần bước đi tiếp, đến lúc họ buông bỏ viễn kiến đó về người tâm linh.

Cũng có nhiều người tâm linh đang đầu thai hiện nay đã từng đầu thai trong những kiếp trước trong khung cảnh tu viện hay tịnh thất. Con đã là một người tâm linh trong nhiều kiếp rồi, do đó con đã tự động hướng về lối sống mà thuở đó có vẻ là lối sống tâm linh nhất. Nhiều người trong các con có những lý tưởng mà con đã đem theo từ kiếp này sang kiếp khác, rằng: “Là người tâm linh thì tôi phải sống như thế nào?” Gần như là con bị thúc ép phải sống lối sống tâm linh đó.

Con thấy có biết bao người, chẳng hạn ở phương Tây, gần như quỳ xuống tán dương khi họ gặp các vị lạt ma hay đạo sư từ phương Đông. Họ nghĩ các vị này chắc hẳn đang có một đời sống tâm linh quá tuyệt vời so với những gì họ có được ở phương Tây. Họ nghĩ mọi chuyện ở phương Tây đều phản tâm linh nhưng các vị lạt ma kia, với dáng đi khoan thai trong áo cà sa tha thướt đủ màu, mới là những người tâm linh đích thực. Họ nghĩ là mình phải cố bắt chước theo và cũng sống như thế. Con yêu dấu, thày không bảo là con không nên làm vậy – nếu đó là Sứ vụ Thiêng liêng của con. Thày chỉ muốn gợi cho con là nếu Sứ vụ của con có ghi là con trở thành một vị lạt ma thì có lẽ con đã không hiện thân tại phương Tây.

Tại sao con đã đầu thai tại phương Tây? Chẳng phải con đã thấy đó là cách hay nhất để con giúp đẩy mạnh Thời Hoàng kim của Saint Germain hay sao? Cho nên con hãy khởi sự đi chứ! Hãy với lên viễn quan chỉ ra cho con thấy làm thế nào con có thể giúp thị hiện Thời Hoàng kim ngay nơi con đang sinh sống, thay vì du hành sang Ắn độ, du hành sang Tây tạng hay nhập vào tu viện, nhập vào tịnh thất nơi con có thể cách ly khỏi thế giới Tây phương.

8.18. Con yêu gì hơn?

Thày không đang bảo con làm điều gì mà con không muốn làm trong tâm cao hơn của con. Có thể thày đang bảo con làm điều gì mà tâm vỏ ngoài của con không muốn làm. Đó là tại sao giờ đây con đối mặt với sự chọn lựa trên Tia thứ Ba của Tình thương: “Con yêu cái gì hơn?” Liệu con yêu tâm vỏ ngoài, viễn kiến vỏ ngoài, hay con yêu Hiện diện TA LÀ và viễn quan mà con đã đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng của con? Đó là viễn quan mà chính con đã đặt vào đó khi con có tầm nhìn rộng rãi hơn tầm nhìn của con trong lúc này.

Điều thày nói với con là nếu con chịu dùng bài giảng này, con thật sự có khả năng xoay chuyển nhãn quan của con. Con có khả năng giải thoát khỏi nỗi ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsion) của những viễn kiến và mục tiêu vỏ ngoài đó, những mộng mơ đó. Con sẽ có khả năng đạt được minh mẫn về thực tế thiết thực mà con đã đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng. Con yêu dấu, con yêu gì hơn? Những lý tưởng xa vời có thể sẽ chẳng bao giờ thành hình hay thực tế thiết thực mà con có thể cải thiện từng bước và từng bước? Chúng ta vừa nói đến khoảng cách. Quá nhiều người tâm linh tuy thấy được khoảng cách nhưng khoảng cách cứ còn đứng mãi ở đó, là vì họ ngồi chờ cho đến khi họ nhìn thấy một bước tâm linh rõ ràng để mà bước tới. Nhưng họ lại coi nhẹ và từ chối rất nhiều những bước nhỏ thiết thực mà họ đã có thể đi theo để cải thiện đời họ.

Có câu ngạn ngữ cổ xưa bảo rằng nếu con ngước mắt lên trời và cố với lấy các vì sao thì ít ra tay con sẽ không bị lấm đầy bùn. Con yêu dấu, nếu con nhìn lên các vì sao mà lại coi nhẹ tất cả những con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn dưới này, thì có ich gì cho con? Sẽ chẳng tốt hơn hay sao nếu con nhập cuộc và làm bẩn tay, nhưng đồng thời con cũng khám phá ra những cách cải thiện đời mình và xích lại gần hơn với những gì con đã viết trong Sứ vụ của con?

8.19. Khoảng cách trong tâm vỏ ngoài

Khi con thảo Sứ vụ Thiêng liêng, con nhìn thấy con sẽ khởi đầu kiếp sống ở mức nào. Con cũng đặt ra một mục tiêu thực tế cho những gì con có khả năng đạt được trong kiếp này, những mức tăng triển mà con có thể vượt qua. Nói cách khác nếu chúng ta dùng hình ảnh 144 tầng tâm thức, con có thể nói là con khởi đầu ở tầng 56 và con có thể lên tới tầng 120. Giữa tầng 56 và 120 có một khoảng cách to lớn, phải không con? Có thể con không hình dung được khoảng cách lớn thế nào nhưng nó rất lớn. Thực tế là con có thể lấp được, nhưng con sẽ làm thế nào đây? Liệu con sẽ nhảy bổng từ tầng 56 vì con đã phát hiện ra một công thức bí mật trong sách cũ? Hay là con sẽ đạt đến tầng 120 bằng cách trước tiên leo lên tầng 57, rồi tâng 58, rồi tầng 59 và cứ thế?

Con có thấy tại sao trong tâm vỏ ngoài có một khoảng cách? Đó là vì con đã không ngó ngàng gì đến những bước nhỏ sẽ dẫn con tới mục tiêu, hay con có một mục tiêu hoàn toàn không thực tế cho nên con không thể sắp đặt một chuỗi bước nhỏ dẫn đến mục tiêu. Rất nhiều người tâm linh có một mục tiêu trong tâm vỏ ngoài hoàn toàn không thực tế. Không một ai, kể cả thày, có thể đưa họ đến mục tiêu từ nơi họ đang đứng và đề ra một tiến trình hợp lý, thực tiễn gồm những bước khả thi sẽ dẫn họ đến muc tiêu. Đơn giản là không có cách nào để tới đó. Đây là tại sao sa nhân đã dựng lên những mục tiêu này vì chúng biết là không ai có thể đạt được. Và do đó người ta cứ không ngừng chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng rồi bị bất mãn, thất vọng – và đó chính là điều sa nhân mong muốn. Thày không muốn con bị bất mãn, thất vọng. Thày muốn con được thỏa nguyện khi con biết rằng mình đang làm theo tất cả những bước nhỏ trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Đó là điều thày mong muốn thấy. Đó là điều tất cả các thày đều mong muốn thấy.

Nói thật, liệu con có tin là các thày đã thảo ra nguyên khoá tu này để khi con hoàn tât, con vẫn thấy một khoảng cách và con cảm thấy thất chí? Các thày muốn con khép lại khoảng cách đó. Các thày muốn con nhận ra đường tu là vấn đề bước đi từng bước khả thi một, hầu con được toại nguyện ở tầng mức hiện tại của con. Thày Nada đã nỗ lực rất nhiều để giúp con đến được tầng này, và các vị Thượng sư kia cũng đã đề cập tới điểm này. Thày cũng đề cập vì mục đích của các thày là giúp con đạt tới điểm nơi khoảng cách không còn nữa. Con bằng lòng khi con làm những gì con có thể làm và tiếp tục bước tới cho đến khi con đạt mức cao nhất mà con có thể đạt được trong Sứ vụ Thiêng liêng, có lẽ còn đi xa hơn nữa.

Đối với một số các con, điều đó có nghĩa là con sẽ đạt đến tầng 144 trong kiếp này. Đó là mong muốn của các thày, con yêu dấu. Chắc hẳn con có thể cảm thấy thày hứng khởi như thế nào, phải không? Thày hy vọng con cũng xoay chuyển được và con hứng khởi là mình thực tiễn, thay vì hứng khởi về một mơ mộng viển vông sẽ không bao giờ thị hiện.

Con thấy đó, con yêu dấu, thị hiện tức là có một viễn quan thực tế về những gì mình có thể thị hiện, dựa trên hoàn cảnh cá nhân của mình và hành tinh nơi mình sống. Có những avatar đã bị sa nhân đánh lừa khiến họ chấp nhận viễn kiến về những gì họ muốn thị hiện. Viễn kíến này thực tế trên một hành tinh tự nhiên, nhưng nó không thực tế trên địa cầu – một lần nữa, giống như chuyện chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng. Thày muốn con tìm thấy vàng thực kìa, là viễn quan  trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Vàng đó sẽ đến với con, một hạt nhỏ rồi lại một hạt nhỏ, chứ không phải cái hũ vàng nằm nguyên con ở đó. Con hãy bước theo những bước nhỏ đó. Bước từng bước một, và con sẽ đến nơi con muốn đến. Đó chính là điều thày muốn cho con.

Trên địa cầu có gì thực chăng?

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 11/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain, và cho phần thứ hai của công việc con đang làm tại khóa nhập thất của thày, thày mong muốn con xem xét trong tâm ý thức: “Cái gì thực và cái gì không thực?” Hiển nhiên suốt hàng thế kỷ, các triết gia đã thảo luận và tranh cãi rất nhiều về bản chất của thực tại, về cái có thể xem là thực và cái không thể xem là thực. Hãy để thày cho con một cái nhìn thực tiễn hơn.

6.1. Phòng máy giả thực tại

Khi con tham dự khóa nhập thất của thày ở tầng này, thày có một căn phòng đặc biệt để con vào thăm. Đó là một căn phòng không những hình tròn mà bên trong nó giống một quả cầu, có nghĩa là con có thể nhìn khắp chung quanh những gì được chiếu lên tường từ bên trong. Các bức tường này tạo thành một màn hình trên đó thày có thể chiếu lên bất cứ hình ảnh nào. Điểm quan trọng trong phần thực tập này khi con bước vào phòng – và tất nhiên thày biết, con không đang ở trong cơ thể vật lý mà trong thể bản sắc của con – là con sẽ có trải nghiệm mình ở trong một thế giới thực.

Không có gì ở đó cho phép con nhận ra là con không đang ở trong một thế giới thực. Ở khởi đầu của bài tập, con nghĩ, con cảm thấy, con trải nghiệm là con ở trong một thế giới thực. Sau khi con tiến xa hơn trong bài tập, các thày dạy con là có những cách thức để con có thể, chỉ bằng quyền năng của tâm mình, ảnh hưởng những gì được chiếu lên bên trong quả cầu. Nói cách khác, con nhận ra là con ở trong một thế giới không thực như nó hiện ra lúc đầu khi con mới bước vào. Nó không hoàn toàn thực theo nghĩa nó được tạo dựng bởi một lực bên ngoài không liên quan gì tới tâm con. Nó không thực theo nghĩa mà con thường coi là “thế giới thực” trên địa cầu khi con nghĩ thế giới đó không thể bị quyền năng của tâm ảnh hưởng.

Từ từ con học được là con thật sự có khả năng sử dụng quyền năng tâm mình để ảnh hưởng cái có vẻ là một thế giới thực. Bây giờ khi con thực tập bài học này, thày cần con suy ngẫm điểm này với tâm ý thức. Lẽ tự nhiên, thày không mong mỏi con đạt được kết luận là không có gì trong cõi vật lý là thực. Có những người, ngay cả một số đệ tử tâm linh, bỗng nhiên nghi ngờ mọi thứ trong thế giới vật lý là thực, và thường khi họ rơi vào một khủng hoảng bản sắc có thể dẫn họ vào cả bệnh viện tâm thần. Điều đó, tất nhiên, không phải là điều thày muốn thấy cho con. Vì vậy chúng ta sẽ xét xem khi chúng ta bảo cái gì đó là thực hay không thực, thì điều đó có nghĩa là gì.

6.2. Thực tại có nghĩa là gì?

Sự phân chia mà thày muốn thiết lập ở đây, như con biết rất rõ vì con là học trò của chân sư thăng thiên, là con không sống trong một thế giới chỉ có con người sinh sống. Con không một mình, con sống với bảy tỷ con người khác, nhưng con cũng biết có những loại sinh thể khác trong thế giới nơi con sống. Có các chân sư thăng thiên, có các Elohim, có các thiên thần và đại thiên thần, và có Đấng Sáng tạo ở trên đỉnh kim tự tháp. Sự phân chia mà thày muốn làm là như sau: Những gì đã được tạo ra bởi những sinh thể ở một mức tâm thức cao hơn con người, là thực. Nói cách khác, những gì do các chân sư thăng thiên, các Elohim tạo ra là thực, theo nghĩa là nó không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của quyền năng tâm con người.

Các thày đã ban cho con nhiều lời dạy về tiến trình sáng tạo vũ trụ, sáng tạo các bầu cõi khác nhau. Các thày có nói là hành tinh địa cầu được tạo ra bởi bảy sinh thể tâm linh gọi là Elohim. Các đấng ấy đã chung sức với nhau, sử dụng uy lực đồng sáng tạo để sinh tạo hành tinh này. Họ đã sinh tạo địa cầu trong một trạng thái thuần khiết hơn, cao hơn những gì con thấy được ngày nay. Tạo vật nguyên thủy đó của các Elohim, khuôn đúc nguyên thủy mà các Elohim đã quy định cho địa cầu, chúng ta sẽ gọi đó là thực trong bài tập này. Nó mang thực tại ở trong nó. Thậm chí con có thể đi lên những tầng cao hơn, và tất nhiên, có nhiều sinh thể thăng thiên vượt cả tầng cấp các Elohim đã lập dựng địa cầu. Có những bầu cõi khác nhau đi tuốt lên tới mức của Đấng Sáng tạo.

Tuy vậy, vấn đề ở đây đơn giản là như sau: Trong vũ trụ mà con đang sống, ngay cả trong cõi vật lý, có những thứ đã được tạo ra bởi những sinh thể ở một trạng thái tâm thức thăng thiên. Nói cách khác, đó là những sinh thể thường hằng, không ở trong nhị nguyên, không tự xem mình là sinh thể tách biệt, và hợp nhất với tổng thể. Các sinh thể này đã lập ra một số cấu trúc trong thế giới nơi con sống, và trong khuôn khổ bài tập này, chúng ta sẽ định nghĩa các cấu trúc đó là thực. Dựa trên định nghĩa này, chắc chắn là có một số khía cạnh của địa cầu là thực. Tự thân hành tinh này có một thực tại nào đó, và một số đặc tính và nét đặc trưng của hành tinh này cũng có một thực tại nào đó.

6.3. Làm thế nào địa cầu đã trở thành địa cầu hôm nay

Tuy nhiên, bây giờ chúng ta cần xác định một sự khác biệt vì con cũng biết địa cầu không còn ở trạng thái nguyên thủy, trạng thái trinh nguyên nữa. Địa cầu không trong cùng trạng thái như khi các Elohim tạo lập. Điều này có nghĩa là chúng ta cần xét xem làm thế nào hành tinh đã bước vào tình trạng hiện thời, trạng thái hiện thời. Các thày đã giải thích là sự thể này đã điễn ra  trong một khoảng thời gian rất, rất đài, và khi hành tinh được sinh tạo lúc ban đầu, đã có mấy đợt sóng sinh lực của những vị đồng sáng tạo đi xuống điạ cầu. Các vị này nay đã thăng thiên khỏi địa cầu, nhưng khi còn ở đây, họ đã xây đắp thêm trên nền tảng của các Elohim và biến hành tinh này thành một hành tinh đẹp hơn nữa, sắc nét và chi tiết hơn nữa. Họ đã đồng sáng tạo địa cầu.

Các thày cũng có giải thích là ở một thời điểm, một khúc ngoặt đã xảy ra khi ngày càng nhiều dòng sống đến hiện thân trên điạ cầu bắt đầu rơi vào trạng thái tách biệt và nhị nguyên. Lần hồi, họ khởi sự một vòng xoáy ốc hướng hạ dẫn đến tình trạng hiện nay. Những đợt sóng đó, những dòng sống đó, đã phản-sáng-tạo địa cầu bằng cách kéo nó xuống khỏi tầng cấp của các Elohim, cho nên ngày nay địa cầu ở dưới tầng cấp đó khá xa.

Điều con nhận ra ở đây là khi các thày định nghĩa những gì do các sinh thể thăng thiên tạo ra là thực, thì so với cái thực đó, các thày cũng cần gọi những gì mà các sinh thể chưa thăng thiên phản-sáng-tạo là không thực. Có nghĩa là theo định nghĩa này, rất nhiều điều kiện và đặc điểm mà con hiện chứng kiến trên địa cầu là không thực. Tất nhiên, chúng ta có thể có những cách định nghĩa khác về thực lẫn không thực, nhưng dựa trên định nghĩa này, các thày cần nói là hầu hết các điều kiện mà con thấy trên trái đất ngày hôm nay đều là không thực.

6.4. Những gì không thực có thể được thay đổi

Tại sao phân biệt như vậy lại quan trọng? Bởi vì nhờ đó, con có thể bắt đầu dần dần chuyển đổi thái độ của mình, cách nhìn của mình về cuộc sống, và nhận ra rằng rất nhiều hạn chế mà con thấy chung quanh con, rất nhiều giới hạn mà con đã phải đương đầu từ khi con hiện thân lần đầu tiên trên địa cầu – và chắc chắn trong kiếp này nữa – đều không thực theo nghĩa tối hậu. Mặc dù việc phân biệt như thế là quan trọng, nhưng con sẽ có thể nói từ một quan điểm hoàn toàn thực tiễn: “Phân biệt như vậy không quan trọng lắm vì dù các điều kiện trên địa cầu có thực hay không thực, thì chúng vẫn hiện diện ở đây và con vẫn bị chúng tác động.” Tất nhiên, điều này hoàn toàn đúng thôi, nhưng liệu cách suy nghĩ thực tiễn như vậy có thật là cách duy nhất, hay là cách cao nhất mà con có thể áp dụng hay không?

Con thấy đó, con yêu dấu, khi con lớn lên – trong cả kiếp này lẫn những kiếp trước – con đã bị lập trình để chấp nhận rằng những gì hiện có trên trái đất là thực. Con đã bị lập trình bởi cha mẹ, bởi gia đình, bởi người đời trong xã hội, thậm chí bởi cả những định chế trong xã hội của con, để chấp nhận các điều kiện hiện hành là thực, Chúng biểu trưng cho một thế giới có thực, nghĩa là con không có quyền hạn trong tâm con để thay đổi chúng. Đây là niềm tin mà thày cần con khởi sự tra vấn.

6.5. Làm thế nào một cái gì đó được tạo ra

Để làm vậy, chúng ta cần đi một bước thật đơn giản. Chúng ta cần tự hỏi (như các thày đã có giảng dạy trước đây) làm thế nào một cái gì đó được tạo ra? Các thày đã từng nói là chỉ có Đấng Sáng tạo mới có quyền năng sáng tạo từ hư vô – nếu có thể nói như vậy. Các triết gia và khoa học gia đã từ lâu tranh luận về câu “sáng tạo từ hư vô” này và họ đã đi đến một số kết luận khác nhau. Sự thật là Đấng Sáng tạo có quyền năng tạo ra thế giới nơi con sinh sống, quy định các thông số cho thế giới này, và tạo ra “chất” (the substance) từ chính Bản thể của ngài. Nói cách khác, trước khi Đấng Sáng tạo bắt đầu sáng tạo, không có gì hiện hữu – không có thế giới, không có cả khoảng trống nơi bất cứ gì có thể được tạo lập.

Con sẽ có thể nói, không nhất thiết là “không có gì”, bởi vì các thày có dạy con về cái gọi là Tất Cả. Dù vậy, so với những thứ được xác định trong vũ trụ của con, thật là không có “vật gì” khi Đấng Sáng tạo bắt đầu sáng tạo. Ngược lại thì tất cả những sinh thể khác trong cõi nơi con sống, trong thế giới hình tướng nơi con sống, đều là những sinh thể đồng sáng tạo. Họ không sáng tạo từ hư vô. Họ sáng tạo dựa trên những gì Đấng Sáng tạo đã sáng tạo.

Con đồng sáng tạo như thế nào? Con đồng sáng tạo bằng cách hình thành những hình ảnh, những khuôn đúc trong tâm con. Dù tâm con có như thế nào và tùy theo trình độ đồng sáng tạo của con, con hình thành những hình ảnh đó trong tâm mình, xong con phóng chiếu chúng lên chất cơ bản mà Đấng Sáng tạo đã tạo ra để cho con một cái gì mà từ đó con có thể đồng sáng tạo. Vì những lý do thực tiễn, các thày đã gọi chất đó là Ánh sáng Mẫu-Vật. Con hình thành một hình ảnh trong tâm – trong trường hợp của con, qua trung gian bốn tầng cấp của tâm – và con phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

Chúng ta có thể nói, ngay cả các Elohim khi sinh tạo trái đất cũng đã đồng sáng tạo theo cách đó. Các Elohim cũng đã thiết lập những hình ảnh trong tâm mình, phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và với thời gian qua một số lần lặp lại nhịp nhàng, họ đã làm thị hiện trái đất. Cách đó không giống như người ta thường hiểu về sự sáng tạo, là có một loại vật chất vật lý nào đó mà các Elohim đã sử dụng để tạo ra trái đất.

Địa cầu được thị hiện theo nghĩa là trước tiên các Elohim đã tạo ra một hình ảnh của địa cầu nơi cõi bản sắc. Đây là một hình ảnh phức tạp, dựa trên cả bảy tia sáng tâm linh, với mỗi Elohim đại diện cho một tia sáng. Các Elohim đã có hình ảnh này, rồi xây dựng nó lần hồi, củng cố nó, khiến nó rung động ở một mức nhất định (hay cũng có thể nói, ở một độ rung, một tần số nhất định), sau đó đã sử dụng chính rung động này để đẩy khuôn đúc của mình xuống cõi lý trí. Ở đây, các Elohim đã bổ sung cho khuôn đúc, khiến nó thêm chi tiết ở mức lý trí, xong cuối cùng khiến nó rung động ở một mức khác hơn trước khi đẩy nó xuống cõi tình cảm. Một lần nữa ở cõi tình cảm, các Elohim lại làm việc như vậy với khuôn đúc, khiến cho nó chi tiết hơn nữa, khiến cho nó – theo một nghĩa nào đó – năng hoạt hơn, rồi lại gia tăng rung động của khuôn đúc cho tới khi đẩy nó xuống cõi vật lý.

Có thể con sẽ nói, dựa trên những gì con đã được dạy dỗ trong kiếp này: “Vậy chứ quá trình tiến hóa thì để đâu?” Quá trình tiến hóa không hề bị loại bỏ, vì những gì các Elohim đẩy xuống cõi vật lý vẫn chưa là một hành tinh đã được hoàn tất, theo nghĩa là đã có đủ tất cả mọi dạng sống mà con thấy ngày nay hay đã thấy trong quá khứ. Tuy nhiên cái mà các Elohim đẩy xuống cõi vật lý là một hành tinh, dù không có đúng kích thước hiện thời, nhưng ít nhất đã có cái khuôn đúc cơ bản mà con tìm thấy ở mọi hành tinh, ngay cả ở trái đất hiện thời. Như thày vừa nói, cái đó phần nào khác hơn, nhưng nó đã được đẩy xuống cõi vật lý và đã không xuất hiện lần hồi trong cõi vật lý. Không phải là bụi vũ trụ đã lần hồi tụ lại để hình thành trái đất, mà trái đất trong khuôn đúc cơ bản của nó đã được đẩy xuống cõi vật lý, và nếu con nhìn quá trình này ở mức giác quan vật lý thì nó đã xuất hiện ra – trong nghĩa đen – từ “hư vô”. Sau khi khuôn đúc cơ bản của trái đất được đẩy xuống cõi vật lý thì từ từ một quá trình tiến hóa đã khởi sự, cũng do các Elohim hướng dẫn. Rồi sau một khoảng thời gian rất, rất dài, quá trình lần hồi đó đã tạo ra một trái đất đầy đủ điều kiện sinh sống cho các làn sóng của những dòng sống đầu tiên.

6.6. Vật chất không thực

Điều mà thày đang trao cho con ở đây là một ý niệm vô cùng quan trọng. Ngay cả những gì thày gọi là thực vẫn là do một cái tâm tạo ra, hay trong trường hợp này, do bảy cái tâm tạo ra. Con có thể thấy trong thế giới ngày nay, người ta có một triết lý duy vật bảo rằng không có gì hiện hữu ngoài thế giới vật chất. Triết lý này cũng bảo tâm con là một sản phẩm của những tiến trình vật chất trong bộ não của con. Ý tưởng, cảm xúc của con đều là sản phẩm của tiến trình vật chất trong bộ não. Có nghĩa là theo triết lý duy vật, tâm thật ra không có thực – mà chỉ vật chất mới có thực. Việc chúng ta xem xét điểm này quan trọng là vì con không thể lớn lên trong thế giới hiện đại mà không bị nó ảnh hưởng. Có thể nói, có một con quái vật vô cùng hùng mạnh trong tâm thức tập thể tin rằng chỉ có những gì mang chất vật lý mới là thực.

Điều thày cố chỉ ra cho con ở đây là trên thực tế, không có vật chất. Vật chất không hiện hữu như một chất riêng biệt vì vật chất đã được tâm tạo ra. Vật chất là một tạo vật của tâm. Con thấy không, điều mà các nhà duy vật muốn con tin – vì đó cũng là điều họ tin, hay đúng hơn hầu hết bọn họ, nếu chúng ta bỏ ra các sa nhân chỉ sử dụng triết lý duy vật để mà khuynh loát con người – là có một quá trình đã đem vật chất vào hiện hữu. Và một khi vật chất đã được đem vào hiện hữu, nó sẽ tiếp tục hiện hữu mãi mãi hoặc trong một thời gian rất dài. Nói cách khác, vật chất có một thực tại nào đó, và thực tại này hiện hữu độc lập với tâm. Điều mà các nhà duy vật đó muốn con tin là tâm con chỉ có thể là chủ quan, nhưng vật chất thì khách quan. Vật chất có một hiện hữu khách quan, độc lập với tâm.

Lý do chúng ta xem xét ảo ảnh này quan trọng là vì, tất nhiên, nó đã được sa nhân chế tạo ra. Nó đã được chế tạo ra vì một mục đích rõ ràng là tước mất quyền năng của quần chúng. Toàn bộ mục đích của triết lý duy vật là khiến cho mọi người tin rằng tâm mình không có quyền năng thay đổi vật chất. Do đó, một khi trái đất đã ở trong một tình trạng nào đó, một khi vật chất đã rơi xuống một độ dày đặc nào đó, thì không có gì mà loài người có thể làm được để thay đổi sự thể. Chuyện chỉ có thể là như thế vì mọi điều kiện hiện thời đã được tạo nên bởi những định luật tự nhiên khách quan, vượt trên mọi cá nhân, mà không sức mạnh nào của con người có thể thay đổi được.

Con có thể quay sang đối cực ngược lại là tôn giáo truyền thống, và tương tự, con cũng có thể thấy một triết lý đang tước mất quyền năng con người. Người ta bảo con là toàn bộ thế giới đã được sinh tạo bởi Thượng đế, thậm chí Thượng đế Toàn năng. Và đương nhiên, điều này có nghĩa là các điều kiện hiện hành trên trái đất đã được Đấng Sáng tạo Toàn năng tạo ra – một lần nữa lại có nghĩa là tâm con người, ngay cả tâm của tập thể loài người, cũng không có quyền năng thay đổi được.

Con thấy rõ là con đã lớn lên trong một xã hội mặc dù có hai đối cực có vẻ trái ngược nhau, nhưng cả hai lại thật sự giống nhau ở điểm là cả hai đều tước mất quyền năng của con. Cả hai đều truyền bá một triết lý bảo rằng nhân loại không có quyền năng thay đổi các điều kiện hiện hành trên trái đất. Một triết lý như vậy chỉ có thể đến từ sa nhân, và đó là tại sao con cần xem xét điểm này rất cẩn thận. Con cần khởi sự tra vấn tại sao con lại tin vào chuyện đó, liệu nó thực hay không, cho tới khi nào con đạt đến kết luận – không dựa trên suy luận trí thức mà dựa trên một kinh nghiệm nội tâm trực nhận – rằng nó không thật. Làm thế nào con sẽ đến được kết luận đó? Vì khi con tham dự khóa nhập thất của thày, con kinh nghiệm được là cả tôn giáo truyền thống lẫn khoa học duy vật đều không thật. Các kết luận, các triết lý của họ, không thật. Điều duy nhất mà con cần làm là đưa điều này xuống tâm ý thức của con hầu con có thể, trong một sáng ngộ trực giác như ánh chớp, kinh nghiệm thực tại ở đây. Thày cũng biết một số các con đã thực hiện được điều này, nhưng dù sao đi nữa, thật không có gì sai trái nếu con có trải nghiệm thần bí mấy lần, và như vậy con lần hồi tăng cường cảm nhận là họ sai lầm khi họ bảo tâm không thể ảnh hưởng vật chất.

6.7. Tại sao tâm có khả năng ảnh hưởng vật chất

Tại sao tâm có khả năng ảnh hưởng vật chất chứ? Tại vì ngay từ đầu, toàn bộ vũ trụ vật chất là do tâm tạo ra, do tâm của các Elohim và sinh thể tâm linh khác tạo ra. Kể từ khi địa cầu bước vào một vòng xoáy hướng hạ, rất nhiều điều kiện mà con chứng kiến trên địa cầu cũng là do tâm tạo ra, tức là tâm tập thể của nhân loại. Tâm tập thể này phần lớn đã bị sa nhân đánh lừa và khuynh loát sau khi chúng bắt đầu đầu thai ở đây. Giờ đây con có vòng xoáy hướng hạ này trong đó tâm thức tập thể, do sa nhân sai khiến, dần dần kéo địa cầu xuống một mức ngày càng thấp hơn. Sự kiện này mang một số hệ quả, kể cả những xung đột, thiên tai cùng nhiều sự mất quân bình khác trong thiên nhiên. Nhưng trước tiên, nó khiến cho vật chất dày đặc hơn, vì trước khi vòng xoáy hướng hạ này khởi sự, vật chất không đến nỗi dày đặc hơn bây giờ – qua đó thày muốn nói là vật chất từng rung động ở một độ rung cao hơn. Tại sao điều này lại quan trọng? Vì vật chất càng dày đặc thì tâm sẽ càng khó lòng thay đổi vật chất hơn.

Con có hiểu chăng sa nhân đã làm gì? Chúng đã – trong nghĩa đen – thiết lập một tiến trình qua đó chúng đã đánh lừa và thao túng để loài người kéo thấp tâm thức tập thể xuống và do đó cũng khiến cho vật chất dày đặc hơn. Sa nhân được hưởng lợi như thế nào? Chúng có lòng sốt sắng bất tận muốn khuynh loát, kiểm soát, tàn phá và giết hại người khác qua những phương thức vật lý. Cho nên vật chất càng dày đặc thì công việc kiểm soát nhân loại của chúng càng dễ dàng hơn. Vì khi vật chất càng dày đặc thì loài người càng ít khả năng cưỡng lại chúng qua quyền năng của tâm, và do đó chỉ còn cách cưỡng lại qua những phương tiện vật lý mà thôi. Trong địa hạt này, sa nhân luôn luôn có mòi chiếm được thế thượng phong vì chúng sẵn sàng ra tay làm những chuyện mà các cư dân nguyên thủy của địa cầu cũng như những các avatar đã đến địa cầu sau đó không sẵn sàng làm. Cả hai nhóm người này không sẵn lòng giết hại vô số sinh mạng hầu, chẳng hạn, tăng cường thế lực cho một đế quốc, một chủ thuyết chính trị hay một tôn giáo nào đó. Nhưng sa nhân thì sẵn sàng làm chuyên này, và chúng cũng sẵn sàng tiêu diệt những cá nhân nào chống đối chúng. Vì thế mà chúng mới giành được thế thượng phong.

Khi vật chất bớt dày đặc, khi con người nhận thức rõ hơn về quyền năng của tâm mình, sa nhân sẽ không có được cùng những cơ hội để giành lấy quyền kiểm soát. Điều mà sa nhân đã làm là, trong nghĩa đen, chúng đã tìm ra cách kéo vật chất xuống độ dày đặc hiện tại. Và giờ đây, điều mà chúng cố làm với triết lý của chúng trong tôn giáo lẫn trong chủ nghĩa duy vật, là tìm cách khiến cho nhân loại chấp nhận vật chất không bao giờ có thể được nâng lên một độ rung cao hơn, và các điều kiện hiện thời không bao giờ thay đổi được trong cốt lõi, bởi vì: “Mọi chuyện là như vậy đó, không có gì ta có thể làm được để thay đổi. Chắc chắn không có gì ta có thể làm được để thay đổi qua quyền năng của tâm.”

6.8. Hóa giải lập trình trên chính mình

Con yêu dấu, đó là một tâm thức vô cùng thuyết phục đã được áp đặt lên hành tinh này từ quá lâu rồi (ít ra là tôn giáo) và nó đã tác động đến tâm thức tập thể đến độ con không thể khôn lớn ở đây mà không bị nó ảnh hưởng. Điều con cần làm bây giờ là khởi sự giải hóa bản thân khỏi sự lập trình mà con đã nhận lãnh suốt những năm tháng lớn lên, cả trong kiếp này lẫn những kiếp trước. Đây không phải là một công việc con có thể hoàn thành trong một ngày. Thày không yêu cầu con nghĩ rằng sẽ đến một điểm khi đùng một cái, con sẽ bỗng dưng giải thoát khỏi tâm thức đó. Tất nhiên là điểm đó sẽ đến, nhưng nó sẽ không xảy ra trong vòng năm phút. Thày cần con nỗ lực làm việc trên chuyện này, và thày cần con nhận ra là con có những phàm linh nội tại tin tưởng vào sự lập trình đó và con sẽ cần thời gian để tháo gỡ chúng đi.

Dù sao thì thày cũng cần con thực hiện sự xoay chuyển đó ở đây, trong tâm ý thức của con, qua đó con bắt đầu nhận ra là có một sự phân biệt mà con cần làm khi con xem xét các điều kiện vật lý trên trái đất. Trước hết, có một số điều kiện mà tâm con người không có quyền năng thay đổi. Để nói cho đơn giản, khi các Elohim tạo lập trái đất, trái đất tròn. Trong tâm con người không có quyền năng thay đổi hình tròn của trái đất cho dù mọi người trên hành tinh có cố gắng biết mấy với quyền năng tâm mình để biến nó thành hình bầu dục – chuyện này không thể. Con người không thể lật bỏ khuôn đúc cơ bản.

Tuy nhiên, rất nhiều điều kiện khác trên địa cầu, kể cả như thày đã nói, độ dày đặc của vật chất (thày biết điểm này rất khó cho con hình dung, nhưng dù sao thì nó vẫn đúng) có khả năng được thay đổi qua quyền năng của tâm. Điều quan trọng là con bắt đầu làm cuộc xoay chuyển, trên cơ bản con bắt đầu nhận ra, ít nhất con bắt đầu suy ngẫm, rằng bất kỳ điều kiện nào mà con gặp đều mang tiềm năng chuyển đổi qua quyền năng của tâm. Câu hỏi mà giờ đây con cần suy ngẫm là: “Chúng ta đang nói về cái tâm nào?”

6.9. Tâm cá nhân và tâm tập thể

Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa tâm cá nhân và tâm tập thể. Thày đã nói là độ dày đặc hiện thời của vật chất đã được tạo dựng trong một khoảng thời gian rất dài bởi tâm tập thể bao gồm tất cả mọi sinh thể đang đầu thai trên hành tinh, không những ở một thời điểm nhất định mà suốt một quá trình rất dài. Là một cá nhân, con sẽ làm sao đây để lật ngược lại? Phải, đương nhiên là một cá nhân, con không có quyền năng lật ngược lại tâm tập thể của tất cả mọi người.

Con có thấy thày đang dẫn con đến đâu? Thày đang cố dẫn con đến điểm con nhận ra là thày đang ở một thế cân bằng rất tinh tế. Một mặt, thày cần giúp con bắt đầu tra vấn những gì con đã được dạy dỗ. Thày cần con bắt đầu nhận ra vật chất là một tạo vật của tâm. Nhưng mặt khác, thày cũng cần con đừng rơi vào những mộng ảo quyền năng vĩ đại mà thày Nada đã có nói đến, là khi quá nhiều người tâm linh hay đệ tử Thời mới, kể cả đệ tử của chân sư thăng thiên, tin rằng một ngày kia mình sẽ đạt được quyền năng của tâm to lớn đến độ mình chỉ cần búng ngón tay là thay đổi trên trái đất sẽ xảy ra như trong phép lạ.

Thày cần con lạc quan, nhưng một sự lạc quan thực tế, qua đó con không dựng lên một kỳ vọng mình sẽ làm được nhiều hơn là mình có thể thật sự làm được trong tư thế của một cá nhân. Nếu con cho phép mình bước vào những kỳ vọng thiếu thực tế đó, thì con đang đẩy mình vào con đường thất vọng. Có những cuốn sách và khóa học ở ngoài kia tuyên bố là chỉ cần một vài chương sách ngắn hay một vài ngày để họ dạy con cách làm kết đọng (precipitate) tiền của hay vàng bạc từ hư không. Tất cả những ai mua sách đó hay học những khóa đó rốt cuộc đều thất vọng vì họ không thể toại nguyện được kỳ vọng đó.

Ở tầng thứ hai này, thày cố gắng cho con sử dụng Tia thứ Hai của Minh triết để xây dựng một dự kiến thực tế về những gì có thể làm được. Con cần nhận ra ở đây là các điều kiện hiện hành trên địa cầu là do tâm tập thể tạo ra. Là một cá nhân, con không thể lật ngược tâm tập thể. Con không có quyền năng đó. Vì vậy thật là không thực tế nếu con dựng lên một kỳ vọng là con có thể học được một loại quyền năng cho tâm lật bỏ tâm thức tập thể. Điều này không chỉ đi ngược lại Luật Tự quyết, mà nó cũng không phải là quả vị Ki-tô.

6.10. Dự kiến thực tế

Con thấy đó, con yêu dấu, các sa nhân đã tìm ra cách đạt được một số quyền năng, ít ra ở một mức độ nào đó, để cưỡng ép hay lật bỏ tâm của tập thể. Đó là cách mà Adolf Hitler đã làm để lôi kéo đa số quần chúng nước Đức ủng hộ ông ta. Tuy vậy, không một sinh thể Ki-tô nào sẽ làm như thế, tất nhiên. Cho nên con thấy là ở vị thế một sinh thể Ki-tô, là một người đang bước chân trên con đường quả vị Ki-tô, con không có mảy may ham muốn nào thu hoạch quyền năng thao túng tâm tập thể, hay ngay cả tâm của đúng một người. Đó không phải là quan tâm của con. Do đó con cần lượng định một cách thực tiễn và nói: “Tôi có thể tập trung vào điều gì? Tôi có thể tập trung vào dự kiến nào tôi có thể thực hiện được khi đi theo những bước khai ngộ của Saint Germain?”

Và đây là gợi ý của thày. Khi con ngày càng bước lại gần hơn với tầng tâm thức 144, sẽ có một giai đọan khi con bắt đầu có những quyền năng của tâm khiến con có thể, ít ra là trong một bản địa giới hạn, thăng vượt độ dày đặc của vật chất. Nếu con xem xét một số lý lẽ được người ta đưa ra, con sẽ thấy chẳng hạn nhiều nhà duy vật sẽ tìm cách hết sức để phủ nhận các phép lạ của Giê-su. Thậm chí con thấy cả một số tín đồ đạo Cơ đốc phủ nhận, hay ít ra bỏ ngoài tai, những phép lạ của Giê-su. Tuy nhiên những công việc mà Giê-su đã làm có một ý nghĩa. Một số phép lạ (không phải mọi phép lạ được ghi chép trong kinh điển mà một số) quả là có thực, theo nghĩa là Giê-su đã thành công vượt qua độ dày đặc của vật chất – ví dụ như biến hóa một chất thành chất khác, làm yên cơn bão, đi bộ trên mặt nước, vân vân và vân vân. Đó là vì Gie-su đã gần đạt đến tầng tâm thức 144. Tất nhiên con cũng biết khóa tu này nhằm đưa con đến tầng 96, và sau tầng 96 vẫn còn một khoảng dài trước khi con lên được tầng 144. Ở mức này, thật là không thực tế nếu con xây dựng ý tưởng là khi con đạt đến tầng 96 thì con sẽ có thể thực hiện phép lạ như Giê-su. Con yêu dấu, chuyện này không thực tế lắm đâu.

Tuy nhiên, con đã thấy Giê-su làm gì khi thày thực hiện những việc gọi là phép lạ đó – thực sự không phải là phép lạ mà chỉ đơn giản là sự áp dụng định luật tự nhiên và quyền năng của tâm? Phải, điều thày Giê-su làm là hoặc thày đã chữa lành ở mức cá nhân, hoặc thày đã làm phép lạ mà không điều khiển tâm người khác. Khi thày biến nước thành rượu, thày đã biến hóa chất vật lý đó, nhưng thày không biến đổi tâm. Thày làm việc trên một chất vật lý chứ không trên tâm của người khác. Khi thày đi bộ trên mặt nước, thày đã không thay đổi tâm của các môn đệ, nhưng tất nhiên thày đã cho phép Peter vươn lên một mức tâm thức cao hơn để Peter cũng đi bộ được trên mặt nước cùng thày. Peter đã không duy trì được tâm thức đó và bắt đầu chìm xuống nước, và điều này cho con thấy là thật sự, việc nâng cao tâm thức của người khác một cách giả tạo không mấy ích lợi.

Đó là lý do tại sao các thày đang trao cho con một khóa học tuần tự sẽ dần dần nâng cao tâm thức con dựa trên chính nỗ lực của con, dựa trên việc xây dựng những chứng đạt nội tâm thay vì dẫn con vào một trạng thái hưng phấn chỉ kéo dài chốc lát vì nó không thể được duy trì. Điều mà Giê-su đã làm cho Peter thật ra là để chứng tỏ rằng một người ở một mức tâm thức thấp hơn có thể được tạm thời nâng lên, nhưng thật sự nó không đem lại tác dụng gì, vì như con cũng thấy sau phiên xét xử, Peter đã chối bỏ Giê-su tới ba lần cho dù ông đã được ban cho kinh nghiệm đó.  

Điều thày cần con làm ở tầng thứ hai này là xây dựng một dự kiến thực tế về những gì mình có khả năng làm được sau khi con hoàn tất khóa tu này. Thày muốn gợi ý cho con, trước tiên con hãy nhận ra là rất nhiều ước mơ mà người ta vẫn có – cho dù con là đệ tử của chân sư thăng thiên hay là người theo Thời mới hay cả những người bình thường – không thể được thỏa mãn trong khuôn khổ Định luật Tự quyết. Nếu con có ước mơ làm cho nhiều người thay đổi đời họ, hay cách hành xử của họ hay trạng thái tâm họ, thì ước mơ đó không nằm trong các thông số của Luật Tự quyết – trừ khi con có thể truyền cảm hứng cho họ làm như vậy. Nhưng rất, rất nhiều người lại mơ ước là chẳng hạn, mình có được quyền năng khiến cho ai nấy bị áp đảo bởi sức mạnh của tánh linh đến độ họ nhận ra nơi con quyền năng to lớn đó và con là nhân vật xuất chúng đó. Chuyện đó không hợp với Luật Tự quyết đâu con. Con thấy là Giê-su đã không làm như vậy ngoại trừ trong một vài trường hợp khi điều kiện rất khác.

Điều con nhận ra ở đây là con cần điều chỉnh kỳ vọng của mình hầu con không tự đặt ra cho mình một mục tiêu có dính dáng đến chuyện thao túng quyền tự quyết của người khác. Nếu con làm vậy, tất nhiên là con sẽ tạo nghiệp, và đây chính là điều có thể dẫn con tới điểm khi ở tầng tâm thức 96, con bị rớt trong cuộc khai ngộ quyết định mà thày đã có nói tới. Con sẽ tìm cách gia tăng quyền năng của mình thay vì tìm cách nâng cao toàn thể.

Ở đây thày cũng mong con xem xét là con muốn đặt ra cho mình một mục tiêu khả thi dựa trên các điều kiện hiện hữu trên trái đất, dựa trên sự kiện con không có khả năng khống chế tâm thức tập thể. Mục tiêu đó cũng cần “hợp pháp”, dựa trên sự cân nhắc về Luật Tự quyết, để con không tìm cách điều khiển tâm người khác. Có nghĩa là trong giai đọan này của đường tu, thày yêu cầu con tập trung thật sự vào một mục tiêu liên quan chủ yếu đến chính bản thân con, một mục tiêu không đòi hỏi người khác phải thay đổi tâm họ, cuộc đời họ hay cách hành xử của họ để thỏa mãn mục tiêu của con.

Thày cũng yêu cầu con xét xem con có thể làm gì để giúp thăng tiến Thời Hoàng kim của thày. Thày đã có nói ở đây là cuộc khai ngộ quyết định ở tầng 96 là liệu con có tiếp tục trụ tâm vào chính mình hay con sẽ bắt đầu tập trung vào toàn thể. Điều thày đang hướng dẫn con đi tới là con cần định ra một mục tiêu không đòi hỏi mình phải áp đặt quyền lực của mình lên người khác, nhưng đồng thời, mục tiêu đó cũng không quá tập trung vào hoàn cảnh cùng những điều kiện cá nhân của con, mà có được tầm quan trọng nào đó đối với toàn thể. Ở điểm này, thày yêu cầu con xem xét là việc đồng sáng tạo có hai yếu tố.

6.11. Hai khía cạnh của đồng sáng tạo

Khía cạnh alpha của đồng sáng tạo là con thị hiện một điều gì đó một cách trực tiếp – giống như thày đã có nói về các Elohim – dưới dạng một chất vật lý hiện ra từ “hư vô”. Trước đó thì không có chất vật lý nào cả, mà giờ đây lại có một hành tinh vật lý. Đây là thuật thị hiện bằng kết đọng (precipitation). Thày cũng yêu cầu con xem xét khía cạnh omega của đồng sáng tạo, là khi con nắm lấy các điều kiện đang hiện diện trên địa cầu và con cải thiện chúng.

Chẳng hạn, con có thể thấy là cho dù vòng xoáy hướng hạ đã từ rất lâu khiến cho vật chất dày đặc hơn cũng như đã kéo xã hội ngày càng thấp xuống hơn, vòng xoáy này đã được đảo ngược. Trong thời gian qua, nền văn minh đã đi vào một vòng xoáy hướng thượng và đã có nhiều tiến triển trong các điều kiện sinh sống. Đó phần lớn là lý do tại sao con có thể ngồi đây mà tận hưởng thú vui đọc một quyển sách. Con có thì giờ đọc quyển sách đó thay vì bỏ hết thì giờ ra cong lưng làm lụng trên đồng ruộng rồi lăn ra ngủ khi về tới nhà.

Đời sống đã cải thiện, nhưng làm thế nào chuyện đó đã xảy ra? Nó đã xảy ra phần lớn là vì một số người đã có khả năng hòa điệu với cõi thăng thiên và đem xuống những tư tưởng đã cải thiện một số điều kiện sống trên địa cầu. Khía cạnh alpha của đồng sáng tạo là sự kết đọng trực tiếp. Còn khía cạnh omega của đồng sáng tạo là đưa ý tưởng tử cõi thăng thiên xuống cõi vật lý.

Thày yêu cầu con, trước tiên, hãy định ra một mục tiêu cho bản thân hầu ở cuối khoá tu này, con ở trong một trạng thái tâm qua đó con có khả năng nhận được tư tưởng từ thày hay từ một chân sư thăng thiên khác mà con đã chọn, là những tư tưởng liên quan đến một lãnh vực đời sống mà con quan tâm đặc biệt. Nói cách khác, đây không phải là chuyện làm thị hiện của cải từ hư vô – đó không phải là muc tiêu của con lúc này – mà là thị hiện một ý tưởng. Thày cũng yêu cầu con xem xét một mục tiêu khác nữa cho bản thân, là thay đổi hoàn cảnh cá nhân trong đời mình hầu không còn mâu thuẫn nào giữa đời sống tâm linh và đời sống thực tế, vật lý hàng ngày của con. Đây thật ra là một điều mà thày sẽ đề cập nhiều hơn trong bài giảng tới, nhưng ở đây thày muốn cho con một ý niệm về mục tiêu của khóa học này:

  • Con trở thành cánh cửa mở cho những ý tưởng từ các chân sư thăng thiên nhằm cải thiện một khía cạnh nào đó của cuộc sống.
  • Con đem lại sự hài hòa giữa đời sống tâm linh và đời sống thực tiễn của con.

Đó chính là điều mà thày mong muốn trao cho con qua bài giảng này, và thày mong sẽ nối lại câu chuyện với con ở tầng kế tiếp.

Con là một nghệ nhân điêu khắc năng lượng thuần khiết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain và thày vô cùng vui mừng trao cho con phần đầu của các cuộc khai ngộ mà con sẽ đi qua dưới thày tại khóa nhập thất của thày có tên là Hang Biểu tượng. Hãy cho thày bắt đầu với phần trình bày về nơi nhập thất này.

Có thể con đã quen thuộc với các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên cùng các giáo lý mô tả chi tiết hơn về nơi nhập thất này. Có thể con đã được thấy hình ảnh những đại sảnh mà người ta bảo là có tạc ghi nhiều biểu tượng huyền bí hay bí truyền mang một số ý nghĩa đặc biệt, và nếu con hiểu các biểu tượng này, con sẽ có khả năng làm thị hiện (kết đọng) bất cứ gì con muốn. Tất nhiên, đó là một lời dạy nhắm tới một mức tâm thức thấp hơn so với những lời dạy các thày trao truyền ngày hôm nay, cho nên các thày đã phải đánh động đến những gì học viên mong muốn ở mức đó. Các vị thượng sư khác đã cố gắng hết sức để giúp con vượt lên trên mức tâm thức đó, cho nên giờ đây con đã sẵn sàng nhận một giáo lý cao hơn.

4.1. Ý nghĩa thật của các biểu tượng

Thật có nghĩa là gì khi gọi khóa nhập thất của thày là hang “biểu tượng”? Để hiểu, con hãy cho thày trở ngược về một lời dạy của nhà hiền triết Hy lạp cổ Plato nhiều năm trước đây. Plato nói rằng có một cõi cao hơn vượt khỏi thế giới vật lý, vật chất, một cõi mà ông gọi là “những hình dạng lý tưởng”. Chúng ta cũng có thể nói, các hình dạng lý tưởng này là những biểu tượng. Chính sự tương tác giữa các hình dạng lý tưởng này nơi cõi cao hơn định đoạt những gì sẽ thị hiện trong cõi vật lý, cũng như những hình tướng mà mọi vật khoác lấy trong cõi vật lý. Đó là một cách mô tả chính xác hơn về Hang Biểu tượng, nhưng hiển nhiên hôm nay chúng ta có thể đi xa hơn nữa.

Các thày đã giảng dạy là con có một cơ thể vật lý, và vượt lên trên, con còn có một cảm thể, một trí thể và một bản sắc thể. Làm thế nào con đồng sáng tạo? Các thày có dạy là con nhận ánh sáng và năng lượng từ Hiện diện TA LÀ của con. Khi năng lượng này đi qua ba thể cao kia, nó sẽ khoác lấy hình tướng của bất cứ cấu trúc, hình ảnh, biểu tượng, hình dạng nào mà con có nơi ba thể đó. Đây thực sự là cách hình dung tiến trình đồng sáng tạo.

Cái mà Plato gọi là “thế giới hình dạng lý tưởng” phần nào là cõi tâm linh, là cõi thăng thiên, nhưng người ta cũng có thể bảo đó là ba thể phàm cao hơn kia của con. Con có một số hình tướng trong ba thể cao này. Quả thật, trong ba thể đó con có thể có một số hình tướng lý tưởng hơn, thuần khiết hơn, tinh xảo hơn, chi tiết hơn những gì thị hiện ra trong cõi vật lý. Thực tế là hầu hết mọi người đều có một hình dạng lý tưởng, một hình ảnh lý tưởng, một biểu tượng lý tưởng nào đó trong ba thể cao. Và bây giờ câu hỏi trở thành như sau: “Tại sao nó không thị hiện ra được trong cõi vật lý?”

4.2. Những người có tầm nhìn chỉ chú trọng đến mình

Khi con nhìn nhân loại, con sẽ biết là con người đang ở rất, rất nhiều tầng cấp tâm thức khác nhau. Hầu hết mọi người trên hành tinh này ở một mức thấp hơn nhiều so với tâm thức mà con có khi con bắt đầu khóa tu này [quyền sách này], ít ra là nếu con đã làm theo sự hướng dẫn của sáu vị thượng sư kia. Con nhìn vào nhiều người và con có thể thấy là trong ba thể phàm cao hơn của họ, không nhất thiết họ đang mang những hình dạng mà Plato gọi là lý tưởng. Họ có một tầm nhìn rất hạn chế, họ có một số hình ảnh và ý tưởng rất méo mó. Tuy vậy, con sẽ thấy là trong ba thể cao của hầu hết mọi người, những hình tướng đó vẫn còn cao hơn những gì được biểu thị trong cõi vật lý, vật chất, ít ra là trong đời sống riêng tư của họ.

Và câu hỏi trở thành: “Cái gì ngăn cản con người thị hiện vào cõi vật lý những hình dạng mà họ mang trong ba thể cao?” Câu hỏi này có thể ứng dụng đồng đều cho một người ở tầng tâm thức thấp nhất cũng như một đệ tử của chân sư thăng thiên ở mức của con. Hiển nhiên, nếu con đi xuống tầng tâm thức thấp nhất, con sẽ thấy là thật ra có những người ở đó có khả năng thị hiện trong cõi vật lý những thứ rất gần với các hình dạng mà họ có trong ba thể cao, và buồn thay, những gì họ có trong ba thể cao quả thực là những hình dạng vô cùng thấp, vô cùng méo mó và ô uế. Con có thể thấy một số người ở mức tâm thức thấp vẫn có được một viễn kiến cao hơn nào đó, chẳng hạn như một ông vua muốn thị hiện một cung điện lộng lẫy. Ông ta có khả năng hình dung ra cung điện đó và cũng có khả năng đem một cái gì gần giống như vậy vào thị hịên vật lý, nhưng tiếc thay, viễn kiến của ông tất nhiên là hoàn toàn vị kỷ. Việc xây dựng cung điện sẽ đòi hỏi sức lao động của hàng vạn người làm nô lệ cho ông.

Con thấy đó, có một số người có khả năng hình thành một viễn kiến trong ba thể cao và đem nó vào hiện thực vật lý. Có thể đó không phải là một viễn kiến phá hoại. Con không thể bảo là một số cung điện nguy nga mà con tìm thấy tại hầu hết mọi nước đều nhất thiết là xấu xí hay méo mó, và quả thực một số có thể khá đẹp từ một góc nhìn trần thế nào đó. Tuy vậy, khi con biết các cung điện đó đã được tạo dựng như thế nào thì con thấy những kẻ nảy sinh ra viễn kiến đó đã có một mức tâm thức rất thấp, rất vị kỷ, chỉ chú trọng đến bản thân. Để thị hiện viễn kiến của họ, hẳn là họ đã phải dùng đến sức nô lệ của hàng vạn con người.

Và con thấy là ở một tầng tâm thức thấp kém, người ta quả là có khả năng thực hiện một viễn kiến trong cõi vật lý, nhưng thứ nhất, viễn kiến đó vị kỷ, và thứ hai, cách thực hiện của họ cũng vị kỷ.

4.3. Làm thế nào một thời đại hoàng kim có thể thị hiện

Đối với một đệ tử của chân sư thăng thiên, câu hỏi bây giờ trở thành như sau: “Đó có phải là điều con muốn đạt hay không?” Liệu con có nghĩ là bằng cách theo học khóa tu này, thày sẽ trao cho con một công thức bí mật nào đó, một biểu tượng bí mật nào đó sẽ cho phép con thị hiện bất cứ gì con muốn? Con thấy đó, con yêu dấu, ở tầng khai ngộ đầu tiên tại khóa nhập thất của thày, tất nhiên con đang đối mặt với sự phối hợp giữa Tia thứ Nhất của Ý chí và Quyền năng với Tia thứ Bảy của Tự do. Khi con nhìn vào lịch sử nhân loại, con có thể thấy một số kẻ đã tập trung được một động lượng ý chí và quyền năng rất to lớn nhưng họ lại hoàn toàn mất quân bình về mặt tự do. Nói cách khác, để một ông vua thể hiện được ý chí của mình, ông ta đã phải sử dụng quyền lực, tước mất tự do của hàng vạn người hầu ông xây được cung điện đó, công trình kiến trúc đó.

Hiển nhiên, đây không phải là điều thày sẽ dạy con trong khóa này. Không thể nào thày sẽ dạy con sử dụng sức mạnh của ý chí để lật bỏ quyền tự quyết của người khác, cho dù của đúng một người hay của hàng vạn người. Con yêu dấu, con có hiểu là như các thày đã nói rất nhiều lần, các chân sư thăng thiên tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết hay chăng? Từ một góc nhìn nào đó, con có thể nói mục đích của thày là thị hiện một Thời Hoàng kim trên trái đất, và trong Thời Hoàng kim đó, không một ai sẽ thiếu thốn những thức cần thiết của đời sống và không một ai sẽ phải đau khổ. Phải, đó là mục đích của thày, con yêu dấu, nhưng làm thế nào thày sẽ hoàn thành được chứ? Thày không đang hình dung là Thời Hoàng kim sẽ được biểu hiện bởi một vài ông vua, một vài hoàng đế hay một vài nhà lãnh đạo oai phong nào đó, tuy họ có viễn kiến nhưng lại thực hiện viễn kiến của họ qua sự cưỡng ép, thao túng, tước đoạt quyền tự quyết của những người dân mà họ cai trị. Đó không phải là phương thức thị hiện Thời Hoàng kim mà thày hình dung.

Thày biết con có thể nghĩ: “À, đối với con thì chuyện đó tất nhiên rồi.” Vậy liệu đối với con, chuyện có tất nhiên hay chăng là thày cũng không có ý định thị hiện Thời Hoàng kim qua trung gian một số ít người tâm linh, cho dù với ý định tốt lành, sẽ lấn át ý muốn của đa số dân chúng? Chúng ta đã đề cập đến lớp 10% trên cùng, lớp 80% ở giữa và lớp 10% ở dưới cùng, và lẽ tự nhiên, các sa nhân đang đầu thai và những ai đã bị tâm thức sa ngã chiếm đoạt hết tâm trí, hình thành số 10% có tâm thức thấp nhất này. Đây là những người rất nhiều khi sẽ dùng vũ lực để ép uổng ý chí số 80% dân chúng phải đi theo âm mưu của họ. Nhưng cũng có những đệ tử của chân sư thăng thiên tưởng rằng vì mình thuộc lớp 10% cao nhất thì mình cũng có thể ép uổng ý chí số 80% đó theo viễn kiến và ý định cao hơn của mình.

Các thày đã cố giải thích thật rõ ràng cho con, đặc biệt qua các lời dạy về ngã gốc, về các avatar đến địa cầu, và về cách thức con có thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình và đạt được tiềm năng tâm linh cao nhất của con. Các thày đã cố nói thật rõ qua các lời dạy đó là các thày không muốn con đi ngược lại hay ép buộc ý muốn của đa số quần chúng. Đây không phải là cách thức thày muốn thị hiện Thời Hoàng kim của thày. Và điều này có nghĩa là ở cuối khóa tu này, nếu con làm theo sự hướng dẫn của thày và sẵn lòng bước lên cao hơn qua cả bảy tầng khai ngộ, thì thày sẽ dẫn con lên tới tầng tâm thức 96.

4.4. Cuộc khai ngộ quyết định ở tầng 96

Các thày đã có nói là ở tầng tâm thức 96, con đối mặt với một cuộc khai ngộ quyết định. Ở tầng 96, con sẽ đạt được một mức điều ngự nào đó để bẻ cong được vật chất bằng tâm mình. Do đó con trực diện với khai ngộ chủ yếu như sau: “Liệu con sẽ bước lên mức cao hơn của quả vị Ki-tô nơi con sẽ tìm cách nâng cao tổng thể, hay là con sẽ bắt đầu đi xuống mức thấp hơn nơi con sẽ sử dụng khả năng điều ngự của mình để bẻ gẫy ý chí người khác, để cưỡng ép ý chí người khác?” Đây là cuộc khai ngộ quyết định. Lẽ tự nhiên, mục tiêu của thày là giúp con vượt qua khai ngộ này và bước lên tới mức quả vị Ki-tô.

Đó là tại sao ngay từ đầu thày đã đề cập đến vấn đề này, bởi vì đối với thày, việc thiết lập một khung cảnh đúng đắn cho những cuộc khai ngộ mà con sẽ đi qua tại khóa nhập thất của thày thật là quan trọng. Con hẳn cũng biết là các thày đã nâng tâm thức con lên một mức cao hơn hẳn so với khi con mới khởi sự khóa tu. Điều này có nghĩa là thày cần tháo gỡ điều mà Nada đã đề cập khi nói về những mơ mộng hão huyền mà đệ tử tâm linh có thể có. Quả thực đó là một loại mộng tưởng rất phổ biến và rất thuyết phục mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên thường có, là cho rằng khi con bước lên cao hơn trên đường đạo, các khai ngộ sẽ ngày càng dễ dàng hơn. Có nhiều đệ tử tâm linh, đệ tử Thời mới, đệ tử của chân sư thăng thiên, mơ mộng rằng một ngày kia họ sẽ vượt qua một khai ngộ then chốt nào đó, rồi từ đó trở đi mọi chuyện sẽ dễ dãi – và kể như họ đã tới đích. Tất nhiên, chuyện đó không thực tế chút nào. Đó không phải là cách vận hành của con đường khai ngộ.

4.5. Con đường khai ngộ vận hành thế nào

Chúng ta có thể tiếp cận câu hỏi này một cách khác. Ta có thể nói là với tầng khai ngộ thứ 48, con nhìn cuộc sống xuyên qua phin lọc của một số ảo tưởng mà con đã khoác vào. Do đó, khai ngộ dẫn con từ tầng 48 đến 49 đòi hỏi con nhìn vượt quá các ảo tưởng mà con đang có, rồi đi lên một bước cao hơn khi con lột bỏ ảo tưởng chủ yếu của tầng 48. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là khai ngộ ở tầng 96 cũng từa tựa như thế. Con vẫn đang nhìn xuyên qua một số ảo tưởng đáng kể là những ảo tưởng còn sót lại từ tầng 96 đến 144. Con vẫn phải xem xét hoàn cảnh của mình và nhìn cuộc khai ngộ xuyên qua những ảo tưởng đó, và chúng vẫn khiến con bị đui mù.

Tất nhiên con có thể bảo là ở tầng 96, con không còn nhiều ảo tưởng như ở tầng 48. Ở tầng 48, điều khiến con khó nhìn ra cuộc khai ngộ mà con phải đối mặt ở mức đó không phải là tất cả các ảo tưởng trên mức 48, mà là đúng cái ảo tưởng ở ngay mức đó khiến con khó khăn vượt qua khai ngộ. Và ở tầng 96 cũng vậy, không phải tất cả các ảo tưởng mà con đã buông bỏ cho tới nay sẽ khiến con vượt qua khai ngộ dễ dàng hơn, và cũng không phải tất cả các ảo tưởng ở trên mức đó khiến con gặp khó khăn. Cái tạo khó khăn cho con là chính cái ảo tưởng ở mức con đang cố vượt qua. Nhìn ra ảo tưởng ở tầng 96 thật không dễ gì hơn tầng 48. Và cũng vậy, việc nhìn ra ảo tưởng ở tầng 144 sẽ không dễ gì hơn bất kỳ tầng nào khác. Con thấy đó, con yêu dấu, dù con ở tầng nào đi nữa, ảo tưởng ở tầng đó cũng sẽ khó khăn y như ở mọi tầng khác. Cho nên thật là vô nghĩa mà nghĩ rằng khi con tiến bước cao hơn thì đường tu sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tuy vậy, chúng ta có thể nói là từ một góc độ nào đó, ảo tưởng mà con đối diện ở tầng 48 sẽ trực tiếp hơn, hiển nhiên hơn, rõ rệt hơn, dễ thấy hơn rất nhiều khi con phải xác định cách hành xử nào là phải hay không phải. Điều này đúng theo một nghĩa nào đó. Ở những mức tâm thức thấp hơn, có một sự tương phản nhất định về mặt vượt qua khai ngộ giữa cái phải với cái không phải. Con không thể thấy tương phản đó ở tầng 48. Con dễ dàng thấy được tương phản ở tầng 96, nhưng ở tầng 96 con không thể dễ dàng thấy được sự khác biệt giữa việc vượt qua khai ngộ hay không vượt qua.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói là các ảo tưởng ngày càng trở nên vi tế hơn khi con bước lên cao hơn. Ở các tầng cao, việc xác định xem chọn lựa nào là đúng đắn hay không mấy đúng đắn trở nên khó khăn hơn so với các tầng thấp. Con cần buông bỏ mơ mộng cho rằng khi con đến tầng 96, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn kể từ đó. Con cần sẵn lòng đối mặt với cuộc khai ngộ ở mỗi tầng trong số bảy tầng mà thày sẽ cống hiến cho con, và con không được mang hy vọng là một ngày kia thày sẽ trao cho con một công thức tối thượng nào đó sẽ khiến mọi chuyện đều dễ dàng và con có thể thị hiện bất cứ gì con muốn.

4.6. Quân bình trong tự quyết

Con thấy đó, như thày Nada đã có đề cập mấy lần trong các bài giảng của thày, có một nhu cầu thiết yếu là con quân bình ý chí cá nhân của mình với ý chí của người khác cũng như với viễn quan tổng thể về hành tinh. Con có thể nói: “Con là một đệ tử của chân sư thăng thiên và con muốn giúp thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain.” Đây là một mong muốn xây dựng và đáng trân trọng. Con cần xét xem, như Nada cũng có giảng, làm thế nào con có thể có những phàm linh nội tại dựa trên cơ chế bù đắp hay những cơ chế khác, tức là con có một viễn kiến về Thời Hoàng kim của Saint Germain mà lại không đồng thuận với chính viễn quan của thày. Thậm chí thày đã có nói về điểm này trong bài mở đầu của thày sau các bài giảng của Nada, khi thày mong muốn con tẩy sạch khỏi tâm trí con mọi mơ mộng về cách thức Thời Hoàng kim sẽ biểu hiện như thế nào.

Con muốn giúp thị hiện những gì chứ? Đó có phải là Thời Hoàng kim như thày nhìn, hay là Thời Hoàng kim như con nhìn – có lẽ dựa trên một số hình ảnh phổ biến đang chạy lông bông trong tâm thức tập thể? Nói thật trong nhiều trường hợp, đó là những hình ảnh dựa trên những gì sa nhân mường tượng cho một thời vàng son, nghĩa là họ mường tượng chính họ sẽ nắm lấy quyền kiểm soát. Cái nhìn của sa nhân về thời hoàng kim là sẽ có một vài người lãnh đạo tạo dựng những xã hội vô cùng tinh vi và phức tạp được áp đặt lên ý chí của đa số quần chúng. Một số những sa nhân này còn thành thật tin rằng một xã hội như vậy sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, vì chúng không thể tin là con người có khả năng biết mình muốn gì hay mình có viễn quan như thế nào về một xã hội tốt đẹp hơn. Tất nhiên đây không phải là viễn quan của thày.

Viễn quan của thày là thị hiện một thời hoàng kim dựa trên tâm thức tập thể được nâng cao hầu đa số dân chúng trên địa cầu có được một viễn quan cho một xã hội tốt đẹp hơn. Con người sẽ thật sự có được một nhận thức bên trong, một sự chấp nhận bên trong, rằng một xã hội như vậy có khả năng thị hiện, và nó đang thị hiện, đang trên đà thị hiện. Đây là điều mà con đã chứng kiến tại rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới khi trong vòng khoảng 100 năm qua, người dân đã tiến bộ rất, rất xa khi họ chấp nhận rằng sự trù phú vật chất là một khả năng mà nước họ có thể đạt được. Con có thể thấy là ba thế hệ về trước, thế hệ ông bà cố của những người dân đó đã không thể nào tin và chấp nhận là xã hội ngày nay có thể hiện hữu. Họ sẽ coi xã hội hôm nay là một giấc mơ hão huyền thật xa vời.

Viễn quan của thày là nâng cao mọi người, và làm thế nào chúng ta thực hiện được chứ? Chúng ta thực hiện không bằng cách cưỡng ép mọi người, mà bằng cách khiến cho lớp 10% ở trên cùng nâng cao viễn kiến của mình, để các con là những người đang đầu thai, đang tham gia vào tâm thức tập thể, có thể kéo đa số đi lên. Không phải là con sẽ ép buộc họ phải nhìn thấy, mà con khiến cho họ có khả năng nhìn thấy. Rồi họ sẽ bắt đầu nhìn thấy và chấp nhận một viễn kiến cao hơn. Vậy con cần làm gì – nếu có thể nói như vậy – để con đặt ý chí của con cho thẳng hàng với ý chí của Saint Germain? Phải, ở đây con cần nhìn nhận là không bao giờ có hoàn cảnh nào mà con, như một người đồng sáng tạo, có thể thị hiện bất cứ gì mình muốn mà không xét đến mình là một phần của một tổng thể rộng lớn hơn.

4.7. Ý chí cá nhân và ý chí rộng lớn hơn

Các thày đã giảng dạy là một số trong các con là avatar đến địa cầu từ một hành tinh tự nhiên. Các thày có nói là trên một hành tinh tự nhiên, vật chất bớt dày đặc hơn, và cũng dễ dàng hơn rất nhiều để con có viễn kiến ở những tầng cao hơn của tâm và thị hiện viễn kiến đó trong cõi vật lý. Nhưng các thày cũng có nói là trên một hành tinh tự nhiên, con không ở trong tâm thức nhị nguyên, cho nên con không bị rơi vào ảo tưởng tách biệt khiến con nghĩ mình là một cá nhân tách biệt sinh sống giữa những cá nhân tách biệt khác. Con không bị ảo tưởng là hành vi của mình đối với người khác không ảnh hưởng gì đến mình. Con biết mình là một phần của tổng thể. Và đối với các cư dân nguyên thủy của địa cầu cũng vậy, họ biết điều đó trước khi sa nhân đến đây.

Nhưng có một sự khác biệt giữa một avatar và một cư dân nguyên thủy, theo nghĩa là các cư dân nguyên thủy đã chưa phát triển được một cá thể mạnh mẽ như các avatar đến địa cầu từ một hành tinh tự nhiên. Đó là lý do tại sao con thấy 80% dân chúng trên trái đất bị tâm thức tập thể ảnh hưởng rất nhiều. Và đó cũng là tại sao các thày nói đến việc nâng cao tâm thức tập thể để cho những người đó, những người thuộc số 80% này, nắm bắt được viễn kiến do số 10% ở trên cùng khởi xướng. Dĩ nhiên, trong số 10% trên cùng đó cũng có một số là dân cư nguyên thủy đã phát triển tới mức đó. Điều thày muốn nói ở đây là khi con đến địa cầu như một avatar, con đã không đến với viễn kiến mình là một loại lãnh đạo chuyên chế sẽ cưỡng bách ý chí của dân chúng.

Con đã đến đây với viễn kiến là mình sẽ tạo cảm hứng cho người khác. Con cũng đã đến đây với sự hiểu biết, với kinh nghiệm từ một hành tinh tự nhiên là mình không dùng khả năng đồng sáng tạo của mình trong chốn không người, như thể việc mình làm không ảnh hưởng đến ai khác. Con dùng khả năng đồng sáng tạo dựa trên ý chí của con nhưng ý chí này không phải là một ý chí tách biệt. Nó đứng thẳng hàng, đồng thuận với tổng thể, với một viễn quan rộng lớn hơn – trước tiên là với Hiện diện TA LÀ của con. Con có thể nói: “Làm thế nào một vị đồng sáng tạo tân lập trên một hành tinh tự nhiên có thể đồng thuận ý chí của mình với một viễn quan toàn bộ khi y chỉ có một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm?” Phải, y không thể, nhưng y có thể đồng thuận ý chí cá nhân với ý chí của Hiện diện TA LÀ của y. Khi con làm vậy, Hiện diện TA LÀ của con sẽ đứng thẳng hàng với tổng thể, với viễn quan toàn bộ của hành tinh đó. Và do đó, con không sử dụng ý chí của mình để đi ngược lại ý chí của những vị đồng sáng tạo khác chung quanh con. Ở mức này, đây là một điểm rất quan trọng mà con cần ghi nhớ.

Con cũng cần nhìn nhận là mặc dù các thày có nói là việc thị hiện những gì mình muốn dễ dàng hơn trên một hành tinh tự nhiên, điều đó không có nghĩa là con có thể có bất kỳ viễn kiến nào con muốn và thị hiện viễn kiến đó. Ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, vẫn có một số điều có thể gọi là “điều kiện”, về cách thức con sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình. Một số người sẽ gọi đó là những giới hạn, nhưng thày ưa dùng từ này hơn vì một lý do đặc biệt.

4.8. Làm cho ý chí thấp đồng thuận với ý chí cao

Vì vậy, thày muốn cho con viễn kiến là trên một hành tinh tự nhiên, con không sáng tạo trong hư vô. Con là một nghệ nhân, và thày dùng từ này vì thày muốn đối chiếu với một loại nghệ nhân mà con quen thuộc trên địa cầu – một nhà điêu khắc. Một nghệ sĩ điêu khắc không làm việc với không khí để nặn ra hình dạng; y làm việc với một vật liệu cụ thể. Có nghĩa là khi con xem đến việc đồng sáng tạo một bức tượng, con phải trước tiên dùng sức mạnh ý chí để chọn lựa loại vật liệu nào mà con sẽ dùng. Ngay cả thời xưa, các nhà điêu khắc đã có nhiều loại vật liệu để sử dụng. Họ có thể dùng đất sét. Đất sét là một vật liệu rất mềm, rất dễ nặn thành gần như bất kỳ hình dạng nào. Nếu con thiếu kiên nhẫn và muốn thị hiện thật nhanh thì con dùng đất sét. Vấn đề là đất sét sẽ không giữ được lâu dài, và cho dù nó được nung nóng, tuổi thọ của nó cũng sẽ hạn chế.

Một khi con có nhiều kinh nghiệm điêu khắc hơn, con có thể nói là nhu cầu thị hiện dễ dàng một viễn kiến nào đó sẽ không còn quan trọng lắm đối với con. Vì giờ đây con muốn thị hiện một cái gì có tuổi thọ dài hơn, có nghĩa là con cần chọn một vật liệu bền bỉ hơn. Con có thể chọn đá vôi chẳng hạn. Nó khó nặn tạc hơn đất sét nhưng nó lâu bền hơn, tuy vậy nó không lâu bền nhất và cũng không là vật liệu đẹp nhất. Đá hoa cương lâu bền hơn nhiều, nhưng cũng rất khó đẽo. Đá cẩm thạch dễ đẽo hơn đá hoa cương và, như nhiều người đồng ý, lại mang một vẻ đẹp, một màu sắc, một ánh sắc mỹ lệ hơn.

Con thấy được ở đây, như thày vừa nói, một trong những mơ mộng mà nhiều đệ tử tâm linh thường có, là họ nghĩ bằng cách đạt được một số khả năng thần diệu, họ có thể bù đắp cho sự mất mát mà họ đã cảm thấy khi họ gặp sa nhân lần đầu và bị sa nhân bài bác, Họ mơ ước thị hiện được một cái gì đó ngoạn mục đến độ không ai có thể bác bỏ, không ai có thể làm ngơ. Khi con biết là mình đang ở trên địa cầu nơi vật chất có độ dày đặc nào đó, con sẽ thấy ngay chuyện này cũng không là một ước mơ thực tế.  Cho nên ở tầng đầu tiên này, thày cần con – và thày biết thày đã làm chuyện này trước đây rồi – nhưng thày vẫn cần con lấy một quyết định ý thức là mình sẽ để cho những giấc mơ xa vời kia chết đi. Con hãy để cho chúng ra đi, bởi vì điều con muốn làm ở mức này là con muốn sử dụng sức mạnh ý chí để chọn lựa vật liệu mà con sẽ dùng hầu thị hiện tác phẩm nghệ thuật của con.

Con sẽ có thể nói: “Nhưng liệu con đã có một viễn kiến rõ ràng về những gì con muốn thị hiện hay chưa?” Thày sẽ trả lời: “Có, con đã có một viễn kiến rõ ràng khi con thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng về những điều con muốn thị hiện trong kiếp sống này.” Không phải là chuyện con ngồi đây với mức tâm thức hiện thời của con, viễn kiến hiện thời của con, rồi quyết định với tâm vỏ ngoài là mình muốn thị hiện cái gì, mà là chuyện con quyết định với tâm ý thức là con muốn đặt cái tâm ý thức đó đứng thẳng hàng với ý chí cao hơn mà con đã dùng để thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng, thẳng hàng với ý chí cao hơn của Saint Germain cùng viễn quan của thày cho Thời Hoàng kim. Đây là việc mà thày cần con làm ở mức này. Thày cần con xem xét điều này. Thày cần con xem xét những giấc mơ cùng bất kỳ mong muốn nào, viễn kiến nào mà con có thể đã có khi muốn cưỡng ép ý chí của loài người trên địa cầu, ngay cả vì lợi ích của họ.

4.9. Xem mình là một nghệ nhân

Thày cần con thực hiện một sự xoay chuyển trong tâm con khi con bắt đầu xem mình là một nghệ sĩ và đời mình là một tác phẩm nghệ thuật. Đối với nhiều người trong số các con, điều này sẽ đòi hỏi con điều chỉnh to tát, vì cho tới giờ con đã nhìn đời con một cách khác. Một số trong các con có trong đầu một lãnh vực hoạt động đặc thù nào đó mà con muốn bước vào, hoặc con đã bước vào, hoặc con mơ ước bước vào, nơi con có thể phụng sự xã hội. Đó có thể là lãnh vực chính trị, có thể là giáo dục, là khoa học, là kinh tế, là truyền thông, là nhiều thứ khác nữa. Đó cũng có thể là lãnh vực gia đình, chăm sóc gia đình, nuôi nấng con cái và nhiều thứ nữa. Con đã có xu hướng nhìn cuộc đời xuyên qua một phin lọc dựa trên lãnh vực mà con chú ý. Trong nhiều trường hợp, con đã có xu hướng nhìn vào những phương cách hoạt động thực tế của lãnh vực đó. Chẳng hạn trong chính trị, nền chính trị vận hành ra sao? Mình phải cần gì để dấn thân vào chính trị? Hay chẳng hạn mình cần làm gì để trở thành một vị dân cử?

Trong nhiều trường hợp, con đã từng nhìn vào vấn đề như thế, giống như vị sứ giả này chẳng hạn khi ông còn ở tuổi thiếu niên. Ông đã có một viễn kiến bước vào chính trường tại Đan Mạch nơi ông sinh trưởng, và trở thành thủ tướng xứ đó. Con yêu dấu, thày có thể nói với con là với sự chứng đạt của ông trong tiền kiếp, nếu ông đã dành trọn chú tâm vào việc này thì ông đã có thể trở thành Thủ tướng Đan Mạch thật, nhưng đó không phải là viễn kiến cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của ông. Rất may ông đã có thể xem xét chính trị và nhận ra đó là lãnh vực của sự thỏa hiệp. Ở đó, con không thể nhìn vào các nguyên lý cao hơn, nhìn vào viễn kiến cao hơn về những gì thực sự cần thị hiện, mà con phải xét đến những gì có khả năng thành hình trong một tình hình chính trị nhất định. Thường khi con phải đổi chác, phải thỏa hiệp để có được một vị thế quyền lực. Ông đã nhìn ra là ông không sẵn sàng thỏa hiệp, và do đó ông đã quyết định không theo đuổi một sự nghiệp chính trị.

Thày biết, rất nhiều người trong số các con cũng đã làm một điều tương tự trong lãnh vực của con. Con đã nhìn vào các cơ chế vận hành ở đó, con đã nhận ra một số điều mà con không muốn làm, một số thỏa hiệp mà con không sẵn sàng bước vào, và do đó con đã trở nên chán nản. Thày không nói là con phải làm điều mà sứ giả này đã làm và từ bỏ lãnh vực mình quan tâm. Rất có thể đối với đa số các con, Sứ vụ Thiêng liêng của con chính là việc theo đuổi lãnh vực quan tâm đó. Tuy nhiên, để thực sự đem lại những điều mà con muốn đem lại trong Sứ vụ Thiêng liêng, con cần phải khắc phục cảm giác chán nản đó, cảm giác rằng những cơ chế vận hành của những điều con muốn thị hiện trên địa cầu thật quá khó khăn, quá méo mó, quá thiếu quân bình, đến nỗi con không muốn tiếp xúc chút nào với lãnh vực đó, hoặc con không thấy làm thế nào mình có thể thị hiện được điều gì cao hơn trong lãnh vực đó.

4.10. Tránh chán nản

Con hiểu chứ khi Nada bảo rằng sự chán nản là dụng cụ thiện xảo nhất trong hộp dụng cụ của ác quỷ? Sa nhân đã cố hết sức để làm tha hóa mọi lãnh vực sinh hoạt của con người trên hành tinh này, chính là với mục tiêu khiến cho những ai bắt đầu có được chút phân biện Ki-tô phải nhìn vào lãnh vực đó, nhìn vào sự tha hóa đó, nhìn thấy những mất quân bình đó, nhìn thấy những thỏa hiệp đó, rồi trở nên chán nản đến độ họ không muốn bỏ sức ra đem lại thay đổi. Con yêu dấu, con có thấy rất nhiều đệ tử tâm linh bị dằn vặt giữa hai lực kéo-đẩy này, hai đối cực này hay không? Một đằng, con mơ mộng về những cách con muốn thị hiện một cái gì thật quan trọng. Đằng khác, con lại bị chán nản và cảm thấy không có gì mình có thể làm được trên thực tế để đem lại thay đổi. Con có thấy hai đối cực đó tương tác với nhau như thế nào không?

Sự kiện con thấy những thỏa hiệp cùng khó khăn đó khiến con bị chán nản, nhưng chính điều đó – hầu con có thể tiếp tục sống trên hành tinh này – lại đẩy con đi vào mộng mơ và nghĩ rằng có một công thức thần diệu, một biểu tượng huyền bí nào đó sẽ cho phép con đâm xuyên qua mọi thỏa hiệp để vẫn thị hiện được thành quả kỳ diệu, ngọan mục. Con có thấy bao nhiêu người trong số các con đã bị dằng xé giữa hai lực đó, và chuyện này đã không nhất thiết dễ dàng hơn khi con tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên? Các thày cho con một viễn kiến về những gì có khả năng thành hiện thực, các thày đã nhấn mạnh rằng chính con là người có thể khiến nó xảy ra. Thế nhưng con vẫn thấy điều mà Chân sư MORE có nói đến trong một bài giảng trước, là cái “khoảng cách” – khoảng cách giữa giáo lý và trạng thái tâm thức của con, cuộc sống bình thường của con cùng những gì con nghĩ con có khả năng thị hiện.

Mong muốn của thày với bảy tầng khai ngộ này là giúp con khắc phục, đóng lại khoảng cách đó hầu không còn kẽ hở nào giữa những giáo lý mà các thày ban truyền và những gì mà thực tế con thấy mình có khả năng thị hiện trong đời mình. Nhưng thày sẽ không làm vậy bằng cách cho con một cây gậy thần. Thày sẽ làm vậy bằng cách giúp con xoay chuyển tâm thức.

4.11. Chọn trung gian nghệ thuật

Xoay chuyển đầu tiên mà thày yêu cầu con thực hiện là con xoay chuyển cách con tiếp cận cuộc sống thành một cách tiếp cận nghệ thuật. Tất nhiên thày sẽ cho con bảy tầng, nhưng ở tầng cấp đầu tiên này, điều đó có nghĩa là con chọn lựa trung gian nghệ thuật mà con muốn sử dụng. Đâu là phương tiện nghệ thuật mà con muốn sử dụng để biểu đạt sự sáng tạo của con? À, trên địa cầu có trung gian nghệ thuật nào? Con sẽ nói: “Đó, có vật chất, mọi thứ đều là vật chất.” Và thày sẽ trả lời: “Có thật vậy không?”

Các thày đã đưa ra nhiều lời dạy về đề tài này qua các tầng tu học trước. Con có thể nhìn thế giới ở mức vĩ mô nơi mọi thứ được coi là vật chất. Xong con có thể đi xuống mức vi mô của các phân tử, mức của nguyên tử, mức của hạt hạ nguyên tử, mức của các làn sóng năng lượng thuần khiết. Con có thể thấy mọi thứ không là vật chất vì vật chất là một mô thức giao thoa, một mô thức giao thoa vô cùng phức tạp, của những làn sóng năng lượng. Đâu là trung gian sáng tạo? Có phải là vật chất hay là năng lượng? Hay có lẽ đó là một chất vi tế hơn cả cái mà người thường gọi là năng lượng?  

Con thấy không, cái mà thế giới khoa học gọi là năng lượng là một thứ gì giống như điện lực hay ánh sáng mặt trời, nhưng đó vẫn là một chất vật lý – ít ra là phần nào. Có một năng lượng vi tế hơn, là năng lượng tình cảm, năng lượng lý trí, năng lượng ở tầng cấp bản sắc và năng lượng ở tầng cấp tâm linh. Đó là những tầng năng lượng vi tế hơn. Có một cách để nhìn vấn đề này không như cách con nhìn năng lượng trên địa cầu. Chúng chỉ đơn giản là những tín hiệu bật-tắt tí hon – gần giống như khi con nhìn thấy trên màn hình tivi hay máy tính có chiếc diode nhỏ, hoặc bật hoặc tắt. Khi bật, diode có thể khoác vào nhiều màu sắc khác nhau, và nhiều chiếc diode sẽ tạo chung một hình ảnh trên màn hình.

Con yêu dấu, khi con xem tivi, chẳng hạn một bộ phim chiến tranh, liệu con có nghĩ những gì con thấy trên màn ảnh thực sự là những người thật đang chạy quanh bắn súng vào nhau không? Dĩ nhiên là không, bởi vì con dư biết là những gì con nhìn thấy trên màn ảnh tivi chỉ là hình ảnh. Rồi khi con quay mặt khỏi màn hình, hay có lẽ ngay cả khi con nhìn vào chiếc máy tivi, khi con nhìn lên tường sau lưng tivi, nhìn những bức tranh treo trên tường, nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy có nhà hay có đồng ruộng, cây cối – khi con nhìn tất cả những thứ đó, mà con gọi là “thế giới thực”, thì tất cả những thứ con đang thấy là gì? Đó có phải là những vật thực được cấu tạo bằng vật chất, hay chúng thật sự cũng chỉ giống như những hình ảnh mà con vừa thấy trên màn hình tivi nơi có một đơn vị tí hon đang bật hay tắt, và thật nhiều những đơn vị như thế hợp chung lại thành một mô thức phức tạp mà tâm con chuyển thành bức tranh treo trên tường?

4.12. Tại sao khó lòng thị hiện điều mình muốn

Con yêu dấu, tại sao lại có một khoảng cách giữa những gì con có thể hình dung trong viễn quan và những gì con có thể thị hiện? Đó là vì nếu con đang cố thị hiện một cái gì đó dựa trên những biểu tượng và hình dạng đã có sẵn trong thế giới vật chất, thì con sẽ gặp phải sự cưỡng kháng và chống đối toàn diện, không những từ tâm thức tập thể mà cả từ chính vật chất.

Tự thân vật chất trở nên đông đặc thành một hình dạng. Chúng ta có thể nói là năng lượng hoàn toàn lỏng và có thể khoác lấy bất kỳ hình dạng nào, nhưng rồi một biểu tượng, một hình ảnh được phóng chồng lên năng lượng đó. Khi đó, năng lượng bị kéo thấp xuống cõi vật chất nơi nó trở thành cái mà con gọi là vật chất, và vật chất này bị khóa chặt vào hình dạng đó, khóa chặt vào khuôn đúc đó.

Khi con tìm cách lật bỏ khuôn đúc đó đi, có một sự kháng cự xảy ra, vì một khi năng lượng đã khoác lấy một hình dạng nào đó thì sẽ có kháng cự chống lại sự thay đổi. Đây không nhất thiết là một sự kháng cự có ác ý, nhưng khi một tinh linh (elemental being) đã khoác lấy hình dạng một cái cây thì tinh linh cũng đã được thấm nhuần nhu cầu muốn duy trì hình ảnh đó. Do đó mới có một sự kháng cự, ngay cả từ thiên nhiên hay bất cứ gì trong cõi vật lý, chống lại sự thay đổi. Đó là tại sao thày cần con bắt đầu cuộc xoay chuyển này, và tất nhiên thày sẽ nói nhiều hơn về điểm này trong các bài tới.

Ở đây thày cần con nhận ra trong ý thức rằng với cương vị một nghệ sĩ trên hành tinh địa cầu, con phải đối diện với một công việc vô cùng khó khăn do độ dày đặc của vật chất. Sự cưỡng chống vô cùng mạnh mẽ. Tâm thức tập thể dày đặc, và con không sáng tạo trong những điều kiện lý tưởng. Cho nên con cần rất, rất thận trọng khi chọn lựa trung gian mà con sẽ sử dụng để tạo ra tác phẩm điêu khắc của con. Thày cam đoan với con là con không muốn chọn trung gian vật chất, là trung gian của những hình dạng vĩ mô, rồi tìm cách thị hiện ở tầng mức đó.

Đây là điểm mà nhiều người đã theo học các khóa tu tập về thuật thị hịên kết đọng (precipitation) và thuật dùng tâm điều khiển vật chất, đã bị thất bại và không đạt được kết quả mà họ mong muốn. Họ đã khởi đầu ở tầng vật lý với một mong muốn, thường dựa trên sự bù đắp. Họ bắt đầu ở tầng vật lý xong họ quyết định với tâm vỏ ngoài: “Tôi muốn thị hiện căn nhà tuyệt đẹp này.” Xong họ đã tìm cách – dù họ có biết về ba cõi cao của tâm phàm hay không – sử dụng sức mạnh của tâm để phần nào phóng chiếu ra vũ trụ và khiến nó quay ngược trở về như một thị hiện vật lý. Thày không bảo là chuyện này không thể làm được cho những thứ đơn giản như một căn nhà, nhưng cho những thứ nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con thì đó không phải là một cách tiếp cận xây dựng.      

Con không thể khởi đầu với những hình dạng đã có sẵn trong cõi vật lý rồi cố làm cho nó tốt hơn hay cố kiện toàn nó. Là một đệ tử của chân sư thăng thiên, con có thể bảo là con sẽ quyết định với tâm vỏ ngoài: “Tôi muốn thị hiện một căn nhà tuyệt đẹp.” Xong con tạo ra viễn kiến cao nhất mà con có thể nghĩ ra về căn nhà đó. Xong con tập trung vào tâm bản sắc. Con phóng chiếu hình ảnh đó từ tâm ý thức vào tâm bản sắc, xong con hình dung ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy xuyên hình ảnh đó, chảy xuống cõi lý trí, rồi xuống cõi tình cảm, rồi xuống cõi vật lý. Xong dựa trên những điều mà các thày đã nói, con nghĩ rằng sau khi con đã làm xong tất cả những bước đó thì tạo vật của con sẽ phải thị hiện nơi cõi vật lý. Điều thày nói với con là mặc dù chuyện đó có thể xảy ra, nhưng đó không phải là quả vị Ki-tô.

4.13. Chọn điểm khởi đầu

Quả vị Ki-tô là con không khởi đầu ở cõi vật lý. Con không khởi đầu ở mức vật lý với những điều kiện hiện hành và cố hình dung ra cách thức làm sao cho chúng tốt đẹp hơn. Quả vị Ki-tô là khi con nói: “Các điều kiện trong cõi vật lý không lý tưởng. Tại sao chúng không lý tưởng? Bởi vì có ai đó đã có một viễn kiến hạn chế, một viễn kiến nảy sinh từ nhị nguyên, một viễn kiến có thể đã nảy sinh từ tâm thức sa ngã, và họ đang phóng chiếu hình ảnh này lên năng lượng thuần khiết. Do đó, nếu chúng ta muốn thực sự thay đổi sự thể trong cõi vật lý, chúng ta cần vươn lên một viễn kiến cao hơn. Chúng ta cần giải phóng tâm mình khỏi sự ràng buộc vào những gì đang sẵn thị hiện, hầu chúng ta không khép tâm lại, mà chúng ta có thể mở tâm ra để nhận được một viễn kiến cao hơn từ trên.”  

Viễn quan của thày về Thời Hoàng kim cao hơn tất cả những gì hầu hết mọi người trên trái đất có thể mường tượng được. Do đó không có chuyện lấy những thứ đã có sẵn và làm cho nó đẹp hơn hay công phu hơn hay tinh xảo hơn. Thày đã có đề cập đến những người, những đệ tử của chân sư thăng thiên, đã mơ mộng về những thành phố mỹ lệ với đường phố lát vàng và những tòa nhà cũng làm bằng vàng. Họ chiêm ngưỡng một số đền thờ cổ Hy Lạp cùng những dinh thự tuyệt đẹp hiện có trên trái đất ngày nay, và họ phóng chiếu trong tâm những thành phố với đại lộ còn rộng hơn nữa và cao ốc còn cao hơn nữa, lát vàng hay làm toàn bằng vàng.

Nhưng đó không phải là viễn quan của thày về thành phố trong Thời Hoàng kim. Viễn quan của thày rất, rất khác. Điều thày muốn nói là như sau: Nếu con khởi sự với một cái gì đã sẵn thị hiện và sử dụng làm nền tảng cho những gì con có thể đồng sáng tạo, thì con đang tạo ra khó khăn và kháng cự rất lớn cho con. Có thể con sẽ thị hiện được một cái gì đó theo cạch đó, nhưng đó không phải là cái con đã hình dung trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Đó sẽ không là tiềm năng cao nhất của con, và đó cũng sẽ không là quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô vượt ra ngoài hiện trạng, chứ không làm cho hiện trạng công phu hơn và do đó cũng chai cứng hơn.

Thày cần con làm cuộc xoay chuyển này. Thày cần con khởi sự xoay chuyển và bắt đầu tự xem mình là một nghệ nhân, nhưng con không đang đẽo tượng từ vật chất. Con không đang lấy một tảng đá rồi tạc đẽo cho tới khi con có một bức tượng. Con đang điêu khắc bằng cách sử dụng năng lượng thuần khiết, năng lượng vi tế hơn trong cõi bản sắc cao, mà đôi khi các thày gọi là cõi ê-the để chỉ rõ năng lượng đó vượt khỏi cõi vật lý.

Con đang khởi sự với một khoảng không gian trống rỗng, một trang vở trắng xóa, một trạng thái trinh nguyên. Có những tín hiệu bật-tắt là những đơn vị năng lượng nhỏ nhất có thể có trong cõi chưa thăng thiên của con. Con đang khởi sự với màn hình hoàn toàn trống trải đó và con sắp sửa vươn lên để nắm lấy viễn quan trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Xong một khi con có viễn quan đó, con sẽ chồng nó lên màn hình trống trải, rồi đem nó xuống qua các tầng bản sắc, lý trí và tình cảm đưa vào cõi vật lý.

Đây không phải là một viễn quan dựa trên những gì con nhìn thấy chung quanh con ngay bây giờ. Đây không phải là một viễn quan dựa trên những gì đang thị hiện, mà những gì có khả năng thị hiện – nếu viễn quan của con sạch bong không có gì đã sẵn thị hiện.

16 | Con không là nô lệ của thời gian

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 2/12/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Điều thày muốn trình bày trong bài giảng này là một số chủ đề có vẻ không liên quan nhưng thật sự có liên quan với nhau. Hãy cho thày bắt đầu với một điều tuyệt đối cần thiết trên con đường quả vị Ki-tô, con đường quả vị Phật, là con hiểu rằng cái ngã mà con đã có khi con tìm thấy giáo lý lần đầu và thức tỉnh với sự hiện hữu của một đường tu tâm linh, ngã này không thể đưa con đến quả vị Ki-tô hay quả vị Phật.

Các con vừa đọc bài thỉnh về ngã gốc qua đó con học được là ngã gốc phải chết đi thì con mới tái sinh vào một ngã mới [từ quyển sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]. Tất nhiên đây là một tiến trình hoàn toàn có giá trị, nhưng con không nên đặt mình vào tâm thái nghĩ rằng ngay cả nếu con cảm thấy ngã gốc đã chết, thì ngã mới mà con tái sinh vào đó là cái ngã con sẽ đem theo con cho tới khi thăng thiên. Chắc chắn con đừng rơi vào ảo tưởng cho rằng đây là cái ngã sẽ thăng thiên.

16.1. Thăng thiên sau khi cân bằng toàn bộ nghiệp quả

Trong đợt truyền pháp này, các thày đã cho con một số lời dạy về tiến trình thăng thiên và cái có thể gọi là “tâm lý của sự thăng thiên” cao hơn hẳn những gì các thày đã trao truyền trong mọi đợt truyền pháp trước đây. Không có nghĩa là các giáo lý trước không có giá trị hay không thể đưa hành giả đến điểm thăng thiên. Có một số người trong tiền kiếp đã gần điểm thăng thiên đến độ các giáo lý trước đã có thể dẫn họ đi những bước chót đến mức sẵn sàng thăng thiên, nhưng loại người như vậy không nhiều lắm. Con cũng biết là trong đợt truyền pháp trước có dạy là con có thể thăng thiên sau khi chỉ cân bằng 51% nghiệp quả của mình. Thày sẽ nói là có rất rất ít người đã có thể dùng giáo lý trước để cân bằng được 100% nghiệp quả (cũng có nghĩa là giải quyết xong tâm lý mình) và nhờ vậy thăng thiên khỏi địa cầu. Có thể nói là họ “sạch bong”, sạch không còn bất kỳ chướng ngại nào và ngay lập tức họ trở thành một chân sư thăng thiên.

Tuy nhiên, với giáo lý các thày trao truyền ngày nay đi sâu hơn hẳn vào tâm lý con người, mục đích của các thày là giúp cho một nhóm đông đảo hơn có thể cân bằng nghiệp quả, giải quyết tâm lý của mình rồi có được một ít thời gian trong trạng thái này trước khi họ rời bỏ thân xác vật lý và thăng thiên khỏi hành tinh. Con cần nhìn nhận việc tiết lộ tuần tự là một tiến trình tuần tự. Điều này hiển nhiên mang nhiều hệ quả, nhưng một hệ quả là một số điều giảng dạy trước đây tuy đúng đắn vẫn chưa đầy đủ và chỉ là một cái nhìn giới hạn, một cái nhìn đơn giản hóa về chủ đề.

Quá nhiều người trong các đợt truyền pháp trước đã không đặt câu hỏi: “Nếu một chân sư thăng thiên là một sinh thể đã cân bằng mọi nghiệp quả thì liệu một người thăng thiên – gọi tạm như vậy – đã cân bằng 51% nghiệp quả có trở thành một chân sư thăng thiên sau khi ‘thăng thiên’ hay không?” Người ta cũng đã không hỏi: “Nếu một người đã cân bằng 51% nghiệp quả và do đó không phải trở lại đầu thai vật lý, liệu vị này đã thực sư thăng thiên và trở thành chân sư thăng thiên hay không?” Câu trả lời hiển nhiên là “Không!” Làm sao con có thể trở thành một chân sư thăng thiên nếu còn vẫn còn nghiệp chưa cân bằng và tâm lý chưa giải quyết từ trái đất? Nếu việc này xảy ra thì thật không lô-gíc, con yêu dấu. Cho nên các con, ít ra một số các con, cần nhìn nhận đó là một lời dạy được giản dị hóa chứ không phải là tầm hiểu trọn vẹn về đề tài này. Lẽ tự nhiên, con yêu dấu, con cần giải quyết xong xuôi mọi chuyện con cần giải quyết trên địa cầu trước khi con có thể thăng thiên và trở thành một chân sư thăng thiên. Như Mẹ Mary có giải thích, tất nhiên cũng có một số người chỉ còn sót lại nghiệp quả đối với chính mình, có nghĩa là nói chung, những gì còn sót lại chỉ là tâm lý chưa giải quyết mà họ có thể giải quyết ngoài hiện thân vật lý.

Vậy tại sao lại có sự đặc miễn chỉ cần cân bằng 51% nghiệp quả? Chính là vì có quá ít người thăng thiên. Với độ dày đặc của tâm thức tập thể, thật quá khó thăng thiên với 100% nghiệp quả đã cân bằng và tâm lý đã giải quyết. Để đẩy nhanh tiến trình nâng cao tâm thức tập thể, một sự đặc miễn đã được ban ra là nếu có ai cân bằng được – giải quyết được – 51% thì người đó không phải trở lại hiện thân vật lý. Họ có thể gia nhập một chương trình đặc biệt ở cõi ê-the nơi họ nhận được sự trợ giúp để giải quyết bất cứ gì còn sót lại. Làm như vậy sẽ dẫn họ đến điểm thăng thiên trọn vẹn nhanh chóng hơn so với tiến trình tái đầu thai trong một cơ thể vật lý, rồi lớn lên cho đến tuổi trưởng thành để có thể đón nhận đường tu tâm linh và bước chân một cách ý thức hơn. Điều này đã gia tốc tiến trình khi một số người đã có thể giải quyết bất cứ gì vẫn chưa giải quyết, rồi thăng thiên nhanh chóng hơn thay vì phải trở lại đầu thai.

Loài người đã bước vào một chu kỳ mới và các thày có chủ ý giúp đỡ một nhóm đông đảo hơn nhiều đi qua tiến trình giải quyết trọn vẹn tâm lý của mình trong khi còn đang hiện thân. Việc này nhắm trước hết vào các avatar, nhưng giáo lý cũng hoàn toàn có giá trị và hữu ích cho những cư dân nguyên thủy của địa cầu đã đạt được một mức tăng triển tâm linh nào đó. Nó cũng hữu ích cho những ai tuy không đúng nghĩa là avatar nhưng có thể đã đến từ một số hành tinh khác đã thăng thiên và họ đã không thể thăng cùng với hành tinh của họ hay cùng với các dòng sống còn lại của hành tinh họ.

16.2. Tinh túy của đường tu là để cho ngã chết

Tất nhiên đây là thách thức mà các thày đã đặt trước mặt con. Con cần nhận ra ở đây là khi con kinh qua một giai đoạn nhất định, chẳng hạn khi con phát hiện ngã gốc như một avatar và con để cho ngã này chết đi, con được tái sinh vào một ý niệm bản ngã mới. Chắc chắn có những cái ngã con đã tạo ra sau khi con tạo ra ngã gốc. Con vẫn có một cái nhìn nào đó về bản thân, một cái nhìn nào đó về trái đất, có nghĩa là khi con tạo ra một ngã mới sau khi khắc phục ngã gốc thì ngã mới này không nhất thiết là cao nhất. Hay nói đúng hơn, ngã này không phải là cao nhất có thể. Khi con bước lên cao hơn và cao hơn nữa trong tâm thức, sẽ có một số điểm nơi con cần đứng lui lại, xem xét ý niệm bản ngã của mình lúc đó và một lần nữa để nó chết đi hầu con có thể lại tái sinh. Con có thể tái sinh trong Ki-tô, con có thể tái sinh trong Phật. Có lẽ con đang bắt đầu nhận ra là tinh túy của đường tu tâm linh là thấy mình có một ý niệm bản ngã giới hạn và mình để cho nó chết đi.

Cho tới giờ các thày đã đề cập đến một số ngã đặc thù là những cái ngã phản ứng được tạo ra để ứng phó với một tình huống đặc thù trên trái đất. Chẳng hạn như khi con tìm thấy con đường tâm linh, con tìm thấy một giáo lý của chân sư thăng thiên – và con bắt đầu học hỏi, bắt đầu thực hành, và có lẽ con gia nhập một tổ chức mang một số nét văn hóa tổ chức – thì kỳ thực con đang tạo dựng một ngã mới. Điều này con không bao giờ ngừng làm, không những trong kiếp này mà cả trong tiền kiếp. Con tạo dựng một số ngã, nói đúng ra không để phản ứng lại một hoàn cảnh chấn thương đặc thù. Kỳ thực con tạo dựng những cái ngã để đáp ứng với cái hiểu và cái biết mà con đang có. Con đang vươn lên một tầm nhận biết cao hơn và con tạo ra một ngã mới dựa trên tầm nhận biết cao hơn này. Khi con lên đến những tầng cao của đường tu, con cần trở nên ý thức về quá trình này, vì suốt một thời gian dài, quá trình xảy ra trong tiềm thức và con không biết là mình đang tạo ra một ngã mới.

Đến một điểm con cần ý thức quá trình này, con cần nhìn thấy: “Tôi đã kinh qua những gì từ khi tôi nhận biết ý thức về đường tu? Trải nghiệm của tôi là gì, sáng ngộ nào tôi đã thu hoạch?” Nói chung con nhìn lại đường tu của con cho tới điểm này và con có thể thấy: “Tôi đã kinh qua những gì, tôi đã chấp nhận những niềm tin nào dựa trên giáo lý tôi đã đi theo, tôi đã tham gia những tổ chức nào? Và kết quả là tôi đã tạo ra những loại ngã nào?” Như Quan Âm có nói, một số người bước vào giáo lý với mong muốn cảm thấy cao trội, và có thể họ sẽ không bao giờ buông được cái ngã cao trội họ đã tạo dựng do là đệ tử của chân sư thăng thiên. Tuy vậy, đa số các con không có vấn đề này nhưng các con đã có tạo dựng những cái ngã khác.

Một lần nữa, không có sự chê trách nào ở đây. Một phần tự nhiên trên hành trình phát triển là con tạo dựng những ngã mới này dựa trên nhận biết và mong muốn của con, những gì con muốn biểu đạt, những gì con muốn trải nghiệm, những gì con muốn thực hiện ở đây trên trái đất. Tất cả các thày cũng từng làm y như vậy. Thày chỉ muốn con nhận biết là nhiều các con đã tới điểm sẵn sàng trở nên ý thức về tiến trình này. Con hãy nhìn vào bản thân và xét xem cho tới giờ con đã tạo dựng loại ngã nào, và liệu ngã này có dựa trên một tầm nhìn hạn hẹp, một cái hiểu hạn hẹp. Khi con làm vậy, một số các con sẽ nhận ra là mình có một cái ngã được tạo dựng trên cơ sở một tầm nhìn nhất định về đường tu, một tầm nhìn nhất định về bản thân từ nhiều năm trước. Nhưng bây giờ trong một phần tâm con, con đã đạt được một cái hiểu cao hơn, một cái nhìn cao hơn, những sáng ngộ cao hơn, một góc độ cao hơn. Cho nên con cần dần dần nhìn thấy là cái ngã con đã tạo ra ở một giai đoạn trước trên đường tu không còn giúp con tăng triển nữa. Thật ra nó còn giới hạn sự tăng triển của con theo một cách nào đó, nó đang cầm chân con lại vì cái nhìn của con đã lỗi thời, đặc biệt về các khả năng của con.

16.3. Những cái ngã giới hạn khả năng của con

Các thày đã từng giảng bằng nhiều cách về việc con cần kinh qua giai đoạn khắc phục sự thúc giục muốn làm một việc gì đó trên trái đất. Tất nhiên việc kinh qua giai đoạn này hoàn toàn cần thiết, nhưng một khi con đã đi muốt giai đoạn này thì con nhận ra mục đích thực sự của con ở đây là để là chính mình, để biểu đạt chính mình. Biểu đạt chính mình có nghĩa là con cho phép Hiện diện TA LÀ của con biểu đạt chính nó xuyên qua con, vì con ngộ ra khi con là chính mình thì cũng có nghĩa con ở trong một trạng thái hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Vậy con có thể được lợi lạc nếu con nhận ra là ngay từ thuở chấn thương nhập đời, con đã tạo dựng một số ngã mang một cái nhìn nhất định về những gì con có thể làm trên trái đất, những gì con được phép làm trên trái đất, những gì con phải làm trên trái đất, và những ngã này có thể đã được củng cố hay điều chỉnh cho tinh vi hơn khi con tìm thấy con đường tâm linh.

Các thày đã có nói là khi con phát hiện một con đường tâm linh, con xem mình là một đệ tử tâm linh. Các thày cũng nói là có một giai đoạn phát triển rất dài khi đường tu tâm linh là một khái niệm hữu ích, xây dựng. Nhưng nếu trong thời gian hiện thân còn lại của con, con vẫn tiếp tục xem mình là một đệ tử thì sẽ tới một điểm nó không còn xây dựng nữa, bởi vì khái niệm đường tu ngụ ý: “Tôi ở một tầng cấp nào đó. Có một tầng cấp cao hơn tôi có thể leo lên nhưng tôi chưa lên đến đó.” Chẳng hạn con có thể nói: “Tôi đang ở tầng tâm thức thứ 88, có tất cả 144 tầng và tôi chưa ở tầng 144.” Tự thân câu nói này không thành vấn đề vì hiển nhiên con sẽ cần thời gian để lên đến tầng 144 và một số các con sẽ không lên đến đó cho tới khi con gần sẵn sàng rời bỏ hành tinh. Nhưng dù sao thì giữa tầng 88 với 144, có một số giai đoạn mà các thày đã đặt tên, chẳng hạn là quả vị Ki-tô. Có thể có một điểm khi con mang trong tâm một hình ảnh mình là một đệ tử đang tiến về hướng quả vị Ki-tô nhưng mình vẫn chưa đến đó. Nếu con mãi mãi bám giữ ý niệm bản ngã này thì làm thế nào con trở thành Ki-tô đang hiện thân được?

Nhưng này con yêu dấu, lại có nhiều ví dụ đệ tử của chân sư thăng thiên đã nghe nói về con đường quả vị Ki-tô và quyết định với tâm vỏ ngoài và tham vọng vỏ ngoài: “Phải, tôi đã là Ki-tô Hằng sống rồi đó.” Thế là họ xông ra ngoài, cho rằng họ phải làm những gì họ phải làm: phán xử sa nhân, đánh thức người khác, phóng tia sáng xanh vào người khác hay bất cứ gì khác. Thày không nói đến những chuyện như vậy mà thày nói đến thời điểm khi con đã tận dụng các dụng cụ mà các thày cho con, con đã chân thành nỗ lực khắc phục ngã gốc cùng nhiều ngã khác, cho nên con đã đạt đến một mức nào đó nhưng con vẫn cứ bám giữ một ý niệm bản ngã được tạo ra ở một mức thấp hơn. Ở mức trước đây, việc đặt quả vị Ki-tô làm mục tiêu là một điều chính đáng khi con chưa đến đó. Giờ đây con đã đạt đến một mức nào đó, ví dụ tầng 110. Có một cấp độ quả vị Ki-tô tương ứng với tầng này. Có một cấp độ quả vị Ki-tô tương ứng với mỗi tầng tâm thức từ 97 trở lên – mặc dù chúng ta có thể nói là sẽ tới điểm các cấp độ quả vị Ki-tô dần dần hoà quyện vào các cấp độ quả vị Phật. Nếu con đến tầng 110 mà vẫn còn giữ hình ảnh mình đã tạo ra ở tầng 95 thì hình ảnh này đang cầm chân con lại.

16.4. Công nhận quả vị Ki-tô của mình

Sẽ tới điểm con cần nhìn nhận, như sứ giả này ở một thời điểm đã sẵn sàng nhìn nhận là ông đã đạt được một cấp độ quả vị Ki-tô nào đó. Điều này không có nghĩa là ông rơi vào hoang tưởng cho rằng mình đã đến mức tối thượng, nhưng ông đã đạt được một mức nào đó và ông cần phải thực tế và công nhận điều này. Sự thể cũng giống như vậy đối với nhiều các con. Thật ra con đã đạt được một mức nào đó trên đường tâm linh nhưng con chưa dám thừa nhận vì con vẫn giữ ý niệm bản ngã con đã tạo ra ở mấy cấp thấp hơn điểm hiện thời của con.

Đúng, tất nhiên là luôn luôn có rủi ro con có thể làm vậy quá sớm khi con chưa hẳn sẵn sàng, nhưng chúng ta cần chấp nhận rủi ro này vì trên thực tế, chuyện xảy ra thường hơn là con không thừa nhận tiến bộ của mình. Điều thày muốn nói ở đây – một lần nữa để khai triển những gì Quan Âm đã giảng – là một số người xây dựng một ý niệm bản ngã vào thời điểm họ khám phá giáo lý lần đầu xong họ cứ nghĩ là họ phải đem nó theo mình. Đây là một ảo tưởng toàn diện và cũng rất nguy hiểm. Không có ai đã từng thăng thiên mà lại thăng thiên với cái ngã họ đã có ở khởi đầu kiếp đầu thai chót hay khi họ tìm thấy đường tu. Không có ai đã từng thăng thiên với ý niệm bản ngã của họ khi họ đạt đến tầng 144, vì hành động cuối cùng trước khi thăng thiên chính là để cho ngã chót cùng này chết đi và khắc phục ảo tưởng chót cùng này.

Tiến trình thăng thiên thật ra là tiến trình để cho hết ngã này tới ngã khác chết đi và sẵn lòng tái sinh vào một ý niệm bản ngã cao hơn. Để cho một cái ngã chết đi, con phải sẵn lòng chất vấn cái mà chúng ta có thể gọi là ảo tưởng, thậm chí cả sự nhận biết mà ngã dùng làm cơ sở. Con có thể nói là ở tầng 88, con đã thu hoạch một sáng ngộ mà con không có ở tầng 87. Đó là một sáng ngộ có giá trị, chỉ có điều đó không phải là sáng ngộ cuối cùng. Nếu con xây dựng một ý niệm bản ngã dựa trên sáng ngộ này, con không thể thực sự bảo rằng sáng ngộ này là một ảo tưởng, nhưng nếu con nghĩ đó là một sáng ngộ tối hậu nào đó, hay một cái ngã tối hậu mà con đã tạo dựng, thì chắc chắn đây là một ảo tưởng. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói mỗi lần con bước lên tầng tâm thức kế tiếp, có một cái ngã chết đi và một ngã khác sinh ra, nhưng con không nhất thiết phải ý thức điều này ở mỗi bước. Nhưng đúng là có những thời điểm con cần đứng lui lại và nhìn vào ý niệm bản ngã của mình. Và một trong những thời điểm này là khi con bắt đầu nhìn nhận là con đã đạt được, con đã chứng được một cấp độ nào đó của quả vị Ki-tô. Hiển nhiên cái ngã con có trước đó dựa trên ý tưởng rằng quả vị Ki-tô vẫn nằm đâu đó trong tương lai ở một mức cao hơn, cho nên ngã này phải chết đi. Và để ngã này chết đi, con phải thấy nó, thấy sự giới hạn của nó.

Giống như trường hợp Quan Âm đã giảng, nếu có ai đã xây dựng cảm nhận là mình cao trội, có thể họ sẽ rất khó lòng chất vấn cái ngã họ có. Đây là tại sao, tiếc thay, các thày chứng kiến một số đệ tử của chân sư thăng thiên bị kẹt cứng trong một ý niệm bản ngã nhất định và đơn giản không thể bước tới cho đến hết kiếp đó. Các thày rất muốn nhìn thấy điều này không xảy ra cho bất cứ ai đã nghe nói hay tìm thấy giáo lý. Có bảo đảm được không? Tất nhiên là không, nhưng ít nhất các thày đã nói ra rất rõ. Giáo lý đã được ban ra và các thày phải trao tự do cho giáo lý, phải trao tự do cho mọi người sử dụng giáo lý theo ý họ.

16.5. Hiện tượng “tiểu đạo sư”

Bây giờ có một chủ đề khác mà thày muốn đề cập ở đây là toàn bộ khái niệm về thời gian. Hôm qua thày đã đưa ra một số nhận xét về thời gian [Xem chương chót trong sách này] nhưng thày muốn nói thêm một chút về chủ đề này. Con có thể lấy nhiều góc nhìn khác nhau về một đề tài như thời gian. Con có thể mô tả nhiều cách khác nhau. Điều thày sẽ trao con ở đây chỉ là một cách thôi, không phải là cách tuyệt đối, chót cùng hay duy nhất.

Thời gian là gì? Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói thời gian không có sự hiện hữu khách quan. Nếu con lấy quyển sách Những kiếp sống của tôi, có rất rất nhiều yếu tố quan trọng trong sách này nhưng từ góc độ thày đang trình bày ở đây, yếu tố quan trọng nhất được đưa ra ở ngay phần giới thiệu, viết rằng: “Mọi người trên trái đất đều đang có một trải nghiệm chủ quan. Tất cả mọi vấn đề trên trái đất đều được gây ra bởi một số người muốn nới rộng trải nghiệm chủ quan của họ để nó trở thành có vẻ phổ quát do sự kiện người khác chấp nhận trải nghiệm chủ quan của họ thay vì chính trải nghiệm chủ quan của mình.”

Đây là điều con thấy lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử, rõ ràng và điển hình nhất trong các tôn giáo khi có ai đó đi theo một tôn giáo xong khởi xướng một cuộc thánh chiến để cải đạo mọi người khác, hay trong trường hợp cùng cực, sát hại những người không chịu cải đạo. Con cũng thấy một điều tương tự xảy ra trong số đệ tử của chân sư thăng thiên. Thày không chỉ đang nói đến mong muốn cải đạo người khác để người ta đi theo giáo lý chân sư, mà thày muốn nói đến sự kiện đôi khi các thày chứng kiến đệ tử của mình sử dụng một yếu tố trong giáo lý mà họ xem là rất quan trọng – mà họ xem là đã giúp họ hay có ý nghĩa đối với họ – rồi họ nắm lấy cái này và muốn người khác phải chấp nhận quan điểm này.

Một lần có một đệ tử của chân sư thăng thiên đã gọi đó là hội chứng “tiểu đạo sư”, qua đó người ta có xu hướng – sau khi đã theo học giáo lý được một thời gian – tạo ra một đẳng cấp nào đó hay có thể một bè phái nơi họ cảm thấy mình là đệ tử cao cấp, và họ tự xưng là một loại “tiểu đạo sư” với ý định tập hợp các đệ tử khác thành một đoàn môn đệ sẽ đi theo cách diễn giải và cái nhìn đặc thù của họ về giáo lý.

Thày không chê trách ai ở đây. Thật không thể tránh được chuyện này xảy ra trong bất kỳ phong trào tâm linh hay tôn giáo nào. Điều tự nhiên là một số đệ tử tinh tiến hơn bắt đầu chỉ dạy cho các đệ tử khác. Nhưng điều thày nói đến ở đây là nhiều người như vậy bước vào tâm thái chẳng khác gì cái tâm thái mà con thấy nơi mọi phong trào tôn giáo khi họ tìm cách cải đạo người khác. Con cũng gặp tâm thái này nơi các nhà khoa học duy vật tìm cách cải tạo người khác theo mình. Con chui vào tâm thái này khi con tự thuyết phục là cách mình nhìn giáo lý, nhìn cuộc sống, nhìn Thượng đế, nhìn khoa học hay bất kể gì khác là cách tối hậu hay cách đúng đắn duy nhất, cho nên nếu người khác chấp nhận đi theo quan điểm của mình thì sẽ tốt biết mấy cho họ. Này con, với tất cả những lời dạy mà các thày đã trao cho con, con phải có thể – và tất cả các con sẽ có thể nếu các con sẵn lòng – bước lui lại để nhận ra là cho dù con ở tầng tâm thức nào, thậm chí cả tầng 144, con vẫn đang có một trải nghiệm không tuyệt đối. Trải nghiệm của con không phải là phổ quát theo nghĩa là nó phải áp dụng cho mọi người.

Cho dù con ở tầng 144, thật không chính đáng nếu con cố khiến người khác phải sống đời họ dựa trên trải nghiệm của con. Trong phần giới thiệu sách cũng có nói là con có thể đạt tới điểm con không còn một trải nghiệm chủ quan theo nghĩa thấp, nhưng con vẫn đang có một trải nghiệm cá nhân, và lý do khá giản dị. Ở các tầng tâm thức thấp hơn, con trải nghiệm cuộc sống xuyên qua ngã vỏ ngoài và ngã này là một tập hợp tất cả ngã tách biệt kia. Ở các tầng thấp đó, con không có sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của con. Khi con bước lên cao hơn, con lột bỏ một số ngã vỏ ngoài này. Trải nghiệm của con ngày càng ít chủ quan hơn, ít bị pha màu hơn bởi các ngã tách biệt, bởi tâm thức tách biệt, bởi tâm thức nhị nguyên. Con ngày càng trở nên hòa điệu hơn với Hiện diện TA LÀ, nhưng Hiện diện TA LÀ của con không phải là một sinh thể phổ quát toàn vũ, đó là một sinh thể cá biệt.

Hiện diện TA LÀ trải nghiệm hoàn cảnh trên địa cầu xuyên qua cá thể đó. Hiện diện TA LÀ của con có một trải nghiệm về trái đất khác với Hiện diện TA LÀ của một người khác, và điều này hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn ổn thỏa. Điều thày nói ở đây là thế này: Tới một điểm trên đường tu con sẽ cần xoay chuyển và nhìn nhận là người khác không nhằm mục đích có được cùng trải nghiệm như con đang có. Họ nhằm có trải nghiệm riêng của họ. Điều này không có nghĩa là con không thể nói chuyện với họ, tìm cách giúp họ hay tạo cảm hứng cho họ hay bất cứ gì khác, mà có nghĩa là tới một điểm con sẽ bước cao hơn và tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết, qua đó con không còn tìm cách áp đặt trải nghiệm cá nhân của mình lên người khác.

Cũng không có nghĩa là con cần, theo thành ngữ quen thuộc, “câm miệng lại” và không nói năng gì với người khác mà trái lại, thay vì cố thay đổi cách họ trải nghiệm cuộc đời, con chia sẻ trải nghiệm của con. Có một sự khác biệt – thày cũng biết là có khi điều này có vẻ không khác biệt gì hết hay sự khác biệt quá vi tế – nhưng có một sự khác biệt cơ bản giữa việc áp đặt trải nghiệm của mình lên người khác và việc chia sẻ trải nghiệm. Cách thứ nhất mang một yếu tố ép buộc, còn cách thứ hai thì không. Đây là một thử thách, một sự khảo hạch mà con cần vượt qua, và con có khả năng vượt qua với các giáo lý con đã có trong tay.

16.6. Không phải ai ai cũng muốn thoát khổ

Đến một điểm con sẽ chỉ đơn giản lột bỏ cái ngã đang cho con lòng ham muốn đó vì đó là một cái ngã phản ứng với các điều kiện trên trái đất. Các thày có nói, ví dụ con thấy con người đau khổ. Trước khi con đến đây như một avatar, con đã đoán chừng, con đã chờ đợi là nếu con chỉ cho mọi người cách khắc phục đau khổ thì họ sẽ đón nhận lời con và cố gắng thoát khổ. Lý do là vì con, như một avatar và dựa trên trải nghiệm của con, sẵn lòng khắc phục các giới hạn cùng niềm đau khổ của mình. Nếu có ai chỉ cho con cách nào thoát khỏi khổ đau, con sẽ sẵn lòng làm theo và con chờ đợi mọi người cũng giống như con. Một lần nữa, điều này dựa trên trải nghiệm của con. Việc chờ đợi người khác sẽ muốn thoát khổ là chuyện lô-gíc trên một hành tinh tự nhiên nhưng không áp dụng được trên một hành tinh phi tự nhiên.

Tại sao một số người trên địa cầu đau khổ? Tại vì họ chưa chán chê trải nghiệm khổ đau. Khi con bảo họ không được đau khổ và làm thế nào họ có thể chấm dứt đau khổ, họ không thấy nó can hệ đến họ. Đó là chính con đang cố gắng thúc ép trải nghiệm chủ quan của con (rằng họ không được khổ đau) lên họ. Tới một điểm con cần làm việc trên ngã này để nhìn thấy nó. Con buông nó ra, con từ bỏ mong muốn khiến người khác sống theo cách nhìn của con. Một khi con đã buông bỏ ngã này, con có thể bước lui lại một chút và nhận ra là bất cứ khi nào con cảm thấy một sự bó buộc nào đó trong cách mình quan hệ với người khác, bất cứ khi nào con cảm thấy một sự căng thẳng, thì đó là vì có một cái ngã. Ngã này khởi nguồn từ chính thái độ, chính lòng ham muốn thúc ép kinh nghiệm chủ quan của mình lên người khác để khiến họ phải sống cuộc đời của họ dựa theo trải nghiệm chủ quan của con, thay vì đơn giản chấp nhận rằng trải nghiệm chủ quan của con hoàn toàn có giá trị với con, nhưng trải nghiệm chủ quan của họ cũng hoàn toàn có giá trị với họ cho dù trải nghiệm này có là gì ở giai đoạn hiện thời của họ.

Thật ra không bao giờ cần thiết hay chính đáng để con bảo: “Trải nghiệm chủ quan của tôi sẽ tốt hơn cho người khác. Sẽ tốt hơn nếu họ có trải nghiệm của tôi, hay ít ra nếu họ sống đời họ theo trải nghiệm của tôi chứ không theo trải nghiệm của họ.” Việc một người có trải nghiệm chủ quan của một người khác không bao giờ là tốt hơn. Điều luôn luôn tốt hơn cho họ là họ có trải nghiệm chủ quan mà chính họ đang có, vì đây là cách duy nhất họ có thể tăng triển.

16.7. Thời gian là một trải nghiệm chủ quan

Hồi nãy thày đang bắt đầu nói về thời gian thì có vẻ như thày đã chệch sang đề tài ngã tách biệt và vấn đề con áp đặt trải nghiệm chủ quan của con lên người khác, nhưng thày đã nói gì chứ? Thày nói rằng thời gian là một trải nghiệm chủ quan, đó là sản phẩm của một trải nghiệm chủ quan. Thời gian, trong cách nhìn của con người trên trái đất, không phải là một hiện thực khách quan. Nó hoàn toàn là một trải nghiệm chủ quan, tất nhiên được tạo ra một cách tập thể suốt một thời gian rất dài. Con người đã bỏ ra rất nhiều năng lượng của lý trí-cảm xúc-bản sắc để tạo ra cái nhìn hiện thời về thời gian, và cái nhìn này có thể được xem như một ngã tách biệt có mặt trong tâm thức tập thể. Con người nghĩ rằng thời gian rất đường thẳng, rằng họ không thể thay đổi thời gian. Con không thể đi trở ngược thời gian, con không thể thay đổi quá khứ. Như các thày đã giảng, sa nhân muốn con tin là con không thể thoát ra khỏi các lỗi lầm con đã phạm phải trong quá khứ.

Có một trải nghiệm về thời gian đã trở nên rất phổ thông trên địa cầu và tại sao như thế? Thật sự là vì sa nhân đã muốn đem trải nghiệm chủ quan của chúng về thời gian rồi xuất khẩu nó, phóng chiếu nó lên mọi người trên trái đất, và phần lớn chúng đã thành công trong việc này. Đó là tại sao thật ra các phim ảnh, sách báo thách thức quan niệm của con người về thời gian phần nào chính đáng. Mặc dù con không thể chế tạo một cỗ máy vật lý để du hành thời gian như trong phim kể truyện người ta chế được cỗ máy vật lý để trở ngược về quá khứ, nhưng phần nào loại phim như vậy vẫn giúp thách thức cái nhìn rất cứng nhắc về thời gian mà người ta thường có.

Bây giờ câu hỏi là như sau. Phải, đúng là có một cái nhìn tập thể về thời gian nhưng con là một đệ tử tâm linh trưởng thành. Con đã tu tập rất nhiều, con đã phần lớn tách mình ra khỏi tâm thức tập thể. Đến một điểm con cần xem xét: “Đâu là cái nhìn chủ quan của tôi về thời gian, cái nhìn cá nhân của tôi về thời gian?” Hiển nhiên ở một mức cá nhân, con thấy là con đã làm một việc trong quá khứ và việc này đã tạo ra một số hậu quả mà con đem vào cái con xem là tương lai. Con mang quan điểm là hoàn cảnh hiện thời của con bị ảnh hưởng bởi quá khứ của con ở một mức độ nào đó. Thậm chí con có cả những giáo lý tâm linh sẽ củng cố cho quan điểm này, theo nghĩa là con đã tạo nghiệp trong tiền kiếp và nghiệp này đang tác động đến hoàn cảnh hiện thời của con. Rất nhiều người cảm thấy nếu có gì xảy ra cho họ: “Ồ, chắc hẳn đây là kết quả nghiệp chướng của tôi.”

16.8. Một cái nhìn cao hơn về nghiệp quả

Trong nhiều trường hợp, con yêu dấu, những gì xảy ra cho một đệ tử tâm linh không phải là kết quả nghiệp chướng cá nhân của con. Đó là kết quả của sự kiện con đang hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên rất dày đặc, rất hỗn tạp. Có rất nhiều chuyện có thể xảy ra do người khác gây ra, do hành động hay trạng thái tâm thức của họ gây ra, hay do một nghiệp chướng tập thể gây ra nhưng không phải do nghiệp chướng cá nhân của riêng con. Đó là tại sao như thày đã nói, có thể tới một điểm con sẽ lợi lạc nếu con bước lui lại và xem xét cái nhìn về bản thân mà con đã tạo ra dựa trên giáo lý tâm linh, ngay cả dựa trên giáo lý về nghiệp quả. Có thể con đã xây dựng cái nhìn: “Phải, tôi mang nghiệp từ tiền kiếp. Nếu có điều gì tệ hại xảy ra cho tôi, đó là do nghiệp này và tôi cần đọc thỉnh đọc chú hay tập yoga hay bất cứ gì khác hầu chuyển hóa nghiệp quả cho nó không còn nữa.” Nếu như con đã bước trên đường tu được khá lâu và đã thực sự thỉnh cầu đủ lửa tím để hoán chuyển toàn bộ năng lượng cấu tạo nghiệp chướng của con thì điều gì xảy ra? Có nghĩa chăng là con đã cân bằng nghiệp quả của con? À, con đã chuyển hóa năng lượng. Đó là một khiá cạnh của nghiệp quả, nhưng các chân sư kia đã dạy con điều gì về những hình ảnh con còn cầm giữ từ quá khứ?

Nếu con mang hình ảnh về bản thân là con chưa cân bằng hết nghiệp quả thì thật ra con vẫn chưa thoát khỏi nghiệp quả của con. Có lẽ vẫn có một cái ngã thực sự không muốn nhìn nhận là con không còn nghiệp nữa, vì ngã này lo sợ nếu có gì xấu xảy ra cho con, làm sao con sẽ giải thích được ngoại trừ đó là kết quả của nghiệp chướng? Con có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng và tự hỏi tại sao Thượng đế lại để cho chuyện xấu kia xảy ra cho mình nếu con không có nghiêp quả. Con cho rằng lý do chuyện xấu xảy ra cho con là vì con đang bị trừng phạt về những việc xấu con đã làm trong quá khứ. Nhiều người suy nghĩ như vậy.

Nhưng con yêu dấu, dựa trên giáo lý các thày đã cho con, con có thể bước lên một bực và nhận ra là nhiều các con thật ra đã hoàn tất quá trình mà nhiều phong trào tâm linh, ngay cả các phiên bản về nghiệp ở Đông phương, đã mô tả là sự cân bằng nghiệp quả. Nếu có điều tệ hại xảy ra cho con, đó không phải là kết quả của nghiệp chướng cá nhân, không phải là kết quả một lầm lỗi con đã phạm phải, mà là sự kiện con sống trên một hành tinh phi tự nhiên rất dày đặc, rất hỗn tạp. Như các chân sư khác đã nói, con không thể nào tiên đoán chắc chắn và chính xác các sự việc xảy ra. Con hãy dùng câu chuyện ẩn dụ về sự khác biệt giữa viên đạn từ cây súng trường và chùm đạn bắn ra từ súng shotgun. Con không thể đoán trước đường bay của một hạt nhỏ trong nguyên chùm đạn từ lúc nó được bắn ra cho đến lúc nó chạm mục tiêu. Không thể nào tiên đoán được vì quá nhiều hạt nhỏ đang chạm vào nhau, giao với nhau và biến đổi nhau và vì thế chúng cũng đổi đường bay.

16.9. Vũ trụ không phải là một cỗ máy

Điều tương tự cũng xảy ra trong hiện tại. Con không thể bảo là một người đã cân bằng nghiệp quả cho nên không có gì tệ hại được phép xảy ra cho họ. Vì con vẫn đang sống trong một cơ thể vật lý trong một môi trường nhất định, có một mô thức sóng năng lượng vô cùng phức tạp được tạo ra bởi người khác và được duy trì bởi người khác. Không có cách nào, ngay cả đối với một chân sư thăng thiên, để tiên đoán chính xác biến cố nào sẽ xảy đến trong phần đời còn lại của con. Mọi sự quá hỗn loạn, quá bất ngờ đến độ nhiều nhà khoa học phải gọi đó là những “biến số ẩn giấu”. Đối với một chân sư thăng thiên, các biến số này không ẩn giấu. Chỉ có điều, con yêu dấu, vũ trụ không phải là một chiếc đồng hồ, nó không phải là một cỗ máy. Có thể có một hoàn cảnh mà các thày là chân sư thăng thiên có thể nhìn thấy tất cả mọi yếu tố góp phần vào đó, nhưng các thày vẫn không biết được chính xác một người sẽ chọn làm gì. Tất nhiên các thày có thể thấy được xác suất họ sắp sửa chọn làm cùng một việc mà họ đã chọn làm suốt 50 kiếp vừa qua, nhưng các thày không thể biết chắc và do đó không thể tiên đoán chính xác phần còn lại của kiếp này sẽ mang hình dạng ra sao. Nó tùy thuộc vào chọn lựa của con cũng như chọn lựa của nhiều người khác, nó tùy thuộc vào cách tất cả mô thức sóng năng lượng vô cùng phức tạp này sẽ tương tác như thế nào, giao thoa như thế nào với nhau.

Thật không có cách nào mà bảo được trên một hành tinh như trái đất là nếu con không còn nghiệp quả thì không có gì xấu xa có thể xảy đến cho con trong phần còn lại của kiếp này. Chuyện này đơn giản không thể có. Cho nên con cần buông bỏ ngã này. Con cần chấp nhận: “Tôi đã cân bằng nghiệp quả của tôi,” xong con cũng cần chấp nhận: “Vì tôi đang sống trên một hành tinh như trái đất cho nên có thể một chuyện gì đó sẽ xảy ra cho tôi mà không phải là nghiệp của tôi. Nhưng tôi sẽ không trách Thượng đế, tôi sẽ không tự trách mình, tôi sẽ không trách ai hết. Tôi sẽ chấp nhận nó như nó là, sử dụng nó tốt nhất và bước đi tiếp.”

Điều này đòi hỏi một sự xoay chuyển, và đây cũng là một phần của sự chấp nhận mình là một sinh thể Ki-tô. Con yêu dấu, khi Giê-su khởi sự kiếp đầu thai chót của thày, thày có mang một ý niệm bản ngã nào đó. Xong thày đã tuần tự bồi đắp và tinh chế ý niệm bản ngã này, cho nên khi thày bắt đầu sứ vụ công chúng, thày đã làm vậy với một ý niệm bản ngã nào đó. Dựa trên bản ngã này, thày đã có một số chờ đợi như khi thày bảo là không có gì thật sự tệ hại có thể xảy ra cho mình. Và nếu có thì Thượng đế sẽ gửi thiên thần xuống làm phép lạ để giải cứu thày khỏi sa nhân. Giê-su đã giải thích đây chính là cái ngã mà thày đã phải cho phép chết đi khi thày treo thân trên thập tự giá.

Con không phải chờ cho đến khi con mãn thời gian hiện thân này để buông bỏ những ngã đó. Con có thể khởi sự làm vậy ngay bây giờ. Con có thể tới điểm thực sự chấp nhận là con đã đạt được một cấp độ quả vị Ki-tô nào đó, và nếu có việc gì “xấu xa” xảy ra cho con thì rất có thể đây là một phần con đường quả vị Ki-tô của con khi con phải kinh qua trải nghiệm đó, phải chứng tỏ một cách ứng xử cao hơn và không dính mắc. Con phải chứng tỏ làm thế nào con có thể ứng phó với trải nghiệm này mà không còn ngã gốc hay những cái ngã con đã khắc phục.

16.10. Thời gian có và cũng không có

Vậy thời gian là gì? Tại sao thày đã nói là thời gian không có? À, là vì thời gian không có một sự hiện hữu khách quan nào, ít ra theo cách nhìn của mọi người. Bây giờ để minh họa cho điểm này, hãy để thày trình bày một điểm thày đã gợi ý trước đây. Theo truyền thống, hình học nói rằng có ba chiều kích trong không gian: chiều dài, chiều rộng, chiều cao. Con có hệ thống tọa độ truyền thống với ba trục và con bàn về một thế giới ba chiều nơi con có thể di chuyển. Con có thể đi bộ ở lầu này, đi tới và đi lui, nhưng con cũng có thể đi lên lầu trên nếu có một lầu trên, hay con có thể đi xuống lầu dưới. Con có thể di chuyển trong cả ba chiều.

Bây giờ cũng theo truyền thống, các nhà khoa học bảo rằng thời gian là chiều thứ tư, nhưng họ cũng nói thời gian hoàn toàn đường thẳng cho nên con không thể đi ngược thời gian. Tất nhiên con không thể nhảy về phía trước bước vào tương lai. Thực tế là từ nhãn quan thăng thiên, các thày nhìn thời gian cũng giống như các chiều kích kia tức là một chiều kích không đường thẳng. Con có thể đi tới hay đi lui trong thời gian. Con hãy tưởng tượng con đang đứng trong một quảng trường rộng lớn, một mặt phẳng rộng lớn, và con bắt đầu bước tới theo một hướng. Bây giờ con tưởng tượng có ai đến nói với con: “Bạn sẽ không bao giờ đi lùi lại được, bạn chỉ có thể bước tiếp theo cùng một hướng.” Phải, đó là điều đã xảy ra cho thời gian. Tất nhiên con cần hiểu điều này thấu đáo. Ví dụ con đến một thành phố. Có một quảng trường ngay trung tâm thành phố. Con đang đứng giữa quảng trường rồi bắt đầu bước tới theo một hướng, giả sử con bước một trăm mét. Con quẹo ở góc phố và quang cảnh con vừa thấy hồi nãy bây giờ không còn nữa, nó khác đi rồi. Con đã di chuyển vị trí của con trong không gian cho nên con có một tầm nhìn khác, một quang cảnh khác so với khi con cất bước. Con đứng ở nơi con đang đứng trong không gian.

Con có thể đi trở về điểm khởi đầu nhưng con không thể trở về đó chỉ bằng một bước nhảy. Con phải đi một số bước để về đó. Con cũng có thể di chuyển về một phía khác nhưng một lần nữa, con không thể nhảy xa đằng trước. Con phải đi từng bước một. Chúng ta có thể nói là ở bất kỳ điểm nào trong không gian, con đều có một tầm nhìn nhất định, một quang cảnh nhất định, thậm chí một ý niệm bản ngã nhất định. Có một cái ngã, một ý niệm bản ngã dựa trên điểm con đang đứng ngay bây giờ và những gì con có thể nhìn thấy. Về cơ bản, hiện tượng này cũng xảy ra y như vậy trong thời gian – thời gian cũng y như vậy trên cơ bản. Ở bất cứ thời điểm nào con cũng đứng ở một vị trí nhất định trên một dòng thời gian – nếu có thể gọi như vậy – nhưng thật sự đó là một điểm trong không gian của thời gian, một điểm trong chiều kích thời gian. Bất cứ lúc nào con cũng ở một vị trí đặc thù và ngay lúc đó con có một ý niệm bản ngã đặc thù.

Bây giờ sự khác biệt trong chiều kích thời gian là như sau: Giả sử con khởi đầu nơi quảng trường đó ở trung tâm thành phố. Con có một chiếc máy ảnh có khả năng chụp hình chính xác những gì mắt con thấy đằng trước khi đầu con hướng về một hướng. Con đứng đó, con chụp hình. Con bước đi một bước, con lại chụp hình và tấm hình cho thấy nhãn quan của con đã thay đổi như thế nào. Tất nhiên quang cảnh sẽ không khác lắm, tuy nhiên với mỗi bước đi nếu con cứ tiếp tục chụp hình thì sau khi con đi được một trăm mét chẳng hạn và đã quẹo quanh góc phố, hình chụp đã thay đổi khá nhiều. Bây giờ giả sử con mang theo con tất cả những hình chụp này, để cái nhìn của con về nơi con đang đứng trong không gian bị tác động bởi tất cả những cái nhìn trước đây mà con đã có trong không gian.

Trong cốt yếu, đây chính là điều con làm trong chiều kích thời gian. Đã có một thời điểm khi con hình thành một cái ngã, chẳng hạn ngã gốc. Từ đó trở đi, con đã mang ngã này theo con và ngã này đã thiết lập một khuôn khổ quy định cách con nhìn cuộc sống trên trái đất, cách con nhìn bản thân con trên trái đất. Thay vì chụp một tấm ảnh mới cho mỗi lúc, cho mỗi bước, con đã không ngừng bồi đắp thêm cho tấm ảnh cũ. Và điều này quyết định cách con nhìn chính con và cuộc đời trong giây phút bây giờ, có nghĩa là trên cơ bản, con đã đem theo con một cái gì đó từ quá khứ, và con yêu dấu, chính cái này là ý nghĩa của thời gian đối với con.

16.11. Cỗ máy du hành thời gian của riêng con

Thời gian chủ quan của riêng con chính là các hình ảnh được tạo ra trong quá khứ mà con vẫn mang theo con. Đây là tại sao từ một nhãn quan thăng thiên, các thày thấy được thời gian chỉ là một chiều kích khác và mình có khả năng di chuyển trong chiều kích này. Con có thể học cách di chuyển trong chiều kích này. Như Chân sư MORE có nói, các thày đã cho con một cỗ xe vượt thời gian với giáo lý của các thày. Các thày đã cho con khả năng đi trở ngược và nối kết lại chẳng hạn với hình ảnh mà con đã tạo ra trong chấn thương nhập đời hay bất kỳ hình ảnh nào con tạo ra trong một kiếp trước. Con có thể nhận biết hình ảnh đó, thấy rõ nó đã tạo ra một ngã tách biệt, và con để cho ngã chết đi mà không cố giải quyết hoàn cảnh con đã không thể giải quyết vào lúc đó. Con không thay đổi gì hết trong cõi vật lý. Con chỉ đơn giản để cho ngã chết đi, và trong tiến trình chót cùng, con nhận ra có một hình ảnh do ngã này cầm giữ và con tẩy xóa hình ảnh này đi, con tẩy xóa ký ức này đi.

Đấy là một cỗ máy vượt thời gian. Đấy là du hành trong thời gian. Tất nhiên khi con đạt đến các tầng nhận biết cao hơn cùng các tầng quả vị Ki-tô cao hơn nữa, con sẽ bắt đầu thoáng nhìn thấy một số hoàn cảnh tương lai. Nhiều các con đã có cái nhìn hé thoáng về một hoàn cảnh, hay con gặp những hoàn cảnh mà con có cảm tưởng mình đã gặp rồi trong quá khứ. Đột nhiên con nhận ra là con ở trong một tình huống vật lý mà con đã nhìn thấy trước đây trong giấc mơ hay trong khải tượng. Đây là một ví dụ làm thế nào con cũng có thể du hành vào tương lai. Có một số trường hợp việc nhìn thấy trước tương lai sẽ hữu ích và thích hợp đối với một sinh thể Ki-tô, tuy nhiên đây là một khả năng con cần sử dụng thận trọng. Thật không có lý do chính đáng nào khiến con muốn biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra cho con trong thời gian hiện thân còn lại của con, vì như các thày có nói, làm thế nào con tăng triển từ một tầng tâm thức lên tầng cao hơn? Con tăng triển bằng cách đáp ứng các tình huống dựa trên mức tâm thức hiện thời của con nhưng con vẫn sử dụng tình huống này để với lên một tầm nhìn cao hơn – đó chính là cách con tăng trưởng.

16.12. Sống trong hiện tại khi hiện tại là một khoảng thời gian

Có một lý do khác nữa khiến con phải thận trọng khi dùng khả năng này. Giả sử con đang có một viễn quan về những gì sẽ xảy ra trong mười năm nữa, một tình huống sẽ xảy ra mười năm nữa. Con có thể lấy ví dụ của Giê-su có khải tượng là mình sẽ bị đóng đinh ở thành Jerusalem. Liệu khải tượng này về tương lai có được tạc vào đá hay không? Các thày chẳng đã nói với con là quá khứ không được tạc vào đá và con có thể đi trở ngược để thay đổi nó hay sao? Vậy làm sao tương lai có thể tạc được vào đá? Giữa thời điểm bây giờ và mười năm nữa, con sẽ kinh qua rất nhiều trải nghiệm, rất nhiều bước. Chính con sẽ lấy nhiều quyết định và người khác cũng sẽ lấy nhiều quyết định. Mặc dù con có thể di chuyển trong chiều kich thời gian và hé thấy tương lai, nhưng con không thể biết được điều này sẽ trở thành hiện thực. Đó là tại sao việc nhìn thấy tương lai rồi tin tuyệt đối nó sẽ xảy đến là một điều phần nào phản xây dựng, thậm chí còn nguy hiểm là đằng khác. Rất có thể con sẽ có những quyết định và người khác cũng có những quyết định sẽ chuyển đổi phương trình, chuyển đổi sự tương tác vô cùng phức tạp giữa các sóng năng lượng, khiến cho những gì con hé thấy không trở thành hiện thực. Nói cách khác, nếu con nhìn thấy tương lai thì nó sẽ chỉ xảy ra nếu không có gì thay đổi.

Nhưng trên một hành tinh phi tự nhiên, con có thể đoan chắc là có gì đó sẽ thay đổi, cho nên tấm hình chụp về tương lai mà con đang có rất có thể sẽ không còn chính xác nữa trong vòng mười giây. Vậy tại sao con lại cần đến nó? Tại sao con lại muốn có nó? Thật sự khi con càng bước lên cao hơn trên đường tu, con sẽ càng bớt quan tâm đến tương lai, con càng ít mong muốn biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhiều người đạt đến một cấp độ quả vị Ki-tô hay quả vị Phật nào đó không còn quan tâm đến quá khứ, không còn quan tâm đến tương lai. Họ chú tâm vào hoàn cảnh ngay trước mặt, không cứ là giây phút hiện tại như một khoảnh khắc trong thời gian, mà vào hoàn cảnh hiện thời của họ và hoàn cảnh này có thể kéo dài một khoảng thời gian. Chẳng hạn nếu con cố đạt một mục tiêu như xây một căn nhà chẳng hạn, con không thể xây nhà trong giây phút hiện tại. Con không thể xây nhà nếu con sống trong hiện tại và chỉ chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại. Tất nhiên con không bàn đến quá khứ xa xôi hay tương lai xa xôi. Con quyết định: “Tôi sẽ khởi sự tiến trình dẫn tôi đến việc xây căn nhà này.” Rồi có thể con sẽ tốn một năm để xây căn nhà. Nhưng bây giờ con đã kinh qua tiến trình này được ba tháng và con vẫn có thể nhìn trở ngược thời gian và bảo: “Đây là cách tôi đã hoạch định ba tháng trước đây.” Con vận hành trong một khoảng thời gian kéo dài một năm để xây căn nhà.

Đó là tại sao thày nói là con không nhất thiết, như một sinh thể tiên tiến, sống trong hiện tại và hiện tại này là một khoảnh khắc. Con có một khoảng thời gian để làm việc nhưng con không bị gánh nặng của những sự việc xảy ra hai triệu năm trước hay trong kiếp trước hay trong tuổi thơ ấu. Con không vẫn đổ lỗi cho cha mẹ đã nuôi con như thế nào khi con còn nhỏ. Con không quan tâm đến những gì sẽ xảy đến trong mười năm nữa. Con ngộ ra một điều, con ngộ ra tinh túy của những gì các thày đã dạy con. Con không ở đây để hoàn thành một mục tiêu vật lý đặc thù nào. Mục đích đời con không phải là xây căn nhà kia. Mục đích của việc xây nhà là để cho con một trải nghiệm. Thật chẳng có gì quan trọng nếu con xây căn nhà rồi hai năm sau có trận động đất phá sập hoàn toàn, vì con vẫn đã có được trải nghiệm xây dựng căn nhà. Nếu căn nhà bị động đất phá hủy thì con lại có thêm chính trải nghiệm này.

Con có thấy không, con yêu dấu, sẽ tới một điểm con đã khắc phục những cái ngã muốn kiểm soát mọi khía cạnh của đời con và do đó cũng muốn có khả năng kiểm soát tương lai. Có một cái ngã rất rất quan tâm đến chuyện kiểm soát tương lai vì ngã này đã được thiết kế, được lập trình để đảm bảo là con không bao giờ gặp lại trải nghiệm đau đớn con đã gặp trong quá khứ. Cho nên ngã này muốn kiểm soát tương lai để con có thể tự bảo vệ khỏi mọi chuyện xấu xa xảy đến cho mình. Một khi con buông bỏ nó cùng những cái ngã khác, con thấy rõ là con đang ở trên một hành tinh phi tự nhiên. Thật chẳng nghĩa lý gì trên một hành tinh phi tự nhiên mà lại cố sống cùng loại đời sống mà con đã quen sống trên một hành tinh tự nhiên. Trên hành tinh tự nhiên, con có thể xây một căn nhà và nó sẽ ở đó vĩnh viễn. Không có rủi ro động đất, hỏa hoạn, bão lụt hay bất cứ chuyện gì có tiềm năng phá hủy nhà con, nhưng trên hành tinh phi tự nhiên sẽ không như vậy. Cho nên con vẫn có thể quyết định: “Tôi muốn có trải nghiệm xây nhà ở đây trên trái đất,” nhưng khi đó, con sẽ mở tâm để nhận ra là trong trường hợp căn nhà bị phá hủy – và tất nhiên thày không bảo là căn nhà sẽ bị phá huỷ – thì đây chỉ là thêm một loại trải nghiệm con có thể có trên địa cầu. Do đó con có thể nói: “Ồ, quả là bổ ích khi tôi trải nghiệm chính mình trong hoàn cảnh này khi căn nhà của tôi bị phá tan tành.” Đây chỉ là một trải nghiệm khác, một cơ hội khác để con là chính con bất kể điều kiện gì trên trái đất.

16.13. Tự do trải nghiệm cuộc sống

Con thấy đó, con yêu dấu, tới một điểm con sẽ bắt đầu xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Xuôi chảy với Dòng sông sự Sống không có nghĩa là không có gì xấu xa xảy ra cho con – con không thể bị đau ốm, con không thể bị tan nát nhà cửa, con không thể bị mất tiền bạc, con không thể thế này, không thể thế kia – mà thật ra nó có nghĩa là con sẽ không có một trải nghiệm tồi tệ nào, bởi vì cho dù điều gì xảy ra, con cũng không trải nghiệm nó xuyên qua cái ngã tách biệt phải xét đoán mọi thứ là tốt hay xấu. Đấy là khi con tự do xuôi chảy với Dòng sông sự Sống do con không có định kiến nào về những gì phải hay không được xảy ra. Con hãy lấy ví dụ tình cảnh của Giê-su khi thày bảo các tông đồ là thày sẽ đi Jerusalem, sẽ gặp khổ nạn, sẽ bị trấn áp và đóng đinh. Peter nói với thày: “Xin ngài tránh xa, chuyện này sẽ không xảy ra đâu.” Tại sao Peter lại nói như vậy? Vì ông có một ngã tách biệt với một cái nhìn rất đặc biệt, một cái nhìn tôn thờ thần tượng về những gì phải xảy ra hay không được xảy ra cho Ki-tô Hằng sống. Đây là một cái nhìn hoàn toàn chủ quan mà Peter đang cố phóng chiếu lên Giê-su, và vì Giê-su ở một mức quả vị Ki-tô cao hơn Peter nên thày đã từ chối tuân theo hình ảnh chủ quan của Peter. Để giúp Peter bứt ra khỏi hình ảnh chủ quan này, thày mới nói: “Lùi ra sau ta, Satan.”

Theo một nghĩa nào đó, con có thể mô tả tâm thức Satan là khi con phóng chiếu một hình ảnh chủ quan lên người khác và muốn họ chối bỏ trải nghiệm chủ quan của riêng họ để hoặc họ có trải nghiệm của con – mà tất nhiên họ không thể thực sự có được – hoặc ít ra họ sống cuộc đời họ dựa trên trải nghiệm chủ quan của con. Đến một điểm con sẽ khắc phục cái ngã cứ muốn đánh giá từng trải nghiệm, từng sự việc xảy ra cho mình theo thang điểm tốt hay xấu, đúng hay sai, được hay không được xảy ra. Con không còn sợ hãi những gì không được xảy ra. Con sẵn lòng xuôi chảy với bất kỳ tình huống nào xảy đến mà con nhận ra là không thể tránh được.

Bây giờ nếu con nhìn lại một tổ chức của chân sư thăng thiên trước kia, con có một vị sứ giả và trong tổ chức hầu hết mọi người đều xem bà đã đạt được một tầng tâm thức rất cao. Nhiều người đã hành xử đối với bà y như Peter đã hành xử đối với Giê-su. Họ phóng chiếu một cái nhìn lên bà về những gì phải hay không được xảy ra. Thế rồi chuyện gì đã xảy ra? Bà lâm trọng bệnh và nhiều người đâm ra bối rối, xốn xang, tức giận về điều xảy ra. Họ đã có một cái nhìn là bà phải hướng dẫn họ cho hết phần còn lại của đời họ, phải giúp họ bước trên đường tu mà không phải nhận trách nhiệm về bản thân vì họ chỉ cần đi theo chân đạo sư.

Thế rồi khi bà không còn khả năng làm công việc này nữa, họ nổi cơn phẫn nộ và vô cùng xét đoán. Một số còn viện cớ này để bác bỏ cả đường tu, họ từ chối bước đi tiếp trên đường tu, họ quay trở về lối sống ăn chơi, lối sống hưởng thụ, và họ lại làm tất cả những thứ họ đã nhịn không làm suốt một thời gian dài. Con yêu dấu, tại sao lại có chuyện như vậy? À, là vì như các thày đã gợi ý trước đây, có quá nhiều đệ tử không sẵn lòng chuyển bước đi tiếp. Cho nên đây là một cách để bắt buộc họ phải đương đầu với một điều trong tâm họ mà họ đã không sẵn lòng đương đầu cho tới nay.

16.14. Để cho thời gian co sụp

Để quay lại điểm đầu, trải nghiệm chủ quan của con về thời gian dựa trên bất kỳ ngã nào con đã tạo ra trong quá khứ mà con vẫn mang theo con, vì chúng đang ảnh hưởng đến cách con nhìn bản thân và cuộc sống trong giây phút hiện tại. Chúng cũng ảnh hưởng đến những gì con nghĩ về tương lai. Nếu con nhìn thấy tương lai của mình ngay bây giờ, đó sẽ là một tương lai dựa trên các ngã tách biệt con đang có ngay bây giờ và cách chúng ảnh hưởng tương lai của con. Khi con bắt đầu vứt bỏ các ngã này đi thì ngay lúc đó con thay đổi phương trình tương lai của con. Con cũng đang thay đổi quá khứ của con. Theo một nghĩa nào đó, con đang triệt tiêu, con đang tẩy xóa, con đang xóa sạch quá khứ của con.

Các thày đã có nói là con không thể nào thăng thiên trong quá khứ. Con cũng không thể thăng thiên trong tương lai. Con chỉ có thể thăng thiên trong hiện tại. Điều gì xảy ra khi con ở tầng 144 và như các thày đã giảng, con đứng đó và chỉ cần một bước nữa thì con sẽ bước vào cõi thăng thiên? À, ngay lúc đó con cần nhìn lại trái đất, con cần nhìn xem có bất cứ gì níu kéo con trở về đó hay không. Cái có thể níu kéo con trở về đó là bất cứ dính mắc nào con có, bất cứ ngã nào, bất cứ gì từ quá khứ mà con cảm thấy chưa được giải quyết. Đó chính là quá khứ của con đang kéo con về. Đằng khác nếu con có bất cứ gì trên trái đất mà con chưa làm, chưa hoàn tất, bất cứ gì mà con muốn làm, muốn trải nghiệm, thì cái đó là tương lai của con đang kéo con về trái đất.

Con thấy đó, để có thể thăng thiên, con phải đạt tới điểm không còn quá khứ nào trên địa cầu vì không có gì chưa giải quyết mà con kéo lê theo con. Đồng thời, con không có tương lai nào trên địa cầu vì con không có viễn kiến muốn làm bất cứ gì trên địa cầu. Khi, nếu có thể gọi như vậy, dòng thời gian của sự có mặt của con trên trái đất co sụp lại – sự co sụp của một hàm sóng, theo từ được dùng trong vật lý lượng tử – và khi thời gian không còn kéo dài được nữa, tức là không có quá khứ, không có tương lai và thời gian co sụp lại thành một khoảnh khắc độc nhất, thì đó chính là khoảnh khắc con thăng thiên. Đây mới thực sự là ý nghĩa tối hậu của câu nói: “Thời gian không có, thời gian không còn nữa.”

16.15. Làm hòa với việc mình ở đây

Làm thế nào con có thể dùng các lời dạy này để làm hòa với việc mình ở đây trên địa cầu? À, tự thân các lời dạy này có thể giúp con xoay chuyển tầm nhìn của con. Để thày lấy ví dụ một trải nghiệm mà sứ giả này đã có khi ông còn nhỏ và ông kinh qua một trải nghiệm rời khỏi thân xác (out-of-body experience). Ông đã bước ra ngoài cơ thể của ông, đi vào một đường hầm rồi một vùng ánh sáng, sau đó ông trở lại trong cơ thể. Ông nhận ra là mặc dù trải nghiệm này vô cùng thâm sâu, ông không có nhu cầu lặp lại. Trải nghiệm này đã chứng tỏ cho ông – không phải về mặt lý thuyết mà ở một mức độ trải nghiệm – là có gì đó vượt khỏi thế giới vật chất, và cái đó giúp ông ngộ ra là mình sẽ không mãi mãi ở lại trong thế giới vật chất. Cho nên ông đã từ bỏ nhu cầu cố gắng có thêm trải nghiệm tâm linh, và kể từ đó ông đã không làm bất cứ gì để có trải nghiệm tâm linh. Có một số trải nghiệm tâm linh đã xảy ra tự phát nhưng ông chưa bao giờ nỗ lực hay cưỡng ép để có trải nghiệm như vậy. Con có thể làm giống như thế.    

Con có thể xoay chuyển và ngộ ra là sau khi con thăng thiên, thời gian mà con chứng kiến trên địa cầu sẽ không áp dụng cho con nữa. Theo nghĩa đen, con có cái người ta gọi là sự vĩnh hằng, nhưng đó không thật là vĩnh hằng bởi vì ở cõi thăng thiên luôn luôn có sự tiến bộ. Con có một khoảng thời gian dài gần như vô lượng so với khoảng thời gian con có trên trái đất. Ngay cả khi con nhìn vào chiều dài hai triệu năm con đã sống trên trái đất, thời gian con có ở cõi thăng thiên dài hơn vậy một cách bất tận.

Con có tiềm năng làm cuộc xoay chuyển là nói: “Tại sao tôi lại vội rời bỏ nơi đây đến như vậy? Có lẽ chăng tôi muốn trải nghiệm cảm giác ở cõi thăng thiên là như thế nào?” Phải, nhưng nếu con có nguyên một vĩnh hằng để trải nghiệm cõi thăng thiên và con chỉ có một thời gian giới hạn trên địa cầu, tại sao con lại vội vã lánh xa địa cầu để trải nghiệm những gì con sẽ dư thì giờ trải nghiệm? Tại sao con không làm hòa với việc mình ở đây trên trái đất, biết rằng mình sẽ chỉ ở lại ngắn ngủi, và sau đó con nói: “À, vì tôi chỉ có một thời gian hạn chế trên địa cầu, tại sao tôi không tận dụng tốt nhất thời gian tôi có? Tại sao tôi không tìm kiếm những trải nghiệm tốt đẹp nhất mà tôi có thể có trong thời gian sót lại trên địa cầu, thay vì cứ luôn cảm thấy như thể mình bị chậm trễ và phải rởi khỏi nơi đây cho bằng được?”

Con yêu dấu, các thày đã nói điều này trước đây rồi. Có những chân sư đã thăng thiên (và họ đã cần thăng thiên trong một thời hạn nào đó) nhưng họ đã nhìn lại địa cầu từ cõi thăng thiên và nghĩ: “À, ước gì tôi đã thong thả, ước gì tôi đã có nhận biết để vui hưởng cuộc sống trên địa cầu trọn vẹn hơn, vui hưởng các trải nghiệm tôi có thể có, vui hưởng mình là chính mình trong các hoàn cảnh mình sống qua trong cõi vật lý.” Thày hy vọng một số các con sẽ được cảm hứng từ sự kiện này để sử dụng cuộc sống tối đa hầu con không nghĩ như thế sau khi thăng thiên.

Thày cũng có thể nói là con càng an bình với việc mình ở địa cầu thì con sẽ càng tận dụng được trải nghiệm của mình, càng tác động mạnh mẽ đến tâm thức tập thể, càng kéo tâm thức tập thể đi lên. Đương nhiên con sẽ kéo tâm thức tập thể đi lên khi con thăng thiên, nhưng thày có thể cam đoan với con là sức kéo của con sẽ mãnh liệt hơn gấp bội khi con vẫn còn điểm trụ neo của một cơ thể vật lý trong bát cung vật lý, song song với một mức nhận biết cao hơn khi con đón nhận trọn vẹn việc mình ở đây, mình an bình, mình vui hưởng cuộc sống ở đây trên địa cầu.

Con yêu dấu, như chính thày đây sau khi chứng ngộ dưới cây Bồ đề và vượt qua thử thách của quỷ Mara, thày cũng đã đạt tới điểm có thể vui hưởng trọn vẹn việc mình ở đây trên trái đất. Cám dỗ của Mara là gì? Đó là thày phản ứng lại chúng, khiến thày không thể an bình trọn vẹn, không thể là chính mình trọn vẹn, không thể vui hưởng trọn vẹn mình là chính mình trên trái đất do tất cả các điều kiện đó. Trong những năm chót của thày khi thày giảng dạy, thày đã có một cảm nhận liên tục là mình vui hưởng sự trải nghiệm các tình huống trải bày ra trước mắt mình trong cõi vật lý, vui hưởng việc tương tác với các đệ tử, nhìn thấy đệ tử tăng triển hay không tăng triển cho dù trường hợp của họ là gì. Thày không có chủ đích. Thày không có tiếc nuối. Thày không có một ý định nào về những gì phải xảy ra. Thày chỉ vui hưởng là bản thân mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào thày chứng kiến trong cõi vật lý. Con yêu dấu, đó là một niềm vui rất lớn. Và điều này cũng có nghĩa là tất nhiên, thày không có hối tiếc nào về quá khứ.

16.16. Không tiếc quá khứ, không sợ tương lai

Chủ đề chót mà thày muốn đề cập – và thày biết thày đã lạm dụng sự kiên nhẫn của con rồi đó – nhưng con thấy không, mục đích đưa ra bài truyền đọc dài dòng này là để dạy con về tính kiên nhẫn. Thày không thể làm vậy một cách lý thuyết. Con phải trải nghiệm. Liệu con có đang vui hưởng trải nghiệm mà con đang có, trải nghiệm chính con đang lắng nghe bài truyền đọc của Phật? Con có vui hưởng trải nghiệm này không? [cử tọa: “Có.”] À, riêng thày chắc chắn đang vui hưởng trải nghiệm trao truyền bài giảng này cho con.

Chủ đề chót của thày. Quá nhiều đệ tử tìm thấy một giáo lý của chân sư thăng thiên rồi nghĩ: “Ồ, tại sao tôi đã không tìm thấy giáo lý này sớm hơn? Tôi đã lãng phí bao nhiêu thời giờ. Tôi đã đến tuổi này rồi, tôi chỉ còn bấy nhiêu năm nữa thôi. Tại sao tôi đã không tìm ra giáo lý sớm hơn?” Xong họ nói: “Bây giờ tìm thấy giáo lý rồi, tôi cần tận dụng mỗi giây phút trong ngày để đọc chú và theo đuổi tăng triển tối đa.” Nói chung, họ quên không vui hưởng hiện tại, vui hưởng trải nghiệm của mình. Con yêu dấu, điều này liên quan đến một chủ đề rộng lớn hơn nhiều, là khi con bắt đầu suy nghĩ trong viễn quan dài hạn của một người avatar rằng có lẽ con đã ở đây hai triệu năm rồi. Con đã kinh qua đủ mọi trải nghiệm, làm thế nào con có thể tránh chuyện hối tiếc quá khứ? Làm thế nào con có thể tránh chạm đến chấn thương nhập đời và không hối hận việc này đã xảy ra, hối hận cách phản ứng của con, hay những gì con đã làm nhiều kiếp trước đây và những gì con đã làm trong kiếp này, vân vân và vân vân? À, chìa khóa cho vấn đề này các thày đã trao con rồi đó, cụ thể là con biết rõ dù chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, con vẫn có khả năng tẩy xóa nó đi.

Như các thày đã giảng, không có biến cố khách quan nào còn hiện hữu trong một khoảng không gian vật lý nào của quá khứ. Bát cung vật lý đã bước tới rồi. Tất cả còn sót lại là những gì nằm trong tâm thức của con, và con có sự hiểu biết, con có các dụng cụ để tẩy xóa nó đi. Nếu con biết con có khả năng tẩy xóa bất cứ gì đã xảy ra trong quá khứ, tại sao con lại phải hối tiếc về quá khứ? À, chính con thì không hối tiếc mà có một ngã tách biệt đang có những hối tiếc này. Chính con có thể nhìn ra ngã tách biệt đó, buông nó ra và nói: “Mi đã ảnh hưởng ta đủ lâu rồi. Thế là xong. Mi đã ra đi.”

Đây là lúc con có thể bắt đầu vui hưởng cuộc sống vì giờ đây con đạt tới điểm nhận ra là nếu quá khứ không tác động đến con nữa thì tại sao con lại cần lo sợ về tương lai? Tại sao con cần lo sợ mình có thể lầm lỗi trong tương lai?

Một số các con đã đạt đến một mức nào đó trên đường tu tâm linh khi con cảm thấy mình đã vứt bỏ được một số điều đau buồn từ quá khứ, nhưng vẫn còn một nỗi sợ hãi những gì có thể xảy ra trong tương lai. “Nếu như tôi phạm lỗi lầm thì sao? Nếu như tôi làm một việc gì mà tôi không nên làm?” Con biết không, con yêu dấu, bất cứ gì con có thể làm trong tương lai cũng chỉ là thêm một chọn lựa khác. Với trạng thái tâm thức của con hôm nay đã cao hơn, có rất ít xác suất chọn lựa của con hôm nay sẽ trầm trọng như trong quá khứ. Nếu các chọn lựa quá khứ trầm trọng đến vậy mà còn có thể tẩy xóa được – như con đã trải nghiệm – thì chắc chắn bất cứ gì xảy ra trong tương lai cũng có thể được tẩy xóa. Vậy tại sao con phải lo sợ về tương lai?

Nếu con không có hối tiếc nào về quá khứ thì mặt bên kia của đồng tiền là con cũng không có nỗi sợ nào về tương lai. Đây là lúc con có thể bắt đầu vui hưởng giây phút hiện tại, như thày vừa nói, trong khoảng thời gian mà con đang hoạt động. Khoảng thời gian này không phải là một khoảng cố định. Nó uyển chuyển tùy theo con đang làm gì. Như thày đã giảng, nếu con chú tâm xây một căn nhà, con sẽ cần đến một khoảng thời gian để hoàn tất căn nhà trong cõi vật lý. Nếu con chú tâm vào việc đánh răng thì tất nhiên con sẽ không cần đến nguyên một năm, vân vân. Con có cái nhìn rất linh hoạt uyển chuyển này về thời gian, nó đi vào rồi nó đi ra và nó thay đổi trong những tình huống khác nhau.

16.17. Đừng trở thành kẻ nô lệ của thời gian

Đó cũng là một khía cạnh trong việc đạt tới điểm con không là kẻ nô lệ của thời gian. Thời gian không sai khiến được trải nghiệm của con trên địa cầu. Con có thể nói là hầu hết mọi người đều là nô lệ của thời gian. Thời gian là ông chủ của họ. Con có thấy biết bao người luôn nhìn đồng hồ không, vì họ phải có mặt ở một nơi nhất định vào một thời điểm nhất định. Con đạt tới điểm con chỉ xuôi chảy với Dòng sông sự Sống.

Tất nhiên là thời gian hiện hữu. Có một phạm vi thời gian nào đó. Con nhìn về tương lai. Hay con nghĩ trở ngược về một thời quá khứ khi con đã quyết định thực hiện một ý định nào đó, vân vân. Nhưng con không bị thời gian sai khiến. Thời gian không là chủ nhân của con. Con không là kẻ nô lệ. Thời gian chỉ là một công cụ.

Chẳng khác gì khi con di chuyển trong không gian. Nếu con di chuyển trong không gian và thấy mình ở một nơi mình không muốn, con chỉ việc di chuyển đến một vị trí khác trong không gian, và thời gian cũng giống như vậy. Con tẩy xóa một chuyện gì đó từ quá khứ. Con di chuyển đến một vị trí khác. Thật không thành vấn đề cho con. Con không bị nó sai khiến.

Một lần nữa, đây là một niềm vui lớn cho thày được trải nghiệm chính mình đang tương tác với các con. Thày đã tương tác với mỗi người và từng người trong số các con như con đã cho phép thày làm như vậy suốt bài truyền đọc này. Thày có thể lại làm vậy nữa khi con nghe lại hay khi con đọc bài giảng. Có lẽ con đã không để ý điều này nhưng con có thể dần dần để ý thấy trong tương lai. Con có thể đạt tới điểm trải nghiệm: “Làm thế nào tôi thực sự trải nghiệm chính mình trong Hiện diện của Phật Gautama?” Con có thể có cùng trải nghiệm này với bất kỳ vị chân sư thăng thiên nào khác gần gũi nhất với tim con. Con yêu dấu, đó là ý nghĩ chót mà các thày mong muốn cho con trong đơn vị, trong khóa giảng này mà các thày vừa trao cho con về cách làm thế nào con khởi sự với ngã gốc rồi khắc phục được nó để con có thể an bình với việc mình ở đây trên trái đất.

Các thày vô cùng biết ơn các con đã sẵn lòng tổ chức và tham gia vào các buổi hội nghị dẫn đến hội nghị hôm nay. Hiển nhiên các thày rất mong chờ những gì các thày sẽ có thể trao cho con trong tương lai. Các thày có rất rất nhiều lời dạy khác mà thày sẽ không tiết lộ bây giờ vì một phần của toàn bộ trải nghiệm là con trải nghiệm giáo lý mà không có lời báo trước hay kỳ vọng nào cả. Con sẽ dễ trải nghiệm hơn với tâm trẻ thơ không phóng chiếu bất kỳ phin lọc nào lên đó. Và như vậy, lời dạy sẽ có tác động tối đa trên con. Và như vậy các thày gửi lòng biết ơn sâu xa nhất đến các con.

9 | Tự dạy mình tẩy xóa ký ức

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 1/12/2018, nhân một hội nghị ở Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên MORE, và thày muốn khai triển những gì thày đã trao con hôm qua cùng những gì Mẹ Mary đã trao con và hướng về đề tài làm thế nào con có thể khắc phục quá khứ của con. Trong số các con hôm nay có một người nói với sứ giả này là ông vẫn cảm thấy bị kẹt trong quá khứ, sống trong quá khứ, nhìn lại quá khứ, thậm chí còn ao ước một thiên đàng đánh mất mà mình đã trải nghiệm ở một thời điểm trong quá khứ. Nhiều, rất nhiều người tâm linh khắp nơi trên thế giới mang cảm nhận là mình đã đánh mất cái gì đó và tất nhiên, đúng là con đã mất một cái gì. Con đã mất sự trong trắng mà con có trước khi đến đây, và theo một nghĩa nào đó, giáo lý của các thày cũng có thể gọi là một nỗ lực để giúp con hồi lại, giành lại sự trong trắng này.

Bây giờ, làm thế nào con thoát ra khỏi cảm giác mình sống trong quá khứ, bị vướng buộc vào quá khứ? À tất nhiên, các thày đã trao cho con nhiều dụng cụ và giáo lý rồi. Rõ ràng là một khi con làm tan năng lượng, năng lượng cảm xúc, đã cuốn hút con vào những nghĩ ngợi về một số tình huống đã qua thì việc này sẽ giúp con thoát ra khỏi. Khi con giải thể một số ngã, khi con thấy chẳng hạn nếu con đã phải chịu một chấn thương, đã tạo ra một cái ngã để đáp trả lại nó, để phản ứng lại nó, thì khi nhận diện được ngã và để cho nó chết đi, ít nhất con sẽ thoát ra khỏi tình huống đó.

9.1. Khắc phục nỗi sợ phải lấy quyết định

Hơn vậy, có những cái ngã không thực sự do con tạo ra để phản ứng lại một tình huống đặc thù. Chúng được tạo ra để phản ứng lại cảm giác mình là người đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất. Chúng ta còn có thể nói là những ngã này có mặt rất rõ ràng trong tâm thức tập thể. Thật khó lòng mà không bị chúng ảnh hưởng, đặc biệt sau khi con phải chịu một chấn thương nhập đời và bị sốc là các điều kiện trên trái đất có thể khác xa đến vậy so với những gì con đã hình dung trước khi đến đây. Thật quá dễ để con khoác vào một số những ngã tập thể này đã được tạo ra suốt một thời gian rất dài, và như các thày đã nói, chúng được tạo ra để đối phó với một hoàn cảnh mà con người không thể sống chung. Con không thể sống nổi với hoàn cảnh, con không thể trốn chạy khỏi nó, cho nên con phải tìm được cách ứng phó với nó, để ít nhất con có thể sống cho dù là không thoải mái hay an bình.

Có những cái ngã đã quanh quẩn trong tâm thức tập thể từ rất lâu, và một trong những ngã này tất nhiên – để khai triển những gì Mẹ Mary vừa giảng – là cái ngã bảo rằng con phải toàn hảo, nếu không thì con không tốt đủ. Ngã này khiến con cảm thấy là nếu con đã làm chuyện gì mà chính con hay người khác gọi là lỗi lầm, thì con sẽ không thể trốn thoát khỏi nó. Thậm chí tôn giáo còn thường bị người ta sử dụng để lập ra chuẩn mực cho cách cư xử của mọi người. Nếu con làm chuyện gì mà tôn giáo của con liệt vào loại tội lỗi, con cảm thấy mình bị ô uế bởi tội lỗi này cho đến ngàn đời. Người ta còn đưa ra khái niệm về tội tổ tông, qua đó con sinh ra đã là người có tội do những gì cha mẹ con đã làm hay tổ tiên con đã làm, đi ngược về tận thời Adam và Eva. Rõ ràng con có thể thấy những loại tư tưởng như vậy vi phạm hoàn toàn thực tế của quyền tự quyết. Nhưng chúng ta không nên đi quá sâu vào chuyện này mà hãy tập trung vào sự kiện là có đủ loại ngã muốn con nghĩ rằng một khi con đã làm một việc gì con chấp nhận là sai lầm thì con không thể thoát ra khỏi, và như các thày đã nói, con không thể gỡ bỏ tình huống vật lý đó.

Vậy thì làm sao con có thể thoát khỏi quá khứ con đây? À, thày là chân sư, là Thượng sư của Tia thứ Nhất của Ý chí Thượng đế, vậy làm thế nào con thoát khỏi quá khứ của mình? Nói cho cùng, con phải lấy một quyết định để được tự do. Hiển nhiên thày đã không giúp con nhiều lắm khi thày nói: “Con phải lấy một quyết định để được tự do khỏi quá khứ.” Đa số các con sẽ cảm thấy: “Nhưng con làm thế nào chứ?” Thậm chí con có thể sợ lấy quyết định nữa là đằng khác. Nhưng con cần nhận ra ý chí là một động lực vô cùng đũng mãnh – cái ý chí muốn là con người mà con là, ý chí muốn là một người sáng tạo, ý chí muốn sáng tạo một điều gì chưa có mặt bây giờ.

Đây là một mối đe dọa to lớn cho sa nhân cùng sự kiểm soát của chúng trên địa cầu. Chúng không muốn con sáng tạo. Chúng không muốn con khởi lên một điều gì mà chúng không thể đoán trước. Nếu chúng không thể đoán trước thì chúng không thể kiểm soát. Để dùng cách diễn tả của Nada, chúng muốn “đập dí” sự sáng tạo của con để nó không phá rối hiện tình trong xã hội mà chúng kiểm soát. Một cách để chúng làm vậy là qua cái chuẩn mực bảo rằng con phải toàn hảo nếu không thì con tồi tệ, và chúng khiến con cảm thấy là con đã lầm lỗi. Nhưng làm thế nào con đã lầm lỗi chứ? Bằng cách lấy một quyết định.

Có một cái ngã đã có mặt trong tâm thức tập thể từ lâu đời, nó bảo rằng việc lấy quyết định thật nguy hiểm, và như một cá nhân, con thật sự nên ngừng lấy quyết định. Con nên tuân theo chuẩn mực, tuân theo tiêu chuẩn, tuân theo quy luật, hành xử y như mọi người khác. Theo một nghĩa nào đó, con vẫn lấy quyết định nhưng trong một khuôn khổ được quy định rất hạn hẹp. Con không đang có những quyết định sáng tạo – những quyết định mới mẻ, những quyết định thử nghiệm. Con chỉ đang “làm”, đang quyết định giống y như mọi người khác đã từng quyết định. Ngã này phóng chiếu vào con là nếu con làm vậy, con sẽ an toàn, con sẽ chuẩn, con sẽ không lầm lỗi, con sẽ không bị lên án, con sẽ không bị coi rẻ. Con thấy ở đây có một cái ngã tập thể rất mạnh mẽ không muốn ai có những quyết định sáng tạo cá nhân. Ngã này nói: “Bạn đừng lấy quyết định, bạn không thể phạm lỗi.”

9.2. Quyết định là mình không sợ quyết định

Đương nhiên nếu con đã đến trái đất như một người đồng sáng tạo, như một avatar, hay nếu con là một cư dân nguyên thủy đã phát triển đến một tầng tâm thức nào đó, con không thể an bình nếu con rơi vào tâm thái đó. Nếu con đem ngã này vào bốn thể phàm của con, con không thể an bình với việc mình ở trên trái đất vì con thừa biết là con không đang hoàn thành mục tiêu của mình khi đến đây. Con không đang hoàn thành tiềm năng cao nhất của con, con không tăng triển, con không tự thăng vượt. Con không thể an bình với ngã đó. Chừng nào con không sẵn lòng lấy quyết định thì con sẽ không thể an bình – chỉ giản dị vậy thôi. Con cần làm gì để vượt qua bế tắc, vượt qua thế lưỡng nan này? À con yêu dấu, con cần lấy quyết định – chỉ giản dị vậy thôi.

Và đây cũng là điểm mà ngay cả giáo lý các thày trao truyền đôi khi cũng có thể cho con một cái nhìn hơi méo mó. Con chỉ việc trở về thời thập niên 1930 khi Saint Germain lần đầu tiên ban truyền kỹ thuật thỉnh cầu ngọn lửa tím, con thấy một số học trò của chân sư thăng thiên suy luận rằng tất cả những gì họ cần làm là thỉnh cầu đủ ngọn lửa tím thì một buổi sáng họ sẽ thức dậy sẵn sàng thăng thiên. Tất nhiên là chuyện này không bao giờ xảy ra, và như các thày đã nói, đây không phải là một con đường máy móc.

Con có thể lấy các lời dạy mà các thày ban ra ngày nay và bảo: “À, tôi chỉ cần cầu thỉnh đủ năng lượng qua các bài chú, bài thỉnh, thì tôi sẽ giải tỏa năng lượng cảm xúc đang kéo tôi trở về quá khứ, rồi tôi cần giải thể những ngã này thì một ngày kia tôi sẽ được tự do khỏi quá khứ.” Tất nhiên, việc giải tỏa năng lượng và loại bỏ ngã sẽ giúp con giảm thiểu lực kéo của quá khứ trên con. Nhưng đâu là cái “tôi” mà quá khứ lôi kéo? Các thày đã gọi đó là cái Ta Biết, đơn giản để diễn tả là có một thành phần trong con người phàm của con – cái bản thể đang hiện thân – và thành phần này không phải là bốn thể phàm của con, không phải là ngã tách biệt của con, cũng không phải là ý niệm nhân cách của con, mà là cái gì vượt khỏi những thứ đó. Đó là cái cho con sự tự nhận biết giúp con bước lui lại khỏi hoàn cảnh hiện tại, khỏi ý niệm bản sắc hiện tại của mình, và quyết định là con muốn thay đổi.

Mỗi khi con nhận diện: “Ồ, tôi có một ngã tách biệt trong bản thể tôi đang phóng chiếu là có vấn đề này tôi phải giải quyết,” cái gì là cái có khả năng nhận ra như vậy? Đó là cái Ta Biết. Đó là thành phần trong con có khả năng ý thức được tâm thức của con, ý thức được những gì đang diễn ra trong tâm thức con. Con thấy là nhân cách vỏ ngoài của con, chẳng hạn, hoàn toàn bị bao trùm trong hoàn cảnh hàng ngày. Nhân cách vỏ ngoài không thể bước lui lại và nói: “Bây giờ đến lúc tôi cần hành xử khác hơn.” Nhưng đó là điều cái Ta Biết có thể làm khi nó ý thức được khả năng này của nó. Nó có khả năng bước lui lại.

Một ngã tách biệt không thể bước lui lại, nó không thể nói: “Ồ, tôi muốn giải thể chính tôi.” Cái Ta Biết có thể bước lui lại và nói: “Tôi muốn giải thể ngã này vì nó không phải là cái ta của tôi, nó không phải là con người tôi là.” Mỗi khi con nhận biết có một ngã tách biệt, đó chính là cái Ta Biết đang sử dụng khả năng của nó để ý thức những gì đang xảy ra trong tâm con. Con có thể nói đó là thành phần trong tâm con có khả năng ý thức về phần còn lại của tâm. Đây chỉ là một cách diễn tả.

Vậy con sẽ cần gì để cho một ngã tách biệt chết đi? Ấy, cái Ta Biết phải lấy một quyết định, và đâu là quyết định con phải lấy để cho bất kỳ ngã nào chết đi? Như các thày đã giảng, có một cái ngã phóng chiếu ra là có một vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn để khai triển thêm bài giảng vừa rồi của Mẹ Mary, lấy ví dụ có một ngã tách biệt phóng chiếu là con cần phải toàn hảo, nếu không thì con rất tệ. Ngã không bao giờ có thể chất vấn chuyện này, nó sẽ tiếp tục phóng chiếu vào con là con cần cố gắng trở nên ngày càng tốt hơn để có thể toàn hảo. Hoặc có một ngã khác phóng chiếu là khi con không toàn hảo – và hiển nhiên, con không bao giờ toàn hảo được – thì con phải cảm thấy tủi hổ. Rồi có một ngã khác nữa phóng chiếu là con phải ngừng cố gắng vì rõ ràng con không đủ tốt, hay có gì đó sai quấy với con, vân vân.

Các ngã này không bao giờ có thể khắc phục được sự lập trình của chúng. Điều cái Ta Biết cần làm là nhìn ra ảo tưởng đằng sau sự phóng chiếu của ngã, nhìn ra vấn đề do ngã phóng chiếu là không thực và vì vậy không có giải pháp. Không hề có giải pháp nào. Toàn hảo là gì? Chưa bao giờ có ai định nghĩa được toàn hảo là gì vì nó không thể được định nghĩa, vì đó là một khái niệm vô nghĩa. Cho nên con yêu dấu, đó là một vấn đề không thể giải quyết. Con không thể trở nên toàn hảo. Một khi cái Ta Biết thấy được điều này, nó có thể lấy quyết định: “Tôi không còn muốn chú ý của tôi bị buộc chặt vào việc cố giải quyết vấn đề bất khả này.” Và con để cho ngã chết đi.

9.3. Con đường thoát khỏi quá khứ

Đối với việc khắc phục quá khứ thì có lẽ nó hơi khác một chút. Cho dù con cũng có một cái ngã phóng chiếu là con không thể thoát khỏi quá khứ, nhưng đâu là vấn đề mà ngã này phóng ra? Đó không hẳn là một vấn đề đơn giản vì ngã không thật sự phóng chiếu là có gì đó con cần giải quyết – vì không có chuyện gì để giải quyết. Quá khứ, theo ngã này, đã được khắc trên đá nên con không bao giờ có thể thoát ra khỏi. Điều mà ngã thật sự phóng chiếu là con phải cảm thấy tồi tệ về những gì đã xảy ra trong quá khứ và con phải tiếp tục cảm thấy như vậy. Thật không có vấn đề gì cần giải quyết ở đây, theo nghĩa là ngã không cho con một lối thoát.

Một số các ngã kia, chúng cho con một lối thoát, ít ra ảo tưởng là một ngày con có thể trở nên toàn hảo. Nhưng ngã này không cho con lối thoát vì con không thể thay đổi quá khứ dựa theo những gì nó phóng chiếu. Tất nhiên con có thể nhìn ra đây cũng là một tình huống bất khả, nhưng hầu hết mọi người đều đã được lập trình từ nhiều tiền kiếp để tin rằng có một sự thật nào đó ở đây, theo nghĩa là con không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ, con không thể gỡ bỏ những gì con đã làm. Nếu con đã phạm vào cái gọi là lỗi lầm thì con không thể hoàn nguyên.

Vậy con có thể làm gì để vượt quanh vấn đề, để nhìn nó một cách khác? Con có thể khai triển những gì thày đã trao cho con trong bài giảng trước khi thày nói là mọi chuyện con làm đều được làm với năng lượng cơ bản, dạng cơ bản của Ánh sáng Mẫu-Vật cấu tạo bốn thể phàm của trái đất, bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất trên trái đất. Có một năng lượng ở đó, và tất cả những gì con làm đều được làm với năng lượng này. Đơn giản, như các thày đã giảng, năng lượng này giống như những cái chấm trên một màn hình có thể bật hay tắt, có thể khoác vào những màu sắc và hình thù khác nhau, có thể sắp xếp thành những mô thức khác nhau.

Như thày đã nói, con cần bắt đầu luyện tập để thấy được năng lượng đằng sau các hình ảnh mà tâm con phóng chiếu lên năng lượng. Hiển nhiên đây không phải là một công việc dễ dàng như các thày mô tả, vì một lần nữa, từ rất lâu tâm thức tập thể đã bị đông đặc lại chung quanh một số hình ảnh như chẳng hạn thế nào là tội lỗi, thế nào là sai trái. Con phải xấu hổ vì đã làm chuyện sai trái, và con phải cảm thấy là mình không bao giờ có thể được chuộc lỗi. Tất cả những thứ này và nhiều, rất nhiều thứ nữa có mặt trong tâm thức tập thể, nhưng con vẫn có thể luyện tập để nhận ra là tất cả đều được tạo bằng năng lượng và năng lượng thì chỉ là năng lượng. Đó chỉ đơn giản là năng lượng.

Con có thể nhìn vào một tình huống nào đó, như trong ví dụ thày đã cho là màn hình chiếu bóng có một số hình ảnh con đang xem, nhưng thực sự đó chỉ là những mô thức ánh sáng. Con có thể nhìn vào một tình huống nào đó trong quá khứ xuyên qua một cái ngã đặc thù bảo rằng con đã phạm lỗi lầm và con không bao giờ có thể chuộc lỗi và con phải xấu hổ. Con có thể nghĩ là tình huống đó đã xảy ra cho nên nó có một thực tế khách quan nào đó. Nó không chỉ là một chuyện chủ quan. “Không, chuyện đó đã xảy ra. Người khác đã thấy nó xảy ra. Thượng đế đã thấy nó xảy ra.” Mắt trời nhìn thấy mọi chuyện và mắt trời đã thấy nó xảy ra, và Thượng đế sẽ mãi mãi cầm giữ hình ảnh lỗi lầm của con và con sẽ không bao giờ thoát ra được. Mọi người khác sẽ mãi mãi cầm giữ lỗi lầm của con và con sẽ không bao giờ thoát ra được. Nói cách khác theo sự phóng chiếu của các ngã và sa nhân, một tình huống đã xảy ra trong quá khứ với một thực tế khách quan. Và đây là điểm con có thể bắt đầu chất vấn điều này và ngộ ra một sự thật vô cùng, vô cùng đơn giản.

9.4. Quá khứ của con không có thực tế khách quan

Thượng đế, như các thày đã nói: Thượng đế Sáng tạo không ngó đến bất cứ gì xảy ra trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Cho đến khi bầu cõi thăng thiên thì Đấng Sáng tạo sẽ hoàn toàn không nhìn đến nó. Tâm thức Thượng đế mãnh liệt đến độ nó sẽ có đủ loại tác động, và ngài đã ban quyền tự quyết cho các sinh thể đồng sáng tạo của ngài. Nói chung, một bầu cõi chưa thăng thiên ra đời khi Thượng đế tạo ra một bầu cõi, gửi sinh thể đồng sáng tạo vào đó rồi nói: “Bây giờ các con hãy đi ra và làm bất cứ gì các con muốn trong bầu cõi này vì ta sẽ không nhìn đến nó.” Khi bầu cõi thăng thiên thì Đấng Sáng tạo sẽ nhìn, nhưng trước đó thì không. Thượng đế đích thực không phán xét con, không lên án con và không cầm giữ hình ảnh về những gì con đã làm trong quá khứ. Loại thượng đế nào mới cầm giữ? À, các thượng đế giả do sa nhân tạo ra, nhưng liệu đó có phải là thượng đế mà con cần quan tâm hay không? Thày không nghĩ vậy, con yêu dấu, khi con biết những gì con biết.

Nếu Thượng đế không cầm giữ hình ảnh về sự việc trong quá khứ, thì hình ảnh những việc con đã làm sẽ tồn tại ở đâu? Đâu là nơi một hình ảnh khách quan sẽ tồn tại? À, con có thể nói: “Trong các Hồ sơ Akasha.”

Phải, trong Hồ sơ Akasha có ghi lại những gì con đã làm trong quá khứ, nhưng đó không phải là một bản ghi những gì con đã nhìn thấy, hay sa nhân đã nhìn thấy, hay người khác đã nhìn thấy. Đó là một bản ghi những sóng năng lượng, những mô thức sóng năng lượng. Hồ sơ Akasha chỉ đơn giản ghi nhận mà không đưa ra một phán xét nào về cách con nhìn tình huống xảy ra. Những hình ảnh mà con gán lên đó, những xét đoán mà con gán lên đó bảo rằng con đã lầm lỗi, không hề được ghi lại trong Hồ sơ Akasha. Các mô thức sóng năng lượng được ghi lại ở đó nhưng chỉ vậy thôi. Hồ sơ Akasha không nhìn sự việc một cách ý thức và đưa ra lời phán xét việc làm của con là sai trái và con phải cảm thấy như thế nào.

Vậy thì những ý tưởng kia bảo rằng con đã lầm lỗi, chúng được cất ở đâu chứ? À, chúng có thể nằm trong tâm của người khác, và một số những người này có thể là sa nhân. Vậy cái nằm trong tâm người khác – và chắc chắn cũng nằm trong tâm sa nhân – cái đó có khách quan không? Không đâu, đấy là một xét đoán hoàn toàn chủ quan.

Có một nơi khác nữa mà bản ghi các lầm lỗi cũ của con có thể được cất giữ là trong bốn thể phàm của chính con, trong chính tâm con – nhưng cái này có khách quan không? Cũng không, đấy không phải là một thực tại khách quan vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào nội dung tâm thức con, kể cả những ngã tách biệt đã pha màu nhận thức của con.

Hẳn con thấy được điều thày đang nói chứ, con yêu dấu? Không hề có một thực tế khách quan nào trong những gì con đã làm trong quá khứ. Phải, có một mô thức sóng năng lượng nào đó trong Hồ sơ Akasha, nhưng toàn bộ ý tưởng cho rằng con là kẻ có tội, rằng con là người xấu, rằng con đã lầm lỗi, thì cái này không có bất kỳ thực tế khách quan nào. Nó không được ghi lại ở bất cứ đâu.

Các thày là chân sư thăng thiên, các thày không giống như Thượng đế của Kinh Cựu ước. Các thày cũng không cầm giữ một hình ảnh nào về con. Các thày có thể thấy một số điều con làm nhưng các thày không phán xét con với tâm thức nhân gian. Các thày không phán xét con gì hết. Các thày chỉ nhìn con từ nhãn quan các thày, và điều này thì các thày đã cho con hé thấy nhiều lần, nó rất khác với nhãn quan con người. Một lần nữa, những gì con đã làm trong quá khứ không hiện hữu trong bất kỳ thực tại khách quan nào cả. Chỉ có chính con hay những người khác mới có thể phú cho nó một sự hiện hữu lâu dài. Đây tất nhiên là một trong những ân sủng của việc tái đầu thai – nếu có thể nói như vậy. Nếu con sống thọ một ngàn năm và có những người con đã quen biết cả ngàn năm, thì họ vẫn có thể giơ ngón tay lên bảo rằng: “Bạn có nhớ bạn làm gì cách đây 992 năm không?” Nhưng với tuổi thọ ngắn ngủi mà các con có, họ chỉ có được vài chục năm để giơ ngón tay như vậy. Ở đây con thấy được là có một thực tế đi đôi với việc đầu thai, và thực tế này là như sau: Con có thể đem theo con từ kiếp này sang kiếp khác các hình ảnh cá nhân chủ quan của mình về những gì mình đã làm trong một tiền kiếp, con có thể đem chúng theo con trong bốn thể phàm của con – thường thường thì con không ý thức, nhưng con có thể đem chúng theo với con. Còn những người khác, họ không đem theo các hình ảnh này với họ. Họ có thể mang theo một cảm nhận nào đó về mối quan hệ với con nhưng không phải là chi tiết cụ thể.

9.5. Biết ký ức được lưu trữ ở đâu

Nói cách khác, nếu con lấy một tình huống đã xảy ra cho con cách đây 300 năm có liên quan đến hai người khác, con có thể đặt mình vào một trạng thái hồi quy thôi miên (hypnotic regression), quay trở lại tiền kiếp đó và lấy lại ký ức đó. Con có thể đưa hai người kia cũng trở về tiền kiếp, lấy lại và đánh thức lại ký ức của họ về kiếp đó, và họ sẽ nhớ lại những gì chính họ đã làm cùng cách nhìn của họ về tình huống. Nhưng họ sẽ không nhớ được chi tiết những gì con đã làm cùng cách nhìn của con về tình huống. Con cần hiểu ở đây là con mang với con từ tiền kiếp những gì chính con đã làm và cách nhìn của con, nhưng người khác thì không thể nhớ lại việc con đã làm 300 năm về trước. Con cần nhìn nhận ở đây là ký ức của con về quá khứ chỉ thực sự hiện hữu trong bốn thể phàm của con mà thôi.

Như các thày đã có nói, con không có quyền năng thay đổi các thể phàm của người khác, nhưng con quyền năng làm chủ bốn thể phàm của con và loại bỏ những gì con muốn loại bỏ ra khỏi chúng. Trở về với câu nói của thày rằng Hồ sơ Akasha không ghi lại cách con nhìn việc làm của con mà chỉ ghi lại một số mô thức sóng năng lượng. Bây giờ con hãy tưởng tượng con đang đi dạo trong công viên gần nhà nơi đó có một sân chơi cho trẻ em, con nghe thấy tiếng ồn ào rất lớn ở đó và con lại gần để tìm hiểu xem chuyện gì. Con thấy một người đàn ông đứng đó nhìn xuống bãi chơi cát, la hét rất to tiếng. Con tiến lại gần và nhận ra một người cha đang nói chuyện với đứa con hai tuổi đang xây một lâu đài cát xinh xinh trên bãi chơi cát. Ông ta quở trách đứa con hai tuổi sao lại xây lâu đài cát xấu xí, sao nó hư đốn vì lâu đài sẽ không bao giờ được xóa bỏ, sao nó đã làm hỏng cát, sao tội của nó rất lớn – đủ lời mắng nhiếc mà người cha đổ lên đầu con mình. Đứa bé trông rất sợ hãi, nó không thích bị la mắng.

Thoạt đầu con rất bối rối trước tình huống này, nhưng rồi con nhận ra là điều người cha thực sự muốn nói là đứa bé khi xây lâu đài bằng cát đã phạm một lỗi lầm sẽ không bao giờ tẩy xóa được. Bất chợt không suy nghĩ, con bước vào nói: “Này ông bạn, ông hãy nhìn này,” và con lấy tay gạt phăng chiếc lâu đài cát đi, khiến cho cát trở lại tình trạng nguyên sơ của nó. Không còn hình thù gì ở đó nữa mà chỉ còn cát thôi. Con nói: “Đấy, ông có còn trách con ông là nó đã phạm một lỗi lầm không bao giờ xóa bỏ được hay chăng?” Người cha tất nhiên không biết nói gì cho nên con bước đi, và trong khi con bước ra khỏi sân chơi thì con nghĩ: “Hay thật, mình vừa chặn họng được ông này.”

Thế rồi trước sự ngỡ ngàng của con, con nhận thấy một tấm gương đứng ngay ở đó, con chợt soi vào gương và con ngộ ra: “Ủa, mình có đang làm y như vậy đối với chính mình hay chăng? Mình có đang tự mắng nhiếc vì mình đã xây một lâu đài bằng cát, đã phạm một lỗi lầm không bao giờ tẩy xóa được, trong khi kỳ thực bất cứ gì mình đã làm trên hành tinh này đều được làm với năng lượng mềm mại như cát, và mình có thể đưa năng lượng trở về trạng thái không phân biệt của nó cũng dễ dàng như đống cát mình vừa gạt phăng hồi nãy?” Con ngộ ra đây chính là điều con đã từng làm – không phải là con mà là một ngã tách biệt đặc thù trong bản thể con đã từng làm, không những trong kiếp này mà rất có thể trong nhiều tiền kiếp, có lẽ suốt hai triệu năm trời. Đây là một trong những cái ngã tập thể mạnh mẽ nhất ở đây trên trái đất, nó khiến con người nghĩ rằng một khi mình đã xây một lâu đài cát bị dán nhãn là “sai lầm” hay “tồi tệ” thì lâu đài sẽ không bao giờ tẩy xóa được.

9.6. Quyết định xóa bỏ lâu đài cát

Nhưng đó là một lâu đài cát. Thày không cần biết con đã làm bất cứ gì trong một kiếp trước. Một số đệ tử của chân sư thăng thiên đã có những hé thoáng hay hồi tưởng hay hồi quy về tiền kiếp, và họ nhìn thấy họ đã khiến cho cả một nền văn minh sụp đổ. Nhưng thày không cần biết con đã làm gì, con yêu dấu, đó vẫn chỉ là một lâu đài bằng cát và con có thể gạt bay nó đi. Con sẽ cần gì để gạt bay nó đi? Trong nhiều trường hợp khi con làm gì đó tác động đến người khác, con đã tạo ra điều các thày gọi là nghiệp, mà thực sự chỉ là một dạng năng lượng tha hóa. Con có thể làm một số chuyện. Con có thể hối chuộc với người kia, và nhiều người trong các con đã làm điều này trong các kiếp trước. Cho dù con đã làm ai tổn thương trong một dĩ vãng xa xôi, con đã đền bù trong kiếp trước rồi.

Con có thể đọc chú, đọc thỉnh để làm tan năng lượng. Con có thể giải thể cái ngã đã khiến con hành xử như vậy, và con yêu dấu, nhiều người trong các con đã làm rất nhiều việc như vậy rồi trong các kiếp trước. Nhiều người trong các con có khả năng sử dụng các dụng cụ do các thày trao truyền đã rất nhanh chóng đạt tới mức con đã đền bù, con đã làm những gì cần làm để được tự do khỏi quá khứ, ngoại trừ chỉ một điều thôi, và điều này là lấy quyết định ý thức là con sẽ gạt bay lâu đài cát kia đi. Lâu đài cát là hình ảnh con cầm giữ trong tâm mà con đang áp chồng lên cát, lên năng lượng, lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Như thày đã nói, đó là ký ức của con về một sự cố. Đó chính là hình ảnh con đang cầm giữ, và khi con nhận biết mình đã làm gì đó trong quá khứ vẫn đè nặng lên mình, thì con hãy dùng các dụng cụ, con hãy làm những gì cần làm. Con phải nhận biết, con phải nhạy cảm với sự kiện là sẽ tới điểm khi điều duy nhất, điều tuyệt đối duy nhất, còn sót lại cho con làm là gạt bay hình ảnh con cầm giữ trong tâm con.

Cái đó đòi hỏi con lấy một quyết định, quyết định ngừng bám lấy hình ảnh đó về bản thân, rằng mình là một người xấu xa đã phạm phải lỗi lầm hay những chuyện như vậy. Con có nhận ra điều thày vừa nói cách đây mấy phút? Đấng Sáng tạo không ngó đến những việc con làm trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Ngài đã nói: “Một bầu cõi chưa thăng thiên là một bãi chơi cát vũ trụ.” Không có gì con làm có thể khiến cho cát bị tổn thương, không có gì con làm có thể trở nên vĩnh hằng. Con hãy đơn giản gạt bay cái hình ảnh con cầm giữ trong tâm rằng mình là người xấu, mình là người có tội, mình là một kẻ thất bại không có quyền ở đây, không muốn ở đây, thù ghét ở đây – tất cả hình ảnh loại đó. Sẽ tới điểm con phải đơn giản nhìn vào hình ảnh và gạt bay nó đi. Không có gì phải giải quyết, không có gì phải làm ở đây, hãy chỉ gạt bay nó đi và cho phép mình quên mất là hình ảnh đã từng hiện hữu.

9.7. Chất vấn thực tế của “thế giới thực”

Con có thể luyện tâm mình để nhìn xa hơn các hình ảnh và thấy được năng lượng đang rung động nhịp nhàng đằng sau hình ảnh. Con còn có thể luyện tâm để thấy thế giới vật lý là một rạp hát. Khi con bước lên sân khấu và đi ra phía sau dàn trang trí, con thấy tất cả chỉ là chuyện dàn dựng. Không có gì ở đây là thực, không có gì ở đây là thường hằng. Nó trông có vẻ thực từ một góc nhìn nào đó, cụ thể là từ góc nhìn của khán giả. Đâu là mục đích của một vở kịch trong nhà hát? À, là để cho khán giả một loại trải nghiệm đặc thù. Nếu con đang theo dõi kịch Hamlet của Shakespeare và có những diễn viên xuất sắc hiểu cách nhập vào vai diễn, thì con cũng có thể nhập vào vai đó và có một trải nghiệm độc đáo khi xem màn trình diễn. Cũng đúng y như vậy với mọi thứ khác xảy ra trong cái con gọi là “thế giới thực”.

Có lẽ ảo tưởng lớn nhất mà sa nhân đã áp đặt lên nhân loại là bảo rằng mọi chuyện xảy ra trên trái đất là “thế giới thực.” Chẳng có gì thực trong đó theo một nghĩa khách quan. Toàn bộ mục đích của trái đất là đem lại cho các dòng sống một trải nghiệm đặc thù. Tất nhiên, con yêu dấu, để có được trải nghiệm này thì con phải tin là nó thực. Là một đệ tử tâm linh tinh tiến, sẽ tới điểm con sẵn sàng chất vấn cái thực của trải nghiệm mà mọi người khác đang có. Liệu có một thế giới khách quan chăng? Như các nhà vật lý học đã đặt câu hỏi, liệu thế giới có mặt ở đó hay không khi không có ai đang nhìn? Câu trả lời là năng lượng có ở đó, nhưng các hình ảnh do tâm con người tạo ra khi họ nhìn năng lượng thì không có đó. Chúng không có thực tại khách quan nào cả.

9.8. Tẩy xóa quá khứ

Con yêu dấu, con có hiểu những gì thày nói ở đây? Không, con không hiểu, và đó là tại sao con cần suy nghiệm điều này và suy nghiệm thêm nữa. Nếu có cây đổ trong rừng và không có ai ở đó, thì liệu nó có tạo tiếng động hay không? Nếu cây đổ thì sẽ có một số sóng năng lượng hiện hữu, là sóng năng lượng cấu tạo cái con gọi là cây. Các sóng này chuyển động cho tới khi chúng tương tác với các sóng năng lượng cấu tạo mặt đất. Điều này tạo ra một mô thức giao thoa sẽ gửi ra những sóng năng lượng khác nữa mà con nhận thức là âm thanh. Các sóng năng lượng vẫn ở đó nhưng đó không phải là âm thanh. Đó chỉ là sóng năng lượng mà thôi.

Bây giờ con thử lấy tình huống này. Chúng ta đang ở Đông Âu cho nên chúng ta hãy thử nhìn vào việc Liên Xô chiếm đóng Đông Âu. Nếu không có người nào ở đây thì liệu chuyện này đã có xảy ra hay không? À, nếu không có ai ở đây thì nó đã không xảy ra, sẽ không có ai để khiến nó xảy ra. Vấn đề ở đây là, liệu đã có một sự cố khách quan nào diễn ra hay không? Có, đã có một mô thức nào đó, một sự tương tác nào đó, một mô thức sóng năng lượng vô cùng phức tạp, nhưng trải nghiệm mà người ta có không nằm ở mức sóng năng lượng, nó nằm trong tâm con người. Người ta gọi đó là cái gì đó, người ta nhìn nó theo một cách nào đó.

Thày không đang chê trách ai ở đây, con yêu dấu. Thày không chê trách các dân tộc Đông Âu cảm thấy mình bị Liên Xô đàn áp, ức chế. Thày không đổ lỗi cho họ mà thày chỉ muốn nói là đã có một tình huống khách quan theo nghĩa là một số người đã thực hiện điều con gọi là chiếm đóng Đông Âu, trấn áp người dân nước khác. Có những người đã làm công cụ cho việc thực hiện điều này trong cõi vật lý. Nhưng cách con người trải nghiệm điều này là sản phẩm của một mô thức giao thoa, một sự tương tác giữa các sóng năng lượng được kích hoạt bởi đoàn quân chiếm đóng của Liên Xô với các sóng năng lượng trong tâm những người bị chiếm đóng. Đã có một trải nghiệm mà mọi người ở cả hai bên đã nếm trải, nhưng đây không phải là một trải nghiệm khách quan. Kỳ thực con có khả năng bước lui lại để có được một tầm nhìn hoàn toàn mới lạ về chuyện này. Thay vì nhìn các biến cố mà mọi người đều đồng ý là đã diễn ra, con có khả năng nhìn các sóng năng lượng để thấy chúng giống như hạt cát trong bãi chơi cát. Bất kể có bao nhiêu người đã tham gia vào biến cố này, các năng lượng vẫn có thể dễ dàng được tẩy xóa và đem trở về trạng thái nền của chúng.

Tất nhiên, đây sẽ là một công việc phức tạp vì mọi người liên hệ sẽ phải quyết định buông bỏ các hình ảnh của mình về quá khứ. Nếu chẳng hạn như dân tộc Estonia hội tụ lại, nhìn vào quá khứ của mình và nói: “Chúng tôi như một tập thể sẽ buông bỏ mọi cảm xúc mình đã có về quá khứ. Chúng tôi sẽ hoàn toàn để cho các cảm xúc này ra đi. Thậm chí chúng tôi sẽ không tha thứ cả cho người Nga về những gì họ đã gây cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ buông bỏ toàn bộ ý tưởng là có gì đó cần phải tha thứ. Chúng tôi sẽ gạt bay các hình ảnh mình còn cầm giữ.” Nếu mọi người đều làm vậy thì rất có thể dân tộc Estonia sẽ vô cùng mau chóng thoát ra khỏi quá khứ của họ.

Thày không nói đây là một kịch bản có nhiều xác suất xảy ra trong vòng hai tuần tới. Nhưng thày sẽ nói, cách duy nhất để bất cứ ai hay bất cứ nhóm người nào thoát ra khỏi quá khứ là đạt tới điểm họ có thể nói: “Bất cứ gì đã xảy ra chỉ là lâu đài cát. Trong tầm nhìn vũ trụ dài hạn thì nó cũng chỉ đáng kể như một lâu đài cát. Nó chỉ là một tương tác của sóng năng lượng. Thật là vô nghĩa mà cầm giữ một hình ảnh về nó, gọi nó là đúng hay sai, là cái này hay cái nọ. Câu hỏi thật sự ở đây là: Chúng ta có muốn thoát ra khỏi nó hay không? Và nếu chúng ta muốn thoát ra thì chẳng có gì ở đây phải giải quyết. Chúng ta không phải trừng phạt bất cứ ai. Chúng ta không phải thay đổi bất cứ gì trong cái quá khứ không thể thay đổi. Chúng ta chỉ phải nhận ra là điều buộc chặt chúng ta với quá khứ là hình ảnh của chúng ta về quá khứ. Chúng ta phải quyết định gạt bay nó đi. Thế là chúng ta tự do.”

Tất nhiên, họ sẽ phải làm công việc dọn sạch tất cả các năng lượng cần được tiêu hủy, tất cả các ngã cần được giải quyết cùng tất cả những thứ như vậy. Thày không bảo là nó rất có thể xảy ra, con yêu dấu, mà thày chỉ nói là nó có khả năng xảy ra, và thày nói vậy để con – ở mức cá nhân của con – có thể nhận ra là mặc dù việc khiến mọi người đồng ý là một chuyện phức tạp, nhưng tuyệt đối không có gì ngăn cản con nhìn vào quá khứ của chính con. Con có khả năng buông bỏ bất kỳ hình ảnh nào mà con nhận biết, khi con dùng dụng cụ của các thày để quay trở về các chấn thương trong tiền kiếp, để nhìn lại hoàn cảnh trong rạp hát, xem lại buổi trình diễn, và con có thể thấy sinh thể đó bị đóng băng trong thời gian và các sinh thể kia cũng bị đóng băng trong thời gian là vì con còn cầm giữ một hình ảnh về nó. Con có khả năng nhìn thấy nó và để cho nó ra đi, để cho nó chảy tan ra, con yêu dấu. Đây là những gì con có quyền năng làm được và con có thể dùng các dụng cụ này.

9.9. Gạt bay đi hình ảnh ký ức

Như thày đang nói với con ngay bây giờ, sẽ tới một điểm khi con đã dùng đủ các dụng cụ đến độ điều duy nhất còn sót lại là con nhận biết là con, trong tâm con, còn bám giữ một hình ảnh và con quyết định gạt bay nó đi. Khi con lấy bài giảng vô cùng thâm thúy của Mẹ Mary, điều con đã thực sự quyết định làm, điều đã đem con đến hành tinh này chính là sự kiện con đã muốn – Hiện diện TA LÀ của con đã muốn – trải nghiệm chính mình trên hành tinh này, trong môi trường này. Đấy, những cái ngã con mang, những hình ảnh con giữ về quá khứ bảo rằng con đã lầm lỗi, chúng đang ngăn chặn con trải nghiệm chính mình trên hành tinh này. Con không đang trải nghiệm cái ta thực của con mà con đang trải nghiệm cuộc sống trên trái đất qua một cái ngã đặc thù.

Các thày đã giảng là cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết – đây chỉ là từ ngữ thôi con – nhưng theo một nghĩa nào đó, cái Ta Biết trung hòa đối với việc con ở trên trái đất. Nó có một sự tò mò nào đó về việc ở trên trái đất: “Khi mình trải nghiệm tình huống này thì mình sẽ cảm thấy gì?” Đây là tại sao con đã bước vào rất nhiều hoàn cảnh trong tiền kiếp, vì cái Ta Biết bảo rằng: “Mình sẽ cảm thấy gì đây, mình sẽ trải nghiệm chính mình như thế nào trong hoàn cảnh này đây?” Khi con khoác vào và tạo ra các ngã tách biệt thì trải nghiệm của con bị những ngã này pha màu. Điều các thày nói với con là con có khả năng quay trở về điểm khi cái Ta Biết, trong tư cách là nhận biết thuần khiết, một cái ta trung hòa, sẽ chỉ đơn giản trải nghiệm các điều kiện một cách trung hòa. Con cũng có thể vươn lên cao hơn và trải nghiệm Hiện diện TA LÀ của con đang trải nghiệm hoàn cảnh đó như thế nào. Đây là khung tham chiếu tối hậu cho phép con bước ra khỏi sự đồng hóa với các điều kiện con gặp, ở trong bốn thể phàm của con lẫn ở ngoài bốn thể phàm của con.

Các thày đã dạy con là con mang những ngã đó trong bốn thể phàm. Ngã đó là gì chứ? Chúng được cấu tạo bằng sóng năng lượng của Ánh sáng Mẫu-Vật này, những cái chấm này mà một mô thức đã được áp chồng lên. Thế thì ngã chỉ là một hình ảnh, và con có thể nhìn vào ngã và quyết định gạt bay nó đi. Các thày đã bảo con trước đây là con hãy để cho ngã chết đi, nhưng nếu con thấy sự hữu ích trong việc xem ngã là một hình ảnh và tưởng tượng con chỉ cần tẩy xóa hình ảnh này y như một lâu đài trên bãi cát, thì con hãy sử dụng cách hình dung này thay vào đó. Cách nào hiệu quả hơn cho con thì con cứ dùng.

Con cần tìm ra cách để dần dần nhận diện là thực tế duy nhất ở đây, điều duy nhất còn sót lại, là hình ảnh và con đang tẩy xoá hình ảnh này đi. Con cho nó ra đi. Điều này, con yêu dấu, không đến nỗi khó khăn lắm nếu con dùng tất cả các dụng cụ mà con có. Thày hoàn toàn công nhận là con không thể làm vậy trong vòng năm phút. Không có ai trong các con có thể làm được ngay lập tức, nhưng vậy thì đã sao? Nếu con đã đầu thai trên trái đất này suốt hai triệu năm trời và chỉ trong vòng vài năm con có thể khắc phục tất cả những tập khí cũ đó, tất cả những ngã đó mà con đã khoác vào, thì thật nhanh quá sức rồi đó. Khi con nhìn trong chiều dài thời gian vũ trụ thì nó ngắn chưa bằng một chớp mắt.

9.10. Khắc phục sự nóng lòng

Chỉ còn một điều nữa mà thày muốn nói. Thày cũng biết là thày đã cho con rất nhiều rồi, nhưng thày là chân sư MORE cho nên thày sẽ cho con nhiều hơn, và điều này đơn giản là như sau. Ở một mức độ nào đó, điều này cũng áp dụng cho các cư dân nguyên thủy của địa cầu đã đạt đến một tầng nào đó, nhưng trước hết nó áp dụng cho các avatar. Nếu con nhìn một avatar đã đến trái đất và sống ở đây rất lâu đời – hai triệu năm không phải là thời gian tất cả các con đã sống ở đây, nhưng một số – nhưng dù sao thì tất cả các con đã ở đây rất lâu. Đâu là đặc tính mà con thấy nơi mọi avatar? Đơn giản là điều này, con yêu dấu: sự thiếu kiên nhẫn. Các con đều rất, rất thiếu kiên nhẫn.

Trước hết, các con thiếu kiên nhẫn với chính mình. Một lần nữa, câu này không có ý chê trách gì con. Con yêu dấu, nếu con đã quen biết thày khi thày còn trong hiện thân vật lý thì con đã có thể thấy tính thiếu kiên nhẫn gần như lên đến cực điểm – nếu con đã thấy Saint Germain, hay thậm chí con có thể thấy câu chuyện về Giê-su nóng lòng đối với các tông đồ như thế nào. Con yêu dấu, các thày không chê trách gì con nhưng các thày sẽ nói là tất cả các con đều có thể được lợi lạc nếu con nhận biết là mình mang xu hướng vô cùng nóng lòng đối với bản thân mình. Khi có ai nói là con có khả năng thực hiện một điều gì, con cảm thấy mình chỉ cần búng tay là phải làm được ngay. Con hãy cho con một chút thời gian – cho con một chút thời gian.

Thậm chí con có thể ngẫm xem là sa nhân rất lão luyện trong việc khiến cho các sinh thể tâm linh bị trật đường rày trên con đường phát triển quả vị Ki-tô, đặc biệt là các avatar. Chúng rất giỏi làm chuyện này. Khi con đạt đến một tầng nhận biết nào đó, chúng sẽ cố khiến con khoác vào một số ngã nhất định sẽ làm trật bánh xe tăng triển của con. Một trong những ngã này là ý tưởng khiến con nóng lòng, rằng con phải có khả năng thực hiện một việc gì đó rất nhanh. Con có thể nhận ra đây là một ngã tách biệt và để cho nó chết đi, con yêu dấu. Hãy cho con một chút thời gian. Con hãy thiền quán về Phật Gautama vì thày thật sự là vị chân sư có thể giúp con khắc phục tính thiếu kiên nhẫn, giúp con nhận ra rằng thời gian mặc dù nó có ở đó nhưng nó không quan trọng gì lắm. Liệu con sẽ tốn năm phút hay năm năm? Thật chẳng quan trọng gì lắm, và như vậy con có thể khắc phục tính nóng lòng này. Con có thể cho mình một chút thời gian.

Thày nói ra điều này vì đối với hầu hết các con, vấn đề không phải là con hóa ra dễ dãi và nói: “Ồ chân sư bảo là tôi có rất nhiều thời gian, cho nên tôi sẽ thư giãn và thôi không đọc thỉnh và cũng không học sách về ngã gốc nữa. Tôi sẽ không quan tâm đến chuyện đó. Tôi sẽ chỉ lo vui hưởng cuộc đời và tự ban cho mình một ly sô-cô-la ngon lành.” Đây không phải là mối nguy cho hầu hết các con. Nó có thể là mối nguy cho một số, và con cũng thấy nhiều người trong lãnh vực Thời mới có đúng cái tư duy này: “Mọi chuyện đều tốt đẹp cho nên chúng ta hãy thư giãn và tận hưởng cuộc đời.” Dẫu vậy, vấn đề của con là con thiếu kiên nhẫn, và tính thiếu kiên nhẫn sẽ làm gì con? Nó ngăn cản không cho con an bình với việc mình ở đây.

Chủ đề của hội nghị này là gì? An bình với việc mình ở đây trên trái đất. Con hãy để ý tính thiếu kiên nhẫn, thấy nó là một cái ngã, và con chỉ quyết định là con không cần quá khắt khe với chính mình. Con không cần hoàn thành mọi chuyện trong vòng năm phút vì theo một nghĩa nào đó, thời gian không có. Thời gian là một ảo tưởng tập thể do tâm thức tập thể tạo ra. Nó được phép tồn tại vì đối với một số người, ý tưởng rằng thời gian có thể cạn kiệt chính là động lực duy nhất sẽ khiến họ ngừng làm những gì họ đang làm.

Với lời này, thày đã nói xong những gì thày muốn trao cho con – ít nhất trong bài giảng này – cho nên thày cảm ơn sự chú ý của con. Thày muốn các con biết, con yêu dấu, là với số người có mặt ở đây lẫn số người trên chương trình phát sóng, các con đã tạo được một tầm ảnh hưởng to lớn trên tâm thức tập thể, ở Đông Âu lẫn ở tất cả mọi quốc gia nơi các con sinh sống hay kết nối. Các bài thỉnh mà các con vừa đọc rất nhiều uy lực, rất sâu sắc và chúng tác động rất mạnh mẽ, đặc biệt khi có thật nhiều người cùng đọc tạo nên một hiệu ứng nhân lên gấp bội. Thày có thể cam đoan với con là con đã hoàn tất một công việc rất tuyệt vời trong hội nghị này, và thày muốn bày tỏ lòng biết ơn cùng sự khen ngợi của các thày. [Các tham dự viên trong hội nghị cùng đọc các bài thỉnh trong sách Chữa lành chấn thương tâm linh]

7 | Sáng tạo trong một thế giới lượng tử

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 1/12/2018, nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary, và như các con cũng bắt đầu nhận thấy, ý định của thày là bắt được chú ý của con và khiến các chân sư khác phải chờ phát biểu trong hội nghị này. Dù sao thì các thày ở cõi thăng thiên không có chuyện cạnh tranh với nhau, ngược hẳn với những gì con thấy quá thường trên địa cầu với quá nhiều ganh đua. Cạnh tranh sinh ra từ đâu? Nó sinh ra từ một số ý tưởng rất vi tế do sa nhân cài đặt cho rằng có cái đúng và cái sai, có cái gì tuyệt đối, có cái gì tối thượng. Cho nên một người có thể đúng hay có thể sai, có thể thắng hay có thể thua. Chính tư duy này đã xâm nhập, đã thấm sâu vào hầu như mọi khía cạnh của xã hội.

Con có thể nói là có sự cạnh tranh rõ rệt trong một cuộc thi đấu thể thao khi ai nấy tranh đua để xem ai là người chạy nhanh nhất, ai là người nhảy cao nhất, v. v… Trong trường hợp này, sẽ có một người chiến thắng còn những người kia thì phải tìm chỗ đứng thấp hơn trong tôn ti đẳng cấp vừa xuất hiện. Dựa trên những gì con có thể thấy trong các cuộc tranh tài thể thao, con có thể nói là không có sự cạnh tranh giữa các tôn giáo, ít ra không phải là cùng kiểu cạnh tranh. Nhưng kỳ thực có sự cạnh tranh giữa các tôn giáo để xem tôn giáo nào nắm được chân lý cao nhất, tôn giáo nào là tôn giáo chân chính duy nhất. Nếu con nhìn Giáo hội Công giáo tuyên bố chỉ có tôn giáo họ có thể đảm bảo sự cứu rỗi của con, thì đây là một tư duy cạnh tranh: ”Chúng tôi là số một, thật ra chỉ có độc nhất chúng tôi, chúng tôi là kẻ chiến thắng, còn mọi người khác là kẻ thua cuộc. Những người kia không theo đạo chúng tôi là kẻ thua cuộc và họ sẽ bị xuống địa ngục.”

Ý tưởng này thâm nhập rất sâu xa vào tư duy của hành tinh. Như các thày đã từng nói, điều duy nhất mà sa nhân thật sự cần làm để trái đất bị nát bét là phóng ra ý tưởng có cái đúng và cái sai. Có một chuẩn mực, và con cần phải so sánh mọi việc mình làm hay mọi sự xảy ra với chuẩn mực này, con đánh giá xem nó đúng hay sai.

7.1. Hành tinh tự nhiên không có cạnh tranh

Trong hội nghị này các thày trình bày về việc giúp con người làm hòa với việc mình ở trên địa cầu. Điều thày sẽ nói ở đây cũng áp dụng cho các cư dân nguyên thủy. Thày sẽ dùng ví dụ của các avatar vì đây là ví dụ rõ nét nhất. Con thấy đó, con yêu dấu, một trong những khác biệt tinh tế giữa hành tinh tự nhiên và phi tự nhiên là trên một hành tinh tự nhiên không có sự cạnh tranh. Các thày đã có nói là một trong những bí ẩn cốt lõi khởi lên từ quyền tự quyết là việc con ở đây trên hành tinh này trong khi có người khác sống trong môi trường gần kề bên con và cả trên hành tinh. Làm thế nào con quân bình được việc thực thi quyền tự quyết của con với quyền tự quyết của mọi người khác?

Sa nhân chỉ có một giải pháp độc nhất cho chuyện này, đó là chúng tìm cách nâng ý muốn của chúng lên thành ý muốn thống trị mà ai ai cũng phải tuân theo. Đây không phải là cách vận hành ở hành tinh tự nhiên. Ở hành tinh tự nhiên không có cạnh tranh. Làm thế nào các sinh thể trên hành tinh tự nhiên, những người đồng sáng tạo trên hành tinh tự nhiên, tránh được xung đột, tránh bị cảm thấy đối chọi với nhau? Thật ra họ không tránh làm vậy, mà họ chỉ không tạo ra cạnh tranh do họ không ở trong tâm thái tách biệt. Họ không tự xem mình là sinh thể tách biệt.

Trên một hành tinh tự nhiên, con không xem mình có một ý chí tách biệt với ý chí của mọi người khác. Con thấy mình là thành phần của một tổng thể và có nhiều sinh thể khác cũng là thành phần của tổng thể này. Tổng thể này lớn đến đâu tùy thuộc vào mức độ tăng triển của con, mức độ nhận biết mà con đã đạt được. Đối với một số người trên hành tinh tự nhiên, tổng thể mà họ là thành phần có thể là một nhóm nhỏ, từa tựa giống như cái con gọi là gia đình trên trái đất. Trên hành tinh tự nhiên có những người chỉ mới khởi đầu là người đồng sáng tạo và họ sống trong những nhóm nhỏ như vậy, trên nhiều phương diện cô lập với phần còn lại của dân cư trên hành tinh của họ. Họ bắt đầu tăng triển trong một nhóm nhỏ nơi họ có thể dễ dàng quân bình ý chí cá nhân của họ với ý chí của những người đồng sáng tạo khác. Họ tránh khỏi xung đột vì họ đều quen biết nhau, họ biết rõ người khác muốn gì và họ có thể hợp tác.

Khi các sinh thể tăng triển nhận biết trên hành tinh tự nhiên, họ mở mang nhận thức về các sinh thể khác trên hành tinh, và giờ đây họ nhận thức được một nhóm lớn hơn. Điều xảy ra là bấy giờ họ tụ họp lại ở những nơi có người với cùng sở thích. Ngay cả trong sách Những kiếp của tôi, con cũng đọc thấy lời tường thuật về vai chính trong truyện tham gia vào kịch nghệ, rồi sau đó vào chính quyền, rồi sau nữa vào việc tu tập tâm linh. Con có thể nói là trên hành tinh tự nhiên, con có thể có chẳng hạn một số thành phố dành riêng cho nghệ thuật biểu diễn, một số thành phố dành riêng cho âm nhạc, một số cho nghệ thuật thẩm mỹ, một số cho khoa học, vân vân.

Người nào có cùng sở thích như vậy sẽ tập hợp lại và hình thành một đơn vị. Có thể trong một thành phố sẽ có nhiều đơn vị khác nhau và họ đều quen biết nhau, họ không xung đột và ý chí của họ không đụng độ. Họ đến với nhau quanh một mục tiêu chung mà họ cùng đeo đuổi. Mỗi người biết rõ là mình có một khu vực, một quả cầu nơi mình biểu đạt sự sáng tạo cá nhân của mình, và ở đó, họ tự do biểu đạt sáng tạo của họ mà vẫn ăn khớp, phù hợp với tổng thể rộng lớn. Giữa người này với người kia không có đụng độ, không có tranh đua, mà họ cùng làm việc với nhau hướng đến một mục tiêu chung.

Đây cũng chính là điều đã xảy ra trên trái đất trước khi con người rơi xuống nhị nguyên. Ngay cả các cư dân nguyên thủy của trái đất cũng cảm nhận được điều này trong bản thân mình – cảm giác vô cùng vi tế, trực nhận, là họ phải có thể hợp tác với nhau chung quanh một mục tiêu chung mà không bị xung đột. Yếu tố đã phần lớn che lấp trực nhận này là sa nhân, là chuẩn mực đúng-sai. Một người có thể sai hay có thể đúng, và chỉ có một cách đúng thôi. Trên một hành tinh tự nhiên không có đúng-sai mà có nhiều cách đúng. Mọi cách đều đúng và mọi cách đều là những biểu đạt sáng tạo cá nhân. Không có gì sai hay đúng, và ngay cả chuyện cân nhắc đúng-sai cũng không khởi lên trong tâm con người trên hành tinh tự nhiên.

7.2. Đồng sáng tạo xảy ra thế nào trên hành tinh tự nhiên

Vậy khi con đến một hành tinh phi tự nhiên như trái đất thì chuyện gì xảy ra, con trải nghiệm thế nào như một avatar? Ở hành tinh tự nhiên con làm việc trong một đơn vị với người khác, với các sinh thể khác. Đây là một đơn vị hài hòa vì các con có một mục tiêu chung. Hãy thử lấy một ví dụ thực tế. Các con có mục tiêu chung là xây cất một toà nhà thật đẹp. Con có một viễn kiến toàn bộ về tòa nhà nhưng toà nhà đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau: có thợ nề, có thợ mộc, có thợ sơn, có thợ làm đồ sắt, có người trang trí, có người lo về nghệ thuật, người này người nọ. Đủ loại kỹ năng cá nhân sẽ cần thiết để hoàn tất tòa nhà. Không có cạnh tranh vì mỗi nhóm người như vậy đều có một lãnh vực riêng nơi họ có thể biểu lộ sáng tạo, một phạm vi ảnh hưởng riêng của mình. Họ không đụng độ với nhau mà họ cộng tác để thực hiện mục tiêu chung là xây tòa nhà. Con hiểu là trên một hành tinh tự nhiên có một khoảng không gian chung, một viễn quan chung, một mục đích chung, và ở trong đó có những khu vực cá nhân cho sáng tạo. Là một cá nhân đồng sáng tạo, con là một phần của tổng thể, con biết con làm việc với người khác nhưng con cũng cảm thấy là mình có dư không gian để biểu đạt sự sáng tạo của mình.

Hệ quả là gì? Con yêu dấu, hệ quả là một người đồng sáng tạo làm việc với Ánh sáng Mẫu-Vật trên hành tinh tự nhiên cũng y hệt như trên trái đất. Có Ánh sáng Mẫu-Vật, và con dùng tâm con để tạo thành một hình ảnh, con áp chồng hình ảnh này lên Ánh sáng Mẫu-Vật, thế rồi Ánh sáng Mẫu-Vật khoác vào hình tướng đó. Và sự khác biệt giữa hành tinh tự nhiên với trái đất là như sau. Ở một hành tinh tự nhiên, con không dùng cơ thể vật lý của mình nhiều lắm; hầu hết tạo vật của con trên hành tinh tự nhiên đều được kết đọng (precipitate). Cơ thể vật lý có một số công dụng vì nó không được con xem là tách biệt với ba thể kia. Con ý thức, con nhận biết mình đang đồng sáng tạo với tâm mình – với tâm bản sắc, lý trí lẫn cảm xúc – để đưa vật thể vào cõi vật lý. Không giống như trên trái đất nơi con nghĩ là hầu hết mọi chuyện con cần làm để đem vật vào cõi vật lý phải được thực hiện bởi cơ thể – hay bởi một phần nối dài của cơ thể là một loại máy móc hay công nghệ – thì trên hành tinh tự nhiên, con nhận biết rõ hơn hẳn là con dùng tâm con. Con nhận biết là con đang đồng sáng tạo bằng cách hình thành những hình ảnh, những khuôn đúc trong tâm con và phóng chiếu chúng ra, áp chồng lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

Khi một nhóm người hội tụ xung quanh một mục tiêu chung, điều xảy ra là tâm họ phối hợp lại với nhau ở mức bản sắc, và sau đó họ sáng tạo trong khuôn khổ Ánh sáng Mẫu-Vật. Cũng gần giống như khi các thày nói về cách sáng tạo của Đấng Sáng tạo, thì trước tiên Đấng Sáng tạo tạo ra một khoảng trống, xong phóng chiếu một bầu cõi vào khoảng trống, và trong bầu cõi này các hình tướng có thể được sinh tạo. Tương tự như vậy trên hành tinh tự nhiên, những người đã quyết định đồng sáng tạo, chẳng hạn xây một toà nhà, thì họ sẽ đến với nhau. Trước tiên họ cùng thiền định với nhau và họ hình dung, họ tạo ra khoảng trống. Họ tạo ra khoảng trống xong họ dùng tâm phóng chiếu ra một quả cầu. Họ đổ đầy khoảng trống với Ánh sáng Mẫu-Vật đã được khởi động tới một mức nào đó, tức là Ánh sáng Mẫu-Vật đã sẵn sàng khoác lấy hình tướng nhưng hình tướng chưa được phân biệt. Giờ đây, tất cả những người có chân trong tổng thể đó biết rõ là họ đang làm việc với Ánh sáng Mẫu-Vật này. Họ có sự kết nối trong tâm họ nhưng đồng thời mỗi sinh thể cũng biết là mình có một quả cầu riêng nơi mình đang làm việc với Ánh sáng Mẫu-Vật, và vì vậy mình đang dùng tâm mình để tạo thành hình ảnh được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

7.3. Việc đến địa cầu tạo cảm giác như thế nào

Điều xảy ra trên hành tinh tự nhiên là Ánh sáng Mẫu-Vật rất dễ khoác vào hình tướng được một cá nhân đồng sáng tạo phóng chiếu lên nó. Ở đó không có sự chống đối. Cho nên khi con đến như một avatar từ một hành tinh tự nhiên, con mang sẵn thói quen là làm việc với Ánh sáng Mẫu-Vật thật dễ dàng. Con có thể dễ dàng phóng chiếu một tâm ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật và nó sẽ lấy ngay hình tướng này. Một trong những cú sốc lớn mà con gặp phải khi con đến địa cầu như một avatar là trên địa cầu tiến trình đồng sáng tạo nhàn nhã này không thể xảy ra. Nó không thể xảy ra vì mấy lý do. Một lý do là vì Ánh sáng Mẫu-Vật ở một hành tinh tự nhiên có độ rung cao hơn Ánh sáng Mẫu-Vật cấu tạo trái đất. Độ rung càng cao thì ánh sáng càng linh hoạt, càng dễ khoác vào hình tướng mà con phóng chiếu lên nó với ba thể cao của con. Ánh sáng có rung động cao sẽ uốn theo tâm ảnh dễ hơn vì nó không dày đặc, không đông cứng bằng.

Con đến trái đất và cú sốc đầu tiên con gặp phải là vật chất ở đây sao dày đặc đến thế, Ánh sáng Mẫu-Vật sao dày đặc đến thế. Con cũng cần nhận ra ở đây là trên điạ cầu thật hiếm hoi – không phải là không có nhưng khá hiếm hoi – một nhóm người có thể tụ lại xung quanh một mục tiêu chung, một viễn quan chung. Cũng có một số ví dụ khi hàng triệu người cộng tác với nhau để xây kim tự tháp hay xây dựng một thành phố, v. v… Nhưng trong hầu hết trường hợp, điều này đã xảy ra theo một cách mà chúng ta có thể gọi là quản lý từ trên xuống, tức là có một người giống như một nhà độc tài phán quyết: “Chúng ta sẽ xây cung điện này.” Thế là ông ta cưỡng bách mọi người phải tuân theo viễn quan này và xây cung điện. Không có nghĩa là ai ai cũng đã đồng tình với viễn quan này hay đã chấp nhận đó là điều họ muốn làm. Họ bị buộc phải làm cho nên họ làm theo. Con có thể nói là mặc dù họ làm việc với nhau nhưng họ không hợp tác trong cùng tinh thần hợp nhất mà con thấy trên hành tinh tự nhiên.

Con yêu dấu, kết quả của sự thể này là khi người ta không có viễn quan chung, khi người ta không chấp nhận viễn quan và nó bị áp đặt lên họ, thì họ không thể phối hợp tâm họ để trước hết tạo ra khoảng trống rồi sau đó đổ đầy khoảng trống này với Ánh sáng Mẫu-Vật đã được khởi động. Con không thể tiếp cận cái chúng ta có thể gọi là “nguyên liệu thô” có thể rất dễ dàng khoác vào hình tướng. Nguyên liệu này có khả năng được tạo ra trên trái đất, như nếu con có một nhóm người đến được với nhau trong một trạng thái hợp nhất hài hòa thì họ có khả năng tạo ra nguyên liệu này. Sẽ khó hơn là trên một hành tinh tự nhiên nhưng có thể làm được. Trên trái đất rất hiếm khi người ta làm được vì thường thường sa nhân đã có thể chen chân vào tiến trình và buộc mọi người phải tạo ra một cái gì sẽ tôn vinh sa nhân. Lẽ tự nhiên, trên một hành tinh tự nhiên con sẽ không thấy ai tạo ra một cung điện để vua chúa hay hoàng đế ngồi trên ngôi báu ra vẻ oai phong lẫm liệt.

Trên trái đất, con không có một nguyên liệu thô có thể dễ dàng khoác vào hình tướng. Song song với việc con không có một nguồn năng lượng chung, con cũng không có một tình trạng nơi mỗi người đồng sáng tạo, mỗi một cá nhân đều có quả cầu riêng, lãnh vực riêng của mình để có thể sáng tạo. Con không có một không gian chung và con không có một không gian cá nhân để đồng sáng tạo. Điều con thấy trên trái đất là khi người ta muốn sáng tạo một cái gì, họ không thể tạo ra quả cầu riêng biệt chứa Ánh sáng Mẫu-Vật đã được khởi động. Họ phải làm việc với quả cầu chung, với năng lượng chung, với cái các thày đã gọi là sự rung động cơ bản hay rung động nền của hành tinh. Đây là nguyên liệu thô của họ. Hay nói cách khác, tất cả mọi người trên trái đất phải dùng cùng một nguyên liệu thô.

Đồng thời con cũng thấy là trên trái đất, con rất khó có quả cầu sáng tạo riêng của con. À, con có thể nhìn lịch sử và thấy được một số người đã xoay sở để tạo ra một quả cầu sáng tạo nào đó. Có thể đây là những nhà văn có khả năng viết một tác phẩm vượt khỏi tâm thức tập thể. Có thể là những họa sĩ đã vẽ những bức tranh hoàn toàn mới lạ, không theo cách truyền thống chút nào. Đó là vì những người này đã có thể tạo ra một khoảng trống trong tâm họ được phần nào che chắn khỏi tâm thức tập thể. Con cũng thấy được là những hình thức sáng tạo này là nỗ lực sáng tạo cá nhân. Một họa sĩ ngồi trong xưởng vẽ của ông tạo ra bức tranh mà không có ai khác ở đó.

Nhưng khi con có một hoàn cảnh với hai hay nhiều người hơn cộng tác thì lập tức con có một cơ chế vận hành hoàn toàn khác, qua đó họ không còn không gian cá nhân của họ nữa. Họ cùng nhau làm việc trong một không gian chung, và trong bản chất, điều này có nghĩa là những gì cá nhân con làm sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm thức tập thể của mọi người trên hành tinh. Một lần nữa, con có thể tìm thấy những tình huống có một nhóm người đã xoay sở để tách ra riêng rẽ, chẳng hạn nơi một tu viện hay một cộng đồng hẻo lánh, cho nên họ đã có thể phần nào cách ly khỏi tập thể, nhưng họ vẫn phải làm việc với cái năng lượng cơ bản dày đặc hơn. Họ vẫn phải làm việc trong một môi trường nơi mặc dù họ đã tự cách ly đôi chút, họ vẫn không được tự do khỏi tâm thức tập thể, cho nên có sự nhiễu sóng không ngừng từ tâm thức tập thể.

7.4. Đồng sáng tạo vận hành như thế nào trên địa cầu

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang xem xét làm thế nào con có thể thực sự đồng sáng tạo một điều gì trên một hành tinh như trái đất. Về cơ bản, đây là cùng một tiến trình như ở hành tinh tự nhiên nhưng với một vài khác biệt. Trên hành tinh tự nhiên, con hình thành một hình ảnh trong tâm ý thức của con. Con sử dụng tâm bản sắc, tâm lý trí, tâm cảm xúc, nhưng còn hình thành hình ảnh này trong tâm ý thức. Xong con gửi một xung lực vào hệ thống năng lượng. Con gửi vào đó một sóng năng lượng, hay đúng hơn một sóng năng lượng phức tạp, một khuôn đúc sóng năng lượng mang một hình ảnh trên đó. Con gửi nó từ cõi vật lý, từ tâm ý thức, vào cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc, nơi nó đi nguyên chu trình quay trở về qua cõi bản sắc, lý trí và cảm xúc, rồi vào cõi vật lý. Điều đáng nói là trên một hành tinh tự nhiên không có gì can thiệp vào tiến trình này. Những gì con gửi ra từ tầng vật lý, từ tầng ý thức, sẽ trở lại tầng vật lý trong dạng thuần khiết của nó.

Nhưng trên trái đất thì khác hẳn. Con lập ra hình ảnh với tâm ý thức, phóng chiếu nó vào cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc trên trái đất rồi cho nó đi hết quy trình trở lại cõi vật lý. Vì trái đất là một môi trường vẩn đục và dày đặc đến như vậy cho nên sóng năng lượng mà con gửi ra gặp phải nhiều sự nhiễu sóng, cả trên đường đi lên lẫn đường đi xuống trở lại vật lý. Điều này có nghĩa là gần như con không thể nào hình thành một hình ảnh trong tâm rồi gửi nó ra mà biểu hiện được nó y như con đã hình dung. Đứng về mặt thực tiễn thì chuyện này không thể xảy ra.

Tại sao thật quan trọng con nên biết điều này trong tư cách một avatar, hay một cư dân nguyên thủy của địa cầu đã tinh tiến trên đường tâm linh? Bởi vì đây là cách duy nhất con có thể làm hòa với việc con ở đây. Đây là cách duy nhất con có thể tránh khỏi cảm nhận là mình ngu ngốc, mình bất cập, mình không tốt đủ. Đây là cách duy nhất con có thể tránh phán xét nỗ lực sáng tạo của mình dựa theo tiêu chuẩn của sa nhân, tức là nỗ lực này phải toàn hảo, nếu không thì nó không tốt đủ. Trên cơ bản, đây là điều sa nhân đã tạo ra. Chúng đã tạo ra trên trái đất một tư duy bảo rằng: Nếu sáng tạo của con không toàn hảo – dựa trên một chuẩn mực không bao giờ được định rõ – thì nó không tốt đủ. Do sự dày đặc của môi trường trên trái đất, gần như không ai có thể lập ra một hình ảnh trong tâm mà biểu hiện ra được hoàn cảnh vật lý. Cho nên nếu con chấp nhận lối suy nghĩ của sa nhân thì con không thể thoát khỏi tình trạng mãi mãi cảm thấy là bất cứ gì mình sáng tạo cũng không tốt đủ. Nếu con mang tư duy này của sa nhân rằng nó phải toàn hảo theo một chuẩn mực nào đó thì con không bao giờ có thể thoả mãn với tạo vật mình đã đồng sáng tạo.

7.5. Sẽ bao giờ có gì tốt đủ hay không?

Đó chính là tại sao thày cho con lời dạy này để con khởi sự tái lượng định cách tiếp cận của con đối với mọi chuyện con làm – bất cứ chuyện gì con làm trên trái đất. Con thử nhìn xem cách mình làm cha mẹ, nhìn xem xã hội mang tư duy con phải là bậc cha mẹ toàn hảo, nếu không thì con không tốt đủ. Thế nào là bậc cha mẹ toàn hảo? Có người sẽ bảo đó là cha mẹ có con cái toàn hảo, nhưng con dư biết là con cái của con đã đến đây với một tâm lý từ rất nhiều tiền kiếp, và nhiệm vụ của con làm cha mẹ không phải là thay đổi hay kìm nén tâm lý đó. Có bao giờ con có được một đứa con toàn hảo – nếu có chuyện toàn hảo nơi một đứa trẻ? Với thái độ thường thấy như vậy trong xã hội ngày nay, làm cha mẹ có nghĩa là con tự buộc mình phải cảm thấy bất mãn cho đến hết kiếp, vì con mình sẽ không bao giờ thỏa mãn được tiêu chuẩn toàn hảo đó.

Nếu con muốn là một nhà văn thì cũng tương tự như vậy. Nhiều người mong muốn viết lách gì đó nhưng họ bị ám ảnh bởi nhu cầu đánh giá xem tác phẩm của mình có đủ tốt hay không, đến độ họ cảm thấy: “Ồ, nó sẽ không bao giờ tốt đủ,” và họ không dám phổ biến. Rốt cuộc nhiều người trong số đó trở thành những nhà bình phẩm hay biên tập viên chuyên nghề lượng định tác phẩm của người khác để không bao giờ mình có rủi rỏ bị người ta bình phẩm – nhưng đây là một vấn đề khác.

Thật sự đây là một khuôn nếp con gặp trong mọi khía cạnh của đời sống khi con thấy rất rất nhiều người mang tư duy là hoặc mình toàn hảo, hoặc mình không đủ tốt. Do đó họ không dám biểu đạt một cái gì từ nội tâm của họ. Thay vào đó, họ đi tìm một vị thế đánh giá công việc của người khác. Họ là người luôn luôn chỉ trích nhưng chính họ thì không bao giờ là đối tượng của sự chỉ trích. Có ai bình phẩm người bình phẩm bao giờ đâu? Thế là họ khóa chặt dòng sáng tạo của họ và củng cố cho tư duy phán xét của sa nhân.

Nhưng một lần nữa, con ở đây như một avatar đã đến địa cầu. Từ hành tinh tự nhiên, con đã quen có thể thị hiện bất cứ gì mình hình dung. Xong con đến địa cầu, con hình dung cái gì đó, con gửi xung lực vào bốn tầng của vũ trụ vật chất nhưng cái quay trở lại, cái được thị hiện, thì không đúng y như cái con đã hình dung. Thật là dễ cho nhiều người trong chúng ta – thật ra hầu hết chúng ta – bị ảnh hưởng bởi tư duy sa ngã và nói: “Ồ, nếu cái thị hiện khác xa cái tôi hình dung đến vậy thì chắc chắn tôi không tốt đủ. Bỗng nhiên tôi là một người đồng sáng tạo không tốt đủ vì tôi không thể thị hiện những gì tôi hình dung.”

Thày vừa nói con điều gì, con yêu dấu? Trên trái đất con không có một con đường thông thoáng để viễn quan con được gửi ra và quay trở về mà không bị nhiễu sóng. Con có một môi trường năng lượng vô cùng hỗn tạp với quá nhiều cảm xúc xuất phát từ lòng sợ hãi, quá nhiều ý tưởng méo mó trong cõi lý trí, quá nhiều hình ảnh sai lạc trong cõi bản sắc. Khi con gửi một sóng năng lượng vào các cõi này, một sự nhiễu sóng khổng lồ sẽ xảy ra. Con biết rất rõ là khi hai sóng năng lượng gặp nhau, chúng tạo ra một mô thức giao thoa làm thay đổi cả hai sóng.

Chúng ta có thể nói là khi con gửi ra một xung lực sáng tạo, xung lực này là một làn sóng năng lượng. Khi nó di chuyển qua bốn tầng của cõi vật chất, nó chạm mặt một số sóng năng lượng khác từ tâm thức tập thể. Khi hai sóng tương tác thì cả hai đều biến đổi. Có nghĩa là khi con gửi ra một viễn quan sáng tạo, nó gặp phải một năng lượng tiêu cực và sự tương tác này biến đổi cả hai làn sóng. Kỳ thực con đã đóng góp vào việc nâng cao tâm thức tập thể qua nỗ lực sáng tạo của con, nhưng con không thấy được chuyện này. Điều con thấy là cái quay trở về con thấp hơn rất nhiều những gì con đã hình dung, cho nên con cảm thấy: “Liệu mình đã làm được gì hữu ích hay không?” Nhưng con đã. Con đã nâng cao năng lượng đến giao thoa với viễn quan của con. Tất nhiên là năng lượng này cũng đã làm nhiễu viễn quan của con khiến nó không được biểu hiện trong dạng thuần khiết của nó.

Tại sao thày lại nói điều này cho con? Một lần nữa, là vì đơn giản con không thể phán xét nỗ lực sáng tạo của mình ở đây trên trái đất theo một trong hai cách, hoặc theo cách con vẫn quen làm trên hành tinh tự nhiên, hoặc theo cách sa nhân muốn con phán xét nỗ lực của con. Con phải nhận thức con đã quen phán xét nó như thế nào trên hành tinh tự nhiên, cũng như sa nhân muốn con phán xét nó như thế nào ở đây, và con vứt bỏ cả hai cách. Con khẳng định là cả hai không hiệu lực trên một hành tinh như trái đất.

7.6. Phán xét nỗ lực sáng tạo của mình trên trái đất

Sứ giả này đã lớn lên trong một môi trường quen sử dụng súng ống, cho nên thày đã cho ông hình ảnh này mà thày sẽ dùng ở đây. Có hai loại súng thông thường được người ta dùng để săn bắn trên trái đất. Một loại gọi là súng trường, loại kia gọi là shotgun. Súng trường bắn ra một viên đạn, còn súng shotgun bắn ra cả chùm đạn nhỏ hơn. Hẳn các con đã thấy những mục tiêu ở trường bắn – mục tiêu làm bằng giấy có những vòng tròn đồng tâm và ở giữa là vòng tròn số 10. Khi con nhắm mục tiêu bằng súng trường, con có thể đặt viên đạn ngay vòng số 10 vì đó là viên đạn độc nhất và đường đạn tương đối chính xác. Bây giờ con tưởng tượng con đứng trước mục tiêu với khẩu shotgun và người ta bảo con đặt một hạt nhỏ tí ngay điểm số 10 y như con vừa làm với súng trường, chuyện này có thể làm được không?

Có thể chứ, nhưng con sẽ không có cách chi đoán trước được kết quả của phát bắn, vì con bắn ra một chùm đạn nhỏ với đường đạn không rập khuôn và không chính xác lắm, ít ra là một đường đạn con không thể tính trước được. Trong số mấy trăm hạt nhỏ đó có thể có một hạt sẽ trúng số 10, nhưng cũng có thể không có hạt nào. Con có thể bắn một trăm lần mà vẫn không có hạt nào trúng số 10. Con không thể làm gì khác được. Vấn đề không ở chỗ con sẽ nhắm nòng súng cho chính xác hơn, mà vấn đề là thực tế vật lý của súng shotgun.

Ý thày muốn nói ở đây là sa nhân bảo con: “Bạn phải bắn trúng số 10 mỗi lần như một,” nhưng súng của con là một khẩu shotgun. Thật chẳng nghĩa lý gì mà con phải phán xét nỗ lực của mình như thể con có một cây súng trường, bởi vì con không thể chắc chắn là con sẽ bắn trúng số 10. Nếu chuyện này xảy ra thì nó hoàn toàn ngẫu nhiên, chúng ta có thể nói như vậy, vì chắc chắn đây không phải là chuyện khoa học chính xác. Con yêu dấu, sa nhân đòi hỏi con phải làm chuyện bất khả thi, thế nhưng chúng phán xét con như thể cái bất khả thi đó là khả thi. Điều này không thực tế, giản dị là nó không thực tế. Con không thể xét mình là bất toàn do con đã không làm nổi một chuyện không thể làm – đó là điều vô lý. Ấy thế nhưng con đã bị lập trình hết kiếp này đến kiếp khác để con tự đánh giá mình theo kiểu đó.

Đây là một lập trình rất sâu đậm, nó vô cùng mạnh mẽ trong tâm thức tập thể trên địa cầu. Con yêu dấu, con đã có các dụng cụ rồi đó và con sẵn sàng nâng mình lên khỏi tâm thức đó. Đối với một số các con, đây chỉ là vấn đề xoay chuyển tâm con. Đối với một số khác, nó sẽ đòi hỏi một chút nỗ lực vì con mang những cái ngã tách biệt mà con cần nhìn thấy, con cần thấy chúng như chúng là, và để cho chúng chết đi. Một lần nữa, con đã có các dụng cụ rồi, và điều con nhận ra là khi con buông các ngã đó ra, khi con thoát ra khỏi ý tưởng là mình phải có thể làm chuyện bất khả thi – ý tưởng là nếu mình không làm được chuyện bất khả thi thì mình bất toàn – thì con có thể tìm ra một cách hoàn toàn mới để an bình trên trái đất, một cách hoàn toàn mới để là người sáng tạo và nỗ lực sáng tạo. Con có thể gửi ra một xung lực mà không bị nản lòng bởi những gì quay trở lại, vì con biết xung lực của con đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao tâm thức tập thể, cho dù những gì quay trở lại không hoàn toàn đúng như con đã gửi ra.

7.7. Trở nên ngày càng sáng tạo hơn

Con yêu dấu, khi con nâng cao tâm thức của con, lý tưởng là con nên ngày càng sáng tạo hơn. Điều này không có nghĩa là con phải trở thành một nghệ sĩ, một nhạc sĩ hay bất cứ gì khác. Con có thể trở nên ngày càng sáng tạo hơn khi con khởi lên những ý tưởng mới, những cách làm tốt hơn. Thậm chí con trở nên sáng tạo hơn theo nghĩa là con thiện nghệ hơn trong việc biểu hiện cuộc sống thường nhật mà con thực muốn. Đây không luôn luôn là chuyện biểu hiện một cái gì giống như một tác phẩm nghệ thuật chẳng hạn, mà con xem đời sống thường nhật là một hình thức nghệ thuật khi con biểu hiện cách sống mà con muốn có. Đây cũng là một hình thức sáng tạo.

Con yêu dấu, con nhìn xem bao nhiêu nghệ sĩ, bao nhiêu nhà văn, vân vân… và con thấy một số đã rất lập dị, thậm chí còn hơi ngông cuồng nữa. Nhiều người vô cùng bất mãn với chính tác phẩm của họ, họ chưa bao giờ cảm thấy những gì họ tạo ra là đủ tốt, họ chưa bao giờ vẽ được nàng Mona Lisa với nụ cười đúng y như họ muốn nàng phải có. Thực tế ở đây là hầu hết các nghệ sĩ vĩ đại nhất, danh tiếng nhất, mặc dù họ có thể được quần chúng ái mộ nhưng chính họ lại không toại nguyện với nỗ lực của họ, và lý do thật giản dị. Con nhìn vào Mona Lisa và con nhìn vào bức tranh. Con không thể thấy được viễn quan mà Leonardo da Vinci đã có trong tâm khi ông vẽ bức tranh. Con không thể thấy được là những gì ông vẽ xuống tấm vải không đúng như những gì ông mường tượng trong tâm và do đó ông không hài lòng với nó. Điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết mọi nghệ sĩ khác.

Tác phẩm không đúng hoàn toàn như những gì họ muốn. Một lần nữa, trên một hành tinh phi tự nhiên, thật không thực tế và không xây dựng mà chờ đợi là con có thể thị hiện trong vật lý đúng như những gì con hình dung trong tâm. Đơn giản là nó không thực tế. Khi con chấp nhận sự thể này, con có thể bắt đầu làm hòa với sự kiện là mặc dù con không biểu hiện đúng như con hình dung, nhưng con vẫn đang giúp cho thế giới tốt đẹp hơn vì con đang gửi ra những xung lực năng lượng nâng cao tâm thức tập thể.

Con có thể đi xa hơn và đơn giản nhận ra là con không ở đây để đưa ra một tác phẩm toàn hảo nào đó. Con ở đây để đưa ra một cái gì cao hơn những gì hầu hết mọi người có thể hình dung. Không quá cao đến độ họ không thể nối kết, nhưng con chứng tỏ là có một cách tốt hơn, có một hình thức sáng tạo cao hơn. Không có toàn hảo nào mà con cần với tới, con yêu dấu. Như các thày đã nói rất nhiều lần, nếu con đạt được tầng tâm thức thứ 96 thì con đã tự nâng mình lên cao hơn hẳn tâm thức tập thể rồi. Thật chẳng ích gì mà con phải tự mắng nhiếc vì mình chưa đến được tầng 144.

Dù con có đang ở tầng nào thì cũng hoàn toàn chấp nhận được. Các thày chấp nhận con như con người con là, ở tầng tâm thức đó. Các thày không đòi hỏi con phải ở tầng 144. Các thày chỉ nhìn xem làm cách nào đưa con lên tầng kế tiếp. Một khi con hiểu điều này, một khi con chấp nhận điều này, con sẽ có thể an bình với việc mình ở nơi mình đang đứng. Do đó con cũng có thể an bình với việc mình ở trên địa cầu nơi các nỗ lực sáng tạo của con không bao giờ tạo được đúng kết quả con hình dung. Thay vì tự trách móc, con chỉ chấp nhận mọi chuyện là như vậy.

7.8. Cách tiếp cận lượng tử đối với sự sáng tạo

Chúng ta thử trở về với ngụ ngôn về súng trường và súng shotgun. Có thể con không bắn trúng số 10 với súng shotgun nhưng chắc chắn con có thể bắn trúng mục tiêu nói chung, và điều này cũng giống vậy trên trái đất. Con cần cảm thấy thỏa mãn nếu con bắn trúng mục tiêu chứ không nhất thiết phải trúng hồng tâm ở chính giữa. Con có thể đi xa hơn một chút và nhìn vào những gì các nhà khoa học đã khám phá về thế giới lượng tử, thế giới của các hạt hạ nguyên tử. Họ phát hiện ra electron là một hiện tượng kỳ lạ. Họ phát hiện ra sự hiện hữu của một điều họ gọi là “vấn đề đo đạc lượng tử.” Con có thể đo vị trí của một electron nhưng khi đó, nếu con biết vị trí này thật chính xác, con sẽ hoàn toàn không biết gì về vận tốc của nó, động lượng của nó. Và ngược lại, con có thể dùng một phương pháp khác để đo động lượng, nhưng nếu vậy thì con không biết gì về vị trí của nó. Con không thể biết mọi chuyện cùng một lúc. Có nghĩa là con không thể tiên đoán chính xác electron sẽ ở đâu trong tương lai.

Điều này, một lần nữa, ngược lại với hình ảnh cố hữu về một vũ trụ tựa như cỗ máy đồng hồ, theo đó nếu con biết các điều kiện sơ khởi thì con có thể tiên đoán mọi chuyện xảy ra trong tương lai. Trong gần một thế kỷ qua, các nhà vật lý lượng tử đã chứng minh là việc tiên đoán như vậy không thể xảy ra trong thế giới lượng tử. Và ngay cả trong thế giới vĩ mô, điều này cũng không thể làm được. Các nhà khoa học đã tưởng điều này có thể làm được chỉ vì họ nghĩ là họ chỉ cần xem đến một số rất ít điều kiện. Kỳ thực, có rất nhiều điều kiện hơn là khoa học thời Newton biết đến, và do đó có những ẩn số mà họ đã không thể xem xét. Ngay cả ở mức vĩ mô họ cũng không thể tiên đoán được, nhưng với vật lý lượng tử thì các nhà khoa học đã chứng minh là việc tiên đoán chính xác không thể xảy ra. Điều con có thể làm là con có thể đo đạc một số lớn electron, rồi sau đó suy ra một giá trị trung bình để nhờ vậy con tiên đoán xác suất một electron đơn lẻ có thể ở vị trí nào ở một thời điểm nào đó. Con có thể tiên đoán một xác suất chứ không phải một kết quả chính xác. Điều này cũng có thể áp dụng cho các nỗ lực sáng tạo của con. Con có thể lập ra một hình ảnh về cái con muốn biểu hiện, con có thể gửi nó ra ngoài, nhưng con không thể tuyệt đối chắc chắn là nó sẽ thị hiện đúng y như vậy. Chỉ có một xác suất mà thôi.

Như vậy có nghĩa là con không thể bảo hình ảnh phải thị hiện chính xác. Con cần thực tế và nói: “Chắc chắn cái tôi gửi ra sẽ bị nhiễu sóng, cho nên cái quay trở về sẽ phần nào bị sự giao thoa làm cho méo mó đi, và nó sẽ không hoàn toàn đúng như cái tôi đã hình dung.” Rồi con cần đạt tới điểm nhận ra là con đã gửi ra viễn quan cao nhất mà con có thể vào thời điểm đó. Con đã phóng nó ra với mãnh lực tối đa mà con có thể trong trạng thái tâm thức của con lúc đó. Cái quay trở về đơn giản là cái cao nhất mà con có thể sản xuất trong những điều kiện vốn có là chính trạng thái tâm thức của con lẫn trạng thái tâm thức tập thể. Trong những điều kiện con phải làm việc, đó là thành quả tốt nhất có thể. Con không cần phải đánh giá là nó không toàn hảo hay tồi tệ vì nó không đúng hẳn như con hình dung. Vậy điều con có thể làm là nói: “Thôi được, có sự khác biệt giữa những gì tôi gửi ra và nhận trở lại, làm thế nào tôi có thể giảm thiểu sự khác biệt đây? Làm thế nào tôi cho nó bớt đi?”

Con có thể làm vậy bằng cách nâng cao tâm thức của con, loại bỏ một số ngã đó đã có thể khiến con có một viễn quan bất toàn hay thấp hơn khả năng của con, hay chúng đã có thể khiến con không dùng đủ uy lực khi con phóng chiếu nó ra. Con có thể thanh lọc bốn thể phàm để sự nhiễu sóng càng ít càng tốt trong các thể của chính con. Lẽ tự nhiên, những gì có mặt trong các thể cao của con sẽ giao thoa với viễn quan con gửi ra, ngay cả với khả năng hình thành viễn quan của con. Đấy là điều con có thể làm, và sẽ thật chính đáng nếu con nói: “Đã có sự khác biệt giữa cái tôi hình dung và cái tôi thị hiện. Tôi cần làm việc trên bản thân tôi và tâm thức của tôi.” Điều này không có nghĩa là con bất mãn với chính con. Con yêu dấu, cho dù con có đạt đến tầng tâm thức 144 thì trên địa cầu con vẫn không thể thị hiện đúng y như con hình dung. Tại sao vậy? Là vì như thày đã nói, trên trái đất con không có một quả cầu cá nhân nơi tâm con là tâm duy nhất tác động lên một phần cụ thể của Ánh sáng Mẫu-Vật và nhờ vậy nội dung trong tâm là hình tướng chính xác mà Ánh sáng Mẫu-Vật khoác vào. Ở đây con làm việc trong một không gian chung. Con phải chấp nhận là con đang ở trên một hành tinh với vật chất dày đặc và một tâm thức tập thể cũng dày đặc.   

7.9. Hãy bằng lòng với việc nâng cao tâm thức

Con phải cho phép những thứ đó can thiệp vào viễn quan của con vì một phần mục đích con sống và sáng tạo ở đây là để nâng cao tập thể. Con làm vậy bằng cách gửi ra một viễn quan cao nhất có thể và cho phép nó giao thoa, tương tác với tập thể. Có lẽ con chỉ thấy được là tập thể đang kéo thấp viễn quan con xuống, nhưng sự thật là viễn quan con cũng kéo tập thể đi lên. Đây chính là một phần ý nghĩa của việc đồng sáng tạo trên một hành tinh phi tự nhiên. Khi đồng sáng tạo trên hành tinh tự nhiên, con có quả cầu riêng của con, con có thể thị hiện đúng y như trong tâm con. Nhưng đây không phải là sự thể trên một hành tinh phi tự nhiên. Con không có quả cầu riêng của mình, cho nên con không thị hiện đúng được như con hình dung. Dẫu sao thì khi con kinh qua tiến trình này, tiến trình sáng tạo này, con cũng giúp nâng cao tâm thức tập thể.

Sứ giả này trong những năm đầu làm sứ giả đã cảm thấy phần nào bất mãn vì sách của ông đã không trở thành sách bán chạy nhất – hay đúng hơn không phải là sách của ông vì ông không xem là sách của mình mà là sách của các chân sư. Ông nghĩ: “Tại sao mọi người không chịu đọc lời dạy của các chân sư thăng thiên?” Và ông đã học cách nhận ra đây chỉ đơn giản là một viễn quan không thực tế. Thật không thực tế mà chờ đợi mọi người trên trái đất sẵn sàng nhận giáo lý của chân sư thăng thiên, vậy tại sao con lại chờ đợi là một quyển sách của chân sư thăng thiên sẽ đứng đầu trên danh sách bán chạy?

Sách bán chạy là sách phù hợp với mức tâm thức của mọi người, bởi vì nếu không, họ sẽ không thể thấy được trong sách có gì, thậm chí không thể nhìn nhận điều này. Ông đã học được là ông không thể đánh giá nỗ lực sứ giả của mình dựa trên sự kiện sách bán chạy hay không. Ông chỉ đơn giản bằng lòng với sự kiện sách đã có mặt trong bát cung vật lý, nơi người ta có thể tìm đọc ngay bây giờ hay mai hậu trong những thập niên tới. Đây không phải là vấn đề có bao nhiêu người, vì sự thành công của con như một người đồng sáng tạo trong bát cung vật lý không tùy thuộc vào sự công nhận của 80% quần chúng. Thày tin rằng con cũng thấy là nó không tùy thuộc vào sự công nhận của lớp 10% thấp nhất, đặc biệt là của sa nhân. Như một người đồng sáng tạo với một nhận thức tâm linh nào đó, con sẽ không bao giờ, không bao giờ có được sự công nhận từ sa nhân. Chuyện này giản dị sẽ không xảy ra, con yêu dấu. Con sẽ không bao giờ có sự công nhận đó được, cho nên việc chờ đợi chỉ là một kỳ vọng không thực tế. Con phải buông nó ra.

7.10. Nhìn nhận là con không thể làm hài lòng một số người

Con phải đạt tới điểm nhìn nhận là trên hành tinh này có những người con không thể làm hài lòng. Một số các con có thể có người thân thiết trong gia đình thuộc loại này. Vấn đề không nhất thiết là bảo họ là sa nhân, mà vấn đề là nhìn nhận: “Tôi sẽ không bao giờ làm hài lòng được người đó. Vậy tại sao tôi lại bận tâm? Tại sao tôi không chuyển quan tâm sang những người tôi có thể quan hệ tích cực? Tại sao tôi phải ở gần những người hay chỉ trích, tiêu cực hoặc luôn luôn đòi hỏi nhiều hơn? Tôi có quyền chuyển sang những ai tôi cảm thấy đồng điệu thay vì những kẻ bị phiền hà bởi rung động của tôi và muốn bài bác tôi.” Khi con ngừng phán xét bản thân theo tiêu chuẩn của sa nhân hay quan điểm của người khác – là những người có thể bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn của sa nhân – thì con có thể bắt đầu cảm thấy là mình thực sự có thể sáng tạo trên địa cầu.

Con có thể an bình sáng tạo cho dù nỗ lực sáng tạo của con không bao giờ biểu hiện được những gì con có thể hình dung. Con cần nhìn nhận ở đây là khi con là một avatar hay một đệ tử tâm linh tiên tiến – kể cả khi con là một cư dân nguyên thủy của địa cầu – con có khả năng hình dung một điều gì đó vượt xa những gì một người trung bình có thể hình dung, vượt xa những gì có mặt trong tâm thức tập thể. Lẽ tự nhiên khi con gửi ra xung lực này vào bốn tầng của vũ trụ vật chất, nó sẽ gặp nhiễu sóng từ tâm thức tập thể vì nó gặp phải rất nhiều năng lượng thấp. Nhưng đây không phải là một thảm họa. Không phải là lỗi con nếu nó không thể hiện đúng như con đã hình dung. Con cần nhận ra là nó vẫn đem lại tác dụng tích cực, cho nên nỗ lực sáng tạo của con vẫn đáng công sức.

7.11. Một động lực cao hơn khi sáng tạo

Tất nhiên khi con nhận ra điều này, khi con xoay chuyển như vậy, con đạt tới điểm con không còn sáng tạo bởi vì con muốn: (1) biểu hiện một kết quả đặc thù nào đó, và (2) được người khác công nhận và chứng thực.

Những thứ đó không còn thôi thúc con nữa. Tiền bạc không còn thôi thúc con. Cái thôi thúc con là điều thày đã đề cập trong một bài giảng trước và cũng là mục đích thực sự của con khi con đến địa cầu, đó là con trải nghiệm chính mình ở đây. Con có thể tới điểm làm người sáng tạo mà phần thưởng cho sự sáng tạo của con không phải là những gì được thị hiện trong vật lý, không phải là sự công nhận, không phải là tiền bạc, mà là kinh nghiệm biết rằng con đã cố gắng trong môi trường đặc thù này. Con đã cố gắng – con đã thị hiện một cái gì cao hơn những gì có trước đó.

Phần thưởng của con chỉ đơn giản là thu hoạch kinh nghiệm này. Con có thể đạt tới điểm, cho dù con đang hiện thân trong vật lý, là con trải nghiệm Hiện diện TA LÀ của con đang trải nghiệm trái đất như thế nào. Khi con trải nghiệm Hiện diện TA LÀ đang trải nghiệm các nỗ lực sáng tạo của con như thế nào, đây là hình thức khen thưởng cao nhất cho nỗ lực của con. Tự thân nỗ lực này trở thành phần thưởng cho chính nó. Nó trở thành một tiến trình tự củng cố mà qua đó con sẽ không ngừng với lên cao hơn, không phải từ một cảm nhận thiếu thốn mà từ cảm nhận là con biết mình có khả năng hoàn thành một điều gì đó. Biết được những gì mình đã hoàn thành đem lại cho con cái biết là con có thể hoàn thành nhiều hơn. Con không bất mãn, con không luôn cảm thấy nó không đủ tốt, mà con cảm thấy những gì con đã tạo ra thực sự tốt đủ.

Vì con đã tạo ra cái đó, giờ đây con thấy là con có thể tạo ra cái gì cao hơn nữa, và con có thể cứ tiếp tục làm vậy. Không từ một cảm nhận thiếu hụt mà từ một cảm nhận dồi dào, một cảm nhận là con đầy ắp. Con đầy ắp. Con không có “lỗ hổng” nào trong bản thân mà con tìm cách lấp đầy. Niềm vui bây giờ là cảm thấy ly nước đang tràn ra ngoài. Đây là cảm nhận liên tục là cái chén của dòng chảy sáng tạo của con đang tràn ra ngoài và được gửi vào môi trường của con. Chính cái đó cho con niềm vui, niềm toại nguyện và sự tràn trề đến độ nó tràn cả ra ngoài. Cái đó, thày mong muốn con có được, con yêu dấu, và thày hy vọng một số các con sẽ dùng những lời dạy này để đạt được. Vì đó cũng chính là điều con đã quyết định trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, là tiềm năng cao nhất của con trong kiếp sống này mà con đã muốn chứng được.

11 | Lên tiếng từ một tâm thái an bình

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 1/12/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su, và ở đây thày muốn đưa ra một số nhận xét về một chủ đề có thể gây bối rối. Thày hiểu hoàn toàn là chủ đề này gây bối rối cho một số các con. Đó là chủ đề quả vị Ki-tô, làm thế nào con thực thi quả vị Ki-tô của con khi lên tiếng trên trái đất. Nếu con ở trong tư duy đường thẳng, con có thể nói là các lời dạy mới nhất mà các thày trao truyền – trong năm qua hay lâu hơn một chút – mâu thuẫn với giáo lý các thày đã trao truyền trước đây. Các thày đã nói là một phần của quả vị Ki-tô của con là lên tiếng, và bây giờ có vẻ như các thày lại bảo rằng con không nên lên tiếng và thay vào đó con nên làm việc trên các phàm linh nội tại, các ngã tách biệt của con và khắc phục chúng.

Con yêu dấu, chìa khóa để giải quyết điều có vẻ bí ẩn như vậy là nhận ra con đường tâm linh có một số giai đoạn. Có một số tầng khai ngộ mà con kinh qua trên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Các thày đã trao con một khóa học về tự điều ngự, và khoá học này được thiết kế để đưa con người từ tầng tâm thức thứ 48 lên tầng 96. Tầng 96 là điểm con bắt đầu thực thi quả vị Ki-tô, nhưng hiển nhiên, có một khoảng cách giữa tầng 96 với tầng 144. Con có thể thấy là tất nhiên, những gì con đạt được hay có khả năng đạt được ở tầng 96 chưa phải là quả vị Ki-tô trọn vẹn. Khi con bước lên cao hơn và cao hơn nữa cho đến tầng 144, con có khả năng thể hiện và biểu lộ – nếu có thể gọi như vậy – những trình độ cao hơn của quả vị Ki-tô.

11.1. Khía cạnh trải nghiệm của quả vị Ki-tô

Điều này có nghĩa là khi các thày đưa ra một giáo lý áp dụng cho đệ tử ở tầng 96 hay khoảng đó, dĩ nhiên đây không phải là cùng giáo lý các thày sẽ đưa ra cho những ai ở các tầng cao hơn. Chẳng hạn như khi thày đưa ra khóa học về quả vị Ki-tô [Chìa khóa Chỉ đạo cho quả vị Ki-tô Cá nhân] cùng nhiều giáo lý lúc ban đầu trong đợt truyền pháp này, thì giáo lý đã được đưa ra cho tầng tâm thức khởi sự. Những gì các thày trao truyền bây giờ nhắm đến các tầng quả vị Ki-tô cao hơn, qua đó con cần nhìn nhận là trên đường tu tâm linh có những điều không thể được truyền dạy một cách lý thuyết. Con cần một sự tương tác giữa một đằng là việc tiếp nhận giáo lý cùng sự hiểu biết, và đằng khác là việc thực hành, biểu đạt các giáo lý này và thu hoạch trải nghiệm. Con không trở thành Ki-tô bằng cách ngồi trong lớp học và nhận lời dạy từ một vị thày cho dù vị này đã chứng quả vị Ki-tô. Phải có một yếu tố trải nghiệm nào đó qua sự kiện con bước ra ngoài và nếm mùi trải nghiệm.

Trong những giai đoạn sơ khởi của đợt truyền pháp này, điều mà thày cùng các chân sư khác đã bảo học trò làm là hãy đi ra ngoài và lên tiếng với tầm hiểu biết và nhận biết mà mình có lúc đó. Nhưng tất nhiên, các thày cũng dư biết là học trò sẽ bước ra với một khối lượng ngã tách biệt nào đó và sẽ cảm thấy một sự cưỡng bách phải lên tiếng. Các thày biết là một số đã rất bất đắc dĩ lên tiếng vì những ngã tách biệt mà họ đã vun trồng trong tiền kiếp bảo họ là chuyện lên tiếng thật nguy hiểm, thật không an toàn, và họ không nên lên tiếng gì hết.

Các thày biết là một số người khác lại có tham vọng lên tiếng, hoặc vì họ muốn làm việc gì quan trọng, hoặc họ muốn được các chân sư thăng thiên công nhận, được người khác hay thế giới công nhận, hay đủ loại động cơ khác mà con người có thể có. Các thày cũng biết mình cần phải trao giáo lý cho con người rồi để yên cho mọi người muốn dùng thế nào cũng được, vì cho dù họ có lên tiếng hay không, họ vẫn có được một số trải nghiệm sẽ giúp họ tiến bộ tới mức họ sẵn sàng nhận một giáo lý cao hơn.

Và đó là điều đã xảy ra. Đã có đủ số người vươn lên tới mức họ sẵn sàng nhận được giáo lý cao hơn mà các thày đang ban ra bây giờ. Chúng ta có thể nói là một khối tới hạn (critical mass) trong số các con đã vươn đến mức này, nhưng thày cũng ưa nói là một khối người không phán xét (uncritical mass) trong số các con đã vươn đến mức này vì các con đã vươn lên bằng cách khắc phục thái độ phán xét mà qua đó con cảm thấy phải chỉ trích, phải xét đoán, phải đánh giá mọi chuyện. Đây chính là điểm đặc trưng cho các tầng quả vị Ki-tô cao hơn.

11.2. Quả vị Ki-tô không là một tiến trình đường thẳng

Ở các tầng quả vị Ki-tô thấp hơn, con bắt đầu nhận biết là theo cách nhìn của con ở tầng này, có nhiều sự việc không phải lẽ trên trái đất. Chúng không phù hợp với tầm nhìn cao hơn, chúng không phù hợp với cách mọi chuyện nên diễn ra và chúng cần được thay đổi. Như các thày đã có nói về các avatar đến hành tinh này với cảm nhận mình phải thay đổi nhiều thứ trên trái đất, thì trong những giai đoạn sơ khởi của quả vị Ki-tô con thường bước ra với thái độ là con phải thay đổi một điều gì đó. Con phải khiến cho mọi người nhìn thấy những gì họ chưa thấy, con phải đem lại một sự khác biệt và tạo sự thay đổi.

Đây chính xác là thái độ nhiều avatar đã có khi đến trái đất. Kỳ thực con cần trải nghiệm này trong kiếp sống này để gắn kết lại với động lượng đó. Có những avatar khác đến trái đất mà không lên tiếng, họ không muốn lên tiếng và họ quyết định là họ không muốn lên tiếng trên hành tinh này. Một số những người này đã không bước ra lên tiếng, nhưng điều này vẫn cho họ trải nghiệm nhận được giáo lý và làm gì với giáo lý.

Tuyệt đối không có gì sai trái khi con làm vậy. Như các thày đã nói rất nhiều lần, con có quyền ở một tầng tâm thức nào đó và con có quyền tự biểu đạt dựa theo tầng tâm thức này – không có gì sai trái và các thày hoàn toàn không chê trách gì con. Như Nada đã giải thích cặn kẽ trong sách của thày, các thày chấp nhận con cho dù con có ở tầng tâm thức nào và các thày chỉ nhìn xem làm thế nào giúp được con thăng lên tầng kế tiếp.

Đương nhiên điều này không có nghĩa là các thày muốn con ở lại tầng thấp của quả vị Ki-tô cho đến mãn kiếp. Các thày muốn con có một trải nghiệm nào đó về các tầng thấp, thế rồi phối hợp với những lời dạy các thày đang cho con, các thày muốn giúp con vươn lên những tầng quả vị Ki-tô ngày càng cao hơn. Rồi sẽ tới điểm con đạt đến tầng quả vị Ki-tô nơi con phải chất vấn những gì mình đã làm trước đó. Thày biết là một số người sẽ rơi vào một tư duy đường thẳng vì họ muốn nghĩ là nếu họ đã nhận được một giáo lý chân truyền từ một chân sư thăng thiên về quả vị Ki-tô, thì giáo lý này là tuyệt đối, do đó tất cả những gì họ cần làm là cứ việc đi theo cho đến hết kiếp này.

Thày biết có những người muốn nghĩ như vậy, nhưng đơn giản là họ không nắm bắt được ý nghĩa của quả vị Ki-tô trong tiến trình tự thăng vượt không ngưng nghỉ, và do đó thày không thể cung ứng cho họ. Các thày là chân sư thăng thiên có thể ban một số lời dạy cho những người mang tư duy này, nhưng nếu họ không lưu ý đến lời dạy, nếu họ không xoay chuyển thái độ của họ, thì theo quy luật – thậm chí cả Luật Tự quyết – các thày phải để yên cho họ và không tìm cách bắt họ nhìn ra những gì họ không muốn nhìn thấy.

Vì vậy cho nên các thày sẽ tập trung nỗ lực vào những ai sẵn lòng nhìn ra là trên con đường quả vị Ki-tô sẽ đến lúc con cần chất vấn chính những điều đã đưa con đến mức này của quả vị Ki-tô. Đây không phải là một chuyện con làm chỉ một lần. Đây là một công việc con không ngừng làm, vì con càng lên cao hơn về hướng tầng 144 thì nhịp độ con cần tự chất vấn sẽ càng dồn dập hơn. Thật ra ở những tầng tâm thức cao hơn, con cần tra vấn tất cả mọi thứ ở tầng hiện tại của con hầu thăng lên tầng kế tiếp.

11.3. Đặc tính tuần tự của quả vị Ki-tô

Điều các thày nói với con bây giờ với các giáo lý về avatar, về việc khắc phục chấn thương nhập đời, khắc phục các ngã tách biệt, là ở các tầng thấp hơn của quả vị Ki-tô, điều chấp nhận được – điều cần thiết vì đây là một phần của đường tu – là con lên tiếng với mức nhận biết mà con có, với các ngã tách biệt mà con có lúc đó. Ngay cả nếu nó khiến con bước ra ngoài và cư xử một cách hơi mất cân bằng, có thể quá mạnh mẽ, có thể quá ngoan cố, có thể quá “lửa xanh” (như Chân sư MORE gọi như vậy), thì cách hành xử này của con vẫn chấp nhận được vì con không thể làm gì khác hơn. Chính nhờ con làm vậy mà con nhận được sự phản hồi, con nhận được một khung tham chiếu cho phép con nhìn ra là có lẽ mình phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình.

Đó chính là điều sẽ mở tâm con ra để con nói: “Ừ nhỉ, có lẽ tôi đã đến một mức quả vị Ki-tô khi các giáo lý đã đưa tôi đến đây không thể đưa tôi xa hơn được nữa.” Trong bản chất, như các thày đã có giảng, điều này cũng giống như trường hợp một đứa trẻ mới học đi xe đạp phải cần đến hai bánh xe nhỏ ở hai bên (bánh xe tập) để giúp nó giữ thăng bằng. Phải tới một điểm đứa trẻ đã học được cách giữ thăng bằng trên xe đạp thì nó có thể vứt bỏ hai bánh xe tập đi. Nếu con thấy một người lớn đi xe đạp mà vẫn gắn bánh xe tập thì con sẽ nghĩ người này vẫn chưa nắm được một điều gì đó.

Đường tu tâm linh cũng tương tự như vậy. Đó là vì sao các thày đã nói là con cần xem xét phương thức vận hành của con [modus operandi, xem sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]. Con cần xét xem con nhìn trái đất như thế nào: Đây có là một hành tinh thân thiện hay thù địch? Cơ thể này thân thiện hay thù địch? Thượng đế thân thiện hay thù địch? Các chân sư thăng thiên là những vị thày thân thiện hay thù địch? Con cần xem xét những điều đó. Con cần nhìn vào bản thân. Thậm chí con có thể nói: “Tôi có một cái nhìn thân thiện hay một cái nhìn thù địch về chính mình?” Sự thù địch đến từ đâu? Nó chỉ có thể đến từ một ngã tách biệt bị tâm thức sa nhân ảnh hưởng, và do đó tất nhiên nó cần được phép chết đi.

Điều thày muốn cho con ở đây về quả vị Ki-tô và việc lên tiếng là như sau: Việc khắc phục ngã gốc của con, khắc phục tất cả hay hầu hết các ngã tách biệt không có nghĩa là con không lên tiếng nữa. Đạt được sự an bình với việc mình ở trên trái đất – là mục đích của chúng ta trong hội nghị này – không có nghĩa là con sẽ không lên tiếng. Nhưng có nghĩa là con sẽ lên tiếng một cách khác, với một thái độ hoàn toàn khác. Con không bị một ngã tách biệt thúc đẩy con lên tiếng. Con không bị một động lực cưỡng bách con phải lên tiếng. Con không lên tiếng với thái độ là mình phải tạo được một kết quả nào đó. Con không lên tiếng vì con phải thuyết phục hay cải đổi người khác.

Con lên tiếng với thái độ là con ở đây để cho người khác một khung tham chiếu mà họ không đang có bây giờ, xong con để họ hoàn toàn tự do chọn xem họ muốn làm gì với khung tham chiếu này. Con cho họ những gì trước đó họ không có. Con cho họ một nền tảng để họ chọn lựa tốt hơn, chọn lựa cao hơn, chọn lựa nhận biết hơn, nhưng con để yên cho họ chọn như thế nào và chọn những gì. Đây không phải là nhiệm vụ của con trong khuôn khổ Luật Tự quyết. Nhiệm vụ của con là cho họ sự tùy chọn, sự chọn lựa để họ chọn tự do hơn, nhưng sau đó con vẫn cho phép họ chọn bất cứ gì họ muốn. Đó là tại sao điều cốt yếu là con buông bỏ toàn bộ thang điểm tương đối, so sánh của sa nhân về thế nào là toàn hảo và bất toàn, thế nào là đúng và sai cùng toàn bộ tư duy này. Con sẽ tốn một chút thời gian, các thày cũng biết vậy, nhưng điều quan trọng là con bắt tay vào việc để vươn lên tới mức con có thể phát biểu từ một trạng thái nội tâm an bình khi con lên tiếng.

11.4. Phát biểu từ sự an bình nội tâm

Khi con làm vậy, con sẽ hoàn thành hai chuyện: Con sẽ giải phóng người khác để họ tự do phản ứng theo cách họ muốn đối với những gì con nói. Và con sẽ giải phóng chính mình để con tự do phản ứng như con muốn cho dù người ta có chọn lựa thế nào. Con không phiền hà, con không nản lòng. Con không bực tức, con không cảm thấy mình bị chối bỏ khi người ta không tiếp nhận những gì con nói. Kỳ thực con cảm thấy an bình nội tại, niềm vui nội tại là con đã nói nó ra, con đã đem nó ra trước công chúng, con đã đưa nó ra để mọi người sử dụng, và đó chính là mục đích của con. Đó là phần thưởng của con: biết rằng nó đang có mặt trong cõi vật lý và để yên cho mọi người tự do chấp nhận hay bác bỏ.

Con yêu dấu, một số các con có thể cần phải kinh qua một giai đoạn ngừng lên tiếng nếu con đã lên tiếng, để con chỉ nói rất ít. Sứ giả này có mô tả ông cảm nhận như thế nào: ông không còn có quan điểm về bất cứ gì nữa. Dù vậy ông vẫn lên tiếng về đủ loại đề tài, nhưng ông không lên tiếng vì ông có một quan điểm mà ông muốn người ta chứng thực. Đây là điểm con cũng có thể đạt tới, và ở đây thày khuyên con nên xem xét hai điều khi con lên tiếng.    

Một là con có thể chia sẻ những gì con suy nghĩ, những gì con cảm nhận, cách con trải nghiệm vấn đề như thế nào. Con có thể chia sẻ những việc con làm, những việc con chọn làm hay chọn không làm và tại sao như vậy. Con không cố thuyết phục bất cứ ai. Con không bảo ai phải làm gì. Con chỉ đơn giản chia sẻ suy tư của riêng con, cái hiểu của riêng con, ngay cả quá trình đã dẫn con đến cái hiểu đó.

Điều này hoàn toàn khác với việc con đi ra bảo người khác là họ phải nghĩ gì hay tin gì và tìm cách thuyết phục hay cải đạo họ. Con chỉ đơn giản chia sẻ tiến trình của con, và như các thày có nói nhiều lần con yêu dấu, cho dù sa nhân có nghĩ gì, cho dù người khác có nghĩ gì và họ không muốn con làm phiền họ như thế nào, con vẫn có quyền sống trên hành tinh này, con vẫn có quyền biểu đạt bản thân con cùng những kết luận con đã đạt được, những sáng ngộ mà con đã có và quá trình mà con đã kinh qua. Con có quyền chia sẻ những thứ đó.

Nếu điều này làm cho người khác bực bội, con tuyệt đối không cần phải phản ứng lại. Con có thể cho họ tự do chọn cảm thấy như vậy nếu họ muốn, nhưng điều này không ngăn cản con, nó không làm con nản lòng. Đồng thời nó cũng không khiến con khăng khăng muốn thuyết phục họ nhiều hơn. Con không phát biểu với nhu cầu được người khác chứng thực hay đồng ý với con. Cách họ phản ứng lại những gì con nói thật không quan trọng gì với con. Đây là một khía cạnh của việc lên tiếng. Con hãy chia sẻ bản thân con, chia sẻ sáng ngộ của con, tiến trình của con. Hãy chia sẻ cái đó.

Còn cách kia để lên tiếng mà thày đề nghị với con là thay vì con trình bày điều gì là đúng hay sai, là cái này hay cái nọ, con nói về hậu quả của một hành động đặc thù, một quan điểm hay một ý thức hệ hay một hệ tư tưởng đặc thù. Con có thể làm vậy bằng nhiều cách. Chỉ lấy một ví dụ, hôm qua có một người hỏi sứ giả này về vấn đề người nhập cư vào châu Âu, và ông bày tỏ quan điểm đây là hậu quả của việc các nước giàu có ở Âu châu đã không làm đủ. Các nước này đã không sử dụng sự giàu có của mình để trợ giúp người dân châu Phi đạt được mức sống cao hơn ở ngay xứ họ. Cho nên thật sự các biến cố này đang ép buộc các nước giàu phải nhìn ra những gì họ không chịu nhìn thấy, để họ nhận lãnh trách nhiệm mà của cải của họ đã giao phó cho họ. Ông bày tỏ là thật ra tình thế đã bó buộc các nước giàu phải lấy một số chọn lựa. Hoặc họ có thể tiếp tục cho phép người di dân nhập cư với tất cả các hậu quả gây ra cho xã hội họ – họ sẽ làm gì đây với quá nhiều người như vậy? Liệu họ sẽ giam giữ hết trong “trại tập trung” hay họ sẽ tìm cách hội nhập, nhưng làm thế nào hội nhập quá nhiều người như vậy đến từ một nền văn hóa khác lạ? Rõ ràng là hầu hết các nước này sẽ hiểu ra là nếu họ cứ tiếp tục cho phép người di dân vào nước thì họ sẽ khiến cho các hệ thống hiện hữu của họ bị quá tải.

Hoặc vấn đề này sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn hẳn, hoặc có một chọn lựa khác là họ phải tìm cách chặn đứng làn sóng di dân, và ở đây lại có hai chọn lựa. Họ có thể dùng lực lượng hải quân đem tàu vào Địa trung hải đánh chìm bất cứ thuyền bè nào chở người di dân từ Phi châu. Đây là một cách chặn đứng làn sóng, nhưng tất nhiên nó không phù hợp với cách nhìn của hầu hết các nước Âu châu về chính mình. Nếu đây không là một biện pháp khả thi thì đâu là chọn lựa duy nhất còn lại? Đó là xây dựng một cách giải quyết hoàn toàn mới mẻ, là đi đến các nước Phi châu và cải thiện mức sống ở ngay đó hầu người dân không còn muốn bỏ nước ra đi. Không phải là những ai sinh ra ở châu Phi đều có một mong muốn tối thượng và vô độ muốn di dân sang châu Âu. Hầu hết đều thích ở lại châu Phi hơn do họ đã quen với khí hậu nóng ấm, và họ thật không muốn đến sống ở những nước như Đan Mạch chẳng hạn nơi mùa đông thật ảm đạm lạnh lẽo. Họ thà ở lại xứ họ nếu họ có thể có được một mức sống tạm đủ. Đây chính là điều sẽ đòi hỏi các nước Âu châu, ngay cả Liên Âu, có một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ và dành ra nguồn lực để thực hiện, thay vì như hiện nay chỉ có một chương trình viện trợ nước ngoài mang tính chất vá víu mà chẳng giải quyết được vấn đề.

Trên đây chỉ là một ví dụ về cách con có thể trình bày một vấn đề mà không bảo người khác đúng hay sai, không bảo người khác phải tin gì mà chỉ đơn giản nhìn vào các hậu quả. Đâu là hậu quả của sự việc đang xảy ra? Vì hẳn là ở đây có một tình trạng đang diễn ra. Chúng ta không thể búng ngón tay để làm cho nó biến mất, cho nên chúng ta sẽ đối phó như thế nào? Chúng ta tự nhìn mình như thế nào, và điều này có nghĩa thế nào đối với những chọn lựa mà chúng ta có thể chọn trong thực tế?

11.5. Ki-tô không có quan điểm cố định

Con có thể chuyển cách thức vừa rồi sang nhiều lãnh vực khác của xã hội bởi vì, con yêu dấu, con không nhất thiết – như một sinh thể Ki-tô – phải có một quan điểm cố định về những gì phải xảy ra trong tình thế này. Cái nhìn bao quát của con như một sinh thể Ki-tô ở các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô là con muốn mọi người – mọi người can hệ đến tình trạng này, ngay cả một xã hội hay một dân tộc hay Liên Âu hay Hoa Kỳ hay ai khác nữa – trở nên ý thức hơn để họ có thể có những chọn lựa nhận biết hơn. Và đó là mục đích của con: nâng cao sự nhận biết, chứ không cứ là chế tạo một kết quả vỏ ngoài đặc thù. Kết quả thực sự mà con muốn hòa nhập là việc nâng cao nhận biết. Ở các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, con bắt đầu hòa điệu nhiều hơn với các chân sư thăng thiên. Cho nên con sẽ hòa nhập một cách tự nhiên vào mục đích chủ yếu là nâng cao tâm thức, chứ không phải tạo ra một kết quả đặc thù như Saint Germain đã nói mấy lần.

Đó là một số gợi ý rất sáng giá cho một số các con đang ở tầng mức này. Thày hoàn toàn nhận ra đây cũng là một thử thách cho con, vì để bước ra ngoài và lên tiếng mà vẫn an bình, để giải phóng người khác và giải phóng chính con, nó đòi hỏi con phải chữa lành chấn thương nhập đời của con. Nó đòi hỏi con phải khắc phục các ngã tách biệt đó đang cưỡng bách con phải ảnh hưởng người khác. Như các thày đã nói mấy lần, con cần khắc phục cơ chế muốn thay đổi người khác để cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân, hay để tránh cảm giác tiêu cực khi, nói chung, con muốn thay đổi người khác để con không phải thay đổi chính con.

Một lần nữa con yêu dấu, tại sao các thày đã không cho con những lời dạy này mười năm về trước? Bởi vì vào lúc đó, các thày chưa cho con các dụng cụ để con có thể thực hành lời dạy. Giờ đây các thày đã cho con các dụng cụ và đó là tại sao các thày cũng cho con lời dạy. Một lần nữa, các thày đã phải làm việc một cách tuần tự. Các thày làm vậy vì nhiều lý do và như các thày có giảng, các thày rất vui mừng có được một số lượng không phán xét trong các con đã vươn lên đến mức sẵn lòng tiếp nhận lời dạy, suy ngẫm lời dạy, học sách, áp dụng các kỹ thuật và thực sự bỏ ra nỗ lực mà nhiều các con đã bỏ ra để chữa lành chấn thương nhập đời đó.

Hãy đừng nản lòng nếu con chưa hàn gắn được chấn thương nhập đời vũ trụ của con. Đừng bị nản lòng nếu con vẫn còn ngã tách biệt khởi lên trong con. Sứ giả này đã làm việc trên tâm lý mình nhiều hơn hầu hết mọi người suốt 40 năm trời và ông đã khắc phục được chấn thương nhập đời của ông, nhưng ông vẫn có ngã tách biệt khởi lên. Lẽ tự nhiên nếu con đã sống nhiều, rất nhiều kiếp trên trái đất này, đã có rất nhiều trải nghiệm khó khăn trong nhiều kiếp, thì con đã tạo ra nhiều ngã tách biệt và con sẽ cần thời gian để giải quyết lần lần cho hết. Vậy có sao đâu, con yêu dấu?

11.6. Con được phép không lên tiếng

Điều thày sẽ làm bây giờ với bài truyền đọc này là thày cho phép con bỏ qua một bên bất kỳ cảm giác cưỡng bách nào là con phải lên tiếng. Thày cho phép con, nếu con muốn, bước lui lại và nói: “Tôi sẽ ngừng lên tiếng một thời gian. Tôi sẽ ngậm miệng lại, vứt bàn phím máy tính đi và không lên tiếng. Tôi cho phép mình không phát biểu, mà thay vào đó tôi tập trung vào bên trong để giải quyết chấn thương nhập đời cùng các ngã tách biệt đã cưỡng bách tôi phải nói ra, đã cho tôi nhu cầu phải thuyết phục người khác, đã khiến tôi muốn được chứng thực, muốn được công nhận, muốn tạo ra một cảm giác bên trong hay muốn né tránh một cảm xúc tiêu cực.”

Thày làm điều này vì thày muốn con có một chút nghỉ ngơi để con có thể chữa lành và khắc phục khuôn nếp mà một số các con đã xây dựng, qua đó con đã phần nào xung đột hay ít ra có mối quan hệ đối nghịch với nhiều người khác. Con yêu dấu, thật không cần thiết con phải đi ra khích bác mọi người để bày tỏ quả vị Ki-tô của con. Nếu con nhìn quanh thế giới, con có thể thấy rất nhiều người ở ngoài kia đang lên tiếng một cách đối nghịch, khiêu khích, hung hãn – rất nhiều người như vậy.

Nếu con cứ tiếp tục làm cùng một chuyện và mong đợi là kết quả sẽ khác đi thì con điên rồi đó. Đã có rất nhiều người lên tiếng kiểu này từ rất lâu nay. Chúng ta cần khác hơn. Chúng ta cần một tiếng nói khác. Chúng ta cần những người có khả năng phát biểu một cách khác, như thày vừa vạch ra, bằng cách chia sẻ chính bản thân của mình và trình bày các hậu quả. Nhưng vượt khỏi cả những thứ đó, chúng ta cần những cách lên tiếng khác, chẳng hạn khi con trình bày về một tầm nhìn cao hơn. Thay vì tạo ra cảm tưởng: “Đây là sự thật duy nhất, đây là những gì bạn phải tin, nếu không thì bạn ngu lắm,” thì con có thể nói: “Nhưng giả sử có một cách khác để nhìn sự việc này thì sao? Nếu như có một góc cạnh khác về vấn đề này thì sao? Thế còn điều kia, và thêm điều kia, và điều kia nữa thì sao?”

Đây có thể là một điều quá mới mẻ, quá khác lạ, quá hiếm khi áp dụng, đến độ người ta sẽ ngạc nhiên và bất chợt người ta sẽ nói: “Ừ nhỉ, đây là một điểm chúng ta chưa bao giờ nghe nói tới. Chúng ta lắng nghe xem.” Kỳ thực nó có thể đem vào hiện thực điều mà các thày đã có đề cập về nước Mỹ là các thày mong muốn thay đổi toàn bộ diễn ngôn công cộng, không những ở Mỹ mà ở mọi quốc gia. Chúng ta vứt bỏ kiểu tranh luận công cộng do các nhà báo đề xướng, qua đó họ luôn luôn mang sẵn hậu ý muốn mô tả sự việc theo một cách mặc dù họ tuyên bố là họ khách quan. Hoặc theo kiểu các nhà chính trị bị kẹt trong trò chơi đảng phái muốn đảng mình là đảng vượt trội, đến độ họ không thể hợp tác trong bất cứ chuyện gì.

Toàn bộ lối suy nghĩ đen trắng nhị nguyên này từng chi phối diễn ngôn công cộng từ quá lâu nay, các thày mong muốn nhìn thấy nó được thay thế bởi một tiếng nói khác. Thẳng thắn mà nói, nếu chính các con không thể đưa ra tiếng nói khác biệt này thì ai đây sẽ có thể? Để lên tiếng với một tiếng nói khác, con phải khắc phục những ngã tách biệt kia, và các con đây là những người trên toàn hành tinh này đang đến gần nhất với mục tiêu đó. Thày không đang nói vậy để áp lực con mà để cho con một lượng định thực tế. Một số các con khi nghe hay đọc câu nói này của thày sẽ biết liền: “Phải, đây chính là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của tôi. Thật ra đây là điều tôi mong muốn. Tôi không bao giờ muốn lên tiếng theo cách tôi đã từng làm, cách này luôn luôn cho tôi một phản ứng tiêu cực. Tôi đã muốn tìm một tiếng nói khác để lên tiếng và giờ đây tôi bắt đầu nhìn ra. Chắc chắn tôi sẽ làm việc trên bản thân mình cho đến khi tôi tìm được tiếng nói nội tâm của tôi, tiếng nói đích thực của tôi. Và khi tôi tìm thấy, tôi sẽ lên tiếng. Tôi nhất định sẽ lên tiếng.”   

Với lời này, con yêu dấu, thày cảm ơn con đã dành sự chú ý, đã hiện diện ở đây hay trên làn sóng trực tuyến. Thày cảm ơn tất cả những ai đã đón nhận các lời dạy mới từ quyển sách Các kiếp của tôi trở đi và đã sẵn lòng đem ra áp dụng. Thày biết là nhiều người trong các con đã nghiệm thấy những tiến bộ to lớn. Một số các con còn bày tỏ là ngày hôm nay con không thể nào tin được mình đã đổi khác đến chừng nào so với một năm trước. Đây là niềm vui lớn nhất của các thày: nhìn thấy học trò của mình đón nhận giáo lý và sử dụng để vươn lên cao hơn, qua đó con cảm thấy mình có tiến bộ, mình có an bình. Sự kiện một số người đã ngộ đạt như vậy trong vòng một năm có nghĩa là tất cả các con cũng đều có thể làm được trong một thời gian vừa phải. Không có một người nào ở đây, không có một người nào đã đón nhận các lời dạy này mà không mang tiềm năng đạt được trạng thái an bình đó trong một thời gian tương đối ngắn – ngắn hơn rất, rất nhiều so với thời gian con đã bước chân trên đường tu tâm linh, ít ra đối với những ai đã bước chân được vài năm.

Lẽ tự nhiên, nếu con chỉ mới nhập cuộc vào tuần rồi thì sẽ không hẳn là như vậy. Dẫu sao thì con yêu dấu, các thày vô cùng phấn khích – nếu chúng ta có thể dùng từ này cho một chân sư thăng thiên không thể nào nản chí. Các thày rất vui mừng nhìn thấy tiến bộ mà tất cả các con đã có. Mặc dù một số các con có thể cảm thấy mình tiến bộ chưa đủ, nhưng thày có thể cam đoan với con là con đã có tiến bộ, và bước đột phá mà con đang tiến đến, nó gần hơn là con tưởng. Với lời này, con hãy nhận sự biết ơn của thày. Con hãy nhận Ngọn lửa Vui mừng của thày, vì thật là một niềm vui cho thày được tương tác với các con theo cách này, được trải nghiệm các con, con yêu dấu. Trải nghiệm chính các con.

Đây là niềm vui lớn cho thày. Thày sẽ nói là tất nhiên con không nên nghĩ là khi thày phát biểu qua trung gian một người sứ giả, đây là thời điểm duy nhất thày có thể trải nghiệm con. Thày có thể trải nghiệm con bất cứ lúc nào nhưng thày luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết. Nếu con lấy nội dung bài thỉnh này cùng với bài truyền đọc trước về cách vận hành của con – mong muốn trốn tránh các chân sư – thì tất nhiên là thày sẽ tôn trọng. Kỳ thực, một số các con có thể được trợ giúp bằng cách quyết định mời thày đến trải nghiệm con. Có thể con sẽ chỉ cần, một lúc nào đó khi con yên lặng, nhắm mắt lại, trụ vào tim và nói: “Giê-su, con mời thày đến trải nghiệm con.” Có lẽ khi làm vậy, con sẽ có thể trải nghiệm được thày và thày nghĩ việc này sẽ làm con vui.

5 | Giành lại quyền được quên mà Thượng đế đã ban cho con

Bài truyền đọc của Chân sư MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 30/11/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên MORE, và thày rất vui mừng trao cho con bài giảng tiếp nối bài năm ngoái về đề tài vô cùng sâu xa và quan trọng này, là chấn thương nhập đời và làm thế nào con khắc phục được chấn thương đó. Con có thể xem những gì Phật Gautama vừa giảng trong phần vấn đáp về thời gian và sự kiện là nếu con không thể đi trở ngược thời gian để thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ, nếu con không có một cỗ máy du hành thời gian, thì con không thể tự giải thoát khỏi quá khứ [Xem chương chót trong sách này]. Như Gautama vừa nói, quả thật Mẹ Mary đã cho con một cỗ máy vượt thời gian qua bài thực tập của thày về cách con có thể quay trở về trải nghiệm chấn thương nhập đời đó [Xem sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh].

Thày muốn cho con thêm một cỗ máy vượt thời gian nữa. Con thấy đó, con yêu dấu, điều sa nhân muốn con nghĩ là quá khứ đã được tạc vào đá và không thể thay đổi. Một khi con đã lầm lỗi trên trái đất, con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi lỗi lầm. Bây giờ con hãy tưởng tượng con đang đứng trước một bức tường đá thật lớn. Nếu con đã đi thăm Vạn lý Trường thành ở Trung quốc hay Kim tự tháp ở Ai cập, hay Bức tường Than khóc ở Jerusalem hay bất kỳ thành vách nào ở đây nơi thành phố Tallinn và bất kỳ thành phố cổ nào trên thế giới, thì thật ra con không cần tưởng tượng. Con biết rõ cảm giác đứng trước một bức tường đá đồ sộ. Làm thế nào con có thể đập vỡ vách tường đó với hai bàn tay trần? Phải, con không thể, và tại sao như vậy? Một phần là vì đá rất cứng, và phần khác là vì những viên đá được dán chặt lại với nhau.

Trước tiên con hãy tưởng tượng con có thể gỡ vữa ra, là chất xi-măng giữ đá dính chặt với nhau. Tất nhiên nếu đá dính không chặt, công việc phá bỏ bức tường sẽ dễ hơn một bực. Thế nhưng cũng không dễ lắm, tùy theo kích thước những viên đá. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như con có thể đập đá ra thành vụn nhỏ như cát? Và giả sử con có một cái máy phóng tia sáng có khả năng biến đá thành vụn nhỏ như cát thì chuyện gì sẽ xảy ra?

À, đây chính là quyền năng mà các thày đã trao cho con qua các bài chú, bài thỉnh. Tất nhiên con không thể dùng bài chú để đập vỡ tường đá thành vụn, mặc dù trên lý thuyết nếu có đủ số người đứng trước tường đá thì việc này cũng khả dĩ. Nhưng dù sao thì các thày không có ý định gửi học trò của mình đi vòng quanh thế giới đập đổ tường đá rồi bị bỏ tù về tội phá hoại di tích lịch sử. Điều các thày quan tâm hơn nhiều là giúp con đập đổ những bức tường kiên cố trong chính tâm con đang giam hãm và buộc chặt con vào một khuôn nếp phản ứng lại sa nhân.

Đương nhiên, con có những bài chú và bài thỉnh mà như các thày đã nói nhiều lần, con có thể sử dụng để làm tan năng lượng, và khi năng lượng giảm bớt, con sẽ dễ dàng hơn thoát khỏi khuôn nếp. Tuy nhiên như các thày cũng đã dặn nhiều lần, con cần phải có một trải nghiệm ý thức, một quyết định ý thức, trước khi con được thực sự tự do. Đây không phải là một tiến trình máy móc.

5.1. Ý thức được tiến trình thấy

Đây là điều thày muốn cống hiến cho con. Con cần khởi sự – mới đầu có thể từ từ – nhưng con cần khởi sự huấn luyện tâm con cho nó có thể hình dung, tưởng tượng, và cuối cùng thấy rõ và chiêm nghiệm một điều mà cho tới giờ con chỉ biết qua trí năng, rằng toàn bộ thế giới vật chất được xây dựng bằng năng lượng. Bây giờ con hãy tưởng tượng là con biết trong quá khứ con đã trải qua một tình huống vô cùng đau đớn và con đang mang chấn thương nhập đời này trong con. Tình huống đó được cấu tạo bằng chất gì? Như Phật Gautama có nói, thời gian đã trôi qua và tình huống vật lý không còn hiện diện nữa, đơn giản là nó đã bị thời gian tẩy xóa. Hay có thể nói, nó đã bị thời gian sơn lên một lớp sơn – do cái cọ vĩ đại của thời gian đã biến mọi sự thành cái đang là bây giờ. Như Gautama nói: Cái đang là bây giờ quả thật có thể bị quá khứ ảnh hưởng, tuy nhiên quá khứ không còn ở đó như một hiện thực vật lý nữa. Nó chỉ ở đó như một dấu in hay một hình ảnh trong tâm con, trong ba thể cao của con, và theo một nghĩa nào đó cũng trong cơ thể vật lý của con.

Câu hỏi bây giờ là làm thế nào con thoát khỏi dấu in đó? Điều con cần suy ngẫm trước hết là làm thế nào bộ não vật lý, đôi mắt vật lý của con (nhưng đặc biệt là bộ não) và tâm vỏ ngoài của con nhìn và nhận thức tình huống – nói chung, nhận thức mọi chuyện? Ngay bây giờ con đang ngồi ở đây, con đang nhìn bức tường sau lưng vị sứ giả này, là một bức tường khá vững chắc, và cái con thấy thật ra là một hình ảnh. Các thày đã có giảng là mắt con không thực sự nhìn thấy bức tường mà nó chỉ đơn giản nhận được những xung động gửi vào trong mắt, đập vào võng mạc (retina) dưới dạng những tia sáng. Mắt con không thực sự thấy mà phản ứng lại tia sáng. Phản ứng này trong mắt được chuyển thành một tín hiệu, giống như tín hiệu số trong máy tính. Tín hiệu này được gửi đến cái mà con gọi là vỏ thị giác (visual cortex) trong não.

Bây giờ bộ não có tác dụng giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý. Dụng cụ chủ yếu giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý là khi bộ não áp đặt một số hình ảnh lên trên các tín hiệu đến từ mắt. Mắt con không đang thấy. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là não cũng không đang thấy. Não chỉ đơn giản lấy tín hiệu đến từ mắt rồi sắp xếp lại thành một hình ảnh ăn khớp với những gì não đã chứa sẵn trong kho dữ liệu của nó. Như được chứng minh trong vô số hiện tượng ảo thị (optical illusion) mà con đã được thấy, não không thực sự thấy cái ở trước mặt con. Nó tìm kiếm một mô thức ăn khớp với một cái gì đã nằm sẵn trong kho dữ liệu của nó. Nó không nhìn chính xác những tín hiệu đến từ mắt mà tìm kiếm một mô thức mà nó có thể nhận diện. Một khi nó có đủ xung động để hình thành một mô thức quen thuộc, thì nó sẽ ngừng phản ứng, ngừng nhìn vào xung động từ mắt, và bây giờ nó áp chồng cái mô thức lưu trữ này lên những gì con đang nhìn và nói: “À, đây là cái đó.”

Tất nhiên, chuyện này đã tiếp diễn trên trái đất suốt hàng triệu năm qua. Khi con đầu thai trong kiếp này, bộ não của con không khởi sự từ số không, nó không phải tự huấn luyện từ đầu và xây dựng từng hình ảnh về cái này là gì, cái kia là gì. Não bị buộc chặt vào động lượng tập thể đó, cho nên nó đã mang sẵn một số lập trình: “Đây là ngọn cây, đây là hòn đá, đây là biển cả, đây là bầu trời, vân vân và vân vân”. Con có sẵn một kho dữ liệu những mô thức mà không những chính con đã nhìn thấy từ trước mà cả tâm thức tập thể cũng đã nhìn thấy từ trước. Cho nên con đã quen nhìn mọi thứ dưới dạng hình ảnh và con dán nhãn lên mọi thứ. Con thường dán nhãn bằng ngôn từ, và điều này lại bồi thêm một lớp phức tạp nữa, khi nói chung, vỏ não thị giác nhận ra hình thù. Vỏ não thị giác có thể nhìn vào hình thù, màu sắc và chất liệu của bức tường, nhưng bộ não có thêm chức năng khác là chuyển thành lời nói, chẳng hạn: “Đây là một bức tường”. Thêm một lớp phủ được đắp lên hình ảnh, và như vậy loài người đã có một động lượng rất lâu đời áp chồng ngôn từ lên mọi thứ.

5.2. Con bị kẹt trong nhận thức như thế nào

Trong Thánh kinh có kể rằng Thượng đế ban cho Adam quyền năng đặt tên cho từng loài động vật trên địa cầu. Một số người tin rằng nếu con biết tên của vật thì con có quyền năng trên vật đó. Thực tế sâu sắc hơn là một khi con đặt tên cho một vật, thật ra con đã tự giới hạn mình vì con củng cố cho hộp tư duy của con. Con nghĩ vật sẽ giống như cách con dán nhãn và nó sẽ luôn luôn như vậy. Con không thể nhìn xa hơn sự lập trình – ít ra là hầu hết mọi người không thể. Và do đó con nghĩ: “Cái đó là như thế này.” Con đã buộc mình vào động lượng tập thể, và con đã xây dựng động lượng riêng của con trong bao nhiêu tiền kiếp.

Khi các thày nói là có một giai đoạn hay một tình huống trong quá khứ con phải trải qua một kinh nghiệm vô cùng đau đớn – và các thày có cho con một ví dụ, như trong sách Những kiếp  của tôi mô tả nhân vật chính trong truyện phải nếm mùi một hoàn cảnh vô cùng khó khăn – thì con bị lập trình, bộ não của con bị lập trình để nó áp chồng một hình ảnh và ngôn từ lên trên kinh nghiệm đó, và nó nói: “Kinh nghiệm này như thế đó”. Và bây giờ câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào con có thể thực sự thoát khỏi một tình huống trong quá khứ của con? Chừng nào con còn giữ trong não, ngay cả trong ba thể cao của con, cái dấu in của tình huống đó cùng những hình ảnh hay những ngôn từ mà con đã gắn liền với tình huống, chừng nào những thứ này còn được cất giữ ở đó thì con không thể thoát khỏi tình huống từ quá khứ.

Điều thày nói với con là con có thể bắt đầu tái huấn luyện chính mình. Con có thể rèn luyện tâm con để nó phản lệnh bộ não. Sẽ có thể hữu ích nếu con thử lấy một vài trong số rất nhiều những ảo thị đã được đăng tải. Ảo thị điển hình là một hình vẽ mang hình dáng hoặc một cô gái trẻ đẹp, hoặc một bà cụ da dẻ nhăn nheo tùy theo con chú mục như thế nào. Có những ảo thị với đủ loại màu sắc, hình thù, vân vân. Nếu con chưa bao giờ xem ảo thị thì con nên xem thử để nó giúp con hiểu là con thực sự không thể nào tin vào giác quan của mình. Con không thể tin được bộ não vì trong não có một lập trình khiến con thấy vật theo một cách không phải là cách nó thực là.

Con có thể tiến thêm một bước và tưởng tượng con đang ngồi trong một rạp chiếu phim. Con nhìn thấy gì đó trên màn hình, và bởi vì rạp chiếu bóng tối om cho nên rất có thể con hoàn toàn mải mê với bộ phim đến độ con có cảm giác mình đang sống trọn cốt truyện đang được trình chiếu trên màn hình. Chắc chắn con bị cuốn hút vào đó đến nỗi con quên hết mọi chuyện. Con có thể luyện tập để nhận ra là những hình ảnh đang được chiếu lên màn hình không những không biểu hiện một thực tại vật lý nào (vì con dư biết là chúng chỉ là những tấm hình trên một cuộn phim đặt trong máy chiếu) mà hơn vậy, con có thể tập nhìn chúng như những mô thức gồm có vô số chấm nhỏ đủ màu được chiếu lên màn ảnh. Con có thể tới mức luyện tập cho mắt đổi tiêu cự đôi chút, và thay vì con thấy rõ từng người hay từng vật, thì con chỉ nhìn thấy những mảng tia sáng đủ màu được chiếu lên màn ảnh. Khi con tập như vậy một thời gian, con sẽ lần hồi đạt đến mức con áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Con có thể luyện tập để thấy bức tường này sau lưng sứ giả không thực là bức tường. Đó chỉ là một số tia sáng tạo thành một số mô thức mà thôi.

Hồi con còn nhỏ, chắc đã có người chỉ con dùng kính lúp để nhìn kỹ một tấm ảnh in trên báo. Và con thấy được những gì có vẻ là một số mảng hình hay một số hình thù kỳ thực chỉ là những chấm đen được sắp xếp theo những mật độ khác nhau. Màu đen càng đậm thì chấm càng xít lại gần nhau. Màu đen càng lạt thì chấm càng cách xa nhau. Tất cả chỉ là những chấm đen đã đánh lừa bộ não của con nhìn thấy hình thù. Cho nên con có thể luyện tập để tập trung vào chấm thay vì hình ảnh. Rồi con có thể áp dụng kỹ thuật này vào mọi tình huống trong đời, tuy ngay lúc này việc áp dụng vào những tình huống đặc thù trong đời chưa quan trọng lắm.

5.3. Đập vỡ hình ảnh quá khứ thành đơn vị nhỏ hơn

Điều thày mong muốn con khởi sự làm là nhìn vào những tình cảnh trong quá khứ của con. Có thể là con cảm được chấn thương nhập đời và con cảm thấy nó chưa được giải quyết. Cũng có thể con đã gặp một tình huống nào khác, ngay cả một tình huống trong kiếp này khi con cảm thấy một sự việc đau đớn đã xảy ra. Bây giờ con có thể xem xét: Khi con nghĩ lại tình huống đó, hình ảnh mà bộ não của con khơi dậy là gì, hay hình ảnh mà ba thể cao của con khơi dậy là gì? Hình ảnh đó là gì? Con có thể nói từ một nhãn quan đường thẳng là nếu con còn ký ức, nếu con còn một hình ảnh từ quá khứ, thì con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi hình ảnh đó, vì những gì đã xảy ra thì đã xảy ra, và con không thể thay đổi nó được. Không có gì con có thể làm để thay đổi nó.

Tất nhiên, đây là điều sa nhân muốn con tin chứ không phải là sự thật. Con có khả năng luyện tập để đưa những hình ảnh này lên tầm nhìn nội tâm của con. Xong con có thể tập nhìn thấy chúng, không phải như là hình thù và hình ảnh mà con đang có, mà chỉ đơn giản là những mô thức tia sáng, hay những mô thức nguyên tử, hạt electron, hạt hạ nguyên tử – hay bất cứ cách nào con có thể hình dung. Con đập vỡ hình ảnh ra thành bộ phận nhỏ bằng bất cứ cách hình dung nào có thể. Như thày nói ở trên, nếu con đứng trước một bức tường đá, con có thể đập vỡ các viên đá cho vụn ra thành hạt cát để con có thể dời chuyển viên đá dễ dàng hơn. Đây là điều con có thể luyện tập để giải quyết những hình ảnh từ quá khứ vẫn ám ảnh con, hay những hình ảnh mà con đã kềm nén nhưng mỗi lần con chạm vào chấn thương nhập đời thì con lại khơi nó dậy.

Con có thể luyện tập để nhận ra một cách ý thức: “Hình ảnh này chỉ là một hình ảnh mà bộ não và các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của tôi đã áp chồng lên ánh sáng.” Thực tế là nó không còn là một tình huống vật lý nữa. Nó chỉ là một hình ảnh. Hình ảnh này được cấu tạo bởi những hạt ánh sáng điện từ nhỏ xíu, là những cái chấm. Hình ảnh được tạo bằng chấm. Thậm chí con có thể ngắm một bức tranh của trường phái Ấn tượng, và nếu con đứng ở xa, con sẽ không thể nhìn thấy những cái chấm mà hoạ sĩ đã sử dụng để vẽ tranh. Khi con lại gần và gần hơn nữa, con bắt đầu nhìn thấy chấm, và khi con xích lại thật sát thì tất cả những gì con thấy chỉ là chấm, vì con không thể thấy hình ảnh nữa. Vậy thày yêu cầu con hãy luyện tập, và một lần nữa, điều này liên quan đến việc con bước vào nỗi đau, tuy nhiên bây giờ con không bước vào nỗi đau nhưng con bước vào một hình ảnh thị giác mà con có trong tâm.

Con bước tới hình ảnh gần hơn và gần hơn nữa cho đến khi con chỉ còn nhìn thấy những cái chấm. Rồi con nhận ra những cái chấm này chính là thực tại sâu xa hơn. Hình ảnh chỉ là cái gì được áp chồng lên bởi bộ não và bởi các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Còn chấm mới là thực tại. Và con cũng nhận ra là chấm luôn chuyển động, chúng linh hoạt, chúng không ngừng rung động, và chúng có thể dễ dàng biểu diễn bất cứ hình ảnh nào khác y như chúng đang biểu diễn hình ảnh con đang có. Hơn thế nữa, thật ra những chấm này có thể được giải phóng khỏi cái khuôn đúc đã được áp chồng lên chúng, hầu chúng trở về với trạng thái nền (ground state), là trạng thái tự do nơi chúng hoàn toàn trung hòa và không biểu hiện bất cứ hình ảnh nào.

Con có thể hình dung hình ảnh đó dần dần tan ra thành từng mảnh nhỏ, và những mảnh này bắt đầu rung lên và chuyển động. Chúng chạy tứ phía, làm phân hủy hình dạng của hình ảnh, chỉ còn lại một màu đồng nhất. Con có thể thấy chúng biến thành giống như nước của biển cả, hay cát của sa mạc, hay không khí của trời xanh. Nhưng chúng trở thành vô đặc tính, vô hình dạng. Hình ảnh được giải thể và con để cho nó ra đi. Giống như thể con đang lấy một quyết định, và ở một điểm nào đó con đang lấy một quyết định, và con nói: “Tôi để cho hình ảnh này chết đi. Tôi để cho nó tan biến. Giản dị là tôi đã quên nó rồi.”

5.4. Bí quyết để lãng quên

Con yêu dấu, quá nhiều người khắp thế giới bị những tình huống từ quá khứ ám ảnh một cách liên tục, hay ít ra một cách thường xuyên, và dường như họ không thể nào quên được. À, vậy bí quyết để lãng quên là gì chứ? Đó là con nhận ra ký ức của con được lưu trữ (như các thày đã nói) một phần dưới dạng năng lượng, năng lượng cảm xúc. Chẳng hạn, lòng sợ hãi, sự tức giận hay bất cứ gì khác đều được cất giữ, và con có thể giải thể năng lượng qua các bài chú, bài thỉnh của con. Hơn vậy, ký ức cũng được lưu trữ dưới dạng hình ảnh trong bộ não, trong ba thể cao của con. Các hình ảnh này đã được áp chồng lên những hạt mà con có thể gọi là hạt lượng tử, là Ánh sáng Mẫu-Vật, hay bất kỳ tên gọi nào con muốn. Đây là những hạt có khả năng khoác vào, hay được sắp xếp thành đủ loại hình thể, đủ loại hình thù, đủ loại mật độ và màu sắc khác nhau. Con có khả năng tháo gỡ các hình ảnh mà tâm con đã phóng chiếu lên hạt và giải phóng hạt khỏi hình ảnh. Khi con thực sự làm như vậy, hình ảnh sẽ không còn đó nữa và, thần diệu thay, ký ức cũng biến mất.

Khi con suy ngẫm về điều này, ký ức là một cái gì con có trong cõi vật chất, trong bốn tầng của cõi vật chất. Phải có một cỗ xe có khả năng chuyên chở ký ức. Hầu hết các ký ức được lưu trữ như thế nào? Dưới dạng hình ảnh thị giác. Các thày đã có đề cập đến các Hồ sơ Akasha và có một sự tương đồng nào đó với ba thể cao của con, ở chỗ là có một môi thể lưu trữ – là những hạt nói trên – có khả năng khoác vào hình ảnh và nhờ vậy duy trì hình thù này vĩnh viễn.

Con có thể luyện tập để đi vào bên trong, nhìn lại hình ảnh đó, nhưng sau đó con nhìn vượt khỏi hình ảnh và giải phóng các hạt để chúng trở về trạng thái nền của chúng. Khi chúng trở về trạng thái nền, hình ảnh tan rã và chính cái đó là cỗ xe của ký ức. Một khi cỗ xe của ký ức tan rã thì ký ức cũng tan theo, con yêu dấu. Đây là cách làm thế nào con có thể quên được.

Công việc này có thể đòi hỏi nỗ lực từ con, nhưng thú vị ở đâu nếu con không có việc gì để mà nỗ lực? Có thể con sẽ chán ở đây trên hành tinh này, và như nhiều các con đã bày tỏ, thật không có nhiều việc lắm để cá nhân con làm hay trải nghiệm, không có nhiều công việc cho con. Tất nhiên là có việc này là con muốn được tự do. Nhiều người trong các con muốn tiến bước, nhưng con không thể tiến bước cho đến khi con cũng tự do khỏi ký ức.

Con yêu dấu, trong một quyển sách được trao truyền trong một đợt truyền pháp trước có một lời tường thuật về ba người đệ tử đến khóa nhập thất của thày ở Darjeeling, và họ được cho xem Hồ sơ Akasha trình chiếu một tình huống trong quá khứ của họ. Thế rồi thày đã lấy một viên ngọc, dùng viên ngọc này để phóng tia sáng vào tình huống đó và xóa bỏ nó trong Hồ sơ Akasha. Đây là một lối minh họa được sử dụng trong quá khứ khi các thày giảng dạy cho một tầng tâm thức thấp hơn. Nó có một độ thực tế nào đó, theo nghĩa là con có thể huấn luyện tâm mình để trở thành cánh cửa mở cho một tia sáng từ một cõi cao hơn. Tia sáng có thể đến từ Hiện diện TA LÀ của con, nó có thể đến từ một chân sư thăng thiên mà con đã lựa chọn – và lẽ tự nhiên, thày cống hiến sự trợ giúp của thày ở đây. Nếu con hòa điệu với thày và con hình dung là thày đang gửi đến con một tia sáng vào hình ảnh đó, và qua đó thày khiến cho các hạt rung động nhanh hơn đến độ chúng nhảy ra khỏi mô thức định sẵn trong hình ảnh và trở về trạng thái nền của chúng, thì đây cũng có thể là một bài hình dung hữu ích cho con.

5.5. Không có gì là rắn đặc

Con cần trước tiên luyện tập để thấy được hình ảnh mà con mang trong tâm thật sự được cấu tạo bằng những hạt đó, và vì vậy hình ảnh sẽ linh hoạt uyển chuyển. Nó có thể dễ dàng tan rã, nó không được tạc trên đá, nó không phải là một bức tường kiên cố. Tất nhiên con có thể tiếp tục làm vậy và nhận ra là một bức tường không có gì kiên cố, nhưng quan tâm của thày ở đây là thày không muốn con làm những loại thủ thuật này mà con dành nỗ lực để thực hiện kỳ công thực sự sáng giá là xóa bỏ các ký ức đau buồn của con, cho dù từ những kiếp trước hay từ kiếp này.

Con yêu dấu, tất nhiên đây không phải là một điều con đã được dạy ở lớp mẫu giáo. Vì vậy, có thể nó sẽ đòi hỏi ở con một nỗ lực nào đó, một sự suy tư nào đó. Nó đòi hỏi con tái trang bị, chuyển hóa tâm con để dần dần chấp nhận là không có gì trong thế giới vật lý và vật chất, không có gì trong cả bốn cõi của vật chất, là rắn chắc như đá. Không có gì là không thể thay đổi, vì tất cả mọi thứ đều được cấu tạo bằng những hạt ánh sáng kia mà trên đó một hình ảnh đã được áp chồng lên.

Những hạt ánh sáng này kỳ thực không phải là hạt ánh sáng như khoa học bảo con là ngay cả hạt hạ nguyên tử cũng đều là hạt. Nếu con đã đọc về vật lý lượng tử, con sẽ biết là các nhà khoa học bị bối rối bởi sự kiện một electron có thể hiện ra dưới cả hai dạng hạt lẫn sóng. Họ gọi đó là lưỡng tính sóng-hạt và họ không làm sao giải thích được. Thực tế là ý tưởng cho rằng cái lưỡng tính hạ nguyên tử kia là một hạt, chỉ là một hình ảnh mà các nhà khoa học mang theo trong tâm họ vì nó gắn liền với một cái gì họ có thể thấy được bằng giác quan vật lý. Họ mang theo hình ảnh này trong tâm và họ muốn áp chồng hình ảnh này lên thế giới lượng tử mà họ vừa khám phá. Cách duy nhất để hiểu được tầng cấp lượng tử là nhận ra rằng nó tuyệt đối không liên hệ gì đến thế giới vĩ mô mà con thấy với giác quan của con.

Cách duy nhất để thực sự hiểu được thế giới lượng tử cùng mối tương quan của nó với thế giới vĩ mô là nhận ra thế giới vĩ mô không được tạo bằng hình thù. Nó được tạo bằng hạt, hay đúng hơn, bằng những thực thể nhỏ hơn mà trên đó hình ảnh đã được áp chồng lên. Một hòn đá không phải là hòn đá, đó là một tập hợp những thực thể ánh sáng, những đơn vị ánh sáng, đã bị cưỡng ép vào một mô thức nhất định và chúng đang biểu hiện mô thức này ra bên ngoài. Rất có thể chúng sẽ được giải phóng khỏi mô thức để trở về với trạng thái nền của chúng, hay chúng có thể biểu hiện một mô thức khác. Một lần nữa, có thể các con hơi bị đuối sức khi phải hình dung toàn bộ thế giới vật lý là linh hoạt và được tạo bằng hạt hay bằng những thực thể nhỏ hơn, nhưng chắc chắn con thấy được là những hình ảnh con cầm giữ trong tâm, những hình ảnh về quá khứ, cũng không được tạo bằng một chất vật lý kiên cố như đá. Thật vậy, chúng được tạo bằng một loại thực thể khác, cho nên chúng linh hoạt uyển chuyển.

Kỳ thực, toàn bộ vũ trụ vật chất được cấu tạo bằng cái mà các thày gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật có những đơn vị cực nhỏ. Nếu chúng ta muốn dùng cùng thuật ngữ của khoa học, chúng ta có thể nói là thật vô nghĩa mà bàn về hạt, vì một hạt trải ra trong không gian. Đó là một cái chấm với một kích thước nào đó. Còn các đơn vị cấu tạo Ánh sáng Mẫu-Vật, măc dù chúng không nhỏ một cách vô hạn, nhưng chúng nhỏ đến độ chúng vượt khỏi khả năng phát hiện của giác quan vật lý hay ngay cả các loại dụng cụ dựa trên ánh sáng khả kiến (visible light), bước sóng (wavelength) của ánh sáng khả kiến.

Con cũng biết là kính hiển vi có khả năng phóng lớn các vật thể nhỏ. Nó giúp con nhìn thấy những vật con không thể thấy bằng mắt trần. Dẫu vậy, những gì con có thể thấy bằng kính hiển vi có giới hạn vì kính hiển vi quang học chỉ có thể hoạt động với ánh sáng khả kiến. Ánh sáng khả kiến có một bước sóng tối thiểu, và bất kỳ vật nào nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng sẽ không thể thấy được trong kính hiển vi quang học. Chuyện này không thể làm được. Vấn đề cũng tương tự như vậy với các thực thể nói trên, các đơn vị của Ánh sáng Mẫu-Vật, chúng không thể được phát hiện bởi bất kỳ dụng cụ nào do khoa học chế tạo vì đây là những dụng cụ vật chất, mà Ánh sáng Mẫu-Vật thì không vật chất. Nó trở thành vật chất khi có một hình ảnh được áp chồng lên nó.

Ngay cả trong thế giới lượng tử, con cũng có tình trạng một hạt có thể xuất hiện từ hư vô rồi lại biến mất. Các nhà khoa học bàn về một trạng thái chân không (vacuum state), một trường lượng tử (quantum field) hay một số tên gọi khác, là khi một hạt có thể đột nhiên xuất hiện rồi biến mất vì nó đi vào hay đi ra khỏi một trạng thái nào đó. À, đây là cách con có thể hình dung Ánh sáng Mẫu-Vật. Con có thể nói là Ánh sáng Mẫu-Vật không nằm trong cõi vật lý nhưng nó có thể được kéo vào quang phổ vật lý (physical spectrum). Thế rồi những cái chấm nhỏ đó của Ánh sáng Mẫu-Vật có thể được sắp xếp lại thành một mô thức nào đó, nhưng Ánh sáng Mẫu-Vật chỉ ở lại trong mô thức này trong cõi vật lý chừng nào còn có cái gì phóng chiếu hình ảnh lên nó. Lý do trái đất có một số biểu hiện do con người tạo ra kéo dài trong thời gian là vì tâm thức tập thể liên tục phóng chiếu một số hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

5.6. Con có những ký ức tiềm thức

Điều thày đang giảng cho con là lý do con mang ký ức về quá khứ – hay một hồ sơ, một ghi nhận về quá khứ hay bất kỳ tên gọi nào khác – là vì tâm con đang áp chồng hình ảnh đó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Sự thể này ngăn cản không cho các đơn vị của Ánh sáng Mẫu-Vật trở về trạng thái nền của chúng và lại đi ra khỏi cõi vật lý. Con có thể phản bác: “Nhưng làm sao con làm chuyện này được khi con không mang một ký ức ý thức nào về chấn thương nhập đời của con?” Con có mang một ký ức tiềm thức.

Ký ức không chỉ là ký ức có ý thức mà thôi, và đây là tại sao chúng ta có thể nói là những gì con nhớ một cách ý thức thì gọi là ký ức, còn những gì con không nhận biết ý thức gọi là hồ sơ. Đôi khi các thày đã dùng cách phân biệt này. Con cũng có thể nói là có ký ức ý thức hay vô thức. Tất cả các con đều biết là thỉnh thoảng có một sự kiện nào đó mà con biết rõ con đã nghe nói trong quá khứ nhưng con không thể hồi tưởng ngay bây giờ một cách ý thức. Thế rồi khi con suy nghĩ thêm, nó bỗng bật lên và bây giờ con nhớ lại. À, hiển nhiên ký ức này đã có mặt ở đó cho dù nó không nằm trong tâm ý thức của con, và các tình huống từ quá khứ cũng tương tự như vậy. Chúng còn nằm đó là vì tâm tiềm thức của con không ngừng phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

Điều con có thể luyện cho tâm con làm là nhìn ra hình ảnh không phải là một hình ảnh vật lý, một hình ảnh cố định không thay đổi. Nó được cấu tạo bằng những cái chấm nhỏ li ti của Ánh sáng Mẫu-Vật. Xong con có thể quyết định trong ý thức và nói: “Vụt” và làm cho hình ảnh tan biến. Để điều này có thể xảy ra, có thể con sẽ cần đọc một lượng bài chú và bài thỉnh để làm tan năng lượng cảm xúc. Như các thày đã nói, có thể con sẽ phải tới điểm xem nó như là một ngã tách biệt, nhìn ra là có một cái ngã tách biệt kỳ thực đang duy trì hình ảnh đó, đang muốn duy trì hình ảnh đó. Con có thể quyết định ngừng nuôi dưỡng nó với năng lượng và chú ý của con. Khi con làm theo những bước khác mà các thày đã cho con trước đây, thì có thể sẽ tới điểm khi tất cả những gì còn sót lại chỉ là ký ức. Con đã làm tan năng lượng, năng lượng cảm xúc, con đã làm tan ngã tách biệt, con đã để cho nó chết đi, nhưng vẫn còn lại một ký ức mà vì một lý do nào đó con nghĩ con phải bám lấy.

Trong một số trường hợp, có một cái ngã nghĩ rằng nó phải bám lấy ký ức và con có thể đạt tới điểm nhìn ra ngã này. Thậm chí, thỉnh thoảng, đây chỉ là vấn đề làm cuộc xoay chuyển ý thức, một quyết định ý thức là: “Tôi không phải bám giữ tất cả mọi ký ức về những chuyện đã xảy ra cho tôi trên hành tinh này.”

Tại sao, con yêu dấu, tại sao con không phải nhớ lại? Các sa nhân và tự ngã của con sẽ la hét vào mặt con: “Không, bạn không thể đơn giản quên nó đi! Chuyện đó đã thực sự xảy ra! Chính bạn đã làm chuyện đó, bạn phải ghi nhớ mãi mãi!” Tại sao con cần ghi nhớ mãi mãi chứ con? Các thày đã dạy con điều gì? Cho dù con đã kinh qua chuyện gì trên hành tinh này, đã trải nghiệm nó như thế nào xuyên qua phin lọc bốn thể phàm của con, thì Hiện diện TA LÀ của con có một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Kinh nghiệm này mới là kết quả vững bền, là thành quả lâu dài mà con muốn thành tựu qua việc hiện thân trên trái đất. Kinh nghiệm này được lưu trữ vĩnh viễn trong căn thể của con. Đấy chính là cái thực. Đấy chính là cái tồn tại. Đấy chính là điều con đã muốn gặt hái từ việc hiện thân trên trái đất.

Còn những ký ức kia mà con mang trong bốn thể phàm không có giá trị nào trường tồn. Tại sao chúng lại phải tồn tại? Tại sao con lại phải đem chúng theo con? Tại sao con không nhìn chúng và nói: “Vụt, thế là mi đã tan mất”?  

Con yêu dấu, con hãy đơn giản chấp nhận là con có quyền quên đi. Chừng nào con còn có năng lượng tha hóa và ngã tách biệt thì con không thể quên được, nhưng một khi con đã làm tan cả hai thì con có quyền được quên. Đây là một quyền con người, một nhân quyền – chúng ta có thể nói như vậy – và quyền này phải nằm trong danh sách những quyền hạn bất khả xâm phạm mà Đấng Sáng tạo đã phú cho mọi con người. Con có quyền được quên, một quyền mà Thiêng liêng đã ban cho con.

Thày hy vọng là con sẽ nắm lấy lời dạy này và bắt đầu sử dụng quyền này. Nếu con muốn thày giúp đỡ, thày HƠN là sẵn sàng giúp con.

Lấy lại quyền được quên, là quyền Thượng đế đã ban cho con

Bài giảng của Chân sư MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 30/11/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia. Bài này trích từ cuốn sách “Làm hoà với sự hiện diện của mình trên địa cầu” (Making peace with being on Earth).

TA LÀ chân sư thăng thiên MORE. Thật là vui mừng cho ta đến đây để gửi con phần tiếp theo của bài giảng hồi năm ngoái của ta về đề tài vô cùng quan trọng và sâu sắc này là chấn thương nhập đời và làm thế nào vượt qua chấn thương đó. Con có thể xem lại những gì Phật Gautama đã nói trong phần vấn đáp vừa rồi về thời gian. Thày nói là nếu con không thể đi trở ngược thời gian để thay đổi những sự việc xảy ra trong quá khứ, nếu con không có một cỗ máy vượt thời gian, thì con không thể tự giải thoát khỏi quá khứ. Như thày Gautama nói, Mẹ Mary quả thực đã cho con một cỗ máy vượt thời gian trong bài thực tập về cách thức trở về với kinh nghiệm chấn thương nhập đời [xin tham khảo sách “Chữa lành chấn thương tâm linh”]

Ta muốn cho con thêm một cỗ máy vượt thời gian. Con yêu dấu, con thấy đó, các sa nhân muốn con nghĩ rằng quá khứ được khắc cứng trong đá và không thể thay đổi. Một khi con đã phạm phải một lỗi lầm trên địa cầu thì con sẽ không bao giờ thoát được khỏi nó. Vậy con hãy tưởng tượng con đang đứng trước một bức tường đá thật lớn. Nếu con đã thăm viếng Vạn lý Trường thành bên Trung quốc hay Kim tự tháp Ai cập, hay Bức tường Than khóc ở Jerusalem hoặc bất kỳ thành vách nào ở đây nơi thành phố Tallinn và bất kỳ thành phố xưa cổ nào trên thế giới, thì thật ra con không cần tưởng tượng. Con biết rõ cảm giác đứng trước một bức tường đá khổng lồ. Làm thế nào con có thể đập vỡ vách tường đó xuống với hai bàn tay trần? Phải, con không thể làm được, và tại sao vậy? Một phần là vì đá rất cứng, và phần khác là vì những viên đá được dán chặt lại với nhau.

Trước tiên con hãy tưởng tượng con có thể gỡ vữa ra, là cái xi-măng giữ viên đá dính chặt với nhau. Tất nhiên nếu viên đá dính không chặt, công việc phá bỏ bức tường sẽ dễ hơn một bực. Thế nhưng cũng không dễ lắm, tùy thuộc vào kích thước những viên đá. Điều gì sẽ xảy ra nếu con có thể đập nhỏ đá ra thành vụn tựa như cát vậy? Và giả như con có một cái máy phóng ra một loại tia sáng có khả năng biến đá thành vụn nhỏ như cát thì điều gì sẽ xảy ra?    

Thật vậy, đó chính là quyền năng mà chúng tôi, các chân sư, đã trao cho con qua các bài chú và bài thỉnh. Tất nhiên con không thể dùng bài chú để đập tường đá thành vụn, mặc dù trên lý thuyết nếu có đủ số đông đứng trước tường đá thì việc này cũng khả dĩ. Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi không hề có ý định gửi học trò chúng tôi đi khắp thế giới mà đập đổ tường đá rồi bị bỏ tù về tội phá hoại di tích lịch sử. Điều chúng tôi quan tâm là đập đổ những bức tường kiên cố trong tâm con đang giam hãm và buộc chặt con vào một khuôn nếp phản ứng đối với các sinh thể sa ngã.   

Đương nhiên, con có những bài chú và bài thỉnh mà như chúng tôi đã nói nhiều lần, con có thể sử dụng để làm cho năng lượng tan rã, và khi năng lượng giảm bớt, con sẽ dễ dàng hơn thoát khỏi khuôn nếp. Tuy nhiên như chúng tôi cũng đã dặn nhiều lần, con cần phải trải qua một kinh nghiệm ý thức, một quyết định ý thức, trước khi con thực sự tự do. Đó không phải là một tiến trình máy móc.

Nhận biết tiến trình thấy

Đây là điều ta muốn đề nghị với con. Con cần khởi sự – mới đầu chỉ cần từ từ – con cần khởi sự huấn luyện tâm con cho nó hình dung, tưởng tưởng và cuối cùng thấy rõ và chiêm nghiệm một điều mà cho tới giờ con chỉ biết trong trí thức, tức là toàn bộ thế giới vật chất được xây dựng bằng năng lượng. Bây giờ con hãy tưởng tượng là con biết trong quá khứ con đã trải qua một tình huống vô cùng đau đớn và con đang mang cái chấn thương nhập đời đó trong con. Tình huống đó được cấu tạo bằng chất gì? Như Phật Gautama có nói, thời gian đã trôi qua và tình huống vật lý không còn hiện diện nữa, nó đã bị thời gian xóa sạch. Hay có thể nói, nó đã bị thời gian sơn lên một lớp sơn – cái cọ khổng lồ của thời gian đã biến mọi sự thành sự thể của hiện tại. Và Gautama bảo: Hiện tại quả thật có thể bị quá khứ ảnh hưởng, tuy nhiên quá khứ không còn ở đó như một thực tại vật lý nữa. Nó chỉ ở đó như một vết in hay một hình ảnh trong tâm con, trong ba thể cao hơn của con, và trong một nghĩa nào đó cũng trong thể xác vật lý của con.     

Câu hỏi bây giờ là làm thế nào thoát khỏi vết in đó? Điều con cần suy ngẫm trước hết là làm thế nào bộ não vật lý, đôi mắt vật lý của con (đặc biệt là bộ não) và ngoại tâm của con nhìn và nhận thức tình huống – đúng hơn, nhận thức mọi chuyện. Ngay bây giờ con đang ngồi ở đây, con đang nhìn bức tường sau lưng vị sứ giả, là một bức tường khá vững chắc, và cái gì con thấy thật sự là một hình ảnh. Chúng tôi đã có giảng là mắt con không thực sự nhìn thấy một bức tường mà chỉ đơn giản nhận được những xung động gửi vào trong mắt, đập vào võng mạc (retina) dưới dạng những tia sáng. Mắt con không thực sự thấy mà chỉ phản ứng lại tia sáng. Phản ứng này trong mắt được chuyển thành một tín hiệu, y như tín hiệu số trong máy tính. Tín hiệu này được gửi đến cái mà con gọi là vỏ thị giác (visual cortex) trong não.  

Bây giờ bộ não có tác dụng giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý. Dụng cụ chủ yếu giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý là bộ não khi nó áp đặt một số hình ảnh lên trên những tín hiệu đến từ mắt. Mắt con không nhìn thấy. Trong một nghĩa nào đó, có thể nói là não cũng không nhìn thấy. Não chỉ đơn giản lấy tín hiệu từ mắt rồi sắp xếp lại thành một hình ảnh ăn khớp với những gì não đã chứa sẵn trong kho dữ liệu của nó. Như được chứng minh trong vô số hiện tượng ảo thị (optical illusions) mà con đã được thấy, não không thực sự thấy cái gì ở trước mặt con. Nó tìm kiếm một mô thức ăn khớp với một cái gì đã nằm sẵn trong kho dữ liệu của nó. Nó không nhìn vào chính xác những tín hiệu đến từ mắt mà tìm kiếm một mô thức mà nó có thể nhận ra. Một khi nó có đủ xung động để tạo thành một mô thức quen thuộc, thì nó sẽ ngừng phản ứng, ngừng nhìn vào xung động từ mắt, và bây giờ nó chồng cái mô hình nó cất giữ đè lên trên cái mà con đang nhìn, và nó nói: “À, đây là cái đó.”    

Hiển nhiên, điều này đã tiếp diễn trên địa cầu suốt hàng triệu năm qua. Khi con đầu thai trong kiếp này, bộ não của con không khởi đầu từ con số không, nó không phải tự đào tạo từ đầu và xây đắp từng hình ảnh của cái này hay cái kia. Nó bị buộc chặt vào động lượng tâm thức tập thể nói trên, cho nên nó đã mang sẵn một số chương trình nội tại: À, đây là cái cây, đây là hòn đá, đây là biển cả, đây là bầu trời, vân vân và vân vân. Con có sẵn một kho dữ liệu những mô hình mà không những con đã nhìn thấy trước rồi mà cả tâm thức tập thể cũng đã nhìn thấy trước. Cho nên con đã quen nhìn mọi thứ dưới dạng hình ảnh và con dán nhãn lên mọi thứ. Con thường dán nhãn qua ngôn từ, và điều này lại bồi thêm một lớp phức tạp mới trong khi vỏ não thị giác chỉ nhận ra hình dạng mà thôi. Vỏ não thị giác có thể nhìn vào hình thù, màu sắc và nét lồi lõm của bức tường, nhưng não có một chức năng khác để chuyển dịch thị giác đó thành lời nói, và nó nói: “Đây là bức tường”. Có thêm một lớp được đắp lên trên hình ảnh, và như vậy loài người đã mang theo một động lượng rất lâu đời đặt ngôn từ lên mọi thứ.  

Con bị kẹt trong nhận thức như thế nào

Trong Thánh kinh có kể rằng Thượng đế ban cho Adam quyền năng đặt tên cho từng loài động vật trên địa cầu. Một số người tin rằng nếu con biết tên của vật thì con có quyền năng trên vật đó. Thực tế sâu sắc hơn là một khi con đặt tên cho một vật, con đã thực sự tự giới hạn mình vì con đã củng cố cho hộp tư duy của con. Con nghĩ rằng vật đó sẽ giống như cái mà con đã dán nhãn, và nó sẽ luôn luôn như vậy. Con không có khả năng nhìn xa hơn sự lập trình đó – it ra là hầu hết mọi người. Và do đó con nghĩ: “Cái đó là như thế này”. Con đã buộc con vào động lượng tập thể, và con cũng xây dựng động lượng của con trong suốt bao nhiêu tiền kiếp.   

Hồi nãy ta có nhắc tới một thời điểm hay một tình huống khi con đã trải qua một kinh nghiệm vô cùng đau đớn, và như cuốn sách “Những cuộc đời của tôi” (My Lives) có cho một ví dụ nơi nhân vật trong truyện phải nếm mùi một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thì con đã được lập trình, bộ não của con đã được lập trình hầu nó đặt chồng một hình ảnh và ngôn từ lên trên kinh nghiệm đó, và nó nói: “Kinh nghiệm đó như thế đó”. Và câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào con có thể thực sự giải thoát khỏi một tình huống của quá khứ? Cho đến khi nào con còn giữ trong não, ngay cả trong ba thể cao hơn của con, cái vết in của tình huống đó cùng những hình ảnh hay những ngôn từ mà con đã liên kết với tình huống, cho đến khi nào mà những thứ đó còn ở đó thì con sẽ không thể thoát khỏi tình huống từ quá khứ.

Ta nói với con là con nên khởi sự tập tành lại chính con. Con có thể rèn luyện tâm con để nó phản lệnh bộ não. Sẽ thật hữu ích nếu con thử nhìn lại rất nhiều những ảo thị từng được đăng tải. Ảo thị điển hình là một hình vẽ mà con có thể nhận ra là một cô gái trẻ đẹp hoặc một bà cụ da dẻ nhăn nheo tùy theo con chú mục như thế nào. Có những ảo thị với đủ loại màu sắc, hình thù vân vân và vân vân. Nếu con chưa bao giờ nhìn ảo thị thì con nên thử nhìn để nó giúp con hiểu ra là con thực sự không thể tin vào giác quan của mình. Con không thể tin vào bộ não vì trong đó có sự lập trình khiến con nhìn thấy đồ vật không đúng như nó thực là.

Con có thể tiến thêm một bước và tưởng tượng con đang ngồi trong một rạp chiếu phim. Con nhìn thấy hình ảnh trên màn hình, và bởi vì rạp chiếu bóng tối om cho nên rất có thể con sẽ hoàn toàn mải mê với bộ phim, đến độ con có cảm giác con đang sống trọn cốt truyện đang được trình chiếu trên màn hình. Chắc chắn con bị cuốn hút vào đó đến nỗi con quên hết mọi chuyện. Con có khả năng tự rèn luyện để nhận ra rằng những hình ảnh đang được chiếu lên màn hình không những không thể hiện một thực tại vật lý nào (bởi vì con dư biết là chúng chỉ là những tấm hình trên một cuộn phim đặt trong máy chiếu) mà hơn thế nữa, con có thể tập nhìn thấy chúng như là những mô hình gồm có vô số những chấm nhỏ đủ màu được chiếu lên màn ảnh. Con có thể đạt đến mức khi con tập cho mắt con nhìn lệch tiêu cự cho hơi mất nét, và thay vì con thấy rõ từng người hay từng vật, thì con chỉ nhìn thấy những trường tia sáng đủ màu đang được chiếu lên màn ảnh. Khi con tập như thế một thời gian, con sẽ lần hồi đạt đến mức con áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Con có thể rèn luyện để thấy bức tường này sau lưng vị sứ giả không thực là bức tường. Đó chỉ là một số tia sáng tạo thành một số mô thức nào đó.

Hồi con còn nhỏ, thế nào cũng có người bảo con thử dùng cái kính lúp để nhìn kỹ một tấm ảnh in trên tờ báo. Và con có thể thấy được những gì có vẻ là những hình thù thực sự chỉ là những cái chấm đen được sắp xếp theo những mật độ khác nhau. Màu đen càng đậm thì những cái chấm đó càng xít lại gần nhau. Màu đen càng lạt thì chấm đứng càng xa nhau. Tất cả chỉ là những cái chấm đen đã đánh lừa bộ não của con nhìn ra hình thù. Cho nên con có thể tự huấn luyện để tập trung vào những cái chấm thay vì vào hình ảnh. Rồi con áp dụng vào mọi tình huống trong đời, nhưng ngay lúc này thì việc áp dụng vào những tình huống đặc thù trong đời chưa quan trọng lắm.  

Đập vỡ hình ảnh quá khứ thành mảnh nhỏ

Điều ta mong muốn con khởi sự làm là nhìn vào những tình cảnh trong quá khứ của con. Có thể là con cảm được chấn thương nhập đời và con cảm thấy nó chưa được giải quyết. Cũng có thể con đã gặp một tình huống nào khác, ngay cả một tình huống trong kiếp này, khi con cảm thấy một điều gì đau đớn đã xảy ra. Con thử xét xem là khi con nghĩ lại tình huống đó, hình ảnh mà bộ não của con đưa lên, hay hình ảnh mà ba thể cao hơn của con đưa lên, là gì? Hình ảnh đó là gì? Con có thể nói từ một góc cạnh đường thẳng nào đó, rằng nếu con còn ký ức, nếu con còn một hình ảnh từ quá khứ, thì con sẽ không bao giờ thoát được khỏi hình ảnh đó, bởi vì những gì đã xảy ra thì đã xảy ra và con không thể thay đổi được. Con không thể làm gì được để thay đổi nó.  

Nhưng tất nhiên, đấy là điều mà các sa nhân muốn con tin chứ không phải là sự thật. Con có khả năng tập tành để đưa những hình ảnh đó lên tầm nhìn nội tâm của con. Xong con có thể tập nhìn thấy chúng, không phải như là những hình thù và những hình ảnh mà con có, mà chỉ đơn giản là những mô thức tia sáng, hay những khuôn mẫu hạt nguyên tử, hạt electron và hạt hạ nguyên tử – hay bất cứ cách nào mà con có thể hình dung. Con đập vỡ hình ảnh ra thành những mảnh nhỏ bằng bất cứ cách hình dung nào. Như ta nói ở trên, nếu con đứng trước một bức tường đá, con có thể đập vỡ các viên đá cho vụn ra thành hạt cát hầu con có thể đem đá đi dễ dàng hơn. Đây là điều mà con tập tành để giải quyết những hình ảnh từ quá khứ vẫn ám ảnh con, hoặc những hình ảnh mà con đã kềm nén xuống nhưng mỗi lần con chạm vào chấn thương nhập đời thì con lại khơi nó dậy.  

Con có thể tu tập để nhận ra một cách ý thức rằng: “Hình ảnh này chỉ là một hình ảnh mà bộ não và các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của tôi đã chồng lên đó.” Thực tế là nó không còn là một tình huống vật lý nữa. Nó chỉ là một hình ảnh. Hình ảnh này được cấu tạo bởi những hạt ánh sáng điện từ nhỏ xíu, là những cái chấm. Hình ảnh được tạo bằng chấm. Thậm chí con có thể ngắm một bức tranh của trường phái Ấn tượng, và nếu con đứng ở xa, con sẽ không thể nhìn thấy những cái chấm mà hoạ sĩ đã sử dụng để vẽ tranh. Khi con lại gần và gần hơn nữa, con bắt đầu nhìn thấy chấm, và khi con xích lại gần sát thì tất cả những gì con thấy được chỉ là những cái chấm, bởi vì con không thể thấy hình ảnh nữa. Vậy thì ta yêu cầu con hãy tự rèn luyện, và một lần nữa, điều này cũng liên quan đến chuyện con bước vào nỗi đau. Nhưng bây giờ con không bước vào nỗi đau nữa mà đó chỉ là một hình ảnh thị giác mà con có trong tâm con.  

Con hãy bước tới hình ảnh gần hơn và gần hơn nữa cho tới khi con chỉ còn nhìn thấy những cái chấm. Rồi con nhận ra rằng chính những cái chấm này là thực tại sâu xa hơn. Hình ảnh chỉ là cái gì được đặt chồng lên bởi bộ não và bởi các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Còn những cái chấm kia mới là thực tại. Và con cũng nhận ra là chấm luôn chuyển động, chúng linh hoạt, chúng không ngừng rung động, và chúng sẽ dễ dàng trình diễn bất cứ hình ảnh nào khác y như chúng đã diễn xuất hình ảnh mà con hiện có. Hơn thế nữa, những cái chấm đó có thể thực sự thoát khỏi cái khuôn đúc đã được áp đặt lên chúng, hầu chúng có thể trở về với trạng thái nguyên thủy, là trạng thái tự do nơi chúng hoàn toàn trung dung và không hiển thị bất cứ hình ảnh nào.  

Con có thể hình dung hình ảnh đó dần dần tan ra thành từng mảnh nhỏ, và những mảnh này bắt đầu rung và chuyển động. Chúng chạy tứ phía, khiến cho hình thù trên hình ảnh bị phân hủy và chỉ còn lại một màu đồng nhất. Con có thể thấy chúng biến thành giống như nước trong đại dương, hay cát trong sa mạc, hay không khí trong bầu trời xanh. Chúng trở thành vô hình thù, vô hình tướng. Hình ảnh được giải thể và con để yên cho nó ra đi. Giống như con đang lấy một quyết định, và ở một điểm con sẽ lấy một quyết định, và con nói: “Tôi đề cho hình ảnh này chết. Tôi để cho nó tan biến. Giản dị là tôi đã quên nó rồi.”

1 | Sống với những gì con không thể chung sống

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 30/11/2018, nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary. Thật là niềm vui và đặc ân rất lớn cho thày được khai mạc hội nghị này và được chào đón các con – những người có mặt ở đây trong vật lý cũng như những người nối kết qua internet. Chủ đề nguyên thủy được đề nghị cho hội nghị này là: “Làm thế nào giúp cho con người ở Đông Âu được hòa bình,” nhưng các thày cảm thấy không chỉ người ở Đông Âu mới có thể được lợi lạc từ những bài giảng các thày muốn ban truyền. Chắc chắn con người ở khắp mọi nơi đều gặp khó khăn để cảm thấy an bình với việc mình sống trên trái đất. Con yêu dấu, điều các thày mong muốn đạt được trong hội nghị này là trao cho con một số lời dạy không chỉ dành riêng cho các avatar hay các đệ tử của chân sư thăng thiên, mà về lâu dài có thể dành cho tất cả mọi người trên địa cầu, ngay cả các cư dân nguyên thủy của địa cầu hoặc những ai tới đây từ những hành tinh khác đã rơi xuống dưới mức tự nhiên của hành tinh đó.

1.1. Xét lại cái gì là bình thường

Hiển nhiên, con yêu dấu, con đã lớn lên trên địa cầu và hầu hết các con đã lớn lên với một hình ảnh cho rằng có lẽ trái đất là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có bất kỳ dạng sống nào. Có lẽ đây là một hành tinh rất quan trọng đối với Thượng đế – nếu con đã lớn lên trong một môi trường Cơ đốc giáo. Có lẽ con đã lớn lên với ý tưởng mình là một loài vượn đã tiến hóa, và xác suất để sự sống hiện diện nhỏ đến độ nó chỉ xảy ra trên rất ít hành tinh. Do con đã lớn lên với quan điểm cho rằng rất có thể địa cầu là hành tinh duy nhất, dần dà con đã chấp nhận rất nhiều điều kiện được thấy trên trái đất mà không hay biết. Điều này không có nghĩa là con đã chấp nhận chúng là tốt, nhưng có thể con đã chấp nhận chúng là bình thường, là tự nhiên hay không thể tránh khỏi. “Chuyện nó tất phải như vậy thôi.”

Tất nhiên, điều này dính liền với giáo lý các thày đã trao cho con những năm qua rằng một khi con bị kẹt vào một trạng thái tâm thức nhị nguyên thì con không thể thoát ra khỏi trừ khi con có một khung tham chiếu chỉ cho con thấy là ở ngoài trạng thái tâm thức này có một cái gì, có một cách nhìn khác hơn về cuộc sống. Con yêu dấu, lẽ tự nhiên khi con đã lớn lên trong môi trường hiện thời trên trái đất, con đã không nhận được một khung tham chiếu như vậy. Ví dụ, không ai nói cho con biết là có những hành tinh tự nhiên nơi rất nhiều hiện tượng con thấy trên trái đất không hề biểu hiện, không hề xảy ra. Con đã lớn lên với cảm giác là thật chẳng ích gì mà chất vấn những chuyện đang xảy ra, vì hiển nhiên đó là chuyện bình thường. Điều cần làm là con tìm cách sống chung với nó mà thôi.

1.2. Khả năng thích ứng có may lẫn rủi

Con thấy đó, con yêu dấu, ở đây chúng ta đang chạm đến một đề tài – theo một nghĩa nào đó – vừa là một điều may lẫn một điều rủi. Tất nhiên, nó liên hệ phần nào đến một hiện tượng đã được các nhà tiến hóa học nói đến, là làm thế nào một giống loài có thể thích ứng với môi trường của nó. Mặc dù nhiều nhà tiến hóa học luôn luôn bênh vực chủ thuyết về sự tồn tại của kẻ mạnh nhất, nhưng nếu con thực sự nhìn vào lịch sử tiến hóa, con sẽ thấy kẻ sống còn không phải là kẻ mạnh nhất, không phải là kẻ hung hãn nhất như một số nhà khoa học đó muốn con nghĩ. Không đâu con yêu dấu, người sống còn là những người dễ thích nghi nhất. Lý do loài người đã lan tràn đến mọi nơi trên trái đất và là giống loài thành công nhất trên trái đất – ít ra từ một góc nhìn tiến hóa – là vì con người có khả năng thích nghi cao hơn bất kỳ loài nào khác mà con gặp trên địa cầu. Tại sao loài người thích nghi giỏi hơn mọi loài động vật? Vì con người không phải là một con thú. Con không phải là một loài cao hơn loài vượn một bước như các nhà tiến hóa học muốn con tin. Con là một sự nhảy vọt lượng tử so với loài vượn vì con có sự tự nhận biết, và chính khả năng tự nhận biết này đã giúp con người thích nghi với rất nhiều điều kiện khác nhau.

Một loài thú phần lớn được lập trình để cư xử một cách nhất định. Có nghĩa là con thú, nếu nó gặp phải một môi trường thù địch, sẽ không thể bước lui lại và nói: “Tôi cần thay đổi cách cư xử của mình như thế nào để có thể sống sót trong môi trường này?” Và nó cũng không thể bước lui lại và nói: “Tôi cần thay đổi môi trường như thế nào để có thể sống sót trong môi trường này?”  Một loài thú không có khả năng đó, nhưng con người thì có, và điều này chứng tỏ cho bất cứ ai sẵn sàng nhìn vào dữ kiện, là con người không phải là con thú. Con không là một con thú đã tiến hóa xa hơn, vì người ta không thể tìm thấy một loài thú nào có khả năng này ở một cấp độ thấp hơn. Thày biết sẽ có người nghĩ ra một vài ví dụ, nhưng sự thật là con không thể tìm thấy loài thú nào có một cấp độ tự nhận biết thấp hơn loài người để từ cấp độ đó nó có thể từ từ tiến hoá đến cấp độ tự nhận biết của loài người. Để những loài thú cao cấp nhất đến được mức loài người, chúng sẽ phải thực hiện một bước nhảy vọt lượng tử ví chúng phải được trao cho khả năng tự nhận biết đó từ một nguồn cao hơn – khả năng này không thể do tiến hóa.

Khả năng thích nghi của loài người là một điều may theo nghĩa con có thể thích ứng với nhiều môi trường khác nhau. Nhưng đó cũng là một điều rủi theo nghĩa chính khả năng này có thể khiến con nhìn vào điều kiện hiện tại của địa cầu và quyết định: “Ồ, tôi chỉ cần sống chung với nó. Tôi không thể nào thay đổi nó được. Thật chẳng có ích gì mà đặt nó thành vấn đề. Tôi chỉ có thể sử dụng nó tốt nhất mà thôi.” Và do đó suốt chiều dài lịch sử, loài người đã thích ứng với rất nhiều điều kiện mà họ đã có thể thay đổi nếu họ ý thức là họ có khả năng thay đổi, nếu họ có viễn quan là mọi chuyện có thể thay đổi như thế nào cùng sự sẵn lòng thực hiện cuộc thay đổi. Đây chính là khả năng mà các sa nhân đã dùng để kiểm soát quần chúng hết thời này đến thời khác, hết văn minh này đến văn minh khác, thậm chí từ thuở xưa hơn cả lịch sử được ghi chép. Những gì con gọi hiện nay là lịch sử, tất nhiên, là một sự xuyên tạc do sa nhân vì chúng không muốn con biết đến quá trình lịch sử của các nền văn minh đã biến mất nhưng đã tiến xa hơn hẳn nền văn minh hiện đại.

Lý do là vì, một lần nữa, chúng không muốn con có một khung tham chiếu cho thấy là đã từng có những nền văn minh quá khứ tiến hóa cao gấp bội nền văn minh hiện tại nhưng các văn minh đó đã sụp đổ do ảnh hưởng của sa nhân. Và như vậy, nền văn minh của con không những có khả năng tiến hoá xa hơn nữa mà cũng có khả năng suy tàn – nếu con cho phép sa nhân tiếp tục sai khiến mọi chuyện. Chúng không muốn con có khung tham chiếu này mà con đã có thể nhận được nếu con biết lịch sử các nền văn minh đã qua. Chúng muốn con tin rằng các con là một giống loài với một quá trình rất ngắn, cho dù là một vài triệu năm theo như khoa học công nhận, hay là 6000 năm theo người Cơ đốc cực chính thống cũng như hầu hết các tín đồ tin vào kinh Cựu ước cho rằng Thượng đế đã tạo ra địa cầu trong dạng hiện hữu chỉ mới gần đây thôi. Lẽ tất nhiên, Thượng đế (trong tư cách là sinh thể cao nhất trong vũ trụ mà chúng ta gọi là Đấng Sáng tạo) không hề tạo ra địa cầu trong dạng hiện thời, vì chắc chắn ngài đã có thể hình dung ra một hành tinh không có bóng dáng chiến tranh, loạn lạc, bạo lực cùng tất cả mọi thứ khác.

Con yêu dấu, điều thày đang nói với con ở đây – những người tâm linh, cho dù con là một avatar hay một cư dân nguyên thủy của địa cầu đang bắt đầu nâng cao tâm thức mình – là một điều vô cùng giản dị. Con đã kế thừa từ giống loài của con, từ tâm thức tập thể, từ cha mẹ, từ các thế hệ trước, khả năng thích nghi với các điều kiện vật chất, khả năng chấp nhận các điều kiện này là bình thường và tìm được cách sống chung với chúng. Đây là một khả năng đã phục vụ nhân loại một cách nào đó, nhưng đối với con là người tâm linh, đã đến lúc trên bước đường tăng triển con phải xem xét nó và quyết định: “Tôi sẽ vươn lên cao hơn động lượng tập thể muốn thích nghi với các điều kiện vật lý.” Các thày đã nói với con những gì suốt những năm qua qua các lời giảng? Rằng con không ở đây để chấp nhận các điều kiện hiện thời và thích nghi với chúng. Con ở đây để nâng cao điều kiện hiện thời, nâng cao tập thể, thậm chí nâng cao cả các điều kiện vật lý. Con không thể làm điều này nếu con là một con thú có kỹ năng thích nghi. Con chỉ có thể làm được khi con công nhận mình là một sinh thể tâm linh và con quyết định: “Tôi sẽ vươn lên khỏi cái kỹ năng chấp nhận, thích nghi với các điều kiện hiện hành.”

1.3. Các điều kiện con không thể sống chung

Để hiểu điều này đầy đủ và thực hiện những gì thày đang trình bày với con, con cần nắm vững bối cảnh các thày đã rất cẩn thận trao cho con – bắt đầu từ trước hội nghị năm ngoái ở đây tại Estonia nhưng chắc chắn cũng ngay trong hội nghị đó – là các giáo lý về chấn thương nhập đời và ngã gốc [Xem sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]. Dù con là avatar hay cư dân nguyên thủy của địa cầu, đã tới một lúc con phải chạm mặt với những điều kiện khốc liệt đến độ con phải gánh chịu chấn thương nhâp đời đó – hay chấn thương điạ cầu đó, là từ mà các thày dùng đối với các cư dân nguyên thủy. Sau đó con đã tạo ra ngã gốc là một cái ngã phản ứng. Điều con cần bắt đầu suy nghiệm ở đây là cho dù con là avatar hay cư dân nguyên thủy, một khi con đạt đến một nhận biết nào đó thì trong nội tâm, con biết là mọi sự không nhất thiết phải xảy ra như chúng đang xảy ra trên trái đất. Có một giải pháp thay thế, có một cách khác hơn, và mọi sự có thể tốt hơn. Có thể con không diễn đạt được điều này bằng lời nói, ngay cả con không ý thức được rõ ràng, nhưng con có một khung tham chiếu rằng những chuyện đang diễn ra ở đây trên địa cầu không phải là cao nhất.

Điều lạ lùng ở đây – và điều này rõ rệt nhất nơi các avatar cho nên thày sẽ dùng ví dụ này – là như một avatar con đến hiện thân lần đầu trên địa cầu, và cho dù con không giữ được ký ức ý thức về cuộc sống trên hành tinh tự nhiên, con vẫn mang một cảm nhận mạnh mẽ rằng nhiều điều mình gặp trên trái đất không phải là cao nhất và có một cách sống khác hơn. Mọi sự không cứ phải y như vậy. Thế là giờ đây con bị mắc kẹt – nếu có thể nói như vậy vì đây là điều hầu hết chúng ta đều cảm nhận – mắc kẹt trong xác thân vật lý dày đặc này giữa thế giới vật lý dày đặc này. Chung quanh con là những người khác cũng mang một xác thân vật lý, và cho dù con có cảm gì hay nghĩ gì thì họ cũng có khả năng làm con tổn thương, khả năng sử dụng xác thân vật lý của họ để làm hại xác thân vật lý của con.

Con không thể làm gì để tránh chuyện này một khi con ở trong cơ thể vật lý. Cho dù người ta có làm gì con, con cũng không thể tránh khỏi sự kiện con đang ở trong một cơ thể vật lý và con nhìn, con trải nghiệm những gì xảy ra trên trái đất. Các thày đã từng nói là con có thể là một avatar nhìn xuống địa cầu và con quyết định mình muốn đến đây đầu thai, và hiển nhiên con có thể thấy được nhiều điều kiện không phải lẽ, nhưng con không thể kinh nghiệm các điều kiện này từ xa. Con sẽ không trải nghiệm địa cầu bằng xương bằng thịt cho đến khi con bị mắc kẹt, bị dính chặt trong một xác thân vật lý. Một khi con ở đây, một khi con ở trong xác thân này thì bỗng chốc con trải nghiệm địa cầu là như thế nào. Thậm chí con trải nghiệm năng lượng ở đây quá dày đặc, tâm thức tập thể quá dày đặc với biết bao lòng căm hận, thù địch lẫn sợ hãi. Con trải nghiệm nó một cách con không bao giờ tưởng tượng nổi như một avatar. Thực tế là một phần nỗi chấn động mà con cảm thấy liên hệ đến một điều kiện đặc thù – một điều kiện với nhiều xác suất nhất hay có lẽ là điều kiện chủ chốt – mà con đã xem xét trước khi đến địa cầu rồi quyết định là mình muốn góp phần loại trừ nó khỏi địa cầu. Giờ đây con ở trong cơ thể, con đang trải nghiệm điều kiện này, con thấy nó dữ dội đến chừng nào, nó nặng nề đến chừng nào, nó khó khăn đến chừng nào, thì con phản ứng: “Tôi không thể sống nổi với nó. Tôi không thể sống với điều kiện này có mặt trên trái đất.”

Có thể cá nhân con không bị tra tấn như được mô tả trong sách Những kiếp của tôi. Không phải tất cả các con đều phải hứng chịu kiểu tấn công cá nhân hung ác đến vậy. Một số các con bị cú sốc chỉ do đã chứng kiến người ta phải sống và khổ đau như thế nào. Là avatar, con chưa bao giờ chạm trán với sự thể như vậy trên một hành tinh tự nhiên và con cảm thấy không một ai phải sống trong điều kiện như thế. Cho nên con phản ứng: “Tôi không thể sống nổi với tình trạng này trên hành tinh này. Tôi không thể sống trong một môi trường có tình trạng này hiện hữu.”

Đó là phản ứng của con. Con chiu rút vào chính mình, theo nghĩa đen. Con bị chấn động đến độ gần giống như con cố kéo nguyên hào quang của mình trở vào bên trong một điểm an toàn nơi con có thể quên đi sự có mặt của điều kiện đó. Thế nhưng con không thể làm vậy vì như thày vừa nói, con bị kẹt cứng trong cơ thể vật lý của mình. Không có cách nào thoát ra khỏi cơ thể vật lý. Thế rồi khi cú sốc ban đầu tan đi đôi chút, con phải đối mặt với một thực tế vô cùng phũ phàng. Tất cả mọi thứ trong cảm thể, trí thể lẫn bản sắc thể của con nói với con: “Tôi không thể sống trên hành tinh này khi điều kiện này có mặt. Tôi không thể sống với nó.”  Nhưng cơ thể vật lý của con khi nó đói meo, nó sẽ bảo con phải sống trên hành tinh này và con phải làm mọi điều cần thiết để giữ cho cơ thể sống còn.

1.4. Xem cơ thể là kẻ thù

Đây là lúc nhiều người trong các con trải nghiệm một sự phân rẽ giữa cơ thể vật lý và ba thể phàm cao hơn. Gần như thể con phải dựng lên một loại hàng rào nào đó giữa thể vật lý và ba thể cao để bảo vệ các thể cao khỏi những gì xảy ra trong cõi vật lý, có lẽ cả những gì cơ thể vật lý trải nghiệm. Nếu con đã bị tra tấn chẳng hạn, con sẽ phải tạo ra rào cản này để nỗi đau của cơ thể không tác động quá dữ dội lên ba thể cao. Hầu hết các con đã dựng lên sự phân rẽ này mà con vẫn mang theo cho đến giờ. Con có thể thấy làm thế nào suốt các thời đại, người tâm linh đã xem cơ thể mình là một kẻ thù cho sự phát triển tâm linh. Họ thường nói đến những ham muốn của thể xác, ham ăn, ham tình dục, đủ loại dục vọng khác nhau, và họ xem đó là kẻ thù cho sự phát triển tâm linh.

Nền tảng của điều này là cú sốc tiên khởi khi con toan dựng lên hàng rào đó như một cơ chế phòng thủ. Tất nhiên ở một mức độ nào đó, con nhận ra là xác thân vật lý của con nằm trong cõi vật lý và người khác cũng có xác thân của họ. Họ có thể xông tới làm hại xác thân con nhưng họ không thể làm tổn thương ba thể cao của con dễ như vậy. Nếu con có thể phóng chiếu hay tạo ra một rào cản thì phần nào con có thể tự bảo vệ mình. Điều thày nói với con là tất cả các con đều đã chạm mặt cơ chế đó và con đã cảm thấy: “Tôi không thể sống với điều kiện này trên trái đất.” Thực tế phũ phàng là con phải sống ở đây trên trái đất. Vậy con làm gì đây? Làm thế nào đối phó đây? Như thày vừa nói, con thường hay đối phó bằng cách buộc mình vào cái cơ chế thích nghi tập thể đã được tạo ra bởi mọi người khác trong gia đình con, trong dân tộc con, trong văn hóa của con, trong nền văn minh của con – thậm chí trong toàn bộ giống loài và có thể nói trong tâm thức tập thể nói chung. Con tự buộc mình vào đó và con nhận ra là trên một hành tinh như thế này, con phải thích nghi thôi. Con phải chấp nhận các điều kiện như chúng đang trải bày, và con tận dụng theo cách tốt nhất. Phần nào đó sâu thẳm trong tiềm thức của con, con đã lấy quyết định: “Tôi không thể sống với chúng nhưng tôi sẽ phải sống với chúng, và để sống với chúng, tôi phải chấp nhận niềm tin này hay niềm tin kia.”

Có thể con đã chấp nhận chuyện này không thể tránh, không thể né khỏi, và nếu con làm một số việc thì con sẽ tránh được cái điều kiện mà con không thể chung sống. Con có thể tránh không đích thân trải nghiệm nó, con có thể cách ly khỏi nó. Con thấy nhiều người ở các nước tiền tiến đã tự cách ly khỏi rất nhiều điều kiện đang diễn ra trong thế giới thứ ba, chẳng hạn nhiều người ở nước tiền tiến không thể sống nổi nếu chính con mình bị chết đói hay thiếu ăn, nhưng họ lại có thể sống nổi nếu hàng triệu trẻ em trong thế giới thứ ba bị chết đói hay thiếu ăn. Một lần nữa, thày không đang chê trách mà thày chỉ đưa ra một ví dụ về cơ chế mà qua đó con có thể tự cách ly khỏi một điều kiện để vẫn sống được trên hành tinh này, vẫn sinh hoạt được trên hành tinh này.

1.5. Cơ chế sống còn

Điều chúng ta đi đến ở đây chỉ đơn giản là một cơ chế sống còn. Thậm chí nó có thể là một cơ chế sống còn vật lý, qua đó con cố gắng tự cách ly bằng cách tránh đầu thai nơi những khu vực trên địa cầu gặp nhiều chiến tranh, nhiều bệnh tật hay nạn đói hay bất cứ gì khác. Đối với đa số các con, nó chủ yếu là một cơ chế sống còn ở tầng cấp cảm xúc, lý trí hay bản sắc hầu con có thể tồn tại trên một hành tinh mang sẵn điều kiện mà con không thể chung sống. Bởi vì nếu phần nào con cách ly khỏi nó và cá nhân con không chạm mặt trực tiếp với nó, thì con có thể sống với sự có mặt của nó trên hành tinh – nhưng ở một nơi nào khác chứ không ở ngay nơi con sống.

Một lần nữa, con yêu dấu, thày không nói điều này để trách móc con. Các thày đều đã đầu thai trên địa cầu và đã từng làm y hệt như con để có thể sống ở đây. Điều thày muốn nói là đối với các con đã theo học giáo lý cho đến điểm này, các con đã sẵn sàng nhìn vào vấn đề này. Con đã sẵn sàng nhìn vào các cơ chế sống còn và con cũng sẵn sàng khởi sự vươn lên cao hơn để con có thể sống trọn trên địa cầu chứ không chỉ sống còn mà thôi. Con thực sự an bình với việc mình ở đây và do con đã an bình, con có thể vui hưởng cuộc sống trên địa cầu. Thậm chí con vui hưởng việc biểu hiện chính mình, biểu hiện cái ta thực của mình ngay đây trên địa cầu.

Lẽ tự nhiên con yêu dấu, khi con tới đây và nếu con là một avatar (hay ngay cả một cư dân nguyên thủy), các con đều có mong muốn biểu hiện bản thể thực của con, khả năng sáng tạo thực của con trên địa cầu và con biết đó là cách duy nhất địa cầu sẽ cải tiến. Cách duy nhất con có thể giúp địa cầu tiến bộ là khi con biểu lộ con người mà con thực là, biểu lộ sự sáng tạo của Hiện diện TA LÀ của con.

Nhưng khi con tạo ra cái cơ chế sống còn đó, kỳ thực con đã nói: “Chừng nào cái điều kiện mà tôi không thể chung sống còn hiện hữu trên trái đất, tôi sẽ không thể tự do biểu hiện chính mình, tôi không thể sáng tạo.” Nhiều các con thậm chí đã cảm thấy – nếu có thể gọi như vậy – một tình đoàn kết nào đó với những người đang đau khổ trên trái đất. Nhiều các con đã tạo ra một cơ chế vô cùng sâu đậm trong tiềm thức nơi con có lòng trắc ẩn đối với một nhóm người đặc thù đang đau khổ vì một điều kiện đặc thù. Nói chung, ở một thời điểm con đã quyết định: “Tôi không thể an bình, tôi không thể hạnh phúc, tôi không thể sáng tạo, tôi không thể tự biểu đạt chừng nào những người kia còn bị đau khổ bởi điều kiện đó.”

1.6. Đóng chặt sáng tạo không phải là giải pháp

Con yêu dấu, đó là một cách phản ứng rất dễ thông cảm. Như thày vừa nói, tất cả chúng ta đều đã bước vào đó. Các thày đã thăng thiên cũng đã đạt tới một điểm khi các thày nhận ra là mặc dù phản ứng đó dễ thông cảm, nó không xây dựng, vì tại sao con đã đến địa cầu như một avatar chứ? À, vì con muốn loại trừ chiến tranh chẳng hạn. Làm thế nào con có thể đóng góp loại trừ chiến tranh? Chỉ bằng cách biểu lộ sự sáng tạo của bản thể cao hơn của con. Nếu con đóng chặt sáng tạo lại (vì con cảm thấy gắn kết với người đau khổ) thì con cũng đóng chặt khả năng thực hiện những gì con đã đến đây để thực hiện. Con sẽ không giúp loại trừ chiến tranh bằng cách đau khổ y như những người đang đau khổ, và con sẽ không giúp loại trừ chiến tranh bằng cách cắt đứt sáng tạo của mình, bước vào một trạng thái sống vắng bóng mọi niềm vui vì con cho rằng con không thể vui được khi người khác còn đau khổ. Đây không phải là cách thức loại trừ một tình trạng mà con đã đến đây để góp phần loại trừ.

Con thấy đó, con yêu dấu, một lần nữa nếu con muốn tác động tích cực đến địa cầu, con sẽ không thể làm được điều này bằng cách suy nghĩ hay nhìn vấn đề y như mọi người khác vốn nhìn. Con không thể giúp khắc phục một vấn đề, một điều kiện, bằng cách thích nghi với điều kiện đó như mọi người vốn thích nghi. Các thày cần con bắt đầu suy ngẫm điều này và như thày đã nói, bắt đầu xét xem: “Đâu là những điều kiện trên địa cầu khiến tôi xốn xang nhiều nhất? Đâu là những điều kiện khiến tôi xốn xang nhiều nhất?” Thày Nada đã có giảng điều này trong sách của thày [Những Khai ngộ Thần bí về An bình] khi Nada yêu cầu con làm bài tập trong sách, nhưng các thày cũng đã yêu cầu con xem xét vấn đề này trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Bây giờ thày đây lại yêu con lần nữa. Thày yêu cầu các con trong tư cách nhóm hãy duyệt lại và thảo luận về vấn đề này. Đâu là những điều kiện trên trái đất khiến con không thể chung sống trong phần sâu thẳm của bản thể con? Rồi có lẽ các con thảo luận xem con đã làm thế nào để vẫn sống được trên trái đất trong khi điều kiện đó vẫn hiện hữu và con đã phải làm gì để đạt đến điểm đó. Xong con có thể bắt đầu xét xem làm thế nào con có thể tự giải thoát khỏi điều kiện đó.

Con thấy đó con yêu dấu, một lần nữa, điều vô cùng quan trọng là con cần nhìn nhận những gì các thày đã nói ở đây. Khi con đến địa cầu – dù con là avatar hay một cư dân nguyên thủy phải chạm mặt với sa nhân lần đầu – con ở một tầng tâm thức nào đó. Chuyện này xảy ra đã lâu lắm rồi, và do sự kiện con ở đây (mặc dù như thày vừa nói, có thể con đã thích nghi với một số điều kiện hay con đã rơi vào một vòng xoắn ốc hướng hạ) thì con vẫn đã thu hoạch một nhãn quan khác hơn, một độ trưởng thành cao hơn sau khi sinh sống trên một hành tinh như thế này. Có nghĩa là giờ đây con có thể nhìn vào quyết định ban đầu của mình khi con quyết định sẽ thích nghi thế nào với hoàn cảnh. Con có thể nhìn nó từ một góc độ rộng lớn hơn. Con có thể thấy nó giới hạn con ra sao và do đó con đạt tới điểm nhận diện nó là một cái ngã. Con đã tạo ra một cái ngã cho phép con sống trên địa cầu trong khi điều kiện đó vẫn có mặt, nhưng ngã này cũng có chức năng cắt đứt khả năng sáng tạo của con. Con có thể nhận diện ngã đó, xem xét nó từ ngoài, nhận ra nó không phải là con và do đó con có thể quyết định để cho nó chết đi.

1.7. Thoát khỏi vấn đề mà không giải quyết vấn đề

Con hãy ghi nhận tất cả mọi điều các thày vừa trình bày. Ngã này có thể nghĩ là con không thể an bình trên địa cầu chừng nào một điều kiện nào đó hiện hữu. Do đó nó có thể phóng chiếu vào con là con cần phải giải quyết điều kiện đó trước khi con có thể an bình, nhưng như các thày đã nói, thật sự không phải vậy. Chính con – cái Ta Biết – có khả năng nhìn ra đó chỉ là một cái ngã đang phóng chiếu quyết định phi lý này vào con, và con có khả năng quyết định: “Đây không phải là quyết định mà tôi muốn sẽ quy định tôi, quy định cuộc sống của tôi trên địa cầu này nữa.” Con có thể quyết định để cho ngã chết mà không cần phải giải quyết vấn đề, cái vấn đề mà ngã đã phóng chiếu cho con giải quyết.

Vì vậy con yêu dấu, công việc đầu tiên, nhiệm vụ đầu tiên mà thày giao cho con trong hội nghị này là mở ra cuộc thảo luận về các đề tài này. Trước hết con hãy nhận diện các điều kiện con không thể sống với. Con yêu dấu, con cần nhận thức là có một phần của cơ chế thích nghi qua đó nhiều người trong các con, những người tâm linh, đã cảm thấy mình cần phải tỏ ra tích cực, mình cần có một cái nhìn tích cực về cuộc sống trên trái đất. Cho nên đôi khi con có xu hướng phủ nhận các cảm xúc tiêu cực của mình. Con đi vào phủ nhận, con che giấu chúng, và con không nhìn nhận là mình đã có cảm xúc tiêu cực. Như ngay cả Phật Gautama cũng có nói, điều hoàn toàn chấp nhận được là con công nhận mình có một số cảm xúc rất mãnh liệt về một số điều kiện trên trái đất. Hoàn toàn chấp nhận được là con đưa chúng lên mức nhận biết ý thức để con có thể thỉnh gọi và làm tan biến năng lượng. Và nhờ vậy, con nhìn ra cái ngã đã tạo ra những cảm xúc này và để cho ngã đó rốt cuộc chết đi.

Con không thể làm được điều này nếu con luôn luôn muốn duy trì cái cảm nhận cực đoan của một số người theo phong trào Thời Mới: “Ô mọi chuyện đều tốt hết.” Như các thày đã nói, con là một người biết suy nghĩ thì con không thể nhìn vào các điều kiện trên trái đất rồi bảo là mọi chuyện đều tốt hết, vì rõ ràng là không. Là đệ tử của chân sư thăng thiên, con biết rõ điều này nhưng thỉnh thoảng con vẫn có những cảm xúc mà con không nhận diện – mà con không thật sự sẵn lòng nhận diện vì chúng làm con sợ hãi đôi chút. Con không biết làm gì với chúng nhưng thày nói với con điều này: Con hãy nhận diện các cảm xúc này, đây là một phần bài tập của con cho hội nghị này. Và một khi con đi vào sâu hơn, các thày sẽ giúp con đối phó với chúng, khắc phục chúng và giải thoát khỏi chúng để con có thể an bình với việc mình ở đây trên hành tinh này. Và nhờ con an bình cho nên con có thể thực sự góp phần vào việc loại trừ một điều kiện nhất định.

Và như vậy, thày cảm ơn con với bài truyền đọc khai giảng này, thày cảm ơn con đã hiện diện, đã tham dự hội nghị này, đã sẵn lòng làm thành viên của mạn đà la này. Con có khả năng thực hiện một điều gì đó cho tâm thức tập thể mà chưa một nhóm người nào đã từng làm theo cách này – một nhóm người sẵn lòng thực hiện việc này một cách ý thức trong bát cung vật lý. Và thày cảm ơn con đã làm vậy.

3 | Trải nghiệm chính mình trên địa cầu

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 30/11/2018, nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary và thày muốn tiếp nối bài truyền đọc trước của thày cùng cuộc thảo luận của các con. Thày biết ơn các con đã sẵn lòng chia sẻ cảm nghĩ của mình về việc hiện diện trên trái đất. Cho dù các cảm nghĩ này có tích cực hay không mấy tích cực, điều quan trọng là con chia sẻ và sẵn sàng thừa nhận cảm xúc của mình. Lẽ tự nhiên, không cảm xúc nào là sai trái. Cảm xúc mà con có là những cảm xúc con có. Chắc chắn đây là một hành tinh thật khó khăn, đặc biệt nếu con đến từ bối cảnh một hành tinh tự nhiên. Nếu con là một cư dân nguyên thủy của trái đất và đã sống ở đây lâu hơn nhiều, con sẽ không có cùng cảm xúc đó, mà lẽ tự nhiên con sẽ cảm thấy đây là một hành tinh tích cực hơn hẳn so với sự tương phản giữa một hành tinh tự nhiên và địa cầu. Điều quan trọng là con cần thừa nhận cảm xúc của mình, vì như các thày đã nói nhiều lần, con không thể thực sự khắc phục được cảm xúc, khắc phục được ngã cho đến khi con ý thức có ngã hiện hữu, ngã có mặt ở đó, và ngã có một số cảm xúc.

3.1. Ai đang có cảm xúc?

Một khi con đưa cảm xúc ra ánh sáng, con có thể bắt đầu xem xét: Cảm xúc đến từ đâu? Thậm chí con có thể đặt câu hỏi: “Ai đang cảm xúc như vậy, là chính tôi hay một cái ngã?” Lẽ tự nhiên, đó là một cái ngã đang cảm xúc như vậy vì cảm xúc có liên hệ đến trái đất. Có nghĩa đó là một cảm xúc phản ứng, và chỉ một cái ngã phản ứng mới có thể có cảm xúc như vậy. Nhưng con – trong tư cách mà các thày gọi là cái Ta Biết – thật ra con không cảm xúc. Cảm xúc có thể có mặt trong cảm thể của con và con có thể trải nghiệm thế giới qua sự pha màu, qua cái phin lọc của cảm xúc đó, nhưng con không thực sự cảm xúc. Thày cũng hiểu là con cảm thấy như thể mình đang có cảm xúc, và hậu quả là cảm xúc đang con. Lý do là vì con bị đồng hóa với một cái ngã và con chưa nhìn ra đó là một ngã tách biệt, đó không phải là con. Đấy là tại sao con có công thức – mà các thày đã trao cho con trước đây – về cách làm thế nào con nhận diện được các ngã này, làm thế nào con xoay chuyển ra khỏi chúng và cuối cùng để cho chúng chết đi.

Khi con làm vậy, và một khi con đã thỉnh cầu sự tiêu hủy hay biến hóa của năng lượng chất chứa trong ngã, thì con có thể giải thoát khỏi cảm xúc đó. Nhờ vậy con có thể tự do đón nhận cuộc sống của mình trên trái đất với một cảm nhận tích cực. Lý do các thày yêu cầu con biểu lộ bất kỳ cảm xúc nào con có là để con không phải sống thời gian còn lại của mình trên hành tinh này với gánh nặng của các cảm xúc tiêu cực rất mãnh liệt này. Thày có thể cam đoan với con là chính thày đây khi còn hiện thân đã có những cảm xúc rất tiêu cực về việc mình ở trên trái đất. Hoàn toàn không có chuyện thày muốn cho con hình ảnh là thày có gì khác con, rằng thày cao hơn con đến độ thày không có những cảm xúc đó. Thày đã từng có nhiều cảm xúc giống như các con vừa bày tỏ hôm nay.

3.2. Cảm nhận của con về người khác

Nếu con xem những gì được nói ở đây, con có thể thấy là nói chung, có một sự khác biệt giữa cảm nhận của con về trái đất và cảm nhận của con về con người. Sẽ hữu ích nếu con có thể – chỉ trong suy nghiệm riêng tư – nhìn xem con cảm thấy gì về người khác. Xong con có thể tìm cách phân biệt. Liệu cảm tưởng mà con có, chẳng hạn rằng “người ta thật ngu ngốc”, liên quan đến mọi người hay chỉ một số người? Và nếu vậy thì loại người nào? Nhiều khi con sẽ thấy là những cảm xúc mãnh liệt nhất về người khác đều liên quan đến sa nhân. Cảm xúc đó do sa nhân gây ra. Điều sa nhân đã làm gì con hay con đã chứng kiến sa nhân làm gì tới người khác khiến con có cảm xúc rất mãnh liệt về con người. Xong con có thể bắt đầu phân biệt xem, có lẽ, con không có cảm xúc này về mọi người. Có nghĩa là con có thể bắt đầu có một quan hệ khác hơn với hầu hết mọi người mà con gặp, vì chắc chắn hầu hết mọi người con gặp đều không là sa nhân, mặc dù nhiều người trong các con – không phải tất cảmột số các con – đã có quan hệ với sa nhân trong kiếp này hay nhiều kiếp trước.

Thày có nói trước đây là thày mong muốn con đừng nhìn thày như thể thày là sa nhân, đừng liên hệ với thày xuyên qua những hình ảnh và kỳ vọng do sa nhân tạo ra. Thày cũng mong muốn con quan hệ với người khác như thể họ không phải là sa nhân, để con phân biệt và nhận ra là các cảm xúc mãnh liệt nhất của con về người khác liên quan đến sa nhân. Do đó con không thể đánh giá hay liên hệ với người khác, với mọi người khác, dựa trên các cảm xúc này. Có nghĩa là con có thể bắt đầu làm dịu bớt cái nhìn của mình về người khác để con thấy không phải ai ai cũng như vậy. Con không dựa trên sa nhân để suy diễn về mọi người, và con không để cho sa nhân tô màu cái nhìn cùng quan hệ của con với mọi người.

Nhiều người trong các con cảm thấy là mình đã đến đây phần nào để giúp người khác bằng nhiều cách, có lẽ cũng để giáo huấn người khác. Tất cả các con đều cảm thấy là, đúng vậy, con đã bị sa nhân đối xử thật tàn tệ, nhưng nhiều các con cũng cảm thấy mình bị đa số con người trên địa cầu đối xử thờ ơ. Hoặc họ đã không đếm xỉa gì đến con, hoặc họ đã phần nào thiếu thân thiện, không muốn bị phiền hà. Đây là một cảm giác rất phổ biến trong số các avatar, nói chung trong số những người tâm linh, rằng người ta không muốn lắng nghe con. Họ không muốn nghe con trình bày về cáí hiểu tâm linh, cái biết tâm linh của con. Họ không muốn bị xáo trộn mà chỉ muốn sống theo cùng lối sống như cũ, họ không muốn thay đổi. Nhiều các con đã cảm thấy lẻ loi. Con đã cảm thấy bị ruồng bỏ. Chính do cơ chế này mà con đã cảm thấy mình không thuộc về nơi đây. Điều này không dính dáng trực tiếp đến sa nhân mặc dù sa nhân cũng đã cố trấn áp con vì con dạy cho con người những điều sa nhân không muốn họ biết. Dù sao thì phản ứng mạnh mẽ hơn mà con gặp phải là từ những người chỉ không muốn nghe con nói bất cứ gì con muốn nói, họ không muốn nghe thông điệp của con đem lại.

3.3. Quyền tự quyết và cảm nhận của con về con người

Đây là một đề tài sẽ cần con làm việc thêm từ phía con trước khi con có thể đạt tới điểm làm hòa với sự kiện – một sự kiện mà con có thể quan sát thấy – là hầu hết mọi người trên địa cầu không muốn nghe một lời dạy tâm linh. Như các thày có nói, thật ra họ không muốn thoát khỏi khổ đau của họ cho dù con có thể chỉ cho họ cách làm thế nào. Để làm việc này, rất có thể con sẽ phải xem xét những gì thày vừa nói về nhu cầu phát triển một lòng tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết. Điểm này có hai phần. Con tôn trọng quyền tự quyết của người khác và đồng thời con cũng tôn trọng quyền tự quyết của chính con. Quả thật có hai khía cạnh mà con cần suy ngẫm. Trước nhất, như một avatar từ hành tinh tự nhiên, con đến từ một môi trường nơi không ai cưỡng ép quyền tự quyết của ai. Đây là một trong những đặc tính chủ yếu của một hành tinh tự nhiên. Cư dân trên hành tinh tự nhiên không có nhu cầu cưỡng ép quyền tự quyết của ai khác.

Khi con đến đây, con mang sẵn lòng tôn trọng quyền tự quyết, nhưng rất có thể sau khi chạm mặt với sa nhân và chứng kiến cách họ khuynh loát mọi người trên trái đất như thế nào, thì con quên mất lòng tôn trọng này. Thậm chí con còn có thể khoác lấy thái độ là bởi vì con người đã bị sa nhân cưỡng bức và khuynh đảo, cho nên việc con tìm cách đánh thức họ dậy một cách hơi mạnh bạo cũng chấp nhận được. Con không khuynh đảo giống như sa nhân, nhưng con ép họ phải nghe những gì con nói.

Một số các con có thể nhìn lại một số lời dạy cũ mà các thày đã trao truyền về ý nghĩa việc là Ki-tô trên địa cầu, rằng con ở đây để lay chuyển hiện trạng chứ không ở đây để bỏ mặc mọi người trong cùng trạng thái như trước. Con thấy Giê-su thách đố mọi người, lật bàn của kẻ đổi tiền, thách thức các thày thông giáo và người Pha-ri-si, thách đố những ai thày gặp, ví dụ như qua câu “Ai trong số các người sạch tội thì cứ việc ném đá trước đi!” cùng nhiều tình huống khác. Con có thể nhìn vào đó và nói: “Nhưng nếu chúng ta ở đây để tạo sự thay đổi tích cực và nếu con người bị mắc bẫy sa nhân đến vậy, thì có thể chúng ta cần phải mạnh tay đâm thủng sự kháng cự đó để chạm họ với một thông điệp nào đó.” Không cứ các luận điểm này là vô giá trị nhưng câu hỏi là như sau: Con đang hành xử từ tâm thái nào đây? Điều các thày kêu gọi các con làm – các con là avatar – là bước lên mức cao nhất con có thể trên trái đất. Con có thể làm bất cứ gì con chọn làm trên trái đất, nhưng hành động của con không dựa trên các ngã phản ứng đó, nó không đến từ ngã gốc cùng tất cả mọi ngã khác con đã tạo ra.

Con thấy đó, con yêu dấu, người ta có thể nhìn Giê-su với tâm vỏ ngoài, chụp lấy các lời dạy về quả vị Ki-tô xong quyết định với tâm vỏ ngoài: “Đây là những gì tôi sẽ làm để đánh thức mọi người.” Suốt những thập niên các thày trao truyền giáo lý qua nhiều tổ chức khác nhau, các thày đã chứng kiến một số người phản ứng theo kiểu đó. Con thấy ở Kazakhstan, Chân sư MORE đã ban bài truyền đọc vô cùng sâu sắc về một đợt truyền pháp trước, khi người ta háo hức dùng “tia sáng xanh” để xông ra ngoài đánh thức người khác [Xem sách Hoàn thành Tiềm năng Tâm linh Cao nhất]. Điều con nhận thấy là mặc dù mục đích cũng chính đáng nhưng cách thực hiện thì lại dựa trên những cái ngã vỏ ngoài mà họ đang mang. Gần giống như thể một số người đã sống qua bao nhiêu kiếp bực dọc với việc mình có mặt trên trái đất, đến độ giờ đây họ cảm thấy các chân sư thăng thiên vừa cho họ toàn quyền xông ra ngoài để hung hăng chiếu “tia sáng xanh” vào người khác. Giờ đây họ làm vậy để đền bù cho tất cả những kiếp dài bực dọc kia, giờ đây họ có thể hoàn thành mục tiêu họ đã đặt ra.

Con thấy không, con yêu dấu, những người đó không an bình với việc họ ở trên địa cầu. Giê-su cũng không luôn luôn an bình khi thày thách thức người khác. Nhưng điều này không có nghĩa là con không thể vươn đến mức con có thể sống trên địa cầu và có lẽ thách thức người khác – nếu việc này nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con và cũng là điều con cảm nhận – nhưng con làm vậy từ một tâm thái an bình. Như vị sứ giả này có nói hồi nãy, con không đang cố thay đổi người khác để tránh một cảm xúc tiêu cực trong chính mình hay về chính mình, vì con đã giải quyết xong cảm xúc đó nơi chính con. Con đã loại bỏ các ngã tách biệt đó và nhờ vậy con an bình khi con tương tác với người khác.

3.4. Ép buộc người khác vì lợi ích của họ

Vậy thì làm thế nào con đạt tới điểm cảm thấy an bình khi tương tác với người khác cho dù họ có phản ứng thế nào đối với con? Con cần kinh qua tiến trình mà sứ giả này đã mô tả và nhận ra là trước khi ông đến đây, ông tưởng ông đến đây để thay đổi địa cầu, nhưng dần dà ông đã sẵn lòng nhận ra đó không phải là cách hiểu cao nhất về lý do ông đến địa cầu. Kỳ thực ông đến địa cầu để thay đổi chính mình, để ông có một số trải nghiệm và nhờ vậy phát triển lòng chấp nhận trọn vẹn đối với quyền tự quyết mà trước đó ông không có – một sự chấp nhận mà nhiều các con đây cũng đã không có trên một hành tinh tự nhiên.

Đây là một bí ẩn! Trên một hành tinh như trái đất nơi con chứng kiến sa nhân không ngừng khuynh loát và cưỡng bức quyền tự quyết của loài người, làm thế nào con chống chọi được đây? Làm thế nào đối phó? Con sẽ xô đẩy quyền tự quyết của người khác đến chừng nào vì con nghĩ đó là lợi ích của họ? Sứ giả này đã sẵn lòng nhận diện một sự thật đơn giản: Mặc dù có những sa nhân ác ý thao túng quyền tự quyết của nhân loại, nhưng cũng có nhiều sa nhân tin rằng chúng thao túng quyền tự quyết của người khác vì lợi ích của những người đó. Chúng tin là chúng đang tranh đấu cho một chính nghĩa cao cả, và cứu cánh này quan trọng đến độ nó có thể biện minh cho phương tiện, là cưỡng ép quyền tự quyết của những người không biết gì hơn.

Thậm chí con còn có thể nhận ra là sa nhân, khi chúng khuynh đảo con người trên trái đất, phần lớn cũng mang cùng một nỗi bực dọc giống như con, là người ta không chịu đáp ứng, người ta không ưa thay đổi, và người ta chỉ muốn sống theo cùng một lối sống hết kiếp này đến kiếp khác. Con có thể dần dần nhận ra là con không thể, trong tư cách một avatar, cho phép mình có thái độ bảo rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện, rằng việc thúc ép người khác vì lợi ích của họ là chuyện chấp nhận được. Điều này con chỉ có thể nhận ra khi con suy ngẫm sự thật này: Quyền tự quyết là tuyệt đối. Đấng Sáng tạo đã tạo ra một tạo vật rồi đã gửi những sinh thể tự nhận biết vào đó, trao cho họ quyền tự quyết tuyệt đối. Họ hoàn toàn tự do thăm dò bất cứ việc gì có thể làm được với quyền tự quyết.

Một khía cạnh của sự việc này là khi con hoàn toàn có quyền tự quyết, con không khởi sự với mức tâm thức cao nhất. Con khởi sự với một ý niệm bản ngã rất hạn hẹp, nhỏ như cái chấm, và con dùng quyền tự quyết của mình dựa trên bản ngã này. Thật ra, dù con ở tầng tâm thức nào đi nữa, và dù con có là một chân sư thăng thiên hay không, thì con vẫn luôn luôn sử dụng quyền tự quyết của mình dựa trên ý niệm bản ngã của con lúc đó. Con không thể làm gì khác hơn.

Câu hỏi đặt ra là: Ngã đó thấy nó tách biệt như thế nào so với các sinh thể khác? Tất cả các con đều đã lớn lên trong một môi trường nơi con không đơn độc – ở đó có nhiều sinh thể khác. Bí ẩn ở trung tâm quyền tự quyết là: “Làm thế nào tôi quân bình được quyền tự quyết của tôi với quyền tự quyết của những người quanh tôi?” Đây là bí ẩn cốt lõi, và kỳ thực con sẽ không giải quyết nó được cho đến khi con thăng thiên. Cho nên thày không chờ đợi là con sẽ nhất thiết – ở tầng tâm thức hiện thời của con cho dù đó là tầng nào – giải quyết được nó trọn vẹn. Thày chờ đợi là con sẽ suy ngẫm về bí ẩn này và bước về hướng thực sự chấp nhận quyền tự quyết cùng ý nghĩa của tự quyết.

3.5. Con sẽ phải dấn sâu vào tách biệt đến chừng nào?

Điều con nhận ra ở đây là khi Đấng Sáng tạo ban quyền tự quyết cho những người đồng sáng tạo, ngài ban cho họ quyền tự do thám hiểm bất cứ điều gì có thể làm được với ý chí tự do. Một trong những điều này là con có thể đóng vai một cái ngã tách biệt. Và câu hỏi thực sự là như sau: Con sẽ cần dấn thân vào tách biệt sâu đến bao nhiêu trước khi con ngộ ra đó không còn là điều con muốn làm nữa?

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói sa nhân cũng giống như những nhà thám hiểm. Chúng thám hiểm: “Tôi có thể dấn thân bao xa vào tách biệt trước khi tôi không chịu nổi nữa?” Con có thể nói là phải có người đi vào tách biệt để tâm thức tập thể có ý niệm về: Đâu là hậu quả của việc chọn lựa trong tách biệt? Con có thể đi vào một cuộc thảo luận triết lý hơn và nói: “Liệu những người đó có sử dụng ý chí tự do hay không? Liệu sa nhân có một ý chí tự do hay không khi tầm nhìn của chúng dựa trên một ý niệm bản ngã vô cùng tách biệt?”

Đó không phải là điều thày muốn đào sâu ở đây. Điều thày muốn nói là con có quyền tự quyết theo nghĩa là bất kể bản ngã của con là gì, bất kể con đã phát triển bản ngã nào, con vẫn được phép chọn những chọn lựa mà con có thể thấy từ ngã đó. Những chọn lựa này đều mang hậu quả và con sẽ trải nghiệm hậu quả đó. Có thể nói đây chính là cơ chế an toàn. Con càng đi sâu vào tách biệt, càng khiến cho môi trường của mình dày đặc hơn, thì con sẽ càng phải đấu tranh nhiều hơn để dùng quyền tự quyết xuyên qua ngã đó. Cho nên đó chính là điều sẽ rốt cuộc đưa con tới điểm con phải thốt lên: “Nhất định phải có một cách thực thi ý chí của tôi cao hơn cách này. Nhất định phải có một ý chí tự do hơn cái tôi đang có ngay bây giờ.”

Là một avatar, điều con có thể làm là nói: “Để quyền tự quyết trải bày ra trong bầu cõi chưa thăng thiên nơi tôi đang sống, phải có một số sinh thể dấn thân vào tách biệt sâu như sa nhân đã dấn thân. Phải có những hành tinh nơi các sinh thể này có thể tự bày tỏ, và địa cầu là một trong những hành tinh đó.” Nếu thế thì câu hỏi còn lại sẽ là: Tại sao trong tư cách là avatar con đã chọn đến hành tinh này? Con đã chọn đến đây là vì con cũng muốn có được trải nghiệm sinh sống trên một hành tinh nơi một số người đã đưa ý chí “tự do” của họ đến những mức vị kỷ và tách biệt cùng cực. Con muốn có trải nghiệm đó. Điều này, rất có thể con đã quên mất, và con cũng quên mất lý do tại sao. Sứ giả này cho đến nay đã ngộ ra là ông đã muốn trải nghiệm đó vì ông muốn đạt được một sự chấp nhận trọn vẹn về quyền tự quyết mà ông không có được trên một hành tinh tự nhiên. Nhưng đây vẫn chưa là cái hiểu tối hậu.

3.6. Tự trải nghiệm trên một hành tinh dày đặc

Thật ra con đã không đến đây vì con muốn thay đổi người khác hay thay đổi hành tinh. Con đã không đến đây vì con muốn giải cứu hay cứu độ bất cứ ai, hay vì con muốn phán xử sa nhân hay thay đổi sa nhân. Con đã không đến đây chỉ vì con muốn có một tầm hiểu sâu sắc hơn về quyền tự quyết. Con đã đến đây là vì con muốn trải nghiệm bản ngã của con trong loại môi trường này. Con muốn trải nghiệm chính mình là con người như thế nào trong một môi trường dày đặc như trái đất.

Con có thể nói: “Làm sao tôi có thể ngu ngốc đến độ muốn điều đó?” Nhưng đây không phải là vấn đề ngu ngốc. Con thấy đó, con yêu dấu, trên các hành tinh tự nhiên có nhiều sinh thể khác nhau. Có nhiều loại hành tinh tự nhiên khác nhau. Hành tinh được mô tả trong sách Những Kiếp của Tôi chỉ là một ví dụ hành tinh tự nhiên. Có những hành tinh tự nhiên nơi con gặp một số sinh thể vô cùng nhiệt tình muốn tiến triển. Ngay cả trên hành tinh tự nhiên cũng có một số sinh thể nhiệt tâm muốn tiến triển hơn người khác. Có thể đến một điểm con cảm thấy con đã thám hiểm một hành tinh tự nhiên đầy đủ hết mức rồi, con đã trải nghiệm mọi chuyện có thể được trải nghiệm trên một hành tinh tự nhiên.

Đúng vậy, con đã có thể đi tới một hành tinh tự nhiên khác biệt với hành tinh con từng sinh sống và con đã có thể có được một trải nghiệm khác hơn. Một số các con biết được là có những hành tinh phi tự nhiên, và đơn giản con đã quyết định: “Tôi đã nếm trải đủ mọi chuyện tôi có thể tưởng tượng nổi về cuộc sống trong một môi trường như hành tinh tự nhiên, nhưng bây giờ tôi muốn nếm trải xem cuộc sống sẽ ra sao trên một hành tinh phi tự nhiên.” Đây là một mong muốn rất chính đáng, rất có giá trị, vì thật ra nó giúp nâng cao tâm thức tập thể trong toàn bầu cõi. Cho nên mới có những sinh thể – là những sinh thể đã đi xa nhất có thể ở hành tinh tự nhiên – bảo rằng: “Để đạt một trình độ tự điều ngự cao hơn, tôi muốn trải nghiệm một môi trường hoàn toàn khác lạ vì tôi muốn trải nghiệm chính mình là như thế nào, mình phản ứng như thế nào, mình tự nhìn mình như thế nào trong loại môi trường đó.”

Các thày đã cho con lời dạy trước đây là để bước vào hiện thân trên một hành tinh như địa cầu, con phải bước xuống tầng tâm thức thứ 48. Con phải đi xuyên qua mọi tầng ở trên tầng 48, khoác vào từng ảo tưởng một cho tới khi con khoác vào tất cả mọi ảo tưởng ở tầng 48. Sau đó con đi vào hiện thân lần đầu tiên như một avatar ở tầng này, và con nhìn hành tinh xuyên qua tầng tâm thức này, con phản ứng lại hành tinh xuyên qua tầng tâm thức này.

Con yêu dấu, không có gì trục trặc sai trái ở đây. Con có hiểu chăng? Không có gì trục trặc trong quá trình này. Con chỉ đơn giản làm những gì phải làm để con có thể đầu thai trên một hành tinh phi tự nhiên. Chuyện này không ngu ngốc. Chuyện này không sai trái. Đây là một chọn lựa con đã lấy. Những gì con muốn trải nghiệm đúng như những gì con đã trải nghiệm trên địa cầu, cụ thể là con đã đến đây với một trình độ tâm thức nào đó tương ứng với hành tinh. Có thể nói, tầng tâm thức thứ 48 đại khái là tầng cơ bản, tầng tự động ở địa cầu. Đây là tầng con bước xuống để trải nghiệm cảm giác mình là mình trên hành tinh địa cầu. Điều con thực sự muốn là trải nghiệm: “Tôi cảm thấy thế nào khi tôi là tôi trên địa cầu?” Và điều này, con đã trải nghiệm đó. Con yêu dấu, con có thể nói: “Nhưng có thật là tôi đã trải nghiệm điều này? Nếu tôi trải nghiệm nó qua tầng tâm thức thứ 48, nếu tôi đã hứng chịu chấn thương nhập đời (mà con bảo là không thể tránh được, nhưng dù sao nó cũng rất đau đớn) và nếu tôi đã tạo ra ngã gốc cùng tất cả những ngã kia và tôi đã trải nghiệm địa cầu xuyên qua đó, thì liệu tôi có thực sự trải nghiệm chính mình là như thế nào không?”

Con yêu dấu, thày hiểu là con không thể hiểu ngay tức thì khi thày nói với con điều đó, nhưng chắc chắn con có thể suy ngẫm. Con có thể dần dần đạt tới điểm nhận ra là mặc dù rất nhiều trải nghiệm con đã có trên trái đất đã bị pha màu bởi một trạng thái tâm thức nào đó, một ngã vỏ ngoài nào đó, nhưng đằng sau tất cả, con vẫn trải nghiệm được cảm giác mình là như thế nào trong một môi trường như vậy. Cái này vượt khỏi các ngã vỏ ngoài cùng phản ứng của ngã vỏ ngoài. Nó sẽ đòi hỏi con làm việc một chút để kết nối với nó.

3.7. Kết nối với bản chất tâm linh của con

Các thày đã từng giảng cho con về việc kết nối với nhân tính cơ bản của con, nhưng có thể nói là vượt lên trên, đây còn là vấn đề kết nối với bản chất tâm linh của con, với cá thể cơ bản của con. Các thày đã gọi đó là Hiện diện TA LÀ của con, và các thày có nói là cá thể chân thực của con được chứa đựng trong Hiện diện TA LÀ. Tuy nhiên con yêu dấu, đó là gì chứ? Đâu là nơi con đã trải nghiệm chính con trong một môi trường như địa cầu? Không phải trong ngã vỏ ngoài. Không phải trong ngã gốc. Thậm chí không phải luôn trong cái Ta Biết. Cái đã trải nghiệm chính con trong một môi trường như địa cầu là Hiện diện TA LÀ của con. Ở tầng mức đó, con đã có trải nghiệm mình là như thế nào trên địa cầu. Con đã có trải nghiệm này ngay từ khi con đến đây lần đầu tiên.

Hiển nhiên, thày cũng biết con không kết nối được với nó một cách ý thức. Con đã có một trải nghiệm khác ở tầng mức cái Ta Biết khi con đồng hóa với các ngã vỏ ngoài, với bốn thể phàm, và con đã trải nghiệm xuyên qua phin lọc đó. Điều các thày muốn nói với con ở đây là với giáo lý các thày đã trao truyền về việc khắc phục ngã gốc cùng các ngã kia, con thực sự có khả năng đạt tới điểm trải nghiệm – con, cái Ta Biết, có thể trải nghiệm khi con đang đầu thai – những gì Hiện diện TA LÀ của con đang trải nghiệm. Con có khả năng trải nghiệm là chính mình, là Hiện diện TA LÀ hiện thân trên địa cầu, trong khi con đầu thai trên địa cầu. Trải nghiệm này là cách tối hậu để con làm hoà với việc mình ở đây trên trái đất.

Nhưng này con, thày muốn trình bày với con là hầu hết các con – thật ra thày có thể nói tất cả các con – đều đã từng có những thoáng trải nghiệm thế nào là chính mình trên địa cầu. Đôi khi con đã có một cảm nhận vô cùng vi tế nhìn cuộc sống một cách khác hơn. Có lẽ đó là một cảm nhận yêu thương, một cảm giác nối kết, một cảm giác nhìn địa cầu mà không đeo vào cái phin lọc bình thường của sự phán xét; con chỉ ngắm nhìn cái đẹp, có thể là cái đẹp của thiên nhiên, có thể là cái đẹp của con người, hay có lẽ vẻ đẹp của đứa bé ngủ say. Cho dù đó là gì đi nữa, đây là những khoảnh khắc con bắt được một vẻ đẹp nào đó.

Đằng sau cái đó còn có thể có cảm nhận là con hoàn toàn trung hòa đối với mọi sự xảy ra trên địa cầu. Con không phân tích hay phán xét mà con chỉ trải nghiệm. Con đang trải nghiệm nó không qua tất cả những cái ngã tách biệt kia, mà kỳ thực con trải nghiệm như sinh thể mà con thực là. Không có phán xét, không có phân tích, không có mục đích. Không có gì mà con phải làm. Con chỉ trải nghiệm địa cầu. Đây là một trải nghiệm mà dần dần con có thể có được ngày càng thường xuyên hơn. Chúng ta có thể gọi đó là con ở trong tâm thái trung hòa, nhưng chúng ta cũng có thể mô tả nó nhiều cách khác. Con có thể nói là con ở trong một trạng thái hợp nhất, một trạng thái nối kết, con không cảm thấy mình lẻ loi ở đây trên trái đất. Con không cảm thấy mình không thuộc về nơi đây vì con đang nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, và vì vậy con cũng thuộc về mọi nơi khi con nối kết như vậy.

Điều hoàn toàn thông cảm được là sự kiện hầu hết các con đã không cảm thấy mình ở nhà mình trên hành tinh này. Chính thày đây cũng đã không cảm thấy mình ở nhà khi thày còn hiện thân. Ngay cả trong kiếp đầu thai chót, thày cũng không cảm thấy ở nhà. Khi thày đứng đó trước cây thập giá và chứng kiến con trai mình lìa đời, thày đã không cảm thấy ở nhà chút nào trên hành tinh này. Thày chỉ muốn đi khỏi nơi đây. Dẫu vậy, thày cũng có những lúc cảm nhận được sự nối kết đó, sự hợp nhất đó, và thày an bình khi ở đây. Đối với con khi con tiếp tục làm việc trên ngã tách biệt và loại bỏ ngã gốc, con có thể đạt tới điểm con nói: “Tại sao tôi lại chọn đến trái đất nhỉ? Bởi vì tôi, sinh thể rộng lớn hơn mà tôi LÀ, đã muốn trải nghiệm chính tôi trong loại môi trường này.”

Khi con không bị tất cả ngã tách biệt kia lôi kéo vào các khuôn nếp phản ứng, con có thể có được trải nghiệm này. Bất kể hành tinh này như thế nào, bất kể nó gian nan thế nào, con người khó khăn thế nào, con vẫn cảm thấy con đang là chính mình trên hành tinh này. Thày hiểu hoàn toàn là đối với đa số các con, cảm giác này sẽ bắt đầu khi con một mình, khi con ở trong một tâm thái thiền định, tĩnh lặng và không có gì bên ngoài quấy rầy con. Sau đó con có thể có những hé thoáng nhận biết cao hơn. Thày cũng gợi ý là mặc dù thày đã không thực hiện được trong kiếp đầu thai chót, và Giê-su cũng không thực hiện được trong kiếp đầu thai chót, nhưng thày vẫn muốn gợi ý cho con là hầu hết các con đều có khả năng trong kiếp này đạt tới điểm cảm thấy như vậy trong mọi lúc. Nó chỉ trở thành một hậu cảnh cho trải nghiệm của con trên trái đất.

Có thể con sẽ vẫn gặp một số tình huống rất căng thẳng khi con không nhận biết ý thức là cảm giác đó có mặt. Con tập trung vào tình huống mà con phải đương đầu. Một khi tình huống được giải tỏa, con có thể học cách quay trở lại trạng thái nhận biết nối kết rộng lớn hơn, hầu con không bao giờ cảm thấy đơn độc ở đây. Con không bao giờ cảm thấy là mình không thuộc về nơi đây vì con nhận ra địa cầu không phải là nhà mình. Không có gì trong bát cung vật chất là nhà mình. Hiện diện TA LÀ của con mới là nhà của con. Khi con kết nối với Hiện diện TA LÀ đó, thì bất cứ nơi đâu con cũng ở nhà, vì môi trường vỏ ngoài không thật quan trọng nữa.

3.8. Những gì phải hay không được xảy ra trên địa cầu

Con sẽ cần gì để tiến lên trạng thái đó? Thày biết thày đang đặt ra một mục tiêu hơi cao. Thày không chờ đợi con sẽ làm được trong vòng năm phút. Con cần gì để khởi sự? Con cần phải suy ngẫm trước hết về quyền tự quyết. Khi con hiểu những gì thày vừa nói, rằng trái đất chỉ đơn giản là một hành tinh cho các sinh thể đã chọn thám hiểm xem họ có thể dấn thân vào tách biệt sâu đến chừng nào trước khi họ không chịu nổi nữa, thì con có thể thấy thật là vô nghĩa mà đặt ra cái gì phải xảy ra hay cái gì không được xảy ra trên một hành tinh như trái đất.

Có thể con mang một ký ức nào đó về hành tinh tự nhiên. Con có thể nhìn trái đất và thấy con người đau khổ đến chừng nào do chiến tranh, xung đột hay điều này điều nọ. Con có thể bảo là con người không được đau khổ, cho nên các biểu hiện kia không được có mặt. Đây là một mối quan tâm chính đáng trên một hành tinh tự nhiên, nhưng nó không có giá trị trên một hành tinh phi tự nhiên. Nó không xây dựng. Nó chỉ đặt con vào một tâm trạng phản xây dựng sẽ ngăn cản con an bình với sự có mặt của con trên trái đất. Khi con xét đoán là một điều gì không được xảy ra trên trái đất thì ngay giây phút đó, con đã tự đặt mình vào một chiếc hộp nơi con không thể an bình.

Con cần tìm được cách chuyển tâm để nhận ra là bất cứ điều gì xảy ra trên địa cầu đều là do có ai đó chọn biểu hiện điều đó vì họ cần đến trải nghiệm đó. Nếu con hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết – và con sẽ cần lòng tôn trọng này để có thể an bình trên một hành tinh như thế này – thì con có thể nói: “Tôi cần cho phép những người đó đau khổ như họ đã chọn đau khổ. Tất nhiên tôi cũng cần tôn trọng quyền tự quyết của tôi để tôi không phải đau khổ giống như họ. Tôi không phải đồng cảm với họ. Thậm chí tôi không phải thương hại họ. Tôi không phải chú ý đến đau khổ của họ nếu cái đó lấy mất sự an bình của tôi.”

Điều thày muốn nói ở đây là con cần phải kinh qua một giai đoạn, như các thày đã có trình bày, là con lựa bỏ ra khỏi đời con một số chuyện không mang tính xây dựng cho sự tăng triển của con. Con nói: “Ngay bây giờ, thật không xây dựng cho tôi nếu tôi cảm thấy thương hại hay trắc ẩn đối với những người đang đau khổ. Vì vậy, tôi có thể chấp nhận là tôi không dành sự chú ý của mình cho nỗi đau khổ của họ.”

Có thể điều này không phải là mãi mãi, nhưng con cần phải đi muốt cơ chế này mà thày đang mô tả, khi con cảm thấy có điều gì không được xảy ra và nó tước đi an bình của con. Để con tìm thấy an bình, thật cần thiết và cũng chấp nhận được là con kinh qua một giai đoạn khi, trên cơ bản, con bỏ qua sự đau khổ của người khác và tập trung vào việc khắc phục tất cả những ngã tách biệt kia, những ngã phản ứng kia. Có thể sẽ tới một ngày khi con đạt được một mức độ bình an nội tâm thì bấy giờ, con có thể quay ra ngoài và tìm cách giúp đỡ người khác, thách đố người khác hay bất cứ gì con cảm thấy cần làm, nhưng con làm vậy từ một trạng thái an bình nội tâm thay vì từ một trạng thái bất an, một trạng thái bực dọc, một trạng thái nơi con không ngừng xét đoán là có điều gì không được có mặt ở đây.

3.9. Con không ngu ngốc

Con thấy không, con yêu dấu, những gì sứ giả này vừa nói quả là đúng. Khi con cảm thấy mình ngu ngốc đã đến đây, thì tự động con cũng bắt đầu xét đoán là người khác ngu ngốc khi họ không đáp ứng với con và không để cho con giúp họ. Điều này cũng có nghĩa là con đang tự giam mình trong một chiếc hộp nơi con tự phán xét là mình có thể ngu ngốc hay sai lầm khi đến địa cầu.

Con yêu dấu, điều trước tiên, chính sa nhân đã đặt ra chuẩn mực này trên địa cầu và con đã dần dà chấp nhận chuẩn mực của sa nhân. Giờ đây con đang tự phán xét mình y như sa nhân phán xét con, chứ không như các chân sư thăng thiên nhìn con. Hơn thế nữa, con yêu dấu, con cũng không đang tôn trọng quyền tự quyết của con. Như thày đã nói: Tại sao con chọn đến địa cầu chứ? Là vì con muốn tự trải nghiệm chính mình trong môi trường này. Con yêu dấu, làm thế nào chọn lựa này sai lầm được chứ? Làm sao có chuyện sai lầm khi con mong muốn trải nghiệm chính mình trong một môi trường đặc thù? Đây chính là mục đích và ý nghĩa của một người đồng sáng tạo. Chắc chắn là khi con vươn lên những tầng nhận biết cao hơn thì mục đích của con là tự trải nghiệm trong một môi trường đặc thù, và bằng cách nhìn xem mình đáp ứng thế nào với môi trường này thì con tăng trưởng. Không bao giờ có thể có gì sai quấy trong chọn lựa này. Đơn giản, đó là một chọn lựa rất chính đáng và sáng giá. Con đã chọn đóng góp để nâng cao bầu cõi của con bằng cách đến một hành tinh như địa cầu và trải nghiệm chính mình ở nơi đây.

Con có thể nói: “Thế còn chuyện con muốn giúp nâng cao địa cầu thì sao? Chẳng phải tất cả chúng con đều là người đồng sáng tạo và mục đích chúng con là nâng cao toàn bầu cõi, và hiển nhiên một hành tinh phi tự nhiên chẳng cần được nâng lên hay sao?” Điều này đúng, nhưng câu hỏi là: Làm thế nào con giúp nâng cao địa cầu, một hành tinh như địa cầu? Không phải bằng cách làm cái gì đó! Nếu con đã quên, con hãy đọc lại quyển sách của thày Nada một lần nữa, ở đó thày giảng về việc ở đây mà không làm gì và làm thế nào con người đã tạo ra tất cả mọi vấn đề khi cố làm một cách cưỡng ép. Làm thế nào con thực sự nâng cao được địa cầu? Bằng cách ở đây, bằng cách ở ngay đây.

Không cứ là những gì con có thể làm hay có thể nói bên ngoài sẽ thay đổi được địa cầu, mà là chính sự kiện con đã đến đầu thai, và vì vậy ở một mức độ nào đó, con là một điểm trụ neo, một cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ. Nếu con thực sự muốn đóng góp thay đổi địa cầu, con hãy trở thành một cánh cửa càng ngày càng mở rộng hơn cho Hiện diện TA LÀ. Con chỉ để cho ánh sáng chiếu tỏa. Con không xét đoán trong tâm vỏ ngoài là con phải làm hay không được làm gì, rằng ánh sáng phải chiếu toả như thế nào, rằng thay đổi nào là cần thiết và người khác phải phản ứng ra sao. Con yêu dấu, con chỉ để cho ánh sáng chiếu tỏa. Đây là cách thực sự thay đổi địa cầu. Không bao giờ có chuyện con phải xuống đây ở tầng tâm thức 48 và ngay lập tức là một cánh cửa hoàn toàn rộng mở cho Hiện diện TA LÀ của con, mà đây là một tiến trình vì con khoác vào tâm thức tầng 48 rồi chứng tỏ làm cách nào con có thể vươn lên từ đó.

Con yêu dấu, hãy nhìn lại các kiếp sống của con, rồi nhìn xem con đang đứng ở điểm nào. Tại sao con đang ngồi đây nghe bài truyền đọc này? Vì con đã chứng tỏ được tiến trình nâng cao tâm thức của con, con đã chứng tỏ được điều đó qua cuộc đời của con cho tới điểm này. Thày không bảo là con sai lầm, hay thiếu sót, hay con làm chưa đủ. Thày chỉ nói là con có khả năng đưa tiến trình này xa hơn nữa, cho đến một điểm con chứng tỏ làm cách nào người ta có thể khởi sự ở một tầng tâm thức nào đó, đạt được an bình nội tâm và hoàn toàn an bình với việc mình ở đây trên một hành tinh như thế này. Đó chính là tiềm năng cao nhất của con, là những gì hầu hết các con đều đã ấn định trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình là tiềm năng cao nhất. Con đã muốn đến đây để chứng tỏ sự an bình.

Cho nên không có chuyện gì đáng trách, không có chuyện con đã làm gì sai trái. Con đã làm đúng y như những gì con cần làm. Con chỉ cần bước thêm một số bước để đạt đến an bình nội tâm khi con thật sự vui hưởng trải nghiệm bản thân mình trên hành tinh này mà con gọi là trái đất. Cho dù có khó khăn đến đâu, con vẫn có thể tránh bị lôi kéo vào tất cả những khó khăn đó, con vẫn có thể trải nghiệm Bản ngã của mình, trải nghiệm Hiện diện TA LÀ của con đang nhìn và đang trải nghiệm trái đất như thế nào. Đó, con yêu dấu, là an bình.

Bất kể hành tinh này có như thế nào, con hãy yên tâm là ngay từ giây phút con hiện thân ở đây lần đầu – cho dù cái Ta Biết hay ngã vỏ ngoài đã nếm trải những gì – thì Hiện diện TA LÀ của con vẫn hoàn toàn an bình với mọi chuyện xảy ra trên trái đất. Hiện diện TA LÀ của con biết rõ là cái ta thực của con không thể bị bất cứ gì xảy ra trên trái đất tác động. Con đã biết điều này trước khi con đến đây, và con yêu dấu, đó là tại sao việc con đến đây không phải là một lựa chọn ngu ngốc. Con chỉ quên mất nhận biết này mà thôi.

Các thày đã cho con các dụng cụ để con hồi lại nhận biết đó, và nhờ vậy con cũng hồi lại niềm an bình mà con đã có trước khi đến đây.

Tại sao tiết lộ tuần tự?

Bài truyền đọc của Phật Gautama qua Kim Michaels ngày 24/6/2018 nhân buổi hội thảo tại Kazahstan. Đây chỉ là một trích đoạn. Phần còn lại của bài truyền đọc này, cùng với một bài thỉnh dựa trên bài truyền đọc, có thể được tìm thấy trong cuốn sách “Fulfilling you highest spiritual potential”.

Phật TA LÀ. Gautama là danh tính mà ta đã dùng khi làm việc với cuộc tiến hóa của địa cầu. Một số các chân sư khác vừa cho các con một tầm nhìn về những đợt truyền pháp trước của chân sư cũng như về kết quả đạt được. Ta muốn khai triển tầm nhìn này, quay trở lại thời điểm khi ta hiện thân trong xác thân vật lý và giảng dạy trong cõi vật lý cách đây 2500 năm.

Thần tượng hóa đức Phật

Truyện kể rằng sau khi ta đi theo con đường tu khổ hạnh và ngộ ra những giới hạn của đường tu này, ta đã chứng ngộ Bát chánh đạo, hay con đường của Phật, và nhập niết bàn. Ta giác ngộ. Rất, rất nhiều Phật tử cho đến tận ngày nay sau bao nhiêu thế kỷ vẫn nhìn sự kiện trên với một hình thức thần tượng hóa. Họ cho rằng hoặc ta là đấng duy nhất có khả năng giác ngộ, hoặc ta là bậc chứng đạt tối thượng, hoặc nữa, ta đã đạt đến trạng thái giác ngộ tối hậu tuyệt đối.      

Nói cách khác, họ nghĩ là sự giác ngộ ta đạt được 2500 năm trước là trạng thái tuyệt đối, cao nhất sẽ không bao giờ vượt qua được. Tuy nhiên, khi con xem xét thực tế mà các chân sư đã giảng dạy về 144 tầng tâm thức, thì con có thể tự đặt câu hỏi này: Khi ta giác ngộ cách đây 2500 năm và đạt đến tầng tâm thức thứ 144, liệu tầng 144 thời đó có cùng là tầng 144 thời nay hay không? Nếu con trả lời, “Phải, đó là cùng một trình độ tâm thức” thì kết quả sẽ là gì? Kết quả là hành tinh này đã không hề tiến bước trong suốt 2500 năm qua. Nghĩa là giáo lý mà ta giảng dạy cách đây 2500 năm đã không đưa tâm thức nhân loại lên cao một mảy may nào và do đó đã thất bại trong mục đích. Nhưng kỳ thực, tầng 144 ngày hôm nay cao hơn tầng 144 thời 2500 năm trước rất nhiều, cũng như nó cao hơn cách đây 2000 năm khi Giê-su chứng đạt, thậm chí cao hơn cả cách đây 100 năm khi các chân sư MORE (El Morya) và Kuthumi giác ngộ ở mức này, và ta có thể đưa ra nhiều ví dụ khác.

Tâm thức được nâng lên như thế nào?

Vậy thì điều gì nâng cao tâm thức? Trước hết như khía cạnh Omega, tâm thức tập thể được nâng lên. Điều này xảy ra khi trên địa cầu có đủ một túc số những cá nhân đã nâng được tâm thức mình, họ kéo theo số 80% hay 90% còn lại và do đó mức dưới cùng cũng được nâng theo. Có thể có những thời điểm khi một sự chuyển vọt xảy ra trong tỉnh giác tập thể và con người quyết định không thể chấp nhận một số biểu hiện nào đó được nữa. Kết quả là tầng tâm thức dưới cùng của nhân loại được nâng lên và những sinh thể ở tầng tâm thức đó sẽ không được phép đầu thai nữa.  

Nhưng tầng tâm thức cao nhất thì sao, cái gì nâng nó lên? Để điều này xảy ra, phải có một người lên đến tầng 144 của thời đó, rồi phát huy cao hơn nữa trong thời gian họ còn tại thế và chưa thăng thiên. Trong một nghĩa nào đó, đây là điều mà ta đã làm cách đây 2500 năm, tuy rằng ta đã nhập niết bàn ở mức thứ 144 của thời đó. Khi ta trở lại xã hội trong sứ vụ giáo huấn, ta đã không trở lại với một tâm thức đã đạt đến tuyệt đối. Ta vẫn còn tinh tấn, vẫn phát huy và tự thăng vượt trong suốt những năm tháng giảng dạy. Và ta đã nâng tầng 144 lên một mức cao hơn. Giê-su, tất nhiên, cũng đã làm một điều tương tự, và mọi chân sư khác cũng vậy, và đó là cách thức tâm thức cao nhất được nâng lên. Một số trong các con cũng có tiềm năng đóng góp vào tiến trình này, nghĩa là con đạt tầng 144 trước khi con sẵn sàng rời xác thân và sử dụng thời gian đầu thai của mình để giúp nâng tầng này lên cao hơn.    

Vậy như con thấy, toàn bộ quan niệm cho rằng một giáo lý có thể là tuyệt đối, hay một trạng thái tâm thức có thể là tuyệt đối, hoàn toàn là ảo tưởng. Ảo tưởng đó tất nhiên là Maya, là một hình chiếu của các sinh thể sa ngã. Vì chúng không thể thăng vượt nên chúng cũng không muốn ai khác thăng vượt. Chúng nghĩ ra đủ mọi cách gian xảo để khiến cho mọi người tin là mình không thể thăng vượt được. Chúng muốn con nghĩ rằng ta đã đạt được một trạng thái tâm thức tối hậu tuyệt đối, rằng ta là một ngoại lệ và không ai khác có thể chứng đạt cao hơn. Chúng cũng muốn con tin rằng Giê-su đã đạt tới một trình độ mà không ai có thể sánh kịp.

Trong suốt 2500 năm qua, thật sự chỉ có tương đối ít người sử dụng được giáo lý đạo Phật để đạt tới tầng tâm thức thứ 144 rồi lên cao hơn nữa. Một số các vị đó được biết đến trong truyền thống Phật giáo, nhưng cũng có những vị khác không được biết đến do họ không có sứ vụ ngoài quần chúng. Chắc chắn khi ta nhìn lại, Phật giáo đã có đóng góp vào bước tiến của tâm thức tập thể và nâng cao các tầng tâm thức.

Mỗi giáo lý thích hợp cho một tầng tâm thức

Một khi con hiểu được tâm thức ngày nay cao hơn 2500 năm trước (tức là nguyên cái thang tâm thức đã dời chuyển lên cao hơn), thì con cũng thấy được giáo lý thời đó đã được giảng dạy cho những người ở một tâm thức thấp hơn trình độ trung bình của thời nay. Điều này phần nào cho thấy sự cần thiết của một tiến trình tiết lộ tuần tự, nghĩa là ở bất kỳ thời điểm nào, giáo lý chỉ có thể giảng dạy cho trình độ tâm thức hiện diện nơi những con người thời đó. Nhưng giáo lý không nhất thiết chỉ nhắm vào những mức trung bình hay mức thấp nhất của nhân loại, bởi vì cũng có một số giáo lý được truyền dạy cho những hành giả trong số 10% trên cùng.

Dù sao thì con luôn luôn cần nhìn nhận là khi một giáo lý đặc thù được đem ra truyền dạy, giáo lý đó phần lớn phải phù hợp với trình độ tâm thức trên hành tinh vào thời điểm đó. Nếu lời dạy này đem lại kết quả thì tâm thức sẽ chuyển vọt. Và khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra? Điều lý tưởng có thể xảy ra là có một số người nhận được lời dạy và đem ra thực hành để đạt tầng thứ 144. Lúc đó họ sẽ trở thành những công cụ của tiến hóa để đem lại một giáo lý mới, đem lại một khía cạnh mới của giáo lý cũ, hay một cách diễn giải mới cho giáo lý cũ. Và như vậy họ có thể đem lại một giáo lý phù hợp với mức tâm thức cao hơn vừa đạt được nhờ giáo lý cũ. Hiển nhiên điều này có nghĩa là trong lý tưởng, tiến trình tiết lộ tuần tự không bao giờ được dừng lại. Và trên một khía cạnh nào đó, điều này cũng thật đáng buồn – nếu chúng ta có thể dùng từ này – nếu những người theo giáo lý cũ tự khép kín lại đối với mọi điều mới mẻ, trở thành những kẻ giáo điều, và cũng trở thành những nhân tố làm cho giáo lý bị mất đi hiệu quả. Quả thực họ đã không cho phép giáo lý thăng vượt lên.      

25 | Sẵn sàng nhận giáo lý

Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 24 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Phật. Gautama là danh hiệu ta dùng khi làm việc với các dòng tiến hóa trên trái đất. Một số chân sư thăng thiên đã cho con tầm nhìn ngược trở về các đợt truyền pháp trước kia của các chân sư thăng thiên và nhìn kết quả của những lần ấy. Thày muốn mở rộng tầm nhìn thêm, trở về thời gian thày còn hiện thân và truyền pháp ở cõi vật lý cách đây 2,500 năm.

25.1. Tôn sùng Phật

Kinh điển nói là sau khi thày tu tập theo con đường khổ hạnh và nhận ra những hạn chế của nó, thày khám phá bát chánh đạo hay con đường đạo của Phật, và thày đạt niết bàn, thày giác ngộ. Nhiều, nhiều Phật tử, ngay cả bây giờ sau nhiều thế kỷ nhìn các điều này với tâm sùng bái. Hoặc họ cho rằng thày là sinh thể duy nhất đạt giác ngộ từ xưa tới nay, hoặc thày là sinh thể cao nhất hoặc thày đạt được một trạng thái giác ngộ tối hậu, tuyệt đối.

Nói cách khác, họ nghĩ trạng thái giác ngộ mà thày đạt được cách đây 2,500 năm là một trạng thái tuyệt đối, cao nhất có thể đạt được và không bao giờ vượt qua được. Tuy thế, nếu con xét đến hiện thực mà các thày truyền dạy cho các con về 144 tầng tâm tức, thì con có thể tự đặt câu hỏi: Khi thày đạt giác ngộ cách đây 2,500 năm, thì lúc đó thày đạt tới tầng tâm thức 144. Tầng tâm thức 144 cách đây 2,500 năm có giống y hệt tầng tâm thức 144 ngày nay chăng? Giờ đây, nếu câu trả lời là: “Đúng, giống y hệt nhau,” thì hệ quả là gì? À, hệ quả là hành tinh đã không tiến bộ gì cả trong 2,500 năm vừa qua. Hệ quả là giáo lý mà thày đã trao truyền 2,500 năm trước đây đã không nâng tâm thức của hành tinh lên và do đó đã không đạt được mục đích. Sự thực là tầng 144 ngày nay cao hơn rất nhiều tầng 144 vào 2,500 năm trước, hay 2,000 năm trước khi Giê-su đạt tầng đó, hay ngay cả khoảng 100 năm trước khi chân sư MORE và Kuthumi đạt được tầng này, và sẽ tiếp tục như thế.

25.2. Tâm thức được nâng lên như thế nào

Vậy thì điều gì nâng tầng tâm thức đó lên? À, trước tiên thì tâm thức tập thể được nâng lên và đây là khía cạnh omega. Chuyện này xảy ra khi đủ túc số tới hạn các cá nhân đã nâng cao tâm thức của họ và kéo theo 80% hay 90% thành phần thấp nhất và do đó tầng tâm thức thấp nhất được nâng lên. Cũng có thể có lúc tâm thức tập thể xoay chuyển và con người quyết định là họ không còn nhấp nhận một sự biểu hiện nào đó nữa. Hệ quả là tầng tâm thức thấp nhất được nâng lên và những người ở tầng tâm thức thấp nhất cũ không được phép hiện thân nữa.

Tuy nhiên điều gì nâng tầng tâm thức cao nhất lên? Ấy, một ai đó phải đạt được tầng 144 của thời của họ và sau đó tiến lên cao hơn trước khi thăng thiên. Đó là điều thày đã làm 2,500 năm trước đây, dù rằng thày nhập niết bàn ở tầng 144 của thời đó. Khi thày trở lại để làm sứ vụ giáo hóa, thày không trở lại với trạng thái tâm thức tuyệt đối. Trong những năm thày giáo hóa, thày vẫn tiếp tục tăng trưởng, tiến triển và thăng vượt chính mình. Thày nâng tầng 144 lên một mức cao hơn. Lẽ tất nhiên, Giê-su cũng làm như thế, các chân sư khác cũng làm như thế và đó là cách tầng 144 được nâng lên. Một số các con có tiềm năng góp phần vào tiến trình đạt tới tầng 144 trước khi con sẵn sàng rời thân vật lý, do đó vẫn tiếp tục tiến cao hơn khi còn hiện thân và nhờ vậy con giúp nâng tầng này lên.

Con thấy chăng là toàn bộ khái niệm cho rằng một giáo lý có thể tuyệt đối, một trạng thái tâm thức có thể tuyệt đối, hoàn toàn là một ảo tưởng, nó là màn huyễn của Maya, lẽ tất nhiên nó là phóng chiếu của sa nhân. Họ không thể thăng vượt chính họ và vì vậy họ không muốn ai khác thăng vượt chính mình. Họ đã chế ra đủ loại mánh khóe tinh xảo để khiến con người nghĩ rằng điều này bất khả thi. Họ muốn con nghĩ rằng thày đã đạt được một trạng thái tâm thức tối hậu, tuyệt đối, thày là một trường hợp ngoại lệ, không ai có thể tiến xa hơn thày. Họ cũng muốn con nghĩ rằng Giê-su đạt được một tầng tâm thức không ai làm theo được.

Trong 2,500 năm qua, quả thực đã có một số tương đối nhỏ cá nhân đã dùng giáo lý Phật giáo để cũng đạt tới tầng 144 và vượt quá tầng này. Một số người được biết tới trong truyền thống Phật giáo, một số người khác không được biết tới vì họ không có sứ vụ công cộng. Điều chắc chắn là khi thày nhìn trở về quá khứ, Phật giáo đã đóng góp vào sự tiến triển của tâm thức tập thể và nâng cao các tầng tâm thức.

25.3. Mỗi giáo lý đều nhắm tới một tầng tâm thức

Như vậy, khi con nhận ra là tâm thức ngày nay cao hơn tâm thức cách đây 2,500 năm (toàn bộ 144 tầng tâm thức đã dời lên cao hơn ngày trước) thì con cũng có thể thấy là giáo lý được trao truyền rất lâu trước đây thực sự đã được trao truyền cho một tầng tâm thức thấp hơn là tầng tâm thức trung bình ngày nay. Lẽ tất nhiên điều này phần nào cho thấy nhu cầu tiết lộ tuần tự. Điều này cũng cho thấy là bất cứ giáo lý được trao truyền ở một thời điểm nào cũng chỉ có thể được trao truyền cho một tầng tâm thức lúc đó. Điều này không có nghĩa là giáo lý được trao truyền cho tầng tâm thức trung bình hay tầng tâm thức thấp nhất, vì có một số giáo lý nhắm tới những người ở tầng 10% cao nhất.

Tuy nhiên, con luôn cần nhận ra rằng khi một giáo lý đặc trưng được trao truyền, chính yếu nó được trao truyền dựa trên tầng mức tâm thức của hành tinh vào thời điểm đó. Nếu giáo lý thành công, thì tâm thức sẽ xoay chuyển. Lý tưởng thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? À, trong hoàn cảnh lý tưởng thì có một số người hấp thu giáo lý đó, dùng giáo lý để đạt tầng tâm thức 144. Sau đó họ trở thành dụng cụ để đem lại một giáo lý mới, hay đem lại một khía cạnh mới của giáo lý cũ, một cách diễn giải mới về giáo lý cũ. Do đó, họ có thể đem lại một giáo lý thích ứng với tầng tâm thức mới đã được đạt tới nhờ giáo lý cũ. Lẽ tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là trong hoàn cảnh lý tưởng, tiến trình tiết lộ tuần tự không bao giờ ngưng. Điều này cũng có nghĩa là một điều đáng buồn (nếu chúng ta muốn dùng từ ngữ này) là khi các môn đồ của một giáo lý trở nên giáo điều, đóng tâm lại với bất cứ điều gì mới và do đó họ trở nên công cụ quả thực phá hủy hiệu lực của giáo lý. Họ không cho phép giáo lý thăng vượt.

Khi thày truyền pháp 2,500 năm trước đây, con thấy (nếu con đọc một số kinh điển) là thày kể một câu truyện hay một giai thoại. Sau đó cũng giai thoại này, dùng cùng lời lẽ, được nhắc lại ba lần. À, điều này cần thiết vì sự dày đặc của tâm thức vào thời điểm đó và cũng vì thời đó không có văn bản ghi lại. Lúc đó chỉ có truyền thống truyền khẩu và thay vì con người có một văn bản để đọc nhiều lần thì họ nghe ba lần và nhờ vậy nắm bắt rõ hơn. Điều này dẫn tới một đề tài mà thày muốn đề cập là đề tài lặp đi lặp lại.

25.4. Các chân sư có lặp đi lặp lại không?

Các thày có bao giờ lặp đi lặp lại khi trao truyền các bài truyền giảng chăng? Một số các con sẽ nói ngay tức khắc: “Có, các thày thường nói về cùng đề tài, các thày thường trao truyền một giáo lý gần như y hệt giáo lý đã được dạy trước đó.”

Ấy, con yêu dấu, vậy các thày lặp đi lặp lại không? Hay các thày luôn luôn trao truyền một giáo lý dựa trên tâm thức lúc đó và tâm thức người đón nhận – những người mà các thày nhắm tới. Khi con nhìn trái đất, thì con thấy sự chuyển động không ngừng của khuôn đúc rất rất phức tạp của tâm thức đại chúng, cũng như là của tâm thức cá nhân của tất cả những người ở trên một tầng tâm thức nào đó – tầng thứ 48. Những người ở dưới tầng này thường không chuyển động hay họ chuyển động theo tâm thức đại chúng vì họ bị tâm thức đại chúng chế ngự.

Khi con đi lên trên tầng 48, con bắt đầu giành lại được cá tính của con và điều này có nghĩa là con luôn luôn di động. Nếu con có thể nhìn một hình ảnh biểu trưng cho trái đất ở tầng tâm thức, thì con sẽ thấy một mô hình vô cùng phức tạp những dòng sóng năng lượng và hình ảnh. Để minh họa điều này (thày nhấn mạnh đây là một minh họa, không hoàn toàn sát sự thật và chính xác), ta có thể nói là tâm thức tập thể trên trái đất trông giống mô hình rất tinh vi của những sóng năng lượng đang rung động để tạo thành một số hình ảnh. Giống như con người có thể có hình ảnh trong tâm họ, tâm tập thể cũng có thể có hình ảnh. Nó giống như mấy tấm hình chụp mà từ xa trông như một tấm hình nhưng khi lại gần thì con thấy là hình lớn được tạo thành từ nhiều hình chụp nhỏ riêng rẽ. Ta cũng có thể so sánh nó với khái niệm ảnh ba chiều (hologram), duy có điều là tất cả những hình nhỏ tạo nên tổng thể không giống nhau vì những nhóm người khác nhau và những cá nhân khác nhau có những hình ảnh khác nhau, ít nhất là khác nhau một chút, ở trong tâm họ. Đây là một tấm hình vô cùng phức tạp. Giờ đây, nếu con thấy được nó, con sẽ thấy là nó không bao giờ đứng yên, nó luôn luôn di động. Nói cách khác, đây là một tiến trình. Có lúc đi lên, có lúc đi xuống, nhưng không bao giờ đứng yên.

Sẽ không bao giờ có trường hợp con có thể chụp một bức hình của tâm thức tập thể và hai giờ đồng hồ sau con chụp lại và có cùng một tấm hình. Con có thể chụp tấm hình với khoảng thời gian ngắn nhất và tốc độ màn trập ngắn nhất mà máy hình của con có thể làm được, giả dụ như một phần 5,000 của một giây. Ngay sau đó con chụp lại và hai tấm hình sẽ không giống nhau. Mọi chuyện di động nhanh đến độ đó. Khi các thày trao truyền một bài truyền đọc, nó dựa trên phương trình rất phức tạp đang hiện hữu trong tâm thức tập thể của toàn thể, nhưng đặc biệt hơn là trong tâm thức tập thể của nhóm người mà các thày đang hướng dẫn.

Giờ đây, những người nghe bài giảng hay đọc bài giảng, nếu họ thực hiện tiềm năng cao nhất của bài giảng thì họ dùng bài giảng để xoay chuyển tâm thức của họ. Điều này có nghĩa là một khi họ cho phép tâm xoay chuyển, thì phương trình của tâm thức đại chúng lẫn tâm thức nhóm và tâm thức cá nhân đều xoay chuyển. À, lẽ tất nhiên, ngày nay ta có công nghệ cho phép con thu âm bài truyền đọc và in nó ra. Con có thể đọc bài truyền đọc lần đầu tiên, con có thể hấp thu nó ở mức cao nhất mà con có thể có ở tầng tâm thức hiện hành của con. Con có thể trải nghiệm sự xoay chuyển và lúc đó phương trình tâm thức của con đã xoay chuyển. Sau đó, con có thể trở lại, đọc bài truyền đọc lần thứ nhì, và dù các từ ngữ vẫn y hệt như trước, nhưng trải nghiệm của con khi đọc lần thứ nhì không giống trước vì tâm con đã xoay chuyển khi đọc lần đầu. Có nghĩa là lần thứ nhì này con có thể hấp thu điều gì đó mà con không hấp thu lần đầu.

Thày không nói là lần đầu tiên con đọc một bài truyền đọc, thì con cần rút tỉa được hết mọi thứ theo khả năng của mình. Thày chỉ muốn nói là con cần cho phép bài truyền đọc xoay chuyển tâm thức của con, để con có một trải nghiệm xoay chuyển. Nếu con làm vậy, con có thể đọc trở lại cùng bài truyền đọc đó (năm phút sau đó hay năm tháng sau đó) và con sẽ không có cùng trải nghiệm. Có nghĩa là con có thể xoay chuyển tâm thức lần thứ nhì, nắm bắt nhiều hơn từ bài truyền đọc và có nghĩa là lần thứ ba con cũng có một trải nghiệm khác và tiếp tục như thế. Điều này có thể tiếp tục xảy ra trong một thời gian dài cho nhiều người trong các con. Điều này có nghĩa là khi con tới điểm con đọc một bài truyền đọc và con không cảm thấy xoay chuyển thì có thể có hai nguyên do. Một là con đã rút tỉa được hết những gì con có thể lấy được từ bài truyền đọc đó vào lúc này và do đó con cần học cái gì khác để tiếp tục xoay chuyển tâm thức. Nguyên do thứ hai là con đã đóng tâm lại vì con cảm thấy là con đã biết điều mà bài truyền đọc đang cố nói.

Giờ đây, ta lấy trường hợp con không nghe lại cùng một bài truyền đọc nhưng con nghe các thày trao truyền một bài truyền đọc khác nói về cùng một số khái niệm. Một lần nữa câu hỏi là: Con có xoay chuyển tâm thức khi nghe bài truyền đọc đầu tiên trong đó các thày đề cập đến chủ đề đó? Nếu con có xoay chuyển, thì con có thể nghe bài truyền đọc thứ nhì và sẽ rút tỉa được điều gì mà con không rút tỉa được khi nghe bài đầu. Do đó, con thực sự không cảm thấy là các thày đang lặp đi lặp lại.

25.5. Sự phức tạp của các bài truyền đọc

Con nhận ra rằng trong buổi hội nghị này, những người trong các con thực sự muốn mở tâm với các thông điệp mà các thày trao truyền, với năng lượng mà các thày tỏa xuống, thì các con đã xoay chuyển tâm thức nhiều vô cùng. Điều này có nghĩa là nếu con quay trở lại và nghe lại bài truyền đọc đầu tiên của thày Quan Âm, thì con sẽ rút tỉa được nhiều hơn từ bài này so với lần con nghe trực tiếp. Đó là vì bài truyền đọc kích động tiến trình xoay chuyển dẫn con tới tình trạng hiện hành.

Giờ đây một lần nữa, các thày thực sự không bao giờ lặp đi lặp lại cho dù các thày dùng từ ngữ rất tương tự và nói về cùng các khái niệm. Trong một số trường hợp, đó là vì các thày quả thực đang nói chuyện với một cử tọa khác một chút. Có thể nói là một số điều mà các thày đã nói trong hội nghị này đã được nói ra vì các thày ở một vị trí địa dư đặc thù và đang nói với những người sống trong khu vực này, là vùng Á châu nới rộng.

Giáo lý các thày không bị giới hạn bởi vị trí địa dư. Có một số yếu tố trong các bài truyền đọc được trao truyền trong hội nghị này thích nghi cho riêng vị trí địa dư này. Một số yếu tố khác thích ứng với sự kiện là ngay cả trong khoảng thời gian tương đối ngắn từ khi giáo lý về ngã gốc được trao truyền ở Estonia, đã có sự xoay chuyển, không những trong tâm thức tập thể mà cũng có trong tâm thức của nhóm đệ tử. Những đệ tử đã thu nhập những bài truyền đọc này và áp dụng chúng, đã góp phần lớn tạo nên sự xoay chuyển đó.

Điều mà các thày trao truyền bây giờ dựa trên phương trình rất phức tạp đang có mặt bây giờ và ở đây. Lẽ tất nhiên các con không trải nghiệm nó vì sẽ bị choáng ngợp. Các thày thực sự trải nghiệm nó khi các thày lên kế hoạch trao truyền một bài truyền đọc. Đó là lý do tại sao thày giản dị cho con biết để con biết các thày làm việc như thế nào, tại sao đôi khi các thày nói về cùng các khái niệm nhưng từ những góc độ khác. Con hầu như có thể nói là tuy các từ ngữ giống nhau, nhưng khuôn đúc, hình học trên các cõi cao hơn (cõi tình cảm, lý trí và bản sắc) có thể rất khác. Điều này có nghĩa là từ tầm nhìn của các thày, các thày thấy rõ ràng những khác biệt và các thày cũng thấy là đôi khi từ ngữ chủ yếu là chén thánh để các thày rót những khuôn đúc hình học vào ba thể cao hơn.

25.6. Lạm dụng một giáo lý tâm linh

Giờ đây, chúng ta lấy giáo lý này và nhìn trở về khoảng thời gian 2,500 năm từ khi thày giảng Kinh Pháp Cú và Bát Chánh Đạo. Điều đạt được, lẽ tất nhiên, là có sự xoay chuyển tâm thức nhưng sự xoay chuyển này không đạt được tiềm năng cao nhất – tại sao vậy?  À, lý do chính là lúc nào cũng có một nhóm đệ tử có khuynh hướng dùng giáo lý với tâm đường thẳng, phân tích. Họ muốn phân tích giáo lý, đặt giáo lý vào một bối cảnh đường thẳng hay dòng thời gian. Họ đã làm điều mà các chân sư khác đã nói tới trong hội nghị này: họ dùng giáo lý để xác chứng và củng cố các ngã tách biệt mà họ đã tạo ra do chấn thương nhập đời.

Các avatars luôn luôn muốn hiểu, và đây là một mong muốn lành mạnh và chính đáng. Điều con cần nhận ra là mong muốn này có thể bị pha màu và thậm chí bị phá hoại bởi các ngã tách biệt này. Một số ngã có nhu cầu kiểm soát để chúng có thể tin là bây giờ chúng đã tìm thấy một giáo lý tuyệt đối giải thích sự vận hành của vũ trụ, đây có thể là pháp Phật hay Cơ đốc giáo, Hồi giáo, thuyết Cộng sản, thuyết duy vật hay bất cứ gì khác.

Sau đó họ sẽ dùng giáo lý trước để xây dựng ý niệm giáo lý này tuyệt đối. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng và phân tích yêu thích điều này. Do đó, không những họ phá hoại sự tiến triển của chính họ, nhưng (ta có thể nói như vậy) khi những đệ tử này trở thành giáo sĩ đoàn của một tôn giáo, thì họ có thể phá hoại sự tiến triển của toàn bộ phong trào bằng cách cản trở sự thăng vượt của giáo lý. Đây là điều con đã thấy xảy ra với nhiều tôn giáo và đó là lý do vì sao con thấy thày thách thức các thày Bà la môn của Ấn giáo. Con cũng thấy Giê-su thách thức các thày Thông giáo và Pha-ri-si của Do thái giáo.

Mục đích của thày là chỉ cho các con, những đệ tử chân sư thăng thiên, là đây chỉ là khuynh hướng của một số ngã tách biệt, hoặc muốn đặt mọi chuyện trong một bối cảnh tuyệt đối, hoặc muốn an toàn, hoặc muốn có cảm giác là mình quan trọng hay đã đạt được thành quả nào đó. Bất cứ điều gì ngã vỏ ngoài cần, nó có thể dùng tâm đường thẳng. Kết quả là bắt đầu từ thời điểm 2,500 năm trước (lẽ tất nhiên từ cả trước đó từ thời Ấn độ giáo và suốt tận các tổ chức chân sư thăng thiên), các thày đã thấy một tỷ lệ đệ tử có tâm thức này: họ mở tâm với giáo lý nhưng họ tiếp cận giáo lý bằng tâm vỏ ngoài, phân tích, tâm rất đường thẳng tất nhiên bị pha màu bởi các ngã. Tâm đường thẳng rất nhạy cảm với sự lặp đi lặp lại vì tâm đường thẳng, tất nhiên, mang tính chất đường thẳng vì nó có một dòng thời gian. Nó luôn luôn so sánh hiện tại với quá khứ và trong một số trường hợp phóng chiếu tới tương lai.

Khi tâm đường thẳng gặp một giáo lý tâm linh, thì nó rút tỉa từ đó những gì nó rút tỉa được, chủ yếu là một hiểu biết vỏ ngoài, trí năng, thuận lý, lý luận. Nó dùng hiểu biết này để phân tích giáo lý, phân rẽ nó thành nhiều thành phần và nói: “Được rồi, phần này đi vào danh mục này trong kho dữ liệu của tôi, phần kia đi vào danh mục kia.” Lúc đó, khi người đệ tử nghe một giáo lý khác nói về những khái niệm tương tự, tâm đường thẳng sẽ nói: “Ồ, tôi không cần cất ý niệm này vào danh mục vì tôi đã có nó trong kho dữ liệu rồi, đây là một sự lặp lại.” Nó lờ khái niệm đó, nó không nhận ra điểm vi tế là khái niệm này được giảng một cách khác. Tâm đường thẳng không thể nhận ra bất cứ điểm gì mới mẻ khi nghe lại.

Đó là lý do vì sao con có những đệ tử trong mọi tổ chức chân sư thăng thiên, trong mọi tôn giáo và triết lý thần bí khác mà các thày đã trao truyền (lẽ tất nhiên trong cả những giáo lý mà các thày không trao truyền, nhưng do sa nhân và đoàn chưởng giáo giả chế ra). Các thày đã thấy các đệ tử đó đi vào trạng thái tâm cho phép họ tới điểm cảm thấy: “Giờ đây, tôi nắm được căn bản của giáo lý.” Kể từ đó, trên cơ bản họ ngưng tiến triển. Hoặc nếu có điều mới lạ hiện ra mà họ chưa có trong kho dữ liệu thì họ sắp xếp nó vào một danh mục. Người đệ tử sẽ tới điểm cảm thấy: “Tôi đã hiểu được khuôn đúc tổng thể của giáo lý.” Kể từ điểm đó, họ nghĩ là tất cả mọi điều khác được giảng sau đó chỉ là chi tiết phải phù hợp vào khuôn đúc tổng thể đó.

25.7. Sơ tâm

Tuy nhiên, con yêu dấu, khi con cho phép mình tạo ra khuôn đúc đó trong tâm (là bây giờ con đã nắm được căn bản của giáo lý), thì điều con nắm được dựa trên tầng tâm thức hiện hành của con. Nó không là – nó không là – hiểu biết và trải nghiệm cao nhất. Quả thật, sự khác biệt giữa các đệ tử đến với một giáo lý, sau đó ngưng tiến triển và dậm chân tại chỗ và các đệ tử vẫn tiếp tục tiến triển là các đệ tử loại thứ hai không dính mắc vào chuyện nắm bắt tổng thể giáo lý. Họ quả thực sẵn sàng tiếp cận giáo lý với cái tâm mà Giê-su gọi là tâm trẻ thơ hay người Phật tử gọi là Sơ tâm (tâm của người bắt đầu), cái tâm nhìn mọi sự như mới.

Thoảng hoặc, con cho phép mình bỏ qua bên cái mà con nghĩ là sự nắm bắt cơ bản hay nắm bắt tối hậu giáo lý. Con cho phép mình vào trạng thái tâm trung hòa và con đọc và nghe giáo lý như mới. Lúc ấy con sẽ nhận được một điều gì ngay cả từ một giáo lý mà con đã đọc trước kia nhưng chưa nhận được điều đó. Đó là lúc giáo lý, ngay cả khi con đã đọc nó nhiều lần, có thể tạo sự xoay chuyển tâm con. Nói cách khác, sự lặp lại (mà một số đệ tử nhận thấy) ở trong tâm chân sư thăng thiên hay trong tâm người đệ tử?

Thày góp ý với con là câu trả lời thật sự không quan trọng. Vì điều quan trọng là sự tiến triển hay không tiến triển của con không nằm trong tâm các chân sư thăng thiên – nó nằm trong tâm của con. Điều này nghĩa là gì? Nó có nghĩa là, như các chân sư khác đã gợi ý, khi con khắc phục được ngã gốc và các ngã tách biệt khác phát xuất từ nó, thì con thật sự có thể thăng vượt tâm đường thẳng, phân tích. Con không còn nhu cầu phải kiểm soát hết mọi thứ, phải có nắm bắt căn bản về vũ trụ. Lúc ấy con có thể tiếp cận giáo lý với một mức độ tự do cao hơn trước kia nhiều vì con không bị pha màu bởi các ngã tách biệt này.

25.8. Các ngã tách biệt sợ giáo lý mới

Trên cơ bản, tất cả các con có thể thấy là ở một số điểm trên con đường tu, con đã nhận được một giáo lý mới khuấy động điều gì đó trong con, kích động điều gì đó trong con. Thí dụ, khi Giê-su giảng về tự ngã, thì một số đệ tử bị kích động bởi các bài giảng này. Thậm chí có một số đệ tử sợ phải đọc bài giảng kế tiếp về tự ngã vì tự ngã của họ lo sợ bài giảng sẽ phơi bày khía cạnh đó của tự ngã.

Con sẽ luôn luôn có khuynh hướng là ngã tách biệt cảm thấy nó đang kiểm soát con và đường tu của con, và nó sợ một giáo lý mới có thể đe dọa cảm giác nó đang làm chủ tình hình. Nếu con nhận ra điều này trong con, thì con chỉ cần dùng các dụng cụ mà các thày đã trao truyền để bước lui lại và nhận ra đây chỉ là một ngã tách biệt đang cảm thấy như vậy. Đây không phải là con vì con không thể bị đe dọa bởi bất cứ điều gì có thể giúp con vượt thăng chính mình. Cái Ta Biết, khi nó ý thức bản thể thực của nó, không thể bị đe dọa bởi bất cứ giáo lý nào.

25.9. Từ kết quả tới tiến trình

Khi con đã khắc phục được ngã gốc và các ngã khác, thì con có thể tiến tới điểm con có tiềm năng xoay chuyển. Các chân sư khác đã đặt nền móng, đã nói về điều này và thày không có gì nhiều hơn để nói thêm ngoại trừ chỉ cho con thấy sự xoay chuyển là con chuyển từ chú tâm vào kết quả sang chú tâm vào tiến trình. Các thày đã trao cho các con giáo lý là con bắt đầu (đa số các con) như những avatars trên các hành tinh tự nhiên. Con bắt đầu với một ý niệm bản ngã giới hạn. Con đã mở rộng nó bằng cách thử nghiệm khả năng đồng-sáng tạo của con. Nhiều người trong các con đã xây dựng một động lượng mạnh mẽ hình dung một hoàn cảnh hay hình thể nào đó trong cõi vật lý và sau đó thị hiện hình thể đó.

Quả thực con đã xây dựng một động lượng mạnh mẽ khiến vật chất tuân theo những hình ảnh và khuôn đúc trong tâm con. Con đã tu tập để đạt được tâm làm chủ vật chất. Khi con nhìn xuống trái đất và thấy sự đau khổ, thì con nghĩ: “Tôi muốn xuống dưới đó và thị hiện một kết quả tích cực để giải thoát con người khỏi khổ đau.” Các chân sư khác đã nói là động cơ nguyên thủy đưa con xuống đây không phải là động cơ cao nhất. Để thực sự có tự do thăng thiên, con cần xét lại động cơ của con dựa trên tâm thức cao hơn mà con có bây giờ. Qua đó, con buông bỏ động cơ lúc trước và các niềm tin đằng sau nó. Như một avatar thì niềm tin chính mà con cần buông bỏ để thăng thiên là gì? À, đó là con cần xoay chuyển từ chú tâm vào thành quả sang chú tâm vào tiến trình.

Các thày có nói với con là trên cõi thăng thiên có sự phát triển không ngừng, và con có thể tiến triển đến tận tâm thức Đấng Sáng tạo. Các thày có nói là không ai trên trái đất sẽ đạt được trạng thái giác ngộ tối hậu mà sau đó không thể tiến triển nữa. Con hãy tự hỏi: “Đấng Sáng tạo đã tạo ra cái gì? Phải chăng là một kết quả, một kết quả cố định, hay một tiến trình kéo dài mãi mãi, mãi mãi?” Lẽ tất nhiên câu trả lời là Đấng Sáng tạo không chú tâm vào việc tạo một kết quả mà chú tâm vào tiến trình. Đấng Sáng tạo đã tạo ra vũ trụ để tạo thuận lợi cho tiến trình này. “Tiến trình nào?,” con có thể hỏi. Tiến trình tự thăng vượt, mà các thày đã gọi là Dòng sông sự Sống.

Tâm đường thẳng sẽ hỏi: “Ấy, nhưng sự thăng vượt hàm ý có sự chuyển động từ một giai đoạn lên giai đoạn kế tiếp. Nếu tôi cứ tiếp tục hết đoạn đường phía trước, thì sẽ phải tới một điểm tối hậu của sự thăng vượt nơi tôi đạt đến tầng tối hậu và không thể thăng vượt nữa. Nếu tôi phóng chiếu ngược về sau, phải có một điểm mà trước đó không có thăng vượt vì thăng vượt khởi sự ở đó lần đầu tiên.” Con yêu dấu, đây là giới hạn chính của tâm đường thẳng. Dòng sông sự Sống không có khởi đầu và không có kết thúc. Tâm đường thẳng sẽ không bao giờ nắm được điều này. Các ngã tách biệt mà con đã tạo ra trên trái đất sẽ không bao giờ nắm được điều này. Cái Ta Biết có thể nắm điều này. Nó không thể hiểu, con không thể hiểu là không có khởi đầu, không có kết thúc nhưng con có thể trải nghiệm, con có thể trải nghiệm dòng chảy và sự liên tục của dòng chảy.

25.10. Làm sao các avatars có thể ngăn chặn sự thăng thiên của mình

Con có tiềm năng dùng các giáo lý và dụng cụ để xoay chuyển, và sự xoay chuyển này là chuyển từ chú tâm vào kết quả sang chú tâm vào tiến trình. Tại sao điều này lại quan trọng nhiều như vậy? Bởi vì, con yêu dấu, các thày đã nói gì về sự thăng thiên? Con tới điểm con đứng trước cánh cổng dẫn vào cõi thăng thiên. Nếu con bước qua thì con thăng thiên, nhưng để có thể bước qua, con phải quay đầu nhìn lại trái đất để xem có điều gì thu hút con trở lại không.

Chuyện gì xảy ra nếu con xuống trái đất như một avatar với viễn quan muốn đạt một kết quả nào đó nhưng con vẫn chưa đạt được kết quả đó? À, như vậy làm sao con thăng thiên được? Câu trả lời đơn giản là: Con không thể! Điều này có nghĩa là con có thể tới điểm là trong mọi diện khác con đã hội đủ điều kiện thăng thiên. Nhưng trong lãnh vực đặc biệt này con chưa hội đủ điều kiện vì con chưa chịu thua, con chưa buông bỏ, con chưa bỏ đi sự dính mắc muốn đạt kết quả đó trên trái đất.

Điều này cũng có nghĩa là con đang cho phép sự thăng thiên của con tùy thuộc vào chọn lựa của người khác trên trái đất, khi họ ở trong trạng thái tâm thức thấp hơn con rất nhiều. Hiển nhiên, lý do tại sao con không tạo được kết quả mong muốn trên trái đất là vì những người khác không muốn thay đổi. Điều này có nghĩa là trong vị thế một avatar, con nay có thể rơi vào tâm thức sa ngã và bước ra tìm cách ép uổng người khác phải thay đổi, nhưng lẽ tất nhiên, làm điều này sẽ không cho phép con thăng thiên.

Con cũng có thể đi vào trạng thái không biết phải làm gì. Con như đang lơ lửng trong trống không, con đang di động thì bị khựng lại, như người ta nói. Con quả thật có thể ngồi yên một thời gian (thậm chí trong nhiều kiếp sống) không biết làm sao giải quyết bài toán bí ẩn là có điều gì trên trái đất mà con không thể để dở dang được.

Con thấy chăng ở đây câu hỏi trọng yếu cho người avatar? Con nghĩ rằng (hay ít nhất con có khuynh hướng nghĩ như vậy cho tới khi con khắc phục được các ngã gốc) điều duy nhất đưa con tới trái đất là để làm dịu nỗi đau khổ ở đây và đem lại một thay đổi tích cực. Con cảm thấy nếu con không tạo được sự thay đổi đó, thì có thể là con đã lầm lẫn khi tới đây, có thể là con đã lãng phí thời giờ, có thể là con không thể rời nơi đây, hay bất cứ điều gì khác. Con bất an, con không toại nguyện. Cách duy nhất để con thăng thiên như một avatar, không phải là con thành tựu viễn kiến ban đầu khi xuống đây, nhưng là con thăng vượt nó, con tiêu tán nó, con vứt nó đi, con buông bỏ nó, con không dính mắc với nó, con cho cái ngã chết đi và con nói: “Nó có đáng gì đâu đối với con? Con sẽ đi theo thày – Giê-su, Phật, Saint Germain, thày MORE,” hay bất cứ ai mà con xem là vị thày riêng của con. 

Bằng cách dùng các giáo lý về ngã gốc, con có thể tới điểm giải quyết vấn đề. Người sứ giả này đã trải nghiệm điều này sau nhiều tháng làm việc với các giáo lý này. Trong ông có sự xoay chuyển và bỗng nhiên ông nhận ra, ông trải nghiệm, ông hoàn toàn chấp nhận: “Tôi không phải làm gì hết trên trái đất.”

Điều này không có nghĩa là con thăng thiên ngay tức khắc. Con có thể tiếp tục hiện thân, con có thể sống một cuộc đời năng động. Thậm chí, con có thể, từ một nhãn quan vỏ ngoài, làm nhiều chuyện nhưng con không hành động qua sự pha màu của ngã gốc và các ngã khác nữa. Các ngã này cảm thấy con phải làm điều gì đó, con phải thành tựu điều gì đó, việc con tới trái đất phải đáng công sức mình. Việc con tới trái đất đã đáng công sức con vì con đã xoay chuyển tâm thức và như các thày khác đã nói, đây chính là mục đích cao hơn. Khi con làm hòa với điều này, đấy là lúc con đã đạt được một phần của quả vị Phật, nếu ta có thể nói quả vị Phật có nhiều mức độ.

25.11. Là Phật hành động

Lúc đó, con có thể là Phật hành động trên trái đất nhưng điều này không thể xảy ra cho tới khi con khắc phục điều mà ta có thể gọi là sự dính mắc gốc đó. Thày mong muốn có thể trao truyền giáo lý này 2,500 năm trước đây nhưng không làm được lúc ấy vì phương trình của khuôn đúc trong tâm thức tập thể chưa sẵn sàng. Bây giờ thì nó đã sẵn sàng. Lẽ tất nhiên, dù các thày nhấn mạnh nhiều đến các giáo lý này tại hội nghị này và hội nghị trước, không có nghĩa là tất cả mọi người đã sẵn sàng nhận các giáo lý này.

Con có thể nhìn đoàn đệ tử theo học giáo lý được trao truyền qua người sứ giả này và các giáo lý chân sư thăng thiên khác, và không phải tất cả đệ tử đều sẵn sàng nhận giáo lý về ngã gốc. Họ chưa áp dụng hết các giáo lý trước bởi vì, như các chân sư khác đã nói, các thày đã cẩn thận xây dựng để tới mức có thể trao truyền các giáo lý này. Con cần có giáo lý về tự ngã. Con cần có giáo lý về nhị nguyên và tư duy cuồng đại. Con cần có giáo lý về 144 tầng tâm thức. Con cần có khái niệm về xoay chuyển lên cao hơn, khắc phục các phàm linh nội tại và tự ngã tách biệt và do đó xoay chuyển từ một tầng tâm thức lên tầng trên.       

25.12. Mơ mộng một giáo lý cao hơn

Một lần nữa, sẽ có những đệ tử sẽ dùng tâm vỏ ngoài để quyết định: “Chúng tôi cần những giáo lý này và cần chúng ngay bây giờ.” Nhưng họ có thể chưa sẵn sàng đón nhận giáo lý vì họ chưa dùng đủ các giáo lý mà họ đã có rồi, họ chưa xoay chuyển tâm thức đủ. Nói chung, con có thể nói là điều mà các thày thấy (khi nhìn lại khoảng thời gian 2,500 năm qua và xa hơn nữa) là lúc nào cũng có một số đệ tử không nắm bắt được cơ chế căn bản mà thày mô tả ở đây: Là con cần lấy một giáo lý và cho phép nó xoay chuyển tâm thức của con.

Chỉ khi nào con làm xong điều đó thì con mới sẵn sàng nhận giáo lý cao hơn. Sẽ luôn luôn có một nhóm đệ tử rơi vào trạng thái tâm cảm thấy chút ít bực bội vì họ biết trong nội tâm là họ đã không tiến triển tới mức có thể đạt được với giáo lý mà họ đã có. Thay vì chịu nhìn vào chính mình và nhận ra lý do vì sao họ không tiến triển, thì họ đổ lỗi rằng lý do họ không tiến triển là vì có một giáo lý cao hơn mà họ chưa được nhận. Phải chi họ có được giáo lý cao hơn đó, thì sau đó họ sẽ sáng ngộ, họ sẽ tiến bộ. Đây là một vòng xoáy bất tận.

Các thày đã thấy một số người đến với một giáo lý chân chính, đón nhận giáo lý này, đạt tiến bộ nhưng sau đó dậm chân tại chỗ, không muốn tiến xa hơn vì họ không muốn xoay chuyển để đi vào con đường tu nội tâm và nhìn chính mình. Họ ngưng trệ và họ đứng tại chỗ. Đôi khi họ trở nên bực bội, cảm thấy mình là nạn nhân, hay trách cứ người khác về chuyện họ không có giáo lý. Thậm chí họ trách cứ vị đạo sư đã không thăng tiến đủ vì đây là lý do vì sao họ không thăng tiến được. Hoặc họ chỉ trích giáo lý, chỉ trích những người khác. Hoặc, như các chân sư khác đã nói, họ cảm thấy vì họ đã học giáo lý từ lâu, nên chắc chắn họ đã đạt tới một tầng cao. Do đó, họ cảm thấy có quyền phê phán và dùng tia màu xanh để tấn công những người mới tới học.

Tất cả những tình huống này có thể xảy ra nhưng con yêu dấu, con thấy chăng, sự thật là như sau. Nếu con đổ lỗi cho người thày, giáo lý, người khác, điều kiện vật lý, chiêm tinh, sa nhân, thời tiết hay cái này cái nọ – khi con còn chỉ tay đổ lỗi cho cái gì ở bên ngoài, nghĩ rằng sự tiến bộ của con tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài, thì con chưa hoàn toàn đi theo con đường tu nội tâm. Nếu con chưa hết lòng theo con đường tu nội tâm, thì con chưa sẵn sàng đón nhận giáo lý về ngã gốc – con chưa sẵn sàng nhận các giáo lý này. Con hãy đoan chắc là con đã nắm bắt ý nghĩa của con đường tu nội tâm, hết lòng đi theo nó, sẵn sàng nhận trách nhiệm về đời mình và nhìn vào tâm mình trước khi con nhận các giáo lý này.

Lẽ tất nhiên, các thày trao truyền các giáo lý này vì quả thực có một số đông đệ tử đã theo học các giáo lý và áp dụng chúng một thời gian, và họ sẵn sàng. Cho nên, các thày rất hân hoan, các thày rất, rất biết ơn là các con đã nâng mình lên tới điểm có thể nhận các giáo lý này và đồng thời là dụng cụ để lan tỏa các xung lực này vào tâm thức đại chúng.

Khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện – nghĩa là khi đệ tử chưa sẵn sàng thì vị thày không thể xuất hiện. Niềm vui lớn nhất của chân sư thăng thiên là gì? Là có thể xuất hiện và trao truyền giáo lý. Niềm biết ơn lớn nhất mà các thày có là gì?  Đó là khi các đệ tử đã làm cho họ sẵn sàng, cho phép các thày xuất hiện với một giáo lý mới. Các con yêu dấu, thày có lòng biết ơn sâu xa với các con vì các con đã làm như vậy. Các thày biết ơn các con vì có hội nghị này. Tất cả các con, những người tổ chức hội nghị cho đến những người tham dự, các thày biết ơn tất cả các con. Trong ngọn lửa Biết ơn này, lòng biết ơn của tâm Phật, thày niêm các con và thày niêm hội nghị này trong tình yêu của tim thày.

23 | Là Ki-tô trong Thời Hoàng kim của Saint Germain

Chân sư Thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 24 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Saint Germain. Thày muốn giảng thế nào là Ki-tô Hằng sống và Phật Hằng sống đang hành động trong Thời Bảo bình. Thế nào là Ki-tô Hằng sống đang hành động trong Thời Song ngư? Nó có nghĩa là con hòa điệu với Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô và con đi vào một trạng thái hợp nhất với thày để nhận được một điều gì đó từ thày, hoặc cho đời sống cá nhân của con hoặc để phụng sự người khác và xã hội.

23.1. Cần làm gì để đưa ra một ý mới

Giờ đây con có thể nhìn vào những thay đổi đã được đem lại trong Thời Song ngư và con có thể thấy là tất cả những người đã có thể đem lại đóng góp tích cực trong bất cứ lãnh vực nào của đời sống và xã hội, những người đó đã hòa điệu được phần nào với Ki-tô hành tinh, là Giê-su trong thời đại đó. Lẽ tất nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những ý được đưa ra trong 2,000 năm qua đều chỉ đến từ Giê-su nhưng chúng đến xuyên qua Giê-su như vị trưởng giáo của Thời Song ngư. Do đó ta có thể nói là nếu con nhìn vào nhiều người đã đem lại ý mới trong một số lãnh vực, thì họ đã hòa điệu được với Giê-su, do đó họ đã mở tâm ra đón nhận một số ý.

Giờ đây nếu con nhìn một số những người này, thì con có thể thấy là nhiều người còn không phải là tín đồ tôn giáo hay tâm linh. Nhiều người có một số vấn đề tâm lý chưa giải quyết, một số thói quen khác lạ, ngay cả một số niềm tin chắc chắn là không phù hợp hay không thẳng hàng với giáo lý chân sư thăng thiên. Tuy nhiên, họ phần nào hòa điệu được với các thày nên xuyên qua đám mây mờ của tất cả những chuyện vỏ ngoài trong tâm của họ, đã có một khe hở để ý tưởng có thể đi xuống tâm họ – và điều này tất nhiên cũng sẽ xảy ra trong Thời Bảo bình. Để có thể hòa điệu với Chân sư Thăng thiên Saint Germain, con người không cần biết là thày hiện hữu, tin giáo lý các chân sư thăng thiên, đi theo giáo lý này, thực tập giáo lý này. Họ không cần giải quyết hết các vấn đề tâm lý của họ. Lý do thật giản dị. Việc đem tới một ý tưởng mới có khía cạnh alpha và khía cạnh omega. Khía cạnh alpha là ý tưởng đến từ cõi thăng thiên. Khía cạnh omega là để có thể nhận được một ý tưởng và áp dụng nó, thì những người này phải có chuyên môn trong một lãnh vực đặc thù. Nếu thày muốn đem lại một ý mới trong ngành giáo dục, thày cần người có kiến thức, có chuyên môn, có kinh nghiệm nào đó trong ngành này. Lẽ tất nhiên thày cũng cần một người có thể hòa điệu với thày, ít nhất là trong một khoảng khắc ngắn và do đó nhận được ý đó.

Có rất nhiều người chân thật mong muốn thấy một lãnh vực nào đó của đời sống được cải thiện. Những người đó có kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày của họ, họ đã nghiên cứu và bỏ tâm trí vào tiến trình đem lại một ý mới, một sự cải tiến. Nhưng trong một số trường hợp, họ có thể có một hiểu biết không hoàn hảo về lãnh vực của họ hay về sự cải thiện cần đem lại nhưng họ có một mong muốn chân thật.

Khi con tìm hiểu về một số khoa học gia đã đem lại ý tưởng mới trong lãnh vực khoa học, con sẽ thấy là có đôi lúc họ bị choáng ngợp. Họ căng thẳng quá và họ quyết định ngưng nghỉ, không chú tâm vào đề tài nghiên cứu hàng ngày của họ. Khi họ rút lui và buông không nghĩ về đề tài thì bỗng nhiên có một khe hở mở ra cho một “lóe sáng cảm hứng” giáng xuống và ngay lúc đó họ nhìn vấn đề với một góc nhìn mới. Họ thấy được một ý mới và lúc đó họ có thể tiến tới.

23.2. Cảm hứng vượt quá bộ óc vật lý

Ngay cả những nhà khoa học duy vật nhất cũng nhìn nhận rằng họ cần một cảm hứng nào đó. Họ không muốn suy đoán xem cảm hứng này từ đâu tới, nhưng ta không cần suy đoán nhiều để nhận ra là cảm hứng đó không đến từ bộ óc vật lý. Nếu bộ óc đã có thể đem lại ý tưởng thì chắc chắn trong thời gian nhà khoa học dốc sức dùng bộ óc vật lý để tìm giải đáp cho vấn đề thì bộ óc vật lý đã phải đưa ra cho vị đó đáp số.

Nhà khoa học có được lời giải khi đứng lui lại, không dùng tâm vỏ ngoài nữa, và khi ấy có một khe hở cho cảm hứng tràn vào từ một cõi cao hơn. Do đó trong Thời Bảo bình, ta có thể nói tiến trình này sẽ càng ngày càng được biết nhiều hơn, trở nên thông thường hơn, theo nghĩa con người bắt đầu hiểu và công nhận trực giác thực sự là chìa khóa.

Trực giác thường chỉ được mở khóa khi con đã đi qua giai đoạn tiếp cận vấn đề với tâm vỏ ngoài, hết sức tìm cách hiểu nó, thực sự muốn tìm cách cải thiện và khi ấy con tạo nền móng. Giống như ý tưởng các thày đã đưa ra trong Thời Song ngư về Chén Thánh được nâng lên để thuốc tiên của Tánh linh có thể rót vào. Nếu không có chén thánh, thày không thể rót gì vì sẽ chỉ uổng phí mà thôi. Ở đây có tác động alpha và omega. Omega nâng chén thánh của tâm lên và sau đó alpha mở tâm ra, dùng khả năng trực giác thay vì tâm vỏ ngoài để mở tâm ra đón nhận ý tưởng từ trên xuống.

Có thể nói đây là tiến trình là Ki-tô hành động trong Thời Bảo bình. Con hòa điệu với thày, vì dù có những chân sư khác (và chắc chắn sẽ có những chân sư khác sẽ mang lại ý tưởng mới), họ sẽ sẽ đi thông qua chức vụ mà thày là. Lẽ tất nhiên, nếu con là đệ tử chân sư thăng thiên và biết mình đặc biệt đồng cảm với một chân sư nào đó, con nên chú tâm vào chân sư đó và không nhất thiết vào thày. Thày không muốn nói là con chỉ chú tâm vào riêng thày mà thôi nhưng thày muốn nói là những ý tưởng mới sẽ đi thông qua chức vụ mà thày là người lãnh đạo.

23.3. Kết quả nỗ lực của các chân sư

Bây giờ thày muốn gia tốc sang một đề tài khác. Thày muốn nhìn trở lại những tổ chức chân sư thăng thiên trước mà các thày đã bảo trợ, như thày MORE đã làm hôm trước. Thày muốn con xem xét câu hỏi: thày đã bước ra làm việc công khai trong thập niên 1930 và bảo trợ Phong trào TA LÀ (I AM Movement) và sau đó các thày đã bảo trợ một số tổ chức khác, vậy kết quả của những nỗ lực này là gì? Có bao nhiêu đệ tử chân sư thăng thiên đã thực sự tới điểm biểu lộ quả vị Ki-tô, nhận được ý mới từ các chân sư thăng thiên và mang chúng vào một lãnh vực nào đó của xã hội? À, thày không muốn ở đây bàn luận số lượng. Điều thày muốn chỉ cho con thấy là quả thực số người biểu lộ quả vị Ki-tô không nhiều như các thày hy vọng. Thày muốn bàn thảo nguyên nhân vì sao lại như vậy.

Điều thày muốn cho các con thấy là trong hai ba năm vừa qua, các thày đã cho các con một cái nhìn sâu sắc hơn về cách các thày nhìn vấn đề làm sao làm việc với nhân loại khi chưa thăng thiên. Các thày đã nói tới những khó khăn gặp phải, giống như khi thày Giê-su nói các thày giống như những người bán xe cũ dùng chước “nhử hàng thấp mời hàng cao.” Các thày cần đưa ra giáo lý hấp dẫn mức tâm thức hiện hành của con người để họ chịu học giáo lý. Sau đó, khi họ đã đi vào rồi, thì các thày hy vọng có thể trao cho họ một giáo lý cao hơn giúp họ tăng triển thay vì ve vuốt tự ngã và khiến nó cảm thấy hơn người khác.

Điều các thày đã phải làm trong những giai đoạn trước – vấn đề mà các thày đối diện lúc ấy – là tâm thức tập thể rất, rất dày đặc. Để các đệ tử chịu tham gia (thậm chí để thức tỉnh họ thấy được con đường đạo, để khiến họ bước vào đường đạo), các thày phải truyền cho họ một cảm giác phấn khởi, một mong muốn làm điều gì đó. Một số đệ tử mô tả trạng thái này như là họ “đang bốc lửa”, họ đang “nổ lửa”. Các thày cần làm thế vì lý do đơn giản là tạo động lượng giúp các đệ tử thoát khỏi tâm thức tập thể, tâm thức đại chúng. Tuy thế, vấn đề không tránh được là đệ tử quá nồng nhiệt trong việc thay đổi thế giới cho Saint Germain đến độ bị mất quân bằng. Các thày có nói trước đây là nhiều đệ tử có cái nhìn đúng về điều cần làm nhưng lại có cái nhìn sai lệch hay thiếu sót về cách thực hiện.

23.4. Đệ tử mất quân bằng

Các thày đã thấy nhiều người đệ tử biết đến sự hiện hữu của Saint Germain và ước muốn đem lại thời đại hoàng kim của thày. Các đệ tử này bừng bừng hứng khởi muốn bước ra ngoài xã hội, muốn phất tay thay đổi toàn thế giới và họ tiếp cận người khác một cách rất bất quân bằng nên họ đã khiến người khác tránh xa họ hoặc họ đã gánh chịu phản ứng tiêu cực từ người khác.

Các thày thấy nhiều đệ tử bước ra ngoài xã hội với phong cách bán hàng rất bất quân bằng giống như cách hành xử của các nhóm Cơ đốc tái sinh và nhiều nhóm khác. Họ bỗng nhiên cải đạo theo một hệ thống niềm tin nào đó và sau đó bước ra ngoài xã hội và nghĩ rằng họ phải cải đạo toàn thế giới theo đạo của họ. Họ bị tâm thức tập thể chống đối và gặp phản ứng tiêu cực của những người khác, do đó họ từ trạng thái hưng phấn giả tạo rơi xuống chỗ chán nản. Một số trở nên nản chí, ngay cả bỏ giáo lý đi hay quyết định rút lui. Lẽ tất nhiên các thày không muốn thấy phản ứng này nơi đệ tử, nhưng vào thời điểm đó, không thể tránh được điều này xảy ra nơi một số đệ tử.

Một số đệ tử khác chọn một hướng quân bằng và dài hạn hơn. Họ tìm cách cân bằng nghiệp quả hay làm những gì họ thấy cần làm để tiến triển trên đường tu tâm linh. Tiếc thay, nhiều người trong số đó lại trở nên thụ động và không thực sự cảm thấy mình có thể đóng góp gì cho xã hội. Nhiều người lý luận rằng điều họ có thể đóng góp cho xã hội là qua việc đọc chú. Lẽ tất nhiên, việc đọc chú có giá trị nhưng điều đó khiến họ trì hoãn hay hủy bỏ quả vị Ki-tô của họ, vì họ có tiềm năng cao hơn là chỉ đọc chú. Con có thể nhìn lại các phong trào đó và thấy họ bỏ ra rất nhiều thì giờ đọc chú. Tuy nỗ lực này có kết quả tích cực, nhưng trong một số trường hợp nó đã khiến người đệ tử trì hoãn quả vị Ki-tô của họ. Họ không biểu hiện quả vị Ki-tô, và để tránh phản ứng tiêu cực họ lý luận trong tâm rằng: “Tôi cầu thỉnh ngọn lửa tím là đủ rồi, tôi không cần bước ra ngoài và tiếp cận với xã hội.”

Mặt khác, có những đệ tử quá háo hức bước ra ngoài để cải đạo người khác đến độ rơi vào phản ứng bất quân bằng. Để tránh đề tài này trở nên quá nghiêm nghị, thày muốn thêm vào đây một chút hài hước. Bên Hoa Kỳ có một tổ chức tên là Những Người Theo dõi Cân nặng (Weight Watchers) và có một câu chuyện hài hước về những người này là khi họ hội họp, tất cả nắm tay nhau và hát vì đấy là cách duy nhất để bảo đảm là không ai ăn uống được! Con cũng có thể chế ra câu chuyện hài hước tương tự về đệ tử chân sư thăng thiên: Vì sao họ phải đọc chú nhiều giờ như vậy? Bởi vì đấy là cách duy nhất khiến họ không ra ngoài và gặp rắc rối! Đây là một phần lý do các thày phải khuyên các đệ tử của các tổ chức trước đọc nhiều giờ chú như vậy. Đó là cách duy nhất để ngăn cản một số người đi ra ngoài xã hội và hành động với phản ứng rất bất quân bằng vì họ đã quá hăng hái, quá bốc lửa muốn thay đổi thế giới cho Saint Germain.

Họ tức khắc nghĩ rằng thay đổi thế giới cho Saint Germain hay cứu rỗi thế giới có nghĩa là thuyết phục tất cả người khác theo giáo lý chân sư thăng thiên và tổ chức cá biệt của họ. Thày muốn nói thật rõ, dù các thày đã nói điều này từ trước, là trong Thời Bảo bình các thày không hề mong muốn mọi người nhìn nhận sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên. Chắc chắn là các thày không mong muốn tất cả mọi người nhìn nhận một giáo lý hay một tổ chức chân sư thăng thiên đặc thù, kể cả giáo lý mà các thày đang trao truyền qua vị sứ giả này.

23.5. Không có mục đích cải đạo mọi người

Có thể là khi xã hội tiến sâu hơn vào Thời Bảo bình sẽ có một sự công nhận phổ quát về sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên và một sự đón nhận phổ quát giáo lý chân sư thăng thiên. Thày nói “có thể” vì không thể nào tiên đoán khoảng thời gian. Khi nào thì chuyện này xảy ra? Nó sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó nhưng khi nào? Trong tương lai gần, chắc chắn là trong thời gian còn lại của kiếp sống các con, con cần phải minh định rõ trong tâm là biểu hiện quả vị Ki-tô không có nghĩa là con phải đi ra ngoài xã hội và cải đạo tất cả mọi người theo giáo lý đặc trưng này hay chấp nhận sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên hay giáo lý của các thày. 

Là Ki-tô Hằng sống trong Thời Bảo bình có nghĩa là, trước tiên hết, như thày đã nói, con hòa điệu với thày và nhận được một ý tưởng mà con có thể thực hiện trong chính cuộc sống của con, qua đó con giúp ích những người chung quanh trong vòng ảnh hưởng cá nhân của con, hay đem lại lợi ích nào đó cho xã hội. Đây không phải là chuyện bước vào một cuộc thánh chiến để cải đạo người khác đi theo một hệ thống tin tưởng đặc trưng.

Quả thực một trong những thử thách của Thời Song ngư là khắc phục được tâm thức thánh chiến này. Lẽ tất nhiên con có thể thấy được nhiều người trong đó có cả nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã không vượt qua được thử thách này. Điều chúng ta cần trước tiên hết trong Thời Bảo bình là các đệ tử làm việc giải quyết tâm lý cá nhân của mình, dùng giáo lý (đặc biệt là giáo lý về chấn thương nhập đời và về tất cả những ngã mà con đã tạo ra, từ ngã gốc đến các ngã khác) để giải quyết ngã gốc và các ngã khác. Điều này có nghĩa là theo khía cạnh alpha của đường tu, con được tự do hòa điệu với Hiện diện TA LÀ của con và các chân sư thăng thiên, vì các ngã này không ngăn chặn sự hòa điệu của con nữa.

Mặt khác, theo khía cạnh omega, con có tự do bước ra ngoài xã hội và cống hiến người khác những gì con nhận được từ các thày, nhưng con làm việc này một cách hoàn toàn quân bình. Nói cách khác, con không làm việc này vì con bị ảnh hưởng của chấn thương nhập đời và ngã gốc của mình. Con không làm việc này vì con muốn bù đắp bất cứ gì, con muốn được trọng vọng, con muốn người khác công nhận giá trị của con hay bất cứ lý do nào phát xuất từ các ngã tách biệt mà con đã tạo ra khi con phản ứng lại chuyện con tới đây và cảm thấy bị hất hủi.

Khi con nhìn lại các đệ tử chân sư thăng thiên trong quá khứ, tại sao họ đã không biểu hiện và không thể biểu hiện quả vị Ki-tô của họ? Ấy chính là vì họ chưa giải quyết ngã gốc của họ. Tại sao thời ấy các thày không trao truyền các giáo lý liên hệ? Bởi vì các giáo lý này, vì nhiều lý do, không thể trao truyền được trong Thời Song ngư và qua một tổ chức đã được đặc biệt thành lập để đạt mục tiêu mà thày More đã mô tả khi trước. Hành tinh, tâm thức tập thể, các đệ tử chân sư thăng thiên giản dị là chưa sẵn sàng nhận các giáo lý này.

23.6. Làm việc với các ngã tách biệt của con

Các con có thể thấy là các thày đã đợi mười lăm năm với người sứ giả này để trao truyền các giáo lý này. Các thày đã cẩn thận dẫn con từ từ tới điểm có hiểu biết giúp con chấp nhận và áp dụng các giáo lý này. Thày muốn nói một điều rất rất rõ và rất rất thẳng: tất cả các con đã học hỏi các giáo lý được trao truyền qua người sứ giả này, thày mạnh mẽ khuyên bảo các con sử dụng những giáo lý mới nhất về avatar, chấn thương nhập đời, ngã gốc và các ngã khác và cách khắc phục chúng.

Con đừng giả sử là con đã làm những chuyện này rồi. Nếu con chưa học và áp dụng các giáo lý này, con đừng giả sử là con không cần làm việc với chúng. Nếu con xem trọng chuyện hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng và phụng sự các chân sư thăng thiên thì con phải dùng các giáo lý này. Con hãy tuần tự làm việc để khắc phục ngã gốc và các ngã khác để việc phụng sự của con không bị pha màu hay thậm chí bị điều khiển bởi các ngã ngày và chấn thương nhập đời. Con sẽ không hoàn thành tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng của con cho tới khi con thoát khỏi tất cả tập hợp các ngã này. Thày muốn trao cho các con lời giảng về chuyện này, một lần nữa dựa trên các tổ chức chân sư thăng thiên trước đây.

Làm sao con nhận ra con có ngã gốc hay con chưa giải quyết nó? Lẽ tất nhiên các thày đã trao truyền nhiều giáo lý về đề tài này nhưng thày muốn giảng thêm. Điều các thày thấy nơi nhiều đệ tử là các con gia nhập giáo lý chân sư thăng thiên vì có cảm nhận rõ ràng là mình có mặt trên trái đất để làm một chuyện gì, các con cảm thấy phải làm một điều gì. Giờ đây, các thày đã nói với các con là nhiều người trong các con (đa số các con) đã tới trái đất như một avatar muốn tới trái đất để làm điều gì đó. Các thày cũng đã giảng là tầm nhìn mà con có trước khi xuống đây không phải là tầm nhìn cao nhất, do đó quả thực con đã tới đây với cảm giác bắt buộc phải làm điều gì đó.

Sau đó, khi con bị chấn thương nhập đời, thì một số các con đã xây dựng một ngã khác cho con một cưỡng bách mới, hoặc một chuyển hướng mới cho cưỡng bách đầu tiên, qua đó bây giờ con phản ứng lại một điều kiện trên trái đất và cảm thấy mình phải làm điều gì liên quan tới điều kiện này. Thày chỉ muốn cho con thấy là nếu con cảm thấy một sự cưỡng bách phải làm điều gì đó, một sự thúc đẩy muốn làm điều gì đó (mà con cảm thấy con phải làm), thì con biết nó đến từ ngã gốc và các ngã khác. Con biết có cái gì đó con chưa giải quyết.

23.7. Cá nhân hóa cuộc sống trên trái đất

Giờ đây, một chuyện khác cũng xảy ra khi con bị chấn thương nhập đời (như các chân sư khác, đặc biệt là thày MORE đã giải thích), là tất cả mọi chuyện trên trái đất, cuộc sống của con trên trái đất, đều giống như liên hệ thẳng đến cá nhân con, và con bắt đầu cá nhân hóa mọi chuyện. Điều đó thực sự nghĩa là gì? Ấy, điểm chính yếu là con trở nên rất nhạy cảm về cái ta của mình, con rất nhạy cảm về cái ta của mình.

Gần như có một phần của con người con luôn luôn giám sát mình, phân tích, đánh giá, phán xét cách con đang sống, nhưng con không làm vậy dựa trên quan sát nội tâm – con làm vậy dựa trên quan sát người khác phản ứng với con ra sao. Nhiều người trong các con có thể nhận ra điều này trong tâm mình. Có một phần của con luôn luôn đang giám sát con và lượng định và phê phán. Có một phần của con làm chuyện này vì sau khi bị chấn thương nhập đời, con đã tạo ra ngã tách biệt để làm chuyện đó.

Các thày đã nói là Cái Ta Biết có khả năng tự nhận biết nhưng điều thày đề cập ở đây không phải là tự nhận biết – ta có thể gọi nó là sự nhạy cảm về cái ta vì con nhạy cảm về cái ta của mình. Con rất rất nhạy cảm với cách người khác phản ứng với con. Chuyện xảy ra ở đây là khi con tới trái đất, con bị chấn thương nhập đời và cảm thấy bị chê bai hay phớt lờ. Con tạo ra một ngã muốn bù đắp điều đó, muốn hủy bỏ vấn đề, hủy bỏ điều sai trái mà con cảm thấy đã xảy ra.

Có một ngã thúc đẩy con muốn được chú ý. Một phần động lực thúc đẩy con làm điều gì trên trái đất đến từ mong muốn được chú ý, con muốn làm điều gì quan trọng mà người khác sẽ nhìn nhận và công nhận. Con có một ngã muốn được người khác chấp nhận và ngã này thúc đẩy con làm điều gì đó. Có thể là nó đã thúc đẩy con suốt đời làm người khôi hài luôn luôn kể chuyện diễu, hay làm người thông tuệ luôn luôn biết điều người khác không biết. Có vô số những ngã này nhưng căn bản là con muốn được người khác nhìn nhận và xác chứng giá trị của mình cho nên con làm những việc đó để được điều này.

Mặt khác con lại có ngã nhạy cảm lúc nào cũng lượng định xem người khác phản ứng ra sao với mình. Khi họ không hoàn toàn chấp nhận con, con cảm thấy mình không thoải mái bằng nhiều cách. Con có thể cảm thấy mắc cở, con có thể cảm thấy bị hất hủi, con có thể cảm thấy mình kém cỏi, con có thể cảm thấy mình đã sai lầm. Bất kể dạng nào, lúc nào cũng có một cảm xúc đi kèm theo.

Con ở trong thế kéo-đẩy này và cuộc đời con xoay quanh cơ chế đó. Một mặt, con đi tìm sự chấp nhận của người khác và mặt kia con né tránh phản ứng tiêu cực của họ. Con thấy chăng là có một ngã thúc đẩy con muốn người khác phản ứng lại con để con được họ chấp nhận, nhưng ngã kia lại sợ mọi phản ứng tiêu cực? Con luôn luôn ở trong trạng thái phải liều lĩnh. Đây là một chuyện nhiều rủi ro vì con bị thúc đẩy tìm cầu sự chú ý của người khác nhưng nếu họ phản ứng không chấp nhận thì con rơi vào ngã kia với phản ứng tiêu cực. Cả cuộc đời con có thể bị điều khiển bởi hai ngã này. Lẽ tất nhiên điều này đã xảy ra với nhiều người, nhưng các thày đã thấy nhiều đệ tử chân sư thăng thiên rơi vào khuôn nếp này.

Quả thật, vị sứ giả này đã rơi vào khuôn nếp đó trong phần đầu cuộc đời ông, lúc nào ông cũng bị thúc đẩy để cư xử theo cách đó. Với một số các con, khuynh hướng này bắt đầu từ tuổi thơ ấu nhưng lẽ tất nhiên với tất cả các con, nó đã có từ nhiều kiếp. Nhiều người trong các con kinh nghiệm là khi mình còn nhỏ, con tìm ra rất nhanh là con có thể làm cho người lớn cười. Con cảm thấy thoải mái khi con làm cho người lớn cười. Con tiếp tục làm vậy cho đến ngày hôm nay nhưng nếu họ không cười, con cảm thấy xốn xang. Một lần nữa, có lực kéo và đẩy này.

Một số các con nhận ra khi còn nhỏ, con khôn hơn trẻ em khác cho nên con có thể có những ý mà trẻ em khác không nghĩ ra được. Con tiếp tục làm vậy cho đến ngày nay để người khác nể phục con vì con đưa ra những ý hay, và một số các con đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để làm việc này. Nhưng khi người khác không đồng ý, con rơi vào phản ứng tiêu cực.

Điều thày mong muốn là con tới điểm giải quyết được cả tập đoàn ngã gốc và các ngã khác. Toàn thể lực kéo và đẩy này, toàn thể trận chiến gay go đang xảy ra trong tâm con tan biến đi. Con không còn bị mắc kẹt vì vừa tìm cầu điều bất khả thi, vừa hổ thẹn và xốn xang khi không đạt được điều bất khả thi đó. Con thấy là điều đó bất khả thi, không cần thiết và hoàn toàn không thật.

Khi con thấy được điều này, khi con tách mình ra khỏi các ngã này, thì con có thể nhìn chúng và giản dị bỏ chúng đi. Con không cần giải quyết vấn đề mà ngã phóng chiếu vào con. Con không cần đạt được điều kiện, con không cần thay đổi toàn thế giới để cảm thấy thoải mái hơn. Con chỉ cần để cho ngã chết đi. Đây là điều thày mong thấy nơi con. 

23.8. Con không phải là Ki-tô qua một ngã tách biệt

Đây là cách con có thể bắt đầu là Ki-tô Hằng sống trong Thời Bảo bình. Thay vì bị điều khiển bởi những ngã vỏ ngoài này thì con có thể nhận sự điều khiển từ bên trong, từ thày. Con thấy chăng, con yêu dấu, đâu là vấn đề chính mà thày thấy nơi các đệ tử chân sư thăng thiên khiến họ không ảnh hưởng được thế giới ở mức họ có thể làm được? Lý do chính xác là vì họ có những ngã đó, những ý tưởng đó trong tâm vỏ ngoài của họ. Họ đến với một giáo lý chân sư thăng thiên, họ lấy một điều gì đó từ giáo lý mà họ nghĩ chứng thực cách họ tiếp cận cuộc sống xuyên qua một ngã tách biệt này. Lúc đó, họ thực sự tin rằng cách là Ki-tô trên trái đất là hành động xuyên qua ngã tách biệt đó.

Một số đã tạo ra một ngã tách biệt khiến họ cảm thấy phải thách thức tất cả mọi người. Các người khác sống trong một trạng thái ảo tưởng, họ không muốn bước ra khỏi trạng thái đó – con phải thách thức họ (con nghĩ thế). Giờ đây con đã gia nhập giáo lý chân sư thăng thiên, và con có nhiệt tâm muốn bước ra ngoài xã hội và thức tỉnh mọi người. Bỗng nhiên cái ngã dựa trên mong muốn thách thức người khác nghĩ nó là Ki-tô đang thách thức người khác.

Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên cảm thấy là chính họ đã trải nghiệm mình thức tỉnh khi nghe một bài truyền đọc trong đó các thày nói một điều gì với giọng mạnh mẽ và nghiêm khắc. Điều này khiến họ thấy một điều mà trước đó họ không thấy. Đôi khi các thày cần phải nói với một giọng nói đầy uy lực để đâm thủng sự dày đặc của tâm thức đại chúng và tâm thức con người. Giờ đây các đệ tử này mong muốn tạo trải nghiệm này nơi người khác. Họ nghĩ rằng họ phải bước ra ngoài xã hội và phóng tia sáng xanh tới người khác và nói chuyện với họ với giọng rất mạnh mẽ và nghiêm khắc để họ thức tỉnh. Nhưng lối cư xử này bắt nguồn từ đâu? Nó đến từ cái ngã cảm thấy bị hất hủi khi bị chấn thương nhập đời và kể từ ngày ấy nó tìm cách làm điều gì để người khác không thể phớt lờ hay bác bỏ. Đây là một phản ứng bất quân bằng. Nó sẽ không đem lại kết quả và con sẽ không bao giờ cảm thấy an bình, không bao giờ cảm thấy dễ chịu. Con sẽ không bao giờ cảm thấy hoàn thành điều con tới đây để hoàn thành khi con còn hành động xuyên qua các ngã này. 

Một lần nữa, như các chân sư khác đã nói trong hội nghị này, các thày đã trao cho con các giáo lý, các thày đã trao cho con dụng cụ. Con yêu dấu, thày xin con dùng chúng vì khi con dùng chúng và khi con khắc phục được ngã gốc đó, thì con sẽ cảm thấy giống như người sứ giả này. Ông đã nói rằng trong bốn mươi năm nỗ lực trên đường tâm linh, dùng đủ loại giáo lý và bài tập, dùng đủ loại dụng cụ tâm lý và pháp trị liệu, không thứ nào đem lại cho ông sự tiến triển đột phá như các giáo lý về ngã gốc này. Điều này cũng có thể xảy ra cho con và đã xảy ra cho một số các con đã dùng nó. Con yêu dấu, con biết là Giê-su đã cho con nhiều ý tưởng và đã nói rằng con không cần phải chú tâm vào tất cả các ý này. Con chỉ cần lấy ý nào hấp dẫn con, nhưng thày hy vọng là ý về ngã gốc sẽ hấp dẫn tất cả các con vì tất cả các con đều được lợi lạc từ nó.

Giờ đây thày có thể bảo đảm với con là nhiều người trong các con, và nhiều người sẽ bị thu hút bởi giáo lý trong tương lai, các con có tiềm năng làm điều có giá trị và quan trọng trong xã hội. Để con hoàn thành được điều mà các thày ở Hòa Lan gọi là tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, giản dị là con phải khắc phục được ngã gốc và các ngã khác, như thế sự đóng góp vào xã hội của con không bị pha màu bởi các ngã này. Nếu như thế, con sẽ không đạt được tiềm năng cao nhất của con và con yêu dấu, các thày mong muốn con đạt được tiềm năng cao nhất, tiềm năng cao nhất mà con đã chọn. Con chọn nó vì con biết con có thể làm được, vì con sẽ gặp được giáo lý này và sẽ chấp nhận nó. Cố nhiên thày trông chờ con, tất cả các con sẽ đóng góp gì đó vào Thời Bảo bình.

23.9. Tôn sùng người sứ giả

Giờ đây con biết các thày có nói về sự sùng bái Giê-su trong Thời Song ngư. Các thày đã nói tới điều này trong 70-80 năm qua trong các tổ chức chân sư thăng thiên. Giê-su đúng lý là một tấm gương cho người đi trên con đường tu dẫn tới quả vị Ki-tô nhưng nhiều, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên vẫn chưa giải thoát họ khỏi hình ảnh sùng bái Giê-su, do sa nhân dựng lên và phóng chiếu qua giáo hội Công giáo và các giáo hội Cơ đốc giáo khác. Họ vẫn nghĩ Giê-su ở trên cao tít và không cách chi họ làm được điều Giê-su đã làm. Các thày đã cố gắng xua tan sự sùng bái này và chắc chắn quyển sách Các Kiếp sống của Tôi là một bước quan trọng để giúp mọi người phá bỏ sự sùng bái Giê-su.

Các thày cũng muốn đoan chắc là các đệ tử đã mở tâm đón nhận các giáo lý được trao truyền qua người sứ giả này không dựng lên một sự sùng bái nào đó đối với ông. Nếu con nhìn lại cuộc đời của ông, thì con sẽ thấy ông sinh ra trong một gia đình bình thường, được nuôi dạy bình thường. Các thày không bao giờ nói và ông cũng không bao giờ nói là ông có gì đặc biệt, hay vì lý do nào đó ông đã tiến hóa hơn khi tới trái đất hay trong các kiếp trước ông đã trải qua những tiến trình khiến ông tiến hóa hơn ngày hôm nay. Thày cũng biết là trong các đợt truyền giảng trước, người ta đã nói rằng làm một sứ giả rất rất là khó và phải được huấn luyện trong hàng triệu năm. Các thày không bao giờ nói điều này về người sứ giả này vì các thày không muốn dựng lên sự sùng bái ông. Con biết là ông tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên, ông áp dụng giáo lý này, ông cố gắng giải quyết các vấn đề tâm lý của mình và ông tuần tự tiến trên đường tu cho tới khi ông tới điểm mở tâm ra để làm điều gì đó, để có một quan hệ trực tiếp hơn với các chân sư thăng thiên. Trước khi ông bắt đầu trang mạng Hãy Hỏi Giê-su Thật (Ask Real Jesus), ông trải qua kinh nghiệm mà ông đã mô tả là ông cảm thấy ông buông bỏ các tham vọng nhân gian của mình và lúc đó ông cảm nhận được Hiện diện của Giê-su.

Lúc đó, có thể nói ông ở trong cùng tình thế như Giê-su trong bữa tiệc cưới ở Cana. Ông đứng trước ngã ba đường và ông có thể đi đường này hay đường kia. Ông có thể nói: “Ồ, tôi không thể làm điều này được” hay ông có thể làm điều ông đã làm và nói: “Tôi sẵn sàng làm điều này mặc dù tôi nhìn nhận mình chưa toàn hảo, tôi chưa hoàn toàn giải quyết tâm lý mình, tôi chưa hoàn toàn biểu hiện quả vị Ki-tô.” Điều này có nghĩa là khi ông bắt đầu trang mạng Hãy Hỏi Giê-su Thật, chắc chắn là ông chưa hoàn toàn trong tâm thức Ki-tô. Chắc chắn là ông ở một mức tâm thức thấp hơn nhiều so với ngày hôm nay.

23.10. Con không cần phải toàn hảo

Câu hỏi ở đây là: Con có cần phải toàn hảo để làm một điều nào đó cho các chân sư thăng thiên? Câu trả lời là “Không.” Các thày mong đợi tất cả các con không dựng lên một sự tôn sùng nào đó đối với người sứ giả này và nói: “Ồ, con không thể làm điều người sứ giả này đã làm.” Giờ đây, con có thể nhìn những gì người sứ giả này đã làm trong công việc đón nhận giáo lý, thêm giáo lý, thêm giáo lý, thêm giáo lý, thêm giáo lý và thêm giáo lý cho tới khi số lượng trở nên, thành thật mà nói, choáng ngợp đối với đa số các con. Con có thể nói: “Nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể mang lại nhiều giáo lý đến thế, tôi không bao giờ có thể làm điều mà người sứ giả này đã làm.” Con hoàn toàn đúng, con yêu dấu, con không thể làm điều người sứ giả này đã làm. Điều con có thể làm là làm điều người sứ giả này không thể làm vì tất cả các con đều là những cá thể độc nhất. Con có một Hiện diện TA LÀ độc nhất, con có tiểu sử độc nhất trên trái đất, con có kinh nghiệm độc nhất trong kiếp sống này và do đó con có thể làm điều mà người sứ giả này không làm được.

Có một điều con có thể làm là đem lại món quà mà không ai khác đem lại được. Như các thày đã nói trước đây, không có so sánh trong sự độc đáo. Con hãy nhìn vị sứ giả này như một nguồn cảm hứng nhưng con đừng thần tượng ông và cho rằng mình không thể làm được điều gì đặc biệt so với điều ông đã làm. Không có lý do gì để con so sánh mình với bất cứ ai. Trọng tâm là: Giải quyết tâm lý của mình, hòa điệu với Hiện diện TA LÀ của mình, là cánh cửa mở để  biểu lộ cá thể độc đáo của mình. Con hãy lấy những chọn lựa mà con, như Cái Ta Biết đang hiện thân, hoàn toàn được phép chọn lựa: đó là điều con muốn biểu hiện, điều con muốn trải nghiệm, điều con muốn vui huởng trên trái đất.

Mỗi người và tất cả mọi người trong chúng con đều có tiềm năng đi tới một nhóm người nào đó mà không ai khác tới được. Có thể nói rằng người sứ giả này có thể tới một mạn đà la gồm một số người nào đó. Có rất nhiều người khác trên trái đất ông không tới được. Nhiều người trong các con có thể tới được những người này. Mỗi người trong các con đều có một mạn đà la gồm những người mà con có thể tiếp cận được, con có thể giúp tiến lên cao hơn.

Do đó, thày giản dị nói với con: Hãy lấy cảm hứng từ người sứ giả nhưng đừng nản chí khi nhìn người sứ giả. Hãy dùng ông như nguồn cảm hứng và nói: “Tôi nhìn thấy đây là một người đã tìm được sứ mệnh độc đáo của mình, món quà độc đáo của mình. Tôi muốn xét xem ông ta làm như thế nào và tôi ứng dụng được điều gì, tôi học được điều gì từ hành trình của ông.” Sau đó, con chú tâm vào việc đem lại món quà của con, sự đóng góp của con. 

Con yêu dấu, một số các con có một lãnh vực chuyên môn trong thế giới và con có tiềm năng đem lại một số ý trong lãnh vực chuyên môn này. Ngay cả nếu trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, tiềm năng của con là đem lại một ý tưởng, thì con hãy chú tâm vào ý tưởng đó và bình an biết rằng đây là cống hiến của con. Con hãy đoan chắc đây là ý tưởng cao nhất mà con có tiềm năng đem lại thể theo Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Con yêu dấu, con cũng hãy nhìn nhận là điều con có thể thấy nơi người sứ giả này là, khi con xuống đầu thai trên trái đất, con có một Sứ vụ Thiêng liêng, và sứ vụ đó có một tiềm năng thấp và một tiềm năng cao. Lẽ tất nhiên con muốn đoan chắc là con biểu hiện tiềm năng cao nhất, nhưng người sứ giả này đã biểu hiện tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng của ông một thời gian trước đây rồi. Những gì ông đã mang lại từ lúc ấy vượt quá tiềm năng đó. Nhiều người trong các con cũng có thể vượt quá tiềm năng cao nhất mà con quy định trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình vì con soạn ra Sứ vụ với tầm nhìn con có lúc ấy. Bây giờ thì con đã nâng tâm thức lên cao hơn, hay ít nhất con có tiềm năng nâng tâm thức bằng cách khắc phục ngã gốc, thì con có thể lên cao hơn thế. Lẽ tất nhiên, các thày luôn luôn vui mừng khi thấy các đệ tử của mình vượt thăng chính họ. Không phải là các thày mong cầu kết quả đặc trưng nào nhưng các thày mong thấy các đệ tử thăng vượt chính họ.

Con yêu dấu, khi một đệ tử đạt tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng của mình, các thày không muốn người này ngừng ở đó trong phần còn lại của kiếp sống. Lẽ tất nhiên, các thày muốn người đệ tử đó tiếp tục thăng vượt chính mình và đây là điều mà một số các con quả thực có tiềm năng làm được. Với tất cả những giáo lý các thày đã trao truyền, các con có tiềm năng né tránh những cạm bẫy mà các thày đã thấy trong các đợt truyền giáo trước, khi các đệ tử chân sư thăng thiên rơi vào tư duy mà các thày đã mô tả.

23.11. Tìm ra một hướng đi quân bằng

Con có tiềm năng theo một hướng đi quân bằng hơn khiến con có thể bắt đầu thực sự tạo được ảnh hưởng. Con có thể bước ra ngoài và biểu hiện mình như Giê-su đã khuyến khích con làm qua mạng Internet. Một lần nữa con không cần lúc nào cũng nói đến chân sư thăng thiên hay giáo lý chân sư thăng thiên. Con hoàn toàn tự do dùng một số ý tưởng của các thày và trình bày chúng trong một bối cảnh trung hòa mà không cần nói chúng phát xuất từ các chân sư thăng thiên. Nói cách khác, vấn đề các thày thấy trong quá khứ là các đệ tử nghĩ rằng điều quan trọng nhất là làm sao đem con người tới chỗ chấp nhận giáo lý chân sư thăng thiên. Không đâu, con yêu dấu, điều quan trọng nhất là làm sao con người chấp nhận một số ý tưởng sẽ giúp xã hội hay các cá nhân tiến lên.

Con đừng dựng lên rào cản trước mặt những người này và bắt họ phải nhảy qua rào cản và chấp nhận chân sư thăng thiên trước khi họ nhận ý tưởng. Con cứ thoải mái trao cho họ ý tưởng và để cho các ý tưởng này tự làm việc trong tâm họ. Con không làm vậy để gặt hái một kết quả bởi vì, con yêu dấu, khi con đã loại bỏ ngã gốc và các ngã khác, thì con không đến với mọi người để tạo nên một cảm xúc trong con hay để né tránh một cảm xúc trong con. Con có thể là cánh cửa mở, có nghĩa là con tự do trao cho họ ý tưởng và con tự do để họ tự do đón nhận nó. Nhiều nhiều lần, con yêu dấu, một ý tưởng đi vào tâm của họ, họ có thể gạt bỏ nó ở tầng tâm ý thức nhưng nó đi vào tâm họ và bắt đầu một tiến trình hóa kim cần thời gian để nó trồi lên trên tâm ý thức. Đôi khi nó cần vài năm và bỗng nhiên một hôm tâm những người này xoay chuyển và giờ đây họ chấp nhận ý tưởng đó mà không thực sự hiểu tại sao.

Con hãy an vui với việc trao ý tưởng và để cho ý tưởng làm việc của nó. Trên cơ bản, đây là chuyện đã xảy ra cho con khi con tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên. Có ý tưởng nào đó đã thu hút con vào giáo lý nhưng có một số ý khác cần một thời gian dài để trổ mầm và giúp con tới chỗ của con ngày hôm nay. Con sẵn sàng đối phó với ngã gốc và khắc phục nó, và qua đó khắc phục chướng ngại lớn nhất trong lịch sử các avatar đã ngăn cản họ có ảnh hưởng mà họ có tiềm năng có trên trái đất.

Tới đây thì thày muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với hội nghị này, đối với những người tổ chức và những người tham dự. Tất cả các con đều là một phần của khía cạnh omega khi các con tương tác với các thày trong hội nghị và các con trở thành các trạm phát sóng các ý tưởng vào tâm thức đại chúng.

Con có thể thấy là có dòng chảy hình số tám giữa các thày Ở Trên và các con ở đây trong hội nghị. Có dòng chảy số tám theo đường dọc và có dòng chảy số tám theo đường ngang giữa các con ở đây và những người khác trên thế giới và tâm thức đại chúng. Đây là điều các thày muốn thiết lập một cách thường trực. Lẽ tất nhiên nó đã có phần hiện hữu nhưng các thày muốn dòng chảy số tám đường ngang này mạnh mẽ hơn nhiều. Nó chỉ có thể xảy ra khi mỗi cá nhân các con thiết lập dòng chảy số tám với các thày và nó chỉ có thể xảy ra khi con gỡ bỏ các rào cản (một lần nữa) và con đã có sẵn giáo lý để hoàn thành việc này.

Con yêu dấu, thày gửi tới con niềm biết ơn sâu xa. Với tư cách Trưởng giáo của Thời Bảo bình, lòng biết ơn của thày bao gồm sự biết ơn của tất cả các chân sư thăng thiên, đặc biệt là quý thày đã có thể nói chuyện trong hội nghị này và lẽ tất nhiên thày Gautama sẽ nói sau đây. Tới đây thì thày niêm các con trong tình yêu mà Thày LÀ, thực sự là tình yêu có thể khiến vật chất ca hát. Vật chất trong bốn thể phàm của các con đã ca hát trong hội nghị này, và thày hy vọng con sẽ giữ cho nó ca hát một thời gian dài, đúng thực là ca hát trong một thời gian vô hạn định, trong suốt thời gian còn lại của con ở đây – và xa hơn nữa.

11 | Tâm trạng khó xử khi ở trên trái đất

Chân sư Thăng thiên Vairochana qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

Thày quả thực là vị Phật Thiền định được biết tới như Vairochana. Lẽ tất nhiên, thày cũng là, dưới tầm nhìn của các con, Chân sư Thăng thiên Vairochana. Thày tới đây để cho các con một cái nhìn về cách con có thể tới gần hơn quả vị Phật hành động trên một hành tinh dày đặc như trái đất. Để đạt mục đích này, các thày là các Phật Thiền định trước kia có đưa ra khái niệm là điều ngăn trở con là Phật hành động là các chất độc tâm linh. Thuốc giải các độc tố này là các ngọn lửa cá biệt mà các thày đại diện. Lẽ tất nhiên, giáo lý này không đi ngược lại các giáo lý mà các con đã được trao truyền liên quan đến ngã gốc và các ngã tách biệt xuất phát từ ngã gốc. Con có thể nói một cách chắc chắn là mọi ngã đều dựa trên một, hay nhiều hơn một, chất độc tâm linh.

11.1. Không biết mình là ai

Một số các con biết thày là thuốc giải của chất độc vô minh, và chất giải độc, minh triết của thày là Minh triết Toả khắp. Vô minh là gì? Ấy, nó tất nhiên có rất nhiều hình dạng và dáng vẻ và ta có nhiều cách để diễn tả nó bằng ngôn từ. Chắc chắn một cách diễn tả là nói vô minh là không biết cái ta, không biết mình là ai.

Lẽ tất nhiên, đây có vẻ là một nghịch lý. Các thày đã trao truyền giáo lý về cái Ta Biết đi xuống bốn tầng của bầu cõi chưa thăng thiên. Đây là một giáo lý rất thâm thúy. Một số các con đã nghiên cứu giáo lý này đến độ có cảm giác con hiểu nó bằng trí năng và hầu như coi nó là đương nhiên. Con không hoàn toàn biết giáo lý đó thâm thúy như thế nào, đúng thực là cách mạng như thế nào nếu ta so sánh với đa số các giáo lý có mặt trên trái đất trong suốt chiều dài lịch sử.

Hầu như con có thể sử dụng một giáo lý tâm linh để tạo ra một hình thức vô minh mới khi con cảm thấy, với tâm vỏ ngoài, là con biết giáo lý đó. Do đó, con không tìm một hiểu biết sâu sắc hơn, hay đúng hơn, một trải nghiệm sâu sắc hơn. Con đã hầu như coi cái Ta Biết như một khái niệm khác.

Khi con thực sự xem xét giáo lý về cái Ta Biết, thực sự nắm bắt được nó, trải nghiệm thực tại của nó, thì con nhận ra, con trải nghiệm, là cái Ta Biết chỉ là một khái niệm nhưng nó cũng hơn một khái niệm. Con không thể hoàn toàn thể nhập giáo lý khi con nhìn cái Ta Biết với tâm vỏ ngoài, đặc biệt là tâm trí năng, phân tích. Con chỉ có thể thấy rõ giá trị của giáo lý khi con trải nghiệm mình là một sinh thể vô hình tướng. Khi con có trải nghiệm đó, thì con thấy giá trị của giáo lý, con hoàn toàn thể nhập và áp dụng giáo lý. Khi con còn ngồi nhìn với lý trí, tạo nên khái niệm cái Ta Biết và nhìn nó từ ngoài xa, thì con chưa sử dụng giáo lý.

Ta có thể nói là với mọi giáo lý đã được trao truyền trong suốt chiều dài lịch sử, kể cả giáo lý được Gautama truyền dạy 2,500 năm về trước, thì nếu con dùng giáo lý để tạo một khái niệm chứng thực cảm nhận xa cách, thì con đã dùng sai giáo lý – ít ra, nếu con không cố gắng vươn lên hơn nữa.

11.2. Từ giáo lý đến trải nghiệm

Cái gì là phương châm, châm ngôn, câu đầu môi của người đệ tử tâm linh chân chính? Ấy, điều đầu tiên là con cần biết hiểu giáo lý không đủ, con cần trải nghiệm thực tại đằng sau giáo lý. Một giáo lý được diễn tả bằng lời nói, tất nhiên chỉ là một loại bảng chỉ đường, một biểu tượng dẫn tới một trải nghiệm vượt quá ngôn từ. Chỉ khi nào con có trải nghiệm thì con mới tận dụng được giáo lý. Đây có lẽ là vấn đề vô minh lớn nhất nơi các đệ tử tâm linh. Họ nghĩ rằng giáo lý vỏ ngoài, và hiểu nó bằng tâm vỏ ngoài, là đủ. Họ không vượt lên trên ngôn từ để tới trải nghiệm. Phương châm đầu tiên là: “Vượt quá giáo lý để tới trải nghiệm.” Châm ngôn thực mà người đệ tử tâm linh có thể dùng cho mình là: “Bao giờ ta cũng có thể trải nghiệm nhiều hơn.” Bao giờ ta cũng có thể trải nghiệm nhiều hơn!

Thày LÀ vị Phật Thiền định có thuốc giải – kỳ thực, thày thuốc giải của chất độc vô minh. Nếu con hòa điệu với thày, trải nghiệm Hiện diện của thày, thì con có thể khắc phục mọi vô minh. Trên lý thuyết, con có thể hòa điệu với thày, nhập một với thày, và chỉ trong giây khắc mọi vô minh của con sẽ bị thiêu hủy bởi Hiện diện của thày. Các thày không chủ trương điều này vì các con ở đây để có một trải nghiệm, nhiều loại trải nghiệm.

Các thày đã trao truyền giáo lý là khi con xuống trái đất lần đầu, con trải qua giai đoạn trầm mình trong cõi này. Sau đó, con trải qua giai đoạn thức tỉnh, và con xuống đây để có trải nghiệm là con dần dần đi xuống, dần dần trầm mình, và sau đó dần dần thức tỉnh. Con không ở đây để trải nghiệm thức tỉnh trong một khoảnh khắc. Con tới đây để trải nghiệm thức tỉnh dần dần, thức tỉnh từng bước nhỏ bằng cách nâng tâm thức mình lên đến tầng 144.

Ta có thể nói giai đoạn thức tỉnh bắt đầu ở tầng 48 và con dần dần thức tỉnh cho tới khi con tới tầng 144. Con chưa hoàn toàn tỉnh thức khi con ở tầng 144, nhưng lúc đó con đã đạt được tầng tâm thức cao nhất có thể có trên trái đất. Sau đó, con thăng thiên từ trái đất và bước vào một vòng xoắn thức tỉnh lên những tầng tâm thức càng ngày càng cao trong vị thế một chân sư thăng thiên. Các thày là chân sư thăng thiên luôn luôn tiếp tục tăng triển tâm thức. Ngay cả ở cương vị các Phật Thiền định, vẫn có tăng triển. Đó là lý do vì sao thày nói, nếu con muốn tiến một bước quan trọng trong việc khắc phục vô minh, thì con hãy chú tâm vào bất kỳ trải nghiệm nào mà con đang hiện có, lúc nào cũng có nhiều điều khác để trải nghiệm.

11.3. Định nghĩa vô minh

Vô minh là gì? Có vô minh trên một hành tinh tự nhiên chăng? Ấy, có đó, có vô minh theo nghĩa khi con bắt đầu như một sinh thể mới trên một hành tinh tự nhiên, con khởi sự với một nhận biết nhỏ như cái chấm. Sau đó con dần dần nới rộng nhận biết đó ra. Con cũng có thể nói là ngay trên cõi thăng thiên cũng có vô minh, theo nghĩa thày có tự nhận biết như một Phật Thiền định, nhưng thày không phải là đấng Sáng tạo. Thày không ở tầng tự nhận biết của đấng Sáng tạo, do đó thày vô minh vì thày không trải nghiệm những gì có thể trải nghiệm ở tầng tự nhận biết của đấng Sáng tạo. Nhưng con cần hiểu là trên cõi thăng thiên, và ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, không có những loại rào cản ngăn chặn hiểu biết mà con có trên trái đất.

Trên cõi thăng thiên, thật sự không có rào cản ngăn chặn hiểu biết nào hết. Con có thể đi bất cứ đâu con muốn. Đó là lý do tại sao, khi ông Mark Prophet thăng thiên như Chân sư Thăng thiên Lanello, lời đầu tiên ông thốt lên là: “Tôi ở bất cứ đâu trong tâm thức Thượng đế.” Ông nhận ra rằng ông nay không còn hiện thân trong cõi vật chất nữa thì ông có thể đi tới bất cứ nơi nào trong tâm thức Thượng đế. Không có rào cản nào ngăn con tới nơi con muốn tới. Lẽ tất nhiên, trên cõi thăng thiên vẫn có tiến trình dần dần nâng cao sự tự nhận biết của mình. Không ai có thể chỉ một bước chuyển từ tâm thức chân sư thăng thiên lên tầng tâm thức của đấng Sáng tạo.

Trên một hành tinh tự nhiên, con cũng tiếp cận hiểu biết, kinh nghiệm, thông tin dễ hơn trên trái đất. Con có thể thăm dò bất cứ gì ở tầng tâm thức đó của hành tinh tự nhiên. Nhưng trên trái đất, vì đã trở thành một hành tinh phi tự nhiên, có nhiều rào cản ngăn cản con hiểu biết, và ngay cả trải nghiệm. Ta có thể nói là nếu con nhìn phía sau của thày thì con thấy một bức màn lớn. Làm sao con tạo vô minh trên trái đất? À, các thày có giảng là khi con đi xuống tầng tâm thức 48, thì con khoác vào một ảo tưởng ở mỗi tầng tâm thức mà con đi xuống, bắt đầu với ảo tưởng ở tầng tâm thức 144, sau đó 143, vân vân. Với mỗi ảo tưởng, coi như con dựng lên một bức màn như bức màn sau lưng thày. 

Công dụng của bức màn này là gì? Khi con đứng bên này bức màn thì con không thể thấy những gì đằng sau nó. Ta có thể nói đây là toàn bộ chức năng của một hành tinh có vật chất dày đặc. Nó cho phép con có một ý niệm bản ngã khiến con không thấy một số chuyện. Mục đích là gì? Mục đích là để con có thể thăm dò tất cả những gì có thể làm được với tự nhận biết và quyền tự quyết.

Quyền tự quyết cho phép con được quyền có bất cứ trải nghiệm nào mà con muốn. Con trải nghiệm bằng cách nào? Bằng cách tạo ra một cái ngã và trải nghiệm thế gian, cuộc đời và chính mình xuyên qua ngã đó. Trên một hành tinh tự nhiên, có một số loại ngã mà con không thể tạo ra, vì trên một hành tinh tự nhiên con có nhận biết cao hơn trên trái đất. Tỷ dụ, con không thể tin rằng con là một sinh thể hoàn toàn tách biệt, và chung quanh con là những sinh thể tách biệt khác.

Con không thể tin rằng con có thể làm người khác tổn thương mà không bị ảnh hưởng. Trên một hành tinh tự nhiên, con trải nghiệm con là một phần của tổng thể, và bất cứ điều gì con làm đều ảnh hưởng tổng thể. Bất cứ điều gì người khác làm đều ảnh hưởng con. Có một số trải nghiệm của ngã mà con không thể có trên một hành tinh tự nhiên. Do đó sự kiện có hành tinh phi tự nhiên hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền tự quyết vì như vậy những ai muốn trải nghiệm một ý niệm bản ngã hạn hẹp hơn có thể đầu thai nơi đó.

Ta có thể nói một cách tổng quát nhất là vô minh có mặt khi con có rào cản ngăn chặn những gì con có thể thấy, có thể biết, có thể trải nghiệm. Con tạo ra một ngã hạn hẹp bằng cách khoác vào các ảo tưởng, dựng lên rào cản trong tâm mình, để có một số chuyện con không thể thấy. Đó là cách con có trải nghiệm trầm mình. Luật tự quyết cho phép con đi hết những gì con có thể tưởng tượng trên con đường giới hạn ý niệm bản ngã của mình. Tuy nhiên, các thày đã giảng là khi đó con sẽ trải nghiệm các hậu quả của chọn lựa của mình khi ánh sáng Mẫu-Vật biểu hiện những gì con phóng chiếu lên nó xuyên qua ý niệm bản ngã của con. Đúng, điều này quả thật đúng, nhưng việc này có một khía cạnh khác. Đó là con cũng sẽ trải nghiệm chính mình.

11.4. Trải nghiệm chính mình

Ta có thể nói có hai khía cạnh, alpha và omega, khi con là người đồng-sáng tạo. Trong các bài giảng trước, các thày đã chú tâm nhiều đến quyền tự quyết. Con có quyền tự quyết, con có ý chí lấy chọn lựa. Con có ý chí phóng chiếu lên ánh sáng Mẫu-Vật và đồng-sáng tạo. Khía cạnh alpha là con có tự nhận biết. Lẽ tất nhiên, tự nhận biết có thể có nhiều nghĩa.

Sự tự nhận biết mà con có trên cõi thăng thiên cao hơn rất nhiều sự tự nhận biết mà con có trên một hành tinh tự nhiên, và sự tự nhận biết này cao hơn rất nhiều cái con có trên trái đất. Tuy nhiên, bất kể loại ngã nào mà con tạo ra, bất kể độ vô minh mà ngã đó có, con không thể hoàn toàn mất tự nhận biết. Con có thể giới hạn nó, ta có thể nói con có thể giới hạn khía cạnh tự (ngã), nhưng con vẫn sẽ có một hình thức nhận biết. Con không chỉ trải nghiệm những gì Ánh sáng Mẫu-Vật biểu hiện những gì con phóng chiếu lên nó qua cái ngã, con cũng trải nghiệm chính mình xuyên qua ngã đó.

Ta có thể nói là cái Ta Biết, là nhận biết thuần khiết, thực sự cần trải qua một tiến trình. Khi cái Ta Biết được tạo ra, nó không biết nó phải làm gì với chính nó trong tư cách một sinh thể không hình tướng. Nó cần trải nghiệm hành trình trầm mình vào một hình thức ngã hạn hẹp và sau đó dần dần thức tỉnh. Chỉ khi nó đã trải qua tiến trình trầm mình và thức tỉnh thì nó mới có thể hoàn toàn chấp nhận nó là một sinh thể vô hình tướng. Chỉ khi nó trải nghiệm trở lại nó là một sinh thể vô hình tướng, và hoàn toàn chấp nhận nó là một sinh thể vô hình tướng, thì nó mới có thể thăng thiên. Nói cách khác, cái Ta Biết không thể được tạo ra và ngay sau đó quyết định thăng thiên.

Điểm chủ yếu trong ý niệm cái Ta Biết là nó thăm dò các lãnh vực của quyền tự quyết cho tới khi nó chán ngán những trình độ biểu hiện quyền tự quyết có thể có trong một bầu cõi chưa thăng thiên – và sau đó nó thăng thiên. Sau đó, nó bắt đầu thăm dò quyền tự quyết ở một tầng cấp mới, lần này nó nhập một với Hiện diện TA LÀ. Hiện diện TA LÀ có một tầm nhìn hoàn toàn khác sau khi đã gửi một phần của chính nó vào bầu cõi chưa thăng thiên, tầm nhìn này nó không thể có nơi cõi thăng thiên. Ta có thể nói đây là mục đích vì sao các bầu cõi chưa thăng thiên được tạo ra, ngay cả vì sao các bầu cõi được tạo ra với độ dày đặc ngày càng cao vì như vậy chúng cho con một tầm nhìn khác. Hiện diện TA LÀ có được một tầm nhìn khác khi gửi một phần của chính nó xuống trải nghiệm các cõi dày đặc hơn từ bên trong.

11.5. Cho con người một khung tham chiếu

Vì sao con người trên trái đất vô minh? À, đó là vì họ vẫn ở trong giai đoạn trầm mình. Giờ đây, thể theo lời bài cầu thỉnh tuyệt diệu mà các con đã đọc trước bài truyền đọc này, và lẽ dĩ nhiên bài truyền đọc của Gautama là căn bản của bài cầu thỉnh đó, thì nhiều người trong các con đã đến trái đất như một avatar. Các con đến từ các hành tinh tự nhiên. Con tới trái đất, và khi con tới đây con có trong tâm ý tưởng là con đến đây để giải thoát con người khỏi khổ đau, khỏi vô minh. Con thấy từ hành tinh tự nhiên là trên một hành tinh phi tự nhiên, con người có một ý niệm bản ngã thấp hơn nhiều. Họ bị mắc bẫy trong một hình thức vô minh tạo ra khổ đau.

Khổ đau này không có trên hành tinh tự nhiên, do đó con nghĩ: “Con người bị mắc bẫy trong vô minh, và tôi cần đến đây, tôi muốn đến đây để giúp họ giải thoát khỏi vô minh.” Như Gautama đã giảng trong bài truyền đọc [được ấn hành trong quyển Chữa lành chấn thương tâm linh, cùng với bài cầu thỉnh được nêu lên ở trên], trước khi con thăng thiên như một avatar, con cần khắc phục ý muốn đó. Con cần làm hòa với luật tự quyết. Con cần làm hòa với sự kiện con người có quyền chọn lựa ở trong một ý niệm bản ngã giới hạn những gì họ có thể thấy. Họ có quyền có trải nghiệm đó. Con không ở đây để thay đổi trải nghiệm của họ, để ép buộc họ phải thay đổi. Con ở đây để cho họ một khung tham chiếu.

Đây là một điều cơ yếu mà con cần nhận ra trên con đường tới quả vị Phật, vì khi con còn duy trì ý tưởng là con (như sinh thể mà con thấy con là) ở đây để tạo thay đổi hay để áp đặt thay đổi lên trái đất, thì con không thể là Phật cũng như là Ki-tô Hằng sống. Con sẽ hành động xuyên qua các ngã vỏ ngoài đó. Con yêu dấu, con cần nhận ra là khi con xuống đây, khi con bị chấn thương nhập đời và tạo ra ngã gốc và các ngã khác, thì ngã gốc và tất cả các ngã bắt nguồn từ ngã gốc đã được tạo ra trong vô minh.

Con có nghe câu Giê-su nói về người mù dắt người mù. Ấy, khi con còn hành động xuyên qua ngã gốc và các ngã tách biệt khác, thì con là người mù đang tìm cách dắt người mù. Họ có thể mù hơn con, nhưng kỳ thực sự khác biệt này tương đối và chẳng có bao nhiêu giá trị. Khi con vẫn còn bị mù quáng bởi ngã gốc (là một ngã phản ứng, nó phản ứng lại các điều kiện con trải nghiệm trên trái đất), thì con không thể thoát khỏi các điều kiện thế gian. Con yêu dấu, nếu con không giải thoát khỏi điều kiện thế gian, thì làm sao con giúp người khác giải thoát?

Con đang tìm cách nâng họ ra khỏi trạng thái vô minh của họ và mang vào trạng thái vô minh của con. Đây không phải là cách hành xử của Phật. Phật là người, trước tiên, cải sửa chính mình để khắc phục vô minh mà con khoác vào sau khi con tới trái đất. Một lần nữa, thày không lên án con. Con không làm gì sai trái. Chuyện giản dị là như một avatar đầu thai xuống trái đất, để có thể làm tấm gương cho người khác noi theo, thì con phải trầm mình vào trái đất. Con làm việc này bằng cách tạo ra ngã gốc sau khi bị cú sốc khi con trải nghiệm sự tương phản giữa một hành tinh tự nhiên và một hành tinh phi tự nhiên.

11.6. Không thể tránh được chấn thương nhập đời

Các thày đã trao truyền khái niệm là nhiều người trong các con đã bị sa nhân tấn công rất hung hãn. Điều này là sự thật, nhưng ngay cả trên một hành tinh phi tự nhiên không có sa nhân, một avatar khi đi xuống một hành tinh như vậy cũng bị chấn thương nhập đời vì sự tương phản giữa một hành tinh tự nhiên và một hành tinh phi tự nhiên quá lớn, và con không thể chuẩn bị khi còn đang ở trên hành tinh tự nhiên. Con giản dị không thể trải nghiệm, khi ở trên hành tinh tự nhiên, thế nào là sống trên một hành tinh phi tự nhiên. Con phải đầu thai xuống hành tinh phi tự nhiên để có thể trải nghiệm điều đó, và kinh nghiệm đó sẽ cho con một cú sốc.

Nhiều cư dân nguyên thủy của trái đất không trải nghiệm một cú sốc tương tự vì họ đã sống trên trái đất và đã trải nghiệm sự tuột dốc dần dần dẫn tới điểm sa nhân có thể đầu thai ở đây. Họ bị cú sốc, gọi là chấn thương địa cầu, khi họ gặp sa nhân. Ngay cả nếu con không gặp sa nhân, thì con, như một avatar, cũng vẫn bị chấn thương nhập đời khi con đầu thai xuống một hành tinh phi tự nhiên.

Con không có lý do gì để hối tiếc những gì đã xảy ra. Điều quan trọng là con nhận ra là chỉ khi nào con thức tỉnh khỏi những ảo tưởng của ngã gốc, thì con mới có thể hoàn thành mục tiêu mà con có khi con xuống hành tinh này. Con không thể là Ki-tô hành động, con không thể là Phật hành động. Con không thể đem lại ánh sáng, con không thể là tấm gương, con không thể cho con người một khung tham chiếu. Con không thể giúp họ thoát khỏi vô minh vì con bị mắc kẹt trong hình thức vô minh của chính mình.

Ngã gốc giúp con làm gì? Nó cho phép con quên đi cú sốc ở trên trái đất, dù đó là chấn thương do sa nhân tạo ra hay chỉ vì con trải nghiệm một tương phản. Cú sốc lớn đến độ nó khiến con cảm thấy, nó khiến con nghĩ: “Tạo sao tôi lại tới hành tinh này?” Điều này khiến con bất an nhưng lúc đó con không có câu giải đáp, và do đó con đã tạo ra ngã gốc như một bức màn, như một rào cản. 

Giờ đây, khi con còn nhìn cuộc sống trên trái đất xuyên qua ngã gốc, thì con không thấy cú sốc, con không thấy chấn thương. Lẽ tất nhiên, nó vẫn còn đó. Đó là lý do vì sao con không thể hoàn thành mục tiêu khiến con tới đây trừ khi con dùng kinh nghiệm cao hơn mà con đạt được trên trái đất và sự tăng trưởng mà con đã đạt được ở đây để đi trở về chấn thương nhập đời, nhìn nó và làm hòa với sự việc con ở trên trái đất bằng cách của riêng con.

11.7. Giải đáp chuyện khó xử về việc sống trên trái đất

Ta có thể nói là trước khi con xuống đây như một avatar, con có trong tâm một lý do khiến con muốn tới đây. Khi con xuống đây và trải nghiệm đời sống ở đây như thế nào, thì con bắt đầu hoài nghi lý do đó. Điều con cần làm bây giờ ở tầng tâm thức hiện tại của con là đi trở về, nhìn lý do khiến con tới đây và giải đáp tình trạng khó xử mà con phải chạm trán khi ở đây. Điều này giản dị có nghĩa là con cần nhìn lý do khiến con tới đây dưới một ánh sáng mới. Con cần phải thấy là một số khía cạnh của lý do khiến con tới đây dựa trên điều mà Gautama đã gọi, trong bài truyền đọc của thày, là ham muốn quá đáng. Con cần tới điểm con buông bỏ nó, con từ bỏ nó, con quẳng nó đi để con không còn dính mắc vào những gì con hoàn thành hay không hoàn thành trên trái đất.

Như Gautama có giảng, con vẫn còn trói buộc giá trị của mình vào thành quả, vào việc mình làm, vào kết quả mà con tạo ra. Giờ đây thì con đã trải nghiệm độ dày đặc của trái đất, và con nhận ra là con không thể nào tạo được kết quả mà trước khi con đến đây con nghĩ con có thể hoàn thành. Thay vì bị bất toại nguyện, con cần tới điểm con làm hòa với sự kiện là con tới đây để tăng trưởng, và đây là cách nhanh chóng nhất giúp con tăng trưởng, khi con có tâm thái trước khi con xuống đây. Con cần làm hòa với việc con đã tới đây, đã sống ở đây, đang ở đây ngay lúc này. Nếu con chưa làm hòa với việc mình tới đây, và mình đang ở đây, thì con không thể làm hòa với việc rời khỏi nơi này vì con nghĩ còn chuyện gì đó con cần thành tựu mà con chưa thành tựu. Khi con còn cảm giác đó, và vì con là một người đồng-sáng tạo rất nhiệt thành, thì con không thể ra đi.

Khi con xuống đây như một avatar, đó là vì con có ước muốn tăng trưởng lớn lao và điều này có nghĩa con không thể để chuyện gì dang dở, chưa hoàn thành. Nếu như một avatar con đã định cho mình một mục đích ở tầng thấp, thì con nghĩ mục đích đó phải được hoàn thành trước khi con đi bước tiếp. Điều các thày kêu gọi con làm là đạt được một tầng trưởng thành hơn như một avatar, và nhận ra là có hai cách bước tiếp khi mình có một mục đích. Một cách là hoàn thành mục đích cho tới khi con thấy trải nghiệm như thế đủ rồi, cách kia là nhìn mục đích và nhận ra nó không phải là mục đích cao nhất. Nó không thực sự biểu đạt con người mà con là. Do đó, con giờ đây thấy là khi con từ bỏ mục đích đó, thì con thấy một mục đích cao hơn. Con thấy mục đích cao nhất luôn luôn là tăng trưởng sự tự nhận biết. Đó là lúc con tới điểm làm hòa với việc giá trị của con dựa trên con người mà con là, dựa trên Hiện diện TA LÀ thay vì dựa trên những thành đạt, cho dù những thành đạt này được tạo ra trên trái đất hay trên một hành tinh tự nhiên.

Những thành đạt của con trong bầu cõi chưa thăng thiên này không quy định giá trị của con. Con người mà con là mới quy định giá trị của con. Đây là một hình thức vô minh đặc trưng mà con có trước khi con tới đây. Con không hoàn toàn nắm bắt và chấp nhận là con có giá trị vì con là chính mình chứ không phải do những gì con làm.

Giờ đây các thày nhận ra đây là một thách thức rất vi tế cho các người đồng-sáng tạo. Lẽ tự nhiên, con được tạo ra với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm. Làm sao con nới rộng ý niệm bản ngã đó? Bằng cách làm, bằng cách đồng-sáng tạo. Con trải qua một giai đoạn trong đó ý niệm giá trị của con như một người đồng-sáng tạo trong một bầu cõi chưa thăng thiên dính liền với những gì con đồng-sáng tạo, những kết quả mà con tạo ra. Điều mà các thày giản dị muốn con nhận biết là có một lúc con cần bước lên một tầng cao hơn và bắt đầu giải thoát mình khỏi ý niệm giá trị của mình dính liền với kết quả tạo ra. Con cần tới điểm con bắt đầu vui hưởng tiến trình đồng-sáng tạo thay vì kết quả của việc đồng-sáng tạo.

Đây là một chủ đề mà thày sẽ để các vị thày khác khai triển, vì thày đã trao cho các con những gì thày muốn trao.

13 | Nỗi giận tiềm ẩn của người tâm linh

Chân sư Thăng thiên Akshobya qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Phật Thiền định Akshobya, TA LÀ Chân sư Thăng thiên Akshobya nhưng tất nhiên, thày hơn mọi tên gọi. Chất độc mà thày đã chọn làm việc giữ quân bằng cho trái đất là giận dữ và thù hận. Giận dữ là gì? À, ngôn ngữ bị giới hạn khi mô tả cảm xúc vì cảm xúc thường phức tạp, chúng hơn ngôn từ.

13.1. Dồn mình vào góc tường

Chúng ta hãy chú tâm vào hai loại sinh thể. Chúng ta có sa nhân, chúng ta có avatar. Sa nhân có nỗi giận sâu thẳm đối với Thượng đế, các sa nhân khác, con người, các avatar, các sinh thể Ki-tô, các sinh thể Phật. Nói tóm lại họ giận mọi thứ trừ chính họ. Ấy, thực ra nỗi giận của họ sự giận dữ chính họ nhưng họ không thấy điều này.

Giờ đây, nếu con nhớ lại bài giảng trước thì con thấy là vô minh tạo ra một bức màn, và con không thấy những gì đằng sau bức màn. Khi một avatar tới trái đất và bắt đầu hoài nghi, hay nhận cú sốc khi nhận ra lý do nguyên thủy khiến mình tới đây sẽ không thể hoàn thành, thì con tạo ra ngã gốc để che giấu cú sốc là con phải duyệt lại cách hành xử của mình.

Giống như vậy, trong bầu cõi đầu khi một sinh thể sa ngã, sa nhân đó đã xây dựng một ý niệm bản ngã cao đẹp vì cho rằng mình đang làm điều tốt. Khi các chân sư thăng thiên khiến họ phải đối đầu sự thực là điều họ làm không tốt, vì nó chỉ vị kỷ, thì sa nhân đó cũng trải nghiệm một cú sốc và đã tạo ra một ngã để che giấu cú sốc từ lúc đó. Sa nhân đó đã có thể tránh duyệt lại cách hành xử của y và tới điểm xem xét: “Ồ, có gì trong thái độ, cách hành xử, niềm tin của tôi, cách tôi nhìn đời, cách tôi nhìn thế gian, không phải là cách cao nhất? Phải chăng tôi phải thay đổi cách tôi nhìn thế gian?”

Ta có thể nói rằng khi con tới trái đất như một avatar, con bị cú sốc khi nhận ra lý do con tới trái đất không thể hoàn thành được. Con tạo ra ngã gốc để tránh không phải đối phó với câu hỏi: “Có gì trong lý do tôi tới đây, thái độ của tôi, cách tôi nhìn trái đất, cần phải thay đổi chăng?” Con đã tạo ra ngã đó để tránh phải xem xét một vấn đề sâu xa hơn. Nhưng chuyện xảy ra khi con tiếp tục đầu thai (như một sa nhân từ một bầu cõi cao hơn hay như một avatar xuống trái đất) thì qua kinh nghiệm sống, con trải nghiệm là có một số vấn đề dường như con không thể giải quyết.

Lý do con không thể giải quyết vấn đề là vì con không chịu xem xét vấn đề nguyên thủy bị ngã gốc che giấu. Qua hành động tạo ngã gốc, con đã giới hạn cái thấy của mình, và do đó có một số vấn đề con không thể giải quyết. Khi con tiếp tục đầu thai, con tạo ra càng ngày càng nhiều ngã khác là hậu duệ của ngã gốc, và các ngã này tạo thêm càng ngày càng nhiều giới hạn. Vì mỗi lần con tạo ra một ngã, thì con tạo một giới hạn. Với mỗi giới hạn, con lại có thêm một vấn đề con không thể giải quyết cho tới khi con giải quyết cái ngã.

Con có thể nói là mỗi ngã giới hạn cái thấy của con. Với một cái thấy giới hạn thì có một vấn đề mà con không thể giải quyết, nhưng con làm gì? Con không thể giải quyết vấn đề nhưng con phải phản ứng lại vấn đề. Con xử lý việc này ra sao? Con tạo thêm một ngã dựa trên một giới hạn khác, và điều này tạo một vấn đề khác mà con không thể giải quyết.

13.2. Nỗi giận tích lũy

Cảm xúc dần dần trở nên càng ngày càng mãnh liệt, và đó là lý do vì sao, như Chân sư MORE có nói, ngay cả đệ tử tâm linh cũng có thể càng ngày càng tích lũy thêm sự bực bội. Con trải nghiệm là con đang ở trong một hoàn cảnh không thoải mái. Con cảm thấy bị giới hạn, con cảm thấy bị vây hãm. Con trải nghiệm bị điều kiện vây hãm và con không có uy lực để thay đổi hoàn cảnh. Con bị giới hạn bởi các vấn đề mà con không thể giải quyết – đó là cách con cảm nhận tình hình. Lý do con cảm nhận như vậy là vì con nhìn vấn đề xuyên qua một cái ngã, nhưng con không thấy điều này. Do đó, con thấy có một vấn đề mà con không thể giải quyết. Như các thày đã nói, con cảm thấy cá nhân mình bị tấn công vì con cảm thấy bị vây hãm và không thể đi nơi nào khác. Đó là lý do vì sao nỗi giận tích lũy.

Nỗi giận tích lũy vì càng ngày càng có nhiều vấn đề mà con không thể giải quyết. Vì mỗi lần con phản ứng lại một vấn đề, thì con tạo ra một ngã khác và điều này lại tạo thêm một vấn đề khác, và con cảm thấy như vấn đề không bao giờ dứt. Đây là câu chuyện con quái vật trong hang động cứ mọc lên bảy cái đầu mới mỗi khi con chặt đứt một đầu của nó. Đó là lý do vì sao nỗi giận tích lũy. Đó là sự bực bội, là năng lượng tích lũy, là căng thẳng càng ngày càng mãnh liệt, và đây là lý do khiến con giận dữ. Đó là lúc con tới điểm áp lực trở nên mạnh đến độ con không thể tránh biểu lộ nỗi giận. Lẽ tất nhiên, con không biểu lộ nỗi giận với chính mình, mà biểu lộ nó tới người khác.

Nhận ra các điểm khác biệt giữa trường hợp sa nhân và avatar có lợi ích nào cho con? Sa nhân đã có một khoảng thời gian dài hơn rất nhiều để tích lũy sự bực bội của họ, và do đó nỗi giận của họ mãnh liệt hơn. Nỗi giận của họ có cường độ cao đến độ nó đã chuyển dạng thành thù hận. Khác biệt này vi tế và không quan trọng lắm. Lẽ tất nhiên thù hận có cường độ hơn giận dữ rất nhiều và nó hướng thẳng tới một số điều kiện mà con đã nhận diện là nguyên do, nguyên do chính của vấn đề. Đối với nhiều sa nhân, đối tượng này là Thượng đế vì họ nghĩ Thượng đế là nguyên do các vấn đề của họ. Nhiều sa nhân có nỗi giận rất mãnh liệt đối với Thượng đế nhưng vì họ không thể làm gì để trừng phạt Thượng đế (tuy đó là điều họ muốn làm) nên họ đem nỗi giận này trút lên người khác và tìm cách trừng phạt các người đó. Đó là lý do vì sao, khi con là một avatar xuống trái đất, họ nhìn con như một mối đe dọa và họ tìm cách trừng phạt con.

13.3. Các avatar giận chính mình

Con thực sự làm gì với nỗi giận? À, nỗi giận bắt nguồn từ cảm giác bực bội vì con không có quyền lực để giải quyết một vấn đề. Sau đó, có một cơ chế tâm lý vận hành là nếu con trải nghiệm con có thể trút cơn giận lên một người khác (và khiến người đó cảm thấy khổ sở với chính họ như chính con cảm thấy với chính mình) thì con cảm thấy mình có uy lực. Con không có uy lực để giải quyết vấn đề đã khiến con giận dữ, nhưng con có uy lực khiến người khác cảm thấy khổ sở. Điều này giúp con khuây khỏa được một lúc, vì dù sao con cũng có chút ít uy lực.

Đó là lý do vì sao con thấy một số người (ngay cả trong các phong trào tâm linh, như Chân sư MORE có đề cập đến) đã biểu lộ hành động mà họ cho là dùng ánh sáng xanh để giúp người khác thức tỉnh, nhưng kỳ thực họ đang biểu lộ nỗi giận của họ. Nếu con đi sâu vào tâm lý con người, thì con thấy vì sa nhân đã có rất nhiều thời gian để tạo ra thật nhiều ngã, nên họ thù hận người khác, Thượng đế, Ánh sáng Mẫu-Vật, hay bất cứ gì khác.

Với nhiều avatar thì lòng thù hận hay nỗi giận của họ hướng về chính họ. Họ cảm thấy một sự bực bội nào đó, và nhiều khi, trong tâm con, con thấy đây là sự bực bội với một số điều kiện trên trái đất. Thí dụ, nhiều khi con cảm thấy có một số điều kiện trên trái đất đang giới hạn con và khiến con cảm thấy không vui với chính mình. Sự thực là nếu con nhìn sâu hơn, thì cảm xúc này bắt nguồn từ cú sốc khi con nhận ra mục đích nguyên thủy khiến con tới trái đất không thể hoàn tất được. Do đó, con cảm thấy giận chính mình vì đã lấy chọn lựa tới đây: “Tại sao tôi lại có thể ngu dốt như vậy khi quyết định tới hành tinh này?” Nhiều người trong các con sẽ nhận ra là con đã tạo ra ngã gốc và các ngã khác để che giấu nỗi giận đó. Nay các thày đã trao truyền cho các con giáo lý về chấn thương nhập đời, thì một số các con đã thực sự tới điểm sẵn sàng nhận diện cảm xúc đó trong tâm mình, và đây là một điều rất quan trọng mà con cần làm.

13.4. Tạo ra ngã để đè nén nỗi giận

Như một người tâm linh, điều rất quan trọng là con cho phép mình nhận ra là con có các ngã đó, con có sự bực bội đó, con có nỗi giận đó. Như một người tâm linh, điều quan trọng khác là con chấp nhận là con đã tìm cách tạo ra các ngã đó để đè nén nỗi giận vì con nhận ra, ở một tầng nào đó của con người mình, là một người tâm linh không được cảm thấy giận dữ. Điều quan trọng, như vị bào huynh quý của thày có nói, là con nhận ra là khi con tiếp nhận một giáo lý tâm linh, thì con thực sự có thể tạo ra một số ngã dựa trên giáo lý đó. Con tiếp nhận giáo lý Phật an lạc, Phật không dính mắc, do đó, con cảm thấy, nếu con là một đệ tử của Phật, thì con phải tạo ra một ngã để đè nén nỗi giận. Con có thể đi về phương Đông và thấy nhiều vị tăng ni đã là đệ tử trung thành và nhiệt tình của Phật giáo trong nhiều chục năm trong kiếp sống này, thậm chí trong nhiều kiếp trước. Họ có vẻ rất an bình, rất hài hòa và một số quả thực như thế. Nhiều người trong các vị đó đã quả thực tạo ra những ngã rất, rất dũng mãnh nhằm đè nén nỗi giận để nó không bao giờ biểu lộ ra – nhưng nó vẫn còn đó. Các thày kêu gọi các con, là đệ tử chân sư thăng thiên đã mở tâm đón nhận giáo lý này, đừng sợ nhận ra là trong con người mình có một hay nhiều ngã có sự giận dữ.

Một số các con đã kinh qua khổ đau mãnh liệt đến độ đã lấy vào một số phóng chiếu của sa nhân và hỏi: “Tại sao Thượng đế không thay đổi phương trình tự quyết, tại sao Thượng đế lại để con người bị đau khổ, tại sao Thượng đế lại để tôi bị đau khổ?” Con cảm thấy có nỗi giận nào đó với Thượng đế vì ngài đã ban cho con quyền tự quyết. Con có thể cảm thấy (khi con kinh qua đau khổ cùng cực trên trái đất, là điều không thể có trên hành tinh tự nhiên): “Tại sao Thượng đế lại để tôi lấy chọn lựa xuống trái đất? Thậm chí, tại sao Thượng đế lại cho tôi quyền tự quyết?” Đây là một phóng chiếu của sa nhân mà con đã mang vào tâm mình, nhưng điều quan trọng là con nhìn nhận mình có ngã đó. Chỉ khi con nhận ra là trong bốn thể phàm của mình có ngã cảm thấy giận dữ đó, thì con mới có thể tách mình ra khỏi ngã đó.

13.5. Khắc phục nỗi giận

Vậy con có thể làm gì? À, lẽ tất nhiên con có thể theo phương pháp mà các thày đã trao truyền, nhận diện ngã tách biệt, nhận ra là ngã tách biệt cảm thấy giận dữ đó đang phóng chiếu một vấn đề. Tỷ dụ, nó có thể phóng chiếu vấn đề là: “Thượng đế đáng lẽ phải thay đổi luật của ngài và không cho phép quyền tự quyết đem lại khổ đau như thế này.” Khi con còn ở bên trong ngã đó, thì con phóng chiếu ra ngoài, con nghĩ: “Làm sao tôi có thể khiến Thượng đế thấy sai lầm của ngài và thay đổi tình trạng này?” Lẽ tất nhiên con không thể. Khi con hiện thân trên một hành tinh như trái đất, con không thể nói chuyện với đấng Sáng tạo và nói: “Tại sao ngài không thay đổi luật của ngài?”

Đấng Sáng tạo không thể nghe con, con không thể vươn tới tâm thức đấng Sáng tạo. Ngã đưa ra một vấn đề không thể có giải đáp. Tất cả các ngã mà con đã tạo ra đều đưa ra một vấn đề không thể có giải đáp vì vấn đề chỉ hiện hữu do nhận thức của ngã đó, một nhận thức giới hạn. Vấn đề không phải là một vấn đề có thực, nó là một vấn đề nhân tạo, được tạo ra bởi một nhận thức giới hạn. Vấn đề không bao giờ có giải đáp. Cách giải quyết duy nhất là thấy ngã tách biệt có một nhận thức giới hạn. Nó không phải là con. Con là cái Ta Biết. Con có khả năng bước ra ngoài ngã đó và đón nhận một nhận biết cao hơn, mà các thày đã trao truyền với giáo lý về quyền tự quyết.

Do đó, con có thể tới điểm thấy ngã đó không thật, vấn đề không thật, có nghĩa là con không cần giải quyết vấn đề. Con không cần khiến đấng Sáng tạo thấy luật tự quyết là một sai lầm. Do đó, con có thể tới điểm thấy ảo tưởng và buông bỏ nó. Sau đó, con có thể nhìn ngã tách biệt và nhận ra là cách giải thoát khỏi nó không phải là giải quyết vấn đề mà là để cho ngã chết đi.

13.6. Thuốc giải chất độc giận dữ

Giờ đây các thày đã trao truyền cho các con các dụng cụ để giải trừ chất độc giận dữ, nhưng thày vẫn muốn giúp con bằng cách cống hiến thuốc giải độc tố giận dữ của thày. Thuốc giải này gọi là Minh triết Như Tấm gương. Con yêu dấu, khi thày yêu cầu con xem xét sự kiện con có một cái ngã giận dữ, thì ban đầu con có thể cảm thấy rất quan ngại. Con sợ là nếu con, như một đệ tử tâm linh, nhìn nhận nỗi giận của mình thì con sẽ tự lên án mình. À, Chân sư MORE đã trao cho các con chìa khóa để khắc phục ngã phán xét.

Nếu con chú tâm vào chuyện này trước và loại bỏ ngã phán xét đó, thì con sẽ không phán xét mình đã có nỗi giận. Con có thể nhìn nó một cách trung hòa. Điều thày cống hiến con là Minh triết Như Tấm gương. Nếu con bỏ thời gian đọc câu chú, hòa điệu với Sinh thể của thày, thì thày sẽ giúp con nhận ra chuyện đó. Thày sẽ giúp con hòa điệu với Minh triết Như Tấm gương để con có thể tới điểm con thấy trong tấm gương những gì bên trong mình mà không phán xét.

Giờ đây thày biết rất rõ là con có thể xem xét tình trạng trái đất, và có lẽ phụ nữ dễ nghĩ theo chiều hướng này hơn nam nhân. Nhiều phụ nữ không thích tấm gương vì nó cho họ thấy như họ là, không như điều họ cảm thấy họ phải biểu hiện ra. Có một chấn thương liên quan đến phụ nữ đã được tạo ra trên trái đất nhưng con cũng có thể khắc phục nó bằng Minh triết Như Tấm gương của thày bằng cách tự đặt cho mình một câu hỏi. Con yêu dấu, nếu con đang ăn điểm tâm và có một miếng thức ăn giắt vào răng, thì con có muốn sinh hoạt suốt ngày với miếng thức ăn giắt vào răng mà mọi người đều thấy, hay con muốn nhìn vào tấm gương trước khi con ra khỏi nhà, thấy miếng thức ăn, gỡ nó đi và được giải thoát khỏi nó suốt cả ngày?

Lẽ tự nhiên, với nỗi giận cũng vậy. Con có một ngã cảm thấy giận dữ. Con yêu dấu, chuyện con đến trái đất như một avatar và tạo ra một ngã giận dữ, là điều không thể tránh vì đây là một hành tinh rất thấp, rất dày đặc. Điều này không thể tránh. Tất cả chúng ta đều đã tạo ra một ngã tương tự, kể cả Giê-su, như được chứng minh trong quyển Các kiếp sống. Con có muốn sống phần còn lại cuộc đời với ngã đó hay con muốn nhìn vào tấm gương mà thày cống hiến, lấy nó ra khỏi răng, loại nó ra khỏi bốn thể phàm, cho nó chết đi và được giải thoát khỏi nó trong suốt phần còn lại của cuộc đời?

13.7. Minh triết Như Tấm gương không phán xét

Một lần nữa, điều này dính liền với việc các thày chấp nhận con vô điều kiện và không phán xét con. Con yêu dấu, thày là một Phật Thiền định, thày hiện diện ở một tầng tâm thức cao hơn tâm thức trái đất rất, rất nhiều. Tuyệt đối không có gì trên trái đất xáo trộn thày. Không có gì trên trái đất ảnh hưởng thày. Vì không có gì trên trái đất ảnh hưởng thày, nên thày không cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ gì trên trái đất. Vì thày không cảm thấy bị đe dọa, nên thày không cần phán xét điều gì trên trái đất, do đó thày không phán xét con. Thày chỉ mong muốn giải thoát con. Thày cống hiến Minh triết Như Tấm gương vì khác với các tấm gương trên trái đất, Minh triết Như Tấm gương mà thày là giúp con có thể, khi con hòa điệu với nó, thấy mà không phán xét. Con có thể thấy một ngã mà không thấy qua một ngã khác. Nói cách khác, con có thể thấy ngã giận dữ mà không thấy nó qua ngã phán xét. Con chỉ thấy nó.

Minh triết Như Tấm gương là như thế. Nó không nhị nguyên, nó giúp con thấy một điều kiện nhị nguyên mà không phán xét nó qua một điều kiện nhị nguyên hay một ngã khác. Không có cách nào vượt lên trên sự giận dữ ngoài cách làm tan biến ngã giận dữ. Khi con đã giải quyết ngã gốc, thì con rất dễ nhìn các ngã giận dữ và khiến chúng tan biến đi. Lúc đó, con có thể bắt đầu xem xét: “Tại sao tôi lại tới trái đất? Tôi có một chờ đợi thiết thực, hay tôi đã có một ước muốn không thiết thực, một ước muốn quá đáng theo nghĩa đó là một ước muốn bất khả thi, không thể hoàn thành.”

Lúc đó, con có thể bắt đầu xem xét: “Tại sao tôi lại muốn thay đổi người khác khi họ có quyền tự quyết?” Sau đó, con có thể tới điểm không cảm thấy bị đe dọa bởi sự kiện người khác bác bỏ con, người khác không thay đổi. Con không có trong mình một ngã cảm thấy bứt rứt vì người khác vẫn đang đau khổ. Do đó, con không cần phải thay đổi họ để giải quyết cảm xúc bên trong chính mình. Con có thể buông bỏ sự phán xét cho rằng đau khổ là không tốt, và các người đó đáng lẽ không được đau khổ.

13.8. Giải thóat ý chí của mình khỏi ý chí của người khác

Con yêu dấu, con thấy chăng là trong con có một ngã dựa trên nhận thức mà con có trước khi con tới đây, nhưng nó được tạo ra sau khi con thấy độ dày đặc của hành tinh này và con cảm thấy: “Nhưng tôi không thể thay đổi người khác, họ không chịu lắng nghe tôi, họ không đáp ứng lại những gì tôi làm.” Lúc đó, con tạo ra cái ngã cảm thấy đáng lẽ con không nên tới đây. Mỗi khi con thấy người khác đau khổ, thì con cảm thấy sự bực bội bắt nguồn từ ngã đó. Con dấy lên lòng từ bi trước nỗi khổ đau của người khác nhưng con cảm thấy không thể giúp họ thay đổi để không đau khổ nữa.

Điều này khiến con đau khổ. Nó khiến con đau khổ vì con cảm thấy việc con tới đây vô nghĩa và điều này dính liền với cảm giác bực bội nơi con. Phương pháp tối hậu để giải quyết nỗi giận là thấy được ngã đó, và thấy là cảm giác của con về việc con hiện thân trên trái đất vẫn còn dính liền với người khác và sự khổ đau của họ. Cách con cảm nhận chính mình và việc con xuống đầu thai trên trái đất là, một lúc nào đó, con đã quyết định là khi người khác còn đau khổ, thì con không thể thoải mái với việc mình ở trên trái đất, con không thể cảm thấy an bình sống trên trái đất. Thậm chí con không thể cho phép mình cảm thấy vui tươi và hạnh phúc khi người khác còn đau khổ.

À, bây giờ con có thể tới điểm giải quyết tầm nhìn hạn hẹp của con về luật tự quyết. Con nhận ra là người khác có quyền chọn lựa đau khổ trong một thời gian dài cho tới khi họ chán ngán kinh nghiệm đó và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời họ. Con vẫn có quyền tự quyết, và việc con trói buộc các chọn lựa của mình vào các chọn lựa của người khác, là điều không phải, là điều phạm luật. Như một đệ tử tâm linh, nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình có nghĩa là ngưng không để những chọn lựa của mình bị ảnh hưởng bởi chọn lựa của người khác. Con ngưng không để các chọn lựa của mình chờ đợi người khác lấy một số chọn lựa. Con nhận ra là con cần hoàn toàn (và đây là trách nhiệm tối thượng khi con đầu thai trên trái đất) giải thoát quyền tự quyết của mình khỏi ý chí của người khác.

Con cần tới điểm con có thể lấy chọn lựa cho chính mình mà hoàn toàn không tùy thuộc vào người khác. Con cần nhận ra là con có quyền chọn lựa sống an bình, sống hạnh phúc trên trái đất ngay cả khi người khác vẫn chọn lựa đau khổ. Khi con có thể nhận ra điều này, thì con nhận ra không có lý do gì để con cảm thấy bực bội khi sống trên trái đất. Lúc đó, con có thể nhìn cái ngã cảm thấy luật tự quyết sai lầm, luật tự quyết phải được thay đổi. Con có thể nhìn cái ngã (tất cả mọi ngã cảm thấy bực bội, cảm thấy giận dữ) và con buông bỏ nó – con để cho nó chết đi.

Con có thể thấy là ở đây không có vấn đề gì cần giải quyết. Con chỉ để cho ngã chết đi. Con có thể để nó chết đi bằng cách nhìn vào tấm gương vì Minh triết Như Tấm gương giúp con không những thấy những gì có trong tâm thức mình, mà cũng giúp con ngước nhìn lên và thấy là con hơn những ngã đó rất nhiều. Con là cái Ta Biết là một sinh thể vô hình tướng, do đó con không bị mắc kẹt trong các ngã đó – trừ phi con để cho mình bị mắc kẹt. Con hơn thế, con là Hiện diện TA LÀ ở trên, và nó tự nó xứng đáng tự trong bản chất của nó. Do đó, giá trị của con trên trái đất không tùy thuộc các kết quả mà con đạt được trong việc thay đổi người khác.

Một lần nữa, con có thể tới điểm con tiến thêm một bước tới gần hơn việc chú tâm vào tiến trình thay vì kết quả. Đây là một chủ đề mà các chân sư khác sẽ khai triển thêm, vì tất cả các thày đang xây dựng chủ đề tiến trình thay vì kết quả.

Khi con còn bị mắc kẹt trong các ngã phát xuất từ các chất độc tâm linh, thì con không thể chú tâm vào tiến trình thay vì kết quả. Con sẽ chú tâm vào kết quả vì các ngã phóng chiếu tới con là có một kết quả mà con phải thể hiện. Đó là một kết quả bất khả thi và các thày muốn giúp con thấy điều này bằng cách phơi bày các ngã phát xuất từ các chất độc tâm linh. Tới đây thì thày đã trao cho các con món quà của thày.

15 | Bình đẳng làm tan biến lòng tự cao và tự ti

Chân sư Thăng thiên Ratnasambhava qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Ratnasambhava. Thày là thuốc giải của độc tố kiêu mạn. Kiêu mạn là gì? À, lẽ đương nhiên kiêu mạn có nhiều cấp độ, có nhiều dạng. Ta cần khẳng định là ngay cả trên hành tinh tự nhiên cũng có kiêu mạn. Lý do giản dị là khi con bắt đầu hiện thân như một người đồng-sáng tạo, thì con có một ý niệm bản ngã rất bé nhỏ (như các thày đã nói: nhỏ như cái chấm), và phận sự của con là dần dà phát huy nó bằng cách thử nghiệm. Con đồng-sáng tạo dựa trên cái ngã mà con có, trải nghiệm kết quả, sau đó nới rộng cái ngã, đồng-sáng tạo tiếp, và cứ như thế.

15.1. Kiêu hãnh tự nhiên và phi tự nhiên

Chuyện hoàn toàn tự nhiên và không thể tránh là khi con trải qua tiến trình đó trong một thời gian dài, thì con trải nghiệm mình có một sự thiện xảo nào đó, một thành đạt nào đó. Con đã đạt được khả năng hình dung và biểu hiện nào đó, không những chỉ là các vật thể mà thậm chí cả hoàn cảnh sống. Hầu như không thể tránh (và sự thực là không có gì đáng chê trách) là khi con tăng trưởng nhận biết để sáng tạo, thì con phát triển ý niệm con đã thành tựu được gì đó. Con đã đạt được một trình độ trưởng thành, tinh tiến và thiện xảo nào đó. Lẽ tự nhiên, con có thể quay lại nhìn ý niệm bản ngã mà con có khi trước và thấy là con đã phát huy nó như thế nào, con đã tăng trưởng như thế nào, con có cảm nhận là con thực sự có thể thể hiện một cái gì đó.

Con có thể lấy lời dạy của Giê-su: “Tự ta không làm được gì.” Trên một hành tinh tự nhiên, con trải nghiệm trực tiếp là con không đang thể hiện với tư cách một ngã tách biệt mà con là một phần của tổng thể, năng lượng của con tới từ Hiện diện TA LÀ của con. Con biết khả năng thể hiện của con không chỉ do các thành đạt của con, tuy nhiên con phát triển ý niệm là con, như cái ngã mà con thấy con là, có khả năng thể hiện. Điều này tất nhiên hoàn toàn đúng – con quả thực có khả năng đó. Con đã phát huy ý niệm bản ngã và con có khả năng thể hiện một cái gì đó mà con không thể thể hiện lúc ban đầu.

Ta có thể nói con có một niềm kiêu hãnh tự nhiên khi con cảm thấy hãnh diện về những thành đạt và khả năng của mình. Đây có là một chất độc tâm linh theo sát nghĩa chăng? À, quả thực là không nếu xét theo cách con dùng từ chất độc tâm linh trên một hành tinh phi tự nhiên, vì con không tự xem mình là một sinh thể tách biệt. Con không ở trong nhị nguyên và do đó con không có niềm tự hào như con thấy trên trái đất.

Con cần hiểu là những người trong các con đã tới trái đất như một avatar, thì các con đã tới với cảm nhận mình đã có một số thành đạt, có khả năng thể hiện – tuy rằng, khi con xuống đầu thai thì con mất đi nhận biết có ý thức về các khả năng này. Con cần nhận ra là con mang theo mình một cái gì đó từ khoảng thời gian con sống trên hành tinh tự nhiên.

15.2. Các avatar đầu thai trên trái đất

Các thày có giảng là khi con xuống đầu thai trên trái đất, ngay cả khi con là một avatar, bất kể trước đó con đã có thành đạt gì, thì con phải xuống ở tầng tâm thức 48, và mang vào tất cả các ảo tưởng ở mỗi tầng từ tầng tâm thức của con xuống tới tầng đó. Điều này có nghĩa là tâm ý thức của con ở tầng tâm thức 48.

Con làm gì trên một hành tinh tự nhiên? À, con cũng xây dựng một cái gì tương tự như cái các thày đã gọi là bốn thể phàm trên trái đất. Con xây dựng một ý niệm bản sắc, con xây dựng một hiểu biết về cách vận hành của tiến trình đồng-sáng tạo, và con xây dựng một số cảm xúc. Con mang theo những thành phần này, ít ra là một phần, khi con xuống trái đất và con dùng chúng để hình thành các thể bản sắc, tư tưởng và cảm xúc của con. Nói cách khác, khi con tới trái đất như một avatar, con không bắt đầu từ số không khi con tạo ra bốn thể phàm để hiện thân tại đây. Con mang theo mình một cái gì đó từ hành tinh tự nhiên. Điều này có nghĩa là, tuy tâm ý thức của con ở tầng 48 (và do đó con không nhớ một cách ý thức là con tới từ một hành tinh tự nhiên), con vẫn có một số cảm giác, một số ký ức. Con cũng có một số khả năng, vì lẽ tất nhiên, con dễ quán triệt tiến trình đồng-sáng tạo hơn một dòng sống mới được tạo ra ở tầng đó.

Khi con tới trái đất, con trải nghiệm là con khôn ngoan hơn, tài ba hơn, con có nhiều khả năng hơn đa số những người đang hiện thân trên trái đất. Giờ đây, điều rối rắm là như một avatar, lẽ tất nhiên, con bị chấn thương nhập đời. Chuyện đã xảy ra là sa nhân tìm cách hạ nhục con và nói là con không có quyền ở trên trái đất, con đáng lẽ không được tới đây, vân vân. Khi đó con tạo ra ngã gốc, và do đó con không thấy thế khó xử mà sa nhân đã đặt con vào. Điều này khiến con tạo ra những ngã khác có cảm giác là nay con cần phải chứng minh giá trị của mình trên trái đất. Con cần biện minh, con cần giải thích sự hiện diện của mình. Con cần chứng minh cho chính mình là con xứng đáng, con có quyền ở trên trái đất, con không phải là người xấu, vân vân.

15.3. Lòng tương kính đối với sa nhân

Tình trạng này có thể dẫn tới việc tạo ra các ngã rất thiết tha được một thành đạt nào đó, một khả năng đặc biệt nào đó trong thế giới vật chất, kể cả với thân thể vật lý. Con thấy có nhiều avatar trong nhiều kiếp sống đã trở nên thiện xảo với thân thể của họ. Có những trường hợp họ đã trau dồi võ thuật và trở nên những chiến sĩ thượng thặng. Họ đã phát triển khả năng đặc biệt trong các lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc, thể dục, thể thao vân vân.

Khi con trải qua nhiều kiếp sống cố gắng chứng minh giá trị của mình, thì có hai chuyện có thể xảy ra. Thứ nhất, con sẽ trải nghiệm là xét theo quan niệm bên ngoài con không bao giờ thực sự mãn nguyện với những thành đạt của mình. Con không bao giờ làm vừa ý sa nhân, con không bao giờ chứng minh được giá trị của mình dưới mắt họ. Đồng thời, con cũng không chứng minh được giá trị của mình duới mắt đa số con người trên trái đất. Họ có thể nhìn con với đôi mắt khâm phục vì con có khả năng mà họ không có, nhưng điều này không thực sự khiến con mãn nguyện.

Con tích lũy một sự bực bội, và điều này có nghĩa là để cảm thấy mình thành đạt, con có nếp sống mà người ta gọi là chuột chạy đua hay chạy trên máy chạy. Con phải chạy càng ngày càng nhanh, làm càng ngày càng nhiều, thành tựu càng ngày càng hơn. Sự thực là ngày nay con thấy nhiều người không bao giờ cảm thấy đủ dù họ thành tựu bao nhiêu. Bất kể số tiền họ kiếm được, bất kể thành quả họ gặt hái trong lãnh vực nào đó, bất kể bao nhiêu danh vọng họ đạt được, họ vẫn không bao giờ cảm thấy đủ.

Tỷ dụ, con thấy một số thể tháo gia lúc trẻ đã đi dự Thế vận hội và đoạt được nhiều huy chương và phá nhiều kỷ lục thế giới. Họ cảm thấy hưng phấn tột bực vì họ cảm thấy được sự chứng nhận tối hậu. Sau đó, vì dòng chảy tàn nhẫn của thời gian dần dần đuổi bắt họ nên họ không còn đạt được những thành quả đó nữa. Lúc đó, họ rơi vào trầm cảm vì họ không còn được chứng nhận nữa nhưng họ vẫn cảm thấy cần sự chứng nhận này.

Nhiều avatar đã trải qua hoàn cảnh này từ kiếp này sang kiếp khác, tốn rất nhiều công sức để xây dựng khả năng nào đó trong kiếp sống này, để rồi mất nó và kết thúc kiếp sống cảm thấy chán nản và thiếu tự tin. Điều này có thể khiến một số dòng sống dần dần xây dựng một ngã thường trực hơn mà họ mang từ kiếp này sang kiếp khác, và ngã này cho họ cảm giác tự tôn. Lúc đó họ dùng tâm thức nhị nguyên, lẽ tất nhiên lúc nào cũng hàm ý hay dính liền với tâm phán xét giá trị. Họ đã bị rơi vào cạm bẫy của sa nhân và dùng tâm thức nhị nguyên để tạo ra một ngã có niềm tự hào cao vời vợi coi mình đặc biệt, tinh tiến hơn người khác và do đó được quyền có địa vị nào đó, đặc quyền nào đó, vân vân. 

Điều thày muốn nói là qua tiến trình này một số avatar đã bị lừa để hành xử giống như sa nhân. Con có thể nhìn về thời Trung cổ và thấy là có một số vị vua và giới quý tộc cảm thấy họ xứng đáng được hưởng đặc quyền. Một số trong các người đó là sa nhân và một số là avatar. Họ thường giao tiếp với nhau, như quyển sách Các kiếp sống của tôi đã mô tả, vì con thường thấy là sa nhân thực ra cũng có nhiều khả năng thể hiện kết quả vật lý, do quá trình rất dài của họ. Sa nhân và avatar đã hầu như phát triển tinh thần tương kính vì cả hai nhóm nhận ra là nhóm kia đã có một số thành đạt.

15.4. Nhìn nhận là trong con có ngã tự hào

Điều này tất nhiên không áp dụng cho sa nhân trên cõi bản sắc và cũng không áp dụng cho mọi sa nhân đầu thai trên trái đất. Nhưng con có thể có tình huống một số sa nhân trên trái đất (không nhất thiết là các sa nhân xấu ác nhất) đã phát triển một tình bằng hữu với các avatar vì họ tôn trọng khả năng thể hiện thành quả vật lý mà cả hai nhóm đều có. Do đó, họ củng cố lẫn nhau niềm tự hào của họ.

Có những avatar đã cảm thấy rất khó cắt đứt dây trói buộc họ vào các dòng sống đó, các sa nhân đó. Một avatar có thể cảm thấy rất, rất khó cắt đứt những dây trói đó. Con không dễ nhìn nhận mình đã phát triển lòng ngưỡng mộ và kính trọng sa nhân. Con có thể làm chuyện này bằng cách nhận ra đây là, lẽ tất nhiên, một cái ngã trong con đã phát triển điều này, và ngã đó là một hậu duệ của ngã đã cho con cảm giác tự hào.

Giờ đây, giống như trường hợp giận dữ, con không phải cảm thấy tội lỗi. Không ai lên án con vì con nhìn nhận là trong tâm mình có yếu tố tự hào. Khi con nhìn sự vận hành, sự vận hành tâm lý, trong đời sống của một avatar, đã tới một hành tinh như trái đất, đã phải kinh qua những chuyện mà con đã kinh qua, thì con không thể tránh tạo ra ngã đó. Giản dị là con sống trên trái đất, con ở trong một thân thể vật lý, con phải giáp mặt các điều kiện trên trái đất (mà các thày đã nhiều lần nhắc lại là rất khó khăn, rất dày đặc). Khi con ở tầng tâm thức nào đó, thì con cần phản ứng lại các điều kiện đó với tầng tâm thức đó. Cách duy nhất để phản ứng ở tầng 48 là con tạo ra một ngã dựa trên ảo tưởng ở tầng 48. Một lần nữa, con có thể thấy là con không thể tránh tạo ra các ngã đó. Các thày chỉ giản dị kêu gọi con nhìn nhận là con có các ngã đó, và nhận ra là đã đến lúc con để cho chúng chết đi. Một lần nữa, các thày đã trao cho con giáo lý và dụng cụ để làm công việc này.

Lẽ tất nhiên, sa nhân có niềm tự hào ăn sâu, rắn đặc hơn rất nhiều những gì một avatar có thể tạo ra trong một thời gian ngắn. Dù con có đầu thai trong hai triệu năm trên trái đất, thì đây vẫn là một khoảng thời gian rất ngắn so với sự có mặt của sa nhân từ các bầu cõi trước. Điều con nhận ra ở đây là niềm tự hào của họ mãnh liệt hơn rất nhiều và rất dính liền với giận dữ.

Lẽ tất nhiên đây là một hình thức vô minh rất dày đặc mà họ có. Thày không nói là lòng tự hào của con tương đương với lòng tự hào của sa nhân, tuy chúng có điểm tương đồng và con có thể có lòng tương kính đối với họ. Con có thể rũ bỏ lòng tự hào dễ hơn sa nhân rất nhiều. Tuy lẽ tất nhiên họ cũng có tiềm năng dùng cùng tiến trình mà con đã dùng: nhận diện một ngã, để cho nó chết đi. Lẽ tất nhiên, một sa nhân rất khó bước ra ngoài ngã mà họ đang mang, nhìn nó từ bên ngoài, nhận diện nó là một ngã không thực, và để cho nó chết đi, nhưng việc này vẫn khả thi và trên căn bản tiến trình vẫn là một.

15.5. Bình đẳng làm tan biến kiêu mạn

Món quà mà thày muốn cống hiến các con là minh triết của thày, là Minh triết Bình đẳng, vì đây là chất giải tối hậu cho độc tố kiêu mạn. Lẽ tất nhiên, minh triết này có nhiều tầng. Như một avatar, ở tầng thứ nhất con nhận ra một cách ý thức là một trong những chất độc mà con phải khắc phục trên trái đất là lòng kiêu mạn. Con đã tạo ra một ngã có tính kiêu mạn. Vậy con có thể làm gì để xoay chuyển tâm thức và không còn tự đồng hóa với ngã đó nữa?

À, con bắt đầu bằng cách sử dụng Minh triết Bình đẳng để nhận ra điều mà các thày đã dạy về tâm thức nhị nguyên. Tâm thức nhị nguyên luôn luôn có hai đối cực, nhưng nó lúc nào cũng gán lên các đối cực này một phán xét giá trị: một bên tốt, một bên xấu. Con có thể sử dụng, hòa điệu và kêu gọi sự Hiện diện của thày bằng cách dùng câu chú của thày để thực sự trải nghiệm là nhị nguyên không có thật.

Do đó, con nhận ra ý niệm một đối cực tốt hơn cái kia, bên này tốt bên kia xấu, chỉ giản dị là một ảo tưởng. Con có thể thấy là nhị nguyên có cái gì không thật. Thày biết rất rõ là nhiều người trong các con đã học giáo lý của các thày về nhị nguyên, nhưng vẫn có cái mà Chân sư MORE gọi là “khoảng cách” giữa giáo lý và trải nghiệm sự hiện thực của giáo lý. Đây là chỗ Minh triết Bình đẳng có thể giúp con.

Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa trong việc dùng Minh triết Bình đẳng. Con ngồi đây, con có giác quan vật lý, con có nhận biết có ý thức. Thày muốn con nhìn vào trái đất, nhìn vào cuộc sống với mắt tâm của con. Con thấy tất cả những điều kiện đa dạng mà con đã trải nghiệm trong cuộc đời mình. Con thấy sự đa dạng lạ thường đó. Con thấy có một số người đang khổ đau, một số người đang giao chiến, một số người đang có cuộc sống an bình, vân vân. Lẽ tự nhiên, con khó nhìn tất cả các điều này mà không khởi lên tâm phán xét giá trị, nói rằng một số điều kiện không cao nhất vì chúng tạo khổ đau, và một số điều kiện khác chắc chắn phải cao hơn vì chúng không tạo khổ đau. Giờ đây, với Minh triết Bình đẳng, con có thể bắt đầu bước lui lại khỏi kịch bản rất đa dạng đó. Thày muốn con xem xét sự kiện mọi vật thể mà con thấy trên trái đất đều được cấu tạo từ vật chất. Cái gì cấu tạo ra vật chất? À, khoa học cho con biết là vật chất được cấu tạo bởi nguyên tử. Các hiện tượng vật chất mang nhiều hình dạng, nhưng chúng đều được cấu tạo từ các viên gạch căn bản là nguyên tử. 

Con biết là có 108 nguyên tử – đúng ra thì có nhiều hơn nhưng khoa học chỉ mới khám phá ra 108 nguyên tử. Con biết là bất cứ hiện tượng vật chất nào mà con có thể phát hiện bằng giác quan đều do các nguyên tử đó tạo thành, hoặc từ một nguyên tử hay nhiều nguyên tử phối hợp với nhau. Con yêu dấu, khi con nhìn ở tầng vĩ mô với giác quan của con, thì con có thể thấy có một người đang có một vết thương chưa lành đang chảy mủ và trong đó lúc nhúc ruồi và dòi bọ. Với tâm ý thức bình thường của con, hiện tượng này giống như một sự lố bịch vì nó tạo khổ đau.     

15.6. Nhiều tầng lớp ý nghĩa

Giờ đây, con hãy cho phép mình thấy là hiện tượng đó được tạo nên bởi vật chất, và vật chất được cấu tạo bằng nguyên tử. Nếu con có thể xoay chuyển viễn quan của con để chỉ thấy các nguyên tử (nói cách khác, thay vì thấy một vết thương chưa lành thì con thấy một tổ hợp nguyên tử, thay vì thấy dòi bọ đang bò trong vết thương thì con thấy một tổ hợp nguyên tử), thì phán xét giá trị ở cấp vĩ mô là hiện tượng này xấu, có nghĩa lý gì ở cấp các nguyên tử chăng? Các nguyên tử có nghĩ rằng: “Ồ, tôi đã thể hiện một dòi bọ và điều này xấu?” À, lẽ dĩ nhiên chúng không nghĩ vậy! Chúng chỉ thể hiện cái khuôn đúc đã được gán lên chúng. Điều thày muốn nói ở đây là: Phán xét giá trị tốt xấu hiện hữu ở cấp vĩ mô trong tâm vật lý, nhưng nó không hiện hữu ở tầng sâu hơn. Nó không có nghĩa gì cả ở tầng sâu hơn.

Điều con cũng nhận ra là khi con hòa điệu với tầng sâu hơn của các nguyên tử, thì các nguyên tử không bị trói buộc vào hình tướng. Các nguyên tử có thể dễ dàng thoát khỏi hình tướng dòi bọ để hợp thành một đóa hoa tuyệt đẹp. Đối với các nguyên tử, hợp thành hình tướng này không khó hơn hình tướng kia. Chuyện hoàn toàn khả thi là các nguyên tử đang cấu tạo dòi bọ được giải thoát và trở thành thành phần của một bông hồng. Sự thực là những nguyên tử đang cấu tạo dòi bọ có thể trước đó đã cấu tạo một bông hồng. Con thấy là không có gì ở cấp vĩ mô của thế giới vật lý có tính chất thường hằng. Chúng đều phù du. Giờ đây, lẽ tất nhiên con có thể đi xuống một tầng sâu hơn nữa. Nguyên tử được cấu tạo bởi các hạt cơ bản. Các hạt cơ bản nằm ở lằn ranh giữa vật chất và năng lượng, do đó chúng thực sự một phần là sóng năng lượng. Con có thể đi xuống tầng sâu hơn và chỉ thấy các sóng năng lượng. Mọi thứ đều do sóng năng lượng tạo thành, đều là một mô thức rất rất phức tạp nhiều sóng năng lượng giao thoa với nhau. Ở tầng sóng năng lượng, một lần nữa phán xét giá trị ở tầng vĩ mô lại không có giá trị, không có ý nghĩa gì. Ở đó chỉ có các sóng năng lượng.

Lúc đó, con có thể xem xét tất cả các đế quốc oai dũng do con người dựng nên, tất cả các cấu trúc mà họ đã xây dựng để bồi đắp lòng kiêu mạn, ý niệm họ thành đạt, ý niệm họ đặc biệt. Con hãy nhìn những thành quách quyền lực này và tự hỏi: “Ở tầng sóng năng lượng, chúng có thường hằng chăng, chúng có uy lực chăng?” “Không đâu!”

Con có thể nhận ra là những chuyện xảy ra trên trái đất chỉ là một trò chơi. Đó là một màn kịch mà con người dựng lên để có một số trải nghiệm cho tới khi họ chán ngán trải nghiệm đó. Sau đó, như một đệ tử tâm linh, con có thể bắt đầu xem xét: “Con có thật sự cần cảm thấy mình hơn người khác chăng? Có phải chăng là trong nhiều kiếp sống con đã có trải nghiệm này, và đã đến lúc con suy ngẫm: “Tôi đã chán chuyện này chưa? Có phải chăng là tôi đã chán ngán trò chơi hơn kém nhân tạo, phù du và vô nghĩa này?”

15.7. Tự ti cũng là kiêu mạn

Giờ đây, một số các con có thể nhận ra là con có một ngã khác không cảm thấy tự tôn mà cảm thấy tự ti. Con yêu dấu, đây thật sự cũng là một hình thức kiêu mạn vì con vẫn gán một phán xét giá trị lên chính mình. Con nghĩ mình có thể làm gì ở đây? Con đang nghĩ là con biết rõ hơn Thượng đế là con thấp kém. Thượng đế không tạo ra con thấp kém. Con không được tạo ra như một sinh thể thấp kém, nhưng nay con nghĩ con biết mình thực sự là một sinh thể thấp kém – và đây là kiêu mạn. Con nghĩ con biết rõ hơn đấng Sáng tạo, hơn Cội nguồn của mình. Con có thể tới chỗ nhận ra là con chán ngán cảm nhận thấp kém hay cao cả hay bất cứ hình ảnh nào mà con có thể tưởng tượng ra.

Con có thể tới điểm viễn quan của con bỗng nhiên xoay chuyển và con thấy sâu hơn tầng vĩ mô. Con thấy là ở tầng sâu hơn của nguyên tử, của sóng năng lượng, của Ánh sáng Mẫu-Vật, thì tất cả các hình ảnh này đều không thật, đều vô nghĩa. Sau đó, con tới điểm thấy không phải con tin như vậy, mà là một ngã tách biệt. Ngã tách biệt giống y như một máy điện toán: nó cũng không thật. Do đó, con có thể tới điểm nhìn nó và nói: “Ta để cho mi chết đi. Ta không muốn mi trong con người ta nữa, ta để cho mi chết đi.”

Khi ngã đó trút khỏi con thì con cảm thấy một cảm giác tự do vĩ đại. Dù con cảm thấy tự tôn hay tự ti, thì qua bao nhiều kiếp sống, cảm giác đó, ảo tưởng đó đã trở nên càng ngày càng khó duy trì. Mỗi ngày con phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì nó. Có nghĩa là nó khiến con căng thẳng hơn. Con cần dồn vào đó nhiều năng lượng tinh thần và chú tâm hơn. Một khi con ngưng không làm việc đó nữa, thì bỗng nhiên sự chú tâm của con được giải thoát. Bỗng nhiên, con có cảm giác an bình mà con không thể có khi con ở trong vòng vận hành của tự tôn-tự ti.

Đó là Minh triết Bình đẳng mà thày cống hiến các con. Con quả thực có thể thiền quán chung quanh chủ đề Minh triết Bình đẳng. Con có thể thực tập những bước mà thày đã vạch ra, hay con cũng có thể thực tập một bài hình dung. Con hình dung trái đất với tất cả các ngọn núi cao, tất cả các thành thị tráng lệ. Sau đó, con thấy, nếu con có thể khiến thời gian trôi nhanh hơn, tất cả các ngọn núi bị bào mòn, tất cả các thành thị bị đổ nát, tất cả mọi thứ đều trở thành cát bụi, gạch vụn, nguyên tử, sóng năng lượng. Rốt cuộc chỉ còn sự bình đẳng hoàn toàn của Ánh sáng Mẫu-Vật.

Các thày có nói là Ánh sáng Mẫu-Vật có thể được nâng lên và có được tự nhận biết, nhưng đó là Ánh sáng Mẫu-Vật chứ không phải những cấu trúc được xây dựng từ Ánh sáng Mẫu-Vật trên một hành tinh như trái đất. Chúng sẽ không bao giờ đạt được tính chất thường hằng. Do đó, khi Ánh sáng Mẫu-Vật có tự nhận biết, thì nó sẽ trút bỏ các hình tướng đó. Chúng sẽ dần dần sụp đổ và không còn gì nữa cả cho tới khi chỉ còn ánh sáng thuần khiết tồn tại.

Con có thể hình dung và thiền quán trên chủ đề này, và thực tập này sẽ giúp con thoát khỏi vòng vận hành không những của lòng tự tôn-tự ti mà ngay cả tất cả các hậu duệ của tâm thức nhị nguyên lúc nào cũng nâng cái này lên và so sánh cái này với cái kia. Tới đây thì thày cảm ơn các con đã chú tâm nghe bài này và đón nhận món quà của thày.

17 | Phân biện cho con biết khi nào là đủ

Chân sư Thăng thiên Amitabha qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Phật Amitabha (A Di Đà). Thày là thuốc giải của chất độc được gọi là thèm muốn, tham lam và khát ái. Lẽ tất nhiên, những cảm xúc này là biểu tượng của một hiện tượng phức tạp. Tham lam là gì? Khái ái là gì? Đa số coi khát ái là khát ái vật lý, là những ham muốn của cơ thể vật lý, và coi tham lam là sự ham muốn tiền tài, nhưng thực ra chúng hơn thế rất nhiều. Đó thực sự là cảm giác con không bao giờ thấy đủ với một thứ nào đó, và điều này phần nào là một sự nghịch lý. 

17.1. Chất độc trở thành cỗ máy chạy

Nếu con xem lại những giáo lý mà các thày đã trao truyền, thì các thày có nói là những sinh thể tự nhận biết được đấng Sáng tạo ban cho quyền tự quyết. Họ có quyền sáng tạo và có bất cứ trải nghiệm nào mà họ mong muốn, và có thể tiếp tục có những trải nghiệm đó khi họ còn mong muốn và cho tới khi họ chán ngán. Vậy tại sao ta lại nói việc con muốn càng ngày càng nhiều một thứ gì đó là một chất độc tâm linh? Có phải chăng ham muốn có càng ngày càng nhiều tiền là chuyện phải lẽ, nếu đó là trải nghiệm mà con mong muốn? Có phải chăng thèm khát tình dục, thức ăn hay bất cứ khoái lạc xác thân vật lý nào khác là chuyện phải lẽ, nếu đó là trải nghiệm mà con mong muốn? Con chỉ cần tận hưởng những thứ đó, có tối đa những gì con muốn để mau chóng tới điểm chán ngán chúng.

Có một số trường phái triết học Đông phương chủ trương có hai con đường dẫn tới giác ngộ. Một là con đường hiền giả trong đó con buông bỏ lạc thú thế gian, và con đường kia là tận hưởng các lạc thú đó cho tới khi con chán ngán. Tất cả các quan điểm này đều là quan tâm chính đáng. Tuy nhiên, chức năng của một chất độc (và đây là lý do vì sao các thày gọi chúng là chất độc) là nó giam con vào cạm bẫy. Nó giăng bẫy để con rơi vào vòng lẩn quẩn, vào cỗ máy chạy không ngừng nghỉ khiến con chạy lòng vòng, có thể con chạy càng ngày càng nhanh nhưng không thực sự đi đến đâu. Sự thực là, nếu con lấy một người đang tận hưởng các lạc thú của xác thân vật lý, thì nếu y không bị ảnh hưởng bởi chất độc tham lam và khát ái thì y quả thật có thể tới điểm chán ngán các lạc thú đó trong vòng vài kiếp sống và sau đó buông bỏ chúng.

Điểm chính là với dòng thời gian, chất độc đã được tạo ra trên trái đất bởi sa nhân. Khi con người đem chất độc đó vào người mình, thì họ không thể nào thấy đủ. Họ không thể có cảm giác thỏa thuê vì chất độc tham lam và thèm muốn ngăn chặn cảm giác thỏa thuê, cảm giác thấy đủ.

Lẽ tất nhiên, điều này liên quan đến giáo lý mà các thày đã trao truyền về các ngã mà con đã tạo ra. Con tạo ra một ngã cảm thấy thiếu khả năng khi sống trên trái đất. Một avatar thường tạo ra một ngã như vậy khi bị chấn thương nhập đời. Con cảm thấy có cái gì thiếu thốn, có cái gì trống vắng, có cái gì thiếu hụt trong con người mình. Ngã đó chủ yếu được lập trình để khỏa lấp lỗ hổng đó và nó tạo ra các ngã khác nói: “Nếu bạn có đủ tiền thì bạn sẽ lấp đầy lỗ hổng.” “Nếu bạn có đủ tình dục thì bạn sẽ lấp đầy lỗ hổng.” “Nếu bạn có đủ trọng vọng thì bạn sẽ lấp đầy lỗ hổng.” “Nếu bạn hoàn thành đủ công việc thì bạn sẽ lấp đầy lỗ hổng.” “Nếu bạn thay đổi đủ số người khác thì bạn sẽ lấp đầy lỗ hổng.” “Nếu bạn thay đổi điều kiện này hay điều kiện nọ trên trái đất thì bạn sẽ lấp đầy lỗ hổng.”

Trong trường hợp một avatar thì câu chuyện trải bày như sau: con tới trái đất để đem lại một thay đổi tích cực. Con kinh qua một chấn thương. Nó khiến con cảm thấy có lỗ hổng, trống vắng. Con tạo ra các ngã phóng chiếu tới con là nếu con có đủ điều kiện này hay điều kiện nọ, thì con sẽ cảm thấy đầy đủ.

Lẽ tất nhiên, cảm giác này dính liền với động lượng tập thể mà sa nhân bắt đầu tạo ra ở bầu cõi thứ tư khi họ bắt đầu sa ngã, và tiếp tục được bồi đắp cho tới ngày nay. Khi con bị chất độc đó ảnh hưởng, thì con không bao giờ cảm thấy đầy đủ. À, con có thể cảm thấy phần nào đủ trong những phút giây ngắn khi con có những trải nghiệm rất cùng cực. Như một huynh đệ của thày có nói, con có trường hợp một thể tháo gia phá kỷ lục thế giới và đoạt huy chương Thế vận hội và có cảm tưởng ngây ngất trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó lại cảm thấy không đủ. Hoặc y cần thêm nữa hoặc y rơi vào bệnh trầm cảm lúc nào cũng theo sau trạng thái ngây ngất, vì nó là đối cực của sự ngây ngất. Cái gì bay lên cao sẽ phải rơi xuống. Đó là lý do vì sao ước muốn chính đáng có một loại trải nghiệm nào đó bị tha hóa bởi chất độc để trở thành một sự tìm cầu không bao giờ dứt càng ngày ngày càng muốn nhiều hơn mà không bao giờ thấy đủ, không bao giờ khiến con người cảm thấy mãn nguyện.

17.2. Minh triết Phân biện

Có nhiều người trên trái đất bị sa vào cạm bẫy của các ham muốn (mà các avatar thường không có) lạc thú vật lý và tận hưởng một số điều trên trái đất. Vì con là một avatar nên đây không là mối quan tâm cho con. Các người kia sẽ dần dần được kéo lên khi tâm thức tập thể được nâng lên, và một số trong các người đó sẽ có thể khắc phục các ham muốn đó và tiến lên làm chuyện khác. Khi tâm thức tập thể được nâng lên thì con người quả thực sẽ có thể hòa điệu với Minh triết Phân biện và bắt đầu tự hỏi họ có bao giờ cảm thấy đủ chăng. Con cần uống bao nhiêu ly bia? Con cần có bao nhiêu túi xách tay trong tủ, vân vân và vân vân. Con thấy chăng, sự thực là bên phương Tây là nơi đã có nền văn hóa tiêu thụ từ nhiều thập niên thì đã có người bắt đầu tự đặt những câu hỏi tương tự, và lẽ tất nhiên họ đã làm vậy từ khá lâu nay.

Điều thày muốn cống hiến con, như một avatar, là sự trợ giúp của thày để con nhận được minh triết là thuốc giải độc của thày. Đó là Minh triết Phân biệt (discriminating) hay Minh triết Phân biện (discerning). Có sự khác biệt giữa phán xét giá trị và phân biệt hay phân biện. Phân biệt được dùng với ý nghĩa cao của nó, không phải là ý thường dùng ví dụ như phân biệt đối xử với ai đó dựa trên chủng tộc. Đó là lý do vì sao thày chọn dùng từ phân biện, Minh triết Phân biện.

Khi con hòa điệu với Minh triết Phân biện, thì con có thể bắt đầu tự hỏi mình những câu hỏi đó. Con có thể bắt đầu nhận diện là con có, thí dụ, trong con người mình ước muốn thấy một thay đổi nào đó trên trái đất. Con mong muốn thấy con người thức tỉnh và không chìm đắm trong một sinh hoạt khiến họ đau khổ. Khi con hòa điệu với Minh triết Phân biện, thì con có thể nhớ lại những giáo lý mà các thày đã trao truyền về quyền tự quyết, và tự hỏi xem có hợp lý chăng là con có ước muốn đem lại một thay đổi, hay thấy có sự thay đổi, khi sự thay đổi này tùy thuộc các chọn lựa của người khác.

Con có thể dùng giáo lý để hòa điệu và trải nghiệm thực tại là con không thể, trong cương vị một avatar, cho phép mình có một ngã phóng chiếu tới con là tâm thái của mình, sự an bình nội tâm của mình, tùy thuộc vào chọn lựa của người khác. Con có thể tới điểm thấy là con có một ngã đang phóng chiếu tới con là con phải giúp đem lại một sự đổi thay nào đó và con không thể cảm thấy đầy đủ khi con người vẫn còn bị đau khổ, thí dụ như bị một căn bệnh hay bị thảm tử vì chiến tranh. Điều này có nghĩa chính yếu là trong cả hai trường hợp, con không thể cảm thấy đầy đủ cho tới hết kiếp sống này. Nạn chiến tranh hay tảy trừ được một căn bệnh có thể sẽ không xảy ra khi con hết kiếp sống này, tùy theo số tuổi của con bây giờ.

Như vậy có nghĩa là cho đến hết kiếp sống này, con phải sống với lỗ hổng đó. Con có thể tới điểm nhận ra là con không muốn như vậy. Lúc đó, một lần nữa con có thể dùng giáo lý để nhận ra là một ngã tách biệt đã cho con cảm giác là nhu cầu đó phải được hoàn thành. Con có thể nhận diện ngã đó, tách mình ra khỏi nó và để cho nó chết đi.

Con cũng có thể dùng Minh triết Phân biện để hòa điệu, thiền quán về minh triết đó. Con có thể hình dung nó như một lưỡi dao rất mỏng, rất sắc, làm bằng một chất liệu rất cứng. Hoặc con hình dung nó như một tia laser có thể chọc thủng sự dày đặc của tâm thức nhị nguyên, và qua đó phân biện cái thật và cái không thật, cho phép con thấy đâu là một ước muốn bất khả thi, một ước muốn không thể hoàn thành.

17.3. Xem xét động cơ nguyên thủy của con

Sau đó, con có thể xem xét động cơ nguyên thủy đã thúc đẩy con tới đây, và một lần nữa, thấy là con có một ước muốn không thể hoàn thành trước khi con tới đây. Con chỉ có thể hoàn thành ước muốn đó bằng cách ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác và điều này vừa trái luật vừa không phải là điều con muốn làm. Nếu con thực sự trụ trong Minh triết Phân biện thì con sẽ thấy là con thực sự không có một ước muốn cao khi con muốn thay đổi chọn lựa của người khác. Đó là một ước muốn trái luật, bất khả thi, không thể hoàn thành, dựa trên một trạng thái tâm thức thấp hơn trạng thái tâm thức mà con có ngày hôm nay.

Lúc đó, con có thể bắt đầu tách những ngã đó ra, tách mình ra khỏi các ngã đó, nhận diện chúng và thấy chúng như chúng là. Thường có thể có nhiều hơn một ngã. Có thể con cần vật lộn một chút với chúng, vì một lần nữa, vấn đề là: con tới đây với thiện ý. Con bị một cú sốc và bắt đầu nghi ngờ ý định của mình, nghi ngờ viễn quan nguyên thủy của mình. Con có thể cần làm việc để tới điểm có thể thấy và nhìn nhận đó là một viễn quan thấp. Viễn quan đó dựa trên một ảo tưởng và do đó con có thể buông bỏ nó. Con có thể buông bỏ cái ngã muốn biện hộ cho lý do vì sao con tới đây, muốn biện minh, giải thích, chứng thực là chuyện con làm không có gì sai trái.

Quả thực là chuyện con làm không có gì sai trái, nhưng nó dựa trên trạng thái tâm thức mà con có lúc đó, và đó không phải là trạng thái tâm thức cao nhất. Đó không phải là trạng thái tâm thức mà con có khi con thăng thiên. Bởi vì con đã trải qua một thời gian dài trên trái đất, con nay có tiềm năng vươn lên một tầng tâm thức cao hơn và qua đó vươn lên tầng tâm thức nơi con có thể thăng thiên.

Con quả thực không có thể thăng thiên từ hành tinh tự nhiên nhưng con có thể thăng thiên từ địa cầu. Đó là lý do vì sao ta có thể nói là chuyện con xuống địa cầu là điều chính đáng. Đó là một điều chính đáng trong tiến trình tăng trưởng dài hạn của con. Con chỉ cần nhận ra là lý do mà lúc đó con nghĩ đã khiến con xuống địa cầu không chính đáng, không tối hậu. Minh triết Phân biện có thể giúp con cắt đứt những bợn nhơ trong tâm mình, trong đó cũng có một ngã cảm thấy không bao giờ chán việc tạo thay đổi trên trái đất – cho tới khi tất cả mọi người được giải thoát, và điều đó tất nhiên là một công trình rất dài hạn.

Bằng cách sử dụng Minh triết Phân biện, bằng cách đọc câu chú của thày, hòa điệu với Sinh thể của thày, con có thể giải thoát mình khỏi các động lượng mà nhiều người trong các con đã mang theo mình từ hai triệu năm. Con có thể khắc phục các động lượng đó, mau chóng tiến bộ và đạt được cảm giác an bình hơn mà tất cả các thày mong con đạt được. Con yêu dấu, đây là món quà mà thày tặng con.

19 | Khắc phục ghen tị bằng thành tựu tất cả

Chân sư Thăng thiên Amogasiddhi qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Phật Amogasiddhi. Thày là thuốc giải của chất độc ghen tị. Ghen tị là gì? Nó từ đâu tới? Nó phát xuất, như các chất độc khác, từ sa nhân vì sau khi họ sa ngã họ trải nghiệm một điều mà họ không trải nghiệm trước đó. Trước khi họ sa ngã, trong nhiều trường hợp họ đã đạt được thành đạt cao trong việc đồng-sáng tạo, hay ít nhất là trong việc làm chủ cõi vật chất trong các bầu cõi khi họ sa ngã, tức là các bầu cõi thứ tư, thứ năm hay thứ sáu. Một số các sa nhân đó đã dùng khả năng đồng-sáng tạo của họ để kiểm soát, tìm cách duy trì một cái gì hay một trạng thái nào, thay vì chịu buông bỏ một trạng thái giới hạn để đồng-sáng tạo một cái gì cao hơn.

19.1. Ghen tị phát khởi như thế nào

Đó là, như các thày đã giảng, nguyên lý căn bản của tiến trình đồng-sáng tạo. Con sáng tạo xuyên qua ý niệm bản ngã đương thời của con. Con trải nghiệm sự trải bày vật lý của sự sáng tạo đó. Sau đó, con cải thiện ý niệm bản ngã của mình, nâng nó lên cao hơn, và đồng-sáng tạo một cái gì hơn trước dựa trên ngã mới đó. Tiến trình này đòi hỏi con để cho ngã trước chết đi. Nếu con không chịu làm điều này thì con rơi vào tâm thái tìm cách duy trì hoặc ngã cũ hoặc trạng thái mà con đã đạt được trong cõi vật lý. Khi con chưa sa ngã thì con vẫn nhận được ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con và con quả thực có thể dùng ánh sáng đó để sáng tạo tình trạng kiểm soát đó.

Một số các sa nhân nguyên thủy đã xây dựng ý niệm họ là những sinh thể cao nhất, tinh tiến nhất, thiện xảo nhất, uy dũng nhất trong ốc đảo nhỏ bé mà họ đã tự tạo cho họ. Họ thường có nhiều môn đồ khẳng định và công nhận họ cao cả, họ là người lãnh đạo, họ có uy quyền nhất. Họ có ý niệm bản sắc là sinh thể cao cả, và do đó họ không có nhu cầu ghen tị vì họ nghĩ họ ở địa vị cao nhất. Điều này tất nhiên chỉ xảy ra trên những thế giới mà các con gọi là hành tinh trong bầu cõi này. Lúc đó chỉ có một số nhỏ hành tinh nơi sa nhân được phép xây dựng các nền văn minh “tinh xảo” của họ.

Chỉ khi bầu cõi sẵn sàng thăng thiên thì sa nhân mới phải đối mặt với các chân sư thăng thiên. Chỉ lúc đó họ mới nhận ra là các tạo vật của họ, những gì họ đồng-sáng tạo, không cao cả như họ nghĩ. Sau đó, sa nhân sa xuống bầu cõi kế tiếp được tạo ra. Lúc đó, họ dần dần nhận ra, khi họ liên hệ với những sinh thể mới được tạo ra trong bầu cõi đó và một số sinh thể khác mà họ gặp (tương đương với các sinh thể mà ta gọi là avatar trong bầu cõi này) là họ bị cắt đứt khỏi Hiện diện TA LÀ của họ. Thực ra thì sa nhân không nhận ra điều này nhưng họ trải nghiệm có một số sinh thể khác có nhiều ánh sáng tâm linh hơn họ, nhiều năng lượng sáng tạo hơn họ.

Ta có thể nói là sa nhân không còn là người đồng-sáng tạo nữa vì họ không thể đồng-sáng tạo với Hiện diện TA LÀ, vì họ không còn nhận năng lượng sáng tạo từ Hiện diện TA LÀ của họ. Họ chỉ có thể phản-sáng tạo bằng cách lấy ánh sáng đã được mang vào thế giới, bầu cõi, nơi họ sinh sống. Họ không thể tạo tác cái mới, do đó họ tìm cách, một lần nữa, tạo ra đế quốc nơi họ có thể tôn mình lên địa vị lãnh đạo.

Những môn đồ đã sa ngã theo họ lại tôn vinh họ như lãnh đạo nên họ đã có thể xây dựng những đế quốc như vậy. Thỉnh thoảng một số sinh thể có ánh sáng tâm linh được gửi xuống các hành tinh, các đế quốc đó, để chứng minh cho sa nhân thấy là họ có cái gì mà những sa nhân, thoạt trông rất uy dũng, thiện xảo, không có. Đó là nguồn gốc của ghen tị. Sa nhân thấy ánh sáng nơi người khác, những người vẫn còn là người đồng-sáng tạo, và họ thèm muốn ánh sáng đó. Họ nhận ra ở tầng nào đó trong tâm họ, là họ không thể có ánh sáng đó khi họ còn trong tâm thức sa ngã. Họ không chịu buông bỏ tâm thức sa ngã nên họ không thể có ánh sáng đó.

19.2. Thù hận ánh sáng

Điều này dẫn họ tới điểm thù hận ánh sáng, thù hận các avatar, thù hận những người có khả năng đồng-sáng tạo. Giận dữ là một cảm xúc cùng cực, nhưng thù hận còn cùng cực hơn nữa. Giận dữ khiến con muốn trừng phạt người khác, còn thù hận khiến con muốn tiêu hủy họ. Sa nhân phát triển ý muốn tiêu hủy nhưng ý muốn này rất dính liền với lòng ghen tị vì họ nghĩ (hay con có thể nói là họ trải nghiệm) là họ không thể có điều mà các avatar và người đồng-sáng tạo có. Lẽ tất nhiên, họ có thể có ánh sáng nếu họ chịu buông bỏ ngã sa ngã và đi vào tiến trình dần dần thăng vượt các ngã, vươn lên tầng tâm thức cao hơn và như vậy nhận được lại ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của họ. Vì họ không chịu làm điều này nên họ trải nghiệm, theo tầm nhìn của họ, là họ không thể có ánh sáng.

Ngay khi sa nhân tới một hành tinh, như khi họ tới trái đất, thì họ lập tức đưa vào tâm thức nhị nguyên. Họ tạo ra phán xét giá trị giữa những người đúng, những nguời sai, những người cao cả hơn, những người thấp kém hơn, những người uy dũng nhất, thiện xảo nhất và những người không được xem là uy dũng, thiện xảo. Lúc đó, con có một lực lượng sa nhân năng động không nhất thiết muốn tiêu hủy các cư dân nguyên thủy của trái đất (vì họ thực sự muốn kiểm soát những người này) nhưng họ cũng muốn các cư dân nguyên thủy cảm thấy ghen tị sa nhân vì sa nhân có uy quyền và có phần nào khả năng điều ngự cõi vật chất.

Sa nhân tất nhiên tìm cách lấy chất độc mà họ đã mang theo họ và ta có thể nói, xuất cảng nó tới tất cả mọi người trên trái đất và đặt mọi người vào tâm thái so sánh. Lẽ tự nhiên, con chỉ có lòng ghen tị khi con ở trong tâm thức nhị nguyên và có tâm phán xét giá trị khiến con so sánh mọi thứ dựa trên thang điểm có hai đối cực, trong đó một bên tốt hơn bên kia. Cốt lõi ý tưởng có một điều gì tốt hơn điều khác bắt nguồn từ tâm thức nhị nguyên và chất độc ghen tị.

19.3. Khắc phục ghen tị

Thày là thuốc giải chất độc ghen tị và thuốc này được gọi là Minh triết Thành tựu Tất cả. Lẽ tự nhiên, từ một tầm nhìn nào đó, từ một tầng tâm thức nào đó, nó sẽ như sau: “Tôi trải nghiệm là trên trái đất có những người có cái gì mà tôi không có. Tôi mong muốn có cái đó. Vậy nếu tôi có Minh triết Thành tựu Tất cả của Amogasiddhi, thì tôi phải có quyền năng có được bất cứ điều gì tôi mong muốn trên trái đất, và khi đó tôi không phải cảm thấy ghen tị bất cứ ai vì không ai có gì hơn tôi.”

Đây là cách con người đã nhiều lần suy luận từ khi giáo lý này được trao truyền, nhưng Minh triết Thành tựu Tất cả không chính xác là như vậy. Thày muốn cho các con một vài ý tưởng về đề tài này. Khi con, như một người đang đầu thai trên trái đất, cảm thấy ghen tị, thì con đang cảm thấy ghen tị hay đó là một ngã tách biệt? Dựa trên giáo lý các thày, thì lẽ tất nhiên con biết đó là một ngã tách biệt cảm thấy như vậy. Các thày đã giảng gì về các ngã tách biệt? Chúng phóng chiếu là có một vấn đề cần giải quyết. Có một điều kiện cần được hoàn thành và sau đó con sẽ có được cảm giác nào đó.

Nói cách khác, con đang cảm thấy ghen tị, nhưng nếu con có được điều con thèm muốn, thì con sẽ không cảm thấy ghen tị nữa. Đó là lối suy luận của các ngã đó. Các ngã đó sẽ nói: “Hãy xin thày Amogasiddhi và được Minh triết Thành tựu Tất cả để ta có được điều kiện mà ta mong muốn, lúc đó bạn sẽ không cảm thấy ghen tị nữa. Bạn sẽ không cảm thấy ghen tị nữa khi ta, ngã tách biệt, có được điều ta mong muốn.”

Lẽ tất nhiên, Minh triết Thành tựu Tất cả cho phép con, như cái Ta Biết, bước ra ngoài ngã đó và thấy là điều ngã đó muốn lại là một thí dụ khác của mục tiêu bất khả thi, ước muốn bất khả thi. Ngay cả khi con có được điều mà ngã phóng chiếu là con phải có, thì con vẫn không khắc phục được chất độc ghen tị vì chính chất độc là chất độc.

Niềm tin con thèm muốn điều gì và con cần phải có điều gì chỉ là một ảo tưởng mà chất độc ẩn núp đằng sau. Đây là một sự phân biệt mà ngã không thể thấy. Nó chỉ có thể như một máy điện toán, được lập trình để theo đuổi một mục tiêu. Con thèm muốn uy lực, thì ngã phóng chiếu là con cần phải có uy lực. Con sẽ không bao giờ an bình khi con chưa có uy lực đó. Con yêu dấu, chính sự ghen tị những người có uy lực là chất độc, là điều kiện. Thày muốn cho con một hình ảnh tương tự: ta hãy giả dụ hầm nhà con ngập nước nhưng con không biết là hầm đầy nước. Trong nhà con có một người duy nhất đi xuống hầm, y biết là hầm đầy nước nhưng y không muốn cho con biết điều đó. Thay vào đó, y phóng chiếu vào tâm con hay nói với con là căn nhà của con cần một mái mới và khi con có một mái mới thì con sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Chúng ta giả sử ở đây là tuy con không biết một cách ý thức là căn nhà của con đầy nước nhưng con – bỗng nhiên – cảm thấy bất an khi ở trong nhà mình. Người kia phóng chiếu là nguyên do sự bất an là vì người hàng xóm có một mái mới tuyệt đẹp. Con cần có một mái tốt hơn họ, và sau đó con sẽ cảm thấy thoải mái trở lại. Nhưng nguyên do con cảm thấy bất an là vì hầm đầy nước. Mái nhà mới của con có kiểu cách thế nào chăng nữa thì con có thể rút nước khỏi hầm chăng? Không, vì chất độc vẫn còn đó và chuyện giản dị là có một ngã đang phóng chiếu ảo tưởng là con cần có điều mà ngã thèm muốn.

Nếu con ghen tị người có địa vị hay danh dự nào đó trong xã hội, thì ngã phóng chiếu là con cần danh dự đó, và sau đó con sẽ được bình an. Không phải sự thiếu danh dự khiến con bất an, mà đó là chất độc tâm linh ghen tị khiến con cảm thấy như vậy. Đó là lý do vì sao có được danh dự không chấm dứt lòng ghen tị. Chỉ khi con vứt bỏ chất độc thì con mới chấm dứt được sự bất an.

Làm sao con loại bỏ chất độc? Lẽ tất nhiên, một phần là con tới điểm thấy nó và hiểu chất độc là gì. Con hiểu có một ngã tách biệt đang dùng chất độc để phóng chiếu là con cần làm một điều gì, sau đó con tách mình ra khỏi ngã đó và buông bỏ nó. Phần kia là con đem thuốc giải vào bản thể mình, thuốc giải này có khả năng tiêu trừ, xua đuổi, làm tan biến chất độc. Đó là lý do vì sao các thày cống hiến sự trợ giúp của các thày, của tất cả các thày, để con có thể hòa điệu với bản thể các thày, và mở tâm, mở bốn thể phàm để đón nhận một dòng thuốc giải sẽ tiêu trừ chất độc. Mọi chuyện đều xoay vần chung quanh quyền tự quyết. Đó là lý do vì sao con cần thấy một số chuyện, nhận ra một số chuyện. Các thày sẽ giúp con tới điểm đó, con có thể tới điểm đó bằng cách dùng các giáo lý mà các chân sư khác đã trao truyền về ngã gốc, ngã tách biệt, vân vân.

19.4. Lòng ghen tị sa nhân

Các thày có nói là một số avatar đã có quan hệ nào đó với một số sa nhân – hai bên đã nảy sinh sự tương kính. Các avatar ngưỡng mộ khả năng làm chủ vật chất của sa nhân. Có một một số avatar có lòng ghen tị sa nhân vì sa nhân có tài kiểm soát vật chất, không phải đồng-sáng tạo mà kiểm soát. Đó là lý do vì sao Minh triết Thành tựu Tất cả có thể giúp con thấy là kiểm soát vật chất thực ra không phải là một thành tựu cao. Nó chắc chắn không phải là một thành đạt thành tựu tất cả, cho dù những gì sa nhân có thể làm được trên một hành tinh như trái đất trông có vẻ vĩ đại. Những gì con có thể thành tựu qua tư duy kiểm soát, tư duy sa ngã, tư duy nhị nguyên, có giới hạn. Tất cả những gì con sáng tạo – phản-sáng tạo  – xuyên qua tư duy sa ngã sẽ chịu định luật thứ nhì của nhiệt động học, như các thày có gọi quy luật này, hay là Thịnh nộ của Shiva, hay là lực co thắt của đấng Mẹ. Nói cách khác, nó sẽ có một đối cực. Sẽ có sự căng thẳng giữa hai đối cực, và rốt cuộc chúng sẽ tiêu hủy lẫn nhau.  

Sa nhân càng có nhiều uy quyền, thì uy quyền này sẽ tạo sự chống đối càng lớn. Do đó, rốt cuộc sẽ tới điểm các thành tựu của hai bên sẽ tiêu trừ lẫn nhau. Đây không phải là thành tựu thực sự. Thành tựu thực sự đạt được qua tiến trình đồng-sáng tạo qua đó con đồng-sáng tạo xuyên qua ngã hiện tại của con, dùng phản hồi để nới rộng ý niệm bản ngã và sau đó đồng-sáng tạo cái gì hơn nữa. Con có thể tiếp tục tiến trình này mãi mãi vì khi con đồng-sáng tạo thì con không tạo ra sự đối kháng chống lại tạo vật của con.

Minh triết Thành tựu Tất cả sẽ chỉ cho con thấy sự khác biệt giữa phản-sáng tạo và đồng-sáng tạo và qua đó giúp con thấy là, như một avatar, con có ước muốn chân thực muốn cải thiện chính mình, muốn tăng trưởng ý niệm bản ngã, muốn gia tăng các thành tựu, nhưng điều này chỉ có thể tác thành qua sự đồng-sáng tạo, chứ không phải qua sự phản-sáng tạo. Cảm giác thành tựu thật mà con có thể có là nhận ra, như Giê-su đã chứng minh, con không thể tự mình làm gì cả bằng ngã vỏ ngoài, ngã hạn hẹp mà con khoác vào khi ở trên trái đất. Chỉ khi con nối kết với cái ta cao của con, với Hiện diện TA LÀ của con, thì con mới thật sự đồng-sáng tạo.

19.5 Ghen tị Giê-su

Một đề tài khác mà thày muốn nêu lên ở đây là có một số người đồng-sáng tạo, một số avatar, có lòng ghen tị các avatar khác. Tỷ dụ, một chuyện thông thường là các avatar có lòng ghen tị Giê-su hay đức Phật hay một số người khác được công chúng biết đến vì một lý do tích cực nào đó.

Chúng ta hãy chú tâm ở đây vào trường hợp Giê-su. Các giáo hội Thiên chúa giáo đã xây dựng một sự sùng bái Giê-su vĩ đại, và các giáo hội này đã do sa nhân dàn dựng lên để là công cụ cho họ. Ngay cả một số đệ tử tâm linh, kể cả đệ tử chân sư thăng thiên, vẫn sùng bái Giê-su. Quyển sách mới xuất bản, Các kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su, đã tìm cách phá vỡ sự sùng bái đó và cho các con thấy là Giê-su là một avatar, và các con cũng là avatar, và Giê-su có nói: “Công việc ta làm, các con cũng có thể làm.”  Các chân sư thăng thiên luôn luôn nói: “Việc một người đã làm, tất cả đều làm được.” Điều này cần được hiểu trong khung cảnh những giới hạn của thực tại thực tiễn trên một hành tinh như trái đất.

Điều thày muốn nói ở đây là dù con không biết một cách ý thức là con là một avatar, thì con có cảm giác vi tế, nội tại, trực nhận là: “Tại sao Giê-su lại được nâng lên địa vị khuôn mặt tâm linh cơ yếu của thời Song ngư?” Nhiều người trong số các con có thể cảm thấy trong mình có một ngã nói: “Tại sao là Giê-su mà không phải là tôi?” Giờ đây, con nên hiểu lý do vì sao con có thể cảm thấy như vậy là vì ở một tầng nào đó của bản thể của con (không phải ở tầng ý thức), con nhận ra mình là một avatar, Giê-su cũng là một avatar, và do đó con có tiềm năng đảm trách địa vị mà Giê-su đã đảm trách.

Con biết, ở một tầng nào đó của bản thể của con, là sa nhân đã không nói sự thực khi họ nói rằng: “Giê-su rất độc đáo và quá khác biệt nên bạn không thể nào làm được những gì Giê-su đã làm.” Con có cảm giác nội tại là Giê-su đã nói sự thật khi thày nói là con có thể làm công việc mà thày đã làm. Vì con bị chấn thương nhập đời (hay vì con đã tạo ra ngã gốc, hay vì con muốn bù đắp những mất mát mà con cảm thấy mình đã phải gánh chịu khi xuống trái đất), nên điều này đã khiến con muốn nâng mình lên, chứng minh giá trị của mình, chứng minh vì sao việc con tới trái đất là đúng. Các ý tưởng đó có thể khiến con dấy lên lòng ghen tị: “Vì sao là Giê-su, mà không phải là tôi?”

Đây là chỗ con có thể dùng Minh triết Thành tựu Tất cả để nhận ra là có một thực tại thực tiễn trên trái đất. Có trình tự các chu kỳ nối tiếp nhau. Khi mỗi chu kỳ khai mở, ít ra là khi Thời đại Song ngư khai mở, cần có một người hiện thân các khai ngộ của Thời đại Song ngư.

Chúng ta bây giờ đang bước vào Thời đại Bảo bình, được gọi là thời đại cộng đồng. Do đó, trong Thời đại Bảo bình không có nhu cầu có một người là tấm gương cao cả. Nhưng quả thực là có nhu cầu có nhiều người nêu gương thế nào là Ki-tô trong Thời đại Bảo bình. Trong thời Song ngư có nhu cầu có một người thể hiện tiềm năng là Ki-tô trong thời Song ngư, vì tình trạng của hành tinh và tâm thức tập thể lúc đó. Vì một số lý do, và các thày đã diễn bày một số các lý do đó trong quyển Các kiếp sống của tôi, Giê-su là người được lựa chọn, và đã chọn lựa nâng mình lên tới điểm có thể đảm trách địa vị đó. Minh triết Thành tựu Tất cả có thể giúp con thấy thực tại thực tiễn đó, và nó cũng có thể giúp con nhìn xa hơn và thấy là các thành đạt của Giê-su không làm giảm đi những thành đạt của chính con. Con là một thành viên của mạn đà la các avatar đã tới hành tinh này. Dù các con có thể đã tới từ những hành tinh khác nhau nhưng các con đều thuộc mạn đà la đó. Mạn đà la đó dựa trên cái Một và điều một thành viên của mạn đà la đạt được sẽ nâng tất cả lên. Con, như một avatar, không có lý do gì để ghen tị những thành đạt của Giê-su vì con đã dự phần vào thành đạt đó – nếu con chấp nhận mình thuộc mạn đà la đó.

Do đó, cũng không có lý do gì để một người trong nhóm các con ghen tị người khác trong nhóm. Có một số người đã đến đây, trải nghiệm việc vị sứ giả này nhận bài truyền đọc, và một phần trong họ đã cảm thấy: “Tại sao là ông ta mà không phải là tôi?” Một số người đã bỏ đi vì họ không giải quyết được lòng ghen tị đó, một số đã nổi giận, một số đã tìm cách hạ bệ người sứ giả và chỉ trích ông điều này điều nọ.

Đây chắc chắn là điều đã xảy ra trong các đợt truyền giáo trước, và quả thực là trong đợt truyền giáo kế trước vị sứ giả đã phải cam chịu nhiều hơn rất nhiều. Một số người đã nghĩ họ có thể làm một sứ giả tốt hơn bà, và đã chỉ trích bà là không giỏi đủ, phạm lỗi lầm này hay lỗi lầm nọ, có biệt tật này hay biệt tật nọ, vân vân và vân vân. Một số những người đó là sa nhân không sẵn sàng cải tạo chính mình, nhưng một số đã là avatar.

Điều con cần nhận ra ở đây là con có tiềm năng thấy là lòng ghen tị đó đến từ một ngã tách biệt mà con đã tạo ra vì con cần bù đắp cảm giác mất mát khi con tới trái đất. Nếu con đối mặt ngã đó và khắc phục nó, thì con sẽ khắc phục được lòng ghen tị người sứ giả. Con có thể thấy là con thuộc mạn đà la và do đó con có một món quà độc đáo mà con có thể mang lại trong Thời đại Bảo bình. Con có thể làm điều này bằng cách cộng tác với vị sứ giả, nhưng con cũng có thể đi ra ngoài xã hội và đem lại món quà của riêng con.

19.6. Chú tâm vào món quà độc đáo của con

Khi con sử dụng Minh triết Thành tựu Tất cả thì con nhận ra là điều con thật sự tới đây để hoàn thành không phải là mục tiêu đã được quy định bởi các ngã tách biệt phát xuất từ ngã gốc. Các mục tiêu đó đều là mục tiêu giả sẽ không giúp con cảm thấy mình đã hoàn thành lý do vì sao mình tới trái đất.

Con cần làm điều mà các thày đã giảng: nhìn vào động cơ thúc đẩy mình tới đây, nhận ra nó không nhất thiết là động cơ cao nhất đã thúc đẩy con và nhận ra là, trước tiên hết, lý do thực đưa con tới trái đất là tăng triển sự tự nhận biết của mình. Đây là nguyên do cận kề hay là lý do omega. Lý do alpha là con tới trái đất để là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con, qua đó con có thể mang vào bát cung vật lý món quà độc đáo của con. Khi con nhận ra là sự thành tựu tất cả của con là mang lại món quà độc đáo của mình, thì con cũng nhận ra là tuyệt đối không có lý do gì để con ghen tị người khác khi người đó đang biểu lộ món quà độc đáo của họ.

Tất cả các con và mỗi người trong các con đã tới đây như một avatar đều có tiềm năng đem lại cho hành tinh này một món quà tuyệt đối độc đáo. Như các thày có nói: “Trong cái độc đáo không thể có so sánh, và khi không có so sánh thì không thể có ghen tị.” Những gì Giê-su đã làm không tốt hơn hay quan trọng hơn những gì con có thể đem tới. Những gì người sứ giả này đang làm không tốt hơn hay quan trọng hơn món quà của con. Tất cả các con – món quà của các con đều quan trọng như nhau.

Con có thể cần sử dụng Minh triết Bình đẳng để thấy là Thượng đế không phân biệt và đặt phán xét giá trị lên các người đồng-sáng tạo đang là biểu hiện của Tâm Một. Khi con thực sự áp dụng Minh triết Phân biện, con có thể thấy là một Hiện diện TA LÀ không hơn một Hiện diện TA LÀ khác. Không có phán xét giá trị nào áp dụng cho các Hiện diện TA LÀ. Mỗi Hiện diện đều độc đáo.  

Câu hỏi duy nhất – quả thật vậy – có thể đặt ra cho con là: “Cánh cửa của tôi mở đến độ nào cho Hiện điện TA LÀ của tôi?” Nếu con nhìn một người khác và có thể thấy: “Ồ, cánh cửa cho Hiện diện của người này rộng mở hơn là cánh cửa của tôi,” thì lúc đó thay vì khởi lên lòng ghen tị, con nói: “Nhưng tôi chỉ cần nhìn vào các ngã tách biệt mà tôi có đang ngăn chặn tôi là cánh cửa mở, đang đóng lại các khe mở, đang lọc lựa đi những gì đến từ Hiện diện TA LÀ của tôi. Khi tôi loại trừ các ngã đó thì tôi đạt được thành tựu tất cả là cánh cửa hoàn toàn mở cho Hiện diện TA LÀ của tôi, và đây là điều cho tôi ý niệm thành đạt tối hậu trên trái đất. Tất cả những mục tiêu kém hơn do các ngã tách biệt quy định đều là mục tiêu giả và chúng sẽ không cho tôi cảm giác thành đạt tối hậu, cảm giác mãn nguyện tối hậu, cảm giác an bình tối hậu với việc mình ở trên trái đất, đã tới trái đất, đã mang lại món quà và vĩnh viễn rời bỏ trái đất khi thăng thiên.

Đó là điều thày cống hiến các con, nếu các con hòa điệu với thày xuyên qua Minh triết Thành tựu Tất cả. Con quả thực có thể thành tựu mọi điều trên trái đất, không phải tất cả những điều mà các ngã tách biệt của con mong muốn, hay người khác mong muốn, hay sa nhân đã phóng chiếu là con phải mong muốn. Nhưng là tất cả những điều mà Hiện diện TA LÀ của con mong muốn hoàn thành xuyên qua con, và con, như cái Ta Biết, mong muốn hoàn thành khi con nhận ra con là một sinh thể vô hình tướng và con không đồng hóa với các ngã tách biệt – con để chúng chết đi. Con yêu dấu, khi cái Ta Biết là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ, thì nó không trở thành một người máy, một con rối bị giựt dây. Con vẫn còn những chọn lựa mà con phải lấy như cái Ta Biết: con muốn hoàn thành những gì, con muốn trải nghiệm những gì, con muốn vui hưởng những gì. Con không lấy những chọn lựa này xuyên qua sự đồng hóa với một ngã tách biệt. Con lấy chọn lựa tự do trong cương vị một sinh thể vô hình tướng về những gì con muốn trải nghiệm trong hình tướng, những gì con muốn hoàn thành trong hình tướng, những gì con muốn vui hưởng khi vẫn còn trong xác thân vật lý. Đây là những chọn lựa tự do và là những ước muốn chính đáng. Không có gì sai trái khi một cái Ta Biết có ước muốn trải nghiệm một sắc thái nào đó của đời sống trên trái đất, muốn hoàn thành cái gì đó trên trái đất, muốn vui hưởng cái gì đó khi còn hiện thân trong cõi vật lý. Đây là một chọn lựa tự do mà con lấy. Không phải là một chọn lựa mà con bị một ngã tách biệt bắt buộc phải lấy và không bao giờ đem lại cho con cảm giác thành đạt, vui sướng và an bình khi sống ở đây.

Các con yêu dấu, bài giảng này đã đem lại cho thày một cảm giác thành đạt vì thày đã được phép đem lại món quà này và các con đã sẵn lòng nhận nó. Dòng chảy hình số tám đã khép và thày tri ân con đã giúp nó có mặt.

21 | Ý chí của Hiện diện TA LÀ là ý chí của con

Chân sư Thăng thiên Vajrasattva qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

Ta chính thật là Phật Vajrasattva. Thày là thuốc giải của chất độc không-muốn và không-là. Vậy, các chất độc này là gì? Ấy, các thày đã trao truyền cho các con những giáo lý rất thâm sâu về quyền tự quyết. Thành thật mà nói, các giáo lý về quyền tự quyết này vượt quá tất cả những gì đã được trao truyền trước đây trên hành tinh này. Thày không nói như vậy để đề cao giáo lý này nhưng để giúp con nhận định là có nhiều chuyện để con suy ngẫm, vì cách duy nhất để khắc phục không-muốn và không-là là có một hiểu biết sâu sắc về luật tự quyết hơn đa số con người trên trái đất.

21.1. Quyền tự quyết vừa có giới hạn vừa tự do

Thày mong muốn cho con một cái nhìn về chủ đề này. Điều mà các thày đã giảng là đấng Sáng tạo tạo ra những sinh thể đồng-sáng tạo như các phần nối dài có tự nhận biết của chính Ngài, và Ngài cho các sinh thể này quyền tự quyết. Quyền tự quyết. Giờ đây, đa số con người trên trái đất, khi nghe khái niệm hay cụm từ “quyền tự quyết”, thì họ nghĩ là lúc nào ý chí của họ cũng có giới hạn, lúc nào các chọn lựa của mình cũng có giới hạn, những chọn lựa mà con có thể chọn. Như các thày có giảng, điều này đúng theo nghĩa khi con khởi sự như một người đồng-sáng tạo, con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật xuyên qua ý niệm bản ngã của con lúc đó, và Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ trải bày sự phóng chiếu đó.

Ý niệm bản ngã đương thời của con giới hạn quyền tự quyết của con theo nghĩa ý niệm bản ngã của con giới hạn những gì con có thể thấy, hình dung, tưởng tượng. Quyền tự quyết bị giới hạn theo nghĩa các chọn lựa mà con có thể thấy bị giới hạn bởi viễn quan, tầm nhìn của ý niệm bản ngã đương thời của con. Không có giới hạn theo nghĩa con được tự do thăm dò bất cứ gì con có thể làm như một người đồng-sáng tạo trên một hành tinh chưa thăng thiên.

Điều này có nghĩa con được tự do nâng ý niệm bản ngã của mình lên, nới rộng ý niệm bản ngã đó tới mức tối đa có thể đạt được trong một bầu cõi chưa thăng thiên, để sau đó con thăng thiên. Sau đó, lẽ tất nhiên con có thể tiếp tục thực thi ý chí của mình trên cõi thăng thiên. Sự thực là ý chí của con sẽ tự do hơn, tuy sự tự do này khác những gì con có thể hình dung khi vẫn còn hiện thân trong cõi vật lý.

Bằng cách dùng quyền tự quyết con cũng có chọn lựa đi ngược lại và giới hạn ý niệm bản ngã của mình, thậm chí đi vào nhị nguyên, tạo ra một ngã tách biệt và sau đó thăm dò toàn bộ những gì con có thể hình dung và làm xuyên qua ngã tách biệt đó. Giờ đây, có người sẽ nói: “Nhưng tôi không có quyền tự do hoàn toàn làm bất cứ gì tôi muốn xuyên qua ngã tách biệt vì có luật nhân quả, hay vì có những giới hạn khác, hay vì người khác, hay vì cách Ánh sáng Mẫu-Vật vận hành. Nói cách khác, những chọn lựa trước của tôi giới hạn những chọn lựa đương thời của tôi, và như vậy tôi không thực sự có quyền tự quyết.”

Ấy, như các thày có giảng trước đây, thực tại đơn giản là nếu con lấy một chọn lựa và chọn lựa này không có hậu quả, thì con đã không thực sự chọn lựa. Khi con chọn lựa phóng chiếu xuyên qua ý niệm bản ngã đương thời của con, thì nếu Ánh sáng Mẫu-Vật không gửi trả lại con tín hiệu nào, không trải bày những gì con phóng chiếu lên nó, thì con đã không thực sự lấy một chọn lựa. Như các thày cũng có giảng, những gì con đang trải nghiệm trong thế giới vật chất là kết quả của những gì con đã phóng chiếu xuyên qua ý niệm bản ngã của con.

Con có chọn lựa nới rộng ý niệm bản ngã đó. Không phải chỉ những điều con nhận trở lại như hoàn cảnh vật lý sẽ thay đổi (ít ra là dần dần thay đổi), mà cách con trải nghiệm những thay đổi vật lý đó sẽ thay đổi ngay tức khắc khi con thay đổi ý niệm bản ngã của mình. Tuy con trải nghiệm hậu quả của những chọn lựa của mình, nhưng con vẫn có quyền tự do thăng vượt hay hạn chế ý niệm bản ngã của mình, thăng vượt hay hạ xuống.

21.2. Định nghĩa của không-muốn

Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt mà thày muốn giảng cho các con. Thày sẽ bắt đầu, như một thí dụ, với trường hợp các sa nhân. Trong bầu cõi thứ tư có một số sinh thể đã dùng khả năng đồng-sáng tạo của họ, kể cả ánh sáng mà họ nhận được từ Hiện diện TA LÀ của họ, để bắt đầu tạo tác một cách kiểm soát thay vì sáng tạo. Họ đã tạo dựng cho họ một số hành tinh nơi họ đã xây dựng những nền văn minh rất tinh xảo, nhưng có nền văn hóa và môi trường rất kiểm soát. Đây là một cấu trúc rất có thứ bậc, trong đó một hay vài sa nhân có quyền lực tuyệt đối trên hàng tỷ người đầu thai trên hành tinh đó.

Chuyện xảy ra với các sinh thể đó là họ bắt đầu nghĩ họ có thể làm bất cứ gì họ muốn mà không phải chịu hậu quả, vì có thể nói là dân chúng tuân theo họ và nhiều khi gánh chịu hậu quả việc làm của các lãnh tụ. Các lãnh tụ có thể ngồi trong tháp ngà, như con thấy các nhà vua hay hoàng đế thời xưa, và dân chúng làm mọi công việc và lãnh chịu mọi vấn đề. Các lãnh tụ có thể xây dựng ảo tưởng là quyền tự quyết có nghĩa là họ có thể làm bất cứ gì họ muốn mà không phải chịu hậu quả.

Lúc đó, ảo tưởng này có thể khiến các sinh thể đó có tâm thái đặc biệt đặt trọng tâm vào chính họ. Tuy họ chưa là sa nhân, nhưng họ trở nên quá vị kỷ đến độ có thái độ, có niềm tin rằng: “Nếu tôi thực sự có quyền tự quyết, nếu tôi – như chỉ riêng tôi, như một sinh thể tách biệt – thực sự có quyền tự quyết, thì toàn thể vũ trụ phải tuân phục ý chí của tôi.” Ta có thể nói đây là sự trải bày tối hậu của quyền tự quyết. Đây cũng là ảo tưởng tối hậu của quyền tự quyết và quả thật đó là sự chối bỏ quyền tự quyết và do đó là định nghĩa của không-muốn.

Những sinh thể trong bầu cõi thứ tư đó có ảo tưởng, dựa trên trải nghiệm của họ trên hành tinh của họ, và vì hành tinh đó đa phần tuân theo ý chí của họ, là toàn thể vũ trụ cũng phải tuân theo như vậy. Lẽ tất nhiên, họ không nhận ra là phần còn lại của bầu cõi đang thăng thiên và đã gần tới điểm thăng thiên. Họ không nhận ra ảo tưởng của họ cho tới khi các chân sư thăng thiên khiến họ phải đối mặt với ảo tưởng đó. Họ bỗng nhiên tỉnh ngộ và họ quyết định là nếu toàn thể vũ trụ không tuân theo ý chí của họ như một cá nhân, thì họ không thực sự có quyền tự quyết. Do đó, đấng Sáng tạo đã lừa họ, đây là một sự gian dối, họ đã không thực sự nhận được quyền tự quyết.

21.3. Ảo tưởng không-muốn

Giờ đây, lẽ tất nhiên con có thể thấy là ảo tưởng này chỉ có thể khởi lên nơi một sinh thể hoàn toàn coi mình là trọng tâm của vũ trụ, không tôn trọng, không có tình anh em, không có sự hợp nhất, không có lòng từ bi đối với tất cả các sinh thể khác. Họ cư xử như thể đây là một hành tinh với hàng tỷ người sống trên đó và tất cả những người đó phải tuân phục ý chí của một cá nhân.

Xa hơn nữa, họ cũng nói là tất cả các tỷ hành tinh khác trong bầu cõi, với không kể siết tỷ tỷ sinh thể, cũng đều phải tuân theo ý chí của họ. Hơn thế nữa, cõi thăng thiên đã thăng thiên và trở nên thường hằng cũng phải tuân phục ý chí của một cá nhân đó. Đấng Sáng tạo phải tuân phục ý chí của một cá nhân đó. Lẽ tất nhiên, ta có thể nói đây là sự trải bày cùng cực của quyền tự quyết. Con có thể đặt mình vào trạng thái tách biệt, trạng thái coi mình là trọng tâm cùng cực đến độ con tin rằng toàn thể vũ trụ, toàn thể cõi tâm linh, và đấng Sáng tạo đều phải tuân phục ý chí của con.

Lẽ tất nhiên, điều này có nghĩa là con tin rằng tất cả những sinh thể khác, kể cả các chân sư thăng thiên và đấng Sáng tạo, phải đình chỉ quyền tự quyết của họ để cho con ảo tưởng là ý chí của con hoàn toàn tự do. Lẽ tất nhiên, đây là một sự hiểu lầm hoàn toàn chỉ có thể có khi con ở trong trạng thái tách biệt dựa trên nhị nguyên.

Khi các sinh thể này phải chạm trán các chân sư thăng thiên, thì một số thực sự nhận ra ảo tưởng của họ. Một số nhận ra điều này và do đó họ được trợ giúp và được thăng thiên cùng với phần còn lại của bầu cõi. Những sinh thể không chịu thấy ảo tưởng, mà chối bỏ đây là ảo tưởng, thì sa ngã và lúc đó họ rơi vào một tình trạng hoàn toàn khác.

Trước đó, họ vẫn nhận được ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của họ. Họ tha hóa ánh sáng đó với tâm thức nhị nguyên và họ dùng ánh sáng để không những xây dựng ý niệm họ là sinh thể tách biệt quan trọng hơn tất cả các sinh thể khác, mà còn dùng hết khả năng để kiểm soát người khác và thậm chí kiểm soát cả vật chất. Giờ đây thì họ đầu thai vào bầu cõi kế tiếp được tạo ra. Bầu cõi này dày đặc hơn bầu cõi trước. Bỗng nhiên, khả năng kiểm soát vật chất mà họ có trước đó không còn mạnh mẽ như trước.

Cùng lúc họ không nhận được ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của họ, do đó họ không thể vượt qua sự dày đặc của vật chất như họ đã làm được trong bầu cõi đầu của họ. Lúc đó, họ trải nghiệm là họ không thể duy trì ý niệm: “Tôi là người duy nhất có tầm quan trọng và toàn thể vũ trụ phải tuân phục những chọn lựa của tôi.” Lý do họ không thể duy trì ý niệm này là vì, trong bầu cõi mà họ sa vào, họ không có nhiều uy lực bằng khi họ sống trong bầu cõi đầu của họ.

21.4. Nguồn gốc của không-là

Điều này khiến một số sa nhân đã rất tức giận và họ đi vào tâm thái quyết định là họ sẽ làm hết sức mình để chứng tỏ là đấng Sáng tạo sai, chứng tỏ là đấng Sáng tạo đã sai lầm khi ban cho con người quyền tự quyết, và dùng mọi cách để chứng tỏ là đấng Sáng tạo sai. Điều này tất nhiên đặt họ vào một cuộc tranh chấp kịch liệt đã khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn, khiến tâm thái họ càng thêm căng thẳng. Điều này có nghĩa, như các thày có giảng về định luật, là họ càng ngày càng tạo thêm nhiều chống đối. Điều này được trải bày trên một số hành tinh nơi sa nhân tụ tập trong bầu cõi mà sa nhân rơi vào. Trong bầu cõi trước, hoặc có một sinh thể hay có một số nhỏ nắm quyền kiểm soát một hành tinh và họ đã có thể đồng ý phân chia quyền lực.

Điều này không còn xảy ra trong bầu cõi nơi họ sa vào. Lúc nào cũng có ít nhất hai sa nhân trên một hành tinh và họ không thể đồng ý với nhau. Điều này có nghĩa là nay các sa nhân chống đối lẫn nhau và họ tranh chấp quyền lực với nhau khiến cuộc sống của họ càng căng thẳng hơn, càng nặng nề hơn. Họ càng ngày càng cần gắng sức hơn để xây dựng cảm giác là họ làm chủ tình hình.

Lúc đó có một số sa nhân đã dấn thân vào cuộc tranh chấp quyền lực đó, dùng tất cả năng lượng và chú tâm của họ để đánh bại đối thủ hay chứng minh Thượng đế sai hay bất cứ chuyện gì khác. Có một số khác, ít ra là tạm thời, đã chán ngán cuộc tranh chấp quyền lực. Vì họ không chịu từ bỏ ảo tưởng là vũ trụ phải tuân phục ý chí của họ, và vì vũ trụ hiển nhiên không tuân phục ý chí của họ, nên họ quyết định là họ không muốn sống ở đây. Họ không muốn tham gia vào cuộc sống trong vũ trụ này.

Đây là lúc họ tạo ra và đi vào tâm thái không-là. Họ không muốn hiện hữu, họ không muốn có ý thức, họ không muốn có nhận biết. Ta có thể nói chất độc này có hai mặt hay ta cũng có thể nói là có hai chất độc. Con có hiện tượng này trong tất cả các bầu cõi nơi sa nhân đã sa vào, họ đã tạo ra động lượng rất mạnh mẽ của không-muốn và không-là.

21.5. Sự bí ẩn của không-muốn

Động lượng không-muốn không nhất thiết có nghĩa là con không có ý chí. Có một số người trên trái đất, thường không phải là sa nhân, bị ảnh hưởng bởi chất độc không-muốn đến độ họ không còn ý chí. Con có thể nói đây là trường hợp của những người đã thần phục sa nhân. Họ đi vào trạng thái không-muốn, từ bỏ ý chí của họ để tuân theo ý chí của sa nhân.

Sa nhân không đi vào tâm thái không có ý chí. Họ có ý chí lầm lạc khi họ tìm cách ép buộc vũ trụ phải tuân theo ý chí của họ. Đây là không-muốn theo nghĩa nó đi ngược lại toàn bộ mục đích của luật tự quyết là khi con phóng chiếu điều gì lên Ánh sáng Mẫu-Vật thì Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ trải bày những gì con phóng chiếu. Điều này cho con tiềm năng nới rộng ý niệm bản ngã của mình và do đó nâng cách con thực thi quyền tự quyết.

Trên căn bản, con khiến ý chí của con được tự do hơn khi con nới rộng ý niệm bản ngã của mình. Khi con thu hẹp ý niệm bản ngã thì con khiến ý chí của mình kém tự do tuy rằng con có thể tưởng lầm là mình có thêm quyền lực vì người khác quy phục ý chí của họ dưới ý chí của con – nhưng đây chỉ là một ảo tưởng. Ý chí của con trở nên ngày càng hạn hẹp hơn khi con giới hạn ý niệm bản ngã của mình, con giới hạn những gì con có thể thấy.

Giờ đây con có thể nói đây là một sự nghịch lý vì một số sa nhân thực sự có nhiều hiểu biết về cách vũ trụ vận hành hơn nhiều người trên trái đất. Đúng vậy, vì họ đã thu nhập được hiểu biết này qua nhiều kiếp sống trong nhiều bầu cõi. Điều con cần nhận ra là đây không phải là hiểu biết cao nhất về vũ trụ. Đó là một hiểu biết được thu nhập qua một kinh nghiệm rất dài dùng ngã tách biệt.

Họ không thực sự hiểu cách vũ trụ vận hành, nhưng họ hiểu cách vật chất vận hành. Do đó, họ học được qua kinh nghiệm họ vận dụng vật chất với tâm thức sa ngã và cách đánh cắp ánh sáng từ các sinh thể khác thay vì nhận ánh sáng từ cõi tâm linh. Theo nghĩa đó, họ có đôi chút hiểu biết, họ có đôi chút thiện xảo. Họ có thể có nhiều hiểu biết trên mặt trí thức nhưng đây không phải là hiểu biết thực sự. Đây không phải là hiểu biết phát xuất từ một ý niệm bản ngã nới rộng. Ta có thể nói là có hiểu biết, có minh triết, có hiểu biết trí năng và có trải nghiệm trực tiếp, trải nghiệm trực giác, trải nghiệm thần bí về một trạng thái tâm thức cao hơn.

21.6. Avatar và không-muốn

Sau đó trên trái đất ta có hoàn cảnh các avatar xuống đây và gặp gỡ sa nhân. Lúc đó, tình trạng của một avatar đã tiến hóa trên hành tinh tự nhiên là gì? À, như một avatar, con không có ý niệm mình là một sinh thể tách biệt. Con có ý niệm mình là một sinh thể cá biệt và một số avatar đã trải nghiệm là họ đã tự nâng họ lên trên mức trung bình trong môi trường sống của họ, và họ đã có được khả năng cao hơn những sinh thể khác trên hành tinh tự nhiên của họ.

Họ đã có đôi chút khả năng điều ngự, có cảm giác là họ có thể khiến vật chất tuân phục ý chí của họ. Điều này không có nghĩa là người avatar đã phát triển ý tưởng là toàn thể vũ trụ phải tuân phục ý chí của mình, vì người đó biết mình là một phần của tổng thể rộng lớn hơn. Trên một hành tinh tự nhiên con không thấy sự mâu thuẫn giữa việc con thực thi ý chí của mình và những sinh thể chung quanh mình thực thi ý chí của họ. Trên một hành tinh tự nhiên sự mâu thuẫn đó không có. Sau đó, chuyện xảy ra là người avatar, vì một số lý do (không phải với tâm thức sáng ngộ), đã quyết định đi xuống trái đất.

Con xuống đây như một avatar và trước khi con xuống đây, con có ý muốn tạo một thay đổi tích cực trên trái đất. Con rất tự tin là con có thể thực hiện điều này vì con đã quen, khi ở trên một hành tinh tự nhiên, là khi con chuyên cần thì con có thể thể hiện bất cứ gì mình hình dung. Lúc đó, con không nhất thiết hình dung là con muốn xuống đây và trừ khử mọi xấu ác trên trái đất, nhưng đa số các avatar chú tâm vào một vấn đề đặc trưng. Họ quyết định xuống đây để trừ khử một hình thức khổ đau cá biệt, và họ có nhiều tự tin là họ sẽ thực hiện được điều đó. Không nhất thiết là bằng cách làm việc đơn độc vì đôi khi các avatar quyết định xuống đây như một nhóm.

Con tới đây với lòng tự tin là con có thể thực hiện mục tiêu. Sau đó, con tới đây và con trải nghiệm, thứ nhất: sa nhân và cách họ tấn công con, tìm cách hủy tiêu diệt con, và thứ hai: nhân loại nói chung và các cư dân nguyên thủy của trái đất không sẵn sàng chấp nhận những gì con đem lại như con nghĩ. Bỗng nhiên, lần đầu tiên trong cuộc đời một avatar, con bắt đầu hoài nghi có thể thực hiện mục tiêu của mình, có thể thực sự thể hiện ý chí của mình.

Đây cũng là một cú sốc và một phần của chấn thương nhập đời, khi con không thể hiểu vì sao bỗng nhiên vật chất không tuân phục ý chí của con. Con đã không nhận ra độ dày đặc của trái đất, so sánh với những gì con biết trên hành tinh tự nhiên. Con cũng không hiểu tại sao con người không đáp ứng lại ý chí của con và những cố gắng trợ giúp của con, tuy con đang chỉ cho họ thấy một cách rõ ràng để thoát khổ đau.

Bỗng nhiên, con bắt đầu hoài nghi: “Tôi có thể thực sự thực hiện mục tiêu đã khiến tôi đến đây chăng, và nếu tôi không thể, thì tôi chắc hẳn đã sai lầm khi tới đây. Tôi chắc hẳn đã sai lầm khi quyết định tới đây.” Một avatar khó đối phó với tình trạng này vì trên một hành tinh tự nhiên con không bao giờ nghi ngờ khả năng thực hiện những gì con hình dung và con không bao giờ cảm thấy mình đã lấy một quyết định sai. Con không bao giờ cảm thấy mình đáng lý không nên lấy quyết định đó.

Lúc đó, con bắt đầu nghi ngờ quyết định tới trái đất. Con cảm thấy đây là một quyết định sai, và cảm giác này có phần do con ở trên một hành tinh dày đặc nơi nhị nguyên thịnh hành. Do đó, con bắt đầu tự hỏi: “Vì ý chí con người trên trái đất quá thiếu tự do, vậy thực thi ý chí của tôi trên hành tinh này có ích lợi gì?” Khi con gặp sự chống đối của sa nhân và thấy là họ muốn tiêu diệt con, thấy họ nói với con là con không có quyền ở đây, con không có quyền thách thức họ. Khi con gặp sự thờ ơ của các cư dân trên trái đất, thì con có thể (không phải tất cả, nhưng có nhiều, các avatar đã làm như vậy) tạo khe hở trong tâm mình để chất độc không-muốn xâm nhập, chất độc này do sa nhân tạo ra và mang vào hành tinh này.

Bỗng nhiên con bắt đầu cảm thấy: “Bày tỏ ý chí của tôi trên hành tinh này có ích lợi gì chăng? Có lẽ tôi không nên thách thức sa nhân. Để sống còn, có lẽ tôi không nên thách thức sa nhân, để tránh bị họ giết và tra tấn trong mọi kiếp sống. Có lẽ tôi không có quyền tìm cách giúp các cư dân trên trái đất thoát khổ nếu họ không muốn thoát khổ.” Lúc đó, thay vì làm chuyện mà các thày khuyến khích các con làm, là duyệt xét lại động cơ khiến con tới đây và nhận ra nó dựa trên một ảo tưởng, thì con quyết định: “Tôi không muốn làm gì cả trên hành tinh này. Tôi không muốn thực thi ý chí của tôi trên hành tinh này.”

Cũng có một số avatar, như được mô tả trong quyển sách Các kiếp sống của tôi, đã đi vào cực đoan ngược lại, và bày tỏ ý chí của mình một cách rất rất mạnh mẽ và rất rất quyết liệt. Họ muốn chứng tỏ là sa nhân sai hay họ chiến đấu chống lại sa nhân, họ chống trả sa nhân hay họ hành động để con người trên trái đất thực sự thấy là có lối thoát khỏi khổ đau.

Có hai đối cực. Một số từ bỏ ý chí của mình, trong khi một số khác quả thực đã làm theo lối không-muốn tích cực của sa nhân. Một số khác lấy thái độ không-muốn tiêu cực. Kết quả là gì?

21.7. Avatar và không-là

À, kết quả là một giai đoạn rất hỗn loạn, cũng được mô tả trong quyển sách qua việc nhân vật chính đánh nhau với sa nhân trong khoảng một triệu năm. Giai đoạn này dài bao nhiêu tùy mỗi avatar, nhưng đánh nhau quá lâu thì sẽ có một điểm con giản dị bị kiệt sức. Con quá mệt mỏi, con chán ngán đánh nhau. Hoặc con ở trong một trạng thái tâm tiêu cực quá lâu nên bắt đầu cảm thấy là đời sống trên trái đất càng ngày càng vô nghĩa. Nếu con đang đánh nhau, thì con cảm thấy đánh nhau càng ngày càng vô nghĩa, nhưng điều này cũng nhanh chóng đưa con tới chỗ cảm thấy cuộc sống trên trái đất vô nghĩa.

Đó là lúc con mở cửa trong tâm để chất độc không-là xâm nhập, lúc đó con cũng có thể có khuynh hướng tạo một ngã cảm thấy cuộc đời không đáng sống. Có thể là con cảm thấy cuộc đời trên trái đất không đáng sống nhưng con không thấy lối thoát. Hoặc con cảm thấy là cuộc đời nói chung không đáng sống, không đáng để có ý thức, để có tự nhận biết. Sau đó, con bắt đầu phủ nhận sự tự nhận biết và cảm thấy Thượng đế đáng lẽ không nên cho con tự nhận biết vì nó chỉ tạo khổ đau. Cảm tưởng này dẫn đến đủ loại hình thức chê trách Thượng đế, hay chất vấn tại sao Thượng đế không đổi ý về quyền tự quyết, hay những câu hỏi tương tự. Điều cốt yếu ở đây là, tương tự như mọi chuyện khác mà các thày đã giảng, không phải con cảm thấy như vậy, mà là một ngã tách biệt.

Một khi ngã tách biệt được tạo ra thì nó liên tục phóng chiếu tới con là cuộc đời không đáng sống hay không đáng bỏ sức đấu tranh. Nhiều avatar đã làm gì? À, một số trải qua một giai đoạn tìm cách khiến tâm thức bị tê dại. Họ theo đuổi đủ loại ghiền nghiện khiến họ càng ngày càng bớt ý thức. Một số khác tìm cách rút lui khỏi thế gian, tỷ dụ như làm tu sĩ trong nhiều truyền thống tôn giáo. Hoặc giống như nhiều người tâm linh thời nay, khi họ rút lui khỏi đời sống năng động, không muốn tham gia vào cuộc sống năng động, hoặc sống một cuộc sống tương đối năng động nhưng không thực sự bỏ tâm trí vào, lúc nào cũng ngồi giữa hai ghế, tìm cách làm tối thiểu để đủ sống nhưng không thực sự tham gia vào bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống.

21.8. Lối thóat qua ý chí kim cương

Lẽ tất nhiên, lối thoát là dùng các giáo lý mà các thày đã trao truyền về lý do tại sao con xuống trái đất như một avatar, nhận ra là động cơ đưa con tới đây dựa trên một ảo tưởng, đối phó với ngã gốc để giải thoát mình khỏi ngã gốc. Lúc đó, con bắt đầu thấy là lý do duy nhất khiến con cảm thấy đời không đáng sống, không đáng bỏ sức tranh đấu hoặc con không thể tỏ bày ý chí của mình trên hành tinh này, là vì con chưa hiểu một số chuyện.

Giờ đây thì con bắt đầu hiểu những chuyện đó. Con có thể bắt đầu xem xét những lý do khiến con tới đây. Do đó, con cũng thấy là tâm thức đó, chất độc không-muốn và không-là đó, không có giá trị gì cả. Như mọi chất độc, nó dựa trên một ảo tưởng. Sau đó, nếu con chịu làm theo lời thày hướng dẫn, thì con có thể hấp thu thuốc giải cho độc tố không-muốn, được gọi là Ý chí Kim cương.

Tên gọi này tất nhiên có nghĩa là ý chí đó không thể bị bất cứ điều gì trên trái đất lay chuyển. Con cũng biết là kim cương là chất cứng nhất mà con người hiện nay biết đến và do đó không có gì có thể khiến nó bị suy suyển. Ý chí Kim cương không thể bị ảnh hưởng bởi không-muốn, không-là hay ngay cả phản-ý chí, là ý chí rất hung hãn của sa nhân.

Khi con hòa điệu với thuốc giải đó và cho phép nó thấm vào bản thể của mình, thì nó sẽ tiêu trừ mọi tàn dư của không-muốn và không-là trong con. Điều này có nghĩa là con có thể bắt đầu đạt được một cảm giác an bình cao hơn rất nhiều. Các thày đã trao truyền giáo lý và dụng cụ tâm linh thực sự giúp con tới điểm con làm hòa với cách trái đất hiện đang vận hành. Con có thể nhận ra mục đích của nó, sự trải bày của luật tự quyết, sự kiện trái đất không phải là một hành tinh tự nhiên. Tất cả những giáo lý đó mà các thày đã trao truyền có thể giúp con tới điểm con nhận ra mục đích, mục đích thực sựcao hơn, đã khiến con tới trái đất là để tăng trưởng sự nhận biết tới điểm con có thể thăng thiên từ trái đất.

Lúc đó, con có thể trụ vững trong sự kiện là ở tầng Hiện diện TA LÀ của con, có ý chí đi vào một bầu cõi chưa thăng thiên và thăng thiên từ bầu cõi đó. Đây cũng là ý chí kim cương vì nó cao hơn bất cứ mọi chuyện trên trái đất, có nghĩa là không có gì mà cái Ta Biết trải nghiệm trên trái đất có thể thay đổi ý chí của Hiện diện TA LÀ.

Khi con bắt đầu nối kết lại với Hiện diện TA LÀ và nhận ra rằng, như cái Ta Biết, con là một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ, con không hề xa cách nó hay chống đối nó, thì con cũng nhận ra là ý chí của Hiện diện cũng là ý chí của con. Con có ý chí tăng trưởng tâm thức của mình. Con có ý chí thăng thiên. Đó là lúc con có thể bắt đầu thấy là bất kể mọi điều kiện trên trái đất, các điều kiện này – bất kể chúng là gì – tạo cơ hội toàn hảo để con thăng thiên. Con yêu dấu, con có thể thăng thiên từ một hành tinh tự nhiên, nhưng vì con chưa có những trải nghiệm đa diện mà con có thể có trên một hành tinh phi tự nhiên, nên con không thăng thiên với cùng sự nhận biết.

21.9. Một thăng thiên cao hơn từ hành tinh phi tự nhiên

Tiến trình thăng thiên trên căn bản vẫn là một. Con khởi sự với một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm, con xây dựng một số ngã. Ngay cả trên hành tinh tự nhiên con cũng xây dựng các ngã, tuy chúng không hoàn toàn giống các ngã tách biệt trên trái đất. Để thăng thiên từ một hành tinh tự nhiên con phải tới chỗ thấy chúng là ngã, thấy là con chỉ dùng chúng như cỗ xe trong nỗ lực đồng-sáng tạo và con phải buông bỏ chúng, con phải để chúng chết đi. Con không có những ngã đó khi con xuống hành tinh tự nhiên, do đó con không thể thăng thiên từ hành tinh tự nhiên với các ngã đó.

Trên trái đất con cũng trải qua tiến trình tương tự. Con phải tới điểm thấy là con có một số ngã trong bốn thể phàm của mình và con cần để chúng chết đi. Vì trên trái đất con có nhiều loại ngã hơn trong bốn thể phàm của mình nên con thực sự thăng thiên với một trình độ nhận biết cao hơn. Trong căn thể của con có nhiều kinh nghiệm tích cực hơn, và do đó khi con thăng thiên từ một hành tinh phi tự nhiên thì Hiện diện TA LÀ của con có một nhận biết cao hơn so với khi con thăng thiên từ một hành tinh tự nhiên.

Đó là lúc con có thể thực sự làm hòa với việc mình ở đây và nói: “Bất kể những gì tôi nghĩ trước khi tới đây, hành tinh này cho tôi một cơ hội thăng thiên tuyệt diệu.” Sau đó, con có thể tới điểm con không còn nhìn lại quá khứ nữa và nói: “Ồ, tôi đã sai lầm khi tới đây” hay “Tôi đã sai lầm khi ở trong ảo tưởng khiến tôi tới đây.” Con chỉ nhìn vào chuyện đó và nói: “À, tôi ở trạng thái tâm thức đó vào lúc đó và tôi đã lấy quyết định tốt nhất mà tôi có thể lấy lúc đó, vì tôi có cái ngã mà tôi có lúc đó.” Sau đó con có thể buông bỏ mọi cảm giác hối tiếc. Con có thể giản dị an bình với sự kiện đây là con đường thăng thiên mà con đã chọn, và nó hoàn toàn thỏa đáng theo bất cứ tiêu chuẩn nào của cõi thăng thiên.

Do đó, con có thể tới điểm con nói: “Phần còn lại của kiếp sống này là cơ hội toàn hảo, lý tưởng để tôi thăng thiên, để tôi xem xét các phản ứng của mình, nhận diện các ngã còn tồn tại và để chúng chết đi. Cũng để tôi là cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ bày tỏ chính nó, để tôi, như cái Ta Biết, tới điểm giải thoát khỏi tất cả các ngã thấp và có ý chí tự do trải nghiệm và biểu lộ chính mình trên hành tinh này.” Đây là lúc con tới điểm, như các thày đã giảng, con xoay chuyển sự chú tâm của mình từ việc đạt kết quả trên trái đất sang việc thực sự chào đón và vui hưởng tiến trình sống trên trái đất, tiến trình biểu lộ chính mình trên trái đất và tiến trình thăng thiên từ trái đất.

Các thày có thêm điều để giảng ngay cả về đề tài này, nhưng thày để công việc này lại cho Gautama. Thày đã trao cho các con món quà mà thày muốn trao, và thày biết ơn các con đã nhận nó. Tới đây thì thày chúc các con: hãy đi trong sự an bình tuyệt đối của Ý chí Kim cương.

9 | Đã đến lúc con biểu lộ quả vị Ki-tô

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 22 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su, và thày tới đây hôm nay để trao truyền một phần nữa của những bài giảng mà thày dự định trao truyền trong hội nghị này chung quanh đề tài làm sao là Ki-tô Hằng sống đang hành động. Giờ đây thì các con đã nhận được một bài giảng tuyệt vời và đa diện của Chân sư MORE sớm ngày hôm nay. Bài giảng đó quả thực có nhiều lớp, nhiều tầng cấp để các con suy ngẫm. Con thực sự có thể nói là bài giảng đó diễn tả đầy đủ con đường tâm linh. Nếu con thể nhập hoàn toàn mọi khía cạnh của bài giảng đó, thì câu hỏi là con có cần gì thêm nữa chăng.

9.1. Là Ki-tô mà không cuồng tín

Tất nhiên, vì Chân sư MORE là người trao truyền bài giảng, thì có thêm nữa có thể được trao truyền. Lẽ tự nhiên, giáo lý về ngã gốc cốt yếu cho việc là Ki-tô hành động. Con hãy hình dung một nhóm chiến sĩ Cơ đốc giáo tham dự Thập tự chinh đang ngồi trên yên ngựa bên ngoài một ngôi làng ở miền Trung đông. Họ đặt tâm vào trạng thái hỗn loạn và hầu như đồng thanh hét lên: “Đây là ý muốn Thượng đế!” Sau đó, họ rút kiếm, phi ngựa vào ngôi làng và giết đàn ông, phụ nữ và trẻ em, tin rằng họ làm việc này nhân danh Ki-tô và để phục vụ Ki-tô. Họ có phải là Ki-tô hành động không? À, lẽ dĩ nhiên các con biết là không. Tuy nhiên con cần tự hỏi: “Làm sao tôi có thể là Ki-tô hành động mà không đi vào trạng thái tâm bất quân bằng vì quá hăng hái, quá nhiệt thành, gần như là cuồng tín?”

Chân sư MORE có nói đến các đợt truyền giáo lý chân sư thăng thiên trước, và các đệ tử đã phản ứng như thế nào trong các tổ chức đó. Các thày đã thấy nhiều đệ tử trở nên quá nhiệt thành, quá bất quân bằng trong nhiệt tâm muốn làm một cái gì, khiến họ đã bước ra hành động một cách bất quân bằng, khác cách hành xử của Ki-tô hành động, tuy rằng một số các đệ tử này tin chắc là họ đang biểu lộ quả vị Ki-tô.

Lẽ tất nhiên các thày đã trao cho con chìa khóa cốt yếu để tránh phản ứng đó. Đó là con cần khắc phục ngã gốc và các ngã khác được tạo ra sau ngã gốc. Cái ngã nhất định cần an toàn, lẽ dĩ nhiên, có thể khiến con trở nên cuồng tín. Một khi con đã xây dựng ý niệm an toàn dựa trên một hệ thống hay niềm tin vỏ ngoài nào đó, thì con không muốn mất đi sự an toàn đó. Do đó, con trở nên cuồng tín chống trả tất cả những gì con nghĩ đang đe dọa ý niệm an toàn đó. 

Quả thật con cũng có thể có một ngã nữa, như các thày đã giảng, quan tâm không muốn bị sai, không muốn bị chứng tỏ là mình sai, muốn mình không bao giờ sai. Vì sa nhân cho con cảm tưởng là con sai trong kiếp đầu thai đầu, nên ngã đó lúc nào cũng muốn làm đúng. Một khi nó đã tự thuyết phục chính nó là nó đã làm đúng hay đang làm đúng, thì nó rất, rất ngần ngại xem xét mình có thể bị sai chăng.

9.2. Người tốt khó cứu rỗi nhất

Con yêu dấu, hai ngàn năm trước đây, thày có một lời tuyên bố khá bí hiểm là một tội đồ dễ được cứu rỗi hơn là một phú ông được vào thiên đàng. Lẽ tất nhiên, khi thày nói “phú ông” thì thày không nhất thiết chỉ một người có tiền của, nhưng là một người cảm thấy mình đã làm nhiều điều thiện. Điều nghịch lý mà ta có thể thấy nơi đạo Cơ đốc, các tôn giáo khác hay ngay cả giáo lý chân sư thăng thiên, là đôi khi những người rất, rất khó giúp nhất là những người hoàn toàn tin chắc họ là người tốt và đã làm nhiều điều tốt.

Con hãy nhớ lại lời Chân sư MORE nói về các đệ tử tin chắc là họ xứng đáng được một địa vị trong tổ chức tâm linh vì họ đã lâu năm tham gia tổ chức và chuyên cần theo đúng những thực tập vỏ ngoài và làm đúng mọi chỉ thị. Con có thể thấy một thí dụ, nhưng con cũng có thể vào các giáo đoàn Cơ đốc giáo và thấy những người suốt đời tin chắc là họ đang làm việc thiện theo đúng tinh thần Cơ đốc giáo, họ đang theo lời răn của Ki-tô hãy thương yêu người láng giềng, hãy cư xử tốt với mọi người, hãy tham gia vào công việc từ thiện. Có nhiều vị linh mục Cơ đốc giáo, và nhiều tín đồ không phải là linh mục nhưng đã tham gia vào việc từ thiện theo đúng tinh thần Cơ đốc giáo, cho rằng vì họ đã phụng sự, đã cư xử tốt và suốt đời làm nhiều điều tốt, nên họ bảo đảm sẽ được cứu rỗi trên căn bản những hành động vỏ ngoài đó.

Lẽ tất nhiên, thày có tuyên bố một số câu có thể được diễn giải để mở khóa hiểu biết là điều này không đúng. Vương quốc của Thượng đế ở bên trong ta. Cái gì ở bên trong ta? Đó là tâm hồn của con. Ấy, nếu con không giải quyết tâm lý, khắc phục tất cả các ngã, thì làm sao con vào được vương quốc? Con thấy chăng, điều này, một lần nữa, dính liền với bài giảng của Chân sư MORE về sự tha hóa của đạo Cơ đốc đã tạo ra con đường vỏ ngoài, giấc mơ được cứu rỗi một cách tự động và bảo đảm. Nhiều tín đồ Cơ đốc giáo theo con đường vỏ ngoài này vì họ không có gì khác và hoàn toàn tin tưởng rằng một khi họ làm tất cả những điều vỏ ngoài đó thì họ đương nhiên sẽ được vào vương quốc sau kiếp sống này.

Đây không phải là mối quan tâm chính của bài giảng này của thày, thày chỉ nêu ra như một ví dụ. Mối quan tâm chính của thày, lẽ tất nhiên, là các đệ tử chân sư thăng thiên. Con cần nhận ra ở đây là một số các con, khi con gánh chịu chấn thương nhập đời hay các biến cố tạo nên chấn thương đó, thì sa nhân đã khiến con cảm thấy là con đã làm điều gì sai, hay con đã sai lầm khi có mặt trên trái đất, con đã sai lầm khi tới đây.

9.3. Không muốn bị sai

Chuyện luôn luôn xảy ra là sa nhân đã khiến con cảm thấy là con đã làm một việc gì rất sai trên trái đất đến độ con không bao giờ có thể chuộc lại lỗi đó. Như các thày có giảng, một khía cạnh của ngã gốc là con quyết định: “Tôi không bao giờ muốn trải nghiệm chuyện này nữa.” Con làm gì lúc đó? Con tạo ra một ngã tách biệt, được lập trình để con chắc chắn không bao giờ bị chứng minh là mình sai. 

Con yêu dấu, con đã làm gì sau đó? Qua nhiều kiếp sống, con đã xây dựng động lượng làm những chuyện mà con cho là đúng, bằng cách lúc nào cũng làm chuyện được quy định là đúng bởi nền văn hóa, bởi tôn giáo của con bằng cách làm việc từ thiện, giúp đỡ người khác, vân vân và vân vân. Lẽ tất nhiên, dựa trên con đường vỏ ngoài của đạo Cơ đốc, một số các con có động lượng từ các kiếp trước tin rằng nếu con làm các chuyện vỏ ngoài đó, nếu con phụng sự như vậy, thì con chắc chắn hội đủ điều kiện để thăng thiên.

Các thày đã nói đi nói lại điều gì? Khi con đứng trước cổng vào thiên đàng, nếu con muốn dùng hình ảnh đó (và các thày biết con cần một hình ảnh, nhưng đó chỉ là một hình ảnh) thì con đứng trước cổng vào cõi thăng thiên và con phải chọn lựa đi qua cổng đó. Con phải lấy một chọn lựa và đó phải là một chọn lựa tự do, con yêu dấu. Làm sao con, cái Ta Biết, lấy một chọn lựa tự do? Con chỉ làm được khi con không còn bất cứ ngã nào tô màu viễn quan của con. Cái ngã được lập trình để khiến con cảm thấy mình không bao giờ sai vì đã luôn luôn làm điều tốt, nó đang ngăn cản con thăng thiên – nếu con không buông bỏ được nó. Con không thể thăng thiên nếu con không buông bỏ nó, và con không thể buông bỏ nó nếu con chưa nhìn thấy nó. Lẽ tất nhiên, con không thể nhìn thấy nó nếu con quá sợ thấy điều gì sai trong con người mình. 

Con yêu dấu, con thấy chăng là các thày đã trao truyền giáo lý là các thày thương yêu con vô điều kiện. Các thày chấp nhận con vô điều kiện, nhưng nếu con còn cái ngã không bao giờ muốn bị chứng minh nó sai, thì con không thể thực sự chấp nhận tình thương và sự chấp nhận của các thày. Con sẽ luôn luôn sợ mình sai, cảm giác là có một số điều kiện sẽ khiến con bị sai, ngay cả ý niệm là con có thể sai. Con không thể thăng vượt ý niệm đó nếu con vẫn còn cái ngã đó, vì ngã đó không thể chất vấn lập trình cơ bản, ảo tưởng cơ bản đã tạo ra nó.

Cái ngã không thể chất vấn lập trình đó. Khi con còn nhìn mình xuyên qua phin lọc của ngã đó thì con cũng không thể chất vấn lập trình đó. Con, như cái Ta Biết, có thể bước ra ngoài ngã và thày trao truyền giáo lý đặc trưng này để giúp cái Ta Biết bước ra ngoài ngã đó và nhận ra có hai điều ngăn cản con thăng thiên. Một là con ở trong trạng thái tâm rất tiêu cực, vị kỷ, ích kỷ, lúc nào cũng đấu tranh với người khác, làm bất cứ điều gì con muốn mà không màng hậu quả. Nói cách khác con là một người mà một số các con gọi là người xấu. Có một điều khác ngăn cản con bước vào thiên đàng, đó là con là một người mà một số các con coi là người tốt, con muốn giữ hình ảnh đó đến độ con không chịu chất vấn là trong con có thể có cái gì không “đúng”, theo nghĩa nó không cho phép con bước vào trạng thái thăng thiên.

Khi con nhìn mình xuyên qua ngã đó thì con nghĩ là nếu trong con có cái gì không đúng, thì nó chắc hẳn phải sai. Tức là điều này phải có nghĩa là con sai, và do đó con không thể nhìn nó. Điều duy nhất có thể phá bế tắc là cái Ta Biết bằng cách nào đó được cảm hứng, được thúc đẩy để bước ra ngoài ngã đó và thấy nó chỉ là một cái ngã. Nó chỉ là một cái ngã, và chỉ có ngã đó tin rằng con sẽ tự động vào thiên đàng khi con làm các việc tốt. Nó chỉ là một cái ngã, và như tất cả các ngã, nó dựa trên một ảo tưởng. Khi con, cái Ta Biết, nhận ra điều này, thì con nhận ra là ngã đó không phải là con. Con nhận ra là con không thể mang ngã đó theo con vào cõi thăng thiên.

Vì sao con không thể mang nó theo con vào cõi thăng thiên? Vì con không mang nó theo con khi con xuống trần thế. Không ai có thể trở về thiên đàng trừ những ai đã xuống từ thiên đàng. Không có ngã nào – không có ai – có thể trở về thiên đàng trừ cái ta đã đi xuống từ Hiện diện TA LÀ. Chuyện thật giản dị như vậy đó. Đó chỉ là một cái ngã, nhưng thày cần con nhận ra là người tốt, nghĩ mình tốt và đã luôn luôn tốt, có thể là một trở ngại cho việc thăng thiên. Nó chỉ là một ngã khác mà con cần buông bỏ. Nếu con còn muốn làm điều tốt dựa trên ngã đó, thì con không thể là Ki-tô hành động. Vì con đang muốn làm điều tốt để tránh không bị chứng minh mình sai. Nói cách khác, hành động của con có tính chất vị kỷ. Hành động của con trụ chung quanh ngã thấp đó, không phải chung quanh cái ta thật của con. Nó là động cơ thúc đẩy con hành động, không phải là quả vị Ki-tô, không phải là tâm thức Ki-tô.

9.4. Con đã là Ki-tô hành động

Điều này đã được nói ra, và thày muốn đi sang phần khác. Thày nhận ra, như Chân sư MORE có nói, là mỗi khi các thày trao truyền một giáo lý, thì có nhiều người trong các con ngồi nghe, tìm hiểu giáo lý nhưng vẫn có cảm giác có một khoảng cách. Các thày đã trao truyền dụng cụ để con khắc phục ngã gốc và các ngã khác, và khi con làm xong thì khoảng cách sẽ biến mất. Nhưng thày vẫn muốn đưa thêm vài nhận xét ở đây, vì thày muốn con nhận ra là tất cả các con đã là Ki-tô hành động ở một mức nào đó, và đa số các con đã là Ki-tô hành động trong kiếp sống này. Chỉ là con không ý thức điều này, và con không phải lúc nào cũng là Ki-tô hành động. Con đã là Ki-tô hành động một số lần, có thể là với một số các con chỉ xảy ra một ít lần, nhưng tất cả các con đã từng là Ki-tô hành động. 

Điều này lại liên quan đến một khía cạnh khác của đạo Cơ đốc giả, đó là sự sùng bái vĩ đại được dựng lên chung quanh con người thày. Giê-su được đặt lên trên bệ cao như người Con của Thượng đế, một người sinh ra đã toàn hảo, vân vân và vân vân. Một con quái vật rất dũng mãnh đã được tạo ra trong tâm thức tập thể cho rằng muốn là Ki-tô thì con hầu như phải toàn hảo. 

Một số các con cũng đã tạo ra ngã đó, một ngã tương tự. Đúng thực là đa số các con phần nào có ý tưởng là con chỉ có thể được cứu rỗi, vào thiên đàng hay thăng thiên khi con đạt được tiêu chuẩn gần như siêu nhân đó. Do đó, con cảm thấy là khi con chưa hội đủ chuẩn mực đó, hay con không hội đủ tiêu chuẩn trong mọi lúc, thì con không thể là Ki-tô.

Ý niệm nguyên thủy về Ki-tô là gì? Ý nghĩa việc Ki-tô đầu thai, nhập vào xác thịt là gì? Nó có nghĩa là tâm thức Ki-tô có thể được biểu đạt xuyên qua một cỗ xe chưa hoàn toàn sạch những ngã tách biệt đó.

Như các thày đã giảng, cái Ta Biết có khả năng bước ra ngoài ý niệm bản ngã hiện tại của con. Khi điều đó xảy ra thì con là cánh cửa mở để tâm thức Ki-tô tuôn chảy xuyên qua con, để tâm thức Ki-tô tự biểu lộ xuyên qua con. Như thày có nói: “Tự ta không làm được gì, đó là cha ta (Hiện diện TA LÀ, Thánh linh) làm việc.” Nó làm việc khi con có cửa mở trong tâm thức của mình.

Như các thày có giảng, con không thể ép việc này xảy ra. Con thực sự không thể làm gì. Con không thể tạo ra một con đường máy móc tự động dẫn con tới điểm con là cánh cửa mở. Con không cần ép nó xảy ra, con chỉ cần ngưng không ép nó không xảy ra. Sự thực là nó mưa xuống cả người công chính lẫn người bất chính. Tánh linh lúc nào cũng tuôn xuống từ Trên cao. Như thày có nói: “Ta sẽ xin Cha ta và ngài sẽ gửi các con một đấng an ủi khác.” Khi thày thăng thiên, một phần động lượng của thày, Tánh linh của thày, được rải truyền xuống trái đất và nó vẫn tuôn xuống trong suốt hai ngàn năm qua. Con không cần hội đủ điều kiện nào để nhận nó, con cũng không thể ép nó tuôn qua con.

Tánh linh lúc nào cũng rải xuống. Con chỉ cần có cửa mở trong bốn thể phàm để Tánh linh có thể tuôn vào. Tất cả các con đã có lúc thoáng nhận, vì lý do nào đó, ngã vỏ ngoài được gạt qua bên, cái Ta Biết bước ra ngoài trạng thái tâm bình thường của nó, trạng thái đồng hóa với một ngã vỏ ngoài bình thường của nó, và bỗng nhiên có một cái gì khác tuôn vào. Cái “gì khác” đó, lẽ tất nhiên, là ý nghĩa thế nào là Ki-tô hành động. Đó là lúc con là cánh cửa mở biểu hiện cái gì vượt quá trạng thái nhận biết bình thường của đa số con người. Đa số con người chưa bao giờ trải nghiệm cái gì khác, cái gì cao hơn trạng thái nhận biết bình thường. Thày nói các con trao tặng người khác món quà của sự chấp nhận, nhưng con cũng có thể trao tặng người khác bất cứ trải nghiệm nào vượt quá trạng thái tâm thức bình thường của họ. Đó là biểu đạt Ki-tô, đó là Ki-tô hành động.

9.5. Vượt lên trên hình ảnh cố định về Ki-tô

Việc đó có nhiều hình thức, con yêu dấu, và chìa khóa là mở tâm, là dụng cụ để tâm thức Ki-tô biểu hiện, đó cũng là không chờ mong và không có định kiến là Ki-tô phải biểu hiện hay không được biểu hiện như thế nào. Các thày đã trao cho các con khái niệm là thày đã làm việc đó bằng nhiều cách. Thày đã trao cho một người một ly nước lạnh vì đó là gì người đó cần lúc đó, nhưng thày cũng trao cho người đó cảm giác y được chấp nhận, và đó là điều mà người ấy trước đó chưa từng có, và đó là phần phụ trội vượt quá ly nước.

Có quá nhiều đệ tử tâm linh, và đặc biệt là đệ tử chân sư thăng thiên, đã dùng giáo lý các thày để củng cố một ngã vỏ ngoài là một hậu duệ của ngã gốc. Họ đã tạo ra một hình ảnh rất, rất, rất cố định về thế nào là Ki-tô hành động cho riêng họ cũng như là thày khi thày hiện thân trên thế gian. Nhiều người trong họ sẽ sững sờ nếu họ gặp thày khi thày hiện thân. Niềm tin của nhiều người sẽ bị lung lay, như niềm tin của nhiều Ki-tô-hữu bị lung lay nếu họ thấy thày như thày thực sự là lúc đó.

Điều con có thể làm được, là dùng cái Ta Biết để nhìn tâm mình và thấy các định kiến và chờ đợi Ki-tô phải như thế nào và không được như thế nào. Con thấy trong kinh điển là có những người đã bài bác thày vì thày uống rượu, vì thày sinh ra ở Nazareth, vì thày đã làm chuyện này chuyện kia. Có những người đã bài bác thày vì hình dạng của thày, cách thày phục sức, cách thày cư xử, cách thày phát biểu.

Con yêu dấu, lúc nào cũng sẽ có người tìm thấy lỗi nơi người sứ giả, người đại diện Ki-tô. Điều này tất nhiên bắt nguồn từ sa nhân luôn luôn phán xét Ki-tô Hằng sống. Chính sa nhân và thái độ của họ đã tạo ra thái độ rất phán xét mà con tìm thấy nơi nhiều tổ chức tâm linh, kể cả, lẽ tất nhiên, các tổ chức mà Chân sư MORE đã phơi bày trong bài giảng trước. Con cần trung thực nhìn xem con có một ngã có ý phán xét Ki-tô Hằng sống phải như thế nào, vì đó sẽ là một trong những lý do vi tế nhưng hữu hiệu nhất để đóng cửa không cho Ki-tô tuôn chảy xuyên qua con. Nếu con cảm thấy là cách Thánh linh biểu hiện phải tuân theo chuẩn mực của con, chuẩn mực mà con có trong ngã đó, thì Thánh linh sẽ không thể tuôn chảy. Thánh linh thổi nơi muốn, không phải nơi con muốn, không phải nơi ngã vỏ ngoài muốn và chắc chắn là không phải nơi sa nhân muốn nó tuôn chảy – vì sa nhân không muốn Thánh linh tuôn chảy gì hết.

Điều bí ẩn đơn giản là con có thể nói là sa nhân không muốn Thánh linh tuôn chảy và phần lớn họ đã thành công trong việc này. Vì sao Thánh linh không làm gì để cải sửa việc này, như một câu hỏi đã nêu lên hôm nay? “Vì sao Thượng đế không thay đổi kế hoạch của ngài để thuận theo ý kiến của tôi về vũ trụ?” Đó là cốt yếu của tâm thức sa ngã: “Vì sao Thượng đế không thay đổi để tôi không phải thay đổi?” Con có thể nói là Thánh linh đáng lẽ phải làm điều gì để giải tỏa tình trạng bế tắc mà sa nhân đã đặt hành tinh này vào.

Thánh linh tôn trọng quyền tự quyết, và do đó con có thể nói là câu: “Thánh linh thổi nơi nó muốn” không nói lên một hiểu biết đầy đủ. Câu này được đưa ra để cho thấy là Thánh linh không tuôn chảy theo ý kiến, chờ mong và chuẩn mực của con người. Mặt khác, như thày vừa giảng, Thánh linh luôn luôn tuôn chảy, vấn đề chỉ là khi không có khe mở thì nó không thể biểu đạt trong bát cung vật lý, và đúng thực là ngay cả trong cả ba bát cung trên cũng vậy.

Đó là lý do vì sao Thánh linh chờ dịp một người mở cửa để nó tuôn chảy. Khi cửa được mở thì dòng chảy có mặt. Các thày đã trao cho các con nhiều ý tưởng, nhiều dụng cụ, và khi con phối hợp với các dụng cụ về chấn thương nhập đời và ngã gốc, thì con sẽ có thể tiến bộ rất, rất đáng kể. Con có thể tới điểm con bắt đầu là cánh cửa mở rộng hơn và con không cảm thấy bắt buộc phải biểu lộ quả vị Ki-tô. Con không cảm thấy bị bắt buộc làm điều này, con không sợ làm điều này, con không quan tâm về điều này. Con chỉ đơn giản để nó xảy ra và con nhận ra là khi con để nó xảy ra, khi con ở trong trạng thái tâm trung hòa, thì không những dòng chảy sẽ có mặt mà thêm nữa con không có các quan tâm là con có đang làm đúng hay không, làm như vậy có được không, hay có tốt đủ không.

9.6. Phân tích mình một cách quá đáng

Giờ đây, lúc khởi đầu con quả thực có thể thấy một số quan tâm khởi lên, và nhiều người trong các con đã có kinh nghiệm này. Con đứng trước một hoàn cảnh, và con cảm thấy có một dòng chảy khác thường xuyên qua con, khác với tâm thức bình thường của con. Sau đó, con phân tích và lượng định: “Tôi làm như vậy có được chăng? Đó có phải là biểu lộ cao nhất của Ki-tô chăng? Đó có thật là Ki-tô chăng? Tôi có nên không hành động như vậy chăng? Tôi có nên không nói điều đó chăng?”

Con cần phải sẵn sàng nhận ra là khi con bắt đầu dám biểu lộ mình nhiều hơn, thì con sẽ có những thách đố tương tự khởi lên sau đó. Lúc đó, con dùng điều đó như một cơ hội để nhận ra là có một ngã vỏ ngoài khác đang tạo phản ứng đó nơi con. Và con dùng công thức: nhận diện ngã đó, tách mình ra khỏi nó và để nó chết đi – con để nó chết đi, con yêu dấu.

Con thấy chăng, khi con tới điểm con bắt đầu mở tâm hơn để đón nhận dòng chảy của Ki-tô, thì tất cả các mối quan tâm con có đang làm đúng hay không sẽ tan biến đi. Con sẽ tới điểm con nhận ra rằng: “Chuyện đã xảy ra như nó đã xảy ra.”  

9.7. Không có biểu đạt Ki-tô tối hậu

Có một bước quan trọng trước khi con tới điểm đó, đó là con nhận ra là không thể có biểu hiện Ki-tô tối hậu và tuyệt đối, vì lý do giản dị là trái đất là một hành tinh phi tự nhiên. Một biểu hiện của Ki-tô lúc nào cũng xảy ra trong một tình huống cá biệt. Nó được biểu lộ cho con người ở một tầng tâm thức nào đó. Con yêu dấu, nó không có mục đích nâng con người lên tầng tâm thức cao nhất, nó chỉ có mục đích nâng con người lên tầng tâm thức kế tiếp. 

Vậy điều này nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là khi con có bất cứ biểu lộ Ki-tô nào trên thế giới, thì tâm phản-Ki-tô có thể xem nó, phân tích nó và tìm thấy lỗi nơi nó. Đó là điều mà Chân sư MORE đã giảng sáng nay, là có một số đệ tử đã đi vào tâm thái phán xét, thực sự có nghĩa là họ đã dùng tâm phản-Ki-tô để tìm lỗi. Con có thể thấy là một số câu hỏi nêu lên chiều hôm nay được đặt với tầng tâm thức thực sự muốn tìm lỗi nơi giáo lý hay vị thày. Lẽ tất nhiên, đây là điều tâm phản-Ki-tô lúc nào cũng làm.

Con cần nhận ra ở đây là ngoài các ngã của con, mà con mang trong bốn thể phàm, còn có động lượng ở cấp hành tinh của phản-Ki-tô lúc nào cũng tìm cách xen vào và thách thức mọi biểu hiện của Ki-tô, tìm cách hạ thấp nó. Nó có hai mục đích. Con có một người đang là cánh cửa mở để Ki-tô biểu lộ và con có một hay nhiều người đang tiếp nhận sự biểu lộ đó. Các lực phản-Ki-tô, tâm phản-Ki-tô, muốn gieo nghi ngờ vào tâm những người đang nhận món quà để họ bắt đầu nghi ngờ và ngay cả bác bỏ nó. Nó muốn gieo nghi ngờ vào tâm người đang là cánh cửa mở và đang trao món quà để người đó nghi ngờ khả năng làm dụng cụ của Ki-tô trong tương lai, và do đó có thể dần dần quyết định khóa tâm lại hay áp đặt một chuẩn mực vỏ ngoài lên Ki-tô.

Con cần giản dị nhận ra là lực phản-Ki-tô này tất nhiên có khả năng phóng đại hay sử dụng bất cứ ngã nào mà con có. Con thực sự cần nhận ra là dù con đã khắc phục được các ngã trong bốn thể phàm của con, lực này vẫn có thể phóng chiếu tới con từ bên ngoài. Con chỉ cần nhận ra lực này, và biết nó có mặt. Nó sẽ luôn luôn phóng chiếu vào con.

Sau đó, con cần nhận ra là con không cần làm gì cả. Con không cần tự bảo vệ mình. Con không cần tìm cách phản bác nó. Con không cần tìm cách trả lời các câu hỏi được nêu lên từ trạng thái tâm này, vì, như thày có giảng, các câu hỏi này không bao giờ có giải đáp. Nếu con tìm cách trả lời một câu hỏi, thì bảy câu hỏi khác sẽ bật ra. Con chỉ cần nhận biết là lực đó có mặt, nhận ra nó như nó là và để nó đi xuyên qua con. Khi con chưa hóa giải các ngã thì nó sẽ không đi xuyên qua con mà sẽ chạm một trong các ngã đó và phóng đại nó lên. Khi con đã hóa giải các ngã thì con chỉ để nó đi xuyên qua con. Như thày có nói: “Chuyện ấy quan hệ gì tới con, con hãy theo thày.” Lúc ban đầu, con sẽ được trợ giúp nếu con quay về hướng thày và thực sự hình dung là con để cho nó đi xuyên qua con và chú tâm vào thày. Con còn không chú ý tới nó nữa.

Giờ đây, tất nhiên đây là một thăng bằng tế nhị vì tự ngã của con muốn nghĩ là nó không thể sai lầm và do đó con không bao giờ cần chú ý đến các lời chỉ trích. Đôi khi con cần chú ý đến phản hồi của người khác. Con có thể tập phân biện trường hợp một người giản dị phát biểu mối quan tâm của họ, và trường hợp lời chỉ trích đến từ tâm phản-Ki-tô. Con có thể tập nhận ra sự khác biệt. Một người có thể phản hồi để cho con thấy cách họ phản ứng ở tầng tâm thức của họ. Điều này có thể giúp con điều chỉnh cách con phát biểu khi con tiếp cận những người này, dựa trên hiểu biết về trình độ tâm thức của họ. Khi con cảm thấy là lời chỉ trích đơn giản phát xuất từ phản-Ki-tô đang tìm cách hạ bệ con, thì con chỉ để nó đi xuyên qua con.

Khi thày nói là con cần mở tâm đón nhận phản hồi của người khác, thì thày cũng nói điều này một cách thận trọng, vì con không nên phân tích mình quá đáng. Con cần là cánh cửa mở, cần giữ tâm trung hòa, cần ở trong trạng thái tâm trung hòa và để Tánh linh tự biểu lộ. Thành thực mà nói, đây chính là thách thức lớn nhất khi con bắt đầu có thêm quả vị Ki-tô. Con cần không đóng tâm mình nhưng cũng đừng phân tích quá đáng vì như vậy sẽ mất đi tính linh động tự phát. Đây là một thăng bằng tế nhị. Thày phải đối đầu khó khăn này khi thày hiện thân trên trái đất, tất cả các thày đều gặp khó khăn này trước khi thăng thiên. Con cần đối mặt khó khăn này và giải quyết theo cách của riêng con vì (một lần nữa) không có một biểu hiện tuyệt đối của quả vị Ki-tô. Do đó, con cần nhận ra rằng bất kể hình thức Ki-tô nào mà con có thể thể hiện đều không sai trái. Rất có thể là có một cách thể hiện Ki-tô cao hơn, nhưng điều này không có nghĩa cách con thể hiện là sai. Con không cần đi vào tư duy thắc mắc: “Làm vậy có sai chăng?”

Con cần buông bỏ tư duy này, con yêu dấu, và mặc dù con đã làm tan biến một ngã nào đó, con thực sự sẽ tới điểm con cần lấy quyết định một cách ý thức: “Tôi sẽ không tham dự vào chuyện này nữa, tôi sẽ còn không chú tâm tới nó nữa. Tôi chú tâm là cánh cửa mở và tôi cho phép người khác phản ứng bất cứ cách nào họ muốn.”

9.8. Muốn giúp người khác quá mức

Khi con đạt được một phần quả vị Ki-tô và rất muốn giúp đỡ người khác, thì việc này có thể là một trở ngại cho đường quả vị Ki-tô của con. Khi đó con có tâm thái: “Làm sao tôi có thể giúp người khác.” Vị sứ giả này đã có tâm thái này trong nhiều kiếp sống, kể cả kiếp này, ngay cả sau khi ông đã trở thành sứ giả. Làm sao ông có thể giúp người khác tốt nhất và làm sao ông không gây trở ngại cho Tánh linh thể hiện xuyên qua ông?

Suy ngẫm chuyện này tất nhiên là điều chính đáng, nhưng con phải tìm ra điểm cân bằng tế nhị. Con trước tiên cần làm việc để khắc phục các ngã vỏ ngoài của mình để con được giải thoát khỏi chúng và không cảm thấy bắt buộc phản ứng lại người khác. Con cần tới điểm con thực sự không phản ứng lại người khác và việc họ chấp nhận hay không chấp nhận những gì họ được cống hiến xuyên qua con. Con quan sát, con có thể học hỏi từ những gì con quan sát nhưng con không phản ứng. Con không cảm thấy phải thay đổi chính mình dựa trên phản ứng của họ vì con nhìn nhận là phản ứng của họ là sản phẩm của trình độ tâm thức của họ, kể cả những ngã mà họ chưa giải tỏa.

Nhiều người sẽ tới con khi con đạt được một phần quả vị Ki-tô và họ mang một ngã chưa được giải tỏa, và ngã này pha màu cách họ nhìn con đường tâm linh. Họ đã dùng giáo lý trên con đường tâm linh để củng cố và công nhận giá trị của ngã đó. Giờ đây, họ tới con và họ muốn con cũng công nhận giá trị của ngã đó. Có khi họ giận dữ, có khi họ thất vọng, có khi họ bắt đầu tố cáo con không là đại diện thật của Ki-tô khi con không công nhận cái ngã mà họ không chịu tách rời và buông bỏ. Con cần nhận ra điểm này. 

Con yêu dấu, thày nhận ra là một lần nữa các thày đã phóng tới con thật nhiều khái niệm. Con không cần chú tâm ngay lúc này đến tất cả những gì thày nói ở đây. Con cần tìm ra một điều trong bài truyền đọc mà con cảm thấy ứng dụng cho con ngay lúc này và con thể nhập điều đó. Con chấp nhận là các điều khác mà thày nói áp dụng cho người khác ở các tầng tâm thức khác. Có khi một số điều mà thày nói không còn áp dụng cho con vì con đã vươn lên trên tầng tâm thức đó. Có khi có những điều sẽ áp dụng cho con trong tương lai khi con đã vươn lên một tầng tâm thức nào đó.

9.9. Không có khoảng cách giữa con và Tánh linh

Như Chân sư MORE có nói, các thày bị giới hạn khi thuyết giảng bằng ngôn từ. Quả thực con cần tới điểm con không tìm cách là Ki-tô dựa trên một cảm nhận xa cách, dựa trên một khoảng cách. Khi con khắc phục ngã gốc và các ngã khác, khi con tới điểm mà Chân sư MORE mô tả là con không coi con đường tâm linh xoay quanh cá nhân mình, đó là lúc không còn cơ chế trong tâm con tìm cách lọc lựa những gì đến từ Tánh linh. Lúc đó ngay cả ý niệm là con “ở đây” và Tánh linh ở “trên kia” cũng không còn nữa. Tánh linh đang gửi đến con một cái gì tuôn chảy xuyên qua tâm con. Con có thể vượt qua cảm giác tách biệt. Nhiều người trong các con không thể nắm bắt điều thày đang giảng nhưng một số có thể. Tất cả các con rốt cuộc sẽ có thể nắm bắt điều đó.

Sẽ có một điểm không có cấu trúc nào trong tâm khiến con nghĩ là con phải hành xử như thế nào khi con là Ki-tô Hằng sống. Do đó, con không nhìn sự việc qua tâm trí, con chỉ giản dị trải nghiệm là có khe mở, có dòng chảy và sau đó con trải nghiệm dòng chảy đang xảy ra.

Vị sứ giả này đã nhiều lần được hỏi là ông trải nghiệm thế nào khi nhận một bài truyền đọc và ông đã tìm cách giải thích một cách tương tự. Không phải là ông thấy ông ở dưới đây, thày ở trên kia và thày đang rải truyền ngôn từ từ cõi thăng thiên, ông nghe được trong tâm và phát biểu ra. Không phải vậy, ông và thày đạt được trạng thái Hợp nhất, và ngôn từ tuôn chảy xuyên qua tâm vị sứ giả và ông nghe thấy chúng cùng lúc với khi chúng được nói ra, vì không có khoảng cách. Do đó, khi không có khoảng cách, thì không có chỗ để tâm thức của con, tâm thức của người khác và tâm thức sa ngã xen vào tiến trình. Trong tiến trình không có khoảng cách. Không có cấu trúc, không có cơ chế. Đó là một dòng chảy trực tiếp, một biểu đạt trực tiếp và con không phân tích nó trước khi nó xảy ra, vậy con cần gì phân tích khi nó đã xong? Con chỉ để nó tuôn chảy và sau đó để nó là như nó là, để con là như con là, để người khác là như họ là. Hãy để họ phản ứng theo cách họ phản ứng. Khi con trung hòa khi món quà được trao tặng, thì nó xứng đáng được trao tặng. 

Lẽ tất nhiên, người khác chỉ có thể nhận đầy đủ món quà khi họ trung hòa, nhưng trách nhiệm của con là giữ mình trung hòa. Giữ người khác trung hòa không phải là trách nhiệm của con. Trách nhiệm của con là trao món quà, là cánh cửa mở để trao tặng món quà. Con không có trách nhiệm cách người khác nhận nó. Đó là trách nhiệm của họ. Khi con đã thấy rõ điều này trong tâm mình, thì con có thể tránh các cám dỗ và phóng chiếu rất rất vi tế đến từ sa nhân muốn đem con tới điểm lần biểu đạt quả vị Ki-tô đó là lần cuối con cả gan để chuyện này xảy ra xuyên qua con.

9.10. Biểu lộ Ki-tô trên mạng

Thày thực sự có một điều nữa mà thày muốn trao truyền, đó là chúng ta đã tới điểm các thày đã trao truyền đủ giáo lý xuyên qua vị sứ giả này. Trong những người đang theo học giáo lý này, có một số mới gia nhập, một số khác đã học giáo lý này được một thời gian, nhưng các con đã sẵn sàng bắt đầu biểu lộ quả vị Ki-tô một cách trực tiếp hơn. Lẽ tất nhiên, có rất, rất nhiều cách để làm việc này nhưng chắc chắn một trong những cách đó là qua mạng Internet.

Trong khóa học về quả vị Ki-tô của thày (sách Chìa khóa chính yếu để đạt quả vị Ki-tô cá nhân) thày đã đề ra cho những ai hoàn tất khóa học công việc viết lại câu chuyện cuộc đời mình. Với hiện tượng viết blog trong thời hiện đại, tại sao không viết câu chuyện này như một blog?

Tại sao không tạo ra một trang mạng hay một blog lấy giáo lý chân sư thăng thiên và áp dụng vào một lãnh vực cá biệt? Con cũng có thể lấy một lãnh vực cá biệt, tìm kiếm tất cả các giáo lý mà các thày đã trao truyền liên quan đến lãnh vực đó, lấy ra tất cả những điều mà các thày đã nói và để các ý đó vào một trang mạng. Con có thể viết lại một cách trung hòa với ngôn từ của chính con để người đọc không cần phải tin các chân sư thăng thiên hiện hữu, hay con cũng có thể trích dẫn lời các thày nếu con ghi rõ xuất xứ. Có rất nhiều cách con có thể dùng mạng Internet để biểu lộ quả vị Ki-tô, và qua đó tiếp xúc được nhiều người hơn là con có thể tiếp xúc tận mặt. Đây cũng có thể là một cách để con luyện tập cách con biểu lộ quả vị Ki-tô và quan sát những phản ứng khởi lên trong con. Con cũng có thể thành lập, nếu con muốn, một nhóm người để hỗ trợ lẫn nhau. Một số các con có kinh nghiệm dùng máy điện toán và có thể giúp những ai ít có kinh nghiệm, và do đó các con bắt đầu hỗ trợ lẫn nhau. Các con cũng có thể giúp lượng định lẫn nhau, phản hồi tới các người trong nhóm, và qua đó chia xẻ nhiều, nhiều điều. Con có thể tạo ra một hiện diện trên mạng Internet hiện chưa có, chưa bao giờ có mặt trên mạng vì các con tới từ những quá trình khác nhau nhưng cũng có những điểm tương đồng, một sự hợp nhất thâm sâu với những điều các con phát biểu, vì các con đã đạt được một trình độ sáng suốt và nguyên vẹn, đã chữa lành tâm lý và buông bỏ các ngã vỏ ngoài.

Đã đến lúc các thày khuyến khích các con làm công việc này. Lẽ tất nhiên các con có quyền tự quyết. Thượng đế không muốn con người bị ép buộc. Các thày không muốn các con tự ép buộc mình làm việc này nhưng quả thật là một số các con đã sẵn sàng làm việc này dưới hình thức nào đó. Đã đến lúc các con đứng lên và ngưng ý nghĩ là vị sứ giả là người duy nhất phải dựng lên các trang mạng. Con hãy nhận ra là con cũng có tiềm năng, kinh nghiệm và chứng đạt để làm một cái gì đó. Một lần nữa, con nên hiểu rõ. Điều con có thể biểu đạt lúc này không phải là biểu đạt tối hậu của Ki-tô, nhưng khi con biểu đạt nó bây giờ thì con có thể hoàn chỉnh nó. Nếu con không biểu đạt nó lúc này thì con sẽ không có cơ hội hoàn chỉnh và con sẽ không tiến triển.

Con hãy xem xét trở lại tình huống bữa tiệc cưới ở Cana. Lúc đó thày đứng trước một ngã rẽ trong cuộc đời. Thày sẽ bắt đầu sứ vụ công chúng của thày hay thày đình chỉ nó? Ấy, nếu lúc ấy Mẹ Mary không thúc bách thày, thì thày đã không làm được việc đó. Thày đang thúc bách con. Nếu thày không chấp nhận sự thúc bách của Mẹ Mary và cả gan tiến hành sứ vụ của thày, thì có chăng một tấm gương ở đầu thời Song Ngư để con người noi theo? Ấy, có thể là thày sẽ làm sau đó – có thể.

Con không thể biết ngày mai sẽ ra sao. Con chỉ có thể biết hiện tại, con chỉ có thể hành động trong hiện tại. Có thể bây giờ là “hiện tại”, là lúc con đứng lên và biến nước lã của tâm thức thế gian trong một lãnh vực nào đó của cuộc sống thành rượu của tâm thức Ki-tô tuôn chảy xuyên qua con!

Con yêu dấu, tới đây thì thày cảm ơn con đã chú tâm nghe bài giảng này, thày cảm ơn con đã sẵn sàng làm chiếc loa lan tỏa bài giảng này tới tâm thức tập thể của hành tinh, sẽ đem lại kết quả sâu rộng, vượt quá những gì con có thể biết với tâm vỏ ngoài. Quả thực, con có thể nói là sứ vụ công chúng của thày hai ngàn năm trước đây đã là cực alpha, và những gì các thày đang trao truyền qua tiến trình tiết lộ tuần tự này, không chỉ qua vị sứ giả này và còn xuyên qua nhiều vị sứ giả khác, là cực omega. Khởi đầu của thời đại Song ngư – kết cuộc của thời đại Song ngư, nhưng thực sự, thời Song ngư không thể tới kết cuộc trọn vẹn khi chưa có một biểu đạt công chúng của giáo lý thực của Ki-tô.

Con có thể là một thành phần của biểu đạt đó, một phần của làn sóng công chúng khi bỗng nhiên mọi người có cơ hội giáp mặt giáo lý thực của Ki-tô, một cơ hội mà họ không có được trong suốt thời Song ngư. Khi con người được nhận cơ hội đó, thì lúc ấy chung cuộc sẽ tới, không phải là chung cuộc của thế giới, mà là chung cuộc của thời Song ngư. Lúc ấy, hành tinh có thể hoàn toàn bước vào thời Bảo bình. Chúng ta có thể bắt đầu chú tâm xây dựng thời Hoàng kim của Saint Germain thay vì tìm cách đuổi kịp, cứ tìm cách hoàn tất tất cả những điều chưa được hoàn thành trong thời Song ngư.

Con có thể quan tâm là con đã sẵn sàng làm chuyện này chưa, con có xứng đáng làm việc này chưa. Những quan tâm này bắt nguồn từ ngã gốc và các ngã khác. Do đó, thày chỉ có thể nói: “Hãy buông lưới đánh cá và theo ta, và ta sẽ biến con thành người chài lưới đàn ông, đàn bà và trẻ em.”

7 | Hiểu thấu tiết lộ tuần tự

Chân sư Thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, ngày 22 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên MORE, cũng được biết trong các đợt truyền giáo trước như El Morya, Chân sư M, Bapu hay đơn giản là Morya, do đó thày có nhiều tên. Thày hơn là một cái tên, do đó thày tìm cách vụt đi trước các đệ tử muốn gán một hình ảnh tôn thờ vào một danh hiệu nào đó. Thày biết rõ là nhiều đệ tử sẽ và đã bác bỏ tất cả các điều mà thày giảng ngày hôm nay vì thày đã đổi tên từ El Morya sang Chân sư MORE. Tuy nhiên, điều này thích hợp, vì có những đệ tử phải bác bỏ điều thày đang giảng vì họ không thuộc mạn đà la, đợt truyền giáo mà thày đang hướng bài giảng này tới. Tuy nhiên, có một số đệ tử sẽ được lợi lạc từ bài giảng này, nếu họ chịu mở tâm ra đón nhận.

Mỗi lần các thày bảo trợ một tổ chức, và các thày đã bảo trợ nhiều tổ chức hơn các con (đa số các con) biết, thì có một nhóm người, một mạn đà la, mà các thày nhắm tới khi bảo trợ tổ chức đó. Có một số người khác đáng lẽ không thuộc tổ chức đó. Khi các thày bước sang bảo trợ một tổ chức khác, thì điều thích hợp và tự nhiên là những người thuộc mạn đà la của tổ chức trước không đi theo với các thày. Tuy nhiên, lúc nào cũng có trong một tổ chức một số người không thuộc mạn đà la mà tổ chức được tạo ra để phục vụ, và do đó, họ tự do đi theo các thày khi các thày chuyển sang bảo trợ một tổ chức khác.

7.1. Con đường tâm linh lúc trước và ngày nay

Giờ đây, các con yêu dấu, thày muốn bắt đầu bằng cách nói thêm về câu hỏi được đặt ra tối hôm qua về cách các thày đã trình bày con đường tâm linh trong đợt truyền giáo trước ở tổ chức Summit Lighthouse (Ngọn Hải đăng Trên Đỉnh núi), thậm chí đi trở ngược về tổ chức I AM Movement (Phong trào TA LÀ). Thày sẽ nói về sự tương phản giữa cách các thày trình bày con đường tâm linh lúc đó và ngày nay, với các giáo lý mới nhất về cách thể hiện quả vị Ki-tô, cũng như là các giáo lý về ngã gốc, cái Ta Biết, là người đồng-sáng tạo, biểu hiện tiềm năng sáng tạo của mình – là các giáo lý mà các thày đã trao truyền trong những năm vừa qua. Như vị sứ giả này đã nêu lên, không có sự mâu thuẫn trong bản chất các đợt truyền giáo, nhưng nếu con nhìn từ một tầm nhìn nào đó, thì con sẽ thấy có mâu thuẫn. Con nên hiểu là đợt truyền giáo trước ở Summit Lighthouse đã được các thày tạo dựng với mục đích chính là giúp một mạn đà la đệ tử đạt được một số khai ngộ cốt yếu cho họ.

Điều cốt yếu trong việc phát triển cá nhân của họ là họ đạt được các khai ngộ đó, và điều cốt yếu cho hành tinh là có một số người, một số lượng tới hạn người (critical mass), đạt được các khai ngộ đó. Tổ chức Summit Lighthouse đã thu hút nhiều người khác không thuộc mạn đà la đó. Họ đã được lợi lạc khi tham gia vào Summit Lighthouse, và họ đã đóng góp nhiều cho tổ chức, họ đã đóng góp thêm nhiều vào động lượng, và quả thực họ đã giúp các thày đạt được nhiều thành quả từ tổ chức Summit Lighthouse hơn những gì các thày có thể đạt được qua các người thuộc mạn đà la. Cũng đã có nhiều người tâm linh không gia nhập Summit Lighthouse, một phần vì các thày không hướng họ về tổ chức đó. Đây là một số đề tài mà thày muốn thảo luận trong bài giảng này.

7.2. Đợt truyền giáo cuối cùng của thời Song ngư

Thày muốn bắt đầu với sự kiện tổ chức Summit Lighthouse là, như Giê-su đã trình bày trước đây, đợt truyền giáo cuối cùng (hay ít ra là đợt truyền giáo công chúng cuối cùng) mà các thày có thể bảo trợ trong thời Song ngư. Điều này không có nghĩa, như một số người đã diễn giải, là đó là đợt truyền giáo quan trọng, chung cuộc và tuyệt đối nhất mà các thày trao truyền trong thời Song ngư. Tổ chức Summit Lighthouse đã được lập ra với một số mục đích, nhưng mục đích mà thày muốn thảo luận ở đây, liên quan đến mạn đà la mà tổ chức được tạo ra để phục vụ, là một mục đích rất đặc thù. Mục đích đó là để giúp một nhóm dòng sống đạt được các khai ngộ của thời Song ngư mà họ chưa đạt được trong thời Song ngư. 

Con có thể nói như thế này: khi hành tinh bước sang một thời đại tâm linh mới, khi hành tinh chuyển từ thời đại trước sang thời Song ngư, thì có một nhóm người mà ta có thể nói, từ một tầm nhìn nào đó, đã là động cơ thúc đẩy sự tăng triển của hành tinh trong khoảng thời gian 2000 năm đó. Nói cách khác, họ ở một giai đoạn trong tiến trình tăng triển cá nhân khiến họ có tiềm năng đạt được các khai ngộ của thời đại sắp tới. Do đó, khi họ đầu thai trong thời đại đó, họ có thể đẩy mạnh sự tăng triển tâm linh, sự tăng triển của tâm thức Ki-tô, của thời đại đó. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh tâm thức tập thể, họ phải đạt được các khai ngộ của thời đại đó, các khai ngộ nền tảng của thời đại đó.

Mỗi thời đại có một số khai ngộ nền tảng. Hai ngàn năm trước đây, Giê-su đã khai mở thời đại Song ngư; thày đã tạo dựng nền tảng cho thời Song ngư. Giê-su đã trình bày các khai ngộ đó trong giáo lý nguyên thủy, toàn bộ của thày. Ngay cả trong giáo lý công chúng được bảo tồn trong kinh điển, con cũng tìm được một số lượng tới hạn các khai ngộ này để tạo xoay chuyển tâm thức, đôi khi được trình bày một cách ẩn dụ và đôi khi một cách thẳng thắn hơn.

Thày không nói ở đây là các kinh sách về cuộc đời và lời giảng của Giê-su đã mô tả các khai ngộ này một cách đầy đủ, vì chúng chắc chắn không làm được công việc này. Nhưng Giê-su có trao truyền một khuôn đúc có thể khai triển thành phong trào mà thày hình dung, một phong trào dựa trên Thánh linh, dựa trên Ngôi lời Hằng sống được nói ra. Một phong trào như thế đã có thể đẩy mạnh thời đại Song ngư, đẩy mạnh sự tăng triển của tâm thức tập thể.

7.3. Con người không đạt được các khai ngộ của thời Song ngư

Chuyện đã xảy ra là không có đủ số người trong mạn đà la nguyên thủy đạt được các khai ngộ của thời Song ngư trong những thế kỷ đầu của thời đại đó. Đó là lý do vì sao sa nhân đã có thể xâm nhập và biến phong trào Công giáo thành tôn giáo chính thức của đế quốc La Mã, và từ lúc đó trở đi, đạo Công giáo coi như đã bị tổn hại không thể cứu vãn. Điều này có nghĩa là không có giáo lý công chúng chỉ dẫn con người đạt các khai ngộ của thời Song ngư.

Lẽ tất nhiên, đây không phải là kế hoạch nguyên thủy nhưng các thày luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết (thày dùng chữ “các thày” để chỉ các chân sư thăng thiên, vì tất nhiên là trong thời Song ngư chính thày chưa là một chân sư thăng thiên, và do đó thày đã không dự phần vào các cuộc bàn thảo đó). Các chân sư thăng thiên luôn luôn xem xét con người đáp ứng ra sao trước các khai ngộ. Cho dù con người có đáp ứng hay không, các thày luôn luôn tìm một phương cách giúp con người vươn lên cao hơn.  

Trong thời Song ngư, các thày đã tạo cảm hứng và bảo trợ một số tổ chức. Đây là thời Giáo hội Công giáo đàn áp tất cả các người “không tin đạo”. Các tổ chức này đã hoạt động bí mật, các thày đã đề cập đến các hội Rosicrucian và Freemason nhưng cũng có tổ chức khác. Các thày cũng đã bảo trợ một số sáng kiến và tổ chức tại những vùng trên thế giới nơi giáo hội Công giáo không có ảnh hưởng mạnh mẽ. Thày không muốn các con giới hạn tầm nhìn của mình và nghĩ rằng các thày đã chỉ làm việc với một số ít tổ chức. Các thày đã làm việc, như các thày luôn luôn làm, với nhiều cá nhân và nhóm người khi họ sẵn sàng mở tâm đón nhận giáo lý ở một tầng mức nào đó.

Tuy nhiên, điều thày muốn các con nhận ra là khi thời Song ngư đã tới lúc gần chấm dứt, thì chuyện rõ ràng là không đủ số lượng tới hạn người thuộc mạn đà la Song ngư nguyên thủy, không đủ số lượng tới hạn các dòng sống đó, đã đạt được các khai ngộ của thời Song ngư. Các thày đã quyết định (và lần này thày có dự phần vào các cuộc bàn thảo vì thày đã thăng thiên) là các thày sẽ thành lập một tổ chức khác với mục đích chính yếu giúp các dòng sống đó đạt các khai ngộ của thời Song ngư. Liên quan đến tổ chức Summit Lighthouse, thì tổ chức này được thành lập với mục đích chính giúp nhóm dòng sống cá biệt đó đạt được những khai ngộ mà họ cần đạt khi thời Song ngư chấm dứt.

Chính thày có thuộc vào mạn đà la ở đầu thời Song ngư chăng? Có, thày thuộc mạn đà la đó. Kuthumi cũng vậy, cũng như là Saint Germain và lẽ tất nhiên Mẹ Mary. Mẹ Mary thăng thiên rất sớm, Saint Germain cần thêm chút thời gian. Kuthumi và thày đi đoạn hậu và cần rất nhiều thời gian để thăng thiên, nhưng các thày rồi cũng đã thăng thiên. Do đó, các thày đã quyết định là thày là vị chân sư chính bảo trợ tổ chức Summit Lighthouse.

Các con nhận ra là mục đích duy nhất (ít ra là mục đích chính) là giúp mạn đà la đặc thù của các dòng sống đó, các người chưa đạt được các khai ngộ của thời Song ngư. Nói theo từ ngữ hiện đại thì đây là một hình thức quản trị khủng hoảng. Nói cách khác, thời Song ngư đã gần hết, cát trong đồng hồ cát đã gần cạn, và các dòng sống đó vẫn chưa đạt được khai ngộ. Thày không nói là tất cả các dòng sống thuộc mạn đà la nguyên thủy của thời Song ngư đều phải đạt được các khai ngộ trong khoảng thời gian 2000 năm đó. Thày muốn nói là cần một số lượng tới hạn đạt được các khai ngộ đó, và lúc đó chưa đủ túc số đó. Như một hình thức quản trị khủng hoảng, các thày thảo luận và định ra những gì các thày có thể làm để giúp các dòng sống đó (ít ra là một số lượng tới hạn trong nhóm đó) vượt qua trở ngại và đạt được các khai ngộ của thời Song ngư. Các cuộc thảo luận đó là khuôn đúc nền tảng của tổ chức Summit Lighthouse và nói chung tất cả những gì đã xảy ra trong tổ chức đó đều liên quan tới mục đích đó.

7.4. Các khai ngộ của thời Song ngư

Đâu là những khai ngộ mà con người cần đạt trong thời Song ngư, không chỉ những người thuộc mạn đà la nguyên thủy và toàn thể nhân loại? À, con có thể nhìn vào cuộc đời của Giê-su và xem xét khuôn đúc mà Giê-su đã tạo dựng. Sau đó, con có thể xem xét các giáo lý mà các thày đã trao truyền, và lẽ tất nhiên, con yêu dấu, con có thể diễn tả chúng bằng nhiều cách khác nhau. Không phải chỉ có một cách duy nhất để diễn tả chúng bằng ngôn từ, mà có nhiều cách. Con có thể dùng từ vựng khác nhau. Thày không muốn đưa ra cảm tưởng là cách thày diễn tả ở đây là cách diễn tả duy nhất.

Chắc chắn là một cách để diễn tả các khai ngộ của thời Song ngư là: Trong thời Song ngư, con người cần giải thoát mình khỏi ách thống trị và nô lệ của sa nhân. Làm sao con giải thoát mình khỏi sa nhân? Cách duy nhất là đạt được tâm thức Ki-tô. Tâm thức Ki-tô là sợi dây điều giải (mediator) Tánh linh và vật chất, nó là cái được Thượng đế gửi xuống. Để làm gì? Không phải để cứu rỗi con người, như các giáo phái Cơ đốc giáo tuyên bố, nhưng để cho con người một khung tham chiếu, giúp con người có một khung tham chiếu khi họ trải nghiệm chứ không chỉ hiểu tâm thức Ki-tô. Con có thể so sánh với tảng đá Ki-tô tất cả các dối trá và ảo tưởng được phóng tới con, được sa nhân lập trình vào tiềm thức của con.

Con thấy là tất cả các ảo tưởng, triết lý, lý thuyết và luận thuyết đều là cát cuốn bay theo gió. Con có thể so sánh chúng với tảng đá không thể lay chuyển, theo nghĩa nó không có tính chất nhị nguyên. Lẽ tất nhiên, nó không đứng yên vì Ki-tô di chuyển cùng với hướng đi lên của toàn thể vũ trụ, do đó ta có thể nói là Ki-tô luôn luôn tiến triển. Đối với các con đang đầu thai trên một hành tinh phi tự nhiên do nhị nguyên thống trị, thì nó là một tảng đá mà con có thể nương tựa và dùng làm nền móng vững chắc để lượng định các ý tưởng của sa nhân.

Vậy ta có thể nói là các khai ngộ mà con người cần đạt trong thời Song ngư là noi theo gương của Giê-su, tin tưởng Giê-su, làm công việc mà Giê-su đã làm và sau cùng làm những công việc to lớn hơn những gì Giê-su đã làm. Như các thày đã nói nhiều lần, noi theo gương Giê-su thay vì chờ đợi Giê-su sẽ tới và cứu rỗi lúc cuối thời. Vậy câu hỏi trở nên: “Làm sao con người có thể noi theo gương của Giê-su?” Con có thể nhìn lại quá khứ và biện bác là vì con người không có được một bản viết các giáo lý chân thực của Giê-su, nên họ không thể noi theo gương của Giê-su, họ không thể đạt các khai ngộ – có một khoảng cách.

7.5. Khoảng cách giữa giáo lý và ứng dụng

Đây là một đề tài mà thày muốn luận giảng: khoảng cách. Câu hỏi trở nên là: chúng ta hãy giả dụ sa nhân không xía vào công việc của trái đất. Nói cách khác, không có gì ngăn trở các chân sư thăng thiên thể hiện trong bát cung vật lý đúng y những gì các thày muốn thể hiện. Các thày có thể nào trao truyền một giáo lý đầy đủ đến độ bất cứ ai theo và áp dụng giáo lý đều đạt được tâm thức Ki-tô chăng?

Nhiều người trong các con, nếu con xem xét phản ứng của mình trước câu hỏi này, sẽ thấy là trong tâm thức của mình có một niềm tin là: Đúng vậy, điều này phải khả thi. Giờ đây, con yêu dấu, một lần nữa các thày không muốn chê trách con hay khiến con không thoải mái, nhưng thày phải nói rất thẳng thắn là niềm tin này là một ảo tưởng, và nó có thể là một ảo tưởng nguy hiểm. Ảo tưởng này chính thực là lý do chính khiến nhiều người thuộc mạn đà la nguyên thủy của thời Song ngư đã không đạt được các khai ngộ của thời Song ngư.

Thày muốn trình bày ở đây một tóm lược ngắn các sự kiện lịch sử. Có những người đã nói: “Tại sao Giê-su không viết lại những giáo lý chân thực của thày để con người có một văn bản đầy đủ, mà họ có thể theo và áp dụng?” Ấy, thày sẽ trả lời câu hỏi này sau, nhưng chúng ta có sự kiện lịch sử là Giê-su đã không viết lại những giáo lý của thày, Giê-su đã không để lại một văn bản chính thức.

Trong mấy thế kỷ đầu, đạo Công giáo là một phong trào đa dạng, khá hỗn loạn gồm nhiều nhóm và môn phái, một phần do các phương tiện truyền thông thiếu vắng của thời đó, và phần khác là Giê-su mong muốn là những người khác nhau, những nhóm khác nhau có thể trải nghiệm Cơ đốc giáo theo cách riêng của họ.

Sau đó, tới thời điểm then chốt trong lịch sử khi sa nhân trong cõi bản sắc đã thành công trong việc thuyết phục một sa nhân đang đầu thai là y đã trực quan Ki-tô và do đó y biến phong trào Công giáo thành tôn giáo chính thức của Đế quốc La mã. Từ lúc đó, sa nhân đã vững tay điều khiển Cơ đốc giáo. Con có thể thấy là suốt thời Trung cổ, họ đã dùng khả năng điều khiển Cơ đốc giáo để ảnh hưởng và kiểm soát các nước Tây Âu và xã hội Âu châu. Chuyện đã xảy ra thời đó là một số tổ chức bí mật đã bộc phát: hội Rosicrucian, hội Freemason vân vân. Các tổ chức này dựa trên một con đường tu tuần tự, một con đường dẫn con người đi từng bước về hướng những tầng tâm thức cao hơn, hay ít ra là những khai ngộ cao hơn. Sau đó, chúng ta thấy lịch sử dần dần đi tới điểm ảnh hưởng của giáo hội Công giáo bắt đầu suy thoái. Khoa học xuất hiện, và không lâu sau thì thuyết duy vật trở nên dụng cụ chính của sa nhân. Nhưng sa nhân không thể kiềm hãm con người càng ngày càng nhận ra nhu cầu đi theo một con đường khai ngộ, một con đường tuần tự dẫn tới các tầng tâm thức cao hơn.

Sa nhân đã không thể ngăn nổi nhận biết này tuy họ rất muốn làm được chuyện đó. Đã có lúc nhân loại có nhận biết cao hơn về nhu cầu này, và điều này đã khai mở điều kiện cho phép các chân sư thăng thiên bước ra và công khai tiết lộ sự hỗ trợ của mình và do đó bắt đầu trao truyền giáo lý về con đường khai ngộ.

7.6. Những giới hạn của các sứ giả được bảo trợ

Con có thể nói là một khi các thày có một vị sứ giả được bảo trợ thì chắc hẳn các thày có thể nói bất cứ điều mình muốn qua vị sứ giả đó. Điều này vừa đúng vừa không đúng, vì tuy nhiều người trong các đợt truyền giáo trước không muốn nhìn nhận, các thày có bị giới hạn trong những gì có thể trao truyền qua một vị sứ giả được bảo trợ. Có hai giới hạn. Giới hạn thứ nhất là trình độ tâm thức của vị sứ giả quy định giáo lý trao truyền xuyên qua tâm vị sứ giả đó có thể cao đến chừng nào. Nói cách khác, nếu vị sứ giả chưa đạt được một số khai ngộ, thì tâm của vị ấy rất khó nhận được các khuôn đúc về các khai ngộ cao hơn và chuyển chúng thành ngôn từ.

Điều này không nhất thiết có nghĩa là tiến trình không thích nghi, vì con yêu dấu, có lợi ích gì trao truyền một giáo lý cao đến độ không ai đang đầu thai có thể hiểu thấu được? Nói cách khác, các thày luôn luôn nhìn một sứ giả được bảo trợ và cân nhắc: “Có đủ số người có khả năng tiếp thu tầng giáo lý này chăng?” Nếu không có đủ thì các thày sẽ không trao truyền giáo lý đó vào lúc đó. Lẽ tất nhiên, đó là lý do vì sao các thày đã trao cho các con khái niệm tiết lộ tuần tự.

Một chuyện trớ trêu là trong các tổ chức chân sư thăng thiên trước, đã có những người tin rằng tổ chức của họ và có lẽ nhiều tổ chức trước đó, đã thuộc vào tiến trình tiết lộ tuần tự được các thày bảo trợ, nhưng kỳ lạ thay, tiến trình này ngưng lại khi tổ chức của họ chấm dứt. Khi tổ chức của họ không còn một vị sứ giả thì tiến trình tiết lộ tuần tự vì lý do nào đó chấm dứt. Đây là một điều trớ trêu to lớn, một điều trớ trêu to lớn mà ta cần suy ngẫm. Thày biết là những đệ tử bị vướng mắc trong điểm trớ trêu này có lẽ sẽ không suy ngẫm điều đó, nhưng sự việc này cần được nói ra và phóng chiếu vào tâm thức tập thể.

Điều quan trọng cho tất cả các con đã mở tâm đón nhận, là tiết lộ tuần tự là một tiến trình liên tục mà các thày không dự kiến sẽ chấm dứt trong thời đại Bảo bình. Sẽ có tiết lộ tuần tự liên tục, có thể sẽ có một vài gián đoạn vì một số lý do, nhưng sẽ có tiết lộ tuần tự trong suốt 2000 năm tới của thời Bảo bình. Do đó, trong thời Bảo bình, nghĩ rằng có một giáo lý tối hậu, tuyệt đối hay chung cuộc là chuyện hão huyền. Đó là một giáo lý làm viên gạch dẫn lối trong tiến trình tiết lộ tuần tự trải dài suốt thời Bảo bình. Tiến trình này sẽ trải bày chính xác ra sao tùy thuộc cách con người đón nhận giáo lý, và cũng tùy thuộc Saint Germain ấn định giáo lý nào được trao truyền vì Saint Germain là vị lãnh đạo chính của thời Bảo bình.

7.7. Con đường dẫn tới quả vị Ki-tô không máy móc

Trở lại ý ban đầu của thày, có thể nào các thày, ngay cả vào thời nay khi các thày có một sứ giả được bảo trợ, trao truyền một con đường khai ngộ, một giáo lý có hệ thống phác họa những thực hành, khai ngộ và bước tiến đầy đủ đến độ bất cứ ai chân thành theo đuổi và thực hành sẽ chắc chắn đạt được tâm thức Ki-tô? Ngay cả trong trường hợp không có nhiễu sóng hay giới hạn từ tâm thức tập thể, ngay cả nếu các thày có các điều kiện có thể gọi là “lý tưởng” (tuy các điều kiện lý tưởng này thật sự vô nghĩa và không thể quy định), thì các thày cũng không thể vạch ra một con đường tu có thể bảo đảm kết quả. Lý do, con yêu dấu, là vì con đường quả vị Ki-tô không máy móc, không tự động. Có thể có văn bản tự động, nhưng không có quả vị Ki-tô tự động.

Con yêu dấu, ngay từ khi các thày bắt đầu trao truyền giáo lý về một con đường khai ngộ thì sa nhân đã tìm cách tha hóa nó. Họ đã làm được chuyện này phần lớn nhờ những gì họ đã tạo ra trong thời Song ngư. Nếu con nhìn vào những gì sa nhân đã làm khi giáo hội Công giáo được thành lập, thì con thấy là họ chối bỏ con đường dẫn tới quả vị Ki-tô, nhưng họ cũng biết là họ cần cho con người cái gì đó để thay thế. Nói cách khác, họ biết là họ không thể khiến mọi người chối bỏ Thượng đế hay chối bỏ là cuộc sống có một khía cạnh tâm linh. Họ đã tìm cách làm chuyện này, như thày sẽ giải thích ở phần sau, nhưng điều họ bắt đầu với giáo hội Công giáo là họ nhận ra rằng: “Có một số người tin vào một hình thức nào đó của Thượng đế, cõi tâm linh và đời sống sau cuộc sống trần thế. Chúng ta không thể phá hủy những niềm tin này trong ngắn hạn, do đó chúng ta phải cho họ cái gì khác.” Điều sa nhân đã cho con người (chính yếu) là một con đường cứu rỗi máy móc, tự động.

Cơ đốc giáo là gì? Nó là hứa hẹn con được cứu rỗi một cách bảo đảm, tự động, nếu con tuân theo một số luật lệ vỏ ngoài do giáo hội vỏ ngoài đặt ra. Con thấy chăng, họ bỏ đi con đường nội tâm chân thật dẫn tới quả vị Ki-tô, và thay vào đó họ cho con người một cứu rỗi vỏ ngoài, máy móc, tự động. Chuyện gì đã xảy ra khi các thày bắt đầu trao truyền giáo lý về một con đường khai ngộ? Nhiều người đã diễn giải theo những gì họ được lập trình để nghĩ trong thời Song ngư, là nếu họ theo con đường khai ngộ đó một cách nghiêm túc, thì họ sẽ bảo đảm đạt được kết quả. Thí dụ, ngày hôm nay có những người trong hội Freemasons tin rằng nếu họ theo đủ 33 bước do tổ chức ấn định thì họ sẽ đạt được một tầng tâm thức cao hơn. Con thấy chăng, con yêu dấu, sự thực là tuy một con đường tu có mục đích dẫn con tới một tầng tâm thức cao hơn, nhưng thi hành các bước khai ngộ vỏ ngoài không đồng nghĩa với đạt được một tầng tâm thức cao hơn.

Con yêu dấu, con hãy lắng nghe thật, thật kỹ những gì thày đang nói, vì thày đang trao cho các con chìa khóa cơ yếu để các con hiểu thế nào là Ki-tô Hằng sống đang hành động. Con không thể quy định Ki-tô Hằng sống phải cư xử hay không được cư xử như thế nào. Con không thể chế ra một định nghĩa nói rằng: “Ki-tô Hằng sống như thế này, đây là những điều mà Ki-tô Hằng sống làm, và đây là những điều mà Ki-tô Hằng sống không làm.”

Lẽ tất nhiên, con có thể định một số điều. Ki-tô Hằng sống sẽ không đi bắn giết người khác, nếu ta muốn nói một cách quá đáng. Có một số chuyện mà Ki-tô Hằng sống sẽ không làm vì Ki-tô Hằng sống không hành động do lòng ích kỷ, sợ hãi hay để chứng minh bất cứ điều gì. Nhưng con không thể chế ra một định nghĩa là Ki-tô Hằng sống phải hành động chính xác ra sao. Đó là lý do vì sao con không thể vạch ra một con đường tu đưa con tới quả vị Ki-tô một cách máy móc, tự động.

Trở lại khái niệm khoảng cách mà thày đã nêu lên, điều thày muốn nói ở đây là: Tại sao Giê-su đã không viết ra giáo lý? Bởi vì nếu Giê-su viết ra giáo lý của thày, thì con người sẽ dùng quyển kinh đó để định ra một con đường vỏ ngoài, máy móc, tự động dẫn tới quả vị Ki-tô. Nói cách khác, họ sẽ nghĩ là họ có thể dùng giáo lý đó (được mệnh danh là giáo lý chính thức của Giê-su) để định ra một con đường máy móc. Sa nhân thể nào cũng đã làm như vậy ngay từ đầu, vì có nhiều người, đặc biệt vào thời đó, chấp nhận chuyện này. Thí dụ, người Do thái chấp nhận ý niệm là muốn được cứu rỗi thì con phải rửa sạch tội lỗi, và con làm việc này bằng cách dùng máu của các con vật tế thần. Ấy, còn gì máy móc hơn thế!

Con thấy là ngay thời nay, người Do thái vẫn theo một số quy luật hành xử vỏ ngoài. Con thấy là con người luôn luôn có khuynh hướng tìm một con đường tu máy móc, và tại sao vậy? Vì họ không muốn làm điều mà Giê-su đã dạy họ: Hãy nhìn vào cái đà trong mắt mình thay vì nhìn vào cái giằm trong con mắt người anh em.

7.8. Hãy ngưng phóng chiếu vấn đề ra bên ngoài mình

Đâu là cách khác để mô tả khai ngộ cốt yếu của thời Song ngư? Đó là câu nói con người cần ngưng nhìn vào cái giằm trong con mắt người anh em và thay vào đó bắt đầu nhìn vào cái đà trong mắt mình. Nói cách khác, con người cần ngưng phóng chiếu là vấn đề ở ngoài kia, và nguyên do đau khổ của họ là điều kiện bên ngoài. Thay vào đó, họ cần nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời họ, nhìn vào phản ứng của họ, nhận ra là các phản ứng đó phát xuất từ một cấu trúc nào đó trong tâm lý của họ, và mạnh dạn tiếp tục công việc quán sát nội tâm, một cách hoàn toàn chân thành, cho đến khi họ thấy điều đang giới hạn họ và do đó có thể buông bỏ nó.

Có những người đã làm được chuyện này trong thời Song ngư. Một số đã lớn lên trong một môi trường Cơ đốc giáo và đã học các kinh sách đầy thiếu sót về Giê-su nhưng tuy thế vẫn hiểu được nhu cầu nhìn vào chính mình, nhìn vào tâm thức của mình. Đâu là thay đổi cốt yếu, quyết định cần xảy ra để đạt được các khai ngộ của thời Song ngư? Đó là con phải ngưng phóng chiếu ra ngoài. Con cần nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời của mình và đi vào bên trong.

Giê-su đã đạt quả vị Ki-tô như thế nào? À, điều này tất nhiên không được mô tả trong kinh sách, nhưng Giê-su đã trải qua một tiến trình. Nếu con đọc kỹ thì con có thể thấy một vài gợi ý, tỷ dụ như khi ở bữa tiệc cưới ở Cana, Mẹ Mary đã phải đốc thúc để Giê-su bước ra và bắt đầu sứ vụ công chúng của thày. Con có thể thấy là Giê-su đã rút lui vào nơi hoang vắng trong 40 ngày, và đó là một giai đoạn tự quán sát cao độ. Tất nhiên con cũng biết, từ các giáo lý mà các thày đã trao truyền, là Giê-su đã du hành về phương đông và đã trải qua ở các nơi đó một số hình thức khai ngộ, đã theo một con đường tu. Điều đầu tiên mà Giê-su đã làm (và điều này Giê-su khó diễn tả vào thời đó vì con người không có hiểu biết về tâm lý), là quan sát chính mình, các phản ứng của mình, liên tục nhìn vào nội tâm, nhìn vào tâm lý của mình và nhận ra các giới hạn.

Con yêu dấu, thày có nói là các thày không thể vạch ra một giáo lý bảo đảm kết quả, và sẽ luôn luôn có một khoảng cách. Khoảng cách đó là gì? Đó là: hoặc con người sẽ tiếp cận giáo lý một cách máy móc và muốn theo nó như một con đường vỏ ngoài, hoặc họ sẽ bước lên một mức cao hơn, nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời của mình và dùng giáo lý để quan sát chính mình và các phản ứng của mình. Một vị thày có thể nào ép buộc đệ tử thực hành tự quán sát chăng? Không, không thể được. Một vị thày tâm linh, và đặc biệt các chân sư thăng thiên, tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết. Các thày không thể và không muốn ép buộc đệ tử. Các thày có thể trao truyền giáo lý, các thày có thể gợi ý. Nếu con xem lại các đợt truyền giáo trước thì con sẽ tìm thấy các gợi ý này, nhưng nhiều người lúc đó đã không thấy được các gợi ý đó.

7.9. Khoảng cách trong tâm con người

Các thày hiểu rất rõ, con yêu dấu, là khi con nhìn lại tổ chức Summit Lighthouse, phong trào TA LÀ (I AM Movement), hội Thông thiên học (Theosophy) và các tổ chức khác mà các thày đã bảo trợ hay đã góp tay vào (và có nhiều tổ chức khác), thì các thày hiểu rất rõ là có một khoảng cách trong tâm các người đệ tử. Họ mong muốn đón nhận giáo lý. Họ mong muốn tìm hiểu giáo lý. Họ mong muốn thực tập những thực tập mà các thày trao truyền. Một số rất hăng hái và trở nên rất nhiệt thành, rất triệt để trong việc thực hành. Tuy nhiên, đọc cầu thỉnh ngọn lửa tím trong mười tiếng đồng hồ làm sao có thể giúp con thực tập tự quán sát, nếu con nghĩ tất cả những gì con cần là thực tập vỏ ngoài?

Nói cách khác, con có thể lấy giáo lý, làm những thực tập mà các thày đã trao truyền nhưng vẫn phóng chiếu ra bên ngoài, vẫn nghĩ con đường tu là con đường vỏ ngoài, thậm chí còn xây dựng trong tâm niềm tin rằng: “Tôi thật sự không cần xem xét chính mình. Tôi chỉ cần cầu thỉnh đủ ngọn lửa tím.” Hoặc con cũng có thể dần dần xây dựng một niềm tin còn nguy hại hơn nữa, là điều mà nhiều đệ tử Summit Lighthouse đã làm.

Con thấy chăng, con yêu dấu, là con gặp một giáo lý – mà thày thẳng thắn nhìn nhận là các thày đã phần nào chế dầu vào lửa. Giê-su trước đây đã đưa ra hình ảnh là các thày giống như những người bán xe cũ dùng chiến thuật bán hàng gọi là “nhử hàng thấp, mời hàng cao”.  Các thày phải trao truyền một giáo lý vỏ ngoài hấp dẫn đủ để con người có thể chấp nhận và xử lý, và là điều họ cần ở trình độ tâm thức hiện tại của họ. Sau đó, các thày phải hy vọng là một khi họ đã đến với giáo lý, thì họ sẽ sẵn sàng bước lên cao hơn tầng tâm thức đó và nhận lãnh một hiểu biết sâu sắc hơn của giáo lý.

7.10. Mạn đà la của thời Song ngư

Con người cần gì vào lúc đó? À, đây là điểm con cần xem xét những người thuộc vào mạn đà la nguyên thủy ở đầu thời Song ngư. Những dòng sống đó tất nhiên chưa biểu hiện quả vị Ki-tô nhưng họ có tiềm năng biểu hiện quả vị Ki-tô. Đó là một tiềm năng – họ chưa đạt được quả vị Ki-tô. Trong suốt thời Song ngư, các dòng sống này đã đầu thai, đa số hầu như liên tục, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Vì những người này đã đạt một trình độ nào đó ở đầu thời Song ngư, nên mỗi lần đầu thai họ đều có cảm nhận họ phải làm điều gì, họ phải thành tựu điều gì, họ phải tìm ra điều gì. Họ cần tìm ra con đường tu, họ cần phải tiến triển trên con đường đó. Nói chung thì họ đầu thai với cảm nhận đó. Trong số đó, những người đã tìm ra con đường nội tâm thì không có cảm tưởng thiếu vắng to lớn.

Những người này theo con đường nội tâm, nhưng có một số khác không thể (hay đúng ra thày phải nói là họ không muốn) khám phá con đường nội tâm, áp dụng con đường nội tâm, nhìn nhận con đường nội tâm. Qua những kiếp đầu thai trong thời Song ngư, họ càng ngày càng có cảm giác bực bội vì họ biết họ chưa đạt được những gì họ cần đạt. Đồng thời, con yêu dấu, họ bắt đầu nhận ra là họ quả thực có một tâm thức cao hơn nhiều người chung quanh họ. Một số trong họ nhận ra điều này ngay từ lúc đầu và tiếp tục mang theo cảm nhận này.

Cảm giác bực bội vì có hiểu biết nội tại là mình chưa đạt được những tiến bộ mà mình cần đạt, phối hợp với hiểu biết hay quan sát là mình vẫn tiến bộ hơn những người chung quanh, tạo ra nơi những người đệ tử đó một cảm nhận, một nhu cầu về hai chuyện: thứ nhất là họ cần được chứng thực là họ có trình độ cao hơn những người khác. Thứ hai, họ cần cảm thấy họ đang làm chuyện gì quan trọng trên hành tinh này. Một lần nữa, thày không chê trách ai, thày không chỉ trích ai. Thày chỉ đang giản dị mô tả cơ chế trong tâm các đệ tử đó.

Khi các thày thành lập tổ chức Summit Lighthouse, các thày biết các đệ tử đó có những nhu cầu đó, và các thày đã trao truyền một số giáo lý đáp ứng những nhu cầu đó. Đó là lý do vì sao đã có một số lời tuyên bố khiến các đệ tử tin rằng sẽ có một tiết lộ tuyệt đối, chung cuộc, và đó sẽ là giáo lý chính cho 2000 năm sau đó, và điều này có nghĩa là họ chắc chắn là những đệ tử rất cao cấp vì họ đã nhận diện được giáo lý.

Một số đệ tử trong đó quả thật có trình độ cao hơn đa số dân chúng trên trái đất, nhưng thực sự thì đây không phải là một chuẩn mực so sánh ở mức cao và do đó không phải là lý do để có niềm kiêu hãnh tâm linh. Lẽ tất nhiên, niềm kiêu hãnh tâm linh không nề hà chuẩn mực so sánh ở tầng cấp nào, vì điều quan trọng cho nó chỉ là: “Tôi có trình độ cao hơn người khác chăng?” Con có thể thấy điều này ở khắp nơi trên thế giới: con người tìm ra đủ cách để cảm thấy hơn người khác dựa trên một số tiêu chuẩn nhân tạo.

7.11. Nhu cầu làm một việc gì quan trọng

Nhu cầu thứ hai của các đệ tử đó là cảm giác họ đang làm việc gì quan trọng. Các thày đáp ứng nhu cầu này bằng các bài chú và bằng cách hướng đệ tử đọc chú giải quyết những vấn nạn thế giới. Tới đây, các con hãy thận trọng: các bài chú có hiệu quả, không thể chối cãi điều này được. Không thể chối cãi là các đệ tử Summit Lighthouse đã có tầm ảnh hưởng quan trọng cơ yếu trên hành tinh và sự tiến triển của hành tinh. Thày hoàn toàn không có ý giảm danh dự hay hạ thấp tầm quan trọng của công việc đã được hoàn thành.

Như vậy con cũng có thể hiểu là thành quả này đã nuôi dưỡng (nếu họ đọc được hay nghe được những lời này) cảm giác là họ rất quan trọng. Bất cứ những gì các thày nói thì con người luôn luôn có thể diễn giải lệch hướng, đây là một rủi ro mà các thày phải chấp nhận. Tuy nhiên, có nhiều người không thuộc mạn đà la nguyên thủy đã tới Summit Lighthouse và đọc cầu chú, và đây là một phụng sự tuyệt vời. Nhưng với những người thuộc mạn đà la nguyên thủy thì có một số đã tiếp thu được giáo lý và thực tập của Summit Lighthouse và đã nhảy vọt, thu hẹp khoảng cách và bước vào con đường nội tâm. Một số đã làm được việc này nhưng một số khác không làm được.

Những người này đã dùng giáo lý của Summit Lighthouse để củng cố điều mà Giê-su và Quan âm đã giảng: Xuất phát từ ngã gốc, con đã tạo ra một cái ngã khác muốn cảm thấy, không những là nó hiểu cách vận hành của vũ trụ, nhưng nó được an toàn và an ninh. Đã có đệ tử ở Summit Lighthouse đã dùng giáo lý của các thày để củng cố cái ngã đó.  

Tuy nhiên, những đệ tử đó cũng giáp mặt một khai ngộ mà đa số không nhận ra. Con thấy chăng, con yêu dấu, trong Summit Lighthouse có ý tưởng là con có thể trượt một khai ngộ và điều này có hậu quả rất tai hại – ý tưởng này thực ra có giá trị phần nào. Thày không nói là các con, hiện đang trong một đợt truyền giáo khác, cần quá chú tâm vào việc này, nhưng con được lợi ích nếu con hiểu vấn đề này.

Như thày có nói, thực tế là có một mạn đà la gồm một số dòng sống ở đầu thời Song ngư có tiềm năng đẩy mạnh sự tăng trưởng tâm thức tập thể, nhưng với điều kiện các dòng sống đó đạt được các khai ngộ của thời Song ngư. Nếu họ không đạt được các khai ngộ này, thì họ sẽ gặp một số vấn đề ở cuối thời Song ngư.

Con cần nhận ra là khi các thày thành lập một tổ chức nhằm giúp các đệ tử chưa đạt được các khai ngộ của một thời đại nào đó, thì các thày phải chấp nhận một số rủi ro. Rủi ro đó là các thày đặt các đệ tử đó trước tình trạng ăn-cả-hay-về-không. Con hiểu rằng trong 2000 năm thời Song ngư, các đệ tử đó đã có thời gian. Nếu trong một kiếp đầu thai con không đạt được khai ngộ, thì con có cơ hội đạt được trong kiếp tới. Nhưng nay con tới đoạn cuối của thời Song ngư. Lúc đó, con có một nhóm đệ tử đang sống kiếp cuối của họ trong thời Song ngư. Nếu họ không đạt được khai ngộ trong kiếp sống đó thì họ khó có thể đầu thai trở lại trong thời Bảo bình. Đây không phải là trường hợp của tất cả mọi người trên trái đất nhưng đó là trường hợp của các thành viên của mạn đà la nguyên thủy. Họ đã có cơ hội biểu hiện quả vị Ki-tô trong thời Song ngư nhưng nếu họ không làm được việc này thì họ sẽ khó có thể đầu thai vào thời Bảo bình.

Đây không phải là một tai họa, vì nếu họ không đầu thai được trên trái đất thì chắc chắn có một số hành tinh khác có thể đón nhận họ. Nhưng điều tốt hơn, vì một số lý do, là các đệ tử này ít nhất tới được điểm họ quân bình đủ nghiệp quả để không cần đầu thai trở lại. 

Các thày đã trao truyền một số khuôn đúc và rải truyền Ánh sáng xuyên qua tổ chức Summit Lighthouse với mục đích giúp các đệ tử đó quán triệt khai ngộ của thời Song ngư. Nói cách khác, để giúp họ thu hẹp khoảng cách, bước vào con đường nội tâm và qua đó đạt được khai ngộ của thời Song ngư. Thày sẽ nêu lên một cái nhìn vi tế hơn về việc này.

7.12. Tiềm năng cao và thấp của thời Song ngư

Tiềm năng cao nhất của thời Song ngư là con biểu hiện quả vị Ki-tô, nhưng bao giờ cũng có một tiềm năng cao và một tiềm năng thấp. Tiềm năng thấp nhất là con vững chắc bước vào con đường nội tâm. Con có thể nói là với các dòng sống thuộc mạn đà la nguyên thủy, giá chót là vào cuối thời Song ngư họ đã bước vào con đường nội tâm. Nếu họ không làm được việc này thì họ sẽ khó đầu thai vào thời Bảo bình. Đó là điều các thày muốn làm: giúp họ tới được điểm đó.

Tổ chức Summit Lighthouse đưa ra một số khai ngộ cốt yếu mà ta có thể nói đã đặt các đệ tử đó trước tình trạng ăn-cả-hay-về-không. Hoặc các đệ tử đó đạt được khai ngộ hoặc họ không đạt được, không có gì ở giữa. Nếu họ không bước vào con đường nội tâm, thì họ trượt. Nếu họ không biểu hiện quả vị Ki-tô nhưng bước vào con đường nội tâm, thì họ có thể tiếp tục tiến triển. Họ sẽ không hoàn thành được tiềm năng cao nhất của họ, nhưng họ có thể tiến lên. Ngược lại, nếu họ không đạt được khai ngộ của chu kỳ Song ngư thì họ sẽ không thể đầu thai trở lại trên trái đất, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Các thày đã quan sát được gì nơi các đệ tử? Ấy, nhiều đệ tử đã đạt được các khai ngộ và đã ít nhất bước vào con đường nội tâm. Điều này có nghĩa là mục tiêu của Summit Lighthouse đã thật sự được hoàn thành. Các thày đã thành công trong việc giúp một số lượng tới hạn đệ tử thuộc mạn đà la nguyên thủy đạt được các khai ngộ thấp nhất của thời Song ngư và bước vào con đường nội tâm. Với kết quả này, các thày có thể nói là mục tiêu đã được hoàn thành nhưng tiềm năng cao nhất không được hoàn thành vì đã không có nhiều đệ tử đạt được quả vị Ki-tô hay dám biểu hiện quả vị Ki-tô.

Điều đáng chú ý mà thày sẽ trình bày ở đây, là tại sao chuyện này đã không xảy ra. Thày đã trao cho các con chìa khóa để tìm ra giải đáp. Đó là vì tại Summit Lighthouse vẫn còn quá nhiều đệ tử coi quả vị Ki-tô như một con đường vỏ ngoài, như một con đường máy móc: nếu con đọc đủ số bài chú, thì con không thực sự cần xem xét tâm lý của mình.

Các thày có trao truyền giáo lý về nhu cầu giải quyết tâm lý, tuy các thày không thể giảng ở trình độ mà các thày đang giảng hiện nay. Các giáo lý đã được trao truyền lúc đó, cũng như là các dụng cụ tâm linh. Các thày có trao truyền giáo lý, có khi ẩn dụ, về con đường nội tâm. Các đệ tử có thể tìm ra những điều họ cần nếu họ chịu tìm, nhưng có một nhóm đệ tử không chịu tìm. Điều này bắt nguồn từ điều thày đã giảng, là các đệ tử thời Song ngư này đã xây dựng cảm giác bực bội kèm theo cảm giác tự cao.

7.13. Phán xét người khác

Khi cảm giác bực bội nội tâm (do không biết mình đang ở đâu hay biết mình đang không ở nơi mình đáng lẽ phải ở) phối hợp với ước muốn được cao cấp hơn người khác khiến các đệ tử đó có một trạng thái tâm đặc biệt. Đó chính thực là trạng thái tâm của các thày thông giáo (scribe) và pha-ri-si (pharisee) thời Giê-su, mà Giê-su đã nhiều lần thách thức.

Đây là trạng thái tâm rất phán xét người khác dựa trên một cấu trúc vỏ ngoài gồm một số quy luật và luật lệ, thậm chí gồm cả khái niệm con đường khai ngộ, các khai ngộ cốt yếu mà đệ tử cần đạt được, và hình ảnh về cách một đệ tử chân sư thăng thiên phải đi đứng, hành xử và hành động. Các người đệ tử đó muốn tin rằng, khi họ tuân theo các quy luật vỏ ngoài và nghi thức một cách sùng kính, ta cũng có thể nói là một cách cuồng tín, hay như đang bị bệnh loạn thần ám ảnh và cưỡng bức (obsessive-compulsive) (là một câu nói thời thượng của thời nay), thì họ sẽ tự động đạt được tiến bộ.

Giờ đây, con có một nhóm đệ tử gia nhập tổ chức Summit Lighthouse, nhiều người ở tuổi tương đối trẻ. Họ quyết định trở thành nhân viên và làm việc cho tổ chức, họ có thể là nhân viên trong nhiều năm, chăm chỉ làm theo những gì họ được dạy, và thực hành các nghi thức vỏ ngoài. Họ dần dần xây dựng ý tưởng là vì họ đã làm tất cả các công việc vỏ ngoài đó, thì họ phải đạt được một cấp bậc uy quyền nào đó. Do đó, họ phải có khả năng phán xét người khác và có uy quyền để nói lên sự phán xét đó.

7.14. Đệ tử mà El Morya mất

Con yêu dấu, thày không thể nói hay làm gì được để giúp các đệ tử đó. Như một chân sư thăng thiên đã bỏ vào rất nhiều thành quả tâm linh của mình vào việc bảo trợ tổ chức đó, thày phải nhìn nhận một cách thành thực và thẳng thắn là thày đã mất các đệ tử đó. Mặc dù thày đã nỗ lực bảo trợ tổ chức và trao truyền giáo lý, thày đã mất các đệ tử đó. Thày không thể giúp họ. Thày không nói điều này với lòng hối tiếc, nhưng nói lên điều này trong cõi vật lý là một chuyện quan trọng vì một số lý do. Thày đơn giản chấp nhận sự trải bày của luật tự quyết. Thày chấp nhận là thày, như vị chân sư bảo trợ tổ chức, đã không giúp được các đệ tử đó. Thày không nhìn vào chính mình và nói là thày đã thất bại theo nghĩa thày đã không đủ khả năng hay thày đã có thể làm một cách nào khác, thày chỉ giản dị nêu lên sự kiện, thày chỉ nhận xét như vậy. Thày không có gì để nói với hay nói về các đệ tử này – họ đằng nào cũng không muốn nghe. Thày muốn mô tả sự việc này cho những ai mở tâm đón nhận vì chuyện quan trọng là con xem xét việc này. Con có thể nhìn vào thời Song ngư và thấy biết bao tổ chức tôn giáo hay tâm linh, cũng như là các tổ chức chính trị, có mô thức phán xét người khác dựa trên một số tiêu chuẩn vỏ ngoài được quy định trên trái đất. Như các thày đã nhiều lần thuyết giảng trong nhiều bài về tâm thức nhị nguyên và sa nhân, các tiêu chuẩn này tất nhiên do sa nhân quy định.

7.15. Bước vào con đường nội tâm

Điểm quan trọng mà con cần rút tỉa là con đường quả vị Ki-tô không máy móc. Điều quan trọng không phải là học một số giáo lý, thực hành một số thực tập, đạt được một số khai ngộ – điều quan trọng là bước vào con đường nội tâm.  Một khi con đã bước vào con đường nội tâm, thì con vượt lên trên ý niệm có thể trượt thử thách. Nếu con quan sát phản ứng của mình, thì con không thể trượt thử thách. Con có thể chưa thấy một số chuyện, nhưng đó là chuyện con chưa thấy. Nếu con sẵn lòng quan sát chính mình thì con đã đi trên con đường nội tâm, và vấn đề chỉ là con tiến triển bao nhiêu và đi nhanh chừng nào. Có khi con tiến triển nhanh hơn và có lúc khác con cần thì giờ để giải quyết một vấn đề.

Chắc chắn là với giáo lý mà các con đã nhận được về ngã gốc thì con có tiềm năng tiến triển rất nhanh và tới điểm con không những đi vào con đường nội tâm mà còn được giải thoát khỏi cái ngã phản ứng. Lẽ tất nhiên, đây là điều kiện chính yếu để đi vào con đường nội tâm dẫn tới quả vị Ki-tô hay để là Ki-tô Hằng sống, tức là con không phản ứng lại những chuyện xảy ra trên thế gian.

Con có thể nhìn vào tất cả các tổ chức đó và thấy khuynh hướng phán xét, khuynh hướng phán xét người khác. Con hãy nhìn vào khu vực này của thế giới và thấy rằng trong thời chế độ Sô viết, nhiều người dân Liên bang Sô viết tin rằng, vì họ là công dân Liên bang Sô viết, nên họ hơn những người bên ngoài Liên bang Sô viết. Họ rất khinh chê xã hội Tây phương mà họ coi là đồi trụy, hay bất cứ điều gì khác. Con hãy nhìn xem có biết bao nhiêu người ngày nay có thái độ phán xét. Nhiều người dân Hoa kỳ tin rằng Hoa kỳ là quốc gia cao quý nhất thế giới và nhìn các nước khác với con mắt đầy phán xét, và quên nhìn cái đà trong con mắt của tâm hồn dân tộc Mỹ. Con có thể thấy rất, rất nhiều thí dụ tương tự trên khắp thế giới. Con hãy nhìn thời đầu thế kỷ trước, ý niệm hơn người của người dân các nước Đức, Pháp, Anh đã đưa tới Thế chiến Thứ nhất và sau đó Thế chiến Thứ hai. Tinh thần này đã có thể đưa tới Thế chiến Thứ ba nếu các thày không thành công trong việc đưa ra một số biện pháp vá víu, kể cả số lượng lớn các bài chú đã được đọc tại Summit Lighthouse.

7.16. Cái ngã đối phó với việc bị phán xét

Những người trong các con đang hay đã từng biết và tham gia vào Summit Lighthouse, và sẵn sàng mở tâm đón nhận bài giảng này của thày, thì có thể dùng bài này như một phương tiện để làm hòa với kinh nghiệm của mình với tổ chức đó. Một số trong các con có vết thương tâm lý từ thời sinh hoạt trong Summit Lighthouse, trước nhất là vì đã giáp mặt một số người có tâm rất phán xét. Như thày có từng nói hồi thời Summit Lighthouse, có một số đệ tử mà các thày không dám đưa vào tổ chức đó. Lý do chính yếu là vì đây là những linh hồn ngây thơ và các thày không muốn họ giáp mặt tâm thức rất phán xét chi phối tổ chức đó và vẫn còn ảnh hưởng nó ngày nay.

Sau đó, con yêu dấu, con có thể dùng bài giảng này để nhận ra, như vị sứ giả này đã nhận ra trước khi nhận bài truyền đọc này, là để đối phó với tâm thức đó (không những trong Summit Lighthouse nhưng từ sa nhân nói chung và từ các tổ chức mà con đã tham gia trong thời Song ngư, tỷ dụ như Giáo hội Công giáo) con đã tạo ra một cái ngã để đối phó với sự phán xét của người khác, sự lên án của người khác. Chuyện rất quan trọng cho con là con tới điểm nhận diện cái ngã đó, con thấy là nó có trong tâm thức của con, và ở mỗi người nó mỗi khác.

Con cần tự đặt câu hỏi: “Khi một người phán xét tôi, kết tội tôi, và tố cáo là tôi đã làm điều gì sai, thì tôi đối phó với chuyện này như thế nào? Tôi cảm thấy gì? Cảm xúc của tôi là gì? Niềm tin đằng sau là gì?” Sau đó, con có thể dõi lên thể bản sắc và thấy là nó phát xuất từ ngã gốc như thế nào, và con phản ứng ra sao khi sa nhân chê bai con. Điều này sẽ giúp con nhận diện ngã đó, tách mình ra khỏi nó, nhìn vào nó, và thấy là bất kể vấn đề nào mà ngã đó nêu lên là con cần giải quyết, hay bất kể điều kiện nào mà con cần hội đủ để tránh bị phán xét, chúng đều không thật, đều là ảo tưởng. Ngay cả khi con hội đủ điều kiện, sa nhân sẽ vẫn tiếp tục kết tội con, họ sẽ luôn luôn kết tội con. Một khi con nhận ra điều này, con có thể đi một bước rất, rất quan trọng và không coi cá nhân mình là trọng điểm của con đường tu. Các thày đã giảng điều này trước đây nhưng thày muốn cho con một tầm nhìn khác về vấn đề này.

7.17. Không coi cá nhân mình là trọng điểm của đường tu

Con yêu dấu, con hãy xem xét trường hợp một avatar đã sống lâu năm trên một hành tinh tự nhiên nơi không có sa nhân. Con chưa bao giờ giáp mặt với sự kết tội đó, chưa bao giờ, trên một hành tinh tự nhiên. Giờ đây, con tới trái đất, và có thể là trong kiếp đầu thai đầu, con giáp mặt sự tấn công trực tiếp và mạnh mẽ của sự kết tội của sa nhân. Chuyện gì đã thực sự xảy ra trong tiến trình đó? Ấy, khi con ở trên hành tinh tự nhiên con ở trong trạng thái tâm mà các thày, khi so sánh với chuyện con trải nghiệm trên trái đất, có thể gọi là “không coi cá nhân mình là trọng tâm”.

Con không quá chú tâm vào chính mình, con chú tâm là một phần của tổng thể, đang làm việc cho tổng thể, đang làm việc để nâng cao tổng thể. Đây là trạng thái tâm tự nhiên trên một hành tinh tự nhiên. Giờ đây, con xuống trái đất với ý định làm việc cho tổng thể và nâng cao tổng thể. Con đã quen là khi con làm như vậy thì con nhận được một phản hồi tích cực. Ít ra thì con không bị chê bai khi làm vậy. Bỗng nhiên, con trải nghiệm là sa nhân tố cáo, tấn công, lên án, phán xét, chê bai con. Con bị một cú sốc và nghĩ: “Ồ, họ đang làm các chuyện này đối với tôi. Họ nói là tôi có điều gì sai trái. Tôi chưa bao giờ trải nghiệm chuyện này. Vì sao họ lại nói là tôi có điều gì sai trái? Tôi tới đây với thiện ý tốt nhất. Tôi chỉ muốn tới đây để giúp tổng thể nhưng họ lại nó là tôi sai trái, tôi có điều gì sai trái?”

Bỗng nhiên, lần đầu tiên trong đời, con phải đối mặt với câu hỏi này. Vì con là một dòng sống có thói quen nhìn vào chính mình và xem xét phản ứng của mình, nên con không quen kết tội và bị kết tội. Con xem xét chính mình, lẽ tự nhiên con xem xét chính mình và nói: “Nhưng, có thể nào họ có lý chăng? Tôi đã làm gì sai trái trên hành tinh này chăng?” Bỗng nhiên, con bị phóng vào mối nghi ngờ và con bị ép buộc phải phản ứng. Lúc đó con làm gì? Các thày có giảng là con tạo ra một cái ngã, đó là ngã gốc.

Đúng vậy, nhưng ngã gốc là gì? Nó là một ngã đặt trong tâm vào cá nhân mình. Bỗng nhiên, từ không đặt trọng tâm vào cá nhân mình trên hành tinh tự nhiên, con tới trái đất, con trải qua một chấn thương, và nay con nhìn cuộc đời của mình trên trái đất qua một ngã một cách rất cá nhân. Trên một hành tinh tự nhiên, ý niệm bản ngã của con rất bao la, nhưng trên một hành tinh phi tự nhiên con bị dồn vào một ý niệm bản ngã rất hạn hẹp coi mình là trung tâm của vũ trụ cá nhân của mình. Giống như là con nhìn mọi chuyện từ trung tâm điểm đó, con từ trung tâm điểm đó nhìn ra bên ngoài. Bỗng nhiên, mọi chuyện trở nên cá nhân trên hành tinh này. Bỗng nhiên, con nghĩ là có thể con đã thất bại, có thể con đã làm điều gì sai trái trên hành tinh này. Ngã gốc được tạo dựng chung quanh nỗi sợ thất bại, và đó là lý do vì sao con coi cá nhân mình là trọng tâm khi tiếp giáp mọi sự việc.

Các thày đã cố gắng giảng cho các con là hành tinh này là một hành tinh phi tự nhiên, nơi đây không có gì thường hằng, mọi chuyện như là kết quả của cuộc chơi trong bãi cát. Các thày đã trao truyền các giáo lý đó, nhưng các thày cũng biết các thày đối mặt với tình trạng mà các thày luôn luôn phải đối mặt, đó là khoảng cách. Khi con chưa nhìn ra và giải quyết ngã gốc, thì con không thể ngưng coi cá nhân mình là trọng tâm của cuộc đời mình trên trái đất. Con không thể nhìn vào cuộc đời trên trái đất và nói: “Ấy, tôi sẽ chỉ cần xây một lâu đài cát khác, hay tôi sẽ chỉ phá lâu đài cát cũ và bãi cát sẽ trở về trạng thái tinh khôi của nó.” Cũng giống như dùng gậy đánh vào mặt nước. Con có đánh mạnh đến đâu, thì mặt nước sẽ vẫn trở về trạng thái tĩnh lặng.

Con yêu dấu, chúng ta đang bước vào thời Bảo bình. Con hãy giống như nước nếu con muốn đạt được các khai ngộ của thời Bảo bình. Con thấy chăng, con yêu dấu, khi con nhìn vào ngã đó và xem xét cách con phản ứng lại sự phán xét, và sau đó cho ngã đó chết đi, thì bỗng nhiên cuộc đời không còn xoay quanh cá nhân con nữa. Không có lý do nào để phán xét chính mình vì con nhận ra là các thày không phán xét con. Các thày có thể nói là các thày không phán xét con, nhưng khi con còn cái ngã đó, thì con không thể thực sự hiểu thấu lời giảng của các thày. Chắc chắn là con không thể chấp nhận nó. Khi con đã giải thoát khỏi ngã đó, thì con có thể trải nghiệm điều Giê-su đã trao truyền ngày hôm qua: sự chấp nhận vô điều kiện mà các thày dành cho con.

7.18. Kẻ mạo danh El Morya do đệ tử tạo ra

Con yêu dấu, vì sao thày lại có ý đổi tên mình? Bởi vì trong Summit Lighthouse, các đệ tử đã tạo dựng hình ảnh El Morya như một người trọng kỷ luật khắt khe. Có một số đệ tử thực sự tin rằng họ đã đạt được tới trình độ khiến họ có thể, thậm chí có bổn phận, “rọi ánh sáng xanh” vào các đệ tử khác (như lời họ nói) bằng cách cho các đệ tử này biết El Morya sẽ nói gì về tự ngã, hay kẻ đứng trên ngưỡng cửa, của họ. Họ dung dưỡng hình ảnh là thày là một người trọng kỷ luật khe khắt và đặt ra rất nhiều điều kiện mà các đệ tử phải hội đủ.

Hình ảnh này trở nên quá đậm nét nên thày quyết định là thày muốn làm hai chuyện. Hoặc thày lay động các đệ tử có hình ảnh này để họ có thể bắt đầu thoát khỏi hình ảnh đó. Hoặc thày thu hút đệ tử mới biết thày với một tên mới (Chân sư MORE) và do đó không cần phải đi vào khuôn đúc cũ vẫn còn đó. Điều thực sự xảy ra là các đệ tử tại Summit Lighthouse đã tạo ra một El Morya giả, một người mạo danh El Morya, như một người trọng kỷ luật đầy lòng phán xét. Họ vẫn còn duy trì kẻ mạo danh này cho tới ngày nay. Một số đệ tử tôn thờ kẻ mạo danh đó và nghĩ rằng đó là con người thật của thày tuy rằng thày đã nói là không phải vậy. Các người đó đã mất thày, và thày đã mất họ. Thày chấp nhận điều này. Thày biết là các đệ tử đó sẽ không chấp nhận điều này, vì nếu họ chấp nhận thì họ sẽ phải thay đổi. Họ thật sự sẽ phải nhìn vào chính họ, nhận ra là họ có lòng phán xét lớn, và họ hầu như không thể làm được chuyện này.

Con yêu dấu, con có hiểu chăng tại sao các đệ tử đó hầu như không thể làm được chuyện đó? Chuyện này rất, rất đơn giản. Nếu con đã xây dựng một động lượng phán xét người khác vì họ đã làm lỗi lầm này hay lỗi lầm khác, thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu con nhìn nhận là con sai khi phán xét người khác? Ấy, con chỉ có thể phán xử dựa trên tiêu chuẩn đúng hay sai. Con sẽ phải nhìn nhận là con đã sai. Nếu con nhìn nhận là con sai, thì con vẫn còn động lượng phán xét. Lúc đó, thay vì luôn luôn tìm cái giằm trong con mắt người anh em và phán xét họ, thì nay con đã nhìn nhận cái đà trong con mắt mình, thì con sẽ phải phán xét mình như con đã từng phán xét người khác, có thể là suốt 2000 năm qua hay còn nhiều hơn thế nữa. Những người đệ tử đó sẽ không thể chịu được gánh nặng tâm lý của sự lên án chính mình đó.

Mốt số ít người đã chuyển từ phán xét người khác sang phán xét chính mình, và họ hầu như bị loạn trí hay bị vấn đề tâm lý trầm trọng. Lẽ tất nhiên, thày không muốn bất cứ ai phải gánh chịu gánh nặng này. Nếu các đệ tử có thể đón nhận giáo lý mà các thày trao truyền, thì họ sẽ có thể thấy không phải họ đang phán xét người khác. Đó là một cái ngã tách biệt mà họ đã tạo ra, và họ đã tạo ra ngã tách biệt này khi sa nhân khiến họ phải chịu chấn thương nhập đời.

Do đó, nếu họ sẵn lòng đón nhận giáo lý và dùng các dụng cụ tâm linh, thì họ có thể tách mình ra khỏi cái ngã đó và nói: “Đúng rồi, tôi nhìn nhận là chuyện này đáng lẽ không được xảy ra, nhưng nó đã xảy ra, tuy nhiên thực sự không phải là tôi đã làm chuyện đó, mà là cái ngã tách biệt và bây giờ tôi biết tôi hơn ngã tách biệt đó. Do đó, tôi có thể tách mình ra khỏi nó, nhìn vào nó và nói: ‘Tôi cho bạn chết đi.’” Họ có thể nhận ra, nếu họ thực sự đón nhận các giáo lý này, là họ không cần bù đắp vì đã có tâm phán xét. Họ không cần thay đổi gì nơi vỏ ngoài hay chỉnh sửa điều gì hay giải quyết vấn đề nào. Họ chỉ cần nhận diện ra cái ngã và để nó chết đi. Tất nhiên, họ cũng cần đọc một số lượng bài chú để chuyển hóa năng lượng đã bị tha hóa xuyên qua ngã đó, nhưng đây là một chuyện mà họ rất có khả năng làm.

7.19. Tất cả đều có một lối thoát

Tất cả các đệ tử chân sư thăng thiên đều có một lối thoát nếu họ muốn được giải thoát. một lối thoát. Con có thể khắc phục mọi chuyện vì mọi chuyện mà con đã làm, mà con nghĩ đáng lẽ không nên như vậy, đều được làm xuyên qua một ngã tách biệt. Khi con cho ngã đó chết đi thì con được tái sinh, con là một sinh thể mới trong Ki-tô. Con có thể vẫn còn một số ngã tách biệt khác, do đó con không nên có ảo tưởng là con đã sạch tự ngã, con đã hoàn toàn hay giác ngộ. Con là một sinh thể mới trong Ki-tô. Mỗi lần con rũ bỏ một cái ngã thì con được tái sinh vào một ý niệm bản ngã cao hơn. Thày chỉ muốn như vậy, con yêu dấu. Tất cả các chân sư thăng thiên chỉ muốn thấy con như vậy, thấy con đi vào tiến trình tái sinh liên tục. 

7.20. Thu hẹp khoảng cách

Một lần nữa, và thày biết là thày đang thử thách sức chịu đựng của các con, thày trở lại khoảng cách! Các thày biết là ngay cả các giáo lý mà các thày đã trao truyền qua vị sứ giả này, nhiều người đã đón nhận giáo lý, đã thực hành các thực tập, nhưng họ vẫn cảm thấy có khoảng cách. Họ nhìn vào mục tiêu đạt quả vị Ki-tô và thấy nó ở trên kia, trong khi họ ở dưới này, có một khoảng cách giữa nơi họ đang là và nơi họ phải là, và họ không thấy làm sao thu hẹp khoảng cách.

Họ xem xét giáo lý và họ nghiên cứu giáo lý và nghĩ là phải có điều gì họ đã bỏ sót và không nhận ra đó là cái gì. Các thày nay đã trao cho các con các giáo lý về cách thu hẹp khoảng cách với ngã gốc, và các ngã tách biệt khác.

Điều mấu chốt là nhận ra là con không thể giải quyết bất cứ vấn đề nào mà ngã tách biệt phóng chiếu tới con – con chỉ có thể cho ngã đó chết đi. Đó là lý do vì sao các thày đã nói là con không thể bước vào con đường quả vị Ki-tô khi con còn tìm cách làm việc này xuyên qua một trong các ngã phản ứng đó. Con không thể là Ki-tô xuyên qua một ngã đang phản ứng lại sa nhân.

Một khi con đã khắc phục được ít nhất là một vài ngã đó, và con đã bớt coi cuộc đời xoay quanh cá nhân mình, thì con có thể bắt đầu là Ki-tô. Lúc đó, con không đi trên con đường Ki-tô để cảm thấy an toàn, hơn người, để giải quyết một vấn đề, để bù đắp một sai lầm mà con đã phạm, để được chứng thực hay công nhận. Con trở lại thuở con ở trên hành tinh tự nhiên và làm việc cho tổng thể, ít ra là như con thấy nó lúc này, và đó là chuyện con đã làm trên hành tinh tự nhiên. Con chưa giác ngộ khi con ở trên hành tinh tự nhiên. Con chưa thăng thiên khi con ở trên hành tinh tự nhiên. Con chưa ở trạng thái tâm thức cao nhất mà con có thể đạt được khi con ở trên hành tinh tự nhiên, nhưng con có tâm thái sống không xoay vần chung quanh cá nhân mình.

Ngôn từ đã tới giới hạn của chúng. Thày chỉ có thể cống hiến các con một cái gì vượt quá ngôn từ và đó là tình thương mà thày dành cho tất cả và mỗi người các con. Con yêu dấu, không có gì trên trái đất thật sự dành cho cá nhân con vì không có gì trên trái đất hướng về cái Ta Biết, là cái gì vượt quá hình tướng.

Có một số điều kiện, đặc tính, năng lượng, khuôn đúc liên quan tới cá nhân con. Sự chấp nhận vô điều kiện của Giê-su dành cho riêng cá nhân con. Tình thương của thày dành riêng cho cá nhân con, cái ta thật của con. Ngay cả cái “ta” mà con là trong trạng thái tâm thức hiện tại, thày thương yêu nó như nó là ngay lúc này, và mỗi ngày thày sẽ thương yêu con hơn nữa. Con chỉ có thể chấp nhận cái hơn nữa đó khi con mỗi ngày trở nên hơn nữa bằng cách buông bỏ các ngã đang là ít hơn.

Thày thương yêu con khi con còn các ngã đó nhưng con không thể trải nghiệm tình thương của thày xuyên qua cái ngã. Chỉ khi nào con cho ngã chết đi, thì con mới trải nghiệm là thày thương yêu con hơn nữa, thực sự không phải vì thày thương yêu con nhiều hơn nhưng vì con trải nghiệm tình thương của thày nhiều hơn. Tới đây thì đã quá đủ ngôn từ rồi, quá đủ ngôn từ rồi, con yêu dấu. Không có lượng ngôn từ nào có thể thu hẹp khoảng cách, chỉ có một sự chuyển đổi tâm mới có thể thu hẹp khoảng cách.

5 | Chấp nhận là Ki-tô chấp nhận con

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 21 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày tới đây để trao cho các con một bài nữa trong số các giáo lý mà thày có ý định trao truyền trong hội nghị này dưới chủ đề làm sao là Ki-tô Hằng sống hành động. Giờ đây các con yêu dấu, khi thày trao truyền quyển Chìa khóa cơ yếu đưa tới quả vị Ki-tô cá nhân, thì thày ở trước tình trạng mà thày có đề cập tới sáng nay, đó là các thày cần nhận ra con người đang ở tầng tâm thức nào – tâm thức tập thể ở tầng nào, các người tâm linh ở tầng nào, các giáo lý nào đã được trao truyền trước đây, giáo lý nào có thể trao truyền bây giờ. Thày đã trao truyền một khóa học với mục đích đi tới con người (ngay cả một số người có quá trình Cơ đốc giáo và do đó đã lớn lên với một cái nhìn truyền thống về Ki-tô và đạo Cơ đốc) và cho họ một giáo lý có thể giúp họ tiến gần hơn quả vị Ki-tô.

Khóa học đã giúp một số người đã sẵn sàng, nhưng lẽ dĩ nhiên vào lúc đó, không có khóa học nào có thể đưa những người chưa sẵn sàng vượt trở ngại và bắt đầu biểu lộ quả vị Ki-tô. Lý do là vì, như thày có giảng sáng nay, nếu con chưa chạm trán, thấy rõ ngã gốc và để cho nó chết đi, thì con không thể bắt đầu dám biểu lộ quả vị Ki-tô, vì con không có tự do biểu lộ nó.

5.1. Là Ki-tô nghĩa là gì

Bây giờ thì các thày đã trao truyền giáo lý về ngã gốc, nên lẽ dĩ nhiên các thày có thể giảng cho các con nhiều hơn về thế nào là Ki-tô Hằng sống. Trên căn bản, Ki-tô Hằng sống là một sinh thể không phản ứng lại điều kiện trên trái đất, không bị lôi cuốn vào vòng xoáy phản ứng lại những gì người ấy trải nghiệm trên trái đất. Có nghĩa là con không phản ứng lại trái đất xuyên qua phin lọc của ngã gốc mà con tạo ra khi bị chấn thương nhập đời. Đúng thực là khi con còn ngã gốc, thì như thày có giảng năm ngoái, nó sẽ pha màu cách con tiếp cận cuộc sống trên trái đất. Ta có thể nói là khi con còn ngã gốc, thì con không thực sự có tự do là Ki-tô vì ngã gốc được tạo ra như một phản ứng lại những gì con trải nghiệm trên trái đất.

Khi con còn tìm cầu an toàn, an ninh, muốn bù đắp lại điều con đã làm trong quá khứ, thì mọi việc con làm đều bắt nguồn từ nhu cầu đó: nhu cầu muốn hiểu và đặt sự việc vào bối cảnh, nhu cầu làm chủ tình hình, nhu cầu cảm thấy an toàn, nhu cầu được bù đắp. Thậm chí con sẽ dùng giáo lý tâm linh để tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó. Do đó, con không thể thực sự là Ki-tô vì Ki-tô là trung gian giữa Tánh linh và cõi vật chất. Con không thể là trung gian giữa Tánh linh và cõi vật chất khi con chưa tạo được đường dây chắc chắn nối kết con với cõi tâm linh và con dám tự do biểu lộ trong cõi vật chất những điều được truyền qua đường dây nối kết đó.

Nếu con không nối kết với cõi tâm linh thì con không thể là người trung gian. Mặt khác, nếu con không có tự do để biểu lộ bất cứ xung lực nào chảy qua đường dây nối kết đó, thì con cũng không thể là người trung gian, ít ra là con không thể là người trung gian hoàn toàn. Con có thể nói: “Vậy thì làm sao con người có thể đạt được phần nào quả vị Ki-tô khi chưa có giáo lý về ngã gốc?”

Ấy, lý do là, lẽ dĩ nhiên, không tuyệt đối cần thiết có giáo lý về ngã gốc để khắc phục được ngã gốc. Các thày đã trao cho các con dụng cụ gì để khắc phục ngã gốc? Nó dựa trên nguyên liệu chính trên con đường tâm linh: sự quán sát chính mình.

Qua các thời đại, đã có một số người, một số ít người, đã có thể sử dụng khả năng của cái Ta Biết bước ra ngoài ý niệm bản ngã hiện tại và quán sát chính nó, quán sát cái ngã vỏ ngoài, từ bên ngoài. Do đó, con có thể bắt đầu tách mình ra khỏi nó, và do đó, con có thể, lẽ dĩ nhiên, biểu lộ một phần quả vị Ki-tô. Một số các con đã làm điều này trước khi con nhận được giáo lý này. Tuy nhiên, các thày trao truyền giáo lý này vì đã đủ túc số những người sẵn sàng nhận giáo lý và có thể sử dụng nó để gia tốc sự tăng triển của họ, và tới điểm, thay vì chỉ chợt thoáng có quả vị Ki-tô, thì họ có thể biểu lộ nó một cách liên tục hơn. Nhiều người trong các con đã đạt được một thành quả tâm linh nào đó trong những kiếp trước và đã thiết lập được đôi chút nối kết nội tâm. Do đó, con đã có thể đôi khi biểu lộ quả vị Ki-tô. Trong nhiều trường hợp, con đã không làm được đến mức tối đa, là điều con mong muốn trong Sứ vụ Thiêng liêng của kiếp sống này.

5.2. Món quà tiềm ẩn của Ki-tô

Bây giờ thì thày trao cho con một giáo lý giúp con tiến xa hơn trong việc biểu lộ quả vị Ki-tô. Tất nhiên, thày giả sử một lần nữa là con học một cách nghiêm túc, và con đã dùng những giáo lý mà các thày đã trao truyền trong quyển Các kiếp sống của tôi và quyển Chữa lành chấn thương tâm linh để bắt đầu khắc phục ngã gốc. Một khi con đã bắt đầu khắc phục ngã gốc thì con sẽ dễ hiểu những gì thày giảng ở đây.

Giờ đây con yêu dấu, thày muốn con bước lui khỏi toàn bộ tấm màn bao phủ do đạo Công giáo chính thức tạo ra, đặc biệt là trong 17 thế kỷ vừa qua từ ngày Giáo hội Công giáo La Mã được thành lập. Thày muốn con cố gắng bước lui khỏi tất cả những thứ đó – tất cả những diễn giải tân thời về Giê-su và ý nghĩa của Ki-tô. Con hãy bước lui lại và nhìn vào những điều mà con biết về cuộc đời của thày, chuyện gì đã thực sự xảy ra. Thày đã muốn hoàn thành chuyện gì? Thày thực sự muốn cho con người cái gì? Tuy những điều này không được mô tả rõ ràng trong Thánh kinh, nhưng ít ra cũng đã có một số gợi ý trong đó. Thày lúc nào cũng tìm cách cho con người trải nghiệm là có cái gì cao hơn tâm thức hiện tại của họ, có một tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức hiện tại của họ. Đó là một công việc rất khó khăn, ít ra thì đó là một công việc không thể hoàn thành một cách tuyệt đối, vì, như các thày đã giảng cho các con, trên trái đất có 144 tầng tâm thức.

Trong kiếp sống đó của thày, trong khoảng 3 năm thày truyền giáo, thày đã gặp những người thuộc đủ 144 tầng tâm thức, hay đúng hơn thì thày ít nhất đã gặp những người ở các tầng tâm thức thấp trong khi thày gặp vài người ở tầng 144. Thày có gặp một số vị đó trước khi thày bắt đầu 3 năm truyền giáo, nhưng trong thời gian thày truyền giáo ở Palestine, thì thày thực sự không gặp ai ở các tầng tâm thức cao. Tuy nhiên, khi con gặp một người ở tầng tâm thức thấp thì con không thể trao cho họ cùng giáo lý mà con trao cho người ở tầng tâm thức cao. Con không đạt được lợi ích gì khi con tìm cách trao cho những người ở dưới tầng 48 giáo lý mà con trao cho người ở trên tầng 48, vì họ sẽ không thể nào hiểu được. Con có nghe câu chuyện thày gặp một người đang khát nước và thày đã không tìm cách trao cho y một giáo lý tâm linh mà thày nhân danh Ki-tô trao một ly nước. Con thấy là thày thay đổi món quà để thích nghi với tầng tâm thức của con người. Tuy nhiên điều thày muốn nói và dạy cho con là có một điều Thánh kinh không nói tới và đa số người tâm linh thần bí thuộc nhóm Thời đại Mới cũng thực sự không hiểu. Đó là khi thày trao cho con người điều gì phù hợp với tầng tâm thức của họ, thày cũng trao cho họ một cái gì khác. Ngay cả khi thày cho một người ly nước lạnh, thày cũng trao cho họ từ thày điều gì đó nhiều hơn là nước. Cái nhiều hơn đó là gì vậy? Ấy thày sẽ trình bày điều này theo hai cách.

5.3. Con không thể hiểu Ki-tô

Nhiều người trong các con, là những người tâm linh, quen học một giáo lý và tìm cách hiểu giáo lý đó. Nếu con nhìn thành phần những người tâm linh và tín đồ các tôn giáo, thì con thấy là có nhiều người nghĩ rằng (đặc biệt là trong thời đại hiện đại này là thời có nhiều người bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ lý luận, duy lý, đường thẳng) vấn đề là hiểu giáo lý. Thày đồng ý là có câu ngạn ngữ: “Chân lý sẽ giải thoát con người”, và con người ngày nay lý giải là chân lý nghĩa là một hiểu biết. Con bị vướng kẹt trong một ảo tưởng, và một khi con có được hiểu biết xóa tan ảo tưởng, thì con được giải thoát khỏi ảo tưởng. Tất nhiên điều này đa phần đúng. Con có thể vượt qua ảo tưởng bằng cách thấy chúng là ảo tưởng và do đó được giải thoát khỏi chúng.

Có một truyện ngụ ngôn cổ của Ấn Độ nói rằng nếu con cầm trong tay một cái gì con nghĩ là con rắn thì con sợ, nhưng khi con thấy đó là một sợi dây thừng, thì cơn sợ tan biến đi. Câu truyện này có giá trị, nhưng tuy thày cũng muốn trao truyền hiểu biết qua các giáo lý, nhưng đây không phải là điều chính yếu mà thày muốn trao truyền. Thực ra, khi thày trao truyền một giáo lý, thì nó chỉ như một cỗ xe, giống như ly nước lạnh là một cỗ xe. Ly nước lạnh là cỗ xe đem lại món quà mà thày muốn trao cho một người ở một tầng tâm thức nào đó. Khi thày trao truyền bất cứ gì, thì đó là một cỗ xe cho món quà lớn hơn mà thày muốn trao. Món quà lớn hơn đó là gì? Ấy, đây là một câu hỏi mà con có thể đặt ra cho chính mình: “Tôi có thể hiểu Ki-tô bằng tâm đường thẳng, phân tích của tôi chăng? Tôi có thể hoàn toàn hiểu Ki-tô chăng?” Câu trả lời rất rất rõ và dứt khoát: “KHÔNG!” Con không thể hoàn toàn hiểu Ki-tô. Con có thể hiểu một số khía cạnh và đặc tính của Ki-tô. Con có thể hiểu sự tương phản giữa điều rõ ràng là phản Ki-tô và sự hiểu biết cao hơn về Ki-tô. Có một số chuyện con có thể hiểu, nhưng con không thể nào nắm bắt toàn bộ Ki-tô bằng cách hiểu. “Minh triết là điều chính yếu, và con hãy tìm cầu minh triết với tất cả sức hiểu biết của con.” Câu này có giá trị tới một tầng nào đó, nhưng nó không thể đưa con đi quá tầng đó.

5.4. So sánh hiểu và nắm bắt

Vì chúng ta đang sống trong thời đại trí năng, nên thày muốn trình bày là có sự khác biệt giữa hiểunắm bắt. Con có thể hiểu một điều gì đó một cách đường thẳng, phân tích mà không nắm bắt điều đó. Con có câu ngạn ngữ cổ nói rằng: “Ta không thể nhìn ra khu rừng nếu ta nhìn vào các cây.” Con quá chú tâm vào chi tiết và mất đi khả năng bước lui lại và thấy toàn bộ viễn cảnh. Tâm đường thẳng, phân tích hay có tác dụng đó trên con người.

Họ quá chú tâm vào các chi tiết được diễn tả bằng lời mà tâm đường thẳng có thể xử lý, phân tích, xếp loại, dán nhãn và xếp gọn ghẽ vào danh mục hay hộp trong kho tài liệu. Vì họ quá chú tâm vào các chi tiết, nên họ không thể bước lui lại và thấy toàn bộ viễn cảnh. Con không thể nắm bắt Ki-tô bằng cách xem xét các chi tiết, các khía cạnh. Con chỉ có thể thực sự nắm bắt Ki-tô khi con bước lui lại và trải nghiệm Ki-tô. Nói cách khác, nắm bắt Ki-tô không phải chuyện hiểu, mà là chuyện trải nghiệm, con có thể nói đó là một tiến trình kinh nghiệm. Những điều thày trao truyền cho con người trong kiếp hiện thân, thày luôn luôn tìm cách trao cho họ món quà lớn hơn để họ có thể trải nghiệm là có cái gì vượt xa hơn tâm thức hiện tại của họ.

Ít ra là họ có thể trải nghiệm là thày ở trên tầng tâm thức hiện tại của họ. Thày ở tầng tâm thức cao hơn, do đó việc ở tầng tâm thức cao hơn là điều khả thi. Lẽ dĩ nhiên, sự trải nghiệm của họ tùy thuộc tầng tâm thức của họ. Một người ở tầng tâm thức thứ 3 không thể nào thấu suốt và trải nghiệm Ki-tô ở mức độ hoàn toàn như một người ở tầng tâm thức 96. Bất kể con đang ở tầng tâm thức nào, con có thể trải nghiệm là có một bước ở trên tầng của mình, vì con lúc nào cũng có khả năng thấu suốt và trải nghiệm bước ở ngay trên tầng tâm thức của con. Thày tìm cách trao gì cho con người?

5.5. Ki-tô và quyền tự quyết

Đây là nơi con cần sử dụng tất cả các giáo lý mà các thày đã trao truyền vì thày không thể giảng hết trong một bài truyền đọc. Thày chỉ có thể nói những điểm nổi bật nhất, và con cần tìm những giáo lý giảng tường tận hơn, nếu có một vài khía cạnh mà con không hiểu thấu. Điều mà các thày đã giảng là quyền tự quyết có tính cách tuyệt đối, con người có hoàn toàn tự do sử dụng nó.

Khi Thượng đế ban cho những phần nối dài của ngài quyền tự quyết, thì ngài không chế ra một tiêu chuẩn quy định thế nào là chọn lựa đúng và chọn lựa sai. Đấng Sáng tạo không có trong tâm ngài sự phán xét là con người phải sử dụng quyền tự quyết như thế nào. Do đó, đấng Sáng tạo ban con người quyền tự quyết, và con người có hoàn toàn tự do sử dụng nó. Mục đích của đấng Sáng tạo khi làm vậy, lẽ dĩ nhiên, là để tạo ra những phần nối dài của ngài lúc đầu có, điều mà các thày đã gọi một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm, và dần dần nới rộng nó ra cho tới khi nó trở thành sự trọn vẹn của tâm thức của đấng Sáng tạo. Mục đích tối hậu của đấng Sáng tạo là tạo ra các đấng Sáng tạo khác. Để có thể tăng triển tới tầng tâm thức của đấng Sáng tạo, thì con bắt đầu như một người đồng-sáng tạo với một ý niệm bản ngã hạn hẹp và dần dần tăng trưởng nó lên.

Cách duy nhất để tăng trưởng ý niệm bản ngã là con có quyền tự quyết, con chọn lựa. Con tạo ra một cái gì, con trải nghiệm tạo vật đó và sau đó con lượng định dựa trên kinh nghiệm của mình: “Tôi muốn thêm trải nghiệm này hay tôi muốn một trải nghiệm cao hơn. Tôi muốn có thêm kinh nghiệm tương tự, hay tôi muốn cái gì hơn nữa?”

Để tiến trình này được trải bày, các người đồng-sáng tạo phải hoàn toàn có quyền tự quyết vì con phải được làm bất cứ chuyện gì con muốn làm, bất cứ chuyện gì con có thể tưởng tượng, bất cứ chuyện gì con hình dung. Con cần được cho phép sáng tạo ra nó, trải nghiệm hậu quả và sau đó dần dần quyết định là con muốn một trải nghiệm càng ngày càng cao hơn. Đó là cách tiến trình này vận hành, đây là cách tiến trình tăng trưởng tâm thức vận hành. Con hiểu là các thày đã trao truyền những giáo lý rất thâm sâu, rất tinh vi về sự thành hình của các bầu cõi. Khi một bầu cõi được tạo ra, thì nó không thường hằng, các sinh thể trong đó không thường hằng, và đó là để họ được cơ hội làm bất cứ gì họ muốn với quyền tự quyết.

Giờ đây, lẽ tất nhiên làm sao con có quyền tự quyết? Đây là một điểm mà con người thường ngộ nhận vì họ bị sa nhân đánh lừa, vì sa nhân lúc nào cũng tìm cách gây nghi ngờ. Sa nhân muốn con tin rằng có quyền tự quyết có nghĩa là con làm bất cứ điều gì con muốn. Điều này đúng theo một cách nhìn nào đó. Khi con có quyền tự quyết, thì con có thể làm bất cứ điều gì con muốn, nhưng con sẽ làm chuyện này như thế nào? Ấy, con làm một chuyện bằng cách tạo ra một khuôn đúc trong tâm, phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và sau đó Ánh sáng Mẫu-Vật khoác lấy hình tướng theo khuôn đúc. Lúc đó con trải nghiệm điều con sáng tạo, hay đúng hơn con đồng-sáng tạo.

Nếu con không trải nghiệm hậu quả của những chọn lựa của mình, thì coi như con đã không lấy chọn lựa nào, con đã không thật sự thực thi quyền tự quyết. Nếu một chọn lựa không có hậu quả, thì đó không là một chọn lựa và con không thể học hỏi gì từ chọn lựa đó. Con chỉ có thể học hỏi bằng cách tạo ra một hậu quả và trải nghiệm hậu quả đó. Điều mà sa nhân muốn con nghĩ là nếu con lấy một chọn lựa giới hạn con và khiến con khó chịu, thì đáng lẽ con không phải trải nghiệm hậu quả đó. Nếu con thực sự có quyền tự quyết, thì đáng lẽ con phải có khả năng tránh những hậu quả.

Con yêu dấu, đây là một điều mà sa nhân không hiểu thấu, và đa số con người, thành thực mà nói, cũng không hiểu thấu vì hành tinh này đã quá bị ảnh hưởng bởi sa nhân. Con lúc nào cũng có thể thoát khỏi hậu quả của những chọn lựa trước của con. Các thày đã từng nói: Bất cứ điều gì con tạo ra, con đều có thể sáng tạo lại cái mới. Con yêu dấu, mánh lới là: “Làm sao con phóng chiếu một khuôn đúc lên Ánh sánh Mẫu-Vật?”

Con tạo ra một cái ngã trong bốn thể phàm của mình, và con phóng chiếu qua ngã đó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Khi con ở trong một ý niệm bản ngã nào đó và phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật, thì con tạo ra một hậu quả đặc thù là một sự phóng chiếu ra ngoài của ngã đó. Điều mà sa nhân muốn con tin là con có thể tránh thoát hậu quả mà không cần tiêu hủy cái ngã. Sự thực là con có thể tránh thoát hậu quả của các chọn lựa trước của con, nhưng cách duy nhất là con thăng vượt cái ngã mà con đã tạo hậu quả xuyên qua nó . Nếu con tiếp tục phóng chiếu qua ngã đó, thì con sẽ tạo lại và tạo lại cùng những hậu quả. Chuyện giản dị như vậy đó, con yêu dấu. Chuyện giản dị như vậy đó.

5.6. Tăng trưởng xuyên qua hậu quả

Làm sao con học hỏi? Làm sao con tăng trưởng? Con tăng trưởng bằng cách phác họa một cái ngã dựa trên ý niệm bản ngã hiện tại của con, có thể là một ý niệm bản ngã rất thu hẹp, như cái chấm, và vị kỷ. Con phóng chiếu xuyên qua ngã đó và con trải nghiệm hậu quả. Nếu con muốn có thêm các hậu quả đó thì con tiếp tục phóng chiếu xuyên qua cái ngã đó cho tới khi con chán ngán kinh nghiệm đó. Khi con chán ngán kinh nghiệm đó thì con có thể bước ra ngoài cái ngã, hay ít ra con có thể mở rộng và tinh luyện ngã đó và tạo ra một kinh nghiệm cao hơn qua ngã mới. Đó là cách vận hành của đồng-sáng tạo. Sa nhân, lẽ dĩ nhiên, đã khiến con người quên đi cơ chế đó. Tuy nhiên, sự kiện đơn giản là: bất cứ gì con đồng-sáng tạo xuyên qua một ngã, thì con có thể thăng vượt bằng cách tạo ra một ngã mới và đồng-sáng tạo qua ngã đó. Sau đó, do những chu kỳ của thế giới vật chất, con sẽ trải nghiệm một hậu quả mới.

Thày cũng đã nói điều gì khác? Thượng đế không phán xét cách con thực thi quyền tự quyết trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Nói cách khác, Thượng đế cho phép con đầu thai với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm qua đó con đương nhiên rất chú tâm vào chính mình. Lúc đó, con không có khả năng xem xét là các chọn lựa của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào, ảnh hưởng toàn thể hành tinh hay toàn thể vũ trụ như thế nào. Con không có sự nhận biết đó. Con chỉ chú tâm đến “tôi, đối với tôi, cho tôi.” Những gì tôi làm ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Khi con dần dần mở rộng ý niệm bản ngã của con, thì con càng ngày càng nhận biết các chọn lựa của con ảnh hưởng tổng thể như thế nào. Con càng ngày càng nhận biết là con đích thực là một phần của tổng thể. Do đó, con ảnh hưởng tổng thể, và tổng thể ảnh hưởng con.

Cách con tăng trưởng tâm thức, khi con tới tầng đó, là con tinh luyện ý niệm bản ngã của con để nó càng ngày càng trở nên một với tổng thể, càng ngày càng là Một. Con đi vào cái Một, thay vì chú tâm vào ngã tách biệt. Sau đó, con có thể tới điểm con ở trong cái Một nhiều đến độ con có thể buông bỏ ngã tách biệt. Sau đó, con có thể tới điểm con ở trong cái Một nhiều đến độ con có thể buông bỏ ngã tách biệt và thăng thiên. Lúc đó, con trở nên một sinh thể thường tồn, và một khi bầu cõi có đủ túc số các dòng sống, các người đồng-sáng tạo đã tới được điểm đó, thì toàn thể bầu cõi sẽ trở nên thường tồn.

5.7. Xây dựng tâm thức Ki-tô

Con cần gì để tới điểm không còn ý muốn thực thi quyền tự quyết một cách ích kỷ? Ấy, trên cơ bản con cần trải nghiệm là con đã làm đủ, không nhất thiết là tất cả những gì con có thể làm một cách ích kỷ nhưng ít ra là số lượng tới hạn của những gì con có thể làm một cách ích kỷ, nên chính con đã chán ngán việc đó. Thượng đế không phán xét cách con tiến hành tiến trình này. Con đã được ban quyền tự quyết, con đã được ban một khoảng thời gian rất, rất dài để khám phá tất cả các ngõ ngách của sự ích kỷ, của lòng vị kỷ. Khi con đã chán ngán không muốn khám phá các ngõ ngách đó, thì con bắt đầu thăng vượt chúng. Đó là lý do vì sao các thày đã trao truyền khái niệm con đi xuống, và khi con đi xuống thì con đi vào giai đoạn trầm mình. Con trầm mình vào trong môi trường, con xây dựng một cái ngã dựa trên môi trường đó. Sau đó, khi con bắt đầu thức tỉnh thì con bắt đầu mở rộng ý niệm bản ngã để nhận biết tổng thể thay vì chỉ nhận biết một phần rất nhỏ của tổng thể. Con làm việc này bằng cách trải qua giai đoạn trầm mình, tự đồng hóa mình với ngã tách biệt, phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và trải nghiệm hậu quả. Sau đó, khi con đã chán ngán việc này thì con bắt đầu thức tỉnh. Con bắt đầu nhận biết các hậu quả của mình ảnh hưởng ra sao, đầu tiên là các người khác, sau đó là môi trường lớn hơn nơi con sống, và sau đó toàn bộ bầu cõi. Có thể nói đây là tâm thức Ki-tô.

Tâm thức Ki-tô là trung gian giữa đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài, giữa Tánh linh và vật chất, giữa cõi tâm linh và bầu cõi chưa thăng thiên. Tâm thức Ki-tô nhận biết là có một cõi tâm linh bên trên bầu cõi này. Nó cũng nhận biết bầu cõi là một tổng thể, mọi chuyện đều nối kết với nhau, mọi chuyện là Một. Ngay cả khoa học ngày nay đã nhận ra và chứng minh qua vô vàn thử nghiệm là toàn thể vũ trụ là một tổng thể tương liên. Chưa ai rút tỉa hệ luận triết lý của các khám phá khoa học này, nhưng khoa học đã chứng minh những điều đó. 

Đây là gì con thấy xuyên qua tâm thức Ki-tô – con nhận biết tổng thể. Giờ đây, khi con bắt đầu vươn lên trong tâm thức Ki-tô, thì tất nhiên con cũng bắt đầu có hiểu biết vỏ ngoài giúp con thấy sự tương phản giữa các ảo tưởng nhị nguyên, sự dối trá của sa nhân và nhận biết cao hơn của Ki-tô dựa trên nhận biết tổng thể, tức là tất cả đều nối kết với nhau.

5.8. Làm hòa với quyền tự quyết

Khi con bắt đầu nhận biết điều trên, thì con bắt đầu nhìn thấy rõ các ảo tưởng mà sa nhân đã tạo ra liên quan đến quyền tự quyết. Trong tiến trình này (và các thày đã trao truyền các dụng cụ tâm linh để đối phó với ngã gốc) con sẽ tới điểm làm hòa với quyền tự quyết. Con có thể chấp nhận quyền tự quyết, con cũng có thể làm hòa với việc con sống trên trái đất, con có thể chấp nhận trái đất như nó đang là ngay lúc này.

Làm sao con có thể chấp nhận trái đất trong trạng thái rất bất toàn hiện tại của nó? À, con chỉ có thể làm vậy khi con chấp nhận quyền tự quyết, và chấp nhận là những gì con thấy trên trái đất là sự trải bày trong vật chất của những gì có trong bốn thể phàm của đa số nhân loại đang đầu thai trên trái đất. Chúng là sự trải bày của tâm thức tập thể. Chúng cần thiết, vì con người cần trải nghiệm. Như thày có giảng, con cần trải nghiệm một số chuyện để có thể tăng triển. Khi con bước vào nhị nguyên, là chuyện phải xảy ra trên một hành tinh không tự nhiên, thì con cần phải thấy nó trải bày trong vật chất vì con không có khả năng học bằng tâm. 

Các thày có giảng là tất cả các con là sinh thể trải nghiệm. Đó là lý do các thày đã cho con tầm nhìn trong quyển Các kiếp sống của tôi là một số các con đã đầu thai trên trái đất trong một thời gian rất dài. Con có thể suy ngẫm, như thày có nói vào đầu năm, là tại sao cần nhiều thời gian như vậy? Đó là vì con cần có một số kinh nghiệm. Khi con bắt đầu hiểu luật tự quyết, con nhận ra là có một số người trên trái đất vẫn chưa trải nghiệm đủ loại kinh nghiệm mà con thấy họ đang kinh qua. Con có thể tới điểm chấp nhận sự việc đó, làm hòa với sự việc đó. Do đó, con tự giải thoát mình khỏi sự phán xét, khỏi tâm thức tập thể, khỏi con quỷ dữ phán xét mà sa nhân đã tạo ra cho rằng có những chuyện sai trái, có những chuyện đáng lẽ không được xảy ra.

Con có thể tới điểm nhận ra, như chính vị sứ giả này đã nhận ra, là ngay cả khi con người bị đau khổ thì các đau khổ này là kết quả của những chọn lựa của họ. Họ không biết một cách có ý thức là họ đã lấy những chọn lựa đó, tuy thế họ vẫn có thể chọn nâng tâm thức mình lên và bắt đầu nhìn vào chính mình thay vì nhìn vào các điều kiện bên ngoài.

Con yêu dấu, chắc con cũng nhận ra là khi một người còn phóng chiếu rằng: “Tôi đau khổ vì những điều kiện bên ngoài”, thì các vị thày tâm linh không thể dạy người đó. Họ chỉ học được khi họ bắt đầu chịu xem xét là có thể có điều gì trong tâm họ đã ít nhất là một phần của sự đau khổ của họ. Con yêu dấu, những người không thể học từ một vị thày tâm linh cần thấy các điều kiện trải bày trong vật chất – dù họ không nhận ra và nhìn nhận là chính tâm thức của họ đã tạo ra các điều kiện đó. Đó là cách duy nhất khiến họ rốt cuộc chán ngán kinh nghiệm này và kêu lên cầu cứu.

Con yêu dấu, con có thể tới điểm nhìn phương trình trên trái đất và làm hòa với các việc đang xảy ra trên trái đất. Con làm hòa với việc con hiện diện trên trái đất. Tuy nhiên, con chỉ có thể tới điểm này khi con đã bắt đầu khắc phục được ngã gốc vì trước đó, ngã gốc sẽ níu kéo con vào việc phản ứng lại các điều kiện trên trái đất. Do đó, con sẽ phán xét các điều kiện này xuyên qua ngã gốc. Lẽ tất nhiên, vì chính ngã gốc đã tạo ra chấn thương và khiến con đau khổ, nên nó chỉ thấy được là các điều kiện đó sai trái và không được xảy ra. Con thấy chăng, con không thể an bình với quyền tự quyết và các điều kiện trên trái đất nếu con nhìn xuyên qua ngã gốc, con chỉ làm được chuyện này khi con bắt đầu tách mình ra khỏi nó.

5.9. Sự chấp nhận của Ki-tô

Con yêu dấu, khi con tới điểm làm hòa với luật tự quyết, thì con cũng tới điểm khác là món quà mà thày thực sự muốn đem lại cho mọi người. Đó là, con có thể hiểu được là Ki-tô chấp nhận con như con là, bất kể trình độ tâm thức của con ra sao. Các con cần chiêm nghiệm để có thể hoàn toàn thấu hiểu điều này vì con đã bị lập trình trong suốt 17 thế kỷ của đạo Công giáo chính thức muốn con tin rằng Ki-tô chỉ chấp nhận con khi con hội đủ một số điều kiện.

Thày nhắc lại một lần nữa. Con đã bị sa nhân lập trình trong 17 thế kỷ để tin rằng Ki-tô chỉ chấp nhận con khi con hội đủ một số điều kiện và các điều kiện này được quy định ở đây trên trái đất – có nghĩa đó là những điều kiện có thể hiểu được bằng tâm nhị nguyên, tâm đường thẳng, thậm chí là tâm sa ngã. Lẽ tất nhiên, Ki-tô vượt lên trên tâm đó và do đó các điều kiện đó không thể nào là điều kiện của tâm Ki-tô. Sa nhân không nắm được là tâm Ki-tô không có điều kiện vì đấng Sáng tạo không có điều kiện và tâm Ki-tô biết là luật tự quyết cần tự trải bày và biết việc này sẽ được hoàn thành như thế nào trên một hành tinh phi tự nhiên.

Tâm Ki-tô biết đây không phải là loại hành tinh duy nhất, và có hàng tỷ hành tinh khác. Nó có tầm nhìn rộng lớn hơn và biết rằng những gì xảy ra trên hành tinh nhỏ bé tên là trái đất này không phải là một thảm họa cho toàn thể vũ trụ. Khi con ở trên trái đất, con muốn nghĩ rằng (vì sa nhân muốn con nghĩ là trái đất rất quan trọng) trái đất có lẽ là hành tinh duy nhất có sự sống trong toàn thể vũ trụ và Thượng đế rất quan tâm theo dõi những gì đang xảy ra trên trái đất.

Trên thực tế, khi con có tâm Ki-tô thì con có tầm nhìn rộng lớn hơn và thấy rằng những chuyện đang xảy ra trên trái đất không ảnh hưởng toàn thể vũ trụ vì hành tinh này quá bé nhỏ và không thể kéo toàn thể vũ trụ xuống theo với nó, vì có hàng tỷ hành tinh khác đang theo một vòng xoáy đi lên. Chuyện đang xảy ra trên trái đất được phép xảy ra vì các dòng sống đang đầu thai trên trái đất chưa chán ngán kinh nghiệm họ đang có trên trái đất.

Giờ đây, khi con có tầm nhìn đó, khi chính con bắt đầu trải nghiệm chuyện đó, thì con có thể tới điểm tự đặt câu hỏi: “Ki-tô hay Giê-su (nếu con muốn mật thiết hơn) có chấp nhận tôi như tôi đang là ngay bay giờ chăng?” Khi con tự hỏi mình như vậy, và khi con đã bắt đầu tách mình ra khỏi ngã gốc, thì con có thể trải nghiệm là, đúng vậy, thày, Giê-su Ki-tô, chấp nhận con như con đang là ngay bây giờ.

Con không cần hội đủ điều kiện nào để xứng đáng được thày chấp nhận. Thày lúc nào cũng đã chấp nhận con như con đang là ngay bây giờ. Thậm chí có một số trong các con đã gặp thày 2000 năm trước, khi các con có tâm thức thấp hơn ngày nay rất nhiều, nhưng thày lúc đó đã chấp nhận con. Trong 2000 năm qua, một số các con đã mang trong mình cái ngã vỏ ngoài được tạo dựng theo tâm thức phán xét của sa nhân, cho rằng thày không chấp nhận con ngay bây giờ vì con vẫn chưa sống theo đúng chuẩn mực toàn hảo. Khi con còn nhìn cuộc đời xuyên qua phin lọc của ngã gốc, thì con sẽ không thể khắc phục được ảo tưởng đó. Con sẽ nghĩ (vì ngã gốc chỉ có thể nghĩ như vậy), là chắc hẳn phải có một số điều kiện mà con phải hội đủ để Ki-tô có thể chấp nhận con – nhưng đây là một lời gian dối của sa nhân.

Khi con bắt đầu tách mình ra khỏi ngã gốc thì con có thể tới điểm tự đặt câu hỏi một cách có ý thức. Lúc đó, nếu con mở tim đón nhận thày thì thày sẽ cho con (tùy khả năng tiếp nhận của con) trải nghiệm trực tiếp là thày chấp nhận con như con đang là ngay bây giờ. Đây chính là trải nghiệm mà thày muốn trao cho tất cả mọi người 2000 năm trước đây, và thày muốn trao cho mọi người ngày hôm nay.

5.10. Trao cho người khác sự chấp nhận của Giê-su

Thày đang không đầu thai trong cõi vật chất, vậy làm sao thày trao cho mọi người trải nghiệm này? Thày chỉ có thể vì co. trao cho họ xuyên qua con, nhưng con không thể là dụng cụ giúp thày trao trải nghiệm đó cho người khác khi con chưa tự mình trải nghiệm và chấp nhận là thày chấp nhận con.

Thế nào là Ki-tô đang hành động? Ấy, điều này có nhiều nghĩa, lẽ tất nhiên, nhưng điều thày muốn trình bày trong bài giảng này, là điều đó có nghĩa con trở thành một dụng cụ để trao cho tất cả mọi người mà con gặp (bất kể họ đang ở tầng tâm thức nào) trải nghiệm là con chấp nhận họ như họ đang là và con không phán xét họ.

Giờ đây, thày biết là dù con đã bắt đầu tách mình ra khỏi ngã gốc, con vẫn còn những cái ngã khác, như các thày đã giảng, mà con đã tạo ra trong những kiếp sống tiếp theo sau kiếp sống đầu. Điều này có nghĩa là nhiều người trong các con cần làm công việc quét dọn và nhìn vào các ngã này và thấy khi con đã tạo ra một cái ngã có một tiêu chuẩn nói rằng: “Mọi chuyện phải được phán xử tùy theo chúng đúng hay sai, vì có những chuyện chắc chắn đúng và những chuyện chắc chắn sai, phải có chân lý và phải có dối trá, phải có sự sai trái.” Phải có chuyện này và phải có chuyện kia. Con có thể bắt đầu tách mình ra khỏi những ngã đó vì con cần ghi chặt trong tâm ý niệm duy nhất sau đây: phán xét nhị nguyên không dính dáng gì đến phân biện Ki-tô. Phán xét nhị nguyên không dính dáng gì đến phân biện Ki-tô.

Sa nhân không thể có phân biện Ki-tô. Họ muốn con nghĩ rằng con có thể mài dũa phán xét nhị nguyên tới điểm nó cho con vào nước Trời. Chính một số sa nhân đã tin như vậy. Chuyện này không thể xảy ra! Con có thể dùng tất cả các giáo lý mà các thày đã trao truyền về sa nhân và sự sa ngã và thấy là chuyện này không thể xảy ra.

Phân biện Ki-tô – đúng vậy, có một chân lý tuyệt đối mà phân biện Ki-tô biết. Do đó, phân biện Ki-tô có thể thấy các sai lầm và dối trá. Khi con gặp một người và con có phân biện Ki-tô, thì con có thể thấy là người đó đang ở một tầng tâm thức rất ích kỷ. Người đó có thể tin nhiều ảo tưởng, người đó có thể đang làm một số hành động rõ ràng xâm phạm quyền tự quyết của người khác. Con yêu dấu, sau đây là sự nhận biết cốt yếu: dù con thấy trình độ tâm thức của một người, dù con thấy hành động của họ, nhưng con vẫn có thể (khi con ở trong tâm Ki-tô) tỏa ra sự chấp nhận người đó. Không phải là chấp nhận những chuyện họ đang làm, không phải là chấp nhận những điều họ tin, nhưng chấp nhận là đằng sau tất cả các ngã vỏ ngoài đó, có một cái Ta Biết là một phần nối dài của Bản thể của đấng Sáng tạo.

5.11. Thượng đế chỉ muốn giải thoát con người

Trong một số trường hợp, khi cái Ta Biết của người đó trải nghiệm sự chấp nhận vô điều kiện của con, thì cái Ta Biết có thể thoát ra khỏi các ngã thấp kém và ít ra là trong một khoảnh khắc, kết nối trở lại và trải nghiệm nó là một sinh thể vô điều kiện, nó là một sinh thể không hình tướng không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào có hình tướng. Con yêu dấu, bất kể con nghĩ gì, hậu quả của việc thực sự làm hòa với luật tự quyết là con nhận ra là Thượng đế không muốn trừng phạt bất cứ ai, bất kể họ đã làm gì. Thượng đế chỉ có một mong muốn: đó là giải thoát con người.

Điều này có nghĩa là con có thể gặp một người đang ở trong trạng thái tâm thức thấp nhưng người đó vẫn xứng đáng được cơ hội giải thoát. Do đó, người đó vẫn xứng đáng được nhận xuyên qua con sự chấp nhận vô điều kiện của Ki-tô Hằng sống, của Ki-tô Hoàn vũ, của Ki-tô thăng thiên mà thày là. Thày còn không muốn con chấp nhận người khác với tâm vỏ ngoài. Thày muốn con bỏ tâm vỏ ngoài sang một bên để có thể là cánh cửa mở giúp họ nhận được một xung lực chấp nhận từ thày. Con có chịu để thày phán xét ai xứng đáng được nhận sự chấp nhận, thay vì để tâm vỏ ngoài của con phán xét điều đó? Lúc đó con sẽ có thể bước một bước vĩ đại, một bước quyết định, trên con đường dẫn tới quả vị Ki-tô, một bước quyết định dẫn tới biểu lộ quả vị Ki-tô với tiềm năng cao nhất mà con đã quy định trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình.

Một lần nữa, điều này không có nghĩa con chấp nhận tất cả mọi chuyện mà người khác đang làm. Không có nghĩa là con không thách đố người khác. Không có nghĩa là con không phơi bày, một cách bình tĩnh và thẳng thắn, cho họ thấy những gì họ đang làm. Vượt lên trên tất cả các hành động này là sự chấp nhận.

Giờ đây, nếu con xem quyển sách Những kiếp sống của tôi, thì con thấy nhân vật trong quyển sách gặp Lucifer khi y trải qua sự phán xử cuối cùng, và nhân vật đã rốt cuộc có thể biểu lộ tình thương vô điều kiện tới Lucifer. Đây là điều duy nhất đã thực sự khiến tâm của Lucifer xoay chuyển. Giờ đây, lẽ tất nhiên, con nhận ra – thày tin như vậy – là các thày đã dùng tên Lucifer trong quyển sách vì đây là tên mà đa số con người đã gán ghép cho các thiên thần sa ngã và các sinh thể tăm tối. Điều này không có nghĩa là, trong suốt chiều dài lịch sử của hành tinh này, không có nhiều sinh thể đã dùng tên Lucifer và đã bị đem ra phán xử ở những thời điểm khác với những gì được mô tả trong quyển sách. Một lần nữa, con đừng quá chú tâm vào những điểm vỏ ngoài đó. Con hãy nhìn quá những điểm vỏ ngoài và nhận ra là điểm quan trọng trong quyển Những kiếp sống của tôi là câu chuyện được kể và biểu tượng của nó. Con yêu dấu, nếu Lucifer xứng đáng được chấp nhận vô điều kiện, thì chắc hẳn tất cả các sinh thể mà con có thể gặp trong phần còn lại của kiếp sống này cũng xứng đáng như vậy.

5.12. Đình chỉ phán xét

Một lần nữa, con có chịu đình chỉ phán xét với ngã vỏ ngoài của con và để cho thày phán xử ai xứng đáng được nhận một xung lực chấp nhận từ thày? Lẽ tất nhiên, muốn làm vậy thì con cần trước tiên trải nghiệm là thày chấp nhận con như con đang là, ngay cả các ngã vỏ ngoài mà con đang có, ngay cả với khuynh hướng phán xét mà con có thể đang có. Thày chấp nhận con như con đang là ngay bây giờ. Thày chấp nhận là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết, và điều này đã cho phép con tạo ra ý niệm bản sắc mà con đang có ngay lúc này. Thày không hề muốn trách mắng con, trừng phạt con, khiến con cảm thấy khổ tâm. Thày chỉ mong muốn cho con sự chấp nhận vô điều kiện rằng bất kể điều gì con đã làm trên trái đất, bất kể những gì con đã trải nghiệm trong các kiếp trước, thày chỉ có một mong muốn: giúp con được tự do khi con muốn được tự do. Đây là mong muốn duy nhất của Ki-tô. 

Sẽ có nhiều người không thể chấp nhận những gì thày vừa nói vì họ vẫn còn bị giam hãm trong tâm phán xét và ý nghĩ cho rằng khi con đã làm một chuyện gì rất xấu, tỷ dụ như giết hàng triệu người, thì con xứng đáng bị trừng phạt. Con yêu dấu, con không cần bị Thượng đế trừng phạt vì con đã tự trừng phạt chính mình. Để có thể giết hàng triệu người, con đã phải đặt mình vào trạng thái tâm thức tạo nơi con đau khổ cùng cực. Do đó, khi con còn ở trong trạng thái tâm thức đó, như sa nhân đã ở trong một thời gian rất, rất dài, thì con đã tự trừng phạt chính mình. Thượng đế có lý do gì trừng phạt thêm khi Thượng đế thấy là hành động đó được tạo ra bởi một cái ngã không thật?

Con lại nhận ra là: quyền tự quyết là quyền tự do lựa chọn vì con lúc nào cũng có thể vươn lên trên những gì con tạo ra trước đó. Con không bao giờ có thể lấy một chọn lựa ngăn cản con lấy những chọn lựa mới. Điều này sẽ đi ngược lại những gì nhiều người trong các con đã trải nghiệm. Con đã trải nghiệm lấy một chọn lựa ở khoảng đầu cuộc đời, và việc đó đã tạo ra hậu quả vẫn còn ảnh hưởng con mấy chục năm sau đó. Tuy nhiên, con yêu dấu, con vẫn có chọn lựa tách mình ra khỏi cái ngã xuyên qua đó con đã lấy những chọn lựa đầu.

Con yêu dấu, sau đây là một sự thực tuyệt đối: nếu con có thể hoàn toàn tách mình ra khỏi tâm thức đó, thì con thực sự có thể tháo gỡ các hậu quả vật lý. Nhiều người trong các con sẽ không có khả năng hoàn toàn khắc phục cái ngã trước, nhưng con sẽ có thể vươn mình lên cao hơn rất nhiều nên con sẽ nhìn hậu quả một cách khác. Do đó, con không bị chúng làm con đau khổ như lúc trước.

Con yêu dấu, như thày có nói, con có thấy chăng là sa nhân muốn con nghĩ là nếu con lấy một quyết định mà con không thích, thì nếu con thực sự có quyền tự quyết, và nếu quyền tự quyết đó cho con quyền hoàn toàn tự do hành động, thì con đáng lẽ không phải gánh chịu những hậu quả. Như thày có nói, con vẫn có quyền tự quyết dù con đã lấy rất, rất nhiều chọn lựa trong những kiếp trước và con đã tạo ra ý niệm bản ngã mà con hiện có. Con có thể nói: “Nhưng ý niệm bản ngã này có rất ít chọn lựa, bị giới hạn rất nhiều trong việc chọn lựa.” Và điều này đúng. Con đã tạo ra một cái ngã giới hạn, và nó có ít chọn lựa, vì con yêu dấu, cứ mỗi lần con tạo ra một cái ngã trong bốn thể phàm thì con giới hạn những chọn lựa mà con có thể thấy. Con nhìn xuyên qua phin lọc của cái ngã đó và nó loại bỏ đi những chọn lựa khác.

Nhưng bất kể cái ngã mà con tạo ra có phức tạp đến đâu, thì con vẫn có thể khởi sự tiến trình thức tỉnh, bắt đầu thức tỉnh khỏi sự đồng hóa với các ngã đó, và do đó, để cho chúng chết đi từng ngã một – loại bỏ các phàm linh nội tại đó.  Chọn lựa đó con lúc nào cũng có và khổng thể nào đánh mất. Những người trong các con đã chấp nhận trải qua tiến trình đó, như một số các con đã làm, thì biết là tự do của con đã tăng trưởng và con hiện nay nhìn đời một cách khác hơn cách con nhìn đời vài năm trước đây.

Thày khuyến khích con xem xét mình phản ứng ra sao với bài giảng này. Nếu con vẫn nghĩ là con vẫn chưa hoàn toàn nắm được nó, con chưa thể hoàn toàn chấp nhận nó, nếu con vẫn cảm thấy nỗi đau bị giới hạn và con không chắc điều thày nói chính thực là sự thực, thì con nên tìm hỏi những người đã đi xa hơn con trên tiến trình này. Con hãy nói chuyện với các vị đó, lắng nghe họ, xin họ giải thích những thấu hiểu nào đã giúp họ. Lúc đó, có thể con sẽ thấy là họ đã cho con cảm hứng để tiến bước kế tiếp trên con đường tu, giúp con tới điểm con được tự do. Con đã làm hòa với việc mình ở trên trái đất, nhưng đầu tiên hết, hơn tất cả mọi thứ, con có thể tới điểm chấp nhận mình như con là ngay lúc này. Con sẽ không cảm thấy mình toàn hảo hay mình không cần tăng trưởng nữa, nhưng con có thể chấp nhận mình vì con đã trải nghiệm là thày chấp nhận con.

Một lần nữa, con yêu dấu, thày xin con đình chỉ sự phán xét chính mình, và ngưng phóng chiếu lên thày là thày đang phán xét con như con phán xét chính con – và vì con phán xét mình bất toàn, nên thày không thể nào chấp nhận con. Xin con để cho thày là quan tòa xét xử xem thày có chấp nhận con hay không? Do đó, con đặt mình trong trạng thái tâm nói rằng: “Ồ, tôi không phải là người phán xét xem Giê-su có sẽ chấp nhận tôi hay không. Giê-su sẽ là người phán xét, và do đó tôi phải hoàn toàn cởi mở đón nhận bất cứ điều gì Giê-su muốn cho tôi. Tôi không thể phán xét là Giê-su không thể nào chấp nhận tôi, vì như vậy tôi không cởi mở với thày, tôi không để thày là người xét xử.”

Con có thể làm việc trên vấn đề này, và tới điểm con đặt mình vào trạng thái tâm trung hòa. Nếu con có thể trung hòa thì con sẽ trải nghiệm là thày chấp nhận con. Tại sao vậy? Vì ngay lúc này thày đang đứng cạnh mỗi người chúng con, và thày đang đưa bàn tay ra và nói: “Con có vui lòng chấp nhận chăng là thày chấp nhận con hoàn toàn và vô điều kiện?” Thày cống hiến sự chấp nhận của thày, con yêu dấu. Nếu con không trải nghiệm được sự cống hiến của thày, thì lý do chỉ có thể là con bác bỏ nó, hoặc có ý thức hoặc vô thức. Món quà của thày đã được trao ra. Con có chấp nhận nó chăng? Vậy bây giờ, thày cảm ơn con đã chấp nhận, thày cảm ơn con đã lắng nghe bài giảng này và là dụng cụ để lan tỏa nó vào tâm thức tập thể.

3 | Khắc phục khía cạnh kiểm soát của ngã gốc

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 21 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su, hay như đôi khi ta nói, TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Tại sao đôi khi thày nói Giê-su và đôi khi thày nói Giê-su Ki-tô? Không có lý do nào cả, các con yêu dấu, ngoài chuyện thày cảm thấy muốn biểu lộ mình ra sao vào lúc đó.

Vì sao một số các con lại đặt chú tâm và tìm hiểu tại sao đôi khi thày làm điều này và đôi khi thày nói điều kia? Đó là, vì con đã bị cú sốc khi gặp gỡ sa nhân, con đã tạo ra một cái ngã trong thể bản sắc muốn cảm thấy nó có sự hiểu biết nào đó về thế giới và thế giới vận hành ra sao để nó có thể cảm thấy an toàn.

3.1. Bao nhiêu người đã biểu lộ quả vị Ki-tô?

Các con yêu dấu, câu hỏi mà thày muốn nêu ra với các con trong bài giảng này là như sau. Đã từ nhiều thập niên nay, các thày là chân sư thăng thiên đã trao truyền giáo lý qua trung gian một số vị sứ giả được bảo trợ và có khả năng nhận truyền đọc trực tiếp từ các thày. Ngay từ lúc khởi đầu của đợt truyền giáo của Lời Hằng sống này, các thày đã trao truyền giáo lý là thày không phải là một thần tượng và là một ngoại lệ như đạo Cơ đốc chính mạch đã mô tả thày. Trái lại, thày đáng lẽ phải là tấm gương cho thấy tiềm năng mà tất cả mọi người đều có. Giờ đây, nếu con nhìn trở lại suốt mấy chục năm trao truyền giáo lý, thì con thấy là các thày đã thu hút trong khoảng thời gian đó nhiều triệu người đã (ít nhất ở một trình độ nào đó) học hỏi giáo lý của các thày. Khi con nhìn trở lại sự kiện này, thì câu hỏi đặt ra là: “Có bao nhiêu người đã có thể dùng giáo lý mà các thày trao truyền để thể hiện và biểu lộ một phần quả vị Ki-tô? Bao nhiêu người đã có thể khắc phục lập trình chối bỏ mình có tiềm năng trở thành Ki-tô và thực sự bắt đầu thực hiện tiềm năng là Ki-tô?” Đây là câu hỏi mà thày muốn các con suy ngẫm, thậm chí thảo luận trong hội nghị này, và dĩ nhiên, sau đó nữa.

Đây không phải là một câu hỏi chung chung vì sao đã không có nhiều người hơn làm việc này. Lẽ dĩ nhiên, như các con ở đây cũng biết, mục đích là xem xét chính mình. Câu hỏi cũng là: “Vì sao tôi chưa thể hiện một trình độ quả vị Ki-tô cao hơn?” Giờ đây, con yêu dấu, thày muốn các con biết, vì một số các con chưa hoàn toàn chú ý việc này, là các thày đã (quả thực là ngay từ lúc khởi đầu nhưng đặc biệt là trong những năm gần đây) tìm cách giúp các con xoay chuyển tâm thức của mình.

3.2. Tự do khỏi tâm phán xét

Con thấy chăng, con yêu dấu, là sa nhân đã từ muôn thuở, nhưng đặc biệt là qua các giáo hội Cơ đốc chính mạch, tạo ra quan niệm tội lỗi. Con không toàn hảo vì lý do mơ hồ nào đó, và Thượng đế là một đấng giận dữ trên trời sẽ phán xử con và hoặc sẽ đày con xuống đia ngục hoặc đưa con lên thiên đàng. Họ còn tìm cách phóng chiếu là thày, trong tư cách Ki-tô Hằng sống hay Ki-tô Hành tinh, đang phán xét các con và sẽ hoặc giơ ngón cái lên để cho con vào thiên đàng hay hạ ngón cái xuống để đày con xuống đia ngục. Các thày đã tìm cách giúp con thấy là đây không phải là sự thật.

Trong hai năm vừa qua, đặc biệt là các vị Chân sư Nữ và chính yếu là Mẹ Mary, đã tìm cách giúp con thấy là các thày hoàn toàn không phán xét con, và điều chắc chắn là các thày không phán xét con như sa nhân phán xét con và như sa nhân đã khiến con phán xét chính mình. Thày muốn con rất rất rất rõ trong tâm là thày không muốn trao truyền giáo lý này và nêu câu hỏi kia ra vì thày muốn con phán xét chính mình và cảm thấy hổ thẹn vì con đã không biểu hiện một trạng thái cao hơn của quả vị Ki-tô. Mục đích của Ki-tô Hằng sống là gì? Mục đích của thày, như Ki-tô Thăng thiên, là gì? Mục đích của tất cả các chân sư thăng thiên là gì? Con yêu dấu, các thày chỉ có một mục đích duy nhất. Thày xin các con hãy ghi chặt trong tâm là các chân sư thăng thiên chỉ có một mục đích duy nhất. Đó là giải thoát con. Tâm con sẽ nói ngay tức khắc: “Giải thoát khỏi cái gì? Các chân sư thăng thiên muốn giải thoát con khỏi cái gì?” Các thày muốn giải thoát con khỏi cái tâm đang đặt ra câu hỏi đó vì chính cái tâm đó đang khiến con bị mắc kẹt.

3.3. Làm cách nào truyền ra giáo lý

Con yêu dấu, con hiểu chăng là các thày trên cõi thăng thiên luôn luôn giám sát hiện trạng hành tinh? Các thày có tầm nhìn rất dài hạn, và trong một thời gian rất dài, các thày bị giới hạn trong những gì các thày có thể làm, giáo lý nào có thể truyền ra. Con có hiểu chăng là nếu con nhìn lại giáo lý mà các thày đã trao truyền từ gần một thế kỷ vừa qua, thì con có thể tự hỏi: “Tại sao các giáo lý này không được trao truyền sớm hơn?” Ấy, chính thực là các giáo lý đó đã được trao truyền sớm hơn, nhưng trong một khung cảnh riêng tư, thường là bí mật.

Lúc trước không có cách nào trao truyền các giáo lý đó một cách công cộng. Nguyên do một phần là vì sa nhân đã thành công trong việc hủ hóa Cơ đốc giáo và biến Cơ đốc giáo thành dụng cụ chính yếu để thực sự che giấu giáo lý chân thực của Ki-tô, và giáo lý đó có mục đích giải thoát con người. Suốt nhiều thế kỷ, ở Châu Âu và các nơi khác, không thể nào giảng công cộng các giáo lý mà các thày đang trao truyền. Lẽ dĩ nhiên, cũng có thêm khía cạnh hoàn toàn thực tiễn, thực dụng là làm sao phân phối giáo lý.

Các con có lẽ cũng biết là trong thập niên 1930 các thày có bảo trợ một tổ chức tên là Phong trào TA LÀ (I AM Movement). Khi con nhớ lại thời đại đó, là một điều mà những người trong các con đã lớn lên trong thời đại mạng Internet khó lòng mường tượng, thì con thấy là phương tiện truyền thông chính yếu của thời đó là hệ thống bưu điện. Sa nhân đã làm được chuyện gì? Họ đã khiến chính phủ liên bang Hoa Kỳ ngăn chặn không cho Phong trào TA LÀ, ít nhất là trong một thời gian, sử dụng hệ thống bưu điện. Con thấy là chỉ sau khi mạng Internet ra đời thì các thày mới có cơ hội tốt hơn để trao truyền giáo lý và đem giáo lý tới một cử tọa rộng lớn hơn.

3.4. Điều gì ngăn chặn quả vị Ki-tô

Lẽ dĩ nhiên, các thày cũng luôn luôn giám sát tâm thức tập thể và sự tăng triển của tâm thức tập thể. Trong hầu hết mọi thời đại đều có một số người, một số ít cá nhân, đã mở tâm đón nhận giáo lý dạy cách giải thoát chính mình. Nhưng chỉ trong một hoặc hai thập niên cuối tâm thức tập thể mới lên tới mức để các thày có thể trao truyền các giáo lý thật sự rất tiên tiến và tinh vi mà các thày đã trao truyền qua vị sứ giả này, khởi đầu bằng chủ đề tâm thức nhị nguyên, tư duy cuồng đại cho đến các giáo lý cuối liên quan đến chấn thương nhập đời.

Giờ đây con yêu dấu, thày Quân Âm đã cho các con nhiều chìa khóa quan trọng trong bài truyền đọc, mà thày khuyên các con nên nghiên cứu nhiều lần, nhưng thày sẽ xây dựng thêm trên nền móng mà Quan Âm đã thiết lập. Một lần nữa, câu hỏi: Có nhiều người đã được nhận giáo lý vỏ ngoài là Giê-su Ki-tô không phải là một ngoại lệ mà là một tấm gương mà mọi người có thể noi theo nếu họ chịu chuyên cần áp dụng giáo lý. Nhiều người trong số các người đó cũng đã được trao truyền một số dụng cụ tâm linh thực tiễn như: cầu thỉnh ánh sáng tím, các bài chú và các dụng cụ khác mà họ có thể sử dụng. Vì sao rất nhiều người đã không thể nhập và áp dụng giáo lý và dụng cụ tới điểm họ thể hiện được quả vị Ki-tô? Một lần nữa, thày không trách cứ ai, con yêu dấu. Thày không trách cứ, thầy cũng không nói là con đáng lẽ phải thể hiện một trình độ cao hơn của quả vị Ki-tô. Các thày chỉ muốn có một cuộc nói chuyện để xem xét một cách bình tĩnh và vô tư cơ cấu đang ngăn chặn con người thể hiện quả vị Ki-tô.

Lẽ dĩ nhiên, lý do vì sao các thày đã rất thận trọng và tuần tự trao truyền các giáo lý vì chúng đều liên quan tới điều mà các thày nay gọi là chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu. Nói cách khác, dù con là một cư dân nguyên thủy của trái đất hay con đã tới đây từ một thế giới khác, một hành tinh khác, có thể là một hành tinh tự nhiên, thì đề tài này cũng áp dụng cho con. Sự kiện đơn giản là (và các thày đã nói điều này nhiều lần nhưng thày lặp lại ở đây): khi con đầu thai lần đầu trên một hành tinh như trái đất (kể cả các con đã đầu thai ở đây nhiều lần rồi) và giáp mặt sa nhân lần đầu và trải nghiệm ý chí vô giới hạn sẵn sàng làm ác của họ, muốn hành hạ con và người khác, thì con bị một cú sốc, một chấn thương. Chuyện này đã xảy ra cho tất cả chúng ta đã từng đầu thai trên trái đất.

3.5. Chê trách mình vì đã phản ứng

Một lần nữa, không ai chê trách ai, không có lý do gì để cảm thấy tiếc nuối, nhưng một số các con, nhiều người trong các con, vẫn tự chê trách mình. Con yêu dấu, con vẫn nghĩ, như vị sứ giả này vẫn nghĩ cho tới khi ông nhận được giáo lý về ngã gốc vào tháng 12 vừa qua, là con đáng lẽ phải tìm ra được một cách nào đó để tới đây như một avatar mà không bị suy suyển bởi những gì xảy ra trên trái đất, con đáng lẽ phải tránh để tay mình lấm bùn.

Con yêu dấu, đây chỉ là một cái ngã cảm thấy như vậy, và thày cần con tới điểm thấy một cách có ý thức cái ngã đó, thấy nó là một cái ngã, thấy nó hiện diện trong thể bản sắc của con và lan cả xuống thể lý trí và thể tình cảm. Thày cần con bước lui lại và tách mình ra khỏi ngã đó, là cái ngã nghĩ con đáng lẽ phải hành xử khác hơn. Ngã đó cũng là cái ngã sẽ lấy giáo lý mà thày đang trao truyền và nói: “Tôi đáng lẽ phải thể hiện quả vị Ki-tô sớm hơn, và tại sao tôi đã không làm vậy?”

Ấy, con yêu dấu, vì sao con đã không thể hiện quả vị Ki-tô sớm hơn? Con đã không làm được vì con trước đây không có hiểu biết và các giáo lý để đối phó với ngã gốc. Điều duy nhất nào, điều tuyệt đối duy nhất nào, đã ngăn chặn người tầm đạo chân thành biểu lộ quả vị Ki-tô? Con hãy ghi nhận! Thày không nói tất cả mọi người vì khi con nhìn vào tập thể con người trên trái đất, thì họ có nhiều cái ngã khác nhau ở nhiều trình độ khác nhau. Thày muốn nói tới những người tầm đạo chân thành đã nghiên cứu giáo lý của các thày, đã áp dụng giáo lý, có khi suốt nhiều năm. Điều duy nhất nào đã ngăn cản con là Ki-tô Hằng sống đang hành động? Ấy, điều duy nhất đó là ngã gốc.

Quân Âm đã thuyết giảng đề tài này, và thày sẽ tiến thêm bước nữa. Khi con giáp mặt sa nhân lần đầu (hay ít nhất là khi con lần đầu nhận ra là họ có khả năng làm ác vô giới hạn, họ không có giới hạn hay lằn ranh nào ngăn cản họ làm hại người khác hay giới hạn hình thức tàn phá và đau khổ mà họ tạo ra) thì con bị một cú sốc. Cú sốc đó lớn đến độ con thực sự không thể sống với nó, con không thể xử lý nó.

3.6. Con đã tạo ngã gốc như thế nào

Tình trạng của con như sau: lúc đó con đang ở trong một thân thể vật lý, con không thể rút mình ra khỏi thân thể vật lý, con không thể giản dị bước lui lại và nói: “Ồ, tôi không muốn ở trên hành tinh này nữa, tôi cởi bỏ thân thể vật lý này và tôi trở về hành tinh nơi tôi ở trước kia.” Con không thể làm việc này được! Con ở đây, con ở trong thân thể vật lý, con nhận ra là có những sinh thể (các thày đã gọi họ là sa nhân, con có thể đã thấy họ như cái gì khác) sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để hại con và tiêu diệt con hay các người khác. Con không tránh xa họ được nhưng con không thể sống với ý nghĩ họ đang có mặt ở đây, với nỗi sợ họ sắp làm thêm điều gì đây.

Khi con quan sát tất cả các khổ đau mà sa nhân tạo ra, thì con bỗng nhiên giáp mặt một tình trạng khó xử. Con đang ở trên trái đất, con không thể rời trái đất và do đó con phải tìm ra một cách để sống ở đây trong khi vẫn biết rằng sa nhân cũng có mặt ở đây. Con làm sao giải quyết vấn đề này? Ấy, con giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra ngã gốc. Như thày Quan Âm có giảng, ngã gốc có nhu cầu tạo ra một quan niệm tổng quát về trái đất, về cách trái đất vận hành, vì sao Thượng đế lại để cho cái ác có mặt, tại sao cái ác lại có mặt trên trái đất. Con cũng nhận ra một khía cạnh của ngã gốc có mục đích chính yếu khiến con cảm thấy an toàn, giúp con cảm thấy thăng bằng khi sống trên trái đất này.

Điều thày muốn nói là: trước khi con gặp gỡ sa nhân, con cảm thấy tương đối an toàn. Con có một cảm nhận thăng bằng, một cảm nhận liên tục, một cảm giác tin tưởng nơi cuộc sống, tin tưởng vào tương lai. Khi con gặp gỡ sa nhân và thấy họ không có giới hạn nào cho ý muốn làm điều ác, thì con bỗng nhiên đánh mất đi điều mà ta có thể gọi là sự ngây thơ của tuổi thơ. Con mất đi cảm giác an toàn, an ninh, thăng bằng nội tại. Mục đích chính yếu của ngã gốc là tái lập nơi con một cảm giác an toàn, một cảm giác thăng bằng nào đó, và nó làm công việc này thế nào? Nó làm công việc này bằng nhiều cách. Nó tạo ra nhiều cái ngã, tùy theo nội dung tâm lý của riêng cá nhân con, tùy theo những gì con trải nghiệm, không những trong kiếp đầu thai đầu khi con gặp gỡ sa nhân và còn trong những kiếp sau đó. Nó là một cơ chế khá phức tạp, tuy nhiên điều thày muốn trao truyền là có một khía cạnh của ngã gốc muốn tạo cảm giác an toàn, thăng bằng, phần nào làm chủ cuộc sống và cuộc sống của con trên trái đất.

Con yêu dấu, một lần nữa các thày không chê trách con. Các thày không nói các điều này sai trái. Các thày không nói là đáng lẽ con không nên làm như vậy – tất cả chúng ta đều đã làm như vậy.  Con có thể làm gì khi bị cú sốc khi gặp gỡ nhũng sinh thể sẵn sàng làm bất cứ gì để tiêu diệt mình? Điều con nay có thể làm, và con đã có giáo lý để làm việc này, là con bắt đầu nhìn vào ngã gốc, khía cạnh của ngã gốc muốn an toàn, muốn kiểm soát.

3.7. Kiểm soát thế giới để cảm thấy an toàn

Ta có thể nói một cách thật thẳng thắn là khía cạnh này của ngã gốc muốn kiểm soát thế giới để nó cảm thấy được an toàn. Cơ cấu rất giản dị: nếu con cảm thấy mình làm chủ tình hình, thì con cảm thấy an toàn. Nếu con nhìn một cách thành thực, thì con thấy đây là động lực thúc đẩy rất nhiều sa nhân. Họ cảm thấy không an toàn một cách cơ bản, và vì họ không bao giờ trở về được với cái một (trừ phi họ quay đầu đi ngược lại, là điều mà họ không chịu làm) nên họ không thể khắc phục cảm giác không an toàn, và đó là lý do họ phải có kiểm soát tối hậu.

Vì sao Stalin lại sẵn sàng giết hại hàng triệu người? Vì y có nhu cầu kiểm soát đó. Điều này chỉ cho con thấy là y có một nỗi sợ hãi rất lớn, và do đó y có một trình độ tâm linh rất thấp. Nếu con cần giết người khác để cảm thấy được an toàn, thì dĩ nhiên con có một nỗi sợ khủng khiếp, và nỗi sợ này làm chủ đời con. Do đó, bất kể thế giới thấy con như thế nào, con là một sinh thể bất lực. Con bên ngoài có thể có nhiều quyền lực, nhưng trong nội tâm thì con bất lực. Stalin là một trong những sinh thể bất lực nhất mà con thấy trong lịch sử cận đại. Lẽ dĩ nhiên, Hitler cũng bất lực như vậy, và Mao Trạch Đông còn bất lực hơn cả hai người kia nữa.

Con thấy những điều này và do đó con cần nhận ra là con có khuynh hướng đó, và khuynh hướng đó dễ hiểu và không thể tránh, nhưng điều con có thể tránh là vác cái ngã đó theo mình cho đến hết kiếp sống này. Đó là lý do vì sao các thày đã trao truyền giáo lý này, để giúp con vứt bỏ gông cùm nặng chĩu của sự ghiền nghiện an toàn, của cái ngã muốn kiểm soát một cách bệnh hoạn mà con có trong thể bản sắc của con. Con có thể tới điểm nhìn vào nó, thấy nó, thấy nó như nó là, bước lui lại và nhận ra: “Đây không phải là tôi. Đây không phải là tôi”.

Giờ đây con yêu dấu, các thày là chân sư thăng thiên biết rất rõ là các thày phải giữ một cân bằng tế nhị khi hành xử. Để giải thoát các con, các thày cần làm hai chuyện. Thứ nhất, các thày cần giúp con thấy là con không tự do. Điều này có thể khiến con rất rất bức xúc. Con có biết vì sao con lại bức xúc? Ấy, con cảm thấy bức xúc vì cái ngã kiểm soát mà con đã tạo ra để có được cảm giác an toàn và thăng bằng, cần cảm thấy nó có một hiểu biết cơ bản về cách hành tinh này vận hành.

Lẽ dĩ nhiên, con bị mắc kẹt vì cái ngã đó. Chính cái ngã đó đã giam hãm con hơn bất cứ gì khác. Khi các thày bắt đầu phơi bày sự hiện diện của cái ngã đó, thì nó sẽ phản ứng ra sao? Nó sẽ coi việc phản bác lời giảng của các thày là chuyện sống còn của nó, để con không chấp nhận điều các thày nói, không coi điều các thày nói là quan trọng, không đem ra áp dụng điều các thày nói. Con có thể nhìn vào chính mình, và một thử nghiệm rất tốt là con lấy quyển Các cuộc đời của tôi và xem xét con phản ứng ra sao với quyển sách đó. Quyển sách càng khiến con bức xúc bao nhiêu, thì càng chứng tỏ là con có cái ngã đã quen cảm thấy, có thể qua nhiều kiếp sống, là nó phần nào nắm được cách thế giới vận hành. Nó làm chủ được tình hình, nó đã tìm ra một hệ thống ấn định rằng nếu con làm một số việc và không làm một số việc khác, thì con sẽ được an toàn.  

3.8. Khắc phục cái ngã muốn kiểm soát một cách bệnh hoạn

Giờ đây con yêu dấu, ta có thể coi là cái ngã đó có phần đúng. Điều kiện chính yếu nào khiến con không được an toàn trên trái đất? Đó là sa nhân. Vì sao họ lại tấn công con? Vì sao họ tìm cách tiêu diệt con? Đó là vì nỗi sợ cơ yếu nhất, lớn nhất của họ là có ai trở thành Ki-tô Hằng sống, có ai dám biểu hiện quả vị Ki-tô. Đó là nỗi sợ cơ yếu nhất của họ. Do đó, khi có ai tới hành tinh này hay đã nâng mình lên một trình độ nào đó của quả vị Ki-tô, thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt người đó và ngăn chặn không để người đó biểu hiện quả vị Ki-tô.

Chuyện gì xảy ra khi con giáp mặt sa nhân và trải nghiệm là họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong khả năng họ để tiêu diệt cá nhân con? Con bị một cú sốc, một chấn thương, và kết quả là con tạo ra một khía cạnh của ngã gốc muốn kiểm soát. Một lần nữa, điều này dễ hiểu. Con ở trong cõi vật lý, con trải nghiệm là có người muốn giết con, muốn tra tấn, chê bai, hạ nhục con, làm tất cả gì họ có thể làm để hủy hoại con. Con không thể ra khỏi thân xác này. Con có thể không có khả năng rời xa họ. Con có thể làm gì để có thể sống sót trong tư tưởng và cảm xúc không những trong kiếp sống này mà còn trong các kiếp sống tới? Ấy, cái ngã kiểm soát nhận ra rất nhanh là theo nhận thức của nó, cách duy nhất để cảm thấy an toàn trên trái đất là không là Ki-tô trên trái đất, không thách thức sa nhân. Nếu con không thách thức sa nhân bằng cách là Ki-tô, thì họ sẽ không đụng đến con, và nhận định này đúng. Nếu con không thách thức sa nhân, họ sẽ để con yên. Con nhận ra ở đây là cái ngã kiểm soát đã tạo được cảm nhận là nó sẽ được an toàn, an ninh nếu nó ở trong một số giới hạn và không làm gì để thách thức sa nhân.

Một số các con đã sống với cảm giác an ninh này trong nhiều, nhiều nhiều kiếp. Đúng thực là tất cả các con đều có ít nhiều cảm giác an ninh. Không phải tất cả các con đều có cảm giác này suốt nhiều kiếp vì một số các con đã phải chịu cảnh chiến tranh hay biến cố chấn thương khác trong một kiếp gần đây. Do đó con không có được cảm giác an ninh trong suốt một khoảng thời gian dài, nhưng một số khác đã có được cảm giác an ninh trong một thời gian rất dài. Chuyện gì xảy ra khi các thày trao truyền giáo lý về ngã gốc và quả vị Ki-tô? Điều xảy ra, như Quan Âm đã giảng, là con trải qua một giai đoạn sử dụng giáo lý của các chân sư thăng thiên để củng cố cảm tưởng của ngã kiểm soát là nó làm chủ tình hình trên trái đất.

Con cũng có thể lấy giáo lý mà các thày đã trao truyền và sử dụng nó để củng cố một thế giới quan nào đó. Một lần nữa, ta trở lại câu hỏi ở trên: vì sao các thày đã trao truyền các giáo lý này đã mấy thập niên mà có quá ít người đã có thể biểu lộ quả vị Ki-tô? Đó là vì đa số những người theo giáo lý chân sư thăng thiên đã không thách thức khía cạnh kiểm soát của ngã gốc, cái ngã kiểm soát. Họ không bao giờ thách thức nó. Một phần là vì họ không có giáo lý vì các thày đã phải tiến hành một cách tuần tự và dần dần xây dựng cơ sở giáo lý. Một lần nữa, thày không chê trách ai cả. Thày không có cảm nghĩ: “Ồ, họ đáng lẽ phải có khả năng làm chuyện này.” Thày chỉ đơn giản mô tả chuyện đã xảy ra để các con nào mở tâm đón nhận có thể hiểu và vươn lên cao hơn.

3.9. Trì hoãn biểu hiện quả vị Ki-tô

Con yêu dấu, con người đã làm gì với giáo lý chân sư thăng thiên? Họ đã tạo ý niệm là: “Đúng rồi, tôi thấy là Giê-su đã đầu thai để là một tấm gương và tôi thấy là tôi có tiềm năng biểu hiện quả vị Ki-tô.” Trong những đợt truyền giáo trước, các đệ tử chú tâm nhiều hơn đến việc hội đủ điều kiện để thăng thiên, giống như con thấy nhiều người trong các phòng trào Cơ đốc giáo chú tâm vào việc được cứu rỗi. Nói cách khác, các thày có giảng trước đây là giáo hội Công giáo đã từ khởi thủy quy định mục đích cuộc sống trên trái đất là chịu đau khổ, rằng con chỉ là một tội đồ, con không có tiềm năng là Ki-tô trên trái đất, điều con cần quan tâm là chuyện gì xảy sau kiếp sống trên trái đất để con có thể được cứu rỗi và lên thiên đàng. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã giản dị lấy giáo lý của các thày và xây dựng ý niệm là mục đích chính yếu của đệ tử chân sư thăng thiên là hội đủ điều kiện thăng thiên. Lẽ dĩ nhiên, chuyện này xảy ra ở cuối hay sau kiếp sống này.

Quan niệm này, một lần nữa, lại dùng giáo lý để trì hoãn việc là Ki-tô, trì hoãn việc trải qua một thay đổi quyết định. Con như nói rằng: “Ồ, tôi chỉ cần kêu gọi đủ ánh sáng tím trong phần còn lại của cuộc đời để quân bằng ít nhất 51 phần trăm nghiệp, và sau đó tôi sẽ thăng thiên sau kiếp sống này và tôi sẽ không phải là Ki-tô, tôi không phải thách thức sa nhân.” Một lần nữa, thày không chê trách ai mà chỉ muốn có một cuộc thảo luận thẳng thắn, trực tiếp, giản dị về chuyện gì xảy ra.

Lẽ dĩ nhiên, các thày đã bắt đầu trao truyền một số giáo lý xuyên qua vị sứ giả này, thực sự là ngay từ đầu, đã rất thách thức và đi xa hơn những gì được truyền giảng trong các đợt truyền giáo trước, như: tâm thức nhị nguyên, tư duy cuồng đại. Nếu con nhìn tiến trình trao truyền giáo lý qua vị sứ giả này, thì con thấy đã có một số giai đoạn trong đó các thày đã nâng giáo lý lên một tầng cao hơn. Một số các đệ tử đã từng tham gia các đợt truyền giáo trước đã không chịu được các giáo lý mới này. Họ đã làm gì? Ấy, họ đã phải dựng lên một loại kịch bản cho họ một cớ để rút lui, thậm chí nói vị sứ giả đã trở thành một sứ giả giả, đã không còn được các thày ủy quyền, hay một số điều khác.

Tất cả các chuyện này đều bắt nguồn từ sự kiện các giáo lý đó thách thức ý niệm an ninh của ngã kiểm soát của các người đó. Họ đã dùng các giáo lý trước để củng cố ý niệm họ làm chủ tình hình. Giờ đây thì các thày trao truyền giáo lý mới làm xáo trộn ý niệm làm chủ tình hình nơi một số người. Họ đã tới điểm, ít ra là trong tiềm thức, nhận ra là họ thực sự không thể chấp nhận giáo lý này và đồng thời bảo tồn ý niệm làm chủ tình hình của họ. Giáo lý đã thách thức một trong những ảo tưởng mà họ đã sử dụng để xây dựng ý niệm họ làm chủ tình hình.

Họ tới điểm bắt buộc phải chọn lựa: Con nóng hay lạnh? Con có sẽ theo Ki-tô Hằng sống hay không? Họ đã chọn không theo và họ cần tìm ra một bào chữa, và bào chữa tiện lợi là (giống như trong các đợt truyền giáo trước): “Ồ, vị sứ giả đã không còn được các thày ủy quyền, ông ấy hay bà ấy đang trao truyền giáo lý giả, các chân sư không còn bảo trợ tổ chức này nữa, các chân sư không bao giờ có thể nói những chuyện như vậy, các chân sư không bao giờ nói thẳng là không nên ăn đường.” Vân vân và vân vân. Các thày đã thấy những lời bào chữa này từ đệ tử chân sư thăng thiên trong nhiều thập niên nay. Một lần nữa, thày không chê trách ai, thày không có ý niệm chuyện gì đáng lẽ phải làm và đáng lẽ không được làm, nhưng các thày phải nói là với tầm nhìn từ cõi thăng thiên, các thày đã tới điểm thấy cái ngã nhân gian, cái ngã kiểm soát này, hành xử quá nhiều lần nên đã đến lúc các thày đơn giản nêu vấn đề một cách thẳng thắn và công khai để không ai có thể giải thích bẻ quẹo đi.

3.10. Mục đích kiếp sống này của con là gì?

Sự kiện đơn giản là: khi thày hiện thân trên trái đất trong một thân thể vật lý, thì thày đã nhiều lần thách thức con người. Một lần nữa, con nhận ra là thày chỉ có ba năm và thày phải thách thức con người: họ muốn theo thày và vươn lên cao hơn, hay họ ở lại nơi họ cảm thấy an ninh, an toàn. Một lần nữa, thày phải làm công việc này ở đây. Một lần nữa, thày sẽ không chê trách ai, thày sẽ không nói con phải làm gì và không được làm gì. Ở đây, con cần nhận ra, con cần quyết định là mục đích của con trong kiếp sống này là gì. Con có thể quyết định là con thoải mái ở trình độ làm đệ tử chân sư thăng thiên và hiểu biết giáo lý. Con có thể tiếp tục thực hành giáo lý ở tầng đó, nhưng con cần tự hỏi phải chăng mục đích mà con muốn hoàn thành, điều mà các thày đã gọi vào đầu mùa hạ, là tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng của con? “Mục đích của tôi có phải chăng là biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng cao hơn những gì tôi đã làm được cho tới nay?” Nếu đây là mục đích của con, và một lần nữa thày không chê trách con, thày còn không nói là nếu đây không phải là mục đích của con, thì con nên rút lui khỏi giáo lý. Con vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu giáo lý bằng bất cứ cách nào con muốn. 

Điều mà thày cần trải bày trước mắt con là: con không thể là Ki-tô Hằng sống đồng thời duy trì cảm giác được an ninh và làm chủ tình hình. Chuyện này không thể làm được, con không thể thờ hai chúa, con không thể thờ Thượng đế và thế gian. Thế gian ở đây là biểu tượng của khía cạnh của ngã gốc luôn luôn muốn làm chủ tình hình để cảm thấy an toàn.

Con có câu ngạn ngữ trong ngôn ngữ Hoa Kỳ: “An toàn hơn ân hận,” nhưng câu này do sa nhân đề ra vì Ki-tô vừa không an toàn vừa không ân hận. Đó là một trạng thái tâm thức mà con chỉ đạt được khi con nhìn vào khía cạnh kiểm soát của ngã gốc, sẵn sàng nhìn nó, tách mình ra khỏi nó và để cho nó chết đi, như các thày đã giảng và cho con dụng cụ để làm. Một lần nữa, các thày không định ra một mục đích mà các con không thể đạt được vì các thày đã rất thận trọng, đã đi từng bước trong việc trao truyền giáo lý và dụng cụ, để con có thể thành công.  

3.11. Con người đã làm gì để được cảm thấy an toàn

Con yêu dấu, nếu con nhìn ngược dòng lịch sử, thì con thấy có một số người đã rất thiện xảo trong việc kiểm soát ngoại cảnh của họ để được cảm thấy an toàn, đến độ họ đã tạo ra động lượng tự cô lập và cách ly khỏi thế giới. Tỷ dụ, con có thể thấy là thời Trung cổ, có nhiều vị vua, hoàng hậu và giới quý tộc đã thành công trong việc đạt được địa vị cao và sống một cuộc đời thoải mái, đặc quyền. Họ đã xây các bức tường dày và có đạo quân bao bọc chung quanh họ và họ đã sống trong tháp ngà và cảm thấy an toàn vì họ đã tự cô lập và cách ly khỏi những gì xảy ra trên thế giới. Họ không thực sự thấy sự thống khổ của thần dân họ, những người đang gìn giữ nếp sống của họ, giúp họ được cảm thấy an toàn.

Con thấy có những người đã dùng giáo lý tâm linh để xây dựng một tu viện hay một loại tịnh thất tâm linh nơi họ sống, một lần nữa, cô lập và cách ly khỏi thế gian. Một số các con đã làm điều này trong các kiếp trước. Đây có thể là một hành động xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nếu đó là cái ngã kiểm soát của con mong muốn được cảm thấy an toàn, thì nó không còn giúp con tăng triển nữa.

Thày muốn con ngẫm nghĩ chuyện sau đây. Nếu con đọc Phúc âm Tô-ma (Gospel of Thomas) thì con thấy trong đó có nói là con sẽ tới điểm con có được một số hiểu biết và sau đó con sẽ bị xáo trộn, nhưng khi con vượt qua sự xáo trộn thì con sẽ cai quản tất cả, nghĩa là chính tâm mình. Con sẽ là một vị điều ngự, con sẽ có tự điều ngự.

Điều thày đang cho con là hiểu biết con có một khía cạnh của ngã gốc muốn làm chủ tình hình. Khi thày trao cho con hiểu biết này, thì con sẽ bị xáo trộn, vì ngã đó sẽ phản ứng như là mạng sống của nó bị đe dọa – và mạng sống của nó quả thực bị đe dọa. Khi con thấy là con không cần ngã đó nữa, thì con có thể để nó chết đi, và nó sẽ chết đi. Nó không muốn chết, do đó nó sẵn sàng giữ con bị mắc kẹt trong cảm nhận bất an toàn để duy trì sự hiện hữu của nó. Con sẽ bị xáo trộn, nhưng khi con dùng các giáo lý và dụng cụ tâm linh để giải thoát mình khỏi khía cạnh đó của ngã gốc và để nó chết đi, thì con sẽ được bình an. Lúc đó, con sẽ cảm thấy tự do, và con sẽ có một cảm giác tự do mới mà hiện nay con không thể tượng tượng nổi.

3.12. Con an toàn như một sinh thể vô hình tướng

Làm sao con tới được điểm đó? Ấy, các thày đã trao cho các con biết bao nhiêu giáo lý về cái Ta Biết. Tầm quan trọng của giáo lý đó là: con thực sự đầu thai ở đây như một sinh thể vô hình tướng đã đi xuống thế giới hình tướng. Các thày có nói là để phát biểu trong thế giới hình tướng, con cần tạo ra một số cấu trúc trong bốn thể phàm nhưng con không là các tạo vật này. Điều đã xảy ra khi con bị chấn thương nhập đời là con đã tạo ra ngã gốc và con bắt đầu nghĩ con là ngã gốc, hay ít ra là con phải là nó để được an toàn trên trái đất. Nếu con thực sự dùng các giáo lý về cái Ta Biết, thì con có thể nhận ra con vẫn là một sinh thể vô hình tướng, và với tư cách một sinh thể vô hình tướng, con không thể bị tổn thương bởi bất cứ điều gì xảy ra trên trái đất. Con có thấy chăng điều thày đang cống hiến con? Thày đang bày ra trước mặt con sự sống và cái chết. Thày đang bày ra trước mặt con hai chọn lựa. Một bên là tâm thức chết, do cái ngã kiểm soát đại diện, nó nghĩ con chỉ có thể an toàn khi con làm chủ thế gian. Nó thực sự nghĩ là cách duy nhất để được an toàn (tối hậu) trong thế giới này là kiểm soát toàn bộ thế giới. Đó là cái chết, vì lẽ dĩ nhiên, con sẽ không bao giờ kiểm soát được thế giới hoàn toàn. Không một cá nhân nào sẽ có thể làm được điều này.

Chọn lựa kia là sự sống. Đó là con nhận ra là con không cần kiểm soát thế giới để được an toàn. Con cần nối kết trở lại. Con cần thức tỉnh trở lại. Con cần biết một cách ý thức con là một sinh thể vô hình tướng. Lúc đó, con nhận ra là con được an toàn trong thế giới này ngay khi thế giới ở trong trạng thái hiện nay. Con có thể an toàn mà không cần kiểm soát thế giới, và con yêu dấu, chỉ khi nào con cảm thấy an toàn mà không cần kiểm soát thế giới thì con mới có thể bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô. Chỉ lúc đó thì con mới dám thách thức sa nhân. 

Con yếu dấu, thày không muốn chỉ trích bất cứ cá nhân nào, nhưng con thấy là trong quá khứ có những người đã quá quan tâm bị sa nhân tấn công hay tiêu diệt, nên họ lúc nào cũng muốn tự bảo vệ họ khỏi nguy cơ đó. Làm sao con có thể sống như vậy lâu dài? Lúc nào cũng lo bảo vệ mình là một căng thẳng quá lớn, và trong thời đại này, hy vọng là con sẽ không bị sa nhân giết hay tra tấn, vì con người đã vượt qua giai đoạn này. Ta có thể nói là ngày nay, con có thể biểu lộ quả vị Ki-tô an toàn hơn trong quá khứ. Tuy nhiên, con vẫn cần tới được điểm khắc phục nỗi sợ sa nhân. Họ không điều khiển cuộc đời con, họ không là khung tham chiếu của con. Các chân sư thăng thiên, Hiện diện TA LÀ của con, thế giới vô hình tướng là khung tham chiếu của con. Đó là lúc con cảm thấy an toàn khi biểu hiện quả vị Ki-tô.

Làm sao con có thể thở thành Ki-tô hành động? Ấy, con không thể là Ki-tô hành động khi con còn cái ngã kiểm soát trong thể bản sắc, nó cảm thấy biểu lộ quả vị Ki-tô sẽ khiến con mất an toàn và nó sợ chuyện gì có thể xảy ra nếu con biểu hiện quả vị Ki-tô.

3.13. Khắc phục nhu cầu an toàn

Con yêu dấu, con cần tìm ra cách khắc phục ý muốn kiểm soát thế giới để thỏa mãn nhu cầu an toàn. Đây là điều mà thày đã giúp con nhận thức. Như thày đã nói, các thày đã trao truyền cho các con giáo lý về ngã gốc, và cách khắc phục nó. Nếu con sử dụng giáo lý đó, nếu con sẵn sàng buông bỏ ngã gốc, nếu con sẵn sàng bị xáo trộn tạm thời cho tới khi con áp dụng giáo lý, thì con sẽ tới điểm con được giải thoát.

Như các thày có nói trước đây, một cái ngã nội tại lúc nào cũng được tạo ra để giải quyết một vấn đề nào đó trên trái đất. Nó được thiết kế với một lập trình và một cấu trúc để giải quyết vấn đề đó. Ngã đó sẽ tiếp tục phóng chiếu tới con là vấn đề có thật, vấn đề đó hiện hữu, vấn đề đang ảnh hưởng con và con phải làm điều gì đó để giải quyết vấn đề. Cái ngã kiểm soát đó sẽ phóng chiếu tới con là: “Cái ác có thật, có một nguy cơ thật, con có thể bị hành hạ, con cần cảm thấy an toàn, con cần phải làm điều gì đó để cảm thấy an toàn.” Con yêu dấu, có điểm (mà ngay Thánh kinh cũng đã đề cập) mà thày nói với người muốn chôn cất thân sinh: “Điều đó đâu có ý nghĩa gì với con, con hãy theo ta, và để người chết chôn cất người chết.” 

Con có sẵn sàng cùng thày đi lên một tầng tâm thức cao hơn chăng? Nếu có, thì con hãy nắm lấy bàn tay mà thày chìa ra và để thày dẫn con đi cho tới lúc con đã neo mình thật chặt vào Ki-tô nên có thể nhìn ngã kiểm soát và nói: “Tôi không còn cần bạn nữa vì nay tôi đã nắm tay Giê-su Ki-tô thăng thiên, và đó là sự an toàn của tôi. Trong Ki-tô tôi được an toàn, tôi được cứu rỗi, tôi được nối kết với cái Một, tôi biết tôi là một sinh thể vô hình tướng và do đó không thể bị tiêu hủy hay đe dọa bởi bất cứ điều gì trong thế gian này. Tôi về nương tựa nơi Ki-tô, không nơi cái ngã vỏ ngoài muốn kiểm soát thế giới.”

Con yêu dấu, con muốn gì, cái chết hay sự sống? Đây không phải là một chọn lựa được-hết-hay-mất-hết, như thày đã nói. Thày nhận ra là một số người chưa sẵn sàng đón nhận giáo lý này. Con có thể cần thời gian trước khi cảm thấy sẵn sàng. Nếu như vậy thì con hãy tiếp tục học hỏi giáo lý và áp dụng giáo lý trong phạm vi khả thi. Nhưng một số các con đã sẵn sàng để bước lên một tầng cao hơn.

Con không thể, con không thể biểu lộ quả vị Ki-tô, con không thể sánh vai đi cùng thày, con không thể nắm tay thày khi con chưa bắt đầu tách mình ra khỏi ngã gốc, cái ngã kiểm soát nhất định cần cảm thấy nó làm chủ thế gian. Do đó, nó không thể bỏ lại lưới đánh cá để cùng đi với Ki-tô Hằng sống, bỏ lại tất cả đằng sau. Con không cần bỏ lại tất cả đằng sau theo nghĩa vỏ ngoài, nhưng con cần bỏ ngã đó lại đằng sau. Đó là điều duy nhất ngăn trở con biểu lộ quả vị Ki-tô.

3.14. Các chân sư phải giữ cân bằng tế nhị

Con yêu dấu, các thày luôn luôn phải giữ một cân bằng tế nhị. Con có thể tiếp nhận được tới đâu? Điều gì con không thể chấp nhận? Con sẵn sàng nhận điều gì? Con không sẵn sàng nhận điều gì? Khi thày hiện thân trên trái đất, có nhiều lần thày đã thách thức con người một cách rất trực tiếp. Các thày đã kể câu chuyện là thày đi tới trước mặt một số đệ tử và nói: “Hãy buông lưới đánh cá và theo ta.” Sau đó, thày quay lưng lại và bước đi, và nếu họ không đi theo thày thì họ đã lỡ cơ hội. Đây không phải là cách các thày ứng xử bây giờ với các giáo lý này. Các thày nhận ra là các con có thể cần thì giờ để thể nhập giáo lý, để hoàn toàn đón nhận một số giáo lý. Các thày không muốn tạo ra hình ảnh là tất cả các con đều phải sẵn sàng biểu lộ quả vị Ki-tô ngay hôm nay. Các thày nhận ra là một số các con cần phải qua một số bước.

Thày hy vọng là các con cũng nhận ra là các con cũng cần giữ một cân bằng tế nhị. Con phải nhận ra là con theo các giáo lý này vì con muốn tăng triển trên con đường tâm linh, nhưng có một khía cạnh của ngã vỏ ngoài, là ngã gốc, không muốn con tăng triển. Đúng, có những lúc con có thể nói: “Con chưa sẵn sàng nhận giáo lý này, con cần thêm thì giờ, con cần qua một số bước trước khi con hoàn toàn đón nhận nó.” Con cũng sẽ tới điểm con cần nói: “Có phải chăng là cái ngã kiểm soát của tôi muốn tôi nghĩ là tôi chưa sẵn sàng? Thực sự thì tôi đã sẵn sàng, vậy câu hỏi là: ‘Tôi có chịu làm hay không?’” Có lúc con cần đốc thúc mình, có lúc con cần bước lui lại, nhìn vào gương và nói: “Tôi đang ở đâu trên con đường tâm linh? Phải chăng là tôi đã để cái ngã kiểm soát cho tôi cảm giác là tôi sẽ thoải mái nếu tôi ở lại tầng này và không đi xa hơn nữa? Phải chăng tôi đã sẵn sàng tiến một bước quyết định, bỏ lại đằng sau một cái gì đó, và hoàn toàn đón nhận một ngày mới? Phải chăng tôi đã sẵn sàng trực tiếp giáp mặt các chân sư thăng thiên?” Một số các con vẫn có thể cần theo một giáo lý vỏ ngoài, nhưng cũng có một số đã sẵn sàng để nói: “Tôi có nên mãi mãi thụ động ngồi đây và lắng nghe một vị sứ giả có khả năng nối kết với các chân sư thăng thiên, hay tôi đã sẵn sàng có một nối kết trực tiếp hơn với các chân sư thăng thiên?”

Một giáo lý lúc nào cũng được trao truyền ở nhiều tầng khác nhau. Ta có thể nói là lúc nào cái ngã kiểm soát của con cũng có một cớ để không áp dụng giáo lý. Con là người quyết định, con có trách nhiệm lượng định: “Lúc nào thì tôi chưa sẵn sàng và lúc nào thì đây chỉ là một cái cớ mà ngã kiểm soát dùng để nói tôi chưa sẵn sàng.”

Đến đây thì thày đã trao truyền những gì thày muốn trao truyền lúc này. Thày cảm ơn các con đã chú ý nghe, đã sẵn sàng chịu đựng một bài giảng, lẽ dĩ nhiên, sẽ gây xáo trộn. Con yêu dấu, con có thật sự chờ đợi là con tới một hội nghị với chủ đề “Là Ki-tô Hằng sống” mà không bị xáo trộn chăng? Bởi vì nếu con chờ đợi như vậy, thì con nên nhìn vào cái ngã đó và nói: “Ồ, bây giờ thì tôi thấy bạn rồi. Tôi không phải là bạn.”

Đây có thể là bước khởi đầu để con tách mình ra khỏi cái ngã đó, và nhận ra là cái ngã đó, lẽ dĩ nhiên, có một chờ đợi không thực tế về ý nghĩa của quả vị Ki-tô. Nó nghĩ con có thể là Ki-tô mà không cần thách thức sa nhân, hay đúng hơn là không cần thách thức ý niệm làm chủ tình hình của ngã kiểm soát. Con yêu dấu, chuyện này không thể xảy ra. Thày đã nói như vậy trước đây. Thày sẽ nói lại một lần nữa, vì thày cần nói cho tới khi con chợt hiểu ra: “Con không thể thờ hai chủ.” “Từ nay về sau, con muốn thờ chủ nào?”

1 | Các ngã theo sau ngã gốc

Chân sư Thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels, ngày 20 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Phật Quan Âm, thày được nhiều người trong khu vực này của thế giới biết đến như vị Bồ tát của Từ bi, tuy nhiên thày hơn rất nhiều những gì các con người nghĩ về thày trong khu vực này của thế giới. Lẽ tự nhiên, thày nhìn nhận và hân hoan thấy sự sùng kính mà nhiều người bày tỏ với thày và lòng thương yêu mà họ trút vào các câu niệm chú tuyệt vời, giống như chính các con đã làm trong giờ đồng hồ vừa qua. Các con đã thực sự đạt được thành quả lớn trong việc yên lắng thể tình cảm của trái đất. 

1.1. Vũng nước xoáy của sự sợ hãi

Các trái tim yêu dấu của thày, sa nhân đã làm gì trên thể tình cảm của trái đất? Họ đã làm nhiều chuyện, nhưng điểm cơ yếu mà thày muốn các con chú ý là họ đã gài vào một vũng nước xoáy, vũng xoáy sợ hãi. Vũng xoáy này mạnh lạ thường. Nếu con nhìn vào nhân loại ở khắp nơi trên thế giới, thì con thấy là rất, rất nhiều người sống suốt đời với cảm thể của họ bị buộc chặt, bị điều khiển, và đôi khi bị choáng ngợp bởi vũng xoáy sợ hãi trong cảm thể của hành tinh hay trong tâm thức tập thể.

Rất, rất nhiều người đã sống với nỗi sợ hãi đó, có khi trong nhiều kiếp sống, nên trong kiếp này họ không thể cảm nhận điều gì mà không bị choáng ngợp bởi nỗi sợ trong cảm thể. Con yêu dấu, con không thể trở thành, con không thể , Ki-tô hành động khi con còn sự sợ hãi trong cảm thể. Con chắc chắn không thể là Ki-tô hành động khi nỗi sợ đó dính liền với vũng nước xoáy sợ hãi của hành tinh. Lẽ đương nhiên con không thể là Phật nếu con còn sợ hãi, nhưng một số các con chưa thực sự nhận ra là con không thể là Ki-tô nếu con còn sự sợ hãi trong cảm thể.

Do đó, thày giảng bài này không những cho các con hiện diện ở đây mà cho toàn thể đệ tử khắp nơi trên thế giới. Thày nói với tất cả những ai tự nhận mình là đệ tử chân sư thăng thiên, cho dù họ có công nhận vị sứ giả này hay không, thày nói với tất cả những người tâm linh, những người mở tâm đón nhận khía cạnh tâm linh của sự sống, và thày nói vào tâm thức tập thể: “Con không thể là Ki-tô nếu cảm thể của con bị buộc vào động lượng sợ hãi của hành tinh này.”

Con yêu dấu, vì sao cảm thể của con lại bị buộc vào động lượng sợ hãi của hành tinh? Ấy, điều này liên quan đến giáo lý mà các thày đã trao truyền về chấn thương nhập đời. Một số các con (không phải tất cả, nhưng một số) khi đầu thai lần đầu trên trái đất, khi phải gánh chịu biến cố chấn thương do sa nhân gây ra, thì con bị cú sốc quá mạnh nên đã bị một vết nứt trong cảm thể của mình. Các đợt sóng năng lượng đầy rung động sợ hãi, bất hài hòa và hỗn loạn đã qua vết nứt này tràn vào cảm thể của con.

Lẽ đương nhiên, các thày đã trao truyền giáo lý qua quyển sách Các cuộc đời của tôi, là nhiều người trong các con là avatar. Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả các con đều là avatar. Một số các con là cư dân nguyên thủy của trái đất. Sau khi sa nhân tới đầu thai ở đây, thì các con cũng phải gánh chịu một hình thức chấn thương đã khiến con bị một cú sốc lớn đến độ con đã mở cửa cảm thể của mình cho năng lượng sợ hãi này tràn vào.

1.2. Giữ con buộc chặt vào sợ hãi

Sa nhân đã rất khôn ngoan, hung hãn và kiên trì trong việc giữ sợi dây buộc cảm thể của con vào động lượng sợ hãi của hành tinh. Con yêu dấu, sợ hãi là một cảm xúc. Sợ hãi hiện diện, ít ra là ở mức cơ bản, trong thể tình cảm. Nó là một năng lượng, một rung động, một động lượng. Nó xô dạt, nó di động, thường khi một cách bất hài hòa và hỗn loạn. Một khi con bị chìm trong đó và bị nó choáng ngợp, thì con có thể làm gì? Ấy, như nhiều người trong các con đã biết, khi mình bị chìm trong nó thì mình không dễ thoát ra khỏi nó. Vì khi con thực sự ở trong rung động sợ hãi, thì cảm thể của con ở trong tình trạng hỗn loạn đến độ thể lý trí của con không thể thủ vai trò chính đáng ngự trị thể tình cảm. Các thày đã trao truyền giáo lý là năng lượng tuôn chảy từ Hiện diện TA LÀ xuống thể bản sắc, qua thể lý trí, thể tình cảm và xuống thể vật lý của con.

Các thày cũng đã trao truyền giáo lý, trong quyển sách mới, là trên trái đất con có thể phải gánh chịu một chấn thương mạnh đến độ dòng năng lượng chảy ngược lại, tức là khi con bị đau đớn thể xác quá mạnh, thì năng lượng chảy ngược lên thể tình cảm, thể lý trí và thể bản sắc, ít ra là phần dưới của thể bản sắc. Một khi con gánh chịu chấn thương đó, thì con đánh mất dòng chảy năng lượng nguyên thủy, và con khó tái lập lại nó nếu con chưa khắc phục được chấn thương nhập đời nguyên thủy.

1.3. Những cư dân nguyên thủy của trái đất

Tuy các thày có trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời cho các avatar, nhưng giáo lý mà thày trao truyền ở đây cũng áp dụng cho các cư dân nguyên thủy của trái đất vì các con cũng đã phải gánh chịu một chấn thương. Nó không phải là chấn thương nhập đời theo nghĩa chấn thương xảy ra trong kiếp đầu thai đầu của các con trên trái đất. Nó xảy ra sau khi các con đã đầu thai trên trái đất từ rất lâu, và sa nhân được phép đầu thai ở đây. Do đó nó không phải là một chấn thương nhập đời theo đúng nghĩa, nhưng nó vẫn là một chấn thương. Gọi nó là chấn thương nhập đời hay chỉ vỏn vẹn là chấn thương chỉ là cách dùng ngôn từ, nhưng nó áp dụng cho tất cả các con là những người tâm linh.

Các thày biết rất rõ là khi các thày trao truyền một giáo lý thì giáo lý đó không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Quyển sách mới được trao truyền trong bối cảnh một avatar tới từ một hành tinh tự nhiên, và do đó người này còn giữ trong tiềm thức ký ức cuộc sống ra sao trên một hành tinh tự nhiên. Lẽ đương nhiên, trong quyển sách cũng có giáo lý áp dụng cho cư dân nguyên thủy của trái đất, chính yếu là giáo lý về chấn thương nhập đời, nhưng giáo lý về hành tinh tự nhiên cũng vậy. Các con là những cư dân nguyên thủy của trái đất, các con đã trải nghiệm trái đất ở một trạng thái cao hơn tình trạng từ khi sa nhân tới đây, và trong thời gian trước đó nữa. Nếu trái đất không xuống thấp hơn trạng thái hành tinh tự nhiên, thì sa nhân đã không thể đầu thai ở đây, họ đã không được phép đầu thai ở đây.

Điều thày muốn trình bày với các con là cư dân nguyên thủy của trái đất, là các con dễ bị vết nứt trong thể tình cảm hơn các avatar. Đối với các cư dân nguyên thủy thì trái đất là khung tham chiếu chính yếu, trong khi đối với các avatar thì khung tham chiếu chính yếu là hành tinh tự nhiên. Các con là cư dân nguyên thủy bị buộc chặt vào trái đất hơn. Do đó, con dễ đi vào rung động sợ hãi chuyện gì có thể xảy ra cho trái đất, chuyện gì có thể xảy ra nơi bát cung vật lý. Có nhiều khả năng là những người trong số các con là những cư dân nguyên thủy đã bị buộc chặt vào vòng xoáy sợ hãi của hành tinh.Nếu đây là trường hợp của con, thì điều rất quan trọng, điều cực kỳ quan trọng, là con cắt đứt sợi dây buộc này trước khi con có thể mang vào quả vị Ki-tô.

1.4. Thoát khỏi nỗi sợ hãi

Con phải làm gì khi con nhận ra là con đang ở trong sự rung động, trong vòng xoáy của sợ hãi? Ấy, như thày đã nói, con không thể làm giống như một số người khác là dùng thể lý trí để bắt đầu suy luận về nỗi sợ, lý luận vì sao nỗi sợ không hợp lý, vì sao nó dựa trên một ảo tưởng, và vì sao con người không nên sợ hãi như vậy. Một số người có thể khống chế nỗi sợ bằng cách đó, nhưng nhiều người thì không làm được, đặc biệt khi họ bị buộc chặt vào động lượng sợ hãi của hành tinh.

Vậy con làm được gì? Ấy, con không thể dùng thể bản sắc hay thể lý trí để khống chế thể tình cảm. Con không thể dùng thể tình cảm để khống chế thể tình cảm. Ấy, phải chăng chuyện hợp lý, con yêu dấu, là khi con bị ảnh hưởng của dòng năng lượng chảy ngược, thì con có thể dùng thể vật lý để khống chế thể tình cảm, để cai quản thể tình cảm?

Con có thể làm chuyện này bằng nhiều cách, nhưng việc các con đã làm là niệm chú (chanting) trong suốt một giờ vừa qua là một thí dụ dùng khả năng của thân thể vật lý. Con có thể đọc một bài thỉnh, hay đọc một bài chú, nhưng nhiều khi niệm chú như các con vừa làm là hữu hiệu nhất. Con có thể dùng bản thu âm của lời niệm chú để làm chủ thể tình cảm mỗi khi con cảm thấy có sự xáo trộn. Khi con dùng khả năng của thể vật lý để niệm chú, để dùng uy lực của lời nói, uy lực của giọng nói của con, thì con có thể yên lắng thể tình cảm. Một khi con đã có được ít nhiều an tịnh trong thể tình cảm, thì con có thể kêu gọi sự trợ giúp của các chân sư thăng thiên, như Đại thiên thần Michael, Astrea, Mẹ Mary hay các vị chân sư khác, để giúp con cắt đứt sợi dây buộc con vào động lượng sợ hãi của hành tinh.

1.5. Nghi ngờ là cánh cửa mở cho sợ hãi

Các con nên biết là tuy các thày có nói về dòng năng lượng chảy ngược, nhưng một cảm xúc không bao giờ tự nó có mặt một mình. Một cảm xúc dựa trên một niềm tin trong thể lý trí, và một niềm tin trong thể lý trí dựa trên một ý niệm bản sắc trong thể bản sắc. Trước khi con có thể cắt đứt động lượng, thì con cần nhận ra là sợ hãi không tự nó khởi lên. Nó lúc nào cũng phát xuất từ lòng nghi ngờ. Nghi ngờ là cánh cửa mở đưa sợ hãi vào cảm thể của con, và nghi ngờ bắt đầu trong thể lý trí nhưng nó bắt rễ từ thể bản sắc.

Giờ đây, con yêu dấu, trong một số bài truyền đọc gần đây các thày có đề cập đến những giới hạn của tâm đường thẳng, phân tích, lý luận, duy lý. Các con đã làm gì trong một giờ niệm chú? Nếu con trụ trong trái tim và thực sự cho phép mình tuôn chảy với lời niệm chú, tuôn chảy với làn sóng âm thanh, tuôn chảy với nhịp điệu, thì con đã vô hiệu hóa tâm đường thẳng, phân tích, lý luận, duy lý. Lúc đó tâm con mở ra để con thấy mối nghi ngờ đằng sau nỗi sợ.

Con có thể dễ nhận ra và nhìn nhận là con có nỗi sợ, và con sợ cái gì, con sợ điều kiện gì. Nhưng mối nghi ngờ nào trong thể lý trí đã mở cửa cho nỗi sợ? Nó có thể là, như một thí dụ trong số nhiều thí dụ, là con đã bị sa nhân đặt con vào một hoàn cảnh khiến con bị giết, hoặc nhiều người trong gia đình hay xã hội của con bị giết. Do đó, trong thể lý trí của con có mối nghi ngờ là con đã không bảo vệ được mình khỏi tình huống đó, con đã không tránh né được nó, Thượng đế đã không bảo vệ được con, không có lực nào trên thế gian có thể bảo vệ được con.

Một khi con nhận diện mối nghi ngờ, thì nó từ đâu đến? Nghi ngờ là một điều kiện của thể lý trí, và nó bắt nguồn từ sự kiện tâm phân tích có thể xem xét bất cứ vấn đề gì và tìm ra luận cứ ủng hộchống vấn đề đó, và nó có thể tiếp tục như vậy không bao giờ dứt.

Tình trạng này giống như một trận bóng bàn giữa hai ngã nội tại, hai phàm linh nội tại, trong thể bản sắc của con. Một ngã đưa ra một luận cứ với ngã kia. Ngã kia phản bác lại luận cứ đầu và đưa ra một luận cứ khác và con thấy như hai ngã đó đưa banh qua lại – hai ngã đó đánh banh qua lại bằng các luận cứ. Con đứng giữa, không biết luận cứ nào là luận cứ tối hậu, luận cứ nào đúng, luận cứ nào không đúng.

Cái “ta” đứng giữa là ai vậy? Đó là cái “ta” mà con thấy con là trong thể bản sắc. Cái “ta” đó được tạo ra lúc nào? Lúc con nhận chịu chấn thương! Cho dù đó là chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu, khi con nhận chịu chấn thương đó, thì con tạo ra một bản sắc. Bản sắc đó mang theo nó niềm tin là khả năng của con trên trái đất có giới hạn. Có điều gì đó giới hạn khả năng của con, và do đó có điều kiện nào đó trên trái đất, do sa nhân tạo ra, mà con không thể khắc phục, tránh né hay bảo vệ mình khỏi nó. Con là một sinh thể giới hạn, con tự bản chất là một sinh thể giới hạn – cái ngã đó tin như vậy.

1.6. Giải bùa mê

Vậy con làm sao thoát khỏi thế bí này? Con yêu dấu, vì sao các thày đã không trao truyền giáo lý này một hai năm trước đây, khi nó ứng dụng cho nhiều người? Ấy, đó là vì các thày không muốn trao truyền một giáo lý mà không cho các con một dụng cụ để giải quyết vấn đề mà các thày nêu ra. Cho tới khi các thày trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời, mà nay ta cũng có thể gọi là chấn thương địa cầu, thì các con không có dụng cụ để khắc phục vấn đề. Cho dù con là một cư dân nguyên thủy hay một avatar, thì con đã có những dụng cụ trong quyển Chữa lành chấn thương tâm linh, để bắt đầu nhận ra chấn thương nhập đời và dần dần khắc phục nó.

Khi con khắc phục chấn thương nhập đời, thì con sẽ cảm thấy – đúng theo nghĩa đen – (như nhiều người trong các con đã có thể chứng nhận) là gánh nặng của thế gian đã trút khỏi hai vai con. Đó là gánh nặng thế gian mà con đã mang trên hai vai từ lúc con nhận chịu chấn thương đó. Nó tạo một khe hở trong tâm buộc con vào các năng lượng thế gian, các năng lượng này có thể là vũng nước xoáy sợ hãi của hành tinh, hay động lượng nào khác trên thể lý trí hay thể bản sắc của hành tinh. Con đã bị buộc vào động lượng đó và do đó con đã mang gánh nặng của các năng lượng này, gánh nặng của năng lượng thế gian. Khi con dùng các dụng cụ và giáo lý để khắc phục chấn thương nhập đời, thì con có thể khắc phục nỗi sợ hay bất cứ mọi động lượng khác mà con có trong các thể bản sắc, lý trí và tình cảm, và điều này cho con một cảm giác tự do mới.

1.7. Khắc phục nghi ngờ

Con yêu dấu, thày nói sợ hãi bắt nguồn từ nghi ngờ, nhưng nghi ngờ bắt nguồn từ một ý niệm bản sắc giới hạn. Cách duy nhất để thực sự khắc phục sợ hãi là khắc phục nghi ngờ, nhưng làm sao con khắc phục nghi ngờ? Chỉ bằng cách nhận ra con hơn bản sắc đó, con hơn cái ngã mà con mang theo trong thể bản sắc của con. Cái “ta” nào hơn? Ấy, như thày đã nói, cái “ta” nào đang trải nghiệm nỗi sợ? Cái “ta” nào đang nghi ngờ? Đó là cái “ta” mà con đã tạo ra trong thể lý trí khi con phản ứng lại chấn thương mà sa nhân đã áp đặt lên con. Cái “ta” có khả năng nhận ra nó hơn cái “ta” đó là cái mà các thày đã gọi là cái Ta Biết. Cái Ta Biết không thể bước ra ngoài cái “ngã sinh diệt” khi con còn chấn thương nhập đời, vì chấn thương kéo cái Ta Biết vào chỗ tự đồng hóa với ngã sinh diệt, ngã thế gian.

Khi con giải tỏa chấn thương nhập đời, thì con có cơ hội sử dụng khả năng mà các thày gọi là trực giác (các thày cũng gọi nó là nhận biết thuần khiết) khi con trải nghiệm con bước ra ngoài cái ngã, cái ngã thấp. Lúc đó, con có một trải nghiệm, con yêu dấu, và trải nghiệm mà con có được qua nhận biết thuần khiết, lẽ dĩ nhiên, vượt quá bất cứ gì con thấy hay trải nghiệm trong bát cung vật lý. Nó cũng vượt quá bất cứ mọi cảm xúc con có trong thể tình cảm. Nó vượt quá bất cứ mọi lý luận, suy luận, luận cứ mà con có trong thể lý trí. Nó vượt quá bất cứ ý mọi niệm bản sắc mà con có trong thể bản sắc. Một khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết hay trải nghiệm sự nối kết, sự tuôn chảy với Hiện diện TA LÀ, thì con có một tầm nhìn khác về mọi chuyện đang xảy ra trong bốn thể phàm của con. Con chưa thể thực sự đạt được trạng thái này khi con chưa giải quyết chấn thương nhập đời.

Nhưng, con yêu dấu, các thày không bao giờ nói là khi con khắc phục được chấn thương nhập đời thì con đã khắc phục được mọi khía cạnh của tâm lý của con. Con cũng biết thí dụ của những cục nước đá bó chặt với nhau rất chặt chẽ nhưng có một cục nước đá giữ mọi cục kia tại chỗ, và khi con rút nó ra, thì số còn lại sẽ bắt đầu tuôn chảy. Con biết là thời xa xưa con người biết xây vòm hình cung và họ phải chống giữ những tảng đá hai bên cho tới khi họ đặt đá đỉnh vòm lên trên cùng. Ấy, chấn thương nhập đời của con và cái ngã được tạo ra, mà các thày đã gọi là ngã gốc, nó chính là đá đỉnh vòm của vòm hình cung của con người phàm của con, của cấu trúc nhân phàm của con, của cấu trúc bốn thể phàm của con.

Một khi con rút nó ra, thì con sẽ rất dễ dàng bắt đầu di chuyển các tảng đá khác và khống chế chúng. Đó là lúc con có thể bắt đầu nhận diện một số động lượng trong một trong bốn thể phàm của con, và sau cùng trong cả bốn thể phàm của con. Một số các con, và điều này có thể làm các con ngạc nhiên, đã đi trên con đường tâm linh từ nhiều năm hay nhiều chục năm, nhưng con khám phá là con còn một số ghiền nghiện vật lý hoặc một số dây trói buộc con vào một số sinh hoạt vật lý mà con cảm thấy mình phải làm. Một số các con sẽ khám phá mình có một dây trói buộc mình vào vũng nước xoáy tình cảm của tâm thức tập thể, hay một số khuôn nếp cảm xúc khác. Một số các con sẽ khám phá mình có khuôn nếp lý trí muốn tranh cãi, muốn lý luận, muốn lượng định và phân tích mọi chuyện. Một số các con sẽ nhận ra mình có ước muốn hiểu mọi chuyện, và một số các con sẽ khám phá mình có trong thể bản sắc một động lượng, một loại ghiền nghiện, dựa trên ngã gốc.

1.8. Tìm cách hiểu mọi chuyện

Đây không phải là ngã gốc mà là một nhánh của ngã gốc. Sau khi con tạo ra ngã gốc, thì con bắt đầu tạo ra những ngã khác để phản ứng lại các điều kiện trên trái đất, và chúng có nhiều hình thức khác nhau. Hai ngã chính là con tìm cách lượng định mọi chuyện đang xảy ra trên trái đất, và tìm cách đặt mọi chuyện trong một bối cảnh rộng hơn ngõ hầu hiểu được chúng. Tất cả các con, kể cả vị sứ giả này, khi bắt đầu học giáo lý chân sư thăng thiên đã dùng giáo lý để tạo ra một thế giới quan, một quan niệm về vũ trụ trong thể bản sắc giúp con hiểu những chuyện xảy ra trên trái đất và những chuyện con đã kinh qua trên trái đất.

Con vẫn nghĩ là thể bản sắc của con cần có một hiểu biết tối hậu có thể giúp con giải thích và hiểu mọi chuyện trên trái đất. Con yêu dấu, chuyện này sẽ không bao giờ, không bao giờ xảy ra. Trước tiên, vì bất cứ ngã nào con có trong thể bản sắc đều không có khả năng hiểu, nhưng thứ đến, vì có một số hiện tượng không thể hiểu được. Đây là một điểm quan trọng mà quyển sách Những cuộc đời của tôi đã nêu ra. Có một số điều sa nhân làm mà ta không thể giải thích hay hiểu bằng tâm đường thẳng, duy lý, phân tích. Đôi khi họ cố ý làm một số chuyện để làm con hoang mang, và có khi khác họ làm một số chuyện không có lý do nào khác ngoài ý muốn làm ác, hay như câu nói trong quyển sách: “Để là một nghệ nhân vẽ tranh với máu nhân loại.” Con không thể nào giải thích chuyện này.

Lẽ dĩ nhiên, con có thể có một hiểu biết nào đó, và đó là điều các thày đã trao truyền trong quyển sách và các giáo lý khác về sa nhân, về những chuyên họ làm, về lý do vì sao họ ở đây. Con yêu dấu, con không thể thực sự hiểu xuyên thấu nếu con không bước ra ngoài cái ngã trong thể bản sắc và nối kết thẳng với Hiện diện TA LÀ của con và các chân sư thăng thiên. Con sẽ nhận được, không phải là một hiểu biết mà một trải nghiệm toàn bộ từ các thày, từ Hiện diện TA LÀ của con. Con yêu dấu, có khác biệt giữa hiểu biếttrải nghiệm. Nhiều người trong các con đã tới điểm sẵn sàng trải nghiệm, sau khi đã bắt đầu làm việc với chấn thương nhập đời và khắc phục chấn thương nhập đời.

Tất cả các con đều đã trải nghiệm một cách nào đó sự hiện thực của giáo lý mà các thày trao truyền, vì nếu không thì con đã không có mặt ở đây. Khi con khắc phục chấn thương nhập đời, thì con yêu dấu, con có thể đi vào tiến trình nới rộng một cách có ý thức khả năng trải nghiệm thực tại, một thực tại cao hơn. Thực tại cao hơn đó là gì? Ấy, con yêu dấu, nó không dựa trên bất cứ điều gì mà thể bản sắc của con có thể hiểu, thể lý trí của con có thể hiểu, thể tình cảm của con có thể tiếp cận, hay óc vật lý của con có thể xử lý. Nó vượt quá bốn thể phàm của con. Nó là một ý niệm thực tại vượt lên trên bốn thể phàm, và là điều duy nhất giúp con biết cái thật và cái không thật trên hành tinh này, là nơi mà sa nhân đã dùng tâm nhị nguyên để khiến mọi chuyện mờ tối một cách cùng cực.

1.9. Bù đắp những mất mát

Trên đây thày có nói con có hai khuynh hướng trong thể bản sắc. Một khuynh hướng tìm cách hiểu và đặt vào bối cảnh. Khuynh hướng kia tìm cách bù đắp những gì con cảm thấy bị mất mát khi con nhận chịu chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu. Khi sa nhân cho con cú sốc thì con tạo ra một ngã trong thể bản sắc dựa trên ý niệm mất mát. Có thể là con đã mất một số chuyện vỏ ngoài nhưng con thực sự đã mất gì? Con đã mất đi sự ngây thơ của trẻ thơ, ý niệm nội tại về thực tại. Đó là điều con mất. Từ lúc đó, cái ngã do con tạo ra trong thể bản sắc đã luôn luôn tìm cách bù đắp sự mất mát đó, bằng nhiều cách.

Trong thể bản sắc của con có một cái ngã muốn tìm một bản sắc nào đó. Con thấy một kết quả tối cực của khuynh hướng này nơi một số người cảm thấy họ đặc biệt vì họ thuộc một dòng tâm linh, họ thuộc một dòng họ, họ có một khả năng hay đức tính đặc biệt, họ là một linh hồn già cũ, hay bất cứ lý do nào khác. Quan niệm này đáp ứng nhu cầu của cái ngã muốn bù đắp.

Có nhiều cách khác để đạt cùng mục đích, và tất cả các con khi mới vào con đường tu cũng đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để bù đắp cảm giác mất mát nguyên sơ. Khi con tìm ra giáo lý của các chân sư thăng thiên (mà con tin có mức thực tại cao) thì con bỗng nhiên cảm thấy mình không quá thiếu khả năng, thiếu sót hay bất trọn vẹn như cái ngã trong thể bản sắc cảm thấy. Khi đó một số các con đã tạo ra ngã mới trong thể lý trí luôn tìm cách bù đắp bằng cách tỏ ra mình rất thông minh, thông thái, hợp lý, duy lý, rất giỏi biện luận hay suy luận. Con nghĩ như vậy sẽ bù đắp sự mất mát khi con cảm thấy mất khả năng biết đâu là thực đâu là không thực khi sa nhân gieo mối nghi ngờ vào tâm con. 

Một số khác đã tạo ra cơ chế bù đắp trong thể tình cảm bằng cách dùng thể tình cảm để bù đắp nỗi sợ, khắc phục nỗi sợ, chối bỏ nỗi sợ, đè nén nỗi sợ để con không cảm thấy sợ hãi. Con có thể thấy một số người trong các phòng trào tâm linh đã tạo cho mình hào quang nói nhỏ nhẹ, đi chậm rãi, có vẻ hoàn toàn làm chủ tâm nhưng họ đã làm được chuyện này bằng cách đè nén cảm xúc. Một số các con đã nhận ra là đôi khi mình có cảm xúc khởi lên. Đó có thể là do các con đã có một động lượng rất mạnh trong thể lý trí đè nén cảm xúc, nhưng điều này không lành mạnh và sẽ không giúp con giải thoát khỏi cảm xúc. Con cần tới điểm nhìn nhận là không phải con có cảm xúc, mà là có một ngã trong thể cảm xúc có cảm xúc, và con không phải là ngã đó. Do đó, con có thể để cho ngã đó chết đi và con có thể kêu gọi các chân sư thăng thiên tiêu trừ nó cùng với động lượng năng lượng đằng sau nó.

Một số khác đã tạo ra cơ chế bù đắp trong thể vật lý, ở tầng vật lý. Đối với một số các con, điều này thể hiện qua mong muốn làm việc với thân thể vật lý. Rất rất nhiều lực sĩ tập thể hình trên thế giới tìm cách tập cho thân thể trở nên lực lưỡng và mạnh mẽ để cảm thấy bất bại trên mặt vật lý. Đây là một cơ chế bù đắp cho sự có mặt của ngã trên các thể cao cảm thấy rất yếu đuối nơi thể vật lý. Một số khác thích tập võ. Trong những thời đại trước, võ thuật đã được dùng để giúp một số người phát triển tâm linh. Nếu con sống trong một thời nhiều bạo hành, trong một văn hóa nhiều bạo hành, thì học võ để có khả năng tự vệ có thể là một viên đá dẫn tới phát triển tâm linh. Con yêu dấu, một khi con đã đi vào con đường tâm linh của các chân sư thăng thiên và nhắm tới biểu hiện quả vị Ki-tô, thì con không cần võ thuật nữa, con có thể vượt lên trên nó.

Một số khác đã dùng những cách khác, thú vui khác trong bát cung vật lý. Đó có thể là một số ghiền nghiện vật lý giúp con khuây khỏa cảm giác thiếu khả năng hay yếu đuối mà con bình thường cảm thấy. Một số người khác làm những chuyện khác như: làm một số chuyện vật lý, trở nên thiện xảo trong một số công việc vật lý, như trong sự nghiệp, trong việc làm, du lịch, thông thạo mọi chuyện, có một kỹ năng vật lý. Con có thể thấy một số người trên mạng Internet có kỹ năng vật lý kỳ dị hay khả năng kỳ dị với thân thể, và một lần nữa, đây là một cơ chế bù đắp.

Có rất nhiều hình thức bù đắp và thày sẽ không tìm cách liệt kê hết ra ở đây. Điều quan trọng là một khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu, thì con có thể bắt đầu truy tìm chúng trong bốn thể phàm của con. Con sẽ có thể bắt đầu tháo gỡ chúng, và con có thể học cách nhận diện và khắc phục khuynh hướng cảm thấy bị bắt buộc phải theo đuổi một số sinh hoạt. Mỗi khi con cảm thấy bị bắt buộc, cũng là điều mà Phật đã gọi là “dính mắc”, thì con biết là có một ngã đang giới hạn con trên con đường tâm linh và ngăn trở con trở thành Ki-tô hành động.

Con yêu dấu, tới đây là chấm dứt bài giáo lý mà thày muốn trao truyền cho các con. Thày nhận ra đây là một bài dài cho ngày đầu ở hội nghị này. Nhưng mặt khác, các con đã tự chuẩn bị quá chu đáo qua các sinh hoạt mà các con đã làm hôm nay và qua một giờ niệm chú, nên thày cảm thấy trao tặng các con món quà hỷ lạc từ tim thày là điều thích ứng. Thày mong các con nhận ra là thày không muốn cho con một gánh nặng vì nay con cần phải xem xét chính mình và cảm thấy khổ tâm vì đã có động lượng này hay động lượng khác.

Thày cho con một cơ hội giải thoát, và trong giải thoát có niềm vui. Thật sự là trên một hành tinh dày đặc như trái đất, thì ta có thể nói là chỉ có giải thoát mới đem lại niềm vui, niềm vui thực sự, niềm vui an bình. Nhiều người trên trái đất cho rằng khi họ đạt được một thành tựu nào đó, một chiến thắng nào đó, thì họ cảm thấy vui mừng, họ cảm thấy niềm vui chiến thắng, nhưng đó không phải là niềm vui an bình, niềm vui nội tại hay niềm vui Thiêng liêng.

Ấy, THÀY LÀ niềm vui Thiêng liêng và thày sẽ trao cho con niềm vui Thiêng liêng của thày, nếu con hỏi thày.

19 | Rút không gian khỏi một số điều kiện mất quân bình

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 21/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Một vị Phật có thể thêm gì cho cuộc thảo luận về Sứ vụ Thiêng liêng? Có thể có một vài đệ tử của chân sư thăng thiên mang trong Sứ vụ của mình tiềm năng biểu hiện ít nhất một mức độ nào đó của quả vị Phật trong kiếp này. Tuy nhiên, nhiều người đã sẵn sàng biểu hiện quả vị Phật từ các kiếp trước sẽ không cần đến một lời dạy vỏ ngoài, họ sẽ không đi tìm một giáo lý vỏ ngoài hay một vị thày vỏ ngoài. Dẫu sao, thày sẽ vẫn trao cho con một vài ý nghĩ về sự khác biệt giữa quả vị Phật và quả vị Ki-tô.

19.1. Hơi thở ra và hơi thở vào

Mặc dù cách đây không lâu các thày đã có đề cập ở một mức độ nào đó, điều thày muốn trình bày ở đây là quả vị Ki-tô là một hoạt động hướng ngoại hơn. Quả vị Phật là một hoạt động hướng nội hơn. Con có thể nói quả vị Ki-tô là hơi thở ra và quả vị Phật là hơi thở vào. Khi con đến hành tinh này trong tư cách avatar, con ở giai đoạn quả vị Ki-tô. Theo một nghĩa nào đó, con thở ra chính bản thân con để hiện thân trên trái đất.

Nhiều các con hiện đang ở trong giai đoạn hướng nội. Theo một nghĩa nào đó, tất cả các con đều ở trong giai đoạn hướng nội khi con lại hít vào chính bản thân mình cho thoát khỏi đủ loại vướng mắc với thế gian này. Đúng là một số các con, như đã nói, có thể chọn ở lại trong đầu thai hầu đóng góp cho Thời đại Hoàng kim của Saint Germain. Tuy vậy, để đạt tới điểm có khả năng hoàn thành tiềm năng đó, con đang đi qua giai đoạn thở vào, con đang rút mình ra khỏi các vướng mắc vào các hoàn cảnh nghiệp tạo, lựa bỏ ra những điều đang khiến con xao lãng Sứ vụ Thiêng liêng của mình, và trước tiên hết, giải quyết chấn thương nhập đời của con để ở trong một tâm thái trung hòa.

Chúng ta có thể nói, theo một nghĩa nào đó, rằng quả vị Phật và quả vị Ki-tô có thể đơn giản được xem là những cấp độ khác nhau của cùng một quá trình tiến hóa. Như các thày đã giảng nhiều lần, con không cần phải toàn hảo để biểu hiện quả vị Ki-tô. Toàn hảo nghĩa là gì? Theo một nghĩa nào đó, nó có nghĩa là con không cần phải giải quyết hoàn toàn tâm lý của con, kể cả chấn thương nhập đời, để bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô. Điều các thày đã bày tỏ là con không nên sợ biểu lộ quả vị Ki-tô, và con cần khởi sự làm vậy mà không nghĩ mình đã đạt đến một giai đoạn tối hậu nào đó. Tất nhiên cũng thế, quả vị Phật – bất kể những gì đã được tôn giáo đạo Phật phóng chiếu ra – cũng không phải là giai đoạn tối hậu. Các thày đã nói, không có gì xảy ra trên trái đất là tối hậu. Ngay cả cõi thăng thiên cũng mang tính liên tục không ngừng, thì làm sao bất cứ gì có thể là tối hậu được? Làm sao sự giác ngộ có thể tối hậu? Làm sao niết bàn có thể là một trạng thái bất biến?

Sẽ tới một điểm khi con đã giải quyết một phần rất lớn của tâm lý mình, kể cả chấn thương nhập đời cùng các ngã tách biệt của con. Con sẽ có thể gọi đó là các giai đoạn cao hơn của quả vị Ki-tô, vì khi đó trong bốn thể phàm của con có rất ít lực kháng cự lại ánh sáng đang tuôn chảy xuyên qua con. Đây cũng là điểm khi con – một số các con, không phải tất cả, vì nhiều người trong các con vẫn muốn năng động trong xã hội – con bắt đầu dời chuyển nhiều hơn vào tâm thức Phật, sự nhận biết của Phật.

19.2. Phật năng động như thế nào

Không phải là Phật không thể năng động trong xã hội. Có lẽ Phật tìm ra một cách khác để năng động trong xã hội. Đây là một điều rất vi tế, rất cá nhân. Con có thể nhìn thấy sự khác biệt trong cuộc đời của Giê-su khi thày hướng ngoại, thày bước ra ngoài, thày gặp mọi người, nhiều khi còn đối đầu với những người đó, trong khi chính Phật đây thì lại thiết lập một đạo tràng và để mọi người đến với Phật. Phần nào, đây là sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận.

Theo một nghĩa nào đó, Ki-tô bước ra ngoài cũng giống như khía cạnh hướng ngoại của Thượng đế Cha, giai đoạn lan ra. Còn Phật thì giống như Mẹ, giai đọan hướng nội, co lại. Hơi thở ra và hơi thở vào.

Một số các con sẽ đến một điểm khi con bắt đầu ngộ ra là những gì con làm bên ngoài không còn thật sự quan trọng nữa. Điều này không có nghĩa là con phải rút lui ra khỏi cuộc sống năng động ngoài xã hội, thiết lập một đạo tràng hay sống ở nơi hẻo lánh. Con vẫn có thể sống một “cuộc đời bình thường”, có gia đình, có công ăn việc làm, có một sự nghiệp nào đó, nhưng con làm vậy một cách khác.

Con ngộ ra là các hoạt động vỏ ngoài đó không quy định được con. Chúng không thu hút toàn bộ sự chú ý của con. Nhiều khi trong giai đoạn quả vị Ki-tô, con vô cùng tập trung vào công việc mình đang làm và toàn bộ chú ý của con bị lôi kéo vào đó. Như thể con mê mải trong hoạt động. Khi con đạt đến quả vị Phật, gần như có thể nói là con tham gia vào hoạt động nhưng có một phần trong tâm con không bị hấp thu vào đó.

19.3. Tôi đang ở tầng tâm thức nào?

Vậy thì làm thế nào con đến được giai đoạn đó? Về điểm này, thày muốn khai triển thêm những gì Mẹ Mary vừa giảng về nhu cầu làm hòa với việc mình hiện thân, làm hòa với cõi Mẹ, làm hòa với quyền tự quyết, làm hòa với trình độ tâm thức hiện thời của mình. Có thể sẽ tới một điểm con không còn nghĩ tới chuyện: “Tôi đang ở tầng tâm thức nào đây?”

Con biết đây là một quá trình không ngưng nghỉ. Con biết con đang làm hết sức để nâng cao tâm thức mình. Con không quan tâm đến chuyện con đang đứng nơi đâu trên thang điểm. Con cố gắng mà không cố gắng. Con không đang vật lộn. Thậm chí con không có cả mục tiêu. Con không ở trong một tâm thái so sánh.

Con đang, như các thày đã diễn tả bằng ngôn từ, xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Con đang xuôi chảy với cuộc sống. Con không có cả một mục tiêu rõ rệt để cố hướng tới. Con không có cả một tầm nhìn sáng tỏ về một Sứ vụ Thiêng liêng dường như đang chỉ ra cho con những bước đi mà con phải bước để đạt tới một mục tiêu nhất định. Con gần như chảy theo cuộc sống, và cho dù tình huống nào có ngóc đầu lên, con cũng không quyết định bằng tâm vỏ ngoài là mình sẽ làm gì. Con chỉ trực nhận rồi con làm theo.

19.4. An bình trong mọi hoàn cảnh

Để thực sự đến được giai đoạn này, con phải thực hiện một trong những cuộc xoay chuyển cách mạng đó, là con an bình với bất kỳ hoàn cảnh nào mình gặp. Có một giai đoạn của quả vị Phật khi con có khả năng thị hiện những hoàn cảnh vỏ ngoài mà con mong muốn. Nhưng để đến được giai đoạn đó, con phải kinh qua một giai đoạn tạm thời, là con nhìn nhận con sẽ không bước qua một tình huống cho tới khi con có thể ở trong tình huống mà không bị dính mắc và nhờ vậy được an bình. Con đã làm hòa với tình huống.

Một khi con giải quyết chấn thương nhập đời và chấp nhận quyền tự quyết, con sẽ có thể làm hòa với bất kỳ hoàn cảnh nào. Con không có vết thương cá nhân nào mà con đang cố bênh vực hay đền bù. Cho nên con có thể để cho mọi người tự do đi vào bất cứ tâm thức nào mà họ đi vào, và họ tự do trải bày ra bất cứ gì họ đang trải bày. Điều này không có nghĩa là nếu người ta hành xử một cách mất quân bình và không chịu thay đổi thì con phải ở lại trong hoàn cảnh đó. Nhưng con cũng không chạy trốn khỏi hoàn cảnh để che chở các vết thương riêng của con.

Con có thể tới điểm con tự nhủ: “Liệu tôi có thể ở trong hoàn cảnh này mà vẫn an bình?” Có, con có thể. Con nhận ra là con có thể. Con đã đạt đến một mức độ toàn vẹn, không dính mắc, nơi con có thể an bình trong hoàn cảnh đó cho dù người khác không an bình. Một khi con đến được chứng ngộ này, con có thể đi bước kế tiếp và tự hỏi: “À, nhưng sự kiện tôi có thể an bình trong tình huống này có nghĩa chăng là tôi muốn ở lại trong tình huống?” Rồi con có thể chọn bước ra khỏi tình huống. Việc này có thể làm phiền người xung quanh vì rất có thể con sẽ không đưa ra được một lý do mà họ có thể hiểu, lý do tại sao con lại bước ra khỏi tình huống đó. Con chỉ đơn giản bước ra.

19.5. Vấn đề giải thích

Con yêu dấu, điều gì đã cầm chân nhiều người không đạt được cái mà các thày gọi là sự không dính mắc của Phật? Đó là họ cảm thấy họ cần phải thực hiện hay phải sống đúng theo một tấn tuồng nào đó, một truyện kể nào đó trong tâm họ. Các thày đã có giảng về những tấn tuồng cuồng đại. Nhiều người trong số các con vẫn còn mang cái ngã tách biệt đã dựng lên một hình ảnh về con người tâm linh mà con phải là. Một phần trong đó là con có một ngã tách biệt cảm thấy cho dù con có làm gì hay chọn làm gì, thì con phải có khả năng đưa ra một lời giải thích tại sao con làm vậy – đặc biệt một lời giải thích phải hữu lý đối với ngã tách biệt đó, có lẽ đối với người khác và thậm chí đối với cả sa nhân.

Nói cách khác, con có một vấn đề giải thích. Con có một cái ngã cảm thấy con phải có thể tự biện hộ, con phải có thể giải thích động lực của con, lý do con làm việc con đang làm. Điều này dính liền với ý tưởng một tấn tuồng cuồng đại hay một cốt truyện mà qua đó như một người tâm linh, con làm một số chuyện và không làm một số chuyện khác. Và con làm những gì con đang làm vì một lý do đặc thù chứ không phải một lý do nào khác. Chắc chắn con không thể làm bất cứ gì mà không có khả năng giải thích lý do tại sao con làm.

Nhiều người không thể bước vào sự không dính mắc của Phật vì ngay trong tâm họ có một câu chuyện phải trải bày ra, họ mang tấn tuồng cuồng đại đó, họ mang cái nhìn đó về một người tâm linh. Họ cảm thấy phải luôn luôn sống trọn với câu chuyện đó, và nếu không làm vậy được thì họ phải có thể giải thích tại sao. Ngay cả khi họ có những quyết định nằm trọn trong hình ảnh của họ thì họ vẫn phải có thể giải thích tại sao họ làm vậy.

Các thày đã nói về điều gì? Về việc con làm cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con, nhưng Hiện diện TA LÀ ngụ ở cõi tâm linh. Hiện diện TA LÀ có thể có một động lực để biểu đạt một điều gì đó xuyên qua con. Liệu động lực này có thể biểu đạt qua ngôn từ, đặc biệt những ngôn từ mà một mức tâm thức thấp hơn có thể hiểu được? Các thày đã nói đến việc biểu lộ cá thể Thiêng liêng của con. Cá thể này nằm vượt ngoài thế gian này. Con có nhất thiết đưa ra được một lời giải thích hợp lý, thường tình, dựa trên thực tế và nhân quả về lý do tại sao con biểu đạt một điều gì đó hay không?

19.6. Cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống

Con yêu dấu, có những đệ tử tâm linh, đặc biệt trong thế giới Tây phương, đã tiến bộ đáng kể. Những đệ tử này đã sẵn sàng biểu hiện một tầng mức nào đó của quả vị Phật nhưng họ vẫn chưa khắc phục được ngã tách biệt đó. Nếu con đã lắng nghe những gì các thày nói thì điều các thày thực sự muốn nói là con thử để ý xem có hai tiến trình diễn ra song song trên đường tu tâm linh của con. Có một tiến trình mà các thày đã giải thích, cụ thể là con mang trong bốn thể phàm của con một số vết thương hay chấn thương. Điều này đã tạo ra các phàm linh nội tại, các ngã tách biệt và ngay cả ngã gốc – vẫn chỉ là một ngã tách biệt trong số nhiều ngã khác – và những thứ này nằm trong bốn thể phàm của con. Để hóa giải chúng và được tự do, con phải thực hiện một khía cạnh gần như máy móc là thỉnh cầu năng lượng sẽ biến hóa năng lượng cấu tạo chúng. Con cũng phải làm công việc ý thức là đi sâu vào chúng, nhìn ra niềm tin hay ảo tưởng làm nền tảng cho chúng, rồi một cách ý thức, con chọn một thực tại cao hơn.

Bây giờ điều các thày đang nói là cho dù con đã làm những công việc đó, có thể vẫn còn một cái ngã tách biệt được tạo ra, chẳng hạn, trong khi con bị chi phối bởi chấn thương nhập đời cùng ngã gốc của con. Ngã tách biệt này giờ đây có một cái nhìn về thế nào là con người mà con phải là, thế nào là một người tâm linh mang chấn thương nhập đời đó. Cho dù con đã giải quyết chấn thương nhập đời, con cũng cần giải quyết cái ngã tách biệt đang cầm giữ hình ảnh cho rằng con phải là người như thế nào.

Con cũng có thể diễn tả điểm này một cách khác, cụ thể là có một tiến trình giải quyết tất cả những thứ kia – có thể nói là các chấn thương, vết thương, ngã tách biệt, phàm linh nội tại giống như những thỏi nam châm đang thu hút nhận thức của cái Ta Biết, đang thu hút sự nhận biết cho nó đồng hóa với chúng. Đây là những cái gì rất đặc thù, cá biệt. Nhưng vượt ngoài những thứ đó ra còn có cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống. Suốt thời gian dài con từng đầu thai, rất có thể là ở một tầng cấp nào đó, con đã mang những vết thương, chấn thương, ngã tách biệt đó. Nhưng có một tầng cấp khác nơi con đã tạo dựng một cách nhìn tổng thể về cuộc sống trên địa cầu và cách con nhìn chính mình trong quan hệ với cuộc sống trên địa cầu.

Đó là một cái ngã tách biệt, nhưng có lẽ sẽ hữu ích nếu con nghĩ bao quát hơn và thấy đó là cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống. Nhiều người trong các con, đặc biệt nếu con đã lớn lên trong thế giới Tây phương, mang một tư duy rất đường thẳng cho rằng luôn luôn có nhân và có quả. Đối với con, điều này có nghĩa là mỗi khi con làm việc gì thì đó là quả. Vi vậy con phải có một lý do mà con có thể giải thích cho người khác, đặc biệt những ai bị tác động bởi việc làm của con. Con cũng phải có một lý do mà con có thể giải thích cho chính mình, kể cả tâm vỏ ngoài, thậm chí các ngã tách biệt của con. Nếu con không thể giải thích thì nhất định sẽ có một ngã tách biệt nào đó, có lẽ mấy cái ngã tách biệt, sẽ chất vấn việc con đang làm, có lẽ còn buộc tội con đã làm gì sai trái.

Cũng có thể có những người khác và tất nhiên là sa nhân cũng đang truyền bá trong tâm thức tập thể cách nhận thức chung chung là con luôn luôn phải có một lý do, và lý do này phải thỏa đáng theo một tiêu chuẩn nhất định. Nếu con là người Công giáo thì có những điều người ta chờ đợi con phải làm. Nếu con không làm hay làm cách khác, con phải có khả năng giải thích – và nếu thế, may ra con vẫn được phép làm vậy. Chắc chắn nếu con làm điều gì không thể chấp nhận và con không thể giải thích, thì con sẽ bị lên án. Điều tương tự cũng xảy ra trong hầu hết mọi môi trường khác trên địa cầu, ngay cả các tổ chức tâm linh và Thời Mới, thậm chí – như các thày đã đề cập – các tổ chức của chân sư thăng thiên trong quá khứ đã có một xu hướng phán xét lẫn nhau vô cùng mạnh mẽ.

Điều thày muốn nói là sẽ tới một điểm khi con bắt đầu bước vào quả vị Phật, con có thể được lợi lạc nếu con xem xét quá trình này, xem xét cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống. Sau đó con sẽ có thể nói: “À, có một khái niệm là khi tôi làm việc gì, tôi phải có một lý do mà tôi có thể giải thích, nhưng tại sao tôi phải làm vậy chứ? Tại sao tôi phải tự biện hộ? Tôi là một sinh thể độc lập với quyền tự quyết y như mọi người. Tôi gần như hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của người khác. Chẳng phải là tôi cũng phải hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của tôi hay sao, và như vậy tôi có thể nói là tôi không có bổn phận giải thích tại sao tôi làm? Thậm chí tôi không cần giải thích cả cho chính mình. Nếu tôi hành động theo sự thôi thúc từ Hiện diện TA LÀ của tôi, tại sao tôi phải biện minh và giải thích để tâm đường thẳng có thể nhét nó vào hệ thống tin tưởng mà nó đã bị nhồi sọ trong kiếp này lẫn nhiều kiếp trước? Tôi chẳng có thể nhìn vào tâm này hay sao, xem nó là một ngã tách biệt, và hơn thế, còn xem nó là một cái nhìn tổng thể về cuộc sống mà tôi đã bước vào?” Rồi con nói: “Tôi không muốn tuân theo thế giới quan này, hệ thống tin tưởng này nữa. Tôi không muốn đóng vai trong tấn tuồng cuồng đại này nữa. Tôi không muốn kéo dài truyện kể cá nhân về con người mà tôi phải là trong vũ trụ vật chất này nữa. Tôi sẵn sàng đập tan hàng rào và bước vượt ra ngoài.”

19.7. Cầm giữ không gian trên địa cầu

Đây là những giai đoạn cao nhất của quả vị Ki-tô. Đây là những giai đoạn của quả vị Phật, những giai đoạn sơ khởi. Những ai trong số các con cần đi qua giai đoạn này trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình có thể dùng lời dạy này để nhanh chóng bước qua tiến trình đó. Khi con tới điểm sẵn sàng làm một việc mà con không thể giải thích, không thể biện hộ theo một cách để người khác có thể hiểu và chấp nhận, hay để tâm vỏ ngoài của con có thể hiểu và chấp nhận, thì con sẽ trải nghiệm một tầng cấp tự do mới. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con sẽ làm một số chuyện ngông cuồng vỏ ngoài, mà có nghĩa là ở bên trong, con sẽ cảm nhận một tự do mới. Điều này có thể dẫn con đến một giai đoạn khi con suy nghiệm ý nghĩa thực sự của việc là Phật trong hiện thân, hay việc đạt đến một mức độ tâm thức Phật khi con còn đầu thai. Về điểm này, thày sẽ giảng thêm. Mặc dù thày vẫn biết chỉ có một số ít người sẵn sàng nắm bắt được, thày cảm thấy việc truyền rải lời dạy này trong bát cung vật lý là quan trọng.

Người ta bảo rằng đức Phật cầm giữ không gian cho địa cầu. Trách vụ của thày trong Đại đoàn Thăng thiên là Chủ tể Thế gian (Lord of the World) nơi thày ngồi như đức Phật và cầm giữ không gian. Thật khó lòng diễn tả bằng ngôn từ nhưng con có thể nói thế này: Trong Ánh sáng Mẫu-Vật và ngay trong chính không gian, có sẵn một cơ chế khiến cho một số biểu hiện có thể rất nhanh chóng tạo thành một vòng xoắn ốc hướng hạ tự nó tăng cường, và chẳng hạn đối với một hành tinh, xoắn ốc này có thể khiến cho hành tinh tự hủy diệt.

Về cơ bản, ở đây chúng ta có thể nói là nếu không có gì giảm bớt hiện tượng trên thì những hành tinh nơi sa nhân đã đầu thai sẽ rất nhanh chóng tự hủy diệt. Các hành tinh này sẽ rơi vào một vòng xoắn ốc hướng hạ và đơn giản sẽ bị năng lượng làm nổ tung. Điều xảy ra trong quá trình này không hoàn toàn giống như quá trình lỗ đen (black hole) nhưng con có thể dùng lỗ đen để minh họa. Con cũng biết là trong một lỗ đen khi con vượt quá một chân trời nhất định, các định luật tự nhiên sẽ ngưng hoạt động. Nói cách khác, nếu một hành tinh bị suy thoái đến mức đó, không gian sẽ co lại và hành tinh sẽ sụp vào bên trong. Vậy Phật làm gì? Phật ngồi đó nơi cõi thăng thiên, cầm giữ sự quân bình tâm linh và ngăn chặn không cho không gian – là không gian trong đó địa cầu có thể tồn tại – bị co lại và sụp xuống để biến thành một điểm dị biệt (singularity).

Chúng ta có thể giải thích điều này cách khác. Mặc dù mọi thứ đều được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật (mỗi cấu trúc mà con thấy trên địa cầu đều được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật) nhưng không một cấu trúc nào có thể hình thành trừ khi có một khoảng trống để nó hình thành trong đó. Trước khi một hành tinh được các Elohim tạo dựng, trước hết không gian phải được khoanh tròn cái đã, rồi sau đó Ánh sáng Mẫu-Vật mới có thể tạo ra các cấu trúc sẽ lấp đầy khoảng không gian đó. Đức Phật cầm giữ không gian. Các Elohim tạo ra địa cầu, rồi các sinh thể cứ thế mà hiện thân và tùy ý sử dụng địa cầu.     

Ở một thời điểm đã có quyết định là trái đất sẽ là một hành tinh nơi sa nhân được phép đầu thai, cho nên lúc bấy giờ cần đến một sinh thể với tâm thức Phật có khả năng cầm giữ không gian cho trái đất hầu trái đất không bị co sụp lại. Tất nhiên, vị Phật đó không phải là thày vì khi đó thày chưa thăng thiên, nhưng hiện nay đây là trách vụ thày đang đảm nhiệm. Thuở đó có một vị Phật khác cầm giữ không gian, cũng như đã có nhiều vị Phật khác kể từ đó đến nay.

Sẽ tới một điểm khi con đạt được một tầng mức nào đó của quả vị Phật thì con sẽ không chỉ bắt đầu hiểu được khái niệm này một cách trí thức, mà con sẽ bắt đầu trải nghiệm thực tại này bên trong bản thân con. Sau đó con sẽ ngộ ra là khi con đạt đến một mức tâm thức Phật trong khi mình còn đầu thai vật lý, con có khả năng hình thành một dòng chảy hình số 8 với thày, với đức Phật mà thày là. Con thấy đó, trong tư cách là Phật, thày nguyện cầm giữ không gian cho trái đất để tất cả chúng sinh đầu thai trên trái đất có thể làm bất cứ gì họ muốn với quyền tự quyết của họ mà không khiến cho trái đất sụp đổ.

Hiển nhiên, con là một trong những sinh thể đang đầu thai trên trái đất, cho nên con có thể nhận ra một điều sâu xa ở đây. Tại sao trên địa cầu lại có chiến tranh? À, trong nhãn quan rộng lớn, chính thày đang cầm giữ không gian cho phép sa nhân gây chiến. Có phải chỉ sa nhân mới quyết định có chiến tranh trên trái đất? Không, không đâu con. Trên trái đất có chiến tranh là vì loài người đầu thai đang cho phép trong tâm họ, trong bốn thể phàm của họ và trong tâm thức tập thể, có một khoảng không gian nơi chiến tranh có thể hiện hữu.

Nói cách khác, thày đang cho phép không gian tồn tại trong ý nghĩa rộng lớn, nhưng thật ra những gì được biểu hiện trong cõi vật lý đòi hỏi phải có những người đầu thai cung cấp khoảng không gian trong tâm họ để chuyện này xảy ra. Sự kiện thày cầm giữ không gian không có nghĩa là phải có chiến tranh trên địa cầu. Cho nên chiến tranh chỉ có mặt khi những người đang đầu thai cho phép nó xảy ra. Điều con có thể khởi sự làm (khi con đạt đến những tầng đó của tâm thức Phật) là nhìn nhận rằng bởi vì con đang đầu thai vật lý, bởi vì con đã đạt đến mức độ không dính mắc giúp con không còn tìm cách trải bày ra một câu chuyện cá nhân hay một tấn tuồng cuồng đại, cho nên con đang ở trong một trạng thái tâm thức không dính mắc, không ràng buộc. Và vì con không bị ràng buộc cho nên con có sự tùy chọn để quyết định rút lại không gian khỏi một số biểu hiện nhị nguyên.

Thày không khuyên con bắt đầu ngay với chiến tranh vì đó là một vấn đề to lớn, nhưng thày đề nghị con hãy tìm một biểu hiện nào hấp dẫn đối với cá nhân con. Xong con hãy trước hết suy ngẫm điều đó, con rút lại không gian khỏi biểu hiện đó trong bốn thể phàm của con, nhưng sau đó con có thể bắt đầu mở rộng tầm hoạt động, con lần hồi đạt tới điểm con rút không gian khỏi tâm thức tập thể.  

19.8. Một vị Phật có thể làm được bao nhiêu

Thày sẽ nói với con là chỉ một người với tâm thức Phật cũng có khả năng rút không gian khỏi một biểu hiện nào đó – không phải chiến tranh, bởi vì nó sẽ đòi hỏi nhiều người hơn với tâm thức Phật. Nhưng trong các lãnh vực khác không mang động lượng mạnh mẽ, quả thật con có thể rút lại không gian. Chẳng hạn, rất có thể sẽ chỉ cần một người với đủ trình độ quả vị Phật để rút không gian khỏi tệ nạn ấu dâm, có nghĩa là không một kẻ ấu dâm nào sẽ có thể đầu thai trên địa cầu sau thời hạn đó.

Tuy nhiên có một số lãnh vực nơi một vị Phật duy nhất không thể thay đổi tình thế, nhưng bằng cách rút lại không gian, con sẽ tạo dễ dàng cho đủ số người đi đến quyết định: “Chúng tôi không còn muốn biểu hiện này trong xã hội chúng tôi hay trên hành tinh chúng tôi nữa.” Và khi chúng ta ngày càng bước sâu hơn vào Thời đại Hoàng kim, thì nhận thức toàn cầu sẽ ngày càng nâng lên – và con đã bắt đầu thấy sự tăng trưởng này rồi đó, nhưng nó sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Rồi sẽ tới điểm khi loài người nhận ra là những gì chúng ta cho phép biểu hiện trên hành tinh là thẩm quyền quyết định của chúng ta. Đó là lúc một vị Phật đang hiện thân có khả năng rút không gian khỏi một biểu hiện nào đó, và việc này sẽ tạo rất nhiều dễ dãi cho một túc số tới hạn những con người tiến tới quyết định vỏ ngoài: “Chúng ta muốn hành tinh này không còn bóng dáng tệ nạn nô lệ, buôn người, lạm dụng ma túy, hay thao túng nền kinh tế, tất cả những biểu hiện đó.” Và cuối cùng, có thể động lượng sẽ mãnh liệt đến độ sẽ có đủ số người quyết định là chúng ta muốn hành tinh không còn bóng dáng chiến tranh nữa. Điều này có thể xảy ra. Nó sẽ xảy ra.  

Con thấy đó, con yêu dấu, đây là một số lời dạy cho một số các con. Nhiều người trong các con sẽ có thể bỏ nó qua một bên. Nhưng thày đề nghị con đừng bỏ qua cái ý tưởng là tuy con có thể giải quyết ngã gốc cùng các ngã tách biệt khác của con, nhưng vẫn còn thiếu một cái gì, đó là sự xoay chuyển trong thái độ toàn diện của con, trong cách con nhìn chính mình.

19.9. Những người không tiến bước

Nếu con nhìn vào các phong trào tâm linh, con sẽ thấy trong nhiều trường hợp có những người đã tham gia một phong trào, đã đi theo một giáo lý và ngay cả đã áp dụng giáo lý và tu tập một số kỹ thuật suốt nhiều thập niên. Họ có tầm hiểu biết to lớn về đường tu tâm linh, một tầm hiểu biết trí thức và đường thẳng. Thậm chí họ còn có thể dựng lên một nhân cách vỏ ngoài biết “đi đứng đúng điệu, nói năng đúng điệu” và hành xử như một người tâm linh. Vì vậy họ có thể tỏ ra rất tâm linh, hài hòa, cân bằng và tự chủ. Nếu con nhìn với con mắt nội tâm, con sẽ thấy tất cả chỉ là vỏ ngoài. Họ đã không thật sự thay đổi cái nhìn tổng thể về cuộc sống và về chính họ. Thật sự có thể nói là nếu nghĩ theo cách 144 tầng tâm thức, có những người có thể đã theo giáo lý của chân sư thăng thiên hàng 30 năm trời nhưng họ chỉ vươn lên được từ tầng 60 đến tầng 68 chẳng hạn, trong khi họ có tiềm năng vươn lên cao hơn rất nhiều trong thời gian đó. Tại sao họ không lên cao hơn được? Đó là vì cái nhìn tổng thể của họ về bản thân đã không chuyển đổi. Họ đã không sẵn lòng bước qua cuộc xoay chuyển cách mạng đó.

Như thày có nói, có một số người đã không tiến bộ cho dù họ đã làm tất cả những thứ vỏ ngoài. Cũng có một số người khác đã làm tất cả những thứ vỏ ngoài, và một cách nào đó, họ đã chứng đạt một mức tâm thức nào đó, nhưng họ đã không xoay chuyển cái nhìn tổng thể về cuộc sống cho tới mức chấp nhận được là họ đã tiến bộ. Như sứ giả này một số năm về trước đạt tới điểm ông nhận ra là một phần tự ngã của ông muốn cảm thấy mình là một đệ tử tâm linh cao cấp, nó muốn tự hào về chuyện này. Ông nhận ra là để tránh cảm thấy tự hào, ông không dám thừa nhận là mình đã tiến bộ. Ông phải kinh qua một quá trình tự nhủ rằng: “Tôi có tin là các giáo lý tâm linh hiệu nghiệm hay không? À, nếu tôi tin giáo lý hiệu nghiệm và nếu tôi đã áp dụng giáo lý từng nấy năm trời thì tôi đã phải có tiến bộ. Vì nếu giáo lý hiệu nghiệm thì tôi phải tiến bộ. Và nếu tôi không tiến bộ, tại sao tôi cứ mất công áp dụng giáo lý làm gì? Và nếu tôi không tin giáo lý hiệu nghiệm, tại sao tôi lại mất công áp dụng giáo lý? Nếu tôi tin giáo lý hiệu nghiệm và tôi đã áp dụng giáo lý, thì bắt buộc tôi đã phải có tiến bộ. Nhìn nhận điều này có gì sai trái đâu?”

19.10. Chấp nhận con có thể là một công cụ

Ông trải qua một cuộc xoay chuyển khi ông thừa nhận là ông đã có một số tiến bộ, và đó chính là tại sao ông đã có thể đồng ý khi Giê-su đến gần ông và nói: “Con có sẵn lòng làm điều này cho thày không?” Ông đã có thể chấp thuận: “Thưa vâng, có lẽ quả thật con có thể là một công cụ.” Điều này cũng áp dụng cho con. Nhiều người trong các con đã tu tập, đã tiến bộ, nhưng vẫn còn một sự xoay chuyển mà con chưa trải qua cho nên con không thể nhận công việc đó.

Có những đệ tử. mặc dù đã học giáo lý và dường như cũng đã tu tập, vẫn chưa thực sự xoay chuyển tâm thức ở bên trong. Điều họ đã làm vỏ ngoài là họ đã tạo dựng cái nhân cách cho rằng họ là người tâm linh, cho nên họ tưởng là họ đã chứng đạt nhiều hơn thực tế. Song con có một số đệ tử đã kinh qua những bước tiến nội tâm nhưng họ lại có một nhân cách vỏ ngoài không cho phép họ nhìn ra điều đó, cho nên họ không công nhận bước tiến của họ.

Tất nhiên, đa số các con đều thuộc loại đệ tử đã có tiến bộ, con đã tu tập nhưng con chỉ đơn giản không dám nhìn nhận chuyện này. Con đã không dám đứng lui lại để thấy có một loại ngã tách biệt ngăn cản con nhận ra mình đang đứng ở đâu trên đường tu và tiềm năng của con là gì ở mức hiện tại của mình.

Điều này áp dụng cho hầu hết các con. Con có thể được lợi lạc nếu con suy ngẫm điểm này và sẵn lòng xoay chuyển và nhìn nhận: “Tôi là một đệ tử đã tiến khá xa trên đường tu. Tôi đã phần nào trưởng thành. Tôi có một số chứng đạt tâm linh cho nên tôi có khả năng làm cánh cửa mở. Tôi có khả năng phụng sự. Tôi có khả năng vun bồi sự hòa điệu với các chân sư thăng thiên. Tôi biết được bước kế tiếp của tôi trong Sứ vụ Thiêng liêng. Tôi thực sự có khả năng làm gì đó trên địa cầu, không phải vì tôi là tác nhân mà vì tôi có thể đồng sáng tạo với Hiện diện TA LÀ của tôi và cống hiến một cái gì chính đáng, có giá trị, đáng trân trọng, xây dựng và tốt đẹp.”

Bao nhiêu người trong các con đã dám nhìn nhận điều này nơi bản thân mình? Con yêu dấu, Thánh linh, Hiện diện TA LÀ của con, các chân sư thăng thiên, tôn trọng quyền tự quyết của con. Nếu con cứ nhất định bám giữ một cái nhìn hạn chế về chính mình, tất nhiên các thày sẽ không áp đặt lên con và buộc con làm cánh cửa mở. Các thày không thể đạp cửa cho nó mở ra, mà chỉ có con mới có thể mở cửa. Nhiều các con có khả năng làm cuộc xoay chuyển này rất nhanh chóng, con chỉ cần cả gan chấp nhận là mình đang ở một mức của đường tu – thật không quan trọng đó là mức nào – nơi con có thể là cánh cửa mở một phần nào đó. Thế thì con hãy dám đảm nhận điều này, hãy dám biểu lộ nó. Con hãy bình an với nó. Bình an với bất kỳ phản ứng nào mà con có thể nhận từ môi trường chung quanh.

Con yêu dấu, đây là bài giảng mà thày đã muốn đem lại. Thày cũng muốn cảm ơn con đã có mặt ở đây. Thày bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai sẽ học hỏi những lời dạy này, áp dụng lời dạy, áp dụng các dụng cụ và như vậy bắt đầu nắm bắt được các khía cạnh cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình và cả gan đem ra thực hiện. Với lòng biết ơn của Phật, thày niêm con và thày cũng niêm hội nghị này. Bình an của thày sẽ luôn luôn ở bên con – bất cứ khi nào con muốn!

15 | Phán xử của Ki-tô và Sứ vụ Thiêng liêng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 21/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su.  Ý định của thày trong bài giảng này là trao cho con một số lời dạy sẽ không áp dụng cho mọi người, chắc chắn không cho tất cả mọi người có thể tìm thấy lời dạy này hiểu theo nghĩa rộng. Nó sẽ áp dụng cho nhiều người trong số các con, và thày khuyên con không nên ngồi đây và dùng tâm vỏ ngoài để xét đoán xem nó có áp dụng cho con hay không. Con không thể biết được điều này với tâm vỏ ngoài và con không nhất thiết có thể biết được ở mức nhận biết hiện thời của con. Con sẽ biết được khi con vươn lên những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình và có được một tầm nhìn rõ ràng hơn về các tầng cao hơn này.

15.1. Những người làm ngơ hay phủ nhận các thế lực bóng tối

Con yêu dấu, nếu con nhìn hành tinh địa cầu hôm nay, con có thể thấy như các thày vừa đề cập, là có rất nhiều nhóm người khác nhau ở nhiều tầng tâm thức khác nhau, với nhiều hệ thống tín ngưỡng cùng nhiều thế giới quan khác nhau. Tuy nhiên, điều thày muốn con lưu ý ở đây là có một thành phần trong lãnh vực tâm linh – những người trong phong trào Thời Mới, thần bí, huyền bí, với tâm cởi mở – tin rằng hoặc không có bóng tối, không có thế lực bóng tối, hoặc trong cương vị là người tâm linh họ không nên chú ý tới các thế lực đó, vì làm như vậy sẽ trao cho chúng quyền năng.

Lẽ tự nhiên, các thày đã ban cho con qua đợt truyền pháp này nhiều lời giảng về các sinh thể sa ngã. Các thày đã cho con những lời dạy về khái niệm avatar, về sự kiện con đã đến địa cầu và đã phải hứng chịu chấn thương từ sa nhân như thế nào. Vậy thì liệu điều người ta bảo có đúng hoặc có thật hay chăng, rằng tà lực không hiện hữu hay con không nên chú ý đến chúng? Đây là một vấn đề tế nhị, theo nghĩa là trên địa cầu chỉ có một ít người không cần chú ý đến tà lực.

Trên thực tế, bất cứ ai là avatar đều phải lưu ý đến việc tìm hiểu sa nhân và những điều chúng làm, vì chúng chính là những kẻ đã tấn công con khi con đến với sứ mạng này, chúng là kẻ đã khiến con tạo ra ngã gốc của con. Chừng nào con còn không sẵn lòng nhìn vào sự hiện hữu của tà lực và cách chúng đã chi phối con như thế nào trong quá khứ, thì con không thể thoát ra khỏi ngã gốc. Và nếu con không thoát ra khỏi ngã gốc thì con không thể hoàn thành tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của con.  

Thực tế đáng buồn là có đến hàng chục ngàn, ngay cả hàng trăm ngàn người trong lãnh vực Thời Mới có một tiềm năng cao trong Sứ vụ của mình, nhưng chừng nào họ còn duy trì thái độ là họ phài làm ngơ trước tà lực và không để ý đến chúng, thì họ vẫn tự cắt đứt khỏi việc hoàn thành tiềm năng cao hơn trong Sứ vụ của họ. Họ đã đạt đến một trình độ nào đó và có thể họ cảm thấy rất thoải mái ở mức đó, phần nào vì họ có cảm giác: “Làm gì có tà lực nào đang tấn công tôi.” Tất nhiên, tà lực không đang tấn công họ vì họ không là mối đe dọa cho tà lực.

15.2. Điều tà lực sợ nhất

Vậy cái gì là mối đe dọa cho tà lực? Đâu là điều chúng cực kỳ muốn tránh? À, điều chúng muốn tránh là có người đang đầu thai vật lý vươn lên tới mức có thể nhìn nhận một cách ý thức là mình có một mức độ quả vị Ki-tô, và vì vậy mình có cơ hội và thẩm quyền để thách thức sa nhân và sự hiện diện của chúng trên trái đất. Đây là điều chúng sợ hãi tột độ, vì chúng thừa biết là một khi con lên tới mức đó thì chúng sẽ không thể nào cản bước con. Chúng biết là nếu chúng cố ngăn chặn con thì sẽ dẫn đến việc chúng bị phán xử.

Điểm thày muốn dẫn con tới là con nhận ra đối với nhiều người trong các con, cũng như đối với một số những ai tìm được lời dạy này trong phạm vi rộng lớn hơn, khía cạnh cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của con là đem lại sự phán xử của Ki-tô trên sa nhân cùng tâm thức của sa nhân. Khi con nhìn vào cuộc đời của thày, con sẽ thấy thày đối đầu với sa nhân như thế nào, và con có thể nhìn vào chính con ngày nay và suy ngẫm xem điều này có nghĩa gì đối với con hôm nay.

Không nhất thiết phải giống như những gì con thấy trong đời thày, mà có nghĩa là con cần đạt tới điểm con nhìn nhận đó là một phần của Sứ vụ của con. Con nhận xét điều đó bên trong con – chứ không phải vì thày đang nói với con hay vì con đang đọc bài truyền đọc này. Thày không muốn con đọc bài này rồi quyết định bằng tâm vỏ ngoài: “Tôi sẽ lên đường tham gia cuộc thánh chiến, vạch mặt sa nhân, thách thức sa nhân.” Nó phải đến từ bên trong, và con yêu dấu, nó sẽ chỉ đến khi nào con giải quyết được chấn thương nhập đời mà sa nhân đã sử dụng để làm con tê liệt, để ngăn cản con là người mà con là trên hành tinh này.

15.3. Con bị chấn thương nhập đời quy định

Con hiểu chứ, con yêu dấu, có một cơ chế có thể khởi động ngay cả khi con đã có các lời dạy mà con đã nhận được cho tới giáo lý về chấn thương nhập đời. Gần như thể trong cương vị một đệ tử tâm linh, con bước vào một tâm thái cho rằng chỉ cần đạt được ngày càng nhiều hiểu biết hơn về đường tu tâm linh, ngày càng nhiều hiểu biết hơn về tự ngã, về tâm lý, về cách chữa lành tâm lý của mình. Gần như thể con đã tạo ra một cái ngã nghĩ rằng con đang tiến bộ, nhưng nếu con nhìn kỹ ngã này, nó cũng nghĩ rằng sự đột phá tối hậu vẫn nằm đâu đó trong tương lai. Một ngày nào đó, đột phá sẽ xảy đến nếu con cứ tiếp tục làm những gì con đang làm bây giờ. Như bào huynh yêu dấu của thày, Saint Germain, có nói: Có một thời con đã tiến bộ một cách tiệm tiến, và cũng có những thời khi con cần thực hiện một xoay chuyển cách mạng trong tâm thức.

Xoay chuyển cách mạng mà con cần thực hiện nếu con muốn bước lên một tầng cao hơn, là nhìn nhận rằng điều quy định con như một sinh thể hiện thân trên địa cầu chính là chấn thương nhập đời của con. Nó đã quy định con từ kiếp đầu thai đầu tiên. Tất cả những thứ khác mà con có thể đã làm – các loại liệu pháp khác nhau, tu học những giáo lý khác nhau, thực hành các dụng cụ tâm linh – đều đã giúp đem lại cho con một sự thay đổi tiệm tiến, và con đã có tinh tấn khi làm vậy. Nhưng chúng sẽ không thực sự xoay chuyển tâm thức của con vì chúng không động đến chấn thương nhập đời – như thể chúng chỉ chạy vòng quanh chứ không đâm thẳng vào vấn đề. Đó là tại sao con cần làm cuộc xoay chuyển và nhận ra là đã đến lúc con biết rõ từ bên trong (vì con nhận diện được sự thật trong lời dạy các thày) rằng bước kế tiếp của con là nhìn trực diện vào chấn thương nhập đời này. Con không thể cứ đi vòng quanh, con không thể cứ tránh né vấn đề. Con không thể đặt trọng tâm vào điều gì khác, con không thể nghĩ rằng nếu con cứ tiếp tục đọc thỉnh và học hỏi giáo lý thì một ngày kia, đùng một cái, chuyện đó sẽ xảy ra. Nó sẽ không xảy ra. Có thể con cần phải lấy một quyết định ý thức là con sẽ đối đầu với nó, đâm thẳng vào nó và phát hiện ra làm thế nào sa nhân khiến con tê liệt.

Quyển sách Các kiếp của tôi có mô tả một cách như vậy, và lẽ tự nhiên, sa nhân có nhiều cách khác nhau để làm chuyện đó. Một số các con đã hứng chịu chấn thương nhập đời khi thiện ý của con bị sa nhân gạt gẫm, con bị chúng lừa dối xong bị chúng phản bội. Nhiều loại cảnh huống khác cũng có tác động. Cho tới khi con phát hiện chấn thương nhập đời đó, con sẽ không thể thực sự hiển thị và chấp nhận quả vị Ki-tô của mình, con không thể chấp nhận mình là Ki-tô trên địa cầu. Tại sao vậy? Con yêu dấu, bởi vì trong cốt lõi, sa nhân đã làm gì khi chúng gây chấn thương nhập đời cho con? Phải, chúng đã tạo ra một sự phân rẽ trong bản thể con, trong bốn thể phàm của con. Cốt lõi của sự phân rẽ này không hẳn là lòng sợ hãi cho dù con có thể nghĩ vậy. Cốt lõi của sự phân rẽ này là lòng ngờ vực. Kẻ thù quỷ quyệt nhất trên đường tu tâm linh kỳ thực là lòng ngờ vực.

15.4. Khắc phục nỗi ngờ vực cốt lõi

Con đã đến đây như một avatar với ý định tốt đẹp nhất, thế rồi sa nhân giáng chấn thương đó lên con, và bỗng nhiên con bắt đầu nghi ngờ: “Tôi có nên đến đây chăng? Liệu tôi có quyền đến đây chăng? Ở đây người ta có đón nhận tôi chăng? Liệu tôi có thể là chính mình và biểu đạt chính mình trên hành tinh này chăng? Liệu tôi có cần biến thành một người khác để người ta chấp nhận tôi chăng?” Tất cả những nghi vấn như vậy, gần như vô số những nỗi ngờ vực đủ loại.

Trong nhiều trường hợp, con thấy điều đó bên trong con, rằng con có thể tự nghi ngờ rất nhanh chóng. Điều này cũng có mặt tốt của nó, theo nghĩa là con có tâm cởi mở, con cởi mở để nhìn vào bản thân và tự thay đổi. Đây là một điểm tích cực đã giúp con tăng triển trên đường tu. Nhưng con cũng phải nhìn nhận một mối nguy tiềm tàng vì con thấy có những người trên địa cầu với tâm hoàn toàn khép kín. Họ tin tuyệt đối là họ đúng, và ít ra trên bề nổi, họ có vẻ không có chút nghi ngờ gì là họ đúng. Tất nhiên ở mức thật sâu thẳm, ai ai cũng đều mang những nỗi nghi ngờ khác nhau, nhưng nhiều người vẫn đưa ra được một bộ mặt, một nhân cách, qua đó họ phóng chiếu ra bên ngoài rằng họ đúng và họ biết là họ đúng, và hình như họ không có nghi vấn nào hết.

Một số các con quen biết những người như vậy, và một số các con đã ngồi đó tự hỏi: “Làm thế nào họ có thể tự tin đến thế? Tại sao tôi lại nghi ngờ chính mình đến như vậy?” Nhiều các con sẽ nhận ra là mình mang khuynh hướng tự ngờ vực đó – đặc biệt khi con phải chạm trán với những người có tính tình gọi là vô cùng quyết đoán, áp đảo. “Ồ, hay là có lẽ họ đúng chăng?” Thế là bỗng nhiên con rơi vào một vòng luẩn quẩn trong tâm, và vòng luẩn quẩn này được tạo ra bởi tâm đường thẳng, tâm phân tích.

Tâm phân tích có khả năng làm gì chứ? Nó luôn luôn có thể nghĩ ra đủ loại luận cứ chống lại hay thuận theo bất kỳ quan điểm nào, bất kỳ đề tài nào. Nó có thể tranh luận từ cả hai phe về một vấn đề. Khi con mang khuynh hướng nghi ngờ đó, tâm phân tích của con luôn luôn có thể đưa ra luận cứ tại sao con có thể sai lầm, hay có lẽ con không nên lên tiếng. Có lẽ con không nên thách thức người đó? Lỡ rốt cuộc họ đúng thì sao? Hay có lẽ họ được quyền xử sự như vậy, và có lẽ con nên bỏ qua và tuân phục họ, hay con nên rút lui và để yên cho họ mà không thách thức họ?

Con hiểu điều thày vừa nói ở trên: Mối lo sợ lớn nhất của sa nhân là có Ki-tô Hằng sống trong hiện thân sẽ thách thức chúng. Chúng đã làm gì chứ? Với mỗi avatar đến địa cầu này, chúng đã mưu toan cài đặt một yếu tố ngờ vực hầu con không dám thách thức chúng. Điều chúng tuyệt đối không muốn là con đạt tới một mức quả vị Ki-tô rồi thách thức chúng. Chúng đã làm hết sức để ngăn cản chuyện này, và công cụ chủ yếu của chúng là yếu tố ngờ vực chúng đã cài đặt trong con.

Chỉ khi nào con nhìn một cách ý thức vào chấn thương nhập đời thì con mới phát hiện những gì con nghi ngờ về quyền con được ở đây, quyền con là Ki-tô Hằng sống trong hiện thân, quyền thách thức sa nhân, quyền biểu đạt con người mà con là, quyền biểu đạt bản sắc tâm linh cao hơn của con. Chỉ khi nào con xem xét nỗi nghi ngờ thì con mới thấy là sa nhân đã dùng một quan điểm nhất định, một tin tưởng nhất định, để cài đặt nghi ngờ đó trong con. Tin tưởng đó là một ảo tưởng. Tại sao đó là một ảo tưởng? Vì nó nhị nguyên, có nghĩa là khi con xem xét niềm tin đó riêng rẽ thì nó có vẻ chính đáng. Khi con bước lui lại và nhận ra là trong nhị nguyên bất kỳ quan điểm nào cũng có đối cực, thì con thấy được đối cực của quan điểm đã khiến con ngờ vực. Khi đó con thấy là con cũng có thể nghĩ ra những quan điểm chính đáng để hỗ trợ cho đối cực này, và đó là lúc con thấy không một quan điểm nào trong số đó là thực tại tối hậu.

15.5. Lựa bỏ nỗi nghi ngờ hiện sinh

Con có hiểu chăng, con yêu dấu? Sa nhân chỉ có thể hoạt động trong nhị nguyên. Nhị nguyên luôn luôn là một đối cực. Làm sao sa nhân có thể khoác vào bất kỳ dáng vẻ thẩm quyền nào? Làm sao chúng khiến người ta tin rằng đây có một quan điểm, một quan điểm nhị nguyên, và đó là chân lý tuyệt đối? À, chúng chỉ làm được vậy bằng cách phớt lờ đối cực nhị nguyên ngược lại, bằng cách giảm giá trị của nó, che giấu nó và khiến cho mọi người làm ngơ hay nghi ngờ nó. Và như vậy, chúng tâng một đối cực lên thành chân lý tuyệt đối. Đôi khi chúng cũng gán cho đối cực ngược lại là xấu ác, và tất nhiên, con có thể thấy sự thể này khắp thế giới khi người ta khêu lên: đúng và sai, sự thật và dối trá, tư bản và cộng sản, Cơ đốc giáo và mọi tôn giáo khác, vân vân và vân vân. Quá nhiều đối cực nhị nguyên với một bên hoàn toàn tốt và bên kia hoàn toàn xấu.

Khi con nhìn thấy điều này ở mức cá nhân trong chính chấn thương nhập đời của mình, nhìn thấy làm thế nào con đã khoác vào một tin tưởng nhất định đã khiến con ngờ vực là con có quyền ở đây – và sau đó con thấy là nó có một đối cực ngược lại và con có thể tranh luận thuận hay chống hoài hoài – thì con có thể lui lại và nói: “Tôi chán ngán chuyện tranh luận quá rồi. Tôi để cho ngã gốc này chết đi. Đơn giản tôi sẽ lựa bỏ sự ngờ vực ra khỏi bản thể của tôi.” Điều quan trọng nhất con có thể lựa bỏ ở những tầng cao của Sứ vụ Thiêng liêng là cái chúng ta có thể gọi là sự ngờ vực hiện sinh (existential) về quyền con có mặt nơi đây.

Con yêu dấu, một trong những mô thức thông thường do sa nhân tạo ra (là một mô thức mà sứ giả này chưa nhận ra một cách ý thức cho đến khi thày ban lời dạy này) là khiến con nghĩ rằng, vì con đã làm hay đã nói một điều gì bất toàn trên địa cầu (trong cảnh huống đã gây ra chấn thương nhập đời), cho nên con không có quyền thách thức sa nhân. Nói cách khác, con nghĩ là mình phải toàn hảo, và nếu con không toàn hảo thì con không được thách thức chúng. Nhiều người trong các con có thể nhận diện ra nét này.

Sứ giả này đã có một trải nghiệm lý thú khi lái xe đến hội nghị này. Trong cuộc trò chuyện và không suy nghĩ gì trước, ông nói: “Bạn biết đấy, thật ra tôi chưa bao giờ phát hiện ra điều gì xấu ác trong con người tôi.” Xong ông ngừng lại, giật mình bởi câu nói của mình, vì ông chưa từng nghĩ đến chuyện đó trước đây. Sự thật là tuy ông đã sẵn lòng quan sát bản thân, đã nhìn sâu vào tâm lý mình, ông chưa bao giờ khám phá một yếu tố xấu ác nào trong bản thể của ông. Điều này cũng đúng cho hầu hết các con và hầu hết những ai sẽ đọc bài giảng này. Con yêu dấu, điều này cũng đúng cho mỗi avatar. Trong bản thể của con không có xấu ác – chưa bao giờ có. Ngay cả với tất cả những chấn thương mà con đã kinh qua trên hành tinh này, con đã không cho phép một yếu tố xấu ác nào xâm nhập vào bản thể con.

Vì vậy, con yêu dấu, điều này có nghĩa gì? À, có nghĩa con không phải là một sinh thể sa ngã. Con không giống như các sinh thể sa ngã. Cho nên mặc dù con có thể không toàn hảo theo một chuẩn mực nhân thế nào đó, con có quyền thách thức sa nhân.

15.6. Làm thế nào thách thức sa nhân

Con có quyền, không nhất thiết là đứng lên buộc tội chúng sai trái, vì sa nhân rất thích tạo ra một trận chiến nhị nguyên khi có một người bảo: “Bạn sai rồi!” và một người khác lập tức có phản ứng bênh vực, cãi lại: “Không, chính bạn mới sai chứ!” Thế là nổ ra một tranh chấp dai dẳng sẽ không bao giờ ngừng lại.

Thật ra đây không phải là chuyện thách thức sa nhân bằng cách bảo chúng sai. Cách thực sự để thách sa nhân là nói: “Có một cách nhìn khác hơn là cách mà bạn đang nhìn cuộc sống. Có một cách nhìn khác hơn là cách mà bạn đang nhìn mọi chuyện! Có một giải pháp thay thế. Có một mức tâm thức khác hơn là tâm thức mà bạn đang có.” Vậy đâu là giải pháp thay thế? Nói cho cùng và theo nghĩa phổ quát nhất, đó chính là Ki-tô, tâm thức Ki-tô là giải pháp thay thế cho tâm thức sa ngã.

Đương nhiên, điều này có thể được diễn đạt nhiều cách khác nhau. Con có thể bước vào bất kỳ lãnh vực nào của cuộc sống, và một khi con lên những tầng cao hơn đó của Sứ vụ Thiêng liêng, con sẽ phát triển được sự phân biện Ki-tô giúp con bước vào – và nhiều người trong các con sẽ thấy là kỳ thực mình có khả năng làm vậy. Nó khởi sự với một khả năng đọc được rung động. Trong các cuộc bàn luận tại đây, nhiều người đã bày tỏ là ở một thời điểm nào đó, con đã tìm được một giáo lý tâm linh hay một đạo sư hay một ý tưởng nào đó, và con chỉ cảm nhận: “Ồ, tôi không mặn mà cái này. Tôi sẽ không bước vào cái này.” Đây là khởi đầu của phân biện khi con có khả năng đọc được độ rung.

Tâm vỏ ngoài của con không thể nói ra bằng lời tại sao con cảm thấy như vậy hay cảm giác đó là gì, nhưng khi con bước lên cao hơn trong quả vị Ki-tô, con sẽ bắt đầu có khả năng diễn tả điều đó qua lời nói. Con bắt đầu có thể bước vào gần như mọi khía cạnh cuộc sống, hay ít ra những lãnh vực mà con hiểu biết thành thạo, và con có thể nhận diện: “Đây là một ý tưởng nhị nguyên. Đây là một quan điểm thiếu quân bình.” Con không cần phải công khai lên án cái đó là xấu ác hay sa ngã hay bất cứ gì khác. Con tìm được cách dùng ngôn từ mà mọi người có thể liên hệ và chấp nhận. Con có thể bày tỏ đó không phải là quan điểm cao nhất mà có một giải pháp thay thế. Đây là một cách thách thức tâm thức sa ngã.

15.7. Ứng phó với những tấn công cá nhân

Đối với một số các con, điều cũng có thể xảy ra ở một mức cá nhân hơn là con gặp những người hoặc là sa nhân, hoặc có tâm thức sa ngã, và con thách thức họ trực tiếp. Một số các con đã chọn có sa nhân trong gia đình hay quan hệ của mình. Con yêu dấu, không cần phải thách thức sa nhân bằng cách nhảy vào xung đột nhị nguyên với họ. Kỳ thực, cách xây dựng hơn, ít ra trong một thời gian, có thể là khoác vào tư duy là con không thách thức các sinh thể sa ngã, mà con thách thức tâm thức sa ngã, vì sẽ dễ dàng hơn nếu con giữ chuyện này ở một mức phi cá nhân (impersonal). Con thấy đó, con yêu dấu, khi sa nhân cảm thấy họ bị thách thức, họ sẽ làm gì chứ? Luôn luôn họ sẽ buộc tội ngược lại. Con có thể nói với họ: “Tôi không đồng ý với những ý tưởng bạn đưa ra,” nhưng bản năng của sa nhân sẽ khiến họ tấn công con một cách cá nhân.

Làm thế nào ứng phó với một cuộc tấn công cá nhân mà con có thể gặp, như chẳng hạn sứ giả này chắc chắn đã từng gặp rất nhiều lần? À, chừng nào con còn mang ngờ vực đó trong bản thể của con thì việc ứng phó sẽ rất khó khăn. Là người với tâm cởi mở, tự nhận biết và tự xem xét, khi có ai nói gì đó về con thì con luôn luôn cân nhắc: “Có thể nào họ đúng chăng? Tôi có cần thay đổi hay không? Tôi có quá hung hãn hay không? Tôi có như thế này, tôi có như thế kia?” Một lần nữa, làm thế nào con loại bỏ được ngờ vực chứ? À, chỉ bằng mỗi một cách là nhìn vào chấn thương nhập đời của con.

Khi con đạt tới điểm nhận ra là mình có quyền được ở đây và trong bản thể con không có gì xấu ác, thì con không thách thức người khác để hạ thấp hay chỉ trích họ, mà con có quyền biểu lộ con người mà con là. Thật ra con có thể đạt tới điểm con không thách thức tâm thức sa ngã với ý định vỏ ngoài sẽ thách thức tâm thức sa ngã. Con không cố tình đứng lên bới móc: “Đâu là những điều sai trái, những điều xấu xa, những ý tưởng sai lầm, đâu là những chuyện tôi có thể thách thức?” Con chỉ đơn giản là chính con. Con bắt đầu biểu đạt chính con, những gì con biết, những sáng ngộ mà con có, những kinh nghiệm mà con đã nhận được. Khi làm vậy tất nhiên, con sẽ thách thức tâm thức sa ngã, và đôi khi con sẽ gặp chính các sa nhân cảm thấy con đã tấn công cá nhân họ vì họ luôn luôn xem mọi chuyện là cá nhân. Cách duy nhất để thực sự ứng phó là con không xem cách phản ứng của họ nhắm vào cá nhân con, bởi vì một lần nữa, con không làm chuyện này do một thâm ý cá nhân – có đúng không con? Con có thể nhìn nhận khi con nhìn lại đời mình, là khi con nói ra điều gì hay bày tỏ một quan điểm, con muốn người khác đồng ý với con vì như vậy con sẽ cảm thấy mình được xác chứng. Nếu họ bất đồng với con thì vết thương mà con mang bên trong được khơi dậy, nỗi bất an, nỗi ngờ vực, rồi con sẽ đau lòng. Con mang thâm ý cá nhân mong muốn người khác đồng ý với con hầu con không phải cảm thấy đau lòng. Đó là ý thày muốn nói qua từ “thâm ý cá nhân” đối với một avatar.

Con yêu dấu, một avatar không có thâm ý cá nhân giống như sa nhân là hà hiếp người khác để được lợi lộc. Đây có thể gọi là thâm ý cá nhân tổn thương của một avatar, là khi con tìm cách thay đổi người khác để bù đắp cho vết thương của con. Tất nhiên, một khi con loại bỏ được vết thương này thì con không cần làm vậy nữa. Thậm chí con không làm vậy nữa với thái độ là mình phải thay đổi một điều gì đó trên trái đất. Như các thày đã nói, con đạt tới điểm con chỉ đơn giản là chính mình, con tỏa rạng những gì đến với con từ bản thể cao hơn của con, con đồng sáng tạo, và chính điều này sẽ thách thức sa nhân.

15.8. Thực hiện cuộc xoay chuyển Ki-tô

Tuy nhiên như các thày cũng đã nói, có thể sẽ tới những điểm một khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời, con đã tiêu hủy năng lượng, con đã buông bỏ ngã tách biệt đó, có lẽ cả ngã gốc, nhưng vẫn có một cái ngã tách biệt khác cứ suy nghĩ rằng con không được thách thức, hay không được trực diện, hay không được nhẫn tâm, hay bất kỳ ý tưởng nào đại loại như vậy. Nói cách khác, con đã thật sự sẵn sàng để bắt đầu biểu lộ quả vị Ki-tô của mình và thách thức các ý tưởng sa ngã, nhưng lại có cái ngã tách biệt kia ở bên trong đang chặn con lại vì con nghĩ mình không được làm vậy bởi một lý do nào đó.    

Có lẽ con nghĩ: “Tôi là một người tâm linh, tôi phải hiền từ hòa nhã với mọi người,” như nhiều người thiện tâm trong lãnh vực Thời Mới thường nghĩ vậy. Con cần sẵn lòng nhìn vào ngã tách biệt đó và nói: “Đâu là cách biểu đạt quả vị Ki-tô mà tôi đã thấy được khi tôi ở mức nhận biết cao nhất của mình? Đâu là điều tôi đã quyết định muốn biểu hiện?” Xong con nhìn ngã đó và bảo: “Tôi sẽ không cho phép ngã này đứng chắn đường tôi đi. Tôi sẽ để cho nó chết, và tôi sẽ làm một cuộc xoay chuyển cách mạng ý thức trong tâm rằng tôi sẵn lòng là Ki-tô Hằng sống trong hành động. Tôi sẵn sàng biểu đạt bất cứ gì đến từ Hiện diện TA LÀ của tôi, ngay cả khi nó thách thức hay làm phật lòng hay xúc phạm người khác.”

Con yêu dấu, các thày đã có nói, quả vị Ki-tô không phải là chuyện thi đua để được lòng mọi người, hay để khiến cho ai nấy ưa mình hoặc mình cảm thấy thoải mái. Con sẽ thấy là khi thày bước chân trên địa cầu khắp các lối đường bụi bặm của đất Palestine, thỉnh thoảng thày có gặp những người cảm thấy vô cùng khó chịu chỉ do Hiện diện của thày, vì ánh sáng mà thày tỏa rạng đã khuấy động những con quỷ bên trong họ – nếu có thể nói như vậy – và bỗng nhiên những con quỷ này la lớn, hét vào mặt thày. Thày không bảo là điều này sẽ nhất thiết xảy ra cho con, nhưng con cần nhìn nhận là khi con có càng nhiều ánh sáng thì một số người sẽ càng cảm thấy xốn xang khi họ gặp ánh sáng. Con cần đạt tới điểm con không dùng phản ứng của người khác để mà nói: “Ồ, tôi đã làm gì sai trái? Có điều gì không ổn với tôi? Tôi đã không nên làm chuyện này hay chăng?”

Một lần nữa, con đạt tới điểm là con chấp nhận quyền tự quyết. Con xoay chuyển một cách ý thức là con chấp nhận quyền tự quyết. Con chấp nhận con có quyền là con người mà con là. Con chấp nhận người khác có quyền phản ứng lại theo mức tâm thức của họ. Rồi một lần nữa, con có quyền tiếp tục là con người mà con là, bất kể phản ứng của họ là gì. Phản ứng của họ là gì chứ? Nói cho cùng, đó là kết quả những chọn lựa của chính họ.

Có thể họ mang một khuôn nếp tâm lý, có thể họ mang một số phàm linh nội tại, có thể họ mang những con quỷ đang kiểm soát họ và khiến họ phản ứng như vậy cho nên họ không đang chọn lựa một cách ý thức. Nói cho cùng, khi con nhìn ngược trở lại quá trình của dòng sống đó, dòng sống của họ đã làm một số chọn lựa dẫn họ đến mức nhận biết hiện tại. Cách họ phản ứng với con là kết quả những chọn lựa đó. Con yêu dấu, đó là quyền tự quyết của họ, không phải quyền tự quyết của con. Con không có thẩm quyền gì trên quyền tự quyết của họ. Khi con hoàn toàn công nhận là con không có thẩm quyền trên quyền tự quyết của một người khác thì con cũng công nhận là con không trách nhiệm về chọn lựa của họ hay hậu quả của chọn lựa đó.

15.9. Lý tưởng Bồ tát

Và đây là điểm con cần nhận ra là với tư cách một avatar, nhiều người trong các con đã đến đây vì con đã nhìn vào địa cầu, nhìn vào đau khổ trên trái đất và có lòng trắc ẩn đối với những ai đang bị khổ đau. Đây là một lý tưởng được diễn tả tại phương Đông, đặc biệt liên quan đến thày Quan Âm, qua lý tưởng Bồ tát. Truyện được kể ở phương Đông là Quan Âm đã đạt tới điểm thày hội đủ tư cách thăng thiên – hay Niết bàn theo cách gọi như vậy – và thày đã có thể rời khỏi địa cầu. Nhưng khi thày sẵn sàng bỏ lại địa cầu, thày đã ngoái nhìn lại một lần chót và nghe thấy tiếng than khóc của thế gian, của những người đang đau khổ, và thày quyết định ở lại với trái đất để cứu giúp loài người vượt qua khổ đau. Đó chính là lý tưởng Bồ tát của một người đã đủ tư cách thăng thiên nhưng vẫn chọn ở lại với địa cầu. Nhưng câu chuyện trên có thể dễ dàng được chuyển sang trường hợp của nhiều avatar cũng đã quyết định đến địa cầu vì đã nghe thấy tiếng than khóc và nhìn thấy đau khổ của thế gian.

Các thày đã trao cho con những gì? Sứ giả này đã ngộ ra điều gì khi suy nghiệm các giáo lý về chấn thương nhập đời? Đó là con, như một avatar, chưa ở trong trạng thái tâm thức thăng thiên khi con quyết định đến địa cầu. Con có một mức tâm thức cao hơn ở đây, con đến từ một hành tinh tự nhiên. Một lần nữa, trong bản thể con không có xấu ác, nhưng con vẫn mang một điều gì đó chưa giải quyết, một điều gì đó mà con chưa học xong. Đâu là điều mà con chưa học? À, đó là bản chất tuyệt đối của quyền tự quyết. Đây là một trong những thử thách lớn nhất mà con có thể gặp.

Con yêu dấu, con có thể lập luận rằng vấn đề duy nhất của sa nhân là chúng đã không hoàn toàn trải nghiệm và chấp nhận sự tuyệt đối của quyền tự quyết. Chúng vẫn cố tìm những cách thức để khuynh đảo quyền tự quyết, quyền tự quyết của người khác, hay tìm cách căng rộng quyền tự quyết của chúng ra – sa nhân tưởng như vậy – để nó cho chúng nhiều tự do hơn, vì chúng không hiểu là chúng đã có tự do tuyệt đối rồi.

Con hiểu chứ con? Một số sa nhân sẽ không nhìn nhận là chúng đang có quyền tự quyết tuyệt đối. Chúng đã tạo ra trong tâm tấn tuồng cuồng đại cho rằng Thượng đế đang hạn chế quyền tự quyết của chúng, cho nên cách duy nhất để biểu lộ quyền tự quyết là nổi loạn chống lại ngài, bằng cách làm ngược lại những gì ngài muốn chúng làm. Chúng chỉ không chịu nhìn nhận là thượng đế đó – thượng đế muốn chúng làm cái gì đó – chính là sự tạo dựng của chúng chỉ hiện hữu cho tâm chúng. Trong khi đó thì Đấng Sáng tạo đích thực đã nói rằng: “Con có quyền tự quyết hoàn toàn.” Một trong những thử thách lớn nhất cho một sinh thể tự nhận biết, cho dù sa ngã hay không sa ngã, là nhìn nhận bản chất tuyệt đối của quyền tự quyết.

Là một avatar, con đã chưa nắm bắt được toàn bộ bản chất tuyệt đối của tự quyết. Khi con nhìn xuống trái đất và thấy người ta đau khổ, con chỉ có thể lý luận là có gì đó đã bị lệch lạc, hư hỏng, do họ đã chọn lựa sai lầm. Và nhiệm vụ của con, nhiệm vụ mà chính con đã tự giao phó, là con sẽ đi xuống giúp họ có những chọn lựa đúng hơn – không phải bằng cách thao túng họ mà qua nhiều cách khác. Nhiệm vụ của con như một avatar có phải là đến đây và làm gì đó để sửa đổi chọn lựa của người khác hay không?

15.10. Sự khác biệt cơ bản của quyền tự quyết

Tuyệt đối là không! Theo Định luật Tự quyết, đó không phải là nhiệm vụ của con. Điều này có nghĩa chăng là con không thể giúp được ai? Không, không có nghĩa như vậy. Có một sự khác biệt cơ bản giữa tư duy là con cần làm gì đó để thay đổi người khác, và tư duy là con ở đây để trưng ra cho họ thấy một giải pháp thay thế cho trạng thái tâm thức hiện tại của họ. Đây là một khác biệt cơ yếu.   

Nó không có vẻ gì là một khác biệt lớn lắm, nhưng một khi con suy nghiệm ý tưởng này trong tâm và thỉnh cầu sự hướng dẫn nội tâm, con có thể đạt tới điểm thực hiện một trong những cuộc xoay chuyển cách mạng mà Saint Germain nói đến. Bỗng nhiên con ngộ ra khác biệt đó cơ yếu đến chừng nào. Điều đó, con yêu dấu, sẽ là thử thách lớn nhất của con như một avatar trên địa cầu. Con sẽ phải sẵn lòng làm những gì Saint Germain đã nói đến: Nhìn nhận là mình đã sai lầm. Không cứ là con đã sai trái – sai trái trong nghĩa xấu xa, tà ác – khi con đến địa cầu. Nhưng con phải nhìn nhận là thái độ mà con đã có, đã đưa con tới trái đất, cần phải ra đi. Thái độ đó không quân bình. Nó bất toàn. Nó không là tối hậu. Nó không là tâm thức Ki-tô. Con phải sẵn lòng nhìn nhận điều này vì cho tới khi con nhìn nhận điều đó trong tư cách một avatar thì con sẽ không thể rời nơi đây.

Chừng nào con còn nghĩ lý do mình đến địa cầu, hay sự thành công của mình trên địa cầu, là để thay đổi một ai khác, thay đổi các chọn lựa tự quyết của họ, thì con không thể buông hành tinh này ra. Sẽ có thêm nhiệm vụ nào khác mà con phải làm, một vấn đề nào khác mà con phải giải quyết, một cuộc tranh đấu cuồng đại nào khác mà con phải hoàn tất. Nó có thể cứ tiếp diễn mãi mãi, con yêu dấu. Đó là một trong những điều các thày muốn chỉ ra cho con thấy trong quyển sách Các kiếp của tôi, khi thày đã bỏ ra hai triệu năm trời để vượt qua cái ảo tưởng đã đưa thày tới đây. Nó có thể kéo dài lâu hơn thế nữa.

15.11. Trong Sứ vụ của con có việc thăng thiên hay không?

Con cần nhận diện là nếu trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình có khả năng con sẽ thăng thiên sau kiếp này, thì việc thăng thiên sẽ đòi hỏi ở con những gì? Đôi khi, và đặc biệt trong các tổ chức chân sư thăng thiên trước đây, các đệ tử có một cái nhìn gần như máy móc về thăng thiên. Con nghĩ là nếu con làm việc này và làm việc kia, và nếu con hiểu điều này và hiểu điều kia thì đùng một cái, con sẽ thăng thiên! Một lần nữa, sẽ không bao giờ có chuyện “đùng một cái”. Thăng thiên sẽ cần gì? Sẽ cần (như sứ giả này đã nhìn thấy trong một ánh chớp trực giác cách đây nhiều năm) là con đạt tới điểm con đứng trước cánh cổng đó. Trước khi con có thể bước qua cổng, con phải ngoái nhìn lại trái đất. Thày cũng biết có những truyện kể rằng những ai ngoái nhìn lại sẽ biến thành cột muối, nhưng điều này sẽ không xảy ra khi con ở mức thăng thiên. Con phải nhìn lại. Con phải nghe thấy tiếng than khóc của thế gian. Xong con phải duyệt lại bản thể của mình và nói: “Có còn gì trên trái đất mà tôi không thể bỏ lại?”

Chỉ khi nào con nhận ra là không còn gì trong bản thể mình đang níu kéo mình ở lại trái đất, chỉ khi đó con mới có thể quay gót và chọn lựa: “Tôi rời bỏ hành tinh này vĩnh viễn. Tôi buông bỏ khả năng ảnh hường hành tinh này, một khả năng mà tôi chỉ có được khi tôi hiện thân trong vật lý. Tôi buông bỏ nó! Tôi lựa bỏ nó ra!” Sau đó con có thể thăng thiên, nhưng đây là một chọn lựa và đó phải là một chọn lựa hoàn toàn có ý thức. Không thể có bất cứ gì trong bản thể con mà con chưa nhìn vào, bởi vì khi đó, ông hoàng của thế gian này sẽ nắm được cái đó nơi con và y sẽ lôi con trở lại.

Bây giờ có một điểm nữa. Các thày công nhận là mỗi khi các thày ban ra một lời dạy, nó có thể khiến cho một số người diễn giải theo một cách hơi thiếu quân bình. Các thày đã ban ra rất nhiều lời dạy về thăng thiên, và suốt nhiều thập niên nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã mang ý tưởng là điều duy nhất thực sự quan trọng, điều duy nhất mà con thực sự phải làm như một đệ tử của chân sư, là nỗ lực đạt đến thăng thiên. Con cần thăng thiên càng nhanh càng tốt, chắc chắn sau kiếp này nếu có thể hay trong kiếp tới. Đây là trường hợp cho một số các con nhưng không phải cho tất cả các con.

Chúng ta đang sắp sửa đem lại được gì cho hành tinh này? Thời đại Hoàng kim của Saint Germain! Có những sinh thể đang đầu thai, kể cả các avatar, muốn góp phần trong công cuộc thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain. Tất nhiên, điều này sẽ không xảy ra toàn bộ trước khi con mãn kiếp sống hiện thời, ngay cả nếu con vẫn còn trẻ tuổi vào lúc này. Có thể một số các con đã không thảo vào Sứ vụ của mình việc thăng thiên sau kiếp này vì con muốn đầu thai liên tục hầu giúp thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain, hay thậm chí còn được trải nghiệm Thời Hoàng kim. Điều này, con chỉ có thể thấy được một khi con lên đến các tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng, và một lần nữa, con chỉ thấy được nó rõ ràng một khi con giải quyết chấn thương nhập đời.

Con hãy công nhận điều này, con yêu dấu: Nhiều avatar, do cường độ và nỗi đau của chấn thương nhập đời, có mong muốn thoát khỏi nơi đây vì họ nghĩ họ sẽ tránh xa khỏi chấn thương nhập đời của họ. Tất nhiên là khi con thăng thiên, con sẽ rời xa khỏi chấn thương nhập đời, nhưng con sẽ không thăng thiên cho tới khi con đã nhìn sâu vào nó và trực diện với nó. Có một cơ chế trốn chạy là khi người ta cảm thấy: “Ồ, đương đầu với chấn thương nhập đời thật quá sức của tôi, cho nên tôi sẽ chỉ tập trung vào chuyện thăng thiên, và tôi chắc chắn tôi có thể làm được mà không phải giáp mặt với chấn thương nhập đời.” Chuyện này không thể làm được, con ạ!

Một lần nữa, điều gì sẽ giúp con góp phần vào việc thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain? Điều gì sẽ cho phép con trải nghiệm và thực sự vui hường nó được? Đó là con giải quyết chấn thương nhập đời của con. Không có nghĩa là khi con giải quyết chấn thương nhập đời thì con sẽ tự động thăng thiên hay con sẽ phải thăng thiên. Con ạ, con có thể chọn ở lại trái đất và nói: “Thày biết đó, con đã phải vật lộn với chấn thương nhập đời này suốt hai triệu năm qua, chắc chắn con sẽ muốn được kinh nghiệm hành tinh này mà không có nó.” Thật không có gì sai trái nếu con chọn như vậy, con yêu dấu – ngay cả nếu con có thể tùy chọn thăng thiên hay không.

Tất nhiên như các thày đã nói trong các đợt truyền pháp trước, cũng đúng là khi có ai thăng thiên thì điều này sẽ tác động tích cực đến địa cầu. Sự thăng thiên sẽ kéo tâm thức tập thể đi lên. Chắc chắn khi có ai giải quyết được chấn thương nhập đời và bắt đầu biểu đạt quả vị Ki-tô của mình thì điều này cũng tác động tích cực nếu con ở lại trong hiện thân. Một lần nữa, đây không phải là một điều ép buộc cho con. Đã có những đệ tử của chân sư gần như cảm thấy mình bị buộc phải thăng thiên, hay phải nỗ lực thăng thiên vì họ phải làm vậy để giúp địa cầu. Nhưng con có quyền định đoạt tuyệt đối: “Tôi muốn ở lại trong hiện thân và giúp đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain.” Con yêu dấu, nếu ngày mai tất cả các con đều thăng thiên hết thì sẽ còn ai nữa để đem lại Thời Hoàng kim đây? [Có người trong cử tọa trả lời “Chúng con!”] Không, vì con sẽ thăng thiên, và một khi con thăng thiên, con sẽ không thể đem nó vào thị hiện vật lý.

15.12. Thăng thiên hay không thăng thiên

Con yêu dấu, đã từng có những thời đại trước trên trái đất (các thày đã có giảng về các giống dân gốc và những điều tương tự), đã từng có những chu kỳ khi một nền văn minh dần dần vươn lên một trình độ rất cao và có một nhóm dòng sống đã đóng góp đắc lực để đưa nền văn minh lên mức đó. Lý do họ đã góp phần nâng cao nền văn minh là vì họ cũng đã nâng cao tâm thức của họ và bắt đầu thể hiện quả vị Ki-tô. Tất nhiên khi làm vậy, họ đã hội đủ tư cách thăng thiên. Họ có sự chọn lựa tự quyết: thăng thiên hay không thăng thiên. Đã xảy ra những trường hợp khi quá nhiều dòng sống già dặn đó chọn thăng thiên cùng một lúc, đến độ sau khi họ bước ra khỏi hiện thân thì nền văn minh đã rất nhanh chóng rơi vào một vòng xoáy hướng hạ và sụp đổ. Có thể nói là đã không có đủ số người đầu thai để cầm giữ sự cân bằng tâm linh và duy trì nền văn minh trong vòng xoáy hướng thượng. Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là sa nhân đã có thể dọn tới, nắm giữ quyền bính và kéo nền văn minh đi xuống.    

Con phải thận trọng và nhìn nhận là luôn luôn có một thế quân bình cần tìm ra. Một lần nữa, các thày không đang nhìn trở ngược lại và trách cứ những người kia đã chọn thăng thiên. Họ có quyền chọn như vậy, và đó chính là sự thử thách cho những ai nhìn vào những ví dụ đó mà vẫn còn ở tầng thấp hơn. Liệu họ sẽ bước lên và lấp đầy khoảng trống, hay là họ sẽ cho phép sa nhân đi vào chiếm lấy khoảng trống? Đó đã là chọn lựa và thử thách cho những người đó. Sự việc đã trải bày ra thế nào thì cũng hoàn toàn tốt thôi.

Thày chỉ giản dị nói với con là trong tư cách một đệ tử chân sư thăng thiên, con không cần phải dồn hết tâm trí vào ý nghĩ: “Tôi phải thăng thiên sau kiếp này.” Không có gì mà con phải làm cả. Chắc chắn con có thể phụng sự đời sống, phụng sự địa cầu, phụng sự Saint Germain bằng cách ở lại trong hiện thân sau khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời và nhờ vậy cũng có nhiều khả năng hơn để là một cánh cửa mở.

15.13. Sứ vụ Thiêng liêng đã không bị ép buộc lên con

Quyền tự quyết là tuyệt đối, cho nên trong cõi tự quyết không thể có bất cứ gì tuyệt đối mà con phải làm hay không được làm. Con thấy đó, thật quan trọng khi con đến được điểm này vì, con yêu dấu, để hoàn thành tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ của mình, con phải khắc phục ý niệm là có gì đó ép buộc lên con. Thậm chí con có thể có một cái ngã tách biệt đã nghe nói về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng, đã học giáo lý của các thày, nhưng vẫn cảm thấy Sứ vụ đã bị ép buộc lên con. Có thể chính con đã tự ép buộc Sứ vụ lên bản thân mình! Đó là điều mà ngã này cảm nhận.

Con cần nhận diện liệu con có mang khuynh hướng này hay không, xong con cần xem xét nó và nói: “Tôi không cần ngã này nữa. Tôi để cho nó chết đi.” Con không thể hoàn thành tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ của mình cho tới khi con chấp nhận nó một cách trọn vẹn và tuyệt đối. Nói cách khác, con không thể cảm thấy là mình đã có những chọn lựa trước khi đầu thai, nhưng bây giờ con ở đây và thấy rõ kiếp hiện thân vật lý và mọi chuyện trên địa cầu khó khăn đến chừng nào, thì con đâm ra nghi ngờ là con có thể làm tròn hay đương nổi các chọn lựa đó. Thậm chí, con còn không chắc chắn là mình sẵn lòng thực hiện các chọn lựa này, cho nên bên trong con cảm thấy một xung đột nào đó, gần như thể con là – như thày từng nói cách đây 2000 năm – “một ngôi nhà bị phân rẽ chống lại chính nó” liên quan đến Sứ vụ của con.

Nếu bên trong con có phân rẽ, một đằng là nội dung của Sứ vụ Thiêng liêng mà chính con đã chọn đặt vào đó, và đằng khác một ngã tách biệt với ý chí khác hơn, thì con cần xem xét nó. Con không thể làm tròn tiềm năng cao nhất của Sứ vụ chừng nào con còn kéo lê cái ngã này theo con.

Một lần nữa, con cần làm cuộc xoay chuyển cách mạng là nhìn vào nó và nói: “Được rồi, tôi sẵn sàng xem xét nó, tôi sẵn sàng bước sâu vào trong đó, tôi sẵn lòng trải nghiệm niềm tin đứng đằng sau nó.” Rồi con nhìn ra tính không thực của lý do và con nói: “Không, đây không thực là chọn lựa của tôi. Đây có thể là chọn lựa của ngã tách biệt. Tôi nhìn thấy đây là chọn lựa của ngã tách biệt, vì bất kể những gì đã tạo ra ngã tách biệt – một chấn thương, một tin tưởng sai lầm, bất kể – thì bây giờ tôi đã thấy nó rồi và tôi chọn để cho nó chết. Xong tôi chọn ôm lấy những gì tôi đã thực sự đặt vào Sứ vụ, vì tôi sẵn sàng vươn lên mức tâm thức mà tôi đã có khi tôi đặt những điều đó vào Sứ vụ.” Chỉ khi nào con buông ngã tách biệt này thì con mới có thể thực sự vươn đến đó. Và chỉ khi đó con mới có thể ôm lấy Sứ vụ của mình – ôm một cách trọn vẹn.

Con yêu dấu, khi con nhìn lại cuộc đời của thày cách đây 2000 năm, nếu con thực sự thành thật, con sẽ có thể thấy thày là Ki-tô Hằng sống, nhưng theo một cách nào đó, thày là Ki-tô Hằng sống bất đắc dĩ. Chẳng hạn con thấy trong tình thế trước các biến cố dẫn đến việc thày bị bắt và đóng đinh, thày ngồi trong Vườn Gethsemane. Có người bảo rằng những giọt mồ hôi thày đổ ra là máu và có người thì bảo là không, nhưng chuyện này không phải là vấn đề. Vấn đề là thày đã thốt lên: “Cha ơi, nếu đây là ý muốn của Cha, hãy cho chén này lìa khỏi con.” Tuy vậy, sau đó thày lại nói: “Song không theo ý muốn của con mà theo ý muốn của Cha.”

Điều này cho con thấy gì? Rằng ngay cả thày đây, ở mức quả vị Ki-tô mà thày đã chứng được, vẫn còn phân rẽ trong bản thể mình khi thày cảm thấy có một ý muốn của thày và có một ý muốn cao hơn. Phải chăng Thượng đế đang ép buộc lên thày? Không, chính thày đã chọn lựa như vậy khi thày lập ra Sứ vụ của mình. Thày đã chọn lựa, nhưng vẫn có một thành phần trong cái ta vỏ ngoài của thày, trong nhân cách vỏ ngoài của thày, một cái ngã tách biệt vẫn chưa hoàn toàn ôm lấy và chấp nhận chọn lựa đó. Ý thày muốn nói là thế này: Điều đó, tất nhiên, cũng hoàn toàn tốt thôi. Nó xảy ra 2000 năm về trước vào một thời tâm thức dày đặc hơn rất nhiều. Khi đó thày là một trong những người đi tiên phong chứng tỏ tâm thức Ki-tô. Điều đó tốt hoàn toàn vào thời buổi đó, nhưng trong thời đại hôm nay, các con có tiềm năng bước lên cao hơn nữa, tiềm năng khắc phục sự phân rẽ đó trong bản thân mình và ôm lấy trọn vẹn Sứ vụ của con.

Hiển nhiên đây là điều thày mong muốn nhìn thấy nơi con, con yêu dấu. Liệu điều này có nghĩa là con sẽ hiển thị một mức quả vị Ki-tô cao hơn thày cách đây 2000 năm hay chăng? “Đúng vậy! Có thể nghĩa là vậy cho con đó!” Con không nghĩ đó là điều thày mong muốn cho con sao? Con yêu dấu, con có nghĩ là thày – chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô – lại mang chút tham vọng của tự ngã bảo rằng: “Ta đã từng là người chứng tỏ quả vị Ki-tô trên trái đất và ta không muốn bao giờ có người qua mặt được ta” hay sao?

Thày muốn con hoàn thành những công việc lớn lao hơn thày thuở trước – thày đã nói vậy cách đây 2000 năm. Thật không phải là vấn đề của thày nếu con đã không tin thày! Thày an bình với chuyện đó, thày phó mặc cho quyền tự quyết của con, và thày chỉ muốn chỉ ra cho con thấy đây là cách nhìn của thày. Thật sẽ là niềm vui tột cùng cho thày được chứng kiến nhiều người – một vạn người – hiển thị một tầng của quả vị Ki-tô cao hơn những gì thày đã có thể hiển thị cách đây 2000 năm, cho dù như thày vừa nói, họ có biểu lộ quả vị Ki-tô đó qua một lối sống phần nào “bình thường”.

Con yêu dấu, thật là niềm vui tột cùng cho thày được trao con bài giảng này và thật sự được thấy những xoay chuyển tâm thức nơi những ai đã hấp thụ được. Thày sẽ vui mừng biết mấy được thấy nó lan tỏa ra như những vòng tròn trên mặt nước, giúp cho ngày càng nhiều người hơn đạt tới mức chấp nhận hoàn toàn tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình – chấp nhận trọn vẹn các chọn lựa của chính mình.

17 | Tầm nhìn omega về sự phán xử

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 21/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary. Con yêu dấu, khi con trải nghiệm một bài giảng như bài chúng ta vừa trải nghiệm của Giê-su, thày nhớ lại khi hiện thân cùng với Giê-su, thỉnh thoảng thày ngồi đó mà cảm thấy gần như kinh ngạc khi nghe Giê-su phát biểu. Trong Kinh thánh có kể lại, “không có một người nào nói chuyện giống như người này,” và chắc chắn Giê-su có một cách sử dụng ngôn ngữ thật độc đáo, đẹp tuyệt vời. Ngay cả khi là một chân sư thăng thiên, tất nhiên thày cũng có thể trải nghiệm một bài truyền đọc. Thày trải nghiệm nó một cách khác hơn vì không những thày trải nghiệm sinh thể thăng thiên đang phát biểu như vị đó đang ở cõi thăng thiên, mà thày cũng trải nghiệm những gì tuôn ra qua trung gian sứ giả này.

Khi con xét đến sự khó khăn, khoảng cách rung động, khoảng cách trong mức tâm thức, khi con xét đến địa cầu này dày đặc chừng nào, thì con thấy được nỗi khó khăn trong việc đem Bản thể của một chân sư thăng thiên vào cõi này qua trung gian những lời nói của thế gian. Con phải ngưỡng phục khả năng của Giê-su đã có thể bày tỏ Bản thể của thày nhiều đến như vậy trong cõi dày đặc này. Nhưng con cũng phải gần như kinh ngạc khi thấy làm thế nào nguyên tiến trình giao tiếp từ cõi thăng thiên thông qua một sứ giả chưa thăng thiên lại có thể thực hiện được.

Đôi khi các thày biết là các đệ tử của mình có thể xem việc này là đương nhiên, họ cảm thấy: “Vậy à, chuyện này xem có vẻ dễ quá – sứ giả chỉ việc đi lên đó, nhắm mắt lại rồi mọi chuyện bắt đầu tuôn chảy.” Khi con nhận thức độ dày đặc của cõi này, đó thật là một tiến trình độc đáo mà con không nên cảm thấy nó quá dễ đến độ xem đó là chuyện thường tình.

17.1. Mặt omega của sự phán xử

Điều thày mong làm hôm nay là đem lại cho con phần nào góc nhìn omega của bài giảng của Giê-su. Mỗi lần các thày đề cập đến việc đem lại phán xử Ki-tô và thách thức sa nhân, luôn luôn có một tỷ lệ trong số các con sẽ có một phản ứng cưỡng lại. Không phải là thày đang chỉ trích con có phản ứng như vậy. Thày sẽ chỉ ra cho con thấy là có hai khía cạnh trong lý do vì sao con lại có phản ứng, vì sao con có thể cảm thấy do dự ngần ngại, vì sao con có thể không thích công việc này: “Có thật đây là việc của tôi? Tôi nên làm gì đây? Tôi không xem mình là một người hướng ngoại, tự tin lắm,” cùng nhiều ý nghĩ khác mà con có thể có.  

Con yêu dấu, như Giê-su đã nói, vũ khí chủ yếu của sa nhân là lòng ngờ vực, và tất nhiên nhiều người trong các con mang lòng ngờ vực này. Thật ra, tất cả các con nếu chưa giải quyết chấn thương nhập đời đều sẽ ngờ vực, lòng ngờ vực của sa nhân. Một phần trong phản ứng mà con có thể có chỉ đơn giản phát xuất từ đó. Con chưa giải quyết xong ngã gốc của con cho nên con mới cảm thấy do dự như thế. Thày có thể cam đoan với con là một khi con giải quyết ngã gốc, con sẽ không còn do dự như vậy nữa, ít ra khi con làm cuộc xoay chuyển mà Giê-su nói đến.

Dù sao thì điều thày muốn trình bày là như Giê-su có nói, không phải tất cả các con đều có trong Sứ vụ Thiêng liêng là con sẽ thăng thiên sau kiếp này. Cũng vậy, không phải tất cả các con đều có trong Sứ vụ Thiêng liêng việc xông ra thách thức sa nhân một cách công khai. Điều Giê-su nói đến là khía cạnh alpha của việc thách thức sa nhân, là khi con lên tiếng về các ý tưởng của chúng, thậm chí con có thể sẵn sàng chạm trán với chúng ở mức cá nhân và cho phép chúng tấn công con hầu chúng phải nhận phán xử Ki-tô. Đối với những con còn lại, việc này không nằm trong Sứ vụ của con, không phải là những gì con đã ghi vào Sứ vụ về cách biểu hiện quả vị Ki-tô của mình ra sao. Và tất nhiên như mọi thứ khác, quả vị Ki-tô cũng có một mặt alpha và một mặt omega.

Vậy đâu là cách omega để thách thức sa nhân và đem lại phán xử Ki-tô trên sa nhân? Con yêu dấu, đó là yêu thương sa nhân. Ở tầm mức cá nhân, đây có thể là khi con chọn có quan hệ với sa nhân, dù trong phạm vi gia đình hay một mối quan hệ nào khác. Con đã chọn có liên hệ mật thiết với một số sinh thể sa ngã nhất định. Nếu con hòa điệu với Sứ vụ và nhìn xem những gì được thảo vào đó, có thể con sẽ nhận ra là kỳ thực con sẽ hiểu lầm Sứ vụ của con nếu con quyết định bằng tâm vỏ ngoài, dựa trên các lời dạy đã được ban ra, rằng: “Bây giờ tôi cần phải thách thức những người đó.” Nếu con là người uy thế trong giới quen biết của con, con quyết định: “Tôi cần thách thức người này.” Hay nếu con cảm thấy ai đó có thể là sa nhân, con nghĩ con cần thách thức người đó.  

Thày yêu cầu con hãy hòa nhập và không vội bắt đầu thách thức bất cứ ai cho đến khi con biết trong Sứ vụ mình có gì, cho đến khi con cảm thấy điều này đến từ bên trong. Không phải là con cần có một ấn tượng tận mắt về Sứ vụ rồi con xông ra thách thức sa nhân. Không, con đi theo trực giác của con. Nếu con nhận được thúc giục của trực giác để thách thức ai đó thì con cứ việc làm, nhưng con không quyết định bằng tâm vỏ ngoài là con phải thách thức họ.

Đặc biệt đối với các con cảm thấy do dự, thày yêu cầu con hãy trước tiên làm việc với chấn thương nhập đời của mình. Ngay cả khi con đã khắc phục được chấn thương nhập đời, thày yêu cầu con hãy hoà nhập và nhìn xem: “Việc tôi xông ra thách thức người khác có thật là chọn lựa của tôi không? Hay thay vào đó, chọn lựa của tôi là thương yêu họ?” Sau đó con cần nhận ra là trong việc hoàn thành ý muốn và tiềm năng cao nhất cho Sứ vụ của con, chúng ta không đang nói đến chuyện yêu thương sa nhân theo cách thế phàm. Chúng ta đang nói đến việc yêu thương sa nhân theo một cách mà các thày gọi là vô điều kiện, và bây giờ thày muốn trình bày sự khác biệt cho con thấy.

17.2. Tình yêu nhân thế và tình yêu vô điều kiện

Con thấy đó, con yêu dấu, cách vô điều kiện, tình yêu vô điều kiện chỉ có thể được trao khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời của mình – nếu con là một avatar. Nếu con không là avatar mà là một cư dân nguyên thủy của trái đất, con cần vươn lên một mức cao của quả vị Ki-tô trước khi con có thể bày tỏ tình yêu vô điều kiện, vì tất nhiên, tình yêu có điều kiện xuất phát từ một tâm lý chưa giải quyết. Nhiều khi các thày đã gọi đó là tình yêu sở hữu khi con nghĩ mình yêu ai đó, nhưng con làm vậy là vì con cho rằng người kia có thể cho con điều gì đó sẽ giúp con trở nên trọn vẹn, hoặc sẽ che lấp vết thương của con để con không cảm được vết thương. Đó là tại sao khi người ta yêu, người ta thường ở trong một trạng thái hưng phấn không cảm thấy vết thương của mình, hay bay bổng lên chín tầng mây và mọi chuyện đều tuyệt vời.

Lý do đơn giản là vì ngay lúc này họ không nhìn thấy vết thương, họ không đang cố giải quyết nó. Nhưng rồi một khi tuần trăng mật kết thúc, họ bắt đầu lại cảm được vết thương. Và họ phóng chiếu: “Ồ, người này không phải là tình yêu đích thực mà tôi hằng khao khát, cho nên tôi cần tìm người khác.” Tất nhiên, chuyện này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.

Chừng nào con còn mang những vết thương đó, đặc biệt là chấn thương nhập đời, con sẽ không thể là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện. Lấy ví dụ tình huống được mô tả trong quyển Các kiếp của tôi là sự phán xử của Lucifer, khi nhân vật chính trong sách bày tỏ tình yêu vô điều kiện đối với Lucifer – và đó là cơ hội chót của Lucifer. Liệu y sẽ đáp lại tình yêu vô điều kiện được biểu lộ bởi một người y đã quen biết trong cõi đầu thai vật lý? Nếu sa nhân không đáp lại tình yêu vô điều kiện thì đó chính là sự phán xử đối với sa nhân, là sự phán xử của Ki-tô.

Có thể một số các con cảm thấy đây là điều con chủ tâm muốn làm. Có một ai đó trong phạm vi ảnh hưởng của con mà con cảm thấy không nên thách thức. Vai trò của con không phải là thay đổi họ mà chỉ đơn giản là giúp họ nhìn ra một cách khác, một trạng thái tâm thức khác, cho nên cuối cùng sẽ tới một điểm con có thể bày tỏ tình yêu vô điều kiện. Có lẽ không nhất thiết họ là sa nhân, có lẽ họ là một người hay một cư dân nguyên thủy của trái đất, thậm chí còn có thể là một avatar. Họ có khả năng biến đổi khi trải nghiệm một dạng tình yêu khác hơn là loại tình yêu họ đã từng trải nghiệm trên địa cầu.

Chắc chắn đó là một cách để con chứng tỏ là có một trạng thái tâm thức khác. Nói cách khác, điều hoàn toàn chính đáng trong khía cạnh alpha của quả vị Ki-tô là con bày tỏ một số quan điểm cùng ý tưởng, hay ngay cả con thách thức ý tưởng của người kia và giải thích tại sao đó là những ý tưởng nhị nguyên và tại sao chúng không phải là cao nhất. Nhưng khía cạnh omega là khi con chứng tỏ một trạng thái tâm thức khác hơn qua tình yêu vô điều kiện, qua việc yêu thương người khác. Hiển nhiên, điều này cũng áp dụng cho các thành viên trong gia đình con dù họ có là sa nhân hay không. Tất nhiên, thày không bảo con hãy đi vòng quanh, điểm mặt từng người con gặp và cố xét đoán họ với tâm vỏ ngoài: “Người này có phải là sa nhân hay chăng?” Vì như vậy, con có thể đặt ra trong tâm mình đủ loại tiêu chuẩn bảo rằng khi có ai xử sự thế này thế kia thì bắt buộc họ phải là sa nhân.

Con yêu dấu, các thày đã chứng kiến trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên nguyên cả tổ chức với hàng ngàn thành viên dựng lên một nếp văn hóa vô cùng xét đoán. Trong một số trường hợp, mọi người tin chắc những người kia đều là sa nhân, và các thày đã thấy hiện tượng này biến thành gần như một bộ môn thi đấu nơi người ta tranh nhau phơi bày người nào là sa nhân, người nào không. Họ chạy loanh quanh buộc tội lẫn nhau, và nói chung, họ nghĩ bất cứ ai bất đồng với mình đều phải là sa nhân. Hiển nhiên, đây không phải là một tâm thái cân bằng và cũng không phải là điều các thày khuyến khích.

Tương tự, các thày cũng không khuyến khích con rơi vào xu hướng được tìm thấy trên thế giới gọi là thiện cảm dành cho ác quỷ, khi con nghĩ rằng con phải yêu tất cả mọi người. Thày Giê-su đã có nói về những người trong cộng đồng Thời Mới không chịu thừa nhận bất kỳ sự xấu ác nào. Có một số người khác tuy thừa nhận có xấu ác trong thế gian nhưng lại cho rằng cách khắc phục xấu ác là qua tình thương. Đúng vậy, cách khắc phục xấu ác là qua tình yêu nhưng đó phải là tình yêu vô điều kiện. Nếu không, nếu đó là tình yêu sở hữu, thì sa nhân sẽ chỉ đơn giản sử dụng tình yêu đó để lôi kéo con vào một khuôn nếp phản ứng.

17.3. Có quan hệ với sa nhân

Hẳn là có một số trong các con sẽ cần nhìn ra là để vươn lên tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ của mình, con cần nhìn nhận là con từng ở trong mối quan hệ với một sa nhân nào đó trong nhiều kiếp sống. Con sẽ cần tới điểm nhận diện điều này, và khi đó, con cần nhìn xem các vết thương, các cơ chế đã buộc con vào sa nhân đó là gì. Con cần nhìn xem các tin tưởng đứng đằng sau là gì, và cuối cùng con sẽ lần lần nhận ra là ở một tầng cấp nào đó của bản thể con, con đã nghĩ là mình có khả năng thay đổi sa nhân đó qua việc quan hệ với họ. Bằng cách yêu thương họ, con có thể thay đổi họ.

Đây là khi con cần bước lên một bước và thể nhập những gì Giê-su đã nói về sự tuyệt đối của quyền tự quyết. Con không ở đây để thay đổi bất cứ ai dù là sa nhân hay không. Có thể nói, con đặc biệt không ở đây để thay đổi sa nhân. Nếu con cố thay đổi một cư dân nguyên thủy của trái đất thì trong nhiều trường hợp, người đó sẽ làm ngơ con. Nhưng sa nhân sẽ không làm ngơ con nếu con cố thay đổi chúng, chúng sẽ sử dụng con, chúng sẽ dùng ý muốn thay đổi của con đối với chúng để buộc chặt con lại với chúng, và ít nhất, để bòn rút năng lượng, đánh cắp năng lượng của con. Trong những trường hợp khác, chúng sẽ khuynh đảo, hay ngay cả tìm cách tiêu diệt con qua mong muốn cải tạo sa nhân của con.

Là một avatar, con thực sự phải đạt tới điểm nhận diện xem con đã rơi vào khuôn nếp đó hay không, con có ý muốn thay đổi sa nhân hay không. Sau đó, con phải hoàn toàn buông bỏ cái đó, phải để cho ngã đó chết đi. Con không thể biểu hiện quả vị Ki-tô nếu con ở trong tâm thái đó, mà trong cốt lõi là một khuôn nếp phản ứng lại sa nhân. Mong muốn cải tạo sa nhân sẽ luôn luôn nảy sinh từ chấn thương nhập đời khi con phải gặp chúng lần đầu tiên. Con đã bị chấn động, rồi một cách nào đó con đã tạo ra – trong nhiều trường hợp – cái quá trình lập luận rất dài dẫn con từng bước đến kết luận là những gì sa nhân đã gây cho con cũng trưng bày những gì chúng gây cho hành tinh. Và cách tốt nhất để giúp thay đổi hành tinh là con lựa ra một sa nhân nào đó, con có quan hệ thân thiết và nỗ lực cải tạo sa nhân đó.

Thế là cái đó trở thành một phần ngã gốc của con. Có thể có nhiều thứ khác trong ngã gốc mà qua đó con nghĩ con phải đem lại một số thay đổi cho địa cầu. Trong số đó là ý muốn thay đổi một sa nhân. Con không thể thực sự giải quyết ngã gốc cho đến khi con nhìn vào ý muốn thay đổi sa nhân này trước tiên và con buông nó ra. Con từ bỏ ý muốn đó vì con nhìn nhận sự tuyệt đối của quyền tự quyết, con nhìn nhận đó không phải là lý do con ở đây.

Ý muốn thay đổi một sa nhân không phải là cốt lõi ngã gốc của con. Cốt lõi ngã gốc là phản ứng của con trước chấn thương hay sự tàn bạo, sự lừa dối con đã phải đối mặt bất kể đó là gì. Để đối phó với chấn thương, con đã tạo ra cái ngã muốn cải tạo một sa nhân. Có thể nói đó là một khía cạnh của ngã gốc, nhưng ngã gốc của con đã không khởi đầu theo cách như vậy. Đây là tại sao để đi sâu vào cốt lõi của ngã gốc, con phải trước hết buông bỏ mong muốn cải tạo một sa nhân.

17.4. Sa nhân có thể được cải tạo hay không?

Điều này tất nhiên dẫn đến đề tài: “Sa nhân có thể được cải tạo hay không?” Thày sẽ xin con xem xét một câu hỏi chính xác hơn: “Liệu tôi sẽ bao giờ cải tạo được một sa nhân không?” Câu trả lời là: “Không, hoàn toàn không.” Không có gì chính con có thể làm hay nói sẽ cải tạo được một sa nhân. Hơn vậy nữa, không có gì con có thể làm hay nói sẽ thay đổi được bất cứ người nào khác. Tại sao vậy? Vì quyền tự quyết. Tuy nhiên, có nghĩa chăng là con bất lực, có nghĩa chăng là sự có mặt của con ở đây là bằng thừa? Không!

Để một người thay đổi, sẽ cần gì? Để một sa nhân thay đổi rồi bước theo một con đường hướng thượng, sẽ cần gì? Cả hai sẽ cần làm một chọn lựa. Con không thể buộc người khác chọn lựa. Con có thể buộc họ hành xử theo một cách nào đó và đây chính là điều sa nhân đã cố làm. Sa nhân cũng đã cố khuynh đảo và lừa dối để con phải lấy một số chọn lựa.

Nhưng nói cho cùng, con không có quyền lực để buộc người khác chọn lựa. Con có thể, như sa nhân thường làm, lợi dụng tâm lý của người kia và nhờ vậy thúc ép chọn lựa của họ. Con hiểu thày nói chứ: Ngay cả nếu con thúc ép chọn lựa của người khác thì việc này sẽ không cải tạo được họ, nó sẽ không cải tạo được sa nhân, nó sẽ không thay đổi được người kia theo một chiều hướng tăng triển tích cực.

Con có thể thay đổi họ theo một chiều hướng tiêu cực bằng cách cưỡng ép chọn lựa của họ, nhưng con không thể ép buộc một chọn lựa tích cực. Chọn lựa tích cực phải đến từ bên trong dòng sống đó, và trong nhiều trường hợp, chọn lựa sẽ chỉ đến sau khi họ đã nếm đủ một số trải nghiệm. Tất nhiên, điều con có thể làm là con có thể tạo cảm hứng cho họ chọn lựa cao hơn bằng cách chỉ ra cho họ thấy một giải pháp thay thế trạng thái tâm thức của họ, một con đường cao hơn. Bằng cách tạo cảm hứng và chứng tỏ cho họ thấy, con có thể khiến họ làm một chọn lựa khác. Không phải con đã bước vào tâm họ và tạo ra thay đổi trong đó, mà chính họ đã tự nguyện chọn lấy một chọn lựa khác.

Hiển nhiên, nếu họ không thấy con chứng tỏ trạng thái tâm thức cao hơn đó – hay như Giê-su nói: nếu thày đã không chứng tỏ là con có khả năng bước trên trái đất trong Tâm thức Ki-tô – thì họ đã không có sự tùy chọn. Đó chính là điều con có thể làm. Con có thể cho họ sự tùy chọn nhưng con không thể cưỡng ép chọn lựa của họ. Tất nhiên là con có thể làm giống như sa nhân và cố buộc mọi người phải chọn theo chiều hướng hạ, nhưng con yêu dấu, đó chắc chắn không phải là lý do con ở đây như một avatar. Con hãy nhìn vào bãi chiến trường trên trái đất, và đâu là nguyên do chứ? Là vì sa nhân đã buộc con người phải lấy những chọn lựa đẩy họ vào một vòng xoắn ốc hướng hạ. Như thày vừa nói, con không thể ép buộc một ai làm những chọn lựa sẽ đưa họ vào xoắn ốc hướng thượng. Là một avatar, con cần hoàn toàn rũ bỏ ý muốn cải tạo hay thay đổi bất cứ ai. Chỉ khi đó, con mới có thể là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện.

17.5. Con không thể có tình yêu vô điều kiện

Tại sao thày lại nói là con không thể tình yêu nhân thế nhưng con có thể là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện? À, là vì tình yêu nhân thế là tình yêu sở hữu, có nghĩa là con có thể sở hữu nó, con có thể lấy nó làm của riêng. Trên thế giới có những người, thậm chí nhiều người, nghĩ họ là người tâm linh, là người Thời Mới, là người tràn đầy yêu thương. Họ yêu thương theo cách phàm phu, qua đó trong tiềm thức họ sử dụng tình yêu để được một cái gì đó từ người kia.

Trong một số trường hợp, họ không có ý định xấu ác, họ không thực sự trực tiếp lợi dụng người khác, nhưng bên trong, họ thầm mong người ta xem mình là tràn đầy tình thương. Khi họ bày tỏ tình yêu với ai đó, họ muốn khiến người kia chứng thực mong muốn của họ được xem là một người đầy tình thương. “Ồ, sao bạn là người hết lòng đến thế,” và như vậy họ cảm thấy mình được tán thành, tự ngã cảm thấy nó được tán thành.

Con không thể sở hữu tình yêu vô điều kiện, con không thể sở hữu tình yêu không sở hữu, nhưng con có thể mở tâm ra với nó như con mở tâm ra với quả vị Ki-tô. Tình yêu vô điều kiện là gì? À, đó chính là khía cạnh omega của tâm thức Ki-tô. Con không thể sở hữu tâm thức Ki-tô, con không thể cưỡng ép tâm thức Ki-tô. Con không thể dùng tâm vỏ ngoài – tâm nhị nguyên, tâm phân tích – để cưỡng ép. Con có thể mơ tưởng mình là Ki-tô nhưng làm vậy sẽ không biến con thành Ki-tô. Con có thể cố tạo ra những hiện tượng có vẻ cho thấy là tâm con có quyền năng to lớn trên vật chất, như ngay cả Lucifer cũng đã làm được trong sách. Đó không phải là quả vị Ki-tô. Con có thể có tình yêu nhân thế và khiến người ta nghĩ con có nhiều tình thương đến thế, nhưng đó không phải là tình yêu Ki-tô. Như các thày đã nói, Thánh linh thổi nơi đâu nó muốn, thì tình yêu Ki-tô cũng chảy như vậy, nhưng nó chảy vào bất cứ nơi nào có một lối mở. Phải có một lối mở, và nếu con mong muốn thay đổi người khác thì trong bản thể con sẽ không có khe hở để tình yêu vô điều kiện có thể chảy vào.

Rất, rất có thể là nếu con biểu lộ tình yêu vô điều kiện với một sa nhân thì y sẽ chối bỏ nó. Y sẽ bị bối rối bởi tình yêu đó, thậm chí y còn có thể buộc tội con, hay lánh xa và không muốn liên hệ với con nữa. Điều này con cần chấp nhận. Các thày đã có giảng về những cuộc xoay chuyển cách mạng. Các thày có nói là có thể đến một điểm khi con đã giải quyết tâm lý của mình, đã giải quyết ngã gốc và chấn thương nhập đời của mình, đã tiêu hủy hết năng lượng, đã để cho ngã chết đí, nhưng lại có một ngã tách biệt khác vẫn còn một sự gắn buộc nào đó.

Chẳng hạn con cảm thấy là nếu con là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện thì con không thể bị chối bỏ, người khác không được chối bỏ con. Đã có những người đạt tới mức quả vị Ki-tô để có thể trở thành cánh cửa mở cho việc biểu lộ tình yêu vô điều kiện đối với một người khác, thế rồi tình yêu đó bị bác bỏ, và bởi vì họ mang cái ngã tách biệt đó cho nên đôi khi họ có thể rơi xuống một vòng xoáy hướng hạ. Họ bị dao động quá đỗi khi tình yêu đó bị từ chối đến độ nó kéo họ xuống một mức tâm thức thấp hơn. Thậm chí họ còn có thể quyết định sẽ không bao giờ tỏ lộ tình yêu vô điều kiện nữa.

Con cần nhìn nhận là ngay cả khi con có khả năng làm cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện, con vẫn có thể còn cái ngã tách biệt đó cầm giữ một loại hình ảnh nào đó về những gì phải xảy ra khi con biểu lộ tình yêu vô điều kiện. Ví dụ, con có thể mang một cái ngã cầm giữ một hình ảnh về những gì phải xảy ra khi con nói lên sự thật của con và thách thức sa nhân hay khi con thể hiện bản thể cao của con.

17.6. Tránh cảm thấy bị chối bỏ

Con thấy đó, con yêu dấu, một lần nữa quả vị Ki-tô – khi con là Ki-tô Hằng Sống, khi con thể hiện quả vị Ki-tô – không có nghĩa là con tuyệt đối hoàn hảo, là con đã giải quyết xong mọi khía cạnh của tâm lý mình và con đã lên tới tầng 144. Con có thể, ngay khi con bước cao hơn tầng 48, có được những thoáng hiện khi con biểu hiện quả vị Ki-tô hay thậm chí một dạng cao hơn của tình thương. Khi con lên cao hơn tầng 96, con có thể có những thoáng hiện – ngày càng thường xuyên hơn, trong khoảng thời gian dài hơn – ngụ trong tâm thức Ki-tô. Con đang biểu lộ tình yêu vô điều kiện nhưng tất nhiên, con vẫn phải bước tiếp lên cho tới tầng 144. Có nghĩa là vẫn còn những ảo tưởng mà con chưa khắc phục, và một số ảo tưởng này có thể liên hệ tới việc con nghĩ rằng người khác phải hồi đáp con một cách trong sáng khi con tiếp cận họ trong sự trong sáng.

Con thấy đó con yêu dấu, các avatar đều đến từ những hành tinh tự nhiên. Trên một hành tinh tự nhiên, con quen với tình trạng khi con làm gì đó cho một ai với ý định trong sáng, thì người đó sẽ không trở mặt mà kết tội là con xấu. Khi con làm điều gì cho một sa nhân, hay ngay cả cho những con người trên địa cầu, có thể họ sẽ chối bỏ con một cách vô cùng hung hãn, hiểm độc, tàn nhẫn, cáo buộc. Ngay cả khi con đạt tới điểm có thể biểu hiện quả vị Ki-tô, cho dù là khía cạnh alpha hay omega, con vẫn cần lưu ý có thể còn một cái ngã, một ảo tưởng mà con chưa buông bỏ, và ngã này khiến con cảm thấy bị gạt bỏ, hay khiến con rơi vào những loại phản ứng tiêu cực khác khi người ta không phản hồi theo cách con chờ đợi.    

Vậy trong những trường hợp đó, con cần sẵn lòng nhìn vào chính mình và nắm lấy đó như một cơ hội khắc phục thêm một ảo tưởng, buông bỏ thêm một ngã tách biệt, hầu vươn lên tầng kế tiếp nơi con có thể biểu hiện tình yêu vô điều kiện nhiều hơn, ít dính mắc hơn với cách người ta tiếp nhận tình yêu đó. Nói cho cùng, để biểu hiện trọn vẹn tình yêu vô điều kiện, con cần phải hoàn toàn không dính mắc với cách phản hồi của người khác vì con không có bất kỳ ý định nào khi hành xử như vậy. Đóa hoa hồng nở ra trong vườn không hề có ý định lôi kéo người đi dạo phải dí mũi vào bông hoa. Nó không hề cảm thấy bị bỏ bê khi ai nấy đều rảo bước đi qua, bận rộn với chiếc điện thoại cầm tay vì họ nhất định phải trả lời cái SMS mới nhất cho bằng được.    

17.7. Việc biểu lộ quả vị Ki-tô có thể đau đớn

Đây là những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô. Thày cũng hiểu đây không phải là những tầng thấp của quả vị Ki-tô. Con không cần tự trách mình khi con phản ứng như vậy. Một lần nữa, con không phải hoàn hảo để biểu hiện quả vị Ki-tô. Ở các tầng thấp hơn, con sẽ gặp một số tình huống, một số thời điểm, khi con là cánh cửa mở và có cái gì tuôn chảy qua con, có thể là một ý tưởng cao hơn, có thể là tình yêu vô điều kiện. Thế rồi bỗng chốc, giây phút huyền diệu đó bị phá vỡ, nếu có thể nói như vậy. Bây giờ con bước ra ngoài, trở về với mức tâm thức bình thường của mình, có nghĩa là con lại sử dụng mức tâm thức bình thường của con để phản ứng lại các hậu quả của việc biểu lộ quả vị Ki-tô. Nói cách khác, con phản ứng lại phản ứng của người khác, không ở mức quả vị Ki-tô con vừa biểu hiện trước đó mà với tâm thức bình thường của con.

Con yêu dấu, điều này không thể tránh khỏi, đó là một phần của con đường quả vị Ki-tô. Con có thể nghĩ chuyện này đã không xảy ra cho Giê-su nhưng hiển nhiên là nó đã xảy ra cho thày. Giê-su đã trải qua một giai đọan vô cùng do dự  biểu lộ quả vị Ki-tô của mình và thày thật nhạy cảm trước phản ứng của mọi người. Con thấy đó con yêu dấu, tất cả các thày đều đã kinh qua giai đọan này và các thày hoàn toàn không muốn khiến con nản lòng. Điều các thày muốn con nhận ra là sự kiện này không thể tránh khỏi. Con phải kinh qua giai đọan tạm thời này khi con xoay vào rồi lại xoay ra khỏi tâm thức Ki-tô, khiến con không thể tránh phản ứng lại trong tâm thức bình thường của mình những hậu quả của việc bày tỏ quả vị Ki-tô.

Điều này có nghĩa là nó có thể đau đớn, và nó có thể khó khăn. Thậm chí con còn có thể cảm thấy mình đã làm gì sai. Con đã quá mạnh mẽ, con đã quá cương nghị, hay con đã quá trìu mến, quá tốt bụng hay bất cứ gì khác. Con cần học cách nhìn xuyên thấu qua điều đó và nhận ra là phản ứng này trong con là một cơ hội để bước lên tầng tâm thức kế tiếp, để vượt qua ảo tưởng gắn liền với tầng tâm thức hiện thời và bước lên một tầng cao hơn nơi con có khả năng thể hiện nhiều quả vị Ki-tô hơn. Và khi con trở nên ý thức về quá trình này, con có thể mau chóng thực hiện cuộc xoay chuyển qua đó con không còn tự trách mình nữa, con không còn tự mắng mỏ, con không còn cảm thấy mình bất toàn. Con chỉ đơn giản nhận rõ sự thật tuyệt đối mà thật ra các thày đã cố truyền đạt cho con qua bộ sách về con đường tự điều ngự.

17.8. Phản ứng ở mức tâm thức của con

Trong quyển sách thứ sáu [Những Khai ngộ Thần bí về An bình], thày Nada đã nỗ lực hết sức giúp con nhìn ra là trên đường tu sẽ tới một điểm khi con nhìn nhận là con chưa đạt đến tầng tâm thức cao nhất. Con sẽ nhìn nhận là con đang ở tầng 87 chứ không phải tầng 144. Không ai đòi hỏi con phải có khả năng đối phó với cuộc sống trên địa cầu như con có thể làm ở tầng 144. Việc con phản ứng lại cuộc sống với tâm thức của tầng 87 – hay bất kỳ tầng nào khác ở chỗ con đang đứng – cũng hoàn toàn tốt thôi, hoàn toàn chấp nhận được từ các thày là chân sư thăng thiên.

Các thày không bao giờ đòi hỏi hay chờ đợi con phải phản ứng với một tầng cao hơn. Các thày không bao giờ lên án con vì con không phản ứng ở tầng cao hơn. Thày thừa biết đã từng có một số lời dạy và tổ chức của chân sư thăng thiên tạo ra một nếp văn hóa trách móc mọi người là không toàn hảo. Một lần nữa, các thày phải khởi đầu ở một điểm nào chứ.

Nhưng con có tiềm năng bước lên một mức nơi con có thể, theo một nghĩa nào đó, làm hòa với chính con người mà con đang là ngay bây giờ. Điều này không có nghĩa là con ngừng tăng triển và đi vào tâm thái nghĩ rằng: “À thế là tôi vô ngã rồi, tôi toàn hảo rồi, tôi không cần tăng triển nữa, tôi không cần xem xét bản thân nữa.” Con có thể làm hòa với sự kiện con đang đứng ở tầng tâm thức này, thay vì tự trách móc hay cảm thấy mình bị chậm trễ và đúng lý mình phải ở tầng cao hơn.

Các thày không muốn con sống hết kiếp đầu thai này mà cứ không ngừng cảm thấy mình còn tụt hậu, mình chưa đủ tốt. Con đang tốt đủ ở tầng tâm thức mà con đang đứng, và con không có lý do gì để lên án chính mình đã phản ứng ở tầng tâm thức này, thậm chí phản ứng lại việc mình đã biểu lộ quả vị Ki-tô cùng cách phản ứng của người khác.

Phản ứng của con, khi con sẵn lòng xem xét nó, là cơ hội để con nhìn ra ảo tưởng ở tầng hiện thời của con rồi vươn lên tầng kế tiếp. Đường tu luôn luôn đã từng là như vậy và sẽ luôn luôn là như vậy. Cũng y như vậy 2000 năm về trước khi Giê-su tiến gần đến tầng 144. Và cũng sẽ là như vậy cho tất cả chúng ta là những người đã từng hiện thân. Điều này sẽ không thay đổi chừng nào địa cầu chưa là một hành tinh tự nhiên. Tất nhiên là có thể có một sự chuyển đổi khi tầng tâm thức thấp nhất hiện thời không còn được phép có mặt trên địa cầu nữa.

17.9. Không có gì không ổn với vật chất

Cơ chế căn bản của đường tu là con đang ở một tầng nào đó. Con phản ứng theo cách như vậy. Bằng việc xem xét phản ứng, con có thể nhìn thấy cái ảo tưởng ở tầng đó hầu con vươn lên tầng kế tiếp. Đó là cơ học căn bản của đường tu tâm linh. Có thể nó có vẻ không hào nhoáng như một số người tưởng tượng, nhưng thày tin tưởng nhiều người trong các con đã tới được điểm nói rằng: “Tôi đã chán chê ảo tưởng rồi, tôi đã chán chê những mơ tưởng hoành tráng, tôi chỉ muốn biết đường tu vận hành như thế nào để tôi có thể tiến bước nhanh nhất, và tôi có thể vượt lên trên những cách phản ứng mất quân bình, tiêu cực, tự trách đó, và cảm thấy an bình khi ở đây.”

Nói cho cùng, con yêu dấu, làm thế nào con có thể an bình khi ở đây? À, con cần giải quyết chấn thương nhập đời vì chính đó là điều đã bứng con ra khỏi sự an bình con có trước đó khi con vừa đến đây như một avatar. Một phần trong tiến trình này, ngay cả khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời, là sẽ vẫn còn một ngã tách biệt mà con cần xem xét. Ngã này tùy theo mỗi cá nhân, nhưng đó là ngã tách biệt con đã tạo ra khi con phản ứng lại cõi vật chất, cõi của vật chất, cõi của Mẹ, trong tình trạng nó hiện hữu trên trái đất. Con nhận thấy là trong tư cách một avatar, con đến từ một hành tinh tự nhiên nơi vật chất không dày đặc như thế này. Vật chất ít dày đặc thể hiện qua nhiều cách, nhưng một cách thể hiện là con không gặp phải những loại hậu quả con thấy trên trái đất. Trên một hành tinh tự nhiên, tâm con có quyền năng lớn hơn rất nhiều để thay đổi vật chất, và vật chất cũng sẵn sàng đáp ứng nhiều hơn với tâm con.

Con đã quen với việc mình có thể phạm vào cái con gọi là lỗi lầm. Nó có tạo ra một hậu quả vật lý nhưng khi con sẵn lòng đứng lui lại và thay đổi tâm thức, thì con có khả năng tháo gỡ và hoàn nguyên hậu quả vật lý đó. Nhưng khi con bước xuống trái đất và nhận ra là mình có thể làm một chọn lựa tạo ra một hậu quả vật lý và con không thể khắc phục hậu quả đó cho đến mãn kiếp đầu thai này – và thậm chí nó có thể đeo đuổi con trong cả những kiếp sau – thì con bị cú sốc. Con bị chấn động thấy vật chất dày đặc đến như vậy.    

Con hãy lưu ý là điều này không liên quan gì đến sa nhân cùng chấn thương nhập đời mà chúng đã áp đặt lên con. Đó chỉ đơn giản là phản ứng của con trước độ dày đặc quá đỗi của vật chất trên địa cầu, đến độ con có thể gây ra hậu quả mà con không thể dễ dàng tháo gỡ và nó sẽ dây dưa rất lâu. Điều này tạo ra một cái ngã tách biệt phản ứng, qua đó con thường xuyên rơi vào một phản ứng tiêu cực đối với cõi Mẹ. Con thường cảm thấy là con không thể thoải mái, con không thể an bình trong cõi Mẹ, rằng có một cái gì không ổn với cõi Mẹ, rằng cõi Mẹ không được như vậy.

Con cần bước tới cuộc xoay chuyển cách mạng là con sẵn lòng nhìn vào vấn đề đó và thực sự chấp nhận hành tinh địa cầu như một công cụ giáo huấn cho một bực thang tâm thức nhất định. Cho nên để cung cấp cho con người những bài học mà họ cần học, vật chất cần phải dày đặc như nó vốn dày đặc. Vật chất cần phải ù lì đối với tâm con người như nó vốn ù lì. Bởi vì nếu không, tuyệt đại đa số loài người trên trái đất sẽ không học được bài học của mình.  

Tuy nhiên, là một avatar, con không phải học cùng những bài học mà hầu hết mọi người khác trên địa cầu phải học. Do đó con có khả năng khắc phục, nhưng con sẽ chỉ có thể khắc phục nếu con sẵn lòng nhìn vào vấn đề, nếu con sẵn lòng bước tới điểm con chấp nhận chẳng có gì là không ổn với vật chất.

17.10. Phản ứng của con đối với vật chất

Chính phản ứng của con đối với vật chất đã khiến con nghĩ vật chất có gì đó không ổn. Cho nên việc giải quyết ngã tách biệt này là trách nhiệm của con. Chỉ khi nào con làm vậy thì con mới có thể tự do đón nhận sự hiện thân của mình trong cõi vật lý.

Để vươn lên cao hơn một mức quả vị Ki-tô nào đó, con phải an bình với sự kiện mình ở trong hiện thân vật lý. Vào thời của Giê-su, việc này khó thực hiện hơn rất nhiều, và đó là vì sao ngay cả Giê-su cũng không làm được hoàn toàn. Trong thời đại hôm nay, các con có tiềm năng đó. Đối với những ai trong số các con muốn ở lại trong hiện thân để đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain, điều vô cùng quan trọng là con đạt tới điểm khắc phục được mong muốn thoát ra khỏi nơi đây. Con khắc phục cảm giác là có gì không ổn khi vật chất đang là cái nó là. Con chấp nhận có mặt ở đây, con chấp nhận vật chất như nó vốn là.

Tất nhiên, làm sao con có thể chấp nhận vật chất như nó là nếu con không chấp nhận chính con một cách trọn vẹn, và làm sao con có thể chấp nhận mình trọn vẹn nếu con không vượt qua chấn thương nhập đời? Con thấy tất cả đều ăn khớp với nhau như thế nào. Con thấy tại sao các thày đã không ban ra giáo lý về Sứ vụ Thiêng liêng trước khi đưa ra giáo lý về chấn thương nhập đời. Khi con là một avatar, tất cả mọi thứ, con yêu dấu, đều xoay quanh chấn thương nhập đời. Như trong thành ngữ thông dụng, đó là con voi to tổ bố nằm chình ình ở đó mà không ai muốn nhắc tới. Có điều, tất nhiên, ngã gốc của con không phải là một con voi và nó cũng không to tổ bố. Nó chỉ là một cái ngã gần như không thực, không đến nỗi khó giải quyết như con tưởng. Đây chỉ là vấn đề sử dụng các dụng cụ, sử dụng các bài tập mà thày đã cho con, để con bước xuống thật sâu qua các khu vườn, rồi bước vào rạp hát và đơn giản nhìn thấy nó [Bài tập này có trong sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]. 

Một khi con xoay chuyển khỏi ngã gốc, con sẽ ngạc nhiên sao chuyện này có vẻ dễ đến thế. Dĩ nhiên, các thày hiểu rõ là con không thể cưỡng ép bằng tâm vỏ ngoài. Con không thể dùng ngã gốc để xoay chuyển ra khỏi ngã gốc.

17.11. Tiếp tục dùng các dụng cụ

Cách con nhìn mọi thứ trên địa cầu, cách con nhìn giáo lý, là xuyên qua phin lọc của ngã gốc. Đó là tại sao các thày đã ban cho con những lời dạy có dụng ý đánh gạt tâm vỏ ngoài của con. Đó là tại sao các thày đã cho con những bài tập có khả năng lần hồi dẫn con tới điểm con có thể thực hiện xoay chuyển đó và nó xảy ra một cách tự nhiên. Con phải sẵn lòng áp dụng các dụng cụ, đi qua nguyên tiến trình. Con phải sẵn lòng mở tâm ra để nhìn thấy một điều gì mà con chưa thấy trước đây, thậm chí thấy cả ngã gốc. Con cần nhận thức là trong cương vị cái Ta Biết, con có khả năng tách mình ra khỏi ngã gốc, và đó là cách duy nhất con có thể thấy nó từ bên ngoài. Đó là cách duy nhất để con thấy nó. Con có các dụng cụ rồi nhé.  

Một lần nữa, con yêu dấu, đừng rơi vào phản ứng bảo rằng: “Ồ, Mẹ Mary nói chúng ta có tất cả dụng cụ nhưng tôi vẫn không thể nhìn thấy ngã gốc. Tôi đang làm gì sai đây?” Đó chính là ngã gốc đang nói chuyện đấy. Một lần nữa, hãy tiếp tục dùng các dụng cụ. Con yêu dấu, nếu con đã mang ngã gốc trong hai triệu năm qua, con không phải tự trách oán nếu con không thể giải tỏa nó trong vòng một tuần sau khi nhận được lời dạy. Có thể con sẽ tốn thời gian, nhưng lâu hay chậm sẽ chẳng quan trọng gì miễn là nó xảy ra. Miễn là nó xảy ra trong kiếp này thì con đã đột phá và hoàn thành tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng của con như một avatar. 

Với lời này, con yêu dấu, thày muốn tỏ lòng biết ơn đến tất cả các con đã đến tham dự hội nghị này. Không có nghĩa là thày sẽ niêm hội nghị vì đức Phật sẽ làm việc đó, nhưng thày muốn bày tỏ lòng biết ơn của Mẹ đối với sự sẵn lòng của các con, không những đã đến tham dự mà còn sẵn lòng áp dụng giáo lý mà các thày đã ban truyền qua bộ sách về ngã gốc, vân vân.

Chắc chắn nếu không có một túc số tới hạn những đệ tử – cả những người có mặt ở đây lẫn những người không có mặt – đã tu tập những lời dạy này, thì các thày đã không thể đưa ra những gì vừa được đưa ra. Thày tin tưởng các con sẽ nhận diện đây là một bước cao hơn. Chắc chắn đây là một bước cao hơn tất cả những lời dạy khác mà con có thể tìm thấy về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng. Nó sẽ tạo uy lực cho nhiều người đột phá lên tầng cao hơn rồi nhờ vậy hoàn thành tiềm năng cao nhất của mình. Các thày rất biết ơn đã có thể ban truyền các dụng cụ này. Tất nhiên là các thày đã luôn luôn có thể làm vậy, nhưng các con cũng bắt đầu nhận ra – phải vậy không? – là các thày không thể đưa ra hết những gì mình có. Phải có một tiến trình tương tác qua lại, qua đó chỉ khi nào con người chấp nhận và áp dụng một lời dạy thì các chân sư mới có thể đưa ra lời dạy cao hơn.

Đối với những ai đã có, thì nhiều hơn sẽ được trao cho họ. Đó chính là nguyên tắc của việc nhân ta-lăng lên gấp bội. Các thày biết ơn các con đã nhân ta-lăng để các thày cũng có thể nhân nỗ lực đem lại nhiều hơn. Chẳng phải đây là một điệu vũ tuyệt vời hay chăng?  

7 | Quả vị Ki-tô và Sứ vụ Thiêng liêng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày mong muốn nói chuyện với con về đề tài quả vị Ki-tô và mối liên hệ với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Các thày đã giảng dạy cho con về điều mà chúng ta có thể gọi là “giai đoạn công phu” (work phase) trong Sứ vụ của con. Khi con bước vào kiếp đầu thai – nếu con là một học trò tâm linh già dặn – con biết là con có một số công việc cần làm liên quan đến việc cân bằng nghiệp quả, thu nhận sáng ngộ và kinh qua những trải nghiệm sẽ xoay chuyển tâm thức của con. Là một học trò tâm linh chín chắn hơn, thường khi con sẽ dự định hoàn tất sớm sủa giai đoạn công phu này trong đời mình hầu con có thể tiến bước tương đối nhanh chóng và chuyển sang các giai đọan khác của Sứ vụ Thiêng liêng.

7.1. Làm cho xong giai đoạn công phu

Điều xảy ra khá thường là trong những thập niên đầu trong đời, các con thường rất bận rộn, miệt mài trong các mối quan hệ, trong việc nuôi con, kiến tạo sự nghiệp, bỏ sức ra làm việc… tất cả những thứ đó. Như thể đó là một chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive) mà qua đó con cảm thấy mình phải làm tất cả những thứ đó và phải làm ngay lập tức. Thật ra đó cũng không đến nỗi là ám ảnh vì đơn giản con chỉ mong muốn làm cho xong hầu con có được tâm trí minh mẫn, có lẽ một cơ hội trong hoàn cảnh vỏ ngoài của mình, để con tập trung nhiều hơn vào các giai đoạn sau.

Đối với đa số các con, một cách để cân bằng nghiệp quả là qua các mối quan hệ. Đó là tại sao con thường thấy người ta lập gia đình khá sớm và cũng có con khá sớm. Có thể con sẽ có nhiều hơn một mối quan hệ. Đó có thể là những quan hệ rất nồng nàn mãnh liệt. Đây là một trải nghiệm con muốn kinh qua nhanh chóng. Con rất muốn bước qua nhanh chóng mặc dù con không hiểu điều này một cách ý thức.

Đối với nhiều người, một giai đoạn khác sẽ đến, thường là khi con tìm ra một giáo lý tâm linh. Con nhận ra là có một con đường tâm linh và con cất bước trên con đường đó. Rất nhiều người cũng trở nên vô cùng nhiệt tình và chuyên tâm khi bước đi trên con đường này. Cho dù giáo lý tâm linh là gì, họ cũng học tập một cách háo hức, thực hành bất kỳ dụng cụ hay kỹ thuật nào được ban truyền. Gần như có thể nói là họ làm vậy một cách ám ảnh cưỡng chế, bởi vì đây là điều họ cần làm để vươn lên một mức tâm thức cao hơn, một tầng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình.

7.2. Không cần tiếc nuối

Một kết luận con có thể rút tỉa từ hiểu biết trên là tất cả các con tuyệt đối không có lý do gì để cảm thấy bất kỳ loại tiếc nuối hay cảm giác tiêu cực nào về những điều mình đã kinh qua trong đời mình. Con có thể nhìn lại đời con và con có thể xét đoán với tâm vỏ ngoài là rất nhiều chuyện con đã kinh qua không hẳn là tâm linh. Những chuyện đó không mấy hài hòa mà lại quá sôi nổi, nồng nhiệt. Con có thể nhìn lại rồi tiếc nuối: “Ước gì tôi đã không làm điều đó.”

Con yêu dấu, tại sao con làm những việc con đã làm? Con đã kinh qua trải nghiệm đó vì đó là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Cho dù nó mang ý nghĩa gì đối với cá nhân con, con đã cần đến trải nghiệm đó để hoàn tất cái mà các thày gọi là giai đoạn công phu trong Sứ vụ Thiêng liêng. Các thày cũng có thể gọi đó là giai đoạn chuẩn bị, vì con đang chuẩn bị bản thân cho giai đoạn sáng tạo hơn trong Sứ vụ của con. Như các thày đã nói, con đơn giản nhận ra là con có tiềm năng đạt đến một mức tâm thức nào đó trong kiếp này nhưng con đã bước vào kiếp này ở một mức tâm thức thấp hơn. Cho nên con muốn xoay chuyển tâm thức càng nhanh càng tốt để có thể vươn lên những tầng cao hơn. Chỉ khi nào con đến được những tầng cao hơn đó thì con mới bắt đầu nhìn thấy những khía cạnh sáng tạo hơn của Sứ vụ của con.

Điều các thày đã nói là con không thể thực sự dời chuyển tâm thức của mình một cách lý thuyết và trí thức. Con cần có một số trải nghiệm để dời chuyển tâm thức. Tại sao con làm những việc con đã làm? Vì trong tiềm thức, con biết là con cần đến những trải nghiệm đó. Con muốn có trải nghiệm đó càng mau sớm càng tốt để con có thể dời chuyển tâm thức của con.

Con yêu dấu, cho dù các trải nghiệm đó là gì thì một cách nào đó, chúng cũng đã chuyển dời tâm thức của con. Thày biết là hầu hết các con sẽ nhìn lại đời mình và nói: “Nhưng cũng đã có một số trải nghiệm khó khăn đến độ tôi bị rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, và trong nhiều năm trời, nó đã khiến tôi bị trầm cảm hay bị xáo trộn hay bị khổ tâm.”

7.3. Dời chuyển ra khỏi tiếc nuối

Vâng, con yêu dấu, nhưng khi con sẵn lòng nhìn ngược lại và sử dụng các dụng cụ thày đã ban cho con, thì con sẽ có thể khắc phục nó và thực hiện cuộc xoay chuyển mà con đã trù liệu cần xảy ra qua trải nghiệm đó. Và một khi con xoay chuyển, con yêu dấu, trải nghiệm sẽ không quan trọng nữa. Thày cũng biết là một trải nghiệm đau thương có thể tích tụ năng lượng trong bốn thể phàm của con. Tuy nhiên, con đã có các dụng cụ để chuyển hóa nó và nhờ vậy để cho nó ra đi. Nhiều lần, con yêu dấu, con không nhận ra là khi con có trải nghiệm như vậy, con đã phản ứng ở mức tâm thức của con vào lúc đó. Giờ đây khi con đã nâng cao tâm thức thì con nhìn lại quá khứ với đôi chút hối tiếc. Có thể là từ cảm nhận của người học trò tâm linh mà con muốn trở thành, con đã không nên làm điều đó. Con yêu dấu, cảm giác nuối tiếc đó – khi con tự trách móc hay xấu hổ – xuất phát từ một cái ngã nội tại thường là một thành phần của tập hợp ngã gốc.

Nếu con có thể nhận diện là con đang nhìn lại quá khứ với lòng nuối tiếc hay cảm giác tiêu cực, thì con cần biết đó là một cái ngã nội tại. Đó là một ngã tách biệt và thật ra nó có thể phần nào được tạo ra bởi một giáo lý tâm linh mà con đã tiếp nhận. Vì một lý do nào đó, con đã diễn giải giáo lý đó và con đã tạo ra cái ngã đang trách móc ngã, đang cảm thấy xấu hổ như thể mình không đủ tốt, và cảm thấy (như nhiều các con có thể cảm thấy) rằng một người tâm linh đích thực đã không thể nào làm chuyện đó – nhưng chính con lại làm chuyện đó. Con cho rằng sự kiện con hành xử như vậy có nghĩa là bây giờ con đã vĩnh viễn đánh mất cơ hội, con sẽ không bao giờ chuộc lỗi được trong kiếp này và do đó kiếp này bị lãng phí. Con không thể làm gì khác hơn là ngồi đó trong buồng tối mà khóc cho đến mãn kiếp.

Con yêu dấu, thày có vẻ đang nói đùa, nhưng những ai cảm thấy mình đã làm chuyện gì tồi tệ đến độ mình không thể là người tâm linh chân chính, thường nghĩ là mình không thể nào đến gần các chân sư thăng thiên, bởi vì chắc chắn các thày sẽ lên án con y như con đang lên án chính mình. Biết bao nhiêu lần các thày đã nói với con là các thày không nhìn con như con nhìn chính con? Các thày không trách móc con như con đang tự trách mình.

Điều thày muốn nói với con ở đây là như sau: “Con yêu dấu, đừng bao giờ cho rằng một chân sư thăng thiên sẽ lên án con về bất cứ điều gì con đã làm.” Các thày chỉ có một mong muốn duy nhất – là giải thoát con. Các thày sẵn sàng giúp con giải thoát khỏi bất cứ gì từ quá khứ của con.

7.4. Quả vị Ki-tô và tha thứ

Đây là một trong những khía cạnh của quả vị Ki-tô. Khi con bắt đầu có khả năng mà các thày gọi là phân biện Ki-tô, con sẽ đạt tới điểm trải nghiệm là mình có thể được tha thứ, được cứu chuộc. Con có khả năng khắc phục, vươn lên cao hơn bất cứ gì đã xảy ra trên trái đất này. Thật ra thày có thể nói với con là có nhiều tín hữu Cơ đốc giáo, thậm chí cả những người đạo Cơ đốc cực chính thống (fundamentalist), đã hiểu rõ điều này hơn cả nhiều người trong phong trào Thời Mới hay học trò của chân sư thăng thiên. Phần nào, đó là vì những người Cơ đốc đó không mang khái niệm là do họ bước trên đường tu cho nên họ cần nắm trách nhiệm xem xét tâm lý của mình và buông bỏ những gì cần buông. Dù vậy, họ vẫn trải nghiệm được thực tại là Ki-tô có khả năng cứu chuộc họ khỏi mọi tội lỗi, và họ chấp nhận như thế.

Nhưng các con thì khác, các con có một mức độ trách nhiệm cao hơn về bản thân. Điều này rất tốt, nhưng con cần nhận ra là trong con có một cái ngã tách biệt đã chụp lấy tinh thần trách nhiệm này và biến nó thành tiêu cực bằng cách khiến con nghĩ mình luôn luôn phải toàn hảo. Con nghĩ có một số chuyện đáng lẽ con đã không được làm và con sẽ không thể được tha thứ hay cứu chuộc. Nói cách khác, con sẽ không bao giờ vượt lên cao hơn cái đó.

Tất nhiên, ngã đó dựa trên sự kiện là ngay từ khi sa nhân bắt đầu hiện thân trên hành tinh này, chúng đã phóng chiếu vào tâm thức tập thể ý tưởng là có một số chọn lựa tự quyết của con sẽ không thể được khắc phục qua những chọn lựa khác hơn. Một lần nữa như các thày đã giảng nhiều lần, quyền tự quyết cho phép con chọn lựa bất cứ gì con muốn bất cứ lúc nào – có nghĩa là bất cứ lúc nào, con cũng có thể lấy một chọn lựa sẽ hoàn toàn thay thế chọn lựa cũ. Không bao giờ con lấy một chọn lựa mà không có khả năng tránh khỏi hậu quả của nó qua một chọn lựa mới. Đấy, thày biết rất rõ là ngay lập tức sẽ có một phần trong bản thể con phản bác lại là trong bát cung vật lý, có thể vào thời trẻ con đã có những chọn lựa mang lại hậu quả mà con không thể thay đổi chỉ qua một chọn lựa mới.

7.5. Điều kiện vật chất không thể ngăn cản tâm thức xoay chuyển

Phải, con yêu dấu, điều đó đúng. Tuy nhiên, bao nhiêu lần các thày đã nói với con là không có một điều kiện vật chất nào mà con có thể đem theo con lên cõi thăng thiên? Do đó, không có một điều kiện vật chất nào có thể ngăn cản con thăng thiên. Cũng vậy, không có một điều kiện vật chất nào có thể ngăn cản con cứ tiến lên tới tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng, vì thật sự không có một điều kiện vật chất nào có thể ngăn cản con xoay chuyển tâm thức của con. Chính sự chuyển đổi tâm thức sẽ đưa con tới mức có thể thăng thiên.

Điều này dẫn con tới điểm con có thể bước vào các giai đoạn cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng. Tất cả chỉ là vấn đề dời chuyển tâm thức. Con nhìn nhận là một mặt, do độ dày đặc của cõi vật chất, một số nguyên tắc cơ học sẽ vận hành ở đây. Có một số việc con làm mang hậu quả có thể sẽ tồn tại trong suốt phần đời còn lại của con – điều này hoàn toàn đúng. Nhưng nó không thể giới hạn con tăng triển tâm thức. Đây là điều mà con khởi sự trải nghiệm khi con bắt đầu có phân biện Ki-tô, và con mở tâm ra để thực sự nắm bắt, trải nghiệm, khía cạnh này của Ki-tô – là Ki-tô đấng Cứu chuộc theo cách gọi của người Cơ đốc giáo. Con có thể gọi một tên khác. Con có thể gọi đó là Ki-tô với khả năng nâng con lên cao hơn bất cứ gì của quá khứ, hay Ki-tô với khả năng biến con thành mới, như ngay cả Paul cũng bảo: con trở thành một sinh thể mới trong Ki-tô.

Đây là một sự xoay chuyển quan trọng mà con có thể thực hiện khi con nhận ra có sa nhân hiện diện trên hành tinh. Chúng ngăn chặn con một cách rất hung hãn để con không đạt tới các giai đoạn cao trong Sứ vụ Thiêng liêng, đặc biệt là việc biểu hiện quả vị Ki-tô của con. Công cụ chính của chúng là phong chiếu ý tưởng là con có thể có một số chọn lựa mà con sẽ không bao giờ vượt qua nổi. Đây là một lời gian dối tuyệt đối, hoàn toàn đi ngược lại khái niệm tự quyết. Vì thế con cần có phân biện này. Và đến đây, con yêu dấu, chúng ta chuyển sang một khía cạnh khác của quả vị Ki-tô, hay phân biện Ki-tô, mà nhiều người trên thế giới vẫn chưa thực sự nhìn thấy.

7.6. Con không cần một vị cứu tinh từ ngoài

Một lần nữa, đây là vì các sa nhân đã làm đủ mọi cách để phá hỏng sứ mạng mà thày đã khởi xướng cách đây 2000 năm. Chúng đã làm mọi cách để khiến mọi người hiểu lầm khái niệm Ki-tô. Với việc thành lập Giáo hội Công giáo và kể từ đó, chúng đã phóng chiếu hình ảnh Ki-tô là một đấng cứu tinh sẽ đến cứu con trong tư cách một lực bên ngoài. Và do đó con không có uy lực bên trong, hay khả năng ở bên trong, để nâng cao tâm thức mình cho tới mức có thể thăng thiên.

Đây là một sự lật ngược toàn diện thông điệp mà thày đã ban truyền. Một lời xuyên tạc hoàn toàn. Cho nên như thày có nói, hầu hết các giáo hội Cơ đốc ngày nay rõ ràng đều dựa trên những lời gian dối của phản Ki-tô – ngay từ thời thành lập, nhưng đây là một vấn đề bên lề.

Điều thày muốn đưa ra là như sau: Không có điều gì từ quá khứ mà con không thể khắc phục khi con nhận ra rằng Ki-tô không phải là một cứu tinh bên ngoài. Ki-tô không ở ngoài con; Ki-tô chỉ có thể đến bên trong con. Nếu con muốn thấy Ki-tô như một cứu tinh thì Ki-tô là vị cứu tinh nội tại. Do đó, con yêu dấu, con cần nhìn nhận là con có khả năng thực sự vượt qua tất cả mọi sự việc của quá khứ, nếu con sẵn lòng nhìn vào bản thân và phát hiện trong con cái ngã tách biệt bị dính mắc với quá khứ.

Chẳng hạn, nhiều người trong các con đang bước trên đường tâm linh và đã nhận trách nhiệm về bản thân mình, các con có một cái ngã nội tại bảo rằng con phải cư xử thế nào như một học trò tâm linh. Con yêu dấu, có một tâm thức rất, rất hung hãn trên thế giới – một lần nữa, do sa nhân tạo ra cách đây hàng ngàn năm và trước đó nữa – muốn quy định những lằn ranh, những cách xét đoán, những chuẩn mực về cách hành xử của con người. Một phần của quả vị Ki-tô là đạt đến nhận thức là con không thể chứng được các giai đoạn cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng bằng cách tuân thủ những tiêu chuẩn nội tại đó mà con đã tạo ra cho bản thân mình.

Các thày đã nói đến những tiêu chuẩn vỏ ngoài mà xã hội áp đặt lên con, nhưng bây giờ thày đang nói về những tiêu chuẩn nội tại mà chính con đã tạo ra, rất có thể suốt nhiều kiếp sống như một người tâm linh. Con cần xem xét điều này và con cần nhìn xem nó ăn khớp thế nào với những lời dạy mà các thày đã ban ra về chấn thương nhập đời và ngã gốc, cũng như cách con đã phản ứng khi con hứng chịu chấn thương nhập đời. Có một điều gì khiến con quyết định: “Tôi không bao giờ muốn trải nghiệm lại điều này nữa.” Do đó, con đã tạo ra cái ngã lý luận rằng có một điều gì đó con làm đã khiến cho sa nhân hành hạ mình, và nếu con không bao giờ tái phạm thì có thể con sẽ không bao giờ bị hành hạ như vậy nữa.

7.7. Các chuẩn mực nội tại của con

Và điều này dẫn đến việc con tạo ra một chuẩn mực rằng con phải là người như thế nào. Kể từ đó, con yêu dấu, ở trong con đã có một cái ngã – trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi con đầu thai trên địa cầu, trong tuổi thơ ấu lẫn tuổi thanh niên – cứ năng động rà xét xã hội nơi con sống, đánh giá xã hội để tìm xem những điều cấm kỵ, những tiêu chuẩn, những phép tắc. Xong nó định ra một khuôn khổ, một mô thức, một chuẩn mực quy định những gì con phải làm và những gì con không được làm. Rồi nó phóng chiếu ra là nếu con tuân thủ cái đó thì con sẽ an toàn, con sẽ yên ổn, con sẽ được chấp thuận.

Đây là điều mà hầu hết các con – thật ra thày phải nói tất cả các con – đã làm ở một điểm nào đó. Mặc dù một số các con đã bắt đầu khắc phục được, tất cả các con đã chụp lấy nó và chuyển nó vào đường tu tâm linh khi con tìm ra đường tu. Nhìn lại các đợt truyền pháp trước, các thày có thể thấy nhiều học trò đã lấy một giáo lý của chân sư thăng thiên rồi sử dụng để lập ra một chuẩn mực khác cho những gì họ phải làm hay không được làm.

Con yêu dấu, con sẽ nhìn nhận ở đây, đó là một chuẩn mực phản ứng – con đang phản ứng lại các điều kiện trong thế giới vật chất. Điều này có thể hiểu được, nhưng đâu là mục đích của việc Giê-su hiện thân chứ? Có phải là để phục tùng các điều kiện của thế gian như sa nhân muốn Ki-tô làm? Hay là để trao cho mọi người một khung tham chiếu mà họ có thể nhìn thấy và không thể phủ nhận, rằng có một cái gì vượt khỏi các điều kiện của thế giới vật chất? Đương nhiên là câu trả lời thứ hai. Tuy vậy, đây là một sự cân nhắc và phân biện con phải tinh tế lắm mới nhìn ra được, vì như Kinh thánh cũng nói, khi Ki-tô bước vào hiện thân thì Ki-tô cũng bước vào thế giới vật chất.

7.8. Sự hiện thân của Ki-tô

Bây giờ thày muốn đưa ra một vài nhận xét về khái niệm Ki-tô hiện thân. Hiển nhiên, các tín đồ Cơ đốc giáo đã một lần nữa làm cho chuyện này rối beng khi bảo rằng cách đây 2000 năm, thày đã là hiện thân duy nhất của Ki-tô – trên thiên đàng có một đấng Ki-tô tuyệt đối, hoàn vũ nào đó đã chọn hiện thân trong hình dạng nhân thế của thày. Sự thật mà các thày đã trao cho con, cả trong cuốn sách chót về Những kiếp của tôi lẫn các giáo lý khác, là quả thật có một tâm thức Ki-tô hoàn vũ nhưng không phải vì vậy mà tâm thức Ki-tô hoàn vũ có thể hiện thân bất cứ lúc nào cũng được. Nó đòi hỏi phải có một con người trong hiện thân đã nâng cao tâm thức của mình lên tới mức bỗng nhiên tâm Ki-tô hoàn vũ có thể khởi sự tỏa rạng qua người đó.

Con cũng có tiềm năng cho Ki-tô hiện thân trong con khi con đạt đến mức tâm thức đó. Điều này quan trọng vì mấy lý do. Quan trọng hơn cả là vì nó chứng tỏ rằng khi Ki-tô hiện thân – nếu có thể nói như vậy – hay bắt đầu tự biểu hiện trong thế gian này, thì Ki-tô không làm vậy một cách hoàn toàn độc lập với các điều kiện trong thế gian. Khi thày xuất hiện cách đây 2000 năm tại Israel, thày đã hóa thân là một đứa trẻ trong kiếp hiện thân đó. Thày đã lớn lên trong môi trường đó, đã hấp thụ phần lớn môi trường đó, và tất nhiên rất nhiều điều thày nói ra được thích ứng với tín ngưỡng và thế giới quan của con người thời đó. Một thế cân bằng cần được tìm thấy, qua đó Ki-tô không đi vào thế gian để cho mọi người một giáo lý tuyệt đối vì họ sẽ không thể liên hệ với nó. Ki-tô phải thích nghi, như con thấy trong câu chuyện người đàn ông khát nước, khi thay vì cho ông ta một bài thuyết giảng tâm linh thì thày đã cho ông một ly nước lạnh.

Như các thày đã giảng, đây là nguyên tắc Ki-tô đến gặp gỡ con người ở ngay điểm tâm thức của họ và trao cho họ một cái gì có khả năng nâng họ lên bước kế tiếp, và – mong thay – cái đó sẽ dẫn họ vào con đường sẽ tiếp nối mãi cho tới điểm thăng thiên. Một mặt con có thể thấy là Ki-tô tự biểu hiện (tức hiện thân) trong thế gian, và ở một mức nào đó, Ki-tô cũng thích nghi với các điều kiện trong thế gian.

Câu hỏi mà tất cả các con cần giải quyết về mặt cá nhân là: “Tôi sẽ thích nghi tới đâu và tôi sẽ vượt xa hơn bao nhiêu?” Khi con bắt đầu đạt đến những tầng của Sứ vụ Thiêng liêng nơi con sẵn sàng (con bắt đầu) thể hiện quả vị Ki-tô của mình, thì việc thể hiện quả vị Ki-tô không phải là chuyện thích nghi với các điều kiện của thế gian. Đó là chứng tỏ rằng sự thăng vượt các điều kiện đó là điều khả dĩ.

Con hiểu điều thày đang nói chứ? Làm thế nào con có thể chứng tỏ cho người khác rằng việc thăng vượt một mức tâm thức nào đó là khả dĩ? À, trước tiên con phải khoác vào mức tâm thức đó. Đó là tại sao con đã đầu thai trong một gia đình, một quốc gia, một nền văn hóa nào đó. Con trầm mình vào đó một thời gian. Xong khi con sẵn sàng khởi sự biểu hiện quả vị Ki-tô của mình, con vượt khỏi mức đó. Không phải việc biểu hiện quả vị Ki-tô là sự trầm mình vào nền văn hóa đó đâu, mà là vượt ra khỏi nó. Một lần nữa tất nhiên, con không ở đây để vượt quá cao đến độ người ta không thể kết nối với con, mà con ở đây để chứng tỏ rằng việc vượt ra khỏi là điều khả dĩ, rằng có một cái gì đó vượt ra khỏi.

7.9. Quả vị Ki-tô là một cái gì cá nhân

Quả vị Ki-tô là gì? Nó rất cá nhân. Đó là tại sao một trong những điều tệ nhất mà con có thể làm cho bản thân mình là nhìn vào cuộc đời của thày rồi sử dụng để tạo ra một chuẩn mực cho cách hành xử của một sinh thể Ki-tô. Nhiều người đã làm điều này. Các tín đồ Cơ đốc hiển nhiên đã làm điều này, nhưng nhiều học trò của chân sư thăng thiên cũng đã làm một chuyện tương tự. Con thấy đã có những tổ chức của chân sư thăng thiên mà trong đó mọi người đều chú tâm vào việc tự phán xét lẫn phán xét người khác để xem ai nấy có tuân thủ chuẩn mực đó hay không – một chuẩn mực mà họ nghĩ các chân sư đã quy định.

Trong quả vị Ki-tô không hề có chuẩn mực. Đây là điều con cần nắm bắt trước khi con có thể thực sự bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô của mình. Tất cả tùy vào mỗi cá nhân. Con đã đầu thai trong một hoản cảnh đặc thù, đã khoác vào một số điều kiện, một tâm thức tập thể nào đó từ gia đình, quốc gia, vân vân. Biểu hiện quả vị Ki-tô có nghĩa là chứng tỏ có một cái gì cao hơn chuẩn mực đó. Lúc đầu, nó sẽ không cao hơn nhiều lắm, mà nó sẽ cao hơn một chút để ai nấy vẫn có thể liên hệ với con.

Khi con tiến hơn, có thể con sẽ lên cao hơn và cao hơn nữa. Có thể con sẽ tới một điểm khi những ai đã từng lớn lên cùng với con không còn liên hệ được với những gì con biết và hiểu về cuộc sống, và đây là một chuyện khác. Điều thày đang cố chỉ cho con thấy ở đây là nhiều người trong các con có một cái nhìn lý tưởng, lãng mạn, xa vời về thế nào là biểu hiện quả vị Ki-tô. Kỳ thực ở những giai đoạn sơ khởi, quả vị Ki-tô là một cái gì rất thực tiễn liên quan đến những điều kiện trong môi trường hàng ngày. Có thể đó chỉ là một cách làm tốt hơn, một cách nhìn khác hơn về một số chuyện, là không quá coi trọng một số sự việc, không tự xem mình hay xem cuộc sống là quá hệ trọng. Chẳng hạn con có thể vui sống hơn người khác, hay con không đến nỗi bị ám ảnh cưỡng chế về một số khía cạnh trong văn hóa của mình, như con không ghét bỏ những ai sống bên kia biên giới, hay bên kia đường, hay bên kia bất cứ gì khác.

Con có thể chứng tỏ một phương cách khác, một cách nhìn khác, và đó là một khía cạnh trong quả vị Ki-tô của con ở khởi đầu. Nhiều người trong các con có thể nhìn lại đời mình và nhận thấy: “Nhưng trong phần lớn đời tôi, tôi đã chẳng làm vậy hay sao?” Và con nói đúng – con đã làm vậy. Nhiều người trong các con đã làm vậy. Thày chỉ mong giúp con nhận biết về điều đó và nhìn nhận rằng đó là một biểu hiện của quả vị Ki-tô của con. Khi con công nhận là con đã có biểu hiện quả vị Ki-tô thì con sẽ dễ dàng hơn chấp nhận là mình thực sự có thể là Ki-tô trong hành động. Con thực sự có khả năng biểu hiện quả vị Ki-tô trên địa cầu và đó không nhất thiết là một điều gì xa vời, như cách nhìn lý tưởng mà người đạo Cơ đốc đã dựng lên về cuộc đời của thày.

Bây giờ nếu con lấy cuốn sách Những kiếp của tôi cùng với những gì thày đã giảng trong các bài truyền đọc và vấn đáp khác, con sẽ thấy cuộc đời của thày không có gì giống như cái lý tưởng mà người đạo Cơ đốc đã tạo ra. Thày có nói trước đây là con đã rất có thể suy luận rằng điểm kết liễu đời thày đã là một thất bại toàn diện. Thật sự thày đã hoàn thành được việc gì trong đời sống vỏ ngoài chứ? Thậm chí thày đã không thu hút được cả những môn đệ có khả năng nắm bắt thông điệp mà thày đã đến để ban truyền.

Thày không đang cố hạ thấp những gì đã xảy ra, mà thày đang cố khép lại khoảng cách mà nhiều người trong các con đang có trong tâm mình. Con có cái ngã nội tại đó mang nỗi ám ảnh cưỡng chế phải chỉ ra những thiếu sót và lầm lỗi của mình, đến độ con sẵn sàng tin vào sự phóng chiếu rằng bởi vì con đã phạm tất cả những lầm lỗi đó, cho nên con không thể nào là Ki-tô trong kiếp đầu thai này được. Thày đang cố chỉ cho con thấy rằng làm Ki-tô là một tiến trình. Nó bắt đầu thật nhỏ xong nó có thể ngày càng lớn hơn. Con cần công nhận là nó không thể xảy ra đùng một cái. Nó chỉ có thể xảy ra bằng cách con bước đi từng bước một, dần dần nhận ra là con có khả năng làm cánh cửa mở cho Ki-tô.

7.10. Sứ vụ Thiêng liêng và tự quyết

Con yêu dấu, vậy thì làm Ki-tô có nghĩa là gì? Hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình có nghĩa là gì? Một lần nữa, trên thế giới có một tâm thức do sa nhân tạo ra muốn chụp lấy mỗi ý tưởng, mỗi khái niệm, và thu hẹp nó xuống một chuẩn mực đường thẳng hầu tâm phân tích có thể phân loại và dán nhãn.

Có một vị trong số các con vừa chia sẻ là khi anh ấy đến dự hội nghị này thì có người đã hỏi anh: “Giáo lý mà bạn đang tu tập là gì chứ?” Anh đã không thể tìm ra một cái tên vì các thày đã cố tình không đặt tên. Đó là một ví dụ người ta bị tâm thức của sa nhân ảnh hưởng mà không hay biết, và tâm thức này khiến họ luôn luôn muốn gắn nhãn cho mọi sự. Họ luôn luôn muốn gọi tên để họ có thể phân loại, và thế là cái đó giờ đây phải đi vào khuôn mẫu. Tất nhiên, đây chính là điều mà sa nhân đã toan tính làm với Ki-tô, nhưng thực tế của Ki-tô là Ki-tô không bao giờ tuân theo một mẫu mực nào.

Vậy có tiêu chuẩn nào quy định cách con phải biểu hiện quả vị Ki-tô của con như thế nào trong hoàn cảnh đặc thù của con hay không? Không, không có. Tuy nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo. Trong Sứ vụ Thiêng liêng của con có điều gì được quy định về quả vị Ki-tô không? Liệu Sứ vụ Thiêng liêng giống như một chuẩn mực về cách con phải cư xử trong kiếp này và do đó cũng về cách con phải biểu hiện quả vị Ki-tô của mình?

Quyền tự quyết có vai trò gì trong Sứ vụ Thiêng liêng? Liệu Sứ vụ của con có giống như một chiếc áo tù bó tay bó chân hay không? Trong những năm đầu của đời con, con không nhận thức về Sứ vụ của mình cho nên con khá rộng tay làm bất cứ gì con muốn. Rồi tới một điểm có sự chờ đợi là con sẽ bước vào nhận thức về Sứ vụ của mình, và khi đó có vẻ chọn lựa duy nhất còn lại cho con là: “Liệu tôi sẽ mặc vào chiếc áo tù này hay tôi không mặc vào?” Nếu con quyết định mặc vào chiếc áo bó tay của Sứ vụ Thiêng liêng thì phần đời còn lại của con sẽ đi theo một đường rày máy móc vì giờ đây con sẽ chỉ biết tuân theo Sứ vụ đã được vạch ra cho con. Chuyện đó, tất nhiên, không phải là ý nghĩa của Sứ vụ Thiêng liêng.

Đầu tiên các thày đã nói rằng chính con là người chọn lựa Sứ vụ Thiêng liêng của con. Rồi sau mấy thập niên giảng dạy về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng, các thày đã thấy nhiều học trò diễn giải theo nghĩa Sứ vụ là do một đấng thần thánh nào đó thảo ra, và bây giờ đấng này đang cố áp đặt nó lên con để biến con thành một con múa rối. Đây chính là tại sao một số sa nhân đã tạo ra ý tưởng là con chỉ có thể giành được quyền tự quyết bằng cách nổi loạn chống lại Thượng đế. Có những sa nhân cả quyết rằng chỉ khi chúng nổi loạn và từ chối thăng thiên thì chúng mới thực sự có được quyền tự quyết. Hiển nhiên đây là một ảo tưởng, vì thử hỏi ý chí tự do của con sẽ tự do tới đâu nếu con đang phản ứng lại một cái gì khác? Ý chí đó sẽ tự do y hệt như khi con tìm cách tuân theo cái khác đó. Ý chí của con sẽ chỉ tự do một khi con chọn lựa từ bên trong.

Không cần đi sâu hơn vào một cuộc thảo luận triết lý, thực tế ở đây là Sứ vụ Thiêng liêng của con không hề vạch ra cách con phải sống cả đời mình như thế nào trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Các thày đã nói là kỳ thực, con sẽ không bao giờ có được một tầm nhìn rõ ràng về toàn bộ Sứ vụ của mình, mà con sẽ chỉ nhìn thấy từng giai đoạn một – tại sao như vậy? À, bởi vì nếu có một Sứ vụ thật chi tiết và nếu con thấy được nó toàn bộ, thì nó sẽ giống như một con đường máy móc. Con sẽ chỉ giản dị bước hết bước này tới bước khác và đi theo đúng như vậy. Sự thật là Sứ vụ của con được lập ra, như các thày đã giảng, để trên hết nâng cao tâm thức của con, và làm thế nào con nâng cao tâm thức chứ? Bằng cách tiếp cận mỗi hoàn cảnh ở mức tâm thức hiện thời của mình, rồi con chọn lấy một chọn lựa để vươn lên khỏi tâm thức đó hầu đối phó với một vấn đề nhất định. Khi con vươn lên và trải nghiệm một cách nhìn cao hơn về vấn đề, đó là khi con đã nâng cao tâm thức lên nấc kế tiếp. Sứ vụ của con xác định hoàn cảnh mà con cần bước vào để trải nghiệm một điều kiện nhất định, nhưng nó không xác định con phải phản ứng lại điều kiện đó như thế nào. Cái đó là chọn lựa của con.

7.11. Thăng vượt nhận thức của con

Con yêu dấu, con cần thận trọng ở đây. Nhiều người trong các con đã tưởng tượng là Sứ vụ Thiêng liêng định rõ một số điều kiện vỏ ngoài. Ví dụ, con sẽ phải gặp gỡ và kết hôn một người nào đó và có X đứa con. Dựa theo đó thì nhiều người trong các con nghĩ rằng nếu con không gặp người đó – hay nếu con gặp nhưng lại quyết định không kết hôn – thì con không làm tròn Sứ vụ của mình. Sứ vụ Thiêng liêng không như vậy, nó không rõ ràng, đặc thù như vậy. Sứ vụ Thiêng liêng là để con xoay chuyển tâm thức của con.

Đối với mọi điều kiện vỏ ngoài, con có rất nhiều chọn lựa. Phải, ở những giai đoạn đầu, trong giai đoạn công phu của Sứ vụ Thiêng liêng, nhiều khi con mang nghiệp với một người nào đó và cách nhanh nhất để giải quyết nghiệp quả là có mối quan hệ với người đó. Cho nên con có thể nói: “Được, thật ra tôi đã quyết định là tôi muốn ở trong quan hệ này, cho nên khi tôi xuống đây đầu thai, đó chính là điều tôi phải làm.” Tuy vậy, con có một phạm vi chọn lựa rộng lớn trong cách đáp ứng với tình huống đó: Con sẽ ở lại bao lâu trong quan hệ, con sẽ phản ứng thế nào với mối quan hệ, vân vân. Một khi con tiến xa hơn giai đoạn công phu này và không còn phải đương đầu quá nhiều với các điều kiện nghiệp quả nữa, thì con bắt đầu bước vào giai đoạn sáng tạo của Sứ vụ của con.

Đột nhiên, con có rất nhiều chọn lựa khác hơn. Có nghĩa là, ví dụ, không chỉ có một nghề nghiệp, một loại việc làm hay sự nghiệp mà con có thể có. Ngay cả khi con chọn một nghề nghiệp nhất định thì con cũng không chỉ có một cách đeo đuổi duy nhất. Đời con không giống như một đường rày. Sứ vụ của con không đặt cuộc đời con trên một con đường rày sẽ hạn chế các chọn lựa của con. Con luôn luôn có nhiều chọn lựa, nhiều phương thức trong những gì con làm cũng như trong cách con làm.

Con yêu dấu, điều thày nói ở đây áp dụng cho các học trò tâm linh ở những tầng cao hơn. Lẽ tự nhiên, rất nhiều người ở những mức tâm thức thấp hơn bị chi phối nhiều hơn bởi các tình huống nghiệp tạo, cho nên những chọn lựa trong tiền kiếp đã tạo ra các hậu quả đang giới hạn chọn lựa của họ trong kiếp này. Con có thể đi xuống một tầng tâm thức nơi con gặp những người có rất ít chọn lựa ý thức mở ra cho họ. Phải chăng đó là điều kiện vỏ ngoài đang giới hạn họ, hay là tâm thức của họ bị giới hạn đến độ họ không sẵn lòng vượt ra khỏi cách nhận thức cố hữu của họ về thế giới?

Điều thày nói với con ở đây là con cũng có một nhận thức nào đó về thế giới, và con sẽ cần thăng vượt nó để có được nhiều tự do hơn, nhiều chọn lựa hơn. Đâu là cái đang giữ con lại? Cái gì khiến con đôi khi có cảm tưởng Sứ vụ Thiêng liêng là một chiếc áo tù bó tay, hay đời con hoàn toàn bị ngoại cảnh định đoạt? Đó là vì con mang một cái ngã nhất định đang có một nhận thức nhất định, và nhận thức này xoay quanh việc con nhìn và phản ứng lại tình huống vỏ ngoài như thế nào.

Đâu là một khía cạnh khác của quả vị Ki-tô? Là khi con nhận ra là con không ở đây để làm nô lệ cho những tình huống vỏ ngoài. Con ở đây để thăng vượt chúng, và điều này không có nghĩa là, chẳng hạn, nếu con có con cái, con sẽ bỏ rơi chúng, đào tẩu lên núi Himalaya và ngồi trong hang đá. Không, nó có nghĩa là con vượt thăng cách nhìn, cách tiếp cận, cách phản ứng của mình đối với việc có con, hầu con tìm ra một cách nhìn cao hơn không bị quá mắc kẹt trong khuôn nếp hiện thời.

7.12. Làm thế nào thực sự thay đổi đời mình

Điểm này khơi lên một đề tài khác mà nhiều người trong các con thắc mắc: “Làm thế nào con có thể thực sự thay đổi đời mình? Làm thế nào con có thể có được những điều kiện tốt đẹp hơn? Con muốn làm chuyện này, con muốn làm chuyện kia. Con muốn nhiều tiền hơn hay việc làm tốt hơn vì con rất muốn được tự do đi du lịch đây đó, gặp gỡ người ta, thăm nhiều nền văn hoá khác nhau, cái này cái nọ” (đây thật sự là ước muốn của nhiều người).

Thế là bây giờ chúng ta đến với chủ đề là làm thế nào thay đổi tình huống vỏ ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho viễn quan hay mong muốn của mình. Đây là một chủ đề rất phức tạp mà thày sẽ không đưa ra một lời giảng chung cuộc, vì thày Saint Germain cũng có một vài điều muốn nói, và cả các chân sư khác nữa. Điều thày muốn cho con là phân biện Ki-tô đi theo hai đường.

Trước hết, phân biện Ki-tô có thể cho con một viễn quan trong Sứ vụ Thiêng liêng là con có khả năng thị hiện một hoàn cảnh vật lý cao hơn hiện tại, một hoàn cảnh nơi con có nhiều tự do hơn. Đây là một viễn quan về những gì có thể xảy ra, nhưng mặt khác cũng có khía cạnh omega về điểm này: Phân biện Ki-tô cũng có thể cho con viễn quan là đôi khi kỳ thực, mong muốn hay viễn quan của con dựa trên ngã gốc. Như chân sư MORE đã nói, ngã gốc của con mang một cơ chế đền bù, và cơ chế này đôi khi đem lại cho người tâm linh một ước muốn trốn thoát khỏi một số điều kiện nào đó.

Thật ra phản ứng này đến từ ngã gốc. Một khía cạnh của điều này là khi con đến hành tinh này như một avatar, con đến với một thái độ tích cực mong muốn đem lại một thay đổi tích cực. Rồi con cảm thấy mình bị sa nhân bác bỏ, trấn áp. Thế rồi con tạo ra ngã gốc và kể từ đó con đã cảm thấy: “Tôi không thể là chính tôi trên hành tinh này, tôi không thể là con người mà tôi là, tôi không thể biểu hiện bất cứ gì tôi muốn, tôi không thể sáng tạo vì tôi luôn luôn phải nhìn xem người ta sẽ phản ứng ra sao. Liệu người ta sẽ làm gì, sẽ nói gì, sẽ nghĩ gì? Họ sẽ chối bỏ tôi như thế nào? Họ sẽ làm gì với tôi đây?”

Con vẫn có mong muốn tự biểu đạt nhưng con lại có một cơ chế ngăn cản con tự biểu đạt. Điều mà phân biện Ki-tô có thể giúp con là khiến con nhìn ra cảm nhận đó đến từ ngã gốc – cảm nhận rằng mình không thể là chính mình trên địa cầu. Lý do là vì ngã gốc giống như một chiếc máy tính. Nó không có khả năng tự nhận biết. Nó không thể nghĩ cái gì là đúng hay sai. Ngã gốc dựa trên nhận thức rằng chính các điều kiện vỏ ngoài trên địa cầu mới ngăn cản con là người mà con là, ngăn cản con biểu đạt chính con. Kỳ thực, một khi con có phân biện Ki-tô, con sẽ thấy rõ không phải các điều kiện vỏ ngoài đang ngăn cản mình là chính mình, mà ngã gốc.

Khi con đến trái đất lần đầu tiên, có lẽ cách đây rất lâu, con đã có sẵn một mức nhận biết nào đó. Mặc dù mức đó có thể cao hơn đa số cư dân trên địa cầu vào thời ấy, đó vẫn chưa phải là mức tối hậu. Ngay cả nếu con đến từ một hành tinh tự nhiên, đó cũng chưa phải là mức tối hậu. Kể từ đó, con đã tăng triển về mặt tâm thức cho dù con có thể không hay biết một cách ý thức. Nhưng con đã có tăng triển, và đó là tại sao các thày đã nói là con có khả năng đi ngược dòng thời gian và tái trải nghiệm chấn thương nhập đời của mình với một phản ứng khác hơn trước. Đó là cách con có thể gạt bỏ ngã gốc, và các thày đã cho con dụng cụ để làm việc này.

Khi con làm vậy, điều thật sự bắt đầu xảy ra là giờ đây con lần lần khởi sự chất vấn tất cả những rào cản đó (mà con mang trong bốn thể phàm) đang bảo con là con không thể là chính mình, rằng con không thể tự biểu đạt. Sau đó con có thể bắt đầu xem xét và hòa điệu với: “Tôi thực sự là ai? Đâu là cá thể tâm linh của tôi trong Hiện diện TA LÀ? Đâu là ý nghĩa của việc biểu đạt cá thể tâm linh đó ở đây trên trái đất?” Bỗng nhiên, con yêu dấu, một khi con bắt đầu chấp nhận và trải nghiệm rằng con có khả năng là chính mình trên địa cầu, con sẽ khắc phục được mong muốn trốn chạy nói trên, luôn luôn muốn làm một người khác hay sống ở một nơi khác. Đó là cái mong muốn cứ nghĩ rằng: “Nếu như điều kiện vỏ ngoài thay đổi và xảy ra như tôi nghĩ nó phải xảy ra, thì khi đó tôi mới có thể là chính tôi.”

7.13. Không có điều kiện lý tưởng cho quả vị Ki-tô

Con yêu dấu, các thày đã có nói là có một tâm thức khiến con nghĩ là khi nào con hội được điều kiện vỏ ngoài lý tưởng thì khi đó con mới có thể là Ki-tô. Nhưng Ki-tô không cần điều kiện vỏ ngoài lý tưởng, vì chức năng của Ki-tô chính là để chứng tỏ có một cái gì cao hơn bất kỳ điều kiện nào mà Ki-tô trải nghiệm. Không hề có điều kiện lý tưởng để biểu hiện quả vị Ki-tô. Nếu con cứ ngồi đó chờ đợi một số điều kiện vỏ ngoài trước khi con có thể biểu hiện quả vị Ki-tô hay là chính mình, thì con sẽ phải chờ đến mãn kiếp – và nhiều kiếp kế tiếp nữa – trước khi con chợt hiểu ra: “Ồ, đáng lý ra tôi đã phải bắt đầu ngay ở nơi tôi đang đứng và biểu hiện quả vị Ki-tô ở ngay tầng này, và đó là cách tôi bước lên một tầng cao hơn.”

Và đó cũng chính là cách mà các điều kiện vỏ ngoài của con sẽ thay đổi. Điều kiện vỏ ngoài của con sẽ bắt đầu thay đổi khi con quyết định là con sẽ khởi sự ngay nơi con đang đứng và cả gan biểu hiện một sắc thái đó của cái ta cao hơn ngay ở đây, ngay lúc này. Đó là điều mà vị sứ giả này đã quyết định năm 2002. Đó là tại sao, một cách lần hồi, các điều kiện vỏ ngoài của ông đã thay đổi đến mức ông đã có thời gian lẫn sự tự do để tập trung vào công việc ông đang làm, thay vì phải đi làm kiếm sống, vân vân.

Những điều tương tự có thể xảy ra cho nhiều người trong số các con. Không nhất thiết theo cùng một cách nhưng chắc chắn theo cách là các điều kiện vỏ ngoài sẽ lần hồi thay đổi để con có thể cảm thấy chúng không đang hạn chế con là chính con, hạn chế con biểu đạt những gì con ở đây để biểu đạt. Nó có thể xảy ra như vậy khi con đạt tới những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng, nhưng để đạt đến mức đó sẽ đòi hỏi những gì?  

Nó đòi hỏi con xoay chuyển tâm thức, con yêu dấu. Như lời thày đã dạy cách đây 2000 năm, con nhìn nhận: “Con không thể làm gì được một mình, nhưng với Thượng đế thì mọi việc đều khả dĩ.” Đó là cách thày đã diễn tả vào thời đó, nên con hãy để thày diễn đạt lại dựa theo giáo lý các thày đã cho con: “Với ngã vỏ ngoài và quyền năng của ngã vỏ ngoài, con không thể thay đổi điều kiện vỏ ngoài của con. Nhưng bằng cách nối kết lại với Ki-tô trong con, bằng cách nhận diện Ki-tô trong con, khi đó con sẽ có khả năng thay đổi điều kiện vỏ ngoài của con.”

Để nối kết lại với Ki-tô trong con và bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô của mình, điều này sẽ đòi hỏi những gì? Con yêu dấu, nó đòi hỏi nơi con một quyết định có ý thức: “Tôi sẽ không làm nô lệ cho các điều kiện vỏ ngoài của tôi. Tôi sẽ là cánh cửa mở, tôi sẽ biểu đạt chính mình cho dù điều kiện vỏ ngoài có là gì. Tôi sẽ làm điều gì đó ngay lập tức, tôi sẽ nhân lên các ta-lăng mà tôi được ban cho, tôi sẽ nhân lên hoàn cảnh mà tôi đang gặp ngay lúc này.” Sau đó, một khi con đã đi bước nhỏ đầu tiên đó, định luật sẽ trải bày ra không sai sót: Sẽ có một sự nhân lên từ cõi tâm linh. Và khi con tiếp tục làm vậy, lần hồi điều kiện vỏ ngoài của con sẽ bắt đầu xoay chuyển.

Có thể một số các con cũng sẽ nhận thấy là thật ra, có một số điều kiện vỏ ngoài mà con không trù liệu thay đổi vì công dụng của chúng là để con bày tỏ một cách ứng phó cao hơn đối với chúng. Đây không chỉ là chuyện thoát ra khỏi một số điều kiện mà con không ưa, vì chúng có thể là một phần của quả vị Ki-tô của con. Thật ra, có thể một phần của Sứ vụ Thiêng liêng là con biểu hiện quả vị Ki-tô trong những điều kiện đó hầu người khác thấy được là chúng có thể được thăng vượt.

Một lần nữa, đây là một điểm phân biện tinh tế. Con yêu dấu, đây cũng là sự kiện khi con vươn lên cao hơn và khắc phục cơ chế đền bù – các dính mắc, như các thày cũng gọi như vậy – thì con có nhiều chọn lựa hơn. Chẳng hạn, ở một điểm nào đó con có thể chọn: “Không, tôi không muốn gặp điều kiện này nữa, tôi đã trải nghiệm nó đủ rồi,” hoặc “Tôi không muốn ứng phó với loại người này nữa. Tôi đã chứng tỏ có một tâm thức khác hơn trạng thái tâm thức của họ và tôi không muốn cứ làm mãi chuyện này cho đến hết kiếp này. Tôi muốn bước sang một cái gì khác.”

Con yêu dấu, con có rất, rất nhiều chọn lựa khác nhau. Không chỉ có một cách duy nhất để hoàn thành Sứ vụ của con và cũng không phải là nếu con không làm theo cách đó thì con sẽ không làm tròn Sứ vụ của mình. Đây không phải là chuyện “tất cả hay không có gì”. Nó không đen trắng.

7.14. Con không thể thất bại trong Sứ vụ

Miễn là con sẵn sàng xoay chuyển tâm thức, con yêu dấu, con không thể không làm tròn Sứ vụ Thiêng liêng của con, vì cốt lõi của Sứ vụ chính là sự dời chuyển tâm thức lên mức cao nhất có thể. Không có gì bất di bất dịch. Trước khi con đầu thai và lập ra Sứ vụ Thiêng liêng, con đã lượng định – dựa trên tâm thức con mang trong kiếp trước – những gì con có thể vươn tới trong kiếp này một cách thực tế nhất. Nhưng nếu con sẵn lòng, nếu con thật sự chuyên tâm và áp dụng giáo lý mà các thày đã ban truyền, thì con còn có thể vươn lên cao hơn nữa. Nhiều các con có khả năng vươn lên cao hơn mức được định ra trong Sứ vụ của mình.

Một số các con đã không định ra trong Sứ vụ là mình sẽ có thể vươn tới tầng 144 trong kiếp này, nhưng một số các con có khả năng làm được điều này nếu con thực sự chuyên tâm và bước xa hơn, bởi vì việc xoay chuyển tâm thức đòi hỏi gì chứ? Nó chỉ đòi hỏi con sẵn lòng nhìn ra một điều gì đó mà con chưa nhìn thấy trước đây, sẵn lòng quyết định là con sẽ không bị giam hãm trong mức tâm thức này, sẵn lòng bước ra ngoài. Con sử dụng khả năng của cái Ta Biết để bước ra ngoài bốn thể phàm của nó và nhìn ra: “Tôi không là cái này, tôi là hơn cái này.” Không có gì được quy định từ cõi thăng thiên hay từ Sứ vụ Thiêng liêng để giới hạn con chỉ tiến được bao xa trong tiến trình này, nếu con sẵn lòng xoay chuyển.

Tuy nhiên sẽ có một giới hạn, là con cần một cảm giác liên tục, cho nên con không thể tự dưng chuyển vọt lên một mức quá cao so với mức hiện tại của con. Con không thể nhảy bước. Một số học trò tâm linh trở nên rất nóng lòng và muốn giác ngộ ngay bây giờ, trong vòng năm phút, nhưng điều này không thể làm được ngay lập tức. Con phải đi qua tất cả 144 tầng tâm thức. Con không thể nhảy từ tầng 120 lên tầng 133. Không thể được. Con sẽ đánh mất ý niệm bản sắc, ý niệm liên tục của con, và thật ra nó có thể dẫn đến bệnh tâm thần và chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia). Điều con cần nhìn nhận ở đây là con cần đi qua tất cả mọi bước, vì thật sự nếu con sẵn lòng thì không có gì sẽ giới hạn tốc độ tiến bước của con.

Con yêu dấu, lẽ tự nhiên thày có thể tiếp tục nói mãi và giảng thêm nữa về đề tài này. Các thày đã cho con nhiều giáo lý mà con có thể tu học và áp dụng trong nhãn quan mà thày vừa trao cho con về Sứ vụ Thiêng liêng và quả vị Ki-tô. Bí quyết thực sự ở đây là con đạt tới điểm nhận ra: “Tôi không được quy định bởi bất cứ điều gì trên địa cầu. Tôi là một sinh thể tâm linh.” Cái Ta Biết là tên gọi mà các thày đã dùng cho sự nhận biết thuần khiết để chỉ rõ là con không bị quy định bởi bất cứ gì có hình tướng. Đó là lý do tại sao con có khả năng thăng vượt bất kỳ hình tướng nào, kể cả những hình tướng trong ngã gốc và các ngã tách biệt của con. Đây là cốt lõi của quả vị Ki-tô, mà con hoàn toàn tự quyết trong việc thực hiện và áp dụng trong kiếp này.

9 | Khía cạnh cách mạng trong Sứ vụ Thiêng liêng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain. Điều thày mong muốn giảng cho con là khái niệm tiến hóa (evolution) hay tiệm tiến, so với cách mạng (revolution). Các chân sư khác đã cố trao cho con ý tưởng là Sứ vụ Thiêng liêng của con không phải là một mục tiêu xa vời, vượt ngoài tầm tay và không thể nào đạt được. Chắc chắn đây là một ý tưởng rất quan trọng để con thể nhập.

9.1. Giai đoạn tiến hóa và giai đoạn cách mạng

Con cần nhận diện có một khía cạnh tiến hóa trong Sứ vụ của con và một giai đoạn cách mạng trong Sứ vụ của con. Các thày đã trình bày về giai đoạn công phu trong Sứ vụ, và các thày có nói là có một giai đoạn khi con khởi sự biểu đạt quả vị Ki-tô của mình nhưng con làm vậy ngay trong hoàn cảnh mình đang gặp, và con làm từng chút một, từng bước nhỏ một. Đây là giai đoạn các thày gọi là giai đoạn tiến hóa trong Sứ vụ của con. Theo một nghĩa nào đó, giai đoạn tiến hóa này sẽ tiếp tục cho đến hết kiếp này của con. Trong Sứ vụ Thiêng liêng luôn luôn sẽ có một yếu tố tiến hóa.

Tuy nhiên, điều con cần nhận diện là sẽ tới một điểm khi con bắt đầu bước vào các giai đoạn cao hơn của quả vị Ki-tô, các giai đoạn cao hơn của đường tu. Có một số điểm, một số thời điểm then chốt trong đời con khi con không thể bước lên mức kế tiếp một cách tiệm tiến bằng những bước nhỏ. Thậm chí con không thể đi lên mức kế tiếp bằng cách ở trong trạng thái tâm thức tiệm tiến.   

Con cần biết điều này ở những tầng mức đó – không phải ở những tầng mức thấp hơn nơi con không cần quan tâm đến chuyện này. Con hãy cho phép thày bước lui lại một chút để nói rằng đối với nhiều người – nhiều người trong số các con tìm thấy lời dạy này – con vẫn còn trong giai đoạn tiệm tiến. Điều thày trao cho con ở đây sẽ không áp dụng cho con ngay bây giờ, hay có thể sẽ không áp dụng một số năm nữa, nhưng nếu con là một dòng sống tiên tiến có tiềm năng biểu hiện một mức tâm thức cao hơn trong kiếp này, thì sẽ tới một điểm con không thể tiến hơn nữa qua những bước nhỏ kia.

Theo một nghĩa nào đó, có một sự mâu thuẫn trong những gì thày đang nói với con, vì lẽ tự nhiên, các thày đã cho con khái niệm về 144 tầng tâm thức. Các thày có nói là con không thể nhảy bước, cho nên ngay cả khi con ở tầng 123, tầng kế tiếp của con là 124, và theo một cách nhìn, cái bước từ 123 lên 124 không đến nỗi to lớn lắm – đó không thật sự là một thay đổi “cách mạng”.

Ý thày muốn cho con ở đây là con vẫn bước trên đường tu qua các tầng tâm thức khác nhau, nhưng con yêu dấu, song song với con đường tiến hóa lần hồi đó có tiềm năng là con kinh qua một sự xoay chuyển trong tâm thức, một xoay chuyển trong thái độ, một xoay chuyển trong cách nhìn cuộc sống. Điều này có thể dẫn con từ mức của con trước đây lên một mức sẽ dứt khoát cao hơn, đến độ con phải thật sự xem đó là một bước cách mạng.

Nhiều người trong các con đã trải nghiệm những sự chuyển vọt tâm thức như vậy. Nhiều các con có thể nhìn lại một thời điểm khi con chưa có giáo lý tâm linh nào, rồi tới khi con tìm ra giáo lý tâm linh đầu tiên của con, đó đã là một chuyển vọt ngoạn mục nâng con lên cao hơn và thay đổi cách con nhìn cuộc sống. Con cũng có thể thấy là con đã từng có những bước khác giống như vậy khi đột nhiên con có một sáng ngộ, đột nhiên con trải nghiệm một cái gì đó và cái đó là một xoay chuyển tâm thức cách mạng, ấn tượng hơn, sâu xa hơn.

9.2. Giữ cân bằng khi chuyển vọt cách mạng

Điều thày muốn nói với con ở đây là ở những tầng cao hơn, tới một điểm con sẽ cần nhận ra là song song với sự thay đổi tiệm tiến, có thể con còn có nhu cầu kinh qua một sự chuyển vọt sâu đậm hơn, cách mạng hơn trong tâm thức. Nó chỉ có thể xảy đến nếu con sẵn lòng làm cuộc chuyển vọt đó, nếu con quyết định là mình sẽ mở tâm ra để nhận lấy cái sáng ngộ mà giờ đây con đã sẵn sàng tiếp nhận.

Con không thể làm được điều này cho đến khi con sẵn sàng. Đó là tại sao một lần nữa, thày cần nhìn lại các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên và chỉ ra cho con là đã từng có rất, rất nhiều học trò có thể bảo là mình đã kinh qua một sự chuyển đổi cách mạng trong tâm thức lẫn trong nhãn quan của mình. Rồi họ trở thành những người mà chân sư MORE mô tả là “vô cùng quả quyết, vô cùng lửa xanh và tia sáng xanh, không cho phép bất cứ gì cản đường mình, dẹp tan đối lập cũng như bất cứ ai chắn đường mình, và trực chỉ tiến tới mục tiêu.”

Tất nhiên cũng có câu chuyện vui mà người ta hay kể trong các đợt truyền pháp trước, là một ngày kia El Morya và Kuthumi được giao cho phận sự đi lên núi nhận thông điệp từ một vị thày tâm linh. El Morya xông thẳng lên núi, nhận thông điệp rồi bước thẳng xuống. Còn Kuthumi thì thong thả hơn, dành thì giờ ngắm chim chóc và thưởng ngoạn hoa đẹp, nhưng khi cả hai xuống núi thì El Morya đã quên bẵng mất thông điệp là gì, còn Kuthumi thì nhớ rất rõ. Chuyện tương tự cũng xảy ra cho nhiều học trò tâm linh, con yêu dấu, vì con có thể kinh qua một sự chuyển vọt cách mạng trong tâm thức nhưng con vẫn còn mang quá nhiều thứ của ngã gốc, con còn sót lại quá nhiều ngã tách biệt đến độ con không hiểu đúng về trải nghiệm của con.  

Điều thày đang nói là trong các đợt truyền pháp trước có nhiều đệ tử kinh qua một trải nghiệm thần bí, tâm linh chân chính, họ ngộ được một trạng thái tâm thức cao hơn, nhưng thế rồi tâm vỏ ngoài của họ lại diễn giải nó một cách mất cân bằng. Họ khoác vào phản ứng rất thiếu cân bằng đó và bây giờ họ trở thành những người mà họ gọi là “quyết tâm” nhưng thật ra là “mù quáng”. Họ đeo vào một miếng da che hai bên mắt khiến họ chỉ chú mục vào đúng một mục tiêu đó. Một cách nào đó, thật ra họ đang bảo với trực giác của họ, bảo tâm Ki-tô của họ, bảo cả các chân sư thăng thiên: “Đừng làm phiền tôi nữa, tôi đã có viễn quan về nơi tôi cần đến. Đừng làm tôi rối trí và cho tôi bất kỳ sáng ngộ nào khác. Tôi sẽ không cần bạn cho đến khi tôi đạt tới đích.” Đương nhiên là họ không thể đạt tới đích mà không nhận được sáng ngộ, nhưng họ lại gạt chuyện này ra khỏi tâm trí.

9.3. Nhìn thấy tiềm năng cao hơn

Điều thày cần con nhìn nhận ở đây là khi thày nói đến một sự “xoay chuyển cách mạng”, nó không thể xảy ra cho tới khi con đã sử dụng giáo lý về ngã gốc cũng như nhiều giáo lý khác mà các thày đã ban truyền về tự ngã, về các chấn thương, và con cũng đã chữa lành tâm lý mình đến một độ nào đó. Một khi con đã nhận được sự chữa lành này, con cần nhận ra là con đã đạt đến một mức nơi sự thay đổi tiệm tiến không còn là bước đi thích hợp nữa, mà có thể con sẽ phải thực hiện một cuộc xoay chuyển dứt khoát trong cách mình nhìn cuộc sống. Đương nhiên điều này áp dụng cho nhiều vấn đề. Đặc biệt nó có thể áp dụng cho câu hỏi: Là Ki-tô trong hành động có nghĩa gì đối với con? Đâu là tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của con mà con có thể hiển thị?

Để lấy một ví dụ thực tế ở đây, vị sứ giả này đã nghe nói về giáo lý của chân sư thăng thiên lần đầu tiên năm 1984. Ông đã theo học một đợt truyền pháp trước của các chân sư, đã tìm hiểu giáo lý, đã thực hành giáo lý, đã tham dự đủ loại khóa tu tập, đi khám tâm lý gia, nỗ lực cải sửa tâm lý mình. Thế rồi vào năm 2002, ông ngộ ra là ông đã cất bước trên đường tu phần nào là do niềm tham vọng phàm phu muốn hoàn thành một việc gì quan trọng, đem lại một thay đổi quyết định và cảm thấy đời mình đã đáng sống. Trong cốt lõi, những thứ đó đều là một thành phần của ngã gốc của ông, một thành phần của chấn thương nhập đời của ông, tuy không phải là tất cả.

Đó cũng là một thành phần của cảm giác mà tất cả các con đều có, vì con đến địa cầu là để đem lại một sự khác biệt tích cực, và vì con không thể tạo ra sự khác biệt đó cho nên con mới mang nỗi thất vọng này bên trong. Ông ấy đã nhìn thấy điều này, rồi ông cũng có khả năng nhận ra là ông cần thực hiện một sự xoay chuyển dứt khoát, mạnh mẽ, hầu buông bỏ cái đó, buông bỏ tham vọng đó, rũ bỏ nó hoàn toàn. Ông đã làm được điều này, và đó cũng là lúc ông cảm thấy Hiện diện của Giê-su đề nghị ông có muốn khởi xướng một trang web nơi mọi người có thể đặt câu hỏi và nhận được trả lời của Giê-su hay không.

Nếu con nhìn vào quá trình của sứ giả này, từ năm 1984 cho đến 2002, ông đã tăng triển một cách tiệm tiến. Lần hồi, từng bước một, ông đã có chút tinh tấn trong suốt những năm tháng đó, tuy nhiên sự tinh tấn này vẫn tuần tự qua từng bước nhỏ một. Trong thế giới quan của ông và cho tới thời điểm đó, ông đã không hề nghĩ rằng mình mang tiềm năng trở thành một vị sứ giả cho chân sư thăng thiên. Ông chưa từng bất mãn với vị sứ giả trước, chưa từng ganh tị với vị đó, chưa từng có bất kỳ ý nghĩ nào là mình sẽ làm giỏi hơn hay vị đó có làm gì sai trái. Ông chỉ tận dụng giáo lý được ban truyền. Ông tự xem mình là một học trò của chân sư thăng thiên và ông sẽ cứ tiếp tục tăng triển chầm chậm từng bước như vậy bằng cách sử dụng các lời dạy của chân sư mà ông có.

Điều thày nói ở đây là bước tiến của ông từ việc là học trò của chân sư để trở thành sứ giả của chân sư không phải là một bước tiệm tiến. Nó đòi hỏi một chuyển vọt cách mạng trong tâm thức. Điều này không có nghĩa là bây giờ tất cả các con cũng sẽ nghĩ là mình phải làm giống như vậy và trở thành sứ giả cho chân sư. Điều thày muốn nói là đối với nhiều người trong các con, con có tiềm năng – ở một thời điểm nào đó trong đời mình, có lẽ không ngay bây giờ mà sau này – nhưng con có tiềm năng, như một thành phần của Sứ vụ Thiêng liêng của mình, bước lên một tầm nhìn cao hơn về cuộc sống, một cách nhìn cao hơn về bản thân, và chấp nhận tiềm năng cao hơn mà con có thể đem lại. Con không thể làm điều này theo cách tiến hóa.

Con yêu dấu, không cứ là tất cả mọi học trò của chân sư đều sẽ tiến hóa lần lần cho đến khi họ trở thành sứ giả của chân sư thăng thiên. Một học trò của chân sư có thể tiến hóa tuần tự cho đến khi sẵn sàng thăng thiên, mặc dù thày sẽ nói là để thực sự sẵn sàng thăng thiên, con cũng sẽ phải kinh qua một số chuyển vọt cách mạng trong tâm thức. Không có một con đường tiệm tiến nào sẽ dẫn con từng chút một từ điểm làm học trò tới điểm làm sứ giả – nó đòi hỏi một sự xoay chuyển cách mạng. Tương tự như vậy, nhiều người trong các con sẽ cần đạt tới điểm khi con cảm nhận: “Có một cái gì hơn nữa. Tôi chưa thể nhìn thấy nó ngay bây giờ – tại sao tôi lại chưa thể nhìn thấy?”

Lý do là vì con chưa lấy quyết định là con sẵn lòng nhìn thấy nó cho dù nó là gì và nó sẽ đòi hỏi ở con những thay đổi gì. Một khi con làm cuộc xoay chuyển cách mạng này, một số chuyện có thể sẽ phải thay đổi. Luôn luôn sẽ có tự ngã lo sợ sự thay đổi, luôn luôn sẽ có các thế lực bóng tối muốn giữ con lại trong một số ranh giới, và con sẽ phải khắc phục lực lôi kéo trọng trược này. Rồi cũng sẽ có ngã gốc không muốn con bước ra ngoài những lằn ranh nơi nó cảm thấy con được an toàn.

9.4. Sẵn lòng từ bỏ sự an toàn

Con phải đạt tới điểm con sẵn sàng không còn cảm thấy an toàn. Con yêu dấu, con có thể bước đi trên đường tu tâm linh với khái niệm là có một con đường dẫn con từ những mức tâm thức thấp lên những mức cao hơn. Con có thể tăng triển một cách tiệm tiến cho tới khi con có khả năng biểu hiện một khía cạnh nào đó của quả vị Ki-tô của con. Nếu con lấy cuốn sách Các kiếp của tôi, nó mô tả làm thế nào Giê-su, trước khi thày khởi sự sứ mạng công ích của thày tại Palestine, đã trải qua một tiến trình tiệm tiến nhằm chuẩn bị thày cho sứ mạng sau đó. Nhưng khi con nhìn vào tiến trình này, có một điểm được kể lại trong Kinh thánh (tất nhiên một cuộc xoay chuyển tâm lý phức tạp hơn đã diễn ra) qua câu chuyện tiệc cưới tại Cana. Giê-su ngồi trong tiệc cưới và nhận ra đã đến lúc thày phải bước lên bước cao hơn, nhưng thày cứ kháng cự lại và Mẹ Mary đã phải can thiệp, trao cho thày cái xung lực chót khiến thày nhìn ra là thời điểm đã đến.

Đó là lúc Giê-su kinh qua cuộc xoay chuyển cách mạng khi thày chấp nhận mình là Ki-tô Hằng sống trong hiện thân. Một số các con cũng có thể đến được điểm đó khi con chấp nhận điều này. Thày có thể cam đoan với con, đây là một sự chuyển vọt cách mạng. Không chỉ là thêm một bước nhỏ đi lên mà là một bước nhảy vọt, như người ta gọi là một bước nhảy vọt lượng tử. Con yêu dấu, con cũng hiểu là đã có một thời các nhà khoa học tin rằng thế giới là một tổng thể liên tục nơi các mức năng lượng trong hạt hạ nguyên tử thay đổi một cách lần hồi. Thế rồi Max Planck nhận được một sáng ngộ trực giác và ông nhìn ra là các mức năng lượng đó không thay đổi theo từng bước li ti cực nhỏ. Có một bước nhảy tối thiểu mà chúng phải băng qua – gọi là bước nhảy lượng tử. Trường hợp ở đây cũng giống như vậy, con đường quả vị Ki-tô có một khía cạnh tiến hóa tuần tự, nhưng con không thể mãi mãi tiến gần lại với mục tiêu, như các thày đã có giải thích qua chuyện ngụ ngôn về nghịch lý của Zeno, qua đó con luôn luôn phải đạt đến trung điểm của hành trình, rồi lại trung điểm của phần hành trình còn lại, và cứ như thế đến độ con không bao giờ tới đích.

Con không thể trở thành Ki-tô Hằng sống bằng cách bước tới dần dần, càng ngày càng đến gần hơn. Có một điểm con sẽ phải lấy quyết định và chấp nhận là mình đã thể hiện được một mức độ nào đó của quả vị Ki-tô, con đã đạt tới mức quả vị Ki-tô. Và kể từ lúc đó trở đi, con sẽ nhìn bản thân cũng như vai trò của mình trong thế giới một cách khác hơn. Có thể đây không là sự thay đổi lãng mạn mà người ta thường phóng chiếu.

Đây chính là điểm mà học trò trong các đợt truyền pháp trước không hiểu. Đôi khi họ nghĩ là một khi họ đã có một trải nghiệm mãnh liệt thì bỗng nhiên họ trở thành Ki-tô trong hành động, rồi từ đó vai trò của họ sẽ là đi vòng quanh để chỉ ra cách sai trái của mọi người và kỷ luật mọi người. Đây không phải là điều thày muốn nói, mà thày muốn nói đến một sự xoay chuyển vi tế hơn không khởi lên từ một niềm tham vọng vỏ ngoài. Các học trò kia trong các đợt truyền pháp trước thường mang một niềm tham vọng vỏ ngoài, một tham vọng thế phàm muốn trở thành một người quan trọng, một người có vai trò quan trọng, có địa vị quan trọng. Họ tìm cầu địa vị vỏ ngoài đó, sự công nhận vỏ ngoài đó, nhưng Ki-tô Hằng sống đâu đi tìm cái đó.

9.5. Xoay chuyển cách con nhìn thế giới vật chất

Sẽ tới điểm đó khi con cần nhận diện là mình mang tiềm năng làm cánh cửa mở để đem lại một cái gì mới, một cái gì mới một cách quyết định, có thể là trong lãnh vực chuyên môn của con, hay thậm chí trong một lãnh vực hoàn toàn khác mà con không có chuyên môn hay kinh nghiệm trước đó. Khi điều này nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, con cần hòa điệu vào đó. Nếu con ở trong số những người có tiềm năng đạt đến những mức tâm thức cao hơn, một trong những xoay chuyển mà con cần thực hiện là trong cách con nhìn thế giới vật chất, cách con nhìn bát cung vật lý.

Con yêu dấu, các thày có giải thích là trong chấn thương nhập đời, con đã hoàn toàn bước vào một khuôn nếp phản ứng như thế nào. Điều này có nghĩa – ngoài các vấn đề khác ra – là con nhìn vật chất như một thứ gì rắn đặc mà tâm không có khả năng thay đổi. Con yêu dấu, làm thế nào Giê-su đã biến nước thành rượu chứ? À, không phải là do Giê-su, con người vỏ ngoài của Giê-su, mà do thày đã trở thành một cánh cửa mở cho năng lượng của Thượng đế. Ý ở đây là như sau: Năng lượng của Thượng đế có khả năng thay đổi vật chất. Khi con đạt tới một mức quả vị Ki-tô nào đó, con trở thành cánh cửa mở cho những năng lượng này – nếu con có thể thực hiện cuộc xoay chuyển cách mạng đó và chấp nhận rằng vật chất có thể được tâm thay đổi! Tất cả các sa nhân, tất cả ma quỷ và rất nhiều người sẽ la hoảng lên đây là một lời nói dối, rằng chuyện này không thể nào làm được. Nhưng một trong những vòng đai cố thủ cuối cùng của sa nhân là khiến cho ai nấy nghĩ rằng trong vật chất có nhiều điều kiện mà con người không có quyền năng thay đổi.

Đây là một bước cách mạng, và bước này nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của một số các con, cho dù nó có nghĩa thế nào đối với cá nhân con. Một lần nữa, thày không muốn khơi lên một tham vọng mà tự ngã của con có thể chụp lấy rồi thổi phồng lên. Chắc chắn một số các con có tiềm năng đem lại những sáng kiến mới, những công nghệ mới vượt cao hơn hẳn những gì nhân loại đang có, là những công nghệ mà thày đã gọi là “không dựa trên sức mạnh”. Những loại công nghệ này sẽ có vẻ như là ảo thuật so với những gì hiện có. Nó có vẻ như là khoa học viễn tưởng, như không thể nào xảy ra, vì nó vượt khỏi những gì hiện nay con xem là các định luật tự nhiên. Một số khác trong các con có tiềm năng trở thành những nhà chữa bệnh. Một số khác nữa có tiềm năng đem lại ý tưởng cách mạng trong từng lãnh vực của đời sống.

Con không thể hiển thị một ý tưởng cách mạng nếu con cứ ở trong một tâm thái tiến hóa tiệm tiến. Con cần làm cuộc xoay chuyển đó và mở tâm ra để thực sự làm cánh cửa rộng mở cho một số sáng ngộ cách mạng – công nghệ, tư tưởng, thậm chí cả thái độ, niềm tin hay cách nhìn cách mạng về cuộc sống. Nếu con thành thật, một số các con có thể cảm thấy sự kháng cự bên trong con đối với ý tưởng này. Nó đến từ ngã gốc hay một cái ngã tách biệt, bảo con rằng chuyện này nguy hiểm, chuyển này viển vông, chuyện này không thể nào xảy ra, rằng con không được làm theo vì con sẽ trở nên kiêu ngạo, hay bất kỳ ý tưởng nào khác mà nó sẽ phóng chiếu vào tâm con.

Mỗi cá nhân các con cần xem xét điều này và tự hỏi: “Đâu là cái cơ chế đứng đằng sau? Đâu là niềm tin đứng đằng sau? Đâu là sự giới hạn mà niềm tin này dựa trên?” Sau đó con cần dùng phân biện Ki-tô của mình, con cần làm công việc nội tâm giải quyết ngã đó, tách mình ra khỏi nó. Con cũng cần dùng phân biện Ki-tô để mở tâm ra hầu thật sự trải nghiệm thực tế của những gì con có thể hiển thị. Thày vừa lấy sứ giả này làm ví dụ để nói rằng việc ông khởi xướng trang web cùng với Giê-su không phải là một thay đổi tiệm tiến đối với ông, mà nó dựa trên một trải nghiệm có thật. Con phải trước hết sẵn lòng có trải nghiệm đó bằng cách sẵn lòng buông bỏ những niềm tin, thái độ, cách nhìn của mình về chính mình, cách nhìn của mình về thế giới. Xong con phải sẵn lòng thực hành cái nhìn mới, và phải làm vậy trong một tinh thần vừa không kiêu mạn, vừa không rơi vào đối nghịch của kiêu mạn là tự bài bác.

9.6. Tìm sự cân bằng vượt khỏi kiêu mạn và khiêm tốn giả dối 

Con phải tìm thấy một thế cân bằng vô cùng tinh tế nơi không có chỗ cho lòng tham vọng phàm phu khiến con kiêu mạn, như các thày đã chứng kiến trong các đợt truyền pháp trước. Đồng thời cũng không có sự chối bỏ bản thân khiến con hạ thấp chính mình, như các thày cũng đã thấy trong các đợt truyền pháp trước. Nói cách khác, có một số học trò đã tự cản trở mình trong việc biểu hiện quả vị Ki-tô. Và cũng có một số học trò đã sốt sắng thái quá, và thay vì biểu hiện quả vị Ki-tô thì họ lại biểu lộ các tham vọng của tự ngã rồi nghĩ đó là quả vị Ki-tô.

Con cần tìm thấy thế cân bằng đó vì đó chính là điều các thày đã chỉ dạy con một cách lần hồi, rất lần hồi. Các thày đã dẫn con tới khả năng phân biện đó và bước chân thăng bằng trên sợi dây đó, trên con đường hẹp đó thay vì con đường rộng toang. Điều này thật sự nằm trong tầm tay các con nếu con đã ghi nó như một tiềm năng vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Nhiều người trong các con chưa đến được mức đó nhưng tất cả các con đều có thể hưởng lợi bằng cách ít ra giữ khái niệm này trong tâm. Một số các con sẽ tìm ra là khi con cảm thấy mình đạt tới điểm đó, điều có thể rất hữu ích là con nghe lại bài truyền đọc này, vượt ra khỏi từ ngữ để theo dõi sự rung động của từ ngữ, rồi bước theo đó cho tới Bản thể mà TA LÀ, Saint Germain, cũng như tình thương mà thày dành cho con.

Rồi khi con gắn chặt vào đó và trải nghiệm tình thương đó, con sẽ có thể trải nghiệm thực tại của tình thương mà thày cống hiến, là tình thương có khả năng làm cho vật chất ca hát. Đó là khi con cũng có thể bắt đầu trải nghiệm ánh sáng của Thượng đế, tình thương của Thượng đế, có khả năng xoay chuyển vật chất, vì nó làm cho vật chất ca hát trong một giai điệu khác hơn là giai điệu của sa nhân!

Khi đến được mức đó, một số các con sẽ có thể nhận ra là kỳ thực mình đang ở đây để biểu đạt một khía cạnh của quả vị Ki-tô của mình, qua đó con là cánh cửa mở đang gửi ra ngoài một rung động làm cho vật chất ca hát! Nó làm cho các phân tử cùng các hạt nguyên tử của vật chất vật lý khởi sự gia tốc ở một tầng cao hơn. Và như vậy, con có thể đóng một vai trò hoàn toàn mới trong công cuộc nâng cao tâm thức tập thể và đem lại Thời đại Hoàng kim.

9.7. Sứ vụ Thiêng liêng và Thời Hoàng kim

Thời Hoàng kim không thể được ép uổng lên nhân loại, cho nên phải có những người hiện đang đầu thai làm vai trò cực điện để đem lại một sự xoay chuyển trong tập thể, qua đó mọi người có thể dần dần chấp nhận trong ý thức sự hiện hữu của một cái gì cao hơn. Vào thuở khi những con người đầu tiên bắt đầu mơ tưởng sáng chế ra một cái máy biết bay, tuyệt đại đa số nhân loại vẫn chưa thể chấp nhận giấc mơ này là khả thi. Rồi khi những chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo và trình làng, rất nhanh chóng một sự xoay chuyển cách mạng đã xảy ra trong tâm thức tập thể. Bỗng nhiên càng ngày càng có nhiều người bắt đầu chấp nhận việc bay trên không trung là chuyện có thể.

Khi chúng ta bước vào Thời Hoàng kim, nhiều cuộc xoay chuyển giống như vậy cần xảy ra trước khi thày có thể thực sự truyền rải các ý tưởng và công nghệ sẽ khiến cho Thời Hoàng kim trở thành hiện thực vật lý. Tiên khởi phải có sự nhận thức và chấp nhận trước khi sự thị hiện vật lý có thể xảy ra. Phải có một túc số tới hạn những con người chấp nhận tiềm năng cao hơn trước khi tiềm năng này có thể thị hiện. Nhiều người trong số các con có mang trong Sứ vụ của mình ý muốn trở thành những cực điện cho công cuộc này. Đó là tại sao những bài thỉnh mà con đang đọc nói đến việc góp phần đem lại sự thay đổi qua hành động trực tiếp hay qua những lời kêu gọi. “Lời kêu gọi” của con trong bài thỉnh tượng trưng cho những gì thày đang trình bày ở đây, tức là con công nhận mình có thể làm cực điện để truyền rải năng lượng có khả năng nâng cao tâm thức tập thể, làm cho vật chất ca hát, và kích hoạt cuộc xoay chuyển.

Một số các con có thể thấy là có lẽ mình không ở độ tuổi, hay có lẽ mình không đủ học hành để bước vào một lãnh vực khoa học và khởi xướng một nền công nghệ mới qua hành động trực tiếp. Điều này không thực tế đối với con trong kiếp này, nhưng nếu con cảm hứng mạnh mẽ về một dạng công nghệ mới, hay một hình thức giáo dục mới, hay một hình thức văn hóa nghệ thuật mới, thì nếu con không thể hành động trực tiếp trong vật lý, con vẫn có thể hành động trực tiếp trong tâm linh bằng cách đưa ra lời thỉnh gọi. Con có thể mở tâm ra để trở thành cực điện cho năng lượng đó, và nó có thể xoay chuyển tâm thức tập thể, thậm chí xoay chuyển cả vật chất vật lý. Chắc chắn, nó sẽ đem lại xoay chuyển trong cõi cảm xúc, cõi lý trí, cõi bản sắc, hầu mọi người chuyển đổi tâm thức mình và bắt đầu chấp nhận rằng tiềm năng không chỉ là tiềm năng mà là một cái gì có thể xảy ra thực sự. Đây không phải là chuyện khoa học giả tưởng, không phải là một giấc mơ xa vời hão huyền nào đó may ra sẽ biểu lộ trong một tương lai xa lắc. Nó thật sự có thể thị hiện ngay bây giờ, và khi nào có một túc số tới hạn những con người chấp nhận thì nền công nghệ mới sẽ được thị hiện rất nhanh chóng như con đã từng chứng kiến rất nhiều lần xuyên qua lịch sử.

9.8. Chúng ta luôn luôn có thể bước lên cao hơn

Cuộc xoay chuyển mà thày muốn con làm ở đây, tất cả các con – tất cả mọi học trò tâm linh cho dù con đang ở trình độ nào – là con nhìn nhận bất cứ lúc nào cũng có một tâm thức tập thể đang nghĩ rằng: “Ồ, chúng ta đã đạt tới mức cao nhất rồi, chúng ta không thể nào lên cao hơn được.” Con thấy đó, ngay bây giờ đang có một tâm thức tập thể bảo rằng: “Chúng ta đã đạt được một trình độ tối ưu nào đó, và mặc dù có thể sẽ có những giải pháp công nghệ mới, nhưng chúng sẽ đều nằm trong cùng một khuôn khổ như những gì đang có hiện nay. Chúng sẽ chỉ là sự cải tiến, là những cải tiến nho nhỏ, tiệm tiến, của những gì chúng ta đang có.”

Các con là học trò tâm linh, các con yêu thương Thời Hoàng kim của thày, vậy thày yêu cầu các con hãy làm một cuộc xoay chuyển cách mạng trong tâm thức, qua đó con nhận ra là những gì con đang có ngay bây giờ không đặt giới hạn cho những gì có thể được hiển thị trong tương lai! Chúng ta không thể thị hiện Thời hoàng kim mà thày hình dung bằng cách thay đổi hiện trạng một cách tiệm tiến. Chúng ta cần một số xoay chuyển cách mạng, và các con có khả năng làm cuộc xoay chuyển tâm thức này, các con chấp nhận là nó hoàn toàn khả thi, là thày cũng có khả năng, và thày đã có những sáng kiến đó rồi. Khi có đủ số người chấp nhận điều này thì nó sẽ có thể biến thành vật lý, và con cũng biến chính con thành người chấp nhận điều này. Cho nên con sẽ không để ý tới những kẻ bi quan yếm thế, những kẻ chỉ tiên tri ngày tận thế và những kẻ cho rằng không gì có thể thay đổi.

Con sẽ chấp nhận rằng sự thay đổi là trào lưu của ngày nay, của thập niên này, của thiên niên kỷ và của thời đại này, vì thày, Saint Germain, đang tuyên bố điều đó và con cũng chấp nhận lời tuyên bố của thày! Qua sự tương tác giữa thày nơi cõi thăng thiên và con nơi cõi hiện thân vật lý, tức là dòng chảy alpha và omega, dòng chảy hình số tám, thì lời tuyên bố này sẽ không thể nào không thị hiện! Chỉ là một vấn đề thời gian trước khi một túc số tới hạn con ngừơi sẽ có thể chấp nhận được điều này.

Thày đang yêu cầu con xoay chuyển để ít ra con cũng chấp nhận và đóng góp hầu biểu lộ nó thành hiện thực. Liệu con sẽ làm được cuộc xoay chuyển này hay không? Nếu được thì thày cảm ơn con đã sẵn lòng bước theo thày, đã cho phép Lời này, sự ban truyền này, khiến cho vật chất của con ca hát! Con hãy hòa điệu vào đó ngay bây giờ và cảm nhận vật chất trong bốn thể phàm của con đang hát lên một giai điệu mới.

11 | Chọn lựa ý thức và chọn lựa tiềm thức

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Chỉ đạo Thiêng liêng qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Đại Chỉ đạo Thiêng liêng – hoặc như dạo sau này thày ưa tên gọi này hơn, Chỉ đạo Thiêng liêng – vì thật sự “Chỉ đạo Thiêng liêng” vượt khỏi mọi sự phân rẽ, mọi đối cực nhị nguyên. Phân biệt giữa lớn với không lớn liệu có ý nghĩa gì chăng?

11.1. Các giai đọan ý thức và tiềm thức của Sứ vụ Thiêng liêng

Con yêu dấu, cho tới điểm này các thày đã cho con những bài truyền đọc bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau về Sứ vụ Thiêng liêng của con. Vừa rồi con đã nghe giảng là có những thời điểm con cần có một số quyết định để bước lên một tầng cao hơn của quả vị Ki-tô. Hầu mở tâm ra cho một sự thay đổi cách mạng, con cần lấy một số quyết định.

Theo một nghĩa nào đó, ít nhất ở những giai đoạn cao hơn, Sứ vụ Thiêng liêng của con hoàn toàn là những quyết định mà con lấy. Các thày đã giảng là có một giai đoạn công phu trong Sứ vụ, có một giai đoạn sáng tạo trong Sứ vụ, có một giai đoạn tiến hóa hay tiệm tiến trong Sứ vụ, và có một giai đoạn cách mạng. Để khiến con bối rối hơn nữa và đưa con – hy vọng như vậy – vào một trạng thái hoang mang huy hoàng, thày muốn đưa ra khái niệm là có một giai đoạn ý thức trong Sứ vụ và một giai đoạn tiềm thức.   

Qua khái niệm này thày muốn nói là nếu con nhìn lại đời mình, con có thể thấy con thường bị đẩy vào những tình huống mà con có thể nói là con đã không chọn bước vào một cách ý thức. Nó như tự dưng xảy ra trong hoàn cảnh như vậy, và con không ý thức được tại sao con cần làm vậy và chuyện đó nằm trong Sứ vụ của con như thế nào. Dù sao thì nó vẫn nằm trọn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con vì con đã cần đến trải nghiệm đó. Con có thể nói: “Đúng, trong giai đoạn đó của Sứ vụ, tôi không chọn một cách ý thức những gì mình làm và tôi không cố tình chọn như vậy. Tôi không biết rõ những chọn lựa khác là gì và hậu quả sẽ ra sao.” Con có thể tự hỏi: “Ở giai đoạn đó, tôi đã thật sự chọn lựa hay không?” Thực tế dĩ nhiên là , con luôn luôn đang chọn lựa. Mọi người trên địa cầu đều không ngừng chọn lựa.

Con có thể nhìn những người ở trạng thái tâm thức rất thấp và cuộc đời của họ dường như chìm trong một tình trạng xáo trộn liên tục. Luôn luôn có những điều kiện vỏ ngoài có vẻ như ép buộc họ làm chuyện này chuyện nọ, hay ép buộc họ cứ luôn bị tê liệt như thể bị tước mất hết khả năng. Con có thể nói: “Đấy, họ đang chọn lựa ở chỗ nào?” Họ có thể không đang chọn lựa trong tình huống trước mắt, nhưng tình huống của họ vẫn là hệ quả của những chọn lựa mà họ đã lấy trong quá khứ. Ngay cả trong tình huống trước mắt, mặc dù họ không đang chọn thị hiện một hoàn cảnh cụ thể, nhưng họ vẫn chọn cách phản ứng hay không phản ứng lại hoàn cảnh.

Khi con chuyển từ giai đoạn tiềm thức vào giai đoạn ý thức, không phải đột nhiên con bắt đầu chọn lựa, mà thật ra con kinh nghiệm là đột nhiên con bắt đầu chọn lựa. Lý do là vì con bắt đầu ý thức nhiều hơn về những chọn lựa mà con đang lấy liên tục. Khi con theo học và thực hành giáo lý của các thày, lúc đầu con trở nên ý thức hơn về phản ứng của mình. Con bắt đầu nhận biết là khi con ở trong một hoàn cảnh nào đó, hoàn cảnh này kích hoạt nơi con một khuôn nếp phản ứng nhất định. Sau đó con bắt đầu nhận xét điều này, và con nhận thức rõ hơn là trong một số hoàn cảnh – hay khi con ở gần một số người – con luôn luôn phản ứng theo cách đó. Và tất nhiên, các thày đã cho con những dụng cụ để đặt câu hỏi: “À, chẳng phải điều này đang chỉ ra là mình có mang một khuôn nếp phản ứng, và khuôn nếp phản ứng này đến từ một loại phàm linh nội tại hay một loại ngã nào đó, có thể là nó còn đi ngược về tuốt ngã gốc, là điểm tôi đã khởi sự giai đoạn phản ứng lại các điều kiện trên trái đất?” Như vậy con có thể dùng các dụng cụ để gia tăng sự nhận biết về cái đứng đằng sau khuôn nếp phản ứng đó. Một khi con thấy cái đứng đằng sau, con có thể thoát ra khỏi nó, thế là con không còn phản ứng cách đó nữa.

Tất nhiên, mỗi lần con khắc phục một khuôn nếp phản ứng như vậy, con sẽ mở rộng tầm nhận thức, con sẽ có thể nhìn thấy một khía cạnh khác nữa, một diện khác nữa trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Và bỗng nhiên con có khả năng làm nhiều chọn lựa ý thức hơn, vì thay vì bị một khuôn nếp tiềm thức kích hoạt phản ứng nơi mình, con không còn mang khuôn nếp đó nữa. Và do đó con có thể chọn: “Tôi muốn phản ứng thế nào trong hoàn cảnh này, tôi muốn phản ứng thế nào đối với những người này? Liệu tôi có thật muốn phản ứng lại một loại người nào đó hay tôi muốn lựa bỏ họ ra khỏi đời tôi?”

11.2. Sự sáng tạo dựa trên các chọn lựa

Điều con nhận ra ở đây là khi con chuyển sang giai đoạn sáng tạo của Sứ vụ Thiêng liêng, khả năng sáng tạo dựa trên gì? Nó dựa trên việc chọn lựa! Con yêu dấu, đã có một cuộc tranh luận rất lâu đời giữa các triết gia và các nghệ sĩ về đề tài “Sáng tạo bắt nguồn từ đâu?” Con yêu dấu, con có thể nói – và nhiều nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ cũng sẽ nói như vậy – rằng họ nhận được một nguồn cảm hứng. Ngày xưa, người ta hay nói đến các nàng thơ, được xem là những sinh thể phi vật chất gần giống như tiên nữ hay thiên thần, đến đậu trên vai nhà thơ để tạo cảm hứng sáng tác. Hiển nhiên, một số văn sĩ đã cảm được một luồng cảm hứng đích thực chảy qua bản thân mình, thậm chí cả một dòng chảy từ Tánh linh. Trong một số trường hợp, đó quả là một dòng Tánh linh cao, y như con đang trải nghiệm một dòng Tánh linh cao đang chảy qua tâm thức sứ giả này không do chính ông tạo ra bằng tâm thức của ông.

Con có thể nói là nếu con sáng tạo, chẳng phải là có một dòng chảy năng lượng đang đi qua Bản thể con và là cội nguồn của sự sáng tạo đó hay sao? Tất nhiên là có – đây là điều các thày đã gọi là sự đồng sáng tạo. Con nhận diện là con đang thực sự sáng tạo không chỉ bằng cách sử dùng những năng lượng sẵn có trong cõi vật chất và những khả năng sẵn có trong tâm phàm của mình, mà con đang thực sự sáng tạo bằng cách kết nối với một cái gì cao hơn ngã của mình, bằng cách làm cánh cửa mở cho cái đó, và như vậy con cho dòng năng lượng chảy vào bốn thể phàm của con hầu nó biểu lộ ra trong bát cung vật lý. Tất nhiên, dòng chảy này của Tánh linh nếu con muốn gọi như thế, hay luồng cảm hứng này, là một phần không thể thiếu của mọi sáng tạo.

Dù sao thì điểm mà nhiều nghệ sĩ hay triết gia không hiểu hoàn toàn về sáng tạo là họ nghĩ đó là một cái gì xảy ra hoặc không xảy ra, và con không thể làm gì để thay đổi nó được. Trong giới nhà văn, người ta có khái niệm gọi là “tắc ý” (writers block) khi nhà văn bị tắc nghẽn không làm sao viết nổi suốt nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm trời. Con ngồi trước tờ giấy trắng, đang say sưa viết xuống lưu loát thì bỗng nhiên tâm con rơi vào trạng thái tê liệt không thể viết được bất cứ gì.

Điều thày mong con lưu ý là sự sáng tạo đòi hỏi một số quyết định nơi con. Đó không phải là một kinh nghiệm thụ động nơi con thụ động ngồi chờ cảm hứng từ trên trời rơi xuống. Con có thể làm rất nhiều để mở tâm ra đón nhận dòng chảy Tánh linh. Có câu nói rằng: “Thánh linh thổi đâu thì thổi” (John 3:8) để diễn tả là con không thể dùng tâm vỏ ngoài để kiểm soát dòng chảy của Tánh linh. Con không thể dùng tâm vỏ ngoài và một tham vọng phàm phu để cưỡng ép dòng chảy của Tánh linh. Con yêu dấu, nếu con tìm cách ép buộc dòng chảy thì con sẽ không hòa điệu được với Tánh linh, với Thánh linh, với cõi tâm linh, với các chân sư thăng thiên. Con sẽ hòa điệu với các linh thể thấp hơn nơi cõi bản sắc thấp, cõi lý trí hay ngay cả cõi cảm xúc.

Suốt dòng lịch sử, một số nhà văn và nghệ sĩ đã hòa điệu với những cõi thấp đó và đã nhận được một luồng chảy từ các linh thể thấp đó xuyên qua họ, cho phép họ sản xuất – trong một số trường hợp – một lượng văn chương và thông tin to lớn khủng khiếp, hay một lượng họa phẩm, nhạc phẩm hay bất kỳ loại tác phẩm nào khác to lớn khủng khiếp. Đây không phải là những gì các thày gọi là sáng tạo chân chính vì đó không phải là đồng sáng tạo. Nó không đồng sáng tạo với cõi tâm linh mà đồng sáng tạo với một cõi thấp hơn vẫn thuộc về thế gian này.

Con không thể ép buộc Thánh linh, tuy nhiên con cũng không thể nhận được Thánh linh bằng cách ngồi chờ. Con tìm ra con đường trung đạo, con đường thẳng và hẹp nơi con giải quyết các chấn thương riêng của mình, khắc phục các phàm linh nội tại, những cái ngã nội tại, và nhờ vậy độ cởi mở trong tâm con được gia tăng. Con cũng cần trở nên ý thức hơn là con phải chọn trở thành cánh cửa mở, con phải chọn “làm” cánh cửa mở trong một số hoàn cảnh đặc thù. Nó đòi hỏi con lấy quyết định ý thức đó. Đó có thể là nhiều quyết định ý thức khác nhau, và như các chân sư khác có đề cập sáng nay, con sẵn lòng là Ki-tô trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó. Con sẵn sàng nhìn nhận là con có khả năng đó, con sẵn sàng với lên một ý tưởng cách mạng nào đó, hay ngay cả chỉ là một ý tưởng cao hơn mức tâm thức hiện thời của con một bực, hay cao hơn tâm thức những người chung quanh con một bực.

Con phải lấy quyết định này để mở tâm con ra. Sau đó, một khi con đã thông sạch tâm trí cùng bốn thể phàm hầu tạo khoảng trống cho ý tưởng thâm nhập vào, một khi con đã lấy quyết định ý thức là con sẵn lòng làm cánh cửa mở, thì khi đó Thánh linh sẽ chảy xuyên qua con. “Thánh linh thổi đâu thì thôi” có nghĩa là bất cứ khi nào có một khe mở, Thánh linh sẽ chảy qua đó vì các thày có quá nhiều điều muốn biểu đạt từ cõi tâm linh đến độ các thày không thể khó tính kén chọn: “À, người này không xứng đáng làm cánh cửa mở.” Ngay khi có một cánh cửa mở ra, các thày sẽ lập tức biểu đạt qua người đó một điều gì thích hợp với hoàn cảnh, thích hợp với mức tâm thức của người đó, vân vân.

Con thấy đó, con yêu dấu, trái với một ý tưởng đôi khi được truyền tụng trong giới học trò của chân sư thăng thiên, không cứ là có một số người sẽ xứng đáng làm công cụ cho Thánh linh và một số người khác thì không. Một số có thể không cởi mở, một số có thể không sẵn lòng một cách ý thức, nhưng tất cả mọi người đều xứng đáng một khi họ nỗ lực chuyên tâm. Đây không phải là một câu lạc bộ chỉ dành riêng cho hội viên.

11.3. Khai ngộ trong Thời đại Song ngư

Thường có một tâm thức rất lâu đời ngay cả trong giới đệ tử tâm linh, trở ngược lại từ thử thách của Thời đại Song ngư, là những gì con thấy đã xảy ra cho Giê-su. Thày Giê-su đã đến đây để nêu gương là mọi người đều có khả năng khoác vào tâm thức Ki-tô. Thế rồi sa nhân đã thành lập Giáo hội Công giáo, tạo ra hình ảnh Giê-su là hiện thân độc nhất của Ki-tô, ngụ ý rằng không ai khác có thể làm được vậy. Làm sao người ta tin được chuyện này? Tại sao biết bao người đã ở lại trong Giáo hội Công giáo, nhiều khi còn tái đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác trong Giáo hội Công giáo? Tại sao biết bao người Công giáo vẫn tin vào chuyện đó?

Tất nhiên đó là vì họ đã không hội đủ điều kiện và đã không vượt qua được khai ngộ của Thời đại Song ngư, là khắc phục sự sùng bái thần tượng do sa nhân tạo ra khi bảo rằng chỉ có một số người mới xứng đáng. Con cần dần dần nhìn ra quyền tự quyết là quyền tự quyết, và tự nhận biết là tự nhận biết. Mọi sinh thể tự nhận biết – tức là tất cả mọi người đầu thai trên địa cầu – đều có một đốm sáng của tâm thức Đấng Sáng tạo. Không có một đốm sáng nào của tâm thức Đấng Sáng tạo có thể xứng đáng hơn một đốm khác. Tất cả các con tự thân đều xứng đáng bởi con có tự nhận biết. Câu hỏi có thể đặt ra là: “Con đã chứng đạt đến đâu, con đến từ đâu, bốn thể phàm của con cởi mở và được chữa lành đến đâu?” Đây không phải là vấn đề xứng đáng, mà là vấn đề rộng mở để đón nhận Tánh linh.

Trong Thời đại Song ngư có thử thách phải khắc phục hình ảnh giả trá do sa nhân tạo ra là có sự phân chia giữa người có và người không có, giữa người xứng đáng và người bất xứng, giữa giai cấp quý tộc và giai cấp dân giã cùng tất cả mọi người dân khác – quá nhiều những phân chia như vậy. Hiển nhiên con cũng thấy sự thể này trong các phong trào tâm linh, thường hay sùng bái vị đạo sư của mình, cho rằng đạo sư là một người thật đặc biệt với một cái gì không ai khác có được – vì nếu không thì làm sao họ thành đạo sư hay sứ giả chứ? Họ là đạo sư hay sứ giả – một đạo sư hay một sứ giả chân chính – là vì chính họ đã bước trên đường đạo và đã chữa lành bốn thể phàm đến mức họ có thể nhận được một cái gì từ trên, nhưng điều này vẫn không biến họ thành một người xứng đáng hơn mà chỉ có nghĩa là họ đã tiến xa hơn trên đường tu. Tất cả các con đều xứng đáng như nhau, tất cả đều có một tiềm năng đồng đều để nâng cao tâm thức, chữa lành bốn thể phàm của mình và trở thành cánh cửa mở.

11.4. Tôn trọng quyền tự quyết của chính mình

Khi con làm vậy, con sẽ cảm thấy Tánh linh tuôn chảy xuyên qua con, như quả thật nhiều người trong các con đã cảm nhận được ở một mức độ nào đó. Điểm thày muốn nhấn mạnh ở giai đoạn này là con phải lấy một quyết định, đúng hơn nhiều quyết định, nhưng con phải lấy quyết định là con sẵn lòng làm cánh cửa mở, con sẵn lòng nhận được một điều gì và sẵn lòng biểu đạt điều đó – bất kể phản ứng của người khác là gì. Thày hiểu rất rõ, các thày đều hiểu rất rõ, là trước khi con đến được điểm có thể nói: “Tôi sẽ biểu đạt điều này cho dù chuyện gì xảy ra,” thì con cần chữa lành tâm lý con phần nào. Chắc chắn con cần xem xét và tách ra khỏi ngã gốc, là ngã được tạo ra khi con bị sa nhân trấn áp tàn bạo trong kiếp đầu thai đầu tiên và quyết định là mình sẽ không bao giờ nhận chịu rủi ro này nữa. Có thể sẽ có một giai đoạn khi con phải khắc phục nỗi sợ hãi này để con sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Con yêu dấu, khi con bắt đầu nhìn vào ngã gốc và tách mình ra khỏi nó, con sẽ cảm nhận là lòng sợ hãi hậu quả, ý niệm rủi ro, tan biến mất. Con có thể đạt tới điểm nhận ra là mình không còn cơ chế đền bù, không còn mong muốn trừng phạt sa nhân. Con cũng không có mong muốn được người khác chấp nhận hay công nhận, vì con không còn sự bất an trong bản thân khiến con muốn được người khác chấp nhận. Con có thể đạt tới điểm con nhìn nhận là mình hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết. Khi con tôn trọng quyền tự quyết của người khác, điều này có nghĩa là lúc con phát biểu để thể hiện một ý tưởng cao hơn, thì con cũng để cho mọi người tự do phản hồi hay không phản hồi theo bất cứ cách nào họ muốn.

Con cũng có thể nhận ra là trong khi con tôn trọng quyền tự quyết của người khác (và hầu hết các con đều tôn trọng) thì con cũng cần có một sự tôn trọng bình đẳng đối với quyền tự quyết của chính con, và điều này có nghĩa là con phải quyết định là các chọn lựa của con sẽ độc lập với chọn lựa của người khác. Con sẽ không rơi vào một phản ứng tiêu cực đối với hành động của mình chỉ vì có ai đó không chấp nhận hay bác bỏ con. Con sẽ không bảo: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ nói lên gì nữa.” Con không phải có phản ứng tiêu cực nào hết, và con không cần cảm thấy bị người khác chối bỏ nếu họ không chấp nhận những gì con nói.

Con có thể đạt tới điểm, con yêu dấu, khi vấn đề không còn đặt ra là con có ở trong tâm thái nhị nguyên nghĩ rằng mỗi khi con phát biểu thì người khác phải có phản ứng, và phản ứng này sẽ tích cực hay tiêu cực. Con có thể đạt tới điểm thậm chí con không nghĩ cả tới phản ứng có thể như thế nào. Ngay từ đầu, con đã để cho người khác tự do muốn phản ứng thế nào cũng được vì con biết chính con đã tự do không phản ứng tiêu cực lại phản ứng của họ.

Con có thể đạt tới điểm con không tự biểu đạt vì con muốn cứu nguy thế giới, thay đổi người khác hay được người khác chứng thực. Con chỉ tự biểu đạt vì đây là sự biểu đạt con người mà con là, Bản thể cao hơn của con, và đó chính là điều đem lại cho con niềm vui tột bực trên trái đất.

Con yêu dấu, thày có thể cam đoan với con là khi con đến được điểm này, khi con nhận biết một cách ý thức là con nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, sẽ có một dòng chảy từ Hiện diện TA LÀ và những gì chảy xuyên qua con là một biểu hiện của cá thể tâm linh của con. Tuy nó được lọc qua cá thể mà con mang ở dưới này, nhưng nó vẫn giữ được một yếu tố tinh khiết nào đó biểu hiện cá tính đích thực của con. Rồi thì con sẽ trải nghiệm một niềm vui lớn hơn mọi niềm vui con đã từng trải nghiệm khi con chỉ hành động qua ngã phàm phu. Thật sự không có hoạt động nào con làm dựa trên ngã phàm phu có thể đem lại cho con một niềm vui như thế, cũng như cảm nhận tràn đầy mà con có khi con cảm được dòng chảy của Tánh linh và biết rằng con đang đồng sáng tạo.

11.5. Tự thân đó đã là phần thưởng

Đó là tại sao khi con đến được điểm này, việc biểu đạt Bản thể cao hơn của con tự thân nó đã là một phần thưởng. Cho nên Giê-su mới nói: “Con có muốn phần thưởng trên thiên đàng hay phần thưởng dưới trái đất?” Con nhận ra đây là phần thưởng trên thiên đàng và nó cao hơn tất cả mọi phần thưởng con có thể nhận được trên trái đất. Do đó con có khả năng giải thoát người khác. Con có khả năng giải thoát chính mình, và cuối cùng con có thể trụ trong trạng thái liên tục mở rộng với Tánh linh. Con không đang phán xét, đánh giá hay phân tích, mà con chỉ đang biểu đạt bất cứ gì đến với con.  

Thày vẫn biết một số người sẽ nói ngay lập tức: “Ủa, có nghĩa chăng là những người như vậy sẽ làm bất cứ gì họ muốn?” Đúng vậy, có nghĩa là họ sẽ làm bất cứ gì “họ” muốn, nhưng không phải bất cứ gì mà tự ngã của họ muốn. Khi người ta bảo: “Ồ, anh kia có thể làm bất cứ gì anh ấy muốn,” người ta thường ngụ ý anh đó là một người tuân theo tự ngã, anh có thể làm bất cứ gì mà tự ngã muốn cho dù hậu quả có là gì đối với người khác. Lẽ tự nhiên khi con hành xử từ cái ta cao hơn của con và cái ta cao đó trụ trong sự hợp nhất, nó sẽ không làm gì gây tổn thương cho người khác. Nó sẽ làm điều gì khiến cho người khác bị xốn xang hay khích động, bởi vì đó có thể là cách duy nhất có hy vọng đánh thức được họ.

Tất nhiên, một lần nữa con có thể nói, liệu Hiện diện TA LÀ của con sẽ ngồi dậy và bảo: “À há, tôi biết chính xác cách nào tôi có thể bấm trúng cái nút mà người đó nhạy cảm.” Không, Hiện diện TA LÀ của con không làm vậy. Nó chỉ tự biểu đạt chính nó, và sự biểu đạt này khác xa mức tâm thức của người kia đến độ người kia trải nghiệm như một sự khích động. Hiện diện TA LÀ không tìm cách cố tình khích động, mà nó chỉ tự biểu lộ như nó là. Đó là vì sao con có thể đạt tới điểm, ngay cả khi người kia bị khiêu khích và nổi giận hay chối bỏ con, thì con vẫn không bị dao động. Con cho phép họ có phản ứng mà họ đang có, nhưng con không cho phép phản ứng này khiến lần sau con không muốn làm cánh cửa mở nữa.

Vậy thì con cần những gì để đạt tới điểm làm cánh cửa mở và biểu hiện một yếu tố của bản thể cao hơn của con, do đó cũng biểu lộ những khía cạnh sáng tạo hơn, tiềm năng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con? Một lần nữa, đây là vấn đề chọn lựa và ngày càng làm thêm nhiều chọn lựa có ý thức. Điều thày muốn trình bày với con là con đạt tới điểm con cần kinh qua một giai đoạn ngày càng ý thức hơn về sự kiện con đang lựa bỏ, con đang chọn ra những gì mình không cần nữa.

11.6. Lựa bỏ khỏi đời mình

Nhiều người trong các con đã làm việc đó để bước chân trên đường tu nhưng con có thể ý thức hơn về tiến trình này. Con cảm nhận là một hoạt động mình đã từng tham gia hay một số người mình đã từng dành thời gian với họ, quả thật khiến con bị xao lãng. Thày cũng biết là con có thể đáp lại với tâm vỏ ngoài: “Nhưng chẳng phải Giê-su đã dạy là chúng con cần đạt tới điểm mình nhìn lại đời mình mà không có tiếc nuối nào hay sao? Bởi vì bất cứ gì chúng con sống qua đều là trải nghiệm chúng con cần có.” Phải, con yêu dấu, điều đó đúng – khi con nhìn lại quá khứ. Nhưng con yêu dấu, điều đó không có nghĩa là bởi vì con không cần nuối tiếc những việc mình đã làm trước đây thì con cũng cần tiếp tục làm cùng những việc đó cho tới mãn kiếp này.

Điều thày muốn nói là khi con bước vào giai đoạn ý thức hơn này, con cần nhận thức hành tinh này là một hành tinh rất đa dạng. Trên hành tinh có rất, rất nhiều sinh hoạt khác nhau. Một số sinh hoạt có thể rất hào hứng, nhưng một số khác là do sa nhân cố tình lập ra trong mục đích duy nhất là đánh lạc hướng mọi người khỏi con đường tăng triển tâm linh hay Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Có rất, rất nhiều sinh hoạt trên địa cầu mà hầu hết mọi người đều xem là những trải nghiệm hay hoạt động bình thường, chính đáng, thậm chí còn là sáng tạo, nhưng mục đích duy nhất của chúng, thực sự, là khiến con bị phân tâm, xao lãng – chúng hút năng lượng cùng sự chú ý của con vào những chuyện có thể vui nhộn, có thể bổ ích hay ngay cả có vẻ lợi lạc và vị tha. Nhưng đối với con, đó là một sự phân tâm lôi kéo sự tập trung của con ra khỏi Sứ vụ Thiêng liêng cùng các khía cạnh sáng tạo hơn của Sứ vụ.

Lẽ tự nhiên, tất cả các con đều đã lựa bỏ nhiều thứ ra khỏi đời mình vì con cảm thấy chúng không giúp ích gì cho sự tăng triển tâm linh. Còn có nhiều hoạt động và nhiều thái độ hơn nữa mà con có thể lựa bỏ khi con trở nên ngày càng ý thức và càng làm thêm nhiều chọn lựa ý thức. Các thày có nói là con sẽ không bao giờ nhìn thấy toàn bộ Sứ vụ Thiêng liêng của con vì thật ra nó được định đoạt mỗi khi con có chọn lựa. Dù sao thì khi con mở tâm ra tiến trình này – ngay cả khi con chỉ đào sâu cái gì làm cho mình xao lãng, cái gì không – thì con sẽ bắt đầu đạt được một tư thế tập trung hơn.

Lần hồi con sẽ càng chú tâm và nhìn thấy rõ hơn vai trò đặc trưng mà con muốn cống hiến trong kiếp này là gì. Xong con sẽ cảm nhận rõ hơn: “Ồ, hoạt động này thật ra không hỗ trợ việc làm mà tôi đến đây để làm. Kỳ thực nó đang tước mất sự tỉnh thức cùng năng lượng của tôi ra khỏi việc làm.” Bỗng nhiên tự dưng con nhận ra: “Bây giờ là lúc tôi cần lựa bỏ cái này đi.” Nhận thức tự phát này sẽ không đến với con cho tới khi con quyết định một cách ý thức là con sẵn lòng xét xem hoạt động nào chỉ là một xao lãng và hoạt động nào thật sự nằm trong Sứ vụ của con.

Điều này mang nhiều hệ quả, và theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là cho hết phần còn lại của đời con và cho tới khi con thăng thiên, con sẽ lựa bỏ đi một số thứ không còn phù hợp với mức tâm thức con đã vươn tới. Thày chỉ đơn giản muốn con nhận biết nhu cầu mở tâm ra để thỉnh thoảng con lui lại một bước, nhìn cuộc đời và tự hỏi: “Tôi thực sự đang ở đây để làm gì?”

11.7. Lựa bỏ những sinh hoạt tâm linh

Đối với nhiều người trong các con, một phần của đường tu tâm linh là tham gia vào một số hoạt động mà con có thể xem là tâm linh, bổ ích, vân vân. Thày không hề trách cứ con đã tham gia, nhưng nhiều các con sẽ thấy là tới một điểm con sẽ nhận ra là con không cần đến chúng nữa. Chúng không thực sự là lý do tại sao con có mặt ở đây, không phải là những gì con tới đây để đem lại.

Con thấy đó, khi con nhìn vào lãnh vực tâm linh hay phong trào Thời Mới, nhiều người chỉ ham tò mò. Như các chân sư khác có đề cập, họ nhảy vào đủ loại sinh hoạt từ việc đọc hào quang, bói toán, chiêm tinh học, bói bài tarot, cái này cái nọ cho tới việc đọc tiền kiếp, thần thông, bất kỳ… Có hẳn một hiện tượng gồm những sinh hoạt được người ta trình bày là tâm linh nhưng mục đích chủ yếu của hầu hết đơn giản chỉ là khiến cho người tâm linh bị lạc đường khỏi mục tiêu tâm linh và Sứ vụ của mình. Một lần nữa, có thể là một số các con đã có nhận thức về một số tiền kiếp hay con tò mò muốn biết tiền kiếp của mình là gì, nhưng liệu điều này – việc bỏ thời gian và năng lượng để cố tìm hiểu mình là ai trong một kiếp trước – có thật thiết yếu cho Sứ vụ Thiêng liêng của con hay không?

Câu hỏi này cũng có thể đặt ra cho nhiều sinh hoạt khác. Nhiều người tâm linh đã trải qua một thời kỳ đeo đuổi những thứ như chiêm tinh học, số học, hay bất kể chuyện gì khác, nhưng cuối cùng thì con có thể đạt tới điểm nhận ra: “Tôi không cần cái này nữa, tôi không cần nó nữa ở mức tâm thức hiện thời của tôi.” Và khi đó, con có thể chú tâm ngày càng nhiều hơn vào những chuyện thiết yếu.

11.8. Ý định thay đổi người khác

Thế rồi tất nhiên, còn có một cám dỗ khác cũng phổ biến, vì nếu con đã đến đây như một avatar, con cũng đến với một mong muốn cải thiện địa cầu. Như sứ giả này đã ngộ ra sau khi ông nhận được các lời dạy mới nhất về ngã gốc, chính mong muốn cải thiện địa cầu này kỳ thực đã là điều ông cần khắc phục bằng cách đến địa cầu. Ông đã không khắc phục được nó trên một hành tinh tự nhiên cho nên ông đã chọn xuống trái đất, một hành tinh khó thay đổi quá đỗi, hầu tạo cho mình một cơ hội cùng cực để vượt qua mong muốn thay đổi người khác – và nói cho cùng, để thay đổi bất cứ gì.  

Con yêu dấu, con nhận thấy đó, có một sự khác biệt cơ bản giữa ý định thay đổi người khác và việc làm cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ tự biểu đạt xuyên qua con. Phải thật tinh tế thì mới hiểu được điều này, vì lẽ tự nhiên, các chân sư thăng thiên mong muốn nhìn thấy thay đổi trên địa cầu, nhìn thấy hành tinh này vươn lên tới mức con người không còn khổ đau mà lại tăng triển tâm linh một cách ý thức. Các thày đã vượt quá mức tâm thức nhị nguyên cho nên không còn ý định nhị nguyên dựa trên tư duy cuồng đại muốn đem lại một thay đổi lớn lao nào đó. Sự khác biệt ở chỗ là các thày hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết.

Nếu con đã đến địa cầu với ý định thấp hơn kia, con có thể bảo đó là một ý định nhân từ và thày sẽ không bác bỏ điều này. Đúng là một ý định nhân từ, nhưng không theo nghĩa tối hậu vì con vẫn dính mắc. Con đến đây với ý định đó, và một cách vi tế, nó vẫn nằm trong tư duy cuồng đại. Nó không cuồng đại theo cách cực đoan mà con thấy nơi sa nhân khi chúng sẵn sàng giết hại người khác để đeo đuổi đại nghĩa tối hậu của chúng. Không như sa nhân, con không tin rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng dầu sao thì con vẫn cho rằng việc nhẹ nhàng thúc ép người khác để khiến họ khắc phục khổ đau của họ là một việc tốt. Đây chính là điều con cần vượt qua ở đây trên trái đất.

Con thấy đó, có rất, rất nhiều đại nghĩa khắp thế giới được miêu tả theo một cách để thu hút chú ý của người tâm linh. Khi con nhận biết là cuộc sống có một khía cạnh tâm linh, có một con đường tâm linh và có tiềm năng thị hiện một thời đại hoàng kim thì, một lần nữa, con đã buộc cái đó vào ý muốn đã đưa con xuống hành tinh này. Cho nên con lý luận với tâm vỏ ngoài: “Chắc chắn tôi ở đây để thay đổi địa cầu. Tôi ở đây để đem lại một thay đổi tích cực. Tôi có thể làm gì đây? À, có đại nghĩa này, có đại nghĩa kia, và có thêm đại nghĩa kế tiếp nữa kìa.”

Nhiều người trong các con đã kinh qua một giai đoạn với quá nhiều thứ mình muốn làm để cải thiện tình trạng trái đất đến độ con bị kiệt sức. Chú ý của con bị phân tán mỏng vì có quá nhiều đại nghĩa con muốn giúp quảng bá. Con yêu dấu, con có nhận ra đây không phải là điều sẽ có thể đưa con lên những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng hay không, bởi vì không một người nào trong các con đang ở đây để giải quyết tất cả mọi vấn đề trên trái đất? Không một người nào trong các con có thể làm được chuyện này! Khi con hiện thân trong cõi vật lý, con bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Mỗi ngày vẫn chỉ có 24 tiếng đồng hồ, và con cần ngủ một số giờ trong số đó. Con chỉ có một số giờ nhất định để thức, một lượng chú ý nhất định, một lượng năng lượng nhất định để bỏ vào một công việc nào đó.

Điều thày muốn nói là ở những giai đoạn sơ khởi của đường tu, điều này hoàn toàn tốt thôi – con vô cùng nhiệt tình, con muốn giúp chuyện này chuyện nọ rồi chuyện kia nữa, rồi cứ thế con ôm quá tải. Một khi con bắt đầu chuyển sang giai đoạn ý thức hơn của Sứ vụ, giai đoạn sáng tạo hơn, con cần xem xét ngay cả những đại nghĩa đang thịnh hành ở ngoài kia. Con có thể phản bác: “Đó không phải là những trò giải trí do sa nhân dựng lên mà là những công cuộc đáng làm.” Có lẽ có người đã ghi vào Sứ vụ của họ ý định đeo đuổi những công cuộc như vậy, nhưng con cần cân nhắc: “Liệu những tầng cao của Sứ vụ đang bảo tôi cống hiến năng lượng của mình cho những công cuộc này chăng?” Một khi con bắt đầu thành thật xem xét và sẵn sàng lựa bỏ những việc nào không thuộc vào Sứ vụ cao hơn của con, thì con sẽ bắt đầu có một viễn quan minh mẫn hơn về trọng tâm của mình, về chuyên môn của mình, về lãnh vực nơi con có khả năng tạo được thay đổi.

Thế rồi con có thể lần hồi lựa bỏ tất cả những hoạt động không còn góp phần vào đó. Và con sẽ thấy là tâm con sẽ ngày càng hòa điệu, càng tập trung, càng đứng thẳng hàng, càng hài hòa với Hiện diện TA LÀ của con. Và do đó con sẽ cảm thấy một niềm vui và một quyết tâm ngày càng lớn hơn. Đây không thực sự là một ý chí vỏ ngoài mà đơn giản là một mong muốn tự phát để tập trung vào lãnh vực đó hầu đem nó vào hiện thực.

11.9. Tập trung nhưng không mất quân bình

Điều vừa rồi, con yêu dấu, không nên được diễn giải là con trở thành loại người giống như hình ảnh nhà bác học ngông cuồng, một người không bao giờ rời phòng thí nghiệm, mê mải viết công thức trên bảng đen để giải phương trình, quên hết mọi sự và không biết làm công việc gì khác. Như các thày đã nói, con vẫn có thể sống một cuộc đời tương đối bình thường, năng động trong xã hội. Con vẫn làm những gì con cần làm, có lẽ kiếm sống, nuôi con, bất kỳ công việc gì khác.

Chỉ có điều là trong tâm con, con biết có một hoạt động là trọng điểm chính yếu. Cũng có thể con biết là việc nuôi dạy con cái là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Cũng có thể có một lãnh vực mà con cần học hỏi nghiên cứu vì con có tiềm năng đưa ra một số ý tưởng mới. Những thứ đó không xung khắc với nhau. Con chỉ nhận ra đó là một phần của Sứ vụ, có thể việc làm và sự nghiệp của con cũng nằm trong Sứ vụ. Gia đình, con cái của con là một phần của Sứ vụ và cả lãnh vực học hỏi nữa. Con yêu dấu, tham dự khóa học này hay tham dự khóa học kia, hay chạy đôn chạy đáo có thể không nằm trong Sứ vụ của con, cho nên con có thể lựa bỏ những thứ này đi.

Một lần nữa, một sự cân bằng cần được tìm thấy. Con không thể cứ tập trung hoài hoài vào một thứ thôi. Khi con tăng triển tâm thức ngày càng cao hơn, con có thể trở nên ngày càng tập trung hơn, nhưng con vẫn cần chút thời gian để thư giãn, để làm gì khác hơn.

Như sứ giả này được nhắc nhở sáng nay, sau khi đức Phật đạt đến giai đoạn giác ngộ và nhập niết bàn, thày đã bước trở ra khỏi niết bàn, đi vào xã hội và thiết lập một đạo tràng nơi thày khởi sự giảng dạy. Có nhiều đệ tử gia nhập và thày đã giảng dạy. Đây là vị Phật đã chứng quả giác ngộ nhưng dẫu vậy, mỗi năm thày chỉ dạy chín tháng mà thôi, còn ba tháng kia thày sống ẩn dật và thiền định. Nói cách khác, thày làm một việc gì khác hơn, thày nghỉ ngơi và thư giãn khỏi việc giảng dạy. Một lần nữa, con cần thực tế và nhìn nhận là cho dù con có chú tâm đến đâu thì để có được một cuộc sống tương đối năng động, bình thường, con cũng cần dành ra thời gian để làm gì đó chỉ giản dị là thư giãn. Con đưa tâm mình ra khỏi các hoạt động kia của cuộc sống bởi vì, ít ra cho tới khi con đạt đến những tầng nhận biết cao nhất, tâm con cần được xả hơi.

Thật ra thày có thể nói là ngay cả ở tầng tâm thức thứ 144, tâm con không thể cứ chú tâm vào cùng một chuyện hoài hoài. Con cần bước ra ngoài, con cần xả hơi. Một ví dụ là các nhà khoa học, suốt nhiều tuần lễ họ có thể tập trung vào một vấn đề nhất định để cố giải một bài toán vật lý, họ không ngừng viết công thức và này kia nọ. Thế rồi tâm họ mệt mỏi đến độ họ chịu thua, họ đi câu cá, và trong khi họ đứng đó với cần câu trong tay thì đùng một cái, lời giải đến với họ trong một tia chớp trực giác.

Con cần cả alpha lẫn omega, qua đó con chú tâm trong một thời gian, rồi con cần bước vào omega là khi con thư giãn và làm việc gì khác. Một số các con có thể tìm được thế quân bình này khi có lúc con sẽ tập trung vào công việc của mình, và có lúc khác con sẽ thư giãn với gia đình để nó trở thành một phần trong việc nuôi dạy con cái. Một số người khác có thể cần những loại sinh hoạt khác hơn, như đi vào thiên nhiên, làm gì đó khác lạ sẽ đơn giản kéo tâm họ ra khỏi tập trung. Con hãy lựa bỏ những hoạt động nào không nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng con đừng trở nên cứng nhắc hay cuồng tín đến độ bỗng nhiên, như một số học trò của chân sư thăng thiên đã làm, con cho rằng bất cứ lúc nào trong ngày con cũng phải đang học tập giáo lý, hoặc nếu không thì con phải đang đọc chú đọc thỉnh.

11.10. Sống năng động trong xã hội

Con thấy đó, nhiều người tìm thấy đường tu tâm linh và bỗng nhiên họ quyết định tham gia một khóa nhập thất và họ sẽ khoanh chân thiền định càng nhiều giờ càng tốt. Một số người tại Ấn Độ cũng có khái niệm đi lên hang đá trên núi Himalaya để ngồi đó một mình trong một thời gian rất dài. Đối với một số người, đây có thể là một việc chính đáng, nhưng con đừng dùng ví dụ này để diễn giải là nó cũng chính đáng cho mọi người.

Như các thày có nói, nhiều người trong số các con trong kiếp đầu thai này đã tình nguyện, và đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình, là con sẽ chứng tỏ cách làm thế nào người ta có thể bước chân trên đường tu tâm linh mà vẫn sống một cuộc đời năng động trong xã hội. Ở đây các thày không bàn đến chuyện con rút lui khỏi xã hội, rút lui khỏi gia đình hay rút lui khỏi các sinh hoạt khác, mà các thày chỉ muốn nói là trong thế giới cũng như trong đời con, có nhiều hoạt động trên cơ bản là chuyện xao lãng, phân tâm. Chúng có thể là những công cuộc đáng thực hiện nhưng con không ở đây để đặt trọng tâm vào đó.  

Khi con bước lên cao hơn, con cần ghi nhớ trong tâm là càng ngày con sẽ càng bắt đầu thu hoạch một viễn quan chọn lọc hơn về những gì con cần tập trung trong kiếp này, những gì mà chính con đã chọn chú tâm vào. Xong con chỉ lựa bỏ đi những hoạt động nào không phù hợp với viễn quan đó, nhưng con vẫn duy trì một cách sống bình thường như con vẫn sống, hoặc có lẽ con sẽ thay đổi cách sống đôi chút để nhổ đi những loại sinh hoạt đang làm tiêu hao năng lượng cùng sự chú ý của con.

Con yêu dấu, con nhìn vào thế giới và thấy có rất nhiều cách để đo đạc sở hữu của con người. Chẳng hạn: “Thế nào là một người giàu có? Có phải là một người có rất nhiều tiền, rất nhiều tài sản vật lý? Có phải là một người có nhiều tài năng? Có phải là một người có nhiều thì giờ?” Ấy, thày sẽ nói đó là một người có sự chú ý, sự chú ý còn sót lại để tập trung vào những điều quan trọng mà người đó muốn cống hiến. Con cần lưu ý đến sự kiện là trong thế gian có rất nhiều hoạt động đang lôi kéo sự chú ý của con, nhưng con hãy giữ cho sự chú ý của mình được tập trung vào điểm trọng tâm của Sứ vụ Thiêng liêng của mình. 

Và như vậy, thày đã trao cho con những gì thày muốn trao trong bài giảng này, và thày cảm ơn con đã trao sự chú ý của con cho thày.

13 | Phần thưởng cho phụng sự là tự do

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain. Sáng nay các con vừa lắng nghe một bài giảng tuyệt vời của thày Giê-su khi thày nói là con cần có khả năng nhìn lại đời mình mà không tiếc nuối, và con lý giải tất cả những gì mình đã sống qua đều là những trải nghiệm mà mình cần có. Này con yêu dấu, như con đã bắt đầu nhận ra, thỉnh thoảng các thày ưa đưa cho con một số điều có vẻ mâu thuẫn, bí ẩn. Vậy thày sẽ đưa cho con thêm một điều nữa đây.

13.1. Khả năng nhìn nhận mình đã sai lầm

Con vừa nghe Giê-su nói rằng con cần có khả năng nhìn lại đời mình mà không hối tiếc. Thế thì thày sẽ đề nghị con suy ngẫm điều này: Đâu là đặc tính hay khả năng quan trọng nhất của một đệ tử ở các tầng cao của đường tu tâm linh khi người đó bắt đầu nhìn thấy, hay sẵn lòng nhìn thấy, những khía cạnh cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình? Con yêu dấu, đó chính là khả năng nhìn nhận mình đã sai lầm.

Làm thế nào con có thể dung hòa hai chuyện đó được đây, khả năng nhìn lại đời mình không hối tiếc và nhìn nhận là mình đã sai lầm? À, tự ngã sẽ chụp lấy lời dạy của Giê-su và bảo: “Có nghĩa là tôi phải nhìn lại đời mình và không bao giờ được thấy mình đã sai lầm. Tôi chưa từng sai lầm bao giờ. Tôi chưa từng làm gì sai trái bao giờ. Tôi đã cần trải nghiệm đó, và vì vậy không bao giờ tôi cần cảm thấy mình sai lầm, thế mà giờ đây Saint Germain lại bảo tôi phải có khả năng nhìn nhận mình sai lầm.”

Con hãy để thày cho con thêm một chút lời giảng, một nhãn quan hơi khác về điểm này. Con thấy đó, con yêu dấu, tất cả vấn đề ở đây là những gì con bỏ vào chữ “tôi”. “Tôi” phải có khả năng nhìn nhận là “tôi” đã sai lầm. Có phải cùng cái tôi mà thày đang nói tới? Đâu là cái tôi có thể sai lầm? Là ngã tách biệt. Liệu ngã tách biệt có bao giờ nhìn nhận nó sai lầm hay chăng? Không – nó không có khả năng đó. Vậy cái gì có thể nhìn nhận mình sai lầm? Cái Ta Biết – khi nào nó ý thức. Cái Ta Biết, cùng khi nó nhìn nhận nó đã sai lầm, cũng có khả năng thấy được cái đã sai lầm là ngã vỏ ngoài, là ngã tách biệt. Khi nó nhìn ra điều này, nó có thể tách mình ra khỏi ngã đó. Và do đó con nhận ra là trong khi con nhìn nhận không phải mọi chuyện mình từng làm trong đời đều hoàn hảo, thì đồng thời con cũng tách mình ra khỏi cái ngã đã khiến con hành xử như vậy.

Đây là tại sao con có thể nhìn lại đời mình mà không hối tiếc. Con thật sự có khả năng nhìn thấy một số chuyện mình từng làm là sai lầm. Giê-su hoàn toàn không hàm ý rằng mọi chuyện con từng làm đều tốt, đều đúng hay có thể chấp nhận được theo bất kỳ chuẩn mực nào của lẽ thường tình. Thày không ngụ ý là con phải nhìn lại đời mình và nói: “Ồ, tôi chỉ làm chuyện đó vì tôi cần trải nghiệm đó, cho nên tôi không cần học hỏi gì từ đó.” Hiển nhiên là con cần học hỏi từ đó, con cần xem xét tâm lý của ngã tách biệt đã khiến con làm điều đó là gì. Cho nên khi con phát hiện ra tâm lý đó, con có thể nhìn thấy cái quyết định nằm ẩn đằng sau, con có thể thay đổi quyết định đó một cách ý thức, và đó là khi con có thể để cho ngã tách biệt chết đi. Tất nhiên ở điểm này, con không phải hối tiếc gì hết vì con đã bước lên cao hơn, và đây chính là mục đích của cuộc sống.

13.2. Sử dụng và lạm dụng ngọn lửa tím

Rất nhiều năm trước đây trong một đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên, thày đã công khai hóa và ban truyền những dụng cụ để thỉnh cầu năng lượng của lửa tím – là cái tên mà thày đã chọn. Trong đợt truyền pháp này, các thày đã không nhất nhiết nhấn mạnh điều này, một phần vì rất nhiều lời dạy đã được ban ra trước đây rồi, nhưng tất nhiên các thày cũng đã giải thích ngọn lửa tím là gì. Theo một cách nào đó, lửa tím là dụng cụ tẩy xóa của hoàn vũ. Đó là một năng lượng ở một độ rung động có thể được dùng để tẩy xóa mọi năng lượng thấp kém, mọi năng lượng dựa trên sợ hãi trong bốn tầng của vũ trụ vật chất.

Khi con làm một việc gì thì việc đó sản xuất ra một khối năng lượng, có khi được gọi là “nghiệp”, và trước khi con được giải thoát hoàn toàn khỏi nó thì con cần tiêu hủy nghiệp này đi. Một phương thức rất hiệu quả để làm điều này là thỉnh cầu ngọn lửa tím và sử dụng để tiêu hủy năng lượng đó. Vấn đề là như thày có nói, một số đệ tử trong các đợt truyền pháp trước đã lạm dụng sự ban phát lửa tím. Bất cứ khi nào họ làm điều gì tạo năng lượng tha hóa thì họ lại dùng lửa tím để tiêu hủy, nhưng họ không sẵn lòng xem xét cái tâm lý đằng sau việc làm của họ. Và một tuần sau họ lại lặp lại cùng cách hành xử đó rồi lại dùng lửa tím để tẩy xóa, nhưng làm vậy không thực sự giúp họ tăng triển tâm linh. Cũng giống như một số tín hữu đạo Cơ đốc, họ có thể phạm tội xong họ đi xưng tội, thế là họ cảm thấy mình đã được tha tội, và họ lại thoải mái phạm tội một lần nữa và thêm một lần nữa. Họ biết là họ luôn luôn có thể trở về xưng tội và các linh mục sẽ chỉ cần tha mọi tội cho họ.

Hiển nhiên, đó không phải là điều các thày muốn chứng kiến vì nó sẽ buộc chặt con vào một cái máy chạy bộ là khuôn nếp tâm lý mà con chưa giải quyết và không thể nào thoát ra. Kỳ thực trong trường hợp đó, ngọn lửa tím sẽ không giúp cho con thoát ra, vì thay vì bị năng lượng ngày càng đè nặng nhiều hơn thì con lại có thể tránh né không cảm thấy gánh nặng và cứ tiếp tục y như con đang làm. Điều này, hiển nhiên, không phải là điều các thày muốn thấy. Đó là tại sao trong đợt truyền pháp này, các thày đã trao cho con rất nhiều dụng cụ về tâm lý, về cách giải quyết các vấn đề đó hầu con có thể thoát ra khỏi.

13.3. Tầm quan trọng của việc sai lầm

Dẫu sao thì điều thày muốn trao cho con ở đây là mặc dù sẽ tới điểm con bắt đầu đạt được sự minh mẫn ngày càng lớn hơn về Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng vẫn có thể có một điều gì đó đang cầm chân con lại khiến con không thấy được mức kế tiếp. Cái cầm chân con lại chính là sự kiện con không thể hay không muốn nói: “Việc đó là sai.”

Hiển nhiên các thày đã trao cho con nhiều lời dạy về nhị nguyên. Khi thày bảo là con phải sẵn lòng nhìn nhận mình “sai lầm”, thày chỉ đang dùng khái niệm cùng ngôn ngữ thường được con người thời nay sử dụng. Thày có thể nói chính xác hơn rằng điều con cần sẵn lòng nhìn thấy và công nhận là con đã có một cái nhìn về cuộc sống, một cái nhìn về bản thân, một cái nhìn và một cách hiểu về giáo lý tâm linh không là cao nhất.

Con có hiểu chăng, con yêu dấu, là con có thể nhìn vào rất nhiều lãnh vực trên thế giới, chẳng hạn chúng ta có thể dùng lãnh vực tôn giáo – một người đã lớn lên trong đức tin Cơ đốc, trong giáo hội Công giáo ví dụ. Người đó đã được dạy dỗ rằng giáo hội Công giáo là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi, là giáo hội chân chính duy nhất. Y đã chấp nhận niềm tin đó và đặt tin tưởng vào đó. Rồi đến một thời điểm trong đời, y bắt đầu nhìn ra học thuyết Công giáo có một số nghịch lý, một số điều không thể được giải thích, một số điều vô lý, một số sự kiện trong lịch sử giáo hội không thể nào đồng thuận với Ki-tô – nhưng y cưỡng lại, không chịu nhìn nhận ở mức ý thức. Đâu là cơ chế tâm lý ở đây? Con có thể bảo đó là tự ngã, con có thể bảo đó là bất cứ gì, nhưng nếu con thực sự nhìn sâu vào cơ chế tâm lý thì điều nhiều người cảm thấy là như sau: Nếu họ nhìn nhận các niềm tin mà họ đã có hay đã khoác vào ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, nếu họ công nhận các niềm tin đó không phải là cao nhất, thì có nghĩa là họ đã sai lầm, và họ không sẵn lòng nhìn nhận mình đã sai lầm. Trong nhiều trường hợp, đây có thể là lòng kiêu hãnh mà thôi. Nhưng đối với con là đệ tử tâm linh và đối với đa số các con, kiêu hãnh không là đặc tính chủ yếu trong tâm thức con. Vậy đâu là cái cơ chế ứng dụng cho rất nhiều đệ tử tâm linh?

13.4. Nghi ngờ trực giác của mình

Sứ giả này đã sống qua điều đó khi ông còn trẻ. Ông có chân trong một phong trào thiền quán, và ông cảm thấy mình đã được trực giác dẫn dắt gia nhập phong trào đó. Vì vậy ông cho rằng một khi trực giác đã bảo ông bước vào một giáo lý thì giáo lý đó và phong trào đó phải là chân chính. Sau một vài năm, ông bắt đầu nghi ngờ về sự chính đáng của phong trào. Lúc đầu ông không chịu nhìn nhận điều này vì ông sợ phải thừa nhận là phong trào này không chân chính, không là cao nhất. Lý do ông sợ nhìn nhận như vậy là vì ông sẽ cảm thấy trực giác của ông đã sai lầm khi nó bảo ông gia nhập phong trào.

Nếu trực giác của ông sai lầm và ông không thể tin vào trực giác thì liệu ông còn có thể tin vào gì nữa đây? Trong tiềm thức, ông lo sợ bị ném vào một tâm trạng ngờ vực, một vùng hoang địa nơi ông cảm thấy mình không thể tin vào bất cứ gì nữa. Rồi đến một điểm ông đã thừa nhận là phong trào đó không chính đáng hay cao nhất, và ông bỏ đi. Trong khoảng hai năm trời, ông trải qua một tâm trạng oán giận, ông cảm thấy như mình bị trực giác lừa dối, thậm chí ông còn quyết định sẽ không bao giờ tham gia một phong trào tâm linh nào khác. Đấy, như hẳn con cũng biết qua chính bản thân con, bất cứ khi nào con lấy những quyết định kiểu này: “Tôi sẽ không bao giờ làm chuyện này nữa,” thì gần như chắc chắn con sẽ phải làm chuyện đó. Rất may, sứ giả này đạt tới điểm ông lại sẵn sàng tin vào trực giác khi nó bảo ông gia nhập phong trào tâm linh tiếp theo, là một giáo lý của chân sư thăng thiên và một tổ chức được bảo trợ chân chính. Dù vậy, sự kiện này đã tốn ông nhiều năm trời để ông trả lời câu hỏi trong tâm là tại sao trực giác lại bảo ông bước vào phong trào thiền quán kia. Câu hỏi đã đòi hỏi ông hiểu ra là trên con đường tâm linh, vấn đề không phải là mình có lý theo cách nhìn của tự ngã, mà là mình có được một số trải nghiệm xoay chuyển tâm thức mình. Sau một thời gian khá dài, ông ngộ ra là trực giác của ông đã chính đáng khi nó bảo ông tham gia phong trào thiền quán kia, vì trong Sứ vụ Thiêng liêng của ông có việc kinh qua trải nghiệm đó, và ở đó có một bài học mà ông cần học. Nhưng tâm đường thẳng lại diễn giải sáng ngộ trực giác đó theo nghĩa là một khi nó đã bảo ông gia nhập phong trào thì nhất định phong trào đó phải là chân chính.

Có lẽ con có thể nhận diện cùng khuôn nếp này trong chính con khi con cảm thấy mình phải làm một việc gì đó, con được trực giác thúc giục làm việc gì đó. Con hí hửng bước theo con đường do trực giác chỉ ra, thế rồi bỗng chốc con bị té xuống đống bùn cho đến ngập cổ, và con trách: “Tại sao mi lại bảo ta làm chuyện này?”

Một lần nữa, con cần nhìn nhận là con đã cần trải nghiệm đó, và sau đó tất nhiên, con có thể đi muốt tiến trình suy luận mà thày vừa mô tả và ngộ ra lý do là con cần học một bài học nào đó. Con cần phải xoay chuyển tâm thức và con chỉ có thể xoay chuyển qua trải nghiệm đó thôi.

13.5. Làm thế nào khắc phục các giới hạn

Con cũng có thể đưa tiến trình này xa hơn một bước và nhận ra là thái độ cùng các tin tưởng mà con đã có về những việc mình làm, theo một nghĩa thế phàm nào đó, có thể gọi là “sai lầm” vì chúng không đồng thuận với một thực tại cao hơn. Điều thày muốn nói là thế này: Khi con nhìn vào lãnh vực tôn giáo chẳng hạn, con có thể hỏi: “Tại sao có biết bao người vẫn trung thành với giáo hội Công giáo trong cách thức vỏ ngoài? Tại sao họ vẫn đi nhà thờ cho dù họ không đi mỗi chủ nhật? Tại sao họ vẫn có chân trong hội thánh khi họ không bao giờ đến nhà thờ?”

Con yêu dấu, phần lớn là vì họ không sẵn lòng nhìn nhận các niềm tin Công giáo hay niềm tin vào giáo hội Công giáo của họ là sai lầm. Thày cũng hiểu là có một vết nhơ, có một chấn thương gắn liền với sự sai lầm, vì sa nhân đã tạo ra một tâm thức ăn rất sâu vào thế giới, bảo rằng nếu con sai lầm thì điều này thật “xấu xa”, nó sẽ dẫn đến những hậu quả tàn khốc, con sẽ bị trừng phạt, bị đày xuống địa ngục và điều này điều nọ. Các con là đệ tử của chân sư thăng thiên và các thày đã ban cho con những dụng cụ để con có thể tự kéo mình lên khỏi tâm thức sa ngã đó. Con nhận ra là khi con sai lầm, con sẽ không hề bị kết tội đày xuống địa ngục, vì như các thày đã dạy, không có điều gì mà con không thể vượt qua. Vấn đề là làm sao con sẽ vượt qua được một điều gì nếu con không xem xét nó và không thành thật nhìn nhận là mình cần buông nó thay vì cứ nắm chặt lấy nó.

Con hãy nhìn vào thế giới tôn giáo một lần nữa, nhìn vào khái niệm xưa cổ của hệ biện giải (apologetics) Cơ đốc giáo, là một phong trào nhằm biện minh và giải thích đức tin Cơ đốc. Những niềm tin Cơ đốc đó dựa trên gì? Dựa trên những sai lạc mà giáo hội Công giáo đã cài đặt cách đây 17 thế kỷ! Liệu họ sẽ đạt được gì khi họ tìm cách giải thích cho qua những điều đã sai lạc ngay từ đầu? Tất nhiên là không đạt được gì! Họ sẽ chỉ tự đặt mình vào tâm trạng phủ nhận, và trong sự phủ nhận con sẽ không thể nào nhìn ra các khía cạnh cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Sự sẵn lòng nhìn nhận: “Các niềm tin của tôi giới hạn cho nên tôi cần buông chúng ra, tôi cần mở tâm ra một ngộ đạt cao hơn, một trải nghiệm cao hơn”, đó chính là nguyên liệu cốt yếu cho một đệ tử đang bước trên đường tu muốn nhìn thấy các tầng cao hơn của Sứ vụ mình. Quá nhiều lần con đã chứng kiến, ngay cả trong số các đệ tử của chân sư thăng thiên, sự kiện họ mang vào một niềm tin, một quan điểm nào đó, chẳng hạn quan điểm về chân sư thăng thiên, nhưng quan điểm này không khế hợp với thực tại, nó sẽ cầm chân họ lại ở một tầng tâm thức thấp hơn, và họ không thể tiến xa hơn tầng đó. Nếu họ không sẵn sàng nhìn nhận niềm tin của họ không phải là cao nhất, không đồng điệu với sự thật và họ đã “sai lầm”, thì làm thế nào họ sẽ tiến lên được đây? Làm thế nào họ thoát ra được đây?

Bây giờ, trong tổ chức của chân sư thăng thiên mà vị sứ giả này từng là một thành viên, có một khái niệm phổ biến bảo rằng bất cứ khi nào con gặp một vấn đề trong tâm lý và con chia sẻ vấn đề này với một thành viên khác: “Tôi phải làm gì trong chuyện này?” thì người kia sẽ nói: “Ồ, chỉ cần bỏ nó vào ngọn lửa tím.” Ai nấy đều nghĩ là bất cứ gì, bất cứ điều gì khó chịu, bất cứ gì khởi lên trong tâm lý thì họ chỉ cần bỏ vào lửa tím. Có một lần sứ giả này nghe thấy một thành viên trẻ tuổi trong phong trào đó nói: “Người ta luôn luôn bảo em chỉ cần bỏ nó vào lửa tím. Em làm theo nhưng nó cứ trở lại hoài!” Dĩ nhiên rồi, quá đúng. Nếu con không giải quyết cái tâm lý tiềm ẩn bên dưới thì nó sẽ trở lại hoài hoài. Con có thể thỉnh lửa tím hết lần này tới lần nọ và nó có thể giải thể năng lượng tha hóa khiến con cảm thấy nhẹ nhõm hơn, bớt gánh nặng hơn. Nhưng ngọn lửa tím không thể giải quyết tâm lý của con vì con chỉ có thể giải quyết tâm lý bằng cách lấy một quyết định có ý thức.

13.6. Giải thích tại sao mình đã không sai lầm

Con thấy được ở đây điều các thày muốn nói, khi con đi lên những tầng cao hơn của đường tu, con có tiềm năng thấy được những tầng mức cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Các thày đã nói con điều gì? Con bước vào hiện thân ở một tầng tâm thức nào đó. Sứ vụ của con được thảo ra từ một tầng tâm thức cao hơn. Làm thế nào con sẽ thấy được các tầng cao hơn của Sứ vụ? Chỉ bằng cách vươn tới tầng tâm thức đó. Làm thế nào con sẽ vươn tới tầng tâm thức đó? Chỉ bằng cách nhìn vào những niềm tin mà con đã có ở tầng tâm thức thấp hơn và nhìn nhận, thừa nhận một cách ý thức, là chúng không phải là cao nhất. Một số niềm tin đó có thể hoàn toàn không ăn khớp với thực tại, và do đó chúng sai lạc hay sai lầm. Nếu con không thể thừa nhận là mình đã sai lầm, con sẽ không thể tiến lên cao hơn một mức nào đó.

Tất nhiên các thày đã chứng kiến trong lãnh vực tôn giáo, trong lãnh vực chính trị, trong lãnh vực khoa học và ngay cả trong số các đệ tử của chân sư thăng thiên, là người ta có thể chui vào những ngõ cụt gần như không lối thoát khi cố biện giải tại sao niềm tin của mình không sai lầm, hay tại sao mình đã không sai lầm khi khoác vào niềm tin đó. Thẳng thắn mà nói, thật đáng kinh ngạc nhìn thấy trí tưởng tượng mà người ta có thể dùng để giải thích tại sao niềm tin của mình không sai, hay tại sao mình đã không sai khi tin như vậy. Điều duy nhất con thật sự cần làm là nói: “Tôi đã có những niềm tin đó vì vào thời đó, đó là những gì tôi có thể nhìn thấy. Giờ đây tôi đã vươn lên một mức tâm thức cao hơn và tôi có thể thấy nhiều hơn, nhưng để thực sự thực hiện những gì tôi thấy, tôi phải buông bỏ các niềm tin cũ. Khi tôi là trẻ nhỏ, tôi nói chuyện như một trẻ nhỏ. Bây giờ trưởng thành, tôi nên nói chuyện như một người trưởng thành thay vì cứ bám vào niềm tin của thời thơ ấu.”

Con yêu dấu, các thày chứng kiến chuyện này hoài hoài. Người tầm đạo suốt đời mong mỏi tìm được một cái gì đó. Họ tìm thấy một giáo lý tâm linh, bất kể là giáo lý nào. Tâm vỏ ngoài của họ sẽ lý luận: “Đây chắc chắn phải là giáo lý tâm linh tối hậu, là vị đạo sư tối hậu.” Họ quyết định trong tâm vỏ ngoài, có lẽ nửa chừng trong tiềm thức: “Tôi sẽ ở trong phong trào này cho hết phần đời còn lại rồi sau đó tôi sẽ thăng thiên” (hay sẽ giác ngộ, hay bất kỳ tên gọi nào khác). Rồi đến khi họ đạt mức tăng triển tối đa mà họ có thể đạt được trong phong trào này thì tâm họ đóng lại. Họ không sẵn sàng lắng nghe trực giác của họ đang hướng dẫn họ đến một giáo lý khác hơn hay một cách tiếp cận giáo lý khác hơn. Tâm họ trở nên cứng nhắc, đông đặc lại xung quanh niềm tin rằng những gì họ đang làm, những gì họ đang có, là đủ rồi.

Niềm tin này sai lầm. Nó luôn luôn sai lầm vì sự tăng triển là một tiến trình không ngừng. Tất cả các con đều đã hành xử như vậy – và không có gì đáng hổ thẹn trong việc đó. Thày không đang khiển trách con mà chỉ đơn giản chỉ ra sự việc. Tất cả các con đều đã kinh qua những điểm đó khi con nghĩ là giờ đây mình đã đạt được một tầm hiểu biết tối thượng, một niềm tin tối hậu nào đó, rằng đây chính là việc mình phải làm, vì tất cả các con vẫn đều mang một số yếu tố của tự ngã, và tự ngã muốn gì chứ? Nó muốn cảm thấy an toàn.

Con không cần hổ thẹn nhìn nhận chuyện này, đây chỉ là những gì tất cả chúng ta đều kinh qua khi hiện thân, là một phần của thân phận làm người. Có điều, người tiến bước trên đường tâm linh là người sẵn sàng xem xét chính mình và nhìn ra: “Tự ngã của tôi, những cái ngã tách biệt của tôi, chúng đều mang xu hướng này. Không thật là tôi tin rằng tôi không cần tìm kiếm một giáo lý khác hơn, mà một cái ngã tách biệt nằm trong tự ngã, và tôi thì không phải là ngã tách biệt đó. Tôi là nhiều hơn thế! Cho nên ‘cái ta’ mà tôi thực sự là đang sẵn sàng nhìn vào ngã đó và thấy rằng các niềm tin của ngã đó đã sai lầm! Chúng đã lỗi thời, chúng giới hạn, và tôi đang rũ bỏ chúng đây! Tôi đang mở tâm để thấy một cái gì tôi đã không thể thấy qua phin lọc các niềm tin giới hạn đó! Tôi đang làm cho tâm mình lỏng ra để nó không đông đặc lại xung quanh một điểm nào đó, một niềm tin nào đó.”

Con yêu đấu, đấy chính là sự khác biệt giữa những ai tiến lên các tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng để thị hiện tiềm năng cao nhất của Sứ vụ, và những ai ngừng chân lại ở một điểm nào đó trước khi đến được tiềm năng cao nhất của mình. Tất nhiên, các thày không muốn thấy con ngừng chân lại trước khi con đạt mục tiêu mà chính con đã định ra cho kiếp này. Mục tiêu đó không được áp đặt lên con mà là những gì chính con đã muốn. Đó không là điều thày muốn cho con, mà là điều con muốn cho con. Thày chỉ nhắc nhở con thôi. Thày không đang ép buộc con mà thày chỉ nhắc nhở con những gì con đã quyết định muốn làm trước khi con đầu thai. Và thày nhắc nhở làm thế nào con có thể đạt đến đó.

13.7. Quên đi các lỗi lầm của mình

Trong câu chuyện này, chỗ đứng của ngọn lửa tím là gì? À, lấy ví dụ con nhìn lại đời mình và nói: “Những gì tôi đã làm, đã tin, không phải là cao nhất.” Thậm chí có lẽ con đã làm cả những chuyện rõ ràng đã đẩy con vào một tâm trạng dựa trên sợ hãi và tạo ra năng lượng tha hóa. Sau đó con làm hai chuyện. Con sử dụng ngọn lửa tím để trùm lên toàn bộ tình huống đó và tiêu hủy năng lượng. Xong con dùng các dụng cụ và giáo lý mà các thày đã ban truyền về phàm linh nội tại, ngã tách biệt, ngã gốc, để phơi bày niềm tin nằm ẩn đằng sau và thay đổi niềm tin đó – và như vậy con để cho ngã tách biệt đó chết đi. Rồi con chấp nhận, con yêu dấu, là bây giờ con đã làm xong công việc – nó đã xong xuôi, đến độ nó không còn hiện hữu nữa!  

Trong Kinh thánh có một câu Thượng đế phán: “Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi của họ nữa.” À, con yêu dấu, có thể là Thượng đế có khả năng quên đi tội lỗi của con, nhưng liệu con có làm được vậy không? Liệu con có thể quên đi những cái gọi là “lỗi lầm” mà con đã phạm? Điều thày muốn nói ở đây là như sau: Con có thể dùng ngọn lửa tím để tiêu hủy năng lượng, sau đó năng lượng biến mất. Nó không còn ở đó nữa như thể nó chưa bao giờ hiện hữu. Con có thể để cho ngã tách biệt đó chết đi và ngã tách biệt không còn đó nữa, như thể ngã tách biệt chưa bao giờ tồn tại. Nhưng! Có thể vẫn còn một yếu tố trong tâm thức con, và đây không phải là cái Ta Biết mà là một ngã tách biệt khác. Có thể trong tâm thức con vẫn còn một yếu tố ghi nhớ lại việc con đã làm và đang phóng chiếu là con cần tiếp tục ghi nhớ nó. Rằng con cần cảm thấy hối hận về nó, hay con cần tìm cách đền bù cho nó – hay bất cứ gì khác để con vẫn chú ý đến nó. Điều thày đang nói là một khi con đã làm xong công việc dọn dẹp, con cần bước lui lại và nhìn xem có ngã tách biệt đó đang phóng chiếu lên con – hoặc thậm chí có cả sa nhân hay người khác đang phóng chiếu cái đó lên con. Và con cần nói: “Mi không phải là ta. Ta không muốn mi trong đời ta nữa! Ta đang để cho mi chết đây!” Sau đó con cần chấp nhận là con không cần nhớ lại điều đó nữa. Con hoàn toàn không cần dành cho nó bất kỳ sự chú ý nào.

13.8. Buông bỏ những người không chịu buông bỏ

Thật ra rất nhiều các con sẽ gặp thử thách này hết lần này đến lần nọ, vì sa nhân sẽ tiếp tục phóng chiếu tới con và nhắc nhở con điều này. Có thể trong gia đình hay các mối quan hệ của con sẽ có người cứ luôn nhắc nhở con về “những chuyện con đã gây cho họ nhiều năm về trước” và tại sao con vẫn phải hối tiếc việc làm đó vì chính họ cảm thấy tổn thương. Họ đã không giải quyết được cái tâm lý đã khiến họ phản ứng lại. Họ đã không giải quyết, không buông bỏ được năng lượng. Thế thì một lần nữa, con cần nói: “Được rồi, tôi tôn trọng quyền tự quyết và tôi tôn trọng bạn có quyền tự quyết của bạn. Nếu bạn muốn ôm giữ những gì đã xảy ra trong quá khứ, tôi sẽ tôn trọng quyền bạn làm như vậy. Nhưng tôi cũng tôn trọng quyền tự quyết của tôi y như thế, tức là tôi có quyền bỏ lại chuyện này đằng sau. Nếu bạn không sẵn sàng bỏ nó lại như tôi thì cũng tốt thôi, nhưng tôi sẽ bỏ nó ra khỏi đời tôi. Tôi sẽ đứng ra ngoài nỗi khổ tâm của tôi.”

Con yêu dấu, trong một số trường hợp, con sẽ có chọn lựa là nếu có ai trong gia đình hay quan hệ của con không buông được quá khứ thì con có thể đạt tới điểm: “Tôi chỉ cần buông bạn ra. Tôi chỉ cần để bạn ra khỏi đời tôi, lựa bỏ bạn ra khỏi đời tôi, vì thật không xây dựng chút nào nếu tôi liên hệ với một người cứ mãi mãi xoay quanh dĩ vãng và không sẵn lòng vượt qua dĩ vãng.” Đây là một quyền mà con có, con yêu dấu, cho dù họ có thể trách móc và bảo con: “Bạn không thể bỏ tôi như thế này, bạn không thể tự dưng bước ra đi như thế này.” Con yêu dấu, con có quyền làm điều này nếu con cảm thấy đây là việc phải đối với con. Thày không bảo con làm gì, mà thày chỉ nói là con có quyền làm sự chọn lựa đó cho dù người kia không chịu buông quá khứ.

13.9. Nhìn ra những niềm tin vi tế hơn

Con yêu dấu, nói thật, con không thể khắc phục một niềm tin giới hạn mà không thấy là nó giới hạn. Nhưng làm thế nào con thấy được niềm tin đó giới hạn? Ít ra ở một mức nào đó, con thấy là nó giới hạn so với một niềm tin cao hơn, rộng hơn, bao quát hơn. Và điều này dẫn chúng ta nói đến một thế bí lưỡng nan mà nhiều người có thể rơi vào.

Nhiều người có một niềm tin giới hạn. Một lần nữa, hãy lấy ví dụ nhiều tín hữu Công giáo. Nếu con đã từng thử thuyết phục một số người Công giáo về các giới hạn của học thuyết và giáo hội Công giáo, con có thể cảm thấy như thể họ không nghe thấy con nói gì. Đó là vì họ ở trong một thế bí lưỡng nan. Một mặt, họ không thể thấy được niềm tin của họ giới hạn vì họ không có khung tham chiếu nào để so sánh. Mặt khác, lý do họ không có khung tham chiếu chính là vì tâm họ bị khóa chặt vào niềm tin của họ đến độ họ không thể thấy có một tầm hiểu rộng hơn.

Lẽ tự nhiên, các con là học trò tâm linh, các con đã sẵn sàng mở tâm ra một tầm hiểu cao hơn về bao nhiêu lãnh vực, bao nhiêu sự việc. Nhưng một số các con sẽ nghiệm thấy là mặc dù con mở tâm ra một cách hiểu cao hơn trong nhiều lãnh vực, vẫn có một số điều cấm kỵ, một số con “bò thiêng” đang lang thang trong cánh đồng của tâm thức con – hay chúng đang nằm nhai lại thức ăn chưa tiêu hóa, chúng nhai, nhai, nhai, hoàn toàn bằng lòng nhai đi nhai lại và nhai thêm nữa. Rồi thỉnh thoảng chúng đưa các niềm tin của con trở lên miệng và nhai, nhai, nhai thêm lần nữa! Đó là một cái ngã tách biệt đang vận hành như vậy. Con có thể gặp tình trạng là con đã khắc phục xong một số ngã tách biệt và biết rõ tiến trình này, nhưng vẫn có điều gì mà con chưa thấy. Đây chính là điểm thày muốn trình bày với con: Có thể một cách để phơi bày các niềm tin giới hạn đó, những điều cấm kỵ, những con bò thiêng đó, là khi con bị khiêu khích bởi một lời dạy của các thày, hay bị dao động bởi một sự việc nào đó – khi có chuyện gì thực sự khiến con điên tiết, thực sự xáo trộn sự thoải mái của con. Không nhất thiết là con sẽ nhìn thấy ngay lập tức niềm tin giới hạn ẩn đằng sau, và có thể con sẽ phải đào sâu hơn một chút. Con cần nhìn: “Tại sao tôi bị xáo trộn? Tại sao nó lại khiêu khích tôi?” Sau đó con cần theo dõi nó, đi xa hơn nỗi cảm xúc và cố nhìn ra cái niềm tin đã khiến con thoải mái – và ngay đó, có một con bò thiêng đang nằm, đang nhai đi nhai lại. Xong con hãy nhìn vào tầm hiểu cao hơn mà các thày đang cố truyền đạt cho con. Một khi con mở tâm ra, con sẽ có thể nắm bắt tầm hiểu cao hơn này, vì các thày đã nói với con là khi con ở tầng tâm thức 56, con có khả năng nắm bắt giáo lý ở tầng 57 hay sự nhận biết liên hệ với tầng 57. Nhưng con cần phải mở tâm ra, con không thể khóa chặt tâm con vào một niềm tin nhất định.

Một khi con mở tâm, con sẽ nhìn thấy nó. Nếu con sẵn lòng nhìn nhận là niềm tin cũ của mình là giới hạn hay “sai lầm”, con sẽ có thể bước tới. Thày chỉ đơn giản nói rằng một số các con là đệ tử cao cấp đã bước trên đường tu, đã áp dụng giáo lý, và các con đã loại bỏ được rất nhiều điều cấm kỵ, nhiều con bò thiêng đó rồi. Một số các con sẽ ngồi đó và tự hỏi: “Ủa, liệu tôi còn gì sót lại hay chăng, tôi còn bị kẹt vào những niềm tin nào chứ?” Và thật con không tìm thấy gì hết. Một số các con không còn sót lại nhiều niềm tin như vậy, nhưng thày xin nói là tất cả các con sẽ được lợi lạc nếu ít nhất con rà xét bản thân và hỏi: “Liệu có còn gì vẫn khiến tôi bị dao động không?” Chẳng hạn khi con đọc cuốn sách Những kiếp của tôi, liệu có điều gì khiêu khích con không? Có điều gì làm con bất an? Nếu có thì con hãy dõi bước theo nó, đi xa hơn cảm xúc, và đâu là niềm tin ẩn đằng sau chứ? Con sẽ tìm thấy một con bò thiêng đang nằm đó… nó đang nhai, nhai, nhai. Khi con thấy nó rồi, con sẽ có thể thốt lên: “À há! Đây chính là điều mà Saint Germain đã nói đến – mi hãy cút khỏi đây!”

13.10. Không có mức tối hậu nào trên địa cầu

Con yêu dấu, thật là một niềm vui cho các thày được nhìn thấy các con đi qua tiến trình này. Con có hiểu chăng? Các thày không đang khiển trách con, các thày không đang nói: “Con không đủ tốt.” Niềm vui của các thày là thấy con chọc thủng một niềm tin giới hạn và bỗng nhiên gánh nặng rơi khỏi vai con. Như sứ giả này đã mô tả, tất cả những giáo lý, tất cả những nỗ lực tu sửa tâm lý của ông sau 40 năm bước trên đường tu đã chưa bao giờ thực sự chạm đến cốt tủy của ngã gốc của ông. Chỉ khi ông nhận được lời dạy của Giê-su về ngã gốc hồi tháng 12 vừa rồi – chỉ cách đây mấy tháng – thì ông mới thực sự đột phá và có thể nhìn thấy một cái gì đó, có thể buông bỏ cái đó và cảm thấy một gánh nặng vĩ đại được trút khỏi chính mình.

Ông còn không dám bảo là ông đã làm xong xuôi công việc – vì sau từng nấy năm trời, ông đã học được là ông không thể tuyên bố kiểu đó. Điều thày muốn nói là như sau: Nếu một người đã bước trên đường tu lâu đến vậy mà vẫn còn những con bò đang nhai đi nhai lại thức ăn chưa tiêu hóa, thì có lẽ điều khôn ngoan là tất cả các con cũng nên nói: “Tôi có còn sót lại gì chăng? Có điều gì tôi chưa nhìn thấy? Làm thế nào để tôi nhìn ra, bởi vì thực sự tôi muốn bước lên viễn quan cao hơn của Sứ vụ của tôi. Tôi rất muốn tiến bước tối đa. Tôi rất muốn đạt đến mức tâm thức nơi tôi có thể là chính mình.”

Một cách khác để phát hiện xem con có bò thiêng, có điều gì cấm kỵ hay không, đơn giản là như sau: Con có cảm thấy mình là chính mình hay chăng? Con có cảm thấy mình tự do biểu lộ chính mình mà không sợ phản ứng của người khác? Một cách khác nữa là: Thái độ của con đối với cõi vật chất, đối với địa cầu này là thế nào? Con có thoải mái khi ở đây, con có cảm thấy mình có thể tự biểu đạt ở đây, hay liệu con cảm thấy một loại bực bội, oán giận hay hạn chế khi mình ở đây? Nếu vậy thì một lần nữa, con có một con bò thiêng đang cầm giữ con lại vì nó không chịu nhúc nhích. Con hãy dõi theo nó, xem xét nó và thừa nhận đó là một niềm tin giới hạn.

Nếu con không thể nhìn nhận mình có một niềm tin giới hạn, con yêu dấu, làm thế nào con có thể vươn lên tầng tâm thức kế tiếp đây? Các thày đã nói điều gì? Có 144 tầng tâm thức, và gắn liền với mỗi tầng có một ảo tưởng. Đến bao giờ con sẽ giải thoát khỏi mọi ảo tưởng? Đúng, đến khi con vươn tới tầng 144 và giải quyết bí ẩn này hầu con sẵn sàng thăng thiên.

Con có thể hỏi: Đâu là một đặc tính rất phổ biến trong các phong trào tâm linh, Thời Mới? Đó là niềm tin cho rằng con có thể đạt tới một giai đoạn tối hậu nào đó khi con vẫn hiện thân trên địa cầu. Con giác ngộ, con là một chân sư thăng thiên chưa thăng thiên, con vô ngã, con đã giải quyết xong tâm lý của mình, con đã tới đích! Quá nhiều người, kể cả sứ giả này trong nhiều năm trời, nghĩ rằng họ phải có khả năng đạt tới điểm đã cải sửa xong tâm lý của mình và giờ đây họ giải thoát khỏi mọi chuyện.    

Họ đeo đuổi mục tiêu đó, nhưng ai là người có thể thỉnh thoảng cảm thấy mình đã tới đích rồi chứ? Con thấy ở ngoài kia có nhiều người đưa ra tuyên bố đủ loại, chẳng hạn họ đã khắc phục được tự ngã, đã giác ngộ, đã thế này thế kia. Ai là người đã tới đích chứ? À, đó là tự ngã của họ, vì giờ đây họ nghĩ họ không còn phải tìm kiếm tự ngã nữa vì họ đã khắc phục nó xong rồi. Đó chính là lúc tự ngã thực sự có thể ngả lưng xuống và nói: “À, bây giờ ta có thể thư giãn được rồi, và ta sẽ nhai, nhai, nhai vì y sẽ không bao giờ phát hiện được ta. Thậm chí nếu ta cắn vào đùi y thì y cũng không biết là ta cắn.”

Sẽ khôn ngoan biết mấy nếu con nhận ra đây là một ảo tưởng do sa nhân phóng chiếu, được khuếch đại bởi nhiều người có thiện ý nhưng không đủ hiểu biết về đường tu. Như thày có nói, thật sự con có khả năng có một quyết định sẽ đem lại một sự xoay chuyển cách mạng, qua đó con không còn mong mỏi trạng thái “tới đích” đó trong khi con còn hiện thân. Con sẽ đạt tới đích khi con thăng thiên. Cho tới khi đó, con đừng bận tâm đeo đuổi nó. Hãy đi tìm cái ảo tưởng kế tiếp sẽ đưa con lên tầng tâm thức kế tiếp. Con yêu dấu, đó chính là sự xoay chuyển cách mạng trong nhận biết mà những người thực sự thành công trên đường tu sẽ tìm được cách thực hiện. Họ không còn chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng. Họ luôn luôn dõi tìm ảo tưởng kế tiếp, bước tiến kế tiếp. Khi họ tìm ra, họ sẵn sàng nhìn nhận: “À, hóa ra cái đó là giới hạn, tôi đã sai lầm.” Không phải là “tôi” đã sai lầm, mà con tìm ra một cách nhìn khác để con không nghĩ đến cả chuyện đúng hay sai, và con nói: “Được rồi, cái này phải ra đi.” Con làm vậy tự nhiên như thể đó là bản chất thứ hai của mình và con không phải vật lộn với nó.

13.11. Vật lộn để nhìn nhận mình sai lầm

Nhiều các con, trong đó có sứ giả này khi ông còn trẻ, đã phải phấn đấu mãnh liệt, có khi nhiều năm trời, để thừa nhận là mình đã sai lầm ở một điểm nào đó. Ông có thể nhìn lại, mỉm cười và công nhận chuyện này vì ông đã vượt xa hơn, cho nên chính con cũng có thể vượt xa hơn tuy con sẽ cần một chút nỗ lực. Lúc đầu, tự ngã sẽ cưỡng chống lại con với tất cả sức bình sinh của nó. Con cũng biết – nếu con từng là một nông gia trong tiền kiếp – khi một con bò đã quyết định không chịu nhúc nhích thì không một thế lực nào trên trời hay dưới đất sẽ có thể xê nó đi.

Con yêu dấu, con hãy sẵn sàng suy ngẫm điểm này vì con sẽ trải nghiệm một niềm tự do to lớn nếu con đạt tới điểm vượt ra khỏi lực cưỡng chống đó. Con chỉ nhìn nhận đó là một niềm tin giới hạn, xong con bước lên tiếp. Tất nhiên, con sẽ phải hy sinh điều gì ở đây chứ? Một lần nữa, con phải hy sinh niềm tin ở một giáo lý tối hậu, một chân lý tối hậu, một cách hiểu tối hậu nào đó mà con có thể có được. Con yêu dấu, con hãy nhận ra điều các thày đã dạy: Chừng nào con còn đầu thai trên một hành tinh dày đặc như địa cầu thì con sẽ không có được một hiểu biết tối thượng về cách vận hành của vũ trụ. Điều này không thể làm được!

Con hãy xoay chuyển và nói rằng con đang có tầm hiểu biết cao nhất mà con có thể có ngay bây giờ, nhưng có một tầm hiểu biết cao hơn ở tầng tâm thức kế tiếp, rồi ở tầng kế tiếp nữa cho đến tầng 144. Con hãy nỗ lực đạt được cái đó. Luôn luôn giữ tâm mình cho thật lỏng, cởi mở để nhìn ra tầm hiểu biết cao hơn đó. Con yêu dấu, khi tâm con mở rộng và sẵn lòng, đó là lúc các thày có thể thực sự làm việc với con. Con có thể đạt tới điểm, như sứ giả này đôi khi ngồi tự hỏi, làm sao có thể tin được là quá nhiều sáng ngộ có thể đến với mình trong một thời gian rất ngắn ngủi như vậy. Nhiều người trong số các con đã có cùng trải nghiệm như thế.

Có những giai đoạn trong đời con như thể mỗi ngày hay mấy lần mỗi ngày, con nhận được một sáng ngộ cách mạng nào đó, con có được một trải nghiệm bất chợt nhìn ra một viễn cảnh hoàn toàn mới. Đây có thể là trải nghiệm thường nhật của con, và nó có thể là một trải nghiệm vô cùng hỉ lạc, vì ở các tầng thấp hơn khi tự ngã vẫn phần nào nắm giữ con thì tự ngã phóng chiếu ra là con sẽ bị mất mát gì đó nếu con từ bỏ một niềm tin đang có. Đó quả là một cuộc chiến đấu, nhưng một khi con thực hiện xoay chuyển này thì con ngộ ra: “Ừ nhỉ, buông bỏ một niềm tin cố hữu, một niềm tin giới hạn, chỉ có thể là một sự giải thoát, và đó là một niềm vui, một sự trút bỏ nhẹ nhõm, là đạt được một tầng cấp tự do mới. Nó đã chứa sẵn phần thưởng của nó rồi.

13.12. Con sẽ được gì qua đó?

Đôi khi tự ngã sẽ tìm cách mặc cả. Thậm chí, tự ngã của một số đệ tử sẽ nói với chân sư thăng thiên: “Thày Saint Germain, vậy thày muốn con từ bỏ niềm tin này à? Trong đó có gì cho con? Con sẽ được gì qua đó?” Có những học trò của chân sư thăng thiên đã tìm cách mặc cả với các thày, thậm chí còn nói rằng: “Nếu con làm điều này cho thày thì con sẽ nhận được gì đây?”

Con yêu dấu, một khi con vượt quá tâm thức đó, phần thưởng của con nằm ngay trong trải nghiệm. Nó đã gắn sẵn trong đó khi con trải nghiệm nhiều tự do hơn. Cái đó là phần thưởng của chính nó. Con cần phần thưởng nào khác nữa? Thày là chân sư của tự do cho địa cầu. Thày không cần phần thưởng nào khác hơn là trải nghiệm Ngọn lửa Tự do và biểu lộ Ngọn lửa Tự do bất cứ khi nào thày có dịp.

Tại sao thày lại tình nguyện ở lại với địa cầu và làm việc để thị hiện một thời đại hoàng kim? Có gì cho thày trong đó? Liệu thày hy vọng được thăng chức lên một cấp chân sư thăng thiên cao hơn chăng? Liệu thày nghĩ có một sinh thể vũ trụ sẽ giáng xuống đây và một buổi lễ hoành tráng sẽ được tổ chức để đeo lên cổ thày một loại huy chương gì đó? Không đâu con, phần thưởng chính là sự cảm nhận dòng chảy tự do đang xối qua Bản thể của thày.

Đúng, dĩ nhiên còn có khía cạnh omega nữa. Phần thưởng cũng là khi thày nhìn thấy mọi người được tự do. Nhưng phần thưởng hàng đầu chỉ đơn giản là cảm thấy dòng chảy của tự do, và đó là tại sao khi con tới điểm này, phần thưởng cho việc phụng sự của con chính là phụng sự! Giản dị đó là trải nghiệm cảm thấy dòng chảy. Dòng chảy, con yêu dấu. Dòng chảy – đó là tất cả. Tự ngã chỉ biết đứng yên, đó là sự chết. Nhưng dòng chảy chính là sự sống. Cho nên để phỏng theo một câu nói của người xưa: “Ta đã đặt trước mặt con sự sống và sự chết. Hãy chọn Sự Sống. Sự Sống mà TA LÀ.”

5 | Con không ở trên địa cầu để giải quyết các vấn đề

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 19/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên MORE và thật là niềm vui cho thày được nói chuyện với các con và trao cho con một lời dạy sẽ có vẻ hơi khó và hơi nặng nề đối với con. Tuy nhiên, lời giảng này thật quan trọng để con nắm bắt Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì và làm thế nào con có thể thực hiện được Sứ vụ.

5.1. Một cách tiếp cận Sứ vụ Thiêng liêng mất cân bằng

Con yêu dấu, Mẹ Mary có đặt câu hỏi là tại sao các thày đã không ban ra các giáo lý về Sứ vụ Thiêng liêng sớm hơn. Hiển nhiên Mẹ Mary đã trả lời câu đó một phần, nhưng thày muốn nêu lên một khía cạnh khác nữa. Trong một đợt truyền pháp trước, các thày đã ban ra nhiều lời dạy hơn về Sứ vụ Thiêng liêng và cũng đã đặt nhiều trọng tâm hơn vào đó. Các thày có nói là con người cần cân bằng nghiệp quả của mình và có một phần vụ thần thánh mà mình phải hoàn thành. Các thày nhận thấy là khi ai nấy nghe giảng về khái niệm này thì trong nhiều trường hợp, họ rơi vào một phản ứng rất thiếu cân bằng. Thày không nói điều này để chỉ trích một ai. Điều thày muốn chỉ ra ở đây là nhiều học trò, đặc biệt trong các thập niên trước, khi họ nghe nói đến khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng thì họ trở nên vô cùng nhiệt tình, háo hức muốn thực hiện.

Tất nhiên là tự thân nó, lòng nhiệt tình không có gì sai trái. Trên đường tu tâm linh, con cần một độ nhiệt tình nào đó. Nhưng mặt khác, người xưa có câu ngạn ngữ: “Đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt.” Thày cũng có thể nói là chiếc xe đưa con xuống địa ngục chạy bằng nhiên liệu là những ý định nhiệt tình thái quá.

Rất, rất nhiều người đã tiếp nhận giáo lý của các thày một cách mất cân bằng. Họ dùng giáo lý để đưa họ vào một trạng thái mà họ cảm nhận là lạc quan tích cực chỉ vì họ háo hức, nóng lòng, cả quyết, “tia sáng xanh và lửa cũng xanh”, và họ không để cho bất cứ gì cản bước họ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng. Theo một nghĩa nào đó, nó giống như thể họ đang tham dự một cuộc đua xe băng đồng chạy khắp vùng nông thôn để đến được một mức đến. Các học trò đó náo nức đến độ họ nhảy liền lên xe, đạp ga phóng thật nhanh trên đường, khiến đá sỏi văng tung tóe tứ phía, nhưng họ lại không đem theo tấm bản đồ sẽ dẫn họ tới đích. Họ quá chú tâm vào việc chạy càng nhanh càng tốt đến nỗi họ không xét xem họ đang chạy về đâu và làm thế nào họ sẽ tới đó.

Các thày đã từng nói trước đây là một trong những vấn đề lớn với học trò của chân sư thăng thiên là các con có một viễn quan đúng đắn về những gì cần xảy ra – hay ít nhất con thấy được là một sự thay đổi cần phải xảy ra – nhưng con không có viễn quan đúng đắn về cách làm thế nào, làm thế nào để điều đó hiện thực. Một trong những lý do khiến các thày đã không đưa ra nhiều lời dạy hơn về Sứ vụ Thiêng liêng trong đợt truyền pháp này là vì các thày thận trọng hơn, dành ra nhiều thời gian hơn để dần dần vun xới cho tới điểm con có đủ hiểu biết cùng các dụng cụ thực tiễn dưới hình thức các bài thỉnh và sách sẽ giúp con thực sự đương đầu với thế lực đối lập. Tất nhiên con cũng có những dụng cụ thực tiễn để đối phó với các yếu tố trong tâm lý con đã tạo ra phản ứng mất cân bằng. Thày không chỉ nói với các con đang ngồi đây mà với cả nhiều người khác có thể đã tìm ra lời dạy này hay thậm chí nghe nói về Sứ vụ Thiêng liêng lần đầu tiên.

5.2. Ngã gốc và sự mất cân bằng

Điều quan trọng là con cần biết, khi con tìm thấy một lời dạy của chân sư thăng thiên lần đầu, và đặc biệt khi con nghe nói về Sứ vụ Thiêng liêng (và cả về khái niệm Thời đại Hoàng kim lẫn cách làm thế nào thay đổi địa cầu), là không hiếm khi người ta tiếp nhận những lời dạy đó một cách mất cân bằng. Mất cân bằng chính xác là gì? Phần lớn đây là một vấn đề cá nhân cho nên nó tùy thuộc vào tâm lý của con. Điều nó thật sự tùy thuộc là cái ngã gốc mà con đã tạo ra để đáp ứng với chấn thương nhập đời nguyên thủy mà con trải nghiệm, rất có thể trong kiếp hiện thân đầu tiên của con (có khi không là kiếp đầu tiên nhưng một trong những kiếp sau đó).

Khi con phải kinh qua chấn thương đó, hiển nhiên con đã có một số cảm xúc, một số ý nghĩ. Điều này thường khiến con tạo ra một cái ngã tìm cầu một phương cách, có thể nói là để phục thù, bù đắp, đền bồi, chỉnh sửa chấn thương nhập đời mà con đã gánh chịu. Nói cách khác, ngã đó bảo rằng: “Sa nhân đã làm chuyện đó với tôi, tôi muốn trả đũa lại, tôi muốn… [bất cứ điều gì tùy theo mỗi cá nhân].” Con muốn làm gì đó với chúng hay con muốn một điều gì đó xảy ra cho chúng và – nếu có thể nói như vậy – điều này sẽ “gỡ huề tỷ số” để con cảm thấy như chúng nhận được hình phạt xứng đáng. Sự thể này sẽ khiến cho một số các con trở nên, như thày vừa nói, quá nhiệt tình muốn thay đổi thế giới. Trong nhiều trường hợp, nó cũng đã khiến cho một số học trò bước vào một giai đoạn nơi họ tập trung vào những thứ vỏ ngoài.    

Tất nhiên, một trong những thứ mà nhiều người đã làm là trở nên vô cùng háo hức muốn đọc các bài chú, hết giờ này sang giờ nọ – như trong đợt truyền pháp trước, họ sẽ dự lễ mấy lần mỗi tuần để đọc chú hàng giờ đồng hồ. Họ nghĩ họ phải làm điều đó để thay đổi thế giới, để trói chặt sa nhân, để cân bằng nghiệp quả và chuyển đổi địa cầu cho thày Saint Germain. Cho nên họ không có nhu cầu và thời gian hay sự chú ý để tu sửa tâm lý của họ. Tất nhiên, con có thể nhìn lại và nói: “Nhưng họ làm vậy là do những gì đã được ban ra qua các bài truyền đọc, hay ít ra do cách thức mà các bài truyền đọc được diễn giải trong văn hóa của tổ chức đó.”

Đúng vậy, nhưng một lần nữa như các thày đã trình bày mấy lần, các thày phải nhìn vào một nhóm người nhất định ở một thời điểm nhất định, xét xem họ sẵn sàng nhận được những gì, rồi trao cho họ cái đó, thỉnh thoảng còn trao cho họ một cái gì cùng cực đến độ họ sẽ chán ngán và bắt đầu phải nhìn xa hơn. Vào thời đó có một số học trò chưa sẵn sàng, nhưng một số cũng không sẵn lòng nhìn vào tâm lý của mình. Các thày đã cho họ môi trường vỏ ngoài đó nơi họ có cái cớ toàn hảo để không xem đến tâm lý của họ khi họ phải đọc tất cả những bài chú đó.

Mặt khác, họ còn nhận được nhiều lời chỉ dẫn phải đọc những bài chú nào, đến độ nếu họ theo đó mà đọc hết thì 24 tiếng một ngày cũng không đủ vào đâu. Đó là một toan tính từ phía các thày nhằm nói lên: “Đây, các thày không thể chạm được các con, các thày không thể khiến con nhìn ra những gì con cần nhìn thấy, cho nên các thày sẽ cho con nhiều đến độ cuối cùng nó sẽ quá tải, và mong thay, ít nhất có một số các con sẽ đứng lui lại và tìm ra một cách tiếp cận cân bằng hơn.” Quả vậy, một số đã nhìn ra và một số vẫn không nhìn ra – và tiếc thay, đó là sự thể các thày phải chấp nhận. Dù với lời dạy nào đi nữa, các thày cũng không thể chạm được mọi người.

5.3. Một cảm nhận cao hơn về cân xứng

Điểm thày muốn nói ở đây là trong thời đại hôm nay và trong đợt truyền pháp của các con, các con đang có một mức giảng dạy khác hơn. Điều được nhấn mạnh nhiều hơn là sự tăng triển của mỗi cá nhân, việc giải quyết và chữa lành tâm lý cùng những chấn thương trong quá khứ mà các thày đã đề cập với con gần đây.

Có nghĩa là con có tiềm năng tiếp cận một cách cân bằng hơn, y như những gì Mẹ Mary đã nói. Thày muốn đi vào vấn đề này sâu hơn một chút. Mục đích thực sự của các chân sư thăng thiên không phải là để chế tạo một số thay đổi vỏ ngoài nhất định trên địa cầu. Con có thể hỏi: “Nhưng chẳng phải là điều này đi ngược lại những lời dạy về Thời Hoàng kim của Saint Germain khi thày muốn cải thiện mọi khía cạnh của cuộc sống trên trái đất và đem lại một trình độ văn minh cao hơn hay sao?” À, không, con yêu dấu. Từ một nhãn quan vỏ ngoài đường thẳng thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng ngay cả Saint Germain cũng từng nói rằng mục đích chính yếu của Thời Hoàng kim thật ra là để nâng cao tâm thức loài người, chứ không để thị hiện những kết quả vỏ ngoài đặc thù đó. Thày Saint Germain sử dụng những thứ vỏ ngoài đó như một dụng cụ để nâng cao tâm thức con người, chứ tự thân chúng không phải là mục tiêu.

Ở đây con phải nhìn nhận là các thày đã cho con khái niệm rằng địa cầu không là một hành tinh tự nhiên. Các thày đã nói với con là có hàng tỷ hành tinh khác trong vũ trụ ở mức hành tinh tự nhiên và do đó cũng không có tất cả những biểu hiện dựa trên sợ hãi mà con thấy trên trái đất. Như Mẹ Mary có gợi ý, kỳ thực có hàng tỷ hành tinh đã gia tốc, và các cư dân ở đó đã gia tốc hành tinh của họ tới một trình độ vượt xa địa cầu đến nỗi hầu hết loài người khó lòng nào hiểu nổi.

Con phải nhìn nhận là tất nhiên, nói chung như một nhóm, các chân sư thăng thiên biết rất rõ là hầu hết mọi hành tinh đều ở một trình độ rất cao. Hiển nhiên các chân sư đã chọn ở lại làm việc với địa cầu thì không quá tập trung vào các hành tinh cao đó, nhưng các thày biết là họ hiện hữu. Các thày có tương tác với các chân sư đang làm việc với các hành tinh đó, thậm chí cả với các chân sư mang viễn quan tổng thể về toàn bộ vũ trụ vật chất lẫn con đường tiến hóa của vũ trụ. Điều này có nghĩa là các thày có một ý niệm về sự cân xứng mà thường thường các con không có được trên địa cầu khi con là người đầu thai.

Nhiều người trên địa cầu rất chú tâm vào địa cầu và, tất nhiên, nhiều người cho rằng đây là hành tinh duy nhất có người ta sinh sống. Nhiều tín hữu đạo Cơ đốc cho rằng đây phải là một hành tinh thật quan trọng đối với Thượng đế, nhiều người theo phong trào Thời Mới và người tâm linh cũng xem địa cầu là quan trọng vì nó khiến cho họ cảm thấy chính họ quan trọng do họ đang sống ở đây, vân vân và vân vân.

Điều thày muốn cho con là một chút cảm nhận cân xứng của các chân sư thăng thiên. Khi con đứng lui lại một bước và ngắm nhìn toàn bộ vũ trụ vật chất, con biết qua khoa học là có hàng tỷ dải thiên hà, hàng tỷ mặt trời, hàng tỷ thái dương hệ, hàng tỷ hành tinh với tiềm năng mang sự sống. Thày nói với con, những hành tinh gọi là “tương tự như trái đất” mà khoa học đã khám phá chỉ là một phần rất nhỏ trong số những hành tinh có sự sống. Các con chỉ đang cố tìm những hành tinh có cùng một loại dạng sống như trên địa cầu. Dĩ nhiên là còn rất nhiều loại dạng sống khác không dựa trên cacbon – nếu có thể nói như vậy – mà dựa trên các nguyên tố hóa học khác và do đó không thể phát hiện được bằng giác quan vật lý cũng như bằng các loại dụng cụ khoa học dựa trên giác quan mà con có trên trái đất. Đó là tại sao con không thể nhìn thấy sự sống trên Kim tinh mặc dù các thày đã nói với con là Kim tinh có sự sống. Điều này cũng áp dụng cho rất nhiều hành tinh khác khắp vũ trụ.

Khi con bước lui lại và nhìn từ tầm nhìn rộng mở đó, con thấy rõ là tuyệt đại đa số các hành tinh đều đang gia tốc rất nhanh chóng. Cư dân ở đó đã đi vào một vòng xoắn ốc tích cực, một xoắn ốc tích cực đang tự củng cố. Khi họ tương tác với chân sư thăng thiên, khi họ nâng cao tâm thức của họ, các chân sư có khả năng trao cho họ nhiều ánh sáng hơn, thế rồi họ lại gia tốc thêm nữa và tất cả trở thành một vòng xoắn ốc hướng thượng tích cực. Tương đối chỉ có một số ít hành tinh giống như địa cầu. Vậy thì trong viễn quan rộng lớn đó, các thày sẽ nhìn địa cầu ra sao? Hiển nhiên, các thày thấy địa cầu rõ ràng không nằm trong số các hành tinh đã bước vào một vòng xoáy tự củng cố và đang gia tốc. Trên địa cầu có một vòng xoáy hướng thượng, nhưng nó chưa bắt đầu tự củng cố do chưa đủ túc số tới hạn (critical mass) là những cư dân hiện đầu thai đã bước vào tiến trình nâng cao tâm thức của mình. Về cơ bản, địa cầu đang phần lớn được kéo lên bởi phần còn lại của vũ trụ, bởi các chân sư thăng thiên và bởi một số ít người đầu thai đang nâng cao tâm thức của mình.

5.4. Địa cầu là một dụng cụ giáo huấn

Loại hành tinh như thế này là một hành tinh mà các thày phần lớn xem là một dụng cụ giáo huấn cho những sinh thể không thể học hỏi trực tiếp từ bên trong nội tâm. Do đó họ cần một hành tinh nơi họ có thể nhìn thấy trạng thái tâm thức của họ trải bày ra trong vật lý. Đồng ý, hầu hết mọi người không nhận thức được điều này và thậm chí cũng không sẵn sàng đón nhận ý tưởng này. Nếu con nói cho họ biết, họ sẽ chỉ lắc đầu và nghĩ con điên rồi. Dù sao thì thực tế là địa cầu đang trình chiếu trạng thái tâm thức của con người ra bên ngoài.

Khi con biết điều này, con cần tự đặt một câu hỏi đơn giản: “Nếu địa cầu đang trình chiếu trạng thái tâm thức của con người lên chính nó, thì liệu có bất kỳ điều kiện nào trên địa cầu là thực một cách tối hậu, bất kỳ điều kiện nào là bền lâu, có tuổi thọ và có giá trị trường cửu liên tục hay không?” Thực tế là trên địa cầu thật sự không có gì cần được bảo tồn, không có gì mà các chân sư thăng thiên muốn thấy được bảo tồn trong dài hạn.

Tất cả mọi thứ ở đây là một thị hiện tạm thời mà các thày thấy rõ là cần được thăng vượt trước khi trái đất trở thành một hành tinh tự nhiên. Con có thể nhìn địa cầu và nói: “Không hiểu nếu địa cầu chuyển đổi và trở thành một hành tinh tự nhiên, liệu sẽ có bất kỳ điều kiện hiện hữu nào sẽ tồn tại hay không?” Câu trả lời sẽ gây sốc cho rất nhiều người: “Không hẳn”. Hầu như không có bất cứ gì ở đây sẽ tồn tại trong hình dạng hiện hữu khi địa cầu trở về trạng thái hành tinh tự nhiên. Con yêu dấu, điều chủ yếu sẽ thay đổi khi địa cầu trở về trạng thái một hành tinh tự nhiên là độ dày đặc của vật chất sẽ giảm xuống và độ rung động của vật chất sẽ tăng lên. Có nghĩa là hầu hết mọi điều kiện vật lý, kể cả những gì các nhà khoa học gọi là định luật tự nhiên đang vận hành ngay bây giờ, sẽ được vượt thăng. Địa cầu sẽ gia tốc vượt ra khỏi các điều kiện đó.

Với ý tưởng này trong tâm, con có thể đạt viễn quan là đối với các chân sư thăng thiên, thật không có gì quan trọng một cách tối hậu nếu một điều kiện nào đó, một điều kiện vật lý nào đó có thay đổi hay không. Có nghĩa là khi đó, con sẽ có thể xoay chuyển – như Mẹ Mary đã nói tới – và bảo rằng: “À, vậy thì tôi cần phải làm gì đây qua Sứ vụ Thiêng liêng của tôi? Nếu tôi đã lập ra Sứ vụ ở một mức nhận thức cao hơn bây giờ, thì vào lúc đó tôi đã ghi vào Sứ vụ những việc gì tôi có ý định thực hiện trong cõi vật lý? Tôi đang ở đây để đóng góp đem lại những thay đổi nào?”

Tất nhiên đây là một câu hỏi mang tính chất rất cá nhân. Mặc dù thày có nói là các điều kiện vật lý không quan trọng một cách tối hậu (chúng là một phần của toàn bộ phương trình của địa cầu), con sẽ không thể chuyển sang Thời đại Hoàng kim hay chuyển cả địa cầu vào một trạng thái tự nhiên mà không đem lại nhiều thay đổi vật lý. Những thay đổi đó bao gồm những ý tưởng mới, những khám phá mới, những công nghệ mới, những hình thức chính quyền mới, những hình thức giáo dục mới, những hình thức văn hóa nghệ thuật mới, vân vân và vân vân. Quả thật sẽ có rất nhiều thay đổi vật lý cần xảy ra, nhưng viễn quan vô cùng quan trọng mà thày thấy cần cho con là sự kiện những thay đổi đó không là tối hậu, không là chung cuộc. Chúng chỉ là những bước đi trên một con đường, là những giai đoạn trong tiến trình chuyển tiếp.    

5.5. Tâm thức đi trước biểu hiện vật lý

Điều này chủ yếu nhằm giúp con tránh rơi vào cái phản ứng khi con cho rằng một số thay đổi vật lý và một số điều kiện nhất định có tầm quan trọng tối hậu. Sự xoay chuyển mà các thày đang cố giúp con thực hiện là con thực sự thể nhập, thực sự nắm bắt, thực sự trải nghiệm sự thật mà các thày đã bày tỏ bằng nhiều cách trong suốt mấy năm qua, đó là tâm thức đi trước biểu hiện vật lý. Nói cách khác, có một niềm tin được người ta ưa chuộng đang bay phất phơ trong tâm thức tập thể – một phần do đạo Cơ đốc – cho rằng có một loại phép lạ nào đó từ trên sẽ có thể thay đổi địa cầu. Niềm tin này cũng một phần đến từ khoa học duy vật cho rằng chỉ một thay đổi vật lý dựa trên các định luật tự nhiên mới có thể đem lại những điều kiện mới.

Điều các thày cố giúp con thể nhập và trải nghiệm là thực tại rằng tất cả mọi thứ đều là sự trải bày ra bên ngoài của trạng thái tâm thức của nhân loại trên địa cầu. Trước khi có thể có thay đổi đích thực, thật ra trước khi có bất kỳ thay đổi nào, phải có trước tiên sự thay đổi trong tâm thức. Con có thể nhìn ngược dòng lịch sử của công nghệ chẳng hạn và con có thể nói: “Nhưng rõ ràng là có một tiến trình vật lý đã tuần tự dẫn từ khám phá này đến khám phá sau rồi khám phá sau nữa. Một nhà khoa học xây dựng trên nền tảng những gì các nhà khoa học trước đó đã tìm ra, và bỗng nhiên chúng ta có các phương trình của Einstein và thuyết tương đối, và chính cái này đã dẫn đến sự phát triển bom nguyên tử.”

Con yêu dấu, điều các nhà duy vật không nhìn thấy – vì họ không muốn nhìn vào – là trước khi tiến trình vật lý có thể xảy ra thì đã có một sự thay đổi trong tâm thức tập thể. Nếu con xem xét tất cả mọi biến cố lịch sử đã diễn ra, con sẽ thấy được – nếu con có khả năng nhìn thấy ba thể cao của tâm thức tập thể – một sự xoay chuyển, một biến đổi nào đó đã có mặt. Cho dù đó là một thay đổi gọi là tích cực hay một thay đổi tiêu cực, thì con cũng thấy được là nó đã xảy đến. Không có gì xảy ra trong cõi vật lý đã từng được quyết định hay được khởi phát duy ở tầng vật lý mà thôi. Luôn luôn có một thay đổi ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc trước khi một thay đổi vật lý có thể xảy đến. Suốt lịch sử đã diễn ra như vậy và trong tương lai cũng sẽ như vậy.

5.6. Con đã xoay chuyển tâm thức hay chưa?

Thế thì con có thể dùng điểm trên để nhìn vào chính mình cùng cách con tiếp cận đối với đường tu tâm linh, đối với khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng, và con có thể nói: “À, điều quan trọng thật sự không phải là những thay đổi vật lý mà tôi đã đến đây để đem lại. Điều quan trọng không thật sự là nhìn xem những gì tôi cần làm trong cõi vật lý.” Như thày đã nói, nhiều đệ tử trở nên nóng lòng muốn thay đổi thế giới hay thay đổi người khác đến độ họ quên không nhìn vào bản thân. Nhiều học trò khác thì không đến nỗi tập trung vào việc thay đổi người khác hay thế giới, nhưng họ lại tập trung vào câu hỏi: “Tôi cần phải làm gì trong cõi vật lý?” Như Mẹ Mary một lần nữa đã gợi ý, họ nghĩ nếu phải chi có một vị đạo sư đến bảo họ: “Con phải đem lại khám phá mới này trong lãnh vực này,” thì đó là lời duy nhất mà họ cần biết. Họ sẽ cố tìm hiểu lãnh vực đó một cách phân tích đường thẳng rồi họ sẽ đem lại khám phá mới đó. Nhưng như Mẹ Mary đã nói, con không thể thật sự làm được chuyện đó nếu con chưa xoay chuyển tâm thức của con cho tới điểm con nhận được nó từ bên trong. Và để làm điều này, có thể con sẽ phải khắc phục một số chấn thương, một số tin tưởng sai lầm, một cách phản ứng mất cân bằng nào đó, rồi khi đó con mới có thể nhận được nó từ bên trong. Con không thể nào nhận được nó từ bên ngoài.

Một lần nữa, con có thể nhìn vào chính mình, con có thể nhìn vào phản ứng của con đối với toàn bộ ý tưởng Sứ vụ Thiêng liêng, và một khi con trung thực với chính con, con có thể nhìn vào bất kỳ sự mất cân bằng nào: “Liệu tôi có nhiệt tình thái quá hay không? Liệu tôi có tập trung bên ngoài bản thân mình, tôi có tập trung vào nhu cầu xét xử các sa nhân và loại trừ chúng ra khỏi hành tinh, vào nhu cầu sáng chế và khởi xướng công nghệ mới, nhu cầu cải tổ lãnh vực chính trị, nhu cầu thay đổi người khác để khiến họ nhìn ra cách hành xử sai trái của họ, khiến họ nhìn ra giáo lý của chân sư thăng thiên cùng chân lý duy nhất hay không?” Một lần nữa, thày không hề trách cứ con khi con có những phản ứng đó. Có thể nói đó là cách phản ứng tự nhiên trên hành tinh phi tự nhiên này. Dù sao thì phản ứng như vậy sẽ không giúp con khám phá những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng, mà kỳ thực nó sẽ ngăn chặn con khám phá.

5.7. Khắc phục cảm nhận bất công

Nếu con nhận diện con đang có một sự mất cân bằng, con có thể lấy giáo lý về chấn thương nhập đời, về ngã gốc, và con xét xem sự mất cân bằng đó có thật sự khởi lên từ mong muốn trả đũa, từ mong muốn đền bù phần nào sự bất công sai trái mà con cảm thấy người ta đã gây cho con khi con hứng chịu chấn thương nguyên thủy. Thày không phủ nhận là con đã nhận chịu một điều sai trái và đó là một sự bất công. Thày chỉ đang nói là con phải tra vấn (như mọi người đều làm khi cảm thấy mình bị người khác đối xử bất công) và câu hỏi thật giản dị: “Liệu tôi có muốn trừng phạt những kẻ đã hại tôi, hay tôi muốn được giải thoát khỏi những kẻ đã hại tôi và bước đi tiếp trên đường tu tâm linh?”

Nếu con muốn bước đi tiếp thì hiển nhiên con cần nhìn vào đó và nhận ra: “Đây chỉ đơn giản là chấn thương nhập đời của tôi đang tạo ra một phản ứng. Nó đã tạo ra một cái ngã tách biệt là một thành phần của ngã gốc của tôi, và tôi không muốn vác nó theo cho đến mãn kiếp, vì tôi biết rõ tôi không thể đem nó theo tôi vào cõi thăng thiên. Tôi sẵn lòng nhìn nó và tách mình ra khỏi nó, tôi sử dụng những dụng cụ mà chân sư đã cho tôi cho đến khi tôi đạt tới điểm tôi có khả năng buông ngã ra một cách tự nhiên và để cho ngã chết.”

Con yêu dấu, với một cái ngã khởi lên từ một cảm nhận bất công, một cảm nhận có gì sai trái, một mong muốn đền bù, thì ngã đó không bao giờ thỏa mãn được. Con có thể nói: “Nhưng một số sa nhân đã khiến tôi phải chịu chấn thương nhập đời đó, và nếu chúng bị phán xử và đưa vào cái chết thứ nhì, thì cái ngã khởi lên từ chấn thương sẽ được thỏa nguyện và nó sẽ phải giải thể chứ.”

Như các thày đã nói với con nhiều lần, cho dù điều kiện gì xảy ra đi nữa, ngã sẽ không đơn giản chịu nằm xuống mà chờ chết. Nó sẽ tiếp tục làm những gì nó vẫn làm. Nó sẽ nhìn quanh hành tinh này tìm xem có nỗi bất công nào khác hay không, rồi nó sẽ phóng chiếu ra là cái đó cũng phải được đền bù hay được giải quyết, hay một người nào đó phải bị trừng phạt – vì đó là công việc mà nó vốn làm. Nó máy móc y như một chiếc máy tính vậy, và nó sẽ dằng dai, máy móc thi hành những gì nó đã bị lập trình để thi hành, tức là tìm kiếm một điều kiện vỏ ngoài nào đó để lấy cớ làm công việc của nó.

Con sẽ không giải thoát khỏi nó bất kể những điều kiện vỏ ngoài mà con có thể đem lại. Con sẽ chỉ giải thoát khỏi nó khi con nhìn nhận là vấn đề mà ngã đó đã phóng chiếu ra sẽ không bao giờ có thể được giải quyết. Con không cần giải quyết nó. Đơn giản con chỉ cần nhìn ra nó là không thực, xong con cần buông nó ra, con cần từ bỏ nó, con từ bỏ mong muốn giải quyết vấn đề – vì vấn đề không có giải pháp.

Cũng gíống như khi thày cho con tầm nhìn về địa cầu. Con có thể nhìn vào rất nhiều vấn đề, vô số vấn đề gần như vô tận đang hiện diện trên trái đất. Con có thể chú tâm vào: “Tôi phải giải quyết vấn đề này, tôi phải đọc chú để mang lại giải pháp cho vấn đề này, tôi phải làm việc này, tôi phải làm việc kia.” Con có thể tiếp tục làm vậy cho tới hết kiếp này và dồn chú ý của con ra bên ngoài để giải quyết tất cả những vấn đề đó.

Thày không phủ nhận là các vấn đề có một sự tồn tại tạm thời. Thày không phủ nhận là chúng có tác động trên con người trên địa cầu. Nhưng con sẽ không giúp cho hành tình tiến bộ bằng cách giải quyết chúng. Con sẽ giúp cho hành tinh tiến bộ bằng cách cá nhân con thăng vượt tâm thức đã phóng chiếu ra các vấn đề đó, và như vậy con kéo tâm thức tập thể đi lên, hầu mọi người lần lần nhìn ra là mình không cần tiếp tục đánh nhau với người Do Thái hay người Ả Rập hay người Palestine hay người Serbia hay người Croatia hay người Pháp hay người Anh hay người Đức hay điều này điều nọ. Chúng ta có thể giản dị bước xa khỏi những thứ đó, vì chúng ta sẽ cảm thấy vui hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn khi chúng ta bước xa khỏi vấn đề mặc dù nó chưa được giải quyết.

5.8. Không có vấn đề nào phải giải quyết

Con thấy đó, con yêu dấu, châu Âu đã từng có một thời khi các quốc gia rơi vào tình trạng binh lửa triền miên. Rất thường khi người ta phóng chiếu ra một nỗi bất công nào đó vì có nước kia đã làm gì sai trái. Con thấy là sau Thế chiến thứ Nhất, Hiệp ước Versailles do người Pháp và người Anh chủ xướng quy cho nước Đức hành xử sai trái cho nên cần bị trừng phạt. Điều này tạo ra tiền đề cho Thế chiến thứ Hai, và cứ như vậy.

Giờ đây sau Thế chiến thứ Hai, có một nhận thức mới đã lan rộng khắp Âu châu, dẫn đến sự kiện là không một cuộc chiến lớn rộng nào đã xảy ra kể từ đó, ít nhất trong phần lớn Âu châu. Con yêu dấu, khi con nhìn vào Thế chiến thứ Hai với nước Đức bị bại trận rồi châu Âu bị chia đôi thành Đông và Tây, liệu Thế chiến thứ Hai đã giải quyết được vấn đề gì hay chăng? Không, chẳng giải quyết được vấn đề nào cả.

Nhưng tại sao đã không có chiến tranh kể từ đó? Bởi vì một túc số tới hạn trong dân chúng đã nhìn ra tính chất phi lý của tâm thức hiếu chiến đã kết đọng hai cuộc thế chiến, và mỗi người ở mức cá nhân của mình đã thăng vượt nó – rồi rốt cuộc cả tập thể cũng đạt được khối lượng tới hạn. Người dân châu Âu đã không chọn con đường dễ dàng nhất, vì tình hình đã bị đẩy tới mức cùng cực với sự diệt chủng người đạo Do Thái cùng những vụ giết người hàng loạt xảy ra trong chiến tranh – nhưng họ đã thành công. Sự xoay chuyển tâm thức chính là lý do tại sao đã không có chiến tranh, chứ không phải việc giải quyết vấn đề đặc thù đã gây ra hai cuộc thế chiến – bởi vì, một cách tối hậu, vấn đề đó không có giải pháp nào hết.

Con hãy nhìn vào các biến cố và tự hỏi: “Làm thế nào vấn đề đó có thể được giải quyết đây?” Nó không thể – vì giải pháp không hề có. Đó chính là vì sao mà cuối cùng thế chiến đã bùng nổ, vì vấn đề đã được sa nhân cố tình tạo ra để không có giải pháp và nó bắt buộc dẫn đến chiến tranh. Vấn đề chỉ được giải quyết khi có đủ túc số những người dân, cho dù có ý thức hay không, nhận ra rằng: “Không có gì ở đây có thể được giải quyết. Chúng ta chỉ có thể nhìn về phía trước mặt và quyết định thăng vượt tâm thức đó và không lại bước vào các khuôn nếp đã dẫn đến chiến tranh.”

5.9. Không có vấn đề nào phải giải quyết trong gia đình

Ở mức cá nhân cũng vậy, và trong gia đình cũng vậy. Trong mọi lãnh vực, sự thể cũng y như vậy. Hồi nãy các con có đề cập đến gia đình các con và chuyện thường xảy ra là có một khuôn nếp nghiệp quả, một khuôn nếp tâm lý đã hiện hữu từ mấy kiếp trước do các thành viên trong gia đình đã tái đầu thai với nhau hết kiếp này tới kiếp khác. Trong tư cách là học trò của chân sư thăng thiên, có lẽ con có tiềm năng đạt tới điểm là con có thể giúp cho thân nhân mình nhìn ra rằng vấn đề này không có giải pháp, rằng việc thay đổi người khác trong gia đình không thể giải quyết được chuyện gì. Đây chỉ đơn giản là chuyện nhìn thấy những gì đang diễn ra trong gia đình, động cơ đang vận hành trong gia đình, là sự biểu lộ của một trạng thái tâm thức. Cách duy nhất để thay đổi sự thể, cách duy nhất cho con được tự do, giản dị là con rời bỏ tâm thức đó, thăng vượt tâm thức đó bằng cách giải quyết nó bên trong chính con.

Đối với nhiều người trong số các con, đây chính là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con liên quan đến gia đình. Đó là con giúp cho người thân thấy được là không có vấn đề gì phải giải quyết. Chỉ có chuyện thăng vượt tâm thức, tìm ra một cách khác để nhìn nhau, để tương tác với nhau và cho phép mỗi người là con người mà mình là. Điều này đòi hỏi con tự thay đổi chính con cho tới mức con chấp nhận bản thân và cho phép mình là con người mà mình là. Chỉ khi nào con cho phép con là người con là, thì con mới có thể cho phép người khác là con người mà họ là, mà không cảm thấy mình bị đe dọa và cũng không muốn thay đổi người khác hầu con tránh né phải đương đầu với chính tâm lý của con. Con đạt tới điểm con cảm thấy thoải mái, vì người kia không còn “nhấn nút” để con cảm thấy mình không phải tự thay đổi chính mình.

Một số các con sẽ có khả năng giải thích những khái niệm này cho người thân một cách chung chung mà không đề cập đến chân sư thăng thiên, và con giúp họ nhìn ra rằng tất cả chỉ là chuyện lấy một quyết định: “Chúng ta sẽ thôi không đối xử với nhau cách đó nữa, chúng ta sẽ thôi không đổ lỗi cho nhau nữa, chúng ta sẽ thôi không tìm cách thay đổi nhau nữa, chúng ta sẽ chỉ đơn giản cho phép mỗi người là con người mà mình là, vui hưởng thời gian bên nhau khi chúng ta đang sống với nhau – hoặc nếu không, khi mỗi người bước theo đường riêng của mình.”

5.10. Không còn gì để bù đắp

Con yêu dấu, lòng nhiệt tình mất cân bằng đó đến từ đâu? Nó đến từ niềm tin cho rằng có một vấn đề nào đó tuyệt đối phải được giải quyết. Việc giải quyết vấn đề đó là chuyện nhất thiết, là quan trọng tối hậu. Đâu là cái tâm lý sâu xa nằm đằng sau? Đó là sự kiện con, như một con người, cảm thấy mình bị bế tắc do có gì đó bên trong mà con không biết làm thế nào thay đổi. Hoặc con sẽ cố không chú ý đến nó, hoặc con tìm cách phóng chiếu ra ngoài (ngã tiềm thức phóng chiếu ra ngoài) là nếu vấn đề vỏ ngoài kia được giải quyết, nếu những người kia thay đổi, thì vấn đề bên trong sẽ không còn nữa. Tại sao con đã không giải quyết được vấn đề đó chứ? À, là vì con chưa nhận được lời dạy về nguyên nhân của vấn đề, một nguyên nhân mà đối với đa số các con đi trở ngược về ngã gốc. Con thường hay cảm thấy mình bị bế tắc vì con trải nghiệm có sự mất cân bằng trong con nhưng con không biết làm thế nào giải quyết. Cho nên con cố giải quyết bằng cách thay đổi tất cả những thứ kia bên ngoài con, vì con không biết cách thay đổi bên trong con. Làm sao con biết cách thay đổi ngã gốc nếu con không biết mình có ngã gốc và ngã gốc đến từ đâu?

Đó là tại sao thày nói với con – vì con là một thành viên của đợt truyền pháp này, con cởi mở với những lời dạy này, và giờ đây con có những dụng cụ này – là con có khả năng, nếu con muốn, vượt qua rất nhanh chóng bất kỳ trạng thái mất cân bằng nào. Con yêu dấu, con có khả năng đạt tới điểm con không còn tìm cách thay đổi thế giới hay thay đổi người khác như một cách bù đắp cho một điều kiện bên trong tâm lý con. Con đã nhìn vào điều kiện đó, con đã giải quyết điều kiện đó – rồi điều gì xảy ra chứ? Một khi con đã giải quyết điều kiện đó, giải quyết xu hướng tập trung vào việc thay đổi những thứ vỏ ngoài, thì đột nhiên giờ đây con có thể bắt đầu nối kết với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Giờ đây con có thể bỗng nhiên nhìn thấy những gì con đã hoạch định thay đổi hay đem lại trên địa cầu.

Sự khác biệt là con sẽ không làm điều này từ một mong muốn bù đắp cái gì. Con sẽ làm vì một lý do hoàn toàn tích cực. Con làm như vậy vì đó là sự biểu lộ con người mà con là. Nói cho cùng, điều sẽ đem lại cho con sự an bình và niềm vui được hiện thân trên một hành tinh như thế này chính là việc biểu lộ con người mà con là. Con không dính mắc vào những kết quả vỏ ngoài, vào quả trái của việc làm, vì con tìm thấy niềm vui khi con thể hiện bản thể cao hơn của mình. Đó là tiềm năng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con.

5.11. Giai đoạn sáng tạo trong Sứ vụ Thiêng liêng

Tất nhiên là có một giai đoạn “lao động” khi có thể con phải làm một số công việc, có quan hệ với một số người, thực hiện một số việc vỏ ngoài, kinh qua một số trải nghiệm. Nhiều người trong các con đã cảm thấy qua trực giác là con đã làm những thứ đó rồi. Điều các thày cố giúp con đạt tới là con bước vào giai đoạn cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng: giai đoạn sáng tạo. Đây là điểm con có thể bắt đầu trao tặng món quà của mình và biểu đạt cái Ta của con, cái tiềm năng cao nhất mà con muốn biểu đạt trước khi con đi vào hiện thân, dựa trên trạng thái tâm thức cao hơn mà con có tiềm năng đạt tới.

Đây có thể trở thành một vòng xoáy tích cực nơi con có sự an bình khi làm người đầu thai. Con không còn thái độ khiếm khuyết cho rằng mình luôn luôn bị chậm trễ ở đằng sau và mình luôn luôn phải ở một nơi nào khác. Luôn luôn có một điều gì đó mà đáng lý mình đã phải làm nhưng lại chưa làm, và có nhiều điều hơn mà mình đã có thể làm. Thay vào đó, con an bình làm người mà con là, biết rằng con sẽ tiếp tục tiến cao hơn từng bước một cho hết phần còn lại của kiếp này. Con sẽ ngày càng cảm thấy thoải mái hơn, ngày càng sáng tạo hơn khi thể hiện sự sáng tạo của mình, và ngày càng an bình hơn khi tận hưởng tiến trình dõi nhìn đời mình trải bày ra. Đây là trạng thái mà các thày muốn con đạt được vì đó là khi con có thể thực sự vui hưởng việc mình hiện diện trên hành tinh. Con yêu dấu, liệu có lý do gì mà các thày lại không muốn con tận hưởng sự hiện thân của con?

5.12. Dành thời gian để tận hưởng cuộc sống trên địa cầu

Thày sẽ nói với con là có một số đáng kể các chân sư từng thăng thiên từ địa cầu đã nhìn lại tiến trình đầu thai của mình, từ lúc mình rơi vào những vòng xoáy hướng hạ rồi lần lần, từ từ, leo ra khỏi để đạt tới điểm hội đủ tư cách thăng thiên. Các thày nhìn lại tiến trình đó và thấy ước gì mình đã dành ra nhiều thời gian hơn trong hiện thân để thực sự vui hưởng việc đầu thai trên hành tinh. Nhưng các thày cũng thực tế và biết rằng thời buổi đó có khác, và tâm thức tập thể cũng có dày đặc hơn. Cho nên trong một số trường hợp đã có một đòi hỏi cấp bách là các thày cần thăng thiên ở một thời điểm nhất định bởi nhiều lý do khác nhau. Đơn giản là khi đó đã không phải là lúc vui hưởng.

Con có thể thấy như trong trường hợp Giê-su, thày đã thăng thiên trong vật lý ngay sau khi hoàn tất sứ vụ công ích của mình. Thế rồi thày nhận được sự đặc miễn để có thể vật chất hóa một xác thân mới và sinh sống trong xác thân này cho đến tuổi 81 khi thày thực hiện cuộc thăng thiên tâm linh chung cuộc. Trong những năm tháng sống tại vùng Kashmir, thày đã vui hưởng sự đầu thai của mình mặc dù độ dày đặc của hành tinh vào thời đó. Con cũng thấy chính thày đây trong kiếp đầu thai chót, cùng với thày Kuthumi, hai thày cũng đã có thêm thời gian. Hai thày đã có một mức chứng đạt và không dính mắc nào đó cho nên đã có thể vui hưởng sự đầu thai của mình khi đó. Sự kiện này đã không được nhấn mạnh trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên, nhưng nó đã thật xảy ra – các thày đã có được một thời gian như vậy. Với một thời gian như vậy, kết quả là con có thể thực sự đạt tới điểm hoàn toàn an bình với sự có mặt của mình ở đây, nhưng con cũng an bình với việc thăng thiên. Trong khi đó, nếu con có một lịch trình gấp rút hơn thì thường khi con sẽ không đạt tới điểm an bình khi sống trên địa cầu.

Cho nên con gần như có thể tới mức hội đủ tư cách thăng thiên nhưng con chưa hẳn an bình với việc thăng thiên. Kỳ thực, con phải bỏ thêm thời gian để giải quyết cảm nhận phi-an-bình cuối cùng đó trước khi con thực sự đạt tới điểm có thể hoàn toàn bỏ lại địa cầu ở đằng sau và bước vào trạng thái thăng thiên. Lẽ tự nhiên, các thày mong muốn những ai trong số các con có tiềm năng thăng thiên sau kiếp này có thể chứng được mức đó, là mức con an bình và tận hưởng cuộc sống ở đây. Làm như vậy, con sẽ nêu gương là người tâm linh có thể an bình và có thể tận hưởng cuộc sống. Họ không cần rút khỏi cuộc đời để sống trong hang đá, họ không cần sống một cuộc đời khắc khổ với kỷ luật nghiêm ngặt. Thật ra họ có thể vui hưởng cuộc sống và biểu lộ niềm vui đó, và rồi họ cũng có thể an bình khi đi bước kế tiếp. Đối với các con có tiềm năng thăng thiên sau kiếp này, đây là những trình độ cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Đối với một số các con, điều này có thể đòi hỏi con xoay chuyển nhận biết một cách ý thức để mà thực sự thấy được điều này.

Để thấy được điều này, có thể con sẽ phải sẵn lòng xem xét một số thái độ cố hữu của mình về thế nào là một người tâm linh, thế nào là một học trò của chân sư thăng thiên, thế nào là đạt được một mức tâm thức cao hơn, thế nào là tỏ lộ quả vị Ki-tô của mình hay thị hiện quả vị Phật. Con cần bỏ lại một số hình ảnh đã được tạo ra trong quá khứ về cách hành xử mà một người tâm linh phải có.

5.13. Cả gan là con người mà con là

Con cần nhận ra ở đây như Mẹ Mary đã nói, rằng Sứ vụ Thiêng liêng của con là hoàn toàn cá nhân. Không có cách nào con có thể nhìn vào quá khứ và cách phản ứng của những người tâm linh khác trong quá khứ rồi bảo: “Ồ, đây là cái khuôn mẫu mà tất cả chúng ta phải làm theo trong tương lai.” Thày Giê-su đã kinh qua những gì thày đã kinh qua 2000 năm về trước vào khởi điểm của Thời đại Song ngư. Bây giờ con đang đứng ở khởi điểm của Thời đại Bảo bình. Con sẽ không hội đủ tư cách để thăng thiên bằng cách làm giống hệt như Giê-su vì tâm thức đã chuyển đổi và các yêu cầu cũng khác hơn.

Tất cả những thứ đó được bao gồm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con đã nhìn vào thời điểm mình sẽ đầu thai, nhìn vào tâm thức của mình và con đã vạch ra một đường đi. Nếu con có tiềm năng thăng thiên sau kiếp này, con cũng sẽ có tiềm năng nhìn ra lần lần Sứ vụ Thiêng liêng và cách biểu hiện quả vị Ki-tô của con như thế nào. Thày chỉ giản dị nói là để làm được điều đó, con sẽ phải ngừng đặt ra bất kỳ chuẩn mực nào cho cách hành xử mà con nghĩ con phải có, cũng như những gì con nghĩ con phải làm hay không được làm.

Một lần nữa, đây không phải là chuyện bảo rằng con muốn làm gì cũng được, rằng không có gì sai trái hay không có gì phản tâm linh, mà là nói rằng: “Tôi sẽ không đi theo các tiêu chuẩn trong thế gian, các tiêu chuẩn của sa nhân, các tiêu chuẩn của tâm thức tập thể, hay ngay cả các tiêu chuẩn mà cho tới giờ tôi đã tạo ra trong kiếp đầu thai này. Thay vào đó tôi sẽ xem xét: Điều gì tôi đã ghi vào trong Sứ vụ Thiêng liêng của tôi, là những điều tôi đã chọn từ một mức nhận biết cao hơn. Tôi sẽ kéo những điều đó vào nhận thức có ý thức của mình, và tôi sẽ cả gan là con người như vậy, con người mà tôi đã muốn là trước khi tôi đầu thai – chứ không phải con người mà người khác hay sa nhân muốn tôi là, không phải con người mà các ngã tách biệt của tôi muốn tôi là.”       

Theo một nghĩa nào đó, đây không nhất thiết là một mục đích mà con có thể thị hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là một tiến trình lần hồi, như Mẹ Mary có nói là một tiến trình từng bước đạt tới sự nhận biết cao hơn đó. Đối với nhiều người trong các con, nó sẽ không đến với con cho tới phần sau của đời con. Điều quan trọng là con không hốt hoảng mà rơi vào cái khuôn mẫu tự đặt ra cho mình một thời gian biểu. Nói thật, con yêu dấu, khi con bước vào những trạng thái cao hơn của tâm thức để tiến tới tầng 144, khi con tới điểm bắt đầu làm hòa, thì thời gian không còn đường thẳng nữa. Bỗng nhiên, như Phật có nói, thời gian không hiện hữu. Ngay cả nếu con tới mức hoàn toàn an bình trong hiện thân chỉ một tuần trước khi con bỏ lại thân xác và thăng thiên, thì trong tuần lễ đó con vẫn có thể tỏa rạng nhiều ánh sáng vào tâm thức tập thể đến độ con hoàn thành được Sứ vụ Thiêng liêng của con.

5.14. Tránh đặt ra những mục tiêu đường thẳng

Con thấy tâm đường thẳng luôn luôn muốn làm những thứ mà tâm đường thẳng muốn làm. Khi con “bắt” được khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng và con có một mục tiêu, thì tâm đường thẳng sẽ muốn phát biểu: “Phải, nhưng mục tiêu này thật quá sức đối với tôi, cho nên tôi sẽ phải cố gắng xốc vác, tôi phải lập ra một thời gian biểu, tôi phải đến được điểm này, rồi tôi phải đến được điểm kia trước tuần tới. Trong vòng năm tới, tôi sẽ phải vươn lên tới mức đó, vân vân và vân vân.” Con có thể bắt đầu tạo ra trong tâm mình những cấu trúc công phu như vậy, nhưng nó có thể cản trở toàn bộ tiến trình. Bỗng nhiên nó biến thành một tiến trình đường thẳng, trong khi như các thày đã cố giải thích cho con mấy lần, đó là một tiến trình hình cầu, trực nhận và dựa trên trải nghiệm.

Đó không phải là chuyện hiểu biết, lên kế hoạch rồi quyết định với tâm vỏ ngoài, mà là thăng vượt tâm vỏ ngoài và có được những trải nghiệm không đường thẳng, không phân tích, không dựa trên tâm vỏ ngoài. Đó không là một cái gì tâm vỏ ngoài có thể nắm bắt. Chuyện thường xảy ra là khi con có một sáng ngộ “Đây là bước kế tiếp trong Sứ vụ của tôi” thì con không thể giải thích, con không thể biện minh được cho người khác. Con không thể đưa ra một lý do nào ngay cả cho chính con. Con chỉ biết: “Đây là bước kế tiếp và đây là những gì tôi đang làm.” Con học cách xuôi chảy, mà các thày gọi là xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Và khi con có một sáng ngộ, con không có nhu cầu biện minh cho nó và cũng không chống cự lại để thực hiện nó. Con chỉ xuôi chảy vào với nó. Vì vậy con không cần phải lên kế hoạch trước. Nhiều khi chỉ có một sáng ngộ tự phát đang có mặt ở đó, và ngay tức khắc, con xuôi chảy theo và đưa nó vào thị hiện.

Tư duy đường thẳng có thể hữu ích ở một mức nào đó trên đường tu, nhưng tới một điểm trên đường tu con sẽ không thể dùng một tiến trình đường thẳng để vượt qua khoảng cách giữa điểm con đang đứng với trạng thái thăng thiên. Tiến trình đó vẫn lần hồi, nó vẫn diễn ra từng bước một, nhưng nó không hề đường thẳng khi con có thể ngồi đó với tâm phân tích mà vạch ra kế hoạch: “Đây là cách thức tôi sẽ đi từ tầng 132 lên tầng 133 tuốt lên tới tầng 144.” Tiến trình đó hình cầu hơn nhiều, trực giác hơn nhiều, và đó là tại sao sẽ tới điểm khi con phải bắt đầu nhìn ra những giới hạn của tâm đường thẳng và vô hiệu hóa nó một cách ý thức.

Con tách mình ra khỏi nó và nhận ra tâm đường thẳng là một dụng cụ. Tự thân nó không có gì sai trái, nó chỉ là một dụng cụ tương tự như cơ thể vật lý. Cơ thể vật lý là cỗ xe để con tương tác với địa cầu. Tâm đường thẳng cũng như vậy, nhưng con đâu có cho phép các giới hạn của cơ thể vật lý quy định những gì con có thể thực hiện về mặt tâm linh và tăng triển tâm thức? Tâm đường thẳng cũng thế – con không cho phép nó giới hạn con.

Cho nên con phải đạt đến sự nhận biết ý thức cũng như quyết định ý thức là con sẽ tự gia tốc vượt khỏi tâm đường thẳng. Con sẽ ngừng tự đồng hóa với nó, con sẽ nhận ra là tâm đường thẳng sẽ luôn luôn làm những gì nó vốn làm – nó sẽ luôn luôn so sánh, luôn luôn phân tích, luôn luôn dán nhãn. Trong nhiều trường hợp, con chỉ đơn giản không đặt chú ý vào nó nữa. Con để yên cho nó làm công việc của nó, nhưng con không để ý tới nó vì con đi tìm cái sáng ngộ hình cầu sẽ có thể giải quyết bất kỳ mâu thuẫn hay nghịch lý nào mà tâm đường thẳng có thể nghĩ ra. Con cũng vô hiệu hóa mong muốn của tâm đường thẳng nhằm hoạch định từng chi tiết nhỏ nhặt trong phần đời còn lại của con. Con sẵn lòng xuôi chảy với Sứ vụ Thiêng liêng, tin tưởng rằng một khi con chuyên cần chữa lành tâm lý của mình và mở rộng tâm ra để nhận sáng ngộ, thì con sẽ nhận được những sáng ngộ đó, và khi con nhận được thì con sẽ tự động bắt tay thực hiện.

Thày đã nói nhiều hơn thày muốn, và tất nhiên đây là bản chất và niềm vui của thày. Mặc dù thày có thể tiếp tục nói nhiều hơn nữa, thày sẽ công nhận giới hạn của bát cung vật lý. Thày cảm ơn các con đã sẵn lòng trải nghiệm sự Hiện diện của thày và cũng cho phép thày trải nghiệm hiện diện của các con, vì sự tương tác với các con thật là một niềm vui. Như Mẹ Mary có nói, các thày đón nhận mỗi người trong tất cả các con một cách vô điều kiện, và thày không muốn cho con cảm tưởng – mà có thể con đã có từ những đợt truyền pháp trước – rằng thày là một sinh thể kỷ luật nghiêm khắc cứ đặt ra điều kiện là con phải đạt tới mức nào đó thì thày mới chỉ dạy con. Đối với những ai trong số các con mở tâm ra cho lời dạy này thì thật là một niềm vui cho thày được tương tác với con cho dù con tự nhìn mình như thế nào.

Một lần nữa, mong muốn của thày – mong muốn của thày – là con cũng tự nhìn mình như thày nhìn con. Đó sẽ là món quà mà thày sẽ sẵn lòng trao cho con. Quả thật nếu con cởi mở và sẵn lòng, rất có thể thày sẽ cho con một cái nhìn hé thoáng về những gì thày nhìn thấy nơi con – nếu con dành cho thày một khoảnh khắc chú ý.

3 | Khắc phục nỗi sợ sai trái

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 19/5/2018 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

Thày là chân sư thăng thiên Mẹ Mary, và thày muốn xây đắp thêm trên nền tảng những lời dạy của bài giảng vừa rồi. Thày đã xin con thử hình dung là con được nâng lên tới tầng mức của thày và nhìn xuống địa cầu, nhìn vào tất cả mọi nhóm người và thấy họ đều mang một trạng thái tâm thức nào đó. Họ đều có một số điểm tắc nghẽn trong bốn thể phàm khiến các thày khó lòng đưa ra một thông điệp chạm được tâm ý thức của họ. Thày cũng đã xin con nhìn vào bản thân con cũng như cách con đã lập ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình từ một trạng thái tâm thức cao hơn tâm thức con mang lúc con bước vào kiếp đầu thai này. Điều thày muốn trình bày tiếp ở đây là trong công việc mà các thày đang làm có một nỗi khó khăn cơ bản, theo nghĩa là khi giảng dạy về cách phát hiện và thực hiện Sứ vụ Thiêng liêng, hiển nhiên các thày phải trình bày một cách tổng quát để lời dạy có thể áp dụng cho nhiều người khác nhau.

Con phải công nhận là khi con lập ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình, đó là một tiến trình hoàn toàn cá nhân. Con gặp gỡ các chân sư cùng các vị hướng dẫn thăng thiên của con và chúng ta cùng nhìn vào dòng sống của con. Chúng ta nhìn vào những dòng sống khác mà con có mối liên hệ, qua nghiệp quả hay những loại liên hệ nào khác, và chúng ta thiết lập một kế hoạch cá nhân cho con. Lẽ tự nhiên trong một bài giảng như thế này, các thày không thể trình bày cho mỗi con Sứ vụ riêng của từng người. Điều con cần làm là sử dụng lời dạy tổng quát để khám phá ra Sứ vụ cá nhân của mình – và con sẽ làm thế nào đây?

Con yêu dấu, con chỉ có thể làm được từ bên trong. Thày cũng biết trên thế giới có rất, rất nhiều người tâm linh chân thành muốn biết mục đích đời mình là gì, cho dù con gọi đó là Sứ vụ Thiêng liêng hay một cái tên nào khác. Có lẽ chính con cũng đã làm chuyện này, hay con biết có ai đã tìm đến các nhà thần thông đủ loại, từ đồng bóng, nhà chiêm tinh cho đến người đọc sấm và thày bói tarot… bất kể, để xin họ ban cho con những lời chỉ dẫn mà con xem – nếu có thể nói như vậy – là lời chỉ dẫn không thể nhầm lẫn đối với tâm vỏ ngoài của con, theo nghĩa là con có thể nghe được bằng tai. Con yêu dấu, dựa theo đó thì con có thể nói: “À bây giờ chúng ta đã có một sứ giả do các thày bảo trợ, tại sao chúng ta không chỉ yêu cầu vị sứ giả truyền đọc dùm từ các chân sư thăng thiên và nói cho mỗi người biết về Sứ vụ Thiêng liêng của chúng ta, mỗi người 10 hay 15 phút gì đó?”

Ngoài vấn đề thời gian giới hạn, trên lý thuyết thì chuyện này có thể làm được. Các thày sẽ cho phép con đặt câu hỏi và các thày sẽ trả lời, và tiện thể các thày có thể đọc những lời tiên tri loại đó cho cá nhân từng người. Con yêu dấu, con hiểu là nếu các thày làm chuyện này thì thật sự nó sẽ phần nào đánh bại mục đích của Sứ vụ Thiêng liêng của con chứ? Vì lý do đó, các thày không khuyến khích là một khi con đã đến tầng mức này của đường tu tâm linh, con lại tìm đến bất cứ ai để xin họ nói cho con biết con cần phải làm gì, con là ai, con phải hành xử ra sao, đâu là Sứ vụ Thiêng liêng và mục đích của con, các tiền kiếp của con là gì hay điều này điều nọ. Những thứ đó thuộc về một mức tâm linh khác.

Thày không chỉ trích bất cứ ai làm chuyện đó, nhưng thày muốn chỉ ra cho con thấy rằng giáo lý mà thày trao truyền ở đây không nhắm vào mức tâm linh đó. Chúng ta có thể gọi đó là tầng mức của những người tìm cầu một sự kích động, một loại hào hứng vượt ra ngoài cuộc sống thường nhật, gần như là một loại giải trí vậy. Chúng ta có thể gọi đó là “tâm linh tiêu khiển”, nhưng các thày không muốn tỏ vẻ tiêu cực hay phê phán vì mỗi người phải đi theo con đường mà mình cần đi. Mong rằng, lần hồi, họ sẽ nâng cao tâm thức của họ. Điều thày muốn chỉ ra cho con là đối với các con đã mở tâm ra với lời dạy này, thì các con đã nâng tâm thức mình vượt khỏi tầng mức cần đến những thứ đó. Cho nên con cần nhìn nhận một điều thật đơn giản. Như thày đã nói tối qua, con đã bước vào kiếp sống hiện tại ở một tầng tâm thức nào đó. Đúng, thày đã cảnh báo là con không được quá dính mắc với tâm đường thẳng, nhưng tất nhiên các thày cũng đã cho con một lời dạy đường thẳng là trên địa cầu có thể có 144 tầng tâm thức.

3.1. Xoay chuyển tâm thức có nghĩa là gì

Để làm ví du, chúng ta thử lấy một người bước vào hiện thân ở tầng 67, và người đó có tiềm năng chứng được tầng 120 trong kiếp này. Điều này có vẻ như một bước nhảy rất lớn trong tâm thức, nhưng đối với rất nhiều các con đang ở mức này của đường tu tâm linh, đó thật không là một bước nhảy lớn lắm. Một số các con có thể đã đi vào hiện thân ở gần tầng 96 và thật sự có tiềm năng đạt đến tầng 144 trong kiếp này – không phải tất cả các con nhưng một số. Con không cần lo lắng mình đang đứng ở đâu theo nghĩa đó, vì thày chỉ đang cho con một ví dụ là con bước vào ở một mức nào đó và con có tiềm năng vươn lên một mức cao hơn. Toàn bộ mục tiêu của Sứ vụ Thiêng liêng là dẫn con kinh qua một loạt những sáng ngộ nội tâm, giải quyết tâm lý và trải nghiệm vỏ ngoài sẽ tạo điều kiện cho sự tăng triển tâm thức đó từ mức thấp nhất lên tiềm năng cao nhất.

Việc xoay chuyển tâm thức đòi hỏi những gì nơi con? Con yêu dấu, nếu có một khuôn mặt thẩm quyền nào đó ở bên ngoài tiết lộ cho con biết đây là Sứ vụ của con, đây là những gì đúng lý con phải làm, thì liệu điều này sẽ xoay chuyển tâm thức của con hay không? Không đâu con! Sự kiện một khuôn mặt thẩm quyền bảo con phải làm gì rồi con cố làm theo như vậy, sẽ không đem lại xoay chuyển tâm thức. Hơn thế nữa, cho dù con nhận được chỉ bảo là chẳng hạn trong Sứ vụ, con phải trở thành một nhà khoa học hạt nhân cống hiến một khám phá mới sẽ thay đổi cách sản xuất năng lượng trên địa cầu, thì rất có thể con sẽ quyết định với tâm vỏ ngoài là mình sẽ học môn vật lý hạt nhân với mục tiêu đó trong đầu, nhưng thày có thể đảm bảo với con là con sẽ không thể tìm ra khám phá đó.

Để khám phá một điều gì, hay ngay cả để nhận ra những tầng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng cá nhân của mình, con cần đưa tâm thức của con đi lên. Đó là tại sao việc khám phá Sứ vụ Thiêng liêng không phải là một việc con có thể làm trong một bước mà thôi. Đó là một tiến trình lần hồi, tuần tự, sẽ tiếp tục suốt đời con. Con thấy đó, con yêu dấu, con ở tầng 67 khi con mới bước vào kiếp này và con có tiềm năng đạt tới tầng 120, nhưng con không cần quan tâm đến chuyện này khi con đang ở những giai đoạn sơ khởi của đường tu.

Hãy giả sử con khám phá đường tu tâm linh ở tuổi 18 và trong thời gian đó con đã tinh tấn cao hơn tầng 67 một chút và con đang ở tầng 70. Quan tâm chủ yếu của con không phải là đạt tới tầng 120 mà là đạt tới tầng 71. Xong khi con đạt được thì con cố bước lên tầng 72 và cứ như vậy. Điều thày nói tới ở đây là một điểm rất nhiều các con có thể không nghĩ đến nhưng kỳ thực tất cả các con đều đã biết một khi con suy nghĩ thật sự. Cái biết và cái hiểu về một giáo lý tâm linh không đồng nghĩa với sự xoay chuyển tâm thức.

Con có thể dùng tâm phân tích đường thẳng để biết và hiểu một lời dạy tâm linh một cách trí thức, nhưng con vẫn chưa thật sự chuyển dời từ tầng 70 lên tầng 71. Chỉ khi nào con xoay chuyển tâm con thì con mới có khả năng nhìn thấy và thực hành tầng kế tiếp của Sứ vụ Thiêng liêng. Con có thấy điều thày đang nói? Điều quan trọng là con nhận ra rằng việc phát hiện và thực hiện Sứ vụ của con là một tiến trình tác động qua lại sẽ tiếp diễn suốt đời con.

3.2. Không cần hốt hoảng

Đó là vì sao một số các con có thể sẽ nhìn lại đời mình và thắc mắc: “Liệu tôi đã đi theo Sứ vụ của tôi, liệu tôi đã làm gì sai sót hay không? À, thế cái lần tôi yêu người đó nhưng rốt cuộc mối quan hệ không đi tới đâu thì sao? Liệu có nghĩa chăng là một khía cạnh quan trọng trong Sứ vụ của tôi giờ đây bị chết yểu do quan hệ không thành? Hay có thể là do tôi đã lầm lỗi khi mình còn trẻ, hay tôi đã không học hành đến nơi đến chốn, hay tôi đã không tìm được việc làm kia?” Con có thể gần như rơi vào một tâm trạng hốt hoảng. Con hiểu là các thày không có ý trao cho con khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng để con rơi vào một trạng thái căng thẳng, hoảng sợ chứ con?   

Con cần nhìn nhận ở đây là con có thể nhìn ngược dòng đời và nói: “Liệu tôi có đã theo đúng Sứ vụ của mình hay không?” Nhưng thày sẽ hỏi: “Liệu con đã xoay chuyển tâm thức của con từ khi con bước vào kiếp đầu thai cho đến mức tâm thức hiện tại của con hay không?” Tất cả các con đều đã làm chuyện này, cho nên thày sẽ nói: “À như vậy thì chắc chắn con đã đi theo Sứ vụ Thiêng liêng của con rồi.” Có thể con chưa dời chuyển tâm thức nhiều đủ như con có khả năng dời chuyển. Toàn bộ mục tiêu của các thày khi trao cho con giáo lý này tất nhiên là để khiến con dời chuyển tâm thức đến điểm con bắt kịp mức tâm thức mà con đã có thể đạt được trong lý tưởng nếu con tinh tấn tối đa. Một số các con có thể hơi bị chậm trễ so với mức con đã có thể đạt đến, nhưng con có khả năng bắt kịp mau chóng bằng cách áp dụng những lời dạy mà các thày ban cho con. Nhưng đồng thời, con cũng đừng nên nuôi kỳ vọng là nếu con sử dụng giáo lý mà các thày đã ban ra (trong quyển sách này) thì chỉ trong vòng sáu tháng hay một năm, con sẽ thấy viễn quan toàn diện của Sứ vụ Thiêng liêng hiện ra trước mắt với nguyên một đoàn thiên thần thổi kèn bên sau.

Như thày vừa nói, con sẽ không thấy được trọn vẹn Sứ vụ của mình ở bất kỳ điểm nào trong đời con cho tới khi con sẵn sàng rời kiếp hiện thân. Khi đó, con sẽ nhìn thấy giai đoạn chót của nó. Con luôn luôn nhìn thấy từng chặng một. Tại sao vậy? Vì như thày nói, mục đích của Sứ vụ Thiêng liêng là để dời chuyển tâm thức con lên cao hơn. Làm thế nào con dời chuyển tâm thức chứ, con yêu dấu?

3.3. Không có chuyện cứu rỗi tức thì

Đây là một điểm mà rất, rất nhiều người tâm linh đã hiểu lầm. Nhiều người cho rằng việc bước lên một mức cao hơn trên đường tu tâm linh – cho dù họ giải thích cách nào hay diễn đạt cách nào đi nữa – chỉ là chuyện thu hoạch cái hiểu đó. Rồi khi họ có cái hiểu toàn diện, chân lý tuyệt đối, giáo lý tâm linh đẹp lộng lẫy đó, thì đùng một cái, họ sẽ giác ngộ.

Con yêu dấu, nếu con nhìn vào toàn bộ phong trào tâm linh Thời Mới, đa số người ta vẫn còn ngồi chờ “cái đùng” đó, nhưng nó sẽ không bao giờ đến. Việc dời chuyển tâm thức từ tầng 70 lên tầng 71 không phải là chuyện nhận được một sáng ngộ tối hậu nào đó. Ngay cả nếu con biết và hiểu mọi chuyện một cách trí thức, làm thế nào con sẽ chuyển dời tâm thức chứ? Kỳ thực con chuyển dời tâm thức bằng cách sử dụng mức tâm thức mà con đang có, nhưng một cách cao hơn hầu con thăng vượt mức đó.

Con có hiểu điều thày đang nói? Con không thể dời chuyển tâm thức từ tầng 70 lên 71 bằng cách tìm cầu một sáng ngộ tối hậu nào đó. Con cần một sáng ngộ con có thể nắm bắt với tầng 70 nhưng nó sẽ đưa con lên tầng kế tiếp. Đó không phải là một sáng ngộ hay một hiểu biết tối hậu. Quá nhiều người chạy theo sáng ngộ tối hậu đó. Họ cứ đuổi theo và đuổi theo mãi, họ đi từ vị thày này tới vị đạo sư khác, rồi từ đạo sư này tới vị thày khác, mong rằng vị này nắm được sáng ngộ tối hậu đó, cái sáng ngộ thứ 10 hay thứ 11 hay thứ 99, hay bất kỳ điều gì mà họ tìm kiếm. Con yêu dấu, đó không phải là cách thức con tăng triển trên đường tu.

Nếu con biết được mọi khía cạnh của Sứ vụ Thiêng liêng, nếu có ai đó bảo cho con biết, thì có xác suất cao là điều này sẽ ngăn cản con thực hiện Sứ vụ của con, vì như thày đã nói, mục đích chủ yếu của Sứ vụ là dời chuyển tâm thức. Con dời chuyển bằng cách sử dụng hiểu biết và sáng ngộ mà con đang có ở một tầng mức, nhưng con sẵn lòng nhìn xa hơn rồi có được một sáng ngộ trực giác sẽ đưa con lên tầng mức cao hơn. Đây không phải là chuyện hiểu, vì như các thày đã giảng, khi con hiểu một cái gì đó thì con đang nhìn nó từ xa. Con chỉ dời chuyển tâm thức khi con có một trải nghiệm trực giác, thần bí, trọn vẹn và bao hàm tất cả. Con yêu dấu, điều thật sự xảy ra là ở tầng 70 đó, con đang tự trải nghiệm mình một cách nào đó. Xong có một điều gì xảy đến thách thức cách nhìn của tầng 70. Nó thách thức những gì con cảm thấy thoải mái ở tầng 70. Xong trong khi con vẫn sẵn lòng xem xét nó mặc dù có một phần của tự ngã đang cảm thấy bực dọc với lời dạy, thì đó là lúc con có trải nghiệm nội tâm, trực nhận, qua đó con trải nghiệm sự thật của nó. Và trong khi con làm điều này, con cũng dời chuyển cách con trải nghiệm chính mình một chút. Thế là giờ đây con ở tầng 71. Đây không phải là một tiến trình trí thức mà một tiến trình trực giác. Đây là tiến trình dời chuyển chính bản sắc của con chứ không phải gia tăng cái hiểu trí năng.

3.4. Trải nghiệm sự xoay chuyển nội tâm

Con thấy đó, con yêu dấu, mặc dù các thày có nói là có những người tập trung trong cảm thể của mình, những người tập trung trong trí thể và những người trong bản sắc thể, đây không phải là chuyện dời điểm tập trung của tâm ý thức. Thật ra đây là chuyện dời chuyển ý niệm bản sắc của con. Đây là chuyện xảy ra ngay cả khi con tập trung vào tầng vật lý và con không nhận biết mình có một thể bản sắc. Con vẫn có khả năng đi từ một trạng thái tâm thức thấp hơn lên một trạng thái cao hơn bằng cách dời chuyển sự nhận biết mà không ý thức. Tất nhiên, khi con tập trung chú ý nhiều hơn vào thể bản sắc, con sẽ ngày càng ý thức nhiều hơn thời điểm con dời chuyển bản sắc của mình. Và như vậy con sẽ tiến bộ nhanh hơn vì con có thể sẵn lòng dời chuyển bản sắc một cách ý thức, con có thể tìm đến những sáng ngộ sẽ giúp con dời chuyển bản sắc.

Con yêu dấu, đây là những điểm quan trọng mà con cần ghi nhớ. Khi con nhận được quyển sách này, khi con khởi sự thực hành với nó, con đừng nên quá háo hức, quá vội vàng. Hãy dành thời gian để quán chiếu những sáng ngộ mà các thày đang cho con. Xem xét ý nghĩa của chúng chứ không chỉ hiểu băng trí năng, và tìm đến cái trải nghiệm xoay chuyển đó nơi con trải nghiệm ở bên trong sự thật của những lời thày nói.

Con yêu dấu, trên hành tinh này có một truyền thống rất, rất lâu đời là những vị đạo sư, những trường bí giáo. Người ta tin rằng có một vị đạo sư hay một cơ sở nào đó, và nếu con là một học trò thì con có thể đến đó tu học. Con cố là một học trò chuyên cần, và trường học hay đạo sư sẽ dẫn con qua một tiến trình khai ngộ qua đó con lần lần nâng cao tâm thức. Con yêu dấu, điều hoàn toàn có thể xảy ra là ngay cả khi con theo học một vị đạo sư hay một trường bí giáo chân chính và con nghĩ mình đang tinh tấn do đã gia tăng hiểu biết vỏ ngoài, nhưng con vẫn không đang chuyển dời tâm thức của con. Sự xoay chuyển tâm thức chỉ có thể xảy ra từ bên trong, nó không xảy ra vì có ai đó nói cho con một điều gì – cho dù con có một đạo sư chân chính nói cho con biết điều gì đó về trạng thái tâm thức của con hay phơi bày một khía cạnh tự ngã của con. Nếu con không nhận được sự xác nhận từ bên trong, nếu con không trải nghiệm sự thật của điều đó ngay bên trong, thì nó sẽ không xoay chuyển tâm thức của con.

Điều tương tự cũng áp dụng cho tất cả mọi giáo lý mà các thày đã trao truyền qua sứ giả này hay các sứ giả khác. Con có thể học hỏi, nghiên cứu, con có thể hiểu chúng với tâm vỏ ngoài, con có thể có khả năng trích dẫn chúng, nhưng liệu nó có sẽ xoay chuyển tâm thức con hay không? Không con ạ, trừ khi con trải nghiệm được ở bên trong. Trừ khi con sẵn sàng, như các thày có dạy, để cho cái Ta Biết bước ra ngoài bốn thể phàm của con, với lên Hiện diện TA LÀ của con, với lên các chân sư thăng thiên và trải nghiệm trực tiếp sự hiện hữu của một thực tại cao hơn tâm vỏ ngoài. Chỉ có khi đó thì con mới xoay chuyển.

3.5. Nỗi sợ sai trái

Điểm thày nói với con tối qua là xét xem có điều gì mà con đã trở nên thoải mái và đang ngăn cản con thấy được giai đoạn kế tiếp trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Lẽ tự nhiên, điều này có thể hoàn toàn cá nhân. Một số các con đã nhận được các sáng ngộ đó, và một số khác thì chưa nhận được và tự hỏi tại sao như vậy, nhưng thày sẽ cho con một lời dạy chung áp dụng cho tất cả các con. Lời này không nhằm áp chế sáng ngộ cá nhân của con, nhưng thày muốn chỉ ra cho con là có một điều, một tâm lý áp dụng cho mọi người trên địa cầu và do đó cũng áp dụng cho mọi người tâm linh.

Con yêu dấu, đâu là điều mà tất cả các con đều thoải mái? À, tất cả các con đều đã tìm được một mức độ thoải mái nào đó với ý tưởng là nếu con làm một số việc và không làm một số việc khác thì con không thể sai trái, con sẽ được yên ổn, con sẽ được chấp thuận. Có một nỗi sợ đã được lập trình trong mọi con người trên địa cầu – vì đây là một hành tinh dày đặc – rằng con có thể sai trái. Nó đến từ đâu? Nỗi sợ hãi đó đến từ đâu? Lẽ tự nhiên, nó đến từ sa nhân, và ngay từ khi chúng bắt đầu hiện thân trên hành tinh này, chúng đã tạo ra toàn bộ tư duy có cái đúng và cái sai – đó chính là tinh túy của nhị nguyên. Chỉ có một sự thật duy nhất và do đó mọi sự thật khác đều phải sai, như thày vừa trình bày hôm qua. Điều này áp dụng cho quá nhiều lãnh vực của cuộc sống, và như các thày đã từng nói, điều duy nhất mà sa nhân thật sự cần làm để tha hóa mọi chuyện trên địa cầu là phóng chiếu ra khái niệm phân biệt giữa đúng và sai. Một số chuyện thì đúng, một số chuyện thì sai.

Một khi tâm con người mang vào sự phán xét nhị nguyên tương đối đó thì tự động tiếp theo sau, con người cũng bắt đầu tạo dựng nỗi lo sợ là mình sai. Giờ đây các thày đã cho con giáo lý rằng nhiều người trong các con – ở đây thày đang nói chung chung chứ không chỉ các con – nhiều người tâm linh đã đến địa cầu như là avatar. Con đã đến đây để tạo một sự khác biệt tích cực cho hành tinh, rồi con đã trải nghiệm cách đối xử hung hãn của sa nhân khi chúng đánh gục con. Đâu là thông điệp mà chúng gửi cho con? Rằng con đã sai lầm khi con đến đây trên trái đất, con đã sai lầm khi con là chính con như một avatar trên trái đất, con đã sai lầm khi con biểu lộ con người thực của con, sự sáng tạo thực của con trên trái đất. Sự kiện đó đã cho con cái mà các thày gọi là chấn thương nhập đời. Và để đương đầu với cái đó, để sống còn về mặt tâm lý, con đã tạo ra điều mà các thày đã đề cập: những cái ngã nội tại, ngã gốc. Một phần của ngã gốc trong tất cả các con là con đã quyết định không muốn phải liên tục trải nghiệm cảm nhận là mình sai.

Mỗi người trong các con đã tìm ra cách riêng của mình để tạo dựng ý niệm: “Nếu tôi đứng yên trong vòng ranh giới nhất định này thì tôi sẽ không sai trái.” Tất nhiên, điều này đi ngược trở về thời điểm con bị chấn thương nhập đời nhưng con cũng có thể nhìn vào kiếp sống này. Con có thể thấy là con đã lớn lên và được xã hội dạy dỗ để có một số ranh giới. Nếu con ở trong vòng ranh giới đó thì con sẽ được xã hội nơi con sinh trưởng chấp nhận, con sẽ theo đúng chuẩn mực và xã hội sẽ không lên án con. Mọi người chung quanh, gia đình con cũng như môi trường của con sẽ không chê trách nếu con ngồi yên trong những ranh giới đó.

Điều thày chỉ ra cho con là tất cả các con đều mang những niềm tin vi tế đó, những cấu trúc cùng khuôn đúc trong bốn thể phàm, bảo rằng: “Nếu tôi ngồi yên trong những ranh giới này thì tôi không thể sai trái.” Thế rồi con cũng cảm nhận là chừng nào mình đứng trong ranh giới đó thì mình sẽ thoải mái. Con thoải mái là con không sai lầm theo những chuẩn mực của xã hội, tức rốt cuộc cũng là chuẩn mực của sa nhân. Con yêu dấu, bất kỳ xã hội nào mà áp đặt – lập trình công dân của mình – cái ý tưởng là có một số chuyện đúng và một số chuyện sai, thì xã hội đó đang bị sa nhân ảnh hưởng.

3.6. Chất vấn cái không thoải mái

Bây giờ lẽ tự nhiên, một số người nghe câu trên với tâm đường thẳng sẽ nói: “Liệu có nghĩa chăng là thày đang bảo không có gì đúng lẫn không có gì sai, và người ta có thể làm bất cứ gì họ muốn?” Tất nhiên là không! Như các thày đã từng nói, bất kỳ xã hội nào cũng phải quy định ra một số ranh giới. Hiển nhiên, ra đường giết người là không đúng. Điều thày nói tới ở đây không hẳn là về cách hành xử vỏ ngoài, mà nhiều hơn về cách cư xử nội tâm qua những niềm tin, những thái độ, nội dung của lời nói. Nói cách khác, vấn đề thực sự ở đây mà thày muốn con lưu ý là những gì đã được lập trình, cài đặt, trong các chuẩn mực mà mọi xã hội đều có, bảo rằng một số ý tưởng thì chấp nhận được còn một số ý tưởng khác thì sai trái. Nếu con tin vào những ý tưởng này thì con sai trái, và nếu con lên tiếng về những ý tưởng này thì con còn sai trái hơn nữa. Và nếu con dùng những ý tưởng này để hành động và thay đổi đời con thì con sai trái thực thụ.    

Lẽ tự nhiên, ở đây các thày không bảo người tâm linh đi ra ngoài kia làm đủ chuyện bất hợp pháp hay sai trái theo tiêu chuẩn bình thường của sự biết điều. Điểm các thày nói đến ở đây là con cần xét xem có những ý tưởng nào mà con sẽ không thoải mái chất vấn.

Nếu con sẵn lòng xem xét ở mức cá nhân, con sẽ có thể dần dần nhìn ra là có một số ý tưởng – cho dù chúng đến trong kiếp này hay trở về nhiều kiếp trước – mà con sẽ cảm thấy ray rứt nếu con phải chất vấn. Một cách để phơi bày sự thể này là đọc quyển sách Những kiếp sống của tôi, và con sẽ thấy nhiều người cảm thấy trong sách có những ý tưởng đã khiến họ day dứt do họ phải chất vấn những niềm tin hiện có. Tất nhiên là còn nhiều ví dụ khác như vậy, và thường khi giáo lý của các thày cũng có cùng tác động như thế.

Nếu con có thể nhận diện một ý tưởng mà con không muốn chất vấn – mà con cho là đương nhiên, mà con tin là một sự thật cao hơn – thì thày có thể cam đoan với con là cái đó nằm trong khuôn khổ thoải mái của con. Nó xuất phát từ sự kiện là nếu con không chất vấn ý tưởng đó thì con sẽ cảm thấy mình không thể sai trái, và chính điều này khiến con thoải mái.

Nếu con chất vấn ý tưởng đó, con sẽ hết thoải mái do con lo sợ mình có thể sai lầm và bị chê trách. Cho dù nỗi sợ này là gì đi nữa đối với cá nhân con – dựa trên trải nghiệm mà con đã có trong tiền kiếp khi con bị người ta bức hại thật khắc nghiệt – thì con lo sợ mình phải khui cái “hộp đầy sâu bọ” này ra và mình không thể biết trước điều gì sẽ xảy đến.

3.7. Quả vị Ki-tô và Sứ vụ Thiêng liêng của con

Điều thày mong chỉ ra cho con ở đây là nhiều người trong các con – là những người đã bước chân trên đường tâm linh một thời gian dài và đạt đến một mức tâm thức nào đó – các con đã tới điểm khi thử thách của con là biểu lộ một cách ý thức hơn quả vị Ki-tô mà con đã đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng. Quả vị Ki-tô là gì? À, có nhiều cách định nghĩa, nhưng như thày Giê-su đã nêu ra mấy lần, quả vị Ki-tô là sự thách thức hiện trạng. Khi Ki-tô đi vào hiện thân, mục đích chủ yếu của Ki-tô Hằng sống trong hiện thân là thách thức hiện trạng và khiến cho con người nhận ra mình có một chọn lựa khác hơn là một trạng thái tâm thức đã trở thành một hệ thống khép kín. Thày có thể bảo đảm với con là đối với tất cả các con đã mở tâm ra những lời dạy này và đã đạt được một mức trưởng thành nào đó trên đường tu, thì các con đều đã đặt vào Sứ vụ của mình một yếu tố quả vị Ki-tô nào đó.

Các con ở đây là để thách thức hiện trạng một cách nào đó. Không cứ một cách tối hậu khi con đem lại một ý thức hệ mới, cách mạng, sẽ thách thức các ý thức hệ hiện hữu. Đối với nhiều người trong các con, con làm vậy ở mức cá nhân khi con thách thức cách nhìn của người chung quanh về một số vấn đề hay khía cạnh đời sống. Cách thức con đã trù liệu việc làm này có thể rất cá nhân, nhưng tất cả các con đều có yếu tố này trong Sứ vụ của mình. Điểm thày muốn dẫn con tới là con nhận ra rằng để có thể thực sự thấy và thực hiện điều này, con cần phải sẵn lòng nhìn vào nỗi sợ sai trái của con. Con cần nhận diện đây là một thành phần không thể thiếu của chấn thương nhập đời, một thành phần dính liền với ngã gốc. Như thày đã có nói, đây là lãnh vực mà các thày đã trao cho con rất nhiều dụng cụ trước khi đưa ra lời dạy về Sứ vụ Thiêng liêng, vì bây giờ con có thể cầm lấy quyển sách Chữa lành chấn thương tâm linh và dùng sách để nỗ lực chữa lành nỗi sợ sai trái đó.

Lẽ tự nhiên, con yêu dấu, con phải đạt tới điểm nhìn nhận sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên lẫn các sinh thể sa ngã. Con nhận ra là các thày, các chân sư thăng thiên, muốn kéo con đi lên thoát khỏi mọi giới hạn. Còn sa nhân thì muốn kéo con đi xuống và giữ con kẹt lại trong các giới hạn đó. Con có thể bắt đầu tự hỏi câu này: “Tôi sẽ muốn sống phần đời còn lại của tôi dựa theo cách nào?” Liệu con sẽ muốn sống dựa trên nỗi sợ sai lầm theo tiêu chuẩn sa nhân, hay dựa trên sự nhận biết khi con thấu hiểu giáo lý của chân sư rằng con không bao giờ sai trái khi con thách thức ý tưởng của sa nhân? Thế gian có thể bảo là con sai, nhưng các thày thì chắc chắn sẽ không bảo vậy.

Điều thật quan trọng là con hãy xem xét điều này. Không cứ là con phải ngay lập tức làm vậy một cách tối hậu, vì như thày đã nói, con hiện ở một tầng tâm thức nào đó và quan tâm chủ yếu của con là leo lên tầng kế tiếp, và điều này thường không là một bước lớn kinh khủng. Câu hỏi đặt ra là, nỗi sợ hãi sai trái mà con đang đương đầu ngay lúc này là gì chứ? Đâu là cái ý tưởng mà con có thể biểu lộ ở mức tâm thức hiện thời sẽ dẫn con lên mức cao hơn, và nỗi sợ sai trái đang ngăn cản con biểu lộ ý tưởng này như thế nào?

3.8. Thách thức ý tưởng ở mức cá nhân

Con yêu dấu, ở trên thày vừa nói rằng Sứ vụ Thiêng liêng là một tiến trình tác động qua lại. Sau đây là một ví dụ nữa: Giả thử gia đình con mang sẵn một cách nhìn, một thái độ nào đó về cuộc sống. Có một thành viên trong gia đình mang tiềm năng vươn lên cao hơn trong kiếp này nhưng bị mắc kẹt trong quan điểm đó. Một phần Sứ vụ của con là giúp cho người ấy chất vấn và vượt ra khỏi niềm tin đó, nhưng con lại sợ làm như vậy vì con cảm thấy các thành viên khác trong gia đình sẽ kết án con. Câu hỏi đặt ra là: “Làm thế nào con sẽ vươn lên mức kế tiếp của Sứ vụ Thiêng liêng?” Liệu con sẽ có thể vươn lên mức kế tiếp của Sứ vụ mà không bày tỏ tầm hiểu cao hơn mà con đã ngộ và không trao cái hiểu đó cho người kia?

Con yêu dấu, con không thể. Con không thể vươn lên mức cao hơn mà không thách thức chính mình. Tại sao vậy? Con yêu dấu, bởi vì con có thể nói: “Nếu tôi bày tỏ những sáng ngộ này của tôi thì một số người trong gia đình sẽ giận tôi và họ sẽ phản ứng tiêu cực.” Thày sẽ nói vô cùng thẳng thắn với con là chỉ khi nào con bày tỏ tầm hiểu đó của con và trải nghiệm phản ứng đó của họ thì con mới bị bắt buộc phải xoay chuyển nhận thức và thái độ của mình. Chỉ bằng cách đương đầu thách thức đó, trải nghiệm thách thức đó, thì con mới có thể dời chuyển lên mức kế tiếp.

Con thấy đó, con yêu dấu, vấn đề không phải là con nhận được một hiểu biết trí thức. Không phải là chuyện con có một sáng ngộ cao hơn mọi người trong gia đình rồi con nghĩ: “Vì tôi có sáng ngộ này nên tôi đã dời chuyển lên một mức tâm thức cao hơn họ.” Có thể con đã dời chuyển lên một mức tâm thức cao hơn họ nhưng con chưa dời chuyển lên mức kế tiếp của con, và con sẽ không lên được mức kế tiếp cho tới khi con bày tỏ sáng ngộ của con, con trải nghiệm phản ứng của họ, rồi sau đó con giải quyết phản ứng nội tại nơi chính con đối với họ.

Chỉ khi nào con đương đầu với vấn đề này và tìm được cách khắc phục các khuôn nếp, các nỗi sợ, các dính mắc, cách phản ứng trong cảm xúc lẫn lý trí của con, chỉ khi đó con mới dời chuyển tâm thức lên mức kế tiếp. Con yêu dấu, đó là tại sao thày nói với con ở đây là để bước lên cao hơn và thực sự nhìn ra nhiều khía cạnh hơn của Sứ vụ một cách ý thức, con cần bước vào tâm thái không sợ nhận trải nghiệm, ngay cả khi trải nghiệm khiến con mất thoải mái, ngay cả khi nó khiến con sợ hãi. Con vẫn sẵn lòng nhận lấy trải nghiệm vì con nhận ra chỉ trong trải nghiệm thì con mới có thể xử lý các bế tắc trong tâm lý mình, nhìn ra chúng, rồi thăng vượt chúng.

3.9. Sự tăng triển đòi hỏi con tương tác với người khác

Các thày đã trao cho con biết bao dụng cụ, con yêu dấu, để thăng vượt các điểm bế tắc trong tâm lý. Con đã có đủ dụng cụ để thăng vượt chúng, nhưng điều mà nhiều các con không nhận ra là con không thể ngồi đó trong phòng riêng của mình, đọc sách và đọc thỉnh miên man rồi chứng được sự tăng triển tối đa. Con có thể trải nghiệm tăng triển bằng cách đó nhưng con cần có sự xen kẽ, sự tương tác giữa việc tu tập tâm linh và việc trải nghiệm thực tế nơi con bị thách đố, con bị thử thách, và con nhìn thấy một phản ứng trong con.

Tất nhiên đây cũng là điều mà thày vừa đề cập về nhiều người đi xem thày bói hay đồng bóng. Họ đọc sách về mục đích của cuộc sống và Sứ vụ Thiêng liêng nhưng họ lại không sẵn sàng làm công việc. Họ muốn ngồi yên nơi họ cảm thấy thoải mái. Đấy, như các thày đã từng nói, sự thoải mái và con đường tâm linh không thực sự tương hợp với nhau. Và chắc chắn hành tinh này cũng không thực sự tương hợp với sự thoải mái. Con cần thực hiện sự xoay chuyển đó khi con nói: “Tôi là ai? Tôi có là một học trò của chân sư thăng thiên hay không? Tôi có là một người quyết tâm tinh tấn tối đa trong kiếp này hay không? Nếu tôi là một người như vậy thì tôi không cần thoải mái.”

Đây không phải là chuyện thoải mái – thày không đang bảo con phải hành hạ bản thân – mà đây là chuyện nhận ra trong tâm lý con có một yếu tố mong muốn ngồi yên nơi mình thoải mái, mong muốn trốn chạy những thứ khiến mình bị day dứt. Chỉ bằng cách nhận diện cái đó và đâm thẳng vào nó – tức là sẵn lòng bước vào tình huống và trải nghiệm phản ứng của mình – chỉ khi đó thì con mới có thể nhìn thấy điểm bế tắc trong tâm lý con. Con không thể thấy nó từ xa một cách trí thức, mà con cần bước vào trong đó và trải nghiệm nó, xong con có thể dùng các dụng cụ mà các thày đã ban cho để khắc phục nó, để nhận diện ra ngã, để tách mình ra khỏi ngã và để cho ngã chết đi. Đây chính là cách vận hành của tiến trình tăng triển.

3.10. Đường tu tâm linh không dễ

Đó là một lời dạy sẽ khiến cho một số người nản lòng vì có lẽ trong nhiều năm trên đường tu tâm linh, họ đã bám vào cái lý tưởng được phóng chiếu lên tâm thức tập thể cho rằng sự tinh tấn tâm linh chỉ là một tiến trình hoàn toàn dễ dàng, tích cực và phấn chấn. Con yêu dấu, ý tưởng đó – cho rằng đường tu tâm linh không đòi hỏi khó nhọc, không đòi hỏi con hạ mình xuống chạm trán với tâm lý của mình – tất nhiên đã được sa nhân phóng chiếu ra hầu giữ chặt con người ở mức họ cứ luôn nhìn ra ngoài chính họ mà không bao giờ thực sự soi gương để nhìn vào bên trong tâm lý họ.

Hiển nhiên là con đã vượt quá mức đó rồi, vì nếu không thì con đã không đáp ứng được lời dạy này. Thày chỉ đơn giản giúp con nhận thức là con có khả năng dời chuyển một cách ý thức, vì con nhận ra là cho dù sa nhân có phóng chiều gì lên con, cho dù người khác có phóng chiếu gì lên con, thì con không bao giờ sai lầm khi con xoay chuyển tâm thức. Con không bao giờ sai lầm khi con dời chuyển tâm thức lên cao hơn.

Một khi con chấp nhận điều này trọn vẹn, một khi con trải nghiệm trọn vẹn sự thật của điều này, thì con sẽ có thể thực sự bước vào một giai đoạn mới trong cách tương tác của con với các chân sư thăng thiên, nơi các thày sẽ trở thành khung tham chiếu của con thay vì sa nhân hay người đời – hay thậm chí cả những cái ngã, những ngã tách biệt, những phàm linh nội tại – làm khung tham chiếu cho con. Con có thể bắt đầu nhận ra là các thày không bực dọc, không tức giận, không nóng lòng, không tìm cách lên án hay chỉ trích con.

3.11. Tại sao các chân sư không lên án con

Con yêu dấu, thày biết rất rõ là có những học trò của chân sư thăng thiên tin rằng, và cũng có những tổ chức của chân sư thăng thiên có nền văn hóa tập thể nơi giáo lý của chân sư được dùng để củng cố cho ý niệm sai và đúng. Đã có những tổ chức chân sư thăng thiên nơi thành viên quá quan tâm đến những chuyện ăn mặc, nói năng, đi đứng, biểu thị, suy nghĩ, cảm xúc như thế nào cho đúng đắn, rồi họ lên án lẫn nhau cũng như họ tự lên án chính họ mỗi khi họ không làm đúng theo một số tiêu chuẩn vỏ ngoài.

Vào thời buổi đó, đó là những vật liệu mà các thày phải sử dụng. Trong một số trường hợp như đã kể lại, các thày đã phải khuếch đại niềm tin đó nơi mọi người để nó trở thành cùng cực đến độ cuối cùng người ta mới chịu chất vấn nó. Con yêu dấu, với những lời dạy mà con đã có, con có thể rất nhanh chóng bước vượt qua tất cả những thứ đó và nhận ra là các thày – các chân sư thăng thiên đích thực – đã vượt khỏi nhị nguyên. Các thày không phán xét con dựa trên tiêu chuẩn đúng hay sai. Các thày không chỉ trích, các thày không kết án con. Các thấy chấp nhận con hoàn toàn – chính con – mỗi người trong các con. Các thày chấp nhận con như con là, một cách vô điều kiện. Các thày chỉ có một mong muốn duy nhất là giúp con trở nên nhiều hơn cái con là, bằng cách con dời chuyển bản sắc của con đi lên.

Con yêu dấu, thày thực sự mong ước là con sẽ có thể nhìn chính mình với cùng sự chấp nhận vô điều kiện mà thày nhìn con. Thày biết là nếu con áp dụng các dụng cụ mà các thày đã trao, con sẽ có khả năng bước lên điểm đó. Thày biết là con không thể bước lên điểm đó bằng cách thày bảo con, và thày không đang bảo con điều này để khiến con nghĩ là con không thể tự chấp nhận mình, con yêu dấu. Con thấy tự ngã có thể chụp lấy bất kỳ lời dạy nào rồi khiến con nghĩ: “Mẹ Mary nói là tôi cần chấp nhận chính mình vô điều kiện, nhưng tôi không làm được, cho nên tôi phải sai trái.”

Đây là loại suy tưởng chạy lòng vòng mà con có khả năng nhận diện, và con nhận ra đó chỉ đơn giản là một cái ngã tách biệt. Như vị sứ giả này có bày tỏ tối qua, trong tâm con người có một phần được lập trình để tạo dựng các vấn đề rồi phóng chiếu là con phải giải quyết vấn đề. Đấy, cũng có một phần của tâm là ngã tách biệt, được lập trình để phóng chiếu ra là con sai trái, và nó chụp lấy bất kỳ ý tưởng nào đến với con để quay ngược ý tưởng và chứng minh: “Phải, đây là thêm một cách nữa mà tôi sai trái – tôi không đáp ứng nổi tiềm năng cao nhất của mình, tôi thật kém cỏi.”

Con yêu dấu, tất cả các con đều không kém cỏi. Con đang đứng ở đúng nơi con cần đứng, vì con đang đứng ở điểm trên đường tu nơi con sẵn sàng bước lên bước kế tiếp, và đó là điều các thày chú trọng. Các thày không so sánh con với một chuẩn mực nào. Con đừng có mảy may ý nghĩ là các thày bảo là cho tới khi con đạt đến tầng tâm thức 144 thì con vẫn sai trái. Con yêu dấu, con đang bước chân trên đường tu; điều quan trọng là con tiếp tục bước từng bước một và dời chuyển đi lên. Các thày chấp nhận con như con đang là, chấp nhận con ở mức con đang đứng. Các thày mong ước là con cũng có thể chấp nhận mình như thế, con yêu dấu. Thật ra có một điểm trên đường tu nơi con không thể lên cao hơn được trừ khi con khắc phục tâm đường thẳng. Cũng có một điểm trên đường tu nơi con không thể lên cao hơn được cho tới khi con khắc phục tâm phê phán cứ không ngừng tự chỉ trích.

3.12. Không có chỉ trích nào xây dựng

Trên thế giới có một khái niệm gọi là “chỉ trích xây dựng”, nhưng con yêu dấu, chừng nào con còn ở trong trạng thái tâm thức nhị nguyên thì không có chuyện chỉ trích xây dựng. Chỉ trich là một rung động – cho dù người chỉ ra cái đó có thể “đúng” đến đâu đi nữa. Nếu người đó làm vậy ở mức tâm thức đó thì việc đó vẫn không xây dựng. Đối với bản thân con cũng vậy. Con có thể nghĩ là mình phải phê phán chính mình vì đó là cách con tăng triển. Con yêu dấu, có một cái ngã mang độ rung nhị nguyên của chỉ trích và ngã đó không thể đưa con lên cao hơn trên đường tu.

Sẽ tới một điểm con cần lui lại một bước và nhìn ra đó chỉ là một cái ngã. Không phải là vấn đề ngã đó đúng hay sai khi nó chỉ ra sự kiện, mà là việc nhận diện độ rung của ngã đó không xuất phát từ tình thương – nó xuất phát từ sợ hãi. Cho nên con cần tách mình ra khỏi nó, nhìn vào nó và nói: “Ta không cần đến mi nữa!” Con không cần bước vào một sự phán xét nào hết, thậm chí con cũng không cần chứng minh (như một số các con có khuynh hướng làm) và nói: “À nhưng nó đã có công dụng, nó đã giúp tôi tăng triển trên đường tu.” Có thể nó đã giúp con, nhưng con yêu dấu, điều con cần làm là nhận diện nó và bảo: “Tôi không cần đến ngã này nữa và tôi để cho nó chết đi.”

Con yêu dấu, trên đây là những gì thày muốn truyền cho con bây giờ. Một lần nữa, thày cảm ơn con đã có mặt và đã nhận biết. Tất nhiên, các thày mong mỏi sẽ trao thêm lời dạy khi nào con có dịp thực hành những lời dạy vừa được ban ra và chuyển dời tâm thức lên mức kế tiếp, là nơi con có thể nhận được lời dạy kế tiếp.

1 | Con lập ra Sứ vụ Thiêng liêng như thế nào

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 18/5/2018 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary, và thật là một niềm vui rất lớn cho thày được khai mạc buổi họp mặt này để giảng dạy về cái mà các thày gọi là Sứ vụ Thiêng liêng.

“Trong một cái tên chứa đựng những gì?” như Nhà Thơ [Shakespeare] có nói. Đấy, mỗi khi các thày đưa ra một khái niệm, tất nhiên là các thày đối diện với thực tế phải dùng ngôn từ để truyền đạt những ý tưởng kỳ thực vượt khỏi ngôn từ. Các thày cũng phải đối diện với một thực tế mà không nhiều người nghĩ tới, đó là sự kiện ngôn từ được người khác nhau diễn giải một cách khác nhau, tùy theo gốc tích, văn hóa và tâm lý cá nhân của họ.

Khi các thày đưa ra một cái tên, như “Sứ vụ Thiêng liêng” chẳng hạn, nó sẽ không nhất thiết chạm được mọi người bởi vì một số đã có thành kiến với nó rồi. Họ sẽ không mở tâm ra dù chỉ để được nghe nhiều hơn về khái niệm đó, vì họ đã có một phản ứng đối với từ “thiêng liêng” hay với từ “sứ vụ”. Từ ngữ khiến cho tâm họ rơi vào một trạng thái quá phổ biến trên địa cầu, là bác bỏ mà không thực sự xem xét bằng cả tâm lẫn con tim cởi mở những gì đang ẩn giấu đằng sau từ ngữ, những gì đang được biểu đạt mà lại vượt khỏi từ ngữ.

1.1. Tập trung vào một trong bốn thể phàm

Thày mong muốn cho con một chút tầm nhìn để con thấy sự thể xảy ra như thế nào đối với các thày là chân sư thăng thiên. Thày muốn con tưởng tượng là con, ở mức tâm thức hiện thời của con, được đưa đến nơi mà con nghĩ các thày đang cư ngụ – cho dù đó là một cõi năng lượng thật cao hay bất kỳ cách hình dung nào khác. Con được đưa đến tầng mức nơi các thày cư ngụ và giờ đây con đang đứng cùng với thày nhìn xuống địa cầu. Con nhìn thấy những điều mà con không bao giờ xem xét, hay ít ra những điều mà hầu hết mọi người không bao giở xem xét. Con thấy biết bao nhiêu loại người và nhóm người khác nhau trên trái đất. Nay con cũng thấy những thứ mà con không thể thấy với mắt thịt nhưng con lại thấy từ mức của thày: Tất cả những nhóm người đó đều đang mang một trạng thái tâm thức nào đó. Con thấy điều mà con vẫn biết: Mỗi người đều có một tâm lý cá nhân, một trạng thái tâm thức cá nhân được cấu tạo bởi bốn thể phàm của họ. Con thấy mỗi người đều có một mức tâm vật lý, một mức tâm cảm xúc, một mức lý trí và một mức bản sắc.

Nay con thấy mỗi người tất nhiên cũng có cái mà các thày gọi là tâm ý thức. Con thấy mỗi người có tâm ý thức của mình tập trung vào một trong bốn thể phàm. Một số sẽ tập trung phần lớn vào thân xác vật lý của mình. Một số khác đặt nhiều chú ý hơn vào cảm xúc và họ sống cả đời họ trong cảm xúc của họ. Một số khác nữa chú tâm vào cõi lý trí và họ không ngừng suy nghĩ, phân tích. Và có một số ít thì tập trung nhiều hơn vào thể bản sắc hay tâm bản sắc của họ.

Con thấy là khi các thày ban ra một lời dạy, một trong những mục tiêu của lời dạy là làm thế nào chạm được tâm ý thức của người đó, để khiến cho người đó có được một sáng ngộ ý thức, một sự khai mở ý thức, hay một trải nghiệm “À ra thế!” nếu con muốn. Nó khiến họ xoay chuyển tâm thức để họ nhìn thấy một cái gì mà trước đó họ không thấy, và họ có được một tầm nhìn rộng mở hơn, chín chắn hơn về cuộc sống hay về hoàn cảnh cá nhân của mình. Nhờ vậy mà họ có thể chuyển sang làm những công việc mà trước đây họ không thể làm – khắc phục một số khuôn nếp cảm xúc, khắc phục một số khuôn nếp tư duy, hay ngay cả dời chuyển bản sắc mình lên một mức cao hơn.

Để thực hiện điều này, các thày cần đưa ra một lời dạy chạm được tâm ý thức của họ, như thể thày cần đâm thủng từ tầng cấp của thày để đến được tâm ý thức của họ. Bây giờ con cũng thấy là để chạm được tâm ý thức của một người nhất định, các ý tưởng cùng khái niệm mà các thày ban ra phải đâm xuyên qua các thể phàm nằm bên trên nơi mà tâm ý thức người đó đang tập trung vào. Nếu họ đang tập trung vào tầng cảm xúc thì ý tưởng của thày phải đâm xuyên qua tâm bản sắc và tâm lý trí của họ trước khi nó có thể tíếp cận với tâm ý thức, thậm chí còn phải đâm xuyên qua một khía cạnh nào đó của tâm cảm xúc nữa.

Cho nên con thấy là mỗi người đều mang một số phin lọc, một số rào cản, một số tin tưởng, một số thái độ, một số cảm xúc có khả năng ngăn chặn không cho các tư tưởng mà các thày rải truyền chạm được tâm ý thức của họ. Con hãy lưu ý, đây không chỉ đơn giản là chuyện người đó có nghe được, tìm được hay đọc được các ý tưởng đó. Họ hoàn toàn có thể đọc được một cuốn sách chứa các ý tưởng đó, nhưng trong khi họ đọc các dòng chữ thì những tầng cao hơn trong tâm họ lại ngăn chặn và lọc lựa, khiến các khái niệm không thực sự đi vào tâm ý thức của họ để mà nối kết và đem lại tác dụng. Nói cách khác, tuy họ đọc chữ nhưng họ không thực sự hấp thụ, không nắm bắt và không nối kết được với chữ.

1.2. Các giới hạn cho sự hiểu biết

Thày đã cố tình không sử dụng từ “hiểu” vì đây không chỉ là chuyện hiểu – vấn đề ở đây là thực sự nối kết với ý tưởng để nó xoay chuyển tâm thức của con. Quá nhiều người tập trung vào chuyện hiểu, và đó là vì nhiều người đã tìm ra đường tu tâm linh thường tập trung vào tâm lý trí. Họ chú tâm vào chuyện hiểu một ý tưởng, nhưng có rất, rất nhiều ví dụ về những người có một hiểu biết trí thức to lớn về các khái niệm tâm linh nhưng sự hiểu biết đó lại không xoay chuyển được tâm thức của họ. Đó là vì họ đã không thực sự nối kết, đã không thực sự trải nghiệm được ý tưởng qua trực giác. Trải nghiệm này bị chặn lại bởi cái tâm lý trí cứ muốn tìm hiểu, cứ muốn phân loại và gắn nhãn cho ý tưởng đó, hầu lý trí có thể bỏ nó vào một thư mục gọn ghẽ trong kho dữ liệu nơi nó có vẻ nằm dưới sự kiểm soát của lý trí.   

Con yêu dấu, vấn đề không phải là con giữ một ý tưởng dưới sự kiểm soát của con, bởi vì nếu tự ngã và tâm lý trí cảm thấy nó kiểm soát được một ý tưởng tâm linh thì làm thế nào ý tưởng đó sẽ xoay chuyển tâm thức con đây? Nó sẽ chỉ được xếp đống vào một hồ sơ như một cái gì con đã biết và đã hiểu ở mức độ trí thức, nhưng nó không xoay chuyển tâm thức của con.

Nếu con có thể thấy điều thày vừa nói với con, con sẽ nhận ra là có rất, rất nhiều người trên địa cầu hoàn toàn nằm ngoài tầm tiếp cận của những ý tưởng mà các thày có thể truyền rải từ tầng cấp các thày. Con cũng sẽ nhận ra là có rất, rất nhiều người mặc dù họ cởi mở với các giáo lý tâm linh – có thể họ cởi mở cả với các giáo lý huyền bí, siêu hình, Thời Mới hay thậm chí giáo lý của chân sư thăng thiên – nhưng họ vẫn còn mang quá nhiều thiên kiến, phin lọc lẫn định kiến mà họ không sẵn lòng tra vấn, đến độ các thày thật khó lòng tìm ra một ý tưởng rồi biểu đạt ý tưởng đó bằng những ngôn từ có khả năng chạm được tâm ý thức của họ.

Nếu con có thể thấy sự thể này với mức tâm thức hiện thời của con, rất có thể con sẽ bị chấn động đến mức con cảm thấy gần như chán nản tuyệt vọng, bởi vì con sẽ biết nói gì đây để chạm được họ? Một số các con đã từng có kinh nghiệm quen biết những người mà con đã cố chia sẻ một số điều mình tin. Và con đã bị vấp phải sự giới hạn của ngôn từ, khiến cho bất kỳ những gì con nói ra cũng không nối kết được với tâm ý thức của họ, không thực sự lay chuyển được họ.

1.3. Tại sao các chân sư không chán nản

Nếu con có thể thấy được tình huống các thày phải đối diện, xác suất là con sẽ, ở mức tâm thức hiện thời của con, cảm thấy nản lòng. Nhưng tất nhiên, thày không giảng bài này để khiến con nản lòng, bởi vì các thày không đang ở mức tâm thức của con – các thày đã thăng thiên. Có hai khía cạnh trong vấn đề này mà thày muốn lưu ý con.

Khía cạnh đầu tiên là các thày đã, tất nhiên, thực sự thể nhập và trải nghiệm thực tế của quyền tự quyết, cho nên các thày hoàn toàn không có mong muốn thay đổi con người nghịch lại với ý chí tự do của họ. Kỳ thực như đã có trình bày trong những cuốn sách mới nhất, các thày đã chấp nhận là một khi mình xem địa cầu là một cơ sở giáo dục nhằm cung cấp cho một số người những trải nghiệm mà họ mong muốn, thì mình không có chút phiền hà làm việc với địa cầu.

Nếu con có biết tới các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên thì con có thể quay trở ngược và tìm ra một số bài truyền đọc mà ngay cả trong ngôn từ được sử dụng hay trong độ rung của ngôn từ, con đã có thể nhận ra một chút cảm nhận phiền hà hay nóng lòng từ các chân sư thăng thiên. Thậm chí con có thể quay trở ngược và tìm thấy cảm nhận này trong một số bài truyền đọc sơ khởi của đợt truyền pháp này. Thày mong con nhận ra là nếu con đã phát hiện một độ rung như vậy trong một bài truyền đọc của chân sư, thì cảm giác phiền hà đó, sự rung động đó, đến từ ba thể cao của vị sứ giả. Không có cách giải thích nào khác khi nói về một sứ giả được chân sư bảo trợ, bởi vì tất nhiên các thày không hề có phiền hà. Nếu các thày có bất kỳ phiền hà nào khi làm việc với địa cầu thì từ lâu các thày đã phải trải nghiệm cái mà trên địa cầu gọi là “kiệt sức”. Thày có thể cam đoan với con là hiện tượng này không hiện hữu trong cõi thăng thiên. Không có chuyện một chân sư thăng thiên bị té gục do căng thẳng hay suy sụp thần kinh.

Các thày đã thăng thiên là do đã vượt qua mọi mong muốn thay đổi con người nghịch lại với sự tự quyết của họ. Hiển nhiên, đúng là trên địa cầu có rất nhiều hiện tượng mà các thày muốn thấy thay đổi, vì rõ ràng các hiện tượng này làm con người đau khổ.  Nhưng con không nên dựa theo đó mà suy luận rằng các thày cảm thấy nóng lòng hay bực bội nếu các điều kiện đó chưa thay đổi. Con nhận ra là từ nhãn quan của các thày, các thày không cảm thấy bất kỳ sự bất mãn nào, và do đó tất nhiên các thày không cảm thấy chán nản. Các thày làm việc với mọi người và các thày chấp nhận là mỗi con người đều có quyền tự quyết, và vì thế họ cũng có quyền ở trong trạng thái tâm thức mà họ đang có.

1.4. Không có một chân lý tuyệt đối duy nhất

Chúng ta có thể nói là bốn thể phàm của con hình thành cái mà các thày gọi là một cái ngã, nhưng các thày cũng đã nói là có nhiều cái ngã khác nhau, nhiều phàm linh nội tại khác nhau. Có tự ngã, có tâm ý thức. Vậy để dùng một từ quen thuộc đối với con, hãy đơn giản gọi đó là nhân cách (personality). Toàn bộ bốn thể phàm của con hình thành nhân cách này, và bên trong nhân cách có cái Ta Biết ở một mức tâm thức nào đó. Cái Ta Biết có thể đồng hóa nhiều hay ít với bốn thể phàm, với nội dung của bốn thể phàm, với những cái ngã nằm trong bốn thể phàm. Các thày chấp nhận đó là cách quyền tự quyết tự trình chiếu ra. Các thày chấp nhận địa cầu là một hành tinh với tâm thức thấp và độ dày đặc cao. Các thày chấp nhận trọn vẹn vai trò của mình là làm việc với mọi người ở bất kỳ mức độ tâm thức nào mà họ đang có và tìm cách giúp họ bước lên cao hơn.

Dựa theo đó, ý tưởng thày muốn truyền đạt cho con là mục tiêu của các chân sư thăng thiên không phải là để ban ra chân lý cao nhất, tuyệt đối, phổ quát và khiến cho mọi người phải chấp nhận chân lý này. Đó không là mục tiêu của các thày. Thày cũng biết điều này đi ngược lại những gì một số các con tin tưởng. Thày cũng biết điều này đi ngược lại niềm tin của rất nhiều người đã tu tập trong các đợt truyền pháp trước của chân sư. Thày chắc chắn một số người sẽ tìm kiếm các bài truyền đọc cũ của chân sư và phát hiện những câu mâu thuẫn với những gì Mẹ Mary đang nói qua Kim Michaels – và điều này hoàn toàn phải lẽ. Thực tại mà các thày đang trao cho các con, những người đã sẵn sàng bước lên một mức cao hơn, là các thày không ngồi ở trên đây với một chân lý duy nhất có sẵn và được định trước, một chân lý phổ quát tuyệt đối mà các thày đang tìm cách đem vào cõi vật lý để mọi người phải chấp nhận. Lý do là vì từ tầng cấp của thày, các thày nhận thức thật rõ ràng là không thể nào đưa ra một giáo lý duy nhất mà bảo mọi người chấp nhận được. Đơn giản là có quá nhiều mức tâm thức khác nhau giữa tầng tâm thức thấp nhất và tầng 144. Có quá nhiều nhóm người khác nhau với gốc tích khác nhau, đến từ những hành tinh khác nhau cho dù là từ địa cầu, từ các sinh thể sa ngã, hay từ đủ loại các hành tinh khác, đến độ không thể nào đưa ra một giáo lý duy nhất mà mọi người có thể chấp nhận.

Điều này phần nào là do mọi người đến từ quá nhiều gốc gác khác nhau với trình độ tâm thức khác nhau. Nhưng phần lớn, đó cũng là sản phẩm của sự kiện địa cầu là một hành tinh với tâm thức thấp và độ dày đặc cao. Cho nên ngôn ngữ, những ngôn từ được dùng làm phương tiện chủ yếu để giao tiếp trên địa cầu quá giới hạn (trường hợp sẽ khác đi nếu địa cầu ít dày đặc hơn) đến độ việc biểu đạt một chân lý thực sự phổ quát, tuyệt đối và tối thượng không thể nào thực hiện được với những ngôn từ hiện có ngày nay.

Vai trò, mục tiêu của các thày, thật rõ ràng. Các thày tìm cách làm việc với bất cứ ai hay bất cứ nhóm người nào cởi mở với bất cứ gì mà các thày có thể ban truyền. Hầu chạm được xuyên qua tất cả những rào cản, tất cả những phin lọc của một nhóm người nhất định nào đó, các thày phải nhìn vào xuất xứ của họ, không chỉ nền văn hóa và lịch sử của họ trên hành tinh này, mà ngay cả gốc tích vũ trụ của họ. Họ đến từ đâu? Họ có mang thành kiến gì trong tâm? Họ mang trong tâm những ý tưởng nào mà họ không sẵn lòng chất vấn?

1.5. Những ý tưởng người ta không chịu chất vấn

Con yêu dấu, con nhận thấy là hầu hết mọi người đều có trong tâm mình một khía cạnh nào đó cởi mở đối với ý tưởng mới mẻ. Có một số người không có sự cởi mở này, họ không cởi mở với ý mới, nhưng đa số thì có sẵn một sự cởi mở nào đó với ý mới. Nhưng trong tâm họ cũng có một khía cạnh qua đó họ tin rằng có những ý tưởng cơ bản nhất, đáng tin cậy nhất, cưng yêu nhất, mà họ không sẵn lòng hay không có khả năng chất vấn (thật ra hai cái này là một, vì nếu con sẵn lòng thì con luôn luôn có khả năng).

Các thày biết là trong một số trường hợp, các thày phải làm việc trong những ranh giới rất hạn hẹp vì người ta sẽ bác bỏ bất cứ gì các thày trao cho họ mà lại chất vấn những ý tưởng mà họ cưng yêu, những cách tư duy mà họ không cho ai động đến – những con bò thiêng – hay nói cách khác, những điều cấm kỵ của họ. Có nhiều người, nhiều nhóm người trên địa cầu mà các thày có rất ít khả năng giúp đỡ. Tuy vậy, các thày vẫn phóng ra một số ý tưởng để tạo cảm hứng cho ai đó viết sách, và sách có thể sẽ lay chuyển họ đôi chút. Và tất nhiên, khi con bước lên cao và cao hơn nữa, con sẽ gặp một loạt những loại người ngày càng cởi mở hơn, ngày càng ít những điều tư duy cấm kỵ mà không ai được đụng đến. Với những người như vậy, các thày ngày càng có nhiều chọn lựa hơn trong cách làm việc với họ.

Dựa trên đó, con có thể nhìn vào bản thân mình và nói: “À, vậy thì tôi đang đứng ở đâu?” Nếu con có tâm cởi mở đối với những giáo lý được các thày trao truyền qua vị sứ giả này, và nếu con không bị khiếp sợ khi đọc quyển Các kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su thì con đang đứng ở một trình độ cởi mở rất cao. Điều này có nghĩa là con đã sẵn sàng để thực sự bước lên một trải nghiệm cao hơn về Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Con có thể hỏi: “Nhưng tại sao các thày đã không đưa ra lời dạy về Sứ vụ Thiêng liêng sớm hơn?” Lý do rất giản dị. Các thày đã tuần tự trao cho con một số lời dạy cùng dụng cụ, để đến khi các thày cho con giáo lý về những điểm chặn nghẽn Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì con đã có sẵn các dụng cụ đó hầu có thể bắt đầu tu tập theo cách nhìn cá nhân của mình.

Trước hết, quyển Các kiếp sống của tôi là một dụng cụ chữa lành rất quan trọng. Thày dám nói là ngay cả vị sứ giả này trong tâm vỏ ngoài của ông cũng chưa nắm bắt được quyển sách này có bao nhiêu tầng lớp khác nhau. Tất nhiên không một ai trong các con cần nắm bắt tất cả mọi tầng lớp đó, mà con chỉ cần nhận diện là quyển sách có nhiều tầng lớp. Điều này có nghĩa là con có thể được hưởng lợi khi đọc sách nhiều lần, vì sách đó là một dụng cụ rất quan trọng trong việc chuyển đổi tâm thức của con.

1.6. Khắc phục tâm đường thẳng

Con yêu dấu, một trong những phương thức con cần để chuyển đổi tâm thức và vươn lên một mức nắm bắt cao hơn về Sứ vụ Thiêng liêng của mình là con phải khắc phục sự tập trung vào tâm đường thẳng. Như thày đã nói, rất, rất nhiều học trò tâm linh tập trung tâm ý thức của mình vào tâm lý trí. Con cố học hỏi và tìm hiểu, con muốn hiểu một cách phân tích. Con thường muốn có một dòng thời gian rất đường thẳng, nắm bắt các khái niệm một cách đường thẳng. Cho tới giờ thì cách này đã không gây vấn đề cho con, nhưng sẽ tới một điểm trên đường tu tâm linh khi con không thể bước lên cao hơn nếu con tập trung vào tâm đường thẳng và – nếu có thể nói như vậy – tâm thức con bị dính mắc hay bị mắc kẹt trong tâm đường thẳng. Tại sao vậy, con yêu dấu? À, chuyện này chẳng hiển nhiên sao?

Các thày có giảng cho con rằng khía cạnh thấp nhất cùa tâm con là tâm vật lý, tiếp theo sau là tâm cảm xúc, sau nữa là tâm lý trí, và cao nhất là tâm bản sắc. Con yêu dấu, thày có thể cam đoan với con là tâm bản sắc của con không đường thẳng và phân tích, đó là tầng trực giác cao nhất mà con có thể với tới khi con còn hiện thân. Nếu con muốn chuyển sự tập trung từ tầng lý trí lên tầng bản sắc, con sẽ không thể làm được qua tâm đưởng thẳng phân tich. Con không thể dùng phân tích để bước vào tâm bản sắc. Con chỉ có thể làm được bằng cách khai mở các khả năng trực giác của mình. Đây không phải là vấn đề kiến thức, hiểu biết và nắm bắt. Đây là vấn đề trải nghiệm một cách trực nhận, vì những gì nằm trong tâm bản sắc thật vi tế – đó là những lời dạy các thày đã trao cho con về chấn thương nhập đời vũ trụ và ngã gốc [Xem sách Chữa lành chấn thương tâm linh]. Nó vi tế và có nhiều mặt, rất nhiều mặt khác nhau.

1.7. Giáo lý cho nhiều trình độ khác nhau

Ngã gốc của con không thể được định nghĩa một cách thật đơn giản, đường thẳng, phân tích. Đây không phải là chuyện gán cho nó một cái nhãn thuộc về lý trí và bảo rằng: “À, bây giờ tôi hiểu ngã gốc của tôi rồi. Nó là cái này và bây giờ tôi có thể để cho nó chết đi.” Ấy, nếu con làm vậy thì nó sẽ vẫn còn những khía cạnh ẩn giấu mà con chưa bắt đầu nhìn thấy, vì con chỉ có thể nhìn thấy chúng qua trực giác. Làm thế nào con sẽ tiến bước trên đường tu tâm linh xa hơn tầng lý trí? Không phải bằng cái tâm đường thẳng, phân tích, trí thức đâu con. Mà chỉ bằng cách dời chuyển vào cái tâm quả cầu (spherical) trực nhận, cái tâm nhìn vào tổng thể, nhìn vào bức tranh rộng lớn và sẵn lòng nắm bắt, trải nghiệm sự thật của những gì thày vừa nói với con, cụ thể là các thày không tìm cách trao truyền cho con một chân lý tuyệt đối, đường thẳng duy nhất.

Các thày tìm cách trao truyền nhiều khái niệm và ý tưởng khác nhau, vì mục tiêu của các thày khi tương tác với địa cầu là gì chứ? Con yêu dấu, mục tiêu không phải, không phải, là trao truyền chân lý tuyệt đối. Mục tiêu là nâng cao tâm thức của con người, nâng cao trạng thái tâm thức của mỗi người, và điều này phải được thực hiện với từng cá nhân. Đó là vì sao các thày phải nhắm vào một số nhóm người và nói: “Các thày có thể ban giáo lý cho một phạm vi tâm thức nào đó, xong các thày phải chắc chắn là giáo lý chạm được một số lượng người nào đó, xong các thày sẽ trao giáo lý khác cho những tầng tâm thức khác.”  

Không ai chờ đợi một vị sứ giả duy nhất có thể tiếp cận được tất cả 144 tầng tâm thức; giản dị chuyện này không thể làm được. Các thày đưa ra giáo lý cho một tầng nào đó, và con yêu dấu, thày dám nói là với giáo lý đã ban ra qua trung gian sứ giả này, con có thể khởi sự ở tầng 48 với bộ Khóa tu tự điều ngự, Con đường tự điều ngự, xong con có thể bước lên tiếp cho đến tầng 96. Sau đó tất cả các giáo lý trong sách của thày Maitreya [Chìa khóa cho tự do tâm linh], sách của chính thày về sự sống sung túc [Khóa tu về sung túc], cuốn Những kiếp sống của tôi và các giáo lý về cách khắc phục chấn thương sẽ dẫn con lên cao hơn nữa. Con yêu đấu, thày có thể đảm bảo với con là người đọc cuốn Những kiếp sống của tôi có thể là người ở tầng 48 cho đến những tầng gần như sẵn sàng thăng thiên, và mọi người sẽ có thể tìm thấy trong đó một điều gì mới mẻ, một điều gì sẽ xoay chuyển nhãn quan của mình.

Đó là một quyển sách được trao cho một phạm vi tâm thức rất rộng, và đó là tại sao có một số điều đã được cố tình đặt vào trong sách để khích động người đọc – bởi vì mục tiêu là gì chứ? Như thày vừa nói, sẽ tới một điểm khi để đưa con lên cao hơn, các thày phải dẫn con vượt ra khỏi tâm đường thẳng. Tâm đường thẳng vốn là đường thẳng – nó giống như một chiếc máy tính. Nó sẽ làm công việc mà nó vẫn thường làm – nó sẽ phân tích, nó sẽ phân loại, nó sẽ dán nhãn.

1.8. Tâm đường thẳng không thể thấy được tâm đường thẳng

Con yêu dấu, các thày có thể trình bày tất cả những điều vừa rồi và con có thể nghĩ: “Vâng, con hiểu điều thày nói về tâm đường thẳng một cách trí thức.” Con yêu dấu, tâm đường thẳng có thể có khả năng hiểu được tâm đường thẳng, nhưng nó sẽ không bao giờ thấy được chính nó từ ngoài. Tâm đường thẳng không có khả năng bước ra ngoài chính nó. Chỉ có cái Ta Biết mới có khả năng bước ra ngoài tâm đường thẳng, bước ra ngoài sự đồng hóa hiện thời của nó. Làm thế nào các thày có thể giúp con dời chuyển ra ngoài tâm đường thẳng bằng cách cho con một giáo lý thuận theo cách tư duy của tâm đường thẳng? Chuyện này không thể làm được, con yêu dấu.

Đó là tại sao một số môn phái đạo Phật mới có khái niệm công án được cố tình đưa ra để gây bối rối cho tâm đường thẳng. Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Đấy, toàn bộ quyển sách Những kiếp sông của tôi là một công án. Sách chứa đựng nhiều công án nhằm giúp con xoay chuyển và bước ra ngoài những tầng tâm thức khác nhau, không chỉ tâm đường thẳng mà cả cảm xúc nữa, thậm chí con xoay chuyển cả bản sắc của con. Nó cho con một trải nghiệm bất ngờ, không đường thẳng và khiêu khích sự kinh ngạc đến độ người đọc hoặc phải bác bỏ trải nghiệm đó hoàn toàn và như vậy cũng bác bỏ quyển sách, hoặc phải dời chuyển lên một mức tâm thức cao hơn. Có rất ít người đọc sách này mà không bị lay chuyển hay khích động – rất ít. Hiển nhiên là có một số người, hầu hết ở dưới tầng tâm thức 48 hay có lẽ cao hơn một chút, vô cùng khép kín và nhiều thành kiến. Những người như vậy có thể mang một số ý tưởng mà họ tuyệt đối không chịu chất vấn, và khi họ tìm ra là quyển sách chất vấn các ý tưởng này thì họ sẽ bác bỏ nó thôi. Rất ít người có thể đọc mà không có phản ứng nào đó, cho nên đây là một dụng cụ thật quan trọng khi con hiểu chính xác.

1.9. Nếu con tìm sự thoải mái thì con đã chọn lộn hành tinh

Có nhiều người trong số các con đã là học trò của chân sư thăng thiên từ rất lâu, có người từ hàng chục năm trời. Con cần nhận thức là có thể sẽ tới một điểm khi con biết quá nhiều giáo lý, con đã đọc quá nhiều lời dạy, đến độ con gần như đâm ra thoải mái. Con nghĩ các chân sư không thể làm con ngạc nhiên được nữa. Có một khía cạnh trong tâm con không muốn các thày tạo ngạc nhiên cho con vì con đã trở nên thoải mái với trình độ hiện tại của mình.

Con yêu dấu, thày nói với con điều này. Nếu con mong được thoải mái thì chắc chắn con đã chọn lộn hành tinh rồi đó, vì đây không phải là một hành tinh nơi con có thể tính chuyện thoải mái được. Suốt các thời đại đã có rất, rất nhiều người cố tạo lập cho mình một hoàn cảnh vật lý vỏ ngoài nơi họ có thể cảm thấy an toàn và thoải mái. Điều này có thể thông cảm được, nhưng con hãy nhìn lịch sử đi. Bánh xe lịch sử đã nghiền nát họ thành cát bụi. Tất cả mọi đế chề hùng mạnh đến đâu cũng đã bị nghiền nát thành cát bụi. Con không thể thực sự thoải mái trên một hành tinh như thế này.

Thách đố mà thày muốn đặt trước mặt con là như sau: Liệu con có muốn biết Sứ vụ Thiêng liêng của con hay con muốn thoải mái? Vì con không thể làm được cả hai. Đa số các con đã có một ý thức nào đó về Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Thày cũng biết là con chưa nhìn thấy được đầy đủ chi tiết, nhưng lý do tại sao thì các thày sẽ giải thích sau. Con có một ý niệm nào đó về Sứ vụ của con. Hầu hết các con đã phần lớn đi theo Sứ vụ của mình trong suốt đời mình cho dù con không ý thức chuyện này.

Điều thày muốn đặt trước mặt con là giờ đây con đã đạt tới mức có một số khía cạnh của Sứ vụ Thiêng liêng mà con chưa nhìn thấy. Một lần nữa, con đã thấy được một số khía cạnh của Sứ vụ của mình, con đã phần lớn bước theo Sứ vụ, nhưng vẫn còn điều gì đó mà con chưa thấy. Con cần tự hỏi: “Liệu tôi có sẵn lòng muốn thấy những gì tôi chưa thấy?” Nếu con sẵn lòng thì con sẽ cần nhìn nhận là con cần từ bỏ sự thoải mái của con để mà nhìn thấy. Lý do con chưa nhìn thấy là vì con đã thích nghi với một cách nhìn, một thái độ, một cách hiểu nhất định, và con không nghĩ là con cần vượt xa hơn những thứ đó. Nếu con không vượt xa hơn, con sẽ không thể nhìn thấy các khía cạnh của Sứ vụ vẫn ẩn giấu khỏi mắt con. Đây là quyết định mà con cần lấy, và chính con là người cần lấy. Trên cơ bản, thày yêu cầu là khi con đi ngủ tối nay, con hãy thỉnh cầu được dẫn đến nơi nhập thất của bất kỳ vị chân sư thăng thiên nào mà con muốn đến, bất kỳ vị nào thân thiết nhất trong tim con. Xong thày xin con hãy, một cách nghiêm túc, yêu cầu được chỉ dẫn – hầu con có thể nhớ lại sáng hôm sau – điều gì đã khiến con quá thoải mái đến độ nó ngăn chặn tầm nhìn của con về Sứ vụ Thiêng liêng. Con sẽ không rút tỉa được ích lợi tối đa từ lời dạy này nếu con vẫn còn bám giữ mong muốn thoải mái đó. Thày không bảo đây nhất thiết là một chuyện gì khủng khiếp to lớn mà con làm. Nó có thể là một điểm rất vi tế. Con hiểu là hầu hết các con đã đạt đến một mức trên đường tu nơi con không có rủi ro phạm lầm lỗi trầm trọng rồi bị tuột trở xuống, rơi vào một trạng thái tâm thức thấp hơn hay bị hụt mất thăng thiên. Con đã đạt được mức khá, con đã khá tinh tấn, nhưng nếu con muốn lên cao hơn thì con không thể cho phép mình thoải mái.

Đây có thể là một điều rất vi tế qua đó con cảm thấy mình có đôi chút thoải mái, có những điều mình không cần thay đổi. Một lần nữa, thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Thày chỉ giản dị nói rằng nếu con thực sự muốn biết các khía cạnh ẩn giấu của Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì con cần nhận thức là chúng ẩn giấu không phải vì có tà lực nào đó đang che khuất chúng, cũng không phải vì các chân sư đang chặn giữ chúng khỏi con, mà vì trong chính tâm con có một mức độ thoải mái đang ngăn cản con nhìn thấy chúng. Đây là sự xác định mà con cần làm trong ngày đầu tiên của hội nghị này để con có thể mở tâm ra nhiều hơn cho những điều các thày sẽ trao cho con trong những ngày sắp tới.

1.10. Sứ vụ Thiêng liêng được lập ra như thế nào

Bây giờ con yêu dấu, thày mong muốn trình bày chút đỉnh về cách Sứ vụ Thiêng liêng được lập ra như thế nào. Trong quyển sách của thày Nada [Những khai ngộ thần bí về an bình], thày Nada có giảng là Sứ vụ Thiêng liêng không được lập ra từ một trạng thái tâm thức thăng thiên, mặc dù tất nhiên con được sự trợ giúp của các chân sư thăng thiên. Khi con đi vào kiếp đầu thai hiện tại, con có một tiềm năng cao và một tiềm năng thấp. Nói cách khác, con có tiềm năng đạt đến một mức tâm thức nào đó nếu con cứ tiếp tục tự thăng vượt và thật sự chuyên cần.

Nếu con sống một cuộc đời “bình thường” – nếu có thể gọi như vậy – con sẽ đạt đến cái trạng thái tâm thức thấp hơn. Sứ vụ Thiêng liêng của con được thảo ra từ tầng mức tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng đạt được trong kiếp này. Nói cách khác, khi các thày gặp con và lập ra Sứ vụ với con, con không đang ở cùng mức tâm thức vào cuối kiếp đầu thai trước hay mức tâm thức khi con bước vào kiếp đầu thai này. Con ở mức tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng với tới, cho nên khi con thảo Sứ vụ, con nhìn thấy những gì con có khả năng nhìn thấy từ mức tâm thức đó. Thày có thể cam đoan với con là khi con thảo Sứ vụ, nó không được thảo ra với tâm đường thẳng, phân tích. Các thày không ngồi đó với tâm đường thẳng mà phân tích từng khía cạnh của quá khứ lẫn tâm lý của con hay điều này điều nọ. Các thày không giống như người ta trên địa cầu khi con thấy các nhà kinh doanh hay tướng lãnh quân đội lập ra những kế sách chi tiết, đầy đủ với mọi việc cần thi hành hầu thực hiện kế sách. Đó không phải là cách thức một Sứ vụ Thiêng liêng thành hình. Nó không đường thẳng hay phân tích theo kiểu đó.

Đây là thêm một lý do cho thấy là để nắm được các khía cạnh ẩn giấu của Sứ vụ của mình, con phải khắc phục tâm đường thẳng. Nhiều người trong số các con đã trở nên thoải mái với tâm đường thẳng. Thậm chí con đã dùng cả giáo lý chân sư thăng thiên để tạo dựng một cái nhìn đường thẳng về thế giới, qua đó con cảm thấy mình đã hiểu hết cách vận hành của thế giới. Con có một ý niệm về lịch sử đã qua, về lịch sử của vũ trụ và điều này điều nọ, và con cảm thấy thoải mái trong đó. Thày nói với con là con cần bước lên cao hơn để nắm lấy tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ của con. Đó là tại sao con cần sẵn lòng bước vượt ra ngoài. Con cần nhận diện mục tiêu mà cả con lẫn các thày đều có khi lập ra Sứ vụ của con là, tất nhiên, khiến con chứng được mức tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng chứng được.

1.11. Nếu đây là kiếp chót của con trên địa cầu

Một tỷ lệ đáng kể trong số các con có tiềm năng sống kiếp đầu thai này là kiếp chót của mình, để con có thể thăng thiên hoặc ngay sau kiếp này, hoặc ít ra sau một thời gian khi con đã giải quyết vấn đề tâm lý cuối cùng và sẵn sàng thăng thiên. Điều này có nghĩa là vấn đề các thày đặt ra cho mình khi lập Sứ vụ Thiêng liêng với con, là các thày nhìn vào mức tâm thức thấp nhất, mức tâm thức mà con đã đạt được ở cuối kiếp hiện thân trước và sẽ đem theo vào kiếp hiện thân này. Xong các thày nhìn vào tiềm năng cao nhất và nói: “Làm thế nào các thày sẽ xoay chuyển tâm ý thức của con từ mức thấp nhất đó lên mức cao nhất? Đâu là những thành kiến, những phin lọc và những điều cấm kỵ trong bốn thể phàm của con mà con cần thách đố và nhìn vượt qua để có thể dời chuyển tâm thức lên mức cao nhất? Con cần kinh qua những trải nghiệm nào để có thể xoay chuyển tâm thức lên mức cao nhất?”

Con hiểu ở đây là mục tiêu của các thày không phải để khiến con nắm bắt chân lý tối thượng tuyệt đối và thông hiểu cả vũ trụ. Mục tiêu của các thày không phải là biến các con thành những nhà siêu trí thức tâm linh hiểu biết dòng diễn biến đường thẳng tuyệt đối của vũ trụ là như thế nào. Mục tiêu các thày là xoay chuyển tâm thức con một cách toàn diện, trực nhận và bao hàm tất cả – một cách trực nghiệm. Đây là mục tiêu của các thày, là những gì các thày xem xét đến.

Điều này mang rất nhiều hệ quả mà các thày sẽ nói tới. Nhưng cho ngày hôm nay, thày muốn con ghi nhớ rằng điều quan trọng là con thực hiện cuộc xoay chuyển đó khi con sẵn lòng nhìn vượt ra ngoài sự thoải mái và tâm đường thẳng của con. Con phải sẵn lòng xem xét, không cứ là “tôi cần hiểu những gì”, mà “tôi cần có trải nghiệm nội tâm nào, tôi cần loại kinh nghiệm sâu xa nào, một trải nghiệm chuyển vọt, có lẽ cả một trải nghiệm chấn động, để vươn tới tiềm năng trọn vẹn nhất của tôi trong kiếp đầu thai này. Tôi sẽ cần từ bỏ những gì để đạt đến đó?”

Đó là những câu hỏi mà con có thể xem xét từ giờ cho đến ngày mai. Các con có thể bàn thảo với nhau về đề tài này nếu con thích, và giúp đỡ nhau đạt được một nhãn quan đổi khác. Con có thể nhìn vào một nhóm như thế này hay con có thể nhìn vào chính bản thân con, và con có thể nói là tất cả các con đều đang tu học cùng một giáo lý, đã áp dụng cùng một lời dạy, cho nên giữa các con đã có một mối liên kết chung. Mặt khác, các con đến từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, nhiều hoàn cảnh gốc tích khác nhau, và có một điều mà các con có thể giúp nhau nắm bắt và trải nghiệm được, đó là mọi người không nhìn mọi thứ theo cùng một cách.

1.12. Không cảm thấy bị đe dọa bởi những khác biệt

Điều mà các con có thể giúp nhau trong một nhóm thế này là dần dần nhận ra rằng thật không có gì quan trọng nếu mỗi người có cách nhìn khác nhau. Con có thể đạt tới điểm không còn cảm thấy bị đe dọa bởi sự khác biệt của mọi người, vì con nhận ra toàn bộ cách con nhìn đời sống trên địa cầu chỉ là sản phẩm của nội dung trong bốn thể phàm của con. Những gì trong bốn thể phàm đó không thực là con, cho nên tại sao con lại bị dính mắc vào đó đến độ nó ngăn cản con thực là con, ngăn cản con biểu lộ con người thực của con? Liệu nội dung bốn thể phàm quan trọng đến độ con sẵn sàng gác bỏ con người thực của mình để bênh vực cho những ý tưởng đó, cho những cái ngã đó vì chúng không thực một cách tối hậu?    

Lẽ tự nhiên, tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng là con từ bỏ các giới hạn đó, các đồng hoá đó, cái tâm vỏ ngoài đó, các khuôn nếp cảm xúc đó, các thói quen vật lý đó. Con buông bỏ chúng vì con muốn một cái gì cao hơn. Con muốn biểu lộ con thực sự là ai. Đương nhiên đây là một điểm mà các thày sẽ đề cập nhiều hơn, vì thật là một khái niệm đáng sợ đối với một số người khi họ đặt câu hỏi: “Ủa, tôi thực sự là ai nhỉ? Nếu tôi không là cái nhân cách vỏ ngoài đó được uốn nắn khi tôi lớn lên hay ngay cả trong những kiếp trước, thì tôi là ai đây? Tôi muốn là ai đây?”

1.13. Sứ vụ Thiêng liêng có nhiều tầng lớp

Như vậy là đủ cho hôm nay. Để kết thúc, thày muốn trả lời một câu hỏi mà một số người đã đặt ra như sau: “Liệu mọi người trên địa cầu đều có một Sứ vụ Thiêng liêng hay chăng?” Câu trả lời, theo một cách nào đó, là có – mọi người đều có. Nhưng các sứ vụ tất nhiên rất, rất khác nhau tùy theo mức độ tâm thức. Con có thể lấy ví dụ một sa nhân ở tầng tâm thức thấp tột cùng được phép hiện thân trên địa cầu, như Hitler chẳng hạn. Liệu ông ta có một Sứ vụ Thiêng liêng hay không? Có chứ, ông có một Sứ vụ Thiêng liêng vì có những chân sư thăng thiên đã gặp ông, đã bàn cãi về tiềm năng, cả tiềm năng cao lẫn tiềm năng thấp, và đã lập ra một Sứ vụ Thiêng liêng từ tầm nhìn của các thày hầu các thày giữ được niệm tinh khôi cho ông. Nhưng hiển nhiên, các thày cũng biết kế hoạch đó không nhất thiết là thực tiễn vì Hitler ở một tầng tâm thức thấp đến độ ngay cả khi ông ở ngoài hiện thân, ông cũng không có khả năng làm việc với các thày để thảo ra Sứ vụ. Ông ở trong một trạng thái oán giận, nổi loạn, chối bỏ và phủ nhận đến mức ông không thể cộng tác với các thày cho dù trong thời gian giữa hai kiếp đầu thai.

Con càng đi xuống những tầng tâm thức thấp nhất thì con sẽ càng tìm thấy những người không có khả năng làm việc với các thày, ngay cả khi họ đang ở ngoài xác thân và do đó được hưởng chút nhẹ nhõm khi họ không bị bốn thể phàm chi phối. Nhưng họ vẫn không thể làm việc với các thày. Đó là lý do tại sao các thày lập ra một kế hoạch cho họ, dựa trên những gì các thày nhìn thấy nơi dòng sống của họ. Lý do các thày lập ra kế hoạch này tất nhiên không phải là vì các thày cần đến nó – mặc dù nó cũng giúp cho các thày vì trên cõi thăng thiên có những sinh thể cầm giữ niệm tinh khôi cho mọi người đang đầu thai. Lý do chính là vì nếu trong khi đầu thai, người đó quyết định là họ muốn vươn lên để đạt được hơn nữa thì họ sẽ dễ dàng hơn hòa điệu với Sứ vụ của họ và nhận được một xung lực nào đó sẽ giúp họ tiến lên cao hơn.

Khi con đi từ tầng tâm thức thấp nhất lên các tầng cao hơn, con sẽ thấy mọi người có khả năng tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Điều này có nghĩa là họ sẽ có nhận thức rõ ràng hơn khi đầu thai. Họ cảm nhận là mình có một mục đích. Trên cơ bản, có thể nói là cho tới khi con lên cao hơn tầng 48 thì con mới thực sự tham dự một cách ý thức hơn vào việc thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng. Đó là tại sao rất nhiều người ở tầng tâm thức này hay cao hơn có cảm nhận là ít ra cuộc sống có mục đích, có ý nghĩa, rằng họ ở đây là có lý do, họ ở đây là để tìm ra một cái gì, khám phá một cái gì, ngay cả học hỏi, tăng triển, tiến hóa. Tất nhiên đối với họ, cảm nhận này sẽ vô cùng hữu ích vì nó giúp họ hòa điệu với Sứ vụ Thiêng liêng của họ.

1.14. Tại sao con quên Sứ vụ của con

Hiển nhiên vấn đề trung tâm với Sứ vụ Thiêng liêng là Sứ vụ được thảo ra với mức tâm thức cao nhất mà con có thể vươn tới trong kiếp sống này, nhưng khi con bước vào kiếp này thì con lại bước vào với mức tâm thức thấp nhất của con, là mức con đã đạt được trong kiếp trước. Do đó con không thể nắm được một số khía cạnh của Sứ vụ. Và do độ dày đặc của hành tinh cũng như của bốn thể phàm của con, con quên đi nhiều khía cạnh của Sứ vụ. Ít nhất con sẽ quên đi trong một vài năm đầu của kiếp đầu thai.

Có thể nói là có một giai đoạn trên đường tu tâm linh khi mục tiêu chủ yếu của đường tu, theo một nghĩa nào đó, là nhớ lại phần nào sự nhận biết về Sứ vụ của mình. Nhiều người trong các con đã phần lớn làm được việc này vì con đã sử dụng các lời dạy do các thày ban ra cùng những dụng cụ để chữa lành tâm lý, quân bình nghiệp quả, khắc phục những điểm nghẽn đó, mở tâm ra với tư tưởng mới và gia tăng khả năng trực giác của mình. Như thày vừa nói, tất cả các con vẫn còn một số khía cạnh mà các con đã trở nên quá thoải mái, và chúng đang chặn nghẽn viễn kiến kế tiếp mà con có khả năng hoàn thành, đặc biệt khi con đã nhận được những lời dạy về avatar – và tất nhiên tất cả các con đều là avatar, vì nếu không thì các con đã không ở đây để tu học cách chữa lành chấn thương nhập đời.

Con yêu dấu, điều này kết thúc những nhận xét mở đầu cho tiến trình độc đáo này sẽ dẫn con đi qua những ngày tu học sắp tới. Và như vậy, thày bày tỏ lòng biết ơn của thày đến các con đã có mặt hôm nay, vì tất nhiên, sự kiện các con có mặt rất đông đảo có nghĩa là các thày có thể đưa ra một lời dạy sâu sắc hơn bình thường. Nó trở thành một sự tương tác qua lại giữa các con với các thày. Một lần nữa, các con càng sẵn lòng từ bỏ sự thoải mái của mình thì lời dạy ban ra sẽ càng có thể cao hơn trong những ngày sắp tới. Chương trình cho lần hội nghị này không cứ là được định trước hoàn toàn. Như với mỗi hội nghị, sẽ có một tiềm năng thấp và một tiềm năng cao, và tùy vào sự đáp ứng của các con mà cuối cùng các thày sẽ trình bày những gì. Thày gửi lời cảm tạ sâu xa nhất đến các con đã hiện diện ở đây, đã sẵn lòng có mặt ở đây, và cũng sẵn lòng – thày tin như vậy – vươn lên cao hơn nữa.

13 | Nắm bắt bản chất cách mạng của từ bi

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels ngày 2/12/2018, nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Quan Âm, và như con cũng biết, thày là chân sư cầm giữ Ngọn lửa Từ bi cho trái đất. Con yêu dấu, từ bi là gì? À, có một cái nhìn thế gian về từ bi và có một cái nhìn thăng thiên về từ bi. Hiển nhiên mục đích của thày là cho con một sự thưởng thức, một trải nghiệm về cái nhìn thăng thiên. Trước tiên chúng ta hãy xem cái nhìn thế gian. Quá nhiều lần con đã chứng kiến một tình huống, chẳng hạn có kẻ xâm lược đến chiếm đóng một ngôi làng và họ sắp sửa sát hại một người, và người đó nói: “Xin ông thương tôi.” Thế thì lòng từ bi được coi là sự kiện con không giết người đó. Người ta xem đó là từ bi. Bây giờ thày là một chân sư thăng thiên sẽ nhìn lòng từ bi như thế nào?

13.1. Hình thức phi từ bi to lớn nhất

Vậy đâu là sự phi từ bi vĩ đại nhất, sự thiếu từ bi to lớn nhất trên một hành tinh phi tự nhiên như địa cầu? Đây là một điều mà hầu hết mọi người chưa bao giờ xét đến. Các con đây có thể hiểu được điều này vì các thày đã cho con tất cả bối cảnh – các thày đã cho con rồi đó – nhưng một người trung bình sẽ không có cả từ vựng để mà hiểu được. Các thày đã nói gì với con trong các lời dạy trao truyền kể từ quyển sách Các kiếp của tôi cùng quyển sách về chấn thương nhập đời? Các thày đã nói con là một sinh thể vô hình tướng. Con đã đi xuống một thế giới hình tướng. Con đã lấy nhiều quyết định và các quyết định này đã dẫn đến hậu quả vật lý. Trong trạng thái lý tưởng – con yêu dấu, con hãy nghe thật kỹ – trong trạng thái lý tưởng như một người đồng sáng tạo, ngay cả trên một hành tinh phi tự nhiên, con phải có thể đồng sáng tạo nhưng tạo vật của con không quy định được con.

Con tạo ra một cái gì có một độ bền bỉ nào đó trong thời gian lẫn không gian. Con tạo ra một cái gì sẽ kéo dài. Nó không chỉ xuất hiện một giây rồi biến mất. Nó tồn tại trong thời gian nhưng dẫu vậy, cho dù con đã tạo ra nó, nó đúng lý không quy định được con. Con đúng lý vẫn là một sinh thể vô hình tướng. Nhưng tất nhiên chuyện gì xảy ra trên trái đất? Thày không nói điều này để chê trách bất cứ ai mà thày chỉ trình bày sự việc xảy ra như thế nào trên một hành tinh phi tự nhiên. Việc xảy ra trên trái đất là khi con tạo ra điều gì có một độ bền bỉ nào đó, con bắt đầu tự nhận diện dựa theo cái con đã tạo ra. Điều cũng xảy ra là những người khác cũng bắt đầu nhận diện con dựa theo cái đó.

Tất nhiên toàn bộ vấn đề này khởi sự với sa nhân, chúng biết rất rõ là khi một avatar đi xuống địa cầu, con đi xuống tầng tâm thức thứ 48 cho nên con không có quả vị Ki-tô trọn vẹn. Vì vậy con sẽ lấy một số quyết định, con sẽ tạo ra một số điều không phải là cao nhất. Xong chúng lập ra chuẩn mực về đúng và sai, về toàn hảo và tồi tệ, để chúng có thể dễ dàng chê con là bất cứ gì con đồng sáng tạo cũng không đủ tốt, không toàn hảo và sai trái dựa theo tiêu chuẩn. Xong chúng hung hãn dùng lý cớ này để áp đặt lên con ý tưởng là chính bản thân con có gì không ổn. Nếu tạo vật của con dở thì có nghĩa là chính con cũng dở. Cho nên con dần dần bắt đầu phản ứng lại sự tấn công vô cùng hung dữ này bằng cách tạo ra những cái ngã tách biệt kia. Các ngã tách biệt đó là ngã phản ứng, chúng được tạo ra để đáp lại một điều kiện nhất định có sự bền bỉ trong thời gian và không gian. Con đã tạo ra một cái gì, rồi con bị chỉ trích hay nhục mạ vì cái đó. Và con phản ứng lại bằng cách tạo ra một cái ngã và ngã này cũng có sự bền bỉ. Khi con nhận chịu chấn thương nhập đời, như các thày đã có giảng, thế là bỗng nhiên mọi chuyện trở thành chuyện cá nhân, hay ít ra cuộc sống trên trái đất trở thành chuyện cá nhân đối với con. Con xem sự tấn công của sa nhân là một tấn công cá nhân nhắm vào con.

Vậy phi từ bi là gì? Thế nào là đối nghịch của từ bi? Đó là khi bất cứ ai, cho dù là con hay một người khác, cầm giữ trong tâm họ một hình ảnh cố định về con như một sinh thể vô hình tướng. Người đó lấy một hình ảnh có hình tướng, phóng chiếu lên con là một sinh thể vô hình tướng và nói: “Bạn là thế này này.” Họ làm đông đặc một hình ảnh của Dòng sông sự Sống. Họ lấy một hình chụp của Dòng sông sự Sống và nói: “Dòng sông như thế này này. Người ta có thể biết tất cả về dòng sông bằng cách nhìn vào tấm hình tĩnh vật này.” Đây là điều họ làm với con. Đây là điều chính con làm với con. Đây là phi từ bi. Cho nên từ bi là gì chứ? Là khi con nhận biết có một hình ảnh cố định về một sinh thể vô hình tướng, cho dù là con hay một người khác, xong con chỉ đơn giản nhả ra cho nó đi. Như Chân sư MORE đã mô tả, khi con nhìn một hình ảnh về một sự việc trong quá khứ, con có thể buông nó ra, con có thể gạt bay nó đi, con có thể từ bỏ nó, rũ bỏ nó. Đấy là từ bi.

13.2. Những đệ tử của chân sư bị kẹt lại

Về điểm này, chúng ta hãy lấy một hướng hơi khác và bàn về các đệ tử của chân sư thăng thiên. Có những người đã đến với giáo lý của chân sư, và khi họ tìm thấy giáo lý, tất nhiên là họ ở một tầng tâm thức nào đó – chuyện này không thể tránh được như con cũng hiểu. Họ có một tâm lý nào đó, họ có một số ngã tách biệt và họ đến với giáo lý của chân sư xuyên qua tầng tâm thức của họ vào lúc đó. Không ai đã làm gì khác hơn. Không có gì sai trái và cũng không có trách móc vì chuyện này đơn giản không thể tránh được. Con tìm thấy giáo lý ở một thời điểm, con nhìn giáo lý theo một cách nào đó, qua tâm thức con đang có và các ngã tách biệt con đang có.

Việc xảy ra cho một số đệ tử của chân sư thăng thiên – không phải tất cả, cũng không phải đa số, nhưng một số – là họ hình thành một quan điểm và một niềm tin rất mạnh mẽ về các thày, về giáo lý của các thày và về chính họ như một đệ tử. Họ làm vậy vì họ có một ngã tách biệt với một nhu cầu nhất định. Có thể là nhu cầu cảm thấy mình tốt đủ, mình không đến nỗi tệ, hay có thể một nhu cầu cảm thấy mình cao trội. Đặc biệt có một nhóm đệ tử có nhu cầu cảm thấy cao trội hơn người hay không chê vào đâu được, rằng mình hiểu biết những chuyện mà người khác không hiểu nổi. Khi họ tìm thấy giáo lý, họ dựng lên một hình ảnh về họ là đệ tử cao cấp, nhưng đó là một ngã tách biệt đang tạo dựng và cầm giữ hình ảnh này.

Bây giờ vấn đề là: Liệu các đệ tử này sau khi học và áp dụng giáo lý được một thời gian, có thể nào khắc phục ngã tách biệt đó hay không? Một số sẽ có thể, và như vậy họ sẽ bước tới và tăng triển. Còn một số khác, con yêu dấu, sẽ không thể hay không muốn, cho nên mặc dù họ đã học và áp dụng giáo lý và đã có tiến bộ trong những cách khác, thì trong họ vẫn còn cái ngã ban đầu đã khiến họ hình thành cái nhìn kia về bản thân và về giáo lý. Ngã này, họ chưa đụng đến. Cho dù họ đã học và áp dụng giáo lý hàng 30, 40 năm, có những đệ tử vẫn chưa đụng đến cái ngã tách biệt ban đầu này. Họ chưa bắt đầu nhìn ra đó là một ngã tách biệt. Họ tin chắc rằng cách họ nhìn các chân sư, con đường tâm linh cùng bản thân họ là cái nhìn tối hậu. Họ không cần thay đổi cái nhìn này.

Các thày có thể làm gì với những đệ tử như vậy? Theo một nghĩa nào đó, các thày không làm gì cả vì các thày không thể chạm được họ. Điều các thày làm là nói: “Bây giờ đã đến lúc đưa ra một tầng cấp giáo lý cao hơn, vì có một số tới hạn những đệ tử đã sẵn sàng nhận được.” Điều thường xảy ra sau đó là đối với những đệ tử xem mình là cao cấp, cái nhìn nguyên thủy của họ về các chân sư, về giáo lý và về chính họ sẽ bị giáo lý mới thách thức. Một số giờ đây có thể thấy được điều này, họ thấy là cái nhìn cố hữu của họ chỉ xuất phát từ một ngã tách biệt và họ có thể buông nó ra. Nhưng một số khác không sẵn lòng làm vậy, họ không sẵn lòng chất vấn hình ảnh mình là đệ tử cao trội, mình nắm chắc đường tu trong tay, mình biết rõ đường tu là gì và một đệ tử phải như thế nào. Trong nhiều trường hợp, những người này sẽ bác bỏ giáo lý mới. Rất nhiều lần trong quá khứ, các thày đã đỡ đầu một tổ chức trong một thời gian, xong đã rút lại sự đỡ đầu và ngừng trao thêm tiết lộ tuần tự cho phong trào đó. Khi các thày khởi sự một phong trào mới, một số đệ tử của phong trào cũ đã đi theo, nhưng những ai tự xem mình là giỏi giang và cao cấp nhất thì lại không theo, vì phong trào mới hơi khác lạ cho nên nó thách thức cái nhìn của họ về đường tu.

Điều này tất nhiên có thể xảy ra ngay cả trong một tổ chức như vừa xảy ra gần đây cho một số người khi các thày ban truyền giáo lý mới về ngã gốc và ngã tách biệt cùng quyển sách Các kiếp của tôi. Tại sao thày lại đề cập đến chuyện này? À, bởi vì các đệ tử đó chính là một ví dụ về sự phi từ bi. Họ đã không neo chặt vào Ngọn lửa Từ bi. Nếu con thực sự nắm bắt được từ bi là gì, con sẽ nhận ra con đường tâm linh, con Đường Quả vị Ki-tô, là một tiến trình đi qua mấy giai đọan. Khi con từ bi với bản thân và với người khác, con nhận ra là những gì áp dụng cho một giai đoạn chỉ được trao truyền để đưa con đến một tầng nào đó của đường tu. Khi con đạt đến tầng này, thách thức của con là bước lên một tầng cấp mới, và như các thày đã giảng, con không thể vươn lên tầng mới bằng cách tiếp tục làm giống như tầng cũ.

13.3. Từ bi với chính mình

Con đang ở một tầng nào đó trên đường tu. Những gì con đã làm để đạt đến điểm này hoàn toàn có giá trị, nhưng những gì đã đưa con đến đây không thể đưa con đi xa hơn. Nếu con không có lòng từ bi, con sẽ có xu hướng bám giữ một cái nhìn cố định về đường tu, về các chân sư, về chính con. Con sẽ thấy là rất rất nhiều đệ tử suốt các thời đại đã nhìn vào một đợt truyền pháp mới và tìm thấy một điểm nào đó mà họ có thể chỉ ngón tay: “Ồ, chân sư sẽ không bao giờ nói điều này. Chân sư sẽ không bao giờ diễn đạt theo kiểu đó, chân sư sẽ không bao giờ nói về các đề tài đó,” toàn những chuyện như vậy. Đây thật sự là một biểu hiện của lòng phi từ bi.

Nhưng liệu thày có nói điều này vì thày muốn mọi người đầu thai có lòng từ bi với các chân sư thăng thiên? Dĩ nhiên là không! Thày không cần đến lòng từ bi của con. Chính con mới cần đến lòng từ bi của con, vì các đệ tử kia làm gì chứ? Họ đang giam họ lại trong một hình ảnh cố định về chính họ. Cho nên họ không đang từ bi với chính họ. Hơn nữa, họ cũng thường không từ bi với các đệ tử khác. Họ trở nên rất xét đoán với các đệ tử đã bước đi tiếp, chẳng hạn. Có lẽ họ sẽ cố thuyết phục, hay hù doạ để các đệ tử này không nên bước đi tiếp, bằng đủ loại mưu chước dọa dẫm rằng giáo lý mới là sai lầm, là giả trá, là không phải chân sư và vân vân.

Ở đây có một tư duy vô cùng cứng nhắc len lỏi vào, và sự cứng nhắc này trong tư duy thiếu hẳn lòng từ bi. Con thử nhìn các tín đồ Cơ đốc cực chính thống mà xem, họ mang tư duy rất cứng nhắc rằng Kinh thánh là lời của Thượng đế và họ không cần gì khác hơn để được cứu rỗi. Đây là một biểu hiện khá cùng cực của lòng phi từ bi. Thày biết là hầu hết mọi người chưa bao giờ nhìn vấn đề này theo cách đó, nhưng đây là sự thật. Họ hoàn toàn thiếu từ bi đối với chính họ và những ai họ phán xét.

Con đây, con là đệ tử của chân sư thăng thiên thì hiển nhiên con có khả năng bước lên cao hơn vậy. Con đã mở tâm ra với giáo lý của các thày về ngã gốc, chấn thương nhập đời và tất cả các ngã tách biệt kia, thì con có thể dùng điều này để nói: “Con sẽ cần kinh qua những gì ở đây?” Thày vừa đề cập đến các đệ tử kia như một ví dụ mà thôi. Con không cần dính mắc chuyện đó, con không cần cố thuyết phục họ chút nào, mà con chỉ cần nhìn vào bản thân và nói: “Liệu tôi có mang một yếu tố phi từ bi nào đối với chính mình, hay thậm chí đối với cái nhìn của mình về người khác? Liệu tôi có xu hướng bám giữ một hình ảnh cố định về bản thân, về đường tu hay về các chân sư?” Giê-su đã giảng về cách vận hành của con trong liên hệ với các thày, nhưng quan trọng hơn, con cần hỏi: “Tôi nhìn chính tôi như thế nào?”

Điều thày muốn dẫn con đến là sự công nhận rằng đường tu tâm linh, con đường quả vị Ki-tô, có những giai đoạn riêng biệt, những thời kỳ riêng biệt. Có nghĩa là con, như một đệ tử của chân sư thăng thiên, không thể cho phép mình cầm giữ hình ảnh trong tâm rằng: “Tôi đã nắm được căn bản của đường tu. Nó bảo tôi phải làm thế này thì tôi cứ việc làm tiếp như thế cho đến hết kiếp và tôi sẽ tiến bộ tối đa.” Nhưng đơn giản là không phải vậy. Sẽ tới một điểm khi những gì con đã từng làm cho đến giờ sẽ không đưa con vào giai đoạn kế tiếp. Cho nên con cần đủ linh hoạt uyển chuyển để sẵn lòng buông bỏ hình ảnh đó về người đệ tử và về đường tu, và con nói: “Tôi thực sự cần gì để tăng triển lên giai đoạn kế tiếp?”   

Con thấy đó, con yêu dấu, có những đệ tử sẽ nhìn vào bất cứ gì mới mà các thày truyền dạy và xét đoán nó trên căn bản các lời dạy trước đó. Chẳng hạn có những đệ tử sẽ nhìn vào một đợt truyền pháp mới, so sánh với giáo lý của đợt truyền pháp trước và bảo: “Ồ cái mới này không thể nào đúng được vì nó mâu thuẫn hay nó đi xa hơn cái cũ.” Con yêu dấu, con tỉnh giấc đi nhé! Sẽ ích lợi gì mà khởi sự một đợt truyền pháp mới nếu nó không đưa ra được gì vượt khỏi cái cũ? Con hãy nhận rõ là xu hướng này có mặt.

13.4. Những cái bẫy để đánh bẫy đệ tử tâm linh  

Điểm này cho phép thày dẫn con đến một chủ đề mà thày thật muốn nói đến, đó là khi con bắt đầu giáp mặt với những vấn đề sâu thẳm của chấn thương nhập đời, của ngã gốc – cùng các ngã tách biệt kia mà con đã tạo ra ngay ở đầu thời gian sinh sống trên trái đất – con cần nhìn ra là sa nhân đã rất khéo léo gài bẫy các đệ tử tâm linh, đặc biệt là avatar. Chúng nghĩ: “Làm thế nào chúng ta có thể đánh bẫy khiến cho một avatar bám giữ một hình ảnh về chính họ sẽ ngăn cản họ thể hiện quả vị Ki-tô?” Và chúng đã tạo ra cái gần như có thể gọi là những cỗ máy nhằm mục đích đánh bẫy con người, không chỉ các avatar nhưng chủ yếu là avatar vì avatar là mối đe dọa lớn nhất cho sa nhân.

Tới một giai đoạn khi thỉnh thoảng con phải có biện pháp để khắc phục một ngã tách biệt nào đó, có vẻ như biện pháp con phải lấy rất khác với cách nhìn cố hữu của con về đường tu. Có vẻ như biện pháp này gần như cách mạng so với những gì con đã làm trước đó. Và điểm này dẫn thày đến chủ đề làm thế nào con có thể thoát khỏi những lỗi lầm mà con nghĩ con đã phạm phải trong quá khứ. Nếu con đã đến đây như một avatar – thật không thành vấn đề nếu con đã hứng chịu cùng loại chấn thương được mô tả trong sách Các kiếp của tôi hay không, vì một số trong các con đã sống qua những hoàn cảnh khác – nhưng tất cả các con trong tư cách là avatar đều đã có một thời điểm cảm thấy mình sai lầm khi mình đến hành tinh này. Điều này dựa trên trải nghiệm là tất cả những gì con làm hay đem lại, theo cách diễn đạt của Nada, đều đã bị sa nhân “đập dí xuống” và quy ghép là sai lầm. Bất cứ gì con làm đều không ổn, và chính con cũng không ổn. Nếu bất cứ gì con làm đều sai trái thì bản thân con phải sai trái. Đây là khẩu hiệu của sa nhân.

Con yêu dấu, con phải làm gì để khắc phục ngã tách biệt này? Đây là khi con cần linh hoạt uyển chuyển. Lẽ tự nhiên, các thày đã dạy là con cần nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình, về đường tu của mình, về sự phát triển của mình, vân vân. Điều thày sắp nói tiếp theo đây sẽ có vẻ đi ngược lại lời dạy đó từ một nhãn quan đường thẳng.

13.5. Hãy ngừng nhận trách nhiệm về bất cứ gì

Thật ra bây giờ thày bảo con cần ngừng nhận trách nhiệm về bất cứ việc gì con đã từng làm trên trái đất. Tại sao thày lại nói vậy? Con yêu dấu, bởi vì sa nhân đã khuynh đảo để con tạo ra một ngã tách biệt khiến con cảm thấy chính con đã làm gì sai trái. Nhưng các thày đã dạy con điều gì?

Con là ai chứ? Con là cái Ta Biết. Con là một sinh thể vô hình tướng. Con có quyền đi xuống địa cầu. Con khoác vào hình tướng của bốn thể phàm của con, con đi xuống tầng tâm thức thứ 48. Con hành xử dựa trên tầng này, con nhận được hồi đáp, xong trong kịch bản lý tưởng con tăng triển lên tầng 49. Con tăng triển lên tầng 50 và cứ như vậy con tăng triển cho đến khi con lại nhận biết: “Tôi là một sinh thể vô hình tướng. Hình tướng không quy định được tôi.” Đây là tiến trình các thày đã gọi là sự trầm mình và sự thức tỉnh. Điều sa nhân đã thành công làm được đối với nhiều các con là chúng đã cưỡng bức con tạo ra cái ngã tách biệt giờ đây cầm giữ một hình ảnh cố định về chính con – rằng con không phải là một sinh thể vô hình tướng mà là một sinh thể mang một hình tướng đặc thù, và hình tướng này thì sai trái dựa theo một tiêu chuẩn nào đó. Đối với nhiều các con, ngã này đã có mặt ngay từ kiếp hiện thân đầu tiên hay một trong những kiếp đầu tiên sau khi con đến trái đất. Ngã này con đã kéo lê theo con suốt một thời gian rất rất dài, và ngã này là một trong những yếu tố chủ yếu ngăn con vươn lên một tầng mức quả vị Ki-tô nào đó. Con không thể vươn lên quá mức này trên đường tu chừng nào con còn kéo lê nó theo con.

Con phải làm gì để khắc phục ngã này? À, đây là điều thày đề nghị con cân nhắc: Tại sao con đã làm bất cứ gì trên trái đất? Khi con đi xuống tầng 48, các thày có giảng là con khoác vào tất cả những ảo tưởng kia giống như những tấm màn mà con trùm vào. Con nhìn cuộc sống xuyên qua những tấm màn này đang bóp méo và tô màu tầm nhìn của con. Tại sao con làm điều con đã làm? Có phải là con, cái Ta Biết xem mình như một sinh thể vô hình tướng, làm những điều con đã làm? Không đâu! Con, cái Ta Biết làm những gì con đã làm không phải trong nhãn quan mình là một sinh thể vô hình tướng, mà trong nhãn quan mình là một sinh thể có hình tướng dựa trên các ảo tưởng con đã khoác vào. Đó có thực là con, có là con người thực của con, có là sinh thể vô hình tướng, hay đó là một ngã tách biệt con đã tạo ra để đi xuống cõi hiện thân vật lý?

Con có thấy ý thày muốn nói ở đây chăng? Các thày có giảng là con nhận chịu chấn thương nhập đời và sau đó con tạo ra ngã gốc, nhưng ngay cả để đi xuống tầng 48 và hiện thân, con đã phải tạo ra những ngã tách biệt đó, cái cỗ xe linh hồn đó, bốn thể phàm đó của con, đặc biệt là ba thể cao của con. Điều thày cố giúp con nhìn ra ở đây là sẽ tới một điểm trên đường tu tâm linh con cần đương đầu với vấn đề này.

Tất nhiên là con không thể làm vậy ở những tầng thấp hơn. Một đệ tử mới của chân sư thăng thiên không thể sẵn sàng nhận giáo lý này trừ khi con đã được chuẩn bị trong các kiếp trước. Hầu hết mọi người sẽ không sẵn sàng cho giáo lý này trong một khoảng thời gian, nhưng sẽ tới một điểm con phải bắt đầu suy nghiệm và nhận ra: “Nếu tôi thực là cái Ta Biết, nếu tôi thực là một sinh thể vô hình tướng, thì tôi không phải là bất kỳ ngã tách biệt nào của tôi. Tôi đã chỉ đồng hóa là ngã tách biệt mà thôi, vì tôi đã chui vào trong ngã và nhìn xuyên qua phin lọc đó. Giờ đây tôi bắt đầu cảm nhận mình là một sinh thể vô hình tướng thì đã đến lúc tôi bước lui lại và nói: “Phải, tôi đã hành động khi tôi mới đến địa cầu. Tôi đã hành xử hoàn toàn trong sáng với ý định tốt đẹp nhất để giúp đỡ người khác. Tôi đã bị những cú giáng tàn bạo của sa nhân và tôi đã phản ứng bằng cách tạo ra ngã tách biệt này, nó cảm thấy là tôi sai trái hay đã sai lầm khi đến hành tinh này, hay cho dù tôi tự biểu hiện thế nào trên hành tinh này thì điều đó cũng sai lầm! Chính tôi đã thiết kế ngã này, và sau khi tôi tạo ra nó, tôi đã bắt đầu lấy quyết định xuyên qua nó.”

Đây là điều mà Mẹ Mary đã phần nào gọi là những quyết định tránh né. Người ta đã cho con cảm tưởng là con sai lầm khi con biểu đạt con người thực của con. Và con quyết định: “Tôi không thể biểu hiện con người thực của tôi,” cho nên con đã bắt đầu lấy tất cả những quyết định kia để tránh bị sai lầm thêm một lần nữa. Giống như thể mục đích toàn bộ của con – hay ít ra mục đích toàn bộ của ngã này – là mình sẽ không sai lầm nữa, cho nên con đã dựa vào đó để quyết định. Vậy con có thể tự nhủ: “Phải, tôi đã làm một chuyện sai lầm .” Đó có thể là chuyện gì trong kiếp này, hay nếu con nhận ra đó là một chuyện trong tiền kiếp, con nói: “Phải, tôi đã làm chuyện đó. Từ một góc cạnh thường tình thì tôi đã làm chuyện đó, nhưng từ một nhãn quan cao hơn, có thực là tôi đã làm hay không? Có phải là tôi, sinh thể vô hình tướng, đã làm chuyện này hay kỳ thực là một ngã tách biệt đã quyết định làm vậy? Ai đã làm, tôi hay ngã tách biệt?”

Khi con bắt đầu suy ngẫm, hay dù con chỉ đặt ra câu hỏi như vậy, thì con cũng bắt đầu tách mình ra khỏi ngã tách biệt đó. Con tách cái Ta của con ra khỏi ngã tách biệt. Sau khi con làm vậy, con có thể ngộ ra: “Tôi không là ngã tách biệt đó, tôi là nhiều hơn, tôi là một sinh thể vô hình tướng.” Con có thể chợt thoáng trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết này, là cảm nhận mình đang ý thức nhưng mình không ý thức về chính mình như một sinh thể đặc thù hay về một tình huống đặc thù. Xong con ngộ ra: “Tôi không phải là ngã tách biệt. Ừ nhỉ, nếu tôi không là ngã tách biệt thì đương nhiên tôi cũng không làm những gì ngã tách biệt đã làm.” Nếu chính con không làm những gì ngã tách biệt đã làm thì tại sao con lại cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm? Tại sao con phải cảm thấy là mình trách nhiệm chuyện đó?

13.6. Con có thể gỡ bỏ những gì mình đã làm không?

Con thấy không, điều sa nhân muốn con cảm thấy là con đã phạm phải lỗi lầm khủng khiếp kia trong quá khứ và điều này chứng tỏ là con xấu xa. Con sẽ xấu xa mãi mãi, xấu xa vĩnh viễn vì con sẽ không bao giờ vượt qua được. Con sẽ không bao giờ tháo gỡ được những gì con đã làm trong quá khứ. Điều này chứng tỏ là con xấu và con sẽ xấu mãi mãi do con không thể vượt qua được. Con không thể gỡ bỏ những gì mình đã làm trong quá khứ.

Cũng đúng là từ một góc độ nào đó, con không thể thay đổi sự kiện là việc đó đã xảy ra. Tất nhiên, con có thể dùng dụng cụ các thày đã trao truyền để khắc phục ký ức, vân vân. Thày sẽ cho con ở đây thêm một dụng cụ nữa, là con nói với ác quỷ: “Được rồi ác quỷ, mi bảo là việc đó đã xảy ra và không thể được tháo gỡ. Tại sao mi lại nói điều này với ta? Ta có làm chuyện đó đâu. Đó là ngã tách biệt, nhưng ngã này không phải là ta. Phải, mi nói đúng, ác quỷ, ta đã tạo ra ngã tách biệt này. Ta nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc tạo ra ngã tách biệt này. Mi có biết điều tuyệt diệu là gì không, ác quỷ? Cái gì ta đã tạo ra thì ta có thể giải thể. Mi không có quyền năng gì trên ngã tách biệt này. Hay đúng hơn, có thể mi có khả năng thao túng ngã tách biệt nhưng mi đã không đã tạo ra nó và mi không thể giải thể nó – nhưng ta đây có khả năng giải thể nó. Ta có khả năng để nó chết đi, và mi biết gì không? Ta đang để nó chết đi ngay bây giờ, và bây giờ nó không còn nữa. Vậy tại sao mi lại đến phiền ta? Mi hãy đi chỗ khác, hãy tìm ai khác mà làm phiền, một ai khác vẫn còn ngã tách biệt. Hãy lui ra sau ta, Satan.”

Con thấy đó, có một giai đoạn trên đường tu tâm linh khi con cần nhận trách nhiệm về bản thân, con cần đọc chú đọc thỉnh để biến hóa năng lượng, con cần làm việc trên tâm lý của con và điều này điều nọ. Thế rồi đến một điểm con sẽ cần bước lui lại, nhìn từ một góc độ khác và nói: “Bây giờ thật ra tôi cần ngừng nhận trách nhiệm.” Con vẫn là người trách nhiệm ở chỗ con nhận trách nhiệm về việc tạo ra ngã tách biệt và con cũng nhận trách nhiệm về việc để cho nó chết. Nhưng con yêu dấu, khi con để cho ngã tách biệt chết rồi, con không còn trách nhiệm gì về hành vi của nó hay xuyên qua nó nữa. Đây là điểm con cần hòa điệu với Ngọn lửa Từ bi đích thực và ngộ ra: “Tôi cần từ bi với chính tôi. Tôi cần tha thứ mình hoàn toàn và vô điều kiện về những việc tôi đã làm trong quá khứ, thậm chí cho đến độ tất cả mọi việc tôi đã làm trong quá khứ không còn quan trọng gì nữa.” Khi con nhận ra là nó không quan trọng gì nữa, con có thể làm điều Chân sư MORE đã chỉ dạy: Con có thể xóa hẳn hình ảnh là mình đã làm việc đó, cho nên ngay cả ký ức về nó cũng không còn.

Con có thể sẽ khó xóa bỏ hình ảnh cho tới khi con đã tự tha thứ mình, đã hòa điệu với Ngọn lửa Từ bi, đã sử dụng Ngọn lửa Từ bi để tẩy xóa cảm nhận tội lỗi, xấu hổ, tủi thẹn,… bất kể đó là gì. Ngọn lửa Từ bi mà thày cầm giữ là cục tẩy cho các loại cảm xúc đó. Con có thể thỉnh nó qua nhiều cách: qua bài thỉnh, ngay cả câu thần chú Om Mani Padme Hum và nhiều cách nữa để hoà nhập vào Bản thể của thày. Điều cần thiết là con phải hoàn toàn tự tha thứ chính mình và nói: “Tôi đã không làm chuyện đó. Tôi là một sinh thể vô hình tướng và tôi đã không làm chuyện đó!” Thế là con tự do.

13.7. Tự giải thoát bằng cách tha thứ tất cả những ai đã làm hại con

Điều này, tất nhiên, mới chỉ là một mặt của đồng tiền của sự tự do. Bây giờ con cần nắm lấy những gì con đã nhập tâm về bản thân mình và áp dụng vào người khác. Có ai đó đã làm con thương tổn, thậm chí ở cùng cực có sa nhân đã gây chấn thương nhập đời cho con. Chúng đã làm một điều gì đó tuyệt đối khủng khiếp, tuyệt đối hung hãn và tàn khốc. Nhưng này, tại sao con làm chuyện con đã làm chứ? À đúng vậy, con hành động xuyên qua một ngã tách biệt, con bị mù quáng bởi ngã tách biệt. Tại sao sa nhân làm chuyện chúng đã làm? Đúng vậy, chúng cũng đang hành động xuyên qua một ngã tách biệt. Ác quỷ là gì? Nó có là thần thánh gì không? Không đâu, nó là một tập hợp những ngã tách biệt. Ở đâu đó – trong con người của Satan hay của Lucifer, bất kể – có một cái Ta Biết không còn nhận biết gì về sự hiện hữu của nó, vì nó đã bị hoàn toàn chiếm lãnh và đồng hóa bởi tất cả những ngã tách biệt vô cùng hung hãn, vô cùng tiêu cực kia. Nhưng chúng vẫn là ngã tách biệt, chúng không có thực tại lâu dài nào cả, chúng không bao giờ có thể thăng thiên và trở nên thường hằng. Chúng vô thường. Và chúng sẽ bị tẩy xóa ở một thời điểm nào đó, nếu không trước khi bầu cõi thăng thiên thì chắc chắn vào lúc bầu cõi thăng thiên. Con không cần tha thứ cho một ngã tách biệt vì nói cho cùng, nó không thực, nhưng điều con cần làm là tha thứ cho tất cả những ai đã làm hại con.

Con cần có lòng từ bi với họ, và điều này con có thể thực hành dễ nhất với những người con quen biết trong kiếp hiện thân này, chẳng hạn như người thân trong gia đình, vợ chồng, hay cả vợ cũ, chồng cũ. Con chỉ cần đạt tới điểm nhận ra là dù họ có đã làm gì con, không phải cái Ta Biết trong con người họ đã làm điều đó mà là một ngã tách biệt. Cho nên con có thể tha thứ, con có thể từ bi với họ bằng cách không cầm giữ hình ảnh họ là ngã tách biệt, họ hành xử giống như ngã tách biệt đã hành xử với con. Con có thể tránh phản ứng: “Bạn con người như vậy, bạn loại người như thế.” Con có thể tránh được điều đó. Con có thể tẩy xóa nó đi. Con có thể đạt tới điểm tha thứ những ai đã làm hại con. Khi con làm được vậy, không cứ là con đã giải phóng cho họ, vì khi con tha thứ thì họ vẫn bị tô màu bởi ngã tách biệt cho nên họ vẫn không được giải thoát. Vậy ai sẽ được giải thoát khi con tha thứ? À, chính con đó. Con được giải phóng vì chừng nào con còn cầm giữ một hình ảnh nhất định về một người thì, thật vậy, làm sao con tự do cho được?

Làm thế nào con cầm giữ được một hình ảnh mang hình tướng về một người khác? Chỉ khi nào con có một cái ngã hữu hình đang cầm giữ hình ảnh này. Trong tư cách cái Ta Biết, con không thể cầm giữ một hình ảnh đặc thù về một người khác. Nếu con thực sự ở trong cái Ta Biết và không có ngã tách biệt nào – như khi con sẽ đạt được ở tầng tâm thức 144, hay ít ra khi con tiến đến gần đó và ngày càng có ít ngã tách biệt – con sẽ không nhìn người khác theo một cách nhất định. Con không mang một hình ảnh hay một ấn tượng định sẵn về con người của họ. Giống như thể con thức dậy buổi sáng, nhìn sang phía chồng con hay vợ con ở bên kia giường và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi: “Ủa, người này là ai vậy? Sao tôi không quen?” Con không mang theo con bất kỳ hình ảnh định sẵn nào. Giống như người ta nói, con sống trong hiện tại, theo nghĩa là mỗi hiện tại đều là một khoảnh khắc mới. Con không đòi hỏi người đó phải thỏa mãn một hình ảnh nhất định. Con không đổ lỗi cho họ về những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Con gặp họ mỗi lần như một người mới vì con cho phép chính mình là một người mới mỗi ngày.

Cho dù con không có người bạn đời thì khi con đạt đến các tầng tâm thức cao hơn, con cũng thức dậy buổi sáng, nhìn vào gương và nói: “Người này là ai vậy?” Con tự do khi con hỏi: “Hôm nay tôi muốn là ai đây?” Hầu hết mọi người không có tự do nói được như vậy vì họ thức dậy với một khuôn nếp đem theo từ tối hôm trước và khuôn nếp này bảo: “Đây là con người bạn sẽ phải là hôm nay! Bạn phải là đúng như thế này.” Khi con lên đến các tầng cao hơn, con càng ngày càng có nhiều tự do hơn, và lẽ tự nhiên, khía cạnh omega là con cũng trao tự do cho người khác. Có thể con biết là người ta sẽ hành xử giống như mọi ngày và không thay đổi gì hết, nhưng con không quan tâm đến điều này nữa. Con chỉ giải phóng họ, qua đó con cũng giải phóng chính con. Con nói: “Bạn có quyền hành xử giống như bạn đã hành xử hôm qua, nhưng tôi sẽ không phản ứng giống như tôi đã phản ứng hôm qua. Tôi sẽ không hành xử theo cách bạn chờ đợi tôi hành xử. Tôi sẽ hoàn toàn tự do khi tôi chọn: Hôm nay tôi sẽ muốn là ai đây?”

13.8. Không ai đã làm gì tới con

Sau khi con đã làm vậy, đã đạt đến mức tha thứ cho mình, có lòng từ bi với mình, có lòng từ bi với người khác, thì con có thể bước thêm một bước thật triệt để. Con có thể ngộ ra điều mà sứ giả này đã ngộ được trong thời gian qua khi hôm đó ông chợt hiểu: “Không ai đã làm gì tôi cả.” Con hãy suy nghiệm câu nói này. Con hãy thử tưởng tượng con thốt lên câu này trong khi con nhìn lại toàn bộ quá trình của mình trong kiếp này cùng những gì con cảm nhận được từ những kiếp trước, xong con nói: “Không ai đã làm gì tôi cả.” Và con hãy theo dõi phản ứng của con, nhìn xem bên trong con có giọng nói nào đang lên tiếng phản đối. Nếu có thì con sẽ biết là một ngã tách biệt đang có mặt, và con có thể xem xét nó hầu con thoát ra khỏi nó.

Thày vừa nói là con cần ngừng nhận trách nhiệm về hành động của mình. Con cũng rất cần ngừng nhận trách nhiệm về cách phản ứng của người khác đối với con. Lẽ tự nhiên khi con mới đến trái đất, sa nhân đã tấn công con và cố biến nó thành một sự tấn công rất rất cá nhân: Chính bản thân con có gì không ổn, chính con đã sai lầm khi làm vậy. Một khi con nhận ra sa nhân gây ra chuyện đó cho con là do chúng có ngã tách biệt, thì con có thể đạt tới điểm nói rằng: “Ồ, vậy có nghĩa là kỳ thực chúng đã không nhắm vào tôi, vì chúng chỉ hành xử theo ngã tách biệt của chúng. Nếu có ai khác đứng ở vị trí của tôi thì chúng cũng đã hành xử y như vậy với họ, có nghĩa đây không phải là chuyện nhắm vào cá nhân tôi. Đơn giản là tôi đã tạo ra một cái ngã tách biệt xem đây là một chuyện cá nhân.”

Một trong những bước tuyệt đối quan trọng nhất mà con có thể thực hiện trên con đường quả vị Ki-tô là đạt tới điểm con nhận diện trong người con có một ngã tách biệt đang phản ứng. Bất cứ khi nào có gì xảy ra cho con – có thể là khi con lầm lỗi, con làm điều gì mà con xem là ngu ngốc hay đáng hổ thẹn, con làm điều gì mà người khác không ưa hay khó chịu, hay bất cứ gì khác tùy theo mỗi cá nhân – thì đó là điều con đã làm và khi con làm như vậy, con cảm thấy chính cá nhân con đã làm chuyện kinh khủng này, đã phạm lỗi lầm này cho nên con phải có cảm xúc này. Đây chỉ là một ngã tách biệt giống như mọi ngã tách biệt khác.

Con hãy lưu ý, con yêu dấu, ngã này có thể rất khó khắc phục vì đó là cái ngã xem mọi chuyện là cá nhân. Nó khiến con cá nhân hóa mọi chuyện và nó sẽ cố khiến con cá nhân hóa cả sự kiện con mang cái ngã đang cá nhân hóa mọi chuyện. Có thể con sẽ phải gần như tự đánh lừa mình, tức là thay vì xem nó đơn giản là một ngã tách biệt, con phải bước lui lại hai lần và thấy nó là một ngã tách biệt đã khiến con bực bội với tất cả những ngã tách biệt kia cùng mọi việc con đã làm. Dù sao thì một khi con lui lại đủ, con sẽ thấy nó chỉ là một ngã tách biệt.  

Thật ra con có thể nhận thấy là cái ngã cá nhân hóa mọi chuyện đã được tạo ra để phản ứng lại việc người khác trách cứ con. Con có thể nhận ra là họ không trách cứ bản thân con mà họ chỉ hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết của họ. Cho dù họ đã có làm gì con thì họ chỉ đang hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết của họ. Con hãy suy ngẫm câu này. Dù bất cứ ai đã làm điều gì tiêu cực cho con thì họ chỉ đang hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết của họ. Nếu họ hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết và họ trách cứ con, thì tại sao con lại phải nhận lấy trách cứ đó, xem đó là chuyện cá nhân và nói: “Ồ, chắc tôi là người đã làm họ bực mình.”

Con đã không tạo ra ngã tách biệt của họ. Con không chịu trách nhiệm về các ngã đó, cho nên con không cần xem đó là chuyện cá nhân. Con không cần cảm thấy mình trách nhiệm. Con chỉ đơn giản nhận ra là không có gì nhắm vào cá nhân con. Họ mang một ngã tách biệt khiến họ bực bội, xong họ có một ngã tách biệt khác khiến họ nghĩ sự bực bội này không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của con đã làm gì đó, cho nên ngã tách biệt này phóng lời trách móc vào con. Nếu không phải là con mà có ai khác đang đứng ngay đó thì họ đã phóng vào người kia. Không có gì cá nhân nhắm vào con. Cái họ phóng ra là chuyện cá nhân của họ, có nghĩa là con không phải nhận lấy và biến nó thành chuyện cá nhân của con.

Một khi con nhận diện được điều này, con có thể thực hiện bước kế tiếp, có lẽ là bước cách mạng hơn cả, và nói: “À, hóa ra không ai đã làm gì tôi cả.” Một đằng, thật sự không có ai đã bực bội với con hay trách móc gì con. Chỉ đơn giản là chuyện tâm lý chưa giải quyết của họ mà họ hướng về con. Vậy con có thể nói: “Thôi được, không có gì cá nhân trong lời trách móc đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn bực vì lời này.” Và con có thể nói: “Nhưng có phải là họ đã khiến tôi buồn bực không? Không. Tôi buồn bực là vì tôi có một ngã tách biệt mà tôi đã tạo ra trong quá khứ đang làm tôi buồn bực trong loại hoàn cảnh đặc thù này. Cho nên chẳng có ai đã làm gì tôi cả, vì điều duy nhất đã tác động đến tôi không phải là việc làm của người khác, mà là phản ứng của tôi đối với việc làm này. Chính trải nghiệm nội tâm của tôi về việc làm của họ đã tác động đến tôi, chứ không phải hành động vỏ ngoài của họ.” Con thấy đó, con yêu dấu, trong tâm con khởi lên sáng ngộ là có một sự khác biệt căn bản giữa những gì người ta làm bên ngoài bốn thể phàm của con và những gì xảy ra bên trong bốn thể phàm của con.

13.9. Trách nhiệm nội tâm của con

Một lần nữa, tuyệt đối không có sự chê trách nào ở đây. Khi con đi xuống tầng 48 và chạm trán với sự hung hãn của sa nhân, con chỉ có thể phản ứng dựa trên tầng tâm thức 48. Vì vậy con không thể tránh xem đó là chuyện cá nhân và tạo ra những ngã tách biệt để ứng phó. Tất cả các thày từng hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên cũng đã đều làm vậy. Không có lý do gì con phải tự trách mình đã làm vậy, nhưng con cần công nhận là con đã làm vậy. Sau đó con cần thực hiện một cuộc xoay chuyển, thật ra con cần nhận lãnh một loại trách nhiệm khác. Con không trách nhiệm về những việc con đã làm xuyên qua một ngã tách biệt, nhưng con trách nhiệm về việc tạo ra ngã tách biệt.

Con đã tạo ra ngã đó dựa trên tầng tâm thức của con lúc đó, nhưng giờ đây con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn. Cho nên con có thể xem lại ngã tách biệt này và nói: “Ta không còn cần đến mi nữa vì ngày hôm nay ta không phản ứng theo cách đó. Ngày hôm nay ta đã hiểu biết hơn, ta đã trưởng thành hơn, nhưng ta vẫn còn ngã này mà ta đã đem theo suốt bao nhiêu kiếp sống. Bây giờ là lúc ta nhìn thấy nó, bây giờ là lúc ta sa thải nó và như vậy ta khoá nó lại trong Ngọn lửa Từ bi, ta sử dụng Ngọn lửa Từ bi và tự giải thoát khỏi cái ngã có hình tướng này. Ta tự giải thoát để là sinh thể vô hình tướng mà ta là. Ta ngộ ra là cho dù có ai làm gì ta, ta không phải phản ứng lại theo một cách nhất định nữa. Ta không phải phản ứng theo cách quen thuộc trước kia nữa. Và trên thực tế, cho dù có ai làm gì ta thì ta không phải phản ứng lại.”

Có một ngã tách biệt vô cùng mạnh mẽ trong tâm thức tập thể trên địa cầu. Tất cả mọi người đã đem nó vào hào quang của mình và cho phép nó trú ngụ ở đó. Ngã tách biệt này bảo rằng khi có ai tiếp cận con thì con phải phản ứng, con phải đáp trả. Con không thể chỉ làm ngơ. Đâu là điều tệ nhất con có thể làm cho người khác? Đó là làm ngơ họ, không phản ứng gì hết. Con hãy nhìn bao nhiêu người giận dữ tiến đến con, trách móc con chuyện gì đó. Họ chờ đợi con sẽ phản bác lại hay cảm thấy bực dọc, họ chờ đợi con sẽ đáp trả. Con yêu dấu, một trong những điều buồn cười nhất con có thể chứng kiến trên trái đất là khi có một người như vậy tiến đến trách móc con nhưng con lại không phản ứng gì hết. Con nhìn xem điều gì xảy ra khi họ không nhận được phản ứng mà họ chờ đợi.

Con yêu dấu, con có quyền tự quyết. Các thày đã chẳng nhắc nhở con quá nhiều lần rồi sao, rằng con có quyền tự quyết? Sự kiện con đầu thai trong một đơn vị gia đình hay một nhóm nào khác, hay ngay cả khi con gặp người lạ ngoài đường, không có nghĩa là con phải phản ứng, phải hồi đáp lại họ. Nếu họ tiến đến, ném vào con một điều gì mà con cảm thấy không muốn hồi đáp, thì con có tự do không hồi đáp. Con có quyền tự do bước đi, không tương tác với họ cùng sự tiêu cực của họ. Đây là một quyền con có. Đây là một quyền mà rất rất ít người sử dụng. Những ai đã sử dụng quyền này thường bị dán nhãn là lập dị, là ích kỷ, là điên rồ – họ không đáp trả lại theo cách quen thuộc của người đời.

Thày không đang bảo là bây giờ con phải bắt đầu làm ngơ tất cả mọi người. Điều thày muốn nói là có lẽ một số các con có thể nhận diện được một số người trong vòng ảnh hưởng của mình luôn luôn tìm cách lôi kéo con vào một khuôn nếp tiêu cực, cuốn hút con vào một khuôn nếp cứ mãi lặp đi lặp lại với mục đích duy nhất là giành được sự chú ý của con để họ có thể đoạt lấy năng lượng của con. Con có quyền quyết định thật đơn giản: “Tôi sẽ không đáp lại chuyện này nữa.”

Sứ giả này trong suốt thời gian ông làm sứ giả đã gặp phải khá nhiều người đến với ông với đủ loại lý do, có khi họ muốn tương tác với ông một cách hùng hổ nào đó. Những năm đầu tiên, đó là một gánh nặng cho ông vì ông cảm thấy ông phải dễ thương với mọi người, phải cố giúp mọi người. Ông đã học được, phần nào qua kinh nghiệm cay đắng, là có những người mình không thể nào giúp được. Có những người mình sẽ không bao giờ thỏa mãn được vì họ không thực sự muốn thay đổi mà chỉ muốn lôi kéo mình vào tương tác với họ. Ông đã học được là ông có quyền nói: “Có những người tôi không thể giúp đỡ và tôi chọn không giao tiếp với họ. Ngay cả việc hồi đáp tôi cũng sẽ không làm.”

Con yêu dấu, đây là một quyền hạn mà con có. Khi con thực sự suy ngẫm điều này, nếu có ai đó đến gặp con, muốn lôi kéo con vào một khuôn nếp tiêu cực và con không hồi đáp thì con đang làm gì? Con đang từ bi với họ. Làm sao con lại từ bi? À, từ bi là gì chứ? Là khi con không cầm giữ một hình ảnh cố định về chính con hay về người khác. Và đây có một người đến gặp con với một tâm thái tiêu cực, muốn kéo con vào một cuộc tranh luận. Họ chờ đợi một sự hồi đáp nào đó từ con. Con nghĩ: “Tôi sẽ hoàn toàn không hồi đáp lại chuyện này, vì nếu tôi hồi đáp theo cách họ chờ đợi thì tôi sẽ chỉ xác chứng cho ngã tách biệt đó và họ sẽ không thể nào nhìn ra ngã này, họ sẽ chỉ bị cuốn hút vào việc lặp lại khuôn nếp này mãi mãi. Nhưng nếu tôi không hồi đáp theo cách họ chờ đợi thì có lẽ họ sẽ nhìn lại cách phản ứng của họ, họ sẽ ngạc nhiên và có cơ hội xem xét phản ứng đó rồi tự hỏi tại sao nó lại xảy ra. Chính điều này mới có tiềm năng giải thoát được họ. Nếu tôi hồi đáp theo cách họ chờ đợi thì đảm bảo họ sẽ không thoát ra được, nhưng nếu tôi hồi đáp theo cách họ không chờ đợi, ít ra có chút khả năng là điều này sẽ giúp được họ. Và đây chính là lòng từ bi” – mặc dù, tất nhiên. người kia sẽ không nhìn thấy như vậy, và kỳ thực họ có thể sẽ lên án con là người không từ bi nếu họ dùng từ ngữ này.

13.10. Tự thăng vượt là một tiến trình không ngừng

Khi con không cầm giữ trong tâm mình bất kỳ hình ảnh cố định nào về người khác, đó là từ bi. Hệ quả là con cũng không cầm giữ một hình ảnh cố định nào về cách con hồi đáp như thế nào, ngay cả khi con đã quen biết những người đó cả đời. Con có thể chọn làm điều gì đó mà con chưa từng làm bao giờ. Con có thể chọn một cách hồi đáp mới lạ, khác hẳn cách hồi đáp trước kia của con, và đây là từ bi. Con yêu dấu, con sẽ không từ bi với chính con nếu con nghĩ rằng khi con tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên thì vào lúc đó con đã có một trạng thái tâm thức khả dĩ hiểu được trọn vẹn sự sâu sắc của giáo lý. Điều này không từ bi. Đó là hiểu lầm con đường tâm linh, vì con đường này là một tiến trình tự thăng vượt không ngưng nghỉ.

Có những người tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên hay một giáo lý nào khác, và họ có một ngã tách biệt chặn đứng tầm nhìn của họ về nhu cầu tự thăng vượt không ngưng nghỉ. Kỳ thực, ngã này cho rằng toàn bộ mục đích của việc tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên là để xác chứng cho hình ảnh cao trội mà họ, hay ngã của họ, cầm giữ. Có những người đã bước vào giáo lý của chân sư thăng thiên, đã đi theo suốt mấy chục năm trời, nhưng mục tiêu duy nhất của họ là dùng giáo lý để xác chứng niềm tin là họ cao trội hơn người khác, cho dù là người bên ngoài giáo lý hay một người đồng môn trong cùng giáo lý. Các thày đã chứng kiến trong các tổ chức trước đây những người lập ra một đẳng cấp rõ rệt gồm các đệ tử đã theo giáo lý lâu năm nhất, gần gũi với sứ giả nhất, hay nắm giữ một địa vị nào đó trong tổ chức. Họ lập ra đẳng cấp đó mà chúng ta chỉ có thể gọi là một hàng ngũ giả trá, con yêu dấu, vì ý niệm cho rằng mình cao siêu hơn mọi người không đến từ các chân sư thăng thiên.

Có những bè phái được hình thành gồm những kẻ cho mình có đẳng cấp cao hơn mọi người khác. Đôi khi đây là những người đã theo học giáo lý của chân sư thăng thiên hàng 30, 40 năm nhưng họ vẫn chưa bắt đầu nhìn ra ngã này, có nghĩa là trong một số trường hợp, họ đã tiến bộ rất ít trong suốt 30, 40 năm trời họ tưởng họ đã đi theo và áp dụng giáo lý của chân sư thăng thiên.

Vậy các thày có làm được gì không trước sự thể này? Không, các thày không thể làm gì một cách trực tiếp, nhưng ít ra các thày có thể trình bày công khai là chuyện này có thể xảy đến cho con người. Luôn luôn có tiềm năng sẽ có những người sẵn lòng nhìn ra điều này, mặc dù nó thường rất khó khăn cho họ vì họ đã quá phê phán người khác trong một thời gian rất dài. Con yêu dấu, đâu là cạm bẫy lớn nhất trong thái độ phê phán này, một thái độ hiển nhiên thể hiện lòng phi từ bi? Đâu là cạm bẫy lớn nhất khi họ phê phán người khác? À, nó luôn luôn dựa trên thái độ xem mình là cao trội. “Tôi hiểu biết hơn, tôi có trình độ cao hơn, tôi là một đệ tử cao cấp hơn bạn, cho nên tôi có thể phê phán bạn và điều này hoàn toàn chấp nhận được. Thật ra việc tôi phê phán bạn sẽ rất tốt cho bạn.” Đây là những gì họ cảm thấy và nó khiến họ cảm thấy cao trội. Bây giờ nếu họ nhận ra là thái độ phê phán này cần ra đi, rằng nó không phải là cao nhất, thì họ sẽ nhìn sự việc như thế nào? À, họ sẽ nhìn nó xuyên qua cùng trạng thái tâm thức đã khiến họ phê phán người khác. Có nghĩa là giờ đây, họ sẽ bắt đầu phê phán chính họ cũng nghiêm khắc y như họ đã phê phán người khác.

Một số người sẽ không thể vượt được bước này trong kiếp này. Có những người – không cứ là đệ tử của chân sư thăng thiên vì con có thể tìm thấy họ khắp mọi nơi, trong lãnh vực khoa học hay tôn giáo chẳng hạn – đã khóa chặt mình lại trong niềm tin cao trội này và để khắc phục nó, họ sẽ phải tự phê phán bản thân cũng nghiêm khắc y như họ đã phê phán người khác. Họ không thể chịu nổi nỗi đau của sự phê phán cho nên họ rơi vào tâm thái phủ nhận nó cho đến hết kiếp này, có nghĩa là họ sẽ không tiến bộ gì hết. Đối với một số, họ có thể bứt ra khỏi thái độ này ở giữa hai kiếp sống. Tức là ở thời điểm họ chọn kiếp đầu thai kế tiếp giữa hai kiếp sống, họ sẽ chọn đầu thai trong những hoàn cảnh thật khiêm tốn, không mang địa vị mà còn bị trấn áp để họ có thể khắc phục niềm tin cao trội.

Tại sao thày lại trình bày điều này? Là vì thày cầm giữ Ngọn lửa Từ bi cho trái đất. Không có một đặc tính nhân gian nào mà Ngọn lửa Từ bi không thể tiêu hủy, không thể giúp con khắc phục. Nếu con nhận ra: “Tôi đã quá xét đoán người khác,” thì con đừng ngần ngại đến gần thày. Thày sẽ không phê phán con như con đang tự phê phán mình. Thày sẽ giúp con khắc phục cảm nhận cao trội, khắc phục cảm nhận phê phán bản thân, bởi vì đó là một ngã tách biệt. Có một ngã tách biệt cho con nhu cầu muốn cảm thấy hơn người, có một ngã tách biệt cho con nhu cầu phê phán. Hai ngã này làm việc đồng hành với nhau và khi chúng phối hợp thì chúng có thể khó khắc phục. Việc khắc phục sẽ không thể xảy ra nếu con không có thuốc giải độc là Ngọn lửa Từ bi.

13.11. Ngọn lửa Từ bi là khung tham chiếu của con

Nhưng này con, cùng điều này có thể áp dụng cho tất cả các con. Tất cả các con đều mang một cái ngã tự phê phán bản thân, và tất cả các con đều mang một cái ngã khác phản ứng lại sự trấn áp của sa nhân, là khi con cố tự cổ võ và con nói: “Phải, có thể là đôi khi tôi đã lầm lỗi, nhưng chắc chắn tôi không hoàn toàn vô giá trị, tôi có một số đặc tính tốt.” Con sẽ thấy rất nhiều người khi họ tìm thấy đường tu tâm linh, họ cần đến một sự công nhận kiểu đó. Đó là tại sao, chẳng hạn, họ xem bói toán hay chiêm tinh học hay bất cứ gì khiến họ nổi bật giữa đám đông. Họ cảm thấy: “Vì tôi có những con số đặc biệt này trong tên tôi hay những chùm sao này trong tử vi của tôi, cho nên tôi cũng tốt.”

Điều này cũng tốt thôi. Ở một giai đoạn nào đó trên đường tu, đó là một nhu cầu chính đáng, nhưng làm thế nào con sẽ khắc phục được chuyện này trừ khi, như thày vừa nói, con bắt đầu có lòng từ bi đối với chính con? Khi con neo trụ vào Ngọn lửa Từ bi, con nhận ra chính xác là tất cả những chuyện vỏ ngoài đó là không thực. Và vì chúng không thực cho nên chúng không quan trọng gì.

Như các thày đã có nói trước đây, con có nhu cầu đạt tới điểm con có thể nhìn vào một sự việc trên trái đất, một việc gì đó mà con đã làm trên trái đất, và nói: “Thì đã sao đâu? Thật không quan trọng, không quan trọng gì hết.” Điều này có thể khó thực hiện trừ khi con có một khung tham chiếu, và con yêu dấu, Ngọn lửa Từ bi có thể cho con khung tham chiếu này. Con ngộ ra là so với Ngọn lửa Từ bi – là một cái gì vô cùng thực một khi con trải nghiệm nó – tất cả mọi chuyện phù phiếm kia của nhân gian đều không thực. Chúng hoàn toàn vô nghĩa.

Con có hiểu điều thày đang nói ở đây? Thày không nói là thày không quan tâm đến con trong hoàn cảnh hiện tại của con. Thày luôn luôn thấy con là nhiều hơn bất kỳ hoàn cảnh vỏ ngoài nào con gặp. Cho nên thày thấy rõ là con có khả năng thoát ra khỏi nó. Thày cũng biết – và như các thày đã có nói, tất nhiên điểm này là bí quyết của giáo lý các thày đã trao con – rằng con sẽ không thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại của con bằng cách làm một cái gì đó hay bằng cách giải quyết một vấn đề.

Như các thày đã giảng nhiều lần, ngã tách biệt phóng chiếu ra là có một vấn đề phải giải quyết hay một điều kiện nào đó cần thay đổi. Nhưng cho dù con có giải quyết vấn đề, con vẫn sẽ không thoát khỏi ngã tách biệt, và nó sẽ chỉ phóng thêm một vấn đề nữa. Giải pháp duy nhất là con bước ra ngoài ngã tách biệt và buông nó ra.

Thày cống hiến cho con Ngọn lửa Từ bi của thày để giúp con trong tiến trình này. Bất cứ khi nào con phải đương đầu với một ngã tách biệt, con chỉ cần hỏi thày. Con chỉ hỏi thày: “Quan Âm, hãy giúp con nhìn ra điều này. Quan Âm hãy giúp con trải nghiệm Ngọn lửa Từ bi, giúp con có được tầm nhìn, giúp con thấy được như thày đang thấy. Giúp con có được khung tham chiếu qua việc trải nghiệm sự thực của Ngọn lửa Từ bi và sự không thực của thân phận con người.”

Con yêu dấu, thật là một niềm vui rất lớn cho thày được hòa điệu với con theo cách này, nhưng sẽ là một niềm vui lớn hơn nữa nếu mỗi cá nhân con có thể thỉnh thoảng chú ý đến thày chút xíu và cho phép thày hòa điệu trực tiếp với con ngay trong tim con, một điều mà thày hoàn toàn có khả năng làm được. Tất cả các con đều có khả năng làm được nếu con chỉ dành ra một chút chú ý, có lẽ nỗ lực bước vào một tâm thái trung hòa nơi con cho phép nó trải bày ra tự nhiên thay vì mang sẵn định kiến. Nếu trước đây con chưa thể hoà điệu với thày, con hãy cố gặp thày với một tầm nhìn mới. Con hãy cố giải phóng thày, cố giải phóng con, và gặp thày như một con người mới, và sẽ tới một điểm con sẽ trải nghiệm được Hiện diện của thày nơi con.

Thoát khỏi tinh thần trốn tránh

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 24/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada, và thày rất vui mừng chào đón con ở tầng cuối cùng của khóa nhập thất của thày. Thày muốn bắt đầu bằng cách duyệt lại những gì thày nói về quan hệ giữa con người trong bài giảng trước. Con nhận ra, khi con đứng lui lại và nhìn các quan hệ giữa con người, thì đại đa số (và thày muốn nói hơn 90 phần trăm) dựa trên, bị thúc đẩy bởi, bị kiểm soát bởi phàm linh nội tại trong những con người liên hệ. Con có thể nhìn tình trạng nhiều gia đình và con thấy sự tương tác giữa những thành viên hoàn toàn bị điều khiển bởi các phàm linh nội tại mà họ đã tu bồi, có khi trong nhiều kiếp. Rất hiếm khi, hay không bao giờ, trong suốt một đời người có những giây phút sáng suốt khi con người liên hệ với nhau một cách trực tiếp, cởi mở, không có phin lọc.

Con thấy là trong nhiều quan hệ tình yêu khi hai người mới gặp nhau và yêu nhau, họ có thể có một giai đoạn cởi mở với nhau. Sau đó, khi mối quan hệ trở nên ổn định, thì phàm linh giành quyền điều khiển. Lẽ tự nhiên, như một đệ tử chân sư thăng thiên, con có thể nhìn các sự kiện này và nói: “Tôi không muốn cả đời còn lại của tôi bị điều khiển bởi phàm linh, trong đó tôi lúc nào cũng phản ứng lại phàm linh của người khác qua phàm linh nội tại của chính tôi.” Lẽ tự nhiên, con muốn cố gắng và dùng những dụng cụ mà các thày đã cung cấp để vượt lên trên những phàm linh mà con có trong các mối quan hệ với người khác.

16.1. Giải thoát khỏi áp lực bên trong

Con có thể tiến thêm một bước nữa và nhìn vào: “Quan hệ của tôi với các chân sư thăng thiên, với con đường tâm linh là gì? Cách tôi quan niệm con đường tâm linh có bị phàm linh ảnh hưởng chăng?” Lẽ dĩ nhiên là phần nào. Trong bài giảng trước, thày có nói là thày muốn giải thoát con khỏi mọi áp lực con cảm thấy khi là đệ tử chân sư thăng thiên đang trên con đường đi tới thăng thiên. Nếu con đứng lui lại và nhìn vào chính mình một cách thành thực, con sẽ thấy là con có một số căng thẳng về điều con phải làm và không được làm khi là đệ tử chân sư thăng thiên.

Ta đã thấy trong quá khứ có tổ chức do chân sư thăng thiên bảo trợ đã dựng lên một văn hóa tập thể dựa trên một số quy luật vỏ ngoài quy định thành viên phải làm gì và không được làm gì. Kết quả là cả tổ chức bị bao trùm bởi một phàm linh tập thể khiến họ phán xét lẫn nhau dựa trên các tiêu chuẩn vỏ ngoài đó. Con cũng thấy điều này nơi nhiều tổ chức tôn giáo, nhưng con cũng thấy nơi nhiều tổ chức chính trị, và trong nhiều khung cảnh khác, trong đó, dĩ nhiên, có gia đình. Con thấy là trong thế giới có khuynh hướng đặt ra một tiêu chuẩn cư xử cho thành viên của một nhóm người, và sau đó phán xử những người không tuân theo chuẩn mực hay sự chờ đợi của tập thể.

Con yêu dấu, con có quyền tự quyết và thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Lẽ dĩ nhiên, con được phép liên hệ với các chân sư thăng thiên với khuôn nếp hiện nay qua một phàm linh nội tại được tạo ra theo một phàm linh tập thể. Tuy nhiên, nếu con muốn tiếp tục quan hệ với các vị thày tâm linh trên căn bản những phàm linh nội tại và phàm linh tập thể đó, thì thày có một yêu cầu. Con hãy để các thày, các chân sư thăng thiên, ra ngoài các trò chơi tâm lý khuynh đảo nhỏ bé của con. Con hãy tìm các thày khác để chơi các trò chơi này với con vì các thày không muốn chơi các trò chơi này.

Chúng ta đã tới điểm trong khóa tu này là nơi tất cả các thày muốn con phải đối diện nhu cầu ngưng các trò chơi này. Con hãy ngưng liên hệ với các thày qua các trò chơi thế gian này, thường do sa nhân xúi giục. Con hãy tạo dựng một quan hệ cá nhân trực tiếp hơn qua đó con tới với các thày với tâm cởi mở và ngây thơ và không nhìn các thày qua các phin lọc. Lẽ dĩ nhiên, có nhiều phàm linh tập thể mà con người đã tạo ra với các vị thày, các khuôn mặt uy quyền, và với người khác. Trong khóa tu học này, các thày đã cho con dụng cụ để nhìn thấy chúng, nhận diện chúng và vượt lên trên chúng. 

Thày muốn con, khi con hoàn tất tầng này của khóa học, dành một chút thì giờ trước khi con bắt đầu tầng thứ bảy với thày Saint Germain để xem xét quan hệ của con với chân sư thăng thiên, nhìn vào các phàm linh mà con có liên quan đến các thày, và sẵn sàng đuổi chúng đi. Thày làm điều này vì sáu vị Thượng sư đầu có mục tiêu chuẩn bị con cho những khai ngộ mà con sẽ nhận được từ Saint Germain. Những khai ngộ này rất liên quan đến cách con thực thi khả năng đồng sáng tạo. Để con thực thi trọn vẹn khả năng đồng sáng tạo, lẽ tự nhiên con cần phắc phục những ảo tưởng ở các tầng tâm thức thấp ngăn cản con không trở nên hoàn toàn sáng tạo vì con nghĩ cách duy nhất để sáng tạo là biểu lộ mình qua một phàm linh nội tại.

Lẽ dĩ nhiên, con không thể thực sự sáng tạo nếu con tìm cách sáng tạo qua một phàm linh nội tại. Con chỉ thực sự sáng tạo khi con đã sạch phàm linh nội tại tới mức có một kẽ hở để ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con chiếu qua và thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của con. Như Giê-su nói: “Tự riêng ta (cái ta thấp, bốn thể phàm) không làm gì được. Chính là Cha ta (Hiện diện TA LÀ) trong ta làm công việc.”

16.2. Một phiên bản đặc biệt của phản ứng tháo chạy

Ở tầng cuối mà thày đi với con trên con đường tu, thày muốn nói tới một cơ chế khác đã được các tâm lý gia nhận diện. Thày đã nói tới một cơ chế muốn trốn tránh một số chuyện là tư duy thần diệu qua đó con coi mình là trung tâm vũ trụ và coi mọi việc như xảy đến cá nhân mình. Bây giờ thày muốn nói tới một cơ chế khác mà các tâm lý gia đã gọi là phản ứng chiến đấu hay tháo chạy. 

Ngày hôm nay, nếu con nhìn vào nhiều người trên thế gian thì con thấy là họ tương tác với người khác dựa trên phản ứng chiến đấu. Con người rất, rất nhạy cảm và họ coi mọi việc hướng đến cá nhân họ, do đó họ rất dễ cảm thấy chính cá nhân họ bị tấn công. Khi hó cảm thấy bị tấn công, họ cảm thấy phản ứng tự vệ và đánh trả lại là chính đáng. Họ tự vệ bằng cách đánh lại người kia. Con thấy trong rất nhiều cuộc cãi vã khi một người nói điều gì khiến người kia cảm thấy bị tấn công. Người đó tấn công lại và cuộc cãi vã tiếp tục cho tới khi cả hai cạn tiệt năng lượng (trong nhất thời) và mỗi người đi một nẻo. Nhiều khi, họ trở lại sau đó và tiếp tục cãi vã khi họ đã phục hồi năng lượng.  

Con yêu dấu, lẽ dĩ nhiên hiện tượng này do phàm linh nội tại và một số phàm linh tập thể rất dũng mạnh thúc đẩy. Thày muốn con nhận ra là con là một người tâm linh và con đã là một người tâm linh trong nhiều kiếp. Nhiều người trong số các con đang theo học khóa học này đã đi trên con đường tâm linh từ 2000 năm nay, từ khi Giê-su trao truyền giáo lý về chìa má bên kia, thương yêu kẻ thù, làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình. Con đã cố hết sức theo giáo lý vỏ ngoài của Cơ đốc giáo và con đã tìm cách chế phục phản ứng chiến đấu trong con mà nó cũng ngự trị trong tâm nhiều người trên trái đất. Phản ứng chiến đấu này, lẽ dĩ nhiên, lúc đầu do một phàm linh bên ngoài tạo ra, và phàm linh đã có từ rất, rất lâu trên hành tinh này và do đó đã trở nên rất dũng mãnh. Nó đã được liên tục củng cố và ngày nay vẫn được củng cố bởi những người hành xử như vậy. 

Nhiều người trong số các con, trong suốt 2000 năm qua, đã cố gắng tự giải thoát mình khỏi khuynh hướng đó. Tuy nhiên, vì giáo lý của Giê-su bị bóp méo và tha hóa và vì quá nhiều phần bị loại bỏ, con không nhất thiết đã làm đúng theo những gì Giê-su chỉ dạy. Lẽ dĩ nhiên, Giê-su muốn con đi trên con đường của quả vị Ki-tô trực tiếp với thày trong 2000 năm qua. Nhiều người trong các con đã không tìm được con đường này vì giáo lý vỏ ngoài của Giê-su bị bóp méo và vì các phong trào thần bí bí truyền bị Cơ đốc giáo đàn áp.

Con cần nhận ra là con có phản ứng bản năng theo mô thức chiến đấu hay tháo chạy khi con đối diện sự hung hãn của người khác. Lẽ dĩ nhiên, có một lối phản ứng khác dựa trên quả vị Ki-tô, nhưng khi con chưa thấy con đường của quả vị Ki-tô, con thường không thể thấy làm sao con có thể đáp ứng một cách trực tiếp khi bị tấn công. Do đó, đa số các con đã đi vào khuynh hướng cảm thấy không bao giờ được tỏ ra hung hãn, lúc nào cũng phải chìa má bên kia, làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình, tránh hung hãn khi con chạm mặt sự hung hãn.

Dựa trên hiểu biết vỏ ngoài đã lưu hành sau khi các giáo hội Cơ đốc giáo méo mó được thành hình, thì đây là một phản ứng chừng mực và thực tiễn. Con không thể làm gì khác. Việc con tự kỷ luật mình để không phản ứng một cách hung hãn, không ăn miếng trả miếng, là một thái độ xây dựng. Tuy nhiên, con cần nhận ra là khi con không thể đáp ứng trực tiếp với sự hung hãn, con khó tránh chuyển qua phản ứng tháo chạy. Phản ứng tháo chạy, lẽ dĩ nhiên, là khi con tìm cách tránh xa điều kiện mà con cảm thấy khó khăn hay không chịu được. Con tìm cách tránh xa người tấn công con. Điều này đã phần nào dẫn tới khuôn nếp né tránh mà thày có nói tới trong bài giảng trước, nhưng đề tài này có nhiều khía cạnh hơn nữa.

16.3. Một lối thoát do sa nhân cống hiến

Con yêu dấu, nếu con xem xét 144 tầng tâm thức, thì con thấy là giáo lý mà Giê-su trao truyền 2000 trước đây, là giáo lý vỏ ngoài được ghi lại trong kinh điển, đã thực sự nhắm vào những người có tâm thức dưới tầng 48 nhưng không quá xa tầng 48. Giáo lý được trao truyền với mục đích giúp con người mau chóng vươn lên tầng 48, và sau đó bắt đầu đi theo con đường dẫn tới tầng 96. Điều con cần nhận ra là ở mỗi tầng tâm thức từ 48 đến 96, có một ảo tưởng mà con cần vượt qua. Con cần chế phục một phàm linh tập thể và một phàm linh nội tại trong tâm con.

Ở mỗi tầng con đối diện một thử thách. Thí dụ, khi con ở tầng tâm thức 48, con nhìn đời xuyên qua một phin lọc nào đó. Có nghĩa là khi con chạm mặt một hành động nào đó từ người khác, con có khuynh hướng coi đó là một hành động hung hãn. Ở tầng 48, có một dạng phản ứng chiến đấu hay tháo chạy bình thường ở tầng đó. Ở tầng 48, nếu con có phản ứng chiến đấu thì con sẽ có hành động hung hãn dựa trên cảm xúc tức giận của mình. Rất có thể con sẽ tự bảo vệ khi bị tấn công vật lý.

Lúc đó, nếu con theo lời dạy của Giê-su khuyên nên tránh hung hãn vật lý (con nên chìa má bên kia, con không nên hung hãn) thì con sẽ làm gì? Con sẽ theo phản ứng tháo chạy, cũng bình thường ở tầng 48. Con không thể làm gì khác. Thày không nói điều này để chê trách con; ai ai trong chúng ta đều đã phản ứng như vậy. Điều con cần nhận ra là sa nhân rất xảo quyệt. Thày có nói là họ thích tạo chia rẽ ngay trong tâm con. Họ muốn đẩy con người tới chỗ không kiểm soát được đời sống của mình, tâm hoàn toàn hỗn loạn. Lúc đó, sa nhân có thể bất cứ lúc nào khuấy động họ để họ trở nên tức giận hay phản ứng một cách bất quân bằng. Có người tới điểm giản dị từ chối không chịu chơi trò chơi này nữa. Sa nhân làm gì với những người này? Nếu sa nhân không thể đẩy con người vào phản ứng chiến đấu, thì họ rất xảo quyệt đẩy con người vào phản ứng tháo chạy.

Một mặt sa nhân đưa con gặp một hoàn cảnh hung hãn khó chịu mà hầu như con không thể thoát được trong cõi vật lý. Vì họ không thể khiến con đánh lại, họ cho con một lối thoát khỏi điều kiện mà chính họ đã tạo ra. Như thày có giảng, một số có khuynh hướng theo phản ứng chiến đấu. Họ bị sa nhân làm kẹt trong khuôn nếp phản ứng hung hãn chống lại một hành động hung hãn. Những người không theo khuôn nếp này, thì họ theo (thường khi một cách vô ý thức) một lối thoát mà sa nhân cống hiến ở tầng tâm thức của họ. Điều thày muốn nói là nếu con nhìn vào các tầng tâm thức từ 48 đến 96 (và các tầng tâm thức dưới tầng 48 cũng vậy) thì con thấy ở mỗi tầng có một cơ chế trốn tránh qua đó con trốn tránh hoàn cảnh mà ở tầng đó con cảm thấy không chịu nổi, không thể đối phó nổi.

Con không thể đánh lại hoàn cảnh; con không thể sống mà phải gặp nó hoài do đó con tìm một lối thoát, một cách tránh xa nó. Các cơ chế trốn tránh này ở đâu? Có nhiều ở cõi vật lý. Con có thể thấy, tỷ dụ (thày nghĩ con có thể nhận ra dễ dàng) là chất ma túy và rượu là một trong những cơ chế trốn tránh cơ bản. Có những cơ chế trốn tránh vật lý khác, tỷ dụ như trong thời Trung cổ, con người xây lâu đài và thành quách để họ có thể sống sau những bước tường dày và cảm thấy được bảo vệ khỏi sự hung hãn. Con người cũng tìm cách tránh xa hiểm nguy tiềm tàng bằng cách dời tới những nơi hẻo lánh. Có nhiều người, tỷ dụ, đã bị dính dấp vào chiến tranh và xung đột trong kiếp này hay kiếp trước, nên đã tìm về sống như nông dân ở vùng hẻo lánh để không phải gặp chiến tranh trong kiếp sống này.

Lẽ dĩ nhiên, không có gì sa nhân làm ở cõi vật lý chỉ đơn thuần ở cõi vật lý, do đó họ cũng tạo cơ chế trốn tránh, hay cõi trốn tránh, ở cõi trung giới, cõi cảm xúc, cõi lý trí và ngay cả phần thấp của cõi bản sắc. Con có thể thấy là nhiều người đã tìm ra cách tự bảo vệ khỏi những hình thức hung hãn tệ hại nhất trong kiếp sống này. Con có thể thấy nhiều người trong các nước tiên tiến là nơi hiểm họa chiến tranh rất thấp, đã sống cuộc đời thoải mái, an toàn. Con cũng thấy những người đại phú sống trong những nơi gọi là cộng đồng đóng rào là nơi người khác không thể giản dị bước vào mà cần phải được phép. Có nhiều thí dụ con người đã tìm cách sống cách ly vật lý. Tuy nhiên, không có hành động nào đơn thuần vật lý, do đó có chuyện xảy ra trong tâm song song với hành động vật lý. Hay đúng hơn, ta có thể nói là một phản ứng trong tâm thức đã tạo ra hành động vật lý.

16.4. Trốn tránh trong tâm

Phản ứng trong tâm này được tạo thành như thế nào? Nó được tạo ra khi con có một ước muốn. Con lấy quyết định: “Tôi không bao giờ muốn trải nghiệm điều này nữa.” Vì con không thể hành động hung hãn chống điều đó, nên con đi vào cơ chế trốn tránh, cơ chế tháo chạy, qua đó con tìm cách trốn tránh khỏi nó trong tâm. Con chấp nhận một phàm linh tập thể, con tạo ra một phàm linh nội tại cho con (trong tâm con) một lối thoát hay một cảm giác khuây khỏa khỏi điều kiện vật lý mà con không muốn đối mặt nữa.

Con cần nhận ra là ở mỗi tầng từ 48 đến 96, có một cơ chế trốn tránh sẽ, nếu con dùng nó, buộc con vào cõi trung giới, cõi tư tưởng hay cõi bản sắc. Con bị buộc vào cõi trốn tránh của sa nhân, nơi đó con cảm thấy khuây khỏa và an toàn khỏi một số điều kiện. Con sẽ thấy, tỷ dụ, là ở cõi xúc cảm con được cho cảm giác là nếu con có đủ tiền, con sẽ được bảo vệ. Con thấy có nhiều người giàu có bị trói buộc rất chặt vào cõi này trong thể cảm xúc của họ, và họ cảm thấy an toàn khi họ có đủ tiền. Lẽ dĩ nhiên, thật ra thì không phải là tiền giúp họ cảm thấy an toàn. Đó là một cảm giác, và cảm giác này có trong thể cảm xúc của họ, nhưng nó được tăng cường bởi cái cõi trốn tránh trong thể cảm xúc của hành tinh. Có những sa nhân, tà linh và quỷ dữ ở nơi đó khiến con người cảm thấy an toàn vì như vậy họ bị ru ngủ và không đi trên con đường tới quả vị Ki-tô là nơi họ có thể tìm thấy con Đường Ki-tô, con Đường Tâm linh dựa trên Ki-tô giúp họ đáp ứng những điều kiện mà họ muốn tránh.

Thày không muốn nói là con cần đi trở ngược và xem xét mỗi tầng từ 48 đến 96 và tìm ra cơ chế trốn tránh của con. Thông thường thì con không còn một cơ chế trốn tránh ở mỗi tầng, nhưng con cũng còn một số hình thức của cơ chế trốn tránh.  Điều này, lẽ dĩ nhiên, dính liền với điều thày nói ở đầu bài, là cách con chơi một số trò chơi với ý tưởng thày giáo. Con yêu dấu, thực tế đơn giản là nhiều người đã dùng giáo lý tôn giáo hay tâm linh làm căn bản của cơ chế trốn tránh cá nhân của họ.

Con có thể thấy những hình thức cực đoan của hiện tượng này, tỷ dụ như các nhóm Cơ đốc giáo cực chính thống tin chắc là chỉ mình họ có cách diễn giải Thánh kinh chính xác. Họ nghĩ rằng vì niềm tin này, họ được bảo đảm sẽ được cứu rỗi. Nhiều người trong các nhóm đó tin rằng sự cứu rỗi đã gần kề vì bất cứ lúc nào Giê-su sẽ hiện ra trên trời, mang họ lên thiên đàng, gửi hết các người còn lại xuống địa ngục và sau đó cuộn thế giới lại như một cuộn giấy. Đây là cơ chế trốn tránh của họ. Có một số điều kiện trên thế giới mà họ không đối phó nổi, và để tránh giải quyết những vấn đề này, họ tạo ra niềm tin là bởi vì họ thuộc vào nhóm tôn giáo vỏ ngoài đó, họ sẽ được cứu rỗi. Niềm tin này khiến họ cảm thấy an toàn.

Con hiểu chăng là mục đích của bất cứ cơ chế trốn tránh nào là khiến con cảm thấy an toàn. Nó cũng ngăn cản con thăng vượt chính mình vì nếu con cảm thấy an toàn, thì tại sao con lại cần thăng vượt chính mình và đi trên con đường quả vị Ki-tô? Con chỉ cần ở lại tầng tâm thức đó và chờ vị cứu tinh bên ngoài tới và cứu con.

Con có thể thấy tín đồ nhiều tôn giáo khác cũng đã làm tương tự. Nếu con nhìn giáo lý của các nhóm Thời đại mới, con sẽ thấy là nhiều người đã chế ra những giáo lý chỉ giản dị là cơ chế trốn tránh. Con hãy lấy thí dụ sự cuồng loạn xảy ra trước năm 2012 vì có nguời cho rằng lịch cổ của người Maya chấm dứt vào năm đó. Con có thấy là biết bao nhiêu người tin rằng một biến cố trọng đại sẽ xảy ra, và vì họ là những người đã tiên đoán trước nên họ sẽ có một địa vị nổi bật sau đó. Đây là một cơ chế trốn tránh khiến con người cảm thấy an toàn, giúp họ cảm thấy họ có thể đương đầu được với đời sống trên trái đất lúc này vì họ đã tạo ra trong tâm trí họ hoàn cảnh sẽ xảy ra trong tương lai gần hay xa.

16.5. Con không cần cơ chế trốn tránh nữa

Thực tế là con đang sống trên một hành tinh rất tăm tối, rất khó khăn. Có nhiều điều kiện trên trái đất khó đối phó ở mặt tình cảm, tư tưởng và bản sắc. Để có thể sống ở đây, gần như không tránh được việc con cần tạo ra một cơ chế trốn tránh để con có thể cảm thấy yên ổn, an toàn. Con có thể cảm thấy phần nào quân bằng trong thế giới rất khó khăn này.

Con yêu dấu, một lần nữa thày không chê trách con. Không có gì đáng chê trách khi con tạo ra một cơ chế trốn tránh. Thày chỉ giản dị nói là ở tầng này của con đường tu, khi con chuẩn bị có liên hệ trực tiếp với Saint Germain và học cách sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình, đã đến lúc con nhìn vào các cơ chế trốn tránh hiển nhiên nhất của con và nhận ra con không cần chúng nữa ở tầng tâm thức này. Khi con đã đạt được một tầng quả vị Ki-tô nào đó, thì con không cần cơ chế trốn tránh nữa vì các điều kiện thế gian mà con cảm thấy không thể đương nổi khi con ở tầng tâm thức 48 hay thấp hơn, nay con không còn cảm thấy như vậy nữa.

Khi con đã có phần nào phân biện Ki-tô, con có thể đối phó với hoàn cảnh một cách xây dựng mà không cảm thấy quá tải. Con yêu dấu, nếu ta nói một cách thẳng thắn không vị nể, thì nếu con nhìn vào phong trào Thời đại mới, thì 98 phần trăm sinh hoạt của các nhóm đó chỉ là cơ chế trốn tránh. Điều này có vẻ sửng sốt, và nhìn dưới góc độ nào đó nó quả thật sửng sốt. Lẽ dĩ nhiên, khi con nhìn vào các tôn giáo chính thức thì tình hình cũng tương tự. Khi con nhìn vào các tổ chức chính trị, thì cũng tương tự. Nhiều người trong hai trăm năm qua tin vào chủ nghĩa Mác-xít qua nhiều hình thức cũng đã tự tạo cho họ một cơ chế trốn tránh. Có người khác cũng làm như vậy bằng cách suy tưởng một xã hội lý tưởng tương lai và họ là người tiên phong vì chỉ có họ mới thấy ra tương lai đó.

Như phần nối dài của bảy khai ngộ mà con đã nhận từ thày và các khai ngộ mà con đã nhận từ các Thượng sư khác, thày cần con sẵn sàng đứng lui lại và xem xét cơ chế trốn tránh cá nhân của con. Như một chuẩn bị để bắt đầu các khai ngộ với Saint Germain, thày cần con xem xét cách con đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để củng cố một cơ chế trốn tránh sẵn có mà con đã mang trong nhiều kiếp.

Một trong những cơ chế trốn tránh chính yếu của những tín đồ tôn giáo là niềm tin rằng tôn giáo của họ có chân lý duy nhất, tuyệt đối hay cao nhất. Niềm tin này khiến họ cảm thấy khác những người không thuộc tôn giáo họ. Nó khiến họ tin rằng họ là những người được bảo đảm cứu rỗi trong khi những người khác thì có thể sẽ không được cứu rỗi hay chắc chắn sẽ không được cứu rỗi.

16.6. Trốn tránh không nhìn vào chính mình

Con có thể thấy là cơ chế trốn tránh cho con người một cái cớ để nói: “Nhưng tôi thuộc vào phong trào vỏ ngoài này, tôi tin vào giáo lý vỏ ngoài này, tôi không làm những chuyện họ nói tôi không được làm, và tôi làm hầu hết các chuyện mà họ nói tôi phải làm. Do đó, tôi là một thành viên ngoan đạo của giáo lý vỏ ngoài này, và do đó tôi không cần xem xét một số điều trong tâm lý của tôi. Tôi không cần nhìn vào cái đà trong chính mắt tôi.”

Đây là tác động chính yếu của các cơ chế trốn tránh đặc biệt áp dụng cho tôn giáo. Phàm linh tập thể này rất, rất mạnh trên hành tinh này. Con không thể nào đã đầu thai trên hành tinh này, bất kể dài lâu, mà không bị nó ảnh hưởng. Thày đặc biệt nói với con, như thày đã nói trước đây, là nhiều người trong các con đã chấp nhận lý tưởng không hung hãn của Cơ đốc giáo mà không nhận được trọn vẹn giáo lý về quả vị Ki-tô. Do đó con cảm thấy bị mắc kẹt, con cảm thấy bất lực. Con bị đặt vào hoàn cảnh hung hãn nhưng con không thể phản công một cách hung hãn, do đó con cảm thấy lý tưởng tôn giáo của mình đã khiến mình bất lực.

Kết quả là con cảm thấy cần trốn tránh điều mà con không thể thay đổi, điều mà con không thể đối phó. Điều mà các thày, cả sáu Thượng sư, đã dạy con trong khóa này là con không bao giờ bất lực. Không có hoàn cảnh nào trên trái đất mà con không thể đối phó được bằng cách khắc phục phàm linh nội tại đã khiến con phản ứng lại điều kiện đó với phản ứng chiến đấu hay tháo chạy. Con thấy là con cần nhìn: “Đâu là những điều kiện trên trái đất mà con cảm thấy con không thể đối phó được, con không thể sống với?” Khi con nhận ra điều kiện đó thì con có thể bắt đầu nhận diện cơ chế trốn tránh mà con đã tạo ra để tới điểm biết là mình đang hiện thân ở cõi vật lý, biết là điều kiện này có mặt trên trái đất, nhưng con có được cơ chế này để cảm thấy an toàn. Con cảm thấy con có thể ổn định cuộc sống dù rằng điều kiện kia vẫn còn trên trái đất.

Con yêu dấu, thày cần con xem xét như vậy vì nếu con liên hệ với các chân sư thăng thiên và với Hiện diện TA LÀ của con qua phin lọc của các cơ chế trốn tránh, con sẽ không thể bắt đầu thực thi vai trò đồng sáng tạo thật của mình. Đúng thực là một số các con có trong Sứ vụ Thiêng liêng việc đối phó với cơ chế khiến con cảm thấy có chuyện không thể chịu đựng nổi. Làm sao con có thể đối phó với điều kiện đó nếu cách con nhìn nó bị pha màu bởi cơ chế trốn tránh khiến con muốn tránh xa điều kiện đó? Không phải là con cần trải nghiệm chiến tranh, chẳng hạn, ở cõi vật lý nhưng có thể là con có nhiệm vụ thách thức một khía cạnh nào đó của tâm thức tạo ra chiến tranh. Con sẽ không làm được chuyện này nếu con còn cơ chế trốn tránh khiến con không muốn xem xét chiến tranh vì con không muốn trải nghiệm lại chấn thương mà con trải qua trong quá khứ khi chạm trán chiến tranh. Con yêu dấu, con thấy chăng khuôn nếp đó?

16.7. Tinh thần trốn tránh ngăn chặn Sứ vụ Thiêng liêng

Để thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của con và giúp nâng hành tinh này lên trên một tầng tâm thức nào đó, con phải sẵn sàng nhìn vào tâm thức đó ở các tầng bản sắc, tư tưởng, và tình cảm. Con cần xem xét các ảo tưởng của chính con và các ảo tưởng tập thể liên quan đến tâm thức đó. Sau đó, con vượt qua nó trong chính con và con thách thức tâm thức tập thể bằng cách đọc bài chú bài thỉnh hay đứng lên phơi bày một điều gì đó. Điều kiện đầu tiên mà con cần thực hiện là con không còn tìm cách trốn tránh điều kiện mà con muốn thay đổi. Con không thể thay đổi điều gì bằng cách tránh xa nó, vì cách duy nhất để thay đổi một điều là xem xét nó và đi vào trong nó. Con không thể đi vào trong điều gì khi con muốn tránh xa nó trong các thể tình cảm, tư tưởng hay bản sắc. Đó là lý do vì sao từ thời cổ xưa người ta đã nói là cách duy nhất để vượt qua sợ hãi là đối mặt nó.

Các thày đã cho con dụng cụ để giúp giải quyết vấn đề. Các thày đã dẫn con đến tầng tâm thức nơi con không còn bị sợ hãi thúc đẩy. Con nhận ra khi con xem xét các nỗi sợ của mình, chúng không làm con choáng ngợp như trước khi con bắt đầu khóa học. Con toàn toàn có khả năng nhìn thẳng vào chúng và xem xét cách con đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên như một loại cơ chế trốn tránh để con cảm thấy an toàn vì con đang học giáo lý này.

Thày cần con nhận ra là một số người trong các con đã đi vào trạng thái tâm qua đó con cảm thấy tất cả những gì con cần làm là xem xét tâm lý cá nhân của chính mình. Nếu con khắc phục mọi thứ trong tâm lý cá nhân, thì con không cần xem xét các khía cạnh của tâm lý tập thể.

Nhiều người trong các con trong quá khứ đã bị dính líu vào chiến tranh, và đã cảm thấy chiến tranh là một quái vật vĩ đại trên hành tinh, và cá nhân con không thể làm gì để giải quyết vấn đề. Con đã tạo ra cơ chế trốn tránh qua đó con không thực sự muốn nhìn vào chiến tranh và tâm thức đã tạo ra chiến tranh. Con đã dùng giáo lý của các thày để khiến con tin rằng con không cần xem xét nó, con chỉ cần xem xét tâm thức của mình mà thôi. Con yêu dấu, khi con tiến lên những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, con cần trực diện các quái vật tập thể đó. Đây là điều Giê-su đã làm trong sứ vụ công chúng của thày. Thày không nói là con cần bắt đầu làm việc này ngay lúc này, vì thành thật mà nói, đây là việc con cần làm khi con đã đi quá tầng 96 – bằng hành động vỏ ngoài của con. Ngay lúc này, con cần nhận ra cơ chế trốn tránh và cơ chế này ảnh hưởng cách con nhìn con đường tu như thế nào. Con cũng cần nhận ra là con không thể nào hoàn toàn sáng tạo khi con còn một cơ chế trốn tránh.

16.8. Là người đồng sáng tạo

Là người đồng sáng tạo với Hiện diện TA LÀ có nghĩa gì? Nó có nghĩa con là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con. Thế nào là cánh cửa mở? Nó có nghĩa con không ngăn chặn những nơi mà Ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ có thể chảy qua. Nếu con có một cơ chế trốn tránh nói rằng con không muốn xem xét một điều kiện nào đó, thì làm sao Ánh sáng của Hiện diện TA LÀ có thể chảy vào điều kiện đó? Ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy qua bốn thể phàm của con. Nó chảy qua cây cầu của sự chú ý có ý thức của con. Nếu con không chịu đặt sự chú ý ý thức của con vào một số điều kiện, thì Ánh sáng của Hiện diện TA LÀ không thể chảy qua nó vì không có sự kết nối giữa điều kiện và tâm của con. Do đó, không có sự kết nối giữa điều kiện và Hiện diện TA LÀ vì tâm của con là cái đứng giữa làm trung gian.

Điều đơn giản là đã đến lúc trong khóa học này con cần nhận ra là con đã tới trình độ không còn cần các cơ chế trốn tránh nữa. Con yêu dấu, một số trong các con có thể cảm thấy là, một lần nữa, thày đã chỉ con một điều con chưa làm đủ, một điều con cần khắc phục, một điều con thiếu sót, một điều con không làm tốt đủ. Đây không phải là điều thày đang làm. Thày đang chỉ cho con thấy là, qua quá trình học khóa học này và sẵn sàng vươn lên từ tầng 48 tới tầng này, con đã tiến triển rất nhiều. Con đã vươn lên cao hơn rất nhiều tâm thức của đa số con người trên hành tinh này.

Thày biết rằng, đã nhiều lần trong tâm vỏ ngoài con chưa nhìn nhận điều này. Các thày thường thấy hai khuynh hướng nơi các đệ tử tâm linh. Các thày thấy có một số đệ tử rất sốt sắng muốn cảm thấy họ đã đạt được điều gì, họ đã tiến bộ trên con đường tu, và điều này khiến họ hơn người khác. Đây là những người chưa khắc phục mặc cảm tự tôn. Họ có thể dùng giáo lý chân sư thăng thiên để xây dựng một sự kiêu hãnh tâm linh, cũng là một cơ chế trốn tránh. Họ cảm thấy mình hơn người khác. Đa số đệ tử của các thày không rơi vào thành phần này, nhưng lại rơi vào thành phần những người chưa hoàn toàn khắc phục mặc cảm tự ti. Những người này có khuynh hướng không thấy một cách ý thức những thành đạt và thành quả của mình.

Con yêu dấu, dù con có trong thành phần nào chăng nữa, thày cần con tới điểm không còn vấn đề tự tôn hay tự ti, thổi phồng thành đạt của mình thay hạ thấp thành đạt của mình. Điều quan trọng là phải thiết thực và nhận ra là bây giờ con đã tới một tầng cao trên con đường tâm linh. Điều này có nghĩa là có một số điều con không còn cần nữa. Con có thể nhìn chúng và con nói: “Tôi không cần điều này nữa.”

Khi con biết con không bất lực, khi con biết không có điều gì trên trái đất quy định được con, khi con biết bất cứ phản ứng nào cũng là một phàm linh nội tại và khi con biết cách khắc phục phàm linh nội tại, thì tại sao con lại cần trốn tránh bất cứ điều kiện nào trên trái đất? Con biết điều kiện chỉ có thể ảnh hưởng con qua phản ứng của con, mà phản ứng này dựa trên một phàm linh nội tại. Nếu con đuổi được phàm linh, điều kiện không thể ảnh hưởng ba thể cao của con và do đó tại sao con lại phải sợ khi xem xét nó? Tại sao con cần trốn tránh xem xét nó?

Con có thể đi vào một điều kiện ở tầng bản sắc, thấy nó ảnh hưởng bản sắc con ra sao, và nó ảnh hưởng bản sắc người khác ra sao. Con có thể đi vào điều kiện ở tầng tư tưởng, và xét xem điều kiện ảnh hưởng thể tư tưởng của con ra sao, và người khác đã chế ra những biện minh cầu kỳ như thế nào ở tầng tư tưởng. Con có thể đi vào thể tình cảm của mình, xét xem điều kiện ảnh hưởng con ra sao và thấy người khác đã dựng lên nỗi sợ hãi và thù ghét mạnh đến độ họ không thể đối phó với nó và do đó đã tìm cách trốn tránh điều kiện này. Con có thể thấy có người khác đã bị mắc kẹt trong phản ứng chiến đấu hung hãn chống lại các điều kiện này. Sau đó, khi con đã giải thoát mình khỏi các phản ứng trong chính tâm của con, thì con tự do thách thức chúng mỗi khi con có cơ hội.

16.9. Một cơ hội chưa từng có để giúp người khác

Con yêu dấu, con có nhận ra là con đang sống trong một thời đại trong đó mọi con người có cơ hội chưa từng thấy để biểu lộ chính họ dùng dụng cụ phi thường, mà con thể nào cũng đã biết tới, gọi là mạng Internet? Con có cơ hội, chưa từng có trong các thời đại trước, nói lên sự thực của mình như mình thấy ở tầng tâm thức hiện nay của con. Thày sẽ không nói con vào chi tiết con cần làm gì, nhưng con hãy nhìn những phương tiện hiện có trên mạng Internet và xem con có thể dùng mạng Internet để nói lên những khai ngộ mà con đạt được trong khóa học này hay trong giáo lý chân sư thăng thiên. Nếu con nhìn vào ứng dụng Facebook, thì con thấy có nhiều người (trong đó có một số trong các con) hay lặp lại những câu nói rất, rất dễ thương hay phim ngắn về chuyện này chuyện nọ, các chuyện này chỉ giản dị là chuyện vô bổ, một hình thức cơ chế trốn tránh nhằm giúp con người nhất thời cảm thấy dễ chịu.

Các đệ tử chân sư thăng thiên có thể nào dùng mạng Internet để chia sẻ một số các sáng ngộ thật, các sáng ngộ thách thức, mà con đã đạt được khi là đệ tử chân sư thăng thiên và khi theo học khóa học này? Con hãy suy ngẫm chuyện này. Một lần nữa, thày không muốn con phải cảm thấy hổ thẹn nếu con chưa làm, nhưng mặt khác thày muốn đủn con một chút về hướng thấy là con nay đã sẵn sàng nói lên sự thực của mình như con thấy nó. Con không cần phải đợi các điều kiện vỏ ngoài thuận tiện. Con chỉ cần lấy quyết định và chấp nhận là con có một điều gì mà hầu hết mọi người trên hành tinh này không có. Con có sáng ngộ, con có nhận biết, con có nhiều tự do hơn. Do đó, con có thể giúp người khác và có thể một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con là làm điều này.

Một lần nữa, một khi con đã loại cơ chế trốn tránh thì con nhận ra là con đã có cơ chế trốn tránh khiến con cảm thấy con không cần, con không nên, hay con sẽ gặp nguy hiểm nếu con thách thức các ảo tưởng và dối trá của sa nhân. Do đó, bất kể lý cớ nào mà con đã tạo ra cho mình, cơ chế trốn tránh căn bản nhất, khó loại trừ nhất, của con là con cảm thấy: “Ồ, thật ra tôi không cần biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi, ít nhất là chưa làm ngay bây giờ, hay không qua cách này hay cách nọ, hay bằng cách thách thức điều kiện này hay điều kiện nọ.” Cơ chế trốn tránh căn bản là cơ chế khiến con cảm thấy con làm đúng, con được an toàn khi con không biểu hiện quả vị Ki-tô của con, hay con chưa làm ngay bây giờ, hay con không biểu hiện nó cách này hay cách khác.

Con yếu dấu, nếu con chịu nhìn vào cơ chế này và vượt lên trên nó, thì con sẽ sẵn sàng để nhận những chỉ dẫn của thày Saint Germain. Con nhận ra là khi con đưa ra một lời hướng dẫn, con nhắm vào một trình độ nào và do đó chỉ có những người đã lên tới trình độ đó mới nhận được lợi ích của lời chỉ dẫn. Thày Saint Germain sẽ không đưa ra lời chỉ dẫn cho tầng 48. Mục đích của thày là dẫn con tới tầng 96 và đặt con vững vàng trên con đường tới quả vị Ki-tô sẽ dẫn con tới tầng 144. Thày sẽ giả sử là con tới khóa nhập thất sẵn sàng đón nhận các chỉ dẫn mà thày đã sửa soạn cho con.

Nếu con chưa sẵn sàng thì con vẫn có thể đọc quyển sách của thày Saint Germain với trí vỏ ngoài, con có thể đọc các bài thỉnh và làm các thực tập, nhưng con sẽ không nâng tâm thức mình lên. Do đó, con sẽ không thể biểu lộ khả năng đồng sáng tạo của mình. Con không thể là người có thuật biến hóa huyền bí. Con sẽ không đạt được khả năng kết đọng những thay đổi mà thày Saint Germain sẽ dạy con. Có thể nói là sáu Thượng sư đầu chỉ giản dị chuẩn bị con tới khóa học của thày Saint Germain. Lẽ dĩ nhiên, các thày cũng đã chuẩn bị con cho chính các thày, vì nếu con chưa hoàn tất các khai ngộ do Chân sư MORE trình bày, thì con chưa sẵn sàng tới thày Lanto, vân vân và vân vân.

16.10. Vượt qua sự nản chí

Một đề tài mà thày muốn trình bày trong phần cuối này là sa nhân, như thày đã nói, thích tạo cho con một hoàn cảnh và sau đó khiến con cảm thấy con không có lối trốn thoát. Họ cũng thích tạo cho con một hoàn cảnh mà con cảm thấy con có lối thoát ra, con có cảm tưởng có thể tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình hay cho hành tinh – và sau đó các chuyện này không xảy ra và con cảm thấy nản chí. Người ta có câu: thối chí là dụng cụ sắc bén nhất trong hộp dụng cụ của ác quỷ. Nếu con nhìn lịch sử các tôn giáo trên trái đất một cách thành thực, thì con thấy rất, rất nhiều người đã cải đạo theo một tôn giáo, đã cảm thấy đầy lạc quan và hy vọng, và sau đó, có thể là sau nhiều kiếp theo tôn giáo đó, họ bị thất vọng và cảm thấy thối chí.

Các thày có nói là có nhiều người hiện sống trong thế giới Tây phương theo thuyết vô thần hay chống Cơ đốc giáo vì trong nhiều kiếp sống họ đã tin và áp dụng những nghi thức của đạo Cơ đốc giáo. Sau nhiều kiếp sống họ nhận ra rằng họ không được cứu rỗi sau kiếp đó mà phải đầu thai trở lại, thì họ bỏ cuộc không theo Cơ đốc giáo nữa, trở nên thối chí và theo khuynh hướng vô thần, duy vật hay hình thức chối bỏ tôn giáo khác. Thày muốn làm một cố gắng nhỏ giúp con đến được điểm không rơi vào bẫy của hình thức thối chí mà sa nhân muốn con rơi vào.

Con yêu dấu, nếu con đã theo học khóa học này (con đã nghiên cứu các bài truyền đọc và đọc các bài thỉnh ít nhất trong chín ngày) thì con đã tiến bộ đáng kể trên con đường tâm linh. Có thể con không cảm thấy như vậy, dù rằng đa số học viên theo học khóa này đã cảm thấy tiến cao hơn, và khóa này đã đáng công sức học. Con nhận ra tâm thức của con đã chuyển vọt. Những người trong các con chưa cảm thấy vậy, thì con có thể nhận ra bằng cách chuyển đổi thái độ của con về đời sống trên trái đất như thày có trình bày trong các bài giảng trước, nhưng thày sẽ bình luận thêm về chủ đề này ở đây.

Con yêu dấu, con có nhớ câu nói cổ: “Ly nước nửa đầy hay nửa vơi?” Câu này có nghĩa là trên một hành tinh như trái đất, rất rất dễ thấy một số điều kiện tiêu cực khiến con nhận định đời sống không thể chịu đựng được, có quá nhiều vấn đề và tiến triển quá chậm. Con thấy nhiều người tin vào các lời tiên tri tiêu cực và nghĩ rằng có tai họa nào đó sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, và do đó không có lý do để trở thành Ki-tô đang hành động. Một lần nữa đây là một cơ chế trốn tránh. Con yêu dấu, có một tâm thức nghèo đói rất mạnh trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên, con biết có hàng tỷ người sống trong nạn nghèo đói. Vì sao vậy? Vì họ bị mắc kẹt trong phàm linh tập thể về nghèo đói và thiếu thốn, mà ta có thể gọi là “thái độ thiếu hụt”. Phàm linh này do sa nhân tạo ra. Ngay từ ban đầu, họ đã tạo ra thái độ thiếu hụt đó vì cuộc sống của họ dựa trên một sự thiếu hụt. Tại sao vậy? Họ không nhận được Ánh sáng từ cõi thăng thiên, từ Hiện diện TA LÀ của họ. Họ bị bắt buộc phải làm những chuyện họ làm để ăn cắp ánh sáng từ bốn cõi thấp của vũ trụ vật chất, và do đó họ lúc nào cũng có trải nghiệm thiếu hụt. Lúc nào cũng thiếu hụt năng lượng, thiếu hụt tiền bạc, thiếu hụt mọi thứ. Con cần nhận ra đây là một phàm linh tập thể rất mạnh, và rất có thể con đã bị nó ảnh hưởng và đã tạo ra một phàm linh nội tại cho rằng có cái gì đó thiếu sót, có cái gì đó thiếu hụt, có cái gì vắng mặt, có cái gì đó không tốt đủ hoặc trên hành tinh, trong cuộc đời mình hay trong tâm thức mình. 

Con yêu dấu, thày không quan tâm việc con thay đổi hành tinh. Thày còn không quan tâm hoàn cảnh bên ngoài của con. Điều thày quan tâm là giúp con nhận ra là nếu con còn nhìn qua phin lọc của phàm linh nội tại này, con sẽ chỉ thấy cái thiếu sót, con sẽ chỉ thấy cái tiêu cực. Con có thể thấy tất cả những biện minh tại sao con không tốt đủ, tại sao con chưa tiến bộ đủ trên con đường tu, tại sao con chưa thăng vượt điều này điều nọ, tại sao con không đạt được trong khóa học này điều con chờ đợi khi bắt đầu khóa học. Con yêu dấu, thày đã nói gì trước đây? Khi con nghe tới Sứ vụ Thiêng liêng lần đầu, con nhìn vào Sứ vụ Thiêng liêng dựa trên tầng tâm thức con có lúc đó, và con có những chờ đợi làm sao con sẽ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng. Giống như vậy, khi con bắt đầu học khóa này, con ở một tầng tâm thức thấp hơn ngày hôm nay. Con mong chờ khóa học này sẽ đem lại cho con điều gì đó dựa trên tâm thức đó.

Ngày hôm nay con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn và điều giản dị là con sẵn sàng nhìn vào sự mong chờ trước kia của con và nói: “Tôi không cần bạn nữa vì tôi đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn và bây giờ tôi sẵn sàng nhìn khóa học, nhìn con đường tâm linh, nhìn chính mình dựa trên tầng tâm thức hiện nay của tôi.” Con yêu dấu, nếu con sẵn sàng làm bước chuyển vọt này, thì con có thể quyết định một cách ý thức – và con sẽ cần một quyết định có ý thức; điều đó sẽ không giản dị xảy ra vì con đã theo học khóa này hay làm chuyện gì khác – là con sẽ có một thái độ tích cực, một cách tiếp cận tích cực, một cái nhìn tích cực về mình, về con đường tâm linh và về sự thành đạt tâm linh của mình.

Các thày đã nói gì trong suốt khóa học này? Bất cứ phản ứng nào của con không dựa trên tình thương, không tích cực, đều đến từ phàm linh nội tại. Nếu con có phản ứng với khóa học này, với chính con, với tiến triển tâm linh qua các thiếu sót của mình, thì phản ứng này không phải là con. Không phải là cái Ta Biết đã phản ứng như vậy vì cái Ta Biết biết là không có gì trên trái đất có thể quy định nó. Đây là một phàm linh nội tại đang phản ứng, vậy con hãy sẵn sàng nhìn phàm linh nội tại này và sử dụng các dụng cụ và thủ tục mà các thày đã cung cấp để buông bỏ nó. Lẽ dĩ nhiên, con có quyền tự quyết. Nếu con muốn sống phần còn lại cuộc đời trên hành tinh này với một thái độ tiêu cực, với một cảm nhận thiếu hụt, thì thày sẽ tôn trọng quyền tự quyết của con. Nếu như vậy thì con không sẵn sàng đón nhận những khai ngộ mà Saint Germain cống hiến, và con sẽ không hưởng được lợi lạc gì dù con vẫn đọc quyển sách và các bài thỉnh.

Con không thể là một người đồng sáng tạo khi con ở trong trạng thái thiếu hụt. Con chỉ có thể là người đồng sáng tạo khi trong tâm con biết: “Tự con không làm được điều gì, chính đấng Cha trong con đang làm và với Thượng đế điều gì cũng có thể làm được.” Giê-su nói điều này 2000 năm trước đây. Nếu con đường tới quả vị Ki-tô được duy trì, thì con người đã có thể tới điểm không những chỉ tin và hiểu mà thực sự trải nghiệm sự thực hằng sống là con có thể đồng sáng tạo hoàn cảnh sống tốt hơn cho chính mình và đóng góp đồng sáng tạo hoàn cảnh tốt hơn cho thế giới. Con đã đóng góp xây dựng hoàn cảnh tốt hơn cho thế giới bằng cách vươn lên tầng tâm thức mà con đạt được ngày hôm nay. Con hãy cho phép mình công nhận điều này, cho phép mình cảm thấy, biết, và trải nghiệm là mình đã tiến triển.

Do đó, con yêu dấu, thày chỉ còn một công việc cuối. Công việc này không dựa trên các khai ngộ mà con đã nhận từ thày, mà dựa trên những gì con đã nhận được từ tất cả các Thượng sư. Đây không phải là điều chỉ mình thày, Nada, nói mà là điều cả sáu vị: Chân sư More, Lanto, Paul người Venice, Serapis Bey, Hilarion, và thày đồng nói: “Con, người giúp việc tốt và trung thành, đã làm việc giỏi. Con đã trung thành làm nhiều chuyện, bây giờ con hãy sẵn sàng để Saint Germain biến con thành người ngự trị trên nhiều chuyện.”

Tìm được bình an trong quan hệ

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 23/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Ở tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày, lẽ tự nhiên con giáp mặt với hai liều lượng của Tia thứ Sáu. Thày muốn bắt đầu bằng khai triển thêm những điều thày đã giảng trong các bài trước, đặc biệt liên quan đến nghiệp quả. Hiển nhiên có nhiều hiểu biết, ý tưởng và lý thuyết phiến diện về nghiệp quả lưu truyền trên thế giới. Thầy cần con vượt quá những thuyết này và hiểu một cách sâu sắc hơn con tạo nghiệp như thế nào.

Có rất, rất nhiều người tin vào một triết lý Đông phương hay Thời đại mới cho rằng nghiệp quả là hậu quả của một hành động, có nghĩa là họ tin rằng nghiệp quả cơ bản là một hiện tượng vật lý. Con làm một hành động vật lý tạo ra nghiệp, và khi nghiệp quả trở lại, nó tạo ra một sự việc vật lý xảy ra cho con. Như thày đã giảng trong các bài trước, hiểu như vậy không đúng. Ta không thể nói nghiệp quả ở tầng vật lý vì xung lực nghiệp mà con tạo ra (ngay cả khi được tạo ra bằng một hành động vật lý) không phải là một xung lực trong quang phổ rung động vật lý. Nó là một xung lực đi vào ba thể cao và luân lưu trong ba tầng cao cho tới khi nó có thể trở về trong trường năng lượng của con. Sau đó, như thày đã giảng, nó có thể, và cũng có thể không, trở thành một sự việc vật lý tùy theo con đã thay đổi tâm thức hay chưa.

Lý do vì sao con cần suy ngẫm điểm này vì con nhận ra là không có gì trong cõi vật lý quy định được con. Con cũng nhận ra là không có gì trong thế giới vật lý có thể định đoạt con sẽ thăng thiên hay không. Nhiều người trong các con đã chấp nhận quan niệm cho rằng, để hội đủ điều kiện thăng thiên, con cần cân bằng nghiệp quả. Điều này không sai, nhưng nghiệp quả không phải là nghiệp quả vật lý. Cân bằng nghiệp quả, trước hết, là thanh lọc các thể cảm xúc, tư tưởng và bản sắc khỏi các phàm linh hiện diện trong ba thể đó. Quả thực cân bằng nghiệp quả không phải là bù đắp một điều gì đó bằng một hành động vật lý. Nó trước tiên là giải quyết các phàm linh nội tại để khi ông hoàng thế gian tới, y không tìm thấy gì trong ba thể cao của con để y có thể khiến con đi vào một khuôn nếp phản ứng. Đây chính thực là ý nghĩa cân bằng nghiệp quả.

Lẽ dĩ nhiên, trong tiến trình nghiệp quả có một xung lực năng lượng, nhưng một lần nữa, xung lực này không có tính chất vật lý. Thày không phủ nhận là con cần đọc một số bài chú bài thỉnh để làm rã tan xung lực năng lượng đó, nhưng khía cạnh quan trọng nhất của cân bằng nghiệp quả là làm rã tan các phàm linh.

14.1. Tương tác với người khác mà không tạo nghiệp

Tuy nhiên, có một khía cạnh khác, có thể gọi là khía cạnh Omega, của cân bằng nghiệp quả là tránh tạo ra nghiệp mới. Lẽ tự nhiên, nếu con tiếp tục tạo nghiệp mới, thì con càng phải thỉnh cầu nhiều hơn ngọn lửa tím để cân bằng tất cả nghiệp quả. Con cần áp dụng nguyên tắc đầu tiên của khoa Cấp cứu, là ngưng tai nạn. Nói cách khác, con cần ngưng tạo nghiệp mới, ngưng những vòng xoắn phản ứng khiến con tạo nghiệp. Trong bài trước, thày có giảng làm sao ngưng phản ứng với sa nhân, không phản ứng khi họ khiến con cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, bất toàn hay bất cứ gì khác.

Bây giờ thày đặt trọng tâm vào cách thông thường nhất mà con người tạo nghiệp, đó là khi họ tương tác với người khác. Lẽ tự nhiên, con là đệ tử chân sư thăng thiên và con đã theo học giáo lý của các thày một thời gian rồi nên đã tới tầng khai ngộ này. Con đã chế ngự được những lối tương tác vật lý, hung bạo, hung hãn. Tuy nhiên, con đang ở một tầng tâm thức nơi con chưa hoàn toàn tự giải thoát khỏi những vòng xoắn phản ứng với người khác. Với một người ở tầng tâm thức của con, con không có hành động hung hãn với người khác, nhưng con vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng người khác đang có hành động hung hãn với con – và dĩ nhiên là họ làm vậy.

Con có thể nhìn cuộc đời Giê-su và thấy là khi thày ở tầng tâm thức 143, sa nhân hành động chống thày và đem thày đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, điều thày muốn nói đặc biệt ở tầng này, là con có cảm giác người khác có thể có hành vi hung hãn với con và con thường cảm thấy bất lực khi đối phó với hoàn cảnh này. Thày có nói tới nhu cầu tôn trọng quyền tự quyết, vậy nếu con hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của họ thì con không thể ngăn họ có hành động hung hãn với con. Vậy làm sao con tránh cảm thấy bất lực?

Con yêu dấu, con cần hiểu sâu sắc cách luật tự quyết tự trải bày, đặc biệt liên quan đến nghiệp quả. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét trái đất là loại hành tinh nào. Thày có nói là có rất nhiều hành tinh có tầng tâm thức cao hơn trái đất nhiều, và tại các nơi đó không có sự hung hãn mà con thấy trên trái đất. Trái đất là một trong những hành tinh thấp nhất khi so sánh mức độ hung hãn giữa con người với nhau. Khi con nhìn nhận sự kiện này, con có thể bắt đầu xem xét con chờ đợi được gì nơi cuộc sống trên trái đất.

Có một số người trong các con là a-va-ta đến từ hành tinh tự nhiên là nơi con không bao giờ chạm mặt sự hung hãn. Do đó, con có một ký ức vi tế là đáng lẽ không được có sự hung hãn. Chuyện con người có hành động hung hãn với nhau là điều không tự nhiên. Một số khác trong các con là cư dân nguyên thủy của trái đất, và con có một ký ức vi tế về đời sống trên trái đất trước khi sa nhân được phép đầu thai xuống đây. Con cũng có cảm giác là con người có hành động hung hãn với nhau là không “tự nhiên”, không “đúng”.

14.2. Một mong chờ không thiết thực khác

Con có thấy chăng là con chờ đợi cuộc sống phải như thế nào trên trái đất. Tuy nhiên, chờ đợi này không phù hợp với thực tại cuộc sống gì trên trái đất. Có một khoảng cách giữa chờ đợi của con và thực tại. Do đó, con cần phải làm một lượng định đơn giản. Con có thể thay đổi hiện trạng trên trái đất chăng? Lẽ dĩ nhiên là không. Con không thể chỉ búng tay là loại bỏ chiến tranh và sự hung hãn khỏi hành tinh.

Con có thể chọn hướng hành động thiết thực nào? Đó là con buông bỏ những chờ đợi mà con đã tạo ra trên một hành tinh khác hay khi trái đất không như ngày nay. Nói cách khác, con nhận ra con có một chờ đợi không thiết thực và đã tới lúc con sẵn sàng nhận ra là nó kềm hãm sự tiến bộ của con. Nó tạo căng thẳng, mâu thuẫn trong con, khiến con bị kéo đi nhiều hướng. Nó khiến con như căn nhà bị chia rẽ bên trong, giống như điều các phàm linh nội tại vẫn làm. Như thày đã giảng, sa nhân rất vui sướng tạo ra một sự chờ đợi nơi con, tỷ dụ như Thượng đế sẽ tới và cứu con, và sau đó con thấy thực tại phá tan kỳ vọng đó, khiến con hồ nghi không biết đâu là thật, đâu là giả.

Con cần tới điểm nhìn nhận là con đang ở trên một hành tinh rất dày đặc, rất khó khăn, và do đó con cần nhìn vào sự chờ đợi của mình và nói: “Chúng không áp dụng vào hành tinh này. Chờ đợi của tôi không thiết thực, không hợp lý, không phù hợp với thực tại trên hành tinh này.” Sau đó, con giản dị buông bỏ nó. Con cần buông bỏ nó – giống như con buông bỏ mọi phàm linh khác, vì sự chờ đợi không thiết thực của con đã trở thành một phàm linh nội tại. Con yêu dấu, con buông bỏ nó.

Con nhận ra trái đất là loại hành tinh nào và con nói: “Dựa trên những gì con biết về hành tinh này, dựa trên những gì con biết về quyền tự quyết, con có thiết thực chăng nếu con có bất cứ chờ đợi nào về điều phải xảy ra hay không được xảy ra trên trái đất?” Câu trả lời sỗ sàng là: “Không”. Câu trả lời này thoạt nghe có thể sỗ sàng, nhưng khi con chấp nhận nó, nó đem lại giải thoát. Con thấy là không có lý do gì để có bất cứ mong chờ nào và do đó không có gì trong con chống cự đời sống trên trái đất. Khi con không mong chờ điều phải xảy ra hay điều không được xảy ra, thì con có thể đến với cuộc đời mà không bị ý tưởng nào bao phủ. Con có thể đến với cuộc sống, như Giê-su nói, với tâm ngây thơ của trẻ thơ.

Khi con ngây thơ như thế, không mong chờ điều phải xảy ra hay điều không được xảy ra, thì con đang ở trong vương quốc của Thượng đế trong chính tâm con. Lúc đó con nhận ra là không có lý do nào để chờ đợi điều này phải xảy ra hay không được xảy ra. Con biết không có điều gì xảy ra hay không xảy ra có thể quy định được con. Không có gì trong cõi vật lý quy định được con. Không có gì trong cõi vật lý ngăn cản được sự thăng thiên của con.

Con có thể tới điểm nhìn người khác và nói: “Tại sao tôi lại có bất cứ chờ mong người khác phải làm điều này hay không được làm điều nọ?” Nếu con nhìn lại cuộc đời mình, con thấy là suốt cuộc đời (và thày có thể bảo đảm với con là trong nhiều kiếp trước cũng vậy) con có những chờ đợi, có khi vi tế có khi hiển nhiên, về người khác. Con muốn họ làm một số chuyện, con không muốn họ làm một số chuyện, và tình trạng này khiến con lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng với người khác. Các chờ mong cũng khiến con cảm thấy bất lực vì một đằng con mong muốn ngăn ngừa người khác làm điều gì hại con hay tự hại, nhưng mặt khác con cảm thấy con không được phép dùng bất cứ phương tiện hung hãn nào để ép buộc họ. Một lần nữa, con lại cảm thấy bất lực.

14.3. Thế giới không xoay quanh con

Một khi con buông bỏ chờ đợi người khác làm điều này điều kia, thì con không cần cảm thấy bất lực nữa. Lúc đó, con nhận ra là con có thể tiến thêm bước nữa về hướng an bình nội tâm bằng cách nhớ lại những gì thày nói về tư duy thần diệu. Trong thế giới có một phàm linh tập thể dựa trên trải nghiệm của trẻ thơ khi chúng còn trong bụng mẹ. Tất cả những người đã sinh ra trong suốt lịch sử trái đất đã góp phần vào phàm linh này.

Khi một bà mẹ mang thai nhi trong dạ, bà biết là nó là một sinh thể khác, một xác thân khác đang lớn lên trong bụng bà. Bà nhận ra điều này vì bà nhớ rất rõ lúc bà không mang thai, là lúc bà làm chủ thân thể của bà. Khi bà mang thai thì có một sinh thể khác lớn lên bên trong thân thể của bà, và bà nhận ra điều này rất rõ. Đây là con của bà, bà có sự nối kết với nó, nhưng bà biết nó là một sinh thể khác ngày nào đó sẽ sinh ra và có cuộc sống riêng biệt. Nhưng về phía hài nhi thì nó cảm thấy thế nào?

Đa số con người không có ký ức về thơi kỳ mình chưa sinh ra, nhưng nếu con có ký ức đó thì con sẽ thấy là hài nhi trong bụng mẹ không trải nghiệm nó là một thân thể tách biệt vì hài nhi trải nghiệm thân thể bà mẹ là thân thể của nó. Hài nhi không biết là có một sinh thể khác ở trong thân thể bà mẹ. Nó thực sự cảm thấy thân thể bà mẹ là thân thể của , và khi hài nhi lớn lên trong bụng mẹ, nó bắt đầu cảm thấy hơi bối rối về sự hiện diện của thân thể này bên trong thân thể lớn hơn. Kết quả là đa số trẻ thơ sinh ra với ý niệm thế giới là một sự nối dài của thân thể của chúng. Hài nhi đã quen coi thân thể bà mẹ như sự nối dài của nó. Khi chúng sinh ra, lúc ban đầu chúng cảm thấy thế giới là một sự nối dài của thân thể của chúng. Chúng chưa có ý niệm là một sinh thể tách biệt trong một thân thể tách biệt. Không phải tất cả trẻ thơ, nhưng đa số trẻ thơ cảm thấy như vậy.

Kết quả là nhiều trẻ thơ trải qua một giai đoạn, mà các tâm lý gia đã nhận diện, khi chúng cảm thấy: “Thế giới là một sự nối dài của con, con là trung tâm thế giới. Do đó, con chịu trách nhiệm tất cả những gì xảy ra. Mọi chuyện xảy ra đều xoay quanh con và liên quan tới con.”

Thày cần con nhận ra là trong ba thể cao của con, đặc biệt là trong thể tình cảm, có một phàm linh nội tại vẫn còn cảm thấy nó là trung tâm của thế giới của con. Nó có thể không cảm thấy có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên thế giới, và nó nhận ra người khác là sinh thể tách biệt. Tuy nhiên, phàm linh này cảm thấy mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của nó xoay quanh nó. Mọi chuyện mà người khác làm liên quan tới nó.

Khi con chưa nhìn thấu phàm linh này, thì con có khuynh hướng cảm thấy, có thể là ở trong tiềm thức, là điều người chung quanh con làm liên quan tới con. Nói cách khác, con có thể cảm thấy có trách nhiệm về điều họ làm, bị tổn thương bởi hành động của họ, cảm thấy họ làm điều đó chống lại con. Bây giờ thày cần con suy ngẫm điều này vì điều quan trọng là con nhận ra đây là cảm nhận của một phàm linh nội tại. Cái Ta Biết không cảm thấy như vậy. Cái Ta Biết biết nó là một sinh thể tách biệt, người khác là sinh thể tách biệt và họ có quyền tự quyết giống như con có quyền tự quyết của mình. Một khi con tách ra khỏi phàm linh thì con nhận ra một điều rất, rất quan trọng.

14.4. Cảm thấy con là nguyên nhân của hành vi người khác

Con có thể có một người trong gia đình hay một người thân cận nổi giận với con. Có thể là người đó lên án con đã làm một điều mà đáng lẽ con không được làm, hay đã không làm điều mà con phải làm, theo sự đánh giá của người đó. Người đó đến với con với năng lượng hung hãn và lên án, và phản ứng bình thường của con là cảm thấy vì có chuyện gì con đã làm hay không làm nên người đó mới nổi giận như vậy. Nói cách khác, con cảm thấy có trách nhiệm, con cảm thấy con là nguyên nhân của hành vi người đó.

Chúng ta đã nói về đề tài này nhưng con cần nhìn lại một lần nữa và nhận ra là người kia không nói và làm như vậy bởi vì con. Con không chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của người khác. Con chịu trách nhiệm về những lựa chọn của chính con nhưng không chịu trách nhiệm về lựa chọn của người khác. Đúng là con chịu trách nhiệm về những hành động của con, những gì con làm, những gì con nói, nhưng con không chịu trách nhiệm về phản ứng của người kia đối với hành động của con.

Đa số đệ tử chân sư thăng thiên tới tầng này không gặp khó khăn đạt khai ngộ mà thày nói tới trong bài giảng trước khi thày nói là con cần nhận ra là con chịu trách nhiệm về phản ứng của mình. Nhưng họ thường khó nhận ra mặt kia của đồng tiền và nói: “Nếu tôi chịu một trăm phần trăm trách nhiệm về các phản ứng của tôi, thì tôi một trăm phần trăm không chịu trách nhiệm về phản ứng của người khác.” Con cần bước lùi lại và nói: “Tại sao người kia lại làm điều này với tôi? Có thể tôi đã làm điều gì kích động một phản ứng nơi người kia, và phản ứng này khiến họ lên án tôi. Tuy tôi chịu trách nhiệm về hành động của tôi, nhưng tôi không chịu trách nhiệm về phản ứng của người kia.”

Do đó, con không cá nhân hóa hoàn cảnh bằng cách nhận ra rằng người kia không làm điều đó chống lại con. Người kia làm điều đó để phản ứng lại con nhưng người kia không làm điều đó chống lại con. Con bây giờ có thể bắt đầu tạo sự khác biệt trong tâm mình.

Điều quan trọng là ở đây con nhận ra sự khác biệt vi tế, không dễ hiểu, giữa tâm thức nhị nguyên và tâm thức Ki-tô. Các thày đã gọi tâm thức nhị nguyên là tâm thức tách biệt vì nó tách mọi thứ ra thể loại khác nhau. Nó tách con ra khỏi Thượng đế, người khác và hành tinh nơi con sống. Tâm thức Ki-tô không tách ra nhưng nó phân biện – nó nhận ra sự khác biệt.

Con cần nhận ra sự khác biệt khi con nhận ra con có khuynh hướng cảm thấy là khi người khác làm điều gì ảnh hưởng đến con, họ làm chống lại con, họ chống lại cá nhân con. Nếu họ tức giận, con nghĩ họ giận con và con cảm thấy có trách nhiệm. Vì con là người tâm linh sẵn sàng sửa đổi chính mình, con lúc nào cũng nhìn vào: “Làm sao tôi có thể thay đổi chính tôi để người kia không tức giận tôi?” Một khía cạnh của việc tăng triển tâm thức Ki-tô là con có thể tới điểm phân biện và nói: “Điều người kia làm không phải là để trực tiếp chống lại tôi. Nó không phải là một sự tấn công cá nhân tôi. Nó do phản ứng nội tâm của người đó gây ra.”

14.5. Vòng xoắn nghiệp quả không bao giờ dứt

Con yêu dấu, con cũng hiểu là thách đố lớn nhất cho đa số người trên trái đất là đối xử với những người thân cận nhất, tỷ dụ như trong gia đình. Con cảm thấy không thể rời bỏ các người đó. Do đó, con cảm thấy phải phản ứng lại họ và phải coi trọng những gì họ làm hay nói – con phải coi là những điều đó liên hệ tới cá nhân con. Kết quả là đa số con người đã tạo ra những khuôn nếp phản ứng khi liên hệ với nhau. Nếu một người trong gia đình nổi giận với con, con cảm thấy có trách nhiệm, con cảm thấy phải coi chuyện này như liên hệ tới cá nhân con, con phải xét xem con có thể thay đổi như thế nào để tránh người đó nổi giận.

Sự việc này khiến đa số con người trên trái đất bị dính líu vào cái mà các thày đã gọi là vòng xoắn nghiệp quả hay nghiệp quả nhóm, tức là họ có khuôn nếp phản ứng rất mạnh giữa nhau tiếp nối từ kiếp này sang kiếp khác. Con thấy hiện tượng này ở khắp nơi. Thày cần con nhận ra là những người đó không làm điều đó chống lại cá nhân con. Họ có thể là người trong gia đình con và con có thể có liên hệ cá nhân với họ, nhưng họ không tức giận cá nhân con. Điều này có thể hơi khó hình dung, vậy chúng ta hãy làm một thí nghiệm tư tưởng. Ta hãy giả thử con có một người trong gia đình tức giận con về một điều gì con đã làm. Bây giờ, con hãy tưởng tượng người đó có một người khác cũng làm với họ điều mà con đã làm. Liệu người đó có tức giận với người sau hay không? Câu trả lời là: “Rất có thể”

Câu chuyện không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy, vì có lúc một người tự cho phép nổi giận với một người trong gia đình nhưng không nổi giận với người ngoài. Con có thể thấy là con người có khuynh hướng đối xử với người trong gia đình, được gọi là người “thân thương”, tệ hơn người hoàn toàn xa lạ.

Trong đa số trường hợp, con thấy là nếu một người khác làm (hay ít ra là đã từng làm) cùng việc con làm với người thân nhân của con, thì người thân nhân cũng sẽ tức giận với người này y như với con. Điều này giúp con nhận ra là sự tức giận của người thân nhân không gắn liền với cá nhân con. Nó có thể hướng tới người khác như tới con. Nếu sự tức giận của người đó không hướng tới cá nhân con, thì đâu là tính cách cá nhân trong đó? Nó có tính cách cá nhân bên trong tâm thức người thân nhân. Sự tức giận nằm bên trong các thể tình cảm, tư tưởng và bản sắc của người đó. Con có thể đã kích động sự tức giận nhưng con không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân là một cơ chế nội tại trong tâm lý người đó, giống như sự tức giận của con là một cơ chế nội tại trong tâm lý của con.

14.6. Cảm thấy mình có trách nhiệm về tâm lý người khác

Con yếu dấu, con đã sẵn sàng nhìn vào tâm lý của chính mình nếu không thì con đã không theo khóa học này cho tới đây. Người thân nhân con có thể không sẵn sàng làm vậy. Con cần nhận ra là con cần thận trọng trong việc sẵn sàng nhìn vào tâm lý mình. Con không nên quá sẵn sàng nhìn vào tâm lý mình đến độ con nhận trách nhiệm về cơ chế tâm lý trong tâm người khác. Sự tức giận của người kia là một cơ chế tâm lý trong bốn thể phàm của người ấy, không phải trong tâm của con, không phải trong thể phàm của con. Do đó, con không thể nhận trách nhiệm về sự tức giận này và tìm cách thay đổi mình để né tránh sự tức giận của người kia. Con không thể né tránh được, sự tức giận vẫn có mặt trong tâm người đó và chỉ chờ một yếu tố kích động khác.

Điều con và đa số mọi người làm trong trường hợp này là tạo dựng trong tâm mình ý tưởng phải tránh hành vi nào hay phải làm hay nói điều gì để né tránh sự tức giận của người kia. Điều này có nghĩa là lúc đó con tạo ra một hành động thiếu cân bằng trong con, do sự bất cân bằng của người kia gây nên. Điều thày muốn chỉ cho con thấy là để bước ra khỏi khuôn nếp phản ứng với người khác, để đạt được an bình trong quan hệ của con với người khác, con cần nhìn vào chính mình và phân biện rằng: “Tôi sẽ không cảm thấy có trách nhiệm đối với vấn đề tâm lý của người khác và tôi sẽ không cho phép mình tiếp tục mang những phàm linh nội tại mà tôi đã tạo ra để bù đắp hay né tránh những vấn đề xúc cảm của họ.”

Con cần nhìn vào chính mình trong quan hệ của con với người khác và nhận ra những khuôn nếp phản ứng mà con đã tạo dựng. Rồi con thấy được có một phàm linh đằng sau khuôn nếp đó và con buông bỏ nó. Con có quyền buông bỏ phàm linh này. Con yêu dấu, khi con có thể nhìn vào quan hệ của con với một người khác và dùng nó để thấy khuôn nếp phản ứng của mình, phàm linh nội tại của mình, thì con giải thoát mình khỏi bất cứ khuôn nếp nào với người đó.

14.7. Thay đổi cách quan hệ vận hành

Lúc đó, có hai chuyện sẽ xảy ra. Trước nhất, con được giải thoát khỏi mọi khuôn nếp phản ứng, con có thể gặp người kia với tâm ngây thơ của trẻ thơ, và con có thể tránh không phản ứng lại người đó nữa. Con có thể tránh phản ứng như con đã phản ứng trong quá khứ. Con sẽ thấy là khi con ngưng phản ứng theo kiểu họ chờ đợi, có khi họ bị ngạc nhiên. Có nhiều trường hợp chỉ việc này thôi cũng đủ để thay đổi cách mối quan hệ vận hành. Cũng có thể là người kia sẽ thay đổi.

Lẽ dĩ nhiên, cũng có trường hợp người kia không chịu thay đổi, dù con đã thay đổi. Người đó bị quá bao trùm trong vòng xoắn của họ, trong tâm lý của họ, và không chịu thay đổi. Trong trường hợp này, một số chuyện có thể xảy ra. Khi con đáp lại sự hung hãn của người khác với tâm trẻ thơ, tâm hoàn toàn vô tư, tâm dựa trên tình thương, thì người đó lãnh chịu sự xét xử của Ki-tô. Sự xét xử của Ki-tô là một cơ hội cho người đó nhìn vào tâm mình. Nếu họ không nắm lấy cơ hội, thì điều sẽ xảy ra trong thực tế (ta có thể nói là trên phương diện nghiệp quả) là con sẽ được giải thoát khỏi người đó. Lúc đó, con có tự do chọn lựa con có muốn ở gần người đó hay không.

Con yêu dấu, con sẽ nhiều lần thấy là khi con tự giải thoát khỏi một khuôn nếp phản ứng với người khác, thì bỗng nhiên người đó không còn có mặt trong đời con nữa. Lẽ dĩ nhiên, có trường hợp người trong gia đình mà con không thể cách ly một cách vật lý, nhưng con tới điểm không còn khuôn nếp phản ứng với họ, và do đó, bất kỳ họ làm gì, con không phản ứng lại. Hành động của họ không làm con xáo trộn, không làm con khó chịu. Con chỉ cho nó vào tai này qua tai kia, như người ta thường nói.

Con thấy đây là một cách liên hệ rất khác, và nó thực sự là cách duy nhất giúp con đạt được bình an trong quan hệ với người khác. Con không có ý định hành động hung hãn. Như thày có giảng trong bài trước, con không có ý định khuynh loát hay ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác. Con yêu dấu, con chỉ làm được một điều là giải thoát mình khỏi các khuôn nếp phản ứng, và trở lại là chính mình. Con hãy biểu hiện mình ở tầng tâm thức hiện nay của mình và qua đó cho người kia cơ hội vươn lên cao hơn khuôn nếp của họ. Nếu họ không nắm lấy cơ hội này, thì họ chống lại con không sao cả vì con không bị xáo trộn.

Nói cách khác, con cần tới điểm có thể nói về một mối quan hệ thân thiết: “Nếu người kia không thay đổi, tôi có thể chấp nhận được.” Sau đó, con có thể nói: “Tôi có thể tách ra khỏi người này chăng?” Nếu con quyết định: “Không được, mối quan hệ này quá thân thiết, tôi không muốn tách ra khỏi người này.” thì lúc đó con có thể ở với người đó mà không bị xáo trộn bởi tâm lý của người đó. Có trường hợp con tới điểm cảm thấy: “Có, tôi có thể chấp nhận người kia không thay đổi, nhưng tôi không muốn làm như vậy.” Lúc đó con có quyền tách ra khỏi người đó và nói: “Tôi không muốn những người như thế này trong đời tôi nữa.” Đây không phải là con tìm cách tránh né khuôn nếp phản ứng trong con, đó chỉ giản dị là con cảm thấy và nhận ra là con đã vươn lên cao hơn tâm thức của những người đó. Do đó con có quyền quyết định là con thích giao tiếp với những người cùng tầng tâm thức hay cao hơn tầng tâm thức của con.

14.8. Tạo nghiệp với sa nhân

Bây giờ chúng ta cần đi xa hơn nữa và tự đặt một số câu hỏi. Thày có nói là con sống trên một hành tinh dày đặc nơi có nhiều sự hung hãn. Ở đây có sa nhân. Sa nhân đang đầu thai có thể có hành động hung hãn với con. Cũng có những người không phải là sa nhân nhưng tâm họ tạm thời bị sa nhân xâm chiếm. Họ bị sa nhân ở các tầng cao bắt họ có hành động hung hãn với con. Con nhận ra câu hỏi là: “Nếu một người có hành động hung hãn chống lại con, thì hệ quả là gì trên mặt nghiệp quả?”

Ở đây, chúng ta cần nhận ra là có một phàm linh tập thể được thiết kế để khiến con cảm thấy có trách nhiệm về những chuyện không thuộc trách nhiệm của con. Thí dụ, sa nhân thích xâm phạm con, khiến con phản ứng lại họ, rồi họ làm cho con cảm thấy vì phản ứng của con không phải là phản ứng cao nhất, con thể nào cũng đã tạo nghiệp với sa nhân. Con yêu dấu, có đúng vậy chăng?

Chúng ta hãy lấy một lập trường cực đoan hơn. Giê-su dạy con hãy chìa má bên kia. Thày chứng minh là đối với những người có hành động hung hãn với thày, thày chìa má kia và để cho họ đóng đinh thày lên cây thập tự. Giê-su lúc đó đã ở một tầng tâm thức rất cao do đó thày đã khắc phục được hầu hết các ảo tưởng mà thày nói con lấy vào để đi xuống tầng 48. Giê-su không phản ứng lại sa nhân dựa trên sợ hãi nhưng dựa trên tình thương. Trong trường hợp này, khi con hoàn toàn không dính mắc, con có thể thấy một cách dễ dàng là Giê-su không tạo nghiệp vì sa nhân đóng đinh thày lên cây thập thự. Thày tin rằng con thấy điều này một cách dễ dàng.

Sa nhân có hành động hung hãn chống lại một sinh thể có quyền tự quyết. Lẽ dĩ nhiên, họ tạo nghiệp khi làm vậy nhưng Giê-su (vì thày không phản ứng dựa trên sợ hãi) không tạo nghiệp. Còn con thì sao? Giả thử con xuống trái đất lần đầu ở tầng tâm thức 48. Con bị sa nhân tấn công, và lẽ tự nhiên con (vì con không thể làm gì khác) phản ứng lại họ dựa trên tầng tâm thức 48.

Ở đây chúng ta cần thấy một khác biệt. Nếu con có hành động vật lý, chẳng hạn con chống trả và giết sa nhân, thì con tạo nghiệp vì hành động đó. Nếu con tránh không có hành động vật lý (như nhiều người trong con các con đã làm được khi phải giáp mặt với hành động hung hãn cao độ), thì con không tạo nghiệp. Con có thể nói với chính mình: “Nhưng con có tạo nghiệp vì đã phản ứng một cách giận dữ chăng?” Điều này tùy thuộc mức độ giận dữ của con.

Khi con xuống tầng 48, con lấy vào hết ảo tưởng này tới ảo tưởng khác cho tới khi con tới tầng 48. Ở tầng 48, con thấy sự việc qua một tấm màn, một tấm kiếng mờ, một phin lọc. Dựa trên cách con nhìn đời xuyên qua phin lọc đó, con phản ứng lại những gì con giáp mặt. Ở tầng 48, con không thể tránh phản ứng với đôi chút giận dữ khi con bị người khác xâm phạm. Nếu con chỉ phản ứng với mức độ giận dữ đó thôi, thì con không tạo nghiệp vì phản ứng đó. Con ở tầng 48; không thể chờ đợi con ở một tầng cao hơn. Con không tạo nghiệp khi con đáp ứng ở tầng tâm thức của con.

Bây giờ, nếu sự giận dữ của con cao hơn mức độ bình thường ở tầng 48, con sẽ tạo nghiệp vì phần giận dữ phụ trội đó. Ta cũng có thể nói là tuy con ở tầng 48 và nhìn đời qua phin lọc ở tầng đó, lúc nào cũng có một phản ứng cao và một phản ứng thấp. Nói cách khác, phản ứng thấp củng cố tầng tâm thức 48, hay ngay cả khiến con tuột xuống tầng 47, còn phản ứng cao thăng vượt tầng 48 và giúp con vươn lên tầng 49.

Nếu con đi con đường thấp thì con tạo nghiệp. Nếu con đi con đường cao, con không tạo nghiệp dù hành động của con chưa phải là sự không dính mắc của tâm Phật. Con yêu dấu, nghiệp quả không giản dị, không đi theo đường thẳng như sa nhân trình bày. Thày bảo đảm với con là sa nhân đã tìm cách ảnh hưởng tất cả các giáo lý hiện hành về nghiệp quả, như của Ấn giáo và Phật giáo, Đạo Lão hay nhiều phái thuộc khuynh hướng Thời đại mới.

14.9. Không cá nhân hóa quan hệ

Điều con có thể bắt đầu nhận ra ở đây là con đã tới điểm có thể đi một bước rất quan trọng, sẽ giải thoát con như bước mà thày dạy con trong bài giảng trước. Đây là bước con không cá nhân hóa quan hệ của con với người khác. Con nói: “Bất cứ họ làm gì đối với tôi, họ không chống lại cá nhân tôi vì họ hành động dựa trên tầng tâm thức của họ, dựa trên ảo tưởng của họ, có thể là vì họ bị tà lực xâm nhập. Nhưng ở bất cứ trình độ nào, họ không chỉ chống lại riêng cá nhân tôi. Đúng thực là nếu tôi không ở đó, họ sẽ tìm một người khác để chống lại, họ sẽ chỉ tìm người khác để làm cái cớ để biểu lộ sự hung hãn bên trong họ, và họ cần thể hiện sự hung hãn lên ai đó vì họ không chịu đựng được nó bên trong họ.”

Chắc con đã nhận ra là khi một người hung hãn với người khác, không phải là họ muốn chống lại người đó. Họ chỉ đơn giản có căng thẳng bên trong đến độ nó trào ra, họ mất tự chủ và lúc đó họ phải hướng nó ra ngoài vì nếu không họ không thể ở trong chính hào quang của họ. Đây là cơ chế đằng sau hầu hết mọi sự hung hãn trên hành tinh này.

Một người có sự chia rẽ nào đó trong tâm lý. Sa nhân khai thác sự chia rẽ đó để dần dần tăng độ căng thẳng cho đến khi nó tới điểm bùng nổ và người đó không chịu nổi sự hỗn loạn và căng thẳng nội tại. Sau đó, sa nhân lại khiến người đó tạo ra niềm tin, tạo ra phàm linh nội tại, là hướng cơn giận về người khác là điều chấp nhận được vì người khác đó là nguyên nhân cơn giận. Người đó bị phàm linh làm mù quáng nên không thấy cơn giận là một cơ chế trong nội tâm. Y thực sự tin rằng y nổi giận vì điều người khác làm, và cơn giận chính đáng vì người kia đáng lẽ không được làm như vậy. Con thấy là khi người khác có hành động hung hãn, họ tạm thời bị một tà linh xâm nhập, họ không kềm chế hành động của họ được, họ không hành động theo lý trí. Vì vậy con nói: “Tôi nhìn nhận tôi đang sống trong loại hành tinh như thế nào. Tôi nhìn nhận ở đây có sa nhân và tà linh, họ luôn tìm cách tạo ra hỗn loạn và bất hòa, và họ hướng điều này tới bất cứ ai có hài hòa và bình an.” Con nhìn nhận đây chỉ là một lực.

Con yêu dấu, bây giờ giả thử con đang trong trận mưa bão có sấm chớp ngay trên đầu con, tiếng sấm rất, rất lớn và có sét đánh xuống mặt đất không xa chỗ con đứng. Con có cảm thấy là đám mây bão đang giận con và đang tìm cách đánh trúng cá nhân con chăng? Thày đoán là con không cảm thấy như vậy ở tầng tâm thức của con, nhưng con nhìn nhận là có người trên thế gian (và chắc chắn là có trong quá khứ) cảm thấy có những thần linh hung hãn trong thiên nhiên tìm cách hại cá nhân họ. Do đó, họ cảm thấy có một thần linh ác độc đang điều khiển sét đánh họ, trong khi ngày nay con có khuynh hướng nhìn sấm sét như một lực thiên nhiên không có cá nhân tính.

Điều thày muốn nói với con là quả thực có sa nhân đang muốn tấn công con vì họ muốn ngăn chặn quả vị Ki-tô nơi con, nhưng họ muốn tấn công bất cứ ai có tầng quả vị Ki-tô đó. Một cách nhìn lành mạnh là con đứng lui lại và xem chuyện này như một lực vô tư và không liên quan đến riêng ai. Do đó con tránh không phản ứng lại một cách cá nhân. Thày chỉ muốn giúp con chuyển đổi tâm, nhìn sự việc và nói: “Con không cần xem việc này như một tấn công cá nhân con. Con không cần cảm thấy mình là nguyên nhân, mình chịu trách nhiệm về nó, mình cần phản ứng lại, mình cần thay đổi hành vi hay cách nhìn đời của mình để né tránh nó. Con chỉ cần nhìn vào nó và sau đó con hành động theo khía cạnh kia của nguyên tắc chìa má bên kia. Con có thể nhìn nó và để cho nó đi xuyên thẳng qua con mà không cho nó gây ra bất cứ phản ứng nào trong con.”

14.10. Khi người khác không thể lấy đi sự bình an của con

Một khai ngộ quan trọng trên con đường đưa tới quả vị Ki-tô là khi con phải đương đầu với một người đang nổi giận, đang la hét kết án con đủ điều, nhưng con đứng yên và không có phản ứng nào trong con. Khi con làm được điều này với sa nhân, tà lực và tất cả mọi người khác, thì con tới điểm cảm thấy con không bất lực. Con có quyền lực làm chủ phản ứng của mình, bứng đi các phàm linh nội tại khiến con có khuôn nếp phản ứng. Khi con dùng quyền lực này, con có thể tới điểm mà con hoàn toàn bình an bên trong vì con không chờ đợi người khác phải làm gì hay không được làm gì.

Con biết rằng bất cứ điều gì người khác làm sẽ không tạo phản ứng trong con. Do đó, con không cần chờ mong vì con không sợ họ sẽ làm điều gì đó tạo phản ứng trong con. Nếu con đứng lui lại và trung thực nhìn vào cuộc đời của con cho tới điểm này, con thấy là đã có rất, rất nhiều lần con quan ngại những gì người khác có thể làm. Con biết nếu họ làm một số điều, chúng sẽ tạo phản ứng trong con. Phản ứng đó không thoải mái và nó có thể khiến con chê trách mình vì con nghĩ một người “tâm linh” không được phản ứng như vậy.

Con hãy nhìn mình một cách trung thực và thấy là con vẫn còn những cơ chế lẩn tránh. Con không tìm cách bù đắp mà tìm cách lẩn tránh. Con cũng có thể có khuôn nếp bù đắp khiến con cố gắng dễ thương với người khác để họ không nổi đóa với con. Thông thường hơn là ước muốn né tránh người khác hay né tránh hành vi của người khác vì con muốn né tránh phản ứng trong con.

Lẽ tự nhiên, con nay đã tới điểm con có thể nhìn những việc này và nói: “Nhưng phản ứng nằm trong con. Như vậy có nghĩa là con có quyền lực để thay đổi nó. Con không cần thay đổi người khác nữa. Con chỉ cần thay đổi chính mình. Con cần tách mình ra để thấy được phản ứng này chỉ là một phàm linh nội tại. Nó chỉ là thêm một phàm linh nội tại khác giống như nhiều phàm linh nội tại mà con đã loại bỏ trong khóa học này. Do đó lẽ tự nhiên con cũng có thể loại bỏ phàm linh này.” Con làm theo những bước cần thiết mà các thày đã dạy con. Con buông bỏ phàm linh, con tiêu trừ năng lượng, con thấy ảo tưởng, và con giải thoát.

Con yêu dấu, thành thực mà nói thì tới điểm này trên con đường tu con muốn bình an trong quan hệ với người khác. Con có bao giờ đạt được bình an bằng cách thay đổi người khác chăng? Dĩ nhiên là không, do đó cách duy nhất là thay đổi chính mình bằng cách buông bỏ các phàm linh và có thái độ là con không cần thay đổi người khác, vì quả vị Ki-tô của con không tùy thuộc vào hành vi của người khác. Nó hoàn toàn dựa vào chuyện gì xảy ra trong chính bốn thể phàm của con, bên trong hào quang và tâm của con.

14.11. Một lời về cách phụng sự đích thực

Các con yêu dấu, con có thể nghĩ là cho tới giờ thày chưa nói gì nhiều về phụng sự. Thày sẽ đưa ra vài nhận xét về đề tài này trong phần sau đây. Nếu con nhìn vào cuộc đời mình, con thấy con có một số mong chờ về hình thức phụng sự mà con phải hiến tặng đời sống như một phần của điều kiện thăng thiên của con, một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con có thể đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để tạo ra một mong chờ khiến con cảm thấy căng thẳng bên trong tâm.

Con có thể cảm thấy rằng: “Chắc hẳn con phải phụng sự, nhưng con đang không làm hay đang không làm đủ. Con quá bận rộn với đời sống hàng ngày nên không có thì giờ phụng sự.” Con cảm thấy xấu hổ, con cảm thấy tội lỗi, con cảm thấy mình chậm trễ, con cảm thấy căng thẳng.

Con yêu dấu, thày không phủ nhận là con có một Sứ vụ Thiêng liêng và con có việc phụng sự, nhưng việc làm phụng sự đó không được quy định bởi tâm vỏ ngoài của con. Nó được quy định trước khi con đầu thai và nó được quy định dựa trên một tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức khi con đầu thai.

Lúc nào đó, con tìm ra một giáo lý tâm linh, con học về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng và phụng sự đời sống. Chuyện này xảy ra vào một lúc trong quá khứ khi con ở tầng tâm thức thấp hơn bây giờ. Điều này có nghĩa là trong tâm vỏ ngoài, con tạo ra một mong chờ dựa trên tầng tâm thức lúc đó và tiếp tục mang nó trong tâm cho đến nay. Do đó, con nghĩ là cách con nhìn Sứ vụ Thiêng liêng lúc đó là cách nhìn đúng, và con cần thực thi những chờ mong đó với lý luận đường thẳng.

Điều thày muốn nói với con là nay con đã lên một tầng tâm thức cao hơn nhiều. Do đó, đã đến lúc con nhìn vào mong chờ này và nói: “Điều giản dị là nó không thiết thực vì nó dựa trên một tầng tâm thức thấp hơn của con ngay bây giờ. Do đó, con cần buông bỏ mong chờ này. Con cần bước lui lại và cho phép một cái nhìn mới về Sứ vụ Thiêng liêng của con được hiện ra từ bên trong.” Để làm được điều này, một lần nữa con cần tâm cởi mở và thơ ngây của trẻ thơ. Con có thể có trạng thái tâm này nếu con nghe theo điều thày sắp nói sau đây.

Ta là Nada, là vị thày chính lo việc khai ngộ con ở tầng này của con đường tu của con, tại đây cho phép con buông bỏ mọi mong chờ liên quan tới Sứ vụ Thiêng liêng của con và việc phụng sự của con trên trái đất. Thày cho phép con buông bỏ hết; để nó qua bên và không lo lắng con phải làm gì trong Sứ vụ Thiêng liêng hay việc phụng sự của con. Thày cho phép con bỏ qua bên toàn bộ ý niệm con phải làm điều gì đó trong cương vị một người tâm linh.

Nếu con chấp nhận nghe lời thày, thì nó sẽ tạo ra sự yên lặng, sự vắng bóng căng thẳng trong tâm con để con có thể bắt đầu lắng nghe nội tâm. Con có thể nghe thấy Hiện diện TA LÀ cho con biết về Sứ vụ Thiêng liêng của con thay vì một phàm linh nội tại (mà con đã tạo ra ở tầng tâm thức thấp hơn) cho con biết về Sứ vụ Thiêng liêng của con. Sứ vụ Thiêng liêng của con không phải là nguồn căng thẳng. Sứ vụ Thiêng liêng của con là niềm vui lớn nhất của con.

Nó không phải là một phận sự hay một bổn phận. Nó không phải là điều con cảm thấy con phải làm. Khi con cảm thấy có bổn phận, phận sự hay con phải làm điều gì, thì đó là vì có một phàm linh đang xen vào tiến trình phụng sự sự sống của con. Con cần nhận ra điều này, vô hiệu hóa phàm linh, vượt qua nó, và lắng nghe. Con lắng nghe với tâm ngây thơ, cởi mở của trẻ thơ, với tâm vô tư, và con có thể nhận được những khía cạnh trong Sứ vụ Thiêng liêng thích hợp với tầng tâm thức hiện nay của con. Con sẽ cảm thấy niềm vui, không phải một gánh năng, khi con nhận được tín hiệu đó.

Con yêu dấu, thày đã cho con nhiều chuyện để suy ngẫm. Thày không muốn bài giảng này là một gánh nặng cho con. Do đó, thày sẽ giản dị chấp nhận là thày đã cho con đủ để dẫn con tới tầng khai ngộ cuối ở khóa nhập thất của thày. Tại đó, thày sẽ giúp con đạt được nhiều tự do hơn khỏi các căng thẳng mà con cảm thấy khi con là đệ tử chân sư thăng thiên đang đi trên con dường dẫn tới thăng thiên.

Vượt qua tinh thần trách nhiệm giả, 14 đoạn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 23/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Ở tầng sáng ngộ thứ năm của khóa nhập thất của thày, chúng ta gặp gỡ an bình phối hợp với viễn kiến. Thày muốn bắt đầu bài giảng này với một khái niệm mà các tâm lý gia gọi là “tư duy thần diệu”. Nó có thể đưa đến những hình thức đã được gọi là mê tín dị đoan.

Tư duy này thường được mô tả như sự lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả, tức là những người mắc tư duy đó chế ra một lối giải thích xoay quanh chính họ, thường khiến họ nghĩ tư tưởng của họ đã là nguyên do khiến một số sự việc bên ngoài xảy ra hay không xảy ra. Nơi các trẻ em, tư duy này được mô tả như cảm thấy tư tưởng của mình đã khiến một số sự việc xảy ra trên đời, và là một cố gắng giải thích mọi chuyện dựa trên điều mình biết ngay bây giờ, cùng lúc liên kết mọi chuyện xảy ra với chính mình.

12.1. Ước muốn bất khả xâm phạm

Con yêu dấu, tư duy thần diệu có nhiều khía cạnh, trong đó có nhiều khía cạnh mà các tâm lý gia chưa biết đến. Thầy muốn bắt đầu bằng cách nhắc lại những gì thày giảng trong bài đầu. Có một số đệ tử tâm linh mong tới được điểm mà họ không thể làm gì sai và không có gì có thể gây thương tổn cho họ. Chắc con cũng biết có một số trò chơi vi tính trong đó con sống trong một thế giới có kẻ thù bắn đạn tới con, nhưng con có thể dương lên một lá chắn khiến con bất khả xâm phạm, ít nhất là trong một thời gian.

Khi con nhớ lại những điều thày đã giảng, rằng trong quá khứ con đã biểu lộ quả vị Ki-tô và bị sa nhân đánh lừa khiến con nghĩ làm vậy là sai quấy, thì con có thể nhận ra một sắc thái của tư duy thần diệu là con không thể làm gì sai và không có gì có thể gây thương tổn cho con. Đây có thể coi như là sự nối dài của ước mong nơi trẻ em tưởng tượng là chúng bất khả xâm phạm, nhưng nó cũng là một ý tưởng in sâu vào tâm thức tập thể.

Như thày có nói, khi con lớn lên trong bất cứ nền văn hóa nào trên trái đất, con chịu ảnh hưởng của một số niềm tin rất vi tế. Lẽ dĩ nhiên, khi con nhìn suốt chiều dài lịch sử của trái đất, con thấy là có rất, rất nhiều người đã trải qua những cảnh huống chấn thương đã để lại nơi họ những vết thương tâm lý sâu đậm. Họ đã tìm cách tạo ra một phàm linh, và phàm linh này đã phát triển thành một phàm linh tập thể, để giải thích chuyện đã xảy ra, hay cho họ hy vọng là sẽ có ngày họ trở nên bất khả xâm phạm và không phải chịu các cảnh huống đó nữa. Con thấy chăng là một phần tư duy thần diệu là ý tưởng con thực sự có thể kiểm soát vũ trụ, con có thể kiểm soát một số khía cạnh của thế giới này, và do đó con có thể tránh điều xấu và thu hút điều lành. Có những người dị đoan khi chơi bài bạc, chẳng hạn, và nghĩ rằng nếu họ đeo một lá bùa thì họ sẽ hên hơn. Có nhiều khía cạnh khác của lối hành xử dị đoan qua đó người ta tìm cách làm điều gì đó để kiểm soát chuyện gì sẽ xảy ra hay không xảy ra cho họ. Nhiều người cho rằng đeo một mề đay có khắc hình một vị thánh sẽ che chở họ khỏi sự việc xấu.

Con yêu dấu, con cần nhận ra là có một truyền thống hay phong trào rất, rất cổ xưa trên thế gian giải thích tại sao một số chuyện xảy ra và tìm cách bảo vệ con người khỏi một số chuyện khác. Con muốn tránh điều dữ và thu hút điều lành. Con nghĩ rằng nếu con làm một số chuyện thì con sẽ đạt được ước muốn này. Nói cách khác, có một phàm linh (đã được tạo ra từ rất lâu trên trái đất) khiến con người tin rằng họ có thể kiểm soát thế giới bằng cách nào đó.

Như một đệ tử chân sư thăng thiên con đã lớn lên trong một môi trường trong đó phàm linh này đã ảnh hưởng đa số con người bằng cách này hay cách khác, và lẽ tự nhiên con đã bị nó ảnh hưởng. Một lần nữa, thày hoàn toàn không chê trách con. Thày chỉ nêu lên sự kiện là ở tầng khai ngộ này của khóa học, con đã sẵn sàng để đối phó với vấn đề này. Con đã sẵn sàng để nhìn vào những thành phần của tư duy thần diệu mà con có trong tâm, và con đã sẵn sàng để vượt lên trên chúng và thoát khỏi chúng. Con yêu dấu, khi con buông bỏ chúng, con sẽ cảm thấy tự do hơn là bất cứ gì con mơ ước khi con ở trong vòng ảnh hưởng của phàm linh tập thể và ngay cả một số phàm linh nội tại mà con có trong các thể cao.

12.2. Ảo tưởng có một Thượng đế toàn năng

Con yêu dấu, bây giờ chúng ta hãy xem xét ước muốn được bất khả xâm phạm, bất khả chiến bại. Trong quá khứ có thể con đã bị sa nhân tấn công một cách rất độc ác, không khoan nhượng. Lẽ tự nhiên, con muốn tránh bị chấn thương, bị đau đớn như vậy, và do đó con đã tạo ra một phàm linh nội tại khiến con nghĩ rằng sẽ có ngày con trở nên người bất khả chiến bại. Con sẽ có khả năng đánh bại sa nhân, diệt trừ sa nhân, diệt trừ bất cứ ai tấn công con hay những người con cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ, tỷ dụ như người vô tội.

Thày cần con suy ngẫm phàm linh này từ đâu tới. Nó, như tất cả phàm linh (ít nhất là các phàm linh chính), do sa nhân tạo ra. Ta có thể nói là tất cả phàm linh đều do sa nhân tạo ra, theo nghĩa là chúng nảy sinh từ các tấn công và ảo tưởng của sa nhân. Lẽ dĩ nhiên, một phàm linh riêng lẻ đã do một người tạo ra khi họ phản ứng lại sa nhân.

Điều sa nhân muốn con nghĩ là có một thực thể nhân từ, thường được gọi là Thượng đế, có quyền kiểm soát tối hậu trên vũ trụ. Một khi con tin điều này, con nghĩ một số điều đáng lý không được xảy ra. Suốt mấy ngàn năm, nhiều người cảm thấy sự hiện diện hiển nhiên của sự ác độc trên hành tinh này thách thức sự hiện hữu của Thượng đế. Nếu thực sự có một Thượng đế, và Thượng đế đó nhân từ và toàn năng, thì tại sao ngài lại để cho sự ác độc có mặt trên trái đất?

Con thấy là sa nhân đã từ khởi thủy tạo ra ảo tưởng là có một Thượng đế toàn năng kiểm soát vũ trụ. Rồi chính họ đã làm nhiều chuyện độc ác đối với con người, thách thức sự hiện hữu của Thượng đế nhân từ và toàn năng này. Do đó, sa nhân đã tạo một mâu thuẫn trong tâm của hầu hết mọi người. Con nghĩ đúng lý con phải có cách kiểm soát chuyện gì xảy ra cho con trong cuộc đời. Con nghĩ đúng lý phải có một thực thể nhân từ kiểm soát mọi chuyện. Do đó, con nghĩ nếu con cầu xin thực thể đó bằng một tư duy thần diệu nào đó, con sẽ có thể cầu xin sự phù hộ của thực thể đó để chỉ có chuyện tốt xảy ra cho con và chuyện xấu không xảy ra cho con.

Một số người sống nhiều kiếp với niềm tin đó và nghĩ rằng niềm tin này không bị thách thức vì không có chuyện gì xấu xảy ra cho họ. Một số người khác ban đầu có niềm tin này nhưng sau đó có chuyện xấu xảy ra cho họ, và bỗng nhiên họ bị khủng hoảng niềm tin, có thể đi đến chối bỏ khái niệm tôn giáo và Thượng đế. Trong cả hai trường hợp, đây là điều sa nhân mong muốn vì họ giữ con người trong một khuôn nếp phản ứng. Ngay cả những người cho rằng họ có thể kiểm soát Thượng đế và vũ trụ bằng một số hành động, họ cũng bị sa nhân giữ trong một ảo tưởng.

Mục tiêu của các thày trong khóa học này là gì? Các thày đã tìm cách giúp con nhận lãnh càng ngày càng nhiều trách nhiệm về hoàn cảnh của mình. Nhận lãnh trách nhiệm có lợi ích gì? Lợi ích là con thấy con có thể ảnh hưởng hoàn cảnh của mình. Con có thể hỏi: “Vậy đây không phải là tư duy thần diệu à? Ban đầu thày nói là sa nhân tạo ra ảo tưởng có một Thượng đế toàn năng kiểm soát cả vũ trụ. Mặt khác thày nói là các con phải vượt qua tư duy thần diệu, nhưng bây giờ thày lại nói là chúng con cần nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình và thấy là chúng con đang đồng sáng tạo hoàn cảnh của mình. Làm sao chúng con phối hợp được các thành phần này?” Ấy, chúng ta sẽ không phối hợp các thành phần đó. Chúng ta sẽ xem xét từng thành phần một và xem chúng là gì.

12.3. Từ bỏ niềm tin có một Thượng đế của riêng mình

Trước tiên, lẽ dĩ nhiên là có một đấng Sáng tạo, theo một nghĩa nào đó, có quyền kiểm soát tối hậu trên vũ trụ. Đấng Sáng tạo tạo ra thế giới hình tướng, trong đó có bầu cõi nơi con đang sống. Như các thày đã thuyết giảng qua trung gian của vị sứ giả này, một bầu cõi được tạo ra như một bầu cõi chưa thăng thiên, có nghĩa là nó chưa đạt được tính chất thường hằng. Mục đích tạo ra một bầu cõi trong trạng thái đó là để luật tự quyết trải bày. Các sinh thể có tự nhận biết được gửi xuống hiện thân trong bầu cõi có thể biểu lộ quyền tự quyết của họ nhưng những gì họ tạo ra không thường hằng. Bất cứ những gì họ tạo ra, họ đều có thể xóa đi hay khắc phục. Nói cách khác, họ không thể bị mắc kẹt trong những gì họ tạo ra.

Vì bầu cõi trong đó con sống không thường hằng, nên con có thể để cho luật tự quyết trải bày bất cứ cách nào con muốn. Khi thày nói “con”, thày không chỉ nói riêng con. Tất cả các sinh thể đồng sáng tạo trong bầu cõi chưa thăng thiên đều có quyền tự quyết, một quyền tự quyết không giới hạn. Con có thể có hành động giới hạn chính mình, con có thể có hành động hại người khác, và các điều này đều được phép vì bầu cõi không thường hằng. Tuy nhiên, để cho quyền tự quyết được trải bày, đấng Sáng tạo cũng đã để qua một bên quyền kiểm soát của ngài trên bầu cõi chưa thăng thiên. Điều này không có nghĩa là Thượng đế không can thiệp vào được, nếu đó là điều đấng Sáng tạo mong muốn. Đấng Sáng tạo có thể xóa bỏ toàn thể bầu cõi trong một khoảnh khắc nếu ngài muốn. Tuy nhiên, luật tự quyết có nghĩa là đấng Sáng tạo đã nói: “Ta sẽ cho những sinh thể có tự nhận biết này thời gian để học hỏi với quyền tự quyết của họ và đi tới kết luận, dựa trên thử nghiệm với quyền tự quyết, rằng điều tốt nhất cho toàn thể cũng là điều tốt nhất cho cá nhân.”

Lẽ dĩ nhiên, thực tế là trái đất là một trong số ít hành tinh trong toàn thể vũ trụ có một tầng tâm thức rất, rất thấp. Con có thể nhìn những chuyện xảy ra trên trái đất và nói là Thượng đế không được để cho những điều ác độc đó xảy ra và do đó Thượng đế phải tiêu hủy toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên. Tuy nhiên, có hàng tỷ hành tinh có tầng tâm thức cao hơn trái đất rất nhiều. Tại sao Thượng đế lại phải xóa bỏ toàn thể bầu cõi dựa trên những gì xảy ra trên hành tinh nhỏ bé này?

Như một đệ tử chân sư thăng thiên đã tới tầng này, con cần buông bỏ ảo tưởng do sa nhân tạo ra là có một Thượng đế cá nhân quan tâm mật thiết đến đời sống và hoàn cảnh cá nhân của con trên trái đất. Con cần buông bỏ ý tưởng rằng đâu đó ở trên thiên đàng có một ông già râu bạc đặc biệt quan tâm tới con và lúc nào cũng theo dõi mọi chuyện con làm, nghĩ hay cảm nhận. Vị Thượng đế xa xăm trên trời đó là một sáng chế hư cấu của sa nhân. Đã đến lúc con buông bỏ nó. Đã đến lúc con nhìn nhận là không có Thượng đế đó.

12.4. Người trợ giúp thần diệu

Một khía cạnh của tư duy thần diệu hay tìm thấy nơi trẻ em là niềm tin có một người trợ giúp thần diệu. Nếu một em bé cảm thấy khổ sở, bị đe dọa hay sợ hãi, thì em nghĩ có một người trợ giúp thần diệu sẽ một ngày nào đó hiện ra và thay đổi hoàn cảnh bên ngoài cho em. Một lần nữa, niềm tin này có thể hiểu được ở một tầng tâm thức nào đó. Niềm tin này thu hút chính yếu những người ở dưới tầng tâm thức 48. Vì nó rất mạnh dưới hình thức một phàm linh tập thể, nên con đã lớn lên với nó, con đã bị nó ảnh hưởng. Ở tầng tâm thức hiện nay của con, con chỉ cần giản dị nhìn vào nó và cho nó biến đi.

Tư duy thần diệu cho rằng, tỷ dụ, nếu con không có một số tư tưởng, nếu con không có một số hành động, nếu con có tư tưởng tích cực hay đeo một mề đai có khắc hình thánh Christopher, thì chuyện xấu sẽ không xảy ra cho con. Vấn đề với lối suy nghĩ này là nó khiến con nghĩ có một người trung gian. Con nghĩ con ở trong hoàn cảnh mà cá nhân con không làm được gì, nhưng có một thực thể bên ngoài con có thể làm gì đó để giải quyết vấn đề – và ước gì con tìm ra cách kích hoạt thực thể đó hành động và sử dụng quyền năng của nó.

Con có thấy chăng hậu quả tâm lý của lối suy nghĩ này? Con cảm thấy bất lực, con phản ứng dựa trên cảm giác bất lực bằng cách cầu thỉnh một thực thể tưởng tượng mà con nghĩ có quyền năng mà con không có. Một lần nữa, điều này hiểu được nơi trẻ thơ hay nơi những người ở một tầng tâm thức nào đó. Con nay ở tầng tâm thức cao hơn rất nhiều. Do đó, đã đến lúc con nhìn vào điều này và nhận ra nó hoàn toàn dựa trên một ảo tưởng.

12.5. Con không bao giờ bất lực

Trước tiên, thày muốn giải quyết cảm giác bất lực. Con yêu dấu, con không bao giờ bất lực. Thày không thể nói điều này ở một tầng tâm thức thấp hơn, vì những người ở dưới tầng 48 sẽ không tin. Ngay cả những người tham dự khóa học này nhưng ở tầng tâm thức thấp cũng thấy rất khó mà hoàn toàn tin điều này. Đó là lý do các thày phải giảng nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Sự thực là con không bao giờ bất lực. Lẽ đương nhiên, câu này cần được hiểu một cách sâu sắc. Như thày có nói, sa nhân thích đưa con vào hoàn cảnh trong đó con cảm thấy không có điều gì xấu có thể xảy ra cho con, sau đó họ làm một chuyện vật lý tàn tệ và khiến tâm con bắt đầu hồ nghi. Lẽ tự nhiên, như một đệ tử chân sư thăng thiên, con cần xem xét vấn đề này. Con cần nhận ra là luật tự quyết ngự trị tối cao trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Con cũng cần nhận ra là trái đất là một trong những hành tinh có tâm thức thấp nhất trong bầu cõi của con. Điều này có nghĩa là khi con đầu thai trên trái đất, một số chuyện có thể xảy ra cho con vì người khác có thể dùng quyền tự quyết của họ để hại con. Có một số người khác đã dùng quyền tự quyết để mở cửa đón nhận sự kiểm soát của sa nhân trên các cõi xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Do đó, họ có thể hại con trên mặt vật lý. Họ có thể có hành động vật lý để hại con.

Thày cần con nhận ra rằng con không làm được gì về chuyện này và lý do là vì luật tự quyết, như thày có nói, phải được phép trải bày ra. Con có thể cần suy ngẫm điều này, và nếu con cảm thấy khó chấp nhận rằng quyền tự quyết phải được phép trải bày ra, thì thày khuyên con nên đọc quyển sách, Các kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su. Quyển sách này giải thích rất cặn kẽ mục đích của luật tự quyết và cách luật tự quyết trải bày ra.

Thầy cần con suy ngẫm và tới điểm chấp nhận là trái đất là một hành tinh có tâm thức rất thấp và do đó có thể là một số chuyện sẽ xảy ra cho con. Con bất lực vì con không thể ngăn chặn người khác lạm dụng quyền tự quyết của họ. Con không làm được gì để ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác. Thày biết rằng có rất, rất nhiều người (trong đó có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên) cảm thấy rằng đáng lý phải có cách ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác để không hại được mình. Thày cần con buông bỏ niềm tin này vì lý do giản dị là con không muốn ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác. Đây là một điều khó chấp nhận, ngay cả với đệ tử chân sư thăng thiên đã biết mọi chuyện cần biết về nhị nguyên, luật tự quyết và mục đích của vũ trụ. Thầy cần con bỏ ra một chút thì giờ để suy ngẫm điều này.

12.6. Hình thức nghiệp nặng nhất

Con cần nhận ra là khi con có hành động hại người khác, con tạo ra nghiệp. Tuy nhiên, nghiệp tạo ra bởi bất kể hành động vật lý nào không phải là hình thức nghiệp nặng nhất. Hình thức nghiệp nặng nhất mà con có thể tạo ra là khi con can thiệp vào quyền tự quyết của người khác. Con có thể nói ở đây: “Nhưng nếu việc con làm là ngăn họ tự giết họ? Nếu con làm vậy thì con can thiệp vào quyền tự quyết của họ, nhưng có phải chăng không tự sát là điều tốt cho họ? Vậy có phải chăng việc con can thiệp vào quyền tự quyết của người đó là việc làm đúng?” Không, con yêu dấu, việc đó không đúng và con sẽ tạo nghiệp nếu con làm như vậy.

Con có thể nói: “Nếu sa nhân sắp sửa giết một trẻ thơ, thì phải chăng việc làm đúng là con can thiệp vào quyền tự quyết của họ và khiến họ không làm hành động đó?” Một lần nữa, con yêu dấu, việc đó không đúng, con sẽ tạo nghiệp nếu con làm như vậy. Đây là loại nghiệp mà sa nhân đã tạo ra từ khi họ sa ngã và thày bảo đảm với con là, như một đệ tử chân sư thăng thiên đang đi trên con đường dẫn tới thăng thiên, con không muốn tạo ra loại nghiệp đó. Con yêu dấu, đây là lúc con cần nhận ra điều ta có thể gọi là hai tầng của tâm thức nhị nguyên. Ở tầng đầu, con hướng mọi chuyện về chính mình, con chú tâm vào chính mình, và con lúc nào cũng cố gắng làm điều tốt nhất cho mình. Nhưng có một tầng thấp hơn, là tầng của sa nhân, là nơi con cố ý tìm cách kiểm soát người khác. Ở tầng đầu, con tìm cách được những gì mình muốn và khiến người khác cho mình cái mình muốn. Con không làm với ý định hiểm độc kiểm soát hay diệt trừ người khác. Sa nhân ở tầng tâm thức mà họ tìm cách kiểm soát người khác một cách cố ý và hiểm độc. Họ làm vậy không chỉ để có được cái họ muốn, nhưng họ tìm cách tàn phá người khác bằng cách tạo ra đủ loại chia rẽ và mâu thuẫn trong bốn thể phàm của người khác, khiến người khác bị chia rẽ chính trong nội tâm.

Có một điểm khác biệt vi tế giữa hai loại nghiệp. Điều thày nói ở đây là để con thấy sự tương phản. Thày muốn nói là hình thức nghiệp nặng nhất mà con có thể tạo ra là khi con can thiệp vào ba thể cao của một người và ảnh hưởng chọn lựa của họ. Dù con nghĩ con can thiệp để đem lại điều tốt cho họ, con vẫn tạo nghiệp rất nặng khi làm thế. Đã đến lúc con nhận ra là nếu con có ý định chân thật muốn thăng thiên, muốn hội đủ điều kiện thăng thiên, trong kiếp sống này, thì con không thể cho phép mình tạo ra loại nghiệp này. Do đó, con cần tới chỗ chấp nhận hoàn toàn và tuyệt đối là người khác phải được phép trải bày quyền tự quyết của họ dù rằng khi làm vậy họ sẽ tự hại họ hay hại con.

Lẽ tự nhiên, điều này không cấm con giúp họ nhận ra điều họ đang làm hay cố gắng cho họ thấy điều mà họ không thấy. Điều con không được làm là khuynh loát hay kiểm soát người khác. Đây là lý do thầy cần con nhận ra là con không nên có niềm tin cho rằng Thượng đế, một vị thánh hay thiên thần nào đó có thể khiến người khác làm hay không làm điều gì. Cầu nguyện Thượng đế để ngăn cản người khác làm điều gì có thể sẽ hại con hay chính họ không phải là việc làm chính đáng.

Con yêu dấu, con thấy chăng là không có thẩm quyền nào trên thiên đàng có quyền can thiệp vào quyền tự quyết của những người đang hiện thân. Do đó, con chỉ phí hơi vô ích nếu con cầu nguyện xin Thượng đế thay đổi tâm người khác, điều này đi ngược lại Luật Tự Quyết. Con thực sự sẽ tạo nghiệp khi con làm vậy. Nghiệp này không nặng bằng nghiệp con tạo ra khi con tìm cách ảnh hưởng hay khuynh loát người khác, nhưng con vẫn sẽ tạo nghiệp.

12.7. Hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết

Thày muốn con nhận ra là có một trạng thái tâm trong đó con nhìn trái đất như nó đang là ngay lúc này và có thể chấp nhận quyền tự quyết một cách hoàn toàn, vô điều kiện và không khoan nhượng. Con nhìn nhận trái đất là một hành tinh có tâm thức thấp và điều đơn giản là một số chuyện sẽ xảy ra trên một hành tinh như trái đất. Thày muốn con tới điểm con nói: “Tôi đã đầu thai trên trái đất và lý do tối hậu là vì tôi đã chọn tới đây. Tôi biết trái đất là loại hành tinh như thế nào trước khi tôi đầu thai lần đầu ở đây. Bây giờ tôi nhận ra tôi có lý do của tôi, tôi có thể không nhớ rõ một cách ý thức những lý do này, nhưng một phần lý do chắc hẳn là tôi muốn tăng triển qua việc trải nghiệm cuộc sống trên một hành tinh như thế này. Vậy làm sao tôi tăng triển? Tôi tăng triển bằng cách nhận ra là vì quyền tự quyết, tôi không thể ngăn cản người khác làm điều mà họ chọn làm. Vả lại đây cũng không phải là vai trò của tôi.”

Do đó, con có thể buông bỏ ước muốn tìm một phương pháp thần diệu để ngăn cản người khác hại chính họ hay hại người. Con buông bỏ ước muốn ảnh hưởng Thượng đế hay ngay cả tìm cách ảnh hưởng người khác. Con chấp nhận là khi con đầu thai trên trái đất này, con không ngăn cản được một số sự việc vật lý xảy ra.

12.8. Bất lực có nghĩa gì?

Con có thể tới điểm chấp nhận điều trên, và con sẽ dễ chấp nhận điều trên hơn, khi con nhận ra là tuy con đối mặt một sự việc và không thể ngăn chặn nó, nhưng con vẫn không bất lực. Con cần suy ngẫm điều này một chút. Bất lực có nghĩa gì? Lẽ tự nhiên, con cảm thấy (đây cũng là một phàm linh tập thể rất mạnh trên trái đất) là các chuyện xấu đáng lý không được xảy ra và đáng lý phải có quyền lực nào ngăn chặn chúng. Nếu con bị một sự việc nào đó đe dọa, con cảm thấy trong tâm là hoặc đáng lý con phải chặn được nó, hoặc Thượng đế phải chặn nó, và nếu cả hai chuyện này đều không xảy ra thì con cảm thấy bất lực. Khi con đứng lùi lại, thì con nhận ra đây là một hiểu biết sai lạc về ý nghĩa của quyền năng; quan niệm trên không thừa nhận loại hành tinh nơi con đang sống.

Con đang ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên nơi luật tự quyết ngự trị tuyệt đối vì mục đích của một bầu cõi chưa thăng thiên là cho phép quyền tự quyết tự trải bày ra. Thêm vào đó, con đang ở trên một trong những hành tinh có tâm thức thấp nhất, có nghĩa là con đang ở trên một hành tinh nơi rất, rất nhiều chuyện xấu có thể xảy ra vì con người chọn thực thi quyền tự quyết một cách cực đoan, một cách tối ích kỷ. Khi con nhận ra là con đang ở trên loại hành tinh nào, thì con nhận ra con không thực tế nếu con nghĩ con có quyền năng ngăn chặn một sự việc bên ngoài. Con không thực tế nếu con nghĩ con có quyền năng ngăn chặn một cuộc chiến bùng nổ khi hàng triệu triệu người đã lấy quyết định tập thể để giao chiến.

Con không thực tế nếu con nghĩ con, như là một người đang hiện thân, có quyền năng đó. Con cũng không thực tế khi con nghĩ Thượng đế hay một sinh thể nào khác trên trời có quyền năng đó. Điều đơn giản là quyền năng đó không hiện hữu trên trái đất. Hy vọng vào quyền năng đó cũng ngây thơ như nghĩ rằng ta có thể ngưng trọng lực và bay bổng trong không khí. Con yêu dấu, khi con thực sự nhìn nhận điều này, con thấy là tuy con không có quyền năng ngăn chặn một sự việc bên ngoài, điều này không có nghĩa là con bất lực và không có nghĩa là con phải cảm thấy bất lực. Sa nhân đã thiết lập một cơ chế khiến con nghĩ là phải có một quyền lực ngăn chặn được những sự việc này và khi con kinh nghiệm là không có quyền lực nào, thì con cảm thấy hoàn toàn bất lực, con cảm thấy mình trong vòng kềm tỏa của những sự việc ngoài tầm kiểm soát của mình. Cái gì đang cảm thấy như vậy? Đó là một phàm linh cảm thấy như vậy, không phải là con. Điều thày cần con làm là bước lui lại, nhìn việc đang xảy ra, thấy là có phàm linh đang cảm thấy bất lực và con tự hỏi: “Vậy thì con cảm thấy thế nào?” Con, là cái mà các thày gọi là cái Ta Biết, không cảm thấy bất lực. Cái Ta Biết, khi nó biết nó là ai, nó là gì, không bao giờ cảm thấy bất lực.

Khi cái Ta Biết nhận biết nó là ai và là cái gì, thì nó nhận ra là không có điều gì trên trái đất quy định được nó. Chuyện gì xảy ra khi con bị dính líu vào một biến cố vật lý rất tang thương? Lẽ dĩ nhiên là có hậu quả vật lý. Con có thể bị giết, gia đình và bạn bè của con có thể bị giết, xã hội của con có thể bị tiêu diệt. Chuyện này đã xảy đến cho đa số các con trong những kiếp trước, và cho một số nhỏ trong kiếp này, nhưng con yêu dấu, có phải chăng là hoàn cảnh bên ngoài đã ảnh hưởng con?

Thày có nói là cái Ta Biết không thể nào bị quy định hay ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì trên thế gian. Con là nhận biết thuần khiết, con luôn luôn có thể trở về nhận biết thuần khiết và do đó tách mình ra khỏi những vết thương trong ba thể cao của con. Cái gì tác động con trong một sự việc bên ngoài? Ấy, đấy là cách con phản ứng lại hoàn cảnh. Phản ứng của con tạo ra một phàm linh nội tại và phàm linh này ở lại trong ba thể cao của con ngay cả trong các kiếp sau đó. Như các thày đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong khóa học này và trong các bài giảng khác, con không phải là phàm linh đó. Rất có thể là, cho tới điểm này, con đã nhìn thế giới qua phàm linh này và phản ứng lại phàm linh này nhưng tuy vậy, con không phải là phàm linh. Trong khóa học này, con đã chế phục nhiều phàm linh nội tại, và do đó, lẽ dĩ nhiên là con có thể chế phục thêm nhiều phàm linh nữa. Thày chỉ giản dị muốn con chế phục thêm một phàm linh nữa bằng cách nhận ra rằng, bất kể những chấn thương mà con đã gánh chịu trong kiếp này hay các kiếp trước, hậu quả kéo dài của các sự việc vật lý này là các phàm linh nội tại mà con mang theo trong ba thể cao của con. Chính những phàm linh này đang tác động con.

12.9. Nhận ra hồng ân của thời gian

Con yêu dấu, bây giờ thày cần con đứng lui lại và nhận ra là thời gian là một hồng ân. Nhiều người trong số các con không nhìn thời gian dưới góc độ này vì thời gian được xem như cái gì đòi hỏi hay giới hạn con. Trong đời sống hàng ngày, con lúc nào cũng phải ở nơi nào đó vào lúc nào đó, con cần phải đi làm trong một khoảng thời gian nào đó, con không được tự do với thời gian của mình. Nhiều người trong các con cảm thấy đời sống ngắn ngủi và thời gian trôi qua nhanh, và do đó con người có một quan hệ khá khó chịu với thời gian. Thày sẽ cố gắng cho con một tầm nhìn khác.

Chúng ta hãy coi là một lúc nào đó trong quá khứ, trong kiếp này hay một kiếp trước, con bị dính líu vào một biến cố rất tang thương, tỷ dụ như một chiến tranh tiêu diệt gia đình và xã hội của con. Đây là một sự việc vật lý, nhưng sự việc vật lý xảy ra ở một thời điểm nào đó và bây giờ thời gian đã trôi đi. Con không còn sống ở mốc thời gian cũ nữa. Điều này có nghĩa là con nay có thể nhìn sự việc và nói: “Không thể chối cãi là sự việc vật lý này đã xảy ra trong cõi vật lý. Nhưng ngày hôm nay, sự việc này ở đâu trong cõi vật lý?” Nó không còn trong cõi vật lý vì thời gian đã trôi đi.

Có thể là vẫn còn một số hậu quả, một số tác dụng của sự việc vẫn còn hiện diện trong thế giới vật lý. Để giúp chúng ta hiểu dễ hơn, chúng ta hãy giả thử là mấy ngàn năm trước đây trong một kiếp trước, con bị dính líu vào một biến cố tang thương khi Đế quốc La mã chinh phục và tàn phá thành phố nơi con sống. Biến cố này xảy ra 2000 năm trước đây. Ngày nay, không còn dấu vết nào của biến cố đó trong cõi vật lý, cũng không có hậu quả gì, ít nhất là hậu quả trực tiếp. Biến cố này có còn tác động con chăng? Con phải nhìn nhận là, ở tầng vật lý, biến cố này không còn tác động con. Điều này chính thực cũng áp dụng cho một sự việc xảy ra năm phút trước đây.

Hồng ân của thời gian là nó cứ liên tục trôi đi, có nghĩa là khi thời gian trôi đi, nó tẩy xóa các sự việc cũ. Đó là những sự việc vật lý đã xảy ra trong tầng vật lý nhưng thời gian đã tẩy xóa chúng. Điều này có nghĩa là, dù ở thời điểm sự việc xảy ra, con bất lực không ngăn cản được sự việc ảnh hưởng con, thời gian đã cho con cơ hội mới để khắc phục ảnh hưởng của sự việc. Ta có thể nói: “Ngày hôm nay, sự việc vật lý xảy ra 2000 năm trước đây có tầm quan trọng nào chăng?” Ở tầng vật lý, rõ ràng là không.

Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, con phản ứng dựa trên tầng tâm thức của con lúc ấy và con tạo ra một số phàm linh nội tại. Nếu các phàm linh này vẫn còn ở trong ba thể cao của con, nếu con vẫn mang chúng theo mình trong suốt bao nhiêu kiếp từ khi biến cố xảy ra, thì sự việc vẫn ảnh hưởng con. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng con một cách vật lý, và như vậy có nghĩa là con không bất lực và con có thể khắc phục nó. Vấn đề không phải là con ngăn chặn sự việc vật lý, mà con không thể ngăn chặn được vì nó không có mặt ở đây nữa. Vấn đề là con chế phục hậu quả của sự việc đó, tức là các phàm linh nội tại. Con thật sự quyền lực làm rã tan các phàm linh này và giải thoát con khỏi chúng.

12.10. Nghiệp quả luân lưu ra sao qua bốn cõi

Trong quá khứ (dù là hai phút hay 2000 năm trước đây) con bị dính líu vào một sự việc nào đó. Con phản ứng dựa trên tầng tâm thức mà con có lúc đó. Con tạo ra một phàm linh dựa trên phản ứng của con trước sự việc. Con không có lỗi gì cả. Con có thể làm gì khác việc phản ứng dựa trên tầng tâm thức mà con có khi con trải nghiệm sự việc?

Bây giờ con đã lên một tầng tâm thức cao hơn và do đó con có quyền lực tìm các phàm linh đã được tạo ra ở một tầng tâm thức thấp hơn, thấy chúng như chúng là, tách mình ra khỏi chúng và nói: “Hãy đứng phía sau ta, Satan.” Con có thể cầu thỉnh Đại thiên thần Michael, Astrea hay các chân sư khác trói buộc, tiêu hủy và làm rã tan các phàm linh đó. Khi con thấy ảo tưởng đã tạo ra phàm linh, con có thể buông bỏ ảo tưởng và con được giải thoát!

Thày cần con nhận ra nơi đây một khía cạnh vi tế của nghiệp quả mà nhiều đệ tử tâm linh chưa hiểu thấu. Con yêu dấu, con có thể nghĩ nghiệp quả là một sự vật vật lý. Rất nhiều người (ở phương Đông và ngay cả trong các cộng đồng Thời đại mới) tin rằng khi con có một hành động vật lý, con tạo một nghiệp vật lý, và một ngày nào đó nghiệp quay trở lại và đập con, có nghĩa là một chuyện gì xấu sẽ xảy ra cho con. Tuy nhiên, nghiệp quả không vận hành như vậy. Các thày đã nói trước đây: “Nghiệp quả không phải là trừng phạt.”

Các thày cũng có nói là một khía cạnh khác của thời gian là khi con gửi đi một xung lực nghiệp qua một hành động nào đó, nó không trở lại con ngay tức khắc. Đây lại là, một lần nữa, một khoảng cách hồng ân khi xung lực luân lưu qua bốn tầng của vũ trụ vật chất. Khi xung lực trở về cõi vật lý, nếu con đã học bài học, nếu con đã vượt qua tâm thức đã khiến con tạo nghiệp, thì sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra cho con trong cõi vật lý. Con có hiểu thày chăng? Mục đích của nghiệp quả không phải là để trừng phạt con vì những gì con đã làm.

Điều này cũng giải thích một cách sâu sắc vì sao những cơ chế bù đắp hoàn toàn không có lợi ích gì. Vấn đề không phải là, nếu con giết một người trong quá khứ, nhưng con đã làm đủ việc thiện nhưng không thay đổi tâm thức, thì con sẽ không bị giết trong tương lai khi nghiệp quả trở lại. Khi nghiệp quả trở lại, nó đi xuống thể bản sắc, thể tư tưởng và thể cảm xúc của con. Nếu con vẫn còn có cùng tâm thức, cùng phàm linh nội tại, đã khiến con giết một người mười kiếp trước đây, thì khi nghiệp quả vào thể bản sắc của con nó được khơi động – nó được phóng đại – bởi phàm linh nội tại trong thể bản sắc của con. Phàm linh nội tại đó có thể nghĩ việc giết người đó trong hoàn cảnh nào đó là điều chính đáng.

Sau đó nghiệp quả xuống thể tư tưởng. Nếu con vẫn còn một phàm linh giải thích là việc con giết người đó chấp nhận được, nó lại được phóng đại và sau đó nó xuống tầng cảm xúc. Nếu con vẫn còn cảm xúc giận dữ mà con chưa giải quyết, nó lại được phóng đại nữa. Sau đó, nó xuống cõi vật lý nơi nó có thể kết đọng xuống thành một biến cố tang thương khiến con có thể bị giết hoặc chuyện gì khác xảy ra cho con. Nếu con đã tháo bỏ những phàm linh trên ba thể cao, không có gì phóng đại xung lực nghiệp quả và do đó nó sẽ không xuống cõi vật lý. Nó giản dị tan rã đi trước khi nó tới cõi vật lý.

Nghiệp quả không phải là trừng phạt. Nó là một cơ hội để học bài học mà con không học lúc ban đầu. Nếu trong khoảng thời gian sau đó con đã học xong bài học, thì con không cần nghiệp quả xuống cõi vật lý là nơi con không thể lờ nó đi. Con không còn cần nghiệp quả và đó là lý do nó có thể tan rã hoàn toàn trong ba thể cao của con hoặc một chân sư thăng thiên có thể quyết định lãnh chịu nó để giúp con tránh một sự việc vật lý có thể trì hoãn tiến bộ của con.

12.11. Kéo theo sau những phàm linh cũ

Thày cần con nhận ra là dù con đang phải đối đầu với một hoàn cảnh rất khó khăn, một hoàn cảnh vật lý khó khăn mà con không thể tránh, con vẫn không bất lực. Có thể là con không ngưng được hoàn cảnh vật lý. Nếu quyền tự quyết của người khác dính líu vào hoàn cảnh, thì con không muốn ngưng nó trải bày. Thay vào đó, điều con cần làm là chú tâm vào việc kiểm soát phản ứng của con đối với hoàn cảnh. Đây là cơ hội cho con thấy nếu còn một số phàm linh nội tại đã được tạo ra trong các hoàn cảnh tương tự trong quá khứ, khiến con phản ứng với hoàn cảnh hôm nay với tầng tâm thức của con khi các phàm linh này được tạo ra. Con có thấy cơ chế này chăng?

Nếu con bị dính líu vào một biến cố tang thương 2000 năm trước, khi con ở, thí dụ, tầng tâm thức 48, con đã tạo ra phàm linh nội tại khi con phản ứng ở tầng 48. Bây giờ con ở một tầng tâm thức cao hơn nhiều. Đâu có lý do nào khiến con muốn phản ứng dựa trên tầng tâm thức 48, khi con có đầy đủ khả năng phản ứng ở tầng tâm thức hiện nay của con? Tuy nhiên, để tránh phản ứng ở tầng tâm thức cũ, con cần làm rã tan phàm linh đã được tạo ra trong quá khứ.

Mọi hoàn cảnh đều là một cơ hội để con nhìn vào phản ứng của mình, thấy phàm linh đã khiến con phản ứng trong quá khứ (khi con ở một tầng tâm thức thấp hơn), làm nó rã tan đi, vươn lên trên nó, và sau đó giải thoát con khỏi phàm linh này. Một lần nữa, thày không đòi hỏi con phải toàn hảo. Thày không đòi hỏi con phản ứng với mọi hoàn cảnh mà con gặp trên đời với tầng tâm thức 144 là tầng tâm Phật không dính mắc. Thày muốn con nhận ra con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Con phản ứng ở tầng tâm thức 84 hay 87 là điều hoàn toàn thích nghi. Con không làm gì sai trái khi con phản ứng ở tầng tâm thức hiện nay của con; con không cần chê trách mình nếu con làm vậy. Con không cần cho phép sa nhân đánh lừa con và khiến con nghĩ, vì con là đệ tử chân sư thăng thiên, đáng lý con phải phản ứng với tầng tâm thức cao nhất. Đây không phải là yêu cầu, đây không phải là cách tu tập.

Một lần nữa, con đường tu là con đường tuần tự. Con bước đi từng bước một. Ở mỗi lúc, con ở một tầng tâm thức nào đó, và lẽ tự nhiên con phản ứng lại hoàn cảnh ở tầng đó. Thày có thể bảo đảm với con là, ở tầng tâng thức hiện nay của con, phản ứng trước bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ không khắt khe bằng phản ứng với tầng tâm thức 48 hay một tầng tâm thức thấp khác. Do đó, con cần nhận ra là con có thể đang gặp một hoàn cảnh không vui và con e ngại không biết hoàn cảnh sẽ tiến triển ra sao, nhưng nỗi sợ này dựa trên một phàm linh thấp mà con chưa làm rã tan đi. Nếu con làm phàm linh đó rã tan đi, con có thể phản ứng với tầng tâm thức hiện nay của con, và nỗi sợ và sự hung hãn của con sẽ ít cường độ hơn nhiều.

12.12. Vì sao con không bất lực

Con yêu dấu, con có thấy chăng là con không bao giờ bất lực. Bất lực là chuyện không có. Một lần nữa con có thể nói: “Nhưng con không ngăn được sự việc vật lý xảy ra.” Con yêu dấu, đúng là con không ngăn được sự việc vật lý nhưng nó không ảnh hưởng con. Chính phản ứng của con trước hoàn cảnh đã ảnh hưởng con. Nếu con kiểm soát được phản ứng của mình, nếu con làm rã tan đi các phàm linh thấp đã khiến con phản ứng trong những hoàn cảnh tương tự với một tầng tâm thức thấp hơn, thì con có quyền lực trên phản ứng của con trước hoàn cảnh.

Con yêu dấu, một phần của tư duy thần diệu là con cảm thấy có trách nhiệm với chuyện xảy ra. Các tâm lý gia cho rằng trẻ thơ cảm thấy thế giới là một phần nối dài của chúng và của thân thể chúng, và do đó chúng cảm thấy có trách nhiệm với bất cứ chuyện gì xảy ra.

Một thí dụ là nhiều trẻ thơ bị chấn thương tâm thần vì chúng cảm thấy có trách nhiệm khi cha mẹ chúng cãi nhau. Tinh thần trách nhiệm này không thích hợp. Các thày đã nói gì trong khóa học này? Các thày muốn các con chấp nhận càng ngày càng nhiều trách nhiệm về chính mình và về phản ứng của mình, nhưng đồng thời con phải ngưng nhận trách nhiệm về những gì con không có trách nhiệm.

Đâu là yếu tố giải thoát khi con nhìn nhận quyền tự quyết? Con yêu dấu, đó là con nhận ra là con chịu trách nhiệm cách con thực thi quyền tự quyết của mình nhưng con tuyệt đối không chịu trách nhiệm khi những sinh thể khác thực thi quyền tự quyết của họ. Con cần đặc biệt nhận biết là con không chịu trách nhiệm khi sa nhân thực thi quyền tự quyết của họ. Con cần duyệt lại một lần nữa vấn đề của sự ác độc đã khiến nhiều nhà tôn giáo và triết gia bối rối.

Sự ác độc như ta thấy trên trái đất không phải là quy luật, nó là một ngoại lệ hiếm hoi. Có hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ của con đang theo một vòng xoắn hướng thượng nơi đó không có chiến tranh hay các hình thức bạo lực, tra tấn và độc ác mà con thấy trên trái đất. Trái đất là một trong số rất, rất ít hành tinh mà tình trạng này được cho phép xảy ra. Con cần giản dị nhìn nhận đây là loại hành tinh nơi con đang hiện thân. Do đó, con cần nhìn nhận là sự kiện sa nhân đã và đang làm đủ loại điều tàn ác không phải là lỗi của Thượng đế, đây là lỗi của họ. Con cũng cần nhìn nhận là sự kiện sa nhân làm điều mà họ làm không phải là lỗi của con.

12.13. Con không đáng bị mọi chuyện đã xảy ra

Các đệ tử tâm linh thường có cảm nhận là – và đây cũng là một khía cạnh vi tế của tư duy thần diệu – nếu điều gì không tốt xảy ra cho họ, thì chắc là họ đã làm điều gì đó để đáng bị như vậy. Ý niệm này dựa trên ước mơ là tối hậu có một Thượng đế nhân từ kiểm soát vũ trụ. Con cũng có một câu mà các thày đôi khi đã dùng: “Trong vũ trụ không có bất công.” Con có thể dùng suy luận cao và nói, vì có luật tự quyết và vì luật tự quyết phải được phép trải bày ra, không có bất công trong vũ trụ, vì bất kỳ sa nhân đã làm gì với quyền tự quyết của họ, họ rốt cuộc sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Tuy nhiên, nếu con nhìn vào một hành tinh như trái đất, con có thể nói là nếu ta thẩm định những sự việc đã xảy ra trên trái đất, thì chắc chắn là bất công trên trái đất. Nhưng có nhiều đệ tử tâm linh nghĩ như sau: “Ồ, thực tế tối hậu là Thượng đế là đấng nhân từ và Thượng đế kiểm soát mọi chuyện, do đó Thượng đế có một kế hoạch cho vũ trụ, và Thượng đế đã cho phép những chuyện xảy ra trên trái đất. Điều này có nghĩa là Thượng đế đã định ra một luật là điều xấu chỉ có thể xảy ra cho tôi nếu tôi đã làm điều gì đó để đáng bị như vậy. Do đó, chắc chắn phải có vấn đề gì đó với tư tưởng của tôi, với tâm của tôi đã khiến tôi thu hút các hoàn cảnh trong đó tôi bị sa nhân hành hạ.”

Đây là một khía cạnh của tư duy thần diệu khiến con nghĩ là chắc con đã làm điều gì nên con đáng để bị sa nhân hành hạ. Con có thể nói là con đã làm điều gì để đáng bị sa nhân hành hạ, đó là con đã chọn đầu thai trên trái đất và sự hiện diện của con đã bị sa nhân coi là một thách đố. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải là vấn đề công lý hay bất công. Đây là chuyện quyền tự quyết trải bày.

Con có thấy chăng, không phải là vì trong con có điểm gì thiếu sót mà sa nhân cảm thấy bị đe dọa bởi ánh sáng tâm linh của con và tìm cách tiêu diệt con. Con không thể cho phép mình cảm thấy có trách nhiệm về chuyện này. Tuy nhiên, khi con ở một tầng tâm thức thấp, con không thể tránh phản ứng lại sa nhân bằng cách tạo ra một phàm linh nội tại dựa trên ảo tưởng mà con có ở tầng đó. Một lần nữa, con không cần trách mình. Con chỉ cần giản dị nhìn nhận là ở một thời điểm nào đó, con ở trong một tầng tâm thức thấp, con bị sa nhân tấn công và tìm cách tiêu diệt con, và con đã phản ứng dựa trên viễn kiến mà con có lúc đó, dựa trên những ảo tưởng mà con đã lấy vào để xuống tầng tâm thức đó. Do đó, con tạo ra một phàm linh nội tại dựa trên niềm tin là vũ trụ này không bất công và do đó chắc là con đã làm điều gì đó nên Thượng đế đã cho phép sa nhân hành hạ con.

Đây là phản ứng của một phàm linh nội tại – không phải của con. Ở tầng này của con đường tu, con đã sẵn sàng để thấy điều này. Con đã sẵn sàng trải nghiệm cảm giác giải thoát nhất mà con có thể có, đó là con trải nghiệm: “Tôi không chịu trách nhiệm về những điều sa nhân làm đối với tôi, tôi không làm gì sai trái hết, tôi không làm gì để đáng bị sa nhân tấn công. Tôi không cần tìm điểm thiếu sót trong con người tôi để giải thích tại sao chuyện sa nhân hành hạ tôi được phép xảy ra. Không có thiếu sót gì trong con người tôi. Tuy nhiên tôi đã tạo ra một phàm linh nội tại ở tầng tâm thức mà tôi có khi bị sa nhân tấn công. Tôi cần nhìn vào phàm linh này; tôi cần làm nó rã tan đi và sau đó tôi sẽ được tự do.”

12.14. Một bước ngoặt lớn

Con yêu dấu, quả thật đây là một bước ngoặt lớn trên con đường tâm linh khi con nhận ra là con không chịu trách nhiệm về những điều người khác đã làm đối với con. Lẽ dĩ nhiên, ta cần xem xét điều này kỹ càng hơn. Như thày đã nói, trong các kiếp trước con có trình độ tâm thức thấp hơn hiện nay. Ở tầng tâm thức thấp đó, con có thể đã làm điều gì xúc phạm người khác. Do đó, con đã tạo nghiệp và nếu con chưa làm rã tan đi những phàm linh ở ba thể cao, thì nghiệp quả sẽ trở lại con như một sự việc trong đó người khác sẽ xúc phạm con. Trong trường hợp này, con có thể nói: “Đúng rồi! Tôi đã làm điều gì đó nên đáng bị như vậy.” Không phải là con đáng bị như vậy, nhưng là vì con đã không làm rã tan đi phàm linh đã khiến con tạo ra điều gì tương tự cho người khác trong quá khứ.

Một lần nữa, có thể có một khuôn nếp mà con cần xem xét: “Tại sao chuyện này lại xảy ra cho tôi? Phải chăng trong tâm lý tôi cũng có một cơ chế tương tự với cơ chế mà tôi thấy nơi những người xúc phạm tôi? Phải chăng tôi có những phàm linh nội tại cùng một loại với phàm linh nội tại mà những người này có, cho nên những điều mà những người này làm đối với tôi bây giờ cũng là những điều mà tôi đã làm đối với người khác trong quá khứ?” Trong trường hợp này, lẽ dĩ nhiên con cần làm việc với chính mình để làm rã tan phàm linh đi.

Chúng ta đang nói hai chuyện khác nhau. Điều mà thày đang nói bây giờ có thể gọi là chuyện tạo nghiệp hàng ngày trên một trái đất dày đặc như trái đất. Điều thày nói ở phần trên là khi con bị sa nhân cố ý xúc phạm lần đầu, hành động xúc phạm khởi thủy này của sa nhân không phải là nghiệp báo do con tạo ra. Con không làm gì trước đó để đáng bị như vậy. Đó là lý do vì sao bây giờ con có thể nhận ra điều đó. Con nhận ra là sa nhân đã khuynh loát con để con tạo ra một phàm linh nội tại cảm thấy mình có tội khi tương tác với sa nhân. Con cảm thấy có tội ngay cả chỉ vì con có mặt trên trái đất, và mang theo ánh sáng thách đố sa nhân.

Thày có nói là con tạo ra phàm linh phản ứng lại sa nhân, phàm linh khiến con cảm thấy mình bất toàn – mình có điều gì sai trái. Đây là một sắc thái khác của điều trên, khiến con cảm thấy tội lỗi. Con cảm thấy tội lỗi đã là chính mình, con cảm thấy đáng lý con không được ở đây, con không được thách thức sa nhân. Con cũng có thể cảm thấy tội lỗi vì đã biểu lộ quả vị Ki-tô trong một kiếp trước vì đó không phải là tầng tối hậu của quả vị Ki-tô.

Khi con thấy ra những điều này, khi con tới điểm tách mình ra khỏi chúng, thì đây có thể là một bước ngoặt trọng đại trên con đường tu của con. Lúc đó, bỗng nhiên tất cả cảm giác tội lỗi vì mình ở trên trái đất tan biến đi. Làm sao con có thể an bình với chính mình khi con cảm thấy tội lỗi là chính mình, ít ra là chính mình trong môi trường trái đất? Làm sao con có thể an bình với việc ở trên trái đất nếu con cảm thấy tội lỗi chỉ vì đã hiện diện ở đây? Con có thể cảm thấy tội lỗi khi con đã làm một số chuyện, nhưng đằng sau cảm giác tội lỗi này là cảm giác tội lỗi chỉ vì con hiện diện ở đây.

Con yêu dấu, khi con thấy những điều này, khi con thấy đây là một phàm linh nội tại, khi con nói: “Hãy đứng phía sau ta, Satan”, khi con có cảm giác giải thoát khi con thấy ảo tưởng và thấy con thoát ra khỏi nó, thì con thực sự cảm nhận một mức độ tự do mới. Thày rất vui mừng khi thấy đệ tử tới điểm này trên cõi bản sắc, nhưng thày lại càng vui mừng hơn nữa khi thấy đệ tử tới điểm này ở tầng vật lý. Thày thật sự hy vọng con sẽ có trải nghiệm đó khi con làm việc với bài giảng này.

Ảo tưởng cầu toàn, 8 đoạn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 22/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada, và thày muốn bắt đầu bài giảng thứ tư này bằng điều mà trong bài trước thày có gọi là cơ chế bù đắp. Trong bài trước, thày có nói là con có cảm tưởng là trong quá khứ con đã làm điều gì sai trái và bây giờ con tìm cách bù đắp lại. Lẽ dĩ nhiên thày có nói là con cần biết một cách ý thức cơ chế này có mặt, nhìn vào nó, tách mình ra khỏi nó và buông bỏ nó. Con ngừng không đặt con đường tu trên căn bản mong muốn bù đắp có tính chất ám ảnh-cưỡng bức (obsessive-compulsive) này. Thày muốn tiến thêm một bước nữa và xem xét quan niệm là mình đã làm điều gì sai trái. Làm điều sai trái thật sự nghĩa là gì?

Các thày đã trao truyền nhiều giáo lý qua sứ giả này trong nhiều năm qua về trạng thái tâm nhị nguyên, về tư duy cuồng đại. Thày đã trao truyền nhiều giáo lý về sa nhân và những cách họ đã dùng để khuynh loát mọi khía cạnh đời sống trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên, một trong những cách tinh tế mà sa nhân dùng để khuynh loát sự sống và con người là quy định tiêu chuẩn đúng và sai. Khía cạnh tinh tế nhất là trong nhiều nền văn hóa, sa nhân đã làm cho đa số con người tin rằng không phải là sa nhân, mà là Thượng đế đã quy định tiêu chuẩn đúng sai. Có một đấng cao cả bên ngoài cõi vật chất đã quy định tiêu chuẩn đúng sai. Có một Thượng đế giận dữ trên trời đang quan sát tất cả mọi hành động của con và phán xét con dựa trên tiêu chuẩn đúng sai đó. Nếu con làm điều gì sai trái, con sẽ bị Thượng đế đó trừng phạt, có thể là bằng cách bị đốt cháy vĩnh viễn trong địa ngục.

Như một đệ tử chân sư thăng thiên, con có thể thấy là trong đa số các nền văn hóa (bất cứ nơi nào mà con có thể khôn lớn lên trên hành tinh này) trong tâm thức tập thể có cơ chế đó do sa nhân tạo ra. Con người thực sự tin rằng Thượng đế đã quy định tiêu chuẩn đúng sai. Con hầu như không thể lớn lên trên trái đất này mà không bị niềm tin đó ảnh hưởng. Một lần nữa, đây không phải là một lý do để cảm thấy hổ thẹn nhưng đã đến lúc con nhận ra một cách ý thức là nó đã ảnh hưởng con. Con có thể rất mau chóng nhận ra là nếu trong quá khứ con có cảm tưởng mình đã làm điều gì sai trái nhưng cảm giác này dựa trên tiêu chuẩn do sa nhân quy định, thì có thể là con đã không làm gì sai trái hết. Do đó, sẽ chẳng lợi ích gì nếu con tiếp tục khuôn đúc tìm cách bù đắp cho việc làm sai trái – nếu sự thực là con chẳng làm gì sai trái cả.

Con có thể thấy là tất cả các con đã có tinh thần trách nhiệm. Con có ý tưởng rằng: “Tôi đã tạo nghiệp trong quá khứ và nay tôi cần cân bằng nghiệp quả đó.” Con có thể nhìn việc cân bằng nghiệp quả như một nỗ lực bù đắp. Con bù đắp lại một điều gì con đã làm trong quá khứ. Như thày có nói trong bài giảng trước, con cần cân bằng nghiệp quả nhưng có sự khác biệt giữa cân bằng nghiệp qua trong trạng thái tâm trung hòa và cân bằng nghiệp với ham muốn bù đắp có tính chất ám ảnh-cưỡng bức (obsessive-compulsive). Thày tin rằng là con đã bắt đầu thấy sự khác biệt này sau khi con lĩnh hội bài giảng trước của thày.

10.1. Xem xét cách tu của con

Lẽ tự nhiên, ở đây chúng ta cần vô tư và tinh ý. Ta cần giản dị quan sát là con đã tạo nghiệp trong quá khứ, con cần cân bằng nghiệp quả đó và con cần làm những gì cần thiết để cân bằng nghiệp quả – tỷ dụ bằng một số hành động hay bằng cách đọc bài chú bài thỉnh. Trước tiên, điều quan trọng trong việc cân bằng nghiệp là nâng cao tâm thức, buông bỏ các phàm linh nội tại đã khiến con có hành động đã tạo ra nghiệp. Bây giờ con cần tiến thêm một bước nữa và nhận ra là nếu con hành động trong khuôn nếp bù đắp, con sẽ có cảm giác là ngưng hành động đó là một điều sai trái. Thày cần con thành thực nhìn vào chính mình và tự hỏi: “Tôi đã làm gì trong những năm vừa qua? Tôi có đã đọc bài chú bài thỉnh không?” Sau đó con cần suy ngẫm: “Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ngày hôm nay tôi ngưng không đọc chú đọc thỉnh nữa?” Nếu con cảm thấy có phản ứng trong tâm, có thể là cảm giác sợ sệt là sẽ có điều không lành xảy ra hay con làm vậy là sai quấy, thì đây là một khuôn nếp bù đắp, đây là chỉ dấu ám ảnh-cưỡng bức.

Thày không nói con nên ngưng đọc chú đọc thỉnh. Thày muốn con giám sát phản ứng của con trước việc đó. Con có thể nhận ra là nếu con bị ý muốn ám ảnh-cưỡng bức thúc đẩy con phải bù đắp những sai lầm con đã phạm trong quá khứ , thì con không hoàn toàn làm chủ phản ứng của mình. Như thày có nói trong bài giảng trước, con đã phản ứng với sa nhân thay vì với các chân sư thăng thiên. Các thày muốn con cân bằng nghiệp và khi con làm xong, con tiến lên làm gì khác thay vì tiếp tục làm cùng chuyện cũ.

Con đã tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên, con hiểu hơn về con đường tâm linh và nghiệp quả, con học cách cân bằng nghiệp quả bằng cách cầu thỉnh ánh sáng tím, tỷ dụ, và con quyết định với tâm vỏ ngoài là con sẽ đọc bài thỉnh ánh sáng tím một tiếng mỗi ngày. Con nghĩ đây là điều con cần làm cho tới cuối đời để bảo đảm là nghiệp quả được cân bằng. Như thày có nói trong bài giảng trước, con sẽ tới điểm con bắt kịp tầng tâm thức hiện nay của con, con đã cân bằng nghiệp quả cho tới tầng đó, và nay con không cần làm tiếp đúng y như những gì con quyết định nhiều năm trước đây.

Bây giờ con cần hòa điệu với thử thách con phải đối mặt ở tầng tâm thức hiện nay của con và làm sao con tiến lên tiếp từ chỗ này? Thày muốn con đi sâu hơn vào sự hòa điệu với vị trí hiện nay của con trên con đường tu. Sau đó con cần xem xét: “Có phải chăng là tôi đã lấy quyết định hai, năm, mười, ba mươi năm trước đây là tôi sẽ thực tập như thế nào đó mỗi ngày cho đến cuối đời?” Nếu con đã làm vậy, thì tiếp tục hành động theo quyết định này có lợi ích chăng? Có lợi ích hơn chăng nếu con hòa điệu với tầng tâm thức hiện nay của con và với điều con cần làm để vươn lên tầng kế tiếp?

Con có thấy chăng sự trớ trêu là nếu sa nhân trong quá khứ đã khiến con tin rằng con đã làm điều gì sai quấy và điều này tạo nên khuôn nếp bù đắp, nhưng nếu thực sự con đã không làm điều gì sai trái cả, thì việc cố gắng bù đắp một điều không sai trái là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Con có thấy chăng là con đang tìm cách cân bằng một nghiệp quả nhưng nghiệp quả đó không có.

10.2. Có nhiều tầng của quả vị Ki-tô

Bây giờ thày cần con đứng lui lại và nhìn vào quan niệm đúng và sai của con. Thầy cần con sẵn sàng mở tâm đón nhận một cái nhìn mới về vấn đề này. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là điều con làm trước đây là sai trái. Chỉ giản dị có nghĩa là con nay đã đến gần tầng thứ 90 trên con đường tâm linh. Con đang tới gần các khai ngộ của Tia thứ Bảy dưới thày Saint Germain và do đó con đã sẵn sàng để xem xét chuyện này.

Con yêu dấu, chúng ta hãy bắt đầu bằng xem xét khái niệm quả vị Ki-tô. Các thày đã trao truyền nhiều giáo lý về quả vị Ki-tô và các thày đã trao truyền tùy theo trình độ tâm thức. Như các thày có nói, điều tự nhiên là khi con nghe về khái niệm quả vị Ki-tô lần đầu, con nhìn nó với tầng tâm thức lúc đó của con. Thực ra, có nhiều tầng của quả vị Ki-tô và do đó con phải nhận ra là con không thể lấy khái niệm đầu tiên của con về quả vị Ki-tô và đem nó theo với con khi con nâng cao tâm thức.

Tại sao lạ như vậy? Nếu con lấy khái niệm phổ thông nhất về quả vị Ki-tô trên trái đất, thì đó là khái niệm do các giáo hội Công giáo chính thức cổ xúy. Theo cái nhìn này, Giê-su là người duy nhất đạt được quả vị Ki-tô, và quả vị Ki-tô được trình bày như một trạng thái toàn hảo. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên có phần nào quan niệm quả vị Ki-tô có nghĩa là – bỗng nhiên – con đạt một tầng tâm thức, và từ lúc đó con có viễn quan sáng rõ về mọi chuyện, và mọi chuyện con làm đều đúng. Tỷ dụ, họ nghĩ rằng Giê-su đã một ngày nào đó đạt được quả vị Ki-tô, hay cũng có thể thày đã có sẵn từ khi sinh ra, và do đó thày không bao giờ làm điều gì sai trái.

Thực tế tinh tế hơn và có thể hiểu bằng cách kết nối với điều thày nói trong bài giảng trước. Thày nói: “Quả vị Ki-tô là thách thức hiện trạng.” Hiện trạng dựa trên cái gì? Nó dựa trên một ảo tưởng. Con nay có thể thấy là ở mỗi tầng của 144 tầng tâm thức trên trái đất, có một ảo tưởng dính liền với tầng tâm thức đó. Chính ảo tưởng quy định tầng tâm thức đó. Do đó ảo tưởng cũng quy định điều mà những người vẫn còn mù quáng bởi tầng tâm thức đó coi là hiện trạng.

Ở mỗi tầng của 144 tầng, có một ý niệm hiện trạng dựa trên một ảo tưởng nào đó. Quả vị Ki-tô là gì? Quả vị Ki-tô là thách thức ảo tưởng ở mỗi tầng của 144 tầng tâm thức. Con nay thấy là có 144 tầng của quả vị Ki-tô. Con yêu dấu, nếu con thách thức ảo tưởng ở tầng tâm thức thấp nhất trên trái đất, là nơi con người chỉ nghĩ đến mình, vị kỷ, chỉ muốn vơ về cái ngã, thì dĩ nhiên quả vị Ki-tô rất khác so với việc thách thức ở một tầng tâm thức cao hơn.

Do đó con bây giờ thấy có nhiều biểu hiện khác nhau của quả vị Ki-tô. Nếu con áp dụng tiêu chuẩn sa ngã, thì nhiều hành xử của quả vị Ki-tô thách thức ảo tưởng ở các tầng tâm thức thấp sẽ bị xem là sai trái. Điều thày muốn con nhận ra là việc con chấp nhận trách nhiệm về hành động quá khứ của mình là điều tốt. Nhưng chứng loạn thần ám ảnh-cưỡng bức khiến con chấp nhận trách nhiệm về điều con không làm. Nó khiến con chấp nhận trách nhiệm về điều không phải là trách nhiệm của con. Thày có nói quả vị Ki-tô không phải là một cuộc thi xem ai được ưa chuộng nhất vì sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ biểu hiện nào của quả vị Ki-tô. Bây giờ con hãy cùng thày nhìn quá khứ của con một cách khác.

10.3. Quả vị Ki-tô không có nghĩa là con phải toàn hảo

Trong quá khứ, con ở một tầng tâm thức thấp hơn. Việc con ở trên hay dưới tầng 48 không quan trọng. Làm sao con vươn lên một tầng tâm thức cao hơn? Con đã vươn lên vì con thấy được ảo tưởng ở tầng tâm thức đó. Khi con nhìn thấu suốt ảo tưởng đó, thì điều đó trở nên một thách thức, không chỉ đối với sa nhân mà còn đối với những người chung quanh con vẫn còn bị kẹt trong ảo tưởng đó. Con có nhận ra chăng là trong quá khứ, con đã có một số kiếp sống trong đó con nhìn thấu một ảo tưởng. Ảo tưởng đó có thể là một ảo tưởng ở các tầng tâm thức thấp, và con công khai và thẳng thắn thách thức những người vẫn nắm giữ ảo tưởng đó.

Có thể là lúc đó con đã thách thức một số sa nhân đang lãnh đạo xã hội và kềm giữ xã hội trong tầng ảo tưởng đó, thí dụ như gây chiến với một nước khác hay một nhóm người khác. Do đó, con có thể đã thách thức ảo tưởng đó, hiện trạng đó, và sa nhân đã làm đủ mọi cách để con cảm thấy là con đã làm một điều sai quấy.

Con yêu dấu, không phải là sa nhân chỉ tìm cách khiến con cảm thấy con đã làm gì sai trái một cách chung chung. Điều sa nhân thường làm là họ nhìn vào hành động, lời nói của con và họ tìm một khía cạnh không vẹn toàn. Con hãy suy ngẫm kỹ lưỡng điều thày đang nói. Con thách đố một hiện trạng, con thách đố một ảo tưởng. Ảo tưởng này có thể ở một tầng tâm thức rất thấp, thấp hơn tầng 48 nhiều. Không có nghĩa là con ở tầng tâm thức đó, nhưng con thấy được ảo tưởng trong xã hội và con thách thức nó.

Ảo tưởng đó là một ảo tưởng thấp. Thách thức một ảo tưởng, thí dụ ở tầng tâm thức thứ 25, có nghĩa gì? Không có nghĩa là khi con thách thức ảo tưởng ở tầng thấp đó, con biểu lộ chân lý cao nhất. Nếu ta giả dụ có một chân lý cao nhất, thì không ai ở tầng tâm thức 25 có thể hiểu chân lý cao nhất đó. Khi con thách thức ảo tưởng ở tầng tầm thức 25, thì hành động thách thức của con không “toàn hảo”, giả dụ là có một hành động toàn hảo. Chính sa nhân đã tạo ra khái niệm là đúng lý phải có cái gì đó toàn hảo.

Con có thấy điều thày muốn nói không? Con thách đố ảo tưởng ở tầng tâm thức 25, con làm điều này bằng cách đưa ra một chân lý cao hơn tầng 25 một chút, nhưng chắc chắn không phải là chân lý cao nhất trên trái đất. Lúc đó, sa nhân nhìn hành động và lời nói của con, và họ tìm cách moi ra một khía cạnh nhỏ mà họ cho là không toàn hảo dựa theo tiêu chuẩn của họ. Con yêu dấu, con phản ứng lại như thế nào? Con không phản ứng với tầng tâm thức hiện nay của con, con phản ứng với tầng tâm thức của con ở thời điểm đó. Giả sử lúc đó con ở tầng tâm thức 48, và con thách thức ảo tưởng của tầng tâm thức 25. Con bị sa nhân tố cáo là con không toàn hảo, và lẽ tự nhiên là con phản ứng lại lời tố cáo đó dựa trên tầng tâm thức 48.

Ở tầng tâm thức đó, con quả thực nghĩ là con phải toàn hảo, con vẫn còn bị dính mắc trong khái niệm cầu toàn do sa nhân áp đặt lên con người. Con nghe lời tố cáo của sa nhân và quyết định; “Tôi đã sai trái. Tôi không toàn hảo.” Đây là một trong những lý do quỷ quyệt nhất, vi tế nhất, nhưng cũng thông thường nhất khiến đệ tử chân sư thăng thiên không dám biểu hiện quả vị Ki-tô của họ. Con nghĩ rằng con phải toàn hảo mới có thể biểu hiện quả vị Ki-tô. Con nghĩ rằng có một chuẩn mực toàn hảo có phần nào giá trị. Con không nghĩ là sa nhân đã đặt tiêu chuẩn đó lên con vì con chưa nhận ra điều này. Con nghĩ rằng chính Thượng đế hay các chân sư thăng thiên đã quy định tiêu chuẩn. Con nghĩ con đã sai trái dựa theo tiêu chuẩn trong quá khứ này khi con cố gắng biểu hiện quả vị Ki-tô của mình. Do đó, con quyết định con sẽ không biểu hiện quả vị Ki-tô nữa cho tới khi con chắc chắn là con toàn hảo.

10.4. Dám bất toàn

Con thấy chăng, điều này khiến sa nhân cười khoái trá vì đã thắng lợi. Con bây giờ ở tầng tâm thức khiến con có thể nhìn lại và nói: “Tôi sẽ là người cười sau cùng. Sa nhân sẽ không là người cười sau cùng. Họ có thể đã thắng lợi trong nhiều kiếp sống nhưng họ sẽ không thắng nữa vì tôi sẽ vươn lên khỏi quan niệm này. Tôi sẽ nhận ra là quả vị Ki-tô cần và phải được biểu hiện ở mỗi tầng của 144 tầng tâm thức. Và ở các tầng thấp, không thể nào nói hành động biểu hiện quả vị Ki-tô là “toàn hảo”, là hình thức chân lý cao nhất.”

“Lẽ tự nhiên, biểu hiện quả vị Ki-tô thách thức ảo tưởng ở tầng 25 sẽ là một biểu hiện thấp hơn là điều tôi có thể biểu hiện ở một tầng cao hơn. Đây là chuyện tự nhiên, do đó tôi sẽ không chê trách mình vì trong quá khứ đã có một biểu hiện quả vị Ki-tô không phải là biểu hiện cao nhất có thể có trên trái đất. Tôi chấp nhận là tôi đã biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức của tôi lúc đó. Tôi đã biểu hiện quả vị Ki-tô để thách thức một tầng tâm thức đặc thù và do đó sự biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi là tốt đủ, là hoàn toàn chấp nhận được và sự biểu hiện này làm đúng chức năng của nó là thách đố một ảo tưởng đặc thù thuộc tầng tâm thức đặc thù đó. Tôi không cần phải toàn hảo mới có thể biểu hiện quả vị Ki-tô bây giờ, tôi chỉ cần nhận ra tầng tâm thức hiện nay của tôi, và tôi sẽ dám biểu lộ quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức này dựa trên viễn kiến mà tôi có ở tầng tâm thức này.”

Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điều thày Hilarion nói. Ở mỗi tầng tâm thức khi con xuống từ tầng 144 đến tầng 48, con lấy vào một ảo tưởng. Nếu hiện nay con đang ở tầng tâm thức 56, 85 hay 93, con vẫn còn nhiều ảo tưởng trong bốn thể phàm của con. Không có gì sai trái với việc này cả, đâu cách nào khác để đi trên con đường tâm linh. Làm sao con có thể hiện thân trong cõi vật chất mà không lấy vào những ảo tưởng đó? Khi con tính chuyện biểu lộ quả vị Ki-tô của mình ở tầng tâm thức hiện nay, con không thể và con không phải chờ đợi mình toàn hảo. Lẽ dĩ nhiên, sự biểu hiện quả vị Ki-tô của con sẽ bị pha màu bởi những ảo tưởng mà con chưa bỏ được, những ảo tưởng cao hơn tầng tâm thức hiện nay của con. Con yêu dấu, tình trạng này không thể nào tránh được.

Khi Giê-su bắt đầu lần đầu thai của thày, khi thày bắt đầu sứ vụ công chúng, thày không ở tầng tâm thức 144. Do đó, thày đã phản ứng như đã được ghi lại khi thày đuổi những người đổi tiền ra khỏi giáo đường. Hành động này không phải là cách biểu hiện quả vị Ki-tô cao nhất, nhưng nó thích hợp với quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức của Giê-su lúc đó. Con yêu dấu, con có hiểu chăng điều thày giảng ở đây?

Rất nhiều người trong các con cảm thấy rằng, nếu con là Ki-tô đang hành động, con không bao giờ được nổi giận. Con yêu dấu, ở một số tầng tâm thức, khi con đang đối phó với một ảo tưởng rất thấp, con khó tránh đối phó với hoàn cảnh này mà không cảm thấy tức giận hay ít nhất có cảm xúc cường độ. Thày biết là các thày đã trình bày cho con một số lý tưởng, tỷ dụ như quả vị Phật khi con hoàn toàn không dính mắc. Như thày đã nói trong bài giảng trước, con chỉ đạt toàn vẹn quả vị Phật ở tầng 144.

10.5. Khắc phục sự cầu toàn

Con có thấy chăng là sa nhân tìm cách tạo ra một hố sâu, một khoảng cách mà con không bao giờ bước qua được, giữa trạng thái tâm thức hiện nay của con và quả vị Ki-tô? Con có cảm tưởng như là giữa con và quả vị Ki-tô có một khoảng cách, một hố sâu lớn đến độ con không thể bước qua. Hoặc có thể con chỉ có thể thực hiện điều này ngay trước khi con thăng thiên. Trên thực tế, khoảng cách nhỏ hơn nhiều. Nó không phải là khoảng cách giữa tầng tâm thức 48 và tầng 144, lẽ dĩ nhiên khoảng cách này con không thể vượt qua bằng một cú nhảy vọt. Nó là khoảng cách giữa tầng tâm thức hiện nay của con và tầng kế tiếp. Khoảng cách này, con có thể bước qua bất cứ lúc nào bằng cách chuyển vọt tâm thức của mình.

Ở tầng tâm thức hiện nay của con, thày không muốn con là Ki-tô giống như Giê-su là Ki-tô trước khi bị đóng đinh. Thày muốn con dám là Ki-tô thách thức ảo tưởng ở tầng tâm thức hiện nay của con dù rằng con không toàn hảo khi làm vậy. Thật sự là thày muốn con chuyển vọt tâm mình và vứt đi phàm linh nội tại, cái ngã tách biệt cầu toàn, để con nói: “Nhưng tôi đang thật sự toàn hảo khi biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức hiện nay của tôi.” Đây chính thực là toàn hảo, nếu con muốn dùng từ này. Toàn hảo là đạt một bước cao hơn tầng tâm thức hiện nay của con. Toàn hảo không phải là một tầng tối hậu nào đó không hiện hữu, ngoại trừ trong tâm của sa nhân.

Một trong những thử thách mà con đối mặt ở tầng này là vượt qua ý niệm cầu toàn, ý niệm con phải toàn hảo trong mọi chuyện con làm. Nhiều đệ tử thăng thiên đã dùng giáo lý của các thày để xây dựng một ý niệm cầu kỳ về quần áo họ mặc, cách họ hành xử, cách họ nói chuyện, thực phẩm họ ăn và tránh ăn, cách họ thực hành tâm linh, cách họ phải nghĩ và cảm nhận – và không bao giờ được giận dữ và không được biểu lộ tình cảm, vân vân và vân vân. Làm như vậy là dùng tâm vỏ ngoài để tạo ra cái áo khóa tay, rồi con ép mình mặc nó vào, và nay con chỉ làm được một số chuyện. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã làm điều này trong mấy thập niên vừa qua và đã dùng giáo lý của các thày để biện minh cho điều này.

Thày muốn con nhận ra rằng các chân sư thăng thiên không phải là người muốn con làm điều này. Các thày không thúc đẩy con làm điều này. Chính một phàm linh nội tại khiến con làm điều này. Thày muốn con tách mình ra khỏi phàm linh này một cách ý thức để nhận ra nó, nhận ra là nó dựa trên một mục tiêu hoàn toàn không khả thi do sa nhân định ra. Không có trạng thái toàn hảo có thể đạt được trên trái đất hay do các chân sư thăng thiên đòi hỏi.

10.6. Các chân sư chấp nhận con như con là

Con yếu dấu, như các Thượng sư khác đã nói trước thày, thày chấp nhận con hoàn toàn và tuyệt đối như con là ngay bây giờ. Thày không có tiêu chuẩn ở trong tâm thày hay ở khóa nhập thất của thày đòi hỏi con phải ở tầng 144 trước khi thày dạy con. Vai trò của thày là làm việc với con ở tầng tâm thức hiện nay của con và giúp con bước một bước để lên tầng tâm thức kế tiếp – và tiếp tục bước đủ bảy bước trước khi thày hoàn thành nhiệm vụ của thày và chuyển con qua để thày Saint Germain dẫn con cao hơn nữa. Thày không phê phán con là không toàn hảo ở tầng tâm thức hiện nay của con. Thày chấp nhận con hoàn toàn như con là ở tầng hiện nay và thày chỉ chú tâm giúp con thấy ảo tưởng đó và đi lên bước kế tiếp.

Con yêu dấu, thày đã nói là con cần cảm thấy an bình với chính mình và với việc con đang ở trên trái đất. Làm sao con có thể an bình với chính mình nếu con đánh giá mình dựa trên một tiêu chuẩn toàn hảo mà con không bao giờ đạt được? Nếu con luôn luôn đánh giá mình là bất toàn, thì làm sao con có thể bình an với chính mình được? Nếu con đã luôn luôn phê phán là con đã làm điều gì sai trái trên trái đất và con chỉ có thể làm điều sai trái trên trái đất, thì làm sao con có thể cảm thấy bình an ở trên trái đất này? Làm sao con bình an được trên con đường tâm linh nếu con nghĩ rằng biểu hiện quả vị Ki-tô đòi hỏi con phải toàn hảo?

Con yêu dấu, con có hiểu chăng là sâu trong tâm con, con có động lực thúc đẩy con đi trên con đường tâm linh. Nó chính là nguyên do khiến con tìm ra khóa học này và theo học cho tới tầng này. Con có một động lực thúc đẩy con đi về một hướng nào đó. Sau đó, con có một số cơ chế trong các thể bản sắc, tư tưởng và tình cảm chống kháng động lực này và điều này làm con cảm thấy bất an với chính mình.

Trong khóa học này, chúng ta đã làm gì? Thày đang làm gì trong phần này của khóa học? Thày đang tìm cách dẫn con qua các sáng ngộ giúp con giải quyết tất cả các cơ chế đi ngược lại động lực tự nhiên của con để con tự do nhận ra động lực này. Con biểu hiện động lực nội tại này, là động lực từ Hiện diện TA LÀ của con, là động lực muốn hơn nữa, muốn thăng vượt chính mình, muốn là cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ biểu lộ trong thế giới này.

Con có thể nói đây là việc tảy rửa bốn thể phàm của con. Các thày lần lượt cho con thấy các cơ chế này và chỉ cho con những điều đang ngăn cản không cho con thăng vượt lên tầng kế tiếp. Thày biết là với tâm đường thẳng con sẽ rất mau chóng đứng lui lại nhìn toàn bộ khóa học này và nói: “Nhưng con bắt đầu ở tầng 48, và Chân sư MORE nói là con có vấn đề này, khuynh hướng kia, vướng mắc nọ, và con cần khắc phục điều này và vượt qua điều kia. Bây giờ con tới tầng thứ 6 của khóa học, và thày Nada vẫn còn nói con những điều con cần khắc phục – tới bao giờ thì mới thôi?” Con yêu dấu, tiến trình này sẽ xong ở tầng 144 khi con vượt qua ảo tưởng cuối cùng mà con đã mang vào khi con hiện thân trên trái đất – và điều này có gì sai trái đâu? Điều này đâu có gì không tốt đâu?

10.7. Hãy chấp nhận mình ở tầng này của đường tu

Con thấy chăng là một phần của tinh thần cầu toàn là ý niệm con đã làm gì sai quấy khi hiện thân trên trái đất này. Chuyện gì đó đáng lý không được xảy ra và do đó con không bao giờ bình an được cho tới khi con vượt qua cảm giác đó. Điều thày tìm cách nói con ở đây là con không làm gì sai trái khi hiện thân ở đây. Con chỉ làm điều con phải làm khi hiện thân trong một hành tinh như trái đất: mang vào những ảo tưởng khi đi xuống tới tầng 48. Bây giờ, con đang ở trong tiến trình vươn lên khỏi các ảo tưởng này, từng cái một – và con chỉ có thể vượt qua chúng từng ảo tưởng một. Không phải vì con vẫn còn nhiều ảo tưởng cần vượt qua mà con bất toàn.

Không, con yêu dấu, con không bất toàn! Con chỉ giản dị đang ở một tầng nào đó trên đường tu. Không có gì sai trái với điều này. Con hãy ngừng đuổi theo cái cầu vồng của toàn hảo – không có hũ vàng nào ở dưới chân cầu vồng cả. Sa nhân không có gì mà con ước muốn, họ không thể cống hiến gì cho con. Con hãy chấp nhận chính mình, ở tầng hiện nay của con trên con đường tâm linh. Con hãy chấp nhận là con có thể biểu hiện quả vị Ki-tô ở một tầng nào đó và con hãy dám biểu hiện nó. Con đang ở tầng tâm thức cao hơn nhiều so với hầu hết mọi nguời trên trái đất. Con có thể biểu hiện một tầng tâm thức cao hơn nhiều, nhưng hiện nay con cũng đã có khả năng biểu hiện một điều gì giúp nhiều người vươn lên cao hơn. Con hãy chấp nhận như vậy là đủ tốt rồi.

Chính Giê-su có nói là con có thể nhìn vào mỗi ngày và xem cái ác của ngày đó là đủ. Con có thể lấy câu nói và tiến thêm một bước nữa và nói: Hãy xem cái tốt của ngày đó là đủ. Nói cách khác, con nhìn vào tầng tâm thức con đang ở hiện nay và chú tâm vào đó. Con đừng băn khoăn tới các tầng cao hơn, con không trăn trở phải tuân theo một tiêu chuẩn toàn hảo nào đó. Con hãy chú tâm vào tầng tâm thức của con, con bình an ở chỗ con đang ở và biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng này.

Con yêu dấu, thày biết tâm đường thẳng của con muốn nói: “Nhưng có 144 tầng tâm thức. Ta cần vượt qua mọi ảo tưởng, ta cần khắc phục mọi dính mắc, sau đó ta đạt quả vị Ki-tô, ta đạt quả vị Phật, và khi ta chưa tới đó thì ta chưa tới nơi ta phải tới.” Con yêu dấu, con đang ở đúng ngay chỗ con phải ở ngay bây giờ, nếu con sẵn sàng xem xét ảo tưởng mà con đang phải đối phó ngay bây giờ, thăng vượt ảo tưởng đó và sau đó biểu hiện quả vị Ki-tô bằng cách thách thức ảo tưởng đó. Nếu con làm vậy thì con ở đúng ngay chỗ con phải ở.

10.8. Trút lớp da rắn của tinh thần cầu toàn

Con không thể và không đang ở tầng tâm thức 144 vì con không chọn con đường đó. Con đã chọn lựa chứng minh cách vươn lên những tầng tâm thức càng ngày càng cao hơn. Con không ở đây để chứng minh cách nhảy từ tầng 48 lên tầng 144. Không ai có thể xem đó là một gương mẫu. Đó là điều sa nhân đã cố làm với cuộc đời Giê-su: họ đã khiến con người tin rằng Giê-su đã không phát triển khả năng bằng cách đi trên con đường tu nhưng đã đựơc sinh ra ở tầng tâm thức cao, và do đó không ai có thể nhìn thày như một tấm gương mà họ có thể noi theo. Con hãy nhìn tất cả những tín đồ Cơ đốc giáo không chịu coi Giê-su là một tấm gương. Đó là lý do vì sao con cần là tấm gương để mọi người có thể thấy là có những người giống như họ, đã bắt đầu giống như họ nhưng đã vươn cao hơn. Do đó, mọi người có thể tin rằng nếu một người đã làm được thì tất cả có thể làm được.

Con yêu dấu, tinh thần cầu toàn thực sự là một trong những âm mưu quỷ quyệt nhất của sa nhân. Không dễ vượt qua nó, nhưng ở tầng tâm thức hiện nay của con, vượt qua nó không khó. Lẽ dĩ nhiên, có người mang bệnh cầu toàn ở tầng tâm thức 48 vì ở tầng đó rất khó chế ngự tinh thần cầu toàn. Ở tầng tâm thức hiện nay của con, con chỉ cần bước thêm một bước nữa, một bước nhỏ, có thể làm được, để vượt qua nó, để thấy phàm linh, thấy nó như nó là, thấy nó là một yếu tố ngoại lai trong bốn thể phàm của con, nhìn nó và nói: “Bước ra đằng sau ta, Satan, ngươi không phải là một phần của ta nữa.”

Con yêu dấu, thày rất vui mừng khi thày thấy học viên thấu hiểu điều này trong thể bản sắc của họ. Thày lại càng vui mừng hơn khi thày có học viên đã cho phép nhận thức này thấm xuống tầng ý thức của họ. Con thấy phàm linh, con thấy tinh thần cầu toàn và con không phản ứng đổ lỗi cho mình vì đã bị nó ảnh hưởng. Con bước ra khỏi cỗ máy chạy và giản dị nói: “Ồ, đây nhé, đây chỉ là thêm một phàm linh khác phải ra đi. Bao nhiêu phàm linh khác đã ra đi rồi, thêm một con nữa có là gì đâu?”

Thày biết phàm linh này tự coi mình là phàm linh tối hậu vì con cần phải toàn hảo mới được Thượng đế chấp nhận, nhưng điều này không đúng, con yêu dấu. Thượng đế chấp nhận con như con là ngay lúc này. Thực ra, con có thể nói là đối với Thượng đế, chấp nhận được hay không chấp nhận được là những khái niệm vô nghĩa. Con là môt biểu hiện của Thượng đế. Làm sao Thượng đế lại có thể không chấp nhận con?

Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điều này với tâm ý thức của con. Con hãy xem lại bài giảng này nhiều lần. Nếu con cảm thấy con cần nhiều hơn chín ngày để khắc phục tinh thần cầu toàn, thì con hãy lấy thêm thì giờ. Con yêu dấu, khóa học này không phải là một cuộc chạy đua. Không có cuộc thi đua xem ai hoàn thành khóa học này trong thời gian ngắn nhất.

Như thày có nói, con có thể hoàn tất khóa học một cách nhanh chóng với tâm vỏ ngoài, nhưng điều này không có nghĩa là con đã đạt các khai ngộ vì con đã không thể nhập chúng và do đó chưa vươn lên tầng tâm thức cao hơn. Con hãy dành thời gian cần thiết. Tinh thần cầu toàn đã đánh bẫy biết bao nhiêu đệ tử tâm linh trong mấy ngàn năm qua và trì hoãn sự tiến bộ của họ, có khi trong nhiều kiếp sống. Thày không muốn thấy con là một trong những người đó. Thày muốn thấy con đạt được khai ngộ này, trút bỏ lớp da rắn của tinh thần cầu toàn, bỏ nó lại đằng sau và tiến tới một ngày mới trong đó con vui thú với gì mình là, biết rằng ngày mai con sẽ hơn nữa.

Làm sao ngưng đổ lỗi cho mình, 13 đoạn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 16/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Ở tầng thứ ba này của khóa nhập thất, thày muốn bắt đầu bằng cách nhắc lại một điểm mà thày đã nêu ra trong bài giảng trước. Trong bài đó, thày chỉ cho con thấy là trong tâm thức con có một cơ chế khiến con cảm thấy con không thể là gì con muốn vì có một số điều kiện trong thế giới, và đặc biệt là ở đây trên trái đất, không đúng như chúng phải là. Con không thể an bình, con không thể là chính mình, con không thể hoàn toàn biểu lộ chính mình trên trái đất.

Con yêu dấu, cái gì đằng sau điều kiện tâm lý này? Vì sao con lại chấp nhận là vì có một số điều kiện trên trái đất, con không thể biểu lộ khả năng sáng tạo, quả vị Ki-tô của mình, con không thể dâng tặng món quà mà con đến hành tinh này để dâng tặng? Con yêu dấu, ta cần nhìn nhận là sa nhân rất, rất là tinh tế, rất rất khôn ngoan, và rất rất quyết tâm ngăn chặn bất cứ ai biểu lộ quả vị Ki-tô.

Lẽ tự nhiên là các thày đã trao truyền giáo lý về khái niệm có nhiều người tâm linh là a-va-ta (avatars) đến từ hành tinh khác để đặc biệt phụ giúp vào tiến trình nâng cao tâm thức tập thể. Thày bảo đảm với con là sa nhân cũng rất rất quyết tâm ngăn chặn các cư dân nguyên thủy của trái đất không cho họ vươn lên tầng quả vị Ki-tô và bắt đầu biểu lộ quả vị Ki-tô vì, thực sự đây là mối đe dọa lớn hơn cho họ.

Như các thày đã giảng trước đây, tiến bộ thực sự của hành tinh tùy thuộc vào các cư dân nguyên thủy của trái đất. Các a-va-ta có thể giúp nâng cao tâm thức tập thể nhưng họ không thực sự có thể khiến trái đất thực hiện bước nhảy vọt quyết định. Cần có đủ số cư dân nguyên thủy đã nâng tâm thức của họ lên trên một tầng nào đó để có thể có một cuộc chuyển vọt quyết định. Lẽ dĩ nhiên, bước chuyển vọt này chỉ xảy ra trong tập thể cư dân nguyên thủy khi có một số người trong họ đã đạt được tầng quả vị Ki-tô và biểu lộ quả vị Ki-tô, do đó sa nhân rất nôn nóng muốn ngăn chặn chuyện này.

8.1. Bị đập dí vì biểu lộ chính mình

Chuyện đã xảy ra cho con trong quá khứ là con đã dám biểu lộ điều gì đó vượt quá bình thường. Con đã dám không theo đám đông, và sa nhân đã có mặt để đập dí con xuống, tạo ra một chấn thương tâm lý khiến con liên kết cảm giác sợ hãi và tổn thương (hay cảm giác bất lực và tuyệt vọng, cảm giác không có gì thật sự quan trọng) với việc biểu lộ chính mình, biểu lộ khả năng sáng tạo, đứng lên cổ vũ một chân lý cao hơn, hay những hành động vượt ra ngoài khuôn mẫu bình thường khác. Nhiều người trong các con có trong tâm một cơ chế khiến con cảm thấy sợ là khi con bắt đầu biểu lộ chính mình thì con sẽ bị chế giễu, chỉ trích và ngay cả bị hậu quả vật lý, như bị giết, tra tấn hay bỏ tù vân vân. Con đã tạo ra trong tâm con một cơ chế cho rằng: “Tôi không muốn biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi, nhưng tôi biết tôi ở đây để biểu hiện quả vị Ki-tô do đó tôi cần một lý do tại sao tôi không thể biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi.” Lẽ dĩ nhiên ý tưởng này khiến con nghĩ con không thể biểu hiện quả vị Ki-tô của con khi một điều kiện bên ngoài nào đó chưa thay đổi.

Nghĩ như thế làm cho tự ngã và các phàm linh nội tại của con cảm thấy an toàn, vì lẽ tự nhiên sẽ cần thời gian rất dài (hay ít ra đó là cảm tưởng trong quá khứ) để trái đất sẵn sàng khắc phục được nạn chiến tranh. Con biết là trong nhiều kiếp đầu thai tương lai, con không cần lo lắng về việc biểu lộ quả vị Ki-tô vì con có cái cớ toàn hảo. Việc biểu lộ quả vị Ki-tô bị nối liền với một điều kiện bên ngoài thay đổi, và thay đổi này quá khó khăn và sẽ cần rất nhiều thời gian, nên tự ngã của con có thể cảm thấy an toàn trong một thời gian.

8.2. Xem xét phản ứng nội tâm

Khi thày phơi bày một chuyện như vậy cho con, thày muốn con xem xét phản ứng nội tâm của con với điều thày nói. Con có thể nói là thày đã rất thẳng thắn, thiếu nhân từ, khi thày phơi bày cơ chế này. Một số trong các con có thể nghĩ thày không nên thẳng thắn như vậy. Một số có thể nghĩ thày không nên phơi bày cơ chế này ra. Có thể có một phản ứng dâng lên trong con, và phản ứng này có thể có một trong hai hình thức. Một là con cảm thấy thày không nên thẳng thắn như vậy khi trình bày vấn đề với con. Hai là con chấp nhận điều thày nói và con lập tức cảm thấy xấu hổ vì đã có cơ chế đó.

Điều thày muốn nói rõ ở đây là trong bài giảng trước thày có nói là con không thể thực sự an bình nếu con không chấp nhận các điều kiện trên trái đất và chấp nhận mình hiện thân ở đây. Nếu con cứ tiếp tục vật lộn với việc mình hiện thân ở đây, chống đối việc mình ở đây, thì đương nhiên con không cảm thấy an bình. Điều thày muốn con nhìn nhận trong bài giảng này là nếu con không chấp nhận chính mình, thì con cũng không thể an bình. Tại sao thày lại nêu lên điểm này khi thày chỉ cho con thấy cơ chế khiến con trì hoãn việc biểu lộ quả vị Ki-tô? À, đó là vì khi thày chỉ cho con thấy có cơ chế đó trong tâm con, thì thường trong con có một phản ứng. Phản ứng đó có thể giúp con nhận ra điều gì trong con đang ngăn cản con không chấp nhận chính mình, không cảm thấy bình an với mình là mình.

Có một số trong các con (không phải là đa số, nhưng có một số) sẽ phản ứng với cảm giác bị xúc phạm là thày đã phơi bày ra điều này. Đó là vì con vẫn ở chỗ muốn tránh né không nhìn chính mình bằng cách luôn luôn phóng chiếu ra ngoài là điều này hay điều kia không được xảy ra. Thày muốn con nhận biết phản ứng này và thày cần con nhận ra đây chỉ là một phàm linh – một phần tự ngã của con – đang phản ứng như vậy. Đây là một cơ chế phòng vệ của tự ngã vì nó không muốn con nhận ra cơ chế đã cho nó quyền lực khuynh đảo con. Cơ chế này khiến con luôn luôn phóng chú ý ra ngoài và nói điều này hay điều kia không được xảy ra.

Thày cần con tách mình ra khỏi cơ chế đó, và thày biết rất rõ là khi con làm điều này, con sẽ nhận ra con cần nhìn vào chính mình, con cần nhìn vào cơ chế. Thay vì nói thày không được nêu điều này ra, con nên nhìn vào sự kiện con có cơ chế đó, khuynh hướng trì hoãn việc biểu lộ quả vị Ki-tô của mình. Khi đó, con sẽ làm được điều mà một số đệ tử đã làm được từ ít lâu nay, đó là nhìn vào chính mình, nhìn vào bất cứ điều gì bên trong con mà con cần giải quyết.

Thày biết là đối với nhiều người trong các con, đúng hơn là hầu hết các con, nhìn vào điều kiện này là một sự đau lòng. Nhiều người trong các con đã nhiều lúc, trong khóa học này hay trên con đường tâm linh trước khi tham dự khóa học này, cảm thấy đau đớn khi một điều nào đó bị phơi bày trong nội tâm mình. Nó tạo một phản ứng trong tâm con.

8.3. Chân sư thăng thiên không vui thú khi thấy người khác đau khổ

Con yêu dấu, các chân sư thăng thiên không thuộc những người vui thú khi thấy người khác đau khổ; các thày không cố ý làm con khổ sở. Các thày không vui thú khi chỉ cho con thấy một cơ chế trong tâm lý khiến con cảm thấy đau lòng, xấu hổ. Ngược lại, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, thày không mong gì hơn là giúp con tới điểm con có thể nhìn mình mà không đau lòng, xấu hổ về mình.

Toàn bộ mục đích của bài giảng thứ ba ở khóa nhập thất này là dẫn con tới điểm con khắc phục được khuynh hướng rất, rất vi tế cảm thấy hổ thẹn khi con thấy điều gì trong con cần được vượt qua. Nhiều người trong các con có cảm giác là điều gì không được ở đó, ngay từ sơ thủy đáng lý đã không được ở đó. Con yêu dấu, con cần nhận ra là phản ứng đó đã do sa nhân tạo ra. Thày phải nói lại cho đúng là phản ứng này, dĩ nhiên, không do sa nhân tạo ra, nhưng họ đã tạo ra hoàn cảnh bên ngoài khiến con phản ứng như vậy.

Có một lúc nào đó trong một kiếp quá khứ, con đã dám biểu lộ một khía cạnh của quả vị Ki-tô và sa nhân đã làm đủ mọi cách để đập dí con xuống để con không thể trong kiếp sống đó tiếp tục biểu lộ sắc thái quả vị Ki-tô đó. Con cần nhận ra là sa nhân không thỏa mãn chỉ ngăn cản con trong kiếp đó mà thôi. Sa nhân trông chừng xem có bất cứ ai dám biểu lộ một thành phần của quả vị Ki-tô. Có những sa nhân trên các tầng bản sắc, tư tưởng và cảm xúc sử dụng những sa nhân đang đầu thai trong cõi vật lý để bảo đảm là con sẽ không bao giờ dám biểu hiện quả vị Ki-tô nữa. Họ thực hiện điều này bằng cách đút vào trong bản thể con một phản ứng khiến con cảm thấy con đã sai quấy khi biểu hiện quả vị Ki-tô. Con sai quấy khi con thách đố họ, con sai quấy khi con đứng lên nói sự thật. Con sai quấy vì con quá ư khác chuẩn mực, khác người khác hay bất cứ cơ chế nào khác.

8.4. Quả vị Ki-tô có nghĩa thách đố hiện trạng

Thày cần con nhận ra là một trong những chiến thắng lớn của sa nhân là khi họ bắt được một dòng sống đã sẵn sàng biểu lộ quả vị Ki-tô và đút một cơ chế vào bốn thể phàm của sinh thể đó. Cơ chế đó khiến con cảm thấy biểu lộ quả vị Ki-tô là một điều sai quấy, con cảm thấy là con đã sai quấy khi biểu lộ quả vị Ki-tô, do đó con không bao giờ dám làm điều này nữa.

Đây là lý do vì sao con có cơ chế khác khiến con liên kết việc biểu hiện quả vị Ki-tô của con với một số điều kiện nào đó trên trái đất. Nói cách khác, con biết là con ở đây để biểu lộ quả vị Ki-tô. Sâu thẳm trong tâm con có ký ức đây là lý do vì sao con ở đây. Điều mà con trải nghiệm rất xa trong quá khứ là con đã gặp một phản ứng tiêu cực khi con biểu lộ quả vị Ki-tô của mình. Vì một lý do nào đó, con liên kết sự phản ứng tiêu cực đó với các điều kiện bên ngoài lúc đó trên trái đất, và con nghĩ các điều kiện này không thuận lợi. Con đợi cho những điều kiện bên ngoài này thay đổi để con cảm thấy an toàn khi biểu lộ quả vị Ki-tô.

Con yêu dấu, con có hiểu chăng là quả vị Ki-tô chỉ có một mục tiêu là thách đố hiện trạng để mọi người có thể thấy là có một cách khác hơn là hiện trạng. Sẽ không bao giờ có điều kiện trên trái đất giúp con biểu lộ quả vị Ki-tô của mình một cách an toàn. Ngay cả khi Thời đại Hoàng kim của Saint Germain được biểu hiện hoàn toàn, tình trạng xã hội vẫn chưa cho phép con biểu lộ quả vị Ki-tô một cách an toàn.

Nếu con nhìn vào xã hội ngày nay và nói: “Tôi sẽ bị chỉ trích điều gì nếu tôi biểu lộ quả vị Ki-tô?” thì con có thể phóng tầm nhìn tới thời hoàng kim và thấy rằng trong thời hoàng kim, điều ngày hôm nay bị lên án sẽ trở nên hoàn toàn bình thường và dễ chấp nhận. Trong thời hoàng kim vẫn sẽ có một số người muốn giữ hiện trạng lúc đó. Hiện trạng lúc đó cao hơn hiện trạng ngày nay nhiều, nhưng sẽ vẫn có người, vì nhu cầu an toàn của họ, cho rằng mọi chuyện đang xảy ra như chúng phải xảy ra và không cần thay đổi. Dù con đang sống trong xã hội nào, dù con đang ở thời đại nào, vai trò của con như một sinh thể Ki-tô luôn luôn là thách đố chuẩn mực. Việc biểu lộ quả vị Ki-tô sẽ không bao giờ an toàn, không bao giờ vừa lòng mọi người, không bao giờ được chấp nhận. Thày cần con hiểu điều này một cách ý thức vì con đã hiểu ở tầng thể bản sắc của con.

Thày cần con mang hiểu biết này xuống tầng ý thức và nhận ra là vai trò của một sinh thể Ki-tô luôn luôn là thách đố hiện trạng. Do đó, con yêu dấu, biểu lộ quả vị Ki-tô sẽ không bao giờ được sa nhân chấp thuận. Nó cũng sẽ không làm vừa lòng nhiều người, ngay cả hầu hết mọi người, trong đại chúng. Con hãy nhận ra điều này: biểu lộ quả vị Ki-tô không phải là tranh giải ai được đại chúng ưa thích nhất. Nó chưa bao giờ như thế, sẽ không bao giờ như thế, nó không thể như thế vì đây không phải là tính chất của việc biểu lộ quả vị Ki-tô. Ở đây, con cần nhận ra là có một lúc nào đó trong quá khứ con đã lý luận và chấp nhận niềm tin là con sai quấy khi thách thức hiện trạng, đáng lẽ con không được thách thức sa nhân, đáng lẽ con không được thách thức những người chung quanh con. Con đáng lý phải tuân theo chuẩn mực quy định hành vi và lời nói được xã hội chấp nhận.

Thầy cần con nhận ra là người khác phản ứng tiêu cực với con và con nhận phản ứng tiêu cực này vào trong bản thể của con và con chấp nhận tin tưởng con đã sai quấy khi đứng lên khỏi đám đông. Sau đó, thày cần con nhìn vào niềm tin này và nhận ra nó được tạo ra bởi một phàm linh nội tại, một ngã tách biệt và nó vẫn còn ở trong con. Con yêu dấu, con cần bắt đầu nhận ra một cách ý thức nó chỉ là vậy: nó chỉ là một phàm linh nội tại, nó chỉ là một ngã tách biệt – nó không phảicon. Con không phải là vậy. Con thật ra không cảm thấy sai quấy khi con biểu lộ quả vị Ki-tô của mình, khi con đứng lên khỏi đám đông, khi con thách thức hiện trạng.

Phàm linh nội tại cảm thấy sai quấy và do đó nó luôn luôn tìm cách ngăn cản con biểu lộ quả vị Ki-tô. Một cách nó làm là khiến con nghĩ là biểu lộ quả vị Ki-tô dính liền với một điều kiện bên ngoài trên trái đất. Một cách khác là nó khiến con phải cảm thấy hổ thẹn, con phải cảm thấy tội lỗi khi con làm điều gì không được xã hội chấp thuận. Để tránh không đau lòng vì cảm xúc hổ thẹn, con điều chỉnh hành vi bên ngoài của con, điều chỉnh ngay cả cách con nhìn cuộc sống trên trái đất – những gì con có thể làm, những gì con không làm được, đến ngay cả cách con nhìn chính mình. Có nhiều khía cạnh của quan hệ của con với cuộc sống trên trái đất bị cơ chế này ảnh hưởng.

8.5. Tìm cách bù đắp những gì sai quấy

Các thày có nói về khuôn nếp phản ứng xảy ra khi con có một phản ứng trong tâm trước một hoàn cảnh bên ngoài. Vì phản ứng nội tâm đó, con đi vào một khuôn nếp cư xử, xúc cảm hay tư tưởng. Thày muốn nêu ra một khía cạnh khác nữa là những khuôn nếp phản ứng đó đặt con vào một trạng thái tâm nào đó và tạo nên một khuôn nếp bù đắp trong con. Nói cách khác, con có trạng thái tâm là có chuyện gì đó không ổn và bây giờ con tìm cách bù đắp lại. Điều này đã được biểu hiện một cách hiển nhiên và thô sơ, tỷ dụ trong Cơ đốc giáo, qua khái niệm tội lỗi.

Khái niệm con đã có tội khi được tạo ra, con đã làm điều gì sai quấy trong kiếp sống này, và con cần bù đắp lại. Con cần hoặc làm một điều gì để đền bù hoặc con phải đau khổ một thời gian và sau đó con trả xong tội. Bên phương Đông con có quan niệm nghiệp quả qua đó con người cảm thấy họ đã tạo nghiệp và nay cần cân bằng nghiệp quả. Có cả đệ tử chân sư thăng thiên nghĩ rằng họ đã tạo nghiệp trong những kiếp trước và nay cần bù đắp lại bằng cách đọc chú thỉnh ánh sáng tím để cân bằng nghiệp quả. Con có thấy chăng đây là khuôn nếp bù đắp?

Điều đã xảy ra là nhiều người trong các con tin là con có cái gì sai trái, hay ít ra có gì sai trái với việc con ở trên trái đất, và con cần bù đắp lại. Thày muốn lưu ý con là một cách chính mà khuôn nếp bù đắp đã ảnh hưởng con là trong cách con quan niệm con đường tâm linh, trong đó có giáo lý các thày, và khoá học này.

Con có cảm giác có gì không ổn với chính mình hoặc con đã làm gì sai quấy trong quá khứ. Khi con tìm ra con đường tâm linh, khi con tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên, con được học về nghiệp quả, về luân hồi và khả năng cân bằng nghiệp quả, và con lao mình vào công việc đó với một lòng hăng hái đáng khen nhưng cũng phát xuất từ khuôn nếp bù đắp. Con tìm cách bù đắp lại những lầm lẫn mà con đã phạm trong quá khứ. Con thấy nhiều đệ tử tìm ra giáo lý các thày và tới điểm nhận ra cơ hội cân bằng nghiệp quả. Họ trở nên rất sốt sắng trong việc đọc chú và thỉnh, tỷ dụ để cầu thỉnh ánh sáng tím. Họ bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày đọc chú và thỉnh. Nhiều đệ tử đã làm vậy trong nhiều năm hay nhiều chục năm.

8.6. Vượt qua khuynh hướng ám ảnh và cưỡng bức

Nếu chúng ta nói một cách hoàn toàn thành thực và không nể nang, thì ta thấy cách nhiều đệ tử tu tập, đặc biệt cách họ đọc chú và thỉnh, thực sự là chứng bệnh mà các tâm lý gia gọi là chứng loạn thần ám ảnh và cưỡng bức (obsessive compulsive disorder). Con yêu dấu, tâm lý như vậy không lành mạnh. Trên đường dài, quan niệm này không lành mạnh cho con và các thày không muốn thấy con làm vậy.

Con có thấy chăng là lối hành xử đó do khuôn nếp bù đắp tạo ra vì con cảm thấy có điều gì con cần bù đắp? Bây giờ, nhiều người trong các con sẽ nói: “nhưng có phải chăng là con đã gây tội trong quá khứ, có phải chăng là con đã tạo nghiêp và bây giờ cần cân bằng nghiệp quả? Có phải là thày bây giờ nói là con không cần cân bằng nghiệp quả?” Con yêu dấu, đây là tâm đường thẳng đang nói đó, và thày muốn con bỏ phản ứng này qua một bên và thực sự nghe và hiểu điều thày sắp giảng.

Thày không bao giờ nói là việc con đọc chú và thỉnh là điều sai quấy. Nó thực sự đã cần thiết cho con. Con quả thực có nghiệp và con cần cân bằng nghiệp quả. Điều thày muốn nói là con nay đã tới điểm con có thể đứng lui lại, xem xét tình hình và nói: “Lẽ đương nhiên là ở tầng tâm thức này, tôi chưa hội đủ điều kiện để thăng thiên. Tôi chưa cân bằng hết nghiệp quả. Không phải là tôi phải ngưng đọc chú và thỉnh, nhưng có lẽ tôi nên đứng lui lại, và quan niệm con đường tu, kể cả việc đọc chú và thỉnh, với một thái độ khác. Tôi không đọc vì bị thúc đẩy bởi khuôn nếp bù đắp đã được tạo ra khi tôi phản ứng lại với sa nhân.

Thày muốn con tới điểm không tu tập dựa trên phản ứng đối với sa nhân nhưng dựa trên đáp ứng với các chân sư thăng thiên. Có thể nhiều người trong các con nghĩ là các con đang đáp ứng với các chân sư thăng thiên vì các con đang theo giáo lý các thày. Con đang phần nào làm vậy nhưng con không hoàn toàn tu tập dựa trên đáp ứng với các thày. Trong bốn thể phàm con có cơ chế bù đắp do sa nhân đã làm con tin rằng con sai quấy và con chỉ có thể sai quấy khi con ở trên trái đất. Do đó, con tìm cách bù đắp lại và con dùng các kỹ thuật của chân sư thăng thiên để bù đắp. Điều này chấp nhận được cho tới điểm này, nhưng bây giờ con không cần lôi nó theo con nữa. Sự thật là con không thể an bình với chính mình nếu con còn lôi cơ chế này theo con.

8.7. Sự trớ trêu của việc đổ lỗi cho mình vì đã đổ lỗi cho mình

Thày cần con đứng lui lại và thấy sự trớ trêu của tình trạng này. Có một sự rất trớ trêu, vì con có thể nhận ra, nếu con thành thật, là con có một phản ứng khi thày nói lên những điều trên. Rất có thể là con đã cảm thấy mình sai quấy vì có cơ chế bù đắp, và đây lại thêm một điều nữa sai quấy với con, và nó cần phải thay đổi, nó cần phải cải sửa. Có thể là con đã phản ứng với một số cảm xúc, nhưng con có thấy điều trớ trêu ở đây chăng? Thày đang chỉ cho con thấy là con có khuynh hướng nghĩ mình sai quấy vì ở đây. Khi thày chỉ cho con điều đó, con đã phản ứng ra sao với lời nói của thày? Con phản ứng với cùng cơ chế khiến con cảm thấy con sai quấy vì đã có khuynh hướng cảm thấy mình sai quấy. Con có thấy chăng đây là điều mà các khoa học gia gọi là suy luận nghịch hành vô tận? Nó là một vòng khép kín, một cái máy chạy bộ. Con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó.

Thày chỉ cho con thấy là con có khuynh hướng đổ lỗi cho mình, và con lại đổ lỗi cho mình là con có tật đổ lỗi cho mình. Khi nào thì cơ chế này mới ngưng? Khi nào thì phản ứng này mới ngưng? Con yêu dấu, nó sẽ ngưng khi con nhận ra đây là một trong những cái máy chạy bộ mà con không thể thoát ra được nếu con cứ tiếp tục chạy trên đó.

Nếu con không có hình ảnh này trong đầu, thì con hãy lên mạng Internet và tìm xem phim về con chuột nhỏ nuôi trong lồng chạy trên một bánh xe. Sau đó con hãy tự hỏi mình một câu giản dị: “Con chuột có bao giờ ra khỏi bánh xe bằng cách chạy nhanh hơn không?” Câu trả lời đương nhiên là “Không”. Con chuột có chạy nhanh bao nhiêu nó vẫn không thể ra khỏi bánh xe. Chuyện có thể xảy ra là nó mệt lả, hay bị đau tim và chết, nhưng đó là cách duy nhất thoát ra khỏi bánh xe chạy.

Con nhận ra là máy chạy bộ mà thày nói đến nằm trong tâm lý của con. Cái máy chạy bù đắp đó có thể khiến con chạy càng lúc càng nhanh hơn trong cuộc sống bên ngoài, đọc càng ngày càng nhiều bài chú, làm càng ngày càng nhiều chuyện – bù đắp, bù đắp, bù đắp. Cả cuộc đời con trở thành cơ chế bù đắp khiến con chạy càng ngày càng nhanh cho tới khi con bị đau tim và chết. Cơ chế nằm trong ba thể cao của con và do đó con mang nó theo kiếp sống tới. Và sau đó, trong kiếp sống đó, con lại làm việc cho đến khi xác thân vật lý mệt lả và con chết, và con cứ tiếp tục như vậy từ kiếp này sang kiếp khác.

Sư thực là có những người đã sống như vậy. Có đệ tử chân sư thăng thiên đã làm như vậy và đang làm trong kiếp sống này điều mà con đã làm trong ba hoặc bốn kiếp trước. Câu hỏi duy nhất của thày là: “Có bao giờ con bước ra khỏi cỗ máy chạy bộ ở tầng xúc cảm, tư tưởng và bản sắc bằng cách chạy nhanh hơn trong thể vật lý, và luôn cả trong ba thể cao?” Lẽ dĩ nhiên là con không thể thoát được bằng cách đó. Không có mục tiêu đường thẳng nào mà con có thể hoàn thành trên cỗ máy chạy bộ vì nó chỉ có thể đi theo một vòng tròn luẩn quẩn. Con phải làm gì? Con cần ngừng vật lộn. Lúc đó, cỗ máy chạy bộ sẽ ngưng lại và con có thể nhảy ra khỏi nó.

8.8. Dùng một giáo lý để đổ lỗi cho mình

Thày muốn con nhận ra khuôn nếp đổ lỗi cho mình và ngay cả dùng giáo lý của các thày để đổ lỗi cho mình, để cảm thấy mình lại làm thêm một điều sai quấy nữa. Đây lại thêm một điều mà con cần bù đắp, và bây giờ con cần cảm thấy hổ thẹn và chạy nhanh hơn nữa. Thày cần con giản dị đứng lui lại và nói: “Tại sao tôi lại phải cảm thấy hổ thẹn với chính mình khi tôi đang tu trên con đường của các chân sư thăng thiên?”

Con yêu dấu, chắc con nhận ra là trong các kiếp trước, và có thể ngay trong kiếp này, con đã gặp các thày giả. Giáo hội Công giáo là một tổ chức muốn thành viên cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Giáo hội muốn thành viên cảm thấy họ là người tội lỗi vì đó là cách duy nhất khiến họ quy phục điều giáo hội ra lệnh cho họ và không chất vấn sự phi lý của học thuyết của giáo hội.

Con nhận ra là có nhiều thày giả trên thế giới muốn con cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Họ thực sự lợi dụng cơ chế bù đắp của con để giữ con tham gia điều họ đang muốn con tham gia để lấy năng lượng của con. Con yêu dấu, các thày là chân sư thăng thiên. Các thày không cần năng lượng của con và các thày nhất định không muốn con cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Các thày không muốn con tu tập trên con đường mà các thày cống hiến với cơ chế bù đắp khiến con cảm thấy cần phải làm càng ngày càng nhiều hơn để tránh không cảm thấy hổ thẹn với chính mình trong nội tâm. Con yêu dấu, thày không cần con chạy trên bất cứ cỗ máy chạy nào để có thể theo những khai ngộ ở khóa nhập thất của thày. Thày không muốn con ở trên bất cứ cỗ máy chạy nào. Mong muốn chính của thày ở tầng này là giúp con bước ra khỏi cỗ máy chạy trong thể tình cảm, tư tưởng và bản sắc của con để con cảm thấy (khi con ngừng chạy, khi con ngừng tìm cách bù đắp) nó tự nhiên chậm lại và ngừng hẳn. Con nhảy ra ngoài nó, con nhìn lại cái ngã đó, con nhìn phàm linh nội tại đó và con nói: “Satan hãy bước ra sau lưng ta, ta không cần ngươi trong đời ta nữa.”

Con yêu dấu, một lần nữa thày đã từng hiện thân trên trái đất. Đa số các chân sư thăng thiên cũng vậy, và chắc chắn là tất cả các Thượng sư đều đã như vậy. Các thày đã từng tạo ra cho mình các cơ chế bù đắp, các thày đã từng ở trên cỗ máy chạy bộ. Các thày biết rõ thực trạng đó. Các thày biết là bước ra khỏi cỗ máy là điều khó làm, nhưng các thày biết là có thể làm được. Các thày biết là con sẽ cảm thấy tự do hơn nhiều, an bình hơn nhiều khi con bước ra khỏi cỗ máy chạy khiến con dùng giáo lý tâm linh và dụng cụ tâm linh để bù đắp điều con nghĩ con đã sai quấy trong quá khứ.

8.9. Tha thứ mình đã phản ứng

Con yếu dấu, thày Hilarion đã giảng một bài rất, rất quan trọng mà một số trong các con chưa neo chặt mình vào. Thày Hilarion nói là khi con xuống đầu thai, con không chỉ giản dị đi xuống tầng thứ 48, và hiện thân lần đầu ở tầng 48. Để đi xuống tới tầng 48, con cần đi qua tất cả các tầng ở trên, bắt đầu bằng tầng 144. Thày Hilarion cũng nói là khi con đi xuống một tầng tâm thức, con lấy vào ảo tưởng liên hệ với tầng đó.

Con yêu dấu, con có hiểu chăng điều thày đang muốn giảng? Cách con xuống trái đất, dù con là một a-va-ta từ hành tinh khác đến hay là một cư dân nguyên thủy, không quan trọng. Nếu con là một a-va-ta, bất kỳ con ở tầng tâm thức nào trước khi tới trái đất, con vẫn xuống tầng 48 khi đầu thai lần đầu, và điều này có nghĩa là con nhận vào tất cả các ảo tưởng ở trên tầng 48. Bây giờ, con yêu dấu, điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là con có thể là một a-va-ta tới đây từ một hành tinh tự nhiên, và với tầng tâm thức của con ở đó con có thể tránh phản ứng lại sa nhân.

Ngày hôm nay, con có thể cảm thấy là đáng lẽ con phải tránh phản ứng lại sa nhân, nhưng con cần nhận ra là mục đích con xuống đầu thai ở đây là chứng minh cho mọi người trên trái đất thấy là con có thể bắt đầu ở tầng 48 và vươn lên những tầng tâm thức cao hơn. Do đó, con phải xuống tầng 48. Khi con xuống tầng 48 trên trái đất, con sẽ phản ứng với những điều sa nhân bắt con chạm trán với tầng tâm thức 48. Con không có cách phản ứng nào khác vì lúc đó con nhìn đời sống trên trái đất với phin lọc nhận thức của tất cả các ảo tưởng mà con phải mang vào khi con xuống tầng 48.

Con yêu dấu, con không thể phản ứng cách nào khác trên trái đất. Điều này có nghĩa là không ai trên cõi thăng thiên chê trách con vì con đã phản ứng như vậy với sa nhân. Các thày đều đã làm giống con, và đó là lý do vì sao không ai trên cõi thăng thiên muốn con chê trách mình vì đã phản ứng như thế với sa nhân. Con yêu dấu, con phải hiểu là ở tầng tâm thức 48, có một phản ứng cao và một phản ứng thấp, nhưng phản ứng cao ở tầng 48 không phải là trình độ tâm Phật qua đó con hoàn toàn không dính mắc. Điều này chỉ tới với tầng tâm thức 144.

Việc con đã phản ứng với một phản ứng thấp hơn là điều không thể tránh được. Con phải làm như vậy để chứng minh là con có thể vượt lên trên phản ứng đó. Con yêu dấu, con phải hiểu là sa nhân đã phóng chiếu một tâm thức cho rằng nếu con là một người tâm linh (dù con là một cư dân nguyên thủy đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn hay con là một a-va-ta), con đáng lẽ không bao giờ được phản ứng một cách tiêu cực, bất toàn. Do đó, sa nhân (khi con dám biểu lộ quả vị Ki-tô trong quá khứ) đập dí con xuống. Họ khiến con phản ứng tiêu cực và bây giờ họ khiến con chê trách mình vì đã có phản ứng tiêu cực đó. Con có cảm giác đó vì con cảm thấy giống như chuyện Humpty Dumpty trong bài đồng dao, con ngồi trên đầu tường té xuống và tất cả người và ngựa của nhà vua không thể ráp con nguyên vẹn trở lại được. Con cảm thấy con không thể xóa bỏ chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Do đó, con bị kẹt vào cỗ máy chạy bộ không ngừng để tìm cách bù đắp lại.

8.10. Cách duy nhất để khắc phục quá khứ

Con yêu dấu, thực ra con có thể xóa bỏ những gì con đã làm trong quá khứ. Nhiều người trong các con chưa hiểu ra điều này với tâm ý thức. Con có thể làm gì để xóa bỏ chuyện con đã làm trong quá khứ? À, thày đã nói rồi nhưng thày sẽ nhắc lại ở đây. Con không thể thay đổi hành động vật lý đã xảy ra trong quá khứ nhưng hành động vật lý không quan trọng nữa vì thời gian đã trôi qua. Điều quan trọng là phàm linh mà con mang theo trong bốn thể phàm. Con yêu dấu, con có thể tách mình ra khỏi phàm linh, đuổi nó đi và cho nó chết. Khi con xóa bỏ phàm linh, con cũng xoá bỏ chuyện con đã làm trong quá khứ.

Đây là sự bù đắp tối hậu và nó là sự bù đắp duy nhất hữu hiệu. Con phải hiểu là có một phàm linh khiến con ở trên cỗ máy chạy, cảm thấy là con cần luôn luôn chạy nhanh hơn, con cần phải làm gì đó để đền bù những điều sai quấy con đã làm trong quá khứ. Con có biết câu nói bình dân: “Hai điều sai trái không đưa đến một điều đúng.” Con yêu dấu, con có thấy chăng là: “Hai điều đúng không đền bù được một điều sai trái?” Bất kể bao nhiêu điều đúng con làm, con sẽ không bao giờ đền bù chuyện sai trái mà con đã làm trong quá khứ khi phàm linh mà con đã tạo ra vẫn còn tồn tại trong các thể cao của con.

Có những người, có mặt trong hầu hết các tôn giáo và tổ chức tâm linh, đã trong nhiều kiếp tìm cách đền bù một điều sai trái nào đó mà họ đã làm trong quá khứ, bằng cách làm điều đúng theo giáo lý của tôn giáo hay tổ chức tâm linh của họ. Thí dụ, có những người bên Tây Tạng bỏ ra cả đời mình xoay bánh xe cầu nguyện, nghĩ rằng hành động này sẽ đền bù cho một điều sai trái mà họ đã làm trong quá khứ. Có những người khắp nơi đọc kinh, dự lễ, đốt nến, tập yoga, đọc chú, và vân vân.

Con yêu dấu, có một khía cạnh máy móc là khi con làm điều gì, con tạo nghiệp. Con có thể cân bằng nghiệp quả đó bằng cách, thí dụ, đọc một số lượng bài chú nào đó. Nhưng khi con đã tới tầng này của con đường tự điều ngự, con cần nhận ra là vấn đề chính yếu của con bây giờ không phải là cân bằng nghiệp quả. Khi con đã vươn lên tầng này, khi con đã đọc số lượng bài chú bài thỉnh, hầu hết các con đã trên con đường cân bằng nghiệp quả, ít nhất là phần lớn nghiệp quả. Không phải là con cân bằng hết nghiệp quả khi con hòan tất khóa học này. Con trên con đường cân bằng hết nghiệp quả ở cuối đời này vì con cần nhận ra rằng ở mỗi tầng cho tới tầng 144, có một số lượng nghiệp quả cần được cân bằng ở tầng đó.

Điều quan trọng không phải là cân bằng tất cả nghiệp quả ở tầng này của con đường tu, nhưng điều quan trọng là cân bằng nghiệp quả cho tới tầng tâm thức hiện nay của con. Con có thấy điểm này chăng? Con có thể bị chậm trễ trong việc cân bằng nghiệp quả , nhưng con cũng có thể tới điểm con bắt kịp ở tầng tâm thức hiện nay trên con đường tu, có nghĩa là con không còn nghiệp quả tàn dư nào từ các tầng thấp hơn. Con đã cân bằng tất cả nghiệp quả cho tới tầng mà con đang ở dù đó là tầng 48, hay 56, hay 63, hay 85. Con đã cân bằng hết nghiệp quả đó, và như vậy có nghĩa là con đã bắt kịp, và con không cần bận tâm chuyện cân bằng nghiệp quả nữa. Khi con tiếp tục đọc chú và thỉnh ở các tầng cao hơn, con sẽ tiếp tục cân bằng nghiệp quả ở các tầng đó.

8.11. Không có gì sai trái với con cả

Điều mà thày quan tâm ở điểm này là dẫn con tới điểm con nhận ra là vấn đề là làm tan đi các phàm linh nội tại đó. Con yêu dấu, đây là phàm linh mà con cần khắc phục ngay lúc này: cảm giác con có gì sai trái.

Con yêu dấu, con có hiểu chăng là sa nhân muốn con cảm thấy là vươn lên tầng tâm thức này của con là điều sai trái? Đầu thai vào trái đất và vươn lên tới tầng này là điều sai trái. Họ muốn con cảm thấy như vậy vì con là một mối đe dọa cho họ, và chắc hẳn con thấy được là đây không phải một điều con muốn chấp nhận. Con không muốn chấp nhận lập luận của họ, và lẽ dĩ nhiên con không sai trái khi con vươn lên tầng tâm thức hiện nay của con. Con cần buông bỏ cơ chế đó đi. Con cần tới điểm con chấp nhận một cách ý thức sự kiện đơn giản sau: “Không có gì sai trái với tôi cả”. Có thể con cần (như người sứ giả này đã làm nhiều năm trước đây) trải qua một giai đoạn con dùng câu này như một lời khấn nguyện. Con giám sát mình và con nhận ra (đôi khi vì một hoàn cảnh bên ngoài, đôi khi chỉ đột nhiên xuất hiện) là có một xung lực khởi lên trong con nói rằng con đã sai quấy, con đã làm điều gì sai quấy, rằng con không được làm điều này, con không được làm điều kia. Có thể con cần một giai đoạn giám sát mình, và khi xung lực khởi lên, con hóa giải nó bằng cách nói trong ý thức, hoặc ra lời hoặc nói thầm: “Không có điều gì sai trái với tôi cả. Tôi hoàn toàn chấp nhận là không có điều gì sai trái với tôi cả.”

Con yêu dấu, khi con làm điều này và tiếp tục làm điều này, thì con sẽ tới điểm con tách mình ra khỏi phàm linh đó, ngã tách biệt đó. Con có thể nhìn nó và cảm thấy nó không ảnh hưởng con được nữa. Lúc đó, nó tan đi vì cái giữ cho nó sống là năng lượng mà con cho nó khi con tin vào ảo tưởng có điều gì sai trái với con.

8.12. Con không sai trái vì ở trên trái đất

Con yêu dấu, con thấy chăng là điều các thày mong muốn trong khóa học này là giúp con vượt qua ảo tưởng ở mỗi tầng tâm thức giữa tầng 48 và 96. Một trong những ảo tưởng này là ý tưởng có điều gì sai trái với việc con ở trên trái đất.

Nếu con là một a-va-ta thì trên một hành tinh tự nhiên con chưa bao giờ trải nghiệm lời cáo buộc có cái gì sai trái với con. Trong quá khứ xa, trước khi trái đất rơi vào nhị nguyên, nếu con là cư dân nguyên thủy con cũng không trải nghiệm điều này. Do đó, con có trong con cảm giác là thực sự con không có gì sai trái. Bởi vì con đã quá nhiều lần trải nghiệm bên ngoài (qua sa nhân và qua người khác và xã hội nói chung) lời cáo buộc con có gì sai trái, nên con đã đi tới điểm nghĩ rằng có lẽ điều gì sai trái với việc con ở trên trái đất. Có thể là trái đất đã khiến con sai trái, đã khiến con cảm thấy mình sai quấy? Lẽ dĩ nhiên, đó là một lý do khiến con khó chấp nhận là mình đang ở đây.

Nếu con nhìn lại chính mình, thì có lẽ con nhận ra là nhiều người tâm linh đã cảm thấy bị xã hội ruồng bỏ. Khi con là trẻ thơ, con đã cảm thấy mình không hòa nhập với trẻ em khác, không có ai con có thể nói chuyện về những niềm tin tâm linh của mình. Nhiều người trong các con đã bị chế giễu vì những niềm tin tâm linh của mình. Nhiều người trong các con có thể đã tìm ra một phong trào tâm linh, theo nó một thời gian và sau đó (khi con bắt đầu đặt một số câu hỏi thách đố hiện trạng của phong trào đó) con bị phong trào đó trù dập.

Con có thể đã có cảm giác: “Tôi thuộc về đâu, tôi hòa nhập được với ai?” Lẽ dĩ nhiên, điều này đã nuôi dưỡng cơ chế bù đắp mà thày đã phơi bày. Một khi con buông bỏ được cơ chế đó, con có thể tới một tầng của con đường tâm linh hoàn toàn dựa trên tình thương. Con không đi trên con đường tâm linh để bù đắp bất cứ điều gì. Con theo con đường tâm linh vì có điều gì đó mà con thương yêu, bất kể tình thương này thể hiện ra sao cho mỗi người. Đối với con, đó là một động lực dựa trên tình thương, không phải một động lực dựa trên bù đắp.

8.13. Vượt qua nỗi sợ sáng tạo

Đây là diểm con khắc phục chứng loạn thần ám ảnh và cưỡng bức và bắt đầu tu theo cách không ám ảnh, không cưỡng bức. Đây không phải là tâm thần loạn động, mà chỉ giản dị là động lực tự nhiên, dựa trên tình thương, thúc đẩy con vươn lên cao hơn, trải nghiệm cái gì hơn nữa và muốn biểu hiện cái hơn nữa.

Con yêu dấu, sự thực là khi con còn bù đắp, con không thể cảm thấy tự do biểu hiện mình, con không thể cảm thấy tự do sáng tạo. Con sẽ sợ không dám sáng tạo, vì sáng tạo là gì? Sáng tạo là vượt lên trên hiện trạng. Con chỉ sáng tạo khi con vượt lên trên hiện trạng. Khi con bù đắp, mong muốn bù đắp này thật sự dựa trên hiện trạng vì con nói: “Hiện trạng là tôi làm điều gì đó sai trái trong quá khứ và tôi cần bù đắp lại.”

Bù đắp và sáng tạo xung khắc nhau và con sẽ không bao giờ là một sinh thể hoàn toàn sáng tạo khi con còn tìm cách bù đắp lại điều gì đó. Lẽ dĩ nhiên, có người được coi là nghệ sĩ nhưng lại bị thúc đẩy bởi khuôn nếp bù đắp trong tâm lý và tìm cách bù đắp qua tác phẩm của họ. Con cũng có thể thấy có người bị ám ảnh với việc vẽ càng nhiều tranh càng tốt, hay khắc càng nhiều tượng càng tốt, hay điều gì khác. Con có thể thấy nhiều nghệ sĩ, thí dụ, thực sự bị thúc đẩy bởi chứng loạn thần ám ảnh và cưỡng bức để biểu hiện nghệ thuật thách đố hiện trạng. Dù họ đang thách đố hiện trạng, họ không thực sự thách đố một cách sáng tạo. Đó là lý do vì sao rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tân thời không cân bằng và không thẩm mỹ. Chúng tơi tả, bất hài hòa. Chúng được tạo ra với ý định khiêu khích, nhưng chúng không nâng tinh thần người thưởng ngoạn mà chỉ làm gai mắt họ qua sự thiếu thẩm mỹ.

Nhiều người có quan niệm cái gì là thẩm mỹ nhưng nhiều nghệ nhân tân thời đã tìm cách bù đắp vì họ cho rằng đó là hiện trạng cần thách đố. Con yêu dấu, con thấy chăng là thẩm mỹ không phải là một vấn đề hiện trạng, tuy rằng, lẽ dĩ nhiên, trong quá khứ đã có nhiều thí dụ một lối vẽ nào đó được coi là cách vẽ duy nhất và do đó nó trở thành hiện trạng. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt vì có một số nét đẹp, một quan niệm về cái đẹp, mà con có trong con và đa số tác phẩm nghệ thuật tân thời giản dị nằm ngoài quan niệm đẹp của đa số con người. Các nghệ nhân này cảm thấy họ thách đố hiện trạng, nhưng họ lại có cơ chế loạn thần ám ảnh và cưỡng bức, và bù đắp, khiến họ cảm thấy cần thách đố hiện trạng của xã hội thay vì thách đố cơ chế bù đắp nơi chính họ. Họ chú tâm vào thay đổi xã hội thay vì thay đổi chính mình, thăng vượt tâm thức của chính họ.

Lẽ dĩ nhiên các thày muốn các đệ tử sáng tạo, nhưng các thày muốn con sáng tạo trên nền tảng của tình thương, chứ không phải dựa trên cơ chế bù đắp thúc đẩy con làm điều gì đó bất thường để gây chú ý. Con yêu dấu, thày đã chiếm nhiều chú ý của con với bài giảng này, và thày cảm ơn con đã chịu bước đi trên con đường mà thày vạch ra trước mắt con.

Mọi điều kiện trên trái đất đều là cơ hội, 12 đọan

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 14/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada, và thày chào đón con vào tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày. Con có thể nghĩ là bài giảng đầu của thày quá nghiêm khắc, nhất là vì thày là một chân sư phái nữ. Một số người vẫn chờ đợi là các chân sư nữ dịu dàng hơn các chân sư nam. Con yêu dấu, thật ra thày đã dịu dàng hơn một chân sư nam, vì nếu Đại thiên thần Michael đã trao truyền cùng thông điệp, thì nó đã nghiêm khắc hơn nhiều.

Con yêu dấu, con biết rằng, như các chân sư khác đã nói với con, con đã đến mức các thày không còn chơi trò chơi với con nữa. Các thày không còn cho con phiên bản dịu dàng của giáo lý. Các thày nói một cách tự do và thẳng thắn với con vì con đã tới mức sẵn sàng để nghe. Do đó không có lý do gì để chơi những trò chơi như con người thường chơi trên trái đất. Điều quan trọng không là ve vuốt tự ngã, tránh làm tự ngã tổn thương vì con đã tới điểm cần nhìn quá tự ngã, nhìn xuyên qua tự ngã. Con cần nhận ra khi nào phản ứng của con dâng lên, con biết chúng đến từ tự ngã. Do đó con có thể tách ra khỏi phản ứng và tránh không bị chìm đắm trong nó. Con có thể tránh không phản ứng theo phản ứng của tự ngã.

6.1. Điều không nên chờ đợi nơi chính mình

Điều này không có nghĩa là con không có phản ứng. Con yêu dấu, dĩ nhiên có câu chuyện Đức Phật, khi thày chứng ngộ lần cuối trước khi thành đạo, lúc đó thày tọa thiền dưới cội Bồ đề và ma vương Mara hiện ra. Ma vương tìm cách khiến thày phản ứng một cách nào đó. Vì thày không phản ứng nên thày đạt được chứng ngộ và thành đạo. Chúng ta không ở trình độ này. Con chưa tới điểm sẵn sàng thành đạo. Con đang ở tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày và con đang ở dưới tầng tâm thức 96. Các thày hoàn toàn không có ý định đòi hỏi con ngưng mọi phản ứng. Con yêu dấu, các thày không muốn con cảm thấy mình đã thất bại nếu con phản ứng trước những điều kiện của thế gian. Điều tự nhiên là con có phản ứng với thế gian ở tầng tâm thức hiện nay của con.

Điều mà các thày muốn con làm ở điểm này là bắt đầu nhận ra trong ý thức là phản ứng không tới từ con, tức là bản thể thật bên trong của con. Phản ứng đến từ cái mà các thày gọi là tự ngã của con, là một phàm linh nội tại hay một cái ngã tách biệt. Nói cách khác, đó là phản ứng của bốn thể phàm của con, nhưng nó không phải là phản ứng của con. Thày có đặt cho con mục đích là con tới được điểm con có thể đi lại trong bốn tầng của vũ trụ vật chất – con có thể sống trong đời – nhưng con không làm với tâm thức tách biệt. Con hành động, con sống một cuộc sống năng động. Con làm, nhưng con cũng không làm. Con làm với tâm đang là, tâm trong trạng thái bình an nội tại.

Khai ngộ mà con cần đạt được ở tầng thứ nhất là nhận ra là con không thể tạo ra bình an bằng cách làm, làm thêm một điều gì đó, làm thêm điều gì khác. Điều quan trọng không phải là khám phá ra bí quyết bí mật mà chưa ai đã tìm ra, và sau đó con sẽ tạo ra bình an. Không có bí quyết gì để khám phá cả – ngoài giáo lý mà các thày đã trao cho các con về tâm thức nhị nguyên và vươn lên trên nó. Lẽ dĩ nhiên, điều này sẽ xảy đến từ từ. Nó sẽ xảy đến từng phần. Khi con ở điểm này, các thày không đòi hỏi con hoàn toàn vượt lên trên tâm thức nhị nguyên và không có phản ứng gì trước những điều kiện trên trái đất.

Các thày muốn con bắt đầu tách mình ra khỏi phản ứng để nhận ra rằng, tuy phản ứng có mặt trong bốn thể phàm của con, chúng không thực sự là phản ứng của con. Lẽ dĩ nhiên, không có nghĩa là con lờ đi không để ý tới phản ứng vì con nhận ra là khi con có phản ứng, đây là chỉ dấu có một phàm linh nội tại, một cái ngã tách biệt, một phần của tự ngã đang phản ứng. Do đó, đây là cơ hội để con nhìn nó, tách mình xa khỏi nó và nhờ vậy thăng vượt khỏi nó, vượt lên trên nó.

Con hiểu chăng là khi thày nói là con đang ở trong một bãi cát lún và cả bốn tầng của thế giới vật chất là một hình thức cát lún, thì điều thày thực sự muốn nói là nếu con ở trong thế gian và phản ứng liên tục và cho phép mình bị lôi kéo vào những khuôn nếp phản ứng lại một điều kiện nào đó trong thế gian, thì con đang tạo nghiệp, con đang làm, và con đang chìm xuống cát lún. Chỉ khi nào con tới điểm thoát được một phản ứng nào đó thì thế gian cát lún mới không còn ảnh hưởng được con và con tránh bị lún xuống. Điều thày nói trong bài giảng trước là thày muốn con bắt đầu suy ngẫm điều gì tước đi sự bình an của con và khiến con làm, khiến con đi vào các khuôn nếp phản ứng thúc đẩy con làm.

6.2. Con tạo ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình như thế nào

Trong bài giảng này, thày muốn trình bày một khía cạnh của điều này, một cơ chế liên hệ. Thày có nói trước đây là đa số đệ tử tâm linh có một phản ứng đối với thế gian. Thực sự ta có thể nói là tất cả con người hiện thân đều có một phản ứng đối với thế gian. Ngay cả những người không đặc biệt gì tâm linh cũng có một phản ứng nào đó, một cách nhìn cuộc đời nào đó. Lẽ tự nhiên là sa nhân có phản ứng không muốn ở trên thế gian này, cảm thấy không công bằng là họ phải ở đây, vân vân. Các con là người tâm linh (đa số các con có lẽ là người từ hành tinh khác xuống đầu thai trên trái đất (avatar) nếu các con đã theo học khóa này, nhưng chắc chắn là khóa này cũng ứng dụng cho những cư dân nguyên thủy của trái đất) thì các con có một phản ứng, một cảm giác, là mọi chuyện trên trái đất không được ổn. Đây là một bí ẩn mà con cần giải đáp để tránh không bị kéo vào khuôn nếp phản ứng.

Lẽ tự nhiên là con có một Sứ vụ Thiêng liêng. Khi con thảo Sứ vụ Thiêng liêng này, con nhìn xuống trái đất và con thấy là có những điều kiện có thể nói là không tự nhiên trên hành tinh này. Con thấy là các chân sư thăng thiên có mục đích nâng hành tinh lên trên các điều kiện này, và con quyết định góp phần vào việc thực hiện mục đích này. Điều con cần nhận ra là khi thảo Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con ở trong một trạng thái tâm thức cao hơn. Nhưng không có nghĩa là con thảo Sứ vụ Thiêng liêng trong trạng thái tâm thức tối hậu, tức là trạng thái hoàn toàn không có tự ngã. Nhưng có nghĩa là con thảo Sứ vụ Thiêng liêng của mình trong trạng thái tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng vươn lên tới trong kiếp sống này. Sứ vụ Thiêng liêng của con có hai tầng. Một là những điều con muốn làm trong thế gian, những gì con muốn thực hiện. Tầng kia là con muốn tăng triển như thế nào, con muốn nâng tâm thức tới mức nào. Con cần nhận ra là Sứ vụ Thiêng liêng của con bắt đầu ở tầng tâm thức mà con có khi con rời kiếp sống trước, và định ra mục đích mà con và các vị thày của con lượng định là con có thể đạt được ở cuối kiếp sống này. Sứ vụ Thiêng liêng của con được tạo ra từ trạng thái tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng vươn tới trong kiếp sống này.

Lẽ dĩ nhiên là khi con xuống đầu thai, con bắt đầu ở cùng tầng tâm thức với lúc con hiện thân kiếp trước – nghĩa là tầng tâm thức thấp nhất trong khoảng tiềm năng của kiếp này. Điều này có nghĩa là con quên mất trạng thái tâm thức khi con thảo Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Các con thường có khuynh hướng nhìn Sứ vụ Thiêng liêng của mình với tư duy đường thẳng và nghĩ nếu các chân sư thăng thiên có một mục đích, tỷ dụ như chấm dứt mọi chiến tranh, và nếu con có mặt ở đây để giúp các thày, thì con cần lấy những biện pháp tích cực, con cần làm chuyện gì tích cực, để hoàn tất mục đích này.

Con yêu dấu, nếu con muốn thật sự hoàn tất mục đích con cần đạt trong Sứ vụ Thiêng liêng của kiếp sống này, trước hết con cần vươn lên trạng thái tâm thức cao nhất – không nhất thiết là trạng thái tuyệt đối cao nhất nhưng ít ra cũng gần tới đó – mà con có thể đạt được trong kiếp sống này. Nói cách khác, để hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng, con cần vươn lên một tầng tâm thức cao hơn khi con bắt đầu kiếp sống này. Lẽ dĩ nhiên con đã làm chuyện này. Tuy nhiên, điều thày muốn chỉ rõ là con dễ có cảm giác con cần làm điều gì đó tích cực. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên, khi họ khám phá ra giáo lý của các thày, họ quyết định với tâm vỏ ngoài, dựa trên tầng tâm thức của họ khi họ tìm ra giáo lý, là họ sẽ làm gì đó. Họ sẽ đọc bài chú, bài thỉnh và vân vân.

6.3. Con cảm thấy gì về trái đất?

Điều thày muốn con làm ở tầng này là để các việc đó qua một bên và nhận ra mục đích lúc này là vươn lên một tầng tâm thức cao hơn giúp con có một cái nhìn khác về Sứ vụ Thiêng liêng của mình, một cái nhìn khác về việc con cần làm trong kiếp này. Để làm điều này, ở tầng này thày muốn con một lần nữa nhìn trái đất với tâm ý thức hiện nay của con. Điều mà thày muốn các học viên tới khóa nhập thất của thày làm là chia ra thành nhóm nhỏ và nói lên họ nghĩ thế nào, họ cảm thấy thế nào về trái đất và hiện trạng của nó. Con cũng có thể tự làm điều này. Con có thể đi vào một căn phòng yên tĩnh, và nói lên cảm nghĩ của mình về trái đất, đời sống trên trái đất, con người, sa nhân và các vấn đề khác. Đa số học viên ở tầng này cảm thấy có cái gì không ổn trên trái đất, có cái gì đã đi sai đường.

Lẽ tự nhiên, nếu con là một người từ hành tinh khác đến đây, con còn nhớ đời sống trên một hành tinh tự nhiên như thế nào. Con biết trái đất ở trình độ thấp hơn một hành tinh tự nhiên rất nhiều. Nếu con là một trong những cư dân nguyên thủy của trái đất, con có (trong ký ức nội tâm) cảm nhận là có một thời trong quá khứ trái đất đã ở một trình độ cao hơn, nhưng nay thì đã rơi xuống thấp hơn. Thí dụ, trong quá khứ không có chiến tranh trên trái đất, nhưng nay thì có. Tất cả đệ tử tâm linh có cảm giác có chuyện gì không ổn, không đúng, cần được sửa, cần thay đổi. Đây là điểm ta cần xem xét bí ẩn.

6.4. Bí ẩn về việc thay đổi tình trạng trái đất

Con yêu dấu, dưới một tầm nhìn nào đó, tất cả các điều này đều chính xác. Các chân sư thăng thiên có muốn dẫn trái đất theo một tiến trình qua đó chúng ta nâng trái đất lên để một số biểu hiện, trong đó có chiến tranh, không còn có mặt nữa. Ta có thể quan niệm đây là một tiến trình đường thẳng. Ta bắt đầu ở một tầng nào đó, ta dần dần vươn lên tầng kế tiếp, và sau đó lên tầng kế tiếp, và vân vân. Chúng ta nâng tâm thức tập thể lên từng bước một cho tới lúc ta tới một bước ngoặt khi một biểu hiện bị chế phục. Điều này chưa xảy ra với chiến tranh. Nó đã phần lớn xảy ra với nạn nô lệ và một số điều kiện khác mà ngày nay con không còn thấy nữa, ít nhất là không còn thấy nhiều trong thế giới tiên tiến.

Có thể nói là một mục đích. Có thể nói là một tiến trình đường thẳng dẫn tới mục đích đó. Điều thày muốn con nhận ra là có một yếu tố trong tự ngã của con, có một phàm linh nội tại, có một cái ngã tách biệt đã chấp nhận (hay nói đúng hơn, đã được tạo ra bởi) tin tưởng là con không thể là một người tâm linh trọn vẹn, con không thể là một sinh thể Ki-tô, con không thể nào hoàn toàn bình an với mình nếu một điều kiện nào đó trên trái đất chưa thay đổi.

Con yêu dấu, con có thấy chăng là đa số người tâm linh cảm thấy có chuyện cần thay đổi, nhưng họ thường không nhận ra là bên dưới cảm giác đó là một phản ứng cá nhân khiến họ cảm thấy vì điều kiện đó như vậy nên họ không thể trọn vẹn là mình được. Tỷ dụ, con không thể hoàn toàn bình an, con không thể hoàn toàn chấp nhận mình ở đây trên trái đất, con không thể hoàn toàn vui hưởng cuộc sống, con không thể hoàn toàn tham gia vào đời sống hay con đường tâm linh. Có điều gì đó con không thể làm, có điều gì đó con không thể , vì có điều kiện bên ngoài không đúng như chúng phải là.

Con yêu dấu, đây hoàn toàn là một ảo tưởng mà con nhất thiết phải khắc phục. Thày không đòi hỏi con hoàn toàn khắc phục nó ở tầng này, nhưng thày muốn con bắt đầu có ý thức về nó. Có nhiều lý do vì sao cần như vậy. Trước hết, con sẽ không cảm thấy thoải mái với chính mình nếu con còn bị kẹt trong khuôn nếp này. Nó thực ra là một khuôn nếp phản ứng. Con nhìn vào các điều kiện trên trái đất và con phản ứng lại bằng cách cảm thấy mình bị hạn chế. Con cảm thấy con không thể nào trọn vẹn là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con bởi vì có điều kiện bên ngoài này, và đây là khuôn nếp phản ứng đang hạn chế con. Con không thể hoàn toàn cảm thấy thoải mái với chính mình nếu con còn khuôn nếp này. Con không thể nào hoàn toàn bình an trong nội tâm vì con không bình an với việc mình hiện thân trên trái đất này.

Nhiều học viên đã nghe thày nói là mục đích của khóa nhập thất của thày là con bình an trong chính mình. Họ không nhận ra rằng nếu muốn bình an trong chính mình, con cần bình an với chuyện sống trên trái đất, bình an với chuyện hiện thân trên trái đất. Do đó, họ không nhận ra là họ có một khuôn nếp phản ứng trong tiềm thức của họ nói: “Ồ, tôi không thể bình an khi điều kiện này vẫn còn như vậy.” Con có thấy chăng là có một cơ chế, một khuôn nếp phản ứng bên trong con đang ngăn trở con không bình an vì một số điều kiện bên ngoài như vậy?

Bây giờ, đối với trí suy luận đường thẳng, tâm vỏ ngoài, tự ngã, phàm linh nội tại, tự ngã tách biệt, chỉ có một giải pháp là điều kiện bên ngoài phải thay đổi. Có đệ tử chân sư thăng thiên đã theo học giáo lý các thày từ mấy chục năm, nhưng vẫn bị kẹt trong khuôn nếp chú tâm vào ngoại cảnh phải thay đổi, vì họ cảm thấy họ không thể an bình trong chính họ nếu điều kiện bên ngoài chưa thay đổi. Họ chú tâm đến phía ngoài họ, hướng sự chú ý đến việc làm sao đóng góp thay đổi điều kiện bên ngoài.

6.5. Nỗi bực dọc tinh tế trong nội tâm

Vì họ đương nhiên cảm thấy bất lực không thay đổi được nhiều điều kiện bên ngoài, như chiến tranh, nên họ cảm thấy bực dọc. Điều này khiến họ khởi ý niệm tinh tế đổ lỗi cho người khác, cho sa nhân, cho Ánh sáng Mẹ – hay bất kỳ điều gì khác. Trong nhiều trường hợp, họ đổ lỗi cho cả ba. Có nhiều học viên ở đây cảm thấy: “Tôi không thể an bình vì điều kiện bên ngoài chưa thay đổi, và điều kiện bên ngoài chưa thay đổi vì con người không chịu thay đổi, sa nhân vẫn hiện diện và Ánh sáng Mẹ vẫn tiếp tục biểu hiện những điều kiện này như trước và sẽ không thay đổi.” Họ cảm thấy bực dọc. Do vậy, con yêu dấu, làm sao thày có thể giúp con an bình với chính mình nếu con vẫn còn nỗi bực dọc này?

Thày cần con nhận ra nỗi bực dọc này, nói rõ ra nếu con thấy cần. Con hãy đi vào một căn phòng yên tĩnh, và nói lên nỗi bực dọc mà con cảm thấy. Sau đó, thày cần con nhận ra một điều giản dị, đó là: “Nếu tôi không thể thay đổi điều kiện bên ngoài, vậy có phải chăng là tôi không thể an bình?” Một số học viên tin như vậy. Thày làm tất cả những gì thày có thể làm ở cõi ê-the trong khóa nhập thất của thày để giúp họ hiểu là điều này không đúng. Thày muốn con làm tất cả những gì con có thể làm ở tầng tâm ý thức. Lẽ dĩ nhiên là các thày đã giảng điều này rồi, nhưng thày vẫn có học viên tới tầng khai ngộ này của khóa nhập thất của thày mà vẫn chưa hiểu ra điều này với tâm ý thức của họ.

Lập luận không thể thay đổi chính mình khi ngoại cảnh chưa thay đổi không đứng vững, vì toàn bộ ý nghĩa của giáo lý chân sư thăng thiên là con đi trên con đường tu để trở nên độc lập về mặt tâm lý, mặt tâm linh, mặt tâm lý-tâm linh, với các điều kiện trên trái đất . Đó là lý do vì sao Đức Phật đạt được khai ngộ khi ngài ngồi dưới chân cội bồ đề. Thày độc lập trên mặt tâm lý-tâm linh với mọi điều kiện trên trái đất. Không có điều kiện nào trên trái đất có thể ảnh hưởng thày vì thày không nghĩ có điều kiện nào trên trái đất có thể lấy đi sự bình an nội tâm của thày. Đáp số hiển nhiên cho câu đố bí ẩn là nếu con không thay đổi được điều kiện bên ngoài, con vẫn có được bình an nội tâm bằng cách tác động trên chính mình, thay đổi chính mình.

Đúng là rất có thể một phần Sứ vụ Thiêng liêng của con là đem lại một số thay đổi bên ngoài cho trái đất, nhưng Sứ vụ Thiêng liêng của con cũng bao gồm việc đạt được an bình nội tâm. Con cần nhận ra là con có mục đích bên ngoài và mục đích bên trong. Mục đích bên trong là sự tăng triển tâm thức của chính con, và không có điều kiện nào trên trái đất có thể ngăn chặn hay hạn chế sự tăng triển tâm thức của con. Con yêu dấu, ngược lại, điều kiện trên trái đất chính thật là những yếu tố giúp con tăng triển tâm thức. Chúng không phải là kẻ thù của sự tăng triển tâm thức của con; chúng là cơ hội cho con tăng triển. Làm sao con tăng triển tâm thức? Bằng cách vượt qua một phàm linh nội tại cá biệt khiến con phản ứng với một điều kiện nào đó trên trái đất. Khi con không còn phản ứng với điều kiện, con đã tăng triển tâm thức và lúc đó, con bước gần hơn tới sự bình an nội tâm của con.

Con yêu dấu, con có thấy chăng đây chính là mục đích của con đường tâm linh? Từ xưa đến nay vẫn luôn luôn như vậy. Các Thượng sư khác cũng đã nói điều này, nhưng có nhiều mức độ thể nhập chân lý này. Con có thể nghĩ con đã hiểu chân lý này khi con ở Tia thứ Nhất, Tia thứ Hai hay tia nào khác, nhưng có những mức độ hiểu sâu hơn. Ở tầng này, thầy cần con nhận ra là an bình nội tâm của con không dính dáng gì đến điều kiện trên trái đất. Nó là một điều kiện nội tâm. Không có điều kiện bên ngoài nào có thể ngăn cản an bình nội tâm của con. Nếu con đang nghĩ, hay trước đây có nghĩ, là có một điều kiện có thể ngăn cản bình an nội tâm của con, thì điều kiện đó là cơ hội để con vươn lên tầng cao hơn.

6.6. Điều gì khiến con trăn trở nhất trên trái đất

Con yêu dấu, con có thấy chăng là thày muốn con, ở tầng này, bước lui lại, nhìn vào cuộc đời, con đường tâm linh, và tâm lý của mình. Sau đó con hãy nhìn trái đất và nói: “Điều kiện nào khuấy động nhiều nhất sự bình an của con trên trái đất? Điều kiện nào thường khiến con cảm thấy phẫn nộ, cảm thấy không muốn ở đây, cảm thấy có điều gì đó không đúng, có điều gì đó đáng lẽ không được như vậy?” Con hãy nhận diện điều kiện đó, và nhận ra điều kiện đó chính là điều kiện con cần vượt qua ở tầng khai ngộ này của khóa nhập thất của thày. Điều kiện này không phải là kẻ thù của sự tăng triển tâm linh của con; nó là cơ hội cho con tăng triển. Do đó, điều kiện này giúp con tăng triển.

Làm sao con làm hòa với việc mình đang hiện thân trên trái đất? Tại sao con không an bình? Đó là vì con có một mục đích tâm linh, nhưng đâu đó trong bốn thể phàm của con cũng có một cơ chế ngăn cản con đạt được mục đích đó. Nó ngăn cản không cho con đạt mục đích vì con nghĩ con không thể đạt được mục đích nội tâm nếu điều kiện bên ngoài chưa thay đổi. Cơ hội tăng triển tâm linh chỉ là nhận ra rằng tất cả điều kiện trên trái đất là cơ hội để vượt qua dính mắc và khuôn nếp phản ứng.

Con yêu dấu, nếu con chuyển vọt tâm thức được như vậy, thì con sẽ bình an với việc hiện thân trên một hành tinh dày đặc và thấp như trái đất hiện nay. Điều thày mong muốn là giúp con vươn lên trên sự vật vã nội tâm liên tục khi con biết là mình đang hiện thân, con biết mình không thể búng tay và rời kiếp sống này, nhưng con cảm thấy bực dọc và bị hạn chế vì đang ở đây. Thày mong muốn giúp con chuyển vọt tâm thức, nhìn cuộc đời và nói: “Nhưng đây không phải là một hạn chế – đây là môt cơ hội.”

Thày biết là tâm của con sẽ khởi lên tư tưởng này: “Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra với các điều kiện bên ngoài? Có đúng chăng là tôi phải làm điều gì?” Con yêu dấu, tất cả điều thày muốn con làm, khi con đang trải qua các khai ngộ ở khóa nhập thất của thày, là con tạm thời để qua một bên ước muốn làm điều gì đó trong thế gian. Đúng thực là sau này con sẽ có thể làm gì đó, nhưng chuyện này sẽ xảy ra khi con có viễn kiến cao hơn. Con sẽ không có viễn kiến đó khi con còn chú tâm quá nhiều tới bên ngoài, thay vì chú tâm vào bên trong. Thày cần con, khi con đang trải qua các khai ngộ ở khóa nhập thất của thày, rút sự chú tâm có ý thức khỏi những gì con có thể thay đổi trong thế gian, và nhìn vào những gì con có thể thay đổi nơi chính mình. Thày cần con nhìn vào những gì lấy đi sự bình an của con, và nhìn điều kiện đó như một cơ hội.

Con yêu dấu, con đường tâm linh, con đường dẫn tới thăng thiên là con đường nội tâm, và nó thuộc nội tâm chính vì con không cần vượt qua bất cứ điều kiện bên ngoài nào. Con chỉ cần vượt qua điều kiện nội tâm mà thôi. Hầu hết các điều kiện nội tâm đó là những khuôn nếp phản ứng với những điều kiện bên ngoài trong đó con – hay đúng hơn là tự ngã, tự ngã tách biệt, phàm linh nội tại của con – tin rằng điều kiện bên ngoài có thể hạn chế tăng triển tâm linh của con.

6.7. Niềm tin đằng sau phàm linh nội tại

Con yêu dấu, các thày có nói về phàm linh nội tại, cái ngã tách biệt và các khía cạnh của tự ngã. Điều mà thày muốn con nhận ra là khi lần đầu tiên con nghe tới các khái niệm đó, con ở một tầng tâm thức nào đó. Do đó, trong tâm vỏ ngoài của con, con đã nhìn các khái niệm này dựa trên tầng tâm thức đó. Bây giờ thì con đã theo học khóa này cho tới điểm này với Tia thứ Sáu, con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn. Điều này có nghĩa là đã đến lúc con tiến lên một bước và có cái nhìn cao hơn về các khái niệm này.

Một phàm linh nội tại, một cái ngã tách biệt được hình thành như thế nào? Nó được tạo ra từ một tin tưởng nào đó. Thường thì các niềm tin này không được tạo ra từ bên trong tâm con vì chúng đã có mặt trong tâm thức đại chúng từ lâu rồi. Sa nhân đã tạo ra nhiều niềm tin đó, do đó có một số phàm linh tập thể. Sa nhân rất giỏi trong việc cho con gặp phải một điều kiện trên trái đất rất khó khăn trên diện vỏ ngoài dẫn tới một hoàn cảnh tạo chấn thương tâm lý. Để đối phó với điều kiện này, con tạo ra một cái ngã tách biệt, một phàm linh nội tại. Phàm linh nội tại này được tạo ra dựa trên một tin tưởng nào đó.

Niềm tin này có thể là, thí dụ, nếu chiến tranh còn có mặt trên trái đất (và do đó con có nguy cơ lại rơi vào chiến tranh) thì con không thể hoàn toàn an bình. Con lúc nào cũng phải đề phòng. Con lúc nào cũng cần biết là điều gì đó có thể xảy ra, một cuộc chiến có thể bùng nổ và con bị lôi kéo vào đó. Đó là lý do vì sao con thấy có rất nhiều người tâm linh, rất nhiều người thuộc khuynh hướng Thời đại Mới, tin vào các lời sấm kí tiêu cực. Họ lúc nào cũng đợi năm 2012 hay bất kỳ năm nào khác được sấm kí cho rằng sẽ có một thay đổi lớn lao, chấn động, hoặc sẽ có một khủng hoảng lớn hay một chiến tranh lớn. Họ lúc nào cũng tìm xem những sấm kí ghê gớm nhất và bị chìm đắm trong đó. Họ không thể buông bỏ chúng, và lý do đơn giản là vì họ có một phàm linh.

Con yếu dấu, một lần nữa, các thày không chê trách các con. Tất cả chúng ta, đã từng hiện thân trên trái đất, đều đã phải chịu chấn thương nặng dưới tay sa nhân. Có thể con không bị tấn công trực tiếp, nhưng con có thể đã bị dính líu vào một cuộc chiến. Thí dụ, con thấy gia đình mình bị giết, con bị giết, con chịu nhiều đau khổ, con bị thương tích, hay bất cứ thảm trạng gì khác. Tất cả chúng ta đã từng hiện thân đều đã gánh chịu những chấn thương đó. Không ai chê trách con vì con đã tạo ra phàm linh đó. Thày không muốn con cảm thấy hổ thẹn vì đã có những phàm linh nội tại đó. Các thày đều đã từng có chúng khi các thày hiện thân trên trái đất. Các thày cũng đã thăng thiên và không còn đầu thai nữa vì các thày đã khắc phục được chúng, từng phàm linh một. Đây là lý do: “Điều một người làm được, tất cả mọi người đều làm được”. Các thày đã làm được. Các thày biết là con làm được, và các thày chỉ hướng dẫn con qua hành trình đó – từng phàm linh một.

6.8. Làm sao khắc phục phàm linh phản hòa bình

Phàm linh mà thày muốn con giải quyết lúc này là phàm linh cho rằng con không thể bình an vì điều kiện này hay điều kiện kia có mặt trên trái đất và đáng lẽ nó không được có mặt. Thày muốn con bắt đầu tách mình ra khỏi phàm linh và nhận ra đây là một khuôn nếp phản ứng và nó không phải là phản ứng của con. Nó không phải là một điều con tin. Niềm tin này đã được lập trình vào phàm linh nội tại. Sau đó, con cần nhận ra là phàm linh nội tại sẽ không bao giờ vượt được ra ngoài niềm tin đã tạo ra nó.

Có đệ tử tâm linh (và dĩ nhiên, họ đang ở tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày là nơi Tia thứ Sáu phối hợp với Tia thứ Hai của minh triết) nghĩ rằng họ có thể lý luận với tự ngã của họ, với các phàm linh nội tại của họ, với các ngã tách biệt của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể nhìn vào một phàm linh, thấy là nó dựa trên một niềm tin nào đó, và đưa ra một luận cứ. Phàm linh sẽ đột nhiên thấy ra là nó sai và do đó, nó tan biến đi.

Điều này sẽ không xảy ra. Phàm linh sẽ không bao giờ thấy lập trình của nó có gì sai. Đối với phàm linh ảo tưởng tạo ra nó là sự thật tuyệt đối, không thể sai – và nó sẽ luôn luôn như thế. Điều con có thể làm là con tới điểm con hoàn toàn nhận ra ảo tưởng là ảo tưởng. Do đó, con cho phép phàm linh chết đi, con cho phép cái ngã tách biệt chết đi. Con cho nó tan biến đi vì con nhận ra: “Phàm linh này không phải là con. Nó đã từng là một phần của con, nhưng con không muốn kéo nó theo con thêm nữa. Con muốn buông bỏ nó.”

Đây là toàn bộ tiến trình tu tập trên con đường tâm linh. Thày biết là một số học viên sẽ cảm thấy thất vọng. Một số học viên đã nhận được thông điệp này trước đây vì các Thượng sư khác có đề cập đến một cách ít hay nhiều thẳng thắn. Một số học viên tới tầng này của khóa nhập thất của thày và chưa hoàn toàn thể nhập điều này. Khi họ phải đối mặt với sự thực này ở tầng ê-the thì họ cảm thấy thất vọng. Con cần nhận ra điều mà các thày đã luôn luôn nói, là khi con tham gia vào khóa học này con đi tới các trung tâm nhập thất của các Thượng sư vào ban đêm trong thể bản sắc của con. Điều con cần nhận ra là khi con tới khóa nhập thất trong thể bản sắc, con lãnh hội bài học, các sáng ngộ dễ dàng hơn nhiều khi so sánh với khi con ở trong tâm ý thức.

Điều thường xảy ra là học viên thấu hiểu ở tầng bản sắc, nhưng có sự chống kháng, thí dụ, ở thể cảm xúc hay thể tư tưởng, ngăn chặn họ hiểu ở tầng tâm ý thức. Ta có thể nói là các quyển sách, các bài truyền đọc và các bài thỉnh chỉ có một mục đích, đó là giúp con thấu hiểu ở tầng vật lý, ở tầng tâm ý thức những gì con đã hiểu ở tầng bản sắc để nó thấm xuống tâm ý thức của con. Do đó, con thể nhập nó, con hoàn toàn chấp nhận nó. Lúc đó, con có thể một cách ý thức nhìn thấu ảo tưởng, buông bỏ phàm linh, buông bỏ cái ngã tách biệt, và do đó, con có một thái độ cao hơn về cuộc sống.

Điều thày mong đạt được trong bài giảng thứ hai này là giúp con nhận ra con có một cơ chế chống kháng việc con hiện thân trên trái đất vì con cho rằng trái đất hay một số điều kiện nào đó trên trái đất đang hạn chế sự tăng triển tâm linh của con. Thày mong giúp con chuyển vọt tâm thức để thấy mọi điều kiện trên trái đất như cơ hội cho con vượt qua phàm linh nội tại đó, cơ chế nội tại đó, khuôn nếp phản ứng đó.

6.9 An bình với việc hiện diện trên trái đất

Khi con làm được điều này ở tầng tâm ý thức, thì con thật sự bình an với việc con đang ở đây trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên, thày biết rất rõ đời sống trên trái đất rất khó khăn. Con yêu dấu, một lần nữa, các thày không chỉ trích. Thày biết là có rất nhiều điều kiện trên trái đất lôi kéo con để khiến con phản ứng lại chúng. Thày biết là ngưng phản ứng rất khó. Thày cũng biết là thày không muốn con sống phần còn lại của kiếp sống này mà cảm thấy bực bội, cảm thấy mình không muốn ở đây, cảm thấy mình không muốn gia nhập cuộc sống hay con đường tu tâm linh. Thày muốn giúp con vươn lên trên phàm linh nội tại đang chống lại việc con đang sống trên trái đất để con cảm thấy bình an sống ở đây.

Con yêu dấu, nếu con đứng lui lại trong tâm ý thức, như con đã làm dễ dàng trong thể bản sắc, và nhìn trái đất với tầm nhìn rộng lớn hơn, với tầm nhìn toàn vũ, thì con có thể nhận ra là dù trái đất là một hành tinh tối đen, dày đặc và khó khăn, nhưng nó cũng là một cơ hội tăng triển lớn lao. Những người trong các con đang ở đây và đã tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên, các con có tiềm năng tăng triển lớn lao trong quãng đời còn lại. Để thực hiện tiềm năng này, con cần vượt lên trên phàm linh nội tại đang khiến con chống kháng việc con sống ở đây. Con đã chọn tới đây, và nếu con là một cư dân nguyên thủy, con đã chọn ở đây, con đã chọn ở lại đây. Trong nhiều trường hợp, các con đã chọn lựa như vậy vì con muốn nâng trái đất lên. Con có thấy chăng, vì đây là chọn lựa của con, sự việc con ở đây không phải là một sự trừng phạt. Việc con ở đây không phải là một sự bất công. Nó thực sự là một cơ hội mà con đã chọn vì con thấy đây là cơ hội tăng triển cho riêng cá nhân con – đây là cơ hội tốt nhất con có thể có được dựa trên tầng mức tăng triển tâm linh và toàn vũ hiện nay của con.

Nếu con có thể nhìn một cách ý thức vào dòng sống của con như con có thể nhìn ở cõi bản sắc (và dĩ nhiên là con có thể, nếu con sẵn sàng bước ra ngoài ý niệm bản sắc bình thường của con) thì con có thể hoàn toàn bình an khi con nhận ra con đã chọn hiện thân trong những điều kiện đặc thù của con vì chúng là cơ hội tối đa cho sự tăng triển của riêng cá nhân con.

6.10. Tăng triển cá nhân và phụng sự

Thày biết là có học viên ở tầng này sẽ nói: “Nhưng có phải chăng là mục đích của con đường tâm linh là khắc phục lòng vị kỷ? Có phải chăng là khi con đi xuống những tầng tâm thức thấp nhất trên trái đất, con càng đi xuống sâu thì con người càng ích kỷ và chỉ để ý đến tự ngã mình? Do đó, có phải chăng là có lúc trên con đường tâm linh chúng con cần chú tâm vào phụng sự một đại nghĩa cao hơn thay vì chỉ lo cho riêng mình?” Có học viên cảm thấy là thày dạy phải chú tâm vào chính họ nhiều đến độ (cũng có cả học viên nghĩ như vậy về toàn thể khóa học này và về giáo lý chân sư thăng thiên nói chung) họ bị ngăn cản không phụng sự được. Con được dạy phải chú tâm vào sự phát triển tâm linh của con, sự phát triển của riêng cá nhân con thay vì phụng sự.

Thày đã nói gì trong bài giảng trước của thày? Con không thể thực sự phụng sự trái đất bằng cách làm. Đây là điều những người sống ở Trung đông đã làm suốt mấy ngàn năm qua. Họ nghĩ rằng: “Nguyên do của chiến tranh là những người kia, và nếu mình có thể tiêu diệt họ, thì sẽ có hòa bình trên trái đất.” Họ cố gắng làm, làm và tất cả những gì họ làm là tạo thêm nghiệp, thêm xung đột. Cách duy nhất để nâng hành tinh lên trên một biểu hiện nào đó, tỷ dụ như chiến tranh, là nâng cao tâm thức tập thể cho đến lúc đủ số người thấy sự dối trá đằng sau chiến tranh và thăng vượt nó.

Con yêu dấu, làm sao con nâng tâm thức tập thể? Con có thể đóng góp vào tiến trình này bằng cách thức tỉnh con người, cho họ biết về con đường tâm linh, hay về các dối trá, khai ngộ và sự thực. Con yêu dấu, cách chủ yếu mà riêng con có thể dùng để nâng cao tâm thức tập thể là nâng cao tâm thức của chính mình. Khi con đang hiện thân trên trái đất, con thuộc về tâm thức tập thể của trái đất. Con càng nâng cao tâm thức của mình thì con càng nâng cao tâm thức tập thể. Đây là điều tất nhiên, con yêu dấu. Nếu con nhìn một cách triệt để, con có thể nói là nếu con sống cả một kiếp người chỉ chú tâm một trăm phần trăm vào việc nâng cao tâm thức của mình, và không bao giờ, dù chỉ một lần tìm cách sửa đổi tâm thức của một người khác, thì con đã có đóng góp tối đa vào việc nâng cao tâm thức tập thể.

Tuy nhiên, đa số các con không có nhiệm vụ ngồi thiền trong một hang động trong Hy mã lạp sơn. Nhiệm vụ của con là sống một đời sống tích cực trong xã hội. Có nghĩa là, đối với con, cơ hội tối ưu là một tương tác qua đó con nâng tâm thức của mình đồng thời tương tác với người khác. Dù con có trực tiếp nói với họ về giáo lý chân sư thăng thiên hay chân lý cao hơn hay không, con vẫn cho họ một tấm gương thế nào là sống cuộc đời tâm linh. Đối với con, đây là một tương tác, nhưng con nên hiểu tương tác này là một dòng chảy hình số tám. Làm sao con có thể giúp những người kia nhìn ra sự thật nếu con chưa thấy sự thật? Có một sự trao đổi qua đó con nâng cao tâm thức của mình, sau đó con giúp người khác, sau đó con nâng tâm thức mình thêm nữa và con giúp người khác vượt qua một ảo tưởng khác.

6.11. Nâng cao tâm thức và lan truyền chân lý

Nếu con nhìn vào các phòng trào tâm linh, tôn giáo, chính trị hay từ thiện, con thấy cách họ hoạt động dựa vào ý tưởng sau đây: “Chúng tôi có chân lý, và nếu tất cả mọi người khác có thể thấy chân lý như chúng tôi thấy, thì hành tinh sẽ thay đổi.” Quan niệm này dựa vào một ý niệm đường thẳng, vỏ ngoài của chân lý qua đó con nghĩ rằng nếu con đi và cải đạo người khác để họ tin vào hệ thống niềm tin của con, nếu con thuyết phục được họ theo chân lý của con, thì lúc đó con đã thay đổi được tâm thức tập thể. Con yêu dấu, thay đổi tâm thức tập thể không phải là chuyện cho con người một hiểu biết trí năng. Một hiểu biết trí năng là một phần trong việc thay đổi tâm thức tập thể, nhưng nó không phải là phần chính vì con cũng cần thay đổi thể cảm xúc và thể bản sắc của con người.

Làm sao con làm được việc này? Có rất nhiều thí dụ trên thế giới của những người đi làm việc truyền đạo, đã gia nhập thánh chiến để cải đạo người khác (dù đây là một tôn giáo, hay quan niệm khoa học duy vật, hay bất cứ điều gì khác), và họ cố gắng làm điều này bằng tâm đường thẳng, trí thức, phân tích. Họ nghĩ rằng nếu họ thuyết phục được người khác tin vào một chân lý, thì thế giới đã có tiến bộ.

Trừ phi con đã thể nhập chân lý đó trong cả bốn thể phàm, con không thực sự có thể giúp nâng người khác lên cao hơn, con không thực sự giúp nâng tâm thức tập thể lên. Thày cần con nhận ra là trong phạm vi công việc phụng sự của con, con cần nâng tâm thức mình lên trong cả bốn cõi. Con cần khắc phục các phàm linh, và do đó, con cần vượt qua ảo tưởng là công việc phụng sự của con tùy thuộc vào việc thay đổi người khác. Công việc phụng sự của con không tùy thuộc vào thay đổi người khác; công việc phụng sự của con tùy thuộc việc nâng cao tâm thức của con – thay đổi chính con.

6.12. Thay đổi thế giới mà không thay đổi chính mình

Có một ảo tưởng vi tế trong giới các người tâm linh là con có thể thay đổi thế giới mà không thay đổi chính mình bằng cách đơn giản thay đổi người khác hay qua cách đọc chú, đọc thỉnh hay bất kỳ phương tiện tâm linh nào khác. Nhưng thực sự vấn đề là, trên hết, con phải thay đổi tâm thức của mình, nâng cao tâm thức của mình.

Cũng có một ảo tưởng khác cho rằng con không thể phụng sự thực sự nếu con chú tâm quá nhiều vào chính mình. Thày muốn con tiến lên một bước và nhận ra là có khác biệt cơ bản giữa việc chú tâm vào tăng triển cá nhân bằng cách khắc phục những dính mắc và phàm linh nội tại, và chú tâm tôn vinh tự ngã mà con thấy nơi các người ở dưới tầng tâm thức 48. Con đã tiến xa hơn tầng 48. Do đó, con không ích kỷ như những người kia. Con không chú tâm vào chính mình theo kiểu tôn vinh tự ngã. Có thể là (nếu con chưa đạt khai ngộ ở tầng 96 và tiến về các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô) con sẽ thoái hóa trở lại tôn vinh tự ngã qua ham muốn nâng cao mình lên. Đây chính là lý do vì sao thày cho con các hiểu biết này vì một trong những cách người tâm linh bị lôi kéo vào cạm bẫy đó là qua ảo tưởng họ cần phải thay đổi điều gì đó bên ngoài chính họ. Họ nghĩ rằng thay đổi người khác quan trọng đến độ họ có thể bỏ qua bên tiến bộ tâm linh của họ, họ không cần xem xét chính mình, và họ có thể chú tâm vào việc thay đổi người khác. Có những người đã bị lôi kéo vào cạm bẫy đó cho tới tầng 96, và sau đó, họ lại đi trở xuống chân đồi.

Con cần suy ngẫm những ý kiến này. Thày biết là thày đã cho con nhiều chất liệu trong bài giảng này, nhưng thày hy vọng là con nhận ra rằng các khai ngộ sẽ không dễ dàng hơn khi con đi lên cao hơn trên con đường tâm linh. Con sẽ cần suy ngẫm nhiều điều hơn nữa, hay như theo lối nói bình dân, con cần lấy tâm bao chung quanh nhiều vấn đề nữa. Nhưng thực ra thì con không lấy tâm bao quanh vấn đề, mà thực sự con phải tháo gỡ tâm ra, vì chính các phàm linh nội tại đã khiến tâm con bị bao chặt chung quanh một niềm tin khiến con không thể đứng lui lại và nhận ra nó là ảo tưởng. Con nghĩ rằng nó là một chân lý tuyệt đối hay là một điều kiện không thể thay đổi được.

Con yêu dấu, không có điều kiện nào trên trái đất mà tối hậu không thay đổi được. Lẽ dĩ nhiên, có một số điều kiện mà con không thay đổi được ngay lúc này. Nhưng không có điều kiện nào trên trái đất ngăn cản được con thay đổi chính mình, và đó là chân lý và hiểu biết mà con cần phải thấu hiểu với tâm ý thức ở tầng này.

Sau đó, con cần quyết định là con sẵn sàng thay đổi chính mình, con sẵn sàng nhìn vào bất cứ điều kiện nào khiến con bực bội việc con đang hiện thân trên trái đất. Con sẽ đi tìm ảo tưởng và con sẽ tách ra khỏi ảo tưởng và cho phép con cảm thấy: “Vâng, tôi đang ở đây ngay bây giờ vì tôi muốn ở đây. Tôi muốn nâng tâm thức lên cao hơn và tôi vươn lên cao hơn bằng cách thăng vượt điều kiện đặc thù mà tôi đang đối mặt ngay bây giờ.”

Một khi con thấy điều kiện từ bên ngoài, một khi con tách mình ra khỏi nó và nhận ra nó không phải là điều kiện của con (nó chỉ là điều kiện của một phàm linh nội tại), thì con yêu dấu, con được tự do. Con cảm thấy bình an là chính mình và con bình an hiện thân ở đây. Thày thực sự mong muốn cho con an bình đó, vì thày là Thượng sự của Tia thứ Sáu của An bình.

Làm sao sống mà không tạo nghiệp

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Thày là Thượng sư của Tia thứ Sáu. Con nay đang ở tầng khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày bên trên nước Ả Rập Xê-út. Khi các học viên đến khóa nhập thất của thày, việc đầu tiên mà thày làm là tập họp họ vào một căn phòng và yêu cầu họ nói lên những gì họ chờ đợi từ khóa nhập thất. Con chờ đợi gì khi con tới Tia thứ Sáu? Con chờ đợi được khai ngộ điều gì?

Một số học viên, khi nói về các chờ mong của mình, nói đến phụng sự. Lẽ đương nhiên là tất cả học viên biết là Tia thứ Sáu theo truyền thống là tia của an bình và phụng sự. Nhiều học viên khi đến đây cảm thấy là họ đã đi một thời gian dài trên con đương tu dưới năm vị Thượng sư trước và họ đã đạt được nhiều tiến bộ, nên bây giờ đã tới lúc họ chú tâm vào nghĩa vụ mà họ đến đây để đóng góp, món quà mà họ muốn dâng hiến trái đất này. Họ cần làm điều gì trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ để giúp nâng cao tâm thức nhân loại?

Con yêu dấu, chờ mong này hoàn toàn hiểu được. Như mọi khi, các thày không trách cứ, các thày không lên án. Nhưng thày phải nói với con là nhiều học viên tới đây với chờ mong không thiết thực về các khai ngộ của Tia thứ Sáu. Không phải là Tia thứ Sáu không quan tâm đến việc phụng sự. Lẽ tự nhiên là phụng sự là một phần các khai ngộ của Tia thứ Sáu, tuy nhiên, con làm sao phụng sự một cách chân chính? Phụng sự chân chính gì? Phụng sự chân chính nâng hành tinh vượt lên trên trạng thái tâm thức nhị nguyên. Làm sao con có thể góp phần vào việc nâng hành tinh lên trên trạng thái tâm thức nhị nguyên, nếu con không bình an bên trong con?

Do đó có nhiều học viên cảm thấy rằng, dựa trên những gì họ đã học với năm vị Thượng sư trước, họ đã sẵn sàng để làm gì đó. Họ sẵn sàng để năng động hơn, hướng ngoại hơn. Họ sẵn sàng để đóng góp phần của mình, cũng có thể là làm điều gì quan trọng. Do đó, họ khá thất vọng khi nghe thấy trọng tâm của khóa nhập thất của thày là đạt được an bình nội tâm.

Thày thấy rất rõ trong hào quang của họ là họ có một sự mâu thuẫn, có cảm giác bị kéo bởi hai xung lực khác biệt. Một đằng họ tự nhiên muốn nghe điều thày giảng vì họ biết thày là người sẽ khai ngộ họ. Nhưng mặt khác, họ vẫn muốn làm cái gì đó. Họ cảm thấy rằng, với những kinh nghiệm, những khai ngộ mà họ đã đạt được trên năm tia, họ quả thực đã sẵn sàng bước vào phụng sự trong lãnh vực nào đó. Lẽ dĩ nhiên là con đã sẵn sàng phụng sự, nhưng câu hỏi là: Con có một cái nhìn thiết thực về phụng sự và hình thức phụng sự cao nhất là gì chăng?

4.1. Lý do không đường thẳng của xung đột con người

Để các học viên bắt đầu chất vấn quan niệm phụng sự của họ, điều thuận lợi là khóa nhập thất của thày tọa lạc trên Ả Rập Xê-út. Lẽ tự nhiên, vì đây là một địa điểm nhập thất trên cõi ê-the nên vị trí địa dư không quan trọng, nhưng đây là một dịp để khiến học viên nhìn vào những gì đang xảy ra tại Trung đông, và đã xảy ra trong vùng này từ mấy ngàn năm nay. Các học viên có thể thấy dễ dàng là trong vùng này có xung đột, và đây là một xung đột đã kéo dài liên tục.

Thày mời học viên nhìn vào vấn đề này, và thày khiến họ làm việc trong nhóm nhỏ để tìm ra nguyên do của sự xung đột. Họ bắt đầu với tình hình hiện tại, xem xét những xung đột đang có, và tìm cách xem xét bối cảnh lịch sử, nguyên do lịch sử của tình hình hiện tại. Khi họ đi ngược dòng lịch sử, họ khám phá nhiều xung đột khác, nhiều xung đột mới. Họ bắt đầu thấy là xung đột dẫn tới xung đột lại dẫn tới xung đột. Khi dọ lần dây chuỗi “xung đột tạo ra xung đột” trở về thời lịch sử sơ khai, họ bắt đầu nhận ra là nếu ta muốn hiểu tại sao có xung đột ở Trung đông, ta không thể chỉ xem xét những nguyên do bề ngoài của sự xung đột. Con không thể xem xét tình hình Trung đông – và đúng hơn là ở mọi nơi trên trái đất – và chỉ nhìn vào các điều kiện bề ngoài. Con không thể nhìn việc nhóm người này đã tấn công nhóm người kia nhiều năm trước, và đó là lý do nhóm thứ hai tìm cách trả thù hay bảo vệ chính họ. Con không thể nhìn những diễn biến bề ngoài và qua đó tìm ra nguyên nhân xung đột.

Các học viên mau chóng nhận ra là ta có thể đi trở ngược dòng lịch sử và thấy một hoàn cảnh bên ngoài đã tạo ra một xung đột đã khiến bạo lực bùng nổ. Bạo lực này, bất kỳ nó biểu hiện ra sao, tạo ra một xung đột mới, một mức độ hận thù mới, tạo ra khung cảnh cho một xung đột mới. Con có thể đi ngược trở về cả mấy ngàn năm như vậy. Ngay cả nếu con có tìm được nguyên nhân nguyên thủy, hành động nguyên thủy đã tạo ra sự xung đột đầu tiên, thì thực sự không thể nói là hành động nguyên thủy này (đã xảy ra nhiều ngàn năm trước đây) là nguyên nhân của xung đột hiện nay. Mặt khác, cũng không thể nói là lần bạo động hay xung đột trước là nguyên do của tình hình hiện nay. Điều mà học viên bắt đầu nhận ra là quan niệm truyền thống, đường thẳng, về nguyên nhân và hậu quả đơn giản là không thể áp dụng vào tình hình Trung đông, và cũng không thể áp dụng vào xung đột con người nói chung.

Chắc hẳn là các học viên biết về sa nhân và đã học và nghiên cứu giáo lý của các thày về sa nhân. Con biết là sa nhân đã sa ngã trong các bầu cõi trước, và họ đem ý đồ của họ vào bầu cõi này. Con biết là chính sa nhân đã đem chiến tranh vào hành tinh này và đã tạo ra đa số các xung đột trên trái đất. Điều mà học viên bắt đầu nhận ra, khi họ tìm về nguồn gốc của xung đột tại Trung đông, là ta không thể nói là sa nhân là nguyên nhân duy nhất của sự xung đột. Họ đúng là nguyên nhân bề ngoài, nhưng họ không phải là nguyên nhân bên trong. Điều mà học viên mau chóng nhận ra là nếu ta muốn hiểu nguyên nhân xung đột ở Trung đông (và ngay cả trên toàn thế giới) thì ta không thể chỉ xem xét các biến cố bề ngoài và cái gọi là nguyên nhân bề ngoài. Con phải nhìn vào bên trong. Con cần nhìn vào tâm lý những người trong cuộc và tại sao họ phản ứng như họ đã làm.

Lẽ dĩ nhiên, với đa số học viên điều này không mới lạ. Điều mới lạ là họ bắt đầu thấy viễn cảnh lịch sử rộng lớn mà họ bỗng nhiên thấy được ở khóa nhập thất của thày vì họ được đọc kho dữ liệu Akasha và có thể thấy những diễn tiến không được lịch sử ghi chép. Thày cho học viên thời gian để làm việc trong nhóm nhỏ và nhận ra các điều này, sau đó tất cả học viên mang ra thảo luận chung. Sau đó, thày đợi. Thày để cho cuộc thảo luận tiếp diễn. Nếu các học viên chưa thấy ra những bài học mà thày tìm cách giúp họ nhận ra, thì họ trở lại nghiên cứu tài liệu lịch sử. Sau một thời gian, ánh sáng bắt đầu lóe lên trong tâm học viên – bình thường là bắt đầu với một người, sau một người nữa, và càng lúc càng nhiều, cho tới khi toàn thể học viên thấy ra – là nguyên nhân thực sự của xung đột là một trạng thái tâm. Trạng thái tâm này không thể đem lại hòa bình. Điều rất quan trọng là con cần hiểu thấu điều này bằng tâm ý thức của con – và đó là lý do tại sao thày nêu lên ở đây để con hội nhập vào tâm ý thức những hiểu biết mà con gặt hái được ở khóa nhập thất của thày.

4.2. Vì sao ta không thể ngưng chiến tranh bằng lý trí

Con yêu dấu, chắc con cũng thấy là có một tâm thức trong thế giới biết rằng chiến tranh là không đúng, chiến tranh đúng lý không được có mặt, chiến tranh phải được chấm dứt. Con thấy rất, rất nhiều người thiện tâm trên trái đất mong muốn chấm dứt chiến tranh. Trong số đó, có những nhà triết học, có nghệ sĩ, có nhà trí thức, có chính trị gia. Họ có mặt trong nhiều lãnh vực xã hội, trong đó có những tổ chức quốc tế, từ các tôn giáo đến Liên hiệp quốc, tổ chức chính trị, và nhiều loại hội từ thiện. Có hàng triệu người biết là chiến tranh phải chấm dứt. Tuy nhiên, họ nghĩ rằng ta có thể dùng lý trí suy luận với những người đang tham gia vào chiến tranh và xung đột.

Con có thể thấy là, ngay cả trong vài thập niên gần đây, thỉnh thoảng có một quốc gia hay một tổ chức quyết định khởi sự một nỗ lực để, tỷ dụ, đem người Do thái và người Pa-le-xtin (Palestine) ngồi vào bàn hội nghị để họ thương thảo ngừng xung đột. Nhưng, như các thày đã nói trước đây, chuyện này sẽ không xảy ra. Người Do thái sẽ không bao giờ làm hòa với người Pa-le-xtin hay các người Ả-rập khác trong vùng. Lý do là vì người Do thái đã định nghĩa bản sắc dân tộc của họ và người Ả-rập đã định nghĩa bản sắc dân tộc của họ theo một cách nhìn chỉ có thể dẫn tới xung đột. Điều cần thiết là người Do thái gia tốc tới một quan niệm bản sắc dân tộc mới, và người Ả-rập cũng gia tốc tới một quan niệm bản sắc dân tộc mới hay quan niệm bản sắc nhóm mới. Lúc đó, có thể là các bản sắc mới này sẽ tìm ra cách sống chung hòa bình. Khi quan niệm bản sắc của các nhóm người còn được quy định dựa trên xung đột, thì hòa bình không thể xảy ra. Rất, rất nhiều người thiện tâm trên trái đất nghĩ rằng nếu họ tìm ra được lập luận đúng, nếu họ tìm ra được sự khích lệ thích hợp, thì sẽ có thương thảo xây dựng và một thỏa hiệp hòa bình có thể xảy ra.

Đệ tử chân sư thăng thiên dễ dàng thấy điều này vì các con đã biết về sa nhân, tự ngã, phin lọc nhận thức và nhiều đề tài khác. Điều thày muốn làm là giúp các học viên tới khóa nhập thất của thày có một hiểu biết thâm sâu hơn về vấn đề. Các con hãy để thày giảng sơ về luật nhân quả để minh họa.

4.3. Luật nhân quả thực sự vận hành như thế nào

Lẽ đương nhiên con quen thuộc với khái niệm nghiệp quả, nhưng con có thực sự quen thuộc với cách nó vận hành chăng? Bên phương Đông, chữ nghiệp nguyên thủy có nghĩa là hành động. Con có một hành động, và nó có một hậu quả. Hậu quả đó là nghiệp. Nó tạo bối cảnh cho hoàn cảnh sau đó. Khi con có hành động trong hoàn cảnh mới đó, con tạo ra nghiệp mới, và nghiệp này tạo bối cảnh cho hoàn cảnh kế tiếp, và cứ tiếp nối như vậy trong bánh xe luân hồi, Biển Luân hồi Sinh tử, cỗ máy chạy kéo con người đi trong kiếp sống con người.

Điều học viên có thể mau chóng nhận ra là ở Trung đông, con người đã tạo nghiệp. Các nhóm người đã tạo nghiệp với nhau từ mấy ngàn năm. Thày có thể cho thấy trên một màn ảnh một thí dụ tình trạng xung đột giữa hai nhóm người. Thày cho thấy ở tầng năng lượng là mối xung đột, nhất là khi nó trở thành bạo lực vật lý, đã tạo nên những tỳ vết năng lượng, những khuôn đúc năng lượng, trong các thể và tầng xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Những khuôn đúc năng lượng này một phần ở trong hào quang (trường năng lượng) của những người liên hệ. Nó cũng ở trong hào quang của nhóm, trong tâm thức của nhóm. Nó cũng có phần dính liền với ngay vị trí địa dư.

Điều mà học viên thấy là con người phản ứng lại tình hình nguyên thủy và tạo ra một khuôn đúc năng lượng. Họ có thể thấy là khuôn đúc này kéo dài, và khi họ tái sanh lần tới, họ vẫn giữ khuôn đúc này trong các thể phàm của họ. Điều này khiến họ hòa điệu với – hay bị ma nhập bởi – khuôn đúc tập thể. Cách họ phản ứng lại tình hình nguyên thủy tạo ra một khuôn đúc đã giới hạn khả năng chọn lựa phản ứng lại tình hình sau, dù tình hình này xảy ra trong cùng kiếp sống hay trong một kiếp tới.

Vì các người liên hệ đã phản ứng bằng bạo lực trước đó, nhận thức của họ trở nên méo mó, bị pha màu, bị giới hạn bởi phản ứng đó. Khi một tình hình xung đột mới xảy ra, họ không thể thấy được một cách đáp ứng hòa bình. Họ chỉ có thể thấy những cách đáp ứng sẽ gia tốc những gì họ đã làm trước kia. Họ có khuynh hướng phản ứng bằng bạo lực, họ dễ dàng phản ứng bằng bạo lực.

Các học viên có thể thấy những người đó đã tạo ta các vết nghiệp quả mà họ mang theo họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Học viên có thể thấy họ xây dựng các khuôn đúc tập thể càng ngày càng mạnh, và do đó có thể dễ dàng trấn áp tâm của những cá nhân sinh ra trong tập thể đó. Học viên cũng có thể thấy là một nhóm người tham gia vào một cuộc xung đột với một nhóm người khác, và khi họ chết, một số đầu thai vào nhóm kia trong kiếp sống tới. Trong kiếp này con là người Do thái, trong kiếp tới con là người Ả-rập, hay ngược lại. Học viên có thể thấy là tuy các người liên hệ đầu thai vào nhóm khác, nhưng họ vẫn mang theo khuôn đúc phản ứng bằng bạo lực và thù hận. Do đó, ở trong nhóm nào không phải là điều quan trọng. Họ vẫn phản ứng theo cùng một kiểu.

Học viên cũng thấy rõ là có một khác biệt căn bản giữa việc thù hận một nhóm người khác và chuyển sang hành vi bạo lực. Học viên thấy rõ là khi con có hành động vật lý, con làm một hành động ở tầng vật lý, và rõ ràng là con đang làm một cái gì đó. Nó cũng có hậu quả trầm trọng hơn. Tuy nhiên, học viên cũng mau chóng thấy là khi con phóng chiếu tới một nhóm người khác một cảm giác thù hận mạnh mẽ, thì con làm một cái gì đó ở tầng xúc cảm. Nếu con có tư tưởng mạnh mẽ là tại sao một nhóm người khác xấu và họ đã làm gì cho nhóm của con trong quá khứ, thì con làm một cái gì đó ở tầng tư tưởng. Nếu con có một ý niệm bản sắc rất rõ ràng là con hơn nhóm người kia dựa trên bất cứ tiêu chuẩn nào mà con đặt ra, thì con làm một cái gì đó ở tầng bản sắc. Học viên có thể thấy là con người phóng chiếu năng lượng ra với cả bốn thể phàm của họ, và tất cả các điều đó là điều họ làm, đều là hành động. Tất cả đều tạo ra những khuôn đúc nghiệp quả sẽ giới hạn nhận thức của con người, giới hạn quyền tự do chọn lựa hành động của họ.

4.4. Làm sao tránh tạo nghiệp

Học viên mau chóng nhận ra là nếu muốn có hòa bình ở Trung đông, người dân phải ngưng làm. Họ cần ngưng những hành động tạo ra nghiệp. Bây giờ, điều này đối với một số học viên là một điều bí ẩn. Đa số học viên ở mức độ này có thể mau chóng tìm ra giải đáp, vì lẽ tự nhiên, điều này không có nghĩa là con không làm gì cả. Các thày không nói là để tránh tạo nghiệp, con không thể có một cuộc sống năng hoạt. Các thày không nói là con phải về ở ẩn trong hang động của núi Hy Mã Lạp Sơn và thiền về Thượng đế 24 tiếng mỗi ngày.

Điều con cần nhận ra, và học viên có thể dễ dàng nhận ra điều này, là con không thể hành động thông qua trạng thái tâm thức nhị nguyên, thông qua tâm dựa trên sợ hãi. Do đó, học viên thấy rõ ràng là Giê-su tìm cách chỉ con đường phá vỡ những khuôn nếp nghiệp quả, những khuôn đúc nghiệp quả, bằng cách nâng mình cao hơn phản ứng dựa trên sợ hãi. “Hãy thương kẻ thù của con. Hãy chìa má bên kia. Hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho mình.” Đây là những lời hướng dẫn chỉ cách ngưng hành động tạo nghiệp ở tầng vật lý. Những lời hướng dẫn này giúp con người ngưng hành động ở các tầng tình cảm, tư tưởng và bản sắc.

Giê-su dạy con người – một cách gián tiếp – là họ, tỷ dụ, không phải là người Do thái hay người Ả-rập. Họ là con trai hay con gái của Thượng đế. Giê-su dạy họ cách vượt qua giận dữ và thù hận. Giê-su dạy họ cách vượt qua những hành động tạo nghiệp. Ngay cả những giáo lý được trao truyền qua Mohammed (ít ra là giáo lý trong sáng, nguyên thủy) cũng có những thành phần này. Nếu những người nhận những giáo lý này đã làm theo, thì họ cũng đã giúp ngưng các vòng xoắn nghiệp quả. Con là đệ tử chân sư thăng thiên có thể mau chóng nhận ra là con người cần ngưng hành động nhị nguyên, dựa trên sợ hãi nếu muốn có hòa bình.

Khi học viên đã trải qua giai đoạn (bất kể cần bao nhiêu thời gian) thấy nguyên nhân tình hình Trung đông, thì thày, dĩ nhiên, làm việc mà các chân sư thăng thiên đều làm. Thày thảo luận với học viên những hiểu biết sâu sắc mà họ đã nhận ra qua tình hình Trung đông, chúng cũng áp dụng ra sao cho mọi người khác, và thày nói: “Thày không cho các con nghiên cứu vấn đề này để các con đi tái lập hòa bình ở Trung đông. Thày muốn con nghiên cứu vấn đề này vì thày muốn con nhận ra là cơ chế mà con thấy áp dụng cho Trung đông cũng áp dụng cho chính con.”

4.5. Vượt qua bạo lực nơi các thể cao

Lẽ dĩ nhiên là đa số học viên đã ngừng không có hành động hung hãn nữa, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn ngưng không làm thông qua tâm thức nhị nguyên, thông qua các thể tình cảm, tư tưởng và bản sắc. Điều thày muốn học viên phải đối mặt là trước khi họ có thể tiến xa hơn tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, họ nhất định cần phải ngừng những hành động nhị nguyên, dựa trên sợ hãi ở các tầng bản sắc, tư tưởng và cảm xúc. Con không thể đi quá tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày nếu con còn làm những hành động này. Một số học viên bị chấn động khi nghe thày nói vậy vì họ nghĩ là họ đã vượt qua những hành động này rồi. Ho nghĩ là họ đã vượt qua phần lớn các sự giận dữ, hung hãn và sợ hãi của họ, và họ không có hành động dựa trên sợ hãi, không phóng chiếu ra ngoài năng lượng dựa trên sợ hãi xuyên qua ba thể cao của họ.

Như thày có giảng trong một bài truyền đọc khác, thày có thể đưa học viên vào một căn phòng trong đó họ được niêm phong khỏi ảnh hưởng của thế giới và có thể tạo trong tâm hình ảnh của những cảnh huống bình an nhất. Sau đó, họ dần dần cảm thấy những thành phần phản bình an dâng lên trong tâm họ. Đây là một trải nghiệm rất hữu ích cho học viên vì họ thấy vẫn còn những điều mà họ chưa giải quyết. Dĩ nhiên, các thày có nguyên một bộ giáo lý, giáo lý thực của Giê-su, về tha thứ, chìa má bên kia, tha thứ vô điều kiện, và vì sao con cần tha thứ vô điều kiện để thực sự tha thứ. Điều quan trọng không phải là trừng phạt người khác, khiến họ thay đổi hay sống theo một số điều kiện. Con cần tha thứ vì đây là cách duy nhất để con có thể giải thoát mình khỏi hoàn cảnh. Con không quan tâm đến người khác, điều con quan tâm là con được giải thoát khỏi quá khứ và khuôn nếp phóng chiếu ra ngoài.

4.6. Cát lún của phản bình an

Khi học viên đã có đủ thì giờ để thấu hiểu các điều trên thì thày dẫn họ đi bước kế tiếp. Bước khai ngộ này thoạt trông có vẻ khắc nghiệt, nhìn từ góc độ tâm thức bình thường, lúc tỉnh dạy. Con biết là trên trái đất có một chất gọi là cát lún, và con cũng biết là có người bước vào một vũng cát lún và bị thiệt mạng vì họ cứ bị lún sâu mãi. Thày có ở khóa nhập thất của thày một chất tương tự. Khác biệt, dĩ nhiên, là con ở trong thể bản sắc. Con không cần thở dưỡng khí để sinh tồn do đó không thể bị chết khi làm thí nghiệm này.

Điều thày làm là thày để học viên vào một vũng cát lún ê-the và đơn giản để họ hoặc bơi hoặc chìm. Lẽ dĩ nhiên kết quả là đa số học viên bị chìm vào trong chất đó. Họ vẫn còn sống nhưng họ cảm thấy là họ đang lún xuống càng ngày càng sâu. Lý do vì sao họ bị lún là vì họ vùng vẫy chống lại cát lún. Họ vùng vẫy để không bị chìm.

Khi học viên còn vùng vẫy thì thày phải để họ vùng vẫy. Thày không thể giúp họ. Thày không thể giúp họ. Thày không thể giúp họ gì hết. Họ được phép tiếp tục vùng vẫy. Có nghĩa là có học viên chìm rất sâu vào cát lún. Họ bị cát lún hoàn toàn bao quanh. Họ cũng cảm thấy là họ càng chìm sâu thì động tác của họ càng bị giới hạn, họ càng không cục cựa được. Họ tiếp tục vùng vẫy cho tới khi họ tới điểm chịu thua. Họ bỏ cuộc. Họ nhận ra là vùng vẫy không đưa họ đến đâu hết.

Một số học viên tự họ nhận ra điều này, nhưng số khác thì đột nhiên nhớ là họ đang ở khóa nhập thất của Thượng sư Tia thứ Sáu. Họ đột nhiên có ý nghĩ: “Hay là thày Nada có thể giúp tôi?” Do đó, họ la lên: “Thày Nada, hãy giúp con!” Thày đương nhiên gửi họ một xung lực: “Ngưng vùng vẫy. Ngưng làm. Nằm thật yên.” Lúc đó, hầu hết học viên chợt tỉnh ngộ. Đây là một tỉnh ngộ khai phá, chấn động, quyết định.

Học viên nhận ra rằng chính vì họ vùng vẫy nên bị lún sâu. Khi họ nhận ra điều này, họ tức khắc nằm thật yên. Họ nhận ra rằng khi họ nằm thật yên thì họ không còn chìm nữa. Lúc đó, đa số học viên chưa trồi lên, nhưng họ đã ngừng chìm xuống. Họ nhận ra rằng nếu họ không vùng vẫy thì họ không lún xuống. Họ cũng nhận ra rằng nếu khi bắt đầu họ không vùng vẫy thì họ sẽ vẫn còn nổi trên mặt cát lún. Bây giờ họ nhận ra là họ đã chìm sâu vào cát lún, và làm sao họ có thể trở lên mặt cát?

Sau khi suy ngẫm điều này, một số tự mình tìm ra giải đáp, một số xin thày giúp. Một lần nữa thày nói (tuy họ ở trong thể bản sắc của họ): “Con đã ngừng vùng vẫy ở cấp tương đương với tầng vật lý. Con đã ngừng làm việc vật lý, nhưng con cũng cần ngừng làm ở tầng xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Con cần phải giữ hành động, xúc cảm, tư tưởng và ý niệm bản sắc của con yên lặng. Con cần phải vào trạng thái trung hòa, tức là con chỉ quan sát. Con là nhận biết thuần khiết, chỉ quan sát mà không làm gì cả.” Khi họ đi vào trạng thái tâm này thì họ trải nghiêm là họ từ từ, nhưng chắc chắn, trồi lên mặt cát. Khi họ trồi ra khỏi mặt cát thì thày có mặt ở đó để đón họ. Lúc đó, thày gợi thêm cho họ một ý nữa. Thày nói: “Bãi cát lún này tượng trưng cho bốn tầng của vũ trụ vật chất là nơi con sống với bốn thể phàm của con. Thày muốn con đi qua bãi cát lún đó với tâm trung hòa. Thày muốn con đi qua mà không làm việc đi qua.”

Học viên thường cần một chút thời gian để thể nhập điều này. Nhưng không lâu sau, họ thấu hiểu. Họ nhận ra là trong thể bản sắc của họ, họ có thể di chuyển, lên xuống, tới lui, trong cát lún mà không làm, không vùng vẫy và do đó không bị lún sâu. Họ nhận ra là cát lún không phải là kẻ thù của họ, nó không phải là sự hạn chế, nó không có ý định tấn công họ. Do đó, họ có thể di chuyển xuyên qua cát lún một cách khác, là cách không tạo nghiệp khi di chuyển. Lẽ tự nhiên là khi học viên đã trải nghiệm bãi cát lún, thì họ đi ra khỏi chỗ đó. Thày họp với cả nhóm, và lúc đó học viên nhận ra là điều họ đã làm được trong bãi cát lún, họ cũng có thể bắt đầu làm được ở bốn tầng của vũ trụ vật chất, trong đó có tầng vật lý.

4.7. Làm mà không tạo nghiệp

Khai ngộ ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày là con bắt đầu suy ngẫm và nhận ra là con có thể sống trên hành tinh trái đất – dù trái đất dày đặc và đầy xung đột như hiện nay – một đời sống bình thường, năng động nhưng con không tạo nghiệp quả khi sống. Con không tạo ra những dấu vết năng lượng sẽ giới hạn những hành động và chọn lựa tương lai của con. Có nhiều học viên, tuy đã đi trên con đường tâm linh từ lâu và nghiên cứu nhiều giáo lý tâm linh, không bao giờ suy ngẫm điều này. Tỷ dụ, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên quá chú tâm vào việc quân bằng nghiệp quả bằng cách cầu thỉnh ánh sáng tím nên nghĩ rằng yêu cầu chính để thăng thiên là thỉnh cầu đủ ánh sáng tím để quân bằng tất cả nghiệp quả. Họ đã không chú tâm đủ đến việc không tạo nghiệp ngoài việc nghĩ rằng, nếu họ không có hành động bạo hành vật lý thì sẽ không tạo nhiều nghiệp hơn là có thể quân bằng.

Ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, thày không quá quan tâm việc con quân bằng tất cả nghiệp quả và rời trái đất càng sớm càng tốt. Mục đích cao mà thày muốn đặt cho con là con ở lại trong thế gian nhưng con trong thế gian mà không thuộc về thế gian. Con đi lại và hành động trong thế gian mà không tạo nghiệp cho mình. Do đó, có thể nói là khi con làm được điều này, ở lại thế gian hay thăng thiên không còn khác biệt gì nhiều đối với con.

Con hãy suy ngẫm việc này: con yêu dấu, thày biết rất rõ là tất cả đệ tử tâm linh không có cảm tình với những giới hạn và dày đặc của cõi vật lý và ngay cả bốn cõi của trái đất. Đối với tất cả các con, sống nơi đây không thoải mái. Các con có những phản ứng khác nhau, từ cảm thấy bị quấy nhiễu quá nặng tới cảm thấy khó chịu và bị giới hạn khi ở đây. Con yêu dấu, viễn kiến mà thày muốn cho con ở đây là con có thể vượt lên trên những cảm xúc này. Con có thể tới điểm con sống trong thế gian với tâm bình an vì con có thể đi lại trong thế gian này mà không tạo nghiệp. Điều này không có nghĩa là con không thể hành động. Có một số hành động con sẽ tự nhiên không làm, nhưng có một số hành động con có thể làm vì chúng không tạo nghiệp cho con vì con hành động từ một trạng thái tâm thức cao hơn.

Đối với đa số học viên tới tầng này, đây là một chuyển vọt tâm thức lớn. Thực sự, đây là một chuyển vọt lớn đến độ họ bình thường cần thời gian để suy ngẫm và hội nhập ý tưởng này. Thày không muốn con, ở tầng thứ nhất này của khóa nhập thất của thày, có được khả năng đi lại trong thế gian mà không tạo nghiệp. Đây là một trong những mục đích của toàn khóa nhập thất của thày. Ngay lúc này, thày muốn con suy ngẫm chuyện đi lại trong thế gian mà không tạo nghiệp là việc có thể làm được.

Vì thày biết đây là một ý tưởng rất lạ thường cần thời gian để hội nhập, thày muốn con bỏ ra nhiều thời giờ hơn cho bài giảng đầu này. Các thày có nói là con có thể dành chín ngày cho mỗi bài giảng. Con nghiên cứu bài giảng và con đọc bài thỉnh tương ứng mỗi ngày một lần trong vòng chín ngày. Cho bài giảng đầu này, thày muốn con dành cho nó 33 ngày vì nó là một chuyển vọt lạ thường cho đa số các con. Do đó con nên dành thì giờ để hội nhập điểm này. Thày biết là một số học viên sẽ cảm thấy thời gian này rất dài. Có học viên nghĩ là đã hiểu bài học rồi, vậy tại sao cần lặp đi lặp lại? Thày bảo đảm với con là thày có lý do, và lý do là khi con đọc bài thỉnh trong vòng 33 ngày, con sẽ hội nhập bài giảng và trong lọc ba thể cao của con khỏi mọi dấu vết của ý tưởng cần làm chuyện gì.

4.8. Cạm bẫy của làm

Con yêu dấu, con cần nhận ra là sa nhân không bỏ cuộc chỉ vì con tìm thấy con đường tâm linh và giáo lý chân sư thăng thiên. Sa nhân không bỏ cuộc khi con khám phá ra khóa học này và quyết định tận tụy theo học hết khóa. Sa nhân sẽ tìm cách kéo con trật đường rày ở mỗi tầng cấp của con đường. Một trong những cách tinh tế họ dùng để làm con trật đường rày là họ nêu lên sự kiện con có một Sứ vụ Thiêng liêng và con có mặt ở đây để đem lại những thay đổi tích cực cho trái đất. Sau đó, họ tìm cách đổi màu câu chuyện, pha màu tâm của con với tâm thức rất cũ xưa cho rằng con phải làm một điều gì đó trên trái đất. Nói cách khác, suốt dòng lịch sử đã có nhiều học viên tâm linh đã hiểu thực tại tâm linh tới một mức nào đó. Họ đã thấy có nhiều chuyện không đúng trên trái đất cần phải thay đổi. Họ bị các sa nhân cám dỗ khiến họ tin rằng vai trò của họ là làm cái gì đó để thay đổi những biểu hiện mà họ cho là không đúng. Do đó, nhiều học viên đã lao mình vào một cuộc thánh chiến – ta có thể gọi là một chiến dịch – để triệt tiêu một vấn nạn nào đó.

Lẽ dĩ nhiên là có trường hợp một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con là hành động và tham gia vào một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Nhưng không có trong Sứ vụ Thiêng liêng là con hành động trong trạng thái tâm muốn làm, rồi hành động theo nhãn quan nhị nguyên dựa trên sợ hãi. Con không thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con với tầng tâm thức đó. Con cần nhận ra là sa nhân đã rất quỷ quyệt khi thiết lập ý tưởng là con cần làm.

Nếu con quan sát thế giới hiện nay, con thấy là có nhiều người đang tham gia, thí dụ, vào nỗ lực đem lại hòa bình, đã ở tầng tâm thức khiến họ có thể tiến xa hơn trên con đường đưa tới quả vị Ki-tô. Họ bị ngăn chặn không tiến thêm được trên con đường tới quả vị Ki-tô (ít nhất là trong tâm ý thức của họ) vì họ quá chú tâm làm điều gì đó trong thế giới bên ngoài. Họ đang chú tâm làm điều gì đó với tầng mức viễn kiến, với mức nhận thức mà họ có hiện nay. Họ không mở tâm đón nhận khả năng nhận một viễn kiến cao hơn qua đó họ vẫn sẽ làm điều gì đó, nhưng sẽ làm dựa trên một khuôn khổ và nền tảng hoàn toàn khác. Điều họ làm sẽ khác đến độ họ không thể thấy nó lúc này.

Các thày có nói về sự kiện nhiều học viên tâm linh có ý niệm đúng đắn điều gì cần làm, nhưng lại không có viễn kiến rõ ràng làm như thế nào. Dĩ nhiên, lý do là vì nhiều học viên có cảm nhận là họ ở trên đời để làm chuyện gì đó trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ, nhưng họ nghĩ là họ có thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng với tầng tâm thức và nhận thức hiện nay của họ.

4.9. Tìm một nhận thức cao hơn trước khi hành động

Điều thày muốn nói với con là con cần bước lui ra khỏi cách nhìn hiện nay của con về cuộc sống, về hành tinh, và chính mình. Thày biết là con đã làm điều này với thày Hilarion để thanh lọc viễn kiến của mình. Thày muốn dẫn con đi lên một tầng cao hơn bằng cách khiến con bước lui lại và nhận ra là con có thể làm điều gì đó trên trái đất, con có thể đi lại trong bốn tầng của vật chất mà không tạo nghiệp. Con yêu dấu, con sẽ không hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng nếu con tạo thêm nghiệp cho chính mình.

Thày biết là với một số trong chúng con, đây là một lời tuyên bố rất lạ thường vì con bị một kế gian khác của sa nhân cám dỗ, đó là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nói cách khác, có một đại nghĩa quan trọng đến độ ngay cả nếu con phải tạo đôi chút nghiệp, thì điều đó cần thiết (và đáng làm) để đạt được mục tiêu cuồng đại đó. Con yêu dấu, con thấy là toàn thể tâm thức cuồng đại do sa nhân tạo dựng ra và không liên quan gì tới mục tiêu của các chân sư thăng thiên.

Các chân sư thăng thiên đã không tạo ra đấu tranh cuồng đại. Mặc dù con có thể trở về các tổ chức chân sư thăng thiên trước và thấy rằng họ không thách thức quan niệm tranh đấu cuồng đại, nhưng thày nói với con đây là lúc – trên cả hai phương diện phát triển cá nhân và của hành tinh – vượt lên trên quan niệm này. Đã tới lúc vượt lên trên tranh đấu nhị nguyên và bỏ nó lại đằng sau. Đã tới lúc con nhận ra con có thể hiện thân trong thân vật lý, con có thể hành động và có một cuộc sống năng động, mà không cần làm thông qua tư duy cuồng đại, không cần làm với một xung lực nhị nguyên tạo nghiệp cho con.

Các thày có nói là các thày không chú tâm đạt được một kết quả vỏ ngoài đặc trưng nào đó trên hành tinh. Các thày chỉ chú tâm vào việc nâng cao tâm thức tập thể, nhưng đối với cá nhân con, chú tâm thật của các thày là nâng cao tâm thức của con. Ở tầng này của con đường tu của con, thày không quan tâm con có đạt được một mục tiêu vỏ ngoài trong thế giới này. Quan tâm ngay lúc này của thày là con đạt được khai ngộ ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày để con có thể tiến lên tầng thứ hai. Thày đã cho con mọi chìa khóa để đạt được khai ngộ này, và thày bảo đảm với con là, ở tầng ê-the, con sẽ không tiến lên khai ngộ thứ nhì nếu con không đạt được khai ngộ thứ nhất này.

Thày biết là thày đã cho con một quyển sách ở tầng vật lý. Do đó, con có thể quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi đã đạt được khai ngộ thứ nhất, tôi sẽ đi tiếp tới chương thứ hai.” Con yêu dấu, điều này không có nghĩa là con tiến lên ở cõi ê-the. Con có thể đọc hết quyển sách của thày, nhưng nếu con chưa thấu hiểu và đạt được khai ngộ ở tầng thứ nhất, con sẽ không tiến lên thêm trên tầng ê-the.

Thày đã nói rõ chưa?

25 | Cảm thấy thoải mái với việc mình ở trên trái đất

Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 3 tháng 12 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama, và trong niềm vui của Phật, thày là. Nhiều người có lẽ không gắn liền Phật với niềm vui vì họ có hình ảnh Phật nghiêm trang, ngồi yên, có vẻ cách biệt khỏi trần thế và những người trong thế gian. Lẽ dĩ nhiên, con yêu dấu, nếu thày thật sự cách biệt khỏi con người thế gian, thì tại sao thày lại rời Niết bàn để giáo hóa họ? Nếu thày thật sự cách biệt, thì liệu thày có phát nguyện nâng cao ngọn lửa của Phật và giữ không gian cho trái đất? Chắc chắn là không, và do đó thày không cách biệt nhưng thày cũng không dính mắc. Trung đạo phải được tìm ra, không nhất thiết giữa hai đối cực mà vượt lên trên chúng.

Trung đạo là một điểm quân bình rất khó tìm trên một hành tinh dày đặc và tăm tối như trái đất. Chắc chắn là những người trong các con đã đến đây như một avatar đã phải đối mặt với thách thức này. Tất cả chúng ta, là những người đã đến đây như avatar, đều đã phải đối mặt với thách thức làm sao ở trong đời nhưng không thuộc vào đời. Lẽ dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều đã trải qua một giai đoạn trầm mình vào thế gian, đồng hóa mình với thế gian, và tại sao chúng ta đã làm vậy? Chúng ta đã làm vậy như sự tiếp nối của mong muốn đã đem chúng ta tới đây. Chúng ta đã tới đây để đem lại một thay đổi tích cực và giúp trái đất vượt lên trên một số biểu hiện mà chúng ta thấy rõ là không tự nhiên và không thể hiện hữu trên một hành tinh tự nhiên.

25.1. Mong muốn có quyền năng siêu nhiên

Đó là mục đích đã đem chúng ta tới đây, và chúng ta đã đi vào một khuôn nếp phản ứng khi chúng ta tới đây và thấy là thiện tâm của mình bị bác bỏ và chê bai. Nhiều khi chúng ta lại càng thêm thiết tha, càng thêm dính mắc, muốn làm một việc mà các tà lực, các sa nhân, và các cư dân trái đất – các cư dân nguyên thủy của trái đất – không thể phớt lờ hay chối bỏ. Con thấy chăng, con yêu dấu, là nhiều người trong chúng ta, khi bị chấn thương nhập đời nguyên thủy và bị sa nhân và cư dân trái đất phớt lờ hay chê bai, đã tạo ra mong muốn có khả năng, ngay cả khả năng siêu nhiên, tạo ra một biểu hiện mà họ không thể phớt lờ, không thể chối bỏ.

Con thấy là ngay bây giờ vẫn có nhiều người tâm linh mong muốn thấy một biểu hiện không thể chối cãi chứng tỏ giá trị của cái nhìn tâm linh về đời sống, là đời sống có một khía cạnh tâm linh. Nhiều người mong muốn có được thần nhãn hay quyền năng siêu nhiên khác khiến họ làm được một chuyện mà con người không thể phớt lờ, chối bỏ, hay giải thích bẻ quẹo. Nhiều tín đồ tôn giáo cũng có mong muốn tương tự, như nói được ngoại ngữ lạ hay có khả năng chữa lành (bất kể điều này nghĩa là gì), hoặc Ki-tô trở lại trần thế như một biểu hiện không thể chối cãi trên không trung, khiến không ai có thể chối cãi là chuyện này đã xảy ra.

25.2. Nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng đế

Qua các thời đại, nhiều người đã hỏi: “Tại sao Thượng đế không chứng minh là ngài hiện hữu, tại sao ngài không lấy đi sự tà ác và tăm tối khỏi trái đất?” Khi họ thấy là bóng tối tiếp tục tồn tại và Thượng đế dường như không có đó hay có vẻ cách biệt, thì họ bắt đầu nghi ngờ là một Thượng đế. Lẽ dĩ nhiên, đó là lúc sa nhân cảm thấy họ đã thực sự hoàn tất thành quả lớn nhất – khi họ khiến được một avatar nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng đế. Quả thực, đây là điểm thấp nhất mà con có thể rơi xuống khi con là một avatar đã tới đây với nhận biết có cái một trong mọi sự sống, và mong muốn nâng mọi sự sống lên. Bây giờ thì con tới điểm nghi ngờ có một đấng tối cao, có một mục đích cao và con có mục đích khi tới đây.

Đó chính là điều sa nhân muốn đạt được. Họ muốn chúng ta rơi vào trạng thái đó, mà tất cả chúng ta đều đã rơi vào, như nhiều vị huynh đệ tôn quý của thày đã nói. Con yêu dấu, chính thày quả thực cũng đã rơi vào trạng thái đó. Thày đã rơi xuống một điểm thấp đến độ những ai có quan niệm tôn thờ Phật sẽ từ chối không chấp nhận. Họ sẽ nói là đây không phải là đức Phật thật đang nói là đức Phật đã rơi xuống trạng thái thấp như vậy, vì đức Phật chắc chắn đã sinh ra toàn hảo. Thày đã không sinh ra toàn hảo, trong kiếp đầu thai cuối hay trong bất cứ các kiếp trước. Con yêu dấu, thày đã phạm những lỗi lầm mà nhiều người trong các con đã phạm.

25.3. Nếu con có quyền năng siêu nhiên thì sao?

Thày cũng đã có mong muốn có được quyền năng sẽ thức tỉnh con người và khiến họ không thể chối bỏ khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Thày đã phải vượt qua mong muốn này trong kiếp đầu thai cuối của thày. Quả thực là khai ngộ cuối cùng mà thày phải đối mặt, khi thày bị Ma vương cám dỗ, đã là ý muốn dùng khả năng của tâm, mà thày đã đạt được, để phản ứng lại các cám dỗ của Ma vương. Khi đó thày đã đạt được một tầng tâm thức của quả vị Phật, nên thày quả thực có một số khả năng mà thày có thể dùng để phản ứng lại các cám dỗ của Ma vương. Nhưng con yêu dấu, thày lại làm vậy để làm gì? Thày đạt được kết quả gì? Nếu thày chứng minh các khả năng của thày, thì thày sẽ đạt được kết quả gì trong công việc giúp sự sống tiến triển?

Con cần tự mình ngẫm nghĩ điều này nếu con nhận ra là con có mong muốn có quyền năng siêu nhiên. Con cần xem xét con sẽ đạt được gì nếu con có quyền năng mà đôi khi con mơ tưởng mình có. Nếu con sử dụng quyền năng đó, thì con sẽ thực sự đạt được kết quả gì?   

Đầu tiên hết con cần nhận ra là sẽ có một số sinh thể, một số người, sẽ chối bỏ tức khắc là biểu hiện đã xảy ra, dù rằng họ đã thấy nó với chính mắt họ. Có những người đã thấy Giê-su đi trên nước và uống rượu mà trước đó Giê-su đã biến ra từ nước, và họ không tin những điều đó. Họ không tin những chuyện mà giác quan của chính họ đã trải nghiệm. Sau khi hiện tượng xảy ra, thì tâm lý trí, phân tích của họ bắt đầu nghi ngờ là chuyện đó đã thực sự xảy ra. Họ bắt đầu nghi ngờ là các hiện tượng đó là chỉ dấu Giê-su đã đạt được sự điều ngự tâm linh. Họ nghĩ rằng có sự gì gian trá bên trong. Họ nghĩ đó là những gian trá của ác quỷ và do đó Giê-su không phải là một vị thày tâm linh thật, thày không phải là đấng Cứu thế vân vân và vân vân. Lẽ dĩ nhiên, sa nhân lập tức tìm cách chống lại những chứng minh quyền năng cao của Giê-su bằng cách khiến con người tin rằng tà lực và ác quỷ đã đánh lừa họ, hay là chúng đã nhập vào Giê-su để thực hiện những trò bịp bợm đó.

Nếu con chuyển sang thời hiện đại, thì các nhà duy vật sẽ tức khắc nghi ngờ là những hiện tượng đó đã xảy ra. Nhiều nhà duy vật sẽ nói là tuy nhiều người đã thấy các biểu hiện bên ngoài đó, nhưng đó chỉ giản dị là tâm họ và tâm tập thể đã đánh lừa họ để họ nghĩ là họ đã thấy những hiện tượng đó, nhưng sự thực thì chúng không có thật. Nếu con suy ngẫm chuyện này, thì con nhận ra là không có bất cứ điều gì mà tâm vỏ ngoài (tâm xác thịt, tâm con người, tâm lý trí, phân tích, đường thẳng) không thể nghi ngờ.

Thực tế là, con yêu dấu, con không bao giờ có thể chứng minh bất cứ điều gì trên một hành tinh có vật chất dày đặc, có tâm thức dày đặc như trái đất. Tại sao vậy? Bởi vì chức năng cốt yếu của một hành tinh có vật chất dày đặc là cho con người một trải nghiệm trầm mình trong đó họ có thể trải nghiệm họ là một sinh thể tách biệt.

25.4. Mục đích của các hành tinh có vật chất dày đặc

Để có được trải nghiệm đó, con không thể có khung tham chiếu mà con có trên một hành tinh tự nhiên, là nơi con cảm thấy sự kết nối với một cái gì lớn hơn là ý niệm bản ngã hiện thời của con, con cảm thấy cái một trong mọi sự sống. Đây không phải là một hiểu biết bằng trí năng mà con có trên một hành tinh tự nhiên. Đây là một trải nghiệm, một trải nghiệm nội tại – mà ngày nay con gọi là “trực nhận” – nhưng trên một hành tinh tự nhiên nó được coi như một trải nghiệm tự nhiên. Nó tự nhiên như khi con mở mắt và thấy mặt trời.

Con không thể có khả năng này nếu con muốn có trải nghiệm trầm mình. Những người trong giai đoạn trầm mình không có ý niệm cái một trong mọi sự sống. Đó chính là lý do vì sao họ không có khung tham chiếu giúp họ có được cảm nhận không thể chối cãi là cuộc sống có cái gì cao hơn những gì họ trải nghiệm qua cái ngã tách biệt. Họ không thể thấy điều mà con thấy khi con thức tỉnh và nhận ra khía cạnh tâm linh của đời sống. Con yêu dấu, không có gì con có thể nói, không có gì con có thể làm, có thể giúp những người đang trong giai đoạn trầm mình trải nghiệm một thực tại cao hơn, như con đã trải nghiệm và nhiều người trong các con coi là đương nhiên, vì các con đã có trải nghiệm này từ quá lâu nên nó có vẻ đương nhiên với con.

Nhiều người trong các con đã có cảm nhận nội tại rằng mình nối kết với một cái gì lớn hơn trong suốt kiếp sống này. Ngay cả khi các con còn thơ ấu, con không thể hiểu vì sao người khác không có cảm nhận đó. Khi con lớn lên, con đã có khi tự hỏi làm sao con có thể nói người khác biết về khía cạnh tâm linh của cuộc sống vì nó quá hiển nhiên với con, nhưng người khác không thấu hiểu được. Họ không thấy điều này hiển nhiên, họ cảm thấy bị đe dọa và họ bác bỏ nó.

Ấy, con yêu dấu, con hiểu chăng là những người đang trong giai đoạn trầm mình bắt buộc phải bác bỏ tầm nhìn cao hơn của con. Vì nếu không họ không thể tiếp tục trầm mình, tiếp tục tự đồng hóa với trái đất và cái ngã vỏ ngoài. Lẽ tự nhiên, chúng ta biết là có nhiều người không tự nguyện ở trong giai đoạn trầm mình. Họ đã bị sa nhân lừa dối, họ đã bị sa nhân thao túng để chấp nhận những khuôn nếp phản ứng giữ họ trong trạng thái trầm mình.

Nếu con tưởng tượng một kịch bản lý tưởng, thì con có thể nói là tất cả những cư dân nguyên thủy của trái đất hiện đang đầu thai đáng lẽ đều đã thăng thiên. Tuy nhiên, vì có luật tự quyết, thì một kịch bản lý tưởng chỉ là một ước tính vì quyền tự quyết phải được phép tự trải bày. Con có thể nói là khi một hành tinh được tạo ra, khi một số dòng sống đầu thai lần đầu trên hành tinh đó, thì có thể có một kịch bản lý tưởng ước tính họ có thể tăng triển như thế nào. Vì có luật tự quyết, nên kịch bản lý tưởng không là thực tế nhất định, và do đó các chân sự thăng thiên sẽ không cho rằng mọi chuyện đã hoàn toàn thất bại nếu kịch bản lý tưởng không được hoàn thành. 

25.5. Chứng minh có chọn lựa khác

Các thày cho phép con người đi lạc vào những nẻo mà họ cần đi vào. Lẽ dĩ nhiên, tình trạng cũng có thể tới chỗ ta có thể nói là sa nhân đã khiến con người đi vào các khuôn nếp phản ứng đó. Con người không có cách cư xử nào khác khuôn nếp phản ứng, do đó ta có thể nói điều chính đáng là các avatar tới đầu thai ở đây để chứng minh là có chọn lựa khác. Con yêu dấu, mục đích của các thày khi trao truyền giáo lý (kể cả trong quyển sách mới) về việc các avatar tới đầu thai trên trái đất, là để nói với các con là các con không đến đây để thực hiện một thay đổi đặc thù trên hành tinh này. Con tới đây chỉ để chứng minh có chọn lựa khác.

Điều này có nghĩa là con cần cho phép những người chưa sẵn sàng hay chưa chịu bước ra khỏi giai đoạn trầm mình, chối bỏ con và bác bỏ những gì con nói. Thày muốn thêm vào những gì Giê-su đã nói, và nói ở đây là khi con xuống đây và gánh chịu chấn thương nhập đời nguyên thủy và tạo ra cái ngã gốc (cái ngã tách biệt đầu tiên mà con tạo ra) (primal self), thì nhiều người trong các con không hoàn toàn nắm vững thực tế của luật tự quyết. Con lúc đó không hoàn toàn chấp nhận là vai trò của con chỉ là nêu tấm ngương mà không thực hiện một thay đổi đặc thù. Con đã tạo ra ngã gốc vì con mong muốn thực hiện một thay đổi nào đó, và điều này đã khiến con mong muốn có được quyền năng đặc biệt thể hiện một biểu hiện đặc biệt mà con người không thể phớt lờ hay bác bỏ. Để hoàn toàn buông bỏ ngã gốc, để thấy là nó không thật, con cần nhận ra là vì có luật tự quyết, con đã có một mong muốn quá quắt, trái luật. Con có mong muốn ép buộc con người thức tỉnh vì như vậy tốt cho họ.

25.6. Làm gì và làm cách nào

Con yêu dấu, sa nhân có gì? Họ có mong muốn ép buộc con người không thức tỉnh vì đây là điều tốt cho họ, tốt cho sa nhân. Điều con cần nhận ra ở đây là, lẽ tự nhiên, trong cương vị một avatar con không nên có mong muốn ép buộc con người thức tỉnh vì như vậy tốt cho họ. Đó là lý do vì sao con tiến thêm bước nữa và nhìn vào ngã gốc mà con đã tạo ra và có mong muốn áp đặt một thay đổi nào đó trên trái đất, ép buộc con người thay đổi bằng cách nào đó, ép buộc họ thức tỉnh. Con cần nhận ra là dù mong muốn này phát sinh từ thiện tâm, nhưng nó cũng phát sinh từ một điều mà các thày đã giảng trước đây: đó là nhiều người hiểu cần làm gì, nhưng họ không có một cái nhìn thực tế là làm cách nào. Con đã tới đây với hiểu biết đúng đắn là trái đất cần thay đổi và con người nên rốt cuộc thức tỉnh. Nhưng con có một hiểu biết không thực tế về cách thực hiện chuyện này, kể cả nghĩ rằng vì sa nhân đã dùng bạo lực để ru ngủ con người, thì con được quyền dùng một bạo lực nhẹ hơn để thức tỉnh họ.

25.7. Một mong muốn vị tha để thỏa mãn cái ngã

Giờ đây, con cần tiến thêm bước nữa và xem xét cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra và nhận ra là tuy ngã tách biệt tin chắc là nó chỉ muốn thức tỉnh con người vì như vậy tốt cho họ, nhưng sự thực là ngã tách biệt muốn thức tỉnh con người vì như vậy tốt cho con, tốt cho . Nói cách khác, mong muốn thức tỉnh con người, sau khi con đã tạo ra ngã tách biệt, thực sự là để con cảm thấy con đã hoàn thành những gì con muốn hoàn thành khi tới trái đất này, nhưng con vẫn chưa hoàn thành được.

Con có thấy chăng là ngã tách biệt tin chắc là nó làm thế vì như vậy tốt cho mọi người, nhưng thực ra đó là vì như vậy tốt cho con, để con thực hiện được mục đích mà con đã tự định ra? Khi con còn nhìn đời qua ngã tách biệt, ngã gốc, thì con sẽ tiếp tục nghĩ là con muốn thức tỉnh con người vì như vậy tốt cho họ, nhưng đó là vì như vậy “tốt” cho con, vì con được cảm thấy thoải mái với việc mình đã tới trái đất.

Lẽ dĩ nhiên, điều này dễ hiểu, ta cũng có thể nói là “tự nhiên”, là khi con tới trái đất và gánh chịu chấn thương nguyên thủy, thì con bị chấn động rất mạnh và không thoải mái với việc mình ở đây, con không thoải mái với việc mình đã đến đây. Do dó, điều tự nhiên là con mong muốn tới được điểm con cảm thấy thoải mái với việc mình ở đây, với việc mình đã đến đây. Con nghĩ rằng, khi con còn ngã tách biệt đó, cách duy nhất để con cảm thấy thoải mái với việc mình đã đến đây là thực hiện mục đích mà con đã định ra khi tới đây.

Điều được nói trong quyển sách mới, một cách vừa gián tiếp vừa tiềm ẩn, là con cần tới điểm nhận ra là hiểu biết, nhận biết mà con có khi con tới đây không phải là nhận biết cao nhất. Chắc chắn là lúc đó, con ở trạng thái tâm thức cao hơn đa số cư dân trái đất, nhưng con không có hiểu biết cao nhất về luật tự quyết và cách nó vận hành. Khi con còn nắm chặt viễn quan nguyên thủy đó, mục đích nguyên thủy đó, thì con không thể cảm thấy thoải mái với việc mình đã đến đây cho tới khi mục đích đó được hoàn thành. Vì bây giờ con nhận ra là mục đích đó không bao giờ hoàn thành được vì có luật tự quyết, thì có nghĩa là khi con còn nắm chặt mong muốn đó, thì con không thể nào cảm thấy thoải mái với việc mình ở trên trái đất.

Thay đổi mà các thày muốn trình bày cho con, mà con cần phải thực hiện, là con cần để cho cái ngã đó chết đi. Khi đó, con tới điểm chấp nhận, như Giê-su đã giảng một cách rất hùng hồn, là con tới đây để là người con là, để tỏa chiếu ánh sáng của con, để cho con người một tấm gương, một khung tham chiếu. Khi con xoay chuyển tầm nhìn, như tất cả các thày đã làm (hay ít ra là hầu hết các thày, trừ những người đã tạo ra một ngã gốc khác), thì con sẽ trút bỏ được gánh nặng cảm thấy không thoải mái với việc mình ở đây, cảm thấy nếu thay đổi này hay thay đổi kia xảy ra thì con sẽ cảm thấy thoải mái với việc mình ở đây. Con cũng có thể trút bỏ hết gánh nặng trách cứ mình đã tới đây, cảm thấy: “Tôi đã quá ngu dốt khi tôi tình nguyện xuống một hành tinh như thế này”. Các cảm nhận này sẽ tan biến đi khi con trải qua tiến trình tuần tự cho tới khi con tới điểm con có thể rũ bỏ chúng. Lúc đó, con yêu dấu, con có thể cảm thấy thoải mái với việc mình ở đây bằng cách giản dị là gì con là.

25.8. Cảm thấy thoải mái là người con là

Con yêu dấu, con thấy chăng là khi con tạo ra cái ngã muốn làm điều gì trên trái đất, thì con không thể là người con là. Đó không phải là người con là. Qua cái ngã đó, cho dù ngã đó cảm thấy nó đã hoàn thành mục đích của nó, con vẫn không thể nào cảm thấy thoải mái với chính mình hay với việc con ở đây. Con chỉ có thể cảm thấy thoải mái với việc mình ở đây khi con cảm thấy thoải mái với chính mình, và cảm giác này chỉ có thể tới từ bên trong. Nó không thể tùy thuộc bất cứ thành quả bên ngoài nào, bất cứ kết quả bên ngoài nào mà con có thể thực hiện trên hành tinh này hay bất cứ hành tinh nào khác. Ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, con không thể cảm thấy một cách tối hậu thoải mái với chính mình qua những thành quả bên ngoài của mình. Con phải phát triển cảm nhận từ bên trong cảm thấy thoải mái với chính mình giản dị dựa trên con là ai.

Điều này cho thấy gì về những người trong chúng ta đã chọn lựa là avatar? Nó cho thấy là chúng ta đã chọn tới một hành tinh thấp hơn vì chúng ta chưa hoàn toàn phát triển cảm nhận quý trọng mình là ai từ bên trong chính mình. Chúng ta vẫn còn nghĩ là phẩm giá của mình, cảm nhận thoải mái với chính mình, dính liền với các thành tựu, thành quả của mình. Đó là lý do vì sao chúng ta quyết định cho mình một mục đích khác, đặt mình vào một chu kỳ khác, và lần này đặt cho mình một mục đích khó hơn là đạt được điều không thể đạt được trên một hành tinh tự nhiên, đó là đem lại thay đổi trên một hành tinh không tự nhiên.

Thách đố mà chúng ta đối mặt để có thể thăng thiên là tới điểm hoàn toàn buông bỏ mong muốn cảm thấy thấy thoải mái với chính mình trên căn bản những thành tựu và thành quả của mình, trên căn bản những gì mình đã làm. Con cần tới điểm cảm thấy thoải mái với chính mình trên căn bản mình là ai, mình là , Sinh thể mà con là.

25.9. Khai ngộ sử dụng quyền năng siêu nhiên

Đây là khai ngộ mà thày giáp mặt khi ngồi dưới cội Bồ đề và bị Ma vương thử thách. Thày có thể dùng quyền năng siêu nhiên để làm điều gì, khiến ác ma chấn động và khâm phục. Thày bị cám dỗ trong một giây lát. và đã tới “gần kề” quyết định sử dụng quyền năng đó. Nhưng thày đã có thể tự kiềm chế, giữ tâm không dính mắc, và dùng thủ ấn chạm đất (động tác chạm đất với các ngón tay của một bàn tay) để chạm mặt đất và kêu lên: “Vajra (Kim cương)!” Thày có quyền ở đây mà không làm gì, và chỉ (mà không phải là chỉ) bằng cách là. Con cũng có thể tới điểm đó khi con buông bỏ mong muốn làm bất cứ điều gì trên trái đất.

Điều này không có nghĩa là con sẽ ngồi dưới một gốc cây phần còn lại của cuộc đời và không làm gì cả. Con rất có thể có một cuộc đời tích cực. Con cũng có thể, như Giê-su có nói, có một cuộc đời “bình thường” và biểu hiện bản thể cao của con qua cuộc đời thoạt trông bình thường đó. Con cũng có thể làm một số chuyện tạo được thành quả trong thế gian và cải thiện điều kiện sống trên trái đất, nhưng con không làm từ cái ngã tách biệt lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, bất toại nguyện. Con chỉ là gì con là và để ánh sáng của Dòng sông sự Sống tuôn chảy xuyên qua con. Con để ánh sáng làm công việc của nó thay vì con làm với tâm vỏ ngoài cảm thấy phải làm việc này, hay cảm thấy chính mình đã hoàn thành việc này. Con nhận ra với Giê-su: “Tự ta, ta không làm được điều gì cả.”

Các con yêu dấu, các thày rất hân hoan được trao truyền các giáo lý này ở hội nghị này, sẽ giúp vị sứ giả hoàn thành một quyển sách là khía cạnh Omega của quyển sách mới. Các con có một số dụng cụ và giáo lý giúp con thiết lập một thủ tục từng bước tháo gỡ những dính mắc mà các avatar thường có. Điều này có nghĩa là con có thể dần dần tới điểm con ngồi yên, giáp mặt Ma vương, chế ngự cám dỗ hành động xuyên qua cái ngã tách biệt muốn làm, muốn người khác khâm phục, muốn ép buộc. Thay vào đó, con có thể trụ vào bên trong, chạm đất và tuyên bố quyền ở đây trong trạng thái tâm là thuần khiết, khác với “mong muốn làm” của tâm thức nhị nguyên.

Dù một số trong các con chưa trải qua tiến trình này và chưa hoàn toàn tới điểm này, nhưng thày muốn các con làm thực tập này với thày. Con hãy giơ bàn tay phải ra, chĩa xuống phía dưới, thày biết là các con không thể chạm mặt đất vì đang ngồi trên ghế, nhưng con hãy tưởng tượng, hình dung là ngón tay con chạm mặt đất. Sau đó, chúng ta cùng nhau nói: “Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra, Vajra,” và một lần cuối: “Vajra.” 

Như vậy, mọi chuyện đã tác thành và thày niêm phong con, niêm phong hội nghị này trong tình thương và niệm vui của Phật, mà TA LÀ.

23 | Thoát khỏi ngã gốc của con

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 3 tháng 12 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày muốn con nghĩ tới nhiều tín đồ Cơ đốc đang ngồi thờ phượng trong giáo đường của họ vào một buổi sáng Chủ nhật khắp nơi trên thế giới. Nhiều người trong họ thuộc về một giáo hội đặc thù và họ tin rằng giáo hội của họ có sự diễn giải chân chính về cuộc đời của thày và có khi còn là diễn giải chân chính duy nhất.

Nhiều người trong những tín đồ Cơ đốc này cho rằng họ diễn giải Kinh thánh theo nghĩa đen. Họ tuyên bố là họ diễn giải Thánh kinh theo nghĩa đen. Giờ đây, con yêu dấu, thày có thể chứng minh họ sai chỉ qua vài câu. Tất cả các con đều biết câu trích dẫn lời thày nói trong Thánh kinh: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nhưng ai vì ta mà mất mạng sống mình thì sẽ được sự sống thật, sự sống trường cửu.” Con yêu dấu, nếu con tuyên bố diễn giải thánh kinh theo nghĩa đen, thì câu hỏi là: “Vậy thì tại sao con chưa kết liễu mạng sống mình?”

Nếu con vẫn còn sống thì sự thật giản dị là con đã không hiểu theo nghĩa đen tất cả mọi câu trong Thánh kinh. Nếu con không hiểu theo nghĩa đen một câu nói (vì con đã không bỏ mạng sống mình để đi tìm đời sống vĩnh cửu), vậy thì tại sao con không hiểu câu nói đó theo nghĩa đen? Lẽ dĩ nhiên đó là vì con nhận ra ý của câu này không thể hiểu theo nghĩa đen được. Nếu có một câu không nên hiểu theo nghĩa đen, thì phải chăng nhiều câu khác cũng thế? Còn hơn thế nữa, phải chăng là tất cả những câu nói của thày không nên hiểu theo nghĩa đen?

Ngay cả Thánh kinh cũng chứng minh là thày giảng giáo lý thấp hơn cho đại chúng và giáo lý cao hơn cho các tông đồ của thày. Có khó lắm không để thấy là thày đã dạy một giáo lý có thể hiểu ở nhiều trình độ khác nhau vì thày chờ đợi là các con dùng giáo lý để gia tăng sự hiểu biết, để nâng cao sự nhận biết của các con? Khi làm như thế, con sẽ hiểu được ý nghĩa sâu sắc hơn đằng sau những lời thày nói. Cho nên, những ai hiểu Thánh kinh theo nghĩa đen đang không đi trên con đường tu, con Đường Đạo mà thày đã phác họa. Có khó lắm chăng để thấy điều này, con yêu dấu?

23.1. Những cái ngã của con bị kẹt trong một nhận thức đặc thù

Lẽ dĩ nhiên thày biết là tất cả các con có thể thấy được điều này vì nếu không thì các con đã không theo học giáo lý của các chân sư thăng thiên. Thày nêu lên điều này bởi vì ngay cả những người trong các con đã mở tâm đón nhận giáo lý của các thày, các con quả thực cũng nhận ra có những phần trong tâm thức mình đã hiểu một số điều theo nghĩa đen. Thày đã nói tới những cái ngã mà con đã tạo ra khi con phản ứng lại những kinh nghiệm con trải qua trong thế gian này. Con yêu dấu, có thể nói một cái ngã như thế bị kẹt trong một trạng thái tâm thức mà con thấy nơi nhiều tín đồ Cơ đốc giáo cực chính thống.

Cái ngã được tạo ra cho một mục đích đặc thù và nó chỉ có thể nhìn cuộc đời (hay nhìn một khía cạnh đặc thù của cuộc đời) theo cách nhìn được quy định khi nó được tạo ra. Nó giống như cái máy cứ giản dị lặp đi lặp lại cùng một khuôn nếp. Giáo lý mà các thày trao truyền ở đây lẽ dĩ nhiên không dành cho người mới bắt đầu tu, ngay cả những người mới bắt đầu tu theo giáo lý của các chân sư thăng thiên. Nó được trao truyền đặc biệt cho những người đã tiến lên những tầng cao hơn. Giáo lý thày trao truyền trong lần truyền giảng này đặc biệt dành cho những người đã đọc quyển sách mà các thày đã trao truyền (Các Kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su) và do đó họ đã sẵn sàng đối phó với các khai ngộ này vì họ nhận ra họ là một avatar đã đầu thai trên trái đất. Thày yêu cầu con, nếu con cảm thấy mình chưa tới tầng mức này, thì con để qua bên giáo lý này và tìm hiểu một số giáo lý khác cho tới khi con cảm thấy mình sẵn sàng học nó. Nhiều người trong các con đã sẵn sàng và đó là lý do tại sao các thày không giữ lại giáo lý này.

Các thày đã trao truyền cho các con một số giáo lý về những cái ngã mà con đã tạo ra, những khía cạnh của tự ngã, những phàm linh nội tại. Đầu năm nay, thày có nói tới cách hành xử của con, cách con nhìn các chân sư thăng thiên. Thày đã nói con nhìn thế giới vật chất như thế nào và tất cả những giáo lý này là dụng cụ để giúp con khám phá ra con đã tạo ra những cái ngã nào bên trong con và chúng vẫn còn ở đó và con vẫn còn mang chúng bên trong con. Chúng là gánh nặng đè lên con, kiềm giữ con lại trên nhiều khía cạnh. Ví dụ như chúng có thể khiến cho tư tưởng của con đi vào những khuôn nếp lặp đi lặp lại. Chúng có thể khởi động một phản ứng xúc cảm khi con ở trong một số tình huống nào đó. Xúc cảm này có thể là sợ hãi, có thể là mắc cở hay hổ thẹn. Nó có thể là giận dữ; nó có thể là nhiều xúc cảm khác. Mỗi người mỗi khác, nhưng điểm chính là con nhận ra có một khuôn nếp được lặp đi lặp lại. Con yêu dấu, con lưu ý điều sau: Cái Ta Biết của con, cốt lõi của bản thể con là một sinh thể sáng tạo.

Nó muốn luôn luôn tiến lên và trải nghiệm cái mới. Đó là lý do tại sao con tới đây ngay từ đầu. Sau khi đã sống trên các hành tinh tự nhiên một thời gian dài, con muốn trải nghiệm cái gì mới, cái gì khác. Một lần nữa, điều này không có gì sai trái. Hiếu kỳ có thể giết con mèo nhưng các con không phải là mèo. Hiếu kỳ là điều hoàn toàn tự nhiên đối với một sinh thể đang mở rộng tự nhận biết của nó. Làm sao con có thể mở rộng tự nhận biết nếu con không hiếu kỳ về những gì ở bên ngoài ý niệm bản ngã hiện hành của con?

Con nhận ra ở đây là cốt lõi của bản thể con là hiếu kỳ, thích tiến sang chuyện khác, thích trải nghiệm những cái mới. Điều này có nghĩa là bất cứ khi nào con thấy có một khuôn nếp lặp đi lặp lại trong bốn thể phàm của mình, thì con biết đây không phải là cái ta thật của con. Con cũng biết là nó kiềm giữ con lại và có thể là nó khiến cho cái ta thật của con cảm thấy bực bội, bất toại nguyện, không vui khi phải ở đây.

23.2. Sự tạo thành của cái ngã tách biệt đầu tiên của con

Giờ đây, khi thày nói điều này, lẽ dĩ nhiên chúng ta cần phân biệt. Chúng ta cần tự hỏi: “Nếu cái Ta Biết là nhận biết thuần khiết, thì có thể nào cái Ta Biết thực sự cảm thấy không vui, nóng giận, bực bội chăng?” Câu hỏi này không có câu trải lời giản dị, đường thẳng. Lý do là vì con đã đầu thai trong một thời gian rất dài và do đó con đã tạo ra những cái ngã vi tế đến độ con bây giờ không thể thấy được sự khác biệt giữa cái Ta Biết và những cái ngã này.

Đó là lý do tại sao các thày đã bắt đầu nói với các con về một số ngã có tính cách phiến diện hơn và con có thể thấy rất dễ dàng là những ngã này liên quan tới những tình huống đặc thù hay khía cạnh đặc thù của cuộc sống. Con nhìn ra những ngã phiến diện này dễ hơn, con nhận diện chúng là ngã tách biệt và chúng không phải là cái ta thật của con. Trước đây các thày có trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời mà con gánh chịu khi con xuống đầu thai lần đầu trên trái đất, thì bây giờ các thày đã sẵn sàng trao cho các con sự hiểu biết là khi các con trải qua chấn thương nhập đời này, thì con tạo ra một cái ngã. Nó không phải là cách cơ bản con liên hệ với trái đất nhưng là cách cơ bản con liên hệ với trái đất sau khi bị chấn thương. Nói cách khác, để có thể đối phó với chấn thương, con tạo ra cái ngã tách biệt đầu tiên này. Chúng ta có thể nói ý niệm bản ngã mà con có trước khi bị chấn thương, ý niệm bản ngã mà con tạo ra khi con tạo ra bốn thể phàm của con, nó đã chết đi vì con bị chấn thương nhập đời.  

Con lưu ý là các thày đã giảng điều này trước đây nhưng thày sẽ tóm tắt ở đây. Để có thể đầu thai lần đầu trên một hành tinh dày đặc như trái đất, con tạo ra (với sự nhận biết mà con có trước khi con tới đây) thể bản sắc, thể lý trí, thể tình cảm và cuối cùng là thể vật lý (nghĩa là cái tâm liên quan tới thể vật lý). Ba thể cao được tạo ra dựa trên viễn quan về trái đất mà con có trước khi con thật sự kinh nghiệm cuộc sống trên trái đất. Nó là một cái ngã phần nào có tính cách lý thuyết. Sau đó, con đi xuống với ý định tốt nhất, với cái ngã con đã tạo ra với những mong chờ về những gì con muốn làm, về những gì con có thể gặp, về hậu quả của sự hiện diện của con ở đây. Sau đó, con trải nghiệm chấn thương nhập đời khi con gặp các sa nhân, và cái ngã nguyên thủy chết đi. Một cái ngã mới được tạo ra khi con phản ứng lại sa nhân và các điều kiện trên trái đất. Ta có thể nói là quả thực cái Ta Biết không thể cảm thấy buồn phiền, bực dọc hay bất toại nguyện khi nó nhận ra nó là nhận biết thuần khiết. Trong nhận biết thuần khiết không có cảm xúc tiêu cực, cũng không có bất cứ cảm xúc nào được gọi là cảm xúc tích cực trên trái đất. Trong nhận biết thuần khiết con chỉ giản dị quan sát. Nếu con có thể trụ mình vào nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, con có thể chỉ quan sát trái đất. Con không lượng định, phê phán. Không có phán xét giá trị, không có cái phải là hay cái không được là: Con chỉ quan sát.

Đây là trạng thái tâm thức mà Phật đã chứng minh khi thày đạt sáng ngộ cuối cùng khi thày ngồi thiền định dưới cội cây Bồ đề, và quỷ sứ của Ma vương lại gần và tìm cách khích động thày phản ứng lại chúng một cách nào đó. Thày trụ trong tâm không dính mắc, thày đứng ra ngoài các khuôn nếp phản ứng bằng cách ở trong nhận biết thuần khiết trong đó thày thấy chuyện gì đang xảy ra trên trái đất nhưng chỉ quan sát mà không phản ứng.

Giờ đây lẽ dĩ nhiên, con yêu dấu, con không ở đây để ngồi dưới một gốc cây và chỉ quan sát. Con ở đây để tham gia vào cuộc sống trên trái đất. Con cần gì để có thể tham gia vào cuộc sống? Con cần một thể bản sắc, một thể lý trí, một thể tình cảm và một thể vật lý. Hệ quả là con có một cái ngã và điều này nghĩa là con có thể bước lui ra khỏi cái ngã đó, đi vào nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết và chỉ quan sát. Lẽ dĩ nhiên đây không phải là điều con làm trong đời sống thường nhật thực tiễn. Ngay lúc con chú ý bên ngoài để thực sự tham gia vào cuộc sống trên trái đất này, thì con (như là cái Ta Biết) đang trải nghiệm cuộc sống qua cái ngã mà con tạo ra. Đó là lý do tại sao cái Ta Biết có thể kinh nghiệm sự bực bội, thất vọng, cảm giác bị ruồng bỏ.

Trên mặt lý thuyết đây không phải là cái Ta Biết. Những cảm xúc này không ở trong cái Ta Biết nhưng cái Ta Biết đang kinh nghiệm cuộc sống qua cái ngã đó. Đó là lý do tại sao đây là một ý niệm sâu thẳm về bản ngã mà hầu hết không ai thấy được. Ngay cả những người đã đi trên con đường tu một thời gian khá dài cũng không thấy được điều này vì đây quả thực là cái ngã cơ bản mà họ đã tạo ra sau khi tới đây. Nó là cái ngã sinh ra sau khi cái ngã đầu tiên chết đi. Nó bám chặt, nó ăn sâu, nó vi tế đến độ con xem nó là đương nhiên. Con nghĩ đây là cách duy nhất để kinh nghiệm cuộc sống trên trái đất.

23.3. Con đã buông bỏ những cái ngã khác

Các thày đã trao truyền cho con khái niệm về những cái ngã phiến diện hơn liên quan tới một điều kiện đặc thù. Mục đích là giúp con nhận ra con đã thấy một số các ngã này. Con đã đi trên con đường tâm linh, ngay cả nếu con chỉ mới đi trong một thời gian ngắn (và ở đây thày không nói tới chuyện con tìm thấy những giáo lý đặc thù này vì nhiều người trong các con đã đi trên con đường tu nhiều năm trước khi con tìm thấy các giáo lý này). Nếu con đã đi trên con đường tu một thời gian, thì con đã thấy một số các ngã vỏ ngoài này, con đã tách mình ra khỏi chúng và con đã buông bỏ chúng.

Con đã quen thuộc với tiến trình buông bỏ đó. Một khi con nghĩ về nó và xem xét đường tu của mình, con nhận ra là con đã buông bỏ một số ngã này (có thể là con buông bỏ một cách không có ý thức). Ngày hôm nay con không phản ứng giống như trước khi con tìm thấy con đường tâm linh. Con đã thăng vượt một số khuôn nếp phản ứng, con đã bỏ chúng lại đằng sau, và đó là vì con đã vượt lên trên những cái ngã vỏ ngoài này. Điều thày muốn nói ở đây là một cái ngã vỏ ngoài là một cái ngã vỏ ngoài. Con có thể có một cái ngã vỏ ngoài liên quan tới cách con hành xử với những người nổi giận với con. Lẽ dĩ nhiên nó là một cái ngã vỏ ngoài đặc thù hơn cái ngã con đã tạo ra khi con phản ứng lại chấn thương nhập đời, nhưng trên căn bản cả hai đều được tạo ra theo cùng một cách.

Cả hai đều dựa trên một ảo tưởng cho nên cách khắc phục chúng quả thực là một. Con nhận ra nó là một cái ngã vỏ ngoài và con quyết định con không muốn mang nó trong mình nữa. Sau đó con có thể buông bỏ nó. Tuy nhiên với cái ngã mà con tạo ra trong chấn thương nhập đời vũ trụ, mà chúng ta có thể gọi là ngã gốc, thì lẽ dĩ nhiên buông bỏ nó khó hơn vì nó vi tế hơn.

23.4. Cái ngã mà con có trong kiếp đầu thai đầu tiên

Khi thày nói con xuống đầu thai với một cái ngã mà con đã tạo ra trước khi con kinh nghiệm cuộc sống trên trái đất và cái ngã này chết đi và con tạo ra một cái ngã khác, thì điều này thực sự có nghĩa gì? Ấy, điều này có nghĩa, con yêu dấu, là khi cái ngã trước của con chết đi, con mất đi khung tham chiếu mà cái ngã này có thể cho con. Nói cách khác, cái ngã mà con có khi con xuống đây được tạo ra với tầm nhìn của con từ một cõi cao hơn, dựa trên cuộc sống của con trên một hành tinh tự nhiên. Lẽ dĩ nhiên cái ngã này không đầy đủ vì nó không biết cuộc sống ở đây ra sao. Điều nó biết là có một lối sống khác với lối sống trên trái đất, có một dạng sống tốt hơn; có một cái gì khác. Khi con trải qua chấn thương và cái ngã đó chết đi, con mất đi khung tham chiếu này, ít nhất là trong tâm ý thức của con.

Điều này có nghĩa là từ lúc đó con bắt đầu nghĩ và kinh nghiệm là cách duy nhất để nhìn cuộc sống là cách con đang nhìn cuộc sống qua cái ngã mới, cái ngã gốc mà con đã tạo ra khi con phản ứng lại chấn thương nhập đời và các điều kiện trên trái đất. Do đó nhận diện cái ngã này khó hơn nhận diện những cái ngã phiến diện hơn. Con phải làm việc nhiều hơn nhưng các thày đã trao truyền giáo lý và dụng cụ cho các con. Dụng cụ của Mẹ Mary để giúp con tiếp cận chấn thương nhập đời là một dụng cụ tuyệt diệu giúp con có một nhận biết, một nhận biết rộng hơn về cái ngã mà con đã tạo ra để con có thể bắt đầu tách mình ra khỏi nó. Có thể nói là con có thể bắt đầu thấy ngã này từ bên ngoài thay vì con nhìn cuộc sống xuyên qua cái ngã, từ bên trong cái ngã.

23.5. Buông bỏ cái ngã thâm sâu

Thày tin là con cũng thấy sự thật hiển nhiên là ngày nào con còn ở trong một cái ngã, thì con không thể thấy cái ngã đó. Nếu con mang cặp mắt kính màu vàng và con không biết mình đang mang kính thì con không thể thấy cặp kính này. Để có thể thấy được cái ngã, thì con phải bước ra bên ngoài nó. Lẽ dĩ nhiên, mục đích của các thày là dẫn con theo một tiến trình trong đó con dần dần buông bỏ tất cả những phàm linh và ngã phiến diện cho tới khi con tới điểm cái ngã duy nhất còn lại là ngã gốc. Khi con đã đi qua tiến trình này, thì con có thể chuyển đổi nhận thức và nhận ra con có một ngã gốc. Nó vi tế hơn các ngã khác nhưng nó vẫn chỉ là một cái ngã được tạo ra theo cùng một cách. Sau đó con có thể bắt đầu nhận ra nó không phải là con người thật của con. Nó là một cái ngã được tạo ra để đáp ứng lại một tình huống rất khó khăn, làm con bị chấn thương mạnh, xảy ra cho con trên trái đất.

Một lần nữa các thày hoàn toàn không trách cứ con. Các thày đã từng đầu thai; các thày đã tạo ra một ngã gốc khi phản ứng lại chấn thương nhập đời trên hành tinh này. Các thày chỉ có mặt ở đây để chứng minh cho các con thấy là các thày đã khắc phục cái ngã gốc đó và do đó các con cũng làm được. Điều mà một người đã làm được thì tất cả đều có thể làm được.

Vậy thì làm sao con khắc phục cái ngã gốc được? Ấy, như các thày đã nói trước đây, chìa khóa là con nhận ra là bất cứ mọi cái ngã đều được tạo ra với một mục đích đặc trưng, với một tầm nhìn đặc trưng. Do đó, chúng ta có thể nói là trong cốt lõi, cái ngã có một vấn đề nào đó. Nó có một vấn đề cố hữu và khi con nhìn từ bên trong cái ngã, vấn đề này phải được giải quyết một cách nào đó. Các thày đã nói là các con có thể đã tới đây với ý định tạo ra một sự thay đổi bên ngoài nào đó trên trái đất. Sau đó khi con tạo ra một cái ngã dựa trên những gì xảy ra cho con trên trái đất, cái ngã này có thể phóng chiếu ra hay nó có thể thấy một vấn đề đặc trưng nào đó ở đây trên trái đất nhất định phải được giải quyết. Như thày có nói, nếu vấn đề là chiến tranh, thì phải loại trừ chiến tranh ra khỏi trái đất trước khi con có thể giải quyết vấn đề.

Lẽ dĩ nhiên đây không phải là cách giúp con khắc phục một cái ngã như thế. Ngay cả nếu con giải quyết được vấn đề mà cái ngã phóng chiếu ra, như loại trừ tất cả chiến tranh, thì con vẫn không tự động khắc phục được cái ngã vỏ ngoài này. Bí quyết ở đây là con bắt đầu nhận ra là con sẽ không vượt lên trên ngã gốc bằng cách giải quyết vấn đề hay thay đổi điều kiện đã khiến con phản ứng lại và tạo ra ngã gốc.

Con sẽ chỉ khắc phục nó khi con nhận ra nó là một ngã tách biệt, nó dựa trên một ảo tưởng và không có vấn đề nào cần giải quyết. Điều này lẽ dĩ nhiên không đơn giản. Đúng là có chiến tranh trên trái đất. Đúng là các chân sư thăng thiên muốn loại trừ chiến tranh khỏi trái đất, và tất cả các con cũng vậy. Nó là một vấn đề thật, nhưng con không thể giải thoát khỏi ngã gốc bằng cách giải quyết vấn đề ở bên ngoài. Nó chỉ làm được bằng cách giải quyết cơ cấu bên trong con khiến con nghĩ rằng cuộc sống của con trên hành tinh này, ý niệm bản ngã của con và việc con rời khỏi hành tinh này, tùy thuộc vào bất kỳ điều kiện nào ở đây.

Một lần nữa chúng ta có thể xem xét những gì thày nói, trích dẫn từ thánh kinh: “Ông Hoàng Thế gian tới và không nắm được gì nơi ta.” Câu này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là không có lực nào trên trái đất có sức thu hút trên con khiến con phải làm điều gì đó, phải thay đổi điều gì đó, phải giải quyết điều gì đó ở đây. Không có lực nào có thể ra lệnh cho con là con phải phản ứng theo kiểu nào đó, con phải có cảm xúc như thế nào đó.

23.6. Cảm nhận của ngã gốc

Giờ đây, lẽ dĩ nhiên là không phải tất cả các con đều đã tạo ra một ngã gốc có mục đích giải quyết một vấn đề nào đó. Một số các con đã tạo ra một ngã gốc cảm thấy mình bị sa nhân hoàn toàn bác bỏ. Một số các con đã tạo ra những cái ngã cảm thấy một nỗi buồn chung về cuộc sống, cảm thấy rất thất vọng và rất bị chấn động vì những điều kiện ở đây, cảm thấy mình quá bất lực không thay đổi được chúng, cho nên việc mình tới đây không có ý nghĩa gì và không đạt được mục đích gì. Việc mình tới đây đã là một sai lầm.

Mỗi người trong các con phải dùng các dụng cụ của các thày, dùng bài tập của Mẹ Mary, để chiêm nghiệm xem ngã gốc của mình là gì. Cốt lõi của nó là gì? Phản ứng là gì? Niềm tin là gì? Sau đó, con cần nhận ra là ngã gốc đã cho con một cảm nhận gốc, một ý niệm gốc về trái đất và đời sống trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên ý niệm này không đẹp đẽ cho nên con biết đáng lẽ nó phải khác. Như thày đã nói, dù là cái ngã nguyên thủy của con đã chết, một số các con vẫn có thể còn cảm nhận là có một lối sống khác với lối sống trên trái đất, có một cõi khác nơi, ví dụ, chiến tranh không có mặt.

Con cảm thấy một sự bất an nào đó, một sự căng thẳng nào đó. Có điều gì đó sai, có điều gì đó làm con bất an. Con cần tới được điểm con nhận diện chính xác cảm giác đó, niềm tin đó vì, như các thày đã nói với con, khi con gặp chấn thương nhập đời thì con lấy một quyết định. Đây có thể là một quyết định khó có thể diễn tả chính xác bằng lời. Như được nói trong quyển sách, con đã lấy quyết định: “Tôi không bao giờ muốn kinh nghiệm điều này nữa.” Điều chính xác nào con không muốn kinh nghiệm nữa? Con cũng đã lấy quyết định điều gì con có thể làm và điều gì con muốn làm trên trái đất kể từ lúc đó – nghĩa là con sẽ tiếp cận cuộc sống như thế nào. Ở đây con cần nhận ra một sự vận hành cơ bản.

23.7. Sa nhân phá hoại sứ vụ của con

Có nhiều sa nhân đang đầu thai mà có thể con đã gặp họ nhưng họ không ý thức điều này. Các sa nhân ở cõi bản sắc chắc chắn ý thức điều này. Họ biết về các avatar, họ biết đã có nhiều sinh thể tới trái đất để nâng hành tinh này lên. Họ biết rằng sự thống trị trái đất của họ tùy thuộc họ có phá hoại được sứ vụ của các avatar này không hay ít nhất trì hoãn được sứ vụ đó. Điều họ thực sự muốn làm là cho con một cú sốc lớn đến độ con cảm thấy sứ vụ nguyên thủy của con khi xuống đây không thể hoàn thành được. Do đó con cảm thấy con đã sai lầm khi tới đây vì con không thể đem lại thay đổi. Con không thể thay đổi bất cứ điều gì trên trái đất.

Nhiều người trong các con khi trải qua chấn thương nhập đời vũ trụ đã bị cú sốc vì các con tới đây với ý định trong sáng nhất. Điều này có nghĩa là các con thấy mọi người trên trái đất đang đau khổ, tỷ dụ vì có chiến tranh trên trái đất. Con giả định là nếu con người đang đau khổ, thì họ muốn thoát khỏi đau khổ và do đó họ muốn khắc phục chiến tranh. Con xuống đây và con nghĩ lẽ hiển nhiên con người muốn khắc phục chiến tranh. Khi con đề nghị cách thực hiện điều này, thì con chờ đợi là mọi người sẽ tiếp nhận một cách tích cực.

Khi con ở trên hành tinh tự nhiên, con quen thấy mọi người đều muốn cải thiện cuộc sống của họ. Sau đó, con xuống trái đất và con nhận ra hai điều. Trước tiên, có những người trên trái đất không muốn thay đổi, họ không muốn khắc phục đau khổ của họ; họ không muốn từ bỏ chiến tranh hay bất cứ điều gì khác. Họ không muốn thay đổi. Sau đó, khi con ở dưới này, con trải nghiệm trọn vẹn hiện thực tuyệt đối, không thay đổi được của quyền tự quyết. Trước đây, khi con nhìn xuống trái đất từ trên cao, con không thực sự hiểu thấu điều này. Tất cả chúng ta thật sự không hiểu thấu rằng nếu con người trên trái đất không muốn từ bỏ chiến tranh, thì con không ép họ được. Khi con ở dưới này, thì con nhận ra (và đây thường là cú sốc lớn nhất) là dù con biết cách khắc phục các vấn đề và giới hạn của nhân loại, nhưng con không làm gì được vì con người không hưởng ứng.

23.8. Cú sốc khi gặp sự chống đối thay đổi

Lẽ dĩ nhiên con không thể đi ngược lại quyền tự quyết của họ. Quả thực là con không muốn đi ngược lại quyền tự quyết của họ, nhưng trước khi con tới đây, con giản dị nghĩ nếu con chỉ cho họ con đường thoát khỏi lầm than, thì họ sẽ muốn theo con đường này. Con bị cú sốc khi nhận ra có một số sinh thể, các sa nhân, không những không muốn thay đổi mà còn tìm cách tiêu diệt con. Trong một số trường hợp con có thể đối phó với điều này, nhưng con cũng nhận ra là đại đa số người trên hành tinh này không muốn tiêu diệt con, họ chỉ không muốn dính dáng tới con. Họ không muốn lắng nghe con, họ không muốn thay đổi.

Khi con kinh nghiệm điều này, thì con rất dễ (và chúng ta đều đã làm như thế) lấy quyết định (quyết định này hơi khác tùy theo mỗi cá nhân) rằng: “Đáng lẽ tôi không nên tới đây, đó là một sai lầm, tôi chẳng làm được gì ở đây, tôi có mặt ở đây vô ích, tôi không thay đổi được sa nhân, tôi còn không thay đổi được con người vì họ không muốn thay đổi, họ không muốn vượt lên trên đau khổ của họ, họ còn không muốn lắng nghe tôi. Quả thực họ không muốn tôi ở đây.”

Trải nghiệm này khiến con có nỗi bất mãn sâu xa. Tại sao tôi ở đây? Tôi ở đây để làm gì? Ngay lúc sự bất mãn của con lên tới cùng cực, thì con lấy một quyết định là từ nay về sau con sẽ tiếp cận cuộc sống ra sao. Mỗi người sẽ biểu hiện quyết định đó thành lời khác nhau và đó là lý do tại sao con cần khám phá ra quyết định của riêng mình. Một ví dụ chung chung là con có thể quyết định rằng: “Tôi sẽ không can thiệp vào quyền tự quyết của con người.” Hoặc: “Tôi sẽ không bao giờ ép buộc ai. Tôi sẽ không bao giờ lấy quyết định ảnh hưởng tới người khác vì tôi không muốn ép buộc ai cả.” Hoặc: “Tôi sẽ không thách thức sa nhân.” Hoặc con có thể lấy quyết định, như quyển sách đã mô tả, là con sẽ chống lại sa nhân; hay quyết định là con muốn hiểu sa nhân và tại sao họ phản ứng như thế.

23.9. Tái sinh trong Ki-tô

Các quyết định đó đã tạo ra một cái ngã đã pha màu cách con nhìn mình như thế nào như một sinh thể trên trái đất. Đây là cái ngã cuối cùng, cái ngã gốc, mà con có thể buông bỏ, và con có thể buông bỏ nó. Con có thể buông bỏ nó từng phần một. Con có thể tới điểm con cho cái ngã đó chết đi và con tái sinh trong một ý niệm bản sắc mới dựa trên hiểu biết mà con có lúc này và dựa trên sự việc con đã phần nào tiếp xúc được với Hiện diện TA LÀ của con. Do đó con có thể được tái sinh trong Ki-tô vì đây không phải là một cái ngã vỏ ngoài dựa trên sợ hãi và phản ứng lại trái đất. Đây là cái ta hòa điệu với Hiện diện TA LÀ hay là nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, cá thể của Hiện diện TA LÀ của con, và thực tại Ki-tô là con là một sinh thể tâm linh, là nhận biết thuần khiết không thể bị ảnh hưởng hay thay đổi bởi bất cứ điều gì trên trái đất.

Lúc ấy, con có thể vượt lên trên ngã gốc và tái sinh trong ý niệm bản sắc mới qua đó con thấy cuộc sống trên trái đất là điều tích cực. Giờ đây con có cái nhìn tích cực, một mục tiêu tích cực, một cảm nhận tích cực. Điều này không có nghĩa là con có một vấn đề mà con nhất định phải giải quyết bằng được. Con nhận ra sự có mặt của con ở đây có ý nghĩa vì chỉ vỏn vẹn con có mặt ở đây là con đang tỏa chiếu ánh sáng vào tăm tối. Con đang cho mọi người một tấm gương là có một cách sống khác với tâm thức nhị nguyên, khác với đau khổ, khác trạng thái tâm loạn động như tâm của mọi người.

23.10. Khi cái bất thường trở thành bình thường

Mọi người trên trái đất đều không vui, bất toại nguyện và xáo trộn trong tâm: điều này hoàn toàn thật. Nhưng để có thể sống được thì mọi người tới điểm xem trạng thái mất quân bình là bình thường. Đó là lý do tại sao chế độ cộng sản sống còn lâu như vậy. Hầu hết mọi người chấp nhận đó là tình trạng bình thường để họ có thể sống được với nó và do đó họ có thể sống còn. Điều này không có nghĩa là họ bằng lòng với chế độ này. Điều này không có nghĩa là họ đang tăng triển nhưng họ có thể sống còn. Lẽ dĩ nhiên con cũng đã làm như thế: con đã tạo ra một chuẩn mực cho phép con sống còn. Con đã tìm ra một cách sống trên trái đất giúp con tránh được những cảnh huống khơi dậy cảm xúc mà con có khi trải qua chấn thương nhập đời của mình.

Gần giống như là con đã tìm ra một cách ru ngủ ngã gốc, cho nó bị hôn mê, vì con đã học cách tạo ra những hoàn cảnh bên ngoài không đánh thức nó dậy. Quả thực con có thể sống như vậy trong vài kiếp và con có thể tiến bộ trong việc vứt bỏ một số ngã vỏ ngoài nhưng con thật sự chưa bao giờ chạm vào ngã gốc. Có những trường hợp đệ tử chân sư thăng thiên đã theo học giáo lý của các chân sư thăng thiên vài thập kỷ và họ đã có tiến bộ nhưng họ còn chưa bắt đầu nhìn vào ngã gốc.

Một lần nữa không nhất thiết chuyện này là sai trái. Con không thể nhìn vào ngã gốc khi con chưa sẵn sàng. Nhưng con sẽ tới điểm quả thực dậm chân tại chỗ nếu con không bắt đầu nhìn vào ngã gốc. Con sẽ không tăng triển, có thể cho tới cuối kiếp sống này, bởi vì con có cảm nhận là có điều gì trong con mà con không muốn chạm tới, con không muốn đối phó – vì chuyện này khó quá.

23.11. Chuyển đổi đồng hóa mình với ai

Con có thể có cảm nhận là con biết mình đã buông bỏ nhiều cái ngã khác và làm điều này không có vấn đề. Cái ngã này, con cảm thấy không bỏ nó được vì con cảm thấy mình sẽ chết nếu bỏ nó. Con sẽ chết. Con yêu dấu, đúng thế. Con sẽ chết. Cái “ngã” qua đó con nhìn mình như một sinh thể trên trái đất, cái ngã đó sẽ chết. Điều này không có nghĩa là cái ta thật của con sẽ chết vì con sẽ tái sinh trong một cái ta mới mà con sẽ phải tuần tự tạo ra, lẽ dĩ nhiên. Con thấy là các thày hoàn toàn ý thức, con yêu dấu, là điều mà các thày yêu cầu con làm ở đây (trong các giáo lý gần đây về chấn thương nhập đời và hành trình của các con trên trái đất) là một việc làm rất, rất phức tạp. Con không thể phất tay một cái là làm xong. Con cần nhiều thời gian, một số năm, có khi vài thập kỷ vì con sẽ dần dần phá bỏ cái ngã cũ và đồng lúc con cũng tạo ra một cái ta mới.

Đây là một việc làm phức tạp, nhưng việc này có thể làm được và con đã trong tiến trình làm việc này. Những gì thày mô tả ở đây nghe rất lớn lao nhưng nó không lớn lao như thế. Khi con đi trên con đường tu, con buông bỏ một số ngã phiến diện, con cũng tạo ra một ý niệm bản ngã mới dựa trên một tầm nhìn tích cực, dựa trên sự hiểu biết của con về giáo lý. Không phải là con phải hoàn toàn phá vỡ ngã gốc và nó chết đi và con không còn gì cả – và sau đó con có thể bắt đầu xây dựng lại một cái ta mới. Mọi chuyện không xảy ra như thế. Con phá vỡ cái cũ và con tạo ra cái mới cùng một lúc.

Điều gì có thể mang lại sự chuyển đổi nơi con? Ấy nó giản dị như thế này. Thày không nói là tất cả các con đều làm được ngay bây giờ nhưng sẽ tới lúc con đã phá vỡ phần lớn ngã gốc của mình. Con đã tạo ra một cái ngã mới, nhưng trong bản thể của con vẫn còn một điểm nơi con đồng hóa mình với ngã gốc. Con vẫn nhìn cuộc sống trên trái đất qua ngã gốc này. Khi thày nói cho ngã gốc chết đi, thì đó là điểm con nhìn thấy nó, con thấy cái ngã đó và con có thể buông bỏ nó. Con có thể cho ngã gốc chết đi. Đó là lúc thày nói con tái sinh.

Điều thật sự xảy ra là trọng tâm bản sắc của con, trung tâm bản sắc của con, dời chuyển từ ngã gốc sang cái ta mới mà con đã gày dựng bấy lâu nay. Bất thình lình, con thoát khỏi cái nhìn tiêu cực về trái đất và cuộc sống trên trái đất và bây giờ con nhìn cuộc sống qua cái nhìn tích cực. Con nhìn mình với cái nhìn tích cực. Con không còn cái nhìn tiêu cực về điều gì con làm được hay không làm được trên trái đất, tại sao con ở đây và con đã ngu xuẩn khi tới đây – điều này và điều kia. Nó không còn nữa. Nó đã chết.

23.12. Khi chết là đồng minh của con

Con yêu dấu, con hiểu là có một câu trích từ thánh kinh nói rằng kẻ thù cuối cùng mà chúng ta chinh phục là cái chết. Câu này không chỉ cái chết vật lý. Tất cả các con đều là người tâm linh, các con đều nhận ra là các con đã từng sống trước đây và các con đều đã kinh nghiệm nhiều lần là thân xác vật lý chết đi nhưng con thì vẫn tồn tại. Thân xác có thể tới, có thể đi nhưng ta tồn tại mãi mãi. Chuyện xảy ra ở đây không phải là con chết (cái ta thật của con không chết) nhưng có một cái “ta”, một cái ngã đúng thực chết. Lẽ dĩ nhiên cái ngã này sẽ chống trả không muốn chết. Nó không có tự nhận biết nhưng nó có đủ tâm thức để chống lại cái chết. Lẽ dĩ nhiên nó sẽ phóng chiếu lên con là con sẽ chết khi chết. Đó là lý do tại sao con cần tới điểm xét lại quan điểm của mình về cái chết. Cái chết có thực là kẻ thù không?

Khi con nhận ra là cốt lõi bản sắc của mình là Hiện diện TA LÀ, ở trên cõi tâm linh, một cõi vượt lên trên thời gian và không gian, thì con biết là Hiện diện TA LÀ của con không thể chết. Các thày đã nói nhiều lần với các con là cái Ta Biết là một nối dài của Hiện diện nên nó cũng không thể chết. Khi con bắt đầu kết nối với ý niệm nhận biết thuần khiết đó (ý niệm biết mình hơn cái ta vỏ ngoài, hơn bất cứ điều gì trên trái đất), con có thể chuyển đổi nhận thức và nhận ra rằng con không thể chết. Cái có thể chết chỉ là ý niệm cái “ta”, ý niệm cái ngã, ý niệm mình là ai. Bởi vì ý niệm bản ngã của con giới hạn, nên con có thật sự mất mát chăng khi cái ngã đó chết đi? Hay đó là một thắng lợi cho con vì cái nhìn tiêu cực về mình đã chết, và con tái sinh trong cái nhìn tích cực? Nói cách khác, con tự do hơn sau khi cái ngã chết đi.

Kẻ thù cuối cùng mà mình chinh phục là cái chết, câu này nghĩa là gì? Nó nghĩa là con nhận ra cái chết không phải là kẻ thù của mình. Cái chết là bạn của mình. Cái chết là một dụng cụ giúp cho cái ngã giới hạn chết đi và nhờ vậy mình được tự do. Lẽ tự nhiên hầu hết mọi người chống cự lại cái chết vì họ quá đồng hóa họ với thân xác của họ và ngay cả thân xác cũng có nhận biết của nó, được gọi là bản năng sinh tồn khiến nó chống cự lại cái chết. Con biết là con sẽ không chết khi cái ngã tách biệt chết. Chúng ta không nói chuyện ở đây về cái chết vật lý. Chắc chắn đây không phải là giáo phái tự vận cuồng tín. Các con yêu dấu, chúng ta nói là con sẽ tới điểm thay vì sợ chết, sợ và chống cự cái ngã tách biệt chết, thì con cho phép nó xảy ra. Con đón mừng nó vì con nhận ra con sẽ tự do hơn sau cái chết của ngã tách biệt này. Đây là ý nghĩa đích thực của phục sinh.

23.13. Phục sinh đích thực

Phục sinh không thực sự là phục sinh thân xác như một số tín đồ Cơ đốc mơ tưởng. Trên căn bản nó là một khai ngộ tâm linh. Nó là điều con thấy khi thày đang bị treo trên cây thập tự và lúc đầu thày kêu lên: “Ôi Thượng đế, ôi Thượng đế, sao ngài lại bỏ rơi con?” Tại sao thày đã hành động như thế? Bởi vì cho tới lúc đó, thày có một cái ngã nghĩ rằng một cách nào đó Thượng đế sẽ làm phép lạ, gửi các thiên thần xuống giải cứu thày để thày không phải chết trên cây thập tự. Sau đó thày vẫn bị treo ở đó và thày nhận ra đây là một ảo tưởng. Có một cái ngã tách biệt mang ảo tưởng này. Quả thực nó là cái ngã tách biệt mà thày đã tạo ra khi bị chấn thương nhập đời. Nó là cái ngã tách biệt gốc của thày.

Trước khi thày xuống đầu thai lần đầu tiên trên trái đất, thày biết rất rõ tự thân mình không làm được điều gì cả. Thày biết rất rõ là cần có người đầu thai trên trái đất để làm cánh cửa mở cho uy lực của Thượng đế làm việc trong cõi vật chất của hành tinh này. Thày tình nguyện làm chuyện này, nhưng thày cũng đã xây đắp kỳ vọng là khi thày làm việc phụng sự Thượng đế thì Thượng đế sẽ can thiệp không để điều gì quá tệ hại xảy ra cho thày. Do đó, khi chuyện quá sức tệ hại xảy ra, thì Thượng đế sẽ tới và giải cứu thày bằng một phép lạ nào đó.

Đó là cái ngã thày đã xây dựng, đó là cái ngã thày đã có khi đầu thai. Sau đó, khi thày bị chấn thương nhập đời, thì thày đích thực nhận ra chuyện này sẽ không xảy ra. Thượng đế sẽ không dùng phép lạ để giải cứu thày khỏi hoàn cảnh rất khó khăn khiến thày bị chấn thương nhập đời. Thày phản ứng lại bằng cách tạo ra một ngã gốc giải thích tại sao Thượng đế đã không cứu thày trong hoàn cảnh đó. Đồng thời, thày cũng không thật sự chấp nhận thực tế của quyền tự quyết và Thượng đế không thể nào can thiệp vào quyền tự quyết và do đó trong một số trường hợp Thượng đế sẽ không thể nào giải cứu thày. Thày không chấp nhận điều này cho nên thày vẫn kỳ vọng là nếu thày thật sự, thật sự cần được giải cứu thì Thượng đế sẽ cứu thày.  

Cái ngã gốc của thày phải chịu tin là, thôi thì trong hoàn cảnh đó, dù nó tạo chấn thương tâm lý mạnh cho thày, thày quả thực không cần được giải cứu vì thày có thể đối phó được với chuyện đó. Nhưng nếu có một hoàn cảnh mà thày thật sự cần thì Thượng đế sẽ giải cứu thày. Nhiều nhiều năm sau đó, trong kiếp đầu thai cuối cùng của thày, thân xác thày đang bị treo trên cây thập tự và bỗng nhiên thày đối mặt với ngã gốc và kỳ vọng đây là một trong những cảnh huống mà thày thật sự, thật sự cần được giúp và bây giờ Thượng đế sẽ giải cứu cho thày. 

Lần đầu tiên thày thấy thực tế, toàn bộ thực tế của quyền tự quyết. Thày thật sự thấy nó và thày nhận ra là Thượng đế sẽ không giải cứu thày. Sau đó, thay vì tạo ra một cái ngã khác để đối phó với chuyện này, thì thày bỗng nhiên nhận ra đó là một cái ngã không thật. Nó chỉ là một ảo tưởng và thày thấy nó từ bên ngoài, và đó là lúc, như trong thánh kinh nói, thày “buông bỏ hồn ma.” Thày buông bỏ cái ngã cho rằng nó đặc biệt và do đó nó được quyền nhận phép lạ từ Thượng đế vì nó đã phụng sự Thượng đế trên trái đất này. Thày buông bỏ nó. Thày buông bỏ nó và sau đó thân xác thày chết đi nhưng điều thật sự quan trọng trong cảnh huống này là thày tái sinh theo nghĩa tâm linh. Cái ngã tách biệt, ngã gốc chết đi và thày tái sinh. Sau đó, thày không cần phải đầu thai trở lại trên trái đất nữa. Thày có thể từ bỏ trái đất. Dù rằng sau đó, thày được phép thị hiện một thân vật lý, điều này chính là để khởi động phong trào Cơ đốc và để khắc phục một số mong muốn vỏ ngoài không liên quan tới ngã gốc của thày. Tiến trình thật sự là việc cho phép cái ngã chết đi và con yêu dấu, có thể nói là khi con cho ngã gốc chết đi, con phải trải qua kinh nghiệm cảm thấy mình sẽ chết. Con cảm thấy con đang chết.

23.14. Chấp nhận cái chết

Giờ đây, con sẽ thấy, nếu con đã đọc về các kinh nghiệm cận tử, là có nhiều người đã trải qua kinh nghiệm cận tử trong một hoàn cảnh rất nguy hiểm, tạo chấn thương tâm lý. Trong một khoảng thời gian, bản năng sinh tồn của họ khiến họ chống cự lại và không chịu rời bỏ thân xác. Sau đó, họ tới điểm bỗng nhiên cảm thấy một sự bình an nội tâm và lúc đó họ buông bỏ thân xác và nói: “Bất chấp chuyện gì xảy ra.” Trong sự phó thác này, họ rời bỏ thân xác. Sau đó, họ có kinh nghiệm cận tử và trở về và kể lại câu chuyện. Con có thể tới điểm nhận diện ra ngã gốc, con biết nó cần phải chết đi, con biết bây giờ là đúng lúc. Sau đó, thay vì chống lại cái chết của ngã gốc, thì con quy thuận. Con hàng phục. Con cảm thấy bình an trong lòng và con nói: “Hãy cho nó chết đi; bất chấp chuyện gì sẽ xảy ra” hay “Xin ý cha được hoàn thành, không phải ý con.”

Con chỉ cho phép nó xảy ra và con cho phép mình trải qua tiến trình, trong đó mình cảm thấy như mình đang chết, giống như mình đang buông bỏ cái gì đó. Đó là vì con đang buông bỏ thật sự. Lẽ dĩ nhiên con kinh nghiệm là sau khi con buông bỏ cái ngã tách biệt này, con không biến mất, con vẫn còn tự nhận biết. Đấy là lúc con có thể chuyển dời bản sắc của mình tới một cái ta mới, một cái ta được xây dựng trong Ki-tô và con trở thành, như Paul đã diễn tả, “một sinh thể mới trong Ki-tô.”

Không phải tất cả các con đều làm được điều này trong khoảnh khắc. Thày không yêu cầu con làm điều này sau khi nghe hay đọc bài truyền đọc này. Thày yêu cầu con chiêm nghiệm tiến trình này, nhận biết tiến trình này. Khi con tới điểm đã sẵn sàng vì con đã phá vỡ hầu hết ngã gốc của mình, con đã tạo dựng một cái ta mới và quả thực để ngã gốc chết đi không phải là một chuyện lớn lao nữa (nó chỉ là chuyện chuyển dời tâm thức khi con đưa trọng tâm bản sắc của con rời khỏi ngã gốc để chuyển sang cái ta mới), thì lúc đó con không chống cự lại tiến trình. Con cảm thấy: “Ồ, tôi sẵn sàng rồi” và con giản dị buông bỏ. Con đón mừng cái chết. Con đón mừng cái chết của ngã gốc. Con đón mừng cái chết như người bạn của mình. Con ngưng chống lại nó. Con ngưng hờn trách hay chống cự nó. Con đón mừng nó, không phải như sự chết mà là sự tái sinh, là một khởi đầu mới. 

23.15. Hoàn tất lý do con tới trái đất

Con yêu dấu, đấy là lúc con thật sự có thể bắt đầu hoàn tất lý do nguyên thủy tại sao con xuống trái đất. Con không hoàn tất nó bằng cách làm điều gì, bằng cách thay đổi điều gì, bằng cách thay đổi người khác. Con hoàn tất lý do đó chỉ bằng cách con là cái con là và tỏa chiếu ánh sáng, sinh thể, tâm thức và khuôn đúc của cá thể mình. Con không cần giải quyết vấn đề nào và không cần hoàn tất mục tiêu nào. Con nhận ra rằng con chỉ cần ở đây là đã làm điều con tới đây để làm. Con cảm thấy mãn nguyện khi làm vậy vì sự việc con là cái con là không lệ thuộc vào chọn lựa của người khác. Con không cần thay đổi chọn lựa của người khác để là cái con là.

Có thể là con nhận ra, cái ngã gốc đã làm gì? Niềm tin cốt lõi của ngã gốc là gì? Con yêu dấu, nó tin là sự việc con là chính mình, con là cái con là, không tốt đủ. Hoặc như thế là sai trên hành tinh này. Hành tinh này không muốn thấy điều đó.  Nói cách khác, trước khi con xuống đây, con chờ đợi là con chỉ cần tới đây và là cái con là thì mọi người sẽ đón mừng con. Sau đó, con nhận ra là sa nhân và luôn cả hầu hết con người không đón mừng con, chào đón con, chấp nhận con. Con quyết định là hình như con đáng lẽ không nên là cái con là, con không được phép là cái con là trên hành tinh này. Hoặc sự việc con là cái con là vẫn chưa đủ.

Có thể nói là tất cả những gì con đã làm, tất cả những gì đã xảy ra cho con sau chấn thương nhập đời, là con đã dồn nén không cho phép con là cái con là. Đây là điều con có thể giành lại, và khi con giành lại, con sẽ có ảnh hưởng trên trái đất. Con sẽ không dính mắc tới ảnh hưởng này vì con không là cái con là để thay đổi bất cứ điều gì trên trái đất. Con là cái con là vì nó đem lại cho con niềm hỷ lạc và mãn nguyện lớn lao nhất.

Con nhận ra niềm hỷ lạc lớn nhất mà con có thể có trên trái đất là con là cái con là trước mọi điều kiện trên hành tinh này. Con có thể đứng yên và không gì ảnh hưởng được con, giống như Phật ngồi dưới cội bồ đề đối mặt với quỷ dữ của Ma vương đang cám dỗ để thày phản ứng lại chúng. Con có thể nhìn màn xiếc trên trái đất, con có thể nhìn vào quỷ dữ của Ma vương mà không phản ứng. Con vẫn tỏa chiếu ánh sáng của mình, vẫn sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật của mình, tương tác với người khác, đi làm, nuôi dạy các con, hay bất cứ điều gì khác. Con cảm thấy dòng chảy, niềm hỷ lạc, khi con cảm thấy con đang biểu lộ cái con là trong mọi việc con làm. Bỗng nhiên rào cản giữa sinh hoạt tâm linh và không tâm linh trở nên hoàn toàn vô nghĩa vì tất cả trở thành sinh hoạt tâm linh. 

Mọi sự đều biểu hiện cái con là. Mọi sự đều mang lại cho con niềm hỷ lạc và mãn nguyện, không còn cái đúng cái sai, hay cái này cái kia. Đây là cách con có thể mang lại ảnh hưởng lớn nhất cho hành tinh này vì nó sẽ kéo tâm thức tập thể lên. Nó sẽ gây cú sốc cho người khác, những người mở tâm để thấy là có một cách sống khác với cách sống mà họ xem là bình thường của con người.

Một lần nữa con không dính mắc chuyện người khác có làm hay không làm. Con không dính mắc chuyện này. Con chỉ chú tâm là cái con là và con vui hưởng làm như thế. Sau đó, con có thái độ là bất cứ chuyện gì xảy ra, con chỉ nói “bất chấp chuyện gì xảy ra.” Con không có ý định gì, con không có ý muốn vỏ ngoài nào. Con chỉ cho phép cuộc sống trải bày ra. Đây là, như các thày đã nói trước đây, ở trong Dòng sông sự Sống. Đây là trôi theo Dòng sông sự Sống. Con yêu dấu, đây đích thực là chứng minh quả vị Ki-tô. Nó có vẻ không lớn lao như nhiều tín đồ Cơ đốc giáo hay ngay cả đệ tử chân sư thăng thiên mường tượng, chẳng hạn như con phải làm tất cả những phép lạ kia hay làm tất cả những biểu hiện thấy rõ kia.

Con yêu dấu, một khía cạnh rất quan trọng, rất cao của quả vị Ki-tô (và lẽ dĩ nhiên có nhiều khía cạnh khác) là con có thể tham gia đời sống thường nhật với một thái độ và cách nhìn đời hoàn toàn tích cực. Phải chăng đây là chứng minh quả vị Ki-tô, con yêu dấu? Đích thực, nó .

Đây là điều mà thày đã không làm trong kiếp đầu thai cuối cùng, thày đồng ý với con. Nhưng phải chăng thày có nói là các con sẽ hoàn thành những việc lớn lao hơn thày? Đây là một ví dụ của những việc lớn lao hơn mà thày chưa đủ khả năng điều ngự để hoàn thành 2,000 năm về trước – con có thấy vậy chăng.

22 | Giải thoát mình khỏi những ham muốn bất khả thi

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 2 tháng 12 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô và thày có mặt ở đây để trao cho các con bài giảng về lòng tự trọng đặc biệt dành cho những người trong các con mà các thày chọn gọi là avatar. Các thày đã chọn chữ này vì nhiều lý do, những lý do đã được các con biểu hiện khi phản ứng lại chữ này hay khái niệm này. Tất cả những điều các thày làm đều có mục đích nâng cao tâm thức con người, và đôi khi các thày phải làm chuyện này bằng cách khiêu khích, hay thách thức một số hình ảnh và niềm tin của con người. Thực vậy, con thấy thày đã làm điều này nhiều lần khi thày sống trên trái đất và gặp các thày thông giáo và Pha-ri-si và những cá nhân hay nhóm người khác có tâm khép kín.

Các con yêu dấu, quả thực các quốc gia trước kia nằm dưới gông cùm cộng sản cần làm điều gì đó để gia tăng lòng tự trọng của dân chúng, nhưng ở đây thày muốn đi xa hơn và nói với các con nào đã tới trái đất với một mục đích đặc trưng, không phải do nghiệp quả bắt con xuống đây hay vì hành tinh của con đã thăng thiên và con không thăng theo được. Con tới đây với một mục đích đặc trưng là con muốn là cánh cửa mở, là tấm gương chỉ cho mọi người thấy có một tâm thức khác, không phải là tâm thức đang ngự trị trên hành tinh này. Khi con tới đây, có thể là con có một ý định nào đó, một mục đích nào đó, một ý niệm nào đó về điều con muốn thay đổi trên trái đất.

22.1. Lòng tự trọng tương đối

Điều thày mong con nhận ra ở đây là khi các thày nói tới lòng tự trọng theo nghĩa vỏ ngoài, thì đối với người thế gian, lẽ dĩ nhiên, tất cả mọi người rất cần có lòng tự trọng vì họ thường hoạt động tốt hơn trong cuộc sống của họ so với khi họ không có lòng tự trọng hay có lòng tự trọng rất thấp. Bây giờ, ta có thể nói là mọi người đều có lòng tự trọng. Nó chỉ là chuyện họ thấy họ như thế nào, họ định nghĩa họ như thế nào. Họ định nghĩa họ một cách tích cực hay tiêu cực? Tuy nhiên, điều chúng ta có thể nói về hầu hết mọi người trên thế gian là họ có một lòng tự trọng tương đối vì nó liên quan tới một điều gì đó thuộc về thế gian. Nếu con là một lực sĩ nhảy xa, thì lòng tự trọng của con có thể liên quan tới chuyện con nhảy được bao xa. Nếu con là một thương gia, lòng tự trọng của con có thể liên quan tới số tiền con có hay số tiền con thu nhập.

Con thấy là nhiều người trên thế gian đã tạo ra lòng tự trọng tương đối dựa trên một thước đo liên quan tới thành quả nào đó của họ trong thế gian. Giờ đây, điều này không nhất thiết là sai trái hay dở. Đây là một giai đoạn cần thiết trong tiến trình phát triển của một sinh thể. Các thày có nói là một trong những mong muốn cơ bản của con người là họ nỗ lực làm điều gì đó và họ nhận lãnh kết quả tốt, hay một sự thưởng công cho cố gắng của họ. Con có thể nói là một biểu hiện của lòng mong muốn cơ bản này là con tạo ra lòng tự trọng dựa trên một thang điểm đo lường thành quả của con. Lẽ tự nhiên, thành quả của con càng cao trên thang điểm này, lòng tự trọng của con càng nhiều. Chúng ta có thể gọi nó là lòng tự trọng cao theo ý nghĩa thế gian.

Giờ đây, có những người khác có một dạng tự trọng thấp kém. Thay vì so sánh thành quả của họ với những mục đích mà họ đặt ra, họ luôn luôn so sánh mình với người khác. Họ thành công hơn hay kém hơn người khác? Họ có nhiều hơn hay ít hơn người khác? Ta có thể nhìn đây vẫn là sự biểu hiện của lòng mong muốn cơ bản nỗ lực làm việc và gặt hái sự thưởng công. Nhưng rõ ràng đây là lòng tự trọng thấp kém hơn so với trường hợp con làm việc và chỉ so sánh mình với mình, nhưng nó vẫn chưa phải là lòng tự trọng có tính cách phá hoại.

22.2. Lòng tự trọng và địa vị

Giờ đây con có một loại tự trọng khác không liên quan tới thành quả nhưng liên quan tới địa vị của con trong một thứ bậc giả tạo do con người dựng lên. Tỷ dụ, con có thể có ý niệm là vì con là hoàng đế hay vua, con cao hơn người khác vì con ở địa vị đó. Con có thể có ý niệm là vì con có chức vụ nào đó trong guồng máy nhà nước, con cao hơn người dân thường. Con thấy được là loại tự trọng này không gắn liền với thành quả mà gánh liền với địa vị.

Giờ đây, trong một số trường hợp, lẽ dĩ nhiên để đạt tới chức vụ đó con phải nỗ lực, nhưng tầng thấp nhất của dạng tự trọng này gắn liền với một chức vụ mà con ngẫu nhiên có được qua sự thừa hưởng, qua việc tự cho mình quyền lực, hay bằng cách dùng bạo lực, lừa dối hay cách nào khác. Một khi con đạt được địa vị đó, con nghĩ rằng không có điều gì có thể thách thức địa vị của con và những người ở dưới con không thể thách thức địa vị này. Con thấy là dạng tự trọng này là tự trọng của sa nhân. Lẽ tự nhiên, họ cũng có một ý niệm tự trọng vì họ có quyền lực lớn. Như vậy lòng tự trọng mà họ có liên quan tới thành tích của họ, nó vẫn rõ ràng là một nguồn tự trọng thấp kém khi thành tích của người đó được đo lường dựa theo khả năng dùng quyền lực áp chế người khác.

22.3. Mâu thuẫn trong chữ tự trọng

Nếu chúng ta vượt lên trên tầng mức này, chúng ta có thể thấy là khi chúng ta nói về các avatar, khi chúng ta nói về những người tâm linh đang đi một cách ý thức trên con đường tâm linh (con đường nội tâm chân chính dẫn tới thăng thiên), thì chúng ta cần chú ý tới ý nghĩa cao hơn của lòng tự trọng. Chúng ta cần tự hỏi phải chăng có sự mâu thuẫn trong chữ “tự trọng.” Giờ đây, như Chân sư MORE đã nói tối hôm qua: “Có thể nào con thực sự nóng giận một cách không đặc trưng, hay con cần một đối tượng?” Cũng vậy, con có thể nói: “Có thể nào con thực sự cảm thấy trọng điều gì đó nếu con không có đối tượng để trọng?”

Tự trọng là gì? Nhiều người chưa định nghĩa từ này. Họ nghĩ rằng họ hiểu nghĩa của nó. Con quý trọng mình. Con nghĩ con là người tốt hay người có khả năng. Con cảm thấy thoải mái về mình, bất kể cái mình đó là gì. Cái ta được coi trọng là ai? Là người tâm linh con có thể thấy rõ ràng là đối với hầu hết mọi người trên thế gian, cái ta đó không phải là bản thể nội tâm, cái Ta Biết, bản thể thật của họ đang được quý trọng vì lòng tự trọng liên quan tới điều gì đó trên thế gian, do đó cái ta được trọng không thể nào là cái ta thật của họ. Nó chỉ có thể là cái ngã vỏ ngoài, một phần của cái ngã vỏ ngoài.

Ví dụ, con có thể nói là người lực sĩ nhảy xa đã quy định và tạo ra một cái ngã và khi anh nhảy được xa, cái ngã đó cảm thấy thoải mái, cảm thấy nó có khả năng, cảm thấy nó cao hơn người, hoặc cảm thấy bất cứ điều gì – nhưng nó là cái ngã vỏ ngoài. Kỳ thực, chuyện con nhảy được bao xa ngoài sân vận động có tầm quan trọng tâm linh nào chăng? Con thấy rất đông người trong xã hội đã tạo ra những cái ngã vỏ ngoài, những cái ngã tương đối, những cái ngã liên quan tới một điều kiện đặc thù trên thế gian. Khi họ sống theo những điều kiện này tới một mức nào đó, họ có thể cảm thấy thoải mái về mình và họ có thể cảm thấy mình có một giá trị nào đó. Họ có lòng tự trọng nào đó trong tâm họ và có thể cũng được sự tôn trọng trong tâm người khác.

Lẽ tự nhiên, các thày không mong muốn các con là những đệ tử trực tiếp của các thày bị hạn chế bởi dạng tự trọng này. Các thày mong muốn các con đạt được một tầng cao hơn của lòng tự trọng thật sự đến từ nội tâm và không liên quan tới thành tích của con hay địa vị trên trái đất. Quả thật, khi con xem xét thông điệp trong cuốn sách mới nói về sự tương phản giữa một hành tinh tự nhiên và trái đất, thì con có thể thấy là nếu lòng tự trọng của mình liên quan tới bất cứ điều gì trên một hành tinh thấp như thế này thì quả thực đây không phải là một dạng tự trọng cao mà con có thể có được. 

22.4. Một dạng tự trọng tâm linh

Các thày mong các con vượt lên trên lòng tự trọng vỏ ngoài, tương đối, thế gian, và đạt một dạng tự trọng cao hơn. Bây giờ, lẽ tự nhiên là khi con bắt đầu tìm thấy con đường tâm linh, thì con không có viễn quan và hiểu biết hoàn toàn rõ ràng về mục đích của đường tu và nó dẫn con tới đâu. Trong nhiều trường hợp con chú tâm vào con đường vỏ ngoài nhiều hơn là con đường bên trong. Trong nhiều trường hợp, các đệ tử tâm linh tạo ra một dạng ngã vỏ ngoài khác. Thay vì liên quan tới điều gì đó trong thế gian vật chất, thì nó liên quan tới thành tích của họ trên con đường tâm linh theo cái hiểu của họ.

Bây giờ, một lần nữa, điều này không quá tiêu cực. Nó chỉ biểu hiện sự kiện là khi con bắt đầu tìm thấy con đường tâm linh, thì con dùng động lực này để nỗ lực và gặt hái thành quả để quy định thế nào là một đệ tử tốt, thế nào là tiến bộ trên đường tu, thế nào là nỗ lực để tinh tấn. Con dùng nó để quy định một cái ngã và một cách để lượng định con đang ở đâu trong thành quả của con, và sau đó con có thể cảm thấy thoải mái với mình hay không thoải mái lắm với mình dựa trên tiêu chuẩn này. Đây lẽ dĩ nhiên là một giai đoạn con cần đi qua và sau đó con vượt thăng lên một dạng tự trọng cao hơn.

22.5. Lòng tự trọng tiêu cực

Trước khi thày nói sang phần này, thày muốn nói tới sự kiện là cũng có những người đã quy định một cái ngã mà thày gọi là tiêu cực và điều này khiến họ có lòng tự trọng tiêu cực. Nói cách khác, con có thể có lòng tự trọng mà các thày gọi là tích cực trong đó thành quả của con có thể cao hay thấp, nhưng các con vẫn không phải là người hoàn toàn thất bại. Mặt khác, con thấy chăng, lẽ dĩ nhiên, trong thế gian có nhiều người đã quy định một ý niệm bản ngã tiêu cực trong đó họ thấy là có điều gì sai trái với họ. Đây không phải là chuyện cao hơn hay thấp hơn, đây là chuyện họ cảm thấy họ thấp hay thấp hơn nhiều.

Một trong những hệ quả của chế độ cộng sản là nhiều người có lòng tự trọng tiêu cực cho rằng họ chỉ có thể dở như vậy hay tệ hơn. Nhiều tín đồ Cơ đốc cũng như thế, họ cảm thấy họ là người tội lỗi và do đó họ quy định một ý niệm bản ngã tiêu cực. Một lần nữa, cảm nhận này cũng có thể có một thang điểm trong đó con có thể cảm thấy con là người tội lỗi, nhưng một số người tội lỗi tệ hơn người khác do đó có thể là con không tệ như những người kia đã làm chuyện này chuyện nọ. Điều này vẫn rất tương đối. Con thấy nhiều thí dụ như thế trên thế gian, nhưng điều thày muốn chỉ cho các con là một số trong các con là những avatar và người tâm linh cũng đã từng, thường khi là trong các kiếp trước, quy định một cái ta tiêu cực như thế trong đó các con cảm thấy mình có gì đó sai trái. Con cảm thấy là con đã phạm một lỗi lầm trong quá khứ hay có điều gì đó sai trái về mình, và do đó trên thang điểm này, con không thể thực sự cảm thấy mình ở quá điểm trung bình. Lúc nào con cũng ở trong phần tiêu cực và vấn đề chỉ là con thấp bao nhiêu, con cảm thấy mình sai trái bao nhiêu.

Nhiều người trong các con đã tạo ra những cái ngã này vì các con gặp những hoàn cảnh trong đó con cảm thấy mình đã thất bại không đạt được mục tiêu của mình. Nói cách khác, con có một mục tiêu nào đó nhưng con hoàn toàn thất bại không đạt được mục tiêu này và do đó con quyết định là tự thân con sai trái hay có khuyết điểm nào đó. Sau đó điều này tạo ra những ngã tiêu cực không thể cho con lòng tự trọng mà chỉ có thể cho con điều ngược lại. Lẽ dĩ nhiên con có thể tạo ra những ngã tiêu cực này qua nhiều cách, nhưng điều thày thực sự muốn nói tới là trong nhiều trường hợp, con đã tạo ra những ngã tiêu cực này vì con đã tương tác với các sa nhân. Đây là chỗ con cần hiểu mối tương tác giữa một avatar và một sa nhân như thế nào. Lẽ tự nhiên, cuốn sách mới mô tả đề tài rất, rất rõ và chi tiết, nhưng nó chưa đi sâu vào tâm lý, ít nhất là ở khía cạnh mà thày muốn nói tới ở đây.

22.6. Muốn được sa nhân chấp nhận

Giờ đây, ở một mức hời hợt hơn, chúng ta có thể nói là khi con ở trên một hành tinh tự nhiên, con chưa từng, chưa bao giờ gặp một ai chỉ trích con hay hạ thấp con. Con chỉ gặp những người khuyến khích con và cho con phản hồi tích cực. Điều này không có nghĩa là các vị thày hay ngay cả những người ngang hàng với con trên một hành tinh tự nhiên luôn luôn đồng ý với con về những gì con đang làm, hay nghĩ rằng điều đó là điều hay nhất có thể làm được. Họ luôn luôn cho con phản hồi là con có thể làm hay hơn như thế nào, họ không nói con hay điều con làm có gì sai trái. Con chưa bao giờ gặp chuyện như thế. Ở trên một hành tinh tự nhiên con đã xây dựng sự chờ đợi là khi con làm điều gì tích cực cho người khác, ít nhất là họ không tiêu cực về chuyện này, nhưng có nhiều xác suất là họ cảm kích về điều con làm cho họ. Nói cách khác, khi ý định của con tốt lành, họ không hạ thấp con vì họ nhận ra là con đã hành động với ý định tốt lành nhất.

Có thể nói là nó tạo ra cho con một chờ đợi và ngay cả một mong muốn là người khác sẽ tán thành con và chấp nhận con, và chấp nhận là con có ý định tốt. Có thể nói đây không thực sự là cái mà chúng ta gọi là “lòng mong muốn” trên trái đất. Đó chỉ là vì với những gì con trải nghiệm trên một hành tinh tự nhiên, con có một chờ đợi tự nhiên là khi con làm điều gì cho người khác với ý định tốt lành nhất (và lẽ dĩ nhiên là con chỉ có ý định tốt lành trên một hành tinh tự nhiên), thì họ sẽ chấp nhận con và chấp nhận nỗ lực của con một cách tích cực. Họ có thể đề nghị một cách làm hay hơn, nhưng họ sẽ không hạ thấp con hay chỉ trích con vì con đã có ý tốt lành.

Khi con tới một hành tinh như trái đất và con gặp các sa nhân, con cũng tới đây với ý định tốt lành nhất. Những gì con làm cũng được làm với ý định tốt lành nhất, nhưng khi đó con trải nghiệm là sa nhân không chấp nhận con, không chấp nhận ý định của con, không trân quý bất cứ điều gì con làm. Họ hạ thấp con khi con làm bất cứ điều gì, và ngay cả vì con là con. Dù con không bị hình thức tra tấn cùng cực đã được mô tả trong quyển sách, con vẫn trải nghiệm hiện tượng này. Con sẽ gặp sa nhân trên hành tinh và con sẽ trải nghiệm là họ không chấp nhận con, không tán thành con. Lúc đầu con sửng sốt. Con không thể hiểu được điều này, nhưng có một số avatar sau đó, có thể là trải qua một số kiếp sống, từ từ gày dựng ý muốn được sự tán thành của sa nhân. Con thấy chăng, con yêu dấu, Portia có nói là có một số ít nỗ lực trên trái đất này vô bổ hơn là đi tìm sự tán thành của cái ngã nam tính, nhưng có một nỗ lực vô bổ hơn, đó là nỗ lực tìm sự tán thành của sa nhân. Nhiều người trong các con có vết thương sâu thẳm khi đi tìm sự tán thành của sa nhân, không nhận được nó mà còn nhận được cái ngược lại. Trong nhiều trường hợp, nó càng khiến con hăng hái hơn muốn tìm sự tán thành của sa nhân, muốn hiểu họ. Làm sao con có thể thực sự làm cho họ hài lòng, làm sao con có thể làm điều gì mà họ tán thành, làm sao con có thể giúp họ?

22.7. Tìm cầu cái bất khả thi

Con có thể rơi vào vòng xoáy tìm cầu điều này và lúc đầu con không nhận ra sự tìm cầu này bất khả thi. Nó có thể mang lại cho con những vết thẹo và gánh nặng tâm lý sẽ từ lần phát triển thành những cái ngã tiêu cực. Cái ngã không đáp ứng một cách thuận lý nhưng nó phản ứng lại những cảm xúc bị hạ thấp lần nữa và lần nữa và lần nữa. Đây là một cái ngã đầy cảm xúc chỉ có thể có lòng tự trọng tiêu cực và vấn đề chỉ là nó tiêu cực đến chừng nào. Nói cách khác, có thể có những lúc sa nhân chỉ phớt lờ con và điều đó dẫn tới một mức tự trọng tiêu cực nào đó. Có những lúc khác sa nhân trực tiếp chỉ trích con, hạ thấp con hay giết con và điều này làm cho con bị một mức tự trọng sâu và thấp hơn trên thang điểm tiêu cực.

Nhiều người trong các con có những cái ngã này vẫn còn lởn vởn trong bốn thể phàm, thường là ở trong thể tình cảm. Đây có thể là những cái ngã rất thô, rất nhạy cảm. Con có thể thấy được trong kiếp này con đã rất nhạy cảm với chuyện người khác, cha mẹ, thày cô, anh chị em hay ai ai đó tán thành hay không tán thành con. Do đó, con đã bị tổn thương nhiều lần vì những gì người khác đã làm hay không làm đối với con. Có thể là con không gặp hay có gặp sa nhân trong kiếp này, nhưng họ không đối xử tàn ác khốc liệt đối với con như được mô tả trong quyển sách. Nhưng họ vẫn đã phớt lờ con hay hạ thấp con một cách nào đó. Những cái ngã này của con, lẽ dĩ nhiên, có thể bị tổn thương bởi những người khác không riêng gì sa nhân. Những cái ngã này rất nhạy cảm với sự tán thành của người khác cho nên bất cứ ai cũng có thể khuấy động chúng lên và khiến cho con có một niềm tự trọng tiêu cực.

Lẽ tự nhiên, mong muốn của các thày là giúp con khắc phục được điều này, buông bỏ các ngã này và nhận ra chúng chỉ là những ngã tách biệt. Chúng chỉ giản dị là những ngã vỏ ngoài đã được tạo ra và chúng không phải là con (như chân sư MORE đã nói). Khi con nhận ra chúng là những vật thể (con cũng có thể gọi chúng là những khía cạnh của tự ngã, con có thể gọi chúng là “phàm linh nội tại”, con có thể gọi chúng là những “cái ngã”, gọi tên gì không quan trọng), nhưng khi con thấy điều này và con có thể tách mình ra khỏi chúng, thì con có thể bắt đầu buông bỏ chúng.

Lẽ dĩ nhiên, có thể có năng lượng còn bị tồn đọng trong con và con có thể được lợi lạc khi đọc các bài thỉnh và bài chú để chuyển hóa năng lượng. Điểm mấu chốt là con cần tới điểm nhận ra các ngã này đã được tạo ra từ một ảo tưởng. Ảo tưởng nào của con đã dẫn con tới chuyện tạo ra những ngã này khi con phản ứng lại sa nhân? Ấy, ảo tưởng căn bản là chờ đợi mọi người chấp nhận con khi con làm điều gì cho người khác với ý định tốt lành nhất. Họ sẽ tán thành con, dù họ không tán thành tất cả mọi chuyện con làm.

22.8. Sa nhân sẽ không bao giờ tán thành các avatar

Con yêu dấu, con cần tới điểm nhìn nhận là trên cơ bản một sa nhân sẽ không thể nào tán thành một avatar. Điều này không thể nào làm được. Sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận hay tán thành một avatar ngày nào họ còn ở trong tâm thức sa ngã. Họ chỉ có thể thấy các avatar là mối đe dọa vì họ cảm thấy được trong tiềm thức là người avatar có nhiều ánh sáng hơn họ và vì thế họ cảm thấy bị đe dọa. Vì bản chất sa nhân là vậy nên họ phải cảm thấy bị đe dọa và do đó họ sẽ không bao giờ chấp nhận hay tán thành một avatar. Con cần tới điểm nhận ra là khuôn nếp con có ở các hành tinh tự nhiên và con mang theo tới trái đất giản dị là không thích hợp với một hành tinh như thế này. Do đó, con phải cố gắng một cách ý thức chấp nhận điều này và con sẽ giản dị buông bỏ mong muốn này, chờ đợi này khi con ở trên trái đất.

Sa nhân có tán thành con hay không thực sự không quan trọng ở tầm kích hoàn vũ (ở tầm kích sự tăng triển tâm linh và thăng thiên của con). Sa nhân tuyệt đối không có quyền năng gì trong sự thăng thiên của con. Việc họ không tán thành con không ngăn trở con thăng thiên. Việc họ tán thành con không giúp con thăng thiên. Việc họ không tán thành con có thể ngăn trở con thăng thiên nếu con chấp nhận nó, đem nó vào bên trong mình và nuôi cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra. Đây không phải là sa nhân quy định điều đó, đây chính là phản ứng của con đối với sa nhân. Không một sa nhân nào có thể ngăn trở sự thăng thiên của con một cách trực tiếp. Họ chỉ có thể làm được điều này nếu con cho họ quyền lực nào đó trên bản thể của con qua việc tạo ra những cái ngã phản ứng lại họ.

22.9. Những chờ đợi thiếu thực tế của con về trái đất

Khi con nhận ra điều này, con có thể thấy được là gần như con không thể tránh khỏi, như được mô tả trong quyển sách, là khi con ở trên một hành tinh tự nhiên và con nhìn trái đất và con quyết định tới trái đất, con sẽ có một số chờ đợi thiếu thực tế, không những về cuộc sống trên hành tinh này, mà cũng về phản ứng của con đối với trái đất. Con cần nhận ra đây là những chờ đợi thiếu thực tế và do đó con cần buông bỏ chúng. Chúng dựa trên cuộc sống trên một hành tinh tự nhiên. Trên một hành tinh tự nhiên chúng là những chờ đợi phải chăng nhưng con đâu sống trên một hành tinh tự nhiên, phải không con? Thày giả định là không một ai trong chúng con nghi ngờ chuyện này. Con có thể thấy là những mong chờ này không thực tế ở đây. Giản dị là con phải buông bỏ chúng, và con buông bỏ được khi con thấy một cách ý thức thực chất của chúng và con hiểu những giáo lý các thày đã trao cho các con, trong quyển sách cũng như trong các bài truyền đọc ở đây.

Đây là chuyện mong chờ thiếu thực tế là sa nhân sẽ phản ứng với con như thế nào. Bây giờ, có một tầng mong chờ khác vì lẽ dĩ nhiên con cũng có mong chờ là con sẽ phản ứng như thế nào với sa nhân và cuộc sống nói chung trên trái đất. Những mong chờ này vi tế hơn, và chúng liên quan tới điều mà thày nói trước đây là con có một mong muốn nào đó, một lý do nào đó để tới đây. Con muốn đem lại thay đổi tích cực trên hành tinh. Con thấy chăng, con yêu dấu, giống như những người đã tạo ra một thang điểm đo lường họ nhảy bao xa trên sân vận động và họ đã tạo ra một cái ngã để đo lường lòng tự trọng của họ dựa trên thành quả nhảy của họ, thì con như một avatar cũng có thể đã tạo ra một cái ngã đo lường thành quả của mình trong việc hoàn thành mục tiêu mà con có trong tâm trước khi con tới đây?

Ví dụ, nhiều người trong các con chờ đợi là dù con đã biết đây là một hành tinh thấp và ở đây có chiến tranh và tra tấn và đủ loại tàn sát và đảo điên, con vẫn có thể giữ tâm mình tích cực và con sẽ không rơi vào vòng xoáy phản ứng tiêu cực với sa nhân hay các điều kiện trên trái đất. Như Chân sư MORE đã nói, con nghĩ là con sẽ không nổi giận, sẽ không sợ, sẽ không phản ứng tiêu cực, sẽ không giao chiến với sa nhân, và vân vân. Vì, như Chân sư MORE đã nói, tất cả chúng ta khi tới trái đất đều đã rơi vào khuôn phản ứng lại sa nhận, đều bị sốc, thì có thể an toàn mà nói là tất cả chúng ta đều thất bại, dựa trên sự mong chờ đó. Chúng ta đều đã phản ứng khác với những gì chúng ta nghĩ chúng ta sẽ phản ứng trước khi tới đây – thày cũng vậy, hy vọng là cuốn sách đã chứng minh điều này.    

22.10. Các kỳ vọng của con khi tới trái đất 

Một lần nữa, con phải nhìn chuyện này và nói: “Đây rõ ràng là một chờ đợi thiếu thực tế và tôi cần buông bỏ nó.” Sau đó, còn sự chờ đợi vi tế hơn, liên quan tới điều con hy vọng sẽ hoàn thành, các kết quả con hy vọng thấy được trên trái đất, các thay đổi con hy vọng tạo ra được. Không thể tránh được chuyện con đã tạo ra một cái ngã cảm thấy nó đã thất bại vì không đạt được mục đích khi tới đây. Con không tạo được kết quả mà con hy vọng tạo được, con đã không thấy được một sự thay đổi tích cực.

Con có cái ngã một phần nào tương đương với cái ngã mà nhiều người trên thế gian có khi họ đo lường thành quả của họ dựa trên một tiêu chuẩn. Chỉ khác là tiêu chuẩn của con rất, rất khác. Con có thể nói là các chân sư thăng thiên muốn nâng cao trái đất và cách duy nhất để thực sự nâng cao trái đất là có một số avatar xuống đầu thai trên trái đất và giúp nâng cao tâm thức tập thể. “Vậy phải chăng chúng con có mặt ở đây để đem lại thay đổi tích cực? Phải chăng chờ đợi đem lại sự thay đổi tích cực là một chờ đợi thuận lý?”

Nhìn dưới một góc độ nào đó, các thày có thể nói: “Đúng, đúng, đúng, điều này thuận lý.” Vấn đề là nếu con đã tạo ra một cái ngã cảm thấy đã thất bại nếu chưa tạo ra sự thay đổi mà con mường tượng, thì lúc đó con có một cái ngã ngăn chận con đạt được lòng tự trọng thực mà các thày muốn con đạt được. Cái ngã này giản dị kéo con xuống một cái nhìn tiêu cực về mình, về trái đất, về lý do con tới đây, về thành quả của con ở đây và do đó con không thể đạt được lòng tự trọng thật sự. Thêm vào đó, ngày nào con còn có cái ngã này, con không thể rời hành tinh này vì con sẽ cảm thấy không thể rời nơi này với cái nhìn tiêu cực về lý do con tới đây. Cho tới khi con hoàn thành mục đích khi con tới đây, thì con không rời nơi này được.

22.11. Những chờ đợi ngăn chận con thăng thiên

Điều này co thể trở thành một vấn đề thật liên quan tới sự thăng thiên và tiến triển tâm linh của con vì sự thay đổi mà con hình dung trước khi tới đây nói chung là sự nâng cao tâm thức. Hầu hết các con cũng có một mục đích đặc thù là muốn trái đất thăng vượt một sự biểu hiện tiêu cực nào đó. Nhiều người trong các con muốn trái đất thăng vượt chiến tranh, nhiều người khác muốn trái đất thăng vượt tra tấn. Đối với mỗi biểu hiện tiêu cực, có một số avatar muốn tới đây và thấy trái đất vượt lên trên biểu hiện này.

Giờ đây con yêu dấu, con có thể nói: “Nhưng các chân sư thăng thiên muốn loại chiến tranh ra khỏi trái đất, đúng không?” Vâng, đúng – lẽ dĩ nhiên các thày muốn điều này. Nhưng các thày không nhìn tiến trình đó giống như các con có khuynh hướng nhìn khi các con đầu thai ở đây. Con thấy chăng, con yêu dấu, như các thày đã cố gắng giải thích, các thày tôn trọng quyền tự quyết. Các thày nhận ra rằng muốn loại chiến tranh khỏi trái đất thì phải bứng một số sa nhân ra khỏi trái đất. Các thày không thể bứng các sa nhân đi cho tới khi có đủ túc số cư dân nguyên thủy trên trái đất – những cư dân này khởi thủy đã mời sa nhân tới (một cách vô thức lẽ dĩ nhiên, nhưng họ đã mời sa nhân tới) – nâng cao tâm thức của họ và từ bỏ tâm thức đã khiến sa nhân tới đây vì lúc đó cửa được mở cho họ.

Các thày biết rất rõ là loại trừ chiến tranh khỏi trái đất cần tới chọn lựa tự do của nhiều người trong số các cư dân nguyên thủy trên trái đất. Các thày trao cho các con một giáo lý giúp các con nhận ra điều này và như vậy con thấy được một điều rất, rất giản dị. Thày đã nói là không thể nào làm cho sa nhân tán thành avatar, nhưng đồng thời cũng không thể nào làm cho sa nhân từ bỏ hành động hiếu chiến của họ. Con có thể thấy là nếu con muốn loại trừ chiến tranh trên trái đất, thật là vô bổ nếu con chờ đợi làm được điều này bằng cách thay đổi sa nhân.

Mặt khác, trước khi con tới đây con cũng đã thấy là hầu hết cư dân nguyên thủy trên trái đất có trình độ tâm thức thấp hơn con rất nhiều. Vậy con có thể thấy là khi con chờ đợi loại trừ chiến tranh khỏi trái đất, thì con để sự thành hay bại của sứ vụ của con lệ thuộc vào quyền tự quyết của những sinh thể ở tầng tâm thức thấp hơn con nhiều khi con tới đây. Con yêu dấu, làm như vậy có minh triết chăng? Có minh triết chăng khi con gắn liền thành quả của con, và do đó lòng tự trọng của con, với chọn lựa của ai khác không phải là con? Lẽ dĩ nhiên điều này thiếu minh triết.

Lòng tự trọng của con chỉ nên dựa trên những yếu tố bên trong con mà thôi. Những yếu tố này chính là cách con nhìn mình, cách con nhìn thành quả hay hành động của mình trên trái đất. Con thấy chăng, vì con tạo ra sự chờ đợi thiếu thực tế là con chỉ cần tới đây thì ngay lập tức con có thể nâng mọi người lên và đem lại thay đổi (hay đem lại bất cứ điều gì khác mà con mường tượng trong tâm mình), cho nên con không thể né tránh chuyện con thất vọng khi nhận ra rằng hành tinh này dày đặc hơn nhiều và không thể nào làm được chuyện con chỉ cần tới đây là có thể đem lại thay đổi, dù là con có ý định tốt lành nhất. 

Con thất vọng vì con đã gắn liền sự chờ đợi của con với quyền tự quyết của những người ở trong một trạng thái tâm thức rất thấp, rất nhị nguyên. Con không thể tránh được thất vọng và con cần thấy điều này để con có thể tách mình ra khỏi những cái ngã này và nói: “Tôi không thể cho phép lòng tự trọng của tôi tùy thuộc những cái ngã bị dính vào sự chọn lựa của những sinh thể ở một trạng thái tâm thức thấp. Tại sao tôi lại muốn lòng tự trọng của mình bị gắn liền với chọn lựa của những người trong tâm thức nhị nguyên?”

Lẽ dĩ nhiên, thày không chê trách con khi nói rằng con tạo ra những cái ngã đó bởi vì, như các thày đã nói nhiều lần, trong sứ vụ của các con, các con cần trải qua giai đoạn trầm mình và xác định mình là một con người. Trong tiến trình này, con không tránh được chuyện tạo ra những cái ngã đó. Điều con cần nhận ra là bây giờ con ở một tầng tâm thức cao hơn và con đang nghĩ tới chuyện có thể thăng thiên trong kiếp này, thì con cần xem xét những cái ngã này. Con cần nhìn thấy tại sao chúng được tạo ra, con cần nhìn thấy chúng dựa trên một ảo tưởng và một chờ đợi thiếu thực tế để con thấy được con không cần mang những loại ngã này theo con nữa. Con có thể dùng những dụng cụ để buông bỏ chúng, nhưng trước tiên hết, con cần nhận ra là chúng cần phải ra đi.

22.12. Lòng tự trọng đến từ con là ai

Con yêu dấu, lòng tự trọng thật sự là gì? Nó phải là lòng tự trọng không dựa vào bất cứ điều gì bên ngoài con. Như các thày đã nói nhiều lần, cái ta vỏ ngoài của con, bốn thể phàm của con không phải là cái ta thật của con. Dù rằng con có một số tình trạng, một số ngã trong bốn thể phàm của con, lòng tự trọng thật không thể dựa trên chúng. Lòng tự trọng đến từ đâu? Con cần thấy rằng thế gian có một cái nhìn về lòng tự trọng, một khái niệm về lòng tự trọng không phải là lòng tự trọng cao vì, như thày đã nói, nó liên quan tới điều gì đó trên thế gian. Ngay cả những cái ngã con đã tạo ra dựa trên những chờ đợi của con khi tới đây cũng liên quan tới thế gian này và liên quan tới những gì con đạt được hay không đạt được. Con cần nhận ra ở đây là một avatar như con, một đệ tử tâm linh đã đạt tới những giai đoạn đầu của quả vị Ki-tô, không thể cố gắng đạt được (con không thể chờ đợi là con phải có) loại tự trọng mà con người có trên thế gian.

Vậy thì con làm được gì? Ấy, con có thể tự hỏi: “Cái ta, cái ta thật, cốt lõi của bản thể của tôi là gì?” Các thày đã trao cho các con nhiều giáo lý về đề tài này. Các thày đã trao cho các con giáo lý thật hay trong sách của Guru Ma về tin tưởng những điều nguy hiểm (sách tên là Đừng Mù Quáng Tin Những Giáo Điều Nguy Hiểm, Don’t Drink Your Own Kool-Aid). Con có thể nghiền ngẫm và dùng những giáo lý này để từ từ nhìn lên trên ý niệm bản sắc, ý niệm bản ngã mà con đã tạo dựng trong thế gian này.

Con có thể tới điểm mà con đi vào thể bản sắc của mình và con bắt đầu tra vấn và thách thức ý niệm bản ngã mà con đã tạo dựng trong cuộc hành trình của con trên hành tinh này và con càng ngày càng nhận ra: “Đây không phải là cái ta thật của tôi, nó không phải là cái tôi thật sự là.” Rồi con tới điểm nhận ra con kết nối với cái gì khác, khi cái Ta Biết là nhận biết thuần khiết, như các thày đã nói nhiều lần. Con có thể bắt đầu nghiền ngẫm ý nghĩa của điều này và trong cuốn sách mới (Các Kiếp của Tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su) có nhiều chìa khóa quan trọng và như người sứ giả đã mô tả, những chìa khóa này đã giúp ông hiểu rõ hơn. Dù ông đã nhận được những giáo lý được trao truyền trước đó về đề tài này, trong sách vẫn còn những điều giúp ông nắm vững hơn.

Đích thực là cái ta thật không thể được quy định bằng bất cứ thứ gì trên thế gian này. Đó là lý do tại sao con có thể nhận ra là cái ta thật không cần bất cứ điều gì từ thế gian này – bất cứ sự tán thành nào, bất cứ thành quả nào, bất cứ kết quả nào – để cảm thấy thoải mái về mình. Cái ta thật, cái Ta Biết, có khả năng cảm thấy thoải mái về mình khi nó nhận ra nó là ai và nó là gì. Con là một nối dài của Hiện Diện TA LÀ, một sinh thể tâm linh, bất kể con có thể thấy được nó là gì ngay lúc này, bất kể con có thể mường tượng nó là gì. Thày biết điều này khó hiểu. Điều này khó hiểu bằng khái niệm, vì khi các thày cho các con khái niệm về cái Ta Biết, thì các thày muốn khiến tâm đường thẳng và phân tích của con bị bối rối vì nó không thể nghĩ ra được Cái Ta Biết là gì. Tâm đường thẳng không thể liên hệ cái Ta Biết với bất cứ điều gì nó quen thuộc trên trái đất này. Khi con nhận ra con không phải là bất cứ điều gì được quy định trên trái đất, con có thể thấy lòng tự trọng của mình không gắn liền với bất cứ điều gì trên trái đất, nó đến từ sự kiện con hiện hữu. Vì sự kiện con hiện hữu, con có giá trị. Con được quý trọng. Con xứng đáng được quý trọng. Con thấy chăng, con yêu dấu, lòng tự trọng thật không thể có mặt ngày nào con còn có một vật thể đối tượng, một cái ngã và con đang quý trọng vật thể đó.

22.13. Làm sao thỏa mãn một ước muốn

Do đó, chúng ta có thể nói rằng khi con tới được điểm nhận biết này, khái niệm lòng tự trọng phai mờ đi. Khi con thấy không còn cái ngã thì đâu cần lòng tự trọng nữa. Con chỉ trải nghiệm con như con là. Con còn không quan tâm tới bất cứ dạng tự trọng nào, bất cứ thang điểm cao và thấp nào, bất cứ so sánh nhị nguyên nào. Nó chỉ phai mờ đi.

Thày biết thày đang đặt cho các con một mục đích mà một số trong các con cần thời gian để nhận ra. Thày muốn con biết là không chỉ riêng lòng tự trọng mà nhiều khái niệm khác mà con có trên đường tâm linh, sẽ phai mờ đi khi con tới những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô. Chúng mất đi ý nghĩa vì con nhận ra chúng chỉ có ý nghĩa ở tầng tâm thức thấp hơn. Ở tầng tâm thức cao hơn, chúng không còn ý nghĩa đặc biệt nào, chúng không quan trọng gì cả, chúng không kéo hút con. Con có thể nói, một lần nữa để tâm đường thẳng bị bối rối, là cách duy nhất để đạt được lòng tự trọng thật là tới được điểm là con không cần lòng tự trọng nữa. Con không có nhu cầu được quý trọng.

Có thể nói là cách duy nhất để thỏa mãn những mong muốn của con là tới được điểm con vượt thăng những mong muốn đó và con không còn mong muốn nữa. Đây không phải là vấn đề thỏa mãn nó – đây là vấn đề vượt thăng nó. Điều mà sa nhân muốn con nghĩ – và đây là một trong những cách chính họ giam con trong một khuôn nếp phản ứng – là con mong muốn một điều gì và con cần đạt được điều con mong muốn. Nếu con mong có lòng tự trọng, con cần đạt được lòng tự trọng. Làm sao con đạt được lòng tự trọng? Bằng cách con nhảy xa hơn bất cứ ai khác. Khi tiêu chuẩn này đạt được, thì con sẽ có lòng tự trọng.

Đây không phải là sự thật. Con sẽ không bao giờ, không bao giờ cảm thấy lòng tự trọng thật bằng cách thỏa mãn bất cứ mong muốn nào – đích thực là con không bao giờ có thể thỏa mãn bất cứ mong muốn nào. Con chỉ thực sự trọn vẹn, cảm thấy thật sự thoải mái về chính mình, khi con thăng vượt mong muốn và con không còn cảm thấy mình thiếu thốn nữa. Con sẽ có lòng tự trọng khi con không còn kinh nghiệm mình thiếu lòng tự trọng nữa, nhưng điều này chỉ thành tựu được khi con thăng vượt lòng mong muốn, ngay cả mong muốn có một cái ta có thể được quý trọng.

Cái Ta Biết, khi nó nhận ra nó là nhận biết thuần khiết, không có nhu cầu được quý trọng nữa. Kỳ thực là nó không còn thấy nó là một cái ta nữa. Đúng đấy, thày đang cho con những khái niệm khó hiểu, tinh tế. Cách duy nhất để khắc phục điều này là làm cho tâm đường thẳng và phân tích bối rối để con thoát ra khỏi nó và con trải nghiệm được điều gì cao hơn. Đây là trải nghiệm thày muốn con có. Là một chân sư thăng thiên, lẽ dĩ nhiên thày muốn hướng dẫn con đi từng bước cho tới khi con sẵn sàng có trải nghiệm này vì các ảo tưởng đã từ từ phai mờ đi cho tới khi không còn ảo tưởng nữa và con vụt thoát ra khỏi ý niệm bản ngã giới hạn đó và nó chỉ không còn nữa.

Con yêu dấu, thày đã trao truyền cho con điều thày muốn trao truyền trong kỳ này nhưng thày muốn nói thêm nữa về một số chủ đề đã được nêu lên trong hội nghị này. Thày sẽ làm tròn lời hứa của Chân sư MORE là thày sẽ cho con một số ý tưởng về cách cho cái ngã chết đi. Chủ đề này thày sẽ dành cho ngày mai để con có thể xin, nếu con muốn, tới trung tâm nhập thất của vị chân sư nào con muốn, nhưng thày đề nghị con tới trung tâm ở trên Arabia. Thày sẽ hướng dẫn các đệ tử nào muốn tới đó kết hợp những khái niệm mà thày đã trao cho các con để con được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những gì thày sẽ trao truyền ngày mai.

Thày chúc các con một buổi tối an lành và thày cám ơn các con đã luôn luôn chú tâm vui vẻ. Thày luôn luôn cảm thấy một niềm vui lớn lao khi tương tác với những đệ tử đầy lòng hăng hái học hỏi như các con.

20 | Vượt qua nỗi giận chính mình, 16 phần.

Chân sư Thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, ngày 1 tháng 12 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền tại một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên MORE, và thày là phương cách tối hậu để vượt qua tâm thức thiếu thốn. Khi con hòa điệu với ngọn lửa của thày, thì con sẽ biết là trong Bản thể của thày không có thiếu thốn. Do đó, nếu con cho phép mình nhận cái mà thày rất mong muốn trao cho con, thì con sẽ không thấy thiếu thốn trong con.

Con không phải là một sinh thể bất toàn! Tất cả các hệ thống tư tưởng đã lập trình điều gì vào tâm tập thể từ bao thiên kỷ nay? Đó là ý niệm con người tự bản chất hư xấu và bất toàn. Nếu con nhìn một cách trung thực, thì con sẽ thấy đó là thông điệp của tư tưởng Mác xít và Cộng sản, cũng như là của Giáo hội Công giáo và của tất cả các giáo đoàn Cơ đốc giáo khác cũng dựa trên cùng nền tảng. Con là tội đồ từ trong bản tánh, con vốn dĩ giới hạn, và tâm thức này từ đâu tới?

20.1. Nỗi giận của sa nhân

Ấy, lẽ dĩ nhiên là nó tới từ sa nhân. Ta có thể nói họ có nhu cầu khẩn thiết muốn cảm thấy hơn những người họ rất khó chịu phải chung sống ở đây. Họ tin rằng trái đất là một hành tinh rất thấp và họ đáng lẽ không sống ở đây. Họ đáng lẽ phải sống trên một hành tinh cao hơn nhiều, một hành tinh to lớn hơn nhiều, nơi họ có thể cảm thấy có nhiều uy quyền hơn.

Họ cảm thấy họ đã bị mất giá trị khi họ phải tới hành tinh này. Do đó, nhiều sa nhân có một nỗi giận ăn sâu trong tâm thức họ đối với những người sống trên hành tinh này, gồm cả các cư dân nguyên thủy và các avatar (sinh thể từ hành tinh tự nhiên xuống đầu thai trên trái đất) đã dám tới đầu thai ở đây để thách thức quyền trị vì của họ. Con không thể giải thích nỗi giận này (mà con có thể thấy rõ trong lịch sử, nếu con chịu nhìn) qua những hệ thống tư tưởng truyền thống. Vì sao vậy, con yêu dấu? Đó là vì những hệ thống tư tưởng do sa nhân tạo ra có nhu cầu, kế hoạch và thâm ý tối thượng là che giấu sự hiện hữu của sa nhân. Do đó, lẽ dĩ nhiên là các hệ thống đó không thể giải thích nỗi giận này. Chúng hoặc không đưa ra một lời giải thích, hoặc nêu lên vài ý tưởng mơ hồ là người này người nọ đặc biệt tà ác, hay những chuyện tương tự.

20.2. Sự giận dữ bắt nguồn từ thể bản sắc

Sư thực là sa nhân, lẽ dĩ nhiên, có một nỗi giận ăn sâu trong tâm thức họ, ta có thể nói là một nỗi giận hiện sinh đối với con người. Họ sẵn sàng có những hành động phi lý, nghịch lý để đả thương, phá hoại và tiêu diệt con người, giống như mọi nỗi giận lúc nào cũng có tính chất phi lý và nghịch lý. Sự giận dữ là một xúc động nhưng nó không phải chỉ là một cảm giác, nó hơn một cái gì trong thể tình cảm của con người. Rất, rất ít người tìm hiểu tâm lý học đã hiểu điều này.

Sự thực là sự giận dữ bắt nguồn trong thể bản sắc. Sa nhân có trong thể bản sắc của họ nỗi giận đối với Thượng đế. Nếu con suy nghĩ thêm thì con thấy họ thực sự có phần giận Thượng đế vỏ ngoài mà họ đã tạo ra, nhưng chính thực thì còn hơn thế nữa vì họ giận chính họ. Vì cho dù họ đã sa ngã, nhưng họ đã bắt đầu như một phần nối dài của đấng Sáng tạo, giống như tất cả chúng ta. Trong họ có một nỗi giận ở tầng bản sắc, có một mô thức tư tưởng phức tạp giải thích cơn giận đó và định hướng nó. Lẽ dĩ nhiên, cũng có một mô thức xúc cảm, thường thúc đẩy con người làm những chuyện khi giận dữ mà họ không bao giờ làm nếu họ suy nghĩ sáng suốt dựa trên lý trí. 

Con có thể nói là với đa số con người và avatar trên hành tinh này thì sự giận dữ chủ yếu là một hiện tượng xúc cảm, nhưng với sa nhân thì nó hơn thế. Đó là lý do vì sao, khi con phân tích tâm lý của những người như Hitler, Lê-nin, Stalin, Mao và các nhà độc tài khác trong lịch sử, thì con thấy là sự giận dữ của họ không đơn thuần là xúc cảm. Họ có một nỗi giận rất sâu trong thể lý trí và bản sắc của họ. Nó là một cái gì mà họ thường không làm chủ được – nó làm chủ họ. Con có thể thấy là có những lúc họ hành động không phải vì thịnh nộ mê cuồng mà với một nỗi giận có tính toán, dài hạn và có kế hoạch.  

20.3. Sự giận dữ có tính toán của sa nhân

Vì sao thày lại đề cập đến chuyện này? Áy, thày có một số lý do. Một lý do, lẽ dĩ nhiên, là con cần hiểu là điều đã xảy ra trong Khối Sô viết đưới chế độ Cộng sản, không thể được giải thích bằng sự giận dữ mà thôi. Con cần hiểu nỗi giận rất sâu của sa nhân đối với nhân loại, và ước muốn của sa nhân muốn hoặc kiểm soát nhân loại, hoặc tiêu diệt những ai họ không thể kiểm soát. Con yêu dấu, không phải là Stalin hay những người trong guồng máy Sô viết ở trong cơn thịnh nộ không thể kiềm chế khi họ gõ cửa nhà người dân lúc 4 giờ sáng và đày họ đi Siberia. Không có một cơn giận xúc cảm đằng sau các hành động này, tuy rằng trong một số trường hợp, các tên đồ tể thi hành những lệnh này phải đặt mình vào trong một trạng thái xúc cảm để có thể làm những chuyện này với người đồng hương của họ.

Khi con xem xét nhóm lãnh đạo và đặc biệt là người lãnh đạo tối cao, thì con thấy là trong họ không có nỗi giận xúc cảm. Con có thể thấy là khi Hitler nói một số bài diễn văn thì y có vẻ bị rơi vào trạng thái giận dữ xúc cảm. Nhưng khi y đối xử với các tướng lãnh và những người khác, thì y không xúc động, y rất tính toán – ta còn có thể nói là y hành xử hợp lý. Con chỉ có thể hiểu hiện tượng này khi xem xét tầng sâu hơn mà thày đã đề cập. Thày đang nói với các avatar trong hội trường này, và các con cần hiểu là tuy các cư dân nguyên thủy của trái đất ít khi có cơn giận đi quá tầng xúc cảm, thì một avatar quả thực có thể có một sự giận dữ như vậy.

Điều này không có nghĩa là các con có cùng nỗi giận như sa nhân. Con yêu dấu, khi con nhìn vào tâm lý của một số sa nhân (không phải tất cả, nhưng một số) và tâm lý của một số avatar (không phải tất cả, nhưng một số) thì con thấy là cả hai nhóm có sự giận dữ trong thể lý trí và bản sắc của họ. Nếu con xem xét kỹ hơn, thì con thấy một khác biệt cơ bản. Nỗi giận của sa nhân lúc nào cũng hướng ra ngoài. Trong nhiều trường hợp, nó cũng hướng lên trên, tức là về hướng Thượng đế. Sa nhân không bao giờ cảm thấy giận (một cách ý thức) chính mình. Nhưng, con thấy nơi nhiều avatar một nỗi giận ở tầng lý trí và bản sắc hướng về chính họ. Có nhiều lý do ở tầng lý trí. Ở tầng bản sắc cũng có một số lý do khác nhau, nhưng chúng đều xoay quanh một chủ đề, đó là con giận mình đã tình nguyện xuống hành tinh này. Con giận mình đã chọn lựa tới hành tinh này.

Cũng có một số avatar sau khi đến đây, sau khi đã đi vào nhị nguyên, đã tiếp nhận một số niềm tin vi tế mà sa nhân đã phổ biến. Họ có thể cảm thấy giận Thượng đế đã tạo ra một vũ trụ trong đó những đau khổ mà con thấy trên trái đất có thể xảy ra. Một số avatar có thể có cảm giác như vậy, nhưng nó không giống nỗi giận của sa nhân đối với Thượng đế. Một avatar không có cảm giác giống như sa nhân. Thày sẽ không mô tả ở đây cảm giác của sa nhân, nỗi giận của họ đối với Thượng đế, vì trong cương vị một avatar, con không cần để tâm đến việc này. Thày chỉ nói với các con là, dù con có cảm thấy giận Thượng đế, thì điều này không có nghĩa con là sa nhân.

Con không cần phải chê trách mình vì chuyện này. Con nhận ra rằng nó không phải là một nỗi giận mà con đã mang theo khi con xuống hành tinh này. Sa nhân mang nỗi giận Thượng đế theo họ khi họ tới hành tinh này, và ngay cả khi họ đi vào bầu cõi này. Con thì đã tiếp nhận nó trên trái đất, và như tất cả mọi thứ mà con đã tiếp nhận trên trái đất thì con có thể nhận ra nó, thấy nó không phải là con và buông bỏ nó. Con có thể nâng mình lên khỏi nó.

20.4. Nỗi giận đối với cõi Mẹ

Con cũng có thể cảm thấy giận cõi Mẹ (cõi vật chất) vì cõi Mẹ, Ánh sáng Mẫu-Vật, đã biểu hiện những điều kiện vật lý tạo ra sự đau khổ cùng cực đó. Nhiều avatar cảm thấy điều này, không phải vì những chuyện đã xảy ra cho chính họ, như Mẹ Mary đã nói, nhưng vì những chuyện mà họ đã thấy xảy tới người khác. Con khởi lên lòng từ bi và do đó có một sự giận dữ: “Vì sao vật chất lại để các chuyện này xảy ra, vì sao đá không kêu lên như Giê-su đã nói?” Vì sao các tảng đá không từ chối rơi xuống và đè bẹp con người, con đôi khi có cảm giác như vậy. Lý do là, lẽ dĩ nhiên, chúng ta đang nói những chuyện hơi khác nhau. Giê-su nói là đá kêu lên vì chúng nhận ra Ki-tô, dù con người không nhận ra. Chuyện này khác việc vật chất tạo ra những hậu quả vật lý khe khắt. Như các thày đã giảng, vật chất chỉ là một tấm gương và bắt buộc phải biểu hiện những gì được phóng chiếu lên nó. Con hiểu điều này bằng lý trí, thày hiểu như vậy. Thày chỉ đang nhắc nhở là con có thể cần học hay nghe bài truyền đọc này nhiều lần và suy ngẫm nó cho tới khi con thực sự thấy trong bản thân mình là con có nỗi giận này, và nó không phải là con nhưng chỉ là cái gì con đã tiếp nhận.

Có nhiều người trong các con, có nhiều người tâm linh, nhiều avatar đã đi vào tư duy (mà vị sứ giả này cũng đã nhận ra nơi chính ông) cho rằng một người tâm linh không được cảm thấy giận dữ. Do đó, con không chịu nhìn nhận cơn giận của mình, và như Phật Gautama đã giảng vào đầu năm nay, có khi con cần nhận ra những cảm xúc của mình để có thể tách mình ra khỏi chúng. Phật Gautama có trao cho các con một bài tập trong đó con đi tới một nơi cách biệt không ai có thể nghe thấy con, và con dùng lời để phát biểu cảm xúc của con đối với sa nhân, nhưng ngay cả với Thượng đế và cõi vật chất. Con có thể nói ra nỗi giận của mình, dùng ngôn từ để phát biểu nó. Khi con dùng ngôn từ để phát biểu nó, thì con dễ tách mình ra khỏi nó hơn, và thày sẽ cho con có một gợi ý đơn giản lý do vì sao lại như vậy, con yêu dấu.

20.5. Nói ra lời mình là ai

Con hãy tưởng tượng con đi tới một nơi cách biệt và con nói ra lời nỗi giận của mình. Tôi giận Thượng đế vì lý do này hay lý do khác. Một khi con đã làm xong chuyện này, khi con đã trút hết những gì trong con và không còn lời nào thốt ra nữa, thì thày muốn con làm một chuyện giản dị. Bây giờ thì con hãy nói ra lời con gì. Con thực sự là gì? Đúng, con có thể nói “Tôi là một con người, tôi là một sinh thể tâm linh,” hay là cái gì khác, nhưng con hãy mô tả nó. Con thực sự là gì? Con sẽ thấy là rất khó thêm vào những chữ sâu sắc hay nhiều ý nghĩa. Con có thể thêm vào một số chữ hời hợt dựa trên bất cứ giáo lý tâm linh hay nhân sinh quan nào mà con có, nhưng con sẽ rất khó nói rõ con thực sự gì.

Lý do vì sao rất giản dị. Cái con thực sự là là sự cá biệt neo trong Hiện diện TA LÀ của con, và sự cá biệt này hoàn toàn vượt lên trên ngôn từ. Ta không thể giảm thiểu nó bằng lời nói. Khi con nhận ra là nỗi giận của con có thể được diễn tả bằng lời nói nhưng Bản thể thực của con không thể được diễn tả bằng lời, thì con có thể dễ dàng xoay chuyển tầm nhìn và nhận ra rằng nỗi giận của con không phải là nỗi giận của Bản thể thực của con – nó không phải là nỗi giận của con. Nó chỉ là một điều mà con đã lấy vào ở đây trong bát cung vật lý của trái đất. Con yêu dấu, thày đã đầu thai trong một thời gian rất dài trên hành tinh này. Nếu con tưởng tượng ra bất cứ sự ngu xuẩn, thấp hèn, hư xấu, ngu si nào mà con người có thể làm, thì rất có thể là thày đã trải nghiệm nó.

Bất kể hình ảnh nào về thày đã được tạo ra bởi các giáo lý vỏ ngoài hay trong tâm của các đệ tử và tổ chức chân sư thăng thiên trước đây, thì thày có thể nói một cách rất thành thực, con yêu dấu, là thày đã trải nghiệm hầu như tất cả mọi chuyện có thể trải nghiêm được trên hành tinh này qua nhiều lần đầu thai của thày. Thày không phải lúc nào cũng đã là một vị đạo sư tâm linh có tiến hóa cao hay một vị vua hay một vị vua minh triết. Trong nhiều kiếp con có thể nói là thày rất là con người. Thày không nói điều này để tự hạ mình xuống. Thày nói vậy để giản dị giúp con nhận ra là con không thể tránh cảm thấy giận dữ vì những trải nghiệm của con trên hành tinh này.

20.6. Cảm giác và đồng-sáng tạo

Cách duy nhất để con có thể tới hành tinh này mà không cảm thấy giận dữ, là con không có khả năng cảm thấy bất cứ gì. Con không thể là một sinh thể có tự nhận biết và sáng tạo nếu con không cảm thấy gì, bởi vì làm sao con có thể là một đồng-sáng tạo nếu con không có khả năng cảm giác? Chính qua cảm thể mà con đem các tạo vật của con xuống cõi vật lý, không có cách nào khác.

Con có thể có một họa đồ cực kỳ tinh vi của một ngôi nhà trong thể lý trí của con, nhưng con không thể đem nó thẳng từ cõi lý trí xuống cõi vật lý. Con phải đi qua cõi cảm xúc, và đây là cách con sáng tạo bất cứ gì. Sự kiện con tới đây như một avatar chứng tỏ là con có khả năng cảm giác. Vì sao con lại tới đây nếu con không có lòng từ bi đối với những người sống trên trái đất? Khi con tới đây và trải nghiệm sự đau khổ cùng cực của những người ở đây, thì làm sao con không phản ứng một cách giận dữ?

Thày đã có nhiều kiếp sống trong đó thày đã phản ứng một cách giận dữ, và tất cả những sinh thể đã thăng thiên từ trái đất đã có những kiếp đầu thai như vậy. Một số đệ tử tâm linh có khuynh hướng duy trì hình ảnh tôn sùng El Morya, Saint Germain hay Giê-su, và cho rằng tuy các thày đã từng đầu thai trên trái đất, nhưng các thày lúc nào cũng điềm đạm, bình tĩnh và tự chủ. Các thày không làm gì có thể bị chê trách, không bao giờ làm gì sai trái, không bao giờ mất bình tĩnh, không bao giờ nổi giận. Con yêu dấu, có phải chăng là các thày đã giải thích là vai trò của chúng ta khi đầu thai xuống trái đất (tất cả chúng ta, các con hiện đang ở đây, và các thày đã ở đây trước kia nhưng nay đã thăng thiên) là để trải qua tiến trình trầm mình và thức tỉnh?

20.7. Con coi điều gì quan trọng?

Thày bảo đảm với con là tất cả chúng ta đã trải qua giai đoạn trầm mình đã đi vào đủ loại hành động, cảm xúc và tin tưởng mà con người thường có, và đó là chuyện không thể tránh được. Con tới một điểm nhận ra con là một sinh thể tâm linh, và con giản dị nhìn vào nỗi giận của con và nói: “Đúng rồi, tôi đã làm chuyện này, tôi đã cảm thấy thế này, tôi đã nghĩ những điều này, nhưng đây chỉ là những điều tôi đã lấy vào khi tôi phản ứng lại hành tinh rất khó khăn này.” Sau đó, con bước lui lại và nói: “Có điều gì trên hành tinh này mà tôi coi là quan trọng, có điều gì mà tôi cảm thấy có quyền lực trên tôi như một sinh thể tâm linh?” Con có thể được lợi lạc nếu con thử nhìn những sinh hoạt nhân gian trong thế giới, những sinh hoạt mà con người đang tham gia. Sau đó, con nhận ra trong chính mình: “Tôi có coi những chuyện này quan trọng không? Chúng có níu kéo tôi chăng? Chúng có quyền lực trên tôi chăng?”

Tỷ dụ, con có thể xem xét việc con người đang giao chiến với nhau tại một số vùng trên trái đất và đã giao chiến với nhau suốt nhiều thế hệ. Không ai biết vì sao họ đánh nhau, nhưng họ vẫn tiếp tục đánh nhau. Con có thể nói: “Tôi có coi chuyện này quan trọng chăng, chuyện này có níu kéo tôi chăng?” Con có thể nhìn một số sinh hoạt mà con người tham dự (trong nền văn hóa của con) và nói: “Tôi có coi việc tìm cách tích lũy vài tỷ đô-la là quan trọng chăng, nó có níu kéo tôi chăng?” Con sẽ khám phá là có rất nhiều chuyện trên thế gian con không coi là quan trọng. Con đã thăng vượt chúng, chúng không còn níu kéo con, chúng không còn níu kéo con ở thể tình cảm, lý trí hay bản sắc. Con chỉ cần giản dị nhìn chúng và nói: “Rồi sao, chuyện này không có nghĩa lý gì đối với tôi.” Sau đó, con có thể xem xét vì sao con lại coi chúng quan trọng, vì sao chúng níu kéo con, vì sao con cảm thấy giận điều gì. Nếu con phản ứng với tình cảm tiêu cực, thì tại sao, con yêu dấu, con lại thấy chúng quan trọng? Lẽ dĩ nhiên, con có thể coi chúng quan trọng vì lý do chính đáng, nhưng cũng có thể vì lý do không chính đáng.  

20.8. Khe khắt với chính mình

Lý do chính đáng là trên cương vị một người tâm linh đang đi trên con đường tu, trên cương vị một avatar, con luôn luôn xem xét chính mình. Con luôn luôn lượng định mình và con lúc nào cũng tìm cách làm tốt hơn. Điều này chính đáng, chúng ta ai ai cũng đều phải làm vậy. Các thày đã tìm cách giải thích bằng nhiều cách, có khi vi tế, nhưng nay thày nói thẳng thắn: Vì sao các con là những người tâm linh nhất, ít hung hãn nhất, không phải là người xấu tính theo bất cứ tiêu chuẩn nào, vì sao con lại quá khe khắt với mình như vậy?

Vì sao khuynh hướng tự nhiên và chính đáng xem xét chính mình và lượng định xem mình có thể làm tốt hơn không lại thường khi đi đôi với cảm giác hổ thẹn khi con làm một lỗi lầm, khi con làm một điều mà con nghĩ một người tâm linh không được làm? Vì sao lại thường có một cảm xúc rất mạnh, và ngay cả (nếu con nhìn kỹ) một phản ứng ở thể lý trí, và trong một số trường hợp ở phần thấp của thể bản sắc của con? Con có ý niệm là con không được làm chuyện đó, con không được nổi giận, con không được làm điều mà người thường vẫn làm. Con đáng lẽ phải đứng bên trên phản ứng đó. Tại sao con lại có ý niệm đó, vì sao lại có phán xét giá trị đặt lên trên việc lượng định tự nhiên và xây dựng?

Vì sao một số trong các con đã khắc phục được khuynh hướng đó, nhưng nhiều người thì chưa? Nhiều người, khi mới tìm ra con đường tâm linh, đã trải qua một giai đoạn đối phó với khuynh hướng này. Bỗng nhiên, giáo lý tâm linh trở nên một cách khác để họ lên án mình và cảm thấy là họ không làm tròn bổn phận. Đầu năm nay các thày đã nói là các thày là chân sư thăng thiên chỉ mong muốn một điều là các con cảm thấy thoải mái với chính mình, nhưng rất nhiều khi giáo lý mà các thày trao truyền lại khiến các con cảm thấy không thoải mái bằng trước khi nhận giáo lý.

Vì sao lại có cơ chế đó? Con yêu dấu, nó một phần do sa nhân gài vào. Họ đã đề ra những lý thuyết cầu kỳ cho rằng trong con có điều hư xấu, và con là thế này hay thế khác. Con yêu dấu, con hãy nhìn nhận là sa nhân không chỉ tạo ra, tỷ dụ, quan niệm tội tổ tông (original sin) cho rằng mọi con người đều hư xấu. Họ cũng đã tạo ra một số khái niệm rất, rất vi tế mà con không thể tìm ra trong các bản văn, nhưng vẫn hiện hành trong tâm thức tập thể. Họ nói là nếu con là một người tâm linh thì con không được nổi giận, vì đây là một điều rất, rất xấu. Nếu con nổi giận và mất bình tĩnh thì con phải cảm thấy rất hổ thẹn.

Ý tưởng này do sa nhân tạo ra, không phải – không phải – do chân sư thăng thiên tạo ra. Các thày không muốn các con phán xét mình kiểu đó. Vậy thì vì sao nhiều người trong các con là đệ tử chân sư thăng thiên lại làm theo sa nhân và những gì họ gài vào con, thay vì làm theo các thày, dù con đã biết các thày? Vì sao con vẫn còn cơ chế đó trong bốn thể phàm của mình (mà con không thể khắc phục hoàn toàn) khiến con cảm thấy hổ thẹn? Thày sẽ nói con vì sao! Đó là vì con giận chính mình. Trong rất, rất nhiều kiếp con đã hướng nỗi giận tới chính mình vì con vẫn giữ, hay con đã lấy lại khi con bắt đầu tiến lên trên con đường tu, cảm nhận là cách mọi chuyện đang trải bày trên trái đất không phải là cách duy nhất mà chúng có thể là.

20.9. Chấm dứt vòng xoáy đi xuống

Nhiều người trong các con đã tới từ hành tinh tự nhiên là nơi không có những biểu hiện mà con thấy trên trái đất. Do đó, không bao giờ có một điều kiện bên ngoài nào dữ dội đến độ khiến con cảm thấy giận dữ. Vì vậy, con đã giữ trong bản thể của con cảm nhận (hay con đã nối kết trở lại với cảm nhận đó trong bản thể của con) là con không được nổi giận. Như thày đã nói, mọi chuyện trên trái đất tệ hơn trên các hành tinh tự nhiên rất nhiều, do đó con không thể tránh cảm thấy giận dữ.

Vì con có khuynh hướng lượng định chính mình (là điều cần thiết, vì nếu không thì con không thể tăng trưởng), vì con có cảm nhận là con không được làm như vậy, nên con đã giận mình là đã nổi giận trước những điều kiện trên trái đất. Điều này tạo nên một vòng xoáy và cơn giận chính mình đã tích lũy trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc thấp của con. Điều này có nghĩa là trong kiếp đầu thai tới, khi con gặp một điều kiện dữ dội trên trái đất, con sẽ có khuynh hướng cảm thấy giận điều kiện đó. Sau đó, lẽ dĩ nhiên là con cảm thấy giận mình vì đã nổi giận, và vòng xoáy cứ mạnh thêm và mạnh thêm. 

Con yêu dấu, thày không có ý định – không có ý định – khiến con cảm thấy xốn xang hơn vì có vòng xoáy đó. Thày muốn con nhận ra là con có vòng xoáy đó và đã đến lúc vượt thăng nó. Vậy, con làm sao vượt thăng nó? Ấy, con yêu dấu, mỗi người trong các con có thể cần một tiến trình riêng. Nó bao gồm điều mà thày đã giảng: nhận ra rằng nó không phải là nỗi giận của con. Con không có nó khi con đến đây, con không giận chính mình khi con đến đây. Đây là một cái gì con đã lấy vào khi gặp những điều kiện trên trái đất. Con có thể cần làm bài tập mà thày đã trao cho các con liên quan đến việc nhìn các điều kiện trên trái đất và nói: “Chúng có còn níu kéo tôi nữa chăng? Vì sao tôi lại giận mình vì đã nổi giận trước những điều kiện này?” Con có thể nhờ vậy đi vào tiến trình dần dần buông bỏ một phần nỗi giận.

20.10. Nỗi giận không thể tự nó hiện hữu

Thày không muốn nói là có một chuyện con có thể làm và tức khắc loại bỏ nỗi giận. Con có thể tới điểm nhận ra là nỗi giận không phải là một cảm xúc hay một mô thức tư tưởng có thể tự nó hiện hữu. Các thày có nói tới các ước muốn thật và các ước muốn giả. Ta cũng có thể nói là có cảm xúc thật, cảm xúc giả, cảm xúc cao và cảm xúc thấp. Các thày có nói tới cảm xúc dựa trên tình thương và cảm xúc dựa trên sợ hãi. Ấy, con yêu dấu, sự khác biệt rất giản dị hay ít ra nó có thể được diễn tả một cách rất giản dị.

Một cảm xúc dựa trên tình thương có thể tự nó hiện hữu. Một cảm xúc dựa trên tình thương là một dạng năng lượng tâm linh xuất phát từ cõi cao và tuôn chảy xuyên qua con. Nó có thể hoàn toàn tự nó hiện hữu. Một cảm xúc dựa trên sợ hãi, và giận dữ là một cảm xúc dựa trên sợ hãi, không thể tự nó hiện hữu. Nó có thể tự nó phát triển và trở nên một tà thể (entity) hay ác quỷ (demon), nhưng nó không thể tự nó hiện hữu.

Nó bắt buộc phải có một đối tượng. Con không sợ một cái gì không xác định, con không sợ cái không là vật thể. Khi con sợ thì con phải sợ một cái gì đó. Đúng là giận dữ hay sợ hãi có thể trở nên một cảm xúc chung chung lấp đầy thể cảm xúc của con đến độ con không nhận ra là mình sợ cái gì, nhưng nỗi sợ bắt đầu bằng một nỗi sợ cái gì đó. Tương tự, giận dữ bắt đầu bằng nỗi giận một đối tượng. Có một lý do khiến con giận dữ, và đó là lý do vì sao thày nói con có thể khắc phục cảm xúc đó bằng cách sẵn sàng làm theo lời Giê-su: “Chúng ta hãy cùng nhau suy luận.” Đây là một châm ngôn của các chân sư thăng thiên: “Chúng ta hãy cùng nhau suy luận.”

20.11. Suy luận về sự giận dữ

Nếu con sẵn sàng thì con hãy chọn một vị chân sư thăng thiên. Thày tình nguyện làm việc này, nhưng con hãy chọn vị chân sư nào gần với con. Sau đó, con nói: “Chúng ta hãy cùng nhau suy luận về nỗi giận của con.” Nếu con sẵn sàng đi hết tiến trình này thì con có thể tới điểm dần dần thấy đối tượng nguyên thủy đã khiến con giận hành tinh này. Sau đó, con dần dần thấy là điều đó không còn quan trọng đối với con như lúc ban đầu. Như được giảng trong quyển sách mới, chấn thương nhập đời nguyên thủy, chấn thương đầu tiên của con, không thể được lặp lại vì con không thể cảm thấy lại sự tương phản giữa sự việc gây nên chấn thương và trạng thái ngây thơ của con lúc đó. Khi con nối kết lại với sự việc nguyên thủy đã khiến con giận trái đất, thì nó không còn quan trọng đối với con như lúc đầu nữa. Điều này có nghĩa là con tới điểm nói: “Đúng rồi, tôi có thể buông bỏ nó. Tôi không còn thấy giận chuyện này nữa.” Sau đó, khi con đã phần nào làm được việc này với những đối tượng đã khiến con giận trái đất, thì con có thể xin sự hướng dẫn của vị chân sư để nhận ra: “Tại sao con lại cảm thấy giận chính mình?”

Lúc đó, con sẽ nhận ra là, một lần nữa, có chuyện gì phi lý. Như thày có nói, con không dễ dùng ngôn từ để diễn tả con là gì, và con nhận ra rằng nếu con giận chính mình, thì con đã biến mình thành một vật thể. Con chỉ có thể giận một vật thể, tỷ dụ như con giận một số điều kiện trên trái đất hay con giận sa nhân. Nếu con giận chính mình, thì có nghĩa là có một vật thể mà con giận.

Vật thể đó là gì? Ấy, nó là cái mà các thày đã gọi (trong một số giáo lý mà các thày đã trao truyền) là một sắc thái của tự ngã, một phàm linh nội tại hay một cái ngã tách biệt. Con có thể tới điểm nhận ra con có một cái ngã cảm thấy là, trong cương vị một người tâm linh, con không bao giờ được giận dữ. Do đó, khi con cảm thấy giận dữ, cái ngã đó bắn một mũi tên vào thể cảm xúc của con và khiến con cảm thấy không thoải mái. Con cảm thấy không thoải mái một cách mơ hồ với chính mình. Con cảm thấy con kém cỏi, con thấp kém, con đã phạm một lỗi lầm, con không thể nào chuộc tội. Bởi vì cái ngã đó khiến con cảm thấy không thoải mái, nên con cảm thấy giận cái ngã đó. Sau đó, con nhận ra là đối tượng của nỗi giận chính mình thực ra không phải là con, mà là một cái ngã không phải là con.

Nó chỉ là một cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra để phản ứng lại các điều kiện trên trái đất. Lúc đó, con tách mình ra khỏi cái ngã đó, con nhận ra là nỗi giận với chính mình thực sự không khác nỗi giận mà con cảm thấy khi con thấy có người bị giết trong chiến tranh hay bất cứ điều gì khác mà con đã trải nghiệm trong quá khứ. Con có thể tách mình ra khỏi nỗi giận và nói: “Nhưng nếu có một số điều kiện trên trái đất mà tôi không còn cảm thấy giận nữa, thì tại sao tôi lại cảm thấy giận cái ngã đó? Tôi thấy cái ngã đó không thực, nó không thực sự là tôi, vậy tại sao tôi lại giận cái ngã đó?”

20.12. Một bài tập để giải trừ nỗi giận

Khi con nhận ra là cái ngã mà con giận tách biệt với con, thì con có thể làm một bài tập nhỏ khác. Dựa trên những gì con biết về khía cạnh tâm linh của đời sống và về chính con, thày muốn con hình dung là bây giờ con nhìn vào nỗi giận chính mình (cái ngã tách biệt) và con nói: “Đúng rồi, nhưng bây giờ tôi không muốn hướng nỗi giận về phía cái ngã tách biệt nữa, bây giờ tôi muốn hướng nó về phía cái ta thật của tôi. Vậy cái ta thật của tôi là gì, cái ta thật của tôi ở đâu, tôi muốn xác định nó là gì một cách chính xác.” Con sẽ thấy là nếu con làm việc này, thì tâm của con sẽ trống trơn. Con không thể tạo một hình tư tưởng hay một hình ảnh ngôn từ về cái ta thật của con, vì cái ta thật của con – mặc dù các thày đã gọi nó là Hiện diện TA LÀ và cho con một số khái niệm – vượt ra ngoài những gì con có thể hình dung hay tưởng tượng với tâm vỏ ngoài của con.

Tâm vỏ ngoài không thể hiểu Hiện diện TA LÀ. Cái Ta Biết có thể trong thoáng chốc trải nghiệm Hiện diện TA LÀ, nhưng tâm vỏ ngoài thì không thể. Cái Ta Biết không chĩa nỗi giận, mà là tâm vỏ ngoài, cái ngã vỏ ngoài. Khi con nhận ra là con không thể tìm ra cái ta thật để hướng nỗi giận tới, thì con cũng nhận ra là không phải cái ta thật đang giận dữ. Cái ta thật còn không giận cái ta tách biệt đã khiến con cảm thấy không thoải mái. Cái gì giận cái ta tách biệt? Ấy, đó lại là một cái ngã tách biệt khác.

Bây giờ thì con có một cái ngã tách biệt khiến con cảm thấy không thoải mái và một cái ngã tách biệt khác khiến con giận cái ngã tách biệt đầu. Khi con thấy điều này thì con thấy đây là một trò hề. Không phải là các ngã tách biệt này không có mặt. Con thực sự có thể thấy một nhân vật giống như một anh lùn giữ cửa (gnome) đang có vẻ bị gánh nặng quá tải và bất lực, đang phóng chiếu không ngừng là con phải hổ thẹn vì không toàn hảo. Và có một cái ngã nhăn nhó khác đang phóng chiếu là con phải giận cái ngã đầu. Con có thể thấy là hai cái ngã này có mặt. Lúc đó, con có thể thấy: “Chúng không phải là tôi. Chúng ở trong bốn thể phàm của tôi.” Quả thật là con đã tạo ra chúng, nhưng chúng không phải là con, và con có thể nói: “Tại sao tôi lại muốn kéo lê các ngã này theo tôi? Tại sao?”

Con yêu dấu, nếu con tìm ra được một lý do vì sao con muốn tiếp tục kéo lê các ngã này theo con, thì thày không có vấn đề gì. Thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Nếu con muốn mang chúng theo con, thì con hãy làm chuyện này. Thày chỉ muốn cống hiến sự trợ giúp của thày nếu con muốn giải thoát mình khỏi chúng. Lúc đó, con chỉ cần giản dị lấy một quyết định. Con cần lấy quyết định gì? Đó là: “Tôi sẵn sàng để cho các ngã này chết đi.”

20.13. Hội chứng truyền giáo

Giờ đây điều thày nói sau đây có thể cần con suy ngẫm. Một lần nữa, thày tìm cách dùng cái trí của con, cái trí lý luận, lô-gíc, suy luận, để vượt qua khả năng suy luận của nó bằng cách giúp con thấy là đôi khi óc suy luận trở nên quá đáng vì nó tạo ra mâu thuẫn. Điều con cần nhận ra là điều Mẹ Mary đã nói trong bài truyền đọc của thày: “Trong cương vị một avatar con không có mặt trên trái đất để đem lại thay đổi vật lý đặc trưng.” Vì sao lại như vậy? Vì chuyện xảy ra trên trái đất không phải là trách nhiệm của con, mà là trách nhiệm của các cư dân nguyên thủy.

Nếu cần có thay đổi vật lý đặc trưng, tỷ dụ như loại bỏ chiến tranh và không còn chiến tranh trên hành tinh này nữa, thì con, như là một avatar, không thể lấy quyết định đem tình trạng này xuống cõi vật lý. Cần có đủ túc số cư dân nguyên thủy lấy quyết định này, và lúc đó nó sẽ hiện thực trong cõi vật lý. Điều con có thể làm là giúp họ lấy quyết định này. Con làm việc này như thế nào? Không bằng cách ép buộc họ, vì như vậy thì con chỉ làm đúng những gì sa nhân đã làm – con còn không thể ép buộc họ ở các tầng xúc cảm, lý trí và bản sắc.

Con cần nhận ra một điều mà rất rất nhiều người tâm linh hay sùng đạo (nhưng nhiều người tin vào một ý thức hệ chính trị cũng vậy) đã bị mắc bãy, đó là điều mà ta có thể gọi là “hội chứng truyền giáo”. Đây là khi con nghĩ con cần đi ra bên ngoài và cải đạo mọi người theo hệ thống tư tưởng của con bằng cách dùng cảm xúc, thể lý trí và ý niệm bản sắc của họ, để họ đổi ý và tin vào hệ thống tư tưởng của con. Họ lúc đó khoác hệ thống tư tưởng này như một áo choàng và nói: “Tôi bây giờ theo tôn giáo này và do đó tôi sẽ cư xử theo tôn giáo đó.” Đây không phải là lý do vì sao con đã tới đây như một avatar. Như các thày đã giảng, con tới đây để chứng minh tiến trình thức tỉnh khỏi sự tự đồng hóa mình với cõi vật chất. Con ở đây để cho mọi người thấy là bất cứ ai đều có thể nâng mình lên khỏi ý niệm bản sắc mình là một người phàm, và nhận ra là tất cả chúng ta đều là sinh thể tâm linh.

Con ở đây để chứng tỏ sự thức tỉnh, và dù con có thể, con yêu dấu, cải đạo người khác để họ theo một hệ thống tư tưởng – nhưng đó không phải là thức tỉnh. Nhiều người không dễ nhìn ra điều này, nhưng con thì có thể thấy. Nếu con có thể cải đạo tất cả mọi người trên hành tinh để họ trở nên tín đồ Công giáo thuận thành, thì điều này có nghĩa chăng là họ đã tới gần quả vị Ki-tô hơn? Ấy, lẽ dĩ nhiên con biết là không, vì giáo hội Công giáo đã tha hóa khái niệm quả vị Ki-tô.

Con có thể nói: “Nếu con có thể cải đạo mọi người để họ tin giáo lý chân sư thăng thiên, thì điều này có dẫn họ tới gần quả vị Ki-tô hơn chăng?” Ở đây thì ta có một câu hỏi lắt léo hơn vì chính thực là họ sẽ tới gần quả vị Ki-tô hơn, vì giáo lý chân sư thăng thiên có một giáo lý có giá trị hơn nếu con muốn nâng tâm thức mình lên. Con không thể thực sự hết lòng theo giáo lý chân sư thăng thiên mà không nâng tâm thức mình lên. Như các thày đã nói nhiều lần, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã chứng minh là con có thể theo giáo lý chân sư thăng thiên trong nhiều thập kỷ mà vẫn không thực sự hiểu thế nào là con đường tu nội tâm. Con có nhận ra điều thày nói chăng? Vấn đề không phải là khiến con người tin vào một giáo lý. Cách duy nhất để dẫn con người đến gần quả vị Ki-tô hơn, là con chứng tỏ bằng bản thân mình tiến trình thức tỉnh. Sau đó, lẽ dĩ nhiên con có thể giúp họ khóa chặt họ vào tiến trình đó, nhưng thức tỉnh không phải là chấp nhận một giáo lý vỏ ngoài với tâm vỏ ngoài. Nó là, như chúng ta đều biết, một tiến trình nội tâm. Con yêu dấu, khi con nhận ra điều này thì con nhận ra là con không tới đây để đem lại một thay đổi đặc trưng trên trái đất, và do đó hoàn toàn không có lý do gì để con tiếc nuối những gì con đã làm hay đặc biệt là đã không làm trong kiếp này hay các kiếp trước.

20.14. Không tiếc nuối

Giờ đây chúng ta đang ở Đông Âu, môt vùng đất trước đây ở dưới gông cùm Cộng sản. Mẹ Mary có nói là nhiều người dân Đông Âu cảm thấy không được nuôi dưỡng nhưng họ cũng cảm thấy đời họ là một cơ hội bị mất. Khi con nhìn vào các nước dưới gông cùm Cộng sản thì nhiều người có cảm tưởng là vì họ không có cơ hội biểu lộ sự sáng tạo của họ nên cuộc đời của họ đã là một cơ hội bị mất. Một số người trong các con cũng có thể cảm thấy như vậy, nhưng các con nên biết là nhiều người thuộc thế hệ cha mẹ các con đã cảm thấy như vậy. Cũng có những quốc gia (và chắc chắn nước Estonia này là một trong những nước đó) mà tâm thức quốc gia cảm thấy cơ hội bị mất vì họ nghĩ mức độ phát triển quốc gia của họ sẽ hơn nhiều nếu họ không bị Liên bang Sô viết áp chế.

Rất, rất nhiều avatar có thể có cùng cảm nhận mình đã đánh mất cơ hội. Trong khi nhiều người cảm thấy là có người khác, có một lực bên ngoài đã phá vỡ cơ hội của họ, thì nhiều avatar lại cảm thấy: “Chính tôi đã phá vỡ cơ hội vì tôi đã phản ứng như thế. Tôi đã giận dữ, tôi đã đi vào một vòng xoáy tiêu cực, tôi đã đánh nhau với sa nhân, tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều nọ, và do đó tôi đã lãng phí quá nhiều kiếp sống.” Khi vị sứ giả này nhận truyền đọc quyển sách cuối, ông đã phải trải qua một giai đoạn trong đó ông suy ngẫm: “Nhưng nếu tôi cũng đã làm điều mà nhân vật trong quyển sách đã trải qua, là đánh nhau với sa nhân trong vòng một triệu năm, tôi đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian trong cuộc đấu tranh nhị nguyên đó.” Con yêu dấu, khi con nhận ra điều thày đã nói: là con không tới đây để đem lại thay đổi vật lý đặc trưng, con ở đây để chứng tỏ tiến trình thức tỉnh, thì con thấy là nhìn từ một tầm nhìn cao, con không bao giờ đánh mất cơ hội. Con không thể nào đánh mất cơ hội, con yêu dấu. Con có thể nói: “Nhưng tôi đã không là người tâm linh trong kiếp sống này, tôi đã không làm việc tâm linh nào cả. Tôi chỉ làm việc tâm linh từ lúc tôi tìm ra giáo lý, nhưng suốt mấy chục năm trước tôi không làm gì tâm linh cả.” Thày sẽ nói: “Vậy vì sao sự việc này lại khiến con đánh mất cơ hội?”

20.15. Không bao giờ đánh mất cơ hội

Con tới đây để làm gì? Con tới đây để chứng tỏ là một người trong quá khứ không tâm linh nay đã thức tỉnh. Nếu trong quá khứ con đã là người tâm linh, thì làm sao con chứng tỏ cách thức tỉnh? Nếu con đầu thai với cùng trình độ tự điều ngự mà nhiều người trong các con nghĩ là Giê-su có khi thày đầu thai, thì họ sẽ làm với con điều họ đã làm với Giê-su: biến con thành một thần tượng. Các thày đã nói điều này và thày lại nói một lần nữa. Nếu một người chứng tỏ Tâm thức Ki-tô, thì sa nhân sẽ lập tức biến vị đó thành một ngoại lệ và nói: “Các người còn lại sẽ không đạt được điều này.” Nếu mười ngàn hay nhiều triệu người chứng tỏ tâm thức Ki-tô, thì sa nhân sẽ không làm được như vậy nữa, và đó chính là kế hoạch mà các thày đã đề ra cho thời đại này. Đây là kế hoạch mà Giê-su đã có 2,000 năm trước khi thày nói: “Những ai tin ta sẽ làm những chuyện ta đã làm và hơn thế nữa.”

Con yêu dấu, quả đúng là sự việc có thể xảy ra sớm hơn. Nhưng nó đã không xảy ra sớm hơn và giờ đây không quan trọng là nó đã không xảy ra sớm hơn, vì nó có thể xảy ra bây giờ nếu con sẵn sàng xoay chuyển tầm nhìn, và giản dị nhìn vào cái ngã giận dữ và nói: “Đây không phải là tôi, tôi sẵn sàng để cho nó chết đi.” Con có thể nhìn vào bất cứ ngã nào đang ngăn trở con, bất cứ ngã nào đang trì hoãn con và con có thể nói: “Tôi thấy đây không phải là tôi, tôi sẵn sàng cho ngã này chết đi.” Sau đó, con để cho nó chết đi, con yêu dấu. Làm cách nào con để cho nó chết đi? Ấy, thày sẽ nhường cho một đồng nghiệp tôn quý của thày diễn giải điều này, vì thày đã nói những gì thày muốn nói lúc này và thày đã trao cho các con những gì con có thể tiếp nhận, và nhiều hơn chút nữa, như thày luôn luôn làm.  

20.16. Chân sư MORE không tự coi mình quá quan trọng

Vì thày là Chân sư MORE, thì làm sao thày lại có thể không cho con nhiều hơn là những gì con có thể tiếp nhận? Bằng cách cho con nhiều hơn những gì con có thể tiếp nhận bây giờ, thì lần tới con có thể tiếp nhận nhiều hơn, và lúc đó thày lại có thể cho con nhiều hơn những gì con có thể tiếp nhận lúc đó. Thày chơi trò chơi này vì đây là ngọn lửa của thày. Con yêu dấu, trong một đợt truyền giáo lý chân sư thăng thiên trước, các đệ tử coi El Morya, như họ gọi thày lúc đó, rất quan trọng. Thày không bao giờ coi mình quan trọng bằng đệ tử coi thày. Vì sao vậy? Ấy, đó là vì các đệ tử chưa thăng thiên nhưng thày thì đã thăng thiên. Họ chưa thăng thiên vì họ coi thày và chính họ quá quan trọng. Thày đã thăng thiên vì thày đã ngưng coi thày và mọi chuyện trên trái đất quá quan trọng. Đó là cách duy nhất để thăng thiên, con yêu dấu.   

Khi nào còn điều gì trên trái đất mà con coi là quan trọng và nghĩ nó có quyền lực trên con (nó có quyền lực giữ con lại trái đất) thì con không thể thăng thiên. Thăng thiên có nghĩa là bỏ lại tất cả mọi chuyện trên trái đất đằng sau mình. Con chỉ có thể bỏ lại một chuyện đằng sau mình khi con tới điểm con có thể nhìn vào nó và con không coi nó quan trọng, nó không níu kéo được con. Con chỉ giản dị nói: “Ấy, rồi sao, chuyện này không có nghĩa lý gì với tôi, tôi đã thăng vượt nó. Trong quá khứ nó có nghĩa lý với tôi.” Việc có những chuyện có nghĩa lý với con là điều bình thường vì nó thuộc vào tiến trình trầm mình và thức tỉnh. Con trầm mình bằng cách coi một số chuyện quan trọng, và như vậy chúng có nghĩa lý với con. Con yêu dấu, con thức tỉnh bằng cách khắc phục khuynh hướng coi các chuyện trên trái đất quan trọng.

Con có thể nói là để thăng thiên, thì con cần coi con đường tu, Hiện diện TA LÀ của con và việc thăng thiên, là quan trọng. Làm sao con có thể coi Hiện diện TA LÀ quan trọng khi con không thể định rõ chính xác nó là gì? Một lần nữa, con coi một chuyện quan trọng vì đối với con nó đã trở thành một vật thể, nhưng con không bao giờ có thể hoàn toàn biến Hiện diện TA LÀ của con thành một vật thể. Con có thể, như một số đệ tử chân sư thăng thiên đã làm, tạo ra một khái niệm Hiện diện TA LÀ là gì và nó gần như đóng vai trò vật thể đối với con. Nếu con bắt đầu nhìn vào việc này, suy luận về nó, thì con sẽ thấy là con không thể biến Hiện diện TA LÀ thành một vật thể. Vì sao vậy? Bởi vì nó không ở bên ngoài con. Con có thể nói con có khái niệm về Hiện diện TA LÀ của con nhưng nó không phải là Hiện diện TA LÀ của con. Con có thể coi khái niệm đó quan trọng, nhưng đó không phải là Hiện diện TA LÀ của con. Con không thể biến cái gì không tách biệt khỏi con thành một vật thể, và con không thể thực sự nắm bắt Hiện diện TA LÀ của con khi con còn ý niệm tách biệt khỏi nó.

Thày đã không cưỡng được cám dỗ cho con nhiều hơn những gì thày đã nói thày muốn cho con. Bây giờ, thì thày sẽ cáo biệt và chúc lành các con vì thày  thực sự vui mừng khi tương tác với bản thể các con. Thày sẽ vui mừng tương tác với từng người trong các con ở mức độ cá nhân, khi con tinh tấn làm việc với thày.

Thày bày tỏ lòng tri ân, tình thương và ngọn lửa HƠN NỮA của thày.

16 | Một thông điệp cho tất cả những ai đã đến đây với sứ vụ giải cứu

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Sanat Kumara qua trung gian Kim Michaels, ngày 12 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Sanat Kumara. Thày đến đây với một thông điệp đa diện. Kỳ thực, các thông điệp của các thày luôn luôn đa diện vì chúng có thể hiểu được theo nhiều tầng cấp tâm thức khác nhau. Tuy thế, thông điệp của thày đặc biệt đa diện vì thày không chỉ giản dị nói dựa trên 144 tầng tâm thức có thể có trên trái đất. Thày nói cho nhiều người khác nhau đã đến trái đất để làm điều ta có thể gọi là một sứ vụ giải cứu.

Các con đều đã từng nghe câu truyện là có một điểm khi trái đất ở trong một trạng thái rất thấp và nhiều người trong số các thày cho rằng trái đất không thể tồn tại được. Lúc đó, thày và 144,000 dòng sống từ Kim tinh quyết định đến trái đất để giúp nâng cao hành tinh này. Điều này có nghĩa là 144,000 dòng sống đầu thai trên trái đất trong khi thày thì không đầu thai, nhưng thày có thành lập một tu viện ở đây bên trên sa mạc Gobi được gọi là Shamballa.

Giờ đây, như các thày đã nói trước đây, và thày sẽ nói lần nữa, là lẽ tất nhiên những dòng sống từ Kim tinh không phải là những dòng sống duy nhất tới trái đất để giúp nâng hành tinh này lên, vào lúc đó, hay sau đó. Trước đó và sau đó, đã có những dòng sống khác đã đến trái đất để giúp nâng nó lên vượt qua tầng mức nhị nguyên. Nhóm người Kim tinh là nhóm đơn nhất đông đảo nhất đã tới trái đất nhưng có những nhóm khác nhỏ hơn đã tới, có những cá nhân đã tới và họ có nhiều quá trình khác nhau.

16.1. Hành tinh tự nhiên và không tự nhiên

Các thày có gợi ý là con có thể chia hành tinh thành hai loại: hành tinh tự nhiên và không tự nhiên. Trái đất là một hành tinh không tự nhiên vì tâm thức tập thể dựa trên sợ hãi. Ở đây con có sa nhân đầu thai, con có chiến tranh, xung đột, con có tất cả những biểu hiện bên ngoài đó cho thấy rõ những điều này không thể nào tự nhiên, theo nghĩa chúng không được Thượng đế hay các chân sư thăng thiên sáng tạo hay thiết kế.

Đây là một hiện tượng do quyền tự quyết đem tới khi các sinh thể dùng quyền tự quyết của họ để đi vào nhị nguyên, xem mình là những sinh thể tách biệt. Do đó, họ tạo ra tất cả những biểu hiện mà con thấy trên trái đất, chỉ có thể xảy ra được khi con người quên đi nhân tính cơ bản có trong tất cả mọi người. Vì vậy, họ không thấy là tất cả mọi người là anh chị em tâm linh của họ. Họ nhìn tất cả mọi người như người “khác” và họ rơi vào ảo tưởng cho rằng họ có thể làm những điều đối với người khác mà không bị vũ trụ làm lại đối với họ, không bị tấm gương vũ trụ phản ánh lại họ.

Đây là một ảo tưởng chỉ có thể hiện hữu trên một hành tinh không tự nhiên. Ngược lại, có hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ vật chất đang ở trong giai đoạn là hành tinh tự nhiên. Nhiều trong số các hành tinh này có mức tâm thức tập thể rất cao. Do đó chúng tạo ra một lực hút từ tính lớn lao kéo toàn thể vũ trụ lên, kể cả, lẽ dĩ nhiên, hành tinh trái đất. Khi lực kéo này gia tăng, chuyện xảy ra là các hành tinh không tự nhiên vẫn tiếp tục bị hút lên bởi lực hút kéo của toàn thể vũ trụ. Vì các hành tinh này có tầng mức tâm thức tập thể thấp, nguy cơ là sự cưỡng chống có thể tạo ra một sự khác biệt lớn giữa lực kéo lên của vũ trụ và lực cưỡng chống của hành tinh, đến độ hành tinh vật lý không thể tụ dính vào nhau và nó có thể bị vỡ tung ra, theo nghĩa đen.

Để tránh chuyện này xảy ra, cần có những dòng sống từ một số các hành tinh tự nhiên đến trái đất và đầu thai ở đây. Chỉ với sự hiện thân vật lý của họ, có thể nói họ là điểm neo cho hành tinh nhà của họ và các rung động của hành tinh nhà của họ. Đây là nỗ lực cuối cùng cần thiết để giúp giữ hành tinh này tụ dính vào nhau lâu hơn nữa với hy vọng có một ngày tâm thức tập thể được nâng cao để hành tinh không còn bị nguy cơ bị vỡ tung ra. Rất nhiều, rất nhiều dòng sống đã tới với nhiệm vụ như thế.

16.2. Đã tới lúc con biết tại sao con ở đây

Bây giờ con cần cẩn thận nhận ra rằng một mặt, thày muốn nói với các dòng sống này. Thày có một ý định muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ vào tâm thức tập thể, hay đúng hơn vào tâm thức cá nhân của tất cả các dòng sống này, là đã tới lúc các con phải tiến lên cao hơn. Đã tới lúc con ý thức nhận ra tại sao con ở trên hành tinh này: con ở đây không phải chỉ để làm một điểm neo, nhưng cũng để cống hiến một khung tham chiếu tích cực cho những cư dân khác của hành tinh. Thời gian đã chín mùi để con bắt đầu làm việc này.

Tuy thế, để làm tròn nhiệm vụ này, con cần nhận ra rằng tuy con đến từ một hành tinh tự nhiên, việc xuống đầu thai ở một hành tinh thấp như trái đất này không thể làm được khi con còn duy trì trọn vẹn cái biết con là ai và từ đâu đến. Như thày Hilarion đã giảng, con chỉ đầu thai được bằng cách mang vào một số ảo tưởng tương ứng với 144 tầng tâm thức. Đây giản dị là chuyện con phải xuống thấp tới đâu để có thể đầu thai ở đây, và con cần nhận ra là con đã mang vào những ảo tưởng này.

Con cũng cần nhận ra một sự kiện rất giản dị: việc con từ đâu đến và tâm thức con cao tới đâu trước khi con tới trái đất, không phải là điều quan trọng. Một khi con mang vào những ảo tưởng này, thì con sẽ nhìn đời trên trái đất qua phin lọc của các ảo tưởng đó. Điều này có nghĩa là giờ đây con ở trong cùng tình trạng như các cư dân khác trên trái đất. Con không cao hơn, con không khôn ngoan hơn, con không tưởng thành hơn họ vì con phải đối mặt cùng những khai ngộ.

Con có tiềm năng hạ tâm thức xuống, và quả thực một số dòng sống đến từ các hành tinh tự nhiên đã đi xuống thấp hơn tầng tâm thức 48. Nhiều người đã không đi xuống, hầu hết đã không đi xuống nhưng các con vẫn phải đối mặt cùng các khai ngộ. Con cần nhận ra rằng con không thể cho phép mình có ý niệm là con khác, con không thực sự thuộc về nơi đây, hành tinh này ban sơ, con không thể giao tiếp được với những người trên hành tinh và tất cả những chuyện tương tự. Có nhiều dòng sống tới đây với nhiệm vụ giải cứu đã cảm thấy xa cách hay cao hơn những người khác trên trái đất. Lý do rất giản dị. Khi con đi vào sự dày đặc của một hành tinh như trái đất, con mất đi sự kết nối với cái biết mà trong các bài truyền đọc gần đây các thày gọi là nhân tính cơ bản. Con bị cú sốc lớn khi xuống đây và bị những người ở đây đối xử (khi con bị bác bỏ một cách rất tàn bạo thường là ngay lần đầu thai đầu tiên trên hành tinh này) nên con tựa như đánh mất nhân tính cơ bản trong con. Hơn thế nữa, con không thấy được nhân tính cơ bản này nơi những người trên trái đất. Có thể nói là con không thấy được nhân tính cơ bản nơi những sa nhân đã làm con tổn thương một cách rất tàn bạo. Con cũng không thấy nó nơi người dân trung bình trên trái đất vì con thấy rất nhiều người không tăng triển, họ không muốn tăng triển.

Con cần nhận ra ở đây có một động lực rất rất quan trọng, là nhiều dòng sống, trên thực tế hầu hết dòng sống đã tới trái đất từ những hành tinh tiến hóa cao hơn, đã đi vào điều có thể gọi là một trạng thái tâm tiêu cực. Họ có khuynh hướng chê bai trái đất rất nhiều, họ có ý niệm là có lẽ chính vũ trụ vật chất chống lại sự tăng triển tâm linh của họ, vũ trụ vật chất dơ bẩn làm sao đó, con người trên hành tinh này ban sơ, các xã hội ở đây ban sơ. Con thường bị dính mắc vào sự chỉ trích chọn lọc này trong đó con nhìn một số nhóm người đặc thù như rất tiêu cực, lạc hậu hay không tăng triển, và vì sao đó, không xứng đáng để con kính trọng, thương yêu hay quan tâm.

16.3. Bị lừa bởi chủ thuyết Quốc xã

Điều sau đây có thể gây sốc nhưng là một sự thật. Nếu con nhìn vào Đức quốc xã, thì một số những dòng sống đến từ những hành tinh cao đã bị quyến rũ bởi ý thức hệ Quốc xã về dòng giống ưu việt và nhu cầu thanh tẩy dòng giống con người. Thực tế là họ cống hiến ánh sáng của họ để ủng hộ guồng máy Quốc xã đã rốt cuộc dẫn tới việc diệt chủng người Do thái (Holocaust). Thày không nói họ là những người lính canh ngục trong các trại tập trung hay họ đã đẩy người tù vào phòng hơi ngạt, nhưng họ phục vụ ở các cấp cao trong guồng máy Quốc xã. Ánh sáng của họ là một yếu tố giúp kéo dài guồng máy chiến tranh do Hitler tạo ra.

Nếu con nhìn một số dòng sống này, ngay cả qua hình ảnh hay phim xi nê của thời đó, thì con có thể thấy là họ có ánh sáng tâm linh. Họ là những người cao, tóc vàng, mắt xanh dương, thực sự có ánh sáng tâm linh nhưng họ đã bị quyến rũ để ủng hộ ý thức hệ Quốc xã. Họ nghĩ rằng, vì điều kiện thấp trên trái đất và đặc biệt là điều kiện thấp của một số nhóm người, có lẽ đã tới lúc dùng những biện pháp quyết liệt để nâng trái đất lên trên cái mà họ thấy là sự điên rồ đã bỗng nhiên bao trùm trái đất. Con cần nhìn nhận rằng khi con đầu thai trên trái đất (đặc biệt là khi con xuống, không nhất thiết là dưới tầng 48, nhưng chắc chắn là dưới tầng 96), dù con đến từ một hành tinh cao, nhưng con vẫn có thể dễ bị thu hút và say mê một ý tưởng, một lý tưởng. Thực tế là con có thể bị quyến rũ để nghĩ rằng để đẩy mạnh lý tưởng này, việc giết những người hành động chống lại điều mà con cho là lý tưởng cho hành tinh này là chuyện chính đáng.

Con yêu dấu, ở đây thày kêu gọi những ai trong các con đã đến từ hành tinh tự nhiên, là đã đến lúc các con nâng mình lên khỏi ảo tưởng này một cách vĩnh viễn. Con chỉ có thể làm điều này bằng cách nghe theo lời khuyên của các thày để: 1) Ngưng không coi cá nhân mình là trung tâm của cuộc đời và con đường tu của mình, và 2) Tìm ra cái mà các thày gọi là nhân tính cơ bản trong mình.

16.4. Nâng cao chính mình hay toàn thể

Bây giờ, tại sao các thày gọi nó là “nhân tính cơ bản”? Một số người sẽ nói tại sao không gọi là “bản sắc tâm linh?” Ấy, đó là vì có một lúc trên con đường tâm linh, như các thày đã nói nhiều lần, khi con cần nâng mình lên khỏi sức hút kéo xuống của tâm thức đại chúng. Các thày đã cố chỉ cho chúng con một con đường tu có hệ thống trong khóa học tự điều ngự trong đó con có thể nâng mình lên qua bảy tia sáng, từ tầng 48 tới tầng 96. Các thày cũng nói là khi con đạt tầng 96, thì con đối mặt một khai ngộ đặc thù, đó là con sẽ tiếp tục chú tâm vào việc nâng cao chính mình hay con sẽ xoay chuyển và bắt đầu chú tâm vào việc nâng cao tổng thể.

Làm sao con có thể xoay chuyển và chú tâm vào việc nâng cao tổng thể? Chỉ bằng cách nhận ra cái mà trong những lần giảng khác các thày đã gọi là tâm thức Ki-tô. Chỉ khi nào con bắt đầu nhận ra tâm thức Ki-tô trong chính con, và bắt đầu hiểu tâm thức Ki-tô là sợi dây nối kết mọi sự sống, thì con mới có thể thực sự nhận ra tại sao con ở đây.

Con yêu dấu, con không ở đây để nâng cao tâm thức mình lên một tầng cao hơn rất nhiều các cư dân khác trên trái đất để con có thể cảm thấy mình hơn họ. Con ở đây để nâng cao tâm thức của tổng thể. Con không thể làm được điều này nếu con dùng sự tiến bộ trên đường tu của mình để quyết định là, vì con đã tiến tới một tầng nào đó của con đường tâm linh và vì con đến từ một thế giới tốt đẹp hơn, nên con hơn những cư dân khác trên trái đất. Con cần khám phá yếu tố của tâm thức Ki-tô kết nối con với mọi sự sống, kể cả những cư dân trên trái đất, bất kể họ đang ở tầng tâm thức nào.

Đây là một yếu tố của tâm thức Ki-tô mà Giê-su đã mô tả khi thày nói: “Hễ các người làm điều gì cho người thấp hèn nhất trong anh em của ta, thì các người đã làm điều đó cho chính ta.” Nếu con nhìn vào đời của Giê-su, dù Thánh kinh chỉ ghi lại những đoạn rời rạc về đời thày, thì con có thể thấy là thày không coi mình hơn người khác. Thày không làm điều mà nhiều người Do thái đã làm thời đó: cảm thấy hơn những người khác đang sống trên mảnh đất đó, như người Xa-ma-ri-a và những người khác. Thày tiếp cận tất cả mọi người và đó là lý do vì sao các thày gọi đó là nhân tính cơ bản.

16.5. Tránh coi mình hơn người

Bây giờ, chúng ta đã nói tới nhu cầu là mọi người khám phá ra nhân tính cơ bản đó, họ có thể bắt đầu hợp tác với nhau dựa trên tin tưởng và quan niệm mọi người bình đẳng. Điều con cần nhận ra, trên cương vị một người tâm linh, là con cũng đối mặt với cùng khai ngộ đó, nhưng chỉ khác đi một chút. Thử thách chính của con không giống như thử thách của hầu hết mọi người trên trái đất. Thử thách của con trước tiên là tránh không coi mình hơn người khác. Làm sao con làm được điều này? Một phần bằng cách neo mình vào yếu tố của tâm thức Ki-tô hoàn toàn vượt lên trên ý niệm thứ bậc do con người tạo lập trên trái đất.

Khi con nhìn vào trái đất, con có thể nhìn trở lại lịch sử được biết và con sẽ thấy là tất cả mọi xã hội đều có ý niệm thứ bậc này. Một số người không những ở địa vị quyền uy hơn người khác, nhưng họ thường được xem là thuộc một giai cấp tách biệt vì họ trong bản chất giỏi hơn, cao cấp hơn người khác (ít ra là họ tự coi mình như thế nhưng người khác cũng thường coi họ như thế). Thậm chí một số người còn tin rằng họ được Thượng đế sinh tạo ra như thế. Đáng tiếc thay, nhiều người đến từ các hành tinh tự nhiên đã bị quyến rũ bởi những hệ thống tư tưởng này vì họ cảm thấy họ trưởng thành hơn, tinh tế hơn những cư dân của hành tinh này. Thày thách thức con phân biện, sự phân biện chỉ có thể làm được với tâm Ki-tô, là sự kiện con ở một tầng cao hơn trên con đường tu và ở một tầng tâm thức cao hơn, không khiến con hơn những người ở các tầng thấp hơn. Thật ra, con càng lên cao về hướng tầng 144 của tâm thức, thì con càng ít cảm thấy mình hơn người, con càng cảm thấy mình là một với mọi sự sống và con càng muốn nâng cao mọi sự sống. Con chỉ có thể vượt qua thử thách này nếu con hiểu được ý nghĩa của việc không coi cá nhân mình là trung tâm của cuộc đời mình. Con hoàn toàn không tìm cách đạt được một địa vị nào đó trong thứ bậc thế gian khiến cho người khác hay chính con nghĩ là con hơn người. Con cũng không đi trên con đường tâm linh, và có lẽ đạt được một địa vị nào đó trong một tổ chức chân sư thăng thiên, để được các chân sư thăng thiên công nhận. Con hiểu chăng, con yêu dấu, là khái niệm thứ bậc có giá trị là vì một thứ bậc trên cõi thăng thiên. Con yêu dấu, sinh thể thăng thiên cao nhất đang làm việc với cõi chưa thăng thiên này không cảm thấy mình cao hơn các sinh thể chưa thăng thiên đang sống trên trái đất. Không có sự cao hơn. Có thứ bậc theo nghĩa là có một số sinh thể giữ chức vụ cao, nhưng không hề có sự đánh giá giá trị, không hề có ý niệm cao hơn liên quan tới thứ bậc này.

16.6. Một thứ bậc giả

Con biết quá rõ là sa nhân rất thiện nghệ trong việc lấy một ý niệm có giá trị và tha hóa nó. Trên trái đất này, họ chỉ cần lấy khái niệm thứ bậc và tha hóa nó với sự phán xét giá trị của tâm nhị nguyên. Điều này dẫn tới hai chuyện. Một là những người ở trên đỉnh thứ bậc trên trái đất giỏi hơn những người ở các tầng thấp hơn. Con cũng có thể thiết lập điều kiện được thấy ở Đức quốc xã là nòi giống A-ri-an cao hơn các nòi giống khác. Con cũng có thể thấy ở Liên Xô là một số người cảm thấy những người cộng sản chân chính tại Liên Xô cao hơn những người trong các quốc gia không cộng sản hay ngay cả những người ở các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa khác. Con có thể thấy nhiều, rất nhiều ví dụ như thế hiện nay và trong lịch sử. Con yêu dấu, con có thực sự tin rằng tâm thức này có thể sống sót trong Thời Hoàng kim chăng? Nó không thể nào.

Khía cạnh khác của tâm thức này là một khi con đã thiết lập thứ bậc, những người ở chóp bu không thể nào bị người ở cấp thấp hơn chất vấn hay phản bác. Lẽ tự nhiên điều này đã dẫn tới những hoàn cảnh quả thực điên rồ, ví dụ như khi con nhìn vào cuộc đời của Adolf Hitler, thì con sẽ thấy là trong nhiều trường hợp ông đã cố ý lờ đi lời khuyên của tướng lãnh của ông nói cho ông biết cuộc chiến đang diễn tiến ra sao. Ông nghĩ rằng họ quá tiêu cực và giới hạn và quân đội của ông có thể làm những điều mà các tướng lãnh cho là không thể làm được. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, điều này quả thực đã xảy ra trong một số trường hợp. Các tướng lãnh lượng định một số điều không làm được, nhưng Hitler cứ ra lệnh tiến tới và kết quả đạt được. Ông tự ru ngủ mình trong tâm thức là ông không bao giờ cần lắng nghe lời khuyên của người khác và ông không cần biết chuyện gì thực sự xảy ra trên chiến trường. Ông chỉ cần đi vào nội tâm và có viễn kiến điều gì phải xảy ra và sau đó ông ra lệnh là nó sẽ xảy ra. Lẽ dĩ nhiên các con đều biết là ông tới điểm giản dị cạn kiệt động lượng tiến tới và mọi chuyện bắt đầu sụp đổ. Thay vì nhìn nhận chuyện này và làm những điều chỉnh cần thiết, ông cứ tiếp tục đi theo hướng cũ và vì vậy đã khuếch đại mức tai họa thật sự xảy ra.

16.7. Những thách đố của thời Song Ngư

Con yêu dấu, con cần nhận ra ở đây là các thày, các chân sư thăng thiên không muốn thiết lập loại thứ bậc này trên trái đất. Con có thể tự hỏi tại sao lại có một số tổ chức chân sư thăng thiên đã có đúng hệ thống thứ bậc đó? Một lần nữa, đó là vì các thày phải làm việc với trình độ tâm thức tập thể và các thày phải làm việc với trình độ của những người ở các tầng cao hơn và có nhiều tiềm năng theo học giáo lý của các thày hơn. Ai là người đã đưa ra ví dụ này: “Hễ các người làm điều gì cho người thấp hèn nhất trong anh em của ta, thì các người đã làm điều đó cho chính ta?” Đó chính là Giê-su và Giê-su là người khai sáng Thời Song ngư. Thách đố cần được vượt qua ở cuối thời Song ngư là gì? Nó chính là việc khắc phục trạng thái tâm thức đó, ý niệm mình cao hơn đó, ý niệm về cấp bậc, và khám phá ra nhân tính cơ bản gắn bó con với tất cả mọi người.

Có một điểm vào những năm 1900 các thày nhận ra đã tới lúc trao truyền một giáo lý trực tiếp hơn từ cõi thăng thiên và các thày được phép tấn phong sứ giả và trao truyền các bài truyền đọc trực tiếp. Các thày cũng nhìn nhận là tâm thức của các đệ tử nói chung, những người có tiềm năng theo học giáo lý của các thày, giản dị là chưa tới trình độ có thể vượt qua khai ngộ đó của thời Song ngư. Nhiều người trong số họ chưa sẵn sàng vượt qua khai ngộ đó vì họ vẫn còn mắc kẹt trong nhu cầu cảm thấy họ đang làm một việc quan trọng. Các thày luôn luôn phải đối mặt với tình thế khó xử là các thày muốn thu hút một nhóm người bằng cách trao truyền một giáo lý có thể đưa họ tiến lên cao hơn, nhưng để làm được điều này, các thày phải có một lượng định thực tế về trình độ tâm thức hiện thời của họ.

Các thày phải nhìn xem động cơ thúc đẩy họ chính xác là gì, và sau đó các thày phải cho họ điều gì đó hấp dẫn động cơ này – để khiến họ chấp nhận giáo lý của các thày và bắt đầu con đường mà các thày cống hiến. Các thày phải cho họ giáo lý mang những chìa khóa cần thiết sẽ giúp họ thăng vượt tầng tâm thức đó, nhưng vẫn còn một số yếu tố hấp dẫn động cơ muốn cảm thấy đang làm điều gì đó rất quan trọng để cải thiện hành tinh trái đất.

16.8. Bước lên một động cơ cao hơn

Điều thày đang nói là từ nhiều năm nay qua trung gian người sứ giả này, các thày đã trao truyền một giáo lý cao về nhị nguyên, về tư duy cuồng đại, về tự ngã và khắc phục khuynh hướng tự tôn xen lẫn tự ti. Đây thực sự là lời kêu gọi của thày gửi đến tất cả những dòng sống đã tới trái đất từ một hành tinh cao, là đã tới lúc các con thức tỉnh và vượt qua khai ngộ này, vượt qua điểm gay go này và bước lên một động cơ cao hơn. Con không đi theo con đường tâm linh hay theo một giáo lý tâm linh hay thực tập để nâng cao mình lên, để khiến mình cảm thấy hơn người khác, hay để củng cố ý niệm tự tôn mà con đã có sẵn, hay để cảm thấy mình thuộc thiểu số người đang cứu nguy hành tinh và đang làm một việc quan trọng cho các chân sư thăng thiên. Con nhận ra rằng đã đến lúc con vượt lên trên tầng tâm thức đó và hoàn toàn nhìn nhận đó không phải là lý do tại sao con ở đây. Do đó con cần làm điều mà các thày đã trao truyền giáo lý và các dụng cụ để con làm: con trở về và xem xét chấn thương nhập đời mà con phải gánh chịu khi con đầu thai trên trái đất và bị cú sốc khi thấy điều kiện sống ở đây.

Con cần nhìn nhận rằng kể từ lúc đó, con đã duy trì thái độ chỉ trích hành tinh này, con cảm thấy đây là một hành tinh thấp kém, những cư dân ở đây rất thấp so với con, họ không xứng đáng đón nhận ánh sáng và tình thương của con, và ngay cả cõi vật chất này là thù nghịch của sự tăng triển tâm linh của con. Con có thể đã nảy nở mong muốn thoát ra khỏi nơi đây. Đã tới lúc con nhìn nhận, con yêu dấu, là con tới trái đất để đem lại sự thay đổi tích cực, nhưng con không thể đem lại thay đổi tích cực khi con ở trong một trạng thái tâm tiêu cực. Con không thể đem lại thay đổi tích cực trên trái đất nếu con có một thái độ tiêu cực đối với hành tinh trái đất và những người sống trên đó.

Con cần nhìn nhận là đã tới lúc, thực ra con phải làm điều này từ lâu rồi, con vượt lên trên toàn bộ tâm thức đó và tới điểm con nhìn vào động cơ cá nhân nào thúc đẩy con đi trên con đường tâm linh. Con đã thấy được những yếu tố tiêu cực trong đó, những yếu tố muốn nâng mình lên trên người khác hay những yếu tố muốn thoát khỏi nơi đây. Con cần nhìn nhận, con yêu dấu, một sự thật giản dị, mà các thày khác đã nói trước đây, là chỉ khi nào con hoàn toàn bình an với sự kiện con ở trên hành tinh này, khi nào con hoàn toàn chấp nhận con đang ở trên hành tinh này và khi nào con cảm thấy thoải mái là con đang ở trên hành tinh này, thì con mới ra khỏi hành tinh này được.

16.9. Nghĩ rằng luật lệ không áp dụng cho con

Một số các con, các con yêu dấu, có một ý niệm rất vi tế (và thường thường là con không nhận ra) là vì con đến từ một hành tinh tự nhiên, nơi đó các luật thiên nhiên và ngay cả các luật tâm linh cũng khác, cho nên dù bây giờ con đang đầu thai trên một hành tinh không tự nhiên, nhưng con không phải theo những luật lệ hiện hành ở đây. Con nghĩ là đáng lẽ con có thể tới đây và quần áo của con không bị dơ bẩn, và con không phải đối mặt hậu quả của những chọn lựa của mình, con không phải chịu trách nhiệm những phản ứng của mình. Con yêu dấu, khi con chọn tới đây, con biết rõ là khi con đầu thai, con sẽ phải chịu những quy luật hiện hành trên hành tinh này. Con sẽ phải đối mặt cùng những khai ngộ như mọi người khác, và con sẽ phải làm cùng những việc như người khác để nâng cao tâm thức mình và hội đủ điều kiện thăng thiên.

Con hãy bước ra khỏi giấc mộng, mà một số các con có, là con có thể tìm ra một ngõ tắt, một công thức thần thông khiến con bỗng nhiên có thể thoát khỏi việc phải đi trên con đường tu giống như mọi người. Con hãy vứt nó đi! Nó không giúp con, nó không giúp con hoàn thành mục tiêu đã khiến con tới đây. Con hãy nhìn nhận, con yêu dấu, sự kiện là sa nhân đã thiết lập một tình trạng rất đặc thù trên hành tinh này. Các thày đã dạy về tâm thức nhị nguyên và tư duy cuồng đại, nhưng thày muốn trao cho con một giáo lý còn sâu xa hơn về đề tài này bởi vì một số trong các con đã sẵn sàng nhận nó.

16.10. Làm sao vượt lên trên nhị nguyên

Thày đã nói là sa nhân luôn luôn muốn thiết lập một thứ bậc và đặt họ ở chóp bu để không ai chạm tới họ được, không ai ở dưới phản bác hay thách thức họ được. Lẽ dĩ nhiên không ai ở trên họ có thể thách thức hay phản bác họ được vì họ đã cố ngăn chận mọi sự hiểu biết về các chân sư thăng thiên trên hành tinh này. Điều mà họ đã thực sự làm là dùng tâm thức nhị nguyên để tạo ra một số khái niệm rất vi tế. Điều các sa nhân muốn làm trên hành tinh này là đặt họ vào vị thế trở thành bất bại, bất khả xâm phạm. Giờ đây con có thể nghĩ là khái niệm này có một giá trị nào vì chắc chắn Đại thiên thần Michael bất bại và bất khả xâm phạm. Nhưng thày không bất bại theo cách nhị nguyên, thày bất bại vì thày vượt lên trên nhị nguyên. Câu hỏi đặt ra là: “Làm sao con vượt lên trên nhị nguyên?”

Thày có nói trước đây là một số người tới trái đất với nhiệm vụ giải cứu bị quyến rũ bởi ý thức hệ Quốc xã và ý thức hệ về một nòi giống ưu việt. Ấy, một cách để nâng mình lên trên sự khốn khổ, xung đột, đấu tranh, đau khổ trên hành tinh này là tìm cách khiến mình trở thành bất bại. Nhiều người trong số những dòng sống tiến hóa hơn đã tới đây đã bị quyến rũ nghĩ rằng họ nên dùng sự thành đạt tâm linh và uy lực của mình để đặt mình vào vị thế bất bại. Một số đã bị quyến rũ bởi truyền thống chiến sĩ, nghĩ rằng họ phải trở thành chiến sĩ bất bại, một số cố gắng đạt điều này bằng những cách khác. Một số còn tìm cách dùng con đường tu và giáo lý của các chân sư thăng thiên để đặt họ vào vị thế bất bại. Con yêu dấu, mục đích của con đường quả vị Ki-tô không phải là trở nên bất bại theo cách nhị nguyên. Giê-su có bất bại không? Ấy, nếu thày bất bại thì tại sao thày bị đóng đinh trên thập tự? 

Con phải nhận ra rằng khi con ở trên một hành tinh có nhị nguyên, thì con đường tâm linh có nhiều giai đoạn. Con tiến triển không phải chỉ bằng cách kéo mình ra khỏi nhị nguyên. Các thày có nói tới giai đoạn trầm mình và giai đoạn thức tỉnh. Con nhận ra rằng, khi con ở trong giai đoạn trầm mình, không phải con chỉ đi xuống thấp hơn trong tâm thức, con cũng có thể đi lên cao hơn, nhưng cách con đi lên cao hơn là trải nghiệm những tương phản cùng tột mà con tìm thấy trên trái đất. Một số người đã trải qua nhiều kiếp sống để mưu cầu mục đích bất bại hay hơn người. Họ đã cố gắng làm cho mình bất bại và đưa mình lên một địa vị nào đó trong thứ bậc thế gian khiến họ có vẻ cao hơn người khác, nhưng đây có thể trở thành một cái bẫy khó thoát ra. Làm sao con người có thể thoát ra khỏi cái bẫy này nếu họ không muốn một cách ý thức, nếu họ không muốn nhìn thấy ảo tưởng cao hơn và bất bại? Ấy, họ sẽ phải trải nghiệm một số kiếp sống trong đó họ ở đối cực hoàn toàn ngược lại là họ hoàn toàn không tự bảo vệ mình được và họ hoàn toàn thấp kém. Đây là một trong những lý do tại sao hành tinh này đã kết đọng hiện tượng nô lệ.

Nhiều lần, con sẽ thấy, ví dụ như trong xã hội La Mã, một linh hồn trong nhiều kiếp ở chóp bu của thứ bậc La Mã nhưng sau đó bỗng nhiên, linh hồn đó đi xuống và giờ đây đầu thai là một nô lệ trong một số kiếp sống. Qua sự trải nghiệm cả hai tương phản cùng tột này trên trái đất, rốt cuộc điều này sẽ khiến một số dòng sống nhận ra trong họ cái mà các thày gọi là nhân tính cơ bản. Họ nhận ra rằng dù họ ở một vị thế cao hay vị thế thấp, dù họ bất bại tối đa hay họ bất lực tối đa, vẫn có một phần trong họ không có gì thay đổi. Có một phần của con người họ là thật và phần đó sẽ tiếp tục tăng triển bất kể hoàn cảnh bên ngoài của họ. Có thể nói là các dòng sống này đã bắt đầu buông bỏ tính cá nhân của những tương phản cùng tột mà con thấy trên trái đất. Họ bắt đầu không đồng hóa mình với vở tuồng thế gian này và đấy là cách họ tìm ra cái hơn nữa, cái mà thày Gautama gọi là trung đạo không bị chi phối bởi tương phản. Đây là điều đã khiến tất cả các con tới được điểm mở tâm ra với giáo lý của chân sư thăng thiên. Điều thày trao truyền cho con bây giờ là thách đố con bước lên một tầng cao hơn của giáo lý bằng cách nhận ra trong chính mình là con đã đi giữa hai đối cực này như một phần không né tránh được trong sự tăng triển của mình.

Bây giờ đã tới lúc thăng vượt chúng, nhận ra rằng, con yêu dấu, không có sự an toàn tối hậu khi con bất khả xâm phạm trên trái đất, cũng như không có sự nhục nhã tối hậu khi con hoàn toàn không có khả năng bảo vệ mình. Con tới được điểm con nhận ra là khi so sánh với sự liên tục của bản thể của con, với nhân tính cơ bản hay với tâm Ki-tô trong bản thể của con, thì tất cả những điều kiện bên ngoài kia chẳng có gì quan trọng. Nếu chúng không quan trọng, thì tại sao con cứ phải tiếp tục đi trên đường tu của các chân sư thăng thiên với động cơ muốn cảm thấy mình cao hơn, giỏi hơn, có một cấp bậc hay nhiệm vụ quan trọng nào đó?

16.11. Một động cơ cao để đi trên con đường tu

Bây giờ, một số các con sẽ nói: “Nhưng làm sao chúng con có động cơ đi trên con đường tu khi chúng con không có ý niệm là chúng con đang làm một điều gì quan trọng để cứu trái đất hay đem lại thời hoàng kim?” Ấy, con yêu dấu, con có thể có động cơ tình thương – vì tình thương chính là động cơ khiến con tới đây. Con hãy nối kết lại với động cơ nguyên thủy đưa con tới đây, và sau đó con sẽ có thể tìm được một động cơ hoàn toàn mới để đi trên con đường tu. Con sẽ không bị lôi kéo tới chỗ này hay chỗ kia bởi các đối cực. Ví dụ, con sẽ không bị lôi kéo vào mấy lời tiên tri tiêu cực, nghĩ rằng con phải chú ý tới chúng.

Con sẽ tìm ra một sự tiến triển vững vàng đều đặn hơn, một sự phát triển vững vàng đều đặn hơn. Đây là một sự điều chỉnh mới cho con vì con sẽ không phải trải qua những kinh nghiệm cùng tột mà một số các con đã trải qua trên con đường tu. Có những tầng thấp trên đường tu khi con có thể có những trải nghiệm mà mọi người gọi là “trải nghiệm tột đỉnh.” Nhiều đệ tử quả thực đã bị mắc kẹt trong một dạng ghiền nghiện cứ mãi đi tìm trải nghiệm tột đỉnh cao hơn và cao hơn. Con chỉ có tột đỉnh khi con có thung lũng và con chỉ có kinh nghiệm cao khi con có sự tương phản của kinh nghiệm thấp. Khi con tìm ra con đường trung đạo thật, con vượt lên trên các cặp, các đối cực và do đó càng ngày con càng có bớt những tương phản trên đường tu.

Lúc đầu, con sẽ thấy chuyện này khó hiểu và gây bối rối cho mình. Khi con tiếp tục áp dụng những giáo lý mà các thày đã trao truyền, thì con có thể tới được điểm con vượt thăng nó được. Con không cần có động cơ cũ đó nữa, cái ý niệm cũ là mình quan trọng. Con là người con là, con đang làm cái con đang làm với động cơ dựa trên tình thương.

16.12. Sự kiên nhẫn vô biên và vô điều kiện

Điều này cũng có nghĩa là con phát triển một đức tính mà nhiều học viên tâm linh không phát triển, đó là tính kiên nhẫn vô biên và vô điều kiện. Nhiều người trong các con cảm thấy một sự thôi thúc phải đẩy mạnh trên đường tu cá nhân. Một lần nữa, chuyện này có giá trị trong một thời gian vì con cần nâng mình lên khỏi sức hút của tâm thức đại chúng. Nhưng sẽ tới một lúc, con yêu dấu, con cần vượt lên trên thái độ này. Con không tìm cách đặt ra tất cả những mục tiêu đó, hay đặt ra mục tiêu thấy một số chuyện xảy ra ở cấp hành tinh, hay lúc nào một điều kiện nào đó phải thay đổi. Một số các con đã bị ám ảnh bởi tầm quan trọng của chính mình đến độ con nghĩ rằng nếu con đọc rất nhiều bài cầu thỉnh và cầu chú trong một thời gian nào đó thì hành tinh phải thay đổi hay một số quốc gia đặc thù phải thay đổi. Nếu chúng không thay đổi, con trở nên thất vọng, con bắt đầu nghi ngờ không biết giáo lý có hữu hiệu không, và vân vân. Con có thể vượt thăng hết các chuyện này và nhận ra rằng con ở đây để tiếp tục nâng cao tâm thức mình, để làm điều mà trực giác bên trong bảo con làm, và con không dính mắc vào kết quả vật lý. Con vui mừng khi thấy chúng nhưng con không bất toại nguyện, nổi giận hay hoài nghi nếu không thấy chúng. Con nhận ra rằng con phải làm việc trong những giới hạn của quyền tự quyết, như các thày là chân sư thăng thiên đang làm.

Con yêu dấu, thày tới trái đất này từ xa xưa lắm. Nếu thày thiếu kiên nhẫn như nhiều người trong các con, thì thày đã tự tàn phá mình về mặt tâm lý từ xa xưa khi thấy trái đất không tiến triển. Các thày là chân sư thăng thiên có một tầm nhìn hoàn toàn khác. Như các thày mới đây có nói, mục đích của các thày không phải là tạo nên những thay đổi đặc thù bên ngoài nhưng mục đích là nâng cao tâm thức tập thể. Chuyện này chỉ làm được bằng cách làm việc với con người để họ tới được điểm họ có thể chọn lựa một cách ý thức, tự do là họ muốn lên cao hơn. Đấy là mục đích của các thày. Mục đích của các thày không phải là biểu thị những thay đổi bên ngoài mà nhiều đệ tử tâm linh đã bị dính mắc vào. Khi con có thể vượt lên trên các điều này, thường lôi kéo con vào trạng thái tâm tiêu cực, chỉ trích, thì con có thể tìm thấy sự bình an khi sống trên hành tinh này. Con có thể chấp nhận đang ở trên hành tinh này. Con có thể chấp nhận hành tinh này như nó là, không có nghĩa là con phải duy trì tình trạng hiện nay của nó, nhưng con chấp nhận nó như nó là: một trường học cho những dòng sống ở đây. Con có thể tôn trọng điều mà các thày đã dạy về quyền tự quyết và con chấp nhận cách nó vận hành. Vì vậy, con có thể tới được điểm con bình an với việc con đang ở đây. Con có thể cho phép mình cảm thấy thoải mái về chuyện con là một con người đang đầu thai ở đây, không vượt lên trên các luật lệ của hành tinh này, nhưng là một với mọi người. Con đồng hóa mình với họ ở mức tâm Ki-tô, con thấy nhân tính cơ bản của họ và con luôn luôn tìm cách nâng nó lên cao hơn.

Con yêu dấu, đây là món quà của thày cho các con ngày hôm nay. Như thày đã nói, thông điệp này đa diện và con nên học tập nhiều, nhiều lần để có thể rút ra hết giá trị của nó, nhiều khi hầu như chôn giấu giữa các hàng chữ. Con hãy đọc giữa các hàng chữ. Con hãy hòa điệu với Bản thể của thày vượt lên trên từ ngữ và thày sẽ cho con, khi con sẵn sàng muốn, điều không gói ghém được trong từ ngữ – ít nhất, không phải ở tầng mà tâm vỏ ngoài của con có thể hiểu được qua từ ngữ mà thôi.

Do đó, một lần nữa, thày cảm ơn các con, đã là những điện cực để lan tỏa thông điệp của thày đến tâm thức tập thể. Con hãy chắc chắn là con không luôn luôn coi xem những người ngoài kia cần phải thay đổi ra sao. Bài truyền đọc này đặt một tấm gương trước mặt con và nói: “Bây giờ con nhìn xem con cần thay đổi như thế nào.”

15 | Phân biện vi tế giữa Ki-tô và phản-Ki-tô

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 11 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày tới đây để trao truyền một giáo lý ít khi được trao truyền trên hành tinh này, ít khi được đệ tử các phong trào tâm linh hay tôn giáo hiểu thấu. Thày trao truyền bài giảng này vì các con là đệ tử khắp nơi trên thế giới đã đạt được một trình độ tâm thức giúp các con bắt đầu nghiền ngẫm chủ đề này trong tâm, và có thể thảo luận với nhau dựa trên kinh nghiệm của mình khi học một số giáo lý và tham gia một số phong trào tâm linh.

15.1. Biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô

Các con yêu dấu, thày bây giờ bắt đầu bằng cách hỏi các con nghĩ tới hình thức dày đặc nhất, khắc nghiệt nhất, cực đoan nhất của phản-Ki-tô mà con có thể tưởng tượng. Lẽ đương nhiên, nhiều người trong các con sẽ nêu lên những thể hiện của tà ác, như giết chóc quy mô hay một số hành động tàn bạo, mà con người đã kết đọng xuống trái đất. Lẽ dĩ nhiên, đây là một sự trải bày, một biểu hiện của tâm phản-Ki-tô, nhưng thực ra thì chúng không phải là biểu hiện khắc nghiệt nhất của tâm phản-Ki-tô.

Con yêu dấu, con thấy là khi nhiều người nghe nói về các khái niệm Ki-tô, quả vị Ki-tô hay tâm thức Ki-tô, thì họ làm một điều mà các thày đã nói tới nhiều lần: họ phóng chiếu hiểu biết hiện tại, tâm thức hiện tại của họ lên các khái niệm đó. Họ nhìn quả vị Ki-tô qua phin lọc của hiểu biết hiện tại của họ. Lẽ dĩ nhiên, đây là điều tự nhiên; con không thể làm gì khác. Những người trong các con đã sẵn sàng thì có thể bắt đầu nhận ra là Ki-tô là một nguyên lý chỉ có một mục đích duy nhất, đó là bảo đảm con không thể nào tách biệt khỏi cội nguồn của mình, khỏi đấng Sáng tạo, một cách thường trực hay tuyệt đối.

Ki-tô cần thiết vì con được ban quyền tự quyết. Như thày Lanello đã nói quá hay: “Quả là một sáng kiến thần tình của đấng Sáng tạo!” Bởi vì con được ban quyền tự quyết, nên con được cho cơ hội bước ra khỏi cái Một. Do đó, thực sự không có gì giới hạn con rời cái Một xa chừng nào. Một khi con đi vào tách biệt và tạo ra thế giới quan của mình (mà con tin là tuyệt đối) thì con sẽ cứ tiếp tục trôi theo vòng xoáy đi xuống, càng ngày càng ăn sâu vào thế giới quan của mình. Ki-tô là nguyên lý bảo đảm là khi con đã chán ngán kinh nghiệm đó, khi con mong muốn và sẵn sàng đi ngược trở lại (bắt đầu đi trở lại về hướng cái Một) thì Ki-tô sẽ có mặt dưới bất cứ hình thức nào mà con có thể thấu hiểu ở trình độ tâm thức mà con có khi con quay đầu và muốn trở về cái Một.

Điều này có nghĩa là Ki-tô là nguyên lý tăng triển, tăng triển liên tục. Như các thày đã nói nhiều lần, không có gì tối hậu trên trái đất, không có trạng thái tâm thức tối hậu trên trái đất. Ki-tô và tâm thức Ki-tô là một tiến trình liên tục mà chung cuộc là dẫn con tới thăng thiên, nhưng lẽ dĩ nhiên, con có thể tiếp tục tăng triển khi con ở trên cõi thăng thiên. Đây là điểm quan trọng nhất mà con nên hiểu về tâm thức Ki-tô: đó là sự liên tục của nó. Nó luôn luôn, đều đặn và dần dần kéo con thăng vượt tầng tâm thức hiện tại của mình cho tới khi con tới tầng tâm thức mà bước thăng vượt kế tiếp là thăng thiên.

Đây là một nguyên lý mà rất ít người đã hiểu. Đại đa số đệ tử tâm linh, kể cả đệ tử chân sư thăng thiên, chưa sẵn sàng hiểu thấu nguyên lý này. Nhiều người trong các con đã sẵn sàng, và đó là lý do vì sao thày trao truyền bài giảng này. Lý do khác là vì các con có khả năng giữ quân bình, có thể nói là các con có thể là điện cực giúp gửi nguyên lý này tới tâm thức tập thể. Có lẽ con nhớ câu chuyện đám đông đầy giận dữ sắp sửa ném đá chết một phụ nữ, và lúc đó thày lấy một cây gậy và vạch một đường trên cát. Ấy, có thể nói là qua bài giảng này thày cũng vạch một đường trên cát và nói: “Bây giờ là lúc bước qua đường này và tiến tới một hiểu biết cao hơn về quả vị Ki-tô.”

Để minh họa diều thày muốn nói, thì chúng ta hãy trở về ý niệm đâu là biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô trên trái đất. Khi thày nói “biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô” thì nay con có thể hiểu câu này thực sự nghĩa là: “Điều gì ngăn cản con người tăng triển, tiếp tục tăng triển?”

Con hẳn nhớ là trong Thánh kinh, có một câu nói được gán cho thày, như sau: “Ta mong con hoặc nóng hoặc lạnh, nhưng vì con âm ấm nên ta sẽ nhổ con ra khỏi miệng ta.” Có một số người đang đi về một hướng và họ đang tách rời khỏi cái Một. Có một số người khác đi ngược lại và họ đang đi về hướng cái Một, nhưng đa số con người trên trái đất không đi về hai hướng đó. Họ giản dị không di động và đây là biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô trên trái đất, khi con xem xét điều gì ngăn chặn sự tăng triển của con người.

15.2. Những người không di động

Bây giờ, thày Gura Ma có nói là con có thể có một số điểm cố định trong tâm khiến tâm con có thể chuyển động và con đang thu thập dữ kiện mới, nhưng con không chuyển đổi lên một tầng cao hơn, vì tâm con giống như một cỗ máy chạy bộ đang chuyển động (có lẽ rất nhanh) nhưng không đưa về đâu cả. Nó không di động khỏi chỗ nó đang đứng và đây là cách rất nhiều người trên trái đất bị mắc kẹt ở một điểm và không thực sự di chuyển. Bây giờ thì ta có thể nhìn sự kiện trên bình diện thế giới. Lẽ dĩ nhiên, ở nhiều khu vực trên thế giới, đa số dân chúng đang di động một cách nào đó. Không có nghĩa là họ đang đi trên đường quả vị Ki-tô một cách có ý thức, nhưng họ đang di động.

Lý do vì sao thày nói là việc con đang tách rời khỏi cái Một vẫn tốt hơn là nếu con đứng yên, là vì khi con di động thì lúc nào con cũng có thể đổi hướng. Nếu con đang tách rời khỏi cái Một nhưng đổi hướng đủ thì con sẽ bắt đầu đi ngược trở lại. Nếu con đứng yên thì con không thể đổi hướng vì con không đang đi về hướng nào cả – không có hướng đi nào cả.

Con yêu dấu, khi con nhìn vào hiện trạng trái đất thì con thấy là ở nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều nhóm đông người đang ở trong trạng thái tâm thức không di động. Một cách để nhận ra điều này là nhìn vào những người sinh ra và lớn lên trong một nếp sống nào đó, một nền văn hóa nào đó, một quốc gia nào đó, sau đó họ tìm một việc làm (thường là một việc làm khá máy móc) và giản dị muốn tiếp tục làm việc đó cho đến hết đời. Họ thường sống trong cùng căn nhà, cùng chung cư, và họ làm rất ít để cải thiện môi trường bên ngoài của họ. Cuộc đời của họ giản dị ở thế bế tắc. Họ muốn một sự ổn định nào đó, họ muốn ở nơi họ cảm thấy thoải mái, và tiếp tục làm cùng một việc năm này qua tháng nọ.

Bây giờ, con yêu dấu, cuộc đời là một cơ hội quý báu. Nó là một cơ hội để con bảo đảm con rời bát cung vật lý với một tầng tâm thức cao hơn khi con đi vào. Có câu nói bình dân là con không thể đem gì theo mình, ý nói là con vào đời trần trụi và con lìa đời cũng trần trụi, và con không thể đem theo bất kỳ sở hữu vật chất nào. Điều này không đúng, con yêu dấu, vì con có thể mang theo sự tăng triển tâm thức. Con mang nó theo con khi đầu thai lần tới. Do đó, con có thể sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn, và có cơ hội tăng triển tốt hơn. Nếu con lại tận dụng cơ hội thì con sẽ tiếp tục đi theo vòng xoáy hướng thượng.

Bài giảng này không đặc biệt chú tâm vào nước Nga, nhưng vì chúng ta đang ở trên nước Nga nên thày sẽ lấy nó làm thí dụ. Nếu con đi ngược trở về thời kỳ trước cuộc cách mạng cộng sản, cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc, thì con thấy, như các thày có nêu lên, là vua Peter Đại Đế đã cố gắng nâng nước Nga lên một tầng cao hơn. Thời đó, có nhiều người trong giới quyền quý chống đối, nhưng cũng có nhiều người dân không tích cực chống đối – họ chỉ không động đậy. Họ không muốn động đậy. Con sẽ thấy đây là một trở ngại lớn cho sự tăng triển. Thày Lanello có bài giảng hùng hồn về vị Nga hoàng cuối và ông đã bỏ lỡ cơ hội ra sao, nhưng ta cũng phải nói là ông phải đương đầu với một tình hình rất khó khăn vì nhiều người trong dân chúng không chịu động đậy. Giống như là họ lớn lên để ở một đia vị nào đó trong xã hội, họ nghĩ họ phải giống cha mẹ họ, phải cố gắng làm một loại công việc nào đó và sống trong một căn nhà thuộc loại nào đó. Một khi họ đạt được điều này, thì họ sẽ tiếp tục ở đó cho đến cuối đời.

15.3. Ngay cả phản-Ki-tô cũng có thể đưa tới tăng triển

Con thấy là trên khắp thế giới có những thành phần đông đúc dân chúng không di động và không muốn di động. Bây giờ thì các con phải cẩn thận tìm một hiểu biết cao về điều thày đang giảng. Khi con có một dân tộc bị đóng băng (đóng băng vào một thời điểm), thì điều gì có thể kéo họ ra khỏi trạng thái cô-ma, trạng thái ngủ sâu mùa đông đó? Con yêu dấu, điều gì có thể kéo họ ra? Ấy, các chân sư thăng thiên và những người đại diện của các thày không thể làm chuyện này vì chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết. Các thày sẽ không áp đặt người khác, các thày sẽ không xâm phạm họ. Lẽ tự nhiên, các thày có cho con hiểu là các thày không coi cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc là một phát triển tích cực, và chắc chắn là những gì xảy ra sau đó lại càng không tích cực. Nhưng con hãy lắng nghe kỹ. Khi con có một dân tộc đã bị đóng băng vào một thời điểm, thì ngay cả một thay đổi tàn bạo do sa nhân đề xướng cũng có thể trong một thời gian ngắn đem dân tộc đó tới gần quả vị Ki-tô hơn, hay ít ra là cho họ một cơ hội.

Con hiểu là khi một nhóm dân không di động, thì không ai có thể làm gì được. Họ không tiến tới gần cái gì cả. Bất cứ thay đổi nào bắt buộc họ phải đối diện một tình hình mới, lay động họ ra khỏi lối suy nghĩ cũ, và ngay cả bắt buộc họ thay đổi lối sống, thì quả thực là một cơ hội cho những người đó.

Bây giờ, thày không nói là Lê-nin và nhóm Bôn-sê-víc đại diện Ki-tô. Thày chỉ đang nói là họ đóng vai trò lay động người dân Nga nhiều hơn là Nga hoàng đã làm được, vì Nga hoàng không sẵn sàng giết nhiều đồng bào của mình bằng nhóm Bôn-sê-víc. Thày không thừa nhận sự giết chóc, thày không bào chữa cho nó. Thày chỉ muốn nói là trong một hệ thống khép kín, con người sẽ thu hút điều gì làm xập hệ thống – và điều này cho họ cơ hội để chuyển bước đi tiếp vì họ đã không sẵn sàng tự họ làm điều này.

Con cần nhận ra ở đây một nguyên lý rất quan trọng: đứng yên là kẻ địch tệ hại nhất của Ki-tô vì nó trái ngược với tăng triển. Điều này có nghĩa là có một số người đã phần nào hòa điệu được với nhu cầu thay đổi, và họ làm việc để đem lại thay đổi dựa trên tâm thức của họ và tâm thức tập thể của quốc gia đó. Trong sự hòa điệu dó – con hãy cẩn thận nghe kỹ – họ không đại diện Ki-tô, nhưng họ quả thực cùng hướng với tâm Ki-tô vì tâm Ki-tô cũng muốn mang lại thay đổi. Tâm Ki-tô dĩ nhiên không muốn đem lại thay đổi bằng vũ lực và bạo hành, nhưng khi con người không chịu đáp ứng, thì tâm Ki-tô sẽ đứng lui lại và để cho những người bị kẹt trong tâm phản-Ki-tô làm những chuyện mà họ lúc nào cũng muốn làm: đó là kiểm soát, gây xáo trộn hay tàn phá.

Đó không phải là vì tâm Ki-tô muốn thấy chuyện này xảy ra, nhưng là vì tâm Ki-tô luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết của con người. Khi con người không chịu tự mình chuyển động bằng cách lấy chọn lựa của mình, thì tâm Ki-tô phải bước lui lại và để cho Quy luật thứ Nhì của Nhiệt động học hay Quy luật Nhân quả trải bày. Lúc đó, những người đó phải đối mặt một hoàn cảnh ép buộc họ ra khỏi hộp tư tưởng, ra khỏi sự ù lì, không muốn thay đổi của họ.

15.4. Cách mạng Bôn-sê-víc và Stalin

Có một khoảng thời gian trong đó những người đem lại cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc đã phần nào đứng cùng hướng với tâm Ki-tô. Thày biết điều này sẽ khiến nhiều người, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên, ngạc nhiên. Một lần nữa, con hãy cẩn thận: thày không nói là họ đại diện Ki-tô, nhưng họ cùng hướng với mục tiêu của Ki-tô, là đặt con người vào một hoàn cảnh khiến họ bị ép buộc phải tăng triển vì họ không chịu tự mình tăng triển. Điều con cần nhận ra là giai đoạn đó (khi họ cùng hướng với tâm Ki-tô) không kéo dài. Nếu con nghiên cứu lịch sử cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc thì con thấy là họ rất mau chóng tha hóa và càng ngày càng sẵn sàng dùng bạo lực, càng ngày càng sẵn sàng đàn áp con người, đàn áp chống đối, đàn áp mọi hình thức tự do ngôn luận. Họ đã làm những gì sa nhân luôn luôn làm: họ trở nên vô cảm với con người. Lẽ dĩ nhiên, điều này đưa tới tình trạng Lê-nin rơi vào một vòng xoáy hướng hạ khiến ông đau ốm và chết, và Stalin lên thay thế.

Đây là chỗ con cần phân biện: Stalin không bao giờ thẳng hàng với tâm Ki-tô. Stalin không bao giờ ép buộc dân chúng phải đối mặt một hoàn cảnh khiến họ phải suy nghĩ lại cách họ sống và nhìn cuộc đời. Stalin chỉ giản dị củng cố vòng xoáy hướng hạ mà người khác đã kéo dân tộc Nga vào, và ông đã thiết lập mình thành nhà độc tài tối hậu, và từ điểm đó thì không còn tăng triển nữa. Tiềm năng tăng triển không còn nữa vì ông tạo ra một triều đại khủng bố đã bóp nghẹt mọi ý muốn của người dân muốn xem xét lại, mọi óc phê bình chỉ trích, mọi ý muốn cải thiện nơi người dân. Đó là lý do vì sao con thấy là rất rất nhanh sau khi Stalin lên nắm quyền thì người dân lại rơi vào trạng thái ù lì. Ta có thể nói là trạng thái ù lì này sâu đậm hơn trước vì mọi người đều nghĩ rằng phản đối chế độ hoàn toàn không lợi ích gì vì mình sẽ chỉ bị giết. Sau đó, họ cũng lấy quyết định (dĩ nhiên là trong tiềm thức): cố gắng cải thiện bất cứ gì đều vô ích, vì cuộc sống sẽ giản dị không thay đổi. Họ nay sống trong Liên bang Sô viết và người dân bình thường không thể làm gì khác ngoài việc tìm cách để cuộc sống tạm chịu được.

Con thấy là Stalin đã ép người dân Nga vào một tình trạng cô-ma, ù lì sâu đậm hơn, khiến họ không muốn thay đổi, không muốn cải thiện bất cứ gì. Con thấy là hiện nay vẫn còn nhiều người Nga có thái độ đó. Con chỉ cần bước ra và nhìn các khu vực ở Nga có những chung cư hay nhà cửa không được bảo trì, là chỉ dấu rõ rệt là những cư dân ở đó đã bỏ cuộc. Họ còn không màng giữ sạch môi trường, họ không muốn làm đẹp hay cải thiện bất cứ gì. Họ đã chấp nhận là họ sống một cuộc đời bất di dịch, họ có một lợi tức bất di dịch và họ không thể làm gì để thay đổi sự kiện này – đó là điều họ nghĩ. Đây là một thí dụ của sự ù lì rất rất dày đặc, rất rất nặng nề đã khiến mọi nỗ lực thay đổi nước Nga bị kéo lại, bị kéo xuống.

15.5. Sự giải thể của Liên bang Sô viết

Bây giờ thì thày muốn tới giai đoạn Liên bang Sô viết giải thể. Đây lại là một diễn biến chấn động khác. May thay, lần này không có bạo động và đổ máu quy mô. Đối với nhiều người, đây là một diễn biến khiến họ bị sốc hơn là cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc vì quả thật có người nghĩ rằng Liên bang Sô viết sẽ tồn tại mãi mãi, ít ra là trong suốt cuộc đời họ. Do đó, họ nghĩ không có gì có thể giúp họ cải thiện điều kiện sống của họ và tìm cách cải thiện là chuyện vô ích – nên họ chỉ muốn sống một cuộc đời thoải mái trong khuôn khổ chế độ.

Bây giờ, lẽ dĩ nhiên là một số đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước đã nói Gorbachev là một sa nhân. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian trong đó ông cùng hướng với tâm Ki-tô vì ông nhận ra nhu cầu thay đổi và tìm cách đem lại thay đổi. Thày không nói là ông đại diện Ki-tô, nhưng ông cùng hướng với tâm Ki-tô. Boris Yeltsin cũng cùng hướng với tâm Ki-tô khi ông giải thể Liên bang Sô viết. Một lần nữa, thày không nói là ông đạt được một tầng tâm thức Ki-tô nào đó hay đại diện Ki-tô. Thày chỉ nói là ông cùng hướng với tâm Ki-tô khi ông thấy nhu cầu thay đổi sẽ ép dân Nga ra khỏi trạng thái cô-ma.

Đúng thực là Yeltsin nhận ra một điều mà Gorbachev không bao giờ nhận ra, đó là dân Nga đang ở trong trạng thái cô-ma và chủ thuyết cộng sản đã quả thực có tác dụng đưa con người vào trạng thái cô-ma, khi ông nhận ra rằng người dân Nga không đang làm những điều mà người dân trung bình ở đa số các nước Tây phương đang làm. Họ đang tìm cách cải thiện đời sống vật chất của họ bằng cách làm việc nhiều hơn, cải thiện điều kiện sinh sống, nhà cửa, nhà chung cư, mua xe lớn hơn và điều này điều nọ. Ý tưởng này chắc chắn cùng hướng với tâm Ki-tô vì những người đó thấy nhu cầu thay đổi.

15.6. Nhóm tài phiệt

Bây giờ thì con hãy xem xét tình hình trong những năm ngay sau Liên bang Sô viết giải thể. Lúc đó một phần lớn dân chúng, đại đa số dân chúng, vẫn còn trong trạng thái cô-ma, và đã ở trong trạng thái cô-ma trong suốt thời kỳ Sô viết. Họ đã ở trong trạng thái này suốt đời họ. Lúc đó họ ở trong trạng thái bị sốc mạnh. Họ bị ép buộc phải suy nghĩ lại một số chuyện, nhưng họ ở trong trạng thái bị sốc mạnh đến độ họ vẫn chưa chuyển động và không biết phải hành xử ra sao trước tình thế mới. Con thấy gì lúc đó? Con thấy là có một số người nhận ra cơ hội tốt và họ bước ra thành lập một số thương vụ. Họ bắt đầu tiếp thu kỹ nghệ dầu khí, tạo ra những cơ sở thương mại càng ngày càng lớn, và trở nên nhóm được gọi là “nhóm tài phiệt”.

Con có thể xem xét tình hình và thấy là những người đó đã thu thập được tài sản đồ sộ, họ đã không đếm xỉa đến tình trạng khó khăn của người dân, họ tránh đóng thuế, họ dùng hối lộ khi họ muốn, và đặt mình vào thế thượng tôn như tiểu Nga hoàng không bao giờ bị trừng phạt. Nếu con trở lại những năm ban đầu đó, thì con thấy đa số người Nga không sẵn sàng có tinh thần sáng kiến chủ động có thể giúp nền kinh tế tiến lên. Những người trong guồng máy chính quyền cũng không làm được chuyện này vì (như sự việc nền kinh tế Liên bang Sô viết bị suy thoái đã chứng minh) nhà nước và những người trong guồng máy nhà nước không có khả năng cải tổ nền kinh tế và đẩy nó đi lên. Họ có đầy đủ quyền lực để làm chuyện này nhưng họ đã không làm được. Gorbachev nhận ra điều này, tìm cách thay đổi, mong có thể tạo nền móng ổn định cho nền kinh tế Liên bang Sô viết và tránh giải thể Liên bang Sô viết, nhưng điều này không thể làm được. Tuy nhiên, đây là một sự di động về một hướng nào đó, đó là một cố gắng khiến bánh xe chuyển động, nhưng ông không thành công, không khắc phục được sự chống đối trong guồng máy nhà nước, và không làm cho họ có sáng kiến chủ động được.

Tình hình lúc đó như thế nào? Người dân không có tinh thần sáng kiến chủ động. Nhà nước không có tinh thần sáng kiến chủ động. Cần có ai đó có tinh thần sáng kiến chủ động để làm nền kinh tế chuyển động, và một số người đã có khả năng làm việc này. Ngay cả nhóm tài phiệt cũng đã, trong một khoảng thời gian, cùng hướng với tâm Ki-tô vì họ đã mang lại thay đổi. Khi một dân tộc ở trong trạng thái cô-ma như vậy thì gần như bất cứ thay đổi nào cũng hơn là không thay đổi. Con lúc nào cũng có thể trở ngược lại và phân tích tình hình và nói: “Cách mạng Bôn-sê-víc có phải là một thay đổi tốt hay chăng?” Ấy, nó đúng là một thay đổi tốt trong một khoảng thời gian ngắn vì nó đem lại một sự hồi phục và ép mọi người phải suy nghĩ trở lại. Lẽ dĩ nhiên, sau đó nó đi vào vòng xoáy đi xuống và không còn là một thay đổi tốt nữa. Đây cũng là chuyện đã xảy ra với nhóm tài phiệt.

Có một khoảng thời gian trong đó họ đã giúp nền kinh tế tiến tới. Sau đó, họ sang giai đoạn cảm thấy họ kiểm soát được nền kinh tế. Đây là điều luôn luôn xảy ra với sa nhân hay những người bị mắc bẫy sa nhân: họ tìm cách củng cố tầm kiểm soát của họ. Thay vì chia sẻ tài sản với dân chúng, thì họ tìm cách củng cố sự kiềm tỏa nền kinh tế của họ. Lúc đó thì họ không còn cùng hướng với tâm Ki-tô nữa, và họ không còn phụng sự sự tăng trưởng của đất nước.

Điều may mắn là trong khoảng thời gian đó, có nhiều người trong dân chúng đã tiến lên tới điểm họ sẵn sàng và có khả năng lấy sáng kiến chủ động. Con thấy được sự chuyển động trong nền kinh tế nước Nga với một số thương vụ mới mọc lên, một số thương vụ tầm cỡ nhỏ mọc lên, vân vân. Nhưng sự chuyển động này vẫn chậm hơn tiềm năng, vì hai yếu tố. Một là sự ù lì của nhiều thành phần dân chúng, và hai là ảnh hưởng của nhóm tài phiệt. Nhóm này, sau thời gian đầu tạo tăng trưởng, đã quay về khuynh hướng muốn kiểm soát nền kinh tế và lúc đó đã thực sự ngăn trở sự tăng trưởng kinh tế.

15.7. Nhóm tư bản sơ khai

Con yêu dấu, con thấy là cùng chuyện đã xảy ra tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19 khi cuộc cách mạng kỹ nghệ, những cải thiện kỹ thuật và phát minh mới, đã đem lại cơ hội mới để nâng nền kinh tế lên một mức cao hơn. Đa số những người lớn lên trong nông trại không có khả năng có sáng kiến chủ động. Nhà nước cũng không làm được vì trong thể chế chính trị Hoa Kỳ nhà nước không có quyền hạn đó. Một nhóm nào đó cần có sáng kiến chủ động, và nhóm này về sau được gọi là nhóm tư bản sơ khai.

Các con đều biết tên họ. Có lẽ các con cũng đều biết họ là sa nhân. Trong một khoảng thời gian, họ cùng hướng với tâm Ki-tô nhưng không đại diện tâm Ki-tô. Họ đem lại thay đổi bằng cách duy nhất có thể xảy ra lúc đó. Lẽ dĩ nhiên, sau đó tới giai đoạn nhóm tư bản này (giống y như nhóm tài phiệt ở Nga) muốn kiểm soát nền kinh tế. Họ muốn tạo ra thế độc quyền, mà từ lúc đó cho đến ngày nay, họ đã là một lực ngăn trở và kiềm giữ sự tăng triển kinh tế. Nhưng Hoa Kỳ cũng mau chóng tới điểm có nhiều người dân sẵn sàng có sáng kiến chủ động và đứng ra thành lập thương vụ của họ, và đây chính là yếu tố duy nhất giúp nền kinh tế không sụp đổ. Đây là điều đã duy trì sự tăng trưởng kinh tế mà các con đã thấy.

15.8. Nguyên lý Ki-tô là thay đổi

Điều thày muốn chỉ cho các con thấy ở đây là nguyên lý tâm thức Ki-tô không phải như đa số thường nghĩ, kể cả các đệ tử chân sư thăng thiên. Tâm thức Ki-tô là cái đem lại thay đổi ở một tầng nào đó. Đó là tâm thức Ki-tô. Nó đem lại thay đổi vì thay đổi cho con người cơ hội chọn lựa: họ muốn đi theo vòng xoáy đi lên, hay họ muốn lui về trạng thái cô-ma, và do đó phải củng cố nó và đi vào vòng xoáy đi xuống? Tâm thức Ki-tô phơi bày chọn lựa đó. Khi một nhóm người ở trong tình trạng bế tắc, thì tâm thức Ki-tô không thể làm điều này với những người đại diện tâm Ki-tô vì những người này không thể vi phạm quyền tự quyết. Do đó tâm thức Ki-tô chỉ có thể làm xuyên qua những người trong tâm phản-Ki-tô vì họ sẵn sàng vi phạm quyền tự quyết.

Con có thể nói: “Ấy, sao có thể nói là tâm Ki-tô đem lại thay đổi đó?” Như thày có nói, thực sự không phải là tâm Ki-tô làm điều này, nhưng tâm Ki-tô đứng lui ra và cho phép cơ chế mà các thày gọi là Quy luật Nhân quả hay Quy luật thứ Nhì của Nhiệt động học làm công việc của nó. Đây là cơ chế an toàn được thiết kế trong vũ trụ vật chất, chính là để con người không thể rơi vào tình trạng thoải mái và ở đó mãi mãi và không tăng triển. 

15.9. Đệ tử chân sư thăng thiên và quả vị Ki-tô

Bây giờ các con cần nhận ra một cơ chế áp dụng vào trường hợp các đệ tử chân sư thăng thiên. Từ lúc các thày bắt đầu giảng về chân sư thăng thiên, và đặc biệt về con đường quả vị Ki-tô, thì các thày đã giảng bài cho các đệ tử có một trình độ tâm thức cao hơn con người trung bình. Đệ tử của các thày không ở trong tình trạng cô-ma, họ không ở trong tình trạng ù lì khiến họ không muốn tăng trưởng. Nhưng điều này không có nghĩa, con yêu dấu, là con cần có một tâm thức cao để có thể nhận ra một giáo lý chân sư thăng thiên vỏ ngoài. Con cần có một trình độ tâm thức cao hơn trung bình, nhưng điều này không có nghĩa là con đã tới gần quả vị Ki-tô toàn vẹn. Các đệ tử sẽ nhìn khái niệm quả vị Ki-tô qua phin lọc của tầng tâm thức hiện tại của họ, và họ sẽ hiểu những gì họ có thể hiểu. Sau đó, họ sẽ tạo ra hình ảnh và phóng chiếu hình ảnh này lên nó.

Một trong những hình ảnh mà rất rất nhiều đệ tử đã tạo ra trong nhiều thập niên là quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo. Lẽ dĩ nhiên, điều này xảy ra một phần vì giáo hội Công giáo đã, như thày đã giảng nhiều lần, nâng thày lên địa vị người con duy nhất của Thượng đế, đã toàn hảo ngay từ lúc ban đầu, và do đó được đặt trên bệ cao ngoài tầm với của con người. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã tiếp thu khái niệm này, rõ ràng do sa nhân tạo ra, và phóng chiếu nó lên quả vị Ki-tô. Họ nghĩ rằng quả vị Ki-tô có tính chất có-không. Hoặc con không có quả vị Ki-tô, hoặc con có nó – và nếu con có nó thì con là người toàn hảo.

Ý kiến này thực sự không xây dựng vì hình ảnh của sự toàn hảo thông thường nhất trên trái đất là một cái gì không cần thay đổi. Tại sao một cái gì đã toàn hảo lại cần thay đổi? Điều này có nghĩa sự toàn hảo là một trạng thái bất động, và đó là lý do thày nói với các con: quan niệm toàn hảo này hoàn toàn không dính dáng gì đến quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô là sự tự thăng vượt liên tục, sự tự thăng vượt luôn luôn di động. Nó không bao giờ đứng yên. Tâm Ki-tô không bao giờ đứng yên và đó là lý do vì sao nó không tương hợp với khái niệm toàn hảo hiện tại. Bây giờ thì con có thể có một khái niệm khác của sự toàn hảo là khái niệm toàn hảo năng động, nghĩa là con luôn luôn sẵn sàng xem xét chính mình và thăng vượt trạng thái tâm thức của mình. Đó là cách con có thể, như tông đồ Paul có nói, “trở nên toàn hảo trong Ki-tô.” Điều quan trọng ở đây là quả vị Ki-tô không bao giờ, và sẽ không bao giờ đứng yên. Không có trạng thái quả vị Ki-tô tối hậu.

15.10. Đệ tử tâm linh không cùng hướng với Ki-tô

Tại sao hiểu chuyện này lại rất quan trọng? Ấy, đó là vì thày vừa khiến con nhận ra một sự kiện chấn động – ít ra là cho một số các con – là những người mà con cho là sa nhân có thể trong một số trường hợp cùng hướng với tâm Ki-tô. Bây giờ thì chúng ta cần đi sang đầu kia của quang phổ và xem xét sự kiện nhiều người đã đạt được một trình độ nhận biết tâm linh, và ngay cả đạt được một tầng nào đó của quả vị Ki-tô, nhưng trong một số trường hợp, lại có thể hoàn toàn không cùng hướng với tâm Ki-tô.

Nếu con sẵn sàng nhìn một cách trung thực thì con thấy là nhiều tổ chức tâm linh đã kết đọng (precipitated) nhiều sự tàn bạo đáng kể. Một lần nữa, chúng ta có thể trở lại trường hợp giáo hội Công giáo vì nó là một thí dụ hàng đầu. Sự việc quá hiển nhiên nên ta khó không đề cập tới nó. Phong trào Cơ đốc giáo đã có thời nào cùng hướng với tâm Ki-tô chăng? Có. Giáo hội Công giáo có thời nào đã cùng hướng với tâm Ki-tô chăng? Ấy, đây là một câu hỏi vi tế hơn. Điều ta có thể nói là giáo hội Công giáo đã từng kết đọng sự tàn sát người Cathars, tòa án dị giáo (inquisition), các cuộc thánh chiến, vân vân. Rõ ràng là những hành động này không cùng hướng với tâm Ki-tô. Vì sao một phòng trào do chính thày khởi xướng và lúc ban đầu cùng hướng với tâm Ki-tô, lại có thể tha hóa đến độ kết đọng những sự tàn bạo đó, hiển nhiên là biểu hiện của tâm phản-Ki-tô? 

Lấy thí dụ khác, làm sao có thể xảy ra chuyện có những đạo sư bỗng nhiên trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều người theo, rồi bỗng nhiên phong trào của họ bắt đầu suy thoái, và nhiều hình thức bạo hành bị phơi bày? Nguyên một phong trào, chỉ vài năm trước đang lành mạnh và cường thịnh, có thể suy thoái và ngay cả hoàn toàn tan biến. Tại sao một tổ chức chân sư thăng thiên (sau khi đã được các chân sư thăng thiên bảo trợ, đã có đệ tử hăng say đi trên con đường quả vị Ki-tô) lại có thể tới điểm mà các chân sư thăng thiên phải ngưng bảo trợ, đứng lui ra và nhìn nó đi vào suy thoái? Nó trở nên càng ngày càng bảo thủ, càng ngày càng cứng ngắc, càng ngày càng chú trọng con đường vỏ ngoài, càng ngày càng chú trọng nghi lễ, quy tắc, luật lệ. Tình trạng tới chỗ đa số thành viên của tổ chức không còn tăng trưởng tánh Ki-tô của họ. Họ thoải mái, nhưng không tăng trưởng. Họ có thể tự coi mình thánh thiện hơn người khác và cảm thấy hơn những người không phải là đệ tử chân sư thăng thiên, nhưng họ không còn tăng trưởng tánh Ki-tô. Họ đã đình trệ, họ đã đứng yên.

Làm sao một người đã phần nào cùng hướng với tâm Ki-tô và, tỷ dụ, nhận ra nhu cầu thay đổi, lại một thời gian sau đó sẵn sàng dùng bạo lực để đem lại sự thay đổi đó? Con đã thấy trong lịch sử có nhiều nhà lãnh đạo đã thấy nhu cầu thay đổi, đã làm việc để đem lại thay đổi, nhưng sau đó lại xoay chuyển. Như thể là lúc đó họ sẵn sàng dùng vũ lực và uy quyền để củng cố địa vị khiến mọi chuyện bị hư hỏng và rơi vào một chu kỳ bạo lực ngày càng đi xuống.

Câu hỏi thực sự ở đây là: “Có thể nào một người đã đạt được một phần quả vị Ki-tô nhưng vẫn chọn lựa đi ngược lại, bắt đầu rơi vào vòng xoáy hướng hạ dẫn họ xuống thấp hơn rất nhiều tầng tâm thức mà họ đã đạt được? Câu trả lời là: “Có.” Cho tới lúc con thăng thiên, con vẫn có thể bắt đầu đi ngược lại.

15.11. Sinh thể Ki-tô bị phản-Ki-tô lừa

Thày có đề cập tới giai đoạn con tới tầng 96 và phải đối mặt một quyết định rất quan trọng, đó là con có thực sự tới điểm nhận ra: “Tôi không phải là trụ điểm.” Hoặc con bắt đầu phụng sự tổng thể với tinh thần vị tha; hoặc con chú tâm hơn vào chính mình, cố gắng tăng trưởng thêm bất cứ ước muốn nào mà con có, có thể là muốn cảm thấy mình đang làm việc gì quan trọng, hay cảm thấy mình lịch duyệt hơn người khác, hay bất cứ ước muốn gì khác. Chắc chắn là khi con đã lấy quyết định và hiểu rằng quả vị Ki-tô là khắc phục cái ngã vỏ ngoài, thì con khó đi giật lùi. Như thày có nói trong nhiều bài giảng (ở cả Hàn Quốc lẫn Hòa Lan), là từ tầng 48 đến tầng 96, con có thể đã đạt được một phần quả vị Ki-tô nhưng bỗng nhiên, vì một lý do cá nhân nào đó, con không muốn tăng triển nữa, con không muốn đi xa hơn nữa. Có một điểm cố định trong tâm thức mà con không chịu nhìn vào và tra vấn, và do đó con đình trệ. Con cũng có thể đi giật lùi.

Điều này cũng giải thích hiện tượng các lãnh tụ được xem là có sức lôi cuốn mà con thấy trong lịch sử. Nhiều người nhìn vào các nhà lãnh tụ đó và nghĩ: “Người này có cái gì đó. Người này có đôi chút Ánh sáng! Tôi nghĩ hào quang người này có cái gì chân chính.” Họ bị thu hút vì họ nhận ra người đó có cái gì chân chính. Sau đó, ta có thể thấy rõ là có một điểm người lãnh tụ đó bắt đầu đi xuống và dẫn thần dân xuống vực thẳm. Một số người đã hỏi, và nhiều người hơn phải hỏi: “Làm sao chuyện này có thể xảy ra?”

Ấy, con yêu dấu, chuyện này có thể xảy ra vì quả vị Ki-tô là sự liên tục, nhưng con có thể tới một tầng nào đó của quả vị Ki-tô và dùng những gì con đạt được để đem lại một hoàn cảnh bên ngoài dựa trên một viễn quan mà con có, tỷ dụ là nâng mình lên thành lãnh tụ một quốc gia hay một phong trào tâm linh. Lúc đó, vì con đã thiết lập mình vào địa vị đó nên con không còn sẵn sàng tăng triển nữa, con không sẵn sàng tiến bước. Có một điểm cố định trong tâm thức mà con không chịu nhìn vào. Lúc đó, điều đương nhiên xảy ra là trái đất được liên tục kéo lên bởi sự gia tốc của toàn thể vũ trụ và tâm thức tập thể được nâng lên.

Khi con đứng yên thì con phải đối mặt lực đang kéo con phải thay đổi đó, và nếu con không chịu thay đổi thì con phải chống kháng lực thay đổi đó. Điều này có nghĩa là thay vì đạt và biểu lộ một tầng quả vị Ki-tô, thì con lúc đó trở nên một hệ thống khép kín.

Lúc đó, con mất quả vị Ki-tô vì quả vị Ki-tô là sự kết nối với tổng thể, và tổng thể luôn luôn gia tốc. Khi con từ chối gia tốc, thì con phải bắt buộc mất sự kết nối với tâm Ki-tô. Con lúc đó đi vào vòng xoáy muốn bảo tồn quyền lực, bằng cách càng ngày càng cực đoan và cuồng loạn. Tình trạng này nhất thiết dẫn tới suy thoái. Sẽ có người cảm thấy được điều này và họ sẽ ra đi. Sẽ có người khác chống đối và một số chuyện có thể xảy ra. Con thấy hiện tượng này xảy ra nhiều lần nơi các phong trào tâm linh. Con cũng thấy hiện tượng này trong thế kỷ vừa qua nơi một số phong trào, kể cả một số phong trào chân sư thăng thiên. Con thấy một giai đoạn tăng triển ban đầu, sau đó mức độ tăng triển chậm lại một cách vi tế, và không lâu sau đó thì sự ù lì xảy ra. Ấy, ù lì là một từ khác để chỉ cái chết.

15.12. Xem xét các tổ chức chân sư thăng thiên

Đây là một bài giảng quan trọng cho những ai đang đi trên con đường tâm linh. Bài này đặc biệt quan trọng cho những ai đã và đang tham gia một tổ chức chân sư thăng thiên. Con có thể dùng bài giảng này để nhìn vào các tổ chức đó và suy ngẫm chuyện gì đã xảy ra, suy ngẫm kinh nghiệm riêng của mình và đạt được một tầm nhìn cao hơn. Con có thể dùng bài giảng này để giúp con tăng triển bằng cách quay lại, nhìn vào chính mình và nói: “Tôi có điểm cố định nào trong tâm thức của mình? Tôi đã có dùng giáo lý chân sư thăng thiên để củng cố các điểm cố định đó chăng?”

Như thày có giảng tại Hòa Lan, con tự hỏi: “Tôi có đang dùng giáo lý chân sư thăng thiên để củng cố quan niệm của tôi về các chân sư thăng thiên, lối hành xử tâm linh của tôi, và tôi đã bị mắc kẹt trong đó?” Sau đó, con có thể nhìn gương các tổ chức đó, các nhà lãnh đạo đó, và con nói: “Tôi bây giờ đã thấy chuyện gì xảy ra, và tôi không muốn rơi vào cạm bẫy đó. Tôi muốn tiếp tục tăng triển, và điều này đòi hỏi gì? Ấy, nó đòi hỏi tôi phải luôn luôn sẵn sàng  nhìn vào chính mình, nhìn vào các điểm cố định đó, nhìn vào những nơi tôi bị mắc kẹt, và tôi phải ngưng phóng chiếu là lỗi tại người khác. Tôi nhận lãnh trách nhiệm, và tôi nhận ra là tăng triển tâm linh của tôi, quả vị Ki-tô của tôi, là trách nhiệm của riêng tôi.”

“Tôi có thể có một vị đạo sư, tôi có thể có một vị thày nhưng vị thày không thể thay tôi chuyển đổi tâm thức của tôi – chỉ có tôi mới làm được chuyện này, do đó tôi không bị giới hạn bởi bất cứ vị đạo sư nào, bất cứ vị thày nào, bất cứ giáo lý nào, bất cứ tổ chức vỏ ngoài nào. Nếu tôi cảm thấy tôi đang không tăng triển, thì thay vì phóng chiếu là người khác chịu trách nhiệm về sự không tăng triển này, thì tôi có thể xoay chuyển, nhận trách nhiệm và nói: “Nhưng tôi không bị giới hạn bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì trên trái đất cả! Không có điều gì bên ngoài tôi có thể ngăn tôi xoay chuyển tâm thức của mình, chỉ cần tôi sẵn sàng nhìn vào chính mình.”

15.13. Quả vị Ki-tô và ảo tưởng toàn hảo

Điều này có nghĩa là con có thể bắt đầu chuyển đổi quan niệm về quả vị Ki-tô và không cố gắng đạt được trạng thái toàn hảo nào đó. Con yêu dấu, con hãy nghe thày tuyên bố một cách rất rất rõ ràng. Có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã trở nên rất chân thành, rất nghiêm túc trong việc tu tập, đọc bài chú, đọc bài thỉnh, đi những bước khác, rất chú tâm, rất nghiêm túc. Có một giai đoạn làm như vậy hoàn toàn cùng hướng với tâm Ki-tô vì con cần giải thoát mình khỏi tâm thức tập thể và sức hút của nó. Nhưng sẽ có lúc con tới giai đoạn khác khi sự chú tâm vào những công việc vỏ ngoài đó có thể ngăn trở con đi vào nội tâm, nhìn vào tâm lý của mình và nói: “Điều gì trong tôi cần thay đổi?”

Con có thể, tỷ dụ, quá chú tâm vào việc thay đổi thế giới, đến độ con không nhìn vào chính mình. Con hãy cẩn trọng và nhận ra là có nhiều đệ tử có viễn quan là có một trạng thái tâm thức cao hơn và họ chân thành cố gắng đạt được trạng thái đó, nhưng họ vẫn chưa buông bỏ ý niệm quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo.

15.14. Tinh thần sùng bái và cấp bậc trong các tổ chức tâm linh

Nhiều người trong số các người đó – như đã xảy ra trong nhiều tổ chức chân sư thăng thiên – đã tôn sùng người sứ giả, vì họ nghĩ là để trở thành sứ giả thì người đó phải đạt được một phần quả vị Ki-tô và do đó đã “hầu như toàn hảo trên mọi phương diện”. Ấy, con yêu dấu, chỉ có Mary Poppins mới hầu như toàn hảo trên mọi phương diện. Không có một người nào đã từng như vậy và sẽ không có ai như vậy. Con cần nhận ra vấn đề thực khi con tôn sùng vị sứ giả hay vị đạo sư, và ngay cả tôn sùng Giê-su, thì sự sùng bái đó duy trì hình ảnh quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo.

Các thày đã thấy rất rất nhiều đệ tử thành tâm cố gắng đạt quả vị Ki-tô, nhưng tự ngã của họ đã đánh lừa họ và khiến họ nghĩ là một khi họ đã đạt được một tầng nào đó của quả vị Ki-tô thì họ không còn cần nhìn vào chính họ và tâm lý của họ. Họ không cần thay đổi nữa, họ không cần nghe bất cứ ai thấp hơn họ. Họ nghĩ rằng khi họ đạt được một phần nào đó của quả vị Ki-tô thì họ được một cấp bậc, họ nghĩ rằng những ai đạt được một phần của quả vị Ki-tô bỗng nhiên hơn những người dưới họ và do đó không cần nghe những người này. Họ không cần chú ý tới những người này khi những người này cho họ biết những điều họ cần nhìn nơi chính họ.

Đây là lý do vì sao sự tăng triển của con ngưng lại, và bỗng nhiên sự ù lì đóng rễ vì lúc đó con đã tới một địa vị nào đó trong tổ chức tâm linh, hay ngay cả trạng thái trong tâm mình, khi con cảm thấy thoải mái và không nghĩ mình cần tăng triển nữa. Nhiều người đệ tử đó nhận ra là họ chưa đạt được trạng thái tối hậu của quả vị Ki-tô vì chỉ có vị sứ giả là đã đạt được trạng thái này. Họ đã tạo ra một niềm tin vi tế cho rằng: “Ồ, người sứ giả thuộc vào một thành phần khác, giống như Giê-su vậy.” Họ nghĩ họ sẽ không bao giờ đạt được mức đó, nhưng họ cũng đã đạt được một tầng nào đó và do đó họ chắc chắn cao hơn những đệ tử khác trong tổ chức.

Khi con có một cấp bậc nhân gian như vậy, thì một tổ chức có thể bị đứng dừng lại. Chỉ yếu tố này thôi cũng có thể khiến một tổ chức tâm linh đứng dừng lại, nếu nó không được nhận ra và giải quyết. Nó có thể khiến những người bên dưới cảm thấy không có chỗ để họ biểu lộ quả vị Ki-tô của họ. Họ có hai chọn lựa: hoặc họ ngưng tăng triển về hướng quả vị Ki-tô để không quấy rầy những người ở trên và gây khó khăn cho họ, hoặc họ rời tổ chức và biểu lộ quả vị Ki-tô của họ nơi khác. Nếu những người sẵn sàng biểu lộ quả vị Ki-tô rời tổ chức, thì tổ chức không thể tiếp tục tăng trưởng. Điều này rất đơn giản, và đã xảy ra với nhiều tổ chức được chân sư thăng thiên bảo trợ. Thày không cần nêu danh những tổ chức này vì những người trong các con đã từng tham gia một tổ chức chân sư thăng thiên có thể rõ ràng nhận ra mô thức nếu con muốn.

15.15. Định nghĩa quả vị Ki-tô bằng phản-Ki-tô

Vấn đề thực ở đây là ý niệm quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo đã đến từ tâm phản-Ki-tô. Ở mức độ cá nhân thì nó tới từ tự ngã của con, và lý do là vì các lực phản-Ki-tô luôn luôn tìm cách ngăn cản không cho con thăng thiên. Họ biết là họ có tiềm năng ngưng con lại mỗi tầng trước tầng 144. Họ luôn luôn tìm cách dẫn con tới điểm con nghĩ con không cần tăng triển nữa, con không cần thăng vượt nữa, con không cần tiến lên tiếp. Do đó, có điểm cố định đó trong tâm thức con, ảo tưởng cuối cùng, như Hilarion có nói, mà con không chịu nhìn vào. Nếu con không chịu nhìn vào nó, thì con không thể buông bỏ nó, và do đó con vĩnh viễn bị mắc kẹt trong ảo tưởng đó.

Con yếu dấu, con không được danh dự gì khi con đạt tầng tâm thức 143 và ngừng ở đó. Tình trạng này rất rất bi thương. Các thày chưa bao giờ thấy chuyện này, nhưng nếu nó xảy ra, thì tình trạng này rất bi thương. Thật ra nó cũng gần bi thương như tới tầng tâm thức 77 và ngừng ở đó. Điều các thày luôn luôn muốn là các con thăng thiên, mà con không thể thăng thiên từ tầng 77 hay tầng 143! Con chỉ có thể thăng thiên từ tầng 144, và ngay lúc đó con vẫn cần thăng vượt ảo tưởng cuối cùng đó.

Con yêu dấu, bài giảng này đã dài. Bài giảng này có thể đã khiến con bị sốc. Thày đã nói điều thày cần nói, và thày cảm ơn các con đã sẵn sàng là cánh cửa mở để tỏa sáng bài giảng này tới tâm thức tập thể. Con có thể nghĩ là thày đã không nói nhiều đến nước Nga, nhưng thày bảo đảm là thày đã tỏa sáng năng lượng và xung lực vào tâm thức tập thể của nước Nga, đủ để xoay chuyển nước Nga vào một vòng xoáy hướng thượng – nếu có đủ người sẵn sàng đứng cùng hướng với những xung lực đến từ tâm Ki-tô. Do đó, thày đã đóng góp vào vòng xoáy hướng thượng và việc thể hiện thời đại hoàng kim trong đất nước tươi đẹp và yêu dấu này.

Khắc phục nỗi sợ lấy quyết định

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary. Thật là một niềm vui lớn được nói chuyện với các con, nhưng hơn thế nữa là niềm vui được với các con trong buổi họp tuyệt vời của những trái tim tuyệt vời của các con ở nơi chốn tuyệt vời này. Các con yêu dấu, Đại thiên thần Michael đã ra lệnh cho chúng ta bắt đầu, nói theo nghĩa bóng. Do đó, thày muốn nói lên một số ý từ trái tim của thày và cho con một dụng cụ thực tiễn có thể giúp con khắc phục nỗi đau khi lấy quyết định.

13.1. Những quyết định né tránh

Trước kia ở đây trên nước Nga chúng ta có nói đến vấn đề lấy quyết định, đưa ra một số hướng dẫn đặc biệt cho người dân Nga, nhưng thày muốn cho các con một dụng cụ phổ quát cho tất cả. Thực tế là khi con nhận ra giáo lý rất cơ bản mà các thày đã trao truyền, là mọi sự trong toàn thể vũ trụ xoay quanh quyền tự quyết, thì con cũng nhận ra rằng mục đích căn bản của sa nhân (từ lúc họ xuống hành tinh này và thật vậy, từ lúc họ sa ngã), là khiến cho những dòng sống có tự nhận biết và chưa sa ngã lấy những quyết định mà sa nhân sau đó có thể dùng để chi phối họ bằng nhiều cách.

Đầu tiên hết, mục đích của họ, lẽ dĩ nhiên, là chứng minh là Thượng đế đã sai khi cho các con quyền tự quyết. Họ cũng muốn giam hãm con vào đủ loại vòng xoáy đi xuống khi con lấy một quyết định tạo cho con một nỗi đau thống thiết. Lẽ dĩ nhiên, nỗi đau không do quyết định của con nhưng do sự thao túng và phản ứng của sa nhân. Dù gì chăng nữa, họ khiến con lấy quyết định, họ làm cho con đau đớn và sau đó tìm cách dụ dỗ con rơi vào một vòng xoáy vô tận trong đó hoặc con tìm cách che giấu nỗi đau của quyết định đầu, tìm cách biện minh cho nó, tìm cách giải thích tại sao, hoặc con tìm cách tránh không lấy quyết định nữa. Lẽ dĩ nhiên, sa nhân rất giỏi trong chuyện dàn xếp để con rơi vào những hoàn cảnh thực tiễn trên trái đất khiến con phải lấy quyết định. Vì con muốn tránh không làm lại những quyết định đã khiến con đau đớn lúc đầu, nên họ tìm cách khiến con lấy những quyết định khác mà chúng ta có thể gọi là “quyết định né tránh”. Đây là những quyết định có mục đích, trong tâm con, né tránh lấy những quyết định đã tạo cho con nỗi đau quá lớn.

Con nghĩ rằng nếu con lấy những quyết định loại khác, thì con có thể né tránh nỗi đau. Lẽ dĩ nhiên, điều này dẫn tới những đau đớn loại khác và chẳng bao lâu con bị vướng trong một màng nhện trong đó con càng cựa quậy, con càng dính thêm và càng bị bao bọc bởi một chất nhựa, và càng mất khả năng cử động. Chẳng bao lâu, con ngồi yên như một con muỗi bị mắc bẫy trong màng nhện và tất cả những gì con làm được là kêu vo ve tại chỗ vì con thực sự không thể di động khỏi chỗ đó. Con có thể tiếp tục làm như thế trong khi sa nhân vắt lấy năng lượng của con hoặc là cho tới khi con quyết định như vậy là đủ rồi và đã tới lúc con tiến lên cao hơn trên con đường tâm linh.

13.2. Tránh không lấy những quyết định né tránh

Các con yêu dấu, các thày biết rõ hoàn cảnh của các con trên trái đất và các thày biết sống hiện thân trên trái đất khó khăn như thế nào. Các thày cũng biết cơ cấu dẫn tới những quyết định né tránh. Các thày biết khó tránh những quyết định né tránh, nhưng các thày cũng biết các con không thể nào đi vào con đường quả vị Ki-tô bằng cách lấy những quyết định né tránh.

Bây giờ con hãy nghe chăm chú. Con có thể bắt đầu con đường tâm linh khi vẫn còn bị mắc kẹt trong những quyết định né tránh này. Con có thể tiến bộ trên con đường tâm linh bằng cách học giáo lý tâm linh và thực hành những kỹ thuật tâm linh. Để có thể bước ra khỏi con đường mà ta có thể gọi là con đường vỏ ngoài (hay con đường tâm linh) để bước vào con đường nội tâm (hay con đường quả vị Ki-tô), thì con phải sẵn sàng lấy những quyết định không nhắm mục tiêu né tránh một quyết định lớn hơn, những quyết định không tìm cách né tránh nỗi đau. Chúng không phải là sự phản ứng lại hoàn cảnh bên ngoài trong đó con lấy quyết định đi theo một vị thày bên ngoài hay tuân thủ một nghi thức vỏ ngoài. Con thực sự làm như thế để tránh không phải lấy những quyết định sâu xa hơn, tỷ dụ như con là loại sinh thể nào, con muốn sống trong một thế giới như thế nào, con sẵn sàng muốn nhìn vào những gì trong chính mình để thay đổi hoàn cảnh bên ngoài và để thay đổi hoàn cảnh nội tâm và để giải thoát mình khỏi những khuôn nếp trong tâm do sa nhân lập trình.

Giờ đây, như cả người sứ giả và Đại thiên thần Michael đều đã nói, các thày chỉ có mong muốn duy nhất là thấy con thoát khỏi bất cứ điều gì hạn chế con. Những giới hạn này, trong ngắn hạn ngăn trở con cảm thấy thoải mái với chính mình, và trong dài hạn ngăn trở con con hội đủ điều kiện để thăng thiên và biểu hiện quả vị Ki-tô. Tại Hòa Lan, các thày nói nhiều về chuyện cảm thấy thoải mái với chính mình và tầm quan trọng của nó. Ấy, con yêu dấu, thày có thể hỏi con một câu hỏi giản dị: “Con có nghĩ là một sinh thể Ki-tô không cảm thấy thoải mái với chính mình?”

Lẽ tự nhiên, nếu con nghĩ về điều này, thì con nhận ra rằng khi con càng ngày càng đi cao hơn trên con đường tu, con biểu hiện một tầng mức càng ngày càng cao hơn của quả vị Ki-tô. Con nhận ra rằng lẽ tự nhiên con phải cảm thấy càng ngày càng thoải mái hơn với chính mình. Dù gì chăng nữa, Giê-su đã nói gì? Thày nói: “Ta và Cha ta là một.” Đấy, nếu con là một với Cha, là Hiện diện TA LÀ của con, thì lẽ tự nhiên con sẽ cảm thấy thoải mái với chính mình vì Hiện diện TA LÀ của con không ở trong thế gian này hay không thuộc về thế gian này, và nó cảm thấy thoải mái với chính nó.

13.3. Một bài tập để phơi bày các quyết định gây giới hạn

Thày đã trao truyền một số câu chú và thỉnh nguyện để thanh tẩy các luân xa của con, và con nên đọc những câu chú và thỉnh này mỗi lần con làm bài tập sắp tới đây. Thày muốn con trụ vào trái tim của mình, đặt tư tưởng vào luân xa tim, và thày muốn con lấy quyết định là con có muốn thày hướng dẫn con để con khám phá ra quyết định nào đã làm nghẽn luân xa tim của con, đã ngăn chận ánh sáng không biểu lộ được trọn vẹn trong luân xa tim của con chăng?

Nếu con trả lời là “Có” thì Mẹ yêu cầu con hình dung Mẹ đang ngồi trên một chiếc ghế và con giống một trẻ thơ. Con đi lại gần Mẹ và con giơ hai cánh tay lên. Mẹ cúi xuống và bế con lên và đặt con vào lòng Mẹ và Mẹ ôm con trong vòng tay Mẹ. Bây giờ, con được hoàn toàn bảo bọc bởi vòng tay đầy tình thương của Mẹ, bởi hào quang đầy tình thương của Mẹ, bởi rung động đầy tình thương của Mẹ. Con được bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy của thế gian này. Chắc chắn là Mẹ Thiêng liêng có thể bảo vệ con khỏi bất cứ điều gì trên thế gian này, vì thế gian đã được tạo ra từ Bản thể và bản chất của Mẹ Thiêng liêng. Trong khi con đang ở trong lòng Mẹ, Mẹ yêu cầu con đặt một câu hỏi giản dị: “Mẹ Mary, hãy chỉ cho con thấy quyết định nào đang làm nghẽn luân xa tim của con.” Sau đó, trong khi con làm tiếp bài tập này một mình, con có thể chậm rãi, con có thể mở nhạc làm nền, và con có thể thiền định về Hiện diện của Mẹ, mà không suy nghĩ trước, không suy nghĩ phân tích hay đường thẳng, không có câu chú hay nghi thức hay bất cứ điều gì khác trong tâm con. Con để tâm lắng yên xuống và chỉ giản dị lắng nghe. Trong hầu hết các trường hợp, Mẹ sẽ không gửi cho con ngôn từ, nhưng Mẹ có thể gửi cho con hình ảnh hay cảm nhận liên quan tới loại quyết định nào con đã lấy. Lẽ tự nhiên, con biết luân xa tim là biểu hiện của tình thương và như thế quyết định của cá nhân con, rất có thể sẽ liên quan đến chuyện con cảm thấy tình thương của mình đã bị bác bỏ và con quyết định là con sẽ không biểu lộ tình thương nữa trên hành tinh đen tối này.

Bây giờ, có thể là trong khi con làm bài tập này, thì con có thể nhận một xung lực mà con muốn quán chiếu hay khai triển. Con cũng có thể muốn Mẹ giúp con giải tỏa vấn đề này. Quả thực là con sẽ phải tới điểm thấy được vấn đề rõ ràng và con quyết định sẽ tháo gỡ quyết định ban đầu đó vì bây giờ con biết con đã tiến lên cao hơn trên con đường tâm linh, con đã tiến lên cao hơn trên con đường quả vị Ki-tô. Do đó, con sẽ không còn cảm thấy nỗi đau mà trước kia con cảm thấy khi tình thương của con bị bác bỏ. Nếu tình thương của con lại bị bác bỏ nữa, thì con cũng không cảm thấy đau đớn như xưa vì bây giờ con là một sinh thể khác và do đó con không cần cảm thấy sợ hãi khi nhìn lại quyết định của mình và thay đổi nó. Con không cần sợ biểu tỏ tình thương của con nữa.

Nếu con không có một cảm giác đặc thù, thì có thể con cần làm việc với một luân xa khác và do đó Mẹ đề nghị con tiếp tục tiến hành bài tập này. Khi Mẹ đi qua một luân xa, nếu con có phản ứng mạnh, thì con có thể tạm ngưng hay ngừng hẳn bài tập và chú tâm vào luân xa này. Con có thể đọc bài chú, bài thỉnh về nó, con có thể kêu gọi trái tim của Mẹ, con có thể nghe nhạc, hoặc làm bất cứ điều gì khác mà con cảm thấy muốn làm, con yêu dấu.

Bây giờ, Mẹ yêu cầu con hình dung con đi từ luân xa tim lên luân xa cổ họng. Con hòa điệu với luân xa cổ họng, con đi vào trong đó và con lại hỏi mẹ: “Mẹ Mary, xin giúp con thấy quyết định nào đã làm nghẽn luân xa cổ họng của con.” Lẽ dĩ nhiên, con biết luân xa cổ họng liên quan tới sự biểu lộ uy lực và ý chí. Đã có một thời con dám biểu lộ uy lực của con. Vì lý do nào đó, quyết định này khiến con đau đớn và con quyết định con sẽ không bao giờ biểu lộ uy lực nữa. Con sẽ không bao giờ biểu lộ ý chí mạnh mẽ như vậy, con sẽ bớt cả quyết hơn, bớt sẵn sàng đứng lên bảo vệ lập trường mình, nhưng con chịu uốn mình theo hoàn cảnh, theo bất cứ chuyện gì xảy ra cho con để con tránh né nỗi đau này. Một lần nữa, con có thể xin Mẹ hướng dẫn giúp con thấy quyết định này. Con có thể biết là con đã tiến lên cao hơn và do đó, một lần nữa, con có thể tới điểm thấy được quyết định và con quyết định: “Con sẵn sàng muốn biểu lộ uy lực Thượng đế của con, dùng ý chí của con để bảo vệ lập trường và nói: “Tới đây là đủ rồi, không được xa hơn nữa, từ đây con sẽ tiến lên phía trước.”

Kế tiếp, Mẹ yêu cầu con đi từ luân xa tim xuống đám rối dương (solar plexus). Một lần nữa, con đi vào luân xa rối dương và con hỏi Mẹ: “Mẹ Mary, xin giúp con thấy quyết định nào đã làm nghẽn luân xa rối dương của con.” Lẽ tự nhiên, luân xa rối dương liên quan tới an bình, liên quan tới phụng sự. Có thể đã có một thời điểm con quyết định đứng lên đòi hòa bình và sa nhân đã tìm cách nào đó để khiến con bị đau đớn. Có thể đã có một thời điểm con quyết định phụng sự đời sống và một lần nữa sự phụng sự của con bị bác bỏ và tạo ra trong con nỗi đau. Một lần nữa, con hãy thiền về tim của Mẹ, và xem có điều gì khởi lên trong con chăng. Con hãy áp dụng các dụng cụ và giáo lý cho tới khi con thấy rõ ràng quyết định cũ đó và con lấy quyết định sẵn sàng muốn phụng sự, sẵn sàng thực sự muốn bình an vì con biết rằng ngày nay sự bình an của con không dễ bị phá rối như trong quá khứ.

Sau đó, chúng ta lại tiến lên từ luân xa tim lên con mắt thứ ba, và con trụ vào trong đó và hỏi Mẹ: “Mẹ Mary, xin giúp con thấy quyết định nào đã làm nghẽn luân xa con mắt thứ ba của con.” Đây là luân xa của viễn kiến. Đây là luân xa của sự nhìn thấy sự thật và chân lý. Có thể con đã bảo vệ sự thật và sa nhân đã tìm cách làm tổn thương con. Có thể con đã biểu lộ một viễn kiến cao hơn và nó bị bác bỏ. Một lần nữa, khi con thấy được quyết định này, thấy nó như nó là, con có thể quyết định là con sẽ dám biểu lộ viễn kiến của mình, con dám đứng lên bảo vệ chân lý cao nhất mà con thấy được ngay bây giờ, tuy con vẫn biết là luôn luôn có một chân lý cao hơn nữa mà con sẽ thấy. Khi con buông bỏ được quyết định cũ, thì con cảm thấy một gánh nặng được trút khỏi người con. Con cảm thấy điều này mỗi lần con quyết định con sẽ dám biểu lộ trở lại ánh sáng của con xuyên qua một luân xa nào đó.

Bây giờ chúng ta đi từ luân xa tim xuống trung tâm của luân xa hồn, là luân xa liên quan tới sáng tạo, vui chơi và niềm vui của trẻ thơ. Con hãy nhìn hành tinh này và thấy những người có tâm hồn trẻ thơ đã thường bị sa nhân hà hiếp thô bạo và đập dí xuống đến độ họ không dám là trẻ em thơ ngây nữa. Thay vào đó, họ trở nên sợ sệt, lúc nào cũng chờ đợi sẽ có điều gì xấu xảy ra hay sợ sẽ bị trừng phạt vì lý do nào đó.

Phải chăng Giê-su có nói: “Trừ khi con trở lại như một trẻ thơ, con không thể nào đi vào vương quốc thiên đàng?” Trừ khi con dám để ánh sáng tuôn chảy qua trung tâm luân xa hồn của con thì làm sao con có thể thực sự tiến bộ trên con đường quả vị Ki-tô và dám biểu lộ chính mình? Một lần nữa con có thể hòa điệu vào Bản thể của Mẹ, xin mẹ giúp con thấy quyết định của mình. Nếu con nhận được một xung lực mạnh, con hãy thiền quán về nó, nghiền ngẫm nó. Con hãy dùng các dụng cụ cho tới khi con thấy được tại sao con quyết định đóng lại dòng chảy sáng tạo của con. Khi con quyết định thay đổi quyết định một cách có ý thức, thì một lần nữa, một gánh nặng khác được trút bỏ xuống.

Bây giờ chúng ta lên trở lại luân xa Đỉnh đầu, liên quan tới Tia thứ Hai của Minh triết Thượng đế. Nó cũng là luân xa giúp con kết nối với Hiện diện TA LÀ của con, với cõi tâm linh, với sự hiểu biết tâm linh. Một lần nữa, Mẹ yêu cầu con hòa điệu với luân xa đó và xin Mẹ giúp con thấy được quyết định nào đã làm nghẽn dòng chảy xuyên qua luân xa Đỉnh đầu của con. Phải chăng Giê-su có nói: “Đừng để ai lấy vương miện trên đỉnh đầu của con.” Lẽ dĩ nhiên, hầu như không thể nào hiện thân trên một hành tinh như trái đất mà không bị các sa nhân làm điều gì đó để tiêu trừ con hay tổn thương con khi con dám biểu lộ minh triết của con. Hay khi con dám nói lên trực giác là con biết điều gì đó là thật, dù là không có bằng chứng vật chất. Một khi con đã hòa điệu, một khi con muốn mở tâm và tim mình ra để đón nhận một xung lực từ Mẹ, thì con có thể thay đổi quyết định này một cách ý thức và do đó con lại cảm thấy một gánh nặng được nhấc khỏi con.

Bây giờ chúng ta đi tới luân xa cuối cùng là luân xa gốc, cũng được gọi là luân xa Mẹ, không phải vì nó liên quan tới phụ nữ hay người Mẹ, hay ngay cả tình dục. Nó thực sự là luân xa qua đó con biểu lộ nỗ lực sáng tạo của mình để sáng tạo hay biểu hiện điều gì đó trong bát cung vật lý (physical octave). Nó là luân xa cuối của một dây chuỗi khi con gán một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-vật và tìm cách biểu hiện nó trên cõi vật lý. Lẽ dĩ nhiên, đó là lý do tại sao sa nhân đã tìm cách, một cách rất hung hãn, làm tắt nghẽn luân xa này trong càng nhiều người càng tốt.

Con hãy xin Mẹ lần nữa giúp con thấy quyết định của con muốn biểu lộ hay biểu hiện điều gì đó và điều ấy bị bác bỏ, bị chê bai, bị chỉ trích, bị phán xét và cũng có thể là nó bị tiêu hủy một cách thô bạo ngay trước mắt con. Bằng cách hòa điệu với tim của Mẹ, bằng cách mở tâm và tim của con ra, con có thể nhận được một xung lực giúp con biết rõ ràng hơn và con có thể bắt đầu thay đổi quyết định đó.

13.4. Dùng bài tập

Giờ đây con yêu dấu, đối với hầu hết các con bài tập này không phải chỉ làm một lần và mọi luân xa đều được thanh tẩy. Đa số các con sẽ được lợi lạc khi làm đi lại nhiều lần. Lẽ dĩ nhiên, con có thể làm bài tập này chung với việc đọc các bài chú của thày để thanh tẩy luân xa, hay đọc một số bài nguyện và bài thỉnh khác nhau để thanh tẩy luân xa. Lẽ dĩ nhiên, con cũng có thể kết hợp bài tập này với Khóa học Tự Điều ngự trong đó con tiến lên qua bảy tia sáng và qua đó, con thanh tẩy luân xa tương ứng.

Do đó đây là một bài tập mà con có thể thu âm để dùng hay con có thể in ra để đọc và con đi qua các bước. Con cũng có thể đọc câu chú (mantra), bài chú hay bài thỉnh cho mỗi bước. Con có thể nghe nhạc, hay bất cứ điều gì con hứng thú muốn làm. Yếu tố chính yếu là con hòa điệu vào luân xa của con, con xin Mẹ giúp con thấy được quyết định của con và con mở tâm và tim càng nhiều càng tốt để nhận vào một xung lực từ Mẹ sẽ giúp con thấy rõ ràng hơn quyết định đã làm nghẽn một luân xa nào đó.

Đây là một bài tập có thể dùng chung với những bài tập khác mà Mẹ đã trao truyền cho các con, để chữa lành chấn thương nhập đời nguyên thủy và để chữa lành những khía cạnh khác của tâm lý của con.

13.5. Bắt đầu lấy quyết định trở lại 

Con thấy chăng, con yêu dấu, con sẽ tới điểm trên con đường tâm linh khi con cần lấy quyết định, con cần dám lấy một quyết định không phải là quyết định né tránh. Giờ đây, tất cả các con đã lấy những quyết định như thế (chúng ta có thể gọi chúng là quyết định Ki-tô), nếu không thì con đã không ở trên con đường tâm linh và con đã không đang ở đây. Tuy nhiên hầu hết các con vẫn còn những khuôn nếp đó, những tắt nghẽn trong luân xa của mình. Để tránh né nỗi đau mà con nghĩ dính liền với một quyết định, con lấy những quyết định khác – những quyết định né tránh – để né không phải lấy một quyết định thật. Con tìm cách né tránh những biểu hiện của mình sẽ bị người khác hay tà lực phán xét và chỉ trích.

Con yêu dấu, như người sứ giả và Đại thiên thần Michael đã nói trước đây, nếu con sẵn sàng muốn học hỏi từ một quyết định, thì nó không thể là một lỗi lầm. Tại sao vậy, con yêu dấu? Bởi vì mục đích cuộc sống trên trái đất là gì? Nó không phải là tuân theo một tiêu chuẩn toàn hảo nào đó do sa nhân quy định. Qua rất nhiều tôn giáo và triết lý tâm linh, sa nhân đã tìm cách bán cho con ý tưởng rằng cách duy nhất để lên thiên đàng là sống theo một tiêu chuẩn mà họ đã quy định trên trái đất. Đây là một sự gian dối hoàn toàn. Như đã nói, con không thể đi vào thiên đàng bằng cách sống theo bất cứ tiêu chuẩn nào của thế gian. Con phải vượt lên trên tất cả mọi tiêu chuẩn bằng cách lấy một quyết định Ki-tô từ bỏ ảo tưởng quy định mỗi tầng trong 144 tầng tâm thức, như thày Hilarion đã mô tả trong sách của thày. Con có thể quyết định là giờ đây con đã tìm thấy một giáo lý tâm linh, một con đường tu tâm linh, một nhóm tâm linh hay một vị thày tâm linh và con sẽ theo vị thày này, theo nhóm này. Con sẽ làm một số nghi thức, con sẽ học một số giáo lý, con sẽ học hỏi, con sẽ nỗ lực tu tập. Như thày có nói trước đây, con có thể được lợi lạc khi làm như thế, nhưng con vẫn có thể làm như thế trong khuôn khổ một quyết định né tránh. Ý tưởng cốt lõi của con đường tu vỏ ngoài đã len lỏi vào rất nhiều nơi trên trái đất, ngay cả trong các giáo lý tâm linh. Ngay cả một số những vị đạo sư hay những vị thày nhiều kinh nghiệm cũng chưa thấy rõ cơ chế này. Con người và ngay cả các đạo sư thường có khuynh hướng quy định một con đường tu vỏ ngoài và nói rằng nếu con đi theo con đường vỏ ngoài này, thì sẽ có một ngày con thăng thiên, đạt giác ngộ, đạt được một trạng thái tâm thức cao hay gì gì đó. Con yêu dấu, con sẽ tiến bộ khi đi theo nhiều đường tu như thế nhưng con sẽ không tiến bộ trên con đường quả vị Ki-tô cho tới khi nào con bắt đầu lấy những quyết định Ki-tô trong đó con không tìm cách né tránh nỗi đau hay né tránh lấy những quyết định mà con cho là nguy hiểm.

13.6. Gia nhập con đường quả vị Ki-tô

Quả thực là điều con cần làm để tìm ra con đường quả vị Ki-tô và đi trên con đường quả vị Ki-tô là con tìm ra cách, trong tâm con, tách rời tiến trình lấy quyết định ra khỏi nỗi sợ đau đớn. Bài thiền tập mà thày vừa mới trao truyền cho con là một dụng cụ để làm việc đó, nhưng con cũng có thể làm một sự chuyển hóa tổng quát trong tâm mình để nhìn nhận rằng mục đích thật của cuộc sống trên trái đất không phải là sống theo một tiêu chuẩn vỏ ngoài. Mục đích thực sự là con hiện thân và đi qua tiến trình mà các thày mô tả là tiến trình trầm mình và thức tỉnh. Trước tiên con trầm mình vào bát cung vật lý, đồng hóa mình với thân thể và với bát cung vật lý và sau đó con tự thức tỉnh.

Để con có thể thức tỉnh mình, con phải nhìn thấy được là không có nỗi đau nào, không có sự hổ thẹn nào, không có sự lên án nào đến từ phía các thày đối với bất cứ điều gì con đang làm, con đã làm, bất cứ điều gì con có thể làm trong thế giới vật chất. Bất cứ điều gì con làm trong cõi vật chất đều được làm với năng lượng của Mẹ. Bất cứ điều gì con làm trong cõi vật chất có thể được tẩy xóa đi, chắc chắn là như thế. Con không bao giờ có thể làm một điều gì trong cõi vật chất mà con không thể gỡ bỏ bằng cách lấy một quyết định sáng suốt hơn, tỉnh thức hơn. Con nhận ra rằng, con yêu dấu, dù con đã lấy một quyết định đưa con xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn và khiến con đồng hóa mình với cõi vật chất (hay với thân thể của con, với bốn thể phàm của con, với cỗ xe linh hồn của con, với tự ngã của con, với nỗi đau của con), thì đây cũng chỉ là một phần của tiến trình đắm chìm và thức tỉnh.

Do đó, mỗi quyết định mà con làm khiến con trầm mình sâu hơn vào thế giới vật chất đều có thể được chuyển hóa thành một quyết định thực sự xây dựng quả vị Ki-tô của con và như thế giúp con thức tỉnh mình. Nó còn có thể giúp con tới được điểm mà con có thể bắt đầu biểu hiện Sứ vụ Thiêng liêng của con, bắt đầu là cánh cửa mở cho Hiện Hiện diện TA LÀ của con, vì bây giờ con biết con không muốn biểu hiện điều gì. Bây giờ, con biết có cái gì đó cao hơn, con biết con có thể là hơn điều này. Một khi con đã đồng hóa mình với điều gì đó trong thế giới vật chất và sau đó con thức tỉnh mình thoát khỏi sự đồng hóa đó, thì con biết con sẽ không bao giờ bị mắc bẫy trong giới hạn đó nữa. Con đã trải qua nó một lần và con không cần trải qua nó một lần nữa. Con có cái biết này trong căn thể (causal body) của con, con có thể tìm lại cái biết đó và do đó con có thể tránh không làm như thế nữa.

13.7. Đi vào nỗi đau

Con cũng biết rằng, con yêu dấu, đã có một lúc con bị cuộc đời làm tổn thương trên trái đất này và nó khiến con đau đớn. Như các thày đã nói trước đây, lần đầu tiên chuyện này xảy ra, cú sốc lúc ấy là lớn nhất. Do đó, khi con nhìn lại quyết định cũ, nỗi đau không thể nào to lớn bằng lúc con cảm thấy nó lần đầu và lấy quyết định nguyên thủy. Nỗi đau sẽ không bao giờ đau nhiều bằng lần đầu ấy. Con có thể bị đau đớn khi con nhìn lại quyết định con đã lấy, mà trong tâm vỏ ngoài của con, con xem quyết định này là một sai lầm, nhưng nó chỉ là một nỗi đau tạm thời. Một khi con đi vào nỗi đau đó và gỡ bỏ quyết định, con sẽ thoát khỏi nỗi đau. Nếu con không đi vào nỗi đau và gỡ bỏ quyết định, con sẽ kéo lê nỗi đau này với con như con đã làm qua nhiều kiếp sống.

Con thấy chăng, một lần nữa, sa nhân muốn con rơi vào khuôn nếp đó và sau đó họ muốn giữ con bị mắc kẹt ở đó đời đời. Các chân sư thăng thiên muốn con bước ra khỏi sự đồng hóa mình với bất cứ điều gì trong cõi vật chất để con được tự do, không còn gánh nặng, không còn sợ hãi và một lần nữa con dám là dưới này những gì con là Trên kia. Làm sao con có thể là dưới này tất cả những gì con là Trên kia nếu con không dám lấy quyết định?

13.8. Có nhiều chọn lựa đúng

Con yêu dấu, đôi khi có một tâm thức trong các đệ tử chân sư thăng thiên muốn các thày hay một vị đạo sư bên ngoài nói cho con biết con phải làm gì. Con nghĩ rằng nếu có một thẩm quyền cao, một sinh thể tiến hóa cao, bảo con phải làm gì thì điều ấy không thể nào sai. Con quá sợ mình làm một lỗi lầm nên con muốn biết trước là con đang lấy một chọn lựa đúng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Con thấy chăng, con yêu dấu, nghĩ rằng trong một tình huống đặc thù chỉ có một chọn lựa đúng duy nhất là một ảo tưởng. Có rất rất nhiều tình huống trong cuộc sống có nhiều chọn lựa đúng. Đây chỉ là vấn đề con muốn lấy chọn lựa nào mà thôi. Con có thể có mười người và đặt họ vào một tình huống rất giống nhau. Họ có thể lấy mười chọn lựa khác nhau nhưng mỗi chọn lựa đều đúng cho mỗi người cho nên cả mười chọn lựa đều đúng vì chúng đều đưa tới sự tăng triển.

Nếu con nhìn một cách trung thực hoàn cảnh mà thày phải đối mặt như một đại diện của Mẹ Thiêng liêng, thì con có thể nói là thày thường nhắc đi nhắc lại một chuyện, nói về cùng một đề tài, nói cùng một chuyện bằng nhiều cách khác nhau. Tại sao thày làm như vậy chứ? Một phần vì thày biết thày không thể giúp tất cả mọi người với một cách diễn tả nào đó, và thày quả thực mong muốn tất cả các con được tự do. Thày tìm cách trao truyền cho các con nhiều điều qua nhiều cách diễn tả khác nhau để nó thu hút nhiều người khác nhau. Con cũng cần trung thực và nhận ra rằng đối với nhiều người trong các con, lý do thày phải nhắc đi nhắc lại là vì con không thực sự chú ý lần đầu tiên thày nói, hay lần thứ nhì thày nói, hay lần thứ ba hay lần thứ tư hay lần thứ năm. Trong một số trường hợp, con chưa sẵn sàng, nhưng trong một số trường hợp con đã sẵn sàng, nhưng con chỉ chưa muốn mà thôi.

Con yêu dấu, con sẽ tới một điểm trên con đường tu khi con cần nhìn nhận là lúc con thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì không phải tự ngã đã thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng của con. Đó là chính con, ở trong một trạng thái tâm thức rất tỉnh thức, đã thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng cùng với các vị thày tâm linh của con và Hiện diện TA LÀ của con. Lúc ấy con quyết định con muốn tăng triển như thế nào trong kiếp đầu thai sắp tới. Con quên mất điều này khi con đầu thai, nhưng ý nghĩa của Sứ vụ Thiêng liêng vẫn vận hành trong ba thể phàm cao của con. Có đôi lúc tâm vỏ ngoài của con không hòa điệu được với Sứ vụ. Do đó, sự thực là con có thể đã sẵn sàng lấy một quyết định nào đó (vì con đã làm xong việc thanh tẩy ba thể phàm cao của con), nhưng tâm vỏ ngoài của con chưa bắt kịp. Tâm vỏ ngoài của con chưa sẵn sàng, tâm vỏ ngoài của con chưa muốn thấy là có nhu cầu lấy quyết định đó.

13.9. Tuôn chảy với Dòng sông sự Sống

Nếu con cảm thấy đã nghe thấy điều này trước đây rồi, thì con hãy xem xét vì sao con đã nghe nó rồi nhưng con chưa thực sự nghe thấy nó? Tại sao con chưa hành động, tại sao con chưa có thể hay chưa muốn lấy quyết định với tâm ý thức của con để bước ra khỏi sự hạn chế liên quan tới việc lấy quyết định. Khi con làm thế, thì con tạo cho mình tự do để tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, con cho phép mình lấy quyết định và giản dị xem kết quả là một kết quả sẽ giúp con điều chỉnh hướng đi khi con tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống. 

Trôi theo Dòng sông sự Sống không đồng nghĩa với lấy quyết định nhảy vào dòng sông và sau đó dòng sông kéo con xuống hạ lưu. Lúc nào con cũng đang thay đổi hướng đi. Con lấy một quyết định, con thấy kết quả, con thay đổi hướng đi cho thích ứng để con tuôn chảy theo đúng hướng mà con muốn tới, và con tiếp tục làm như thế. Đó là lý do tại sao, con yêu dấu, một khi con đã chuyển hóa như thế, con thấy là không có quyết định nào sai. Không có quyết định nào có thể cản con tuôn chảy với Dòng sông sự Sống với điều kiện là con không cố gắng bơi ngược trở lại tới điểm trên dòng sông nơi con đã lấy quyết định trong quá khứ và nghĩ rằng con phải tháo gỡ điều gì ở nơi đó. Điều con phải tháo gỡ là những khuôn nếp năng lượng trong bốn thể phàm của con. Sau đó, con phải thay đổi quyết định và con không thể thay đổi quyết định trong quá khứ, con chỉ thay đổi được nó trong hiện tại. Để có thể thay đổi nó trong hiện tại, con phải nối kết lại với quyết định trong quá khứ. Điều này không có nghĩa là con trở về quá khứ, nhưng có nghĩa là con nhìn quyết định này với nhận biết cao mà con có bây giờ và con thay đổi nó, con lấy một quyết định mà con không thể làm được với sự nhận biết mà con có trong quá khứ.

Khi con làm điều này, con chỉ giản dị thay đổi hướng đi của con trong dòng sông mà không ngừng lại. Con tuôn chảy liên tục và sau khi con đã làm điều này một số lần, con nhận ra rằng không có điều gì có thể ngăn con trôi theo Dòng sông sự Sống, bất kể quyết định nào con đã lấy và bất kể lỗi lầm có vẻ to lớn dưới nhãn quan người khác hay của sa nhân. Con cho phép mình càng ngày càng giống một trẻ thơ dám biểu hiện chính mình, dám nhìn cuộc đời không như một gánh nặng đè lên mình, không giống như đi bộ trên một bãi mìn là nơi bước trật một bước có thể gây ra hậu quả khủng khiếp. Cuộc đời là một trò chơi và con có thể tiếp cận cuộc đời như một trẻ thơ đang vui chơi. Bây giờ Mẹ yêu cầu con một lần nữa hình dung con đang ngồi trong lòng Mẹ. Mẹ đang ôm con trong vòng tay. Mẹ đang nhìn con, nhìn sâu vào mắt con và Mẹ tỏa rạng tình thương vô điều kiện của Mẹ Thiêng liêng cho cá nhân con. Mẹ yêu cầu con ngẫm nghĩ xem con có sẵn lòng muốn nhận tình thương này, chấp nhận là con xứng đáng nhận nó? Sau đó, con có sẵn sàng cho phép niềm vui của trẻ thơ dâng lên tràn ngập trong trái tim con chăng, con có sẵn sàng biểu lộ niềm vui đó chăng để Mẹ có thể đặt con xuống. Thay vì con đứng đó, lo sợ không biết bước kế tiếp đi đâu, con hân hoan chạy bay ra ngoài cánh đồng tươi đẹp, nghe chim hót, nhìn hoa nở, chơi banh, vui chơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào con đối mặt trong đời, nhìn mỗi quyết định như một thử nghiệm sẽ chỉ có thể giúp con lấy quyết định tốt hơn trong tương lai.

Thày đã nói những điều thày muốn nói ở điểm này. Có thể thày sẽ trở lại đề tài này trong tương lai vì thày thực sự biết đây là một trong những điểm khó lãnh hội nhất trên con đường tâm linh. Nếu các con, các con yêu dấu, muốn tạo tác dụng tối đa qua hội nghị này và chuyển hóa tâm thức tập thể của nước Nga, thì thày yêu cầu con ngẫm nghĩ đề tài này trong đời sống cá nhân của con và dám cho phép mình lấy quyết định và vui chơi với cuộc đời giống như một em bé ngây thơ biết rằng em không thể bao giờ mất đi tình thương của Mẹ.

Con có tình thương của thày khắp nơi con đi. Thày sẽ không bao giờ quay lưng lại con, dù con quay lưng lại thày. Bất cứ lúc nào con cũng có thể quay lại và ôm thày. Thày sẽ hỗ trợ con vì đây là quyết định Ki-tô của thày.

18 | Liệu pháp tâm linh để khắc phục nỗi giận

Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Thày tới đây để trao truyền cho các con một bài giảng sẽ bổ túc bài giảng của Sanat Kumara với một số khía cạnh. Nhiều người tâm linh khắp thế giới, nhiều tín đồ tôn giáo khắp thế giới, nhiều học trò chân sư thăng thiên khắp thế giới đã tạo ra một loại cơ cấu trong tâm lý kiềm giữ họ trên đường tu.

18.1. Không tránh được chuyện phản ứng với trái đất

Các thày đã nói nhiều lần là khi con xuống đầu thai trên một hành tinh giống như trái đất, không tránh được chuyện con sẽ bị lôi cuốn vào một khuôn nếp phản ứng. Con yêu dấu, cũng không tránh được chuyện con sẽ có những cảm xúc khi con gặp một số hoàn cảnh mà con không né tránh được trên trái đất, như bạo lực, chiến tranh và nhiều hình thái khác của đấu tranh và hà hiếp.

Giản dị là con hầu như không thể tránh nổi giận hay oán trách những gì con trải nghiệm trên hành tinh này. Con có thể có nhận biết rất vi tế, rất trực nhận, mà con thường không hình thành ra lời, một nhận biết cuộc sống phải như thế nào. Điều này dựa trên ý niệm của con về cuộc sống trên một hành tinh tự nhiên. Trên một hành tinh tự nhiên, nổi giận và oán trách là những cảm xúc không tự nhiên. Trên một hành tinh không tự nhiên như trái đất, nói một cách khá thẳng thắn thì nổi giận và oán trách là “tự nhiên.” Làm sao con có thể hiện thân trên một hành tinh như thế này mà không cảm thấy phần nào nổi giận hay oán trách những chuyện đang xảy ra ở đây?

Tuy nhiên, dựa trên ý niệm vi tế của một số trong các con đã tới đây với sứ vụ giải cứu (ý niệm là cuộc sống phải như thế nào trên một hành tinh tự nhiên), con thường có ý niệm là con không được nổi giận hay oán trách. Các sa nhân đã khôn khéo củng cố ý niệm này trong nhiều phong trào tôn giáo và tâm linh. Nhiều người tâm linh, kể cả nhiều đệ tử chân sư thăng thiên, có ý niệm là một người tâm linh, một đệ tử chân sư thăng thiên không bao giờ được nổi giận hay oán trách. Con yêu dấu, quyết định chấp nhận với tâm lý trí của mình ý tưởng là người đệ tử chân sư thăng thiên không được nổi giận sẽ không giải quyết được nỗi giận đã có trong thể tình cảm của con và đã tồn đọng ở đó trong nhiều kiếp sống.

Do đó thày tới đây để trao cho con một dụng cụ và một số giáo lý giúp con giải quyết vấn đề này. Trước tiên, con cần nhận ra con tới đây, con yêu dấu, để trầm mình vào tâm thức của trái đất này. Nếu chính con không trầm mình thì làm sao con làm gương cho những người đã sống sẵn trên hành tinh này, làm sao con có thể kéo họ lên khỏi tâm thức tập thể? Con thấy chăng, con yêu dấu, là những dòng sống đã ở đây lâu hơn con nhiều coi nóng giận và oán trách là điều quá tự nhiên và không thể tránh đến độ họ không thấy được trạng thái nào khác? Để con có thể phụng sự như một tấm gương, con cần phải đi vào một khuôn nếp phản ứng, con cần phải cảm thấy nóng giận và oán trách và sau đó con cần vượt lên trên chúng. Lúc ấy, con phụng sự như một tấm gương. Con không thể giúp những người này nếu con không trải nghiệm những gì họ trải nghiệm.

18.2. Kéo tâm thức tập thể lên cao

Giờ đây, con yêu dấu, các thày đã nói nhiều, nhiều lần về chuyện kéo tâm thức tập thể lên cao hơn. Làm sao con làm được điều này? Ấy, con chỉ làm được nếu con là một phần của tâm thức tập thể. Điều này hoàn toàn hợp lý phải không? Trừ khi con đi vào và trầm mình trong tâm thức tập thể, phản ứng như mọi người trên trái đất phản ứng, con không tạo được mối dây thắt chặt mình với tâm thức tập thể để có thể kéo nó lên cao một khi con bắt đầu giai đoạn tỉnh thức và bắt đầu nâng mình lên khỏi tầng tập thể.

Nếu con chưa bao giờ nối kết với tâm thức tập thể, nếu con chưa bao giờ là một phần của nó, con sẽ chỉ là người khách lạ trên trái đất. Có thể là con đã tới đây, có thể là con tránh không đi vào khuôn nếp phản ứng, có thể con mãi mãi giữ mình thanh khiết, và có thể là con nâng tâm thức của con lên tới tầng thăng thiên, nhưng làm sao cuộc sống của con thành một tấm gương được, làm sao cuộc sống của con có thể nâng tâm thức tập thể lên được?

Con thấy chăng, đây chính là điều họ đã làm đối với Giê-su và một phần lớn đối với thày, họ đã mô tả hai thày là những người rất đặc biệt ngay từ khi sinh ra, đến độ hai thày không bao giờ thật sự là một phần của tâm thức tập thể. Như thế, họ đã tìm cách bác bỏ việc hai thày là tấm gương, nhưng họ còn tìm cách lan truyền ảo tưởng là hai thày không thể nào kéo tâm thức tập thể lên cao vì hai thày chưa bao giờ là một phần của nó. Ấy, hai thày thực sự một phần của tâm thức tập thể, con yêu dấu. Hai thày đã đi vào nhị nguyên, hai thày đã phản ứng, hai thày đã ở trong một trạng thái tâm thức thấp trong nhiều kiếp sống. Sau đó, hai thày tỉnh thức chính mình và hai thày nâng mình lên các tầng cao hơn và đó là lý do tại sao hai thày đã có thể kéo tâm thức tập thể lên cao.

18.3. Dòng chảy năng lượng trong bốn thể phàm của con

Bây giờ, có thể nói điều bí mật mà thày muốn trao cho con ở đây là một số các con (đặc biệt là khi con đạt tới các tầng cao hơn và con hòa điệu được nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm trực giác hơn) có một ý niệm (và có thể là con chưa bao giờ hình thành nó ra lời nhưng nhiều người trong các con vẫn có ý niệm đó) là trên một hành tinh tự nhiên có dòng chảy tự nhiên của năng lượng xuyên qua bốn thể phàm của con. Nói cách khác, năng lượng từ Hiện diện TA LÀ của con tuôn vào thể bản sắc, rồi vào thể lý trí, rồi vào thể tình cảm và sau đó đi tới thể vật lý.

Con yêu dấu, trên một hành tinh tự nhiên con không bao giờ trải nghiệm dòng chảy ngược lại, con không bao giờ trải nghiệm có điều gì đó ảnh hưởng con ở tầng vật lý từ đó tạo ra một đáp ứng hay phản ứng nơi thể tình cảm, rồi phản ứng này ảnh hưởng tư tưởng của con và ngay cả ý niệm bản sắc của con. Nhiều người trong các con có ý niệm là con phải có dòng chảy từ trên xuống dưới và điều này có nghĩa là con phải làm chủ bốn thể phàm của mình. Thể bản sắc phải làm chủ thể lý trí, thể lý trí phải làm chủ thể tình cảm và thể tình cảm phải làm chủ hành động của con.

Lẽ dĩ nhiên, khi con tới trái đất, sa nhân đã rất thiện nghệ trong chuyện bắt con phải chịu chấn thương nguyên thủy đó, cú sốc nguyên thủy đó, khốc liệt đến độ, gây sốc đến độ con không sao tránh khỏi chuyện có phản ứng cảm xúc. Phản ứng cảm xúc mạnh đến độ nó đi lên thể lý trí, ảnh hưởng những niềm tin của con về cuộc sống trên hành tinh này. Thậm chí nó đi vào thể bản sắc của con và ảnh hưởng tầm nhìn của con về quan hệ giữa con với hành tinh này, điều gì con có thể làm và không thể làm trên hành tinh này, điều gì con được phép làm và không được phép làm trên hành tinh này. Điều con trải nghiệm sau chấn thương nguyên thủy là một dòng chảy ngược chiều qua bốn thể phàm của con. Tầng vật lý bắt đầu ảnh hưởng cảm xúc của con, cảm xúc ảnh hưởng suy nghĩ của con, suy nghĩ ảnh hưởng ý niệm bản sắc của con – thay vì theo hướng ngược lại.

18.4. Đè nén nỗi giận

Khi con tìm thấy con đường tâm linh, con yêu dấu, con thường tới điểm mà (dựa trên những giáo lý vỏ ngoài hay trực giác của con hay cả hai thứ gom lại) con có cảm nhận là con phải làm chủ bốn thể phàm của con. Do đó, con phải có thể quyết định: “Một đệ tử chân sư thăng thiên lý tưởng là một người không bao giờ nổi giận và do đó tôi không bao giờ được nổi giận.” Sau đó, khi con thấy thể tình cảm của con phản ứng không đúng ý con, con không biết phải làm gì. Rất nhiều tín đồ tôn giáo, hay người tâm linh và đệ tử chân sư thăng thiên, đã tạo ra một lập trình trong thể lý trí được thiết kế để đè nén những cảm xúc mà họ dán nhãn là “không muốn có.”

Bây giờ thì con có, như chúng ta đã đề cập tới trước đây, một lập trình phản ứng nào đó trong thể tình cảm khiến con phản ứng với sự giận dữ trong một số tình huống. Nhưng vì con quá sức muốn là một đệ tử chân sư thăng thiên tốt, con không dám nhìn nhận điều đang xảy ra. Ngay lập tức, con tìm cách khởi động lập trình trong thể lý trí, ngay cả đôi khi một lập trình trong thể bản sắc, để đè nén cảm xúc nóng giận. Điều này có nghĩa là có một số người làm vậy giỏi đến độ họ còn không nhận ra được một cách ý thức là họ cảm thấy nóng giận khi nó xảy ra.

Lẽ dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là nỗi giận không hiện hữu trong thể tình cảm. Có nhiều người (và con có thể tìm thấy những người đó trong tất cả các phong trào tôn giáo, tất cả các phong trào tâm linh và trong tất cả các phong trào chân sư thăng thiên) trên bề mặt trông có vẻ hoàn toàn tự chủ và rất hài hòa. Họ thường nói với giọng điềm đạm, chậm rãi, có thể là một cách hơi kẻ cả như họ đang nói với trẻ con. Con có thể cảm thấy được (nếu con hòa điệu với họ) là bên dưới họ có sự căng thẳng. Trong trường hợp một số những người này, nếu con thấy được hào quang của họ, con sẽ thấy giống như một núi lửa đang phun ra trong thể tình cảm của họ và chất macma nóng bỏng là năng lượng giận dữ của họ lúc nào cũng chực tuôn tràn ra khỏi bờ của miệng núi lửa.

Một cách nào đó, họ kiềm giữ được cơn giận trong hầu hết tình huống, nhưng trong một số hoàn cảnh họ không kiềm giữ được và cơn giận có thể trào ra và họ có thể biểu lộ cơn giận đó với những người mà họ xem là dưới họ theo thứ bậc mà họ đã thiết lập. Hoặc là họ có thể tới điểm họ cảm thấy quá giận vị đạo sư, vì vị đạo sư bỏ họ đi (như đã xảy ra trong một tổ chức trước mà con biết) nên họ công khai biểu lộ cơn giận.

Bây giờ thày muốn con nhận ra (vì con đang trở thành người đệ tử chân sư thăng thiên trưởng thành hơn) là con không khắc phục được nỗi giận bằng cách đè nén nó. Con không khắc phục được bất cứ điều gì bằng cách đè nén nó. Con cần nhận ra có một thời điểm (một lần nữa một giai đoạn trên đường tu) khi đè nén nỗi giận là điều xây dựng vì nó ngăn cản con không liên tục rơi vào các khuôn nếp phản ứng cứ càng ngày càng tạo thêm năng lượng giận dữ, hay càng ngày càng củng cố thêm khuôn nếp cho phép mình phản ứng một cách giận dữ.

Trong một thời gian, đè nén cơn giận với một lập trình trong thể lý trí của con là điều cần thiết và xây dựng. Nhưng cũng sẽ tới một điểm mà nó không còn xây dựng nữa. Nếu con không thay đổi, con sẽ đi vào chỗ bế tắc vì con không thể giải thoát mình khỏi năng lượng tình cảm. Con đang kéo lê nó theo con. Ngày nào con còn giận dữ, thì con không thể đi vào tâm trạng mà các thày đã đề cập: chấp nhận con ở đây, bình an với chuyện con ở đây, cảm thấy thoải mái là con ở đây.

18.5. Một bài tập để vượt lên trên nỗi giận

Con cần tới điểm nhận ra con đã đầu thai trên một hành tinh cực kỳ khó khăn. Nó rất không tự nhiên, nhưng chính vì nó quá sức không tự nhiên, nên điều “tự nhiên” là con cảm thấy một nỗi giận và oán trách nào đó về chuyện con ở đây, chuyện con phải trải nghiệm những gì con đã trải nghiệm và không từ bỏ được nơi này khi con đã cảm thấy quá chán ngán. Như Sanat Kumara đã nói, con phải chịu quy luật ở đây và con phải bước trên con đường tu ở đây.

Thày cần con làm bài tập nhỏ này nếu con muốn vượt qua trở ngại này. Thày cần con nhận ra là con cần khám phá xem con có còn chất chứa nỗi giận hay oán trách nào trong thể tình cảm của con không. Để biết được điều này, thày đề nghị con làm bài tập sau đây.

Con đi tới chỗ nào con biết không ai nghe được con. Nếu không phải là trong nhà của con thì con cứ đi nơi khác: vào trong thiên nhiên, hay lái xe đi tới chỗ nào đó nếu con có xe. Con hãy tìm một chỗ mà không ai nghe được con, dù con hét to tới đâu chăng nữa. Sau đó, thày muốn con hòa điệu vào tâm mình và tưởng tượng con đang nhìn hành tinh này từ ngoài không gian. Sau đó, thày muốn con cho phép tâm mình đi vào một trong những biểu hiện xốn xang nhất mà con thấy được trên hành tinh này. Điều gì làm cho con xốn xang nhất, làm cho con thật sự cảm thấy nó không được có mặt ở đây? Sau đó, thày muốn con nhận ra là vì con có cảm xúc mạnh mẽ về vấn đề này, nên rất có thể con đã trải nghiệm nó trong nhiều kiếp sống và con không thể tránh cảm thấy giận dữ.

Bây giờ thày muốn con tưởng tượng con đang nói chuyện thẳng với sa nhân hay những người hiện thân đã thị hiện vấn đề này. Sau đó thày muốn con cảm thấy được tự do nói bất cứ điều gì con muốn nói với họ và nói với họ bất cứ cảm xúc nào mà con có: giận dữ, oán trách, sợ hãi – bất cứ cảm xúc nào hiện lên trong con khi con nghĩ tới vấn đề này. Thày không quan tâm là con hét to bao nhiêu, thày không quan tâm con cần biểu lộ bao nhiêu ý tưởng và tình cảm. Thày cho con tự do để biểu lộ chúng vì thày muốn con hòa điệu vào cái gì đang ẩn náu trong thể tình cảm của con. Thày không nhất thiết bảo con làm điều này trong suốt mấy giờ đồng hồ. Đây không phải là liệu pháp gào thét ban sơ (primal scream therapy), nhưng mục đích là để con chạm vào điều mà con chưa thấy ra hay chưa thấy rõ trong thể tình cảm của con.

Một khi con đã nhìn nhận nỗi giận này, thì con cũng cần nhìn nhận là con đã tiến lên một tầng nào đó trên con đường tâm linh. Do đó, con có thể chuyển đổi tâm thức và thấy đây là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên, con yêu dấu. Không có gì sai trái với nó, không có gì không tâm linh về nó. Không ai trong chúng ta có thể hiện thân trên trái đất mà không phản ứng một cách giận dữ, thày cũng thế – không phải ở trong kiếp cuối cùng của thày như là Phật, nhưng chắc chắn thày có nổi giận trong các kiếp trước đó. Con hãy nhìn Giê-su biểu lộ sự giận dữ đối với những người đổi tiền.

Con nhận ra là con đã tiến lên một tầng cao hơn trên con đường tu. Do đó, con không cần lên án mình vì con nổi giận hay vì bất cứ cảm xúc nào khác. Con chỉ cần nhận ra con có cảm xúc đó và bây giờ đã tới lúc con vượt lên trên nó.

Con có thể dùng những dụng cụ mà các thày đã trao cho các con, các bài chú để cầu thỉnh ánh sáng, con có thể dùng các bài thỉnh các thày đã trao cho các con. Trước tiên hết, thày muốn con đọc các bài chú bảo vệ mình, đọc bài thỉnh nào con cảm thấy muốn đọc, và khi con về nhà thì con hãy tìm một nơi con có thể ngồi yên lặng và con hãy dành thời gian yên tĩnh cho mình. Sau đó, một lần nữa con hãy tiếp xúc với nỗi giận của con và làm một điều mà nhiều người trong các con chưa từng làm trước đây.

Con thấy chăng, nhiều người tâm linh dựng lên một bộ mặt họ phải như thế nào ở bên ngoài. Do đó, họ không thấy được những gì ẩn náu dưới cái biết bề mặt. Một số người còn nghĩ rằng các chân sư thăng thiên không thấy nó, nhưng lẽ dĩ nhiên, đây là một niềm tin khá ngây ngô. Con cần tới điểm nhận ra rằng các thày đã thấy những gì ẩn náu trong tiềm thức của con. Con không cần hổ thẹn khi chính con nhìn thấy nó vì con nghĩ rằng nếu con thấy nó, thì bỗng nhiên các thày thấy nó và sau đó các thày sẽ lên án con.

Đối với các thày, bí mật đã lộ ra rồi. Con không thể giấu các thày bất cứ điều gì, con yêu dấu. Như Saint Germain đã nói về xã hội giám sát, con hãy tới điểm mà con giản dị chấp nhận: “Tôi không có nhu cầu che giấu bất cứ điều gì với các chân sư thăng thiên và do đó tôi không có nhu cầu che giấu bất cứ điều gì với chính mình. Vì tôi biết các chân sư sẽ không lên án tôi, nên tôi không cần lên án chính mình. Cho nên bây giờ tôi có thể bước một bước mà hầu hết mọi người sợ không dám làm, đó là tôi nối kết với nỗi giận, và thay vì không muốn nhìn nó, trốn chạy xa khỏi nó, che lấp nó đi, thì tôi có thể nhìn nhận nó có mặt và tôi có thể đi thẳng vào trong nó.”

18.6. Đối mặt với nỗi giận của con

Con từng nghe câu nói là cách duy nhất để khắc phục nỗi sợ là đối mặt với nỗi sợ. Con không thể làm điều này ở các tầng thấp trên đường tu vì con có thể chìm đắm trong cơn giận, con có thể bị choáng ngợp bởi nó vì con có thể còn đồng hóa mình quá nhiều với nó. Các con nào ở tầng cao hơn, sẵn sàng đón nhận lời dạy này, thì các con có thể làm được.

Con có thể bước vào cơn giận và trải nghiệm đứng giữa vũng nước xoáy của cơn giận. Sau đó, con có thể nối kết một cách ý thức với điều mà các thày gọi là nhân tính cơ bản của con. Nó thật sự là sự liên tục của bản thể con, là phần của bản thể của con vượt lên trên mọi thứ trên trái đất và không thể bị quy định bởi bất cứ điều gì trên trái đất. Nhân tính cơ bản này đã giúp cho một số người trong các trại tập trung duy trì phần nào ý niệm nhân bản của họ giúp họ tồn tại về mặt tâm lý và ngay cả có một cuộc sống tích cực sau đó. Con có thể nhận ra là bên trên nỗi giận là nhân tính cơ bản của con. Nó không bị thay đổi bởi nỗi giận và do đó con có thể nhìn vào cơn giận và nhận ra: “Đây không phải là tôi. Nó còn không phải là nỗi giận của tôi, nó là phản ứng của tự ngã của tôi.” Một lần nữa, phản ứng của con là chuyện tự nhiên, nhưng bây giờ con thấy là con đã tiến lên một ý niệm bản sắc cao hơn trong đó con không cần phản ứng như vậy nữa. Con thật sự có thể “buông bỏ” nó.

18.7. Thiết lập dòng chảy năng lượng tự nhiên

Con yêu dấu, thày đã nói là trên hành tinh trái đất, dòng chảy năng lượng có thể đi ngược chiều qua bốn thể phàm. Sa nhân có thể ép con vào những tình huống vật chất tạo phản ứng tình cảm đi ngược lên tầng bản sắc. Những phản ứng này đã không ảnh hưởng cái Ta Biết của con. Khi con nối kết với nhân tính cơ bản, với nhận biết thuần khiết, với ý niệm bản sắc như cái chấm, thì con có thể giải hóa nó. Một khi con giải hóa nó, thì sự xâm nhập của sa nhân vào bốn thể phàm của con bị tan biến.

Họ không còn có thể ép con phản ứng ở tầng vật lý từ đó đi ngược lên ba thể cao. Con vẫn có thể gặp những cảnh huống hay vẫn có thể phải đối đầu với một số điều kiện ảnh hưởng người khác, nhưng con có thể né tránh dòng chảy năng lượng đi ngược lên (khi con chứng kiến chuyện xảy ra trên trái đất hay trải nghiệm nó), dòng chảy này đi lên thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Thay vào đó, con có thể tái lập dòng chảy tự nhiên qua đó con làm chủ thể bản sắc, con làm chủ thể lý trí, con làm chủ thể tình cảm.

Bất kể điều gì xảy ra ở tầng vật lý, con có thể quyết định một cách ý thức sẽ phản ứng ra sao. Đây là quả vị Phật, đây cũng là những tầng cao của quả vị Ki-tô. Ở các tầng thấp của quả vị Ki-tô, con chưa làm được chuyện này. Khi con lên cao hơn, con cần tới điểm con sẵn sàng nhìn nhận những cảm xúc con có và con sẵn sàng xem xét với tâm trung hòa bất cứ cảm xúc nào trong thể tình cảm. Sau đó con cần khắc phục chúng và bỏ chúng lại đằng sau vì chỉ lúc đó con mới tránh không bị dòng năng lượng chảy ngược. Con có thể tái lập lại dòng chảy năng lượng tự nhiên cho phép con chọn một cách ý thức phản ứng của mình trước bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh vật lý nào. 

Điều này có nghĩa là con có thể một cách ý thức chọn phản ứng với tình thương, ngay cả trong những hoàn cảnh mà hầu hết mọi người khác phản ứng với sợ hãi. Đây là cách con hoàn thành mục tiêu cao nhất của con khi con xuống đây, đây là cách con làm gương, đây là cách con kéo tâm thức tập thể lên. Dù con đã kéo mình lên khỏi tâm thức tập thể, con vẫn còn một cảm nhận nào đó, một ký ức nào đó, một sự kết nối nào đó với nó. Đây không phải là loại kết nối áp đảo con mà là loại kết nối cho phép con kéo tâm thức tập thể lên. Có thể nói, con là sợi thớ trong tấm thảm và khi con kéo mình lên, con kéo toàn thể tấm thảm lên theo.

Con yêu dấu, đây là tầm nhìn cao của việc áp dụng giáo lý của Sanat Kumara và của các thày khác để con tới được điểm con biết tại sao con ở đây và con biết con đang hoàn thành lý do vì sao con ở đây. Con bình an với chuyện con ở đây, con chấp nhận con đang đầu thai trên hành tinh này ở thời điểm này. Do đó, con cảm thấy thoải mái với chính mình nhưng hơn thế nữa, con cảm điều mà Phật cảm về Phật. Cảm nhận này vượt lên trên ngôn từ, vượt lên trên an bình, vượt lên trên sự tốt lành, vượt lên trên tình thương. Đây là một cảm nhận không cần mô tả thành lời, nhưng con có thể có cảm nhận này. Khi con có nó, con sẽ hiểu tại sao nó vượt lên trên ngôn từ.

Con yêu dấu, thày cũng gửi lòng biết ơn tới rất đông các con đã tới dự hội nghị này và sẵn sàng nâng cao tâm thức mình. Do đó, thày như là một vị Phật mà thày là, được hân hạnh và hân hoan niêm tất cả các con, từng cá nhân các con một, và thày niêm hội nghị này trong trái tim và sự an bình của Phật mà thày là. TA LÀ Gautama.

Lối hành xử tâm linh của con

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 4 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiêng Giê-su Ki-tô, và thày muốn bắt đầu bằng một lời thú nhận. Các thày, những chân sư thăng thiên có phần nào giống như những người bán xe cũ dùng một kỹ thuật bán hàng gọi là “dụ và chuyển”. Cách họ làm là trưng một tấm bảng lớn trong bãi đậu xe quảng cáo một kiểu xe đang bán rất rẻ, và sau đó, khi khách hàng tới hỏi thì họ nói: “Thật không may là chúng tôi đã bán chiếc xe cuối rồi, nhưng chúng tôi có một xe kiểu khác mà chúng tôi có thể bán cho quý vị với giá tốt.” Các thày có đôi phần phải làm như vậy, và thày muốn giải thích vì sao lại như vậy.

11.1. Vì sao ngày nay quá ít tín đồ Ki-tô giáo nghe lời Giê-su giảng

Bây giờ thì con có thể đặt một câu hỏi giản dị. Ở đây có một nhóm người không những tin thày là Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô đang nói qua trung gian một người sứ giả, nhưng các con còn trải nghiệm trong tim mình bằng chứng sống của sự việc đó. Vì sao lại không có hàng ngàn hay hàng triệu người tự coi là tín đồ Cơ đốc giáo chịu nghe Giáo lý Hằng sống của thày? Lý do là vì họ đã tạo nên nhiều hình ảnh, chờ đợi, điều kiện trong tâm khiến họ phải vượt lên trên các điều này để có thể chấp nhận là: 1) thày vẫn đang hiện hữu trên một cõi cao; 2) thày sẵn sàng nói chuyện với nhân loại; và 3) thày đang nói chuyện với nhân loại. Tuy nhiên, họ không chịu buông bỏ các điều kiện đó, và điều này có nghĩa là chúng tạo nên một phin lọc. Nếu thày muốn nói chuyện với họ, thì thày phải tuân theo các điều kiện này thì họ mới chấp nhận điều thày nói, và ngay cả là thày đang nói điều gì đó.

Lẽ tự nhiên, thày hoàn toàn không thể tuân theo các điều kiện của người Công giáo, Cơ đốc giáo cực truyền thống hay Lutheran mà vẫn nói được điều gì mới. Họ quá chú tâm vào quá khứ, vào điều mà họ tin là đã được nói trong quá khứ, vào những gì giáo hội của họ đã diễn giải suốt nhiều thế kỷ. Có quá nhiều lớp vỏ diễn giải, hay phải nói là bóp méo, những lời giảng và giáo lý nguyên thủy của thày nên đa số tín đồ Cơ đốc giáo đã bị mắc kẹt trong đó, và họ cho rằng nếu thày không làm theo những điều kiện mà giáo hội của họ đã quy định, thì thày không thể là Giê-su thật. Nếu thày phải tuân theo tất cả các điều kiện này, thì thày sẽ nói gì? Không một lời nào cả, con yêu dấu, vì họ không muốn và không cần thày nói bất cứ điều gì. Họ thỏa mãn với những diễn giải mà họ có. Con thấy chăng, đây là tình trạng khó xử căn bản mà các thày đối mặt trên trái đất.

Làm sao các thày, là chân sư thăng thiên, có thể giúp những người chưa thăng thiên? Nếu trình độ tâm thức hiện nay của con đủ để con vào thiên đàng, vào cõi tâm linh, thì các thày không cần làm gì cả. Nếu trình độ tâm thức hiện nay của con đã đủ để con vào thiêng đàng, thì tại sao con lại chưa ở trong thiêng đàng?

Sự kiện đơn giản là trình độ tâm thức hiện nay của con chưa đủ. Nếu các thày có thể giúp con thì các thày phải cho con một điều gì vượt quá hộp tư duy hiện tại của con, phin lọc hiện tại của con. Nếu con dùng phin lọc hiện tại của mình để bác bỏ bất cứ điều gì vượt quá phin lọc, thì các thày bị kẹt cứng. Các thày phải tuân thủ Luật Tự quyết. Các thày không thể ép buộc con.

Điều này thật sự có nghĩa là khi các thày tìm cách giúp nhân loại – và lẽ dĩ nhiên các thày tìm cách giúp tất cả mọi người bằng cách này hay cách khác – thì các thày cần nhìn vào một nhóm người và xem xét trình độ tâm thức của họ. Các thày cần xem xét hình ảnh mà họ có về thế gian, quan điểm của họ về thế gian. Các thày cần xem xét những chờ mong của họ và các thày không tìm cách trao cho họ chân lý cao nhất hay tối hậu. Các thày chỉ giản dị xem bước kế tiếp của họ là gì. Bước kế tiếp trong tiến trình tiến hóa của họ là gì, và các thày có thể làm gì để giúp họ nhảy vọt lên tầng kế tiếp?

Rất có thể là có 143 tầng tâm thức trên tầng tâm thức hiện tại của họ. Điều này không giúp ích gì cho họ vì họ không thể nhảy vọt từ tầng thứ nhất lên tầng thứ 144 – họ phải nhảy từ tầng thứ nhất lên tầng thứ hai, hay là từ tầng 48 lên tầng 49. Các thày phải để ý chuyện này, và đây là lý do vì sao thày so sánh với chiến thuật dụ và chuyển.

Các con hiểu rằng để bất cứ ai có thể làm điều gì mới, điều gì khác, để bất cứ ai có thể chấp nhận một giáo lý nào đó – về phương diện tâm linh, thần bí hay bất cứ gì khác – thì họ cần một động lực thúc đẩy. Động lực đó tùy thuộc trình độ tâm thức hiên tại của họ, cách họ nhìn thế giới, những gì họ chờ mong lúc đó. Điều gì thúc đẩy con người? Họ muốn được điều gì mà họ đang không hiện có? Các thày có thể dùng điều này để cho họ một ý tưởng, một giáo lý, có thể giúp họ đi bước kế tiếp chăng? Đây là điều mà các thày phải làm với tất cả mọi người, con yêu dấu.

Như Đức Khrisna có nói hôm qua, có những người chỉ sẵn sàng sùng kính, đi theo con đường sùng kính, do đó thày Krishna không tìm cách dạy họ một giáo lý mà họ không thể hiểu. Thày chỉ giản dị phản ánh lại sự sùng kính mà họ hướng tới thày, và trên đường dài điều này sẽ giúp họ tiến lên tầng kế tiếp. Sau đó, trong một kiếp tương lai nào đó, họ sẽ có thể hiểu một giáo lý cao hơn, nhưng các thày không tìm cách cho mỗi người hơn những gì mà các thày lượng định họ có thể tiếp nhận.

11.2. Đối phó với nghi ngờ trên con đường quả vị Ki-tô

Lý do vì sao thày nói với các con những chuyện này là vì con là đệ tử chân sư thăng thiên, và chúng sẽ giúp con đi trên con đường của quả vị Ki-tô. Khi con đã đi trên con đường tu một thời gian, thì con đã tiến triển, con đã nâng tâm thức mình lên trên trình độ mà con có khi con tìm ra giáo lý và bắt dầu áp dụng nó. Con sẽ tới điểm con sẽ được lợi lạc nếu con bước lùi lại, nhìn vào chính mình, nhìn vào con đường tu của mình, và nói: “Điều gì đã thật sự thúc đẩy tôi đi vào và áp dụng giáo lý của các chân sư thăng thiên? Tôi đã mong muốn điều gì, tôi đã mong chờ điều gì, tôi chờ đợi điều gì khi tôi bắt đầu đi vào con đường tu?”

Nếu con làm chuyện này, thì tất cả các con sẽ khám phá là mình có một thúc đẩy nào đó, có một điều nào đó mà mình muốn đạt được khi đi vào con đường tâm linh. Khi con tìm ra giáo lý lần đầu, thì có lẽ động lực thúc đẩy con không phải là thăng thiên hay biểu hiện quả vị Ki-tô. Con có lẽ có một động lực nào khác – có thể là tìm hiểu biết, có thể là tìm chữa lành, có thể là tìm quyền năng đặc biệt, có thể là tìm sự sung túc, hay điều nào khác. Con người có đủ loại động lực khác nhau, và thày chắc chắn không chỉ trích, hạ thấp hay ngay cả lượng giá những động lực đó. Con phải bắt đầu ở điểm con ở lúc đó, và dùng động lực mà con có lúc đó để học và áp dụng giáo lý. Sau khi con đã làm như vậy một thời gian, thì con có thể bước lui lại, nhìn vào chính mình và nói: “Động lực nguyên thủy của tôi là gì, tôi chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra?” Sau đó, con có thể nói: “Dựa trên hiểu biết cao hơn mà tôi có ngày nay, hiểu biết cao hơn về con đường tâm linh, dựa trên sự kiện là tôi ngày nay đã lên một tầng tâm thức cao hơn (và lẽ dĩ nhiên con cần nhìn nhận là con đã lên một tầng tâm thức cao hơn), thì bây giờ tôi nghĩ gì về động lực đã thúc đẩy tôi? Nó có phải là động lực mà tôi có bây giờ, hay là tôi nay đã phát triển một động lực cao hơn vì bây giờ tôi thấy là con đường tu có nhiều sắc thái hơn những gì tôi có thể thấy khi tôi bắt đầu? Có một mục đích khác, một mục đích cao hơn mà tôi bây giờ có thể thấy, mà lúc đó tôi không thể thấy.”

Lý do vì sao chuyện này trở nên quan trọng là vì nếu con không xem xét động lực của mình thì đâu đó trong bốn thể phàm của con vẫn còn một phàm linh nội tại, một khuôn đúc, một động lượng mang động lực nguyên thủy, chờ mong nguyên thủy của con. Sau một thời gian, điều có thể xảy ra cho một số đệ tử là họ bắt đầu nhận ra là động lực nguyên thủy của họ không phải là động lực cao nhất. Chính thực là động lực đó không thực tiễn vì nó không dựa trên tính chất thực của con đường tâm linh. Trong một phần nào đó của bản thể người đệ tử, họ nhận ra là động lực và chờ mong nguyên thủy là một giấc mơ không thể nào thành tựu được. Vì họ chưa xem xét phàm linh đó (phàm linh đang giữ chặt sự chờ mong đó, chờ để nó được thực hiện) nên họ chưa giải quyết được nó và buông bỏ nó.

Sẽ có một phàm linh bắt đầu cảm thấy chán nản, thất vọng và bất toại nguyện vì nó bắt đầu nghi ngờ là chờ mong nguyên thủy có thể sẽ không bao giờ thành tựu. Nó có thể khởi lên đủ loại suy nghĩ và ngờ vực, và lẽ dĩ nhiên các tà lực có thể nhân đó phóng chiếu nghi ngờ vào tâm con: “Con đường tâm linh có dẫn tới thành công chăng? Điều này có thực sự đúng không? Con có thể thành công trên con đường tâm linh không, hay chỉ có người khác thành công thôi? Hay chỉ có một số rất nhỏ thành công thôi? Phải chăng là những người tu thành công rất đặc biệt và điều này không áp dụng cho tôi?” Tất cả những ý tưởng đó có thể khởi lên.

Tất cả các con có lẽ đều đã có một hình thức nào đó của những nghi ngờ này phóng chiếu vào tâm mình. Điều con có thể làm là xem xét động lực nguyên thủy, chờ mong nguyên thủy của mình. Sau đó, con có thể thấy: “Động lực đó, chờ mong đó có thiết thực hay chăng, dựa trên những điều mà bây giờ tôi thấy, bây giờ tôi hiểu, dựa trên những gì tôi đã trải nghiệm, dựa trên sự kiện tôi bây giờ đã thấy một mục đích mới, và do đó tôi thực sự đã có một chờ mong mới cao hơn?” Sau đó, con có thể nhìn vào phàm linh nguyên thủy và nhận ra là nó vẫn còn đó. Khi con xem xét động lực của riêng con, thì con có thể thấy là nó hoặc không thiết thực hoặc có lẽ ấu trĩ hay thiếu sót. Con có thể tới điểm giải quyết vấn đề khi con nhận ra: “Nhưng tôi không còn nhìn con đường tâm linh như vậy nữa. Tại sao tôi lại chờ đợi kết quả đó trên con đường tu khi tôi bây giờ biết rất nhiều hơn về con đường tu?” Sau đó, con có thể cho phép mình đi vào phàm linh và xua đuổi nó một cách có ý thức. Con có thể nói: “Bớ Satan, hãy đứng ra đằng sau ta.” hay giản dị hơn: “Tôi không còn cần bạn trong cuộc đời tôi nữa.” Lẽ dĩ nhiên con có thể đọc chú đọc thỉnh tới bất cứ vị chân sư nào để xin việc này, khi con nhận ra nó: Astrea, Đại thiên thần Michael, hay chính thày, hay bất cứ vị chân sư nào khác để tiêu trừ thực thể đằng sau nó. Con có thể kêu gọi các thày giúp con thấy phàm linh, thấy chờ mong mà con có lúc trước, và thấy các điều đó cho biết gì về cách con nhìn con đường tâm linh lúc đó.

11.3. Giảng dạy cho nhiều trình độ tâm thức khác nhau

Tại sao việc này lại quan trọng? Nó quan trọng cho chính con, vì lẽ đương nhiên, khi con có một phàm linh nội tại đang giữ chặt một động lực không còn ứng dụng cho con nữa, thì tâm con có sự chia rẽ và nó sẽ kéo con lại. Điều quan trọng khác là đa số các con, trước khi con đầu thai ở kiếp này, đã đạt tới một tầng của con đường tu nơi con không còn hoàn toàn lo giải quyết các vấn đề cá nhân của mình nữa, mà có khả năng và ý muốn đảm đương một số vấn đề của tập thể.

Nhiều người trong các con đã chọn đầu thai vào một môi trường để mang vào một chờ đợi về Thượng đế, tôn giáo, và tâm linh là một khuôn nếp trong tâm thức tập thể. Lẽ dĩ nhiên, có một phàm linh hay quái vật đằng sau khuôn nếp đó, nhưng con đã chọn mang nó vào để, khi con nâng mình lên khỏi nó và giải quyết tâm thức, niềm tin, chờ đợi, thì con sẽ giúp nâng tâm thức tập thể lên. Lẽ đương nhiên, chỉ khi nào con nâng được tâm thức của mình lên khỏi khuôn nếp, thì con mới nâng được tâm thức tập thể lên.

Con có thể tiến thêm một bước nữa và nhận ra vì sao thày đã ví các chân sư thăng thiên với những người bán xe cũ. Khi các thày trao truyền một giáo lý, thì các thày nhắm vào một nhóm người nào đó. Các thày xem xét tâm thức của họ đang ở tầng nào: “Họ sẵn sàng nhận giáo lý nào, họ chờ đợi những gì, động lực nào thúc đẩy họ?” Các thày biết là muốn thu hút những người đó vào giáo lý, thì các thày phải cho họ cái gì khế hợp với động lực mà họ có ngay lúc này ở tầng tâm thức hiện tại của họ. Các thày cũng biết đây không phải là hiểu biết tối hậu về con đường tâm linh và con đường dẫn tới thăng thiên.

Đó là lý do vì sao các thày biết là các thày cần dẫn đệ tử vào và dần dần trao cho họ giáo lý cao hơn để họ có thể thích nghi và gia tốc, xoay chuyển tâm thức và dần dần nâng động lực lên. Lúc đó, họ nhận ra rằng điều đã dẫn họ vào giáo lý là điều họ có thể tiếp nhận lúc đó, nhưng bây giờ thì họ đã sẵn sàng nhận một cái gì cao hơn nhiều nữa, vì bây giờ họ hiểu biết nhiều hơn nhiều về con đường tâm linh. Khi con giải tỏa chờ mong ban đầu, con không cảm thấy thất vọng, con không cảm thấy bị lừa gạt. Con thực sự nhận ra nhu cầu dùng một phương pháp như vậy trên một hành tinh như trái đất, và do đó con chỉ giản dị nói: “Các chân sư đang muốn trao truyền điều gì cho tôi lúc này? Tôi sẵn sàng đón nhận điều gì lúc này?”

11.4. Lối hành xử tâm lý của con

Con có thể tiến thêm bước nữa và nhận ra một điều khác. Trong hệ thống đối phó nạn phạm pháp tại nhiều quốc gia, tỷ dụ như tại Hoa Kỳ, cảnh sát tìm cách phân loại những kẻ phạm pháp dựa trên điều mà họ gọi là “lối hành xử” (modus operandi) của họ. Lý do là họ đã khám phá là phạm nhân là những con người hành xử theo thói quen, và khi họ đã phạm một tội ác, thì họ có khuynh hướng gây tội theo cùng một kiểu. Khi cảnh sát nghe tới một tội ác đã diễn ra theo một lối hành xử nào đó, thì họ thường biết phạm nhân nào có xác suất phạm tội đó. Họ có thể tìm xem người đó ở đâu vào lúc đó, và họ có thể bắt được can phạm dựa trên điều tra đó. Bây giờ, lẽ dĩ nhiên các con không là phạm nhân, con yêu dấu, nhưng tất cả mọi người đều có một cái mà ta có thể gọi là lối hành xử tâm lý.

Lẽ đương nhiên, các thày đã đề cập đến chuyện này khi các thày giảng về tự ngã, về các phàm linh nội tại, nhưng thày sẽ chỉ giản dị giảng dưới một góc độ khác. Điều mà thày muốn con làm là (không nhất thiết là làm ngay bây giờ và ở đây, nhưng một khi con về nhà và thấm nhập những điều con học được từ hội nghị này) là bước lui lại và xem xét: “Tôi liên hệ như thế nào với vũ trụ vật chất, với cõi vật chất? Lối hành xử của tôi ra sao khi tôi liên hệ với cõi vật chất? Tôi chờ đợi những gì? Tôi nghĩ chuyện gì có thể xảy ra và không thể xảy ra? Tôi nghĩ chuyện gì phải xảy ra và không được xảy ra?” Nếu con sẵn sàng làm bài tập này, và nếu con muốn thì cũng thỉnh thoảng xin các thày giúp, thì con có thể thấy là con có một lối hành xử nào đó khi con liên hệ với thế giới vật lý. Khi con gặp một số hoàn cảnh trong thế giới vật lý, thì dường như con bị kích hoạt để đi vào lối hành xử đó, khuôn nếp phản ứng đó.

Vị sứ giả này có cho biết là ông ít khi nổi cáu, nhưng ông lại nổi cáu mỗi khi ông làm chiếu khán vào nước Nga hay khi ông bị phạt vì đậu xe trái phép. Điều này cho thấy ông có một số chờ đợi chuyện gì phải xảy ra cho ông trong vũ trụ vật lý. Khi một chuyện tương tự xảy ra, thì thay vì nhìn vào hoàn cảnh giống như ông bình thường nhìn vào đa số các hoàn cảnh, thay vì giữ tâm không dính mắc, thì ông mặc nhiên đi vào một phản ứng xúc cảm đặc trưng cho rằng chuyện này không được xảy ra, chuyện này quả thật không đúng, và ông đáng lý phải được quyền đậu xe ngoài một cửa tiệm trong vòng 10 phút mà không bị phạt. Con yêu dấu, sự chờ đợi này có thể rất phải chăng nhưng thực tế là nó thật sự giới hạn mối liên hệ của con với cõi mẹ.

Con lấy một số điều kiện trong xã hội, các điều kiện này có thể do con người tạo ra hay do sa nhân gây nên, và con phóng chiếu (tạo ra) một chờ đợi dựa trên những điều kiện đó. Con phóng chiếu lên cõi mẹ là cõi mẹ là như vậy, và kết quả này lúc nào cũng xảy ra. Phóng chiếu này có hậu quả gì? Nó ngăn trở con làm theo lời dạy của Saint Germain vì con không chấp nhận là một cái gì cao hơn có thể xảy ra. Con thực sự trở nên cái mà các thày đã nói tới: một tiên đoán tự trở thành hiện thực. Điều con chờ đợi nơi cõi mẹ là điều con gửi tới tấm gương hoàn vũ, và như các thày đã nói nhiều lần, tấm gương làm được gì khác ngoài việc phản ánh lại con điều con gửi tới nó? Con thấy là nếu con muốn tránh những hoàn cảnh như vậy, thì con phải xem xét lối hành xử của mình. Con liên hệ với cõi vật chất như thế nào? Sau đó, con cần khám phá con chờ đợi chuyện gì phải xảy ra và chuyện gì không được xảy ra. Sau đó, con cần tự hỏi con có muốn mang theo những chờ mong này với con hay không, khi con biết rằng chúng sẽ trở nên những tiên đoán tự trở thành hiện thực.

Điểm cốt yếu là: Con đang sống trong một vũ trụ thân thiện hay một vũ trụ thù địch? Con đang sống trong một vũ trụ đang tìm cách hại con hay con đang sống trong một vũ trụ trong đó ít nhất có một số lực đang hết lòng hỗ trợ con, hỗ trợ sự tăng trưởng của con, hỗ trợ hạnh phúc của con, và giúp con cảm thấy thoải mái với chính mình? Nếu con nghe bài vị sứ giả này phát biểu rằng ông cảm thấy cuộc sống tuyệt vời và có một chờ đợi tích cực về tương lai, thì con thấy là ông thường tin rằng ông sống trong một vũ trụ thân thiện. Nhưng khi ông xin chiếu khán vào nước Nga, thì ông không nghĩ nhân viên lo chiếu khán của nước Nga thân thiện với ông hay hỗ trợ ông, và đó là lý do vì sao ông thể hiện sự trục trặc mà ông gặp phải. Thày không nói là nước Nga có thủ tục cấp chiếu khán hợp lý. Nó thật sự quá phức tạp và chỉ có tác dụng gây tổn thương cho chính nước Nga, nhưng đây không phải là vấn đề. Vấn đề là vị sứ giả này đã có phản ứng như vậy vì ông, ở một tầng nào đó của bản thể của ông, tin rằng nước Nga không phải là một nước thân thiện. Điều này phần nào liên hệ đến một biến cố bi thảm mà ông gặp trong một kiếp trước, nhưng tuy vậy nó cho thấy là con có những lối hành xử về những gì mình chờ đợi. Bây giờ, liên quan đến chuyện bị phạt vì đậu xe trái phép, thì ông không chờ đợi là cơ quan công quyền hay thư lại thân thiện với ông hay có mặt để hỗ trợ ông. Ông chờ đợi là liên hệ với cơ quan thư lại không thoải mái và các cơ quan này hay gây khó dễ cho người dân một cách không cần thiết. Con yêu dấu, con có thể nói điều này đúng. Nhưng câu hỏi mà ta phải đặt cho vị sứ gỉả này là: “Ông có muốn mang theo chờ đợi này suốt đời hay không, hay ông muốn bỏ chúng lại đằng sau?” Câu hỏi mà con nên đặt ra cho mình là: “Tôi có lối hành xử nào? Tôi chờ đợi gì nơi vũ trụ vật lý? Nó có thân thiện chăng? Nó có đang hỗ trợ tôi chăng, hay có gì đang tìm cách hại tôi?”

11.5. Ảnh hưởng của tà lực

Lẽ đương nhiên thày hiểu là khi thày nói như vậy thì có thể gây hoang mang cho các con, vì các thày đã giảng về tà lực, và chúng đang tìm cách hại con, con yêu dấu. Nhưng đây không phải là điều thày muốn nói; thày muốn nói là con phải biết phân biệt. Con nhận ra là có tà lực, con nhận ra là có những người không có thiện ý, nhưng điều thày muốn nói là cách con nhìn cõi mẹ, vũ trụ vật lý nói chung. Điều thày muốn nói là: con đừng lấy sự kiện có sa nhân trên hành tinh này, con đừng lấy tất cả những khuấy động mà họ đã tạo ra, con đừng phóng chiếu những việc này lên cõi mẹ và nói: “Cõi mẹ là như vậy đó.” Con đừng nói là cõi mẹ đối xử với con như sa nhân đối xử với con. Các thày đã nói trước đây: Các con đừng nhìn các thày như các con nhìn sa nhân. Các con đừng nghĩ các thày nhìn các con như sa nhân nhìn các con. Các con đừng nghĩ các thày suy nghĩ giống như sa nhân. Con hãy làm giống như vậy với cõi mẹ. Con đừng đặt lên cõi mẹ những chờ đợi mà con có dựa trên những gì sa nhân đã làm.

Lẽ dĩ nhiên sa nhân vẫn còn ở đây, lẽ dĩ nhiên có nhiều chuyện không phải đang xảy ra trên trái đất, và các thày muốn các con đọc chú đọc thỉnh về các vấn đề này. Thày ở đây chỉ nói đến liên hệ cá nhân của con với cõi mẹ, với vũ trụ vật lý. Con đang sống trong một vũ trụ thân thiện hay con nghĩ trái đất tăm tối quá và vũ trụ, cõi vật lý, là kẻ thù địch của con? Thày có thể bảo đảm với con là dù hành tinh này có tăm tối đến đâu thì cõi mẹ vẫn sẵn sàng hỗ trợ con và hỗ trợ sự tăng triển của con. Cõi mẹ chỉ có thể phản ánh lại con những gì con phóng chiếu ra ngoài. Nếu con muốn nhận được phản hồi khác, thì con phải thay đổi điều con phóng chiếu ra. Không có cách nào khác.

11.6. Cách con liên hệ với các chân sư

Bây giờ thì con có thể tiến thêm bước nữa và xem xét lối hành xử của con khi con liên hệ với các chân sư thăng thiên. Con có thể trở về lần đầu tiên khi con nghe đến giáo lý chân sư thăng thiên, và xem điều gì đã thúc đẩy con tìm hiểu giáo lý đó. Động lực này nói gì về cách con nhìn các thày, cách con thấy tiềm năng của việc liên hệ với các thày hay không liên hệ với các thày? Sau đó, con có thể khám phá là con có một số chờ đợi, một số quan niệm về các thày. Nhiều người trong các con sẽ khám phá là quan niệm của con về các thày dựa trên cách một số tôn giáo mô tả Thượng đế. Nhiều người trong các con có quan niệm về các chân sư thăng thiên dựa trên cách tín đồ Cơ đốc đã thần tượng hóa thày và đặt thày lên một bệ cao, quá tầm với của con, như là người con duy nhất của Thượng đế. Lẽ dĩ nhiên, với đa số các con đây không phải là sự chờ đợi của riêng con. Đây là một điều mà con đã tình nguyện mang vào để giúp nâng tâm thức tập thể lên, nhưng để có thể nâng tâm thức tập thể lên, thì con phải giải thoát tâm mình khỏi quan niệm đó. Con có thể vẫn còn một số chờ đợi, một số phàm linh nội tại, mà con chưa nhận ra và loại bỏ.

Điều này lại liên quan đến chiến thuật dụ và chuyển. Các thày biết con người chờ đợi những gì; các thày biết họ có thể nhìn các thày như thế nào. Khi các thày trao truyền một giáo lý chân sư thăng thiên, thì các thày phải thích nghi nó với những động lực và chờ đợi của con người, và do đó các thày tự bày tỏ mình một cách nào đó. Một số trong các con biết là trong thế kỷ vừa qua các thày đã bảo trợ một số tổ chức và trao truyền một số giáo lý, vậy nếu các con trở về tìm hiểu các giáo lý đó, thì các con sẽ thấy là lúc ban đầu các thày đã bày tỏ mình một cách nào đó. Cách các thày bày tỏ mình đã theo một tiến trình qua các phong trào và giáo lý. Điều mà các thày trao truyền ngày nay là một trình độ hiểu biết cao hơn, vì các thày muốn cho các con thấy là khoảng cách giữa các con và các thày nhỏ hơn điều mọi người thường nghĩ.

Trong một số tổ chức trong quá khứ, các đệ tử đã đặt các chân sư thăng thiên lên một bệ cao hơn họ rất nhiều. Lẽ đương nhiên, các thày hiểu nhu cầu của con người, các thày hiểu những chờ đợi của họ. Các thày hiểu là nhiều người muốn tiến tới gần cõi tâm linh nhưng không gần quá. Vì lẽ gì mà 1.3 tỷ tín đồ Cơ đốc không muốn nghe Giáo lý Hằng sống của thày mà chỉ muốn nghe đức Giáo hoàng? Ấy, đó là vì họ không thực sự muốn lại gần sinh thể tâm linh hằng sống mà thày là. Họ không muốn giáp mặt Bản thể của thày vì như vậy họ sẽ phải thay đổi. Các thày cũng biết là nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã tới một tầng tâm thức khiến họ sẵn sàng đón nhận sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên. Họ muốn học giáo lý của các thày, họ muốn trải nghiệm các bài truyền đọc, nhưng họ không muốn các thày tới gần họ quá.

Dường như là các đệ tử đó muốn giữ một khoảng cách và họ nói: “Con muốn ngồi ở cuối lớp và học các thày từ xa xa.” Điều họ thực sự nói là: “Con muốn giữ một khoảng cách vì con không muốn thày tới và nhìn vào con. Con không muốn thày thấy con như con đang là ngay bây giờ. Thày hãy để con ngồi trong bóng tối để con có thể giả vờ là thày không thấy được con.” Đây là tất cả những gì họ sẵn sàng làm, và thày đang khôi hài, nhưng thày thật sự không hề muốn chê bai họ. Thày hiểu nhu cầu của họ; thày tôn trọng nhu cầu của họ. Thày cũng đang trao truyền một giáo lý cho những đệ tử đã sẵn sàng tiến lên cao hơn, đây là những người sẵn sàng nhìn vào lối hành xử của mình đối với các chân sư thăng thiên, cách họ liên hệ với các thày, điều họ chờ đợi và không chờ đợi, điều họ chờ đợi sẽ xảy ra và không xảy ra.

Nếu con xem xét chuyện này, thì con sẽ nhận ra là con thực sự đã có một hiểu biết cao hơn về con đường của quả vị Ki-tô. Do đó, động lực nguyên thủy của con, cách con nhìn các chân sư thăng thiên lúc ban đầu, nay là một gánh nặng mà con đang kéo lê theo mình. Nó không còn thích ứng với trình độ hiểu biết hiện tại của con. Nếu con thấy nó thì con có thể loại bỏ nó, và con không còn sự chia rẽ trong bản thể mình khi có điều gì kéo con về phía các thày và điều gì khác kéo con ra khỏi các thày. Sau đó, con tiến lên một bước nữa và liên hệ với các thày một cách mật thiết hơn.

Vị sứ giả này mô tả là ông đã theo học giáo lý chân sư thăng thiên và thực hành miên mật trong hơn 15 năm, và một ngày kia ông bỗng nhiên tới điểm nhìn hình ảnh các thày và nói: “Con muốn nhiều hơn nữa. Con muốn liên hệ mật thiết hơn với các thày. Con muốn tương tác trực tiếp với các thày.” Các con đều có tiềm năng lấy một quyết định tương tự. Thày không muốn con lấy quyết định đó với tâm vỏ ngoài, nhưng thày muốn con, với tâm vỏ ngoài, xem xét mình đang ở đâu trên con đường tu. Con sẵn sàng làm điều gì? Con có sẵn sàng tiến lên một tầng cao hơn chăng? Con có sẵng sàng tới gần hơn một chút và nói: “Giê-su, thày có thể thỉnh thoảng nhìn con. Thày có thể tới nói con một số điều, nhưng thày đừng nói nhiều quá, quá mức mà con có thể chịu đựng.” Thày bảo đảm với con là các thày sẽ đáp ứng nguyện vọng này, vì thật ra các thày làm gì khi các thày có đệ tử, có một liên hệ thày-trò với một đệ tử? Con đường tâm linh, con đường của quả vị Ki-tô là gì? Nó hoàn toàn là tiến trình đi vào hợp nhất.

11.7. Con Đường Hợp nhất

Rốt cuộc thì con đường tu là cái Ta Biết đi vào hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Như một bước chuyển tiếp, các thày cống hiến một con đường trên đó khi con có một giáo lý vỏ ngoài con có thể hiểu các thày dễ dàng hơn là con hiểu Hiện diện TA LÀ. Con đường thực sự của các chân sư thăng thiên là con nhập một với các thày, hay ít ra là với vị thày gần tim con nhất. Con thấy là khi con lần đầu tìm ra giáo lý, thì con có thể vẫn còn mang theo khuynh hướng thờ kính của Cơ đốc giáo muốn đặt vị thày lên một bệ cao. Do đó, con có thể đã nghĩ là để liên hệ được với một vị thày cao xa đó thì con phải tới được một trình độ toàn hảo nào đó. Con cảm thấy là con chưa đạt tới trình độ đó, và đó là lý do vì sao con chỉ muốn ngồi ở cuối lớp để vị thày không thể nhìn thấy con và con có thể lẩn trốn vì con sẽ cảm thấy điều gì đó – nhục nhã, tội lỗi, hổ thẹn, hay bất cứ cảm giác nào khác – khi vị thày thấy các bất toàn của mình. Lẽ đương nhiên các thày cho phép con làm như vậy, nhưng nhiều người trong các con đã tới điểm có thể xoay chuyển tâm thức. Con nhận ra là con không bị đau đớn khi các thày nhìn vào con và chỉ cho con thấy vài điều. Các thày luôn luôn chỉ làm vậy với mục đích giúp con tăng triển và được tự do hơn. Nếu con tự do hơn thì chuyện gì xảy ta? Con cảm thấy thoải mái hơn với chính mình.

Khi con còn ngồi ngoài xa xa và muốn giấu giếm điều gì với các thày, thì con cũng giấu giếm cái đó với chính con.Nếu con giấu giếm điều gì đó với chính mình thì con không thể khắc phục nó. Điều mà con giấu giếm sẽ khiến con cảm thấy không vui với chính mình một cách nào đó. Chỉ khi nào con nhìn vào nó và khắc phục nó thì con mới sẽ thoải mái với chính mình. Đây là điều giản dị, là lô-gíc giản dị.Thày biết rằng 99.999999 phần trăm con người trên trái đất không nghĩ điều này giản dị, nhưng nó thực sự giản dị, ít ra là khi con đã tới tầng tâm thức hiện tại của con. Con có thể tới điểm con nhìn lối hành xử của mình và con thấy là con vẫn còn mong muốn giữ khoảng cách với các chân sư. Con có thể nói với nó: “Tôi không cần bạn nữa. Tại sao bạn vẫn còn lẩn quẩn ở đây. Tránh xa ra!”

Sau đó, con có thể xoay chuyển và bắt đầu hỏi mình một câu đơn giản: “Tôi muốn theo loại chân sư nào? Một chân sự thân thiện hay một chân sư thù địch?” Lúc đó, con nhận ra là hình ảnh mà sa nhân đã phóng chiếu lên tâm thức tập thể từ mấy ngàn năm nay là Thượng đế là một Thượng đế thù địch. Do đó, bất cứ ai trên cõi tâm linh và là đại diện Thượng đế chắc chắn phải là một sinh thể thù địch. Ngay cả trong một số tổ chức chân sư thăng thiên quá khứ, con có quan niệm là, tỷ dụ, thày El Morya hay Serapis Bey là người trọng kỷ luật nghiêm khắc. Họ giống như các thày giáo cổ lỗ chỉ tìm cớ để phát mông học trò. Thày El Morya không cầm trong tay một cây gậy để đánh đệ tử. Thày chưa bao giờ làm vậy, và sẽ không bao giờ làm vậy.

Con thấy chăng, hình ảnh trong tâm thức tập thể của một người thày giáo thù địch chỉ chực kỷ luật con (hay phơi bày những tật xấu của con hay khiến con cảm thấy tội lỗi vì có điều gì bất toàn) không phải là điều các thày thực sự là. Nó hoàn toàn xa vời sự thực các thày là. Khi con nhận ra hình ảnh này trong chính mình, thì con có thể bắt đầu tách mình ra khỏi nó. Con có thể đứng lui lại và thấy nó, và sau đó con thực sự buông bỏ nó.

Con sẽ tới điểm – con có thể cần đọc một số bài thỉnh và cầu thỉnh sự chuyển hóa năng lượng, con có thể cần xin các thày trợ giúp để thấy nó – con chỉ giản dị buông bỏ nó. Con cảm thấy tức khắc nhẹ nhàng hơn và bỗng nhiên nhận ra là các thày không phải là thù địch. Các thày không chực bắt lỗi con. Các thày không chực phơi bày con. Các thày không chực hạ nhục con.

11.8. Vì sao con sợ các chân sư

Thày biết là một số người sẽ lấy bài giảng này và cảm thấy là thày đang phơi bày điều gì không phải trong tâm lý của họ. Một lần nữa, họ sẽ phóng chiếu hình ảnh là thày đang chực phơi bày điều gì đó trong con. Lẽ đương nhiên, có thể nói là thày đang làm chuyện đó, nhưng thày đang không phơi bày một chuyện để khiến con cảm thấy nhục nhã hay hổ thẹn. Thày chỉ muốn giải thoát con. Đây là lúc con có thể tiến lên một bước nữa, và khi con nhìn vào hình ảnh mà con có về các vị thày tâm linh và con chờ đợi họ sẽ làm gì và không làm gì, thì con có lẽ sẽ nhận ra khía cạnh tiêu cực của cái nhìn đó. Tỷ dụ, con có thể nghĩ là các thày sẽ phơi bày điều gì đó trong con, và con có thể xem xét con có nỗi sợ nào liên quan đến việc đó.

Nếu thày lôi một trong các con lên đây và nói là con có khuynh hướng nào đó trong tâm lý của con, thì con sẽ cảm thấy thế nào? Bây giờ, tất cả các con hãy lấy vài phút để thử làm bài tập này. Con hãy tưởng tượng mỗi người trong các con bị lôi lên đây đứng trước một nhóm người, và thày nói rất thẳng là con có khuynh hướng nào đó trong tâm lý của con. Con sợ điều gì? Con cảm thấy thế nào? Con có cảm thấy nhục nhã không? Con có cảm thấy hổ thẹn không? Cảm giác của con là gì? Ấy, con yếu dấu, cảm giác đó chính là điều đang kềm giữ con trên con đường tu. Đó chính là một phần của cái đang ngăn cản con tương tác với các thày. Điều thày muốn nói ở đây là: Con có thể bước lui lại và nói: “Tôi đang cảm thấy như vậy, hay đây là một phàm linh nội tại quy định lối hành xử của tôi, cách tôi liên hệ với các chân sư thăng thiên, cách tôi nhìn các chân sư, cách tôi nghĩ tôi có thể liên hệ với họ như thế nào? Đây là phàm linh cảm thấy như vậy, hay đây là tôi cảm thấy như vậy?” Con có thể nhận ra: “Nhưng đây không phải là tôi, đây là phàm linh!” Sau đó, khi con đuổi phàm linh đi và đọc bài thỉnh về việc này, thì con có thể chuyển đổi tâm mình.

Thí dụ, nếu con cảm thấy hổ thẹn nếu một chân sư thăng thiên phơi bày một bất toàn trong tâm lý của con, thì con có thể nói: “Tại sao tôi lại phải cảm thấy hổ thẹn? Tại sao tôi lại phải làm vậy? Đây là phàm linh cảm thấy như vậy, vậy tại sao tôi lại tiếp tục nhìn vị chân sư và hy vọng là vị ấy sẽ không tới và khiến tôi hổ thẹn? Tôi không cần cảm thấy hổ thẹn về việc này, hay nhục nhã, hay sợ hãi, hay bất cứ gì khác. Tại sao tôi lại cần cảm thấy như vậy?” Sau đó, con có thể dần dần chuyển đổi tâm thức tới điểm con nhận ra là các thày không chực làm con hổ thẹn. Các thày chỉ chực giải thoát con để con cảm thấy thoải mái với chính mình. Lẽ dĩ nhiên, con không cảm thấy thoải mái với chính mình khi con lúc nào cũng sợ bị hổ thẹn.

11.9. Con chờ đợi dược điều gì

Sau đó, con có thể tiến thêm bước nữa và xem xét là con có lẽ cũngchờ đợi được một số điều khi con trở thành một đệ tử của chân sư thăng thiên. Rất, rất nhiều đệ tử chờ đợi là sẽ được các chân sư thăng thiên bằng một cách nào đó vinh danh, công nhận hay tuyên dương. Trớ trêu thay, có trường hợp đệ tử của một tổ chức chân sư thăng thiên về trước đặt các chân sư lên trên một bệ rất cao và lại có một mối liên hệ với các thày dựa trên sợ hãi. Cùng lúc, rất rất nhiều đệ tử có mong muốn không cưỡng được muốn đựơc các thày vinh danh và công nhận trước công chúng.

Đây là một trạng thái tâm lý rất phức tạp trong đó con vừa sợ hãi vừa hy vọng được vinh danh. Có hợp lý chăng khi con vừa sợ một người vừa muốn được người đó vinh danh? Xác suất người đó vinh danh con so với xác suất người đó làm chuyện con sợ nhất và chê bai con như thế nào? Mối liên hệ giữa người đệ tử đó và các thày trở nên rất, rất giả tạo và các thày hầu như không thể tới được họ vì các thày không thể lại gần họ một cách trực tiếp. Các thày không thể cho họ một trải nghiệm, các thày không thể cho họ hướng dẫn nội tâm vì họ bị mắc kẹt trong thế kéo-đẩy đó. Lẽ dĩ nhiên, nếu con vào nhiều giáo đoàn Cơ đốc hấy đó là cách họ nhìn Thượng đế, đó là cách họ nhìn thày. Đó là lý do có nhiều tín đồ Công giáo nghĩ rằng họ liên hệ với Mẹ Mary thoải mái hơn là với thày vì Mẹ Mary không có vẻ đe dọa như thày. Con cũng thấy điều này nơi nhiều tôn giáo khác.

Một lần nữa, nếu con là đệ tử chân sư thăng thiên và con nhận ra khuôn nếp này nơi con, thì tại sao con lại có nó? Nó có phải của con chăng? Rất có thể là con đã tiếp nhận nó từ tâm thức tập thể. Con hãy xem xét nó, làm việc trên nó, tiến tới điểm con vừa không sợ giáp mặt trực tiếp một chân sư thăng thiên, vừa không hy vọng được giáp mặt trực tiếp để được thêm hãnh diện và để tự ngã cảm thấy đặc biệt. Khi con tới điểm có thể liên hệ với các thày mà không chờ đợi phía này hay phía kia, không chờ đợi dựa trên sợ hãi hay dựa trên hãnh diện, thì con có thể trung hòa. Con có thể mở lòng ra. Không có chờ đợi nào ngăn trở con. Khi con chỉ mở lòng ra, thì con sẽ trải nghiệm Hiện diện của các thày trực tiếp hơn rất nhiều bất cứ gì con trải nghiệm trước đó, và lẽ dĩ nhiên, đây là điều các thày mong muốn nơi con.

11.10. Làm sao Thánh linh có thể tuôn chảy xuyên qua con

Bây giờ là dịp lễ Hạ trần (Pentecost) và các con đều biết câu chuyện là, sau khi thày rời bỏ cõi vật lý, các tông đồ của thày đều rất hoang mang, không biết phải làm gì, không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Lúc đó, họ hội họp và bỗng nhiên có sự chuyển đổi trong tâm thức họ, và họ tới tình trạng được mô tả là “hiệp ý ở cùng một nơi”. Họ thực sự tới điểm mà thày vửa mô tả, tức là thay vì có những chờ đợi dựa trên sợ hãi (là mọi chuyện kết thúc ở đây và không có gì sẽ xảy ra sau đó) và những chờ đợi dựa trên kiêu mạn (là họ sẽ được nâng lên và sẽ là những người lãnh đạo phong trào), thì đa số (không phải tất cả, nhưng đa số) tới điểm chỉ trung hòa, chỉ mở lòng ra. Chính điểm trung hòa đó, điểm không chờ đợi đó, đã là cửa mở cho cái được mô tả là Thánh linh tuôn xuống.

Bây giờ, một lần nữa con có thể hỏi: “Các thày đã làm gì với giáo lý mà các thày đã trao truyền qua vị sứ giả này?” Các thày đã tháo gỡ những hình ảnh mà con người có về các chân sư thăng thiên dựa trên các đợt truyền giáo trước. Các thày đã thực sự lấy mình xuống khỏi bệ cao. Các thày đã tìm cách giảm thiểu khoảng cách giữa các con và các thày. Lẽ dĩ nhiên, các thày đã không tìm cách làm điều này một cách vật lý. Các thày đã tìm cách giảm thiểu khoảng cách trong tâm các con, khoảng cách mà con nghĩ có đó, mà con phóng chiếu là có giữa các con và các thày. Lẽ dĩ nhiên các thày vượt quá không gian và thời gian, do đó thày lúc nào cũng ở bên con nếu con muốn thày, nếu con đặt chú tâm của con vào thày. Vấn đề không phải là con cần vượt qua một khoảng cách vật lý. Vấn đề cũng không phải là vì thày ở quá cao trên con trên phương diện khoảng cách hay ngay cả rung động, lẽ dĩ nhiên là thày cao hơn con, nhưng thày vẫn ở bên con. Vấn đề không phải là con cần vượt qua vực thẳm đó. Con chỉ cần giản dị loại bỏ tất cả những hình ảnh và chờ đợi trong tâm con.

Các thày có đệ tử chân sư thăng thiên đang đứng, nói một cách biểu tượng, với đôi mắt dán vào ống viễn kính khổng lồ vì họ nghĩ các thày ở rất, rất xa đâu đó trong không gian. Họ cần chiếc ống viễn kính khổng lồ để thấy được các thày, và chiếc ống viễn kính khổng lồ đó là sự hiểu biết cầu kỳ bằng trí năng mà họ có về giáo lý. Điều các thày đang làm là các thày đợi họ rời mắt khỏi ống viễn kính rồi nói: “Ồ, các thày đang ở đây!”. Thày đã ở đây suốt 2000 năm qua bên cạnh họ mà họ không thèm để ý tới vì họ đã tìm thày ở ngoài xa, xa kia. Lẽ dĩ nhiên, đây là điều các thày mong muốn nơi tất cả các con, là những người đã đi theo con đường của các thày từ rất lâu, là những người đã dấn thân đi vào con đường của quả vị Ki-tô.

11.11. Quả vị Ki-tô và phép lạ

Một lần nữa, chúng ta hãy hạ những chờ đợi xuống. Các con có nghe các câu chuyện là khi thày hiện thân thì thày đã làm nhiều phép lạ. Con có nhân loại trong 2000 năm đã tạo ra những phàm linh tập thể rất rất dũng mãnh và rất rất cầu kỳ là được sống vào thời Giê-su quả là một sự kỳ diệu đặc biệt. Nếu con trở ngược về thời đó và xem xét thực tại lúc đó, thì con sẽ thấy là đa số các tông đồ của thày lúc đó giống như những người đang dán mắt vào ống viễn kính. Tuy họ theo thày và tương tác với thày mỗi ngày, họ ít khi trực tiếp để ý tới thày vì họ nhìn thày với quá nhiều chờ đợi. Con thấy một thí dụ nơi câu chuyện liên quan đến Peter khi thày nói: “Bớ Satan, hãy đứng sau lưng ta.” Thày lúc đó muốn tạo một cú sốc để Peter ra khỏi các chờ đợi của ông và thực sự liên hệ với thày một cách trung hòa. Đa số những người mà thày gặp gỡ hồi đó còn không để ý sinh thể nào đang đứng bên cạnh họ. Họ không nhận ra là thày có một trạng thái tâm thức cao hơn.

Điều thày muốn nói là hình ảnh hoang tưởng mà tín đồ Cơ đốc giáo đã tạo ra là thời đó đặc biệt tuyệt vời như thế nào, ấy, chuyện ấy không bao giờ có thực. Có rất nhiều người không để ý, thí dụ là có cả những người đã thấy thày đi trên nước nhưng sau đó họ không tin điều họ đã chứng kiến. Như các thày đã nói, tâm thức tập thể thời đó dày đặc đến nỗi cần một diễn biến kỳ diệu để họ chú ý.

Một lần nữa, nếu con xem lại tình hình vào dịp lễ Hạ thân, thì nhiều tín đồ Ki-tô giáo đã tạo nên hình ảnh cầu kỳ là nhiều tông đồ đã nói với những ngôn ngữ lạ. Họ bỗng nhiên dùng những ngôn ngữ khác để người khác có thể hiểu họ. Ngay cả các đệ tử chân sư thăng thiên cũng nhìn biến cố này như một diễn biến kỳ diệu. Họ nghĩ, giống như những người theo phái Hạ thân (Pentecostal), là các tông đồ lúc đó dùng ngôn ngữ của thiên thần. Hay họ nghĩ, như một số tín đồ Cơ đốc khác, là có người bị Thánh linh làm té ngã và người họ bị lay động mạnh và họ phải được khiêng ra ngoài, hay những chuyện tương tự. Các đệ tử chân sư thăng thiên vẫn còn lối hành xử đó, phàm linh tập thể đó, khiến họ mơ ước thấy một diễn biến kỳ diệu.

Có người mơ ước thấy một diễn biến kỳ diệu xảy ra trong cuộc đời họ, họ mơ ước có một cuộc gặp gỡ kỳ diệu với các thày sẽ thay đổi mọi chuyện. Một số mơ ước có một diễn biến kỳ diệu sẽ khiến người khác nhìn họ là người đặc biệt. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên trong các thập niên qua đã mơ ước có một diễn biến kỳ diệu qua đó các thày xuất hiện trên trời hay chính các đệ tử nhận được Thánh linh và họ có thể khiến người khác té ngã hay họ có thể chữa lành người khác. Họ có thể làm tất cả những chuyện này để có bằng chứng vật lý là các chân sư thăng thiên có thật, và qua đó hàng triệu người sẽ cải đạo và tin vào chân sư thăng thiên. Lẽ dĩ nhiên, các đệ tử đó là những người đã đem lại việc đó và do đó họ sẽ được nâng lên và tuyên dương. Các đệ tử chân sư thăng thiên cũng mang theo tư duy đã được tín đồ Ki-tô giáo tạo ra suốt 2,000 năm qua khi họ mơ ước là họ đặc biệt và sẽ được nâng lên. Các con đã lấy tư duy này, chuyển nó sang các chân sư thăng thiên và phóng chiếu lên các thày. Các con nghĩ là nếu các con nhận được Thánh linh thì một diễn biến kỳ diệu sẽ xảy ra. Có thể là sẽ có một diễn biến trong đó mọi người bỗng nhiên nói ngôn ngữ lạ, và tất cả bỗng nhiên có khả năng nhận bài truyền đọc, hay bất cứ điều gì khác mà họ tưởng tượng. Một đàng thì thày không muốn đặt giới hạn vào chuyện có thể xảy ra. Thánh linh có thể biểu hiện nhiều cách, nhưng thày muốn các con có một nhận định thiết thực. Trong thời đại tân thời này, các thày không làm phép lạ vì nhân loại đã tiến lên một tầng tâm thức khiến các thày có thể khiến họ chú ý bằng cách khác. Các thày không muốn cải đạo tất cả mọi người và khiến họ công nhận các chân sư thăng thiên. Các thày sẽ không tạo ra một biểu hiện không thể chối cãi được vì Luật Tự quyết đã rõ ràng: con người phải có quyền chối bỏ với lý do khả tín. Con người phải có thể dễ dàng chối bỏ sự hiện hữu của các thày, do đó các thày sẽ không thể hiện một bằng chứng không thể chối cãi được.

11.12. Con có Thánh linh chăng?

Ngay cả chuyện Thánh linh sa xuống, các thày sẽ không tạo ra một diễn biến ngoạn mục, con yêu dấu. Các thày mong muốn là mỗi người trong các con đều trải nghiệm là mình có Thánh linh. Con có nhiều xác suất trải nghiệm điều này khi con nói chuyện với người khác về một đề tài mà con thật sự coi là quan trọng, một đề tài gần kề với tim mình. Con có thể nhận thấy là có lúc giọng nói của con thay đổi đôi chút, rung động của con thay đổi, và con nói với rất, rất nhiều chân thành. Con yêu dấu, con lúc đó cũng trong trạng thái tâm trung hòa. Con không đang tìm cách cải đạo người khác một cách hung hãn, con không mong muốn được công nhận để con không phải cảm thấy bị ruồng bỏ. Con chỉ giản dị nói từ một tầng cao của bản thể của mình, và đó là một biểu hiện của Thánh linh.

Bây giờ thì câu chuyện các tông đồ nói bằng ngôn ngữ lạ mà trước đó họ không biết, chính thực không có thật. Đây là điều mà con người chỉ có thể phóng chiếu lên diễn biến đó với tâm đường thẳng của họ. Sự thực sâu thẳm hơn là một số tông đồ được thấm đẫm bởi Thánh linh và do đó họ có thể diễn đạt ý tưởng Cơ đốc giáo là gì qua một cách khiến người có quá trình khác nhau có thể hiểu các khái niệm và ý tưởng. Đây là một trong những biểu hiện chính của Thánh linh mà thày muốn các con cố đạt được. Con có thể đi vào trạng thái tâm trung hòa và có khả năng nói chuyện với nhiều người có quá trình khác nhau. Thay vì cho họ một chân lý tuyệt đối, mà với tâm vỏ ngoài con nghĩ là họ cần biết, thì con cho họ đúng những gì họ cần để tiến bước kế tiếp trên con đường tu của họ. Con có thể không biết điều này với tâm vỏ ngoài của mình, con có thể không biết vì sao con lại nói điều đó với họ, con chỉ cảm thấy dòng chảy và con tuôn theo dòng chảy.

Đây là một biểu hiện Thánh linh lợi ích hơn một trình diễn ngoạn mục rất nhiều. Bây giờ thì con có thể nói: “Vậy thày đang không làm một trình diễn ngoạn mục hay sao?” Ấy, điều này cũng có phần đúng. Nhưng điều thày đang làm có ngọan mục như nhiều đệ tử chân sư thăng thiên chờ đợi, hay nhiều tín đồ Cơ đốc giáo chờ đợi chăng? Không, không đâu. Các thày đang cố cho các con một cái gì vượt quá trình độ tâm thức bình thường, nhưng không vượt quá xa đến độ nó củng cố nơi con ý niệm xa cách. Các thày biết là bất cứ điều gì các thày làm cũng sẽ củng cố ý niệm xa cách nơi một số người, nhưng con hãy để ý xem có bao nhiêu giáo lý mà các thày bao năm qua đã trao truyền qua vị sứ giả này đã được thiết kế đặc biệt để giảm thiểu sự xa cách mà các con phóng chiếu là có giữa các thày và các con.

11.13. Vị chân sư nào gần với con nhất?

Thày sẽ luôn luôn ở bên conconconconcon, mỗi người và tất cả các con. Thày luôn luôn ở bên con, và vị chân sư thăng thiên nào gần tim con nhất cũng vậy. Vị chân sư nào gần tim con nhất? Con yêu dấu, thày không có ganh tỵ, thày không mong muốn độc quyền. Sự việc có một vị chân sư khác gần tim con hơn không khiến thày cảm thấy bị tổn thương. Tại sao vậy? Vì thày và vị chân sư đó là một.

Con hãy tìm ra vị chân sư gần tim mình nhất. Con hãy bước lui khỏi cuộc sống bận rộn thường nhật của con. Con hãy bước lui khỏi những bận rộn của con trong việc tu tập, với việc học giáo lý, đọc cầu thỉnh. Con hãy dành thì giờ để ngồi xuống và xem xét: “Tôi đang liên hệ với các chân sư thăng thiên như thế nào? Đây là vị thày mà tôi cảm thấy gần nhất. Làm sao tôi có thể tìm ra một cách mới để liên hệ với vị chân sư đó để tôi có thể giảm thiểu khoảng cách, lại gần hơn, có một trải nghiệm trực tiếp hơn?” Con cũng có thể tự hỏi: “Tôi có sẵn sàng để có một trải nghiệm trực tiếp hơn với một chân sư thăng thiên chăng?” Nếu con chưa sẵn sàng, thì một lần nữa thày không chỉ trích, thày không phán xét, thày không lên án. Thày hoàn toàn hiểu là ai nấy đều cần có thời gian trước khi sẵn sàng. Con thấy chăng, con yêu dấu, con đang ở đây vì khi con trải nghiệm một bài truyền đọc, thì con có một ý niệm hiện thực là các chân sư thăng thiên có thật. Các thày có thể nói chuyện với con. Thày chỉ muốn con xoay chuyển tâm mình để nhận ra rằng vì các thày có thật và có thể nói chuyện xuyên qua một sứ giả, nên các thày cũng có thể tương tác trực tiếp với con, với riêng con, trong tâm và trái tim của con.

Nếu con đã sẵn sàng làm chuyện này, thì có lẽ đã đến lúc con mạnh dạn bước ra, thẳng thắn hơn và tìm một cách khác để liên hệ với các thày. Có lẽ con xem xét lối hành xử của mình, như thày đã nói ở đầu bài, khi con liện hệ với các thày. Con có thể tự hỏi: “Dựa trên những chờ đợi hiện tại của tôi, thì tôi nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra khi một chân sư thăng thiên tới gần tôi hơn?” Con sẽ thấy là nhiều khi có một phần tâm con, một phần tự ngã của con, thực sự sợ những thay đổi mà con sẽ phải đối mặt khi chuyện đó xảy ra, và đây có thể là một lãnh vực mà con có thể cần thì giờ để giải quyết vấn đề.

11.14. Con cần phải từ bỏ cái gì?

Đối với đa số các con, đây không phải là một điều mà con có thể giải quyết trong năm phút. Khi con tới một mức nào đó, thì điều lợi ích là con suy nghĩ và chiêm nghiệm về điều này: “Tôi nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của tôi?” Sẽ có một phần bản thể của con sợ một số thay đổi vỏ ngoài sẽ phải xảy ra, một số chuyện mà con phải từ bỏ, và những điều tương tự. Nếu con nhìn những việc này một cách trung thực thì con dần dần sẽ bắt đầu thấy các nguyên nhân đằng sau, thấy những chờ đợi tiềm ẩn của con. Con có thể bắt đầu xem xét chúng. Con có thể bắt đầu bằng cách so sánh chúng với giáo lý của các thày. Con có thể bắt đầu suy ngẫm xem là con có mang chờ đợi đó từ tâm thức tập thể, hay đó là một phần của tự ngã của con. Con có thể dần dần tới điểm con thấy rõ con đang đứng ở đâu vào lúc này. Con có thể nhận ra rằng: Đúng là có một phần tự ngã đang sợ hãi và không muốn thay đổi vì có một phần nào đó trong cuộc đời của con mà con không muốn từ bỏ.

Bây giờ thày muốn cho con một thí dụ đơn giản. Có một vị đệ tử ở Hàn Quốc hỏi là vị ấy có thể là một đệ tử chân sư thăng thiên mà vẫn tham dự họp mặt ăn uống và uống rượu khi tụ họp chăng. Vị đó không chịu từ bỏ những chuyện này vì uống ượu khi hội họp là một phần quan trọng của gia đình và nền văn hóa của vị ấy. Đây chỉ là một thí dụ của một chờ đợi mà con có thể có. Nếu con muốn, thì con có thể xem xét nó. Con có thể nhìn vấn đề từ nhiều phía. Con cũng có thể tới điểm con nhận ra con không mất mát gì khi từ bỏ chuyện đó vì con thực sự đã sẵn sàng tiến lên một tầng khác.

Một số người trong các con đã tới điểm có quyết định tự phát từ bỏ uống rượu, nhưng đây chỉ là một thí dụ. Con đừng đặt hết tâm trí vào việc này vì có nhiều chuyện khác mà con có thể nghĩ con cần từ bỏ. Con yêu dấu, con lúc nào cũng có thể tìm ra một cách khác để nhìn vấn đề mà không bị bắt buộc phải từ bỏ một sinh hoạt vỏ ngoài.

Thày muốn cho con một thí dụ khác là trong các đợt truyền giáo trước, có nhiều đệ tử cảm thấy là sau khi họ đã theo học giáo lý chân sư thăng thiên, thì họ không thể liên hệ với những người không theo giáo lý. Nhiều người gặp khó khăn liên hệ với người phối ngẫu của họ, và rất nhiều vụ ly dị đã xảy ra vì lý do này. Các thày không bao giờ muốn thấy chuyện này xảy ra, nhưng đó là nền văn hóa của tổ chức đó. Lý do là vì họ có một cái nhìn trắng-đen hơn về con đường tu: con hoặc ở trong hoặc ở ngoài. Hoặc con hoàn toàn ở trong, và con phải theo tất cả các luật lệ của tổ chức, hoặc con ở ngoài. Nếu con có một người phối ngẫu không chịu ở trong, thì con không thể liên hệ với vị đó, và từ đó xung đột nảy sinh. Thực tế là nếu con xoay chuyển tâm thức, nếu con thay đổi cách nhìn trắng-đen về con đường tu và về các chân sư đầy lòng phán xét, thì con có thể dễ dàng, hoặc ít ra là với thời gian con có thể tìm một cách để liên hệ với người phối ngẫu đang không đi trên con đường tâm linh hay đang không theo học giáo lý chân sư thăng thiên.

11.15. Lối hành xử của con liên quan đến tình dục

Con có thấy chăng, vấn đề không chỉ giản dị là nghĩ hay nhận ra là có một phần tự ngã của mình đang nghĩ: Nếu tôi lại gần các chân sư hơn, thì liệu tôi có sẽ phải từ bỏ điều này hay điều nọ. Nhiều người trong các con có thể sợ phải từ bỏ tình dục, chẳng hạn. Thành thật mà nói thì đây có lẽ là nỗi sợ lớn nhất của các đệ tử trên con đường tâm linh.

Một cách nhìn khác là luôn luôn xem xét chính mình, xem xét lối hành xử của mình liên quan đến tình dục. Con hãy xem xét lối hành xử của con liên quan đến tình dục, và xem nó tương tác ra sao với lối hành xử của con liên quan đến con đường tâm linh. Con có thể thấy là con có hai phàm linh đang chống đối nhau. Sau đó, con hãy nhận ra là có một phàm linh đang phóng chiếu là khi con tiến cao hơn trên con đường tâm linh, thì con phải từ bỏ tình dục. Và có phàm linh kia thét lên rằng: “Không, bạn không thể làm vậy!” Sau đó, con có thể tới điểm nhận ra là chúng chỉ là phàm linh, chúng không phải là con – và con có thể thăng vượt chúng, con yêu dấu. Con có thể thăng vượt cả hai phàm linh đó, và nhận ra rằng khi con xoay chuyển tâm, thái độ của con về tâm linh và thái độ của con về tình dục và sự tương tác giữa hai thái độ đó, thì con có thể vẫn vui hưởng tình dục vừa theo đuổi con đường tâm linh.

11.16. Hãy chấp nhận ở đây trước khi con rời nơi này

Con có thể tới điểm con gần hội đủ điều kiện để thăng thiên nhưng con đã đi theo con đường tu khổ hạnh và rút lui khỏi sinh hoạt trần thế. Nếu con không hoàn toàn chấp nhận con đang ở trong thân thể vật lý, nếu con không vui hưởng những sinh hoạt mà con có thể có với thân thể vật lý, thì con không thể bỏ trái đất lại đàng sau, con thực sự không thể thăng thiên. Con có thể nói là thực sự có nhiều tà lực, tà thể hay ác quỷ đang tìm cách dùng động lực tình dục để dụ dỗ con người vào nhiều vòng xoáy hướng hạ để hút năng lượng của họ. Chắc hẳn là có một lúc ta phải áp dụng kỷ luật để không bị lôi kéo vào những vòng xoáy tiêu cực đó. Đó là lý do vì sao các phong trào tâm linh truyền thống đã nói rằng người tâm linh phải từ bỏ tình dục. Một số trong các con đã làm điều này trong các kiếp trước và đã có nhu cầu tuân theo kỷ luật này. Lúc nào con cũng có thể tiến lên một tầm nhìn khác và nói: “Tôi đang sống trong loại thân thể nào? Một thân thể thân thiện hay thù nghịch?”

Con sẽ thấy là rất rất nhiều người tâm linh thực sự nghĩ rằng thân thể vật lý là thù nghịch của sự tăng triển tâm linh của họ. Sau đó, con có thể làm việc trên đề tài này, xem xét nó, và con có thể tới điểm chấp nhận là con đang sống trong một vũ trụ thân thiện, con đang sống trong một thân thể thân thiện. Khi con đang ở trong thân thể này, thì có một số sinh hoạt con có thể làm với thân thể đó, và thực sự không tội lỗi hay phản-tâm linh khi con vui hưởng các sinh hoạt đó. Sinh hoạt này có thể là có tình dục, hay ăn một bữa cơm ngon, hay tương tác với người không theo một giáo lý tâm linh nhưng vẫn là người tốt. Họ thuộc vào gia đình của con và con vui hưởng ở gần họ. Đâu có lý nào chuyện này là phản-tâm linh khi con nhìn nó từ một góc độ trung hòa và không bị mắc kẹt trong lối suy nghĩ trắng-đen?

Con cũng có thể tiến thêm bước nữa và xem xét sức khỏe vật lý của mình, và có thể bắt đầu tự hỏi: “Tôi đang sống trong một thân thể thù nghịch hay thân thiện?” Nếu con đang bị một căn bệnh dằn vặt thì con vẫn có thể (nếu con muốn) làm việc trên thái độ mà con có đối với thân thể vật lý. Lối hành xử của con là gì? Con chờ đợi chuyện gì có thể xảy ra và không thể xảy ra? Con thực sự nghĩ gì về thân thể vật lý này, đặc biệt là liên quan đến sự tăng triển tâm linh của mình? Con có thể tới điểm chấp nhận là con đang sống trong một thân thể thân thiện có khả năng và mong muốn hỗ trợ sự tăng triển tâm linh của con. Một số trong các con sẽ thấy là điều này có thể đem lại sự chữa lành của một số căn bệnh mà trước đó con không thể khỏi được. Một số khác có thể không được chữa lành trên mặt vật lý nhưng có thể tìm ra cách để làm hòa với căn bệnh để nó không cản trở sự tăng triển tâm linh của mình.

11.17. Cách dùng bài truyền đọc này

Một lần nữa, đây lại là một trong những bài truyền đọc trong đó các thày đưa ra rất nhiều ý để các con suy ngẫm. Lẽ đương nhiên, các thày làm như vậy vì các con không hay tụ tập như một đám đông. Các thày cũng làm vậy vì nhiều người trong nhóm này đã tới một trình độ trên con đường của quả vị Ki-tô khiến con sẵn sàng đón nhận giáo lý này hay ít ra là một phần trong đó. Một lần nữa, con không cần về nhà và đọc lại bài truyền đọc và xem xét từng điểm mà thày trao truyền, và nghĩ rằng con phải học tập và áp dụng tất cả mọi điểm cùng một lúc. Con cần tìm ra một điều gì, một điều trong bài giảng hấp dẫn con ở tầng hiện tại của con. Sau đó, con dùng nó, con thể nhập với nó và con dùng nó để tiến lên một tầng cao hơn. Sau đó, con có thể đọc lại bài giảng và tìm xem có điều gì khác cho con chăng.

Bây giờ, thày khuyến khích học tập bài truyền đọc mà thày trao truyền ở Hàn Quốc về quả vị Ki-tô và bài truyền đọc của Phật Gautama ở Hàn Quốc (hai chương trước chương này) và thấy là hai bài đó tạo nên phần alpha trong khi bài này là phần omega, một cái nhìn thực tiễn và thiết thực hơn.

11.18. Giữ trung hòa để Tánh linh tuôn chảy

Điều thày muốn nói trước khi chấm dứt bài này là: Thánh linh thổi nơi nó muốn, như có nói trong Thánh kinh. Câu này thực ra không thể hiện cái nhìn cao nhất về đề tài này. Thánh linh không thổi nơi nó muốn; nó chỉ thổi, nó thổi không ngừng và nó tuôn chảy không ngừng. Lý do vì sao câu nói đó được trao truyền lúc đó là vì nhiều người thời đó không hiểu được tại sao có lúc một người nhận được dòng chảy của Thánh linh, có lúc là một người khác, và có lúc không ai nhận được. Họ không hiểu tại sao vì họ nhìn vấn đề với tâm vỏ ngoài.

Ngay cả các tông đồ của thày có khuynh hướng dùng tâm vỏ ngoài và tạo ra một cấp bậc trong nhóm tông đồ, một loại xếp hạng ai cao nhất, ai là người tinh tiến nhất. Điều không may là Peter thường nghĩ ông là người cao nhất, trong khi sự thực ông là người có tâm thức thấp nhất trong các tông đồ. Những lượng giá vỏ ngoài này quả thực đã ngăn chận dòng chảy của Thánh linh vì chìa khóa để nhận dòng chảy của Thánh linh là giữ tâm trung hòa, mà các con đều có thể trau dồi và đều đã có trải nghiệm trong một thoáng. Nó gần giống như khi con đứng yên và không có gì kéo con về bất cứ hướng nào. Con có thể gọi đây là trạng thái nhận biết thuần khiết, nhưng con trung hòa. Con đang tương tác với người khác, nhưng con không phán xét là người đó phải được nghe gì và phải chấp nhận cái gì. Con không mong muốn cải đạo người đó. Con còn không có cả mong muốn giúp người đó. Con không có chờ đợi cá biệt nào về điều gì phải được nói ra, chuyện gì phải xảy ra, và người kia phải phản ứng ra sao. Con chỉ trung hòa và đó là lúc con là cánh cửa mở. Đó là lúc Thánh linh có thể tuôn chảy xuyên qua con, con yêu dấu.

Khi con xem xét hiện tượng truyền đọc và số đông những người tiếp xúc với cõi trên (channeller), thì con thấy là những người không giữ tâm trung hòa chỉ hòa điệu được với các cõi thấp – cõi cảm xúc, cõi lý trí, phần thấp của cõi bản sắc. Những điều được trao truyền qua họ có thể có vài ý niệm chân chính, nhưng cũng có những ý niệm méo mó và không có rung động giải thoát con người. Một người sứ giả hay một người tiếp xúc với cõi trên càng trung hòa thì thông điệp có thể truyền qua họ càng thuần khiết. Khi con nghe hay đọc một bài truyền đọc, tâm con càng trung hòa thì các lóe sáng hiểu biết mà con nhận được càng sâu sắc.

Một sắc thái khác của Thánh linh là con không nhất thiết nói nhưng con cũng nhận một số lóe sáng hiểu biết rõ ràng bắt nguồn từ phần cao của tâm con hay từ các thày. Đây là một hình thức dòng chảy bên trong của Thánh linh và khi con nói ra thì đó là phần chảy bên ngoài của Thánh linh, nhưng cả hai khía cạnh đều thuộc vào con đường tu của con.

Như các thày đã nói, sẽ có một điểm khi quả vị Ki-tô mà không được thể hiện thì không phải là quả vị Ki-tô. Con phải tiến lên cao hơn và thay vì chỉ học hỏi và hội nhập giáo lý, thì con bắt đầu ban phát nó ra. Đó là lúc con trải nghiệm dòng chảy alpha và omega của Thánh linh, là khi con nhận được lóe sáng hiểu biết và con dùng chúng để giúp người khác. Con sẽ nhiều lần thấy rằng khi con nói chuyện với người khác, con bỗng nhiên có một số ý tưởng mà trước đó con không có. Con bỗng nhiên có một lóe sáng hiểu biết mà trước đó con không có. Đó là dòng chảy của Thánh linh. Nó không phải là một biểu diễn ngoạn mục. Nó không phải là một biến cố kỳ diệu. Nó chính thực là điều gì mà tất cả các con đều đã trải nghiệm. Thày chỉ giản dị nói rằng khi con nhận ra chúng một cách có ý thức, khi con theo những gợi ý mà thày giảng trong bài này, thì con có thể gia tăng những lúc con có trạng thái tâm trung hòa.

11.19. Con có cần phải có ý kiến không?

Một số các con có thể phải làm việc để đạt tâm trung hòa vì nó đòi hỏi con giải thoát mình khỏi một số chuyện bên ngoài đang tìm cách lối kéo con vào một khuôn nếp phản ứng. Có thể là một số các con cần đi qua một tiến trình trong đó con xem xét một điều rất đơn giản: “Trên cương vị một con người, tôi có cần có ý kiến không?” Đa số các con được dạy dỗ là con phải có ý kiến. Con phải có ý kiến về đảng phái chính trị này hay đảng phái kia, về vấn đề này hay vấn đề kia. Con có thể tới điểm con nhận ra là đại đa số ý kiến con người đến từ các phàm linh nội tại của họ, và các phàm linh này chịu ảnh hưởng của các phàm linh tập thể.

Con thấy có rất nhiều trường hợp hai người có ý kiến đối ngược về một vấn đề, nhưng đây chỉ giản dị là có hai phàm linh đang tranh luận qua hai người đó. Con có thể tới điểm con tự hỏi: “Đây có phải là cách tôi muốn tương tác với người khác chăng, bằng cách luôn luôn bày tỏ ý kiến của mình và tìm cách thay đổi ý kiến người kia? Có thể nào tôi tới điểm tương tác với người khác nhưng tâm tôi trung hòa và do đó tôi mở lòng ra để nói một điều không phải là ý định đã định trước, nhưng là một điều tới từ một nguồn cao hơn, có thể sẽ khai ngộ tôi và có thể khai ngộ người kia, nhưng không đến từ một ý định từ tâm có ý thức của tôi. Tôi chỉ để cho chuyện đó xảy ra?”

Đã có nhiều người qua các thời đại đã dùng nhiều nỗ lực, nhiều nghi thức để nhận được Thánh linh. Có những phù thủy đen đã tìm cách tạo ra một phương pháp, hoặc một dụng cụ có thể giúp họ nhận được một cách máy móc dòng chảy của Thánh linh. Họ chưa bao giờ nhận được dòng chảy của Thánh linh. Họ có thể nhận được dòng chảy của một số phàm linh tập thể có vẻ rất dũng mãnh, nhưng đó không phải là Thánh linh. Con không thể ép Thánh linh. Đó cũng là lý do vì sao có câu nói là Thánh linh tuôn chảy nơi nó muốn. Con yêu dấu, con không thể ép nó, nhưng con có thể nhận nó.

Mấu chốt là muốn nhận nó thì phải có khoảng trống. Nếu tâm con chứa đầy ý kiến thì có thể không còn chỗ để Thánh linh biểu hiện. Thày muốn giải thoát các con. Thày muốn cho phép con được tự do khỏi mọi ý kiến nhân gian. Con thực sự có thể cảm thấy là khi con buông bỏ những ý kiến đó, thì giống như con được giải thoát khỏi một máy chạy bộ cứ lôi cuốn con đi. Bỗng nhiên tâm con không cần phải cảm thấy là ý kiến này luôn luôn bị đe dọa và con cần phải đề phòng các mối đe dọa. Khi con đọc điều gì trên mạng Internet có thể đe dọa ý kiến đó thì con cảm thấy bất an. Hay khi con gặp người nào có ý kiến khác thì con phải đi vào một cuộc tranh luận và tìm cách khiến họ đổi ý. Bất thình lình con không cảm thấy bị mất năng lượng nữa và con cảm thấy thoải mái hơn với chính mình là đã buông bỏ ý kiến nhân gian đó.

Thày có thể bảo đảm là con có lẽ sẽ gặp một người quen con từ lâu nhìn con và nói: “Bạn sao kỳ vậy, tại sao không còn ý kiến gì nữa?” Con hãy xem họ cảm thấy thế nào về chính họ và con cảm thấy thế nào về chính mình, và nói: “Tôi muốn mình ở đâu, trong tâm người đó hay trong tâm mình?” Sau đó, con sẽ dễ dàng buông bỏ tất cả các ý kiến đang không khiến con thoải mái với chính mình, không khiến con thoải mái với thế gian. Chúng không giúp con cảm thấy con đang sống trong một vũ trụ thân thiện, chúng không giúp con cảm thấy con đang tương tác với các chân sư thân thiện, chúng không giúp con cảm thấy con đang sống trong một thân thể thân thiện.

Con hãy nghĩ xem: nếu mục đích của con là cảm thấy thoải mái hơn với chính mình, với các chân sư thăng thiên, với thế giới vật chất và với thân thể vật lý của mình, thì con hãy xem xét những gì đang lôi kéo sự chú ý của con và tự hỏi chúng có đang giúp con cảm thấy thoải mái hơn hay không. Nếu nó không khiến con cảm thấy thoải mái hơn, thì thày cho phép con buông bỏ nó. Thày bảo đảm là nếu một điều gì không giúp con cảm thấy thoải mái hơn với chính con, với thế giới nơi con sống và với các chân sư, thì điều đó không giúp con tăng triển tâm linh. Nó không giúp con tiến về hướng quả vị Ki-tô.

Con yêu dấu, nếu con nhận thấy là con đang nhấp nhỏm một chút trên ghế và cảm thấy khó ngồi yên, thì đó giản dị là vì chúng ta đã tới điểm thày đã trao truyền cho con tối đa mà con có thể nhận. Mặc dù thày mong thày có thể tiếp tục nói thêm một hay hai tiếng nữa, thày nhận ra sự kiện đơn giản là vũ trụ vật lý đặt ra một số giới hạn cho sự tương tác kiểu này giữa chúng ta. Vũ trụ vật lý không đặt giới hạn lên cách con và thày, hay một vị chân sư khác, có thể tương tác trực tiếp trong tâm của con. Các thày không muốn các đệ tử chân sư thăng thiên mãi mãi nghĩ rằng cách duy nhất mà họ tương tác với các chân sư thăng thiên là xuyên qua một vị sứ giả hay một giáo lý vỏ ngoài. Các thày muốn tất cả các con tới được điểm có tương tác trực tiếp với các thày trong trái tim mình và trong tâm mình,

Tới đây thì thày cảm ơn các con, thày cảm ơn các con từ đáy lòng đã hội họp nơi đây nhân ngày lễ Hạ thiên này. Thày bảo đảm với các con là những lời kêu gọi của Mẹ Mary là các hội nghị này quan trọng không vô ích, là điều Mẹ Mary có thể sẽ nói với các con sau khi các con đã giải quyết nhu cầu của thân thể vật lý.

Do đó, con yêu dấu, thày cảm ơn các con một lần nữa. Thày bảo đảm với con là thày tri ân và rất vui mừng có một nhóm đệ tử sẵn sàng để cho thày nói một cách tự do và cởi mở như thế này. Nếu thày đã làm được chuyện này trong 2000 năm vừa qua thì thế giới thật sự đã khác ngày nay.

Một thực tập để chữa lành dùng Tình thương Thiêng liêng

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Hiện diện Tình thương qua trung gian Kim Michaels, ngày 2 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ Hiện diện Tình thương. Các con để ý là khi các con nhận một bài truyền đọc từ một chân sư thăng thiên, thì các vị ấy thường tự giới thiệu mình là: TA LÀ Chân sư Thăng thiên tên. Thày đương nhiên là một Sinh thể trên cõi thăng thiên, nhưng thày chọn không nhận diện mình như một chân sư thăng thiên, vì thày không thăng thiên từ trái đất và ngay cả từ bầu cõi trong đó con đang hiện hữu. Thày thăng thiên từ một bầu cõi trước, và do đó thày giữ một chức vụ trong thứ bậc hoàn vũ cao hơn các vị chân sư thăng thiên đã thuyết giảng cho các con từ trước tới nay.

Thày nói điều này để các con biết vị trí của thày trong thứ bậc hoàn vũ. Điều này giúp con hiểu rằng, trong khuôn khổ điều mà các thày gọi là tiết lộ tuần tự, sẽ có lúc một đợt truyền giáo đặc trưng nào đó, qua đó các chân sư thăng thiên trao truyền ánh sáng xuống trái đất, đã đạt được môt trình độ. Khi đó, các đệ tử của đợt truyền giáo đó đã học hỏi và áp dụng giáo lý tới mức họ có thể tiếp nhận giáo lý từ một tầng của thứ bậc hoàn vũ cao hơn những gì đã được trao truyền trước kia trên trái đất.

Thày tới đây như một sự công nhận là đã có rất nhiều người tiếp thu được giáo lý được truyền dạy trong đợt truyền giáo này về nhị nguyên và bất nhị, về tư duy cuồng đại, về tự ngã, về tình thương, về tình thương vô điều kiện và tình thương có điều kiện. Thày tới đây như một sự công nhận là đã có đủ số người áp dụng những giáo lý này, đã chân thành nhìn vào chính họ, đã nhìn vào những điều kiện mà họ đang có, đã vật lộn với những điều mà tất cả các sinh thể thăng thiên đã trải qua: tức là vật lộn để nhận ra cái gì thật, cái gì không thật, cái gì là tự ngã, cái gì không là tự ngã. Các sinh thể đặt ra các câu hỏi này là điều tự nhiên, nhất là trên một hành tinh tăm tối như trái đất.

7.1. Phản-tình thương là gì?

Vì sao trái đất lại tăm tối như vậy? Ấy, phần lớn là vì trái đất đã bị ảnh hưởng nhiều bởi phản-tình thương. Các con yêu dấu, vậy phản-tình thương là gì? Ta có thể nói là ở đây chúng ta chạm phải giới hạn của trái đất, các giới hạn này do trái đất đã xuống một tầng tâm thức thấp đến độ ngay cả ngôn ngữ cũng đã mang điện từ của nhị nguyên, cũng đã bị thấm đẫm bởi nhị nguyên. Khi con nghe cụm từ “phản-tình thương”, thì con nghĩ nó phải là đối ngược của tình thương.

Lẽ dĩ nhiên, không thể có gì đối ngược với tình thương thật sự. Nó không có đối ngược. Các chân sư thăng thiên đã dạy các con là quan niệm tình thương có đối ngược là một ảo tưởng. Sa nhân đã tạo ra nó vì họ muốn quy định một đối ngược của tình thương và họ gọi đó là phản-tình thương, nhưng “tình thương” là tình thương, là tình thương thật sự. Lẽ dĩ nhiên, khi con quy định một đối ngược, thì con không quy định một đối ngược mà con quy định hai đối ngược. Cái mà đa số con người, đại đa số con người trên trái đất, gọi là tình thương, không phải là Tình thương Thiêng liêng. Nó là đối ngược của phản-tình thương, và cả hai đều do tâm thức nhị nguyên và sa nhân quy định.

Thày tới đây không phải chỉ để trao truyền một giáo lý, mà còn trao truyền một dụng cụ tâm linh và một cách thực tập qua đó thày cống hiến sự trợ giúp của thày cho những ai hướng dẫn thực tập, nghe bài truyền đọc, đọc bài truyền đọc và làm thực tập. Thày sẽ có mặt bên con bất cứ lúc nào con làm những việc này, vì lẽ tự nhiên thày không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Mục đích của bài thực tập là giúp con chuyển hóa tâm mình để con thoát khỏi một vấn đề lớn mà con người gặp phải trên trái đất. Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng nó xoay quanh tình thương của Thượng đế Cha.

7.2. Hình ảnh cha của Thượng đế

Nhiều người trong các con đã lớn lên trong một nước Tây phương nơi Thượng đế luôn luôn được mô tả như một người nam, thường là một ông già, thường là một nam nhân đầy giận dữ và phán xét ngồi trên một ngai trên trời, sẵn sàng xử tội con phải vĩnh viễn chịu cực hình trong địa ngục nếu con không vâng lệnh ngài. Con có thể nào thương yêu một vị Thượng đế như vậy với tất cả trái tim, tâm và hồn của mình? Ấy, có người trong phong trào Cơ đốc giáo tuyên bố là con phải thương yêu được Thượng đế đó, và nếu con không thể thương yêu Thượng đế đó, thì ngài có thể đày con xuống địa ngục.

Những người đó không chịu nhìn nhận là hình ảnh Thượng đế mà họ đưa ra không phải là hình ảnh mà Giê-su đã dạy họ. Hình ảnh đó đến từ sa nhân. Họ đã tạo ra hình ảnh một Thượng đế trên trời đầy giận dữ và phán xét như một phương tiện để khiến con người dưới trần gian tuân lệnh họ. Con người sợ bị Thượng đế đầy giận dữ trừng phạt đến độ họ sẵn sàng khuất phục sa nhân đang đầu thai và ngay cả những sa nhân trên ba cõi cao. Đó là lý do vì sao con có một hình ảnh hoàn toàn sai lạc về Thượng đế.

Con yếu dấu, sự thực là gì? Trong bài thỉnh tuyệt vời mà các con vừa đọc [INV05 Bài thỉnh thương yêu chính mình], con có khái niệm Thượng đế Cha và Thượng đế Mẹ. Như các chân sư thăng thiên đã giảng cho các con,Thượng đế Cha là đấng Sáng tạo, là Sinh thể đã tạo ra thế giới hình tướng này. Do đó, vì ngài là đấng Sáng tạo, là sinh thể từ đó toàn thể thế giới hình tướng nảy sinh, ngài là sinh thể đã để một phần Bản thể của ngài vào toàn thể thế giới hình tướng, nên ngài là nguyên lý sinh động theo nghĩa đấng Sáng tạo là vị đã khởi đầu toàn thể thế giới hình tướng. Do đó, khi con áp dụng quan niệm hai cực nam/nữ, là điều mà con người có thể hiểu được trên trái đất, thì Thượng đế Sáng tạo là nguyên lý cha.

7.3. Một cái nhìn thiết thực về Thượng đế

Đấng Sáng tạo có thương yêu con chăng? Ấy, chuyện đầu tiên là con cần nhận ra là đấng Sáng tạo không phải là vị Thượng đế được mô tả trong giáo lý chính thức của Ki-tô giáo, Do thái giáo hay Hồi giáo. Vị ấy cũng thực sự không phải là vị Thượng đế được mô tả trong bất cứ tôn giáo nào khác, kể cả Brahma của Ấn giáo. Tất cả các tôn giáo đều mô tả Thượng đế như một thần linh xa cách. Thượng đế có xa cách không? Có một nơi nào trên cõi cao nhất là nơi Thượng đế ngồi trên một ngai màu trắng và từ trên cao nhìn xuống tạo vật của ngài? Không có đâu, con yêu dấu. Làm sao lại có được? Thày là Hiện diện Tình thương. Thày hiện hữu trong một bầu cõi không những cao hơn trái đất, mà còn cao hơn tất cả mọi sắc thái của vũ trụ vật chất hay bốn cõi của bầu cõi này, là nơi con đang sống. Thày có thể nói với con là dưới mắt thày có một khoảng cách rộng lớn giữa độ rung của trái đất và độ rung của nơi thày ở, hay đúng hơn là bầu cõi nơi thày ở. Từ nơi thày ở cho tới đấng Sáng tạo, thì khoảng cách còn lớn hơn thế nữa.

Thày không muốn cho con cảm giác là đấng Sáng tạo rất xa cách con, nhưng thày muốn cho con một lượng định thiết thực là trái đất có một tâm thức tập thể rất thấp so với độ rung của đấng Sáng tạo. Do đó, nếu ánh sáng của đấng Sáng tạo tập trung thẳng vào trái đất, thì không những là trái đất sẽ nổ tung bởi cường độ của ánh sáng, mà cả vật chất, tức là các nguyên tử và phân tử của mọi thứ trên trái đất, đều bị tiêu hủy vì độ rung của chúng được tức khắc nâng lên. Tất cả những khuôn đúc đã được đặt lên trên Ánh sáng Mẫu-Vật để tạo ra trái đất trong hình thức hiện tại sẽ bị phá tan ngay tức khắc và ánh sáng sẽ được trả tự do.

Như vậy thì con hiểu là đấng Sáng tạo không thể tự biểu hiện trên trái đất. Điều này có nghĩa là con nên lượng định một cách thiết thực là tuyệt đối không có hình ảnh nào mà con có thể tạo ra trên trái đất có thể mô tả đấng Sáng tạo một cách chính xác và thích nghi. Con yêu dấu, đó là lý do vì sao thày nói là không có một nơi nào có đấng Sáng tạo ngồi với một hình tướng có thể nhận diện được. Đấng Sáng tạo là nguồn gốc của mọi hình tướng, do đó hoặc ngài không có hình tướng hoặc ngài có mọi hình tướng. Con có thể thấy nỗi khó khăn khi con mang tâm đường thẳng của trái đất áp dụng vào đấng Sáng tạo.

Con cảm nhận là có cái gì cao hơn trái đất. Con người đã phóng chiếu là phải có một tiến trình tuần tự nào đó, và tiến trình này chấm dứt ở điểm cao nhất, giống như hình ảnh một kim tự tháp. Phải có một điểm, một điểm duy nhất ở trên cao nhất, là nơi đấng Sáng tạo ngồi và từ đó nhìn xuống mọi thứ bên dưới. Thực sự thì đây chỉ là những hình ảnh mà con có thể hiểu được với tư duy đường thẳng đang ngự trị trái đất. Chúng hoàn toàn không dính dáng đến đấng Sáng tạo. Điều thày muốn các con chiêm nghiệm, không những chỉ ngay lúc này mà một cách chung chung, là đấng Sáng tạo không có hình tướng, và tuyệt đối không có hình tướng nào trên trái đất có thể mô tả được đấng Sáng tạo. Không có hình ảnh nào mà con có thể tưởng tượng với tâm thức mà con có trên trái đất có thể mô tả đấng Sáng tạo.

7.4. Đấng Sáng tạo hơn bất cứ mọi hình tướng

Thày cũng muốn các con chiêm nghiệm điều có thể coi là một bí ẩn, là đấng Sáng tạo là nguồn gốc của mọi hình tướng. Khi đấng Sáng tạo tạo ra một hình tướng, thì ngài không trở thành hình tướng đó, nhưng hình tướng được tạo ra từ Bản thể của ngài. Đấng Sáng tạo ở trong hình tướng. Mỗi hình tướng bắt buộc phải có giới hạn vì nó được quy định, và tuy rằng đấng Sáng tạo có thể tạo ra một hình tướng được quy định, nhưng điều này không có nghĩa là Bản thể của đấng Sáng tạo bị giới hạn bởi hình tướng đó. Vì đấng Sáng tạo là tất cả những gì đang là và vì đấng Sáng tạo đã tạo ra mọi chuyện từ Bản thể của ngài, do đó đấng Sáng tạo là hình tướng nhưng cũng hơn hình tướng. Ngài không bị quy định bởi hình tướng, tuy rằng ngài đã quy định hình tướng.

Con yêu dấu, đây chính là nguyên tắc cốt yếu của sự sáng tạo. Con tạo ra một hình tướng. Bản thể của con ở trong hình tướng nhưng bản thể của con không bị gò bó vào hình tướng vì bản thể của con hơn thế. Con yêu dấu, đây cũng là nguyên tắc cốt yếu của sự đồng-sáng tạo khi con là một dòng sống cá biệt được tạo ra từ Bản thể của đấng Sáng tạo. Tuy con không do đấng Sáng tạo trực tiếp tạo ra, nhưng con thuộc một dòng xuất phát từ Tâm Một của đấng Sáng tạo. Đó là lý do vì sao các thày nói là các con đồng-sáng tạo trong bầu cõi đã được đấng Sáng tạo quy định. Tuy con đồng-sáng tạo, nhưng nguyên tắc cũng áp dụng vào sự đồng-sáng tạo của con.

7.5. Con đã sáng tạo cái gì

Con quy định một hình tướng. Để thị hiện nó, con phải phú cho nó một phần bản thể của con. Do dó, con – bản thể của con – ở trong hình tướng nhưng bản thể của con hơn hình tướng. Nó không phải là hình tướng. Nó không bị gò bó vào hình tướng. Con yêu dấu, hình tướng mà con đã tạo ra là gì vậy? Nó có phải là xác thân vật lý của con chăng? Không phải đâu, nó là bốn thể phàm của con; không phải là phần vật lý mà là tâm. Tâm trong cõi bản sắc, tâm trong cõi lý trí, tâm trong cõi cảm xúc, và tâm dính liền với thể vật lý. Đó là tạo vật của con.

Con đã tạo ra nó trong nhiều kiếp sống. Nhiều người trong các con đã ở những nơi khác trái đất, nhưng nhiều người trong các con đã ở trên trái đất trong nhiều kiếp. Con đã tạo ra bốn thể phàm, cỗ xe hồn (soul vehicle), cái ta giúp con sinh hoạt trên trái đất, liên hệ với trái đất. Nó cũng giúp con ở đây mà không bị phát điên, vì đây là một hành tinh có thể khiến các sinh thể bị phát điên.

Thày muốn cho con hình ảnh là con đã tạo cỗ xe phàm của con từ bản thể của con. Bản thể của con ở trong nó, nhưng bản thể của con không phải chỉ là nó. Bản thể của con hơn thế. Con yêu dấu, điều đã xảy ra là với thời gian, và đặc biệt vì hành tinh này tăm tối, con đã bị sa nhân lừa đảo và thao túng.

Thày muốn cho con hình ảnh là khi con xuống đầu thai lần đầu tiên trên trái đất, toàn bộ bản thể của con không đổ dồn vào bốn thể phàm của con. Điều thày nói ở đây không áp dụng cho các dòng sống đã được tạo ra từ sơ thủy để đầu thai trên trái đất. Thày đặc biệt nói tới những dòng sống đã tới trái đất sau khi trái đất rơi vào nhị nguyên. Những dòng sống ở trên trái đất lúc đó đã trở nên đồng hóa với bốn thể phàm của họ. Hầu hết các con đã tới đây với cái mà ta có thể gọi là một nhiệm vụ cứu nguy, trong đó con tình nguyện tới đây để nâng trái đất lên.

Khi con tới đây, con tạo ra từ bản thể của con một cỗ xe là bốn thể phàm của con. Ta có thể nói là bản thể của con lúc đó có một lượng tâm thức, lượng này tùy thuộc các kinh nghiệm mà con có. Điều mà thày nói ở đây không phải là một khái niệm tuyệt đối; nó phần nào là một khái niệm giả tạo. Thày nói ra điều này để giúp con hiểu là khi con xuống trái đất lần đầu, con yêu dấu, con chỉ đầu tư một phần nhỏ của lượng tâm thức của bản thể của con vào việc tạo ra bốn thể phàm. Con phải đầu tư một phần của bản thể của con vào việc tạo dựng cỗ xe hồn vì con không thể tạo ra bất cứ gì mà không tạo từ bản thể của mình, và do đó con cần đầu tư một phần bản thể của mình trong hình tướng mà con tạo ra.

Khi một phần tương đối nhỏ của bản thể của con được đầu tư vào bốn thể phàm, thì con có thể dễ dàng nhận ra là con không phải là bốn thể phàm của mình. Con hơn bốn thể phàm của mình, và do đó con không hoàn toàn tự đồng hóa mình với chúng. Con không hoàn toàn nhập vào việc trải nghiệm và coi trọng mọi chuyện xảy ra với bốn thể phàm, mọi chuyện xảy ra trên trái đất. Con ở trong thế gian, nhưng con không thuộc về thế gian. Con biết con ở đây và con biết là sa nhân không thể kiểm soát được con. Họ không thể tiêu diệt con. Con không thể bị tiêu diệt bởi bất cứ điều gì trên trái đất. Con biết sự kiện này.

7.6. Chấn thương nhập đời hoàn vũ

Khi con trải qua điều mà Mẹ Mary đã goi là chấn thương nhập đời hoàn vũ (cosmic birth trauma) thì con bị một cú sốc lớn, vì sa nhân đã hành hạ con một cách quá khắc nghiệt, và để đói phó với cú sốc đó, con đã phải tạo ra bốn thể phàm phức tạp hơn. Con đã phải tạo ra một số cấu trúc trong thể bản sắc của con. Con đã phải tạo ra một số cấu trúc trong thể lý trí và thể xúc cảm của con. Điều đó cũng đã ảnh hưởng cách con liên hệ với thân thể vật lý, và đã khiến con, trong các kiếp sống kế tiếp, thấy nhu cầu tạo ra một thân thể vật lý dày đặc hơn để có thể chịu đựng các năng lượng trên trái đất. Sau chấn thương nhập đời đó, con bắt đầu tạo ra một cỗ xe hồn phức tạp hơn để phản ứng lại những điều mà con phải trải qua trên trái đất.

Con yêu dấu, không ai chê trách con cả. Các thày hiểu đó là một phản ứng không thể tránh được trước những gì con phải trải qua. Điều thày muốn chỉ cho con thấy là để tạo ra cỗ xe hồn phức tạp đó, con đã phải đầu tư vào đó một phần lớn hơn của bản thể của mình. Khi con đầu tư càng nhiều bản thể của mình vào cỗ xe hồn, thì ý niệm bản sắc của con bị chú tâm vào đó nhiều hơn. Con càng ngày càng tự đồng hóa mình hơn với cỗ xe hồn, và do đó, so với trước kia, con không còn nhận ra, con không còn ý thức là con không phải là cỗ xe hồn, con hơn cỗ xe hồn, con là một sinh thể tâm linh đến từ một cõi cao hơn. Tức là con không bị mắc kẹt vào trái đất, con không bị mắc kẹt vào nhị nguyên, và con không bắt buộc phải phản ứng lại nhị nguyên. Con yêu dấu, con có thấy chăng là sa nhân đã cố ý và dần dần hành hạ con đến độ, để đối phó với tình trạng này, con đã phải tạo ra một cỗ xe hồn càng ngày càng phức tạp. 

Các thày đã cho con hình ảnh, hay đúng hơn các chân sư thăng thiên đã cho con hình ảnh, là có một lằn ranh phân chia vũ trụ vật chất và cõi tâm linh. Ở trên lằn ranh đó là Hiện diện TA LÀ của con, và ngay lằn ranh là một điểm chấm duy nhất. Có một dòng chảy năng lượng hình số tám từ phần phía trên, tức là Hiện diện TA LÀ, xuyên qua điểm chấm đó và xuống bốn thể phàm. Khi con nhân năng lượng lên bằng tình thương, thì dòng năng lượng chảy ngược trở lên và do đó, con nhận được nhiều hơn.

Điều mà các thày đã trao truyền là con có một cái Ta Biết. Ý nghĩa thực của giáo lý đó là để giúp con thấy được là, bất kể cỗ xe hồn mà con đã tạo ra có phức tạp đến đâu, thì con vẫn có khả năng bước ra ngoài nó và nối kết lại với Hiện diện TA LÀ của con. Cái Ta Biết là điểm nối kết mà con không bao giờ mất. Bây giờ, con có thể nói là với nhiều người trên trái đất, cái Ta Biết chỉ là một cái chấm nhỏ. Nó là một điểm nhận biết, môt điểm nối kết, nhưng đó là vì con đã tạo ra cỗ xe hồn rất phức tạp đã thu hút mọi sự chú ý của con, mọi ý niệm bản sắc của con, nên chẳng còn lại bao nhiêu sự chú ý để dành cho Hiện diện TA LÀ.

7.7. Hiểu rõ dòng chảy hình số tám

Bây giờ, con yêu dấu, con có thể nói là lúc đầu tiên khi con xuống trái đất và tạo ra bốn thể phàm (trước khi con bị sa nhân hành hạ), thì dòng chảy hình số tám giữa Hiện diện TA LÀ và bản thể thấp của con đã thấp hơn hiện nay. Có một phần của Hiện diện TA LÀ của con, một phần của cái ta cao của con, ở trong bát cung bản sắc. Nó gần con hơn nhiều, và do đó con có thể kết nối với nó dễ dàng hơn nhiều. Con dễ biết là con hơn bốn thể phàm của mình. Khi con tạo ra cỗ xe hồn phức tạp hơn và bắt đầu tự đồng hóa mình nhiều hơn với nó, thì con mất mối liên lạc có ý thức với Hiện diện TA LÀ. Đó là lý do vì sao ta có thể nói là Hiện diện TA LÀ đã phải rút lui trở lên để nó không bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra cho con trên trái đất. Đó là lý do vì sao trung tâm điểm của dòng chảy hình số tám ngày nay ở ngay lằn ranh giữa cõi tâm linh và bầu cõi nơi con đang chú tâm.

Điều thực sự có thể xảy ra là, khi con đi trên con đường tu, con mở ra lối để Hiện diện TA LÀ có thể bắt đầu đưa một phần của nó xuống các tầng cao của thể bản sắc của con, và ngay cả dần dần xuống sâu hơn nữa. Đó là cách để con trở thành một với Hiện diện TA LÀ của mình. Thày biết là các chân sư thăng thiên đã truyền cho các con một số hình ảnh trong quá khứ, nói rằng con trở thành một cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ và Hiện diện TA LÀ biểu lộ chính nó qua con. Khái niệm này có giá trị, nhưng nó vẫn là một khái niệm đường thẳng. Con cũng có thể nói là vì con là cánh cửa mở, nên Hiện diện TA LÀ có thể đưa một phần của nó xuống bốn thể phàm, càng lúc càng xuống sâu hơn cho tới khi nó phần nào điều khiển được cả xác thân vật lý.

Con yêu dấu, các cách mô tả tiến trình này không mâu thuẫn nhau. Đây chỉ là những cách khác nhau, một cách thì thích ứng hơn cho tư duy đường thẳng, trong khi cách thày trình bày có tính cách quả cầu hơn, ít đường thẳng hơn. Do đó, con cần chiêm nghiệm một chút nếu con vẫn còn dính vào lối nhìn mọi chuyện một cách đường thẳng.

Con yêu dấu, con thấy chăng là khi các thày tiết lộ một giáo lý, các thày cần thích nghi nó cho trình độ tâm thức và điều này có nghĩa là các thày phải tiết lộ giáo lý cho tư duy đường thẳng đang ngự trị trái đất. Khi các thày tiến triển việc tiết lộ tuần tự, thì các thày sẽ càng ngày càng dùng ít khái niệm đường thẳng, và nhiều khái niệm quả cầu hơn. Các giáo lý này hướng về những ai đã bắt đầu bước ra khỏi khuynh hướng tự đồng hóa với tư duy đường thẳng và nhận ra rằng họ không phải là tâm đường thẳng, và không phải mọi chuyện đều có thể được giải thích bằng một kiểu mà tâm đường thẳng có thể hiểu.

7.8. Hiện diện TA LÀ là gì?

Nó quả thực là môt bí ẩn. Quả thực là khái niệm Hiện diện TA LÀ là một thách đố. Hiện diện TA LÀ chính xác là gì? Nó liên hệ với con ra sao? Ta có thể đem hình ảnh của Thượng đế xa cách và chuyển nó sang Hiện diện TA LÀ, như nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã làm. Ta cũng có thể vượt qua hình ảnh này và nhận ra là ta không thể thật sự hiểu Hiện diện TA LÀ với tâm đường thẳng. Con yêu dấu, tại sao lại như vậy? Đó là vì tâm đường thẳng tạo ta hình tư tưởng và phóng chiếu các hình này lên hiện tượng mà con đang tìm hiểu. Khi con muốn hiểu Hiện diện TA LÀ thì tâm đường thẳng của con tạo ra một hình tư tưởng. Nó chỉ biết có cách đó mà thôi. Tâm vỏ ngoài của con, tâm đường thẳng của con, tạo ra một hình tư tưởng và sau đó phóng chiếu hình này lên Hiện diện TA LÀ và nói: “Hiện diện phải như thế này.”

Đây là cách con người và sa nhân hành xử với ý tưởng. Con tạo ra một ý tưởng và phóng chiếu nó lên thực tại. Sau đó, con tìm hiểu thực tại qua phin lọc của ý tưởng, như vậy thực sự có nghĩa là con muốn thực tại phải tuân theo viễn quan của con, phải chứng thực viễn quan của con. Con yêu dấu, các thày không trao truyền cho các con khái niệm Hiện diện TA LÀ để các con tìm hiểu nó từ bên ngoài và tìm cách hiểu nó bằng tâm đường thẳng. Các thày đã trao truyền khái niệm đó với mục đích giúp các con tới điểm có thể trực tiếp trải nghiệm Hiện diện TA LÀ và giải tỏa bí ẩn của tâm đường thẳng.

Cái Ta Biết cũng là một khái niệm mà các thày đã trao truyền. Nó cũng là một bí ẩn. Cái Ta biết chính xác là gì? Khi ta nói nó là nhận biết thuần khiết thì có nghĩa gì? Ấy, nói một cách giản dị, thì có nghĩa là nó không nhị nguyên. Nó không phải lúc nào cũng quan niệm có hai đối cực và do đó phải giải thích mọi chuyện với tư duy nhị nguyên. Nó có tiềm năng nối kết với Hiện diện TA LÀ, với các chân sư thăng thiên, với tâm không đường thẳng, với tâm không nhị nguyên. Nó có thể trực tiếp trải nghiệm điều này – và con có thể trực tiếp trải nghiệm thực tại không đường thẳng.

Các con đã nói đến điều gì khi đề cập đến giao tiếp từ trái tim? Nó không phải là giao tiếp đường thẳng. Nó không đường thẳng. Nó có tính chất quả cầu vì nó kết nối thay vì chia rẽ. Suy nghĩ đường thẳng chỉ có thể chia rẽ vì suy nghĩ đường thẳng muốn quy định một hình tướng bằng cách tách nó ra khỏi các hình tướng khác.

7.9. Suy nghĩ đường thẳng và đồng-sáng tạo

Vậy khác biệt giữa suy nghĩ đường thằng và đồng-sáng tạo là gì? Có phải chăng là thày đã nói ở trên là con đồng-sáng tạo bằng cách hình dung một hình tướng và phú cho nó một phần của bản thể của mình? Có khác biệt gì chăng? Ấy, có đó. Khác biệt có vi tế chăng? . Nó có dễ hiểu chăng? Không, nếu ta dùng tâm đường thẳng! Con không thể hiểu nó. Nhưng tuy con tạo ra một hình tướng hiện hữu trong không gian và thời gian và do đó bị giới hạn vào một cái gì có vẻ đường thẳng đối với con, nhưng hình tướng không được tạo ra bởi tâm đường thẳng. Con yêu dấu, con thấy chăng là con có một thể lý trí. Hầu hết các con cho rằng mình suy nghĩ với thể lý trí. Do đó, con sẽ nói là tâm đường thẳng của con là một phần tự nhiên của thể lý trí. Đó là giới hạn. Tâm đường thẳng không phải là một phần tự nhiên của thể lý trí. Tâm đường thẳng là một sản phẩm của việc sa ngã vào nhị nguyên. Tâm đường thẳng chỉ có thể thấy thời gian và không gian như hiện tượng đường thẳng. Đó là lý do vì sao con thấy thời gian vận chuyển từng phần một theo một hướng nhất định không đảo ngược được. Đó là lý do vì sao con thấy không gian, và con có thể đi từ một nơi này tới một nơi khác trong không gian. Bây giờ, tâm đường thẳng không tà ác. Chỉ duy có điều là tâm đường thẳng bị giới hạn vào lối suy nghĩ đường thẳng, và do đó, nó xếp mọi thứ tách biệt khỏi mọi thứ khác. Nó chỉ có thể quy định hình tướng bằng sự khác biệt.

Bây giờ, con hãy nghe kỹ điều thày nói ở đây. Tâm đường thẳng cần thấy sự khác biệt giữa một hình tam giác và một hình tròn để có thể tách hai hình đó ra và nhận diện chúng. Cho tới đây thì mọi chuyện vẫn tốt. Vốn dĩ không có vấn đề gì với tiến trình này. Khi con tạo ra một hình tướng, con cần tách hình tướng đó ra khỏi các hình tướng khác và phú cho nó một phần bản thể của mình. Con thấy chăng, khi con không ở trong nhị nguyên thì con biết là hình tướng đã được tạo ra từ bản thể của mình, và bản thể này là một phần của Bản thể rộng lớn hơn của Tâm Một của đấng Sáng tạo và của mọi sự sống. Do đó, hình tướng không tách biệt khỏi cội nguồn của nó. Đối với tâm đường thẳng, cội nguồn duy nhất, tâm một không có, và do đó, tâm đường thẳng thấy hình tướng khác biệt.

Con yêu dấu, khi con đồng-sáng tạo lần đầu, con không tạo ra từ tâm đường thẳng. Thể lý trí của con, trước khi con rơi vào nhị nguyên, không suy nghĩ theo lối đường thẳng, không có cái mà bây giờ con gọi là tâm đường thẳng. Tâm đường thẳng hiện ra sau khi con rơi vào nhị nguyên, và điều này có nghĩa là có nhiều hiện tượng trên trái đất đã bị ảnh hưởng bởi tâm đường thẳng. Thày không nói là chúng do tâm đường thẳng tạo ra, vì không phải như vậy. Tâm đường thẳng không thể sáng tạo, nhưng nó có thể là một phin lọc mà con dùng để hình dung một số hình tướng, sau đó con phú cho chúng một phần bản thể của mình và khiến chúng thị hiện trong cõi vật lý.

Nhân loại đã tạo ra một số hiện tượng bị ảnh hưởng bởi tâm đường thẳng. Lẽ dĩ nhiên, đây là điều, như các chân sư thăng thiên đã giảng cho các con, đã khiến vật chất dày đặc hơn – đã tạo ra rất nhiều biểu hiện bất hài hòa, bất quân bình đấu đá lẫn nhau, phá vỡ lẫn nhau – sinh ra bệnh tật và cái con người gọi là thiên tai. Tất cả những biểu hiện bất quân bình này đều bị ảnh hưởng bởi tâm đường thẳng, nhưng tại sao vậy? Vì sao có xung đột giữa một số hình tướng trên trái đất? Vì sao có xung đột giữa các nhóm người? Đó là vì tâm đường thẳng chỉ thấy được sự khác biệt, và sau đó nó quy định là một hình tướng tách biệt khỏi hình tướng khác. Cái tâm cao, tâm quả cầu, lẽ đương nhiên thấy sự khác biệt giữa các hình tướng. Trên cõi thăng thiên, các thày có thấy sự khác biệt giữa một hình tam giác và một hình tròn. Các thày cũng thấy là chúng không phải là hình tướng tách biệt bay lơ lửng trong không gian, vì chúng có cùng nguồn cội. Chúng được phú cho cùng một tâm thức, và đây là điều kết hợp mọi chuyện.

7.10. Đồng hóa mình với cỗ xe hồn

Khi con người bắt đầu tạo ra những cỗ xe hồn phức tạp hơn, thì họ đầu tư càng ngày càng nhiều bản thể của họ vào trong những cỗ xe hồn đó, và bỗng nhiên họ tự đồng hóa họ với cỗ xe hồn. Các cỗ xe hồn bị ảnh hưởng bởi tư duy đường thẳng vì sa nhân đã thành công trong việc khiến tư duy dường thẳng ngự trị trái đất. Con tạo ra cỗ xe hồn để đáp ứng lại tư duy đường thẳng của sa nhân, và đó là lý do vì sao khi cỗ xe hồn đã trở nên phức tạp (khi phần lớn lượng bản thể của con được đầu tư vào đó), con đã chuyển hóa và bắt đầu tự coi mình là một sinh thể đường thẳng.

Đó là lý do vì sao con người đã tự đồng hóa mình với những phân chia mà con thấy trên trái đất: hai giới tính, nam và nữ, các chủng tộc, các nhóm sắc tộc, các tôn giáo, các đảng phái chính trị, các quốc gia. Đó là lý do vì sao con người đã đầu tư quá nhiều vào các phân chia vỏ nên không thể giao tiếp ở tầng trái tim. Họ không thể hiểu nhau; họ không thể chấp nhận được nhau. Họ chỉ có thể thấy xung đột, và do đó không thể có sự hợp nhất thực sự.

Vậy, đâu là yếu tố duy nhất có thể bắc nhịp cầu, có thể vượt qua trạng thái đó? Đó là tình thương. Đó là tình thương theo nghĩa Thiêng liêng. Các thày đã gọi nó là tình thương vô điều kiện để phân biện nó với tình thương nhị nguyên của tâm nhị nguyên, tình thương nhị nguyên do sa nhân quy định. Họ đã quy định nó khi họ nói: “Đây là tình thương thật sự.” Và sau đó: “Đây là cái đối ngược của tình thương, đây là phản-tình thương.” Đây là tình thương, và đối ngược là gì? Là hận thù. Ấy, cả hai tình thương và hận thù do sa nhân quy định từ tâm thức nhị nguyên không dính dáng gì đến Tình thương Thiêng liêng.

Cái Ta Biết của con có thể trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng, bất kể cỗ xe hồn của con phức tạp thế nào, bất kể con đã đầu tư bao nhiêu phần bản thể của mình vào nó, bất kể con đã tự đồng hóa bao nhiêu với nó. Con có thể bước ra ngoài cỗ xe hồn, dù chỉ là trong một khoảnh khắc, và trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng. Khi con trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng, thì nó sẽ chuyển hóa con. Nó sẽ chuyển hóa cách con nhìn mọi chuyện, con yêu dấu.

7.11. Sự tương đồng giữa tất cả mọi người

Cách duy nhất giúp Châu Âu đạt được hợp nhất cao (là hợp nhất thực sự, chứ không phải hợp nhất ép buộc mà các con đang cố tạo ra), là càng ngày càng có nhiều người nối kết được với tình thương đó. Qua đó, họ nhận ra rằng: “Tuy chúng ta đã lớn lên trong những quốc gia khác nhau, chúng ta có những điểm tương đồng. Chúng ta cùng có một cái gì tương đồng.” Nhiều người gọi đó là “nhân tính” (humanity). Ấy, bất kể con người gọi nó là gì, điều quan trọng là họ nhận ra: “Chúng ta có điểm tương đồng, và cái tương đồng đó quan trọng hơn những phân chia vỏ ngoài.” Tại sao vậy? Vì khi con trải nghiệm cội nguồn bên trong mình, khi con đã chính mình kết nối với cội nguồn đó, và khi con gặp một người đã kết nối với cội nguồn của người đó, thì con sẽ cảm thấy có cái gì xảy ra giữa hai người khi các con hội tụ. Đột nhiên, có cái gì hơn nữa.

Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng khi con người gặp nhau, thì một bản nhạc êm ái trổi lên. Con nhận ra là khi con hiệp lại với nhau thì trong sự hiệp nhất đó có cái gì nhiều hơn so với khi các con đơn lẻ. Tác dụng là gì? Con cảm thấy thoải mái hơn và con cảm giác thoải mái hơn về chính mình. Đó là lý do vì sao con người muốn trải nghiệm nó. Như Mẹ Mary đã nói, càng lúc càng có nhiều người nhận ra giá trị của điều này, nhận ra nó một cách có ý thức. Họ muốn sự kết nối chân thực với cái gì cao hơn, bất kể họ thấy hay gọi cái đó là gì. Họ muốn nó, và quả thực đây là một sự biểu hiện tình thương: đây là tình thương biểu lộ. Nó vượt quá tầng của tâm thức, của ý niệm bản ngã mà con người đang có, và bỗng nhiên họ trải nghiệm cái gì hơn nữa. Đây là điều con trải nghiệm khi con mở lòng ra với Hiện diện của các chân sư thăng thiên và của các thành viên khác tại một hội nghị như thế này.

7.12. Trải nghiệm tình thương của Thượng đế

Khi con nối kết với tình thương đó, thì con vượt lên trên tâm đường thẳng, và do đó con không cần phải nhìn đấng Sáng tạo xuyên qua tâm đường thẳng. Con không cần nhìn tình thương xuyên qua tâm đường thẳng. Do đó, con có thể bắt đầu giải tỏa các bí ẩn mà thày đã nói ở trên. Đấng Sáng tạo có thương yêu con không? À, con yêu dấu, đấng Sáng tạo có thương yêu con với tình thương vô điều kiện và vô hạn, nhưng con thấy chăng, đấng Sáng tạo đã ban cho con quyền tự quyết và đấng Sáng tạo tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết của con. Do đó, đấng Sáng tạo sẽ không bao giờ áp đặt ý chí của ngài lên con. Con có thể trải nghiệm Bản thể của đấng Sáng tạo, tình thương yêu của đấng Sáng tạo, nhưng con phải mở lòng ra đón nhận nó.

Vị sứ giả này đã trải nghiệm điều này, như ông có mô tả, và đó là vì ông đã mở lòng ra đón nhận trải nghiệm. Sau đó, ông đã thấm nhập trải nghiệm đó và tới điểm vượt qua được cái nhìn đường thẳng về Thượng đế, cái nhìn đường thẳng về tình thương, và do đó chấp nhận được là điều ông trải nghiệm là tình thương yêu của đấng Sáng tạo. Qua đó, ông cũng hiểu và trải nghiệm là tình thương yêu của đấng Sáng tạo là tình thương yêu mình, nhưng từ tầm nhìn của con, con sẽ trải nghiệm nó như một tình thương không có cá nhân tính. Không phải là đấng Sáng tạo không chú ý tới từng cá nhân, nhưng đó là cách duy nhất mà con có thể trải nghiệm tình thương yêu của Thượng đế khi con còn ở trong môi trường dày đặc và trong bốn thể phàm trên trái đất.

Tuy rằng con có thể trải nghiệm Bản thể của đấng Sáng tạo và trải nghiệm là con nối kết với đấng Sáng tạo (con từ đấng Sáng tạo sinh ra và đấng Sáng tạo thương yêu con), nhưng vì những hạn chế của trái đất nên con sẽ trải nghiệm là tình thương của Thượng đế không có cá nhân tính. Đó là lý do vì sao, như có ghi trong bài Cầu thỉnh thương yêu chính mình, các thày đã cho con hình ảnh là Thượng đế Mẹ ban tình thương cho cá nhân con, tình thương nuôi dưỡng. Lẽ dĩ nhiên, Thượng đế Mẹ là gì? Ấy, ta có thể nói là tất cả là Mẹ, là phân cực của đấng Sáng tạo là nguyên lý Cha. Đối với con, tuy con là một sắc thái của tính Mẹ, nguồn của Tình thương Thiêng liêng cho con trước hết và chủ yếu nhất là các chân sư thăng thiên đang làm việc với trái đất. Các vị đó sẵn sàng ban cho con Tình thương Thiêng liêng, có nghĩa là một Ngọn lửa Mẹ là tình thương cá nhân cho con, một tình thương nuỗi dưỡng cho cá nhân con. Như thày có nói, vì những hạn chế của trái đất nên con không thể trải nghiệm tình thương của đấng Sáng tạo như cái gì dành cho cá nhân con, cho cá nhân con, nhưng con có thể trải nghiệm tình thương của một vị chân sư thăng thiên như một tình thương rất cá nhân, gửi cho chính con. Như một người đã phát biểu ngày hôm qua, con có thể tạo một mối liên hệ như vậy với một vị chân sư thăng thiên, và vị chân sư này sẽ trở nên như một người tâm lý trị liệu của riêng con. Con có thể nói chuyện với vị chân sư về mọi vấn đề và đặt đủ loại câu hỏi. Con sẽ có một câu trả lời, nhưng con phải nhớ rằng vị chân sư sẽ không trả lời câu hỏi đúng y như câu con hỏi, vì con thường đặt câu hỏi với tâm đường thẳng. Mục đích của vị chân sư là giải thoát con khỏi tâm đường thẳng và sự tự đồng hóa với bốn thể phàm. Đây là những loại trả lời mà con sẽ nhận được: những câu trả lời giải thoát con. Những câu đó không nhất thiết trả lời câu con hỏi một cách đường thẳng. Nhiều khi, khi vị chân sư thăng thiên trả lời câu hỏi một cách đường thẳng, thì câu trả lời chỉ củng cố tư duy đường thẳng và sự tự đồng hóa với bốn thể phàm của con.

7.13. Khái niệm tâm linh không theo đường thẳng

Có lẽ điều quan trọng là nhiều người trong các con nên hiểu là mục đích tìm hiểu giáo lý tâm linh không phải là để mình hiểu các khái niệm tâm linh với tâm đường thẳng. Rất, rất, rất nhiều đệ tử chân sư thăng thiên trong nhiều thập niên vừa qua đã bị mắc kẹt trong ý nghĩ cho rằng họ cần học giáo lý với tâm đường thẳng để họ có thể hiểu, phân loại và dán nhãn giáo lý. Họ lúc nào cũng có thể nhớ lại một câu trong các bài giảng và đọc ra cho các bạn nghe, và câu này dường như thích hợp với mọi hoàn cảnh. Đây chính thực là một ngõ cụt trên con đường tâm linh. Lối tu này không giúp con và thực sự lại có thể dẫn con vào đường tu giả, tức là khiến con nối kết với các thày giả trên cõi tư tưởng. Các thày giả này sẽ rất hoan hỷ cho con cảm giác con là một trong những đệ tử tâm linh xuất sắc nhất trên trái đất vì con có khả năng hiểu các khái niệm đó với tâm đường thẳng.

Mục đích thật của giáo lý chân sư thăng thiên không phải là để cho con hiểu biết, mà là để giúp con có một trải nghiệm trực tiếp: trải nghiệm trực tiếp Hiện diện TA LÀ, Hiện diện của một chân sư thăng thiên hay Hiện diện của đấng Sáng tạo, trải nghiệm thực tại không đường thẳng vượt lên trên trái đất. Trải nghiệm đó chính là tình thương. Đó là một trải nghiệm khiến con chuyển hóa. Con có thể thấy là khi một số người gặp gỡ và cảm thấy có tình thương với nhau, thì họ chuyển hóa và bỗng nhiên họ có thể giải quyết các vấn đề và xung đột bên ngoài mà trước kia họ không giải quyết được.

7.14. Một thực tập để chữa lành

Các con yêu dấu, thày biết là thày đã thử thách sức chịu đựng của các con, nhưng thày vẫn chưa xong bài giảng. Thày tin rằng các con sẽ có thể tiếp tục chú tâm khi thày trình bày một thực tập mà thày thực sự muốn trao truyền cho các con. Thày sẽ có mặt bên con mỗi khi con làm thực tập này. Con có thể được kết quả tốt hơn nếu, trước khi con bắt đầu thực tập, con đọc lại bài truyền đọc này vì những khái niệm mà thày trình bày trong đó, lẽ dĩ nhiên, không phải là chuyện tình cờ. Các khái niệm đó là bối cảnh để con thực tập thành công.

Con yêu dấu, thày muốn con suy ngẫm là mục đích của con là cảm thấy thoải mái với chính mình. Lẽ tự nhiên, con có thể nhìn vào trái đất và áp dụng một số mô thức mô tả hiện trạng của trái đất. Con có thể áp dụng một mô thức và nói rằng nguyên do của tất cả mọi vấn đề trên trái đất, tất cả mọi xung đột giữa con người, đều do con người không cảm thấy thoải mái với chính họ. Và để bù đắp lại cảm giác đó, thay vì sửa đổi chính họ và bản thể nội tại của họ, thì họ lại tìm cách thay đổi thế gian và thay đổi người khác. Khi con người khẩn thiết muốn được thoải mái với chính họ bằng cách kiểm soát môi trường, thì đó là đầu mối của tất cả mọi xung đột.

Con cũng thể nói là điều này cũng áp dụng cho sa nhân, vì khi họ sa ngã, họ không cảm thấy thoải mái với chính họ tuy một số trong họ có lòng kiêu hãnh tâm linh lạ thường. Nếu con thực sự nhìn vào một sa nhân, thì con thấy là họ không thoải mái với chính họ. Họ đã thành công trong việc chế ngự trái đất bằng cách khiến con người cảm thấy không thoải mái với chính mình. Nhìn từ góc độ nào đó thì đây là vấn đề duy nhất trên trái đất.

Mục đích của bài này là giúp con cảm thấy thoải mái với chính mình và mục đích của bài thực tập là giúp con trải nghiệm phần quả cầu của bản thể của con. Làm sao con thực sự cảm thấy thoải mái với chính mình? Không phải bằng cách hoàn thành một điều kiện nào đó trên trái đất, nhưng bằng cách nối kết với con người thật của mình, với cái ta cao của mình. Hiện diện TA LÀ của con không thể nào khiến con cảm thấy không thoải mái với chính mình. Con không thể nào cảm thấy không thoải mái với chính mình khi con trải nghiệm Hiện diện của một chân sư thăng thiên. Con không thể nào cảm thấy không thoải mái với chính mình khi con trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng. Con có thể sau đó có một phản ứng, và nó khuấy động điều gì đó trong tâm lý của con, và điều này được phơi bày ra khiến con cảm thấy không thoải mái với chính mình, nhưng đó không do sự trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng, vì khi con ở trong đó thì con cảm thấy thoải mái vì cái ta vỏ ngoài tan biến đi. Mục tiêu là con cảm thấy thoải mái hơn với chính mình, hơn những gì con đang cảm thấy hiện nay.

7.15. Một bài hình dung

Thày muốn con hình dung là con đang đi xuyên qua một khu rừng. Có nhiều cây rậm rạp hai bên nhưng con không để ý đến chúng. Có một con đường mòn trước mặt con. Con đi xuyên qua khu rừng. Con tới một khoảng trống trong khu rừng và ở đó có một cái tháp quan sát giống như con có thể thấy ở một số nơi, con có thể trèo lên đỉnh tháp đó và con sẽ ở cao hơn các ngọn cây và có thể nhìn phong cảnh khắp chung quanh. Con bây giờ đang đứng ở dưới chân tháp và tháp đó có nhiều tầng. Có những bậc thang dẫn tới một mặt phẳng. Từ mặt phẳng đó, có những bậc thang khác đi lên trên. Con hiện đang đứng trên mặt đất. Trước mặt con là những bậc thang đưa lên mặt phẳng thứ nhất. Con đừng nên quan tâm tới đỉnh tháp. Con chỉ nhìn lên mặt phẳng thứ nhất. Có một vị chân sư thăng thiên đang đứng trên mặt phẳng đó. Vị chân sư đó là ai tùy theo mỗi cá nhân con. Vị nào mà con cảm thấy gần gũi nhất với tim mình, thì vị ấy đang đứng trên mặt phẳng thứ nhất. Vị chân sư đang mở hai vòng tay chào đón con. Con biết là nếu con bước lên mặt phẳng đó, thì vị chân sư sẽ ôm con và con biết con sẽ cảm thấy thoải mái hơn với chính mình khi con được một vị chân sư thăng thiên ôm vào lòng.

Vì lý do nào đó, con không nâng bàn chân lên khỏi mặt đất được. Con cố gắng hết sức, nhưng hai bàn chân vẫn dính chặt vào mặt đất. Con nhận ra lý do là vì con đang mang trên mình một gánh nặng. Con đang mang trên mình một gánh nặng và nó đang ngăn cản con bước lên bậc thang. Thày không muốn con nhìn vào chi tiết của gánh nặng đó. Con có thể có một ý niệm nó là cái gì, hay con không có; nhưng con đừng tốn năng lượng tư tưởng cố tìm hiểu nó là cái gì. Con chỉ giản dị hòa điệu với sự kiện có một cái bị đeo trên vai đang khiến con bị nặng chĩu.

Con yêu dấu, bây giờ thì con nhìn lên vị chân sư và con phải lấy một quyết định: “Tôi có muốn bước lên cầu thang và ôm vị thày chăng? Vì nếu vậy thì tôi cần lấy cái bị trên vai tôi và giản dị để nó tuột khỏi vai tôi và rơi xuống mặt đất.”

Bây giờ thì con nhận ra là con quả thực có đủ uy lực để làm chuyện này. Con có thể đẩy cái bị ra, trùng vai xuống, đẩy quai bị và để nó tuột xuống cánh tay của con và nó rơi xuống mặt đất. Bây giờ thì con có thể bước lên cầu thang thứ nhất.

Nếu con muốn thì con có thể cảm thấy đã trút bỏ gánh nặng, và con nắm thành cầu thang và bước lên những bậc thang, và trên đầu cầu thang có vị chân sư ôm chầm lấy con. Con ôm vị thày và con cảm thấy tình thương của vị thày. Con cảm thấy tình thương đó bao phủ toàn thân con, và ngay lúc này, không có chuyện gì hệ trọng nữa.

Nếu con làm thực tập này ở một lúc khác, thì con có thể chọn ở lại tầng này. Không có gì sai trái với việc ở lại tầng thứ nhất này, và ôm vị thày bao lâu cũng được. Con có thể làm thực tập này nhiều lần và vẫn đi tới tầng thứ nhất và ôm vị thày này.

Để tiếp tục bài thực tập, thày bây giờ muốn con nhận ra là con đang ở trên mặt phẳng và có một cầu thang khác dẫn tới mặt phẳng thứ hai bên trên con. Khi con bước tới cầu thang này, thì con thấy có một vị chân sư thăng thiên khác, một lần nữa vị này là ai tùy theo mỗi người trong các con, đang mở rộng vòng tay chờ đón con. Một lần nữa, con cảm thấy bị dính vào mặt phẳng nơi con đang đứng vì con có một cái bị khác đang đè lên vai con.

Một lần nữa, con nhận ra là nếu con muốn, con có uy lực để nhẹ nhàng đẩy nó ra để nó tuột xuống cánh tay con, rơi xuống mặt đất, và con lại tự do đi lên cầu thang. Ở trên đó, có vị chân sư thăng thiên thứ hai ôm chầm lấy con. Một lần nữa, con cảm nhận tình thương của vị thày. Con cảm thấy thoải mái với chính mình. Con cảm thấy tình thương nuôi dưỡng của Mẹ tỏa ra từ vị thày và bao trùm toàn thân con. Dù con thấy vị thày là vị thày nam hay nữ, thì vẫn là tình thương nuôi dưỡng của Mẹ đang tỏa tới con. Con cảm thấy tình thương này dành cho cá nhân con.

Vị thày này biết con, thương yêu con, không phán xét hay chỉ trích con, thương yêu con đúng như con là ngay lúc này. Không có điều kiện nào, ngoại trừ con có ý muốn ôm chầm vị thày của con, và con muốn, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn, trút bỏ gánh nặng mà con vẫn thường mang theo mình, để con có thể mở lòng ra cho vị thày ôm mình. Vì sao con lại cần mở lòng mình ra? Bởi vì nếu không, thì con không thể cảm thấy tình thương yêu của vị thày. Không phải là vị thày không tỏa ra tình thương, mà chỉ vì con không thể cảm được nó.

Một lúc sau thì con nhận ra có một cầu thang nữa, dẫn tới một mặt phẳng thứ ba và một vị chân sư khác. Một lần nữa. có một gánh nặng mà con có thể trút xuống. Thày không nói các gánh nặng này là gì vì chúng tùy mỗi cá nhân các con. Khi con làm thực tập này, gánh nặng cũng có thể chuyển đổi. Nó có thể khác đi. Con có thể có một viễn quan ngày càng rõ hơn, hay cũng có thể một viễn quan khác. Đó là lý do thày không cho con một viễn quan rõ rệt về nó. Nó chỉ giản dị là một gánh nặng mà con cảm thấy ngay lúc này, và nó ngăn cản con không bước lên được cầu thang thứ ba, và con để nó rơi xuống. Con bước lên cầu thang, và một lần nữa con ôm chầm vị thày ở đó.

Sau một thời gian trong vòng tay vị thày, thì con lại nhận thấy có một cầu thang thứ tư dẫn tới một mặt phẳng thứ tư và nơi đó có vị thày thứ tư đang đợi con. Một lần nữa, con nhận ra là con có một gánh nặng và con chỉ giản dị để nó rơi xuống, vì nay việc này đã dễ làm hơn. Con để cho nó rơi xuống. Con bước lên cầu thang và con ôm chầm vị thày. Đúng, nếu con muốn, con có thể xem các vị thày này tương ứng với các tia ánh sáng, nhưng con không cần phải đi theo đường thẳng như vậy. 

Một lần nữa, tùy con cảm thấy thế nào lúc thực tập (và cũng có thể là vị thày khác nhau mỗi lần thực tập), con bước lên cầu thang và con ôm chầm vị thày thứ tư và cảm thấy tình thương yêu của vị thày đó. Con bắt đầu nhận ra là mỗi vị thày có một đặc tính riêng của Tình thương Thiêng liêng. Mỗi vị thày cho con một cái gì khác, mỗi thứ này đúng những gì con cần để chữa lành một sắc thái nào đó của tâm lý của con. Trong một lúc, con cảm thấy hạnh phúc trong vòng tay ôm của vị thày; và khi con tự mình thực tập, thì con có thể ở mỗi tầng bao lâu con muốn.

Sẽ có một lúc con nhận ra là có một cầu thang khác dẫn lên tầng thứ năm. Một lần nữa, con có một gánh nặng. Con nhận ra nó. Con để nó rơi xuống. Con bước lên cầu thang và con ôm chầm vị thày. Một lần nữa, vị thày này cho con một tính chất hơi khác của Tình thương Thiêng liêng, một hình thức nuôi dưỡng hơi khác. Một lần nữa con cảm thấy thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, được thương yêu nhiều hơn, được chăm lo nhiều hơn.

Sau một thời gian ở tầng thứ năm, thì lại có cầu thang thứ sáu, và con lại có một gánh nặng. Con để cho nó rơi xuống. Con bước lên cầu thang. Bây giờ thì con ở trên tầng thứ sáu, con ôm chầm vị thày đang cho con một tính chất độc đáo của tình thương nuôi dưỡng của Mẹ Thiêng liêng. Con cảm thấy được thương yêu nhiều hơn nữa, trọn vẹn hơn nữa, đang được ôm chặt hơn nữa trong cảm nhận là không những chỉ có một người chăm lo cho con, mà thực sự là cả vũ trụ đang chăm lo cho con, cho riêng cá nhân con.

Con bắt đầu cảm thấy là toàn thể vũ trụ, toàn thể cõi Mẹ muốn nuôi dưỡng con, cá nhân con, và cho con điều con thực sự cần để con đi con đường mà con đã vạch ra cho mình trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con cảm thấy sự nuôi dưỡng đó. 

Con cảm thấy Mẹ không phải là địch thủ của mình. Mẹ đích thực muốn cho con những gì con cần. Vũ trụ muốn cho con những gì con cần – không nhất thiết là những gì tự ngã hay cái ta vỏ ngoài của con nghĩ nó cần, tỷ dụ như một chiếc xe mới bóng nhoáng, hay điều này điều nọ – nhưng vũ trụ muốn cho con những gì con cần để tăng trưởng.

Sau một thời gian chấp nhận là con thực sự đang sống trong một vũ trụ thân thiện, con nhận ra là có một cầu thang thứ bảy. Con lại cảm thấy có một gánh nặng, và con lại để nó rơi xuống. Con bước lên cầu thang. Có một vị chân sư đang đợi con, nhưng vị thày không đứng ở ngay trên bực thềm cuối vì nay mặt phẳng rộng lớn hơn. Khi con lên tới tầng này, con bỗng nhiên nhận ra là con đã ở cao hơn các ngọn cây. Con ở trên tất cả những chuyện trên trái đất có vẻ khiến con quan tâm. Con gần như có cảm tưởng là con không còn ở trên trái đất. Con đang ở trong một cõi hoàn toàn khác.

Con nhìn xuống trái đất từ rất cao và con thấy trái đất bên dưới. Con thấy bốn thể phàm của mình. Con thấy cuộc đời của mình. Con thấy tất cả những người và những hoàn cảnh chung quanh con từ quãng xa. Con bỗng nhiên nhận ra: “Ồ, có đúng là những người và chuyện này không có tầm quan trọng gì cả nếu ta nhìn từ góc độ hoàn vũ? Có đúng chăng là mọi chuyện con đang trải qua và đang đè nặng lên vai con, và có vẻ rất quan trọng đối với con – có đúng chăng là chúng không quan trọng gì cả nếu nhìn từ góc độ cao này?”

Nếu con muốn, con có thể cho phép mình cảm thấy bỗng nhiên có vô số làn sóng năng lượng đang lớp lớp tràn lên con, và tâm thức của con được mở rộng và mở rộng và mở rộng ra thêm nữa. Con nhận ra là những gì xảy ra trên trái đất – những chuyện có vẻ rất quan trọng đối với con nhìn từ góc độ thường nhật của con – chẳng quan trọng gì cả khi nhìn từ góc độ hoàn vũ. Chúng không quan trọng một cách lạ thường. Không phải là chúng không có nghĩa lý gì, nhưng chúng không quan trọng khi so sánh với cái con là thực sự. Các điều kiện trên trái đất có quá ít ảnh hưởng trên Bản thể thực của con, trên con người mà con thực sự là. Chỉ vì con tự đồng hóa mình với hoàn cảnh nên chúng mới trở nên quan trọng và chúng mới có quyền lực trên con. Nhìn từ góc độ của Hiện diện TA LÀ thì chúng hoàn toàn không có quyền lực gì hết trên Hiện diện TA LÀ. Chúng hoàn toàn không quan trọng, chúng hoàn toàn không có khả năng quy định con.

Sau đó, con nhận ra là có một khoảng cách khủng khiếp giữa tầm nhìn từ Hiện diện TA LÀ và tầm nhìn của con khi con ở trong bốn thể phàm. Con nhận ra là Hiện diện TA LÀ cảm thấy rất thoải mái với chính nó và với con. Con cảm thấy rất thoải mái với chính mình khi con nhìn sự việc từ tầm nhìn của Hiện diện TA LÀ. Con muốn cảm giác đó. Con thực sự muốn giữ được ít nhất là một phần của cảm giác đó khi con trở về bốn thể phàm của mình, và con nghĩ: “Làm sao tôi làm được chuyện này? Làm sao tôi có thể bắc nhịp cầu qua khoảng cách? Làm sao tôi có thể có được một chút cảm giác mà Hiện diện TA LÀ có, khi tôi ở trong thân thể của tôi?”

7.16. Hãy mở lòng ra đón nhận

Lúc đó, con nhận ra là có một vị chân sư thăng thiên đang đứng trên mặt phẳng, giơ ngón tay và nói: “Thày có thể giúp con chăng? Con có cho phép thày giúp con giải tỏa bí ẩn này chăng?” Nếu con muốn, thì con có thể quay về phía vị thày và nói: “Xin thày giúp con thấy những gì trong tâm lý của con, trong thái độ của con, trong các niềm tin của con, trong bốn thể phàm của con, đang ngăn cản không cho con mang theo một phần nào những cảm nhận, tầm nhìn, của Hiện diện TA LÀ khi con trở về bốn thể phàm của con.” Tùy theo con mở lòng tới mức nào, vị thày sẽ cho con một xung lực. Có thể nó không phải là một hiểu biết trí năng, đường thẳng, dùng lý trí. Tùy con mở lòng tới mức nào, vị thày sẽ cho con một xung lực.

Bất cứ điều gì con nhận được từ vị thày, thì lúc ban đầu con khó hiểu thấu. Chắc chắn là tâm đuờng thẳng của con sẽ khó hiểu thấu vì vị thày đang tìm cách giúp con trải nghiệm tầm nhìn từ Hiện diện TA LÀ, và Hiện diện TA LÀ không nhìn cuộc đời với tâm đường thẳng. Vị thày không thể cho con hiểu biết hay khái niệm đường thẳng vì tâm đường thẳng, khi con trở về bốn thể phàm của mình, sẽ chỉ dùng nó để tạo ra một hình tư tưởng khác. Vị thày đang tìm cách trao cho con một cái gì mà con có thể hiểu và có thể mang theo mình. Thày muốn con mở lòng ra đón nhận bất cứ điều gì vị thày trao cho con, và gìn giữ nó, và mang nó theo con khi con đi trở xuống các bậc cầu thang.

Lúc ban đầu, con có thể chỉ muốn đi xuống các bậc thang mà không chú ý đến các vị thày, và trở về bốn thể phàm của mình. Khi con đã quen thuộc hơn với thực tập này, thì con có thể khám phá ra là con có thể ngừng ở mỗi tầng và mỗi vị thày sẽ cho con một cái gì sẽ giúp con.

Con đang đi xuống những bậc thang của tháp, và nay con đã xuống tới mặt đất. Bây giờ thì con đã trở về bốn thể phàm của mình. Con bước trở ra về phía khu rừng, và khi con bước xuyên qua khu rừng thì con dần dần trở về bốn thể phàm của mình, và bây giờ thì con đang ngồi trong chiếc ghế với tâm ý thức bình thường của mình.

7.17. Một tầm nhìn khác

Thày mong rằng con giữ được điều gì đó từ thực tập vừa rồi, và nó sẽ giúp con có được một tầm nhìn khác. Nó sẽ giúp con bắt đầu tiến trình giải quyết vướng mắc trong tâm lý để con dần dần tới điểm con có được tầm nhìn của Hiện diện TA LÀ khi con còn đang sống trong bốn thể phàm của mình. Qua đó, không có gì trên trái đất có uy quyền trên con nữa. Không có gì quy định được con. Con không hoàn toàn tự đồng hóa mình với bất cứ gì. Không có gì con thấy quan trọng đến độ con cảm thấy bị bó buộc phải phản ứng lại nó, và lúc nào cũng phải phản ứng cùng một kiểu.  

Con nhận ra con có thể chọn lựa phản ứng của mình. Con có thể chọn lựa không phản ứng. Con có thể tới điểm con đã vượt thăng những yếu tố trong tâm thức khiến con phản ứng lại một số người hay một số hoàn cảnh. Thày bảo đảm với con là một khi con đã thăng vượt một tầng tâm thức nào đó, con sẽ không còn thu hút những người hay hoàn cảnh khiến con phản ứng. Lúc đó, vì con không còn bị mắc kẹt trong những khuôn nếp phản ứng nên con sẽ dễ dàng hơn hòa điệu với Hiện diện TA LÀ, với các chân sư thăng thiên, và cảm thấy tình thương vượt lên trên trái đất, và do đó, thực sự khiến mọi chuyện trên trái đất trở nên không quan trọng bằng trải nghiệm và biểu lộ tình thương đó.

7.18. Tình thương Thiêng liêng là tầm nhìn tối hậu

Một khi con đã thoáng thấy Tình thương Thiêng liêng, thì không có gì trên trái đất có thể quan trọng khi so sánh với Tình thương Thiêng liêng. Không phải là có điều gì trên trái đất có thể so sánh với Tình thương Thiêng liêng, nhưng cảm giác mà con có khi con trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng vượt lên trên bất cứ điều gì con có thể trải nghiệm trên trái đất. Điều này sẽ lôi kéo con muốn trải nghiệm nó càng ngày càng nhiều hơn, và con càng trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng, thì con càng tách mình ra, không còn tự đồng hóa mình với bốn thể phàm nữa.

Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là lúc đó con đã rút một phần bản thể của mình không đầu tư vào bốn thể phàm nữa, vì con đang làm tan đi cái ta mà con đã tạo ra khi con phản ứng lại thế gian, khiến một phần của bản thể của con bị mắc kẹt trong bốn thể phàm. Khi con rút một phần bản thể của mình ra khỏi bốn thể phàm, thì con bắt đầu có nhận biết rõ hơn rất nhiều về Hiện diện TA LÀ. Con bắt đầu có một mối liên hệ hoàn toàn khác với Hiện diện TA LÀ. Hiện diện TA LÀ không còn ở trên kia và con thì ở dưới này, nhưng chắc chắn là đôi khi con có cảm tưởng mình bay bổng lên và đôi khi con cảm thấy Hiện diện TA LÀ đi xuống nơi con ở. Bỗng nhiên những hàng rào chắn bắt đầu rơi xuống, và ngay cả khái niệm dòng chảy hình số tám không còn là dòng chảy từ cõi này xuống cõi khác nữa. Nó thực sự còn không phải là một dòng chảy nữa. Nó giản dị là một nhận biết, ý niệm là một. Dòng chảy chỉ hiện ra khi con là cánh cửa mở để năng lượng chảy tới người khác, và do đó, con là Tình thương Thiêng liêng đang hành động.

Con yêu dấu, thày biết chắc là con nhận ra là khi một sinh thể ở tầng của thày phát biểu, thì thày không có giới hạn không gian và thời gian. Thày không để ý đến những giới hạn của thân thể vật lý của các con và thày biết là bài giảng này đã rất dài. Thày biết ơn là các con đã sẵn sàng chịu đựng, là các con đã sẵn sàng là cánh cửa mở tỏa chiếu năng lượng và khái niệm từ Bản thể của thày, từ Hiện diện của thày, đến tâm thức đại chúng. Thực sự, điều này đang đặt nền móng cho một sự hợp nhất lớn hơn giữa con người và giữa các dân tộc.

Chắc chắn đây là một điều kiện để mang lại Thời Hoàng kim của Saint Germain. Chắc chắn là thời hoàng kim mà Saint Germain hình dung không thể bị áp đặt. Nó chỉ có thể được đem tới bằng tình thương. Nó chỉ có thể được đem tới khi con người chọn lựa nó vì nó khiến con người thoải mái hơn tình trạng hiện nay.

Quả thực là có bao nhiêu người cảm thấy thoải mái với tình trạng chính trị và kinh tế hiện hành? Mục đích thực sự là gì? Có phải chăng là thay đổi các điều kiện bên ngoài? Không đâu, mục đích là thay đổi cảm giác nội tâm để con người nhận ra là có những điều kiện, có những viễn quan có thể khiến họ cảm thấy thoải mái hơn. Điều này trở nên động cơ thúc đẩy – không phải là một động cơ thúc đẩy đường thẳng, vỏ ngoài, vị kỷ. Nó trở thành động cơ thúc đẩy để: “Tôi muốn cảm thấy thoải mái với chính mình và tôi muốn người khác cũng cảm thấy như vậy. Khi tất cả chúng tôi đều cảm thấy thoải mái với chính mình và chúng tôi hiệp lại, thì chúng tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn là khi chúng tôi riêng rẽ.” Đó chính là cách chân thực để thể hiện một thời đại hoàng kim.

Thày biết ơn và thày chấp nhận từng cá nhân các con, bất kể con là ai, bất kể con ở đâu, bất kể con nhìn mình như thế nào. Thày không thấy con như con thấy chính mình. Thày thấy toàn bộ bản thể của con và thày chấp nhận mỗi sắc thái của bản thể của con, mỗi sắc thái của con người con ngay lúc này và tiềm năng trở nên hơn nữa của con.

Giải tỏa bí ẩn của con đường quả vị Phật

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 6 tháng 5 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Phật, tên ta là Gautama. Thày muốn nhân cơ hội này trình bày một số đề tài có vẻ không nói tới Hàn Quốc. Tuy không nói gì về Hàn Quốc, thày vẫn nói điều gì đó về Hàn Quốc cho những ai có thể hiểu được.

Nếu con tìm hiểu bài giảng tuyệt vời của Giê-su về Con đường Quả vị Ki-tô, con sẽ thấy, con yêu dấu, là có một số giai đoạn trên con đường này. Đặc biệt là khi con tới gần và vượt qua tầng 96, con sẽ phải đối mặt một số thách đố, con phải đối phó với chúng để có thể tiến lên cao hơn tới tầng 144. Chúng ta có thể xem những thách thức này giống như một số nghịch lý, một số bí ẩn, mà con phải giải quyết trước khi con có thể vươn cao lên tới một tầng cao hơn của đường tu. Có một số bí ẩn như thế, nhưng thày sẽ không đi vào tất cả mà chỉ bình luận một số.

10.1 Thấy mâu thuẫn hay nhìn vượt quá chúng

Bây giờ, con thấy chăng con yêu dấu, khi các thày là chân sư thăng thiên tiếp cận với nhân loại chưa thăng thiên để trao truyền một giáo lý, các thày đối mặt một khó khăn đặc thù mà ít người đang hiện thân hiểu được. Sự thực là khi con là một chân sư thăng thiên, con đã thăng vượt tâm đường thẳng, nhị nguyên và phân tích. Do đó, con có một sự nhận biết quả cầu hơn; con không nhìn mọi sự qua phin lọc của hai cực, của cực đoan, của phê phán giá trị và một thang giá trị. Con không có cái tâm đường thẳng so sánh lời này với lời kia và có thể nó thấy có mâu thuẫn vì hai câu có vẻ như không nói cùng một chuyện.

Lẽ dĩ nhiên các thày biết là trên thực tế những người chưa thăng thiên ở trong trạng thái tâm dễ nhìn thấy mâu thuẫn vì họ tìm cách giải thích mọi chuyện với tâm đường thẳng. Họ nghĩ phải hiểu lời này theo nghĩa đen, phải hiểu lời kia theo nghĩa đen; và khi con lấy nghĩa đen của hai lời nói thì chúng có vẻ mâu thuẫn. Giờ đây con yêu dấu, có nhiều học viên tâm linh đã bắt đầu học hỏi giáo lý tâm linh hay cũng như vậy, học hỏi giáo lý của các tôn giáo, và họ thấy, theo nhận thức của họ, là có những mâu thuẫn. Nhiều người trong thế giới Tây phương đã dùng những điều có vẻ mâu thuẫn trong kinh sách tôn giáo để lý luận theo khoa học hay chủ nghĩa duy vật là mọi tôn giáo đều là chuyện giả dựng và không nói lên điều gì thực sự hợp lý.

Lẽ dĩ nhiên đây là hậu quả cùng cực khi sử dụng tâm đường thẳng. Ngay cả nhiều người mộ đạo hay tâm linh cũng tìm thấy mâu thuẫn, thường là giữa hai giáo lý tâm linh khác nhau. Điều này khiến họ nghĩ là họ phải suy luận rằng một trong hai cái là đúng và cái kia là sai. Còn có cả những người bắt đầu thấy mâu thuẫn ở trong một giáo lý tâm linh và điều này làm họ hoang mang, và ngay cả bỏ con đường tu. Mục đích của thày ở đây là đưa ra một số nhận xét có thể giúp con vượt quá giai đoạn này, vì quả thực đây là một giai đoạn trên đường tu. Có thể nói là con đã vươn lên trên tâm đường thẳng nhưng con chưa đột phá một cách ý thức và chưa giải thoát tâm ý thức của mình khỏi lối suy nghĩ đường thẳng. Con chưa thấy được một cách ý thức những giới hạn của lối suy nghĩ đường thẳng và do đó con vẫn bị xáo trộn bởi những điều trông có vẻ mâu thuẫn kia.

Nhìn một cách rất tổng quát, con yêu dấu, thì thày có thể nói với con rằng, lẽ dĩ nhiên, có thể có một số trường hợp có một số lời dạy mâu thuẫn. Các thày, khi trao truyền giáo lý qua một sứ giả chưa thăng thiên, không thể bảo đảm là không có một số sai sót len lỏi vào và có thể có một ít mâu thuẫn ở chỗ này chỗ kia. Khi con tới một mức chín chắn hơn trên con đường tu, thì con sẽ không để một sai sót hay một mâu thuẫn khiến con bác bỏ phần còn lại vẫn có giá trị của giáo lý. Tuy thế, trong đại đa số trường hợp, điều có vẻ là mâu thuẫn chỉ có vẻ mâu thuẫn vì nó được nhìn qua phin lọc của tâm đường thẳng. Khi con thấy một mâu thuẫn, phản ứng xây dựng hơn là con nói: “Tôi cần nâng tâm thức mình lên để tôi có thể có một cái nhìn cao hơn về vấn đề. Chắc phải có điều gì đó tôi chưa thấy, chưa hiểu. Khi tôi thấy nó rồi, nó sẽ giải quyết điều mà hiện giờ trông có vẻ mâu thuẫn.” Sau đó, con mở tâm ra đón nhận sự hướng dẫn trực tiếp và trực giác từ các chân sư thăng thiên, từ Hiện diện TA LÀ của con, từ cái Ta Ki-tô của con để giải tỏa bí ẩn. Hoặc con học hỏi thêm giáo lý vì con nhận ra rằng có thể có những phần giáo lý khác có thể giúp con giải tỏa bí ẩn.

10.2. Hiểu lầm về không dính mắc

Một ví dụ mà nhiều người coi là mâu thuẫn là sứ vụ của chính Phật. 2500 năm trước đây, thày giảng là mục tiêu giáo lý của thày là cho các con một con đường tu giúp các con vượt lên trên trạng thái tâm thức bình thường bằng cách đạt được sự hoàn toàn không dính mắc. Tuy thế, con yêu dấu, nếu cá nhân thày đã đạt được sự hoàn toàn không dính mắc, thì tại sao thày lại bỏ công đi giáo hóa?

Nói cách khác, nhiều người hiểu khái niệm không dính mắc có nghĩa là không quan tâm tới chuyện gì xảy ra trên trái đất. Hó lý luận rằng nếu Phật thật sự không dính mắc, thì Phật không quan tâm đến chuyện xảy ra cho người khác và nếu thế thì đâu cần bỏ công đi vào thế gian và giảng dạy một giáo lý có thể giúp họ thoát khổ? Tại sao Phật không chỉ giản dị không dính mắc và tiến lên các tầng cao hơn, và để con người khám phá những điều mà Phật đã khám phá và nhờ vậy tự giải thoát nếu có thể. Nếu họ không tự giải thoát được, thì Phật cứ để họ tiếp tục đi theo bánh xe của luân hồi và đau khổ cho tới khi họ chán ngán và tự thức tỉnh.

Con thấy chăng, con yêu dấu, không dính mắc không đồng nghĩa với không quan tâm. Tuy nhiên nó không phải là sự quan tâm của người phàm. Nó không dựa trên sợ hãi. Nó không muốn ép buộc người khác hay áp lực thế gian phải thay đổi. Không dính mắc không có nghĩa là con chọn không làm gì hết. Nó có nghĩa là con có thể chọn làm gì đó để giúp người khác, hay con có thể chọn làm chuyện khác. Nếu con chọn giúp người khác, thì con không hành động như người phàm phu muốn thấy một kết quả đặc thù. Thực ra, con không giảng dạy để đạt một mục tiêu đặc thù nào cả, con không tìm cách đạt một kết quả đặc thù từ sự giảng dạy của con. Con giảng dạy vì con muốn chia sẻ điều con đã khám phá, con muốn chia sẻ cái con là. Do đó, con không tìm cách ép buộc người khác; con cống hiến họ một trạng thái tâm thức khác với trạng thái tâm thức đang thịnh hành trên trái đất.

Một số người có thể coi sự phân biệt ở trên quá vi tế, hay có thể còn vô lý nữa. Thày công nhận điều này. Thày không thể giúp con giải tỏa những nghịch lý này nếu con chưa tới trình độ sẵn sàng làm điều mà thày vừa mô tả và nâng cao tâm thức của mình. Nếu con lúc nào cũng phóng chiếu là vấn đề “ở ngoài kia”, vấn đề ở trong giáo lý hay ở vị thày, thì con không thể giải tỏa các nghịch lý này. Lúc ấy con phải đi vào Trường đời Cay đắng và nhận đủ lượng cay đắng cho tới khi con sẵn sàng nói: “Có thể tôi mới là người phải thay đổi, có thể sự ngăn trở nằm ngay trong tâm thức của tôi thay vì là lỗi của vị thày, của giáo lý, của người khác hay của thế gian?”

10.3. Thấy được hạn chế của tâm đường thẳng

Một số các con biết câu truyện về cuộc đời của thày là sau khi thày đắc quả vị Phật, sau khi thày nhập Niết bàn và dự tính ra khỏi Niết bàn để đi giáo hóa, thì thày phải đối mặt sự chống đối của toàn bộ lực của thế gian này, nói rằng chuyện đi giáo hóa của thày thật vô ích. Trạng thái tâm thức mà thày đạt được quá khác, trong nền tảng, trạng thái tâm thức của mọi người, nên họ không thể hiểu giáo lý của thày. Nói cách khác, sự giáo hóa của thày sẽ không đem lại thay đổi nào.

Câu trả lời của thày là: “Sẽ có một số người hiểu.” Trong 2500 năm qua, một số đã hiểu nhưng chỉ có một số ít. Tuy nhiên, chúng ta đang ở một thời điểm mà nhiều người hơn đã sẵn sàng hiểu và đây là lý do vì sao bây giờ thày xuất hiện như một chân sư thăng thiên, như một trong nhiều chân sư thăng thiên khác và cố gắng trao truyền cho các con một giáo lý thích ứng với thời hiện đại.

Một lần nữa, trước khi thày quyết định làm việc này, thày phải đối mặt với lực đó và nó không phải là một sinh thể có ý thức. Lý do giản dị là, khi thày, như một chân sư thăng thiên, muốn xét xem thày làm được gì cho nhân loại chưa thăng thiên, thì thày cần hòa điệu với trình độ tâm thức hiện thời của nhân loại. Lúc đó, thày phải đối diện với sự khác biệt giữa tâm thức đại chúng và tâm thức của chính thày và có lúc thày cảm thấy như không thể nào bắc được nhịp cầu qua khoảng cách đó. Do đó, thày phải đối phó với sự việc này, thày phải tìm một cách giải quyết trong tâm mình. Thày nhìn xem con người đang ở đâu trong tâm thức và thày tìm cách giúp họ vượt lên trên mức đó và hòa điệu với một khía cạnh nào đó của Hiện diện của thày, Bản thể của thày.

Bài truyền đọc này là một biểu hiện của việc làm này, các bài truyền đọc khác của thày và của tất cả các chân sư thăng thiên cũng vậy. Điều thày muốn làm ở đây là giúp con thấy được các hạn chế của tâm đường thẳng vì tâm đường thẳng, duy lý, phân tích quả thực chiếm ưu thế trong thế giới ngày nay nhiều hơn 2500 năm trước đây.

10.4. Khi giác ngộ ngăn cản giác ngộ

Thày muốn cho con một ví dụ khác. Một khái niệm mà thày trao truyền cho thế gian hồi đó là bát chánh đạo có thể đưa con tới một trạng thái tâm thức cao mà thày gọi là giác ngộ. Thời đó, thày cố gắng giảng cho mọi người làm sao đạt được giác ngộ, và tránh đừng để khái niệm giác ngộ ngăn chận sự giác ngộ của mình. Rất ít người đã hiểu được điều này và đặc biệt là trong thời hiện đại này cũng rất ít người hiểu được, chính là vì ảnh hưởng của tâm đường thẳng.

Con thấy chăng, con yêu dấu, các thày đã trao truyền cho các con khái niệm con đường tâm linh. Các thày đã nói về 144 tầng tâm thức, nói là con có thể bắt đầu một cách ý thức con đường tu ở tầng 48 và con có thể phác họa hành trình của mình để tiến lên đến tầng 96. Con có thể đi theo một số bước hợp lý giúp con dần dần nâng cao tâm thức theo một tiến trình đường thẳng. Các thày cũng có nói là con có thể đi quá tầng 96 và một lần nữa con đi qua một số bước cho tới khi con tới tầng 144. Cách này lẽ dĩ nhiên là một tiến trình đường thẳng, nhưng con đường tâm linh hay tiến trình đạt giác ngộ không nhất thiết phải mô tả theo cách đường thẳng. Ta có thể mô tả nó theo cách quả cầu. Điều giản dị là những gì các thày trao truyền trong thời đại này thích ứng với sự kiện là các con suy nghĩ theo lối đường thẳng. Lẽ dĩ nhiên các thày đã thích nghi giáo lý, thiết kế chúng theo một cách để giúp các con dần dần thoát khỏi sự mù lòa của tâm đường thẳng và vượt lên trên nó bằng cách dám đi theo trực giác, vì trực giác không theo đường thẳng.

Thày vẫn muốn đưa ra ở đây một số ý về khái niệm giác ngộ. Để có thể hiểu nó trọn vẹn, chúng ta cần bước lui về một chút. Thày cố trao truyền giáo lý này 2500 năm trước, nhưng trao truyền nó vào thời ấy quả thực khó khăn hơn. Con có thể nói điều trớ trêu là nó khó khăn hơn vì con người thời đó không suy nghĩ theo đường thẳng giống như con người thời nay.

Con yêu dấu, không phải là thời trước tốt hơn, hay người thời trước đón nhận giáo lý tâm linh hơn người thời nay. Thày cũng không muốn nói ở đây là sự phát triển của tâm đường thẳng đã là một thoái hóa. Nó chỉ là một thoái hóa khi nó được dùng một cách cùng cực. Sự phát triển của tâm đường thẳng trong dạng cao của nó quả thực được thiết kế bởi các chân sư thăng thiên. Nó là một bước tiến hợp lý sau lối suy nghĩ thần thoại, thần thông của con người trước thời hiện đại. Chính là vì con có tâm đường thẳng hơn mà các thày có thể trao truyền một cách nhìn mới về giác ngộ và tại sao khái niệm của con về giác ngộ có thể ngăn chận sự giác ngộ của con.

10.5. Những hạn chế của sự hiểu biết

Các con có, trong tư duy hiện đại, khái niệm về sự hiểu biết (understanding) một điều gì. Con có ý niệm là có một mức hiểu biết thấp khi con chưa có đủ kiến thức và tầm nhìn thấu suốt (insight). Sau đó, con có thể đi theo một tiến trình thu thập càng ngày càng nhiều hiểu biết và tầm nhìn thấu suốt cho tới khi con thấy được điều mà trước đó con không thấy được khi con chưa có đủ kiến thức cao. Điều này giúp các thày dễ trình bày hơn một con đường tu hợp lý, theo đó các thày có thể khiến hành giả trụ vào lòng mong muốn tiến triển của họ. Các thày có thể trao truyền cho họ một tiến trình rất tuần tự, đi từng bước để tăng triển kiến thức và sự hiểu biết của họ về khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Tuy thế con cũng có thể hiểu được ở đây, ngay cả với tâm đường thẳng, là hiểu biết có nhiều tầng mức. Điều này dễ nhìn thấy.

Một vài trăm năm trước đây, ngay cả các nhà khoa học cũng chỉ có một hiểu biết giản dị và sơ khai về vũ trụ vật chất so với ngày nay. Ngày hôm nay, họ có một hiểu biết tinh xảo hơn, chi tiết hơn, sâu sắc hơn. Ở đây có sự tiến bộ, nhưng con có thể chuyển đổi cách hiểu của tâm đường thẳng và thấy rằng tăng triển kiến thức không phải chỉ bằng một cách hay chỉ ở trong một hệ thống.

Con yêu dấu, ta có để đưa ra ví dụ giản dị của khái niệm nguyên tử. Tất cả vật chất được tạo ra từ nguyên tử và ngay cả nguyên tử cũng được tạo ra từ những phần nhỏ hơn, gọi là hạt cơ bản. Thày vừa trình bày kiến thức này cho con bằng ngôn từ rất giản dị nhưng các nhà khoa học đã mất mấy thế kỷ để khai triển kiến thức này. Ngay đây, thày vừa trình bày kiến thức này cho con bằng một ngôn ngữ là Anh ngữ, nhưng con cũng có thể trình bày kiến thức này bằng tiếng Hàn, tiếng Tàu hay tiếng Pháp hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Đó là cùng kiến thức đó nhưng được phát biểu với những từ ngữ khác.

Con cũng có thể thấy với tâm đường thẳng là khoa học nói chung tìm cách mô tả sự vận hành của vũ trụ vật chất, nhưng không phải chỉ có một ngành khoa học. Thí dụ, con có ngành vật lý học và con ngành hóa học. Khi con dùng cái nhìn của vật lý học về cách vận hành của vật chất, thì con mô tả cách vận hành này theo một cách. Khi con dùng cái nhìn của hóa học, thì con lại mô tả một cách khác.

Không phải là hai cách nhìn loại trừ nhau hay không tương hợp. Chúng là những cách khác nhau để mô tả cùng một hiện tượng. Sau đó, con có thể nhìn rộng hơn và thấy điều mà con gọi là sự sống trên trái đất hơn khía cạnh vật chất vật lý. Cũng có cái mà con gọi là sự sống sinh học được mô tả bởi khoa sinh vật học. Sinh vật học không tương phản với vật lý học hay hóa học. Nó có thể xem xét những hiện tượng hơi khác một chút nhưng điểm chính là nó mô tả sự sống một cách khác. Rồi con có thể tiến xa hơn nữa và thấy là có nhiều khoa vật lý đã tìm cách diễn tả những khám phá của họ bằng ngôn ngữ toán học. Bây giờ thì con thấy có ngôn ngữ thường ngày mà con người sử dụng để giao tiếp trong đời sống hàng ngày của họ, và có ngôn ngữ toán học mà các nhà khoa học dùng để mô tả một số hiện tượng vượt quá những gì con người chạm trán trong đời sống bình thường.

Thực sự con không thể nói là ngôn ngữ toán học tương phản với ngôn ngữ hàng ngày. Đây là hai cách khác nhau để mô tả, trong nhiều trường hợp, cùng một hiện tượng. Lẽ dĩ nhiên, toán học có thể mô tả một số hiện tượng hay mô tả chúng chính xác hơn ngôn ngữ hàng ngày. Mặt khác, con yêu dấu, ngôn ngữ hàng ngày rất hữu ích cho nhiều ứng dụng thực tế. Một ví dụ ngớ ngẩn, con yêu dấu, là con hãy thử vào một tiệm McDonald’s và gọi mua một cái bánh thịt hambua (hamburger) bằng cách dùng một công thức toán và ai biết con sẽ nhận được món hàng gì. Con thấy ở đây là với tâm đường thẳng mà con người có ngày nay, con có thể thấy được là những ngành khác nhau của khoa học là những cách song song để mô tả cùng một hiện tượng.

Con cũng có cả khái niệm, đã được một số người khai triển dựa trên những khám phá của khoa học, là có những thực tại song song, những vũ trụ song song, những chiều kích song song có thể hiện hữu lồng trong nhau. Con bây giờ có ngành vật lý học tiến bộ nhất gọi là học thuyết dây (string theory), nói về những sợi dây li ti rung động hiện hữu trong 11 chiều kích. Con bắt đầu thấy là ngay cả tâm đường thẳng cũng có thể dùng để mở rộng sự hiểu biết của con người về các khái niệm tâm linh khi con nhận ra là một giáo lý tâm linh (không nhất thiết là một tôn giáo giáo điều nhưng là một giáo lý tâm linh toàn vũ hơn) chỉ giản dị là một ngôn ngữ. Nó không chỉ là một ngôn ngữ với ngôn từ mà là một ngôn ngữ với khái niệm. Khi khoa học mô tả một hiện tượng như một sợi dây rung động và khi một giáo lý tâm linh mô tả nó như một sinh thể cơ bản, thì đây không phải là hai lối mô tả tương phản nhau mà là những lối mô tả song song của cùng một hiện tượng. Có thể khoa học không chấp nhận điều này nhưng những ai cởi mở với giáo lý tâm linh có thể thấy là có nhiều cách mô tả cùng một hiện tượng. Một số cách khiến con chú tâm vào một số khía cạnh của hiện tượng và những cách khác khiến con chú tâm đến những khía cạnh khác.

10.6. Giác ngộ không phải là một khái niệm

Thày đã bắt dầu bài giảng dài dòng này bằng cách nói rằng thày sẽ giải thích vì sao trao truyền khái niệm về giác ngộ có thể ngăn chận sự giác ngộ của con. Bây giờ chúng ta cần dùng các nhận xét của thày để đi tới được điểm nhận ra rằng khi khoa vật lý học mô tả vật chất một cách và khoa hóa học mô tả một cách khác và giáo lý tâm linh mô tả một cách thứ ba, thì cả ba lối giảng dạy này, con yêu dấu, có cùng chung một điểm là chúng cho con một khái niệm mà tâm con có thể dùng để tạo ra một hình ảnh nội tâm về hiện tượng. Con không thể nào thấy được hạt nguyên tử với mắt vật lý cho nên khi con đọc lời mô tả hạt nguyên tử của vật lý học, lời mô tả này không cho con một trải nghiệm trực tiếp về hạt nguyên tử. Nó giúp con tạo ra một hình tư tưởng về hạt nguyên tử. Bây giờ, hình tư tưởng này có thể hữu dụng vì nó cho con cảm giác là con hiểu hiện tượng. Nó cũng có thể hữu dụng trên mặt thực tiễn vì nó có thể cho phép con làm một số việc trong đời sống hàng ngày.

Tại sao thế giới hiện đại đã tạo ra được một nếp sống vật lý thoải mái tiện nghi hơn khiến con người ngày nay làm được một số điều thường nhật mà con người một ngàn năm trước không thể mơ tưởng được? Đó là vì khi tâm đường thẳng phát triển và khi tư duy khoa học đem lại cho con người một sự hiểu biết nào đó về thế giới, thì con đã có thể giải quyết những vấn đề mà con người năm trăm năm hay một ngàn năm trước không giải quyết được với sự hiểu biết của họ lúc đó. Điều này đã hữu dụng vì con người đã làm được một số chuyện trong thế giới thực tiễn và nhờ vậy họ đã tạo được một mức sống cao hơn cho đại đa số.

Đó chính là lý do vì sao Saint Germain đã bảo trợ rất nhiều công nghệ dựa trên kiến thức khoa học. Nó đã giúp con người tạo được một nếp sống thoải mái tiện nghi hơn để tâm họ được tự do theo đuổi phần tâm linh của đời sống thay vì toàn bộ năng lực bị cuốn hút trong chuyện kiếm sống. Con yêu dấu, đây rõ ràng là một sứ tiến bộ nhưng mọi chuyện trong vũ trụ vật chất đều có cái giá phải trả (ít ra là khi rất đông người còn bị mắc bẫy trong ý niệm tách biệt, trong tâm thức nhị nguyên). Như người ta thường nói, cái gì cũng có mặt trái. Mặt trái là con người quá dính mắc vào khái niệm khoa học nên không thấy được là khái niệm mô tả hiện tượng không phải là hiện tượng. Đây là một giới hạn rất quan trọng. Nhiều người trong thế giới hiện đại đã đánh mất ý niệm (mà ít nhất một ít người có thời trước) rằng tâm có những khả năng vượt quá khía cạnh đường thẳng và phân tích của tâm. Các thày đã giảng là tâm thức luôn luôn đi trước sự biểu hiện vật lý. Mỗi hiện tượng vật lý hiện hữu trong thế giới vật chất đều có một khuôn đúc tâm thức hiện hữu trong các cõi bản sắc, lý trí và tình cảm. Tâm vỏ ngoài của con, giác quan vật lý của con, phần của tâm dính chặt vào giác quan vật lý chỉ kinh nghiệm được hiện tượng vật chất, mà không trải nghiệm được tâm thức đằng sau nó.

Có những khía cạnh khác của tâm có tiềm năng trải nghiệm tâm thức đằng sau bất cứ hiện tượng vật lý nào. Khi con trải nghiệm tâm thức đó, con có được một trải nghiệm trực tiếp về toàn bộ hiện tượng. Nhưng con yêu dấu, điều này không có nghĩa là con không cần hiểu biết đường thẳng nữa. Để có thể sống trong đời sống thường nhật thực tiễn, con cần hiểu biết đường thẳng. Như một đệ tử tâm linh, con cần nhận ra là khi các thày, những chân sư thăng thiên, trao truyền một khái niệm về một hiện tượng tâm linh nào đó, thì tâm đường thẳng của con sẽ tức khắc tạo ra một hình tư tưởng trong nội tâm về hiện tượng đó.

Đây là điều mà Giê-su mô tả một cách khác trong bài truyền đọc của thày về quả vị Ki-tô khi thày nói là khi con ở tầng tâm thức 48, con hình thành một khái niệm về quả vị Ki-tô nhưng nó không thể nào là quả vị Ki-tô trọn vẹn. Do đó, con không thể nào vươn lên các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô nếu con không sẵn sàng vượt lên trên khái niệm hiện nay của con về quả vị Ki-tô và trải nghiệm một thực tế cao hơn. Thày Giê-su cũng nói là khi con đi quá tầng 96, con không còn quan tâm dùng tâm đường thẳng để hiểu nữa mà chú tâm hơn vào việc trải nghiệm. Tiến trình giác ngộ cũng đúng như vậy.

Khi thày trao truyền khái niệm giác ngộ, thày cố gắng diễn tả điều này và biết là có ít người hiểu được. Con thấy chăng, con yêu dấu, khái niệm giác ngộ chỉ là thế: nó chỉ là một khái niệm. Đối với tất cả những người ở trạng thái tâm thức thấp, thì nó chỉ có thể là một khái niệm. Họ hình thành một hình tư tưởng về giác ngộ, họ muốn thành lập một số tiêu chuẩn vỏ ngoài. Họ muốn thiết lập một con đường tu máy móc nói rằng: “Nếu tôi đi theo những bước này và làm hết mọi chuyện y như mô tả, thì rốt cuộc tôi phải tự động được giác ngộ. Khi tôi giác ngộ, khi một người giác ngộ, người đó có đặc tính này và đặc tính kia. Người đó cư xử như thế này, không cư xử như thế kia, người đó nói như thế này, không nói như thế kia.” Tâm đường thẳng muốn làm như vậy.

Con yêu dấu, như vậy thì tâm đường thẳng không hữu dụng trên con đường tu chăng? Lẽ dĩ nhiên không đúng. Như Giê-su cũng đã mô tả, ở một điểm nào đó con cần đi theo một con đường tu rất đường thẳng, rất hợp lý. Tâm đường thẳng có thể rất, rất là hữu ích vì nó giúp con người nhận ra rằng cuộc sống có một khía cạnh tâm linh, và họ thấy một con đường tu đường thẳng có một số giai đoạn, một số sáng ngộ càng ngày càng cao hơn, giúp cho họ dần dần nâng cao tâm thức. Con đường tu đường thẳng quả thực nâng cao tâm thức của con, nhưng một con đường tu đường thẳng đi lên từng bước chỉ có thể đưa con tới một mức nào đó. Nó có thể dẫn con quá tầng 96 nhưng con yêu dấu, con hãy cẩn thận lắng nghe.

Các thày có nói là có 144 tầng tâm thức do đó, điều hợp lý là khi con tới tầng tâm thức 139, thì con cần bước thêm một bước để lên tầng 140. Sau đó con bước thêm bước nữa và con ở tầng 141 và cứ tiếp tục như thế. Con thấy chăng, con yêu dấu, tính chất đường thẳng chặt chẽ mà con thấy ở giữa tầng 48 và 96 càng ngày càng bớt quan trọng khi con đi quá tầng 96.

Có thể nói là khái niệm con đường tu bớt quan trọng đối với con. Con không còn chăm chú lượng định: “Tôi đang ở tầng nào đây? Tôi phải trải qua sáng ngộ nào để lên tầng kế tiếp, người ở tầng đó có những đặc tính gì?” Con giản dị không còn quan tâm con đang ở đâu bởi vì bây giờ, thay vì chú tâm vào từng bước đơn lẻ, con chú tâm vào tiến trình. Ta có thể nói là, thay vì chú tâm vào hình ảnh tĩnh của dòng sông, thì con chú tâm vào sự chuyển động của dòng sông, vào chính tiến trình.

Điều thày muốn nói là khi con còn mang trong tâm khái niệm về một con đường tu sẽ dẫn con từng bước một tới niết bàn hay giác ngộ, thì con sẽ không bao giờ đạt mục đích này. Thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn khi thày nói là để đạt giác ngộ, con phải đi theo một con đường tu tuần tự nhưng khi con còn khái niệm của con đường tu đó, thì con không thể đạt giác ngộ. Con yêu dấu, lý do là vì giác ngộ không phải là một hiện tượng đường thẳng, nó không phải là một hiện tượng vật lý, nó còn không phải là một trạng thái tâm thức. Không thể nói là khi con ở tầng 143 con chưa giác ngộ, nhưng tới tầng 144 thì con đã giác ngộ. Thật ra có một tầng thấp hơn ở một tầng nào đó trên tầng 96, thì con đạt một trạng thái có thể gọi là giác ngộ vì lúc này con hiểu được là điều quan trọng duy nhất là con giải thoát tâm mình khỏi mọi khái niệm dựa trên các điều kiện của thế gian. Đó cũng là lúc con nhận ra rằng khái niệm về giác ngộ của con chỉ là thế: chỉ là một khái niệm, không phải là một trải nghiệm. Do đó, con có thể xoay chuyển tâm để thay vì cố gắng hoàn thành các tiêu chuẩn được định ra bởi khái niệm giác ngộ của con, thì con thoát khỏi hình ảnh, thoát khỏi khái niệm. Do đó, con trải nghiệm điều thày gọi là giác ngộ, là một cách nhìn khác khi tâm của con không đồng hóa với chính khái niệm của nó về hiện tượng vật chất.

Có một số hiện tượng trong thế giới vật chất không chỉ do tâm của con tạo ra. Như các thày có nói trước đây, mọi hiện tượng vật chất được tạo ra bởi một tâm, lúc khởi đầu bởi tâm của các Elohim. Từ khi nhân loại bắt đầu đầu thai trên hành tinh, thì nhân loại đã đồng sáng tạo một số hiện tượng hiện hữu ngày nay. Khi con còn ở các tầng tâm thức thấp, thì con không trải nghiệm thế giới vật chất như nó là, con trải nghiệm nó qua các khái niệm của tâm, các khái niệm mà con đã tạo ra trong tâm mình. Tâm của con, tâm cá nhân của con không tạo ra các hiện tượng vật chất, nhưng nó đã tạo ra các hình tư tưởng của con, các khái niệm của con về các hiện tượng này; chúng là gì, chúng vận hành ra sao, con làm gì được với chúng, con không làm gì được với chúng.

Nói cách khác, tâm của con quy định cách con nhìn khả năng hạn chế tâm con của thế giới vật chất. Con hiểu chăng, con yêu dấu? Có một số hiện tượng vật chất, nhưng điều hạn chế con không phải là hiện tượng vật chất mà là các hình ảnh, các khái niệm trong tâm con. Con đường đạt được điều mà các thày gọi là tâm làm chủ vật chất là giải thoát tâm con khỏi khái niệm, do tâm tạo ra, đã giới hạn sự trải nghiệm vật chất trực tiếp của con.

Trạng thái giác ngộ không phải là một trạng thái toàn hảo. Nó còn không phải là trạng thái cuối cùng. Con có thể có trạng thái mà thày, như là Phật, đã gọi là giác ngộ mà vẫn chưa ở tầng 144, vẫn còn phải đi qua những tầng giác ngộ nữa trước khi thăng thiên. Có thể nói là tầng giác ngộ thấp nhất là khi con ngừng đồng hóa mình với những hình ảnh và khái niệm mà chính tâm con đã tạo ra. Con nhận ra rằng mọi thứ con có trong tâm con liên quan tới thế giới vật chất (và cũng vậy, đại đa số những thứ con có trong tâm con liên quan tới thế giới tâm linh) chỉ là những khái niệm do tâm tạo ra. Bằng cách không dính mắc vào các khái niệm này, không dính mắc vào các hình ảnh này, không đồng hóa mình với các hình ảnh này, con có thể giải thoát tâm con khỏi những hạn chế do các hình ảnh này quy định.

10.7. Tâm làm chủ vật chất

Nhiều người trong các con đã chấp nhận những hình ảnh rất vi tế là tâm con không thể thay đổi vật chất. Ngày nào con còn tin vào, còn đồng hóa mình với, còn dính mắc vào các hình ảnh này, thì tâm con không thể nào thay đổi vật chất. Khi con giải thoát tâm con khỏi các hình ảnh này, thì tâm con có thể bắt đầu thay đổi vật chất. Khi ấy, tâm con bắt đầu nhận ra là các hiện tượng vật lý là biểu hiện của các khuôn đúc của tâm thức ở ba tầng cao. Tâm con quả thực khả năng ảnh hưởng các khuôn đúc tâm thức này.

Như vậy, tâm con không bị mắc kẹt trong hiện tượng và không bị mắc kẹt trong những hình ảnh của con về hiện tượng. Điều này khế hợp với điều thày nói lúc bắt đầu vì con có thể nhìn vào những sự mâu thuẫn hay có vẻ mâu thuẫn ngay trong những giáo lý mà các thày đã trao truyền trong hai ngày hội nghị này. Ví dụ, con có tất các bài truyền đọc của các chân sư chỉ cho con thấy đây là một vấn đề cá biệt nào đó trong xã hội mà con cần đọc lên trong các bài thỉnh, để cầu thỉnh ánh sáng của các chân sư thăng thiên và như thế các chân sư có thể can thiệp và đem lại thay đổi trong xã hội. Mặt khác, con có bài truyền đọc của thày trong hội nghị vừa qua nói rằng con hãy chú tâm vào hiện tại và trân quý hiện tại, đừng lúc nào cũng quan tâm đến quá khứ và vị lai. Con có thể nói: “Ủa, phải chăng là có một sự mâu thuẫn ở đây?” Con thấy chăng, con yêu dấu, muốn giải tỏa điều có vẻ nghịch lý này, thì con cần nhận ra sự khác biệt giữa cái nhìn dựa trên sợ hãi và nhị nguyên của con người và cái nhìn dựa trên tình thương và bất nhị của các chân sư thăng thiên.

Thật đúng, con yêu dấu, là các chân sư thăng thiên muốn thấy một sự thay đổi đường thẳng và tuần tự sẽ cải thiện điều kiện sống của con người trên trái đất. Tuy nhiên điều này không xung khắc với tâm thức của Phật. Thày rời niết bàn để giáo hóa con người vì thày cũng mong muốn thấy một sự cải thiện đường thẳng và tuần tự trong điều kiện sống trên trái đất. Điều khác biệt là các thày không dính mắc vào những thay đổi đặc thù ở một thời điểm đặc thù. Các thày, như đã nói trước đây, không chú tâm vào một thay đổi đặc thù vì mục đích toàn bộ của các thày là nâng cao tâm thức của các người anh chị em chưa thăng thiên, để các con có thể bắt đầu ý thức hơn về tiến trình đồng-sáng tạo.

Con thấy chăng, con yêu dấu, thày không bảo con đừng quan tâm đến những gì xảy ra trong tương lai. Thày không bảo con lờ đi chuyện quá khứ. Con cần ý thức những gì đã xảy ra trong quá khứ để hiểu những cơ chế đã tạo ra một số vấn đề, và các vấn đề này đã tạo ra một số giới hạn trong xã hội. Con cần nhận ra tâm thức bên dưới để con có thể giải thoát mình khỏi nó và giúp người khác tự giải thoát khỏi nó.

Khi thày bảo các con hãy chú tâm hơn vào hiện tại, thì thày không nói là con phải ép buộc tâm con lờ quá khứ, lờ vị lai. Thày bảo các con khắc phục những vết thương mà con có trong quá khứ để khắc phục sự dính mắc của con vào quá khứ, để quá khứ không thể lôi kéo con vào những khuôn nếp phản ứng quả thực sẽ ngăn chận con 1) thưởng thức giây phút hiện tại và 2) được tự do lấy một quyết định sẽ thay đổi hướng đi của cuộc đời mình trong tương lai.

Thày cũng bảo con giải tỏa tâm lý của mình để không bị vướng kẹt trong khuôn nếp lúc nào cũng tìm cách trốn chạy giây phút hiện tại, để đi vào một tương lai tưởng tượng nào đó nơi đó con nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Nói cách khác, thày bảo con đừng cố gắng hướng tới tương lai mà trốn chạy việc giải quyết các vấn đề tâm lý của mình, đó chính là lý do vì sao rất nhiều người bị mắc kẹt trong những mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp hơn. Thày bảo con hãy thực sự giải thoát mình khỏi sự trốn chạy vào mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp hơn, và thay vào đó, con chú tâm vào chuyện giải tỏa tâm lý của mình để con có thể chú tâm vào hiện tại. Chỉ trong hiện tại con mới lấy được những quyết định ý thức thực sự giúp con, cho con quyền lực để đồng-sáng tạo một tương lai tốt hơn.

10.8. Đạt được tự do tâm trí khỏi quá khứ

Nếu con xem bài giảng cuối của thày, thì con thấy là thày đưa ra ví dụ là khi con mắc kẹt trong một khuôn nếp phản ứng, thì con có cảm tưởng là cuộc đời của con chỉ có một hướng đi. Rất nhiều người bị mắc kẹt trong những khuôn nếp khiến họ cảm thấy bị hoàn cảnh bên ngoài giam chặt trong một cái hộp, và họ chỉ còn một chọn lựa duy nhất trong hoàn cảnh hiện tại của họ. Chọn lựa của họ sẽ có một hậu quả không thể tránh, và nó đem tới một hoàn cảnh khác cho họ một lần nữa cảm tưởng chỉ có một chọn lựa mà thôi. Điều này tạo ra một hậu quả khác và đây là điều được gọi là Biển Luân hồi hay bánh xe trầm luân bởi vì con lúc nào cũng có cảm tưởng là chỉ làm được một điều. Con không có chọn lựa nào khác, con không có tự do chọn lựa. Bất cứ con làm gì cũng đều tạo ra hậu quả là cuộc đời của con thêm căng thẳng, thêm đau khổ và cho con cảm tưởng mình bị giam chặt hơn nữa trong cái hộp. Đây là lý do vì sao, như một số các nữ chân sư đã nói, nhiều người trong văn hóa Á châu (do sự quy định rõ ràng về vai trò của người nam và người nữ) cảm thấy là khi đám cưới xong và niềm vui hưng phấn lúc đầu đã tan, thì họ cảm thấy cuộc đời bị khóa lại như bánh xe lăn trên con đường rày và họ chỉ có một chọn lựa duy nhất là lăn trên con đường rày. Cảm giác này khiến họ căng thẳng và đau khổ nhưng họ không nhìn ra lối thoát. Trong bài giảng cuối, thày không nói là con chú tâm vào hiện tại như một cách để chạy trốn, nhưng con cần giải quyết những khuôn nếp của quá khứ và thăng vượt lòng mong ngóng một tương lai tốt đẹp hơn, để con được tự do trong tâm lý và thấy rằng không bao giờ có hoàn cảnh nào mà con chỉ có một chọn lựa. Lúc nào con cũng có chọn lựa nhìn vào các khuôn nếp phản ứng của mình và thay đổi cách con phản ứng với hoàn cảnh. Một khi con thay đổi phản ứng của mình, khắc phục sự dính mắc, thì con sẽ có thể thấy được là ít nhất con có hai chọn lựa. Có thể là con không có chọn lựa vô hạn nhưng con có được thêm một chọn lựa khác ngoài chọn lựa mà trước kia con xem là duy nhất. Khi con chọn chọn lựa mới này, thì con vẫn tạo ra hậu quả nhưng chúng sẽ không nghiêm trọng hay giới hạn con như trước đó.

Điều này có nghĩa là trong hoàn cảnh mới của con, con lại có thể xem xét phản ứng của mình. Khi con khắc phục một khuôn nếp phản ứng, thì con sẽ thấy mình có ba chọn lựa trong hoàn cảnh mới. Khi con chọn chọn lựa cao nhất trong số đó, thì con sẽ đưa mình vào một hoàn cảnh trong đó con có thêm chọn lựa với hậu quả bớt nghiêm trọng hơn. Đó là cách con dần dần đạt được tự do và lúc ấy, như thày đã nói trong bài giảng trước, con thấy mình đang đứng giữa một cánh đồng mở rộng và con có thể chọn bất cứ hướng đi nào.

10.9. Mọi chuyện đều là dáng vẻ

Điều này, con yêu dấu, là mức tự do tâm trí mà con đạt được trên tầng 96. Nó vẫn chưa phải là giác ngộ, tuy rằng khi con đạt được mức tự do tâm trí này, thì chuyển đổi lên trạng trái giác ngộ dễ hơn hẳn. Khi con đạt được tự do trong tâm, thì điều gì tạo nên tự do đó? Đó là vì con ngưng đồng hóa mình với những hình tư tưởng mà chính tâm con đã tạo ra cho rằng thế giới như thế này và thế giới hạn chế con ra sao. giúp con dễ chuyển hóa tâm để tới điểm nhận ra (như thày đã cố gắng giải thích rất nhiều năm về trước) rằng mọi chuyện trên thế gian chỉ là một hiện tượng. Nó là một dáng vẻ (appearance), nó không phải là thực tại bị đóng cứng trong đá hay trong nguyên tử.

Mọi sự đều là sản phẩm của một khuôn đúc trong tâm thức. Đó là điều thày cố giải thích rất nhiều năm về trước nhưng cảm thấy khó giải thích vì con người lúc đó còn chưa có khái niệm về tâm thức hay về các thực tại song song hay về các ngôn ngữ khác nhau mà thày đã giảng trong bài này. Khi con nhận ra rằng mọi chuyện đều là hiện tượng, đều là một dáng vẻ có thể thay đổi được (khi con hòa điệu vào tâm thức đằng sau hiện tượng và làm việc để thay đổi các khuôn đúc trong cõi tình cảm, lý trí và bản sắc), thì con sẽ đạt được một cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống. Con cũng có thể đạt được một cái nhìn hoàn toàn mới về những gì các thày đã giảng.

Con yêu dấu, các thày đã nói gì với con lần trước? Saint Germain đã nói gì về khuynh hướng nhìn cuộc đời rất nghiêm nghị trong văn hóa Á châu? Saint Germain có nói là con sẽ không tạo ra Thời đại Hoàng kim bằng cách làm việc cực nhọc hơn mà bằng cách chơi nhiều hơn. Đồng-sáng tạo là một hành động vui chơi, không phải là một hành động xem cuộc đời nghiêm nghị đến độ con muốn kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc đời.

10.10. Thái độ quá nghiêm nghị đối với giáo lý

Trong những tổ chức chân sư thăng thiên trước đây, các thày thấy học viên có khuynh hướng rõ ràng dùng giáo lý để bỗng nhiên nhìn cuộc đời, con đường tâm linh và chính họ một cách rất nghiêm nghị. Họ bỗng nhiên nhận ra là có một tiềm năng tạo ra một thời đại tốt đẹp hơn nhiều trên thế giới. Trong một tổ chức trước đây (khi họ vẫn còn bị mắc kẹt trong suy nghĩ nhị nguyên), thì họ nghĩ rằng mục tiêu của một đệ tử chân sư thăng thiên là ngăn ngừa một tai họa lớn lao nào đó, tỷ dụ như chiến tranh nguyên tử. Họ rất chú tâm vào sự nghiêm trọng của tai họa này và chỉ có họ mới ngăn ngừa được nó. Do đó họ phải xem trách vụ này như một việc cực kỳ nghiêm trọng và họ phải đọc chú suốt ngày và phải cư xử đúng theo một bộ quy luật rất nghiêm ngặt.

Con yêu dấu, khuynh hướng này đi xa tới điểm họ mất hết niềm vui trong cuộc đời và con có thể chắc chắn là họ hạnh phúc và yêu đời hơn rất nhiều trước khi họ đi theo học giáo lý các chân sư thăng thiên. Nhiều người trong họ có người thân thấy được điều này và cố gắng nói cho họ biết, nhưng họ còn không chịu lắng nghe vì họ coi “việc cứu thế gian cho Saint Germain” là chuyện cực kỳ nghiêm trọng.

Con yêu dấu, lẽ dĩ nhiên, các thày không muốn thấy các con lặp lại những khuôn nếp này và đó là lý do vì sao các thày cố cho các con một viễn quan cao hơn (có thể là con phải đọc giữa các dòng chữ, nhưng thày đã cố gắng nói khá thẳng trong bài giảng này). Điều thày muốn con thấy là con có thể chuyển đổi tâm để nhận ra rằng, lẽ đương nhiên, các thày chân sư thăng thiên muốn con đọc cầu thỉnh, các thày muốn con nâng cao tâm thức của mình và các thày quả thực thấy con là chìa khóa để cải thiện đời sống trong xã hội. Con có thể đọc bài thỉnh để cho các thày thẩm quyền gỡ đi một số các lực tà ác và năng lực đen tối, sẽ giúp người khác thức tỉnh và đón nhận các ý mới này.

Các con quả thực quan trọng đối với các thày, nhưng con yêu dấu, chính vì các con quan trọng đối với các thày, nên các thày không muốn các con bị đè nặng hay bị căng thẳng về chuyện này. Các thày muốn các con chuyển đổi tâm mình để nhận rằng đây không phải là một trách nhiệm hay một bổn phận mà các thày đặt lên con. Đây là một phần của Sứ vụ thiêng liêng mà con đã chọn trước khi đầu thai, và các thày không muốn con xem việc này nghiêm trọng đến độ chẳng còn chỗ cho chút niềm vui nào. Các thày muốn con xem đây là một hành động vui chơi. Chuyển đổi không khó lắm đâu, dù là nó cần một tiến trình, một phần là vì con cần đối phó với tư duy tập thể trong phần thế giới nơi con sống, là nơi mà mọi người xem mọi thứ đều cực kỳ nghiêm trọng.

Các thày muốn con nhận ra ở đây, con yêu dấu, là con có thể thực hiện sự chuyển đổi này bằng cách không dính mắc vào việc tạo nên kết quả đặc thù trong xã hội của con. Dĩ nhiên, các thày đã phác họa một số mục tiêu mà các thày muốn thấy được thay đổi tại Hàn Quốc. Lẽ dĩ nhiên, các thày có muốn thế. Ai lại không muốn thấy những mục tiêu này, những tiến bộ này được thực hiện? Các thày không dính mắc vào việc muốn những tiến bộ này được thành hình theo một cách đặc thù nào đó, ở một thời điểm đặc thù nào đó, qua những người đặc thù nào đó. Các thày lúc nào cũng tôn trọng quyền tự quyết. Nói cách khác, các thày không muốn áp đặt điều này lên người dân Hàn Quốc. Như các thày đã nói rất nhiều lần, các thày muốn giải thoát họ để họ có thể tự nhiên bừng tỉnh và bỗng nhiên thấy rằng hiển nhiên đấy là bước kế tiếp và đấy là điều họ thực sự mong muốn.

Sự chuyển đổi mà các thày muốn con làm trong tâm là nhận ra vai trò của con là thỉnh cầu để cho phép các thày nhập cuộc và làm công việc của các thày. Khi con thỉnh cầu xong, con không cần dính mắc vào những gì xảy ra trong xã hội, vào những gì người khác làm. Con để họ tự do bởi vì các thày để họ tự do. Các thày không tìm cách ép buộc ai hết. Các thày cũng giải thoát con và muốn con tự giải thoát mình và nhận ra rằng công việc con làm không phải là một gánh nặng khiến con căng thẳng và ngăn chận con làm tròn những bổn phận hàng ngày trong đời sống hay cản trở con vui hưởng cuộc sống hàng ngày của mình.

Các thày kêu gọi con luôn luôn tìm sự vui hưởng trong phụng sự và đời sống hàng ngày. Đây thật sự là bát chánh đạo mà thày cố giảng cho mọi người cách đây 2500 năm nhưng nhiều người không hiểu vì đối với họ giác ngộ hay con đường tu trở thành một bổn phận khác, một mục tiêu đeo đuổi khác. Nó trở thành một nguồn căng thẳng bởi vì họ cảm thấy họ không đủ khả năng làm tròn công việc, hoặc họ cảm thấy họ rất xa mục đích, hoặc họ cảm thấy họ phải cố gắng thêm rất nhiều, hoặc họ cảm thấy vì họ đã cố gắng rất nhiều rồi nên họ rõ ràng cao hơn mọi người khác và họ trở nên kiêu mạn.

10.11. Cái bẫy trên mỗi giai đoạn của đường tu

Điều thày nói với con ở đây có thể được diễn tả một cách rất giản dị, đó là con đường tâm linh có những giai đoạn và các tà lực không muốn con tiến từ giai đoạn này lên giai đoạn tới. Ở mỗi giai đoạn, họ đã đặt ra cho con một cái bẫy. Họ muốn con rơi vào bẫy này và đứng yên ở tầng đó. Do đó, các thày giản dị cho con khái niệm là con đường tâm linh có thể xem như một trò chơi. Ở mỗi giai đoạn, con biết là tà lực có giăng một cái bẫy. Con chỉ cần tỉnh giác và để ý tìm cái bẫy bằng cách nhìn vào các phản ứng của mình, nhìn vào phản ứng của những người tâm linh khác và nói: “Ồ, bây giờ tôi thấy cái bẫy đây và tôi sẽ không đặt chân mình vào đó.”

Khi con nhận ra điều này, con nhận ra là con cũng chẳng cần nhìn tà lực với thái độ nghiêm trọng, bởi vì con có thể thấy được cái bẫy của họ, nhưng họ thì không thấy. Họ bị mắc kẹt trong trí tưởng tượng giới hạn của chính họ. Con không bị mắc kẹt trong trí tưởng tượng giới hạn và khi con có giáo lý của các thày và áp dụng chúng, thì tránh bẫy không khó lắm. Cho nên, con có thể tới điểm con đường tu không là nguồn căng thẳng; nó là nguồn vui thú. Con đi trên đường tu một cách vui thú và nếu con làm một lỗi, thì có sao đâu, con yêu dấu? Con đã học hỏi từ lỗi lầm này, và sau đó con giản dị tiến tới từ điểm đó. Con nhận ra rằng quả thực, như các thày đã nói trước đây, là con không thể làm một chọn lựa khiến con bị mắc kẹt đời đời. Bất cứ chọn lựa nào cũng có thể tháo gỡ được bằng cách lấy một chọn lựa sáng suốt hơn, một chọn lựa tỉnh thức hơn.

10.12. Giác ngộ không phải là một mục tiêu

Điều thày muốn nói để kết thúc là giác ngộ không phải là một giai đoạn trên con đường của 144 tầng tâm thức. Giác ngộ không phải là mục tiêu tối hậu của bát chánh đạo. Giác ngộ không phải là một mục tiêu, nó không phải là một khái niệm, nó không phải là một hình tư tưởng. Nó là một trải nghiệm không bị mắc kẹt vào các hình tư tưởng. Cách duy nhất đạt được giác ngộ là đi ra khỏi các hình tư tưởng và cho phép mình trải nghiệm. Con trải nghiệm giác ngộ ở đâu? Không phải trong quá khứ, không phải trong tương lai, mà chỉ ở trong hiện tại. Con có thể trải nghiệm giác ngộ trong bất cứ hiện tại nào có thể hiện ra cho con. Con hãy giữ trong tâm những khái niệm này cho tới khi có một giây phút hiện tại khi nó bỗng nhiên trở nên hiển nhiên với con và con nói: “Bây giờ thì tôi ở đó rồi!” Con còn không nói: “Bây giờ thì tôi thấy nó” bởi vì con đang không thấy nó như một khái niệm cách xa con. Con trải nghiệm nó như một thực tại mới của con.

Con yêu dấu, một lần nữa đây là một bài giảng dài có thể thách thức khả năng ngồi trên ghế cứng của thân thể con. Nó có thể thách thức khả năng của cảm thể con muốn né tránh không phản ứng lại một điều nào đó mà thày nói. Nó có thể thách thức khả năng của trí thể con bắt nó tiếp tục chú tâm vào những khái niệm phức tạp mà thày đưa ra. Nó có thể thách thức bản sắc thể của con khiến con tự hỏi: “Ấy, dựa trên những điều Phật nói, tôi là ai đây? Tôi là loại sinh thể nào đây?” Lẽ dĩ nhiên, con yêu dấu, đây là thách đố tối hậu bởi vì bất kỳ ý niệm bản sắc nào con có trong thế gian này chỉ là một hình tư tưởng. Nó không có thực tại tối hậu và con không đem nó theo con vào trạng thái thăng thiên được. Con chưa cần buông bỏ ý niệm bản sắc của con bây giờ, con buông bỏ nó từng phần một. Con chỉ buông bỏ lần cuối cùng khía cạnh cuối cùng của bản sắc thế gian của con khi con sẵn sàng thăng thiên. Nếu không như thế, thì cái gì giữ con lại trong thân thể? Cái gì giữ con chú tâm vào việc phụng sự đời sống – là một phần rất lớn của con đường tu của con?

Con đừng tin, con yêu dấu, là đường tu chỉ có chuyện nâng cao tầng tâm thức của mình và loại bỏ cái ta vỏ ngoài. Con chọn đi vào thế giới này vì con muốn có một số kinh nghiệm và con muốn đồng-sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Con muốn đóng góp vào sự tiến triển đi lên của thế giới này.

Con yêu dấu, không đúng là việc con phụng sự đời sống, cách con biểu hiện đời sống, việc con vui hưởng đời sống, việc con trải nghiệm đời sống, đi ngược lại tiến triển tâm linh. Đó là lý do vì sao nhiều năm trước đây thày nói giác ngộ giống như tâm thức không giác ngộ. Khi con giải thoát mình khỏi khái niệm tạo nên tâm thức không giác ngộ và giải thoát mình khỏi khái niệm giác ngộ, thì lúc đó con nhận ra là thế gian không phải là kẻ thù của tiến triển tâm linh; nó là cỗ xe dẫn con tiến triển tâm linh. Con đường quả vị Phật của con không bị ngăn trở khi con đi vào một trạng thái tâm thức thấp vì đây là một phần của trải nghiệm mà con cần có trong thế gian này. Nó cho con nền móng để biết những điều kiện nào con muốn thay đổi trong khi con tham gia vào tiến trình đồng-sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

Cho nên, con thấy là khi con đạt tới một giai đoạn nào đó, con không hối tiếc bất cứ điều gì con đã làm hay đã trải qua. Con không có cảm giác có sự phân chia giữa điều tâm linh và không tâm linh và ngay cả phản-tâm linh. Bỗng nhiên con bắt đầu nhận ra không có hiện tượng nào trên thế gian có thể chống lại sự phát triển của con, chống lại đường tu của con. Ngay cả tà lực, dù chúng có hiện hữu tạm thời, khi con thấy chúng như chúng là, chúng không chống lại sự phát triển của con. Chúng không có quyền lực trên tâm con khi con giải thoát mình khỏi sự phân biệt giữa “các cặp” – là cái tên mà thày dùng cách đây 2500 năm, nhưng ngày nay thì các thày gọi là hai cực nhị nguyên. Chúng không có thực tại, chúng không có quyền lực và do đó con có thể nhìn hiện tượng thế gian mà không thấy chúng qua phin lọc của những đối cực nhị nguyên này và những phán xét giá trị của chúng. Con thấy rằng mỗi khía cạnh của cuộc sống, mỗi khía cạnh của thế gian, là phương tiện cho con phát triển, cho con biểu đạt chính mình, cho tiến trình và khả năng đồng-sáng tạo của con.

Con yêu dấu, có thể con từng nghe nói khái niệm rằng “đối với Phật, không có thời gian” và có thể con nhận ra rằng thày có thể tiếp tục nói như thế này vô hạn định, vì thày rất vui mừng khi trao truyền cho con những khái niệm này. Thày cũng nhận ra rằng con chưa tới điểm thấy không có thời gian. Thày ghi nhớ điều này nên thày sẽ chấm dứt dòng tâm thức được biểu hiện qua từ ngữ ở đây và một lần nữa biểu lộ sự biết ơn của thày và của các thày đối với sự họp mặt tuyệt vời giữa các thày Ở Trên và các con Ở dưới. TA LÀ Phật, tên ta là Gautama.

Hiểu tại sao con không thể hiểu quả vị Ki-tô

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 5 tháng 5 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày đã không có ý định nói trong hội nghị này vì lần trước thày đã có dịp nói ý mình. Nhưng vì các con đã hỏi vị sứ giả nhiều câu hỏi về quả vị Ki-tô, nên thày quyết định là các con sẽ được lợi lạc nếu thày thuyết giảng về đề tài này.

9.1. Mối đe đọa lớn nhất cho tà lực

Các con yêu dấu, điều đầu tiên hết mà chúng ta cần nhìn nhận là quả vị Ki-tô cá nhân, tức là khi con mang vào mình tâm thức Ki-tô, là mối đe dọa lớn nhất cho tà lực và các thày giả trên hành tinh này. Do đó, họ đã làm tất cả mọi điều mà họ có thể nghĩ được để ngăn chặn con người biết về quả vị Ki-tô, thấy là đạt quả vị Ki-tô là một điều thiết thực mà họ có thể làm được, và hiểu tiến trình thành tựu quả vị Ki-tô và nó nghĩa là gì.

Tà lực đã làm mọi điều mà họ có thể nghĩ ra để tạo ra đủ loại mưu mô làm lạc hướng, dựng lên những mục đích tâm linh khác có thể dẫn tới một trạng thái nhận biết cao hơn nhưng không đe dọa họ nhiều bằng quả vị Ki-tô. Họ cũng đã làm mọi điều mà họ có thể nghĩ ra để định nghĩa quả vị Ki-tô theo cách khiến người hành giả muốn đạt được hay cố gắng đi tới một mục đích tối hậu và rồi bỗng nhiên nghĩ rằng họ đã đạt được mục đích và không cần tiến xa hơn nữa.

9.2. Không có trạng thái tối hậu

Con yêu dấu, điều quan trọng nhất mà con có thể nhận ra về quả vị Ki-tô là nó là một tiến trình liên tục. Con có thể đạt quả vị Ki-tô khi còn đang hiện thân, nhưng không có một trạng thái quả vị Ki-tô tối hậu mà con có thể đạt khi đang hiện thân. Chúng ta có thể nói không có một trạng thái quả vị Ki-tô tối hậu theo nghĩa là không có trạng thái tâm thức nào tối hậu, có thể ngoại trừ tâm thức của đấng Sáng tạo, nhưng ngay cả nó cũng thăng vượt chính nó khi nó sáng tạo. Con cần nhận ra ở đây là không có một trạng thái tối hậu.

Cuộc sống, sự nhận biết, sự tự nhận biết là một tiến trình liên tục. Khả năng tự thăng vượt lúc nào cũng có. Chưa từng có – chưa từng có – một trạng thái bất động trong thế gian. Chưa từng có một trạng thái bất động trong thế gian và sẽ không bao giờ có. Chưa bao giờ có cái khởi đầu và sẽ không bao giờ có cái chấm dứt. Có thể có một khởi đầu và chấm dứt của một chu kỳ, nhưng không có cái khởi đầu tối hậu mà trước đó không có gì cả. Có cái khởi đầu của thế giới hình tướng của chúng ta khi đấng Sáng tạo hiện hữu trong chính ngài nhưng đấy không phải là cái khởi đầu tối hậu, bởi vì chưa bao giờ đã có cái khởi đầu tối hậu. Sẽ không bao giờ có cái chấm dứt tối hậu.

9.3. Con không thể hiểu quả vị Ki-tô

Đây là điều mà tâm đường thẳng thấy rất khó lãnh hội và đó là lý do vì sao con cần hiểu là con không thể hiểu quả vị Ki-tô. Tuy nhiên, con có thể tới chỗ hiểu được là con không thể hiểu quả vị Ki-tô. Khi con hiểu là con không thể hiểu quả vị Ki-tô và tại sao con không thể hiểu quả vị Ki-tô, thì lúc ấy con có thể bắt đầu nắm được đôi chút thoáng biết quả vị Ki-tô là gì.

Con cần nhận ra ở đây là đa số con người trên trái đất đã bị lập trình để suy nghĩ qua tâm đường thẳng, tâm phân tích và duy lý. Tâm này không thể hiểu, nắm bắt và xử lý quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô vượt lên trên những gì tâm đường thẳng có thể xử lý. Đó là lý do vì sao con cũng cần hiểu là cách con nhìn quả vị Ki-tô ngay bây giờ không phải là cách tối hậu nhìn quả vị Ki-tô. Dù thày là một chân sư thăng thiên, thày vẫn không thể cho con một bài thuyết trình tối hậu về quả vị Ki-tô vì quả vị Ki-tô là một tiến trình nâng cao tâm thức dần dần.

Các thày đã cho các con kiến thức về 144 tầng tâm thức có thể có được trên trái đất. Như vậy chúng ta có thể nói quả vị Ki-tô là tiến trình qua đó con bắt đầu từ tầng 48 và dần dần nâng tâm thức lên tầng 144. Khi tới tầng 144 thì con đạt được mức cao nhất của quả vị Ki-tô mà có thể đạt được trên trái đất trong tình trạng hiện nay.

Điều này có nghĩa là, con yêu dấu, khi con bắt đầu ở tầng 48 thì con có thể có một hiểu biết nào đó về quả vị Ki-tô, nhưng đó không phải là hiểu biết trọn vẹn. Khi con tăng triển tới các tầng tâm thức cao hơn thì sự hiểu biết và trải nghiệm của con về quả vị Ki-tô sẽ thay đổi. Con sẽ không nắm biết được trọn vẹn quả vị Ki-tô cho tới khi con đạt tầng 144. Do đó, con thấy được là không thể đưa ra một định nghĩa về quả vị Ki-tô mà những người ở nhiều tầng tâm thức khác nhau từ 48 tới tầng 144 có thể hiểu được.

Tại sao thày nói là bắt đầu từ tầng 48? Bởi vì những người ở dưới tầng 48 không thể hiểu được quả vị Ki-tô. Lẽ dĩ nhiên họ có thể nghe tới khái niệm quả vị Ki-tô. Họ cũng có thể quyết định là họ muốn đạt quả vị Ki-tô, nhưng họ không thể hiểu quả vị Ki-tô thực sự nghĩa là gì. Do đó, họ có thể tạo một nhận thức lý trí, duy lý, đường thẳng về quả vị Ki-tô là gì. Họ còn có thể nghĩ rằng họ đang tiến triển trên đường tới mục đích đó nhưng không phải vậy đâu, con yêu dấu. Con có thể nâng cao tâm thức từ tầng thấp nhất lên tới tầng 48, và như vậy con đang tiến bộ theo nghĩa tâm linh nhưng con còn chưa bắt đầu tiến trình mang vào quả vị Ki-tô.

Lý do là vì con còn quá dính chặt vào tâm vỏ ngoài. Tâm này nghĩ rằng nó có thể hiểu mọi chuyện bằng cách tạo nên những nhãn hiệu, và sau đó thêm phán xét giá trị vào nhãn hiệu mà họ đã tạo ra dựa trên tư duy nhị nguyên. Rồi sau đó họ nghĩ họ có thể định nghĩa quả vị Ki-tô dựa trên một số tiêu chuẩn vỏ ngoài. Họ nghĩ họ có thể lập ra một danh sách và nói rằng: “Khi tôi hội đủ một tiêu chuẩn thì tôi sẽ đánh dấu là đã làm xong. Sau đó tôi sang tiêu chuẩn tới, và đánh dấu đã làm xong. Khi tôi đến cuối danh sách và đã đánh dấu hết mọi tiêu chuẩn, thì tôi đạt được quả vị Ki-tô.” Đó là lý do duy nhất những người ở dưới tầng tâm thức 48 có thể nhận định về quả vị Ki-tô.

Có nhiều thày giả trên thế giới chỉ cho con một con đường tu dẫn tới một mục đích nào đó. Họ có thể không gọi đó là quả vị Ki-tô, họ có thể gọi đó là nhận biết cao, tâm thức toàn vũ, giác ngộ hay bất cứ gì khác. Nhưng đấy là một con đường tu máy móc, con đường tu vỏ ngoài. Qua việc thực hành một số bài tập hay nghi lễ, hay học giáo lý, nhớ thuộc lòng, họ nghĩ rằng họ có thể hội đủ điều kiện để lên thiên đàng khi họ làm tròn một số tiêu chuẩn được quy định trên trái đất.

9.4. Bắt đầu quả vị Ki-tô

Giờ đây, con yêu dấu, khi con đi cao hơn tầng tâm thức 48, con có thể bắt đầu tiến trình quả vị Ki-tô. Có thể lúc đó con vẫn còn nhiều hiểu lầm về quả vị Ki-tô nhưng để có thể đi quá tầng 48, con đã có đức tính cốt yếu để bắt đầu tiến trình quả vị Ki-tô, đó là sự sẵn sàng lắng nghe trực giác của mình, ngay cả khi tâm duy lý, đường thẳng nói với con điều gì khác. Nói cách khác, chuyện xảy ra ở tầng 48 là con bắt đầu nghe theo trực giác của mình trong một số tình huống và do đó, con phớt lờ, bỏ qua một bên hay vô hiệu hóa tâm duy lý, đường thẳng, suy luận, lý trí và phân tích của mình.

Tất cả các con đang ở đây sẽ thấy – và tất cả các con đều ở trên tầng tâm thức 48 vì nếu không thì các con không ở đây – là con đã lấy quyết định đi vào con đường tâm linh. Bạn bè và gia đình con khó thông cảm con vì họ suy luận một cách duy lý, đường thẳng là con không nên làm điều con đang làm, con không nên tin hay chấp nhận những điều con đang chấp nhận. Có thể là con không thể cho họ một hiểu biết duy lý và đường thẳng mà họ có thể chấp nhận, vì sao con đang làm những chuyện con đang làm. Con giản dị biết đây là chuyện đúng cho con.

Như thế, đây là cốt yếu của quả vị Ki-tô giữa tầng 48 và 96. Con nâng tâm thức bằng cách dùng Bảy Tia Sáng như các thày đã mô tả trong khóa học tự điều ngự, là một con đường tuần tự do các Thượng sư hướng dẫn. Khi con tu như vậy thì con gia tăng trực giác, thực sự là sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của con và với các chân sư thăng thiên. Điều này có nghĩa là con càng ngày càng muốn lờ đi tâm duy lý của mình, cũng như những thúc đẩy, phóng chiếu đến từ bên ngoài, như từ người khác (như gia đình hay bạn bè), xã hội, tâm thức đại chúng, tà lực hay bất cứ gì khác.

Khi con lên cao hơn, sẽ có nhiều phóng chiếu hơn nhưng con càng ngày càng giỏi hơn trong việc không để chúng ảnh hưởng mình. Khi con tiến về hướng tầng 96, con gia tăng khả năng đọc sự rung động, đọc mức độ năng lượng của một người đang nói chuyện với con, của một ý tưởng đến với con hay ngay cả những phóng chiếu mà các lực thấp đang phóng tới con. Con tiến bộ hơn trong việc đọc mức độ rung động, và con giỏi hơn trong việc cảm nhận nó ở dưới một mức nào đó hay ở trên mức đó.

9.5. Học cách đọc rung động

Bây giờ, con yêu dấu, điều thày đang nói với con ở đây là khi con đi lên trên tầng tâm thức 48, thì con đã thiết lập được trong chính bản thể của mình, trong tim mình, một sự rung động nào đó mà con biết là cao hơn sự rung động dựa trên sợ hãi của thế gian. Đây là sự rung động cao nhất mà con có thể nhận ra với tầng mức tâm thức của con. Tỷ dụ như ở tầng 48, con có một mức rung động nền nào đó mà con có thể nhận ra. Do đó, con nhận ra được là có một số thứ rung động rõ ràng ở dưới mức này và một số thứ khác rung động trên mức này. Cũng có thể con thấy khó nhận ra các rung động quá cao trên mức này. Cũng có thể, con gặp khó khăn phân biệt giữa rung động nền của con và các rung động thấp hơn nó một chút, nhưng con có thể cảm nhận rõ ràng sự khác biệt giữa rung động nền của con và rung động rất thấp dưới nó.

Bây giờ khi con lên các tầng cao hơn hướng tới tầng 96, con có thể nhận ra những rung động cao hơn. Điều này có nghĩa là giờ đây con có thể nhận ra những rung động càng ngày càng cao hơn. Lẽ dĩ nhiên, con không quên rung động nền mà con có ở tầng 48 và do đó bây giờ con có thể nhận ra một dải rung động cao ngày một rộng hơn. Điều này cũng có nghĩa là con giỏi hơn trong việc phân biệt những rung động thấp hơn tầng 48 một chút, và do đó tà lực càng lúc càng khó lừa được con.

Con sẽ tới một điểm đạt tới tầng 96, khi ấy con đạt được khả năng đọc bất kỳ rung động nào mà sa nhân phóng tới con từ dưới tầng 48. Nói cách khác, con không thể bị lừa bởi một rung động ở dưới tầng 48, dù nó được ngụy trang tài tình đến đâu chăng nữa. Con có thể tự mình nhận ra rung động đó. Điều này không có nghĩa là con đã đạt được trọn vẹn quả vị Ki-tô. Thực sự thì đây là giai đoạn sơ bộ của quả vị Ki-tô, và tiến trình thực sự đạt quả vị Ki-tô cá nhân – trở thành Ki-tô Hằng sống (Living Christ) – bắt đầu trên tầng 96.

9.6. Khai ngộ tại tầng 96

Tuy nhiên ở tầng 96, con đối mặt với một khai ngộ quyết định, và con thấy thày trải qua khai ngộ này khi thày bắt đầu sứ mệnh của thày. Thánh kinh không mô tả rành rọt sự việc này nhưng con thấy hoàn cảnh bữa tiệc cưới ở Cana, khi mẹ của thày phải thúc đẩy thày biến nước thành rượu và như thế ra mặt khởi sự sứ mệnh công chúng của thày. Trong Thánh kinh cũng có một số ám chỉ khác, như lễ rửa tội do Giăng Báp-tít (John the Baptist), và một số ám chỉ vi tế khác.

Điều thày muốn nói ở đây là khi con tới tầng 96, con đối mặt với một quyết định hệ trọng. Con có thể tiếp tục theo đuổi sự tăng triển tâm linh để nâng mình và trạng thái tâm thức của mình lên cao hơn, hay con có thể chọn lựa là kể từ điểm này trở đi, con theo đuổi sự tăng triển tâm linh không phải để tự nâng mình lên mà để phụng sự và nâng toàn thể lên.

Sự khác biệt trông có vẻ vi tế. Nó có vẻ vi tế vì nó thực sự vi tế. Trên thực tế, hầu hết mọi người ở dưới tầng 96 sẽ không hiểu được sự vi tế này và những người dưới tầng 48 thì sẽ không hiểu được gì cả. Họ còn không thể thấy được tại sao phải có chọn lựa đó. Con yêu dấu, quả vị Ki-tô ở các tầng cao của tâm thức không chú trọng vào việc nâng cao tâm thức của mình, nâng cao cái ta của mình. Con hiểu chăng, con yêu dấu, là giữa tầng tâm thức 48 và 96, con nâng cao cá thể của mình, như con thấy nó lúc đó, vượt lên trên sức hút của tâm thức đại chúng?

Như tình trạng tâm thức đại chúng hiện nay trên trái đất, không cách chi con có thể biểu hiện một trạng thái tâm thức cao nếu con bị ảnh hưởng bởi tâm thức tập thể. Do đó ở tầng 48, con nhận ra là con có tiềm năng, với tư cách một cá nhân, nâng mình lên cao hơn tâm thức đại chúng. Ở tầng 48, con có một ý niệm bản ngã nào đó, một ý niệm bản sắc nào đó, một hiểu biết trí năng mình là ai, một hiểu biết tình cảm mình là ai và một hiểu biết vật lý có ý thức mình là ai. Như con thấy mình là ai ở tầng 48, đó là cái ta mà con bắt đầu nâng lên.

Giờ đây, lẽ dĩ nhiên, cái ta này thay đổi khi con tiến về hướng tầng 96, nhưng trên căn bản con vẫn còn xem mình là một cá thể đang đi trên con đường tâm linh và đang nâng cao tâm thức của mình. Đây là điều không tránh được, đây là điều cần thiết – và điều này không có gì sai trái – là con có một động cơ thúc đẩy con muốn nâng mình lên cao hơn, muốn con đạt được một tầng tâm thức cao hơn.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội để các thày giả ảnh hưởng con một cách vi tế. Họ đã làm điều này, ví dụ bằng cách mô tả quả vị Ki-tô, giác ngộ hay tâm thức toàn vũ như một trạng thái siêu nhiên giúp con đạt được quyền năng siêu nhiên, như biến nước thành rượu, đi trên nước hay làm người chết sống lại – hoặc bất kỳ điều gì khác. Họ khiến con nghĩ con sẽ trở thành một siêu nhân với quyền năng siêu nhiên. Có nhiều người mong muốn có quyền năng như thế và mong muốn bước ra ngoài chứng minh những quyền năng này với người khác. Họ có thể có thiện ý muốn thu hút người khác vào con đường tâm linh, nhưng đằng sau đó luôn luôn có thúc đẩy vị kỷ muốn nâng mình lên cao hơn người khác. Nói cách khác, khi con đi trên con đường tu từ tầng 48 lên 96, thì lúc nào con cũng còn một yếu tố vị kỷ.

Khai ngộ mà con đối mặt ở tầng 96 là: Con có sẵn sàng buông bỏ ham muốn tăng trưởng đến từ cái ta không? Con có sẵn sàng bước lên một động lực cao hơn và nhận ra rằng mục đích thật sự của sự thăng thiên là bây giờ con sẽ bắt đầu tháo dỡ cái ta mà con đã sử dụng như cỗ xe để tiến lên từ tầng 48 tới tầng 96?

Bây giờ con có thể so sánh điều này với hỏa tiễn không gian có hai tầng, con yêu dấu. Tầng đầu có động cơ với một bình nhiên liệu vĩ đại cần thiết để đưa hỏa tiễn vượt khỏi hấp lực của trái đất. Con cần có cái ta đó giữa tầng 48 và tầng 96. Thày không khiển trách ai hết. Việc này không có gì sai trái cả. Việc này cần thiết, nhưng như con thấy với trường hợp hỏa tiễn, một khi đã đi vào không gian, thì nó không cần động cơ khổng lồ và bình nhiên liệu đó nữa bởi vì chúng chỉ cần thiết để đưa tới giai đoạn thứ nhì. Do đó, hỏa tiễn phải tách ra và để chúng rơi xuống.

Sự khác biệt cốt yếu ở tầng 96 là sự khác biệt giữa những người hiểu được điều này và những người không hiểu. Có những người ở tầng 96 tiếp tục tìm cách nâng mình lên. Và có những người thấy được nhu cầu buông bỏ cái ta mà họ có ở tầng 96. Điều này không có nghĩa là họ có thể buông bỏ nó ngay tức khắc bởi vì con luôn luôn cần một sự liên tục nào đó để sinh hoạt trong cõi vật chất. Do đó, điều mà thày muốn nói là một khi con tới tầng 96 và hiểu được giai đoạn cao của quả vị Ki-tô là gì, thì con đi vào một tiến trình dẫn con từng bước một từ tầng 96 lên tầng 144. Tiến trình này không có mục đích nâng cao chính mình, cho mình một số khả năng đặc biệt nào đó, nâng mình lên cao hơn người khác. Nó thực sự là tiến trình tháo dỡ cái ta chia cách con khỏi người khác.

9.7. Cái nhìn cấp tiến về quả vị Ki-tô

Con thấy chăng, con yêu dấu, việc con cần một cái ta để kéo mình lên trên tâm thức đại chúng có vẻ là một sự mâu thuẫn. Vì sau đó, một khi đã làm xong điều này, thì con lại cần tháo dỡ cái ta đó và cố gắng hợp nhất với tất cả mọi người. Sự thực là khi con còn bị ảnh hưởng bởi tâm thức đại chúng, thì con không hợp nhất với người khác, con không hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con, con không hợp nhất với các chân sư thăng thiên. Con chỉ giản dị ở trong trạng thái máy móc trong đó các sa nhân tìm cách khiến cho mọi người đều giống nhau. Trạng thái đó, con yêu dấu, không phải là hợp nhất.

Trạng thái đó có thể gọi là giống nhau, nhưng nó không là hợp nhất. Con thấy chăng, hợp nhất theo nghĩa tâm linh là khi con nhận ra cá thể tâm linh thiêng liêng của con nhưng cá thể tâm linh này không kéo con tách biệt khỏi người khác. Các thày là chân sư thăng thiên nhìn nhận cá thể của mình. Thày nhìn nhận cá thể của mình khác với cá thể của thày MORE hay cá thể của thày Saint Germain, nhưng các thày không xung đột hay ganh đua với nhau. Các thày đạt được một mức hợp nhất mà con không thể nào hiểu được trong trạng thái chưa thăng thiên. Nhưng con có thể bắt đầu hiểu được khi con tiến gần tầng 144.

Có hai giai đoạn chính của quả vị Ki-tô và đó là lý do vì sao khi con ở dưới tầng 96, con có một cái nhìn nào đó về quả vị Ki-tô, một hiểu biết nào đó về quả vị Ki-tô. Một khi con lên trên tầng 96, con bắt đầu nhận là nó nhiều hơn thế nhiều. Nó thực sự là cái gì đó hoàn toàn khác với cái con nghĩ ở tầng tâm thức trước đó của con. Điểm cực kỳ – cực kỳ – quan trọng là khi con đang ở bất cứ tầng nào, thì con, một cách có ý thức, lấy thái độ là ở tầng hiện tại của con, con không thể hiểu trọn vẹn quả vị Ki-tô là gì. Do đó, con không nhìn một định nghĩa hay quan niệm đặc thù nào về quả vị Ki-tô và nói: “Đây là quả vị Ki-tô” và do đó con đóng tâm lại với cái nhìn cao hơn, hiểu biết cao hơn, trải nghiệm cao hơn.

Trong khi con ở dưới tầng 96, con sẽ vẫn còn nghĩ quả vị Ki-tô là cái gì con có thể hiểu được. Thày yêu cầu con ý thức là dù con có thể có một hiểu biết nào đó về quả vị Ki-tô, con sẽ tới một điểm mà hiểu biết này cần phải đào thải. Bây giờ, thay vì hiểu quả vị Ki-tô, con chú tâm vào việc trải nghiệm nó. Có sự khác biệt giữa hiểu và trải nghiệm theo nghĩa là khi con hiểu một điều gì, con nhìn nó từ bên ngoài. Con nói: “Quả vị Ki-tô ở trên kia và tôi hiểu nó là cái gì, và tôi đang hiểu làm sao tôi có thể lại gần nó.” Điều này ngụ ý là con chưa tới chỗ đó.

9.8. Trải nghiệm quả vị Ki-tô

Khi con đi tới tầng 96 và con lấy quyết định một cách ý thức là con xoay chuyển khỏi sự chú tâm vào chính mình, để chú tâm vào cái gì vượt quá cái ta, thì lúc ấy con bắt đầu trải nghiệm quả vị Ki-tô. Một lần nữa điều này không có nghĩa là con trải nghiệm trọn vẹn quả vị này, nhưng con trải nghiệm quả vị Ki-tô ở một giai đoạn nào đó. Đây là lúc, như sứ giả này đã mô tả, con cần tới điểm sẵn sàng chấp nhận một cách ý thức là con đã đạt được một mức nào đó của quả vị Ki-tô. Nếu con không chấp nhận điều này thì con thực sự không thể nào bắt đầu tiến trình trải nghiệm những biểu hiện ngày càng cao hơn của quả vị Ki-tô.

Con có thể nghĩ con là Ki-tô ở dưới tầng 96, và các thày luôn luôn thấy một số đệ tử nghĩ rằng họ có thể tuyên bố là họ đã đạt được quả vị Ki-tô trong khi họ vẫn còn dưới tầng 96 hay ở tầng 96. Con yêu dấu, họ tuyên bố như thế với tâm vỏ ngoài và đây không phải là điều thày đang nói ở đây. Thày nói tới một sự chuyển hóa vi tế không dựa trên tâm vỏ ngoài. Đây không phải là việc quyết định với tâm vỏ ngoài nhưng là nhận ra rằng con cũng không thể chối bỏ quả vị Ki-tô.

Con nhận ra rằng lúc nào trong tự ngã con người cũng có sự tương tác giữa cảm nhận tự ti và tự tôn. Con nhận ra rằng có một khuynh hướng, có một yếu tố trong tự ngã muốn thổi phồng tầm quan trọng của nó. Do đó, con nhận ra là những người bị ảnh hưởng bởi khía cạnh này của tự ngã sẽ tuyên bố họ là Ki-tô trước khi họ thực sự sẵn sàng cho quả vị đó, trước khi họ quyết định ngừng tập trung vào cái ta. Họ tìm cách dùng quả vị Ki-tô như một cách để nâng cái ta tách biệt lên một vị thế tối hậu nào đó.

Mặt khác con cũng thấy có những người bị kẹt trong khía cạnh tự ti của tự ngã và nghĩ rằng họ không được công nhận là họ đã đạt được một giai đoạn nào đó của đường tu. Họ phải khiêm cung, họ không được gây chú ý tới họ. Họ quá quan tâm cần tránh kiêu mạn đến độ rơi vào đối cực là rất khiêm cung và không tuyên bố mình đã đạt được bất cứ giai đoạn nào. Con thấy chăng, kiêu mạn có thể biểu hiện dưới cả hai dạng tự ti tự tôn.

9.9. Công nhận quả vị Ki-tô

Khi con nhận ra điều này, con nhận ra rằng con cần xem xét mình, xem xét tâm lý mình, xem xét cả hai khía cạnh của tự ngã, khía cạnh tự ti, khía cạnh tự tôn, để nhận thấy chúng đã ảnh hưởng cái ta của con ra sao. Và khi con đi qua tiến trình phơi bày động lực này của tự ngã, thì con sẽ tới một điểm con nhìn thấu suốt và con nhận ra con hơn nó. Đây không phải cái con là, nó không quy định con. Rồi con nhận ra là con thực sự muốn hoàn toàn vượt lên trên động lực của tự ngã vì con muốn là một với Hiện diện TA LÀ của con, con muốn là một với vị chân sư thăng thiên thân thiết nhất trong tim con. Con muốn điều này hơn bất kỳ vị thế nào con có thể có được trên trái đất.

Đó là lúc con tới được sự nhận biết nội tâm tự phát là con không thể nào tuyên bố mình có quả vị Ki-tô quá sớm, nhưng con cũng không thể chối bỏ nó, phớt lờ nó, quá tầng tâm thức thực sự của con. Lúc đó, con nhận ra rằng con cần công nhận là con đã tiến bộ trên con đường tâm linh, con đã đạt được một tầng tâm thức nào đó. Con đã đạt một tầng của quả vị Ki-tô ở trên tầng 96 bởi vì con nhận ra rằng con không còn chú tâm tới cái ta tách biệt. Con còn một số khía cạnh của cái ta này nhưng con không chú tâm tới chúng. Nó không quy định con, nó không quy định con đường tu của con.

Đó là lúc con công nhận con đã đạt được một tầng nào đó của quả vị Ki-tô, nhưng con cũng công nhận đó không phải là mức cao nhất của quả vị Ki-tô. Con nhận ra rằng giữa tầng 96 và 144, có một tiến trình không giống điều nhiều người nghĩ. Đây không phải là giai đoạn con đạt được khả năng siêu nhiên nào đó. Khả năng siêu nhiên không phải là một phần cốt yếu của quả vị Ki-tô. Có những người đã đạt quả vị Ki-tô, đã hội đủ tư cách để thăng thiên nhưng chưa bao giờ biểu lộ bất kỳ khả năng siêu nhiên nào, chưa bao giờ có ai nhận ra họ. Những người dưới tầng 48 còn không thể nào nhận ra người ở các tầng cao hơn, và hầu hết những người dưới tầng 96 cũng không thể nhận ra họ một cách dễ dàng.

Ở giai đoạn này, con không chú tâm vào thế gian theo nghĩa là con không chú tâm vào việc sống theo hình ảnh hay chờ đợi nào đó của thế gian. Con không tìm cách khiến thế gian nể phục. Con không đi tìm sự công nhận của thế gian. Con đã đạt được cái mà con có thể gọi là một ý niệm cao về sự tự túc tâm linh khi con không cần sự công nhận hay chứng thực của người khác hay của thế gian. Con không cần người khác chứng thực vì con có sự chứng thực từ bên trong qua trải nghiệm hợp nhất cao hơn so với trước kia. Con vẫn còn nhớ cảm nhận khi con chưa trải nghiệm mình là một với Hiện diện TA LÀ của con, hay với các chân sư thăng thiên, và cảm nhận hiện tại khi con có sự hợp nhất này. Do đó con không nhìn mức độ hợp nhất như một mục tiêu lý thuyết mà con nhìn từ phía xa. Con đang trải nghiệm sự hợp nhất này và con trải nghiệm rằng khi con tiếp tục xem xét mình và thấy thêm những hạn chế, thêm những tin tưởng hạn chế và con buông bỏ chúng, thì khi đó con đạt được một mức độ hợp nhất cao hơn.

9.10. Liên tục quan sát mình

Con nhận ra rằng con đường từ tầng 96 lên tới tầng 144 thực sự là con đường liên tục quan sát mình. Trong mọi hoàn cảnh, con quan sát phản ứng của mình. Mỗi khi con nhận thấy một phản ứng mà con biết rung động thấp hơn tầng rung động nền mà bây giờ con đã nhận ra, thì con xem xét nó với tâm cởi mở và chân thật. Con không tìm cách che giấu nó với chính mình, con không tìm cách biện minh cho nó. Con cũng chẳng lên án mình vì con đã vượt quá nhu cầu lên án mình theo bất cứ kiểu nào. Con không tìm lỗi của người khác, con không tìm lỗi của chính mình, con không phán xét với sự phán xét giá trị nhị nguyên. Con chỉ giản dị quan sát. Con quan sát là ở đây đang có cái gì hạn chế con và con nhìn xem nó là gì cho tới khi con khám phá ra cách nó vận hành. Sau đó con nhận ra con đã cho cái ta đó chết đi như thế nào và con vươn lên một tầng cao hơn.

Con thấy chăng, con yêu dấu, ở dưới tầng 96, con cố gắng đạt quả vị Ki-tô dựa trên một cái nhìn của cái ta vỏ ngoài. Nó dựa trên việc nâng mình lên khỏi sức hút của tâm thức đại chúng. Giờ đây khi con đi quá tầng 96 và trên thực tế, để có thể đi quá tầng 96, con cần đạt được khai ngộ mà thày đã mô tả khi thày nói là nếu con muốn cứu mạng sống của mình thì con sẽ mất nó, nhưng những ai sẵn lòng chịu mất mạng sống của mình để phụng sự thày thì họ sẽ tìm được nó. Câu này có nghĩa là giờ đây con bắt đầu buông bỏ một số khía cạnh của đời sống của mình, nghĩa là cái ta vỏ ngoài, cái ta đã đưa con tới tầng 96. Con cần để cho một số yếu tố của cái ta này chết đi vì con trải nghiệm (con cảm nhận, con thấy) là chuyện quan trọng hơn là con tiến một bước cao hơn trong tiến trình hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con, hay hợp nhất với vị chân sư thăng thiên nào thân thiết nhất trong tim con. Vị này có thể là thày; vị này có thể là một chân sư nào khác mà con muốn. Đây là một tiến trình hợp nhất và con chỉ đạt được hợp nhất với cái ta cao của con, với Hiện diện TA LÀ của con, bằng cách cho cái ta vỏ ngoài chết đi từng bước một, từng yếu tố một, từng phần nhỏ một.

9.11. Chết liên tục

Ta có thể nói đây là một tiến trình chết liên tục vì con đang chết đi khỏi thế gian. Con đang cho phép cái ta thế gian chết đi để khi ông hoàng của thế gian tìm đến, thì y sẽ thấy trong con càng ngày càng ít chuyện để nắm, cho tới khi cuối cùng thì y không tìm thấy bất cứ gì nữa. Con đã cho phép cái ta thế gian này chết đi, và nó không còn gì nữa hết. Ở điểm đó, chẳng còn gì giữ con hiện thân và đó là lý do vì sao con đi vào tiến trình thăng thiên. Điều quan trọng mà con cần ghi nhớ là vấn đề là cho cái ta vỏ ngoài chết đi.

Bây giờ con yêu dấu, thày gọi nó là một hình thức chết vì hầu hết mọi người xem cái chết như một giai đoạn cuối cùng khi cái gì đó biến mất, cái gì đó chết đi, cái gì đó không còn nữa. Đây đúng là điều xảy ra cho cái ta vỏ ngoài của con: nó chết đi. Có một cái ta nào đó, một yếu tố nào đó của nó, và như thày Hilarion đã giải thích trong sách của thày (Khai ngộ Thần bí về Viễn quan) có một ảo tưởng nào đó ở mỗi tầng tâm thức. Chúng ta cũng có thể nói là có một cái ta mà con cần cho chết đi tại tầng 96 để con có thể lên tầng 97. Sau đó có một cái ta ở tầng 97 mà con cho phép chết đi để có thể lên tầng 98 và tiếp tục như vậy. Điều này có tính chất chung cuộc.

Bây giờ, lẽ dĩ nhiên con cũng làm điều này giữa tầng 48 và tầng 96, nhưng con không ý thức về nó trong hầu hết trường hợp. Khi con đi quá tầng 96 và lấy quyết định đầu tiên cho cái ta chết đi, thì con càng ngày càng ý thức tiến trình đó. Con thấy là có cái gì đó thật sự chết đi. Nó không còn nữa, con buông bỏ nó hoàn toàn. Ở điểm này, con bắt đầu nhận ra là cái chết không phải là điều gì xảy ra tới con mà con không kiểm soát được. Cái chết thực sự là do con ý thức buông bỏ cái ta không còn giúp ích con nữa. Nó là một tiến trình mà con kiểm soát được, con yêu dấu. Con để cái ta đó chết đi một cách có ý thức và con thấy đây là hành động chung cuộc vì cái ta không còn nữa sau khi con buông bỏ nó.

9.12. Hình ảnh mỹ lệ về quả vị Ki-tô

Con thấy chăng con yêu dấu, có nhiều người nghe hay đọc bài giảng này và cảm thấy thất vọng vì bỗng nhiên những điều thày mô tả về quả vị Ki-tô nghe không mỹ lệ như họ đang mường tượng. Điều này chứng minh là con đã phần nào chấp nhận một trong những hình ảnh giả mà các thày giả đưa ra về ý nghĩa của các trạng thái tâm thức cao.  

Có một khía cạnh mà thày đặc biệt muốn con lưu ý. Một điều điển hình của các phong trào tâm linh (hoặc là các tôn giáo lớn hay các phong trào tâm linh nhỏ hơn xoay chung quanh một vị đạo sư) là họ thường tôn vinh người lãnh đạo phong trào như một người cao hơn những người khác. Ví dụ con có thể thấy một số tổ chức tâm linh hiện đại do một người nào đó khởi xướng và những người trong phong trào nghĩ rằng người này đã giác ngộ. Họ thường có một cái nhìn không được rõ ràng về thế nào là giác ngộ, nhưng họ nghĩ rõ ràng là người giác ngộ cao hơn những người khác.

Nếu giác ngộ có một ý nghĩa nào đó như một khái niệm, thì nó đồng nghĩa với quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô là gì? Nó là, khi con càng ngày càng tới gần tầng 144 hơn, con bắt đầu nhận ra là bên dưới mọi hiện tượng thế gian là cái một. Điều này có nghĩa là trước tiên con thấy con là một với Hiện diện TA LÀ của mình, và một với các chân sư thăng thiên ở trên con. Con thấy con là một phần của dòng năng lượng tuôn chảy không ngừng từ Tánh linh – phần trên của hình số tám. Sau đó, khi con càng tới gần điểm nối ở giữa hình số tám, thì con bắt đầu thấy con là một với tất cả những gì ở dưới, không phải là với sa nhân, với tâm thức nhị nguyên, nhưng là một với những nối dài có tự nhận biết của Thượng đế, những đứa con trai con gái của Thượng đế. Con thấy con là một với tất cả mọi người. Khi con tiến gần hơn tới trạng thái là một, thì mọi phê phán giá trị, mọi so sánh hoàn toàn phai mờ đi, con yêu dấu.

Nghĩa là, chúng ta cần nói là khi con tiến gần tầng tâm thức 144, thì lẽ dĩ nhiên con ở một tầng tâm thức cao hơn những người đang ở tầng 48 chẳng hạn. Lẽ tự nhiên, nhờ quyết chí nỗ lực con đã nâng mình lên, cao hơn tầng 48 rất nhiều. Điều này không có nghĩa là giờ đây con xem mình hay hơn hay quan trọng hơn người khác. Ngược lại, những phán xét giá trị của con phai mờ đi và chuyện so sánh mình với người chẳng còn ý nghĩa gì. Trên thực tế, ngay cả việc so sánh mình theo bất cứ thang giá trị nào cũng trở nên vô nghĩa. Con càng lúc càng không chú ý tới chuyện mình đang ở đâu trên thang tâm thức. Con chỉ giản dị chú tâm mình là chính bản thể mình, biểu lộ Sứ vụ Thiêng liêng của mình vì con bắt đầu thấy nó rõ hơn và con phụng sự người khác, phụng sự đại nghĩa nâng cao mọi sự sống của các chân sư thăng thiên. Đây là chú tâm của con.

Con hiểu chăng, con yêu dấu, một người càng giác ngộ thì càng không muốn người khác xem mình đã giác ngộ vì người khác sẽ xem người đã giác ngộ cao hơn họ. Con nhận ra là nếu người khác xem con cao hơn họ, họ không thể xem con là một tấm gương mà họ theo được. Họ thấy có một khoảng cách giữa con và họ và vì thế con không thể cho họ cảm hứng trọn vẹn để họ đi theo con đường mà con đã đi. Con thấy chăng, con yêu dấu, khi một người đặt mình cao hơn người khác một cách cơ bản, thì người đó không thể nào đã giác ngộ. Nếu người đó đã giác ngộ, thì người đó sẽ không muốn người khác đặt họ lên trên bệ cao. Thay vào đó, người giác ngộ sẽ làm tất cả đủ mọi điều để tránh mọi người thấy có khoảng cách. Người giác ngộ muốn mọi người thấy rằng tất cả đều có tiềm năng đi theo cùng con đường tu và đạt được những tầng tâm thức cao. Ở đây, tất cả mọi so sánh, tất cả mọi phê phán giá trị, phai mờ đi và kết quả là con đạt được bình an nội tâm càng ngày càng lớn hơn. Con không phải đáp ứng chờ đợi nào của thế gian. Con không phải cố gắng đạt được điều gì. Con không phải lên án mình vì điều gì mình đã làm. Con không phải phê phán hay đánh giá người khác.

Con thấy chăng, con yêu dấu, khi thày nói: “Ta đến đây để phán xử,” thì thày không muốn nói là thày đến để phê phán và đánh giá và chỉ trích người khác. Câu đó có nghĩa là thày đến để cho phép người khác phán xử chính họ qua cách họ đối xử với thày. Phán xử tối hậu là họ đã giết xác thân vật lý của thày qua đó họ tìm cách giết Ki-tô Hằng sống.

Ngày nay may thay, chúng ta sống trong một thời đại mà sa nhân thấy giết Ki-tô Hằng sống càng ngày càng khó khăn hơn, và do đó lẽ dĩ nhiên con không phải trải qua kinh nghiệm này – thày thành thật hy vọng điều đó cho con. Con hiểu ý ở đây là thày không đến để phê phán và chỉ trích và đánh giá bất cứ ai, như nhiều người nghĩ. Như các thày có nói trước đây, các thày là chân sư thăng thiên không ngồi ở trên này để theo dõi từng hành động, từng lời nói, từng ý nghĩ và cảm xúc của các con. Các thày không chỉ trích, lên án, đánh giá và phê phán con, con yêu dấu. Các thày chỉ tìm cách nâng con lên.

9.13. Nâng người khác thay vì chính mình

Đây là điều con làm khi con tiến càng ngày càng gần tầng 144. Con càng ngày càng bớt quan tâm đến việc tạo cảm tưởng là con cao hơn người khác. Con thực sự càng ngày càng quan tâm đến việc giúp người khác nâng cao tâm thức của họ. Con quan tâm chuyện nâng người khác lên hơn là nâng cao chính mình, và do đó con làm những gì con làm được để tránh chuyện người khác đặt con lên bệ cao.

Con yêu dấu, đây là những ý nghĩ của thày cho lần này. Lẽ dĩ nhiên đây không phải là giáo lý cuối cùng về quả vị Ki-tô, nhưng đây là những điều mà thày xét sẽ hữu ích cho các con, dựa trên những câu hỏi của các con và của nhiều người trên thế giới. Do đó, thày cảm ơn các con đã lắng nghe và đã là cánh cửa mở, vì một lần nữa, thày có thể dùng luân xa các con để lan tỏa một xung lực đi vào Hàn Quốc và thế giới – đi vào tâm thức đại chúng của thế giới – để tới những ai có tiềm năng đứng ra và nhìn nhận quả vị Ki-tô của mình và bắt đầu bước lên các giai đoạn cao hơn tầng 96.      

Các con yêu dấu, thày muốn nói lên lòng biết ơn sâu xa của thày đối với các con ở Hàn Quốc, đã học giáo lý của các thày, đã đọc các bài thỉnh và đã là công cụ hữu hiệu mang lại những thay đổi mà các con đã thấy trong mười tháng vừa qua kể từ lần hội nghị trước và lẽ dĩ nhiên ngay cả trước lần hội nghị đó. Các thày biết ơn các con và các con yêu dấu, các thày quả thực ghi nhận nỗ lực của các con. Lẽ dĩ nhiên, các thày không tìm cách khiến các con cảm thấy mình hơn người khác nhưng các con yêu dấu, các con hiểu là khi các con đã vượt qua động lực tự ti-tự tôn, thì chuyện nhìn nhận các con đã nỗ lực, và nỗ lực ấy tạo ra thành quả và các con đã đem lại sự thay đổi trong đất nước của các con qua những gì các con đang làm, là chuyện có giá trị. Do đó, lẽ dĩ nhiên, các con có thể tiếp tục đem lại thay đổi. Khi các con vươn lên các tầng tâm thức cao hơn, các con có thể đem lại nhiều thay đổi hơn nữa. Lẽ dĩ nhiên, khi các con đi lên về hướng tầng 96, thì các con càng ngày càng là cánh cửa mở cho xung lực và năng lượng của Hiện diện TA LÀ của các con và các chân sư thăng thiên. Chính dòng năng lượng tuôn chảy xuống này sẽ đem lại sự thay đổi tối hậu nâng trái đất vào thời đại hoàng kim.

Con có thể nói rằng khi con tiến càng ngày càng gần quả vị Ki-tô trọn vẹn ở tầng 144, thì con càng ngày càng là cánh cửa mở để lan tỏa tâm thức của thời đại hoàng kim vào thế giới. Trong nhiều trường hợp, điều này có nghĩa là có thể con càng ngày càng cần làm ít đi ở bên ngoài và đó là lý do vì sao con thấy một số người đã rút về hang động và ngồi đó để giữ quân bình tâm linh. Lẽ dĩ nhiên, trong thời đại này, điều rất quan trọng là hầu hết những người đang cố gắng đạt quả vị Ki-tô cần tích cực tham gia vào xã hội và như thế, các con trở thành những tấm gương. Như các thày đã nói nhiều lần, khuôn đúc có một người được xem là tấm gương là một hiện tượng của thời Song ngư và trong thời Bảo bình chúng ta cần nhiều người làm gương.

Đó là lý do vì sao một tổ chức của thời đại Bảo bình không tôn vinh một người lãnh đạo lên vị thế tối cao nhưng thấy rằng tất cả mọi người đều có tiềm năng làm gương và làm cánh cửa mở. Vì thế, con yêu dấu, thày biết ơn các con đã chịu làm cánh cửa mở để thày truyền xuống ánh sáng ngày hôm nay.

Nhìn quá bức màn của vật chất, 15 đoạn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 19/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Thầy rất vui mừng khi thấy học viên đến tầng này của khóa nhập thất vì họ đã sẵn sàng đón nhận khai ngộ cuối cùng mà thày cống hiến trong khóa tự điều ngự này. Đây dĩ nhiên là sáng ngộ do năng lượng của Tia thứ Năm phối hợp với năng lượng của tự do.

Vậy khai ngộ mà con sẽ gặp ở tầng này là gì? Đó là con cần giải thoát tâm, giải thoát viễn kiến của mình khỏi ảo tưởng cơ bản rất tinh tế của sa nhân. Ảo tưởng này có nhiều tầng lớp. Thày có nói về điều này trong các bài giảng trước, đặc biệt là trong bài trước khi thày nói về việc giải thoát tâm mình khỏi ảo tưởng cho rằng vật là vật, chúng khó thay đổi vì vật chất rắn đặc và không thay đổi được bằng tâm.

16.1. Nhìn quá tấm màn vật chất

Con cần phải khởi sự làm điều gì? Khi con tới dự khóa nhập thất của thày trong các thể thanh thoát hơn của con, dĩ nhiên là thày dạy con cách nhìn quá tấm màn của vật chất. Có thể nói là tà ma là một tấm màn năng lượng vì các lực bóng tối, các sa nhân đã tạo ra ảo tưởng rằng vật chất rắn đặc và không thay đổi được. Con yêu dấu, điều này là một ảo tưởng hay chúng ta cần tìm hiểu thêm? Nó một ảo tưởng do sa nhân tạo ra, nhưng ta cũng nên tìm hiểu thêm vì có một sự tương ứng giữa sự dày đặc của vật chất và khả năng của các giác quan vật lý của con.

Điều rõ ràng là khi con còn sống trên một hành tinh có độ dày đặc như trái đất, con cần biết cách cảm nhận vật chất. Con cần phải đi lại trong vật chất và do đó giác quan vật lý của con phải có khả năng cảm nhận vật chất ở mức rung động hiện nay của nó. Nếu con xem đôi mắt chẳng hạn, con sẽ thấy là đã có lúc trái đất có một mức rung động cao hơn ngày nay. Mắt của những người sống trên trái đất lúc đó giản dị là không có khả năng thấy được những rung động dày đặc có mặt trên trái đất ngày hôm nay. Nếu con lấy những người thời đó và đem họ tới trái đất thời nay, họ sẽ không có khả năng nhìn thấy những gì con dễ dàng thấy là vật chất vì con mắt của họ không được điều chỉnh để tiếp nhận những rung động thấp đó.

Chuyện đã xảy ra là vì vật chất đã trở nên dày đặc hơn, vì cơ thể con đã trở nên dày đặc hơn, cặp mắt của con đã nới rộng phạm vi hoạt động và thấy được các rung động thấp hơn trước. Thực ra thì điều này tự nó không tạo ra tấm màn năng lượng, rào cản nhãn quan. Mắt vật lý của con vẫn có khả năng nhận ra các rung động cao hơn bên ngoài quang phổ vật lý. Một số trong các con thấy được hào quang chung quanh người khác. Mọi người đều biết là hào quang có thật và có một số người đã, theo như câu ngạn ngữ, “mở con mắt thứ ba” và có thể thấy hào quang và các luân xa. Hoặc họ có thể thấy được cõi trung giới (astral plane) hay các cõi cao hơn, và ngay cả chân sư thăng thiên.

16.2. Vì sao con không thấy được hào quang người khác

Con biết rằng điều này có thể làm được. Câu hỏi là: tại sao con không thấy được các rung động bên ngoài cõi vật chất? Có rất, rất nhiều người tin rằng lý do là vì con mắt vật lý không thấy được các rung động này; trên phương diện vật lý con không có khả năng để thấy được. Thày nói là điều này không đúng, và đây là sáng ngộ mà con sắp trải qua.

Thày có thể chỉ cho con thấy ở tầng ê-the là điều này không đúng. Thày có thể đơn giản chỉ cho con thấy phạm vi khả năng của con mắt vật lý. Thày có thể chỉ cho con thấy màn võng mạc (retina) trong con ngươi hoàn toàn có khả năng tiếp nhận tia ánh sáng của các rung động do hào quang người khác phát ra. Trên phương diện vật lý, con có khả năng thấy được hào quang.

Vậy tại sao con không thấy được hào quang một cách ý thức? Đó là vì con có một số phin lọc trong não bộ của con, trong vùng vỏ não thị giác, và ngay cả trong các thể cảm xúc, tư tưởng và bản sắc. Có phin lọc nhận thức tự nó không có gì sai trái, vì nếu con nhận hết tin tức mà mắt con có khả năng phát hiện thì tâm ý thức của con có thể bị choáng ngợp. Các phin lọc nhận thức có một chức năng chính đáng vì chúng giúp con chú tâm vào những điều quan trọng nhất cho con. Con sống trong thời đại Internet và tin học và nếu con lên trên mạng Internet và đọc hết những thông tin sẵn có thì con mau chóng bị choáng ngợp và tâm bị phân tán đến độ con không thể chú tâm vào điều gì. Con biết là con cần lọc lựa tin thông tin, nếu không con sẽ mau chóng bị choáng ngợp.

Đương nhiên là sa nhân biết điều này rất rõ. Nếu con nhìn lại lịch sử, con thấy là châu Âu trong khoảng thời gian dài non một ngàn năm đã ở trong giai đoạn được gọi là Thời kỳ Tăm tối. Lý do là vì Giáo hội Công giáo đã ngăn chặn mọi thông tin mà họ không ưng thuận. Họ đốt sách, họ cấm sách, họ ngăn không cho sách lưu hành và do đó chỉ có một số thông tin giới hạn tới tay quần chúng. Đó là một cách mà sa nhân dùng để hạn chế tự do của con. Nếu con có quá ít thông tin, con không thể làm được một số lựa chọn.

Khi thời kỳ hiện đại tới gần và càng ngày càng có nhiều công nghệ để phân phối thông tin, thì sa nhân nhận ra là họ không thể giữ chặt thông tin nữa. Ít nhất là có nhiều thông tin mà họ không thể kềm giữ. Do đó, họ thay đổi chiến thuật và tìm cách khiến con bị choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin, đồng thời tung ra vô số thông tin lố lăng khiến mọi người bắt đầu nghi ngờ hết mọi thứ khác thường.

16.3. Phin lọc nhận thức chính đáng

Đó là cái Alpha và Omega của sa nhân, chiến lược đẩy và kéo của họ, hoặc ít quá hoặc nhiều quá. Bất cứ ai sống trên một hành tinh như trái đất cần một số phin lọc để loại đi những gì không xây dựng. Thày muốn nói gì khi thày nói “xây dựng”? Đương nhiên là thày muốn nói là con cần lọc bỏ đi bất cứ điều gì khiến con sao lãng việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con có thể thấy là khi con biết con có một Sứ vụ Thiêng liêng, khi con cảm nhận Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì, thì con nhận ra là con cần một phin lọc nhận thức để loại bỏ những thông tin chỉ khiến con sao lãng và không chú tâm vào các khía cạnh cốt yếu của Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Điều thày muốn nói là: Con có một số phin lọc loại bỏ một số thông tin đến giác quan của con. Có một phin lọc loại bỏ ấn tượng thị giác đến từ hào quang hay trường năng lượng của người khác. Lý do là vì một số người có thể bị choáng ngợp khi thấy thông tin này. Có những người đã mở con mắt thứ ba, và bỗng nhiên họ thấy được các phàm linh và ác quỷ trong trung giới và bị chấn động mạnh mẽ. Con cần phải được huấn luyện trong một thời gian để dần dần làm quen với những cảnh này.

Tuy nhiên, con cũng cần nhận ra là vì con có thể tới điểm con thấy được hào quang người khác, không có nghĩa là điều này có trong Sứ vụ Thiêng liêng của tất cả mọi người tâm linh. Thày có thể nói với con là đại đa số những người tâm linh không có trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ khả năng thấy được hào quang, vì khả năng này không cần thiết cho việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của họ.

Điều thày muốn nói qua lời giảng dông dài này là con cần nhận ra là có một số phin lọc nhận thức chính đáng. Nhưng cũng có một số không chính đáng vì con đã được dạy dỗ để chấp nhận một số phin lọc nhận thức không giúp con hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con. Một trong những phin lọc chủ yếu ngăn trở Sứ vụ Thiêng liêng của con là phin lọc nhận thức khiến con nghĩ vật chất là vật chất, vật chất rắn đặc, vật chất không thay đổi được.

16.4. Phin lọc nhận thức không chính đáng

Lý do vì sao phin lọc này rất tai hại vì nó khiến con nhìn hoàn cảnh trên trái đất và nghĩ rằng khi một chuyện có một hậu quả vật lý, vật chất, thì hậu quả này không thể thay đổi được ngoại trừ qua một hành động ở tầng cấp vật lý. Điều mà thày đã giảng trong các bài trước là thực tế về đời sống trên trái đất, về hoàn cảnh trên trái đất, là mọi thứ đều là năng lượng. Năng lượng rung động không ngừng. Năng lượng luôn luôn uyển chuyển và dù nó có hình tướng nào đối với giác quan và tâm vỏ ngoài của con, năng lượng lúc nào cũng thay đổi được.

Chuyện xảy ra là sa nhân đã tạo ra (và đã lừa đa số nhân loại cùng tạo ra) phin lọc nhận thức khiến con người nghĩ vật chất không phải là năng lượng, mà là một chất tách biệt. Nó rắn đặc, khó thay đổi và chắc chắn tâm không có quyền năng thay đổi được nó.

Con được dạy dỗ để có một phin lọc nhận thức tạo ra một lằn ranh giả tạo. Con biết và con cảm thấy có năng lượng chung quanh mình vì con thấy ánh sáng mặt trời và cảm thấy nhiệt độ. Con biết những cái này là làn sóng năng lượng, là rung động. Nhưng phin lọc nhận thức của con nói rằng năng lượng khác với các vật được tạo nên từ vật chất. Đó là lý do vì sao con đã bị lập trình để nghĩ rằng một khi một hoàn cảnh có một hậu quả vật lý, con không thể thay đổi hậu quả này ở tầng cấp năng lượng, mà chỉ thay đổi được ở tầng cấp vật chất.

Một thí dụ là bệnh tật. Các nhà y giới thực sự đã nhận ra là 90% các chứng bệnh là bệnh tâm thể, tức là chúng có một nguyên do tâm lý. Thực ra thì 100% các chứng bệnh là bệnh tâm thể vì chúng đều có một thành phần tâm lý. Con hãy thử nghĩ là giới y học đã nhận ra điều này nhưng chưa có một cuộc cách mạng khiến khoa học gia nghiên cứu tâm thức và ảnh hưởng của nó trên vật chất. Như thày có nói, các nhà vật lý lượng tử đã từ non thế kỷ nay nhận ra là có một mối tương quan mật thiết giữa tâm và các hạt cơ bản.

16.5. Thấy vật chất là năng lượng

Tuy vậy, các khoa học gia Tây phương vẫn chưa dồn năng lực và chú tâm vào việc nghiên cứu tâm thức và mối tương quan với vật chất. Họ vẫn giữa chặt ảo tưởng, do sa nhân tạo ra, cho rằng có một sự phân chia cơ bản giữa tâm và vật chất. Đây là ảo tưởng mà con cần phá vỡ ở đây. Thày có thể làm điều này rất dễ dàng ở tầng ê-the bằng cách đơn giản cho con thấy năng lượng được hạ độ rung dần dần từ tầng rung động tâm linh xuống tầng bản sắc, tầng tư tưởng, tầng tình cảm và tới tầng vật lý.

Thày có thể, bằng một số dụng cụ mà thày có ở khóa nhập thất, chỉ cho con thấy trực tiếp trên một màn ảnh làm sao độ rung của một khối năng lượng được hạ xuống. Thày có thể chỉ cho con thấy cách một khuôn đúc tư tưởng được đặt lên trên khối năng lượng này và dần dần nó mang một hình tướng khi năng lượng hạ độ rung.

Thày lấy một tảng đá làm thí dụ, và thày có thể chỉ cho con thấy làm sao tảng đá được tạo ra từ năng lượng. Do đó, ngay cả khi tảng đá xuống tới tầng vật lý, nó vẫn là năng lượng. Thày có thể cho con thấy làm sao ta có thể hướng một tia, một dòng năng lượng có tần số cao vào tảng đá và thay đổi nó. Hay đúng hơn, tia năng lượng giải thoát năng lượng bị giam trong khuôn đúc tảng đá làm cho nó bắt đầu rung ở tần số cao hơn và do đó dần dần làm tan cái khuôn đúc tảng đá đã giam giữ năng lượng trong đó. Năng lượng được giải thoát, trở nên lỏng, và có thể tuôn chảy để trở nên một chất khác hoặc trở về cõi tình cảm, tư tưởng, bản sắc và rốt cuộc cõi tâm linh.

Con có thể trực tiếp thấy các điều này ở khóa nhập thất của thày, và điều thày muốn con suy ngẫm ở tầng vật lý, với tâm ý thức, là con cũng có thể cảm nhận điều này với tâm ý thức. Có thể con không thấy được điều đó với con mắt vật lý, nhưng con có thể bắt đầu huấn luyện tâm con nhìn vật chất một cách khác. Con không cần cố gắng thấy bằng mắt vật lý rung động năng lượng đằng sau vật chất. Nhưng con cần nỗ lực, cần tập trung nỗ lực trong một thời gian, để huấn luyện tâm con thấy tất cả là năng lượng. Con cần biết trong tâm là đằng sau hình tướng rắn chắc mà con thấy là tảng đá, thật ra là năng lượng đang rung động. Bên trong nó, là năng lượng đang rung động; nó đang rung động, nó có thể thay đổi, nó là chất lỏng, nó có thể trở nên lỏng và tuôn chảy thành một hình tướng khác.

16.6. Một cách nhìn mới về thân thể

Con yêu dấu, con thấy chăng là trò lừa dối của sa nhân có nhiều hệ quả, nhưng để minh họa chúng ta hãy nhìn vào thân thể vật lý. Chắc con biết là nhiều chứng bệnh một phần là bệnh tâm thể vì chúng có nguyên nhân trong tâm. Như một người tâm linh, con hiểu được điều này. Tuy nhiên, một khi con đi khám bác sĩ và bác sĩ chẩn một triệu chứng vật lý, con dễ dàng chấp nhận lời phán xét của vị bác sĩ rằng một căn bệnh vật lý với một triệu chứng vật lý chỉ có thể chữa được ở tầng cấp vật lý. Một lần nữa, thày không nói là con không nên đi khám bác sĩ, là con không nên nghe lời khuyên của bác sĩ. Điều thày muốn nói là con vẫn có thể đi khám và nghe lời bác sĩ nhưng vẫn giữ trong tâm hình ảnh là thân thể con không phải là một chất vật lý, không phải là một vật. Nó là năng lượng rung động và do đó nó có thể thay đổi được. Cùng lượt với việc chữa trị bằng cách vật lý, con vẫn có thể thỉnh cầu năng lượng vào tình huống.

Con hiểu là ở tầng này của con đường tới tầng tâm thức 144, thày không muốn con (và thày không chờ đợi là con) có thể thay đổi sự vật chỉ băng quyền năng của tâm. Đó là lý do thày không muốn tới điểm mà con nói: “Được rồi, thày Hilarion có nói tôi là vật chất chỉ là năng lượng và do đó tâm có thể thay đổi nó. Bây giờ tôi đang phải đối phó với hoàn cảnh vật lý này nhưng tôi sẽ không làm gì ở tầng cấp vật lý, tôi sẽ chỉ ngồi xuống và tập trung tư tưởng để thay đổi nó bằng quyền năng của tâm.” Thày không muốn con làm vậy.

Lý do chính thày không muốn con làm vậy, vì các thày đã từng thấy nhiều học viên có trạng thái tâm tương tự và không thể hiện được những thay đổi vật lý mà họ muốn thể hiện. Sau đó, họ nản chí và chìm sâu xuống tầng thấp hơn khi họ bắt đầu.

Có những quyển sách và khóa học trên thế gian cho rằng họ có thể dạy học viên cách thể hiện sự vật, vật đó có thể là vàng hay tiền hay bất cứ gì họ muốn thể hiện. Họ nói là con có thể thể hiện một cái gì đó từ hư vô, từ không khí. Đây không phải là điều các thày dạy con trong khóa học này vì các thày không muốn con nản chí. Thày không nói là việc đó không thể làm được. Điều thày muốn nói là thày không chờ đợi con làm được điều này ở tầng tâm thức hiện nay của con. Do đó thày không muốn con đặt mục tiêu làm được điều này. Thày không muốn con đi vào con đường dẫn tới thất vọng. Điều thày muốn nói ở đây là, ở giai đoạn này của con đường tu, con nên thực tiễn theo một cách hành xử song song, vừa dùng biện pháp vật lý và vừa dùng dụng cụ tâm linh để thay đổi hoàn cảnh.

16.7. Làm cách nào thay đổi hoàn cảnh vật lý

Bất kỳ hoàn cảnh nào con phải đối phó trong cuộc đời, con đều dùng biện pháp vật lý để thay đổi hoàn cảnh đó. Cùng lúc, con theo một tiến trình trong tâm, trước hết nhận ra là ông hoàng của thế gian sẽ đến dụ dỗ con trong mọi hoàn cảnh. Hắn sẽ đến và dụ con chấp nhận là hoàn cảnh này bây giờ là một hoàn cảnh vật lý; nó có một hậu quả vật lý chỉ có thể giải quyết ở tầng cấp vật chất. Con theo những biện pháp vật lý thực tiễn mà con có thể theo được, nhưng con không chấp nhận là hoàn cảnh bất di bất dịch, không thể thay đổi được ngoại trừ ở tầng cấp vật lý. Con giữ tâm con trụ vững chắc vào hình ảnh là hoàn cảnh này là sự tương tác giữa các trường năng lượng, giữa các sóng năng lượng.

Dù hình tướng vật lý thế nào chăng nữa, dù nó có vẻ rắn đặc thế nào chăng nữa, đây vẫn là tương tác giữa các trường năng lượng. Điều thày muốn con làm là con nỗ lực (và nỗ lực kéo dài suốt khóa học này và ngay cả quá tầng tâm thức 96) huấn luyện và giáo dục lại tâm của con để lúc nào con cũng nhìn quá hình tướng vật lý, nhìn quá tấm màn che của vật chất, như có ghi trong bài chú mới của thày, và đi tìm thành phần năng lượng bên trong.

Sau đó, thày muốn con làm một việc thứ nhì với tâm ý thức. Thày muốn con quyết định là ở thời điểm này con sẽ không tìm cách tạo ra một thay đổi vật lý mà chỉ dùng quyền năng của tâm hay trực tiếp qua quyền năng của tâm. Như thày có nói, con dùng bất cứ biện pháp vật lý thực tiễn nào cần dùng trong hoàn cảnh, dù là trong việc chữa lành hay trong cách đối xử với người khác. Con cũng trụ tâm của con vững chắc vào sự thực rằng đây là một tương tác năng lượng và mục đích chính của con là nâng cao năng lượng của hoàn cảnh càng cao càng tốt. Mục đích chính của con không phải là tạo ra một kết quả vật lý đặc thù. Mục đích của tâm con là trở thành cánh cửa mở cho dòng năng lượng tâm linh tuôn chảy vào hoàn cảnh và thay đổi hoàn cảnh theo bất cứ cách nào mà năng lượng sẽ làm.

Nói cách khác, thày muốn con chơi một trò ảo thuật với chính mình bằng cách cố ý tách tâm mình khỏi ham muốn tạo ra một thay đổi vật lý. Con vô hiệu hóa ham muốn tạo ra một thay đổi vật lý đặc thù. Con chú tâm vào thành phần năng lượng, khía cạnh năng lượng của hoàn cảnh, và con trụ tâm con vào mục đích nâng cao năng lượng. Sau đó, con để ánh sáng mà con cầu thỉnh được tự do làm bất cứ điều gì nó muốn làm trong hoàn cảnh, mà con không trụ tâm mình vào một kết quả đặc thù.

16.8. Những gì con có thể và không thể thay đổi

Thày có nói trong bài giảng trước là con cần làm cho tâm con lỏng ra và quyết định rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, mục đích của con là tăng trưởng, thăng vượt và xuôi theo Dòng Sông sự Sống. Làm sao con làm điều này? Tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống có nghĩa gì? Vật chất không phải là điều quan trọng. Con không tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống bằng cách đối phó liên tục với các điều kiện vật chất. Con tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống bằng cách làm việc liên tục với các điều kiện năng lượng.

Khi con hiện thân ở một hành tinh dày đặc như trái đất, thì sẽ luôn luôn có những điều kiện vật lý mà con không thể thay đổi bằng quyền năng của mình. Thày có nói trước đây: bởi vì người khác có quyền tự quyết. Ngay cả Giê-su cũng không thay đổi được một số chuyện mà tâm thức đại chúng đã quyết định; Giê-su không có quyền làm chuyện này. Sẽ luôn luôn có điều kiện vật chất mà con không thể thay đổi. Điều con có thể thay đổi là thành phần năng lượng của hoàn cảnh và khi con làm thế, hai chuyện có thể xảy ra. Thứ nhất là ngoại cảnh có thể trở nên lỏng đủ để thay đổi vật lý có thể xảy ra. Có thể tất cả những gì con mong muốn sẽ không xảy ra, nhưng một số thay đổi có thể xảy ra. Chuyện nữa có thể xảy ra là người khác có thể được giải thoát khỏi tấm màn năng lượng của họ, khỏi gánh nặng năng lượng của họ, và bắt đầu lấy những quyết định khác làm thay đổi hoàn cảnh.

Đây là những chuyện xảy ra bên ngoài con khi con tập trung vào việc nâng cao năng lượng. Khi con chú tâm là cánh cửa mở để nâng cao năng lượng và đọc bài thỉnh, tạo hình ảnh trong tâm, và để cho năng lượng chảy vào hoàn cảnh, con có thể khiến hoàn cảnh bên ngoài lỏng ra phần nào. Điều này có thể đem tới một số thay đổi nơi ngoại cảnh, nhưng khi con làm vậy con cũng khiến tâm con lỏng ra. Con sẽ làm lỏng hoàn cảnh năng lượng bên trong con. Khi con làm vậy, con sẽ thấy được những điều mà hôm nay con không thể thấy. Con sẽ thấy là có một hướng phản ứng khác với hoàn cảnh. Con bỗng nhiên có một tầm nhìn khác, bỗng nhiên hoàn cảnh trước kia trông quá nghiêm trọng, quá tàn khốc, quá khó thay đổi nay trở nên không còn nghiêm trọng, không còn tàn khốc, không còn khóa cứng trong một khuôn đúc.

Bỗng nhiên con bắt đầu thấy là dù con không thay đổi được hoàn cảnh, chắc chắn là con có thể tiếp tục cuộc đời mình, và bỗng nhiên tảng đá trong dòng sông dã ở đằng sau con và con đang xuôi theo Dòng Sông sự Sống. Có thể vẫn còn lại một hoàn cảnh vật lý chưa thay đổi, nhưng con đã tiếp tục tiến lên. Con đang xuôi theo Dòng Sông sự Sống. Thày muốn con biết một cách ý thức đây là mục đích mới của con.

Thày cần con lấy quyết định một cách ý thức đây là mục đích mới của con. Thày biết là trong các con có những người đang đối mặt một số điều kiện đặc trưng, như một bệnh trong cơ thể, một hoàn cảnh với người khác, hay điều kiện tài chính, hay việc làm, hay các vấn đề khác. Thày biết là các hoàn cảnh này có vẻ rất khó thay đổi. Điều hoàn toàn tự nhiên là khi con tham dự khóa học này, con có hy vọng là một ngày kia sẽ có một chuyển đổi và con có thể thay đổi các điều kiện đó.

16.9. Không có kết quả vật lý đặc trưng

Mặt khác, cũng có thể là con sẽ tới điểm con có thể thay đổi các hoàn cảnh đó. Một số học viên đã thay đổi hoàn cảnh trong khi tham dự khóa học này. Điều thày muốn nói là ở điểm này, thày muốn con chuyển đổi tâm thức một cách ý thức và nói: “Đồng ý, con sẽ bỏ qua bên mong muốn đạt được một số thay đổi vật lý đặc trưng và tham gia thí nghiệm này, như thày Hilarion đã giảng, qua đó con chú tâm nâng cao năng lượng của hoàn cảnh. Con sẽ chỉ chú tâm vào điểm này. Con chú tâm là cánh cửa mở cho năng lượng trên cao tuôn chảy vào hoàn cảnh và con trả tự do cho hoàn cảnh, con trả tự do cho năng lượng.

Con yêu dấu, sau đây là điểm quan trọng: “Con giải thoát con khỏi ám ảnh muốn đạt một kết quả vật lý đặc trưng. Con cho phép Thượng đế bước vào hoàn cảnh và làm bất cứ điều gì Tánh linh muốn làm phù hợp với viễn kiến của Ki-tô, viễn kiến có thể cao hơn những gì con có thể thấu hiểu ngay lúc này. Do đó, con sẽ bình an với bất cứ kết quả nào. Con biết là dù không có thay đổi vật lý, con đã nâng cao năng lượng và con sẵn sàng nhìn vào tâm mình và thấy nâng cao năng lượng đã giúp con nhìn hoàn cảnh khác như thế nào, con đối phó với hoàn cảnh khác như thế nào so với trước kia.”

Con yêu dấu, nếu con chịu làm như thày nói và mở tâm ra, thì con sẽ nhận được một viễn quan mới về hoàn cảnh. Con yêu dấu, con có thấy chăng: có những người nghiên cứu thuật kết đọng (precipitation), thuật thể hiện, thuật chuyển hóa vật chất. Nhiều người trong số này có ước muốn mà ta có thể gọi là thiếu chín chắn, muốn thể hiện sự vật từ hư không để có thể làm người khác chóa mắt và để họ cảm thấy họ có khả năng điều ngự vật chất. Đây không phải là mục đích của khóa học này. Mục đích của các thày là giúp con tới điểm con có thể điều ngự ngoại cảnh trong cuộc sống, điều ngự hoàn cảnh sống của con và các mối tương tác giữa con và người khác.

Nói cách khác, mục đích của các thày không phải là dẫn con tới điểm con thể hiện được một sự vật đơn giản, tỷ dụ như một thỏi vàng. Điều đó lợi ích gì cho con nếu con chưa thực sự thay đổi tâm thức? Mục đích của các thày là dẫn con tới điểm con thấy được điều gì cần thay đổi và điều gì không cần thay đổi trong một hoàn cảnh vì người khác có quyền tự quyết hay vì có điều kiện chính đáng khác. Con thấy điều gì có thể thay đổi được và điều gì không thể thay đổi được, và con chấp nhận điều không thay đổi được và con làm điều tốt nhất trong tình huống.

Dĩ nhiên con có thể thay đổi những gì có thể thay đổi được, nhưng điều các thày mong muốn là dẫn con tới điểm con thay đổi được ngoại cảnh của con thay vì thể hiện một sự vật đơn giản. Thày bảo đảm với con ngày cả khi con thể hiện được một vật đơn giản, không có nghĩa là con đã thay đổi được ngoại cảnh của mình.

16.10. Mơ ước thiếu chín chắn

Các thày muốn các con biết thuật biến hóa huyền bí (alchemy) liên quan đến cách sống trên trái đất, chứ không phải để biểu diễn những biến hóa giống như trò ảo thuật. Con yêu dấu, học viên có nhiều mơ ước khi bắt đầu khóa học này. Nhiều người, nhiều đệ tử tâm linh, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã bị quyến rũ bởi thuật biến hóa huyền bí, và các huyền thoại về thày Saint Germain như khả năng điều chỉnh các tỳ vết của kim cương, hay khả năng đột nhiên xuất hiện từ hư không, hay các chuyện khác. Con yêu dấu, thày Saint Germain là một chân sư thăng thiên đã được đặc miễn để xuất hiện đưới hình tướng thân thể vật lý (thày không nói là thày Saint Germain có một thân thể vật lý) và do đó thày đã biểu diễn những kỳ công này trong một số hoàn cảnh đặc biệt nhằm chuyển đổi tâm của một số người có tâm rất khép kín.

Điều này không có nghĩa là trong thời đại này các thày muốn đệ tử có khả năng làm những kỳ công như vậy để làm chóa mắt người khác. Có những đệ tử nghĩ rằng nếu họ biểu diễn được những kỳ công như vậy, thì chắc chắn sẽ thu hút hàng triệu đệ tử tới giáo lý chân sư thăng thiên, sẽ thuyết phục mọi người là giáo lý này chân chính và sẽ là tôn giáo mới của thời đại sắp tới. Điều này hoàn toàn không phải là mục tiêu của các thày. Mục tiêu của các thày là dạy con thành người luyện đá hóa kim thực tiễn, có khả năng chứng minh cho mọi người thấy một cách sống thành công, bình an, hữu ích, tích cực trong hoàn cảnh rất phức tạp, rất rắc rối của trái đất này.

16.11. Chuyển hóa xung đột

Thày có nói là tâm con có định kiến là vật chất rắn đặc và khó thay đổi. Bây giờ con hãy đi xa thêm một bước nữa. Con hãy đứng lui lại và không nhìn vào vật chất, tỷ dụ như tảng đá mà thay đã dùng làm thí dụ. Con hãy nhìn vào sự kiện toàn hành tinh được cấu tạo bằng vật chất. Con có bảy tỷ người mang xác thân vật chất đã xây dựng nên xã hội và văn minh tân tiến.

Sau đó, con hãy nhìn vào cách họ đã tương tác với nhau, tỷ dụ có nhóm người đã giữ chặt hình ảnh là một nhóm người khác đã bạo hành họ trong quá khứ. Mặc dù thời gian đã trôi qua và hậu quả vật lý của những việc xảy ra nhiều năm trước đây đã biến mất, nhưng những người này vẫn giữ trong tâm họ khuôn đúc đó. Họ mang nó theo trong tâm họ và cho phép lòng oán giận về việc quá khứ đó ảnh hưởng cách họ cư xử trong hiện tại đối với nhóm người kia.

Con hãy nhìn sự kiện có những nhóm người mang theo lòng oán giận từ nhiều thế kỷ nay. Con yêu dấu, điều này ảnh hưởng ra sao cách cư xử vật lý của họ? Con có nhận ra là đằng sau đại đa số những xung đột trên trái đất này là con người giữ chặt một hình tư tưởng họ đã tạo ra trong quá khứ xa xôi nhưng lại cho phép nó ảnh hưởng hành động vật lý của họ trong hiện tại?

Con hãy tưởng tượng con có khả năng thay đổi khía cạnh năng lượng của hoàn cảnh để năng lượng được nâng lên tới điểm con người vượt qua sự dính mắc tình cảm-tư tưởng vào những hình ảnh cũ xưa này? Con hãy tưởng tượng, thay vì nghĩ người Ả Rập luôn luôn có thái độ tiêu cực về người Do Thái và ngược lại, bỗng nhiên năng lượng thay đổi và con người có thể bắt đầu tự hỏi: “Tại sao chúng ta cứ lặp đi lặp lại những khuôn nếp cũ này? Chúng ta có thật sự thích kết quả này không? Chúng ta có thích tiếp tục xung đột như thế này không? Chúng ta đã được dạy dỗ để nghĩ rằng chúng ta không làm gì để thay đổi tình hình được vì những người kia có lỗi và do đó họ là những người cần thay đổi. Và họ cần phải bị trừng phạt trước khi họ được phép thay đổi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhận ra là chúng ta có thể làm gì đó để thay đổi tình hình, chúng ta không cần thay đổi những người kia, chúng ta chỉ giản dị thay đổi chính mình và sống tiếp cuộc đời mình?”

“Chúng ta thật sự không quan tâm về những người kia và việc họ có thay đổi hay không, chúng ta chỉ quan tâm về chính mình và chúng ta muốn tiến lên với cuộc đời mình. Chúng ta muốn đi ra khỏi xung đột này vì chúng ta nhận ra chúng ta bị nó ảnh hưởng, và những người kia cũng vậy. Chúng ta bị nó đè nặng lên vai, và tại sao chúng ta lại truyền lại cho con cái chúng ta những gì mà cha mẹ chúng ta đã để lại cho chúng ta? Tại sao chúng ta không chất vấn cả tiến trình này và bắt đầu thay đổi cách cư xử của mình dù những người kia chưa thay đổi cư xử của họ?”

16.12. Cách duy nhất để thay đổi hoàn cảnh

Con có thấy chăng đây là cách duy nhất để thay đổi một hoàn cảnh? Con yêu dấu, con hãy nhìn tình hình ở Trung đông. Con hãy nhìn vào những gì xảy ra tại Syria trong những năm vừa qua. Con có thực sự nghĩ là có ai có thể làm điều gì để tạo một thay đổi vật lý có thể dẫn tới hòa bình? Con có nghĩ là nếu cộng đồng thế giới (dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc hay nhóm nào) họp nhau lại và nói: “Bây giờ chúng ta sẽ tập họp một đạo quân lớn đủ để vào Syria và tái lập hòa bình ở đó.” Con có nghĩ là điều này sẽ có kết quả gì chăng? Con có nghĩ là sẽ có hòa bình chăng?

Chắc con cũng thấy là hành động này có lẽ sẽ chỉ tạo thêm xung đột. Con có thấy chăng là tại Syria, nhiều năm trước đây đã có những nhóm chống đối đã bắt đầu giai đoạn nổi loạn chống chính quyền? Một số nước Tây phương muốn hạ bệ chính phủ vì họ nghĩ Tổng thống Assad là một nhà độc tài. Họ quyết định ủng hộ một số những nhóm ở Syria mà họ cho là “ôn hòa”. Họ huấn luyện các nhóm này và cho họ tiền bạc và vũ khí, và sau đó các nhóm ôn hòa này bắt đầu một cuộc chiến bạo động chống lại Tổng thống Assad. Con yêu dấu, con hãy tự hỏi: “Làm sao một người ôn hòa lại có thể sẵn sàng giết người khác?”. Thày biết là con có thể nói là những nhóm như ISIS hay IS cuồng tín hơn những nhóm “ôn hòa”, nhưng làm sao một người sẵn sàng dùng bạo lực lại có thể gọi là ôn hòa?

Con có thấy chăng là có tư duy con người (không những chỉ ở Trung đông, mà cũng ở các nước Tây phương) bị khóa kín và do đó chỉ tạo thêm càng ngày càng nhiều xung đột? Con có thấy chăng là các nước Tây phương có thể đi vào Syria, không với viễn kiến hạ bệ Tổng thống Assad, nhưng với viễn kiến sau đây: “Chúng tôi muốn nâng tâm thức người dân Syria lên để họ có thể tự họ cải thiện tình hình”. Con hãy tưởng tượng xem hậu quả sẽ là gì. Thày đồng ý là ban đầu kết quả có thể rất giới hạn, nhưng trên đường dài thày bảo đảm với con là thái độ này sẽ có một kết quả tích cực hơn là tình trạng rối beng hiện nay.

Làm sao con có thể coi là dân chủ và tự do đã chiến thắng khi con có một quốc gia trong đó đa số nhà cửa bị tàn phá bị bom đạn? Làm sao đây có thể là một chiến thắng của bất cứ điều gì? Làm sao đây có thể là tiến bộ?

Con có thấy chăng là nếu chúng ta nhìn vượt lên trên các chính quyền và tưởng tượng là có đủ số người tâm linh trên thế giới quyết định chú tâm nâng cao khía cạnh năng lượng của tình hình tại Syria, thì kết quả sẽ ra sao chăng? Thày bảo đảm với con là việc này có một kết quả tích cực hơn rất nhiều so với tình hình hiện nay. Con có thấy chăng là đằng sau tình hình Syria là tư duy mà thày đã nói tới, là tư duy ma vương, tư duy sa ngã? “Đây là tình hình ở Syria; nó có một số thành phần vật lý mà chúng ta coi là không đúng. Do đó, chúng ta là các nước dân chủ tự do cảm thấy cần phải làm cái gì. Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta chỉ có thể dùng biện pháp vật lý để thay đổi hậu quả vật lý, do đó chúng ta phải viện trợ vũ khí cho những nhóm nổi loạn để họ có thể dùng bạo lực vật lý để loại trừ nhà độc tài.” Con yêu dấu, như các thày có nói nhiều lần, người lãnh đạo một nước là biểu hiện của tâm thức tập thể của nước đó. Tình hình tại Syria hiện nay cho con thấy điều gì? Tâm thức tập thể ở Syria giản dị không cao đủ để loại trừ ông Assad. Tình hình vật lý sẽ không thay đổi nếu tâm thức tập thể chưa thay đổi. Con hãy tưởng tượng nếu mọi người chú tâm vào việc nâng cao tâm thức tập thể của người dân Syria và cho nó thì giờ cần thiết tới khi họ sẵn sàng có một chính quyền khác hơn những gì họ đã có. Thày bảo đảm với con là nếu tiến trình này được phép diễn ra thì bây giờ đã có sự thay đổi mà nước Syria không bị đội bom trở về thời kỳ đồ đá.

16.13. Giải thoát khỏi điều kiện vật chất

Thày biết là điều này, thoạt trông không dính dáng đến một khóa học tự điều ngự, nhưng thày dùng nó như một thí dụ để cho con thấy là nếu con thay đổi tâm thức và chú tâm vào việc chuyển đổi năng lượng của một hoàn cảnh, thay vì thay đổi các khía cạnh vật lý, thì cuộc đời và con đường tâm linh của con sẽ có ý nghĩa hoàn toàn mới. Đây là tầng thứ bảy của khóa nhập thất của thày. Con đang đối mặt với năng lượng của Tia thứ Bảy của Tự do. Thày cống hiến gì cho con? Thày đang cống hiến con cơ hội giải thoát tâm khỏi sự ám ảnh vào điều kiện vật chất, vật lý.

Con có nhận ra trò lừa đảo của sa nhân là làm con quên bẵng con là sinh thể tâm linh? Làm sao chúng đã khiến con quên điều này? Bằng cách khiến con chủ yếu chú tâm vào các hoàn cảnh vật lý, vật chất. Con yêu dấu, con có thấy chăng là nếu con đi trên con đường tâm linh, con học khóa tự điều ngự, nhưng vẫn còn mục tiêu thay đổi điều kiện vật lý (tức là con điều ngự điều kiện vật chất) thì con thật sự đang đi trên con đường tâm linh với tư duy do sa nhân áp đặt lên con. Con đường tâm linh mà các chân sư thăng thiên cống hiến, được cống hiến từ tâm thức chân sư thăng thiên – không phải từ tâm thức sa ngã.

Nếu con đang lê theo mình những yếu tố của tâm thức sa ngã, con nghĩ con sẽ thành công chăng trên con đường dẫn tới tâm thức thăng thiên và được dựa trên tâm thức thăng thiên? Con sẽ thành công đến mức nào? Con có sẽ thành công chăng nếu con giải quyết một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã gây ra vấn đề đó? Như thày đã nói trong các bài giảng trước, sa nhân muốn con nghĩ rằng vật chất là cái quan trọng nhất, thậm chí chỉ có vật chất hiện hữu.

Các chân sư thăng thiên muốn con nhận ra là không phải chỉ có vật chất hiện hữu và vật chất không quan trọng lắm. Điều quan trọng hơn nhiều là những gì xảy ra trong toàn thể bốn tầng cấp của vũ trụ vật chất, không chỉ riêng ở tầng cấp vật lý. Con yêu dấu, có rất, rất nhiều người trong lịch sử hành tinh này, ngay cả khi nó trở thành dày đặc như ngày hôm nay, đã thành công trên con đường tâm linh và hội đủ điều kiện thăng thiên nhưng họ vẫn mang một số căn bệnh thân thể, khiếm tật hay ở trong một hoàn cảnh vật lý rất giới hạn.

Một lần nữa con nhìn thí dụ cuộc đời Giê-su, như thày đã giảng. Con có thể nhìn dưới góc độ duy vật và nói rằng Giê-su đã thất bại vì thày bị giết. Thày còn không tránh được bị giết. Giê-su hội đủ điều kiện thăng thiên bằng cách kinh qua hoàn cảnh vật lý đó, và lý do là dù chuyện gì xảy ra ở tầng cấp vật lý, Giê-su đã dùng mỗi hoàn cảnh để thay đổi tâm thức của thày. Giê-su thay đổi thể tình cảm, thể tư tưởng, thể bản sắc của thày. Một khi con chuyển đổi những thành phần của ba thể cao, con có thể sẵn sàng thăng thiên bất kể những hoàn cảnh con đối đầu ở tầng cấp thân thể vật lý của con. Điều đó không quan trọng.

Những gì xảy ra với vật chất không quan trọng vì thăng thiên là một tiến trình tâm linh. Con hội đủ điều kiện thăng thiên ở các tầng tình cảm, tư tưởng và bản sắc, không phải ở tầng vật lý. Dĩ nhiên, con không thể giết người và hội đủ điều kiện thăng thiên. Con cần thay đổi một số chuyện ở tầng vật lý, nhưng không có điều kiện toàn hảo nào ở tầng vật lý mà con phải hội đủ để thăng thiên.

Điều này được chứng minh rất rõ bởi Giê-su, cho những ai có tai để nghe và mắt để thấy, và thày biết đây là trường hợp của con khi con tới tầng này của khóa học. Thày biết là con nghe và thấy rõ trong các thể thanh thoát hơn của con khi con dự khóa nhập thất của thày. Do đó, thày biết con cũng sẽ làm được ở tầng ý thức khi con chuyển hóa tâm, như thày muốn con làm.

16.14. Vượt qua ham muốn thấp

Con hãy bỏ qua bên mọi ham muốn thực hiện những thay đổi vĩ đại trong cuộc sống cá nhân hay chứng minh điều gì vĩ đại cho người khác. Con hãy bỏ qua bên mọi ham muốn đạt được kết quả vật lý nào đó. Con hãy chú tâm nâng cao năng lượng trong mọi hoàn cảnh con gặp. Con hãy chú tâm nâng cao năng lượng của thân thể vật lý, và điều này, dĩ nhiên, đòi hỏi con cũng phải nâng cao năng lượng nơi ba thể cao hơn của con. Con hãy giản dị chú tâm làm việc này.

Thày không nói là con sẽ không bao giờ tới được điểm có thể tạo thay đổi vật lý. Điều thày muốn nói là chú tâm vào năng lượng sẽ rút ngắn thời gian tới điểm có thể tạo thay đổi vật lý. Điều thày muốn nói là chính Giê-su cũng không có ý định tạo thay đổi vật lý. Có nhiều đệ tử không hiểu điều này, nên thày sẽ giải thích thêm.

Con hãy nhìn trường hợp Giê-su gặp một người có cánh tay bị teo lại. Như thày đã nói trong bài giảng trước, Giê-su không có tư duy tức khắc đánh giá tình trạng này sai, tình trạng này đáng lẽ không được xảy ra. Khi nhìn cánh tay bị teo, Giê-su cũng không có tư duy cho rằng: “Ồ, đây là một hậu quả vật lý chỉ có thể thay đổi ở tầng vật lý, và vì không ai biết cách thay đổi ở tầng vật lý, nên điều này không thể làm được.”

Giê-su không chấp nhận tình trạng cánh tay teo này là thường trực, nhưng thày cũng không đánh giá tình trạng này sai và phải chữa lành cánh tay bằng mọi giá. Thày không bước vào hoàn cảnh với ý định chữa lành cánh tay bị teo. Giê-su bước vào hoàn cảnh với ý định nâng cao năng lượng của hoàn cảnh, nâng cao tâm thức của người kia để y chuyển hóa tâm thức. Mục đích của Giê-su không phải là chữa lành cánh tay nhưng thày muốn giải thoát người kia khỏi trạng thái tâm thức mà y có khi gặp Giê-su. Giê-su không có viễn kiến định sẵn là tâm thức người kia sẽ thay đổi ra sao, vì thày biết điều này tùy thuộc quyền tự quyết. Thày bước vào hoàn cảnh để truyền năng lượng cao vào đó và cho người kia có một cơ hội thay đổi tâm thức mà y không có trước đó.

Trong trường hợp này, người có cánh tay bị teo sẵn sàng chuyển đổi tâm thức và y cảm được luồng năng lượng cao đến từ Giê-su. Y sẵn sàng chuyển đổi tâm đến mức cánh tay của y có thể được chữa lành ở tầng vật lý. Điều này chính yếu là do y sẵn sàng mở tâm ra. Nó ngoài tầm kiểm soát của Giê-su, và chỉ tùy thuộc quyền tự quyết của người kia. Do đó, Giê-su chỉ có thể là cánh cửa mở để năng lượng cao tuôn chảy vào hòan cảnh, thày không có chủ đích đặc trưng nào. Thày không muốn chứng tỏ điều gì cả, thày không muốn làm một phép lạ khiến thày nổi danh. Thày chỉ giản dị là cánh cửa mở, không hơn không kém. Khi cánh tay của người kia được chữa lành, thực sự là Giê-su đã ngạc nhiên, không phải vì thày nghĩ chuyện này không thể xảy ra, nhưng thày ngạc nhiên là y đã chấp nhận và làm được sự chuyển đổi tâm thức đã khiến sự chữa lành xảy ra.

Giê-su đã hành xử tương tự với nhiều người khác nhưng họ không kinh nghiệm được chữa lành thân thể vì họ không chấp nhận hay không làm được sự chuyển đổi tâm thức dù họ đều cảm được luồng năng lượng cao đến từ Giê-su. Thời nay có người đến gặp những người có khả năng chữa lành bằng đức tin và đã trải nghiệm chữa lành vật lý, nhưng sau một thời gian, căn bệnh tái xuất hiện. Lý do là vì khi họ cảm thấy trường năng lượng cao thì họ chuyển đổi tâm thức và chấp nhận là chữa lành có thể làm được. Nhưng khi họ trở về đời sống bình thường, họ dần dần lún sâu trở lại vào trình độ tâm thức bình thường của họ. Họ không thường trực chuyển đổi tâm thức và do đó căn bệnh tái xuất hiện, hay đúng hơn tâm họ tái tạo căn bệnh vì họ chưa thay đổi những hình ảnh trên ba thể cao hơn mà họ phóng chiếu vào năng lượng vật lý.

16.15. Là cánh của mở cho năng lượng cao hơn

Con là một đệ tử tâm linh. Con có khả năng cảm nhận năng lượng tâm linh cao hơn. Con đã cảm thấy năng lượng trong các bài truyền đọc của các thày. Con đã cảm thấy năng lượng khi con đọc bài chú bài thỉnh và cảm thấy năng lượng tuôn chảy qua con. Con biết khi nào con là cánh cửa mở cho năng lượng hơn nữa. Đây là điều thày muốn con làm: con hãy chuyển đổi tâm một cách tương tự trong mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Con sẽ chú tâm vào bên trong; con hãy chú tâm là cánh cửa mở cho năng lượng tâm linh tuôn chảy vào hoàn cảnh.

Con yêu dấu, là cánh cửa mở nghĩa là gì? Cửa mở. Làm sao mở cánh cửa? Là cánh cửa mở có nghĩa là không có màn chắn trước cửa, là màn chắn trong tâm mong chờ cái phải xảy ra hay không được xảy ra, và phán xét hoàn cảnh dựa trên cái phải là hay không được là.

Con càng tháo gỡ được màn chắn thì con càng mở rộng cửa và năng lượng tâm linh càng hữu hiệu hơn trong việc thay đổi hoàn cảnh. Đây là tiềm năng cao nhất của con ngay lúc này. Thày không nói đây là tiềm năng cao nhất của con trong suốt phần còn lại của kiếp sống này. Nhưng đây là tiềm năng cao nhất của con ngay lúc này. Con hãy chú tâm vào việc này và đừng bận tâm muốn thay đổi vật lý, con hãy đừng dính mắc vào thay đổi vật lý. Con hãy tìm cách thay đổi năng lượng. Con hãy cho người khác cơ hội cảm nhận năng lượng cao hơn và nhờ vậy lấy được một chọn lựa khác. Con hãy cho mình cơ hội cảm nhận một năng lượng cao hơn và chọn lựa mình sẽ độc lập với điều kiện vật lý, sẽ giữ tâm bình an, sẽ chú tâm xuôi theo Dòng Sống sự Sống bất kể điều kiện vật lý như thế nào.

Con yêu dấu, từ nhiều thế kỷ và thiên kỷ, có rất nhiều người tâm linh đã nhận ra họ có khả năng hướng năng lượng tâm linh vào một hoàn cảnh. Rất nhiều lần họ đã nghĩ rằng nếu một thay đổi vật lý xảy ra thì họ có thể là cánh cửa mở. Con thấy chăng là Giê-su đã chứng minh là bất kể điều kiện vật lý như thế nào, con vẫn có thể là cánh cửa mở nếu con không để tâm bị dính mắc vào hoàn cảnh vật lý. Chỉ có sự không dính mắc mới có thể giúp con là cánh cửa mở, đưa con tới điểm con là cánh cửa mở. Do đó, con cần sẵn sàng nhìn vào những dính mắc của mình trong mọi hoàn cảnh, những dính mắc vào một kết quả đặc thù nào. Có thể là viễn quan của con về kết quả không phải là viễn quan của Tánh linh trong hoàn cảnh đó? Con đang tự nói với mình: “Nhưng người này đang bị bệnh, không lẽ Tánh linh không muốn người này được chữa lành?” Như thày có nói trong bài giảng trước, có khi bệnh là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của người đó. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do nghiệp tạo ra và do đó Tánh linh không có viễn quan là bệnh đó phải được chữa lành ngay bây giờ. Hoặc cũng có thể là Tánh linh không thấy bệnh này nên được chữa nếu người đó chưa chuyển đổi tâm thức.

Con có thấy chăng là trong rất, rất nhiều hoàn cảnh sống, đúng ra là trong mọi hoàn cảnh sống, những điều kiện khiến hoàn cảnh biểu lộ rất phức tạp vì nó liên quan đến tâm của nhiều người. Mỗi người là một sinh thể rất phức tạp đã có nhiều tiền kiếp trong quá khứ. Người đó đã tạo ra một số khuôn nếp trong bốn thể phàm từ rất lâu trong quá khứ, và người đó chỉ tiến triển khi thay đổi được những khuôn nếp đó.

Như thày đã nói, mọi chuyện đúng y như nó phải là vì điều kiện trong cuộc sống của một người biểu hiện trạng thái tâm thức của người đó. Chính vì người đó không chịu lắng nghe hướng dẫn của nội tâm, nên cần thấy một chứng minh bên ngoài của trạng thái tâm thức của mình để có cơ hội chất vấn và thay đổi trạng thái tâm thức đó. Nếu con bước vào hoàn cảnh như một học viên tâm linh và khởi lòng từ bi muốn chữa lành người đó và gỡ đi điều kiện vật lý, thì hành động của con có sẽ giúp người đó tăng trưởng hay không? Người đó sẽ chỉ đơn giản nói: “Ồ, bây giờ tôi đã được giải thoát khỏi giới hạn, từ nay tôi sẽ sống hạnh phúc và không cần xem xét trạng thái tâm thức của mình.”

Nhiều người đã cư xử như vậy sau khi được chữa lành. Chính Giê-su đã chữa lành một số người và họ đã phản ứng như vậy. Điều con cần nhận ra là mọi hoàn cảnh con gặp trong cuộc sống có nhiều lớp phức tạp gần như vô hạn, nhiều lớp hơn những gì con có thể hiểu với tâm ý thức. Đó là lý do vì sao thày nói là có phin lọc nhận thức hữu ích vì nó giúp con không bị choáng ngợp bởi số lượng thông tin. Chúng ta hãy lấy thí dụ con nhìn vào một hoàn cảnh và lượng định: Người này có nên được chữa lành hay không? Nếu con muốn biết bằng tâm ý thức mọi chuyện liên quan đến một hoàn cảnh, con sẽ bị choáng ngợp và sẽ cần bỏ ra rất nhiều thì giờ và năng lượng nếu con muốn hiểu thấu. Tại sao con lại cần biết mọi chuyện một cách ý thức? Con không cần biết mọi chuyện một cách ý thức.

Con cũng có thể thấy là nếu con không thể biết được bằng tâm ý thức những dữ kiện liên quan tới một hoàn cảnh, tại sao con lại phải phán xét bằng tâm ý thức điều phải xảy ra hay không được xảy ra trong hoàn cảnh đó? Có đúng chăng là sẽ xây dựng hơn nhiều nếu con cho phép mình là cánh cửa mở, cho phép năng lượng của Tánh linh tuôn chảy vào hoàn cảnh và làm những gì nó muốn làm, mà con không cần có ý kiến từ tâm ý thức về điều nó phải làm và không được làm. Con hãy để Tánh linh tự do hành động theo viễn quan của nó, và con giải thoát mình khỏi mọi dính mắc vào hoàn cảnh hay kết quả.

Không dính mắc vào kết quả vật lý là dấu ấn của một để tử tâm linh đã tới tầng cuối của Tia thứ Năm. Đó cũng là chìa khóa đưa tới quả vị Phật, thày đoán đây là một mục đích mà con cố đạt được và thấy mình thực sự có tiềm năng đạt được. Có lẽ không phải ngày mai, nhưng chắc chắn một ngày trong tương lai.

Con yêu dấu, thày cảm thấy hân hoan và được đặc ân hướng dẫn con ở khóa nhập thất của thày và thấy con vượt qua bảy tầng của khóa nhập thất. Thày rất hân hoan nói với con: “Con đã làm rất tốt!” Thày rất hân hoan đưa con tới thày Nada yêu dấu để thày hướng dẫn con qua bảy tầng của Tia của An bình. Chắc chắn là điều thế giới cần nhất hiện nay là bình an. Vậy con hãy bình an và biết rằng con là Thựơng đế, Thượng đế sẽ thành.

Hilarion TA LÀ, và trong niền hân hoan to lớn, thày tiễn con đi tiếp con đường của mình.

Là một người chữa lành chân chính

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 18/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Khi con tới tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày, con đối mặt với một sự sáng ngộ sẽ diễn ra liên tục trong tâm ý thức của con. Điều này không ngăn cản con tiếp tục tiến lên trong khóa học, nhưng có nghĩa là con phải làm việc với sáng ngộ con đối mặt ở đây trong một thời gian. Sáng ngộ này đưa con vượt quá cái lập trình vi tế và rất bền bỉ mà con tiếp xúc, rất có thể trong nhiều kiếp, trong nhiều trường hợp trong suốt thời gian con đã hiện thân trên trái đất.

Bây giờ con thấy chăng, con yêu dấu: Thày đã làm gì trong các bài giảng này? Thày đã nói với con rằng con cần thấy là con dùng uy lực của viễn kiến để phóng chiếu một hình ảnh ra bên ngoài. Con có một hình ảnh thế giới phải như thế nào, hay thế giới như thế nào, và con phóng chiếu hình ảnh này ra ngoài tâm con. Trong bài giảng trước, thày dẫn con tới điểm con nhận ra con cũng có một hình ảnh về con phải như thế nào như một người tâm linh, hay như một con người, và con phóng chiếu viễn kiến này lên chính con.

14.1. Thấy thế giới như nó là

Khi con bắt đầu loại bỏ những viễn kiến mà con phóng chiếu, khi con ngừng phóng chiếu với tâm của mình, con có thể tiến tới giai đoạn mà, thay vì thấy thế giới như con nghĩ nó là hay như con muốn nó là, con có thể thấy thế giới như nó là. Trong nhiều thế kỷ, các triết gia đã biết ảnh hưởng của tri giác trên cái thấy của con người. Đáng tiếc thay, các triết gia Tây phương đã không chịu nhìn vào chính tâm con người và vì vậy họ không khám phá ra chân lý tương đối giản dị mà các thày đã trao truyền cho các con về bốn tầng của tâm. Nếu một người triết gia muốn hiểu những gì con người có thể và không thể thấy, đáng lý y nên nghĩ rằng y nên xem xét chính tiềm thức của mình trước khi bắt đầu đưa ra kết luận vĩ đại về cách vận hành của vũ trụ.

Tuy nhiên thày không có ý định giảng một bài triết học ở đây, nhưng thày chỉ muốn giúp con nhận ra là có một cách để thấy thế giới khác với cách mà con được dạy dỗ để thấy và khác với cách mà đại đa số con người thấy thế giới. Các thày đã nói tới các định luật thiên nhiên phụ thuộc và cách sa nhân chế ra một cái gì vận hành máy móc để họ có thể kiểm soát nó mà không phải thay đổi tư duy tách biệt căn bản. Do đó, tách biệt là bản chất của tư duy sa ngã.

Điều con cần nhận ra ở đây là vũ trụ cho phép con làm nhiều chuyện nhưng luôn luôn có một cái giá phải trả. Sa nhân đã thay đổi được cách vũ trụ vận hành trong cõi năng lượng của hành tinh trái đất vì họ đã khiến cho vật chất dày đặc hơn. Vật chất càng dày đặc, thì nó càng vận hành theo những định luật không phải là vĩnh cửu và bất biến, nhưng kéo dài một thời gian dài. Các định luật thiên nhiên mà các nhà khoa học quan sát hiện nay đã vận hành trên hành tinh này trong một thời gian rất dài so với một kiếp con người. Tuy nhiên chúng không phải lúc nào cũng vận hành như thế trên trái đất này.

14.2. Tránh định luật thiên nhiên

Con cần nhận ra là khi sa nhân đã thành công trong việc kéo đa số nhân loại vào tâm thức nhị nguyên, tâm thức tập thể bắt đầu tạo ra những định luật thiên nhiên phụ thuộc này, là hậu quả của vật chất trở nên dày đặc hơn. Con cũng cần nhận ra là chính sa nhân cũng đã phải chịu ảnh hưởng của những định luật này.

Bây giờ, họ nghĩ rằng họ đã tìm ra cách tránh các định luật này và làm được những chuyện như quy tụ về một cá nhân quyền lực lớn lao và của cải đồ sộ. Như thày đã nói, điều này có thể duy trì trong một thời gian ngắn. Nhưng sa nhân không nhận ra là chính họ cũng chịu ảnh hưởng của tư duy cơ bản đã tạo ra những định luật thiên nhiên phụ thuộc, vì họ không thể nhìn quá tư duy này. Dù rằng họ đã có thể tác động lên vật chất một cách nào đó, họ không thể đi quá một giới hạn. Họ không thể làm những điều mà con thấy Giê su đã làm như đi bộ trên nước, chữa lành bàn tay bị teo hay những chuyện tương tự khác. Những điều này vượt quá khả năng của họ với tầng cấp viễn kiến mà họ có.

Con có thể tạo ra một tình trạng giống như trên trái đất là nơi vật chất dày đặc hơn tình trạng tự nhiên, nhưng làm sao con tạo ra tình trạng này? Con tạo ra bằng cách phóng chiếu một viễn kiến hạn chế lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con phóng chiếu viễn kiến đó như thế nào? Con chỉ làm được khi con có viễn kiến đó trong tâm. Con giữ được viễn kiến đó bao lâu trong tâm khi con đầu thai nhiều kiếp, nếu con không tự đồng hóa với nó và nghĩ rằng nó là viễn kiến thật duy nhất? Con không thể thấy quá viễn kiến đó vì không có gì bên ngoài nó. Đây là điều đã xảy ra cho sa nhân trên trái đất; đây là điều đã xảy ra cho đại đa số nhân loại.

Qua nhiều kiếp sống con đã phóng chiếu viễn quan là vật chất dày đặc (và do đó nó hạn chế những gì con làm được), và con tin viễn quan này. Đại đa số con người tin rằng vật chất dày đặc, vật chất thật sự hạn chế khả năng sáng tạo của họ và cách duy nhất để vượt qua những giới hạn này là dùng công nghệ dựa trên vũ lực để tác động lên vật chất và ép buộc nó phải tuân theo mình.

14.3. Sa nhân kiểm soát vật chất như thế nào?

Con yêu dấu, chúng ta hãy nhìn vào ví dụ của một người đã thu thập được tài sản đồ sộ. Y đã thành lập một công ty mướn cả ngàn người và bán một sản phẩm nào đó. Làm cách nào y quy tụ được tiền của về cho y? Một phần là y dùng quyền năng của tâm của y, quyền năng kiểm soát người khác. Con thấy chăng, sa nhân nói chung đã không phát triển quyền năng kiểm soát vật chất trực tiếp. Họ đã phát triển quyền năng kiểm soát người khác và khiến người khác làm việc cho họ. Trong những bài giảng trước, thày gọi đó là tự điều ngự giả, và đây là điều sa nhân đã đạt được.

Người nhà giàu đó đã có thể khiến người khác chịu làm việc cho y với một đồng lương thấp hơn rất nhiều giá trị sản phẩm của sức lao động của họ. Y có thể gặt hái phần lớn thành quả lao động của mọi người và do đó, tập trung của cải vào tay mình thay vì chia sẻ cho nhân viên của mình. Con thấy chăng, của cải đó được tạo ra từ sức làm việc, sức làm việc vật lý của người nhân viên. Rất, rất nhiều người đã làm công việc vật lý đó để tạo ra và tập trung của cải về tay một người.

Giải pháp khác để trải nghiệm có của cải đồ sộ là y chú tâm học cách mở rộng khả năng của tâm để tạo ra của cải một cách trực tiếp bằng cách đem năng lượng của cõi tâm linh xuống quang phổ vật chất. Con hiểu là có hai cách để tạo ra của cải? Cách đầu, như thày đã mô tả, là con chấp nhận những điều kiện của vũ trụ vật chất và con khiến người khác làm việc cho con và con lấy của cải mà họ sản xuất ra. Cách khác để tạo ra của cải, mà không làm việc với vật chất và không tạo thêm từ vật chất, là con làm việc với khả năng của tâm có thể là cánh cửa mở cho ánh sáng tâm linh được tải xuống xuyên qua bốn tầng cho tới khi nó được biểu hiện ở tầng vật chất.

Con thật sự có thể thị hiện của cải thông qua quyền năng thuần túy của tâm, nhưng đây không phải là cách sa nhân đã làm. Họ bị kẹt vào lòng ham muốn có quyền lực trên người khác, ngay cả trên vũ trụ, hay thậm chí là có quyền lực trên Thượng đế. Họ đã chấp nhận là vật chất có một độ dày đặc nào đó. Đó là lý do vì sao họ sẽ làm mọi chuyện để bảo đảm là không ai thách thức điều này. Đó là lý do vì sao họ làm việc chống lại bất cứ ai bắt đầu biểu hiện một mức nào đó của quả vị Ki-tô. Họ cố gắng bằng mọi cách đánh lừa con để con không dám chấp nhận quả vị Ki-tô nghĩa là gì và quả vị Ki-tô có thể cho con khả năng tâm làm chủ vật chất.

14.4. Làm sao để là người chữa lành chân chính?

Bây giờ, con yêu dấu, một khía cạnh của Tia thứ Năm là chữa lành. Thày biết là một số các con đang đợi thày đề cập tới chữa lành, nhưng có lẽ là con không nhận ra là thày đã nói về chữa lành trong suốt các bài giảng vừa qua, dù thày không dùng hai chữ đó. Con yêu dấu, con chữa lành bằng cách nào? Ấy, con chữa lành qua uy lực của viễn kiến.

Nếu con không giải thoát viễn kiến của con khỏi ảo tưởng của sa nhân, con không thể chữa lành. Chuyện rất giản dị như vậy. Thày đã nói gì? Vũ trụ cho phép con làm một số điều, tỷ dụ như khiến vật chất dày đặc hơn, nhưng mọi thứ đều có giá phải trả. Khi con làm cho vật chất dày đặc, con cũng làm dày đặc các thể mà con đang mang và các thể dày đặc này sẽ phải tuân theo một số định luật. Điều con không nhận ra là khi con bắt đầu tạo ra những định luật thiên nhiên phụ thuộc, thì Luật Tự quyết cho phép con làm như thế. Cái giá con phải trả là tạo vật của con phải chịu ảnh hưởng của cái mà các thày thường gọi là định luật thứ hai của nhiệt động học. Định luật này quy định là khi con tạo ra cái gì đứng bên ngoài định luật thiên nhiên cơ bản, thì bất cứ cái gì con tạo ra sẽ bắt đầu phân hủy. Ngay khi con vừa tạo ra cái gì, thì có một lực sẵn có trong tạo vật của con sẽ phân hủy nó theo thời gian. Đây là một cơ chế an toàn để con không thể tạo ra một hoàn cảnh sẽ giam con mãi mãi trong tạo vật của mình.

Hy vọng là khi con có một kinh nghiệm nào đó, sau một thời gian con sẽ chán ngán và từ bên trong con dâng lên lòng mong muốn cái gì hơn nữa và vì vậy con sẵn sàng mở rộng tâm mình. Nếu con người không tới điểm đó, thì cái mà các thày gọi là định luật thứ hai của nhiệt động học (hay cơn thịnh nộ của Shiva) sẽ bắt đầu phân hủy điều con sáng tạo. Đây là lý do chính vì sao có bệnh tật trong thân thể con người. Vật chất dày đặc đến độ bất cứ cái gì được sáng tạo ở mức dày đặc này đều có những lực phân hủy sẵn có trong nó. Đây là lý do tại sao thân thể già nua, tại sao bệnh tật biểu hiện.

Bây giờ, con yêu dấu, sa nhân muốn con tin rằng con hoàn toàn bất lực trước chuyện này. Họ muốn con tin rằng vật chất là vật chất và vật chất có một độ dày đặc nào đó. Vật chất vận hành theo các định luật thiên nhiên phụ thuộc và con không thể vượt quá các định luật này. Đó là lý do tại sao họ muốn con tin rằng thân thể vật lý của con là một tạo vật hoàn toàn vật chất. Nó vận hành theo một số định luật máy móc, vật chất. Thân thể con là một cơ chế sinh học, nó là một nhà máy hóa học hay điều gì khác mà họ muốn con tin.

Họ muốn con tin rằng một khi một căn bệnh hiện ra, căn bệnh này phải có một nguyên nhân vật lý và do đó, một trị liệu vật lý phải được nghĩ ra và áp dụng, tuy trị liệu này có thể chưa được tìm ra. Nếu một trị liệu vật lý chưa được tìm ra, thì con không thể trị căn bệnh này được, và chỉ có thể hy vọng là trong tương lai, các khoa học gia duy vật sẽ tìm ra nguyên nhân và cách chữa.

Bây giờ, như thày đã giải thích nhiều lần, con có bốn thể phàm. Điều thể hiện nơi thân thể vật lý là sự phóng chiếu những điều kiện trong ba thể cao của con. Một căn bệnh vật lý bắt đầu ở các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc và sau đó được phóng chiếu lên thân vật lý. Lẽ tất nhiên, pháp trị liệu cũng phải bắt đầu nơi ba thể cao này.

Điều thày muốn con nhận ra ở đây là sa nhân cũng có lý khi họ nói con không thể thay đổi một số điều kiện trong vật chất. Thày sẽ phải giải thích điều này một cách gián tiếp vì nó là một điểm vi tế.

14.5. Tại sao một số người không thể chữa lành bằng tâm

Con yêu dấu, các thày có thể nói rằng, nếu cái Ta Biết hoàn toàn tập chú vào tầng vật chất (lúc ấy con hoàn toàn tin con là một con người, con bị hạn chế bởi khả năng của thân thể và của công nghệ đã được sáng chế ra), thì con không thể thay đổi vật chất, con không thể vượt quá các định luật thiên nhiên phụ thuộc. Như vậy, các thày nói rằng nếu con sinh hoạt ở tầng vật lý, thì sa nhân nói đúng: Con bị mắc kẹt trong vũ trụ vật chất và con phải tuân theo những định luật của nó.

Do đó, con không thể chữa lành một căn bệnh vật lý bằng uy lực của tâm. Con chỉ có thể tìm những phương tiện vật lý để tiêu diệt căn bệnh hay thay đổi tiến trình của nó. Con có nhận ra chăng, đây là một cách nhìn rất thô thiển về chữa lành? Cách nhìn cơ bản có vẻ ăn sâu trong tư duy của giới thẩm quyền y học trong thế giới hiện đại là có một tình trạng sức khỏe bình thường. Thỉnh thoảng, một căn bệnh nào đó biểu hiện và nó bất thường. Đây là một tình trạng bất thường. Nó được gây ra bởi một cái gì đó bất thường, chẳng hạn như một vi khuẩn. Sau đó, chúng ta cần tìm ra vi khuẩn này và tìm cách tiêu diệt nó. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể chữa khỏi bệnh.

Cái gì đó đang phá hủy thân thể con, và để chữa bệnh, con cần phá hủy nó. Con có thấy chăng là con đang tìm cách chữa sự phá hủy với một hình thức phá hủy khác và trên đường dài làm như vậy chỉ có thể đem lại thêm vấn đề? Tàn phá không chữa được tàn phá. Con không thể chữa một vấn đề với cùng tư duy đã tạo ra vấn đề đó.

Điều này kết nối với điều thày đã giảng, là con cần ngưng phóng chiếu với tâm mình. Con cần ngưng phóng chiếu điều gì? Lớp phóng chiếu đầu tiên là một loại phê phán, là có điều phải xảy ra và điều không được xảy ra, có điều đúng và sai. Khi con nhìn vào một căn bệnh, con tức khắc đi vào tư duy phê phán căn bệnh là sự trục trặc trong thân thể, nó đáng lẽ không được xảy ra.

Bây giờ, tư duy của giới thẩm quyền y học trên thế giới hiện đại là gì? Con yêu dấu, tư duy đó là khi có điều gì trục trặc với thân thể, thì chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và tiêu diệt nguyên nhân đó ở tầng vật lý, tầng máy móc. Sâu bên dưới tư duy đó là gì? Đó là họ không muốn nhìn vào tâm, nhìn vào tâm thức, nhìn quá tầng vật lý.

Con đi tìm nguyên nhân nơi tầng vật lý mà thôi, nhưng như thày đã nói, tầng vật lý chỉ là cái ngọn nhỏ của tảng băng. Tầng vật lý chỉ là sự phóng chiếu từ ba tầng cao hơn. Sa nhân không chịu nhìn vào các thể cao của chính họ và họ không muốn bất cứ ai dưới họ làm điều này. Họ biết rằng nếu con người bắt đầu nhìn vào ba thể cao hơn của họ, thì họ có thể giải thoát khỏi những những giới hạn của tầng vật lý và do đó cũng thoát khỏi quyền lực của sa nhân. Con sẽ không là nô lệ của người khác trên trái đất khi con biết con là một sinh thể tâm linh và con có thể làm chủ phản ứng của mình. Con không cần sợ ai hết trên trái đất.

Tư duy thật đằng sau phương cách trị liệu hiện đại là gì? Con yêu dấu, đó là con nhìn bệnh tật như điều gì trục trặc trong thân thể. Rồi con muốn gỡ đi các triệu chứng mà không chịu nhìn vào và thay đổi tâm con người. Con muốn tiếp tục làm những gì con đang làm mà không thay đổi chính mình. Con muốn thay đổi thế giới mà không chịu thay đổi chính mình. Đây là dấu ấn của sa nhân.

Thày có nói là một số sa nhân đã chịu nhìn vào một số khía cạnh của tâm họ và đạt được một loại “điều ngự” nào đó (thày tạm dùng chữ điều ngự này) trên tâm của họ. Họ không sẵn sàng đi thật sâu và nhìn vào ý định của họ, ý niệm tách biệt của họ, ham muốn giành quyền lực về cho mình và hại cho người khác. Họ không sẵn sàng vượt quá khuynh hướng vị kỷ xem mình là trung tâm, vượt quá ý niệm cơ bản xem mình là sinh thể tách biệt và có quyền lực như một sinh thể tách biệt. Những điều này, họ không sẵn sàng đối mặt.

Đây là tư duy đã thâm nhập xuống phương pháp chữa lành trong thế giới hiện đại. Con không kêu gọi người bệnh xem xét trạng thái tâm của họ khi họ đi gặp bác sĩ. Người bác sĩ đi tìm một nguyên nhân vật lý và tìm cách giải quyết nguyên nhân vật lý này. Có bao giờ người bác sĩ ngồi lại với bệnh nhân và nói: “Có thể là quý vị nên xem xét lối sống của mình, có thể là quý vị nên xem xét trạng thái tâm của mình, có thể là quý vị nên gặp một tâm lý gia, có thể là quý vị nên làm điều này, nên làm điều kia?”

Con thấy chăng, nếu con bị mắc kẹt trong tư duy này, nếu đây là quan niệm của con về thân vật lý và cách chữa lành, thì con không đạt được quyền năng chữa lành bằng tâm. Chuyện này không thể làm được.

14.6. Chúng ta nhìn sự vật như thế nào

Bây giờ thày muốn giảng điều này một cách khác một chút vì chúng ta cần đi sâu hơn nữa về cách con nhìn vật chất. Thày có nói là lớp phê phán đầu tiên là con phê phán có điều đúng và có điều sai. Có sức khỏe tốt là đúng, có bệnh tật là sai. Có một tầng sâu hơn nữa là khi tâm con chấp nhận sự vật chỉ là vật, không thay đổi được, không thể thay đổi được bằng tâm.

Thày muốn con hình dung là trước mặt con có một cái bàn và trên đó có một hòn đá. Con có thể cầm hòn đá, con có thể cảm thấy nó cứng. Hòn đá tròn nhưng cứng. Con không thể bóp nát hòn đá, con không thể nặn nó bằng tay. Con không thể thay đổi nó bằng những phương tiện bình thường. Lẽ dĩ nhiên, con có thể chế ra một cái máy nghiền hòn đá hay đánh nhẵn nó. Tuy nhiên, với sức mạnh của bàn tay, con chẳng làm được mấy với hòn đá. Với quyền năng của tâm, con còn làm được ít hơn nữa, đó là điều con đã được dạy dỗ.

Điều thày muốn con nhận ra là khi con nhìn một vật giản dị như hòn đá, có một lập trình trong tâm con (và thực ra lập trình này bắt đầu ở vỏ não thị giác), lập trình này ngay lập tức phân loại và dán nhãn đây là một hòn đá. Bây giờ con đã phóng chiếu lên cái vật đó là nó là hòn đá và tâm của con cho hòn đá đó một số đặc tính. Những đặc tính đó không phải chỉ là những đặc tính riêng của hòn đá, mà cũng có thêm ý niệm con làm được gìkhông làm được gì với hòn đá.

Con có nhận ra chăng là có một tầng trong tâm của con dán nhãn mọi chuyện theo thứ loại? Con dán nhãn mọi thứ là vật. Con yêu dấu, khi con nhìn vào hòn đá, con có nhận ra chăng là chữ “hòn đá” chỉ là một chữ đã được chọn (hay có thể đã được chọn một cách vô thức) và chữ này được liên kết với vật mà con gọi là hòn đá? Con cũng đã có thể gọi nó là trái táo. Nếu từ thời xa xưa, con người đã dùng chữ “táo” để chỉ hòn đá, thì ngày hôm nay con sẽ gọi hòn đá là “táo”. Điều này không có nghĩa là con sẽ nghĩ rằng hòn đá là cái gì mềm có thể ăn được. Điều thày cố giúp con thấy là “hòn đá” chỉ là một chữ mà thôi. Khi con nhận ra “hòn đá” chỉ là một chữ, thì con có thể nói: “Nhưng có gì khác về hòn đá không, ngoài những đặc tính mà tâm chúng con đã chọn và liên kết với hòn đá?”

Con thấy là tâm con người nghĩ ra chữ hòn đá và liên kết chữ này với một vật. Con người cũng có thể chọn một chữ khác. Họ cũng nghĩ ra những đặc tính của hòn đá. Nó cứng, nó khó thay đổi, con không thể nặn nó với hai bàn tay – tất cả những thứ đó. Đây chỉ là những đặc tính do tâm quy định – do tâm quy định. Đây chỉ là một cách nhìn hòn đá.

14.7. Nhìn vượt quá vật

Có thể một cách khác nhìn hòn đá chăng? Con có thể dùng quyền năng của viễn quan để nhìn phía sau, nhìn vượt lên trên viễn quan của hầu hết mọi người khi họ nhìn hòn đá chăng? Con hãy để cho thày dẫn con đi một hành trình dựa trên những bài khoa học ở nhà trường. Hòn đá phải chăng chỉ là hòn đá? Con biết vì con được học ở nhà trường là hòn đá được cấu tạo bởi những phân tử là những đơn vị nhỏ không thấy được bằng mắt vật lý. Có môt cách nhìn khác về hòn đá, không phải ở tầng cấp một vật. Con có thể nhìn hòn đá như là một tập hợp của nhiều phân tử, giản dị như thế.

Con biết là con có thể lấy nhiều hòn đá nhỏ và dùng keo dán chúng lại vào nhau để làm thành một quả banh. Bây giờ con có một quả banh, to như một hòn đá to, nhưng nó được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn nhiều. Con cũng có thể lấy cát, hạt cát, và nặn chúng lại thành một quả banh, nhưng con có thể thấy được đây không phải là một hòn đá lớn và rắn chắc. Nó được cấu tạo bởi những mảnh nhỏ mà con có thể tách ra được. Con có thể cho nó một hình dạng khác nếu con có thể thay đổi vị trí của những mảnh nhỏ đó.

Điều thày muốn giúp con nhận ra ở đây là con có thể vượt quá cái thấy hòn đá là một vật rắn đặc. Con có thể đi vào một tầng cấp sâu hơn để thấy được hòn đá được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn được gom lại thành một hình dạng mà con gọi là hòn đá – và con nhìn hòn đá này như một vật thuần nhất không dễ thay đổi.

Bây giờ, lẽ dĩ nhiên con biết được theo khoa học là phân tử được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn, gọi là nguyên tử. Có thể con được học ở nhà trường hay không được học ở nhà trường (nhưng biết được sau này nhờ đọc sách), là nguyên tử được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn nữa, gọi là hạt cơ bản. Nếu con có học chút xíu khoa vật lý lượng tử, con sẽ thấy là bản chất các hạt cơ bản này có hai mặt, ít nhất theo cái nhìn hiện nay của các nhà khoa học. Một hạt căn bản đôi khi sẽ cư xử như một hạt truyền thống (là một vật rắn đặc), và đôi khi nó cư xử như một sóng, một sóng năng lượng rung động. Con nhận ra rằng ngay cả khi con chỉ lấy những gì khoa học hiện nay công nhận, con có một cách nhìn hòn đá khác đi? Con có thể bắt đầu ở tầng cấp sự vật, là hòn đá. Ở tầng cấp này, con thấy nó là một đơn vị thuần nhất. Nếu con đi vào các tầng cấp càng lúc càng sâu hơn, con thấy nó không còn thuần nhất nữa vì nó được tạo ra từ những đơn vị nhỏ hơn. Tại sao ở tầng cấp sự vật con lại thấy nó là một đơn vị thuần nhất? Sự thuần nhất từ đâu tới? Nó hoàn toàn tới từ tâm con. Nó là một hình tư tưởng do tâm con phóng chiếu ra.

Hòn đá không thuần nhất chút nào. Nó được cấu tạo bởi phân tử, phân tử được cấu tạo bởi nguyên tử, nguyên tử được cấu tạo bởi hạt cơ bản, chính thực là sóng năng lượng. Không những hòn đá không thuần nhất, nhưng khi con đi vào các tầng nhìn sâu hơn, con cũng thấy là hòn đá càng lúc càng bớt vẻ rắn đặc. “Hòn đá” là một đơn vị rắn đặc vì tâm của con thấy nó là rắn đặc. Khi con tới tầng cấp phân tử, con nhận ra nó được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn có thể di chuyển vị trí so với nhau, hay một số có thể bị tháo gỡ đi.

Con thấy chăng, ở tầng cấp hòn đá, chuyện tác động lên hòn đá hay thay đổi nó có vẻ như vô phương hay ít nhất là cực kỳ khó khăn? Nếu tâm của con có thể đi vào tầng phân tử và bắt đầu tác động lên chúng, thì tâm của con có thể tác động lên những đơn vị nhỏ này dễ hơn là lên hòn đá. Nếu con có thể đi vào tầng nguyên tử còn nhỏ hơn nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Con tác động lên chúng còn dễ hơn nữa nếu con biết cách. Bây giờ nếu con có thể đi vào tầng hạt cơ bản mà thực chất là sóng năng lượng thì sẽ ra sao?

14.8. Tâm có thể tác động lên sóng năng lượng

Con yêu dấu, thày đồng ý là tâm con không thể tác động lên hòn đá, nhưng tại sao tâm không thể tác động lên hòn đá? Bởi vì hòn đá là một khái niệm do tâm tạo ra, và tâm con không vượt quá được khái niệm mà chính nó đã áp đặt lên hòn đá. Khi con còn tin vào khái niệm này, khi con chưa chất vấn nó, khi con còn tin khái niệm này không tránh được, không thay đổi được, thì tâm con không thể tác động lên hòn đá.

Con yêu dấu, tâm con là gì? Phải chăng nó là một trường năng lượng? Hòn đá là gì? Nó được cấu tạo bởi phân tử, được cấu tạo bởi nguyên tử, được cấu tạo bởi hạt cơ bản mà thực chất là sóng năng lượng. Nếu tâm của con là một trường năng lượng, thì tại sao nó lại không thể tác động được các trường năng lượng cấu tạo ra các hạt cơ bản, cấu tạo ra các nguyên tử, cấu tạo ra các phân tử cấu tạo ra hòn đá?

Nếu con có thể dùng tâm để đi vào một tầng sâu đủ, thì đâu có lý do gì con không tác động được lên hòn đá? Hay đâu có lý do gì con không chữa lành được thân thể với tâm khi con nhận ra thân thể cũng được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn? Trong thân thể có những bộ phận nhưng mọi thứ trong thân thể được cấu tạo bởi phân tử. Mọi thứ được cấu tạo bởi nguyên tử. Mọi thứ được cấu tạo bởi hạt cơ bản mà thực chất là sóng năng lượng.

Tâm của con là một sóng năng lượng. Thân thể của con là một sóng năng lượng. Tại sao tâm của con lại không thể đạt được khả năng tác động lên các sóng năng lượng cơ bản cấu tạo nên thân thể con và từ đó thay đổi thân thể con ở tầng cấp vật lý? Con thấy chăng, con không thể làm điều này nếu tâm con còn dính chặt vào khái niệm “vật”, vào hình ảnh mà con đã áp đặt lên thân thể vật lý. Con nhìn thân thể là một vật, một đơn vị thuần nhất. Con có thể nhận ra là nó có những thành phần như bộ phận, tế bào và các thứ khác, nhưng hầu hết mọi người vẫn coi thân thể là một đơn vị thuần nhất.

Lúc đó, khi có chuyện trục trặc với thân thể, con yêu dấu, họ tức khắc chấp nhận là có điều gì trục trặc với thân thể. Nếu có điều gì trục trặc với thân thể ở tầng cấp vật lý, thì tâm họ cũng chấp nhận là chỉ có thể chữa được ở tầng cấp vật lý. Nếu nguyên nhân không ở tầng vật lý vì thân thể là sự phóng chiếu từ ba thể cao hơn, thì tại sao con lại không thể thay đổi những gì ở trong ba thể cao để thay đổi sự biểu hiện vật lý?

Con yếu dấu đây chỉ là lý luận giản dị. Nó không giản dị chút nào khi tâm con bị dính chặt muốn thấy mọi thứ là “vật”. Ngày nào con còn thấy thân thể là một vật, một đơn vị thuần nhất, con không thể chữa lành thân thể với quyền năng của tâm. Tâm không thể thay đổi khái niệm “vật” mà chính tâm đã áp đặt lên thân thể. Con hiểu ra điều này chăng? Con hiểu ra nó quan trọng như thế nào chăng?

Chính tâm đã áp đặt hình ảnh “vật” lên thân thể. Ngày nào tâm chưa chất vấn hình ảnh này, chưa thấy nó như nó là, chưa thấy nó chỉ là một hình ảnh và chưa nhìn quá hình ảnh đó, thì tâm không thể chữa lành thân thể. Nếu con giải thoát tâm con khỏi khuynh hướng nhìn mọi vật là vật, con có thể bắt đầu chữa lành thân thể con bằng quyền năng của tâm. Con yêu dấu, lẽ dĩ nhiên đây là điều thày mong muốn cho con.

14.9. Niệm tinh khôi

Rõ ràng là con có một Sứ vụ Thiêng liêng. Có những điều con cần làm. Rõ ràng là trong một số trường hợp, mang bệnh và ứng phó với bệnh là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Trong trường hợp khác, có một thân thể khỏe mạnh là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Lẽ tất nhiên, thày muốn con tới được điểm mà con biết được bệnh tật là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con, hay con biết cách thăng vượt căn bệnh để tiếp tục với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Để tới điểm này, con cần nhận ra một số điều.

Bây giờ có một khái niệm mà các thày đã dùng từ ít lâu nay, và khái niệm này khởi thủy do Mẹ Mary đưa ra. Đó là khái niệm giữ niệm tinh khôi. Lẽ dĩ nhiên, đây là một cách chơi chữ với quan điểm “thụ thai tinh khôi” cho rằng Giê-su được thụ thai tinh khôi không cần có yếu tố con người xen vào. Nói cách khác, không có người nam nào cho tinh dịch để trái trứng thụ thai – thụ thai là do Thánh Linh thực hiện. Lẽ đương nhiên, như các thày đã giải thích, chuyện không xảy ra như vậy.

Ý thày muốn nói là Mẹ Mary đã khai triển ý tưởng là Mẹ có thể giữ một niệm tinh khôi. Mẹ giải thích là chính mẹ đã giữ niệm tinh khôi về Giê-su từ lúc thày sinh ra và cho tới khi thày lớn lên. Con yêu dấu, bây giờ con hãy nhìn kỹ hơn vào hoàn cảnh này.

Đây là một người phụ nữ sanh một con trai. Bây giờ, bất kể đứa con được thụ thai như thế nào, bất kể viễn kiến của bà về người con ra sao, phải chăng là bà sẽ có tình cảm bình thường của người mẹ đối với con trai dựa trên văn hóa của bà? Con hãy nhìn chuyện gì xảy ra cho người con trai này là Giê-su. Cậu bé lớn lên thành một thanh niên khỏe mạnh và có khả năng nhưng ở tuổi thanh xuân, Giê-su bị giới chức trách bắt giam, tra tấn, đóng đinh trên thập tự và chết. Có thể nào một người mẹ bình thường có viễn kiến như vậy về con trai mình chăng?

Khi con xem xét sự việc này, con nhận ra là nếu Mẹ Mary giữ niệm tinh khôi về Giê-su, điều này không có nghĩa là từ lúc Giê-su sinh ra, bà có viễn kiến một ngày kia Giê-su sẽ bị bắt, bị tra tấn và hành quyết. Vậy thì bà giữ niệm tinh khôi cho Giê-su nghĩa là gì? Bà nhận ra rằng Giê-su không phải là một đứa con trai bình thường, Giê-su sẽ không có một cuộc sống bình thường, nhưng niệm tinh khôi của bà là gì? Trước tiên, bà giữ khái niệm Giê-su sẽ tiếp tục tăng triển tâm thức và thăng vượt tâm thức cho tới khi Giê-su đạt được tầng mức quả vị Ki-tô cho phép thày hoàn thành sứ vụ của thày. Niệm tinh khôi có hai khía cạnh. Nó là viễn kiến tăng triển liên tục và nó là viễn kiến mỗi người có một sứ vụ, một Sứ vụ Thiêng liêng, và giữ viễn kiến là người đó sẽ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng.

Lẽ dĩ nhiên con có thể làm điều này cho chính mình. Nếu con giữ niệm tinh khôi cho chính mình, con giữ cả hai khía cạnh Alpha và Omega này. Trước tiên, con nhận ra ý nghĩa sự sống là tăng triển, là thăng vượt. Con giữ niệm tinh khôi là con sẽ tiếp tục tăng triển, đạt các khai ngộ và đạt tầng tâm thức cao nhất có thể đạt được trong kiếp này. Sau đó con giữ viễn kiến là con ở đây để làm điều gì đó trong kiếp này. Con giữ viễn kiến là con sẽ hoàn thành các điều trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Bây giờ, đây là lúc con cần đứng lùi lại và nhận ra khi con giữ niệm tinh khôi cho mình, như thày đã giải thích, rất có thể nó sẽ rất khác với những gì hầu hết mọi người mường tượng về cuộc sống bình thường của một người. Thậm chí nó có thể rất khác những gì con thấy về cuộc đời mình cho tới lúc này.

14.10. Không có điều gì không được xảy ra

Con yêu dấu con nhận ra chăng là khi con lớn lên trong xã hội hiện đại, có sự phóng chiếu lên con từ mọi hướng là cuộc sống của con phải thế này hay không được thế kia? Sự phóng chiếu có thể đến từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thày cô, mỗi người mà con gặp, chính xã hội, sa nhân và tà lực và các thứ khác. Suốt cuộc đời con, có rất nhiều sự phóng chiếu hướng về con nói rằng cuộc sống phải thế này và không được thế kia. Ở điểm này, thày muốn nói: “Nếu con thật sự muốn sống cuộc đời mình, con phải xem xét chuyện phóng chiếu này và nói: “Con có bao nhiêu ý tưởng về điều phải xảy ra và không được xảy ra cho con?”

Rồi con cần tự hỏi mình: “Phải chăng trước giờ tôi đã nghĩ rằng giữ niệm tinh khôi cho mình có nghĩa là cuộc sống của tôi theo con đường bị ảnh hưởng từ bên ngoài cho rằng điều này phải xảy ra hay không được xảy ra cho tôi? Phải chăng tôi đã nghĩ rằng giữ niệm tinh khôi là tôi lượng định mỗi hoàn cảnh dựa theo ý tưởng điều phải xảy ra và điều không được xảy ra và ngay lập tức phán xét rằng điều mà tôi nghĩ không được xảy ra là điều sai? Phải chăng đây là cái nhìn của tôi về giữ niệm tinh khôi? Phải chăng đây là cách tôi đang nhìn cuộc đời mình?

Con thấy chăng đây là những gì con được dạy dỗ. Những phóng chiếu này dựa trên tầng cấp vật hay sự việc, tức là có một số sự việc phải xảy ra và một số sự việc không được xảy ra trong một cuộc sống bình thường,. Con phải làm một số việc và con không được làm một số việc. Đây là tầng cấp vật, hay sự việc. Sứ vụ Thiêng liêng của con đòi hỏi con tăng triển về tâm thức. Để có thể thăng vượt một tầng tâm thức thì con phải nhìn thấy tâm thức này.

Điều con nhận ra ở đây là đối với một người đang hiện thân, nhận ra điều hạn chế mình rất khó, rất tinh tế. Có những lúc con đọc một cuốn sách tâm linh và con thấy được: “Ồ, cái này hạn chế tâm của tôi và tôi cần buông bỏ nó.” Tất cả chúng ta, những người đã từng đầu thai, đều nhận ra rằng chúng ta không thể học hết mọi thứ bằng cách đó. Có những trường hợp cách học duy nhất là trải nghiệm một hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta giản dị là như thế vì chúng ta đang sống trong một môi trường dày đặc như trái đất. Đôi lúc chúng ta tỉnh giác qua giáo lý dùng ngôn từ nhưng có lúc khác, chúng ta tỉnh giác qua kinh nghiệm trực tiếp của giác quan, thân thể và tâm. Con yêu dấu, con thấy chăng, con cần một số kinh nghiệm trong cuộc sống.

Bây giờ con làm được gì đây? Con có thể nhìn vào cuộc sống mình và nói: “Có lợi ích gì chăng khi tôi lượng định cuộc sống mình theo một tiêu chuẩn được áp đặt lên tôi, tiêu chuẩn quy định cái phải xảy ra, hay cái không được xảy ra? Tôi có thể nào lùi lại một bước, nhìn cuộc sống mình và nói: ‘Không có cái phải là, không có cái không được là. Mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của tôi đã xảy ra vì vũ trụ đang tìm cách đánh thức tôi khỏi một ảo tưởng.’”

14.11. Thông điệp là gì?

Bây giờ, thay vì cưỡng lại điều đang xảy ra, thay vì tìm cách thay đổi những triệu chứng ở tầng vật lý, con có thể bắt đầu nghĩ: “Thông điệp ở đây là gì? Có điều gì trong này mà trước giờ con không thấy?” Chúng ta hãy nói về bệnh tật trở lại. Khi lớn lên, con được dạy dỗ để nghĩ rằng sức khỏe bình thường là tự nhiên và khi có bệnh là trục trặc. Do đó, con phải coi đây là một sự trục trặc và phải đi gặp bác sĩ, xem bác sĩ có tìm ra nguyên nhân vật lý không và tiêu hủy nguyên nhân vật lý này.

Con yêu dấu, thày không nói là con không nên đi bác sĩ để cứu mạng mình. Điều thày nói là: Điều gì ngăn trở con lùi lại một bước và đáp ứng một cách khác, và nói: “Có thể nào căn bệnh là một thông điệp cho con? Vũ trụ có đang tìm cách dạy con một điều gì? Căn bệnh có đang tìm cách chỉ cho con một ảo tưởng nào đó, một tâm thức nào đó mà con phải thăng vượt? Phải chăng khi con thăng vượt nó, con sẽ tiến gần hơn việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình?” Như thày đã nói ở trước, trong một số trường hợp, con đã chọn mang một căn bệnh vì con muốn chứng minh cho người khác thấy con có thể là một người hạnh phúc, toại nguyện và an bình dù là con bị bệnh hạn chế. Một số các con đã chọn mang một căn bệnh để chứng minh con có thể vượt qua căn bệnh, con có thể chữa lành nó, con có thể vượt thăng nó?

Con thấy chăng, nếu con đã chọn mang một căn bệnh vì con muốn chứng minh điều gì cho người khác, hay vì con muốn vượt qua nó hay vì nó là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con vì con tìm cách giúp mình thấy một tâm thức nào đó, thì chống lại căn bệnh đâu có nghĩa lý gì? Tại sao con cho phép tâm mình dính chặt vào tầng cấp của vật khiến con nghĩ thân thể này là một vật và bây giờ cái vật này xảy ra cho thân thể con và con cần tiêu diệt cái vật này? Tại sao con không vượt quá điều này và nhìn nó một cách khác? Có điều gì ngăn cản con làm như thế? Lẽ dĩ nhiên đâu có gì ngăn cản con ngoại trừ tâm thức sa ngã nói với con là con không bao giờ nên nhìn vào chính bản thân mình.

14.12. Thăng vượt tâm thức

Con hiểu ra giữ niệm tinh khôi cho mình thật sự nghĩa là gì chăng? Sa nhân không muốn thay đổi chính họ. Con là người tâm linh đã định ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình chung với các chân sư thăng thiên, điều con muốn làm lẽ dĩ nhiên là thay đổi chính mình. Sứ vụ Thiêng liêng của con xoay quanh việc con thay đổi chính mình, thăng vượt các tầng tâm thức và bước lên càng nhiều bước càng tốt trên 144 tầng cấp trong kiếp sống này. Đây là điều trọng yếu trong Sứ vụ Thiêng liêng của con: tăng triển tâm thức.

Cốt lõi của sự sống, cốt lõi của con đường tâm linh đối với con là thăng vượt tâm thức. Cốt lõi của sự chống đối của sa nhân là chống lại thăng vượt tâm thức. Khi con nhận ra điều này, con có thể nói: “Tại sao con phải sống cuộc đời mình dựa trên tư duy của sa nhân? Con muốn sống cuộc đời mình dựa trên tư duy của các chân sư thăng thiên là thăng vượt không ngừng.” Con có thể chuyển đổi tâm thức, nhiều người đã đến tầng cấp này mà chưa chuyển đổi tâm thức một cách có ý thức. Do đó, họ vẫn còn bị kẹt chỉ thấy mọi sự ở tầng cấp của vật, chỉ thấy ở tầng cấp khái niệm, và phán xét mọi chuyện dựa trên cái phải xảy ra hay không được xảy ra.

14.13. Làm hòa với cuộc đời của con

Con yêu dấu, trong bài giảng này và ở tầng này của khóa nhập thất của thày, thày thật sự mong muốn thấy con thoát khỏi những phán xét ở tầng cấp của vật (chúng chỉ là những khái niệm mà tâm con và tâm tập thể đã gán lên mọi chuyện xảy ra trong vũ trụ). Thày thật sự muốn con có khả năng nhìn vào cuộc sống mình và thoát khỏi mọi phán xét về cái phải xảy ra hay không được xảy ra.

Thày biết rằng nhiều người trong chúng con đã lớn lên trong những điều kiện rất khó khăn. Con đã lớn lên trong những hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đây là trường hợp của rất rất nhiều người trên con đường tâm linh. Con đã chọn những hoàn cảnh này vì một lý do. Nó là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Có chuyện gì đã xảy ra mà đáng lẽ không được xảy ra chăng? Có phải chăng đây là cơ hội để con nhìn thấy điều gì bên trong con và để chứng minh cho người khác thấy con đã lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vượt lên trên được? Con có thể tới một điểm con nhìn vào cuộc đời mình và nói: “Có cách nào khác nhìn vào cuộc đời mình ngoài cách nhìn ở tầng cấp sự thể và phán xét mọi sự dựa theo tâm thức cái phải là và không được là?” Thày đã nói với con là con có thể nhìn hòn đá và thấy nó có nhiều thành phần khác nhau. Phải chăng con cũng có thể nhìn một hoàn cảnh trong đời và thấy nó có nhiều thành phần khác nhau? Thay vì nhìn cuộc đời ở tầng cấp sự thể mà thôi, dựa trên phán xét cái phải là và cái không nên là, con có thể lùi lại một bước và nhìn hoàn cảnh với nhiều sắc thái vi tế hơn, phức tạp hơn. Biết đâu tuổi thơ khó khăn của con là cách nhanh nhất để con cân bằng nghiệp từ kiếp trước mà con có với cha mẹ và các anh chị em? Biết đâu nếu con học xong bài học và làm chủ phản ứng của mình trước hoàn cảnh, con đã cân bằng được nghiệp đó và bây giờ con được tự do đi tiếp cuộc đời, không những thoát khỏi những người này mà con cũng thoát khỏi tâm thức mà họ biểu trưng? Biết đâu con chọn lựa ở trong một hoàn cảnh rất khó khăn vì con cần học bài học là con không thể thay đổi người khác, con chỉ thay đổi được mình thôi? Do đó, khi con tập trung vào việc thay đổi mình, và con tha thứ những người khác và cho phép họ là chính họ và cho phép họ biểu hiện tâm thức của họ, thì con được tự do tiến tới những khía cạnh khác của Sứ vụ Thiêng liêng của con.

14.14. Làm hòa với người khác

Con yêu dấu, con thấy chăng, khi con đang hiện thân, con lớn lên bên cạnh nhiều người và họ có ảnh hưởng lớn trên đời con. Một điều thiết yếu trong khóa tự điều ngự là con tới được điểm hiểu ra rằng nếu con ngừng đánh giá những tương tác giữa con và người khác dựa trên tâm thức cái phải là và cái không được là, tâm con sẽ bình an với diễn tiến của sự tương tác. Con sẽ tới điểm nhận ra nếu hành động của con là sản phẩm của trạng thái tâm thức của con, thì hành động của họ là sản phẩm của trạng thái tâm thức của họ. Con cũng hiểu ra là họ có toàn quyền tự quyết. Công việc của con không phải là thay đổi người khác. Có thể một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con là cho họ cơ hội thấy có một cách hành động khác, một cách đáp ứng khác, một cách nhìn đời khác.

Con thấy chăng, con yêu dấu, công việc của con là cho người đó một cơ hội bằng cách chứng minh có một cách đáp ứng khác. Công việc của con không phải là ép buộc người đó phải chọn lựa chấp nhận bài học. Đây là lý do con không nhìn hoàn cảnh với ý tưởng cho rằng họ phải học bài học đó và họ phải học điều mà con nghĩ họ phải học. Không có cái phải là và cái không được là. Công việc của con là cho họ cơ hội chọn lựa, không phải là chọn giùm cho họ.

Khi con đã cống hiến cơ hội đó, con đã làm xong việc của mình. Có nghĩa là bây giờ con đã thoát khỏi hoàn cảnh đó, nhưng con không thể thoát khỏi hoàn cảnh nếu con còn phán xét dựa trên cái họ phải làm hay cái họ không được làm. Khi ấy con lại buộc con vào họ và tạo một nghiệp mới cho mình. Có nghĩa là con có thể phải trở lại đầu thai với họ trong một kiếp sống khác cho tới ngày con rốt cuộc được tự do và cho họ được tự do là chính họ. Con được tự do là gì con là mà không cần biết họ chọn lựa ra sao.

Con nhận ra là, nếu con nhìn vào tất cả các mối tương tác và dính dáng giữa con và người khác, con có thể áp dụng phương pháp trên chăng? Con nhìn vào điểm: Con cần làm gì để tới được điểm mà trong tâm con, con hoàn toàn tự do khỏi người này? Trọng tâm không phải là thay đổi người kia vì tự do của con không tùy thuộc vào hành động và trạng thái tâm người kia. Nó tùy thuộc vào trạng thái tâm của con.

Con sẽ tự do khi con tự do trong tâm của con. Thày đã nói với con điều này trong suốt các bài giảng trước và đặc biệt trong bài giảng này. Con nhìn vào quan hệ của con với người khác như một sự thể vì con nhìn vào nó với viễn kiến nhìn mọi thứ là vật thể hay sự thể. Con thường nhìn người khác và nghĩ: Ồ y là như thế và như thế và không ai có thể làm gì để thay đổi được. Sau đó con nghĩ quan hệ của con với người đó không thay đổi được cho tới khi người đó thay đổi, nhưng vì y sẽ không thay đổi, con không thấy cách chi quan hệ có thể thay đổi được. Làm như thế là con tước đi uy lực của mình.

Khi con lấy lại uy lực của mình, con nhận ra rằng không cần biết người kia như thế nào hay người kia có sẽ thay đổi hay không, điều quan trọng là con thay đổi cách con nhìn người kia để người kia không ảnh hưởng được con. Giê-su nói: “Ông hoàng thế gian tới và chẳng tìm thấy gì trong ta để ảnh hưởng được.” Con có thể xem là bất cứ con gặp ai, người đó có thể là một công cụ của ông hoàng thế gian. Ông đang giản dị tìm mọi cách để khiến con phải phản ứng một cách tiêu cực, dựa trên sợ hãi để ma quỷ ảnh hưởng được con.

14.15. Bị kẹt vào xung đột giữa người và người

Con yêu dấu, cách giản dị nhất để ngăn cản con làm những phần tích cực trong Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì? Đó là khiến con bị kẹt vào những xung đột với người khác làm con mất hết thì giờ, sự chú ý và năng lượng. Con không thể nào đi quá một tầng nào đó của con đường tâm linh nếu con còn bị kẹt trong những quan hệ cá nhân làm tiêu hao rất nhiều sức của con.

Con cần tới một điểm vượt lên trên tầng cấp của vật và con nói: “Con có một Sứ vụ Thiêng liêng và một phần của Sứ vụ Thiêng liêng là con thăng vượt một tầng tâm thức nào đó, một tầng ảo tưởng nào đó. Có thể chăng là người khiến con bực mình quá sức đang làm chuyện đó vì y đang lợi dụng cái ảo tưởng mà con không thấy được trong con?” Có thể chăng là người đang làm con bực mình quá sức thật ra là một Sứ giả Thiêng liêng? Y được gửi đến để chỉ cho con thấy điều mà cho tới nay con chưa thấy được và điều mà con cần vượt qua trong chính mình để có thể vươn lên tầng tâm thức cao hơn và bắt đầu thể hiện những khía cạnh tích cực của Sứ vụ Thiêng liêng của con – là cống hiến món quà của con?

Một phần Sứ vụ Thiêng liêng của con là vượt qua những giới hạn của mình nhưng thường đây không phải là phần hào hứng của Sứ vụ Thiêng liêng. Phần hào hứng của Sứ vụ Thiêng liêng là con có một món quà tích cực cho trái đất và con bắt đầu tặng món quà đó. Tại sao con lại cho phép những tranh chấp nhỏ mọn với người khác ngăn cản con thực thi khía cạnh hào hứng của Sứ vụ Thiêng liêng của con, khi con chỉ cần chuyển đổi viễn quan của mình và nói: “ Bài học ở đây là gì? Con cần học điều gì trong mối quan hệ của con với người này? Nó chỉ cho con thấy những dính mắc nào vào những chuyện phải là và không được là?”

Nếu con phân tích bất kỳ quan hệ thiếu hài hòa nào, con sẽ nhận ra là người kia khiến con bực mình vì con có một hình ảnh cho rằng người khác không được làm thế, không được cư xử như thế, không được nói những câu như thế với nhau. Nếu con nhìn vào bề sau, con sẽ thấy rằng tất cả những cái phải là và không được là trong tâm con sẽ ngăn cản con hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Nó cũng ngăn cản con đạt được viễn kiến mà thầy muốn dẫn con tới.

14.16. Đạt được viễn kiến bất nhị

Thày đang hướng dẫn con tới một viễn kiến không nhị nguyên, không dựa trên sự phán xét với hai đối cực. Nó là viễn kiến trong sạch, viễn kiến rõ ràng nhìn mọi vật như là nó là. Con có thể tới điểm mà con nhìn mọi cảnh huống mà không phán xét. Con yêu dấu, đó là lúc con có thể neo mình vào cái mà các thày gọi là Dòng Sông sự Sống và thấy cuộc sống của con là một dòng chảy liên tục.

Con xét xem đa số nhìn hoàn cảnh sống như thế nào. Họ nghĩ; “Tôi có quan hệ với người này đang làm tôi bực mình quá và chuyện này ngăn cản tôi tăng triển. Chuyện này ngăn cản tôi làm những gì tôi muốn làm trong đời mình.” Con thấy là đa số nhìn cuộc đời như một tiến trình ngừng-lại-và-đi-tiếp. Họ muốn đi tới chỗ nào đó trong cuộc sống nhưng luôn luôn có một điều gì ngừng họ lại, không cho phép họ đến nơi đó.

Khi con chuyển đổi viễn kiến của mình, con có thể thoát khỏi viễn kiến ngừng-lại-và-đi-tiếp và con bắt đầu thấy là mỗi hoàn cảnh con gặp chỉ là cách giúp con tiến lên với cuộc sống. Khi con nhìn một dòng sông chảy, có thể có vách đá hai bên dòng sông và tảng đá trong lòng dòng sông. Khi nước đụng vào đá, nó có ngừng chảy không? Nước có ngừng lại và nói: “Tảng đá này không được ở đây, ai đó phải dời nó đi để tôi chảy tiếp?” Không đâu, nước chỉ việc chảy chung quanh tảng đá. Đúng là dòng nước bị tảng đá làm đổi hướng nhưng nó không bị ngưng lại. Dòng nước chỉ việc chảy quá tảng đá và chẳng bao lâu sau nước lại tuôn chảy như chưa từng có tảng đá nào. Đây là cách con phải nhìn các hoàn cảnh trong cuộc sống của con. Thày xin lỗi thày dùng chữ “phải”, nhưng đây là cách con nhìn cuộc sống mình khi con đạt được viễn kiến cao mà thày đề cập.

Con có thể tới điểm mà con nhận ra bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời không phải là chướng ngại cho sự tiến bộ của con. Nó chỉ là thông điệp chỉ cho con thấy cách đi vòng quanh chướng ngại và tiếp tục tiến lên. Khi con làm như vậy, con đã tiến bộ.

14.17. Cho phép tâm giống như nước

Lúc đó con nhận ra một điều mà sa nhân không muốn con biết, là tâm giống như nước. Nước là một chất kỳ diệu, con yêu dấu. Con có thể lấy cái búa to nhất mà con có thể nâng lên được, và con đập nó vào dòng sông. Con làm nước bắn tung tóe nhưng chuyện gì xảy ra sau vài giây? Dòng nước lại chảy tiếp giống như chưa hề có điều gì ảnh hưởng nó. Tâm con cũng có khả năng đó. Con nhận ra bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời của mình, dù nó làm nước bắn tung tóe, tâm con vẫn có thể tiếp tục chảy. Khi con tha thứ, khi con buông bỏ, tâm con sẽ chảy tiếp, nước sẽ nhập lại với nhau, tâm con sẽ toàn vẹn và con sẽ tiếp tục tuôn chảy như không có gì đã xảy ra.

Khi tới điểm này của khóa nhập thất của thày, thày muốn con nhận ra một cách ý thức là con có thể làm cho tâm con lỏng như nước. Thày không nói rằng con có thể làm cho tâm con hoàn toàn lỏng như nước ở điểm này. Thày muốn con nhận ra là điều này làm được và con cần đặt mục đích này cho mình. Con làm cho tâm mình lỏng như nước, và muốn đạt được điều này, con cần sẵn lòng nhìn vào cuộc sống mình và nhận ra: Có sự việc nào đã làm cho tâm con cứng đặc chung quanh một chấn thương, một nỗi đau, hay một cái nhìn cho rằng chuyện này không được xảy ra? Tâm con có bị cứng đặc chung quanh quan điểm người khác phải thay đổi hay vũ trụ phải thay đổi, hay người khác không được thế này hay vũ trụ không được thế kia? Tâm con đã cứng đặc chung quanh điểm nào?

Và con nhận ra rằng mỗi hoàn cảnh khiến tâm con cứng đặc ở một thời điểm trong quá khứ, trong hành trình trên hành tinh này, đã buộc chân con lại không sống theo Sứ vụ Thiêng liêng. Nó ngăn cản con xuôi theo Dòng Sông sự Sống. Đây là lúc con có sự thúc đẩy mới muốn nhìn vào các ảo tưởng mà con đã chấp nhận. Đây là điểm mà con nhận ra thực là chẳng có gì phải xảy ra hay không được xảy ra.

Bây giờ con nhận ra rằng thực chẳng có cái gì phải xảy ra hay không được xảy ra bất cứ đâu trong vũ trụ, nhưng thái độ này đặc biệt quan trọng trên một hành tinh dày đặc như trái đất. Con đang sống trên một hành tinh rất khó khăn nơi có sa nhân đầu thai, và có sa nhân trong cả ba cõi cao hơn. Họ đã khiến con người tranh chấp với nhau, vì vậy con có những nhóm người liên tục xung đột với nhau. Lớn lên trong một môi trường như vậy rất là khó. Đầu thai nhiều kiếp trên hành tinh này cực kỳ khó. Điều thày muốn chỉ cho con thấy ở đây là cách duy nhất để sống trên một hành tinh như trái đất, để không để bị kẹt trong những cãi vã nhỏ mọn buộc sự chú ý của mình, cách duy nhất là con làm cho tâm mình lỏng như nước để con không bao giờ cho phép nó cứng đặc lại chung quanh bất cứ điểm nào trong quá khứ. Con giữ tâm con như một khối nước xuôi theo Dòng Sông sự Sống.

14.8. Duy trì dòng chảy

Mục đích này không dễ đạt, con yêu dấu. Thày không nói là con phải đạt nó ngay bây giờ hay trong năm phút. Con yêu dấu, con có thể đạt mục đích này, và con không cần mất cả quãng đời còn lại để đạt nó. Thật ra, con có thể đạt mục đích này trong một sự chuyển đổi tâm thức lớn và sau đó con dần dà quét dọn sạch sẽ bằng cách đọc các bài thỉnh để tiêu trừ những năng lượng bị trói trong các sự việc quá khứ. Cũng có thể, con cần xem xét một số hoàn cảnh cá biệt, một số người và nhận ra: “Con cần học bài học gì ở đây để con có thể tha thứ người này, để con buông bỏ ý niệm về cái phải là hay không nên là.”

Có thể con cần quét dọn rất nhiều, nhưng con có thể chuyển hóa tâm rất nhanh và nhận ra rằng tâm con lỏng. Tâm con như nước. Có một trở ngại đằng trước. Có cách nào để con đi vòng quanh nó và trở về xuôi theo Dòng Sông sự Sống mà không hề bị cản trở, bị chắn lối, bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì?

Con tới một điểm, con yêu dấu, mà con không còn thấp thỏm chờ cuộc khủng hoảng kế tiếp, sự cản trở kế tiếp, hay chướng ngại kế tiếp. Con không dính mắc vào bất cứ hoàn cảnh cá biệt nào, tranh đấu chống người khác hay chống lại cả vũ trụ. Con luôn luôn tuôn chảy và con chỉ quan tâm tìm cách duy trì dòng chảy. Có đây một chướng ngại nhưng con cũng chẳng nhìn vào chướng ngại này và con không hề gợn lên ý tưởng nó phải hay không được ở chỗ đó. Con nhìn vào điều sau: “Làm sao con chảy chung quanh chướng ngại được? Bên kia chướng ngại là gì?” Và sau đó con đã qua được bên kia và con lại tuôn chảy, và giống như là chướng ngại chưa bao giờ có đó. Có thể con học được bài học từ chướng ngại đó nhưng bây giờ con thể nhập bài học và con không cần nghĩ tới nó nữa. Con tiến tới bài học kế tiếp.

Con hiểu chăng, con yêu dấu? Con có thể nhìn vào một hoàn cảnh và nhiều người tâm linh làm điều này và nói: “Bài học cho con là gì? Con cần học điều gì?” Con hiểu rằng khi con đã học trọn vẹn bài học, khi con đã hoàn toàn thăng vượt một trạng thái tâm thức nào đó, một tầng tâm thức nào đó thì con không cần băn khoăn về nó nữa. Con không cần nghĩ về nó nữa. Con tiếp tục chảy và bây giờ con tìm bài học kế tiếp hay việc phụng sự kế tiếp.

Cuộc sống có thể thành một tiến trình trong đó con thoát khỏi mọi phê phán cái này phải xảy ra hay không được xảy ra. Chẳng có cái phải, chẳng có cái không được. Chỉ có niềm vui biết mình đang tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống. Con liên tục tiến tới điểm đi vào hợp nhất với nguồn cội tâm linh của con – với Hiện diện TA LÀ của con – trong nghi lễ thăng thiên huy hoàng.

TA LÀ Hilarion, thày hài lòng con có mặt với thày ở tầng này của khóa nhập thất của thày. Thày mong giảng cho con bài học cuối cùng mà thày phải truyền cho con.

Làm sao ngưng phóng chiếu vào tâm mình

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 16/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Con sẽ gặp gỡ gì ở tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày? Như thày đã nói, con gặp gỡ nhu cầu nhìn vào những gì con phóng chiếu vào chính mình.

Chúng ta hãy bắy đầu với sự kiện là đa số những học viên trong khóa học này đã đi trên con đường tâm linh một thời gian rồi. Có lẽ con đã học nhiều giáo lý tâm linh, có thể đã gia nhập nhiều tổ chức và tu tập với nhiều đạo sư. Có lẽ con đã đọc nhiều quyển sách được các người tâm linh ưa thích. Kết quả của tiến trình này là gì? Kết quả là con đã nhận một số ý tưởng, một số niềm tin vi tế và con đã dùng chúng để tạo ra một hình ảnh trong tâm quy định thế nào là một đệ tử tâm linh, thế nào là đi theo con đường tâm linh. Nhiều người đã theo giáo lý chân sư thăng thiên từ mấy chục năm và họ đã tạo ra một hình ảnh thế nào là một đệ tử chân sư thăng thiên tốt.

12.1. Hình ảnh của con về một đệ tử tâm linh tốt

Một lần nữa, thày đã nói gì nhiều lần? Điều này không có gì sai trái vì con không thể làm gì khác ở một tầng nào đó của con đường tu. Vấn đề không phải là điều con đã làm là sai. Thày không ở đây để nói với con là điều đó sai. Điều thày muốn nói ở đây là bây giờ là lúc nhìn vào sự việc này và nhận ra là cần buông bỏ một số những ý tưởng đó. Khi con hoàn tất khóa tự điều ngự này, thày có thể bảo đảm với con là con sẽ phải buông bỏ tất cả mọi ý tưởng của con.

Vì sao thày lại có thể nói như vậy? Con có thể đã theo một giáo lý chân sư thăng thiên nói về những gì cần làm để đi con đường tâm linh. Vậy phải chăng điều tự nhiên là con dùng giáo lý này để xây dựng một hình ảnh thế nào là một đệ tử tâm linh? Đúng vậy, con yêu dấu, đó điều tự nhiên, nhưng con có bắt đầu thấy chăng là con đường tự điều ngự là vượt qua cái ta vỏ ngoài, cái ta tách biệt? Con có nhận ra chăng là để đạt được tự điều ngự, trọng tâm không phải là cưỡng ép cái ta vỏ ngoài hay cho nó những khả năng đặc biệt nào đó.

Mục đích của con đường tự điều ngự không phải là khiến cái ta vỏ ngoài được Thượng đế chấp nhận và cho phép nó vào nước trời. Đây là điều mà các sa nhân mong muốn và họ đã phóng chiếu ra ngoài qua các thày giả đang đầu thai ỡ cõi trần hay ở các cõi cao. Con sẽ không đạt được tự điều ngự bằng cách kiện toàn cái ta vỏ ngoài, cái ta tách biệt – vì không thể kiện toàn nó được.

Con sẽ đạt được tự điều ngự bằng cách sử dụng quyền năng sáng tạo của con mà không chịu ảnh hưởng của cái ta vỏ ngoài. Con thoát khỏi cái ta vỏ ngoài để con không phải là “người đang làm” nhưng Hiện diện TA LÀ của con là người đang làm thông qua cái Ta Biết và bốn thể phàm của con. Đây là một điểm vi tế vì đi lên tầng 96 không có nghĩa là con không có ước muốn gì hết. Nó nghĩa là ước muốn cá nhân của con thuận với những ước muốn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, những ước muốn mà chính con đã chọn lựa trước khi con đầu thai. Chúng cũng thuận với cá tính của Hiện diện TA LÀ của con, cá tính mà con đã góp phần xây dựng qua những kiếp trước của con.

12.2. Sư sáng tạo và cái ta tách biệt

Điều con cần nhận ra là vì con đã đi trên con đường tâm linh cho tới điểm này, con đã nhận vào một số ý tưởng và con đã dùng chúng để hình thành trong tâm hình ảnh một đệ tử tâm linh phải như thế nào. Trong đó có ý tưởng là con phải biểu hiện sự sáng tạo như thế nào khi con là một đệ tử tâm linh. Lý do con phải xem xét điều này rất giản dị. Ở mỗi giai đoạn của con đường tu, ở mỗi tầng trên con đường tu, con có (như thày đã nói) một số ảo tưởng. Không tránh được là khi con hình thành hình ảnh một người tâm linh phải như thế nào, hình ảnh đó sẽ kết nạp những ảo tưởng mà con còn có trong tâm, những ảo tưởng mà con chưa buông bỏ.

Một lần nữa, điều này không có gì sai trái, đó giản dị chỉ là cách con đường tu vận hành trên một hành tinh dày đặc như trái đất. Thày có nói với con là khi con nâng tâm thức về hướng tầng 144, ở mỗi tầng tâm thức con có một ảo tưởng mà con cần vượt qua. Có nghĩa là khi con tới tầng 96 và hoàn tất khóa học tự điều ngự, con vẫn chưa vượt qua tất cả mọi ảo tưởng. Nhưng ta có thể hy vọng là trong điều kiện lý tưởng, con đã tới điểm vượt qua được những ảo tưởng khiến con biểu hiện sự sáng tạo qua cái ta tách biệt.

Con có thể đang nghĩ điều này không quan trọng lắm ở tầng hiện nay của con, nhưng con sẽ càng ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của nó khi con tiến xa hơn trong lớp học này. Những Thượng sư ở trên thày sẽ giải thích điều này và giúp con càng ngày càng giải thoát khỏi các hình ảnh vi tế mà con có. Thày không chờ đợi là, ở tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày, con buông bỏ được hết các hình ảnh mà con có về thế nào là một đệ tử tâm linh. Có một khía cạnh của hình ảnh này mà thày muốn con nhận ra một cách ý thức ở tầng này. Sự thực là con cần phải nhận ra nó để đạt được khái ngộ ở tầng này và đi lên được tầng tới.

12.3. Con phải như thế nào?

Bây giờ thày muốn con làm điều này với tâm ý thức khi con đang đọc hay nghe bài giảng này. Dĩ nhiên là thày đã giúp con trải qua điều này ở khóa nhập thất, nhưng thày đang tìm cách giúp con mang xuống tâm ý thức. Thày muốn con giữ tâm yên tĩnh, thư giãn tâm và hướng về bên trong, chú tâm vào luân xa tim. Sau đó, thày muốn con, trong lúc con đọc hay nghe bài giảng này, con không có một định kiến nào hết, nhưng thày muốn con nhận ra phản ứng đầu tiên khi thày nói câu tới. Phản ứng đầu tiên của con khi thày nói: “Như một đệ tử tâm linh tốt, con phải là….” Điều gì hiện ra trong tâm con? Có hai khía cạnh ở đây. Con có thể có một ý tưởng thực tiễn con phải như thế nào, nhưng điều thày thực sự muốn con nhận ra là khi thày nói: “Như một đệ tử tâm linh tốt, con phải là….” có một cái gì đó kéo con. Nói cách khác, có một khía cạnh của viễn quan của con về đệ tử tâm linh được dựa trên ý niệm con phải như thế nào đó.

Điều này không ngạc nhiên nếu con nhìn vào lịch sử của trái đất. Con hãy nhìn vào các tôn giáo trên trái đất và thấy bao nhiêu tôn giáo đã quy định những quy tắc vỏ ngòai về cách cư xử khi là thành viên của tôn giáo đó. Con có thể thấy là một số tôn giáo đã đem quan niệm này tới cực điểm và quy định hầu như mọi khía cạnh đời sống người theo đạo. Ý tưởng này xuất phát từ sa nhân và nó rất giản dị. Nó cho rằng nếu con sống theo một số quy luật trong cõi vật chất, con có thể hội đủ điều kiện để vào cõi tâm linh.

Con yêu dấu, một lần nữa lại có một điểm vi tế. Thày không nói là có một số quy luật sống là điều hoàn toàn sai. Con có thể thấy là Giê-su, chẳng hạn, trong bài Thuyết giảng trên Đỉnh núi và một số bài giảng khác, đã đưa ra một số quy luật về cách con người phải cư xử, phải đối xử với nhau. Chắc con cũng biết là các quy luật này chủ yếu nhắm vào những người ở dưới tầng tâm thức 48?

Khi con ở dưới tầng tâm thức 48, con rất tập trung vào cái ta tách biệt và con sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ cái ta tách biệt và thỏa mãn những ham muốn của nó. Con sẵn sàng dùng vũ lực, tuy cường độ vũ lực mà mỗi người dùng có thể khác nhau. Dĩ nhiên, khi con dùng vũ lực thì con tạo nghiệp. Do đó, đối với những ở người ở trạng thái tâm thức này, điều cần thiết là quy định một số luật lệ để, nếu họ tuân theo các luật lệ này thì họ sẽ ít tạo nghiệp cho họ. Con cũng biết là sa nhân sẽ tìm cách hủ hóa bất cứ điều gì được công bố trên hành tinh này? Điều mà sa nhân đã làm là họ nói các quy luật vỏ ngoài không chỉ áp dụng cho người ở dưới tầng tâm thức 48, nhưng áp dụng cho mọi người và mọi người phải tuân theo chúng. Sau đó, sa nhân đã đưa ra ý tưởng là khi làm theo các quy luật vỏ ngoài đó (thường có nghĩa là tuân theo giới thượng lưu quyền lực gồm các sa nhân đang đầu thai, tỷ dụ như các thày tu giả hay một lãnh tụ thế quyền) thì con được bảo đảm sẽ đủ điều kiện vào thiên đàng. Lời gian dối chính là ở đó.

12.4. Con sẽ không lên thiên đàng

Lời gian đối này có nhiều tầng. Con yêu dấu, con sẽ không lên thiên đàng. Con hãy suy nghĩ câu nói này. Con sẽ không lên thiên đàng. Có hai lý do vì sao. Lý do thứ nhất là cái “ta” mà con hiện đang là không hội đủ điều kiện để thăng thiên. Khi con đi lên về hướng tầng 144 của tâm thức, thì cái “ta” mà con có hiện nay sẽ chết đi. Cái “ta” kế tiếp mà con mang vào cũng sẽ chết đi. Con sẽ tiếp tục cho phép từng cái “ta” một chết đi cho tới khi con đến tầng 144, và lúc đó con để cho tàn dư của cái ta tách biệt chết đi và con thăng thiên trong hợp nhất. Lý do thứ hai là con sẽ không bao giờ vào thiên đàng nếu con nghĩ con cần đi đến chỗ nào khác chỗ con đang ở.

Khi con đi về hướng tầng 144, không phải là con càng ngày càng đi gần tới thiên đàng. Đúng hơn là con dần dần vượt qua ảo tưởng cho rằng có khoảng cách giữa con và thiên đàng. Con tới điểm, ở tầng 144, con không đi lên thiên đàng mà đúng hơn là con chấp nhận con đang ở thiên đàng. Con có thấy chăng là sẽ có một điểm – mà điểm này là ngay bây giờ – con cần nhận ra điều này để có thể đạt được tự điều ngự?

Con cần nhận ra là ngay cả trên con đường tâm linh, con có thể dùng một giáo lý tâm linh để củng cố cái ta tách biệt. Khi con làm thế, sẽ tới một lúc điều này sẽ ngưng sự tiến bộ của con. Thày có nói trong bài giảng trước là thày có nhiều thí dụ những người đã theo giáo lý chân sư thăng thiên từ nhiều chục năm nhưng họ đã ngưng tiến triển, và đó là lý do. Họ không nhận ra nhu cầu nhìn vào hình ảnh mà họ đã áp đặt lên chính họ là một đệ tử chân sư thăng thiên phải như thế nào – một đệ tử chân sư thăng thiên tốt phải như thế nào.

Không nhất thiết là tất cả khía cạnh của hình ảnh này đều sai. Con cần nhận ra là con cần buông bỏ dần dần hình ảnh này cho tới khi con tới điểm không còn hình ảnh nào nữa quy định con phải như thế nào. Con đã vượt qua ý niệm một đệ tử tâm linh phải như thế nào đó.

Con yêu dấu, con có thấy chăng là dù con đang học một giáo lý tâm linh, giáo lý đó vẫn trình bày ý tưởng đến với con từ bên ngoài? Mục đích của giáo lý (nếu đó là một giáo lý tâm linh chân thật phát xuất từ chân sư thăng thiên) là đưa con tới điểm con là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con. Có thể là để khiến con tới được chỗ đó, con cần có trong một thời gian hình ảnh một đệ tử tâm linh phải như thế nào, và con cố sống theo hình ảnh đó. Con có thấy chăng là khi con làm vậy, con vẫn đang củng cố một khía cạnh nào đó của cái ta vỏ ngoài, và cái ta đó ngăn chặn con là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ?

12.5. Tuân theo một ý tưởng trong tâm

Thày muốn con bước lui lại và xem xét con đang làm gì trên mặt tâm lý khi con có ý tưởng một đệ tử tâm linh phải như thế nào. Cách vận hành này chính là bản chất của cái ta vỏ ngoài. Nó là (như thày đã giảng trong bài trước) nỗ lực khiến vũ trụ tuân theo một ý tưởng trong tâm, tâm vỏ ngoài, cái ta tách biệt. Thay vì tìm cách khiến vũ trụ tuân theo, con đang tìm cách khiến chính con tuân theo.

Con đang muốn bắt cái ta nào phải tuân phục? Một phần đó là cái ta vỏ ngoài. Dĩ nhiên là cái ta vỏ ngoài chấp nhận hình ảnh thế nào là một đệ tử tâm linh toàn hảo. Cái ta vỏ ngoài thường rất sốt sắng sống theo hình ảnh đó vì nó tin rằng khi đó, nó sẽ được các chân sư thăng thiên chấp nhận và cho phép nó vào cõi thăng thiên.

Nhưng cái ta khác mà con cũng muốn ép phải tuân theo hình ảnh đó là cái Ta Biết, mà các thày đã nhiều lần nói gì? Cái Ta Biết là nhận biết thuần khiết. Cái Ta Biết không phải là cái ta vỏ ngoài, nó chưa bao giờ là và nó sẽ không bao giờ là cái ta vỏ ngoài. Cái Ta Biết không xuống thế gian với cái ta vỏ ngoài. Nó cần cái ta vỏ ngoài để biểu hiện trong thế giới này, nhưng con không cần cái ta vỏ ngoài để thăng thiên, để trở về cõi tâm linh. Thực ra con cần buông bỏ cái ta vỏ ngoài để trở về cõi tâm linh.

Con có thấy chăng là cái ta vỏ ngoài chỉ có thể là một chướng ngại cho sự tiến bộ tâm linh của con? Trong điều kiện lý tưởng, cái Ta Biết là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con, không hơn không kém. Do đó, khi con cưỡng ép cái Ta Biết phải tuân theo một hình ảnh do cái ta vỏ ngoài dựng lên thì con không phải là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con.

Con yêu dấu, thủ đoạn đánh lừa của sa nhân là khiến con tin rằng con không thể là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con. Con không được phép là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ, là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ là sai, biểu hiện ánh sáng tâm linh là sai, biểu lộ khả năng sáng tạo là sai bởi vì con phải luôn luôn tuân theo quy luật. Thủ đoạn đánh lừa của sa nhân là khiến con tin rằng thay vì con sáng tạo và biểu lộ sự sáng tạo của Hiện diện TA LÀ, con phải bắt dòng sáng tạo chảy qua phin lọc của cái ta vỏ ngoài. Cái phin lọc này, dĩ nhiên, được tạo ra trên căn bản các điều kiện trong cõi vật chất. Nếu con cho phép dòng sáng tạo chảy qua phin lọc này, sẽ có một số điều kiện trong cõi vật chất mà con không bao giờ vượt qua được. Con sẽ không bao giờ dám biểu lộ bất cứ điều gì thách thức hay thăng vượt những hạn chế này của cõi vật chất.

12.6. Vượt quá những gì con người cho là khả thi

Con nghĩ vì sao Giê-su, hai ngàn năm trước đây, phải biểu diễn một số phép lạ? Những việc này được chính thức gọi là phép lạ, nhưng chúng không phải là phép lạ. Giê-su chỉ giản dị cho phép Hiện diện TA LÀ của thày hành động qua thày; thày là cánh cửa mở. Hiện điện TA LÀ có thể làm bất cứ điều gì nó muốn trong thế giới vật chất, nói cách khác nó có thể đi quá điều mà thày Serapis Bey đã gọi là định luật thiên nhiên phụ thuộc. Định luật thiên nhiên phụ thuộc không giới hạn được Hiện diện TA LÀ, và đây là điều Giê-su muốn chứng minh khi thày biểu diễn những việc được gọi là phép lạ.

Thày làm những việc phá tan những gì con người cho là khả thi. Bây giờ thì chúng ta sống vào một thời đại khác và do đó không cần làm những loại phép lạ đó nữa. Bây giờ là lúc giúp con người thấy được quyền năng nội tại của họ, và điều này có ý nghĩa khác hẳn trong thời đại này. Điều thày muốn nói là sa nhân đã quy định các định luật thiên nhiên phụ thuộc và họ đã làm vậy vì hai lý do. Một phần là để cho họ một số quyền lực khi họ đạt được điều mà thày gọi là “điều ngự bên ngoài” khi họ chế ngự được định luật thiên nhiên phụ thuộc. Họ cũng đặt ra những định luật này vì chúng giới hạn tất cả các người khác và do đó cho phép sa nhân khống chế được người khác.

Khi con nhìn kỹ hơn, con sẽ thấy là chưa bao giờ có môt sa nhân đã chứng minh quyền năng lớn trong thế giới vật chất mà không bóc lột người khác. Thày có nói về các nhà tỷ phú đã có khả năng biểu hiện đúng những điều kiện bên ngoài mà họ muốn. Họ cũng làm vậy vì họ khiến người khác làm đa số công việc hộ họ, hoặc bằng cách ép buộc hoặc bằng cách mua dịch vụ. Họ không biểu hiện những điều kiện này do quyền năng của họ nhưng bằng cách điều khiển người khác. Các định luật thiên nhiên phụ thuộc được đặt ra một phần để khiến con người tin rằng họ không có quyền năng quá một mức nào đó. Con có thấy chăng là nếu con thấy con phải sống theo một hình ảnh đệ tử tâm linh nào đó, thì con không thể là cánh cửa hoàn toàn mở cho quyền năng sáng tạo của Hiện diện TA LÀ của con?

Con yêu dấu, vị sứ giả này đã theo một giáo lý chân sư thăng thiên trong nhiều năm. Đó là một giáo lý chân chính. Lúc đó nhóm đó là một tổ chức sinh động và ông đã được hưởng nhiều lợi lạc. Nếu ông hoàn toàn chấp nhận hình ảnh đệ tử chân sư thăng thiên do tổ chức đó đề ra, thì ông đã không bao giờ dám trở thành một sứ giả của chân sư thăng thiên. Ông sẽ tiếp tục là một đệ tử, và nếu vậy ông đã không làm đúng theo những gì trong Sứ vụ Thiêng liêng của ông. Con có Sứ vụ Thiêng liêng của con, và điều duy nhất mà thày muốn là con sẽ không cho phép hình ảnh của một đệ tử tâm linh tốt ngăn cản sự hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con.

12.7. Sứ vụ Thiêng liêng của con quan trọng như thế nào?

Khi con tới điểm này, dĩ nhiên là con cần quyết định một cách ý thức điều gì quan trọng nhất cho con. Thày biết là hiện nay có lẽ con không thấy rõ Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con có thể thấy rõ điều con nghĩ là một đệ tử tâm linh tốt. Dĩ nhiên, chọn một viễn kiến rõ dễ hơn là chọn một viễn kiến không rõ. Tuy nhiên, bản chất của con đường tâm linh là con sẵn sàng bước đi bước kế tiếp ngay cả khi con không thấy rõ nó dẫn con đi đâu. Thày muốn hỏi con xem xét điều gì quan trọng nhất cho con: Hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con (mà con và các chân sư thăng thiên đã thiết lập trước khi con đầu thai), hay là tiếp tục sống theo hình ảnh hiện nay của con về người đệ tử tâm linh tốt? Con yêu dấu, con thấy chăng, con không thể làm cả hai việc.

Con có thể nghĩ là nếu con có một viễn kiến chính đáng về người đệ tử tâm linh tốt, thì nếu con sống theo hình ảnh đó, thì một ngày nào đó con sẽ, như một phép lạ, hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng điều này không đúng. Con không thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con nếu con giữ chặt hình ảnh hiện nay về cách cư xử của con. Con không thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con bằng cách ép buộc mình phải sống theo một hình ảnh được quy định trong thế giới này. Con cần tới điểm con hoàn toàn cởi mở để Hiện diện TA LÀ biểu hiện điều nó muốn qua con.

Con yêu dấu, con hãy để thày trở ngược lại điều thày đã nói ở trên, là đằng sau phản ứng nghĩ rằng, như một đệ tử tâm linh, con phải cư xử cách nào đó, là một cơ chế khiến con cảm thấy con cần phải sống theo một hình ảnh nào đó. Điều thày muốn con thấy ở đây là mỗi khi con có cảm giác con phải như thế này, con phải làm điều này, con phải hành xử như thế này, thì điều đó tới từ cái ta tách biệt, cái ta vỏ ngoài, tự ngã, kẻ đứng trên ngưỡng cửa. Nó là lực hút, mở con ra với sa nhân.

Thày biết rõ là có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên cho rằng các thày, chân sư thăng thiên, muốn áp đặt điều gì lên con, đòi hỏi con làm điều gì, hầu như đe dọa con phải tuân theo giáo lý của các thày. Thày đã nói gì trong suốt các bài giảng trước về phin lọc nhận thức? Con yêu dấu, các thày là chân sư thăng thiên, các thày là như các thày là. Các thày biết là khi một đệ tử tìm ra giáo lý của các thày, người đệ tử đó có một phin lọc nhận thức và do đó không thể thấy các thày như các thày là. Do đó, các thày cho phép đệ tử dần dần rũ bỏ phin lọc nhận thức để bắt dầu thấy các thày như các thày là.

Ở điểm này của khóa nhập thất của thày, con cần nhận ra là các thày không ép buộc con làm bất cứ điều gì. Ý tưởng các thày muốn ép buộc con là một ý tưởng đến từ sa nhân. Nó được đưa ra bởi nhiều tôn giáo và triết lý và ý tưởng thuộc nhiều phong trào tâm linh và Thời đại Mới.

12.8. Vượt qua một nền văn hóa dựa trên sợ hãi

Các thày đã thấy trong nhiều tổ chức chân sư thăng thiên trước đây là nhiều người đã đến với hình ảnh dựa trên sợ hãi về thày tâm linh. Trong một số tổ chức, họ đã tạo ra một nền văn hóa dựa trên sợ hãi, đưa ra quan niệm là các thày rất trọng kỷ luật, rất đòi hỏi, ảnh hưởng con bằng sợ hãi, nghi ngờ, hổ thẹn hay mặc cảm tội lỗi. Có những tổ chức được các thày bảo trợ và đã đem lại nhiều bài truyền đọc chân chính, nhưng tuy nhiên đệ tử trong các tổ chức này đã xây dựng một nền văn hóa dựa trên sợ hãi và mặc cảm tội lỗi. Con có biết hậu quả tai hại nhất của văn hóa này là gì chăng? Nó khiến những người chịu ảnh hưởng văn hóa đó nghi ngờ những nhắc nhở trực giác đến từ Hiện diện TA LÀ của họ. Họ tìm cách tuân theo văn hóa vỏ ngoài thay vì theo trực giác của họ.

Khi con khiến một người khác nghi ngờ trực giác của họ, thì đó cũng là cách nhanh nhất để con tạo nghiệp. Một lần nữa, thày không muốn gây sợ hãi khi thày nói vậy. Điều thày muốn trình bày là con có thể có một sứ giả chân chính đem lại những bài truyền đọc chân chính và đã tạo ra một tổ chức được các thày bảo trợ, nhưng những người trong tổ chức đó vẫn xây dựng được một nền văn hóa dựa trên sợ hãi. Một lần nữa, điều này không sai trái một cách vĩ đại vì việc mỗi người tới với phin lọc nhận thức của họ là một điều dễ hiểu. Lý do là sa nhân đã phóng chiếu ý tưởng này lên tâm thức đại chúng suốt một quá trình lịch sử dài. Dĩ nhiên là có một lý do vì sao các thày chỉ có thể bảo trợ trong một thời gian một tổ chức có văn hóa dựa trên sợ hãi và không chịu buông bỏ nó. Đó là lý do vì sao ở điểm này thày tìm cách giúp con nhận ra là đã đến lúc con buông bỏ hình ảnh dựa trên sợ hãi về cách con phải cư xử như một đệ tử tâm linh.

12.9. Tiếp nối so với sáng tạo

Con yêu dấu, điều thày nói ở trên dẫn ta tới một điểm, một đề tài rất vi tế. Ý tưởng đằng sau quan niệm định luật thiên nhiên phụ thuộc là chúng đem lại sự tiếp nối, vì chúng không thay đổi theo thời gian. Mơ ước của sa nhân là tạo ra một vũ trụ máy móc. Con có hiểu chăng điều họ thực sự muốn làm, dù ngay cả đa số họ cũng không ý thức điều này? Điều họ muốn làm là chế ra một con đường máy móc đưa tới cứu rỗi để họ có thể vào cõi thăng thiên mà không phải buông bỏ mọi tàn dư của cái ta tách biệt, mọi tàn dư của tâm thức sa nhân. Họ muốn ăn gian hay xông vào thiên đàng.

Dĩ nhiên là điều này không thể làm được. Tuy nhiên, để Luật Tự quyết có thể tự trải bày, các thày đã cho phép một số nhỏ hành tinh có độ dày đặc vật chất khiến gây ra cảm tưởng là có một số định luật thiên nhiên phụ thuộc không thay đổi theo thời gian. Các thày đã cho phép điều này vì như vậy không những sa nhân mà các sinh thể khác cũng được cơ hội sống hết ước muốn kiểm soát cho tới khi họ tới điểm nhận ra đây là một sự phù phiếm, hoặc họ giản dị chán ngán.

Có nhiều đệ tử tâm linh đã dùng một giáo lý tâm linh chân chính để củng cố niềm tin vi tế cho rằng con cần theo một số bước máy móc để hội đủ điều kiện thăng thiên (hoặc đạt được giác ngộ hoặc bất cứ mục tiêu nào khác). Con có thể nói là tất cả giáo lý mà các thày đã trao truyền có thể bị dùng cho mục tiêu này. Các thày đã cho con khái niệm 144 tầng tâm thức. Các thày đã cho con một khóa học có cấu trúc về tự điều ngự dẫn con đi từng bước một. Con có thể dùng các điểm này để củng cố tư duy máy móc khiến con nghĩ rằng con chỉ cần thực hành một số bước. Nhưng có phải chăng là các thày đã nói nhiều lần (nếu con thực sự chú ý nghe) là khóa học này không phải là một khóa học máy móc?

Dĩ nhiên là con có thể theo khóa học này một cách máy móc. Con có thể bắt đầu bằng quyển sách thứ nhất, đọc bài truyền đọc của bước thứ nhất, đi từ tầng tâm thức 48 lên tầng 49. Con có thể đọc bài thỉnh của bước đó mỗi ngày trong 9 hay 33 ngày hay bao nhiêu ngày mà con chọn. Nhưng điều này không có nghĩa là con sẽ tự động đi từ một tầng lên tầng kế tiếp.

Các thày lúc nào cũng nói là khóa học là một khóa học sáng tạo. Nó đòi hỏi con phải nhận ra một hiểu biết mới và nó đòi hỏi con phải lấy quyết định. Điều tối thiểu là con phải chấp nhận hiểu biết mới và qua đó buông bỏ ảo tưởng đã bị hiểu biết đó thay thế. Đây không phải là một tiến trình máy móc.

12.10. Mơ ước của sa nhân

Con đường vươn lên qua 144 tầng tâm thức đòi hỏi con dần dần buông bỏ những khía cạnh của cái ta tách biệt. Điều sa nhân mong muốn là được vào thiên đàng mà không cần buông bỏ cái ta tách biệt. Con yêu dấu, điều họ mơ ước là nếu họ gian lận vào được thiên đàng, thì họ đột nhiên có được tất cả quyền năng và do đó có thể biểu hiện quyền năng đó qua cái ta tách biệt và hoàn toàn làm chủ thế giới.

Dĩ nhiên là điều này không thể nào xảy ra vì khi con còn bất cứ ý định ép buộc người khác hay ép buộc thế giới, thì con không thể thăng thiên, con yêu dấu. Con cần phải hoàn toàn bất hung hãn, bất bạo động để có thể bước vào cõi tâm linh. Sa nhân tìm cầu điều không thể có, và ở tầng này con cần nhận ra là điều này không thể xảy ra.

Con cần tới điểm (con cần làm bất cứ điều gì con làm được với tâm ý thức để tới điểm này) con thực sự thấy điều này một cách ý thức và cảm thấy trong con có sự buông bỏ. Hiểu bằng trí năng và quyết định buông bỏ ảo tưởng bằng tâm đường thẳng và lý trí, không đủ. Con cần làm việc, nghiên cứu bài giảng này, nghiên cứu các bài giảng trước của thày, đọc bài thỉnh, nhìn mọi khía cạnh, xin thày trợ giúp, để con cảm thấy đây không phải là một quyết định vỏ ngoài. Đây không phải là một quyết định của tâm vỏ ngoài; nó tự phát từ bên trong tâm con. Có một quyết định, nhưng không phải một quyết định của ý chí, nó là một quyết định tự phát. Nó không phải là một quyết định dựa trên sợ hãi; nó là một quyết định dựa trên tình thương. Con thấy là con không còn muốn đi theo con đường giả này, con không còn muốn sống hết cuộc đời mình dựa trên ý tưởng vỏ ngoài là con phải như thế nào. Con muốn con là người con là ở mỗi lúc.

12.11. Sự sống còn của cái ta vỏ ngoài

Con yêu dấu, con thấy chăng là cái ta vỏ ngoài khẩn thiết muốn sống còn. Nó biết nó sẽ chết, nhưng nó muốn tạo ra cảm tưởng là nó có thể bất tử. Nó nghĩ để trở nên bất tử thì nó phải giữ nó bất biến với thời gian. Con có thấy chăng đây là mơ ước của sa nhân và mơ ước đằng sau các định luật thiên nhiên phụ thuộc? Họ muốn chế ra cái gì trường tồn, cái gì bất biến với thời gian. Con yêu dấu, là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ có nghĩa gì? Có nghĩa chăng là con luôn luôn như cũ? Không phải vậy đâu, điều này có nghĩa là con không bao giờ như cũ, vì bất kỳ Hiện diện TA LÀ muốn biểu hiện điều gì xuyên qua con trên trái đất, thì con cho phép điều đó xảy ra. Khi Giê-su đi trên trái đất 2,000 năm trước đây, thày không đi và suy nghĩ với tâm vỏ ngoài: “Ta là Ki-tô Hằng sống, ta phải xử sự đúng theo tiêu chuẩn này khi làm bất cứ điều gì.” Khi thày gặp một hoàn cảnh nào, thày không suy nghĩ với tâm vỏ ngoài: “Ta phải hành xử như thế nào trong hoàn cảnh này?” và sau đó ép buộc mình phải hành xử như vậy.

Không đâu, thày ở trong hoàn cảnh. Tâm vỏ ngoài của thày bị vô hiệu hóa, bất cứ tàn dư nào của tâm vỏ ngoài mà thày có bị vô hiệu hóa. Điều thày làm trước hoàn cảnh bên ngoài đó là thày đi vào nội tâm và một cách giản dị, trở nên hoàn toàn trung dung, hoàn toàn cởi mở. Lúc đó, Hiện diện sẽ hành động xuyên qua thày một cách tự do. Con có thể thấy là Giê-su (nếu con có thể đi cùng với thày) có thể gặp một người bị tật nguyền, chẳng hạn như có một cánh tay bị teo lại, và Giê-su chữa lành cho người đó. Hai tuần sau, thày lại gặp một người khác có tay bị teo lại, mà nếu con áp dụng tâm thức sa ngã thì con sẽ nói: “Giê-su sẽ chữa lành người này như thày vừa làm với người kia.”

12.12. Mỗi hoàn cảnh đều phức tạp

Điều con không thể thấy với tâm vỏ ngoài là tất cả sự phức tạp của một hoàn cảnh nào đó. Hiện diện TA LÀ của Giê-su biết hoàn cảnh nghiệp quả phức tạp của người đầu với cánh tay bị teo. Do đó, nó có thể thấy việc chữa lành cánh tay đó sẽ giúp hành tinh và người đó tiến triển. Cũng như vậy, Hiện diện TA LÀ có thể thấy là trong trường hợp người thứ nhì, chữa lành cánh tay không phải là điều hữu dụng.

Nếu con nhìn vào những hoàn cảnh này và phân tích mọi khía cạnh, con có thể lượng định, phân tích, giống như những gì khoa học gia có thể làm, để giải thích vì sao người đầu được chữa lành và người sau thì không. Con yêu dấu, vấn đề là lời giải thích này rất phức tạp và sẽ mất rất nhiều thì giờ để tìm ra nó. Con có thấy điều thày muốn nói ở đây là gì chăng?

Con sống trong đời và con gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giả thử con gặp một hoàn cảnh và con muốn dùng tâm vỏ ngoài để biết rõ con phải hành xử ra sao và vì sao lại làm vậy. Giả thử con được một lời giải thích viết thành một quyển sách dày 1500 trang, do đó con cần nhiều ngày để đọc xong quyển sách đó. Dĩ nhiên là khi con đọc xong quyển sách và hiểu bằng tâm vỏ ngoài là con phải hành xử ra sao, thì hoàn cảnh đã thay đổi và lúc đó đã quá trễ để hành động.

Nếu con muốn nhìn một cách cùng cực hơn, giả thử con đang đi trong rừng rậm và con nghe thấy tiếng động xào xạc dưới bụi cây. Con muốn hiểu tình hình với tâm vỏ ngoài và con cần năm phút để hiểu tình hình. Lúc đó, con sư tử đã vồ lấy con và ăn thịt con.

Con có thể thấy cách hành xử trên không đúng theo tinh thần của một sinh thể Ki-tô. Là một sinh thể Ki-tô không có nghĩa là con có một lời giải thích bằng tâm vỏ ngoài phải hành xử như thế nào trong mọi hoàn cảnh. Không có nghĩa là con biết hết mọi chuyện, mọi khía cạnh của một hoàn cảnh. Là một sinh thể Ki-tô có nghĩa là con luôn luôn hòa điệu với Hiện diện TA LÀ và con tuân phục xung lực đến từ Hiện diện TA LÀ trong mỗi cảnh huống.

Con không tìm cách ép buộc con phải hành động y như những gì con đã làm trong quá khứ trong cùng cảnh huống. Con không áp đặt bất cứ cái phải là nào lên trên một hoàn cảnh. Con không tìm cách hành động một cách bất biến. Con tìm cách hành động tự phát trong mọi tình huống. Đó là ý nghĩa của quả vị Ki-tô.

12.13. Tự phát mà không phân tích

Có một số học viên đã xây dựng ý tưởng rằng con đường tâm linh có nghĩa là càng ngày càng biết và hiểu nhiều hơn với tâm vỏ ngoài, trí đường thẳng, trí năng. Họ nghĩ rằng rốt cuộc họ sẽ tới điểm mà họ biết mọi thứ và có thể giải thích mọi thứ. Do đó, trong mọi cảnh huống, họ có thể biết điều gì đúng để làm.

Sau đó, con cũng có cùng những học viên đó, sau khi họ hành động trong hoàn cảnh nào đó, họ phân tích hành động của mình một cách chi tiết tỉ mỉ và hay “dằn vặt mình” vì kết quả không bao giờ tốt đủ. Con yêu dấu, con thấy chăng là khi con hành xử dựa trên ý tưởng con phải làm như thế nào đó, điều gì sẽ tất nhiên xảy ra? Sau khi con đã hành động và đối mặt với kết quả của việc mình làm, con sẽ phải phán xét mình và kết quả của việc mình làm.

Hành động của con có đạt được yêu cầu của hình ảnh toàn hảo mà con phải noi theo? Có bao nhiều lần hành động của con đạt được yêu cầu của hình ảnh toàn hảo? Con bước vào tiến trình phải đối phó với nỗi đau đã không làm đúng theo hình ảnh toàn hảo, phải giải thích điều này một cách nào đó, phải phân tích nó, phải coi nó như một cơ hội học hỏi và ép buộc mình phải học từ đó.

Chắc con cũng hiểu là khi con tiến tới quả vị Ki-tô, cách vận hành này sẽ tan biến đi? Con không phân tích vì con biết con đã hòa điệu với Hiện diện. Đây là điều Hiện diện muốn làm trong hoàn cảnh đó và dù hậu quả là gì chăng nữa, đây là điều tốt nhất có thể xảy ra trong hoàn cảnh đó. Điều này không có nghĩa là con, như một sinh thể Ki-tô, lúc nào cũng làm được điều mang lại kết quả lý tưởng hay toàn hảo. Nếu con nhìn vào đời của Giê-su, con sẽ thấy là có lúc thày đã không đạt được kết quả tối hảo trong một cảnh huống. lý do là vì những người khác liên hệ đến cảnh huống đó đã không phản ứng một cách cao nhất. Giê-su đã làm điều thày có thể làm bằng cách hòa điều với Hiện diện TA LÀ của thày. Thày cho những người khác cơ hội thăng vượt trình độ tâm thức của họ và vươn lên cao hơn, nhưng họ chọn không lấy cơ hội đó và do đó kết quả kém hơn lý tưởng. Tuy nhiên, Giê-su không quay vào bên trong, phân tích và dằn vặt mình về chuyện đó vì thày biết một cảnh huống không đứng yên với thời gian. Cuộc sống là một tiến trình luôn chuyển động. Một sinh thể Ki-tô không có mục tiêu tạo ra một kết quả vỏ ngoài nào đó và duy trì nó với thời gian.

12.14. Quả vị Ki-tô và sự trường tồn

Một sinh thể Ki-tô không đi tìm sự trường tồn, bất biến, liên tục. Một sinh thể Ki-tô luôn luôn tìm cách đẩy cho tiến trình sự sống tuôn chảy. Vị ấy biết sự sống là một dòng sông luôn tuôn chảy. Khi con có một tình cảnh, bất kể kết quả là gì, dòng sông sẽ vẫn tuôn chảy. Điều quan trọng không phải là phân tích xem kết quả có phải như vậy hay không nên như vậy. Điều quan trọng là nói: “Bây giờ kết quả là thế này, bước kế tiếp là gì đây? Làm sao chúng ta có thể đẩy tình cảnh tiến tới để chúng ta tiếp tục tiến lên với tiến trình sự sống?”

Sa nhân lúc nào cũng làm việc để đạt kết quả mà họ hình dung. Một sinh thể Ki-tô không đi tìm một kết quả cuối cùng, có thể ngoại trừ sự thăng thiên của một hành tinh hay sự thăng thiên của mọi người trên hành tinh. Đúng thực là một sinh thể Ki-tô nhìn cuộc sống như tuôn chảy theo dòng sông, giúp mọi người thăng vượt hoàn cảnh hiện nay của họ, trạng thái tâm thức hiện nay của họ và tiếp tục tiến triển.

Con có thấy chăng là điều sa nhân đã làm với định luật thiên nhiên phụ thuộc là tìm cách ngưng không để Dòng Sông sự Sống tuôn chảy? Họ đã tìm cách tạo ra một tình trạng trong đó họ có thể duy trì một trạng thái nào đó lâu dài. Thí dụ, con thấy là họ đã mơ ước tạo ra một nền văn minh, như Đế quốc La mã, hay Liên bang Sô viết, hay thể chế tư bản, và có thể duy trì một trạng thái mãi mãi. Con yêu dấu, đó lúc nào cũng là một trạng thái trong đó sa nhân đóng vai trò lãnh đạo và tất cả mọi người làm nô lệ. Họ nắm quyền kiểm soát, họ có địa vị quyền lực và đặc quyền. Bất biến là điều sa nhân mong muốn.

Thăng vượt là điều các chân sư thăng thiên mong muốn. Thăng vượt liên tục là điều các thày mong muốn. Con yêu dấu, con thấy chăng là ở điểm này của con đường tu của con, thày muốn con xem xét: Hình ảnh con có về chính mình nói gì về mục tiêu mà con muốn đạt được? Con có viễn kiến con đường tâm linh sẽ dẫn con tới đâu? Con đang làm việc để đạt được mục tiêu tối hậu nào?

Con có chăng một hình ảnh cố định trong tâm về mục tiêu mà con muốn đạt được khi con hoàn tất khóa học tự điều ngự này và đạt được tầng tâm thức 96? Con có chăng một hình ảnh cố định thế nào là một sinh thể Ki-tô? Con có chăng một hình ảnh cố định thế nào là một chân sư thăng thiên? Nếu thế thì thày muốn con xem xét một cách ý thức là những hình ảnh đó không phù hợp với thực tại vì đường tu là sự thăng vượt liên tục. Con yêu dấu, nó không bao giờ chấm dứt.

12.15. Bất toại nguyện với chính mình

Nếu con đang cố gắng đạt một mục tiêu cố định, thày có thể bảo đảm với con là con sẽ không bao giờ tới đó và điều này có nghĩa là con sẽ mãi mãi bất toại nguyện với chính mình. Thày không muốn con bất toại nguyện với chính mình và sự tiến triển của mình. Thày muốn con cảm thấy và chấp nhận là con đang ở đúng chỗ con cần ở vào lúc này. Thày muốn con cảm thấy hoàn toàn bình an biết rằng con đang ở đúng chỗ con cần ở. Con cũng sẽ tiến lên tầng kế tiếp và con sẽ hài lòng ở nơi đó. Vì sao con phải suốt đời bất toại nguyện với chính mình?

Con yêu dấu, con có thấy chăng là nhiều đệ tử tâm linh hài lòng hơn, an bình hơn với cuộc đời mình trước khi tìm ra con đường tâm linh? Từ khi con tìm ra con đường tu, con có một mục tiêu mà con cảm thấy phải cố gắng đạt được. Con biết là con chưa tới đó và do đó con cảm thấy có khoảng cách, có sự trống vắng. Thày biết là lúc này con chưa sẵn sàng vượt qua sự trống vắng đó. Thày biết là con đã sẵn sàng để có một ý tưởng gieo vào trong tâm là sẽ có một lúc con sẽ sẵn sàng đối mặt nó và vượt qua nó. Điều này không cần thiết, nhưng nó là sản phẩm không thể tránh của ý tưởng rằng con phải là cái gì đó.

Con yêu dấu, con có thấy chăng hình ảnh mà con đang áp đặt lên chính mình ngay lúc này, quy định thế nào là một đệ tử tâm linh? Con có thấy nó chăng? Nếu con không thấy, con hãy xin thày giúp, và thày sẽ giúp con trong lúc con tiếp tục học bài này. Khi con thấy nó, con có thể nào buông bỏ nó và cho phép mình hơn là hình ảnh đó?

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Bây giờ thày hơn là khi thày bắt đầu bài truyền đọc này. Con có hơn là khi con bắt đầu đọc hay nghe nó chăng?

Làm sao ngưng phóng chiếu ra ngoài

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 15/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Con gặp gì khi con tới tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày? Con gặp nhu cầu đối phó với một ảo tưởng vi tế khác, một ảo tưởng rất khó vượt qua, một khai ngộ khó khăn khác. Thày có nói là con có thể đã theo con đường tâm linh trong nhiều năm, ngay cả học giáo lý chân sư thăng thiên trong nhiều năm, nhưng vẫn còn một số ảo tưởng về điểm cốt yếu của con đường tâm linh.

Con yêu dấu, con có thể có hai cách nhìn. Dĩ nhiên con biết câu chuyện cũ về ly nước nửa đầy hay nửa vơi. Cũng giống vậy, một số đệ tử tâm linh, khi nhận ra là họ đã có một ảo tưởng hay đã làm việc gì không được cao cả nhất, có khuynh hướng nhìn khía cạnh tiêu cực và thấy là họ đã làm gì sai. Có nhiều cảm xúc liên hệ, như sợ hãi, hổ thẹn, hay tội lỗi.

Một số đệ tử khác nhìn sự việc một cách tích cực hơn và nhận ra mình đã nắm chặt một ảo tưởng là một điều tốt. Vì như vậy họ được giải thoát để lên tầng cao hơn của đường tu. Thái độ này, dĩ nhiên, là điều thày muốn con đạt được khi con tới tầng này của khóa nhập thất của thày.

10.1. Một ảo tưởng ở mỗi bước trong số 144 bước

Nếu con lùi lại và nhìn vào con đường tâm linh, thì con thấy là các thày có nói là con cần đi qua 144 tầng trước khi con sẵn sàng thăng thiên. Các thày cũng có nói là ở mỗi tầng có một trạng thái tâm thức tương ứng với tầng đó. Gắn liền với trạng thái tâm thức ở mỗi tầng là một ảo tưởng nào đó. Ảo tưởng này không nhất thiết là một ảo tưởng tiêu cực.

Khi con ở dưới tầng tâm thức 48, con nắm chặt ảo tưởng cho rằng con là một sinh thể tách biệt và con sẽ không bị hậu quả nếu con cư xử xấu với người khác hoặc con có quyền cư xử xấu với người khác. Khi con lên trên tầng 48, con có một loại ảo tưởng khác nhằm giữ con ở một trình độ nào đó. Những ảo tưởng này không nhất thiết hung hãn hay phá hoại, do đó không có lý do cảm thấy tiêu cực vì có chúng.

Con có thể nói là ở tầng tâm thức hiện nay của con, việc con không nhìn ra ảo tưởng tương ứng với tầng tâm thức đó là điều không thể tránh được. Nếu con đã nhìn ra ảo tưởng đó, con đã thăng lên tầng kế tiếp rồi. Con có thể nhìn con đường tâm linh như một tiến trình qua đó, từng bước một, con nhận ra ảo tưởng nào đó, và do đó buông bỏ và vượt qua nó.

Có thể nói con đường tu là như thế, và do đó con có thể tới điểm mà con không xem chuyện này là tiêu cực. Con không ngần ngại nhận ra ảo tưởng. Con cởi mở; con sẵn sàng nhận ra ảo tưởng. Trên thực tế, con tìm xem ảo tưởng kế tiếp là gì: “Ở bước này, ảo tưởng mà con cần vượt qua là gì?” Rồi khi con bắt đầu thấy nó, con vui mừng là bây giờ con thấy được nó và chuyện tu gần giống như một trò chơi thể thao.

Con có những trò chơi vi tính trong đó con đi trong đường hầm và có một số quái vật nhảy ra và con phải bắn giết chúng. Con có thể nhìn con đường tu một cách tương tự: con đi trên đường tu và ở mỗi tầng có một ảo tưởng nhảy ra trước mặt con, đó là cơ hội để con thấy nó, nhìn kỹ nó, thấy bản chất thật của nó, và sau đó buông bỏ nó và vượt qua nó.

10.2. Khiến con đường tu dễ dãi hơn cho con

Nếu con có thái độ này, thì phần còn lại của khóa học này và của con đường tu cho tới khi con sẵn sàng thăng thiên sẽ dễ dàng hơn cho con rất nhiều. Con không phải gánh chịu phản ứng không tránh được của tự ngã (hay là kẻ đứng trên ngưỡng cửa) muốn con dính mắc vào ảo tưởng ở mỗi tầng.

Con yêu dấu, con hãy tưởng tượng con duyệt qua những ảo tưởng từ tầng hiện nay của con đến tầng thứ 144 và ở mỗi bước con phải đánh nhau với tự ngã và kẻ đứng trên ngưỡng cửa. Tại sao con lại phải làm vậy khi con có thể khiến mọi chuyện dễ dãi cho con hơn bằng cách đứng lui lại và lấy thái độ coi đường tu cốt yếu là để thấy và vượt qua từng ảo tưởng một? Giống như chơi một trò chơi vi tính tương đối vô hại trong đó con tuần tự tiến lên qua một số tầng, thì trên con đường tu con có thể có cảm giác tương tự giống như khi con trong môi trường ảo của trò chơi vi tính. Thày không nói là những gì con người làm trên trái đất không có hậu quả hệ trọng hơn một trò chơi vi tính. Nhưng con có thể tránh đi vào phản ứng tiêu cực. Thày hy vọng là con tới điểm con không còn xem các bước sáng ngộ trên con đường tu hệ trọng đến độ mỗi bước trở thành một gánh nặng lớn và một bi kịch vĩ đại đối với con.

10.3. Chân lý là gì?

Ở tầng này của khóa nhập thất của thày, con phải đối phó với ảo tưởng nào? Có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên (trong đó có người đã học giáo lý của các thày từ nhiều chục năm) đã có niềm tin – và đây là điều dễ hiểu – là giáo lý các thày dạy cho con chân lý; chân lý cao nhất. Dĩ nhiên là con cũng biết là một khía cạnh của Tia thứ Năm là Chân lý. Như Pontius Pilate có hỏi Giê-su: “Chân lý là gì?”. Đây chính là một câu hỏi mà nhiều học viên đã không xem xét, và con cần xem xét câu hỏi này ở tầng này của khóa nhập thất của thày.

Chân lý là gì? Chúng ta hãy tạm thời đứng lui lại và hỏi một câu khác: “Có cái gì thật sự là chân lý chăng?” Với hầu hết mọi người, trong khái niệm chân lý cũng có khái niệm phản chân lý, khái niệm dối trá. Chân lý tương phản với dối trá, và đây là cái gì? Hai đối cực dính liền với nhau, con yêu dấu, đây chính là nhị nguyên, phải không con?

Dĩ nhiên là thày biết là tâm nhị nguyên có thể lấy bất cứ trạng thái nào và tạo ra một hoàn cảnh mới trong đó có hai đối cực. Các thày có thể nói là một chân lý không nhị nguyên. Nó có mặt ở đây. Trong cõi thăng thiên, các thày biết chân lý. Thày ở trên Tia thứ Năm và thày biết chân lý rất rõ vì thày mỗi lúc trải nghiệm chân lý như một thực tại hằng sống, một ngọn lửa tâm linh. Chân lý mà thày trải nghiệm trên cõi thăng thiên không có cái đối nghịch. Nó không tương phản với một cái đối nghịch. Nó không tương phản với phản chân lý hay dối trá.

Điều con cần nhận ra ở tầng này của khóa nhập thất của thày là có sự khác biệt giữa chân lý không nhị nguyên và chân lý nhị nguyên. Chân lý nhị nguyên có cái đối nghịch, do đó con nhận ra cái mà đại đa số con người trên trái đất xem là chân lý quả thực là một khái niệm nhị nguyên vì nó có cái đối nghịch. Tỷ dụ, con sẽ thấy là những người theo đa số các tôn giáo hay đạo sư Thời đại Mới, cho rằng tổ chức của họ có chân lý, giáo lý tâm linh cao nhất, và tất cả những giáo lý khác thấp hơn hay thậm chí còn là phản chân lý.

10.4. Khác biệt giữa sự thật và “Chân lý”

Con yêu dấu, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, không có gì có thể gọi là chân lý. Con có thể nghĩ là nếu con nhìn vào tất cả các tôn giáo và triết lý tâm linh, con có thể xếp chúng trên một thang điểm và nói là có cái có một mức độ chân lý thấp và có cái có mức độ chân lý cao. Thày sẽ không phủ nhận là điều này không thể làm được vì dĩ nhiên là có một số triết lý do sa nhân trực tiếp tạo ra và do đó bao gồm nhiều hơn những ảo tưởng vi tế của họ.

Con cần nhận ra là ngay cả một giáo lý hoàn toàn do sa nhân tạo ra cũng có một số khái niệm mà đa số người tâm linh xem là thật. Nếu không như thế thì con người đã không bị giáo lý đó lừa gạt. Sa nhân không tạo ra một giáo lý trong đó mọi thứ đều sai hay đều là dối trá. Họ tạo ra một giáo lý trong đó có nhiều điều mà chúng ta có thể gọi là thật, nhưng có một số khái niệm sai lầm trộn vào. Con người chấp nhận giáo lý đó vì những điều mà họ nhận ra là thật, nhưng sau đó họ cũng chấp nhận những khái niệm sai lầm, và điều này dẫn họ theo con đường giả.

Con yêu dấu, con có thấy chăng là trong đoạn vừa rồi (nếu con chú ý) chính thày là chân sư thăng thiên, cũng gặp khó khăn dùng từ “sự thật” hay “chân lý” mà không đi vào một lượng định nhị nguyên tương phản nó với phản sự thật. Chúng ta hãy tạm để vấn đề này qua một bên. Điều mà thày muốn chúng ta chú tâm vào là nếu chúng ta lấy tất cả các tôn giáo và triết lý tâm linh và tạo ra một thang điểm xếp hạng chúng theo mức độ sự thật, thì các đệ tử chân sư thăng thiên sẽ có khuynh hướng nói rằng giáo lý chân sư thăng thiên được công bố như bài truyền đọc qua một sứ giả được bảo trợ, có mức độ sự thật cao nhất. Điều này vừa đúng vừa không đúng.

Dĩ nhiên, đúng là giáo lý các thày được trao truyền với mục đích duy nhất là giải thoát các con. Giáo lý không có những điểm sai cố ý nhằm đánh lừa con, như giáo lý của sa nhân. Nhưng con cần nhận ra rằng tuy các thày cho con một giáo lý thật, các thày không cho (và không tìm cách cho con) “Chân lý”. Chúng ta hãy phân biệt ở đây sự khác biệt tinh tế giữa chân lý“Chân lý”.

Chân lý, hay sự thật, là một khái niệm nói chung. Một điều nào đó có thể chất chứa nhiều hay ít sự thật. Nhưng trong tâm thức đại chúng có một khái niệm về cái gì gọi là “Chân lý”. Đây là ý niệm có một giáo lý cao nhất, một sự thật tuyệt đối. Tỷ dụ, con thấy là nhiều người tín đồ Cơ đốc coi Thánh kinh là Lời của Thượng đế, tuyệt đối và không thể sai. Đối với họ, Thánh kinh là “Chân lý”, là thiên khải tuyệt đối cao nhất có thể trao truyền trên hành tinh này.

10.5. Các chân sư không trao truyền “Chân lý”

Con yêu dấu, các chân sư thăng thiên không bao giờ mong muốn đệ tử coi giáo lý của các thày, dù được trao truyền qua một sứ giả được bảo trợ, giống cách người Cơ đốc cực chính thống coi Thánh kinh của họ. Nếu con làm vậy, con đã hụt mục đích chính trong giáo lý các thày. Các thày không tìm cách cho con “Chân lý”, một giáo lý tuyệt đối cao nhất và do đó toàn hảo, sẽ không thay đổi theo thời gian, và không bao giờ cần khai triển hay nới rộng. Đây không phải là mục đích của các thày. Mục đích của các thày là gì?

Mục đích của các thày là gặp gỡ con ở tầng tâm thức nơi con có thể thấu hiểu giáo lý của các thày (tất cả mọi khía cạnh của giáo lý) và sau đó trao cho con điều giúp con bước lên cao hơn. Các thày không tìm cách trao truyền một giáo lý tuyệt đối, không thể sai và không bao giờ thay đổi. Các thày lúc nào cũng tìm cách giúp con tiến lên như một cá nhân để con có thể tới tầng 144 và hội đủ điều kiện thăng thiên. Các thày cũng muốn nâng tâm thức đại chúng, và con cần nhận ra một sự kiện giản dị. Với tầng tâm thức đại chúng hiện nay, những gì các chân sư thăng thiên có thể trao truyền bị hạn chế dù là các thày truyền qua một người sứ giả được các thày đỡ đầu.

Các thày không có tự do nói bất cứ điều gì vì nếu điều các thày nói quá cao so với tâm thức đại chúng thì rất ít người hiểu được. Trong thời đại này các thày không muốn chỉ đi đến một số ít người. Các thày cũng không muốn đi đến tất cả mọi người, nhưng các thày đang tìm cách đi đến nhiều người hơn trước kia. Nếu con nhìn vào các tổ chức mà các thày đã bảo trợ trong thế kỷ vừa qua, con sẽ thấy là lúc ban đầu các thày trao truyền một giáo lý rất khó tiếp nhận, dùng ngôn từ cổ điển, và do đó chỉ thu hút một số nhỏ. Sau đó, các thày dã dần dần trao truyền giáo lý dễ hiểu hơn và do đó thu hút được nhiều người hơn. Điều này dĩ nhiên các thày sẽ tiếp tục làm vì tâm thức đại chúng đang được nâng lên.

Vì tâm thức đại chúng được nâng lên, các thày có thể làm hai chuyện. Điều thứ nhất là các thày có thể trao truyền một giáo lý cao hơn những gì các thày đã làm trước kia, nhưng điều thứ hai là các thày cũng có thể tác động khía cạnh Omega bằng cách đem tới một giáo lý có thể thu hút một cử tọa rộng lớn hơn. Dĩ nhiên là các thày sẽ làm cả hai chuyện đó khi tâm thức đại chúng được nâng lên trong vòng mấy thập niên và thế kỷ tới khi chúng ta càng ngày càng đi sâu vào Thời Hoàng kim.

10.6. Hãy cân nhắc chuyện tham gia vào các tổ chức

Điều con cần nhận ra ở tầng này của khóa nhập thất của thày là mục tiêu của các thày không phải là trao truyền “Chân lý”. Tất cả những gì các thày làm chỉ có một mục đích, đó là giúp những người đang ở một tầng tâm thức nào đó thăng vượt tầng này và tiến lên cao hơn. Con cần xem xét điều này với tâm ý thức của con.

Khi con tới khóa nhập thất của thày trong ba thể cao của con, con không thể tiến lên tầng kế tiếp nếu con không hiểu ra điều này. Điều rất quan trọng là sự nhận biết này (mà con có thể có rất dễ dàng ở tầng ê-the) thấm xuống tâm ý thức của con. Điều quan trọng khác là con sẵn sàng, trong tâm ý thức, dùng lý trí phê bình để xem xét thái độ của con đối với các giáo lý tâm linh cho tới thời điểm này.

Thày biết đây là một việc khó khăn, có thể đau lòng, đối với một số người. Con cần nhìn vào chính mình và thái độ đối với con đường tu, dù có thể đau lòng, và làm những điều chỉnh cần thiết. Khi con làm xong những điều chỉnh này, thày bảo đảm với con là con sẽ cảm thấy giải thoát ˗ giải thoát khỏi gánh nặng đã đè lên con từ ngày con bước chân trên con đường tu. Con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, và con sẽ sẵn sàng đón nhận một quan niệm hoàn toàn mới về con đường tâm linh.

10.7. Vì sao không có chân lý tuyệt đối

Con yêu dấu, chúng ta hãy xem xét trở lại khái niệm “Chân lý”. Thày có nói là các thày không thể đem xuống một giáo lý tuyệt đối vì con người không thể tiếp nhận nó ở tầng tâm thức hiện nay của họ và ở tầng tâm thức đại chúng hiện nay. Đó chỉ là một phần lý do vì sao các thày không đem xuống một giáo lý tuyệt đối. Phần kia của lý do là các thày nhận ra là không thể đem một giáo lý tuyệt đối xuống một bầu cõi chưa thăng thiên.

Trái đất dĩ nhiên không phải là hành tinh có tâm thức cao nhất trong vũ trụ vật chất. Có hành tinh có tâm thức cao hơn trái đất rất nhiều. Ở các hành tinh đó, các thày có thể đem xuống một giáo lý cao hơn rất nhiều những gì các thày có thể đem xuống trái đất. Tuy nhiên, nếu bầu cõi chưa thăng thiên, đó vẫn không phải là một chân lý tuyệt đối không bao giờ thay đổi. Con có thể nói là không có một chân lý tuyệt đối không bao giờ thay đổi vì trên cõi thăng thiên cũng có sự tiến bộ liên tục, tăng trưởng liên tục, thăng vượt liên tục. Khi toàn thể vũ trụ tự nâng lên, tự thăng vượt thì chân lý tiếp tục lên cao hơn. Chân lý cũng có tính thăng vượt, và nó chuyển đổi khi tâm thức được nâng lên. Chuyện này cứ tiếp tục như thế cho tới khi con đạt Tâm thức đấng Sáng tạo. Điều con cần làm ở tầng tâm ý thức là nhìn vào điều này và nhận ra là nếu con đi vào con đường tâm linh với ham muốn tìm ra chân lý tuyệt đối, thì con phải buông bỏ ham muốn đó vì nó là một cái gông quanh cổ sẽ trì kéo con lại. Ở trình độ hiện nay của con, con không nên đặt mục tiêu thấy được các đám mây sẽ tẽ ra và con sẽ khải ngộ chân lý tuyệt đối. Các đám mây rất có thể sẽ tẽ ra và con có kinh nghiệm nội tại về cõi tâm linh. Như các thày đã nói nhiều lần, cái Ta Biết thực sự có khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm và kinh nghiệm Hiện diện TA LÀ, các tầng tâm thức cao hơn, ngay cả cõi tâm linh. Con cũng có thể kinh nghiệm chính đấng Sáng tạo như một trạng thái Sinh thể thuần khiết. Điều con nhận ra, khi con có những trải nghiệm thần bí như vậy, là chúng không thể diễn tả bằng lời. Nếu con tìm cách mô tả chúng bằng lời, con giảm thiểu sự trải nghiệm.

10.8. Chân lý không thể diễn tả bằng lời

Các thày trước đây có đưa thí dụ khi con gặp một người chưa bao giờ nếm trái táo, rất khó để mô tả cho người đó hương vị trái táo vì đó là một trải nghiệm toàn bộ. Điều thày muốn nói là không thể trình bày “Chân lý” bằng ngôn từ.

Con không thể diễn tả một sự thật tuyệt đối bằng lời nói. Thày đã nói về các hành tinh có trình độ tâm thức đại chúng cao hơn, nhưng điều đó có nghĩa cư dân các hành tinh không giao tiếp với nhau bằng ngôn từ, hay ít nhất là chỉ bằng ngôn từ. Điều này có nghĩa là các thày có thể đem xuống đó một giáo lý tòan diện hơn bao gồm một số khía cạnh không diễn tả bằng ngôn từ, và điều này giúp các thày cho cư dân nơi đó một trải nghiệm đày đủ hơn về sự thật.

Con hiểu rằng điều các thày muốn đạt được là dẫn con tới chỗ con có kinh nghiệm thần bí. Con nhận ra có một trải nghiệm cao hơn những gì được diễn tả bằng ngôn từ. Các thày muốn con có trải nghiệm này và đó là mục tiêu của các thày khi con tới khóa nhập thất. Các thày cũng hy vọng là các quyển sách này cùng với giáo lý và các bài thỉnh sẽ giúp con mở tâm (bốn tầng của tâm) ra để con có những trải nghiệm này. Ngôn từ chỉ là phương tiện để đạt một cứu cánh, phương tiện để đưa tới trải nghiệm.

10.9. Phải hành xử ra sao với kinh nghiệm thần bí

Bây giờ, dĩ nhiên, chúng ta gặp một ảo tưởng vi tế khác mà con cần nhìn thấy. Thày có nói về những người Cơ đốc giáo cực chính thống coi Thánh kinh là Lời Thượng đế. Khi con đi vào tâm của những người này, con thấy là có một số người thực sự tin chắc như vậy vì họ đã có một trải nghiệm mà con có thể gọi là trải nghiệm thần bí. Họ đã trải nghiệm tâm thức họ lên một tầng cao hơn bình thường và họ thốt nhiên “thấy”là Thánh kinh là Lời Thượng đế và Giê-su là con đường duy nhất dẫn tới cứu rỗi. Họ trải nghiệm điều này như một kinh nghiệm nội tâm toàn bộ tạo nơi họ một cảm giác choáng ngợp mà họ cảm thấy hoàn toàn thật.

Con yêu dấu, làm sao lại có thể có (khi con biết là Thánh kinh không phải là Lời nguyên văn của Thương đế) một trải nghiệm Thánh kinh là Lời Thượng đế và cảm thấy trải nghiệm này hoàn toàn thực? Ấy, điều này có thể xảy ra vì lý do giản dị là con ở một tầng tâm thức nào đó trong số 144 tầng tâm thức. Như thày đã nói, ở mỗi tầng tâm thức có một ảo tưởng liên quan tới tầng đó. Con có thể bước ra ngoài ảo tưởng đó và thấy cái gì cao hơn, và khi con làm thế, con cảm thấy điều mình thấy rất thật. Trong quá trình lịch sử, hàng triệu người đã có trải nghiệm thần bí. Con yêu dấu, các trải nghiệm này đa phần là chân thật. Những người có trải nghiệm này cảm thấy chúng rất thật. Nhưng sự thực là họ cảm thấy chúng rất thật vì chúng vượt quá tầng tâm thức hiện tại của người trải nghiệm. Chúng không chỉ cho họ thực tại tuyệt đối, cao nhất có thể đạt được.

10.10. Ảo tưởng của sự thực tuyệt đối trong lịch sử

Vấn đề là con người không thể thấy điều này ở các tầng tâm thức thấp. Thày Serapis Bey không giảng đề tài này như thày giảng cho con, vì con chưa sẵn sàng khi con tham dự khóa nhập thất của thày Serapis Bey. Khi con tới tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày thì con sẵn sàng thấy với tâm ý thức của con. Đó là lý do vì sao thày giảng điều này. Con yêu dấu, con thấy chăng là ngay lúc này, con đang có một ảo tưởng, và ảo tưởng này có thể là con nghĩ phải có một chân lý cao nhất. Con bây giờ đã sẵn sàng để nhìn quá ảo tưởng này.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lịch sử thế giới để xem xét ảo tưởng này đã tạo ra những gì. Ngay lúc này, trong lúc thày đang truyền đọc bài giảng này, ở Trung đông có một phong trào gọi là ISIS hay IS. Họ là những người Hồi giáo cực đoan cảm thấy giết người không theo đạo Hồi là điều hoàn toàn chính đáng, và giết luôn cả những người Hồi giáo mà họ nghĩ đang không đi theo con đường chân thật duy nhất. Đa số con người, dĩ nhiên, có thể thấy đây là hình thức cuồng tín. Nhiều người ở Tây phương tự nghĩ: Tại sao lại có người tin như vậy, tại sao họ lại có thể cư xử như vậy? Con nên hiểu là đa số những người cư xử như vậy đã có một trải nghiệm nội tâm mà họ cảm thấy rất thật. Với họ, kinh nghiệm nội tâm này chứng thực niềm tin là truyền bá đạo Hồi là điều cần thiết, ngay cả dùng bạo lực cũng được, và Thượng đế sẽ thưởng họ khi họ làm vậy. Con hãy nhìn suốt chiều dài lịch sử thế giới và thấy đã có bao nhiêu lần con người đã gây chiến tranh với tư duy cuồng tín, tin rằng có một đại nghĩa quan trọng đến độ giết người khác trở nên chính đáng. Con yêu dấu, điều này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong lịch sử. Thày biết là con đã vượt lên trên tầng tâm thức cho rằng giết người để xiển dương một đại nghĩa nào đó là điều chính đáng. Điều thày muốn con làm là con đi bước cuối cùng trong việc buông bỏ hạt giống cuối cùng của tâm thức cuồng tín đó. Đó là khi con, với tâm ý thức, nhận ra và nhìn nhận là không có một đại nghĩa nào trên trái đất biện minh cho việc giết người khác.

Con yêu dấu, chân lý không đáng để chúng ta bỏ mạng và giết người. Lý do rất giản dị. Chân lý là một khái niệm tùy thuộc vào trạng thái tâm thức hiện thời của con. Khi con còn ở trên trái đất, và đúng thực là ngay cả ở cõi thăng thiên, lúc nào con cũng có thể nâng tâm thức mình lên và thấu hiểu một biểu hiện chân lý cao hơn điều mà con có thể hiểu hiện nay.

Giết một mạng người (cũng như là hại mạng mình khi mình tham dự chiến tranh với tư duy cuồng tín và bị giết) là một hành động tuyệt đối vì nó vĩnh viễn chấm dứt cơ hội đặc trưng của kiếp sống đó. Đúng là linh hồn không chết và sẽ đầu thai trở lại, nhưng nó không thể nào đầu thai trở lại trong cùng hoàn cảnh bên ngoài. Do đó, cơ hội đặc trưng của kiếp sống đó bị chấm dứt vĩnh viễn khi người đó bị giết. Trong khi đó, chân lý không tuyệt đối, không vĩnh viễn. Vậy con có thể thấy: làm sao việc bảo vệ một chân lý không vĩnh viễn có thể biện minh cho một hành động tuyệt đối, vĩnh viễn là việc giết người?

10.11. Vượt qua tư duy cuồng tín

Có đệ tử chân sư thăng thiên vẫn giữ trong mấy chục năm niềm tin là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đúng là họ thấy trong thời Đức Quốc Xã hay thời Cộng sản là những chủ nghĩa đó không biện minh cho việc giết chóc. Nhưng họ vẫn nghĩ là có thể có một chính nghĩa quan trọng đến độ việc giết người có thể chính đáng. Con yêu dấu, điều này giản dị không đúng. Con cần thấy điều này bằng tâm ý thức, buông bỏ ảo tưởng một cách ý thức vì nó là cái gông trên cổ con. Nó là một lỗ hổng cho sa nhân xâm nhập và khuynh loát con một cách vi tế. Con không thể tiến xa hơn tầng này của con đường tu nếu con không buông bỏ một cách có ý thức niềm tin này.

Tư duy cuồng tín đã biểu lộ một cách hiển nhiên trên hành tinh này. Dĩ nhiên là những phong trào cuồng tín hiển nhiên, như Đức quốc xã hay Cộng sản, đã do sa nhân khởi xướng. Như các thày đã tìm cách giảng cho con, có nhiều trình độ sa nhân. Một số sa nhân thô thiển hơn và một số khác tinh vi hơn. Chắc con cũng nhớ, dĩ nhiên, là Thánh kinh nói rắn là ác thú xảo quyệt nhất. Con thấy là các hình thức cuồng tín hiển nhiên, như ISIS, Đức quốc xã hay Cộng sản, luôn luôn do sa nhân thô thiển khởi xướng. Con có thể nhìn vào Hitler và con thấy là tuy rằng y có khả năng thu hút quần chúng nhưng y không thực sự là một nhà tư tưởng lớn. Đây cũng là trường hợp của, tỷ dụ, Lê Nin và Marx và một số người khác đã khởi xướng các phong trào cuồng tín. Họ không phải là nhà tư tưởng lớn vì họ đã rơi vào tư duy cuồng tín khiến họ bị mù lòa.

Con yêu dấu, nếu con đứng lui lại và nhìn những biểu lộ hiển nhiên của tư duy cuồng tín, thì con thấy có một cơ chế tâm lý đằng sau chúng. Sa nhân đã khôn khéo sử dụng cơ chế tâm lý này. Khi con có một biểu lộ hiển nhiên của tư duy cuồng tín, tỷ dụ như chủ nghĩa Quốc xã, thì sa nhân nói đó là định nghĩa của tư duy cuồng tín. Những hình thức cư xử hay hệ thống tư tưởng khác không cực đoan bằng chủ nghĩa quốc xã thì không coi là cuồng tín. Điều thày muốn làm được ở đây là mở rộng sự nhận biết có ý thức của con là tư duy cuồng tín vi tế và bao quát hơn con nghĩ.

10.12. Say mê ý tưởng

Thế nào là tư duy cuồng tín? Hình thức thông thường nhất, phổ quát nhất của cuồng tín là tình yêu say đắm. Khi con yêu say đắm một người khác thì chuyện gì xảy ra? Con có một cái nhìn lệch lạc về sự việc. Con có một cái nhìn lệch lạc về người kia. Con chỉ nhìn thấy những gì chứng thực niềm tin rằng người đó là người bạn đời lý tưởng, và con từ chối thấy những chuyện gì khác. Đây chính là điểm cốt yếu của cơ chế tâm lý khi con yêu say đắm. Con nhấn mạnh những điều chứng thực cái nhìn cơ bản của con về hoàn cảnh và con phớt lờ hay chối bỏ những điều không chứng thực cái nhìn của con về hoàn cảnh. Đây cũng là cơ chế tâm lý đằng sau tư duy cuồng tín.

Bây giờ, chúng ta phải đi thêm bước nữa và nhận ra rằng con người có khuynh hướng say mê ý tưởng. Con cần cẩn thận suy ngẫm điều này với tâm ý thức của con. Khi con tuần tự trải nghiệm các sáng ngộ ở khóa nhập thất của thày, đa số học viên dễ dàng hiểu điều này ở thể bản sắc của họ. Nhưng có nhiều người gặp khó khăn để hiểu biết này thấm xuống tâm ý thức, vì chính họ đang say mê một ý tưởng. Thông thường, những người đọc quyển sách này đã theo con đường tâm linh vì họ say mê một số ý tưởng.

Thày đã nói gì khi bắt đầu những bài giảng này? Ở mỗi tầng của con đường tu, có những ảo tưởng cần thiết. Đó chính là điều quy định tầng đó. Một lần nữa, thái độ của con cho tới điểm này không có gì sai trái. Thày không muốn khiến con cảm thấy là những gì con làm cho tới nay hoàn toàn sai và do đó con cần cảm thấy mình dở. Ngược lại, thày chỉ giản dị muốn giúp con thấy là để tiến lên cao hơn nữa, con cần buông bỏ thêm một ảo tưởng nữa. Con cần buông bỏ nó một cách có ý thức để có thể tiến lên tầng kế tiếp. Đây là điều cần xảy ra ở mỗi tầng của con đường tu.

Ở đây, vấn đề thực là sa nhân đã nhét được ý tưởng này vào tâm thức đại chúng. Họ đã làm điều này rất, rất lâu trước đây khi họ tới hành tinh này. Họ đã làm vậy trên những hành tinh khác trước khi họ tới hành tinh này, ngay cả trong các bầu cõi trước. Do đó, họ tin rất chắc là quan niệm của họ đúng. Nhưng con, dĩ nhiên, là một đệ tử tâm linh. Con đang đi trên con đường tự điều ngự, và nếu con muốn điều ngự cái ta thì con phải vượt qua ảo tưởng này.

10.13. Ảo tưởng nguy hại nhất về ý tưởng

Ảo tưởng này là gì? Con yêu dấu, ảo tưởng này là vũ trụ vận hành theo những ý tưởng mà tâm nhị nguyên có thể hiểu được. Sa nhân đã đi vào nhị nguyên. Họ không biết là họ đã đi vào nhị nguyên. Con hãy cẩn thận lắng nghe điều thày sắp nói.

Thày có nói là có những sa nhân rất tinh vi, rất tinh tế. Nếu con, như một đệ tử chân sư thăng thiên, gặp một trong những sa nhân đó và bắt đầu tranh luận với họ, con sẽ thấy, như chính Giê-su đã nhìn nhận, là con khó tranh luận hơn họ. Khi con theo lối suy luận dùng tâm đường thẳng, phân tích, nhị nguyên của họ, con không thể tranh luận hơn họ. Họ có động lực làm việc này từ rất lâu nên con không thể tranh luận hơn họ. Con không thể làm cho họ thấy là sự suy luận của họ bị giới hạn. Họ sẽ luôn luôn tìm được một cách để phản bác bất cứ lập luận nào của con. Nếu con tìm cách tranh luận hơn họ, con chỉ càng ngày càng chìm sâu vào tư duy đó.

Thày nói điều này để giúp con nhận ra là tranh luận không đạt được mục đích gì. Tranh luận về điều này không lợi ích gì, và lý do là mỗi sinh thể tự nhận biết có quan niệm riêng của mình về thế giới. Một sa nhân nhìn thế giới từ một góc độ nào đó. Họ nhìn thế giới qua một phin lọc nhận thức nào đó, như chính thày và các thày khác đã giảng nhiều lần.

Con con thể đưa ra một lập luận cho sa nhân đó, và đối với con lập luận của con hoàn toàn tin được. Con có thể thấy lập luận của sa nhân hiển nhiên là sai, mâu thuẫn và không có giá trị bằng lập luận của con. Lý do vì sao điều này hiển nhiên với con là vì con nhìn vào lập luận với phin lọc của tâm thức của con, nhưng sa nhân không nhìn vào lập luận với phin lọc của tâm thức của con, họ nhìn với phin lọc của tâm thức của họ. Do đó, họ không thấy những gì con thấy.

Tìm cách áp lực người khác thấy điều con thấy quả thực vô ích. Con không bao giờ có thể ép người khác thấy điều con thấy vì người đó không bao giờ có thể nhìn một hoàn cảnh từ bên trong tâm của con. Người đó sẽ nhìn hoàn cảnh từ bên trong tâm của y. Vì sao con cần hiểu điều này một cách ý thức? Vì con cần nhìn vào đời mình, và nhận ra là có những lúc con có thể đã tìm cách áp đặt ý tưởng của mình lên người khác.

10.14. Áp đặt ý tưởng lên người khác

Con chắc cũng biết là thời xưa có khái niệm gọi là “mắt tà ma”. Người ta tin rằng có người có khả năng nhìn người khác và phóng ra một bùa ngải khiến người khác bị tai họa. Có thời mà những người bị coi là đã đặt mắt tà ma lên người khác bị ném đá chết hay bị đốt chết. Ở nhiều nơi trên thế giới người ta vẫn tin chuyện này, và ngày nay vẫn còn những nơi có người bị giết chết hay bị tảy chay vì dân chúng cho rằng họ đặt con mắt tà ma lên người khác.

Có một phần sự thật đằng sau những câu chuyên này. Thày không nói là những người cổ sơ hoàn toàn có lý, hay hành hạ người khác vì lý do này là điều chính đáng. Điều thày muốn nói là tất cả mọi người đều có khả năng, như thày đã giảng, dùng viễn quan của mình như một lực chủ động bằng cách phóng chiếu viễn quan của mình lên người khác. Họ có thể làm việc này với một năng lượng linh hồn cao đến độ có thể ảnh hưởng thể bản sắc, tư tưởng và cảm xúc của người khác, và như vậy ảnh hưởng người đó ở tầng vật lý.

Dĩ nhiên đây là điều con cần ngưng không làm nữa ở điểm này của con đường tu. Con cần nhìn một cách trung thực vào cuộc đời mình và xét xem liệu con đã có làm điều này chưa. Sau đó, con cần nhìn nhận con đã làm như thế mà không chê trách mình. Một lần nữa, con có thể làm gì khác chăng? Con có thể làm gì khác chăng ở những tầng tâm thức thấp trên trái đất này? Những gì con đã làm không quan trọng. Vấn đề chính là: Con sẽ làm gì kể từ nay trở đi? Đây là điều thày muốn biết. Ở khóa nhập thất của thày, thày không mang con vào một căn phòng và bắt con phải đối mặt với tất cả những gì con đã làm sai trong quá khứ. Thày có thể cho con vài nhận xét về những gì con đã làm để con thấy nhu cầu thăng vượt chúng và để con thấy cơ chế vận hành đằng sau các hành động này.

Cơ chế vận hành đằng sau việc phóng chiếu một viễn quan lên người khác là gì? Đó chính là tâm thức, do sa nhân đề xướng, say mê ý tưởng và bắt đầu nghĩ vũ trụ vận hành theo ý tưởng của mình. Hay đúng hơn, vấn đề là con bắt đầu nghĩ vũ trụ phải vận hành theo ý tưởng của mình. Đây chính là nguyên nhân của tư duy cuồng tín. Con người say mê một ý tưởng, nghĩ rằng nếu vũ trụ vận hành theo ý tưởng này thì mọi chuyện sẽ hài hòa, sẽ có thiên đàng trên trái đất. Sau đó, họ nhìn chuyện đang xảy ra trên thế giới và thấy là thế giới đang không vận hành theo ý tưởng của họ.

Con yêu dấu, ở điểm này điều lý tưởng nên xảy ra là người đó phải nói: “Chờ chút, nếu tôi có thể quan sát là thế giới không vận hành theo ý tưởng của tôi, thì phải chăng tôi cần xét lại ý tưởng của mình để chúng giải thích được cách thế giới thực sự vận hành, thay vì cứ nắm chặt một lý tưởng cho rằng thế giới phải vận hành sao đó?

Nhưng thay vào đó, con người đã làm gì? Họ đi vào tư duy cuồng tín và nói: “Lý do vì sao thế giới không vận hành đúng theo ý tương của tôi là vì con người không hành xử đúng theo ý tưởng của tôi. Do đó, công việc của tôi là khiến họ hành xử đúng theo ý tưởng của tôi và sau đó chúng ta sẽ có thiên đàng trên trái đất.”

Đó chính là bản chất của tư duy cuồng tín. Nó không khác nhiều lắm trạng thái mà con người trải nghiệm khi họ yêu say đắm. Nó không khác nhiều lắm. Con cần tới điểm nhận ra con đã có khuynh hướng quan niệm đường tâm linh dựa trên khuôn nếp đó. Con đã có ý tưởng cho rằng con đường tâm linh phải vận hành như thế nào rồi con tìm cách áp lực chính con phải tuân theo ý tưởng đó. Con có thể cũng đã tìm cách áp lực người khác phải tuân theo ý tưởng đó.

10.15. Nó ngừng ở đây

Thày muốn con làm hai chuyện một cách ý thức. Thày muốn con, sau khi con đọc bài thỉnh liên quan đến bài giảng này, bỏ ra chút thì giờ nhìn lại đời mình và nói: “Tôi đã tìm cách áp đặt ý tưởng của tôi về con đường tâm linh lên người khác như thế nào?” Dĩ nhiên con có thể xin thày giúp con nhìn thấy điều này với tâm ý thức. Thày bảo đảm với con là ở khóa nhập thất của thày con thấy rõ điều này với các thể cao của con. Ở khóa nhập thất của thày, con thấy được điều này mà không cảm thấy đau đớn, không kháng cự, không miễn cưỡng.

Thày đang ngồi với con và thày đang dẫn con tới điểm con ở trong trạng thái tâm sẵn sàng thấy điều đó. Sau đó, chúng ta nhìn vào nó và con thấy nó. Khi con thấy nó, con không cảm thấy mình tội lỗi, con không lên án mình. Con giản dị nói: “Nó ngừng ở đây. Nó ngừng ở đây. Nó ngừng ngay bây giờ. Tôi thấy những gì tôi đang làm và tôi sẽ không làm nữa.”

Đây là một sự chuyển đổi, và khi con chuyển đổi ở tầng tâm ý thức, thì con đạt được khai ngộ ở tầng này của khóa nhập thất của thày. Khai ngộ ở tầng này thực sự là ngưng phóng chiếu viễn kiến của con về chân lý lên người khác hay thế giới bên ngoài con. Đó là khai ngộ mà con cần vượt qua. Thầy cần con xem xét điều này một cách có ý thức vì con không thể tiếp tục khóa học tự điều ngự này nếu con chưa ngưng phóng chiếu viễn kiến của con ra ngoài tâm con.

10.16. Mục đích của con đường tu

Con yêu dấu, con có thấy chăng mục đích của con đường tu? Chúng ta đã nói về giai đoạn trầm mình và giai đoạn tỉnh giác. Con làm gì khi trầm mình vào vật chất? Thày có nói là con bắt đầu ở tầng tâm thức 48 để có thể hiện thân trên trái đất. Con làm gì khi con bắt đầu hiện thân trên trái đất?

Con ở trên cõi ê-the, cõi bản sắc. Hiện diện TA LÀ của con đã tạo ra cái Ta Biết từ bản thân nó. Nó gửi con xuống tới một điểm con có thể hiện thân trong một bầu cõi chưa thăng thiên, trên một hành tinh có độ dày đặc của trái đất lúc đó.

Con phải làm gì để có thể nhập vào một thân thể vật lý? Cái Ta Biết không thể trực tiếp nhập vào thân thể vật lý. Nó cần phải tạo ra một cỗ xe, là bốn thể phàm, là linh hồn. Con tạo ra cỗ xe này như thế nào? Để bắt đầu, con vào tầng 144. Sau đó, con nhận lãnh ảo tưởng của tầng đó. Sau đó, con xuống tầng 143, nhận lãnh ảo tưởng của tầng đó, sau đó xuống tầng 142, vân vân. Con tiếp tục nhận lãnh từng ảo tưởng một cho tới khi con xuống tới tầng 48.

Các ảo tưởng mà con nhận lãnh là gì? Các ảo tưởng này khiến con có thể tin được là con đang thật sự là một con người trong một thân thể vật lý trên trái đất. Con thấy chăng, các ảo tưởng này cần thiết để cho con cảm nhận con thật sự là một con người.

Thày có nói ở trên về sự kiện con có thể có một trải nghiệm thần bí khi con thấy một điều gì vượt lên trên tầng tâm thức hiện nay của con, và trải nghiệm đó cảm thấy rất thật. Khi con đi xuống hiện thân, con giản dị đảo ngược tiến trình này. Con có một trải nghiện phản-thần bí khiến con cảm thấy rất thật là mình là một con người hiện thân trên trái đất. Đây là giai đoạn trầm mình; đây là kinh nghiệm trầm mình. Mục đích là con trầm mình vào cuộc đời mà trái đất cống hiến. Con có những loại trải nghiệm có thể có trên hành tinh này cho tới khi con chán ngán chúng và bắt đầu mong ước một cái gì hơn nữa.

Con bắt đầu ở tầng tâm thức 48 và con có chọn lựa đi lên trên tầng 48 hay đi xuống dưới tầng 48. Khi con đi xuống dưới tầng 48, con làm gì? Con nhận vào thêm ảo tưởng. Như thày có giảng, ảo tưởng mà con nhận vào là dùng vũ lực là điều chấp nhận được và chính đáng. Tìm cách áp lực người khác, tìm cách áp lực vũ trụ vật lý phải tuân theo ý tưởng của mình, là điều chấp nhận được.

Con cần gì để tỉnh giác? Con cần đảo ngược tiến trình, và bây giờ, từng ảo tưởng một, con bắt đầu đi lên trở lại. Con buông bỏ một ảo tưởng, con đạt tầng tâm thức cao hơn, rồi con buông bỏ ảo tưởng kế tiếp và tiếp tục như thế.

Con đang theo khóa học tự điều ngự này. Con đang không ở tầng tâm thức cao nhất. Con chưa sẵn sàng thăng thiên. Do đó, con còn nhiều ảo tưởng con cần buông bỏ trước khi con thăng thiên. Không có gì bất tự nhiên về chuyện này. Đây giản dị là cách cuộc sống vận hành trong một bầu cõi chưa thăng thiên.

Con cần nhận ra điều này với tâm ý thức và thấy rằng đã tới lúc con ngừng phóng chiếu ra ngoài viễn kiến của con về chân lý; ngừng phóng chiếu nó lên người khác và ngừng phóng chiếu nó lên chính vật chất. Con cần có thái độ ý thức là con sẵn sàng nhìn vượt quá viễn kiến hiện nay của con về chân lý. Con sẵn sàng nhìn quá ý tưởng của con là thế giới phải vận hành ra sao. Con sẵn sàng xem xét thế giới thực sự vận hành ra sao. Khi con thấy thế giới thực sự vận hành khác với ý tưởng của con về thế giới, con sẵn sàng nói: “Vậy thì tôi phải điều chỉnh ý tưởng của tôi. Chính ý tưởng của tôi bị thiếu sót.”

10.17. Tìm cách ép thế giới tuân theo ý tưởng

Dĩ nhiên là lúc này là lại gặp một điểm tế nhị khác. Nhiều người khó vượt qua được điểm tế nhị này. Họ càng đi trên đường tu lâu năm thì họ càng khó vượt qua ảo tưởng này. Dĩ nhiên là con nghĩ vì con đã đi trên con đường tâm linh, vì con đã thực tập nhiều pháp tu, vì con đã nghiên cứu giáo lý tâm linh (ngay cả giáo lý chân sư thăng thiên), nên con đã dần dần nâng cao viễn kiến của mình, gia tăng hiểu biết của mình về chân lý. Do đó, con nghĩ là điều con thấy bây giờ là một chân lý cao hơn điều con thấy 10 hay 20 năm về trước. Điều này đúng – dĩ nhiên là đúng. Nhưng con yêu dấu, nó không phải là chân lý tối hậu.

Vẫn có một chân lý cao hơn điều con đang thấy ngay bây giờ. Con cần chấp nhận một cách ý thức là con sẵn sàng thấy chân lý cao hơn đó. Con sẽ không bám víu vào chân lý hiện nay của con. Con sẽ không tìm cách chứng thực nó, con sẽ không tìm cách khiến nó được công nhận.

Con cần quyết định một cách ý thức là con sẽ ngừng dùng giáo lý của chân sư thăng thiên (hay giáo lý tâm linh khác) để biện minh cho viễn kiến hiện nay của con về chân lý. Con cần sẵn sàng nhìn chân lý cao hơn. Để thấy được nó, con cần sẵn sàng nhìn xem thế giới không chứng thực viễn kiến hiện nay của con ở điểm nào. Sau đó, con cần nhận ra rằng chính viễn kiến của con cần thay đổi, chứ không phải thế giới và người khác cần thay đổi. Tìm cách thay đổi thế giới và người khác chỉ là cái cớ để không thay đổi mình, không thay đổi viễn kiến của mình. Chuyện giản dị vậy đó, con yêu dấu!

Sẽ tới một lúc – là lúc đó là ngay bây giờ – con cần phải chạm trán thực tại này một cách ý thức. Con cần nhìn ra nó. Con cần nhận ra có một khía cạnh trong tâm lý của con (có thể gọi là tự ngã, kẻ đứng trên ngưỡng cửa, hay phàm linh nột tại) không cho phép con thăng vượt lòng khao khát thế giới chứng thực chân lý của con.

Sa nhân không muốn con làm điều này. Họ không muốn con chiến thắng được điểm đó. Họ đang hò hét về hướng con ngay lúc này, dùng tất cả ảnh hưởng mà họ có để khiến con chối bỏ điều thày nói, và bám víu vào một ý tưởng như: “Dĩ nhiên là có một viễn kiến cao nhất là thế giới phải như thế nào, vì hiển nhiên là thế giới hiện nay không đang là như nó phải là”. Con yêu dấu, con có thấy chăng là thế giới ngay lúc này đang đúng y như điều nó phải là.

10.18. Vì sao thế giới đang là như nó phải là

Thày không muốn nói là một số điều kiện đang có mặt trên trái đất đều chính đáng, đúng và thật dựa trên một tầm nhìn cao hơn, không nhị nguyên. Dĩ nhiên là có nhiều điều kiện nhị nguyên, nhưng con có hiểu chăng điều các thày đã giảng trong giáo lý và các khóa học này?

Trái đất là một trường học. Có hai cách học. Hoặc con lắng nghe lời chỉ dẫn cao của các chân sư thăng thiên hay con đi vào Trường đời Cay đắng. Khi con ở trong Trường đời Cay đắng, con không thể học bằng cách nghe lời dạy của các chân sư thăng thiên hay bất cứ vị thày tâm linh nào khác. Con phải học bằng cách thấy các điều kiện vật lý thể hiện trạng thái tâm thức của mình cho tới khi con bị quá nhiều cay đắng đến độ con chịu nói: “Ồ, có phải chăng là tâm thức của tôi cần thay đổi nếu tôi muốn ngưng trải nghiệm các sự cay đắng này?”

Con có hiểu chăng điều thày đang muốn giảng? Thế giới, và tất cả mọi chuyện đang xảy ra trong thế giới, là sự thể hiện của tâm thức đại chúng. Thế giới đúng y như nó phải là. Thế giới phải thể hiện những bất quân bình trong tâm thức đại chúng, và dĩ nhiên, đó là vì tấm gương vũ trụ phản chiếu lại điều mà tập thể con người đang phóng chiếu vào nó.

Như một đệ tử tâm linh, con cần nhận ra là thế giới ngay lúc này đang đúng y như nó phải là vì nó thể hiện tâm thức của quần chúng. Do đó, con nhìn những việc đang xảy ra trong thế giới và con nói: “Công việc của con không phải là dùng áp lực để khiến thế giới và người khác tuân theo viễn kiến của con. Công việc của con là nâng cao tâm thức mình và đạt được tự điều ngự. Con không đạt được tự điều ngự bằng cách áp lực người khác hay thế giới. Con cũng không đạt được tự điều ngự bằng cách áp lực chính mình. Con đạt được tự điều ngự bằng cách buông bỏ ảo tưởng kế tiếp của con. Khi con liên tục buông bỏ ảo tưởng này tới ảo tưởng kia, con sẽ đạt được trạng thái tâm thức tự điều ngự. Đúng thực là mỗi lần con tiến lên một bước, mỗi lần con vượt qua một ảo tưởng, con đạt được một mức tự điều ngự cao hơn vì chính ảo tưởng lấy đi sự tự điều ngự của con, chớ không phải con thiếu tự điều ngự.

10.19. Vì sao con đường tu không máy móc

Một lần nữa, như thày đã từng nói, có người nghĩ rằng con đường tâm linh là một tiến trình máy móc đạt được một số khả năng. Họ nghĩ tự điều ngự cũng là một khả năng mà ta đạt được. Giống như một nhà lực sĩ cứ luyện tập một số động tác và qua đó tập cho cơ bắp càng ngày càng rắn chắc và có thể hoàn thành động tác giỏi hơn người khác. Đây không phải là con đường tâm linh.

Điều quan trọng không phải là dùng áp lực và áp lực chính mình để có khả năng điều ngự. Đây là điều thày gọi là con đường giả mà sa nhân đeo đuổi. Con đường của con là con đường tự điều ngự bằng cách buông bỏ, vứt bỏ ảo tưởng.

Vì sao, ở điểm này, con cần buông bỏ ảo tưởng khiến con phóng chiếu viễn kiến của mình ra ngoài? Con yêu dấu, đó là vì trước khi con phóng chiếu điều gì ra ngoài tâm mình, con phải phóng chiếu điều đó vào trong tâm mình, lên chính mình. Con chỉ có thể phóng chiếu lên người khác những gì con đã phóng chiếu lên chính mình trước.

Khai ngộ kế tiếp ở khóa nhập thất của thày là con bắt đầu thấy những điều con phóng chiếu lên chính mình, và những cố gắng mà con đã làm để ép mình tuân theo viễn kiến thế nào là một đệ tử tâm linh tốt của mình. Thày biết là con đã có quá đủ những gì con có thể hấp thụ với tâm ý thức trong một bài giảng này.

Thày cho con thời giờ để tiêu hóa bài giảng này trước khi chúng ta học bài tới, đối với nhiều người sẽ khó hơn bài này về nhu cầu ngưng phóng chiếu ra ngoài. Phóng chiếu vào trong vi tế hơn nhiều và khó thấy hơn nhiều. Do đó, khai ngộ này rất cần thiết. Thày tin rằng khi con có ý muốn và khi con đã theo khóa học này cho tới điểm này, thì con cũng có thểsẽ đạt khai ngộ này.

Hilarion TA LÀ

Đi từ một viễn kiến thấp đến một viễn kiến cao hơn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 12/1/2017.

TA LÀ chân sư thăng thiên Hilarion. Ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày, con đối mặt với khai ngộ của Tia thứ Năm phối hợp với Tia thứ Ba của Tình thương. Khi con tới khóa nhập thất của thày và tham dự các lớp học ở tầng này, thày tìm cách giúp con kết nối lại với tình thương nguyên thủy đã khiến con đầu thai ở kiếp này. Các vị thượng sư khác, dĩ nhiên, đã giúp con làm cùng việc. Thày đặc biệt tìm cách giúp con thấy là có một viễn kiến thuộc Sứ vụ Thiêng liêng của con, và con yêu viễn kiến này hơn là mọi viễn kiến mà con đã có trên con đường tâm linh.

8.1. Cách gian nan hay cách dùng tình thương

Con yêu dấu, con thấy chăng là có hai cách để buông bỏ điều gì đó trên trái đất: cách gian nan và cách dùng tình thương. Cách gian nan là khi con tới điểm nhận ra là con bị đau khổ vì có một ảo tưởng, con có ảo tưởng đó trong tâm, và nó giản dị không phù hợp với điều mà nhiều người cho là thực tại. Dĩ nhiên, thực tại là một khái niệm mơ hồ vì điều mà nhiều người gọi là thực tại chỉ là một biểu hiện tạm thời có mặt vì trái đất đã chìm quá sâu so với tầng nguyên thủy của nó.

Tuy nhiên, nhiều người đã có kinh nghiệm tỉnh ngộ hay va đầu vào tường hay đột nhiên nhận ra là điều họ tin là thật không thật chút nào. Đây là cách gian nan để buông bỏ điều gì đó. Các thày chân sư thăng thiên không chống chuyện học viên buông bỏ một cách gian nan vì buông bỏ điều gì và tiến bước tốt hơn là nắm giữ một ảo tưởng. Nhưng các thày không muốn con buông bỏ một cách gian nan; các thày muốn con buông bỏ bằng cách kết nối trở lại với tình thương trong con người con để con có thể buông bỏ trong vị thế thương yêu vì con biết có cái gì hơn nữa. Khi con buông bỏ một cách gian nan thì con có cảm tưởng là con đã mất đi một cái gì đó. Con cảm thấy trống vắng, con cảm thấy thế gian sụp đổ. Con cảm thấy trong con có khoảng trống không và con không biết điều gì sẽ lấp đầy nó.

Điều thày hy vọng giúp con đạt được ở tầng này của khóa nhập thất của thày là kết nối với lòng thương yêu viễn kiến cao hơn và con thấy rằng viễn kiến cao hơn này hơn rất nhiều những gì con đã thấy cho tới nay. Do đó, con muốn thấy viễn kiến này và buông bỏ viễn kiến cũ không khó khăn vì con biết con sẽ được nhiều hơn rất nhiều thay vào đó. Điều này rất dễ thực hiện ở tầng ê-the trong thể bản sắc ở khóa nhập thất của thày. Dĩ nhiên là mang nó xuống tâm ý thức của con là điều khó khăn hơn, và đây là mục đích của thày khi thày có bài giảng này để con có thể đọc và nghiên cứu. Các thày, dĩ nhiên, không mong muốn giúp con đạt được một tâm thức cao hơn trong thể bản sắc ở các khóa nhập thất, nhưng điều này không truyền sang các tầng tư tưởng, xúc cảm và vật lý, nơi tâm ý thức của con. Con có thể làm gì để kết nối ở tầng tâm ý thức với những gì con trải nghiệm ở khóa nhập thất của thày? Con có thể dùng bài giảng trước của thày trong đó thày nói là con có một viễn kiến cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, và đi xa thêm nữa. Con cũng có thể nhận ra một điều khác mà thày cũng đã nói, đó là để hiểu được một viễn kiến cao hơn, con cần sẵn sàng buông bỏ viễn kiến hiện thời của con. Ở đây chúng ta gặp một vấn đề đặc biệt.

8.2. Ước muốn cảm thấy mình quan trọng

Có người đã bắt đầu con đường tâm linh, hay ngay cả khóa học tự điều ngự này, với một viễn kiến, một mục tiêu, một ham muốn đặc thù nào đó. Tỷ dụ, họ ham muốn là một người quan trọng đang làm điều gì quan trọng để giải cứu trái đất hay nâng cao tâm thức nhân loại hay đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain. Đây là một viễn kiến tích cực. Tự nó không có gì sai trái, nhưng pha trộn vào đó là ham muốn của tự ngã muốn cảm thấy mình đặc biệt hơn so với người khác vì mình đang học giáo lý của các chân sư thăng thiên, hay học với một vị đạo sư nào đó hay học một giáo lý vỏ ngoài nào đó.

Con đang làm nhiều chuyện, như đọc bài chú bài thỉnh, giải quyết các vấn đề trong tâm lý, làm chuyện này chuyện kia. Trong đó có một phần là ham muốn của tự ngã muốn cảm thấy mình đã làm điều gì đặc biệt, làm điều gì có kết quả quyết định. Vì vậy con tâm linh hơn, con thuộc một hạng người đặc biệt. Và đây là điểm vi tế: con nghĩ là Thượng đế hay các chân sư thăng thiên phải đặc biệt chú ý tới con hay phải thưởng con một cách nào đó.

Con rất có thể tạo ham muốn là con đường tâm linh sẽ đưa con tới một mục tiêu khiến con có thể biểu hiện một hoàn cảnh bên ngoài nào đó. Thày có nói là có người có mục tiêu biểu hiện một nhà đẹp, một người phối ngẫu toàn hảo và rất nhiều tiền. Nhiều người tâm linh có mục tiêu được thế giới công nhận, được các chân sư thăng thiên công nhận, hoặc cảm giác là họ đã làm điều gì quyết định để đem lại một thời đại mới trên trái đất.

Con có thể nói: “Ham muốn như vậy có gì sai trái chăng?” Con yêu dấu, đây là điểm vi tế. Con hiểu rằng các chân sư thăng thiên có mục đích tiếp cận con người ở bất kỳ tầng tâm thức nào họ đang có. Nếu một người ở tầng tâm thức thấp nhất được phép có trên trái đất có thể hòa điệu với các thày, thì các thày sẵn sàng làm việc với người đó. Các thày sẽ tiếp cận người đó ở tầng tâm thức của họ và tìm cách giúp người đó lên tầng cao kế tiếp. Đây là phương pháp mà các thày dùng để giúp con người trên trái đất. Dĩ nhiên là trong thực tế có một rào cản khiến nhiều người ở dưới tầng tâm thức 48 không thể kết nối với các thày và do đó các thày không thể làm việc trực tiếp với họ. Một khi một người có thể hòa điệu với các thày bằng cách nào đó, dù chỉ chợt thoáng, thì các thày sẵn sàng làm việc với người đó, và do đó các thày dĩ nhiên phải tiếp cận người đó ở tầng tâm thức của họ.

8.3. Buông bỏ viễn kiến thấp

Khi học viên bắt đầu khóa học tự điều ngự này, đa phần bắt đầu ở tầng thứ 48. Một số bắt đầu ở dưới tầng 48, và do đó các thày biết là chuyện tự nhiên, không tránh được và hoàn toàn thỏa đáng là con cần một động lực để bắt đầu con đường tâm linh, bắt đầu khóa học này. Dĩ nhiên là động lực của con dựa trên các ước muốn của con, dựa trên viễn kiến mà con có ở tầng tâm thức đó. Một lần nữa, không có gì sai trái với điều này. Con không thể tiếp nhận một viễn kiến cao hơn tầng tâm thức của con. Điều tự nhiên là cách con nhìn cuộc đời và những ước muốn, tham vọng và mục tiêu của con dựa trên và bị ảnh hưởng bởi viễn kiến con có ở tầng đó.

Các thày cũng muốn giúp con thấy là con cần liên tục bước lên cao hơn. Nhiều học viên tới tầng này của khóa nhập thất của thày và họ đã theo khóa tự điều ngự cho tới điểm này, nhưng họ chưa buông bỏ ham muốn mà họ có khi bắt đầu. Họ vẫn giữ trong tâm ý tưởng là khi họ tiến bước trong khóa học này, họ phải xây dựng được khả năng tự điều ngự khiến tâm họ làm chủ được vật chất và giúp họ biểu hiện hoàn cảnh bên ngoài mà họ mong muốn khi họ bắt đầu học khóa này.

Con yêu dấu, thày không nghĩ là con có thể hoàn tất khóa học này mà vẫn giữ cùng viễn kiến và ước muốn khi con bắt đầu khóa học. Thày bảo đảm với con là nếu điều này xảy ra, thì con đã không tốt nghiệp khóa học. Chuyện xảy ra là khi con tới tầng 96 của khóa học (thày nhấn mạnh là thày nói tầng 96 của khóa học chứ không phải tầng tâm thức thứ 96), con sẽ dùng tất cả động lực mà con thu thập trên con đường tu để thể hiện hoàn cảnh bên ngoài mà con ao ước. Lúc đó, thay vì đưa con về hướng tầng 144 và quả vị Ki-tô, nó sẽ bắt đầu kéo con xuống thấp hơn. Con sẽ bắt đầu dùng vũ lực để thể hiện viễn kiến đó và do đó con sẽ bắt đầu đi về các tầng tâm thức thấp hơn.

Con yêu dấu, con thấy chăng là yêu cầu tuyệt đối để đạt những khai ngộ của khóa học này là con sẵn sàng buông bỏ viễn kiến cũ và tiếp nhận viễn kiến cao hơn, ước muốn cao hơn, mục tiêu cao hơn. Đây là chỗ, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, con cần nhìn vào cách con sử dụng viễn kiến.

8.4. Làm sao con sử dụng hay lạm dụng viễn kiến một cách tích cực

Thày có nói là viễn kiến không phải là một khả năng thụ động; nó cũng có khía cạnh tích cực. Đúng là với đa số con người trên trái đất, viễn kiến chủ yếu thụ động vì họ chỉ nhận vào. Họ không phóng chiếu ra bao nhiêu vì họ không chịu nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời họ. Họ còn không chịu nhìn nhận là họ có quyền năng trong tâm họ để thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Họ chấp nhận rằng họ không làm gì được để cải đổi hoàn cảnh sống của họ, và do đó họ không dùng khía cạnh tích cực nhất của viễn kiến của họ là phóng chiếu ra ngoài.

Dĩ nhiên là họ sử dụng viễn kiến một cách tích cực khi viễn kiến của họ ảnh hưởng những cảm giác khi nhận tín hiệu bên ngoài. Thày có giảng vì sao phin lọc trong ba thể cao (và ngay cả ở tầng não bộ vật lý) bóp méo tri giác của con, bóp méo những gì con thấy. Chuyện xảy ra là các phin lọc này sẽ loại đi tất cả những gì thách đố viễn kiến của con về đời sống. Nếu viễn kiến này cho rằng con không thể làm gì để cải đổi hoàn cảnh sống, thì phin lọc sẽ loại đi những gì đi quá niềm tin này. Do đó, con sẽ thấy là thế giới hạn chế khả năng thay đổi của con.

Khi con là một người tâm linh và chấp nhận là con có thể thay đổi hoàn cảnh sống của con bằng cách thay đổi tâm thức của mình, thì con bắt đầu sử dụng uy lực của viễn kiến một cách tích cực hơn. Ở khóa nhập thất của thày, thày có một dụng cụ có thể gọi là dụng cụ công nghệ có thể cho con thấy những gì con không thấy được bằng tâm ý thức. Thày có thể chỉ cho con thấy những phóng chiếu, những xung lực mà con gửi đi từ bốn thể phàm. Thày làm điều này một cách tuần tự, vì đa số học viên bị chấn động khi họ thấy số lượng những thứ mà họ liên tục phóng chiếu ra, do đó thày phải đi rất từ từ. Thày muốn giúp con thấy là những gì con phóng chiếu luôn luôn có hậu quả vì, như thày có nói, nó sẽ đi vào tấm gương vũ trụ. Trong tấm gương vũ trụ, nó có thể trở nên vô hiệu hay giảm thiểu do lực chống kháng của tâm thức tập thể nhưng nó vẫn có tác động trên con.

Con yêu dấu, con thấy chăng là khi con phóng chiếu ra điều gì, con biết trong tiềm thức là thế giới dựa trên nguyên tắc hành động và phản ứng. Nếu con nắm chặt một viễn kiến nào đó (tỷ dụ ước muốn được nhìn nhận bởi thế gian), thì con phóng chiếu từ tiềm thức một xung lực và chờ đợi một kết quả nào đó. Dù con có cảm thấy có sự trả về hay không, nó vẫn ảnh hưởng tiềm thức của con. Nếu con không cảm thấy sự trả về, trong tiềm thức con nghĩ con không để đủ sức lực vào sự phóng chiếu, và do đó con gia tăng sức lực. Điều này khiến con càng lúc càng dùng nhiều năng lượng để phóng chiếu. Trong tâm ý thức, điều này cũng có thể khiến con có một thúc đẩy gần như không cưỡng nổi phải làm nhiều hơn bất cứ điều gì con đang làm.

Con thấy nhiều người tâm linh tìm ra một giáo lý dạy một số thủ tục và giờ đây họ gần như bị ám ảnh phải làm các thủ tục đó. Thủ tục này có thể là thiền, yoga, đọc bài chú, đọc bài thỉnh. Họ làm càng ngày càng nhiều vì trong tiềm thức họ chờ đợi sẽ nhận trả về một kết quả bên ngoài mà họ mong muốn. Khi họ không thấy kết quả này, họ nghĩ: “Ồ, tôi phải làm nhiều hơn nữa”.

Mặt khác, khi học viên cảm thấy có sự trả về, thì nhiều người nghĩ: “Nhưng tôi phải làm nhiều hơn, vì tôi nhận về chưa đủ.” Học viên có thể trải qua giai đoạn thực hành thủ tục càng ngày càng nhiều. Có lẽ đa số các con, khi nhìn lại đời mình, sẽ nhìn nhận là đã trải qua hay đang trong giai đoạn gần như bị ám ảnh phải làm một thủ tục vỏ ngoài. Thày không nói điều này để chỉ trích hay lên án con. Khi thày chưa thăng thiên, chính thày đã trải qua giai đoạn đó trong nhiều kiếp sống, khi thày rất, rất cố gắng thực hành một thủ tục nào đó.

Một lần nữa, điều này không có gì sai trái, nhưng đó là một giai đoạn trên con đường tu của con, và nay đã đến lúc con bước lùi lại và xem xét vấn đề. Đã đến lúc con nhận ra là nếu con có nhu cầu không cưỡng nổi phải làm một thủ tục tâm linh nào đó, điều đó sẽ ngăn chặn viễn kiến của con. Nó sẽ ngăn chặn khả năng trụ vững chắc vào viễn kiến trong Sứ vụ Thiêng liêng của con vì con nghĩ (trong bốn thể phàm) làm thủ tục đó quan trọng hơn mở tâm ra với viễn kiến.

8.5. Hai chức năng cơ bản của tâm

Con có thấy chăng nguyên lý mà thày đang muốn con nhận ra? Tâm con người là một dụng cụ rất tinh vi, rất tế nhị nhưng nếu con quy nó lại những chức năng cơ bản nhất, thì nó có hai chức năng cơ bản. Điều này minh họa điều mà Mẹ Mary đã gọi là lực lan ra của Cha và lực co lại của Mẹ.

Đây là một điểm vi tế không dễ hiểu, và thày đã thấy nhiều học viên gặp khó khăn hiểu thấu. Thày vừa nói là một khía cạnh của tâm là phóng chiếu, và vì nguyên lý Cha là lan ra, con có thể nghĩ là khi con phóng chiếu ra, con sử dụng khía cạnh Cha của tâm. Điều này không đúng. Con yêu dấu, con thấy chăng là nguyên lý Cha là lực lan ra, và trong trường hợp này có nghĩa là Hiện diện TA LÀ. Hiện diện TA LÀ giống như mặt trời luôn luôn tỏa ánh sáng. Nó cũng là cánh cửa mở để các chân sư thăng thiên tỏa năng lượng, ánh sáng và viễn kiến xuống con. Nguyên lý Mẹ của tâm là bốn thể phàm, và dĩ nhiên, cũng là cái Ta Biết. Bây giờ, các thày đã giảng gì về cái Ta Biết? Nó là nhận biết thuần khiết. Các thày cũng có nói là cái Ta Biết có khả năng tập trung sự chú ý vào, hay xuyên qua bốn thể phàm, và cũng có khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm và như vậy mở ra với Hiện diện TA LÀ. Con không thể làm cả hai điều này cùng một lúc.

Đây là điều mà nhiều học viên không thấu hiểu. Họ không có kinh nghiệm “ngộ” ở tâm ý thức khi họ thấy điều này. Con biết là con không thể cho ra và nhận vào cùng một lúc, con không thể hướng sự chú ý vào hai chỗ cùng một lúc. Chuyện xảy ra là, khi cái Ta Biết đồng hóa với bốn thể phàm và chú tâm vào việc tự biểu hiện trong thế giới vật chất, con đang dùng lực co lại của Mẹ để tập trung năng lượng và sự chú ý vào bốn thể phàm.

Quả thực là khi con có viễn kiến về một mục tiêu nào đó, con hướng ánh sáng ra ngoài. Có thể nói là con dùng nguyên lý Cha để hướng ánh sáng ra ngoài. Điều thày muốn giảng là để có thể hướng ánh sáng ra ngoài, con cần hướng ánh sáng xuyên qua cái gì đó, con cần một khuôn đúc tư tưởng, một khuôn đúc viễn kiến để con hướng ánh sáng xuyên qua. Để tạo ra khuôn đúc này, để tập trung năng lượng của con xuyên qua khuôn đúc này (chớ không phải hướng ra mọi phía), con phải tạo ra một sự co lại, một sự tập trung nơi bốn thể phàm của con.

8.6. Con phóng chiếu ra bao nhiêu năng lượng

Phần lớn tiến trình này xảy ra nơi tiềm thức. Điều thày muốn nói là khi con tập trung như vậy vào bốn thể phàm, nó sẽ thu hút sự chú ý của cái Ta Biết. Do đó, con không thể bước ra ngoài bốn thể phàm và nhận viễn kiến cao hơn, viễn kiến từ Sứ vụ Thiêng liêng, từ Hiện diện TA LÀ của con. Con yêu dấu, con không thể làm cả hai việc cùng một lúc; chuyện này không thể làm được. Hoặc con chú tâm vào một mục tiêu, hoặc con mở tâm ra đón nhận một viễn kiến mới từ bên trên. Điều mà thày giúp học viên thấy qua dụng cụ mà thày có ở khóa nhập thất là các khuôn đúc trong tiềm thức đang thu hút sự chú ý của họ.

Học viên thường ngạc nhiên vì họ không biết một cách ý thức là họ có các khuôn đúc này. Họ không ngờ là có bao nhiêu năng lượng chảy qua các khuôn đúc tiềm thức này. Họ ngạc nhiên vì thày có thể minh diễn cho họ, thày có thể chỉ trên một màn ảnh có bao nhiêu năng lượng đến từ Hiện diện TA LÀ, bao nhiêu năng lượng đi vào thể bản sắc, và ở tầng thấp nhất có bao nhiêu năng lượng đi ra từ hào quang của họ ở tầng ý thức. Thày có thể chỉ cho họ thấy là có một khối năng lượng đi vào và có một khối năng lượng đi ra (mà họ có thể điều khiển một cách ý thức). Đa số học sinh rất chấn động khi thấy khác biệt giữa năng lượng đi vào và năng lượng mà họ có thể sử dụng một cách ý thức.

Tỷ dụ, nếu con thấy có một số lượng năng lượng chảy vào từ Hiện diện TA LÀ thì lý tưởng đây là năng lượng sáng tạo mà con có thể sử dụng ở tầng ý thức để biểu hiện một mục tiêu nào đó. Nếu con thấy là con chỉ có 10 phần trăm có thể dùng ở tầng ý thức, thì tự nhiên là con tự hỏi 90 phần trăm kia, hay bất cứ tỷ lệ nào thích ứng với tình trạng riêng của con, đi đâu. Thày có thể chỉ cho con thấy ở đâu con có sự tập trung, có khuôn đúc trong một trong ba thể cao đang hút năng lượng của con. Năng lượng này chảy vào khuôn đúc, nhưng vì con không biết đến nó một cách ý thức và do đó con không điều khiển nó được trong ý thức. Lý do thày nêu lên điểm này là để con nhận ra cách nhanh nhất con có thể tiến bộ ở tầng này của khóa nhập thất của thày, là con sẵn sàng nhìn một cách ý thức vào các mục tiêu, cách con tiếp cận, cách tiếp cận cơ bản của con về con đường tâm linh.

8.7. Xem xét động cơ thúc đẩy con

Động cơ nào thúc đẩy con đi con đường tâm linh từ trước tới nay? Nếu thày hỏi con câu đó, con nghĩ đến điều gì trước tiên? Động lực cơ bản nào thúc đẩy con đi con đường tâm linh? Con hy vọng đạt được gì cho chính mình? Con hy vọng đạt được gì cho thế gian và điều này cho thấy con hy vọng đạt được gì cho chính con?

Có nhiều học viên sẽ trả lời tức khắc: “Con muốn nâng cao tâm thức, con muốn giải thoát con người, con muốn giúp đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain, con muốn giúp các chân sư thăng thiên.” Khi con trung thực hơn và nhìn kỹ hơn, thì con nhận ra là quả thực đây là những mục tiêu vỏ ngoài, và nếu các mục tiêu này được thể hiện, thì con sẽ có cảm nhận biết mình đã đóng góp vào việc thể hiện mục tiêu đó. Đây là động cơ cá nhân của con, nghĩa là điều con hy vọng đạt được cho chính mình.

Con tìm trải nghiệm gì khi con đi trên con đường tâm linh? Đối với nhiều học viên, tìm ra câu trả lời rất khó khăn. Thày biết là ở tầng tâm ý thức, con rất khó tìm ra câu trả lời vì con đã nhiều năm đi trên con đường tâm linh, học giáo lý, thực hành một số thủ tục. Như thày có nói, đa số học viên tới điểm này, là một điểm khá cao trên con đường tâm linh, đã bỏ ra nhiều thì giờ và nhiều nỗ lực thực hành một số thủ tục. Điều đáng tiếc là hậu quả của sự nỗ lực này là khuôn đúc tiềm thức (là khuôn đúc của điều con muốn đạt được khi con đi trên con đường tâm linh) càng ngày càng được củng cố. Con đã đổ năng lượng vào đó; có lúc con đã củng cố viễn kiến của nó.

8.8. Cửa sổ kính màu của tiềm thức

Con hãy để thày minh họa một cách thô thiển điều xảy ra trong tiềm thức. Nó thô thiển vì không có minh họa nào liên quan đến điều vật lý lại có thể bao hàm đầy đủ điều xảy ra nơi trường năng lượng, nhưng nó vẫn giúp nhiều học viên. Con hãy tưởng tượng trường năng lượng của con là một không gian khép kín và để thể hiện bất cứ điều gì, bất cứ hoàn cảnh nào trong thế giới vật chất, con cần phải gửi ra ánh sáng và năng lượng, con phải hướng và phóng chiếu ánh sáng và năng lượng ra khỏi trường năng lượng của con. Dĩ nhiên là con không muốn hướng ánh sáng một cách ngẫu nhiên, con muốn ánh sáng có một hình dạng nào đó, và do đó con không chỉ phóng chiếu ánh sáng mà con phóng chiếu một khuôn đúc.

Chúng ta hãy tưởng tượng trường năng lượng của con giống như một thánh đường cổ có cửa sổ kính màu. Các cửa sổ này gồm nhiều mảnh kiếng màu được sắp xếp theo một mô thức tinh xảo. Con đã tạo trong trường năng lượng của con những cửa sổ tròn như thế, chúng có một khuôn đúc và màu sắc, một hình dạng và màu sắc, và chúng uốn nắn ánh sáng mà con phóng chiếu ra. Bây giờ thì con dùng những khuôn đúc đó để phóng chiếu ra thế giới. Khi thày chỉ cho con thấy là có khuôn đúc trong tiềm thức hút nhiều năng lượng của con, thì khi con xem xét kỹ hơn thì con thấy nó giống như các cửa sổ trong thánh đường, một cửa sổ tròn với nhiều mảnh kính màu sắp xếp tinh xảo. Khi con nhìn kỹ thì con nhận ra là khi con đi trên con đường tâm linh cho tới lúc này, đã nhiều lần giáo lý và các thủ tục tâm linh đã củng cố khuôn đúc đó. Con đã làm cho cửa sổ chắc chắn hơn, con đã khiến cho lớp kính dày hơn, các sợi dây chì giữ các mảnh kính đã trở nên rắn chắc hơn, màu sắc nồng hơn, dày đặc hơn. Kết quả là con càng khó buông bỏ khuôn đúc này hơn.

Con yêu dấu, một khuynh hướng tự nhiên (mà chúng ta ai ai đều có) là khi ta bỏ nhiều nỗ lực làm điều gì, thì ta cảm thấy phải có một kết quả trở lại từ vũ trụ. Chúng ta càng phóng chiếu ra nhiều, thì chúng ta càng mong muốn nhận trở lại cái gì tương xứng với cái mà chúng ta phóng chiếu ra. Điều lạ lùng là những người làm điều được cho là “xấu” thực sự muốn bị trừng phạt vì những gì họ đã làm.

Dù con người làm điều mà họ nghĩ là tốt hay làm điều mà họ nghĩ là xấu, trong tiềm thức họ muốn nhận dòng trả về từ vũ trụ. Tại sao vậy? Vì mục đích của thế giới vật chất là con thử nghiệm dùng các quyền năng sáng tạo của mình. Con gửi ra ngoài một điều gì, và nếu không có gì gửi trả về, làm sao con biết được mình đã gửi ra điều gì và hậu quả là gì?

8.9. Khám phá những động lực vị kỷ

Điều mà thày muốn chỉ rõ ở đây là khi con tới điểm này của khóa nhập thất của thày, con cần dùng óc suy xét để nhìn vào sự tu tập tâm linh của con, con quan niệm con đường tâm linh như thế nào, và động lực nào thúc đẩy con đi trên đường tâm linh. Nhiều học viên ở tầng này của khóa nhập thất của thày đã bị chấn động khi họ nhìn vào những điểm này. Họ chấn động khi thấy rằng điều họ tin chắc (với tâm ý thức) là động lực hoàn toàn vị tha thật ra là một động lực rất vị kỷ. Họ chỉ giản dị dùng con đường tâm linh để được thế giới công nhận. Ít ra là họ hy vọng được thế giới công nhận.

Thày biết là con sẽ chấn động nếu con nhận ra điều này với tâm ý thức của con. Thày cũng biết rằng nếu con không nhận ra điều này, con không thể tiến bước trong việc nâng cao tâm thức. Con không thể vượt qua chướng ngại lớn nhất trên đường tâm linh. Một lần nữa, điều này rất vi tế và thoạt trông có vẻ là mâu thuẫn.

Thày vừa nói là mục đích cuộc đời, mục đích của việc đầu thai, là để thí nghiệm với khả năng sáng tạo. Con tạo ra một khuôn đúc trong tâm, con hướng năng lượng sáng tạo và ánh sáng xuyên qua đó và con đợi xem tấm gương vũ trụ gửi trả về điều gì. Dựa trên những gì được trả lại, con điều chỉnh khuôn đúc trong tâm và lại hướng năng lượng xuyên qua nó. Con tiếp tục làm như vậy và tiếp tục sửa sang khuôn đúc cho tới khi con nhận được đúng những gì con muốn từ vũ trụ – ít ra là con nghĩ như vậy.

Con yêu dấu, con thấy chăng là mọi chuyện đều có giai đoạn. Có một điểm con làm những điều thày vừa mô tả là điều hoàn toàn chuẩn, hoàn toàn đúng, hoàn toàn xây dựng. Trong giai đoạn đó, điều tự nhiên và không thể tránh là con có ý tưởng rất vi tế là con phải trở nên càng ngày càng giỏi trong việc tạo ra khuôn đúc. Con nghĩ con phải gày dựng càng ngày càng nhiều động lượng trong việc hướng ánh sáng xuyên qua các khuôn đúc, hầu đạt được điều ngự và có thể biểu hiện bất cứ hoàn cảnh vật chất nào mà con mong muốn. Con có ý tưởng này là điều tự nhiên, nhưng như thày có nói ở trên, chỉ có sa nhân mới gày dựng được đủ động lượng để ép buộc vũ trụ vật chất tuân theo viễn kiến của chúng (tuy họ cũng chỉ thành công tạm thời).

Con là một người tâm linh; con không đi con đường tả đạo của sa nhân và đoàn chưởng giáo giả. Con đang đi con đường của quả vị Ki-tô, con đường của chân sư thăng thiên. Mục đích của con đường này là đưa con tới điểm con nhận ra là ước muốn kiểm soát vũ trụ vật chất không phải là mục tiêu thực của con.

Như các thày có giảng, mục đích của việc đầu thai vào cõi vật chất là con có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn trầm mình, trong đó con hoàn toàn trầm mình vào đời sống của hành tinh nơi con đầu thai. Con trầm mình trong cuộc sống; con tìm cách hiểu cuộc sống, hiểu cuộc sống vận hành ra sao. Con tìm cách mở rộng sự nhận biết của mình, và con cũng tìm cách mở rộng khả năng biểu hiện hoàn cảnh bên ngoài. Sau đó, con bắt đầu giai đoạn tỉnh giác, và những ai theo học khóa học này đã từ lâu bắt đầu giai đoạn tỉnh giác.

Mục đích của giai đoạn tỉnh giác không phải là đạt được khả năng làm chủ hoàn toàn việc biểu hiện vật chất để con có thể biểu hiện bất cứ hoàn cảnh vật chất nào mà con mong muốn. Mục đích của giai đoạn tỉnh giác là con nhận ra con là một sinh thể tâm linh chứ không phải một sinh thể vật chất. Do đó, như thày có nói trong bài giảng trước, mục tiêu của con không liên hệ đến vật chất. Mục đích thật sự trong Sứ vụ Thiêng liêng của con không phải là biểu hiện một số hoàn cảnh vật chất trong kiếp sống này. Mục đích thật sự của con là chứng minh con đường tới quả vị Ki-tô, nơi đó con trở nên độc lập với hoàn cảnh vật chất.

8.10. Một thách đố lớn trên con đường tâm linh

Con có thấy chăng là con có thể đi con đường tâm linh trong nhiều năm nhưng vẫn còn trong tiềm thức khuôn đúc cho rằng nếu con đạt được trạng thái tâm thức tâm linh cao nhất (bất kể con định nghĩa trạng thái này là gì), con sẽ có thể hoàn toàn kiểm soát vật chất và biểu hiện bất cứ hoàn cảnh vật chất nào con mong muốn. Con yêu dấu, có nhiều học viên đã bị quyến rũ hay ta có thể nói là bị ám ảnh bởi quan niệm biến hóa thần bí (alchemy) hay biểu hiện. Họ đã bỏ ra nhiều công sức để tới điểm có thể biểu hiện, tỷ dụ, vàng hay ngọc thạch anh, hay bất cứ vật gì họ muốn. Có người đã tìm cách bẻ cong thìa sắt hay biểu diễn những kỳ công tương tự. Tất cả những việc này chỉ củng cố khuôn đúc tiềm thức. Khuôn đúc này càng mạnh thì nó lại càng thu hút sự chú ý của cái Ta Biết. Sự thu hút này càng mạnh thì cái Ta Biết lại càng bị ngăn chặn không bước ra ngoài bốn thể phàm và mở cửa hoàn toàn đón nhận viễn kiến của Sứ vụ Thiêng liêng.

Con yêu dấu, con có bắt đầu thấy thày muốn dẫn con tới đâu chăng? Thày muốn dẫn con tới điểm nhận ra là chìa khóa của viễn kiến không phải là tập trung mà là cởi mở. Dĩ nhiên là câu nói này cần được giảng rõ. Con sống trong một thế giới có một trạng thái tâm thức đại chúng rất hỗn độn, có nghĩa là bốn thể phàm của hành tinh trái đất (trong đó bốn thể phàm của con hiện hữu) rất hỗn độn. Quả đúng là nếu con mở tâm đón nhận tất cả những ý tưởng và viễn kiến đang hiện hành thì sự chú tâm của con sẽ bị kéo về mọi hướng và con sẽ không hoàn thành được điều gì. Do đó, con có thể nói một cách đúng đắn là muốn hoàn thành một việc nào đó, con cần chú tâm, con cần tập trung. Con cần ngăn chặn tất cả những điều tới từ cõi vật chất. Có học viên đã nói với thày: “Nhưng thày Hilarion, làm sao con đã tiến triển tới mức này của con đường tâm linh nếu con không chú tâm vào nó?” Điều này hoàn toàn đúng. Con cần phải chú tâm vào nó, nhưng bất cứ điều gì trên trái đất cũng cần quân bằng.

Khi con làm điều gì thái quá, con tạo một bất quân bằng và sẽ có lúc sự bất quân bằng đó sẽ gây trở ngại trên con đường tu của con. Đây là điều thày muốn nói con. Con đã tới điểm thày không nói con mở tâm đón nhận những viễn kiến khác đang hiện hành trong bốn thể phàm của vũ trụ vật chất chung quanh trái đất. Thày muốn con mở tâm ra đón nhận Hiện diện TA LÀ của con và viễn kiến trong Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Để làm việc này, con cần nhìn vào khuôn đúc tiềm thức mà con đã tạo ra, khuôn đúc đã thúc đẩy con, đã kéo con đi trên con đường tâm linh cho tới điểm này. Con cần nhận ra những giới hạn của nó. Con cần bắt đầu nhìn nhận một cách ý thức những giới hạn đó, và sau đó con phải tới điểm quy hàng, như Mẹ Mary mô tả. Con nhận ra là những gì con đã làm đã dẫn con tới điểm này, nhưng chúng không thể dẫn con đi xa hơn nữa. Do đó, con đã tới điểm cởi mở và con nói: “Bước kế tiếp của con là gì? Điều gì trước kia con chưa làm mà bây giờ con cần làm? Điều gì trước kia con chưa thấy mà bây giờ con cần thấy?” Con càng cởi mở thì viễn kiến con nhận được sẽ càng sáng tỏ hơn.

8.11. Thẩm định phương pháp tu của con

Con yêu dấu, có học viên gặp rất nhiều khó khăn mới để hiểu điều này. Có khi thày phải nói họ ngưng phương pháp tu mà họ đã theo đuổi cho tới nay. Thày không nói là điều này nhất định áp dụng cho con. Thày biết là có học viên đã thực tập cầu thỉnh ánh sáng tâm linh từ mấy chục năm nay. Điều thày muốn con làm là xem xét phương pháp tâm linh con đang thực tập và tự hỏi: “Nếu con ngừng nó ngay bây giờ, con sẽ phản ứng ra sao?”

Ý tưởng nào, cảm xúc nào dâng lên trong con khi con suy ngẫm việc ngưng phương pháp tu tập, tạm nghỉ một thời gian? Con có cảm thấy sợ hãi, con có cảm thấy hốt hoảng? Phải chăng có đủ loại tư tưởng nổi lên, biện minh là con không nên làm thế, vì sao con cần tiếp tục điều con đang làm? Ý tưởng càng mãnh liệt, phản ứng càng mãnh liệt, thì dính mắc của con vào phương pháp tu đó càng nặng. Dính mắc càng nặng, con càng bị ngăn chặn không thấy được viễn kiến mới. Con yêu dấu, không thể có cách nào khác hơn.

Con thấy chăng, sẽ có một điểm trên con đường tu khi con phải nhận ra một sự kiện giản dị. Thày gọi nó là giản dị, nhưng dĩ nhiên, rất khó để hiểu nó thấu đáo, và con cần hiểu thấu nó qua nhiều giai đoạn. Điều này được biểu trưng qua câu nói của Giê-su: “Tự ta, ta không làm được điều gì cả.” Thày cũng nhận xét thêm: “Cha ta ở trong ta là người làm việc”. Sẽ có một điểm trên con đường tâm linh nơi con không thể đi xa hơn với tâm vỏ ngoài.

Khi con bắt đầu con đường tâm linh, trong giai đoạn đầu con cần nâng mình lên khỏi từ lực hút (magnetic force)của tâm thức đại chúng, tâm thức tập thể. Điều này cần chú tâm, quyết tâm. Nó đòi hỏi điều mà con đã làm cho tới nay, tức là tập trung vào việc thực hành một phương pháp mà không nhìn trái nhìn phải. Con không suy ngẫm xem con có cần thực hành phương pháp đó hay không vì con đã quyết định làm vậy. Con cần tiếp tục làm để gây dựng động lượng. Nhưng sẽ tới một điểm con đã nâng mình ra khỏi từ lực hút của tâm thức tập thể, và lúc đó con không cần làm như trước nữa. Con cần làm một cái gì khác hơn ở tầng cao hơn. Nếu tâm vỏ ngoài của con không sẵn sàng chấp nhận điều này, sự tiến triển của con sẽ bị ngăn trở. Có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã đọc chú từ quá lâu đến độ tiến bộ tâm linh của họ bị ngăn trở. Không có nghĩa là họ cần ngưng hoàn toàn, nhưng họ cần thay đổi cách họ thực tập. Họ không thể nhận viễn kiến đó nếu họ không chịu xem xét có nên từ bỏ phương pháp cũ hay không. Con yêu dấu, con có thấy chăng là trong giai đoạn con nâng mình ra khỏi sức hút của tâm thức tập thể, có đủ loại tà lực (và lực của những người khác và của chính tâm thức tập thể) lôi kéo con để con bỏ phương pháp tu, để con bỏ ý tưởng có thể nâng mình lên trên tâm thức tập thể. Họ nói con phải giống như mọi người khác.

Sau đó, sẽ tới một điểm, là nơi con đã tới bây giờ, con cần buông bỏ phương pháp tu của con, nghĩa là buông bỏ để tiến lên cao hơn về phía Hiện diện TA LÀ của con. Con cần sẵn sàng nói với Hiện diện TA LÀ của con: “Con buông bỏ sự chú tâm bằng tâm vỏ ngoài vào điều con nghĩ con phải làm, con sẵn sàng hoàn toàn cởi mở và lắng nghe TA LÀ. Xin TA LÀ chỉ cho con thấy con cần làm gì để lên cao hơn trên con đường tu.” Đây là buông bỏ để lên cao hơn, và con yêu dấu, con đường tới quả vị Ki-tô sẽ đòi hỏi con làm điều này nhiều lần. Buông bỏ viễn kiến con có ngay bây giờ để nhận được một viễn kiến cao hơn.

8.12. Nguyên lý buông bỏ để hướng về trên

Mỗi bước con tiến tới, con đã buông bỏ một cái gì. Điều thày muốn con làm lúc này là ghi khắc trong tâm ý thức nguyên lý buông bỏ để hướng lên cao, buông bỏ điều con thấy với tâm vỏ ngoài, với tâm ý thức, điều con đang chú tâm vào. Con cần buông bỏ những khuôn đúc trong tiềm thức. Ta có thể nói là xin được viễn kiến cao có hai khía cạnh. Con cần xin Hiện diện TA LÀ hay một chân sư thăng thiên (mà con cảm thấy con đang làm việc với) chỉ cho con thấy khuôn đúc trong tiềm thức mà con đang cần giải quyết ngay bây giờ vì nó đang ngăn chặn không cho con tiến bước kế tiếp trên con đường tu. Con đang tập trung năng lượng vào phàm linh nào, tự ngã nào, khuôn đúc nào?

Con cần sẵn sàng nhìn nó và thấy những giới hạn của nó. Sau đó, con cần hỏi khuôn đúc cao hơn là gì, viễn kiến cao hơn là gì? Lúc đó con có thể có hành động Alpha và Omega. Con cần gì để làm được việc này? Con cần tình thương. Thày có nói là có cách gian nan và cách của tình thương. Thày không muốn con tiếp tục đi trên con đường tâm linh bằng cách gian nan qua nhiều lần tỉnh giác chấn động.

Con có thể đi từ tầng tâm thức 48 đến tầng tâm thức 96, và ở mỗi tầng con trải nghiệm một kinh nghiệm chấn động như vậy. Cách đi này khả thi, và có người đã làm như vậy, nhưng đi cách nhẹ nhàng có phải hay hơn chăng? Muốn vậy, con cần trau dồi ý muốn luôn luôn (không cần phải ở mọi lúc nhưng đều đặn mỗi khi con cảm thấy cần thiết) đứng lùi lại và xin có viễn kiến: “Giới hạn là gì, viễn kiến cao hơn là gì?”

Để làm điều này, con cần biết một cách ý thức động lực thật sự thúc đẩy con đi trên con đường tâm linh. Thày có nói là con có một động lực đã thúc đẩy con cho tới lúc này. Khi con thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng của con cho kiếp sống này, con có một động lực cao hơn và con cần phải trụ trong đó nếu con sẵn sàng làm điều mà thày đã giảng: mở tâm ra đón nhận nó. Thày dĩ nhiên sẽ giúp con, Hiện diện TA LÀ của con sẽ giúp con, các chân sư khác sẽ giúp con – con chỉ cần hỏi.

Khi con đọc bài thỉnh đi đôi với bài giảng này, khi con đọc xong, con hãy ngừng giây lát, trụ vào tim càng vững càng tốt, và hỏi. Đầu tiên, con hãy xin cho con thấy động lực thật khiến con đi trên con đường tu, con thật sự ước mong hoàn tất điều gì trong kiếp sống này. Sau đó, xin cho con thấy giới hạn mà con cần giải quyết ngay lúc này, khuôn đúc trong tiềm thức mà con cần giải quyết ngay lúc này. Sau đó, xin cho con thấy viễn kiến cao hơn sẽ nâng con lên quá giới hạn đó để con có thể giản dị buông bỏ nó mà không cảm thấy phải ép buộc mình, hay phải tiêu trừ nó, hay phải lên án mình.

8.13. Con sẽ có một viễn kiến giới hạn

Con yếu dấu, con có thấy chăng là thày Serapis Bey đã có nỗ lực tuyệt vời giúp con thấy được những gì con cần thấy và chỉ việc tiếp tục tiến bước đi. Thày biết tiến trình này có nhiều giai đoạn, và đó là lý do thày cũng giúp con tới điểm nhận ra là việc có một viễn kiến giới hạn không đáng hổ thẹn.

Thày là chân sư của viễn kiến. Mục tiêu của thày là cho con một viễn kiến cao hơn viễn kiến con hiện có. Nếu con đã có viễn kiến cao nhất, thì thày đâu còn việc gì để làm? Thày biết con có viễn kiến giới hạn khi con tới khóa nhập thất của thày, vì nếu không con đã không tới. Tình thương thúc đẩy thày giúp con đạt được một viễn kiến cao hơn. Thày không chú tâm vào sự kiện con có một viễn kiến giới hạn. Thày không tìm cách chỉ viễn kiến đó ra, phân tích nó và mổ xẻ với dao giải phẫu. Thày tìm cách giúp con thấu hiểu viễn kiến cao hơn và sau đó buông bỏ, một cách không cố gắng và với đầy tình thương, viễn kiến giới hạn và đón nhận viễn kiến cao hơn.

Thày chú tâm vào viễn kiến cao hơn chứ không chú tâm vào viễn kiến thấp. Tuy nhiên có trường hợp con cần thấy một số khía cạnh của viễn kiến thấp, thấy vì sao nó giới hạn mình trước khi con có thể buông bỏ nó. Không có gì phải hổ thẹn. Thày không chỉ trích con đâu. Thày chỉ luôn luôn chú tâm vào viễn kiến cao hơn. Khi con chú tâm vào viễn kiến cao hơn, tại sao con lại quan tâm về viễn kiến thấp, về việc mình có viễn kiến thấp? Chính việc con thấy mình có viễn kiến thấp đã là nền móng để chấp nhận viễn kiến cao hơn. Thấy mình có một viễn kiến giới hạn là dụng cụ để vượt qua nó và tiến lên tiếp. Vì sao cần kháng cự điều này? Vì sao cần chỉ trích mình? Vì sao cảm thấy không vui?

Con yêu dấu, tình thương không phải là cái màu hồng mà người ta gán lên nó. Con có thể nói là một khía cạnh của tình thương là thấy một giới hạn và thương mình thoát ra khỏi nó. Điều lý tưởng là con nhận ra điều này một cách có ý thức ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày. Sau đó, con trụ vững chắc vào viễn kiến dựa trên tình thương của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Có thể là con chưa thấy điều này một cách rõ ràng lúc này, nhưng con sẽ thấy là để đi trên con đường riêng tới quả vị Ki-tô (mà con có tiềm năng hoàn thành trong kiếp sống này), con cần đi rất xa quá viễn kiến của con đường tâm linh mà con đang hiện có.

Con cần phải vươn lên rất cao hơn những gì con đã làm cho tới nay, và con sẵn sàng làm điều này. Con đang háo hức chờ mong bước lên những bậc thang cao hơn đó. Thày đang háo hức chờ mong dẫn con bước lên những bậc thang cao hơn đó, và do đó thày bây giờ niêm con trong tình thương, trong viễn kiến đầy tình thương, mà thày LÀ. Hilarion TA LÀ.

Đạt kết quả qua nỗ lực tâm linh

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 11/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Ở tầng thứ nhì của khóa nhập thất của thày, con đối mặt với Tia thứ Năm phối hợp với Tia thừ Hai của Minh triết. Thánh kinh có câu: “Minh triết là điều chính, và với tất cả những gì con có, hãy đi tìm hiểu biết”. Vậy chúng ta hãy tìm cách đạt được hiểu biết về viễn kiến.

Để bắt đầu thày muốn hỏi con xem xét phản ứng của mình khi con đọc hay nghe bài giảng đầu của thày. Đặc biệt là thày muốn con nhớ lại phản ứng của con khi thày nói vũ trụ là một tấm gương và nó sẽ phản chiếu lại con đúng những gì con phóng chiếu ra. Con có chăng một phản ứng tựa như: “Nhưng tôi đã thử phóng chiếu ra một viễn kiến và tôi đã không nhận được đúng những gì tôi phóng chiếu ra”.

6.1. Vì sao con không đạt được kết quả

Ở tầng thứ nhì của khóa nhập thất của thày, điều rất quan trọng là con hiểu thật đúng vũ trụ vận hành ra sao và viễn kiến vận hành ra sao. Điều này đặc biệt quan trọng cho những ai đã đi trên con đường tâm linh một thời gian dài. Thày có nhiều học viên đến tầng này của khóa nhập thất và nói với thày khi có dịp thảo luận thân mật: “Thày Hilarion, con đã đi trên con đường tâm linh từ 30 hay 40 năm nay. Con đã đọc không biết bao nhiều bài chú. Con đã cầu thỉnh ngọn Lửa Tím. Con đã học giáo lý của các chân sư thăng thiên. Con đã làm việc với tâm lý gia. Con đã làm việc để giải quyết tâm lý của con. Con đã làm bản đồ tìm kho tàng. Con đã làm viễn kiến. Con đã đọc các lời khẳng định tích cực. Nhưng con vẫn không có được những hoản cảnh bên ngoài mà con mong muốn.”

Có nhiều người chưa đi trên con đường tâm linh lâu như vậy nhưng họ đã đến với thày và đã theo học một số phương pháp phiến diện thịnh hành trong xã hội (tỷ dụ như Thái độ Tâm lý Tích cực, khẳng định tích cực, bản đồ tìm kho tàng, vân vân), nhưng họ nghĩ họ có thể mau chóng phóng chiếu một viễn kiến và thể hiện viễn kiến đó. Nhưng họ đã thất vọng, tới tìm thày và nói với thày: “Phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không? Và nếu nó có hiệu quả, thì tại sao con không đạt được những kết quả mà con mong muốn?”

Đây là điểm chúng ta cần xem xét một cách sâu sắc cuộc sống vận hành ra sao. Trong bài giảng đầu thày đã nêu lên một vài điều kiện khi thày nói là nếu con phóng chiếu một viễn kiến với tâm ý thức nhưng không chú ý tới tiềm thức, thì con có thể phóng chiếu một viễn kiến không rõ ràng, không thuần nhất, và ngay cả những viễn kiến đối nghịch từ tâm ý thức và tiềm thức.

Đây dĩ nhiên là một lý do vì sao con không nhận được từ vũ trụ những gì con mong muốn. Con không có cách nào giải quyết vấn đề này ngoài cách duyệt qua một cách có hệ thống các tầng lớp trong tiềm thức của con và bứng gốc tất cả những viễn kiến không đưa đến những gì con muốn biểu hiện. Đây dĩ nhiên là điều con làm khi con theo học bảy tầng của khóa tự điều ngự này và sử dụng các bài giảng khác của các thày và các dụng cụ tâm linh, đặc biệt là dụng cụ để chữa lành chấn thương nhập đời vũ trụ của con và một số chấn thương sâu đậm mà con đã gánh chịu trong những kiếp trước.

Tuy nhiên, dù con đã tới điểm trong lọc bốn thể phàm đủ để ngưng phóng chiếu những viễn kiến đối nghịch, con sẽ thấy là con vẫn không nhất thiết nhận lại đúng những gì con phóng chiếu ra. Lúc đó, con có thể nói với thày, như một số học viên đã nói: “Nhưng thày Hilarion, thày nói là vũ trụ hoạt động hầu như máy móc vì tấm gương vũ trụ phản chiếu lại đúng những gì con phóng chiếu ra.” Ấy, như mọi chuyện khác, lúc nào cũng có một hiểu biết sâu sắc hơn.

Vũ trụ sẽ phản chiếu lại con đúng những gì con phóng chiếu ra, nhưng không nhất thiết là đúng theo những gì con nghĩ con đang phóng chiếu ra từ tâm ý thức. Để bắt đầu, chúng ta hãy xem xét đại đa số những nguời đang đầu thai trên trái đất. Hầu hết những người này không ý thức lắm về sức mạnh của viễn kiến và họ cũng không ý thức lắm về viễn kiến của họ về cuộc đời vận hành ra sao. Họ thường không chịu nhận lãnh trách nhiệm về đời họ. Họ không chịu nhìn nhận là hoàn cảnh bên ngoài có liên hệ với trạng thái tâm thức của họ.

Họ phóng chiếu ra điều gì? Họ vẫn có một viễn kiến (dù họ không có ý thức điều này) và họ phóng chiếu viễn kiến này lên tấm gương vũ trụ. Viễn kiến này mơ hồ, không rõ ràng, và điều mà họ thực sự phóng chiếu là họ không muốn nhận lãnh trách nhiệm về đời họ, và họ không muốn có ý thức rõ ràng về mọi chuyện họ đang làm. Họ nhận lại từ tấm gương vũ trụ điều gì? Họ nhận lại đúng những gì họ phóng chiếu ra: một hoàn cảnh trong đó họ cảm thấy bị hạn chế bởi nhiều hoàn cảnh bên ngoài đến độ họ có rất ít khả năng làm chủ cuộc đời của họ. Điều này giúp họ trốn tránh tinh thần trách nhiệm, trốn tránh ý niệm họ lúc nào cũng phải lượng định một cách ý thức trạng thái tâm thức của họ. Như vậy là họ nhận lại từ tấm gương vũ trụ đúng những gì họ phóng chiếu ra.

Trong số những người đó, dĩ nhiên là nhiều người mong muốn trong tâm ý thức một hoàn cảnh khác, tỷ dụ như một cuộc sống thoải mái, và họ không nhận được viễn kiến đó, viễn kiến ý thức đó. Nhưng con thấy không, họ quả thật (theo tầm nhìn này) nhận đúng những gì họ phóng chiếu ra. Dĩ nhiên là điều này cũng có thể áp dụng cho con, là một người tâm linh.

6.2. Viễn kiến và Sứ vụ Thiêng liêng của con

Với một người tâm linh, ta cần xem xét một số yếu tố khác. Yếu tố quan trọng nhất là một người tâm linh (sẵn sàng đón nhận giáo lý của chân sư thăng thiên trong kiếp sống này) chắc chắn đã tạo ra một Sứ vụ Thiêng liêng trước khi xuống đầu thai. Phải chăng là thày đang nói là không phải ai cũng có một Sứ vụ Thiêng liêng. Đúng, đó chính là điều thày nói. Đa số những người sống một cuộc sống không ý thức và đã làm vậy trong nhiều kiếp giản dị là không ở tầng tâm thức khiến họ có thể và muốn làm việc trực tiếp với các chân sư thăng thiên giữa hai kiếp đầu thai để tạo ra một Sứ vụ Thiêng liêng cho kiếp sống tới. Những người tâm linh (và dĩ nhiên trong số này thày bao gồm nhiều người đang không theo giáo lý của chân sư thăng thiên) chắc chắn đã tạo ra một Sứ vụ Thiêng liêng trước khi đầu thai. Sứ vụ Thiêng liêng này chủ yếu tập trung vào các mục đích tâm linh của con. Nếu con đã theo học bốn tầng đầu của khóa tự điều ngự này, thì Sứ vụ Thiêng liêng của con chắc chắn bao gồm khả năng biểu hiện quả vị Ki-tô. Mục đích của khóa tự điều ngự, dĩ nhiên, là để dẫn con tới tầng tâm thức 96 là nơi con có thể chọn lựa đi tiếp và thực sự tu tập để thể hiện và biểu lộ quả vị Ki-tô, và điều này có trong Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Đây là lúc con cần nhận ra là rất có thể con có với tâm ý thức ước muốn đạt được một hoàn cảnh bên ngoài nào đó (thường do nền văn hóa nơi con khôn lớn tạo ra), nhưng những ước muốn này đi ngược lại Sứ vụ Thiêng liêng của con. Ít nhất là chúng không giúp con hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nhưng trong thể bản sắc của con, con có một sự nhận biết nào đó về Sứ vụ Thiêng liêng của con (dù con chưa biết với tâm ý thức), và sự nhận biết này sẽ phá hoại những mục đích ý thức của con. Chính con thực sự sẽ ngăn chặn con, không cho thể bản sắc gửi đủ sức mạnh cần thiết vào các mục đích trong tâm ý thức, để chúng không được phóng chiếu với đầy đủ sức mạnh để có thể quay trở về và thể hiện thành hoàn cảnh.

Thày sẽ tạm để sang bên chưa trả lời vì sao như vậy, vì thày muốn chú tâm vào chuyện tâm ý thức của con có một viễn kiến, một mục đích, một ước muốn. Con tạo viễn kiến này trong tâm con, bằng kỹ thuật bản đồ tìm kho tàng hay bằng cách khác. Con giữ trong tâm hình ảnh một hoàn cảnh vật chất mà con muốn thể hiện và con đặt sự chú ý có ý thức của con vào hình ảnh này và con dùng năng lượng linh hồn (cảm xúc, tư tưởng và bản sắc) để phóng chiếu viễn kiến này vào vũ trụ, vào tấm gương vũ trụ.

6.3. Vì sao một viễn kiến không thể biểu hiện

Thày đã xem xét vấn đề viễn kiến có trọn vẹn hay không. Nó có thuần nhất không? Có điều gì đối nghịch nó trong thể cảm xúc hay thể tư tưởng của con không? Đó là một vấn đề có thể ngăn chặn sự biểu hiện của nó. Viễn kiến có rời rạc chăng?

Giả thử con có một viễn kiến khá tập trung và con phóng chiếu nó ra. Điều mà ta cần xem xét tiếp theo là: con đặt vào sự phóng chiếu này bao nhiêu sức mạnh? Điều này tùy thuộc nhiều yếu tố. Thày có nói trong bài giảng trước là có nhiều sa nhân đã tạo dựng được một động lực lớn trong việc biểu hiện một số hoàn cảnh vật chất. Họ đã tạo dựng được một động lực lớn trong việc dùng vũ lực để biểu hiện những gì họ mong muốn. Họ có quyền năng tâm hồn (psychic power) rất lớn mà họ đã tạo dựng qua rất nhiều kiếp và do đó họ có thể hướng quyền lực lớn lao này vào viễn kiến của họ trong kiếp này.

Nếu con là một người tâm linh có thể chấp nhận khóa học này, thì xác suất con là sa nhân rất thấp. Thày không nói là không thể có sa nhân nào theo học được khóa này tới điểm này, nhưng xác suất rất thấp. Điều này có nghĩa là con không có động lực mạnh trong việc hướng năng lượng tâm hồn. Ngay bây giờ, sức mạnh con dùng để phóng chiếu viễn kiến vào tấm gương vũ trụ bị giới hạn.

Thêm vào đó, có thể là chính con đang trực tiếp hạn chế sức mạnh mà con dùng để phóng chiếu. Con làm như thế ở tầng thể tư tưởng hay thể bản sắc vì, như thày có nói, con có cái biết là viễn kiến trong tâm ý thức của con không giúp sự hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con. Do đó, thí dụ ở tầng bản sắc, con từ chối không gửi đủ sức mạnh mà con có ở tầng này, và do đó con chỉ có sức mạnh mà con có ở tầng ý thức, vật lý. Sức mạnh mà con dùng để phóng chiếu viễn kiến sẽ giới hạn. Bây giờ, chúng ta đã thiết lập là khi con tìm cách biểu hiện điều gì, câu hỏi là: viễn kiến của con thuần nhất đến đâu và con dùng bao nhiêu sức mạnh để phóng chiếu nó vào tấm gương vũ trụ?

Điều kế tiếp mà ta cần xem xét là chuyện gì xảy ra khi viễn kiến được phóng chiếu ra khỏi tâm con. Nó đã rời tâm con và đang đi tới cái mà các thày gọi là tấm gương vũ trụ. Khi các thày đưa ra một giáo lý, dĩ nhiên là có một khó khăn là các thày một mặt cần giản dị hóa để mọi người có thể hiểu dễ dàng, nhưng mặt khác, khi giản dị hóa thì các thày có thể khiến mọi người lầm tưởng là thực tại giản dị như vậy.

Con có thể có ý tưởng là tấm gương vũ trụ giống một tấm gương bình thường, và khi con đứng trước nó thì tia ánh sáng toát ra từ cơ thể con đập vào tấm gương và phản chiếu lại vào mắt con. Trong trường hợp tấm gương vũ trụ, dĩ nhiên là tình trạng phức tạp hơn, vì tấm gương vũ trụ là gì? Tấm gương vũ trụ là bốn tầng của vũ trụ vật chất trong hệ thống năng lượng của trái đất. Trái đất nằm ở trung tâm hệ thống này, nhưng nó không phải là hành tinh duy nhất hay đơn vị duy nhất trong hệ thống đó.

Dĩ nhiên là con cũng có bốn tầng: bản sắc, tư tưởng, cảm xúc và vật chất. Điều mà con cần nhận ra, như thày đã giảng trong bài trước, là mọi thứ là làn sóng điện từ. Khi con phóng chiếu ra một viễn kiến thì con phóng chiếu cái gì? Một làn sóng điện từ hay ít ra là một số làn sóng phức tạp! Để viễn kiến hay sự phóng chiếu này trở lại con như một hoàn cảnh vật lý, nó phải đi xuyên qua bốn tầng bản sắc, tư tưởng, xúc cảm, vật chất của hệ thống năng lượng của trái đất. Đương nhiên là câu hỏi trở nên: Cái gì ở trong bốn tầng đó? Bốn tầng đó là trường năng lượng, và trong các trường năng lượng đó có nhiều làn sóng. Khi sự phóng chiếu của con đi qua các trường năng lượng đó, không thể tránh là các làn sóng năng lượng của sự phóng chiếu sẽ tạo ra mô thức giao thoa (interference patterns) với các làn sóng năng lượng có mặt trong toàn thể đơn vị năng lượng nơi con sống. Đây chỉ giản dị là cơ học sóng.

Con cũng biết là có rất nhiều hỗn loạn, rất nhiều năng lượng ô uế trong bốn thể phàm của trái đất – và vật chất rất dày đặc – nên con có thể thấy đây là một lý do vì sao con phóng chiếu ra một viễn kiến và không (hay ít ra là chưa) nhận lại kết quả mong muốn. Điều này có thể khiến con nghi ngờ là con đường mà các thày mô tả không thực sự khả thi. Con có thể gặt hái kết quả của những nỗ lực của con chăng?

6.4. Một hiểu biết tinh vi hơn về viễn kiến

Điều con cần nhận ra ở điểm này là con cần hiểu biết một cách tinh vi hơn. Khi thày nói “hiểu biết”, thày không muốn nói đến cách vận hành máy móc nhưng là mục đích của hệ thống năng lượng của trái đất. Ở đây chúng ta gặp một vấn đề gây khó khăn cho nhiều người tâm linh. Tại sao con là một người tâm linh theo giáo lý của các chân sư thăng thiên? Đó là vì, tuy con không có trí nhớ ý thức về Sứ vụ Thiêng liêng của con, con có cái biết trực giác nội tại là có cái hơn cuộc sống vật chất mà con thấy những người chung quanh con đeo đuổi.

Con không chỉ chú tâm vào điều kiện vật chất mà thôi. Con có thể mong muốn một số điều kiện vật chất nhưng chúng không hoàn toàn quy định cuộc sống của con, vì nếu không thì con đã không theo con đường tâm linh. Cái biết trực giác nội tại của rất, rất nhiều người là cái biết cuộc sống như thế nào khi con ở trên một hành tinh có một tâm thức đại chúng cao hơn trái đất. Rất ít nguời theo giáo lý chân sư thăng thiên đã bắt đầu cuộc hành trình trong cõi vật chất trên trái đất. Đa số các con tới từ hành tinh khác nơi con đã đầu thai và đạt được một tầng tâm thức nào đó trước khi con tình nguyện đầu thai trên trái đất. Điều này có nghĩa con có, không phải một ký ức ý thức, nhưng một ký ức tiềm thức về đời sống trên các hành tinh đó, và đời sống đó thực sự thoải mái hơn đời sống trên trái đất. Con thấy chăng, trên một hành tinh ít vật chất dày đặc hơn và tâm thức đại chúng ít dày đặc hơn trái đất, biểu hiện viễn kiến của con dễ dàng hơn nhiều. Con không gặp sự đối kháng của tâm thức đại chúng. Sự phóng chiếu của con gặp ít giao thoa hơn trước khi trở lại con như hoàn cảnh vật lý.

Đây là điều khiến một số người nản chí vì con có cảm giác là đã bỏ ra đủ cố gắng và đáng lẽ phải gặt hái thành quả vật lý của những cố gắng này. Nhưng con không thấy những kết quả này biểu hiện, và do đó con nản chí và bắt đầu nghi ngờ là con đường tâm linh có thực sự hiệu quả chăng. Dĩ nhiên, đó là lúc con dễ bị ảnh hưởng bởi các phóng chiếu của sa nhân lúc nào cũng tìm cách đẩy con ra khỏi con đường tâm linh. Họ cũng tìm cách cản con bước vào con đường tâm linh ngay từ đầu, nhưng một khi con đã bắt đầu, thì họ tìm cách làm con vấp ngã khiến con rời con đường tâm linh.

Đây là điểm con cần nhận ra là trái đất rất khác một số hành tinh khác nơi con đã đầu thai. Trái đất là một hành tinh rất tăm tối; trái đất là một hành tinh rất dày đặc. Một trong những mục đích của trái đất là phục vụ như chặng nửa đường cho những dòng sống chưa sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm trọn vẹn về đời họ.

Con có thể nhìn vào trái đất và thấy có rất ít người chịu nghe giáo lý của chân sư thăng thiên. Điều này giúp con nhận ra là nhiều người chưa sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời của họ. Cốt lõi của giáo lý của chân sư thăng thiên là gì? Đó là con lấy trách nhiệm về cuộc đời mình, về trạng thái tâm thức của mình. Nhiều người chưa sẵn sàng làm điều này và đó là lý do vì sao rất khó biểu hiện một viễn quan đúng như những gì con phóng chiếu ra.

Vậy con có thể tự hỏi: “Nhưng tại sao tôi đã tình nguyện xuống hành tinh này?” Câu trả lời rất đơn giản. Con xuống đây để chứng minh cho mọi người thấy là có thể sống một cách khác cách họ đang sống. Con tới đây để chứng minh là có một cách cao hơn, có một cách sống cao hơn, một cách sống tâm linh hơn. Đây là lý do vì sao con ở đây.

Một khi học viên đã thực sự nhận ra điều này trong các tầng nội tâm của họ, thì thày thấy một sự chuyển đổi nơi những người trước đó nghi ngờ con đường tâm linh. Tựa như là có một bóng đèn bật sáng trong tâm họ. Thày hy vọng là sẽ giúp con trải nghiệm với tâm ý thức điều mà con đã trải nghiệm ở thể bản sắc. Giống như một người thốt nhiên nhận ra: “Ồ, tôi không ở đây để biểu hiện một hoàn cảnh bên ngoài nào đó, một nếp sống thoải mái, một căn nhà đẹp, người phối ngẫu toàn hảo, rất nhiều tiền, và cái này cái kia. Đấy không phải là lý do vì sao tôi ở đây. Tôi ở đây để tiến bước trên con đường của quả vị Ki-tô và chứng minh nó.

6.5. Làm hòa với cuộc sống của mình

Một lần nữa, con có thể nhìn vào cuộc đời của Giê-su. Thày không biểu hiện người bạn đời toàn hảo, gia đình toàn hảo, căn nhà toàn hảo, rất nhiều tiền, địa vị trong xã hội, tất cả những điều mà mọi người ao ước. Nếu con nhìn vào Giê-su và cuộc đời của thày với thước đo của những gì đa số con người sở hữu ngày hôm nay, thì con có thể nói là thày đã thất bại hòan toàn khi so sánh với mục đích và viễn kiến của những người đó. Tất cả những gì thày làm là đi khắp nơi và nói những lời mà đa số không hiểu, và rốt cuộc bị giết mà không đạt được thành tựu nào trong khoảng thời gian đó. Có thể là một số người sau đó đã lấy một số điều thày giảng và tạo nên một cái gì đó, nhưng nếu nhìn cuộc đời của Giê-su khi thày tại thế thì ta có thể cho rằng thày đã thất bại hòan toàn. Thày không biểu hiện bất cứ mục tiêu nào mà các người thời đó ước muốn và người bình thường thời nay ước muốn.

Con có thể nhìn vào cuộc đời của mình và nói: “Vậy tôi có biểu hiện được điều gì đáng quý so với mục tiêu của con người bình thường?” Nếu câu trả lời là: “Không”, thì con có thể nói tiếp: “Điều này có tệ chăng? Những điều được coi là đáng quý kia có thể không phù hợp với Sứ vụ Thiêng liêng của tôi. Nếu một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của tôi là biểu hiện quả vị Ki-tô, thì Sứ vụ Thiêng liêng của tôi có lẽ không có những mục tiêu duy vật mà người bình thường trong nền văn hóa của tôi có. Vậy có thể nào tôi tới điểm nhìn lại cuộc đời của tôi như nó đã hình thành từ trước tới nay, và tôi làm hòa với sự kiện nó đã là như thế ấy.”

Con yêu dấu, con thấy chăng là khi con đạt được hiểu biết thực sự, thì con nhận ra là điều con có không phải là điều tâm ý thức con mong muốn. Khi con đạt được hiểu biết này, con nhận ra là điều mà tâm ý thức con mong muốn không phải là điều con thực sự mong muốn trong kiếp sống này. Điều con thực sự muốn là hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con, không phải là những mục tiêu phiến diện do nền văn hóa của con quy định. Khi nhận ra điều này, con có thể nhìn vào cuộc đời mình và nói: “Tôi đã theo con đường mà tôi có thể theo được, dựa trên con người của tôi, trình độ tâm thức của tôi khi tôi đầu thai và nền văn hóa của tôi.”

Con không cần nhìn lại chính mình và nghĩ là mình đã có sơ suất, đã có làm gì sai. Khi con nhận ra là con có một Sứ vụ Thiêng liêng và nó đòi hỏi con chứng minh con đường tới quả vị Ki-tô (và con đường tới quả vị Ki-tô rất khác cuộc sống của người bình thường), thì con bắt đầu làm hòa với cuộc đời của mình. Con thấy chăng, các thày là chân sư thăng thiên không giống các thày giáo muốn con nhìn vào mọi khía cạnh của đời mình, phân tích mọi chuyện con đã làm, tìm ra những gì con làm sai, và những gì con đáng lý phải làm tốt hơn.

Ở tầng này của khóa nhập thất của thày, mục đích của thày là giúp con hoàn toàn làm hòa với cuộc đời con cho tới điểm này. Thày muốn giúp con tới điểm con có thể nhìn vào đời mình và nói: “Cuộc đời của tôi là như thế đó. Tôi đã làm những điều tôi đã làm vì tôi có lý do. Có thể lý do là tôi phải trải qua kinh nghiệm đó để nhận ra rằng tôi thực sự không muốn điều mà trước kia tôi ước muốn. Tôi thực sự không muốn những mục tiêu vật chất đó, những điều kiện vật chất đó. Tôi muốn cái gì hơn nữa. Tôi muốn cái gì cao hơn.”

6.6. Biến con đường tâm linh thành một cuộc đua

Con yêu dấu, con thấy chăng là có một thời trong cuộc đời con khi con cảm thấy lúc nào mình cũng đang đi chậm ở phía sau. Con lúc nào cũng đang đeo đuổi một hũ vàng ở cuối cầu vồng. Con lúc nào cũng đang đeo đuổi một mục đích nào đó và cảm thấy mình sẽ không bao giờ biểu hiện được nó. Rất, rất nhiều học viên đã dùng con đường tâm linh (và ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên) để khuếch đại tiến trình này.

Khi con tìm ra con đường tâm linh, con nhận ra là con có một số mục tiêu tâm linh. Con muốn có một trạng thái tâm thức cao hơn, và con nỗ lực để đạt được điều đó. Con cảm thấy con chưa tới đích, và bất cứ con làm điều gì cũng chưa đủ, cũng chưa tốt đủ vì con chưa biểu hiện được trạng thái tâm thức cao hơn mà con mường tượng.

Điều thày mong muốn là giúp con tới điểm con nhận ra cuộc đời con (cho tới lúc này) đúng như nó phải là, dựa trên trạng thái tâm thức và hoàn cảnh bên ngoài của con. Con đã làm đúng y điều con phải làm. Điều còn lại là con ý thức học bài học mà con cần học khi con làm những gì con đã làm.

Điều quan trọng không phải là đổ lỗi cho mình. Điều quan trọng không phải là tìm ra con đã làm gì sai. Điều quan trọng là con tới điểm nhận ra: “Con thực sự cần phải lớn lên trong một hoàn cảnh nào đó, cùng với những người thuộc một nền văn hóa nào đó, trong một gia đình nào đó, một dân tộc nào đó. Con phải lớn lên ở đó và phải trải qua một giai đoạn thích nghi với hoàn cảnh đó. Con phải trầm mình trong đó, con phải đeo đuổi một số mục tiêu, nhưng con không cần phải đeo đuổi chúng suốt đời. Con đã làm vậy để chứng minh con giống mọi người khác trong nền văn hóa đó, từ một góc nhìn vỏ ngoài. Nhưng nay con có cơ hội vượt lên trên hoàn cảnh đó và chứng minh con có thể hơn một người như thế, con có thể sống một cách khác.

Con yêu dấu, con thấy chăng là thày đang hướng dẫn con nhận ra là con đã sống cuộc đời cho tới điểm này dựa trên một viễn quan nào đó. Bây giờ con tới điểm tham dự khóa nhập thất của thày ở cõi ê-the và con đang đọc và nghiên cứu bài giảng này với tâm ý thức. Con có cơ hội thay đổi cuộc sống mình và có một viễn quan cao hơn, đó chính là viễn quan mà con đã thiết lập trong Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Thày hy vọng con thấy thày muốn nói gì. Cho tới nay, con đã sống dựa trên một viễn quan nào đó. Viễn quan đó không có gì sai, nhưng nó hạn hẹp, một phần vì trạng thái tâm thức của con, tâm lý của con, và phần kia vì nền văn hóa nơi con sống. Điều này hoàn toàn phải lý. Một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con đã ấn định là con hội nhập một nền văn hóa nào đó, một hoàn cảnh nào đó. Như các thày đã nói, cuộc sống, sự tăng triển, là tiến trình hội nhập trước và sau đó tỉnh ngộ. Ngay lúc này con đang ở điểm tỉnh ngộ, khi con nhận ra có một viễn quan cao hơn là viễn quan con đã sống theo cho tới ngày hôm nay. Nó là viễn quan trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, và viễn quan này rất khác viễn quan mà con có cho tới điểm này.

Lý do vì sao con rất cần hiểu điều này rất giản dị, nhưng cũng rất thâm sâu, rất quyết định, rất căn bản. Con yêu dấu, con thấy chăng là con không thể phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ bất cứ điều gì cao hơn viễn kiến hiện nay của con. Để có thể đón nhận một viễn kiến cao hơn cái con đang có hiện nay, con phải sẵn sàng từ bỏ viễn kiến con có từ trước tới nay. Con phải sẵn sàng nhận ra: “Tôi nhận ra là tôi đã có một viễn kiến hạn hẹp. Tôi muốn đón nhận một viễn kiến cao hơn, và điều này có nghĩa là tôi sẵn sàng buông bỏ viễn kiến cũ.”

Khi học viên nhận ra điều này ở tầng bản sắc, ở khóa nhập thất của thày, thái độ của họ chuyển đổi. Thày hy vọng rằng khi con theo học khóa học này, con cũng có một chuyển đổi tương tự ở tầng tâm ý thức và nhận ra là cuộc đời mình có thể đi theo một hướng hoàn toàn mới.

Thày biết là nhiều người trong các con đã đi theo con đường tâm linh từ rất lâu rồi. Thày biết là nhiều người đã học giáo lý chân sư thăng thiên từ lâu rồi, và con có thể nhìn lại quãng thời gian này và nói: “Nhưng tôi đã trải qua nhiều chuyển đổi trong khoảng thời gian 20 hay 30 năm trên con đường tâm linh. Tôi đã thay đổi rất nhiều so với trước kia.” Điều này đúng, và con đã thay đổi nhiều, và như vậy con sẽ dễ chấp nhận là có một viễn kiến cao hơn cả viễn kiến con hiện có. Con có thật sự chờ đợi tham dự khóa học của Tia thứ Năm của Viễn kiến, do Thượng sư Tia thứ Năm hướng dẫn, mà không mở rộng viễn kiến của mình? Dĩ nhiên là dù con đã trải qua nhiều chuyển đổi lớn lao và đã nâng cao viễn kiến rất nhiều, con vẫn còn thành tựu được hơn nữa. Có một viễn kiến cao hơn mà con chưa nhận ra.

6.7. Khía cạnh Alpha và Omega của viễn kiến cao hơn

Dĩ nhiên, thày cảm thấy vui mừng được đặc biệt giúp con nhận ra viễn kiến đó, và viễn kiến có hai khía cạnh Alpha và Omega. Con cần thấy gì nơi con để có thể biểu hiện quả vị Ki-tô? Con sẽ hành động ra sao ở thế giới bên ngoài khi con hiện thị và biểu lộ quả vị Ki-tô?

Bây giờ chúng ta có thể trở về xem xét Sứ vụ Thiêng liêng và viễn kiến của con. Thày có nói là trong nhiều trường hợp, con đã ngăn chặn trong tiềm thức việc biểu hiện một viễn kiến mà con phóng chiếu ra với tâm ý thức. Bây giờ con có thể bắt đầu xem xét các viễn kiến, mục tiêu và ước muốn mà con đã có và những gì con đã phóng chiếu ra với tâm ý thức của con. Con có thể bắt đầu tự hỏi: “Trong suốt cuộc đời, con đã có một số mục tiêu, nhưng bây giờ con sẵn sàng so sánh các mục tiêu này với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con sẵn sàng suy xét xem con có cần vứt bỏ một số mục tiêu này không.”

Con yêu dấu, con thấy chăng là chúng ta đang tới một điểm tế nhị. Thày đã đối chiếu cuộc đời của một số sa nhân đã điều khiển được hoàn cảnh vật chất của họ, và cuộc đời của Giê-su. Khi con nhìn vào đời của Giê-su, con có thể nói là thày không kiểm soát được bao nhiêu hoàn cảnh vật chất của thày. Rốt cuộc thì thày đã bị giới quan chức bắt giữ, kết án tử hình và bị hành quyết một cách rất khó chịu. Những việc này có chứng tỏ là thày kiểm soát được hoàn cảnh vật chất chăng? Các sa nhân có chấp nhận để chuyện này xảy ra với họ chăng?

Khi con bắt đầu mở tâm đón nhận viễn kiến cao hơn về hậu quả cho chính con khi con bước trên con đường của quả vị Ki-tô và biểu hiện quả vị Ki-tô, con thấy là trong một số trường hợp con sẽ không hoàn toàn kiểm soát được hoàn cảnh vật lý của con. Thày không nói là con cần bị bắt giữ, hành hạ, tra tấn và giết như Giê-su. Chúng ta không cần xem xét những chuyện này ngày nay, vì hoàn cảnh đã thay đổi, ít ra là trong đa số quốc gia.

Thày không phủ nhận là hiện nay có những người trong một số quốc gia, đã có trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ, là họ sẽ cho phép mình bị hành hạ, tra tấn và giết để khiến một số sa nhân bị đem ra xét xử. Trong những quốc gia mà quyển sách này được phổ biến, con hy vọng là trường hợp này không xảy ra. Tuy nhiên, ngay cả trong những vùng an bình hơn trên thế giới, rất có thể là chứng minh con đường tới quả vị Ki-tô sẽ cần con trải nghiệm một số hoàn cảnh vật lý và vật chất mà con không hoàn toàn kiểm soát được.

6.8. Sự tiến hóa toàn vũ của trái đất

Con yêu dấu, vì sao lại như vậy? Để hiểu được điều này, con cần phải hiểu trái đất đang ở đâu trong tiến trình tiến hóa tòan vũ. Trái đất đang đi theo một tiến trình tự nhiên hướng về thời Hoàng Kim của Saint Germain, nhưng trái đất chưa đi vào tâm thức của thời hoàng kim. Sẽ có một điểm khi trái đất đi sâu vào thời Hoàng kim và lúc đó một khía cạnh tự nhiên của việc biểu lộ quả vị Ki-tô là thể hiện một số hoàn cảnh vật chất cao hơn.

Nhưng ở giai đoạn hiện nay, vẫn còn rất nhiều người bị kẹt trong một trạng thái tâm thức thấp, và mục đích chủ yếu của con đường tới quả vị Ki-tô không phải là chứng minh khả năng điều ngự ngoại cảnh qua đó con có thể biểu hiện đúng hoàn cảnh vật lý mà con mong muốn. Mà là chứng minh khả năng điều ngự nội tâm qua đó con chứng minh rằng, bất kỳ hoàn cảnh bên ngoài ra sao chăng nữa, con vẫn là chính mình. Con không cho phép hoàn cảnh bất thuận lợi bên ngoài lấy đi sự bình an của con. Con đeo đuổi viễn kiến của Sứ vụ Thiêng liêng của con, dù con không được hoàn cảnh bên ngoài lý tưởng.

Qua đó con chứng minh cho mọi người là thay vì đợi phải có điều kiện vật chất lý tưởng trước khi biểu hiện tâm bình an, một cuộc đời vui tươi hay sự đeo đuổi mục tiêu cao, thì con biểu hiện những điều đó ngay bây giờ, con bắt đầu ngay bây giờ. Con cần phải chứng minh cho mọi người điều ngược lại lời gian dối của sa nhân mà nhiều người đã tin theo. Như thày có nói trong bài giảng đầu, một trong những điều gian đối này là con cần chờ điều kiện lý tưởng trước khi đi con đường tâm linh, trước khi con biểu hiện quả vị Ki-tô. Điều tự nhiên là trong giai đoạn hiện nay, một phần của việc chứng minh con đường tới quả vị Ki-tô là chứng minh rằng con có thể biểu hiện quả vị Ki tô dù con chưa có điều kiện lý tưởng.

Khi con nhận ra điều này, con thốt nhiên thấy rằng: “Ồ, đổ năng lượng và chú tâm vào việc biểu hiện điều kiện vật chất quả là vô lý. Tôi cần bắt đầu ngay bây giờ việc chú tâm đạt quả vị Ki-tô và sau đó chứng minh nó.” Thày không muốn nói là con phải nhảy vào làm ngay. Con đang tự nhiên ở tầng này của khóa tự điều ngự, và các thày có mục đích dẫn con đạt một trình độ cao hơn trình độ hiện nay của con rất nhiều. Thày muốn nói rằng khi con có viễn kiến về nơi con muốn đến, con có thể làm hòa với hoàn cảnh bên ngoài của con như nó hiện đang là.

6.9. Chướng ngại lớn nhất trên đường tới quả vị Ki-tô

Con hiểu là có một nguyên lý đằng sau việc này, một nguyên lý rất quan trọng. Các thày có nói là con sẽ không thực sự biểu hiện một hoàn cảnh khác khi con chưa bình an với hoàn cảnh hiện nay của con. Nguyên lý này đặc biệt áp dụng cho những người tâm linh khi họ tới điểm một phần Sứ vụ Thiêng liêng của họ là quả vị Ki-tô. Lý do thông thường nhất khiến một người trì hoãn quả vị Ki-tô là trong tâm ý thức, họ bị dính mắc vào chuyện biểu hiện một hoàn cảnh bên ngoài nào đó, họ quá chú tâm vào hoàn cảnh đó và trong tiềm thức, họ nói rằng: “Tôi không thể biểu hiện quả vị Ki-tô cho tới khi tôi có được những hoàn cảnh bên ngoài này.”

Cách duy nhất để thoát ra khỏi thế tiến thoái lưỡng nan này là con nhận ra là không hoàn cảnh bên ngoài nào có thể đem lại quả vị Ki-tô và không hoàn cảnh bên ngoài nào có thể ngăn chặn nó. Quả vị Ki-tô là một trạng thái nội tâm, và nó sẽ bắt đầu biểu hiện khi con quyết định bây giờ là lúc biểu hiện. Con cần tới điểm con nhìn hoàn cảnh của mình và nói: “Bất kỳ hoàn cảnh của tôi khó khăn tới đâu, bất kỳ tôi có một số điều kiện hay không có, tôi sẽ chú tâm biểu hiện quả vị Ki-tô ngay bây giờ.Đó là lúc con đã làm hòa với hoàn cảnh hiện nay của con.

Nhiều người trong số các con đã kinh nghiệm rằng khi con tới điểm này, đột nhiên hoàn cảnh bên ngoài thay đổi. Nhiều người trong số các con có khả năng trải qua kinh nghiệm này: con tới điểm con nhìn vào một hoàn cảnh bên ngoài đã thu hút sự chú ý của con, và đột nhiên con làm hòa với nó và nói: “Nhưng chuyện này không thể ngăn chặn quả vị Ki-tô của tôi, vậy tại sao tôi lại phải lo lắng?” Đó là lúc con kinh nghiệm là hoàn cảnh bên ngoài đột nhiên thay đổi. Điều mà lúc trước tưởng như khóa chặt và ngoài khả năng thay đổi của con, đột nhiên trở nên uyển chuyển và hoàn cảnh bắt đầu chuyển đổi.

Nguyên lý đằng sau việc này là: Hoàn cảnh bên ngoài không quan trọng khi con bước trên con đường tới quả vị Ki-tô. Hoàn cảnh bên ngoài không phải là một chướng ngại, nó là một cơ hội để con chứng minh là con không thể và sẽ không bị quy định bởi hoàn cảnh vật chất. Quả vị Ki-tô là gì? Phản Ki-tô là gì?

Con hãy nhớ lại câu chuyện Giê-su nói với Phê-rô (Peter): “Hãy đứng sau ta, Satan. Con đang không ưu tiên việc của Thượng đế mà ưu tiên việc của con người.” Tâm thức Satan là tâm thức đòi hỏi Tánh linh phải thuận theo điều kiện hiện thời của vật chất. Đó là điều Phê-rô phóng chiếu lên Giê-su, lúc đó Phê-rô muốn Giê-su (là người đại diện tâm thức Ki-tô) phải thuận theo những gì Phê-rô chờ đợi phải xảy ra cho Giê-su.

Thời bấy giờ, lúc Giê-su bắt đầu được biết tới ở Israel, có nhiều người muốn Giê-su trở nên một vị vua-chiến sĩ giải thoát nước Israel khỏi tay người La mã. Khi Giê-su không muốn đóng vai trò này, họ giận dữ và chối bỏ thày. Họ cũng phóng chiếu lên Ki-tô là Ki-tô phải thuận theo điều kiện trong vật chất, nhưng mục tiêu của Ki-tô là gì? Đó là giải thoát con người khỏi các điều kiện hiện hành trong vật chất. Làm sao con giải thoát con người khỏi các điều kiện hiện hành bằng cách thuận theo chúng? Con chỉ giải thoát họ được bằng cách chứng minh rằng bất kỳ điều kiện hiện hành như thế nào, chúng không quy định được con như một sinh thể tâm linh; con hơn những điều kiện đó. Đó là cách con chứng minh quả vị Ki-tô.

6.10. Tầm quan trọng của việc buông bỏ viễn kiến cũ

Nếu con còn cảm thấy là điều kiện vật chất hiện thời đang giới hạn việc biểu lộ quả vị Ki-tô của con, thì con không thể biểu lộ quả vị Ki-tô, con không thể thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của con. Do đó, con cần tới điểm nhận ra là điều kiện hiện thời của vật chất là sản phẫm của một viễn kiến hạn hẹp. Viễn kiến hạn hẹp của hầu hết mọi người trên trái đất này đã được phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ từ rất lâu rồi và đã tạo ra điều kiện hiện thời của vật chất, kể cả độ dày đặc của vật chất, sự hỗn loạn, chiến tranh, đấu tranh và xung đột mà con thấy trên hành tinh. Làm sao con, là một đại diện của Ki-tô Hằng Sống, có thể giúp giải thoát con người nếu con không sống theo một viễn kiến cao hơn? Làm sao con có thể mở tâm một cách ý thức với viễn kiến này nếu con không nhận ra là con cần buông bỏ viễn kiến cũ, và con cần thấy nó hạn hẹp. Con cần cho cái ta dựa trên viễn kiến này chết đi và nói: “Nó có là gì với ta đâu? Con sẽ đi theo ngài,” và sau đó con đi theo Ki-tô Hằng Sống cho tới khi thấy được viễn kiến cao hơn đó.

Đó là cách duy nhất con chứng minh quả vị Ki-tô, và đó là lý do vì sao con cần tới điểm con không bám víu viễn kiến cũ. Con có thể đã có viễn kiến đó từ rất lâu rồi, nhưng con cần nhìn nó lại một lần nữa. Con cần nhận ra con là cái Ta Biết. Con là cái biết thuần khiết và do đó con có thể bước ra ngoài phin lọc nhận thức của viễn kiến hiện thời của con. Con có thể tháo ra cặp kính màu, con nhìn cuộc đời của con mà không có viễn kiến cũ, không có phin lọc nhận thức, không bị pha màu và bây giờ con thấy được điều mà cho tới nay con không thấy.

Đây là điểm thày đôi khi gặp khó khăn nhất để giúp các học viên đã theo chân sư thăng thiên từ rất lâu. Con yêu dấu, con có thể nghĩ là những người tới khóa nhập thất của thày đều đã đọc quyển sách này, nhưng điều này không đúng. Con là người đang đọc quyển sách này, con đang cưỡi một ngọn sóng gồm nhiều người (trong đó có người chưa bao giờ nghe nói tới giáo lý chân sư thăng thiên) đang hòa điệu và gia nhập một phong trào cấp tiến gồm hàng triệu người sẵn sàng đi bước kế tiếp.

Có những người không đọc quyển sách này (trong đó có người không nhìn nhận vị sứ giả này là sứ giả chân chính) nhưng họ đã theo giáo lý chân sư thăng thiên từ nhiều chục năm. Họ đã sử dụng giáo lý để tạo ra một viễn kiến đặc trưng của con đường tâm linh, của cuộc đời họ, của hành tinh và của điều chân sư thăng thiên mong muốn. Trong nhiều trường hợp, viễn kiến này giới hạn Sứ vụ Thiêng liêng và việc biểu lộ quả vị Ki-tô của họ, và thày có khi gặp rất, rất nhiều khó khăn khi thày giúp những người đó buông bỏ viễn kiến hạn hẹp của họ. Họ nghĩ rằng viễn kiến đó là viễn kiến chân chính duy nhất vì nó dựa trên giáo lý của chân sư thăng thiên. Họ không chịu nhìn nhận là họ đã dùng giáo lý của chân sư thăng thiên để chứng thực một viễn kiến hạn hẹp. Các thày không chứng thực nó, nhưng chính họ đã làm điều này.

Nhận ra điều này có thể là một điều rất đau đớn; nó đặc biệt đau đớn khi nhận ra với tâm ý thức. Thày phải nói với con rằng có nhiều người đã theo giáo lý chân sư thăng thiên từ nhiều chục năm nhưng họ đã bỏ rơi quả vị Ki-tô vì họ đã lạm dụng, đã diễn giải sai giáo lý. Điều này đã khiến họ tập trung tâm họ vào một viễn kiến không có trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ và không giúp họ đạt được quả vị Ki-tô cá nhân của họ.

Thày có thể làm gì cho những học viên này? Trong một số trường hợp, thày không làm gì được ngoài việc chờ đợi và hy vọng họ sẽ chán ngán viễn kiến này và mở tâm đón nhận cái gì cao hơn với tâm ý thức của họ. Vì sao buông bỏ viễn kiến cũ lại quan trọng như vậy? Con yêu dấu, làm sao con có thể bước lên một tầng tâm thức cao hơn nếu con không buông bỏ viễn kiến con đã tạo ra ở tầng hiện thời của con? Đây chính là nguyên lý của quả vị Ki-tô.

6.11. Buông bỏ cái ta cũ

Các thày đã nói về phàm linh, các thày đã nói về cái ta. Ngay lúc này, con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Con đã tạo ra một cái ta cho con cảm giác tiếp nối ở tầng đó. Điều này không có gì sai trái cả. Con không thể làm điều gì khác, nhưng nếu con muốn vươn lên tầng tâm thức kế tiếp, con không thể đem theo cái ta đó. Con không thể thuyên chuyển theo, con không thể kiện toàn nó, con không thể phát triển nó. Con cần cho nó chết đi, và sau đó, dĩ nhiên, con hình thành một cái ta khác ở tầng tâm thức kế tiếp.

Đa số con người không biết là khi họ chuyển dời từ một tầng tâm thức lên tầng kế tiếp, cái ta cũ chết đi và một cái ta mới sinh ra. Điều này xảy ra ngoài cái biết có ý thức, nó xảy ra dần dần, trơn tru nên đa số không nhận ra là có một cái ta đã chết đi. Con có thể tới điểm con có ý thức về chuyện này, hoặc ít nhất con có ý thức là để tiến cao hơn trên con đường tâm linh, con cần buông bỏ một cái gì đó, một viễn kiến cũ, một cái ta cũ. Con càng làm điều này một cách ý thức thì con càng tiến nhanh, vì con tránh không bị kẹt ở một tầng nào đó.

Khi con lên mỗi tầng của con đường tâm linh thì đó là một chiến thắng quyết định, một bước nhảy vọt. Nó không phải là một tiến triển tuần tự; nó là bước nhảy rõ rệt, quyết định của tâm thức. Nó là một chiến thắng, nhưng sa nhân luôn luôn tìm cách khiến chiến thắng cuối của con là chiến thắng cuối cùng vì con trở nên dính mắc vào một điều gì ở tầng đó và không vươn lên trên được nữa. Những đệ tử chân sư thăng thiên mà thày đề cập tới đã có tiến bộ và đã đạt được một tầng tâm thức cao hơn khi họ chưa biết giáo lý chân sư thăng thiên. Nhưng nếu họ ngừng ở chỗ đó thì họ đã không tận dụng được giáo lý chân sư thăng thiên vì mục tiêu của các thày là hướng dẫn con đạt được thăng thiên. Do đó con cần tiếp tục vươn lên qua suốt 144 tầng tâm thức cho tới khi con tới tầng cao nhất, và lúc đó con có thể nhảy bước nhảy vọt cuối cùng lên trạng thái thăng thiên.

Con luôn luôn, luôn luôn cần buông bỏ cái cũ để được tái sinh trong cái ta mới, viễn kiến mới sẽ nâng con lên cao hơn. Con yêu dấu, tiến trình này không đẹp đẽ sao? Tại sao lại nhìn nó như một đe dọa? Tại sao lại nhìn nó như mình phải mất mát cái gì? Nếu con thấy là mình dính mắc vào điều gì, ngần ngại không chịu buông bỏ điều gì, thì đó chính là tự ngã, là tàn dư của tự ngã, vì chỉ có tự ngã mới muốn nắm chặt. Con yêu dấu, thày bảo đảm với con, là khi con tới tầng này của khóa tự điều ngự, con đã tới điểm con chào đón tăng triển, con muốn tăng triển, con ao ước tăng triển.

Tại sao không chào đón tăng trưởng một cách ý thức và nhận ra rằng tăng trưởng có nghĩa là buông bỏ cái cũ? Sẽ luôn luôn có cảm giác muốn giữ lại điều gì đó, nhưng khi con biết có ý thức là đây chỉ là tự ngã (nó không có tầm quan trọng lớn, nó chỉ có mặt), con chỉ nhìn nó mà không cần đi sâu vào nó và nói: “Ôi, tôi biết nó là gì, nhưng tôi vẫn buông bỏ nó. Tôi vẫn buông bỏ cái ta cũ này, cái viễn kiến cũ này, hãy đi đi.”

Đó là lúc con khiến con đường tu trở nên dễ dàng vì mỗi bước trở nên một niềm vui lớn hơn, thay vì là một cuộc chiến đấu liên miên với tự ngã (với “kẻ đứng trên ngưỡng cửa”, như các thày đã gọi nó) lúc nào cũng muốn giữ con ở tầng cũ và không muốn buông con ra. Thật đúng là tự ngã hay kẻ đứng trên ngưỡng cửa không muốn buông con ra, nhưng điều này không có nghĩa là con không thể buông ra. Khi con buông nó ra, thì nó biến mất, và con tiếp tục tiến bước.

Viễn kiến vừa chủ động vừa thụ động

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion, Thượng sư của Tia thứ Năm. Mục đích của quyển sách này là cho con kích thích bên ngoài, lời nhắc nhủ bên ngoài, giúp con nắm vững và hội nhập các bài học mà con đã học ở cõi ê-the khi con tham dự khóa nhập thất của thày ở tầng thứ năm của khóa tự điều ngự. Trong bài giảng đầu này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem xét một khía cạnh của Tia thứ Năm thường được gọi là viễn kiến.

Trong các kinh sách cổ có câu nói: “Nếu không có viễn kiến thì con người sẽ tử vong”. Đây là một câu có giá trị đáng ngờ vì có ai mà không có viễn kiến? Ai ai cũng có một viễn kiến, dù họ có nhận biết điều này hay không, dù họ có được coi là người nhìn xa thấy rộng hay không. Con người ai ai cũng có một viễn kiến. Vấn đề là con người không biết mình có một viễn kiến và không biết là họ làm gì với nó. Thực ra thì con người không tử vong nếu không có viễn kiến, nhưng ta cần xem xét là con người có loại viễn kiến nào.

4.1 Viễn kiến không thụ động

Con là người quen thuộc với giáo lý của các thày biết ít nhiều về nhị nguyên và bất nhị. Do đó, chắc con thấy rõ là câu trên phải là: “Nếu có viễn kiến nhị nguyên thì con người sẽ tử vong”. Nếu con người không có viễn kiến Ki-tô, là viễn kiến dựa trên duy nhất, thì lúc đó họ sẽ tử vong. Vì sao lại như vậy? Đó là vì chính khả năng nhìn giúp con phóng chiếu lên tấm gương vũ trụ. Như các thày đã nói nhiều lần: “Tấm gương vũ trụ có thể làm được gì ngoại trừ phản chiếu lại cho con điều mà con phóng chiếu lên nó?” Điều này dẫn tới khai ngộ cốt yếu mà con sẽ gặp ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày.

Đại đa số con người trên hành tinh này đã lớn lên với một cái nhìn sai lạc về viễn kiến. Họ cho rằng viễn kiến thụ động. Nếu con nhớ lại điều con học ở nhà trường thì con được dạy là hai mắt là dụng cụ nhận tín hiệu. Chúng nhận ánh sáng đến từ môi trường chung quanh, và từ đó con nhìn ra những gì trước mặt mình. Con yêu dấu, điều này hoàn toàn sai sự thực. Con không thấy những gì trước mặt con.

Các thày đã cố giảng điều này nhiều lần, nhưng ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, con đơn giản không thể tiến lên bước kế tiếp nếu con không thực sự hiểu điều này. Hiểu nó trên mặt lý thuyếttrí năng không đủ. Con cần thấu hiểu nó như một trải nghiệm toàn diện chuyển đổi tâm thức của con và khiến con nhận ra trong cả bốn thể phàm của mình là tầm nhìn không phải là một khả năng thụ động. Nó chính thực là một khả năng chủ động, qua nó con liên tục phóng chiếu ra ngoài, và điều gì con phóng chiếu ảnh hưởng rất nhiều điều con thấy.

Quả thực là điều con phóng chiếu ra ngoài ảnh hưởng những gì con tưởng đến với con từ bên ngoài. Điều con thấy không phải là điều đến với con từ bên ngoài; điều con thấy (và các khoa học gia vật lý lượng tử đã bắt đầu nhận ra điều này) là cái gì đã được sản xuất trong tâm của con. Con không có cách chi tiến lên tới tầng tâm thức 96 nếu con không thấu hiểu và hội nhập thực trạng này. Ta có thể nói là công việc chính của con trong phần còn lại của khóa học tự điều ngự này là làm sạch, làm sáng tỏ viễn kiến của con để con nhận ra những điều mà con phóng chiếu ra ngoài. Con làm chủ những gì con phóng chiếu ra, do đó con làm chủ những gì được gửi trả về con từ tấm gương vũ trụ. Tấm gương chỉ phản chiếu lại điều con phóng chiếu ra.

4.2. Một ảo tưởng vi tế trên đường tu

Đây chính thực là một trở ngại lớn cho nhiều học viên đến khóa nhập thất của thày. Rất có thể là con đã tiến triển trên con đường tu tới điểm này, con đã trải qua các khai ngộ dưới sự hướng dẫn của bốn vị Thượng sư đầu, nhưng con vẫn chưa buông bỏ được một trong những ảo tưởng vi tế nhất trên đường tâm linh. Ảo tưởng này đến thẳng từ tâm thức sa ngã. Giê-su đề cập đến ảo tưởng này khi thày nói: “Vương quốc thiên đàng chịu sự bạo lực, và người hung hãn muốn chiếm nó bằng vũ lực.”

Các sa nhân đã từ rất lâu tìm cách chiếm thiên đàng bằng vũ lực. Con không thể chiếm thiên đàng bằng vũ lực, và do đó lời của Giê-su đã không đuợc ghi chép đúng đắn, vì dĩ nhiên là thày biết đâu là sự thực. Con không thể chiếm thiên đàng bằng vũ lực vì con không thể vượt quá bốn tầng của bầu cõi chưa thăng thiên khi con còn đang hiện thân ở một trong bốn tầng này. Con không thể nào ảnh hưởng tới cõi tâm linh.

Điều con có thể làm được là dùng lực để ép dòng chảy của năng lượng đi về một hướng giúp con có một số quyền năng, một số khả năng cao hơn những gì được coi là bình thường trên hành tinh này. Như các thày đã nói trước đây, dùng lực để đạt được một số khả năng là điều hoàn toàn có thể làm được. Như thày Serapis Bey đã giảng, có một số thày giả đã tự tạo cho mình một số khả năng làm chóa mắt đệ tử. Con yêu dấu, nếu thày là người đi tìm một vị thày tâm linh, thì thày sẽ không chọn người có một số khả năng nào đó, nhưng thày sẽ chọn vị nào có viễn kiến tinh khiết nhất. Thày muốn nói gì khi thày nói “viễn kiến tinh khiết”? Điều này sẽ trở nên sáng tỏ khi con đọc qua từng phần của quyển sách này.

Ở đây thì thày muốn nêu ra ý niệm là có học viên đến tầng đầu của khóa nhập thất của thày mà vẫn chưa buông bỏ được ý tưởng là mục đích của khóa học tự điều ngự này, hay của con đường tâm linh nói chung, là đạt được một số khả năng, một số khả năng phi thường. Điều tàn hại hơn nữa là nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa thực sự nhận ra là mục đích con đường tâm linh không phải để đạt một khả năng máy móc. Thày biết rõ điều này vi tế, nhưng thày muốn con suy ngẫm sự khác biệt vi tế này.

Thày có nói là vũ trụ là một tấm gương toàn vũ. Nó chỉ có thể phản chiếu lại con những gì con phóng chiếu ra. Nghe giống như vũ trụ vận hành một cách máy móc. Quả thực là ta có thể nói là vũ trụ cũng vận hành máy móc như một tấm gương, vì những gì con phóng chiếu tới Ánh sáng Mẫu-Vật, thì Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lên hình tướng của hình ảnh mà con phóng chiếu một cách khá máy móc. Ánh sáng Mẫu-Vật không sáng tạo khi gửi lại con những gì con phóng chiếu ra. Ánh sáng Mẫu-Vật gửi lại con y như những gì con phóng chiếu ra. Điều vi tế là không có cách gì để gian lận tiến trình này – con có hiểu điều này chăng?

4.3 Không thể gian lận cách vận hành của vũ trụ

Có rất nhiều đạo sư và thày giáo trong các lãnh vực Thời đại Mới, Thái độ Tư tưởng Tích cực, giúp mình thêm ý chí (hay bất kỳ tên gọi nào khác) tìm cách khiến con tin rằng nếu con theo vài bước giản dị, học một số công thức, đọc một số lời khẳng định, thì con có thể xoay đổi đời mình một cách nhanh chóng. Chỉ cần áp dùng vài phương cách giản dị là con có thể thu hút một người bạn đời tuyệt vời nhất, có được tất cả tiền bạc mà con mong muốn và bất kỳ điều gì khác mà con ao ước. Điều này không thể xảy ra – có đúng vậy chăng, con yêu dấu? Không có cách chi gian lận cách vận hành của vũ trụ.

Con có thể dùng tâm ý thức và gia nhập một khóa học được cống hiến và tập trung tâm ý thức của mình vào một viễn kiến tích cực của đời sống. Con có thể vẽ ra một họa đồ tìm kho tàng, viết ra thật rõ những gì con muốn, làm theo các bước thực hành và tập trung viễn kiến của mình vào một mục đích nào đó. Con có thể đem hết năng lượng mà con có và phóng chiếu viễn kiến đó lên tấm gương vũ trụ, nhưng nếu con chỉ làm điều này với tâm ý thức của con thì kết quả sẽ chỉ giới hạn. Vì con vẫn phóng chiếu một viễn kiến khác – và có thể là một viễn kiến đối ngược – với tiềm thức của con, tức là ba tầng tâm xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Như các thày đã giảng, thay vì con giải quyết các lập trình hay phàm linh nội tại ở ba tầng cao của tâm, thì con tạo ra một lập trình mới, một phàm linh mới, và lúc đó vấn đề là phàm linh nào mạnh hơn. Cho dù có một phàm linh mạnh hơn, nhưng các phàm linh kia vẫn còn đó và vẫn tiếp tục phóng chiếu ra ngoài.

Ta có thể trở lại câu nói trong kinh sách cổ: “Nếu không có viễn kiến thì con người sẽ tử vong”. Ta nay có thể nói: “Nếu không có viễn kiến thuần nhất thì con người sẽ tử vong”. Con phóng chiếu ra điều gì nếu con không có một viễn kiến đồng nhất? Con gửi đi “tín hiệu lộn xộn”, theo lối nói bình dân, và khi đó thì tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu lại con điều gì? Dĩ nhiên là tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu lại một hoàn cảnh bên ngoài phản ánh điều này. Đó là vì sao thày nói không có cách nào gian lận cách vận hành của vũ trụ, không có cách máy móc nào. Con không thể tạo ra một công thức máy móc cho con hoàn cảnh mà con mong muốn. Như thày có nói, con có thể tạo ra một số công thức cho con một số khả năng tạm thời. Tỷ dụ, con có thể, như một số người đã làm, thu hút về mình tài sản đồ sộ trong kiếp sống này.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã tránh được Luật Nhân Quả. Do đó, trong một kiếp sống tới, họ sẽ phải trải nghiệm đối cực kia của viễn kiến bất quân bình mà họ đã phóng chiếu ra. Điều thày muốn nói ở đây là: ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, học viên cần nhận ra rằng tất cả những hứa hẹn giả đang hiện hành là giả. Và con cũng cần hiểu rõ tại sao chúng là giả. Các hứa hẹn đó giả vì chúng khiến con tạo ra một lập trình mới với tâm ý thức của con nhưng chúng không giải quyết những lập trình khác nơi các tầng khác của tâm. Chúng giả vì con phải chọn lựa con muốn gì trong cuộc đời. Con muốn tự điều ngự hay con muốn hoàn cảnh vật lý, vật chất hay kinh nghiệm nào đó trên trái đất?

4.4. Điều ngự thế giới hay điều ngự cái ta

Con yêu dấu, thày vừa nói gì đó? Thày vừa nói là vũ trụ là tấm gương, nó phản chiếu lại con y hệt những gì con phóng chiếu vào nó. Con có thể nhìn một số người và thấy là họ có động lực cao (hay ta cũng có thể nói là khả năng điều ngự cao) giúp họ có được đúng hoàn cảnh vật lý mà họ mong muốn. Con có thể nhìn vào những người đã tạo ra hay thu hút được tài sản to lớn. Họ sống trong một dinh thự đẹp dẽ, họ có người phối ngẫu xinh đẹp, họ có những hoàn cảnh bên ngoài tuyệt hảo và mọi chuyện nằm dưới tầm kiểm soát của họ y như ý họ muốn. Con có thể thấy điều này và nói: “Tôi cũng muốn sống một cuộc đời mà không phải lo thiếu tiền bạc, có được một căn nhà xinh đẹp và có mọi chuyện dưới tầm kiểm soát của mình.” Con có thể nhìn các người đó và nói: “Tôi cũng muốn được như vậy. Đây chắc hẳn là tự điều ngự nếu tôi thể hiện được những hoàn cảnh đó.”

Con yêu dấu, nếu đó là thái độ của con, nếu đó là điều con ao ước, thì không có gì sai trái với việc đó cả. Như các thày đã nói, trái đất là một bộ máy tạo kinh nghiệm nơi con có thể có một số trải nghiệm cho tới khi con chán ngán chúng và sẵn sàng tiến lên bước khác. Như con chắc đã bắt đầu nhận ra, mục đích của khóa tu tự điều ngự này không phải là cho con quyền năng biểu hiện đúng những hoàn cảnh vật lý mà con muốn. Chuyện quan trọng không phải là biểu hiện hoàn cảnh vật lý nào đó; chuyện quan trọng là tự điều ngự. Điều khác biệt là gì? Điều khác biệt rất giản dị.

Sa nhân đưa ra lập luận dối trá rằng khi con có một số hoàn cảnh vật chất nào đó, thì lúc đó con sẽ hạnh phúc, lúc đó con sẽ được bình an trong tâm. Họ đựa ra lập luận dối trá này vì họ tin điều đó là thật. Họ không thể tránh tin điều đó vì họ ở trong tâm thức nhị nguyên. Trong nhị nguyên, con thấy mình là sinh thể tách biệt có nghĩa là con thấy có sự phân chia giữa điều ở bên trong tâm mình và ở bên ngoài. Con (luôn luôn) kinh nghiệm rằng hoàn cảnh bên ngoài tâm ảnh hưởng trạng thái tâm của con.

Do đó, con rơi vào bẫy của ảo tưởng cho rằng cách duy nhất để làm chủ trạng thái tâm của mình là làm chủ ngoại cảnh. Một khi con có được ngoại cảnh như ý muốn, thì trạng thái tâm sẽ tự động theo sau, sẽ theo sau một cách máy móc. Đây là điều Giê-su ám chỉ khi thày nói về ý muốn dùng bạo lực để cưỡng chiếm thiên đàng. Khi thày nói thiên đàng, dĩ nhiên là thày muốn nói tới tâm Ki-tô, trong đó con hoàn toàn bình an. Đây là ý muốn dùng bạo lực để đạt được bình an nội tâm bằng cách ép buộc ngoại cảnh phải tuân theo tầm nhìn của họ. Tầm nhìn đó đưa ra các hoàn cảnh lý tưởng mà họ cho rằng sẽ đem lại sự bình an nội tâm một cách máy móc.

Dĩ nhiên các thày đã nói nhiều lần là con không phải là một sinh thể máy móc. Do đó, bất kỳ ngoại cảnh như thế nào chăng nữa, con không nhất thiết được bình an. Ngoại cảnh không thể nào tạo ra bình an nội tâm vì bình an nội tâm và hạnh phúc là một điều kiện nội tâm. Đó là lý do con đang theo học một khóa tu mà các thày gọi là khóa tự điều ngự. Tự điều ngự không có nghĩa là điều khiển ngoại cảnh, những điều kiện bên ngoài cái ta, mà là điều khiển hoàn cảnh nội tâm, những hoàn cảnh bên trong cái ta. Con có thể nghĩ là con đã nghe các thày nói điều này rồi – và quả thực các thày có giảng điều này rồi. Nhưng con có thực sự thể nhập nó chưa? Con có khóa chặt tâm mình vào điều đó chưa? Con có nhận ra trong cả bốn tầng tâm của con chưa? Cái Ta Biết của con đã bước ra khỏi động lượng cũ xưa muốn tìm cách kiểm soát thế giới bên ngoài chưa? Con đã bước ra khỏi ham muốn cũ xưa muốn có một số hoàn cảnh nơi thế giới bên ngoài chưa?

4.5. Không có công thức máy móc

Đó là lý do vì sao thày nói đường tu không máy móc. Con không thể chế ra một công thức tạo ra một số ngoại cảnh nào đó và sau đó sẽ tự động đạt được bình an nội tâm. Như thày có nói, con có thể chế ra một công thức tạo ra một số ngoại cảnh nào đó. Đó là điều có thể làm được. Đây không phải là diều dễ làm cho đa số con người trên hành tinh này, nhưng con đã thấy một số người dùng tâm của họ phóng chiếu ra một viễn kiến, và qua đó thu thập được nhiều tài sản, quyền lực hay những thứ khác.

Nhưng điều mà con có thể thấy, nếu con dùng viễn quan Ki-tô, là hầu hết những người đó là sa nhân đã qua một thời gian rất, rất dài xây dựng được động lực kiểm soát thế giới vật chất. Điều họ làm được giống như sự chuyển động của một quả lắc. Khi quả lắc di chuyển qua một phía thì họ dần dần có càng ngày càng nhiều kiểm soát trên ngoại cảnh. Khi quả lắc tới điểm xa nhất mà động lực có thể đảy nó tới, thì họ có vẻ đạt được quyền lực và tài sản to lớn trên trái đất. Nhưng họ tất nhiên sẽ tới điểm bất quân bình cao nhất mà họ có thể tạo ra trong vũ trụ , và quả lắc sẽ bắt đầu di chuyển về hướng kia. Họ sẽ càng ngày càng có ít kiểm soát trên ngoại cảnh, và họ có thể sẽ có nhiều kiếp sống trong đó họ hầu như không kiểm soát được điều gì trong cuộc sống của họ. Con sẽ thấy là những người uy quyền ngày hôm nay sẽ không phải là người uy quyền trong tương lai, và họ cũng không là người uy quyền trong quá khứ (ít nhất là trong quá khứ xa).

Nếu con muốn có một kinh nghiệm nào đó, nếu con ao ước có được cái có vẻ là sự điều ngự vật chất, thì thày không lên án con, thày không chỉ trích con. Thày nhìn nhận là cách duy nhất để con vượt qua mong ước đó là con tìm cách thể hiện nó cho tới khi con chán ngán kinh nghiệm đó. Thày sẽ chỉ giản dị nói với con: “Thày không phải là vị thày mà con cần ở điểm này trên con đường tu của con. Các vị Thượng sư khác cũng vậy. Khóa học tự điều ngự này không phải là điều con cần ở điểm này. Con cần đi tìm một vị thày khác có thể cho con điều con mong ước.” Quả thực là có học viên đã tới điểm này, sau khi đã học xong bốn tia sáng trước, và nay phải đối mặt với thực tại này và thốt nhiên nhận ra là con đường tu này không phải điều họ muốn ở điểm này trên tiến trình tiến hóa toàn vũ của họ – và họ quyết định bỏ đi.

Sau đó, dĩ nhiên là họ sẽ được tiếp đón niềm nở trở lại khi họ sẵn sàng trở lại. Họ sẽ phải đi xuống và bắt đầu trở lại với Chân sư MORE, nhưng tuy thế các thày không lên án ai, không bao giờ đuổi ai đi. Con thấy chăng, thày cần phải khiến học viên đối diện chính mình ở điểm này, ở tầng đầu của khóa nhập thất của thày, để giúp họ soi rõ viễn kiến của họ về con đường tâm linh là gì, viễn kiến của họ về khóa học này là gì.

Lúc đó họ có một chọn lựa: họ có sẽ thăng vượt viễn kiến của họ và thuận theo mục đích của khóa học, hay họ đi nơi khác và theo đuổi viễn kiến mà họ nghĩ cần thể hiện trong đời sống của mình? Khi học viên vượt qua được thử thách này và quyết định: “Có”, họ có muốn tự điều ngự, họ có muốn theo học khóa tu này, họ có muốn theo học với thày, thì chúng ta có thể tiếp tục. Lúc đó chúng ta tiến tới thử thách cam go khác mà con phải đối mặt ở tầng thứ nhất này của khóa nhập thất của thày. Đây là điều mà thày đã bắt đầu mô tả, khi thày nói là con cần nhận ra viễn kiến không thụ động, mà là một khả năng rất chủ động.

4.6. Làm sao tâm khiến viễn kiến bị lệch lạc

Bây giờ thày muốn con nhớ lại một số điều con học ở nhà trường. Con học rằng trong thế giới có một số đồ vật, như bàn, ghế, đường xá, xe cộ, cây cối, núi, sông, đại dương, trái đất vân vân. Khi con nhìn vào các đồ vật đó, ánh sáng chiếu vào chúng và dội về mắt con. Ánh sáng phản chiếu đó dội vào màng võng mạc trong mắt con, và qua đó con thấy đồ vật đó. Bây giờ, ta phải xem xét mô hình này để đi quá những gì con học ở nhà trường.

Trước tiên, ta cần chất vấn rằng có thực sự những đồ vật trong thế giới hay không, ít ra là những đồ vật theo nghĩa con đã được dạy dỗ. Thày không nói là cả thế giới vật chất không hiện hữu hay được tạo nên bởi viễn kiến của con. Quả thực là đồ vật trong thế giới bên ngoài.

Ta có thể chất vấn là các đồ vật đó rắn chắc hay là cái gì khác. Khi con học giáo lý của các thày, hay ngay cả khi con học đôi chút về vật lý lượng tử, thì con thấy là ngay cả các khoa học gia cũng đã bắt đầu đặt nghi vấn là có những đồ vật thực sự rắn đặc hay không. Họ biết rằng, khi ta nghĩ sâu về vấn đề, là mọi thứ trong vũ trụ được cấu tạo bởi sóng năng lượng rung động. Con không nhất thiết thấy một đồ vật, con thấy một trường năng lượng. Đây là một điều quan trọng cần ghi nhớ, và thày sẽ trở lại điểm này trong các bài giảng tới.

Câu hỏi mà thày muốn con suy ngẫm ở đây là: “Những tia sáng dội vào mắt con thực sự từ đâu tới?” Chúng bay bay chơi vơi trong không gian, hay chúng phát xuất từ mặt trời hay từ một nguồn ánh sáng nhân tạo? Con dĩ nhiên biết là trong bóng tối con không thấy được gì hết. Phải chăng là đồ vật không có đó khi tối đen? Không phải đâu, dĩ nhiên là chúng có đó. Trường năng lượng có đó, vậy thì các tia ánh sáng đập vào mắt con sau khi đã dội vào đồ vật từ đâu tới? Ở đây, ta cần nhận ra là có khía cạnh vật lý và phi vật lý của nhãn quan, ít nhất là theo định nghĩa mà con hiện có về từ “vật lý”.

Nếu con là người tâm linh, thì con thể nào cũng có nghe đến quan niệm “nhãn quan thứ hai” hay “khai mở con mắt thứ ba” giúp con người thấy được trường năng lượng bao quanh con người hay đồ vật. Điều con cần nhận ra là lúc nào cũng có sóng ánh sáng tiết ra từ bất cứ đồ vật nào. Một đồ vật là một trường năng lượng và nó liên tục tỏa ra tia điện từ, ngay cả ban đêm. Chuyện dĩ nhiên xảy ra là khi mặt trời ló dạng hay khi con bật lên ngọn đèn điện là lúc đó có những tia điện từ và con mắt có thể nhận được, và do đó con thấy được đồ vật.

Con yêu dấu, ta hoàn toàn có khả năng thấy ban đêm mà không cần đeo những cặp kính dị hợm khiến mọi vật hiện ra với màu xanh. Việc thấy được trong bóng tối rõ như con thấy được ban ngày với con mắt vật lý là điều hoàn toàn có thể làm được. Tại sao con không thấy được hào quang, tại sao không thấy được ban đêm? Đó là vì con không thấy được những gì con mắt thấy. Điều mà thày đang nói là có nhiều tia ánh sáng đi vào đôi mắt vật lý của con hơn là con thấy. Vì sao đa số con người không thấy được hào quang bao quanh mỗi người? Không phải là vì con mắt của họ không nhận được những tia ánh sáng từ hào quang của người khác; mà là vì tâm của họ lọc đi những tia sáng được coi là không liên quan hay thừa thãi.

4.7. Bốn tầng của nhãn quan

Chúng ta hãy xem xét chuyện gì xảy ra khi một tia ánh sáng đập vào con mắt vật lý. Như các con đã được dạy trong nhà trường, tia sáng đập vào màng võng mạc (retina) và màng võng mạc gửi một tín hiệu đến vùng vỏ não thị giác (visual cortex) trong não bộ. Bài học nhà trường của con có lẽ chấm dứt nơi đây, nhưng con cần nhận ra đây là một tiến trình rất phức tạp và tinh vi. Con biết là trong một máy ảnh kỹ thuật số có một bộ cảm biến (sensor), và khi ánh sáng đập vào bộ phận này, nó biến tia ánh sáng thành một tín hiệu mà một máy điện toán có thể đọc được. Con cũng biết là máy điện toán được thiết kế dựa trên một hệ thống nhị phân gồm tín hiệu bật hay tắt. Nói cách khác, máy điện toán không biết các sắc thái vi tế, các chuyển màu tế nhị; nó chỉ biết bật hay tắt, số không hay số một, chỉ có hai trạng thái mà thôi. Màng võ mạc trong con mắt cũng hoạt động tương tự nhưng nó có hơn hai trạng thái; nó không nhị phân.

Đúng thực là màng võng mạc có thể xử lý bảy mức độ hay bảy chuyển màu vi tế. Điều này có nghĩa là khi màng võng mạc gửi tín hiệu về vùng vỏ não thị giác, nó không gửi tín hiệu bật tắt, mà gửi bảy sắc thái màu, bảy ghi mã tín hiệu. Khi màng võng mạc chuyển tia ánh sáng (hay ấn tượng của tia ánh sáng) thành tín hiệu mà não bộ có thể xử lý, thì nó gửi những tín hiệu này theo mạng lưới dây thần kinh về vùng vỏ não thị giác. Chuyện xảy ra trong vùng vỏ não thị giác lại là một quá trình phức tạp và tinh vi hơn nữa. Không có một đối chiếu một với một giữa những gì vùng vỏ não thị giác nhận được từ màng võng mạc và những gì con thấy. Thật sự là cũng không có một đối chiếu một với một giữa tia ánh sáng đập vào màng võng mạc và tín hiệu mà màng võng mạc chuyển về não bộ.

Điều con cần nhận ra là sự thực đơn giản là con không thấy bằng hai mắt mà con thấy bằng bộ óc. Bây giờ con cần phải tiến xa hơn và nhận ra rằng khía cạnh vật lý của nhãn quan (xảy ra trong não bộ) chỉ là khía cạnh thô thiển nhất của nhãn quan. Nó là nền tảng của nhãn quan, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ của những gì nhãn quan thực sự bao gồm. Có một khía cạnh của nhãn quan liên hệ đến thể cảm xúc, có một khía cạnh khác liên quan đến thể tư tưởng và một khía cạnh khác liên quan đến thể bản sắc. Con không thấy bằng mắt, con không thấy bằng não bộ, con thấy bằng cả bốn thể phàm.

Thể cảm xúc của con là gì? Như con có thể tưởng tượng, nó là một trường năng lượng. Bây giờ thì con có thể nhớ lại một điều khác mà con có thể đã học hay không học ở nhà trường, nhưng các thày cũng đã giảng điều này, và nó rất giản dị. Ánh sáng điện từ hay sóng điện từ là làn sóng. Khi các làn sóng tương tác, tùy theo đặc tính rung động của chúng, chúng có thể giao thoa (interference) với nhau hay đi xuyên qua nhau. Khi hai làn sóng giao thoa, thì đặc tính của hai làn sóng quyết định mô thức giao thoa và do đó kết quả của sự tương tác.

4.8. Nhãn quan xảy ra như thế nào ở tầng vật lý

Điều thày muốn nói là như sau: con có một tia điện từ đập vào mắt. Nó đập vào màng võng mạc, mà bản chất thực cũng là một trường năng lượng. Một mô thức giao thoa được tạo ra với bảy sắc thái màu. Kết quả của mô thức giao thoa đó là một tín hiệu được gửi tới não bộ, tới vùng vỏ não thị giác. Khi tín hiệu này tới vùng vỏ não thị giác, cũng là một trường năng lượng, thì một mô thức giao thoa mới được tạo ra, và những gì vùng vỏ não thị giác xử lý là kết quả của mô thức giao thoa đó. Rất có thể (và điều này thực sự xảy ra với đại đa số con người) là vùng vỏ não thị giác cũng ảnh hưởng điều mà con thấy. Có một sự diễn giải được đặt lên những gì con thấy ở tầng vật lý. Thày cho con một thí dụ giản dị. Chắc hẳn là con cũng đã thấy những ảo thị đơn giản. Ảo thị đơn giản nhất gồm hai đường thẳng, một đường có hai mũi tên chĩa ra ngoài, và đường kia có hai mũi tên chĩa vào trong. Khi con nhìn hai đường thẳng đó, con có cảm tưởng là một đường dài hơn đường kia, nhưng khi con lấy thước đo thì hai đường có chiều dài hoàn toàn như nhau. Chuyện xảy ra là hướng của hai mũi tên đã đánh lừa con mắt của con và gây cho con cảm tưởng là một đường dài hơn đường kia.

Đây là điều mà vùng vỏ não thị giác áp đặt lên nhãn quan của con. Có một số lập trình trong vùng vỏ não thị giác liên quan đến cõi vật lý, thế giới vật chất, cách con nhìn đồ vật – thấy nó là gì. Những điều này đương nhiên là phức tạp hơn đường thẳng; chúng liên quan đến hình dạng, khả năng giúp con nhận diện một hình dạng. Thí dụ, nếu con trở về thời người cổ xưa sống trong rừng và có thể bị ác thú tấn công, thì vùng vỏ não thị giác của họ rất, rất nhanh nhận ra hình dạng nào là một mối đe dọa. Lúc đó, não bộ có thể gửi tín hiệu tới cơ bắp để tháo chạy trước khi tâm ý thức có thì giờ phản ứng lại hoàn cảnh đang xảy ra.

Con thấy là ở đây có khía cạnh thực tại thực tiễn. Có những hoàn cảnh trong đời khi con cần phản ứng nhanh đến độ con không thể lấy một quyết định ý thức, con cần phải phản ứng bằng tiềm thức. Các con đều làm chuyện này khi con lái xe, hay đi xe đạp. Phản ứng xảy ra ở tầng vật lý thuần túy.

Không có gì sai trái với sự kiện này. Tuy nhiên, con cũng cần nhận ra là vì trái đất có một quá trình rất dài chìm đắm trong tâm thức nhị nguyên, nên tất cả mọi người đều có một số điều, mà con có thể gọi là bản năng, lập trình trong não bộ của họ. Trên con đường tâm linh, con sẽ tới một điểm, khi con đã đi quá tầng 96, khi con cần phải tháo gỡ các lập trình này.

Thày giảng phần này để cho con nhận ra sự kiện là ngay ở tầng vật lý, tầng của não bộ, đã có những yếu tố khiến nhãn quan của con bị bóp méo. Có một sự diễn giải được áp đặt lên những gì con thấy. Diễn giải đơn giản nhất là: “Hoàn cảnh trước mặt có là một mối nguy hiểm hay không?” Nhưng có rất nhiều diễn giải vi tế khác.

4.9. Nhãn quan ở các tầng cao hơn

Khi tín hiệu đã đi qua vùng vỏ não thị giác, thì mô thức giao thoa tạo ra ở đó được gửi tới thể cảm xúc. Thể cảm xúc của con cũng là một trường năng lượng, do đó ở đó lại có thêm một tương tác, một mô thức giao thoa. Điều mà con thấy ở tầng cảm xúc sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì sẵn có trong thể cảm xúc của con. Tức là những lập trình ở trong đó, những dạng năng lượng ở trong đó. Nếu con có nhiều sợ hãi trong thể cảm xúc của con, con sẽ có khuynh hướng diễn giải nhiều hoàn cảnh như đe dọa tuy chúng không nhất thiết là đe dọa. Đó là lý do vì sao con thấy hai người đối diện cùng hoàn cảnh nhưng phản ứng khác nhau, vì một người có nhiều sợ hãi trong thể cảm xúc hơn người kia.

Cũng như vậy, sau khi đã tương tác ở thể cảm xúc, xung lực tới thể tư tưởng. Ở đó, nó lại tạo nên một mô thức giao thoa, và sau đó nó tới thể bản sắc. Bây giờ, con – là cái Ta Biết – con thấy gì? Con thấy xung lực ở điểm nào? Điều này tùy thuộc con, cái Ta Biết, đang chú tâm vào phần nào của bốn thể phàm. Có những người chú tâm vào cõi vật lý, vào xác thân vật lý. Đó thường là những người đã trải qua những hoàn cảnh nguy hiểm cho xác thân họ. Họ có thể là quân sĩ trong chiến tranh, họ có thể là người bất lương lúc nào cũng cảm thấy bị đe dọa, hay họ là người thổ dân sống trong rừng rậm. Những người này hoàn toàn chú tâm vào cõi vật lý đến độ họ không thấy (ít nhất là một cách ý thức) những gì xảy ra ở các tầng cao hơn. Ta có thể nói là chuỗi nhãn quan của họ ngưng ở tầng vật lý.

Sau đó, lại có những người chú tâm vào cõi xúc cảm, và đương nhiên là họ thấy mô thức giao thoa được tạo ra khi xung lực tới thể cảm xúc. Họ không thấy điều xảy ra khi nó đi lên các tầng cao hơn, ít ra là một cách ý thức, vì họ không suy nghĩ một cách có ý thức. Sau đó, đương nhiên là lại có những người chú tâm vào cõi tư tưởng, và có người chú tâm vào cõi bản sắc. Tất cả các học viên tới khóa nhập thất của thày đều chú tâm vào tầng tư tưởng cao hay tầng bản sắc. Con không thể đi trên con đường tâm linh tới điểm này và không vượt qua tầng vật lý và cảm xúc. Con không thể hoàn toàn chú tâm vào cảm xúc, chẳng hạn, và đạt được các khai ngộ của thày Serapis Bey.

Điều mà con cần nhận ra, và đây là điều thày muốn con suy ngẫm trong bài giảng này, là thể tư tưởng và thể bản sắc của con sẽ bóp méo tầm nhìn của con. Thày biết là điều này có thể khiến con lo sợ hay khó hiểu. Nếu con đang đeo một cặp kính màu vàng và không biết mình đang đeo một cặp kính màu vàng, thì làm sao con có thể nhìn mà không qua cắp kính nào? Dĩ nhiên, đây là công việc của thày, là vị thày hướng dẫn con qua bảy tầng của khóa nhập thất này, để giúp con dần dần nhận rõ hơn là con có một phin lọc, và con có khả năng bỏ phin lọc ra và đạt được tầm nhìn thanh khiết hơn, rõ ràng hơn.

Thày không muốn con hoảng sợ, cảm thấy chán nản hay cảm thấy đây là một công việc không thể làm được. Dĩ nhiên là nó làm được, và thày sẽ khiến nó càng ngày càng dễ làm khi chúng ta tiến thêm trong khóa học này. Điều mà thày muốn con quyết định một cách ý thức là con có muốn theo khóa học này hay con muốn có trải nghiệm khác ở điểm này của đời con. Nếu con muốn trải nghiệm khác thì con cần tìm ra một vị thày có thể cho con kinh nghiêm bên ngoài mà con mong muốn hay một mức độ điều khiển thế giới vật chất nào đó.

4.10. Tự chủ đúng và sai

Con biết rằng khóa học này là khóa học tự-điều ngự. Điều mà sa nhân muốn đạt được là làm chủ thế giới bên ngoài mà không làm chủ thế giới bên trong. Câu nói này thoạt trông có vẻ mâu thuẫn, vì có các thày giả tuyên bố là họ đã đạt được tự chủ, họ làm chủ hoàn toàn hành động và trạng thái tâm của họ. Điều đó có đôi chút thực chất, vì con có thể đạt được một mức làm chủ nào đó trên bốn thể phàm của mình. Đó chính là điều mà các thày giả mà thày đề cập tới đã đạt được. Họ đã đạt được khả năng làm chủ phần nào bốn thể thấp của họ và làm chủ hoàn cảnh bên ngoài của họ.

Con không thể gian lận vũ trụ; nó phản chiếu lại con những gì con phóng chiếu ra. Nếu con muốn có điều kiện nào đó biểu hiện thì con phải kiểm soát được những gì con phóng chiếu ra. Dĩ nhiên có thể có (như con đã từng thấy trong quá khứ) một người biến toàn thể dân chúng thành nô lệ của mình, và do đó họ làm việc để người đó được cung điện nguy nga, một đạo quân hùng mạnh và quyền uy rộng lớn. Điều này cũng cần khả năng điều ngự tâm vì con cần khả năng uốn cong ý chí người khác theo ý chí của mình.

Nhưng đây không phải là tự điều ngự. Đây là điều ngự bốn thể phàm, nhưng không phải là điều ngự cái ta vì cái ta nhiều hơn là bốn thể phàm. Vậy tự điều ngự là gì? Đó là ý định thanh khiết. Thày Serapis nói về ý định thanh khiết khi con tới điểm không còn hung hãn nữa. Khi con không còn tìm cách uốn cong người khác theo ý chí của con bằng cách ép họ phải từ bỏ ý chí của họ, thì lúc đó con có tự điều ngự.

Đó là lúc con không còn muốn ép buộc vũ trụ cho con một số điều kiện dù con không có những điều kiện tương ứng bên trong mình. Con yêu dấu, con có thấy điều thày muốn nói chăng? Vũ trụ là một tấm gương. Nếu con muốn một số điều kiện (mà con cần trong thế giới bên ngoài), con cần phải tạo ra viễn kiến về các điều kiện đó bên trong tâm con, và sau đó con phóng chiếu viễn kiến đó ra Ánh sáng Mẫu-Vật, tấm gương toàn vũ.

Vấn đề là con tạo dựng viễn kiến này qua tâm nhị nguyên, tâm tách biệt hay qua tâm Ki-tô. Thày phải nói con là khi con tới tầng này của khóa nhập thất của thày, con sẽ vẫn con tàn dư của động lực phóng chiếu qua tâm tách biệt. Điều này có nghĩa là con còn một ít ham muốn, một ít nhu cầu của tâm tách biệt mà con nghĩ (có thể một cách không ý thức) là con cần thỏa mãn. Con cho rằng một phần của con đường tự điều ngự là con thực hiện những ham muốn này và có khả năng biểu hiện các ngoại cảnh đó.

Điều này có thể là tâm điều ngự vật chất, nhưng không phải là tâm điều ngự tâm. Nhưng thực ra thì không có tâm điều ngự tâm, vì điều thày dạy trong khóa tự điều ngự này là dẫn con tới điểm con không có hai tâm. Con chỉ có một tâm mà thôi.

Con có thấy chăng là nhị nguyên dựa trên sự phân chia cơ bản giữa ta và thế giới, giữa ta và người? Khóa học tự điều ngự là khóa học chiến thắng nhị nguyên, chiến thắng tách biệt, đi tới cái mà các thày gọi là Tâm Ki-tô, nơi con thấy cái Duy Nhất của mọi sự sống. Con có thấy điểm khác biệt chăng?

Sa nhân nói rằng: “Ta muốn một số điều kiện biểu hiện nơi thế giới bên ngoài. Ta biết là vũ trụ vận hành như một tấm gương, do đó ta phải tạo trong bốn thể phàm một khuôn đúc của những điều kiện mà ta muốn biểu hiện trong thế giới vật lý, và sau đó ta phải phóng chiếu, với toàn thể sức lực mà ta có, khuôn đúc này lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Một thời gian sau đó thì Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lên hình tướng đó.” Con có thấy điều họ muốn làm chăng? Như thày có nói trước đây, họ muốn tạo một lập trình mới, một phàm linh mới, và phàm linh này làm gì? Nó tạo ra chia rẽ trong tâm họ.

Điều mà sa nhân gọi là điều ngự là khi họ tạo ra một phàm linh nội tại mạnh mẽ đến độ nó có thể nhất thời khống chế được những phàm linh nội tại khác. Do đó như thày có nói, khi quả lắc đi qua một phía thì họ có thể biểu hiện những điều kiện đó. Nhưng rồi sẽ tới lúc họ giản dị không còn đủ sức mạnh để tiếp tục, và lúc đó phàm linh dũng mãnh mà họ tạo ra sẽ hết hơi. Các phàm linh khác bắt đầu nổi lên lại và tạo ra sự phân rẽ trong tâm, và quả lắc bắt đầu xoay lại phía kia. Lúc đó họ sẽ trải nghiệm nhiều kiếp sống đầy hỗn mang, xáo trộn và địa vị thấp trong thế giới bên ngoài.

Tự điều ngự là khi con dần dần làm tan đi các phàm linh nội tại, làm tan đi sự phân rẽ nội tại. Con thăng vượt các phân rẽ nội tại và càng ngày càng đến gần điểm mà viễn kiến của con dựa trên Duy nhất.

4.11. So sánh Giê-su và các tỷ phú

Ở đây, con nên nhìn một cách ý thức về cuộc đời và sứ mạng của Giê-su, hay của đức Phật. Con hãy so sánh Giê-su hay đức Phật với những người đương thời giàu có và đầy quyền lực nhất, như các nhà tỷ phú, có được tất cả những gì họ mong muốn, có thể kiểm soát mọi khía cạnh cuộc đời bên ngoài của họ. Con có nghĩ chăng là một người giàu có và nhiều quyền lực, người giàu nhất trên thế giới, có khả năng tự điều ngự cao hơn Giê-su hay đức Phật chăng? Người đó – có thể – có nhiều hơn khả năng thể hiện điều kiện vật lý. Nhưng có thực chăng là họ có khả năng đó hơn Giê-su hay đức Phật, vì chắc hẳn Giê-su và đức Phật có khả năng thể hiện bất kỳ điều kiện bên ngoài mà các thày muốn cho chính mình.

Con cần tự đặt câu hỏi: “Vì sao hai vị thày tâm linh đó, có khả năng tự điều ngự, lại sống cuộc đời rất bình dị, và trên mặt vật chất rất nghèo? Họ không có của cải gì, không sở hữu gì. Giê-su không có tu viện, không có cơ sở cố định, mà đi giảng đạo khắp nơi. Tại sao thày không thể hiện những điều kiện mà thày mong muốn? Thày đã không làm vậy, vì trong những kiếp trước thày đã thể hiện nhiều điều kiện bên ngoài và thày đã tới điểm chán ngán kinh nghiệm này và mong muốn một kinh nghiệm cao hơn.

Kinh nghiệm cao hơn này là gì? Đó là con bắt đầu nhìn quá cái ta của mình! Viễn kiến của con không trụ ở cái ta tách biệt, con không chú tâm vào những gì con muốn cho cái ta tách biệt. Con càng ngày càng chú tâm nhiều hơn đến tổng thể, con chiến thắng sự phân rẽ giữa ta và người. Con hoặc thấy cái ta là tất cả hoặc cái ta là một phần của tổng thể. Thành tựu sáng tạo tối hậu cho cái ta là làm điều gì nâng cao tổng thể thay vì tập trung tất cả năng lượng, chú tâm và viễn kiến vào việc nâng cao cái ta tách biệt.

Con có thấy chăng là con sẽ tới điểm bắt đầu nhận ra rằng điều sa nhân muốn là nâng cái ta tách biệt của họ lên trên những người khác? Khi con nhận ra là trong vũ trụ có sự quân bình, có tương tác hành động và phản ứng, có luật Nhân Quả, thì con nhận ra rằng nếu một người nâng mình rất cao so với người khác, thì điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách tạo một bất quân bình trong đó người khác bị đè xuống. Sự bất quân bình này không thể tiếp diễn mãi mãi. Đó là lý do vì sao thày nói rằng người nâng mình lên trong một kiếp, sẽ phải bị hạ xuống trong những kiếp tới. Không thể có cách nào khác hơn.

Con nhận rằng trong tâm thức nhị nguyên, con luôn luôn tìm cách đi tới một cực điểm. Khi con làm vậy, con tạo một sự bất quân bình, và sẽ đến một lúc quả lắc đi ngược trở lại để tạo ra một trạng thái quân bằng nào đó. Khi con đạt được viễn kiến Ki-tô, con sẽ thấy là con có thể hành động để nâng một cái ta tách biệt của mình lên mà không đè các ta tách biệt khác xuống không đè những phần khác của vũ trụ xuống. Con thực sự có thể nâng cái ta của mình lên theo một cách mà toàn thể cũng được nâng cao luôn. Đó là viễn kiến Ki-tô. Khi con tới điểm mà năng lượng, sự chú ý và thời giờ của con tập trung vào việc nâng cao Tất cả, thì lúc đó con bắt đầu đạt được tự điều ngự.

4.12. Chuyển đổi tâm mình trước khi thay đổi thế giới

Điếu này không có nghĩa con ngưng không là một con người; nó không có nghĩa là con không có một cuộc sống tích cực trong xã hội. Nó không có nghĩa là con không thể có một căn nhà của mình, không thể có một gia đình, không thể có vật sở hữu. Các thày không nói là mọi người trong thế giới hiện đại phải sống như Giê-su. Như các thày đã nói, trong thời đại hiện nay điều quan trọng hơn là con có cuộc sống tích cực trong xã hội.

Con có thể tới điểm mà những gì con sở hữu không sở hữu con, vì đối với con chúng chỉ là phương tiện để đạt được một cứu cánh, chúng không phải là cứu cánh. Con không tập trung vào việc tạo ra một số điều kiện vật chất để tạo ra trạng thái bình an nội tâm. Tâm con tập trung vào việc đạt được bình an nội tâm qua uy lực của chính cái tâm. Khi con điều ngự được cách tạo bình an nội tâm bất kỳ ngoại cảnh như thế nào, thì con đâu cần các ngoại cảnh này nữa? Điều này không có nghĩa là con không thể có chúng, nhưng con có hiểu ý thày giảng chăng? Con không cố gắng có của cải vật chất hầu đạt được một kinh nghiệm nội tâm. Con tập trung vào kinh nghiệm nội tâm và hoàn cảnh bên ngoài sẽ chỉ là hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ăn khớp với nhau và con tận dụng chúng, bất kỳ chúng là gì.

Có rất nhiều học viên đến tầng này của khóa nhập thất của thày và họ đã nghe nói đến tầng tâm thức cao hơn, giác ngộ, quả vị Ki-tô, hay bất kỳ tên nào khác. Họ vẫn nghĩ là nếu một số điều kiện bên ngoài không được hội đủ, thì họ không thể thực sự trải nghiệm các trạng thái tâm thức cao đó.

Con yêu dấu, con có thấy chăng là nếu con có thái độ đó, thì con sẽ không bao giờ, không bao giờ đạt tới điểm điều kiện bên ngoài lý tưởng đến độ con có thể nói: “Bây giờ thì tôi có thể biểu hiện một trạng thái tâm thức cao hơn”. Lý do rất giản dị; các thày đã nói nhiều lần: “Tâm thức đi trước biểu hiện vật lý”. Nếu con nghĩ là biểu hiện vật lý phải đi trước – và sau đó tâm thức sẽ theo sau – thì con sẽ không bao giờ đạt trạng thái tâm thức cao hơn. Nếu con đợi điều kiện lý tưởng để con thể hiện trạng thái tâm thức cao hơn, thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Trước khi thày chấm dứt bài giảng, điều mà thày muốn con suy ngẫm (thày biết là thày đã khiến con suy ngẫm nhiều điều rồi, nhưng thày muốn cho con một điều nữa) là: con hãy xét xem con có trong tâm ý tưởng rất tinh tế cho rằng để có thể thực sự đi trên con đường tâm linh, để có thể biểu hiện một trạng thái tâm thức cao hơn, để có thể thật sự chú tâm vào việc tu tâm linh, một số điều kiện bên ngoài, một số điều kiện vật chất phải được hoàn thành. Nếu con có ý tưởng đó, con hãy suy ngẫm chúng là gì và suy ngẫm câu thày nói: Con có thể chờ đợi điều kiện lý tưởng bên ngoài mãi mãi. Con sẽ không biểu hiện được quả vị Ki-tô nếu con không quyết định tập trung sự chú ý vào bên trong. Con sẽ tìm cái đà trong chính mắt con, con sẽ nhìn chính mình, con sẽ chú tâm vào việc đạt tự điều ngự thay vì điều ngự hoàn cảnh bên ngoài hay đợi cho các hoàn cảnh bên ngoài đó hiện ra như phép lạ.

Có người cho rằng con đường tự điều ngự là dùng vũ lực biểu hiện một số điều kiện bên ngoài. Có người cho rằng nó là thụ động chờ đợi một hồng ân Thiêng liêng nào đó biểu hiện các điều kiện đó. Cả hai điều đó sẻ không xảy ra. Thực ra, giữa hai điều đó, điều tốt hơn là tìm cách ép buộc ngoại cảnh và nhận ra rằng ngoại cảnh không cho con bình an nội tâm. Lúc đó con có thể tiến bước nhanh hơn là những người cứ mãi mãi chờ đợi hồng ân Thiêng liêng cho họ điều kiện để họ có thể biểu hiện bình an.

Tâm thức đi trước biểu hiện vật lý. Vì sao? Vì biểu hiện vật lý là phản ánh của tấm gương vũ trụ gửi lại con điều gì con phóng chiếu vào nó. Con hãy đừng chú tâm vào tấm gương, và hãy chú tâm vào những hình ảnh trong tâm mà con phóng chiếu ra ngoài. Con hãy chú tâm vào cuộn phim trong máy chiếu phim, chứ đừng chú tâm vào màn ảnh.

TA LÀ Hilarion, và thày sẽ hoan hỷ giảng cho con bài kế tiếp ở khóa nhập thất của thày.

Đức Phật bất động và đức Phật hằng động

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 4/7/2016 nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama và thật là một đặc ân cho ta – và đã từng là đặc ân nhiều lần rồi – được niêm đại hội này của chân sư thăng thiên tại Hàn quốc. Ta muốn các con biết là từ cõi thăng thiên, các chân sư xem hội nghị này là một thành công mỹ mãn. Các con đã thể hiện một quyết tâm đáng kinh ngạc để chung sức với nhau, hòa điệu bản thể với nhau cũng như với các thày. Vì vậy, các thày đã có thể nhân lên các bài chú cùng bài thỉnh, và các con cũng đã có thể nhân lên các bài truyền đọc qua luân xa của mình, khiến cho các bài giảng thâm nhập vào tâm thức tập thể với uy lực thật dõng mãnh. Điều này, các thày vô cùng biết ơn và khen ngợi các con.

Các thày đã ban cho các con rất, rất nhiều lời dạy mà ta tin tưởng các con sẽ tiếp nhận, suy ngẫm, thảo luận, và ngay cả các con cũng có thể viết lách và trao đổi với nhau. Bằng cách đó, các con có thể dùng những lời dạy vỏ ngoài này để đạt một hiểu biết nội tâm sâu sắc hơn về một số điểm tuy không được nói ra thành lời nhưng vẫn được diễn tả ở những tầng mức cao hơn. Điều con cần hiểu là khi các thày đưa ra một bài truyền đọc, những gì được nói lên trong cõi vật lý chỉ là một phần của toàn bộ công việc trao truyền. Hiển nhiên không chỉ có ánh sáng được chuyên chở qua lời nói, mà bài truyền đọc còn mang theo một bộ phận ở tầng mức xúc cảm, lý trí cũng như bản sắc. Nếu con sẵn lòng sử dụng lời nói trong cõi vật lý làm nền tảng, con có thể học cách hòa điệu với các thành phần cảm xúc, lý trí và bản sắc rất khó chuyển đạt qua ngôn từ. Con vẫn có thể có được một cảm nhận trực giác, một trải nghiệm trực quan về toàn bộ những điều mà các thày mong muốn trao truyền qua bài truyền đọc.

Tất nhiên, các thày còn rất nhiều điều muốn nói về – và nói cho – đất nước Hàn quốc cũng như các nước khác tại châu Á. Cho nên các thày mong mỏi sẽ còn những cơ hội khác để trình bày thêm trong tương lai. Nhưng ngay bây giờ, ta muốn các con cảm thấy là hội nghị này tự thân nó đã đầy đủ. Như các thày có nói trước đó, mỗi hội nghị đều mang một tiềm năng thấp và một tiềm năng cao, và với hội nghị này thì các con đã vượt cao hơn cả tiềm năng cao. Điều ta muốn làm ở đây là một điều có lẽ đã chưa xảy ra trong hội nghị này vì rất nhiều người trong số các con chưa quen thuộc với giáo lý và đây cũng là lần đầu tiên các con tham dự một hội nghị của chân sư thăng thiên.

Bị kẹt trong quá khứ hay trong tương lai

Ta mong muốn đem đến cho con một sự thưởng thức về giây phút hiện tại, thưởng thức hiện tại bất tận. Như các thày đã có đề cập, nhiều người trên địa cầu đã lớn lên và được dạy dỗ để không sống trong giây phút hiện tại, mà ngược lại họ bị vướng mắc trong quá khứ hay bị kéo hút về phía tương lai. Một số người từng bị mắc kẹt ở một điểm quá khứ nào đó, có thể là vì họ đã sống qua một sự kiện đau buồn đến độ vết thương tình cảm khiến họ không làm sao thoát ra khỏi cơn đau, thoát ra khỏi vết thương, và họ cứ mãi sống đi sống lại giây phút đó. Hoặc cũng có thể vì họ được sống qua một sự kiện vui sướng trong đời đến độ họ cảm thấy không còn gì có thể vượt trội được trong tương lai.

Nếu con đến thăm Công viên Olympic ở đây và đọc tên các lực sĩ đã giành được huy chương tại Thế vận hội 1988, con sẽ thấy rất nhiều lực sĩ đã cảm nhận việc giành được huy chương, lập kỷ lục mới, đứng trên bục chiến thắng và nhận huy chương của mình là đỉnh cao trong đời mình. Nhiều người đã cảm thấy thật sự chẳng có gì có thể so sánh được với niềm vui đó, và vì vậy phần còn lại cùa đời họ đã thua kém giây phút vinh quang đó. Và họ không ngừng luyến tiếc giây phút đó.

Tất nhiên cũng có nhiều người khác không gắn bó với quá khứ nhưng lại hướng về tương lai. Một số nhìn về tương lai với nỗi sợ một điều gì đó có thể xảy ra, cho dù đó là một tai họa trong đời sống cá nhân (như một căn bệnh hay một vấn đề nào khác) hoặc một thảm họa rộng khắp địa cầu, như đại chiến hay thiên tai. Và tất nhiên còn có những người chờ đợi ngày tận thế, như các thày đã có đề cập trước đây.

Ngoài ra cũng có nhiều người bất mãn với thời điểm hiện tại, với cuộc sống và hoàn cảnh hiện thời của họ, và họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng một ngày kia cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Nhiều người hy vọng là nếu họ cứ tiếp tục làm những gì người ta bảo họ làm, nếu họ cứ làm y như xã hội và cha mẹ họ đã sắp đặt cho họ, thì sẽ tới ngày họ nhận được phần thưởng mà họ mong mỏi sẽ nhận được.

Như các thày đã nói, các con là những vị đồng sáng tạo, cho nên nếu con cứ thụ động ngồi chờ như vậy thì đó sẽ không phải là cách tiếp cận xây dựng nhất. Nếu con ngồi chờ người khác, chờ xã hội hay chờ một công ty nào đó một ngày kia sẽ tới thay đổi đời con, thì rất có thể con sẽ thất vọng. Nếu con ngồi chờ một sinh thể Linh thiêng nào đó xuất hiện trong đời con và ban cho con mọi thứ con muốn, thì bào đảm con sẽ bị thất vọng.

Thưởng thức giây phút hiện tại

Hiển nhiên ta mong muốn con hiểu được một trong những lời dạy cốt yếu của Phật, những lời dạy tâm truyền đích thực của Phật, chính là khả năng sống trong giây phút hiện tại. Thật ra tất cả các con đều có khả năng đó, khả năng sống trong khoảnh khắc, nhưng một số sẽ gặp khó khăn khi đem vào thực hành. Nếu con đã trải qua một biến cố gây chấn thương sâu đậm trong đời mình và con cần trị liệu tâm lý, thì việc con khó lòng sống được trong khoảnh khắc hiện tại là một điều dễ thông cảm. Trong trường hợp này, các thày khuyến khích con nên tìm sự giúp đỡ qua một số hình thức trị liệu khác nhau. Tất nhiên các thày cũng khuyến khích con sử dụng các giáo lý và dụng cụ tâm linh của các thày để chữa lành tâm lý. Nếu con đã sống qua một đỉnh cao cuộc đời trong quá khứ và con luyến tiếc thời điểm đó, cách trị liệu thật sự duy nhất là con cần lấy quyết định ý thức là mình sẽ không còn ngoảnh lại nhìn về quá khứ, mà thay vào đó con sẽ mở tâm ra để nhận món quà mà con có thể nhận được ngay trong giây phút hiện tại.

Nếu con nhìn về tương lai với lòng sợ hãi một tai hoạ nào đó, thì một lần nữa ta khuyến khích con sử dụng những dụng cụ thích hợp để giải quyết chấn thương này, vì rõ ràng một chấn thương đã khiến con nhìn tương lai với lòng sợ hãi. Nếu con nhin về tương lai với hy vọng đoạt được một loại phần thưởng nào đó, ta khuyến khích con nhận ra mình là một vị đồng sáng tạo. Nếu con muốn một tương lai tốt đẹp hơn, con sẽ cần tự mình đồng sáng tạo ra tương lai đó thay vì thụ động ngồi chờ một cái gì bên ngoài thị hiện nó giùm con.

Con cần hiểu là để đồng sáng tạo một tương lai tốt đẹp hơn, con cần khởi sự bằng cách biết thưởng thức giây phút hiện tại, thưởng thức hoàn cảnh con đang gặp, như thày Saint Germain vừa trình bày với rất nhiều minh triết. Đây là một lời dạy then chốt của Phật – hãy có mặt trong hiện tại. Lời dạy này rõ ràng nhất trong Phật giáo Thiền tông có trọng điểm là trải nghiệm hiện tại. Ta không đang bảo con phải trở thành một thiền gia Phật giáo, nhưng ta muốn nói là việc sống trong hiện tại, ít ra trải nghiệm được hiện tại ở một số thời điểm nào đó, là một việc chính đáng.

Một khung tham chiếu

Bây giờ ta muốn dẫn con làm một bài thực tập nho nhỏ. Mục đích của ta là giúp con có được một kinh nghiệm về hiện tại. Con yêu dấu, con vừa tham gia hội nghị chân sư thăng thiên này. Suốt bốn ngày liền, một số các con đã ở đây. Con đã tham dự những bài đọc chú, bài thỉnh, bài nguyện. Con đã lắng nghe những bài truyền đọc. Con đã tương tác với nhau. Đối với nhiều người trong số các con, đây đã là một tiến trình hướng đến một mục tiêu. Luôn luôn có thêm bài thỉnh để đọc, bài giảng để nghe. Nhưng bây giờ con đã tới bài truyền đọc chót và con đã đọc bài thỉnh chót. Không còn gì khác để con hướng tới trước mặt, và do đó ta khuyến khích con nhìn ra là món quà quý giá nhất mà con có thể đem về từ hội nghị này là một trải nghiệm: Con trải nghiệm mình hoàn toàn hiện diện trong hiện tại, mình thưởng thức giây phút hiện tại.

Con yêu dấu, ta khuyến khích con tự nhủ trong tâm con: “NGỪNG LẠI! Tôi sẽ ngừng các khuôn nếp suy nghĩ quen thuộc của tôi.” Ta khuyến khích con hãy lui lại và nhìn vào chính mình, và nhận thấy trong tâm con luôn luôn có một khuôn nếp đang phóng chiếu ý tưởng hay cảm xúc lên màn hình sự nhận biết ý thức của con. Những ý tưởng và cảm xúc đó đang lôi kéo nhận biết của con vào một phản ứng nào đó, một chuỗi những ý nghĩ và tình cảm, có khi giống như một cuộn phim đang trình chiếu tự động. Chú ý của con bị cuốn theo đó mà con không thực sự hay biết chuyện gì đang xảy ra.

Bây giờ ta kêu gọi con nhận diện những gì đang xảy ra trong tâm con và nhận biết một cách ý thức rằng đơn giản, nó giống như một cuộn phim đang trình chiếu trên một màn hình trong rạp xi-nê hay trên máy truyền hình của con. Ta khuyến khích con nhận ra là con không cần bắt cuộn phim đó ngừng lại.

Có rất nhiều Phật tử cho rằng trong khi thiền định, con phải cố ngừng mọi ý tưởng, nhưng điều này rất khó thực hiện ngay cả đối với một thiền gia vô cùng thành thạo. Điều ta nói con làm là tự nhủ: “NGỪNG LẠI! Tôi sẽ không còn đồng hóa với cuốn phim những ý tưởng và cảm xúc của tôi nữa. Tôi sẽ để yên cho nó chạy, nhưng tôi sẽ đứng lui lại và tôi sẽ bước vào một nhận biết mới nơi tôi không phải là ý tưởng lẫn cảm xúc. Tôi không phải là tâm. Tôi không phải là cuốn phim đang quay trong tâm. Tôi là một sinh thể vô hình tướng. Tôi không cần bất cứ gì từ quá khứ để là con người trọn vẹn mà tôi là. Tôi không chờ đợi bất cứ gì ở tương lai để là con người trọn vẹn mà tôi là. Tôi trọn vẹn ngay bây giờ! Tôi trọn vẹn trong giây phút này đây! Tôi viên mãn!”

Khi đó, con có thể cảm nhận sâu thẳm bên trong có sự im lặng, là im lặng của Phật, là cái ta Phật của con. Hơn vậy, con cũng có thể cảm thấy như các vị Phật đang thiền tọa trong an tịnh tuyệt đối. Con không cần hình dung mình là bất cứ hình tướng nào. Thực sự con có thể, nếu điều này thích hợp hơn với con, xem mình là một sinh thể vô hình tướng, cảm thấy mình là một sinh thể vô hình tướng, và trải nghiệm mình là một sinh thể vô hình tướng.

Bây giờ ta khuyến khích con nhận ra là mình đang ngồi đây trong căn phòng này ngay lúc này. Con không một mình. Ở đây có nhiều người khác. Trong số đó có nhiều người con không quen biết. Có lẽ con đã không nói chuyện với họ trong suốt bốn ngày qua. Có lẽ con đã chưa nhìn vào mắt họ. Có lẽ con chưa thực sự tán thưởng những người đó, nhưng ta khuyến khích con hãy mở mắt ra bây giờ và nhìn chung quanh. Hãy cả gan nhìn vào mặt nhau, nhìn vào mắt nhau và chào đón nhau. Hãy cả gan nhìn vào mắt sứ giả này, đó chính thực là mắt của ta đang nhìn con xuyên qua mắt ông.

Con yêu dấu, chúng ta hãy nhận mặt nhau vì chúng ta đã đến với nhau trong một sự hợp nhất thật đặc biệt, hiếm thấy trên địa cầu này, là sự hợp nhất theo chiều ngang của các con ở dưới với các chân sư ở Trên. Đây là một giây phút đặc biệt. Đây là một giây phút hiếm có. Không mấy người đã được sống qua giây phút thế này trong cả đời mình, con yêu dấu. Ấy thế mà các con đang ở đây. Các con đang trải nghiệm giây phút này ngay bây giờ. Khi các con nhận ra là mình đang ở đây trong hợp nhất với nhau, các con đã thực hiện một công việc phụng sự tâm linh thật quý báu, vô giá. Các con đang ở đây hợp nhất với một chân sư thăng thiên, một sinh thể tâm linh. Khi con nhận ra điều này, làm sao con có thể muốn gì hơn từ giây phút hiện tại? Khi con nhận ra điều này, làm sao con có thể không có mặt trọn vẹn trong khoảnh khắc bây giờ?

Các con hãy trọn vẹn và cảm nhận là không có gì của quá khứ mà mình cần đến, không có gì của hiện tại mà mình cần đến, không có gì của thế gian mà mình cần đến, bởi vì các con viên mãn trong sự duy nhất của mình ngay bây giờ. Khi con kinh nghiệm sự viên mãn này, giờ đây con đã có một khung tham chiếu mới mà con có thể mang theo mình để mà sử dụng. Khi con có một chút thì giờ trong đời sống bận rộn của con – hay khi con quyết định dành ra thì giờ trong cuộc sống bận rộn – con có thể sử dụng bất kỳ phương thức nào mà con thích, kể cả nghe lại hay đọc lại bài truyền đọc này, đọc bài thỉnh, nghe nhạc, hay làm bất cứ điều gì hiệu quả nhất đối với con. Nhưng con hãy dành nỗ lực ra để hòa điệu với Hiện diện của ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Xong dựa trên kinh nghiệm giây phút này đây, con có thể lại chiêm nghiệm cùng cảm nhận viên mãn đó. Khi con làm vậy, con có thể đạt tới điểm con bắt đầu cảm thấy là mình có khả năng duy trì liên tục nhận biết hiện tại.

Không có phán xét trong tâm trẻ thơ

Ta cũng hiểu là lúc đầu sẽ có tương phản giữa trạng thái nhận thức bình thường của con và những khi con hoàn toàn hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại. Có những lúc con hoàn toàn hiện diện, nhưng cũng sẽ có nhiều lúc trong đời sống bình thường đòi hỏi sự chú ý của con, lôi kéo chú ý của con vào các khuôn nếp kia. Khi con ngày càng chiêm nghiệm nhiều hơn những giây phút hiện diện trọn vẹn, sinh động trọn vẹn, thưởng thức trọn vẹn đó, có thể con sẽ bắt đầu cảm thấy sự tương phản ngày càng bớt đi.

Điều này không có nghĩa là con cứ ngồi đó suốt ngày, hoàn toàn tỉnh thức trong thế toạ thiền, bởi vì chắc chắn trong cuộc sống sẽ có rất nhiều lúc đòi hỏi con phải chú ý hoàn toàn. Nhưng con có thể đạt tới điểm, mỗi khi con nghĩ về chuyện này, con có thể hòa điệu vào bên trong, và con có thể hiện diện trọn vẹn trong giây phút hiện tại ngay cả khi con đang làm một số hoạt động không đòi hỏi sự chú ý toàn bộ.

Ta không đang bảo con, như một số Phật tử Thiền tông muốn con tin như vậy, là con luôn luôn có thể sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại ngay giữa công việc bận rộn. Cuộc sống có rất nhiều đòi hỏi và thật chẳng có gì sai trái nếu có những lúc mình phải tập trung vào công việc mình đang làm và do đó mình không còn chú ý nào sót lại để mà tự hình dung, hay để cảm thấy rằng mình là đức Phật viên mãn, hoàn toàn không dính mắc với tình huống đang diễn ra trước mắt và đang thưởng thức tình huống đó từ ngoài.

Điều ta muốn nói là con có thể có một tâm thái nơi đời con là một tiến trình thưởng thức liên tục. Con thưởng thức cuộc đời nói chung, và bất cứ lúc nào con muốn, con cũng có thể hòa điệu vào bên trong và thưởng thức trọn vẹn giây phút hiện tại khi con dư ra một chút khả năng nhận biết. Tất nhiên, đây là một phần của tâm trẻ thơ, tâm ban sơ đó con.

Điều ta có thể góp thêm với những gì thày Saint Germain vừa trình bày là tâm trẻ thơ không phán xét. Nó không đánh giá. Nó không phân tích. Nó không so sánh. Trong cốt yếu, khi con bị kẹt trong quá khứ hay trong tương lai, con không ngừng phân tích, không ngừng so sánh hiện tại với quá khứ hay tương lai. Quá khứ tốt hơn hay tệ hơn hiện tại? Tương lai sẽ tốt hơn hay tệ hơn hiện tại? Luôn luôn có một câu chuyện diễn ra trong tâm, nó phân tích và nó so sánh. Khi cái ở đây lại nằm ở đó thì con không đang hiện diện trong giây phút này được, mà sự chú ý của con bị cuốn hút và tập trung vào việc phân tích. Con có khả năng – và con cần làm chuyện này một cách ý thức – trau dồi một trạng thái tâm không phán xét, không phân tích. Đây là một tiến trình tinh tế sẽ cần thời gian, nhưng bằng cách sử dụng các bài thỉnh và giáo lý của các chân sư, đó là một mục tiêu có thể đạt được.

Con có thể đạt tới điểm là con không còn nhu cầu xét đoán những gì xảy ra trong cuộc sống. Con không có nhu cầu phải luôn luôn bày tỏ quan điểm về chuyện này hay chuyện nọ, về người này làm gì hay người nọ nói gì, về các chính trị gia đang làm gì hay không làm gì, về đội thể thao địa phương làm gì hay không làm gì. Tất cả những thứ đó khiến cho hầu hết mọi người bận tâm, bây giờ nó có thể mất hẳn tầm quan trọng đến độ con không còn nhu cầu nuôi thêm cái phần trong tâm cứ muốn phán xét, hạ thấp cái này hay nâng cao cái kia. Nó luôn luôn dùng bậc thang nhị nguyên để so sánh phải với trái, tốt với xấu, trên với dưới, cái này với cái nọ. Giờ đây một cách cố tình và ý thức, con quyết định là con sẽ bắt đầu một tiến trình gạt bỏ tất cả những thứ đó sang một bên.

Con có thể đặc biệt thỉnh cầu sự tiêu hủy các năng lượng trong cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc đang kéo tâm con lặp đi lặp lại cùng những khuôn nếp đã khiến cho biết bao người bị rối bời trong cảm thể của mình đến độ họ luôn luôn cần phải bất bình về một ai đó. Họ cần có một con dê tế thần để trút hết nỗi tức giận vào đó, bởi vì họ không chịu nhìn nhận là thật ra họ đang tức giận chính họ. Bằng cách làm việc trên bản thân mình, con có thể đạt tới điểm không cần phán đoán mọi thứ nữa. Con không còn nhu cầu đánh giá mọi chuyện và con không cần có quan điểm về mọi chuyện.

Quan sát thay vì phán đoán

Vậy thì con sẽ làm gì đây, con sẽ hỏi? Cuộc đời như vậy có đáng sống hay chăng? Có nghĩa chăng là con biến thành một người không còn suy nghĩ? Không đâu con yêu dấu, không có nghĩa là con không tham gia vào cuộc sống. Có một trạng thái của tâm vượt khỏi sự phán xét dựa trên một bậc thang nhị nguyên, và đó là tâm thái khi con chỉ đơn giản quan sát. Không là đánh giá, phán xét nhị nguyên tương đối, mà là quan sát. Con có thể bắt đầu với sự quan sát bản thân dựa trên một chuẩn mực vô cùng đơn giản – nếu con muốn dùng từ “chuẩn mực”.

Sứ giả này nhiều năm trước đây đã hòa điệu vào Hiện diện của ta và nhận được ý tưởng rằng mục đích cuộc sống là quả vị Phật. Ông đã nhận ra là để đạt được quả vị Phật, ông sẽ cần khắc phục các dính mắc của mình. Ông có một khải tượng – mà ông nhận được từ ta – và ông nhìn thấy thời điểm ta kinh qua cuộc khai ngộ chót trước khi nhập Niết bàn. Ngồi dưới cây Bồ đề, ta phải giáp mặt với bọn quỷ của Mara. Ông ngộ ra là bọn quỷ Mara đã tìm cách xâm nhập vào tâm ta để cố tìm một khuôn nếp nào đó, một dính mắc nào đó mà chúng có thể sử dụng để lôi kéo chú ý của ta và khiến ta rơi vào một khuôn nếp phản ứng lại những gì chúng đang làm trước mắt ta.

Ông nhận ra là chúng đang cố nhìn vào dòng sống của ta, nhìn vào mọi kiếp hiện thân của ta, nhìn vào các dính mắc mà ta đã từng có, rồi chúng dùng các dính mắc này để giao tiếp với ta. Chỉ vì ta không còn dính mắc nào nữa cho nên ta mới có thể giữ tâm mình hoàn toàn tự do, không bị lôi kéo vào bất cứ gì mà quỷ Mara đưa ra. Điều này, tất nhiên, đi song song với lời dạy của thày Giê-su khi thày nói: “Ông hoàng của thế gian đến nhưng không nắm được gì nơi ta.”

Mặc dù chắc chắn sẽ có một khai ngộ chót mà con phải bước qua trước khi con nhập được Niết bàn hoặc trạng thái thăng thiên, con có thể xem cuộc sống như là phiên bản liên tục của khai ngộ nói trên. Con luôn luôn đối mặt với ông hoàng của thế gian, với bọn quỷ của Mara, và chúng chỉ có một muc tiêu mà thôi, là xâm nhập vào bản thân con, phát hiện ra một dính mắc nào đó rồi dùng nó để lôi kéo con vào một khuôn nếp phản ứng sẽ tiêu hao hết lượng chú ý có ý thức của con trong một thời gian. Đối với một số người, chuyện này không xảy ra “trong một thời gian” mà trọn một kiếp sống hay suốt nhiều kiếp sống, nghĩa là sự chú ý của họ hoàn toàn bị hao kiệt bởi một khuôn nếp nào đó, chẳng hạn như đánh bại những kẻ họ xem là thù địch, hay ham muốn một trải nghiệm nào đó, hay thực hiện một mục tiêu nào đó. Cho dù khuôn nếp đó có là gì thì rất, rất nhiều người bị cái đó làm hao kiệt chú ý trong nhiều kiếp sống. Con không nằm trong số người đó bởi vì nếu không, con đã không ở đây. Chú ý của con không hoàn toàn bị cuốn hút vào cuộc đời vật chất bởi vì nếu không, con đã không mở tâm ra con đường tâm linh.

Vì vậy con hãy nhìn nhận điều này, và con có thể nhìn ra là mục đích của đường tu tâm linh là lần hồi phát hiện và khắc phục các dính mắc của mình, hầu càng ngày con càng có ít vật liệu cho quỷ Mara nắm lấy, cho ông hoàng của thế gian nắm lấy để lôi kéo con vào khuôn nếp phản ứng với thế gian. Thước đo cho bước tiến của con trên đường tu là có bao nhiêu lần tâm con bị lôi kéo vào các khuôn nếp đó, chúng mãnh liệt đến chừng nào, và chúng động cảm đến chừng nào. Con càng cảm thấy chúng phai nhạt đi thì con sẽ càng trải nghiệm được an bình. Như thày Saint Germain có nói, con càng an bình bao nhiêu thì con càng có thể vui đùa với cuộc đời bấy nhiêu. Khi con đạt một lượng an bình nào đó, con sẽ bắt đầu hết gắn bó, con bắt đầu nhìn cuộc đời một cách khác hơn là đánh giá, phán xét, phân tích. Khi đó con cũng sẽ bắt đầu nhìn người khác, và nếu có ai đó kể cho con nghe chuyện đời họ, con không còn nhu cầu có bất kỳ quan điểm nào về cách họ phải sống ra sao.

Không có quan điểm về người khác

Gần như mọi lúc khi con có quan điểm về cách sống của người khác, đó là vì con cảm thấy mình bị đe doạ bởi một việc gì đó mà họ làm. Con có quan điểm là họ phải ngừng làm những chuyện khiến con cảm thấy bị đe dọa, hay những chuyện khiến con đi vào một khuôn nếp phản ứng. Rất, rất nhiều người có thái độ là khi họ phản ứng lại người khác, đó là do lỗi của người kia. Người kia là nguyên nhân khiến họ phản ứng lại. Nhưng họ đã không sẵn lòng nhìn vào thực tế là không ai có thể khiến họ phản ứng trừ khi họ đã mang sẵn dính mắc đó trong họ. Khi con bước trên đường tu tâm linh, đường tu quả vị Phật, hiển nhiên là con nhìn nhận chính con phải khắc phục các dính mắc của con. Và khi con làm vậy, không ai sẽ có thể lôi kéo con vào vòng khuôn nếp phản ứng đó.

Đó là khi con có thể bắt đầu nhìn vào người khác, và thay vì có một quan điểm được quy định bởi các vết thương và dính mắc của mình, giờ đây con chỉ giản dị quan sát. Con có thể quan sát: “Liệu người bạn của tôi có an bình hay chăng?” Nếu bạn con không an bình, con có thể dùng trực giác hòa nhập xem điều gì đã lấy mất an bình của bạn. Xong con có thể nhận được linh hứng để nói ra một điều gì đó thật đơn giản mà không cố bảo bạn phải làm gì. Con chỉ giản dị nói ra những gì con nhận xét đang lấy mất sự an bình của bạn. Có thể bạn con sẽ tìm được một cách nhìn khác về cuộc đời mà không bị cuốn hút mãi vào các khuôn nếp đó. Nếu bạn con mở tâm ra đón nhận, con có thể kể cho bạn nghe về kinh nghiệm bản thân khi con khắc phục được dính mắc của mình. Trong một số trường hợp, bạn con sẽ không sẵn sàng tiếp nhận và thậm chí còn có thể đáp trả lại một cách tiêu cực hay gạt bỏ nhận xét của con, nhưng con vẫn có thể giữ mình không bị dính mắc vào đó. Con không cần cảm thấy là mình bị chối bỏ. Làm sao con có thể cảm thấy bị chối bỏ khi con không hề có ý định thay đổi người bạn của con?

Đa số tương tác giữa con người đi theo cùng một khuôn nếp

Con yêu dấu, hầu hết mọi tương tác mà con chứng kiến ở mức cá nhân giữa con người với nhau đều có thể được xếp vào cùng một khuôn nếp. Con hãy quan sát một người mang một dính mắc nội tâm khiến họ không ngừng ở trong một khuôn nếp phản ứng nào đó. Khuôn nếp phản ứng này được kích hoạt, được khơi dậy hay được tăng cường bởi người khác. Khi họ không nhận ra nhu cầu tự cải sửa qua việc khắc phục khuôn nếp phản ứng, họ sẽ tìm cách thay đổi người khác hầu tránh không cho người khác khơi dậy khuôn nếp bên trong họ. Con thấy 98% sự tương tác giữa con người trên thế giới với nhau đều thuộc loại này, tức là người ta tìm cách thay đổi người khác hầu không phải thay đổi chính mình. Khi con bắt đầu nhìn ra sự thể này và khi con bắt đầu giải thoát khỏi nó, con sẽ cảm thấy sao mình tự do đến như vậy, an bình đến như vậy – một niềm vui không thể nào nén được!

Con yêu dấu, nếu lúc nãy khi ta dẫn con làm bài tập ở trên, con đã thực sự trải nghiệm được sự viên mãn của giây phút hiện tại, thì con cũng đã trải nghiệm được sự an bình mà con sẽ bắt đầu cảm nhận một cách liên tục khi con khắc phục các dính mắc đó. Rồi con sẽ nhìn nhận một cách ý thức: “Tôi không cần phải liên tục phán xét người khác hay phán xét cuộc đời, và thật ra tôi cũng không cần liên tục tự phán xét chính tôi. À, tôi có thể ngừng phán xét chính mình. Tôi không cần tự phán xét.” Xong con có thể giải thoát khỏi mưu đồ tinh vi của ác quỷ hay bọn quỷ Mara, là khiến con không ngừng tự phán xét mình dựa trên ý tưởng là mình thiếu sót, mình bất toàn, hay mình đã phạm lỗi trong quá khứ và giờ đây mình cần bỏ ra một thời gian dài đằng đẵng để mà bù lại. Thay vào đó, con có thể đơn giản bước vào một tâm thái – như sứ giả đã mô tả hôm trước – nơi con an bình là con người mà con là ngay bây giờ.

Con dư biết là con chưa đi muốt con đường tâm linh vì nếu không, con đã thăng thiên rồi. Con hiện đang đầu thai nhưng con không cần tự trách mình là con vẫn còn một chặng đường khá dài trước khi thăng thiên và con vẫn còn một số vấn đề tâm lý chưa giải quyết. Con có thể chỉ đơn giản quan sát chính mình. Con quan sát các phản ứng của con. Khi con thấy con phản ứng, con không cần tự phán xét nghiêm khắc hay cảm thấy buồn bực, hay cảm thấy là mình đã phạm lỗi, hay mình là một người xấu, hay mình không là một đệ tử tốt. Con chỉ đơn giản quan sát khuôn nếp đó xong con nói: “Tại sao tôi lại phản ứng cách như vậy, đâu là cái khuôn nếp, đâu là cái tin tưởng?” Một khi con thấy rõ hơn, có lẽ bằng cách đọc các bài thỉnh và thỉnh vị chân sư mà con ưa thích nhất trợ giúp con nhìn ra, thì khi đó con có thể nhìn ra khuôn nếp đó. Rồi con có thể nói: “Liệu tôi có muốn sống phần đời còn lại của mình mà cứ lặp lại khuôn nếp này mãi hay chăng?” Nếu con cảm thấy: “Không, tôi không muốn vậy nữa” thì con hãy nhìn vào quyết định và con thay đổi quyết định đó đi một cách ý thức. Như vậy con đã tiến lên một bước về hướng tự do, nhưng con vẫn luôn ở trong trạng thái không tự phán xét.

Con không cần phán xét: “Liệu tôi có là một để tử tốt, liệu tôi đã đạt tới một trình độ cao trên đường tu hay chưa?” Con chỉ cần đợi lần sau con nhìn thấy một khuôn nếp thì con quan sát mà không xét đoán: “Đâu là tác dụng của khuôn nếp này, nó đang ảnh hưởng cách hành xử của tôi cùng cách tôi cảm nhận chính mình và đời mình như thế nào? Tôi có muốn cảm nhận như vậy hay không? Tôi có muốn hành xử như vậy hay không?” Sau đó, con hãy đi theo cùng tiến trình và một lần nữa con lại tự giải thoát khỏi nó. Cứ thế con bước lên cao hơn và con tự do hơn. Rồi khi con lần lần gia tốc tiến trình này, con có thể đạt tới điểm con cảm thấy sự an bình liên tục khi con xuôi chảy từ một tình huống sang tình huống kế tiếp. Như các thày đã có nói về các Phật tử Tây tạng, con trụ vững nơi thực tại cuộc sống là một dòng chảy không ngừng.

Con là một sinh thể vượt thời gian

Con không cần lượng định tình huống xem nó tôt hay xấu, liệu nó có thành công hay con đã mắc phải sai lầm. Con nhìn nhận là bất cứ gì xảy ra trong cõi vật chất chỉ là một biểu hiện tạm thời. Con nhận ra là mặc dù có một số hậu quả vật lý mà con không thể tháo gỡ – vì con không thể thay đổi chúng, con không thể tự gỡ mình ra khỏi chúng vì chúng đã xảy ra trong quá khứ – thì hậu quả vật lý thật sự không ảnh hưởng gì đến sự trải nghiệm cuộc sống của con, vì trải nghiệm cuộc sống diễn ra bên trong con. Nó diễn ra trong tâm con. Vì thế con có khả năng nhận ra là cho dù hoàn cảnh vật lý trải nghiệm có là gì, đó vẫn là một cơ hội để con nhìn ra khuôn nếp phản ứng trong con, để con giải thoát khỏi khuôn nếp đó rồi bước tới gần hơn với quả vị Phật.

Những gì xảy ra trong kiếp này thật sự không mang tác động nào vĩnh viễn, liên tục và vô tận trên đời con. Và khi con lần lần thoát khỏi tính phán xét, lần lần thoát khỏi sự đồng hóa với cơ thể cũng như với hoàn cảnh vật lý của con, con nhận ra con là một sinh thể vượt thời gian, một sinh thể vĩnh hằng, một sinh thể không ngừng hiện diện. Trước kiếp đầu thai này, con đã từng sống qua rất nhiều kiếp khác, và con sẽ còn hiện hữu rất dài lâu sau kiếp này. Vậy thì những gì xảy ra trong cõi vật lý có gì quan trọng đâu khi chúng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con sau kiếp này?

Con yêu dấu, nếu con có thể nhìn lại những gì đã xảy ra cho con một ngàn kiếp trước đây, con sẽ thấy là rất có thể con đã trải qua một biến cố vật lý khủng khiếp, chẳng hạn như bỏ mạng trong một cuộc chiến. Nhưng chuyện đó xảy ra một ngàn kiếp trước rồi. Ngày hôm nay liệu nó còn thực sự quan trọng hay không? Nó không quan trọng hơn khi con còn bé, con đánh mất một đồ chơi yêu quý rồi không làm sao tìm lại được. Ngày hôm nay, chuyện mất đồ chơi vào tuổi thơ ấu có thực sự quan trọng gì không?

Con nhận ra là biến cố vật lý tự thân nó không có ý nghĩa gì hết. Chúng chỉ có thể tác động con qua cách con phản ứng lại trong tâm con. Con yêu dấu, mặc dù con không thể thay đổi hậu quả vật lý, nhưng bất cứ lúc nào con cũng có khả năng thay đổi khuôn nếp phản ứng trong tâm con. Đây là chìa khóa cốt yếu để con bước tới quả vị Phật, cụ thể là con nhận ra là con luôn luôn có khả năng thay đổi những gì xảy ra trong tâm mình. Mà chính những gì xảy ra trong tâm con mới định đoạt trải nghiệm của con trong giây phút hiện tại, tức là trải nghiệm của con về cuộc sống. Chính cái đó cũng định đoạt tương lai của con, hướng đi của con trong tương lai.

Khuôn nếp phản ứng sẽ định đoạt tương lai con

Con thử nhìn xem những người vừa trải qua một biến cố không như ý. Họ đều phản ứng lại cùng một cách: Thất vọng, buồn bực, giận dữ, tiêu cực. Họ rơi vào một khuôn nếp phản ứng. Con yêu dấu, bây giờ con thử suy ngẫm điều này: Bất kỳ một biến cố nào xảy ra cho con trong cõi vật lý là một điểm độc nhất. Con đang ngồi đây ngay bây giờ, và hoàn cảnh của con ngay bây giờ là một điểm độc nhất. Trước mặt con là một mặt phẳng rộng mênh mông, một bề mặt rộng lớn như quảng trường vĩ đại kia trong Công viên Olympic vậy. Con ngồi ở một điểm và trước mặt con là toàn bộ quảng trường mở rộng. Trên lý thuyết, con có thể bước đi về bất cứ hướng nào con muốn trong quảng trường đó.

Cho dù con đã trải qua biến cố nào trong đời, con vẫn có rất nhiều con đường mở ra trước mặt về phía tương lai. Nhưng khi con có một khuôn nếp phản ứng trong tâm, khuôn nếp này sẽ ngăn cản không cho con thấy rất nhiều những con đường mở ra như vậy. Nó sẽ tập trung chú ý của con vào đúng một con đường, thường là con đường tiêu cực nhất. Con sẽ nghĩ đó là cách duy nhất con có thể phản ứng, là con đường duy nhất đưa con vào tương lai.

Ta nói với con, khi con bước đi trên con đường quả vị Phật và khắc phục dính mắc của mình, con sẽ tới một điểm khi con có thể trải nghiệm một sự cố, và từ một góc độ nào đó, đây không phải là một sự cố lý tưởng. Có thể đây không là điều con mong muốn, nhưng cho dù sự cố đó là gì, con vẫn thấy được nhiều con đường mở ra trước mặt mà con có thể đi theo vào tương lai. Vì con đã vượt qua được khuôn nếp phản ứng, cho nên con có tự do chọn lựa trong số các con đường đó, và đó chính là lúc con có thể xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Con ngộ ra đời con là một dòng chảy không ngừng, và đó không phải là một tiến trình nơi con có thể dừng lại và kẹt lại ở một điểm nào đó cho dù biến cố trải nghiệm có khủng khiếp, đau thương biết mấy. Dòng chảy không ngừng lại. Có thể con quyết định đi theo một hướng nào đó khiến con tưởng dòng chảy đã ngừng lại hay con đang bơi ngược chiều Dòng sông sự Sống và đang gặp phải sự chống đối kịch liệt, nhưng dòng chảy không hề ngừng lại.

Một khi con khắc phục khuôn nếp phản ứng, con sẽ thấy là chỉ cần một chút thay đổi trong cách nhìn cuộc sống, cách tiếp cận cuộc sống, thái độ đối với cuộc sống, thì con có thể thay đổi hướng đi đời con. Và như vậy trong tương lai, con sẽ tới một điểm đến hoàn toàn khác xa so với con đường con đã đi khi con còn mang khuôn nếp tiêu cực. Con yêu dấu, có quan trọng gi hay chăng những gì đã xảy ra trong đời sống vật lý của con? Có thực sự quan trọng hay chăng con đường mà con đã lấy miễn là con đến được điểm thăng thiên ở cuối kiếp này? Hoặc ít ra con đến được điểm cao nhất mà con có khả năng với tới hầu con mở ra một kiếp hiện thân tốt đẹp hơn khi con tái đầu thai?

Có thật quan trọng hay chăng những gì xảy ra cho con khi bất cứ gì xảy ra cũng đều có thể được dùng để thiết lập một hướng đi tốt đẹp hơn cho tương lai? Một khi con nhìn nhận điều này, con có thể tránh bị các khuôn nếp phản ứng đó lôi kéo. Con sẽ bắt đầu quan sát các khuôn nếp. Con sẽ bắt đầu giải thể các dính mắc, và với mỗi dính mắc mà con giải thể, con sẽ tiến một bước gần hơn với quả vị Phật. Hiển nhiên đây là điều mà ta mong muốn nhìn thấy nơi con. Đó cũng là điều mà ta đã cố giảng dạy và chứng tỏ cho các đệ tử của ta 2500 năm trước đây. Thuở đó quá ít người đã có thể nắm bắt được, nhưng dù sao thì một số người đã sử dụng được giáo lý của Phật để nắm bắt lấy, và ta hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ dùng được giáo lý của các chân sư thăng thiên trong thời đại hôm nay để trụ vững nơi tinh túy của con đường quả vị Phật.

Đức Phật bất động và đức Phật hằng động

Con yêu dấu, ta mong muốn trao cho con một số suy nghĩ dựa trên những gì ta đã nói hôm trước, cụ thể là ta, đức Phật, là một sinh thể hằng thay đổi. Từ khi đầu thai lần chót cách đây 2500 năm, ta đã tự thăng vượt rất nhiều lần. Tất nhiên, ta thừa biết là câu nói này có vẻ khiêu khích đối với những ai có cái nhìn truyền thống về Phật. Nhưng lời nói này cố tình khiêu khích, vì ta không muốn tâm con bị đông đặc trong một hình ảnh bất động về Phật.

Đương nhiên từ một góc nhìn phàm phu, đúng là Phật có một yếu tố dường như không thay đổi. Điều con cần hiều – hầu giải quyết một điểm có vẻ nghịch lý – là một tâm thái của con người mà ta từng gọi là “Biển Luân hồi” nơi biến động và rối loạn xảy ra không ngừng. Tất nhiên, chính các dính mắc của con đã cuốn hút con vào các khuôn nếp phản ứng trước những chuyển biến trong cuộc sống vật lý của con, và cái đó tạo ra sự rối loạn khiến đời con trở thành một tiến trình hoàn toàn hỗn độn.   

Để bắt đầu vạch ra một hướng đi mới cho đời con, một lộ trình có hệ thống để tiến về quả vị Phật, con cần khắc phục phần nào tình trạng hỗn loạn đó để tìm thấy một chút an bình, một chút im lặng, một vài giây phút nơi con có thể bước lui lại và quan sát cuộc sống. Đó là khi con được ích lợi khi con tập trung vào Phật như là Phật bất động, Phật an bình, Phật im lặng, là Phật đem lại cho con một nơi trú ẩn khỏi những náo động của Biển Luân hồi. Đây là một hình ảnh chính đáng nếu con sử dụng trong mục đích đó.

Một khi con bước lên cao hơn trên đường tu và con đã bắt đầu thiết lập một sự an bình nội tâm nào đó, thì con cần nhìn nhận là mặc dù không một thế lực nào của thế gian có thể khiến cho Phật lay động, nhưng điều này không có nghĩa là Phật đứng yên một chỗ. Nó không có nghĩa là Phật không bao giờ thay đổi. Im lặng, an bình, bất động không có nghĩa là không hằng sống, không thăng vượt. Đó là tại sao các chân sư thăng thiên ngày nay đã ban ra lời dạy về Dòng sông sự Sống, một lời dạy – mà theo một cách nào đó, hay ít ra được diễn tả với ngôn từ hiện đại hơn – vượt khỏi các giáo lý mà ta đã giảng dạy 2500 năm về trước.

Con cần nhìn nhận là ở những mức cao hơn của đường tu, ngay cả quả vị Phật cũng không đứng yên một chỗ. Con sẽ thấy là một số người ở phương Đông, cả trong truyền thống Phật giáo lẫn Ấn giáo, mô tả cuộc sống như một chiếc bánh xe. Một cách nào đó, linh hồn con hiện ra từ Niết bàn và con bước vào hiện thân, con tạo nghiệp và nghiệp này khiến con cứ phải trở lại đầu thai. Rồi con tìm ra một con đường giải thoát khỏi nghiệp để con không còn phải trở lại đầu thai. Một số người và một số vị thày dạy rằng một khi con giải thoát khỏi bánh xe luân hồi, con biến mất để trở về trong Niết bàn. Con biến mất trong tư cách là một sinh thế cá biệt. Con yêu dấu, nếu thật là như vậy thì đâu là mục đích để con hiện ra từ một trạng thái hư vô, kinh qua tất cả những biến động đó trên trái đất để rồi lại trở về trạng thái hư vô? Ích lợi ở đâu? Chẳng có ich lợi gì hết, và đó là lý do tại sao quá nhiều người cảm thấy vô vọng, như thể sự sống không có ý nghĩa gì, vì sau tất cả những phấn đấu đó thì họ chỉ đơn giản biến mất.

Không có trạng thái vô ngã

Tất nhiên, các chân sư giảng dạy sự thật rằng con là một sinh thể không ngừng hiện diện. Sau khi con thoát khỏi bánh xe luân hồi, con có thể thăng thiên và tiếp tục con đường tiến hóa có ý thức dẫn đến những tầng tâm thức cao hơn nữa. Sau khi con đã làm yên những rối loạn trong tâm, điều quan trọng, điều cốt yếu là con bắt đầu trụ vững nơi bản chất không ngừng hiện diện của con, và như vậy con cũng trụ vững nơi Bản thể của Phật. Làm thế nào con có thể cảm thấy mình đang nỗ lực tiến về quả vị Phật nếu con nghĩ đó là một trạng thái cố định, không thay đổi? Hay một trạng thái vô ngã, một trạng thái không có cái ta, như một số vị thày dạy như vậy? Nhưng con yêu dấu, không có trạng thái nào mà không có cái ta. Đúng là có một trạng thái không có ngã phàm phu, không có ngã tách biệt, nhưng không có trạng thái vô ngã, theo nghĩa là luôn luôn có cái Ta mà Thượng đế đã sinh tạo, là cá thể thiêng liêng của con luôn luôn hiện diện và tự thăng vượt.

Vấn đề không phải là chuyện khắc phục ngã phàm phu rồi biến mất vào hư vô, mà là khắc phục ngã phàm phu rồi nối kết lại với cái Ta chân thực của con. Bí quyết ở đây, con yêu dấu, là hiểu rằng đối với ngã phàm phu, việc khắc phục ngã phàm phu sẽ mang cảm giác như một trạng thái vô ngã, một trạng thái hư vô. Ngã phàm phu không thể nào hình dung nổi một trạng thái ý thức mà không có hai đối cực nhị nguyên của ngã phàm phu. Đối với nó, đối với sa nhân, cái đó có vẻ như là hư vô, nhưng nó không phải là hư vô. Nó không phải là vô ngã, mà nó là cái Ta Một. Nó là cái Ta của Phật.

Hình ảnh mà ta muốn để lại cho các con, một lần nữa, là hình ảnh một dòng sông. Khi con nhìn một dòng sông khởi nguồn cao trên núi, con thấy trong giai đọan đầu, sông chảy xuống sườn dốc rất cao, nước chảy rất nhanh và cuồng loạn. Điều này tượng trưng cho giai đọan mà hầu hết mọi người đều kinh qua khi họ bị kẹt cứng trong các khuôn nếp phản ứng, kẹt cứng trong các dính mắc của họ, đến độ họ vướng vào Biển Luân hồi với những xoáy nước, với sóng dữ và bão táp ngổn ngang hỗn loạn. Tất cả mọi thứ trong đời họ đều rối lên như thể họ bị ném tới tấp ra tứ phía bởi một định mệnh tàn nhẫn. Họ hoàn toàn không kiểm soát được đời họ và họ không thể ngừng chiếc tàu lượn cứ phóng tới.

Thế rồi khi con bước vào đường tu và khám phá sự an bình nội tâm đích thực của Phật, con giống như những đoạn cuối của dòng sông khi sông dịu dàng uốn mình giữa phong cảnh yên ắng. Con bắt đầu trải nghiệm là mặc dù dòng sông vẫn chuyển động, nó có một cái gì không bao giờ ngừng hiện diện. Nhưng con vẫn cảm thấy sự an bình vì náo động không còn nữa.

Khi con đạt đến điểm này, con sẽ có một cái nhìn khác về Phật. Khi con cảm thấy bình an bên trong chính con, cho dù con vẫn biết là con còn đang đầu thai, con xuôi chảy với Dòng sông sự Sống, và con ngộ ra là sự an bình có thể đạt được trong chuyển động. Khi đó, con sẽ nhận ra là cái có vẻ là bất động, là sự an bình tĩnh tại của Phật, thật ra không đứng yên chút nào.

Con yêu dấu, con hãy hình dung dòng sông. Con đang đứng ở một điểm nào đó trên dòng sông cho nên con có xu hướng nhìn sông từ điểm đó. Bây giờ con hãy bước ra khỏi sông, ngắm nhìn nó từ xa, từ lúc nó khởi nguồn trên núi cao vùng Đông Hàn quốc rồi chảy xuyên qua thành phố Seoul này. Xong con hãy nhận ra là dòng sông này có thể được ngắm trong sự trọn vẹn của nó. Nó được cấu tạo bằng từng phân tử nước cá biệt, nhưng con có thể xoay nhãn quan và nhìn ra toàn bộ dòng sông là một khối nước nối kết liên tục. Cái đó, con yêu dấu, chính là Phật, là toàn bộ dòng sông, là tánh duy nhất của sông đang tuôn chảy. Một số thành phần của nó náo động, một số thành phần của nó yên lặng, nhưng cả dòng sông thì chỉ là một. Cái đó, con yêu dấu, chính là Phật. Đó là im lặng trong chuyển động. Đó là Dòng sông sự Sống, và TA LÀ dòng sông đó, và con cũng là dòng sông đó.  

Con sẽ có thể nói: “Nhưng con đang ở trong dòng sông.” Phài, con đang ở trong đó, nhưng điều này không ngăn cản con nối kết với tổng thể và nhận ra rằng toàn bộ dòng sông là Phật tánh. Do đó, con có thể hòa nhập vào cái toàn thể đó, và mặc dù con đang đứng ở một điểm trên sông, con vẫn có thể thoáng trải nghiệm được toàn thể của nó. Điều này cho con một cái nhìn hoàn toàn đổi khác về cuộc sống. Đó là chìa khóa tối hậu để con khắc phục những dính mắc cuối cùng mà con còn mang trong con ngay cả ở những giai đoạn cao hơn của đường tu. Những dính mắc này cần được vượt qua trước khi dòng sông đời con có thể chảy vào đại dương tối thượng, là đại dương an bình vượt khỏi Biển Luân hồi, hoặc như ta đã từng gọi, là Bờ Bên kia.

Như vậy, con yêu dấu, ta chúc con sự an bình trong chuyển động và ta niêm con trong hòa bình mà TA LÀ. Ta niêm phong đại hội này, một đột phá thực sự để bước lên trạng thái tâm thức cao hơn cho mỗi cá nhân các con cũng như cho trạng thái tâm thức tập thể tại Nam Hàn, Bắc Hàn cũng như vùng châu Á rộng lớn. Con được niêm trong sự an bình không ngừng tuôn chảy, không ngừng hiện diện của Phật.  

Những thay đổi cần thiết trong tư duy người châu Á

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama, ngày 2/7/2016, qua trung gian Kim Michaels nhân dịp một hội nghị tại Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama, và ta đến đây để gửi đến các con một số tuệ quán về một trong những thay đổi có khả năng đưa không chỉ Hàn quốc mà cả châu Á nói chung vào Thời Hoàng kim. Các con yêu dấu, ta thật vui mừng khi thấy sứ giả này đã có thể trình bày bài nói chuyện vừa rồi và cử tọa đã thực sự hiểu được những gì ông nói. Tất nhiên các chân sư chấp nhận tất cả các con như các con đang là, ngay trong lúc này, và các chân sư không mong muốn gì hơn là được thấy các con cũng chấp nhận chính mình như là những học trò trên đường tu tâm linh.    

Vì thế các con hãy an lạc bước trên đường tu, an lạc được sống, và an lạc được hiện thân trong khi các con đang hiện thân, thay vì các con đi đến cuối đường đời, hay ngay cả thăng thiên, rồi mới nhận ra là mình đã không tận dụng cơ hội đầu thai và không hoàn toàn thưởng thức cuộc đời. Và con đã không thưởng thức được cuộc đời vì con không thể chấp nhận được chính con như con là.

Bù đắp cho sự không chấp nhận bản thân

Như sứ giả này vừa nói hoàn toàn chính xác, các sa nhân đã cố tạo ra một tình trạng nơi không một ai có thể chấp nhận chính mình bởi vì luôn nghĩ rằng mình phải là một người nào khác. Con thấy trong nhiều xã hội, người ta đã tìm ra một cách bù đắp cho tình trạng này. Nếu trong một xã hội không ai chấp nhận được mình như là mình, và do đó mọi người đều có một cảm giác bất mãn, khổ sở nào đó thì làm thế nào họ sống được đây? Nhiều người sống bằng cách chấp nhận số phần của mình trong đời. Họ chấp nhận làm người nông dân, người công nhân, hay một người bình thường không bao giờ có thể thực sự vươn lên cao hơn. Một khi con chấp nhận như vậy thì con có thể, một cách kỳ lạ, sống với nó, bởi vì suy cho cùng, không ai khác trong tập thể của con có thể làm hơn con. Nếu mọi người đều khổ sở như nhau thì hầu hết mọi người sẽ thấy khổ sở cũng không đến nỗi tệ.

Nhưng con cũng thấy trong hầu hết các xã hội, có một thành phần khác đối phó với sự thiếu chấp nhận bản thân đó một cách hoàn toàn khác. Họ đứng riêng ra và tự coi mình là đặc biệt so với người khác. Họ cảm thấy họ thuộc về một thành phần xã hội đặc biệt, phần nào được nâng lên cao hơn mọi người khác là những nông dân, công nhân, những người dân bình thường. Khi con nhìn vào lịch sử hành tinh này, con thấy đây là một trong những đặc tính chủ yếu của hầu hết các xã hội.   

Các chân sư đã nói là các sa nhân, ngay từ lúc họ bị sa ngã (và thậm chí trước đó nữa trong nhiều trường hợp), đã muốn tạo ra cho mình một tư thế cao hơn, vượt trên người khác. Xu hướng muốn tạo ra một giai cấp xã hội vượt trên đa số quần chúng khởi đầu với sa nhân. Điều này không có nghĩa là bất cứ ai thuộc về một thành phần đặc bịêt của xã hội nhất thiết phải là một sa nhân. Nhiều người chỉ lỡ mắc kẹt vào tâm thức sa ngã nên họ cũng cố nâng mình lên cho thành đặc biệt. Họ tìm cách thuộc về một giai cấp đặc biệt và cảm thấy mình cao hơn, vượt trên người khác.

Phương cách mà họ thường sử dụng là bảo rằng giai cấp này có một số khả năng hay tính cách đặc biệt. Suốt các thời đại, người ta đã dùng nhiều hệ thống triết lý để biện minh cho cách phân chia đó, cách chia cắt xã hội thành giai cấp trên và dưới. Đó có thể là tôn giáo, và trong nhiều trường hợp đã là tôn giáo. Đó có thể là một triết lý cai trị. Thậm chí đó có thể là chủ nghĩa duy vật khoa học, như con thấy ngày nay có những người cho mình là có thể lực hơn mọi người mặc dù họ hiếm khi đến phòng tập thể dục.  

Con yêu dấu, người ta có đủ cách bào chữa cho sự thể này, và nếu con nhìn vào các lý do vỏ ngoài tại sao họ lại đặc biệt, nếu con tin những gì họ nói, thì con có thể nghĩ chắc hẳn họ cảm thấy rất hài lòng về bản thân và địa vị xã hội của họ. Chắc hẳn họ cảm thấy tốt đẹp hơn người khác thật, và ta phải đồng ý là có nhiều người trong giai cấp thượng lưu tin chắc là họ có những đặc tính khiến họ tốt đẹp hơn mọi người. Nhưng điều này chỉ nằm trên bề mặt của tâm thức họ, vì thực sự họ đang ở trong ảo mộng, đang tự dối gạt, đang không chịu nhìn sâu vào tâm lý họ để nhận ra là kỳ thực họ đang hoàn toàn đau khổ do không chấp nhận được chính mình.  

Có thể nói, cảm giác vỏ ngoài tự cho mình là hơn người chỉ đơn giản là một cách che đậy nỗi khổ đau bên trong, hầu giúp họ có thể sống với đau khổ mà không nhìn thấy đau khổ. Cũng y hệt như những người kia trong giai cấp hạ lưu đã tìm ra cách che đậy nỗi đau khổ nội tâm hầu họ không nhìn thấy điều đó trong sự tỉnh táo. Con nhận ra là tại châu Á nói chung, xã hội đã có một truyền thống lâu đời chia thành một giai cấp thượng lưu mang đặc quyền, và phần còn lại là những người dân cư xử một cách vô cùng khúm núm, phục tùng – nếu có thể nói như vậy – đối với giới thượng lưu.    

Sự phân rẽ trong xã hội châu Á

Vậy con có thể thấy những tàn dư của tình trạng này tại nhiều quốc gia châu Á trong cách người dân cư xử trước quyền lực, và ngay cả trong cách đối xử với nhau. Họ thường cúi đầu và cảm thấy họ phải khuất phục, đặc biệt là đối với những kẻ ở địa vị lãnh đạo hay uy quyền. Hiển nhiên là các chân sư mong muốn các con, là học trò tâm linh, vượt lên trên tâm thức này, và chấp nhận mình như mình là, và chấp nhận rằng bất kể người ta có địa vị gì trong xã hội thì con vẫn cảm thấy hài lòng trong nội tâm về chính mình, như hồi nãy có đứa con gái của con vừa bày tỏ. Bên ngoài thì con có thể tuân thủ luật lệ xã hội và làm những điều cần làm để sống còn trong hệ thống, nhưng bên trong con hãy nhận ra mình là ai và nhận ra giá trị của mình.  

Tuy nhiên người dân tại các nước Á châu cũng cần nhận ra là sự phân chia xã hội thành cao với thấp không thể nào đứng vững trong Thời đại Bảo bình. Con không thể xây dựng một xã hội hoàng kim nếu con có một giai cấp trên và một giai cấp dưới. Giai cấp thượng lưu sẽ không thể xây dựng được xã hội hoàng kim bởi vì họ không thể hòa điệu với tâm thức của Saint Germain. Làm thế nào họ có thể hòa điệu với Thánh thần của Tự do khi họ không có cả tự do trong bản thân họ, và họ không sẵn lòng ban bố tự do đó cho những thành phần thấp hơn trong xã hội?   

Các con cần chuyển đổi nhận thức của mình, cần kêu gọi mọi người nhận thức được cái cơ chế phân chia xã hội thành cao với thấp. Mọi người cần tỉnh thức về những lý do đã dẫn đến sự thể này, tỉnh thức rằng nó đã lỗi thời. Mọi người cần nhìn thẳng vào nó, công khai thảo luận về nó và sáng tạo một nền văn hóa khác hẳn.   

Một điều con nhận thấy trong nhiều nước Á châu kể cả Hàn quốc, là chỉ những ai thuộc các gia đình “chọn lọc” mới có thể đi học trường tốt và được ưu đãi trên thị trường việc làm. Nhiều hãng sở sẽ cứu xét thế lực gia đình của nhân viên trước khi bổ nhiệm vào những chức vị cao cấp. Con yêu dấu, có nghĩa lý gì từ một góc độ kinh doanh khi người ta thuê mướn nhân viên mà lại nhìn vào gốc gác gia đình thay vì xét xem người đó có đủ kiến thức, khả năng hay cá tính để đảm nhiệm trách vụ? Con yêu dấu, con có hiểu là tại sao nhiều công ty châu Á đã không thể tung ra những phát minh hay công nghệ mới như các công ty ở một số nước phương Tây hay chăng?

Nếu con tự hỏi, con yêu dấu, tại sao tập đoàn khổng lồ mang tên Samsung lại phải bắt chước sản phẩm của Apple thì con sẽ thấy lý do khá giản dị. Mặc dầu to lớn, có nhiều tiền và nhiều nguồn lực nhưng Samsung vẫn không có khả năng thuê mướn những người đủ sáng tạo hầu tung ra những sản phẩm mới lạ. Họ vẫn phải bắt chước, và tại sao như vậy, con yêu dấu? Phần lớn là vì cái văn hóa mà ta vừa nói tới, tức là dùng người dựa trên gốc gác gia đình thay vì khả năng sáng tạo hay những khả năng khác.

Khi con bắt đầu nhận ra điều này thì con thấy nó ảnh hưởng trên nhiều phương diện, không chỉ xã hội Hàn quốc mà nhiều xã hội châu Á khác nữa. Ở một số nước, vấn đề này thật là hiển nhiên, trong khi ở một số nước khác thì nó vi tế hơn. Ta có thể cam đoan với con là nếu Á châu muốn vươn lên tâm thức của Thời Hoàng kim thì nền văn hóa này phải được vượt thăng, tức là người ta phải sẵn lòng nhìn vào linh hồn, nhìn vào con người cùng những khả năng và đặc điểm sẵn có của mỗi người thay vì các hình thức bề ngoài. 

Thái độ đối với phụ nữ tại châu Á

Một trong những vấn đề cũng cần được giải quyết, tất nhiên, là thái độ đối với phụ nữ trong các xã hội châu Á. Con thấy là để có được một chân đứng cao cấp trong một hãng lớn tại Á châu, con không những phải thuộc một gia đình cao cấp mà thêm vào đó con phải là đàn ông. Một lần nữa, đây là một trong những lý do nhiều công ty châu Á bị tụt hậu, bởi vì không có gì bảo đảm nam giới có nhiều khả năng sáng tạo hơn, và trong nhiều trường hợp các sáng kiến mới lạ chỉ có thể đến từ nữ giới. Đây cũng là một vấn đề tại Tây phương nhưng là một chủ đề cho một bài khác.

Con thấy được là trong vùng này của thế giới đã có một truyền thống lâu đời áp chế những ai bị coi là thuộc giai cấp thấp kém, những ai bị coi là không quan trọng. Ngay cả trong giới thượng lưu cũng có truyền thống áp chế phụ nữ, không để cho phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo, tài năng tổ chức, tầm nhìn cũng như sự đóng góp của mình cho xã hội.

Có thể nói là khi nhìn vào xã hội, con thấy được là có phân chia giai cấp, trên và dưới, dựa theo gốc gác gia đình, và đồng thời cũng có một giai cấp ở trên gồm nam giới thuộc một số gia đình chọn lọc, và có một giai cấp ở dưới gồm nữ giới bất kể mọi gốc gác gia đình. Con cần nhìn nhận, như ta vừa nói, là một linh hồn, một dòng sống, không độc quyền là nam hay nữ, mà sẽ đầu thai trong mỗi kiếp trong một xác thân vật lý khác nhau. Con không luôn luôn là người nam trong một cơ thể nam giới. Con cũng không luôn luôn là người nữ. Cho nên nếu con muốn tìm nhân viên thích hợp nhất cho một trách vụ ở hãng sở hay trong xã hội, con cần nhìn vào các đặc điểm của linh hồn, các đặc điểm nội tại của linh hồn.

Không trân quý cá nhân

Con yêu dấu, nhìn từ góc cạnh kinh doanh thuần túy, điều này phải khá hiển nhiên. Các lãnh đạo kinh doanh, như tại Hàn quốc, phải có khả năng nhìn thấy tại sao họ lại thua kém các công ty Tây phương về sáng tạo và họ phải làm gì để thu hẹp khoảng cách. Họ phải kết luận được là họ cần tìm kiếm những người mang khả năng đặc biệt trong bản thân thay vì chỉ nhìn một số nét bề ngoài rồi giả thiết rằng người xuất thân từ gia đình tốt sẽ sáng tạo hơn, lãnh đạo giỏi hơn. Con có thể tự hỏi tại sao họ không đi đến được kết luận đó? Có phải là họ không đủ khôn ngoan, không đủ thông minh? Hay là vì những lý do nào khác?  

Lý do, như các chân sư khác có đề cập, là châu Á có một truyền thống lâu đời coi trọng nhà nước hay tập đoàn hơn là cá nhân. Người ta không xem mỗi con người cá nhân là có giá trị cố hữu, là nguồn lực đặc trưng với khả năng độc đáo. Xu hướng chung là cho rằng nếu một trách vụ cần người đảm nhiệm thì gần như bất cứ ai, hay ít ra rất nhiều người, cũng có thể đảm nhiệm được. Do vậy mà nhà nước lẫn công ty đã cho phép mình coi thường cá nhân, tất nhiên là ngoại trừ người lãnh đạo tối cao. Và ngay cả điểm này cũng không hẳn đúng, vì con có thể thấy ở nhiều nước như Bắc Hàn ngày nay chẳng hạn, con trai của lãnh tụ cũ tự động trở thành lãnh tụ mới bất kể anh ta có thích hợp cho trách vụ đó hay không và bất kể anh ta có muốn giữ trách vụ đó hay không.

Khi con không trân quý cá nhân, không trân quý con người, làm sao con có thể chuyển hướng khỏi cái văn hóa chỉ chuộng gia đình và hình thức bề ngoài? Cho nên sự chuyển đổi cần xảy ra, mà sứ giả này đã có nhắc đến, là các con phải bắt đầu trân quý lẫn nhau, nhìn nhau như là bình đẳng, và quý trọng nhau như những cá nhân, những con người mà các con là. Các con quý trọng và hiểu rõ giá trị của sự khác biệt. Tại sao sứ giả này đã có thể nói chuyện với các con? Bởi vì ông có một cử tọa nơi hầu hết mọi người đều nhận thức được là mình muốn liên hệ với nhau một cách khác. Các con muốn liên hệ với nhau bình đẳng thay vì chia ra thành kẻ trên người dưới. Đây là tiềm năng của các con để tác động lên xã hội khi các con chấp nhận tâm thức này nơi chính mình, khi các con phát biểu và, tất nhiên, khi các con đọc lên những bài chú. Nhất định là sẽ rất, rất khó thay đổi được một tâm thức vô cùng lâu đời đã ăn sâu vào xã hội như thế.

Khi ta nói là điều đó rất khó khăn thì, tất nhiên, đó cũng chỉ là tương đối. Vì như chúng tôi các chân sư đã nói nhiều lần, đối với con người thì nó không thể, nhưng đối với Thượng đế thì tất cả đều có thể. Nhưng chúng tôi cũng lại nói, tâm thức con người cần chuyển đổi trước khi chúng tôi có thể sử dụng quyền năng của chúng tôi. Phải cần có một nhận thức ngày càng sâu rộng, một sự chuyển hướng trong nhận thức, rằng các con sẽ chấp nhận lẫn nhau như con người mà các con là, và các con bắt đầu liên hệ với nhau một cách khác.

Chuyển đổi thái độ của xã hội đối với cá nhân

Con yêu dấu, chúng tôi không có ý tạo ra ở đây một phong trào tâm linh sẽ lặp lại những khuôn nếp được thấy quá thường xuyên trong Thời đại Song ngư vừa qua, khi mà ngay cả các phong trào tâm linh cũng bị phân rẽ thành giai cấp trên và giai cấp dưới. Có những người xem mình tốt đẹp hơn người khác, và những người còn lại thì chấp nhận mình là hàng thứ dưới của kẻ lãnh đạo. Đây không phải là điều chúng tôi muốn xảy ra. Khi các con vượt qua được tâm thức này trong con thì những lời chú của con sẽ có nhiều quyền năng hơn và các con sẽ làm theo những gì sứ giả đã nói. Các con sẽ làm gương cho mọi người là các con có thể liên hệ với nhau cách khác.

Sự chuyển đổi nào cần thiết cho xã hội? Là các con nhận ra mục đích của sự sống hay của một xã hội là phục vụ con người, phục vụ sự tăng trưởng tâm thức, trao cho mọi người cơ hội biểu hiện các đức tính vốn có của mình, sự sáng tạo, kinh nghiệm và khả năng của mình. Nếu một xã hội trao cơ hội cho những ai từng phát triển những khả năng cao nhất trong tiền kiếp có thể biểu thị được khả năng này, thì xã hội sẽ thăng hoa. Nếu một tập đoàn thu hút được nhân sự có khả năng, biết trân quý khả năng và trao cho họ cơ hội thể hiện khả năng, thì tập đoàn đó sẽ thịnh vượng.    

Muốn vậy, mọi người cần thấy mục đích của xã hội là phục vụ con người. Mục đích của tập đoàn là phục vụ những người làm việc trong tập đoàn, chứ không phải là tạo thêm lợi nhuận ngày càng lớn hơn cho một số ít cổ đông không thực sự đóng góp cho tập đoàn vì họ chỉ sở hữu cổ phiếu và nhận cổ tức.   

Con yêu dấu có thấy không, vào thời Hoàng kim sẽ có một cấu trúc công ty hoàn toàn mới mà qua đó những ai trực tiếp đóng góp vào hoạt động của công ty sẽ được xem là mục đích chủ yếu của hoạt động công ty. Thậm chí mục đích của một công ty thời hoàng kim sẽ không là kiếm tiền. Mục đích sẽ là phục vụ những người làm việc cho công ty, và tất nhiên muốn vậy thì phải phục vụ những ai sử dụng sản phẩm và dịch vụ của công ty. Đây là một chuyển đổi lớn lao mà ngay cả bên Tây phương vẫn chưa chứng kiến, ngoại trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi. Chúng tôi vẫn biết điều này sẽ không xảy ra tại châu Á trước tiên, nhưng vẫn hữu ích nhắc đến vì nó nằm trong khuôn mẫu hoàng kim. Và các con có thể đọc lên những lời kêu gọi để các xã hội châu Á khởi sự trân quý cá nhân, trân quý con người, và thấy được mục đích xã hội là phục vụ người dân của mình.

Mục đích của Hàn quốc

Đâu là mục đích của dân tộc Hàn quốc? Có phải là để cho một thiểu số thượng lưu ngày càng giàu có hơn? Các con không thấy sao, những quốc gia từng để cho sự thể này xảy ra đã dựng lên một giai cấp thượng lưu không còn cảm thấy trung thành với quốc gia đã ban cho họ địa vị đặc quyền của họ. Con hãy nhìn bao nhiêu tập đoàn khắp thế giới đã trở thành tập đoàn đa quốc gia, vì một khi họ thu hút loại người đeo đuổi quyền lực và của cải vô hạn thì không có gì – như bài thỉnh các con vừa đọc có nói – không có gì là đủ cho họ.

Không có quyền lực nào đủ lớn cho họ. Không có lợi nhuận nào đủ lớn cho họ. Không có một quốc gia nào trên thế giới có khả năng thỏa mãn sự tham lam vô đáy của họ. Ngay cả một đất nước rộng lớn như Hoa Kỳ cũng không thể thỏa mãn lòng tham của cải và quyền lực của các tập đoàn, và các tập đoàn này đã bành trường thành đa quốc gia. Họ càng đa quốc gia thì sự trung thành của họ càng ít đi đối với quốc gia và dân tộc của họ.

Con không thấy điều này đang xảy ra với một số tập đoàn lớn tại Hàn quốc hay sao? Có thực sự mục đích của một dân tộc là trao địa vị đặc quyền như vậy cho một thiểu số thượng lưu không giữ trung thành đối với quốc gia và dân tộc mình? Con nhìn xem đã bao nhiêu lần các tập đoàn đã chuyển hoạt động sản xuất sang một nước có giá nhân công rẻ mạt để khiến cho hàng vạn nhân viên của mình lâm vào cảnh thất nghiệp? Hơn thế, nhà nước lại để yên cho tập đoàn cứ thế bành trướng, để rồi phải hứng lấy một nan đề phải giải quyết, trong khi tập đoàn thì phủi tay. Có thực đó là khuôn mẫu mà con muốn lặp đi lặp lại nơi đây tại Hàn quốc cũng như tại các nước Á châu và nhiều nơi khác?       

Sa nhân không có lòng trung thành

Con cần kêu gọi để tạo ra sự chuyển đổi, và con cần kêu gọi sự phán xét đối với tâm thức của nhóm thượng lưu đặc quyền không có chút trung thành nào đối với quốc gia hay với những nhân viên đã làm việc cật lưng để giúp cho tập đoàn bành trướng to lớn đến thế. Con yêu dấu, con cần nhìn ra là các sa nhân hoàn toàn không trung thành với bất cứ ai. Con cũng cần nhìn ra là sa nhân luôn luôn đòi hỏi sự trung thành từ mọi người. Chúng luôn luôn đòi hỏi từ người khác những gì chúng không sẵn sàng cống hiến, và đây là một tâm thức cần được phán xét, cần được phơi bày, và mọi người cần quyết định là mình sẽ không tiếp tục khuất phục trước cái ma trận này nữa.  

“Chúng tôi sẽ không tiếp tục khuất phục trước giai cấp thượng lưu luôn đòi hỏi chúng tôi phải trung thành nhưng không cho lại được gì. Do đó, chúng tôi đòi hỏi một xã hội không dung thứ giai cấp thượng lưu này và không ban đặc quyền và trung thành cho họ, mà thay vào đó phải trung thành với người dân, với quần chúng, và cho phép mọi người dân được chia sẻ sự thịnh vượng của dân tộc.”

Đó không phải là khuôn mẫu của Thời đại Bảo bình. Đó không phải là một khuôn mẫu có thể bền vững trong Thời đại Bảo bình. Con sẽ thấy là những nước nào không thể thăng vượt khuôn mẫu này sẽ bị tụt hậu. Những tập đoàn nào không thăng vượt khuôn mẫu này cũng sẽ tụt hậu. Tại sao như thế, con yêu dấu? Tại vì Saint Germain sẽ truyền rải những loại công nghệ hoàn toàn mới mà thày đã có nhắc đến và sẽ đề cập thêm trong tương lai. Đây là những công nghệ dựa trên một tư duy hoàn toàn khác lạ và không là công nghệ dựa trên lực đẩy.

Giáo dục Thời Hoàng kim

Con có nghĩ là một công ty do giai cấp thượng lưu quyền lực của sa nhân lãnh đạo, hay do những người bị rơi kẹt trong tâm thức sa ngã lãnh đạo, sẽ có khả năng hòa điệu với Saint Germain và nhận được công nghệ này chăng? Không đâu con yêu dấu, bởi vì họ chỉ tìm kiếm những loại công nghệ mà họ có thể chiếm độc quyền và sử dụng để củng cố địa vị. Họ sẽ không đoái nhìn đến những công nghệ mới nhằm phục vụ và giải thoát người dân. Làm sao họ có thể hòa địêu với Thánh thần Tự do và nhận được những sản phẩm và công nghệ sáng tạo mà thày đang chờ dịp tung ra?

Những công nghệ này chỉ có thể được truyền đạt đến những người sáng tạo cao độ với một tâm thức mở rộng không thể được nuôi dưỡng trong cấu trúc truyền thống của các tập đoàn, hay ngay cả trong cách tổ chức giáo dục của hầu hết mọi nước. Và như con thấy tại nhiều nước Á châu, có tình trạng phân biệt trong hệ thống giáo dục với những trường đặc quyền dành cho gia đình khá giả và trường học phổ thông cho mọi người khác.   

Nhưng ngay cả trong mọi cơ sở giáo dục cũng đều có trọng tâm vào việc đạt điểm cao qua những tiêu chuẩn học vấn dựa trên khả năng học thuộc lòng, ghi chép và lặp lại những gì được chỉ dạy. Còn những khả năng khác thì bị xem là thứ yếu, như liệu học sinh có lãnh hội được kiến thức, có hội nhập, có sử dụng kiến thức một cách sáng tạo trong công việc hay không. Con có thấy được bản chất máy móc của việc mù quáng đặt trọng tâm vào những thành quả vỏ ngoài, vào kiến thức vỏ ngoài và sự ghi nhớ? Nó như là con rô-bót. Nó sản xuất ra những con người không biết suy nghĩ sáng tạo cho dù là mang kiến thức về một số đề tài cụ thể.

Làm sao những người như vậy có thể tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo vượt xa các công nghệ hiện có? Làm sao họ có thể nghĩ ở ngoài cái hộp khi cả đời họ đã được dạy dỗ để chui vào trong hộp, một cái hộp được định ra bởi người khác, bởi xã hội, bởi giới thượng lưu đặc quyền, bởi tâm thức sa ngã? Làm thế nào những người bị kẹt trong cái hộp tư duy do tâm thức sa ngã dựng lên có thể hòa điệu với Saint Germain để nhận được ý tưởng mới và công nghệ mới? Không thể nào được, con yêu dấu.  

Liệu điều này có nghĩa là không một quốc gia châu Á nào có thể là nước tiên tiến về công nghệ và sáng tạo? Không, không có nghĩa là như vậy, bởi vì có những linh hồn đã tình nguyện đầu thai trong phần này của thế giới, và chắc chắn trong số đó có nhiều người ở Hàn quốc vì họ là những linh hồn sáng tạo và họ mong muốn góp phần đưa khu vực này tiến lên phía trước. Nhưng đâu là lối mở cho họ trong hệ thống giáo dục hiện tại, trong cơ cấu xã hội, trong các tập đoàn? Con yêu dấu, đâu là những nơi mà họ được trân quý? Nơi đâu họ sẽ được phép biểu đạt ý tưởng sáng tạo của họ? Con thấy không, tình trạng này phải thay đổi. Sự nhận thức phải thay đổi, và sự nhận thức phải ngày càng cao hơn về giá trị của những cá nhân có khả năng khởi lên những sáng kiến mà không ai khác có thể có trong hoàn cảnh cụ thể đó, xã hội đó.     

Tiềm năng sáng tạo tại Hàn quốc

Hiện có những người ở Hàn quốc hoàn toàn có khả năng đưa ra những ý tưởng có thể đưa Hàn quốc vào Thời Hoàng kim. Họ có khả năng lắng nghe các chân sư thăng thiên và lãnh ý, nhưng đâu là lối mở cho họ nơi xã hội sẽ sẵn lòng lắng nghe họ? Làm cách nào đưa ý tưởng đó ra? Dĩ nhiên là ở những nơi khác trên địa cầu, cùng ý tưởng đó cũng sẽ được đưa ra, và nếu có những xã hội sẵn sàng lắng nghe thì họ sẽ đem ra thực hiên và nhảy vọt đi trước.    

Ở Á châu thường có xu hướng đặt trọng tâm vào việc sản xuất sản phẩm, hoặc là số lượng lớn, hoặc là với phẩm lượng cao rồi tinh chỉnh thêm dựa theo một khuôn mẫu nhất định. Con yêu dấu, con có thể tinh chỉnh một chiếc xe tới đâu, tinh chỉnh một động cơ xăng hay diesel tới đâu? Chỉ giới hạn thôi, vì con chỉ có thể nâng hiệu năng trong một giới hạn nào đó. Sẽ tới một điểm khi xã hội phải nhảy một bước nhảy vọt, bỏ lại công nghệ cũ và tạo ra một loại công nghệ chuyên chở hoàn toàn mới lạ.    

Nếu một quốc gia, một cơ cấu doanh nghiệp, chỉ tập trung vào việc cải tiến những gì đã sẵn phát minh, thì họ sẽ đụng một lằn ranh về mức độ cải tiến. Và như thế sự phát triển của xã hội và các tập đoàn cũng bị giới hạn bởi lằn ranh đó. Con chưa thấy rõ điều này tại Nhật Bản hay sao? Đã có một thời Nhật Bản chiếm vị trí dẫn đầu các nền kinh tế thế giới nhờ khả năng biến con người thành những con rô-bót có thể sản xuất thật nhiều sản phẩm đồng dạng. Tại sao nước Nhật và kinh tế Nhật bắt đầu suy thoái? Là bởi họ đã đạt tới lằn ranh và không thể phát triển hơn nữa qua sự tiếp tục áp dụng đường lối máy móc, rô-bót cho con người, cho sản xuất và cho cơ cấu doanh nghiệp.   

Con thấy một hiện tượng tương tự cũng đang bắt đầu diễn ra tại các nước khác, kể cả Hàn quốc. Có một giới hạn nào đó cho mức độ cải tiến và tăng giá trị cho một chiếc điện thoại di động hay một máy tính. Dĩ nhiên là con có thể vượt ra ngoài cái hộp và sáng chế một sản phẩm với khả năng hoàn toàn mới lạ mà các sản phẩm cũ không thể có được, nhưng làm sao thực hiện được đây nếu không có lối mở nào để tiếp nhận và áp dụng ý tưởng của con? 

Hình ảnh đức Phật cần thay đổi

Con yêu dấu thấy đó, người ta thường xem ta là đức Phật và nhiều người trong thế gian hình dung đức Phật là một đấng tĩnh lặng đem lại sự ổn định. Cho nên con có thể ngạc nhiên khi nghe ta phát biểu về tăng trưởng và thay đổi, nhưng đó là vì đã có một truyền thống lâu đời sử dụng một hình ảnh không trọn vẹn về Phật mà đặt chồng lên Phật.

Đâu là tinh túy của giáo lý mà ta giảng dạy cách đây 2500 năm? Đó là mọi thứ đều là Phật tánh. Thế nào là Phật tánh? Phật tánh có tĩnh lặng không? Không, Phật tánh là Dòng sông của Sự sống, luôn luôn tự thăng vượt. Nếu con tạo ra một hình ảnh rằng Phật là một đấng tĩnh lặng đem lại sự ổn định và mong muốn ổn định bất biến cho xã hội, thì con đã hiểu lầm chính bản chất của Phật, là Phật tánh. Con đã phủ nhận Phật tánh của con, bởi vì khi con nhìn thấy Phật tánh trong con, đó cũng là lúc con hòa điệu với Dòng sông Sự sống. Đó thực sự là lúc con hoàn toàn chấp nhận chính con như con là, con yêu dấu. Sứ giả này cũng vừa giải thích như thế.

Con có thể lấy điều sứ giả vừa nói và tiến thêm một bước. Con hãy nhận ra là khi con bắt đầu nhìn thấy Phật tánh trong con, và con thấy là Phật tánh không tĩnh lặng, thì đó là lúc con có thể trọn vẹn chấp nhận chính con như con là. Con chấp nhận rằng ngay lúc này con là sự thể hiện của Phật tánh. nhưng tất nhiên Phật tánh sẽ tiếp tục tự thăng vượt. Đó là tại sao con trở thành hơn-nữa. Đó là tại sao con sẽ không giống như bây giờ trong một năm nữa, hay mười năm nữa, hay ngay cả chỉ một tuần hay một ngày hay một giây. 

Con yêu dấu, thấy được Phật tánh trong con và thấy được Phật tánh không phải là một trạng thái toàn hảo mà là một trạng thái luôn luôn tuôn chảy, luôn luôn biến đổi (như ta có nhắc là các Phật tử Tây Tạng, hay ít ra một số, đã thấy được điều này), đó là chìa khoá để con tự chấp nhận chính con. Chỉ khi nào con chấp nhận con là một phần của sự thay đổi không ngừng tức là Dòng sông Sự sống, thì con mới có thể chấp nhận con một cách trọn vẹn, và con cho phép con là cái mà con là, con cho phép con là cái mà con sẽ là, cho phép con trở thành cái mà con sẽ trở thành trong sát na kế tiếp. Con cho phép con xuôi chảy cùng với Dòng sông Sự sống mà không bị kẹt vào truyền thống, không bị kẹt vào lòng trung hiếu đối với tổ tiên, đối với lãnh đạo của con, đối với hệ thống chính trị và tôn giáo của con, không trung thành với những gì đã qua nhưng luôn luôn sẵn sàng trở thành hơn-nữa trong tiến trình liên tục mà thực sự là Phật tánh.       

Phật tánh là sự thăng vượt liên tục qua sự quán niệm liên tục và nhận ra rằng: “Đây là cái mà tôi là ngay bây giờ, nhưng tôi có thể là hơn-nữa, và tôi muốn cái hơn-nữa đó. Cho nên tôi chuyển cảm nhận tôi-là vào trong cái hơn-nữa, và đó là cách tôi hòa điệu với Phật, và tôi chảy xuôi theo Phật vì thực sự Phật đang liên tục trở thành hơn-nữa.”

TA LÀ đấng hằng chảy, hằng thăng vượt. Ta chưa bao giờ là một sinh thể tĩnh lặng. Thờ phượng một bức tượng bằng vàng bất biến, và cho rằng đức Phật mà nó tượng trưng cũng là bất biến, là một sự hiểu lầm căn bản những lời dạy của ta cách đây 2500 năm. Tưởng rằng Phật hôm nay cùng giống như ta cách đây 2500 năm, là một sự hiểu lầm căn bản và sự bất lực không hòa điệu được với ta hôm nay. Ta đã tự thăng vượt vô số lần trong 2500 năm qua. Ta sẽ tiếp tục tự thăng vượt vô số lần nữa trong mỗi giây, trong mỗi phân đoạn của một giây, trong mỗi phân tử của một giây mà con có thể nghĩ ra. Ta sẽ tự thăng vượt vô số lần, có nghĩa là không có một phân chia nào mà con có thể tạo ra trong thế gian hữu hạn này có thể cầm giữ được Phật, bởi vì luôn luôn TA LÀ HƠN NỮA, và đó cũng là tinh túy của Phật tánh.        

Thay đổi phương trình cho Hàn quốc

Bài giảng của chân sư thăng thiên Quan Âm ngày 1/7/2016 qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Seoul, Korea.

Ta là chân sư thăng thiên Quan Âm. Ta đã được nhiều người xem là, và gọi tên là, Thần nữ của lòng Bi mẫn, nhưng bi mẫn là gì? Lòng bi mẫn chẳng phải là điều giải thoát mọi sự sống, giải thoát cả người cho lẫn người nhận bi mẫn hay sao?

Vậy thì có phải mọi người cần nhận ra điều quan trọng là khi con tha thứ, khi con bi mẫn, chính con cũng đã tự giải phóng bản thân hay không? Vã cũng quan trọng không kém là nhận ra rằng trong rất nhiều hoàn cảnh đời sống, rất nhiều tình huống trên địa cầu, cách duy nhất để đạt được tự do cho cá nhân hay cho quốc gia mình là bày tỏ lòng bi mẫn vô điều kiện, sự tha thứ vô điều kiện hay không?

Quá khứ không thể thay đổi

Năm ngoái tại Âu châu chúng tôi, các chân sư, đã nói về nhu cầu tha thứ một cách vô điều kiện hầu giải phóng các quốc gia và các dân tộc Âu châu khỏi những vết thương và nỗi đau của Thế chiến Thứ hai. Điều này chẳng cũng áp dụng cho Hàn quốc và Á châu hay sao?

Con yêu dấu, sẽ tới một lúc khi con cần nhìn nhận là con không thể thay đổi quá khứ. Nếu tất cả các hoàng đế hoành tráng của Trung quốc hay của bất kỳ một quốc gia nào, bước ra trong tất cả quyền oai lộng lẫy của họ, liệu họ có thể thay đổi được mảy may những gì đã xảy ra trong quá khứ? Con không thể quay ngược kim đồng hồ, con không thể đi ngược lại thời gian và thay đổi quá khứ. Vậy con có thể làm gì? Con có thể thay đổi cách quá khứ tác động như thế nào lên tâm con trong hiện tại. Khi con thay đổi cách quá khứ tác động lên tâm con thì con cũng thay đổi cách quá khứ tác động lên tiến trình mà con, hay quốc gia của con, xuôi chảy trong dòng sông của sự sống.

Có chỗ nào cho đạo Phật tăng triển?

Tại phương Đông có thể tìm thấy rất nhiều giáo lý thâm sâu. Có rất nhiều giáo lý thâm sâu được tìm thấy trong các hướng phát triển khác nhau của đạo Phật. Ta không dùng từ “Phật giáo” hay “tôn giáo của Phật”, bởi vì mặc dù rất nhiều người tại phương Tây ưa xem đạo Phật là một tôn giáo, nhưng nhiều người tại phương Đông lại không xem đó là một tôn giáo như người phương Tây. Nhiều hơn vậy, đó là một hệ thống luôn luôn tuôn chảy và thăng vượt.

Tất nhiên, chúng ta phải nhận rõ là ngay cả đạo Phật cũng bị rơi vào xu hướng của con người là mong muốn đặt thành nghi thức và tổ chức mọi chuyện. Con có thể đến thăm một ngôi chùa ở đây ngay trung tâm thành phố Seoul và chiêm ngưỡng những tượng Phật vĩ đại cùng những trang trí tỉ mỉ trong chùa. Và con có thể tự hỏi: “Biết rằng đức Phật đã sống đạm bạc như thế nào, đã giảng dạy trong một đạo tràng bình dị như thế nào, thì làm sao một khởi đầu đơn giản như vậy có thể trở thành trau chuốt, sắp đặt, lễ nghi như thế này?”  

Đâu là khoảng trống để Tánh linh tuôn chảy trong một hệ thống đã trở nên nặng nề nghi thức đến độ con người khó lòng biểu hiện được điều mà Đại thiên thần Michael có đề cập, là sắc tính thiêng liêng của mỗi người? Đâu là khoảng trống cho cá thể trong một hệ thống nệ nghi thức đến như vậy? Và vì thế, đâu là khoảng trống cho sự tăng triển?

Con chỉ có thể thay đổi trong giây phút hiện tại

Tuy vậy, con có thể tìm thấy rất nhiều giáo lý thâm sâu tuôn ra từ đạo Phật. Trong số đó có một số lời dạy không được ghi lại từ các Phật tử Tây Tạng, mô tả sự sống tương tự như cách chúng tôi mô tả qua vị sứ giả này từ mấy năm nay, tức là một dòng chảy liên tục. Chúng tôi gọi đó là Dòng sông Sự sống.

Khi con hiểu Dòng sông Sự sống, con hiểu được đó là một tiến trình. Con cần ghi nhớ điểm quan trọng này vì tâm con người, đặc biệt khi đã bị tâm thức nhị nguyên ảnh hưởng, luôn mong muốn tổ chức mọi chuyện theo một đường thẳng. Chắc chắn có thể nói là xu hướng tư duy đường thẳng này phổ biến tại phương Tây nhiều hơn là phương Đông, tuy nhiên con cũng tìm thấy ở phương Đông bởi vì đây là một xu hướng chung của con người.

Con suy nghĩ trong khuôn khổ thời gian và con phân chia thời gian ra thành quá khứ, hiện tại và tương lai. Con tập trung vào quá khứ hoặc tương lai đến độ con không biết đến hiện tại. Nhưng hiện tại là lúc duy nhất mà con có thể thay đổi hướng đi.  

Nếu con không ở trong hiện tại, con không thể đổi hướng đi một cách ý thức. Và nếu con không đổi hướng được một cách ý thức thì quá khứ của con sẽ định đoạt tương lai của con. Chỉ trong hiện tại con mới có khả năng đổi hướng một cách ý thức hầu tương lai đi theo một hướng khác hơn là cái hướng cũ trước khi con trở nên ý thức và quyết định thay đổi.

Sự sống không có kết quả chung cuộc

Khi con thực sự nắm được khái niệm này về Dòng sông Sự sống, con ngộ ra là không có một kết quả chung cuộc nào mà cần phải thực hiện. Điều này vô cùng thâm sâu. Đây là một điều quan trọng cho con suy ngẫm, bởi vì con đã quá quen suy nghĩ trong khuôn khổ phải đạt được những kết quả chung cuộc, vì nếu không thì hậu quả chắc sẽ khủng khiếp lắm.  

Chúng tôi đã có dạy về tư duy cuồng đại coi cuộc sống là một cuộc đối đầu vĩ đại giữa thiện và ác, và kết quả phải đạt được là thiện phải diệt ác. Nếu thiện không thắng được ác thì dường như sự xấu ác sẽ bao trùm mọi nơi, kéo mọi linh hồn vào vùng tăm tối. Con thấy đó, con yêu dấu, chuyện này không có chút thực tế nào, thật sự không có chút thực tế nào hết. Nó chỉ hiện diện trong tâm trí những người bị tâm thức nhị nguyên cám dỗ, bị sa nhân sai bảo khiến họ phải chiến đấu cho một chính nghĩa tối thượng dường như chỉ dựa trên một tríết lý cuồng đại nào đó.   

Con chẳng thấy được sao, chủ nghĩa cộng sản là một ví dụ điển hình của một triết lý cuồng đại như thế, nó định ra một mục tiêu chung cuộc phải đạt được là sự truyền bá chủ nghĩa cộng sản khắp thế giới? Con không thấy Cơ đốc giáo cũng bị ảnh hưởng bởi tư duy cuồng đại đó hay sao? Đó là, một lần nữa, để mọi người phải cải đạo thành người Cơ đốc vì nếu không, họ sẽ bị đày xuống một địa ngục rực lửa. Nhưng địa ngục này không hề có thật vì không bao giờ được Thượng đế tạo ra.

Sự sống là một tiến trình liên tục

Con yêu dấu, Dòng sông Sự sống là một tiến trình liên tục. Nó là tiến trình liên tục vì nó được tạo ra bởi tất cả mọi sinh thể tự nhận biết hiện hữu trong bầu cõi của con. Như chúng tôi đã có giải thích, đã từng có những bầu cõi hiện hữu trước bầu cõi của các con, và các bầu cõi này đều đã thượng thăng khi cư dân ở đó đã đưa bầu cõi mình tới điểm thăng hoa bằng cách nâng cao tâm thức của mình. Nghe vậy, có thể con sẽ hỏi: “Nhưng thày Quan Âm, đó không phải là một kết quả chung cuộc hay sao?”

Con thấy không, đó không phải là một kết quả chung cuộc trong ý nghĩa cuồng đại. Thật sự đó không hề là một kết quả chung cuộc, bởi vì khi một bầu cõi thượng thăng, điều gì sẽ xảy ra? Những ai đã nâng tâm thức mình lên cao đủ để khiến cho bầu cõi của mình thăng hoa, lúc đó sẽ nâng tâm thức cao hơn nữa bằng cách đồng sáng tạo bầu cõi kế tiếp và gửi ra những phần nối dài của bản thân mình đến cư ngụ và hiện thân nơi bầu cõi mới. Cho nên sự liên tục cứ tiếp diễn mãi.

Không hề có mục đích chung cuộc. Không hề có kết cuộc vì thật sự cũng không có khởi đầu, bởi vì tất cả là một dòng chảy liên tục. Vì tâm đường thẳng của con người không có khả năng nắm bắt một dòng chảy liên tục không sinh không diệt, cho nên nó thèm khát tạo ra một cốt truyện cuồng đại với một khởi đầu và một kết cuộc.

Địa cầu không thể thay đổi vũ trụ

Một khi con nhìn nhận sự sống là một dòng chảy, con nhận ra rằng địa cầu là một hành tinh vô cùng nhỏ bé trong một vũ trụ vô cùng rộng lớn. Mặc dù hiện có 7 tỷ dòng sống đang hiện thân trên địa cầu, đây là một con số rất nhỏ so với vô số dòng sống khác hiện hữu trong bầu cõi của con. Đại đa số những dòng sống này đang nâng tâm thức lên những mức ngày càng cao hơn và điều này tạo ra Dòng sông Sự sống kéo theo mọi thứ khác trong bầu cõi lên cao hơn.

Con yêu dấu, nếu con chỉ biết địa cầu của con, nếu con chỉ tập trung vào địa cầu này, con có thể rơi vào ảo tưởng của sa nhân cho rằng địa cầu có tầm ảnh hưởng nào đó trên vũ trụ hay Thượng đế, hay hoạch định của Thượng đế. Một khi con nhận ra Luật Tự quyết cùng con số vĩ đại những dòng sống trong bầu cõi của con đã chọn nhập vào Dòng sông Sự sống, thì con sẽ thấy không có cách nào địa cầu hay các dòng sống trên địa cầu có thể ảnh hưởng được tổng thể.

Hành tinh của các con là một phần quá nhỏ của tổng thể đó, cho nên con không thể trì hoãn, không thể kéo ngược vũ trụ lại, và do đó con cần nhìn nhận là con luôn được toàn vũ trụ kéo lên phía trên. Mặc dù con có quyền tự quyết và có thể chống cự lại lực kéo hướng thượng này, việc đó sẽ chỉ ngày càng khó khăn hơn mà thôi. Đây là điều mà các chân sư cũng đã giải thích qua định luật thứ hai của nhiệt động học, theo đó nếu con biến bản thân con hay quốc gia con thành một hệ thống khép kín, càng ngày con sẽ càng phải kháng cự nhiều hơn để duy trì sự khép kín đó.   

Vì vậy sẽ tới một điểm khi con không thể còn sức cưỡng lại dòng chảy đi lên của Dòng sông Sự sống nữa, có nghĩa là những yếu tố đã giữ cho hệ thống của con khép kín sẽ bắt buộc phải tan vỡ. Luật này áp dụng chung cho một cá nhân, một quốc gia cũng như cho cả nhân loại.  

Chủ nghĩa biệt lập tại Hàn quốc

Khi nhìn vào lịch sử của Hàn quốc – cũng như những nơi khác tại châu Á – con có thể thấy xu hướng muốn tự cô lập và cách ly khỏi thế giới chung quanh. Xu hướng này ngược hẳn với Dòng sông Sự sống. Con không thể tồn tại lâu dài trong sự cô lập và cách ly.   

Điều sau đây có thể rất khó hiểu, và đối với dân tộc Hàn quốc có một nét đặc thù mà ta muốn đưa ra để con nhận rõ. Khi con xem xét người dân trong vùng rộng lớn của nước Hàn ngược trở về quá khứ, và con đặc biệt nhìn vào người dân ở đây tại Nam Hàn, con có thể thấy dân tộc của con là một dân tộc ôn hòa, yêu chuộng hòa bình. Các con muốn sống trong hòa bình.  

Vậy thì tại sao suốt lịch sử các con không có hòa bình? Vì sao ngày nay các con vẫn bị chia cắt? Bởi vì hòa bình không thể đạt được qua nỗ lực kiểm soát, qua nỗ lực kiềm chế hoàn cảnh bên ngoài, ngăn chặn dòng chảy và thiết lập một trạng thái tĩnh tại nơi con tưởng rằng mọi chuyện đều nằm dưới tầm kiểm soát và do đó con có thể duy trì hòa bình.    

Con không thể duy trì hòa bình qua sự kiểm soát. Con chỉ duy trì được hòa bình bằng cách xuôi chảy với Dòng sông Sự sống và không ngừng thích nghi với những hoàn cảnh biến đổi. Khi con tìm cách tự khép kín khỏi thế giới, con gây ra kháng cự và con phải tạo ra một lực hỗ trợ kháng cự. Điều này hoặc sẽ tạo ra xung đột nội tại, hoặc sẽ hấp dẫn một kẻ ngoại xâm đến chinh phục.       

Hiển nhiên, thật là dễ hiểu khi một dân tộc yêu hòa bình muốn kiến tạo hòa bình. Dân tộc đó muốn xây dựng một xã hội yên ổn, hài hòa. Nhưng khi hòa bình bị đẩy vào một thế mất quân bình, ngay cả hòa bình đó cũng trở thành một lý do để kiểm soát, một nguồn gốc của kháng cự và do đó một nguồn gốc của xung đột.

Dòng sông Sự sống không cần nỗ lực. Con không cần bỏ ra nỗ lực to lớn để xuôi chảy với Dòng sông Sự sống. Chỉ khi con muốn nghiêng theo cực đoan này hay cực đoan kia thì con mới cần nỗ lực. Đó là vì sao ngay cả một đặc tính tích cực như hoà bình vẫn có thể được sử dụng một cách mất cân bằng và vẫn dẫn đến một tình trạng kháng cự lại dòng chảy.

Bắc Hàn không phải là vấn đề

Đây là một điều quan trọng mà con cần nắm để hiểu được làm thế nào một dân tộc ôn hòa có thể đi đến tình trạng hôm nay sau khi đã phải chịu đựng xâm lược, chiếm đóng, thì bây giờ lại phải chịu cảnh đất nước bị phân ly giữa Bắc với Nam. Điều này cũng quan trọng để con bắt đầu nhìn ra cách duy nhất để vượt qua tình trạng phân ly đó. Điểm này tất nhiên áp dụng cả cho những quốc gia khác tại châu Á đang chứng kiến những xu hướng tương tự.   

Con đã đến tình trạng hôm nay vì con đã kháng cự lại dòng chảy của Dòng sông Sự sống. Như tâm đường thẳng vẫn thường làm khi nó bị tác động bởi tâm thức nhị nguyên và tư duy cuồng đại, con có thể nhìn vào tình thế hiện giờ và con muốn nhận diện một vấn đề nào đó, rồi con muốn tìm ra nguyên nhân vật lý đã gây ra vấn đề đó, và điều con thường làm là nhận diện một nhóm người nào đó là nguyên nhân của vấn đề.   

Cho nên con có thể nghĩ: “Nam Hàn là một quốc gia không cộng sản được hưởng rất nhiều tự do dân chủ hơn Bắc Hàn, do đó Bắc Hàn chính là vấn đề trong sự phân chia đất nước.” Rồi con nhận diện các lãnh đạo của Bắc Hàn là vấn đề, hay người dân Bắc Hàn, hay cả hai đều là vấn đề. Con có thể ngồi đó và bảo rằng họ là kẻ phải thay đổi trước khi có được hòa bình.  

Đứng trên quan điểm con người, cảm nghĩ này không có gì là vô lý. Nhưng con hãy chú ý lời ta nói: đứng trên quan điểm con người, đó không phải là một cảm nghĩ vô lý. Chắc chắn ta không đứng đây để mà bào chữa cho những gì các lãnh đạo Bắc Hàn đã gây cho các con cũng như cho người dân của họ. Ta không dung túng cách suy nghĩ và thái độ đã được lập trình vào tâm não người dân Bắc Hàn. Ta không đang nói là họ không cần thay đổi.

Dĩ nhiên là Bắc Hàn cần thay đổi vì họ mất quân bình hơn Nam Hàn rất nhiều. Đấy chính là lý do con thấy Bắc Hàn phải có những nỗ lực ngày càng to lớn để cố cầm giữ đất nước và dân tộc của họ trong gọng kềm của nhóm lãnh đạo nhỏ bé ấy. Không có nghi ngờ gì là họ đang ở trong tình trạng mất quân bình và ta không hề bao biện hay bào chữa cho những điều đang xảy ra ở đó.

Điều ta muốn nói là nếu các con, người dân và lãnh đạo tại Nam Hàn, chỉ tay Bắc Hàn như là vấn đề thì các con đang làm gì đây? Các con đang tước mất quyền hạn của chính các con. Các con đang bảo rằng các con không thể đem lại hòa bình cho Hàn quốc bởi vì hòa bình không thể đến được cho tới khi họ thay đổi.  

Làm thế nào Nam Hàn có thể đem lại thay đổi

Con yêu dấu, nhưng có bao nhiêu xác suất họ sẽ thay đổi nhanh chóng khi họ đã không thay đổi được từ quá lâu như vậy? Tất cả các con đều thấy xác suất này rất nhỏ. Và chọn lựa mà con phải đối mặt là như sau: Liệu chúng ta sẽ chờ cho đến khi họ thay đổi hay chúng ta sẽ khởi sự làm gì đó để đem lại thay đổi?

Điều chúng tôi mong muốn các con nhận ra, đặc biệt các con là những người tâm linh, rằng do cách vận hành của Luật Tự quyết, các con không bao giờ mất hết quyền hạn của mình. Các con không bao giờ khuất phục. Các con không bao giờ ở trong tình trạng bất lực, bó tay.   

Các con yêu dấu, các con là những người tâm linh đã chứng tỏ được điều đó rồi, nhưng giờ đây ta cũng cần nói chuyện với tâm thức tập thể. Điều mà những người tâm linh như các con cần làm thì tất nhiên các con đang làm đây rồi, là cất bước trên đường tu tâm linh và nâng cao tâm thức của mình, cố gắng biểu hiện tâm Ki-tô, đọc những bài thỉnh và bài chú, cũng như lên tiếng bất cứ khi nào các con có dịp lên tiếng.   

Trong cương vị dân tộc Nam Hàn (cũng như các quốc gia khác có liên hệ trong bài toán phân chia Hàn quốc) thì điều có thể thực hiện trên tầm mức tập thể là nói rõ lập trường của mình, đó là: “Chúng tôi có thể thay đổi được điều gì sẽ thay đổi phương trình bài toán?”

Con yêu dấu, con hiểu chứ, khi con có một phương trình toán học, vế trái mang những ẩn số, ở giữa là dấu bằng, và vế phải là kết quả. Con có thể có mấy ẩn số bên trái, và khi nào những ẩn số này còn chưa thay đổi thì kết quả bên phải sẽ vẫn y nguyên. Nhưng nếu con thay đổi một ẩn số bên trái, kết quả bên phải sẽ thay đổi.  

Con có khả năng thay đổi phương trình trên bán đảo Triều Tiên bằng cách thay đổi cách con tiếp cận tình trạng hôm nay.  

Albert Einstein thật là có linh hứng khi ông nói rằng người ta không thể giải quyết một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề. Ông cũng nói là nếu con cứ lặp đi lặp lại cùng một công việc mà mong đợi kết quả sẽ khác đi, thì đúng là con điên rồi. Những gì con chứng kiến trong nhiều lãnh vực cuộc sống trên hành tinh này và trong mối quan hệ giữa các quốc gia, là một hình thức điên cuồng đó. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta không cần thay đổi gì hết, chúng ta cứ tiếp tục làm mọi chuyện như cũ thì một ngày nào đó người khác sẽ thay đổi như trong phép lạ.    

Thấy được giá trị của lòng tha thứ

Nhưng tiến bộ không xảy ra như thế. Tiến bộ xảy ra khi có người nhìn vào một tình trạng nào đó rồi quyết định mình sẽ không buông xuôi. Mình sẽ giành lại quyền hành động của mình để thay đổi hiện trạng, rồi mình sẽ ra tay thực hiện điều mình cần thực hiện. Điều mà các con trong vai trò người tâm linh cần hình dung là dân tộc Nam Hàn sẽ hiểu ra được giá trị của lòng bi mẫn và sự tha thứ.

Chắc chắn có rất nhiều điều để mà tha thứ, nhưng giá trị của tha thứ là khi con tha thứ, không những con giải phóng người kia và con cũng giải phóng chính con. Cách duy nhất để giải thoát là buông bỏ, là tha thứ, là thể hiện lòng thương xót. Như ta vừa nói, con không thể quay ngược lại kim đồng hồ, trở về thời trước khi nước Hàn bị chia đôi. Con chỉ có thể nhìn vào tình trạng như nó là trong hiện tại, và con có thể chấp nhận hai điều. Một, rằng tình hình là như vậy đó. Hai, rằng chúng ta không thể đạt được gì bằng cách ôm giữ quá khứ, bằng cách tức giận hay đau buồn vì quá khứ. Đúng vậy, chúng ta sẽ không đạt được điều gì xây dựng đâu. Tất cả những gì con đạt được sẽ chỉ là ràng buộc thêm với quá khứ cùng tâm thức của quá khứ.   

Vậy cần làm gì đây để thay đổi tình hình? Quá nhiều lần người ta nhìn vào một tình trạng vật lý rồi kết luận phải thay đổi cái này, cái kia, cái nọ trong tình trạng vật lý đó. Đã bao nhiêu lần chúng tôi, các chân sư, đã nói với con là vũ trụ vật chất có bốn tầng và tầng vật lý, những điều kiện vật lý mà con nhìn thấy, chỉ là sự phản ánh của những tâm ảnh mà con giữ trong tâm thức ở ba tầng cao hơn? Điều đầu tiên con cần làm để thay đổi tình trạng vật lý là chuyển đổi tâm thức.   

Bắt buộc phải có chuyển đổi tâm thức trước khi có thay đổi vật lý. Sự chuyển đổi tâm thức này đã khởi sự bởi vì, như Đại thiên thần Michael có nói, rất, rất nhiều người đã chọn đầu thai tại cả Nam lẫn Bắc Hàn để đem lại những thay đổi đó.

Là người tâm linh, các con có thể tác động mạnh mẽ để tăng sức cho tiến trình này bằng cách nỗ lực tinh tấn tâm linh, chuyển vọt tâm thức mình, đọc bài thỉnh và bài chú. Các con có thể trở thành những người tiên phong, những người – nếu có thể nói như vậy – chỉ đạo và cầm lái con tàu. Như con yêu dấu cũng biết, một con tàu lớn có bánh lái rất lớn, cho nên chỉ cần một cái quay thật nhẹ trên bánh lái cũng đủ khiến cho con tàu chuyển hướng chút đỉnh. Trong ngắn hạn con có thể không thấy, nhưng trong dài hạn con sẽ chứng kiến thay đổi lớn lao. Đó là tại sao một số ít người vẫn có thể kích hoạt tác động to lớn lạ thường.     

Thay đổi phải bắt đầu tại Nam Hàn

Thay đổi cần xảy ra là một thay đổi trong tâm thức, và nó phải khởi sự tại Nam Hàn bởi vì các con là quốc gia tự do hơn, quốc gia ý thức hơn. Khi chúng tôi, các chân sư, nhìn vào một quốc gia, chúng tôi không nhìn trước tiên vào các biểu hiện vỏ ngoài, và chắc chắn các điều kiện vỏ ngoài của một quốc gia là một chỉ dấu cho tâm thức của người dân.   

Điều thấy được là Nam Hàn đã thực hiện được sự tiến bộ phi thường từ tình trạng tàn phá toàn diện khi chiến tranh chấm dứt. Tiến bộ này trong cõi vật lý không thể đạt được nếu đã không có sự thay đổi ở những tầng mức cao hơn của tâm thức, nhưng sự biến đổi này có thể được gia tốc hơn nữa. Điều mà chúng tôi nhìn vào không phải chỉ có các điều kiện vật lý mà trước tiên là tâm thức của người dân, tâm thức tập thể.

Tại sao thày Saint Germain tại hội nghị ở Hoà Lan lại bảo rằng: “Hàn quốc là chìa khóa của châu Á?” Đó là vì khi chúng tôi nhìn vào các nước, chúng tôi thấy được người dân Nam Hàn đã đạt được một mức cao độ trong một đặc tính mà chúng tôi gọi là khả năng tự nhận biết, là khả năng các con nhận biết được chính mình, nhận biết mình đang làm gì và đã thực hiện được điều gì cho xã hội.

Thật sẽ không cần nhiều lắm để đưa khả năng tự nhận biết này lên cao hơn nữa tới mức độ mà các con có thể nhận biết mình là những sinh thể tâm linh, nhận biết được tiềm năng tâm linh của mình. Khi sự chuyển vọt này xảy ra, người dân có thể nhìn ra (và ngay cả các nhà chính trị cũng sẽ nhìn ra cho dù họ thường là người nhìn ra chót hết) rằng muốn có thay đổi rộng lớn trong quan hệ Nam-Bắc, thì Nam Hàn cần là phía đem lại thay đổi đó. Và sự thay đổi cần đến bằng cách làm những điều khác hơn trước.   

Vượt qua ý muốn trừng phạt

Ta biết rõ là dân tộc Hàn quốc, và nhiều người trong giới lãnh đạo Hàn quốc, mong muốn thấy đất nước mình thống nhất, nhưng chắc chắn ta cũng thấy một tinh thần cởi mở, cộng tác và trao đổi lớn hơn. Sự thay đổi này có thể được gia tốc hơn nữa bằng cách con nhận ra điều ta vừa nói: Con không thể thay đổi quá khứ, và để thoát khỏi quá khứ, con phải tha thứ, buông bỏ.

Con không thể mang thái độ rằng những kẻ đã gây ra xung đột và tội ác trong quá khứ phải bị trừng phạt. Nếu con mong muốn trừng phạt, con không thể tha thứ được, con yêu dấu. Điều này không thể làm được. Cho nên con phải vượt qua ý muốn bắt ai đó phải chịu trách nhiệm.

Một lần nữa, ta không muốn nói là không có ai mang trách nhiệm. Chắc chắn là có những người mang trách nhiệm và đã từng mang trách nhiệm về những sự việc xảy ra trong quá khứ. Nhưng con yêu dấu, con hãy yên tâm rằng Hội đồng Nhân quả sẽ quy trách nhiệm về những hành vi đó và người mang trách nhiệm sẽ không tránh được nghiệp quả của họ. Vá đó là lý do tại sao con là người đang đầu thai cần nhận ra sự minh triết trong câu nói này của Thượng đế với dân Israel: “Sự báo thù là của ta, ta sẽ đáp trả.”  

Ý nghĩa câu đó là Thượng đế sẽ bảo đảm rằng tất cả mọi người sẽ gặt hái những gì mình đã gieo. Tất cả sẽ phải nhận trách nhiệm về hành vi của mình và vì vậy con, trong vai trò người đang đầu thai, không cần phải đứng ra làm người ban bố sự trừng phạt cho người khác. Nếu con làm vậy, con chỉ buộc con chặt hơn vào tâm thức nhị nguyên, qua đó con buộc tội cho người khác rồi con tự xưng làm quan toà để trừng phạt họ. Khi con làm như thế, con đang gửi điều gì vào tấm gương vũ trụ? Rằng con mong muốn tiếp tục một tình huống đấu tranh nhị nguyên nơi con giao chiến với kẻ khác.  

Làm thế nào có thống nhất cho nước Hàn? Chỉ khi nào cả Bắc lẫn Nam vượt khỏi cuộc tranh đấu nhị nguyên, và ai sẽ có khả năng làm điều này trước nhất? Chắc chắn đó là Nam Hàn. Cần phải có một nhận thức rằng chúng ta không thể tiếp cận miền Bắc như thể họ đã làm điều gì sai trái và xứng đáng bị trừng phạt.  

Cởi mở hơn với Bắc Hàn

Con cần nhìn nhận một sự kiện vô cùng giản dị, và con sẽ được gợi ý khi con nhìn vào tình trạng Trung quốc, nhìn vào cách các nước phương Tây đã đối phó với Liên Xô như thế nào vào thời chiến tranh lạnh. Thời đó đã có xung đột, đối chọi liên tục. Rốt cuộc, phải chăng sự kháng cự không ngừng này của phương Tây đã khiến cho Liên Xô sụp đổ? Không, không phải vậy. Liên Xô sụp đổ là vì sự kháng cự nội tại.   

Đối với Trung quốc, Tây phương đã có một cách tiếp cận khác, là tìm kiếm cởi mở, cộng tác, trao đổi, giao dịch kinh doanh nhiều hơn. Con yêu dấu, có thể con không muốn so sánh trực tiếp giữa chế độ Bắc Hàn với chế độ đã hiện hữu ở Trung quốc cách đây ba hay bốn thập niên, nhưng thật sự có khác lắm hay không? Nếu Tây phương có thể buôn bán với Trung quốc – làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền, làm ngơ hệ thống cộng sản của Trung quốc mà vẫn buôn bán được – thì liệu một điều tương tự có thể thực hiện được đối với Bắc Hàn hay không?

Hệ quả của việc buôn bán với Trung quốc là gì? Trên hết, đó là sự giao lưu giữa người dân Trung quốc với người dân ở ngoài Trung quốc. Đâu là nguyên nhân khiến cho một quốc gia bị trì trệ, khép kín rồi bước vào một vòng xoáy đi xuống và tự coi mình là một nước đầy sợ hãi bị bao vây bởi kẻ thù muôn mặt mà mình luôn phải chống cự? Đó là vì không có giao lưu giữa những người ở trong nước với những người ở ngoài thế giới rộng lớn. Người ở bên trong thành trì chưa từng có một ấn tượng, một khung chuẩn về cách nhìn của người bên ngoài về cuộc sống, về thế giới và về chính mình.   

Con có thể chỉ ra nhiều sự kiện vật lý trong việc thay đổi phương trình của Trung quốc, nhưng sự kiện quan trọng nhất đã là sự trao đổi thông tin và tâm thức giữa người dân Trung quốc và người dân ngoài thế giới rộng lớn. Chính điều này đã tạo ra những thay đổi to lớn tại Trung quốc, và nó đã đưa Trung quốc tới một điểm mà lãnh đạo không thể quay ngược kim đồng hồ và tăng cường chế độ kiểm soát tập quyền như vào thời mấy thập niên trước.

Con thấy gì tại Bắc Hàn? Dân chúng đang bị cô lập khỏi thế giới chung quanh. Điều này có nghĩa là gì? Họ tin vào bất cứ những gì lãnh đạo của họ tuyên bố vì họ không có khung chuẩn nào khác, họ không có bất cứ gì để mà đối chiếu thông tin mà họ nhận được từ lãnh đạo. Làm sao họ biết được lãnh đạo của họ nói sự thật nếu họ không tiếp xúc với người ngoài? Con có thấy sự cần thiết phải thay đổi chính sách để các quốc gia bắt đầu đối xử với Bắc Hàn, thậm chí cả giới lãnh đạo Bắc Hàn, như bất kỳ một quốc gia nào khác, một quốc gia mà con có thể đàm phán, có thể kinh doanh, có thể giao dịch?  

Một lần nữa, ta không bào chữa cho những sự thể đang xảy ra tại Bắc Hàn hay cho hành vi của lãnh đạo Bắc Hàn. Ta chỉ muốn chỉ ra rằng với sự cởi mở hơn từ thế giới chung quanh, một sự trao đổi rộng lớn hơn về mặt tư tưởng và tâm thức sẽ khởi sự và điều này chắc chắn sẽ thay đổi Bắc Hàn.      

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Hiển nhiên, thật không sai nếu nói rằng sự tiếp diễn chính sách cô lập hóa sẽ tăng cường lực kháng cự nội tại mà lãnh đạo Bắc Hàn cùng những người trung thành với họ đã chồng chât. Không sớm thì muộn, Bắc Hàn sẽ sụp đổ từ bên trong, nhưng cái giá phải trả sẽ là gì? Một chế độ thấy được ngày tàn của mình luôn có tiềm năng làm những chuyện tuyệt vọng để kéo dài sự sống còn.   

Trong những ngày chót của Liên Xô đã thực sự có nguy cơ là một số thành viên của ban lãnh đạo Liên Xô đã có thể nắm lấy quyền hành, tung ra một chiến dịch quân sự và sử dụng cả vũ khí quy ước lẫn hạt nhân để duy trì quyền cai trị Liên Xô. Đó là một nguy cơ có thực. Thì ngày nay, một lần nữa cũng có rủi ro này tại Bắc Hàn. Cho dù điều này không xảy ra thì sự sụp đổ nội tại toàn diện của Bắc Hàn sẽ tạo ra những đau khổ khủng khiếp cho người dân Bắc Hàn, nhiều hơn cả những gì họ đã phải chịu đựng cho tới giờ – và phải nói là họ đã chịu đựng quá nhiều rồi. Hiển nhiên con không muốn chứng kiến một sự thể như vậy. Rất nhiều người dân Bắc Hàn là thân nhân của các con, họ là anh chị em tâm linh của các con. Đó là lý do ta muốn đặt vào tâm thức tập thể về sự cần thiết phải xem xét lại chính sách, phải cởi mở hơn đối với một quốc gia đã quá khép kín đến độ tất cả mọi người liên hệ sẽ chỉ có thể hưởng lợi từ sự cởi mở lớn hơn.  

Kháng cự từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung quốc

Về vấn đề này, sẽ có sự kháng cự đặc biệt, trước hết từ Nhật Bản nhưng cũng từ Hoa Kỳ. Đó là vì Nhật Bản rất lo lắng sự cạnh tranh mà một nước Hàn thống nhất sẽ tạo ra, một đất nước hùng mạnh hơn trước về mặt kinh tế. Và cũng có những mối lo lắng về một cuộc xung đột quân sự. Ta không bảo đó là một nỗi sợ hãi có cơ sở, mà ta chỉ muốn chỉ ra sự suy nghĩ trong giới lãnh đạo và phần nào người dân Nhật Bản.

Tại Nhật có một sự nhìn nhận, phần lớn trong tiềm thức, rằng người Hàn có óc sáng tạo hơn người Nhật rất nhiều và vì thế có tiềm năng vượt qua Nhật Bản về sức mạnh kinh tế. Bởi vì Nhật Bản đã không xoay sở được để vươn ra khỏi ốc xoắn hướng hạ do thiếu sáng tạo, nên họ không muốn người Hàn vượt qua mặt mình. Có một ý muốn cầm chân Hàn quốc lại, và về điều này thì các con cần ra sức kêu gọi.    

Ngay cả tại Hoa Kỳ cũng có một sự kháng cự đối với một nước Hàn thống nhất. Đó là vì có những người vẫn còn mắc kẹt trong tư duy nhị nguyên đến độ họ muốn duy trì ảo tưởng một cuộc chiến đấu cuồng đại. Đáng tiếc thay, đây là một yếu tố mà dân tộc Mỹ chưa thoát khỏi được, và điều này con có thể thấy được nếu con theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra và những lời tuyên bố của một trong số các ứng cử viên. Tất nhiên, con cũng thấy được yếu tố này trong số rất nhiều nhà chính trị khác tại Hoa Kỳ. Ta có thể cam đoan với con là nếu con thấy được những gì ta thấy, con cũng sẽ nhìn thấy yếu tố đó trong tầng lớp thượng lưu quyền lực ẩn mặt tại Hoa Kỳ. Họ là những người muốn giữ hoài không khí căng thẳng cùng những cơ năng thao túng mà một nước Hàn chia đôi cung cấp cho họ. Hơn nữa, họ cũng không muốn mất nguồn lợi khổng lồ mà họ nhận được từ công nghiệp vũ khí bởi vì, tất nhiên, các vũ khí này sẽ không còn cần thiết nữa một khi không còn căng thẳng.       

Tại Trung quốc tất nhiên cũng có những thế lực muốn cưỡng lại một nước Hàn thống nhất, vì họ tin rằng tầm ảnh hưởng của họ sẽ lớn hơn trên Bắc Hàn so với một nước Hàn thống nhất. Họ cũng lo lắng về sức mạnh kinh tế của nước Hàn thống nhất. Tại Nga cũng có sự chống đối nhưng ít hơn vì hiện nay lãnh đạo nước Nga đang cần dồn chú ý vào những lãnh vực khác.

Dù sao đi nữa, điều khôn ngoan mà các con nên làm là kêu gọi để tất cả những thế lực chống đối một nước Hàn thống nhất được phơi bày và tiêu hủy. Để sự chuyển đổi mà ta vừa phác họa thành hình, sẽ cần có một chuyển hướng trong dư luận quốc tế về hiện trạng Hàn quốc. Một lần nữa, các con là người tâm linh có khả năng trở thành những kẻ đi tiên phong trong cuộc thay đổi lớn lao này khi các con đánh thức và gắn kết số đông những người đã đầu thai tại Bắc Hàn lẫn Nam Hàn đặc biệt với mục đích đem vào thị hiện vật lý Khuôn mẫu Thời đại Hoàng kim cho Hàn quốc.  

Chỉ có ánh sáng mới thay đổi được Hàn quốc

Các con đã khởi sự rất tốt, con yêu dấu. Như người ta thường nói: “Khởi sự tốt là hoàn thành được một nửa,” nhưng để đem phân nửa còn lại vào thị hiện vật lý sẽ đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực. Cho nên tất cả chúng tôi đều muốn khen ngợi các con về nỗ lực mà các con đã bỏ ra để dịch thuật những quyển sách, những trang mạng, những bài chú và bài thỉnh, cũng như nỗ lực đến với nhau, tạo ra những phương tiện để gặp gỡ, để mở rộng vòng tay, để phối hợp công việc.   

Tất nhiên chúng tôi cũng muốn khen ngợi các con đã tổ chức hội nghị này, mà trong một ý nghĩa tâm linh, là một bước ngoặt cho Hàn quốc. Đó là một bước ngoặt vì các con đã đến được với nhau, và sẽ là bước ngoặt hơn nữa nếu các con có thể nâng cao ý thức kết hợp trong những ngày sắp tới, ý thức kết hợp giữa các con với nhau cũng như với chúng tôi trên cõi thượng thăng.

Các con hãy để ý là hôm nay cũng có những người từ các nước khác ngoài Hàn quốc tham dự, vì họ có thể giúp mở ra những lối đường ánh sáng sẽ đem lại những thay đổi mà ta vừa trình bày sẽ cần phải xảy ra trong cộng đồng thế giới. Cho nên tất cả các con có thể chung sức tạo ra lực đẩy để thay đổi tâm thức tập thể tại Nam Hàn, tại Bắc Hàn lẫn tại các nước khác góp phần vào phương trình của bài toán. Như ta có nói, chỉ cần thay đổi một ẩn số thì kết quả của phương trình cũng thay đổi, nhưng khi con thay đổi được tất cả các ẩn số thì kết quả sẽ chuyển vọt gấp bội.     

Ta nói với con, phương trình Hàn quốc đã bắt đầu dời đổi duy chỉ do các con đã thị hiện được hội nghị này, nhưng nó có thể chuyển đổi nhiều hơn nữa do các con phối hợp nỗ lực, phối hợp nỗ lực với chúng tôi trong những ngày sắp tới. Trong tâm con, hãy nhìn xem liệu con có những yếu tố không tha thứ, tức giận, oán trách, muốn trừng phạt, muốn lên án, muốn đổ tội – và con hãy sẵn lòng cho nó ra đi.

Con yêu dấu, nếu con muốn đạt được tiềm năng cao nhất cho hội nghị này thì các con, đặc biệt các con người Hàn, cần phải tự giải thoát khỏi mọi yếu tố oán trách, tức giận, muốn trừng phạt đó. Con cần phải tha thứ và buông bỏ vì chỉ khi nào con đã bỏ sạch hết cho không còn những cảm xúc thấp kém đó nữa thì con mới trở thành những cánh cửa mở cho ánh sáng từ cõi thượng thăng. Như bao giờ, chỉ có ánh sáng từ cõi thăng thiên mới sẽ thực sự thay đổi được phương trình.  

Con yêu dấu, con hãy tưởng tượng phương trình của Hàn quốc. Con có một kết quả bên phải, một dấu bằng ở giữa và những ẩn số bên trái. Những ẩn số này là các quốc gia liên quan: Nam Hàn, Bắc Hàn, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung quốc, Nga và vân vân. Bây giờ con hãy thêm vào – và con đã thêm vào rồi – một ẩn số nữa, đó là những người tâm linh ở Hàn quốc và ở những nơi khác đang chung sức làm việc với các chân sư thăng thiên. Bỗng nhiên con có một ẩn số có khả năng trở nên mạnh mẽ gấp bội vì con đạt được một mức độ tỉnh giác cao hơn tất cả các ẩn số kia.   

Con yêu dấu, nếu con có thể thoát ra khỏi sự không tha thứ, sự thiếu xót thương, con sẽ đạt được một mức độ nhận biết cao hơn tất cả các lãnh đạo quốc gia liên hệ, con sẽ có mức độ nhận biết cao hơn tâm thức tập thể. Cho nên con sẽ tác động lên phương trình mạnh mẽ hơn nhiều, bởi vì kết quả được nhân lên không những do tác động của số đông người, mà do cả mức độ nhận biết, mức độ cởi mở, mức độ sẵn sàng thực sự làm cánh cửa mở cho ánh sáng xối xuống từ cõi thăng thiên.    

Khi con là cánh cửa mở qua lòng tha thứ toàn diện của con, thì chúng tôi, các chăn sư thăng thiên, cũng trở thành thêm một ẩn số trong phương trình. Và khi đó, con sẽ thấy thay đổi xảy ra gần như trong chớp mắt. Trong một tương lai không quá xa, con sẽ nhìn lại và không thể tin nổi một sự thay đổi chóng mặt như vậy có thể diễn ra quá nhanh chóng. Và người ta sẽ hỏi: “Nhưng làm thế nào chuyện đó xảy ra? Cái gì đã khiến nó xảy ra?” Họ sẽ tìm kiếm đủ mọi nguyên nhân vật lý và họ sẽ không tìm thấy, bởi vì nguyên nhân là dòng chảy hình số 8 giữa các con đang đầu thai và các chân sư thăng thiên ở bên trên, là Dòng sông Sự sống mãnh liệt hơn bất kỳ nguyên nhân vật lý nào.

Và như vậy, với tình thương vô hạn, với niềm vui vô biên, ta niêm ấn các con trong dòng chảy của Dòng sông Sự sống. Ta gửi đến các con sự sẵn lòng của ta để giúp từng người buông bỏ mọi điều không bi mẫn và nhập vào trong lòng bi mẫn vô điều kiện của Nữ thần Bi mẫn mà TA LÀ. Quan Âm TA LÀ, và ta là ở đây với các con và trong các con – nếu các con cho phép.  

Giải phóng sự sáng tạo nội tại

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/1/2016.

Thày là chân sư thăng thiên Serapis Bey. Bây giờ chúng ta đã đến tầng thứ bảy nơi con gặp sự phối hợp của Tia thứ Tư với Tia thứ Bảy của Tự do. Theo một nghĩa nào đó, Tia thứ Bảy của Tự do vừa dễ vừa khó nhất – dễ, theo nghĩa nó không đòi hỏi gì nơi con. Nhưng nó cũng khó, theo nghĩa là nó đòi hỏi con ngừng đặt ra những đòi hỏi trên chính con.

Khi đệ tử lần đầu tiên tiếp xúc với các chân sư thăng thiên, họ thường mang ý tưởng là các thày hạn chế tự do của họ, theo nghĩa là các thày đặt đòi hỏi lên họ. Sau đó, họ có thể nảy sinh ý tưởng là sa nhân hay các tà lực hạn chế tự do của họ. Kỳ thực, chỉ có một thứ hạn chế tự do của con mà thôi, đó là những gì con tự làm cho mình trong chính tâm con. Chính trong tâm mà con bị giam hãm, và tâm là nơi con cần biểu hiện tự do của mình.

Tuy nhiên, tự do vừa là một cái gì con biểu hiện, vừa là một cái gì mà con không thể biểu hiện, theo nghĩa mà thày đã cố giúp con nhìn ra, tức là vấn đề trên hành tinh địa cầu là các sa nhân đã xui khiến cho con người sử dụng vũ lực. Do đó, con không thể khắc phục vũ lực bằng thêm vũ lực.

Chắc chắn Tia thứ Bảy là một tia sáng mang một năng lượng đặc thù. Con có thể, và tất nhiên, con nên thỉnh cầu năng lượng của Tia thứ Bảy. Nhưng con không nên tự đặt mình vào một tâm trạng nơi con nghĩ là con phải sử dụng năng lượng của Tia thứ Bảy để đánh bại những gì đi ngược lại sự tự do của con. Tất nhiên con sẽ cần thỉnh cầu năng lượng của Tia thứ Bảy để biến hóa những tha hóa của Tia thứ Bảy. Điều giới hạn tự do của con là, ở một mức độ nào đó, năng lượng của mỗi tia trong số bảy tia đã bị tha hóa qua lòng sợ hãi. Con cần tiêu hủy những năng lượng này bằng cách thỉnh cầu năng lượng của từng tia một.

Tuy nhiên, điều thực sự giới hạn tự do của con tất nhiên là năng lượng, là những tin tưởng và những ý tưởng trong tâm con. Những cái này thì con không thể đánh bại qua Tia thứ Bảy. Con chỉ có thể nhìn ra tính không thực của chúng, và con chỉ việc bước xa khỏi chúng.

16.1. Những tấn tuồng tiêu hao cuộc sống

Khi con nhìn vào hành tinh địa cầu, con sẽ thấy tuyệt đại đa số con người bị cuốn hút – bị hoàn toàn bao phủ, hoàn toàn hao mòn – trong những tấn tuồng đủ loại. Con thấy quá nhiều nhóm người đã giao tranh với nhau suốt bao nhiêu thế hệ, có lẽ hàng ngàn năm rồi. Họ hoàn toàn tin chắc là vở tuồng đó có sự hiện thực nào đó và họ đang tranh đấu cho chính nghĩa của Thượng đế, họ tin là những kẻ mà họ chiến đấu đang chống lại sự nghiệp của Ngài. Con có thể thấy điều này tại vùng Trung đông giữa người đạo Do thái, đạo Cơ đốc và đạo Hồi. Con có thể thấy điều này ở rất nhiều nơi khác. Rõ ràng là khi con bị cuốn hút vào một tấn tuồng như vậy, con rất coi trọng bản thân mình và con cũng coi chính nghĩa của mình là vô cùng hệ trọng. Nếu con coi mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống, hệ trọng đến như vậy thì con không thể tự do. Con bị say đắm trong chính bản thân con, nếu có thể nói như vậy. Con thử suy ngẫm về câu thành ngữ quen thuộc về những kẻ mê mệt với chính họ. Họ bị mê mệt trong quá nhiều mâu thuẫn và xung đột nội tâm đến độ họ tiêu hao toàn bộ năng lực và sự chú ý. Phải, điều thày muốn chỉ ra cho con là chuyện xảy ra rất thường khi con tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên, thì con dùng giáo lý này để cố khắc phục một số cuộc đấu tranh mà con thấy trên thế giới.

Trong nhiều trường hợp, tự ngã của đệ tử khiến cho họ tạo ra một tấn tuồng mới, là khi con sử dụng đường tu tâm linh – và thường khi các tà lực hoặc ngay cả những người mà con gặp trên đường tu – để tạo ra một tấn tuồng mới. Tất nhiên, con không xem đó là một tấn tuồng. Nhưng tất cả những ai trên thế giới bị tiêu hao trong tấn tuồng đều không xem đó là một tấn tuồng; họ xem đó là thực tại. Và cũng vậy, con xem cuộc chiến của mình là thực tại khi con giao tranh với tà lực, hay khi con có bất đồng nào đó với những đệ tử khác mà con gặp trên đường tu, có thể là trong một tổ chức tâm linh.

Mánh lới của tự ngã, mánh lới của sa nhân, là khiến con nghĩ có một vấn đề chính đáng mà con cần giải quyết, cho nên con không thể tự do cho tới khi vấn đề được giải quyết. Tất nhiên, vấn đề đòi hỏi một số thay đổi phải xảy ra trên thế giới. Trong đa số trường hợp, điều này có nghĩa là những ai khác phải thay đổi để con có thể giải quyết vấn đề và được tự do.

Như thày đã nói trước đây, con sẽ không bao giờ tự do được nếu con nghĩ tự do của con tùy thuộc vào những chọn lựa tự quyết của người khác. Tuy nhiên, con có thể tự do bằng cách nhận ra là tự do của con chỉ tùy thuộc vào những chọn lựa tự quyết của chính con, và con có quyền năng, ngay bây giờ, tự giải phóng mình khỏi mọi niềm tin và cơ chế nội tại khiến mình cho rằng mình phải phản ứng lại người khác, rằng mình phải làm cái gì đó trong thế gian. Con không thể tự do nếu con coi đường tu là hệ trọng đến như vậy, nếu con hoàn toàn say đắm bước đi trên đường riêng của mình và đánh nhau với đủ mọi chuyện mà con đang đánh nhau. Thậm chí chuyện đánh nhau với tự ngã cũng có thể trở thành một tấn tuồng, và tất nhiên, con không thể vượt qua tự ngã bằng cách sử dụng tự ngã. Con sẽ không vượt qua tự ngã qua một tấn tuồng do tự ngã tạo ra, và đây là nguy cơ khi truyền rải bất kỳ loại giáo lý tâm linh nào.

16.2. Giấc mơ một trạng thái tối hậu

Như thày đã tạo linh hứng cho vị sứ giả này ngộ ra gần đây, trên thế giới có những người tuyên bố là mình giác ngộ. Nếu con bảo là con giác ngộ thì theo một nghĩa nào đó, con bảo là con đã đạt được một trạng thái tối hậu nào đó, ít ra trong tâm trí hầu hết mọi người. Con có thể tập hợp một số tín đồ không sẵn lòng nhận trách nhiệm về bản thân họ và do đó họ tìm kiếm một đạo sư với một trạng thái tâm thức tuyệt đối nào đó. Và đạo sư lẫn đệ tử có thể tạo ra một vòng xoáy ốc tự nó cứ tăng thêm sức mạnh.

Vấn đề là nếu con nghĩ là con đã đạt tới một trạng thái tối hậu trên địa cầu thì con sẽ không thể tiến xa hơn, có nghĩa là con sẽ phủ nhận khía cạnh của tự ngã mà con vẫn còn mang theo. Thày cũng biết, một số người sẽ nói là nếu con đã giác ngộ thì con không còn tự ngã. Điều này cũng đúng, tuy nhiên khi đó con sẽ không còn hiện thân trên địa cầu nữa, bởi vì con không thể tiếp tục hiện thân nếu con còn sót lại một khía cạnh nào đó của tự ngã. Khía cạnh này có thể vô cùng yếu ớt, và có thể con đã đạt một mức tâm thức rất cao. Nhưng nếu con nghĩ là không còn gì vượt khỏi trạng thái tâm thức của mình, thì con chỉ nghĩ như vậy được bằng cách phủ nhận yếu tố của tự ngã vẫn còn sót lại, và như thế con không thể buông bỏ tự ngã đó và được tự do thăng thiên.

16.3. Sáng tạo là thuốc giải độc cho kiểm soát

Thăng thiên là một tiến trình đòi hỏi con hoàn toàn tự do. Tiến trình tự điều ngự cũng là một tiến trình đòi hỏi con đạt tới một mức độ tự do rất cao – không theo cùng một cách như khi con thăng thiên, mà theo cách là con tự do biểu đạt khả năng sáng tạo của mình. Tự do là gì, sáng tạo có nghĩa là gì? Có nghĩa là con hiểu ra những gì sa nhân đã làm để đóng chặt sự sáng tạo và khiến con hạn chế sáng tạo của mình.

Con cũng hiểu chứ, con yêu dấu, là sa nhân đang cố gắng kiểm soát mọi chuyện trên địa cầu? Làm thế nào chúng kiểm soát được đây? Chúng phải đóng chặt khả năng sáng tạo, vì bản chất của sáng tạo là gì? Sáng tạo không thể đoán trước được, nó tự phát. Nó nảy ra một cái gì mới, có thể mới đến mức không một ai có thể tưởng tượng nổi.

Sa nhân cực kỳ sợ hãi sự sáng tạo của con. Chúng cũng biết là trên thế giới không có gì có thể hạn chế được sáng tạo. Toàn bộ bản chất của sáng tạo là nó thăng vượt mọi ranh giới. Không có ranh giới nào có khả năng thực sự giới hạn sáng tạo của con, trừ những ranh giới tạo ra trong chính tâm con khiến con không dám biểu lộ nó ra.

Cách thức chủ yếu mà sa nhân sử dụng để làm thui chột sáng tạo của con người là dựng lên ý tưởng bảo rằng có một chuẩn mực làm thước đo cho mọi thứ. Chuẩn mực chỉ có hai đối cực. Hoặc là tốt đẹp, hoàn chỉnh, chấp nhận được, hoặc là sai lầm, tồi tệ, không thể chấp nhận. Sự đánh giá này, sự xét đoán này, không dính dáng gì đến sáng tạo. Chúng ta có thể nói, đó chính là phản đề của sáng tạo.

Khi ban đầu con đến hành tinh này, con đến đây để biểu hiện ánh sáng của con, khả năng sáng tạo và cá thể của con. Sa nhân đã cố hết sức khiến con cảm thấy mình bị chối bỏ, rằng ánh sáng của con có gì đó không ổn. Sáng tạo của con không đủ tốt, và chính con không đủ tốt.

Điều này đã khiến cho biết bao người nhảy vào cuộc chạy đuổi mà thày đã có đề cập, là chạy đuổi theo sự toàn hảo và cố gắng thỏa mãn tiêu chuẩn, khi họ cho rằng nếu mình đủ tốt thì mình sẽ được chấp thuận. Con hiểu được, con yêu dấu, là nếu trong tâm con có một cơ chế tìm cách so sánh cách biểu đạt của con với một tiêu chuẩn vỏ ngoài trước khi con dám biểu đạt, thì ngay đó, con đã đóng chặt sáng tạo của con.

Sáng tạo là tự phát! Con đã quá quen với việc đánh giá mọi thứ với tâm đường thẳng, với tâm phân tích. Sa nhân đã dấy lên nơi hầu hết mọi người ý tưởng vô cùng tinh vi rằng tất cả mọi thứ phải được phân tích. Tất cả phải được lượng định bằng bộ óc phân tích, là bộ óc so sánh tất cả mọi thứ với một tiêu chuẩn. Hầu hết mọi người không ý thức được tiêu chuẩn mà mình đang sử dụng. Có khi họ ý thức có một tiêu chuẩn do xã hội áp đặt. Chắc chắn các hệ thống giáo dục trên thế giới đều nhắm tới việc khiến con chấp nhận là có một tiêu chuẩn, và sự sáng tạo của con cần được đối chiếu với tiêu chuẩn đó. Ngay cả các cơ sở giáo dục nhằm dạy dỗ một số hình thức biểu diễn sáng tạo, cho dù là nghệ thuật hay một bộ môn nào khác, vẫn củng cố cho ý tưởng rằng sáng tạo phải được so sánh với một tiêu chuẩn.

16.4. Sáng tạo không biết tiêu chuẩn là gì

Sáng tạo là vượt ra ngoài tiêu chuẩn. Làm thế nào tất cả mọi sự trên địa cầu tiến hóa, phát triển lên môt mức cao hơn? Chỉ bằng cách vượt ra ngoài, vượt khỏi mức hiện hành. Con chẳng thấy là có một tiến trình sáng tạo đã nằm sẵn trong tự nhiên? Đây là cái mà thày gọi là những định luật cơ bản của tự nhiên bảo đảm sự phát triển không ngừng, thăng vượt không ngừng. Sa nhân đã dựng lên các định luật phụ thuộc của tự nhiên trong nỗ lực làm thui chột sự thăng vượt này. Chúng muốn ngăn chặn phát triển, ngưng đồng hồ không được quay, giữ nguyên mọi sự ở một mức mà không thể thăng vượt lên cao hơn. Chúng muốn làm như vậy vì chúng muốn kiểm soát, bởi vì người ta không thể kiểm soát trừ khi người ta có thể tiên liệu. Con không thể tiên liệu được gì nếu cái đó cứ đi theo một xoắn ốc hướng thượng thay vì chạy vòng vòng. Sa nhân biết là chúng không thể chặn đứng được chuyển động – chúng đã hiểu ra được chuyện đó – cho nên chúng cố khiến cho chuyển động chạy vòng quanh thay vì vươn lên theo một vòng xoáy hướng thượng.

Có chuyển động và có chu kỳ. Nếu cứ quay lòng vòng thì ít ra chúng có thể tiên liệu. Chúng biết những gì sắp sửa xảy đến giống như khi con nhìn sự tuần hoàn của mùa màng, khi nào là mùa gieo và khi nào là mùa gặt, bởi vì nó luôn luôn như vậy cho dù con không thể tiên đoán được chính xác từng chi tiết.

Do tiến trình sáng tạo vốn dĩ đó cho nên sa nhân đã chưa bao giờ thành công. Trong quá khứ, chúng đã tạo dựng những nền văn minh bị khóa chặt một thời gian rất dài trong một khuôn nếp nhất định. Chúng cũng đã tạo ra một số nền văn minh bị buộc chặt trong khuôn nếp đến độ nền văn mình đi vào một vòng xoáy hướng hạ, do đó phải suy tàn hay thậm chí sụp đổ.

Đây là điều mà thày đã nói tới, là sức mạnh nằm tiềm ẩn trong Mẹ, mà đôi khi các thày gọi là định luật thứ hai của nhiệt động học. Một hệ thống khép kín bắt buộc phải tự hủy để cho tiến trình đi lên được tiếp tục trở lại. Tại sao một hệ thống lại được phép trở thành khép kín chứ? Là do quyền tự quyết, là bởi vì người ta được phép trải nghiệm tạm thời việc tạo dựng một xã hội bất biến mà người ta nghĩ là sẽ không bao giờ biến mất, sẽ sống mãi mãi hay ít ra sẽ kéo dài hàng ngàn năm như một số kẻ đã từng mơ ước.

Sa nhân muốn tạo dựng một xã hội nơi không một ai dám biểu hiện sáng tạo, sự sáng tạo đích thực. Thay vào đó, chúng nghĩ sáng tạo có nghĩa là hoạt động trong những khuôn khổ mà nhà lãnh đạo của xã hội đó – tức sa nhân – đã quy định. Điều mà các Thượng sư muốn dẫn con đi qua, tất nhiên, là một tiến trình nơi con giải phóng sự biểu đạt của mình, không phải là loại sáng tạo do thế gian quy định, mà sự sáng tạo đích thực đến từ Hiện diện TA LÀ của con.

16.5. Hiện diện TA LÀ nhìn cuộc sống như thế nào

Hiện diện TA LÀ của con nhìn cuộc sống một cách khác hẳn cách nhìn của tâm vỏ ngoài. Thày nói điều này không phải để chê trách con, vì khi con đang hiện thân thì con không có cách nào khác. Nhưng con vẫn có thể bắt đầu hé nhìn thấy được, và chắc chắn bắt đầu hiểu ra được là Hiện diện TA LÀ có cái nhìn khác hơn. Do đó, Hiện diện TA LÀ có một mục đích khác.

Hiện diện TA LÀ muốn con – khi con là một đệ tử tâm linh và con chủ tâm bước đi trên con đường hướng thượng, con đường tâm linh – nó muốn con tự thăng vượt bản thân hầu con đạt tới điểm thăng thiên càng nhanh càng tốt. Nó cũng muốn con hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con trong kiếp sống này. Điều này sẽ đòi hỏi gì? Nó sẽ không đòi hỏi con quy phục các tiêu chuẩn trong xã hội, trong gia đình hay nơi làm việc của con. Nó sẽ đòi hỏi con dám làm một cái gì đó khác biệt.

Con hãy nhìn xem bao nhiêu đệ tử tâm linh đã sống một cuộc đời không hợp lý, không thực tế hay vượt ra ngoài những gì mà cha mẹ hoặc xã hội đã muốn họ sống theo. Con nhìn xem bao nhiêu lần họ đã thay đổi việc làm, bao nhiêu lần họ đã nghỉ việc để tham dự một khóa nhập thất, đã thay đổi người phối ngẫu, đã làm chuyện này hay chuyện nọ. Chính con cũng đã từng làm những chuyện tưởng chừng như thiếu hợp lý nhưng lại là điều đang thúc bách con. Con nhận thấy là con có quá nhiều trải nghiệm phải nhét vào một kiếp và do đó con không thể làm mãi cùng một công việc, hoặc nhất thiết phải có mãi cùng một người bạn đời cho nguyên một kiếp. Con có nhu cầu di chuyển khắp chốn và nhìn đời từ nhiều góc độ khác nhau, hầu giải quyết trong tâm con những vấn đề đang ngăn trở bước đường thăng thiên hay tăng triển của con.   

Thật là không cần thiết nhìn lại đời con với một thái độ phán xét và lo lắng về những lỗi lầm mà con đã vấp phải. Con yêu dấu, nếu con mong muốn nhìn lại đời mình và đánh giá xem mình đã phạm phải những lầm lỗi nào, thì dĩ nhiên, đó là quyền của con. Nhưng khi đó, thày phải nói: “Thày là Serapis, Thượng sư của Tia thứ Tư, không thể giúp con làm việc đó.” Có nhiều đệ tử đến nhập thất của thày với mong muốn đó. Họ muốn thày ngồi xuống và kiểm điểm đời họ cùng với họ, bảo cho họ biết là họ đã lầm lỗi chỗ nào, đã làm sái chỗ nào và đáng lẽ đã phải làm gì cho tốt hơn. Thày phải nói với họ là thày không thể giúp họ. Một số nổi giận, một số thất vọng, một số bỏ đi. Thày nói với con như thế này: “Thày không thể giúp con xác định là con đã lầm lỗi chỗ nào. Điều thày có thể làm là giúp con nhìn vào đời mình và nhận ra mọi sự mình làm đều là một thử nghiệm.”

Trong thử nghiệm không có chuyện lầm lỗi, con yêu dấu. Con có thể có một mục tiêu khi con thử nghiệm, và con có thể nói: “Mục tiêu của tôi đã không thành hình.” Chẳng hạn, khi Thomas Edison muốn phát minh bóng đèn, ông đã thử nghiệm rất nhiều vật liệu mà không thành công. Đó có phải chăng là lầm lỗi? Liệu ông đã tự trách mình là ông đã sử dụng một vật liệu “lầm lỗi” hay không? Không, ông chỉ tiếp tục thử nghiệm cho tới khi ông tìm ra vật liệu thích hợp, và đây chính là cách mà thày có thể giúp con nhìn vào đời con.

Thày cũng có thể giúp con đi xa hơn nữa và nhìn ra trong nhiều trường hợp là con đã làm một việc gì đó trong đời với một ý định có ý thức là nó phải diễn ra như thế nào. Rồi khi ý định ý thức không hoàn thành, con thất vọng hay đau đớn, hay con bắt đầu tự trách thân là mình đã làm bậy, đã mắc phải lỗi lầm khủng khiếp. Điều thày có thể giúp con là lùi về một bước và nhìn ra rằng Hiện diện TA LÀ của con không nhìn vào sự kiện đó theo cách con nhìn.

16.6. Một mục đích cao hơn các ý định có ý thức

Con thấy đó, con yêu dấu, điều không thể tránh được trên một hành tinh như địa cầu là con hình thành một số ý định có ý thức không phù hợp với Sứ vụ Thiêng liêng hay tiềm năng phát triển cao nhất của con. Điều này không có nghĩa là chuyện đó sai lầm, mà có nghĩa là mục đích làm chuyện đó thật sự không nhằm thực hiện mục tiêu mà con có trong ý thức.

Từ nhãn quan của Hiện diện TA LÀ, mục đích để làm một chuyện gì đó là để con cứ làm thêm mãi cho tới khi con thấy đủ và con nhận ra: “Tôi không muốn làm thêm nữa.” Và con bắt đầu nghĩ: “Liệu vấn đề có phải là ý định của tôi, chứ không phải là chuyện đạt hay không đạt kết quả vỏ ngoài?” Điều thày có thể giúp con nhìn thấy là trong nhiều trường hợp khi con bị thất vọng về cuộc đời hay làm điều gì mà con cho là lầm lỗi, vấn đề thực sự là con cần lui về và nói: “Nhưng vì lý do gì mà tôi đã nỗ lực làm chuyện này? Tại sao tôi lại có mục tiêu đó? Tại sao tôi lại nghĩ đó là cách sống duy nhất? Tại sao tôi lại nghĩ tôi phải nhập vào cuộc chơi mà xã hội đã lập trình để tôi phải chơi?”

Có những người chỉ có thể học hỏi qua Trường đời Cay đắng. Có một số chuyện mà tất cả chúng ta chỉ có thể học được bằng cách – nếu có thể nói như vậy – dấn thân vào Trường đời Cay đắng. Cũng tốt khi nói rằng chúng ta có một vị thày tâm linh và chúng ta ở trong một môi trường bảo bọc nơi mình luôn luôn tiếp xúc với một vị thày tâm linh có thể giúp mình lượng định mọi thứ. Nhưng có một số yếu tố trong tiến trình khi đơn giản chúng ta cần đi ra ngoài và tự mình trải nghiệm. Chúng ta cần –thẳng thắn mà nói – đập đầu vào tường đá thật nhiều lần cho tới khi mình hiểu ra là việc đập đầu vào tường sẽ không phá vỡ được bức tường. Và do đó chúng ta cần tái lượng định những việc mình làm cũng như mục đích mình làm. Đây chỉ là một phần của tiến trình tăng triển trong thế giới vật chất, đặc biệt là, tất nhiên, trong điều kiện hiện hành với các định luật phụ thuộc của tự nhiên.

16.7. Tại sao các sinh thể tách biệt không thể tự do

Con yêu dấu, thày đã đề cập đến các định luật phụ thuộc của tự nhiên mà không xác định rõ là gì. Vậy hãy để thày cho con một chút ấn tượng về cách chúng vận hành. Nếu con ở trong một môi trường thuần khiết nơi các định luật phụ thuộc của tự nhiên không hiện hành, con sẽ thấy là trong một môi trường như vậy (mà các thày gọi là Vườn Eden hoặc Trường Bí giáo của Maitreya) con được tự do biểu đạt sáng tạo của con. Không có nghĩa là con sẽ luôn luôn tạo ra một kết quả y hệt như con đã dự định hoặc là điều mà con muốn sống trong một thời gian.

Trong một môi trường thuần khiết, bất cứ điều gì mà con tạo dựng đều có thể được xóa sạch tức thì. Lý do mà nó có thể như vậy là vì con nhận được sự phản hồi tức thì của bất cứ gì con tạo ra, con có sự thị hiện tức thì của điều mà con tạo ra. Nếu con gửi ra một ý định mà ngày nay con sẽ gọi là một ý định hung hãn đối với người khác, nó sẽ trở ngược lại con ngay tức khắc. Trong một môi trường như vậy, con không thể có một số trải nghiệm vì sự phản hồi sẽ tức khắc và con lập tức cảm thấy đau đớn. Con không thể đi vào tách biệt trong một môi trường như vậy và cư xử như một sinh thể riêng biệt có khả năng làm bất cứ gì mình muốn mà không đếm xỉa gì tới hậu quả cho tổng thể.

Trong một môi trường thuần khiết, con có thể làm bất cứ gì mình muốn nhưng con cũng sẽ tức khắc trải nghiệm những gì tổng thể sẽ trải nghiệm vì nó phản chiếu trở về con. Cách duy nhất để tránh né sự kiện này là một môi trường trong đó có yếu tố trì hoãn, là khi con không nhận được phản hồi tức thì của những gì con gửi ra, có nghĩa là con có thể, trong một thời gian, mang ảo tưởng trong tâm rằng mình là một sinh thể tách biệt có thể trốn tránh một số hậu quả.

Toàn bộ cái nhìn của sa nhân về cuộc sống là mong muốn trải nghiệm việc trốn tránh hậu quả. Chúng có thể tách mình ra khỏi Thượng đế, chúng có thể tạo dựng thế giới riêng biệt của chúng, chúng có thể ấn định luật lệ. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu trải nghiệm điều này ít nhiều, chúng ta đều cần trải nghiệm sự tách biệt này trong một thời gian.

Con cũng hiểu là khi con bước vào tách biệt, con không tự do; con không thể tự do. Theo định nghĩa, không thể nào có chuyện vừa là một sinh thể tách biệt mà lại vừa tự do, bởi vì tách biệt chỉ có thể xảy ra bằng cách quy định một số hạn chế và lằn ranh, và những cái này thì sẽ giới hạn con.

Mới đầu, có thể con sẽ không kinh nghiệm thấy như vậy. Con còn có thể nghĩ là bằng cách nổi loạn chống lại Thượng đế, như sa nhân tuyên bố, con sẽ đạt được tự do. Con sẽ thấy là trên hành tinh này có một số lời dạy bảo rằng khi con tuân thủ ý muốn của Thượng đế, con sẽ mặc vào bộ áo tù bó tay bó chân, và chỉ khi nào con chống lại Ngài thì con mới giành được tự do. Đây chính là lời dạy của một số giáo lý và tư tưởng đạo Sa-tăng.

Đó là cảm giác lúc ban đầu bởi vì yếu tố trì hoãn khiến cho con không tức khắc nhận được phản hồi của những gì con gửi ra. Nhưng yếu tố trì hoãn không thể kéo dài mãi mãi, và sẽ tới một điểm khi con bắt đầu cảm thấy mất tự do.

Con hãy cho thày hỏi điều này, con yêu dấu, như một bài tập về lôgic và trí thức. Một đằng sa nhân sẽ bảo là con chỉ tự do khi con nổi loạn chống lại Thượng đế. Đằng khác, chúng lại định nghĩa Thượng đế là kẻ thù đang hạn chế con. Tại sao chúng lại cần định nghĩa Thượng đế như vậy chứ? Tại sao chúng không chỉ việc bước xa khỏi Ngài và nói: “Thượng đế không can hệ gì đến chúng ta, chúng ta cứ việc làm bất cứ gì mình muốn.” Đó là vì khi con bước vào nhị nguyên, con không thể làm bất cứ gì con muốn. Con phải có một đối thủ. Sa nhân đã biến Thượng đế thành đối thủ của chúng, hoặc chúng biến nhau thành đối thủ, hoặc những sinh thể khác, những con người khác thành đối thủ. Con phải có một cái gì đó để mà chống đối, vì nếu không thì con không thể giữ vững ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt. Sự kiện con có một cái gì đó để chống đối sẽ lấy mất tự do của con. Không thể nào khác được. Để tìm lại tự do và biểu hiện sự sáng tạo của mình, con cần gỡ bỏ những cơ chế, những niềm tin tưởng về những việc con muốn làm trong cuộc sống.

16.8. Định nghĩa các định luật phụ thuộc của tự nhiên

Trở về với các định luật phụ thuộc của tự nhiên, Luật Tự quyết cho phép con bước vào không gian tách biệt đó và định ra một số quy luật trong đó. Điều sa nhân đã làm là chúng định ra một số quy luật khiến cho vật chất trở nên dày đặc hơn. Vật chất trong vũ trụ nơi con sinh sống dày đặc hơn thuở ban đầu. Thày không bảo là khắp nơi trong vũ trụ vật chất đều dày đặc hơn, nhưng chắc chắn trên hành tinh địa cầu, vật chất dày đặc hơn hành tinh nguyên thủy do các Elohim sinh tạo.

Điều này mang một số hệ quả, trước tiên là nó che lấp sự hiện hữu của một cõi tâm linh – con không thể nhìn thấy với giác quan vật lý và tâm vỏ ngoài của con. Nó cũng che lấp sự kiện mọi sự việc đều quay trở ngược về con. Con tưởng là con có thể dựng lên một bức tường nào đó bằng vật chất sẽ bảo vệ con khỏi những sự việc quay trở ngược về, mà các thày gọi là nghiệp quả. Sa nhân đã cố làm chuyện đó, và con có thể trì hoãn nhưng con không thể trì hoãn mãi mãi.

Sẽ tới một thời điểm khi nghiệp quả quay trở ngược về con và con không làm sao khác được. Khi dựng lên các định luật phụ thuộc và khiến cho mọi vật dày đặc hơn, con cũng khiến cho mọi chuyện đều khó thay đổi hơn. Khi rõ ràng là mọi chuyện sẽ không diễn ra như con nghĩ và con không thể mãi mãi trốn tránh được nghiệp quả, thì lúc đó việc gỡ mình ra khỏi tình trạng này trở nên vô cùng khó khăn.

Điều này có tác đụng là tạo ra một môi trường học hỏi cực kỳ thử thách so với môi trường ban đầu nơi Vườn Eden với thày Maitreya. Trong môi trường thuần khiết nguyên thủy, con có thể sáng tạo một điều gì đó mà con không đặc biệt thích thú và sẽ không mấy dễ chịu khi nó quay trở ngược về con, nhưng con có khả năng gỡ bỏ nó tức khắc. Trong khi đó thì trong môi trường hiện tại, yếu tố trì hoãn khiến cho những gì con gửi đi không tức khắc quay trở ngược trở về, nhưng khi nó quay trở về với con thì việc gỡ bỏ sẽ khó khăn bội phần.

Do vật chất dày đặc hơn, con cũng gặp tình trạng là vật chất cực kỳ thiếu khoan nhượng. Con có thể tạo ra những hệ quả sẽ ập đến tức khắc và ảnh hưởng con liên tục trong một thời gian rất đài. Như con cũng biết, khi con bước ra khỏi một toà nhà thật cao, con sẽ bị rơi xuống mà không làm gì khác được. Có rất nhiều chọn lựa trong đời sống mà con có thể gây ra hậu quả vô cùng khó chịu ngay lập tức, hay con phải chịu một hệ quả sẽ kéo dài suốt phần đời còn lại do một chọn lựa duy nhất. Sự thể này không hiện hữu trong môi trường học hỏi nguyên thủy. 

Con có thấy là thế giới nơi con lớn lên đã khiến con bị điều kiện hóa, khiến con quan tâm chủ yếu đến việc tránh né những hậu quả rất khó khăn và đau đớn của tất cả mọi việc mà con làm trong đời? Con thấy được chăng là nếu trọng tâm của con là tránh phạm lỗi lầm, tránh làm điều sai trái, tránh tạo ra một hậu quả thật khó chịu, thì có phải con đang không thực sự sáng tạo? Sáng tạo không là một phản ứng đối với hay chống lại các điều kiện trên địa cầu. Sáng tạo không phải là chuyện con đối đãi và quan hệ với thế giới vật chất cùng các điều kiện hiện hữu. Sáng tạo là khi con liên hệ với Hiện diện TA LÀ của con và cho phép cá thể cùng sự sáng tạo của Hiện diện được biểu đạt xuyên qua con trong thế giới vật chất. 

Con thấy đây không phải là chuyện tìm cách tránh né một cách vô hạn định những hậu quả tiêu cực. Thật sự đây là chuyện trở nên sáng tạo để hoặc con thăng vượt, hoặc con thay đổi những điều kiện đang tạo ra hậu quả tiêu cực đó. Đây chính là cách thế giới tiến bộ.

16.9. Một định nghĩa mới về thiên tài

Có những người đã hòa điệu được với dòng chảy sáng tạo này. Con có thể thấy một số người được gọi là thiên tài vì họ đã nảy ra một sáng kiến mà không ai nghĩ tới. Nhiều người chỉ có khả năng làm được điều này đúng một lần trong đời mình hoặc một vài lần. Họ chỉ có thể làm được trong một lãnh vực nhất định, nhưng nhiều khi họ không thể chuyển được điều đó vào đời sống riêng của họ. Con sẽ thấy rất nhiều người được gọi là thiên tài đó, như Einstein chẳng hạn, cũng là người lập dị với những thành công hạn chế – nếu có thể nói như vậy – trong cuộc sống riêng tư. Có một sự phân cách giữa lãnh vực nghiên cứu mà họ đã chọn với cuộc sống hàng ngày của họ.

Con yêu dấu, các thày thà nhìn thấy các con là thiên tài trong đời sống hàng ngày, cho dù các thày cũng mong được thấy con là thiên tài trong một lãnh vực nơi con mang tiềm năng biểu đạt những điều mới lạ. Mục đích của khóa tu tự điều ngự là để con trở thành thiên tài trong đời sống hàng ngày bằng cách là người sáng tạo, là người học cách sử dụng khả năng sáng tạo tâm linh, thần thánh, mà con vốn đã có sẵn, để tạo ra đời sống cùng những trải nghiệm đời sống mà con mong muốn trong kiếp này, hầu sự tăng triển của con được dễ dàng.

Có thể mục đích của con không phải là thăng thiên trong kiếp này, nhưng chắc chắn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con có ghi việc thực hiện tiến bộ đáng kể về hướng thăng thiên. Nhiều người trong số các con có ghi vào trong Sứ vụ Thiêng liêng mục tiêu hội đủ tư cách để thăng thiên ở cuối kiếp này. Đôi khi mục tiêu này đòi hỏi con làm một số việc mà dưới nhãn quan của người đời trong môi trường của con có vẻ là rất phi lý, vô trách nhiệm và kỳ lạ.

16.10. Tự ngã là vùng đệm giữa con và thế gian

Đó chính là sự sáng tạo, theo nghĩa là nó thăng vượt những ranh giới mà con mang trong tâm thức, những giới hạn đang kềm hãm con lại. Sáng tạo là gì đối với con? Thày không thể nói được, con yêu dấu. Thày không thể nói được vì con không thể biết được sáng tạo là gì với tâm vỏ ngoài.

Con có hiểu thày đang nói gì chăng? Sa nhân đã làm gì? Chúng đã tạo ra một cơ chế trong tâm con đứng giữa con và thế giới. Tự ngã là gì chứ, con yêu dấu? Đó là một phản ứng đối với việc thế giới chối bỏ con. Cho nên con đã cố tạo ra một cơ chế để bảo vệ con khỏi thế giới vật chất cùng những điều kiện ở đây. Đó là một vùng đệm giữa con và thế giới, trong đó một phần là khi con lượng định mọi việc trước khi con hành động. Con lo ngại những hậu quả tiềm ẩn.

“Liệu chuyện này sẽ khiến tôi chết liền tức khắc? Liệu nó sẽ biến tôi thành một kẻ tàn tật phải ngồi xe lăn trọn đời?” Rồi đến những lượng định vi tế hơn như “Liệu người ta sẽ nghĩ gì về tôi, nói gì về tôi? Tiêu chuẩn của xã hội là tôi phải cư xử hay không được cư xử như thế nào?” Con đã quen đánh giá mọi chuyện trước khi con biểu lộ, nhưng đó không phải là sáng tạo. Sáng tạo là khi con nối kết – cái Ta Biết nối kết – bằng trực giác với Hiện diện TA LÀ của con. Con không lượng định bằng tâm vỏ ngoài xem Hiện diện sẽ làm gì xuyên qua con để ngăn chặn con nếu Hiện diện muốn làm điều gì mà con không đồng ý hoặc sẽ khiến con xấu hổ.

16.11. Để cho Hiện diện làm việc qua con

Qua tâm vỏ ngoài, con sẽ không biết được Hiện diện muốn làm gì. Con hiểu điểm này chứ? Ngay lúc con nối kết trực giác với Hiện diện TA LÀ rồi bước vào tâm phân tích, ngay lúc đó con đã tắt đi luồng sáng tạo. Hiện diện TA LÀ phải lui về, tôn trọng quyền tự quyết của con, và đơn giản sẽ không biểu đạt qua con.

Khi con lượng định với tâm vỏ ngoài, con tắt đi luồng sáng tạo từ Hiện diện. Cách duy nhất để biết được Hiện diện sắp làm gì xuyên qua con là trải nghiệm khi sự việc đang diễn ra. Con không thể biết trước được rồi sau đó, nếu con chấp thuận, để cho Hiện diện biểu lộ. Con cần để cho Hiện diện biểu lộ những gì nó muốn biểu lộ, và con chỉ trải nghiệm khi nó đang biểu lộ.

Nếu con không sẵn sàng làm như vậy, nếu con không sẵn sàng tự phát, thì con không thực sự sáng tạo. Không thể nào khác được. Con không thể né tránh được chuyện này. Vì thế chúng ta có thể gọi đó là một quy luật. Con không thể vừa nối kết với Hiện diện, vừa lượng định xem Hiện diện phải biểu lộ ra sao. Con không thể nối kết với Hiện diện qua tâm phân tích.

Con có thể, tất nhiên, nhận ra là Hiện diện của con sẽ không làm gì để khiến con mất mạng chẳng hạn, và nó sẽ không muốn biểu lộ xuyên qua con một điều gì sẽ khóa con chặt hơn nữa vào một trạng thái giới hạn. Hiện diện muốn giải thoát con khỏi mọi giới hạn.

Quá nhiều người sợ hãi sự sáng tạo của mình vì, cũng vậy, họ đã rơi vào niềm tin cho rằng cách duy nhất để tránh khỏi hậu quả xấu xa là kiểm soát mọi chuyện. Họ nghĩ tự ngã có lý khi nó muốn kiểm soát và biến mọi thứ thành chuyện có thể tiên đoán trước. Con sợ hãi những gì tự phát, không thể đoán trước.

Tại sao Giê-su lại dạy rằng trừ khi con trở thành một trẻ nhỏ, con không thể bước vào Nước Trời? Đó là vì Nước Trời là một trạng thái tâm thức, là tâm thức Ki-tô. Tâm thức Ki-tô là khi con nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, và Hiện diện có thể tự biểu đạt xuyên qua con. Như Giê-su cũng nói, “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì, mà là Cha – có nghĩa là Hiện diện TA LÀ – ở trong ta”. Đây chính là tâm Ki-tô.

16.12. Sự sáng tạo phải được biểu lộ

Quả vị Ki-tô có thể ở trên tầng 96 một chút, nhưng sự tự điều ngự có nghĩa là con mở khóa sáng tạo của mình và cho phép nó tuôn chảy xuyên qua con. Điều này, con cần bắt đầu thực hiện trước khi con có thể chuyển từ khóa nhập thất của thày sang khóa nhập thất của Hilarion trên Tia thứ Năm. Thày đã nói là Tia thứ Tư là một loại tiêu điểm giữa ba tia sáng đầu và ba tia sáng chót. Ba tia sáng chót là nơi con cần khởi sự biểu đạt sáng tạo của con.

Không chỉ là chuyện học hỏi ngày càng nhiều hơn khi con kinh qua khóa tu này. Trong ba tia đầu, con đã đi qua đại loại một sự tiến triển bình thường, và thày đang ở đây để dẫn con đến điểm sẵn sàng bước vào ba tia chót. Ớ đó sẽ không là chuyện học hỏi, mà là chuyện biểu đạt. Không phải là chuyện ngồi trong tháp ngà học tập một điều gì đó về bản thân mình, mà là thực sự biểu hiện sự sáng tạo của bảy tia sáng và sử dụng sáng tạo này để thay đổi đời mình cũng như kinh nghiệm sống của mình. Làm thế nào con sẽ mở khóa khả năng sáng tạo? Ở mức cõi ê-the tại khóa nhập thất của thày, cả hai thày đều đang dạy con, như thày dạy con ngay bây giờ. Các thày gợi ý cho con, thách thức cách nhìn của con về thế gian, nhưng các thày cũng dẫn con qua một số bài tập nhằm giúp con mở khóa khả năng sáng tạo đó và cả gan bày tỏ một cách tự nhiên, tự phát. Tất nhiên, con có thể tự giúp mình rất nhiều bằng cách cũng làm vậy ở mức ý thức.

Đời sống của con sẽ không thay đổi cho tới khi con đem những gì con học được tại khóa nhập thất xuống các thể bản sắc, lý trí, cảm xúc và cuối cùng xuống thể vật lý. Thày khuyến khích con hãy tham gia vào những loại sinh hoạt tự phát, không gò bó. Thày để cho con chọn lựa vì có rất nhiều loại hoạt động như vậy – có thể là hội họa, nhảy múa, âm nhạc, hay bất cứ gì con thích.

16.13. Một chương trình mở khóa khả năng sáng tạo

Tuy nhiên, điều thày muốn gợi ý là con hãy lên khuôn một chương trình hàng ngày để học tập bài giảng này cũng như đọc bài thỉnh kèm theo. Con hãy dành ra một chút thời gian sau đó để ngồi yên lặng. Con hãy có một quyển sổ ghi và một cây bút, sau đó con dành ra một thời gian để hòa điệu với Hiện diện TA LÀ của con. Khi thày nói hòa điệu, thày không muốn nói là con làm vậy với tâm phân tích. Thày không muốn nói là con ngồi đó và tạo ra một nghi thức trong tâm, và con nghĩ ngợi về cách hòa điệu với Hiện diện của con. Điều thày yêu cầu con làm là, càng nhiều càng tốt, để cho tâm yên tĩnh, im lặng, rồi con hòa điệu. Sau đó, con hãy viết xuống bất cứ gì khởi lên trong con mà không đánh giá gì hết.

Có thể những gì đến với con là điều gì đó được biểu lộ từ tâm tiềm thức. Có thể có một số điều mà con cần nhìn thấy trong tiềm thức và do đó nó khởi lên cho con chú ý. Có thể có những điều đang ngăn chặn không cho con hòa điệu với Hiện diện TA LÀ. Khi con đọc những dòng đó, con có thể lượng định. Con có thể sử dụng những điều khởi lên khi con đọc bài thỉnh cho chương này hoặc con đọc những bài thỉnh, bài chú khác nếu thích hợp. Chẳng hạn, nếu con cảm thấy một nỗi sợ nào đó, con có thể kêu gọi Đại thiên thần Michael. Nếu con có ràng buộc với một điều gì đen tối, một điều gì khó chịu, con có thể kêu gọi Elohim Astrea để thày cắt đứt dây buộc và cởi trói cho con. Cho mỗi vị chân sư, cho mỗi vấn đề mà con có thể gặp, đều có những bài thỉnh, bài chú thích hợp (Xem chansuthangthien.org).

Cũng có thể có một điều gì đó đến với con mà con chưa hề dám nghĩ tới. Có thể có một điều gì về cách thay đổi hoàn cảnh vỏ ngoài của mình mà con không dám nghĩ tới trong tâm ý thức. Vậy con cần ngồi xuống và lượng định. Liệu con sẽ thực hiện thay đổi đó hay không? Thày không đang nói là con nhất thiết phải thực hiện mọi sự thay đổi khởi lên trong con. Rất có thể là con chỉ cần nhìn thấy một điều gì đó hầu con có thể quyết định trong ý thức là mình sẽ làm cuộc thay đổi đó hay không.

Một lần nữa, con cần nhớ là con đã làm một số chuyện với mục đích để nhìn ra là mình không muốn làm những chuyện đó nữa. Một điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với những điều đến với con từ bên trong. Có nhiều học trò tâm linh nghĩ rằng bất cứ gì đến từ bên trong đều phải đến từ Hiện diện TA LÀ hay từ chân sư thăng thiên, nhưng không phải luôn luôn như vậy. Nó có thể đến từ một khía cạnh của tự ngã, có thể nó đã khởi lên là vì con cần đạt tới điểm con nhìn thấy một cách ý thức là đó không phải là một sự chỉ đạo cao hơn đến từ một nguồn cao hơn. Do đó, bằng cách ý thức nhận ra điều này, con có thể phơi bày một khía cạnh của tự ngã, rồi con có thể gia tăng mức hòa điệu với Hiện diện TA LÀ và nhận được sự hướng dẫn đích thực từ trên. Thày vừa nói là nếu con nghĩ là con đã giác ngộ, sẽ có một số khía cạnh của tự ngã mà con phải phủ nhận, cho nên con sẽ kẹt lại ở đó. Cũng có một số học trò tâm linh bị kẹt lại vì họ tưởng mình đã nhận được sự hướng dẫn từ một nguồn thiêng liêng hay một linh hứng cao hơn nào đó, nhưng nguồn này không cao hơn theo nghĩa nó đến từ Hiện diện TA LÀ. Có thể nó đến từ một số sinh thể trong cõi trí hay cõi bản sắc. Có thể nó đến từ chính thể bản sắc hay thể lý trí của con, nhưng nó không đến từ Hiện diện và các chân sư. Cũng đôi khi có những học trò nhận được sự chỉ đạo dai dẳng mà họ cho là chính đáng, và mục đích là khiến con đạt tới điểm con nhận ra đó cũng không phải là cao nhất, mà có cái cao hơn.

16.14. Tại sao đường tu có vẻ phức tạp

Đúng vậy, con yêu dấu, chuyện này rắc rối, chuyện này phức tạp. Con có biết tại sao nó lại có vẻ phức tạp như thế? Thày đã nói gì ở đầu bài? Tự do là sự tự do khỏi các cơ chế trong chính tâm con. Đó là nơi con giành được tự do: trong chính tâm con. Con chẳng hiểu hay sao là khi con nhìn từ bên trong tâm mình, thật là khó nhìn thấy những cơ chế mà mình đã tạo dựng? Tại sao vậy? Bởi vì con đã tạo ra những cơ chế đó để cho mình ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt.

Nếu con thấy được là con thật sự không là một sinh thể tách biệt – đó chỉ là một ảo tưởng – thì nó sẽ không còn cho con cảm nhận thực tại nữa. Hẳn con đã ngồi trong một rạp hát ngắm cảnh trí trên sân khấu, rồi có thể con đã có dịp bước ra đằng sau cảnh trí và nhận ra đó là một ấn tượng chỉ có tác dụng khi con ngồi nhìn từ dưới rạp hát. Khi con bước ra đằng sau, con thấy ngay tất cả đều là giả. Đó, trong tâm con cũng xảy ra giống như vậy. Khi con ngồi trong rạp và nhìn lên sân khấu, tất cả đều có vẻ hiện thực. Nếu con ra sau sân khấu thì hiển nhiên tất cả đều là giả. Khi con ngồi trong tâm con, mọi chuyện có vẻ thật rắc rối, thật khó thấy, thật phức tạp. Và con nghĩ: “Ồ, làm thế nào tôi sẽ thoát ra được đây? Làm thế nào tôi sẽ nhìn thấu qua được đây?”

Con yêu dấu, thày hoàn toàn hiểu được cảm giác này vì chính thày cũng đã cảm thấy như vậy trước khi thăng thiên, và thày có khả năng nhớ lại chuyện đó như thế nào trước khi mình thăng thiên. Nhưng thày cũng biết là khi con tiến lên từng bước một, con sẽ làm cho tấm màn ngày càng mỏng hơn, và sẽ có những lúc khi mây mù hé mở ra và con bắt được một tia sáng từ mặt trời là Hiện diện TA LÀ của con.

16.15. Kết luận

Thày đã dẫn con đi qua bảy bước trong cuốn sách này. Nếu con đi theo một cách chuyên cần, con sẽ tinh tấn, và một ngày con sẽ sẵn sàng bước theo các khai ngộ dưới bào huynh yêu dấu của thày là Hilarion. Và Hilarion sẽ dạy con cách thực hành câu ngạn ngữ cổ xưa: “Thày thuốc, hãy chữa lành chính mình!”

Thật là một niềm vui lớn được giảng dạy cho con nơi khóa nhập thất của thày, được trao cho con những bài truyền đọc có khả năng kích thích tâm vỏ ngoài của con. Thày biết ơn đã có cơ hội đem nội dung những bài giảng này vào cõi vật lý nơi mọi người có thể đọc được và do đó có cơ hội quyết định: “Liệu tôi sẽ chỉ đọc qua mà thôi, hay là tôi sẽ làm những bài thực tập? Liệu tôi sẽ làm một cách máy móc hay tôi sẽ bắt đầu làm một cách sáng tạo? Liệu tôi sẽ làm như một bài tập vỏ ngoài hay tôi sẽ thực sự hòa điệu với Hiện diện của Serapis Bey?”

Theo một nghĩa nào đó, toàn bộ mục đích của bảy tầng khai ngộ này là để giúp con hòa điệu trong ý thức với Hiện diện mà TA LÀ. Nếu con có thể trải nghiệm Hiện diện của thày trong tâm vỏ ngoài của con, nó sẽ neo chặt bước tăng triển mà con đã kinh qua ở tầng ê-the vào cuộc sống vật lý và tâm vỏ ngoài của con, ở một mức mà con không thể tưởng tượng nổi khi con chưa trải nghiệm Hiện diện của thày.

Do đó, thày hy vọng là sẽ đến một điểm khi mây mù sẽ hé mở ra và con sẽ nhìn thấy thày như TA LÀ. Vì thày là chân sư thăng thiên Serapis Bey, Thượng sư của Tia sáng thứ Tư và:

TA LÀ tự do trong sự… thuần… khiết.

Tìm được an bình trong phụng sự

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/1/2016.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Giờ đây chúng ta đã đến tầng thứ sáu trong khóa nhập thất của thày, là tầng con đối diện với sự phối hợp giữa Tia thứ Tư của Thuần khiết với Tia thứ Sáu, thường được gọi là tia sáng của phụng sự và tia sáng của an bình.

Phụng sự và an bình có liên hệ như thế nào? Các thày có nói là con đã đi xuống địa cầu với một mục đích cao hơn, một mục đích vượt hẳn những gì hầu hết mọi người có thể thấy được qua tâm ý thức. Con đã đi xuống đây vì con thấy đây là một hành tinh kém cỏi với nhiều bóng tối và nhiều điều kiện cần thay đổi. Con đã đến vì con nghĩ rằng bằng cách hiện thân ở đây, đem lại ánh sáng và biểu đạt sự sáng tạo cá nhân của mình, con sẽ có thể tạo sự khác biệt và quả thực giúp nâng địa cầu lên một mức cao hơn, để địa cầu rũ bỏ một số biểu hiện đen tối mà con đang chứng kiến, chẳng hạn như chiến tranh và đủ loại hình thức vô nhân khác của con người đối với con người.

Có thể nói một phần lớn động lực của con, ý định của con để tới địa cầu là đóng góp một mức phụng sự sẽ giúp nâng địa cầu lên cao hơn. Vì vậy, ngay trong ý định sâu thẳm nhất của con đã gắn sẵn mong muốn cải thiện trái đất, đưa trái đất đi lên.

14.1. Khi phụng sự lấy mất sự anh bình

Điều thày muốn cho con thấy bây giờ là mong muốn phụng sự địa cầu có thể lấy đi cảm giác an bình của con như thế nào. Tiếc thay, đây là một vấn đề mà con có thể làm cho trầm trọng hơn khi con khám phá con đường tâm linh và bước theo một giáo lý tâm linh. Trên thế giới có nhiều loại giáo lý tâm linh bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng tinh vi của sa nhân, đặc biệt là tư duy cuồng đại. Những giáo lý này trực tiếp cho tín đồ cảm nhận là họ có mặt ở đây để thay đổi một số điều kiện cụ thể trên trái đất. Ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên mà các thày truyền rải cũng có thể làm gia tăng tư duy cuồng đại và mong muốn nhìn thấy những thay đổi đặc thù trên trái đất. Hiển nhiên các thày thường hay kêu gọi các con thỉnh cầu một số thay đổi cụ thể. Chẳng hạn trong sách của Mẹ Mary về chiến tranh có cung cấp một số dụng cụ để con thỉnh gọi và giúp tiêu trừ tệ nạn chiến tranh khỏi địa cầu (Help the Ascended Masters Stop War – Giúp chân sư thăng thiên chấm dứt chiến tranh). Vậy thì làm thế nào con cân bằng được mong muốn thay đổi cụ thể với sự an bình nội tâm của mình?

Rõ ràng các thày muốn thấy thay đổi cụ thể trên trái đất. Rõ ràng các thày muốn thấy chiến tranh bị loại trừ khỏi hành tinh. Các thày muốn thấy địa cầu gia tốc lên một trạng thái cao hơn nơi chiến tranh và những dòng sống hiện thân tâm thức chiến tranh bị rũ sạch, vì chúng không thể ở lại với độ rung gia tốc của hành tinh và tâm thức tập thể.

Tuy vậy như thày có nói, các thày muốn thấy điều đó xảy ra trong bối cảnh của Định luật Tự quyết. Các thày muốn thấy một số lớn loài người trên hành tinh sử dụng quyền tự quyết của mình để năng cao tâm thức, vượt lên khỏi tâm thức của chiến tranh chẳng hạn. Làm thế nào họ sẽ làm được vậy? Họ sẽ không thể làm được bằng cách bị ép buộc.

Con yêu dấu, con chẳng thấy hay sao là các thày đâu có yêu cầu con thỉnh gọi một điều gì sẽ cưỡng ép người ta? Các thày yêu cầu con đọc những bài thỉnh sẽ nâng cao sáng ngộ, hiểu biết cùng viễn quan của mọi người để họ có thể tự nguyện thực hiện những thay đổi đó.

Đến giờ con chẳng thấy hay sao là một trong những khác biệt căn bản giữa chân sư thăng thiên và hàng ngũ giả trá là các thày hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết, trong khi hàng ngũ giả trá thì chẳng có chút lòng tôn trọng nào hết?

14.2. Sa nhân buộc con người phải phản ứng

Các sa nhân đã làm gì ngay từ khi chúng đến địa cầu? Chúng đã bắt buộc mọi người phải phản ứng đối với chúng và chống lại chúng. Con chẳng thấy hay sao đây là một trong những cơ chế đằng sau chiến tranh và đủ mọi loại bạo lực khác? Con sống trong một cơ thể vật lý, con phải sống ở đâu đó để có thể tồn tại, chu cấp cho bản thân cũng như cho gia đình. Con sống trên một mảnh đất, cho nên nếu có một nhóm người tập hợp một đội quân tiến vào mảnh đất đó để cưỡng đoạt và có thể giết hại chính con lẫn gia đình con, thì con bắt buộc phải phản ứng lại một cách nào đó.

Đây chính là cách mà sa nhân đã ép uổng con người phải rơi vào những vòng xoắn ốc phản động tự nó ngày càng mạnh mẽ hơn. Con thấy như ở vùng Trung đông, con người ở đó đã từ hàng ngàn năm qua bị kẹt cứng trong một vòng xoắn ốc tương tự. Sa nhân gần như chẳng phải làm gì để giữ cho tình trạng này kéo dài mãi mãi khi đã có con người tự ý làm như vậy. Họ không thể tự kéo mình ra khỏi vòng xoáy, và hiển nhiên con thấy rõ những vòng xoáy này là đối nghịch với hòa bình. Không thể có hòa bình giữa con người khi ai nấy vẫn mắc kẹt trong vòng xoáy như vậy, Không thể có hòa bình trong tâm con người khi ai nấy bị mắc kẹt trong vòng xoáy như vậy. Những vòng xoáy cướp đi hòa bình như thế không chỉ gây ra chiến tranh giữa quốc gia hay bộ tộc, mà có cả những vòng xoáy trong gia đình hay nơi sở làm khiến người ta, một lần nữa, bị kẹt vào những phản ứng đối với nhau và chống lại nhau. Có một số người, dù là trong hôn nhân hoặc trong cùng một gia đình với anh chị em hay cha mẹ, đã kẹt vào vòng xoáy với cùng những dòng sống đó suốt bao nhiêu kiếp sống. Và cứ thế họ lại tái đầu thai trong cùng những nhóm gia đình vì họ không thể phá vỡ thoát khỏi những vòng xoáy mà họ đã duy trì với các dòng sống trong nhóm.

Con, tất nhiên, là một học trò tâm linh, một học trò của chân sư thăng thiên. Con đã tự kéo mình ra khỏi những vòng xoáy phản động dễ thấy nhất, vì nếu không thì con đã không vươn lên được khỏi tầng tâm thức 48. Điều mà thày cố giúp con nhìn ra ở đây là còn có những vòng xoáy khác vi tế hơn.

Một trong những vòng xoáy này là sự cảm nhận cho rằng, bởi vì sa nhân đã cưỡng ép người ta vào vòng xoáy hướng hạ, thì con là người tâm linh cũng rất chính đáng khi con cưỡng ép người khác, vì lợi ích của họ, phải bước ra khỏi vòng xoáy hướng hạ đó. Đây chính là tinh túy của tư duy cuồng đại khi con nghĩ có một trận chiến hoành tráng giữa thiện và ác, và con đang đứng về phe thiện. Vì cái ác quá hung hãn, cho nên con bắt buộc phải sử dụng vũ lực để đánh bại nó, hay để giải phóng mọi người khỏi nanh vuốt của nó.

Đó là cách biện minh đằng sau đủ loại hành vi dựa trên vũ lực do những người theo tôn giáo, những người tâm linh hay nhiều loại người thiện chí khác, khi họ nghĩ là họ đang phục vụ cho một chính nghĩa tốt đẹp nhưng họ lại dùng đến vũ lực. Ở mức của con nơi tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày trong Tia thứ Tư, con đã thoát ra khỏi những vòng xoáy đó, nhưng liệu con đã hoàn toàn thoát khỏi cái tư duy tinh tế ở đằng sau?

14.3. Phụng sự và thành công

Ngay cả khi con không phản ứng trực tiếp lại người khác hay tìm cách ép buộc họ, con vẫn có thể bị tác động bởi ý thức tinh tế là con đang ở đây để cống hiến một việc ích lợi cho địa cầu, và thước đo để đánh giá xem con phụng sự có thành công hay không là thấy được những thay đổi vỏ ngoài cụ thể. Con yêu dấu, khi nào con còn nghĩ việc phụng sự của con trên hành tinh này phụ thuộc vào việc sản xuất ra một số thay đổi vỏ ngoài cụ thể gắn liền với những chọn lựa tự quyết của người khác, thì con sẽ không bao giờ đạt được an bình nội tâm.

Con có thể nói, như nhiều đệ tử cũng nói khi bàn thảo về đề tài này ở cõi ê-the: “Nhưng Serapis, có phải thày đang bảo là chúng con không ở đây để phụng sự và đem lại thay đổi cụ thể? Chúng con chẳng ở đây để giúp loại trừ cái ác khỏi địa cầu hay sao?” Trả lời cho câu hỏi đó là: “Có và không”, bởi vì nó tuỳ thuộc vào cách con nhìn vấn đề.

Các thày đã từng dùng hình ảnh một người bị kẹt trong một hang động tối tăm. Vì họ trong bóng tối cho nên họ không thể thấy mình đang ở đâu hay đang làm gì, và do đó có một số chọn lựa mà họ không thể chọn một cách ý thức. Nếu ánh sáng trong động được gia tăng lần hồi, họ sẽ từ từ thấy rõ hơn. Và khi tầm nhìn của họ rõ ràng hơn, họ sẽ – từ bên trong – bắt đầu chọn lựa một cách ý thức hơn, hiểu biết hơn. Như thày MORE đã từng nói, nếu người ta biết tốt hơn thì người ta cũng sẽ làm tốt hơn – và điều này đúng cho mọi người, trừ sa nhân. Thậm chí điều này cũng đúng cho cả sa nhân, nhưng chúng sẽ không bao giờ đạt tới điểm biết tốt hơn đó cho đến khi chúng xoay chuyển tâm thức và nuốt trọn niềm kiêu hãnh, một điều vô cùng khó khăn đối với chúng.

Đối với tất cả những dòng sống khác, nếu họ thật sự thấy được một chọn lựa tốt hơn những chọn lựa trước, thì trong đa số trường hợp, họ sẽ lấy chọn lựa đó. Như trong câu chuyện quen thuộc, nếu con nghĩ mình đang cầm một sợi dây thừng và ánh sáng lần lần tỏa rạng, và con thấy đó là một con rắn, thì con sẽ tự động buông rắn ra.

Công việc của con không phải là chế tạo một số thay đổi cụ thể bằng cách sử dụng vũ lực trên người khác. Chẳng hạn, làm thế nào con dùng vũ lực để ép buộc người khác yêu chuộng hòa bình? Chính vũ lực đã lấy đi hòa bình của họ và khiến họ giao chiến lẫn nhau. Làm thế nào dùng thêm vũ lực có thể loại bỏ vũ lực đã có mặt ở đó và đã tàn phá địa cầu? Không thể nào được!

Sa nhân đã tạo ra đủ loại ý tưởng vi tế bảo rằng không những chuyện đó có thể làm được mà đó còn là cách duy nhất. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng điều này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là phương cách của các chân sư thăng thiên. Các thày làm việc với quyền tự quyết, trong khuôn khổ Định luật Tự quyết. Hễ gia tăng ánh sáng thì người ta sẽ chọn lựa tốt hơn. Nếu họ không chọn lựa tốt hơn thì con hãy lui về và để yên cho họ bước vào một vòng xoắn ốc hướng hạ, cho tới khi họ chán chê trải nghiệm đó và kêu gào cầu mong được hơn như vậy. Khi những cú giáng của trường đời đủ cay đắng, họ sẽ không tránh khỏi cầu mong như thế.

Con yêu dấu, con có thấy được sự mâu thuẫn giữa động lực nguyên thủy của con, thuần khiết và dựa trên tình thương đã khiến con đến trái đất, với động lực và quan điểm mà con hiện có trong tâm ý thức và ba thể cao hơn của con? Con có thấy điều thày đang chỉ ra cho con, là khi nào còn có mâu thuẫn giữa hai cái đó thì con sẽ không thể tìm thấy an bình nội tâm trên hành tinh này?

Con không thể an bình với việc con hiện thân trên địa cầu nếu con còn nghĩ con ở đây là để đem lại những thay đổi cụ thể lệ thuộc vào sự chọn lựa tự quyết của người khác. Con phải đạt tới điểm con nhận ra là việc con phụng sự đời sống không tùy thuộc vào bất kỳ điều kiện nào hay bất kỳ người nào ngoài chính con.

Tại khóa nhập thất, khi thày trò ngồi họp nhóm thảo luận về đề tài này, các đệ tử thường phản ứng và nói: “Nhưng làm thế nào chúng con phụng sự đây? Chúng con không thấy được làm thế nào chúng con có thể phụng sự.” Các thày đã nói gì về mục đích của đường tu tự điều ngự chứ? Đó là để trở thành cánh cửa mở cho ánh sáng đến từ Hiện diện TA LÀ và đoàn chưởng giáo chân sư thăng thiên ở trên con.

14.4. Sa nhân sợ ánh sáng của con

Sa nhân cực kỳ muốn con tin là con không được phép biểu hiện ánh sáng đó ở đây trên địa cầu, con không thể biểu hiện ánh sáng đó, và con không thể biểu hiện ánh sáng cho tới khi một số điều kiện được hội đủ trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Chúng có rất nhiều tầng lớp lừa dối nhằm cản trở con thực hiện đúng một điều mà con đã đến đây để thực hiện – đó là làm cánh cửa mở cho ánh sáng.

Ở mức thấp nhất, chúng không muốn con biết ngay cả sự kiện con có chọn lựa đó. Cao hơn, chúng muốn con nghĩ là điều đó vi phạm quyền tự quyết của người khác, đặc biệt là chính bọn chúng, nếu con biểu hiện ánh sáng. Nếu người ta muốn sống trong bóng tối, người ta phải được phép làm vậy và con không có quyền đến đây mà tỏ lộ ánh sáng của con.

Con yêu dấu, con có thấy là con quyền đó chính vì con đã hiện thân trong cõi vật lý. Quyền tự quyết của con đã trở thành một phần của phương trình địa cầu. Thày có nói trong một bài giảng trước là quyền tự quyết cá nhân của con không thể hủy bỏ quyền tự quyết của bảy tỷ người kia trên hành tinh. Điều đó đúng, nhưng ngược lại cũng đúng. Quyền tự quyết của bảy tỷ người trên hành tinh không thể hủy bỏ quyền tự quyết cá nhân của con.

Con có quyền hiện thân. Con có quyền là con người của con và làm cánh cửa mở cho ánh sáng từ đoàn chưởng giáo bên trên con. Đây là quyền mà Thượng đế đã ban cho con. Sa nhân có quyền phủ nhận ánh sáng trong bản thân chúng và phủ nhận ánh sáng trong con. Nhưng chúng không có quyền đòi hỏi con phải tắt ánh sáng con đi. Đúng hơn, chúng có quyền đòi hỏi nhưng con không có bổn phận phải làm theo đòi hỏi của chúng.

Ở một tầng lớp lừa dối cao hơn nữa, chúng muốn con nghĩ là con không thể biểu hiện ánh sáng cho tới khi một số điều kiện nào đó hội đủ – như người khác cần phải sẵn sàng tiếp nhận, hay con phải có đủ một số hoàn cảnh vỏ ngoài, có đủ tài chánh, có một nơi để ở, có một môi trường yên tĩnh, điều kiện này hay điều kiện nọ.

Trong các bài giảng trước, thày đã dẫn con qua một tiến trình nơi con nhìn ra là không có một điều kiện bên ngoài nào có thể ngăn cản con tự thăng vượt và do đó biểu hiện ngày càng nhiều ánh sáng hơn. Sa nhân cũng muốn con nghĩ là con không thể biểu hiện ánh sáng của mình do một số điều kiện nội tâm.

14.5. Chủ nghĩa toàn hảo là một phát minh của sa nhân

Các thày có đề cập đến sự kiện khi con đến địa cầu lúc ban đầu, con đã trải nghiệm một chấn thương nhập đời khi sa nhân – một cách hung bạo – đã gạt bỏ con, gạt bỏ cá thể và ánh sáng của con. Chúng đã khiến con cảm nhận theo nhiều cách là con không được biểu hiện ánh sáng đó, rằng con bị chối bỏ, rằng con không đủ tiêu chuẩn và phải toàn hảo thì mới biểu hiện được ánh sáng.

Chủ nghĩa toàn hảo là một phát minh của sa nhân. Chúng đã lấy tâm đường thẳng và làm một chuyện với tâm đường thẳng mà con phải vô cùng thận trọng. Con thấy đó, tâm đường thẳng gọi là đường thẳng vì nó luôn luôn vận hành theo cấp số. Một ví dụ điển hình là những con số mà con đếm từ 1, 2, 3, 4, vân vân. Luôn luôn có một tiến trình cấp số, luôn luôn có một cái thang, và tâm đường thẳng muốn nhét, muốn sắp xếp mọi thứ trên một cái thang như vậy. Có những khi con có thể đưa tâm đường thẳng tới cùng cực hầu làm lộ ra những hạn chế của nó. Điều mà sa nhân đã làm là đưa tâm đường thẳng tới cùng cực và bảo rằng Thượng đế phải là sinh thể cao nhất có thể tưởng tượng được, có nghĩa là Thượng đế ở trong một trạng thái mà chúng gọi là sự toàn hảo, một trạng thái nơi không có gì thay đổi.

Tất nhiên, tâm đường thẳng luôn luôn nhìn vào sự thay đổi. Luôn luôn có một tiến trình cấp số, không chỉ trong số lượng mà cả trong thời gian. Thời gian là con đẻ của tâm đường thẳng khi nó luôn luôn tiến hành từ thời điểm này đến thời điểm sau. Con đưa tiến trình cấp số này tới sự cùng cực tối hậu của nó và con nói: “À, chắc chắn phải có cái không bao giờ thay đổi, và khi một cái gì thay đổi từ ít sang nhiều, thì điều đó chứng tỏ cái ít là bất toàn. Do đó, phải tới một điểm khi người ta đạt trạng thái tối hậu của cái nhiều nơi mọi thứ đều toàn hảo.”

Điều này, tất nhiên, là một lời dối. Thượng đế không toàn hảo theo nghĩa Thượng đế không thay đổi, bởi vì Đấng Sáng tạo không ngừng tăng triển. Đó chính là lý do tại sao Đấng Sáng tạo đã tạo ra con, tạo ra thày và tất cả chúng ta. Không hề có một trạng thái không thay đổi nào trong bất kỳ thế giới nào có hình tướng. Nếu con muốn cái không thay đổi, con sẽ cần vượt khỏi mọi thế giới hình tướng, và điều này thì sa nhân không thể hiểu nổi. Vì vậy chúng đã tạo dựng ý tưởng toàn hảo để mà thay thế.

Khi con đến đây và biểu hiện ánh sáng của con, và khi chúng cảm thấy bị đe dọa, chúng nói: “Ở đây trên trái đất, chúng tôi đã quy định một tiêu chuẩn cho cách bạn phải cư xử. Cách bạn biểu hiện ánh sáng không hội đủ tiêu chuẩn của chúng tôi, cho nên bạn không được biểu hiện ánh sáng của bạn ở đây.” Tất nhiên, chúng không nói ánh sáng của con có vấn đề gì mà chính con mới là vấn đề. Chính con đã không hội đủ một tiêu chuẩn nào đó. Điều này đã khiến cho nhiều người tâm linh và người sùng đạo tự đặt mình trên một đường tu tập mà họ nghĩ sẽ dẫn họ tới trạng thái toàn hảo nói trên. Nhiều người tâm linh đã sử dụng giáo lý tâm linh cùng dụng cụ tâm linh đế nỗ lực trở thành toàn hảo – để biến ngã vỏ ngoài của mình thành toàn hảo hầu thỏa mãn tiêu chuẩn của thế gian. Thế là ý tưởng đã được nhét vào tâm con rằng khi nào con trở thành “toàn hảo”, thì chúng sẽ chấp nhận ánh sáng của con.

Có hai lời gian dối ở đây – thật ra có nhiều hơn – nhưng hai lời gian dối chủ yếu là thứ nhất, con sẽ không bao giờ toàn hảo được vì không hề có trạng thái toàn hảo. Và thứ hai, sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận ánh sáng cho dù ánh sáng được biểu hiện cách nào. Và thêm vào đó, tất nhiên, còn có lời gian dối rằng ánh sáng của con cần được chấp nhận để nó có thể thực hiện công việc của nó.

14.6. Ánh sáng luôn luôn làm công việc của nó

Con yếu dấu, con có thấy điều thày vừa nói về nguyên nhân của thay đổi? Đó là khi ánh sáng gia tăng khiến người ta thấy được nhiều hơn. Một lần nữa, con thử hình dung một hang động tối tăm. Đây có thể là một cái động với trần cao, và trên sàn có nhiều buồng riêng biệt khác nhau, gần giống như quang cảnh văn phòng ngăn ra thành nhiều buồng vuông nhỏ để người ta ngồi trong đó làm việc trước máy tính. Con biết là trong một văn phòng như vậy, nếu con gia tăng ánh sáng bằng cách đặt một chiếc đèn trong một buồng thì mọi người không thể thấy được chiếc đèn đó, nhưng độ ánh sáng trong nguyên văn phòng vẫn gia tăng và ai nấy nhìn thấy được nhiều hơn trước.

Điều thày muốn nói ở đây là như sau: Để việc phụng sự của con thành công, người ta không cần thấy được là con đang biểu hiện ánh sáng, họ không cần chấp nhận bản thân con hay ánh sáng của con, họ không cần nhìn nhận và công nhận chuyện đó. Con chỉ cần biểu hiện ánh sáng của con và để yên cho ánh sáng làm công việc của nó.

Thày đang tìm cách dẫn con đến mức nhận ra trong tâm ý thức một điều mà thày cố trao cho con trong khóa nhập thất này, đó là sự thành công của việc phụng sự không tùy thuộc vào phản ứng của người khác. Khi nào con còn nghĩ là nó tùy thuộc vào phản ứng của người khác, con sẽ không thể bình an. Và sau đây mới là vấn đề khó xử, tiến thoái lưỡng nan.

Nếu con không bình an với việc mình hiện thân trên địa cầu, con sẽ không thể là cánh cửa mở cho Ánh sáng trong khi con hiện thân trên địa cầu. Chuyện đó không thể!

Con phải bình an để phụng sự. Và để bình an, con phải tách rời ý tưởng phụng sự khỏi mong muốn tạo ra những kết quả cụ thể hay được người khác nhìn nhận, công nhận và chứng nhận. Điều này dẫn thày đến một đề tài khá tinh tế.

14.7. Cuộc tìm kiếm vô vọng một lòng tự tin dựa trên sợ hãi

Con cũng biết, nếu con để ý các điều kiện trên địa cầu, là trong những thập niên gần đây, nhiều nhóm người đã được công chúng biết đến và công nhận nhiều hơn. Con biết đến nhiều nhóm thiểu số trước kia vẫn từng bị xã hội coi như ruồng bỏ. Giờ đây họ đã đứng dậy và đòi hỏi quyền lợi của mình, họ đã nhận được nhiều sự chú ý đến độ họ được công nhận và đón nhận rộng rãi hơn trước.

Nếu con nhìn vào tâm lý những người như vậy, con cũng biết là khi con cảm thấy mình là một nhóm thiểu số, một thiểu số bị chà đạp và ruồng bỏ, con có thể mang một lòng tự tin yếu kém, một cảm nhận thấp về giá tri bản thân. Khi ban đầu con đến hành tinh này, con đã đến với một cảm nhận lành mạnh, dựa trên tình thương, về giá trị của mình. Rồi khi con bị sa nhân gạt bỏ tàn nhẫn, con đã đánh mất niềm tự trọng đó, ít ra là một phần. Lần hồi con cảm thấy mình là người bị ruồng bỏ, một người không được chấp nhận và không thể được chấp nhận.

Con bị đặt vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, một trong những ốc xoáy hướng hạ tự tăng cường mà sa nhân tạo ra rất thiện nghệ. Khi con đánh mất lòng tự tin và tự trọng, con cảm thấy như mình thiếu sót. Con bước vào một tâm trạng dựa trên sợ hãi. Bản chất của tâm trạng dựa trên sợ hãi là con cảm thấy thiếu hụt, cho nên con nẩy sinh một mong muốn bù đắp, lấp đầy sự thiếu hụt. Nhưng không có cách gì để lấp đầy sự thiếu hụt của một tâm trạng sợ hãi. Đó là một cái lỗ đen không bao giờ có thể lấp đầy.

Cảm giác thiếu hụt cũng cho con lòng khao khát muốn tìm lại cảm nhận trước kia về giá trị bản thân. Tiếc thay, giờ đây con cũng đã tin vào lời dối của sa nhân bảo rằng con phải thực hiện chuyện đó bằng cách tranh thủ sự công nhận và chấp nhận trong thế gian – hay đúng hơn, sự công nhận và chấp nhận của chúng. Con có thấy chuyện bất khả thi ở đây hay chăng? Chính sa nhân đã phá hoại phẩm giá của con khi chúng gạt bỏ con, thì bây giờ con lại bị mắc kẹt trong vòng xoáy phải tìm cầu sự chấp nhận của chúng. Chính chúng đã tạo ra sự thiếu hụt phẩm giá trong con. Xác suất sẽ là bao nhiêu để chúng lấp đầy sự thiếu hụt đó?

Như con vẫn biết, chúng sẽ chỉ tiếp tục nuôi lớn vòng xoáy đó bằng cách dời cột mốc ngày càng xa hơn để con không bao giờ chạm tới được. Đó chính là toàn bộ mục đích của ý tưởng toàn hảo. Ai có thể định nghĩa được toàn hảo chứ? Phải, ngay bây giờ con có thể định nghĩa toàn hảo một cách nào đó, nhưng một khi con đạt đến mức đó, con sẽ nhận thấy lòng tự trọng của con vẫn chưa phục hồi. Kết luận là gì? Là với tâm đường thẳng, con luôn luôn có thể định nghĩa một mức cao hơn. Con có thể đếm nhiều tới đâu? Nguyên chuỗi số đó có ngừng lại ở một số nào chăng? Đúng vậy, các nhà khoa học cũng không biết nữa.

Đến bao giờ con mới có thể toàn hảo dưới mắt sa nhân? Không bao giờ, con yêu dấu. Bao lâu nữa con sẽ muốn đuổi bắt cái củ cà-rốt này, được treo lủng lẳng trước mũi con lừa đang kéo chiếc xe với bọn sa nhân ngồi cười hả hê trên xe? Con hãy ngừng làm con lừa kéo xe cho sa nhân, và thay vào đó, con hãy là cánh cửa mở cho ánh sáng của các chân sư thăng thiên!

14.8. Bước trên đường tu với động lực xuất phát từ tự ngã

Đâu là sự xoay đổi mà con cần làm? Đó là nhận ra là khi con tìm thấy con đường tâm linh, con không tức thì loại bỏ được tự ngã. Sẽ có một giai đoạn trên đường tu khi một phần động lực của con, một phần ý định của con để bước trên đường tu là do tự ngã cung cấp. Tự ngã muốn một cái gì đó.

Lý tưởng nhất cho tự ngã là nó muốn chặn đứng không cho con bước chân trên con đường tự điều ngự. Khi nó không thành công – vì thật sự nó không thể ngăn cản con khi con đang đọc quyển sách này – thì nó sẽ muốn có được cái gì đó từ việc con bước trên đường tu. Khi con nhìn rất nhiều người tâm linh, nhìn nhiều phong trào và đạo sư tâm linh một cách trung thực, con sẽ thấy một xu hướng rõ rệt.

Như thày đã nói, đa số những người tâm linh ngày nay đều đã đến địa cầu với một mục đích tích cực muốn đem lại ánh sáng của mình và đóng góp đáng kể. Khi họ bị chối bỏ một cách tàn bạo, họ đánh mất cảm nhận về giá trị bản thân và dần dần cảm thấy mình bị ruồng bỏ. Khi họ tìm ra một phong trào tâm linh, họ cảm thấy đây là một cơ hội để tìm lại lòng tự trọng của mình.

Nhiều người tâm linh – ngày nay là thành viên của các phong trào tâm linh, kể cả các phong trào của chân sư thăng thiên – đã cảm thấy như mình bị ruồng bỏ khi mình lớn lên trong một xã hội thường khi là phản tâm linh. Rồi khi con khám phá ra một vị đạo sư hay giáo lý tâm linh, bỗng nhiên tự ngã của con được dịp sử dụng sự kiện này để tạo dựng cảm nhận là cho dù con khác hẳn mọi người khác, điều đó không có nghĩa là con thấp kém hơn họ. Thật ra, sự kiện con khác họ có nghĩa là con cao hơn họ vì con có nhận thức tâm linh cao hơn. Đó là tại sao con đã nhận diện được giáo lý này trong khi hầu hết người khác đều không nhận ra.

Thày không đang bảo là con không có mức nhận thức cao hơn đa số người khác trên địa cầu. Nhưng con chẳng thấy hay sao, thật là không xây dựng nếu con cho phép tự ngã thúc đẩy con sử dụng giáo lý tâm linh để củng cố cho khát vọng của tự ngã trở thành đặc biệt, tốt đẹp hơn người khác? Như các thày có nhắc nhở nhiều lần, tự ngã là một khả năng tương đối, có nghĩa là nó so sánh mọi thứ với những thứ khác. Tất nhiên, nó chỉ có thể so sánh với những gì nó có thể nhìn thấy, và tự ngã chỉ nhìn thấy được những gì nằm trong nhị nguyên. Nhị nguyên dựa trên xét đoán giá trị: cái này tốt hơn cái kia tồi hơn. Tự ngã sẽ luôn luôn tìm cách chèn vào niềm tin rằng những người đặc biệt – họ đặc biệt vì họ là thành viên của tổ chức tâm linh này và nhận diện được giáo lý của vị đạo sư giác ngộ đặc biệt nọ – tốt đẹp hơn người khác trên địa cầu.

Con yêu dấu, một lần nữa, thày không chê trách con gì hết. Thật con không thể lớn lên trên hành tinh địa cầu như hiện nay mà không bị ảnh hưởng bởi khuôn nếp này. Gần như không có đệ tử nào đến dự khóa nhập thất của thày mà không có khuôn nếp này trong ba thể cao của mình và thường khi trong cả tâm ý thức nữa. Thày không ở đây để trách móc con, thày không ở đây để khiến con xấu hổ. Thày ở đây để giúp con thăng vượt chính cái khuôn nếp đang lấy mất sự bình an của con.

Nhưng con nhìn nhận một cách ý thức, phải không con, rằng con muốn an bình và con muốn thành công trong nỗ lực phụng sự trên hành tinh này? Con muốn phụng sự trong an bình, và con muốn sự an bình đến từ cái biết là mình phụng sự thành công. Một khi con nhìn nhận đây là điều con muốn, thì con không cần cưỡng lại việc thày phơi bày ra khuôn nếp trong tâm đang ngăn cản con có được điều con muốn. Mong muốn sử dụng giáo lý tâm linh để tự đặt mình cao hơn người khác sẽ lấy mất sự an bình nội tâm của con.

Thày cũng biết đối với một số người, điều này sẽ cho họ một cảm giác an bình bề mặt. Nếu con nhìn nhiều phong trào tâm linh trên trái đất, con sẽ thấy họ đi theo cùng một khuôn nếp như vậy. Họ có một giáo lý tâm linh, họ có một vị đạo sư tâm linh, dù là còn sinh hoạt hay đã khuất. Họ xem vị đó như thần tượng và biến vị đó thành một vị có vẻ vô cùng đặc biệt. Đạo sư càng đặc biệt bao nhiêu thì chính họ cũng trở nên đặc biệt bấy nhiêu do họ đi theo vị ấy. Vì dù sao, tuyệt đại đa số con người trên hành tinh đã không nhận ra đạo sư đó, y như con người đã không nhận ra Giê-su hay đức Phật khi hai thày còn ở trong thế gian. Sự kiện con nhận diện được đạo sư phải có nghĩa là chính con cũng rất đặc biệt. Và những người đặc biệt như con càng hiếm hoi thì con sẽ càng đặc biệt hơn nữa so với những ai không nhận ra đạo sư của con.   

Có những người ngồi quanh quẩn, và họ tạo ra một vòng xoáy tự tăng cường khi họ chứng thực lẫn nhau rằng mình là những người thật đặc biệt. Thậm chí họ còn đạt tới một cảm giác an bình bề nổi do mình quá đặc biệt, do mình đã hành xử đúng y như mình cần hành xử bằng cách tự cô lập trong tháp ngà này. Đấy, nếu con đã bị hoàn toàn mắc kẹt trong một vòng xoáy như thế thì con đã không đang đọc bài giảng này. Sự kiện con đang đọc có nghĩa là con đã bắt đầu thoát khỏi nó. Để con thoát ra khỏi hoàn toàn, việc còn lại là con hãy nhìn ra cơ chế đó trong ý thức, và ý thức để cho nó ra đi.

14.9. Con đặc biệt và độc đáo

Con yêu dấu, bây giờ thày nói chuyện riêng với mỗi con đây. Con đặc biệt, con độc đáo. Nhưng sự độc đáo của con không neo trụ nơi bốn thể phàm của con. Sự độc đáo của con được neo trụ nơi Hiện diện TA LÀ và căn thể của con, và nơi cái Ta Biết là phần nối dài của Hiện diện.

Điều con đã cố làm ở dưới này trên địa cầu là xây đắp một cái ngã vỏ ngoài đặc biệt so với người khác. Chuyện này sẽ không bao giở lấp đầy khát vọng tìm lại giá trị bản thân. Con sẽ không bao giờ cảm thấy bình an khi nào con còn tự so sánh với bất cứ gì trong cõi phàm, trong bầu cõi chưa thăng thiên. Cách duy nhất để con tìm lại cảm nhận giá trị bản thân – để con cảm thấy an bình với con người của con, an bình với cách mình biểu hiện con người của mình trên địa cầu – là nối kết lại với sự kiện là sự đặc biệt của con do cá thể mà Thượng đế đã ban cho con, chứ không do cá tính mà con đã xây đắp qua phản ứng đối với các điều kiện do sa nhân tạo ra.

Tại sao con cần tranh thủ sự công nhận của sa nhân hay của người khác khi con đã có sự công nhận của Đấng Sáng tạo ra con cũng như của các chân sư thăng thiên? Con có thể nói như nhiều đệ tử khác tại nhập thất của thày: “Nhưng đó là vì con có thể cảm thấy trong tâm ý thức sự công nhận của người khác, nhưng con không thể cảm thấy sự công nhận từ các thày và từ Thượng đế.” Điều đó cũng đúng, nhưng chỉ đúng vì con chưa làm cuộc xoay chuyển trong tâm ý thức để cho phép con cảm được sự công nhận của các thày. Sự công nhận và chứng thực của các thày về con, tình thương của các thày cho con, không bao giờ ngừng xối xuống như nước mưa từ trời.

Làm thế nào con trở thành một chân sư thăng thiên? Bằng cách trở thành cánh cửa mở cho tình thương chảy xuyên qua con từ một mức cao hơn nữa xuống mức thấp hơn. TA LÀ Thượng sư của Tia thứ Tư. Thày không chế tạo ra ánh sáng của Tia thứ Tư, mà thày nối kết với nguồn cội của ánh sáng đó ngược trở lên cho tới Đấng Sáng tạo. Thày đứng trong dòng chảy đó, thày là cánh cửa mở cho dòng chảy đó. Thày có thể dẫn hướng, nhưng niềm vui của thày là để cho nó chảy xuyên qua thày. Thày không ngừng để ánh sáng chảy xuyên qua thày hầu trải nghiệm niềm vui tột cùng.

Tại sao thày lại muốn hạn chế niềm vui của thày bằng cách kềm giữ ánh sáng khỏi con? Thày không là kẻ đang hạn chế ánh sáng chảy xuống con. Con mới là kẻ không nhận ra ánh sáng vì con mang một số giới hạn trong tâm khiến con nghĩ con không xứng đáng với ánh sáng hay con không có khả năng nhận được ánh sáng. Đó mới chính là điều mà thày muốn giúp con thay đổi ở tầng thứ sáu trong khóa nhập thất của thày.

Mục đích của thày là giúp con biết được ở mức bản sắc thể là con độc đáo. Con không độc đáo so với người khác, vì nơi cõi thăng thiên mọi so sánh đều vô nghĩa, đều không không hiện thực. Con độc đáo một cách không thể so sánh. Mối quan tâm là con tốt hơn hay tệ hơn bất cứ ai khác hoàn toàn lỗi thời và không can hệ. Khi con biết được điều này trong thể bản sắc, con sẽ có thể lần hồi đem nó xuống trí thể và cảm thể, rồi xuống đến tâm ý thức của con. Nếu con muốn, con có thể xoay chuyển và, trong một giây, trải nghiệm được tình thương của thày.

Sau khi con đọc xong bài thỉnh kèm theo chương này, có lẽ con hãy ngồi im lặng một lúc, con chỉ hòa điệu với Hiện diện của thày và mở ra để nhận lấy tình thương của thày. Nếu con có thể trải nghiệm điều này một cách ý thức, nó có thể đem lại một sự xoay chuyển. Con sẽ có khả năng chấp nhận là mình độc đáo, là mình đặc biệt. Con đã xứng đáng trong cách mà Thượng đế đã tạo ra con. Con không cần phải độc đáo, đặc biệt hay xứng đáng so với bất cứ gì trên địa cầu, bất cứ tiêu chuẩn nào của địa cầu. Con không cần tốt đẹp hơn người khác và do đó con không cần hạ thấp người khác.

Con chẳng thấy hay sao, con yêu dấu, là trong những cộng đồng mà thày đang nói tới (nơi họ ngồi quanh và xác nhận lẫn nhau là mình thật đặc biệt), thật ra họ có một thái độ cực kỳ phán xét. Bất cứ ai không hội đủ những điều kiện được quy định trong cộng đồng của họ sẽ tự động bị đánh giá và ruồng bỏ. Con không thể thuộc vào công đồng đó trừ khi con sẵn sàng xác chứng cho mọi thành viên khác là họ đặc biệt. Nếu con chất vấn, con sẽ bị loại trừ và tống ra ngoài. Đó là một thái độ dựa trên sợ hãi, và thày mong muốn thấy con tìm được một niềm tự trọng dựa trên tình thương, và niềm tự trọng này đã nằm sẵn ở đó rồi. Không phải là chuyện phát triển, trau dồi hay thu hoạch, mà là chuyện mở tâm con ra để trải nghiệm và chấp nhận nó. Con chấp nhận đó chính là con người mà con là. Và con có giá trị.

Làm thế nào con có thể an bình trên địa cầu nếu con không biết là mình có giá trị, và giá trị này đến từ một nguồn vượt trên tất cả mọi thứ trên địa cầu? Thày không muốn con sống phần đời còn lại trong một trạng thái thiếu an bình, rồi ngay trước khi con rời khỏi tấm màn đời này, con có một giây phút minh mẫn và ngộ ra là mình chỉ cần làm một cuộc xoay chuyển đơn giản thì mình đã có thể sống trọn đời trong an bình. Thày không mong muốn con làm cuộc xoay chuyển đó vào giờ phút cuối đời.

Thày mong muốn con xoay chuyển ngay bây giờ hầu con sống phần đời còn lại trong an bình, biết rõ rằng mình đang làm công việc phụng sự cao đẹp nhất mà con có thể bằng cách con là chính mình, con là cánh cửa mở cho ánh sáng mà con là.

TA LÀ một cánh cửa mở cho Ánh sáng mà TA LÀ. Con có cảm được ánh sáng của thày? Đó là cùng ánh sáng đang ngụ trong con.

Serapis Bey TA LÀ.

Nhìn ra cơ hội tự thăng vượt 

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 6/1/2016.

Thày là chân sư thăng thiên Serapis Bey. Giờ đây chúng ta đã vượt qua một khúc ngoặt quan trọng trong đường hướng quyển sách này cũng như khóa tu mà con đang theo học với thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Tư. Như thày đã nói trong bài giảng trước, con đã đạt tới điểm chấp nhận thày nhiều hơn như là một vị hỗ trợ cho con. Con đang sử dụng động lực nội tâm riêng của con để bước chân trên đường tu. Thày không cần đưa ra điều gì để con đáp ứng hay phản ứng lại. Các thày cần theo động lực của con, và thày chỉ đơn giản tạo điều kiện cho con tự mình khám phá những gì sẽ nâng con lên cao hơn trên đường tu.

Bây giờ chúng ta đã đến tầng mức nơi con đối mặt với sự phối hợp giữa Tia thứ Tư của Thuần khiết với Tia thứ Năm, thường được gọi là tia của viễn quan hay tia chữa lành. Lẽ tự nhiên, hai cách gọi này có liên hệ với nhau. Tại sao con cần được chữa lành? Vì con không toàn vẹn. Tại sao con không toàn vẹn? Phải, vì con có một viễn quan méo mó hay hạn chế, con không có một viễn quan toàn vẹn. Hiển nhiên, việc làm sạch viễn quan là chìa khóa để chữa lành vì đó là chìa khóa để tăng triển. Tia thứ Năm, tất nhiên, cũng là tia của sự thị hiện, sự biến hóa thành vật chất, khi con sử dụng viễn quan của mình để tạo ra thay đổi trong thế giới vật chất.

Khi con đến được mức này và con mong muốn làm sạch viễn quan, thày sẽ dẫn con đi qua một loạt bước cụ thể trong các thể thanh cao hơn của con. Điều thày sẽ làm trong bài giảng này là đưa con qua một loạt bước trong tâm ý thức để giúp con hòa điệu vào bên trong, và con cũng vượt qua khai ngộ tại khóa nhập thất của thày. Như vậy con có thể vượt qua khai ngộ một cách ý thức và neo chặt bài học trong tâm ý thức cũng như trong ba thể cao hơn.

12.1. Sa nhân bóp méo viễn quan như thế nào

Điều đầu tiên thày muốn trình bày cho con là khái niệm về cách sa nhân đã và đang sử dụng viễn kiến. Dĩ nhiên, con sẽ thấy là trong thế giới có một số ý tưởng nhắm vào việc giới hạn viễn quan của con người, bóp méo hay hướng dẫn viễn quan đó theo một đường rày nhất định, vào một ngõ cụt như chúng ta có thể nói. Thày đã có giảng là có những ý tưởng được gài sẵn một cái móc năng lượng, nhưng thường khi những ý tưởng này hình thành một phin lọc. Nếu con muốn một minh họa, con có thể hình dung trước mắt con một dụng cụ giống như cái kính vạn hoa.

Con biết là kính vạn hoa có nhiều mảnh kính bên trong với những hạt thủy tinh. Ánh sáng rọi vào sẽ khoác màu sắc của thủy tinh, và khi hạt thủy tinh thay đổi vị trí, nhiều mẫu hình khác nhau được hình thành. Những ý tưởng do sa nhân tạo ra cũng tương tự như những mảnh kính trong kính vạn hoa bóp méo cái nhìn của con.  

Con cũng biết là bình thường con không thể nhìn xuyên qua kính vạn hoa, con không thể nhìn thấy bất cứ gì ở đầu bên kia. Điều thày mong muốn con nhận ra ở đây là ba thể cao hơn của con – bản sắc thể, trí thể, cảm thể – hình thành một loại kính vạn hoa.

Kính vạn hoa khác biệt thế nào so với ống nhòm? Nếu kính vạn hoa hoàn toàn không còn mẫu hình nào do kính màu tạo ra, thì con sẽ thấy rõ thế giới vật chất ra sao. Nhưng vì con có một số mẫu hình đủ màu trong ba thể cao, tầm nhìn của con bị hạn chế và bóp méo – nó bị tô màu bởi những ý tưởng mà con cầm giữ. Sa nhân vô cùng năng nổ và hung hãn khi chúng đề xướng các ý tưởng này; chúng không ngừng tìm đủ mọi cách để khiến cho mọi người tin vào đó. Điều thày muốn lưu ý con ở đây là công việc của sa nhân dễ dàng hơn con tưởng rất nhiều.

Nếu sa nhân có thể đưa con đi quá một cái gò nhất định thì chúng sẽ không phải lo lắng gì về con nữa. Khi đó, tâm con sẽ biến thành một vòng tròn khép kín, một xoắn ốc gây giới hạn cứ tự nó lớn mãi, một vòng xoáy hướng hạ. Sa nhân sẽ không cần giới hạn viễn kiến của con nữa, vì một khi chúng đã đưa con quá cái gò đó thì chính con sẽ tự hạn chế viễn kiến của con.

12.2. Mục đích việc mở rộng ý niệm bản ngã 

Chuyện đó xảy ra như thế nào? Để thày giải thích cho con một khía cạnh trong cách vận hành của vũ trụ vật chất. Con hiểu con là một đốm lửa tánh linh, là một sinh thể tâm linh. Các thày có giảng là cái đi xuống thể xác vật lý như phần nối dài của Hiện diện TA LÀ, là cái Ta Biết. Các thày cũng có nói đó là sự nhận biết thuần khiết, nghĩa là tự thân nó không chứa đựng bất kỳ giới hạn cố hữu nào. Con có thể khoác lấy bất kỳ vai trò nào mà con muốn trong vũ trụ vật chất, nhưng con cũng có thể thoát ra khỏi vai trò đó vì cái Ta Biết không bị vai trò biến đổi. Điều này được minh họa qua hình ảnh kính vạn hoa-ống nhòm. Cái Ta Biết không bị những tấm kính màu trong kính vạn hóa biến đổi. Cái nhìn của nó thay đổi nhưng cái Ta Biết thì tự nó không thay đổi. Do đó, con có thể gỡ mấy tấm kính đó ra và khiến cho cái nhìn của con được rõ ràng, tinh khiết bất cứ lúc nào.

Mục đích của vũ trụ vật chất là Tánh linh – mà con có thể gọi là Thượng đế hay Đấng Sáng tạo nếu con thích, hay con cũng có thể gọi là một sinh thể thăng thiên nơi cõi thăng thiên – nhìn vào bầu cõi chưa thăng thiên này và gửi xuống đó một phần nối dài của mình. Mục đích là để cho phần nối dài đó khởi sự với một ý niệm bản ngã vô cùng hạn hẹp, vô cùng cục bộ. Rồi qua tương tác với thế giới vật chất, phần nối dài đó sẽ mở rộng ý niệm bản ngã cho đến khi nó đạt tới điểm nó có thể thăng lên khỏi bầu cõi chưa thăng thiên và trở thành một chân sư thăng thiên.

Từ điểm đó, con có thể tiếp tục vươn lên những mức tâm thức cao hơn nữa, xuyên qua các bầu cõi thăng thiên trước đây để lên tới tận tâm thức của Đấng Sáng tạo. Khi con đạt đến tâm thức Đấng Sáng tạo, bấy giờ con sẽ có cùng khả năng nhận biết như Đấng Sáng tạo của con, ở cùng mức nhận biết và sáng tạo. Vì con đã không được sinh tạo ở mức này mà đã kinh qua toàn bộ tiến trình tăng trưởng tuần tự đó, con đem theo một kinh nghiệm lớn hơn hẳn, một nhận biết lớn hơn hẳn về cách biểu đạt sự sáng tạo của mình. Điều này có nghĩa là con được trang bị đầy đủ hơn rất nhiều để tạo dựng thế giới của con so với khi con chưa kinh qua tiến trình đó.

Nếu con đã được sinh tạo như một tờ giấy trắng, thì con đã phải thử nghiệm các khả năng sáng tạo của mình và đã có thể lầm lỗi. Điều minh triết ở đây là vì con đã khởi sự với khả năng sáng tạo hạn hẹp hơn hẳn so với Đấng Sáng tạo, cho nên các lỗi lầm của con cũng giới hạn và dễ khắc phục hơn. Khi thày nói “lỗi lầm”, tất nhiên thày đang dùng một từ mà con quen thuộc. Nhìn từ tâm thức thăng thiên, các thày không xem đó là lỗi lầm mà chỉ là những thử nghiệm đã không biểu đạt được trọn vẹn sinh thể mà con là. Điều này tất nhiên cũng áp dụng cho con trong thế giới vật chất. Đó là tại sao các thày không lên án con, và ý niệm xấu hổ và kết tội là do sa nhân đẻ ra.

12.3. Căn bản cho một tầm nhìn giới hạn

Khi con lần đầu tiên đi xuống như một sinh thể tân lập trong một bầu cõi chưa thăng thiên, con có một ý niệm bản ngã vô cùng cục bộ. Ở điểm này, như câu thành ngữ quen thuộc, con chỉ có một hướng đi mà thôi: “Con đường duy nhất là đi lên”. Khi con có được thêm kinh nghiệm trong bầu cõi chưa thăng thiên, con lần hồi mở rộng ý niệm bản ngã. Như thày Maitreya có giải thích trong sách, sẽ tới một điểm khi con không còn cần đi theo vị thày đang trợ giúp con mở rộng ý niệm bản ngã. Sẽ tới điểm con cần trở thành tự lực, nghĩa là con cần tự mình thử nghiệm thay vì chỉ làm những gì vị thày bảo con làm.

Hiển nhiên, chính ở điểm này con phải đối diện với cuộc khai ngộ được tượng trưng bởi tâm thức nhị nguyên. Đây là khai ngộ nơi thay vì con xem mình là phần nối dài của đoàn chưởng giáo bên trên con như thày đã có trình bày trong những bài giảng trước, giờ đây con xem mình là một sinh thể cá nhân, riêng rẽ, tách biệt. Con nghĩ con đang tạo dựng quyền lực riêng của mình, trải nghiệm riêng của minh. Ai ai cũng phải đối phó với trạng thái tâm thức này ở một mức độ nào đó.

Điều này không có nghĩa là con phải bước vào đó rồi ở lại và bị lạc lối trong đó. Nhưng tất nhiên có thể một số người sẽ chọn làm như vậy. Điều này tự nó không có gì sai trái, vì đó chỉ là thêm một trải nghiệm mà thôi. Điều có thể xảy ra ở điểm này là con hình thành một ý muốn bước vào một trạng thái quên mất mình là ai, để mà từ đó lại tăng triển trở lại và nhận biết cao hơn mình là ai. Một lần nữa, chuyện này không sai trái mà chỉ là thêm một trải nghiệm mà con có thể có trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Đây là điểm nơi con có thể đánh mất mối liên lạc ý thức với vị thày tâm linh của con, và như vậy con cũng đánh mất sự nhận biết ý thức, ý niệm bản sắc, rằng mình là một sinh thể nối kết, một thành phần của một cái gì lớn hơn bản thân mình.

Làm thế nào con có trải nghiệm đó? Như thày đã nói, con khởi đầu với một ý niệm nhận biết, một ý niệm bản ngã rất hạn hẹp, cục bộ. Con nhận biết con là thành phần của một cái gì lớn hơn, con nối kết với một cái gì đó. Con khởi sự sáng tạo trong một bầu cõi bảo bọc nơi con thường xuyên tiếp xúc với một vị thày tâm linh, có nghĩa là trong giai đoạn khởi đầu của sự tăng trưởng khả năng tự nhận biết, con mở rộng ý niệm bản ngã của con. Do đó con đạt được một ý niệm bản ngã lớn hơn là khi con bắt đầu. Con cũng có một ý niệm bản ngã lớn hơn những gì có thể được nhét vào trải nghiệm của một sinh thể tách biệt.

Làm thế nào cái Ta Biết có thể bước vào cái mà hầu hết con người trên địa cầu cảm nhận là ý niệm bản ngã bình thường để trải nghiệm nó từ bên trong – và đồng thời lại hoàn toàn tin chắc cái đó là thực? Làm thế nào con có được cảm giác thực tại đó, là cảm giác con là một sinh thể tách biệt sinh sống trong một thế giới tách biệt nơi không có kết nối trực tiếp nào với Thượng đế, hay có lẽ không có cả Thượng đế? Làm thế nào cái đó trở nên hiện thực đối với con?

Nó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tầm nhìn của con bị giới hạn. Như thày nói, con khởi đầu với một chiếc ống nhòm, xong con đút vào trong đó một số mảnh kính đủ màu sẽ giới hạn và bóp méo cái nhìn của con. Một lần nữa, không có gì sai trái với chuyện đó. Thật ra, đó không phải là một sự sa ngã, mà chỉ đơn giản là một cách khả dĩ mở rộng khả năng tự nhận biết của con.

Điều con làm như một người đồng sáng tạo là con cố tình tự đặt mình vào một trạng thái giới hạn hầu tăng triển từ đó. Con muốn nếm mùi trải nghiệm bước vào một bầu cõi không thăng thiên, mặc vào thể xác và tâm trí của một con người trên địa cầu và, lúc đầu, bị hoàn toàn chìm đắm trong trạng thái đó. Một lần nữa, khi con làm vậy thì theo một nghĩa nào đó, con ở trong cùng tình trạng như khi con được sinh tạo lần đầu: Con đường duy nhất là đi lên. Làm người trên địa cầu là một trạng thái tâm thức hạn hẹp đến độ thật sự con chỉ có thể đi lên trong ý niệm bản ngã – ít ra là trong trạng thái nguyên thủy.

Ý định mà con có lúc ban đầu là con sẽ đi vào bản sắc của một con người, và con sẽ lần hồi khuếch trương nó ra cho tới khi con sẵn sàng thăng lên khỏi bầu cõi chưa thăng thiên. Điều thày muốn nói là trong thiết kế nguyên thủy, trong ý định ban đầu của con, con sẽ tuần tự tăng triển khả năng tự nhận biết. Con sẽ liên tục đi lên cao hơn trong tự nhận biết. Con cất bước với một tầm nhìn giới hạn nhưng con sẽ lần hồi làm sạch tầm nhìn cho tới khi con lại tự thấy mình là một phần của đoàn chưởng giáo tâm linh ở trên con.

Điều mà các sa nhân đã thêm vào kịch bản nói trên và cũng là điều chúng đã thêm vào tình trạng trên địa cầu sau khi chúng được phép đầu thai ở đây, là con có thể bị mắc kẹt vào vai trò, con mắc kẹt trong tầm nhìn hạn hẹp đó. Thay vì vươn lên một viễn quan ngày càng tinh khiết hơn một cách liên tục và tuần tự, hoặc là con bị kẹt lại ở một tầng cấp nào đó, hoặc là thậm chí con bắt đầu rơi xuống một tầm nhìn ngày càng hạn hẹp hơn nữa.

12.4. Các điều kiện hiện thời giới hạn tầm nhìn như thế nào

Khi trái đất được các Elohim sinh tạo thuở ban đầu, có rất nhiều điều kiện mà con hiện chứng kiến ở đây không thể xảy ra. Đó là vì những người đầu thai trên địa cầu vào thời đó có một tầm viễn quan cao hơn, một ý niệm bản ngã cao hơn bây giờ.

Thuở đó, không thể xảy ra chuyện con người có thể rơi xuống một ý niệm bản ngã khiến họ sẵn lòng giết người, gây chiến và sát hại hàng triệu người. Hiển nhiên chuyện này con chứng kiến ngày nay, và nó cho con thấy sa nhân đã có khả năng tạo ra cái vòng xoắn ốc hướng hạ nói trên. Điều chúng làm là phối hợp hai loại tin tưởng khác nhau.

Trước hết là ý tưởng – một ý tưởng rất tinh tế và không được tỏ lộ công khai trong hầu hết các hệ thống tín ngưỡng trên địa cầu – rằng con là một sản phẩm của thế giới vật chất, hay con bất toàn theo nhiều cách. Do đó trong bản chất, con là một sinh thể giới hạn. Con sẽ nhận thấy là khi con quyết định đi xuống bầu cõi chưa thăng thiên này lúc ban đầu, mặc dù con khoác vào một tầm nhìn vô cùng hạn hẹp về bản thân, con vẫn biết là con không bị giới hạn trong ý niệm bản ngã đó. Con vẫn biết là con có tiềm năng mở rộng nó ra. Nhưng điều con chứng kiến ngày nay trên trái đất là biết bao người tin vào ý tưởng vi tế của sa nhân là con người bị quy định bởi giới hạn này hay giới hạn nọ. Họ không thể vượt lên cao hơn, họ không đang bước chân trên một con đường sẽ nâng cao ý niệm bản ngã và thanh lọc viễn quan của họ một cách hệ thống. Hoặc họ là một kẻ tội lỗi phải trông chờ một vị cứu thế từ ngoài đến giải cứu, hoặc họ là một con thú đã tiến hóa. Quá nhiều người tin mình tự thân là giới hạn.

Lớp lừa dối thứ nhì của sa nhân là có những điều kiện trên địa cầu mà con không có cách gì thay đổi, và tự thân con bị chúng giới hạn. Điều này bây giờ có nghĩa là con người bị đặt vào một tình trạng thật lạ lùng về mặt viễn quan. Trước tiên, con tin là con không có khả năng, hay không xứng đáng nâng cao viễn quan một cách ý thức. Xong thêm vào đó, con cũng cho rằng các điều kiện hiện tại trên địa cầu không do con tạo ra, cho nên con không có cách chi thay đổi được.

Con không thể nhìn xa hơn các điều kiện hiện tại. Con không thể nhìn thấy những điều kiện cao hơn có thể là một khả năng thực tế. Viễn kiến của con trở thành một vòng xoắn ốc hướng hạ tự nó trở nên hiện thực, tự nó nuôi dưỡng cho lớn mãi. Con không thể nâng cao viễn kiến về thế gian và về chính con. Và điều này phải có nghĩa – theo lực của Mẹ, tức lực co lại – là con sẽ hạn chế con nhiều hơn nữa. Một khi con đi quá cái gò đó, con sẽ không còn mẫn cảm, không còn cởi mở đối với sự hướng dẫn trực tiếp của các chân sư thăng thiên nữa. Con trở thành mẫn cảm với Trường đời Cay đắng, và bây giờ chỉ còn vấn đề là các điều kiện của con sẽ cần bị hạn chế tới mức nào, viễn kiến của con cần bị giới hạn tới mức nào, đau khổ của con cần to lớn tới mức nào, trước khi con quyết định là chuyện này thật không ổn và do đó con cần phải thay đổi cách tiếp cận của mình.

Là một học trò tâm linh, tất nhiên con không hoàn toàn bị kẹt trong vòng xoắn ốc hướng hạ đó, vì nếu con bị kẹt như vậy thì con đã không thể theo học khóa tu này – con đã ở mức thấp hơn hẳn tầng tâm thức 48 và con đã không có hy vọng nâng mình lên cao hơn. Một lần nữa, thày hoàn toàn không chê trách con về viễn quan giới hạn hiện thời của con. Như thày có nói, vai trò của thày là giúp con, và thày không đòi hỏi con đứng ở mức cao kia – nơi con không cần thày giúp – trước khi thày trao cho con sự trợ giúp là tình thương và niềm vui của thày.

12.5. Những ý tưởng vi tế hạn chế viễn quan

Điều thày đang chỉ ra cho con là con vẫn cần phải làm sạch viễn quan cho không còn những ý tưởng rất, rất vi tế mà con đã quen chấp nhận. Điều thày hy vọng con đang bắt đầu hiểu ra, dựa trên những gì thày đã giảng cho tới giờ, là một số những ý tưởng đó vô cùng tinh tế. Có biết bao điều kiện trên địa cầu mà tuyệt đại đa số loài người không thể tưởng tượng là họ có thể đặt lại vấn đề. Con có thấy hầu hết mọi người bị giới hạn tới chừng nào hay không?

Con đã bắt đầu chất vấn ý tưởng mình là một kẻ tội lỗi hoặc một con thú tiến hóa. Con đã nhận ra là mình không phải là hai thứ đó mà là một sinh thể tâm linh. Con có tiềm năng nâng cao tâm thức, nâng cao ý niệm bản ngã của mình. Liệu con có bắt đầu cảm nhận được là chỉ vì con đã lớn lên trong một thế giới hạn chế như địa cầu, con đã dần dần chấp nhận rất nhiều điều kiện và giới hạn mà con cho là không thể chất vấn? Bây giờ con đang ở mức mà bước kế tiếp tự nhiên cho con là bắt đầu chất vấn một số thứ đó.

Ở điểm này, thày cần con bước lên một bước và nhận ra là con đã khởi sự xây dựng một ốc xoáy hướng thượng rồi. Thày có nói là hầu hết mọi người đều bị mắc kẹt trong một ốc xoáy hướng hạ giới hạn tầm nhìn và cứ tự nó lớn mãi. Sự kiện con đã bước vào con đường tâm linh và theo học khóa tu này có nghĩa là con đang xây dựng một ốc xoáy hướng thượng. Cho tới giờ, có thể con chưa vượt qua khúc rẽ khi vòng xoáy hướng thượng này trở nên hoàn toàn tự lực.

Thày không bảo là ở mức này con cần đạt tới điểm không cần đến một vị thày nữa. Hiển nhiên chúng ta đang ở ngay giữa khóa tu tự điều ngự này, và ở trên thày còn có ba vị Thượng sư nữa sẽ dẩn con đến tầng tâm thức 96. Điều thày muốn nói là có thể sẽ tới một điểm khi con nhận ra trong ý thức là con cần mở rộng viễn quan, con muốn mở rộng viễn quan, và điều này có nghĩa là con cần tra vấn những thứ mà con xem là bình thường, là đương nhiên. Con cần tra vấn ngay cả những thứ mà con không nghĩ tới tra vấn và hầu hết mọi người cũng không nghĩ tới tra vấn. Sẽ dễ hơn cho con rất nhiều nếu con nhận diện trong ý thức đây là điều con thật sự muốn làm ở điểm này.

Như thày có nói, kể từ điểm này ở khóa nhập thất của thày, thày sẽ là một vị hỗ trợ. Thày không ép con, thày không đối chất con hay tạo bất kỳ áp lực nào trên con. Thày hỗ trợ, và con phải cung cấp sức mạnh đi tới, cung cấp động cơ và ý muốn. Sẽ thật hữu ích cho con nếu trong tâm ý thức con xoay chuyển nhận thức để thấy rằng mình thật sự muốn giải thoát khỏi một viễn quan giới hạn, và con chỉ làm được điều này nếu con tra vấn trong ý thức những gì mà hầu hết mọi người đều không tra vấn.

12.6. Quyền tự quyết giới hạn thế nào những gì con có thể thay đổi

Ở điểm này, thày cần con nhận ra một điều về cách vận hành của quyền tự quyết. Con đang sống trên một hành tinh với hơn bảy tỷ người khác. Mỗi người đều có một cái Ta Biết với quyền tự quyết. Qua một quá trình rất dài và phức tạp, mỗi sinh thể đang hiện thân trên địa cầu đã đạt đến ý niệm bản ngã hiện thời của họ, viễn quan hiện thời của họ. Nếu con nhìn trở ngược lịch sử, con sẽ thấy còn nhiều dòng sống hơn nữa đã đầu thai trên địa cầu suốt thời gian đó. Suốt một thời gian rất dài, như Maitreya đã giải thích, loài người đã đồng sáng tạo ra các điều kiện hiện thời trên trái đất, và trong phần lớn thời gian đó, con người đã bị sa nhân ảnh hưởng.

Như thày đã giải thích, điều này đã dẫn đến một số định luật phụ thuộc của thiên nhiên được tạo dựng. Từ mức bản sắc mà đa số loài người đều mang, từ trạng thái tâm thức dựa trên sợ hãi, con không có cách chi vượt qua hay tránh né các định luật phụ thuộc này. Điều này đúng như vậy: Từ mức tâm thức đó, quả thực là không có cách chi con có thể tránh né được, vì một lý do rất giản dị.

Thày đã nói là con không thể khắc phục lòng sợ hãi nếu động lực của con dựa trên sợ hãi. Cũng vậy, con không thể khắc phục sự thiếu vắng viễn quan bằng chính ý niệm viễn quan mà con hiện có – một viễn quan dựa trên những điều kiện mà con đang chứng kiến trong thế giới vật chất. Nguyên cái đó hình thành một vòng tròn khép kín.

Hẳn con từng nghe câu thành ngữ quen thuộc là con không thể tự nhấc mình lên bằng cách kéo sợi dây giày. Liệu con đã suy nghĩ về ý nghĩa câu này một cách ý thức hay chưa? Con thử tưởng tượng con đang đi một đôi giày bốt có dây buộc bên cạnh. Con đứng trên mặt đất, đưa tay xuống nắm lấy dây giày và cố hết sức kéo nó lên. Chắc chắn con nhận thấy là để tạo lực nhấc mình lên khỏi mặt đất, thân con phải tạo ra một lực mạnh tương đương đẩy xuống đất. Đây chính là cơ học của vũ trụ vật chất: tác dụng và phản tác dụng. Cho mỗi tác dụng sẽ có một phản tác dụng mạnh tương đương trong hướng ngược lại. Khi con mang viễn kiến xem mình là một con người và các định luật phụ thuộc của thiên nhiên là không thể khắc phục, thì tất nhiên, con không thể vượt qua các định luật phụ thuộc đó. Tại sao con không thể vượt qua? Bởi vì trong tâm con không thể nhìn thấy chuyện vượt qua là khả dĩ. Và tại sao con không thấy được chứ? Bởi vì con đang nhìn qua cái kính vạn hoa của ba thể phàm cao hơn – và tâm ý thức của con thì nằm ở dưới đáy chiếc kính đó.   

Các thày có nói cái Ta Biết có khả năng bước vào bất kỳ vai trò nào mà nó muốn khoác lấy, rồi trải nghiệm từ bên trong và kinh nghiệm vai trò đó là hoàn toàn hiện thực. Đối với hầu hết mọi người, cái Ta Biết đặt tâm điểm nơi cơ thể vật lý. Khi con nhìn thế gian, con nhìn qua nội dung của ba thể cao nhưng con không biết là con đang nhìn qua chúng.

Cũng giống như con đeo cặp kính màu mà không hay biết là mình đang đeo kính màu. Từ nhãn quan đó, con không thể tra vấn nội dung của ba thể cao của con, con không thể chất vấn những gì con thấy và nhận ra là nó đã bị biến dạng. Đó là tại sao con không thể thay đổi bất cứ gì. Con không thể thay đổi những điều kiện mà con cho là đã được các định luật phụ thuộc của thiên nhiên tạo ra và con không có quyền hành gì trên chúng.

Và đây là điểm khá tế nhị mà con cần phải suy ngẫm thật cẩn thận bằng tâm ý thức. Trên địa cầu có bảy tỷ người đang đầu thai. Hầu hết mọi người đều có một viễn quan rất giới hạn, một ý niệm bản ngã rất giới hạn. Họ chấp nhận các định luật phụ thuộc của thiên nhiên là không thể vượt qua. Họ chấp nhận các điều kiện hiện hữu phần lớn không thể thay đổi. Đây là trải nghiệm mà họ đang muốn có ngay bây giờ. Hầu hết đều chưa sẵn sàng đi xa hơn trải nghiệm đó, họ vẫn chưa chán chê trải nghiệm đó.

Là một sinh thể tâm linh, con có quyền tự quyết cá nhân, nhưng con không thể đi ngược lại quyền tự quyết của bảy tỷ người. Trên trái đất có những điều kiện mà cá nhân con không thể thay đổi. Ngay cả nếu con có quyền năng làm chuyện đó thì nó cũng vi phạm quyền tự quyết của bảy tỷ người kia. Vậy làm thế nào con có thể bước chân trên đường tu tâm linh? Có thể chứ, như thày đã nói rồi, nếu con nhận ra là không có điều kiện nào trên địa cầu có thể ngăn con nâng cao tâm thức của con. Điều thày mong muốn con làm bây giờ là bước lên một bước và nhận ra là không những các điều kiện hiện thời không thể ngăn con tăng triển, mà chúng còn có thể hỗ trợ cho con tăng triển.

12.7. Các giới hạn giúp con tăng triển như thế nào

Con có thấy chăng, con yêu dấu, là ngay cả khi con là một đệ tử tâm linh – hay có lẽ, đặc biệt khi con là một đệ tử tâm linh – con đã trở nên nhẹ dạ đối với cái mà các thày gọi là tư duy cuồng đại của sa nhân? Nếu con nhìn loài người khắp thế giới, con sẽ thấy rất nhiều người sống trong một trạng thái tâm thức chấp nhận mọi điều kiện trên địa cầu y như vậy. Họ không nghĩ các điều kiện này có gì sai trái, thiếu sót. Họ không nghĩ là đang có một cuộc chiến hoành tráng giữa Thượng đế và ác quỷ, và các điều kiện hiện hành là do ác quỷ gây ra. Họ chỉ vui lòng sống cuộc đời của họ trong thế giới vật chất.

Thày không bảo đó là điều con nên cố đạt được, mà thày muốn chỉ cho con thấy là họ không hề có ý niệm có chuyện gì sai trái, cần thay đổi. Nhưng hiển nhiên con cũng thấy có nhiều người sùng đạo, hay ngay cả những người không theo tôn giáo nào và đặc biệt nhiều người tâm linh, mang tư duy là có điều gì thật sai trái trên địa cầu, có điều gì thiếu sót, không lý tưởng và cần phải thay đổi.

Một lần nữa, các điều kiện hiện thời không phải là lý tưởng. Đó không phải là những điều kiện do các Elohim thiết lập. Chúng gây ra rất nhiều đau khổ và tất nhiên, muc đích của các chân sư thăng thiên là thay đổi chúng đi. Tuy nhiên, muc đích của các thày là thay đổi chúng trong khuôn khổ Định luật Tự quyết, và vì vậy các thày tìm cách giúp đỡ và tạo linh hứng cho loài người nâng cao viễn kiến. Không phải các thày ra tay thay đổi mà là nhân loại qua viễn kiến cao hơn của mình. Điều con cần làm để vươn lên mức cao hơn, để vượt qua mức khai ngộ thứ năm tại khóa nhập thất của thày, là bắt đầu tra vấn toàn bộ tư duy cuồng đại. Tất nhiên, phần nào con đã làm công việc đó rồi, nhưng thày đặc biệt cần con chất vấn ý tưởng cho rằng cac điều kiện hiện thời là phản tâm linh và chúng có thể ngăn cản sự tăng triển tâm linh của con.

Sa nhân có nhiều tầng lớp khác nhau trong chiến lược giữ chặt nhân loại trong vòng tròn khép kín, trong ốc xoáy hướng hạ tự tăng cường nói trên. Một tầng, dĩ nhiên, là giữ cho con người tập trung vào thế gian và các thú vui vật chất. Đây là những người mà thày vừa nói là họ vui sướng trong thế giới vật chất, vui lòng chấp nhận các điều kiện hiện tại (hay có lẽ họ không vui sướng nhưng vẫn chấp nhận các điều kiện hiện tại), và họ bị mắc kẹt ở mức này. Ho nghĩ là không có gì có thể làm được để mà thay đổi.

Xong có một tầng lớp cao hơn là những người đã bắt đầu nhận ra có gì không ổn, không đầy đủ. Sa nhân cũng đã thành công đánh bẫy những người này vào ý tưởng một cuộc chiến cuồng đại giữa Thượng đế và ác quỷ nơi họ không chắc là ai sẽ chiến thắng.

Như các thày đã giải thích trước đây, không hề có một cuộc chiến cuồng đại nào giữa Thượng đế và ác quỷ, bởi vì Thượng đế, Đấng Sáng tạo, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ gì xảy ra trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Đó là tại sao mới có một bầu cõi chưa thăng thiên tương tự như một bãi chơi cát, nơi tất cả mọi thứ đều có thể được dựng lên rồi dễ dàng được xóa bỏ và không có gì là vĩnh viễn. Sa nhân không thể tạo ra cái gì vĩnh viễn có khả năng chống lại Thượng đế. Chúng muốn con tin là chúng đã làm được vậy, và vì thế chúng muốn con hoặc bị kẹt vào giao tranh với chúng, hoặc bị kẹt vào nỗi khổ não hay lo sợ không biết thế giới sẽ có được cứu vãn hay không.

12.8. Con luôn luôn có khả năng thăng vượt

Đó chính là điều mà thày cần con bước ra khỏi, hầu con nhận ra là cho dù điều kiện hiện thời có là gì, thì sa chân và những điều kiện mà chúng tạo ra không thể ngăn con tự thăng vượt. Tự thăng vượt nghĩa là gì? Trong bản chất, đó là khi con thăng vượt điều kiện mà con đang đối mặt ngay lúc này. Cho dù điều kiện đó có thấp kém đến đâu đi nữa, con vẫn có khả năng thăng vượt. Đây là lời dối trá mà sa nhân đã quảng bá dưới nhiều hình thức khác nhau khi chúng bảo có những điều kiện thấp kém đến độ con không thể sử dụng để tự thăng vượt.

Con có thấy điều thày nói trước đó? Khi ban đầu con bước xuống tâm thức tự xem mình là một sinh thể tách biệt, con vốn mang sẵn nhận biết là mình có khả năng thăng vượt ý niệm bản ngã hiện hữu để vươn lên cao hơn. Hầu hết mọi người trên địa cầu đều đã tin vào lời dối của sa nhân rằng điều đó không thể làm được. Nhưng con tất nhiên, con cảm nhận là mình có thể, vì nếu không thì con đã không cất bước trên đường tu.

Nhưng con vẫn còn nơi ba thể cao rất nhiều niềm tin vi tế là một số điều kiện không tâm linh sẽ không hỗ trợ sự tăng triển tâm linh của mình. Đây là một vấn đề viễn quan. Khi con nhìn thế giới qua các niềm tin gây giới hạn trong ba thể cao, toàn bộ tầm nhìn của con khiến con tưởng là có rất nhiều điều kiện không tâm linh sẽ ngăn chặn bước tiến tâm linh của con. Nếu con nhìn trở ngược đời mình, nhìn vào các tin tưởng hiện tại của mình, nếu con nhìn vào một số giáo lý tâm linh mà con đã tìm hiểu và thực hành, con sẽ thấy ý tưởng đó hình thành một bối cảnh vô cùng vi tế cho mọi tin tưởng và cách nhìn đời của hầu hết mọi người. Nó rất, rất vi tế. Ở mức thấp nhất, nó bảo con là trên địa cầu có những điều kiện không thể thay đổi mà con không thể thăng vượt. Ở mức cao hơn một chút khi con ý thức được đường tu tâm linh, con sẽ vẫn cảm nhận là một số điều kiện xảy ra không thể hỗ trợ cho sự tăng triển tâm linh của con. Và do đó con bị kẹt trong ý tưởng là hoặc con phải thay đổi các điều kiện này đi, hoặc con phải tránh né chúng và trốn chạy khỏi chúng.

Điều thày muốn chỉ ra cho con thật giản dị: Khi con nhìn vào đời mình ngay bây giờ, thày chắc chắn sẽ có một số điều kiện mà con nghĩ con không thể thay đổi. Có thể con không thay đổi được là vì viễn quan của con quá giới hạn. Cũng có thể con không thay đổi được, như thày vừa giải thích, là vì muốn thay đổi thì con sẽ phải vi phạm quyền tự quyết của bảy tỷ người kia, hoặc quyền tự quyết của một số người trong gia đình hay trong xã hội. Con là thành phần của một đơn vị tập thể và những thành viên của đơn vị tập thể đó có một viễn kiến nào đó. Con không nhất thiết có khả năng thay đổi những điều kiện này.

12.9. Lời dối vi tế rằng con không thể thăng vượt

Điều con có thể làm được là thay đổi cách con nhìn những điều kiện đó để con xoay chuyển. Thay vì coi đó là những chướng ngại cản trở sự tự thăng vượt, con xem chúng là những cơ hội, là những hỗ trợ cho tự thăng vượt. Thay vì nhìn vào một điều kiện, sợ hãi nó, cảm thấy ân hận và đau khổ vì nó, nghĩ rằng: “Ồ, tôi phải thay đổi nó đi, tôi phải lánh xa để làm người tâm linh,” thì giờ đây con có thể nhìn vào điều kiện đó và nói: “À, thật là một cơ hội quá tốt để tôi tự vượt thăng.” Đây là một sự xoay chuyển vĩ đại trong khả năng tự nhận biết. Nhiều người đã bước chân trên đường tu hàng 30, 40 năm mà không thực hiện được cuộc xoay chuyển này. Thày nói với con là con đang ở mức trong khóa tu tự điều ngự này nơi con có khả năng xoay chuyển được như thế, và thày đang ở đây để giúp con. Thày sẽ làm tất cả trong khả năng mình khi con tham dự khóa nhập thất của thày trong các thể thanh cao. Điều chính con có thể làm là suy ngẫm những ý tưởng vừa kể trong tâm ý thức của con.

Con cũng có thể biểu đạt – hay đúng hơn, nhận biết – sự kiện con đã có một ý định dựa trên tình thương để thực hiện cuộc xoay chuyển đó. Thày đã nói là thày không muốn con sống phần đời còn lại trong nỗi sợ chết và chỉ khắc phục được trên giường hấp hối. Thày không muốn con sống phần đời còn lại mà vẫn xem các điều kiện trên địa cầu là kẻ thù cho sự phát triển tâm linh của mình, trong khi thật ra, con có thể xoay chuyển để xem chúng là cơ hội.

Con yêu dấu, con chẳng thấy là lời dối của sa nhân vô cùng giản dị hay sao? Trước tiên là niềm tin là các điều kiện hiện hữu trên địa cầu không đạt tiêu chuẩn và phải tốt đẹp hơn. Sau đó là niềm tin, vì con là người tâm linh cho nên con đang phấn đấu để trở thành tốt hơn, con phấn đấu để bước vào một thế giới tốt đẹp hơn nơi các điều kiện sẽ cao hơn bây giờ. Con biết là để bước vào thế giới cao hơn đó, con phải tự thăng vượt. Lời gian dối mà sa nhân quảng bá là bảo rằng trong thế gian có những điều kiện tồi tệ đến độ con không thể sử dụng để tự thăng vượt. Con phải hoặc giao chiến với chúng và thay đổi chúng, hoặc con phải xa lánh khỏi chúng.

Con chẳng thấy chúng đang cố bảo gì hay sao? Tự thăng vượt nghĩa là gì chứ? Đó là khi con nhận ra điều kiện hiện hữu là kém cỏi, con nhận ra khả năng mình có thể là hơn vậy, rồi con chuyển đổi ý niệm bản ngã, rời bỏ cái kém để là cái hơn. Con chẳng thấy tinh túy của sự tự thăng vượt là đi từ cái kém sang cái hơn hay sao? Dù cái kém có thấp kém tới đâu, thật chẳng có gì quan trọng vì con luôn luôn có thể chuyển sang cái hơn. Sa nhân cố khiến con tìn là có một số điều kiện kém cỏi đến độ con không thể chuyển từ cái kém sang cái hơn.

Con chẳng nhìn ra sự lừa dối ở đây hay sao? Cho dù điều kiện đó có thấp kém tới đâu, con cũng luôn luôn có khả năng đi từ cái kém lên cái hơn. Thật ra, nếu nó càng thấp kém thì việc đi lên sẽ càng dễ dàng hơn, bởi vì sự tương phản sẽ càng rõ ràng hơn giữa điều kiện mà con nhìn thấy với tâm vỏ ngoài, so với thực tại – thực tại cao hơn – mà con cảm nhận được trong tim.

12.10. Con đã dư biết lời dối là một lừa dối

Con chẳng thấy những xoay chuyển khó khăn nhất trên đường tâm linh là những xoay chuyển vô cùng vi tế hay sao? Đó là khi con chỉ thấy được một sự khác biệt nhỏ nhoi giữa viễn kiến mà con có trong tâm ý thức – qua kính vạn hoa của ba thể cao của tâm phàm – và viễn quan cao, viễn quan trực giác. Con chẳng thấy điều thúc đẩy con bước đi trên đường tâm linh là vì con có phần nào viễn quan nội tâm hay sao? Hẳn là con đã có một viễn quan trực giác cao hơn đến từ Hiện diện TA LÀ của con cũng như từ các chân sư thăng thiên.

Đây là điều cho con cảm nhận về một cái gì hơn nữa. Đồng thời, tất nhiên là trong cuộc sống hàng ngày con vẫn nhìn qua kính vạn hoa của bốn thể phàm và con vẫn nhìn thấy một viễn kiến thấp hơn hẳn. Cho tới giờ, con đã cho rằng cái con thấy trong viễn quan trực giác là một thực tại cao hơn đang hiện hữu nơi một cõi cao hơn. Điều này không sai, nhưng cho tới giờ con cũng cho rằng cái con thấy qua kính vạn hoa của bốn thể phàm cũng là một thực tại đang hiện hữu trong thế giới vật chất.

Sự xoay chuyển mà thày yêu cầu con thực hiện là nhận ra những gì con thấy qua kính vạn hoa của bốn thể phàm không phải là thực tại; đó chì là một nhận thức. Các chân sư khác cũng đã đề cập đến điều tương tự. Đức Phật Gautama đã nói về nhận thức, thày Maitreya đã nói về nhận thức trong sách của thày, và đức Mẹ Mary cũng nói về nhận thức trong “Khóa học về sự dồi dào”.

Không phải là không có một thực tại vỏ ngoài dưới hình dạng một số điều kiện trong thế giới vật chất. Chúng có mặt ở đó, chúng đã được loài người đồng sáng tạo, nhưng con không đang thấy những điều kiện đó. Con đang thấy một hình ảnh mà thôi, và hình ảnh này là do bốn thể phàm của con tạo dựng.

Để tăng triển trên đường tâm linh và nâng cao ý niệm bản ngã, con không phải thay đổi các điều kiện vỏ ngoài, mà con chỉ phải thay đổi viễn quan nội tâm. Con không phải thay đổi bất cứ gì bên ngoài chính con, mà con chỉ phải thanh tẩy viễn quan của con. Khi con thanh tẩy viễn quan, thanh tẩy nội dung của bốn thể phàm, con sẽ bắt đầu nhìn thấy các điều kiện trong thế giới vật chất y như thày nhìn thấy. Thày không nhìn chúng như là mối đe dọa hay chướng ngại trên đường tự điều ngự.

Thày đã có nói về một Trường đời Cay đắng, và những cú giáng của trường đời phải cay đắng tới chừng nào thì người ta mới bắt đầu thức tỉnh rồi mong muốn hơn nữa. Con chẳng thấy là theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói là các sa nhân đang làm ơn cho các thày khi chúng kéo mọi chuyện xuống ngày càng thấp hơn hay sao? Vì khi các điều kiện trở nên càng dày đặc và sơ khai, thì sự tương phản sẽ càng lớn hơn giữa những gì con thấy được qua tâm phàm và những gì con nhận biết ở bên trong. Chỉ là vấn đề thời gian khi khoảng cách trở nên to lớn đến độ con người sẽ nhận ra là phải có một cách tiếp cận nào khác đối với cuộc sống.

Thày biết đây không phải là một sự thể lý tưởng. Thày không đang tìm cách bào chữa cho sa nhân hay bảo rằng chúng chỉ đang làm những chuyện mà chúng nên làm. Thày không biện minh cho sự tàn ác mà con chứng kiến trên trái đất. Thày chỉ đang chỉ ra cho con thấy là ở mức khai ngộ hiện thời của con, việc xoay chuyển tâm con là chuyện khả thi, khi con nhận ra là không có một điều kiện nào mà con đối mặt là một trở ngại cho việc tự thăng vượt. Đó chính là một sự hỗ trợ cho con tự thăng vượt.

12.11. Định luật Tự thăng vượt

Con hãy thử lấy một điều kiện con phải đối diện trong đời ngay lúc này mà con cho là – hay đã từng cho là – phản tâm linh, một kẻ thù cho sự phát triển tâm linh của con. Điều thày muốn chỉ ra cho con là con có thể xoay chuyển để nhận ra điều kiện đó chỉ có vẻ là một chướng ngại cho con nếu con nhìn nó xuyên qua một ý niệm bản ngã nhất định. Bản ngã này được tạo thành từ các điều kiện trong bốn thể phàm của con. Nếu con nghĩ một cái gì đó là phản tâm linh, thì điều này cho thấy con có một ý niệm bản ngã giới hạn dựa trên một viễn quan không thuần khiết.

Chính điều mà con đang nghĩ là một chướng ngại cho sự phát triển tâm linh thật ra là cơ hội lớn nhất để con nhìn ra viễn quan giới hạn của mình và khởi sự thay đổi nó. Có một định luật hiện hành trên địa cầu, và có thể nói định luật này quy định điều kiện cho tự thăng vượt. Định luật này nói rằng con sẽ không thoát ra khỏi bất kỳ điều kiện nào trên địa cầu cho tới khi con hoàn toàn chấp nhận nó như nó hiện là, và chấp nhận là nó không hạn chế được mình như một sinh thể tâm linh.

Vậy con có thấy tư duy cuồng đại đã làm gì cho rất nhiều người tâm linh? Ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên cũng đã, ở một mức độ nào đó, củng cố cho xu hướng này khi họ lần đầu tiên tiếp xúc với giáo lý của các thày. Họ nghĩ là họ cần phải cưỡng chống lại một số điều kiện và không được chấp nhận chúng. Điều thày muốn nói là như sau: Một khi con thực sự hiểu được những gì thày đã nói với con, con sẽ hiểu là các điều kiện hiện thời là do những người sử dụng quyền tự quyết tạo ra. Thượng đế đã ban cho họ quyền làm như vậy.

Có người khác đã tạo ra một số điều kiện nào đó và chúng đang ảnh hưởng đến con, nhưng họ đã tạo ra những điều kiện này qua một ý niệm bản ngã giới hạn. Tại sao chúng lại ảnh hưởng đến con? Bởi vì con mang ít nhất một số yếu tố của ý niệm bản ngã giới hạn đó trong bốn thể phàm của con. Nếu không thì con đã không bị chúng ảnh hưởng gì hết, con sẽ không phản ứng lại chúng, con sẽ không cưỡng chống lại chúng, con sẽ không bị phiền hà hay bị hạn chế, hay cảm thấy chúng sẽ kềm hãm sự phát triển tâm linh của mình. Thậm chí con sẽ không có cả ý muốn thay đổi chúng. Các điều kiện đó sẽ hoàn toàn không quan trọng, không liên quan gì tới con.

Con chẳng nhận ra là trên địa cầu có rất nhiều điều kiện mà con không quan tâm hay sao? Con có thể đã lớn lên trong một môi trường nơi nước uống sạch là chuyện tự nhiên, nhưng một tỷ lệ đáng kể dân số trên thế giới không thể lấy nước sạch từ vòi nước, thậm chí nhiều người còn không có cả vòi nước. Vì lý do gì con nên quan tâm đến vấn đề này khi con đã lớn lên trong một xã hội không có vấn đề đó?

Điều thày muốn nói là những điều kiện mà con quan tâm, trên thực tế không giới hạn con nhiều hơn là những điều kiện mà con xem là không can hệ. Điều quan trọng là con xoay chuyển, qua đó con nhận ra là nếu con thăng vượt ý niệm bản ngã mà cho tới giờ con đã sử dụng để nhìn vào điều kiện, thì điều kiện đó sẽ không còn xáo trộn con nữa.

12.12. Thay đổi tâm có thể thay đổi ngoại cảnh

Điều đó không có nghĩa là điều kiện sẽ được thay đổi, bởi vì nó vẫn được cầm giữ trong tâm thức tập thể của người khác. Mà điều đó có nghĩa là điều kiện sẽ không còn giới hạn con nữa. Trong nhiều trường hợp, một khi con đạt tới điểm con thăng vượt được một điều kiện nào đó bằng cách chấp nhận là nó có mặt nhưng không ảnh hưởng được con, thì có thể con sẽ nhận thấy hoàn cảnh vỏ ngoài của con sẽ thay đổi, và con sẽ thoát xa khỏi điều kiện đó.

Như thày đã nói, sứ giả này đã quyết định là ông muốn thăng vượt ý niệm bản ngã đã hấp dẫn một số người về phía ông, và ông đã không còn hấp dẫn những loại người đó nữa. Nhiều người đã có cùng một trải nghiệm, và một điều tương tự cũng xảy ra cho các điều kiện vật lý ngoại cảnh. Thay đổi có thể xảy đến trong đời con một cách thật lạ lùng một khi con khắc phục được ý niệm bản ngã đã khiến con cho rằng con không thể là người tâm linh nếu một số điều kiện có mặt.

Con có khả năng là người tâm linh cho dù con phải đối diện với hoàn cảnh thế nào đi nữa. Rất nhiều người đã chứng tỏ điều này suốt các thế kỷ và suốt các thời đại. Con đang ở đây để chứng tỏ điều này trong thời đại hôm nay. Đó chính là lý do tại sao con đã tình nguyện đi vào hiện thân vào thời buổi này. Thày không đang nói với con điều gì mà con chưa biết trong nội tâm. Thày chỉ nhắc nhở con, hầu con có thể xoay chuyển trong nhận biết ý thức và khởi sự nhìn đời mình cũng như hoàn cảnh vỏ ngoài của mình với tinh thần chấp nhận mới mẻ rằng đây chính là một cơ hội vĩ đại để con tự thăng vượt.

Serapis Bey TA LÀ, và mỗi giây trong mỗi phút trong mỗi giờ mỗi ngày, thày đang tự thăng vượt. Thày ở đây là đề giúp con làm tương tự. Con hãy nắm lấy tay mà thày đang dang ra cho con và chúng ta sẽ cùng nhau bước lên cao hơn trên con đường tự thăng vượt huy hoàng mà Đấng Sáng tạo của chúng ta đã cống hiến cho chúng ta.

Phát triển ý định tự lực

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapia Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/1/2016.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Mục đích của thày trong bài giảng này là cho con một số gợi ý có ý thức sẽ giúp con vượt qua các khai ngộ trên tầng thứ tư ở khóa nhập thất của thày. Và tất nhiên, đây là tầng mà con nhận được một liều tinh khiết gấp đôi.

Để bắt đầu, thày mong muốn con nhận ra là bây giờ con đã đạt tới điểm trên đường tu tâm linh – con đường tự điều ngự – nơi con cần biểu hiện động lực tự lực mà con đã vốn có, đã mang sẵn, để bước trên đường tu. Các Thượng sư biết rõ là các thày phải khởi sự thật dịu dàng với mọi người. Ở ba tầng đầu, các thày đã cho con một số giáo lý, một số kỹ thuật mà con có thể ứng đáp. Khi làm vậy, như thày đã trình bày trong bài giảng trước, các thày nhìn nhận là đối với hầu hết mọi người, cuộc sống từ quá lâu đã là một trận đấu quần vợt nơi con quen có một ai đó đánh banh lại cho con, và do đó con luôn luôn có một điều gì đó để mà phản ứng lại. Các thày cần con đạt tới điểm mà động lực để bước chân trên đường tu không còn là một sự phản ứng đối với, hay đối lại, bất cứ gì trong thế giới vật chất.

Các thày hiểu rất rõ đây có thể là một khai ngộ khó khăn vì nhiều người trong các con – cho dù con có nhận thức được trong ý thức hay trong trực giác – cũng biết từ lâu là có một lực chống lại tiến bộ tâm linh của con. Con có thể gọi đó là thế lực bóng tối, là thế lực của cái ác, là sa nhân hay bất cứ tên gọi nào khác. Sau khi con đã biết chuyện này từ lâu, lẽ tự nhiên con nảy ra ý tưởng là động lực tu tập của con phần nào là để lánh xa, để thoát ra, để tránh né hay để vươn lên khỏi các thế lực bóng tối đó. Con hiểu điều thày đang nói, phải không con? Thật là dễ rơi vào một cơ chế nơi động lực để bước trên đường tu liên quan đến – và do đó phần nào được quy định bởi – sa nhân. Thày đã nói về hàng ngũ giả trá, và chúng đã rất thiện nghệ cài đặt nhiều ý tưởng nhằm bóp méo cách nhìn của con về đường tu đến độ nó kềm hãm tiến bộ của con, hay thậm chí đưa con vào một ngõ cụt sẽ tốn nhiều kiếp để thoát ra.                 

10.1. Ý định tự lực

Điều thày cần con làm ở mức này ở khóa nhập thất là nhìn vào những ý định của con một cách trung thực. Các thày đã nói trước đây là ngay cả nỗi sợ hàng ngũ tà đạo cũng mở tâm con ra cho hàng ngũ tà đạo – không phải theo nghĩa là chúng sẽ xâm nhập trực tiếp vào tâm con và ảnh hưởng con qua cách đó, nhưng chúng có khả năng ảnh hưởng con gián tiếp bằng cách khiến con trốn chạy những gì con sợ, hay con không sẵn lòng nhìn vào một điều gì mà con sợ. Sự kiện này khiến nhiều đệ tử tâm linh mang trong tâm thức một số yếu tố mà mình không muốn xem xét. Chẳng hạn, nếu con rất lo sợ đi theo hàng ngũ tà đạo, có thể con sẽ không sẵn lòng nhìn vào một số ý tưởng mà chúng đã cài đặt vào tiềm thức con trong kiếp này hay những kiếp trước.

Con sẽ cảm thấy thật xấu hổ, thật tủi nhục, thật khiếp sợ nếu con phải nhìn nhận là mình đã mang một số yếu tố tâm thức sa ngã trong tiềm thức mình. Thậm chí con có thể sợ là thày, Serapis Bey, sẽ chối từ con nếu có ai phát hiện là con có những yếu tố đó, và điều này đương nhiên sẽ không giúp con hưởng lợi từ sự giúp đỡ mà thày dành cho con.

Như thày có nói, con không thể giấu gì với thày. Gần như không có ai đến khóa nhập thất của thày trên đường tự điều ngự mà không có những yếu tố tâm thức sa ngã, hay những tin tưởng do sa nhân và hàng ngũ giả trá tạo ra trong tiềm thức mình. Làm sao con có thể sống sót một vài kiếp trên hành tinh này mà không bị tác động bởi từng nấy ảo tưởng và dối trá khắp mọi nơi? Đối với thày, không có gì bất thường, không có gì tiêu cực, không có gì mà thày cần xét đoán xem con có những yếu tố đó hay không. Thày không ở đây để phán xét con, bắt lỗi con hay làm con xấu hổ. Thày ở đây để giúp con thăng vượt tất cả những gì đang giới hạn con trên đường tu. Một điều sẽ giới hạn con là nếu con có những yếu tố do sa nhân hay tà lực cài đặt. Cho dù con không mang những thứ bị cài đặt trực tiếp, vẫn có thể con mang lòng sợ hãi – mà theo một cách nào đó cũng là một cài đặt – và khi con tránh nhìn một điều gì thì, tất nhiên, nó sẽ kềm chân con trên đường tu. Không thể nào khác được.   

Thày cần con đạt tới mức con nhận ra là động lực thật sự của con khi bước trên đường tu không dính dáng gì đến tà lực hay hàng ngũ giả trá. Động lực thật sự của con phải đến từ bên trong và liên hệ, trong ngắn hạn, với Sứ vụ Thiêng liêng của con cho kiếp này, và trong dài hạn với mục đích nguyên thủy của con khi đến địa cầu. Thày đề nghị là con suy ngẫm điểm này thật cẩn thận trong tâm ý thức. Một lần nữa, có thể sẽ hữu ích nếu con lập ra một danh sách những ý định và động lực mà con thấy xuất phát từ một phản ứng nào đó đối với tà lực. Có điều gì mà con cố tránh né, trốn chạy hay vượt khỏi hay không?

Thày cần con suy ngẫm trong ý thức điều gì con thực sự yêu thương về tâm linh và đời sống. Nhiều khi các thày thấy đệ tử đến khóa nhập thất của thày với quá nhiều giới hạn đã được lập trình trong tâm, đến độ họ không dám nghĩ tới cả những gì mình thực sự mong muốn. Thày yêu cầu con làm một bài tập là con hãy lấy một tờ giấy, đọc bài thỉnh kèm với bài giảng này, sau đó con ghi xuống bất cứ gì đến với con liên quan tới những điều con thực sự muốn làm trong đời. Thày cần con ý thức sự kiện là con cần bỏ sang một bên mọi hạn chế mà con đang có. Thày yêu cầu con, lúc đầu, hãy xem việc này như một bài tập lý thuyết, nghĩa là– trên lý thuyết – nếu con không có tất cả những hạn chế mà con phải đối diện trong hoàn cảnh hiện thời hay trong tâm lý con, thì con thực sự muốn làm gì?

Thày không yêu cầu con suy đoán xem thày muốn con làm gì, hay các chân sư thăng thiên khác muốn con làm gì, hay Thượng đế muốn con làm gì. Thày không yêu cầu con suy đoán xem các sa nhân không muốn con làm gì. Thày cũng không yêu cầu con nghĩ xem người khác muốn hay không muốn con làm gì. Mà thày yêu cầu con suy nghĩ xem – nếu con không có bất kỳ giới hạn nào – con muốn thực sự làm gì trong đời?

10.2. Những loại ý định khác nhau

Con sẽ nhận thấy câu trả lời cho câu hỏi trên có thể thuộc hai loại. Có thể có những việc liên quan đến những mong muốn và ước mơ chưa thỏa nguyện, một cái gì đó mà con chưa bao giờ làm được nhưng lại luôn luôn muốn thực hiện. Không có gì sai trái với điều đó. Đó có thể là những trải nghiệm mà con muốn có.

Thày yêu cầu con nhìn xa hơn thế và xem xét là còn có một loại khác nữa, là những chuyện con muốn làm không vì muc đích cá nhân mà vượt cá nhân. Con có thể xem đó là một điều gì phụng sự sự sống, hay một mong muốn thay đổi chuyện gì đó, đem lại một thay đổi tích cực nào đó trên hành tinh này. Như các thày đã nói nhiều lần, đa số các con là người tâm linh đã tình nguyện đến hành tinh này để đem lại sự thay đổi tích cực qua chính ánh sáng, qua những sáng ngộ, động lượng và kinh nghiệm của con. Sẽ có một tỷ lệ nào đó trong số những việc con muốn làm trong đời liên quan đến mục đích này, là mong muốn thay đổi gì đó trên địa cầu.

Bây giờ thày cần con xem xét kỹ lưỡng hơn. Có lẽ con có thể đọc bài thỉnh thêm một lần hay đọc bài chú của thày thêm mấy lần nữa. Có lẽ con có thể ngồi yên trong im lặng, nhắm mắt lại và thiền quán về điều này. Điều thày mong muốn con làm là nhìn xa hơn tất cả những thứ mà con muốn làm, mà con cảm thấy con bó buộc phải làm, hay con cảm thấy con nên làm hầu thay đổi địa cầu. Thày cần con nhìn thấy là ngoài những hoạt động đó, sẽ có một số động lực, một số ý định không liên quan gì đến ý muốn làm gì ở ngoài con, mà thay vào đó, liên quan đến những gì đem lại cho con nhiều niềm vui nhất trong bản thân con.

Có thể con không thể thấy rõ lúc đầu. Có thể con sẽ thấy khó biểu đạt thành lời. Điều thày cố giúp con khám phá ở đây là sự kiện động lực nguyên thủy khiến con đến địa cầu có một khía cạnh Alpha và một khía cạnh Omega. Khía cạnh Omega là con muốn đem lại một số thay đổi vì con thấy trên địa cầu có những điều kiện cần bỏ lại đằng sau. Khía cạnh Alpha là con muốn chia sẻ ánh sáng của con, Hiện diện TA LÀ của con, ngọn lửa Thượng đế của con, khuôn đúc cá biệt độc đáo của con. Con muốn biểu hiện cá thể của mình một cách sáng tạo. Thày đã đề cập đến sự kiện đường tu tâm linh không phải là một chiếc áo tù bó tay bó chân. Nó vẫn cho con đủ khoảng trống cho sự sáng tạo cá nhân. Sự sáng tạo cá nhân này, trong dạng thuần khiết của nó, không nhằm sản xuất ra một số thay đổi nhất định để phản ứng lại những điều kiện hiện thời trên trái đất. Trong dạng thuần khiết, sáng tạo liên quan đến việc biểu hiện con người mà con là, cá thể thiêng liêng của con. Sự biểu hiện thuần khiết của sáng tạo không phải là chuyện tạo ra những kết quả vỏ ngoài, thay đổi vỏ ngoài, đặc biệt là những thay đổi tùy thuộc vào những chọn lựa của các sinh thể khác có quyền tự quyết, dù họ đang đầu thai vật lý hay là sinh thể sa ngã trong các cõi khác.

Trong tinh túy, sự sáng tạo liên quan đến việc biểu hiện con người của con vì niềm vui tinh khiết mà con nhận được khi con cảm nhận ánh sáng mà Thượng đế cho con chảy xuyên qua lăng kính của cá thể mà ngài đã cho con. Thày hiểu là lúc này có thể con chưa hòa điệu được với cảm nhận đó trong ý thức. Nhưng bằng cách suy ngẫm và thỉnh cầu, lần hồi con sẽ bắt đầu cảm nhận được. Điều vô cùng quan trọng là con cảm được điều đã cho con niềm vui tinh khiết đó không liên quan gì tới bất cứ gì bên ngoài con, vì đây là ý định thuần khiết nhất để con có mặt trên địa cầu. Đây cũng là một ý định mà con có thể bày tỏ cho dù hoàn cảnh vỏ ngoài hay các giới hạn con phải đối mặt có là gì đi nữa.

10.3. Động lực cao nhất của con

Thày đã cho con làm bài tập: “Nếu con không có giới hạn nào, con sẽ biểu hiện điều gì?” Bây giờ thày yêu cầu con đưa bài tập này lên một mức cao hơn, là con nhận ra rằng bất kể các giới hạn con đang đương đầu trong hoàn cảnh vỏ ngoài, không có gì trong các giới hạn đó có thể ngăn con làm cánh cửa mở cho ánh sáng và cá thể của Hiện diện TA LÀ tuôn chảy xuyên qua con. Điều này con có thể thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào, và đây là điều thày cần con quán chiếu. Đây là cách duy nhất để con phát triển một động lực phát xuất hoàn toàn từ bên trong, và do đó nó không thể bị tác động, bị tiêu diệt hay bị kềm hãm bởi bất cứ gì bên ngoài con.

Trên đường tự điều ngự, phải tới một điểm khi động lực để con bước chân trên đường tu chỉ còn liên quan đến mong muốn ý thức của con, viễn quan ý thức của con, muốn biểu đạt con người thật của con trong thế giới vật chất. Đây là động cơ cao nhất để bước chân trên đường tu, mà đó là điều con cần hầu vượt qua các khai ngộ dưới các Thượng sư của Tia sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Đó là tại sao thày là người chuẩn bị con cho các tia sáng đó vì con đang đứng ở ngay lỗ kim, ở ngay tiêu điểm.

Khi con bắt đầu cảm nhận được bản thể nội tâm của con cùng những gì đem lại cho con niềm vui, con cũng có thể bắt đầu nhìn ra hoàn canh bên ngoài. Thày có bao đệ tử đến với thày, và khi ngồi họp mặt nơi khóa nhập thất và nhìn vào hoàn cảnh vỏ ngoài của họ, họ thường hỏi: “Nhưng Serapis, thày chẳng thấy là con đang phải đối mặt với những hạn chế này trong hoàn cảnh vỏ ngoài hay sao? Làm thế nào con có thể thực sự tâm linh, làm thế nào con có thể biểu đạt sáng tạo khi con phải đương đầu với tất cả những tình huống đó mỗi ngày trong đời con? Làm sao con có thể bỏ việc làm, bỏ con cái, bỏ gia đình để làm một việc hoàn toàn sáng tạo hay tâm linh?”  

Các Thượng sư không đang yêu cầu con làm chuyện đó. Có một động lực giả hiệu mà sa nhân và hàng ngũ giả trá đã tạo ra suốt nhiều thế kỷ. Trong các thế kỷ trước, động lực đó thường được thể hiện, chẳng hạn trong văn hóa Cơ đốc, qua toàn bộ ý tưởng về đời sống tu hành ẩn dật. Có một sự tin tưởng là nếu con là một người thực sự sùng đạo, con sẽ dành trọn đời mình cho Thượng đế bằng cách đi tu trong một tu viện. 

Con sẽ rút hẳn khỏi đời sống con người bình thường, bị xem là đi ngược lại lòng sùng bái tâm linh và thờ phượng Thượng đế đích thực. Người ta cho rằng Thượng đế rất coi trọng những ai rút khỏi cuộc đời tầm thường và sống cách ly trong một môi trường thật là thoải mái nơi họ không phải đương đầu với rất nhiều khía cạnh của tự ngã, và do đó họ cũng không có tiến bộ tâm linh – hay họ không tiến bộ nhiều lắm.

Các chân sư thăng thiên không xem chuyện đó là lý tưởng. Đã có một thời khi việc rút lui khỏi đời sống để tích tụ động lượng tu tập là một việc ích lợi cho một số người, nhưng cũng không có nghĩa là tất cả những ai sống trong tu viện đều tinh tấn. Trong thế giới ngày nay của Thởi đại Bảo bình, như các thày đã nói nhiều lần, thật là không còn cần thiết hay ngay cả xây dựng để có quá nhiều người rút lui khỏi xã hội. Điều quan trọng hơn gấp bội là con là người tâm linh và con tìm được cách thể hiện tính chất tâm linh của con trong đời sống hàng ngày. Điều quan trọng là con không cách ly khỏi xã hội mà lại chứng tỏ thế nào là sống tâm linh ngay trong một xã hội phản tâm linh.     

Điều quan trọng cho sự tăng triển của con là con không tự cô lập trong những cộng đồng tâm linh nơi các thành viên đều có thể xác nhận, chứng thực lẫn nhau. Họ có thể sống vô cùng thoải mái mà không phải quấy rầy đến tự ngã để mà tự buộc mình phải nhìn thấy tự ngã. Quá nhiều cộng đồng tâm linh hoạt động theo kiểu đó. Nếu mọi người ở đó đều tin chắc mình là người tâm linh và ai ai cũng đều xác nhận tự ngã cho nhau, thì họ sẽ không giúp nhau nhìn ra tự ngã và do đó chẳng ai sẽ khắc phục được tự ngã.    

10.4. Xem Serapis không là vị thày mà là vị hỗ trợ

Thày cần con nhận ra là đối với tuyệt đại số người tâm linh trong thời đại này, điều cần thiết, xây dựng và phù hợp với Sứ vụ Thiêng liêng của con là tìm được cách biểu hiện tính chất tâm linh và sáng tạo của mình bất kể hoàn cảnh vỏ ngoài có là gì. Để làm được thành công, con cần xoay chuyển tâm thức của con. 

Chuyển đổi đầu tiên mà con cần thực hiện là con không nhìn thày như là một vị thày truyền thống. Cho tới giờ, thày cùng ba vị Thượng sư mà con đã gặp đã hành xử phần nào như những vị thày mà con có thể tìm thấy trên địa cầu. Các thày đã nắm phần chủ động trong khóa nhập thất. Các thày đã trình bày một số bài giảng, bài tập, đưa ra một số thử thách cho con và con đã hồi đáp. Tất nhiên, có thể con đã có một động lực để gia nhập khóa tu và bước chân trên đường tự điều ngự. Một khi con ở trong khóa tu, nhiều khi động lực hàng đầu trong tâm ý thức của con dồn vào các thày, dồn vào việc tuân theo khai ngộ, vượt khai ngộ, tránh làm các thày thất vọng hay bất kỳ cảm nhận nào khác. Thày cần con xoay chuyển động cơ của con khi tham dự khóa nhập thất và tương tác với thày không dựa trên mong muốn chiều lòng thày, đi theo thày, hay cũng quan trọng không kém, chống  đối thày. Thày cần con xoay chuyển và nhận ra con ở trong khóa này là vì con muốn khắc phục tất cả mọi chướng ngại đang ngăn cản con làm cánh cửa mở cho sự biểu hiện sáng tạo của ánh sáng, cũng như của cá thể mà con thật là, tức cá thể neo trụ nơi Hiện diện TA LÀ của con.    

Thày cần con xoay chuyển sang một động lực tham gia khóa này dựa trên tình thương. Thày có thể cảm nhận khá dễ dàng khi đệ tử có một phản ứng với thày. Hoặc họ mong muốn chiều lòng thày, hoặc họ có một điểm tắc nghẽn nào đó trong tâm thức khiến họ miễn cưỡng làm theo chỉ dẫn của thày. Đây là điều mà con cần khắc phục ở tầng thứ tư của khóa nhập thất này. Thày cần con đạt tới điểm, cho dù con đã nhìn thày và các chân sư khác như thế nào trong quá khứ, thì giờ đây con có khả năng liên hệ với thày một cách hoàn toàn cởi mở và trung lập. Thày không phải là người kỷ luật con, thày không nhìn con từ trên cao, thày không phơi trần hay hạ nhục con. Thày không là người đặt đòi hỏi lên con.   

Thày ở đây để tạo điều kiện cho con phát triển nhưng thày không là cái động lực. Con cần tự cung cấp động lực đó hoàn toàn từ bên trong chính con. Thật ra tại tầng thứ tư, có một thời điểm khi thày quy tụ các đệ tử đã sẵn sàng vào một căn phòng. Trước khi mọi người bước vào phòng, thày nói với họ mục đích là để họ nhận được động cơ chủ chốt khiến họ bước chân trên đường tu từ điểm này trở đi. Tất nhiên, thày nói cách nào đó để họ tin là chính thày sẽ trao cho họ động cơ đó. Và khi mọi người bước vào phòng và ngồi xuống, thày sẽ chỉ ngồi đó, đưa mắt nhìn từ người này đến người kia. Đối với các đệ tử sẵn sàng nhìn vào mắt thày thì thày cũng nhìn vào mắt họ, nhưng thày không nói gì.       

Phải mất một lúc thì các đệ tử mới bắt đầu nhìn thày với một dấu hỏi to tướng trong mắt họ. Rồi phải mất thêm nhiều thời gian hơn trước khi một số bắt đầu hỏi: “Serapis, đến bao giờ thày mới tiết lộ cho chúng con động cơ của chúng con?” Thày vẫn cứ ngồi như vậy, nhìn họ và mỉm cười, và rồi thường thường sẽ có một hai người trong nhóm nhìn mọi người và nói: “Có lẽ thày đang muốn nói là chúng ta cần tìm bên trong chính chúng ta chăng?” Thế là, thông thường, ánh sáng bỗng bật lên trong mắt hầu hết mọi đệ tử.    

Có thể có một số không sẵn lòng làm chuyện này. Trong một số trường hợp, có đệ tử đã phải rời khóa tu, quay trở ngược và theo học những khai ngộ khác. Trong đa số trường hợp, các đệ tử trở nên rất háo hức, họ nhắm mắt lại và đi vào bên trong. Điều mà thày có thể giúp đệ tử ở điểm này là, đương nhiên, vì họ đang ở trong hào quang của thày, thày có thể che chắn họ khỏi mọi động lực ô uế bình thường sẽ tới lôi kéo tâm họ. Trong Hiện diện của thày, họ có nhiều cơ hội hơn để khám phá ra điều mà thày vừa đề cập, tức là những gì đem lại cho họ niềm vui lớn nhất.   

10.5. Là người ngang hàng với Serapis

Sau khi các đệ tử khám phá ít nhất một số động lực nội tâm của mình, thì một sự chuyển đổi xảy ra. Bỗng nhiên, không còn ý muốn chiều lòng thày, hay sự miễn cưỡng hay yếu tố giả tạo nào khác trong thái độ và quan hệ của họ với thày. Giờ đây cả trò lẫn thày bắt đầu tương tác với nhau một cách hoàn toàn khác. Đệ tử không còn chờ thày làm gì đó và giữ chủ động, mà thay vào đó, họ nắm lấy vai trò chủ động, và họ đến hỏi thày: “Serapis, con muốn thấy điều này, con muốn hiểu điều kia, con muốn phát triển khả năng nọ, vậy thày nghĩ sao?” Đột nhhiên, mọi người không còn hành xử như thày với trò, mà hành xử bình đẳng.

Thày không đứng trên đệ tử, thày không đứng trên các con. Thày chỉ có nhiều kinh nghiệm hơn và có lẽ nhiều viễn quan hơn. Thay vì là vị thày cao cả dũng mãnh đứng đầu lớp học và nhìn xuống học sinh, giờ đây thày là kẻ mà thày luôn luôn muốn là: một vị hỗ trợ. Ở điểm này, mọi người kinh qua một số bài tập khác nhau, nhưng thày nói điều này cho con vì điều quan trọng cho sự tăng triển của con ở mức này là con cũng kinh qua một số bài tập đó trong tâm ý thức của con.

Điều thày cần con nhận ra ở mức này là sự tăng trưởng của con có hai yếu tố, Alpha và Omega. Yếu tố Alpha tất nhiên là con đạt tới điểm con biểu hiện được sự sáng tạo của con từ bên trong, từ Hiện diện TA LÀ của con. Yếu tố Omega là hầu đạt tới điểm đó, con cần nhìn ra một số chuyện trong chính tâm thức con. Và để nhìn ra, thường khi con sẽ cần trải nghiệm một số tình huống trong thế giới vật chất.  

10.6. Tin rằng có những thứ không tâm linh

Điều này có nghĩa là con có thể thực hiện thêm một sự xoay chuyển rất quan trọng trong thái độ của con đối với thế giới vật chất, đối với cõi của Mẹ, trong cách con nhìn thế giới. Có một cái móc vô cùng tinh vi mà hàng ngũ giả trá đã tạo ra suốt một thời gian rất dài là ý tưởng rằng trên thế giới có một số thứ không tâm linh, không tinh khiết, một số thứ sẽ không giúp con tăng triển tâm linh.

Các thày đã từng nói là tất cả những gì sa nhân cần làm để làm rối tung mọi thứ trên trái đất là tạo ra ý tưởng rằng:
– Có một chuẩn mực.
– Tất cả mọi thứ đều phải được phán xét theo chuẩn mực.

Sa nhân đã tạo ra chuẩn mực bảo rằng những thứ này là tâm linh và những thứ kia không tâm linh. Sau đó chúng phóng chiếu ý tưởng là nếu con là người tâm linh hay người sùng đạo, con cần phải đánh giá mọi thứ theo chuẩn mực đó. Thế là con có rất nhiều người tâm linh bỏ ra biết bao năng lực và chú ý để đánh giá mọi công việc mình làm, mọi chuyện mình gặp trong thế giới vật chất. Họ không làm vậy một cách trung hòa mà họ lại dựa trên sự phán xét giá trị xem cái gì là tâm linh, cái gì không. Và tất nhiên, niềm tin nền tảng, hay sự giả định nền tảng của họ là bất cứ gì mang nhãn hiệu không tâm linh sẽ cản bước tăng trưởng của họ. Đây chính là điều mà hàng ngũ giả trá muốn con tin.   

Con hiểu là con không còn ở dưới tầng tâm thức 48 nữa, phải không con? Bởi vì nếu không, con đã không ở tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày. Có những người ở dưới tầng 48 cần lượng định xem điều gì là không tâm linh. Chắc chắn là họ không thể tinh tấn tâm linh được nếu họ cứ tiếp tục giết người, ăn cắp hay làm chuyện tội phạm. Có những người cần đến một chuẩn mực bảo rằng: “Chuyện này là không tâm linh, nó sẽ chặn không cho tôi lên thiên đàng, ngăn chặn tôi tiến bước trên đường tâm linh.” Nhưng thày không đang nói về những người đó.       

Thày đang nói về con, là người đã đạt đến tầng thứ tư của Tia thứ Tư trên con đường tự điều ngự. Thày cần con, ngay bây giờ, nhìn lại các chuẩn mực của con về cái gì là tâm linh hay không tâm linh. Mục đích của thày là đưa con tới điểm con nhận ra là cho dù hoàn cảnh con phải đối diện ngay bây giờ có là gì, con vẫn có thể là người tâm linh, và con vẫn có thể biểu hiện sự sáng tạo và cá thể mà Thượng đế đã ban cho con.  

Thày cần con thăng vượt một cái móc tinh vi khác của hàng ngũ giả trá, bảo rằng khi nào một số điều kiện vỏ ngoài được hội đủ, thì khi đó con mới có thể thực sự tâm linh. Đây là ảo tưởng mà con cần khắc phục, và con khắc phục bằng cách nhận ra là cách đánh giá, xét đoán một điều kiện hay một hoạt động là tâm linh hay không tâm linh, không phải lả cách nhìn cao nhất về sự vật.

Con sẽ không tiến xa hơn điểm này nếu con nghĩ là có một số hoạt động không tâm linh mà con phải tránh né, và có những hoạt động khác tâm linh mà con phải tìm cầu.  Điều thày cần con nhận ra là, ngay bây giờ, bước tiến của con trên đường tu tùy thuộc vào việc con nhìn ra một số điều kiện, một số khuôn nếp, một số khuôn đúc trong bốn thể phàm của con đang hạn chế con biểu hiện sự sáng tạo cũng như quyền năng sáng tạo của con.

Để nhìn thấy chúng, con cần có một số trải nghiệm trong thế giới vật chất. Những điều kiện mà con đối mặt ngay trong lúc này không phải là kẻ thù của sự phát triển tâm linh của con. Con không cần phải nhìn chúng theo cách đánh giá sơ sài, cách đánh giá trắng đen, cách đánh giá nhị nguyên là chúng có tâm linh hay phản tâm linh. Con cần xem xét chúng và nhận ra các điều kiện đó chỉ là sự biểu hiện của một trạng thái tâm thức nào đó. Chúng cho con một cơ hội để con nhìn thấy một điều gì đó về chính con dựa trên cách con phản ứng lại các điều kiện đó.

Con có thể đang đối mặt với một hoàn cảnh, mà từ một sự đánh giá trắng đen bề ngoài, con sẽ cho là có những thứ không được tâm linh, không được trong sạch. Cho đến giờ, có thể con đã cố tránh né chúng, bác bỏ chúng, chối từ chúng, chạy trốn khỏi chúng. Điều thày cần con làm là xoay chuyển và nói: “Những điều kiện này thật ra đang có ý dạy tôi điều gì? Tôi đang phản ứng lại chúng như thế nào? Phản ứng của tôi nói lên điều gì về những tin tưởng, những cảm nhận của tôi, về cách tôi nhìn chính mình trong quan hệ với thế giới vật chất?”

10.7. Khía cạnh Alpha và Omega của bản sắc

Những gì con mang trong thể bản sắc có một khía cạnh Alpha và một khía cạnh Omega. Khía cạnh Alpha nằm trong phần cao của thể bản sắc, là cái nhìn từ ngay bên dưới cá thể trong Hiện diện TA LÀ của con. Nhiều người không thể nhìn thấy nó một cách ý thức vì nó bị che khuất bởi khía cạnh Omega của bản sắc. Cái Omega này là ý niệm bản sắc mà con đã xây đắp suốt nhiều kiếp đầu thai trên địa cầu.

Ý niệm bản sắc này là cách con nhìn bản thân con trong quan hệ với thế giới vật chất, với cõi của Mẹ. Đây là bản sắc mà con cần phát hiện, phơi bày, tra vấn, nhìn thấy là nó không thực, và dần dần thăng vượt nó. Đây là cái bản sắc khiến con tin rằng bởi vì con ở trong một cơ thể vật lý, bởi vì con ở trong hoàn cảnh này kia nọ, con không thể bày tỏ cá thể đích thực và sự sáng tạo đích thực của con. Chắc chắn là con có một số khuôn ếp trong cảm thể, một số tin tưởng trong trí thể, cũng chặn nghẽn sự sáng tạo của con. Chúng ở một mức thấp hơn ý niệm bản sắc bảo con có thể làm gì và không thể làm gì, cái gì con được phép hay không được phép làm trong thế gian này. Thày cần con suy ngẫm điều này với tâm  ý thức, để qua đó con có thể tận dụng những bài học mà con nhận được ban đêm ở khóa nhập thất của thày.  

Người ta nói rằng dưới mắt người trong sáng thì mọi chuyện đều trong sáng, và hẳn câu nói này chứa đựng nhiều sự thật. Nhưng thày sẽ đi một bước xa hơn và nói rằng đối với một người có tâm thức trong sạch, ngay cả sự lượng định trong sạch hay không trong sạch cũng tan biến mất. Con không nhìn vào đời mình, vào các điều kiện, rồi bảo: “Ồ, cái này ô uế, tôi muốn tránh.” Thay vào đó, con nói: “Nhất định phải có lý do khiến điều kiện này thị hiện trong đời mình, nhất định phải có điều gì đó mà đúng lý tôi phải học hỏi từ đó.”

Điều này không có nghĩa là con ôm lấy điều kiện đó, mà con ôm lấy bài học. Thay vì chạy trốn khỏi điều kiện và như vậy cũng chạy trốn khỏi bài học, con ôm lấy bài học. Có nhiều người tâm linh, hầu khắc phục một giới hạn trong tâm lý mình, cần phải đi một số bước, cần kinh qua một số trải nghiệm có vẻ phản tâm linh hay ô trược trong nhãn quan trắng đen. Nhiều người trong số các con sẽ có thể nhìn vào đời mình và nhận thấy là con đã trải qua một số tình huống tỏ ra hoặc ô trược, không tâm linh và đau đớn, hoặc khiến cho bây giờ con phải vô cùng xấu hổ.

10.8. Nguyên nhân của cảm nhận nhục nhã 

Con đã cảm thấy nhục nhã bởi những điều kiện đó nhưng nếu con sẵn lòng xoay chuyển như thày vừa nói, con có thể khắc phục những cảm giác đó và hiểu ra là con đã phải kinh qua chúng hầu khắc phục một điều gì đó bên trong con. Có thể có một bài học mà con đã phải học về một niềm tin là con có thể hay không thể làm điều gì trong thế gian này. Cũng có thể con cần bị nhục nhã để khắc phục một niềm tự hào.  

Nhiều người tâm linh được hưởng trớn rất lớn khi họ thành công trong thế giới vật chất. Chẳng hạn có nhiều người trong một tiền kiếp đã được ưu đãi, đã thuộc một tầng lớp ưu tú ưu đãi. Con đã giàu có, đã sinh ra trong một gia đình danh giá quyền lực, hay con đã từng giữ chức vụ và điạ vị trong xã hội khiến con không phải nếm mùi một số điều kiện mà những người gọi là tầm thường phải trải qua.

Do đó, có thể con đã cảm thấy thật nhục nhã phải trải qua các điều kiện đó, nhưng tại sao con lại cảm thấy như vậy? Là vì con đã tạo dựng một niềm tự hào cho rằng mình phần nào tốt hơn mọi người khác do vị thế ưu đãi của mình. Thày không đang bảo là đa số người tâm linh đều là sa nhân, nhưng sự thật là nhiều người trưởng thành tâm linh đã đầu thai trong những gia đình có sa nhân trong đó, và lý do là để cho người tâm linh có thể học hỏi cũng như để cho sa nhân có cơ hội chứng kiến một cách nhìn khác về cuôc đời. Thật là quá dễ khoác vào niềm tin vi tế của sa nhân cho rằng bởi vì con có địa vị ưu đãi trong xã hội, thì con cũng là một người tốt hơn người khác, và do đó có những chuyện xấu xa mà con không phải tiếp xúc.

Nếu con tiếp xúc với những điều kiện đó, con sẽ cảm thấy nhục nhã. Và nếu đó là trường hợp của con, thày yêu cầu con xét xem liệu đó chẳng phải là toàn bộ mục đích để con có cơ hội khắc phục niềm tự kiêu của mình và bỏ nó lại đằng sau hay sao? Có một lý do khác cũng có thể xảy ra khi con trải nghiệm những điều kiện nhục nhã hay hạn chế mình. Có thể là con phải nhìn ra một khuôn nếp trong tâm lý mình, có thể con phải vượt qua lòng tự kiêu, hay cũng có thể là con muốn đạt tới điểm con biểu hiện được sức mạnh ý chí mà con đã không thể biểu hiện trong những kiếp trước.   

10.9. Biểu hiện một sức mạnh ý chí cao hơn

Khi thày nói là con phải có một số trải nghiệm cho đến khi con chán chê, thì câu này có những khía cạnh khác nhau. Có những trải nghiệm liên quan đến cơ thể đem lại cho con một cảm giác thích thú. Hầu hết mọi người sẽ thấy là suốt mấy kiếp sống, một khi họ đã nếm đủ những trải nghiệm đó thì họ sẽ bắt đầu chán ứ, không còn dính mắc những loại ham muốn thể xác đó như trước. Có một mức cao hơn cho sự kiện trên, là có một số điều kiện mà con trải nghiệm với mục đích đưa con tới mức con có được quyết định ý thức là: “Thế này là đủ rồi, tôi không muốn trải nghiệm chuyện này thêm nữa.”

Chính vị sứ giả này đã có trải nghiệm trong những năm gần đây là nhận ra ông đã tin tưởng sai lầm là vai trò của ông nhằm giúp đỡ tất cả những ai tự nhận mình quan tâm đến đường tu tâm linh, thậm chí cả những người đã từng là sa nhân, hay đã có một cái nhìn vô cùng tiêu cực về cuộc sống cũng như về chính họ. Rồi ông đã nhận ra lý do ông đã thu hút những loại người như vậy là vì ông cần biểu hiện sức mạnh ý chí để nói rằng: “Thôi đủ rồi, tôi không muốn những loại người đó trong đời tôi nữa.” Có thể con cũng đối mặt với một khai ngộ tương tự dưới một ngụy trang và y phục bên ngoài khác hơn. Điều quan trọng là con suy ngẫm xem trong đời mình có thể có chăng một số điều kiện mà con thu hút hết lần này tới lần khác, chỉ vì một nguyên do duy nhất là con chưa lấy quyết định chắc chắn là con không muốn đối phó với điều kiện đó nữa.    

Dĩ nhiên, điều có thể cần thiết là sau đó con nhìn vào bản thân và nói: “Đâu là niềm tin đang thu hút điều kiện này tới tôi, khiến tôi cảm thấy như mình bị bắt buộc, như mình phải làm, hay phải phản hồi?” Trong trường hợp vị sứ giả này, ông đã nhận ra là ông tưởng ông phải có khả năng giúp đỡ mọi người. Trong một nghĩa nào đó, đây cũng là một hình thức kiêu ngạo, bởi vì không ai trong chúng ta có thể giúp đỡ mọi người. Không một vị thày tâm linh nào – từ xưa tới giờ và trong tương lai – có thể giúp đỡ mọi người đang đầu thai. Cho dù con là ai đi nữa, sẽ có một số người mà con không thể chạm được. Sứ giả này tưởng là nếu có ai ông không thể giúp được, đó là vì nơi ông có cái gì đó không ổn. Ông không đủ giỏi, không đủ hiểu biết, đã không đủ phát triển một số khả năng. Ông không ngừng nghĩ là chính ông phải thay đổi bản thân để chiều lòng người khác.  

10.10. Thay đổi bản thân để chiều lòng người khác

Đây lại là thêm một cái móc của sa nhân mà chúng cài đặt vào tâm trí hầu hết mọi người dưới những ngụy trang khác nhau. Chúng khiến con nghĩ là bởi vì con đi trên đường tâm linh và con sẵn sàng tự cải sửa bản thân, đây là thêm một điều kiện mà con cần tự thay đổi để mà giải quyết. Con cần phải cong lưng ra để chiều lòng thêm những loại người đó, phải có khả năng giúp đỡ họ hay thực hiện một việc gì đó trong thế giới vật chất.     

Trong nhiều trường hợp, cuộc khai ngộ ở đây là con phải đạt tới điểm con có thể nói: “Tôi không muốn làm chuyện này. Chuyện này không phù hợp với mong muốn cao hơn về những gì tôi muốn biểu đạt trên địa cầu. Tôi không muốn xử lý những loại người này. Tôi không muốn thay đổi bản thân để chiều lòng những người không sẵn lòng bước chân trên đường tu, không sẵn lòng xem xét chính mình. Họ tìm cách thay đổi tôi để tránh không phải thay đổi chính họ, và tôi không chấp nhận nữa. Tôi không sẵn lòng tự thay đổi để chiều lòng những người không sẵn lòng tự thay đổi. Tôi sẽ tự thay đổi, và tôi tự thay đổi ngay bây giờ bằng cách quyết định trong ý thức là tôi không muốn những người này trong đời tôi. Tôi thay thế tin tưởng rằng tôi phải tự thay đổi để chiều lòng họ bằng nhận thức là tôi có quyền là con người mà tôi là, và biểu hiện cá thể mà Thượng đế đã ban cho tôi, cho dù những người đó có nghĩ gì đi nữa.”

Sự thật muôn đời là các đệ tử tâm linh có thể chia đại khái làm hai loại. Có những đệ tử rất chắc chắn nơi mình, họ thường có một niềm tự hào và một cảm nhận nào đó rằng mình biết hơn thày là thày phải dạy họ như thế nào. Những đệ tử như thế rất khó cho vị thày tâm linh giúp đỡ.

Xong có loại đệ tử kia thì vô cùng khiêm tốn, cởi mở đón nhận sự hướng dẫn của vị thày, cởi mở với nhu cầu cải sửa bản thân. Họ rất “khả huấn” nhưng chỉ tới một mức mà thôi, vì sẽ tới một điểm khi họ không thể tiến bộ được bằng cách đi theo thày. Con phải bắt đầu tự lấy quyết định, con phải quyết định là con muốn gì và không muốn gì trong đời mình. 

10.11. Tất cả đều tâm linh

Có thể sẽ rất ích lợi nếu con nhìn vào đời con, nhìn vào cách con lượng định điều gì là tâm linh hay không tâm linh, và nhận ra là khi mục đích thực sự là tăng triển, thì chẳng có gì trên địa cầu mà ô trược hay không tâm linh. Nếu con cần một trải nghiệm nào đó để nhìn ra điều gì đó về bản thân, thì việc trải nghiệm đó không phản tâm linh.

Thày cũng cần con nhìn vào chuẩn mực đó về tâm linh và nhận ra là hàng ngũ giả trá đã dùng nó để khiến nhiều người chú tâm vào việc tránh né một cái gì. Hãy lấy một ví dụ điển hình: tình dục. Biết bao người tâm linh có đủ loại tin tưởng rằng tình dục không tâm linh, rằng một số dạng tình dục không tâm linh, hay một số sinh hoạt tình dục không tâm linh.

Các con đã có nền văn hóa tu viện cổ xưa, qua đó người tu hành phải hoàn toàn tránh quan hệ tình dục, như ngay cả Giáo hội Công giáo cũng cấm đoán linh mục kết hôn. Thày không quan tâm con có quan hệ tình dục hay không, mà thày quan tâm là liệu con có để cho quan hệ tình dục chiếm quá nhiều chú ý của con mà con có thể sử dụng để tinh tấn tâm linh. Con có thấy điều thày muốn nói?  

Nếu con nghĩ tình dục là chuyện ô uế và con buộc mình phải tránh quan hệ tình dục, con đang tạo ra một sự căng thẳng trong tâm sẽ khiến con sao lãng việc tăng trưởng tâm linh. Nếu con nghĩ tình dục là ô uế hay một số dạng tình dục là ô uế, và con không ngừng đánh giá tình dục trong khi vẫn có quan hệ, thì một lần nữa sự chú ý của con lại bị bận rộn.   

Điều thày cần con ngộ ra là cho dù đó là tình dục hay một hoạt động thể xác nào khác, tự thân hoạt động đó không có gì ô uế. Điều con cần làm là đạt tới điểm con đơn giản lấy một quyết định. Thày không có vấn đề gì khi đệ tử nói: “Con mong muốn trải nghiệm tình dục” rồi sau đó con trải nghiệm một cách có trách nhiệm mà không làm tổn hại đến bản thân hay người khác. Như vậy con không để cho nó chiếm giữ sự chú ý của con.

Đó chỉ là một việc mà con làm nhưng nó không lôi cuốn sự chú tâm của con. Nó không khiến con ở trong tình trạng xáo trộn tình cảm không ngừng, hay không ngừng tranh luận với chính mình là chuyện đó có chấp nhận được hay không. Nó không khiến con tự hỏi: “Ồ, không biết mình có là người tâm linh hay không khi mình lại làm chuyện này, hay là mình không nên làm?” Thày cần con đạt tới điểm con không còn căng thẳng nào nứa liên quan đến các hoạt động thể xác mà con tham gia. Con cứ việc tham gia, con thưởng thức và con vui hưởng kinh nghiệm, và sau đó con lại tập trung phần lớn sự chú ý của mình vào những công việc khác.     

Thày vừa cho con một bài giảng thật dài, đó là vì tầng thứ tư ở khóa nhập thất của thày lại là một tầng nữa mà con thật sự không thể tiến bước cho tới khi con có sự đột phá. Thày biết là các thày khuyên con học từng bài hay đọc từng bài thỉnh mỗi ngày một lần và liên tục trong chín ngày. Điều sẽ vô cùng xây dựng nếu con có thể đọc bài thỉnh cho tầng thứ tư này nhiều hơn chín ngày, đọc đi đọc lại bài giảng này, suy ngẫm những gì thày đã nói, lập ra các danh sách hay it nhất thiền quán về các điều kiện và gợi ý mà thày đã trao cho con.

Thày muốn con không đặt ra giới hạn trong thời gian con sẽ học tập bài này. Con hãy tiếp tục cho đến khi con có thể cảm thấy một cách trung thực: “Bây giờ tôi đã sẵn sàng bước tiếp.” Thày không nói cho con biết con cần làm bao lâu. Có thể là chỉ một ngày, có thể là chín, hay cũng có thể là nhiều hơn. Thày chỉ yêu cầu con hòa điệu với thời điểm khi con cảm thấy trong nội tâm là con đã sẵn sàng.  Thày không yêu cầu con quyết định với tâm vỏ ngoài. Thật ra, thày yêu cầu con ý thức là tâm vỏ ngoài của con có thể muốn con hoàn tất bài học nhanh chóng do niềm kiêu ngạo, hay là nó có thể muốn kéo dài bài học ra do kiêu ngạo giả dối, khiêm tốn giả dối. Con hãy học tập bài này cho tới khi con biết rõ từ bên trong: “Giờ đây tôi đã sẵn sàng.”, xong con hãy bước tới tầng khai ngộ thứ năm.

Serapis Bey TA LÀ.   

Từ ý định dựa trên sợ hãi sang ý định dựa trên tình thương

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapia Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 4/1/2016.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Con có thể chờ đợi những gì khi con đến tầng thứ ba tại khóa nhập thất của thày, là tầng nơi con gặp sự phối hợp của Tia thứ Tư của Tinh khiết với Tia thứ Ba của Tình thương? Dĩ nhiên, con có thể chờ đợi gặp được tình thương của thày.

Điều này phần nào đặt ra một vấn đề cho một số đệ tử của các chân sư đã nhìn Tia thứ Tư từ một nhãn quan nào đó, và cũng nhìn thày như một vị thày kỷ luật nghiêm khắc. Như thày đã có nói, thày không nghiêm khắc và thày cũng không kỷ luật bất cứ ai. Ở tầng thứ ba, những học trò nào mà chưa buông bỏ hình ảnh này về thày, cần làm điều đó trước khi các con có thể thực sự bắt đầu các khai ngộ ở tầng này. Tất nhiên, thày sẽ giúp con làm điều đó, một phần bằng cách nói chuyện với con, phần khác chứng tỏ là thày cũng là một vị thày của tình thương giống như mọi Thượng sư khác.

8.1. Tại sao con không cần sợ các chân sư

Như các thày đã nói nhiều lần, con không thể trở thành một chân sư thăng thiên khi con còn bất kỳ loại sợ hãi nào trong bản thể mình. Con trở thành một chân sư thăng hiên bằng cách vươn lên tới mức tâm thức nơi con là cánh cửa mở cho dòng tình thương chảy xuống từ cõi thăng thiên. Không thể có sợ hãi trong tâm một chân sư thăng thiên.

Hiển nhiên có nhiều người trên địa cầu sợ gặp một chân sư thăng thiên hay một thiên thần. Con có thể thấy trong Kinh thánh có nhiều đoạn khi thiên thần hiện ra trước một người, thiên thần sẽ nói “Đừng sợ”, vì người đó mang lòng sợ hãi đối với mọi chuyện dị thường. Nhiều học trò của chân sư có thể mang lòng sợ hãi là họ không thể giấu giếm bất cứ gì khỏi mắt thày. Như thày đã nói, khi con ở khóa nhập thất của thày, tất nhiên là con không thể giấu gì với thày. Nhưng một lần nữa, nếu con ở khóa tu của thày với ý định cất bước trên đường khai ngộ mà thày cống hiến, tại sao con lại muốn che giấu bất cứ gì khỏi thày?

Điều mà thày muốn chứng tỏ cho con là cho dù thày có thấy gì trong tâm thức của con, thày vẫn thương yêu con, vẫn giúp con khắc phục và vượt khỏi điều kiện đó hoàn toàn. Như thày có giảng, mức thứ tư là cái lỗ kim, và Tia thứ Tư tượng trưng cho điểm trong khóa tự điều ngự mà con không thể bước xa hơn cho đến khi con thanh tẩy ý định của mình. Khi nói “thanh tẩy ý định của mình”, dĩ nhiên các thày muốn nói đến một vài điều. Nhu cầu thanh tẩy nền tảng là con cần thanh tẩy ý định của mình cho không còn ý định nào xuất phát từ lòng sợ hãi, và vươn tới mức con chỉ còn lại những ý định xuất phát từ tình thương.

Để làm được điều này, tất nhiên con phải sẵn lòng xem xét những ý định dựa trên sợ hãi mà con đang có. Nếu con sợ là thày sẽ lên án con nếu thày nhìn thấy ý định loại đó nơi con, thì hiển nhiên con không thể xem xét chúng. Con sẽ tìm cách che giấu chúng khỏi chính con, tưởng rằng nếu con có thể che giấu khỏi chính mình thì con cũng sẽ che giấu được với thày. Hiển nhiên là không phải vậy. Con có thể giấu một số chuyện với chính con, nhưng con không thể giấu được với thày, vì lý do giản dị là thày không có lòng sợ hãi nơi thày, và do đó không có gì mà một điều gì đó có thể lẩn trốn đằng sau.

8.2. Lòng sợ hãi che giấu như thế nào

Con thấy chăng là chỉ có sợ hãi mới dựng lên một bức tường để con giấu cái gì đó đằng sau? Làm thế nào sợ hãi lại tạo ra một bức tường che giấu? Thật ra, sợ hãi không hình thành một bức tường, sợ hãi không có thực chất gì mà có thể che chắn. Nhưng sợ hãi khiến cho con không sẵn lòng nhìn vào một điều gì đó. Và tất nhiên khi con không sẵn lòng nhìn vào thì điều đó sẽ nằm ẩn giấu khỏi tâm ý thức của con, có phải không? Không có một chất nào có thể che chắn được mắt con nếu con thực sự sẵn lòng nhìn vào.

Đó cũng là tại sao con không có gì phải sợ khi con nhìn vào một điều gì đó trong tâm lý mình. Con sẽ khắc phục nỗi sợ bằng cách nhìn vào nó. Thật ra cách duy nhất để khắc phục sợ hãi là nhìn vào nó, là nhìn xa hơn cái mà con sợ để thấy nó không đến nỗi tồi tệ như con tưởng, và nó không thể ngăn con tiến bước trên đường tu.

Điều mà các sa nhân đã làm là truyền cho con nỗi sợ là nếu con xem xét một số chuyện trong tâm thức và tìm thấy một số khía cạnh của tâm thức sa ngã trong tiềm thức mình, thì chân sư sẽ chối từ con và con không thể tiến xa hơn trên đường tu. Không có gì là xa hơn sự thật. Nào các thày có bao giờ bảo con phải thanh lọc mọi ô uế khỏi tâm thức mình trước khi con có thể trở thành học trò của chân sư thăng thiên đâu?

Con thử nghĩ đi. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Tư của Tinh khiết. Vai trò của thày là gì? Là giúp học trò áp dụng Tia thứ Tư để tiêu trừ bợn nhơ của mình. Nếu con không có bợn nhơ thì tại sao con lại cần thày giúp? Toàn bộ công việc của thày trong vai trò Thượng sư chỉ hướng tới việc giúp mọi người khắc phục bợn nhơ. Làm sao thày có thể được việc nếu thày cứ liên tục phán xét và kích bác học trò về tội họ mang những bợn nhơ mà thày đang cố giúp họ khắc phục? Thật chẳng nghĩa lý gì khi con suy nghĩ một chút, nhưng đương nhiên sa nhân sẽ tìm cách ngăn cản không cho con suy nghĩ, để con trốn đằng sau nỗi sợ hay con giấu bợn nhơ đằng sau nỗi sợ.        

Thật ra con có thể che giấu bợn nhơ của con khỏi các thày giả trong hàng ngũ giả trá. Lý do là thày giả cũng có sợ hãi nơi họ. Cho nên những gì mà con không nhìn thấy, thì trong một số trường hợp, họ cũng không nhìn thấy nếu họ đã không sẵn lòng xem xét nơi bản thân họ. Thày hy vọng con sẽ nhận ra là tất cả mọi sa nhân và mọi thày giả đều có lòng sợ hãi trong sinh thể họ.

Một sinh thể càng có vẻ có nhiều quyền lực và khả năng kiểm soát thì sẽ càng mang nhiều sợ hãi trong sinh thể của y. Tại sao con lại cần kiểm soát chứ? Để con có thể sống với nỗi sợ hãi của con! Nỗi sợ càng lớn thì con càng cần phải kiểm soát để sống được với nó. Con cần suy ngẫm điều này với tâm ý thức. Con cần quan sát thế giới và nhìn xem các nhà lãnh đạo suốt lịch sử và ngay cả bây giờ, đã cai trị người dân với bàn tay sắt đá như thế nào – nếu có thể nói như vậy – và đã cố tình gieo rắc sợ hãi như thế nào trong lòng những ai theo họ. Họ làm vậy vì chính họ sợ hãi.

Con yêu dấu, con đang đi trên đường tu tự điều ngự, con không thể cho phép mình sợ hãi một ai trong thế giới vật lý hay ngay cả trong ba tầng cõi kia. Nếu con tha thiết đi theo chân sư thăng thiên, con không thể cho phép mình cũng đi theo một người thày dựa trên sợ hãi. Như thày đã từng nói, thật không có gì sai trái nếu con quyết định hay nhận ra là mình muốn có trải nghiệm đi theo một người thày sợ hãi mà con có thể che giấu một số khía cạnh trong tiềm thức mình. Nếu con cần trải nghiệm đó, thày sẽ tôn trọng quyền tự quyết của con, nhưng tất nhiên, khi đó thì thày sẽ không thể giúp con, và cũng không ích lợi gì mà con ở lại với khóa nhập thất của thày. Nhưng thày sẽ không lên án con, thày sẽ không giận con. Thày sẽ chỉ đơn giản đón nhận con lại khi nào con chán ngấy trải nghiệm đó và mong muốn một vị thày dựa trên tình thương. Các chân sư thăng thiên là những vị thày hoàn toàn dựa trên tình thương. Các thày không có nhu cầu kiểm soát con vì các thày không sợ hãi con hay bất cứ gì khác.

8.3. Phát hiện những ý định dựa trên sợ hãi

Con hãy suy nghĩ thật kỹ về điều này, vì công việc mà thày cần con làm một cách ý thức – đồng thời với việc con bước theo, ban đêm trong các thể thanh cao của con, các khai ngộ ở tầng thứ ba tại khóa của thày – chính là con nhìn vào đời mình, nhìn vào thế giới, và xét xem những ý định nào của con xuất phát từ sợ hãi. Nếu con nhìn thế giới ngày nay, con sẽ thấy tuyệt đại đa số mọi người đều có toàn bộ ý định của họ dựa trên sợ hãi.

Các sa nhân thật thiện nghệ trong việc sử dụng lòng sợ hãi nơi bản thân chúng để kiểm soát người khác. Có thể nói đó chính là một định nghĩa về sa nhân. Thày có nói là nhiều sa nhân đã bị sa ngã trong một bầu cõi trước, và theo một nghĩa nào đó, kinh nghiệm này đã dạy cho chúng cách sử dụng lòng sợ hãi, sử dụng chính những nỗi sợ của chúng, để kiểm soát người khác mà không phải khắc phục những nỗi sợ này. Chúng vẫn mang sợ hãi nhưng chúng đã học được cách sử dụng sợ hãi để điều khiển người khác. Tất nhiên là chúng đang làm điều mà thày đã có giảng, là sử dụng một khả năng tự điều ngự nào đó để tự chủ. Bề ngoài chúng có vẻ làm chủ được bản thân, nhưng đó không phải là tự điều ngự đích thực.

Sa nhân giỏi làm cho con cảm nhận là con đang sống trong một thế giới mà con phải sợ hãi. Nỗi sợ này khoác vô số những hình dạng khác nhau. Và tất nhiên, có thể nói là cơ sở của nỗi sợ này là những điều kiện mà con chứng kiến trong cõi vật chất trên địa cầu. Như thày có nói trong bài giảng trước, sa nhân đã định ra một số định luật phụ thuộc của thiên nhiên, vì nơi đây là một bầu cõi chưa thăng thiên. Cho nên chúng đã định ra một số định luật, một số điều kiện mà dưới mắt hầu hết mọi người sẽ gây ra một nỗi khó khăn, một thử thách, một chướng ngại, một đối nghịch, một đe dọa. Thày không đang bảo là, chẳng hạn, bệnh tật không phải là một thực tế, dù là tạm thời, trên hành tinh này. Thày cũng không bảo là nguy cơ chiến tranh xung đột không có thật hay không hiện hữu.

Điều thày muốn nói là các sa nhân đã thành công trong việc khiến cho nhân loại đồng sáng tạo ra những điều kiện mà con chứng kiến trong vũ trụ vật chất. Rồi sa nhân đã sử dụng những điều kiện đó để gieo rắc lòng sợ hãi trong quần chúng, khiến hầu hết mọi người bỏ cả đời mình ra để hành sự dựa trên những ý định xuất phát từ sợ hãi. Đa số bỏ ra toàn bộ sức lực của mình để tìm cách bù đắp phần nào những nỗi sợ này, tìm cách khuây khỏa những nỗi sợ này để họ có thể sống chung với chúng. Như câu thành ngữ quen thụôc, tất nhiên đây không phải là một cách để sống, ít ra là dưới nhãn quan của chân sư thăng thiên.

Tuy nhiên, đó là một cách để sống cho những ai đã không nhận lãnh trách nhiệm về bản thân cũng như về trạng thái tâm mình. Họ đã sẵn có cái cớ ngay trong các điều kiện của vũ trụ vật chất để cảm thấy là mình không cần nhìn vào những nỗi sợ của mình. Họ không cần nhận lãnh trách nhiệm, họ không cần chấp nhận là họ có quyền năng vươn lên cao hơn, không những nỗi sợ mà cả những điều kiện mà họ sợ. Nếu con không muốn nhận trách nhiệm về bản thân, con cần một cái cớ để làm vậy. Và sa nhân đã cung cấp gần như vô số những cái cớ như vậy qua lòng sợ hãi các điều kiện trong thế giới vật chất.

Khi con kinh qua các khai ngộ trên tầng thứ ba với khóa nhập thất của thày, và trong khi con đọc bài thỉnh mỗi ngày, thày cần con nhìn một cách ý thức vào các ý định của mình. Thày cần con xem xét đã có bao nhiêu chuyện mà con đã và đang làm trong đời mình, nhằm hoặc bảo vệ bản thân khỏi một số điều kiện mà con sợ và bù đắp cho chúng, hoặc làm dịu bớt lòng sợ hãi đối với chúng hầu con có thể sống chung với chúng.

Thày cần con, nếu có thể, lập ra một danh sách. Đó có thể là một danh sách trong đầu hay một danh sách viết ra – thày để con tùy ý. Con cần lập ra một loại danh sách ghi lại những ý định dựa trên sợ hãi mà con đã từng hành sự trong đời con cũng như con đang hành sự ngày hôm nay. Xong thày cần con lập một danh sách khác là những ý định mà con đang có hay muốn có nếu con không có sợ hãi.

8.4. Nguyên nhân gây ra sợ hãi là những điều kiện nội tâm

Con hiểu là con không thể đạt được tự điều ngự nếu toàn bộ đời con bị nuốt trọn trong nỗ lực nhằm bảo vệ bản thân khỏi các điều kiện trong vũ trụ vật chất hay bù đắp cho chúng. Con không thể tự điều ngự nếu toàn bộ đời con nhằm bù đắp hoặc làm dịu bớt những nỗi sợ mà con có. Tự điều ngự chỉ có thể đạt được bằng cách thăng vượt những nỗi sợ mà con có.

Con yêu dấu, thày biết là ở mức này, rất nhiều đệ tử của thày phải đối mặt với một vấn đề cụ thể do sa nhân tạo ra ở một mức độ nào đó, hay ít ra do chúng quy định. Nhiều đệ tử đến với thày khi họp nhóm tại khóa tu của thày ở tầng thứ ba, và họ nói: “Nhưng Serapis Bey, chúng con vẫn còn đang hiện thân trong cõi vật lý. Chúng con hiểu là thày như một chân sư thăng thiên không sợ các điều kiện trên địa cầu như chiến tranh, bệnh tật hay nghèo đói. Chúng con hiểu chuyện đó, nhưng liệu thày chẳng thấy được là chúng con vẫn đang đầu thai và chúng con có nguy cơ trải qua những điều kiện đó hay sao? Chúng con tưởng là khi mình đạt được tự điều ngự, mình cũng sẽ đạt được điều ngự của tâm trên vật chất hầu tránh được những điều kiện đó trong cõi vật lý, nhưng bây giờ chúng con hiểu ra – và thày cũng đang bảo vậy – là chúng con chưa có được khả năng tự điều ngự này, và rất có thể chúng con cũng sẽ không có được khi hoàn tất khóa tu. Vậy thì làm sao chúng con khắc phục sợ hãi khi không thể thay đổi điều kiện vật lý?”

Con yêu dấu, thày hiểu hoàn toàn tại sao con phải đối mặt với tình thế có vẻ khó xử này. Chính thày cũng đã phải đối mặt với nó khi còn hiện thân, y như mọi chân sư thăng thiên khác. Thế nhưng thày đã thăng thiên khỏi địa cầu cũng như các chân sư khác. Làm thế nào thày đã thăng thiên? Vì thày nhận ra chìa khóa để khắc phục sợ hãi không phải là loại bỏ các điều kiện bên ngoài mà là làm việc trực tiếp trên nỗi sợ bên trong.

Sợ hãi không do điều kiện bên ngoài gây ra. Sợ hãi là do một điều kiện bên trong, một quyết định nào đó trong tâm con. Khi con bước vào tâm thức nhị nguyên, con cũng bước vào cõi giới của sợ hãi. Sợ hãi là người bạn đồng hành không thể tránh khỏi của tâm thức nhị nguyên và tách biệt. Tại sao như thế? Bởi vì bản chất của nhị nguyên chính là sự kiện con có một cái gì đó phản ứng với con mà sau đó con phản ứng lại.

8.5. Cuộc đời như một trận quần vợt

Như thày đã cho sứ giả này thấy, cuộc sống trong thế gian vật lý có thể ví như một trận đấu quần vợt. Nếu con đứng trên sân quần vợt với một chiếc vợt và một bộ banh, con có thể đánh banh sang bên kia sân, nhưng con có thể đánh như vậy được bao nhiêu lần nếu trái banh không trở lại? Con có thể học được gì về môn quần vợt nếu không có đấu thủ nào bên kia sân đánh banh lại cho con? Tất nhiên con có thể chọn không bước lên sân quần vợt, nhưng thật là không có gì sai trái nếu con bước lên sân và bảo: “Tôi mong muốn trải nghiệm trò chơi quần vợt, thậm chí trở thành một cao thủ đạt tới mức điêu luyện, một mức điều ngự nào đó.” Chuyện bước vào nhị nguyên cũng không có gì quan trọng hơn một trận đấu quần vợt như vậy, cho dù sa nhân có muốn bao trùm tất cả trong tư duy cuồng đại của chúng dựa trên sợ hãi.

Từ một nhãn quan không sợ hãi, nhị nguyên chỉ là một trò chơi. Nó mang lại cho con một trải nghiệm nào đó, và con có thể đạt được một mức độ thành thạo nào đó khi con chơi trò này. Nhưng tất nhiên từ nhãn quan không sợ hãi đó, mục đích chơi trò nhị nguyên không nhằm đạt đến điêu luyện, mà đạt đến điểm khi nó cho con một khả năng điều ngự cái ta để con có thể nói: “Thôi, tôi đã quá đủ trải nghiệm này rồi. Nó đã dạy tôi nhiều hơn về con người mà tôi là hay không là, và giờ đây tôi sẵn sàng bỏ lại trò chơi đằng sau.”

Con cần bắt đầu suy ngẫm một cách ý thức về những ý tưởng vừa rồi, bởi vì chắc chắn một trong những nỗi sợ vi tế nhất do sa nhân xui khiến là cái mà các thày gọi là tư duy cuồng đại. Tư duy này bảo rằng chuyện đấu tranh giữa hai thế lực của ánh sáng và bóng tối là một công cuộc trọng đại hàng đầu, và những gì con làm khi con chơi trò này – hay đúng hơn, khi con tham gia vào thực tế biểu kiến này – hệ trọng không thể tưởng tượng nổi.

Con cần đạt tới điểm nhận ra là không có gì xảy ra trên địa cầu có tầm quan trọng như sa nhân quả quyết. Nếu con không nhận ra điều này, con sẽ không thể buông bỏ rất nhiều những ý định vi tế đã được sa nhân tạo dựng dựa trên cuộc chiến cuồng đại giữa thiện và ác. Thày đã nói điểm này rồi và thày nói lại một lần nữa. Mục đích của các chân sư thăng thiên không phải là để đệ tử giao chiến với sa nhân. Mục đích của sự tự điều ngự không phải là để con có khả năng đánh bại sa nhân, đánh bại các thế lực của bóng tối đang gây ra đủ loại tệ nạn tàn ác trên trái đất. Khi nào con còn nghĩ đó là mục đích của mình, khi nào con còn có ý định đạt được loại quyền năng đó để đánh bại thế lực bóng tối, thì ý định của con vẫn dựa trên sợ hãi.

Con không cần đánh bại thế lực bóng tối mà con cần đem lại ánh sáng. Con không thể là cánh cửa mở cho ánh sáng khi con còn có lòng sợ hãi trong con và chưa sẵn sàng nhìn vào những điều kiện trong chính tâm con. Làm thế nào để cuối cùng con khắc phục được nỗi sợ những điều kiện trên trái đất? Con sẽ không khắc phục được bằng cách thay đổi chúng, bằng các tiêu diệt, xóa bỏ chúng hay bằng cách bảo vệ bản thân mình khỏi chúng. Bất kỳ sự bảo vệ nào mà con tìm kiếm trên địa cầu, bất cứ sự bảo vệ vật chất nào, cũng sẽ trở thành nhà tù giam con lại. (Ở đây thày đang nói đến bảo vệ vật lý, vì bảo vệ tâm linh thì khác).

Những nhà quyền quý thời Trung cổ ngồi trong lâu đài kiên cố đã bị giam cầm trong lâu đài của họ. Những ai mặc bộ áo giáp tuy được bảo vệ nhưng cũng bị giam trong cái hộp sắt, và thày có thể cam đoan với con đó không phải là một cảm giác dễ chịu. Con không khắc phục sợ hãi bằng cách loại bỏ điều kiện mà con sợ. Con chỉ khắc phục sợ hãi bằng cách đi vào nỗi sợ, nhìn ra là nó không có thực thể, nhìn ra quyết định mà con đã lấy khiến con tin nó có thực thể, và con tháo gỡ điều kiện đó đi.

8.6. Ý định dựa trên sợ hãi không thể khắc phục sợ hãi

Con yêu dấu, tới đây là sự ngộ ra một điều cốt yếu: Khắc phục sợ hãi không thể xảy đến qua một ý định dựa trên sợ hãi. Nếu ý định của con dựa trên sợ hãi, con không thể khắc phục sợ hãi, Cho nên một lần nữa, con lại phải đối mặt với một tình thế có vẻ khó xử, một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhưng tất nhiên, nó chỉ khó xử vì con nhìn nó từ một tâm trạng sợ hãi.

Đó là tại sao các khai ngộ mà con đối mặt ở tầng thứ ba tại nhập thất của thày nhằm giúp con phát huy một ý định dựa trên tình thương. Con có thể tự giúp mình bằng cách suy ngẫm điều này trong tâm ý thức. Ở tầng này, các thày làm rất nhiều việc nhằm giúp con khắc phục lòng sợ hãi nơi bản sắc thể, trí thể và cảm thể của con. Con chỉ có thể hoàn tất công việc bằng cách con cũng nhìn vào nỗi sợ với tâm ý thức của mình.

Con cần nhận ra điều thày vừa nói, rằng mục đích là khắc phục sợ hãi, nhưng con không thể làm được nếu ý định của con dựa trên sợ hãi. Con phải nẩy nở một ý định có ý thức dựa trên tình thương. Con làm điều này bằng cách suy ngẫm xem những gì đã thực sự dẫn con đến khóa nhập thất của thày, đã thực sự dẫn con vào con đường tâm linh và khóa tu này. Khi con lập danh sách những ý định xuất phát từ sợ hãi, con có thể thấy có một số ý định đã đưa con đến đường tu tâm linh. Hầu hết đệ tử đều có một số ý định dựa trên sợ hãi khiến họ bước trên đường tu. Họ tìm cách thoát khỏi một cái gì đó. Con tìm cách bù đắp cho những lỗi lầm mà chính mình đã phạm vào trong quá khứ hoặc những thiếu sót và bất toàn mà mình nhận thức nơi mình. Con tìm cách trở nên toàn hảo đến độ Thượng đế sẽ phải nhận con vào Nước Trời cho dù con chưa thực sự chuyển đổi trạng thái tâm thức của con, ý niệm về cái ta của con.

Khi con lập danh sách những ý định đó và thấy được là chúng dựa trên sợ hãi, trong con sẽ hừng sáng. Con sẽ nhận ra là mặc dù những ý định đó có ảnh hưởng đường tu của con, chúng không hoàn toàn giải thích được tại sao con lại đang bước đi trên đường tâm linh và tại sao con lại tới được điểm này khi con đang học cuốn sách này. Con không thể nào bước qua các khai ngộ của ba tia sáng đầu và đến được khai ngộ của Tia thứ Tư nếu ý định của con hoàn toàn xuất phát từ sợ hãi. Thật là không thể.

Lòng sợ hãi đã phải khiến con bác bỏ khóa tu này từ lâu rồi hay đã phải khiến con nói: “Tôi sẽ nghỉ chân chút xíu để sẽ tiếp tục sau đó” – cái “sau đó” không bao giờ tới. Khi con suy ngẫm điều này, con sẽ khám phá là có một cái gì đó mà con thương yêu về đường tu tâm linh, về các chân sư thăng thiên, về cõi thăng thiên, về ý tưởng tự thăng vượt, về ý tưởng mình bước đi trên đường đạo. Có cái gì đó mà con yêu thương và cái đó trở thành điểm cố định để con khắc phục những nỗi sợ của mình.

8.7. Tình thương là điểm cố định của con

Hẳn con đã nghe câu nói này của vị cha đẻ của khoa hình học, nhà hiền triết Hy lạp cổ Archimedes: “Hãy cho ta một điểm cố định và một đòn bẩy thì ta sẽ chuyển dời cả vũ trụ.” Cũng vậy, trong một cõi chưa thăng thiên vẫn bị sợ hãi chi phối, chỉ có một điểm cố định mà thôi, đó là tình thương. Khi con có tình thương, con sẽ dời chuyển được vũ trụ. Đồng ý, thày cũng biết là ở mức hiện tại của con, có thể con chưa có đủ tình thương ở một cường độ và hàm lượng để mà chuyển dời vũ trụ. Thày không yêu cầu con chuyển dời vũ trụ mà chỉ yêu cầu con chuyển dời nỗi sợ kế tiếp mà con sắp sửa đối mặt ngay bây giờ. Sau đó tất nhiên, thày sẽ yêu cầu con chuyển dời nỗi sợ tiếp theo, nhưng thày sẽ chỉ yêu cầu con chuyển dời những gì con có khả năng làm được ở mức hiện thời của con mà thôi.

Đây là việc thày làm khi con gia nhập khóa tu của thày trong các thể thanh cao của con. Nếu con hòa điệu được với điều đó trong tâm ý thức, hầu hết các con sẽ có khả năng nhận ra trong ý thức nỗi sợ nào con đang cải sửa. Sau đó con có thể xem xét nó, con có thể bước vào nó – với thày nắm tay con nếu con muốn – và con có thể thấy được tính không thực ở đằng sau nó.

Một lần nữa con hãy lưu ý, trên địa cầu có những điều kiện có thể hiện thực theo nghĩa tạm thời. Thày không yêu cầu con nhìn thấy tính không thực của điều kiện đó, mà nhìn thấy tính không thực của nỗi sợ của con đối với điều kiện đó. Thày biết rất rõ trên địa cầu có nhiều điều kiện có vẻ vô cùng hăm dọa. Có thể con gặp cảnh chinh chiến và phải bỏ mạng. Có thể con bị mắc chứng bệnh ngặt nghèo và qua đời. Cơ thể con sẽ ngày càng già đi và cuối cùng nó sẽ tắt thở. Hiển nhiên con không thể thay đổi những điều kiện đó, nhưng điều mà thày yêu cầu con làm là nhận ra là con không cần thay đổi chúng.

Sự thăng thiên và phát triển tâm linh của con không tùy thuộc vào việc con thay đổi bất cứ điều kiện nào bên ngoài con. Nó chỉ tuỳ thuộc vào một điều duy nhất, đó là con nhận ra không có một điều kiện nào trong vũ trụ vật chất có khả năng định đoạt con là gì khi con là một sinh thể tâm linh.

Đây là một trong những tác động tinh vi nhất của sa nhân. Biết bao người trên trái đất tin rằng chính các điều kiện vật chất mới định đoạt được họ, định đoạt họ là loại sinh thể gì, họ có thể làm gì và đặc biệt là họ không được làm gì. Cho nên khi con bị bệnh tật, phải bỏ mạng trên chiến trường hay chết già, con tưởng cái đó định đoạt được con, cái đó ngăn cản con tiến bước trên đường tâm linh.

8.8. Khắc phục nỗi sợ chết

Nhiều người đã sống cả đời lo sợ một điều kiện nào đó, chẳng hạn sợ chết. Thế rồi trên giường hấp hối, họ bỗng ngộ ra là chết không có gì đáng sợ, bởi vì chết không phải là hết, và họ sẽ tiếp tục hiện hữu. Thày nghĩ con cũng nhận ra là con sẽ tiếp tục sống mãi sau cái chết và con đã chết nhiều lần rồi trong bao nhiêu kiếp trước. Liệu con có hoàn toàn nhận ra trong tâm ý thức là cái chết sẽ không ngăn cản sự phát triển tâm linh hay thăng thiên của con?

Nếu con tin là Giê-su đã thăng thiên và cũng đã chết trên thập tự giá, thì con thấy đó, ngay đó, cái chết, cái chết vật lý, không ngăn cản con thăng thiên. Do đó mà con biết cái chết cũng không ngăn con học hỏi một số bài học và tăng trưởng. Cho dù con phải đối đầu với điều kiện nào trên địa cầu này đi nữa, cho dù nó có khủng khiếp tới đâu và khiến con đau khổ và đau đớn tới đâu, nó vẫn không thể quy định được con, không thể ngăn cản được con tăng trưởng hay thăng thiên.

Nhiều người đã phải đối mặt với một điều kiện nào đó hầu khắc phục nỗi sợ của mình đối với điều kiện đó. Mục đích của khóa học này và mục đích của các Thượng sư hiển nhiên là để giúp con tới được điểm khi con có thể khắc phục lòng sợ hãi các điều kiện vật lý mà không phải đối mặt và trải nghiệm những điều kiện đó. Các thày không muốn con sống những ngày còn lại của kiếp này trong nỗi sợ chết và chỉ khắc phục được nỗi sợ chết trên giường hấp hối. Các thày muốn con khắc phục nó ngay bây giờ để con có thể sống phần đời còn lại mà không sợ chết, không sợ bệnh tật, không sợ chiến tranh hay bất kỳ điều kiện nào khác mà con có thể sợ.

8.9. Lật bỏ định luật thiên nhiên

Đó là điều thày cố đạt được ở tầng thứ ba tại khóa nhập thất của thày. Tại sao lại quan trọng như vậy? Bởi vì như thày đã có giải thích, mục đích của khóa tự điều ngự này là để giúp con điều ngự các định luật cơ bản của thiên nhiên do các Elohim quy định. Những định luật này có khả năng lật bỏ các định luật phụ thuộc của thiên nhiên do sa nhân ấn định.

Con đã thấy Giê-su thực hiện những việc được gọi là phép lạ, nhưng đó không là phép lạ. Giê-su hiện thân trong một xã hội và ở một thời điểm khi mọi người đều bị giam hãm trong lòng sợ hãi đến độ tâm trí lẫn thân xác họ trở thành lệ thuộc vào các định luật phụ thuộc của thiên nhiên. Đối với họ, các định luật này là những chướng ngại tưởng chừng không sao vượt qua nổi. Và Giê-su chứng tỏ là khi con đạt được tâm thức Ki-tô, con có thể bắt đầu sử dụng các định luật cơ bản của thiên nhiên để lật bỏ, gạt sang một bên, vô hiệu hóa các định luật phụ thuộc.

Mục đích của các thày là giúp con điều ngự các định luật cơ bản và thực sự khắc phục không những lòng sợ hãi các định luật phụ thuộc, mà ngay cả mong muốn điều khiển các định luật này. Như thày có nói, con có thể đạt được một khả năng điều khiển nào đó đối với các định luật phụ thuộc, và đó là chuyện mà các thày giả sẽ dạy con. Thày không dạy chuyện đó, và các Thượng sư khác cũng vậy.

Điều này cũng có nghĩa là con không sử dụng bừa bãi các định luật cơ bản của thiên nhiên để lật bỏ các định luật phụ thuộc. Con sẽ thấy là Giê-su đã không chữa lành cho mọi người bệnh tật mà thày gặp. Thày đã không phục sinh cho mọi người lìa đời chung quanh thày. Thày đã không biến mọi bình nước thành bình rượu. Thày đã không đi bộ trên mặt nước mỗi ngày. Thày chỉ làm những việc đó để cho con thấy những gì có thể được thực hiện khi con xoay tâm mình từ một tâm trạng dựa trên sợ hãi sang một trạng thái tâm dựa trên tình thương. Qua đó, con đạt được khả năng thăng vượt, và con không còn bị ràng buộc trong các định luật phụ thuộc của thiên nhiên, mà thay vào đó, con trở thành một cánh cửa mở để các định luật cơ bản của thiên nhiên vận hành xuyên qua con.

8.10. Trở nên trung hòa

Con cũng vậy. Các thày không thể giúp con hoàn tất khóa tu này nếu con hình thành ý định muốn điều ngự các định luật cơ bản để khoa trương với người khác hay để chứng tỏ bất cứ điều gì với ai. Con hiểu là khi Giê-su thực hiện tất cả những cái gọi là phép lạ đó, thày đã không quyết định bằng tâm vỏ ngoài: “Tôi sẽ chữa lành vị này.” Giê-su hoàn toàn trung hòa.

Thày là cánh cửa mở để đoàn chưởng giáo ở trên thày có thể hành động qua thày và quyết định xem người đó có nên được chữa lành hay không. Dĩ nhiên Giê-su đã nói: “Kẻ nào tin ta cũng sẽ làm được những việc mà ta làm.” Các thày có ý định đưa con tới điểm khi con có thể làm được những việc mà Giê-su đã làm, nhưng điều này không có nghĩa là Tánh linh sẽ làm cùng những việc xuyên qua con y như Tánh linh đã làm xuyên qua Giê-su. Đó là quyết định của Tánh linh, dựa theo một lượng định riêng rẽ mỗi hoàn cảnh thực tế.

Do đó, con không thể trở thành một cánh cửa mở nếu con có một ý định nào đó về những gì Tánh linh phải làm hay không được làm. Thày biết rõ ở mức này con chưa thể hoàn toàn khắc phục được ý định này. Nhưng thày muốn con có sự nhận thức để con ghi lại đâu đó trong tâm con. Có thể sẽ đến một thời điểm trên đường tu khi đây chính là cái ý định mà con cần phải khắc phục hầu tiến bước xa hơn.

Một lần nữa, các thày không có mục đích chế tạo ra một kết quả vỏ ngoài cụ thể nào trên địa cầu. Đúng vậy, Saint Germain có một kế hoạch thị hiện một thời hoàng kim trên trái đất, nhưng đó không phải là một kế hoạch được vạch ra trong từng chi tiết. Có rất nhiều khoảng trống để cho Tánh linh hoạt động cũng như cho quyền tự quyết trải bày ra. Chỉ có một ý định chung chung, và đó chính là cách vận hành của ý định dựa trên tình thương. Ý định dựa trên tình thương không phải là một cái áo tù bó tay bó chân. Thày có nói là con cần tự đặt mình cho thẳng hàng với đoàn chưởng giáo bên trên con, nhưng điều này không có nghĩa là con đánh mất quyền tự quyết và khả năng sáng tạo cá nhân của mình.

Khi con đứng thẳng hàng với Tánh linh, có những điều mà con sẽ không bao giờ nghĩ tới là con sẽ làm hay mong muốn làm. Trong khuôn khổ tổng quát của Sứ vụ Thiêng liêng của con và nhu cầu ngay lúc đó, con vẫn có khoảng không gian để sử dụng khả năng sáng tạo và tự lấy quyết định. Đây là cách hiểu mà con cần phải đạt được, bởi vì nếu con sợ là con sẽ phải từ bỏ quyền tự do, quyền tự quyết cũng như sự sáng tạo của mình khi con bước trên đường tu và hoàn tất khóa này, thì đó sẽ lại là một ý định dựa trên sợ hãi sẽ kìm hãm bước chân con.

Đây không phải là vấn đề con mất ý chí tự do của mình, mà thật ra ý chí của con sẽ tìm được tự do vì con không còn ý định dựa trên sợ hãi do sa nhân lập trình nơi tiềm thức, qua đó chúng có thể điều khiển con, điều khiển những chọn lựa của con, thậm chí cả những chọn lựa mà con có thể thấy được.

8.11. Sáng tạo không bù đắp cho thiếu sót

Làm thế nào sa nhân kiểm soát được con người? Bằng cách giới hạn những chọn lựa mà con người có thể thấy được, bằng cách khiến con nghĩ là có những chuyện không thể hay không được phép, hoặc con nghĩ là con không thể hay không được phép thị hiện và biểu đạt tâm Ki-tô của con, hoặc con nghĩ là con không muốn chuyện đó vì nó sẽ giam con lại trong một chiếc áo tù bó tay bó chân.

“Ý định… ý định… ý định.” Ý định dựa trên tình thương sẽ giải thoát con khỏi mọi sợ hãi. Nó cũng sẽ giải thoát sự sáng tạo trong con để con có thể thực sự sáng tạo khi con nhìn ra và hiển thị viễn quan cao hơn, thay vì cố bù đắp cho các điều kiện, bù đắp cho những thiếu thốn và thiếu sót con đang chứng kiến trên địa cầu. Thày đồng ý với con là trên địa cầu có rất nhiều điều không lý tưởng, và lý tưởng nhất thì cần phải thay đổi chúng đi. Con có thể đã tới đây để đem lại một số thay đổi cho địa cầu, nhưng sự thay đổi mà con tới đây để cống hiến không phải là một sự phản ứng trước các điều kiện bất toàn hiện hữu. Sự thay đổi đích thực, sự sáng tạo đich thực, là đem lại một cái gì mới mẻ đến độ nó thay thế hẳn những điều kiện hiện thời.  

Thày có đề cập tới trận đấu quần vợt nơi con có một đối thủ đánh banh lại cho con. À, đó chính là một chức năng của sa nhân. Chúng hình thành một loại đối thủ cho tất cả những ai không đến nỗi hung hãn như chúng. Tất nhiên, chính con cũng hình thành một đối thủ cho chúng để tạo cho chúng một cơ hội chán ngán cuộc chơi.

Chúng sẽ là đối thủ của con cho tới khi con còn chơi trong trận đấu và bị kẹt lại trong nhị nguyên, cho tới khi con còn nghĩ là trong vai trò một đệ tử tâm linh, ý định của mình phải nhằm cải sửa, thay đổi, loại trừ những hạn chế hiện thời trên trái đất và diệt bỏ cái ác khỏi trái đất. Đó không phải là mục đích thật của con. Ý định đích thực dựa trên tình thương của con là chứng tỏ có một sự chọn lựa khác ngoài trạng thái tâm thức nhị nguyên.

Tại sao nền công nghệ hiện đại không thể giải quyết được mọi vấn đề? Tại sao cách tiếp cận ngành y khoa hiện thời không thể chữa lành được mọi bệnh tật? Đó là vì nó dựa trên sợ hãi, nó nhằm mục đích thay đổi các điều kiện khởi lên từ nhị nguyên thay vì đem lại một cách tiếp cận mới, một cách nhìn vấn đế dựa trên tình thương để cống hiến một giải pháp không nhằm bù đắp cho các giới hạn mà thăng vượt chúng hoàn toàn.

Thày đã cho con rất nhiều điều để suy ngẫm trong bài giảng này, nhưng thày không cho con nhiều hơn khả năng hấp thụ của con ở tầng khai ngộ này. Nếu con đang học “cấp tốc” theo chương trình chín ngày cho mỗi bài học, có thể con sẽ muốn đi xa hơn một chút về khai ngộ tình thương. Có thể con sẽ muốn dành thêm chút thì giờ xem xét ý định của mình, vì nó sẽ giúp con vượt qua dễ dàng hơn cuộc khai ngộ ở tầng thứ tư kế tiếp khi con sẽ nhận được một liều tinh khiết gấp đôi. Sẽ khó đương đầu với một liều tinh khiết gấp đôi nếu con không có một ý định hoàn toàn dựa trên tình thương.

Serapis Bey TA LÀ.

Ý định thuần khiết khi tìm Minh triết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapia Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/1/2016.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Mục đích bài giảng này là để cho con một số gợi ý qua nhận biết vỏ ngoài hầu giúp con hòa điệu và vượt qua các khai ngộ ở tầng thứ hai tại khóa nhập thất của thày ở Luxor. Tất nhiên đây là mức của Tia sáng thứ Hai, tia của minh triết. Chúng ta hẳn đã kinh qua những sáng ngộ và khai ngộ quan trọng dưới thày Lanto, nhưng thày muốn đưa con đi xa hơn một chút bằng cách nối liền minh triết với ý định của con – sự thuần khiết trong ý định của con khi con tìm minh triết.

Thày muốn con nhìn xem thế gian nhìn minh triết như thế nào. Đã có một thời, nhiều thế kỷ và ngay cả hàng thiên niên kỷ về trước, người ta nhìn minh triết khác với ngày nay. Khi lớn lên trong thế giới hiện đại, con khó lòng tưởng tượng được con người thời cổ đại nhìn minh triết như thế nào. Thày không bảo là cách tiếp cận minh triết của họ nhất thiết cao hơn những gì ngày nay đạt được, mà thày muốn nói là chắc chắn cách hiểu minh triết của họ tinh tế, và theo một nghĩa nào đó, cũng sâu sắc hơn những gì có thể tìm thấy nơi hầu hết các cơ sở giáo dục trong thế giới hiện đại.

6.1. Kiến thức phàm phu có giới hạn

Thuở đó, con người nhận ra là kiến thức phàm phu có giới hạn. Hiển nhiên, chuyện này dễ hơn cho họ vì kiến thức con người thời đó giới hạn hơn ngày hôm nay. Con đã lớn lên trong một thế giới chứng kiến sự bùng nổ của thông tin. Chưa bao giờ có nhiều kiến thức đến như vậy được cống hiến cho mọi người trên địa cầu. Thật ra khi thày bảo “chưa bao giờ”, thày muốn nói là chưa bao giờ trong lịch sử được ghi lại, bởi vì chắc chắn trong những thời đại trước đã có những nền văn minh cống hiến nhiều kiến thức hơn bây giờ nữa. Trong cái mà con gọi là lịch sử, con sống trong một xã hội với nhiều trí tuệ, nhiều kiến thức đến độ con không thể hiểu hết được. Không một ai có khả năng biết hết được.   

Vào thuở khi kiến thức ít hơn, người ta nhận ra là cách duy nhất để thực sự thành công trong đời không phải là qua kiến thức vỏ ngoài mà qua minh triết bên trong. Đó là một dạng minh triết cao hơn, một hình thức mà ngày nay con sẽ gọi là trực giác, nhưng thời đó người ta gọi bằng những tên khác bây giờ. Họ xem đó là sự hướng dẫn từ Trên. Một số nền văn hóa xem đó là những vị thày tâm linh, những vị hướng dẫn từ tánh linh, và một số khác coi đó là phần cao hơn của chính bản thể của mình. Họ nhận ra sự hiện hữu của một dạng hiểu biết hay trí tuệ cao hơn những gì tâm trí phàm phu có khả năng sản xuất ra.

Cũng có những nền văn hóa khác và những thời kỳ khác khi sự hiểu biết mà chúng ta có thể gọi là minh triết của Mẹ, minh triết nữ tính, hiện diện. Đây là kiến thức về cách vận hành của thế gian, cách vận hành của vũ trụ. Có nhiều người đã đạt được một hiểu biết trực giác về cách vận hành của thế giới lớn hơn cả các nhà khoa học thời nay. Thày không bảo đó là một dạng minh triết nhất thiết cao trội hơn, mặc dù trong một số trường hợp, đã có những người trực nhận được cách vận hành của thế giới vượt khỏi ngay cả tầm hiểu biết của những nhà khoa học tài ba nhất thời nay. Chẳng hạn, có những người có hiểu biết trực giác cao hơn về cơ thể con người, và họ có thể thực hiện một số kỹ thuật chữa bệnh vượt xa khả năng của các bác sĩ tài giỏi nhất hiện nay. Điều mà họ không làm được thời đó là giải thích cách trị liệu của họ vận hành như thế nào và tại sao nó lại hiệu quả, và tất nhiên, đây là một sự khác biệt và một lãnh vực mà ngày nay con người đã có tiến bộ. Ý của thày ở đây không phải là bảo rằng sự bùng nổ tri thức vĩ đại do khoa học tạo ra trong vài thế kỷ vừa qua là thô sơ hay sai lầm.

6.2. Tự điều ngự và hiểu biết từ bên trong

Nhưng mục đích của thày là giúp con, trong vai trò một học trò của chân sư thăng thiên đang bước vào đường tu tự điều ngự, thấy được là con sẽ không đạt được tự điều ngự qua kiến thức đến với con từ ngoài. Nếu con nhìn vào xã hội ngày nay và cách nhìn của xã hội về minh triết hay kiến thức, con sẽ nhận thấy một xu hướng rõ rệt cho rằng sự hiểu biết đáng tin cậy chỉ có thể đến từ một nhà chuyên môn, một khuôn mặt thẩm quyền nào đó.

Hiện vẫn còn một số xã hội trông vào các vị chức sắc có thẩm quyền tôn giáo bảo họ phải tin những gì về một số khía cạnh của cuộc sống. Người ta tin là những chức sắc tôn giáo này có được thẩm quyền đó dựa trên hiểu biết kinh điển, hay trong một số trường hợp, một khải huyền nào đó từ cõi Thiêng liêng. Và có những lãnh vực khác trong xã hội nơi người ta trông vào các nhà khoa học để cung cấp kiến thức đáng tin cậy.   

Một lần nữa, khoa học đã có những tiến bộ rất lớn để giải thích nhiều điều về cách vận hành của vũ trụ vật chất. Tuy nhiên, là một học trò tâm linh, con cần nhận ra là cách tiếp cận của khoa học hiện đại vô cùng giới hạn. Nó giới hạn chính vì ngay từ những bước đầu, khoa học đã trở thành công cụ cho một số sa nhân âm mưu sử dụng. Trước tiên, chúng đã sử dụng để cố giành quyền lực trong xã hội mà một số sa nhân khác đã chiếm hữu qua tôn giáo. Và do đó, cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo một phần lớn đã là một cuộc tranh giành giữa hai nhóm sa nhân.

Sau khi chúng đoạt được một phần quyền lực khỏi tay tôn giáo, giờ đây các sa nhân đó đang bắt đầu sử dụng khoa học làm phương thức kiểm soát con người. Con có thể nghĩ sa nhân có nhiều lý do để muốn kiểm soát con người, và đúng vậy, có nhiều tầng cấp sa nhân với nhiều loại động lực khác nhau muốn kiểm soát con người. Nhưng đằng sau những lý do đó là một mong muốn bao trùm lên tất cả – nhắm vào mọi người đang đầu thai trên điạ cầu – là đảm bảo là con không thể biểu hiện quả vị Ki-tô cá nhân của con.

Quả vị Ki-tô cá nhân, tất nhiên, là trạng thái khi con biết rõ từ bên trong hiểu biết nào là chính đáng và hiểu biết nào là không chính đáng. Con tự đủ, con độc lập; không một khuôn mặt thẩm quyền nào, không có một chuyên gia nào có thể bảo con điều gì đi ngược lại với những gì con biết từ bên trong. Quả vị Ki-tô là sự phối hợp giữa khả năng tiếp nhận hiểu biết từ một nguồn cao hơn – tức là Hiện diện TA LÀ của con và các chân sư thăng thiên – với khả năng hòa điệu với vũ trụ vật chất cùng minh triết của Mẹ.

6.3. Niềm đam mê kiến thức trí thức

Khi con đến với tầng khai ngộ thứ hai tại nhập thất của thày, thày cần bỏ ra rất nhiều công sức để giúp đệ tử khắc phục nỗi ám ảnh, niềm đam mê mà con có đối với kiến thức khoa học, trí thức, vỏ ngoài. Thày có nhiều cách làm điều này, nhưng chủ yếu thày đưa đệ tử vào một căn phòng được xây đặc biệt cho mục đích đó. Đây là một căn phòng thày đã xây dựng với sự giúp đỡ của thày Lanto. Trong căn phòng này, như Lanto đã có mô tả trong khóa học của mình, các thày có thể làm hiển lộ năng lượng của minh triết, năng lượng của hiểu biết. Các thày có thể cho thấy các hình dạng kỷ hà đằng sau những gì con gọi là kiến thức vỏ ngoài, nghĩa là kiến thức có thể biểu đạt bằng ngôn từ.

Cho nên các thày có thể cho thấy năng lượng ở đằng sau kiến thức phàm phu. Thậm chí các thày còn có thể cho con thấy một số ý tưởng, một số loại kiến thức, không trung lập như thế nào. Con hẳn cũng biết “chén thánh” của chủ nghĩa khoa học duy vật, từ khoảng hai thế kỷ nay, là tính khách quan. Tâm của nhà khoa học được coi như không có ảnh hưởng gì đến các quan sát, và người ta tin rằng những kết luận đạt được qua quan sát như vậy sẽ không bị tâm của nhà khoa học ảnh hưởng.

Và do đó người ta cũng tin rằng kiến thức của khoa học hoàn toàn trung lập. Nó chỉ có mục đích cung cấp sự thật cho con, nó hoàn toàn không có chủ đích gì khác hoặc tác dụng nào khác. Tuy nhiên, các thày có thể cho con thấy ở mức độ năng lượng là có một số lý thuyết trên thế giới, thậm chí một số thuyết mà gần như mọi người đều tin vào, có mang một số cái móc năng lượng được gài sẵn bên trong.

Thày biết chuyện này hơi khó hình dung, nhưng sẽ không khó lắm nếu con so sánh với thế giới điện toán. Con hẳn biết rõ là một chương trình máy tính có mã nhất định. Mã được viết trong ngôn ngữ mà máy tính đó sử dụng. Chương trình máy tính có thể chứa đựng một số thông tin mà nó có thể cung cấp cho con, nhưng thông tin này được mã hóa. Con cũng biết là người ta có thể chèn vào giữa mã hoặc bên trong mã, những mã ẩn gọi là vi-rút. Đây là những cái mã đi vào trong máy tính để thực hiện một số công việc không liên quan gì đến chương trình vỏ ngoài mà chúng bám vào. Thế là con có tình trạng màn ảnh của máy tính hiển thị một chuyện, nhưng đồng thời con vi-rút ẩn giấu đang làm một chuyện khác mà con không hề hay biết. Đó, một điều tương tự cũng xảy ra với những ý tưởng và lý thuyết mà sa nhân đã tạo ra. Đó đều là những kiến thức vỏ ngoài mà chúng bảo là có mục tiêu, có lý thuyết, có ý định nhằm giải thích thực tại vận hành như thế nào. Nhưng ẩn giấu trong đó là một số ý tưởng đã được mã hóa, ngay cả một số tín hiệu năng lượng, mà tâm ý thức không thấy được nhưng lại xâm nhập vào tiềm thức và hoạt động như một con vi-rút điện toán.

Tất cả các con được nuôi dạy trong thế giới hiện đại, đã bị lập trình với một số ý tưởng mà bề ngoài chủ trương cho con kiến thức – một kiến thức trung lập, khách quan, chính đáng – nhưng kỳ thực lại đang lập trình tâm con theo những cách vận hành đi ngược lại sự phát triển tâm linh cùng việc biểu hiện quả vị Ki-tô của con. Có nhiều ví dụ về sự thể này. Ở đây thày không có ý định thuyết giảng dài dòng vì đây là công việc mà nhiều chân sư thăng thiên sẽ thực hiện một lúc khác. Nhưng thày có thể cho con thấy một ví dụ về những điều con sẽ học hỏi tại nhập thất của thày.

6.4. Vấn đề với thuyết tiến hóa

Một trong những ý tưởng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, tất nhiên, là ý tưởng về sự tiến hóa. Khoa học duy vật trình bày thuyết tiến hóa hiện thời, do Charles Darwin khởi đầu, như là một cái nhìn khách quan về cách thức sự sống đã bắt đầu và đạt đến trình độ hiện tại. Hiển nhiên, đây là một lý thuyết hoàn toàn duy vật. Nó đã là vũ khí chủ yếu được sử dụng để tấn công tôn giáo, và nó đã khiến cho nhiều người bỏ rơi mọi niềm tin vào tôn giáo và tâm linh, để chấp nhận con người là một sinh thể hoàn toàn vật chất.

Tất nhiên, đó không phải là một ý tưởng mà con có thể dùng để đạt đến quả vị Ki-tô. Con không thể tin mình không là gì hơn một con thú đã tiến hóa mà đồng thời lại cất bước trên đường tu tâm linh hầu đạt được một trạng thái của tâm vượt xa tất cả những gì mà con người hay bất kỳ thú vật tiến hóa nào sẽ bao giờ đạt được. Thuyết tiến hóa trong dạng hiện thời quảng bá một cái nhìn về bản thân đối nghịch trực tiếp với sự phát triển Ki-tô của con. Các thày có thể cho con thấy trên màn ảnh làm thế nào những tin tưởng mà thuyết tiến hóa đã chèn vào trong trí thể của con đang thực sự ngăn con tiếp xúc với thể bản sắc.

Con cũng hiểu, con yêu dấu, là để phát triển quả vị Ki-tô, con cần làm việc với toàn bộ bốn thể phàm của mình. Con phải thanh tẩy cơ thể vật lý cho không còn một số độc chất và từ bỏ một số thói quen. Con không thể đạt được quả vị Ki-tô nếu con hút thuốc, dùng bất kỳ loại ma túy tiêu khiển nào hay uống rượu. Con không thể làm được vì cơ thể vật lý sẽ chặn đứng không để con tiếp xúc với ba thể kia cao hơn.

Đồng thời con cũng phải làm việc trên cảm thể để thanh tẩy một số năng lượng cảm xúc. Con không thể phát triển quả vị Ki-tô nếu con sợ hãi quá đáng bất cứ gì trong thế gian, nếu con tưởng mình đang sống trong một vũ trụ chỉ muốn hại mình, hay thậm chí nếu con sợ hãi lớp thượng lưu quyền lực, sợ hãi những thuyết âm mưu rộng lớn đang tìm cách hãm hại mình. Con không thể phát triển quả vị Ki-tô nếu con tràn ngập giận dữ hay oán hận đối với người khác và chỉ mong muốn trả thù, vì khi đó, cảm thể sẽ chặn đứng sự tiếp xúc ý thức của con với trí thể.

Cũng vậy, có những tin tưởng trong trí thể sẽ chặn đứng không cho con liên lạc với thể bản sắc của con. Và nếu con không thể thay đổi bản sắc mình một cách ý thức thì làm thế nào con sẽ phát triển được quả vị Ki-tô đây? Quả ví Ki-tô chính là sự xoay chuyển ý niệm bản sắc của mình, hầu con xem mình là một đứa con của Thượng đế, là sự nối dài của đoàn chưởng giáo thăng thiên ở trên con, và là sự nối dài của Hiện diện TA LÀ của con.

Giê-su đã nói gì? “Tự ta không làm được gì, mà là Cha ta ở trong ta làm mọi việc.” Cho nên nếu con không thể thanh lọc thể bản sắc của con cho không còn ý niệm mình là một con người phàm phu, thì làm sao con có thể để cho Cha trong con làm việc xuyên qua con? Không thể nào được.

6.5. Những ý tưởng ngăn chặn Ki-tô

Hầu hết mọi người đã bị lập trình với một số ý tưởng trực tiếp đối chọi lại sự phát triển tâm linh của mình. Tất nhiên, thày cần thách đố một số những ý tưởng đó, nhưng ở mức khai ngộ trong khoá học của thày, thày không có vai trò thách đố mọi ý tưởng. Tuy nhiên, điều mà thày sẽ làm là thách đố động cơ của con khi con tìm minh triết. Và dĩ nhiên, khi thày bảo là một số ý tưởng đã bị cài sẵn một con vi-rút trong đó, chúng ta có thể nói là tất cả mọi hiểu biết đến từ nền khoa học duy vật đã chứa sẵn vi-rút, vì khoa học duy vật tự phô diễn là nó nắm độc quyền về sự thật, độc quyền về kiến thức đáng tin cậy.

Chỉ những gì đã được khoa học duy vật minh chứng hay đo đạc mới được xem là hiểu biết chính đáng. Điều này, hiển nhiên là con không thể tin, không thể chấp nhận nếu con muốn xây dựng một động lực thuần khiết trong việc tìm minh triết. Vậy chủ nghĩa duy vật lập trình con làm gì? Nó lập trình con đi tìm một kiến thức cụ thể nào đó – không những một kiến thức duy vật, mà ngay trong bản chất, đó là kiến thức không thể vượt qua một mức độ nào đó. Đó không phải là minh triết hằng sống. Qua “minh triết hằng sống”, thày muốn nói đến sự hiểu biết dựa trên việc ngộ ra cách vận hành đích thực của thế gian.

Kiến thức duy vật bảo rằng vũ trụ vật chất là một đơn vị trọn vẹn, tự đủ. Hoàn toàn không có gì ngoài vũ trụ vật chất. Do đó, không có một nguồn năng lượng nào gửi năng lượng vào vũ trụ vật chất. Điều này, dĩ nhiên, ngược hẳn với thực tại về cách vận hành của vũ trụ. Vũ trụ được nâng giữ một cách liên tục, và cũng tăng trưởng một cách liên tục, vì có một dòng năng lượng tuôn ra từ cõi thăng thiên chảy xuống bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất. Nếu dòng chảy này ngừng lại ngày hôm nay, vũ trụ vật chất mà con quen thuộc sẽ bắt đầu tan rã nhanh chóng.  

Là một học trò tâm linh, con tuyệt đối cần phải vượt qua tin tưởng đó. Con có thể nói: “Nhưng Serapis Bey, làm sao con đã có thể hoàn tất được cuốn đầu trong bộ sách này nếu con không tin là có những chân sư thăng thiên cư ngụ nơi một cõi giới khác và các thày có khả năng gửi năng lượng cho chúng con?”  Đúng vậy, con yêu dậu, dĩ nhiên là con tin điều đó với tâm vỏ ngoài của con. Khi con đến với tầng khai ngộ thứ nhì ở nhập thất của thày, đã đến lúc thày cho con thấy là cho dù con có tin gì đi nữa trong tâm vỏ ngoài, vẫn còn một số tin tưởng, một số vi-rút, được gài sẵn trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể của con. Chính những tin tưởng này sẽ ngăn chặn, hay bóp méo, động lực của con khi tìm kiếm minh triết.

6.6. Giấc mơ có hiểu biết bí mật

Biết bao đệ tử gia nhập khóa học về tự điều ngự của các thày với động lực tìm kiếm minh triết không thuần khiết và không xây dựng. Thày đã đề cập đến những kẻ tìm cách áp đảo người khác. Có rất, rất nhiều đệ tử, như Lanto có đế cập, tìm cầu hiểu biết để tranh đua với người khác và chứng tỏ mình cao trội hơn. Đó không phải là quan tâm lớn nhất của thày vì những ai đã thành tựu khai ngộ dưới Lanto đã vượt qua được khúc ngoặt này. Mối quan tâm của thày là có nhiều đệ tử vẫn tin rằng mình có thể tìm thấy một hiểu biết bí mật, một minh triết bí mật, một công thức bí mật nào đó sẽ cho mình khả năng kiểm soát vật chất, kiểm soát hoàn cảnh hay ngay cả kiểm soát người khác một cách máy móc.  

Con yêu dấu, trên thế giới có những người cởi mở với cái nhìn tâm linh về cuộc sống nhưng lại tìm cầu những câu thần chú, bùa chú để khiến cho người ta phải lòng mình. Thật sự, làm sao có người lại tin được là chuyện phù phép để bắt ép người khác yêu mình có thể là tình yêu chân thật, và đó không phải là chuyện thày muốn bàn ở đây, nhưng con có thấy ý thày không? Có rất, rất nhiều người vẫn tin rằng mục đích cất bước trên đường tâm linh là để lần lần nhận được một số kiến thức hay công thức bí mật nào đó sẽ cho mình một quyền kiểm soát tự động, máy móc. Thật không phải là vậy.

Đồng ý, con yêu dấu, có một số kiến thức, một số công thức mà các sa nhân đã phát triển suốt một thời gian rất dài. Việc đạt được những kiến thức và công thức đó là chuyện khả dĩ, và việc dùng tâm để phần nào điều khiển được vật chất cũng là chuyện khả dĩ. Nhưng đó không phải là con đường của chân sư thăng thiên; đó là con đường của hàng ngũ tà đạo.

6.7. Địa cầu khác như thế nào so với nguyên bản

Có lẽ con đã bắt đầu nhận ra là trong sách này, thày sẽ đề cập đến sự tương phản giữa các chân sư thăng thiên và hàng ngũ tà đạo, bởi vì chính trên Tia sáng thứ Tư mà con cần tự gia tốc để thoát hẳn khỏi tầm tay của hàng ngũ giả trá. Thày xin con hãy chăm chú lắng nghe và đọc đi đọc lại những đoạn này cho tới khi tâm ý thức của con bắt đầu nắm được điều thày muốn nói.

Con đang sống trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Một bầu cõi chưa thăng thiên không vận hành giống như cõi thăng thiên. Như con cũng biết nếu con đã tìm hiểu rộng rãi các giáo lý của các thày, một bầu cõi chưa thăng thiên là một cõi giới nơi các sinh thể có thể sử dụng quyền tự quyết của mình với một mức độ tùy ý rộng lớn. Các cư dân trên một hành tinh như địa cầu đã được phép phát triển và thị hiện nhiều loại điều kiện khác xa, rất xa, so với những gì hiện hữu nơi cõi thăng thiên. Thày chắc chắn con thấy được là chiến tranh không phải là một điều kiện đượt tìm thấy nơi cõi thăng thiên. Chiến tranh là gì nếu không phải là một ví dụ cùng cực cho thấy có những sinh thể sẵn sàng đi tới cùng để đoạt quyền lực và quyền kiểm soát trên con người? Nếu con đọc cuốn sách của Mẹ Mary về chiến tranh (Help the Ascended Masters Stop War – Hãy giúp các chân sư thăng thiên ngăn chặn chiến tranh), con sẽ thấy rõ sa nhân sẵn lòng làm những chuyện khủng khiếp tới mức nào.

Điều thày muốn chỉ ra cho con ở đây là những điều kiện có mặt trên trái đất hiện đang ở một tầm mức rất thấp so với cõi thăng thiên. Điều này có nghĩa là có một số định luật thiên nhiên, mà chúng ta có thể gọi là “phụ thuộc” đang hiện hành trên địa cầu. Chắc chắn con có các định luật thiên nhiên “gốc”, hay cơ bản, đang hiệu lực dựa theo viễn quan của các Elohim. Con hiểu là khi các Elohim tạo ra trái đất, hay nói rộng hơn toàn bộ vũ trụ vật chất, các thày đã ấn định ra một số quy luật thiên nhiên để – nếu có thể nói như vậy – gắn kết vũ trụ lại, gắn kết vật chất lại, hầu cho phép các cấu trúc vật chất được tồn tại, như các hành tinh hay thể xác vật lý của con. Đây là những định luật thiên nhiên mà thày gọi là cơ bản.

Vì cư dân địa cầu có quyền tự quyết, cho nên họ có khả năng tạo dựng một số điều kiện – không trực tiếp đối nghịch với các định luật cơ bản của thiên nhiên – mà tồn tại trong một vùng xám, nếu có thể gọi như vậy. Những điều kiện này được phép hiện hữu trong một trạng thái bất toàn bởi vì địa cầu là một dụng cụ giáo dục cho những ai không chịu lắng nghe sự hiểu biết trực tiếp từ chân sư thăng thiên. Trên địa cầu, họ có thể thị hiện một số điều kiện là cách biểu đạt của chính tâm thức họ. Và muc đích, dĩ nhiên, là để tạo cơ hội cho họ trải nghiệm cho đến khi họ chán ngán và mong mỏi một cái gì cao hơn.

Điều này khiến cho các cư dân nguyên thủy tạo dựng một số điều kiện gây giới hạn trên địa cầu, làm xuất hiện một vòng xoáy ốc hướng hạ khi họ không tự thăng vượt. Và như các thày đã có giải thích, đây là nguyên do khiến cho những đấng trông coi tiến trình tiến hóa của địa cầu cho phép một số sinh thể sa ngã đầu thai ở đây. Một số sa nhân này đã từng sa ngã ở một bầu cõi trước rồi, và do đó chúng đã có một thời gian rất dài để phát triển một khả năng điều khiển vật chất nào đó. Khi chúng đến địa cầu, chúng đã đem theo khả năng này và củng cố thêm vòng xoáy hướng hạ mà cư dân nguyên thủy đã tạo ra. Có thể nói, chúng đã bành trướng hay gia tốc cho vòng xoáy đó đi xuống thêm.

6.8. Các định luật phụ thuộc của thiên nhiên

Sự thể trên đã khiến cho tất cả mọi người sống trên trái đất chung sức tạo ra một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn, vật chất ngày nay dày đặc hơn khi địa cầu mới được các Elohim sinh tạo. Điều này cũng có nghĩa là thân xác vật lý của các con ngày nay dày đặc hơn thân xác nguyên thủy của các cư dân đầu tiên trên hành tinh. Loài Homo sapiens – loài Người Tinh khôn – không phải là sự sáng tạo thuần túy của các Elohim, nhưng là một phiên bản sửa đổi của thân xác thuần khiết nguyên thủy do các Elohim. Thân xác các con dày đặc hơn, và đó là tại sao các con có thể mắc một số chứng bệnh.

Vật chất dày đặc hơn cho nên các con phải làm lụng mệt nhọc hơn để thị hiện những thứ con cần cho thân xác sống còn. Xác thân dày đặc hơn cũng cần nhận được nhiều chất dinh dưỡng dày đặc hơn chỉ có được từ một dạng dày đặc hơn của vật chất. Vật chất càng dày đặc thì càng phải làm lụng nhiều hơn để biến đổi vật chất. Đó là tại sao biết bao người đã đánh mất khả năng biến đổi vật chất bằng tâm trí, cho nên họ phải biến đổi vật chất qua thể xác vật lý, vì thể xác có cùng độ dày đặc như vật chất.

Hiện nay trên hành tinh địa cầu có một số định luật phụ thuộc của thiên nhiên không phải là định luật nguyên thủy do các Elohim ấn định. Những định luật này là do tâm thức tập thể của nhân loại định ra – dĩ nhiên là dưới sự hướng dẫn giấu giếm của sa nhân. Có những định luật phụ thuộc của thiên nhiên mà con có thể dùng để tạo ra một loại minh triết hay một công thức nào đó, hay một hình thức mà các thày gọi là tà thuật sẽ cho con một khả năng điều khiển nào đó trên vật chất một cách gần như máy móc. Thày nói ‘gần như máy móc” vì nó không hoàn toàn máy móc. Thật sự là không có một cách máy móc nào để kiểm soát vật chất trừ phi qua những phương tiện vật lý.

Mục đích của nền công nghệ hiện đại, nền công nghệ vật chất, là cho con khả năng máy móc để kiểm soát vật chất, kiểm soát thiên nhiên. Điều này chỉ có thể làm được ở mức độ vật lý, nhưng ở mức độ của tâm thì không thể làm được một cách hoàn toàn máy móc. Con không thể nghĩ ra một công thức mà tâm con có thể sử dụng, hay con có thể đọc lên như một câu bùa chú, một lời nguyền, hay một thành ngữ phù phép, hoàn toàn máy móc. Nhưng con có thể tạo ra một số công thức cho phép một số người điều khiển được vật chất phần nào, nhưng vẫn không hoàn toàn máy móc. Nó vẫn đòi hỏi một dòng năng lượng từ cõi tâm linh.

6.9. Tại sao sa nhân không kiểm soát được hoàn toàn

Điều trên có nghĩa là sa nhân không thể kiểm soát một cách hoàn toàn máy móc qua các định luật phụ thuộc của thiên nhiên và qua những công thức của chúng nhằm sử dụng các định luật này. Tại sao chúng không thể? Bởi vì một sa nhân đã sa ngã trong một bầu cõi trước, hay đã sa ngã xuống thấp hơn một mức tâm thức nào đó, không thể tiếp cận dòng chảy năng lượng chảy xuống từ cõi tâm linh. Vậy chúng phải làm gì đây? Chúng phải đoạt năng lượng đó bằng cách đánh cắp từ người khác, là những người vẫn còn dòng năng lượng chảy xuyên qua họ.

Vì thế mà con thấy cái khuôn mẫu vô cùng xưa cũ của một phù thuỷ nhận học trò tập sự. Tưởng chừng như phù thuỷ đang dạy cho học trò mọi thủ thuật của mình, nhưng song song y cũng đang đánh cắp năng lượng của học trò để thực hiện phù phép. Một số sa nhân có thể dùng nhiều người để đánh cắp năng lượng và thực hiện những ngón ngoạn mục. Có rất nhiều cách để sa nhân làm những chuyện đó, rất nhiều thủ thuật mà chúng đã khai thác. Vấn đề ở đây là như sau: con có thể, như một đệ tử tâm linh, tìm được một kiến thức, một “minh triết” nào đó – trong dấu ngoặc kép – một công thức hay lời bùa chú nào đó có thể cho con một khả năng nào đó để điều khiển vật chất.

Và trên thế giới ngày nay có những người tự xưng là đạo sư hay thày tâm linh cũng tuyên bố là họ có thể cho con quyền năng điều khiển vật chất. Một số còn tuyên bố là họ có thể làm nhanh hơn cả chân sư thăng thiên, và họ có một con đường tắt. Con sẽ rất sốc khi biết là họ nói không sai. Quả thật là họ có một con đường tắt! Có những chuyện con có thể làm để phát triển một khả năng điều ngự nào đó trên vật chất mà không cần bước chân trên con đường tự điều ngự.

6.10. Các chân sư thăng thiên không dạy phép

Như thày đã nói trong bài giảng trước, nếu đó là trải nghiệm mà con muốn thì con cứ việc. Con có tự do rời khỏi khóa nhập thất của thày bất cứ lúc nào, nhưng con cần biết chắc chắn tuyệt đối là thày, Serapis Bey, sẽ không cho con trải nghiệm đó. Thày sẽ không cho con đường tắt. Thày sẽ không cho con công thức bí mật.

Điều mà thày sẽ làm là giúp con bước đi trên đường tự điều ngự nơi con gia tốc tâm mình vượt lên trên các định luật phụ thuộc của thiên nhiên, tới mức con có thể khởi sự sử dụng các định luật cơ bản do các Elohim thiết lập. Đây là mục đích của khóa tự điều ngự này, chứ không phải là con đường tắt qua phép thuật đen mà sa nhân đã khai thác.

Nói về phép thuật đen, trên thế giới hiển nhiên còn có một khái niệm tự xưng là “phép thuật trắng”. Họ cũng bảo là họ có đường tắt, cũng có những công thức hay minh triết nào đó có khả năng cho con quyền điều khiển vật chất, nhưng họ quả quyết là cách của họ hoàn toàn tốt lành.

Con yêu dấu – một lần nữa: Nếu đây là trải nghiệm mà con muốn, con sẽ cần rời khỏi khóa nhập thất của thày để mà có được. Các chân sư thăng thiên không dính dáng gì đến phép đen hay phép trắng, hay bất kỳ hình thức phép thuật nào. Saint Germian đã có nói tới “phép của con mắt”, nhưng hẳn là thày nói đùa, bởi vi thực sự chẳng có phép nào hết.

Các thày không dạy con một loại phép thần thông vận động một cách huyền bí, hay cho con một quyền năng kiểm soát máy móc. Các thày dạy con tự điều ngự. Thày đã nói gì trong bài giảng đầu chứ? Rằng con không thể vượt qua tầng khai ngộ thứ nhất ở khóa nhập thất của thày nếu trọng tâm của con là thay đổi người khác hay những điều kiện bên ngoài thay vì thay đổi chính con.

Ở tầng khai ngộ thứ hai, trọng tâm của con cần đặt vào việc tìm kiếm sự hiểu biết với mục đích thay đổi chính mình, chứ không với mục đích thay đổi người khác hay ngoại cảnh. Hiểu biết mà con cần tìm kiếm để vượt qua các khai ngộ tại khóa của thày cũng như khai ngộ trên ba tia sáng cao hơn, đó là biết chính mình.

6.11. Tại sao con cần tự hiểu biết

Đây không phải là sự tự hiểu biết vỏ ngoài nơi con, một lần nữa, tạo ra một loại đường tắt hay là con tự chủ, mà là việc thanh tẩy tâm con cho không còn mọi hình thức hiểu biết bất toàn về chính mình. Đâu là hiểu biết, đâu là minh triết mà con cần tìm kiếm ở mức này? Không phải là hiểu biết về cách thức làm gì đó bên ngoài cái ta. Cũng không phải là hiểu biết về cách thức làm gì đó bên trong cái ta. Mà đó là hiểu biết cho phép con nhìn thấy các bợn nhơ trong cái ta hầu con có thể ý thức buông bỏ chúng, để cho chúng ra đi, thay thế chúng với một quyết định cao hơn, một dạng cao hơn của minh triết và sáng ngộ. Đây không phải là vấn đề tự phân tích bản thân, không là vấn đề trí thức hóa hay lập ra một danh sách thật dài những tin tưởng của mình, mà là vấn đề hòa điệu với một nguồn minh triết cao hơn.

Nói cho cùng thì nguồn cội đó là Hiện diện TA LÀ của con, nhưng vì con đang ở khóa nhập thất của thày cho nên ở mức khai ngộ này, thày chính là nguồn cội đó. Thày không có ý trao cho con khôn ngoan vỏ ngoài. Thày không có những lớp học ở tầng thứ hai này nơi thày đứng trên bục cao trước tấm bảng đen và giảng dạy hiểu biết này cho con. Thày chỉ dạy bằng một cách mà thôi: thày ngồi.

Một số các con sẽ khó hình dung Serapis Bey đang ngồi đó, nhưng hiển nhiển thày có khả năng làm điều này. Thày ngồi trước mặt các đệ tử, hay đúng hơn, thày ngồi ở vị trí và các đệ tử ngồi thành vòng tròn xung quanh thày. Sau đó thày cho đệ tử làm bài thực tập, là tìm cách để tâm mình không còn bất cứ gì ngoại trừ Hiện diện của thày. Như câu trong bài chú của thày: “Rằng con chỉ còn mình thày trong tâm.”

Tất nhiên lúc đầu, các đệ tử không thể làm được. Tâm họ luôn luôn bị kéo hút về chỗ này chỗ nọ, thường khi là do những hiểu biết, do “minh triết” mà họ đã hấp thụ. Họ bắt đầu suy nghĩ, chạy xéo qua chuyện khác. Nhưng lần lần một khi các đệ tử làm việc với thày cùng các vị hướng dẫn khác trong khóa học, họ bắt đầu tẩy sạch tâm mình khỏi tất cả “minh triết” thế gian đó, những ý tưởng sai lầm đó, những ý định không tinh khiết đó khi tìm minh triết.

6.12. Đi tìm minh triết không hữu dụng

Sau đó họ đối mặt với một mức khai ngộ thứ nhì, bởi vì điều gì cần thiết để hòa điệu với Hiện diện của thày chứ? Điều cần thiết là con không có ý định đạt được bất kỳ dạng hiểu biết nào mà con xem là hữu dụng hay quý giá. Nếu con suy ngẫm về điểm này, con sẽ thấy là hầu hết mọi người đều cho rằng minh triết phải hữu dụng. Minh triết phải là cái gì đó mà con có thể dùng để thực hiện một cái gì, hay ít ra để biết một điều gì đó mà trước đây con không biết. Đó không phải là điều mà thày đang yêu cầu con làm. Thày đang yêu cầu con hòa điệu với Hiện diện của thày mà không có ý định thu hoạch một hiểu biết hữu dụng hay quý giá nào, không có ý định đạt được một hiểu biết mà con có thể đặt lên một cái thang nhiều hơn hay ít hơn.

Ý định của con phải là hòa điệu với Hiện diện của thày và trải nghiệm Hiện diện của thày – không có bất cứ gì khác. Con có thể nói: “Nhưng chúng con đang ở một khóa nhập thất trên cõi ê-the.” Con đang tự do khỏi mọi hạn chế của xác thân vật lý, nhưng con không tự do khỏi những ràng buộc của cảm thể, trí thể và bản sắc thể của con. Cho đến khi con đạt được một độ tinh khiết nào đó trong ý định nơi ba thể này, thì con sẽ không thể thực sự hoà điệu.

Làm cách nào các thày có thể xác định đệ tử nào trong nhóm hòa điệu được với Hiện diện của thày? Thật là giản dị. Mọi người đi vào một căn phòng được che chắn khỏi mọi ảnh hưởng từ ngoài, cho nên không có gì từ bên ngoài làm xáo trộn các đệ tử. Thày ngồi, các đệ tử ngồi vòng quanh. Thày yêu cầu họ nhắm mắt trong ý nghĩa của cõi ê-the, tức là họ tập trung vào nội tâm, xong họ hòa điệu với Hiện diện của thày, rất gần với họ. Sau một lúc, sẽ có ai đó mở ra một cánh cửa – vẫn trong cõi ê-the – và gọi nhẹ các đệ tử đi ra ngoài. Những ai đã không hòa điệu với Hiện diện của thày sẽ đứng dậy bước ra. Còn những đệ tử nào đã hòa điệu với Hiện diện của thày sẽ không nghe thấy cả tiếng gọi họ đi ra.

Ban đầu, tất cả các đệ tử sẽ nghe thấy tiếng gọi và bước ra. Với thời gian, một số sẽ nghe thấy tiếng gọi nhưng vẫn không đứng dậy vì họ muốn ở lại và hòa điệu với Hiện diện của thày. Sau nhiều thời gian hơn nữa, một số sẽ không nghe thấy cả tiếng gọi, và giờ đây các thày biết là họ đã đạt đến mức không còn tìm kiếm minh triết để sử dụng cho một điều gì đó trong thế gian. Họ chỉ tìm minh triết vì một mục đích mà thôi, đó là vì họ đã ngộ ra là sự tự điều ngự đích thực có nghĩa là đi vào hợp nhất với đoàn chưởng giáo tâm linh mà họ là một thành phần. Bước đầu tiên để con là một vị đồng sáng tạo và sử dụng khả năng điều ngự vật chất là hòa điệu với Hiện diện của vị chân sư ở ngay trên con trong hàng ngũ tâm linh. Chính từ đó mà năng lượng vận động nỗ lực sáng tạo của con chảy xuống.

Đây là dạng minh triết gia tốc mà con cần hòa nhập vào ở tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày. Con có thể làm điều đó ngay cả khi trong trạng thái thức tỉnh. Con có thể làm điều đó bằng cách quán chiếu tất cả những động lực khác nhau đã kéo con ra khỏi sự hòa nhập đơn thuần. Con có thể làm điều đó bằng cách đọc bài chú của thày hay bài thỉnh kèm với bài học này, xong dành ra chút thời gian để ngồi yên lặng với không một mục đích nào khác hơn là hòa điệu với Hiện diện của thày. Có thể con sẽ không thành công trải nghiệm Hiện diện của thày xuyên qua xác thân vật lý dày đặc, nhưng con đừng chán nản, vì nỗ lực của con tự nó đã bõ rồi.

Cho dù con không nhận thức Hiện diện của thày một cách ý thức, ý định và nỗ lực của con sẽ có tác dụng giúp con vượt qua cuộc khai ngộ ở tầng ê-the, ở mức khóa học của thày. Bên ngoài luôn đi đôi với bên trong, cho nên thày khuyến khích con hãy đọc bài thỉnh kèm theo bài giảng này, rồi sau đó con hãy dành thời gian để hòa điệu với Hiện diện của thày. Con hãy làm như vậy sau mỗi bài thỉnh mà con đọc cho tới hết quyển sách này, và có thể con sẽ ngạc nhiên khi thấy kết quả.

TA LÀ Serapis Bey. Hiện diện của thày ở đây chỉ dành cho con, nếu con chỉ hòa điệu với nó mà không có một ý định nào khác hơn là trải nghiệm Hiện diện mà TA LÀ.

Thuần khiết và Uy lực của Ý định

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapia Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/1/2016.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Tư. Như con biết, tia này thường được gọi là tia của thuần khiết, nhưng thày cũng gọi là tia của gia tốc. Tất nhiên, đó là sự phối hợp của cả hai, bởi vì làm sao con có thể thanh lọc được mà không gia tốc?

Điều thày muốn chỉ ra trong bài giảng này là nội dung của khóa học cũng như mục đích ở tầng khai ngộ thứ nhất tại khóa nhập thất của thày. Các thày đã đặt tên cho khóa học này là: Một Khóa học về Tự Điều ngự. Con hãy suy ngẫm chữ “tự điều ngự”. Con đang điều ngự cái Ta, chứ con không điều ngự thế gian hay người khác. Con đang điều ngự cái Ta. Qua sự điều ngự cái Ta, quả là con có khả năng ảnh hưởng môi trường của con, cuộc sống chung quanh con và hoàn cảnh cá nhân của con, nhưng con sẽ không có khả năng ảnh hưởng đến người khác theo nghĩa là bắt buộc người khác phải chiều theo ý muốn của con.

4.1. Tâm điều khiển vật chất có mục đích gì

Các thày cũng có nói rằng mục đích của khóa học này là để nâng tâm thức con từ tầng tâm thức 48 lên tầng 96. Các thày có nói là khi con đến gần hơn với tầng 96, con sẽ điều ngự được khả năng của tâm điều khiển vật chất. Thày muốn giảng thêm về điểm này vì nó thường bị đủ loại học trò tâm linh, kể cả học trò của chân sư thăng thiên, hiểu lầm. 

Con có thể tìm thấy khắp thế giới những cuốn sách chỉ dạy quyền năng thị hiện, thị hiện bất cứ gì mình muốn, thường là của cải hay vàng bạc chẳng hạn. Khóa học của các thày không nhắm đến việc giúp con thị hiện của cải hay bất cứ vật gì khác mà con muốn, theo nghĩa là làm cho nó lộ diện ra “từ hư không”, nếu có thể nói như vậy.

Sự điều ngự của tâm trên vật chất mà các thày muốn trao cho con không phải là chuyện trình diễn một trò thủ thuật để gây ấn tượng với người khác hay chuyện làm giàu cho bản thân mình. Các thày không có ý muốn dạy con một loại ma thuật hầu con có thể điều khiển vật chất hay điều khiển thế giới bên ngoài trong khi mình vẫn còn nhiều tự ngã đến độ mình làm chuyện đó từ một góc độ vị kỷ.

Tất nhiên khả năng của tâm điều ngự vật chất là một điều mà các thày mong muốn thấy con phát triển, nhưng nó phải được phát triển hoàn toàn đồng bộ với sự điều ngự cái ta. Các thày đã chứng kiến quá nhiều lần trên thế giới những người mong muốn đạt được một khả năng điều ngự nào đó trên vật chất, chẳng hạn qua việc thị hiện đồ vật, nhưng lại không sẵn lòng theo học khóa điều ngự cái ta. Điều này, tất nhiên, các chân sư thăng thiên không dạy cho đệ tử chân chính.

4.2. Tự điều ngự không phải là một kỹ năng máy móc

Thày muốn chỉ ra cho con một điều mà rất nhiều học trò của chân sư thăng thiên không hiểu. Tự điều ngự không phải là một công việc mà con có thể học cùng một cách như con học lái xe ô tô, ví dụ. Rất nhiều kỹ năng cần thiết để thành công trong thế gian đều có tính cách phần nào máy móc. Gần như bất cứ ai sẵn sàng bỏ sức ra tập tành kỹ năng đó đều có thể trở nên thành thạo tới một mức nào đó. Một số sẽ không bao giờ biết lái xe quá trình độ xoàng xĩnh, nhưng rất nhiều người sẽ có khả năng học lái xe tới một trình độ khá cao, thậm chí chuyên nghiệp, nếu họ bỏ ra thời gian và công sức.

Suốt các thời đại đã có rất, rất nhiều học trò tâm linh cũng có cách tiếp cận như vậy với tự điều ngự. Họ nghĩ đó là một con đường máy móc mà họ có thể đi theo. Nếu họ thực hiện tất cả mọi bước được ấn định thì họ sẽ tự động đạt được khả năng tự điều ngự đã hứa hẹn. Con sẽ thấy là có nhiều tổ chức hay ngay cả nhiều vị thày tuyên bố là họ có thể dẫn con qua một khóa học khai ngộ, một con đường khai ngộ sẽ cho con một số khả năng đặc biệt.

Đây không phải là cách dạy của chân sư thăng thiên. Các thày không quan tâm đến chuyện con đạt được một số khả năng cụ thể nào đó, cho dù đó là khả năng thần thông hay thị hiện đồ vật. Đó hoàn toàn không là quan tâm của các thày. Quan tâm của các thày là nâng cao tâm thức của con, và điều này, con đạt được qua tự điều ngự. Hoặc con cũng có thể nói, khả năng điều ngự bản thân được thực hiện qua việc nâng cao tâm thức – tùy con thích nói thế nào cũng được.

Việc nâng cao tâm thức không phải là một con đường máy móc. Đi trở lại dòng lịch sử xa thăm thẳm, luôn luôn đã từng có những trường học, tổ chức hay đạo sư tuyên bố là họ có thể dẫn học trò đi theo một con đường máy móc. Chẳng hạn con cũng biết tổ chức Freemasons (Hội Tam điểm) có 33 mức khai ngộ, và khi con đi qua mỗi bước khai ngộ, con được ban cho một tước vị. Nhiều trường đạo và đạo sư khác cũng vận hành giống như thế. Nếu con đi qua các khai ngộ vỏ ngoài và không bị rớt thê thảm, thì con sẽ tự động nhận được tước vị.

Hiển nhiên con cũng thấy một cách thức tương tự nơi các cơ sở giáo dục trên thế giới. Nếu con học tập, nghiên cứu một bộ môn đủ lâu và nếu con thỏa mãn mọi đòi hỏi vỏ ngoài, thì con sẽ được cấp một mảnh bằng. Con nhận được một bằng tốt nghiệp xem con là một chuyên gia trong bộ môn đó. Nếu chẳng hạn con có bằng tâm lý học thì liệu bằng đó có chứng nhận là con trực nhận được môn tâm lý học, kể cả tâm lý của con và cách tâm lý vận hành trong bản thân con? Như nhiều người đã chứng tỏ, bằng cấp không có nghĩa là như vậy, và con đường khai ngộ của chân sư thăng thiên cũng tương tự như vậy.

4.3. Con đường giả hiệu của sa nhân

Khi con bước trên con đường dẫn đến tự điều ngự. luôn luôn có nguy cơ khi các thày đưa ra một bộ sách mô tả những khai ngộ mà con đi qua nơi bảy khóa nhập thất của các Thượng sư. Bất cứ ai cũng có thể mua sách, học các bài giảng trong đó, rồi đọc cái bài thỉnh, và như thế họ bước đi những bước vỏ ngoài.

Tất nhiên là các thày có lý do khi khởi sự với Tia thứ Nhất rồi lần lượt xây đắp thêm từ đó. Các Thượng sự phối hợp nỗ lực để hoạch định cũng được phối hợp. Rõ ràng cách hợp lý duy nhất lả một học trò cần bắt đầu với Tia thứ Nhất, đi qua Tia thứ Hai, rồi Tia thứ Ba và giờ đây đến với Tia thứ Tư mà thày là đại diện. Khi con có một cuốn sách chứa đựng giáo lý và khai ngộ, rất có thể một ai đó sẽ mua cuốn sách này mà chưa đi qua ba cuốn trước. Khi trọn bộ sách được hoàn tất, rất có thể một ai đó sẽ mua toàn bộ, đi từ cuốn thứ nhất cho tới cuốn thứ bảy, đọc tất cả cái bài học, thực hành tất cả các bài thỉnh, rồi sẽ tưởng là mình đã học xong toàn bộ khóa học. Con đường khai ngộ chân chính không vận hành theo cách đó.

Quả thật các sa nhân, mà đôi khi các thày cũng gọi là hàng ngũ giả trá, đã cố gắng tạo ra một con đường khai ngộ máy móc. Giấc mơ của chúng là nếu con đi qua một số bước vỏ ngoài và thỏa mãn một số đòi hỏi vỏ ngoài, thì con sẽ tự động đạt được một danh hiệu hoặc thậm chí một số quyền năng.

Ít nhất là đối với một số người, họ có thể đạt được một khả năng điều ngự nào đó trên vật chất mà chưa thanh lọc cái ta của họ, và như vậy họ chưa đạt được sự tự điều ngự. Hiển nhiên đây chính là giấc mơ của sa nhân. Chúng không muốn thanh lọc cái ta, chúng không muốn tự điều ngự. Thật sự, chúng không muốn tự điều ngự mà chỉ muốn điều ngự khả năng kiểm soát người khác hay thậm chí điều ngự vật chất vật lý.

4.4. Tự điều ngự không phải là kiểm soát cái ta

Con yêu dấu, con thấy đó, có những người nghĩ rằng tự điều ngự có nghĩa là khả năng kiểm soát cái ta. Có cả những học trò của chân sư đã theo học giáo lý của chân sư hàng chục năm trời mà vẫn tin là thày, Serapis Bey, là một vị thày nghiêm ngặt xem kỷ luật là trên hết. Họ nghĩ là thày ban bố một loạt quy tắc kỷ luật để họ phải theo. Nếu họ tuân theo quy tắc và chịu được kỷ luật của thày thì họ nghĩ là họ sẽ có khả năng kiểm soát cái ta. Nhiều, rất nhiều học trò đã cố gắng kiểm soát cái ta.

Tại sao thày lại nói chuyện này ngay bài học đầu tiên? Đó là vì tất nhiên, bài học đầu tiên là sự phối hợp của Tia thứ Nhất của Uy lực với Tia thứ Tư của Thuần khiết. Kiểm soát là gì? Đó là đạng tha hóa cơ bản của Tia thứ Nhất, như vị đồng môn yêu dấu của thày, chân sư MORE, đã giải thích trong sách. Trong khóa học này, các thày không nhắm vào việc giúp con kiểm soát cái ta bằng cách ép buộc thân xác cùng tâm vỏ ngoài của con phải gượng sống theo một số quy luật và chuẩn mực vỏ ngoài. Hãy để thày nói điều này thật rõ ràng cho con, nói một cách rõ ràng hết mức, dựa trên trạng thái tâm thức của những người có xác suất đọc cuốn sách này.

4.5. Con không thể giấu bất cứ gì khỏi Serapis

Trong bài chú cho thày, có câu: “Serapis Bey, biết bao uy lực, đằng sau đôi mắt thanh tẩy của thày.” Phải, mắt của thày thanh tẩy vì mắt thày cũng nhìn xuyên thấu. Mắt thày nhìn xuyên thấu mọi bợn nhơ cùng những lớp hỏa mù mà bợn nhơ này gây ra. Bợn nhơ làm gì chứ? Khi nước có bợn nhơ, thường nước sẽ bị đục và con không nhìn xuyên qua được.

Cho nên những ai còn bị mắc kẹt trong trạng thái tâm thức thấp hơn thường có nhiều bợn nhơ trong tâm đến nỗi họ không thể thấy rõ ý định của mình. Khi thày nói “họ”, thày muốn nói đến mọi người nói chung. Nhiều học trò đến đây với ý định có vẻ trong lành nơi tâm ý thức, nhưng không mấy trong lành nơi tâm tiềm thức. Có điều là họ không thấy rõ được vì bợn nhơ che khuất tiềm thức.

Mắt thày thanh tẩy vì nhìn xuyên thấu tất cả những lớp màn hỏa mù đó. Con có thể nói: “Nhưng vậy thì thày có đang vi phạm quyền riêng tư của người khác hay không?” Con yêu dấu, thày không đi lòng vòng khắp nơi mà nhìn chăm chăm mỗi người với cặp mắt soi rọi. Khi con đọc quyển sách này, con đã có trong tâm ý thức một ý định quy thuận những khai ngộ của thày là Thượng sư của Tia thứ Tư. Làm sao con có thể quy thuận khai ngộ của thày nếu con không sẵn lòng để thày nhìn vào con?

Thày không cố ép buộc con dù bằng cách nào đi nữa. Thày chỉ đang cố giúp con nhìn ra là thật không có nghĩa lý gì khi con muốn đi theo khai ngộ của Tia thứ Tư dưới Serapis Bey mà lại cũng muốn giấu giếm điều gì đó khỏi mắt thày.

Con thấy đó, con yêu dấu, thày không phải là loại thày nghiêm khắc mà nhiều người tưởng tượng dựa theo kinh nghiệm thế gian của họ. Thày không phải là ông trung sĩ trong khóa huấn luyện quân đội, thích thú moi móc mọi lỗi lầm của con, và nếu được dịp, ông ta sẽ không thương tiếc mà lôi nó ra cho mọi người trông thấy. Thày không ở đây để mắng nhiếc con. Thày không ở đây để khiến con xấu hổ. Thày không ở đây để hạ thấp con dù là như thế nào. Thày không là vị thày với kỷ luật nghiêm khắc mà nhiều người tưởng. Thày là chân sư Tia thứ Tư của Thuần khiết. Thày không thể đem lại thuần khiết nếu thày không nhìn thấy bợn nhơ. Điều đó không thể làm được, con yêu dấu. Tại sao biết bao người lại nghĩ có thể làm được? Bởi vì họ đã bị tâm thức sa ngã ảnh hưởng.

Một trong những yếu tố cơ bản của tâm thức sa ngã, tất nhiên, là các sa nhân không muốn đối diện với Thượng đế. Chúng không muốn đối diện với vị thày tâm linh từ cõi thăng thiên. Để vào được cõi thăng thiên thật không khó; con chỉ cần thanh lọc tâm thức mình cho không còn điều gì có từ lực kéo con xuống cõi vật chất, là cõi không thăng thiên. Sa nhân không sẵn sàng làm chuyện đó, thậm chí nhiều sa nhân còn không hiểu là chúng cần làm chuyện đó. Chúng vẫn cho rằng chúng có thể dùng vũ lực xông vào thiên đường bằng cách giấu giếm điều gì đó khỏi các chân sư thăng thiên.

Có nhiều học viên đến khóa nhập thất của thày mà vẫn nghĩ mình có thể vượt qua cả bảy tầng khai ngộ ở khóa tu này trong khi giấu giếm ý định thật sự của mình khỏi mắt thày. Con yêu dấu, chuyện này không nghĩa lý gì hết. Con không thấy được sao? Không có chuyện gian lận trên con đường khai ngộ dưới các chân sư thăng thiên. Các thày đã có nói là Tia thứ Tư hình thành tiêu điểm nối kết trong dòng chảy hình số 8 giữa các khai ngộ của ba tia đầu và khai ngộ của ba tia sau. Cũng có thể nói đó là “con mắt của cái kim”, tức là lỗ kim. Hẳn con biết trong Thánh kinh có câu nói rằng một con lạc đà chui qua lỗ kim dễ hơn là một ông nhà giàu bước vào thiên đàng. Thế nào là ông nhà giàu? Đó là một người cho rằng mình sở hữu một vật gì đó trên thế gian và muốn đem theo qua lỗ kim. Những ai đến đây và cho rằng mình sở hữu một điều gì đó – và muốn mang nó theo với mình lên trạng thái thăng thiên, mang nó theo vào khóa nhập thất của thày, và cũng mang nó xuyên  qua khóa của thày lên các tia sáng cao hơn – thì họ gíống như ông nhà giàu kia.

Đâu là mục đích của thanh lọc? Chẳng phải đó là buông bỏ những thứ giữ chân con lại hay không? Làm sao con có thể buông được điều gì nếu con không nhìn vào nó? Không có chuyện từ bỏ một cách vô thức, không có chuyện buông ra một cách vô thức; chuyện đó chỉ có thể ý thức. Thật không nghĩa lý gì nếu con nghĩ mình có thể vượt qua các khai ngộ ở khóa nhập thất của thày mà vẫn giấu với thày. Con yêu dấu, sẽ càng không nghĩa lý gì nếu con nghĩ mình có thể vượt qua khai ngộ ở khóa nhập thất của thày mà vẫn giấu gì đó khỏi chính con.

4.6. Tự điều ngự và giấu giếm khỏi chính mình

Khóa học này là khóa học về tự điều ngự. Làm sao con có thể điều ngự cái ta nếu có những khía cạnh của cái ta – những khu vực trong cái ta – mà con không sẵn sàng nhìn vào? Không thể được. Nhiều người cho rằng tự điều ngự có nghĩa là mình kiểm soát cái ta bằng cách kềm chế những yếu tố không thể chấp nhận của cái ta theo một chuẩn vỏ ngoài. Đây không phải là cách học tại khóa tu của thày. Ở đây không có chuẩn vỏ ngoài. Thày không dùng kỷ luật để áp đặt một chuẩn vỏ ngoài lên con khi con đến đây. Có nghĩa chăng là con không phải theo chuẩn mực nào? Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là có một cái chuẩn, nhưng chuẩn này là do chính con quy định! Nó được quy định bởi những bợn nhơ mà con mang theo khi con bước qua cổng trường.

Con thấy đó, con yêu dấu, có một cánh cổng mở lối cho con vào nhập thất của thày. Bất cứ lúc nào con cũng có thể quyết định là con đã chán các khai ngộ tại khóa này và con có thể rời khóa nhập thất qua cùng cánh cổng mà con đã bước vào. Mục đích khi con vượt qua cả bảy khai ngộ là để con tới được cánh cổng ở bên kia, là cánh cổng dẫn đến mức khai ngộ kế tiếp của vị Thượng sư kế tiếp.

Con thấy không, con yêu dấu, không cách chi con sẽ lên được khóa học đó mà vẫn mang theo những bợn nhơ mà con đem vào khóa của thày. Con không thể bước khỏi khóa của thày qua cánh cổng cao hơn kia mà vẫn đem theo hành trang con đã mang qua cổng vào. Các bợn nhơ phải được biến hóa, năng lượng phải được biến hóa.

Đằng sau năng lượng là một tin tưởng mà con có về bản thân và về thế giới. Tin tưởng này đã được nhập vào, được chấp nhận vào trong tâm con, qua một quyết định mà con đã lấy. Trừ khi con phơi bày quyết định này ra, nhìn thấy những giới hạn ở đằng sau, và thay thế nó trong ý thức với một quyết định cao hơn, thì con sẽ không sạch được bợn nhơ. Nếu con không sạch bợn nhơ, làm sao con có thể vươn lên mức khai ngộ kế tiếp? Có một cửa vào, có một cửa ra, nhưng ở giữa cũng có những cánh cửa khác. Cho mỗi bước đi lên, có một cánh cửa mà con phải đi qua. Con không thể đi qua cánh cửa thứ nhì nếu con còn mang bợn nhơ đáng lý con đã phải bỏ lại ở tầng khai ngộ thứ nhất.

Không có chuyện ăn gian ở đây, con yêu dấu. Không có chuyện giấu giếm bất cứ gì. Con có thể gia nhập khóa nhập thất của thày ở tầng thứ nhất mà vẫn còn giấu gì đó khỏi chính con – điều này con được phép. Nhưng con sẽ không đi quá được tầng đầu tiên nếu con vẫn còn giấu gì đó khỏi chính con. Điều này không thể xảy ra, con yêu dấu. Thày biết là tự ngã của con sẽ nghĩ ra đủ loại lý do tại sao điều đó có thể làm được, nhưng nó không thể xảy ra. Thày là Thượng sư và thày đã chứng kiến hàng triệu học trò đến nhập thất, trong số đó có nhiều người đã bỏ đi vì không chịu nhìn vào những gì mà họ cần nhìn hầu vươn lên mức khai ngộ kế tiếp. Thày không lên án, nhưng thày không thể giúp con nếu con không sẵn sàng nhìn vào chính mình.

4.7. Xung đột nhóm

Hẳn con đã nghe nói hoặc đã đọc là khi các học viên lần đầu tiên đến nhập thất của thày, họ được xếp vào cùng nhóm với những dòng sống có cá tính đối chọi với họ, hoặc có đặc điểm đối chọi về chiêm tinh học, nghiệp quả hay gì nữa. Người ta nói là con sẽ không tiến lên cao hơn được cho tới khi con nhận ra sự hài hòa là quan trọng hơn tất cả những mâu thuẫn đó. Nhưng thật ra chúng ta có thể nhìn khai ngộ này theo nhiều cách khác.

Khi đầu tiên học viên được xếp chung vào những nhóm với nhiều cơ hội đụng độ nhất, cuộc khai ngộ thật sự là làm sao đạt tới điểm khi con vượt qua chướng ngại chủ yếu trên đường tâm linh. Thày cũng biết con có thể nói là mỗi tầng tâm thức đều có một chướng ngại chủ yếu. Có một chướng ngại rất lớn từ tầng tâm thức 48 lên 49. Nhưng trên đường tâm linh – con đường tự điều ngự – chướng ngại chủ yếu là đạt tới điểm con không còn tìm cách thay đổi người khác hay thay đổi thế giới vật chất nữa.   

Ở ba tầng khai ngộ đầu tiên, có nhiều học viên muốn khai ngộ là vì họ có một ý định ẩn giấu, hay có lẽ một ý định không mấy ẩn giấu là đạt được quyền năng kiểm soát người khác và môi trường của mình. Họ muốn làm chủ hoàn cảnh của mình để họ có chính xác những điều kiện mà họ cho là cần thiết hầu đạt những gì họ muốn – có thể là sự hài hòa bên trong, có thể là tâm an bình, có lẽ một số điều kiện và trải nghiệm vỏ ngoài.

Con sẽ ngạc nhiên về số học viên đến nhập thất của thày mà vẫn còn mong muốn dùng quyền lực để kiểm soát, mong muốn đạt quyền năng để điều khiển hoàn cảnh của mình. Khi họ tìm cách kiểm soát người khác hay môi trường của họ thì họ đang cố làm gì? Họ đang cố sản xuất ra một trạng thái trong tâm. Mọi chuyện xảy ra trong cõi vật chất được trải nghiệm qua tâm. Chính tâm con, nội dung của tâm con, cấu trúc, khuôn đúc trong tâm con, sẽ định đoạt cách con trải nghiệm một hoàn cảnh vỏ ngoài nào đó. Như các thày đã giải thích nhiều lần, hai người có thể có cùng hoàn cảnh vỏ ngoài mà lại có trải nghiệm nội tâm rất khác nhau. Các học viên này đang cố thay đổi hoàn cảnh nội tâm của họ bằng cách kiểm soát hoàn cảnh vỏ ngoài.

Trước hết, điều này không thể làm được quá một mức nào đó. Trong một mức nào đó thì có thể làm được, như một số người trên thế giới đã chứng tỏ. Như con có thể thấy, một số kẻ vô cùng giàu có và quyền lực đã đạt được một mức độ kiểm soát nào đó trên môi trường sống của họ. Trong số đó, nhiều người là những sa nhân cấp cao đã đạt được khả năng kiểm soát này nhờ họ đã luyện tập một thời gian rất, rất dài, thường kéo dài suốt tiến trình sa ngã của họ qua mấy bầu cõi.

Chắc chắn những kẻ như thế, qua luyện tập và kinh nghiệm suốt thời gian dài đó, có thể đoạt được một khả năng điều ngự nào đó trên cõi vật chất và trên người khác. Liệu đó có thật là điều con đang cố đạt được như một học trò của chân sư thăng thiên? Nếu con chưa đạt được khả năng đó thì liệu con có nghĩ là con sẽ đạt được trong kiếp này hay không? Nếu con không đạt được trong kiếp này, con sẽ phải tái đầu thai suốt hàng thiên niên kỷ nữa cho tới khi con đạt được sự điều ngự đó – hay nói đúng hơn, khả năng kiểm soát vật chất đó. Có thật con muốn như vậy?

4.8. Thanh lọc ý định của con

Con thấy đó, con yêu dấu, tầng khai ngộ thứ nhất tại nhập thất của thày là sự phối hợp giữa uy lực và thuần khiết, nhưng con cần điều gì để có thể sử dụng uy lực? Con cần một ý định, con cần một động lực. Tầng đầu tiên ở khóa nhập thất của thày là để giúp con thanh lọc ý định, động lực của con.

Tại sao thày lại xếp mọi người vào nhóm nơi họ có nhiều xác suất đụng độ nhất? Bởi vì đó là một cách hiệu quả nhất để làm hiển lộ những ý định ẩn giấu, những động lực ẩn giấu. Con thấy rất nhiều lần các học viên cố gắng kiểm soát lẫn nhau. Điều thường xảy ra trong một nhóm là có hai người nổi bật là người mạnh nhất, là người với mong muốn mạnh mẽ nhất để làm chủ tình hình. Hai học viên này, như thành ngữ quen thuộc, sẽ “khóa sừng” với nhau và tìm cách chế ngự lẫn nhau cũng như cả nhóm. Con nhìn kìa, chắc hẳn hai vị kia chưa sẵn sàng lắm để bước lên mức kế tiếp trong khóa của thày, phải không con? Họ có thể nghĩ là họ rất sẵn sàng rồi vì họ quyền uy quá đỗi, nhưng đó là họ nghĩ vậy thôi, chứ quyền lực có ích gì khi con không có ý định?

Con có thấy chăng là trên thế giới, các sa nhân đã làm hết sức để có được quyền lực vật lý mà không có ý định thuần khiết? Adolph Hitler có quyền lực vật lý để bắt bớ sáu triệu người, nhốt họ vào trại tập trung rồi giết hại một số lớn. Joseph Stalin có quyền lực vật lý để bắt bớ nhiều triệu người hơn nữa, nhốt họ vào trại tập trung rồi hành quyết họ. Chủ tịch Mao vĩ đại có quyền lực còn lớn hơn cả Stalin nữa. Cả ba đều có quyền lực vật lý nhưng liệu ý định của họ có thuần khiết hay không? Chắc chắn là không, vì họ lấy đi mạng sống – thày tin con sẽ đồng ý.

Quyền lực vật lý không liên quan gì đến ý định thuần khiết. Những ai có ý định thuần khiết sẽ vô cùng miễn cưỡng sử dụng hay chứng tỏ quyền lực vật lý. Các thày có rất đông học trò đến với nhập thất của thày sau khi đã học hỏi và thực hành giáo lý của chân sư thăng thiên trong thời gian dài. Họ thường mang giấc mơ là một ngày họ sẽ đạt được một loại quyền năng đặc biệt, một loại quyền năng của Tánh linh, thậm chí cả Thiên khiếu của Thánh linh mà nhiều nhóm thường đem ra bàn luận. Nhiều khi các học viên này mong muốn như vậy vì họ nghĩ, trong tâm ý thức, là nếu họ đạt được những khả năng đó, họ sẽ có thể chứng tỏ và chứng minh cho mọi người thấy là đường tu tâm linh có hiệu quả. Họ cho là họ có thể cải đạo hàng triệu người theo học giáo lý của chân sư thăng thiên.

Tại sao các chân sư không chỉ xuất hiện trên trời, hay xuất hiện giữa quần chúng và chứng minh là mình có thật? Con yêu dấu, đó là vì các thày tôn trọng Luật Tự quyết, và các thày tôn trọng tiến trình khai ngộ mà địa cầu này được hoạch định để cống hiến. Có ích gì mà lôi kéo hàng triệu người đi theo giáo lý của chân sư khi họ chưa ở mức có được ý định thuần khiết để học điều thày dạy? Các thày không chủ trương hấp dẫn số đông. Tại sao các thày lại muốn làm chuyện đó? Các thày không ham có hàng tỷ tín đồ chưa sẵn sàng cất bước trên con đường khai ngộ mà các thày cống hiến. Cho nên các thày không ham có đệ tử đặt trọng tâm phát triển những khả năng đặc biệt với một ý định ô trược không phù hợp với ý định của các thày. Con không thấy hay sao? Tầng khai ngộ thứ nhất tại nhập thất của thày trên con đường tự điều ngự hoàn toàn nhằm mục đích giúp con thanh lọc ý định của con. Trước hết, con phải ở trong một nhóm nhiều người, và con phải đạt tới mức chứng tỏ là con không có ý định thay đổi người khác để mình có cảm giác nào đó. Con không có ý định chế ngự hay kiểm soát người khác; con không có ý định chế ngự hay kiểm soát vật chất để tạo cho mình cảm giác nào đó. Ý định của con là điều ngự cái ta, không phải bằng cách kiểm soát cái ta nhưng điều ngự cái ta.

4.9. Các yếu tố của sự tự điều ngự

Thế nào là tự điều ngự? Yếu tố đầu tiên của tự điều ngự là thanh lọc chính mình, thanh lọc bốn thể phàm cho không còn tất cả những bợn nhơ mà con đã góp nhặt trong nhiều kiếp sống trên địa cầu và những hành tinh khác. Chính những bợn nhơ này kéo con vào một số khuôn nếp. Đó có thể là khuôn nếp hành xử, khuôn nếp cảm xúc, khuôn nếp suy nghĩ hay một số khuôn nếp bản sắc. Con liên tục bị kéo vào những khuôn nếp đó và tất nhiên, đây không phải là tự điều ngự.

Bước đầu tiên của con là làm sạch tâm con không còn những khuôn nếp đó nữa. Không phải là vấn đề kiểm soát và kềm chế khuôn nếp, hay thay thế chúng với những khuôn nếp mạnh mẽ hơn. Đó không là tự điều ngự. Đó có thể là tự chủ, nhưng không là điều mà các thày muốn nhìn thấy nơi đệ tử của mình. Đó là điều mà thày sa ngã, hàng ngũ giả trá, muốn tìm nơi học trò của họ, nhưng các thày thì muốn tìm sự tự điều ngự. Con đạt được tự điều ngự bằng cách xem xét tất cả mọi bợn nhơ trong tâm thức mình và, một cách ý thức, để cho chúng ra đi và quyết định có một ý định cao hơn.

Ở một số tầng tâm thức cao trước khi con thăng thiên, con có thể đạt được một khả năng điều ngự nào đó trên vật chất, như Giê-su đã chứng tỏ. Có thể là con cũng sẽ đạt tới trình độ điều ngự này, và có thể là con sẽ chứng tỏ khả năng đó, nhưng cũng có thể con sẽ không biểu lộ chút nào, như nhiều người đã làm (hay không làm) suốt chiều dài lịch sử. Nhiều người đã đạt được một khả năng điều ngự nào đó trên vật chất mà không bao giờ chứng tỏ cho người khác thấy vì họ hiểu đó không phải là ý định cao nhất.

Mục đích của khóa học này – đưa con từ tầng tâm thức 48 lên 96 – không phải là để khiến con trình diễn một số thủ thuật gây ấn tượng, mà là đạt được sự tự điều ngự, có nghĩa trước hết là con thanh tẩy tâm con cho không còn những gì có thể kéo con vào những khuôn nếp thấp kém. Cũng có nghĩa là con thanh tẩy các động lực của mình, ý định của mình, hầu con tự đặt mình thẳng hàng với ý định của chân sư thăng thiên.

Con thấy đó, con yêu dấu, bước đi trên đường tu tâm linh không có nghĩa là con mặc vào một chiếc áo tù bó tay bó chân. Thày không bảo là khi con tiến gần hơn đến tầng tâm thức 144, con bị bó tay không thể làm gì được vì con luôn luôn phải tuân theo ý định của đoàn chưởng giáo ở trên con. Mà thày bảo là khi con tiến gần hơn tầng 144, càng ngày con sẽ càng đồng điệu hơn với đoàn chưởng giáo ở trên con. 

4.10. Thanh tẩy và quyền tự quyết

Phải, không có nghĩa là con không có quyền tự quyết, mà con sẽ sử dụng quyền tự quyết của mình một cách khác hoàn toàn những gì con có thể mường tượng ở mức tâm thức hiện thời của con, đến độ thày không có cách chi mô tả cho con qua ngôn từ. Ở mức hiện thời của con, thật chẳng hữu ích gì mà thày cố mô tả những gì con sẽ đạt được ở những mức cao hơn quá sức, vì các thày không muốn đặt ra cho con một lý tưởng bất khả thi. Điều thày cố trao con ở đây là ý niệm rằng trên đường tự điều ngự, sẽ có một giai đọan khi con không cần buông hết mọi ý định thấp hơn, mà trên thực tế, con sẽ hòa điệu với ý định của vị Thượng sư mà con đang phụng sự – chẳng hạn như chính thày trên Tia thứ Tư, hay Hilarion trên Tia thứ Năm, và vân vân.

Khi con đang tham gia một khóa nhập thất, con thanh tẩy ý định của con bằng cách hòa điệu với ý định của Thượng sư trông coi khóa đó, và con tự đưa mình vào đồng bộ với ý định đó. Có nghĩa là con sẽ buông bỏ những ý định của con xuất phát từ tự ngã, và dĩ nhiên, tự ngã sẽ cảm nhận điều này như một hạn chế. Nó sẽ cố khiến con tin là quyền tự quyết của con đang bị hạn chế, giống như mình phải mặc vào một bộ áo tù bó tay bó chân vậy. Kỳ thực là con đang cởi áo tù ra, là áo tù của tự ngã mà con đang mặc, nhưng thày đồng ý  là trong một thời gian con sẽ khó lòng thấy được điều đó. Cho nên thày cảnh báo trước là đến một thời điểm, sẽ có một cuộc khai ngộ ở tầng thứ nhất tại khóa nhập thất của thày khi con phải sử dụng sức mạnh ý chí ý thức để con tự đem mình ra khỏi ý định dùng quyền lực của tự ngã.

Tự ngã sẽ nghĩ ra đủ loại lý do tại sao con nên sử dụng quyền năng, chẳng hạn để tạo ấn tượng đối với người khác, thu hút hoc trò cho chân sư thăng thiên, hay làm một số công việc tốt lành nào khác trên thế giới. Con cần sử dụng sức mạnh ý chí ý thức của mình để tự gia tốc và vượt lên trên, không tìm cách áp chế nó, mà nhìn vào ý định và so sánh với ý định mà thày sẽ chứng tỏ cho con.

Khi con kinh qua khai ngộ thứ nhất tại nhập thất của thày, con sẽ chiêm nghiệm được ở mức nội tâm ý định của thày, ý định của những vị đang làm việc trên Tia thứ Tư. Con sẽ chiêm nghiệm được sự khác biệt, sự tương phản. Như thày đã nói, các thày không có ý định kiểm soát con người hay xâm phạm quyền tự quyết, hay ép buộc ai đó phải khai ngộ khi họ chưa sẵn sàng. Con cũng phải đạt đến mức đó bằng cách buông bỏ mọi ham muốn lãng mạng mình sẽ hoàn thành những chuyện tuyệt vời trong thế gian, hay kiểm soát môi trường nơi mình đang sống.

4.11. Điều ngự vật chất đích thực 

Đúng là khi con tiến gần đến tầng 96, con sẽ đạt được một khả năng điều ngự nào đó của tâm trên vật chất, nhưng đó không phải là những chuyện lãng mạn như bỗng dưng làm thị hiện một vật nào đó từ hư không. Kỳ thực, con sẽ chứng tỏ một cách sống cao hơn, nghĩa là con sống trong thế giới vật chất nhưng cuộc đời con là sự thể hiện của cái ta cao hơn, của Hiện diện TA LÀ của con. Con không sống cuộc đời theo tiêu chuẩn của thế gian, và chắc chắn không theo tiêu chuẩn của sa nhân. Con sống theo một viễn quan cao hơn, một ý định cao hơn khác hẳn hầu hết mọi người trên thế giới. Không còn vấn đề chứng tỏ một khả năng điều ngự nào đó bằng cách trở nên giàu có, quyền lực hay đẹp đẽ hơn người, mà là chứng tỏ con đang đi theo một viễn quan cao hơn, một viễn quan không nhị nguyên nhằm nâng bản thân lên cao trội hơn người hay thậm chí hạ người khác xuống thấp. Con đang cố nâng cao Tất Cả, nhưng trước tiên, con đang cố tự thanh tẩy và tự điều ngự.

Đây là loại điều ngự mà các thày muốn trao cho con trong khóa học này. Nếu con thèm khát một loại điều ngự nào khác, hay nếu cho tới giờ con vẫn nghĩ là khóa học này sẽ cho con loại điều ngự khác đó, thì ở tầng khai ngộ thứ nhất tại nhập thất của thày, đây là lúc để con xét lại. Nếu con không thể từ bỏ những ham muốn đó, đây là thời điểm rất tốt để con rời khóa học này, rời con đường này, và đi tìm một loại đạo sư sẽ hứa hẹn cho con điều ngự vỏ ngoài đó qua sự kiểm soát. Thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Thày không đang cố giữ con lại khóa nhập thất của thày nếu con chưa sẵn sàng nhận những khai ngộ mà thày cống hiến. Đối với rất nhiều học viên đến khóa của thày – thường với ý định mà họ cho là tốt đẹp nhất nhưng thật sự không phải là cao nhất – điều này có thể sẽ gây sốc cho họ ở tầng đầu tiên này. Cũng giống như một giai đoạn sàng lọc vậy. Các thày “tách vỏ trấu khỏi hạt lúa” như người ta thường nói. Không theo nghĩa là chính các thày làm việ đó mà các thày giúp mỗi học viên nhìn thấy rõ hơn ý định của mình.

Cũng không phải là thày lên án bất cứ ai có ý định muốn trải nghiệm một điều ngự nào đó qua sự kiểm soát. Như các thày có nói, tất cả mọi chuyện xảy ra trên trái đất chỉ có thể xảy ra vì có những người đang đầu thai muốn một loại trải nghiệm nào đó. Nếu con mong muốn trải nghiệm khả năng kiểm soát người khác hay kiểm soát vật chất – mà không xem xét chính mình – thì giản dị là thày không thể giúp con. Thày không lên án con, nhưng thày khuyên con nên đi nơi khác tìm kiếm trải nghiệm đó rồi trở lại đây một khi con đã sẵn sàng nhận những gì thày cống hiến.

4.12. Một số người muốn một con đường khác

Thày không nghiêm khắc theo định nghĩa của thế gian. Nhưng mặt khác, con không thể đánh lừa thày, con không thể ăn gian với thày, con không thể giấu giếm khỏi thày. Nếu ý định của con không đồng điệu với mục đích của khóa học này về tự điều ngự, con sẽ không thể bước qua cánh cổng dẫn từ tầng khai ngộ thứ nhất lên tầng khai ngộ thứ hai tại nhập thất của thày. Con tùy ý ở lại tầng thứ nhất bao lâu cũng được. Con có thể ở lại trong nhóm có nhiều người khác cũng gặp cùng vấn đề như con là không buông bỏ ý định của mình.  

Con có thể ở lại đó gần như bao lâu cũng được, hoặc con có thể bước ra qua cùng cánh cửa mà con đã bước vào. Đây là chọn lựa của con. Thày không nghiêm ngặt độc tài. Chính con đang áp dụng kỷ luật bằng cách phóng chiếu một hình ảnh lên thày. Nhiều học viên bỏ ra đi thường ra đi bằng cách phóng chiếu một hình ảnh lên thày, bảo là thày đã không đáp ứng được mong đợi của họ, hay đã không làm chuyện này chuyện nọ.  

Điều đó chỉ chứng tỏ là họ vẫn chưa chán chê chuyện dùng người khác hay hoàn cảnh vỏ ngoài làm lý cớ để khỏi phải xem xét bản thân. Nếu họ cần dùng thày để viện cớ thì thày chỉ có thể cho phép họ làm. Nếu họ ở trong tâm trạng phóng chiếu một hình ảnh lên thày để viện cớ, thường thường không có gì mà thày có thể nói để giúp họ nhìn ra họ đang làm gì. Hiển nhiên như một vị thày đích thực, nếu thày không thể giúp học viên, thày sẽ không cưỡng ép người đó. Điều mà thày sẽ làm trong một số trường hợp là gia tăng ánh sáng thuần khiết đến mức những ai không buông bỏ ý định ô trược của mình sẽ không thể chịu nổi đứng lại ở đây.

Các thày sắp xếp các học viên thành nhiều nhóm. Trong một số trường hợp hiếm hoi, có nhóm sẽ ngồi lì ở đó. Trong đa số trường hợp, các nhóm sẽ từ từ đạt tới điểm ai nấy đều chán ngán chuyện tranh cãi và giao chiến. Họ bắt đầu tự hỏi và họ hỏi lẫn nhau: “Hàng ngàn năm rồi chúng ta đã thấy người ta tranh cãi và giao chiến khắp thế giới mà vẫn chẳng đi đến đâu, không lẽ chúng ta cũng ngồi đây làm y như vậy trong khóa nhập thất này hay sao? Đó có thật là lý do chúng ta ở đây? Không phải là chúng ta đến đây để lắng nghe Serapis Bey trình bày hay sao? Tại sao chúng ta lại ngồi đây tranh cãi vậy?” Khi họ tới được điểm đó, họ đã sẵn sàng tương tác trực tiếp hơn với thày hầu thày có thể giúp họ vượt qua khai ngộ của tầng thứ nhất và bước sang tầng thứ hai.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, có nhóm sẽ không tới được điểm đó. Họ sẽ cứ đứng yên một chỗ. Vì họ đang ở trong khóa tu của thày cho nên thày có quyền gia tăng ánh sáng, gia tăng cường độ. Thày không thể làm điều này ngoài thế gian nói chung, nhưng thày có thể làm với những ai đã tự nguyện nhập khóa tu của thày. Thày gia tăng ánh sáng, có nghĩa là giờ đây các học viên không thể phớt lờ bợn nhơ trong tâm thức họ. Hoặc họ sẽ phải nhìn vào những bợn nhơ đó và cải sửa, hoặc họ phải nỗ lực nhiều hơn để phớt lờ và dùng lý lẽ để xua đuổi chúng đi.

Nếu học viên cứ tiếp tục làm vậy, sẽ đến lúc thày gia tăng ánh sáng đến độ họ không thể ở lại nhập thất được lâu hơn và phải tìm cớ rút lui. Cũng có những người tới mức nhìn ra là họ muốn bỏ đi vì họ muốn có một loại trải nghiệm khác. Tất nhiên, điều này cũng tốt thôi. Đối với những học viên đó, thày có thể nói lời chia tay và cả hai đều đồng ý, nghĩa là nhận ra đây là tốt nhất cho học viên.

Còn đối với những học viên không chịu nhìn nhận là họ bỏ đi do chọn lựa và đã viện cớ này nọ với thày, thì thày không thể có màn chia tay ngắn ngủi đó với họ. Họ thường bỏ đi trong cơn giận dữ, thường không thèm nhìn lại, và đôi khi còn nguyền rủa thày khi họ bước ra khỏi cửa. Những học viên đó, thày không thể giúp họ được cho tới khi Trường đời Cay đắng giáng cho họ nhiều vố cay đắng đến độ họ lại sẵn sàng gõ cửa tu viện của thày một lần nữa. Và hiển nhiên thày sẽ nhận họ trở lại, nhưng thày cũng sẽ toàn quyền nói với họ ngay lập tức: “Liệu giờ đây con đã học được bài học mà con không chịu học lần trước con đến đây?”

Và như vậy, thày sẽ kết thúc bài giảng tương đối ảm đạm này và xin nói với tất cả các học trò đang nghĩ đến chuyện gia nhập khóa nhập thất của thày: “Liệu con đã xem xét những gì chờ đón con khi con bước qua ngưỡng cửa này hay chưa? Liệu con đã xem xét mục đích cuộc khai ngộ mà con nói con đã sẵn sàng dấn thân vào? Liệu con đã sẵn sàng cho những gì thày cống hiến? Nếu vậy thì thày chào đón con với cánh tay rộng mở, một con tim rộng mở, và một cặp mắt cũng rất rộng mở. Nếu con sẵn sàng mở to mắt mình ra, thày là vị Thượng sư sẽ giúp con làm chuyện đó.”

Serapis Bey TA LÀ.

Chấn thương nhập đời nguyên thủy

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 5 năm 2015. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

Quả thực TA LÀ Chân sư Thăng thiên More và trong quá khứ ta được biết tới dưới các tên M, Morya, El Morya, Bapu hay một số tên khác. Một cái tên chứa đựng những gì? Thày hơn bất cứ danh hiệu nào. Thày là hơn chân sư MORE. Thày hơn tất cả những gì trước đây. Hình ảnh nào trong bát cung vật lý trên một hành tinh như trái đất có thể nắm giữ được một chân sư thăng thiên? Không một hình ảnh nào cả! Con yêu dấu, không một điều gì có thể nắm giữ được thày bao giờ. Bất cứ hình ảnh nào được phóng chiếu lên thày từ sa nhân hay học viên của chân sư thăng thiên – không nhất thiết là hai nhóm này không trùng khớp – thày sẽ hơn hình ảnh đó.

Con sẽ không bao giờ với được tới thày nếu con nắm chặt một hình ảnh từ quá khứ. Quá khứ là gì? Một giây trước đây là quá khứ, con yêu dấu. Con suy nghĩ nhanh nhất mà con làm được, thì đó đã là quá khứ. Con có nhận ra chăng là tâm con người có một khoảng cách trong đó nó thể phân biệt được thời gian? Khoảng cách đó rất gần với một giây, nhưng thực ra con có thể phân biệt thời gian trong khoảng cách ngắn hơn thế.

Đó là quá khứ. Khi khoảng cách đó đã trôi qua, tất cả mọi thứ trước đó là quá khứ. Bây giờ con có thể nói: “Khoảng cách này quá ngắn khiến tâm ý thức của tôi không thể bắt kịp. Tôi không thể nghĩ một cách có ý thức: ‘Ồ, điều này là quá khứ. Bây giờ tôi đang ở trong hiện tại.’” Không đâu, con không làm được điều này, nhưng tại sao con cần phân biệt giữa quá khứ và hiện tại và tương lai? Tại sao cần có cái gì khác ngoài cái hiện tại?”

3.1. Tại sao con cần thời gian?

Tại sao con cần phân chia thời gian thành quá khứ, hiện tại và tương lai? Hãy tuôn chảy với hiện tại vĩnh hằng. Lúc ấy con là hơn tất cả cái gì con là trước đó, dù rằng không có cái trước đó, không có cái sau đó, chỉ có cái ngay bây giờ. Đây là niềm vui thực khi con tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống.

Những biểu hiện của phản-tình thương muốn chia chẻ mọi thứ, xếp mọi thứ vào thể loại tách biệt. Rồi chúng muốn nói là chuyện xảy ra trong quá khứ sẽ ảnh hưởng hiện tại và quyết định tương lai.

Con nghĩ về khái niệm nghiệp quả của người Ấn độ cho rằng mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của con được định trước bởi nghiệp quả từ các kiếp trước. Con yêu dấu, nếu quả thực như vậy thì toàn thể mục đích cuộc sống là gì đây? Phải chăng mục đích cuộc sống là mở rộng tâm thức của mình? Làm sao mở rộng tâm thức? Bằng cách chọn lựa. Nếu mọi chuyện trong hiện tại của con đều bị quá khứ quy định thì còn chỗ nào cho con chọn lựa nữa đây?

Con có thể nói: “Nhưng nghiệp quả của tôi do những chọn lựa trong quá khứ của tôi tạo ra.” Phải, đúng đấy, nhưng nếu những chọn lựa quá khứ của con có thể tước đi khả năng chọn lựa trong hiện tại của con thì làm sao con học hỏi được? Vậy mục đích cuộc sống ở đâu? Con có nghĩ chăng là một Thượng đế đầy tình thương có thể nào sáng tạo một vũ trụ trong đó con có thể lấy một chọn lựa và chọn lựa này sẽ tước đi khả năng phá bỏ chọn lựa cũ bằng một chọn lựa mới? Thượng đế nào lại làm như vậy? Chắc chắn không phải Thượng đế mà thày biết.

Có thể đó là thượng đế mà sa nhân đã chế ra mà nhiều người trên trái đất thờ phượng vì họ nghĩ vị thượng đế này cần thờ phượng. Con yêu dấu, vị thượng đế giả do sa nhân chế ra cần được con người thờ phượng bởi vì thượng đế đó không thật và do đó không thể nào nhận được năng lượng từ cõi tâm linh mà thày cảm nhận lúc nào cũng đang tuôn chảy qua thày. Thượng đế đó cần năng lượng của con người và đó là lý do tại sao vị ấy cần được thờ phượng. Làm sao một Thượng đế vô hình tướng lại có thể cần bất cứ gì từ con người trên trái đất? Đúng thật là Thượng đế vô hình tướng cần một điều: ngài cần cho ra từ chính ngài và ngài cần có những ai sẵn sàng nhận. Đó là cách để khép kín vòng chảy hình số tám. Đó là điều Thượng đế thật muốn. Thượng đế muốn tuôn chảy, muốn là hơn nữa qua con khi con trở nên hơn nữa.

3.2. Làm thế nào Thượng đế trở nên hơn nữa

Đấng Sáng tạo vũ trụ đã đạt được tâm thức của các đấng Sáng tạo. Ngài không thể trở nên hơn nữa bằng cách Sáng tạo nhiều hơn. Ngài trở nên hơn nữa bằng cách tạo ra những nối dài của chính ngài và gửi các nối dài này xuống một bầu cõi chưa thăng thiên. Khi các phần nối dài này tăng triển tâm thức, thì đấng Sáng tạo trở nên hơn nữa qua họ. Tại sao đấng Sáng tạo lại sáng tạo một vũ trụ trong đó con không thể trở nên hơn nữa, con bị giới hạn trong việc trở nên hơn nữa, con bị giới hạn trong việc thăng vượt? Không một Thượng đế nào làm điều này – ngoại trừ thượng đế giả không có thật.

Thày không còn chú ý tới các thượng đế giả này. Tại sao con lại cần chú ý tới họ? Tại sao con nghĩ con cần chú ý tới họ?

Con yêu dấu, con hãy nhìn lại chính mình và hãy chân thành với chính mình. Hầu như mỗi người chúng con đều mang một hình ảnh giả về thượng đế, không những trong kiếp này mà ngay cả trong các kiếp trước. Thày không trách cứ con về chuyện này. Khi con đã sống nhiều kiếp trên hành tinh này, con không tránh khỏi bị nhồi sọ, lập trình với hình ảnh giả của thượng đế này.

Thày không đang cố gắng tìm lỗi nơi con. Thày cũng không yêu cầu con tìm lỗi nơi mình. Thày chỉ muốn con nhìn nhận: “Ồ, đúng rồi, tôi có khuynh hướng nhìn Thượng đế như vậy và lẽ dĩ nhiên đây không phải là Thượng đế chân chính.” Rồi con quyết định buông bỏ hình ảnh giả này. Con sẵn sàng thoát khỏi các hình ảnh này.

3.3. Con thật sự từ đâu đến

Con yêu dấu, sa nhân làm cách nào để đánh bẫy con trong cái ta tách biệt, trong tâm thức nhị nguyên? Con có nhận ra chăng là đa số các con đã có lúc ở trên cõi ê-the và nhìn xuống trái đất? Đa số các con là những người tâm linh không được sinh tạo để đầu thai lần đầu trên trái đất. Các con đã đầu thai trên những hành tinh khác trước đó.

Các con đã tới điểm có chọn lựa tự do không cần phải trở lại hành tinh cũ của mình nữa. Con có thể đầu thai trên một hành tinh khác. Con nhìn vào trái đất và thấy ở đó có nhu cầu vì con thấy các cư dân nguyên thủy ở đó đều bị mắc bẫy trong một tấm màn, trong một vòng xoắn ốc đi xuống. Con thấy được là cách thực tế duy nhất để đem lại thay đổi là có người không bị mắc bẫy trong xoáy ốc xuống đầu thai. Người đó có tầng mức tâm thức cao hơn và do đó có thể nâng các cư dân lên cao hơn. Con nhìn trái đất ở giai đoạn đó và con quyết định con muốn xuống đầu thai nơi đó.

Đối với một số người trên trái đất, đây là lần đầu họ đầu thai trên hành tinh này. Ngay cả một số người tâm linh đã là linh hồn trưởng thành, đây là lần đầu thai đầu tiên của họ trên hành tinh này. Nhiều linh hồn đã đầu thai lần đầu tiên trên trái đất vào thời điểm này vì họ muốn giúp vào việc chuyển tiếp từ thời đại Song ngư sang thời đại Bảo bình, và họ muốn giúp Saint Germain biểu hiện Thời đại Hoàng Kim. Nhiều người trong các con đã giúp Saint Germain biểu hiện Thời đại Hoàng Kim trên các hành tinh khác trước khi đến trái đất, cho nên các con muốn góp phần vào công việc này. Cũng có một số đông các con đã ở trên trái đất này nhiều kiếp.

Tuy nhiên, đã có một lúc khi con đi xuống đầu thai lần đầu trên hành tinh này. Thày có thể bảo đảm với con rằng – và thày cần bảo đảm với con vì con đã dồn nén ký ức này – ở trên bát cung ê-the và nhìn xuống trái đất là một chuyện. Đúng vậy, lẽ dĩ nhiên con có thể thấy là có vấn đề trên trái đất. Con có thể thấy nhiều hoàn cảnh đáng lý không được như thế. Đó chính là lý do vì sao con muốn xuống đây và trợ giúp. Ở trên bát cung ê-the không cách chi con có thể biết được là kiếp đầu thai trên trái đất dày đặc như thế nào. Con không thể nào biết được.

3.4. Cú sốc khi đầu thai

Lúc mà con đầu thai trong xác thân vật lý lần đầu tiên và lúc con ý thức chuyện gì xảy ra trên hành tinh này, thì con bị một cú sốc. Không người nào mà không bị cú sốc nặng nề khi đầu thai lần đầu tiên ở đây (sau khi trái đất đã bắt đầu đi vào vòng xoáy hướng hạ). Có thể con nghe có người nói chuyện về cú sốc khi sanh ra trong kiếp này. Đa số mọi người đã dồn nén ký ức này, nhưng con có thể trở về điểm đó và trải nghiệm lại nó và qua đó vượt qua chấn thương nhập đời này. Ở đây thày nói đến chấn thương đầu thai lần đầu.

Các sa nhân, ít nhất là một số trong các sa nhân, biết chuyện gì đang xảy ra. Một số trong họ có khả năng theo dõi biết được khi một dòng sống mới đầu thai lần đầu trên trái đất. Các sa nhân này ở trên cõi bản sắc nhưng họ có hàng ngũ dưới họ, hàng ngũ giả dưới họ, ở các cõi lý trí, tình cảm và vật lý. Họ có khả năng hòa điệu với dòng sống của con và biết được là con là loại dòng sống như thế nào. Sau đó họ có thể ra lệnh cho bộ hạ của họ, từ các cõi cao xuống tới cõi vật lý, dàn xếp để cho con phải chịu đựng một hoàn cảnh khe khắt nhất, kinh khủng nhất, ghê tởm nhất mà con có thể tưởng tượng được. Họ biết chính xác hoàn cảnh nào đối với con kinh khủng nhất và họ sẽ dùng bộ hạ của họ để bắt con phải chịu hoàn cảnh vật lý mà con xem là kinh khủng nhất có thể xảy ra cho mình.

Nhiều người đã phải đối đầu với chiến tranh, tra tấn hay những hình thức bạo hành khác. Đây là biểu hiện của phản-tình thương, là một sự hủ hóa của tia sáng thứ nhất của uy lực. Các sa nhân trong cả bốn bát cung đã lạm dùng quyền lực xâm phạm con đến độ con cảm thấy điều này kinh khủng tuyệt đối và làm con bị chấn động tuyệt đối. Con cảm thấy chuyện này không được xảy ra cho bất cứ ai. Giản dị là nó không được xảy ra.

Khi con phản ứng như thế là lúc con đi vào tâm thái bị sốc. Khi con còn ở trên bát cung ê-the, con có thể thấy có những chuyện xảy ra trên hành tinh, nhưng con không sống trong đó và con biết là con không bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra trong bát cung vật lý. Khi con xuống đầu thai, thì gần như không tránh được là con đã quên đi mình là một sinh thể tâm linh không thể nào bị ảnh hưởng bởi chuyện gì xảy ra trong bát cung vật lý. Khi con ở trong xác thân vật lý, con trải nghiệm cái đau, cái chấn thương, cái khổ đau của thân vật lý. Con không giữ được sự nhận biết là: “Ồ, tôi là một sinh thể tâm linh, và không có điều gì xảy ra cho thân thể vật lý quy định được tôi.” Có một điểm khi xác thân bị tra tấn tới mức đó, bị đau đớn tới mức đó thì gần như không ai có thể không dính mắc vào cái đau này.

3.5. Vết thương của cơn đau tối đa

Có một điểm khi các sa nhân xâm phạm con bị chấn thương đến độ họ buộc con phải trải nghiệm cơn đau tối đa. Con lúc ấy không thể không dính mắc. Có một trạng thái đau đớn tối đa mà tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm khi đầu thai lần đầu trên hành tinh này. Nó trở thành một vết thương trong bản thể của con, một vết thương trong hồn con, trong bốn thể phàm của con. Ở thời điểm đó, cơn đau này làm con choáng ngợp và nó quả thực đã choáng ngợp con, khi con ở tầng tâm thức của con lúc đó.

Thày không trách cứ con chút nào. Thày cũng đã phản ứng y như vậy khi đầu thai lần đầu. Mọi người đã từng đầu thai ở đây đều đã làm như vậy. Mục đích của thày ở đây là giúp con nhìn nhận chấn thương nhập đời vũ trụ này và giải thoát mình ra khỏi nó. Một số các con cảm nhận được nó như thế nào. Một số các con có thể xem xét được: “Điều gì làm tôi bị xáo trộn nhất trên trái đất? Hoàn cảnh nào tôi thật sự muốn trừ tiệt? Chuyện gì tôi thật sự cảm thấy không được xảy ra?”

Có thể là con không trải qua hoàn cảnh này trong kiếp này nhưng con đã thấy người khác bị như thế và con nói: “Chuyện này quả thật không được xảy ra.” Cảm tưởng này dính liền với điều đã xảy ra cho con trong lần đầu thai đầu của con. Nếu con quán chiếu nó, con sẽ thấy rõ hơn nó là gì bên trong con.

Lẽ dĩ nhiên quán chiếu thôi không đủ. Con cần nhận ra là có một số lượng năng lượng đã bị tha hóa qua vết thương đó. Con cần kêu gọi các thày, thỉnh cầu ánh sáng để tiêu trừ nó để con tới được điểm mà con có thể bắt đầu nhìn vào nó. Thày nói thật với con: chỉ có một cách để con giải thoát mình khỏi chấn thương này. Đó là con làm điều mà tự ngã của con, các sa nhân hay hầu hết con người đều không muốn con làm – đó là con đi thẳng vào chấn thương đó và trải nghiệm nó trở lại.

3.6. Nhu cầu trải nghiệm lại chấn thương

Không cách chi giúp con giải thoát mình khỏi bất kỳ kinh nghiệm nào mà con đã trải qua trên trái đất bằng cách trốn chạy kinh nghiệm này và nỗi đau mà nó đã gây ra. Con không thể thoát khỏi bất cứ điều gì bằng cách trốn chạy nó. Con chỉ thoát được khi con đi thẳng vào nó, trải nghiệm nó, và vì tâm thức của con đã được nâng lên, nó không còn quy định con nữa. Con không còn tự đồng hóa mình với nó. Con không còn bị nó giam hãm. Các sa nhân muốn con tin, tự ngã muốn con tin rằng nếu con đi vào nỗi đau nguyên thủy đó, con sẽ chết. Con sẽ bị choáng ngợp trở lại. Nó sẽ quá sức chịu đụng của con. Nhưng con thấy chăng, con đã tiến hơn so với lần đầu tiên khi con xuống hành tinh này. Hầu hết các con đã tiến rất xa trong tâm thức và do đó chuyện này giống như một người trưởng thành trở về nhìn một chấn thương thời trẻ thơ hay chấn thương nhập đời.

Con có thể đối phó với nó bây giờ vì con nhận ra rằng con không trải nghiệm nó như lúc nó xảy ra lần đầu. Con không bị choáng ngợp. Con không hoàn toàn nhập vào nỗi đau. Con có thể tách mình ra khỏi nỗi đau. Khi con đi vào chấn thương đó, thì con trải nghiệm rằng: “Tôi vẫn còn ở đây. Tôi vẫn còn sống. Tôi đâu có chết. Tôi không bị tiêu hủy. Tôi không bị nỗi đau nuốt chửng. Tôi chỉ đang đứng ở đây, đang nhìn dòng năng lượng xoắn tít này, và tôi đang nhìn những niềm tin, và tôi đang nhìn tất cả những sinh linh trong cõi trung giới, và tôi nhận ra rằng đây không phải là tôi. Đây chỉ là một cái gì mà một phần của tôi, cái ta vỏ ngoài của tôi, đã trải nghiệm. Nhưng tôi hơn kinh nghiệm này, và do đó tôi có thể nhìn nó và nói: “Ngươi không còn sở hữu ta nữa. Ngươi không quy định ta nữa. Đây không phải cái ta là. Bớ Satan, ngươi hãy lui ra đằng sau ta, vì ta thấy được ngươi không thật, ta thấy và ta trải nghiệm cái thật của chính ta và cái thật của các chân sư thăng thiên.”

3.7. Các chân sư sẽ hỗ trợ các con

Các thày không nói rằng con phải làm việc này một mình. Chân sư nào mà con cảm thấy thân thiết nhất trong tim con, chân sư đó sẽ hỗ trợ con làm việc này. Các thày sẽ hỗ trợ con rất xa trên con đường này. Nhưng sẽ tới một điểm mà các thày không thể giúp con thêm nữa, lúc ấy con phải bước bước đó một mình, cái bước cuối cùng khi con đối đầu với ác quỷ trong chính mình, theo câu ngạn ngữ bình dân, và thấy chúng không thật.

Con hiểu là thày đang cho con ở đây chìa khóa về cách sa nhân đã giăng bẫy con người. Họ lạm dùng quyền lực mà họ có trong bát cung vật lý để con bị chấn thương. Đây là cái không thực mà con nghĩ là thực, ý tưởng cho rằng những điều đã xảy ra cho con trong quá khứ đang quy định kinh nghiệm sống hiện tại của con và đang quy định chuyện gì sẽ xảy ra cho con trong tương lai. Ảo tưởng này chính là điều thày muốn phá tan trong con.

Họ thực sự muốn nói với con là những gì con dùng ý chí làm trong quá khứ đã ngăn cản những gì con có thể dùng ý chí làm trong hiện tại và miên viễn về sau. Đây là biểu hiện của phản-tình thương. Thày nhất quyết muốn thấy con thoát khỏi điều đó, nếu con muốn, nhưng con phải có ý muốn. Thày không muốn hộ con được.

Một khi con đã muốn, thày có thể củng cố chọn lựa của con. Thày có thể giúp con, nhưng thày không thể thúc đẩy con chọn lựa như thế. Đây là chọn lựa của con, nhưng con cần có hiểu biết. Đây là điều thày có thể giúp con, thày có thể cho con hiểu biết tuyệt đối là không có chọn lựa nào mà không thể đảo ngược lại được bằng một chọn lựa cao hơn. Đây là một quy luật vĩnh hằng. Đó là lý do vì sao một hành tinh có thể bị rơi vào một tình trạng thấp kém như con thấy với trái đất hiện nay bởi vì quyền tự quyết không có giới hạn. Nhưng quy luật này cũng áp dụng cho cả hai chiều.

3.8. Ta có thể tháo gỡ điều ta đã sáng tạo

Con có thể sáng tạo bất cứ khổ đau nào mà con muốn, ngay cả khổ đau mà con không muốn một cách ý thức. Con cũng có thể tháo gỡ bất cứ khổ đau nào mà con đã sáng tạo. Con có thể giải thoát con khỏi nó.

Thày đã thoát khỏi mọi khổ đau trên trái đất. Thày đã thoát khỏi chấn thương nhập đời của thày đã đi theo thày cho tới kiếp đầu thai cuối cùng của thày. Con đừng lầm lẫn, chấn thương nhập đời sẽ là điều cuối cùng con khắc phục trước khi con tự do để thăng thiên vì nó là điều đầu tiên đã giam bẫy con trong trạng thái tâm thức thấp. Thách đố, cái bẫy họ giăng, là khi con bị chấn thương nhập đời, chấn thương đầu tiên, thì lẽ dĩ nhiên con trải nghiệm là có một lực bên ngoài áp đặt kinh nghiệm này lên con. Quả thực, đây chínhmột lực bên ngoài trong bát cung vật lý đã áp đặt nó lên con, đích danh lực đó là sa nhân và tay sai của họ.

Điều mà sa nhân phóng chiếu lên con là con có mặt ở đây để khắc phục, để tống khứ những lực đã bắt con phải chịu chấn thương đó để người khác không bị chấn thương như thế. Họ phóng chiếu lên con là con phải tham gia vào một cuộc đấu tranh nào đó, một cuộc chiến chống lại các lực bên ngoài này. Họ muốn con tin rằng một khi các lực này bị loại trừ ra khỏi trái đất, con sẽ thoát khỏi chấn thương của mình.

Con thấy chăng, con đâu có mời các lực này đến trái đất. Họ được mời tới bởi những chọn lựa khác, bởi những sinh thể khác đã chọn lựa. Con không thể tháo gỡ chọn lựa của những sinh thể đó. Vậy con có thể làm gì? Con có thể tháo gỡ chọn lựa của chính mình. Con có thể nhận ra: “Tôi có mặt ở đây để mang lại thay đổi tích cực cho hành tinh này. Nhưng tôi không mang lại thay đổi tích cực bằng cách đánh nhau với sa nhân và tà lực. Tôi mang lại thay đổi tích cực bằng cách vượt thăng trạng thái tâm thức của họ. Làm sao tôi làm được điều này? Bằng cách thăng vượt trong tôi tâm thức đã khiến tôi phản ứng lại họ và phản ứng này tạo cho tôi chấn thương nguyên thủy đó.”

Đây là phụng sự cao nhất của con trên trái đất. Khi con giải thoát mình khỏi trạng thái tâm thức đó, thì con sẽ kéo tập thể lên và kéo tất cả mọi người khác đang đầu thai lên. Đây là điều con tới đây để làm. Khi con phản ứng như thế thì con có làm sai không, con có làm điều xấu không? Không đâu, con mang trạng thái tâm thức này với con, nhưng con không phải mang nó theo con mãi mãi. Con không mang nó với con để có động lực đánh nhau với sa nhân. Con mang nó vào để chứng minh là bất cứ điều gì con mang vào – một điều kiện trong thế gian này – con có thể thăng vượt nó. Con có thể thăng vượt nó bằng sức mạnh ý chí của mình, ý chí muốn tự do, ý chí muốn hơn nữa.

3.9. Muốn cho các con hơn nữa

Thày là Chân sư Thăng thiên MORE. Thày chỉ muốn một điều cho con là con hơn nữa. Khi con có ý chí muốn hơn nữa, con đang mời thày vào đời của con để giúp con và hỗ trợ con tối đa. Thày không muốn áp đặt con bất cứ cách nào. Thày chỉ muốn con biết là thày có mặt ở đây để giúp con khi con quyết định: “Tôi muốn HƠN NỮA.”

Như Mẹ Mary đã nói – và đó là một trong những lời dạy sâu sắc nhất mà con nghe được từ xưa tới nay – là khi con không muốn hơn nữa, con đang nói trong tiềm thức: “Chân sư MORE, thày hãy để con yên một mình. Con chưa kinh nghiệm đủ trạng thái kém hơn. Con chưa sẵn sàng muốn hơn nữa.” Lúc mà con quyết định con sẵn sàng hơn nữa, thì đó là lúc thày thật sự có thể giúp con bằng một cách mà con hiện nay không thể nào mơ tưởng được.

Thày không đặt giới hạn cho những gì có thể xảy ra hay mức mà con có thể trở nên hơn nữa. Sẽ không bao giờ có một điểm khi thày muốn kềm giữ không cho con trở nên hơn nữa. Thày không sợ con vượt qua thày, giống như nhiều cha mẹ và thày cô trên trái đất đã sợ. Không điều gì khiến thày vui thích hơn là thấy con trở nên hơn nữa.

Thày cũng không so sánh. Con không thể nào trở nên hơn thày bởi vì con chỉ có thể trở nên hơn chính mình, hơn cái con là. Đây là cách chúng ta tiến triển và nhận ra mình là sinh thể vô biên. Đây không phải là chuyện so sánh. Trong cõi thăng thiên mọi so sánh và phê phán giá trị đều tan biến. Thày không hơn Saint Germain. Thày là MORE và Germain là Germain, nhưng người này không hơn người kia. Thày trở nên hơn MORE và Germain trở nên hơn Germain, và đó là chuyện phải lý. Ở đây không có sự đe dọa. Con trở nên hơn là con.

Thày mong muốn con cũng được như thế. Con đã bị lập trình quá sâu đậm trên trái đất khiến con nghĩ con là kém hơn, con nhất thiết phải kém hơn, con phải kém hơn, con chỉ có thể kém hơn, con không được phép là hơn nữa. Thày nói với con: “Con là hơn nữa! Con được phép là hơn nữa.” Vì sao thày nói được như thế? Bởi vì thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Thày là sinh thể quyết định Tia thứ Nhất có thể biểu hiện như thế nào trên trái đất, và thày cho phép con hơn nữa. Thày là sinh thể duy nhất được cho phép con như thế vì đấy là chức vụ của thày trong đại đoàn chưởng giáo, và thày cho phép con là hơn tất cả những gì con là từ trước tới giờ.

Với câu trên, con yêu dấu, thày cám ơn con đã chú ý, đã thương yêu thày, một tình thương sâu đậm và thày cảm được là rất nhiều đệ tử chân sư thăng thiên dành cho thày. Dù các con gọi thày bằng danh hiệu nào, thày cũng sẽ đáp ứng. Thày cũng muốn cho con biết là thày hơn tất cả các danh hiệu, như con cũng hơn tên của con. Bởi chưng, có gì nắm giữ được Tánh Linh? Chắc chắn là chẳng có điều gì trên một hành tinh như trái đất này.

Quả thực, thày là Tánh Linh, và con cũng vậy. Trong cái biết này chúng ta là một. Thật sự, chúng ta hơn là một vì ngay cả cái một cũng là một khái niệm có thể bị gán một đối trọng. Cái mà chúng ta thực là không có đối trọng. Nó chỉ là.

Con có thể yêu mình không?

Bài truyền đọc này được Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary trao truyền ngày 22 tháng 5 năm 2015 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

Kim: chúng ta hãy nói nhiều lần câu này: “Mẹ Mary, con yêu Mẹ.”

Tất cả: Mẹ Mary, con yêu Mẹ. Mẹ Mary, con yêu Mẹ. Mẹ Mary, con yêu Mẹ. Mẹ Mary, con yêu Mẹ. Mẹ Mary, con yêu Mẹ. Mẹ Mary, con yêu Mẹ.

[Mẹ Mary]: Các trái tim yêu dấu của thày, thày chính thực là Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary. Thày… yêu… con. Thày yêu con, mỗi người và tất cả chúng con. Các con có tin rằng thày yêu con không?

Nhiều người: Có.

Tất cả các con có tin rằng thày yêu con không?

Tất cả: Có.

Các con có thật sự tin rằng thày yêu con không?

Tất cả: Có.

Các con có tin bằng trái tim và không bằng miệng là thày yêu con không?

Tất cả: Có.

Vậy, các con hãy trả lời thày bằng trái tim mà không bằng miệng, vì thật quá dễ để nói những lời mà người ta chờ đợi con nói, làm những việc mà người ta chờ đợi con làm, cảm nhận những chuyện mà người ta chờ đợi con cảm nhận, nghĩ những điều mà người ta chờ đợi con nghĩ, và thấy con như là người mà người ta chờ đợi con là.

Bây giờ, các con có thể tin rằng thày yêu con. Các con có thể cảm nhận là thày yêu con. Một số các con có thể cảm nhận tình yêu của thày với các con, nhưng câu hỏi lớn mà thày muốn hỏi các con tối nay là: “Các con có thể yêu mình không? Các con có thể thực sự yêu mình không? Các con có thể yêu cái “ta”, chứ không phải chính mình, không?

1.1. Hai cái ta

Các con có thấy nhu cầu phân biệt hai cái này không? Các con đều nghĩ mình là “chính mình” nhưng con cần nhận ra là có nhân cách vỏ ngoài, cái ta vỏ ngoài, và có bản thể bên trong, cái ta nội tại. Sau đó, con có thể chấp nhận con là cái “ta”, không phải nhân cách vỏ ngoài, mà là cái ta mà con là.

Vì sao thày lại muốn con phân biệt giữa hai cái ta này? Bởi vì có rất ít người trên thế gian này, và chắc chắn là rất ít người sống tại châu Âu, phân biệt giữa cái ta vỏ ngoài và cái ta thuần khiết, Bản ngã thuần khiết. Vì sao họ không phân biệt được? Bởi vì, họ đã bị lập trình bởi sa nhân – qua nhiều, nhiều kiếp – để không làm được sự phân biệt này.

Đặc tính của sa nhân là gì? Họ không phân biệt được cái ta vỏ ngoài và cái ta thực. Họ đã đồng hóa với cái ta vỏ ngoài, với cái ta tách biệt. Nếu họ phân biệt được hai cái ta, thì họ đã biết họ không phải là cái ta vỏ ngoài, họ đã biết là họ là một phần của cái Ta Một của Thượng đế. Do vậy, họ đã không hoàn toàn bị mắc kẹt vào tâm thức sa ngã.

Họ muốn tất cả các con nhìn mình như họ nhìn chính họ. Đây là định nghĩa của giáo đoàn tâm linh giả, mà các thày cũng đã gọi là thiểu số tự tôn quyền lực. Họ là những sinh thể đã từ lâu bác bỏ ý niệm Thượng đế yêu họ. Thày có thể hiện ra trước mắt họ và nói với họ là thày yêu họ, nhưng họ sẽ không thể chấp nhận được tình yêu này, vì nếu họ chấp nhận nó, thì họ sẽ bị chuyển hóa bởi tình yêu của thày. Họ không muốn bị chuyển hóa, do đó chọn lựa duy nhất của họ là bác bỏ tình yêu của thày.

1.2. Tình yêu có điều kiện là một sự gian dối

Họ đã làm gì con? Họ đã khiến con tin rằng tình yêu của thày là một tình yêu có điều kiện, nó tùy thuộc vào việc con có đáp ứng được một số điều kiện mà họ đã đặt ra hay không.  Qua đó, họ đã dựng họ thành Thượng đế vì họ đã nói: “Chúng tôi có thể quy định những điều kiện mà ngay cả Thượng đế cũng phải tuân theo trước khi Thượng đế có thể ban phát tình thương cho những người đang hiện thân trên trái đất.” Lẽ dĩ nhiên, đây là một sự gian dối, một ảo tưởng, nhưng làm sao con nhận ra điều này? Làm sao người dân châu Âu có thể nhận ra điều này khi các nhà lãnh đạo của họ, qua rất nhiều thế kỷ, đã nói với họ một điều khác?

Lẽ đương nhiên, con đã bắt đầu thấy ra điều này. Thày nhận biết điều này rất rõ, nhưng thày muốn chỉ cho con thấy là con vẫn còn một phần trong bản ngã của mình. Điều này áp dụng cho tất cả các con không chừa một ai, ngay cả vị sứ giả đang nói lên những lời này. Các con có những chỗ con không thể hoàn toàn yêu mình được trong bản thể của con. Đây là điều mà thày muốn giảng ngày hôm nay.

Thày đã khiến các con phân biệt giữa cái ta nội tại và cái ta vỏ ngoài, cái ta tách biệt. Các thày có lý do khi làm điều này. Các thày nhận ra rằng, vì sự lập trình nặng nề mà các con đã trải qua, các thày không thể khiến các con khởi sự bằng cách thương yêu cái ta vỏ ngoài. Các con đã bị lập trình, đã bị điều kiện hóa, để nghĩ rằng tình yêu của Thượng đế là một tình yêu có điều kiện. Con nghĩ rằng con không thể nào yêu cái ta vỏ ngoài, rằng Thượng đế không thể nào yêu cái ta vỏ ngoài.

Các con nhìn thày như Mẹ Mary, như một sinh thể đã thăng thiên, như một đại diện của Mẹ Thiêng liêng, và trong tâm con nâng thày lên cao hơn con, trên phương diện địa vị hay ít ra là trình độ tâm thức. Có thể nói là thày, lẽ dĩ nhiên, cao hơn các con vì thày đảm trách một vai trò trong đại đoàn hoàn vũ cao hơn vai trò mà bất cứ sinh thể chưa thăng thiên nào có thể nắm giữ. Thày dĩ nhiên cũng đã thăng thiên, do đó tâm thức thày cao hơn tâm thức các con. Nhưng thày không cao hơn các con theo nghĩa của sa nhân, và các phán xét giá trị của họ. Thày là một với cái Tâm Một, cái Tất cả, và các con cũng là một với Tâm Một đó. Các con đã bị lập trình bởi những kẻ đã chối bỏ sự thực này để con chối bỏ mình là một với Tâm Một, do đó trong tâm con đã nâng thày lên cao hơn con.

1.3. Một cái nhìn mới về cái ta vỏ ngoài

Con có thể nhìn vào ý niệm thày giữ niệm tinh khôi (immaculate concept) về con, và con có thể cảm nhận hay nghĩ rằng thày nhìn vào viễn quan cao nhất, tiềm năng cao nhất mà con có thể đạt được, vào trạng thái khi con đạt được quả vị Ki-tô hoàn toàn. Con có thể nghĩ đó là điều thày thấy và yêu. Nhiều người trong các con có một ý muốn, thường tiềm ẩn, muốn che giấu cái ta nhân gian của con khỏi mắt thày, vì con nghĩ nếu thày thấy sắc thái đó của cái ta nhân gian, thì thày không thể nào yêu cái ta nhân gian đó. Con cũng có thể nghĩ là thày sẽ kết án con, ruồng bỏ con, mắng mỏ hay phát vào mông con (hay bất cứ điều gì khác mà con hình dung một bà mẹ hay làm). Con yêu dấu, con thấy chăng là qua bài giảng này thày muốn thách đố quan niệm đó của con về con và về thày.

Quả đúng là con cần khởi sự con đường tu bằng cách nhận ra con hơn cái ta vỏ ngoài, nhân cách vỏ ngoài. Con cần bắt đầu tách mình ra khỏi nhân cách vỏ ngoài vì đó là cách con kết nối với cái ta cao hơn của mình. Hầu hết các con đã bắt đầu tiến trình này. Một số các con đã có những tiến triển khả quan. Điều mà thày muốn cho các con ở đây là bước kế tiếp. Đây là điểm con bắt đầu nhìn cái ta vỏ ngoài một cách khác. Con không xem nó như kẻ địch của sự tăng triển tâm linh của mình. Con không xem nó như một cái gì xấu, tà ác hay ô uế đến độ thày sẽ lên án con vì con đã có nó.

Các thày đã làm một việc chính đáng khi cho con cảm tưởng là tự ngã của con đang chống trả sự tăng trưởng tâm linh của con, và con cần vượt lên trên nó, thăng vượt nó. Trong một số lần giảng trước, các thày đã trao cho các con khái niệm “kẻ đứng trên ngưỡng cửa” là kẻ cần phải bị trói buộc và tiêu trừ. Đây đều là những khái niệm có giá trị. Ở đây thày không chối bỏ những gì đã được giảng trước đây, nhưng thày muốn nói cho con biết là có nhiều giai đoạn trong tiến trình tiết lộ tuần tự, tiến trình đi trên con đường tâm linh một cách tuần tự.

Sẽ có một lúc con cần phải chất vấn giáo lý mà con đã dùng ở một tầng thấp hơn trên con đường tâm linh. Con sẽ không thấy giáo lý đó sai hay không có giá trị. Con nhận ra là bất cứ giáo lý nào được giảng ra bằng ngôn từ đều có giới hạn. Nó có thể hiểu được dễ dàng theo cách là nó chỉ có thể dẫn con tới một tầng mức nào thôi. Có thể nói là giáo lý có thể dẫn con tới một tầng nào đó, nhưng nó không thể dẫn con đi xa hơn. Nó cũng có thể trở nên một vòng khép kín giữ con ở lại một tầng nào đó. Thày muốn cho các con một cái nhìn mới về chính mình – về cái ta vỏ ngoài và cái ta nội tại của con. Con có thể gặp những hoàn cảnh trong đời sống hàng ngày khiến con bị xáo trộn. Con có thể bị khó chịu, con có thể nổi giận, con có thể sợ hãi, hay con có thể có khuôn nếp cảm xúc nào khác. Con cảm thấy đây không phải là tiềm năng cao nhất của mình, không phải là cách cư xử lý tưởng của mình. Con cảm thấy là con không muốn thày thấy con trong hoàn cảnh đó. Nhiều người trong các con đã chia cuộc đời thành từng ngăn. Một hình thức cực đoan của hiện tượng này là hiện tượng có nhiều tín đồ Cơ đốc giáo – như người ta thường hay nói – đi lễ nhà thờ và xưng tội mỗi Chủ nhật, và sau đó ra ngoài đời và gây tội sáu ngày còn lại trong tuần với lương tâm an ổn. Hầu hết các người đang đầu thai đều đã ít nhiều làm chuyện này. Một cách nói là họ phân biệt đạo và đời. Con tách việc tìm đạo ra khỏi đời sống hàng ngày.

1.4. Thăng vượt sự tự phán xét

Các con đều có một thủ tục, hay ít nhất là đa số các con có một thủ tục, đọc bài chú bài thỉnh. Nhiều người trong các con đã thu xếp thời gian, vào một không gian riêng biệt để đọc bài chú và bài thỉnh. Khi con cảm thấy con ở trong một khung cảnh được kiểm soát trong đó con đang làm một sinh hoạt tâm linh, thì con muốn có thày bên cạnh và nhìn con. Khi con đang la mắng con cái hay đang mất hài hòa trong sở làm, thì con mong muốn thày không có đó, thày không thấy các chuyện đó. Vì sao con lại có sự phân biệt này? Con có nghĩ là thày có sự phận biệt này chăng? Con có nghĩ là thày có thể đứng đây và nói là thày yêu con và tình yêu của thày vô điều kiện, vậy mà khi con làm một số chuyện không phù hợp với những gì con nghĩ một người tâm linh phải làm, thì thày sẽ không còn thương yêu con nữa? Đúng đó, đó là điều nhiều người trong các con nghĩ vì đó là cách tự ngã nghĩ. Đó là cách cái ta vỏ ngoài đã được lập trình để nghĩ. Nó chỉ có thể thấy tình yêu có điều kiện.

Thày không phân biệt như vậy. Thày không có phán xét giá trị, ít ra là theo nghĩa con gọi phán xét giá trị. Thày muốn cho con khái niệm là con cần nhìn vào chính mình, nhìn vào cái ta vỏ ngoài của mình, nhìn cách con hành xử hàng ngày, một cách khác. Con hãy thử phá bỏ sự phân biệt để con cho phép mình thoát khỏi khuynh hướng phán xét mình. Con hãy thử hỏi tại sao con phán xét, tại sao con có ý tưởng là trong cương vị một người tâm linh, một đệ tử chân sư thăng thiên, thì con phải cư xử cách này hay cách khác, và con không bao giờ được làm điều này hay điều nọ.

Con yêu dấu, con hiểu rằng thày đã từng đầu thai trên trái đất. Con có thể có một hình ảnh tuyệt vời về thày dựa trên những hình vẽ thày ngồi ôm trong lòng hài nhi tinh khôi là Chúa Hài đồng. Con có thể nghĩ rằng, dựa trên các hình ảnh tôn vinh này, khi thày hiện thân trên trái đất – khi Giê-su còn thơ ấu, khi có trẻ em khác trong nhà – thì nhà của thày lúc nào cũng sạch sẽ tuyệt hảo, trật tự tuyệt hảo, và thày không bao giờ lớn tiếng với các con. Con có thể nghĩ vậy, nhưng đây không phải là sự thật. Lúc đó, thày ở trong kiếp đầu thai cuối của thày, giống như nhiều người trong các con hiện nay. Lúc đó thày đã đạt được thành quả tâm linh đáng kể, nhưng thày bảo đảm với con là đã có những lúc thày mất bình tĩnh. Có những lúc thày bực bội các con, bực bội Joseph, và đã có những lúc thày to tiếng la mắng.

Điều này có thể khiến con ngỡ ngàng, nhưng thày muốn cho con thấy là thày lúc đó là một con người đang đầu thai trong một hành tinh rất dày đặc trong một tình huống rất căng thẳng. Các con cũng đang ở trong một hoàn cảnh rất căng thẳng vì đây là những thập niên rất căng thẳng khi Thời đại Song ngư chuyển tiếp sang Thời đại Bảo bình. Thày có thể bảo đảm với các con là bất cứ ai đang là một người tâm linh, đang cố gắng đạt được một tầng tâm thức cao hơn, đều bị một áp lực to lớn, một mức độ phóng chiếu to lớn, trong thời này.

Có những lực không muốn con thành công. Họ không muốn con nâng tâm thức mình lên. Họ không muốn con thể hiện quả vị Ki-tô. Họ khẩn thiết muốn con bám chặt vào ý tưởng cho rằng – vì con có khuyết điểm nào đó, vì con đã phạm một lỗi lầm nào đó hôm qua hay 30 năm về trước – nên con không xứng đáng đại diện các chân sư thăng thiên, con không xứng đáng thể hiện quả vị Ki-tô hay đứng lên đòi hỏi bất cứ điều gì có thể cải thiện đời sống trên trái đất. Họ khẩn thiết muốn con bám chặt ảo tưởng đó.

Thày muốn con nhìn vào cái ta vỏ ngoài của mình một cách khác. Như thày có giảng, có một giai đoạn trên con đường tu khi con cần nhìn tự ngã, cái ta vỏ ngoài, như một cái gì đang chống trả sự tăng triển của con, đang kềm giữ sự tăng triển đó, và con cần phải đối phó với nó. Con cần thỉnh cầu để năng lượng được chuyển hóa. Con cần thấy ra những ảo tưởng. Con có thể cần kêu gọi Đại thiên thần Michael trói buộc kẻ đứng trên ngưỡng cửa, trói buộc tự ngã của con, trói buộc đủ loại tà lực đang tấn công con qua tự ngã và kẻ đứng trên ngưỡng cửa.

Đây đều là những bước tu tập chính đáng, nhưng khi con đã làm xong những bước này và đã vươn lên tầng cao hơn, thì hành động này không còn là hành động xây dựng nữa. Không phải là cái ta vỏ ngoài và tự ngã của con không còn chống trả việc con đi trên con đường tu. Chúng vẫn tiếp tục làm chuyện này – nếu con chó phép chúng. Đây chính là điều thày muốn nói với các con: “Hãy ngưng cho phép chúng”.

1.5. Khiến tự ngã trở nên vô hiệu

Cách làm điều này là con nhìn cái ta vỏ ngoài, tự ngã của mình, không như kẻ địch cũng không như một đồng minh của việc tăng triển tâm linh của mình, nhưng coi nó không có ảnh hưởng gì trên việc tăng triển tâm linh của mình. Con cần nhìn vào nó và nói: “Tôi nhìn nhận là tôi có khuynh hướng này. Tôi thấy đây là một phần của cái ta vỏ ngoài của tôi, nhưng nó không phải là tôi. Nó sẽ không quy định được tôi, nó sẽ không kềm giữ được tôi trên con đường tâm linh. Nó sẽ không khiến tôi lẩn trốn Mẹ Mary.”

Con yêu dấu, con thấy chăng là thày chấp nhận hoàn toàn Luật Tự quyết và quyền tự quyết của riêng con. Nếu con nói: “Mẹ Mary, con không muốn thày nhìn vào con trong hoàn cảnh đó”, thì thày sẽ không nhìn vào con. Nhưng, con yêu dấu, nếu thày không nhìn vào con thì thày sẽ không thể giúp con. Thày không thể quay mắt không nhìn con đồng thời giữ niệm tinh khôi về con. Con quả thực đã muốn thày, không giữ niệm tinh khôi về con trong chính những hoàn cảnh mà con cần thầy làm việc đó.

Con có thấy chăng? Khi con đang ở trong trạng thái hài hòa toàn hảo và an bình toàn hảo, thì con không thực sự cần thày giữ niệm tinh khôi về con, đúng không con? Chính khi con đang bất hài hòa là lúc con cần thày giữ sự quân bình cho con. Trong những tình huống đó, rất nhiều khi con đã mặc nhiên nói: “Ôi Mẹ Mary, đừng nhìn vào con lúc này. Thày hãy để con một mình.” Con nghĩ rằng, nếu thày thấy con trong trạng thái đó, thì thày sẽ không thương yêu con.

Khi thày nói: “Thày yêu con” thì thày không phân biệt giữa cái ta vỏ ngoài và cái ta nội tại của con. Lẽ dĩ nhiên, thày biết con là ai. Thày biết cái ta nội tại là thực. Thày biết là cái ta vỏ ngoài không thực, nhưng ngay lúc này nó là một phần của toàn bản thể của con, và thày yêu con như tổng thể đó, như toàn bộ sinh thể mà con là.

Thày nhận ra một sự kiện rất giản dị, mà thày rút ra từ kinh nghiệm bản thân: khi ta đang hiện thân trong một bầu cõi chưa thăng thiên, đặc biệt là trên một hành tinh dày đặc như trái đất, thì ta không thể tránh có một cái ta vỏ ngoài. Con không thể đầu thai trên một hành tinh như trái đất mà được hoàn toàn tự do khỏi cái ta vỏ ngoài, vì nếu vậy con đã không thể chịu nổi cuộc sống ở nơi đây. Có quá nhiều chuyện đang xảy ra lúc này trên trái đất, và nếu con hoàn toàn nhìn nhận chúng, thì con giản dị không thể đương nổi việc mình đang đầu thai ở đây. Lòng từ bi của con sẽ thực sự phân tán hào quang của con vì con muốn giúp tất cả những người đang chịu đau khổ.

Cái ta vỏ ngoài gần như là một cái khiên bảo vệ giúp con có mặt trên hành tinh này. Nó giúp con sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, nhưng nó cũng giúp con chú tâm vào việc nâng cao tâm thức của mình. Để có thể làm việc này trên một hành tinh như trái đất, con cần một cái mộc chắn chung quanh mình. Con hầu như cần miếng che mắt, như ngựa kéo xe cần che mắt, để con không thấy tất cả những chuyện đang xảy ra. Đây chỉ giản dị là một cơ chế tự vệ cần thiết.

1.6. Vì sao con cần yêu cái ta nhân gian

Lẽ đương nhiên, thày cũng biết là khi con có cái ta vỏ ngoài, thì nó là cái nó là. Nó được sanh ra từ tâm thức nhị nguyên. Nó có mâu thuẫn nội tại, phân chia nội tại, nên con sẽ bị kéo đi nhiều hướng. Sẽ có những hoàn cảnh bên ngoài quá sức chịu đựng của con. Khi con cái của con đang la hét và không chịu nghe lời, thì con có thể cảm thấy bị choáng ngợp và cảm thấy bực tức, như thày đã từng như vậy, con yêu dấu.

Thày không biết con có hình ảnh gì về các sinh thể đã thăng thiên từ trái đất. Con có thể nghĩ rằng Giê-su là một người toàn hảo khi thày đầu thai, nhưng thày đã nói với con là Giê-su không như vậy. Giê-su có lúc bất hài hòa. Giê-su cũng có thể nổi giận. Khi người khác tới gặp Giê-su, thì Giê-su có thể rất cộc lốc, nói rất thẳng, một cách hầu như gay gắt. Thày có thể hiểu vì sao. Giê-su rất chú tâm vào nội tâm của mình, nên khi người khác xáo trộn sự chú ý của thày, thì thày gặp khó khăn bắt nhịp cầu giữa hai thế giới.

Con có thể nghĩ El Morya, hay Chân sư MORE, trong kiếp đầu thai cuối lúc nào cũng thoải mái, bình tĩnh và làm chủ tâm mình. Nếu con nhìn vào một số tiền kiếp của thày, thì con sẽ thấy là Chân sư MORE đã có những lúc bị choáng ngợp bởi năng lượng và đã phản ứng bằng nhiều cách. Các con đều nghĩ Saint Germain là Người Thần kỳ của Châu Âu. Đúng vậy, khi thày được đặc miễn để hiện thân trong một xác thân vật lý, thì thày lúc đó đã ở trong trạng thái thăng thiên, và thày lúc nào cũng thoải mái, bình tĩnh, và làm chủ tâm mình. Nhưng đó là sau khi thày đã hội đủ điều kiện để thăng thiên. Trước đó, không phải lúc nào thày Saint Germain cũng trong trạng thái hoàn toàn hài hòa.

Không có ai đã thăng thiên vì đã là người toàn hảo dựa trên một chuẩn mực nào đó do sa nhân quy định. Các thày đã thăng thiên vì đã nhận ra được là chuẩn mực sa ngã này không quy định được mình nữa, và điều này có một ý nghĩa duy nhất: bất cứ cái ta nhân gian nào còn sót lại, con cần yêu nó. Con sẽ tới điểm con cần yêu cái ta nhân gian của mình, cái ta vỏ ngoài, cái tự ngã, kẻ đứng trên ngưỡng cửa, hay bất cứ tên gì khác con dùng để gọi nó. Như thày đã nói, có một giai đoạn trên con đường tu khi con cần nhìn nó như một đối thủ chống trả sự tăng triển tâm linh của con. Con cần phải tách mình ra khỏi nó. Khi con đã phần nào tách mình ra khỏi nó, nếu lúc đó con còn nhìn nó như một đối thủ, như một kẻ địch, thì con vẫn còn để nó quy định mình. Khi con bị cái ta vỏ ngoài làm cho hoàn toàn mù lòa thì nó quy định con, nhưng khi con chống lại nó, xem nó như kẻ địch cho việc tăng triển tâm linh của mình, thì nó cũng quy định con, bằng một cách khác.

Con tới điểm nhận ra bước tới là con không còn xem cái ta vỏ ngoài như một kẻ địch nữa. Con nhận ra nó không thể quy định con, nó không thể ngưng hành trình tu tập của con. Lúc đó, nếu con không còn xem nó như một kẻ địch, thì bước hợp lý kế tiếp là con thương yêu nó. Quả thật, rất khó thương yêu cái gì mà ta coi là kẻ địch. Để con hoàn toàn giải thoát mình khỏi kẻ địch đó, thì con phải tới điểm mà Giê-su hai ngàn năm trước đây đã dạy con người làm: hãy thương yêu kẻ địch của mình. Khi đó, họ không còn quy định mình nữa.

Con yêu dấu, điều gì quy định con? Con là một sinh thể tâm linh; vậy một sinh thể tâm linh là gì? Đối với một sinh thể tâm linh đang hiện thân, lý tưởng nhất là nó là một cánh của mở cho tình thương vô điều kiện. Chuyện gì xảy ra khi con nghĩ mình có một kẻ địch và con nói: “Tôi không thể thương yêu kẻ địch này, tôi không thể biểu lộ tình yêu với kẻ địch này”? Con đang để cho kẻ địch đó cắt đứt dòng chảy của tình thương vô điều kiện chảy xuyên qua con. Con đang để cho kẻ địch đó quy định con vì lúc đó con không còn là một sinh thể tâm linh nhìn mình như là cánh cửa mở cho tình thương vô điều kiện. Con nhìn mình như một cái gì khác, một cái gì kém hơn.

Hãy thương yêu kẻ địch của mình – và con sẽ được giải thoát khỏi họ và tâm thức mà họ đại diện. Con sẽ được tự do để là người mà con là: một cánh cửa mở cho tình thương vô điều kiện. Con được tự do để chấp nhận hoàn toàn, với tất cả bản thể của mình, là Thượng đế yêu con, là thày yêu con. Và lúc đó con có thể yêu cái ta của mình. Con có thể yêu cả phần “cái ta” và phần “của mình” của bản thể của con.

1.7. Làm hòa với việc có cái ta vỏ ngoài

Con sẽ tới điểm phân biệt giữa cái ta vỏ ngoài và cái ta thật, giữa cái thật và cái không thật. Con không còn cần che giấu cái ta không thật khỏi mắt thày hay mắt con. Con thấy nó không thật, con thấy nó không quy định được mình, nhưng con không cảm thấy bị nó đe dọa. Con thực sự còn không quan tâm đến nó. Nó không quan trọng gì hết. Con có thể nói với trí đường thẳng là thày đang mâu thuẫn với những gì thày nói trước đây, nhưng nếu con vượt quá trí đường thẳng, thì con sẽ nhận ra là thày đang nói tới một tiến trình. Có một giai đoạn con cần tách mình ra khỏi cái ta vỏ ngoài, và con làm chuyện này bằng cách thấy mình khác cái ta vỏ ngoài. Nhưng cũng có giai đoạn con cần thăng vượt cái ta vỏ ngoài, và con yêu dấu, khác với những gì đa số các con nghĩ, điều này không có nghĩa là con không còn cái ta vỏ ngoài.

Điều đó có nghiã là con tới điểm cái ta vỏ ngoài còn sót lại chỉ đủ để giữ con hiện thân trong cõi này. Do đó, nó không đe dọa sự tăng trưởng tâm linh của con hay công việc phụng sự người khác của con. Khi con tới điểm đó thì con không cần quan tâm đến nó nữa. Con không cần phân tích nó nữa, tìm cách lột mặt nạ nó và khám phá: “Tự ngã của tôi là gì? Chuyện gì đang xảy ra? Tôi đang tin điều gì đây?” Tất cả những dụng cụ tâm linh đó đều có giá trị, nhưng con sẽ tới điểm con không cần quan tâm quá đáng đến các dụng cụ đó hay đặt trọng tâm vào chúng.

Lẽ dĩ nhiên, con cần tìm ra một điểm quân bằng. Các thày không muốn trở về trạng thái tự đồng hóa với cái ta vỏ ngoài và không nhìn ra những gì con cần khắc phục. Con có thể tới điểm con đã làm hòa với sự kiện là, khi con còn đầu thai trên trái đất, con sẽ còn một số sắc thái của cái ta vỏ ngoài. Nếu đôi khi con rơi vào khuôn nếp đó thì con không cần lên án mình.

Con đừng nên theo tư duy cuồng đại (epic mindset) và nghĩ rằng con đã phạm một lỗi lầm mà con không bao giờ có thể xóa bỏ. Và bây giờ Mẹ Mary sẽ không yêu con nữa, Mẹ Mary sẽ không tiếp xúc với con trong ba tháng, hay bất cứ điều gì khác mà con nghĩ. Con không cần tự trừng phạt mình. Con không cần ép buộc mình làm công tác chuộc tội, tỷ dụ như: “Bây giờ thì tôi phải đọc 350 câu Chào mừng Mẹ Mary vì tôi đã quát mắng các con”, hay bất cứ gì khác mà người ta thường làm. Họ nghĩ rằng bằng cách nào đó họ có thể bù đắp, và thày sẽ đột nhiên thương yêu họ trở lại sau khi họ đã làm công tác máy móc này hay thắp đủ số ngọn nến trong nhà thờ.

Con cần tới điểm nhận ra đây không phải là lối thày suy nghĩ, không phải là lối thày cảm nhận, không phải là lối thày nhìn vào con. Thày là một chân sư thăng thiên. Thày không phải là một sa nhân. Thày không nhìn con như sa nhân nhìn con. Nếu con yêu thày, thì xin con ngưng phóng chiếu lên thày là thày nhìn con giống như sa nhân nhìn con, vì thày không làm như vậy!

Thày có vẻ nghiêm khắc quá không? Đó là vì thày muốn cắt xuyên qua sự chống kháng của cái ta vỏ ngoài, vì nó sẽ không chịu nhìn nhận là thày không giống hình ảnh của thày mà sa nhân đã tạo ra. Thày là một chân sư thăng thiên. Thày từ chối tuân theo hình ảnh của sa nhân. Thày tuyệt đối từ chối. Do đó, khi thày có một vị sứ giả chịu làm cánh cửa mở, thì thày sẽ phát biểu vào cõi vật chất. Hàng tỷ người cần nghe lời này: thày là một sinh thể có tự do của Thượng đế ban cho. Thày không bị trói buộc bởi tâm thức của những người đang đầu thai hay của sa nhân, dù họ có đang đầu thai trong cõi vật lý hay không. Thày đã thoát khỏi mọi thứ đó. Thày muốn con cũng thoát khỏi các thứ đó. Con không thể hoàn toàn thoát khỏi nó – thày không thể giúp con tới mức tối đa – nếu con không nhận ra là thày không bị các thứ đó ảnh hưởng.

1.8. Chối bỏ tình yêu vô điều kiện

Tình yêu của thày không có điều kiện. Có những người tuyệt đối từ chối không chịu nhìn nhận có tình thương vô điều kiện. Ta có thể tìm thấy họ trong mọi giáo hội và phong trào tâm linh và các nơi khác. Hoặc họ là sa nhân đang đầu thai hoặc họ bị tâm thức sa ngã làm cho hoàn toàn mù lòa. Không thể có cách giải thích nào khác. Thượng đế chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tuân theo tâm thức của sa nhân hay của những sinh thể chưa thăng thiên.

Một trong những biểu hiện dữ dội nhất của phản-tình thương là nghĩ rằng một người đang đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất có thể quy định là Thượng đế sẽ hành xử, suy nghĩ và nhìn cuộc đời như thế nào. Đây là sự kiêu mạn tâm linh hoàn toàn và tuyệt đối. Có những sa nhân đang đầu thai trên trái đất hay ở trung giới (astral phane), hay đang có mặt trong các cõi lý trí và bản sắc của trái đất, nghĩ rằng họ là những sinh thể cao cả và tinh xảo. Như Giê-su đã nói: “Ta biết người qua quả trái của họ”.

Con chỉ cần nhìn chuyện gì đang xảy ra trên trái đất để thấy rằng đây không phải là một hành tinh cao cả lắm. Nếu trái đất không phải là một hành tinh cao cả, thì những sa nhân liên hệ với trái đất không thể quá tinh xảo – ngoại trừ trong chính tâm họ. Không phải là điều khó hiểu để nhận ra rằng trên một hành tinh có quá nhiều biểu hiện của phản-tình thương, quá nhiều chiến tranh, xung đột, thì những người đã tạo ra hoàn cảnh này không thể là những sinh thể tinh xảo. Vậy các con hãy ngưng đi theo họ.

Con hãy ngưng nghĩ rằng họ có khả năng hay thẩm quyền quy định các chân sư thăng thiên phải nghĩ hay cảm nhận như thế nào, hay các chân sư thăng thiên phải nói hay không được nói điều gì, hay các chân sư thăng thiên phải nói hay không được nói qua vị sứ giả nào.

Thày không thể giúp những ai đang phóng chiếu một hình ảnh sa ngã lên thày, dù người đó nhìn nhận thày là một chân sư thăng thiên. Thày không thể giúp người đó, vì thày không thể và không muốn vi phạm quyền tự quyết của họ, cho dù đó không phải là một quyết định có ý thức của họ. Do đó, thày không thể giữ niệm tinh khôi về họ trong những hoàn cảnh khi họ cần đến nhất. Có những người tin rằng họ là người tâm linh, và ngay cả là đệ tử chân sư thăng thiên, nhưng họ lúc nào cũng ở trong trạng thái tâm thức không phù hợp với tiềm năng cao nhất của họ. Họ cần thày giữ niệm tinh khôi cho họ, nhưng họ lại không chịu để thày làm chuyện này. Hậu quả là tâm thức họ trở nên một vòng xoắn ốc khép kín và tự củng cố. Họ tin rằng họ đang tiến bộ trên con đường tâm linh. Họ tin rằng họ sẽ thăng thiên trong kiếp sống này. Họ giống y như những tín đồ Cơ  đốc giáo tin rằng Giê-su sẽ cứu rỗi họ ở cuối kiếp sống này, và họ sẽ lên Thiên đàng vì họ đã là những tín đồ Cơ đốc giáo tốt.

1.9. Chuyển đổi tâm thức và sự thăng thiên

Nếu con không chuyển đổi tâm thức, thì làm sao con vào được cõi thăng thiên? Con yêu dấu, để thăng thiên không có điều kiện nào khác hơn là trạng thái tâm thức của con. Không có cái gì bên ngoài mà con có thể làm để hội đủ điều kiện thăng thiên. Con có hiểu điều này chăng?

Đây là hệ quả của sự kiện tình thương của Thượng đế không có điều kiện. Điều này cũng có nghĩa là không có gì con có thể làm trên trái đất, không có điều kiện nào mà con có thể quy định và làm tròn trên trái đất, có thể ép buộc Thượng đế phải cho con vào Vương quốc của ngài. Con sẽ vào Vương quốc khi con ngưng ép buộc Thượng đế phải cho con vào, và chấp nhận là Thượng đế sẽ cho con vào khi con không còn bất cứ điều kiện nào trong tâm quy định cách con hay Thượng đế phải hành xử.

Thày không muốn nói là con có thể làm bất cứ gì con muốn. Khi con là một với Hiện diện TA LÀ và cái ta cao của con, con sẽ không muốn làm hầu hết những điều mà người phàm muốn làm. Đấy không phải là vì con ép buộc mình không được làm những điều đó dựa trên một lý tưởng tâm linh nào đó. Nhưng sẽ là vì con tự nhiên chọn lựa không muốn làm những điều đó. Con không có một lượng định giả tạo nào về điều phải làm hay không được làm. Con chỉ đơn giản trôi theo dòng chảy với chính mình, với cái ta cao của mình.

1.10. Tiến lên làm việc khác thay vì phân tích

Hành tinh này là một hành tinh dày đặc. Cuộc sống ở đây sẽ có lúc hỗn độn, và tuy con đã đạt được một tầng cao trên con đường tâm linh, sẽ có những hoàn cảnh khiến con rơi xuống thấp hơn. Sẽ có lúc con vẫn cảm thấy bực bội. Sẽ có lúc con vẫn cảm thấy chán chường. Điều thày muốn nói là có một giai đoạn trên con đường tâm linh khi con cần nhìn vào những hoàn cảnh đó, nhận ra mô thức đằng sau chúng, và tiêu trừ chúng. Nhưng có một giai đoạn cao hơn khi con cần, thỉnh thoảng, cho phép mình không toàn hảo. Lúc đó, thay vì lên án mình, thay vì phân tích quá mức: “Vì sao tôi lại làm chuyện này?” thì con chỉ giản dị bỏ nó lại sau và tiến lên làm chuyện khác. Con chỉ bỏ nó lại sau và tiến lên làm chuyện khác.

Nếu con đang đi bộ ngoài đường và trời đổ mưa và con vào nhà với nước mưa trên áo choàng, thì con có lên án mình vì có nước mưa trên áo choàng chăng?  Con có bao giờ phân tích quá đáng vì sao nước mưa lại dính trên áo choàng, hay con chỉ giản dị rũ áo, treo nó lên mắc áo, và tiếp tục công việc thường ngày của mình?

Con yêu dấu, con hãy ngưng nghĩ rằng thày đang nhìn con và phán xét con như con phán xét chính mình. Thày không phán xét bất cứ ai, nam hay nữ. Thày không phán xét bất cứ sinh thể nào, dù họ là sa nhân đen tối nhất mà con có thể tưởng tượng. Thày không phán xét. Thày yêu con mà không có điều kiện nào. Thày yêu toàn thể cái con là. Thày biết rằng một phần của tiến trình tăng triển trong một bầu cõi chưa thăng thiên, đặc biệt là trên một hành tinh dày đặc như trái đất, là con đi vào tâm thức nhân gian và sống trong đó cho tới khi con chán ngán kinh nghiệm này. Lúc ấy, con tách mình ra khỏi tâm thức đó và con nói: “Tôi không còn muốn tâm thức này nữa. Nó không phải là tôi nữa. Nó không quy định được tôi.”

Con yêu dấu, đây chỉ là một phần của con đường tâm linh. Con hãy giải thoát mình khỏi tâm thái luôn luôn phán xét, lượng định và phân tích. Con hãy hướng về điểm con thấy mình làm một điều gì không toàn hảo, nhưng thay vì lên án và phân tích việc làm của mình, thì con chỉ nhìn nó và nói: “Rồi sao?” Và sau đó con bỏ nó lại sau và tiến lên làm chuyện khác.

Bây giờ, con yêu dấu, nếu con chăm chú lắng nghe thì con sẽ nghe được tất cả các quỷ dữ trong trung giới đang chu réo lên và nói con không được chấp nhận điều mà thày đang nói: “Con không được tin lời nói này. Đây chắc chắn là một giáo lý giả. Chuyện này không thể nào đúng được.” Chúng khẩn thiết muốn con bác bỏ những điều thày nói, vì chỉ khi con từ chối tình thương vô điều kiện thì chúng mới nắm được con. Nếu con buông bỏ ảo tưởng này, thì đa số các con sẽ cảm thấy được tự do như chưa bao giờ mình được tự do. Con sẽ được tự do là chính mình.

Tại sao con lại nghĩ thày muốn con là ai khác? Tại sao con lại nghĩ là thày muốn con phải sống theo một tiêu chuẩn, một hình ảnh nào đó về người đệ tử chân sư thăng thiên, người tâm linh gương mẫu? Thày thấy là Thượng đế đã phú cho con, mỗi người trong các con, một cá tính độc đáo. Thày muốn con biểu lộ cá tính đó đến mức tối đa trong cuộc sống thường ngày của con. Thày muốn con đem lại món quà của con cho hành tinh này, món quà mà con đã quyết định mang tới trước khi con đầu thai.

Thày không muốn con tuân theo một chuẩn mực vỏ ngoài về người tâm linh gương mẫu. Thày muốn con là cái con là. Con không thể là cái con là nếu con cứ luôn luôn phê phán và phân tích và nghĩ mình phải sống theo một tiêu chuẩn vỏ ngoài hay mẫu mực nào đó. Thày không thể giữ niệm tinh khôi về con nếu con nghĩ thày là người đã áp đặt tiêu chuẩn đó lên con.

Con yêu dấu, thày xin con hãy ngưng nghĩ rằng con cần giấu giếm điều gì với thày. Thày là một bà mẹ đầy kinh nghiệm. Thày đã thấy tất cả mọi chuyện mà những con hư có thể làm, tuyệt đối tất cả mọi chuyện, khởi đầu bằng Giê-su có lúc rất hư. Con đừng nghĩ con có thể khiến thày kinh ngạc. Con đừng nghĩ con có thể khiến thày quay mặt đi không nhìn con.

Thày mong rằng có những ngôn từ mà thày có thể dùng để thày có thể với tay vào trong tâm của con và xoay mũi kim của tâm thức của con để nó vào khớp và con được tự do. Thày biết rằng những ngôn từ này không có. Do đó, thày phải cho con những ngôn từ mà con có thể nghe, và thày hy vọng là với thời gian con sẽ cho phép chúng trổ mầm và mọc lên tới điểm bông hồng của trái tim sẽ nở ra và con có thể chấp nhận tình yêu của thày đằng sau những ngôn từ đó. Đây là tình thương không chuyển tải được bằng ngôn từ và không thể bị ngôn từ hạn chế, tình yêu mà TA LÀ.

Thày yêu con. Con có sẽ yêu mình như thày yêu con chăng?

Một dụng cụ để chữa lành chấn thương tâm lý

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 22 tháng 5 năm 2015. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, đại diện cho Mẹ Thiêng liêng cho trái đất. Thày trao truyền giáo lý này để cho các con một dụng cụ có thể dùng lại nhiều lần để chữa lành bất cứ loại vấn đề hay chấn thương tâm lý nào. Nó đặc biệt được thiết kế để giúp con chữa lành điều mà các thày gọi là “chấn thương nhập đời vũ trụ.” Đây là một dụng cụ dành cho những người đã đạt được một trình độ nào đó trên con đường tâm linh. Dụng cụ này không được dùng với lòng tham vọng phàm phu, muốn mọi người xem mình là một học viên cao cấp hay muốn nghĩ rằng mình sẵn sàng với bất cứ chuyện gì.

Các con cần quen thuộc với giáo lý của các thày về chấn thương nhập đời vũ trụ, các con cần quen thuộc với giáo lý của các thày về tà lực và các con cần cầu thỉnh sự bảo vệ (từ Đại Thiên thần Michael) mỗi lần dùng dụng cụ này. Sau khi con làm bài tập hình dung mà thày sẽ trao truyền, con cũng cần đọc một bài thỉnh thích ứng với bất cứ vấn đề tâm lý nào mà con đang đối phó. Các thày có trao truyền rất nhiều bài thỉnh nhằm giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau của tâm lý (xin xem trang mạng chansuthangthien.org), nhưng thày đề nghị con bắt đầu với bài thỉnh để giúp con người yêu chính mình (tỷ dụ như bài INV05 Bài thỉnh để thương yêu chính mình). Con cũng có thể tạo ra một canh thức từ bài tập này. Con làm bài tập mỗi ngày một lần và sau mỗi lần hình dung, con đọc một trong các bài thỉnh từ bộ sách Khóa học về Sung túc (Course in Abundance) vì khi kết hợp chúng với bài tập hình dung, cả hai sẽ tác động hỗ tương nhau để đạt mục đích chữa lành các vấn đề tâm lý của con.

Đây là một dụng cụ mà con không được dùng nếu con có vấn đề tâm lý nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp của người chuyên nghiệp. Con không được dùng nó nếu con đang trong một trạng thái mất quân bình nặng. Không phải dụng cụ này tự thân nó nguy hiểm, nhưng vì sự hình dung sẽ đưa con đi sâu vào tâm lý mình. Nó có thể sẽ khơi ra những sự mất quân bình mà con không nhất thiết đối phó được nếu con không đang ở trong một trạng thái tương đối quân bình nào đó. Sau khi đã cảnh báo các con, lẽ dĩ nhiên là thày rất vui mừng được trình bày cho các con một dụng cụ giúp các con chữa lành tâm lý mình và đạt được trạng thái mà vị thày yêu dấu Saint Germain của chúng ta gọi là “tự do tâm trí”. Bây giờ chúng ta bắt đầu bài hình dung.

(Ghi chú: Bạn có thể hình dung bằng cách dùng cuốn sách và đọc từng đoạn một, sau đó bạn nhắm mắt lại và hình dung. Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra rằng sẽ dễ hơn nếu bạn dùng một bản thu âm để bạn có thể giữ mắt nhắm. Bạn có thể nghe bản thu âm của bài này bằng tiếng Việt bằng cách bấm vào nối kết ở đầu trang mạng này. Bài thu âm các bài tập trong sách này bằng tiếng Anh có thể mua được từ www.morepublish.com).

5.1. Bắt đầu hình dung

Con hãy hình dung con đang đứng trước một bức tường. Bức tường này rất cao. Con còn không thể thấy được đầu bức tường. Bức tường kéo dài cả hai phía và con không thể thấy nó ngừng ở đâu. Con thấy được là bức tường rất dày, làm bằng đá, nhưng không phải là đá mà con biết ở trên trái đất. Nó là một chất rung động ở mức độ cao hơn.

Do đó, con nhận ra là bức tường này tạo nên một rào cản bất khả xâm phạm đối với bất cứ năng lượng thấp nào mà con gặp trên trái đất. Không có điều gì trên trái đất có thể đi qua bức tường này. Một khi con vượt qua bức tường, con sẽ được bảo vệ, hoàn toàn bảo vệ và niêm phong khỏi mọi năng lượng tiêu cực có thể đè nặng con, có thể đã đè nặng con trong kiếp này hay các kiếp trước.

Bây giờ con hình dung có một cánh cổng. Cánh cổng mở ra trước mặt con dù có vẻ không có ai mở nó. Bây giờ con cần quyết định con có muốn đi vào cổng hay không, hay con muốn đứng tại chỗ con đang đứng và không tham gia bài hình dung này.

Bây giờ Mẹ sẽ coi rằng nếu con tham gia, thì con đã chọn lựa đi qua cổng. Con nghe tiếng cổng đóng lại sau lưng và con biết con được bảo vệ và niêm khỏi bất kỳ năng lượng tiêu cực nào trên trái đất, trong các cõi tình cảm, lý trí hay bản sắc.

5.2. Luân xa gốc

Bây giờ con nhìn quanh và con thấy một khu vườn rất đẹp. Nó có những bãi cỏ rộng, xanh mướt, xa xa có những lùm cây làm nền và có những thảm hoa hình cong uốn lượn đầy những hoa nở rộ. Có tiếng chim hót trong nền cảnh và ngoài ra mọi thứ đều yên tĩnh. Khi con đi bộ trên cỏ, nó mềm đến độ chân con gần như lún xuống. Mẹ yêu cầu con, khi con tập bài hình dung này một mình, con hãy thăm thú khu vườn này bao lâu cũng được, (nếu cần, con ngưng bài thu âm đi) và con thong thả thăm thú khu vườn.

Khi con đi loanh quanh khám phá, sẽ có lúc con gặp một hàng rào cây cao và ở đấy có một lối để đi qua. Lối đi qua này có một cánh cổng. Cánh cổng đang mở, giống như con từng thấy trong một số khu vườn, nó được làm bằng lưới kim khí cho phép không khí thông qua.

Con nhận ra con có thể đi qua cổng. Lỗ hổng to đủ để con qua được, nhưng con không qua được nếu con mang bất cứ ba lô nào trên lưng.

Bây giờ thì con nhận ra mình có một cái ba lô buộc vào lưng. Nó là nỗi niềm lo lắng nào đó của con về thế gian, hay một chấn thương nào đó con đã trải nghiệm trong kiếp này.

Bây giờ Mẹ yêu cầu con hòa điệu với luân xa gốc của mình để xét xem con có niềm lo lắng nào về thế gian, về chính mình, về cuộc đời của mình hay bất kỳ chấn thương nào con đã trải nghiệm trong cuộc đời. Chúng hiện lên trong tâm khi con hòa điệu với luân xa gốc của mình.

Mẹ không yêu cầu con đi sâu vào nó nhưng con chỉ cần có một ấn tượng về nó. Con nhận ra rằng niềm lo lắng hay chấn thương này là cái mà con mang trên lưng. Để có thể đi qua cánh cổng, con cần đặt cái ba lô xuống và để nó bên ngoài cổng.

Con không cần phân tích hay đi vào bên trong nó hay bị nó làm choáng ngợp. Con chỉ giản dị nhìn thấy nó và con quyết định:  “Tôi sẵn sàng muốn để nó qua một bên ngay lúc này để tôi có thể đi qua cổng và xem bên kia có gì.”

Bây giờ con hình dung là con bỏ cái ba lô xuống, để nó bên ngoài cổng và con bước qua cổng.

5.3. Trung tâm luân xa hồn

Giờ đây con thấy mình ở trong một khu vườn khác, còn ấm cúng mật thiết hơn khu vườn đầu. Khu vườn này đầy hoa, chúng có vẻ như tỏa chiếu ánh sáng. Khu vườn này tuyệt diệu, được thiết kế để trẻ thơ vui chơi. Con nghe thấy văng vẳng từ xa tiếng cười của trẻ thơ. Con cũng có thể cảm thấy như muốn bỏ thì giờ để khám phá khu vườn, khám phá xem mình cảm thấy thế nào khi ở trong sự rung động vui chơi của trẻ thơ.

Khi sẵn sàng, con sẽ thấy là trong khi con đi loanh quanh khu vườn, con tới một cánh cổng khác ở hàng rào cây khác. Giống như cánh cổng đầu tiên, có một khe hở con có thể bước qua. Bây giờ con thấy mình có một ba lô khác trên lưng.

Bây giờ Mẹ yêu cầu con hòa điệu với trụ sở của luân xa hồn và một lần nữa, con xét xem mình có lo lắng hay chấn thương nào liên quan tới trung tâm của hồn, sự sáng tạo của hồn, sự vui chơi của trẻ thơ. Rồi con giản dị nhìn nó và con quyết định: “Phải, tôi muốn đi qua cổng, do đó tôi sẽ bỏ ba lô này bên ngoài.”

Con hình dung mình gỡ ba lô xuống và con lại đi qua khe hở nhỏ hơn khe hở đầu. Không biết làm sao mà con nhỏ hơn một chút so với lúc con bắt đầu.

5.4. Luân xa rối dương (solar plexus)

Một khu vườn khác mở ra. Khu vườn này hoàn toàn yên lặng, ngay cả tiếng chim hót cũng không còn. Nó chính là sự tĩnh lặng.

Con đi bộ trong khu vườn này, và con nhận thấy là ngay cả bước chân của con cũng không tạo ra tiếng động. Con nhận thấy mình đang lắng nghe hơi thở mình, nhưng ngay cả hơi thở của con cũng không tạo ra âm thanh. Dường như là khu vườn hút âm thanh và con cảm thấy ôi sao tự do khi không còn mang theo tiếng động của thế gian trong mình nữa.

Sau một lúc, con đi tới một cánh cổng khác. Bây giờ Mẹ yêu cầu con hòa điệu với luân xa rối dương của con. Một lần nữa, con hãy hòa điệu vào bất kỳ niềm lo lắng nào, bất kỳ chấn thương nào mà con nhận ra. Con chỉ giản dị nhận biết nó và con biết nó đang ở trong một ba lô khác không biết làm sao đã hiện ra trên lưng con.

Một lần nữa, con quyết định: “Tôi sẽ không đi sâu vào nó, tôi sẽ để ba lô này xuống vì tôi muốn đi qua cánh cổng tới.”

Con hình dung để ba lô bên cạnh cổng, đi qua khe hở nhỏ hơn một chút và con bây giờ cũng nhỏ bé hơn một chút.

5.5. Luân xa tim

Bây giờ con bước vào một khu vườn có ánh sáng màu hồng xinh đẹp. Nó đầy hoa hồng, hoa màu hồng đủ dạng, đủ cỡ. Khu vườn thật đẹp, thật yên tịnh.

Con cảm nhận được một sự rung động gần giống – gần giống như tình yêu, nhưng không giống bất cứ tình yêu nào con đã biết trên trái đất. Nó là tình yêu vô điều kiện

Một lần nữa, con có thể đi thăm thú khu vườn như ý muốn, nhưng tới một lúc thì con quay trở lại và bây giờ con khám phá một cánh cổng khác. Lần này thày yêu cầu con hòa điệu vào luân xa tim của con và một lần nữa con đi tìm bất kỳ niềm lo lắng hay gánh nặng nào, bất kỳ chấn thương nào liên quan tới tim, tới tình yêu, bị thất vọng trong tình yêu, cảm thấy tình yêu của mình bị từ chối.

Con chỉ thấy nó ở đó; con không đi sâu vào nó. Con nhận ra rằng nó lại ở trong cái ba lô mà con mang theo và ba lô này không thể lọt qua cánh cổng. Một lần nữa con quyết định: “Tôi muốn đi qua cánh cổng.” Con để ba lô xuống và bây giờ một phiên bản nhỏ hơn nữa của con đang đi qua cánh cổng.

5.6. Luân xa cổ họng

Đằng sau cánh cổng này là một khu vườn khác, nhưng không phải là khu vườn cây. Đây là một khu vườn ngọc quý, với những khối pha lê xanh dương đẹp khắp nơi, đủ dạng đủ cỡ. Có ánh sáng chiếu vào khu vườn và được phản chiếu lại bởi tất cả các khối pha lê, tạo nên những mô hình đủ loại.

Có những lối đi giữa các khối pha lê, trông gần giống như những thảm hoa bằng pha lê. Khi con đi vào trong khu vườn, một lần nữa con có thể thong thả thăm thú.

Một lúc sau thì con tìm thấy một cánh cổng khác. Lần này con cần hòa điệu với luân xa cổ họng và một lần nữa nhận ra bất kỳ chấn thương nào, bất kỳ nỗi lo lắng nào liên quan tới đời sống, liên quan tới nói lên quan điểm mình hay không nói lên, liên quan tới tổ chức, chính quyền hay bất kỳ quan tâm tương tự.

Một lần nữa, lẽ dĩ nhiên, con thấy là những nỗi lo lắng này không lấp đầy tâm con, nó lấp đầy chiếc ba lô của con. Ba lô này lại xuất hiện lần nữa. Một lần nữa, ba lô này không lọt qua cánh cổng được nhưng con có thể lọt qua. Con cũng quyết định bỏ xuống ba lô này, và con đi qua cánh cổng. Con thấy mình nhỏ hơn vì con nhẹ hơn, con ngây thơ hơn, con giống trẻ thơ hơn.

5.7. Luân xa con mắt thứ ba

Bây giờ con thấy một khu vườn khác và con kinh ngạc vì nó vĩ đại. Nó có quang cảnh trải rộng với phong cảnh mênh mông và những cánh đồng đầy hoa, những áng mây đủ hình tượng và đủ loại cảnh tượng mỹ miều rộng lớn bao la.

Một lần nữa con thăm thú khu vườn và lần này con có thể đi nhanh hơn. Con có thể đi với tốc độ của ánh sáng và thấy đủ mọi thứ. Con có thể thăm thú như ý mình muốn.

Một lúc sau thì con lại tìm thấy một cổng khác. Lần này con hòa điệu với luân xa con mắt thứ ba của con và con nhận ra bất kỳ tình huống nào, bất kỳ nỗi lo lắng nào, bất kỳ chấn thương nào khởi lên liên quan tới viễn quan, liên quan tới khả năng nhìn của con, liên quan tới khả năng biết và hiểu của con.

Một lần nữa con nhận ra nỗi lo lắng hay chấn thương này chỉ nằm trong chiếc ba lô nên nó không chiếm cứ tâm con. Một lần nữa con quyết định bỏ ba lô xuống và con đi qua cánh cổng.

5.8. Luân xa đỉnh đầu

Lần này con thấy một khu vườn ấm cúng mật thiết. Giữa vườn là hình tượng đức Phật ngồi trong sự yên tịnh toàn hảo. Thày ngồi trên một bông sen ngàn cánh nổi trên mặt hồ nước tĩnh lặng. Con ngạc nhiên trước vẻ đẹp và yên tịnh của cảnh này.      

Một lần nữa có những lối đi để con thăm thú nếu con muốn và con có thể thăm thú một thời gian.

Một lần nữa sẽ tới lúc con tìm thấy một cánh cổng khác và con nhận ra là con cần hòa điệu với luân xa đỉnh đầu và nhận ra bất kỳ nỗi lo lắng nào, bất kỳ chấn thương nào liên quan tới nhận biết, tới minh triết, tới sự bình an khi biết rằng mọi sự đều là Phật tánh.

Một lần nữa con nhận ra chúng chỉ nằm trong chiếc ba lô. Chúng không chiếm cứ tâm con và con quyết định bỏ ba lô xuống và một lần nữa con đi qua cánh cổng.

5.9. Với Mẹ Mary

Bên kia cánh cổng không phải là một khu vườn. Con bỗng nhiên cảm thấy mình trong thân thể một hài nhi ngồi trong lòng của Mẹ. Bây giờ con hình dung con là một hài nhi và Mẹ đang ôm con trong lòng. Lòng Mẹ ấm áp, con hoàn toàn được bảo vệ, được bảo bọc bởi Hiện diện nuôi dưỡng của Mẹ Thiêng liêng.

Con đã bỏ lại đằng sau những nỗi lo và bây giờ con là một hài nhi ngây thơ, nằm trong lòng Mẹ Thiêng liêng. Nếu con muốn, Mẹ sẽ đong đưa con, Mẹ sẽ hát bài ru con. Nếu con muốn bú sữa mẹ, con cứ tự nhiên vì Mẹ không cảm thấy ngần ngại về chuyện thân thể và nhu cầu dinh dưỡng của nó. Con có thể uống dòng nuôi dưỡng tinh khiết của Mẹ Thiêng liêng cho tới khi con no đủ.

Bây giờ Mẹ muốn con hình dung, bằng cách nào cũng được, là con đi ngược lại tiến trình sanh đẻ đã đưa con đầu thai tại đây. Một lần nữa con đi vào không gian eo hẹp chật chội của ống sinh và con cảm thấy bị gò ép khắp chung quanh mình. Thay vì con sốc vì bị đẩy mạnh ra, bây giờ con đang nhẹ nhàng lướt ngược dòng ống sinh để tới một chỗ an toàn, ấm áp, nuôi dưỡng là bụng của Mẹ Thiêng liêng. 

Bây giờ con ở trong bụng của Mẹ Thiêng liêng – trong bụng của Mẹ. Đây là biểu tượng chúng ta đã vượt qua kiếp đầu thai hiện thời của con, chúng ta đã vượt qua mọi dính mắc và mọi nỗi lo lắng thường khiến con chú tâm vào thân thể vật lý hiện thời của mình, cuộc sống hiện thời của mình và thế giới trong đó con sống. Chúng ta đã bỏ chúng lại đằng sau, ở bên ngoài cổng.

Bây giờ chúng ta được nuôi dưỡng, chúng ta cảm thấy an toàn và do đó chúng ta sẵn sàng đi xuống một đường hầm đang mở ra trước mặt chúng ta. Đây là một đường hầm dẫn về các kiếp trước của con trên hành tinh này.

5.9. Tìm hiểu các kiếp trước

Chúng ta đi trong đường hầm này tay trong tay, Mẹ dẫn con đi, giúp con cảm thấy an toàn, và chúng ta nhận biết là có những cánh cửa ở dọc theo đường hầm. Đây là những cánh cửa dẫn tới những kiếp trước của con.

Có thể sẽ có lúc trong tương lai, khi con dùng bài tập này, con sẽ cảm thấy bị thôi thúc muốn đi vào một trong những cánh cửa đó và nhìn xem chuyện gì xảy ra trong kiếp đó. Nếu con làm điều này trong tương lai, con có thể dùng kỹ thuật mà Mẹ sẽ trao cho con sắp tới đây, để giải quyết bất kỳ chấn thương nào ở một kiếp sống trước. Mục đích bài tập này là đưa con trở về quá khứ xa và đó là lý do vì sao chúng ta không đi vào bất kỳ những cửa này. Mẹ biết là có khi chúng ta đi qua một cánh cửa và hầu như có một từ lực thu hút sự chú ý của con khiến con muốn đi vào. Lúc đó Mẹ sẽ quàng tay qua vai con và nói: “Chưa phải lúc, chúng ta có chuyện khác cần nhìn vào ở phía xa hơn của đường hầm.”

Chúng ta đi bộ qua hết cánh cửa này tới cánh cửa nọ. Không cánh cửa nào có sức thu hút con mạnh đến độ Mẹ không thể dìu con đi qua nó. Giản dị là chúng ta cho phép chúng mờ nhạt đi. Chúng không quan trọng, nhưng chúng ta đi càng ngày càng xa ngược dòng mà con gọi là thời gian. Thực ra, chúng ta cứ tiếp tục di chuyển, gần giống như khi con di chuyển trên trái đất một cách tự do về bất cứ hướng nào. Chúng ta chỉ quyết định di chuyển về hướng dẫn tới lần đầu thai đầu tiên của con trên hành tinh trái đất.

5.10. Rạp hát

Sau một lúc, bất thình lình chúng ta thấy mình đã tới cuối đường hầm. Không còn cánh cửa nào khác bên hông, nhưng có một khung cửa ở cuối đường hầm.

Khi chúng ta đi qua khung cửa này, chúng ta thấy mình đứng trong một rạp hát. Có những dãy ghế ngồi, có một con đường ngay giữa dẫn lên sân khấu. Ngay trước mặt là sân khấu. Có những cảnh dựng và trang hoàng công phu trên sân khấu.

Bây giờ Mẹ nắm tay con và chúng ta ngồi xuống trong những ghế đó. Khi chúng ta ngồi xuống, thì dường như buổi trình diễn bỗng nhiên bắt đầu. Những nhân vật xuất hiện từ hai bên, họ đóng những vai trò khác nhau, vở kịch được diễn ra.

Con hoàn toàn không nhập vào cảnh trên sân khấu; con chỉ quan sát thôi. Vở kịch đang diễn ra. Có thể con cũng không thấy màn kịch nào cả, có thể con chỉ có một số cảm giác, một số cảm nhận. 

Có thể lần đầu tiên con làm bài tập này thì con chưa sẵn sàng nhìn thấy chi tiết. Bất cứ điều gì con thấy, bất cứ điều gì con nhận thấy, bất cứ điều gì con trải nghiệm, bất cứ điều gì con cảm nhận, nó hòa điệu tâm con vào hoàn cảnh chấn thương đầu tiên mà con gặp phải khi đầu thai trên hành tinh này.

Con có thể cảm thấy một số cảm xúc, con có thể có một số ý tưởng, con có thể hoàn toàn bình tĩnh. Những chuyện này đều được cả vì Mẹ đang ở bên cạnh con. Mẹ đang hướng dẫn con, Mẹ đang bảo vệ con và không điều gì có thể làm con choáng ngợp, không điều gì xấu sẽ xảy ra cho con. Bất cứ điều gì xảy ra cho con lúc đó không thể xảy ra nữa, con yêu dấu. Nó không thể xảy ra cho con bây giờ, vì con không còn là con người đã gặp chuyện đó vào lúc đó.

Con có thể thấy có một người trên sân khấu đang bị một hoàn cảnh chấn thương, nhưng con không thực sự đồng hóa mình với người đó. Con thấy vở kịch đang diễn ra, nhưng con không bị lôi cuốn vào đó. Con đang không ở trên sân khấu quan sát truyện đang xảy ra, con đang ngồi với Mẹ bên cạnh con và con đang quan sát nó từ bên ngoài.

Sau một lúc thì vở kịch đã trải bày xong. Dường như tất cả các nhân vật đã xuất hiện trên sân khấu đã đóng băng lại. Con có thể tưởng tượng một sân khấu trên đó tất cả các diễn viên bỗng nhiên đóng băng, gần giống như con ngưng một cuộn phim thành một bức tranh tĩnh. 

Lúc đó, Mẹ nắm tay con. Chúng ta đi theo con đường chính giữa rạp về phía sân khấu. Chúng ta đi dọc một bên sân khấu và có một tấm màn mà chúng ta vén lên và bây giờ chúng ta bước vào hậu trường.

Bây giờ thì con ở hậu trường với Mẹ và điều mà con cảm thấy rất thật khi nhìn từ phía trước bây giờ chỉ vỏn vẹn là cảnh trí và dụng cụ sân khấu, chỉ trông giống thật khi nhìn từ một góc độ nào đó. Khi nhìn từ phía trước thì ta có cảm tưởng là ta đang nhìn vào một thế giới thật. Bây giờ ở hậu trường, con thấy là mọi thứ đều là dàn dựng và không có gì trong đó là thật cả. Tất cả như màn ảo thuật, tất cả là một vở kịch đang được diễn ra.

5.11. Trên sân khấu

Bây giờ lẽ dĩ nhiên là chúng ta bước lên sân khấu. Một lần nữa, Mẹ nắm tay con. Nếu con muốn, Mẹ sẽ bế con. Chúng ta đi về phía nhân vật chính đã trải qua một biến cố chấn thương.

Chúng ta thấy là chấn thương lớn đến độ chính vì nó mà người đó bị đóng băng. Người đó, sinh thể đó vẫn còn bị đóng băng ở đó và đã bị đóng băng như vậy từ khi biến cố xảy ra.

Tất cả những nhân vật còn lại cũng bị đóng băng nhưng chúng ta nhận ra họ không phải là những nhân vật thật bị đóng băng từ lúc đó, họ chỉ là cảm nhận của nhân vật chính. Tuy rằng có những sinh thể đã hành động như thế ở thời điểm quá khứ đó, nhưng họ đã đổi khác với thời gian. Những gì còn lại trong rạp hát là hình ảnh mà nhân vật chính có về các nhân vật đó và những gì họ đã làm đối với nhân vật chính này.

Bây giờ chúng ta bước tới gần người này và Mẹ cho con thời gian để con tự điều chỉnh. Con cảm thấy gần giống như con đang nhìn một người lạ nhưng có dáng vẻ gì quen thuộc về người này. Con quay nhìn Mẹ có ý hỏi. Mẹ quỳ xuống bên cạnh con, vòng tay ôm vai con và nói: “Con có thấy chăng là có một thời con đã đồng hóa mình với người này và con thấy chăng là bây giờ con đã hơn người này rất nhiều?” Bỗng nhiên con hơi rúng động và thân thể con giựt nảy lên vì con nhận ra đây chính là con ở thời điểm đó. Tuy cảnh tượng có vẻ đáng sợ, nhưng Mẹ đang ở bên cạnh con và con cũng nhận ra rằng: “Nhưng tôi không còn là người này nữa. Tôi đã tiến hơn trên biết bao nhiêu mặt.”

Bây giờ Mẹ nói với con là rạp hát này hiện hữu trong tâm thức con, trong trường năng lượng của tâm thức con. Tâm thức con, toàn bộ tâm thức con, ngày nay hơn thế rất nhiều. Con nói: “Làm sao con biết được điều này?” Mẹ nói: “Có đúng chăng là con đã đi qua bảy khu vườn? Các khu vườn này là tâm thức của con, tâm thức mà con đã gày dựng từ ngày con đầu thai lần đầu trên trái đất. Con hãy chiêm nghiệm vẻ đẹp của các khu vườn này và con có thể thấy là ngày hôm nay con hơn rất nhiều con người đã đầu thai lần đầu trên trái đất này.” 

Bây giờ con thấy được là diễn biến chấn thương đầu tiên này là một cú sốc vô cùng nặng cho con vì sự tương phản giữa những gì con biết trước khi con xuống trái đất và trải nghiệm khốc liệt khi con tới hành tinh này. Dù rằng ở thời điểm đó nó là một cú sốc đối với con, con nhận ra rằng bây giờ con biết nhiều hơn nhiều, con đã trải nghiệm nhiều hơn nhiều trên hành tinh này, con đã có nhiều trải nghiệm tích cực trên hành tinh này, con đã có những thành tựu trên hành tinh này. Qua sự điều ngự bảy tia sáng con đã tạo ra những khu vườn xinh đẹp mà con đã thấy.

Thực sự là diễn biến đầu tiên này, dù nó là một cú sốc vào thời điểm đó, ngày nay không còn quy định con nữa. Con không còn là sinh thể bị đóng băng vào lúc đó. Nó chỉ là một phần của con. Nó vẫn là một phần của con vì nó bị đóng băng vào lúc đó và con chưa trở về để nhìn lại nó.

Bây giờ con đang ở đây với Mẹ, con nhìn nó và con thấy là con hơn thế rất nhiều. Do đó, con có thể nhìn chấn thương đầu tiên này. Con thực sự có thể đi vào trong nó và trải nghiệm nó trở lại. Con sẽ không có cùng trải nghiệm mà con có lần đầu.

Sau đó con nhận ra rằng nếu con muốn giải thoát mình khỏi chấn thương, con thực sự cần cho phép mình đi vào bên trong con người trên sân khấu đã bị đóng băng vào quá khứ.  Thoạt tiên con do dự: “Nhưng Mẹ Mary, con có thể ra khỏi nó được không?” Mẹ nói: “Nhưng con có thể nắm tay Mẹ trong suốt thời gian này, và nếu con không tự mình ra khỏi được, Mẹ sẽ kéo con ra. Điều này, Mẹ hứa với con.”

Con nhìn vào mắt Mẹ và Mẹ thấy được con nhất quyết chuyển hóa: “Tôi đã mang chấn thương này trong tôi đủ lâu rồi và do đó tôi sẽ đi vào trong đó và trải nghiệm nó lại.”

Bỗng nhiên, con chui vào nhân vật đầu tiên ấy, con người đầu tiên ấy, và bây giờ con đang trải nghiệm lại diễn biến gây chấn thương này. Ở điểm này, có thể là nó không đến với con trong chi tiết, nhưng con có thể có một cảm xúc mạnh. Con có thể có nỗi đau, có thể có cái gì kéo hút con và con cho phép mình trải nghiệm nó một thời gian. Có thể là một giây, có thể là vài giây, có thể lâu hơn. Khi con sẵn sàng, con cảm thấy Mẹ đang kéo tay con. Khi con bất thình lình chuyển sự chú ý ra khỏi cái đau, khỏi chấn thương và hướng về Mẹ, con thấy là con nhẹ nhàng chui tuột ra khỏi nhân vật. Mẹ còn không phải kéo con ra vì con đã nhẹ nhàng chui tuột ra khỏi nhân vật.

Một lần nữa, con giống một trẻ thơ đang ngồi trong lòng Mẹ. Mẹ đang vỗ về con, Mẹ đang ôm con trong lòng và bỗng nhiên con có thể nhìn hoàn cảnh với tâm hoàn toàn bình an. Con nhìn hoàn cảnh và con nhận ra nó cũng chỉ là một diễn biến, giống như nhiều diễn biến khác. “Có rất nhiều diễn biến khác trên trái đất không ảnh hưởng đến tôi, không quy định được tôi. Nhưng trong tâm của tôi, tôi đã coi diễn biến này đặc biệt, tệ hơn thực tại rất nhiều, nhưng nó chỉ là một diễn biến, nó chỉ là một điều gì đã xảy ra.”

“Do đó, tôi nhận ra là có rất nhiều diễn biến khác mà tôi đã buông bỏ và chắc chắn tôi cũng có thể buông bỏ diễn biến này. Tôi có thể buông nó xuống, tôi không phải nắm giữ nó. Tôi không phải nắm chặt nó nữa. Nó không có chỗ đứng trong bản thể của tôi. Tôi không muốn nó, tôi không cần nó. Tôi muốn thoát khỏi nó. Tôi muốn vui chơi trong các khu vườn mà không bị nó đè nặng và không bị nó lôi kéo trở về diễn biến đó.”

“Dường như là hoàn cảnh thật không còn đó nữa. Nó đã thay đổi với thời gian, nó đã hoàn toàn chuyển biến và không còn ở đó nữa. Nó chỉ có mặt trong tâm của tôi mà thôi, nó chỉ hiện hữu ở trong tâm của tôi mà thôi. Tôi không còn muốn nó trong tâm mình nữa và tôi có quyền lực thay đổi tâm mình. Tôi có thể thay đổi bất cứ điều gì xảy ra trong tâm mình.”

Bỗng nhiên con cảm thấy hứng khởi và con nói: “Mẹ Mary, hãy giúp con thoát khỏi cái này, hãy giúp con thoát khỏi toàn bộ kịch bản này.” Mẹ nói: “Chắc chắn là Mẹ sẽ giúp con.”

Trước hết, Mẹ muốn con trở về với nhân vật bị tổn thương đó và Mẹ cần con thương yêu nhân vật đó, yêu mình như mình là ở thời điểm đó, yêu mình như con cảm thấy Mẹ yêu con. Con yêu phản ứng của mình.

Bỗng nhiên, con nhận ra là sau khi hoàn cảnh xảy ra, nỗi đau mãnh liệt đến độ con quả thực đã trách mình đã phản ứng như thế. Con trách mình là mình đã phản ứng lại hoàn cảnh và cách phản ứng này đã tạo ra nỗi đau của mình. Con trách mình và con nghĩ lẽ ra con phải có khả năng kinh nghiệm hoàn cảnh đó mà không đau đớn, không phản ứng lại.

Con yêu dấu, không ai trong chúng ta có thể tránh phản ứng lại chấn thương khốc liệt mà chúng ta gặp khi đầu thai lần đầu trên hành tinh này. Chưa một ai trong chúng ta đã tránh khỏi chuyện phản ứng và con không cần đòi hỏi mình không phản ứng. Dù con đã phản ứng thế nào chăng nữa, con có thể thoát khỏi nó. Con có thể thoát khỏi nó bằng cách yêu cái ta đã phản ứng.

Khi con đi vào cái ta đó và yêu nó, con cảm thấy là nhân vật đã đóng băng vào quá khứ bỗng nhiên bắt đầu tan băng, chảy ra, trở nên lỏng. Nó không còn cứng ngắc nữa, nó không còn là cái vỏ cứng nữa. Nó lỏng ra, nó tuôn chảy và con thấy nó lỏng đến độ bỗng nhiên nó trở thành một vũng nước trên sàn.

Sau đó, con nhận ra là Mẹ đưa cho con một miếng vải và nói: “Con chùi vũng nước này đi và đưa lại cho Mẹ.” Con chùi vũng nước đó khỏi sàn và con đưa lại cho Mẹ miếng vải ướt. Mẹ đưa nó vào luân xa tim của Mẹ và chuyển hóa nó.

Con bây giờ cảm thấy một gánh nặng vừa trút khỏi con và con cảm thấy có sự thôi thúc kéo con trở về một trong các khu vườn đó để thăm thú cảnh đẹp. Con cũng nhận ra rằng tuy con cảm thấy tự do hơn, con vẫn còn ở trên sân khấu đó vì các nhân vật khác vẫn còn đóng băng trong quá khứ.

Con nhìn Mẹ và hỏi: “Nhưng tại sao con vẫn còn ở đây? Tại sao các nhân vật kia vẫn còn ở đó khi họ chỉ là những cảm nhận trong tâm của con?” Mẹ nói với con là khi chấn thương đầu tiên đó xảy ra, con để cho tâm bị ám ảnh bám mắc vào một hình ảnh đặc thù về mình và đấy cũng chính là hình ảnh con vừa làm cho tan. Con cũng để cho tâm bị ám ảnh bám mắc vào một cách nhìn đặc thù về những sinh thể đã làm chuyện đó đối với con và cái nhìn này bị đóng băng trong quá khứ.

Do đó, con cần lau dọn thêm một chút nữa. Điều con cần làm và Mẹ sẽ hướng dẫn con làm là con ngồi trên sân khấu. Con nhìn một nhân vật hiện lên trong tâm con, một hình ảnh. Có thể là hình ảnh không nhiều chi tiết nhưng con có cảm tưởng là có cái gì ở đó, và nó nguy hiểm, nó là một mối đe dọa đối với con và nó muốn hại con.

Bây giờ con nhận ra rằng con không phải là sinh thể có mặt ở đó lúc khởi thủy. Con không sợ hãi; con đang ở đây với Mẹ. Con tự do bên trong con và do đó con có thể nhìn hình ảnh mà con có trong tâm, hình ảnh mà con đã tạo dựng trong tâm vào lúc đó và con có thể yêu hình ảnh đó. Con có thể gửi tình yêu tới nó. Khi con làm vậy, con thấy cái vỏ cứng bắt đầu mềm đi, chảy ra, trở thành nước. Một lần nữa nó biến thành một vũng nước trên sân khấu. Mẹ đưa cho con một miếng vải khác và một lần nữa con lau vũng nước đó, đưa lại cho Mẹ và Mẹ tiêu trừ nó trong luân xa tim của Mẹ.

Cũng có thể có những nhân vật khác trên sân khấu và khi con làm bài tập này trở lại, mỗi lần lại có một nhân vật khác khởi lên trong tâm con. Bây giờ con biết công thức rồi. Con yêu nó cho tới khi nó chảy ra, trở thành nước và con lau chùi nó và con đưa lại cho Mẹ và Mẹ tiêu trừ nó.

5.12. Dùng bài tập cho các chấn thương khác

Có thể sẽ tới một lúc khi con làm bài tập này và không còn nhân vật nào hiện lên trong tâm con và sân khấu trống rỗng. Khi tới điểm này thì con đã sẵn sàng bỏ sân khấu lại đằng sau. Con vẫn có thể làm bài tập này và khám phá thấy rằng có một trong những cánh cửa trong đường hầm có sức thu hút con. Con có thể đi vào và con thấy một sân khấu khác với một kịch bản khác. Con có thể làm theo cùng công thức đó, đi vào trong nhân vật và nhận ra rằng nhân vật không phải là mình. Con gửi tình yêu tràn ắp nhân vật, làm nó tan lỏng đi và sau đó con coi xem có nhân vật nào khác không. Con nhận ra rằng họ chỉ bị đóng băng trong quá khứ và con làm cho họ tan lỏng ra và con lau chùi họ, nói theo nghĩa bóng.

Có thể sẽ tới điểm mà con có thể đi bộ qua đường hầm này và không có gì thu hút con nữa. Lúc đó, con không có nhu cầu lặp lại bài tập này. Trong phần đầu, Mẹ muốn đưa con trở về chấn thương đầu tiên hết của con và thật sự làm cho tất cả những nhân vật đã xúc phạm con trong kịch bản đó tan lỏng đi. Khi con thoát khỏi chấn thương nhập đời đầu tiên, chuyện giải quyết bất kỳ chấn thương nào mà con gánh chịu trong bất kỳ kiếp đầu thai nào sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Đó là lý do tại sao Mẹ đã đưa con thẳng tới điểm khởi đầu, thay vì giải tỏa các chấn thương khác xảy ra sau này, gần kiếp đầu thai hiện nay của con hơn và do đó, có thể nói là chúng thu hút con mạnh hơn. Có thể là chúng dễ hóa giải hơn, nhưng con không dễ hóa giải chúng nếu con chưa hóa giải chấn thương đầu tiên. Mọi chấn thương khác đều liên hệ tới nó, đều được xây dựng trên nó. Do đó, khi trở về nguồn gốc, con yêu dấu, và giải tỏa chấn thương đầu tiên này, chúng ta tạo điều kiện để giải tỏa tất cả các chấn thương khác.

5.13. Rời rạp hát

Bây giờ Mẹ muốn con hình dung chúng ta ở trên sân khấu và ít nhất lúc này không còn nhân vật nào hiện lên trong tâm con. Đã tới lúc rời rạp hát và một lần nữa chúng ta đi ra khỏi cửa và đi vào đường hầm. Bỗng nhiên, chúng ta đã trở về và con lại trải nghiệm tiến trình sinh ra đời một lần nữa. Nhưng lần này, không có gì đau đớn, con còn không cảm thấy bị chật chội trong ống sinh.

Bỗng nhiên con trở về hiện thân là một trẻ thơ ngồi trong lòng Mẹ. Con có thể ngồi trong lòng Mẹ, như ngồi thiền, bao lâu con muốn trước khi con hoàn thành bài tập này và đọc bài thỉnh cuối. Mẹ sẽ ôm con bao lâu con muốn, cho tới khi con cảm thấy sẵn sàng, con cảm thấy trọn vẹn, con cảm thấy đã lành lặn đủ để trở về thân vật lý của con và sự nhận biết của kiếp sống hiện nay. Lẽ dĩ nhiên con trở về bằng cách đi qua các cánh cổng tượng trưng cho các luân xa của con.

Ở các cánh cổng con có thể nhặt lên chiếc ba lô mà con đã bỏ lại đằng sau. Có thể là con không ý thức con đã làm vậy nhưng không sao cả, nhưng cũng có thể là có điểm con bỗng nhiên do dự và nhận ra mình có chọn lựa: “Tôi sẽ nhặt lên chiếc ba lô này hay tôi để nó lại ở đây?” Lúc đó, có thể là con quyết định để nó lại và con trở về với cảm giác nhận biết bình thường của mình nhưng với cảm giác nhẹ nhàng hơn vì không còn mang theo chiếc ba lộ nặng chĩu như thế nữa.

Có thể con tới điểm khám phá mình đã làm tan luôn chiếc ba lô và con không còn ba lô nào nữa. Con có thể làm lại bài tập và đi qua các cửa mà không cần để lại gì đằng sau vì con đã chuyển hóa chúng.

5.14. Chấp nhận Tình thương Thiêng liêng

Điều Mẹ muốn con ghi nhớ từ bài giảng này là phần khó khăn nhất khi đầu thai trên trái đất là chúng ta không thể thực sự chấp nhận tình thương Thiêng liêng. Rất nhiều khi đó là vì chấn thương nhập đời đầu tiên quá kinh khủng và khiến chúng ta cảm thấy rằng nếu Thượng đế thật sự yêu chúng ta, thì ngài không thể nào cho phép để chúng ta phải chịu chấn thương này. Đáng lẽ ra ngài không được cho phép chúng ta phải chịu một chấn thương như vậy, đáng lẽ ra ngài phải bảo vệ chúng ta bằng cách nào đó.

Đây là một bí ẩn. Đây là một bí ẩn cần thiết mà con cần suy ngẫm, cần gia tốc, cần con phải thách thức cách nhìn đời của mình, thách thức những ý tưởng mà sa nhân đã phổ biến về một Thượng đế đầy giận dữ, một Thượng đế xa cách, hay không có Thượng đế, cho tới khi con nhận ra là con đã chọn lựa đầu thai.

Con biết tình trạng trên hành tinh này. Con có cảm nhận là con sẽ gặp khó khăn nhưng con không thể biết chính xác sẽ khó khăn đến đâu bởi vì chúng ta không thể biết được mình sẽ trải nghiệm một tình huống như thế nào bằng cách phóng chiếu tới tương lai. Con không thể biết được mình sẽ phản ứng chính xác như thế nào trong tương lai cho tới khi con trải nghiệm nó.

Lý do con chọn đi vào hoàn cảnh này, lẽ dĩ nhiên, trước tiên hết là vì con xuống trái đất với một mục đích tích cực. Một lý do khác là vì con biết là bất kỳ chấn thương nào mà con phải gánh chịu khi đầu thai trên trái đất, con sẽ có thể thoát khỏi nó. Nó không thể thật sự tiêu hủy con, thay đổi con hay chạm tới con. Có thể là con cảm thấy nó có thể chạm tới con, nhưng nó không thể nào chạm tới sinh thể vô hình tướng mà con thật sự là. Do đó, con biết là bất kỳ chuyện gì xảy ra, con sẽ có thể tháo gỡ được khi con có hiểu biết và được giúp đỡ. Con cũng biết là sẽ có các chân sư thăng thiên và các đại diện của Mẹ Thiêng liêng sẵn sàng giúp đỡ con, như Mẹ đây đang được hân hạnh giúp đỡ con.

Do đó con biết, như Shakespeare đã nói: “Cả thế giới là một sân khấu.” Con biết là những gì xảy ra trong cõi vật chất của trái đất giống như những gì xảy ra trong một rạp hát. Nó không thật. Con biết là khi con ở trong rạp hát, vở kịch có thể tác động mạnh tới con. Con có thể có phản ứng xúc động, nó có thể khuấy động nhiều ý nghĩ trong con. Nhưng con không đồng hóa mình với vở kịch, con không nghĩ mình là một trong những nhân vật trên sân khấu.

Ngay cả khi con ở trong một vở kịch và con là một trong những diễn viên, con có thể sống trong vai tuồng đó nhưng con biết một khi con rời sân khấu, con sẽ rời vai tuồng đó. Lý do vì sao con đồng hóa mình với trái đất là vì chấn thương nhập đời khốc liệt đến độ nó khiến con nghĩ chấn thương này đã thay đổi con và giờ đây con đã trở thành một sinh thể bị thương tích. Nó đã khiến con tự đồng hóa mình với nhân vật mà con thủ vai trong tất cả các kiếp đầu thai của mình.

Điều con có thể đạt được khi làm bài tập này một số lần, là con tới được điểm con không còn tự đồng hóa mình với nhân vật đầu tiên bị tổn thương trong chấn thương nhập đời đầu tiên. Con cũng không tự đồng hóa mình với bất kỳ vai trò nào khác mà con đã thủ vai trong các kiếp đầu thai khác. Con cũng không hoàn toàn tự đồng hóa mình với vai trò con đang thủ vai trong kiếp đầu thai này.

Khi con tới được điểm này, thì tâm trí của con đạt được một sự tự do mới khi con nhận ra rằng, đúng vậy, con sinh trưởng trong một gia đình nào đó, một quốc gia nào đó, một nền văn hóa nào đó. Các thứ đó có một lịch sử đi ngược dòng thời gian. Con đã bị ảnh hưởng bởi môi trường của mình, con đã bị ảnh hưởng bởi gen của mình. Ngoài những yếu tố đó, con cũng đã có nhiều kiếp sống trước đã ảnh hưởng mình, nhưng tất cả đã được giải tỏa tới điểm chúng không quy định được hướng đi của phần còn lại của kiếp đầu thai này của con. Con có tự do chọn lựa mình sẽ là ai trong phần còn lại của kiếp sống này.

Thật là một niềm vui lớn lao nhất cho Mẹ khi Mẹ giúp dẫn con tới điểm tự do lý trí, tình cảm, bản sắc và vật lý này. TA LÀ Mẹ Mary và TA LÀ mãi mãi Mẹ thiêng liêng của con.

Tình thương và Tự do

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/1/2015, đăng ngày 9/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice, Thượng sư của Tia thứ Ba và thày tự do. Thày tự do vì thày đã vượt qua những hủ hóa của tình thương.

16.1. Khái niệm tình yêu tự do

Khi con tới tầng thứ bảy của khóa nhập thất của thày, thày sẽ cho con cơ hội để vượt qua một trong những hình thức hủ hóa tình thương phổ thông nhất trên trái đất. Đó là khái niệm đã trở nên rất phổ quát vào thập niên 1960, gọi là “tình yêu tự do”.

Trong nhiều trường hợp, tình yêu tự do có nghĩa là có quan hệ tình dục tự do với càng nhiều người càng tốt. Con có thấy chăng là, trong thập niên 1960, cũng có một phong trào kêu gọi cho phụ nữ nhiều quyền tự do và bình đẳng hơn? Cùng lúc, có khuynh hướng đề cào khái niệm tình yêu tự do.

Vào thời đó, tình yêu tự do thường có nghĩa gì? Trong thời đại trước, khi một người đàn ông cưới người phụ nữ mà y có quan hệ tình dục với, thì người phụ nữ được bảo vệ phần nào vì có một mối quan hệ ổn định. Theo quan niệm tình yêu tự do thì đâu là sự bảo vệ cho người phụ nữ? Phải chăng quan niệm tình yêu tự do chính yếu phục vụ người đàn ông, giúp họ biểu lộ động lực có tình dục với nhiều người đàn bà khác nhau mà không phải chịu trách nhiệm gì? Quan niệm này giải phóng phụ nữ hay áp đặt lên họ một hình thức bạo ngược mới, khi họ trở nên một đối tượng tình dục thay vì một người bạn đời?

Một điều lạ kỳ là phong trào tình yêu tự do cũng đã có một kết quả tích cực, vì nó đã khiến các khuôn mẫu cũ giữa hai giới bị phá vỡ. Như thày đã giảng trong các bài trước, tình hình trên trái đất đã đen tối đến độ đôi khi cần biện pháp quyết liệt để phá vỡ các khuôn mẫu cũ. Điều này không có nghĩa là các thày là chân sư thăng thiên ủng hộ các biện pháp này, nhưng chỉ có nghĩa là các thày nhận ra là có trường hợp không thể làm gì khác hơn. Các thày giản dị để con người phát biểu đến cùng cực các khuynh hướng mà họ có trong tâm thức họ, vì đằng nào thì họ cũng không nghe lời khuyên của các thày. Có lẽ con cũng nhớ lời dạy trẻ thơ: nếu không chịu nghe thì sẽ phải cảm nhận. Điều đáng tiếc là đây là cách mà nhiều người học hỏi. Họ chỉ học qua đau khổ. Họ không dễ dàng tiếp nhận lời chỉ dẫn Thiêng liêng.

Khi con nhìn phong trào tình yêu tự do, thì con có thể so sánh nó với câu ngạn ngữ phổ thông là không có bữa cơm nào miễn phí. Tình yêu tự do có thật tự do chăng? Con sống trong một thế giới trong đó mọi chuyện đều là năng lượng. Tất cả những gì con làm, con đều làm với năng lượng. Khi con có tình dục với nhiều người khác nhau, thì mỗi lần con đều trao đổi năng lượng. Khi con lấy năng lượng từ các người bạn tình dục và làm cạn kiệt nguồn năng lượng của mình, thì điều này giải thoát con hay là một gánh nặng? Trên đường dài, con có tự đốt cháy mình chăng khi con có tình yêu tự do?

Khi con quan sát những người đã thí nghiệm tột cùng trong thập niên 1960, thì con thấy rằng, khi họ vừa có tình dục với nhiều người vừa dùng ma túy, thì quả thật là họ đã tự đốt cháy họ. Luân xa của họ bị cạn kiệt. Họ bị kích thích quá độ và không thể đương nổi nữa. Cấu trúc năng lượng mỏng manh của luân xa bắt đầu suy sụp và luân xa không còn toàn vẹn nữa.

Nhiều người thuộc phong trào híp pi vào thập niên 1960 và sau đó đã phải bỏ Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Năng lượng của họ bị cạn kiệt đến độ không còn đủ năng lực hay sự toàn vẹn để giúp họ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Chúng ta phải làm gì trước sự kiện tình thương trên trái đất quá dính liền với sinh hoạt tình dục?

Điều đầu tiên mà chúng ta phải nhận ra là các thày, các chân sư thăng thiên, đã thăng thiên. Điều này có nghĩa là các thày đã thăng vượt một tâm thức rất phổ quát trên trái đất. Các thày không sợ nói về tình dục. Các thày không ngại ngùng gì khi nói về vần đề này hay mọi vấn đề khác. Vì sao lại có quá nhiều người tâm linh, đặc biệt là đệ tử chân sư thăng thiên, đặc biệt là đệ tử chân sự thăng thiên tại Hoa Kỳ, lại không thể thảo luận thoải mái về tình dục? Con yêu dấu, tại sao lại như vậy? Điều này không thể tới từ cõi thăng thiên, phải vậy chăng?

Sự rụt rè này chỉ có thể có vì con vẫn còn bị ảnh hưởng bởi một khía cạnh đặc thù của tâm thức sa ngã muốn con dồn nén đòi hỏi tình dục và năng lực tình dục. Sa nhân muốn con cảm thấy xấu hổ khi nhìn nhận rằng mình có đòi hỏi tình dục và cơ thể mình có một số nội tiết tố và nhu cầu. Con không được công khai thảo luận những chuyện này mà phải giấu giếm chúng.

Đây là một sự hủ hóa đã có từ lâu đời. Con có nghĩ rằng sự dồn nén năng lực tình dục và tránh thảo luận về tình dục có trước thập niên 1960, đã do các chân sư thăng thiên chủ trương hay ủng hộ? Nếu con nghĩ như vậy thì con đã lầm rồi.

16.2. Năng lực tình dục không phải là nguyên nhân của sa ngã

Một số các con đã nghe hoặc đọc rằng Giê-su có ý định giải thoát phụ nữ khi thày hành đạo hai ngàn năm trước đây. Thày có thể cam quyết là Giê-su không bao giờ ngần ngại nói về tình dục, tuy rằng điều này khó làm trong bối cảnh văn hóa lúc bấy giờ. Chính Giáo hội Công giáo đã thực sự bắt đầu việc dồn nén năng lực tình dục và loại bỏ mọi thảo luận về tình dục. Giáo hội khiến ta tưởng tình dục là nguyên nhân của sa ngã. Ngay một số đệ tử chân sư thăng thiên vẫn tin điều này.

Làm sao tình dục lại có thể là nguyên nhân của sa ngã khi sa ngã xảy ra trong trong bầu cõi trước? Lúc đó, con người không có cơ thể với những đặc tính giống như cơ thể con người hiện nay trên trái đất. Trong những bầu cõi đó, năng lượng không thô đặc như hiện nay. Do đó, lúc đó không cần có giao hợp để tạo ra một trẻ sơ sinh.

Làm sao giao hợp có thể là nguyên nhân của sa ngã? Điều này đã không xảy ra. Chính những sinh thể rơi vào tâm thức sa ngã và việc họ chống đối Thượng đế và luật tự quyết đã là nguyên nhân của sa ngã. Họ không muốn con biết điều này nên họ tìm cách đánh lạc hướng với đủ mọi nguyên nhân khác. Cho rằng năng lượng tình dục, hành động giao hợp là nguyên nhân của sa ngã là một cách tiện lợi để đổ lỗi cho phụ nữ.

Điều phổ quát trên trái đất là đàn ông có thúc đẩy tình dục cao hơn nhưng họ lại nói chính phụ nữ đã quyến rũ họ. Đây chính là khuynh hướng của tự ngã luôn luôn phóng chiếu là vấn đề ở bên ngoài ta. Phụ nữ bị đổ lỗi đã quyến rũ đàn ông trong khi sự thực là chính đàn ông đã không làm chủ được thúc đẩy tình dục của họ. Họ không làm chủ được vì họ không được nói chuyện tự do về đề tài này, do nền văn hóa đã trở nên lệch lạc và xếp đề tài này thành điều cấm kỵ. Đây là một cực của tâm thức sa ngã, nhưng cực kia là tự do tình yêu và tự do tình dục. Hai cực này sẽ không dẫn con tới thiên đàng. Hai cực này sẽ không dẫn con tới thiên đàng nơi hạ giới.

16.3. Khác biệt giữa tình dục và tình yêu

Khi con tới tầng thứ bảy của khóa nhập thất của thày thì con nên chuẩn bị tình thần để thảo luận về tình dục. Con sẽ không đạt được khai ngộ ở tầng này nếu con không chịu xem xét đề tài tình dục và sự liên hệ của nó với tình yêu. Tình dục không đồng nghĩa với tình yêu. Con người có thể biểu lộ tình thương, ngay cả tình yêu giữa một người nam và một người nữ, mà không có tình dục. Thày không nói điều này thông thường, thày chỉ nói điều này khả thi.

Khi con bắt đầu tăng triển trên con đường tâm linh, thì ban đầu con sẽ qua một giai đoạn xáo trộn trong đó con bắt đầu nhìn vào một số điều mà con chưa quan tâm trước đó. Trong nhiều trường hợp, các điều này đã bị nền văn hóa nơi con lớn lên loại bỏ. Có bao nhiêu người trong các con đã lớn lên trong một khung cảnh có thể tự do nói chuyện về tình dục? Có rất ít. Khi con tới khóa nhập thất của thày, mình sẽ ngồi xuống trong một khung cảnh an toàn, thương yêu, và mình sẽ xem xét đề tài tình dục và tình yêu – và mình sẽ thảo luận đề tài này. Mình sẽ thảo luận đề tài này cho tới khi con có thể thoải mái nói về đề tài này ở cõi ê-the. Thày đang giảng bài này dưới dạng vật chất vì thày hy vọng con sẽ dùng được nó để mang xuống tâm ý thức của con những khai ngộ mà con đã trải nghiệm ở cõi ê-the.

Vì sao xem xét chủ đề tình dục lại quan trọng? Con rất cần học cách biểu lộ tình yêu một cách tự do. Vì tình dục đã trở nên quá đồng nghĩa và quấn bện với tình yêu, nên trên hành tinh này không thể nào biểu lộ tình yêu tự do nếu con không xem xét và vượt qua các hủ hóa tình yêu liên quan đến tình dục. Điều lý tưởng nhất là con có thể biểu lộ tình yêu một cách tự do với một người khác phái tính (và thật ra cùng phái tình cũng vậy) mà không khuấy động năng lượng tình dục hay sự thu hút giữa hai người. Đây cũng là một bước cần thiết để thành công trong mối quan hệ.

16.4. Thu hút tình dục và nghiệp quả

Chúng ta hãy thẳng thắn và nhìn nhận rằng con, như những người tâm linh khác, thường tiến triển rất nhanh. Con giải quyết nghiệp quả nhanh hơn những người không biết tâm linh và không có được giáo lý và các dụng cụ do các chân sư thăng thiên cung cấp. Trong thời trước, vào thời thế hệ cha mẹ của con, điều hay xảy ra là một người nam và nữ thu hút lẫn nhau và trở nên vợ chồng vì họ cần quân bình nghiệp quả với nhau. Trong nhiều trường hợp, họ cần cả một đời người để quan bình nghiệp quả đó. Với giáo lý và dụng cụ do các chân sư thăng thiên cung cấp, nếu con ở trong một quan hệ tạo nên bởi nghiệp quả, con có thể quân bình nghiêp quả này rất nhanh chóng. Bất cứ quan hệ nào mà con có trên trái đất đều một phần do nghiệp quả. Con không thể có quan hệ với một người trên trái đất mà không có nghiệp quả với người đó.

Chuyện gì xảy ra khi con bị thu hút bởi một người vì con có nghiệp quả cần quân bằng với người đó? Con cưới và có con với người đó. Sau một vài năm, sự mới lạ của mối quan hệ bị hao mòn đi. Con cũng cần làm nhiều công việc nhàm chán cần phải làm để nuôi con, để kiếm sống, vân vân, và bỗng nhiên sự mới lạ và thu hút biến mất. Cũng có thể là con đã quân bằng nghiệp quả đã khiến con tới với người kia. Lúc đó, một trong hai người (hay cả hai) gặp một người khác và con cảm thấy có nghiệp quả với người đó. Điều này hay khiến con có thu hút tình dục với người đó.

Lúc đó, con có nên ngưng mối quan hệ trước, bỏ rơi các con, khiến chúng phải chịu tất cả những hệ lụy khi cha mẹ chia tay, để đi với người bạn mới? Con có nên có con với người này, và sau vài năm con sẽ làm gì, khi nghiệp quả đã cân bằng, khi sự mới lạ đã hao mòn, và có một người mới mà con cảm thấy bị thu hút? Con có thể tiếp tục như vậy suốt đời, và một người có thể có bao nhiêu gia đình trong một kiếp sống? Bao nhiêu gia đình một người có thể bỏ rơi trong một kiếp sống mà không trở nên một gánh nặng?

Mẫu đồ của gia đình trong thời hoàng kim là tạo môi trường cho mọi người trong gia đình đạt được tối đa phát triển. Phát triển luôn luôn là mục đích cốt yếu. Mẫu đồ gia đình của thời hoàng kim không đòi hỏi hôn nhân phải kéo dài trọn đời hay cho tới khi các con trưởng thành. Sẽ có những trường hợp trong đó điều lợi ích nhất cho sự phát triển là hai người bạn đời chấm dứt hôn nhân, ngay cả khi đã có con với nhau. Theo mẫu đồ của thời hoàng kim thì chuyện này sẽ ít khi xảy ra vì đa số sẽ có một trình độ trưởng thành cao hơn khi có quan hệ tình yêu. Họ sẽ chỉ quyết định có con khi đã quyết định sẽ cùng nhau nuôi con và cho các con một môi trường ổn định. Môi trường này sẽ không giống những gì con thấy thời xưa khi con người ở lại với nhau mà không tăng triển, nhưng là một môi trường sinh động trong đó có cơ hội tăng triển.

Làm sao thực hiện được điều này? Con có thể làm được khi con nhất quyết tôn trọng mối quan hệ và nhất quyết nuôi con trong mối quan hệ đó. Chuyện gì xảy ra khi, sau vài năm, con gặp một người khác giới tính và cảm thấy bị thu hút bởi người đó? Điều này có nghĩa là con có nghiệp quả với người đó. Làm sao con cân bằng nghiệp quả này? Con có thể cân bằng nghiệp quả nếu con tách tình thương khỏi tình dục. Lúc đó, con có thể có một quan hệ thương yêu và biểu lộ tình yêu chân thật với người đó mà không có quan hệ tình dục, vì quan hệ tình dục tạo ra nhiều rắc rối. Điều này có nghĩa là con có một quan hệ thương yêu với người đó mà vẫn duy trì được hôn nhân, vì con không ngoại tình và do đó người chồng hay vợ của con không cảm thấy bị đe dọa.

16.5. Những dây năng lượng trong quan hệ tình dục

Đồng thời, con có thể giải quyết nghiệp quả với người mới mà không có quan hệ tình dục với người đó. Con sẽ tăng triển nhanh hơn so với tình trạng hiện nay khi một người bị thu hút bởi người khác vì có nghiệp quả với người đó, hai người có quan hệ tình dục với nhau và có thể có con với nhau. Khi có con với nhau, có quá nhiều dây năng lượng khiến phá vỡ chúng tạo nên căng thẳng.

Thiết lập một quan hệ là thiết lập một mạng dây năng lượng rất phức tạp giữa hai người. Những mối dây này càng phức tạp hơn khi hai người có con với nhau. Cắt đứt mối quan hệ luôn luôn là một mối căng thẳng, ít nhất là trên mặt năng lượng. Vì cắt đứt một quan hệ thường đi đôi với cảm xúc tiêu cực, nên căng thẳng lại thêm nữa. Thiết lập một mối quan hệ mới cũng là một nguồn căng thẳng, nhất là khi thời nay người bạn đời mới của con có con cái từ một mối quan hệ trước, và con cũng vậy. Như vậy có rất nhiều chuyện rắc rối có thể xảy ra. Thày đang không bàn về chuyện đúng hay sai. Thày chỉ giải thích cho con thấy những rắc rối xảy ra trên lãnh vực năng lượng. Trong thời hoàng kim, con người, đặc biệt là những người tâm linh, cần phải tìm ra một cách cân bằng nghiệp quả hay có một quan hệ với một người khác mà không ôm thêm những rắc rối do việc có quan hệ tình dục, hay có con chung với nhau.

16.6. Tình yêu mà không có tình dục

Bằng cách đó con sẽ có thể tăng triển nhanh hơn, và như vậy có nghĩa là con có thể có quan hệ một một người khác giới tính, hay cùng giới tính, mà không nghĩ rằng tình yêu chỉ có thể được biểu lộ bằng tình dục. Con cần tìm ra một cách biểu lộ tình yêu chân thật, là cách nhanh nhất cân bằng nghiệp quả, mà không ôm thêm những rắc rối do một quan hệ tình dục tạo ra, thường là nguyên nhân khiến quan hệ cũ tan vỡ.

Thày biết là có một số người tự coi mình rất tiến bộ sẽ nói: “Nhưng ta có nên cố gắng đạt được tình trạng lý tưởng chăng, trong đó con vẫn nhất quyết bảo tồn mối quan hệ cũ và nuôi con, đồng thời có quan hệ tình dục với người khác khi mình cảm thấy cần?” Thày không nói là điều này không thể làm được, nhưng thày muốn nói là điều này rất khó thực hiện, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay của trái đất.

Có điều gì khác biệt khi con bước qua lằn ranh và có một quan hệ vật lý, tình dục. Hai bên liên hệ với nhau gần gũi hơn nhiều. Con có thể tránh tạo ra những hệ lụy nhưng đây là điều rất khó làm trong một môi trường như trái đất. Nếu con là người thực tế và thực tiễn, thì con sẽ nhận ra là con sẽ tiến triển nhanh hơn nếu con không có quan hệ tình dục với tất cả những người con có nghiệp quả cần cân bằng trong kiếp sống này.

16.7. Cân bằng nghiệp quả trong một quan hệ tình dục

Chắc con cũng hiểu, phải không con, là nếu con có nghiệp quả với một người khác giới tính, thì con không thể cân bằng nghiệp quả đó bằng cách lờ đi không có quan hệ với người đó hoặc có một quan hệ hời hợt trong đó hai bên chỉ lịch sự với nhau? Để cân bằng nghiệp quả, điều hay cần xảy ra là hai bên thảo luận một cách chân thật vì sao họ lại cảm thấy có sự thu hút. Có thể họ cần bày tỏ với nhau những chuyện sâu kín và cá nhân, và tự do biểu lộ tình thương cho nhau nhưng không đi tới giai đoạn vật lý, hay ít nhất là tình dục. Đây là cách nhanh nhất để cân bằng nghiệp quả và giải quyết mối quan hệ giữa hai người.

Thày không nói ở đây là con không nên có nhiều quan hệ tình yêu trong một kiếp sống, nhưng các con chắc cũng đều nhận ra là số quan hệ tình yêu mà con có thể có có giới hạn. Có một giá phải trả nếu con muốn có nhiều quan hệ tình yêu, đặc biệt là quan hệ tình dục. Đa số những người có nhiều bạn tình dục đã cạn kiệt năng lượng của họ và nhận năng lượng từ những người đó tạo nên một gánh năng cho họ. Đó là lý do vì sao thày nói là nếu con có thể tìm cách biểu lộ tình yêu mà không cần tới tình dục, thì con có thể cân bằng nghiệp quả và tiến triển nhanh hơn. Con không thể làm điều này nếu những người khác giới tính mà con bị thu hút đều trở nên quan hệ vật lý, tình dục. Đây là cách cao để có tình yêu tự do mà không phải là tình dục tự do.

Con muốn gì: tăng triển tối đa hay vui thú tối đa? Các thày nhìn nhận rằng năng lượng tình dục đã bị nền văn hóa Cơ đốc dồn nén trong hơn 1700 năm, do đó cần có một giai đoạn trong đó con người có một quan niệm tự do hơn về tình dục để giải quyết sự dồn nén đó. Để đạt mục đích này, một số người cần có nhiều người bạn đời trong một kiếp sống và có một số quan hệ trong đó trọng tâm là tình dục.

Các thày không nhất thiết chống việc con giải quyết việc dồn nén tình dục và các ham muốn tình dục của mình. Có những lúc các thày cũng đã làm như Giê-su khi thày nói với Giu-đa: “Bất kỳ chuyện con làm, hãy làm nhanh.” Nếu con có chuyện gì cần giải quyết, thì con cứ tiến hành và sau đó trở lại thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của con, hay ít nhất là các khía cạnh khác của Sứ vụ Thiêng liêng. Giải quyết các vấn đề chắc chắn thuộc vào Sứ vụ Thiêng liêng, nhưng có thể đây không phải là phần quan trọng nhất của sứ vụ phụng sự thế gian của con.

Nếu trong nhiều kiếp con đã sống trong một nền văn hóa bắt con dồn nén ham muốn tình dục và năng lượng tình dục, thì con có thể cần vượt lên trên điều đó, giải quyết vấn đề đó. Nếu con tìm được một người bạn đời có cùng ước muốn, và cả hai đều ý thức là các con chỉ giúp nhau giải quyết vấn đề này, thì đây có thể là một cách để các con tăng triển. Thày cực lực khuyên con nên giải quyết ham muốn và thúc đẩy tình dục với tối thiểu bạn đời. Con càng có nhiều bạn đời thì con càng cạn kiệt năng lượng. Đây giản dị là thực tế của hoàn cảnh hiện nay trên trái đất.

16.8. Một quan điểm tự nhiên hơn về tình yêu và tình dục

Ở khóa nhập thất của thày, thày muốn giúp con vượt qua ảo tưởng của tình yêu tự do và ảo tưởng tình dục cần phải dồn nén. Thày giúp con có một quan điểm tự nhiên về tình yêu và tình dục. Làm sao con có thể có một quan điểm tự nhiên về tình yêu khi con nghĩ tình yêu chỉ có thể được biểu lộ qua tình dục? Con hãy ngẫm xem là quan điểm phản tự nhiên về tình dục trên trái đất này đã tạo nên một gánh nặng khiến con không thể có một quan điểm tự nhiên về tình yêu nếu con nghĩ tình yêu và tình dục lúc nào cũng phải đi đôi với nhau. Bước đầu là con phải tách tình yêu khỏi tình dục. Sau đó, con có thể xây dựng một quan điểm tự nhiên hơn về tình yêu, và con dùng nó để xây dựng một quan điểm tự nhiên hơn về tình dục. Lúc đó, con được giải thoát khỏi quan điểm phản tự nhiên về cả tình yêu lẫn tình dục. Tình dục đương nhiên là một đề tài phức tạp. Thày không có ý định giảng giải đầy đủ về đề tài này ở đây. Thày chỉ muốn khuấy động trong tâm ý thức của con một số điều mà mình đã giải quyết ở tầng thứ bảy của khóa nhập thất của thày.

Mục đích của thày ở khóa nhập thất là giúp con biểu lộ tình thương một cách tự do hơn. Chương trình nhập thất của thày giúp con giải quyết các hủ hóa tình thương có mặt trên hành tinh này để con có thể tự do biểu lộ tình thương. Con có thể biểu lộ tình thương qua bất kỳ quan hệ nào. Con có thể tự do biểu lộ tình thương cho con cái, cha mẹ, bạn đồng nghiệp, bạn bè và người phối ngẫu của mình.

Thế gian rất cần có những người có thể tự do biểu lộ tình thương dưới bất kỳ hình thức nào thích hợp dựa trên bản chất vật lý của mối quan hệ. Thế gian rất cần những người biết sự khác biệt giữa điều thích hợp và không thích hợp, không dựa trên tiêu chuẩn cũ của sự dồn nén tình dục nhưng theo cái nhìn cao của điều gì giúp tăng triển.

16.9. Dòng chảy alpha và omega của tình thương

Các thày mong muốn là những học viên tới khóa nhập thất của Tia thứ Ba sẽ đạt được nhiều tiến bộ trong khả năng tự do biểu lộ tình thương. Một khi con vượt qua trở ngại biểu lộ tình thương, thì con cũng cần xây dựng khía cạnh Omega của việc tiếp nhận tình thương. Có lợi ích gì chăng khi con biểu lộ tình thương nhưng người kia không biết tiếp nhận tình thương? Làm sao con có thể giúp người khác biểu lộ tình thương một cách tự do hơn nếu con không biết tiếp nhận tình thương từ người đó?

Khi có sự tuôn chảy tự do giữa hai cực Alpha và Omega, thì sự sống mới nảy sinh – đó là cách năng lượng sáng tạo vận hành. Nguyên lý này đã tạo ra toàn thể thế giới hình tướng. Cách Alpha và Omega tương tác trong dòng chảy tự do của tình thương sinh ra sự sống mới, hình tướng mới, biểu hiện mới, và biểu hiện hữu hạn mới của Tánh linh vô hạn. Vì chúng là biểu hiện tự do nên không bị giam vào một khuôn nếp. Chúng được tự do tuôn chảy và trở nên hơn nữa. Chúng thuộc vào Dòng Sông sự Sống, chúng thuộc về động lực khiến toàn thể Dòng sông trở nên hơn nữa trong vũ điệu liên tục của Thượng đế.

Tình thương chỉ có thể biểu hiện khi được tuôn chảy. Không ai sở hữu tình thương, không ai sản xuất ra nó, ta chỉ có thể để nó tuôn chảy xuyên qua ta. Con càng là cánh cửa mở cho tình thương (con càng cho phép nó được biểu lộ tự do hơn xuyên qua con), thì càng có thêm tình thương được đem vào thế giới này xuyên qua các luân xa và cỗ xe linh hồn của con. Cỗ xe linh hồn không phải là cánh cửa mở cho tình thương, cũng không phải là các luân xa. Chính cái Ta Biết là cánh cửa mở cho tình thương, và cái Ta Biết càng ý thức nó là nhận biết thuần khiết, là cánh cửa mở, thì càng có nhiều tình thương tuôn chảy xuyên qua nó vào các luân xa và cỗ xe linh hồn. Một khi tình thương vào các luân xa và cỗ xe linh hồn thì nó sẽ được biểu hiện trong thế gian. Để tình thương có thể biểu hiện tự do, thì luân xa và cỗ xe linh hồn của con cần càng sạch càng tốt khỏi các hủ hóa khiến dòng tình thương bị giới hạn, ngăn chặn, hay lạc hướng.

Trong các thời đại trước, khi năng lực tình dục bị dồn nén thì dòng chảy tình thương bị giới hạn. Phong trào tình yêu tự do mở lối cho dòng chảy, nhưng nó bị đẩy lạc hướng thành năng lực tình dục. Thực sự không phải tình thương được biểu hiện, mà chỉ là các ham muốn thấp của thân thể vật lý, các ham muốn này tương tự như ham muốn của thú vật.

16.10. Biểu lộ động lực tình dục một cách trách nhiệm

Nếu con nhìn vào thú vật thì con thấy là chúng có động lực tình dục, nhưng hầu như không có thú vật nào có sinh hoạt tình dục nhiều bằng con người. Lý do một phần là vì con người có một trình độ tâm thức cao hơn nên không sống chỉ để thỏa mãn những động lực thú vật, tỷ dụ như động lực truyền giống. Con người có thể tìm thú vui trong bất kỳ sinh hoạt nào, kể cả sinh hoạt tình dục, và không có điều gì sai trái với điều này. Để tiếp tục hưởng thú vui tình dục thì con phải nhận ra rằng nếu ham muốn thú vật về tình dục vật lý không còn dính liền với nhu cầu truyền giống, thì sẽ không còn gì giới hạn nó ở cấp vật lý.

Điều này có thể dẫn đến bệnh ghiền tình dục khi con người không bao giờ có đủ tình dục và cảm thấy không trọn vẹn khi không ở trong, hay gần, trạng thái giao hợp khoái lạc, và điều này không thể xảy ra liên tục. Con cần nhận ra là khi thân thể vật lý và nhu cầu truyền giống không còn giới hạn động lực tình dục, thì cái tâm cao cần giới hạn nó để con tìm ra một thế quân bình giúp con sinh hoạt bình thường. Con có thể nghĩ là những người ghiền tình dục vui thú có tình dục, nhưng thực ra thì không phải vậy. Họ có một động lực bắt buộc họ phải làm theo, và hầu như lúc nào họ cũng không thỏa mãn vì đang không có tình dục hoặc không thỏa mãn khi đang có tình dục vì sau đó chuyện gì sẽ xảy ra khi họ lại cảm thấy trống trải trở lại? Làm sao họ lại có thể đáp ứng cơn ghiền?

Như một người tâm linh, con có thể định cho mình một mục đích chính đáng, đó là tới được điểm có thể biểu lộ động lực tình dục một cách trách nhiệm tức là không cản trở việc tăng triển, và không hạ năng lượng xuống hay làm cạn kiệt năng lượng. Con có một người bạn đời cũng có một trình độ trưởng thành và tự do, và con có thể có tình dục và vui thú sinh hoạt này, không phải như một thú vui thú vật, nhưng là một sự vui thú cao đến từ cảm nhận gần gũi, ngay cả hợp nhất, với một người khác.

16.11. Một hình thức hợp nhất cao

Các con chắc cũng biết là có mộ số vị thày ở phương Đông, như thày Padma Sambhava, đã dạy phương pháp tình dục tâm linh (tantric sex). Trong khuôn khổ bài giảng này, thày không khuyến khích các con học pháp này vì đây là một đề tài rộng lớn hơn nhiều. Thày chỉ nêu lên để chỉ cho các đệ tử chân sư thăng thiên thấy là dồn nén động lực tình dục không nhất thiết là cách duy nhất hay cao nhất để đạt được tiến bộ tâm linh. Con có thể giải thoat động lực này để tới điểm con có thể biểu lộ nó một cách quân bình, khiến cho tình dục trở nên vui thú theo nghĩa cao đồng thời giúp con thiết lập một sự gần gũi, hay hợp nhất, với một người khác. Đây có thể là một bước trên tiến trình bước ra ngoài cỗ xe linh hồn và tái lập sự nhận biết mình kết nối với một cái gì lớn hơn chính mình và mình là nhận biết thuần khiết.

Hình thức cao nhất của giao hợp tình dục chỉ có thể có được khi cả hai người bạn đời có một trình dộ nhận biết cao rằng mình là cái Ta Biết và mình là nhận biết thuần khiết. Nếu cả hai con giúp nhau bước ra ngoài tâm thức bình thường của mình và cả hai đều trải nghiệm giao hợp tình dục như một trạng thái nhận biết thuần khiết, thì lúc đó con đạt được mực tiêu của phương pháp tình dục tâm linh. Mục đích không phải là đat được khoái lạc cao nhất. Mục đích là đạt được mức hợp nhất cao nhất thông qua sự thuần khiết của nhận biết, khi mà ranh giới giữa con và người bạn đời tan ra và cái Ta Biết của một người tuôn chảy vào cái Ta Biết của người kia. Lúc đó các con hình thành hai cực cao và sáng tạo.

Khi hai chân sư thăng thiên họp lại để hoàn thành một mục đích, thì các thày hòa trộn hai sinh thể của mình. Các thày không có giao hợp tình dục, nhưng các thày hòa trộn sinh thể của mình. Chính nhờ sự hòa trộn này, khi các thày hình thành hai cực Alpha và Omega, mà các thày tạo ra một hình tướng mới, một kết quả mới, một xung lực năng lượng mới. Đây là cách cõi tâm linh vận hành. Con không thể hoàn toàn rập khuôn nơi cõi vật lý, nhưng con có thể cố gắng đạt được phần nào. Điều này có thể đạt được qua giao hợp tình dục. Nhưng nó cũng có thể đạt được không qua giao hợp tình dục.

Thày đang cho con một viễn kiến cao của một việc có thể đã khiến con hoang mang, tức là vì sao một số người, nay đã là chân sư thăng thiên, lại thực hành tình dục tâm linh. Như mọi chuyện khác, phương pháp tình dục tâm linh đã bị hủ hóa. Nó đã bị biến thành động lực để đạt được một kết quả vật lý. Nếu con có thể tách rời khỏi ý niệm hủ hóa này và tìm hợp nhất trong dòng chảy tự do, qua một biểu lộ tình thương, thì nó có thể là một dụng cụ giúp con đạt được tiến bộ tâm linh và tự do tình dục. Có phải chăng là thày nói là các đệ tử chân sư thăng thiên đều phải thực hành tình dục tâm linh? Dĩ nhiên là không.

Con có thể đạt tiến bộ tâm linh bằng cách khác, và đó là lý do vì sao các thày đã giảng dạy con đường tự điều ngự gồm giáo lý và phương pháp thỉnh cầu ánh sáng để giúp con đạt được cùng mục đích. Thày đương nhiên khuyên con theo học con đường tự điều ngự, nhưng thày cũng muốn cho con biết với tâm ý thức những điều mà thày thảo luận với con ở tầng ê-the của khóa nhập thất của thày. Con cần biết những khía cạnh của tình thương và tình dục để giải thoát mình khỏi những quan niệm lệch lạc hiện diện trong tâm thức tập thể, đang tìm cách dùng tình dục, nhưng cũng dùng cả tình thương, để ngăn chặn hay làm trệch hướng sự phát triển tâm linh của con.

Chỉ có người có hiểu biết mới có được tự do. Hiểu biết không những là quyền lực, nó cũng là chìa khóa đưa tới tự do. Con không có tự do bằng cách trốn tránh một sinh hoạt nào đó. Con chỉ có tự do khi nhận ra ảo tưởng đã sinh ra sinh hoạt đó và chọn lựa thăng vượt nó một cách tự do và hiểu biết. Đó chính là tự do, tự do trong hiểu biết.

16.12. Tốt nghiệp từ Tia thứ Ba

Ở khóa nhập thất của thày, thày mong muốn dẫn con tới điểm con đạt được tự do trong hiểu biết liên quan đến chủ đề tình thương. Bây giờ thì thày dẫn con tới buổi lễ tốt nghiệp khóa nhập thất bằng cách dẫn con tới một căn phòng đặc biệt. Trong phòng này, con sẽ được mời ngồi vào một chiếc ghế rất thoải mái, giống như ngai của nhà vua.

Một khi con an tọa, con sẽ thấy căn phòng mở rộng ra. Con không thấy các bức tường và chỉ thấy thế giới vật lý bao la. Sau đó, con thấy xa hơn nữa và thấy toàn thể vũ trụ bao la cùng với các bầu cõi khác. Đây là món quà chia tay mà thày muốn trao cho con, cảm nhận về sự bao la vô tận của tình thương tuôn chảy tự do xuyên qua mọi tầng của vũ trụ. Thày cho phép con trầm mình trong trải nghiệm đó bao lâu cũng được, nhưng sẽ có một lúc con tự nhiên bước ra khỏi trạng thái đó và nhận biết trở lại chính mình và cỗ xe linh hồn của mình trên trái đất. Đây là lúc thày có thể quàng tay vào vai con và dìu con ra khỏi cửa và bước vào một căn phòng có một luồng ánh sáng trắng chói lọi. Luồng ánh sáng trắng được tạo ra bởi vị Thượng sư và huynh đệ yêu dấu của thày là thày Serapis Bey, đang đợi con để dẫn con tới tầng khai ngộ kế tiếp ở khóa nhập thất của thày.

Lúc đó con chứng kiến điều cho các thày, các Thượng sư, một niềm vui mãnh liệt. Điều gì cho thày, một Thượng sư, niềm vui lớn nhất? Đó là đã dẫn được một đệ tử qua tất cả các tầng khai ngộ ở khóa nhập thất của thày. Lúc nào thày cảm thấy được niềm vui này? Khi thày chuyển con tới vị Thượng sư kế tiếp. Khi thày dẫn con tới thày Serapis, có một lúc hai thày nhìn vào mắt nhau và hai thày hòa trộn vào trạng thái hợp nhất của cõi thăng thiên. Không có gì cần nói với ngôn từ thế gian, nhưng cả một thế giới được diễn tả vượt lên ngôn từ. Thày Serapis cảm nhận được niềm vui của thày, và thày đáp ứng lại với niềm vui nhận con như đệ tử của thày. Niềm vui lớn nhất của thày Serapis là dẫn con qua các tầng khai ngộ ở khóa nhập thất của thày, nhưng thày chỉ có thể bắt đầu hành trình này khi con đã sẵn sàng vì con đã đạt hết các khai ngộ ở khóa nhập thất của Tia thứ Ba.

Có một lúc hai thày chia sẻ niềm vui vô hạn đó. Nếu con chú tâm thì con có thể thoáng thấy nó và cảm thấy niềm vui khi con biết rằng con là nguyên nhân của niềm vui của các thày. Cảm nhận này có thể sẽ cho con động lực để tiến bộ thêm nữa. Thày bảo đảm với con là con cần động lực này để đạt được những khai ngộ mạnh hơn trong khóa học của thày Serapis, vì các khai ngộ này có thể mạnh mẽ hơn các khai ngộ ở khóa của thày. Thày đương nhiên không muốn tiết lộ những gì đang chờ đợi con, vì chắc hẳn là các khai ngộ của Tia thứ Tư sẽ thú vị hơn khi mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Thày đang đùa với con ở lúc cuối này, vì trong suốt các bài giảng thày không khôi hài bao nhiêu. Thày bảo đảm với con là thày khôi hài hơn ở khóa nhập thất của thày. Nhưng không dễ biểu lộ khôi hài trong một quyển sách, vì khôi hài là một đề tài dễ tạo xung đột trên trái đất. Các thày nói chung tránh khôi hài trong các quyển sách có thể tới tay nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Thày bảo đảm với con là ở khóa nhập thất, các thày có thể vượt qua các trở ngại này, và sự thực là các khóa nhập thất vui vẻ hơn những gì con mường tượng khi đọc sách.

Thày chân thành hy vọng là sự biểu hiện tình thương của thày đối với con dưới một hình thức vật lý sẽ cho con cảm hứng mang xuống cõi vật lý những gì con đã học ở khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the. Thày biết rõ là có người tìm ra và đọc quyển sách này mà không trải qua các khai ngộ trong các tầng nội tâm. Bất cứ ai cũng có thể đọc quyển sách này như một tò mò trí thức, hoặc họ cũng có thể đọc với mục đích chê bai. Thày cho rằng ít người đọc với mục đích này có thể đọc hết quyển sách. Và dù mục đích của họ có như thế, họ vẫn nhận được một cơ hội để chọn tình thương. Nếu họ quyết định không chọn tình thương, thì thày cũng biết là thày đã đạt mục đích của thày là cho quyển sách này ra đời.

Thày đã trình bày cơ hội để chọn tình thương. Thày hoan hỉ cho con tự do chọn lựa tuyêt đối, vì thày có tự do tuyệt đối thương yêu, tuôn chảy với tình thương và biểu lộ tình thương.

TA LÀ Paul người Venice. Ta là chân sư thăng thiên. Ta là Thượng sư của Tia thứ Ba, tia của tình thương vô hạn, không ràng buộc, không thể so sánh, vô điều kiện.

Tình thương và Phụng sự

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/1/2015, đăng ngày 8/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice, Thượng sư của Tia thứ Ba của Tình thương Thiêng liêng. Khi con tới tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày, con đối mặt với khai ngộ của tình thương phối hợp với Tia thứ Sáu của Bình an và Phụng sự. Trước khi con có thể phụng sự với tất cả khả năng của mình, con cần đạt được bình an, vậy chúng ta hãy xem xét những hủ hóa tình thương liên quan đến bình an.

14.1. Quan điểm thế gian về tình thương

Đa số các người đến khóa nhập thất của thày trên con đường tự điều ngự đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi quan điểm thế gian về tình thương. Trên trái đất ta thấy phản tình thương biểu hiện quá nhiều, đặc biệt là những biểu hiện của phản an bình và sự hung hãn của những người chơi trò quyền lực, lúc nào cũng sử dụng quyền lực và lạm dụng quyền lực. Vì trong nhiều kiếp con đã lớn lên và trải nghiệm điều này, là nạn nhân của những người quyền lực, nên điều tự nhiên là con tìm một cách sống khác. Sâu thẳm trong nội tâm, con cảm nhận là tình thương là cách khác đó. Con cũng thấy có một số triết lý có mặt ngoài kia nói rằng: “Tình thương thắng tất cả. Tình thương chữa lành hết mọi sự. Tình thương là tất cả những gì con cần,” và những quan điểm tương tự.

Nhiều người đã tin vào triết lý hiện diện trong tâm thức tập thể trên trái đất cho rằng tình thương đối nghịch với quyền lực vì tình thương lúc nào cũng dịu dàng, tử tế, màu hồng và mềm mại. Con nghĩ tình thương là bình an, theo nghĩa bình an là thụ động.

Các thày đã giảng là bình an không thụ động, chắc chắn không phải là giữ cho mọi người vui lòng, và tình thương cũng vậy. Con không thể cảm thấy bình an với tình thương nếu con không sẵn lòng biểu hiện tình thương qua mọi khía cạnh của nó. Tình thương có thể dịu dàng và tử tế, nhưng tình thương chỉ dịu dàng và tử tế khi con người cần những điều này để chữa lành một chấn thương hay một vết thương. Trên một hành tinh đầy chiến tranh như trái đất, con người rất cần tình thương dịu dàng này. Điều này không thể chối cãi. Thày không nói biểu lộ tình thương như vậy là sai.

Điều thày muốn nói là con không thể bình an khi biểu hiện tình thương nếu con không nhận ra là tình thương, cốt lõi của tình thương, là giúp con người thăng vượt và trở nên hơn nữa. Nếu con người cần một hành động của tình thương thẳng thắn hơn, nghiêm khắc hơn, cường độ hơn, thì đó là điều các chân sư thăng thiên sẽ trao truyền. Nếu con muốn an bình khi phụng sự trên con đường tự điều ngự, phụng sự tha nhân, con phải là cánh cửa mở cho sự biểu hiện trực tiếp hơn của tình thương.

14.2. Học những khía cạnh của tình thương

Mỗi một tia tâm linh đều có một dải tần số, như ta có thể thấy nơi các tia màu sắc. Đa số nghĩ tình thương màu hồng, nhưng thật sự dải tần số trải ra tới cường độ cao nhất, giống như tia laser, của lửa màu ngọc đỏ. Rất nhiều học viên khi tới tầng này của khóa nhập thất của thày nghĩ tình thương màu hồng. Rất nhiều người đã lớn lên với cha mẹ hoặc khuôn mặt uy quyền khác lạm dụng quyền lực, và đa số cho thái độ đó là không thương yêu.

Dĩ nhiên lạm dụng quyền lực là không thương yêu. Nhưng sự biểu hiện uy lực để thức tỉnh con và giúp con tiến lên cao hơn hay nhận ra là con cần ngưng các khuôn nếp tự phá hoại, không phải là lạm dụng quyền lực. Khi giúp con, như một trẻ thơ, bước ra ngoài các khuôn nếp tự phá hoại, là biểu lộ tình thương.

Con cần học phân biện giữa một biểu hiện uy lực đúng đắn và sự làm dụng quyền lực. Con có thể học điều này bằng cách học hỏi các khía cạnh khác nhau của tình thương. Nếu con chỉ thấy tình thương màu hồng, con sẽ không bao giờ nhìn nhận một biểu hiện đúng đắn của uy lực. Con sẽ thấy một biểu hiện uy lực thẳng thắn như một lạm dụng quyền lực, nhưng điều này không đúng. Khi con mở lòng đón nhận các khía cạnh màu ngọc đỏ của tình thương, thì con sẽ bắt đầu thấy là cường độ có khi cần thiết để giúp một người trèo ra khỏi vòng xoắn hướng hạ đang kéo người đó xuống.

14.3. Biểu hiện cường độ của tình thương

Chuyện gì xảy ra khi một người bị kẹt trong một vòng xoắn hướng hạ? Con có thể bước tới, cầu thỉnh năng lượng, tiêu hủy năng lượng đang vận chuyển vòng xoắn và qua đó khiến vòng xoắn chậm lại và giúp người đó có thể thoát ra khỏi nó. Con cũng có thể nhận ra là khi một người đang trong một vòng xoắn đi xuống, thì họ đang chuyển động. Nếu con có thể gia tốc sự chuyển động đó, thì con có thể giúp họ bay văng ra khỏi vòng xoắn.

Một số các con có lẽ đã trải nghiệm trong đời mình một trường hợp cha mẹ, người phối ngẫu, hay đạo sư đưa ra một nhận xét với cường độ cao đến độ lời đó cắt xuyên qua hàng rào phòng thủ thông thường của con. Lời nói đó khiến tâm con bị chấn động khiến con mở tâm đón nhận một thực tại cao hơn. Chỉ một nhận xét cũng đủ để kéo con ra khỏi khuôn nếp tự phá hoại và bước đi theo một hướng mới. Đó là tình thương. Đó là một biểu hiện tình thương. Nó có thể pha trộn với uy lực, nhưng trên căn bản đó là tình thương như một đối tác của sợ hãi.

Lạm dụng quyền lực lúc nào cũng bắt nguồn từ sợ hãi. Một biểu hiện uy lực đúng đắn vượt lên trên mức rung động đó. Nó rung động với tình thương, tình thương cường độ. Ta không nên nhầm cường độ và sự khe khắt. Cường độ không phải là khe khắt, mà là sự tự tại không lay chuyển. Tới đây thì chắc con đã thấy là tự ngã luôn luôn tìm cách kéo mọi sự xuống mẫu số chung thấp nhất và khiến con vui lòng. Có lúc cần cường độ để kéo con ra khỏi vòng xoắn giữ cho mọi người vui lòng, trạng thái tâm thức giữ cho mọi người vui lòng. Thày có nói là trong quan hệ phải có giao tiếp tự do, nhưng điều này không thể đạt được nếu các người liên hệ chưa đạt được các khai ngộ của Tia thứ Sáu và nhận ra là tình thương không phải lúc nào cũng bình an.

Con có quyền đối xử một cách cường độ với người bạn đời của con. Nếu con không cư xử vì sợ hãi, nếu cường độ của con dựa trên tình thương, thì điều này được phép làm trong quan hệ tình yêu. Trong quan hệ lý tưởng thì phải được phép. Trong một quan hệ, nếu một hay cả hai người bạn đời có thể đạt được cường độ nào đó, thì đó là một yếu tố quý giá trong mối quan hệ. Dĩ nhiên điều quan trọng là con sẵn sàng nhìn vào chính mình và nhận ra là mình cư xử với cường độ dựa trên tình thương hay lạm dụng quyền lực dựa trên sợ hãi. La lối người bạn đời vì mình giận dữ hay sợ hãi không giúp xây dựng mối quan hệ.

14.4. Giao tiếp tự do không phải là lạm dụng quyền lực

Có thể con cần dành một khoảng thời gian để con tự do phát biểu và người bạn đời của con học chịu đựng việc này. Sau đó con có thể xem xét những khuôn nếp mà con có, khiến chúng hiện rõ cho con và người bạn đời, để các con có thể tự do thảo luận chúng. Ở đây thày không muốn nói tới những khuôn nếp lệch lạc mà ta có thể thấy nơi rất nhiều quan hệ, nghĩa là một trong hai người bạn đời lên cơn bực bội và bắt đầu la hét, và người kia khép tâm lại và rút vào vỏ ốc của mình.

Nếu các con đã thiết lập được tự do giao tiếp thì con có thể cho phép một người biểu lộ bất cứ cảm xúc nào có trong tiềm thức. Mục đích là để các cảm xúc này phơi bày ra và qua đó bắt đầu chuyển hóa chúng, khám phá khuôn nếp và ảo tưởng đằng sau chúng, để có thể vượt thăng chúng. Mục đích của giao tiếp tự do không phải là để một người có thể biểu lộ mãi mãi cảm xúc dựa trên sợ hãi mà không bao giờ tìm cách giải quyết chúng.

Con yêu dấu, nếu con quan niệm tình thương là cái gì mềm mại, màu hồng và thụ động, thì câu nói “tình thương là tất cả những gì con cần” không đúng. Nhưng nếu con nắm vững tất cả mọi khía cạnh của tình thương, thì con có thể nói là tình thương là tất cả những gì con cần, vì lúc đó tình thương bao gồm tất cả bảy tia sáng với các đặc tính của chúng. Tất cả những gì con cần trong thế giới vật chất là bảy tia sáng. Con có thể thăng thiên khi con điều ngự cả bảy tia sáng. Nếu con điều ngự Tia thứ Tám của Tổng hợp và một số các tia bí mật thì còn tốt hơn nữa, nhưng con có thể thăng thiên khi con đạt được sự điều ngự bảy tia sáng. Bảy tia sáng là tất cả những gì con cần.

Nhiều quan hệ tình yêu bị kẹt trong một khuôn nếp trong đó hai người bạn đời cảm thấy lúc nào cũng cần phải dịu dàng. Điều này đặc biệt đúng khi hai người bạn đời đều là người tâm linh, đã tìm ra con đường tâm linh và đã thực hành trong một thời gian. Điều này lại đúng hơn nữa khi hai người đã học một số giáo lý Đông phương.

Giáo lý Đông phương khuyến khích con tìm về nội tâm. Các phương pháp như yoga, nhiều trường phái thiền, quán sát hay giữ chánh niệm đều có mục đích tìm sự tĩnh lặng nội tâm. Thày không nói các phương pháp này sai, nhưng nếu con đã chọn đầu thai vào phương Tây, thì con có thể suy ngẫm thấy rằng phương pháp Đông phương muốn con ngồi thiền trong hang động và giữ quân bình tâm linh bằng cách giữ tâm mình an bình, có thể không thích hợp với phương Tây.

Muốn thời hoàng kim được biểu hiện thì điều cần thiết là các người tâm linh khắp thế giới, kể cả ở phương Đông, có vai trò tích cực trong xã hội. Con cần đòi hỏi, và chứng minh qua gương sống của mình, một cách hành xử cao hơn là khuôn nếp không-bình an cũ. Đôi khi, điều cần xảy ra là có người biểu lộ bằng lời nói cường độ của ngọc đỏ. Đôi khi, trên diễn đàn công cộng, cần có người đứng lên, khiến mọi người phải chú ý, và phá tan màn mê chướng đang cản trở sự tiến bộ trong lãnh vực nào đó. Ai sẽ là người làm công việc này, nếu không phải là các người tâm linh? Ai sẽ làm việc này nếu con bị kẹt trong quan niệm lúc nào cũng phải trở về nội tâm, lúc nào cũng an lạc? Làm sao con thiết lập được một quan hệ bình an thật sự nếu con không vượt qua mọi yếu tố không-bình an và phản-bình an?

14.5. Các hủ hóa bình an

Thày đã nói gì trong các bài giảng trước? Mọi đức tính của Thượng đế đã bị sa nhân hủ hóa bằng cách thiết lập một đối cực tương đối, nhị nguyên. Điều này cũng xảy ra với đức tính bình an. Ở một đầu là hung hãn và chiến tranh. Ở đầu kia là một người hoàn toàn bình an và do đó thụ động. Đây không phải là Trung đạo. Đây không phải là con đường hoàng kim, trung dung của thời hoàng kim. Rất nhiều người tâm linh bị kẹt trong tư tưởng đây là cách họ phải cư xử, kể cả trong các mối quan hệ tình yêu.

Con thấy trường hợp các vợ chồng rất tâm linh và tham gia vào nhiều sinh hoạt tâm linh. Họ đã tới điểm mà nhiều cặp vợ chồng đã đạt được trên thế giới. Họ đã thừa nhận mình là ai, các vết thương và vấn đề mà họ có, và tránh khuấy động những vấn đề khó khăn. Họ đã đặt hài hòa và an bình như mục đích của mối quan hệ của họ tới độ điều này trở thành một ngăn trở thay vì động lực cho sự tiến bộ của họ.

Đây không phải là an bình thật sự vì an bình thật sự không tạo nên một tình trạng hòa bình đứng yên trên trái đất. Nó tạo nên một nền hòa bình năng động trong đó có tăng triển tối đa vì không có khái niệm xung đột kéo con người vào khuôn nếp tranh chấp. Những khuôn nếp này cướp năng lượng của con và đẩy con từ cao điểm sang hạ điểm khiến con mất đi an bình nội tâm và sự chú tâm vào Hiện diện TA LÀ của con.

Nếu hai chúng con là người tâm linh trong quan hệ vợ chồng thì các con nên sẵn sàng trực diện các vấn đề dù rằng làm như vậy sẽ nhất thời tạo bất hòa. Nếu các con sử dụng các dụng cụ tâm linh mà các thày đã cung cấp, các con sẽ có khả năng dần dần giải quyết các vấn đề đó. Lúc đó các con sẽ có một mối quan hệ chân thật hơn, và chắc chắn là trọng tăng triển hơn. Quan hệ này có thể sẽ giúp con thể hiện Sứ vụ Thiêng liêng của mình ở một mức cao hơn vì con có thể tự do biểu lộ những khía cạnh cường độ của tình thương. Cường độ này là chìa khóa của phụng sự thật sự.

14.6. Cần những người tâm linh trong xã hội

Tia thứ Sáu là tia của bình an và phụng sự, nhưng sa nhân đã hủ hóa khái niệm bình an bằng cách nói rằng những người trọng hòa bình theo nghĩa giữ cho mọi người vui lòng là những người phụng sự chân chính.

Nhiều người, ngay cả nhiều người tâm linh, cho rằng nếu muốn giúp đời thì họ phải tìm một việc làm trong một địa hạt phụng sự. Tỷ dụ như trong các ngành bác sĩ, y tá, giáo sư, từ thiện hay tương tự. Thày hoàn toàn không chỉ trích những người làm như vậy. Các người tâm linh rất cần trong các đia hạt này.

Thày chỉ muốn cho con thấy là nếu con nghĩ các người tâm linh chỉ nên làm việc trong các đia hạt này, thì con có thể đã dùng tâm ý thức đóng cửa việc thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Con đang phủ lên mình một lớp màn có thể khiến tâm đóng lại và không nhận ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình.

Những người tâm linh cần thiết trong mọi lãnh vực của xã hội. Quả thật là có một số công việc con nên tránh, tỷ dụ như những việc dính tới tội ác, việc phi pháp hay việc khuynh loát người khác.

Ngay cả trong thương trường – là lãnh vực có khi có nhiều trường hợp hủ hóa – cũng có nhu cầu có người có khuynh hướng tâm linh đồng thời hiểu rõ thương trường từ bên trong. Những người này có thể là phương tiện để biểu hiện sáng kiến mới, họ cũng có thể có cường độ cần thiết để gióng lên tiếng nói trong một số trường hợp cá biệt (trong một thương vụ cá biệt nào đó) hoặc để giúp xã hội mở ra một đường hướng mới liên quan đến thương mại hay tiền tệ.

Xã hội cần một hệ thống tiền tệ mới, đây là một điều các thày đã nói tới. Hệ thống này sẽ không được hình thành chỉ với hành động thụ động. Cần có người cầm Ngọn lửa Hồng ngọc để chặt đứt sự đối kháng, sự đối kháng cực kỳ mạnh mẽ, để biểu hiện một hệ thống tiền tệ thực sự đem lại lợi ích cho quần chúng thay vì giới thượng lưu quyền lực.

14.7. Vượt qua phản ứng khi bị lên án

Khi con đến tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày, con đối diện một thử thách rất gay go. Con cần phải đối diện thử thách không bị ảnh hưởng bởi sự lên án của tâm thức sa ngã. Làm sao con giữ được tâm an bình trên một hành tinh như địa cầu khi sa nhân tới và lên án con một điều gì đó và con lập tức mất bình an? Khai ngộ đặc thù mà con đối diện ở khóa nhập thất của thày giúp con học đối phó với hoàn cảnh bị lên án là con không thương yêu vì con dám biểu hiện mình một cách tự do hơn.

Các thày sẽ dạy con làm sao thực hiện điều này. Các thày sẽ chỉ cho con thấy là con đã rơi vào một khuôn nếp phản ứng khi bị lên án. Các thày sẽ giúp con thấy phản ứng này từ đâu tới, và vòng xoắn năng lượng nào đã nuôi dưỡng nó. Các thày sẽ giúp con đi vào vòng xoắn đó, đi vào tận cùng nó và thấy ra ảo tưởng đằng sau nó. Lúc đó, con có thể nhìn phàm linh và nói: “Quỉ Xa-tăng, hãy đứng sau lưng ta. Mi không còn nắm được gì nơi ta nữa.”

Rất nhiều người thiện tâm đã làm việc phục vụ công chúng. Họ đã đứng lên tranh đấu cho một sự thay đổi nào đó, một ý mới nào đó. Họ đã gặp sự đối kháng không thể tránh được của những người bị kẹt trong tâm thức sa ngã. Không có địa hạt nào trên trái đất mà con có thể nêu lên một ý mới hay một thay đổi tích cực mà không va chạm những người bị kẹt trong tâm thức sa ngã muốn chống lại bất kỳ thay đổi nào.

Biết bao người đã găp sự đối kháng này và đã có một phản ứng chống đỡ hoặc đã phản ứng bằng cách nâng cao cường độ, có khi đi vào lạm dụng quyền lực. Một khi họ phản ứng như vậy thì những người trong tâm thức sa ngã sẽ lên án là họ không trọng hòa bình, không thương yêu, không tử tế, không thật sự phụng sự, chỉ tìm cách gây rối loạn – và nhiều lối lên án khác mà những người kẹt trong tâm thức sa ngã có thể tìm ra. Ta không cần phải liệt kê tất cả các lời lên án này ở đây vì có quá nhiều đến độ có thể viết kín nhiều quyển sách. Có rất nhiều người thiện tâm có trong Sứ vụ Thiêng liêng ý muốn đem lại thay đổi đã bị quá chấn động, rối loạn tâm và bất an đến độ họ rút lui khỏi việc phục vụ công chúng.

Ta đã thấy điều này xảy ra rất nhiều lần. Những người thiện tâm không thể chấp nhận sống trong khung cảnh lệch lạc, phán xét có mặt trong quá nhiều đia hạt trên trái đất. Con nghĩ tại sao những người tham gia chính trị lại cư xử như vậy? Có một phin lọc đã loại ra khỏi môi trường này tất cả những người tử tế và yêu thương cũng như là những người yêu thương cường độ. Không một người tích cực nào có thể chịu nổi môi trường chính trị trong nhiều quốc gia. Chỉ còn lại trong đó những người đã quá kẹt vào tâm thức sa ngã hay có quá nhiều tham vọng nên sẵng sàng chịu đựng mọi chuyện để nắm được quyền lực.

Đâu là chìa khóa để tránh phản ứng như vậy? Chìa khóa là hòa nhập với cốt lõi của tình thương, là động lực giúp con người vượt thăng và trở nên hơn nữa. Động lực này được cân bằng bởi sự tôn trọng quyền tự quyết. Điều hay khiến con nản chí khi con tham gia một công việc phụng sự công chúng là con có một viễn quan rõ ràng những gì cần cải thiện. Con gắng công đem lại một thay đổi vật lý nào đó. Khi con gặp những người đối kháng không chịu nhìn sự việc giống con, thì con có phản ứng chống đỡ. Tới một lúc thì con chán ngán bị đối kháng và lên án và con nói: “Vậy tôi sẽ để quý vị yên và quý vị có thể làm bất cứ gì quý vị muốn.”

14.8. Trình bày một cơ hội chọn lựa

Phản ứng trên của con chính là điều những người trong tâm thức sa ngã mong muốn. Họ đã hành xử nhiều lần như vậy trong quá khứ, và họ biết rất rõ cách đánh vào các điểm yếu và tạo nên phản ứng như trên. Để tránh rơi vào khuôn nếp này, con cần nhận ra là tình thương không mong cầu đạt được một kết quả vật lý trên trái đất này. Tình thương chỉ muốn đưa ra cho con người một chọn lựa tự vượt thăng. Khi con tham gia một địa hạt phụng sự công chúng và trình bày một ý mới hay một đề nghị thay đổi, con đã cho những người liên hệ một cơ hội chọn lựa giải pháp cao hay thấp.

Tâm ý thức của con có thể khiến con nghĩ là nếu họ không chọn giải pháp cao, thì công việc phụng sự của con đã thất bại. Thày là Thượng sư và thày không nhìn sự việc như vậy. Thày không thấy là cố gắng của con đã thất bại, vì con đã làm gì? Con đã cho con người một chọn lựa mà trước đó họ không có. Con đã buộc họ phải chọn lựa, vì đây là quyền của con theo luật tự quyết vì con đang đầu thai trong thế giới vật lý. Dù họ chọn giải pháp cao hay thấp, con đã làm công việc phụng sự.

Quả thật là nếu họ chọn giải pháp thấp thì các kết quả vỏ ngoài mà con cố gắng đạt sẽ không được biểu hiện. Nhưng sẽ vẫn có một kết quả vì họ tiến thêm một bước về hướng bị phán xử và về hướng bị loại ra khỏi trái đất [muốn biết thêm về đề tài này, xin đọc sách Vũ trụ quan về sự xấu ác]. Trên đường dài, các cố gắng của con sẽ có ảnh hưởng tích cực trên trái đất. Con đã có một đóng góp quý báu, và con nên thỏa mãn đã trình bày cho con người một chọn lựa, và để cho họ quyền quyết định. Bằng cách đó, con tránh trói buộc sự phụng sự của mình vào việc đạt được kết quả nào đó.

Con hãy nhớ lại điều thày giảng về sự thực, về chuyện tránh buộc người bạn đời của con nhìn đời giống như con, và cho phép vị đó nhìn đời theo cách của họ. Nguyên tắc đó cũng áp dụng vào việc phụng sự công chúng. Có thể có những người bị kẹt trong tâm thức sa ngã, hay họ ở một trình độ tâm thức thấp hơn nên không thể thấy ra viễn quan cao của con. Họ có quyền ở mức tâm thức hiện tại của họ. Con có quyền ở mức tâm thức của con. Con có quyền phát biểu viễn quan của con, nhưng họ cũng có quyền phản ứng lại sự phát biểu của con theo trạng thái tâm thức của họ.

Đúng thực là họ có quyền sử dụng viễn quan cao của con để thăng vượt trạng thái tâm thức của họ, nhưng nếu họ không chịu làm điều này, thì họ có quyền từ chối. Con không có quyền phản ứng tiêu cực khi người khác thực thi quyền tự quyết của họ. Con nên – và đây là trách nhiệm của con – có trạng thái tâm không đòi hỏi người khác lấy một chọn lựa nào đó. Con nên thỏa mãn đã cho họ cợ hội chọn lựa.

Đó là cách con phụng sự một cách cao: không phải qua việc tạo ra một kết quả vật lý, mà qua việc trình bày cho con người một cơ hội chọn lựa điều gì cao hơn trình độ tâm thức hiện nay của họ. Đó là tất cả những gì các thày, các Thượng sư, đang làm.

Nếu con nghĩ là các thày, bảy vị Thượng sư và Đại Thượng sư, đang ngồi trên đây lập ra kế hoạch tinh vi làm sao thay đổi từng chi tiết nhỏ trên cõi vật lý, thì con đã không hiểu các thày. Đúng thực là thày Saint Germain có một kế hoạch đem tới thời hoàng kim. Nhưng kế hoạch đó không đuợc khắc trên đá. Nó không được quy định vào chi tiết. Thời hoàng kim không thể được áp đặt trên nhân loại. Nó phải được chọn.

Thày Saint Germain có một kế hoạch làm sao trình bày cho nhân loại một số ý cao giúp nhân loại có cơ hội chọn lựa. Thày Saint Germain không đòi hỏi kết quả nào đó vào một ngày nào đó. Thày Saint Germain đã đạt được quả vị Phật. Thày biết rằng nếu thời hoàng kim không đuợc biểu hiện dưới một hình thức nào đó ngày hôm nay, thì chuyện đó có thể xảy ra ngày mai hay trong một thế kỷ.

14.9. Cân bằng hành động dứt khoát và kiên nhẫn

Có những lúc con cần cấp bách thay đổi cái gì đó trong đời mình. Có thể con cần cấp bách nỗ lực lên một trình độ tâm thức cao hơn trong một thời gian rất ngắn vì con cần phải thực hiện một thành phần nào đó của Sứ vụ Thiêng liêng của con ở một thời điểm nào đó. Cũng có thể con cần nâng cao cường độ để hội đủ điều kiện để thăng thiên trong kiếp này. Nhưng con đừng rơi vào cạm bãy của tư duy cuồng đại và nghĩ rằng một số thay đổi bên ngoài nhất định phải xảy ra vào một thời điểm nào đó. Nghĩ như vậy chỉ khiến con xa rời bình an. Điều đó sẽ khiến con không phụng sự dựa trên tình thương mà phụng sự dựa trên sợ hãi, khiến con càng ngày càng bực bội cho tới khi con bị kiệt sức và không chịu nổi nữa.

Đã rất nhiều lần các thày thấy một người có trong Sứ vụ Thiêng liêng việc đem lại thay đổi nào đó trong một lãnh vực nào đó của xã hội. Nhưng vì người đó bị rơi vào khuôn nếp mà thày đã mô tả và phản ứng lại tâm thức sa ngã, nên vị ấy rút lui khỏi lãnh vực đó. Nếu thay vì làm như vậy, vị ấy có cái nhìn đường dài hơn và kiên nhẫn hơn, thì vị ấy đã có thể đạt được thành quả lớn hơn trong một thời gian dài hơn. Có thể rằng vị ấy không đạt được đúng kết quả vị ấy hình dung khi quyết định rút lui, nhưng một số kết quả đáng kể cũng được thành tựu.

14.10. Vượt qua tâm thức bây-giờ-hay-không-bao-giờ

Thế giới không tiến triển bằng những bước nhảy vọt vĩ đại. Thế giới tiến bộ qua từng bước nhỏ. Mỗi người trong chúng con có mặt trên đời để đóng góp vào những bước nhỏ đó. Thỉnh thoảng, có một người đem ra một ý mới có ảnh hưởng sâu rộng hơn, nhưng đa số các con có mặt trên đời để giúp thế giới tiến lên qua những bước nhỏ. Điều này có nghĩa con cần kiên nhẫn. Con cần bình an. Con cần tránh rơi vào tư duy bực bội và nghĩ rằng: “Chuyện này phải xảy ra ngay bây giờ. Bây giờ hay không bao giờ!”

Chính tự ngã của con, sa nhân và phàm linh nội tại muốn con nghĩ như vậy. Có bao giờ con bước vào một tiệm bán xe và có một người bán hàng thiện nghệ muốn bán con một chiếc xe cũ? Các người bán hàng đó được huấn luyện để tạo ra một cảm giác khẩn cấp. Nếu con không ký hợp đồng ngay bây giờ, con sẽ làm mất đi cơ hội tuyệt vời mà họ nói họ đang cống hiến con. Vì sao con nghĩ con người tham gia chiến tranh? Đó là vì họ bị lừa là tình hình khẩn cấp nên có chuyện gì đó cần xảy ra ngay bây giờ! Con yêu dấu không bao giờ có tình trạng bây giờ hay không bao giờ!

Phương Đông có câu ngạn ngữ: “Người tới, người đi, nhưng ta tiếp tục mãi mãi”. Dòng Sông sự Sống tuôn chảy mãi mãi. Hoàn cảnh tới, hoàn cảnh đi, nhưng Dòng Sông sự Sống tiếp tục tuôn chảy. Một cơ hội mới sẽ hiện ra. Chắc chắn là có trường hợp không lấy cơ hội đưa đến hậu quả tại hại. Nhưng điều này không có nghĩa là cơ hội học hỏi đã bị mất, và đó là điều mà các thày là Thượng sư muốn chú tâm tới.

Thày có nói định nghĩa của quỷ Xa-tăng là gì? Đó là quan niệm Tánh linh phải quy thuận điều kiện đương thời của vật chất. Làm sao con thăng vượt các điều kiện đương thời? Con không thể thăng vượt chúng khi con rơi vào trạng thái bị chúng quá ảnh hưởng đến độ nghĩ rằng phải thay đổi chúng ngay lúc này. Chúng phải được thay đổi bằng cách duy nhất mà ngay lúc này con thấy chúng có thể thay đổi. Như vậy có nghĩa là người khác phải làm theo ý con muốn. Nếu họ không tự nguyện làm vậy thì họ phải bị ép buộc làm theo. Đây là lý do vì sao chiến tranh và xung đột bắt đầu. Đây là lý do vì sao đối thoại bị cắt đứt.

Con hiện đang có một viễn quan. Viễn quan đó không phải là viễn quan cao nhất. Nếu con tiến bộ trên con đường tu, con sẽ không có viễn quan đó suốt đời con. Rất có thể là ngay lúc này con có viễn quan đúng đắn về điều cần phải thay đổi, nhưng cũng có thể là con không có viễn quan cao nhất về cách nó phải thay đổi. Nếu con trình bày cho mọi người một cơ hội, như con thấy hiện nay, và họ chọn lựa không theo, thì con không nên bực bội. Con hãy trở về nội tâm. Con xem xét phản ứng của mình. Con tránh khuôn nếp tiêu cực. Con xin được hướng dẫn và chỉ thị để con thấy vấn đề từ một tầm nhìn cao hơn. Sau đó, con chờ cơ hội mới để trình bày đề nghị từ một viễn quan cao hơn, trưởng thành hơn.

Cùng lúc thì con cũng biết là hành tinh tiếp tục tiến triển, và nó tiến triển theo một vòng xoắn đi lên. Ngay cả những người đang chống đối con hiện nay cũng có thể bị bó buộc phải thay đổi. Khi có cơ hội mới, có thể họ sẽ sẵn sàng chấp nhận. Đột nhiên, tình hình được an bày khác hơn trước và có thể có lối mở mà trước đó không có. Nếu trước đó con có phản ứng dựa trên sức mạnh, dựa trên sợ hãi thì có thể con đã rút lui khỏi lãnh vực đó. Hoặc con đã tạo nên nhiều mâu thuẫn với những người liên hệ và họ đã đóng tâm không chịu nghe con nữa, và cơ hội thứ nhì cũng có thể bị mai một.

14.11. Xung đột là bây-giờ-hay không-bao-giờ. Bình an tiếp tục mãi mãi.

Xung đột hay xảy ra vì quan niệm bây giờ hay không bao giờ. Làm sao con có thể là một sứ giả hòa bình khi con có trạng thái tâm đó? Xung đột là bây giờ hay không bao giờ; bình an tiếp tục mãi mãi. Cơ hội đến, cơ hội đi, nhưng một cơ hội mất đi không biến đi mãi mãi. Bánh xe lại lăn và một cơ hội lại xuất hiện. Đây là cách con học phụng sự trong an bình.

Tình thương lúc nào cũng muốn thăng vượt, nhưng con không thăng vượt khi con có một viễn quan là có kết quả tối hậu cần được biểu hiện. Lúc đó dòng chảy của tình thương bị khóa lại. Nếu con ở bên ngoài tư duy bây-giờ-hay-không bao-giờ, tư duy tất-cả-hay-không-có-gì-cả, tư duy theo-tôi-hay-đi-chỗ-khác, thì con có thể ở trong dòng chảy của tình thương. Con chỉ cần đợi cơ hội kế tiếp.

Nếu con không được một cơ hội kế tiếp vì người khác vẫn tiếp tục chống đối, thì con hành động như thày đã từng giảng. Con chú tâm vào phản ứng của mình, và con có thể sẽ tới điểm biết là lúc này không phải là lúc giận dỗi bỏ đi khỏi lãnh vực này. Nhưng là lúc tuôn chảy tới mức phụng sự kế tiếp, bất kỳ hình thức phụng sự này là gì. Ngay lúc đó con có thể không thấy hình thức phụng sự này là gì, nhưng con chắc chắn không thấy nó nếu con ở trong tư duy tất-cả-hay-không-có-gì-cả.

Làm sao hai người có thể phụng sự nhau trong một mối quan hệ khi mỗi người có một quan niệm người kia phải thay đổi ra sao và mối quan hệ phải như thế nào, và cả hai đều có tư duy tất-cả-hay-không-có-gì-cả, bây-giờ-hay-không-bao-giờ? Phụng sự người khác là cho người đó cơ hội tăng triển, không phải là đạt được một kết quả bên ngoài. Con hãy kiên nhẫn với chính mình và với người bạn đời.

Nhiều người trong chúng con quá nóng nảy, hay quá chán chường với xung đột và nói: “Tôi cần an bình ngay bây giờ!” Ta chỉ có thể đạt an bình bằng kiên nhẫn. Không ai đã đạt an bình mà không qua cánh cửa kiên nhẫn, và điều này có khi đòi hỏi chịu đựng đau khổ lau dài. Con đau khổ bao lâu tùy thuộc vào con cần bao lâu để buông bỏ dính mắc vào kết quả bên ngoài. Con không thể đạt được bình an khi con còn dính mắc vào kết quả bên ngoài. Con yêu dấu, điều này không thể làm được.

Con có thể sẽ đạt dược một kết quả bên ngoài, nhưng con không tạo ra kết quả đó bằng cách dính mắc vào nó, vì con không phải là người tạo tác. Dòng chảy của Tánh linh, Dòng Sông sự Sống là người tạo tác. Con cung cấp chén thánh để dòng tình thương chảy vào, và con để tình thương làm công việc của nó. Lúc đó, con được bình an, bất kỳ kết quả vật lý là gì. Con được bình an khi con để tình thương tuôn chảy, và qua đó trình bày cho mọi người một cơ hội chọn lựa một con đường cao hơn, con đường của tình thương, con đường của bình an.

TA LÀ Paul người Venice.

Tình thương và Chân lý

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice. Điều gì xảy ra khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày? Đây là điểm con gặp tình thương phối hợp với Tia thứ Năm, thường được gọi là tia của chân lý. Ông Pontius Pilate đã từng hỏi Giê-su: “Chân lý là gì?” Câu hỏi này đáng để chúng ta suy ngẫm.

12.1. Thực tại và cách chúng ta cảm nhận thực tại

Pontius Pilate đại diện cho một người có tâm thức ở dưới tầng thứ 48. Giê-su đại diện cho một người có tâm thức rất gần tầng thứ 144. Khi con tới gần tầng 144, con có thể biết đâu là chân lý. Khi con ở dưới tầng 48, con không thể nào biết chân lý. Khi con tới khóa nhập thất của thày, con không ở dưới tầng 48, nhưng con cũng không ở gần tầng 144.

Con có thể nào biết chân lý ở tầng tâm thức của con khi con tới khóa nhập thất của thày chăng? Con có thể biết một biểu hiện của chân lý cao hơn là lúc con ở dưới tầng 48. Con không thể biết trọn vẹn chân lý mà con biết được khi con tới gần tầng 144. Đây là một điều rất quan trọng mà con nên ghi nhớ. Vậy con biết được gì? Làm sao con thấy được chân lý khi con đang ở đâu đó giữa tầng 48 và 96 trên con đường tự điều ngự?

Con chỉ thấy chân lý xuyên qua cỗ xe tâm hồn là phương tiện con dùng để biểu hiện trong thế giới vật chất. Điều này không có nghĩa là con không thể trải nghiệm chân lý dưới hình thái trong sạch của nó. Cái Ta Biết của con có khả năng bước ra ngoài và không tự đồng hóa nó với cỗ xe tâm hồn. Giống như con có khả năng trải nghiệm tình thương vô điều kiện, thì con cũng có khả năng trải nghiệm chân lý vô điều kiện, nhưng chân lý vô điều kiện không có điều kiện.

Chúng ta cần thấy một khác biệt vi tế mà đa số người trên hành tinh còn không thể hiểu được. Họ không thấy sự khác biệt này là cần thiết, vì họ không thấy sự khác biệt giữa thực tại và cách họ cảm nhận thực tại. Họ nghĩ rằng điều mà họ thấy qua cỗ xe tâm hồn là thực tại, là chân lý, nhưng điều này không đúng, phải không con? Con đã bắt đầu vượt lên trên tầng 48 và con đã bắt đầu tách mình ra khỏi, không còn tự đồng hóa, với cỗ xe tâm hồn.

12.2. Cỗ xe tâm hồn không phải là kẻ thù của con

Đây là điều con cần phân biệt: cỗ xe tâm hồn không phải là kẻ thù của sự tăng triển tâm linh của con. Nó có thể là kẻ thù, và chắc chắn nó kẻ thù khi con ở dưới tầng 48. Khi con ở dưới tầng 48, cỗ xe tâm hồn, trong đó có tự ngã, kéo con xuống những khuôn nếp vị kỷ dựa trên sợ hãi. Con tìm cách bảo vệ tự ngã và cái ta phàm phu thay vì vươn lên trên tự ngã và các khía cạnh vị kỷ của tâm thức con người.

Tâm thức con người và tự ngã đặt lên trên cỗ xe tâm hồn một lớp phủ có pha màu. Khi con vượt lên trên tầng 48, con bắt đầu thoát khỏi khuynh hướng vị kỷ đó. Khi con vươn lên cao hơn nữa về hướng tầng 96 trên con đường tự điều ngự, con rũ bỏ những khuynh hướng đó thêm nữa. Nhưng không có nghĩa là lúc đó con đã rũ bỏ cỗ xe tâm hồn.

Mục tiêu của con đường tự điều ngự từ tầng 48 đến tầng 96 là giúp con phát triển khả năng sáng tạo để con có thể biểu lộ nó toàn vẹn hơn trong thế giới vật lý. Khi con biểu lộ khả năng sáng tạo, con cần một cỗ xe để biểu lộ nó. Con cần bốn thể phàm của con. Đó là lý do vì sao, cái Ta Biết, là trạng thái nhận biết thuần khiết, không thể biểu lộ sự sáng tạo. Đó là lý do vì sao cái Ta Biết cần tạo ra cỗ xe tâm hồn, trong đó có bốn thể phàm. Nó không cần phải tạo ra tự ngã, nhưng nó đã làm điều này trên trái đất vì hành tinh này rất dày đặc. Công việc chính trên con đường tự điều ngự là vượt lên trên tầm ảnh hưởng của tự ngã để làm chủ cỗ xe tâm hồn, thay vì để tự ngã làm chủ cỗ xe tâm hồn và kéo con vào những khuôn nếp dựa trên sợ hãi có mục đích bảo vệ tự ngã.

12.3. Cỗ xe tâm hồn được hình thành như thế nào

Thày đã có giảng là con cần ngưng trong lọc các phàm linh nội tại và rũ bỏ chúng, nhưng các phàm linh nội tại không phải là cỗ xe tâm hồn trong hình thức trong sạch của nó. Các phàm linh nội tại được tạo ra bởi các sợ hãi của tự ngã và cảm nhận méo mó của nó. Chúng được tạo ra dựa trên một ảo tưởng, là ảo tưởng nhị nguyên, nhưng con có thể thanh lọc chúng khỏi cỗ xe tâm hồn. Điều này không có nghĩa là cỗ xe tâm hồn có thể thăng thiên, nhưng có nghĩa là con có một cỗ xe trong sạch hơn giúp con biểu lộ chính mình trong thế giới vật chất.

Con đã hình thành cỗ xe tâm hồn của con như thế nào? Con đã hình thành nó dựa trên sự cá biệt mà Hiện diện TA LÀ của con sẵn có, vì nó được tạo ra với tính cá biệt này. Hiện diện TA LÀ của con có một khuôn đúc cá biệt độc nhất, khác với khuôn đúc của tất cả các sinh thể tự nhận biết khác trong thế giới hình tướng. Con đã tạo ra cỗ xe tâm hồn dựa trên tính cá biệt của Hiện diện TA LÀ của con tuy lúc đó con không hoàn toàn là Hiện diện TA LÀ.

Con cũng tạo cỗ xe tâm hồn dựa trên những trải nghiệm mà con kinh qua trong thế giới vật chất. Nếu con đã đầu thai trên trái đất một thời gian dài, và con chắc chắn đã làm điều này khi con sẵn sàng gia nhập khóa nhập thất của thày, thì tính cá biệt của con, của cỗ xe tâm hồn của con, đã bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm của con trên trái đất. Đời sống con người là như vậy. Tất cả chúng ta đã đi qua tiến trình này khi chúng ta đầu thai trên trái đất.

Công việc giữa tầng 48 và 96 là thanh lọc cỗ xe tâm hồn khỏi ảnh hưởng của tự ngã, nhưng không phải là loại bỏ cỗ xe tâm hồn hay tước tính cá biệt khỏi cỗ xe tâm hồn. Đây là công việc khi con vượt lên trên tầng 96, vì đó là giai đoạn con bắt đầu giải thoát cái Ta Biết khỏi những khía cạnh của cỗ xe tâm hồn không dựa trên sợ hãi.

Ta có thể nói là trong giai đoạn đầu, con xây dựng một cỗ xe tâm hồn trong sạch để con có thể dùng nó để biểu lộ chính mình, nhưng trong giai đoạn sau con bắt đầu ngưng không tự đồng hóa mình với cỗ xe tâm hồn để nhận ra mình là – con – Hiện diện, là một nối dài của Hiện diện. Cỗ xe tâm hồn chỉ là một cỗ xe giúp sự sáng tạo chảy xuyên qua vào thế giới vật chất. Con có thể nghĩ là ở trên tầng 96, con phá bỏ tính cá biệt và cỗ xe tâm hồn mà con đã xây dựng ở dưới tầng 96, nhưng điều này không đúng. Khi con tới tầng 144, con vẫn còn cá tính.

Con có thể thấy là Giê-su có một cá tính rõ rệt. Thánh kinh không mô tả điều này một cách trung thực, nhưng thày có một cá tính. Điều này không là một vấn đề vì thày không tự đồng hóa mình với nó. Có người có thể nhìn sự việc này và nói rằng đấng Ki-tô hiện thân không thể có cá tính như vậy, và dùng điều đó như lý cớ để chối bỏ thày. Một số người gặp gỡ Giê-su thời đó đã hành xử như vậy, nhưng đó là chọn lựa của họ, chứ không phải là trách nhiệm của Giê-su. Con có thể có một số khía cạnh của cá tính con người khi con thăng thiên, nhưng điều này không ảnh hưởng việc thăng thiên. Nó chỉ là một cỗ xe.

Vì sao thày lại giảng con những điều này? Vì nó liên quan đến các khai ngộ mà con sẽ đối mặt ở tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày. Một trong những hủ hóa tình thương mà con phải đối mặt ở khóa nhập thất của thày chính là khuynh hướng nghĩ rằng chân lý chỉ thể hiện theo một cách. Nếu con thực thương yêu ai và muốn giải phóng người đó, thì con phải giúp họ thấy chân lý.

Con yêu dấu, nếu con đứng nhìn mặt trời lặn về phương tây thì con có một tầm nhìn nào đó về thế giới. Nếu con quay người lại và nhìn về hướng khác, thì con không còn thấy mặt trời nữa, phải không con? Khi con, là cái Ta Biết, quay về bên trong và rút ra khỏi cỗ xe tâm hồn, thì con có thể ngước nhìn lên và thấy Hiện diện TA LÀ của con. Có thể con sẽ trải nghiệm chân lý vô điều kiện, nhưng con cũng sẽ trải nghiệm là chân lý vô điều kiện không thể biểu hiện qua ngôn từ, hoặc hình ảnh, lý thuyết hay triết lý.

Nếu bây giờ con quay đầu và nhìn ra thế giới vật chất qua con mắt cỗ xe tâm hồn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc đó con sẽ nhìn thế gian xuyên qua cỗ xe tâm hồn và tính cá biệt nội tại trong nó. Con có thể nhìn vào khái niệm chân lý xuyên qua cỗ xe đó, nhưng điều thày muốn con suy ngẫm là con không thể nào thấy được chân lý tuyệt đối và vô điều kiện xuyên qua cỗ xe tâm hồn của mình.

Ngay nơi đó chính là sự hủ hóa tình thương, khi ý muốn cái gì hơn nữa bị tâm thức sa ngã hủ hóa thành ý muốn cái gì tối hậu. Con có lòng khao khát tự nhiên muốn biết chân lý, nhưng khao khát đó bị hủ hóa thành khao khát muốn biết một chân lý tuyệt đối mà cỗ xe tâm hồn có thể hiểu được.

12.4. Sự thực cao hơn không phải là chân lý duy nhất

Đó là chỗ con tạo bối cảnh gây ra rất nhiều vấn đề trong quan hệ con người mà con có thể thấy trên trái đất, không những trong quan hệ tình yêu mà còn trong đủ loại quan hệ giữa con người. Con người tin rằng điều họ thấy xuyên qua cỗ xe tâm hồn của họ là một chân lý có ý nghĩa cao cả và tuyệt đối. Nhiều khi họ tin rằng một tôn giáo hay hệ thống triết học đã quy định chân lý trong thánh kinh của tôn giáo hay hệ thống đó. Nếu con chấp nhận tôn giáo đó thì con thấy chân lý, vì con chấp nhận những gì tôn giáo đó nói về thế giới, kể cả thế giới tâm linh. Điều này không đúng, vì bất kỳ tôn giáo nào được diễn tả bằng ngôn từ hay hình ảnh của thế gian chỉ có thể đưa ra một ước phỏng của chân lý. Các thày đã nhiều lần nói điều này. Giáo lý vỏ ngoài, ngay cả giáo lý vỏ ngoài mà chính các thày trao truyền, chỉ là phương tiện giúp con vượt lên trên chúng để dạt được kinh nghiệm nội tâm về cái gì không có điều kiện, không thể được diễn tả bằng ngôn từ hay hình ảnh, và chắc chắn là không thể bị hạn chế bởi ngôn từ và hình ảnh.

Thí dụ ta có hai người. Họ đều khao khát chân lý. Họ đều mong muốn tăng triển. Họ nhận ra là điều ngăn trở con người tăng triển là vì họ bị mắc kẹt trong ảo tưởng. Họ nhận ra cách để vượt qua ảo tưởng là nhận ra nó là ảo tưởng, nhưng họ vẫn có thể bị mắc kẹt trong bẫy vi tế của tâm thức sa ngã. Tâm thức sa ngã nói rằng muốn khắc phục dối trá, ta cần thấy chân lý. Điều đúng là muốn khắc phục một dối trá nào đó, ta cần thấy nó là một dối trá. Điều đúng là muốn nhận ra một ảo tưởng nào đó là một dối trá, ta cần thấy một biểu lộ cao hơn của sự thực, nhưng một biểu lộ cao hơn của sự thực không đồng nghĩa với “chân lý duy nhất” theo nghĩa tối hậu.

12.5. Khắc phục ảo tưởng của chân lý tối hậu

Lý do vì sao con bị kẹt trong một ảo tưởng không phải là vì con ngu dốt. Lý do là vì con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Khi con nhìn qua phin lọc nhận thức ở tầng tâm thức đó, thì ảo tưởng giống như thật. Khi con chấp nhận ảo tưởng, đó là vì con thấy nó là sự thật.

Con không ở tầng tâm thức 144, con đồng ý chứ? Ở tầng tâm thức hiện tại của con, con không thể thấy chân lý tối hậu. Ta hãy giả thử là ở tầng tâm thức hiện tại của con, con nhận ra là trong một kiếp trước, khi con ở một tầng tâm thức thấp hơn, con đã chấp nhận một ảo tưởng. Ảo tưởng này đã nằm trong tiềm thức của con từ thời đó và nó ảnh hưởng con. Nó đã trở thành một phàm linh nội tại. Bây giờ thì con thấy phàm linh nội tại đó là giả. Con thấy nó là một khuôn nếp không xây dựng mà con muốn loại bỏ, và sau đó con thấy được ảo tưởng.

Vì sao bây giờ con thấy được một ảo tưởng mà trước kia con tưởng là sự thật? Đó là vì con đã lên một tầng tâm thức cao hơn. Con bây giờ thấy một điều mà trước kia con tưởng là sự thật, thực sự không phải là sự thật mà là một ảo tưởng. Lúc đó, con cần tránh không tin các sa nhân, các thày giả và tự ngã của mình khi chúng thì thầm vào tai con là con đã thấy được chân lý tối hậu. Trái lại, con cần khiêm nhường nhận ra là điều con đang thấy là điều mà con có thể thấy ở tầng tâm thức hiện nay của con, nhưng vì con vẫn ở rất xa tầng 144, nên con chưa thấy được bóng dáng của chân lý tối hậu. Điều con đang thấy thể hiện tầng tâm thức hiện tại của con, nó không phải là chân lý tối hậu.

Bây giờ con cần tiến thêm một bước nữa và nhận ra rằng điều con đang thấy không những là một biểu hiện của tầng tâm thức hiện tại của con, mà nó còn thể hiện cá tính của con, cá tính của cỗ xe tâm hồn của con. Khi con còn xác thân vật lý thì con sẽ không bao giờ thấy được chân lý tối hậu. Con sẽ luôn luôn thấy nó xuyên qua cỗ xe tâm hồn của mình.

Ở đây có hai khía cạnh mà con cần nhận ra. Ở bên dưới là cá tính của cỗ xe tâm hồn của con, và con sẽ giữ một phần cá tính đó cho tới khi con thăng thiên. Ở bên cạnh là con đường song song của tầng tâm thức của con, là một trong 144 tầng. Con càng tới gần tầng 144 thì nhận thức của con càng tinh khiết, nhưng nó vẫn là một nhận thức cá biệt.

12.6. Cạm bẫy nghĩ mình phải thuyết phục người khác

Khi con nhận ra điều trên thì con tránh rơi vào cạm bẫy đã quyến rũ rất nhiều người. Khi con thương yêu một người, muốn giúp người đó, và thấy họ đang bị kẹt trong một khuôn nếp, thì con nghĩ cách duy nhất để giúp họ là khiến họ thấy chân lý như con thấy. Con hãy nhìn lại những quan hệ của con với người khác và nhớ lại những trường hợp mà con thấy một người – có thể là một đồng nghiệp. người thủ trưởng, cha mẹ mình, con cái mình hay vợ chồng – cần phải thấy một điều mà con thấy nơi họ, nhưng chính họ lại không thấy được? Có phải chăng là tất cả chúng ta đã trải qua những trường hợp tương tự khi chúng ta đầu thai trên trái đất này? Các con có đang kinh nghiệm điều này ngay bây giờ chăng?

Bây giờ con hãy suy ngẫm một điểm vi tế khác nữa. Rất có thể là con có một cái nhìn chính xác là người kia cần vượt qua một khuôn nếp, và người đó đang không thấy khuôn nếp đó hay ảo tưởng đằng sau nó. Rất có thể con thấy rõ điều này, và có thể đúng là người đó cần phải thay đổi. Nhưng, người đó sẽ không thay đổi bằng cách thấy sự thật như con thấy.

Tại sao vậy? Đó là tại vì sự thật mà con thấy không phải là chân lý tối hậu và chỉ là một chân lý cá biệt. Nó là chân lý cá biệt của con, dựa trên cá tính của cỗ xe tâm hồn của con và trình độ tâm thức hiện tại của con. Điều con thấy không phải là chân lý. Thật ra con cũng không thấy tình trạng của người kia và mối quan hệ giữa con và người đó một cách khách quan và sáng suốt. Điều con thấy là một cảm nhận do cỗ xe tâm hồn con tạo ra. Con đang nhìn sự việc qua một cặp kính mờ, có pha màu. Điều này không có gì sai trái. Ngay lúc này, con không thể làm gì khác.

Điều mà thày muốn chỉ cho con thấy là người kia bình thường sẽ không thấy điều con cảm nhận, vì người đó có cá tính riêng của cỗ xe tâm hồn của họ và họ cũng có trình độ tâm thức riêng của họ. Người đó có thể có một trình độ tâm thức cao hơn hay thấp hơn trình độ của con. Nếu người đó ở trình độ tâm thức thấp hơn con, cũng không có nghĩa là người đó sẽ nâng tâm thức mình lên bằng cách nhìn thấy điều mà con thấy. Người đó vẫn cần thấy sự việc dựa trên cỗ xe tâm hồn của mình và trình độ tâm thức của mình.

12.7. Tự ngã ham muốn được phổ quát

Một hủ hóa phổ thông của tự ngã là nó không nhìn nhận là nó nhìn tất cả mọi việc như một cảm nhận cá biệt. Tự ngã khát khao biến cảm nhận cá biệt của nó thành một sự việc phổ quát bằng cách khiến người khác chấp nhận nó như “sự thực duy nhất”. Đây là điều thày mong giúp con thấy và chất vấn khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày. Điều mà thày mong giúp con nhận ra là tầm nhìn của con sẽ luôn luôn mang tính chất cá biệt khi con còn hiện thân trong cõi vật chất. Điều mà một người khác thấy cũng luôn luôn mang tính chất cá biệt khi người đó còn hiện thân. Người đó sẽ không tăng triển bằng cách thấy sự việc như con thấy. Người đó sẽ tăng triển khi có một tầm nhìn sáng suốt hơn dựa trên cá tính riêng của họ.

Con lên một tầng cao hơn khi con có một tầm nhìn sáng suốt hơn, nhưng cỗ xe tâm hồn của con vẫn dựa trên tính cá biệt của Hiện diện TA LÀ của con. Phải chăng là thày đang nói là Hiện diện TA LÀ cũng có một tầm nhìn cá biệt về thế giới? Đúng vậy. Con sẽ có một tầm nhìn cá biệt cho tới khi con là một với tâm thức của đấng Sáng tạo. Và có khi còn cao hơn nữa, vì lúc đó con là một đấng Sáng tạo cá biệt. Con sẽ không có tầm nhìn nhị nguyên như khi con còn hiện thân, khi con chưa thăng thiên, nhưng tầm nhìn của con vẫn cá biệt. Làm sao có thể khác hơn được?

Cái gì khiến thày là Paul người Venice, mà không phải là Hilarion? Cái gì khiến thày khác thày Hilarion? Thày Hilarion và thày không là một. Các thày có thể hòa nhập và cộng tác năng lượng của mình khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày, nhưng hai thày không phải là một. Thượng đế không muốn hai thày trở thành một. Khi hai thày tiến triển thêm trên con đường tiến hóa của mình, sẽ không có một điểm mà hai thày sẽ mất tính cá biệt của mình. Con có nghĩ rằng Alpha và Omega không có cá tính chăng? Dĩ nhiên là không phải vậy. Không ai mất đi cá tính của mình. Con nâng nó lên trình độ càng ngày càng cao hơn. Thày biết là tâm đường thẳng, tâm phân tích không dễ hiểu được điều này, nhưng con nên suy ngẫm với tâm thức hiện tại của con.

12.8. Hai người bạn đời sẽ không thấy bất kỳ chuyện gì hoàn toàn giống nhau

Điều thày có thể làm ở khóa nhập thất của thày là chỉ cho con thấy là cỗ xe tâm hồn của con ảnh hưởng cái nhìn của con về mọi chuyện trên thế gian này. Cái Ta Biết của con có khả năng bước ra ngoài phin lọc nhận thức của cỗ xe tâm hồn. Con có thể trải nghiệm một thực tại cao hơn, nhưng khi con nhìn về thế gian, khi con không nhìn về Hiện diện TA LÀ, thì con thấy sự việc xuyên qua phin lọc nhận thức của cỗ xe tâm hồn.

Người phối ngẫu trong quan hệ tình yêu của con sẽ không bao giờ – không bao giờ – nhìn đời giống y như con. Đây là một trong những nguyên do phổ thông nhất tạo xung đột trong quan hệ tình yêu. Con nghĩ, vì con đã được dạy dỗ để nghĩ như vậy, là con có sự thu hút với người bạn đời vì người đó rất giống con. Nhưng sự thực là con có sự thu hút với người bạn đời vì người đó có thể giúp con thấy điều gì đó nơi mình bằng cách phơi bày nó ra. Người đó phơi bày bằng cách nào? Bằng cách khiến con phản ứng lại điều họ làm, chứ không phải bằng cách khiến con thấy sự việc giống như họ thấy.

Thày biết là điều thày vừa nói không giúp các quan hệ tình yêu vận hành suôn sẻ. Đa số không có khái niệm là họ cần nhìn vào cách họ phản ứng lại người bạn đời của họ để khám phá ra những vấn đề tâm lý chưa giải quyết của họ. Thay vào đó, họ nghĩ rằng, trong một quan hệ tình yêu lý tưởng, hai người phối ngẫu nên nhìn sự việc y như nhau. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Ngay cả nếu điều này có thể xảy ra, thì nó cũng sẽ không giúp con tăng triển.

Chuyện gì xảy ra khi thày hợp lại với thày Hilarion? Chuyện xảy ra là thày nhận ra là thày Hilarion không nhìn sự việc giống như thày. Vì thày là một chân sư thăng thiên, thày không thấy điều đó là một mối đe dọa. Thày nhận ra là thày Hilarion có một quan điểm khác, và điều này có thể giúp thày nhìn vấn đề một cách khác hơn và giúp thày thấy được một cách giải quyết rộng rãi hơn. Đây là sức mạnh của sự khác biệt. Khi thày thấy thày Hilarion nhìn tình hình khác thày, thì ý niệm bản ngã của thày được mở rộng. Thày Hilarion cũng mở rộng ý niệm bản ngã của mình khi thấy thày nhìn tình hình một cách khác.

Đây là trạng thái lý tưởng cho các quan hệ tình yêu trên trái đất. Nhưng điều này không xảy ra vì con người đã bị lập trình để tin một cách lệch lạc rằng, nếu muốn có một quan hệ hài hòa thì hai người bạn đời phải nhìn sự việc giống y như nhau. Nếu con muốn có một quan hệ hài hòa thì con cần nhận ra là cách con nhìn đời là một tầm nhìn cá biệt, và người bạn đời của con không nên nhìn sự việc giống như con và chấp nhận tầm nhìn của con. Người bạn đời của con nên mở rộng tầm nhìn cá biệt của vị ấy, nhưng tầm nhìn này phải được phép giữ cá tính của nó.

Nếu cả hai người trong quan hệ tình yêu đều chấp nhận điều này, và cho phép người kia phát triển theo cách của riêng họ, thì con có thể có một quan hệ hài hòa giúp cả hai tăng triển. Nếu một trong hai người bạn đời không nhận ra điều đó và tiếp tục đòi hỏi người kia phải nhìn đời theo ý mình, thì con không thể có một quan hệ hài hòa. Điều này giản dị không thể có được. Con có thể làm gì để khắc phục khuôn nếp lệch lạc này trong quan hệ tình yêu?

12.9. Phin lọc nhận thức khiến giao tiếp bị che mờ

Ở khóa nhập thất của thày, thày chỉ cho con thấy rõ điều gì xảy ra khi con ở trong một tình huống có sự bất đồng ý kiến hay quan điểm. Thày có thể chỉ cho con trên một màn ảnh cách con nhìn vào tình huống này. Thày có thể chỉ cho con thấy là quan điểm của con bị pha màu. Thày có thể chỉ cho con thấy bằng hình ảnh.

Nếu con muốn có một sự so sánh thô thiển, thì con hãy thử tưởng tượng một cảnh thiên nhiên rất đẹp. Thày cho con đeo vào một cặp kính màu. Con đã nhìn thấy quang cảnh trong khi không đeo kính và con nhìn thấy quang cảnh khi đeo kính, do đó con thấy được là cảm nhận cá biệt của con đã pha màu điều con thấy. Sau đó, thày cho con đeo một cặp kính khác, là cặp kính của người bạn đời của con, và lúc đó con thấy quang cảnh hiện lên ra sao cho người bạn đời của con. Con thấy là cặp kính của con đã loại bỏ một số khía cạnh của quang cảnh khiến con không thấy chúng. Cặp kính đó cũng nhấn mạnh một số khía cạnh khác, khiến chúng trở nên quan trọng hơn với con. Chúng ta có thể thấy kết quả qua một đồ hình: điều gì đã bị nhận thức của con loại đi, và điều gì đã được nhấn mạnh?

Sau đó, thày chỉ cho con thấy đồ hình của tình huống dưới mắt người bạn đời của con mà không có pha màu. Sau đó thày chỉ cho con đồ hình của cách con nhận thức: điều gì bị loại bỏ và điều gì được nhấn mạnh. Sau đó thày chỉ cho con thấy đồ hình của cách người bạn đời của con nhận thức: điều gì bị loại bỏ và điều gì được nhấn mạnh. Con có thể thấy là có một số trường hợp điều mà phin lọc nhận thức của con nhấn mạnh (tức là thấy quan trọng) lại bị phin lọc nhận thức của người bạn đời của con loại bỏ.

Làm sao mà hai con có thể hiểu nhau khi người bạn đời của con không thể thấy một điều mà con cho là rất quan trọng? Như con đã trải nghiêm nhiều lần, hai con nói mà như người kia không nghe. Tình trạng này giống như hai người đang không dùng cùng một ngôn ngữ. Các con có thể đang nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng La tinh, nhưng các con đang không dùng một ngôn ngữ giúp các con thông cảm. Bây giờ thì con thấy lý do vì sao, và khi con bắt đầu thể nhập ý nghĩa của điều đang xảy ra thì con bắt đầu thấy, một cách ý thức, cách cải thiện sự giao tiếp với người bạn đời của mình.

Để bắt đầu con cần vượt qua niềm tin lệch lạc là người bạn đời của con có thể nhìn đời giống như con. Sau đó con cần vượt qua niềm tin lệch lạc là mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu người bạn đời của con nhìn đời giống như con. Sau đó con tiến tới tôn trọng sự việc người bạn đời của con không nhìn đời giống con là điều thuận lý, vì người đó lúc nào cũng sẽ nhìn đời xuyên qua phin lọc nhận thức của họ – và tầm nhìn này lúc nào cũng có tính cá biệt. Thay vì bắt đầu một trò chơi quyền lực nhằm ép người bạn đời của mình nhìn đời giống mình, thì con có thể tránh dùng áp lực. Chuyện gì hay xảy ra trong nhiều cuộc đối thoại giữa hai người bạn đời? Một trong hai người trở nên bực bội và muốn người kia nhìn đời giống mình. Sau đó, người đó tìm cách đổ lỗi hay khiến người kia cảm thấy tội lỗi, hay dùng một tình cảm nào khác dựa trên sợ hãi, để khiến người kia chấp nhận cảm quan của mình.

Phương pháp này có bao giờ thành công? Nó có bao giờ đưa tới một cuộc đối thoại xây dựng giữa hai người chăng? Câu trả lời dĩ nhiên là không, vậy tại sao con lại cứ muốn tiếp tục khuôn nếp này? Cách duy nhất để vượt ra khỏi khuôn nếp là tôn trọng sự việc người bạn đời của mình không nhìn đời giống mình là điều thuận lý. Điều thuận lý là người bạn đời của con nhìn đời theo cách của họ. Điều con có thể làm là nói cho người bạn đời cách con nhìn đời, cách con cảm nhận tình hình. Con cũng có thể tìm cách giúp người bạn đời của con thấy rõ họ thấy hay cảm nhận hoàn cảnh như thế nào.

12.10. Giúp hai người bạn đời giao tiếp rõ ràng

Con người thường không rõ họ đang thấy hay cảm nhận một hoàn cảnh như thế nào. Con có thể giúp người bạn đời của con thấy rõ, nhưng con không được tìm cách ép uổng người đó nhìn đời giống như con. Con cần phải lựa chọn muốn người bạn đời của mình nhìn đời giống mình, hay giúp người đó thấy rõ cảm nhận cá biệt của mình là gì.

Nếu con chọn giúp người bạn đời thấy rõ cảm nhận cá biệt của mình, thì đây là nền móng để tạo nên một mối giao tiếp xây dựng giữa hai người. Nếu cả hai người bạn đời đều chọn cách này, thì các con có được một mối giao tiếp xây dựng giúp con giải quyết sự căng thẳng và xung đột vì không ai muốn ép uổng người kia phải nhìn đời “giống mình”. Con có thể chấp nhận những khác biệt của nhau như một điều tích cực, một chất xúc tác giúp tăng triển.

Rất có thể là khi các con giúp nhau giao tiếp rõ ràng và tôn trọng ý mỗi người phát biểu, thì các con sẽ nhận ra hai người giản dị rất khác nhau. Lúc đó các con cần phải lựa chọn. Các con có thể xây dựng một quan hệ đựa trên sự tôn trọng khác biệt chăng? Các con có thể vượt qua ước muốn không thể đạt được muốn tìm một người bạn đời hoàn toàn giống mình và luôn luôn nhìn đời giống mình? Các con có thể chấp nhận một người bạn đời khác mình, và thấy điều này như một nguồn tăng triển và dùng nó một cách xây dựng? Cũng có thể là các con sẽ thành thực nhận ra là sự khác biệt giữa hai người quá lớn, và do đó hoặc các con không thể chung sống trong một quan hệ xây dựng, hoặc các con không thể hỗ trợ nhau thực hiện Sứ vụ Thiêng liêng của mình vì quá khác nhau.

Có thể là sau khi đã trao đổi với nhau rõ ràng, điều chính đáng là hai người chia tay và đi con đường riêng của mình. Lúc đó, các con có thể làm việc này một cách an bình và hài hòa hơn là nếu mối quan hệ tan vỡ vì giao tiếp lệch lạc.

Thày tìm cách giúp học viên đến khóa nhập thất của thày thấy rõ cách họ giao tiếp, cách họ cảm nhận sự thật và khả năng giao tiếp một cách cởi mở. Sau khi thày đã làm việc với người học viên một thời gian, thì thày tìm cách giúp người học viên thấy vấn đề thực, sâu thẳm trong sự giao tiếp giữa con người. Các học viên có khi khó hiểu được điều này.

Trước khi thày khai triển điều này, thì thày muốn nói như sau: Nếu cả hai vợ chồng có thể tới khóa nhập thất của thày cùng một lúc, và cả hai có cùng trình độ tâm thức, thì thày có thể làm việc đồng thời với cả hai người và giúp họ (khi họ ở trong trạng thái tâm ý thức) giải quyết nhiều chuyện trong quan hệ giữa họ. Nhưng thực tế là rất ít khi người vợ và người chồng cùng lúc ở cùng một trình độ tâm thức.

Khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày, thì thường khi người bạn đời của con ở tầng tâm thức thấp hơn con, nhưng cũng có trường hợp hiếm hoi là vị ấy ở tầng tâm thức cao hơn. Điều này khiến người phối ngẫu của con khó chấp nhận điều mà con đã chấp nhận về việc giao tiếp, và do đó con cần phải kiên nhẫn và chịu đựng khi làm việc với người phối ngẫu của mình. Nếu con mang được xuống tâm ý thức những điều con học được ở khóa nhập thất của thày, thì con cũng không thể đòi hỏi người phối ngẫu của con, đang có trình độ tâm thức nhiều bước dưới con, phải cải thiện cách cư xử. Một lần nữa. con cần kiên nhẫn.

12.11. Vấn đề sâu thẳm trong sự giao tiếp giữa con người

Vấn đề sâu thẳm trong sự giao tiếp giữa con người là gì? Điều gì thường ngăn chặn sự giao tiếp giữa con người? Con có một tiêu chuẩn vỏ ngoài khiến con nghĩ rằng quan hệ hài hòa dựa trên sự giống nhau. Ở trình độ tâm thức hiện tại của con, còn ở xa dưới tầng 144, con vẫn còn nhiều thành phần của tự ngã, và tự ngã luôn luôn cảm thấy bị đe dọa bởi khác biệt.

Mục đích của con gồm hai khía cạnh. Khía cạnh “mục đích” là quan hệ hài hòa, và khía cạnh “làm sao” là cách để đạt mục đích. Con nghĩ con chỉ thực hiện được mục đích bằng cách biến người bạn đời giống mình, tìm một người bạn đời giống mình hay khiến người bạn đời nhìn đời giống mình. Con nghĩ rằng nếu cả hai người nhìn đời giống nhau, thì con sẽ có một quan hệ hài hòa. Nhưng trên thực tế, con sẽ có một quan hệ chết trong đó không có tăng triển.

Vấn đề trong quan hệ giữa con người là con tìm cách thiết lập một trạng thái thường trực có tính chất thiên đàng trong thế giới vật chất. Thực tế sâu thẳm, mà các thày tìm cách giúp con nhận ra trong khóa học này, là thế giới vật chất luôn luôn ở trong trạng thái chuyển tiếp – và điều này rất tốt!

Con hãy đón nhận sự chuyển tiếp! Con hãy đón nhận thay đổi. Con hãy trôi theo Dòng Sông sự Sống. Con đừng tìm cách ngưng bất kỳ điều gì trên trái đất ở một trạng thái nào đó. Con đừng tìm hạnh phúc nơi điều kiện vỏ ngoài của thế gian. Con hãy tìm hạnh phúc bên trong, bằng cách tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống.

Nếu con lúc nào cũng tìm cách giao tiếp dựa trên ý niệm tìm cầu hài hòa, thì rất có thể con sẽ tìm cách dùng áp lực để khiến người bạn đời của con nhìn đời giống con. Hoặc con rơi vào khuôn nếp khác cũng rất phổ thông trong sự giao tiếp giữa con người, là con không nói một điều nào đó vì con không muốn làm người bạn đời bực bội.

Vấn đề thực trong sự giao tiếp giữa con người, là hầu như con không bao giờ nói một cách tự do với người khác. Tình trạng này phổ quát trên trái đất đến độ học viên không thấy hay không tin là có thể giao tiếp một cách tự do với một người khác. Đây là kết quả của kinh nghiệm sống của con. Con gặp một người, con nói một chuyện mà con nghĩ hoàn toàn vô sự, và đột nhiên người kia cảm thấy bị va chạm và trở nên rất bực bội. Con ngồi đó và không hiểu tại sao người đó lại phản ứng như vậy.

Khi con đã trải nghiệm điều này nhiều lần với cha mẹ, anh chị em, thày giáo, vợ chồng hay con cái, thì con tạo một khuôn nếp khiến con không tin mình có thể tự do phát biểu. Con lúc nào cũng tìm cách lượng định xem người kia sẽ phản ứng ra sao trước khi con nói điều gì. Như vậy làm sao con có thể tự do giao tiếp?

12.12. Cố gắng đạt được tự do giao tiếp

Thày muốn cho con một mục đích khác. Khi con có một quan hệ tình yêu, con đừng đặt mục đích tạo một quan hệ hài hòa. Con hãy đặt mục đích cố gắng tạo điều kiện để cả hai có thể phát biểu tự do.

Con hãy tìm cách giúp nhau tới điểm cả hai người không phản ứng với nhau qua tự ngã. Con hãy đặt mục đích cho người kia tự do phát biểu mà không sợ phản ứng tiêu cực của con. Con hãy cho mỗi người quyền tự do ngôn luận.

Con hãy suy ngẫm về quyền tự do ngôn luận được coi là được hiến chương các nước dân chủ bảo đảm. Trong bất cứ xã hội nào, ngôn luận có thực sự tự do chăng khi con nói điều gì và bị một phản ứng tiêu cực khiến mình rất khó chịu? Con có thực sự được hoàn toàn tự do nói điều mình muốn nói? Thày không nói rằng có thể có một xã hội trong đó con người có quyền tự do nói bất cứ điều gì mình muốn mà không bị phản ứng từ một số người nào đó.

Thày cũng không nói rằng, trong một quan hệ giữa hai người, con có thể nói bất cứ điều gì con muốn mà không bị người kia phản ứng. Con có thể đặt mục đích cho mỗi người quyền tự do nói bất cứ gì họ muốn, và sau đó, cho người kia quyền tự do nói lại bất cứ gì người đó muốn dựa trên phản ứng của họ.

Nếu con cố gắng thì có thể tới điểm con không phản ứng dựa trên sợ hãi, dù người kia nói điều gì khiến con phản ứng. Điều con có thể làm là nói: “Vợ hay chồng tôi nói điều này. Tôi cảm thấy phản ứng này nơi tôi, nhưng thay vì biểu lộ phản ứng này bằng cách tỏ ra bực bội, tôi sẽ đứng lùi lại và mô tả phản ứng của tôi cho vợ hay chồng tôi.” Có điểm khác biệt giữa cảm thấy giận và phát biểu sự giận dữ đó bằng lời nói, và cảm thấy giận và bước ra ngoài cảm giác giận và nói với người vợ hay chồng: “Hãy để tôi mô tả tôi cảm thấy gì khi anh/em nói điều này.”

Khi con làm như vậy, thì con khiến cuộc giao tiếp đỡ căng thẳng. Một người phối ngẫu có thể nói bất cứ điều gì họ muốn và người kia không cần phải đè nén phản ứng, vì đây không phải là một khuôn nếp lành mạnh. Thay vào đó, con có thể mô tả phản ứng của mình, và con có tự do làm điều này. Điều này giúp người phối ngẫu nhận ra rằng, khi họ phát biểu cách nào đó thì họ tạo phản ứng nơi con. Lúc đó, con có thể nhìn phản ứng của mình và xem có cách nào để vượt qua nó.

Trong nhiều trường hợp, con sẽ thấy là người phối ngẫu của con hoàn toàn không biết là con đã phản ứng như vậy và tại sao con lại phản ứng như vậy. Người phối ngẫu của con không có ý định làm con giận dữ (hay có cảm xúc nào khác). Sau đó, các con có thể bắt đầu thảo luận chuyện gì đã xảy ra. Con có thể bắt đầu hỏi vì sao người phối ngẫu của con lại cần nói điều khiến con giận dữ. Khuôn nếp nào đã khiến cho người phối ngẫu của con nói chuyện đó? Người phối ngẫu của con phản ứng ra sao khi con giận dữ, khi con biểu lộ sự giận dữ? Con có thể dần dần xây dựng sự thông cảm khiến con không phản ứng lại nhau dựa trên nỗi sợ bị đe dọa hay bị hất hủi.

12.13. Kết quả của giao tiếp lệch lạc

Khi con giao tiếp lệch lạc và muốn người phối ngẫu của con nhìn đời giống mình, thì kết quả là gì? Thày đã nói là ước muốn khiến người phối ngẫu của mình nhìn đời giống mình là điều hoàn toàn không thể làm được, do đó điều đó sẽ không xảy ra. Con cảm thấy gì khi người phối ngẫu của con không nhìn đời giống con? Con cảm thấy bị hất hủi!

Khi con xây dựng phương thức giao tiếp tự do mà thày đã trình bày, con sẽ tới điểm cả hai người bạn đời không cảm thấy bị hất hủi khi không được hiểu. Con cũng có thể tới điểm bắt đầu thấy việc người bạn đời không nhìn đời giống mình là một điều lợi ích. Điều đó giúp con có một tầm nhìn rộng rãi hơn, và giúp con mở rộng ý niệm bản ngã của con và khả năng phản ứng một cách xây dựng.

Khi thày và học viên quan sát các mối quan hệ trên trái đất ở khóa nhập thất của thày, ta có thể thấy một cách dễ dàng vì sao sự giao tiếp giữa con người hay bị ngăn chặn. Có rất nhiều trường hợp hai người bạn đời ngồi đó và cảm thấy có sự căng thẳng giữa họ, và một hoặc cả hai ngậm miệng và không dám phát biểu những gì họ cảm thấy. Điều này chỉ khiến tình thế trở nên căng thẳng hơn. Nó tích lũy năng lượng sợ hãi vì khi con đè nén cảm xúc của mình thì con tạo ra năng lượng sợ hãi.

Tại sao con lại đè nén cảm xúc của mình? Con sợ phản ứng sẽ hướng tới con khi con phát biểu cảm xúc của mình, do đó chính sự sợ hãi đã đè nén cảm xúc của con. Con sợ sự phản ứng đến độ sự sợ hãi của con mạnh hơn cảm xúc của con do đó con đè nén cảm xúc. Điều này chỉ có tác dụng gia tăng sự căng thẳng. Nó tạo ra niềm uất hận đối với người bạn đời, vì con nghĩ rằng chính vì lỗi người đó mà con không phát biểu được cảm xúc của mình. Phải chăng đó là lỗi người bạn đời của con, hay đó chỉ là sự vận hành lệch lạc của các quan hệ trên trái đất, đã được tạo ra trong hoàn cảnh dễ đưa tới thất bại? Con có thể bắt đầu bước ra ngoài tiến trình này chăng, nhận biết nó một cách ý thức, và làm việc với nhau cho tới khi con cho phép mỗi người nói điều gì họ cần nói, và cho phép người kia nói điều người đó cần nói để trả lời? Thay vì phản ứng dựa trên sợ hãi chỉ có tác dụng tạo ra một vòng xoắn hướng hạ càng ngày càng ngăn trở sự giao tiếp giữa hai người, thì con có thể dần dần xây dựng một vòng xoắn hướng thượng mở rộng dòng chảy giao tiếp giữa hai người.

12.14. Quan hệ hài hòa và giao tiếp tự do

Con yêu dấu, có thể con mơ ước có một quan hệ hài hòa, nhưng nó không thể thành tựu bằng cách trấn áp sự giao tiếp. Quan hệ hài hòa không thể có được khi cả hai người bạn đời, hay ngay cả chỉ một người, không dám phát biểu tự do. Nếu con tới điểm cả hai người có thể phát biểu tự do, thì con có thể có một quan hệ hài hòa, nhưng con sẽ có một quan hệ giúp tăng triển. Khi con trao người kia quyền tự do, thì con cũng tự cho mình quyền tự do, và do đó căng thẳng tan biến. Phải chăng chính căng thẳng đã tạo ra bất hài hòa?

Con không xây dựng hài hòa bằng cách tạo sự giống nhau. Con xây dựng hài hòa bằng cách xây dựng giao tiếp tự do cho phép khác biệt được phát biểu tự do mà không tạo căng thẳng. Đó là điều các thày tìm cách dạy con ở tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày.

Người phối ngẫu của con có thể không ở cùng trình độ tâm thức với con, nhưng vị đó vẫn có thể chấp nhận một số ý mà thày vừa trình bày. Con có thể dùng các ý này trong tâm ý thức của con để cải thiện sự giao tiếp trong tất cả các mối quan hệ của con. Con có thể sẽ gặp trường hợp người kia không chịu thay đổi, nhưng đó sẽ chỉ là một cơ hội để con mở rộng khả năng giao tiếp tự do của mình. Và con sẽ rốt cuộc tuôn chảy về một tình huống khác.

Con có thấy chăng điều thày muốn dạy con ở đây? Con đừng tìm cách ép uổng khi ở trong một mối quan hệ. Con hãy làm việc để cải thiện chính mình, con hãy tiếp tục làm như vậy, bất kỳ người kia phản ứng ra sao. Lúc đó, con sẽ càng ngày càng buộc chặt mình vào Dòng Sông sự Sống cho tới ngày con có thể buông bỏ các mối dây ràng buộc con vào một cảnh huống và tuôn chảy đi, bất kỳ sự tuôn chảy này diễn đạt ra sao trên cõi vật lý.

Sứ vụ Thiêng liêng của con quan trọng hơn bất cứ quan hệ nào. Nếu cả hai người đều theo con đường tâm linh, thì họ phải có khả năng chấp nhận điều này cho cả hai người. Con không thể chờ đợi người bạn đời của con tạm ngưng hay hủy bỏ một phần quan trọng của Sứ vụ Thiêng liêng của người đó để duy trì một quan hệ mà con coi là đúng hay hài hòa. Nếu cả hai con đều thấy rõ Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con sẽ thấy là cả hai người sẽ thực thi được Sứ vụ Thiêng liêng của mình trong lúc cả hai có quan hệ với nhau. Hoặc con thấy cả hai không thể thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của mình và vẫn có quan hệ với nhau, lúc đó các con sẽ chia tay trong sự hài hòa, hiểu biết và chấp nhận.

Khi con mở rộng tầm nhìn của mình và nhận ra tầm nhìn của mình không phải là chân lý tối hậu, con sẽ càng ngày càng tự do tuôn chảy và để người khác tuôn chảy. Đây là căn bản để bắt đầu phụng sự sự sống, thay vì nghĩ rằng sự sống phải phục vụ mình – hay đúng hơn là phục vụ tự ngã, và cảm nhận nhị nguyên, vị kỷ của nó. Dĩ nhiên, đây là đề tài của các khai ngộ ở tầng kế tiếp, tầng của tia thứ sáu.

Bây giờ thì thày chúc con chiêm nghiệm niềm vui của sự giao tiếp hoàn toàn tự do với một người khác. Đây có thể là một trải nghiệm rất mãn nguyện. TA LÀ Paul người Venice.

Tình thương và Tinh khiết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 6/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice, Thượng sư của Tia thứ Ba. Vì sao, ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày, việc con trải nghiệm tình thương vô điều kiện lại tối quan trọng? Vì sao việc con nhận biết có ý thức tình thương vô điều kiện và biết rằng mình được thương yêu vô điều kiện lại tối quan trọng? Các trải nghiệm này quan trọng vì chúng sửa soạn con đối mặt các khai ngộ ở tầng thứ tư là nơi năng lượng của tình thương phối hợp với Tia thứ Tư là tia của Tinh Khiết. Tinh khiết lúc nào cũng là một thách đố cho các đệ tử đang đi trên con đường tâm linh.

10.1. Những khai ngộ của Tia thứ Tư

Mục đích của ba tia đầu là chuẩn bị con đón nhận những khai ngộ về tinh thiết. Thách đố chính của tinh khiết là khi con gặp Tia thứ Tư, ánh sáng trắng xuyên suốt của nó phơi bày những bợn nhơ trong con người con. Rất có thể là khi con thấy những bợn nhơ mà trước kia con không thể hay không muốn thấy, con bị xáo trộn nhiều. Con bắt đầu cảm thấy là nếu con có nhiều bợn nhơ như vậy, làm sao con được cứu rỗi? Khi con đã trải nghiệm là tình thương của Thượng đế vô điều kiện, thì con biết là bất kể những điều bợn nhơ mà con khám phá trong con người mình, con không bao giờ mất tình thương vô điều kiện của Thượng đế.

Những bợn nhơ mà con khám phá chỉ có thể là điều kiện trong thế giới vật chất. Làm sao các điều kiện trong thế giới vật chất lại có thể khiến con không xứng đáng nhận tình thương vượt lên trên điều kiện và đến từ một cõi cao? Thày biết là con hiểu được điều này bằng trí năng, nhưng con sẽ không sẵn sàng đón nhận các khai ngộ của tầng thứ tư khi con chưa trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Dĩ nhiên là thày sẽ không cho phép con đối diện các khai ngộ đó nếu con chưa sẵn sàng, vì con có thể rơi vào vòng xoáy hướng hạ của mặc cảm tự trách.

10.2. Nỗi đau đớn không thể tránh khi thấy bợn nhơ

Thày rất muốn giúp con đi con đường tu một cách suôn sẻ, nhưng thày phải nói là ở tầng thứ tư có một điều không thể tránh. Một trong những bợn nhơ mà con thấy trong con người mình chính là khuynh hướng lên án, phán xét và miệt thị mình. Con có khuynh hướng này nếu con đã sống và lớn lên trên trái đất. Không thể có cách nào khác vì hành tinh đã quá thấm đẫm tâm thức phán xét của sa nhân. Tất cả các con có khuynh hường này khi tới khóa nhập thất của thày. Không ai có thể tránh được.

Khi con khám phá là con có khuynh hường phán xét, một điều không thể tránh là con sẽ phán xét mình là đã có cái bợn nhơ đó. Con không hoàn toàn giải thoát khỏi tâm thức đó. Con yêu dấu, con có thấy chăng? Con có thấy cách chuyện này vận hành chăng? Làm cách nào để con tẩy sạch một bợn nhơ? Con phải bắt đầu bằng cách thấy có ý thức là mình có bợn nhơ đó. Lúc con thấy con có bợn nhơ thì con vẫn còn có nó; con chưa giải thoát khỏi nó. Khi con thấy con có một bợn nhơ, con sẽ có khuynh hướng phản ứng qua bợn nhơ phán xét chính mình. Ở tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày, có một nỗi đau đớn không thể tránh được. Đúng ra, có một nỗi đau đớn không thể tránh được ở mỗi tầng trên con đường tu.

Chúng ta, những người đã từng đầu thai trên trái đất, chúng ta biết là chúng ta không thoải mái khi nhìn lại chính mình và thấy mình có bợn nhơ, thấy mình có một khuôn nếp tai hại cho chính mình. Con sẽ không bao giờ thoải mái khi con thấy điều này. Con sẽ bị chấn động, nhưng nếu con đã trải nghiệm tình thương vô điều kiện, thì con có thể bắt đầu tìm được cách để đối phó tích cực với sự chấn động này.

Chuyện gì xảy ra khi con trải nghiệm tình thương vô điều kiện? Phần nào của con, của tâm lý, con người của con trải nghiệm tình thương vô điều kiện? Con có nghĩ là tự ngã có thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện chăng? Dĩ nhiên là không. Trí năng phân tích có thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện chăng? Không đâu, vì nó sẽ muốn cho tình thương một số đặc tính để nó phân tích và phân loại. Tình thương vô điều kiện không có điều kiện vì nó vượt lên trên tất cả những gì có thể được quy định trên trái đất.

Chỉ có một phần trong con người con có thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện, đó là cái Ta Biết. Con chỉ có thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện khi cái Ta Biết bước ra ngoài cỗ xe gọi là tâm hồn, hay bốn thể phàm, tâm vỏ ngoài, tự ngã hay tên nào khác dùng để chỉ tổng hợp mà con dùng như một cỗ xe để biểu hiện trong thế giới vật chất. Khi con bước được ra ngoài nó, dù chỉ trong một khoảng khắc, đó là lúc con trải nghiệm sự vô điều kiện.

10.3. Cái Ta Biết không phản ứng

Một khi con đã trải nghiệm điều này một cách ý thức thì con có thể dùng kinh nghiệm đó để xem xét cách con phản ứng khi con phải đối đầu với điều gì đó mà con thấy trong tâm mình. Con có thể bắt đầu tự hỏi: “Cái gì đang phản ứng như vậy? Có phải là cái Ta Biết, là con người thực của mình, hay là một khía cạnh của tâm hồn là cỗ xe vỏ ngoài, hay là tự ngã, hay là một phàm linh nội tại, hay là một thói quen mà tôi đã tu bồi?” Đó là lúc con bắt đầu thấu hiểu lý do chính đã thúc đẩy các thày truyền giáo lý về cái Ta Biết. Sự thực trần trụi, thoạt tiên khó lĩnh hội, là cái Ta Biết không phản ứng lại bất cứ điều gì trên trái đất.

Chắc con có nghe câu chuyện Phật Thích ca ngồi tọa thiền dưới cội Bồ đề, và trước khi ngài nhập Niết bàn, thì ác ma Mara xuất hiện để cám dỗ ngài. Ác ma tìm đủ mọi cách để khiến ngài phản ứng, nhưng vì ngài đã hiểu thấu suốt là ngài là sự nhận biết thuần khiết và không là bợn nhơ nào của tâm phàm phu, nên ngài đã giữ tâm vững chãi và không phản ứng. Ngài không còn điều kiện nào trong tâm nên ác ma không có gì để khiến ngài phản ứng do có điều kiện.

Điều này thoạt tiên rất khó hiểu. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên không hiểu được chuyện này, và có khi họ còn dùng nó để chối bỏ ý niệm cái Ta Biết. Con dễ chối bỏ một điều gì nếu con không thích hệ quả của nó. Thày bảo đảm với con là tự ngã không muốn biết là cốt lõi con người không phản ứng lại bất cứ điều gì trên trái đất. Vì sao vậy? Tự ngã dùng cách gì để nắm bắt con? Băng cách khiến con phản ứng.

Con có thể nghĩ câu nói trên mâu thuẫn. Cái Ta biết không phản ứng lại bất cứ điều gì trên trái đất, nhưng tự ngã có thể nắm bắt con khi nó khiến con phản ứng. Làm sao lại có thể như vậy? Chuyện này có thể xảy ra vì cái Ta Biết không phản ứng khi nó biết nó là nhận biết thuần khiết, nhưng cái Ta Biết có thể nhập vào một phàm linh nội tại hay một phin lọc nhận thức. Lúc đó cái Ta Biết trải nghiệm thế giới xuyên qua phin lọc đó, và phin lọc phản ứng. Khi cái Ta Biết quên mình là nhận biết thuần khiết và tự đồng hóa với phin lọc, thì cái Ta Biết trải nghiệm là nó đang phản ứng.

Làm sao con trở nên giống Phật? Bằng cách bắt đầu nhận biết là, tuy có một tiến trình trong tâm con phản ứng lại thế giới bên ngoài, tiến trình này không phải là con. Con hơn thế. Khi con trong lọc cái Ta Biết khỏi tất cả ảo tưởng của màn huyễn Maya – ảo tưởng rằng con là cái này cái kia trên trái đất – thì lúc đó con nhận biết rằng con là nhận biết thuần khiết. Khi con biết con là nhận biết thuần khiết, con biết con không cần phản ứng lại bất cứ điều gì trên trái đất.

Thật ra con không phản ứng. Con trở nên một cánh cửa mở khi con trải nghiệm một điều kiện trên trái đất, nhưng con không phản ứng lại nó. Con để kinh nghiệm đó đi thẳng tới Hiện diện TA LÀ của con. Con cho phép Hiện diện trải nghiệm và xứ lý điều kiện đó, tạo ra một kinh nghiệm tích cực, nâng đỡ sự sống và bỏ nó vào căn thể của con. Con có thấy điểm khác biệt cơ bản chăng?

Khi cái Ta Biết quên nó là ai, nó tưởng nó là một sinh thể độc lập, tách biệt. Lúc đó, cái Ta Biết tưởng rằng nó phải phản ứng lại tất cả mọi chuyện trên trái đất, phải làm chuyện gì đó trên thế gian này, phải thành tựu điều gì, phải nhận lãnh trách nhiệm. Con tưởng con là người hành động, như Giê-su đã giảng mấy ngàn năm trước đây: “Tự ta không làm được điều gì cả.”

Khi cái Ta Biết tưởng nó là người hành động, nó tưởng nó là người phải xử lý mọi chuyện đang xảy ra trên trái đất. Con không cần phải xử lý bất cứ chuyện gì xảy ra trên trái đất. Con trải nghiệm nó, và con để kinh nghiệm đó lên tới Hiện diện TA LÀ và để Hiện diện TA LÀ xử lý kinh nghiệm. Và con chờ. Nếu cần có một phản ứng bên ngoài, thì con để nó tới từ Hiện diện thay vì quyết định với tâm vỏ ngoài phải đáp ứng làm sao.

10.4. Con không phải phản ứng ngay tức khắc

Một trong những cách chính mà sa nhân, tự ngã của con, và người khác dùng để giựt dây con là đẩy con vào tình thế khiến con cảm thấy: “Đây là một chuyện tôi phải phản ứng ngay bây giờ! Không có thì giờ bước ra ngoài tâm vỏ ngoài, để kinh nghiệm dâng lên Hiện diện TA LÀ, và đợi câu trả lời của Hiện diện một cách bình tĩnh và vô tư.” Những người đó muốn con nghĩ là con không có thì giờ. Con phải phản ứng ngay bây giờ. “Tôi muốn một câu trả lời ngay bây giờ. Quý vị phải phản ứng ngay bây giờ.”

Con có thấy chăng đây là cách quan hệ tình yêu vận hành? Nhiều người trong các con đã trải nghiệm có người bạn đời trở nên khó chịu và nóng nảy, và lúc đó điều gì khiến họ bực tức nhất? Họ bực tức nhất khi con làm ngơ, không phản ứng lại sự khó chịu của họ. Lúc đó họ trở nên khó chịu tột đỉnh. Vậy con làm gì khác đi? Con nhập vào tâm vỏ ngoài và phản ứng qua tâm vỏ ngoài.

Con yêu dấu, con hãy thành thật nhìn lại cuộc đời của mình và thấy có khi nào phản ứng lại một tình thế với tâm vỏ ngoài đã cải thiện tình hình chăng? Có phải chăng là những lúc đó, con chỉ tạo ra một phản ứng nơi người kia, dẫn tới một phản ứng khác nơi con? Không lâu sau, con đã tạo một vòng xoáy hướng hạ cuốn cả hai người và khiến cả hai đều không thể phản ứng với tình thương. Hai bên bị mắc kẹt trong phản ứng qua những vết thương tâm lý của mình, và cả hai bên không có khả năng kéo mình ra và ngưng tình trạng căng thẳng, tranh cãi hay khuôn nếp mà hai biên đang kẹt vào.

10.5. Con có quyền trì hoãn phản ứng

Con có quyền trì hoãn phản ứng lại một tình thế. Thày nhìn nhận có trường hợp con cần hành động nhanh chóng. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp con có thể nói: “Tôi rất tiếc nhưng tôi cần thì giờ để xử lý tình hình và tìm ra một đáp ứng dựa trên tình thương.” Người bạn đời của con có thể không thỏa mãn với câu trả lời này, nhưng con có quyền đứng ra ngoài và không phản ứng lại tình hình ngay lúc đó, đặc biệt nếu con cảm thấy một phản ứng cảm xúc đang dâng lên trong con, và con biết là con sẽ lặp lại một khuôn nếp cũ.

Nhiều quan hệ đã đổ vỡ khi cả hai người đi vào khuôn nếp phản ứng khi vòng xoáy khởi sự và không ai có thể ngưng được nữa. Một khi con bị cuốn vào vòng xoáy hướng hạ và cảm thấy mình phải phản ứng ngay lúc đó, thì không còn chỗ cho một phản ứng dựa trên tình thương. Lúc đó con – cả hai người – phản ứng qua bất cứ khuôn nếp hay phàm linh nội tại nào. Nếu muốn ngưng vòng xoáy, thì ít nhất một trong hai người phải bước ra ngoài vòng xoáy, nhìn tình thế từ bên ngoài và tìm một phản ứng khác.

Cũng có thể là giải pháp này không thành công. Người bạn đời của con có thể không thay đổi, nhưng con cũng đã gây dựng một động lượng giúp con tuôn chảy qua một tình thế khác. Con sẽ không bao giờ gặt hái kết quả xấu khi con dùng một phản ứng dựa trên tình thương. Con có thể không có được một phản ứng dựa trên tình thương từ người bạn đời của con. Trong ngắn hạn, con có thể có cảm tưởng là con càng biểu lộ tình thương thì người bạn đời của con càng khó chịu. Con cần hiểu lý do tại sao.

10.6. Phàm linh tăm tối được nuôi dưỡng bởi vòng xoáy tiêu cực

Có một thước đo mà con có thể áp dụng vào hầu hết mọi quan hệ. Khi cả hai bên đều bị mắc kẹt trong phản ứng dựa trên sợ hãi thì vòng xoáy không thể ngưng được. Nếu một trong hai người có thể bước ra ngoài vòng xoáy và tìm ra một phản ứng dựa trên tình thương, thì vòng xoáy bị thách thức. Nếu người kia phản ứng bằng cách trở nên khó chịu hơn nữa, thì con biết là người đó bị mắc kẹt trong một phàm linh nội tại đang không muốn người đó được tự do có một phản ứng dựa trên tình thương.

Nếu con có thể đáp ứng với người bạn đời của mình với tình thương và người đó khó chịu hơn với con, thì con biết có phàm linh nội tại, và cũng có thể có phàm linh bên ngoài và ác quỷ đang dùng người đó để lấy năng lượng của con. Các phàm linh tăm tối đó giản dị muốn vòng xoáy tiếp tục để cả hai người đổ năng lượng vào đó. [muốn có thêm chi tiết về đề tài này, xem quyển Vũ trụ quan về sự ác độc]

Một con người lúc nào cũng đáp ứng lại tình thương một cách tương đối tích cực. Phàm linh tăm tối thì dĩ nhiên không. Chúng sẽ làm chuyện mà chúng vẫn làm: tìm cách miệt thị tình thương. Khi người bạn đời của con phản ứng lại tình thương dựa trên sợ hãi, con biết người đó không phản ứng như một con người vì đang bị mắc kẹt trong một phàm linh. Trong đa số các quan hệ, cả hai người đều bị mắc kẹt trong phàm linh. Họ phản ứng qua phàm linh và đó là lý do vì sao vòng xoáy không thể bị cắt đứt. Khi một người có thể bước ra ngoài và người kia vẫn phản ứng một cách khó chịu, thì con biết người đó đang bị phàm linh tăm tối tạm thời làm chủ.

Lúc đó con có thể đọc lời kêu gọi để xin người bạn đời của con được giải thoát khỏi các phàm linh và tà lực đó. Nếu người bạn đời của con là người tâm linh, thì con có thể nói chuyện với người đó về chuyện đọc bài chú bài thỉnh khi người đó không khó chịu. Nhưng con không thể ép buộc người đó. Con cần cho người đó thời gian. Nhưng con có thể đọc bài chú bài thỉnh. Con có thể cố gắng luôn luôn phản ứng với tình thương – ngay cả khi người bạn đời của con khó chịu. Con có thể từ chối không bị ép phải theo các khuôn nếp cũ, và con đợi đến lúc con nhận được tín hiệu từ Hiện diện TA LÀ là đã đến lúc con đi tiếp cuộc đời mình. Lúc đó con đi tiếp cuộc đời mình và tha thứ.

10.7. Thăng vượt ký ức về bợn nhơ

Nếu con không đi tiếp cuộc đời mình và ở lại trong quan hệ, thì con và người bạn đời gặp thách đố kế tiếp. Ta hãy giả thử con nhận ra là có một khuôn nếp trong quan hệ giữa hai người. Cả hai người cố gắng thấy cái gì trong chính mình đã khiến mình phản ứng, và con thăng vượt khuôn nếp đó. Sau dó, con gặp thách đố kế tiếp về tinh khiết. Một khi con đã nhìn nhận là mình có bợn nhơ, đã nhìn vào bợn nhơ và thấy ảo tưởng đã tạo ra nó, thì con sẽ làm gì để vượt qua ký ức đã có bợn nhơ đó?

Trước hết, con phải thấy bợn nhơ. Sau đó, con phải sẵn sàng đi sâu vào nó và nhận ra ảo tưởng đã khiến con phản ứng với sợ hãi. Khi con đã thấy ảo tưởng và làm nó tan đi, con được giải thoát khỏi khuôn đúc. Lúc đó con có thể dùng các bài chú và bài thỉnh mà các thày đã cung cấp để tiêu trừ năng lượng mà con đã tha hóa. Một khi con đã tiêu trừ năng lượng, thì coi như con đã thoát khỏi bợn nhơ, nhưng con chưa thoát hoàn toàn vì con vẫn còn ký ức về nó.

Con hãy lấy thí dụ một quan hệ đã bắt đầu trở nên trưởng thành và có ý thức hơn. Con và người bạn đời đã có thể thảo luận về một số khuôn nếp trong quan hệ giữa hai người. Các con đã có thể giúp nhau thấy rõ hơn phản ứng của mình và nâng mình lên khỏi chúng. Lúc đó các con phải làm gì với ký ức các con có vấn đề đó trong quá khứ, và một người thì trước kia như thế này, và người kia thì trước kia như thế nọ?

Sự thách đố của tinh khiết, của Tia thứ Tư, không phải chỉ vỏn vẹn là thay đổi thái độ, cách cư xử, niềm tin và thanh lọc năng lượng. Nó còn bao gồm thanh lọc hoàn toàn tâm khỏi ký ức. Tha thứ quan trọng, nhưng tha thứ không trọn vẹn khi con chưa quên đi điều sai. Đây là thách đố lớn nhất của Tia thứ Tư: làm sao con xóa được ký ức?

Ở đây, thày không nói tới những quan hệ trong đó có những hình thức bạo hành hiển nhiên. Thày nói tới đa số quan hệ trong đó không có bạo hành vật lý, lạm dụng tình dục hay những hành động bạo hành tương tự. Các trường hợp này phức tạp hơn và đi quá khuôn khổ của bài giảng này. Thày muốn nói tới những quan hệ đã đi vào một khuôn nếp tiêu cực. Con phải làm gì khi con đã phá vỡ được khuôn nếp? Làm sao con quên được kỷ niệm cũ?

Tình thương vô điều kiện là yếu tố cơ yếu để làm điều này. Chuyện gì xảy ra khi con trải nghiệm tình thương vô điều kiện? Con nhận ra, hay ít nhất là con bắt đầu nhận ra, là nếu tình thương của Thượng đế vô điều kiện, thì bất cứ chuyện gì con đã làm trên trái đất, con có thể thoát khỏi nó. Đây là một điều nhiều người khó chấp nhận. Ngay cả các đệ tử chân sư thăng thiên cũng không chấp nhận hoàn toàn. Lý do là vì hành tinh này đã quá thấm đẫm với tính phán xét của sa nhân.

10.8. Bản chất của tâm thức phán xét

Bản chất của tâm thức phán xét là gì? Nó muốn con cảm thấy là, vì con đã làm một chuyện cực kỳ sai trái, con không thể được cứu rỗi, con không thể trở về với tinh khiết. Vì sao Giê-su lại nói là chỉ có người xuống từ thiên đàng mới có thể trở lên thiên đàng? Đó là vì “người” xuống từ thiên đàng là cái Ta Biết, và nó là nhận biết thuần khiết. Làm cách nào cái Ta Biết thăng thiên trở về với Hiện diện TA LÀ? Cách duy nhất là nó trở thành nhận biết thuần khiết trở lại, và không tự đồng hóa với bất cứ điều kiện nào trong cỗ xe tâm hồn.

Điều mà thế gian, ác quỷ trong thế gian, muốn con tin là vì cái Ta Biết đã nhập vào tâm vỏ ngoài và nhìn thế gian qua nó, nó không thể bước ra được nữa. Ý niệm này ảnh hưởng con ra sao? Nó khiến con chấp nhận ý niệm do sa nhân tạo ra, là nếu con muốn thăng thiên trở về thiên đàng, thì con cần kiện toàn cỗ xe tâm hồn. Con cần thanh lọc những gì tâm thức phán xét định nghĩa là bợn nhơ để rồi trong cỗ xe tâm hồn chỉ còn những gì được gọi là tinh khiết. Rất nhiều người đã bị lừa bởi ý niệm này – rất nhiều người.

10.9. Phán xét chính mình và người bạn đời

Tâm thức phán xét ảnh hưởng con ra sao? Nó khiến tâm con lúc nào cũng phán xét, lượng định và phân tích chính mình. Vì con người không chịu nổi điều này, đa số làm gì? Họ vào tâm thức mà Giê-su đã mô tả khi thày nói về cái đà trong mắt mình. Con không chịu được sự thường xuyên phán xét chính mình, nhưng con không ngưng được tâm thức phán xét, nên con hướng nó về phía người khác thay vì hướng về mình. Ai là người chính mà con hướng nó tới? Đó là người bạn đời của con trong quan hệ tình yêu. Cũng có thể có người khác bị phán xét, nhưng chắc chắn là người bạn đời của con chịu phần nặng nhất. Các con đều đã trải nghiệm là khi con đang yêu thì con không làm điều này.

Con có thấy chăng là khi con đang yêu, thì khuynh hướng phán xét được tạm thời bỏ qua bên? Có phải chăng là lúc đó con nghĩ con đã tìm ra người bạn đời lý tưởng sẽ khiến con toàn vẹn và cảm thấy mãn nguyện với chính mình? Khi trạng thái ảo tưởng này tồn tại, con không có nhu cầu phán xét người bạn đời. Khi tuần trăng mật kết thúc, như người ta thường nói, con trở lại các khuôn nếp cũ. Một ngày nào đó, con nhận ra là người bạn đời không đạt được hình ảnh lý tưởng mà con có về người ấy, người ấy sẽ không khiến con toàn vẹn, sẽ không khiến con cảm thấy mãn nguyện với chính mình. Lúc đó, con trở lại khuôn nếp hướng sự phán xét về phía người khác.

Rất nhiều người bị mắc kẹt trong khuôn nếp bất mãn với chính mình đến độ họ không chịu nổi. Họ đẩy lui cảm giác này đi để sinh tồn, phóng chiếu rằng nếu người khác có tật này tật nọ, thì mình không toàn hảo cũng không sao. Con hãy đứng lui lại và tự hỏi: “Cảm giác mình là người xấu, mình thiếu khả năng, không toàn vẹn từ đâu tới?”

Làm sao cái Ta Biết có thể không toàn vẹn hay xấu khi nó là nhận biết thuần khiết và không có điều kiện? Ý niệm mình xấu từ đâu tới? Nó tới từ tâm thức phán xét. Không phải là cỗ xe tâm hồn của con là người xấu hay người tội lỗi. Ý niệm con là người xấu hay người tội lỗi chỉ phát xuất từ tâm thức phán xét do sa nhân tạo ra. Con sẽ luôn luôn cảm thấy bất mãn với chính mình cho tới khi con nhận ra cái khiến mình bất mãn là một trạng thái tâm thức mà con đã nhận vào trong cỗ xe tâm hồn của mình. Con phán xét mình theo tâm thức đó, và con chỉ thấy được những điều khiến con bất mãn.

Con có thể làm điều mà rất nhiều người tìm tâm linh đã làm: tìm cách thanh lọc mình khỏi tất cả những gì bị giáo lý tâm linh coi là “xấu”. Con có thể ra sức đọc thật nhiều bài chú bài thỉnh – hay thanh lọc mình hay nhịn ăn hay làm điều này điều nọ – cho đến khi con cảm thấy là mình đã sống theo các điều kiện mà giáo lý cho là tinh khiết. Điều mà con sẽ khám phá sau khi làm xong công việc này là, tuy con có tiến bộ, nhưng con vẫn bất mãn với chính mình. Lý do là không phải các bợn nhơ đã khiến con bất mãn, mà là tâm thức phán xét dựa trên một tiêu chuẩn quy định thế nào là tinh khiết thế nào là bợn nhơ. Con sẽ chỉ ngưng không cảm thấy bất mãn với chính mình khi con tiếp cận sự tinh khiết vô điều kiện của Thượng đế. Một khi con trải nghiệm tình thương vô điều kiện, con có thể đi tiếp cuộc đời mình và nhận ra tinh khiết cũng có tính chất vô điều kiện.

10.10. Tia của gia tốc

Đó là lý do vì sao thày Serapis Bey đã gọi Tia thứ Tư là tia của gia tốc. Thày muốn tránh dùng từ tinh khiết, vì trong tâm trí đa số từ này đối ngược với bợn nhơ. Đa số coi tinh khiết như một đặc tính nhị nguyên. Thày Serapis Bey không coi tinh khiết là một đặc tính nhị nguyên, vì thày đã thăng vượt nhị nguyên khi thày trở nên một chân sư thăng thiên. Nhiều người coi tinh khiết là nhị nguyên, và con cần gia tốc vượt lên điều đó. Con có thể tìm ra cách áp dụng tình thương vô điều kiện và gia tốc quan hệ của mình ra khỏi ký ức tổn thương cũ và khuôn nếp cũ.

Thày nhìn nhận là rất ít quan hệ tình yêu tới được mức này khi đã đi vào một vòng xoáy hướng hạ – rất, rất ít. Lý do là có một sự bất quân bình quá lớn giữa hai phái tính trên trái đất. Có một đám mây thù nghịch và chống đối rất khó chọc thủng đã được tạo ra giữa người nam và người nữ.

Nếu con đã ở trong một quan hệ đã đi vào một khuôn nếp tiêu cực và con không thoát ra được, thì thày không muốn con cảm thấy buồn phiền. Thày muốn con tha thứ mình và nhận ra là hoàn cảnh trên trái đất này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho con. Thày cũng giảng loạt bài này với hy vọng là những ai theo học khóa này sẽ có thể áp dụng lời thày giảng và gia tăng khả năng mang quan hệ tình yêu ra khỏi khuôn nếp và ký ức. Thày mong rằng những dụng cụ mà các thày cung cấp trong khóa học này sẽ giúp con thành công trong đời sống cá nhân và trong quan hệ lứa đôi. Đó luôn là mục đích của các thày.

Khi thày chỉ cho con thấy một bợn nhơ, con đừng dùng các bài giảng này để cảm thấy buồn bực với chính mình và bỏ cuộc. Con đừng cảm thấy mình sẽ không bao giờ được cứu rỗi vì con nhìn lại cuộc đời mình và thấy mình đã bị mắc kẹt trong khuôn nếp. Con nên dùng các bài giảng của thày để nhận ra rất khó duy trì một quan hệ thương yêu trên trái đất. Lúc đó, con có thể quyết định là nay con đã hiểu rõ, thì từ nay con sẽ hành xử đúng đắn hơn.

10.11. Trở nên tinh khiết sau khi thấy bợn nhơ

Làm cách nào con trở nên tinh khiết sau khi đã thấy mình có bợn nhơ? Con không thể làm được chuyện này! Thày có nói là các tà lực trong vũ trụ muốn con tin rằng một khi con đã có bợn nhơ thì con không bao giờ được cứu rỗi. Bây giờ thày sẽ nói một điều làm con chấn động: họ nói đúng đó.

Họ chỉ nói đúng theo nghĩa cái “ta” làm chuyện bợn nhơ không phải là cái Ta Biết. Đó là cái “ta” giả được tạo ra trong cỗ xe tâm hồn dưới hình thức một phàm linh nội tại. Cái “ta” đó không bao giờ thanh lọc được. Con sẽ không bao giờ cảm thấy tinh khiết khi con nhìn đời từ bên trong phàm linh đó. Làm sao con tự giải thoát khỏi phàm linh? Ở đây có thêm một điểm tế nhị khác.

Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên học giáo lý của các thày và nhận ra là họ có bợn nhơ trong các thể phàm của họ. Lẽ tự nhiên là họ muốn rũ sạch các bợn nhơ đó và họ nghĩ: “Tôi cần thanh lọc tâm và tâm hồn tôi khỏi bợn nhơ này.” Điều này có phần đúng. Trong bốn thể phàm của con, có một số năng lượng bị tha hóa bởi cái ta không trong sạch. Con cần thanh lọc các năng lượng này bằng cách thỉnh cầu ánh sáng, hướng nó về năng lượng bất toàn và nâng độ rung của năng lượng đó lên. Con không cần và không thể thanh lọc cái ta không tinh khiết. Khi con tìm cách thanh lọc cái ta không tinh khiết đó để khiến Thượng đế chấp nhận nó, thì con chỉ trói buộc mình vào cái ta không tinh khiết.

Điều con cần làm là thấy ảo tưởng đã tạo ra cái ta không tinh khiết. Một khi con thấy đó là một ảo tưởng, con sẽ tự nhiên thấy nó không có thật. Lúc đó, con có thể một cách ý thức bước ra ngoài nó bằng cách chú tâm vào sự kiện con là cái Ta Biết và con là nhận biết thuần khiết. Bất cứ điều gì con đã nhập vào chỉ là một phin lọc nhận thức. Nó khiến con thấy thế giới không tinh khiết hay thấy con không tinh khiết, nhưng con đã không trở nên không tinh khiết.

Khi con đeo một cặp kính mát và bước ra ngoài, mặt trời trông khác lạ. Sự việc con, trên trái đất, đeo một cặp kính mát có thay đổi mặt trời ở cách xa hàng triệu cây số chăng? Dĩ nhiên là không. Sự việc cái Ta Biết đeo vào một cặp kính là cái ta không tinh khiết có thay đổi Hiện diện TA LÀ chăng? Không đâu con. Sự việc con đeo vào một cặp kính có thay đổi con chăng, hay nó chỉ thay đổi cách con nhìn thế gian? Sự việc cái Ta Biết khoác vào một cái ta không tinh khiết có thay đổi cái Ta Biết chăng?

Mọi ác quỷ trên thế gian đều nói: “Có! Nó có thay đổi. Ngươi bị thay đổi khi ngươi khoác vào một cái ta không tinh khiết và đi vào thế gian. Ngươi hãy nhìn mình đã làm gì! Ngươi hãy nhìn hậu quả tai hại biết bao nhiêu! Dĩ nhiên là ngươi bị thay đổi! Ngươi không thể rũ áo bỏ đi như vậy. Chân sư đã nói dối ngươi! Chân sư nói ngươi chối bỏ những gì ngươi đã làm trong quá khứ!”

Thày không nói con chối bỏ những gì con đã làm trong quá khứ. Thày nói con nhìn vào những điều này một cách công khai và thành thật. Ác quỷ nói con là con không cần nhìn vào những gì con đã làm trong quá khứ vì con có một cách khác để thanh lọc mình và được cứu rỗi : “Giê-su sẽ trở lại và lấy đi cái ta không tinh khiết của ngươi. Ngươi không cần phải nhìn thấy nó.” Hay Krishna, hay đức Phật, hay ngọn lửa tím, hay cái gì khác sẽ làm chuyện này cho con.

Giê-su nói con hãy nhìn vào cái đà trong mắt mình. Khi con thấy nó, con cũng thấy là nó là một cái ta không thật chứ không phải cái Ta Biết. Đó là lúc, con, cái Ta Biết, có thể nói: “Bạn biết không, tôi đã làm xong công việc. Tôi đã thanh lọc năng lượng mà tôi đã tha hóa qua cái ta không tinh khiết. Tôi đã thấy cái ảo tưởng. Vì tôi đã làm xong công việc, tôi có thể bỏ đi. Tôi không cần thanh lọc cái ta không tinh khiết. Tôi không cần làm cho nó được Thượng đế chấp nhận trong mắt ngài , vì nó sẽ không bao giờ được chấp nhận. Ngươi, ác ma Mara, không có gì để nắm tôi. Tôi không cần phản ứng lại những gì ngươi làm. Tôi có thể giản dị để ngươi ở đó và bỏ đi, vì ông Hoàng của thế gian không thấy gì nơi tôi mà y có thể nắm, ít nhất là vào thời điểm này, vì tôi đã trở lại trạng thái tinh khiết khi tôi xuống đây. Tôi đã trở nên một đứa trẻ thơ, trở nên cái ta ngây thơ và tinh khiết đã xuống đây.”

Khi con tới giai đoạn này, một trong hai chuyện sẽ xảy ra trong quan hệ tình yêu của con: hoặc người bạn đời của con đáp ứng và chuyển hóa, và các con có thể bắt đầu gây dựng một vòng xoáy tích cực, hoặc người bạn đời của con từ chối không thay đổi, và lúc đó con trôi tiếp theo dòng cuộc đời của con. Khi con đã trở nên ngây thơ, con không thể tiếp tục quan hệ với một người miệt thị người ngây thơ. Điều này không thể xảy ra được. Sự ngây thơ là phần thưởng của chính nó vì nó là cánh cửa đưa tới niềm hân hoan vô tận.

10.12. Quét sạch bợn nhơ khỏi ký ức

Ở khóa nhập thất của thày, thày có thể chỉ cho con thấy bằng hình ảnh trên một màn ảnh những bợn nhơ trong con người con. Phần thấp của hào quang của con, trường năng lượng cá nhân của con, tạo hành cái mà các thày có gọi là vòng đai điện tử. Tất cả các năng lượng sợ hãi mà con tạo ra quy tụ tại đây. Đa số con người có khá nhiều xáo trộn trong vòng đai điện tử này. Nếu con thấy toàn bộ nó thì con có thể cảm thấy quá sức chịu đựng. Điều thày làm ở khóa nhập thất của thày là cho con thấy một phần nhỏ, sau đó chỉ con cách chú tâm vào một việc, thỉnh cầu ánh sáng để tẩy sạch năng lượng, sau đó trụ vào phàm linh nội tại, cái ta giả đó, và thấy ảo tưởng đằng sau nó. Sau đó thày chỉ cho con thấy cách nào buông bỏ chính cái ta đó và cảm giác con là cái ta đó và dính liền với nó mãi mãi.

Thày chỉ cho con thấy là sử liệu akasha có thể bị xóa, và do đó Thượng đế không còn nhớ tới bợn nhơ đó nữa. Nếu Thượng đế không nhớ nó, thì tại sao con lại nhớ nó? Câu hỏi kế tiếp là: “Nếu con đã tẩy rửa phản ứng của con đối với người bạn đời và những điều mà người đó đã làm trong quá khứ, tại sao con lại muốn nhớ những gì người đó làm?” Thày biết là tâm vỏ ngoài sẽ nói: “Chuyện gì xảy ra nếu người bạn đời của tôi chưa giải thoát mình khỏi khuôn nếp đó? Chuyện gì xảy ra nếu người đó vẫn còn những khuynh hướng cũ và vẫn tiếp tục hành xử như trước?”

Người bạn đời của con có thể đã không vượt lên trên khuôn nếp, nhưng một khi con đã tẩy rửa được nhu cầu phản ứng lại, thì bước cuối là buông bỏ ký ức về hành động của người đó, để mỗi ngày con gặp người đó với tâm hoàn toàn mới. Người bạn đời của con có thể sẽ tiếp tục bạo hành con, nhưng nếu con không phản ứng vì con đã thoát khỏi khuôn nếp phản ứng, thì nay con lại quên đi và mỗi ngày con gặp lại người ấy với tâm hoàn toàn mới. Khi con làm được điều này, thì con sẽ tới điểm mà con có thể giản dị tuôn chảy khỏi người bạn đời không chịu thay đổi.

10.13. Rời bỏ một quan hệ và tuôn chảy đi tiếp đời mình

Thày biết là nhiều người trong số các con cảm thấy khó rời bỏ một quan hệ tình yêu. Thày đã khuyên con không nên lấy quyết định bỏ đi bằng tâm vỏ ngoài. Đó là lý do thày đã giảng cách trong lọc chính mình và các phản ứng của mình đối với người bạn đời khi con tiếp tục có quan hệ với người đó. Con càng tinh khiết thì sẽ càng dễ tới điểm con không thực sự lấy quyết định bỏ đi. Con thấy đó như là bước hợp lý kế tiếp.

Nhiều người trong các con đã lấy quyết định chia tay, nhưng vì con chưa thanh lọc các khuôn nếp phản ứng, nên con cảm thấy rất khó lấy quyết định này. Con vật lộn với quyết định đó: “Quyết định này đúng hay sai? Tôi có thể làm gì hơn nữa chăng? Tôi có phải làm gì hơn nữa chăng?” Thông thường thì quyết định chia tay là quyết định đúng, nhưng có thể nó tới hơi sớm vì con chưa thanh lọc các khuôn nếp phản ứng của mình. Đó là lý do thày khuyên con nên cố gắng vượt qua các khuôn nếp phản ứng vì con sẽ tới điểm sẽ không còn vấn đề vật lộn với quyết định nữa. Con sẽ thấy tuôn chảy ra khỏi quan hệ là bước kế tiếp tự nhiên trong cuộc hành trình của con, và con sẽ làm được điều này với tâm bình an.

10.14. Tâm thức chết ảnh hưởng quan hệ ra sao

Có một khía cạnh của tâm thức phán xét mà sa nhân hướng về các mối quan hệ tình yêu đã đưa con người tới thất bại trong quan hệ tình yêu. Mục đích của sa nhân không nhất thiết là phá vỡ quan hệ tình yêu. Mục đích của sa nhân là chà đạp con bất kể chuyện gì xảy ra.

Họ không màng nếu con trọn đời ở lại trong một mối quan hệ hạn chế trong đó cả con và người bạn đời đều theo khuôn nếp giới hạn, hoặc con rời bỏ quan hệ và tạo khuôn nếp lên án mình hay nghi ngờ mình đã quyết định đúng hay không. Chỉ cần sa nhân chà đạp được con hay khiến cho con cảm thấy mình thấp kém, hay không tinh khiết, thì sa nhân mãn nguyện – thực ra thì họ không bao giờ mãn nguyện. Nhưng ít nhất họ cảm thấy họ có quyền lực và đã chứng minh lập luận Thượng đế đã sai lầm khi cho con quyền tự quyết.

Nhiều nền văn hóa đã từ rất lâu có tâm thức là quan hệ tình yêu phải kéo dài suốt đời: “Cho tới lúc cái chết chia cách chúng tôi.” Cái chết là gì? Đó là cái chết vật lý hay là tâm thức chết? Nhiều người đã chung sống trọn đời trên phương diện vật lý, nhưng cái chết đã chia cách họ từ lâu rồi vì cả hai đã theo một khuôn nếp khiến họ không tăng triển. Đó là tâm thức chết, và nó thực sự chia cách chúng con dù chúng con vẫn chung sống trên phương diện vật lý.

Mục đích thật của chân sư thăng thiên là sự tăng triển. Tới đây chắc con đã nhận ra là các thày, các chân sư thăng thiên, không coi trái đất là một hành tinh lý tưởng? Trái đất là một hành tinh rất thấp. Mục đích đầu thai xuống đây không phải là để trải nghiệm trạng thái thiên đàng trên hạ thế vì điều này không thể xảy ra với tâm thức tập thể hiện nay. Vậy một người tâm linh có mục đích gì khi đầu thai xuống đây? Đó là để nâng tâm thức mình lên, và qua đó nâng tâm thức tập thể lên. Con ở đây để đạt được mức tăng triển tối đa mà con có thể có trên trái đất, và sau đó rời khỏi nơi đây càng nhanh càng tốt bằng cách thăng thiên.

10.15. Mục đích tâm linh của các mối quan hệ

Mục đích của một mối quan hệ là gì? Đó là để có tăng triển tối đa, và sau đó tiếp tục con đường của mình. Điều này không có nghĩa là con cần bỏ đi theo nghĩa vật lý, nhưng có nghĩa là khi một người nam và nữ đến với nhau, họ có điều gì trong tâm lý mà họ cần giúp nhau giải quyết. Mục đích thật của một mối quan hệ là gì? Nó không phải để giúp nhau cảm thấy thoải mái. Nó không phải là để sống hạnh phúc cho tới khi đầu bạc răng long.

Vì sao các con thu hút nhau? Đó là vì người bạn đời có điều gì trong tâm lý khiến con phản ứng. Phản ứng của con cho thấy những vấn đề tâm lý chưa được giải quyết trong chính con. Người bạn đời của con là người thích hợp nhất để khui ra ánh sáng những gì trong con mà con không thể tự mình thấy. Khi hai người đến với nhau, mục đích cao của mối quan hệ là để mỗi người cho người kia thấy những gì họ không thể thấy. Khi họ đã mang ra ánh sáng yếu tố quan trọng nhất thu hút họ, thì mối quan hệ đã đạt được mục đích đầu. Kết quả cao nhất, dĩ nhiên, là mỗi người cũng giúp người kia vượt qua khuynh hướng đó.

Trong nhiều trường hợp, hai người bạn đời làm lộ ra cho nhau thấy những điều họ không muốn hay không thể thấy. Họ bị chấn động đến độ tuần tăng mật chấm dứt đột ngột, và có khi hôn nhân chấm dứt rất nhanh. Điều này không có nghĩa là mối quan hệ đã thất bại. Hai người vẫn có thể suy ngẫm về kinh nghiệm sau đó – nếu họ sẵn sàng làm điều này. Họ có thể học bài học và đi tiếp cuộc đời mình. Một mối quan hệ kéo dài dưới một năm cũng có thể đã thành công trong mục đích đầu.

Nếu hai người bạn đời có thể tăng triển sau cú chấn động đầu, thì họ có thể tiến tới thách đố tới. Sau đó, họ có thể tiến tới thách đố kế tiếp, và qua đó, hai người có thể xây dựng một mối quan hệ kéo dài trọn đời.

Trong thời đại hiện nay, nếu con là một người tâm linh quyết tâm đạt được mức tăng triển tâm linh cao nhất trong kiếp sống này, có thể đạt được thăng thiên trong kiếp này, thì chuyện con suốt đời có cùng một người bạn đời là điều khó xảy ra. Thường khi, tăng triển đối đa cần nhiều người bạn đời. Lý do là cường độ năng lượng trên trái đất quá cao. Để tăng triển tối đa, con cần trải qua nhiều tình huống để giải quyết những chuyện con cần giải quyết.

Các thày là chân sư thăng thiên không bao giờ coi một mối quan hệ đã thất bại. Các thày lúc nào cũng coi đó là một cơ hội. Con có thể nói: “Nhưng mối quan hệ kết thúc với một cuộc cãi vã lớn, và chúng con không học được bài học gì.” Thày sẽ nói: “Con chưa học được bài học. Nếu con sẵn sàng xin thày chỉ dẫn, thày sẽ giúp con học bài học. Lúc đó, người bạn đời của con có học được bài học hay không, là điều không quan trọng. Con có trách nhiệm về sự thăng thiên của chính mình, chứ không phải của người bạn đời của con.”

Bất cứ quan hệ nào chỉ đơn giản là một cơ hội. Có thể con đã không nắm lấy cơ hội, nhưng điều này không có nghĩa là con đã mất nó. Con chưa nắm lấy cơ hội, nhưng con có thể nắm lấy nó bất cứ lúc nào. Hai mươi năm sau khi một quan hệ chấm dứt, con vẫn có thể nắm lấy cơ hội.

10.16. Thày sẽ giúp con vượt qua mọi bợn nhơ

Làm sao thày có thể nói vậy? Bởi vì nếu con không nắm lấy cơ hội khi nó xuất hiện lần đầu, dĩ nhiên là con chưa giải quyết tâm lý của mình. Có nghĩa là con vẫn còn tâm lý chưa giải quyết trong con người mình. Con có thể trở ngược về hoàn cảnh lúc đó, nhớ lại và nói: “Ồ, tôi bây giờ thấy được điều mà lúc đó tôi không thấy. Hãy để tôi vượt qua chuyện này để nó không còn là một gánh nặng cho tôi nữa. Tôi không muốn phải mang gánh nặng này khi tôi đang trèo ngọn núi của cái ta. Tại sao tôi lại mang gánh nặng này lâu quá vậy? Tại sao tôi lại muốn mang nó thêm một giây đồng hồ nữa khi thày Paul người Venice đang đứng ngay cạnh tôi với nụ cười rạng rỡ và nói: ‘Con chỉ cần hỏi là thày sẽ giúp con ngay.’ Tôi sẽ nắm tay thày. Tôi sẽ vui vẻ nhận lãnh những gì thày cống hiến. Tôi sẽ nói: ‘Thưa thày Paul, xin thày giúp con trút gánh nặng này. Con chán nó lắm rồi!’”

Con yêu dấu, con thấy chăng, thày biết là con tinh khiết, thày biết là cái Ta Biết tinh khiết. Thày sẵn sàng giúp con vượt qua tất cả mọi bợn nhơ trong con người con. Tình thương có khả năng thanh lọc rất lớn.

Con sẽ không vượt qua tất cả mọi bợn nhơ khi con ở khóa nhập thất của thày, vì con đường tiếp tục với các khóa nhập thất của các Thượng sư khác. Khi con ở đây, thày sẽ cố gắng hết sức để giúp con vượt qua càng nhiều càng tốt để con sẵn sàng hơn khi con gặp các Thượng sư kia.

Thày không thấy bợn nhơ nào là thật, nhưng thày thấy con là thật. Thày chắc chắn biết TA LÀ thật. TA LÀ Thượng sư của Tia thứ Ba.

Tình thương và Tình thương

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice. Con bây giờ đã tới tầng thứ ba ở khóa nhập thất của thày, tầng của tình thương phối hợp với tình thương. Khi con có hai lần tình thương, thì con đối mặt với cái gì? Thứ nhất, con tới chỗ khai ngộ cần vượt qua trò chơi quyền lực tinh vi đằng sau mọi hình thức ganh đua. Con có thể tự hỏi, ganh đua dính dáng gì đến tình thương? Nó là một hình thức tình thương hủ hóa. Cốt lõi của tình thương là gì? Đó là ý muốn trở nên Hơn nữa, nhưng câu hỏi là: “Hơn cái gì?”

8.1. Bản chất của trở nên Hơn nữa

Từ nhiều năm nay, các thày đã giảng giáo lý về khái niệm trở nên hơn nữa, là hơn nữa. Các thày biết là khi tâm phân tích vỏ ngoài của con nghe câu này, nó chỉ có thể phản ứng một cách. Hơn nghĩa là hơn cái gì khác. Làm sao con biết con trở nên hơn nữa nếu con không so sánh với một trạng thái trước đó, khi con ít hơn?

Làm sao con đo được sự hơn nữa? Con có nghĩ chăng là có thể đo được Chân sư MORE bằng một tiêu chuẩn thế gian? Nhiều người trong các con nghĩ như vậy vì con chưa hòa điệu với Hiện diện của thày MORE, là một cái gì vượt lên trên so sánh. Hiện diện của thày cũng vậy, Hiện diện TA LÀ của con cũng vậy.

Có một sự khác biệt tế nhị nhưng cơ bản giữa trở nên hơn nữa bằng cách trôi theo Dòng Sông sự Sống và trở nên hơn nữa bằng cách so sánh với một điều nào đó trong vũ trụ vất chất, là một bầu cõi chưa thăng thiên. Khi con trở nên hơn nữa bằng cách trôi theo Dòng Sông sự Sống, con thăng vượt ý niệm bản ngã của mình. Con có so sánh mình với tiêu chuẩn nào chăng? Con so sánh mình với cái con là ngày hôm qua, một phút trước đây hay kiếp sống trước. Con nhìn lại và nói: “Tôi hơn cái gì tôi là trước đây.” Đây không phải là ganh đua. Đây là một hành động tự nhiên trong thế giới hình tướng: đo lường sự tiến triển của mình, đo lường mức tăng trưởng của ý niệm bản ngã của mình. Đây là một điều chính đáng, cần thiết, có ích. Nhưng khi con so sánh mình với người khác hay với một tiêu chuẩn thế gian, thì không có ích nữa. Đó là một sự hủ hóa của động lực trở nên hơn nữa, chính là cốt lõi của tình thương.

8.2. Sa nhân ganh đua với Thượng đế như thế nào

Sự hủ hóa này từ đâu tới? Hình thức ban sơ của nó đến từ lúc các sa nhân quyết định họ biết rõ hơn Thượng đế cách vận hành vũ trụ và cứu rỗi các dòng sống. Họ cũng quyết định, dù họ không hoàn toàn nhận ra điều này, là họ muốn ganh đua với Thượng đế. Con có thấy chăng, dựa trên những gì các thày đã giảng về sa nhân, là họ ganh đua với Thượng đế trong trò chơi quyền lực tối hậu? [đọc Vũ trụ quan về sự ác độc]

Ai làm chủ vũ trụ? Ai có quyền tối hậu quyết định ai được cứu rỗi và ai không được cứu rỗi? Tất nhiên là đấng Sáng tạo có quyền tối hậu. Các vị hợp nhất với đấng Sáng tạo và là thành viên của Hội đồng Nhân quả có quyền quyết định ai được cứu rỗi và ai không được cứu rỗi. Các vị đại diện đấng Sáng tạo này lấy quyết định dựa trên dòng sống đã thăng vượt chính nó như thế nào. Con có thăng vượt chính con tới điểm thăng vượt mọi sắc thái vị kỷ và bắt đầu phụng sự nâng tất cả lên? Nếu vậy thì con đã sẵn sàng thăng thiên lên cõi tâm linh và trở thành một chân sư thăng thiên. Nếu con chưa thăng vượt mọi sắc thái vị kỷ thì con chưa sẵn sàng. Đây không phải là một sự trừng phạt. Đây không phải là một bản án. Nếu con chưa sẵn sàng thì con không thể thăng thiên, giống như khinh khí cầu không thể bay lên không trung khi nó chưa đủ động lượng để khắc phục trọng lực kéo xuống của trái đất.

Sa nhân đã làm một điều hoàn toàn khác. Họ đã tạo ra một tiêu chuẩn và nói: “Con không xứng đáng được cứu rỗi nếu con không sống theo tiêu chuẩn này.” Họ đã tạo ra một đối cực giả, trong đó có tiêu chuẩn ở một bên và đối ngược với tiêu chuẩn ở bên kia. Lúc đó họ có thể so sánh người này với người kia dựa trên tiêu chuẩn và nói: “Người này đúng, người kia sai. Người này tốt, người kia xấu. Người này xứng đáng được Thượng đế cứu rỗi, người kia xứng đáng bị vĩnh viễn đày vào đia ngục.” Đây là khái niệm đằng sau sự ganh đua trên trái đất. Có nhiều người trên trái đất bị hoàn tòan vướng mắc vào sự ganh đua phù phiếm để đạt được vinh quang nào đó trên trái đất.

8.3. Ý chí cải thiện chính mình

Con cần phân biện một điều. Rất có thể xảy ra là toàn thể các dòng sống trên một hành tinh đi vào một trạng thái tâm thức khiến họ không cố gắng cải thiện chính mình. Con chắc có nghe nói về các hành tinh đã tự hủy diệt vì chiến tranh giữa cư dân. Nhưng cũng có hành tinh đã tự hủy diệt vì các cư dân đã đi vào một trạng thái tâm thức quá đồng nhất đến độ không một ai cố gắng thăng vượt ý niệm bản ngã của họ. Họ công nhận giá trị lẫn nhau trong một tình trạng kém xoàng. Ở một thời điểm trong quá khứ, trái đất đã có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy hướng hạ như vậy. Đó là lý do vì sao nhiều loại dòng sống được phép đầu thai vào đây, trong đó có các sa nhân.

Nếu con muốn nâng tâm thức từ một tầng thấp lên một tầng cao, con cần ý chí, ý chí trở nên hơn cái mà con là trước đó. Khi con ở dưới tầng tâm thức 48, ý chí này cần một động lực. Con có thể có động lực gì khi con ở dưới tầng 48? Con có thể có lòng ham muốn vinh quang nào đó trên trái đất, ham muốn hơn người khác, thắng một giải thưởng, trở nên danh tiếng, trở nên một anh hùng, được người khác trọng vọng.

Khi con nhìn vào, tỷ dụ sinh hoạt thể thao, thì thày không nói tất cả hình thức ganh đua đều hoàn toàn sai một cách tuyệt đối. Có những thể tháo gia, qua nỗ lực tranh đua, đã trau dồi ý muốn thăng vượt chính mình và qua đó chuẩn bị để khám phá con đường tâm linh. Thày không nói là trên thiên đàng có tinh thần ganh đua, hoặc ganh đua nảy sinh từ Thượng đế, hoặc các thày chân sư thăng thiên chấp nhận và khuyến khích tinh thần ganh đua. Thày chỉ muốn nói là trên một hành tinh có trình độ tâm thức của trái đất, ganh đua là một dụng cụ cần thiết giúp con người có động lực cải thiện chính mình.

Ganh đua có thể giúp con người bước lên tầng 48 nơi họ khám phá cái gì cao hơn. Thày không nói là tất cả các thể tháo gia, hay tất cả những ai tham gia vào hình thức ganh đua nào đó, đều ở dưới tầng 48, nhưng thày xác nhận là đa số những người này ở dưới tầng 48. Chỉ có một số ít đã bước lên trên tầng 48 và tham gia tranh đua vì lý do khác, nhưng đa số chắc chắn ở dưới tầng 48 và động lực thúc đẩy họ tranh đua là để so sánh mình với người khác. Họ luôn luôn so sánh mình với người khác hay với một tiêu chuẩn, tỷ dụ như phá kỷ lục thế giới, thắng nhiều trận quần vợt nhất, kiếm được nhiều tiền nhất trong bộ môn của mình, hay bất cứ điều gì khác thúc đẩy con người.

8.4. Ganh đua trong quan hệ cá nhân

Vấn đề mà tinh thần ganh đua tạo ra có thể thấy rõ nhất trong quan hệ cá nhân. Kết quả cao nhất của bất cứ quan hệ cá nhân nào là gì, tỷ dụ như quan hệ đôi lứa, hay với cha mẹ, anh chị em, hay con cái? Kết quả cao nhất của bất cứ quan hệ giữa con người là gì? Đó là cả hai bên tới điểm họ làm việc để nâng người kia lên, đồng thời họ cũng đi trên con đường tu tâm linh để thăng vượt chính mình. Đó là kết quả cao nhất. Làm sao con bước lên được mức đó khi con ganh đua với anh chị em, hay ngay cả với cha mẹ, với người vợ người chồng, đồng nghiệp trong sở, hay bạn bè? Nếu con lúc nào cũng muốn hơn người, muốn có địa vị tương xứng với người khác hay hơn họ, thì làm sao con có thể rời bỏ tinh thần ganh đua để bước vào Tánh linh Sáng tạo?

Thày có giảng về quan hệ đôi lứa trong các bài trước, và bây giờ mình xem xét nó trở lại. Nếu con trở lại vai trò nam nữ cũ xưa, con thấy không có nhiều ganh đua giữa người đàn ông và người vợ. Người đàn bà đã được giáo dục để chấp nhận chỗ đứng của mình và thấy rằng không có ích gì để tranh đua với người đàn ông.

Tình thế đó có đưa tới một số quan hệ hữu ích. Những quan hệ đó không hữu ích theo ý nghĩa cao nhất, nhưng chúng hữu ích vì người đàn bà chấp nhận là người chồng có một sự nghiệp và một địa vị trong xã hội, và bà sẽ làm mọi chuyện để giúp chồng hoàn thành sứ mệnh đó. Ngược lại, người chồng tri ân sự hỗ trợ của người vợ, và làm mọi chuyện để giúp bà tìm những sở thích của mình và tiến triển. Có nhiều quan hệ hữu ích theo cách đó vì không có ganh đua giữa vợ chồng. Như thày có nói, dĩ nhiên quan hệ kiểu này dựa trên một sự đè nén bất quân bình đối với người phụ nữ là một điều không lành mạnh một cách tối hậu hay lâu dài. Thày không chấp nhận kiểu quan hệ này. Thày chỉ nêu lên như một thí dụ của kết quả khi không có ganh đua giữ vợ chồng.

Tình hình trong thời đại tân thời ra sao? Con có một tiến trình đã đem lại một số tiến bộ trong việc giải phóng phụ nữ và cho họ bình quyền. Mình có thể bàn cãi là tiến trình này có đem lại tự do và bình quyền trọn vẹn cho phụ nữ hay không, và thày là người đầu tiên cho rằng không, nhưng đây không phải là điều thày muốn nêu ra ở đây. Điều thày muốn nói là phong trào giải phóng phụ nữ và việc phụ nữ đi làm và có sự nghiệp đã tạo nên một sự ganh đua giữa vợ chồng đã khiền nhiều quan hệ đôi lứa đổ vỡ.

Trong nhiều nền văn hóa, con có tình trạng con trai được giáo dục với tinh thần ganh đua, khi chơi thể thao, kiếm tiền hay trong nhiều sinh hoạt khác. Đồng thời, con gái được giáo dục để có học vấn, công việc làm, sự nghiệp. Người con trai không nhận ra rằng y cưới một người vợ không giống mẹ y, là người chấp nhận chỗ đứng của mình. Y chờ đợi là người vợ sẽ làm mọi chuyện mẹ y đã làm trong nhà trong khi vẫn đi làm. Dĩ nhiên là điều này chỉ đưa tới xung đột.

Đồng thời, nhiều phụ nữ cảm thấy bị áp lực hai đằng. Họ cảm thấy họ phải ra ngoài xã hội, có sự nghiệp và làm những gì cần thiết để thành công trong sở làm, nhưng đồng thời cũng phải là người vợ, người mẹ, người nội trợ gương mẫu trong gia đình. Ai có thể làm được chuyện này? Chuyện này không thể làm được, chắc chắn là đàn ông không thể làm được.

Nhiều phụ nữ đã cố gắng, cố gắng rất nhiều để làm chuyện này và khám phá ra là họ không thể. Nhiều người đã mất tự tin. Nhiều người đã bị thất vọng hay chấn thương vì tiến trình này. Nhiều hôn nhân đã đổ vỡ do sự thất vọng của cả hai bên. Điều mà con thấy trong mấy chục năm vừa qua trong các nước kỹ nghệ tân tiến các vai trò truyền thống của hai phái nam nữ đã sụp đổ và con người đã gặp nhiều khó khăn để tìm ra một cách giao tiếp mới với nhau trong quan hệ hôn nhân.

8.5. Vượt qua tinh thần ganh đua

Khi con tới tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày, thày và các phụ tá sẽ giúp con nhìn lại chính mình và nhận ra con có vẫn còn bị tinh thần ganh đua ảnh hưởng hay không. Chúng tôi sẽ đặc biệt giúp con thấy liệu con có tinh thần ganh đua với người phối ngẫu, hay khuynh hướng ganh đua nếu con không có người phối ngẫu. Vượt qua tình thần ganh đua này là một điều cơ yếu, không những để con tiến triển tâm linh, nhưng cũng để con có một quan hệ lứa đôi hữu ích.

Chìa khóa để vượt qua tinh thần ganh đua này là gì? Nó nằm ở điểm chiêm nghiệm rằng chỉ có một sự “ganh đua” thật, đó là thăng vượt ý niệm bản ngã của mình. Con có thể so sánh với chính mình khi xưa và xem là mình có tiến bộ chăng, nhưng tiến bộ là gì? Tiến bộ không phải là có thêm kỹ năng, khả năng hay địa vị trong xã hội. Tiến bộ chắc chắn không ở con số trong chương mục ngân hàng của con. Điều quan trọng là con có phải là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ, và cánh cửa mở rộng bao nhiêu. Khi con nhận ra điều này, con thấy là so sánh mình với người khác, và đặc biệt với người phối ngẫu, là điều hoàn toàn vô nghĩa. Xem ai kiếm được nhiều tiền hơn có quan trọng chăng? Xem ai có địa vị cao hơn hay được nhiều trọng vọng hơn có quan trọng chăng? Những điều này không quan trọng nếu con nhận ra một chân lý sâu xa.

8.6. Một hủ hóa tình thương nguy hiểm

Sa nhân đã tìm cách hủ hóa tình thương bằng nhiều cách, nhưng có lẽ hình thức hủ hóa nguy hiểm nhất là quan niệm cho rằng phải sống theo một tiêu chuẩn thế gian mới xứng đáng được nhận tình thương của Thượng đế. Họ muốn con tin rằng có một Thượng đế trên thiên đàng và ngài là một Thượng đế thương yêu. Thượng đế thương yêu con, nhưng nếu con muốn nhận tình thương của Thượng đế, con phải xứng đáng. Và để xứng đáng, con phải sống theo một tiêu chuẩn do sa nhân quy định.

Con yêu dấu, điều này có hợp lý chăng? Sa nhân không có tình thương. Họ không thể tạo ta tình thương. Con không thể tạo ra tình thương; con chỉ có thể nhận nó từ bên trên. Con có thể dùng câu này như câu chú:

Con không thể tạo ta tình thương;
Con chỉ có thể nhận nó từ bên trên

Có lý gì chăng khi những người không có tình thương, đã quay lưng từ chối tình thương của Thượng đế, lại có thể quy định một tiêu chuẩn có khả năng khiến Thượng đế, một cách máy móc, sẽ cho con tình thương nếu con sống theo tiêu chuẩn đó? Thật hoàn toàn không có lý.

Thày có thể biện minh suốt ngày đêm để giúp trí phân tích của con lý luận và hiểu ra tình thương của Thượng đế là gì, nhưng thầy đã nói gì trong bài trước về trí phân tích? Nó không thể hiểu được cái vô tận vì nó luôn luôn so sánh. Nó so sánh mọi chuyện với những gì nó biết hay với một tiêu chuẩn, sau đó nó phân tích bằng cách chia ra từng phần nhỏ. Trên trái đất, con có thể lấy một hình thể và cắt nó ra từng phần nhỏ, và con có thể đi tới cái có vẻ là thành phần tối hậu, ít nhất là trong quang phổ tần số vật chất.

Nhưng tình thương không có tính chất vật lý! Nó không phải là một vật; nó không thể bị cắt ra thành phần nhỏ. Nó không có thành phần. Con có thể nói: “Nhưng tình thương cũng có sắc thái biểu hiện? Có phải chăng tình thương là cái này, là cái khác vân vân? Thày sẽ trả lời: “Tình thương không có thành phần. Tình thương không có biểu hiện.”

Chỉ khi tình thương bị bóp méo bởi tâm vỏ ngoài thì nó mới có đặc tính. Cái mà đa số gọi là tình thương hoàn toàn không phải là tình thương, và đó là vì họ đã pha màu tình thương. Tình thương mà con người biểu lộ hơn rất nhiều sự ác độc hay sợ hãi mà họ biểu lộ. Đúng thực là có những cảm xúc nhân gian có rung động cao hơn một số cảm xúc nhân gian khác. Một số điều con người gọi là tình thương có độ rung cao hơn sự giận dữ hay thù hận. Tuy nhiên, tình thương này là một cảm xúc nhân gian, so sánh, tương đối và không phải là tình thương thuần khiết – không phải là Tình thương Thiêng liêng.

Cái trí vỏ ngoài, phân tích sẽ không bao giờ hiểu được tình thương, bản chất thực của Tình thương Thiêng liêng. Cái trí vỏ ngoài muốn tình thương là một cái gì nó có thể xử lý bằng cách mô tả đặc tính, phân tích các thành phần, và so sánh với tiêu chuẩn của sự thực. Thày có thể tìm cách đưa ra lý lẽ vì sao tình thương, Tình thương Thiêng liêng, lại như nó là, nhưng trí vỏ ngoài của con sẽ có thể phản bác và đưa ra lý lẽ vì sao tình thương không thể như vậy được.

Tình thương Thiêng liêng như thế nào? Sự thực mà trí vỏ ngoài không thể hiểu, tự ngã không thể chấp nhận, là Tình thương Thiêng liêng hoàn toàn và tuyệt đối vượt lên trên mọi điều kiện. Ta có thể gọi nó là tình thương vô điều kiện vì nó là cách ngắn nhất để mô tả Tình thương Thiêng liêng. Nó vượt lên trên mọi điều kiện mà tâm thức tương đối và tách biệt có thể quy định. Đó là lý do tại sao không thể so sánh nó với bất cứ điều gì trên trái đất. Nó không thể bị đóng khung trong một tiêu chuẩn. Nó không thể bị đóng khung trong một định nghĩa.

8.7. Trải nghiệm tính chất vô điều kiện của Tình thương Thiêng liêng

Thày có thể cho con lý lẽ về điều này, nhưng thày sẽ không làm vậy vì khi con theo học khóa giảng này, con cũng tới khóa nhập thất của thày ban đêm. Ở khóa nhập thất của thày, thày có nhiều phương pháp giúp con trải nghiệm tình thương vô điều kiện, và khi con đã trải nghiệm thì không cần biện minh đúng sai. Câu hỏi là: “Kinh nghiệm tình thương vô điều kiện mà con có ở khóa nhập thất trên cõi ê-the là nơi có sự thuần khiết cao, con có thể nào chuyển nó xuống tâm ý thức của con chăng?” Tâm ý thức của con thường trụ ở cõi vật chất, là nơi có rung động thấp hơn cõi ê-the. Kinh nghiệm tình thương vô điều kiện trong tâm ý thức khó hơn rất nhiều.

Nhiều người trong các con đã trải nghiệm, ít nhất là chợt thoáng, tình thương vô điều kiện hay trạng thái tâm thức thuần khiết hay vô điều kiện. Nhiều người trong các con đã có trải nghiệm thần bí, và con chỉ cần nhận ra là các trải nghiệm này cho con thấy điều gì đó về tình thương. Con phải mở tâm và trái tim mình ra, bỏ qua bên những hình tư tưởng về tình thương cho đến khi con có trải nghiệm có ý thức về tình thương vô điều kiện.

Thày biết rõ là có người sẽ biện minh chống lại ý niệm Tình thương Thiêng liêng là tình thương vô điều kiện. Cũng có đệ tử chân sư thăng thiên, hay ít nhất là cựu đệ tử chân sư thăng thiên, sẽ biện minh chống lại ý niệm này. Khi con biện minh chống lại thì con sẽ đóng tâm vỏ ngoài không trải nghiệm được tình thương vô điều kiện một cách ý thức. Nếu con lựa chọn không trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng, thì thày tôn trọng lựa chọn của con, nhưng thày sẽ chất vấn tại sao con lại đặt mình thành một chuyên gia về tình thương? Làm sao con có thể là một chuyên viên về tình thương nếu con không chịu trải nghiệm sắc thái cao nhất của tình thương? Con yêu dấu, điều này có hợp lý chăng?

8.8. Tình thương Thiêng liêng không có điều kiện, không thể kiểm soát

Những người mong muốn tự tôn mình như chuyên gia hay khuôn mặt uy tín trên trái đất thường bị kẹt nhất trong tâm thức sa ngã. Họ muốn kiểm soát mọi thứ, và sa nhân chắc chắn là muốn kiểm soát tình thương. Họ muốn loại bỏ Tình thương Thiêng liêng. Họ muốn ngăn chặn tất cả những người tâm linh nhìn nhận, chấp nhận hay trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Họ cực lực mong muốn con tin rằng tình thương có điều kiện và có thể được quy định bởi tiêu chuẩn của họ.

Các con yêu dấu, tình thương vượt lên trên ngôn từ, hình tướng, hình ảnh. Nó không thể quy định được. Nó không thể sở hữu được. Nó không thể kiểm soát được. Hoặc con là cánh cửa mở cho tình thương tuôn chảy qua con, hoặc con tự cắt đứt mình ra khỏi nó. Thày có nói gì về sự sở hữu? Con muốn cái đồng hồ dừng lại. Con muốn mọi chuyện đứng yên để con có thể sở hữu cái con nghĩ con cần sở hữu. Tình thương Thiêng liêng là gì? Tại sao nó là vô điều kiện? Vô điều kiện có nghĩa gì? Nó có nghĩa không bao giờ đứng yên. Nó luôn luôn tuôn chảy và thăng vượt chính nó. Đó là lý do vì sao nó không thể bị giam trong bất cứ hình tướng nào.

Tình thương là cái luôn luôn kéo con lên để con trở nên hơn nữa, thăng vượt chính mình, và càng ngày càng gần hơn sự hợp nhất với Hiên diện TA LÀ và sự thăng thiên. Nếu con nghĩ con có thể ngưng dòng chảy của tình thương, tạo ra một hình tư tưởng, phóng chiếu nó lên tình thương và nói: “Đây là tình thương”, thì con quả thực không biết tình thương là gì. Tình thương không thể bị giam. Không ai có thể sở hữu nó. Tự ngã sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận điều này, trừ phi họ đạt được giác ngộ, là điều sa nhân có thể làm, nhưng tự ngã thì không.

Con không cần phải băn khoăn về điều này khi con đi trên con đường tự điều ngự. Điều con cần quan tâm là chân thành nhìn vào tâm mình, vào cách mình được dạy dỗ, vào cách mình đã bị điều kiện hóa để có một hình tư tưởng về tình thương. Con cần chất vấn những tiêu chuẩn để giải thoát tâm mình khỏi những hình ảnh này về tình thương. Bằng cách này, con mở tâm ý thức của mình để trải nghiệm điều mà tâm ê-the của con đã trải nghiệm.

8.9. Trải nghiệm có ý thức tình thương vô điều kiện

Trong cả hai trường hợp, chính cái Ta Biết là cái ta đã trải nghiệm. Nếu con, cái Ta Biết, muốn trải nghiệm tình thương vô điều kiện một cách ý thức, và giữ sự nhận biết ý thức của kinh nghiệm này, thì con cần phải tách mình ra khỏi cái tâm tách biệt. Con cần phải xa lánh các hình ảnh giả, các hình ảnh sa ngã, về tình thương. Thày không có ý định biện minh với cái ta vỏ ngoài và thuyết phục nó là tình thương thực sự vô điều kiện. Ý định của thày là giúp con có được, trong tâm ý thức của mình, một sự nhận biết có ý thức những gì con đã trải nghiệm ở khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the.

Thày có thể làm gì ở khóa nhập thất để giúp con trải nghiệm tình thương vô điều kiện? Thày sử dụng cái máy mà thày đã đề cập tới, có khả năng phóng lên màn ảnh những gì có trong trường năng lượng của con ở các tầng tiềm thức. Thày có thể chỉ cho con thấy con đã hủ hóa tình thương như thế nào và dùng nó để xây tường giam tâm ý thức của con. Thày có thể chỉ cho con thấy điều này buộc con như thế nào với sa nhân, với tâm thức tập thể, với trung giới (astral plane).

Khi con thấy hình ảnh này, ban đầu con sẽ rất chấn động. Con sẽ bị chấn động khi con thấy bao nhiêu năng lượng từ Hiện diện TA LÀ bị chuyển về tình thương hủ hóa này. Con sẽ bị chấn động khi con thấy bao nhiêu năng lượng bị hút bởi các quỷ dữ và tà linh trong trung giới. Con sẽ bị chấn động khi con thấy các bồn chứa năng lượng bị hủ hóa. Con sẽ bị chấn động khi con thấy những sinh thể sấu xa và bất hòa sống trong các bồn chứa đó, đang giơ vuốt và móc bám vào trường năng lượng của con qua các hủ hóa tình thương đó. [đọc Vũ trụ quan về ác quỷ]

Khi con thấy các hình ảnh này ở cõi ê-the, thì con có động lực để nhìn vào tiềm thức của mình và khám phá những niềm tin đã khiến con hủ hóa tình thương. Con sẵn sàng nhìn vào các hình tư tưởng về tình thương đến từ tâm thức sa ngã mà con đã chấp nhận. Thày không chê trách con là đã chấp nhận chúng. Ai có thể lớn lên trên một hành tinh như trái đất, sống ở đây nhiều kiếp, mà không chấp nhận những hủ hóa tình thương đã thấm đẫm hành tinh này?

Thày không có ý định miệt thị con, và trên cõi ê-the con biết rõ điều này vì con trải nghiệm nó trực tiếp. Khi con đọc bài này với tâm ý thức, tâm vỏ ngoài của con không trải nghiệm Hiện diện của thày như khi thày đứng bên cạnh con trong thân xác. Khi con ở khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the, con trải nghiệm Sinh thể của thày, Hiện diện của thày. Con biết, con trải nghiệm, là thày không chê trách con. Điều mà con cảm thấy từ thày chính là tình thương vô điều kiện chỉ muốn nâng con lên.

Khi thày chỉ cho con thấy con bị buộc vào các lực phản tình thương này, con không cảm thấy là thày đang chỉ trích hay miệt thị con. Con chỉ cảm thấy thày muốn con được tự do, nhưng con chỉ được tự do khi con thấy. Con phải thấy làm sao con bị buộc vào các lực phản tình thương. Con phải thấy vì sao con bị buộc vào chúng bởi các niềm tin sai lầm và hình tư tưởng về tình thương. Khi con cho là tình thương có điều kiện thì con buộc mình vào các sinh thể có điều kiện đã từ rất lâu xa rời Tánh linh.

8.10. Tự ngã sẽ chối bỏ tình thương vô điều kiện

Thày có nói về một quan hệ lứa đôi trong đó con chờ đợi người yêu sẽ cho con tình thương mà con cần. Thày có nói là con có trách nhiệm lấy tình thương đó từ bên trong mình, từ Hiện diện TA LÀ của mình. Con sẽ không thể nào lấy được tình thương đó, chấp nhận được tình thương đó, nếu con chưa bắt đầu quán chiếu và chấp nhận một cách ý thức là tình thương không có điều kiện.

Nếu con thấy Thượng đế có điều kiện, thì con sẽ chối bỏ tình thương vô điều kiện. Con sẽ không nhận ra nó là tình thương vì nó không đáp ứng các điều kiện của con, định nghĩa của con, về tình thương, và do đó con nghĩ nó là cái gì khác. Cũng có thể con cảm thấy bị nó đe dọa. Chắc chắn là tự ngã của con cảm thấy bị nó đe dọa. Nếu con đồng hóa mình với tự ngã, con sẽ chối bỏ tình thương.

Tại khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the, có học viên khi cảm nhận tình thương của thày thì chối bỏ nó. Có lúc họ co rúm lại vì ghê rợn, và lúc đó thì thày chỉ cho họ thấy trên màn ảnh tác dụng của nó, nguyên do từ đâu và niềm tin đằng sau là gì. Thày có thể chỉ cho họ thấy chuyện gì xảy ra trong trường năng lượng của họ khi một tia tình thương vô điều kiện chảy vào nó. Thày có thể chỉ cho thấy là tự ngã co rúm vì nó cảm thấy ghê rợn tuyệt đối, thù ghét tuyệt đối chống lại tình thương này và làm đủ mọi cách để đẩy lui nó. Tự ngã tìm đủ mọi cách để thuyết phục con chối bỏ tình thương vô điều kiện. Khi học viên thấy rõ hình ảnh chuyện gì đang xảy ra, thì đa số thoát ra khỏi thái độ này ngay tức khắc trên cõi ê-the. Điều thày muốn đạt được qua quyển sách này, là nói với tâm ý thức của con, và giúp con chấp nhận chuyện đó một cách ý thức.

Khi con có một quan hệ lứa đôi thương yêu, thì đúng lý con phải nhận tình thương từ người bạn đời, nhưng con làm sao có được tình thương này khi con có quá nhiều điều kiện định nghĩa tình thương? Tại khóa nhập thất của thày, thày có thể chỉ cho con thấy là trong đa số quan hệ trên trái đất, một hay cả hai người phối ngẫu chối bỏ tình thương đến từ người kia. Đàn ông không đến từ Hỏa tinh và đàn bà không đến từ Kim tinh, nhưng vì tình trạng bất quân bình quá đáng giữa hai phái tính đã chi phối trái đất từ mấy ngàn năm nay, người con trai và con gái đã được giáo dục với quan niệm trái ngược về tình thương và cảm xúc, cách biểu lộ cảm xúc và cách đáp ứng lại cảm xúc. Trong rất nhiều quan hệ lứa đôi, người phụ nữ có nhiều tự do biểu lộ tình thương và biểu lộ một cách vô điều kiện hơn là người đàn ông, nhưng trong nhiều trường hợp người đàn ông không chấp nhận được tình thương này. Y đã được giáo dục để có một hình ảnh khác là tình thương phải biểu lộ như thế nào, và y không chịu nổi khi bà vợ biểu lộ tình thương một cách tự do hay biểu lộ một hình thức tình thương cao hơn.

Mặt khác, đa số phụ nữ có vấn đề lớn khi họ biểu lộ tình thương và cảm thấy nó không được đón nhận. Họ cảm thấy bị chối bỏ, không có giá trị, bị bỏ quên. Sau khi cảm thấy bị người chồng chối bỏ, người vợ bắt đầu cảm thấy người chồng không bày tỏ đủ tình thương với bà. Dĩ nhiên là người vợ được giáo dục để nghĩ là người chồng phải biểu lộ tình thương giống như bà, nhưng làm sao y làm vậy được khi y đã được giáo dục với một quan niệm hoàn toàn khác về tình thương? Do đó hầu như không thể tránh là cả hai sẽ thất vọng. Con thường thấy mô thức qua đó người vợ cảm thấy không được thương yêu đủ và bắt đầu lên án người chồng: “Anh không thương tôi nữa. Anh không thương tôi đủ. Anh không bao giờ biểu lộ tình thương. Anh không bao giờ nói anh thương tôi.”

Khi chuyện này xảy ra, thường người đàn ông phản ứng bằng cách cảm thấy mình không có khả năng ứng xử. Có thể y cũng nhận thấy là y không biểu lộ tình thương một cách tự do. Y cảm thấy người vợ thiếu cái gì mà y không cho được. Vì y không biết phải cho làm sao nên ý cảm thấy y thiếu khả năng và muốn người vợ ngừng đổ lỗi cho y. Y theo mô thức hoặc cố hết sức biểu lộ tình thương, và hy vọng như vậy sẽ đầy đủ, hoặc ý chối bỏ vấn đề và bắt đầu càng ngày càng rút lui khỏi người vợ, muốn vợ ngưng không nhiều cảm xúc như vậy.

Chỉ có một giải đáp cho tình trạng này, đó là cả hai vợ chồng đều qua tiến trình vượt qua những hủ hóa tình thương mà họ đã chấp nhận khi họ lớn lên. Họ phải bắt đầu chấp nhận tình thương vô điều kiện từ Hiện diện TA LÀ của họ. Khi con mở tâm đón nhận tình thương của Hiện diện TA LÀ, con cũng sẽ bắt đầu biết cách biểu lộ nó, nếu con muốn thử làm và tiếp tục thử làm.

8.11. Tình thương vô điều kiện không đứng yên

Thày có nói là tình thương không đứng yên, vậy làm sao con trải nghiệm tình thương khi con hiện thân trên trái đất? Một số người trong các con có thể trải nghiệm là con có thể đi vào trạng thái thiền định sâu hoặc trạng thái nhập một với tổng thể, và cảm thấy tình thương vô điều kiện từ Hiện diện TA LÀ của mình, từ một chân sư thăng thiên, hay từ Thượng đế. Con cũng trải nghiệm là con không thể duy trì tình thương này khi ở trong tâm thức và sinh hoạt bình thường, hằng ngày và thức tỉnh.

Tại sao vậy? Đó là vì, khi con trải nghiệm tình thương, đó là một món quà để con mở tâm ra và để tình thương tuôn chảy xuyên qua con. Con có thể có một trải nghiệm đích thực, thần bí về tình thương vô điều kiện, nhưng đó chỉ là để con có một ý niệm đo lường cùng với tâm cao là tình thương là gì. Sau đó, con cần tiến bước kế tiếp, giống như câu truyện ẩn dụ mà Giê-su đã nói về các gia nhân được cho tiền. Có hai gia nhân đã tăng trưởng số tiền được cho, còn một người thì đem chôn xuống dưới đất. Con không nên chôn tình thương xuống dưới đất, nhưng hãy dám biểu lộ nó.

Con không thể liên tục nhận tình thương nếu con không biểu lộ nó, nếu con không để nó tuôn chảy qua con. Cách duy nhất để liên tục trải nghiệm tình thương là để nó tuôn chảy xuyên qua các luân xa, tâm, con người, lời nói, hành động của con. Tình thương muốn được biểu lộ. Nó muốn tuôn chảy. Con không thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện như một trạng thái đứng yên. Con có thể trải nghiệm nó thoáng qua, nhưng con không ưthể trải nghiệm nó liên tục. Con chỉ có thể trải nghiệm tình thương một cách liên tục như một dòng suối, một dòng chảy. Làm sao có dòng chảy trừ phi có một lỗ thoát để nó chảy qua, trừ phi có một chỗ để nó chảy tới?

8.12. Một mô thức bất hài hòa trong các quan hệ

Mục đích biểu lộ tình thương cho người vợ hoặc chồng không phải là để có được một phản ứng nào đó từ người này. Đây là một mô thức bất hài hòa nhất trong các quan hệ vợ chồng. Một trong hai người vợ chồng bắt đầu nhận biết thế nào là tình thương vô điều kiện và bắt đầu biểu lộ tình thương đó với ngời kia, nhưng nó không được chấp nhận như chờ đợi, có thể vì người đó chưa sẵn sàng chấp nhận tình thương vô điều kiện. Người đầu cảm thấy tình thương của mình bị chối bỏ. Cũng có thể người đó cảm thấy bị chối bỏ và lúc đó người đó ngưng dòng chảy của tình thương. Người đó cắt đứt tình thương. Người đó nối kết sự biểu lộ tình thương của mình với cách người kia đón nhận nó.

Con yêu dấu, đây là lúc con nhận ra tính ích kỷ không phải lúc nào cũng xấu. Con sẽ tới một điểm trên con đường tu nơi con cần một hình thức cao của tính ích kỷ, và nói: “Điều gì tốt nhất cho tôi? Điều gì tốt nhất cho sự phát triển tâm linh của tôi? Có phải điều tốt nhất cho tôi là sau khi tôi nhận được hồng ân của kinh nghiệm tình thương vô điều kiện, tôi cố gắng hết sức biểu lộ nó với người bạn đời của tôi? Khi người bạn đời của tôi không thể nhận nó giống theo quan điểm của tôi, thì tôi phản ứng bằng cách cắt đứt dòng chảy tình thương. Hành động này có thực sự tốt nhất cho tôi, cho sự phát triển tâm linh của tôi chăng?”

Con yêu dấu, câu trả lời dĩ nhiên là không! Hẳn là con cũng phải thấy như thế! Cái gì tốt nhất cho con? Điều tốt nhất cho con là con tách rời sự biểu lộ tình thương với cách người bạn đời của con tiếp nhận nó, hay không tiếp nhận nó. Con không để sự biểu lộ tình thương của con tùy thuộc vào trạng thái tâm và chọn lựa của người khác. Con tiếp tục biểu lộ tình thương, và con tiếp tục gia tăng khả năng biểu lộ tình thương của mình.

Nếu con làm vậy thì một trong hai chuyện sẽ xảy ra. Hoặc người bạn đời của con sẽ dần dần chuyển hóa và có thể nhận tình thương của con, hoặc con tiếp tục nâng tâm thức của mình cho tới lúc con không thể tiếp tục có quan hệ đó nữa. Con sẽ được dòng chảy của tình thương đưa con tới một quan hệ khác, nơi con có thể biểu lộ tình thương một cách tự do hơn và tình thương đó được tiếp nhận tự do hơn.

8.13. Hãy tự do biểu lộ tình thương

Một mô thức bất hài hòa khác là con bắt đầu biểu lộ tình thương và con chờ đợi người bạn đời phải đáp ứng bằng cách biểu lộ tình thương với con. Nhưng ngời bạn đời con có thể không sẵn sàng làm điều này, và cũng có khi vị ấy không muốn làm điều này. Con có thể tìm cách nói chuyện với người bạn đời về nhu cầu biểu lộ đồng thời tiếp nhận tình thương, nhưng nếu câu chuyện này không dẫn đến kết quả, thì con nên chú tâm vào việc gia tăng dòng tình thương tuôn chảy xuyên qua con, gia tăng khả năng là cánh cửa mở cho tình thương tuôn vào. Con hãy gia tăng khả năng biểu lộ nó bằng những cách càng ngày càng tế nhị và tự do hơn. Con càng tự do khi biểu lộ tình thương, thì con càng giải thoát mình khỏi mối liên hệ với một người hay tình thế khiến tình thương không thể được tự do biểu lộ. Con càng biểu lộ tình thương, con càng tạo thêm động lượng sẽ tăng dần tới lúc nó đủ để mang con ra ngoài tình thế đó sang một tình thế khác nơi tình thương có thể được biểu lộ tự do.

Thày có đang nói là con phải quyết định có ý thức, với tâm vỏ ngoài, là con phải bỏ người vợ hoặc chồng nếu vị ấy không thể tiếp nhận hay biểu lộ tình thương? Không, thày không nói vậy. Thày nói là con mở tâm ra đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện. Nếu con có điều kiện và áp dụng chúng vào việc người bạn đời phải tiếp nhận hay biểu lộ tình thương theo điều kiện nào đó, thì con không mở tâm ra đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện.

Con chớ nghĩ là con có thể dùng bài giảng này của thày như một cái cớ để bỏ người vợ hoặc chồng của con. Ít nhất con đừng nghĩ là con có thể đánh lừa thày khi con làm vậy. Con hãy chú tâm vào việc mở tâm đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện. Con hãy ở lại trong quan hệ cho tới khi con nhận được từ bên trên lời hướng dẫn không thể chối cãi là đã đến lúc tuôn chảy đi. Con đừng quyết định với tâm vỏ ngoài.

Đúng thực là con nên kháng cự khi tâm vỏ ngoài tìm cách dẫn con tới quyết định đó. Con hãy học cách nhận ra khi tự ngã đang ép con lấy một quyết định. Con hãy kháng cự nó bằng cách từ chối không lấy quyết định. Con hãy học cách nhận ra những chuyển dời vi tế trong nhận biết của mình, tỷ dụ như khi con cảm thấy là sợi dây buộc con vào bờ đã nhả ra. Con cảm thấy là con được tự do trôi theo dòng chảy của cuộc sống.

8.14. Quan hệ tình yêu là một thách đố lớn

Con yêu dấu, chắc con đã bắt đầu nhận ra là khi con đến khóa nhập thất của Tia thứ Ba của thày, một trong những điểm chính mà con cần cải thiện là các quan hệ tình yêu của con. Một trong những thách đố lớn nhất mà con phải đối diện trên con đường tu tâm linh là quan hệ tình yêu của con. Thày đã nêu lên sự kiện là trên hành tinh này, quan hệ giữa người nam và nữ đã bị hủ hóa, bị mất quân bằng đến độ rất khó mà có được một quan hệ cao, một quan hệ sáng tạo.

Có quá nhiều lực đang tìm cách phá hủy các mối quan hệ tình yêu vì đây là cách hiệu quả bậc nhất để trì hoãn sự tiến bộ tâm linh của con người. Đúng thực là có những cách hiệu quả hơn, tỷ dụ như khiến con người tham gia chiến tranh và bị chết hoặc bị thương cả thể xác lẫn tinh thần. Trong những hoàn cảnh sống mà con có thể gọi là “bình thương”, quan hệ tình yêu đã khiến nhiều người đình chỉ, hay có khi bãi bỏ hoàn toàn, việc phát triển tâm linh, khi họ đi vào một mô thức tàn phá, đánh nhau với vợ hay chồng hoặc tìm cách tiêu diệt khi không kiểm soát được người này.

Thày hoàn toàn không có ý muốn con trách cứ mình nếu con không thành công trong quan hệ tình yêu. Ngược lại, thày tìm cách để con đo lường cùng với thày là quan hệ tình yêu trên trái đất là một thách đố rất lớn. Có nhiều hành tinh khác nơi quan hệ tình yêu dễ dãi đến độ con không thể tưởng tượng được. Con hãy tha thứ mình nếu con đã có vấn đề trong quan hệ tình yêu. Con hãy cố tha thứ và kiên nhẫn với người bạn đời của mình.

8.15. Tha thứ người bạn đời và đi tiếp con đường của mình

Nếu con đã trải nghiệm quan hệ tình yêu đã chấm dứt, thì con nên nhận ra điều này: điều duy nhất mà con có thể làm là tiếp tục cuộc đời của mình. Để có thể tiếp tục cuộc đời của mình, con cần rút tỉa những bài học từ quan hệ đó. Con cũng cần tha thứ, cần giải thoát người bạn đời khỏi mặc cảm tội lỗi hay đổ lỗi.

Thày biết là tự ngã cũa con sẽ phản ứng và nói: “Nhưng người bạn đời của tôi đã làm điều này và điều kia. Làm sao tôi có thể tha thứ được?” Con không tha thứ để giải thoát người đó khỏi những cái móc dính mắc. Con tha thứ để giải thoát con khỏi những cái móc dính mắc, vì sa nhân sẽ có những móc trong tâm con nếu con không tha thứ.

Con cần nhận biết có ý thức là điều tốt nhất cho sự phát triển tâm linh của con là con tiếp tục cuộc đời mình sau khi một quan hệ tình yêu chấm dứt. Để con có thể tiếp tục cuộc đời mình, con cần tha thứ. Con cần tha thứ người bạn đời, nhưng con cũng cần tha thứ chính mình. Con cần buông bỏ.

Có một sợi dây thừng đang buộc con vào quá khứ, đang giữ con thuyền của con ở một nơi cuộn sóng trong Dòng sông sự Sống. Con hãy đi sâu vào thể cảm xúc của mình và cảm thấy là sợi dây thừng thắt lại thành cái gút. Con hãy tháo cái gút, cầm sợi dây thừng trong tay, và mở bàn tay ra để sợi dây trôi đi. Con hãy cảm thấy là con thuyền của thể phàm của con, của tâm hồn con, nay được tự do trôi theo dòng nước để rời khu cuộn sóng và tới một phần yên lặng hơn của dòng sông.

TA LÀ Paul người Venice, và điều thày thương yêu nhất là tình thương, Điều thày thương yêu nhất sau đó là con.

Tình thương và Minh triết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 4/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice. Thày đến đây để giảng về những khai ngộ mà con đối diện ở tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày. Con lưu ý là thày không nói rằng ở tầng một con phải vượt qua tất cả khuynh hướng dùng tình tương làm trò chơi quyền lực. Con cũng có thể bắt đầu nhận ra rằng tự ngã muốn tìm ra một cái gì tối thượng. Điều này thể hiện ý muốn kiểm soát của nó. Ví dụ, nó nghĩ nếu nó tìm ra được học thuyết tối hậu, thì nó có thể hoàn toàn kiểm soát hoàn cảnh, định mệnh của nó, thế giới, người khác và Thượng đế.

Đây là điều con đặc biệt cần chú ý khi con đối mặt các khai ngộ của minh triết. Thày Lanto, sư huynh yêu dấu của thày, đã tìm cách giúp con vượt qua khuynh hướng này ở Tia thứ Hai, nhưng nhiệm vụ của thày, niềm vui của thày là giúp con vượt qua nó ở Tia thứ Ba. Ở tầng khái ngộ thứ hai ở khóa nhập thất của thày, con đối diện với bài học dùng tình thương phối hợp với Tia thứ Hai của Minh triết.

6.1. Khuôn nếp của quan hệ tình yêu hiện nay

Đây là lúc con cần bắt đầu nhìn ra xu hướng, rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở thế giới phương Tây, muốn hiểu mọi thứ và cho rằng hiểu có nghĩa là hiểu bằng trí năng. Con cần hiểu ngụ ý của thày Lanto khi thày giải thích trong cuốn sách của thày về những giới hạn của cái trí, của trí năng, nhưng thày sẽ giảng thêm về trí năng và tình thương, đặc biệt là các mối quan hệ tình yêu.

Chúng ta đã bước vào một giai đoạn tiến hóa của hành tinh này và của loài người, khi các khuôn nếp quan hệ tình yêu cũ đang bị thử thách và thường bị phá vỡ. Ví dụ, con thấy ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là thế giới được gọi là phát triển, số ly hôn hiện nay nhiều hơn so với giai đoạn gần đây trong lịch sử. Điều này có nhiều lý do, nhưng lý do căn bản chính là để bước vào Thời đại Bảo bình, con không thể tiếp tục các khuôn nếp quan hệ của thời đại Song Ngư và trước thời đại Song ngư.

6.2. Hai cực nam và nữ

Mối quan hệ giữa nam và nữ trên hành tinh này đã hoàn toàn mất quân bình từ rất lâu. Con thấy trong truyền thống văn hóa gọi là truyền thống Do thái-Cơ đốc giáo, từ thời kinh Cựu Ước mối quan hệ giữa nam và nữ đã theo sát một khuôn nếp quy định người nữ tự bản chất thấp kém hơn người nam.

Con hãy nhìn câu chuyện sáng thế trong Cựu ước kinh. Đầu tiên, Thượng đế tạo ra người nam, và sau đó, như chợt nhớ, Thượng đế tạo ra người nữ để hỗ trợ và giúp đỡ người nam. Con có thực sự nghĩ sáng thế diễn ra như vậy? Nếu con nghĩ vậy, thì thày có thể đảm bảo với con rằng khi con đến tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày, nhận thức đó sẽ bị thách đố.

Các thày, những chân sư thăng thiên, đã từ lâu bày tỏ điều gì qua sứ giả này? Các thày đã giảng rằng Đấng Sáng tạo là một, không phân chia, không thể chia cắt, nhưng khi Ngài quyết định sáng tạo, hành động sáng tạo đầu tiên là tạo ra một đối cực gồm hai lực: lực lan ra và lực co lại, tương đương với nam tính và nữ tính. Con có thực sự nghĩ rằng con có thể tạo ra một đối cực bằng cách tạo ra một sắc thái trước và sau đó tạo ra sắc thái còn lại không? Con có thực sự nghĩ rằng trong một đối cực, một sắc thái vượt trội hơn săc thái kia? Trong một đối cực, cả hai cực được tạo ra cùng một lúc, và chúng được tạo ra trong một quan hệ cộng sinh (symbiotic) để cân bằng lẫn nhau.

Thày đã nói trong bài giảng đầu là Tánh linh đóng vai trò chính yếu trên trái đất theo nghĩa con phải tuân theo Sứ vụ Thiêng liêng của mình hơn là các yêu cầu của thế gian. Con không thể bắt Tánh linh tuân theo yêu cầu của thế gian. Lý do là trái đất là một bầu cõi chưa thăng thiên bị mất cân bằng rất nặng. Làm sao con giúp bầu cõi này thăng thiên? Con không giúp bầu cõi thăng thiên được bằng cách tuân thủ các điều kiện đến từ trạng thái tâm thức không thăng thiên, tâm thức tách biệt.

Đó là lý do tại sao Tánh linh phải đóng vai trò chính yếu, và đó là cơ sở cho câu Thánh kinh nói rằng người chồng là chủ gia đình. Câu này chỉ có nghĩa biểu tượng mà thôi. Nó không bao giờ có ý muốn nói người nam hơn người nữ. Nó không bao giờ có ý nói khía cạnh nam của đối cực Thiêng liêng cao hơn khía cạnh nữ, rằng phái nữ đã gây sa ngã và do đó bây giờ nên đổ tội cho phụ nữ. Nó không muốn nói phải chèn ép phụ nữ vào một vị thế thấp phục vụ đàn ông, vâng lời họ và im miệng trong nhà thờ.

6.3. Cân bằng thái cực nữ

Toàn bộ tâm thức chèn ép phụ nữ đã đến từ sa nhân. Họ thấy cơ hội tạo sự mất quân bình giữa hai giới tính sâu xa đến độ hai bên sẽ không bao giờ có được quan hệ bình đẳng trong đó người nam và người nữ có thể biểu lộ trọn vẹn đối cực Thiêng liêng. Sa nhân đã tạo ra một khuôn nếp khiến quan hệ tình yêu vật lý ở cõi vật chất hầu như không thể phát huy hết tiềm năng sáng tạo cao nhất của nó. Đây là điều cần được khắc phục trong thời đại hoàng kim.

Khi con ở tầng của khóa nhập thất của thày, con không cần khắc phục toàn bộ khuynh hướng này cùng một lúc, nhưng con cần biết đến nó. Con cần nhận ra là nếu con có quan hệ với một người khác giới tính, cả hai người chúng con cần thăng vượt đối cực giả, sự mất quân bình cho rằng phái nữ kém hơn phái nam.

Thày biết nhiều người trong chúng con đã lớn lên trong thời hiện đại. Các con thường cảm thấy cha mẹ mình bị kẹt trong một quan hệ cổ lỗ quy định một vai trò nhất định cho phụ nữ. Các con hiện đại hơn, cân bằng hơn. Thày không tranh cãi là các con cân bằng hơn cha mẹ mình. Hầu hết các con chắc chắn là thế. Điều thày muốn nói là vẫn còn nhiều thứ phải khắc phục liên quan tới quan hệ giữa hai giới tính.

6.4. Không thể sở hữu tình thương Thiêng liêng

Tình thương có khả năng quân bằng tuyệt vời. Không thể sỡ hữu được tình thương. Con có thể tóm tắt như vậy bài giảng đầu của thày nếu con nắm ngụ ý của thày. Hầu hết mọi người nghĩ rằng trò chơi quyền lực sở hữu và kiếm soát của tự ngã là sở hữu và kiểm soát điều gì đó trong cõi vật lý.

Tự ngã muốn sở hữu và kiểm soát một số đặc tính sáng tạo để nó có thể hủ hóa chúng và loại chúng ra khỏi thế gian này. Tự ngã muốn hủ hóa cái nhìn của con về tình thương để con không thể là cánh cửa mở cho tình thương Thiêng liêng chảy qua con. Tình thương Thiêng liêng này có thể triệt tiêu sự mất quân bằng trong mọi quan hệ trên trái đất, nhưng nó chỉ làm được khi nó được tuôn chảy tự do. Nếu con hủ hóa nó, nếu con tìm cách ép nó vào một khuôn đúc tư tưởng dựa trên tâm thức tách biệt thì tình thương không chảy tự do được. Lúc ấy nó không chữa lành với hiệu quả tối đa được. Làm sao tình thương chữa lành được khi con tìm cách ép nó vào chính cái hình tư tưởng đã khiến con cần chữa lành? Đây là hình tư tưởng mất quân bằng khiến con cần chữa lành. Nếu con tìm cách ép tình thương tuôn chảy theo hình tư tưởng mất quân bằng đó, thì con không có tình thương Thiêng liêng. Bất cứ cái gì chảy qua con sẽ không có quyền năng chữa lành tối đa.

Điều này có hợp lý chăng? Trí năng có hãnh diện khi dùng lý trí không? Qua cái Ta Biết, con cần học cách dùng lý trí chống lại cái tâm trí thức, phân tích và lý luận. Thày không muốn nói “chống lại” theo nghĩa con đánh nhau với tâm mình. Con dùng lý trí để tránh không bị hút vào những khuôn nếp do tâm tạo ra.

6.5. Khắc phục sự mất quân bằng giữa hai giới tính

Con thấy gì trong quan hệ nam nữ trong thế giới hiện đại? Nhìn bên ngoài, con thấy số hôn nhân chấm dứt bằng ly dị nhiều hơn bao giờ hết. Nhìn bề sâu hiện tượng này, con thấy có sự chuyển đổi trong sự vận hành của quan hệ giữa hai giới. Sự chuyển đổi này có nhiều khía cạnh, nhưng thực ra động lực là nhu cầu khắc phục nhiều ngàn năm mất quân bằng. Không phải chỉ riêng người nam tạo ra và duy trì sự mất cân bằng. Con đừng lầm tưởng rằng các người nam đang hiện thân đã tạo ra sự mất quân bằng và là thủ phạm duy trì nó.

Con đang phải đương đầu với những lực vượt lên trên cõi vật lý. Chúng đã tạo ra sự mất quân bằng và điều khiển việc duy trì nó xuyên qua những người đang hiện thân sẵn lòng là công cụ cho chúng. Điều cần xảy ra là con không chịu làm công cụ nữa vì con vượt lên trên cách quan hệ nam nữ vận hành. Con cần nhận ra sự bất quan bằng trong quan hệ nam nữ không phải là điều con có thể đổ lỗi cho người phái nam.

Kể từ thời câu truyện sa ngã trong Vườn Địa đàng trong Cựu ước kinh, chuyện gì đã xảy ra giữa phái nam và phái nữ? Có phải là người nam đã đổ lỗi cho người nữ làm cho họ sa ngã? Con có nghĩ rằng con sẽ tiến bộ nếu con tạo ra một văn hóa trong đó người nữ đổ lỗi cho người nam đã chèn ép người nữ? Làm sao con khắc phục đổ lỗi bằng cách đổ lỗi thêm nữa? Người nam đã không bắt đầu chu kỳ này. Họ trở thành nạn nhân của nó, như phụ nữ cũng là nạn nhân vậy. Con cũng cần nhận ra rằng phụ nữ đã đồng ý tùng phục điều này, dù họ hiếm khi ý thức điều đó.

Họ đã mang vai trò này suốt vài ngàn năm qua. Phụ nữ trên trái đất này đã chấp nhận xem mình thấp kém hơn dựa trên những khác biệt thể lý giữa cơ thể nam và nữ. Họ cũng đã chấp nhận mình thấp kém hơn dựa trên một lý thuyết triết học được các tôn giáo cổ vũ. Ngay cả bên phương Đông với những tôn giáo không dựa trên Cựu ước kinh, con vẫn thấy bất bình đẳng giữa các giới. Con vẫn thấy phụ nữ bị chèn ép và bị xem gần như là vô tích sự vì không dễ gả chồng cho con gái.

6.6. Đổ lỗi là một sự hủ hóa tình thương

Con không thể đổ lỗi là người nam đã tạo ra tình trạng này. Con không thể đổ lỗi cho riêng truyền thống Do thái-Cơ đốc. Con có thể đổ lỗi cho sa nhân, nhưng làm thế không thật sự hữu ích. Vấn đề với tâm thức bất quân bình nam nữ là nó dùng một hủ hóa tình thương khác, hủ hóa chính là sợ hãi, nhưng đổ lỗi là một trong những hủ hóa hàng nhì. Điều con cần làm là khắc phục khuynh hướng, nhu cầu đổ lỗi. Nếu con sẵn sàng, con làm điều này ở tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày. Lúc ấy con nhận biết được rằng đổ lỗi là sự hủ hóa tình thương.  

Con thấy gì trong thế giới hiện đại này? Con thấy kiến thức được mở rộng không thể tưởng tượng được, kiến thức về sự vận hành của mọi sự. Phần lớn kiến thức này đạt được bằng tư duy đường thẳng, phân tích và trí năng. Tư duy này chắc chắn có một số đặc tính tích cực. Con đừng bị lừa mà nghĩ rằng trí năng nhất thiết là kẻ thù của phát triển tâm linh. Nó chỉ là kẻ thù khi con dùng nó một cách mất cân bằng, là điều tự ngã và sa nhân muốn. Con có thể vượt lên trên điều này vì trí năng có thể chứng minh một điều kiện là đúng hoặc ngược lại. Trí năng rất giỏi trong việc tạo ra một cách nhìn đời mất cân bằng nhưng con có thể dùng lý luận của trí năng để phơi bày sự mâu thuẫn và mất cân bằng này. Sau đó, cái Ta Biết có thể bước ra khỏi nó. Thay vì đồng hóa với trí năng và cách nhìn đời của trí năng, con có thể xem trí năng chỉ vỏn vẹn là công cụ để hoàn thành một số phần vụ trong cõi vật chất.

Con có thể ngừng không dùng trí năng để suy luận về những gì vượt quá cõi vật chất vì con có thể nhận ra chân lý mà các nhà thần bí mọi thời đại đã biết. Chân lý đó là trí năng không bao giờ có thể cho con hiểu biết chính xác về thế giới cao. Đức Phật nhận ra điều này 2,500 năm trước đây, đó là lý do vì sao thày không nói về cõi trời nhưng dạy cách làm chủ tâm mình. Con có thể nâng cao tâm thức cho tới khi con trực tiếp trải nghiệm thế giới cao bằng một cách vượt quá hiểu biết và phân tích của trí năng.

Trong thế giới hiện đại con người đã gia tăng khả năng nhận biết, nhưng giống như câu nói cũ; “Nếu bạn chỉ có một cái búa, bạn nghĩ mọi vấn đề đều là cái đinh.” Nếu dụng cụ duy nhất mà con có là trí năng, con nghĩ mọi vấn đề phải giải quyết bằng cách phân tích. Con thấy chăng những gì đã xảy ra giữa người nam và người nữ? Con người đã có nhận biết cao hơn về quan hệ tình yêu. Điều này có nhiều điểm rất tốt và rất cần thiết.

Nhân loại cần phá vỡ quan hệ cũ, không quân bình giữa người nam và người nữ. Điều này chỉ xảy ra khi nhận biết được nâng cao, nhưng nó không thể dựa trên kiến thức trí năng mà thôi. Con thấy là trong thế giới phương Tây hiện đại, người nam và người nữ đã tìm cách phân tích để giải quyết các vấn đề trong quan hệ của họ. Có một lực ngầm là lực phát triển đã tạo nên nhiều vấn đề hơn trong các mối quan hệ.

6.7. Khó duy trì quan hệ mất cân bằng.

Ngày nay một quan hệ mất cân bằng khó duy trì, khó hơn nhiều so với thời thế hệ cha mẹ con. Hầu hết các con có thể nhìn về quá khứ và thấy rằng trong thế hệ cha mẹ mình, họ có thể ở với nhau trong hôn nhân 40 hay 50 năm. Lý do một phần là vì họ chấp nhận một trạng thái cân bằng giả tạo giúp họ sống với nhau mà không thách thức nhau. Dù kết quả là một sự hài hòa bề ngoài, nhưng nó không đem lại sự phát triển.

Ngày nay, trạng thái cân bằng giả tạo này khó duy trì, và đó là lý do tại sao nhiều người trong các con có vấn đề trong quan hệ tình yêu của mình. Một quan hệ không phát triển khó duy trì hơn. Một trong hai người bạn đường cảm thấy không thỏa mãn, mối quan hệ không đạt được tiềm năng cao nhất của nó, có điều gì đó cần phải thay đổi.

Lúc đó nhiều người trong các con làm gì? Con đọc một cuốn sách hay con đi gặp một người tư vấn, và con tìm cách hiểu bằng trí năng chuyện không ổn trong quan hệ của con để con thử tìm cách hàn gắn nó. Đây vừa là sức mạnh vừa là tai họa của thế giới Tây phương: khuynh hướng phân tích mọi thứ. Con nghĩ rằng con có thể hiểu nguyên nhân một sự việc bằng cách tìm ra các thành phần cơ bản của sự việc đó. Khi con thay đổi nguyên nhân, con cũng sẽ thay đổi hậu quả. Con nghĩ rằng nếu có vấn đề giữa người nam và người nữ trong quan hệ của họ, con cần phân nhỏ vấn đề ra từng thành phần nhỏ.

Giả dụ con có mối quan hệ giữa một người nam và một người nữ. Bây giờ con chú tâm vào người nam rồi con chú tâm vào người nữ. Con nói: “Đặc tính của người nam là gì? Đặc tính của người nữ là gì?” Con đi đến một lý thuyết nghe rất hay là “người nam đến từ Hỏa tinh và người nữ đến từ Kim tinh.” Sau đó, con phân tích một số đặc tính của người nam và con nói: “Người nam hành động như thế này, và nó ảnh hưởng người nữ như thế này. Người nữ hành động như thế này, và nó ảnh hưởng người nam như thế này. Nếu người nam học cách biết họ đang làm gì và điều họ làm ảnh hưởng người nữ như thế nào, thì họ có thể thay đổi để họ không tạo ra hậu quả tiêu cực nơi người nữ. Nếu người người học để biết chính họ, họ cũng có thể thay đổi, và như thế đôi bên có thể sống hạnh phúc mãi mãi với nhau.”

Con yêu dấu, điều rất quan trọng ở đây là con phải bước lên cao hơn và vượt quá điều mà trí năng lúc nào cũng muốn làm, đó là giàn dị hóa vấn đề thành các thành phần cơ bản của nó. Trí năng muốn tin rằng nó đã tìm ra điểm mấu chốt, nguyên nhân sâu xa. Khi nó hiểu được điểm này, nó cũng sẽ hiểu các khía cạnh khác của vấn đề.

Các nhà vật lý đã làm gì để hiểu thế giới vật lý? Đầu tiên họ nhìn vào các hình dáng bên ngoài. Sau đó họ thấy rằng mọi thứ được tạo ra ra từ vật chất. Vật chất được tạo ra từ phân tử. Phân tử được tạo ra từ nguyên tử. Nguyên tử được tạo ra từ các hạt hạ nguyên tử. Các nhà trí thức duy vật nói: “Bằng cách tìm ra các hạt hạ nguyên tử, chúng tôi đã thu nhỏ thế giới xuống thành các thành phần cơ bản của nó. Bây giờ vấn đề chỉ là hiểu cách các hạt hạ nguyên tử hoạt động và tìm ra hạt tối hậu, hạt-thượng đế. Khi đó chúng ta sẽ hiểu cách toàn bộ vũ trụ vận hành”. Nhưng sự thức không phải là như vậy.

6.8. Dùng trực giác để vượt quá trí năng

Trí năng có giới hạn cơ bản. Khi phân tích, giản dị hóa sự việc thành những thành phần cơ bản của nó, nó đánh mất cái gì? Nó đánh mất cái tổng thể. Có thể con đã nghe câu nói: “Tổng thể nhiều hơn các thành phần cộng lại.” Quan hệ giữa người nam và người nữ là một tổng thể và nó nhiều hơn người nam và người nữ, tâm lý của hai người. và sinh lý của hai ngời cộng lại. Nó nhiều hơn thế.

Bây giờ thày muốn con phân biện rõ ý của thày. Thày không nói phân tích các quan hệ hay phân tích tâm lý người nam và người nữ là điều sai hay vô ích. Thế giới hiện đại đã tiến bộ vì nó đã phân tích và cố gắng tìm hiểu mọi việc. Điều thày muốn chỉ cho con thấy là sự tiến bộ của thế giới hiện đại đã đạt tới tối đa những gì có thể đạt được bằng cách phân tích và giản dị hóa mọi sự việc. Điều cần cho thời đại Bảo bình – điều cốt yếu để thời đại Bảo bình trở thành thời đại hoàng kim – là con người học cách phân tích tới mức tối đa và sau đó dùng trực giác để đi xa hơn nữa.

Một số người đã hiểu được điều này. Einstein, chẳng hạn, đã hiểu được phần nào và do đó đã dùng trực giác để đạt một số đột phá. Ông không hiểu đầy đủ những gì thày nói ở đây, nghĩa là ông đã cho phép trí năng áp đặt một giới hạn trên khả năng trực giác của ông. Đó là lý do tại sao ông không hoàn tất được công việc của mình và không đưa ra được lý thuyết mà ông mong mỏi tìm ra.

Lý do một phần là vì ông không nhận ra là mơ ước về một lý thuyết tối hậu là mơ ước của trí năng chứ không phải là mơ ước của trực giác. Trực giác không có nhu cầu có cái tối hậu trong thế giới vật lý, vì nó tuôn chảy với Tánh linh. Nó biết là lực tối hậu, thực tại tối hậu là dòng tuôn chảy.

6.9. Phá vỡ các khuôn nếp phản ứng trong quan hệ

Không có điều gì đứng yên, vậy làm sao có điều gì tối hậu được? Thượng đế là tối hậu, nhưng ngay Thượng đế cũng không đứng yên. Thượng đế luôn luôn thăng vượt qua con. Vậy tại sao con, khi con là khía cạnh tự thăng vượt của Thượng đế, lại nghĩ rằng mình có thể đứng yên? Điều này không hợp lý. Sa nhân không thể thấy điều này, tự ngã của con không thể thấy điều này và trí năng của con không thể thấy điều này. Nhưng con có thể thấy được, khi con ý thức mình là nhận biết không bị ràng buộc. Điều này liên quan ra sao với quan hệ giữa người nam và nữ? Con có thể giảm thiểu người nam xuống một số đặc tính không? Con không thể làm được!

Điều con có thể làm được là giúp người nam và người nữ nhận ra: “Cái ta vỏ ngoài của tôi đã bị mắc kẹt trong một khuôn nếp. Khi người bạn đường của tôi làm hay nói một số điều, cái ta vỏ ngoài của tôi phản ứng một cách nào đó và điều đó có nghĩa là tôi cãi lại.” Con cũng có thể hiểu rằng khi con phản ứng và nói điều gì với người bạn đường của mình, thì người bạn đường cũng có một khuôn nếp khác khiến người đó phản ứng một cách nào đó. Điều này có nghĩa là cả hai chúng con đi vào một vòng xoáy hướng hạ kéo năng lượng của chúng con xuống.

Con có thể hiểu điều này, và nó rất hữu ích để con phá vỡ những khuôn nếp này – nếu con sẵn sàng phá vỡ chúng, nếu đôi bên sẵn sàng phá vỡ chúng. Nếu chỉ có một tronghai người bạn đường sẵn sàng phá vỡ khuôn nếp, thì mối quan hệ không nhất thiết thăng vượt được lên trên tầng mức đó.

6.10. Nhận tình thương là thuốc giải độc sợ hãi

Nói tóm lại, con sẽ không có một quan hệ thành công chỉ bằng cách phân tích mình và phân tích nhau. Con chỉ thành công khi nhận ra rằng tình thương phải luôn luôn tuôn chảy.

Điều gì đã thật sự khiến các mối quan hệ bị mắc kẹt trong những khuôn nếp giới hạn này? Đó là nỗi sợ mất mát của tự ngã, khiến nó muốn kiểm soát người bạn đường để nó không mất điều mà nó nghĩ nó chỉ có được xuyên qua người bạn đường. Tất cả con người trên trái đất đều phần nào bị ảnh hưởng bởi tâm thức tách biệt. Nếu con không bị ảnh hượng, con không thể ở lại trong xác thân này. Con càng xuống các tầng tâm thức thấp thì càng bị ảnh hưởng. Con càng bị ảnh hưởng bởi tâm thức tách biệt, thì con càng cảm thấy cô đơn. Con cảm thấy bị mắc kẹt trong một môi trường đầy đe dọa và quan hệ của con với môi trường dựa trên sợ hãi.

Mọi người đều biết từ bên trong con người mình là tình thương là thuốc giải độc cho sự sợ hãi. Nhiều người không biết điều này một cách ý thức, nhưng nó vẫn có mặt nơi các phần sâu của tâm. Điều này có nghĩa rằng con càng bị mắc kẹt trong sợ hãi thì con càng khao khát tình yêu.

Làm sao con có được tình thương? Khi còn nhỏ, nếu con may mắn thì có được tình thương từ cha mẹ hay ít ra từ một trong hai người. Nhiều trẻ em lớn lên với cha mẹ bị mắc kẹt ở dưới tầng tâm thức thứ 48. Khi một người ở dưới tầng tâm thức thứ 48, người đó không thể cho tình yêu một cách tự do. Con cái người đó sẽ không cảm thấy nhận được đầy đủ tình thương từ cha mẹ.

Phần kia của phương trình là nếu em nhỏ ở dưới tầng tâng thức 48, em sẽ không có khả năng nhận được tình thương một cách tự do. Dù cha mẹ cho em tình thương bao nhiêu chăng nữa, em sẽ không cảm thấy đủ. Tình trạng cơ bản là hầu hết mọi người lớn lên với cảm giác không nhận đủ tình thương nên họ cảm thấy thiếu hụt. Sau đó họ vào tuổi thanh thiếu niên, kích thích tố tác động và họ bắt đầu có cảm xúc tình dục. Dựa trên nền văn hóa chung, họ nghĩ rằng cách có được tình thương mà họ hằng mong ước là tìm được một người bạn đường khác giới và có với nhau một mối quan hệ thể xác, lãng mạn và tình dục.

6.11. Thiếu hụt tình thương

Hầu hết quan hệ tình yêu trên hành tinh này bắt đầu với tình trạng hai người bạn đường cảm thấy mình thiếu hụt tình thương. Cả hai nghĩ rằng ý nghĩa của mối quan hệ là nó sẽ lấp đầy sự thiếu hụt tình thương của mình. Làm sao nó làm được? Nó làm được nếu mình nhận được đủ tình thương từ người bạn đường. Bạn đường của con cũng thiếu hụt tình thương và anh hay cô ấy cảm thấy mình không nhận được đủ tình thương khi mình lớn lên. Thày hiểu rằng con lớn lên trong một nền văn hóa lệch lạc. Con lớn lên với một cái nhìn lệch lạc về quan hệ. Con lớn lên với kỳ vọng là người bạn đường của con có thể lấp đầy nhu cầu tình yêu của con. Thày hiểu rằng con có kỳ vọng này. Thày không đổ lỗi con về chuyện này. Thày chỉ hỏi con liệu kỳ vọng này có thực tế không. Liệu rằng người bạn đường của con có thể nào lấp đầy nhu cầu tình yêu của con không?

Người bạn đường của con đã lớn lên trong cùng nền văn hóa với con. Người bạn đường của con cũng có sự thiếu hụt, cũng cảm thấy là mình không nhận đủ tình thương. Nếu con bị thiếu hụt, và người bạn đường của con bị thiếu hụt, thì làm sao người đó có thể cho con tình thương mà con cần nếu người đó không có đủ tình thương trong trường năng lượng và luân xa của anh hay cô ấy?

Làm sao người bạn đường có đủ tình thương để cho con để con lấp đầy nhu cầu của mình? Làm sao hai người cùng thiếu hụt có thể giúp nhau vượt qua sự thiếu hụt này? Điều này có hợp lý không? Chắc hẳn trí năng cũng phải nhận ra kỳ vọng này thiếu thực tế? Nếu con bắt đầu một mối quan hệ mà trong đó cả hai bên đều đặt kỳ vọng không thực tế vào mối quan hệ, thì chỉ có thể có một kết quả xảy ra: cả hai đều sẽ thất vọng với mối quan hệ.

Bây giờ con lý luận theo kiểu nền văn hóa của con đã dạy con, là điều này có nghĩa là quan hệ của con có điều gì không ổn: “Nhu cầu tình thương của tôi không được người bạn đường lấp đầy. Vậy phải có điều gì không ổn rồi. Vì tôi không được điều gì tôi cần từ người bạn đường, vậy là người bạn đường của tôi có cái gì không ổn.” Bấy giờ, hai người đi tới giai đoạn, sau khi họ làm ngơ với sự thật rằng cả hai bên đều không hài lòng với mối quan hệ, nay họ bắt đầu nhìn nhận và công khai nói lên sự không hài lòng với mối quan hệ.

Sau đó họ đến thời điểm mà họ quyết định: “Chúng ta phải làm điều gì đó.” Họ làm gì? Họ tìm một cuốn sách, họ theo một khóa học, họ tìm đến một chuyên gia tư vấn. Họ bắt đầu có những cuộc nói chuyện làm kiệt sức: “Cô/anh đã làm điều này! Cô/anh đã không làm điều này! Cô/anh làm cho tôi cảm thấy thế này. Cô/anh làm cho tôi cảm thấy thế kia.”

Con đang tìm cách làm gì đây? Nếu con đang tìm cách nhận biết những khuôn nếp lệch lạc của chính mình để thay đổi chúng, thì đây là cơ hội để con hưởng lợi lạc từ các cuộc nói chuyện này. Nếu cả hai người bạn đường đều làm điều này, nếu cả hai đều sẵn sàng nhìn vào chính mình và thay đổi khuôn nếp của mình, thì họ sẽ đạt tiến bộ. Điều thường xảy ra là cả hai đều bước vào trò chơi quyền lực ngụy trang như tình yêu, như thày đã nói trong bài giảng đầu của thày. Con dùng trí năng để phân tích người bạn đường của mình, với mục đích khiến người bạn đường thay đổi và con thì không phải thay đổi.

6.12. Giải quyết sự thiếu hụt bằng cách tập trung vào tổng thể

Con yêu dấu, đây là trò chơi cơ bản của tự ngã: Không bao giờ nhìn vào cái đà trong chính mắt mình, luôn luôn nhìn vào mảnh dằm trong mắt người bạn đường, luôn luôn phóng chiếu là vấn đề ở bên ngoài, và giải pháp là người bạn đường phải thay đổi trong khi con thì không phải thay đổi. Hoặc con cảm thấy nếu con phải thay đổi, thì con chưa thể thay đổi nếu người bạn đường chưa thay đổi. Nếu người bạn đường thay đổi và cho con tình yêu mà con cần, thì lúc đó con sẽ tự động thay đổi. Có bao nhiêu người trong chúng con đã ở trong tình trạng này? Tất cả chúng con đều đã như vậy, và người sứ giả này cũng không ngoại lệ. Con có thể bước lên và nhận ra đây lại một ví dụ khác của trò chơi quyền lực, và con đang sử dụng tình yêu như cái cớ?

Ở mặt ngoài, con có thể cảm thấy và thành thật tin rằng con chỉ làm điều này vì con muốn mối quan hệ thành công. Con chỉ tìm cách giúp người bạn đường thay đổi để anh hay cô ấy có thể thoát ra khỏi các khuôn nếp lệch lạc. Con cũng có thể cảm thấy con đang tìm cách thay đổi chính mình, thoát ra khỏi khuôn nếp của mình. Một lần nữa, con hãy lưu ý. Con có thể tiến triển bằng cách phân tích mối quan hệ, cách vận hành giữa con và người bạn đường, và phân tích tâm lý của con và người bạn đường. Con có thể tiến triển bằng cách này, nhưng con sẽ không tiến triển tối đa và con sẽ không cứu vãn được mối quan hệ bằng cách chú tâm vào tiến trình phân tích và giản dị hóa vấn đề. Một quan hệ thành công, có sự sáng tạo tối đa, chỉ có thể dựa trên một điều: chú tâm vào tổng thể.

Con làm gì khi con phân tích nguời bạn đường của mình? Con tìm cách rút người đó xuống thành một số đặc tính, một số khuôn nếp trong tâm lý. Một chuyên viên tư vấn giỏi có thể cho con thấy một số khuôn nếp trong tâm lý của con và người bạn đường, nhưng các con đang làm gì? Các khuôn nếp đó hiện hữu trong tâm vỏ ngoài. Các khuôn nếp đó không ở trong cái Ta Biết vì cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết, không phân biệt và không có khuôn nếp. Khi con rút mình và người bạn đường xuống thành những khuôn nếp trong tâm vỏ ngoài, chuyện gì xảy ra? Con chỉ thấy cây, và con không thấy khu rừng của cái Ta Biết là cánh cửa mở, là ngõ vào cho Hiện diện TA LÀ của con và người bạn đường.

Tự ngã của con và tự ngã của người bạn đường sẽ không bao giờ hợp nhau. Tâm vỏ ngoài của con và tâm vỏ ngoài của người bạn đường sẽ không bao giờ thật sự sáng tạo chung với nhau. Tâm vỏ ngoài của các con có thể tìm ra một sự cân bằng nơi đó không có xung đột. Hai tự ngã của chúng con có thể đi vào trạng thái cân bằng trong đó một người ở địa vị cao và người kia ở đia vị thấp. Điều này có thể cho chúng con một sự cân bằng quyền lực trong đó chúng con có thể sống chung mà không tranh chấp liên tục.

Nhiều người trên thế gian này gọi đó là một quan hệ thành công, thậm chí là hài hòa. Đây không phải là một quan hệ sáng tạo vì quan hệ sáng tạo chỉ xảy ra khi cả hai bên đều tìm cách trở thành cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của mình. Trở thành cánh cửa mở nghĩa là vượt qua những khuôn nếp trong tâm lý để con có thể là cái Ta Biết mà không bị tâm vỏ ngoài pha màu – và con giúp người bạn đường cũng làm như vậy. Con càng phân tích người bạn đường, con càng nắm giữ ý tưởng: “Ồ, anh ấy như thế này” hoặc “Anh ấy như thế kia” hoặc “Cô ấy như thế này” hoặc “Cô ấy luôn luôn phản ứng như thế kia.” Con càng làm thế thì con càng che mờ cái Ta Biết và sự tự do tuôn chảy của nó. Con càng phân tích thì con càng thiếu sáng tạo. Một lần nữa, phân tích có thể giúp vượt qua các khuôn nếp, nhưng một khi con đã vượt qua chúng, con cần đi bước kế tiếp và cho phép mỗi người được là như họ là.

6.13. Nhận tình thương từ Hiện diện TA LÀ của con

Con hãy so sánh điều thày vừa nói về sự thiếu hụt tình thương, nhu cầu có tình thương, và nhu cầu nhận tình thương từ người bạn đường. Con chỉ làm được điều này khi cả hai đều nhận ra mục đích của quan hệ giữa người nam và người nữ không phải là hai bên cho nhau tình thương. Mục đích là hai bên sáng tạo và thể hiện điều gì lớn hơn điều mỗi người có thể làm một mình vì tổng thể được phép trở thành lớn hơn sự gộp lại của các thành phần.

Con cũng cần nhận ra rằng, dù con cần tình thương, con sẽ không bao giờ nhận đủ tình thương từ người bạn đường hay từ bất cứ một con người nào khác. Con không thể nào nhận được đủ tình thương từ bên ngoài mình. Con chỉ có thể nhận được từ bên trong mình, từ Hiện diện TA LÀ của con. Không người bạn đường nào trên trái đất có thể yêu con như Hiện diện TA LÀ của con.

Nhiều người tâm linh đã bắt đầu vượt lên trên tình thương thế gian, nhưng họ vẫn nghĩ rằng nếu người bạn đường của họ thật sự tâm linh, người ấy phải có thể cho họ tình thương mà họ cần. Thày không nói rằng người bạn đường của con không được cho con tình thương khi chúng con sống với nhau trong quan hệ tình yêu. Chắc chắn là chúng con biểu lộ tình yêu cho nhau, nhưng nếu muốn mối quan hệ thành công thì cả hai bên phải vượt qua cảm giác thiếu hụt tình thương. Con không kỳ vọng và không đòi hỏi người bạn đường phải cho con tình thương, mà con chỉ có thể nhận được từ Hiện diện TA LÀ của con mà thôi. Con có thể nhận được tình thương từ người bạn đường, nhưng tình thương mà con cần để vượt qua tách biệt chỉ có thể đến từ Hiện diện TA LÀ của con.

Thiết lập sự nối kết với Hiện diện TA LÀ là trách nhiệm của mình con. Đây không phải là trách nhiệm của người bạn đường của con. Nó thậm chí không phải là trách nhiệm của vị thày của con, dù vị thày đó là một người đang có xac thân vật lý hay một chân sư thăng thiên. Nó là bổn phận của con.

Con cần biến trách nhiệm thành khả năng đáp ứng. Con làm điều mà thày nói trong bài giảng đầu của thày và con đặt ưu tiên đúng chỗ. Con nhận ra rằng tình yêu mà con mơ ước, tình yêu mà con thật sự cần, chỉ có thể đến từ Hiện diện TA LÀ của con, không phải từ người bạn đường. Con không kỳ vọng và không đòi hỏi người bạn đường cho con điều mà con không thể có được từ người ấy. Con không đổ lỗi cho người bạn đường đã không cho con điều mà, nếu người bạn đường có khả năng cho con, con cũng không có khả năng nhận.

Con hiểu chăng? Vấn đề không chỉ là việc người bạn đường không thể cho con tình thương mà con cần. Đó cũng là con không thể nhận tình thương đó từ bất cứ nguồn nào bên ngoài. Con chỉ có thể nhận nó từ Hiện diện TA LÀ của con.

6.14. Ngừng đổ lỗi người bạn đường của con

Chuyện gì xảy ra khi con gặp một người và bị tiếng sét ái tình? Con trải qua trạng thái hưng phấn, con cảm thấy mối quan hệ đang thành công và tình yêu đang tuôn chảy, và con đã rốt cuộc tìm được, con nghĩ thế, tình yêu mà con cần. Như hầu hết các con đã nhận ra, tiếng sét ái tình là một trạng thái ảo tưởng. Nó là một trạng thái hưng phấn. Nó giống như ma túy.

Khi con đang yêu, con tạm bỏ qua bên một số khuôn nếp của mình. Lúc đó con nhận được một chút tình thương từ Hiện diện TA LÀ của con. Con chỉ không biết là nó đến từ Hiện diện TA LÀ, và con nghĩ nó đến từ người bạn đường của con. Chuyện gì đã xảy ra sau đó, tại sao tình yêu đó phai nhạt đi? Vì Hiện diện TA LÀ biết con cần học điều gì. Con cần nhận biết một cách ý thức là tình yêu mà con cần chỉ có thể đến từ Hiện diện TA LÀ, để con bắt đầu chú tâm vào Hiện diện TA LÀ của con. Hầu hết mọi người không làm điều này trong quan hệ tình yêu vì họ không được giảng dạy đây là điều họ cần. Lúc ấy Hiện diện TA LÀ của con phải cắt đứt dòng tình thương. Nó phải cắt đứt không phải để trừng phạt con mà vì đây là cách duy nhất để con bắt đầu suy nghĩ tại sao con không nhận được tình thương mà con cần.

Vì những gì họ biết qua sự giáo dục khi lớn lên, hầu hết mọi người đi vào khuôn nếp đổ lỗi cho người bạn đường thay vì chú tâm thiết lập sự nối kết có ý thức với Hiện diện TA LÀ. Thày hoàn toàn hiểu điều này. Trong tâm thày chỉ có lòng trắc ẩn và đồng cảm với rất nhiều người không thể hành động tốt hơn vì họ không biết đúng hơn.  

Thày làm được gì ngoài chuyện cho con kiến thức để con biết đúng hơn? Thày hy vọng rằng các con nào mở tâm ra với giáo lý này và biết đúng hơn, sẽ hành động tốt hơn cho mình. Thày cũng hy vọng con sẽ lan truyền đến người khác là có quan niệm về quan hệ tình yêu khác với quan niệm bình thường.

6.15. Cân bằng giữa Alpha và Omega

Hạnh phúc tối hậu không đến từ một quan hệ tình yêu siêu phàm với người bạn đường toàn hảo trên trái đất. Hạnh phúc tối hậu chỉ đến khi con thiết lập quan hệ với Hiện diện TA LÀ của con. Con nhận ra Hiện diện TA LÀ là Alpha, khía cạnh nam của con người con. Cái Ta Biết là Omega, khía cạnh nữ của con người con. Rồi con cho phép Hiện diện TA LÀ làm chủ căn nhà của con, và con chấp nhận con là cực Omega ở thế giới vật chất, nối với cực Alpha của Hiện diện TA LÀ ở cõi tâm linh. Giờ đây con có được dòng chảy đúng đắn của hình số tám trong con người con (dòng chảy số tám theo chiều dọc), và sau đó con có thể thiết lập dòng chảy số tám sáng tạo nhất với người bạn đường trên trái đất này. Con không bao giờ có thể thiết lập dòng chảy số tám chiều ngang trước khi mỗi người trong hai chúng con đạt được một mức cao của dòng chảy số tám theo đường dọc.

Ý niệm người nam và người nữ hoàn toàn bình đẳng với nhau có nghĩa gì? Điều này chỉ thành tựu khi cả hai nhận ra quan hệ của mình với Hiện diện TA LÀ của mình. Họ nhận ra và trải nghiệm là Hiện diện TA LÀ ở trên cõi tâm linh và vượt lên trên mọi phê phán hay so sánh trên thế gian. Không có vấn đề mình giỏi hơn người khác. Không có vấn đề một người bạn đường cao cả hơn hay quan trọng hơn người kia.

Mỗi chúng con có Hiện diện TA LÀ của mình là một sinh thể tâm linh độc nhất. Mỗi chúng con có sứ vụ Thiêng liêng của mình. Cả hai chúng con đều quan trọng như nhau, và mối quan hệ chỉ được tiềm năng cao nhất khi con cho phép cả hai người hoàn thành sứ vụ Thiêng liêng của mình.

Thày hiểu rằng đôi khi, qua sự nhận biết, con đi tới kết luận rằng Sứ vụ Thiêng liêng của con đòi hỏi những tình huống bên ngoài và những hành động quá khác thường, và do đó không thích hợp và không thiết thực để duy trì một quan hệ tình yêu. Đây cũng là một quan hệ thành công.

Một quan hệ thành công không có nghĩa là hai bên sống suốt đời với nhau. Nó là mối quan hệ mà hai bên giúp nhau trên hành trình cá nhân của mình tới một điểm nơi họ sẵn sàng đi bước kế tiếp. Nếu cả hai người nhận ra rằng bước kế tiếp trên hành trình của họ sẽ thành tựu tốt nhất nếu họ không sống chung với nhau trong một quan hệ tình yêu, đây cũng là một thành công.

6.16. Hôn nhân trọn đời?

Ý tưởng hôn nhân trọn đời từ đâu đến? Một phần nó đến từ thời xưa khi tình trạng an ninh rất thấp, đặc biệt là trong những xã hội mà người nữ không có cách chi để tự nuôi sống mình, khi chỉ có người nam mới có việc làm hay nghề nghiệp. Hôn nhân trọn đời là một dụng cụ xã hội thực tiễn, vì tốt hơn là người nam không bỏ vợ mình khi bà bắt đầu có tuổi và không thể nào đáp ứng thèm muốn tình dục của ông. Vì lý do đơn thuần thực tiễn, văn hóa thiết lập rằng người nam phải sống trọn đời với vợ mình.

Quan niệm này vẫn có giá trị trong những xã hội mà người nữ vẫn chưa có cách kiếm sống. Tất nhiên, những xã hội như thế nay đã lỗi thời. Trong thời đại hoàng kim, mọi xã hội trên trái đất cần tiến tới chỗ mà cả người nam lẫn người nữ đều có thể tự túc nuôi sống mình. Ngày nào chưa đạt được điều trên, thì chưa thể có nền văn hóa trong đó người nam có thể từ bỏ người nữ bất cứ lúc nào anh muốn. Mặt khác, thế giới công nghiệp hiện đại đã vượt khá xa tình trạng này, nên con cần nhận ra ý tưởng người nam và người nữ phải ở đời với nhau chỉ có thể đến từ sa nhân và tự ngã. Chúng muốn giam con ở một mức nào đó và ngưng sự tăng triển của con.

Nếu một người nam và người nữ có thể phát triển cùng với nhau trong quan hệ hôn nhân suốt cuộc đời thì họ nên ở lại với nhau. Nếu họ nhận ra sự phát triển của mỗi người đòi hỏi họ trôi chảy về những hướng khác nhau, thì họ nên trôi chảy về những hướng khác nhau. Thay vì đổ lỗi cho nhau hay cảm thấy tủi hổ về chuyện này, họ có thể chia tay trong tình thần tích cực và niềm biết ơn đã hỗ trợ nhau tới mức này.

Nếu con không làm được thì con lại bị mắc kẹt trong trò chơi quyền lực khác. Con vẫn còn bị mắc kẹt trong trò chơi muốn đổ lỗi cho người bạn đường của mình, và điều này có nghĩa là con chưa đạt những khai ngộ ở tầng thứ hai của khóa nhập thất của thày. Tất nhiên, thày sẽ giúp con đạt những khai ngộ này trong bài giảng kế tiếp của thày, nói về liều lượng tình thương gấp đôi mà con nhận được ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày.

TA LÀ Paul người Venice.

Tình thương và Uy lực

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/1/2015.

TA LÀ chân sư thăng thiên Paul người Venice. Thày là Thượng sư của Tia thứ Ba bình thường được gọi là tia của tình thương.

Mục đích của thày trong loạt bài giảng này là tiếp tục công việc mà các thày đã khởi sự nhằm phơi bày cho những người đang hiện thân trong cõi vật chất những khai ngộ khi tu học với bảy Thượng sư. Những khai ngộ nhằm giúp con tạo động lực mang con tới tầng tâm thức thứ 96. Nó cũng sẽ mang con quá tầng này và đạt sự khai ngộ sẽ đưa con thực sự bước vào con đường của quả vị Ki-tô, thay vì sa ngã và dùng khả năng sáng tạo gây dựng tự ngã.

4.1. Hành trình vật lý và cá nhân

Khu nhập thất của thày tọa lạc ở miền Nam nước Pháp. Nó được gọi là Lâu đài của Tự do, là tên của tòa nhà là trung tâm điểm của khu nhập thất trong cõi vật lý. Các con có thể đi tới địa khu vật lý nơi một trong những khu nhập thất của các thày tọa lạc, nhưng con nên nhớ là khu nhập thất nằm trên cõi ê-the. Điều này có nghĩa là con phải hòa điệu với một rung động cao hơn rung động của cõi vật lý. Nếu con làm điều này dễ hơn khi con đi tới địa điểm vật lý, thì đi tới là điều tốt, nhưng con không phải tới địa điểm vật lý để có thể hòa điệu với rung động tâm linh. Thày phải nói là có nhiều trường hợp một người phải làm một cuộc hành trình vật lý để hoàn thành hành trình tâm thức tương ứng.

Đây là ý niệm được mô tả qua huyền thoại Odysseus làm cuộc hành trình Odyssey. Cuộc hành trình hào hùng này là biểu tượng của cuộc hành trình tâm thức, qua đó anh chạm trán các động lực trong tâm, hay là các phàm linh, theo từ ngữ các thày dùng hiện nay. Con cũng đang làm một cuộc hành trình tương tự. Có thể nó sẽ không bao giờ được viết thành một bản anh hùng ca và có thể không ai khác ngoài con biết đến nó, nhưng nó cũng quan trọng không kém. Thày sẽ không nói nó có một tầm quan trọng vĩ đại vì các thày đã giảng về tư duy cuồng đại [đọc Tự do khỏi bi kịch của tự ngã]. Nó là một hành trình quan trọng, không phải chỉ cho riêng con, vì con cũng khai phá một con đường trong tâm thức tập thể giúp cho những người khác dễ bước theo con đường tu hơn.

4.2. Cái Ta Biết lúc nào cũng tuôn chảy

Con đừng xem thường điều này, vì một hiểm nguy lớn nhất trên đường tu là cảm giác chán nản, cảm giác con đã bắt đầu quen thuộc với đường tu, quen thuộc với chỉ thị của chân sư thăng thiên. Con có thể trở nên quen thuộc với tầng tâm thức nào đó. Nhưng đó không phải là con trở nên quen thuộc, đó chính là tự ngã của con.

Cốt lõi của con người con là cái mà các thày đã gọi là cái Ta Biết. Nó được tạo từ bản thể của đấng Sáng tạo, và đấng Sáng tạo không bao giờ đừng yên, bất kể hình ảnh nào con có về ngài. Nó là một dòng sống tuôn chảy không ngừng. Cái Ta Biết không bao giờ đứng yên mà lúc nào cũng tuôn chảy. Tự ngã muốn ngừng giòng chảy của thời gian, ngừng vũ trụ vật lý, để có cảm tưởng nó đang nắm quyền kiểm soát. Khi cái Ta Biết đồng hóa nó với tự ngã, con nghĩ con cần phải nắm quyền kiểm soát, kể cả quyền kiểm soát việc tu hành. Khi con tới các mức khai ngộ ở khóa nhập thất của thày, con đến với một quan niệm băn khoăn có phải mình là thế này, các chân sư thăng thiên là thế này và con đường khai ngộ phải như thế này? Con có thấy chăng nguy cơ của việc truyền dạy một giáo lý vỏ ngoài là con tạo ra một hình tư tưởng là thày phải dạy chúng con như thế nào. Các thày đã lặp đi lặp lại điều gì? Điều giam con trong vũ trụ vật chất chính là những hình tư tưởng của con, quan niệm thế giới vận hành ra sao, Thượng đế ra sao và con như thế nào. Con cần thăng vượt các hình tư tưởng này! Con cần đi xa hơn chúng! Làm sao các thày có thể giúp con vượt quá hình tư tưởng mà con có về các thày và giáo lý nếu các thày thuận theo chúng, và qua đó xác nhận chúng và giữ con bị giam trong đó?

Đây là điều đoàn chưởng giáo giả sẽ làm. Họ sẽ nói: “Con đúng rồi. Con nay đã có giáo lý tuyệt đỉnh trên trái đất. Con chỉ cần tiếp tục làm theo suốt cuộc đời và con sẽ bảo đảm được thăng thiên.” Họ nói con vậy để phá hoại sự thăng thiên của con, và họ biết cách tốt nhất là khiến con bám víu vào tự ngã và cảm giác mình đang nắm quyền điều khiển.

Con có biết có bao nhiêu người đã tìm tới giáo lý chân sư thăng thiên trong thế kỷ vừa qua và cảm thấy họ đã tới đích. Họ đã về tới nhà; họ đã tìm ra giáo lý tuyệt đỉnh trên hành tinh này, giáo lý này sẽ dẫn họ thăng thiên. Họ đã dùng giáo lý để củng cố cảm giác của tự ngã là nó đang nắm quyền điều khiển. Họ cảm thấy rằng vì họ đã tìm ra giáo lý vỏ ngoài và pháp tu vỏ ngoài này, họ làm chủ con đường tu của họ.

Con yêu dấu, nếu con muốn làm chủ con đường tu của mình thì con đâu cần các chân sư thăng thiên nữa, phải không con? Con cần một hình ảnh khô chết của chân sư thăng thiên, và con cứ khẳng định nó là thày thật. Trong trường hợp này thày không thể giúp con. Không có chân sư thăng thiên nào có thể giúp con. Con còn không thể vào khóa nhập thất của Tia thứ Ba của thày nếu con còn bám víu vào các hình tư tưởng này.

Hình ảnh mà con cần đập tan ở bước khai ngộ đầu tại khóa nhập thất của thày là hình ảnh con có về tình thương. Nếu con sẵn sàng thăng vượt phần nào hình tư tưởng của mình, con có thể vào khóa nhập thất của thày.

Thày bảo đảm với con là con không thể tốt nghiệp khóa nhập thất của thày Lanto nếu con chưa chứng minh là con đã sẵn sàng thăng vượt phần nào các hình tư tưởng của mình. Thày cảnh báo ở đầu quyển sách này vì có người bắt đầu đọc quyển sách này dù chưa đọc hai quyển trước.

Thày không nói rằng không ai có thể đạt được những khai ngộ của hai tia đầu và sẵn sàng đón nhận những khai ngộ của Tia thứ Ba mà không đọc hai quyển sách đầu. Họ có thể đã đạt được những khai ngộ đó trong nội tâm, nhưng không có bao nhiêu người trong trường hợp này. Con nên khiêm tốn và đọc hai quyển sách đầu trước khi đọc quyển này, nhưng nếu con có trực giác mạnh là con sẵn sàng đọc quyển này thì thầy sẽ không cản ngăn con. Con hãy chắc chắn đây là trực giác đến từ nội tâm chứ không phải là niềm tự hào của tự ngã muốn chứng tỏ mình là một đệ tử cao cấp đã sẵn sàng nhận những khai ngộ về tình thương.

4.3. Khai ngộ về Tình thương và Uy lực

Chuyện gì xảy ra khi một học viên vào khóa nhập thất của thày? Khai ngộ đầu mà họ đối mặt là khai ngộ của tình thương phối hợp với uy lực của Tia thứ Nhất. Đây là một trong những khai ngộ khó khăn nhất cho những người đã hiện thân lâu đời trên trái đất. Ít có khái niệm nào bị con người hiểu lầm và lạm dụng nhiều như tình thương. Như các thày đã giải thích, mọi chuyện trên trái đất xoay vần chung quanh một trò chơi quyền lực. [đọc Tự do khỏi trò chơi của tự ngã] Đây là cốt lõi của tự ngã, là sự mong muốn cảm thấy mình đang nắm quyền điều khiển bằng cách khống chế người khác, điều kiện vật lý trên hành tinh, và ngay cả các chân sư thăng thiên và Thượng đế.

Các sa nhân đã tìm cách làm điều gì từ lần sa ngã nguyên thủy đã xảy ra từ quá lâu theo thước đo thời gian trên trái đất đến độ tâm trí con người không sao tưởng tượng được? Họ đã tìm cách điều khiển Thượng đế. Họ dùng mọi phương tiện để thực hiện ý đồ này, kể cả tình thương. Làm sao con có thể dùng tình thương để kiểm soát? Con chỉ cần nhìn vào trái đất và quan hệ giữa con người, cái mà con người gọi là quan hệ thương yêu.

4.4. Trình bày những khai ngộ của tình thương

Khi học viên tới khóa nhập thất của thày, đa số tin chắc họ đã biết tình thương là gì, cái gì không phải là tình thương, nó phải được biểu lộ như thế nào và nó không được biểu lộ như thế nào. Họ cũng khá tin tưởng vì họ là đệ tử chân sư thăng thiên có khá nhiều kinh nghiệm về con đường tu, nên họ biết khá rõ những khai ngộ mà thày sẽ cho họ. Chúng ta cần khắc phục điều này như bước đầu tiên. Thày không thể khai ngộ con về con đường của tình thương nếu con có ý định dùng những hình ảnh về tình thương của mình để áp đảo thày. Thày là thày, con là đệ tử. Thày đã đạt được những khai ngộ của tình thương. Do đó, thày trình bày những khai ngộ này cho con. Không phải là ngược lại.

Khi học viên tới khóa nhập thất của thày, họ thường rất kinh ngạc khi khám phá rằng thày không phải là một vị thày dịu dàng mà họ chờ đợi nơi một chân sư của tình thương. Thày không nói là thày không dịu dàng, nhưng thày không dịu dàng lúc ban đầu khi thày cho con các khai ngộ đầu của Tia thứ Ba. Thày cứng rắn, không nhượng bộ, không thỏa hiệp.

Nhiều học viên nghĩ rằng thày đang dùng quyền lực để áp đảo họ. Thày không làm vậy. Thày chỉ phản chiếu những gì họ phóng tới thày, và đa số học viên tới khóa của thày và phóng chiếu quan niệm sai lầm là tình thương là một trò chơi quyền lực. Thày không nói điều này như một lời đổ lỗi. Con hầu như không thể lớn lên trên hành tinh này mà không bị lập trình để dùng tình thương trong trò chơi quyền lực. Trò chơi quyền lực này quá phổ quát, quá lan tràn nên hầu như không thể lớn lên trên trái đất mà không bị nó ảnh hưởng.

Sự nghiêm nghị trong giọng nói của thày không có nghĩa là thày không chấp nhận con. Nó chỉ có nghĩa là thày cần phản chiếu điều mà con phóng tới thày, và cũng để chứng minh là, bất kể trò chơi quyền lực nào con đang chơi, nó không ảnh hưởng được thày. Thày sẽ không để con lừa thày và để con áp đảo thày, và con sẽ không áp đảo dược thày bằng vũ lực mà thôi. Và con cũng không thể áp đảo thày bằng bàn tay bọc nhung của khía cạnh mềm mỏng của tình thương.

Thày đã đạt được những khai ngộ của tình thương. Không có điều gì con mang theo con từ trái đất có thể lừa hay ép buộc thày phải quy phục trò chơi quyền lực của con. Thày không thể giải thoát con khỏi trò chơi đó nếu thày quy phục nó, phải không con? Đồng thời, thày cũng không thể giải thoát con khỏi nó nếu thày đối chọi lại con và tìm cách áp đảo con. Điều thày có thể làm là chứng minh là thày không thể bị lay chuyển, thày sẽ không bị lay chuyển, không một trò chơi quyền lực nào trên trái đất có thể lay chuyển thày được – dù nó đã ngụy trang là tình thương khéo léo tới đâu.

Khi học viên vượt qua sự chấn động ban đầu vì đã gặp một vị thày rất khác những gì họ tưởng tượng, thì chúng ta có thể tiến bước kế tiếp. Vì những học viên tới khóa này đã trải qua các khai ngộ của hai tia trước nên họ thay đổi tương đối không khó khăn. Khi con dùng tâm vỏ ngoài thì khó khăn hơn một chút. Thày cho con bài giảng này dưới một hình thức mà trí vỏ ngoài của con có thể đọc và nghiền ngẫm. Nếu con đọc quyển sách này và vẫn tiếp tục đọc, thì có lẽ là con đã thay đổi trong nội tâm. Con chỉ cần để nó thấm vào tâm vỏ ngoài để sẵn sàng nhìn một cách ý thức vào cuộc sống trên trái đất và nhận ra là con người dùng tình thương để chơi trò quyền lực với nhau.

Bước kế tiếp ở khóa nhập thất là thày dẫn học viên vào một phòng trong đó có một dụng cụ có thể gọi là một dụng cụ công nghệ. Con đã nghe các Thượng sư khác nói về các căn phòng có những dụng cụ tương tự. Thày có một cái máy đặc biệt hòa điệu để khám phá tình thương, rung động của Tia thứ Ba. Thày dùng máy này để chỉ, như một hình ảnh, cách con người sử dụng năng lượng của Tia thứ Ba. Khi thày nói năng lượng của Tia thứ Ba, thày muốn nói tới tình thương cũng như là sự hủ hóa tình thương. Thày có thể chỉ cho học viên thấy những hủ hóa tình thương trong trường năng lượng của họ. Đa số học viên còn không biết đây là sự hủ hóa. Đa số người trên trái đất không biết là tình thương đã bị hủ hóa, nhưng thày có thể chỉ rõ như hình ảnh.

Thày có thể chỉ rõ những tình huống khi người học viên tương tác với người khác, hay khi con người tương tác với nhau. Thày cũng có thể đi ngược dòng thời gian và chỉ những tình huống lịch sử trong đó những người nổi tiếng đã tương tác ra sao trong những biến cố lịch sử quan trọng. Thày có thể cho thấy họ đã dùng một hình thức hủ hóa của tình thương, và năng lượng tuôn chảy ra sao giữa những người đó. Thày có thể cho thấy một người đã dự trữ năng lượng tình thương hủ hóa trong tâm thức mình, và hướng nó vào tiềm thức của người khác để áp đảo hay thuyết phục họ. Qua sự áp đảo và thuyết phục đó, người kia tin rằng tình thương hủ hóa đó chính là tình thương.

4.5. Năng lượng hủ hóa của Tia thứ Ba

Đa số người trên trái đất không hiểu họ đã hủ thóa tình thương như thế nào, và vì sao họ làm vậy? Đó là vì họ đã coi tình thương hủ hóa là tình thương thực sự. Họ nghĩ năng lượng hủ hóa của Tia thứ Ba là tình thương thực sự. Các học viên rất chấn động khi thấy hình ảnh năng lượng bị hạ thấp dưới rung động của tình thương thuần khiết, khi thấy năng lượng thấp này được gọi là tình thương thực sự và đã được dùng trong trò chơi quyền lực để kiểm soát người khác.

Đối với học viên, đây là một thức tỉnh phũ phàng, nhưng điều may mắn là nó xảy ra ở khóa nhập thất của tình thương. Khi người học viên không còn mù quáng coi tình thương giả là tình thương thật, thì thày có thể cho y trải nghiệm tình thương thật, và đó là liều thuốc chữa lành sự chấn động khi y nhận ra phản tình thương. Phản tình thương có lẽ là sự hủ hóa được ngụy trang khéo léo nhất trên trái đất vì có rất nhiều người mong muốn tình thương, muốn thương yêu và muốn được thương yêu. Họ ngần ngại từ bỏ hình ảnh họ tưởng là tình thương thật, những điều họ đã bị điều kiện hóa để tin là tình thương thật, những điều họ đã bị lập trình để chấp nhận là tình thương thật.

Đa số học viên tới khóa nhập thất của thày, sau khi đã đạt được những khai ngộ của Tia thứ Nhất, đã vượt qua những hủ hóa tình thương hiển nhiên nhất. Nếu không họ đã không thể vượt lên trên tầng 48. Họ thường coi mình là người thương yêu, hay ít nhất là không bạo hành, không hung hãn – và họ quả thật như vậy. Họ đã có tiến bộ. Nếu con đang đọc bài này, thì con đã tiến bộ và vượt lên trên những hủ hóa tình thương hiển nhiên nhất. Nhưng con hãy cẩn thận và nhận ra rằng nếu con đã đạt được những khai ngộ của tình thương, thì con đã không có mặt ở khóa nhập thất của thày. Con vẫn còn phải đối mặt một số hủ hóa tình thương, nhưng chúng được ngụy trang rất khéo léo.

4.6. Quan hệ tình thương hủ hóa

Thày bắt đầu bằng cách chỉ cho học viên ở khóa nhập thất thấy những hủ hóa tình thương hiển nhiên nhất. Đó là những gì con thấy nơi những người ở dưới tầng tâm thức 48, là trường hợp của đa số trên trái đất. Con cũng có thể nhìn vào chính cuộc đời mình và thấy trong số những người con quen biết có ai có quan hệ được gọi là thương yêu nhưng có những hủ hóa hiển nhiên. Con có biết cặp nào trong đó người đàn ông và người đàn bà luôn luôn chơi trò quyền lực, tìm cách đàn áp người kia? Con có biết cặp nào trong đó một trong hai người đã chiếm đia vị thượng phong và người kia đã chịu khuất phục?

Những cặp đó có vẻ sống trong một quan hệ hài hòa và bình an vì một người đã đạt được địa vị thượng phong mà y muốn, và người kia đã chịu khuất phục. Con có thể thấy những người sống như vậy 20, 30, 40 năm hay lâu hơn thế trong một hôn nhân, nhưng kinh nghiệm đó có giúp họ tăng triển chăng? Không đâu con. Kinh nghiệm luôn luôn tranh chấp, cãi vã và cằn nhằn người bạn đường có giúp con tăng triển chăng? Không đâu con.

Con hãy nhìn quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có bao nhiêu người trong số các con đã có cha mẹ muốn kiểm soát mình vì lý do nào đó? Có thể là cha mẹ con muốn con thành tựu những gì họ không làm được chính họ, có trình độ học vấn, làm những chuyện mà họ không thể làm được. Cũng có thể là họ muốn chèn ép con để con không hơn họ. Có những cha mẹ muốn con mình hơn mình, nhưng cũng có cha mẹ không muốn con mình bằng mình. Họ muốn chèn ép con họ. Cả hai mong muốn đều là hủ hóa tình thương. Cha mẹ đó tìm cách ép uổng con cái thay vì để nó khám phá nó là ai, khám phá Sứ vụ Thiêng liêng của nó và biểu lộ sứ vụ này thay vì biểu lộ một chờ mong hay khuôn đúc phàm phu do cha mẹ gán cho.

Có bao nhiêu bà mẹ đã nghĩ rằng – vì bà đã mang đứa con trong bụng, đã hạ sinh trong đau đớn, và hy sinh cuộc đời hay sự nghiệp để nuôi đứa con – nên đứa con nợ bà điều gì? Khi người mẹ nghĩ vậy, nguyên do sâu sắc thường là bà mẹ có nghiệp quả rất nặng với dòng sống của người con trong các kiếp trước. Hạ sinh đứa con và nuôi nó là cơ hội duy nhất để bà mẹ quân bình nghiệp quả đó. Làm sao đứa trẻ lại nợ bà mẹ nếu nó đã cho bà cơ hội để quân bình nghiệp quả? Làm sao đứa con của con lại nợ con khi nó cho con cơ hội để được giải thoát? Con sẽ được tự do không nếu con cảm thấy đứa con nợ mình? Không có đâu con. Con sẽ củng cố khuôn nếp đã khiến con tạo nghiệp từ quá lâu nay. Thượng đế ơi, các người này sẽ còn chơi trò quyền lực bao lâu nữa? Tới bao giờ họ mới thôi nói là họ thương yêu một người, nhưng thực sự chỉ tìm cách kiểm soát người đó trong tiềm thức?

4.7. Dùng tình yêu để tranh cãi và kiểm soát

Khi thày nói những điều này, có thể con trải nghiệm là tâm vỏ ngoài của con muốn tranh cãi với thày. Nhiều người đọc bài này sẽ nhận thấy là tâm vỏ ngoài của họ nêu ra nhiều câu hỏi và lập luận đối chọi. Thày không muốn bàn luận về những câu hỏi và lập luận đó. Điều thày muốn con nhận ra là tiến trình đang xảy ra trong tâm con.

Thày muốn con nhận ra là tâm vỏ ngoài của con đang chất vấn, tranh luận, tìm cách phủ nhận hay bác bỏ lời của thày. Con có nghĩ tại sao tâm vỏ ngoài của con lại tìm cách phủ nhận những lời đang nhằm giải thoát con? Đó là vì tâm vỏ ngoài đang chơi trò kiểm soát với con. Nếu con muốn chơi trò chơi kiểm soát với chính tâm vỏ ngoài của mình thì thày không phản đối. Luật Tự quyết cho con làm điều này, nhưng thày sẽ chất vấn con, con được lợi lạc gì khi tới khóa nhập thất của thày? Con đã sẵn sàng nhận khai ngộ về tình thương và uy lực chưa? Con có sẵn sàng nhận ra tự ngã tinh tế như thế nào trong việc sử dụng tình thương theo ý nó?

Đa số học viên tới khóa nhập thất của thày có thể dễ dàng thấy những người ở dưới tầng tâm thức 48 đã dùng tình thương để kiểm soát người khác. Đa số các con đã trải nghiệm chuyện này nơi cha mẹ hay những người quan trọng trong đời mình như người phối ngẫu, anh chị em, xếp tại sở làm, vân vân. Nhiều người trong số các con đã suốt đời thấy những lạm dụng quyền lực này.

Có người trong số các con đã nổi loạn chống lại những tình cảnh này và do đó rơi vào tình huống khó chịu. Những người thích chơi trò quyền lực không thích bị thách đó, phải không con? Họ sẽ luôn luôn làm điều gì? Họ sẽ tấn công con một cách rất cá nhân. Họ cảm thấy con đang muốn phá vỡ quyền lực của họ, và để trả đũa, họ sẽ dùng quyền lực để đập tan con. Đó là một trong những trò chơi lâu đời nhất trên trái đất.

Cái gì đằng sau trò chơi quyền lực? Tại sao con lại muốn kiểm soát? Đó là vì con sợ điều gì đó. Con sợ mất mát. Hủ hóa tối hậu, hay hủ hóa đầu tiên, của tình thương là sự sợ hãi. Con sợ cái gì? Khi con ở trong tình thương, khi con ở trong dòng năng lượng của tình thương, con không có sợ hãi, nhưng vì sao vậy? Đó là vì con biết, con trải nghiệm, là tình thương luôn luôn tuôn chảy. Làm sao con mất mát khi con luôn luôn tuôn chảy? Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điểm này. Con hãy suy ngẫm điểm này và xem những cách nó áp dụng vào cuộc đời mình.

4.8. Nhận ra tự ngã đứng yên

Con hãy hồi tưởng thời quá khứ có công nghệ gọi là máy video thu hình hay máy video phát hình. Con có thể để một cuộn băng vào máy và phát một cuộn phim lên màn ảnh truyền hình. Cuộn băng quay trong máy, nhưng đôi khi nó ngưng hay bị kẹt và cuộn phim ngưng lại. Con yêu dấu, khi con xem một cuộn phim và nó đột nhiên ngưng lại, có phải là con tức khắc nhận ra là có gì trục trặc? Nếu con đang đi trên xe lửa và nó đột nhiên ngưng lại giữa đường, có phải là con nhận ra có gì không ổn? Nếu con đang ở trong máy bay và nó đột nhiên ngưng lại, thì chắc chắn là con biết có điều gì không ổn, vì chuyện gì sẽ xảy ra cho máy bay khi nó ngưng không bay về phía trước? Nó sẽ bắt đầu rơi xuống, rất nhanh.

Chuyển động là bản chất của cái Ta Biết, đừng yên là bản chất của tự ngã. Cái Ta Biết không cảm thấy sợ hãi khi nó di động, nhưng khi nó nhập vào tự ngã, nó thấy một hình ảnh hay có một cảm giác, là một chuyện có thể đứng yên, một điều kiện có thể được duy trì trong một khoảng thời gian. Lúc đó, nó đồng hóa với ý muốn của tự ngã muốn kiểm soát bằng cách sở hữu. Tự ngã muốn sở hữu vì nó nghĩ nếu nó sở hữu điều gì đó, nó có thể kiểm soát điều đó hay người đó.

4.9. Hủ hóa của tình thương và uy lực

Tình thương hủ hóa của Tia thứ Nhất là gì? Đó là sự sở hữu, khái niệm là mình có thể sở hữu điều gì đó trên trái đất. Chắc con cũng biết, như các thày đã giảng nhiều lần, là trái đất ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Trái đất là một trong những hành tinh thấp trong bầu cõi, được chỉ định là hành tinh cho những người ở tầng tâm thức đã đi rất xa vào tách biệt. Khi con người đã đi xa vào tách biệt, họ không thể tức khắc bước lên và bước ra ngoài trạng thái tách biệt. Họ không thể làm chuyện này bằng một cú nhảy. Khoảng cách quá xa.

Khi con người đã đi xa vào tách biệt, họ sợ sự chuyển động. Họ không cảm thấy sung sướng trong chuyển động. Họ sợ chuyển động, và điều này có nghĩa trái đất được thiết kế như một hành tinh nơi con có thể có cảm giác đang sở hữu điều gì. Điều này không có nghĩa là các chân sư thăng thiên chấp nhận sự sở hữu, nhưng có nghĩa là các thày dùng nó như một dụng cụ giúp con người trải nghiệm họ sở hữu một điều gì. Sau một thời gian, họ chán ngán trải nghiệm này và lúc đó họ sẵn sàng tới một trải nghiệm cao hơn.

Sở hữu không đến từ cõi tâm linh. Con có thể nói: “Nhưng thày Paul người Venice, thày có khu nhập thất này. Thày có sở hữu khu nhập thất này của thày chăng?” Không đâu con, thày không sở hữu nó. Ta có thể nói nó không là “của” thày, theo nghĩa chữ “của” dùng trong thế gian. Thày là vị chân sư hiện đang lãnh đạo khóa nhập thất này, nhưng thày không tạo ra nó. Nó được tạo ra rất lâu trước khi thày thăng thiên. Sẽ có một chân sư khác, có thể là một trong số các con đang bước trên con đường tu, sẽ lấy trách nhiệm lãnh đạo khóa nhập thất này, và thày sẽ đi làm việc khác. Trong cõi thăng thiên, con không sở hữu gì cả vì con đã trở thành một với Dòng sông sự Sống, và con nhận ra là dòng sông không đứng yên. Con không có ý muốn đứng yên.

Con hãy lấy thí dụ một người bị rơi vào một dòng sông chảy xiết. Thông thường thì người đó làm gì? Y sẽ cố bám lấy một vật gì đứng yên — tỷ dụ như một hòn đá giữa dòng sông, hay một cành cây rủ xuống. Y sẽ tìm cách bơi vào bờ để đi ra khỏi dòng sông tuôn chảy. Có cách nào khác chăng? Cách khác là nhận ra dòng sông không phải là kẻ thù của mình và trôi theo dòng chảy có thể rất thú vị. Con thấy có nhiều người thích ngồi trong một chiếc thuyền nhỏ hay chiếc bè và trôi theo dòng sông chảy xiết. Họ nghĩ trôi theo dòng nước là một trò chơi rất thú vị, nhưng vì sao lại như vậy? Đó là vì họ ngồi trong một chiếc thuyền họ nghĩ họ làm chủ, và họ nghĩ họ làm chủ tình hình. Sự sở hữu khiến con người ở một tầng tâm thức nào đó có thể trôi theo Dòng sông sự Sống nhưng vẫn nghĩ mình đang làm chủ tình hình.

4.10. Chất vấn cảm giác sở hữu

Các con có bắt đầu thấy tình hình tế nhị mà thày phải đối đầu khi con tới khóa nhập thất của thày? Thày biết là con đã lớn lên trên hành tinh này. Con có lẽ đã đầu thai trên hành tinh trong nhiều kiếp rồi. Thày biết tâm thức con bị ảnh hưởng bởi ý muốn sở hữu, muốn làm chủ tình hình. Thày biết rằng, khi con đi trên con đường tâm linh dưới hai tia đầu, con có cảm giác con một phần làm chủ sự tu tập của mình. Chân sư MORE và đức Lanto đã cho phép con duy trì cảm giác là con vẫn làm chủ tình hình, tuy một số khai ngộ của hai thày chắc đã khiến con chấn động. Con, hay đúng hơn tự ngã của con, vẫn có cảm giác làm chủ tình hình.

Khi con tới khóa nhập thất của thày, khai ngộ đầu tiên mà con phải đối diện là con phải bắt đầu chất vấn ý muốn sở hữu, làm chủ, ý muốn ấn định đường tu như thế nào hay phải như thế nào, ý muốn cho phép thày hướng dẫn nhưng con vẫn làm chủ tình hình. Con yêu dấu, thày hướng dẫn con làm chủ tình hình, nhưng con đây là cái Ta Biết chứ không phải tự ngã. Có nghĩa là thày phải hướng dẫn con đi quá tầm kiểm soát của tự ngã bằng cách chất vấn ý muốn làm chủ của nó.

4.11. Một số học viên kháng cự khai ngộ như thế nào

Đa số học viên ở khóa nhập thất của thày kháng cự điều này. Một số kháng cự rất mạnh bạo. Một số bỏ đi, ít nhất là trong một thời gian. Có một số học viên tới đây và được cho thấy là trong tiềm thức họ đã lạm dụng năng lượng tình thương vào trò chơi kiểm soát; họ quá chấn động và trở về với trò chơi kiểm soát. Họ từ chối rũ bỏ nó, biện minh rằng thày sai, rằng thày không thể là một vị thày chân chính nếu thày không bày tỏ tình thương, rằng thày không thể là Thượng sư của Tia thứ Ba nếu thày không bày tỏ tình thương.

Họ nổi giận bỏ đi và trở về với tự ngã của họ. Thường họ không nhớ chuyện này một cách ý thức, nhưng có khi họ cảm thấy ý muốn mãnh liệt chống lại một số điều kiện trên trái đất, chống lại một số người. Cũng đã có học viên tới đây và bị chấn động đến độ họ từ bỏ tâm linh trong một thời gian. Một số người kịch liệt chối bỏ tôn giáo và biện minh chống lại tôn giáo đã từ chối không đối diện khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày.

Con là người đang đọc hay đang nghe bài giảng này, con có thể nhận thấy là tự ngã của con đang biện minh, đang phản ứng, đang cảm thấy kinh ngạc là vị Thượng sư của Tia thứ Ba lại có thể bất lịch sự, mạnh bạo như vậy – dưới con mắt của tự ngã của con. Điều con có thể nhận ra là những gì tự ngã thấy không phải là sự việc như nó . Tự ngã thấy hình ảnh mà nó phóng chiếu vào tấm gương.

Đâu là chìa khóa để bắt đầu nhận ra những trò chơi quyền lực trong đó con người dùng tình thương để thiết lập sở hữu và kiểm soát? Chìa khóa là con nhận ra cách con trải nghiệm thế giới bên ngoài không độc lập với tâm của mình. Những gì con cảm thấy đang phóng đến con, mà tự ngã bảo là đến từ thế giới bên ngoài hay từ người khác, thực ra là sự phản chiếu của những gì tiềm thức con phóng ra ngoài.

4.12. Các mối quan hệ bị trò chơi quyền lực chi phối

Có những người chơi trò chơi quyền lực một cách trắng trợn bằng cách dùng năng lượng của Tia thứ Nhất và áp đảo người khác, ép họ phải quy phục. Trò chơi quyền lực dùng tình thương hủ hóa thì khác. Những người dùng tình thương hủ hóa để chơi trò chơi quyền lực nghĩ là họ đang thương yêu.

Con nghĩ là con đang phóng ra tình thương. Khi điều trở về con không phải là tình thương, con nghĩ là người kia không thương yêu, hay vị thày tự gọi mình là Thượng sư Tia thứ Ba không thương yêu, hay Thượng đế không thương yêu. Nhưng thực sự chính là tự ngã con đang không thượng yêu. Nó nói nó đang thương yêu. Nó tạo bề ngoài đang thương yêu, nhưng đó không phải là tình thương đích thực. Đó là tình thương bị hủ hóa, một trong nhũng hủ hóa quá phổ thông trên trái đất đến độ đa số bị lập trình và tưởng đó là tình thương thực sự.

Thày phỏng đoán là hơn 90 phần trăm các quan hệ được gọi là thương yêu trên trái đất hoàn toàn bị chi phối bởi tình thương hủ hóa. Thày có nêu trường hợp cha mẹ nói mình thương yêu con mình nhưng muốn quyết định nó phải sống như thế nào. Cha mẹ này nghĩ họ làm vậy vì họ hiểu đời hơn đứa trẻ và biết đứa trẻ phải sống thế nào mới hạnh phúc và tránh được tai ương. Cha mẹ này tưởng đó là tình thương. Cũng có những người con đã quy thuận thái độ này của cha mẹ vì nghĩ rằng đó là tình thương. Thày không nói là con không nên nghe lời khuyên của cha mẹ mình. Con chỉ nên dùng lời khuyên này như một xúc tác để đi vào nội tâm và cảm nhận từ nội tâm là nó đúng hay sai, con có nên nghe theo hay không, hay con nên dẫn cuộc đời về một hướng mới.

4.13. Trách nhiệm hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng, khả năng đáp ứng

Con có một Sứ vụ Thiêng liêng không giống sứ vụ của cha mẹ, người phối ngẫu hay con cái. Con có quyền hòa điệu với sứ vụ của mình và hoàn thành nó, bất kể người khác muốn gì nơi con. Thày không nói con không có trách nhiệm với người khác, nhưng con có thấy chăng là tinh thần trách nhiệm đó được dùng trong trò chơi kiểm soát con? Con có trách nhiệm với con cái mà con đã đem vào thế gian này. Con có trách nhiệm giúp chúng có điều khiện tốt nhất khi chúng gia nhập xã hội, nhưng có phải vì vậy mà con ngưng Sứ vụ Thiêng liêng của mình vì con cái? Không, không phải vậy!

Các đứa con đã tình nguyện để con sinh ra chúng. Trong nội tâm chúng biết con là ai và Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì. Các đứa con đó tình nguyện, ở tầng cao của tâm chúng, đi vào một tình huống vì chúng biết đó là một cơ hội cho chúng phát triển. Có thể là con làm một chuyện con biết thuộc về Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng con cái không đồng ý với tâm vỏ ngoài của chúng. Chúng phản kháng, chúng lên án con và nói con không phải là cha mẹ có trách nhiệm. Hoặc con làm một chuyện con biết thuộc Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng chuyện đó chấn động cha mẹ con và họ nói con không phải là người con có trách nhiệm. Hoặc con làm một việc khiến người phối ngẫu của mình ngạc nhiên và nói con không phải là một người phối ngẫu có trách nhiệm.

Trách nhiệm nghĩa là gì? Nó là khả năng đáp ứng. Nó có khía cạnh Alpha và khía cạnh Omega. Khía cạnh Alpha là con có thể đáp ứng khi Hiện diện TA LÀ của con gửi xuống khuôn đúc của một giai đoạn mới trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nếu giai đoạn mới này đòi hỏi con thay đổi cuộc sống bên ngoài của mình, thì con phải có khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Khía cạnh Omega là con làm hết sức mình lo liệu hoàn cảnh thế gian của mình, kể cả những người khác. Có tinh thần trách nhiệm hoàn thành khía cạnh Omega không có nghĩa con xóa bỏ khả năng đáp ứng khía cạnh Alpha. Alpha quan trọng hơn Omega, không phải ngược lại.

4.14. Đòi hỏi Tánh linh phải quy thuận vật chất

Đây là tâm thức quỷ Xa-tăng, tiêu biểu bởi lời Giê-su nói với Peter (Phê-rô): “Hãy đứng sau ta, quỷ Xa-tăng”. Con không đòi hỏi Tánh linh quy thuận vật chất; đó là tâm thức quỷ Xa-tăng. Đời sống trên hành tinh này đã tạo ra quá nhiều niềm tin tương tự, tỷ dụ nếu con là một người con, một cha mẹ, một phối ngẫu, một nhân viên có trách nhiệm thì con phải khiến Tánh linh của mình quy thuận đòi hỏi của thế giới vật chất.

Nếu con sống như vậy thì con sẽ không vượt qua tầng tâm thức 48. Có nhiều người ở dưới tầng tâm thức 48 mà không hung hãn, ác độc hay có thể gọi là ham quyền lực. Nhiều người trong số này đã quy phục tâm thức cho rằng họ phải để Tánh linh của mình quy thuận vật chất, và đó là lý do vì sao họ không vượt lên trên tầng tâm thức 48. Họ đã khắc phúc được tính hung hãn. Họ đã khắc phục những khuynh hướng ác độc, và ngay cả những khuynh hướng vị kỷ, nhưng họ không bước vào con đường tâm linh được chỉ vì họ còn tin rằng họ cần khiến Tánh linh của mình quy thuận vật chất.

Con yêu dấu, con đã nhận ra chăng? Con đường tự điều ngự mà các thày giảng dạy qua loạt bài này sẽ giúp con ngưng không để Tánh linh của mình quy thuận vật chất. Con trở nên sẵn sàng trôi theo dòng với Tánh linh. Điều này không có nghĩa con quên đi hay tạm ngưng những trách nhiệm thế gian của mình. Không có nghĩa là con đột nhiên cuốn gói và rời hoàn cảnh sống hiện tại của con, tuy rằng cũng có thể con cần làm chuyện này, như Giê-su và đức Phật đã chứng minh. Con không nhất thiết phải làm vậy, vì chuyện này tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân. Con có thể sống một cuộc sống bình thường, có liên hệ gia đình, và đi trên con đường khai ngộ. Nhưng nó nghĩa con sắp xếp ưu tiên đúng để đặt việc đáp ứng với Tánh linh là ưu tiên chính của con. Sau đó, đáp ứng nhu cầu vật chất sẽ xảy ra trong khuôn khổ của Tánh linh và của Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Thày bảo đảm với con cách tốt nhất để là một người con, cha mẹ hay phối ngẫu có trách nhiệm là theo Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Nếu cha mẹ, người phối ngẫu hay con cái của con có thể chấp nhận điều này, thì con sẽ có một liên hệ cao hơn rất nhiều với họ. Nếu họ không chấp nhận Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì quan hệ của con với họ thực sự là gì? Con sẽ có một quan hệ bị trò chơi quyền lực chi phối vì con đã quy phục họ. Con đã quy phục sự sở hữu và kiểm soát của họ và tạm ngưng hay hủy bỏ Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Chắc con cũng hiểu là không ai có quyền đòi hỏi người khác tạm ngưng hay hủy bỏ Sứ vụ Thiêng liêng của mình để chiều theo ý họ? Con không có quyền này.

4.15. Vượt qua trò chơi tình thương chịu khuất phục

Làm cách nào con khắc phục toàn bộ tâm thức dùng tình thương hủ hóa để sở hữu và kiểm soát người khác? Điểm chính là con cần ngưng không dùng tình thương để sở hữu hay kiểm soát người khác. Vì con đã đạt được các khai ngộ với Chân sư MORE và Lanto nên con đã khắc phục được phần lớn khuynh hướng này.

Điều con đối mặt ở Tia thứ Ba là cảm giác con phải phục tùng những đòi hỏi của người khác. Đa số học viên tới khóa nhập thất của thày với thái độ như sau: “Tôi là một người tâm linh. Vì tôi là một người tâm linh, tôi phải bày tỏ tình thương. Nếu tôi thực sự thương yêu, tôi phải phục tùng và đáp ứng nhu cầu, mong muốn và đòi hỏi của người khác. Quan trọng hơn cả, tôi không được làm điều gì khiến người khác có thể tố cáo tôi không có tình thương.”

Con có thể nhìn lại đời mình và nhận ra con có bị kẹt trong trò chơi này chăng? Con có thể nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra khuynh hướng làm quá sức để tránh không bị lên án là không thương yêu, không thương người, không là người tốt, không phải là con tốt, cha mẹ tốt hay vợ chồng tốt? Con có thấy chăng là nhiều người trong số các con có nỗi sợ mình không thương yêu?

Con có biết nỗi sợ này từ đâu đến chăng? Đó là tự ngã chơi trò chơi quyền lực với con. Nó tìm cách sở hữu con bằng cách khiến con nghĩ phải tùng phục hình ảnh của thế gian định nghĩa thế nào là người thương yêu. Điều tệ nhất có thể xảy ra cho con là con không xứng đáng với hình ảnh đó. Khi con tin trò bịp bợm đó của tự ngã, thì con nói gì với thày, Paul người Venice, thượng sư của Tia thứ Ba? Con nói: “Chân sư Paul, xin thày đừng thách đố hình ảnh mà tự ngã của con đã tạo ra. Xin thày đừng khiến con làm điều gì có thể khiến bị lên án là người không thương yêu. Xin thày đừng khiến con gây chấn động cho cha mẹ, vợ chồng, con cái của con hay người khác. Xin thày đừng khiến con làm hay nói điều gì khiến họ lên án con là không thương yêu. Con không chịu nổi điều này.”

4.16. Vấn đề tâm lý chưa giải quyết và lời kết án từ người khác

Làm sao thày có thể giúp con đi lên tầng cao hơn? Làm sao thày có thể giúp con đạt được khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày? Con có thấy chăng là điều người khác lên án con có thể và cũng có thể không liên quan đến con? Điều họ lên án con có thể dựa trên quan sát chính xác là con có vấn đề tâm lý chưa giải quyết. Nhưng điều họ lên án cũng có thể không liên quan gì đến con. Nó phát xuất từ những vấn đề tâm lý chưa giải quyết trong tâm họ, và họ phóng chiếu những điều này lên con. Con cần hiểu rõ điều này để tự giải thoát mình khỏi những trò chơi quyền lực mà người khác dùng với con.

Thày biết rõ đây là một điểm cân bằng tế nhị. Con không thể nói: “Bất cứ khi nào có người lên án tôi, thì đó là vì họ phóng chiếu lên tôi những vấn đề tâm lý chưa giải quyết của họ, do đó tôi không cần đếm xỉa đến lời lên án đó. Tôi không làm gì sai cả.” Đó là một cách tự ngã con muốn con phản ứng: từ chối không nhìn vào chính mình. Cách thứ nhì mà tự ngã đánh bẫy con là quy phục những lời tố cáo đó của người khác và khiến cả cuộc đời con xoay vần chung quanh chuyện né tránh những lời tố cáo đó.

Một cách chính yếu để hủ hóa tình thương, để dùng tình thương trong trò chơi quyền lực, đó là lời đe dọa con phải là một người tốt, và điều tệ nhất, tội lỗi lớn nhất mà con có thể phạm là làm điều gì khiến người khác lên án con không thương yêu. Con có thể cảm thấy là tự ngã của con muốn con cảm thấy khi một người khác lên án con không thương yêu, thì người ấy nói đúng? Chắc hẳn phải có lý do vì sao họ lại lên án con. Chuyện này phải có nghĩa là con có sắc thái không thương yêu nào đó.

Con có thấy chăng là họ có thể đang phóng chiếu lên con một hình ảnh giả thế nào là người thương yêu? Con không có bổn phận quy thuận hình ảnh đó, con cũng không có bổn phần đáp lại lời buộc tội này. Con không cần phản bác lại. Con không cần lên án ngược lại các người đó, vì như vậy con lại rơi vào trò chơi quyền lực. Con không cần phải giải thích. Con không cần phải biện minh.

Điều con cần làm ở giai đoạn này của con đường tu của con là bắt đầu tiến trình để thày chỉ cho con là trong nội tâm con có thương yêu hay không. Con cần phải mở tâm vỏ ngoài ra để cho nó thấm xuống tới tâm ý thức của con. Mỗi đêm con xin được tới khóa nhập thất của thày trong lúc con đọc các bài thỉnh trong khóa học này. Con mở tâm ra đón nhận cái gì con chưa từng thấy trước kia. Con cần sẵn sàng chấp nhận là có thể con có sắc thái không thương yêu nào đó.

Có thể là con có một số vấn để tâm lý chưa giải quyết. Có thể là con có một thói quen là một trò chơi quyền lực. Có thể là con đang tìm cách dùng tình thương để kiểm soát người khác. Con cũng cần sẵn sàng chấp nhận là người chung quanh con cũng có thể đang làm điều này với con. Họ cũng đồng thời lên án con là con làm điều này với họ, vì họ đang phóng chiếu vấn đề tâm lý chưa giải quyết của họ. Con cần để ý cả hai khía cạnh. Con cần nhìn thấu cả hai khía cạnh để con không dùng tình thương hủ hóa trong trò chơi quyền lực chống lại người khác, và con không cho phép họ dùng nó trong trò chơi quyền lực chống lại con. Con có thấy chăng? Nếu con muốn đạt khai ngộ này, con cần khắc phục cả hai khía cạnh Alpha và Omega.

Con không cần phải hoàn toàn khắc phục điều này ở tầng khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày. Khắc phục trò chơi quyền lực dùng tình thương không phải chỉ là một vấn đề dùng uy lực. Nó có bảy khía cạnh. Trong chuyện này có sự hủ hóa của cả bảy tia, và đó là lý do vì sao con cần được chỉ dẫn về các tia khác khi con tới các tầng đó ở khóa nhập thất của thày.

4.17. Buông trôi theo dòng chảy của Tình thương

Con đùng sợ hãi, con đừng chán nản. Con hãy sẵn sàng nhìn nhận là bài giảng này đã khiến con chấn động, nhưng ai bị chấn động? Đó là cái Ta Biết hay là tự ngã? Thày khiêm nhường góp ý là tự ngã, nhưng con đừng mù quáng tin lời thày. Con hãy cho phép mình hòa điệu để kinh nghiệm sự thật là gì.

Kết quả tối hậu ở tầng khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày là con có một kinh nghiệm ý thức về những gì con thấy ở tầng bản sắc của tâm mình. Con trải nghiệm một cách ý thức tự ngã phản ứng ra sao trong khi cái Ta Biết thì lại cảm thấy nhẹ nhõm.

Cai Ta Biết không bao giờ kháng cự lại Dòng sông sự Sống. Tự ngã thì luôn luôn kháng cự. Khi cái Ta Biết nhìn đời qua phin lọc của tự ngã, nó vẫn không kháng cự, nó chỉ kinh nghiệm đời qua phin lọc của sự kháng cự của tự ngã. Khi con học cách nhận ra sự khác biệt giữa hai điểm này thì con đã tiến một bước lớn trên đường tu. Lúc đó con bắt đầu nhận ra uy lực tối hậu trong thế giới vật chất là buông trôi theo dòng chảy của tình thương.

TA LÀ Paul người Venice. TA LÀ chân sư thăng thiên và là Thượng sư của Tia thứ Ba của Tình thương Thiêng liêng.

Lướt sóng hay đâm đầu vào sóng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 1/1/2015.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Tại sao mọi người trên thế giới đón mừng năm mới nhiệt tình như vậy? Họ nhiệt tình vì sâu trong tâm khảm là niềm tin, thậm chí là hiểu biết, rằng họ có thể có một khởi đầu mới.

Chu kỳ nghiệp quả trong năm

Đây là tại sao việc đón chào một chu kỳ đều đặn thật là hay ho. Hầu hết mọi người đểu trải nghiệm là khi một năm trôi qua, có một sự nặng nề nào đó, một cảm nhận uể oải nào đó. Lý do là vì các vị Chủ tể Nghiệp quả (Lords of Karma) cho phép nghiệp quả đã tới hạn của hành tinh đi xuống bốn cõi của vũ trụ vật chất một cách đồng bộ với bốn tam cá nguyệt.

Như hầu hết các con đều biết, nghiệp quả đi xuống cõi bản sắc trong ba tháng đầu, cõi lý trí trong ba tháng tiếp theo, cõi cảm xúc trong ba tháng tiếp theo nữa, và cuối cùng xuống cõi vật lý trong ba tháng chót. Đến khi mọi người đã kinh qua đủ ba tháng nghiệp quả đi xuống cõi vật lý thì họ đều mệt mỏi. Họ cảm thấy gánh nặng, cảm thấy căng thẳng, và họ mong mỏi một khởi đầu mới.

Và đúng vậy mỗi năm, họ có một khởi đầu mới, vì họ trở lại đầu để phần nghiệp quả của năm sau bắt đầu lại đi xuống cõi ê-the. Đa số người ta không cảm nhận được điều này vì tâm thức chưa đủ cao để nhận biết tầng bản sắc trong chính tâm mình.

Nhưng đây không chỉ là chuyện nghiệp quả đi xuống mà thôi. Các thày, các chân sư thăng thiên, không muốn cho bất cứ ai có cảm giác là sự sống trên địa cầu, hay ngay cả việc cân bằng nghiệp quả, chỉ là một vòng tròn y hệt cứ lặp đi lặp lại một cách bất tận. Đây là một cách hiểu sai không những về lời dạy của Phật mà ta từng giảng dạy, mà cũng hiểu sai các giáo lý của đạo Ấn cùng các hệ thống tư tưởng khác tại phương Đông.

Luân hồi không chỉ là một chu kỳ thật dài mà qua đó, trên cơ bản, con quay trở lại ngay đúng điểm khởi đầu. Đây là một cách diễn giải có thể thông cảm được vì thuở xưa con người chỉ nắm được tới mức đó. Con người thời xưa quan sát bầu trời và nhận thấy một mô thức cứ lặp lại trong cách chuyển động của các vì sao và tất nhiên của cả mặt trăng lẫn hành tinh này. Như khoa học đã cho con thấy, vũ trụ không chuyển động theo hình tròn. Vũ trụ ngày càng giãn nở, thậm chí giãn nở ngày càng nhanh hơn, và do đó sự chuyển động không theo hình tròn mà hình xoắn ốc.

Sự diễn tiến của các năm trong một kiếp người cũng là một đường xoắn ốc, hay ít ra nó có tiềm năng trở thành một đường xoắn ốc hướng thượng. Điều này xảy đến khi con tận dụng cơ hội của năm tháng để cho nghiệp quả đi xuống qua cả bốn cõi thay vì ập xuống cõi vật lý cùng một lúc. Tất nhiên, hầu hết mọi người không nhận thức được ân sủng to lớn này. Họ không để ý đến nghiệp quả cho tới khi nó bắt đầu đi xuống cõi vật lý và trở nên khó làm ngơ. Nhiều người vẫn không hiểu đó là nghiệp quả, nhưng ít nhất họ sẽ cảm được sự nặng nề uể oải. Có thể họ sẽ quy cho chiều dài của ngày bị ngắn lại, nhưng dù sao thì họ cũng cảm thấy được.

Chuyển hóa nghiệp quả và bắt đầu Năm Mới

Là người có nhận biết tâm linh, con có một cơ hội tuyệt vời để sử dụng các bài chú, bài thỉnh, để chuyển hóa nghiệp quả trên ba cõi cao trước khi nó trở thành vật lý. Bằng cách đó, con có thể bước vào ba tháng chót – phần tư cuối cùng của một năm – mà không phải chịu bất kỳ nghiệp quả cá nhân nào đi xuống cõi vật lý. Có thể con vẫn cảm thấy một phần nào đó của nghiệp quả thế giới, thậm chí con có thể gánh nghiệp giùm người khác hay giùm thế giới, nhưng ít nhất con không phải chạm trán với nghiệp quả cá nhân của con. Ngay cả phần nghiệp mà con đã gánh lấy vào năm đó để cân bằng cho người khác, con cũng có thể cân bằng được trước khi nó trở thành vật lý.

Tại sao người ta đốt pháo và bắn pháo bông đủ loại vào ngày đầu năm? Tại sao người ta cần những tiếng nổ thật lớn? Tại sao người ta cần những chớp sáng chỉ lưu lại trên trời một vài giây ngắn ngủi? Mỗi điều như vậy có một chức năng khác nhau. Khi truyền thống đốt pháo khởi đầu, người ta tin rằng tiếng nổ lớn sẽ xua đuổi tà ma và niềm tin này không hoàn toàn là mê tín dị đoan.

Có những dạng tà lực, ngay cả những hồn không xác, bị hoảng sợ và trốn chạy trước tiếng động lớn. Tất nhiên chúng có thể quay trở lại sau vài ngày nhưng chúng thường sợ hãi bỏ đi một thời gian. Hiển nhiên những loài quỷ hung dữ hơn sẽ không sợ tiếng động lớn, cho nên phương cách này chỉ hiệu nghiệm giới hạn tuy rằng nó vẫn có thể đem lại một không khí lạc quan mà người ta cảm nhận được sau ngày đầu năm.

Niềm lạc quan này cũng khởi lên do ý nghĩa tượng trưng của pháo bông. Pháo bông chỉ thoáng hiện ra ngắn ngủi với dáng vẻ gần như siêu phàm, nhưng nó mang một số ý nghĩa. Ở bề mặt, nó biểu tượng cho một niềm lạc quan được người ta cảm nhận là chỉ lướt thoáng qua. Họ thấy chớp sáng lóe lên trên bầu trời, tinh thần của họ bỗng phấn chấn, họ trầm trồ kêu lên “ồ”, “à”, và họ cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn ánh sáng. Nhưng nó chỉ kéo dài được một chập. Đối với đa số con người, trải nghiệm mục kích ánh sáng không đem lại tác động nào dài hơn trải nghiệm thị giác, nhưng xa hơn còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Bất kỳ hiện tượng nào thoáng hiện ra – cho dù do con người hay do thiên nhiên – đều có thể biểu tượng cho cách chuyển động của một cơ hội nâng cao tâm thức.

Nghiệp quả là một dòng chảy năng lượng

Mỗi năm khi nghiệp lực bắt đầu đi xuống, nghiệp quả không phải là một hình thức trừng phạt như nhiều người vẫn tưởng. Kỳ thực đó là một cơ hội, vì nghiệp hình thành một dòng chảy năng lượng. Nó chảy nhanh và luôn luôn chuyển động, và đối với tâm ý thức nó có thể khó nắm bắt. Con có thể cảm nhận nó hiện thoáng qua giống như khi con xem pháo bông trên trời, nhưng ngay khi con chú tâm vào đó thì nó đã biến mất.

Nếu con có thể nắm bắt được nó, con sẽ có thể lướt sóng theo nó, cưỡi trên dòng chảy và di chuyển cùng với nó suốt năm. Con yêu dấu, con thấy đó, từ rất lâu đã có một xu hướng – một lần nữa, đến từ các tôn giáo phương Đông – muốn mô tả nghiệp chướng như một cái gì xảy ra cho con. Nếu nó không phải là một hình phạt thì nó vẫn là một cái gì áp đặt lên con, nó bắt buộc con phải đối phó với nó. Nó là một cái gì khó chịu mà con muốn né tránh, một cái gì mà con cần quan tâm, cần cân bằng. Con cần vượt qua nó để có thể bước đi tiếp – và đây là cách hiểu của nhiều người tâm linh.

Ta muốn cho con một cái nhìn khác về nghiệp quả. Nghiệp quả là một dòng chảy. Nó có động lượng, nó có năng lượng và nó có phương hướng. Nó là một dòng chảy mà con đã tạo ra trong quá khứ. Giáo lý truyền thống về nghiệp quả bảo rằng trong quá khứ con đã làm một điều gì – hay con đã nghĩ hay đã cảm một điều gì – và cái đó đã gửi ra một xung lực năng lượng và bây giờ nó được gửi trả về con. Nếu nghiệp đó là cái mà hầu hết mọi người gọi là “nghiệp xấu” thì nó sẽ là một gánh nặng mà con cần cân bằng một cách nào đó.

Nghiệp quả là một cơ hội

Nhiều người nghĩ cách duy nhất để cân bằng “nghiệp xấu” là phải trải qua một sự kiện bất hạnh nào đó, có thể là cùng sự kiện mà con đã gây ra cho người khác khi con tạo nghiệp. Thậm chí một số đệ tử của chân sư thăng thiên cảm nhận nghiệp quả như một gánh nặng mà họ cần chuyển hóa bằng cách đọc thỉnh, đọc chú. Đó là cái gì con muốn tránh né, muốn làm cho xong chuyện càng sớm càng tốt. Nhưng trên thực tế, nghiệp quả chỉ là một hình phạt hay một gánh nặng khi con kháng cự lại nó. Thay vì làm vậy, con hãy xoay chuyển nhãn quan của mình về nghiệp quả và nhìn ra đó là một cơ hội.

Nghiệp là một năng lượng. Con biết rất rõ là nếu con nằm trên một chiếc thuyền mong manh giữa đại dương và có một ngọn sóng rất lớn ập xuống, và nếu thuyền con nằm ngược sóng hay không được xây hẳn hoi, thì thuyền có thể bị sóng đánh lật úp. Con cũng biết, có thể không qua kinh nghiệm bản thân nhưng ít ra qua quan sát, là nếu con có một tấm ván lướt sóng và con biết cách cưỡi sóng, thì không những làn sóng sẽ chở con đi xa mà lướt sóng còn đem lại cho con một cảm giác thích thú vô cùng. Thậm chí đối với một số người, nó có thể trở thành một trải nghiệm tâm linh, vì trong bản chất, lướt sóng cũng hiện thoáng qua giống như pháo bông trên trời.

Những chu kỳ đó của thiên nhiên, những chu kỳ tâm linh, ngay cả những chu kỳ nghiệp quả, không thoáng hiện ra. Chúng chỉ thoáng hiện khi con không bám chặt lấy chúng, không kháng cự lại hay tìm cách né tránh. Khi con quay đầu, khi con xoay tầm nhìn, khi con quyết định là mình sẽ sẵn lòng nhìn chúng và xem chúng như một cơ hội, thì con sẽ thấy nghiệp phản hồi hình thành một ngọn sóng vĩ đại có sức mạnh lẫn động lượng. Nếu con cưỡi ngọn sóng, không những nó sẽ chở con đi mà nó còn cho con niềm vui thú cân bằng nghiệp chướng.

Nghiệp quả không phải là một hình phạt mà là một cơ hội. Con có thể biến nó thành hình phạt – đó là cái quyền mà Luật Tự quyết đã trao cho con. Nhưng tự thân nó không phải là hình phạt. Như mọi thứ khác trong vũ trụ vật chất, nó là cái mà con muốn nó là. Nếu con biến nó thành hình phạt bằng cách kháng cự lại nó thì nó sẽ là hình phạt cho con. Vũ trụ là một tấm gương như các thày đã có nói nhiều lần. Nếu con muốn trải nghiệm sự trừng phạt do hành vi quá khứ và nghiệp quả thì con sẽ có trải nghiệm đó. Nếu con muốn một trải nghiệm tích cực là học cách cưỡi các chu kỳ và xoay chuyển động lượng cho nó thuận lợi cho mình, thì đó cũng sẽ là trải nghiệm của con, thậm chí còn là thực tại của con.

Khả năng thay đổi luôn luôn hiện hữu

Thực tại là gì? Thực tại không là gì khác hơn sự nhận thức, ít ra khi con vẫn đầu thai trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Khi con thăng thiên rồi thì con không còn nhận thức nữa. Con trải nghiệm trực tiếp, và khi đó trải nghiệm của con chính là thực tại.

Đúng hơn, chúng ta có thể nói là ngay cả các chân sư thăng thiên cũng có thể, tất nhiên, có một nền tảng nhận thức nào đó. Chẳng hạn, các Thượng sư của các tia sáng đều tập trung vào tia sáng đặc thù của mình và các thày nhìn mọi thứ từ góc độ đó. Điều này khiến các thày pha màu nhận thức của mình, nhưng không phải là cùng loại pha màu khi con chưa thăng thiên.

Khi con là một chân sư thăng thiên đã chứng tâm Phật, con dễ dàng nhìn vượt khỏi sự pha màu đó trên tia sáng và con nhận thức – đúng hơn, con trải nghiệm – không qua một phin lọc nào. Nếu con là một Thượng sư đã chứng đạt tâm Phật như một vài Thượng sư của con đã chứng đạt, thì con có thể nhìn một tình huống từ nhãn quan tia sáng của mình, nhưng điều này không có nghĩa là con không thể bước ra ngoài khi nào con muốn.

Vậy tại sao rất nhiều người đưa ra một lời quyết tâm, một lời tự hứa vào ngày đầu năm? Là do cảm nhận sâu xa đó trong nội tâm bảo họ rằng sự thay đổi có thể xảy ra, rằng họ có thể cưỡi một ngọn sóng mới, một chu kỳ mới. Đó cũng là mong muốn một cái gì mới. Niềm tin sâu thẳm bên trong rằng tiến bộ luôn luôn là một điều khả dĩ, cũng như mong muốn biến nó thành hiện thực, chính là cốt lõi của mọi tiến bộ con người, trong lãnh vực cá nhân lẫn tập thể.

Nếu trong tư cách một người đang đầu thai, con đánh mất niềm tin về khả năng có một chu kỳ mới hay mong muốn trải nghiệm một chu kỳ mới, thì con nên yêu cầu được thuyên chuyển đến một hành tinh khác. Nếu trong tư cách một chân sư thăng thiên, con đánh mất niềm tin rằng địa cầu có thể thay đổi bất kể cách hành xử của loài người có là gì, thì con cũng nên yêu cầu chuyển sang một hành tinh khác. Chắc chắn đã có những chân sư thăng thiên tới mức cảm thấy mình đã dành ra quá đủ chú ý cùng năng lượng cho địa cầu này.

Ngay cả một chân sư thăng thiên cũng có thể có ý muốn nhìn thấy nhiều thành quả hơn cho nỗ lực của mình. Và về điểm này, phải nói địa cầu là một hành tinh thách đố. Con biết rõ khi con đầu thai trên địa cầu rằng hành tinh này thách đố đến chừng nào, nhưng ta có thể cam đoan với con là ngay cả đối với các chân sư thăng thiên đang làm việc với địa cầu, đây là một hành tinh thách đố. Nếu con đã đạt đến mức chứng đạt của Phật thì chuyện này không xảy ra, nhưng trước khi con đạt đến mức đó thì một chân sư thăng thiên có thể gặp khó khăn giữ được niềm hy vọng, lòng nhiệt thành để tạo thay đổi khi con thấy nhân loại cứ lặp đi lặp lại cùng những khuôn nếp cũ. Con nhìn thấy con người khởi đầu với những ý định tốt đẹp nhất – như nhiều người thường làm vào mỗi ngày đầu năm khi họ đưa ra một lời tự hứa mới – thế rồi con thấy rất nhanh chóng họ lại bị lôi kéo trở lại khuôn nếp cũ.

Động lực của lời tự hứa đầu năm

Tại sao người ta đưa ra lời tự hứa? Bởi vì họ mong muốn thay đổi, nhưng cũng bởi vì họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn do những yếu tố mà ta vừa trình bày ở trên. Các năng lượng đã chuyển đổi. Tự thân lễ ăn mừng Năm Mới có khả năng đập vỡ hay xua đuổi phần nào một số tà thể đang đè nặng lên họ và bỗng nhiên họ có niềm tin: “Lần này tôi sẽ làm được, tôi sẽ thành công! Năm nay tôi sẽ nhất quyết giữ lời tự hứa đầu năm!” Khi nghiệp quả bắt đầu đi xuống và họ quay về với sinh hoạt hàng ngày, khi một số tà lực hay hồn không xác cũng trở lại trong họ, thì họ bị kéo ngay về những khuôn nếp cũ. Y như thể họ đã quên mất là mình đã tự hứa những điều gì trong ngày đầu năm, y như thể không có chuyện gì xảy ra.

Khi con là chân sư thăng thiên, con có thể thấy diễn tiến này trong nhiều hoàn cảnh đời sống. Con thấy được là con người đã nhận được một hồng ân, nhận được một lời kiên định, một hướng đi. Người ta đã được tạm miễn nghiệp quả, và trong một thời gian ngắn, họ đã có mong muốn thay đổi, có ý định thay đổi cũng như niềm lạc quan là mình có thể thay đổi. Thế rồi họ lại tuột trở về nếp cũ. Thậm chí các thày còn thấy điều này xảy ra với những người có nhận thức về sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên.

Biết bao lần các thày đã nhìn họ tìm thấy giáo lý, hoặc họ tham dự một buổi sinh hoạt, rồi họ đọc chú, đọc thỉnh nhiều vô kể. Họ nỗ lực, ho nâng cao tâm thức, và trong nhiều trường hợp điều này khiến các thày quyết định gác lại một số nghiệp quả để tạo cơ hội cho họ. Thế rồi sau một thời gian, họ lại trở về khuôn nếp cũ và quên mất.

Có thể là con đã tiến lên được chút đỉnh, nhưng thay vì tiếp tục theo trớn đi lên, con lại chấp nhận mức con mới đạt được là một thế quân bình mới. Các thày đã thấy rất nhiều học trò của chân sư thăng thiên trong đủ loại phong trào mà các thày đã đỡ đầu, các thày thấy họ khám phá giáo lý, khám phá tổ chức, khám phá uy lực của việc thỉnh cầu ánh sáng, và họ đã sử dụng tất cả những thứ đó hết sức nhiệt tình có khi hàng năm trời. Nhưng sau một thời gian, con bắt đầu đánh mất lòng tha thiết, đánh mất nhiệt tâm, đánh mất niềm vui.

Khi con là chân sư thăng thiên chứng kiến sự thể này cứ lặp lại hoài hoài, con có thể tới mức – không hẳn là cái mà trên địa cầu gọi là chán nản hay thất vọng – con có thể tới mức cảm thấy mình cần trải nghiệm một hành tinh khác với năng lượng thanh thoát hơn nơi con người có thể duy trì dễ dàng hơn vòng xoắn ốc hướng thượng.

Tận dụng cơ hội của mình

Điều này xảy ra đặc biệt cho những vị mới thăng thiên cách đây không lâu. Con đã nỗ lực phi thường để hội đủ tư cách thăng thiên và bây giờ sau khi thăng thiên con cảm thấy mình đầy nghị lực để trợ giúp loài người. Con nghĩ là nếu phải chi họ biết đến giáo lý, biết đến các bài chú bài thỉnh, phải chi họ được tạm gác một phần nghiệp quả, thì chắc hẳn họ cũng sẽ đầy nghị lực muốn thăng thiên như một thời con đã từng như vậy.

Nhưng khi con thấy họ không thực sự đáp ứng, họ không nắm lấy và tận dụng cơ hội được mở ra, thì có thể con sẽ bắt đầu cảm thấy một hình thức gần như nóng lòng. Con mong muốn người ta sử dụng cơ hội to lớn mà con thấy rõ họ được ban cho. Thật là hoàn toàn dễ hiểu nếu một vị tân chân sư thăng thiên cảm thấy như vậy.

Ta có thể cam đoan với con là một trong những quyển sách quan trọng nhất từng được các chân sư thăng thiên ban ra là quyển của thày Guru Ma, “Don’t drink your own Kool-Aid” [Đừng uống Kool-Aid của bạn, dịch nghĩa: Đừng chạy theo và hy sinh cho một lý tưởng ngớ ngẩn]. Sách này có nhiều diện, nhiều tầng, và nó là một cơ hội to lớn. Guru Ma đã đổ hết trái tim, tâm trí cùng bản thể của thày vào đó từ cõi thăng thiên. Thày tóm gọn toàn bộ nỗ lực của thày suốt bao nhiêu năm và cả bao nhiêu kiếp đã dẫn thày đến thăng thiên. Thật không dễ dàng cho thày khi phải chứng kiến biết bao đệ tử cũ của mình hoàn toàn phớt lờ cuốn sách hay đã bỏ nó xuống mà không chịu đọc, tin chắc rằng họ có thể biết rõ là sách không có giá trị.

Hãy sẵn lòng nhận lấy truyền pháp tuần tự

Ta đã nói gì khi ta còn hiện thân? “Đừng chấp nhận bất cứ điều gì không hợp lý. Đừng bác bỏ bất cứ điều gì là không hợp lý nếu chưa xem xét kỹ lưỡng.” Xu hướng bác bỏ mà không xem xét kỹ lưỡng nói trên là một trong những giới hạn lớn nhất mà các thày phải đối mặt trên địa cầu.

Thậm chí đó cũng là giới hạn lớn nhất mà các thày phải đối mặt với những người tự xem là học trò của chân sư thăng thiên nhưng lại không sẵn lòng nhận ra rằng – y như nghiệp quả là một cơ hội – việc truyền pháp tuần tự của các thày cũng là một cơ hội. Có thể các thày vẫn dạy lại một số điều đã dạy trong quá khứ, nhưng ngày nay có một số điều các thày không dạy giống như quá khứ.

Nếu con bước vào một tư duy nhất định thì con có thể xem những lời dạy của quá khứ là chuẩn mực tối thượng. Xong con có thể bảo, bất cứ gì đi xa hơn hay có vẻ đi ngược lại những lời dạy đó bắt buộc phải sai lầm. Nếu con làm vậy, con sẽ tự đặt mình ra ngoài dòng xoắn ốc hướng thượng của các đợt truyền pháp của các thày, bởi vì sự truyền pháp này liên tục và tuần tự.

Làm thế nào các thày truyền pháp tuần tự chứ? Bằng cách giảng dạy những điều vượt xa hơn những gì được giảng dạy trong quá khứ. Có nghĩa là đôi khi các thày sẽ thách thức những gì đã được giảng dạy trước đây để lay chuyển mọi người bước ra khỏi khuôn nếp cũ. Cũng có nghĩa là thỉnh thoảng các thày phải nói những điều gần như mâu thuẫn với những gì đã nói trước đây. Nếu con đã lấy giáo lý của quá khử và biến nó thành một cái hộp khép kín, làm thế nào các thày có thể kéo con ra khỏi hộp mà không gây cho con một chút chấn động? Nếu con bám chặt vào chiếc hộp cũ đến độ con gạt bỏ lời dạy mới mà không chịu xem xét kỹ lưỡng, thì làm sao các thày chạm được con ngày hôm nay?

Con sẽ biết ta như ta đang là hôm nay

Là chân sư thăng thiên, các thày là một với Dòng sông sự Sống không ngừng tuôn chảy. Chính dòng sông này hình thành vòng xoắn ốc hướng thượng của toàn bộ vũ trụ cùng tất cả mọi bầu cõi ở cao hơn nữa. Các thày làm thế nào? Bằng cách thăng vượt ý niệm cái ta một cách liên tục. Không có cách nào khác. Điều này có nghĩa rằng ta là Gautama, là đức Phật, vị chân sư thăng thiên đã từng giảng dạy qua một số đợt truyền pháp trước. Ta là cùng vị thày, nhưng ta không là cùng cái ta của 10, 20 hay 2500 năm về trước. Trong suốt 20 năm hay 2500 năm qua, ta đã tự thăng vượt hằng hà sa số lần rồi.

Nếu con muốn biết ta, con cần biết ta như ta đang là hôm nay. Con không thể biết ta như ta là hôm nay qua một lời dạy được ban ra trong quá khứ. Đó là tại sao biết bao người tự xem mình là Phật tử đã dùng những lời dạy mà ta đã ban ra 2500 năm về trước để, kỳ thực, tạo ra một rào cản giữa họ và ta.

Họ không muốn biết ta như một chân sư thăng thiên. Họ chỉ muốn biết ta như là hình ảnh đức Phật mà môn phái đạo Phật của họ đã tạo dựng. Họ không muốn biết ta như một vị thày hằng sống. Họ muốn thờ phượng một thần tượng, và họ muốn cảm thấy là qua sự thờ phượng thần tượng này từ xa, một ngày kia họ sẽ đạt được giác ngộ hay chứng được Niết bàn.

Làm thế nào một ai đó có thể khiến con giác ngộ bằng cách làm gì đó cho con hay làm giùm con điều gì? Giác ngộ là một tiến trình nội tâm. Đó là một sự xoay chuyển ý niệm cái ta khi con ngừng không khoác vào hình tư tưởng, khi con cả gan nhìn vào chính con mà không qua phin lọc, và con trải nghiệm Hiện diện TA LÀ của con như nó thực là, như con thực là.

Làm thế nào con biết được đức Phật? Bằng cách thăng vượt xu hướng nhìn ta xuyên qua một phin lọc, bằng cách sẵn sàng trải nghiệm ta như ta là. Con có thể lấy một lời dạy mà ta đã ban ra 25 năm hay 2500 năm về trước, và nếu con có thể dùng lời dạy đó để hòa điệu với ta xong vượt xa hơn lời dạy để trải nghiệm hiện diện của ta, thì lời dạy đó quả thật có thể giúp con biết ta.

Nhưng nếu con biến lời dạy thành một cái hộp khép kín, thành một thần tượng, thành một hình tư tưởng, thành một phin lọc nhận thức, thì lời dạy đó sẽ chỉ đẩy con ra xa hơn trải nghiệm trực tiếp. Lời dạy đó sẽ trao cho tự ngã của con tất cả những lý do mà nó cần và nó muốn để bác bỏ trải nghiệm này. Ta thật sự mong muốn tất cả những ai xem mình là Phật tử hãy mở tâm ra để lắng nghe những gì ta vừa nói rồi hành động. Ta rất hiểu tại sao nhiều người không thể làm được điều này bởi vì họ chưa sẵn sàng biết ta như ta là, hay họ chưa sẵn sàng nhận biết Phật tánh nơi chính họ. Ta hy vọng là những ai tự xem mình là học trò của chân sư thăng thiên cũng sẽ cởi mở để biết được ta như ta là. Nếu con biết ta như ta là hôm nay, tại sao con lại không xuôi chảy với lời dạy mà ta ban truyền hôm nay?

Muốn tánh linh phải tuân theo vật chất

Khi con còn đang hiện thân, thật là quá dễ bị trơn trượt – từng bước nhỏ một và gần như không thể nào nhận ra – vào cái tâm thức vô cùng vi tế mà Giê-su đã chỉ ra khi thày thốt lên: “Bước ra sau ta, Satan!” Đây là tâm thức muốn tánh linh phải tuân theo vật chất.

Làm thế nào con sẽ thăng vượt được tâm thức hiện thời của con? Con không thể tự kéo mình lên cao bằng cách kéo sợi dây giày ở chân mình. Con không thể giải quyết một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề. Con không thể thăng vượt một trạng thái tâm thức bằng cách sử dụng chính nó. Đó là tại sao con người cần đến các chân sư thăng thiên.

Nếu con không nhận được một động lực từ tánh linh, con sẽ không thể vượt lên khỏi trạng thái cũ của bản ngã. Động lực thôi thúc này từ tánh linh phải vượt ra ngoài và thách thức trạng thái tâm thức hiện tại – vì nếu không, nó sẽ không thể đưa con ra khỏi tâm thức hiện tại. Có lô-gíc không con?

Nếu con đòi hỏi động lực từ tánh linh phải thuận theo những hình tư tưởng đang quy định trạng thái tâm thức hiện thời của con, thì làm thế nào tánh linh sẽ giúp con đây? Làm thế nào các thày giúp con thăng vượt trạng thái hiện thời của con nếu con muốn các thày ép mình vào những hình tư tưởng mà con có đang quy định các thày là ai và phải nói gì?

Ta cũng biết là các chân sư đã đề cập đến chuyện này trước đây trong những bối cảnh khác. Ta chắc chắn là ta hay một chân sư khác sẽ nhắc lại một lần nữa. Mỗi lần các thày nói lên điều đó thì lại có thêm một số ít người hiểu ra. Mỗi lần các thày nói lên thì những ai nhận được nhưng lại gạt bỏ ngoài tai hay từ chối làm theo, sẽ tạo ra một nghiệp lực quay ngược về họ, và hoặc nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ, hoặc nó sẽ trao cho họ một cơ hội để lướt sóng. Ngay cả khi nó gia tăng gánh nặng thì nó cũng sẽ làm xáo trộn thế cân bằng của họ, buộc họ phải thay đổi do không thể chịu đựng được nữa.

Các chu kỳ không chạy vòng tròn

Con biết chăng là ngọn sóng trên đại dương chuyển động theo hình tròn? Nếu con nhìn mặt cắt của ngọn sóng, con thấy gần như thể nước chuyển động theo vòng tròn. Người ta có thể bị cuốn vào một vòng tròn như vậy. Con bị nước sóng cuộn tròn lên con cho tới khi con chết đuối vì không thể ngoi lên.

Vậy làm thế nào một làn sóng có thể di chuyển băng qua đại dương? Là vì có một động lượng đẩy chuyển động tròn đó đi tới. Các thày mong muốn nhìn thấy tất cả học trò của mình cưỡi trên lưng chuyển động tròn thay vì bị mắc kẹt trong chuyển động và không tiến tới. Con yêu dấu, con có hiểu điều ta muốn nói?

Rất nhiều người tâm linh và người mộ đạo trên địa cầu hiểu rằng có những chu kỳ, nhưng họ xem chu kỳ là sự chuyển động hình tròn, theo đó họ chuyển quanh vòng tròn suốt năm để trở về đúng ngay điểm khởi đầu. Và cũng vậy, họ chuyển quanh vòng tròn đầu thai trong nhiều kiếp người để trở về điểm hư vô hay vô ngã. Nhưng đây không phải là cách sự sống tiến tới. Trong tiến trình tự nhiên, không có chuyển động nào vòng tròn cứ dẫm chân tại chỗ.

Một chuyển động vòng tròn đưa về điểm khởi đầu chỉ có thể hiện hữu trong một hệ thống bị ảnh hưởng bởi quyền tự quyết. Đa số con người sống trong hệ thống đó đã biến tâm mình thành những hệ thống khép kín, khiến họ tiếp tục trải nghiệm cùng một chuyện hết kiếp này sang kiếp khác với cường độ ngày càng gia tăng, cho đến khi cuối cùng họ chán ngán và muốn tiến bước cao hơn.

Tại sao người ta lại lạc quan vào ngày đầu năm? Vì người ta hy vọng là năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ, rằng một cái gì mới sẽ xảy đến. Nhưng làm sao có cái gì mới xảy đến nếu con cứ lặp lại cùng những khuôn nếp như năm cũ? Nếu vậy sự chuyển động sẽ chỉ chạy theo vòng tròn và con sẽ quay về ngay điểm khởi đầu. Cái mới chỉ có thể xảy đến nếu con đứng dậy, vươn mình lên, giữ thế thăng bằng trên tấm ván lướt sóng và con ra tay cưỡi sóng. Điều này chẳng hoàn toàn hợp lý hay sao?

Các thử thách sắp đến trong năm 2015

Con thấy đó con yêu dấu, từ tầm nhìn của ta là Phật, điều đó hoàn toàn hợp lý. Ta cũng biết là tất nhiên, con không nhìn ra, con không nhận thức lời ta nói như ta nhận thức. Con nhận thức lời ta qua phin lọc của tâm luôn tìm ra cớ để không thay đổi.

Con có muốn một cách định nghĩa thật giản dị cho tự ngã? Tự ngã là khía cạnh của tâm luôn luôn tìm ra một lý do để con không phải thay đổi.

Ta sẽ không bàn gì về năm đã qua vì nó đã trôi qua. Không gì có thể thay đổi được năm 2014. Nó là như thế đó. Nhưng ta sẽ nói một vài lời về năm 2015. Như con có thể nhớ, bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hành tinh này đã bước vào một chu kỳ qua đó mỗi năm sẽ đem lại cho hành tinh một khai ngộ trên một tia sáng trong số bảy tia. Năm 2013 đã là Tia thứ Nhất. Năm ngoái là Tia thứ Hai, và 2015 sẽ là Tia thứ Ba của Tình thương.

Vậy trong năm tới, đâu sẽ là cuộc khai ngộ mà bản thân con lẫn hành tinh sẽ đối mặt? Có hai cách để nhìn vấn đề này. Con có một cơ hội để cưỡi ngọn sóng tình thương sẽ cuộn tròn khắp hành tinh trong ba cõi cao. Nhưng con cũng có cơ hội để không cưỡi theo sóng, và nếu vậy thì con sẽ phải đương đầu với sự tha hóa của tình thương. Tất nhiên là có nhiều cách để tình thương bị tha hóa, nhưng cách chủ yếu là qua lòng sợ hãi.

Con có hai cách con tiếp cận năm 2015. Hoặc con cưỡi ngọn sóng của tình thương, hoặc con bị làn sóng tàn bạo của sợ hãi cuốn trôi. Ta có thể cam đoan với con năm 2015 sẽ là một năm thử thách, không hẳn là qua những biến cố sẽ xảy ra trong cõi vật lý, mà qua lòng sợ hãi phát xuất từ những rủi ro mà người ta cảm nhận về một số biến cố. Con thấy gì trong năm 2014? Con thấy dịch bệnh Ebola. Năm 2015 có khả năng chứng kiến một nỗi lo sợ còn lớn hơn nữa, không chỉ là Ebola mà một số bệnh tật có thể lây lan dễ dàng. Con lưu ý là ta không bảo các bệnh dịch này sẽ nhất thiết lan truyền trong cõi vật lý, nhưng nỗi sợ hãi thì sẽ có mặt.

Con thấy gì trong năm 2014? Chiến tranh và xung đột gia tăng, từ vùng Trung đông cho đến châu Phi, tình hình tại Ukraine và sự căng thẳng leo thang giữa Nga và các quốc gia mà Nga gọi là phương Tây. Những căng thẳng này sẽ có khả năng leo thang trong năm 2015. Tuy ta không nói là rủi ro chiến tranh trong cõi vật lý sẽ cao hơn năm ngoái, nhưng nỗi sợ chiến tranh, sợ xung đột sẽ lớn hơn.

Và hiển nhiên có vấn đề kinh tế. Năm ngoái, kinh tế không đến nỗi là mối quan tâm, nhưng sang năm 2015, đó sẽ là một quan tâm lớn hơn. Một lần nữa, ta không bảo là có rủi ro rất cao xảy ra vấn nạn kinh tế trong cõi vật lý, nhưng những lo lắng về nền kinh tế sẽ nhiều hơn.

Hãy dùng năng lượng của tình thương để vượt trên sợ hãi

Điều ta yêu cầu con làm với tư cách là học trò của chân sư thăng thiên là con ý thức được khả năng cưỡi ngọn sóng tình thương thay vì đâm đầu vào vòng xoáy của sợ hãi, vào vòng tròn của sợ hãi. Hãy dùng những bài thỉnh và bài chú của con để duy trì năng lượng vượt lên trên tầng cấp sợ hãi. Các thày rất vui mừng khi nhiều người đã yêu cầu làm theo chỉ dẫn của Mẹ Mary và tham dự buổi canh thức đều đặn khi khắp nơi trên thế giới các con đọc chú cùng với nhau vào cùng ngày, có thể là cùng giờ hay cùng một lúc tùy theo múi giờ của con.

Hẳn công việc này sẽ có thể tránh được nhiều tai họa trong cõi vật lý, nhưng trước hết nó có thể giúp con giữ mình ở cao hơn tầng cấp sợ hãi. Nếu con muốn tác động tối đa đến hành tinh như các thày mong muốn, con sẽ cần giữ mình cao hơn sợ hãi trong năm sắp tới. Các thày đã ban ra giáo lý về tình thương cùng với các bài thỉnh, bài chú để thỉnh cầu tình thương. Tất nhiên, các thày sẽ cho phát hành một quyển sách mới với giáo lý lẫn bài thỉnh, nhưng sách này thì vượt thời gian cho nên con không cần chờ sách trước khi con bắt đầu thỉnh cầu tình thương cùng các năng lượng dựa trên tình thương.

Hình tư tưởng cho năm 2015

Hình tư tưởng cho năm 2015 sắp tới sẽ là gì? Tình thương thường đi đôi với màu hồng, nhưng tình thương trong dạng cao độ nhất là màu ngọc đỏ (ruby) mà như con biết, đó là màu của tia laser. Hình tư tưởng mà ta ban cho con cho năm tới là một hình Phật ở rất cao trên trái đất – mà con có thể hình dung ở trên không trung hay trong cõi ê-the. Đây là một hình Phật làm bằng một chất trong suốt, không phải là thủy tinh nhưng trông giống như thủy tinh. Chất này màu ngọc đỏ. Có một chân sư thăng thiên tên gọi là đức Phật của Tia Ngoc đỏ; tuy nhiên đây không phải là vị chân sư sẽ cầm giữ cân bằng tâm linh cho hình tư tưởng này. Ta sẽ là vị chân sư khoác vào khía cạnh Tia Ngọc đỏ của Phật và cầm giữ hành tinh này trong tâm quân bình của ta cho năm tới.

Ta sẽ ở trên đây – tức là bất kỳ nơi nào con thấy ta – trong tư cách đức Phật ngọc đỏ đó. Ta không ngồi nhắm mắt; mắt ta mở. Con có thể hình dung ta có đôi mắt mở như người thường, hay con hình dung ta với một con mắt ở giữa lông mày, và con mắt thứ ba này là con mắt đang nhìn.

Qua khả năng viển quan, ta có thể hướng một Tia Ngọc đỏ với năng lượng tình thương mãnh liệt vào bất kỳ điều kiện nào trên địa cầu. Do Định luật Tự quyết, ta không thể tự mình làm điều này. Ta cần những con người đang đầu thai hòa điệu với khía cạnh Tia Ngọc đỏ của ta. Con hãy tự hình dung mình là đức Phật Tia Ngọc đỏ ở cõi vật lý, và đức Phật này hợp nhất, hay ít ra nối kết với ta trong tư cách là đức Phật Tia Ngọc đỏ ở cõi ê-the.

Sau đó con tập trung trước nhất vào việc thiết lập một sự nối kết hay hợp nhất với ta, xong con hướng tia ánh sáng laser Ngọc đỏ đó từ viễn quan của ta vào một điều kiện nào đó trên địa cầu. Con không cần biến chuyện này thành một nghi thức phức tạp nhưng ta cần con lâu lâu ý thức được. Con có thể dành ra một vài phút sau khi đọc thỉnh hay đọc chú để hòa điệu, để hình dung ta, hình dung chính con, rồi nhìn thấy ta là như thế nào, qua quyền năng và cây cầu của chú ý đang dẫn đường cho ánh sáng Tia Ngọc đỏ.

Con cần lưu ý là con không hướng ánh sáng. Con chỉ thiết lập cây cầu mà qua đó ánh sáng có thể chảy vào cõi vật lý. Điều này có nghĩa là việc duy nhất mà ta cần ở con là sự chú ý. Ta không cần quan điểm của con, cảm xúc của con, những nỗi sợ của con hay ý nghĩ của con về những gì cần hay không cần thay đổi trong hoàn cảnh hiện thời. Con càng trung hòa bao nhiêu thì càng nhiều ánh sáng sẽ chảy xuyên qua con bấy nhiêu.

Con hãy cố hiểu rằng chìa khóa của quả vị Ki-tô là không dính mắc. Con hãy hết sức không dính mắc vào hoàn cảnh mà con đang tập trung chú ý của con – cũng như tập trung chú ý của ta. Ta trung hòa đối với mọi sự xảy ra trên địa cầu.

Có lẽ “trung hòa” không phải là từ thích hợp nhất. Có lẽ “không dính mắc” cũng không phải là từ hay nhất. Có lẽ không có từ nào có thể diễn tả được tâm của Phật vì Phật vượt mọi từ ngữ, nhưng ta phải dùng ngôn ngữ để tâm con nắm bắt điều ta muốn nói. Vậy con hãy trung hòa tối đa, không dính mắc tối đa, phổ quát tối đa về tình huống trước mặt. Để yên cho ánh sáng làm công việc của nó mà không tìm cách hướng dẫn nó! Con chỉ vỏn vẹn đặt chú ý của con vào tình huống và cho phép ta hướng dẫn ánh sáng qua trung gian cây cầu là sự chú ý của con.

Lướt sóng

Đó là cách con có thể đóng góp to lớn song song với những bài chú, bài thỉnh của con. Như Mẹ Mary có nói, chắc chắn có khả năng quy tụ được 500 người đọc bài nguyện và bài chú cùng một lượt với nhau, nhưng liệu điều này có thực hiện được trong thực tế, liệu sẽ có đủ người nắm lấy ngọn đuốc và bỏ công ra làm hay không thì phải chờ xem. Nhưng chắc chắn điều hợp lý là chúng ta khởi sự tiến trình, xong hy vọng là các con sẽ có thể duy trì, xây dựng đủ động lượng và thu hút được ngày càng nhiều người hơn tham gia đưa vòng ốc xoắn đi lên.

Ta mong ta đã cho con món ăn tinh thần ở đây, không những cho năm 2015 mà cho cả những năm và thập niên sau đó. Nó có thể đem lại cho con sự khác biệt to lớn. Con có thể bắt đầu cưỡi sóng của nghiệp quả đang phản hồi thay vì đâm đầu vào ngọn sóng hết lần này sau lần khác.

Đương nhiên, nếu con muốn đâm đầu vào sóng thì ta sẽ không phản đối ý muốn trải nghiệm đó của con. Ta chỉ muốn con biết rằng lướt sóng là một chuyện hoàn toàn khả thi. Nếu con muốn trải nghiệm lướt sóng, cả ta lẫn các chân sư khác sẽ đều sẵn lòng giúp con một tay để con tự kéo mình đứng lên tấm ván – tấm ván của giáo lý các thày – và con học cách giữ thăng bằng dễ dàng hơn.

Như ta đã cố giải thích, quá nhiều lần các thày đã chứng kiến học trò tìm được giáo lý, rồi sử dụng giáo lý một cách cực đoan khiến họ bị mất thăng bằng. Cho dù có thể con chưa lướt sóng bao giờ nhưng con dư biết là nếu con không giữ được thăng bằng trên ván thì con sẽ té nhào xuống sóng nước. Các thày mong muốn thấy học trò của mình cưỡi sóng chứ không té sóng. Nếu con cũng mong muốn như vậy, ta nghĩ ta với con có thể làm việc với nhau trong năm tới và cả sau đó.

Ban thêm giáo lý

Với lời này, ta cảm ơn các con đã chú ý, đã sẵn lòng học tập và thực hành giáo lý, sẵn lòng hỗ trợ công việc phổ biến giáo lý, hỗ trợ sứ giả này trong việc đem giáo lý vào cõi vật lý. Con có thể nhìn vào các trang web được thành hình xuyên qua tâm của đúng một người, con có thể nhìn sách đã phát hành và con có thể ngạc nhiên tự hỏi: “Liệu các chân sư còn thêm bao nhiêu giáo lý nữa để ban truyền?”

Chính sứ giả này cũng đã từng ngạc nhiên, nhưng giờ đây ông đã vượt quá sự ngạc nhiên khi ông nhận ra là các thày còn muốn ban truyền nhiều hơn rất nhiều. Thậm chí ông không muốn biết sẽ còn thêm bao nhiêu nữa, vì ông sẽ bị choáng ngợp khi nghĩ đến thì giờ và công sức mình cần phải dành ra. Ta sẽ không nói cho con biết còn bao nhiêu nữa, mà ta sẽ chỉ nói với con là các thày mong muốn đem vào cõi vật lý thật nhiều giáo lý hơn nữa.

Các thày không có nhiều người mang tâm có thể làm chén thánh để nhận và truyền đạt giáo lý này. Các con hãy trao cho tâm này cơ hội để nó sử dụng những khả năng mà nó đã được đào tạo – và cũng sẵn lòng thực hiện. Quả thật, nếu không đưa ra giáo lý thì làm thế nào có được sự thay đổi? Và cũng thế, nếu giáo lý không được chấp nhận và áp dụng thì cũng chẳng có được sự thay đổi.

Mỗi người trong số các con đều cần thiết y như sứ giả này cần thiết. Tuy con không nên đặt bất cứ ai lên bệ cao, nhưng con hãy đón nhận mọi người như những cá nhân độc đáo – quan trọng một cách độc đáo – mà các con là. Đôi khi con cũng cần nhìn nhận là mình đã có đem lại một chút giá trị, mình đã có nỗ lực, mình đã có tinh tiến. Nhìn nhận như vậy sẽ giúp con giữ được cái trớn đi lên, giúp con tìm lại sự nhiệt thành mà có thể con đã đánh mất chút đỉnh giữa sự chuyển động vòng tròn của đời sống hàng ngày.

Ta có thể cam đoan với con là các thày, những người đã thăng thiên khỏi địa cầu, đều biết rõ nếp sống hàng ngày có thể nặng nề chừng nào trên một hành tinh có năng lượng dày đặc như thế này. Bước đi trên con đường tâm linh trên địa cầu không phải là một chuyện dễ. Hội đủ tư cách để thăng thiên khỏi địa cầu cũng không dễ. Nhưng như ta đã chứng minh, việc đó hoàn toàn khả thi. Và như các thày luôn nói: “Điều gì một người làm được thì mọi người cũng đều làm được.”

Không cần nói gì thêm, ta chúc các con một Năm Mới vui tươi. Gautama TA LÀ!

15 | Cái Ta Biết và Hiện diện TA LÀ

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Guru Ma qua trung gian Kim Michaels, ngày 18/4/2014.

Hiện diện TA LÀ của con có đáp án cho mọi vấn đề con phải đối mặt trên trái đất, nhưng nếu con không hòa điệu được với Hiện diện TA LÀ của con thì con không cảm nhận được đáp án đó. Chìa khóa cốt yếu để thực sự bắt đầu hòa nhập với Hiện diện của con là nhận ra sự khác biệt cơ bản giữa Hiện diện TA LÀ của con và khái niệm của con về vị đạo sư. Con thấy không, khái niệm về vị đạo sư có thể rất, rất ích lợi nhưng khái niệm về vị đạo sư hàm ý, qua chính định nghĩa của nó, là con “ở đây” như một cá nhân khác biệt và vị đạo sư thì tách biệt khỏi con.

Đó là lý do tại sao vị đạo sư có ích cho con vì vị đạo sư không ở trong phin lọc nhận thức của con, không bị đui mù bởi những gì làm con đui mù. Vị đạo sư có thể cho con những hướng dẫn không đến từ bên trong phin lọc nhận thức của con và khi con làm theo hướng dẫn, nó giúp con vượt quá phin lọc nhận thức của mình. Như vậy, theo định nghĩa, con cần xem vị đạo sư như đứng bên ngoài con, ít nhất là bên ngoài ngã tách biệt của con.

15.1. Quan hệ của con với Hiện diện TA LÀ của con

Hiện diện TA LÀ của con không phải là đạo sư của con, Hiện diện TA LÀ là không phải người dạy con. Hiện diện không có mục đích dạy con bất cứ điều gì. Ngay cả một vị chân sư thăng thiên cũng là một sinh thể bên ngoài con. Thày đã nói là khi con chưa thăng thiên, con thường có một hình ảnh khô cứng, sùng bái về các chân sư thăng thiên. Con phải rũ bỏ hình ảnh này khi con thăng thiên và con tìm cách càng lúc càng nhập một với Hiện diện của các chân sư.

Ngay cả ngay sau khi thày thăng thiên, thày thấy mình là một sinh thể cá biệt. Thày thấy chân sư MORE và Saint Germain là những sinh thể cá biệt. Thày có thể hoàn toàn nhập một với Saint Germain – và đấy là một trải nghiệm tuyệt vời – nhưng thày vẫn biết là thày đang hòa nhập với một sinh thể cá biệt. Con sẽ luôn luôn coi một chân sư thăng thiên như khác biệt với mình, ngay cả sau khi con trở thành một chân sư thăng thiên.

Vậy thì làm sao con trở thành một chân sư thăng thiên? Ấy, lúc đầu, khi con tìm thấy giáo lý các chân sư thăng thiên và bắt đầu nghe nói về Hiện diện TA LÀ, con không thể tránh coi Hiện diện TA LÀ ở ngoài con. Khi cái Ta Biết nhìn mọi sự từ bên trong phin lọc nhận thức của một ngã tách biệt, thì quả thực Hiện diện TA LÀ ở bên ngoài ngã tách biệt. Hiện diện TA LÀ ở cõi tâm linh.

Một chân sư thăng thiên như chân sư MORE hay Giê-su, luôn luôn giữ vai trò vị thày của con, nhưng Hiện diện TA LÀ không được tạo ra để là vị thày của con. Hiện diện TA LÀ của con không phải là vị đạo sư ở bên ngoài con. Con thăng thiên cách nào? Bằng cách nhập một với Hiện diện, nhưng có một sự khác biệt vi tế hầu như không nắm bắt được cho tới khi con tới các tầng cao nhất của 144 tầng tâm thức.

Như thày đã nói, thày là một chân sư thăng thiên. Thày có thể nhập một với Saint Germain, nhưng thày biết thày đang nhập một với một sinh thể cá biệt. Khi con thăng thiên, khi con tới tầng 144 và nhảy bước vọt lượng tử cuối cùng, thì con nhập một với Hiện diện TA LÀ của con. Con không nhập một với Hiện diện của con như con nhập một với Saint Germain hay một vị chân sư thăng thiên khác.

Thày là một sinh thể khác biệt với Saint Germain. Thày có thể nhập một với Saint Germain và bước ra khỏi sự hòa nhập với Saint Germain nhưng hai thày vẫn là những sinh thể khác biệt. Khi con ở tầng 144 và nhập một với Hiện diện TA LÀ của con, con không hòa nhập với một sinh thể khác biệt. Con hòa nhập là một với chính mình. Hiện diện TA LÀ của con không phải là vị đạo sư của con. Hiện diện TA LÀ của con là con. Giáo lý vi tế này chỉ nắm bắt được khi con hoàn toàn hiểu và trải nghiệm, qua nhiều thoáng chốc, tính chất nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết.

15.2. Quyết định của Hiện diện TA LÀ của con

Trước khi con hiện thân lần đầu vào một bầu cõi dày đặc hơn, Hiện diện TA LÀ của con ở trên cõi tâm linh. Nó nhìn xuống và quyết định nó muốn phụng sự như một người đồng sáng tạo bằng cách phóng chiếu một phần của nó, một nối dài của nó xuống một cõi dày đặc và mang vào một thân xác nơi đó. Qua đó, nó sẽ trải nghiệm cõi này từ bên trong và sẽ giúp đồng sáng tạo cõi này, nâng cõi này lên cao để trở thành một phần viễn hằng của cõi tâm linh. Như thày đã nói, chuyện này có thể không xảy ra trong vũ trụ vật chất này. Nó có thể xảy ra ở một bầu cõi trước nhưng cơ chế vận hành cũng giống vậy.

Hiện diện TA LÀ gửi một nối dài của chính nó, nối dài này trở thành cái mà bây giờ các thày gọi là cái Ta Biết nhưng trước kia các thày gọi nó là cốt lõi của hồn (core of the soul). Khi gọi nó là cái Ta Biết và xem nó là nhận biết thuần khiết, thì điểm quan trọng là nó quả thực không có hình tướng, không có đặc tính. Nó có nhận biết nhưng không có đặc tính cá biệt khiến nó tách biệt với Hiện diện TA LÀ.

Chúng ta có thể nói ngay cả câu nói “Hiện diện TA LÀ gửi một nối dài của nó xuống thế giới vật chất” là một cách mô tả thô thiển. Một cách hay hơn là nói rằng Hiện diện TA LÀ tập trung chính nó vào thế giới vật chất, không phải là toàn thể chính nó nhưng một phần, một phần nối dài, của nhận biết của nó vào thế giới vật chất. Nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết có nhận biết về chính nó như một sinh thể cá biệt. Nó có ý chí tự do. Nó có thể quyết định muốn tập trung chính nó nơi nào.

Lúc đầu, nó quyết định đi vào một vai trò đã được quy định sẵn, có thể là trong Trường Bí giáo của Maitreya hay một trường bí giáo khác, và nó xem coi nó cảm thấy thế nào khi đóng vai trò đó. Qua vai trò đó, qua ngã đó, cái Ta Biết biểu lộ chính nó trong cõi vật lý hay trong trường bí giáo. Khi cái Ta Biết quyết định thử nghiệm tâm thức nhị nguyên, đã được gọi là hoa trái của hiểu biết về thiện và ác, thì nó mang vào những vai trò không do vị thày tâm linh quy định mà do sa nhân, các thày giả quy định.

15.3. Cỗ xe tâm hồn mang vẻ tâm linh

Qua tiến trình này, cái Ta Biết bắt đầu xây dựng cỗ xe tâm hồn. Như thày đã nói, cỗ xe tâm hồn có thể trở thành một cấu trúc rất phức tạp, rất tinh xảo và nó có thể mang vẻ rất, rất tâm linh. Cái Ta Biết tới điểm bắt đầu nhận ra có cái được gọi là thăng thiên và nó hình thành ý muốn thăng thiên. Chuyện này xảy ra vì giữa hai kiếp đầu thai, con quyết định con muốn theo đuổi mục đích thăng thiên. Khi con xuống hiện thân, có nhiều xác suất nhận biết ý thức của con chụp lấy khái niệm thăng thiên, khái niệm chân sư thăng thiên và con đường tâm linh dẫn tới thăng thiên.

Nhiều đệ tử vẫn còn tin rằng mục đích của con đường dẫn tới thăng thiên chỉ là kiện toàn ngã vỏ ngoài. Thày đã tìm cách giải thích không phải là như thế. Con cần buông bỏ ngã vỏ ngoài và con làm thế bằng cách nhìn vào những thành phần tạo nên ngã vỏ ngoài – là các phàm linh tạo nên ngã vỏ ngoài – và con vứt bỏ những quyết định, những ảo tưởng đã tạo nên chúng.

Chuyện xảy ra khi con vứt bỏ càng ngày càng nhiều những phàm linh đó, càng ngày càng nhiều những ảo tưởng đó, và con đạt tới tầng tâm thức 144? À, điều xảy ra là con bắt đầu xoay chuyển ý niệm bản ngã của con. Khi con ở các tầng thấp hơn của đường tu thì con hoàn toàn đồng hóa mình với ngã vỏ ngoài. Con nghĩ: “Tôi là người có tên này, tôi đến từ gia đình này, tôi sống ở quốc gia này, tôi sống trong xã hội này, tôi hành nghề này, tôi là chủng tộc này, tôi là sắc tộc này, tôi là phái tính này, tôi là cái này, tôi là cái nọ, tôi là cái kia nữa.” Con cho phép tất cả những điều vỏ ngoài đó quy định con và con hoàn toàn đồng hóa mình với chúng.

Khi con biết tới con đường tâm linh thì con nhận ra: “Ố, tôi là nhiều hơn mấy cái vỏ ngoài này và quả thực tôi muốn càng ngày càng nhập một với cái ta tâm linh của tôi.” Tùy con nhìn cái ta tâm linh này là gì, con vẫn xem nó là cái gì ở bên ngoài con, và khi con bắt đầu rũ bỏ những thành phần của ngã vỏ ngoài, thì con bắt đầu xoay chuyển bản sắc của mình. Thay vì nói: “Tôi là cái này, tôi ở dưới này trong cõi vật chất,” thì con bắt đầu nói: “Ồ, tôi là cái TA LÀ ở trên kia trong cõi tâm linh.” Con tới điểm bắt đầu có trải nghiệm ý thức về Hiện diện TA LÀ hay nhận được cảm nhận nội tâm từ Hiện diện.

15.4. Hiện diện TA LÀ không bảo con phải làm gì

Ở giai đoạn này có một khác biệt vi tế mà con cần nhận biết. Khi nhận biết điều này thì con sẽ dễ thực sự hòa điệu với Hiện diện của con hơn rất nhiều. Vị đạo sư sẽ nói chuyện với con và đôi khi con cảm thấy đây là một giọng nói bên ngoài đang nói với con. Nếu con có một đạo sư vật lý thì lẽ tất nhiên con nghe vị ấy nói với con với giọng nói vật lý. Ngay cả vị thày thăng thiên của con hay cái Ta Ki-tô của con sẽ thường đến với con như một giọng nói từ bên ngoài, một ý tưởng từ bên ngoài hay một Hiện diện bên ngoài đang hướng dẫn con. Trong nhiều trường hợp, các hướng dẫn này được diễn tả bằng lời.

Con cũng có thể không nghe thấy các hướng dẫn như một giọng nói bên trong đầu con, nhưng con vẫn có thể cảm nhận: “À, tôi phải làm điều này đây.” Con rõ ràng trải nghiệm sự hướng dẫn như đến từ ngoài con. Thày đã nói gì về Hiện diện TA LÀ của con? Hiện diện của con không phải là đạo sư của con. Thày biết rõ có nhiều đệ tử, ngay cả trong số các đệ tử của thày và chính thày nữa khi còn hiện thân, sẽ cảm thấy: “Ồ, tôi nhận được hướng dẫn này từ Hiện diện TA LÀ của tôi,” “Hiện diện TA LÀ của tôi bảo tôi làm điều này.” Thực sự không phải thế. Nếu con trải nghiệm sự hướng dẫn đến từ ngoài con, thì nó không đến từ Hiện diện TA LÀ của con, nó đến từ vị thày của con. Vị ấy có thể là vị thày nội tại là cái Ta Ki-tô của con hay một chân sư thăng thiên. Có thể con không nghe thấy sự hướng dẫn như một giọng nói bên ngoài mà con nhận được nó trong tâm mình nhưng con vẫn trải nghiệm nó đến từ đâu đó bên ngoài con. Nhiều, rất nhiều đệ tử đã phóng chiếu một hình ảnh khô chết lên Hiện diện TA LÀ và nghĩ rằng mình đã nhận được hướng dẫn từ Hiện diện TA LÀ, nhưng quả thực nó đến từ sinh thể đang là đạo sư bên ngoài của con. Lời hướng dẫn này vẫn có thể chân chính và trong nhiều trường hợp đây là một lời hướng dẫn chân chính. Chỉ là nó không đến từ Hiện diện của con.

Có một giai đoạn trên đường tu khi chuyện con nghĩ hướng dẫn đến từ Hiện diện của con là chuyện hoàn toàn không sao cả. Khi con tiến lên các tầng cao hơn về hướng tầng 144, thì con quả thực cần xoay chuyển nhận biết của mình. Con cần nhận ra mục đích của vị thày khác với mục đích của Hiện diện TA LÀ. Mục đích của vị thày là cho con hướng dẫn để giúp con nâng cao tâm thức, bước đi trên con đường tâm linh trên trái đất, làm những gì con cần làm trên trái đất, kể cả việc hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con, quân bằng nghiệp quả, vân vân.

Đây là vai trò của vị thày, nhưng đây không phải là vai trò của Hiện diện TA LÀ của con. Vai trò của Hiện diện TA LÀ đơn giản là có mặt với con như một Hiện diện, như khung tham chiếu tối hậu của con để nhận rõ cái thật và cái không thật, không những trong thế giới vật lý mà đặc biệt trong thế giới nội tâm của con. Thày vừa nói chuyện gì xảy ra? Con xoay chuyển ý niệm bản sắc của con xa ra khỏi ngã vỏ ngoài và tiến về Hiện diện. Mục đích của Hiện diện là gì? Mục đích của nó là giúp con xoay chuyển ý niệm bản sắc đó và nhận ra con có một bản sắc khác không phải là ngã vỏ ngoài.

Khi nhận biết của con mở rộng hơn, con bắt đầu cảm nhận Hiện diện của con nhưng con không nghe thấy Hiện diện của con như một tiếng nói từ ngoài. Con bắt đầu cảm nhận Hiện diện của con như một Hiện diện nội tại. Nó không cho con hướng dẫn, giáo lý. Nó cho con một khung tham chiếu về bản sắc thật của con là gì. Khi con cảm nhận được điều này, con có thể so sánh cảm nhận này với những gì đến từ ngã vỏ ngoài, từ các phàm linh. Con có thể biết ngay lập tức: “Cái phàm linh này, cái tiếng nói này, không phải là cái tôi là. Tôi hơn thế; tôi là cái TA LÀ ở trên kia!”

Có thể là con chưa trải nghiệm Hiện diện của con trọn vẹn và rõ ràng, nhưng con cảm nhận có cái gì ở đó nhiều hơn ngã vỏ ngoài. Hiện diện TA LÀ của con cho con cảm nhận đó. Đây là vai trò của Hiện diện, và đây là lý do tại sao con cần xoay chuyển. Nếu con phóng chiếu lên Hiện diện là Hiện diện phải giống như vị đạo sư, phải giống tiếng nói từ ngoài thì con không thể đi xa hơn một tầng nào đó. Con không thể lên tới tầng 144 ngày nào con còn xem Hiện diện TA LÀ như một tiếng nói bên ngoài hay một sinh thể bên ngoài.

Con cần rũ bỏ hình ảnh này, hình ảnh khô chết này để con không giơ hình ảnh này lên trước vị Thượng đế thật là Hiện diện của con. Chính Hiện diện TA LÀ của con nói chuyện với con từ bụi cây bốc lửa lúc đầu, nhưng sau này trên đường tu không còn bụi cây nữa, không còn tiếng nói nữa, không còn gì đang bốc cháy, chỉ có Hiện diện. Khi con tới tầng 144, bước cuối cùng của con là buông bỏ chính cốt lõi của ngã vỏ ngoài và ở đây một lần nữa có một sự khác biệt vi tế.

15.5. Cái ta cuối cùng con phải lột bỏ trước khi thăng thiên

Khi cái Ta Biết lần đầu tiên đầu thai, thày có nói là nó mang vào một ngã vỏ ngoài, một vai trò đã được quy định sẵn và nó dần dần bồi đắp thêm vai trò này. Điều đầu tiên cái Ta Biết mang vào là cảm nhận nó là một sinh thể cá nhân cá biệt. Nó có một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm khác với ý niệm bản ngã quả cầu của Hiện diện TA LÀ.

Hiện diện TA LÀ không phải là đấng Sáng tạo, nó không có nhận biết của Thượng đế. Nếu con đang hiện thân trên trái đất thì Hiện diện TA LÀ của con không phải là một sinh thể tiến hóa cao so với các Sinh thể Hoàn vũ và đấng Sáng tạo. Nó có tiềm năng phát triển tới nhận biết trọn vẹn của Thượng đế nhưng nó chưa đạt tới đó. Sự thực là nó gửi con xuống để giúp nó phát triển hầu nó đạt được các trạng thái tâm thức cao hơn. Hiện diện TA LÀ của con sẽ vẫn tiếp tục tăng triển sau khi con thăng thiên và sự việc con xuống cõi vật chất sẽ giúp Hiện diện TA LÀ của con tăng triển.

Khi con mới xuống, con bỗng nhiên nhận ra: “TÔI LÀ, do đó tôi có thể suy nghĩ và tôi có thể nhận biết điều gì đang xảy ra trong thế giới vật chất.” Sau đó con mang vào cảm nhận con là một cái ta cá biệt, cá nhân, tách biệt. Nếu lúc đó con nhận biết trọn vẹn Hiện diện của con thì con sẽ thấy mình tách biệt khỏi Hiện diện. Con ở dưới này, Hiện diện ở trên kia.

Khi con vươn lên về hướng tầng tâm thức 144, con dần dần buông bỏ cảm nhận có khoảng cách giữa con và Hiện diện. Khi con ở tầng 144, để có thể thăng thiên con phải lột bỏ cái cốt lõi của ngã tách biệt. Cốt lõi này vượt xa hơn cái mà chúng ta trong giáo đoàn gọi là kẻ ngụ trên ngưỡng cửa. Nó thực sự vượt quá cái mà trong đa số trường hợp được gọi là tự ngã. Hay chúng ta cũng có thể nói nó chính là cốt lõi của tự ngã. Nó không phải là kẻ ngụ trên ngưỡng cửa vì kẻ này là một phàm linh mà con có thể lột bỏ và có lúc con tới điểm con quả thực đã lột bỏ tất cả mọi phàm linh. Con đã vứt bỏ hết mọi phàm linh nhưng con vẫn còn cảm nhận cốt lõi con là một sinh thể tách biệt khỏi Hiện diện.

Khi con ở tầng 144 và hoàn toàn sẵn sàng thăng thiên thì con lột bỏ cảm nhận cuối cùng tách biệt khỏi Hiện diện đó và con trở thành một với Hiện diện. Con có thể cần suy ngẫm điều này. Thày hoàn toàn nhận biết là nhiều người sẽ phản đối giáo lý này, chất vấn nó, thậm chí còn xem nó là hư giả. Khi thày còn hiện thân thì thày không thể nắm bắt được giáo lý này. Thày sẽ chối bỏ là con mất hết mọi ý niệm bản ngã vì thày vẫn cảm thấy phải có một phần của cỗ xe tâm hồn có thể được Thượng đế chấp nhận vì có bao nhiêu việc vỏ ngoài mà thày đã hoàn thành trên trái đất. Do đó, chắc chắn phải đem được phần ngã kiện toàn đó lên vương quốc.

15.6. Chuyện gì xảy ra cho cái Ta Biết

Ngay cả người sứ giả này đã biết khái niệm cái Ta Biết từ nhiều năm vẫn phải vật lộn với giáo lý trên. Chuyện gì thực sự xảy ra cho cái Ta Biết khi con thăng thiên? Nó biến mất chăng?

Tới đây thì ngôn từ không đủ để mô tả thực tại. Thày đã nói gì trước đây? Hiện diện TA LÀ tập trung chính nó như cái Ta Biết, nó tập trung chính nó như một cái ta trụ vào một nơi. Cái ta trụ vào một nơi này được cho quyền tự quyết nên nó lấy nhiều quyết định dưới này trong hành trình của nó. Khi nó buông bỏ khía cạnh cuối cùng của ngã tách biệt, nó buông bỏ quyền tự quyết của nó, nó buông bỏ nhận biết trụ vào một nơi của nó. Nó trở lại thành Hiện diện tập trung như sự toàn bộ của nó.

Con có thể nói cái Ta Biết trở thành một với Hiện diện TA LÀ, hòa nhập lại vào Hiện diện TA LÀ, buông bỏ ý niệm bản sắc, cá thể, sự hiện hữu của nó. Tất cả những chữ này đều thích ứng nhưng con cần chú ý một điểm. Các chữ này đều đặt trọng tâm vào cách cái Ta Biết trải nghiệm bởi vì điều cái Ta Biết đã làm trong suốt hành trình của nó là trải nghiệm thế gian như một cái ta cá biệt, trụ vào một nơi. Cái Ta Biết đã tin rằng: “Tôi là một sinh thể cá biệt và tôi đang trải nghiệm cái tôi đang trải nghiệm.”

Nhưng con có thể nói là thực sự chưa bao giờ có một sinh thể cá biệt. Con có thể nói chưa bao giờ có một cái Ta Biết bởi vì trong suốt hành trình đó lúc nào cũng chỉ là Hiện diện TA LÀ tập trung chính nó vào một điểm. Không phải là cái Ta Biết đã từng làm mọi điều. Đó là lý do tại sao Giê-su đã nói: “Chính ta không thể làm gì cả.” Giê-su cũng có thể nói: “Ta không có cái ngã riêng, nó là một ảo tưởng.”

Đây là một ảo tưởng mà con không thể đơn giản buông bỏ khi con chưa tới tầng 144. Nếu con buông bỏ nó thì con còn không thể đi từ từng 143 lên tầng 144. Con cần một cỗ xe để leo lên cầu thang xoắn ốc của con đường đưa tới thăng thiên. Con cần cảm nhận có cái “ta” đang hội đủ điều kiện, đang thăng lên, đang vươn lên qua các tầng của vũ trụ vật chất và các tầng tâm thức có thể có được ở đây.

Khi con lên tới đỉnh thì con cần vứt bỏ cỗ xe cuối cùng này, cái ý niệm có một cái ta đang đi trên hành trình. Con bắt đầu trở lại nhận biết mình là Hiện diện tròn đầy. Hiện diện bây giờ hơn là khi cái Ta Biết đi xuống. Những trải nghiệm của cái Ta Biết, những quyết định nó đã lấy, đã thăng vào Căn thể. Do đó, Hiện diện TA LÀ bây giờ hơn trước. Con hơn trước.

Con không thăng thiên cho tới khi cái Ta Biết buông bỏ ý niệm nó là cái Ta Biết và trở lại thành Hiện diện tròn đầy. Ở điểm này, Hiện diện TA LÀ xoay chuyển nhận biết của nó. Nó không còn tập trung như là cái Ta Biết dưới này, giờ đây nó tập trung như là một sinh thể thăng thiên.

15.7. Một sự xoay chuyển kỳ diệu

Một lần nữa từ ngữ không đủ để diễn tả. Bất cứ điều gì thày nói ở đây sẽ bị tự ngã áp chồng lên một suy diễn tùy theo tầng tâm thức của con. Suy diễn này có mục đích giữ con mắc kẹt trong ngã vỏ ngoài khiến con quyết định: “Ồ, một phần của ngã vỏ ngoài của tôi mà tôi không thể buông bỏ được, mà tôi không cần buông bỏ, mà tôi không nên buông bỏ.”

Khi con tiến lên cao hơn trên đường tâm linh, mọi chuyện sẽ dễ dàng cho con hơn bội phần nếu con nhận ra rằng thăng thiên có nghĩa là buông bỏ khía cạnh cuối cùng của ngã tách biệt, ngay cả ý niệm con là một ngã tách biệt.  Ở các tầng cao hơn của đường tu, con bắt đầu thấy một cách ý thức nhu cầu buông bỏ một số thành phần của ngã vỏ ngoài. Con không thể buông bỏ được cho tới khi con thấy và thấy ngã tách biệt không phải thật sự là con vì con cảm nhận được Hiện diện: “À, tôi là là cái TA LÀ trên kia, không phải là cái ta nhỏ bé dưới này!”

Con tiếp tục làm như vậy, con tiếp tục có nhận biết: “À, đây chỉ là cái ta nhỏ bé dưới này mà tôi đang trải nghiệm và từ trước tới giờ tôi đã trải nghiệm cuộc sống xuyên qua ngã nhỏ bé này. Nhưng nó chỉ là một phàm linh, nó chỉ là một thành phần khác của ngã vỏ ngoài. Bây giờ tôi đã thấy đây là ngã vỏ ngoài, tôi cũng nhận biết tôi là nhiều hơn ngã vỏ ngoài vì tôi là cái TA LÀ ở trên kia.” Con tiếp tục làm thế khi con lên cao hơn và cao hơn, nhưng khi con tới tầng 144, con thấy: “Ồ, thậm chí tôi còn không phải là cái ta ở dưới này. Tôi không tách biệt khỏi cái TA LÀ ở trên kia vì cái TA LÀ trên kia không ở “trên kia”. Nó ở đây – hay tôi đang ở đó – vì đâu có tách biệt. TÔI Hiện diện.”

Đây là một sự xoay chuyển tâm thức kỳ diệu tuyệt vời. Thày ước chi có thể mô tả xoay chuyển này bằng lời cho con, nhưng thày quá dư biết ngã vỏ ngoài của con sẽ lạm dụng khi thày cố gắng mô tả nó. Nó là một sự giải thoát kỳ diệu. Bỗng nhiên, Hiện diện TA LÀ của con ý thức rằng nó là một chân sư thăng thiên, một sinh thể thăng thiên. Đây là một sự chuyển hóa kỳ diệu khi trải nghiệm nó. Khi con trải nghiệm nó, khi con trải nghiệm nó xong, con có thể nhìn lại. Ngay cả trước khi con trải nghiệm nó, con cũng quay nhìn lại. Một trong những điểm quan trọng lúc đó là khi con vươn lên cao hơn, hướng tới tầng 144, con bắt đầu nhìn vào tất cả những phàm linh đó và buông bỏ chúng. Rồi con nhìn lại cuộc đời con.

15.8. Nhìn mọi chuyện là cơ hội để tăng triển

Ví dụ như khi con xem xét một phàm linh đặc thù, con nhìn xem mình trải nghiệm cuộc sống như thế nào qua phàm linh đó. Con có thể thấy là mình lấy một số quyết định xuyên qua phin lọc của phàm linh này. Con nhìn vào những hậu quả của quyết định đó, con thấy là những hậu quả này rất khó chịu đối với con, quyết định của con cũng có thể gây ra đủ loại hậu quả, đủ loại khổ đau cho người khác. Con thấy rõ ràng là, nhìn theo một nhãn quan nào đó, con có thể nói những quyết định này sai, không đúng. Con cũng nhận ra rằng chúng không phải là sự biểu hiện của con người mà con thật là. Chúng chỉ là sự biểu hiện của phàm linh đó, của ý niệm bản ngã tách biệt đó.

Con cũng thấy rằng dù chuyện gì xảy ra, dù hậu quả là gì chăng nữa, đấy vẫn là một cơ hội cho con tăng triển. Đúng đấy, có thể con đã làm gì đó xuyên qua một phàm linh nào đó và hành động của con tạo khổ đau cho người khác, nhưng không phải hành động của con tạo ra khổ đau. Sự kiện là những người này trải nghiệm hành động của con xuyên qua phin lọc của một phàm linh đặc thù của họ, xuyên qua ngã vỏ ngoài đặc thù của họ.

Điều tạo khổ đau cho con là con trải nghiệm hành động của mình xuyên qua phin lọc nhận thức của cùng phàm linh đã khiến con làm những gì con làm. Con hành động dựa theo phin lọc nhận thức của một phàm linh, và sau đó con trải nghiệm và phê phán chính hành động của mình và phê phán mình xuyên qua cùng phin lọc nhận thức đó. Đó là lý do tại sao con cảm thấy đau khổ dữ dội như vậy ngày nào con còn ở trong phin lọc nhận thức.

Khi con thấy phin lọc không thực, khi con tách mình ra và không đồng hóa với phin lọc này, con cũng thấy, như thày đã nói trong bài giảng trước, là bất cứ gì xảy ra trên trái đất chỉ trải bày những điều trẻ em chơi trên bãi cát. Mọi chuyện rốt cuộc đều không thực. Tất cả những năng lượng được dùng để tạo nên mọi chuyện đều có thể chuyển hóa được.

Con trải nghiệm là con đã từng chuyển hóa năng lượng bị một phàm linh tha hóa và do đó con biết năng lượng này không còn nữa. Và sẽ tới điểm con nhìn những gì con đã làm xuyên qua phàm linh đó và con hoàn toàn không ân hận. Tất cả những mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, ân hận, cảm thấy mình ngu xuẩn, mình đã làm lỗi, mình là kẻ tội đồ, mình vô giá trị, con bỗng nhiên nhìn ra là tất cả những mặc cảm này đều chỉ là sản phẩm của chính phàm linh đã hành động như thế.

15.9. Khi con rốt cuộc ngừng phán xét bản thân

Con phán xét hành động của mình xuyên qua chính phàm linh đã khiến con hành động như vậy để làm gì chứ? Thay vào đó con có thể với lên tới Hiện diện của con và trải nghiệm Hiện diện nhìn hoàn cảnh như thế nào. Con trải nghiệm là Hiện diện của con không hề có bất cứ phán xét nào của phàm linh. Hiện diện hoàn toàn không có chút phán xét bởi vì đối với Hiện diện nó chỉ là một trải nghiệm mà Hiện diện có thể dùng để quy định con là ai một cách tích cực.

Con có thể nói là khi cái Ta Biết trải qua tiến trình bước đi trên đường tâm linh để đi tới thăng thiên, thì cái Ta Biết nhìn vào một phàm linh, nhìn vào những hành động đã làm xuyên qua phàm linh đó, cái Ta Biết trải nghiệm cuộc sống như thế nào qua phàm linh đó, và sau đó nó tới kết luận ý thức là: “Tôi không là như thế. Tôi là hơn thế.” Cái Ta Biết tập trung vào hành động đã làm, điều gì không tích cực, điều gì không phải là biểu hiện cao nhất của con người mà nó là. Cái Ta Biết tập trung vào: “Tôi không phải là cái này.” Trải nghiệm này là của cái Ta Biết. Hiện diện TA LÀ có một trải nghiệm hoàn toàn khác với cái Ta Biết. Hiện diện không nhìn vào lỗi lầm, nó không hề có bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Nó còn không nghĩ: “Tôi không là như vậy.” Quả thực Hiện diện trải nghiệm toàn bộ hoàn cảnh một cách hoàn toàn tích cực. Nó không nói: “Điều này sai quấy” hay “Tôi không phải là người này.” Nó biến mọi chuyện thành một kinh nghiệm tích cực và sau đó nó nói: “Ồ, tôi là cái này,” một cách tích cực.

Ví dụ, con có thể có kinh nghiệm cái Ta Biết đồng hóa nó là người tội đồ. Có thể con đã bị ảnh hưởng bởi quan niệm tội đồ của Cơ đốc giáo, có thể con đã làm điều gì đó mà Cơ đốc giáo quy định là tội lỗi. Có thể con đã chấp nhận cho mình: “Ồ, tôi thực là người tội đồ. Tại sao tôi làm thế? Đáng lẽ tôi không được làm thế. Tôi quá sai trái khi làm thế.”

Đây là một phàm linh. Khi phàm linh này được tạo ra, có một khía cạnh của phàm linh khiến con làm điều tội lỗi, và sau đó có khía cạnh khác của phàm linh được tạo ra cùng một lúc phán xét con khi con hành động như thế. Chúng đều là thành phần của phàm linh đó. Hay chúng là hai phàm linh riêng biệt nảy sinh từ cùng một quyết định, tùy con muốn diễn tả thế nào qua ngôn từ. Hiện diện TA LÀ của con nhìn vào trải nghiệm này và nói: “Tôi là người đồng sáng tạo có quyền tự quyết và tôi có thể chọn hơn nữa. Tôi chọn lựa tôi là thế này; tôi chọn lựa biểu hiện mình cách này.”

15.10. Ý nghĩa của tất cả những vật vã của con là gì?

Con có thấy chăng là lúc đầu, trước khi con bước trên con đường tâm linh một cách ý thức, thì cái Ta Biết của con xây dựng một ngã vỏ ngoài, sinh diệt, tách biệt? Khi con tìm thấy con đường tâm linh và ý thức về con đường thì con bắt đầu dần dần phá vỡ cái ngã mà con đã gày dựng. Con xây dựng một ngã tách biệt cho tới khi con bị mắc kẹt trong đó đến độ con không chịu nổi nữa. Sau đó con kêu lên xin giải cứu. Con tiếp xúc với một vị thày tâm linh chân chính và con bắt đầu con đường dẫn con trở về trạng thái thanh khiết của lúc ban đầu khi con mới xuống đầu thai, nhờ con đã phá vỡ ngã vỏ ngoài.

Khi con tiến tới những tầng cao hơn của con đường, cái Ta Biết bắt đầu nghĩ: “Tất cả chuyện này có ý nghĩa gì? Tại sao tôi phải trải qua cái mớ rối rắm này, xây dựng cái ngã vỏ ngoài ghê khiếp này và trải qua tất cả những kinh nghiệm kinh khủng này, để rồi giờ đây tôi lại phải phá vỡ trở lại ngã vỏ ngoài này. Tại sao Thượng đế lại gạt gẫm tôi như thế?”

Điều con không nhận ra là trong khi con xây dựng ngã tách biệt, ngay cả khi con đi xuống những tầng tâm thức từ tầng 48 xuống tới tầng thấp nhất có thể có trên trái đất, thì Hiện diện TA LÀ của con có một trải nghiệm hoàn toàn tích cực. Nó dùng mỗi trải nghiệm của cái Ta Biết để quy định chính nó một cách tích cực. “Tôi là cái này. Tôi là thế này. Tôi làm điều này. Tôi biểu hiện mình như thế này.” Khi cái Ta Biết xoay chuyển và bắt đầu phá vỡ ngã vỏ ngoài, thì Hiện diện TA LÀ của con giản dị tiếp tục trải nghiệm tích cực của nó.

Mọi chuyện xảy ra “dưới này” được Hiện diện TA LÀ của con biến thành một kinh nghiệm tích cực giúp nó quy định chính nó, quy định chính nó là thế nào như một sinh thể thăng thiên. Hiện diện TA LÀ của con đang xây dựng bản sắc của nó như một chân sư thăng thiên trong khi con, cái Ta Biết, đang ở trong trạng thái không thăng thiên. Mọi chuyện con đã trải nghiệm, mọi việc con đã làm chỉ giúp xây dựng bản sắc tích cực của con như một chân sư thăng thiên.

Minh triết và Tự do

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 16/3/2014.

Lanto TA LÀ, và TA LÀ tự do. Thày tự do vì thày biết thực tại.

Cấp khai ngộ thứ bảy tại khóa nhập thất ở Royal Teton hiển nhiên là về tự do. Tự do liên quan thế nào với minh triết? Có những người sẽ nói, con chỉ có thể tự do khi con có minh triết cao nhất, minh triết tối hậu. Có những người cũng sẽ nói, tự do chỉ đến được khi con chấp nhận minh triết cao nhất.

16.1. Tính không thực của các hệ thống tin tưởng nhị nguyên

Con có thể lấy gần như bất cứ hệ thống tin tưởng nào và con sẽ thấy là những người theo hệ thống đó một cách đường thẳng sẽ nói rằng những ai biết rõ hệ thống – những ai chấp nhận các học thuyết, giáo điều và minh triết của hệ thống – là người tự do. Mọi người khác đều đã làm nô lệ cho sự ngu dốt, cho ác quỷ hoặc bất kỳ kẻ thù nào mà hệ thống đã quy định. Quả thực là một kẻ thù, nhưng kẻ thù lại không thực. Kẻ thù đó không phải là kẻ mà hầu hết các hệ thống tin tưởng trên địa cầu gán ghép, tức là đối nghịch của điều thiện, đối nghịch của Thượng đế. Như các thày đã giảng dạy nhiều lần, tâm thức nhị nguyên tạo ra hai đối cực chỉ hiện hữu trong thế tương đối với nhau. Cả thiện lẫn ác được định nghĩa bởi hầu hết mọi hệ thống tin tưởng đều nảy ra từ cùng tâm thức nhị nguyên.

Ngay cả khi hệ thống tin tưởng gán cho điều thiện một cái nhãn gọi là Thượng đế, thì đó cũng không thực là Thượng đế – Thượng đế vô hình tướng, siêu việt – mà chỉ là một ông thần đã được hệ thống định nghĩa và phú cho một hình tướng. Tất nhiên, chính hệ thống cũng đã được quy định bởi những kẻ đã rơi vào tách biệt, nghĩa là hàng ngũ giả trá của các thày giả trên địa cầu. Chúng đã dùng tâm thức nhị nguyên để định nghĩa một hệ thống, định nghĩa Thượng đế bên trong hệ thống, rồi nâng hệ thống đó lên vị thế thẩm quyền tối hậu bằng cách tuyên bố nó nắm giữ định nghĩa tối hậu về Thượng đế.

Bất cứ khi nào con nghĩ con có thể định nghĩa được Thượng đế bằng ngôn từ trên hành tinh địa cầu, thì con cũng chứng tỏ là con không có minh triết đích thực. Con chỉ có minh triết giả hiệu, tương đối, nhị nguyên, nơi con tạo ra hệ thống của riêng con để định nghĩa minh triết. Một hệ thống như vậy cống hiến một số lợi thế, đặc biệt cho những ai ở dưới tầng tâm thức thứ 48. Nếu con muốn cảm thấy mình hơn trội người khác, nếu con muốn cảm thấy chỉ có nhóm mình sẽ được cứu rỗi và mọi người khác sẽ đều bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn, thì quả là con cần một hệ thống như vậy. Nhưng khi con trở thành đệ tử của chân sư thăng thiên và đặt mục tiêu là leo từ tầng tâm thức 48 lên tới tầng 96, con không thể tiếp tục bám vào cái nhìn đó về minh triết, bám vào ý muốn định nghĩa một minh triết tối hậu nào đó. Con không thể tự do biểu đạt minh triết nếu con luôn luôn phải so sánh nó với một cái gì được định nghĩa bằng ngôn từ.

16.2. Là cánh cửa mở cho Tánh linh Minh triết 

Thày đã nói đâu là chìa khóa tối hậu để thật sự biết được minh triết? Đó là phải vượt khỏi mọi hệ thống ngôn từ trên địa cầu và – trong nội tâm mình – hòa điệu với Tánh linh của Minh triết. Khi con chưa chiêm nghiệm được tánh linh này – như cái Ta Biết làm được khi nó bước ra ngoài phin lọc nhận thức của tâm vỏ ngoài – thì con vẫn chưa biết được minh triết. Nếu con không biết minh triết, tại sao con lại muốn áp đặt lên người khác một cái gì chỉ có thể là một quan điểm giới hạn? Tại sao con lại muốn tự xưng làm quan tòa phán xét người khác?

Tất nhiên, con có thể tự xưng mình là quan tòa đó, nhưng khi đó con không thể thực sự là một đệ tử của chân sư thăng thiên. Con có thể tự xưng là một học trò của chân sư nắm giữ minh triết cao trội về một giáo lý nào đó của chân sư, nhưng con không là một đệ tử đích thực. Con là một trong số những đệ tử giả. Con chỉ sử dụng một giáo lý vỏ ngoài của chân sư được biểu đạt thành lời để xác nhận cái nhìn của con về con đường giả trá.

Tất nhiên, các thày không bị lừa đâu. Ai đó trên địa cầu có thể bị lừa. Chắc chắn các thày biết là có nhiều người tự xưng mình là đệ tử của các thày và đã tự lừa dối, cũng như đã lừa dối người khác, để mà tưởng rằng họ có minh triết cao trội nào đó của chân sư. Nếu con đang sử dụng minh triết của con làm vũ khí chống lại người khác, thì con chứng tỏ là con chỉ có minh triết vỏ ngoài. Con vẫn chưa áp chặt vào tánh linh, cho nên con không tự do. Làm sao con biết được bằng tâm vỏ ngoài Tánh linh Minh triết muốn biểu đạt như thế nào xuyên qua con trong một tình huống nhất định? Nếu mỗi khi minh triết được biểu đạt xuyên qua con, con luôn đòi hỏi là nó phải được so sánh với một hệ thống vỏ ngoài và phải tuân thủ hệ thống đó, thì con đâu cho tánh linh khoảng trống nào để mà biểu đạt?

Con có thể nói: “Nhưng tôi đã có một giáo lý của chân sư thăng thiên trao truyền qua một sứ giả được bảo trợ. Nhất định đó phải là một giáo lý có giá trị chứ.” Quả thực, chắc hẳn đó là một giáo lý giá trị. Nó có giá trị vào lúc được ban ra vì đó là một biểu đạt của Tánh linh Minh triết hay một tánh linh nào khác vào thời điểm đó. Nó cũng được ban ra cho một trình độ tâm thức nào đó. Rất có thể là nó vẫn có giá trị cho những ai ở mức tâm thức đó và thấp hơn, nhưng làm sao con biết được Tánh linh Minh triết sẽ quyết định, sẽ mong muốn, biểu đạt những gì ngày hôm nay, xuyên qua con hay một ai khác?

16.3. Các chân sư thăng thiên làm việc như thế nào với các tổ chức

Các thày thường xuyên nhìn thấy những người bảo mình là đệ tử của chân sư thăng thiên, tu tập theo một tổ chức hay một giáo lý của chân sư mà họ đang dùng làm giáo lý chủ yếu. Họ tin giáo lý đó là có giá trị. Thường khi, họ tin đó là giáo lý chân chính duy nhất, ít ra là cao nhất. Các đệ tử này thường bảo rằng những sứ giả đến sau tổ chức của họ không thể là sứ giả chân chính. Họ thường trích dẫn một lời dạy nào đó từ giáo lý trước, hay từ sứ giả trước, hay từ văn hóa bao quanh tổ chức trước, và bảo đó là lời dạy tối hậu vì sẽ không có gì đến sau.

Con yêu dấu, con nghĩ tại sao các thày – các chân sư thăng thiên – lại khởi sự bày tỏ trực tiếp khoảng một thế kỷ trước đây qua trung gian một số vị sứ giả? Con nghĩ tại sao các thày lại bỗng nhiên bước vào tầm chú ý của công chúng trong khi các thày vẫn ở ẩn trong các thế kỷ trước? Đó là vì có một định luật huyền bí không cho phép các thày xuất hiện dưới mắt công chúng khi mà tâm thức loài người chưa nâng tới mức cần thiết. Khi sự chuyển vọt này xảy ra và tâm thức được nâng đủ, các thày đã được Hội đồng Nhân quả cho phép biểu lộ một cách công khai, và các thày đã làm vậy ngay lập tức.

Những phản ứng đầu tiên mà các thày nhận được là gì? Đó là phản ứng từ tín đồ các tôn giáo chính thống, họ nói: “Nhưng tại sao các thày lại xuất hiện với lời tiết lộ mới mẻ khi mà kinh điển chúng tôi đã ghi ra mọi thứ là chân lý tối thượng rồi, đã chứa đựng tất cả mọi điều cần phải nói rồi?” Các thày đã nghe câu này từ tín đồ Cơ đốc giáo. Các thày đã nghe từ tín đồ Hồi giáo. Các thày đã nghe từ tín đồ Do thái giáo. Các thày đã nghe từ tín đồ Phật giáo, Ấn độ giáo, Lão giáo, và tất cả mọi môn phái trong các phong trào tâm linh. Tại sao các thày lại bắt đầu bày tỏ công khai vào thế kỷ thứ 19? Bởi vì các thày có nhiều điều hơn để nói cho nhân loại, các thày có một chương trình tiết lộ tuần tự, liên tục. Phải, các thày đã bảo trợ một số tổ chức và sứ giả. Và phải, các tổ chức và sứ giả này đã chính đáng khi họ còn truyền đạt lời tiết lộ tuần tự mới, nhưng rồi đợt truyền pháp đã phải ngừng lại vì lý do này hay lý do khác.

Có nghĩa chăng là các chân sư thăng thiên không còn gì để nói nữa? Các thày đã có những đệ tử của chân sư thăng thiên sử dụng cùng y chang cách lý luận như các tín đồ tôn giáo chính thống để đả phá vị sứ giả đến sau sứ giả của mình. Thế con có nghĩ các thày mong muốn đệ tử rơi vào cùng khung tư duy như các tín đồ chính thống hay cực chính thống kia hay không? Con có nghĩ là các thày muốn con đóng tâm mình lại đối với những tiết lộ tuần tự liên tục, và cứ bám chặt vào một tổ chức hay một sứ giả nhất định? Không, các thày không muốn vậy. Các thày muốn con bước tới khi con sẵn sàng bước tới.

Điều này không có nghĩa là con phải bước tới ngay bây giờ. Một lần nữa, các thày không tìm cách lôi kéo mọi người đi theo giáo lý của chân sư thăng thiên, và cũng không tìm cách khiến ai nấy tu tập theo một lời dạy nhất định nào của chân sư, kể cả lời dạy này đây. Mà điều này có nghĩa là các thày muốn đệ tử của mình cởi mở với sự chỉ đạo từ bên trong mỗi người. Nếu con nhận được chỉ đạo là nên nhìn xa hơn một lời dạy vỏ ngoài, hay xem đến một lời dạy mới, các thày muốn con đi theo chỉ đạo nội tâm đó thay vì quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ không thể nào, các thày không thể nào còn gì để nói thêm nữa vì chuyện này đã được giảng dạy trong giáo lý trước rồi.”

Khi con làm vậy, con đang không làm theo lời thày nói ở cuối bài giảng trước. Con đã không cho các thày làm thày, và con đã không chấp nhận mình làm trò. Con nghĩ con đã trở thành bậc thày có thể bảo chân sư phải nói gì hay không được nói gì, nói khi nào và nói cách nào. Đây không phải là một thái độ xây dựng nếu con muốn vươn lên khỏi mức tâm thức hiện tại của con. Đó chắc chắn không phải là một thái độ xây dựng nếu con muốn vươn lên cấp thứ bảy của Tia thứ Hai, thậm chí vượt lên trên mà bước vào khai ngộ của Tia thứ Ba.

16.4. Tự do trong Tánh linh Minh triết

Để vươn lên cấp thứ bảy và vượt qua cuộc khai ngộ ở đó, con cần đạt được tự do về mặt minh triết. Điều này có nghĩa là, trước tiên, con tự do bước tới khi Tánh linh Minh triết đưa con đi tới. Con không sử dụng tâm vỏ ngoài hay một lời dạy vỏ ngoài nào đó để hạn chế, giới hạn, hạ thấp Tánh linh Minh triết. Khi con cảm thấy sự thúc đẩy nội tâm để bước tới thì con bước tới. Con liên tục tìm cách gia tăng sự hòa điệu của con với tánh linh. Đây là tự do, đây là điều mà các thày mong muốn nhìn thấy nơi đệ tử. Các thày không đang nói là con cần quyết định với tâm vỏ ngoài là mình sẽ bỏ lại một lời dạy trước và bước theo một lời dạy khác, mà thày nói là con cần vượt khỏi tâm vỏ ngoài, cần cảm nhận và biết được từ bên trong là tánh linh đang thúc đẩy con bước tới về đâu.

Tự do là một trong những khái niệm khó nắm bắt nhất, như thày Saint Germain đã giảng mấy lần. Tự do là thách đố tối hậu, ít ra cho tới khi con vượt qua khai ngộ của tầng thứ 96. Tự do hoàn toàn tự do, thế nhưng tự ngã và hàng ngũ giả trá của những kẻ mạo danh muốn gì? Chúng muốn tự do chỉ có thể tự do theo sự quy định của các điều kiện trên hành tinh. Tất nhiên điều này không đúng. Con sẽ không tự do thật sự cho tới khi con trở thành một với Tánh linh Minh triết, và con sẽ không trở thành một với tánh linh đó nếu con muốn ép uổng nó vào một khuôn khổ được thiết kế trên trái đất. Giản dị là tánh linh sẽ không tuân thủ, cũng như Tánh linh Minh triết sẽ không tuân thủ mọi nỗ lực của con nhằm ép uổng nó vào một khuôn khổ nhất định.

Khi con đến với khai ngộ của tia thứ bảy tại khóa nhập thất của thày, dĩ nhiên là con chưa đạt đến tầng tâm thức thứ 96. Không ai chờ đợi con ở mức đó. Không ai chờ đợi con đã đạt tới tầng 144 và sẵn sàng thăng thiên. Nghĩa là không có cách chi con có thể nắm bắt được minh triết cao nhất. Bất kỳ giáo lý vỏ ngoài nào mà con đã chấp nhận ở điểm này là giáo lý mà con có khả năng nắm bắt ở mức tâm thức hiện thời của con, là giáo lý mà con đã phát hiện trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con, chẳng hạn nền văn hóa và nơi con đã lớn lên. Đó là giáo lý tốt nhất cho con ngay lúc này, dựa trên trình độ tâm thức và hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Các thày không hề mong muốn con tự ép mình từ bỏ một giáo lý nào đó hay ôm lấy một giáo lý khác.

Điều các thày thật sự mong muốn là con đạt được tự do để nhận đón giáo lý mà con hiện có, và sử dụng nó tốt nhất hầu tăng trưởng thêm nữa. Các thày mong muốn con tự do khi con tiếp nhận, học hỏi, thực hành và sống theo giáo lý mà con có, giáo lý đang hấp dẫn con trong hoàn cảnh hiện tại của mình cho dù giáo lý đó là gì – một giáo lý của chân sư thăng thiên, của một tôn giáo khác hay một giáo lý tâm linh nào khác. Ngay cả nếu con không theo một giáo lý nào, các thày cũng không bảo con nên ép mình tìm theo một giáo lý nào đó. Các thày muốn con cảm thấy mình tự do khi học hỏi, thể nhập và sống đúng với minh triết mà mình đang có. Con chỉ có thể thực sự tự do học hỏi, thể nhập và áp dụng một giáo lý nếu con không tìm cách ép buộc bản thân bằng tâm vỏ ngoài.

16.5. Thể nhập một giáo lý tâm linh nghĩa là gì 

Con có nhớ thày nói gì về bước nhảy lượng tử, là bước nhảy cần thiết trước khi chim con có thể bước ra khỏi tổ và cất cánh bay lên lần đầu? Nếu con cố gượng ép bằng tâm vỏ ngoài hầu tuân thủ một lời dạy hay một giáo điều, một bộ quy tắc hay ngay cả một phương pháp tu tập vỏ ngoài, thì con sẽ không tự do cho phép tánh linh đưa con đi tới. Điều này có nghĩa là con sẽ không thể thực sự thể nhập và áp dụng giáo lý mà con đang có. Nếu con thành thật nhìn vào các phong trào tâm linh và tôn giáo, đâu là một trong những vấn đề chủ yếu mà con thấy được? Chính là vấn đề rất nhiều người nói mà không làm được. Họ có một giáo lý, chẳng hạn họ biết là Giê-su đã dạy mình phải chìa má bên kia. Việc nhận giáo lý trong tâm vỏ ngoài là một chuyện, còn việc thực hành, sống đúng theo giáo lý trong những hoàn cảnh bất ngờ là chuyện khác. Nhiều người cảm thấy mình đã nắm chắc được một lời dạy và đã có thể sống theo lời dạy đó, nhưng khi một tình huống bất ngờ xảy đến, thì bỗng nhiên, họ không thể áp dụng lời dạy được nữa. Con để ý ở đây, thày đang không mỉa mai hoặc chê bai. Thày chỉ nói ra sự thể một cách thẳng thắn. Thày không lên án, và thày không nói ra để khơi lên trong con bất kỳ cảm giác thiếu sót hay tội lỗi nào. Thày nói ra vì thày mong con nhìn ra một cách ý thức là khi con không thể làm đúng theo lời nói, khi con không thể thực hành một lời dạy, đó là vì con chưa tự do để thể nhập được lời dạy. Con chưa tự do vì con còn cố dùng tâm vỏ ngoài để ép buộc tánh linh của con phải tuân thủ một giáo lý hay một bộ quy tắc vỏ ngoài.

Con thử suy ngẫm xem việc sống thực với một giáo lý tâm linh có nghĩa là gì. Con có hai cách nhìn vấn đề này. Cách mà hầu hết mọi người đều dùng là định nghĩa một giáo lý vỏ ngoài, định nghĩa một bộ quy tắc hành xử, xong dùng tâm vỏ ngoài để tự ép mình phải tuân thủ các quy tắc đó. Họ cho rằng chỉ có việc định nghĩa, “Phải làm cái này, không được làm cái kia,” và nếu họ tuân thủ cách hành xử bên ngoài thì họ sẽ làm đúng theo lời nói, họ sẽ sống đúng theo lời dạy. Nhưng tại sao con lại cần một lời dạy vỏ ngoài chứ?

Là một người cởi mở với giáo lý của chân sư thăng thiên, con cũng cởi mở với khả năng là con có thể đạt tới điểm thăng thiên khỏi địa cầu. Như thày vừa giải thích, thăng thiên là bước nhảy lượng tử tối hậu khi con phải vứt bỏ mọi luật lệ, hạn chế, giới hạn và mọi điều tin tưởng từ trái đất. Con phải buông bỏ tất cả những thứ đó. Nếu con vẫn còn cố ép buộc mình phải áp dụng một bộ quy tắc vỏ ngoài, thì làm sao con có thể thăng thiên? Điều các thày cứ cố giảng và lặp đi lặp lại là thăng thiên là một tiến trình hợp nhất với tánh linh, nhưng làm sao con có thể hợp nhất qua trung gian tâm vỏ ngoài là cái tâm khởi lên từ tâm thức tách biệt? Làm sao con có thể giải quyết một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề? Làm sao con có thể hợp nhất qua tâm thức tách biệt? Làm sao cái ngã sinh diệt, tự ngã, có thể đưa con lên trạng thái thăng thiên?

Đó là tại sao thày bảo rằng sự phát triển tâm linh không phải là một tiến trình đường thẳng. Không phải là chuyện định ra một bộ quy tắc xong phải sống gượng theo đó, mà là chuyện đạt đến một sự nhìn nhận nội tâm, một chứng ngộ nội tâm. Đâu là nhìn nhận nội tâm mà con cần đạt đến? Biết bao người tâm linh trên địa cầu tin là giáo lý đặc thù của họ đã định ra một bộ luật lệ quy định những điều kiện để xứng đáng vào được cõi tâm linh, vào được nước trời, vào được trạng thái thăng thiên hay bất kỳ cách định nghĩa nào của họ. Nhưng một giáo lý đích thực sẽ không nói vậy. Một giáo lý đích thực nói rằng khi con hợp nhất với tánh linh mà con là, con sẽ trong Nước Trời, bởi vì tánh linh đó chính Nước Trời, và Nước Trời là một trạng thái hợp nhất với tánh linh.

Tâm vỏ ngoài của con cho rằng chỉ có vấn đề mình cố sống theo luật lệ vỏ ngoài, nhưng kỳ thực, vấn đề là mình phải tự giải phóng khỏi giới hạn vỏ ngoài. Vấn đề là con cần nhận ra con chính là cái mà các thày gọi là cái Ta Biết, một sinh thể vô hình tướng. Con không hề được định nghĩa bởi bất kỳ hình tướng nào trên trái đất, và do đó con không phải sống theo bất kỳ hình tướng nào trên trái đất hầu bước vào Nước Trời. Con phải tách mình ra khỏi sự đồng hóa với mọi hình tướng và bước vào sự hợp nhất với tánh linh mà con thật là.

16.6. Làm thế nào sống thực với một giáo lý tâm linh 

Để sống đúng theo một lời dạy tâm linh, con cần những gì? Chẳng hạn, lấy lời của Giê-su dạy con chìa má bên kia. Làm thế nào con sẽ sống thực, sống đúng với lời dạy này và đáp lại mọi sự xảy ra trên địa cầu một cách bất bạo động? Con có thấy chăng là con không bao giờ có thể làm được qua ngã tách biệt? Ngã tách biệt là tách biệt, có nghĩa là nó cảm thấy bị đe dọa bởi những chuyện của thế gian. Nó bị những chuyện thế gian đe dọa vì nó là một thể sinh diệt, có khả năng bị thế gian làm hại. Nhưng Hiện diện TA LÀ của con hiện hữu nơi một cõi cao hơn. Nó không cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ điều kiện nào trên điạ cầu vì nó biết rõ nó không thể bị những điều kiện này làm tổn thương. Hiện diện TA LÀ không có vấn đề gì sống thực với lời dạy chìa má bên kia. Nó sẽ chìa má bên kia như một cách thể hiện chính bản chất của nó.

Các thày đã ban ra lời dạy – và đây là một lời dạy rất quan trọng – rằng cái Ta Biết hiện hữu ở giữa Hiện diện TA LÀ và ngã vỏ ngoài. Câu hỏi thực sự ở đây là: Làm thế nào cái ta thật của con, cái Ta Biết, có thể sống thực với lời dạy chìa má kia? Liệu con có thể làm được bằng cách đồng hóa với ngã vỏ ngoài hay không? Không thể được, vì ngã vỏ ngoài không bao giờ sống thực được với lời dạy đó. Điều mà ngã vỏ ngoài có thể làm được là tạo ra một tâm ảnh, nói rằng: “Tôi không được làm một số hành vi bạo lực.” Xong con tự ép mình phải sống theo tâm ảnh đó bằng cách nhịn không có hành vi bạo lực, và con có thể làm vậy thành công nếu con không phải đương đầu với những điều kiện chấn động khiến con bị mất thế cân bằng của con.

Ví dụ, nhiều tín đồ đạo Cơ đốc có thể tỏ ra bất bạo động, ôn hòa và bình tĩnh miễn là họ ở trong tình huống mà họ cảm thấy hoàn toàn kiểm soát được. Nhưng thử đặt họ vào một tình huống chấn động, con sẽ thấy họ bắt đầu bị lung lay trong quyết tâm chìa má bên kia. Rất dễ xảy ra những tình huống khi họ không thể làm đúng theo lời nói được nữa, vì tình huống quá khác với những gì họ kiểm soát được. Tâm vỏ ngoài luôn tìm cách đạt được một điều gì đó qua sự kiểm soát, nhưng như các thày đã giảng, mọi chuyện con làm trên địa cầu đều trở thành xung năng lượng được phóng ra tấm gương vũ trụ và được tấm gương này phóng ngược trở về, nhân lên gấp mấy lần.

Chính do con tìm cách đạt được bất bạo động qua sự kiểm soát mà con đã gửi ra một xung năng lượng sẽ được tấm gương gửi trả về dưới hình thức những tình huống gay gắt hơn tình cảnh hiện thời của con. Chỉ là một vấn đề thời gian trước khi những gì được tấm gương phóng trở về sẽ gay gắt hơn khả năng kiểm soát bằng tâm vỏ ngoài, và con đánh rơi mất quyết tâm chìa má kia ra. Thế là con có hành vi bạo lực, và tất nhiên, tự ngã và hàng ngũ giả trá của những kẻ mạo danh sẽ đứng ngay ở đó, và giờ đây chúng muốn con phải cảm thấy tội lỗi vì con đã không làm đúng những gì con nói. Thế là con bị rơi vào vòng xoắn ốc đi xuống cố hữu khi con cố tự biện minh và càng cố tự kiềm chế mình hơn nữa. Cuối cùng, tất cả biến thành một nỗi căng thẳng to lớn đến độ, không sớm thì muộn, con sẽ phải chịu thua và thốt lên: “Tôi không thể làm thế này được nữa.”

Các thày thà thấy đệ tử nhận ra là có một phương thức hay hơn, và phương thức hay hơn đó là nhận ra mình là cái Ta Biết. Con có sự chọn lựa rút mình ra khỏi sự đồng hóa với tâm vỏ ngoài, với ngã tách biệt. Thay vào đó, con có thể đi vào hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Giờ đây, con không bất bạo động do đã tự ép mình phải làm theo ý tưởng vỏ ngoài, mà do con cho phép Hiện diện biểu đạt xuyên qua con, và ngay trong bản chất của nó, Hiện diện vốn là bất bạo động.

Đó chính là cách con làm đúng theo lời nói. Đó là cách sống thực với lời dạy, bằng cách cho phép cái Ta Biết tự tháo gỡ ra khỏi sự đồng hóa với ngã vỏ ngoài, và chuyển ý niệm bản sắc của mình vào sự đồng hóa với Hiện diện TA LÀ. Con đang trở thành cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ biểu đạt xuyên qua con, và đây thật là cách duy nhất để con làm đúng theo lời nói, cách duy nhất để hội nhập, thể nhập và thể hiện hoàn toàn một lời dạy tâm linh. Con không hề có ý muốn thể hiện giáo lý tâm linh vỏ ngoài.

Mục tiêu của con không phải là biết rõ và tuân thủ một bộ quy tắc vỏ ngoài. Mục tiêu của con là chỉ sử dụng giáo lý tâm linh như một cái thang để leo về hướng hợp nhất với tánh linh, rồi con cho phép tánh linh biểu lộ qua con.

16.7. Leo lên hợp nhất với tánh linh

Các thày thừa hiểu là ở cấp khai ngộ này, con chưa thể hoàn toàn làm được như vậy. Các thày không đòi hỏi điều đó nơi con. Điều mà các thày yêu cầu là con hãy xem xét những lời dạy này, ngay cả bằng tâm ý thức, và con thử nhìn xem con cần những gì để nhảy bước lượng tử trong nhận biết ý thức, hầu chuyển hẳn trọng tâm của mình ra khỏi việc tuân thủ giáo lý vỏ ngoài. Thay vào đó, con chuyển trọng tâm vào việc tìm kiếm trước tiên vương quốc Thượng đế, để tất cả mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con khi con tìm hợp nhất với tánh linh. Và con đặt điều đó làm mục tiêu vỏ ngoài, mục tiêu ý thức của con.

Thày cũng thừa hiểu là con không thể lập tức nhảy vào hợp nhất với tánh linh, nhưng khi con đến với cấp khai ngộ thứ bảy dưới Tia sáng thứ Hai, con có khả năng nhận ra minh triết cao hơn không phải là chuyện đem một giáo lý tâm linh ra áp dụng theo kiểu bao nhiêu người đã từng làm trong quá khứ. Minh triết cao hơn mà con có thể bước lên là nhận ra mục tiêu của một giáo lý tâm linh là nhập một với tánh linh đứng đằng sau giáo lý. Khi con đặt điều này làm mục tiêu của con, con sẽ tự do hơn rất nhiều. Con không phải ép mình tuân thủ một cách diễn giải đường thẳng về giáo lý vỏ ngoài cùng những quy tắc của nó. Con sẽ ngạc nhiên cảm thấy mình nhẹ nhõm hơn hẳn khi mình không còn phải cưỡng bức bản thân – không chỉ cách hành xử vỏ ngoài mà cả suy nghĩ lẫn cảm xúc của mình.

16.8. Khác biệt giữa giáo lý thực và giả

Có khi nào con lùi lại để tự kiểm điểm và nhìn xem mình đã sử dụng một giáo lý tâm linh để cưỡng ép ý tưởng, cảm xúc cùng cách hành xử của mình vào một số khuôn nếp do giáo lý ấn định? Liệu con đã cho phép mình cảm thấy độ căng thẳng mà chuyện này gây ra cho con? Thày biết rõ cái ngã vỏ ngoài, hàng ngũ giả trá của những kẻ mạo danh và nhiều người khác nữa sẽ nói gì về lời dạy này. Chúng sẽ bảo: “Đây nhất định là lời dạy giả trá, vì chẳng phải giáo lý đã dạy rằng nếu bạn bền bỉ thực hành giáo lý thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu tối hậu hay sao?” Nhưng giáo lý có bảo vậy đâu – trừ khi đó là một giáo lý giả trá.

Một giáo lý đích thực của chân sư thăng thiên sẽ nói, nếu con bền bỉ và luôn luôn nỗ lực thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con, thì con sẽ hội đủ tư cách để thăng thiên. Đây là tất cả những gì một giáo lý tâm linh đích thực có thể nói. Một giáo lý đích thực không thể hứa hẹn là bằng cách tuân theo luật lệ và nghi thức vỏ ngoài, hoặc tin vào một giáo lý vỏ ngoài, thì con sẽ tự động đủ tư cách thăng thiên. Một giáo lý đích thực chỉ có thể được ban ra từ cõi thăng thiên, và một sinh thể đã thăng thiên biết rõ con cần gì để thăng thiên. Sinh thể đó biết rõ là cuối cùng, con sẽ phải thăng vượt mọi giáo lý vỏ ngoài, mọi hình ảnh cũng như mọi tin tưởng biểu đạt qua ngôn từ.

Con phải buông tất cả và đi vào hợp nhất với tánh linh không thể bị giam cầm trong ngôn ngữ. Tánh linh có thể biểu hiện qua ngôn từ, nhưng nó không thể bị giới hạn trong bất kỳ lời biểu đạt nào. Nó luôn luôn là nhiều hơn những gì có thể được biểu đạt, và con chỉ có thể hợp nhất với tánh linh bằng cách vươn tới cái nhiều hơn đó vượt khỏi ngôn từ. Khi con tập trung sự chú ý vào ngôn từ, trên cơ bản con đang nói với tánh linh: “Hãy để mặc cho tôi yên, vì tôi muốn cảm thấy cao trội khi tôi làm theo giáo lý vỏ ngoài này.” Con có toàn quyền lấy quyết định đó. Thày chỉ có thể bênh vực cho quyền của con, nhưng thày cũng cần nói là khi làm vậy, con đã đánh mất Tánh linh Minh triết mà TA LÀ.

Con không thể là đệ tử của thày nếu con chối bỏ tánh linh mà TA LÀ. TA LÀ Lanto. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Thày có thể biểu đạt qua ngôn từ như thày đã làm qua quyển sách này. TA LÀ bên trong ngôn từ, nhưng thày cũng là nhiều hơn ngôn từ. Nếu con cho là con có thể cầm quyển sách này và tìm hiểu nó, rồi tìm hiểu và tìm hiểu nó thêm nữa, rồi thực hành các dụng cụ, rồi sẽ hợp nhất với tánh linh, thì con lầm rồi. Con chỉ đến được hợp nhất với thày bằng cách thăng vượt giáo lý và dụng cụ vỏ ngoài. Con sử dụng giáo lý và dụng cụ để hòa điệu với tánh linh. Điều mà biết bao người sùng đạo đã làm suốt các thời đại là dựng lên một giáo lý vỏ ngoài, tôn nó lên là cao siêu, xong tìm cách ép uổng Thượng đế – họ cưỡng ép tánh linh – phải tuân theo và đồng thời cũng xác nhận giáo lý vỏ ngoài đó. Một lần nữa, đây lại là cái ngã tách biệt muốn áp đặt mọi thứ. Con nghĩ xem tự ngã và ngã tách biệt có bao nhiêu xác suất cưỡng ép được tánh linh vào trong một khuôn đúc? Trên địa cầu quả là có rất, rất nhiều người tin vào những lời dối trá do sa nhân lan truyền bảo rằng tánh linh có thể bị bắt buộc phải tuân thủ. Từ rất lâu, các sa nhân đã tin rằng một ngày nào đó, chúng sẽ có khả năng tạo ra áp lực to lớn đến độ chính Thượng đế cũng phải tuân theo định nghĩa của chúng về Thượng đế.

Khi con đến cấp thứ bảy tại khoá nhập thất ở Royal Teton, con cũng đạt đến điểm nhảy được một bước lượng tử và chiêm nghiệm được sự sai lầm của cái nhìn đó. Con có khả năng nhìn ra là Tánh linh Minh triết sẽ không bao giờ tuân thủ một giáo lý vỏ ngoài biểu đạt qua lời nói. Nó sẽ luôn luôn là nhiều hơn, và con sẽ chỉ biết được tánh linh bằng cách vượt qua ngôn từ và nhập một với tánh linh. Điều này con có khả năng biết được. Con có khả năng biết được trong tâm ý thức, và khi con biết, con có thể tự do.

Bất kể giáo lý mà con đang áp dụng ở mức hiện thời của con là gì, con hãy đón nhận nó. Hãy học hỏi, thực hành, nhưng trước tiên hết, con hãy nỗ lực thể nhập nó, nỗ lực sử dụng giáo lý vỏ ngoài để với tới tánh linh vượt khỏi giáo lý. Nếu con chịu làm vậy, bất cứ giáo lý vỏ ngoài nào cũng sẽ đưa con lên cao hơn. Nó sẽ đưa con đến điểm cao nhất trên đường tu mà nó có thể. Rồi sau đó nếu con vẫn nỗ lực hợp nhất với tánh linh, con sẽ nhận được sự chỉ đạo nội tâm cho con biết con nên đi về đâu tiếp theo sau, có thể là một giáo lý vỏ ngoài nào khác, hoặc cũng có thể là con sẵn sàng đi sâu vào bên trong và thiết lập mối liên hệ trực tiếp với cái Ta Ki-tô của con, Hiện diện TA LÀ của con cùng các chân sư thăng thiên.

16.9. Phối hợp bước đường thẳng với bước nhảy lượng tử

Tại khóa nhập thất Royal Teton, thày đã thiết lập một căn phòng đặc biệt để đón nhận các đệ tử đã bắt đầu nắm bắt khai ngộ của cấp thứ bảy. Thày sẽ không đưa họ vào trước khi họ thực sự nắm bắt được khai ngộ này, mà chỉ sau đó. Như một phần thưởng, thày sẽ dẫn họ vào căn phòng và cho họ thấy hành tinh địa cầu có thể được chiêm ngưỡng như một tấm thảm đẹp tuyệt đến chừng nào. Nó gần giống như một tấm bản đồ, và nó cho con thấy có một mục tiêu mà con cần đạt đến. Mục tiêu này gần giống như một ngọn núi, và tấm thảm cho con thấy có nhiều con đường khác nhau dẫn đến núi. Nó cũng cho thấy không có đường nào dẫn thẳng đến núi, vì mỗi con đường đều có một số chặng nhất định nơi con phải vượt qua một vực sâu, một ranh giới nào đó.

Trên hầu hết cuộc hành trình, con sẽ đi bộ, nhưng có một số điểm con không thể vượt qua bờ bên kia bằng đường bộ. Có thể là một con sông, hay một hẻm núi thật sâu. Có thể là một đầm lầy hay một khu rừng rậm. Nhưng con không thể đi bộ mà vượt qua được. Con phải tìm cách khác. Con phải nhảy một bước lượng tử, như thày đã chỉ. Con có thể tiến khá xa bằng cách đi bộ, nhưng nếu con gặp một con sông, đi bộ mãi sẽ không giúp con đâu. Con cần một phương tiện vận chuyển khác. Con cần một con thuyền, hay khi con tới hẻm núi, có thể con sẽ cần một cây cầu hay một sợi dây để mà lướt qua.

Ý của thày là ở mức này, đệ tử có thể thấy được là đường tu không phải là một hành trình thuần đường thẳng, mà là sự phối hợp của những bước đường thẳng với những bước nhảy lượng tử. Có những lúc con đi bộ qua một loạt những bước đường thẳng, nhưng cũng sẽ có lúc con phải nhảy lượng tử để sang được bờ bên kia. Nếu con không nhảy lượng tử mà cứ đi bộ mãi, cuối cùng con sẽ chỉ đi lòng vòng mà thôi, như con cũng dư biết người nào đi bộ trong sa mạc mà không có cột mốc cũng sẽ đi lòng vòng như vậy.

Khi đệ tử nhìn thấy tấm thảm, họ thường vô cùng hứng khởi. Họ thấy được vẻ đẹp sâu xa của con đường tâm linh. Họ thấy được đằng sau tất cả mọi điều kiện mà mình đã phải đối mặt, có một hành trình tuyệt vời dẫn mọi người trở về nhà. Có nhiều đệ tử đã phải đương đầu với nhiều tình cảnh vô cùng gian khó trong đời sống vỏ ngoài của mình, nhưng khi họ đến được mức này của khóa nhập thất, thày có thể chỉ cho họ thấy là cho dù hoàn cảnh của họ có thể xấu xa, ô trọc, đáng ghét đến đâu đi nữa, thì tất cả vẫn có thể được biến thành những viên đá lót đường để giúp họ tiến bước. Tất cả mọi hoàn cảnh đều có thể được sử dụng để đẩy con lên cao hơn khi con thăng vượt hoàn cảnh vỏ ngoài và chạm được tánh linh đằng sau.

Tánh linh luôn luôn đứng đằng sau mọi thứ. Lời gian dối của ngã vỏ ngoài và các thày giả là bảo rằng có những điều kiện trên địa cầu xấu xa, nhục nhã, hèn hạ, vô nhân và phản tâm linh đến độ con không thể nào tìm được tánh linh trong đó. Về mặt minh triết, hàng ngũ giả trá sẽ muốn con tin rằng con phải tuân thủ một lời biểu đạt vỏ ngoài của minh triết, và do đó, con không bao giờ có thể chạm được Tánh linh Minh triết. Tất cả những gì con cần là minh triết vỏ ngoài, và nó sẽ đưa con tới điểm đích cuối cùng. Khi con nhìn ra đó chỉ là một ngõ cụt và không có chút thực thể nào, con tự do nhận đón minh triết dưới một dạng cụ thể, nhưng con cũng nhận ra mục tiêu thực sự là chạm được tánh linh. Cho dù hoàn cảnh vỏ ngoài, hay dạng vỏ ngoài của biểu đạt minh triết có là gì đi nữa, thì mục tiêu thật sự vẫn là chạm được minh triết.

16.10. Bước tới khai ngộ của Tia thứ Ba 

Một khi con nhận ra điều này, con sẽ tự do xuôi chảy với Tánh linh Minh triết. Sau đó, thày sẽ đưa con vào một cuộc hành trình nơi con sẽ, trong một khoảng thời gian, chiêm nghiệm cảm giác mình đang xuôi chảy với Tánh linh Minh triết. Hành trình sẽ không dài lắm, vì mục đích không chỉ để tận hưởng cuộc xuôi chảy với minh triết, mà thực sự là để vượt qua vực sâu sẽ dẫn con từ khai ngộ của Tia thứ Hai đến khai ngộ của Tia thứ Ba cùng với vị bào huynh yêu dấu của thày, Paul người Venice, đang chờ đón con tại Chateau de Liberty. Sau đó thày Paul sẽ đưa con qua các khai ngộ, bảy cấp khai ngộ dưới Tia thứ Ba của Tình thương Thượng đế.

Thật là một niềm vui rất lớn cho thày khi một đệ tử đã sẵn sàng. Con có thể nghĩ là thày sẽ muốn giữ lại trong tu viện của thày những đệ tử nào đã vượt qua mọi cấp khai ngộ. Đó là cách suy nghĩ của người phàm phu. Tâm phàm phu sẽ cho rằng mục đích của thày, chân sư của Tia thứ Hai, là nâng học viên qua tất cả các khai ngộ trong khóa nhập thất của thày để sau đó được tận hưởng thành quả công khó của mình. Thày sẽ muốn phô trương những học trò giỏi nhất của mình và cảm thấy tự hào là mình đã dẫn họ đi xa đến chừng này. Đó là điều mà một thày giả sẽ làm, nhưng thày không là một thày giả. Thày là chân sư.

Mục đích duy nhất của thày khi dạy dỗ một học trò là đưa học trò đó tới mức xa nhất trong trách vụ của thày, và sau đó giúp người đó bước đi tiếp lên mức khai ngộ kế tiếp. Không phải khi nhìn thấy học trò vượt qua mức khai ngộ tối hậu mà thày có được niềm vui và lòng thỏa nguyện cao nhất, mà là được thấy người đó tiếp tục bước tới, rồi được Paul người Venice chào đón ở bên kia. Đó chính là niềm vui tột cùng của thày. Thày cũng biết là sau khi con đạt đến tầng khai ngộ thứ 96, con sẽ dễ dàng trở về với thày nếu con muốn thế, nhưng thày không có nhu cầu và cũng không có mong muốn sở hữu bất cứ ai hay bất cứ gì, bởi vì thày tự do.

Thày không xuôi chảy cùng với Tánh linh Minh triết, vì TA LÀ Tánh linh Minh triết. Điều này nghe có vẻ là một sự phân biệt vô nghĩa ở mức tâm thức hiện thời của con, nhưng trước khi con thăng thiên khỏi địa cầu này, con sẽ hiểu được ý nghĩa đầy đủ của câu thày vừa nói. Con sẽ nhận ra là chính con cũng Tánh linh Minh triết cũng như tánh linh của cả sáu đức tính kia của Thượng đế. Thậm chí con sẽ biết con là một tánh linh vượt khỏi các tia sáng nhưng một sự phối hợp của tất cả các tia sáng – và con còn là hơn thế nữa, bởi vì tia sáng thì có hình tướng, nhưng tánh linh thì vượt khỏi hình tướng.

Và chình thày cũng là thế, cho dù thày khoác vào một hình dạng nào đó để con có một cái gì mà nắm lấy ở mức tâm thức hiện thời của con. Nhưng con hãy đừng nghĩ thày có thể bị giới hạn trong hình tướng mà thày đã khoác lấy. Mặc dù thày không phải là Chân sư MORE, nhưng thày là một chân sư, và TA LÀ nhiều hơn (more). TA LÀ Lanto, Chủ tể của Tia sáng thứ Hai. Nhưng thày là nhiều hơn Thượng sư, vì thày là tánh linh không thể diễn tả thành lời. Khi nào con biết được, ngộ được, rằng con cũng không thể diễn tả được thành lời, thì con sẽ biết thày.

Minh triết và An bình

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 15/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày đến để giảng dạy về những khai ngộ mà con đối mặt ở cấp học thứ sáu dưới Tia sáng thứ Hai của Minh triết Thượng đế. Cấp thứ sáu tương ứng với Tia sáng thứ Sáu, thường được gọi là tia sáng của an bình hay tia sáng của phụng sự. Làm sao con có thể phụng sự đích thực nếu con không phụng sự trong tâm an bình? Và làm sao con có thể an bình nếu con không có minh triết để biết được điều gì là thực và điều gì không thực, điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng?

Thày đã nói trong các bài giảng trước về niềm tin tưởng quá phổ biến trên địa cầu cho rằng phải có một minh triết cao trội hay tối hậu, một chân lý tuyệt đối nào đó. Khi con nhìn khái niệm minh triết từ tâm nhị nguyên, là tâm dựa trên sự tách rời khỏi duy nhất, thì con chỉ có thể nhìn minh triết một cách mà thôi. Con xem minh triết như cái tạo ra sự phân chia, vì con nghĩ minh triết đích thực đứng riêng khỏi minh triết giả trá, minh triết cao siêu đứng riêng khỏi minh triết thấp kém, minh triết tuyệt đối đứng riêng khỏi minh triết tương đối. Tuy nhiên, sự thật là bất cứ gì được biểu đạt bằng ngôn từ đều là minh triết tương đối. Điều này nghĩa là gì?

14.1. Khai ngộ thứ sáu dưới Tia thứ Hai

Điều các thày cố cho học viên thấy ở cấp thứ sáu của khóa nhập thất của thày là một minh triết dưới dạng ngôn từ – bất kỳ dạng ngôn từ nào – sẽ không đưa con đến trạng thái thăng thiên. Thày có nói là các thày cho hiện lên trên một màn ảnh những gì xảy ra ở mức năng lượng. Ở cấp khai ngộ thứ sáu, các thày mời các học viên vào thư viện để họ chọn ra quyển sách mà họ xem là minh triết cao trội nhất, hoặc ít ra, một dạng minh triết chân chính và có giá trị. Khi họ trở về với một quyển sách hay một bộ kinh, các thày cho họ xem điều gì xảy ra ở mức năng lượng nếu họ sử dụng những lời biểu đạt đó về minh triết.

Các thày có thể cho họ thấy là đường tu giống như một cầu thang hình xoắn ốc. Các thày cho họ thấy ngay lúc này họ đang đứng ở điểm nào trên cầu thang. Các thày cho thấy con đường ánh sáng dẫn họ lên cao cho đến tầng thứ 144. Xong các thày cho thấy là cách biểu đạt minh triết mà họ đã chọn có thể đưa họ lên cao hơn trên cầu thang, nhưng chỉ tới một tầng nào đó thôi. Các thày cho thấy là khi họ tới tầng đó, tiến bộ của họ sẽ ngừng lại như thế nào, và từ điểm đó trở đi, những năng lượng tuôn chảy qua bản thể của họ không thể chuyển thành những bước tiến xa hơn trên đường tu được nữa.

Lý do đơn giản là giờ đây họ đã đạt tới mức cao nhất mà lời dạy cụ thể đó đã được ban ra cho mức đó. Con không thể nào lên cao hơn bằng cách bám níu lấy giáo lý vỏ ngoài và cứ khăng khăng muốn cho ánh sáng chảy xuống từ Hiện diện TA LÀ của con phải xác nhận và chiều theo giáo lý vỏ ngoài. Hiện diện TA LÀ luôn luôn tận tụy muốn con tăng trưởng lên cao chót vót cho tới khi con thăng thiên, và cả sau đó nữa. Một khi con đã đạt tới mức tăng trưởng tối đa có thể đạt được với giáo lý đó, Hiện diện TA LÀ sẽ trao cho con cả ánh sáng lẫn những ý tưởng vượt lên trên giáo lý.

Điều này không có nghĩa là con nhất thiết phải vứt bỏ giáo lý đó đi, nhưng con phải sẵn lòng để cho Hiện diện TA LÀ của con dẫn con vượt xa hơn giáo lý. Điều này có thể đòi hỏi con phải tìm một giáo lý được ban ra cho một mức tâm thức cao hơn. Có thể sẽ cần thiết là con không có giáo lý, hoặc tạm thời không có giáo lý trong một thời gian. Thậm chí cũng có thể là con sẽ giữ lại một giáo lý nào đó và tiếp tục sử dụng làm nền tảng, nhưng Hiện diện TA LÀ sẽ đưa con đi xa hơn hầu con có thể phát triển một tầm hiểu sâu sắc hơn những gì được giáo lý đó biểu đạt qua ngôn từ.

Hiện diện TA LÀ sẽ chỉ có thể đưa con lên cao hơn nếu con sẵn sàng tra vấn giáo lý. Nếu con không sẵn sàng làm vậy, nếu con không sẵn sàng nhìn xa hơn, Hiện diện TA LÀ sẽ tiếp tục gửi ánh sáng xuống cho con, nhưng giờ đây ánh sáng sẽ trở thành một yếu tố làm xáo trộn sự an bình và cân bằng nội tâm của con. Nó sẽ làm xáo trộn ý niệm mà con đã tạo dựng, là ý niệm rằng mình sẽ được cứu rỗi vì mình tuân thủ giáo lý cao nhất. Có một áp lực bên trong sẽ không ngừng dâng lên, và con sẽ làm một trong hai điều: hoặc là con sẽ thăng vượt giáo lý vỏ ngoài – hay ít ra thăng vượt cách tiếp cận giáo lý vỏ ngoài – hoặc là con sẽ làm y như con thấy quá nhiều tín đồ các tôn giáo đã làm trên địa cầu, là biến giáo lý vỏ ngoài đó thành một vũ khí để hạ thấp người khác và nâng cao chính mình.

14.2. Hãy thăng vượt ngôn từ, chứ đừng bám víu 

Con sẽ thấy nhiều người nhảy vào trò chơi nhị nguyên khi họ tìm cách xác lập giáo lý của mình, xác lập tôn giáo, triết lý chính trị hay triết lý khoa học của mình là cao trội. Họ rơi vào tình trạng giao tranh với người khác. Họ tin chắc, bởi vì họ nắm giữ chân lý vượt trội, rằng họ phải đập tan những chân lý giả trá kia, họ phải khiến cho người khác tuân thủ. Mong muốn thay đổi một cái gì bên ngoài mình không là gì khác hơn một lớp ngụy trang. Con sẽ không thăng thiên được cho dù con có khiến cho toàn thể nhân loại trên địa cầu đi theo một hệ thống tín ngưỡng nhất định.

Lý do thật đơn giản. Con sẽ chỉ đạt được trạng thái thăng thiên bằng cách đi xa hơn bất kỳ mọi cách biểu đạt nào trên địa cầu – bất kể lời dạy mà con nắm là lời nói của Thượng đế hay một bài truyền giảng của chân sư thăng thiên được diễn đạt qua một sứ giả được bảo trợ. Như thày đã có nói, một khi lời dạy được biểu đạt bằng ngôn từ, nó hết là Tánh linh Hằng sống của Minh triết. Con sẽ không thăng thiên bằng cách bám vào một lời biểu đạt. Con sẽ thăng thiên bằng cách thăng vượt ngôn từ và trở thành một với tánh linh. Trước hết, con trở thành một với tánh linh đằng sau mỗi tia trong bảy tia sáng. Sau đó con trở thành một với Hiện diện TA LÀ, là tánh linh cá nhân của con.

Các thày có thể cho thấy trên màn ảnh điều gì xảy ra cho năng lượng khi nó bám mắc vào một giáo lý vỏ ngoài. Con hãy lưu ý một sự khác biệt tinh tế. Có một giai đọan khi việc tuân thủ một giáo lý vỏ ngoài sẽ giúp con tăng trưởng, giúp con bước lên cao hơn trên cầu thang xoắn ốc. Nhưng cũng sẽ tới một điểm khi giáo lý vỏ ngoài không thể đưa con lên cao hơn, cho dù giáo lý vỏ ngoài đó là gì. Con có hiểu điều thày đang nói hay không? Con có nắm được điều này với sự tỉnh giác vỏ ngoài, với tâm ý thức của con hay không? Thày có thể cam đoan với con là nhiều đệ tử cảm thấy rất khó khăn nắm được điều này, ngay cả trong nhập thất của các thày khi tâm vỏ ngoài của học viên không đến nỗi bị tô màu. Thật là quan trọng con nắm bắt được điều này với tâm vỏ ngoài của con.

Không có lời đạy nào bằng ngôn từ tương ứng với tầng tâm thức thứ 144. Không có lời dạy nào bằng ngôn từ tương ứng với tầng 143 hay 142. Đến một điểm – và thày sẽ không nói là điểm nào – con đạt tới một mức tâm thức mà từ đó trở đi, không một lời giáo lý nào có thể đưa con lên cao hơn. Ở điểm đó, con phải đi xa hơn ngôn từ và bắt liên lạc trực tiếp với tánh linh đằng sau lời giáo lý. Nếu con không thiết lập được mối liên lạc này, con sẽ không thể lên cao hơn. Điều này là để đảm bảo là con không thể đi xa hơn một tầng nào đó mà vẫn duy trì một số yếu tố của tâm thức tách biệt, là tâm thức nhị nguyên, là mong muốn hạ thấp người khác hầu năng cao chính mình.

Khi một đệ tử nắm được thực tế này, một gánh nặng rất lớn được trút bỏ khỏi vai người đó. Bỗng nhiên con cảm thấy một niềm an bình bao la, vì giờ đây con biết mình không còn phải đi tranh đua với những hệ thống tín ngưỡng khác nữa. Đệ tử hiểu ra là trên địa cầu có nhiều hệ thống tín ngưỡng có khả năng đưa con lên những tầng tâm thức cao hơn, và dù con có đi theo cái nào trong số những hệ thống chính đáng đó thì thật sự không quan trọng lắm, miễn là con vẫn tăng trưởng. Con không thể dùng tâm vỏ ngoài của con – ít ra là cho tới khi con đạt một mức tâm thức rất cao – để mà phán đoán người khác là họ có đang tăng trưởng hay không, hay họ nên đi theo giáo lý vỏ ngoài nào.

14.3. Con không thể cưỡng ép hợp nhất 

Con hãy nhìn một cách trung thực những phong trào tâm linh mà con đã tìm thấy và đã tham gia. Con thử nhìn xem có bao nhiêu trong số đó có một ý thức độc quyền là họ có giáo lý cao nhất hay vị đạo sư cao nhất, và họ cần đi cải đạo thế giới theo quan điểm của mình. Con thử nhìn xem con người bị căng thẳng như thế nào khi rơi vào tư duy đó. Một đằng, nó mang lại cho tự ngã một cảm giác cao trội rất lớn do mình là môn đồ của tín ngưỡng tối thượng, nhưng đằng khác, nó lại đặt mình vào thế xung đột liên tục với những ai không ở trong giáo lý đó.

Điều gì xảy ra khi con thấy mình trong thế xung đột với người khác? Con không thể hợp nhất với họ, phải không con? Mà mục đích của đường tu là gì? Đó là với lên khía cạnh Alpha của hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, hợp nhất với tánh linh, và sau đó, con với ra theo chiều ngang để cố thiết lập sự hợp nhất với người khác.

Làm sao con có thể hợp nhất với người khác nếu con cố ép họ phải bước vào một giáo lý nào đó? Điều này không thể làm được. Sự hợp nhất không thể cưỡng ép. Đó là trạng thái tự nhiên xảy ra khi con vươn lên cao hơn tâm thức vũ lực, và con quyết định ý thức bước vào hợp nhất. Con không thể lấy được quyết định này khi con còn tìm cách ép buộc người khác, hay thậm chí ép buộc chính con. Các thày muốn cho học viên thấy rằng khi con nghĩ là có một dạng minh triết cao trội hơn, thì không những con đang tìm cách ép buộc người khác mà thật ra con cũng ép buộc chính con. Con phải cố gượng sống theo giáo lý vỏ ngoài đó. Con phải tuân thủ giáo lý vỏ ngoài, thường khi là nghĩa đen của từng chữ, một cách đường thẳng. Và đây là điểm nơi chúng ta có thêm một lằn ranh chia cắt. Con sẽ không lên được cấp khai ngộ thứ bảy tại khóa nhập thất của thày cho tới khi con vượt qua khai ngộ này.

Chúng ta đã bàn về một con đường tu tâm linh. Chúng ta đã bàn tới việc con bước đi trên đường tu từ một mức tâm thức nào đó, ngày càng cao hơn cho đến khi con đạt mức cao nhất và có thể thăng thiên. Chúng ta đã so sánh đường tu như một cầu thang xoắn ốc, và con biết rất rõ là với một cầu thang xoắn ốc, con có thể đi lên bằng cách bước lên từng bực một. Đây là một tiến trình vô cùng đường thẳng. Con đang ở bực này, con nhấc một chân và đặt nó lên bực kế tiếp. Xong con nhấc chân kia và kéo nó lên, và bây giờ con đang đứng ở bực cao hơn. Xong con lại làm lại y chang, và con đứng ở một bực cao hơn nữa. Con có thể tiếp tục làm vậy với từng bực, cho tới khi con lên tới bực cao nhất của cầu thang. Con đường khai ngộ là một loạt những bực đường thẳng như vậy, nhưng con không vượt qua cuộc khai ngộ mà mỗi bực thang tượng trưng bằng cách ở trong trạng thái tâm thức đường thẳng. Con chỉ khai ngộ bằng cách vượt khỏi dạng tư duy đường thẳng, vượt khỏi tâm đường thẳng.

14.4. Bước nhảy lượng tử trong tâm thức 

Hẳn con đã nghe nói về khái niệm bước nhảy lượng tử. Bước nhảy lượng tử là gì? Đó là một bước chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái tiếp theo. Có thể nói, một con ấu trùng tự biến thành một cái kén, rồi sau một thời gian nó tự biến thành một con bướm. Nếu con nhìn con ấu trùng, con không thể nói là có một sự tiến triển đường thẳng từ giai đọan ấu trùng sang giai đoạn kén, cũng như không có tiến triển đường thẳng từ kén thành bướm. Sự tiến hóa của kén thành bướm không phải là một tiến trình lôgíc, đường thẳng và cần thiết. Đó là một bước nhảy lượng tử từ kén thành bướm. Con thử nhìn một tổ chim và thấy một quả trứng trong đó. Con có thể làm như khoa học đã làm là quan sát phôi chim lớn lên như thế nào trong trứng. Phôi ngày càng lớn và phát triển đầy đủ hơn cho tới ngày nó mổ vỏ trứng chui ra, và bây giờ nó bước đi như một con chim con thay vì là cái phôi trong trứng. Nhìn từ bên trong, đây không phải là một tiến triển đường thẳng. Chim con phải làm một bước nhảy lượng tử trong tâm thức hầu có thể đập vỡ vỏ trứng và bước ra giai đọan kế tiếp.

Con nhìn vào tổ chim và thấy chim con ngày càng lớn hơn. Nó mọc thêm lông và cũng mọc cánh dài hơn. Con nhìn chim con ngồi vỗ cánh trong tổ, nhưng một con chim con ngồi vỗ cánh trong tổ không phải là một con chim bay. Nó cần gì để bay? Nó cần nhảy một bước nhảy lượng tử trong tâm thức, và từ giây phút nó rời tổ, nó không còn là một con chim chưa thành mà là một con chim đã thành.

Các thày đang cố giúp con bước đi trên đường khai ngộ bằng cách mô tả con đường này là một sự tiến triển đường thẳng từ mức tâm thức thấp lên mức cao hơn. Các thày cố dắt tay học viên, dẫn qua các khai ngộ, đưa ra các bài tập và trao truyền các lời dạy minh triết, để đưa người đó đến một điểm sẵn sàng vượt qua khai ngộ và vươn lên mức tâm thức kế tiếp.

Mặc dù các thày cố đưa con đi lên một cách tuần tự, con không thể thực sự di chuyển từ mức này sang mức kế tiếp trong một tiến trình đường thẳng. Mỗi lần con đã sẵn sàng ở một mức và có tiềm năng bước lên mức sau, con phải nhảy một bước lượng tử trong tâm thức. Các thày có giảng trước đây là con phải để cho ý niệm cái ta mà con đang có ở mức đó chết đi. Trong một khoảnh khắc vượt ngoài thời gian, con không còn ý niệm cố định về cái ta, rồi sau đó con được tái sinh trong một ý niệm cao hơn về cái ta. Hầu hết mọi người đều không ý thức được điều này trong tâm thức tỉnh giấc của mình, nhưng con đã trải qua nhiều lần trong đời mình rồi. Rất nhiều khúc ngoặt quan trọng trong đời sống là những biến cố khi con nhảy một bước lượng tử trong tâm thức. Hầu hết đều không nhận thức điều này với tâm ý thức. Họ thực hiện bước chuyển hóa mà không ý thức là ý niệm cái ta cũ đã chết đi và họ đã tái sinh trong một ý niệm cái ta mới. Đó là bởi vì tâm con tạo ra một cảm nhận liên tục.

Chúng ta có thể nói rằng cảm nhận liên tục này là khía cạnh cơ bản, cốt lõi của tự ngã. Chúng ta có thể nói rằng khi con đạt đến tầng thứ 144, cuộc khai ngộ mà con đối mặt ở đó là con phải buông bỏ mọi cảm nhận liên tục thì con mới thăng thiên. Cuộc thăng thiên không phải là một tiến triển đường thẳng từ trạng thái tâm thức chưa thăng thiên, mà là một bước nhảy lượng tử vượt lên khỏi nó. Đây là bước nhảy vọt lượng tử tối hậu mà con có thể thực hiện trong vũ trụ vật chất, và đó là tại sao các thày đang cố đưa con đi qua 144 bực nhảy lượng tử nhỏ hơn để chuẩn bị cho con nhảy bước tối hậu. Ở cấp thứ sáu này, con cần nhảy một bước lượng tử, vì con nhận ra là hoặc minh triết có thể giúp con tăng trưởng, hoặc nó có thể trở thành cái bẫy tối hậu sẽ cản trở sự tăng trưởng của con.

14.5. Vượt qua sự phán xét giá trị để đạt an bình 

Đức Phật đã trả lời như thế nào khi có người nhìn thày tĩnh tọa Niết bàn và hỏi: “Thày là gì?” Ý họ muốn hỏi: “Thày là một người hay một vị thần?” Đức Phật trả lời ra sao? Thày không bảo thày là một người, thày không bảo thày không phải là một người. Thày không bảo thày là một vị thần, thày cũng không bảo thày không là một vị thần. Thày trả lời: “Ta tỉnh thức”. Con để ý những gì mà thày cũng không bảo. Thày không bảo: “Ta là một người đạo Phật” và cũng không bảo: “Ta là một vị Phật.” Thày đang cố truyền đạt điều gì khi nói: “Ta tỉnh thức”? Thày cố truyền đạt là thày đã đi vượt xa khỏi trạng thái tâm thức cần đến một nhãn hiệu cho mọi thứ. Đây là chìa khóa của an bình.

Khi con nhìn cuộc sống qua tâm thức nhị nguyên và tách biệt, con phải dán nhãn cho mọi thứ mà con nhìn thấy, mọi thứ đang xảy ra. Điều này thật là tự nhiên. Tự thân nó không có gì sai trái, bởi vì đây là cách thức con tăng trưởng từ tầng tâm thức này đến tầng sau. Con đang nhận ra là cho tới giờ con có một điều tin tưởng nào đó. Con nhận ra là có một bực nằm cao hơn tin tưởng đó, và con quyết định buông bỏ cái cũ và ôm lấy cái cao hơn.

Điều mà tự ngã và thày giả cố làm là khiến cho con bỏ thêm vào tiến trình dán nhãn đó một sự phán xét giá trị. Tự ngã nói: “Cái này thiện, cái kia ác, Cái này tối thượng, cái kia tệ mạt.” Nếu con nói: “Cái này trắng và cái kia đen,” thì con đang dán nhãn. Con đang phân biệt giữa hai hình tướng, nhưng bảo trắng hay đen không phải là bảo tốt hay xấu. Băng tuyết trắng, than đá đen. Có nghĩa lý gì chăng nếu bảo than là ác và tuyết là thiện? Tuyết trắng có thể làm chết người trong khi than đen có thể đốt lên để sưởi ấm và cứu mạng sống.

Các thày muốn chỉ ra cho con thấy là ở mức này, điều hoàn toàn có thể chấp nhận được là con lấy một câu nói minh triết hay một giáo lý vỏ ngoài, và nhận nó là cỗ xe mà mình đã chọn làm phương tiện tăng trưởng. Tuy nhiên, điều không chấp nhận được ở mức này là con giữ lấy sự phán xét về giá trị và bảo rằng giáo lý này hay hơn mọi giáo lý khác, và con phải tiếp tục bám lấy nó cho tới cuối đường tu.

Có lẽ con hiểu được bằng tâm vỏ ngoài một sáng ngộ vô cùng thâm sâu? Các thày đã từng thấy nhiều học trò tìm được một giáo lý mà các thày đã ban ra trong hơn thế kỷ qua, qua đó các thày tiết lộ công khai về sự hiện diện của mình là chân sư thăng thiên. Các thày đã nhìn họ tìm thấy một lời dạy cụ thể được truyền đạt qua một sứ giả hay một tổ chức cụ thể, và các thày thấy họ lý luận rằng giờ đây chắc hẳn mình đã tìm ra giáo lý tối hậu. Các giáo lý mà các thày đã ban ra đều có giá trị. Tuy mức độ thuần khiết có khác nhau và được nhắm tới những trình độ tâm thức khác nhau, nhưng giáo lý có giá trị và hiện vẫn còn giá trị.

Nhưng nhiều đệ tử ly luận rằng không phải đó chỉ là một giáo lý giá trị, mà là giáo lý tối hậu, và vì vậy mọi người phải cải đạo sang giáo lý đó. Họ cho rằng mục đích của các thày, các chân sư thăng thiên, thực sự là cải đạo mọi người trên địa cầu để ai ai cũng ý thức đi theo giáo lý của chân sư. Điều này hoàn toàn không đúng.

Cũng có những học trò tin rằng chỉ có những ai đã, với tâm ý thức, chấp nhận sự hiện hữu và giáo lý vỏ ngoài của chân sư thăng thiên thì mới được phép đến dự khóa nhập thất của các thày về đêm. Tại khóa nhập thất nơi đây ở Royal Teton ngay trong lúc này, thày có học viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo, trong số đó có cả nhiều người không theo một tôn giáo công truyền nào. Thày có học trò là người theo thuyết bất khả tri (agnostic), người vô thần hay người duy vật trong tâm vỏ ngoài của họ.

Các thày là chân sư thăng thiên, không quyết định công việc của mình dựa trên tín ngưỡng và hành vi vỏ ngoài của học trò. Các thày nhìn vào các điều kiện nội tâm của dòng sống và lượng định từ đó: Liệu dòng sống có sẵn sàng cho cuộc khai ngộ mà thày, Lanto, cống hiến ở cấp thứ nhất tại khóa nhập thất Royal Teton hay không? Nếu được vậy, học viên sẽ được chào đón nhập học trong thể vi tế của mình. Và khi họ đến đây, thày không có ý là họ luôn luôn phải cần công nhận sự hiện hữu của chân sư thăng thiên, hoặc một giáo lý hay một tổ chức vỏ ngoài nào đặc biệt, rồi phải tuân thủ giáo lý đó hay gia nhập tổ chức đó.

Các thày có nhiều học viên nhập thất đang đi theo đường tu tâm linh, nhưng ở cấp này nếu học viên đến từ một nền văn hóa, một tôn giáo hay một hệ thống tín ngưỡng bên ngoài – hay họ là người vô tôn giáo, vô tín ngưỡng – thì điều này hoàn toàn chấp nhận được. Miễn là học viên đi theo con đường khai ngộ thì rất có thể người đó sẽ biểu lộ được tiến bộ của mình, mức tâm thức tinh tấn của mình, qua rất nhiều nền văn hóa hay tín ngưỡng bên ngoài khác nhau.

14.6. Để đạt an bình, đừng cố cải đạo người khác 

Đây là một thực tế có thể rất khó chấp nhận cho các học trò của chân sư thăng thiên, đặc biệt là trong tâm ý thức. Khi con chấp nhận nó rồi thì con sẽ thấy mình trút bỏ được một gánh nặng to lớn. Con sẽ nhận ra là quả thực con đã bị mắc kẹt trong ý tưởng là mình phải cải đạo người khác, do ý tưởng đó đã dựng lên một khoảng cách giữa con và người khác và tạo ra một sự căng thẳng. Con là người cảm thấy sự căng thẳng này nhiều hơn người kia có thể cảm được, vì tất nhiên, con trải nghiệm nó ở bên trong tâm con, và con yêu dấu, tâm chính là nơi căng thẳng được tìm thấy. Người kia cũng có thể bị căng thẳng, nhưng căng thẳng của họ nằm trong tâm họ. Tăng trưởng của con trên đường tu không tùy thuộc vào họ có vượt qua được căng thẳng của họ hay không, mà tùy thuộc vào con có vượt qua được căng thẳng nội tâm của chính con hay không.

Điều con cần làm ở cấp này, cấp thứ sáu của Tia thứ Hai, là con cần nhận biết sự căng thẳng, xong con cần nỗ lực buông nó ra một cách ý thức. Khi con buông căng thẳng đó ra, con sẽ dễ dàng hơn để thể hiện con người mà con là, và trình bày niềm tin cùng hiểu biết tâm linh của con. Con không làm chuyện đó với mục đích cải đạo người kia hay chứng minh là họ sai. Con chia sẻ những gì con tin, những sáng ngộ mà con đạt được, và tại sao và làm thế nào con đã đạt được những sáng ngộ đó. Con chia sẻ với mục đích chia sẻ, chứ không phải với mục đích cải đạo hay cưỡng ép. Con không tìm cách hạ thấp, dãn nhãn hay phán xét giá trị của niềm tin người kia. Con chỉ chia sẻ niềm tin của con, và con có thể làm vậy trong tình thương, niềm vui và nhiệt tình – là cách tốt nhất sẽ chuyển hóa người khác.

Làm sao con có thể an bình được nếu con nghĩ là con phải cải đạo người khác theo dạng minh triết cao trội của con? Làm sao con có thể an bình nếu con nghĩ con chỉ đạt được mục tiêu đó qua cách tiếp cận dựa trên sợ hãi, hay bằng cách xé nát tín ngưỡng của họ, khiến họ tin rằng tín ngưỡng của họ sai lầm và sẽ đẩy họ xuống địa ngục? Làm sao con có thể hợp nhất với người khác nếu con tin là họ sẽ bị xuống địa ngục trừ khi họ chấp nhận quan điểm của con, cách biểu đạt vỏ ngoài của con về minh triết? Con chỉ có thể hợp nhất với người khác khi con hợp nhất với Tánh linh của Minh triết. Con giúp người khác hợp nhất với Tánh linh của Minh triết thay vì cố buộc họ phải tuân theo một cách biểu đạt vỏ ngoài về minh triết.

Điều rất đúng là khi đức Phật đưa ra câu nói: “Ta tỉnh thức”, thày biết rõ là nhiều người trên địa cầu sẽ không coi đó là lời gì quan trọng. Họ sẽ không nhận ra là họ đang không tỉnh thức. Ho không muốn thức dậy. Họ muốn ở mãi trong trạng thái không tỉnh thức vì đó là trải nghiệm mà họ muốn có. Đức Phật không có mục đích cải đạo tất cả mọi người trên trái đất để họ đi theo một minh triết hay một tôn giáo vỏ ngoài. Thày biết rõ là chỉ có một số mới hiểu được.

Con cũng nên biết như vậy. Con không phải cải đạo hay thuyết phục tất cả mọi người. Con không phải hợp nhất với tất cả mọi người, bởi vì rất nhiều người vẫn còn bám mắc vào tâm thức tách biệt đến độ họ không muốn đụng tới chuyện hòa nhập với con hay với bất kỳ ai khác. Con chỉ cần chia sẻ sự Hiện diện của con, bản thể của con, minh tríết và sáng ngộ của con, rồi tìm cách hợp nhất với những ai hiểu được, những ai biết trân quý, vì chính họ cũng đã đi đến một số sáng ngộ giống như con.

14.7. Hãy an bình với mức tâm thức hiện thời của mình 

Đừng lo đến chuyện cải đạo người khác theo một giáo lý hay một tổ chức vỏ ngoài của chân sư thăng thiên. Con hãy nỗ lực một cách ý thức để từ bỏ tin tưởng đó đi và tự cho phép mình là người mà mình là, tự cho phép mình an bình và biết rằng khi mình là người mà mình là thì cũng đủ lắm rồi. Tất cả những gì con cần phải làm ở cấp này của đường tu là chia sẻ con người mà con là. Tất nhiên, con vẫn có ý tiếp tục vươn lên cao hơn và cao hơn nữa, nhưng con không thể, khi con đến với cấp khai ngộ thứ sáu của Tia thứ Hai, bước lên cấp kế tiếp cho đến khi con an bình với nơi con đang đứng và chia sẻ sáng ngộ của mình ở mức tâm thức đó – và chỉ cần vậy là đủ. 

Chắc con nghĩ là thày đang tự mâu thuẫn, ít ra là tâm vỏ ngoài của con đang nghĩ như vậy. Con nghĩ thày đang bảo con tiếp tục vươn lên cao hơn trong tâm thức, và con nghĩ điều này nghĩa là con không thể thỏa mãn với nơi mình đang đứng và xem đó là đủ. Dĩ nhiên, con nghĩ đúng. Con không thể vươn lên cao hơn nếu con không mong muốn nhiều hơn những gì con đã có, cao hơn mức tâm thức nơi con đang đứng. Thày đã nói gì về bước nhảy lượng tử?

Cấp khai ngộ thứ bảy không phải là một tiến triển đường thẳng từ cấp thứ sáu, mà là một bước nhảy lượng tử vọt lên trên. Con sẽ không thể nhảy bước lượng tử đó cho tới khi con làm hòa với sự kiện mình đang đứng ở cấp thứ sáu, là khai ngộ của an bình. Con sẽ không thể vươn lên cấp thứ bảy cho tới khi con an bình với minh triết mà mình đang có và không tìm cách sử dụng nó với vũ lực để tạo ra xung đột.

Con sẽ bước lên cấp thứ bảy khi con buông bỏ mong muốn áp đặt lên người khác một cách biểu đạt nhất định về minh triết, và như vậy con tự giải phóng để được bình an trong minh triết mà mình đang có. Khi con bình an trong minh triết mà con có, con cũng bình an với việc từ bỏ minh triết đó. Con có thể nhìn thày, Lanto, nhìn thẳng vào mắt thày và nói: “Thưa chân sư, con muốn nhiều hơn. Con muốn mức khai ngộ kế tiếp, nhưng con an bình nơi con đang đứng, và con để cho thày quyết định xem khi nào con sẵn sàng.”

Khi con quyết định là con sẽ để cho thày quyết định thay vì tự phán đoán chính mình với tâm vỏ ngoài, thì con đã sẵn sàng đi bước kế tiếp. Khi nào con còn chưa sẵn lòng để cho thày làm thày và con làm đệ tử, thì con vẫn chưa sẵn sàng. Con có thể ngồi trên bở tổ chim vẫy cánh với tất cả sức bình sinh nhưng con sẽ không bay bổng lên được. Con sẽ không có bình an nội tâm để biết được là khi mình tự đẩy mình ra khỏi tổ chim, đôi cánh sẽ có thể giữ mình bay bổng trên không trung.

Lanto TA LÀ, và TA LÀ sự an bình trong minh triết mà TA LÀ.

Minh triết và Viễn quan

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 14/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày đến để giảng về những khai ngộ mà con đi qua ở cấp khai ngộ thứ năm tại khóa nhập thất Royal Teton. Dĩ nhiên, đây là mức của Tia sáng thứ Năm, thường được gọi là tia của sự thật, tia chữa lành hay tia của viễn kiến. Điều thày muốn con biết đến ở đây là có một yếu tố của Tia thứ Năm nói chung chưa được biết đến, ngay cả đối với học trò của các chân sư thăng thiên.

12.1. Luân xa Mắt thứ ba 

Tất nhiên, Tia thứ Năm có liên hệ đến cái gọi là con Mắt thứ ba ở điểm giữa hai lông mày. Người ta bảo rằng khi luân xa này được linh hoạt, con đạt được khả năng nhìn thấy những thứ mà mắt vật lý không thể nhìn thấy. Nhiều người tâm linh đã nghe kể chuyện có người đã mở được mắt thứ ba và nhìn được hào quang cùng một số hiện tượng khác. Nhiều người còn cho rằng khả năng này rất đáng thu hoạch và là một chỉ dấu thành tựu tâm linh. Kỳ thực, có thể nó không là chỉ dấu thành tựu tâm linh chút nào, như con thấy rõ nơi rất nhiều người gọi là ngoại cảm trên thế giới. Họ có thể có một số khả năng bắt sóng được một cái gì đó vượt khỏi cõi vật chất, nhưng họ thường không đủ trưởng thành tâm linh để biết được cách sử dụng như thế nào.  

Có một yếu tố của Tia thứ Năm, tia của viễn kiến tâm linh, mà ít người biết đến. Tất nhiên con biết rõ từ bản thân cũng như từ kinh nghiệm, có bao người trên thế giới vô cùng gắn bó với khái niệm chân lý. Như thày đã có giảng, người ta thường cho rằng có một cách diễn đạt minh triết, một hệ tư tưởng hay một hệ thống tín ngưỡng là chân lý cao trội, hay minh triết cao trội. Có nhiều học trò của chân sư thăng thiên bị quá dính mắc vào một giáo lý vỏ ngoài đến độ họ không thể theo kịp các thày khi các thày cứ tiếp tục rải truyền Lời Hằng sống, là dòng chảy liên tục sẽ không bao giờ ngừng lại cho đến khi con người cuối cùng thăng thiên khỏi trái đất.

12.2. Giấc mơ công thức bí mật 

Khi học viên đến cấp khai ngộ thứ năm tại khóa nhập thất của thày, họ thường nghĩ giờ đây chỉ có việc đi vào thư viện của các thày và phát hiện quyển sách bí mật chứa đựng một công thức bí mật sẽ bỗng nhiên trao cho họ những khả năng siêu phàm đó. Con nhìn xem có bao nhiêu người trên thế giới cứ chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng. Một số đuổi theo hũ vàng trong nghĩa đen dưới hình dạng của cải vật chất, nhưng con nhìn xem có bao nhiêu người tầm đạo cũng đuổi theo một hũ vàng theo nghĩa ẩn dụ khi họ cố giành được một loại kiến thức, hay một công thức, hay một khả năng nào đó vượt khỏi bình thường. Đây là một trở ngại to lớn cho các đệ tử trên đường tu tâm linh mà không sớm thì muộn con cần phải lột bỏ. Vậy thì tại sao con không lột bỏ nó ngay tại đây ở khóa nhập thất của thày tại Royal Teton?

Các thày hoàn toàn có khả năng giúp con đạt được minh triết sẽ cho phép con bác bỏ cuộc săn đuổi khả năng siêu phàm mà tự ngã đã bày ra. Thày đã nói gì về tự ngã? Nó tìm kiếm sự an toàn tối hậu. Nếu bỗng nhiên con có được một loại công thức hay khả năng siêu nhân nào đó, thì có phải là nó sẽ cho con và tự ngã của con một cảm giác an toàn? Thế nhưng nếu con đạt được khả năng đó và nó cho tự ngã con một cảm giác an toàn, thì liệu con sẽ thực sự tinh tấn tâm linh hay không? Ngược lại là đằng khác, nó sẽ cản trở bước tiến tâm linh của con và dẫn con vào ngõ cụt.

Các thày có nhiều học trò đến khóa nhập thất đã lạc vào một ngõ cụt như vậy, hoặc là họ đã thu hoạch một kiến thức hay khả năng nào đó, hoặc là họ mơ ước làm được chuyện đó. Và họ đến, tưởng rằng các thày sẽ giúp họ có được khả năng siêu phàm. Và dĩ nhiên, họ cũng nghĩ là chân lý có thể được diễn tả bằng ngôn từ, và phải có cách tìm ra một lời biểu đạt là chân lý tuyệt đối. Tại khóa nhập thất Royal Teton, các thày có một thư viện chứa đựng tất cả mọi giáo lý tâm linh đã từng được truyền giảng trên trái đất. Nó cũng hao hao như Thư viện Alexandria danh tiếng thuở trước nhưng rộng lớn hơn nhiều. Thư viện của các thày trở ngược về những nền văn minh từ lâu đã bị lãng quên. Con hẳn có nghe nói tới thời Atlantis và Lemuria, nhưng thư viện của các thày đi ngược trở về tới những nền văn minh chưa từng bao giờ có tên.

Khi có ai tìm kiếm chân lý cách đó, tìm kiếm chân lý tối hậu được biểu đạt qua lời nói, các thày đưa họ vào thư viện đó và bảo họ: “Vào đây, con hãy bỏ ra bao nhiêu thì giờ cũng được để tìm ra chân lý đó, và khi nào con tìm thấy điều gì, con cho các thày biết nhé.”  Họ háo hức nhảy vào thư viện. Lúc đầu, họ vô cùng hào hứng, gần như bị choáng ngợp bởi lượng sách trong thư viện, vì thật sự có hàng triệu quyển trong đó. Họ chọn ra một vài quyển và đọc ngấu nghiến. Họ vô cùng phấn khích, tưởng rằng mình đã tìm ra một biểu đạt rất cao của chân lý.

Nhưng rồi họ tìm ra một quyển khác hình như cũng có thẩm quyền rất lớn, một chiều sâu và minh triết cũng tuyệt vời, và họ lại đọc. Cứ thế hết cuốn này tới cuốn khác, dù ít hay nhiều đến đâu thì cũng sẽ tới một điểm khi họ bắt đầu nhận ra là có quá nhiều cách khác nhau để biểu đạt chân lý, đều có vẻ có giá trị, đều có vẻ có thẩm quyền, nhưng tất cả đều khác nhau một chút, và có khi thì khác nhau rất nhiều.

Lần hồi học viên bị dồn tới chỗ bực dọc khi họ không biết phải tin cái nào. Có lẽ chính con cũng nhận diện được trạng thái này trong đời con, hay ít ra nơi nhiều người trên thế giới đã đi theo thuyết bất khả tri (agnosticism) do cuộc chiến không giải quyết được giữa khoa học và tôn giáo. Họ không biết phải tin vào gì nữa, hay họ tin là chẳng có chân lý nào tối hậu. Liệu thày có đang bảo là các thày muốn học trò của chân sư thăng thiên đi theo thuyết bất khả tri hay chăng? Không phải trong nghĩa phàm phu, nhưng các thày mong muốn con đạt tới điểm nhận ra, như thày đã có đề cập, rằng không một câu nào bằng ngôn từ có thể là chân lý tối hậu.

12.3. Con nhìn thấy gì khi mở mắt thứ ba   

Đó là một nhận thức hoàn toàn cơ yếu trên đường tu. Vậy con sẽ làm gì đây? Khi một học viên đạt tới điểm thất vọng này, các thày có thể nhập cuộc và giúp người đó. Tại sao các thày lại để cho họ đạt tới cao điểm thất vọng đó? Bởi vì khi họ mới đến nhập thất, họ tin chắc nình nịch là phải có một chân lý tuyệt đối, và họ không sẵn sàng lắng nghe khi các thày bảo họ là chuyện đó không phải. Họ cần phải trải nghiệm tuyệt vọng trước khi họ mở tâm ra để nhận lấy những gì mà các thày sẽ cho họ tiếp theo.

Sau đó các thày đưa học viên vào một căn phòng đặc biệt nơi các thày hiển thị lên một màn ảnh những gì con thật sự thấy được với con mắt thứ ba mở tối đa. Có những nhà ngoại cảm trên thế giới ở những mức độ mở mắt thứ ba nhiều hay ít, nhưng rất ít người trong hiện thân đã mở được tối đa con mắt thứ ba.

Và như vậy, các thày chiếu lên màn hình những gì con có thể thấy được nếu mắt thứ ba của con mở ra toàn diện. Các thày cho thấy khi con đưa ra một câu nói bằng ngôn từ, những lời đó thật sự không phải là lời vật lý. Như con cũng biết từ khoa học, không có gì gọi là vật chất vật lý. Vật chất chỉ đơn giản là một dạng năng lượng dày đặc hơn, và đó là tại sao con thọ nhận được bằng giác quan vật lý. Khi con có khả năng nhìn bằng con mắt thứ ba đã linh hoạt, con thấy được năng lượng đằng sau vật chất, con thấy được dòng chảy của năng lượng đằng sau hình dạng vỏ ngoài. Bấy giờ các thày có thể lấy bất kỳ câu nói nào, cho nó chạy qua một bộ máy đặc biệt, hơi giống như máy tính nhưng tân tiến hơn bội phần, và hiển thị lên màn ảnh năng lượng do lời nói tạo ra.

Nếu con muốn một minh họa cụ thể, con thử hình dung một chương trình máy tính mà con sử dụng để thu và chỉnh sửa âm thanh. Âm thanh được lưu trữ dưới dạng những bít gồm có số một và số không trên ổ đĩa của máy tính, nhưng trên màn ảnh, nó hiện ra như là những làn sóng hay đường vẽ lên lên xuống xuống. Bây giờ con có thể vặn âm thanh lên và thấy sóng hiện trên màn ảnh. Con có thể thay đổi một số yếu tố và sóng cũng thay đổi theo. Nó cũng từa tựa – tuy sơ khai hơn rất nhiều – những gì con sẽ thấy tại nhập thất Royal Teton. Các thày cho học viên thấy là khi con lấy một câu nói đút vào máy, trên màn ảnh sẽ hiện ra dòng năng lượng do câu nói tạo ra.       

Các thày cho thấy là dòng năng lượng có thể đi lên hay đi xuống, hay giản dị đứng yên tại chỗ. Các thày cho thấy là có rất nhiều điều giảng dạy trong các địa hạt tâm linh, chính trị, khoa học hay tôn giáo có mặt trên địa cầu thực sự tạo ra một dòng năng lượng đi xuống. Nếu con đọc và nhập tâm những lời đó, hoặc nếu con đọc lớn trên đài phát thanh hay truyền hình, những ai nghe được sẽ trải nghiệm một dòng chảy đi xuống trong năng trường của mình.

Các thày cũng cho thấy tuyệt đại đa số những loại nhạc, lời nói, tin thời sự được truyền thông trên đài phát thanh, truyền hình hay qua internet, đều sản xuất ra những làn sóng năng lượng “bơi đứng” – nếu có thể gọi như vậy. Chúng trồi lên ngụp xuống, nhưng chúng không dứt khoát đi lên hay đi xuống. Chúng cứ đứng yên một chỗ, nhảy múa tại chỗ. Các thày cũng cho thấy có những câu nói tạo ra một dòng chảy hướng thượng. Tất nhiên, đây là những câu nói sẽ nâng cao tâm thức của con. Nhưng sau đây mới là phần hấp dẫn. Bất cứ câu nói nào bằng ngôn từ được thốt ra trong vũ trụ vật chất chỉ có thể sản xuất một xung năng lượng với tầm hạn chế.   

12.4. Các bài truyền đọc có một mục đích đặc biệt 

Nếu ngay bây giờ con đang ở một trình độ tâm thức nào đó và con nghe hay đọc được bài truyền đọc này, rất có thể bài này sẽ nâng cao mức tâm thức của con. Nó tạo ra một xung lực đi lên, một xung năng lượng hướng thượng, sẽ nâng cao trạng thái tâm thức của con – nếu con hòa điệu vào với nó và cho phép mình được nâng lên. Tất nhiên, con cũng hoàn toàn có thể đọc hay nghe bài truyền đọc này mà không hòa điệu với nó, hoặc con từ chối để cho mình được nâng cao hơn mức tâm thức hiện tại của mình. Nhưng đối với những ai sẵn lòng, bài truyền đọc có thể đưa con lên cao hơn mức hiện tại, trừ khi tất nhiên là con đã ở sẵn một mức cao hơn trình độ mà bài này nhắm đến.

Điều mà các thày có thể cho con thấy là bất kỳ một câu nói nào cũng được đưa ra cho một tầng tâm thức nào đó. Bất kỳ câu nói nào cũng được đưa ra cho một trong 144 tầng tâm thức hiện diện trên địa cầu. Mục đích của bài truyền đọc này là để chạm được những ai ở cấp khai ngộ thứ năm của Tia thứ Hai, và cống hiến cho con một xung năng lượng có khả năng đưa con lên cấp thứ sáu. Câu này không được đưa ra cho tầng tâm thức thứ 144, và nó cũng không có ý là chân lý tối hậu. Nó không có ý nâng con từ mức hiện thời của con lên thẳng tới tầng 144. Nó chỉ nhằm mục đích nhấc con lên một bậc, và điều này nó sẽ làm được.

Chuyện gì xảy ra nếu con lại nghĩ bài truyền đọc này là một biểu đạt tối hậu về chân lý? Điều mà các thày có thể thị hiện trên màn ảnh là dòng năng lượng do bài này tạo ra sẽ đưa con lên tới một mức nào đó, nhưng rồi nó sẽ bắt đầu chạy vòng tròn. Từ đó trở đi, con sẽ dẫm chân tại mức này. Vì năng lượng chảy vòng tròn, con sẽ cảm giác có lúc lên lúc xuống. Trong vòng tròn, khi năng lượng chảy xuống phía này, con có cảm giác đi xuống, và khi nó chảy lên phía kia, con có cảm giác đi lên.

Điều này quan trọng vì nó cho con thấy chuyện gì xảy ra cho nhiều đệ tử tâm linh khi họ tìm thấy một giáo lý nhất định. Như thày đã nói, bài truyền đọc này cốt ý nhấc con lên một nấc. Trên thế giới có nhiều giáo lý tâm linh nhắm vào nhiều trình độ tâm thức, và chúng có thể đưa con lên mấy nấc. Bất kỳ giáo lý nào trên thế giới cũng chỉ có một tầm hiệu nghiệm giới hạn. Không thể nào khác được. Thày không thể đưa ra một lời dạy cho tầng 144 sẽ hấp dẫn một người ở tầng thứ 10. Người này sẽ không cách chi nắm bắt được lời dạy đó.

Một giáo lý chỉ có thể chạm được một tầm giới hạn, có nghĩa là ngay cả khi một giáo lý đưa con lên mấy tầng tâm thức, nhất định sẽ tới một điểm khi con không thể lên cao hơn. Khi đó, giáo lý bắt đầu giống như một con sóng chạy vòng vòng trên đại dương. Điều này có nghĩa là có những điểm nơi con sẽ đi xuống trong tâm thức cho dù con vẫn tuân thủ giáo lý. Có thể con không để ý thấy mình đi xuống, nhưng rồi lại tới một điểm khi năng lượng lại chảy ngược lên và con có cảm tưởng đi lên. Nếu con để ý thấy mình đi lên, con sẽ tưởng là giáo lý vẫn đang giúp con tăng trưởng. Đây là lý do tại sao một số đệ tử có thể ở lại với một giáo lý vỏ ngoài nhiều năm trời, nhiều thập niên, thậm chí nhiều kiếp sống, cho tới khi họ chán ngấy và nhận ra là mình cần tìm kiếm cái gì đó có thể dẫn mình lên mức kế tiếp.

Đây là một cơ chế vô cùng quan trọng mà con cần hiểu rõ với tâm ý thức vỏ ngoài của con, vì nó có thể tránh cho con bước vào ngõ cụt mà rất, rất nhiều đệ tử đã bước vào do nghĩ mình phải trung thành với một giáo lý vỏ ngoài, một đạo sư vỏ ngoài hay một tổ chức vỏ ngoài. Khi học viên nhìn ra điều này, thực sự nắm bắt được điều này, thì dường như họ trút được một gánh nặng ngàn cân. Giờ đây họ nhìn ra là họ có thể buông bỏ một giáo lý, đạo sư hay tổ chức mà không bị phản ứng tiêu cực.

12.5. Khi đệ tử nhận ra là không có giáo lý nào tối hậu 

Điều xảy ra với nhiều đệ tử trên thế giới là họ tìm được một giáo lý nào đó. Trong một thời gian họ rất nhiệt tình, nghĩ rằng nó sẽ cho mình sự an toàn tối hậu mà tự ngã thèm khát. Khi tìm được giáo lý, đạo sư, tổ chức đó, họ nghĩ là mình đã tìm được hũ vàng ở cuối cầu vồng. Họ cho rằng họ chỉ cần ở lại đó và tiếp tục làm cùng những thứ đó, thì một ngày kia họ sẽ thăng thiên, sẽ nhập được Niết bàn hay bất kỳ mục tiêu nào khác.

Sau một thời gian, họ đạt tới một điểm khi họ không thể đi lên cao hơn với giáo lý đó, và giờ đây họ bắt đầu chạy vòng vòng. Đối với một số đệ tử nhạy bén, sẽ có một điểm khi họ nhận ra quả thực họ đang chạy vòng vòng và chẳng đi tới đâu. Nếu họ không hiểu được là giáo lý đó không bao giờ được trù liệu để đưa họ lên cao hơn mức đó, thì rất có thể họ sẽ tức giận, oán trách. Có thể họ cảm thấy là đạo sư hay giáo lý kia đã hứa hẹn suông. Trong một số trường hợp, quả là đạo sự đã hứa hẹn suông. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, đơn giản là tự ngã của đệ tử đã khiến cho họ diễn giải giáo lý như một lời hứa suông. Nhưng kỳ thực nó không hứa suông, mà chỉ cách diễn giải đã khiến cho nó sai lầm, bởi vì tự ngã, tất nhiên, luôn tìm đường thoát dễ dãi nhất, là một sự cứu rỗi bảo đảm, tự động.

Điều gì xảy ra cho rất nhiều đệ tử như vậy? Sâu bên trong và vượt khỏi mức ý thức của tâm, họ biết là họ phải rời bỏ giáo lý cũ và bước về phía trước. Nếu tâm vỏ ngoài của họ vẫn còn vấn vương với giáo lý đó hay những lời hứa hẹn của giáo lý đó, thì trong nhiều trường hợp, cách duy nhất để họ thoát ra được là họ chợt hiểu giáo lý đó không phải là tối hậu. Họ hiểu ra là nó giả trá, và họ tức giận buộc tội đạo sư hay giáo lý kia là đã hứa suông.

Vấn đề với phản ứng này là nó sẽ kéo đệ tử bước ngược trở xuống cầu thang tâm thức. Có rất, rất nhiều đệ tử tìm được một giáo lý và sử dụng giáo lý đó để vươn lên mấy tầng tâm thức, thế rồi vì tức giận đã rơi xuống mấy tầng, có khi còn thấp hơn cả mức tâm thức trước khi họ theo giáo lý. Nhiều người bị lạc vào ngõ cụt. Nhiều người trở thành như kẻ không còn tin vào gì nữa, cho rằng không có lời dạy nào là hiệu nghiệm, không có vị đạo sư nào là chân chính. Nếu con hiểu điều thày đang nói ở đây, nếu con có thể nắm vững điều này trong tâm ý thức của con, thì con sẽ hiểu ra là một giáo lý chỉ nhắm đưa con tới một mức nào đó thôi.

Một khi giáo lý đã làm xong phận sự, đây là lúc con cần hòa điệu với điều này. Thật ra đây là trách nhiệm của con hòa điệu với điều này, rồi con cần lấy quyết định tiến bước. Khi đệ tử sẵn sàng thì thày xuất hiện. Khi con sẵn sàng buông bỏ giáo lý hiện hữu và mở tâm ra để nhận sự chỉ đạo nội tâm từ cái ta Ki-tô cùng các chân sư thăng thiên, con sẽ nhận được chỉ đạo đó. Nếu con hòa điệu tâm vỏ ngoài của con, thì trong tâm vỏ ngoài con sẽ biết là con đã nhận được. Con sẽ có thể bước tới mà không có phản ứng tiêu cực, không cảm thấy như mình bị lạc lõng trong một khoảng trống không. Để tới được điểm này, con phải buông ra.

12.6. Nhìn ra những cái móc trong tâm thức mình 

Các thày cho các học viên thấy trên màn ảnh một tấm hình của năng trường của họ. Họ đứng trước một máy scan, và các thày chiếu lên màn ảnh những chỗ trong tâm thức họ có những cái móc buộc họ lại với một giáo lý trên địa cầu. Đây chính là điều khiến cho “một nhà bị chia xé nhau” [Matthew 12:25]. Nó lôi kéo họ ra mọi hướng, hoặc nó kéo họ rơi xuống cầu thang. Có một điều gì đó mà họ đã không buông ra, khiến họ không thể xuôi chảy cùng với Dòng sông sự Sống vì hình như con thuyền của họ có một chiếc neo đang giữ chặt thuyền lại ở vị trí cũ hay đang lôi thuyền đi ngược dòng. Hoặc nó khiến cho thuyền nằm tréo trên dòng chảy, khiến cho nước bị khuấy động, đập tung toé.

Khi đệ tử nhìn ra chuyện này và cắt đứt sợi dây trói buộc, họ thấy rõ là họ tự do đến chừng nào. Vấn đề khó khăn ở đây là con sẽ không thực sự được tự do cho tới khi con cũng nhìn ra trong tâm ý thức và lấy quyết định ý thức cắt đứt sợi dây. Điều mà các thày có thể làm tại khóa nhập thất Royal Teton là giúp con nhìn ra những dây buộc mà con mang và cắt đứt ở mức thể bản sắc, lý trí và cảm xúc. Điều mà các thày không thể làm được tại khóa nhập thất là giúp con cắt đứt ở mức tâm ý thức. Đây là công việc mà con phải làm một cách ý thức trong tâm nhận biết bình thường, tỉnh táo của con. Tất nhiên, công việc này sẽ dễ hơn hẳn một khi đã làm ở ba cõi trên, nhưng nó vẫn đòi hỏi ở con một sự tỉnh giác ý thức, một nỗ lực ý thức và một quyết định ý thức.

Khi con đã cắt đứt các ràng buộc này một cách ý thức, con sẽ có một cảm giác tự do rất mới, một cảm giác được chữa lành khỏi những vết thương và mâu thuẫn cũ. Tự ngã và các thày giả không muốn con cắt đứt các sợi dây này. Đó là tại sao họ sẽ cố khiến con cảm thấy là con phải giữ lòng trung thành, giống như con phải đóng tâm ý thức lại trước những sáng ngộ mà con đã gặt hái ở các thể cao của tâm con. Họ ráo riết tìm cách khiến con bám chặt vào những gì con đang có mà không chịu bước tới.

Khi con chưa bước tới thì làm sao con có thể thật sự được chữa lành? Khi con chưa chữa lành những phân rẽ lôi kéo tâm con ra tứ phía, thì làm sao con đạt được viễn kiến cao hơn là dấu ấn của Tia thứ Năm? Nếu con không đạt được viễn kiến đó, làm sao con có thể cảm thấy mình trọn vẹn? Và nếu con không cảm thấy trọn vẹn, làm sao con có thể là cánh cửa mở để chữa lành tha nhân? “Thày thuốc, hãy chữa lành chính mình,” câu tục ngữ nói vậy. Điều mà các thày có thể cho con thấy là làm cách nào sử dụng minh triết để chữa lành vết thương của con, chữa lành cho người khác, bằng cách dùng lý lẽ với người khác và với chính con.

12.7. Sử dụng bài truyền đọc đề tăng triển một cách ý thức 

Đâu là mục đích của bài truyền giảng này cùng những bài truyền giảng khác từ thày và các Thượng sư khác? Đó là trao cho con những dụng cụ để con lý luận với chính mình ở mức tâm ý thức. Khi con tìm hiểu một bài truyền đọc, có hai điều xảy ra. Con sẽ nhận được ánh sáng tâm linh, và ánh sáng này bắt đầu tạo ra biến đổi trong năng trường của con.

Con cũng sẽ nhận được kiến thức vỏ ngoài dưới dạng ngôn từ. Vấn đề là con sẽ làm gì với những ngôn từ đó. Một số học viên sẽ chỉ đọc qua và nói: “Ừ nhỉ, chuyện này thật thú vị.” Một số khác sẽ nghiên cứu chăm chú hơn, và thậm chí một số khác còn học thuộc lòng một số câu, nghĩ rằng nếu mình ghi nhớ từng câu thì chắc hẳn mình đã học được bài học. Một trong những bài học mà thày mong muốn con học là con hãy đọc một bài truyền đọc cho tới khi con gặp một số câu gây ra hai loại tác động. Hoặc câu đó khuấy lên trong con khiến con cảm thấy mình đã chạm được gấu áo của một thực tại cao hơn, hoặc nó khuấy lên một phản ứng trong con khiến con cảm thấy muốn kháng cự lại. Khi con có cảm giác kháng cự này, đó là cơ hội cho con sử dụng giáo lý để lý luận với chính mình. Con có thể, với tâm ý thức, khảo sát xem kháng cự đó là gì.

Vì tất nhiên, con thừa hiểu là một cuốn sách như thế này chỉ có thể trình bày một cách chung chung. Thày không thể nói riêng cho từng đệ tử sẽ đọc sách này trong tương lai. Chính con mới có nhiệm vụ liên kết cuốn sách này với hoàn cảnh cá nhân của mình. Khi con cảm thấy có sự kháng cự hay có thắc mắc chưa giải đáp liên quan đến một câu trong sách, thì con có trách nhiệm khám phá xem kháng cự đó có nghĩa là gì. Con tự đặt một số câu hỏi. Con cố hòa điệu với câu văn. Con cố nhìn từ mọi góc cạnh và nói: “Nhưng lỡ lời nói này chính xác? Vậy thì có nghĩa là gì? Làm thế nào nó sẽ giúp tôi thoát ra được đây? Khi đọc câu này, tôi có sợ hãi gì không? Tôi có ngờ vực gì không? Thắc mắc nào nảy lên trong tâm tôi?”

Xong con tra vấn từng vấn đề, con cố nhìn khắp chung quanh rồi đi sâu hơn và sâu hơn nữa. Con đang dùng lý luận với chính mình để làm sáng tỏ khía cạnh nào của tự ngã, phàm linh nào trong tâm thức, đang chống cự lại câu viết. Làm như vậy, con có khả năng phơi bày ra phàm linh, nhưng con cũng có thể phơi bày niềm tin đã tạo ra phàm linh, cái ảo tưởng nhị nguyên cụ thể đã tạo ra phàm linh. Khi con làm vậy, con có thể đạt đến một điểm, như thày đã có đề cập, khi con nhìn thấy, con chiêm nghiệm được ảo tưởng. Và khi con chiêm nghiệm được ảo tưởng, con sẽ buông bỏ nó một cách tự nhiên, tức thì và không chút khó nhọc nào.

Đây là trách nhiệm của con với tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên. Con không thể chờ đợi việc đọc một cuốn sách là đủ được. Ngay cả con cũng không thể chờ đợi việc thực tập các bài thỉnh là đủ được. Chắc chắn là chúng có tác dụng, nhưng không có gì có thể đi ngược lại quyền tự quyết của con. Phải đến một lúc con nhìn vào cái xà, cái phàm linh trong mắt con một cách ý thức và cố tình. Con nhìn vào các ảo tưởng, và con sẽ tiếp tục xem xét chúng từ nhiều góc độ khác nhau, tra vấn chúng với đủ loại câu hỏi, cho đến khi con nhìn ra cái tin tưởng cốt lõi nằm đằng sau ảo tưởng. Khi con nhìn thấy nó trong ánh sáng của sự thật Ki-tô, con nhận ra là nó không thực, nó là một ảo tưởng. Ngay khi đó, buông nó ra sẽ không khó khăn gì cho con.

12.8. Được chữa lành nhờ buông ảo tưởng là mình không trọn vẹn 

Đây cũng là một yếu tố của Tia thứ Năm là tia chữa lành. Con cần gì để được chữa lành? Con cần buông bỏ trạng thái không lành lặn. Nếu con không buông bỏ cảm nhận là con không lành lặn, con sẽ không thể bước vào trạng thái tâm nơi con lành lặn, nơi con trọn vẹn. Con không thể buông bỏ căn bệnh hay ảo tưởng cho đến khi con nhận ra là nó không thực. Con không thể thấy được điều này nếu con không nhìn qua tâm Ki-tô, nhưng con sẽ không tự động có được tâm Ki-tô. Con chỉ có thể đạt được tâm Ki-tô bằng cách thách đố các ảo tưởng một cách ý thức và có hệ thống, bước vào những vùng sâu thẳm cho tới khi con phát hiện điều tin tưởng mà cá nhân con đã chấp nhận một lúc nào đó trong quá khứ, và bây giờ nó đã trở thành một cái neo giữ chặt chiếc thuyền của con lại và ngăn không cho thuyền xuôi chảy với Dòng sông sự Sống.

Đây là cái mà trong đạo Phật gọi là con thuyền Bát nhã, con thuyền minh triết, và khi con leo lên thuyền, con sẽ có thể giữ tay lái giữa biển Luân hồi cho đến khi con đến được bờ bến xa hơn. Bờ bến xa hơn thường được người đạo Phật xem là một trạng thái tối hậu, Niết bàn. Nhưng bờ bến xa hơn đối với mức tâm thức đặc thù của con là khi con vượt qua khai ngộ sẽ đưa con lên tầng kế tiếp. Không chỉ có một “bờ bến xa hơn” duy nhất. Bờ bến xa hơn là cái bến kế tiếp, cái tầng kế tiếp, và cứ thế con leo lên bước kế tiếp cho tới khi con đạt đến tầng 144, là khi con nhảy bước lượng tử cuối cùng vào trạng thái thăng thiên.

Sự trọn vẹn sẽ đến khi con từ bỏ cảm nhận mình thiếu sót, và một trong những bước to lớn để tiến tới trọn vẹn là con buông giấc mơ tìm được một chân lý tối hậu, hay công thức tối hậu, hay khả năng tối hậu nào đó. Không có gì trong thế giới vật chất là tối hậu. Không có gì là cuối cùng. Không có gì là kết liễu. Mọi thứ đều là Dòng sông sự Sống không ngừng tuôn chảy. Nếu con có thể thực sự thể nhập được sự thật này, con sẽ khiến cho đường tu khai ngộ của con dưới bảy tia sáng dễ dàng hơn bội phần. Thay vì cảm thấy mình là kẻ thất bại triền miên vì mình đã không đạt được trạng thái tối hậu, con có khả năng cảm thấy mình đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác mỗi lần mình vượt qua một cuộc khai ngộ.

12.9. Các chân sư thăng thiên không phán xét con 

Các thày đã từng thấy những học trò theo học một giáo lý của chân sư thăng thiên suốt 30, 40 năm trời hoặc nhiều hơn nữa. Họ đã siêng năng học tập giáo lý. Họ đã siêng năng cầu thỉnh ngọn lửa tím hay đọc bài chú cho các tia khác. Họ đã làm tất cả đúng theo tiêu chuẩn vỏ ngoài, nhưng toàn bộ hành trình của họ là một cuộc vật lộn. Họ đã lắng nghe và chấp nhận giáo lý về đường tu khai ngộ, nhưng họ vẫn tập trung tâm trí vào mục đích cuối cùng, cho dù là thăng thiên hay cái gì khác. Họ đã quá tập trung vào mục tiêu cuối cùng này đến độ họ có cảm tưởng là nếu mình chưa đạt được thì mình sẽ thiếu sót, mình sẽ bất xứng, mình không thể được các chân sư chấp nhận.

Các thày không phán xét con theo cách mà con tự phán xét. TA LÀ Lanto, TA LÀ Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Vai trò của thày không phải là đưa con đến mức khai ngộ tối hậu. Vai trò của thày là dẫn con từ mức này lên mức sau, xuyên qua bảy cấp được biểu tượng qua các khai ngộ của Tia thứ Hai, rồi giao phó con cho vị bào huynh yêu dấu của thày, Paul người Venice, sẽ dẫn con đi tiếp qua các khai ngộ của Tia thứ Ba.

Liệu con có thực sự nghĩ là thày, Lanto, nhìn con như một học trò bất xứng? Toàn bộ thời gian con kinh qua các khai ngộ của khóa nhập thất này, thày đã nhìn con trong ánh sáng tích cực. Thày nhìn con như một đệ tử đã đạt được thắng lợi vượt qua bảy cuộc khai ngộ dưới thày MORE và Tia thứ Nhất. Thày nhìn con như đã đạt được một thắng lợi quan trọng ngay cả trước khi con bước vào khóa nhập thất của thày, rồi khi con vượt mức khai ngộ đầu tiên, con đã đạt thêm một thắng lợi nữa, và cứ thế. Khi con tới khai ngộ chót trong khóa này, con sẽ đoạt được điều mà thày xem là thắng lợi cao nhất ở mức khai ngộ của thày, và thày vui mừng gửi con lên tầng kế tiếp.

Thất bại ở đâu? Thiếu sót ở đâu? Con là học trò toàn hảo khi con bước đến, không phải là con toàn hảo, không phải là con thành tựu mức tâm thức cao nhất, nhưng con đã bước qua các khai ngộ của Tia thứ Nhất trước khi con nhập khóa của thày. Đó không là thắng lợi hay sao? Làm sao con có thể cảm thấy mình bất xứng khi con đã đi qua các khai ngộ khó khăn và nghiêm ngặt của Tia thứ Nhất? Thày MORE đã không gửi con đến với thày nếu con chưa vượt qua khai ngộ, và điều đó, thày cam đoan là một thắng lợi. Thày sẽ không gửi con đến với Paul người Venice cho tới khi con vượt qua khai ngộ của Tia thứ Hai, và điều đó là một thắng lợi nữa.

Con hãy ngừng đeo đuổi hũ vàng ở cuối cầu vồng, vì thày nói với con, cũng như thày Maitreya đã nói trong sách, không những không có hũ vàng nào cả, mà cầu vồng cũng chẳng có luôn. Cầu vồng sẽ không ngừng dời đi trước mặt con, y hệt như củ cà rốt treo lủng lẳng trước mũi con lừa của truyện ngụ ngôn. Con sẽ không bao giờ bắt kịp. Con sẽ không bao giờ bắt kịp cầu vồng, con yêu dấu, vì cầu vòng chỉ hiện thực từ một góc độ nào đó. Nó không có hiện hữu cố định hay khách quan. Nó chỉ tương đối trong quan điểm của con, và con sẽ luôn luôn nhìn thấy nó với một khoảng cách. Nếu con lại gần, con sẽ không còn thấy nó nữa, vậy thì làm sao con biết được nó kết thúc ở đâu?

Con hãy từ bỏ cuộc tìm kiếm chân lý tối hậu. Hãy nhận ra những câu nói của thày qua ngôn từ chỉ có thể đưa con lên tới một mức nào đó, và sau đó con cần phải mở chính con ra để nhận được lời dạy kế tiếp, câu kế tiếp, chỉ dấu kế tiếp, trải nghiệm kế tiếp. Hãy sẵn lòng chiêm nghiệm Tánh linh Sự thật vượt khỏi câu nói về sự thật. Đây là dấu ấn của những đệ tử tiến bộ nhanh chóng, vượt qua cấp khai ngộ thứ năm của Tia thứ Hai.

TA LÀ Thượng sư của Tia thứ Hai. Thày sẽ làm hết sức để giúp con vượt qua khai ngộ này, nhưng thày không thể vượt qua thay cho con, vì nó đòi hỏi một quyết định với tâm ý thức. Trước khi con lấy quyết định tự nguyện đó, con phải sẵn lòng dùng lý luận với chính mình, và tra vấn xem tại sao tự ngã của con lại tìm kiếm chân lý tối hậu. Đâu là tin tưởng cụ thể mà cá nhân con đã chấp nhận khiến con dễ bị ý tưởng đó tấn công, là ý tưởng phải có cách tìm ra một chân lý tối hậu hay một khả năng tối hậu? Con hãy buông nó ra, con yêu dấu, rồi sau đó con có thể bước lên cấp khai ngộ thứ sáu dưới Tia thứ Hai. Thày sẵn lòng và sẵn sàng chào đón con bước vào cấp khai ngộ này. Lanto TA LÀ.

Minh triết và Tinh khiết 

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 13/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày đến để chia sẻ một số ý nghĩ về các khai ngộ mà học viên đi qua ở cấp thứ tư của khóa nhập thất tại Royal Teton. Đây là những khai ngộ trong Tia sáng thứ Tư, là minh triết được thể hiện qua sự tinh khiết hay gia tốc. “Tinh khiết” có nghĩa là ý định tinh khiết, và điều mà các thày mong giúp đệ tử đạt được ở cấp này là sự rõ ràng trong ý định khi sử dụng minh triết.

Học viên đến khóa nhập thất của thày thường có ý muốn điển hình rất thịnh hành trên địa cầu, là ý muốn do tự ngã châm ngòi khi nó đi tìm sự an toàn trong thế gian này. Những ai bị mù quáng bởi ý muốn này sẽ cố tìm một loại minh triết mà họ có thể nâng lên vị thế bất khả sai lầm. Nếu minh triết của mình không thể sai lầm thì an toàn của mình cũng phải tối đa – tự ngã lý luận như thế. Có nghĩa là học viên có xu hướng sử dụng minh triết để xác nhận những gì khiến cho tự ngã cảm thấy an toàn. Nhiệm vụ khó khăn mà thày phải đối diện ở cấp này là làm sao cho học viên thấy được cái nhìn này thật là rỗng tuếch.

Thày cố giúp học viên nhìn ra điều này phi lôgíc tới chừng nào, đạo đức giả đến chừng nào. Những ai bị mắc kẹt trong mong muốn chứng thực tự ngã sẽ quả quyết là mình dùng minh triết với động cơ cao thượng nhất. Họ tin rằng họ nắm được cách biểu đạt minh triết tuyệt đối, không thể sai lầm, và vì lợi ích của một đại nghĩa nào đó, thậm chí có thể là đại nghĩa của chính Thượng đế, mà họ tìm cách ép buộc minh triết của họ lên người khác.

Họ nhất định là họ có dạng minh triết tuyệt đối, nhưng kỳ thực, minh triết của họ hoàn toàn tương đối. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào những gì mà tự ngã của họ đã chấp nhận cùng ý niệm an toàn mà tự ngã đã tạo dựng. Như các thày đã nói nhiều lần, tự ngã không bao giờ có thể tìm thấy sự an toàn tuyệt đối. Nó cố xây dựng an toàn trong thế gian này, nhưng đó luôn luôn sẽ là một căn nhà xây trên cát bởi vì không có gì trong thế gian này có thể bất biến. Tất nhiên, trong cõi tâm linh cũng không có bất biến, và vì thế, giấc mơ có được một trạng thái toàn hảo hay an toàn tĩnh tại nào đó chỉ là một giấc mơ hão huyền. Điều này, tất nhiên, tự ngã sẽ không bao giờ thấy được.

10.1. An toàn tuyệt đối trong Dòng sông sự Sống 

Tuy nhiên, cái Ta Biết thì có khả năng trải nghiệm điều này bằng cách chiêm nghiệm nhận biết thuần khiết. Qua đó, nó nhận ra rằng bản chất của nó chính là một trạng thái an toàn tuyệt đối – không theo nghĩa là không thay đổi, mà theo nghĩa luôn luôn tự thăng vượt. Hay đúng hơn có thể nói, cốt lõi của bản thể của con là cái bất biến – tức là sự nhận biết – và một khi con nối kết với nhận biết bất biến này, con sẽ tìm thấy an toàn trong sự vượt thăng liên tục những biểu thị vỏ ngoài của nhận biết, là cái mà nhận biết chú tâm vào. Do đó, con không cần phải dừng dòng chảy của Dòng sông sự Sống hầu cảm thấy an toàn, mà con cảm thấy an toàn khi con xuôi chảy với nó. Đây là sự an toàn tuyệt đối hay tối hậu, nhưng là an toàn qua tự thăng vượt, an toàn luôn luôn tuôn chảy.

Thày đã nói gì về Dòng sông sự Sống? Nó luôn luôn thăng vượt chính nó. Thày đã nói gì về Minh triết Thiêng liêng? Nó luôn luôn thăng vượt chính nó. Vì vậy, không có gì đứng yên – chắc chắn nguồn suối của minh triết hằng sống không đứng yên. Điều này, một lần nữa, có nghĩa là cuộc tìm kiếm của tự ngã là chuyện vô vọng khi nó cố tạo ra một cách biểu đạt minh triết tĩnh tại, không bao giờ có thể thay đổi, không bao giờ có thể bị đe doạ, không bao giờ có thể bị lật đổ. Như các thày đã có giải thích qua định luật thứ hai của nhiệt động học, bất cứ gì mà trở thành một hệ thống đóng kín sẽ bắt buộc phải tan rã, bởi vì các mâu thuẫn nội tại sẽ gia tăng hỗn loạn bên trong khiến nó phải tan vỡ.

10.2. Khai ngộ ở cấp thứ tư của Tia thứ Hai 

Thực tế là nếu càng cố duy trì sự an toàn vỏ ngoài cho tự ngã, thì học viên sẽ phát ra càng nhiều xung năng lượng phóng về tấm gương vũ trụ. Các xung năng lượng này sẽ được gửi trả về dưới hình thức những điều kiện sẽ đe dọa cảm giác an toàn của học viên, và khi đó, học viên sẽ phải phóng ra xung lực mạnh hơn nữa để chống chọi lực phản hồi, và tất nhiên điều này chỉ khiến cho cường độ phản hồi càng mạnh hơn thôi. Cuộc “chạy đua vũ trang” cứ tiếp diễn như thế cho đến khi học viên bị tan vỡ bởi áp lực căng thẳng và không thể tiếp tục.

Dĩ nhiên, các thày sẽ cố giúp cho học viên nhìn ra sự sai lầm của cách thức này trước khi họ gục ngã trong căng thẳng, nhưng cũng có một số học viên đến nhập thất của thày phải kinh qua tiến trình tan vỡ đó. Họ nhận ra là mình không sao đủ sức mạnh, đủ uy lực, để chống chọi lại những mối đe dọa cho an toàn của mình. Vậy con phải làm gì đây? Con phải buông ra, con phải từ bỏ. Không có bước nào khác.

Gia tốc của Tia thứ Tư không giống như công việc tích tụ. Con có thể nghĩ là nếu con cần phát ra một xung năng lượng để chống lại cái gì đang phóng tới mình, thì con sẽ cần tích tụ ngày càng nhiều quyền năng hơn, nhiều quyền năng vật lý, vật chất hơn. Nhưng như thày đã nói, tích tụ nhiều quyền năng hơn chỉ có nghĩa là con tạo ra một xung lực vũ bão hơn sẽ phóng vào con trong tương lai.

Gia tốc có nghĩa là con vượt lên trên việc tích tụ quyền năng ở một mức độ nào đó vì con đã gia tốc độ rung của mình lên một mức cao hơn, nơi con sẽ không còn cảm thấy những năng lượng thấp mà con đã tạo ra trong quá khứ khi chúng được tấm gương vũ trụ gửi trở lại. Chúng sẽ chạy xuyên thẳng qua con. Chúng không đáng kể gì với con. Chúng không dính dáng gì đến kinh nghiệm sống của con. Đây là gia tốc đích thực. Có an toàn trong đó, theo nghĩa là con vượt lên trên quá khứ.

10.3. Ngay cả giáo lý của chân sư cũng tương đối 

Để giúp đệ tử vượt qua mức khai ngộ này, các thày tìm cách giúp họ nhìn ra là minh triết, các hệ tư tưởng do tự ngã tạo ra – và do loài người cũng như các thày giả tạo ra – thực sự là tương đối, mặc dù chúng được tuyên bố là tuyệt đối. Chúng tương đối vì chúng tùy thuộc vào tâm thức nhị nguyên, và do đó chúng tương đối so với một đối cực. Cho mỗi biểu đạt của minh triết xuất phát từ tâm thức nhị nguyên, sẽ có một đối cực. Điều này không mấy dễ hiểu cho hầu hết học viên cho dù là các thày đã dẫn dắt họ qua từng bước – như thày đã có giải thích – là ngôn từ có thể được diễn giải và bị hiểu lầm như thế nào. Họ vẫn khó lòng nắm bắt được, và nỗi khó khăn này cũng dễ hiểu thôi.

Thày đã nói là bất kỳ biểu đạt nào của “minh triết” đến từ tâm thức nhị nguyên đều có một đối cực. Điều đó đúng, nhưng cũng đúng là bất kỳ biểu đạt nào của minh triết đến từ chân sư thăng thiên cũng có một đối cực. Sự khác biệt ở chỗ khi minh triết biểu đạt qua tâm thức nhị nguyên, tự thân nó đã chứa sẵn đối chọi, vì cách tâm thức nhị nguyên nhìn thế giới đã sẵn mâu thuẫn.

Những gì các thày ban ra nơi cõi thăng thiên không chứa đựng mâu thuẫn nội tại, nhưng hiển nhiên khi các thày giảng dạy giáo lý, những thày giả và học trò của họ sẽ nghĩ ra cách đối chọi lại giáo lý đó, và như vậy bất kỳ biểu đạt nào bằng ngôn từ cũng có một đối nghịch. Bất cứ biểu đạt nào bằng ngôn từ cũng có thể bị phủ nhận, bị vô hiệu hóa hay phế bỏ, hay ít ra là bị phản bác bởi một câu nói khác cũng dùng ngôn từ. Đây là hệ quả tất yếu khi tâm thức tập thể trên địa cầu còn quá thấp đến độ hầu hết mọi người vẫn bị đui mù bởi tâm thức nhị nguyên. Khi con nhìn giáo lý của chân sư thăng thiên qua phin lọc nhận thức của ngã vỏ ngoài, của ngã tách biệt, thật là dễ cho con tìm được một đối nghịch cho giáo lý đó.

Con vẫn có thể chấp nhận giáo lý đó, nhưng kỳ thực con đang tìm cách dùng nó để xác nhận nhu cầu an toàn của tự ngã bằng cách nâng nó lên, và cũng nâng cách biểu đạt giáo lý đó lên, một vị thế không thể sai lầm. Thày vừa nói gì? Thày vừa nói là con không bao gìờ nên tập trung vào ngôn từ đến độ con quên mất tánh linh đằng sau ngôn từ. Điều cơ yếu là con nối kết với Hiện diện của thày, với dòng chảy của minh triết, Tánh linh Minh triết hằng sống. Con sẽ không làm được vậy nếu con lấy một biểu đạt minh triết nào đó bằng ngôn từ và nâng nó lên vị thế không thể sai lầm, nghĩa là con sẽ không bao giờ muốn thay đổi nó, hay con không bao giờ muốn vượt xa hơn nó. Đó không phải là gia tốc, mà chỉ là một nỗ lực xây đắp một khối tích tụ có vẻ là có thẩm quyền. Mục đích của các thày là cho đệ tử thấy mọi biểu đạt của minh triết phát xuất từ tâm thức nhị nguyên, hay đã được diễn giải qua tâm thức nhị nguyên, đều tương đối.

Ngay cả học trò của chân sư thăng thiên cũng đã sử dụng giáo lý của các thày để tạo dựng một thế giới quan tương đối. Điều này quan trọng ở chỗ cái gì tương đối thì không thể là minh triết tuyệt đối. Học viên thường khó lòng hiểu điều này vì họ còn quá dính mắc vào mong muốn của tự ngã xây dựng sự an toàn tối hậu. Học viên cần một sự điều chỉnh to lớn để khắc phục vấn đề này. Thật sự, học viên cần bắt đầu trải nghiệm nhận biết thuần khiết thì mới chiêm nghiệm được là mình có khả năng tìm thấy sự an toàn nội tâm đó, thay vì an toàn vỏ ngoài của một hệ thống tin tưởng tuyệt đối hay không thể sai lầm.

Ngay cả nhiều học trò của chân sư thăng thiên cũng bám vào niểm tin rằng nếu mình là thành viên của một tổ chức nào đó hay tuân theo lời dạy của vị sứ giả cao nhất, thì mình được đảm bảo sẽ thăng thiên. Họ thật không sẵn lòng buông bỏ tin tưởng này, và đó là tại sao một số bị kẹt lại trong những tổ chức không còn sứ giả hoạt động hay không còn nhận được dòng chảy của lời hằng sống. Họ bám vào những giáo lý được đưa ra trong quá khứ, và mặc dù những giáo lý này vượt thời gian và vẫn còn giá trị, đó không phải là sự biểu đạt của tâm thức mà các chân sư hiện có ngày nay. Các thày đã tự thăng vượt rất nhiều lần từ khi giáo lý cũ được đưa ra, nhưng hiển nhiên, lời biểu đạt thì không thể tự thăng vượt, đặc biệt là khi nó được nâng lên vị thế một lời nói toàn hảo không thể sai sót. Đối với các học viên sẵn lòng buông bỏ nhu cầu an toàn vỏ ngoài này, các thày có thể giúp họ tiến một bước rất lớn để thấy được mọi lời biểu đạt là tương đối.

10.4. Mô tả bằng ngôn từ không là chiêm nghiệm trực tiếp 

Ngôn từ mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người, cho nên ngôn từ phải được diễn giải. Các thày đã từng dùng ví dụ sau đây, nhưng thày sẽ dùng lại lần nữa. Tưởng tượng là con đang đứng trên bờ biển với một người mù bẩm sinh. Cả hai đều nhìn về chân trời và con có nhiệm vụ mô tả cảnh mặt trời lặn cho anh mù kia. Bình thường con sẽ cố gợi lên một điều gì mà anh ta đã trải nghiệm, nhưng anh chưa từng nhìn thấy gì bằng mắt. Con sẽ mô tả cảnh hoàng hôn như thế nào cho anh mù đó? Con có thể làm chuyện đó qua ngôn từ, nhưng anh ta sẽ rút tỉa được điều gì? Anh sẽ chỉ rút tỉa được một lời mô tả hoàng hôn.

Lời mô tả đó có thể rất hay, rất chính xác, nhưng đối với người khiếm thị, đó chỉ là lời tả chứ không là sự chiêm nghiệm trực tiếp. Khi các thày trao cho con minh triết từ cõi thăng thiên, các thày chiêm nghiệm được Tánh linh Minh triết. Khi các thày diễn dịch chiêm nghiệm đó thành lời, nó trở thành một lời tả tánh linh chứ không phải là tánh linh. Đây không phải là vấn đề vị sứ giả có tài tình hay không, mà chỉ đơn giản là hậu quả không thể tránh của việc diễn dịch một trải nghiệm thành lời nói. Lời nói chỉ có thể truyền đạt một mô tả. Khác biệt là gì? Khác biệt là con chỉ cần đến lời tả khi con không chiêm nghiệm trực tiếp. Một lời tả chỉ cần thiết khi có một khoảng cách, có một tách biệt giữa con và kinh nghiệm. Con, là người đang đầu thai, giống như anh mù kia chưa bao giờ chiêm nghiệm Tánh linh Minh triết. Các thày đang cho con một sự mô tả về tánh linh đó bằng ngôn từ, nhưng trong tâm con, nó vẫn chỉ là một lời tả. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là chính sự kiện con tách biệt khỏi tánh linh khiến con chỉ có thể nắm bắt được lời tả về tánh linh. Con càng tập trung vào lời tả thì thực sự nó sẽ càng đóng tâm con lại khỏi kinh nghiệm trực tiếp.

10.5. Mục đích của việc giảng dạy tâm linh 

Mục tiêu của các thày khi giảng dạy không phải để đệ tử có được một lời mô tả tuyệt vời về tánh linh. Mục tiêu của các thày là cho đệ tử một kinh nghiệm tánh linh trực tiếp. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Thày không màng đến chuyện có đệ tử trên địa cầu có lời mô tả tinh xảo nhất về Tia thứ Hai. Thày quan tâm để làm sao có những đệ tử trên địa cầu có khả năng mở tâm ra hầu Tánh linh Minh triết xối xuống vào tâm họ, và họ chiêm nghiệm được tánh linh khi tánh linh biểu đạt xuyên qua họ. Đó là điều thày muốn.

Thày không muốn những học viên chụp lấy một lời biểu đạt rồi sử dụng để đóng chặt tâm mình lại khỏi kinh nghiệm. Thày muốn con nắm lấy lời mô tả và dùng làm bàn đạp để mở tâm ra cho kinh nghiệm trực tiếp. Đây là mục tiêu của thày. Làm thể nào con đạt được điều đó? Bằng cách khắc phục sự dính mắc của con với một lời biểu đạt minh triết nhất định và nhận ra rằng một biểu đạt minh triết chỉ là một sự mô tả, và nó chỉ có giá trị khi con dùng nó để mở tâm ra và trực tiếp kinh nghiệm tánh linh đằng sau ngôn từ. Khi con tới được điểm này, khi con ngộ ra điểm này, con mới sẵn sàng bước đi bước kế tiếp. Con sẽ cần gì để làm cánh cửa mở cho Tánh linh Minh triết chảy qua con?

Thế nào là một tánh linh? Một lần nữa, con lại có những hình ảnh giả trá về Thượng đế do các tôn giáo lớn trên thế giới tạo dựng, miêu tả Thượng đế là một đấng toàn hảo, tĩnh tại, ngồi ở trên trời. Nhưng Thượng đế không tĩnh tại. Thượng đế là tánh linh không ngừng tuôn chảy, không ngừng tự thăng vượt – đó là Đấng Sáng tạo. Làm thế nào con biết được tánh linh? Không phải là qua một sự mô tả mà con có thể nhìn từ xa. Con sẽ biết được tánh linh khi con khắc phục khoảng cách giữa tánh linh và con, khi con bước vào chứng ngộ tánh linh, khi con trở thành cánh cửa mở để tánh linh tuôn chảy qua con.

Làm thế nào con cho phép tánh linh tuôn chảy qua con? Con sẽ không thể làm được nếu con bám vào một lời biểu đạt cố định và đòi hỏi tánh linh phải phù hợp hay phải chứng thực cho lời biểu đạt này. Nếu con áp đặt một hạn chế trên tánh linh thì làm sao con sẽ trải nghiệm được dòng chảy của tánh linh? Nếu con bảo rằng tánh linh không cần chảy mà cần xác nhận một lời biểu đạt, thì con đã đánh mất tánh linh rồi.

10.6. Con hãy tự gia tốc vượt khỏi mọi lời biểu đạt 

Thày đã nói bất kỳ cách biểu đạt nào về minh triết đến từ tâm thức nhị nguyên đều tương đối. Một biểu đạt về minh triết đến từ tâm thức nhị nguyên tùy thuộc vào một biểu đạt khác về minh triết cũng đến từ tâm thức nhị nguyên. Cho dù con có phóng chiếu một cái là giả và cái kia là thật, một cái là sai và cái kia là đúng, thì cũng không có chút thực tế gì trong đó. Cả hai cách biểu đạt sẽ không giúp con tự gia tốc lên cao hơn mức nhị nguyên.

Và đây là điểm mà con cần tinh tế hơn hầu hết mọi người và ngay cả hầu hết học trò của chân sư thăng thiên. Một biểu đạt về minh triết đến từ cõi thăng thiên cũng chỉ tương đối. Ngay cả một bài giảng được các thày truyền đọc qua trung gian một sứ giả được bảo trợ cũng không lả một lời biểu đạt tuyệt đối về chân lý. Đó là một biểu đạt tương đối, nhưng một biểu đạt đến từ tầm mức của các thày không tương đối so với một đối nghịch trong cõi vật chất. Nó tương đối so với tánh linh, và do đó nếu con đi theo biểu đạt của các thày để vượt quá ngôn từ, con sẽ tìm thấy tánh linh. Chứ nếu con lấy một biểu đạt nhị nguyên và đi theo nó và vượt quá ngôn từ, con cũng tìm thấy một tánh linh, nhưng một tánh linh nằm trong phổ tần số vật chất, và cái này thì không thể giúp con vượt thăng lên cõi thăng thiên.

Khi con đi theo lời biểu đạt đến từ một chân sư thăng thiên cho tới cội nguồn của nó, con sẽ tìm thấy chân sư đó và tánh linh của vị đó, và điều này có thể giúp con tự gia tốc khỏi mức nhị nguyên. Đây là điểm khác biệt. Đây là khía cạnh Alpha của câu nói bảo rằng ngay cả một bài truyền giảng từ chân sư thăng thiên cũng tương đối, nhưng cũng có một khía cạnh Omega. Bất kỳ biểu đạt nào mà các thày ban ra đều tùy thuộc vào mức tâm thức nơi con người bị mắc kẹt. Nó được điều chỉnh cho phù hợp với mức tâm thức này vì các thày không có mục đích ban ra một lời biểu đạt tối hậu hay bất khả sai lầm về minh triết. Các thày biết rõ điểu này không thể thực hiện được qua ngôn từ.

Mục đích của các thày là đưa ra một biểu đạt về minh triết phù hợp với con người ở một mức tâm thức với một hộp tư duy nhất định, và họ nhận được những gì họ cần để tự gia tốc ra khỏi hộp tư duy đó. Các thày không cố ban ra cho mọi người những gì sẽ đưa họ tới giai đoạn tối hậu, mà chỉ cố dẫn đắt họ vượt qua một bước. Đây chính là tinh túy của con đường khai ngộ. Ở cấp thứ tư của khóa nhập thất của thày, khai ngộ tối hậu mà con cần kinh qua là nhận ra bản chất của con đường khai ngộ.

10.7. Tinh túy của con đường khai ngộ 

Khi con ở một tầng cấp nào đó, cho dù là thứ 48 hay thứ 2 hay thứ 142, mối quan tâm của con không phải là vượt qua thử thách cuối cùng hay đạt được minh triết cuối cùng nào đó. Nhiệm vụ của con là đặt chân lên bực kế tiếp của cầu thang vòng xoáy ốc. Nhiệm vụ của con là vượt qua cuộc khai ngộ tiếp theo sau, đưa con lên mức ở ngay trên mức hiện thời của con. Để làm vậy, con cần đạt được minh triết sẽ thách đố hộp tư duy hiện thời của mình để con tự gia tốc vượt lên trên. Đây là minh triết cao nhất. Minh triết cao nhất luôn luôn là minh triết mà con có thể nắm bắt với mức tâm thức hiện tại nhưng vẫn có khả năng gia tốc con lên mức kế tiếp. Đó, con yêu dấu, chính là minh triết tối hậu, nhưng minh triết này hiển nhiên vẫn tương đối so với mức tâm thức hiện thời của con và mức tâm thức ở ngay bên trên.

Nếu con muốn, con có thể nói rằng một mức minh triết tối thượng. Đó là mức mà con có thể nhận được ở tầng tâm thức thứ 144 sẽ gia tốc con lên trạng thái thăng thiên. Đâu có ích lợi gì trao cho con minh triết đó ở tầng 55 khi con không có cách chi nắm bắt được? Con sẽ không có cách nào sử dụng được vì con không thể liên kết nó với mức tâm thức hiện hữu của con. Con cần có một dạng minh triết tương ứng với mức tâm thức hiện hữu của mình hầu con có thể liên kết nó với hoàn cảnh hiện thời, và đồng thời cũng tương ứng với mức kế tiếp hầu con có thể gia tốc tới mức đó.

10.8. Hãy từ bỏ mong muốn một giáo lý tối hậu 

Nếu con muốn vượt được khai ngộ của Tia thứ Tư tại khóa nhập thất Royal Teton, con cần từ bỏ mong muốn của tự ngã nhằm đạt được một dạng minh triết tối hậu nào đó rồi chạy quanh khoa trương minh triết vượt bực của mình cho người khác. Đó là một mong muốn hoàn toàn vô ích, một tìm kiếm hão huyền. Con có thấy chăng? Con có nắm được hay chăng? Con có đang cảm thấy sự chống đối của tự ngã, và có thể cả của các thày giả, đang gào lên để bảo con những gì thày đang dạy con nhất định phải là giáo lý giả trá, rằng con không được chấp nhận kẻo nó sẽ kéo con xuống địa ngục? Cái này nhất định phải đến từ một kẻ trong hàng ngũ tà đạo mạo danh chân sư thăng thiên.

Đây là điều mà chúng sẽ phóng vào con, và đã có nhiều đệ tử cho phép tâm ý thức của mình quay sang trạng thái sợ hãi. Họ bác bỏ chính những ý tưởng khả dĩ sẽ đưa họ lên tầng tâm thức kế tiếp. Có nhiều học trò của chân sư thăng thiên bám víu vào niềm tin rằng một lời biểu đạt nào đó, một sứ giả hay một tổ chức nào đó đã đưa ra những lời dạy tối thượng. Tất nhiên, điều này cũng phải như vậy thôi, vì các đệ từ này còn cần sống qua trải nghiệm đó thêm một thời gian nữa. Họ cần đi đến chỗ cùng cực của trải nghiệm đó trước khi họ chán ngấy và buông nó ra. Thày không chờ đợi mọi người sẽ nắm được lời dạy này của thày, và thày chỉ đưa nó ra cho những ai đã sẵn sàng, vì họ sẵn sàng vượt qua khai ngộ ở cấp thứ tư, sẵn sàng nắm bắt và chấp nhận khai ngộ đó với tâm ý thức của mình.

Thật con sẽ nhẹ nhõm làm sao khi con buông được mong muốn đi tìm giáo lý tối thượng, vì khi đó con cũng thăng vượt được lòng sợ hãi nhận phải giáo lý giả trá. Có quá nhiều đệ tử, cho dù là theo học chân sư thăng thiên hoặc một giáo lý tâm linh hay tôn giáo nào khác, sợ hãi nhận phải tư tưởng giả trá đến độ họ không dám xem đến cả những ý tưởng chính đáng. Tâm họ không mở ra. Họ khép kín đối với bất cứ gì vượt ra ngoài hệ thống tin tưởng mà họ đã nâng lên vị thế cao trội và bất khả sai lầm.

Con yêu dấu, con có thấy sự trớ trêu không? Nếu con biết đến sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên và chấp nhận là các thày có thật, con chẳng nhận ra được là các thày đã thăng thiên hay sao? Các thày hiện hữu nơi cõi thăng thiên. Làm thế nào để mà thăng thiên? Bằng cách thăng vượt mọi thứ trên địa cầu. Vậy thì nghĩa lý gì khi bảo các thày là chân sư thăng thiên mà phải tuân theo một hệ thống tin tưởng trên địa cầu? Nghĩa lý gì khi bảo các thày là chân sư thăng thiên mà phải tuân theo một hệ thống tin tưởng mà các thày đã đưa ra cho loài người trong quá khứ?

Làm sao con có thể lấy những bài giảng cũ của các thày truyền đọc qua trung gian một sứ giả chính đáng, rồi sử dụng làm vũ khí để chống lại mọi sứ giả tương lai? Con đang dùng giáo lý đó làm vũ khí chống lại chính các thày để ngăn cản các thày chạm được con với một biểu đạt cao hơn của minh triết phù hợp với thời đại hôm nay hay một mức tâm thức cao hơn. Chuyện này có nghĩa lý gì không? Nghĩa lý gì khi con quá sợ hãi những tư tưởng giả trá, sợ hãi hàng ngũ tà đạo và bọn thày giả, đến nỗi con đóng chặt tâm con không cho vị thày nào vào, thậm chí cả những vị thày chân chính là chân sư thăng thiên?

10.9. Khác biệt giữa đệ tử thật và giả 

Một lần nữa, đây là vấn đề động cơ, vấn đề gia tốc ý định của con. Đâu là ý định của con khi con thu hoạch minh triết? Có phải là để con xác nhận tự ngã và nhu cầu an toàn của tự ngã, hay là để thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con? Nếu con muốn thăng vượt mức tâm thức hiện thời, con chỉ có thể làm được bằng một cách: bắt liên lạc trực tiếp với những vị thày tâm linh vượt trên mức hiện thời của con.

Đây là một khía cạnh khác nữa của con đường khai ngộ mà con cần hiểu. Tiếc thay, có nhiều người tâm linh, và ngay cả nhiều học trò của chân sư thăng thiên, tin rằng nếu họ có thể thu hoạch một lời biểu đạt cao trội về minh triết thì công thức đó, lời nói đó, bản văn đó, lời kinh đó, sẽ tự động phóng họ lên một mức tâm thức cao hơn.

Điều này chưa từng đúng bao giờ. Đây là điều mà những kẻ mạo danh trong hàng ngũ tà đạo và những ai theo học chúng luôn tìm kiếm, bằng phép thuật, để đạt được sự điều ngự tự động, là sự điều ngự giả trá của những kẻ tìm cách chiếm đoạt thiên đàng bằng vũ lực, bởi vì họ không sẵn lòng để cho ngã tách biệt của họ chết đi, để cho những cái ngã phát xuất từ tự ngã chết đi. Họ không sẵn lòng nhìn vào cái xà nơi mắt mình, và họ tưởng họ có thể đạt được quyền năng phi thường mà không cần từ bỏ tự ngã, là những quyền năng để họ chế ngự hay khoa trương với người khác.

Đây không phải là những đệ tử chân chính, vì đệ tử chân chính sẽ muốn nâng mình lên trước tiên, nhưng cũng muốn nâng cao mọi sự sống. Đây là những đệ tử chân chính của Ki-tô, và khi con nâng cao ý định của con, con sẽ không thu hoạch minh triết để minh chứng cho nhu cầu an toàn của tự ngã. Con không thu hoạch minh triết để khoa trương với người khác. Con không thu hoạch minh triết để đạt được quyền năng phi thường sẽ khiến người khác nể phục mình hay đạt được những thứ mà con muốn trong cõi vật chất. Con đi tìm minh triết sẽ giúp con gia tốc chính mình lên mức tâm thức kế tiếp, nhưng cũng sẽ giúp con tạo cảm hứng cho người khác muốn gia tốc theo. Con cố gắng tự nâng cao và nâng cao người khác, và như vậy con cũng nâng cao mọi sự sống. Đây là động cơ đích thực để thu hoạch minh triết.

Con không tìm cách đạt được một minh triết tối thượng, tuyệt đối nào đó. Con tìm cách đạt được minh triết sẽ hữu ích cho con thăng vượt mức của con, nhưng cũng hữu ích cho người khác nhận lấy cảm hứng mà thăng vượt chính mức của họ, bất kể con gặp những ai trong khi con đầu thai trên địa cầu. Điều này có nghĩa là con không chạy quanh đem minh triết cao siêu của mình đập lên đầu mọi người rồi bắt họ phải chấp nhận.

Con nhìn mọi người một cách cởi mở và trung thực, và con xét xem họ đang ở đâu trên mặt tâm thức. Rồi con tìm cách trao cho họ một điều gì đó sẽ đưa họ lên một nấc cao hơn – không phải hai trăm nấc cùng một lúc trong một bước nhảy khổng lồ, mà chỉ một nấc cao hơn. Khi họ đã bước lên nấc đó, con có thể cho họ nhiều hơn, nhưng con không cho họ tất cả một lượt. Đó không phải là minh triết. Đó là điều mà người ta làm khi bị đui mù bởi tự ngã, khi chỉ có hai lựa chọn, hoặc là tất cả hoặc không có gì. “Hoặc bạn phải nhận lấy toàn bộ hệ thống tin tưởng cao siêu của chúng tôi, hoặc bạn sẽ bị xuống địa ngục,” như người đạo Cơ đốc đã đập lên đầu mọi người khác suốt bao nhiêu thế kỷ, đến độ ngày càng có nhiều người chán ứ, khiến họ bác bỏ toàn bộ tánh linh đứng đằng sau đạo Cơ đốc, tức là chính Giê-su.

Làm thế nào con có thể nhận được minh triết của một chân sư thăng thiên nếu con không vượt xa hơn ngôn từ và chiêm nghiệm tánh linh của chân sư – là tánh linh hằng sống, không ngừng tuôn chảy, không ngừng thăng vượt của chân sư? Làm thế nào con sẽ chứng nghiệm tánh linh hằng sống đó nếu con đòi hỏi tánh linh phải phù hợp với những cách biểu đạt cũ qua những ngôn từ nay đã đóng băng trong vật chất? Một khi lời nói được thốt ra, nó liền đóng thành băng, nhưng tánh linh thì không bao giờ đóng băng. Con muốn gì: một biểu đạt bằng ngôn từ đóng băng hay nguồn suối hằng sống của tánh linh?

10.10. Trên đường tu không có thử nghiệm nào thất bại 

Đây là sự lựa chọn của con ở cấp thứ tư. Đôi khi học viên phải mất một thời gian rất, rất dài để chọn lựa là họ có muốn tánh linh nhiều hơn mọi thứ khác hay không. Khi rốt cuộc họ chọn lựa, họ nhận ra là bằng cách gia tốc ý định của mình và sẵn lòng không ngừng gia tốc ý định của mình, họ cũng tự gia tốc khỏi các thày giả, khỏi những kẻ mạo danh trong hàng ngũ tà đạo và giáo lý giả trá.

Nếu con không ngừng nỗ lực tự gia tốc thì đâu có vấn đề gì nếu con lỡ chấp nhận một giáo lý giả trá? Vì sau đó con sẽ nhìn ra là nó giả trá, và khi con thấy là nó giả trá, con đã tự gia tốc và đạt được phân biện. Giờ đây con biết rõ cái gì không đem lại kết quả. Hẳn con đã nghe câu chuyện về Thomas Edison khi ông tìm kiếm vật liệu thích hợp cho bóng đèn điện. Ông đã khám phá ra một ngàn cách không nên sử dụng để chế tạo bóng đèn điện. Mỗi thử nghiệm đó không hề là thử nghiệm thất bại mà là thử nghiệm thành công. Nó khiến ông nhận ra: “À! Cách này không được.”

Thế nào là tiến trình thăng thiên? Đó là khi con khám phá ra một ngàn cách để không trở thành một chân sư thăng thiên. Bởi vì mỗi lần con phát hiện một cách không khiến con trở thành chân sư thăng thiên, con đã bước cao hơn một bực. Cuối cùng thì con đến mức con có thể phát hiện cách độc nhất để trở thành chân sư thăng thiên – thì lúc đó, con một chân sư thăng thiên.

Trên đường tu thăng thiên, không có chuyện thử nghiệm thất bại. Cho dù nó có đem lại kết quả hay không, con có thể học hỏi từ đó và tự gia tốc lên một mức tâm thức cao hơn. Đó chính là dấu ấn của một đệ tử chân chính, chứ không phải là con đòi hỏi sự bảo đảm là con sẽ thăng thiên nếu con đi theo giáo lý vỏ ngoài này hay đạo sư vỏ ngoài nọ. Không, con sẵn lòng thử nghiệm vì con bắt đầu nhận ra chìa khóa để thăng thiên là bắt liên lạc với tánh linh, là trở thành cánh cửa mở cho tánh linh, là trở thành một với tánh linh.

Thế nào là một chân sư thăng thiên? Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Hai, không phải vì thày đã học hỏi Tia thứ Hai và có những kiến thức từ xa về Tia thứ Hai. Thày là Thượng sư của Tia thứ Hai vì thày là một với tánh linh của Tia thứ Hai. Do đó, thày là Tia thứ Hai. Thày đã tự nâng mình lên tới mức thày không còn xem mình là một với Tia thứ Hai, vì thày là Tia thứ Hai!

Thày vị đại diện của Tia thứ Hai cho địa cầu. Không có ai khác. Không có tánh linh nào tuôn chảy qua thày. Thày chính là tánh linh đang tuôn chảy, và tánh linh của thày sẵn lòng tuôn chảy qua con nếu con chịu mở con ra cho dòng chảy sẽ giúp con thăng vượt mức hiện tại của con, cho dù mức đó là gì, bằng cách con thách đố hộp tư duy hiện thời của mình.

Nếu con sẵn lòng bị thách đố thì thày cũng sẵn lòng thách đố. Cả hai chúng ta có thể chảy lên một mức cao hơn, chúng ta có thể gia tốc lên một mức tinh khiết cao hơn, một biểu đạt minh triết luôn luôn tinh khiết hơn nữa. Thày là tánh linh của Tia thứ Hai. TA LÀ Lanto!

Minh triết và Tình thương

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 12/3/2014.

TA LÀ Lanto và thày thương yêu con. Có lý do nào khác mà thày lại ở với hành tinh địa cầu nếu thày không thương yêu con? Thày thương yêu các dòng sống khác đang hiện thân trên địa cầu. Thày thương yêu chính hành tinh nảy, và thày thương yêu viễn kiến cùng hoạch định cho hành tinh này được giữ trong tâm các chân sư thăng thiên – trong thời đại này, chân sư Saint Germain.

Thày là một sinh thể thăng thiên. Con hãy nhìn trong giây lát khoảng mênh mông của vũ trụ vật chất. Nghĩ xem có bao nhiêu tinh tú, bao nhiêu thiên hà, bao nhiêu hành tinh. Thật là vô số kể. Bây giờ con thử tưởng tượng con có một phi thuyền không gian cho phép con đi chơi tự do khắp đây đó trong vũ trụ vật chất. Liệu con sẽ ở lại với hành tinh nhỏ bé này, hay con sẽ đi khám phá những chân trời xa xôi kia? Đó, thày có thể cam đoan với con là cõi tâm linh còn rộng lớn hơn gấp bội, và có những chân trời thú vị hơn gấp bội vũ trụ vật chất để con khám phá. Khi con thăng thiên, toàn bộ khoảng bao la này của cõi tâm linh sẽ mở ra cho con. Con có thể đi gần như bất cứ nơi đâu nếu con thật chuyên cần. Vậy thì tại sao một chân sư thăng thiên lại chọn ở lại với địa cầu? Chỉ có thể có một lý do mà thôi: tình thương.

8.1. Con có thể chứng minh bất cứ quan điểm nào

Như thày có nói trong bài giảng trước về minh triết, điều các thày muốn cho học viên thấy là con có thể tranh luận chống hay thuận bất kỳ quan điểm nào. Bằng cách loại bỏ bằng chứng trái ngược, con có thể minh chứng bất kỳ điều gì mà con muốn. Con có thể chứng thực bất kỳ tin tưởng nhị nguyên nào để thỏa mãn tự ngã, thỏa mãn những ai nhìn qua phin lọc nhận thức của một vai trò nhất định. Có những người trên trái đất nghi ngờ sự hiện diện của các chân sư thăng thiên. Có những người trên trái đất nghi ngờ động cơ của các thày khi ở lại với địa cầu. Có những người bảo rằng đáng lý các thày phải đi nơi khác thay vì ở lại địa cầu.

Họ hoàn toàn chắc chắn là họ đúng, vì họ nhìn các thày qua một phin lọc nhận thức nhất định. Thậm chí có cả những học trò của chân sư thăng thiên tuy chắc chắn là các thày có thật, chắc chắn là các thày có lý do chính đáng để ở lại với địa cầu, nhưng lại cố ép các thày vào cho vừa một cái hộp tư duy nhất định. Một lần nữa, nếu con cứ chọn mãi thì con sẽ tìm ra một giáo lý nào đó của chân sư chứng thực gần như bất cứ điều gì mà con muốn tin. Liệu con có muốn tin là các chân sư giống như những phiên bản nhỏ của một thượng đế giận dữ trên trời mà cả ba tôn giáo độc thần đã đề xướng từ hàng ngàn năm nay? Nếu vậy thì con sẽ tìm ra một số lời dạy dường như xác nhận quan điểm đó, nhưng các thày là nhiều hơn hẳn quan điểm đó. Các thày nhiều hơn hẳn bất kỳ quan điểm nào. Điều các thày muốn đệ tử thấy được ở giai đoạn thứ nhì của khai ngộ tại Royal Teton là một khi con đã tạo ra một hộp tư duy đóng kín, nó sẽ lọc bỏ đi bất cứ bằng chứng trái ngược nào, và như vậy nó trở thành một hệ thống kín mít, một vòng tròn kín mít, một lời tiên đoán bắt buộc thành hiện thực.    

8.2. Thoát khỏi hộp tư duy – bằng tình thương hay bằng vũ lực

Con sẽ không có cách nào thoát khỏi hộp tư duy khi con còn nhìn cuộc sống qua phin lọc nhận thức đã tạo ra chiếc hộp ngay từ đầu. Con không thể tra vấn nhận thức từ bên trong phin lọc nhận thức. Con phải dùng khả năng của cái Ta biết khi nó tự phóng chiếu ra ngoài hộp tư duy và phin lọc hiện thời của con. Cái gì sẽ thúc đẩy cái Ta Biết làm như vậy? Trong Trường đời Cay đắng, rồi đây con sẽ đạt tới một điểm khi trường đời trở nên quá đỗi cay đắng và con bị cuộc đời đánh gục, bị tuyệt vọng đến độ con sẽ sẵn lòng nhìn ra ngoài hộp tư duy để trốn khỏi nỗi đau.

Ở khóa nhập thất tại Royal Teton, các thày không có ý định bắt con phải trải nghiệm khổ đau cho tới khi nỗi đau nhức nhối đến độ con phải quyết định tìm cách thoát thân. Các thày không ở đây để cống hiến cho con một cách thoát thân, và do đó sẽ tới một điểm ở cấp khai ngộ thứ ba khi con sẽ không thể tiến xa hơn cho tới khi con tự phát huy một động lực dựa trên tình thương. Con phải yêu thương một cái gì đó nhiều hơn là hộp tư duy của con. Con phải yêu thương một minh triết cao hơn, nhiều hơn minh triết do phin lọc nhận thức quy định.

Nếu con không có tình thương này, con sẽ không thể bước tiếp. Điều các thày muốn làm ở cấp khai ngộ thứ ba là chỉ cho đệ tử thấy là con đã có sẵn tình thương này ở đâu đó trong chính con. Khi con bước vào bên trong đủ sâu, con sẽ nhận ra dòng sống của con là sự yêu thương một cái gì vượt khỏi hộp tư duy hiện thời của mình. Tình thương này đã có mặt trước khi con tạo ra hộp tư duy khi con bước vào vai trò hiện tại của mình. Chính tình thương này đã khiến cái Ta Biết hiện thân trong vũ trụ vật chất. Con có tình thương muốn nhìn thấy sáng tạo của Thượng đế trải bày ra. Con yêu thương Hiện diện TA LÀ của con cùng các đức tính của Thượng đế mà con đã cá thể hóa (individualize). Con yêu thương việc biểu hiện các đức tính đó của Thượng đế và thấy ánh sáng đó tỏa vào bóng tối của cõi vật chất.

Đây là động lực mà các thày cố giúp con tái khám phá. Chắc chắn con đã tái khám lại phần nào động lực đó khi con đi qua các khai ngộ của Tia thứ Nhất, nhưng các thày giúp con bước vào sâu hơn và nối kết lại với tình thương đã đem con đến hành tinh này. Các thày giúp con nhìn ra làm cách nào con có thể biểu hiện tình thương với nhiều minh triết hơn, nhiều phân biện hơn. Ở mức khai ngộ của Tia thứ Ba trong khóa nhập thất này, các thày muốn giúp con nhìn ra là khi minh triết được biểu lộ qua tình thương, một cái gì thật mới sẽ đột nhiên thức dậy trong con. Con bắt đầu nhận ra là những việc làm khôn ngoan của con người trên trái đất không do tình thương thúc đẩy, hay đúng hơn, không do Tình thương Thiêng liêng thúc đẩy, mà do sự yêu mến phàm phu. Con người sử dụng trí khôn đó để phán đoán, kể cả sự phán đoán giá trị mà tự ngã, các sa nhân và thày giả đều ưa thích.

8.3. Phân biện Ki-tô và sự phán đoán phàm phu  

Minh triết bị tha hóa bởi tình thương giả trá này, là loại tình thương chiếm hữu và kiểm soát, cho nên nó không còn là Minh triết Thiêng liêng nữa. Minh triết Thiêng liêng đích thực đem lại cho con tính phân biện, nhưng phân biện này không dính dáng gì tới phán đoán phàm phu.  Đây là một điểm mà hầu hết các đệ tử chưa hề nghĩ tới bao giờ. Họ chưa bao giờ nghĩ tới là có sự khác biệt giữa phân biện Ki-tô và phán đoán khởi lên từ tâm phản-Ki-tô. Từ một quan điểm hời hợt, người ta quen thói nghĩ rằng khi mình dùng một tiêu chuẩn công phu để lượng định một tình huống hoặc một người hoặc một ý tưởng, thì mình đang thực hành phân biện. Thậm chí nhiều người còn tưởng đó là phân biện Ki-tô.

Con hãy nhìn xem, nhiều tín hữu Cơ đốc tin chắc giáo hội của mình nắm giữ cách diễn giải Kinh thánh đúng đắn duy nhất, và giáo điều cùng thế giới quan của giáo hội mình nhất định phải dựa trên cái mà họ gọi là phân biện Ki-tô – nếu họ dùng thuật ngữ này. Họ tin chắc tuyệt đối là họ đang phán xét một cách công chính vì họ đã có lời diễn giải chân chính về lời dạy của Ki-tô. Kỳ thực, cái họ có là sự diễn giải của con người phàm phu dựa trên tâm phản-Ki-tô về lời dạy của Ki-tô. Họ đã áp đặt một hình tượng giả trá lên lời dạy của Ki-tô, và họ dùng hình tượng này để phán xét mọi tôn giáo khác, mọi ý tưởng, mọi cách diễn giải khác về Kinh thánh cũng như người khác.

Họ phán xét các tôn giáo khác và những ai không có tôn giáo, nhưng họ phán xét cả những người đồng đạo Cơ đốc của họ. Trong nhiều hội thánh nhỏ như thế, đặc biệt tại Hoa Kỳ, các thành viên tin chắc mình là người đặc biệt, ngay cả so với mọi tín đồ Cơ đốc khác. Họ là người nắm giáo lý chân chính. Họ là những người chắc chắn được lên thiên đàng, hoặc chắc chắn sẽ nhận ra Giê-su khi thày trở lại trong lần tái lâm. Và khi Giê-su tái lâm, họ chắc chắn mình sẽ được chứng thực là những người duy nhất nắm giữ lời dạy chân truyền của Ki-tô. Tất nhiên đây không phải là phân biện Ki-tô.

Tiếc thay, thậm chí có cả những học trò của chân sư thăng thiên cũng tin mình có phân biện Ki-tô, dựa trên giáo lý do các chân sư thăng thiên truyền giảng. Nhưng như thày đã nói, điều mà các thày đưa ra là lời nói, mà lời nói thì tha hồ diễn giải. Họ diễn giải lời nói của các thày dựa trên phin lọc nhận thức hiện thời của họ. Chuyện hoàn toàn có thể xảy ra là họ lấy một lời dạy của chân sư để tạo dựng một cái hộp tư duy cũng hoàn toàn kín mít y như hộp tư duy của nhiều nhóm Cơ đốc cực chính thống.

Các thày đã thấy chuyện này xảy ra trong hơn thế kỷ qua khi truyền giảng một cách công khai. Các thày vẫn thấy chuyện này xảy ra ngày hôm nay khi có những nhóm tin chắc mình là những đệ tử cao cấp nhất của chân sư thăng thiên trên địa cầu, bởi vì họ đã lấy một giáo lý nhất định, biến nó thành hộp tư duy khép kín rồi sử dụng để phán xét Lời Hằng sống mà các thày vẫn liên tục truyền rải cho những ai có tâm rộng mở để làm sứ giả cho Lời Hằng sống.

Đó không phải là phân biện Ki-tô, và đó là điều con cần nhìn thấy ở cấp khai ngộ thứ ba tại nhập thất Royal Teton. Cho tới khi con chiêm nghiệm được – trong nghĩa đen – sự khác biệt trong độ rung giữa phân biện Ki-tô và sự phán đoán phàm phu, con không thể tiến bước. Con không thể vượt qua cuộc khai ngộ của cấp thứ ba, là khai ngộ của minh triết biểu hiện qua tình thương.

8.4. Tình thương Thiêng liêng không hạn chế quyền tự quyết

Tình thương không phán xét. Tình thương Thiêng liêng thì không phán xét, nhưng đúng là tình thương của con người hoàn toàn dựa trên một sự phán xét. Con chỉ việc nhìn khắp thế giới xem người ta tiếp cận đề tài hay khái niệm tình thương như thế nào. Hãy xem có bao nhiêu người, trong quan hệ cá nhân, tìm cách sở hữu hay kiểm soát người mà họ nói họ yêu. Họ có thể cho đó là vì lợi ích của người kia, nhưng làm sao là lợi ích cho được nếu họ cố cưỡng ép quyền tự quyết của người đó? Có bao giờ Thượng đế đã bổ nhiệm con làm quan tòa để xét xử người khác phải dùng quyền tự quyết của họ như thế nào hay không?

Đôi khi các thày phải cứng rắn một chút với học viên. Đôi khi các thày phải cho họ thấy là trong lúc tỉnh táo, họ đang sử dụng tình thương có điều kiện, tình thương chiếm hữu, trong quan hệ với người khác. Xong các thày cho họ thấy một mối quan hệ cụ thể và cách họ cư xử với một người nào đó, và các thày hỏi họ tại sao họ lại làm thế này hay thế kia. Họ luôn luôn nghĩ ra được một lý lẽ tại sao điều họ làm lại cần thiết cho ích lợi của người kia. Và đôi khi các thày phải chất vấn học viên: “Con có thể trưng ra cho thày xem bản hợp đồng mà con đã ký với Thượng đế giao cho con nhiệm vụ phán xét người đó? Đâu là tờ giấy chứng minh là con lãnh trách nhiệm về sự cứu rỗi của người đó?”

Có khi điều này khiến học viên ngừng lại và suy nghĩ. Tất nhiên, họ nhận ra là họ không hề có bản hợp đồng đó. Tại sao họ đã dựng lên ý tưởng là họ có trách nhiệm về sự cứu rỗi của người khác và họ phải xử sự như thể họ có quyền sở hữu gì đó trên người đó?

Nếu con muốn vượt qua khai ngộ ở cấp thứ ba, con phải ngừng tìm cách sở hữu người khác. Thày đang chực nói là con phải chuyển trọng tâm của con vào việc sở hữu chính mình, nhưng tất nhiên, nói như vậy sẽ dễ dàng bị hiểu lầm. Thật vậy, có nhiều người đã thăng vượt được mong muốn sở hữu người khác, họ vẫn tìm cách sở hữu chính mình cũng như tâm mình, nhưng họ làm vậy từ góc nhìn của tự ngã. Điều họ làm thực sự là tìm cách đặt tự ngã vào địa vị kiểm soát tâm họ, ý tưởng của họ, cảm xúc của họ, ý niệm bản sắc của họ. Thay vì con tìm cách sở hữu tâm con, thà là con buông bỏ mọi nhu cầu sở hữu bất cứ gì trên địa cầu.

8.5. Con không thể giam hãm Phật tánh trong hộp tư duy

Thế nào là minh triết đích thực? Thày đã nói rằng minh triết cao nhất là biết mọi sự sống là một, bởi vì mọi thứ đều là Phật tánh. Đây là điều mà đức Phật đã giảng dạy bao nhiêu năm về trước – 25 thế kỷ, quả là rất lâu trước đây. Con nhìn xem người ta đã làm gì với lời dạy của Phật. Họ đã biến nó thành một đồ vật. Con có thể tìm thấy nhiều môn phái tin rằng họ sở hữu lời dạy của Phật.

Con yêu dấu, lời dạy của Phật là gì? Đó phải chăng là một học thuyết vỏ ngoài nào đó được diễn tả bằng lời? Nếu sự chứng ngộ nằm ở trung tâm đạo Phật rằng tất cả đều là Phật tánh, thì hệ quả chẳng phải là lời dạy của Phật cũng là Phật tánh hay sao? Những lời dạy đó cũng mang Phật tánh ở bên trong.

Vậy thì Phật tánh là gì? Người ta nghĩ Phật tánh là một trạng thái toàn hảo nào đó, và họ nghĩ nếu cái gì toàn hảo thì nó không thể thay đổi. À, đây là vấn đề trung tâm của hiện hữu con người. Vấn đề trung tâm là như sau: Con đang nỗ lực đạt được một trạng thái toàn hảo mà con cho là không thay đổi, hay là con nỗ lực đạt đến sự hợp nhất với Phật tánh?

Con thấy đó, Phật tánh là thay đổi không ngừng. Phật tánh là tự thăng vượt không ngừng. Phật tánh không bao giờ đứng yên một chỗ. Nó luôn luôn thăng vượt chính nó. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con không thể sở hữu Phật tánh. Con không thể kiểm soát Phật tánh. Con không thể tạo ra một cái hộp tư duy và bảo là Phật tánh được chứa trong hộp. Trước cả khi con có thể tạo ra hộp tư duy, Phật tánh đã tự thăng vượt một tỷ lần rồi.

8.6. Mắt Thượng đế chỉ có thể thấy sự duy nhất

Chỉ có tự ngã con người mới muốn tạo ra một trạng thái toàn hảo không thay đổi, vì nó tin rằng khi nó có thể tạo ra trạng thái toàn hảo đó thì nó sẽ được chấp nhận trong mắt Thượng đế. Như các thày đã giảng dạy nhiều lần, kể cả trong những quyển sách nền tảng của Giê-su về tự ngã, tự ngã sẽ không bao giờ được chấp nhận trong mắt Thượng đế, bởi vì mắt Thượng đế chỉ nhìn thấy duy nhất, trong khi mắt của tự ngã thì chỉ thấy tách biệt.

Mắt Thượng đế thấy thực tại rằng mọi sự sống đều là Dòng sông của Sự Sống không ngừng chảy. Mắt của duy nhất sẽ không bao giờ thấy được tự ngã, vì tự ngã đứng riêng ra khỏi duy nhất và do đó nó không có thật. Mắt của duy nhất chỉ thấy được cái có thật. Con mắt của tách biệt chỉ thấy được cái không thật, và hai cái này thì không bao giờ gặp nhau. Chỉ có sự gặp nhau khi cái Ta Biết bước ra khỏi phin lọc nhận thức của tự ngã và chiêm nghiệm sự duy nhất, chiêm nghiệm chính nó là Phật tánh, là một với Dòng sông sự Sống không ngừng tự thăng vượt. Đây là minh triết. Minh triết được biểu đạt qua tình thương khi con nhận ra rằng con muốn cái gì nhiều hơn là những ảo tưởng của hộp tư duy và phin lọc nhận thức của con. Con muốn chính nguồn suối hằng sống, chứ không muốn một sự diễn đạt nào đó của minh triết, cho dù cao siêu nhưng cố định.

Trên thế giới có những người đã tìm ra một lời dạy tâm linh cụ thể nào đó. Họ đã nâng lời dạy đó lên địa vị cao siêu với thẩm quyền hơn trội. Họ tin chắc là nếu họ cứ đi theo lời dạy đó, thực hành mọi điều được quy định trong đó, hay được quy định bởi tổ chức vỏ ngoài tuyên bố sở hữu lời dạy, thì họ sẽ được bảo đảm cứu rỗi, sẽ bước vào thiên đàng, trở thành giác ngộ, nhập niết bàn, hoặc bất kỳ mục tiêu nào đặt ra.

Thậm chí có cả những học trò của chân sư thăng thiên cũng nắm lấy giáo lý của chân sư rồi đưa lên địa vị ưu việt và bất khả sai phạm, và như vậy họ cũng đã nhét lời dạy vào một hộp tư duy đóng kín. Họ không còn tai để mà nghe thấy và mắt để mà nhìn thấy lời dạy hằng sống là chính các thày. Các thày là một với Phật tánh, và các thày không ngừng thăng vượt chính mình, có nghĩa là giáo lý của các thày cũng không ngừng tự thăng vượt.

8.7. Hộp tư duy là tình thương bị tha hóa

Chỉ có tình thương mới giúp con giữ liên lạc với các thày khi các thày cứ tiếp tục tự thăng vượt và cũng thăng vượt những giáo lý đã ban ra trong quá khứ, kể cả quá khứ gần đây. Con hãy để ý sự khác biệt vi tế. Một giáo lý do chân sư thăng thiên truyền qua một sứ giả được bảo trợ là một giáo lý chính đáng. Nhưng ngay lúc giáo lý này được trao ra và biểu đạt trong cõi vật chất, các chân sư thăng thiên đã tự thăng vượt rồi và đồng thời cũng thăng vượt giáo lý đó. Điều này không có nghĩa là nó không có giá trị, mà có nghĩa là nếu con muốn giữ liên lạc với các thày, con không thể biến giáo lý thành một hộp đóng kín. Con dùng nó làm nền tảng để thăng vượt ý niệm cái ta của con cũng như bất kỳ cách diễn giải nào về giáo lý.

Thế nhưng điều con chứng kiến trong các tổ chức của chân sư thăng thiên cũng như mọi tổ chức tâm linh và tôn giáo khác, là một tiến trình lọc lựa. Thường khi, sẽ có đa số đệ tử muốn lấy giáo lý và biến nó thành hộp tư duy đóng kín. Khi làm vậy thì họ cũng tạo ra một văn hóa tổ chức là một hộp đóng kín. Thậm chí họ còn có thể đẩy ra rìa những ai không chấp nhận văn hóa đó cùng thế giới quan đó. Và thiểu số còn lại là những đệ tử cởi mở không chấp nhận hiện trạng này sẽ bỏ đi, để tìm một sứ giả khác hay một tổ chức khác, hoặc họ sẽ thiết lập sự tiếp xúc nội tâm của riêng mình với các thày để nhận được xung lực và lời dạy trực tiếp từ các thày. Đây là Dòng sông sự Sống. Đối với những đệ tử muốn ở lại trong hộp, họ có tình thương dưới dạng tha hóa. Suốt ngày họ sẽ quả quyết là họ yêu các chân sư và họ cũng yêu giáo lý của chân sư. Đúng là họ yêu các thày, nhưng một cách chiếm hữu. Họ quyết định là họ đã đạt đến một điểm ổn định trên đường tu nơi họ cảm thấy vô cùng thoải mái, và họ muốn các thày phê chuẩn điểm ổn định đó và sự kiện họ ngồi lại. Họ muốn các thày phải chui vào hộp tư duy của họ. Đây có lẽ là tình thương, nhưng chắc chắn chỉ là tình thương phàm phu chiếm hữu đã gây ra không biết bao nhiêu vấn đề trên hành tinh này khi người ta cố cưỡng ép người khác mà lại tưởng mình đang làm vậy với ý định tốt đẹp nhất, thậm chí với cả thẩm quyền cao nhất.

8.8. Con muốn đứng lại hay con muốn thăng vượt?

Giê-su nói: “Nếu con yêu ta, hãy thi hành các điều răn của ta.” Điều răn quan trọng nhất của Giê-su là gì? “Ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất, còn ai vì ta mà sẵn sàng mất sự sống của mình thì sẽ tìm thấy”, tức là tìm thấy sự sống vĩnh hằng trong sự tự thăng vượt liên tục. Sự sống mà Giê-su nói đến là tự thăng vượt liên tục. Đây là sự sống mà Ki-tô hằng sống cống hiến cho loài người đang đầu thai. Nếu con không dự phần vào thân và huyết của Ki-tô, con không thể có sự sống trong con, bởi vì con cố giam hãm tánh linh của mình trong một cái hộp tư duy được quy định trên địa cầu.

Tánh linh của con không thể nhét vừa trong hộp, cho nên nó phải rút lui, nó phải giữ lại ánh sáng và sự sống của nó khỏi phàm ngã của con. Nếu tánh linh không làm vậy thì con sẽ tạo ra rất nhiều nghiệp quả khi con biểu hiện ánh sáng đó qua phin lọc nhận thức và hộp tư duy của con, khi con dùng ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ để cưỡng ép người khác, và như vậy con ngày càng tạo thêm nghiệp cho mình. Thật là một ân huệ khi Hiện diện TA LÀ giữ lại ánh sáng hầu hạn chế khối nghiệp quả mà con gây ra khi con cố ép buộc người khác, ép buộc các chân sư thăng thiên, ép buộc toàn bộ vũ trụ hay thậm chí cả Thượng đế vào hộp tư duy của con – như các sa nhân đã cố làm từ rất lâu nay. Sẽ tới một điểm trong khai ngộ tại khóa nhập thất Royal Teton khi con phải đối mặt với sự cần thiết tuyệt đối là xét xem con thương yêu những gì. Có gì con yêu hơn hộp tư duy hiện tại của con? Nếu thế, con phải hòa điệu với cái đó và tự hỏi một câu vô cùng nghiêm túc: “Tôi có muốn kết hợp nhiều hơn với cái mình yêu thương, hay tôi muốn dùng những lý lẽ toàn hảo dựa trên hộp tư duy hiện thời của mình để lập luận chống lại sự hợp nhất đó?” Con phải đạt đến điểm khi con thấy được sự chọn lựa mà con đối mặt giống như phải chọn giữa sống và chết. Liệu con có muốn tiếp tục chứng thực hộp tư duy của mình, hay là con muốn sự kết hợp lớn hơn với những gì con yêu thương hơn cái hộp? Con không thể có cả hai.

8.9. Con không thể ăn hết cái bánh mà lại còn bánh

Đây là khai ngộ mà con đối diện ở cấp ba: Con không thể ăn hết cái bánh mà lại còn bánh. Con hãy suy ngẫm minh triết ẩn giấu trong câu nói dân gian đó, nghe tưởng quá đơn giản. Con có một miếng bánh. Con có thể hoặc ngồi đó, nhìn bánh và hưởng thụ cảm giác mình sở hữu một miếng bánh, hoặc con có thể  ăn bánh và mất đi cảm giác sở hữu miếng bánh. Đâu là công dụng của bánh? Phải chăng là để con trưng bày nó trong tủ kính rồi đi vòng vòng khoe với tất cả bạn bè cùng thân nhân: “Hãy nhìn miếng bánh tuyệt vời này mà tôi sở hữu”. Hay là công dụng của bánh là để con mời bạn bè cùng thân nhân đến, song giống như Giê-su bẻ thân mình cho môn đồ, con cũng bẻ bánh ra cho mọi người? Con chia cho mỗi người một miếng bánh. Con để họ ăn bánh, và đúng vậy, con đã mất chiếc bánh. Con mất đi cảm giác sở hữu chiếc bánh, nhưng thay vào đó con được gì? Con được sự hợp nhất với dòng chảy của Dòng sông sự Sống. Con được sự hợp nhất bởi vì cái mà con đã tự do nhận được thì con cũng tự do cho ra, và như vậy con có tự do nhận được nhiều hơn.

Sự chọn lựa là như sau: Con có thể lấy giáo lý tâm linh hiện thời của con, đặt nó vào tủ kính và đi vòng vòng với niềm hãnh diện về giáo lý tuyệt vời con đang trưng bày trong tủ. Hay con có thể bẻ giáo lý ra và ăn vào, và do đó con sẽ mất đi ý niệm vật sở hữu. Nhưng con nhập vào dòng chảy liên tục của dòng sông giáo huấn luôn luôn tự thăng vượt đang xối xuống từ các chân sư thăng thiên.

Con có thể đứng lại tại chỗ bên ngoài dòng chảy, hay con có thể nhập một với dòng chảy. Con không thể làm cả hai. Con không thể làm cả hai, con yêu dấu. Tất nhiên, tự ngã và các thày giả rất thèm muốn con tin là con có thể ăn bánh mà vẫn sở hữu miếng bánh. Họ muốn con tin rằng con vẫn vững chân tiến bước về ngày thăng thiên của con miễn là con tiếp tục học giáo lý của chân sư thăng thiên. Nếu con đã tìm thấy một vị sứ giả chân chính vẫn tiếp tục đưa ra giáo lý thì làm sao con lại đứng tại chỗ được? Nhưng con vẫn có thể đứng lại tại chỗ nếu con không thực sự thể nhập giáo lý và cho phép nó dẫn con vượt khỏi hộp tư duy của con.

Ngay cả một lời dạy hằng sống đang tuôn chảy cũng có thể bị sử dụng để xác nhận hộp tư duy của mình, vì hộp tư duy sẽ lọc bỏ đi những khía cạnh của lời dạy có thể thách đố nó. Nếu con không dùng lời dạy để giúp cái Ta Biết bước ra ngoài hộp tư duy, thì thật sự con sẽ dùng lời dạy để khiến cho hộp tư duy đông đặc lại cùng với niềm tin là chiếc hộp sẽ đưa con lên thiên đàng.

Bao nhiêu lần các thày sẽ phải nhắc lại rằng thăng thiên không phải là tiến trình xây đắp một cái hộp tư duy cho nó trở thành hoàn hảo đến độ Thượng đế sẽ phải chấp nhận nó vào cõi thăng thiên? Thăng thiên là một tiến trình mà qua đó con lột bỏ mọi khía cạnh của các hộp tư duy xuất phát từ tách biệt, cho đến khi con trở về với trạng thái ngây thơ nguyên thủy của con, nghĩa là vô tướng. Khi con thăng vượt mọi hình tướng bảo con là cái này hay cái nọ, thì con sẽ là cái mà con luôn luôn là, tức là sinh thể vô tướng đã từng giáng thế. Như Giê-su đã nói: “Chưa hề có ai trở lên trời, trừ ra đấng từ trời xuống.” Chỉ có cái Ta Biết trinh nguyên, vô tướng, đã đi xuống từ cõi tâm linh mới có thể thăng lên trở lại. Đây là một bí ẩn đáng để suy ngẫm, mặc dù nó hơi vượt quá cấp ba tại khoá nhập thất Royal Teton này nhưng vẫn là một ý tưởng con nên giữ trong tâm.

8.10. Thăng vượt mọi sở hữu nếu con muốn thăng thiên

Cái Ta Biết mở rộng nhận biết của nó bằng cách hiện thân, nhưng nó không làm vậy bằng cách xây dựng một ý niệm bản ngã tách biệt. Con không ở đây để xây dựng một cái ngã tách biệt tinh xảo đến mức nó thoả mãn một chuẩn mực tối hậu nào đó và được phép lên thiên đàng. Con ở đây là để xây dựng một ngã tách biệt hầu con trải nghiệm cuộc sống xuyên qua nó trong một thời gian, rồi con thăng vượt ngã này, và con cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con thăng vượt mọi loại ngã mà con có thể nghĩ ra và xây dựng trong thế gian này. Con nhận ra là con đã xong xuôi chuyện trải nghiệm thế gian này. Con đã thăng vượt tất cả mọi ngã mà con có thể nghĩ ra như là những cách hữu ích để trải nghiệm thế giới hình tướng này. Giờ đây con đã sẵn sàng trở về với vô tướng, và chính trong trạng thái vô tướng này mà con thăng thiên.

Cũng tựa như người ta nói về thân thể vật lý, con đã bước vào thế gian này trần trụi thì con ra đi cũng y như vậy. Con không thể đem theo sở hữu với con, nhưng con có thể đem theo một thứ. Cái mà con đem theo với con không phải là cái ngã tách biệt con đã tạo dựng, mà là sự chứng đạt được lưu trữ trong căn thể của con (causal body). Căn thể này, con sẽ đem theo với con, và nó sẽ giúp con trên cuộc hành trình nối tiếp như một chân sư thăng thiên.

Con sẽ không trở thành một chân sư thăng thiên cho đến khi con thăng vượt mọi khía cạnh của ngã tách biệt. Bất cứ gì con nghĩ là mình sở hữu phải được thăng vượt. Con phải từ bỏ cuộc sống này để đi theo Ki-tô, và để làm vậy, con phải yêu Ki-tô nhiều hơn bất cứ gì khác trong thế gian. Như Giê-su đã nói: “Ai yêu cha mẹ hay anh chị em hơn ta thì không đáng cho ta.” Thật đúng là như thế. Nếu con yêu bất cứ khía cạnh nào của ngã tách biệt nhiều hơn Ki-tô – Ki-tô nghĩa là sự tự thăng vượt liên tục – thì con không xứng đáng làm đệ tử của Ki-tô, vì con không sẵn sàng từ bò tất cả để theo chân Ki-tô trong sự tự thăng vượt liên tục của Dòng sông sự Sống.

8.11. Yêu sự biểu hiện cá thể Thiêng liêng của con

Tình thương là động lực mạnh mẽ nhất, vì tình thương chính là sự tự thăng vượt. Con hiện hữu vì Đấng Sáng tạo của con muốn là nhiều hơn. Con hiện hữu trong một thế giới có hình tướng vì Đấng Sáng tạo của con muốn là nhiều hơn. Chính con cũng trở thành nhiều hơn bằng cách đồng hóa trước hết với một hình tướng, rồi sau đó thăng vượt hình tướng đó. Không phải hành động đồng hóa khiến con trở thành nhiều hơn, mà là hành động buông bỏ sự đồng hóa. Buông bỏ là yêu thương đích thực, trong khi tìm cách sở hữu là tình thương giả trá.

Các thày cố chỉ ra cho đệ tử là họ cần từ bỏ mong muốn sở hữu thế giới quan, minh triết, cái hộp tư duy mà họ đang có ở mức hiện thời. Các thày cố đưa họ chạm được cái mà họ yêu nhiều hơn sự an toàn của hộp tư duy. Thày đã có nói đến sự yêu thương Ki-tô, vì ở mức cá nhân, Ki-tô thật sự là sự biểu hiện của cá thể Thiêng liêng của con.

Thày đã có nói đến các hình dạng kỷ hà lý tưởng. Thật vậy, Hiện diện TA LÀ của con là gì? Đó là một hình kỷ hà lý tưởng, một hình kỷ hà phức tạp tinh vi, và khi con bắt đầu nhìn hé thoàng một khía cạnh nhỏ của hình dạng đó, con sẽ cảm thấy tình thương muốn biểu lộ hình dạng đó trong thế gian. Con sẽ thấy việc này không thể làm được qua phin lọc nhận thức và hộp tư duy hiện thời của con. Con có chọn lựa giữa việc biểu đạt cá thể trong Hiện diện TA LÀ, hay bám chặt vào hộp tư duy của mình.

Khi đệ tử đến điểm thấy được điều đó, và họ thấy hộp tư duy đang hạn chế họ như thế nào, thì con sẽ thấy luân xa tim của họ sáng rỡ lên với cường độ của ngọn lửa màu hồng ngọc, là ngọn lửa cho họ quyết tâm muốn thiêu sạch – trong nghĩa đen – một khía cạnh nhất định của hộp tư duy bằng một tia laser, hầu biểu đạt cá thể thiêng liêng của mình nhiều hơn. Đây là lúc họ cảm thấy tình yêu thiêng liêng xối chảy qua mình. Khi mục đích hàng đầu của con là biểu hiện cá thể thiêng liêng được cất giữ trong Hiện diện TA LÀ của mình, thì con đâu còn nhu cầu nào nữa để kiểm soát người khác? Đâu còn nhu cầu phải tự kiểm soát và thích nghi với một chuẩn mực vỏ ngoải nào đó trên trái đất?

Con không cần gì từ người khác để thể hiện cá thể Thiêng liêng của con. Con không cần gì từ trái đất để thể hiện cá thể Thiêng liêng của con. Con không cần đến điều kiện nào trong thế giới vật chất để thể hiện cá thể Thiêng liêng của con. Con sẽ không bao giờ thể hiện được cá thể Thiêng liêng của mình trừ khi con đạt đến điểm là con sẽ cứ làm bất kể mọi điều kiện ngoại cảnh.

Quá nhiều đệ tử đến với các thày với thái độ là khi điều kiện ngoại cảnh thuận lợi thì họ mới thể hiện được tâm Ki-tô của mình. Đâu là bài học của sự hiện thân của Giê-su? Hãy nhìn vào cuộc đời của thày! Dựa trên cái nhìn vẻ vang mà đạo Cơ đốc đã dựng lên, con có thể nghĩ Giê-su đã có những điều kiện lý tưởng. Nhưng con hãy nhìn vào đời của thày! Đâu là ý nghĩa câu chuyện thày sinh ra nơi máng cỏ khi nhà trọ không còn chỗ? Đâu là ý nghĩa câu chuyện thày sinh ra ngoài hôn nhân vì cha mẹ thày phải chạy trốn khỏi Ai cập, rồi thày lớn lên trong hoàn cảnh khiêm tốn? Toàn bộ đời thày là để cho thấy rằng ngay cả trong những hoàn cảnh hèn mọn và dường như bất lợi nhất, con người vẫn có khả năng thể hiện Ki-tô, thể hiện Phật tánh và cá thể thiêng liêng.

Để thể hiện cá thể thiêng liêng của mình, con cần gì? Con không cần phải cố tạo ra trước tiên những điều kiện lý tưởng trong đời mình, mà con cần sẵn lòng biểu hiện cá thể thiêng liêng đó cho dù các điều kiện vỏ ngoài mà con phải đương đầu có là gì. Đây là tình thương. Khi con nhìn vào các điều kiện trên địa cầu mà không nhìn xuyên qua phán đoán của ngoại tâm và tự ngã, con không đánh giá các điều kiện đó là kém lý tưởng và nói: “Tôi không thể biểu hiện bất cứ điều gì thiêng liêng được trong hoàn cảnh này. Hoàn cảnh này không xứng đáng để biểu hiện thiêng liêng.”

8.12. Vượt qua khai ngộ nhờ tình thương vô điều kiện

Tình thương là khi con nhận bất kỳ điều kiện nào mà con đối mặt, rồi tìm ra cách biểu hiện cái gì nhiều hơn, cái gì thiêng liêng trong hoàn cảnh đó. Đó là khi con nhân ta-lăng lên cho sinh sôi nhiều hơn, và đó cũng là khi con sẽ được trao cho nhiều hơn để mà biểu hiện. Có những người cứ ngồi đó với một giáo lý tâm linh, họ hiểu phần nào đường tu tâm linh là gì, nhưng họ cứ ngồi chờ cho một số điều kiện lý tưởng hiện ra, và khi đó họ sẽ, tự dưng và tự động, biểu hiện được Ki-tô hay điều gì đó tâm linh. Nhưng có những người bước vào bất kỷ hoàn cảnh nào mình gặp mà vẫn tìm ra cách biểu hiện một thực tại cao hơn trong tình huống đó.

Đấy chính là những người đã nhân ta-lăng lên gấp bội thay vì chôn kỹ dưới lòng đất. Đó là những người sẽ vượt qua khai ngộ ở cấp thứ ba tại khóa nhập thất Royal Teton, là sự sẵn sàng biểu hiện tình thương trong bất cứ điều kiện nào, ngay cả khi nó có vẻ không xứng đáng với tình thương, ngay cả khi có vẻ tình thương không thể biểu lộ được trong hoàn cảnh đó. Con biểu lộ tình thương ngay cả với những người dường như không xứng đáng được thương yêu, dường như không muốn được thương yêu, dường như không sẵn sàng nhận thương yêu.  Con biểu lộ tình thương ngay cả khi người ta miệt thị con, hay miệt thị tình thương của con, ngay cả khi họ chà đạp nó dưới chân và chế nhạo nó một cách thấp hèn nhất. Con vẫn biểu hiện những gì đến với con từ bên trong. Con đang là mặt trời, là cánh cửa mở cho mặt trời của Hiện diện TA LÀ của con chiếu rọi xuyên qua thế giới vật chất. Đó chính là vai trò của con. Đó là lý do tại sao con ở đây.

Khi tình yêu của con lớn đủ để con có thể biểu hiện Thiêng liêng cho dù người ta có làm gì với nó, thì con đã phát huy được động lực dựa trên tình thương. Con đã vượt qua khai ngộ của cấp ba và con có thể bước sang cấp bốn. Khi đó, con đã phát huy được tính không phán xét, cho phép con gia tốc các động lực của mình lên một mức thuần khiết cao hơn, là nơi con có ý định trong sạch.

Tất nhiên đây sẽ là chủ đề của bài giảng tới của thày. Ngay bây giờ, thày sẽ để yên cho con suy ngẫm câu hỏi này: “Liệu con muốn bánh, hay con muốn ăn bánh và nhập vào Dòng sông sự Sống?” TA LÀ Lanto!

Minh triết và Giác ngộ

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 11/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto, và thày đến trao cho con chìa khóa để hiểu các khai ngộ ở cấp thứ nhì sau khi con bắt đầu tiến trình khai ngộ trong khóa nhập thất Tia sáng thứ Hai. Cấp đầu là khi con sử dụng minh triết qua Tia thứ Nhất của uy lực, và theo lẽ tự nhiên, cấp thứ nhì là sử dụng minh triết qua Tia thứ Hai của minh triết. Vậy thì đây là một liều minh triết nhân đôi. Khai ngộ con đi qua ở cấp này là con cần học thêm về minh triết có thể được sử dụng và lạm dụng như thế nào.

6.1. Minh triết không phải là một cuộc tranh tài 

Thày có nói với con là các thày sắp xếp các học viên vào nhiều nhóm, xong để yên cho họ dùng minh triết để khống chế lẫn nhau cho tới khi chán chê. Ở cấp kế tiếp này, các thày lại xếp mọi người vào từng nhóm, nhưng bây giờ thày đưa ra một vấn đề cụ thể, rồi để họ nghĩ ra những luận cứ ủng hộ hay chống đối vấn đề. Một lần nữa, thật là đáng kinh ngạc khi thấy nhiều học viên háo hức muốn chứng tỏ là mình khôn ngoan, biện luận giỏi giang đến chừng nào. Trên địa cầu, con đã bị lập trình đến độ con tưởng rằng cuộc sống là một cuộc tranh đua. Nếu con khai ngộ trong Tia thứ Hai của minh triết thì nhất định phải có một cuộc tranh đua để xem ai là người minh triết nhất, ai là người có lý lẽ hay nhất, thuyết phục nhất. Thế nhưng tại khóa nhập thất Royal Teton, mục đích của các thày khác hẳn. Các thày không tìm cách dạy đệ tử đưa ra lập luận hay ho nhất địa cầu, mà tìm cách giúp họ thăng vượt chính cái trạng thái tâm thức tin rằng có một lập luận tối hậu.

Con thử nghĩ xem con đã bị lập trình như thế nào bởi các cơ chế của thế gian này, đặc biệt là các cơ quan tôn giáo và giáo dục. Con đã bị lập trình để suy nghĩ rằng phải có một minh triết tối hậu ở đâu đó, một tiêu chuẩn tối hậu qua đó tất cả mọi thứ đều được đo lường. Bất cứ gì không phù hợp với minh triết tối hậu đó phải sai lầm và cần bị phán xét.

Bất cứ ai đồng ý với minh triết sai lầm đó cũng phải bị phán xét y như vậy, thể theo bất kỳ hệ thống tin tưởng nào mà họ đã chọn và chấp nhận. Chẳng hạn, nếu con là một tín hữu đạo Cơ đốc, con sẽ bảo những ai không đồng ý với phiên bản minh triết của con chắc chắn phải là phản Ki-tô. Họ chắc chắn thuộc về ác quỷ, xứng đáng bị đày xuống địa ngục. Thượng đế muốn họ xuống địa ngục. Ít ra Thượng đế muốn họ cút khỏi địa cầu, và rất có thể ngài sẽ cần con giúp một tay để tiêu trừ họ biến khỏi mặt đất.

Đã bao nhiêu lần con thấy khuôn nếp này tái diễn trong lịch sử? Có bao nhiêu nơi trên thế giới ngày nay con thấy người ta tin là mình có một dạng minh triết cao trội hơn, và nó cho phép mình, bắt buộc mình, phải giết hại đồng loại? Có bao nhiêu nơi tại phương Tây, tuy con không thấy nhiều người sẵn lòng giết hại nhau, nhưng con vẫn thấy những kẻ trong giới học thuật sẵn sàng tranh luận và tranh luận và tranh luận, cốt là để hủy hoại về mặt tâm lý những ai không chịu chấp nhận hiểu biết của mình là hơn trội?

6.2. Khai ngộ thứ nhì trên Tia thứ Hai 

Điều xảy ra với các nhóm tại khóa nhập thất Royal Teton là các thày để yên cho mọi người tranh cãi cho tới khi họ ngán ngẩm, chán ngấy chuyện cãi nhau. Các thày quan sát từng nhóm. Các thày thấy rõ khi có những cá nhân ngày càng giữ im lặng nhiều hơn. Thay vì năng nổ bày tỏ minh triết của mình, giờ đây họ im lặng. Họ ngồi đó, họ lắng nghe, họ quan sát. Các thày thấy được tâm họ đang bắt đầu mở ra. Họ bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà dường như ai nấy không thể nào giải quyết một cuộc thảo luận hay tranh cãi. Làm thế nào mà mặc dù lời biện luận được xây dựng hay ho biết mấy, luôn luôn có cách dựng lên một lời phản biện đối chọi lại? Làm thế nào người ta có thể bám giữ lý lẽ của mình mà không sao nhìn được bất cứ gì khác? Hay có chăng một điều gì vượt khỏi những lý lẽ đó mà người ta cần nhìn thấy?

Và đúng vậy, con yêu dấu, đây là lúc các đệ tử khởi sự mở tâm ra với bước khai ngộ kế tiếp. Ở điểm này, các thày đưa một số học viên ra ngoài. Các thày vẫn để yên cho những ai muốn tiếp tục cứ việc tranh luận mãi trong nhóm, và bây giờ lại có thêm người mới nhập vào, những dòng sống vừa mới đến nhập cuộc tranh luận, và chuyện này cứ tiếp diễn cho đến khi chính họ cũng chán ngấy. Đối với những đệ tử đã bắt đầu mở tâm ra, các thày dẫn họ vào một lớp học đặc biệt có một màn hình lớn để các thày chiếu lên cho họ thấy những gì xảy ra ở tầm mức năng lượng. Các thày có thể cho họ thấy rõ những gì thực sự xảy ra trong năng trường của họ khi họ hăng say tranh luận. Các thày có khả năng minh họa để họ nhìn thấy tận mắt cách ánh sáng tuôn chảy như thế nào từ Hiện diện TA LÀ của họ vào bốn thể phàm. Xong các thày cũng cho thấy các thày có thể phóng ra một xung lực minh triết đặc thù từ cõi thăng thiên vào tâm của một đệ tử nhất định. Qua họa đồ và hình ảnh, các thày cho thấy hình dạng của xung lực, cũng như sự cấu tạo của xung lực gồm những thành phần ví như các dạng kỷ hà lý tưởng mà nhà hiền triết Plato đã có giảng dạy.

Đây là những hình kỷ hà cơ bản, không đến nỗi đơn giản như hình tam giác, hình vuông hay hình tròn, mà phức tạp hơn. Khi con ngắm chúng với thị giác, con có thể thấy được vẻ đẹp, sự hài hòa, sự cân bằng, và con thấy chúng có khả năng tương tác với bất kỳ hình kỷ hà nào khác ở tầm mức thuần khiết mà không phá hủy, không triệt tiêu, và cũng không tạo ra mô hình giao thoa tiêu cực nào. Các thày giờ đây có thể chỉ rõ bằng họa đồ chuyện gì xảy ra khi xung lực minh triết cấu tạo bằng hình kỷ hà thuần khiết đó đi xuống thể bản sắc của một đệ tử. Các thày minh họa chính xác chuyện gì xảy ra khi hình thuần khiết của minh triết bắt đầu tương tác với hình kỷ hà trong thể bản sắc của đệ tử. Tất nhiên, những hình đạng này được định đoạt bởi mức tâm thức của đệ tử. Và vì mức tâm thức này không được cao lắm do tính chất đệ tử được khai ngộ, cho nên hiển nhiên sẽ có một hiện tượng giao thoa được thiết lập giữa các hình kỷ hà trong bản sắc thể của đệ tử với các hình dạng trong xung lực thuần khiết của minh triết.

Điều này có nghĩa là ngay từ trong thể bản sắc, xung lực minh triết nguyên thủy đã bị phần nào chặn nghẽn, phần nào bóp méo. So với thuần khiết ban đầu, con sẽ khó lòng nhận ra được cái đi xuống trí thể của đệ tử. Các thày cho thấy cái đi ra từ bản sắc thể xuống trí thể và bắt đầu tương tác với hình kỷ hà được lưu trữ nơi đây. Một lần nữa, sự tắc nghẽn, giao thoa, bóp méo lại xảy ra. Rồi các thày cho thấy cái đi ra từ trí thể xuống cảm thể, và cũng vậy, xung lực lại bị pha loãng, biến đổi thêm. Khi cuối cùng xung lực đi vào tâm ý thức của con thì nó đã bị mất chất đến độ gần như không còn dính dáng gì đến xung lực thuần khiết ban đầu nữa.

Khi các học viên lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt điều đó, họ luôn luôn bị sốc. Họ bị sốc là mình không có khả năng vận chuyển một xung lực minh triết thuần khiết qua bốn thể phàm của mình để ít ra tâm ý thức còn bắt được một vài đặc tính của xung lực nguyên thủy. Mục đích của các thày không phải là để gây sốc cho con. Chấn động của con chỉ đơn giản là thực tế không thể trốn chạy rằng tâm con đã bóp méo đến chừng nào những gì được gửi xuống từ Hiện diện TA LÀ và cõi thăng thiên. Ở mức này của đường tu, sự biến dạng thật to lớn, cho nên cú sốc của con cũng to lớn như thế.

Tất nhiên, các thày sẽ giúp đệ tử đương đầu với cảm giác kinh ngạc này, vì các thày muốn nói rõ là điều đó hoàn toàn tự nhiên, và họ không có gì thua kém phần còn lại của nhân loại. Thật ra thì họ vượt trội hơn, vì tâm họ đã mở rộng hơn đa số mọi người trên trái đất. Tâm họ mở rộng hơn để hộp tư duy của họ có thể được thách thức và khuếch trương.

6.3. Vai trò của con làm biến dạng minh triết như thế nào

Mục đích thực sự của bài thực tập nói trên là để con thấy trên địa cầu không có minh triết nào là cao siêu hơn. Đầu tiên, các thày chỉ cho con thấy trong thể bản sắc là con đã khoác lấy một ý niệm bản sắc nào đó. Các thày đã từng nói đến tiến trình đầu thai và so sánh nó với tiến trình bước vào một nhà hát, mặc lên một bộ trang phục cùng với trang điểm để đóng một vai nhất định trong một vở kịch. Đây là điều xảy ra ở mức bản sắc. Đôi khi trong quá khứ, và thường thì trong quá khứ rất xa xôi, con đã nhìn vào các điều kiện đương thời của địa cầu, và mặc dù các điều kiện này thật bất toàn, con cũng đã quyết định khoác lấy một vai trò nhất định, một ý niệm bản sắc nhất định. Vai trò mà con đảm nhận khá phức tạp, nhưng để minh họa cho điều mà thày muốn giải thích ở đây, hãy cho phép thày giản dị hóa phần nào.

Giả dụ như vào thời trung cổ, con quyết định khoác lấy vai trò của một người lính Thập tự chinh Cơ đốc giáo. Cho dù động cơ của con có là gì, con quyết định là con muốn trải nghiệm cuộc đời làm một người lính Thập tự chinh đi sang Đất thánh chiến đấu để giành lại thành Jerusalem khỏi tay người Hồi giáo. Khi con mặc vào bộ trang phục này trong thể bản sắc của con, có một số khía cạnh của vai trò đó đã được ấn định bất di bất dịch, được cho là đương nhiên và không thể đặt lại thành vấn đề. Điều quy định vai trò chiến binh Cơ đốc là con không được chất vấn những giáo điều và nhân sinh quan của Giáo hội Công giáo. Những điều này hoàn toàn không thể đặt lại vấn đề.

Nếu con, với tư cách là cái Ta Biết, đứng ra ngoài vai trò đó, con có thể thấy được là Giáo hội Công giáo chỉ đưa ra một cái nhìn về thực tại trong số nhiều cái nhìn khả dĩ, và cái nhìn đó không phải là minh triết tối hậu: nó có thể được tra vấn bằng nhiều cách. Nhưng khi con bước vào bộ trang phục đóng vai trò chiến binh Cơ đốc, con không thể thấy được điều đó nữa, y hệt như khi con đeo cặp kính màu vàng thì con không thể thấy được màu trời xanh dương. Cặp kính đã thay đổi những gì mắt con nhìn thấy. Và cũng vậy, vai trò mà con khoác vào nơi thể bản sắc cũng thay đổi cách con nhìn cuộc sống. Con không thể thấy khác được.

Tất nhiên trong tư cách là cái Ta Biết, con có khả năng nối kết lại với sự thật rằng con là sự nhận biết thuần khiết, con có thể tạm thời bước ra ngoài vai trò đã chọn và trải nghiệm một thực tại nhiều hơn là những gì con nhìn thấy từ trong vai trò. Nhưng nếu con không làm được vậy thì con sẽ – trong nghĩa đen – trải nghiệm cuộc sống xuyên qua phin lọc nhận thức của vai trò đó. Bất kỳ xung lực nào đến từ cõi thăng thiên qua trung gian Hiện diện TA LÀ cũng sẽ hoàn toàn bị bóp méo bởi những hình kỷ hà đã quy định vai trò. Trước khi bất kỳ xung lực nào từ Hiện diện TA LÀ đến được tâm ý thức của con, nó sẽ bị vai trò đó biến dạng đi, khiến tâm ý thức chỉ trải nghiệm một xung lực sẽ xác nhận và chứng thực thế giới quan mà con thấy xuyên qua phin lọc nhận thức của vai trò.

Một khi đệ tử bắt đầu nhận ra điều này, họ sẽ phần nào dễ thấy hơn sự kiện là không hề có một lập luận tối hậu nào. Họ hiểu ra tại sao họ thường không thể dùng lý lẽ với người khác, tại sao họ không thể thuyết phục người khác là mình đúng và người kia sai. Trở lại với ví dụ cuộc Thập tự chinh, một bên con có các chiến binh Cơ đốc, và bên kia là người Hồi giáo cũng đang chiến đấu một cuộc thập tự chinh để thiết lập tôn giáo mình là vượt trội. Trong cõi tâm linh, không hề có dòng sống nào là dòng sống Cơ đốc, và cũng không có dòng sống nào là dòng sống đạo Hồi. Không có một sinh thể nào ở cõi thăng thiên xem mình là Cơ đốc hay Hồi giáo. Làm tín đồ Cơ đốc hay tín đồ Hồi giáo chỉ là một vai trò được quy định trên trái đất, và vai trò này bắt đầu nơi cõi bản sắc. Con không thực sự cái đó. Đó là một vai trò mà con đã bước vào, và một khi con bước vào thì con sẽ nhìn thế gian xuyên qua phin lọc nhận thức của vai trò.

6.4. Phin lọc nhận thức loại bỏ thông tin 

Con yêu dấu, phin lọc nhận thức làm gì? Giả thử con có một bộ lọc đặt vào vòi nước trong bếp để lọc nước uống. Bộ lọc làm gì? Đúng vậy, nó chặn lọc một số thứ và để cho những thứ khác chảy qua. Đây chính là bản chất và chức năng của bộ lọc. Cũng vậy, khi con bước vào một vai trò trong thể bản sắc, con mang một bộ lọc sẽ chặn lại một số thứ và để cho những thứ khác đi qua. Ở mức này, các thày chỉ cho đệ tử thấy rằng do bản chất của phin lọc nhận thức, nó sẽ lọc ra tất cả những gì đi ngược lại vai trò.

Nếu con đã bước vào vai trò chiến binh Thập tự chinh Cơ đốc, phin lọc nhận thức của con sẽ lọc bỏ đi bất kỳ xung lực nào, hiểu biết nào, minh triết nào, sáng ngộ nào đi ngược lại thế giới quan của đạo Công giáo thời trung cổ. Nếu có ai đang đầu thai đưa ra lập luận, chẳng hạn, rằng đạo Cơ đốc không phải là tôn giáo chân chính duy nhất và đạo Hồi mới chân chính do tiên tri Mohammed đã nhận được thẩm quyền này kia nọ từ Thượng đế, thì con sẽ nghe được lập luận đó bằng tâm ý thức, nhưng khả năng để cứu xét lập luận đó sẽ hoàn toàn bị phin lọc nhận thức của con chi phối. Nếu con đã bước vào vai trò chiến binh Cơ đốc, con sẽ không thể cân nhắc một cách trung lập, khách quan. Con đã khoác vào một phin lọc nhận thức, nhưng nó không ngăn cản con nghe được lập luận, mà nó sẽ lọc bỏ ra mọi ý niệm rằng lập luận đó có thể hữu lý. Thậm chí, con sẽ không thể thấy bất kỳ giá trị nào trong lập luận vì mọi giá trị và tính chất xác thực của lập luận đã bị lọc ra. Con chỉ thấy được những điều sai sót mà thôi. Con chỉ thấy được là nó sai lầm, giả trá.

6.5. Sự vô ích của lập luận 

Khi các thày đưa lên màn hình những gì xảy ra ở mức năng lượng khi hai chiến binh Cơ đốc và Hồi giáo đối đầu trong tranh luận, các học viên tương đối dễ dàng thấy được cả hai bên đều tham dự vào một chuyện hoàn toàn vô ích là cố thuyết phục, cải đạo lẫn nhau. Các thày cho thấy người đạo Cơ đốc đưa ra lập luận thuận Cơ đốc như thế nào. Các thày cho thấy ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của người đó bị lọc bỏ như thế nào xuyên qua các hình kỷ hà nằm trong bản sắc thể, và điều này tạo ra một cảm giác xác thực, chính đáng cho cái thế giới quan cấu tạo hình kỷ hà ở mức bản sắc. Rồi các thày cho thấy khi chiến binh Hồi giáo đưa ra lập luận của mình, mặc dù chiến binh Cơ đốc nghe được từng lời nói với tâm ý thức, nhưng xung lực năng lượng đã thực sự bị lọc bỏ ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc. Và cái đi xuống tâm ý thức là cảm nhận rằng lập luận kia hoàn toàn vô giá trị, bởi vì mọi ý niệm giá trị đã bị loại bỏ bởi phin lọc nhận thức.

Thật không có cách nào một bên có thể thuyết phục bên kia khi cả hai người đều ở mức tâm thức này, khi họ đều không có sự nối kết nào, kinh nghiệm nào về nhận biết thuần khiết. Điều này các đệ tử đều rất dễ thấy. Và vì thế, cũng rất dễ cho họ xét lại đời mình và thấy được họ đã đâm đầu vào những cuộc tranh cãi với người khác thường xuyên như thế nào. Trong nhiều trường hợp, đây không cứ là tranh luận về triết lý để xem hệ thống tư tưởng nào đúng hơn, mà nó có thể là chuyện cãi vã giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ, là khi con tranh luận về những vấn đề quan hệ và đời sống hàng ngày. Một lần nữa, các thày cho thấy chính phin lọc nhận thức khiến con tin rằng con tuyệt đối có lý, và nó cũng lọc bỏ mọi tính chất hữu lý trong lập luận của người kia.

Các thày cho con thấy là thực sự những loại thảo luận và tranh cãi như vậy không mang lại kết quả nào. Con chỉ sử dụng năng lực, thời gian và chú ý một cách vô ích mà thôi. Đó là tranh cãi để mà tranh cãi, và nó xuất phát từ tự ngã muốn có cảm giác an toàn tối hậu là được người khác cho mình là đúng. Tự ngã thèm khát muốn con nhảy vào những tranh luận như thế và cứ tranh luận hoài hoài, bởi vì đó là cách thức mà tự ngã và phàm linh trong tâm thức con được nuôi béo bằng năng lượng từ Hiện diện TA LÀ đã bị bóp méo và hướng vào tranh luận vô bổ.

Đây là một khai ngộ khó khăn đối với đa số đệ tử vì họ thấy rõ bao nhiêu năng lực, thời gian và chú ý đã bị họ phí phạm trong những tranh luận không có hy vọng đem lại thành quả xây dựng nào. Họ luôn luôn cảm thấy hối tiếc, ân hận vì nhận ra là mình chỉ có một lượng thời gian, năng lực và chú ý giới hạn khi mình đầu thai trong cõi vật lý. Cho nên tại sao lại đem dùng vào chuyện phù phiếm?

6.6. Làm thế nào thảo luận có thể đem lại ích lợi 

Sau giây phút sự thật và hối tiếc bắt buộc phải xảy ra, các thày cho đệ tử thấy là, thật ra, các lý lẽ đưa ra đã không hoàn toàn vô ích. Việc đầu thai trên địa cầu trong hoàn cảnh hiện tại có nghĩa là con đảm nhận một vai trò, một trang phục nào đó. Con đã hoạch định để đóng vai trò đó cho tới khi con chán ngấy trải nghiệm đó và mong muốn một cái gì hơn. Trong hầu hết trường hợp, những vai trò hiện được quy định trên địa cầu đều có một khía cạnh không thể tránh là khiến con xung đột với người khác. Con cần kinh qua một lượng tranh cãi nào đó trước khi con chán chê rồi bắt đầu tra vấn vai trò của con. Nhìn rộng hơn, các cuộc biện luận đó đã không hoàn toàn lãng phí vì chúng đưa con ngày càng gần hơn tới điểm chán ứ, và khi đó con sẽ mở tâm ra một cách tiếp cận khác. Con sẵn lòng tra vấn cách tiếp cận của mình, tra vấn vai trò của mình, tra vấn phin lọc nhận thức của mình.

Liệu đây có phải là cách duy nhất để nhìn cuộc sống? Liệu việc liên tục tranh cãi với người khác có thực là cách sống duy nhất? Liệu tranh luận có là một chức năng của cách tôi nhìn cuộc sống? Nếu tôi đã chán tranh luận với người khác, có phải cách duy nhất để thoát khỏi trạng thái này là tôi khởi sự nhìn vào chính mình, khởi sự tra vấn cách nhìn đời của mình, phin lọc nhận thức của mình?

6.7. Vai trò của con thu hút người khác cùng các trải nghiệm

Các thày cũng có thể chiếu lên màn ảnh một loại bản đồ, như thày đã từng đề cập, nơi con có thể nhìn vào trái đất, và như một bức ảnh chụp từ vệ tinh về đêm, con thấy những khu vực có nhiều ánh đèn là các thành phố lớn và vùng phụ cận. Các thày có thể cho thấy sự nối kết năng lượng giữa mọi con người, và con thấy là con sẽ thu hút những ai có cùng mức tâm thức như con, cùng vai trò như con.

Nếu con đã đảm nhận một vai trò được ấn định là đối lập với ai đó, chắc chắn con sẽ thu hút những người như vậy trong đời con. Nếu con đã khoác lấy vai trò người chiến binh Cơ đốc, hiển nhiên vai trò này được định ra để chống lại một người đạo Hồi. Vai trò sẽ không thật nghĩa lý gì nếu không có ai làm đối thủ. Rất nhiều những vai trò mà con tạo ra hôm nay phức tạp hơn hẳn, tinh tế hơn hẳn, nhưng ngay trong bản chất, chúng đã chứa sẵn một đối thủ nào đó sẽ chống lại con, để con có dịp tranh luận với họ và cãi qua cãi lại.

Miễn là con còn ham muốn trải nghiệm này thì thật chẳng có gì sai trái cả. Nhưng một khi con đã chán ứ trải nghiệm đó, cách duy nhất để con thoát ra là con bắt đầu chất vấn xem con có thực sự cần đóng vai trò đó mãi hay không, hay con là cái gì nhiều hơn vai trò, và do đó con có thể bắt đầu bước ra khỏi vai trò và nhìn cuộc sống khác hơn.

6.8. Cuộc thập tự chinh để chứng thực tự ngã 

Tới đây, đệ tử có thể bước đến một khúc ngoặt quan trọng trên đường tu. Con có thể bắt đầu đặt vấn đề liệu con có thực sự và thực lòng mong muốn tiếp tục cuộc thập tự chinh để chứng thực tự ngã của mình hay không. Trong nhiều trường hợp, cuộc thập tự chinh để chứng thực tự ngã này đã được ngụy trang như lòng vị tha để phục vụ cho một chính nghĩa cao cả nào đó. Trong một số lời dạy khác, các thày đã có nói đến tư duy cuồng đại. Giê-su, bào huynh yêu dấu của thày, đã viết một quyển sách thật thâm sâu về kịch tính của tự ngã, và cách mà tư duy cuồng đại tạo ra bi kịch với người khác như thế nào [Xem quyển Freedom from Ego Dramas]. Các thày có thể cho đệ tử thấy là trong nhiều trường hợp, chính họ có thể sử dụng một giáo lý tâm linh, thậm chí giáo lý của chân sư thăng thiên, trong cuộc thập tự chinh để thuyết phục người khác là giáo lý của mình đúng đắn. Khi con nhìn vào sâu hơn, con sẽ thấy đây chỉ là một cải trang, một ngụy trang của tự ngã muốn chứng thực chính nó.

Ở giai đoạn này, điều cần thiết là cho hoc viên thấy là họ có thể dùng cả lời dạy của chân sư thăng thiên để tiến hành cuộc thập tự chinh chứng thực tự ngã. Không có một học viên nào ở mức này đã không từng làm chuyện đó, sống qua chuyện đó. Việc con kinh qua giai đọan này là điều hoàn toàn tự nhiên. Khi đệ tử sẵn sàng với mức khai ngộ này, các thày có thể cho thấy là điều này hoàn toàn tự nhiên ở mức hiện thời của con trên đường tu. Khi lần đầu tiên con tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên, việc con trở nên nhiệt tình là chuyện hoàn toàn tự nhiên, phải phép.

Thật vậy, giáo lý của chân sư giải thích nhiều điều không được các tôn giáo chính mạch hay các triết lý duy vật giải thích, và do đó hiểu biết của con đã tăng thêm. Con thấy được nhiều điều mà trước đây con không thấy. Con tìm được nhiều lời giải đáp. Thật là tự nhiên khi ở khởi đầu, con nức lòng đến độ con ước gì ai ai cũng hiểu ra được như con thì có phải địa cầu này sẽ cải tiến biết mấy? Một số vấn nạn sẽ biến mất, và sẽ có hòa bình, thông cảm lớn hơn giữa loài người.

Điều quan trọng là con hiểu được cảm nhận đó của con không hoàn toàn sai đâu. Nếu mọi người trên trái đất mà chấp nhận một lời dạy của chân sư thăng thiên, thì quả là sẽ có sự thông cảm, cộng tác và hòa bình rộng lớn hơn. Chuyện đó không thành vấn đề; tuy nhiên, điều mà các thày muốn chỉ ra cho học viên ở mức này là khi con tham gia vào các cuộc tranh luận mà thày đã minh họa cho con, ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên cũng sẽ không thuyết phục được người khác để họ đi ngược lại phin lọc nhận thức của họ. Giáo lý của chân sư thăng thiên sẽ không hiệu nghiệm hơn giáo lý của Hồi giáo để thuyết phục một chiến binh Cơ đốc, bởi vì giáo lý của chân sư thăng thiên, mặc dù chứa đựng nhiều minh triết và xác thực hơn mọi giáo lý khác hiện có mặt trên địa cầu, vẫn được diễn đạt bằng ngôn từ.

Đây là điểm thày đã đề cập trong bài giảng trước. Ngôn từ chỉ là ngôn từ. Ngôn từ cần được diễn giải, và khi con diễn giải một số lời nói xuyên qua phin lọc nhận thức của con, phin lọc sẽ lọc bỏ đi tính xác thực của bất cứ lời nào đi ngược lại thế giới quan của con – bất kể lời đó đến từ cõi thăng thiên hay từ Kinh thánh, kinh Koran, hay từ một khám phá hay báo cáo khoa học nào. Phin lọc nhận thức sẽ lọc bỏ tính xác thực của bất kỳ lập luận nào đi ngược lại phin lọc cũng như vai trò đã định ra phin lọc.

6.9. Làm thế nào đệ tử vượt qua phin lọc nhận thức 

Thật là tuyệt vời cho một vị thày khi các đệ tử cuối cùng hiểu ra được điều này, thực sự nắm bắt được sự thật này! Con có thể thấy họ trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân. Thay vì mang trọng trách phải thay đổi thế giới bằng cách cải hóa mọi người, giờ đây họ có thể bắt đầu buông xả cái ách nặng nề mà các sa nhân cùng thày giả đã đeo lên cổ họ. Nhiều đệ tử tưởng cái ách này là do các chân sư thăng thiên áp đặt. Họ tin là chính các thày đã muốn họ đi khắp nơi để cải hóa mọi người theo lời dạy của chân sư, chính các thày muốn họ đi khắp nơi đấu tranh hầu chứng tỏ rằng các giáo lý và tư tưởng khác đều lầm lẫn. Khi đệ tử cuối cùng hiểu ra và chấp nhận đó không bao giờ là mục tiêu của các thày, thì con thấy họ bỗng nhiên đứng dậy thẳng hơn. Họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Họ nhìn lại đời mình và chợt hiểu: “Ồ, tôi có bao giờ phải làm tất cả những chuyện đó đâu. Không phải là các chân sư muốn tôi kinh qua tất cả những tranh luận và xung đột đó, mà chỉ là tự ngã và các thày giả.”

Đó là lúc họ bắt đầu có cái nhìn khác về các thày. Như thày đã nói trong bài giảng trước, con không nhìn thày như TA LÀ. Khi con nhận ra là thày không là vị thày muốn con đi khắp nơi giao chiến vì quan điểm và dùng giáo lý chân sư để đập phá thành trì kiên cố bao quanh tâm mọi người, thì con mới bắt đầu có mối quan hệ khác hơn với thày. Gần như đây là lần đầu tiên đệ tử có thể nhìn thày với tâm cởi mở. Con có thể thấy có gì đó vừa bật lên trong tâm họ, và họ nghĩ: “Thật cái ông chân sư Lanto này là ai đây?”

Họ nhận ra là cho tới giờ, họ vẫn nhìn thày xuyên qua một phin lọc. Họ vẫn nghĩ rằng bằng cách nào đó, thày đang cố ép họ phải làm gì đó, thày đang muốn họ làm gì đó. Bây giờ họ có thể cởi bỏ cái phin lọc đó ra và nhìn thày trong nhận biết trung hòa hơn. Và tất nhiên, đây chính là giây phút mà thày chờ đợi. Như mọi chân sư thăng thiên khác, thật là điều tự nhiên khi thày muốn chia sẻ Hiện diện của thày. Thày luôn luôn vui mừng, hạnh phúc và biết ơn khi có dịp chia sẻ một biểu thị trọn vẹn hơn của Hiện diện của thày cho một đệ tử hay một nhóm đệ tử.

6.10. Nhập vào kết hợp với vị thày 

Làm thế nào con vượt qua khai ngộ của Tia sáng thứ Hai? Không phải bằng cách ngồi nghe thày nói như thể thày là một ông giáo đứng trên bục dạy dỗ con bên dưới. Con sẽ vượt qua khai ngộ của Tia thứ Hai bằng cách nhập vào kết hợp với thày. Con không thể kết hợp với thày khi con còn nghĩ thày đang bắt ép con, rằng con phải làm một số việc vì thày khắt khe. Tại sao con lại muốn kết hợp với một thày giáo như thế? Tại sao con muốn kết hợp với bất kỳ thày giáo nào?

Khi các học viên lần đầu tiên đến khoá nhập thất của thày, họ thực sự không đến với một thái độ khả dĩ có thể học được từ thày. Họ đến với nhu cầu khống chế người khác bằng minh triết. Con có nghĩ là họ chỉ làm chuyện này với các học viên khác thôi? Không đâu, con sẽ ngạc nhiên khi con biết có bao nhiêu học viên đến khóa này với mong muốn lôi kéo thày vào một cuộc tranh luận. Họ có định kiến trước về thày phải như thế nào trong cương vị Thượng sư của Tia thứ Hai, rằng Tia thứ Hai phải như thế nào, minh triết của Tia thứ Hai phải như thế nào, minh triết tối hậu phải như thế nào. Họ thường nhảy vào tranh luận để cố chứng minh những điều đó cho thày – đúng hơn, họ tranh luận một mình, bởi vì thày không tham dự vào chuyện đó. Hoặc thày sẽ giữ im lặng, và điều này sẽ khiến họ bực mình, hoặc thày cố vô hiệu hóa những câu hỏi của họ, sự phóng chiếu của họ, bằng cách đặt ra một câu hỏi.

6.11. Giảng dạy bằng cách đặt câu hỏi 

Hẳn con cũng biết nhà hiền triết Hy lạp cổ Socrates nổi tiếng vì ông không thực sự giảng dạy, mà ông chỉ đưa ra câu hỏi nhằm giúp học trò làm sáng tỏ quan điểm và chất vấn định kiến của chính mình. Socrates đã không phát minh ra phương pháp này, vì nó đã được các chân sư của Tia thứ Hai sử dụng từ rất lâu đời, và tất nhiên tất cả các tia sáng khác cũng đã sử dụng, bởi vì luôn luôn có một phin lọc nhận thức cần được chất vấn, phải không con?

Và tất nhiên, các thày cũng có một số đệ tử ở cấp thứ nhì (minh triết và giác ngộ) muốn tranh luận với thày ở một mức nào đó vì họ nghĩ thày đang áp đặt một số hạn chế lên họ, một số điều mà họ phải tuân thủ. Họ háo hức muốn cho thày thấy họ minh triết đến chừng nào, họ giỏi dùng lý lẽ đến chừng nào, họ giỏi bẻ cong một ý tưởng hay một hệ thống tin tưởng đến chừng nào, hầu chứng thực chính họ và tự ngã của họ.

Tất nhiên, điều này khiến thày không thể dạy họ bất cứ điều gì. Họ đang cố dạy dỗ thày, nhưng hiển nhiên là họ chưa thăng thiên, phải không? Thật có ít hy vọng là thày sẽ học được điều gì đó từ họ mà thày chưa trải qua trong quá trình tu tập để hội đủ tư cách thăng thiên. Một học viên cần nhiều thời gian để nhìn ra lập luận chỉ là lập luận, ngôn từ chỉ là ngôn từ, và lời nói không bao giờ đem lại thành quả quyết định. Điều này khiến học viên nhận ra: “Nhưng tôi chỉ đang tranh luận. Tôi đang tranh luận với người khác. Thậm chí tôi tranh luận cả với thày, nhưng nó không bao giờ dẫn tới một kết quả dứt khoát nào cho tôi, vì nó không khiến tôi chuyển dời tâm thức mình lên một mức cao hơn. Tôi không đang nhảy vọt từ mức hiện thời lên mức kế tiếp. Thật ra, tôi càng tranh luận thì sẽ càng khiến cho mức tâm thức hiện tại của mình đặc cứng lại.”

6.12. Các thày thăng thiên không muốn trội hơn 

Khi đệ tử nhận ra điều này, có một sự chuyển đổi, và đây là lúc họ bắt đầu nhìn thày một cách mới. Họ hiểu ra: “Chân sư Lanto thật không đang tranh luận với tôi. Thày thật không đang cố thuyết phục tôi bất cứ điều gì. Thày không đòi hỏi tôi phải chứng minh là tự ngã của mình đúng, chứng minh thế giới quan của mình đúng. Thày đang làm gì nhỉ? Thày là loại sinh thể gì nhỉ?” Đó là lúc đệ tử có thể khởi sự vượt ra ngoài cái nhìn truyền thống của địa cầu về ý nghĩa của một vị thày. Họ nghĩ là thày phải đứng đó trên bục cao trong lớp học và dạy dỗ học trò ở bên dưới. Và thày sẽ trao truyền cho họ những kiến thức mà họ sẽ nhận lấy, sẽ ghi nhớ và đọc lại thuộc lòng cho thày – và nhờ vậy họ sẽ được điểm cao.

Thày giáo trên địa cầu làm gì chứ? Phải, đa số thày giáo trên địa cầu trở thành thày giáo vì họ muốn cảm thấy trội hơn học trò. Họ tham gia vào việc giảng dạy để chứng thực tự ngã của mình. Những gì họ dạy cho học trò – những ý tưởng, niềm tin, kiến thức mà họ dạy – cũng là một tiến trình vĩ đại nhằm chứng thực một số hệ tư tưởng nào đó trên địa cầu. Một thày giáo tại chủng viện Công giáo sẽ tìm cách minh chứng thế giới quan Công giáo. Một giáo sư đại học sẽ tìm cách minh chứng thế giới quan duy vật – thường thường là vậy. Đây là chuyện chứng thực tự ngã được đưa lên quy mô toàn cầu, nhưng nó vẫn là nó thôi: sự chứng thực tự ngã. Nếu con loại bỏ đủ số bằng chứng đi ngược lại tự ngã thì con luôn luôn có thể chứng minh là tự ngã của con đúng, phải không?

Đây là điều các đệ tử bắt đầu nhìn ra, và khi họ bắt đầu nhìn ra, họ cũng nhận ra là thày không phải là loại thày đó! Thày không có nhu cầu chứng thực chính mình. Thày không có nhu cầu chứng thực một giáo lý nào đó được biểu đạt bằng ngôn từ. Thày muốn đưa đệ tử lên mức kế tiếp hầu đệ tử không còn tham gia vào tranh luận với mục đích chứng thực tự ngã, vì đệ tử nay đã gắn chặt mình vào việc sử dụng minh triết một cách cao hơn, là cách dựa trên tình thương. Có thể có một tình thương đối với người khác, nhưng cũng có thể có một tình thương đối với minh triết, không phải một cách biểu đạt nào đó bằng ngôn từ, mà một sự phối hợp tinh vi những hình dạng kỷ hà thuần khiết.

Cho tới giờ, các đệ tử chỉ mới nhìn thấy được minh triết biểu đạt bằng lời, nhưng khi họ bắt đầu thấy được mọi tranh luận bằng lời đều vô ích thì một lúc nào đó, ít ra họ sẽ thấy thoáng hiện ra minh triết vượt khỏi mọi lời nói, minh triết của những hình dạng kỷ hà thuần khiết. Khi đệ tử nhìn ra được như vậy, con sẽ thấy mắt họ sáng lên. Ồ, bây giờ, ngay bây giờ, họ vừa chạm được gấu áo của vị thày! Ngay bây giờ họ vừa nhìn thấy rằng chân sư Lanto là nhiều hơn một thày giáo đang phun ra lời nói, lặp lại những lý lẽ và quan điểm định sẵn.

Thày là một vị thày hằng sống. Thày không đầy ắp những từ ngữ. Thày đầy ắp những hình dạng kỷ hà thuần khiết đang dâng lên sùng sục từ vùng sâu kín nhất của Bản thể thày, tựa như dòng suối dâng trào từ nguồn cội trái đất, là dòng nước thanh khiết, dòng nước mang lại sự sống, là nước hằng sống của minh triết! TA LÀ cái đó. TA LÀ chân sư Lanto! Con hãy cố bắt kịp ta.

Minh triết và Uy lực

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày được biết đến như là Ngài Lanto, và thật vậy, thày là Ngài hay Thượng sư của Tia sáng thứ Hai của Minh triết Thượng đế. Tuy nhiên, thày không muốn sử dụng tên “Ngài” vì nó đã bị lạm dụng bởi cả các phong trào thế tục lẫn một số phong trào tôn giáo trên địa cầu. Thày không phải là một vị chúa tể đứng trên đầu con. Thày không nhìn con như chính con nhìn con. Thày không nhìn chính mình như là con nhìn thày.

Thày đã là một chân sư thăng thiên trong một thời gian rất dài nếu đo theo thời gian trái đất, mặc dù trong thời gian vũ trụ thì chưa đầy một chớp mắt. Thày tự xem mình chỉ mới bước vào cõi tâm linh, cho dù nếu đo theo thời gian của trái đất thì đó là một thời gian rất dài. Do đó, thày đã thăng lên tới mức tâm thức Phật, và ở mức này, thày thấy được thực tại mà thày Gautama đã giảng dạy rằng tất cả đều là Phật tánh.

Thày thấy Phật tánh nơi chính mình, và khi thấy Phật tánh nơi chính mình, thày cũng thấy Phật tánh nơi con, cho dù con chưa thấy được. Cho nên mục đích của thày, mục đích duy nhất của thày, là đánh thức con đến mức con cũng thấy được Phật tánh nơi con, Phật tánh nơi tất cả mọi thứ bao quanh con, và cả Phật tánh nơi thày, hầu con biết được rằng thực sự chúng ta là bình đẳng, như mọi sinh thể tự nhận biết đều bình đẳng trong thực tại của ánh sáng Minh triết Thượng đế.

4.1. Minh triết tối hậu

Thế nào là minh triết tối hậu? Con hãy nhìn xem từ bao thời đại, loài người đã cố đạt được minh triết, nhưng minh triết tối hậu là thấy mọi sự sống là một, thấy tất cả đều là Phật tánh, và vì thế, sự khác biệt trong hình tướng không có nghĩa là khác biệt về giá trị. Thế thì giá trị là một khái niệm hoàn toàn giả tạo được tạo nên bởi tâm, một cái tâm đã tách ra khỏi thực tại của minh triết, đã tạo ra ảo tưởng rằng nó tách biệt khỏi Phật tánh, rằng Phật tánh không ở nơi nó ở, rằng có một chỗ ở riêng biệt mà tâm tách biệt đã tạo ra và đóng chặt Phật tánh ra ngoài.

Tới một lúc trên con đường phát triển tâm linh của con, con sẽ thấy được sự nực cười của lời tuyên bố rằng có thể có cái gì tách riêng khỏi Phật tánh. Con sẽ thấy Phật tánh là tất cả và ở trong tất cả, và nếu không có Phật tánh thì không có tạo vật nào được tạo ra. Không gì có thể đứng riêng khỏi cái ở mọi nơi, cái vô điều kiện, cái thâm nhập tất cả. Tuy nhiên, thày hoàn toàn hiểu được là khi con đến khóa nhập thất của thày trên hành trình từ tầng tâm thức thứ 48 đến 96, con chưa thể thấy được điều này. Con chưa kinh nghiệm được Phật tánh, và tại sao chứ? Bởi vì con vẫn còn nhìn cuộc sống qua phin lọc nhận thức tương ứng với mức tâm thức hiện thời của con, và điều này tất nhiên cũng bình thường thôi.

4.2. Gỡ bỏ các phin lọc nhận thức của phản minh triết

Là một vị thày, vai trò của thày là giúp con đâm thủng tấm màn của phản minh triết, tấm màn do tâm tách biệt tạo ra, là tâm nhị nguyên, tâm của rắn, tâm sa ngã – hay bất cứ tên gọi nào mà con muốn gọi. Tất nhiên, các thày là chân sư thăng thiên chỉ dùng những từ đó vì các thày biết khi con còn sống trên địa cầu và nhìn mọi vật qua tâm đường thẳng, con cần một cái tên. Nhãn hiệu kỳ thực phát xuất từ tâm tách biệt. Còn các thày thì không cần đến nhãn hiệu, vì các thày kinh nghiệm thực tại của Phật tánh, là nhất tâm.

Các thày tức khắc có thể cảm thấy được khi có gì tách biệt khỏi tâm đó. Đối với các thày, tất cả những gì tách biệt, trong một nghĩa nào đó, đều giống như bóng tối vậy. Nó hoàn toàn không thực; nó hoàn toàn là một điều mà con cần vượt qua. Đối với các thày, không có chuyện đặt ra những ánh sắc đậm nhạt, những sự định giá cho rằng loại bóng tối này tốt hơn loại bóng tối kia. Cả hai đều không thực. Vì là ảo tưởng cho nên cả hai cần được bỏ lại.

Đó là vai trò của các thày. Để giữ vai trò đó, các thày cần phải đi vào, nhìn vào con, nhìn vào tâm trạng của con, nhìn vào phin lọc nhận thức đặc thù của con, nhìn vào các tin tưởng cốt lõi cấu tạo phin lọc nhận thức của con, rồi các thày cần xem đến cách giải quyết các tin tưởng đó. Khi con đạt đến một tầng tâm thức nào đó, con nhìn cuộc sống xuyên qua một phin lọc nhận thức, nhưng con có cho phép thày bàn sâu hơn không? Thày muốn gợi ý với con là khi con leo từ tầng tâm thức thứ 48 đến 96, ở mỗi bước mà con leo, con sẽ lột bỏ một phin lọc nhận thức cụ thể, một lớp vỏ cụ thể của phin lọc đó.

Khi con ở tầng 48, con nhìn cuộc sống qua những phin lọc nhận thức của tầng 48. Mỗi phin lọc trong số 48 phin lọc đó tượng trưng cho một bậc trên cái thang xoắn ốc của khai ngộ dẫn con từ tầng tâm thức thứ 48 đến 96. Thày không nói là khi con ở tầng 96, con sẽ không còn phin lọc nhận thức nào nữa, vì con sẽ khởi sự một tầng cấp mới nữa, một lớp vỏ nữa, khi con đi muốt 48 phin lọc nhận thức giữa tầng 96 và 144.

Sẽ rất hữu ích cho con nếu con biết – và chắc chắn con sẽ học được điều này khi con đến khóa nhập thất của thày – rằng vai trò, tiến trình mà con đi qua chính là sự lột bỏ từng phin lọc nhận thức một. Điều này sẽ giúp con hiểu, khi con ở một tầng tâm thức nào đó, rằng con không thể lập tức lột bỏ tất cả mọi phin lọc nhận thức mà con đang nhìn xuyên qua. Có thể là con còn 40 cái phin lọc mà con đang nhìn qua. Con không thể lột bỏ cả 40 cái đó cùng một lúc. Nếu điều này xảy ra, con sẽ mất đi ý niệm bản sắc của con, con sẽ mất hết phương hướng, con sẽ mất cảm giác liên tục, con sẽ mất ý niệm bản ngã của mình. Con không thể nào lập tức chuyển vọt từ một ý niệm bản ngã vô cùng phàm phu lên ý niệm về cái ta của cá thể trụ neo nơi Hiện diện TA LÀ của con. Điều này không thể làm được; con cần bước từng bước một, lột bỏ từng phin lọc nhận thức một.

Điều này tạo cho con một tinh thần kiên nhẫn, như thày Giê-su có nói: “Trong kiên nhẫn, con giữ được linh hồn mình.” Khi một đệ tử mới đến khóa nhập thất của thày để khởi sự tiến trình thăng thiên dưới sự hướng dẫn của Tia sáng thứ Hai, đệ tử đó thường phần nào thiếu kiên nhẫn. Đây là chuyện tự nhiên thôi, vì con vừa mới vượt qua các khai ngộ, bảy lớp khai ngộ, dưới sự chỉ đạo của chân sư MORE yêu dấu của thày, cũng như của tia sáng thứ nhất của Uy lực và Ý chí Thượng đế. Con cần trau dồi một ý chí, một sự quyết tâm nào đó, con cần có một uy lực nào đó thì mới vượt qua được những khai ngộ đó. Điều này tự nhiên và cũng đúng đắn thôi, nhưng một trong những sáng ngộ quan trọng nhất mà con học được về đường tu tâm linh là con đường này có nhiều giai đoạn. Điều gì giúp con vượt qua một giai đoạn nào đó sẽ không giúp con vượt qua giai đoạn kế tiếp.

4.3. Thử thách tại khóa nhập thất Tia sáng thứ Hai

Thày có nhiều đệ tử đến với khóa Nhập thất tại Royal Teton nghĩ rằng họ có thể dùng uy lực đó để vượt qua các khai ngộ của Tia thứ Hai. Họ đã lấy trớn từ Tia thứ Nhất và họ nghĩ họ đã nắm vững uy lực đó. Họ tưởng sẽ chỉ là chuyện sử dụng quyền năng của mình, nghị lực của mình, động lượng của mình, quyết tâm của mình, rồi xông vào học hỏi và học hỏi cho đến khi mình tìm thấy quyển sách bí mật, sáng ngộ bí mật, minh triết bí mật, sẽ phóng mình lên điều ngự Tia thứ Hai. Hỡi con yêu dấu, đây quả là một thách đố cho thày. Trong một nghĩa nào đó, đúng là các thày mong muốn loại học trò như thế, háo hức học hỏi, háo hức cầu tiến, thế nhưng chính sự háo hức này sẽ khiến họ rất khó lòng tinh tấn hơn, đặc biệt trong Tia thứ Hai của Minh triết Thượng đế.

Thách đố lớn mà các thày phải đối mặt trong tư cách là chân sư thăng thiên, chính là sự kiện các thày đã thăng thiên. Các thày đã gỡ bỏ mọi phin lọc nhận thức của con người trên địa cầu. Các thày đã vươn lên một giai đoạn tâm thức cao hơn. Các thày phải đối diện với một thách thức vô cùng tế nhị khi giúp các con đi qua cùng tiến trình đó để vươn lên mức tâm thức của các thày.

Thách thức là các thày không thể cho con một cái nhìn chính xác về sự khác biệt giữa trạng thái tâm thức của con và trạng thái tâm thức thăng thiên. Giản dị là con không thể hiểu thấu được tâm thức thăng thiên như thế nào khi con còn nhìn cuộc sống qua vô số phin lọc nhận thức của con. Các thày không thể cho con một cái nhìn chính xác về sự khác biệt đó, về khoảng cách đó, giữa hai trạng thái tâm thức thăng thiên và chưa thăng thiên. Nếu các thày truyền đạt được điều này cho con thì con sẽ nản lòng thôi. Con sẽ nghĩ chuyện đó gần như vô vọng bởi vì khoảng cách to lớn đến độ dường như con không thể bù lấp nổi.

Tất nhiên là chuyện đó không bất khả thi đâu, nhưng khi con đi từ mức tâm thức phàm phu thấp kém lên đến trạng thái tâm thức thăng thiên, thì quả thực đó là một sự chuyển hóa khó tin hoàn toàn. Để minh họa cho con một cách đường thẳng, con hãy tưởng tượng có hai người bị đui mù từ khi lọt lòng mẹ. Đột nhiên, một người được ban cho khả năng thị giác và nhờ vậy thấy được thế giới y như con đang thấy. Hãy tưởng tượng người đó phải mô tả thế giới mình vừa khám phá ra cho người kia hiểu được.

Hãy tưởng tượng con phải tả chân thế giới mà con đang nhìn cho một người mù bẩm sinh chưa bao giờ thấy được thế giới con đang thấy, một thế giới mà con coi là hoàn toàn đương nhiên. Cũng vậy, khoảng cách giữa hai trạng thái tâm thức thăng thiên và chưa thăng thiên cũng to lớn đến độ không một lời nào có thể diễn tả sự khác biệt để người chưa thăng thiên có thể hiểu được.

4.4. Các chân sư thăng thiên giao tiếp như thế nào

Ngay lúc này, con đang nghe hay đang đọc những lời phát xuất từ thày nơi cõi thăng thiên. Con có thể cho rằng thày đang đứng đây ở một cõi cao hơn, hoặc có thể thày đang ngồi ở cõi cao này và đang thốt ra những lời nói mà sứ giả tiếp nhận được rồi biểu đạt qua giọng nói trong cõi vật lý. Nhưng không phải vậy đâu con. Thày không đang ngôi đây thốt ra lời nói, bởi vì ở cõi thăng thiên, các thày không giao tiếp qua lời nói. Các thày giao tiếp một cách khác hẳn đến độ con không làm sao mường tượng được với tâm chưa thăng thiên. Có thể nói là các thày giao tiếp qua tư tưởng, nhưng nói vậy cũng không chính xác bởi vì tư tương của con khác hẳn với cách các thày suy nghĩ.

Cách giao tiếp của các thày toàn diện và bao trùm tất cả. Các thày không chỉ giao tiếp qua tư tưởng mà qua cả tình cảm, cảm thọ, trải nghiệm. Trong lúc này khi thày trao cho con bài truyền đọc này, quả thực là thày đang thị hiện sự Hiện diện của thày tại một địa điểm cụ thể của cõi tâm linh thấp và cõi ê-the cao. Thày đang tập trung tinh túy của thày, tinh túy của tâm thày, nơi một “địa điểm” – theo danh từ mà con thường dùng. Thày đang biểu lộ một xung lực có thể được hướng về bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất, là các tầng bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý. Rồi thày hướng xung lực này vào bốn tầng trong tâm của sứ giả, và xung lực sẽ lần lượt đi xuống các tầng bản sắc, lý trí và cảm xúc của sứ giả, cho tới khi nó xuống đến tầng tâm ý thức nơi nó được biểu đạt qua những lời nói mà con nghe hay đọc được. Nơi bốn tầng của thế giới vật chất, lời nói đã được phú cho những lớp quần áo, bởi vì cái mà thày gửi ra không phải là lời nói mà là một phương thức giao tiếp toàn diện.

4.5. Hãy với lấy cái tinh túy sâu xa đằng sau lời nói

Con đã quá quen thuộc, con đã bị lập trình, đến độ con chờ đợi sự giao tiếp sẽ diễn ra dưới hình thức lời nói. Thử thách lớn nhất cho thày là thày phải nói bằng lời mà con có thể nghe thấy hay đọc được, bởi vì nếu không thì con sẽ không thể nắm bắt bất cứ xung lực nào từ mức tâm thức của thày. Điều mà thày mong muốn truyền đạt cho con thật ra không phải là lời nói, hay cái ý nghĩa mà tâm đường thẳng gán cho lời nói đó. Điều mà thày cố truyền đạt cho con là một sự chiêm nghiệm, một cái nhìn hé thoáng, về sự giao tiếp toàn diện mà thày đang phóng ra từ mức tâm thức của thày đến mức tâm thức của con.

Chính sự trải nghiệm nội tâm, thần bí, toàn diện này sẽ biến đổi tâm thức của con; không phải lời nói và cũng không phải ý nghĩa. Con có thể nghĩ, thật là vô nghĩa khi thày dùng lời nói để bảo con không nên chú ý đến lời nói, thế nhưng thày không đang bảo con không nên chú ý đến lời nói hay ý nghĩa. Thày muốn nói là con không được dành độc quyền sự chú ý của con cho lời nói và ý nghĩa của lời nói. Con cần dành một phần sự chú ý của con để vượt xa hơn lời nói, hầu con có thể chiêm nghiệm được, cho dù chỉ trong một thoáng, bản chất toàn diện và bao trùm tất cả của sự giao tiếp của thày.

Mục đích chính của loạt sách này là trao cho con những dụng cụ để con nắm bắt được, trong ngoại tâm của con, một số đặc tính tối thiểu của một tia sáng nào đó, hầu con có thể hoà điệu với tia sáng đó, và khi tâm con rời thân xác trong giấc ngủ, con có khả năng du hành đến khóa nhập thất của các thày nơi cõi ê-the. Con cần hiểu rằng khi con rời thân xác – và xin con lưu ý, thày đang không dùng từ “con” một cách giới hạn – con cũng đem theo con những phin lọc nhận thức của con. Điều này có nghĩa là khi con gia nhập lớp học trên cõi ê-the, con chờ đợi sẽ gặp một số điều mà con vẫn quen thuộc trên địa cầu.

Con có bắt đầu hiểu được thử thách mà thày phải đối mặt? Nhiệm vụ của thày là giúp con vượt ra ngoài phin lọc nhận thức của con, nhưng khi con đến nhập học thì con lại đến với phin lọc nhận thức, và con kỳ vọng là ở một mức độ nào đó, thày sẽ xác thực nhận thức của con về cuộc sống. Khi con đạt tới một tầng tâm thức nào đó, chẳng hạn tầng thứ 58, các thày không thể đập vỡ tất cả mọi phin lọc của con. Ở mức đó, nhiệm vụ của thày không phải là đập vỡ tất cả mọi phin lọc, mà chỉ là cố giúp con vượt qua cái phin lọc tương ứng với nấc tâm thức đó hầu con có thể bước lên nấc kế tiếp.

Khi con đến với khóa nhập thất, các thày sẵn sàng giúp con gỡ bỏ phin lọc tương ứng với mức tâm thức hiện thời của con, nhưng đây là câu hỏi chủ yếu: “Thế con có sẵn sàng buông bỏ phin lọc đó hay không?” Đây là câu hỏi tối quan trọng, và thày đưa nó ra ngay lớp học đầu tiên bởi vì nó sẽ định đoạt khả năng con bước vào nhập thất tại Royal Teton và khởi sự học tập dưới sự hướng dẫn của thày.

4.6. Minh triết không phải là một vũ khí

Trong số các học viên, có một tỷ lệ nào đó bị mắc kẹt trong một vùng đất hoang. Họ đã qua được các khai ngộ của Tia thứ Nhất nhưng họ lại quá nhiệt tình trong việc áp dụng quyền năng đến nỗi họ không thể chuyển tiếp sang các khai ngộ của Tia thứ Hai. Họ lao vào, và họ gồng mình để cố vượt qua minh triết, vượt qua khai ngộ của Tia thứ Hai. Họ giống như rất nhiều sinh viên nhập đại học khắp thế giới, cứ tưởng rằng nếu mình chỉ lo học, chất đầy và lập trình tâm mình với tất cả hiểu biết đó – kiến thức đó, khả năng ghi nhớ và học thuộc lòng đó – thì mình sẽ thi đậu. Nhưng đây không phải là cách vận hành của khóa nhập thất Tia thứ Hai.

Minh triết Thượng đế không phải là sự khôn ngoan nhân thế. Nếu con đến với khai ngộ Minh triết Thiêng liêng mà lại phóng chiếu hình ảnh của hiểu biết phàm phu, thì con sẽ không thể thực sự tham gia vào cuộc khai ngộ. Đó là tại sao bước đầu tiên mà thày dẫn con đi qua là giúp con gỡ bỏ cái phin lọc nhận thức vô cùng phổ biến trong thế gian cho rằng minh triết có thể được sử dụng làm vũ khí.

Tiếc thay, có khá nhiều học viên đã củng cố cho phin lọc nhận thức này khi họ đi qua các khai ngộ của Tia thứ Nhất. Chân sư MORE biết rõ vấn đề này. Thày MORE cố gắng hết sức để giúp đệ tử đừng tăng cường phin lọc lạm dụng minh triết đó, nhưng thày ấy không có nhiều chọn lựa, bởi vì ở tầng 48 hay 52, con chưa sẵn sàng gỡ bỏ phin lọc nhận thức này. Con sẽ chưa sẵn sàng cho tới khi con đến với Tia thứ Hai và mức khai ngộ đầu tiên của Tia thứ Hai.

Chân sư MORE không thể thực sự dẫn con qua cuộc khai ngộ này. Thày MORE dư biết con mang phin lọc đó, và thày chỉ có thể cố giúp con tránh tăng cường nó mà thôi, nhưng một số đệ tử lại không nghe theo. Họ sử dụng uy lực, sử dụng động lượng mà họ đã đạt được trong khai ngộ của Tia thứ Nhất để củng cố phin lọc đó. Và bây giờ khi họ đến với khóa nhập thất của thày đây, thì họ chờ đợi là họ sẽ tìm thấy một số điều minh triết, họ sẽ học tập thật siêng năng đến độ họ trở nên tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn, thông minh hơn, hiểu biết hơn các đệ tử khác.

Họ hành xử y như con thấy rất nhiều người hành xử trên thế giới. Họ hành xử như con thấy các nhà trí thức hành xử mọi lúc, khi họ biến cuộc thảo luận thành một loại tranh tài để xem ai là người khôn ngoan, thông minh nhất, ai là người có khả năng ứng đáp tài tình nhất. Nhất định phải có một phe đối lập, nhất định phải có điều gì đúng và điều gì sai. Và những ai biết được cái đúng thì phải khống chế những kẻ không có hiểu biết đó, khống chế những kẻ không có cùng cái nhìn về cuộc sống và do đó bắt buộc phải sai lầm, phải giả trá, phải thuộc về ác quỷ. Những kẻ này bắt buộc phải là kẻ lừa dối, có chủ ý đánh lừa, khuynh loát người khác, và chúng ta phải khống chế họ bằng minh triết của chúng ta.

4.7. Lời nói là dụng cụ để thăng vượt

Đó là những gì con có thể thấy xảy ra trong thế gian. Đó là một cách phản ứng rất phổ biến, có đúng không con? Có thể là con đã nhận ra chính con, hoặc ít ra một số người trong giới tâm linh đã tham gia vào trò khống chế người khác như vậy? Trong số các con, có bao nhiêu người tin rằng sự hiểu biết tâm linh của mình – cho dù nó đến từ các chân sư thăng thiên hay từ những giáo lý hay vị thày khác – cao siêu hơn mọi người khác? Một lần nữa, đây là một thách đố mà các thày phải đối diện. 

Thày không đang nói là minh triết mà các thày trao cho con không thực, không đúng, không có giá trị, tuy nhiên đây không phải là minh triết tối hậu, bởi vì minh triết tối hậu vượt khỏi mọi ngôn từ. Nó toàn diện, nó bao trùm tất cả, nó là một sự chiêm nghiệm. Điều mà thày trao cho con, điều mà các thày trao cho con qua các giáo huấn này, chỉ là ngôn từ, và khi ngôn từ được diễn dịch, bản chất toàn diện, bao trùm tất cả của nó bị phần nào đánh mất. Điều này không có nghĩa là lời nói không đáng giá gì cả, nhưng lời nói chỉ là dụng cụ để con thăng vượt. Khi con lấy một lời điễn đạt, cho dù là từ Kinh thánh hay từ một bài truyền đọc của chân sư thăng thiên, rồi con biến nó thành một chân lý tuyệt đối, thì con đã đánh mất minh triết, Minh triết Thiêng liêng. Con đã thu được sự hiểu biết nhân thế, hiểu biết phàm phu, nhưng thật sự nó khó lòng thay thế được hiểu biết đích thực. Đây là điều mà con cần bắt đầu nhận ra ở mức khai ngộ đầu tiên tại khóa nhập thất Royal Teton.

4.8. Khai ngộ thứ nhất tại Nhập thất Royal Teton

Các thày nhận các học viên, sắp xếp vào từng nhóm, xong yêu cầu học viên thảo luận về một đề tài nào đó. Lúc đầu, các thày chỉ yêu cầu họ thảo luận dựa theo những gì họ đã biết sẵn. Một câu hỏi được đặt ra, ví dụ: “Làm thế nào con người có thể biết được một điều gì? Làm thế nào con biết được điều con biết là thực, là đúng, là hữu lý?” Đây là câu hỏi mà các nhà hiền triết đã từng tranh luận từ hàng bao thế kỷ. Sẽ hữu ích cho con nếu con đã có nghiên cứu đôi chút về triết học và tìm hiểu xem các triết gia nói gì về đề tài này, bởi vì đây chính là việc mà con sẽ làm ở cấp đầu của khóa nhập thất.

Sau khi các học viên đã thảo luận sơ khởi dựa trên hiểu biết sẵn có, thày yêu cầu họ vào thư viện của thày để tìm xem các triết gia trên thế giới đã cố giải quyết vấn đề này như thế nào. Sau đó thày yêu cầu mỗi người hãy chọn ra một triết gia, rồi họ lại tụ lại để thảo luận chung quanh ý tưởng của các triết gia đó. Xong thày yêu cầu các học viên cứ tiếp tục thảo luận. Thày không đưa ra hướng dẫn hay trợ giúp nào. Và tất nhiên, các học viên lao vào công việc này một cách vô cùng sốt sắng, và sốt sắng nhất là những người đã mang theo động lượng của uy lực để chuyển vào minh triết.

Các học viên này chọn ra một triết gia mà họ tin là có cái nhìn đúng đắn, là nắm được chân lý duy nhất, rồi họ liên tục đưa ra luận cứ dựa theo chân lý của triết gia này, như thể sự thật của vị ấy thực sự là cách nhìn cao nhất về vấn đề này, như thể đó thực sự là sự thật tuyệt đối vậy. Họ tranh luận với nhau, nhưng các học viên khác cũng cho rằng triết gia của mình mới nắm giữ chân lý cao nhất cho nên họ cũng ngồi lại, và cứ vậy dần dần có một số phe nhóm hình thành. Trong nhiều trường hợp, các học viên khởi sự với nhiều quan điểm khác nhau, nhưng dần dà một số quan điểm bị loại bỏ, và cuối cùng chỉ còn lại hai phe chính đối đầu với nhau.

Con sẽ thấy khi con nghiên cứu triết học, hầu như trong mọi vấn đề đều có hai trường phái tư tưởng chính yếu. Một là Cha, một là Mẹ; một là sự tha hóa của Cha và một là sự tha hóa của Mẹ; lực lan ra và lực co lại. Các thày cứ để yên cho họ tranh cãi cho thỏa thích, và thày có thể nói với con là thật may mắn làm sao khi các thày, những vị thày hướng dẫn tại khóa Nhập thất Royal Teton, đã đạt được tâm Phật.

Thật là đáng kinh ngạc khi chứng kiến các học viên ngồi đó tranh cãi với nhau lâu đến như vậy trước khi họ hiểu ra là có lẽ đã đến lúc họ phải tìm một cách tiếp cận nào khác hơn cho vấn đề, bởi vì không có phe nào có khả năng thuyết phục được phe kia là mình đúng. Nếu có học viên nào bắt đầu đặt lại vấn đề tự thân cuộc tranh luận, đặt lại vấn đề tự thân cái tư duy đã dẫn tới tranh luận, thì học viên đó đã sẵn sàng tiến sang bước kế tiếp.

Đôi khi khóa học khởi sự với một nhóm đệ tử khá đông. Các thày cứ để yên cho họ tranh luận và thay phiên nhau trình bày quan điểm của mình, và các thày chỉ quan sát mà thôi. Khi có một đệ tử bắt đầu chất vấn chính cuộc tranh luận, chất vấn khuôn khổ tư duy đằng sau cuộc tranh luận, thì lúc đó các thày có thể kéo đệ tử đó ra ngoài. Đệ tử này có khả năng đi lên mức kế tiếp, là mức nơi khai ngộ về minh triết không còn được biểu đạt qua uy lực, mà minh triết được biểu đạt qua chính Tia sáng thứ Hai của minh triết.   

4.9. Các học viên không qua được khai ngộ đầu tiên

Còn đối với các học viên nào không chất vấn cuộc tranh luận, các thày sẽ để yên cho họ tiếp tục tranh luận. Thường chuyện này có thể kéo dài khá lâu, nhưng lần lượt các đệ tử sẽ từ từ được kéo ra ngoài, và trong nhiều trường hợp, cuối cùng sẽ chỉ còn lại đúng hai học viên. Đây chính là hai người đã trở thành kẻ lãnh đạo phe nhóm của mình, là hai người đã phát biểu về minh triết với nhiều uy lực nhất và cũng là hai người tin chắc nhất rằng mình đúng, rằng chỉ có thể có một chân lý duy nhất mà thôi. Và đó chính là tại sao họ lại biện luận quan điểm của mình hùng hồn đến như vậy.

Con sẽ ngạc nhiên khi thấy những học viên hùng hồn như thế có thể tiếp tục tranh luận lâu đến như vậy. Con sẽ ngạc nhiên khi thấy họ nhiều lần trở vào thư viện, tra khảo sách vở để tìm ra cho bằng được cái lý lẽ tối hậu. Và quả thật, điều đã từng xảy ra là các học viên này tới mức không chịu thua nhau, giận dữ nhau, rồi họ bỏ đi, không phải chỉ bỏ khóa nhập thất này, mà bỏ hẳn luôn cả tiến trình khai ngộ.

Một số đã rơi xuống tầng tâm thức ở dưới tầng 48 tương ứng với tầng của họ, bởi vì họ đã không thể buông nhả nỗ lực sử dụng minh triết để khống chế đối thủ của mình. Điều này không xảy ra thường lắm nhưng nó có thể xảy ra, bởi vì ở mỗi tầng tâm thức giữa 48 và 96, con có khả năng rơi xuống tầng đối xứng ở dưới tầng 48. Điều này xảy ra khi con tha hóa cuộc khai ngộ ở mức tâm thức hiện thời của con qua sự tức giận hay sợ hãi, hay một cảm xúc tiêu cực nào khác. Con cứ biểu lộ cảm xúc này ngày càng cực đoan hơn mà không sẵn lòng tra vấn xem có cách nào khác hơn, có cách nào không dẫn đến bực dọc.

Thày muốn con biết là nếu con nhìn vào các sinh hoạt công cộng trên trái đất này, con sẽ thấy trong thời đại hôm nay có những con người tương tự như thế. Con sẽ tìm thấy họ trong giới truyền thông, trên chính trường cũng như trong các lãnh vực khoa học, các tổ chức giáo dục như viện đại học chẳng hạn. Họ là những người ham mê tranh luận trí thức. Họ thường xem mình có kiến thức và hiểu biết cao siêu, nhưng đây là sự hiểu biết nhân thế, hiểu biết nhị nguyên. Hiểu biết như vậy không bao giờ giải quyết được việc gì. Thày có thể nói với con là một số người hiện đang viết lách về một đề tài nào đó, đã làm chuyện này từ lâu lắm rồi. Có thể họ đang viết sách để biện bác chống lại một quan điểm nào đó, nhưng họ không vừa mới bắt đầu làm chuyện này trong kiếp này đâu. Họ đã làm chuyện này từ nhiều kiếp trước rồi.

Ngày nay có những người đang đầu thai trong các giới trí thức đã từng đầu thai làm thày thông giáo và người Pha-ri-si cách đây 2000 năm. Vào thời đó, chính họ đã sử dụng sự khôn ngoan phàm phu của họ để biện bác chống lại Giê-su khi thày đứng trước mặt họ như đấng Ki-tô Hằng sống. Một số người đầu thai ngày nay cũng chính là người Bà la môn Ấn giáo thuở trước đã biện bác chống lại Gautama khi thày xuất hiện trước mặt họ trong xác thịt. Họ biện bác rằng đức Phật làm sao có lý được khi bảo tất cả đều là Phật tánh, bởi vì lời này đi ngược lại kinh điển của họ thời đó, cho nên họ phải đem tất cả nghị lực và tài ba trí thức ra để mà bác bỏ.

4.10. Trải nghiệm Tánh linh của Minh triết

Đó chính là khuôn nếp lạm dụng minh triết qua quyền năng. Con nâng cao một lời diễn đạt thành một dạng minh triết cao hơn, rồi con phóng chiếu nó ra để bắt buộc tất cả mọi thứ phải tuân thủ minh triết này. Thậm chí con còn phóng chiếu ra để buộc cả Phật Hằng sống lẫn Ki-tô Hằng sống cũng phải tuân theo phin lọc nhận thức của con. Phật Hằng sống và Ki-tô Hằng sống đã đến đây để giúp con thoát ra khỏi hộp tư duy kín mít của phin lọc nhận thức của con. Cái hộp bị đóng kín vì con đã lấy một lời tuyên bố về minh triết rồi vận dụng quyền năng để nâng nó lên địa vị tuyệt đối. Lời tuyên bố minh triết của con có thể hoàn toàn hữu lý, nó có thể đúng, nhưng nó không phải là cách duy nhất để mô tả thực tại. Nó không phải là chân lý duy nhất, bởi vì không hề có chân lý duy nhất. Bất kỳ lời diễn đạt nào cũng chỉ là một cách mô tả, nhưng điều này không có nghĩa là mọi lời diễn đạt đều thực hoặc có giá trị như nhau. Có những lời diễn đạt lầm lẫn, nhưng cũng có nhiều hơn một lời diễn đạt là thực, đúng, hữu lý và hữu ích. Diễn đạt chỉ là diễn đạt; nó chỉ là những cách mô tả có khả năng giúp con thăng vượt ngôn từ và đạt được sự chiêm nghiệm toàn diện về Tánh linh của Minh triết, là tánh linh đã nảy sinh ra Lời, nhưng lại là nhiều hơn lời nói, nhiều hơn hình tướng.

Hỡi con yêu dấu, đây là sự khác biệt giữa những ai vượt qua được khai ngộ đầu tiên của Tia thứ Hai và những ai bị rớt lại. Những học viên này sẽ phải tiếp tục lạm dụng quyền năng của mình bằng cách cố nâng một lời diễn đạt lên thành chân lý tuyệt đối tối thượng mà mọi người trên địa cầu phải tôn trọng, tuân thủ và thờ phượng. Chính đó là thử thách đầu tiên trong các khai ngộ của Tia thứ Hai. Một khi con qua được các khai ngộ của Tia thứ Nhất, con cũng sẵn sàng vượt qua thử thách này ở mức nội tâm. Nhiều người đọc đến đây cũng đã qua được cuộc khai ngộ ở mức nội tâm. Nhưng câu hỏi chủ yếu ở đây là: “Liệu ngoại tâm của con đã hòa điệu được với tinh tấn nội tâm của con hay chưa?”

Liệu con đã nhận ra được, với ngoại tâm ý thức của con, rằng mọi cách diễn đạt bằng ngôn từ chỉ là môt cách khả dĩ để mô tả thực tại vượt khỏi mọi ngôn từ? Đó không là chân lý duy nhất. Đó không là cách diễn đạt duy nhất, và do đó con không được biến nó thành một chiếc hộp tư duy đóng kín. Nếu con đóng hộp tư duy con lại, thì thày, Lanto, sẽ không thể dạy con. Nếu vậy thì con cần đi về và học hỏi từ Trường đời Cay đắng, nơi con sẽ giao chiến với người khác và tiếp tục xung đột như thế trong nhiều kiếp đầu thai nữa, cho đến khi con sẵn sàng chấp nhận rằng một lời diễn đạt nào đó, cho dù hay ho đến đâu, cũng chỉ là một cách mô tả cái mà thực sự không có lời nào có thể mô tả được.

Ngay cả Lời của Thượng đế cũng không thể nắm bắt hết sự viên mãn của Thượng đế. Ngay cả lời nói của Lanto cũng không thể nắm bắt được sự viên mãn của tánh linh mà TA LÀ. Nếu con cho rằng con có thể biết được thày qua lời nói, thật là con chưa biết thày chút nào. Nhưng nếu con sử dụng lời nói của thày như một phương thức để hòa điệu chiếc máy thâu thanh của tâm con với Hiện diện của thày, thì thày sẽ chia sẻ Hiện diện của thày với con. Và như vậy con sẽ vượt qua cuộc khai ngộ nhằm gỡ bỏ phin lọc nhận thức đầu tiên của con trên Tia sáng thứ Hai của Minh triết.

TA LÀ Lanto. TA LÀ một tánh linh. TA LÀ nhiều hơn tất cả những gì có thể biểu đạt qua lời nói, và thày khao khát chia sẻ với con cái nhiều hơn đó. Trước khi thày có thể làm được vậy, con phải sẵn lòng từ bỏ bất cứ lời diễn tả nào mà con cho là sẽ mô tả thày, hay mô tả Thượng đế, hay mô tả thực tại tâm linh, hay mô tả cuộc sống trên địa cầu. Con hãy dùng những từ này mà thày trao cho con để con mở tâm ra một chiêm nghiệm hoàn toàn vượt khỏi ngôn từ. Lanto TA LÀ. “Lanto” chì là một từ. “TA” chỉ là một từ. “LÀ” chỉ là một từ. TA LÀ nhiều hơn. Con hãy biết thày là cái nhiều hơn đó thì con cũng sẽ biết con là cái nhiều hơn.

Phân biện thực với không thực

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 9/3/2014.

TA LÀ chân sư Lanto, Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Tia thứ Hai thường được xem là tia sáng của Minh triết Thượng đế. Khi thày nói “Minh triết Thượng đế”, có bao nhiêu người sẽ chú tâm vào từ “minh triết” mà quên mất từ “Thượng đế”? Nhiều người nghĩ rằng minh triết có nghĩa là trí tuệ thế gian, bởi vì làm sao họ có được một khung tham chiếu nào khác hơn để mường tượng ra Minh triết Thượng đế? Nhiều người đã ôm giữ một tượng thờ làm hình ảnh về Thượng đế, và ngay cả khi họ nghĩ đến một minh triết vượt khỏi trí tuệ con người, thì họ cũng chỉ nhìn thấy được một minh triết được gán ép vào hình ảnh giả trá đó về Thượng đế, là hình ảnh mà họ đã thờ phượng từ nhiều thế kỷ, nhiều thiên niên kỷ đã qua, thậm chí từ trước cả lịch sử ghi chép.

Quả vậy, có thể nói rằng vấn đề chủ yếu trên địa cầu là hình ảnh giả trả về Thượng đế mà con người đã có từ khi các thiên thần sa ngã nguyên thủy đi xuống trái đất này lần đầu tiên. Chúng đã truyền bá hình tượng riêng của chúng về một ông thần ở bên ngoài, với bất kỳ hình dạng nào mà chúng có thể sử dụng để quyến rũ con người vào thời đó.

Làm sao con có thể biết được Minh triết Thượng đế nếu con không biết đến cả Thượng đế, nếu con nghĩ rằng Thượng đế có thể nằm gọn trong cái hộp tư duy nhỏ xíu đã được tạo ra ở đây trên địa cầu, hay đã được tạo ra ở ngoài địa cầu bởi các sinh thể sa ngã khi chúng cho rằng chúng có thể điều khiển vũ trụ giỏi hơn Thượng đế? Thày có thể đoan chắc với con là nếu các thiên thần sa ngã đã được giao phó nhiệm vụ điều hành vũ trụ, thì từ lâu, vũ trụ đã tự hủy diệt qua cơ chế được mô tả trong định luật thứ hai của nhiệt động học. Có một sức mạnh sẽ phá vỡ bất kỳ hệ thống nào chứa đựng mâu thuẫn nội tại, bởi vì hệ thống đó dựa trên trí tuệ giả trá do tâm thức nhị nguyên tạo dựng – cái mà các thày đã gọi là tâm rắn [serpentine mind, hay tâm lý luận quanh co].

3.1. Một lời mời đặc biệt tham dự lớp nhập thất tại Royal Teton 

Với tư cách là Thượng sư Tia thứ Hai, thày đến đây để đề nghị với con là nếu con đọc các bài thỉnh trong quyển sách này, con sẽ được mời tham dự một khóa tu học đặc biệt tại Nhập thất của thày ở Royal Teton. Điều này sẽ giúp những ai đã sẵn sàng, những ai sẵn lòng nhìn xuyên thấu trí khôn của rắn, nhìn xuyên thấu cái cơ chế mà qua đó những sinh thể đã bước ra sau tấm màn nhị nguyên nghĩ rằng họ có khả năng tạo ra định nghĩa riêng của họ về minh triết. Lần hồi, tùy theo mức tâm thức của con, con sẽ được chỉ dẫn để giải phóng tâm con cho không còn những ý tưởng vi tế đã được sa nhân cài đặt vào tâm thức tập thể trong nỗ lực gài bẫy loài người vào niềm tin phổ biến nhất trên địa cầu – là niềm tin rằng: “Chúng tôi nắm sự thật tuyệt đối. Chúng tôi biết cái gì là thực, chúng tôi biết cái gì là chân, chúng tôi biết Thượng đế có hiện hữu hay không, và Thượng đế đó như thế nào.” Thượng đế đó hiện hữu như được mô tả trong tôn giáo của chúng tôi. Hoặc Thượng đế đó không hề hiện hữu theo tôn giáo của chúng tôi là chủ nghĩa duy vật.

Đây là một lời mời đặc biệt dành cho những ai sẵn lòng đọc các bài thỉnh trong quyển sách này và sau đó, trước khi đi ngủ, thỉnh cầu mình được đưa tới khóa Nhập thất tại Royal Teton nằm bên trên rặng núi Teton, tiểu bang Wyoming tại Hoa Kỳ. Ngọn núi cao nhất trong rặng nui này mang tên Royal Teton, và đó chính là nơi con sẽ tìm thấy những cánh cửa bằng vàng mở vào khu nhập thất.

Trong quá khứ, các thày đã từng mô tả những cánh cửa đó là cánh cửa to lớn bằng đồng, nhưng qua thuật giả kim của tánh linh và biết bao nhiêu người tâm linh trên địa cầu đã tới đây nhập thất, các thày đã nâng cấp thành cửa vàng ròng.

Các thày muốn báo trước cho tất ai những ai sẽ tới tham dự rằng đằng sau cánh cửa, con sẽ tìm thấy Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim cháy rực sáng trên bàn thờ ở đại sảnh nơi trung tâm khu nhập thất. Con có thể hình dung đại sảnh như một khoảng không gian rộng lớn với một mái vòm khổng lồ bên trên, to lớn hơn mọi mái vòm khác mà con từng thấy trong các công trình kiến trúc nổi tiếng khắp thế giới. Mái vòm này không có cột chống, mà nó được giữ trên cao bởi những tia ánh sáng rực rỡ đến độ chúng cầm giữ được mái vòm. Tất nhiên, mái vòm không được cấu tạo bằng một chất vật lý, nhưng chất liệu của nó vẫn dày đặc hơn ánh sáng đang cầm giữ nó trên cao.

3.2. Ánh sáng cầm giữ cả vũ trụ vật chất 

Điều này tượng trưng cho sự kiện tất cả mọi thứ đều được chống giữ nhờ ánh sáng. Tất cả mọi thứ thị hiện như một chất hữu hình trong vũ trụ vật chất đều thực sự lơ lửng trên một nền tảng ánh sáng. Có một câu chuyện vui rất xưa kể rằng có một vị thày kia ở phương Đông bảo rằng toàn bộ vũ trụ vật chất nằm trên mu một con rùa. Và khi có người hỏi: “Thế ở dưới con rùa là gì?” thì vị ấy trả lời: “Chỉ toàn là rùa với rùa cho tới tầng thấp nhất.” Tất nhiên câu chuyện cần được hiểu trong truyền thống khôi hài của Thiền Phật giáo luôn luôn tìm cách tạo bối rối cho tâm đường thẳng. Không có chuyện một con rùa chống giữ cho cả vũ trụ, nhưng quả là ánh sáng chống giữ cho cả vũ trụ vật chất, và đúng vậy, chỉ toàn là ánh sáng từ trên xuống dưới. Dù con có đi theo hướng nào thì rốt cuộc con cũng đạt tới Bản thể của Đấng Sáng tạo.

Mục đích thật sự của việc tham gia khóa Nhập thất Royal Teton gồm có hai phần. Trước hết là để khiến cho cái tâm trí thức đường thẳng – tâm phân tích – bị bối rối. Cái tâm đó khao khát muốn biết mọi sự, khao khát khả năng đặt mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi khía cạnh của Thượng đế, vào trong kho dữ liệu của nó. Nó muốn phân loại tất cả mọi thứ mà nó gặp và mỗi phân loại phải được gán cho một cái nhãn trong kho dữ liệu. Đây là mục tiêu ngàn đời của tâm phân tích, bởi vì chỉ khi làm xong chuyện này thì nó mới cảm thấy đã tròn phận sự. Chỉ có khi đó thì tự ngã mới cảm thấy là nó đã nắm được chính con, cũng như đời sống của con, dưới quyền kiểm soát của nó – bởi vì con đã nhận lấy một nhãn hiệu cho chính mình.

Mục tiêu đầu tiên khi đến Nhập thất Royal Teton là các thày sẽ giúp con đập vỡ những cái nhãn mà con đã tự gán lên mình, gán lên Thượng đế, gán lên mọi khía cạnh của cuộc sống trong cõi vật chất. Các thày giúp con nhìn ra là con có khả năng vượt xa hơn, vượt ra ngoài các giới hạn mà con người đã áp đặt lên mình từ ngàn đời. Các giới hạn này đã không ngừng được tăng cường trong tâm thức tập thể, khiến cho nhiều người thời nay không tin nổi là khi Ki-tô bước chân trên địa cầu, thày đã thực hiện những phép lạ không làm sao thực hiện được trong khuôn khổ những định luật gọi là luật tự nhiên. Hay họ không làm sao tin nổi rằng khi chính thày bước chân trên mặt đất trong kiếp hiện thân chót của thày, người ta có thể nhìn thấy ánh rực sáng của ngọn lửa ba nhánh của thày tỏa xuyên qua da thịt vật lý.

Nhiều người trong thế giới ngày nay sẽ lập tức bác bỏ những chuyện như vậy, và đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy tâm thức tập thể đã bị ô nhiễm đến chừng nào bởi những niềm tin gây giới hạn nhằm hạ thấp uy lực của Thượng đế bên trong con. Như Giê-su từng nói: “Với con người thì chuyên đó không thể, nhưng với Thượng đế thì chuyện đó có thể, bởi vì với Thượng đế mọi chuyện đều khả dĩ.” Tất cả mọi thứ đều khả dĩ.

Những gì con có thể hình dung và chấp nhận đều có thể được thị hiện như một hiện thực vật lý. Ánh sáng của Mẹ – Ánh sáng Mẫu-Vật – sẽ trải bày ra bất kỳ hình ảnh nào được phóng chiếu lên nó với một cường độ đủ mạnh. Những gì con nhìn thấy hôm nay trong cõi vật chất không là gì hơn một hình ảnh do tâm thức tập thể phóng chiếu ra. Những gì con nhìn thấy trên địa cầu được phóng chiếu bởi tâm thức tập thể của các cư dân của địa cầu, trong quá khứ lẫn trong hiện tại. Khi nào con phóng chiếu ra một hình ảnh khác thì sự thị hiện vỏ ngoài cũng sẽ thay đổi, tùy theo các chu kỳ của bốn tầng của vũ trụ vật chất.

3.3. Minh triết Thượng đế không trí thức 

Có ích lợi gì mà trao cho con một minh triết sẽ thỏa mãn trí thức của con và cho con cảm giác mình là một đệ tử tâm linh cao cấp nếu minh triết đó không thách thức các giới hạn mà con đã chấp nhận cho chính con? Liệu con có nghĩ rằng các thày – là các vị thày tâm linh của nhân loại – ngồi ở đây để đổ trí tuệ thế gian xuống cho đệ tử của mình hầu đệ tử ngày càng trở nên khôn ngoan hơn trong nghĩa thế gian? Con chẳng nhận ra hay sao rằng các thày đã từng là những vị thày từ rất lâu rồi, và một số thày đã thăng thiên hàng bao thế kỷ trước? Các thày đã từng theo dõi vô số đệ tử, vào thời các thày còn hiện thân lẫn sau đó. Các thày đã thấy họ bước đến, họ muốn nhận được minh triết và họ muốn được người đời nghĩ họ minh triết đến chừng nào. Họ trông chờ các thày sẽ trao cho họ minh triết để họ có thể bước ra ngoài kia và thoả mãn nhu cầu của tự ngã muốn được chứng nhận và cảm thấy là phần nào mình cao trội hơn người khác.

Tất nhiên, các thày đón nhận tất các mọi đệ tử, đặc biệt tại Nhập thất Royal Teton, là một trong những khóa nhập thất tiên khởi nơi mọi người đến nhập môn khi họ sẵn sàng tiếp nhận một giáo lý cao hơn. Các thày phải thỏa mãn bất kỳ mong muốn nào của đệ tử khi họ đến đây lần đầu. Điều các thày tìm kiếm là những người đã đạt tới mức họ sẵn lòng nhìn nhận các giới hạn của trí tuệ thế gian. Họ sẵn lòng nhìn ra là phải có cái gì hơn chuyện trí thức hóa, hơn chuyện bàn cãi triết lý về khía cạnh này của định luật vũ trụ hay khía cạnh nọ của cõi tâm linh. Khi đệ tử đạt đến mức đó, các thày sẽ cống hiến cho họ một con đường cao hơn tại khóa nhập thất để họ vượt lên xa hơn. Lần hồi họ sẽ bắt đầu nhận ra mục tiêu thứ hai – mục tiêu đích thực – của việc tham dự khóa Nhập thất Royal Teton, là để họ chạm được gấu áo của chiếc Áo choàng Giác ngộ Hoàng kim – tức là Ngọn lửa Giác ngộ – và chứng được nó như là một năng lượng, một rung động vượt khỏi mọi thứ trên địa cầu.

3.4. Dạy dỗ một tân đệ tử tại Royal Teton 

Nếu các thày đưa ngay các đệ tử nhập môn vào đại sảnh trung tâm nơi Ngọn lửa Giác ngộ hằng cháy, thì họ sẽ bị thiêu đốt. Cảm nhận mà họ vẫn mang là mình kiểm soát được mọi chuyện, sẽ bị vỡ tan đến mức họ trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc nghiêm trọng. Các thày không cho phép các tân đệ tử tiếp cận với ngọn lửa. Thậm chí các thày không cho phép họ bước vào đại sảnh có chứa ngọn lửa cho đến khi họ sẵn sàng. Họ phải chứng tỏ là họ sẵn lòng buông bỏ mọi tư tưởng trí thức, triết lý, sẵn lòng chất vấn tất cả các niềm tin hiện có, và họ làm được điều đó mà không đánh mất ý niệm bản sắc, đánh mất nền tảng cuộc sống của họ.

Khi nào họ chứng tỏ được sự sẵn lòng này thì khi đó các thày sẽ cho phép họ bước vào đại sảnh. Lúc đầu, họ sẽ được ngồi dọc theo tường trong hội trường, họ sẽ ngồi trên ghế và quan sát ngọn lửa từ xa. Họ sẽ chỉ đơn giản ngồi đó và nhìn từ xa, rồi lần hồi họ làm quen với rung động của Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim. Sau một thời gian tùy theo khả năng cùng sự sẵn lòng của mỗi cá nhân, họ có thể tiến lại gần hơn. Họ sẽ từ từ đến gần và gần hơn nữa cho tới khi họ có khả năng bước đến hàng rào vòng tròn bao quanh cái bệ nơi có ngọn lửa bùng cháy.

3.5.  Chùm lửa vàng kim trong ngọn lửa ba nhánh của tim

Các đệ tử sẽ có thể quỳ xuống ở một khoảng cách nơi họ gần như có thể chạm tay được ngọn lửa. Họ sẽ được hấp thụ Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim một cách lần hồi, với cường độ ngày càng gia tăng, cho đến khi ngọn lửa nhảy ra khỏi bệ, nhập vào tim họ, nhập vào căn phòng mật thất của trái tim, nơi nó trở thành chùm lửa màu vàng kim chói rực trong ngọn lửa ba nhánh. Đây là lúc con là một đệ tử của Ki-tô có khả năng phân biện Lời sự Thật một cách chính trực, và con biết được đâu là thực, đâu là không thực, chỉ bằng cách đơn giản là so sánh tất cả những gì con gặp trên trái đất với sự rung động của Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim nơi căn phòng mật thất trong tim con. Đây chính là thước đo tối hậu về cái thực và cái không thực, về chân và giả – vượt lên trên cả đúng và sai, vì cái này là một khái niệm đã bị tâm của rắn lạm dụng đến mức nó gần như trở thành vô nghĩa.

Hẳn là một cái gì chân thực, và đó là Ngọn lửa Giác ngộ. Bằng cách giữ lấy Ngọn lửa Giác ngộ đó làm khung tham chiếu cho con, và vì ngọn lửa được neo trụ ngay giữa tim con, con sẽ có khả năng nhận ra cái không thực vì con thấy nó không phải là ngọn lửa, nó không rung động đồng nhịp với ngọn lửa. Mục tiêu mà các thày đặt ra tại Nhập thất Royal Teton là nâng cao đệ tử đến mức họ neo trụ được Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim nơi tim mình, hầu họ có thể bước ra ngoài và toả rạng ánh giác ngộ đó trong xã hội. Và họ sẽ giúp đem lại Thời đại Hoàng kim của Saint Germain, vì thực sự thời đại này phải được xây dựng trên nền tảng của khả năng phân biện giữa trí tuệ giả trá của tâm rắn với minh triết cùng sự giác ngộ đích thực của Ngọn lửa Thượng đế. Thày, Lanto, đã từ nhiều thế kỷ hỗ trợ bào huynh Saint Germain yêu dấu của thày trong nỗ lực đem lại Thời Hoàng kim trên trái đất. Cả hai thày gần gũi hơn bao giờ hết, nhưng sự gần gũi của hai thày chỉ có thể tương xứng với sự sẵn lòng mà các đệ tử đang đầu thai sẽ dành ra để hiện thân Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim cùng ngọn lửa của các tia sáng khác.

Thày đã hé mở cho con thấy những khai ngộ mà con có thể cố gắng vươn tới. Thày cam đoan với con rằng các bài chú của Tia thứ Hai và các bài thỉnh trong quyển sách này là những dụng cụ hữu hiệu nhất hiện có trong bát cung vật lý (physical octave) để hòa điệu với Tia thứ Hai và Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim. Các bài này cũng là phương thức hay nhất để đảm bảo con có thể đến được Nhập thất Royal Teton mỗi đêm hầu con tham gia vào các khai ngộ đó. Xuyên qua các bài chú và bài thỉnh, con sẽ có thể lần hồi xây dựng động lượng cần thiết để đem Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim vào cõi vật chất, hầu cơ thể vật lý và tâm vỏ ngoài của con có thể chịu được sự hiện diện của rung động đó trong căn phòng mật thất nơi tim con.

Thày, Lanto, trao cho con cơ hội bằng vàng này, và các thày sẽ dõi nhìn sự sẵn lòng của con để nhân lên gấp bội những ta-lăng mà con được ban cho, cũng như sự sẵn lòng của mọi người khắp thế giới để hòa điệu với động lượng được tạo ra bởi tất cả những ai đọc thỉnh cho Tia thứ Hai cùng các tia sáng khác.

3.6. Một đợt truyền pháp quan trọng để thăng vượt động lượng cũ

Qua việc phổ biến những bài chú và bài thỉnh cho tất cả bảy tia sáng, các thày đang ban cho con một đợt truyền pháp chủ yếu, một cơ hội quan trọng để mọi người tâm linh trên địa cầu thăng vượt động lượng cũ của mình. Con có thể cho rằng các bài chú và bài thỉnh nghe thật đơn giản, thậm chí nông cạn. Có người còn gọi đó là những bài đồng dao cho trẻ con, nhưng thày nói với con, giống như mọi chuyện khác, các thày đã làm phận sự của mình khi trao cho con một dụng cụ. Không thể bảo đảm được hiệu quả của dụng cụ này trong cõi tự quyết, nhưng điều các thày có thể bảo đảm với con là dụng cụ sẽ hiệu quả tùy theo con sẵn lòng nhân các ta-lăng lên tới chừng nào. Điều này tùy thuộc ở con, tùy thuộc vào tất cả mọi người tâm linh trên địa cầu, liệu các con sẽ tận dùng công cụ này đến chừng nào, và con sẽ nhân lên được chừng nào động lực nguyên thủy mà các thày ban ra.

Nếu có đủ số người tham gia vào việc đọc chú và đọc thỉnh cho bảy tia sáng, quả thật chúng ta có tiềm năng chứng kiến một cuộc đột phá to lớn. Bỗng nhiên chúng ta sẽ có những người hiện đang đầu thai biểu tượng cho mỗi tia trong số bảy tia sáng, thậm chí cả Tia thứ Tám của sự hội nhập. Nhân loại sẽ thực sự có khả năng đem lại một cách tiếp cận mới cho tất cả mọi vấn đề mà con gặp trên địa cầu, dựa trên sự kiện khung tham chiếu của bảy tia sáng có thể giúp quyền năng cho loài người thăng vượt những vấn đề cụ thể đã khởi sinh từ sự tha hóa các tia sáng.

Không có gì trong vũ trụ vật chất có thể được sinh tạo mà không do bảy tia sáng, và điều này có nghĩa là không có một giới hạn nào có thể được sinh tạo mà không là sự tha hóa của một tia sáng. Khi con người đầu thai thỉnh cầu ánh sáng thuần khiết của một tia sáng nhất định, ánh sáng đó sẽ tiêu hủy sự tha hóa đó. Các đặc tính của tia sáng sẽ cho con người niềm sáng ngộ mà họ cần để thăng vượt niềm tin đã tạo ra tha hóa. Một khi năng lượng tha hóa và niềm tin tha hóa được thăng vượt, vấn đề sẽ không còn nữa. Con người sẽ có khả năng kích hoạt sự thị hiện thuần khiết của tia đó, và đột nhiên con sẽ bắt đầu chứng kiến những tiến bộ vượt bực trong xã hội.

Những năm sau năm 2012 có thể được xem là một cơ hội mới, một trang giấy mới, một khởi đầu mới cho nhân loại. Có một tiềm năng to lớn để xây dựng nền tảng cho một thời đại hoàng kim. Tiến trình này phải bắt đầu với một số đệ tử sẵn lòng thăng vượt các động lượng cũ của mình trên mỗi tia sáng, hầu họ đạt tới điểm trở thành cánh cửa mở. Đây chính là cơ hội mà con có thể nắm lấy khi con sử dụng quyển sách này cùng những quyển khác trong nguyên bộ này.

Vậy thày nói: Con hãy được niêm trong Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim mà thày, Lanto, cầm giữ cho địa cầu – Ngọn lửa Giác ngộ Hoàng kim mà TA LÀ.

Giải thoát khỏi các phàm linh cấy ghép

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey ngày 14/6/2013 qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey, Thượng sư của Tia sáng Thứ tư. Ta cũng là chân sư trông coi Ngọn lửa Thăng thiên và Đền thờ Thăng thiên, nhưng hôm nay ta đến với tư cách Thượng sư nhiều hơn. Ta đến để khai triển lời dạy vừa rồi của Astrea. Đó là một lời dạy có vẻ gây trĩu nặng và khó khăn cho một số các con, tuy nhiên đối với một số khác đã sẵn sàng tiếp nhận, giáo lý đó sẽ giải thoát con.   

Hiểu quyền tự quyết trên địa cầu là gì

Ta sẽ đi ngay vào chủ đề tra tấn và hậu quả của tra tấn trên cỗ xe linh hồn của một dòng sống. Con cần hiểu là trong cõi vật lý khi con đi vào hiện thân, con nằm dưới sự chi phối của Luật Tự quyết như được định nghĩa trên địa cầu. Điều này có nghĩa là trong cõi vật lý, thể xác vật lý của con và thể xác vật lý của mọi người đều có một số khả năng và một số năng lực. Từ một góc cạnh nào đó khi con đầu thai, con được quyền làm bất cứ gì mà con có thể với thể xác vật lý.  

Đây là một điểm mà nhiều người chưa hiểu hoặc chưa sẵn lòng nhìn nhận. Đó là một quan niệm mà nhiều người khó chấp nhận, nhưng con hãy thử xét xem một thực tế giản dị. Thực tế này là con có khả năng giết chết một người khác với xác thân vật lý của con. Nếu việc này không nằm trong phạm vi những hành động được Luật Tự quyết cho phép trên địa cầu, thì làm sao con có khả năng đó được?  

Hoặc con phải lý giải là bởi vì con có khả năng này thì hẳn là Thượng đế đã sai lầm khi ngài ban cho con khả năng đó. Hoặc con phải lý giải là Thượng đế đã không sai lầm bởi vì hành tinh địa cầu không phải là một hành tinh có tâm thức cao. Địa cầu là một môi trường học hỏi cho những ai đã xuống thấp hơn tầng tâm thức thứ 48, là nơi họ cần phải học hỏi qua hành động vật lý rồi chứng kiến những hậu quả của hành động đó, bởi vì họ không biết học hỏi cách nào khác.

Cho mỗi hành tinh khác nhau, Luật Tự quyết được định nghĩa khác nhau, và đối với hành tinh địa cầu, Luật Tự quyết quy định rằng xác thân vật lý của con có một số khả năng nằm trong một phạm vi nhất định, và từ một góc cạnh nào đó, con có quyền sử dụng mọi khả năng trong phạm vi đó. Tuy vậy, tất nhiên con vẫn phải tuân theo Luật Nghiệp quả quy định rằng bất cứ điều gì con làm cho người khác cũng sẽ được gửi trả về cho con dưới một hình thức nào đó.  

Tuy con có quyền làm cho người khác bất cứ điều gì con muốn, tấm gương vũ trụ một lúc nào đó sẽ làm cho con những gì con đã làm cho người khác, và đây là Trường đời Cay đắng. Ta vẫn biết sự hồi đáp của nghiệp quả có thể đến trong một kiếp tương lai và con có thể quên mất những gì con đã làm mấy tiền kiếp trước đây, nhưng một lần nữa, có những lý do phức tạp cho sự thể này và tất cả đều nằm trong kinh nghiệm học hỏi của con.

Con cần nhìn nhận sự thật đơn giản này: Bất kể cơ thể vật lý của con có khả năng nào thì con cũng có quyền sử dụng khả năng ấy, và mọi người khác cũng y như vậy. Điều này có nghĩa là khi con đầu thai trên địa cầu, con không thể chờ đợi người khác sẽ không làm cho con những điều con không làm cho họ.

Mặc dù có quy luật thật rõ ràng – hãy làm cho người khác những gì con muốn người khác làm cho con nếu con không muốn tạo nghiệp – thì quy luật cũng bảo rằng con có thể tác động trên người khác nếu con sẵn lòng gặt hái nghiệp quả của hành vi đó. Con phải hiểu rằng cho dù tra tấn là một sự lạm dụng khủng khiếp đối với một dòng sống khác, việc này vẫn nằm trong phạm vi những khả năng của cơ thể vật lý mà Luật Tự quyết cho phép. Đây là một điều con cần chấp nhận và ta sẽ giảng cho con tại sao con cần chấp nhận.  

Những điều con cần biết về đầu thai trên địa cầu

Con cũng cần suy ngẫm một quy luật vô cùng đơn giản, một hậu quả đơn giản của Luật Tự quyết. Hãy lấy ví dụ một dòng sống trong số những dòng sống mà chúng tôi gọi là những Thánh nhân Vô tội – một dòng sống đã tình nguyện hiện thân trên địa cầu để đem lại ánh sáng tâm linh sẽ giúp nâng cao tâm thức tập thể và cả hành tinh. Một dòng sống như thế không đến đây do một chọn lựa vị kỷ ở một môi trường hay một hành tinh khác. Dòng sống đó đã không sa ngã xuống đây, đã không bị bắt buộc phải tới đây do nghiệp chướng. Thế nhưng ngay cả một dòng sống như vậy khi bước vào một xác thân vật lý, vẫn phải tuân chịu sự chi phối của Luật Tự quyết trên xác thân họ, và điều này có nghĩa là dòng sống này sẽ không thể mong đợi mình sẽ được đối xử tốt đẹp hơn do mình không có nghiệp chướng, hay vì mình đã tới đây với những ý định cao thượng nhất.

Đây là điều mà tất cả các dòng sống đã được căn dặn trước khi họ tình nguyện đầu thai trên địa cầu. Ta đang đặc biệt nói tới 144,000 dòng sống ban đầu đã đến đây cùng với Sanat Kumara từ hành tinh Venus, và hàng triệu dòng sống khác đã đến sau đó và vì vậy, như chúng tôi đã nói, họ đến đây qua trung gian văn phòng của Sanat Kumara và Nữ chân sư Venus.

Những dòng sống này đã đến đây với ý định cao cả nhất cho dù họ đã được dặn trước là họ sẽ tới một hành tinh vô cùng tăm tối, và một khi họ đầu thai trong một xác thân vật lý, các chân sư thăng thiên sẽ không có cách nào can thiệp để ngăn chặn một số hành vi hung ác bạo ngược xảy ra. Địa cầu là một loại môi trường nơi mọi sự phải được phép diễn ra – trong giới hạn của Luật Tự quyết – hầu con người thấy được hậu quả và may ra sẽ học hỏi được từ đó, và khi đó họ sẽ nói: “Chúng tôi không muốn tiếp tục thế này nữa, chúng tôi muốn cái gì HƠN cái này.”   

Ta nói những điều này với con bởi vì tất cả chúng ta là những người đã từng hiện thân trên địa cầu, biết rất rõ hành tinh này là một môi trường khó khăn đến chừng nào, và hầu như con không thể hiện thân ở đây mà không quên mất những lời dặn ban đầu. Có nghĩa là hầu hết các con, hầu hết chúng ta khi còn hiện thân, đã quên mất sự khó khăn của môi trường này. Thế nhưng chúng ta không hoàn toàn quên được chúng ta đã đến từ một nơi khác, từ một môi trường tốt đẹp hơn. Cho nên chúng ta luôn đem theo trong thâm sâu của mình sự hiểu biết, sự nhận thức, ký ức về cuộc sống và cách đối xử với nhau ở một hành tinh cao đẹp hơn.       

Cho nên khi chúng ta gặp phải những hành vi tàn bạo đó, thật là dễ cho chúng ta cảm thấy đó là những hành vi oan ức, sai trái, những hành vi không thể xảy đến cho mình. Tại sao người ta lại làm vậy với mình trong khi mình không hề làm gì với họ? Và một khi con bắt đầu suy nghĩ như thế, con dễ dàng nhạy cảm với những phóng chiếu của tâm nham hiểm bảo con rằng: “Tại sao Thượng đế lại cho phép chuyện này xảy ra cho mình? Tại sao Thượng đế không bảo vệ mình? Tại sao Thượng đế không cứu giúp mình?”     

Thế là con oán giận Thượng đế, và khi con oán giận Thượng đế, con đánh mất sự trong trắng là cảm nhận nội tâm của con. Điều xảy ra khi con đánh mất sự trong trắng là qua cảm xúc tiêu cực của con đối với Thượng đế – cảm xúc oán giận hay oan ức – tư duy sa ngã đã có một lối vào để xâm nhập tâm thức con. Các sa nhân sẽ sử dụng lối vào này để tìm cách cài đặt một bộ phận cấy ghép vào cỗ xe linh hồn, trường hào quang của con.       

Điều gì xảy ra cho những ai bị tra tấn

Ta sẽ minh họa điểm trên bằng cách mô tả điều gì xảy ra cho một người phải chịu những hình thức tra tấn tàn nhẫn. Đầu tiên là sự đau đớn thể xác trở nên không sao chịu đựng nổi. Ngoài ra cũng có một nỗi đau nơi cảm thể. Và có thêm một chấn thương, một sự phân rẽ trong trí thể khi trí thể tìm cách lý giải, như ta vừa nói: tại sao chuyện này lại xảy ra và tại sao Thượng đế lại cho phép xảy ra. Sau đó có thể có cả phân rẽ trong bản sắc thể khi con kết luận: “Nếu điều này xảy ra cho tôi, chắc Thượng đế không yêu thương tôi. Chắc tôi không xứng đáng trong mắt Thượng đế, chứ tại sao Thượng đế lại để cho chuyện này xảy ra cho tôi?”  

Điều xảy ra ở đây là bên cạnh tổn thương cho thể xác – mà con sẽ không đem theo con khi xác thân qua đời, vì con cũng biết rằng con là nhiều hơn xác thân – bên cạnh tổn thương cho thể xác, còn có tổn thương dữ dội trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc. Trong nghĩa đen, cỗ xe linh hồn – mà con có thể ví như một cấu trúc hình học, một ma trận – có thể bị xé toạc ra, bị vỡ vụn ra, đến độ có những mảnh lớn bị văng ra ngoài.

Một khía cạnh tinh tế trong cách vận hành của quyền tự quyết

Bây giờ con hãy cố hiểu một khái niệm có thể khó nắm bắt và chấp nhận. Luật Tự quyết vận hành một cách cho thể xác ở cõi vật lý, nhưng nó lại vận hành một cách khác nơi ba thể cao hơn. Một người nào đó đang đầu thai có khả năng vi phạm thể xác vật lý của con, có thể gây thương tích hay giết chết thể xác con. Tuy nhiên như chúng tôi đã có nói, trong cõi cảm xúc có những sinh thể mang những ý đồ xấu xa muốn kiểm soát con, đánh cắp ánh sáng của con, nhưng chúng không thể làm vậy một cách trực tiếp như một người đang đầu thai có thể hại thể xác vật lý của con.

Ở cấp độ vật lý, quyền tự quyết của con chỉ bao gồm hành vi của con mà thôi. Con không thê kiểm soát hành vi của một người khác, có nghĩa là người đó có khả năng vi phạm con. Nhưng đối với các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc, quyền tự quyết của con là tối thượng. Không ai, dù là sinh thể trong cõi vật lý hay trong ba cõi cao hơn, có thể xâm nhập vào những thể này ngược lại với ý chí tự quyết có ý thức của con.

Điều ta nói với con ở đây là sự tổn thương cho thể xác vật lý là một chuyện. Nó có thể đến từ đủ mọi nguyên cớ xảy ra trong cõi vật chất. Đó có thể là tra tấn, có thể là giết hại, nhưng đó cũng có thể là bệnh tật vô cùng đau đớn, có thể là tai nạn, đó có thể là đủ thứ chuyện xảy ra cho thân xác. Tuy nhiên sử tổn thương cho thân xác chỉ giới hạn trong cấp độ vật lý.

Trong nhiều trường hợp, tổn thương cho thân xác cũng có thể gây tổn thương cho ba thể cao kia, nhưng tổn thương trong ba thể cao sẽ phải tuân theo ý chí tự quyết của con. Nó không thể xảy ra nếu con không cho phép. Đó là lý do tại sao con có thể bị tra tấn hay bị những hình thức chấn thương vật lý khác mà không trải nghiệm tổn thương nghiêm trọng trong ba thể cảm xúc, lý trí và bản sắc.

Bị tra tấn mà không bị chấn thương

Hẳn con đã đọc về một số vị tử đạo Cơ đốc giáo vào thời La mã cổ, họ bị tra tấn hay bị thiêu sống trên cây cọc, thế mà họ vẫn chấp nhận số phận của họ một cách thanh thản, đến độ nhiều người La mã đã cải đạo do không hiểu nổi có ai lại đối diện cái chết vật lý một cách an bình đến thế. Con thấy đó, cho dù thể xác con bị thiêu đốt, là điều đau đớn tột cùng, mà con vẫn có thể đối mặt với số phận của mình trong sự thanh thản, đến nỗi cảm thể chỉ bị chút tổn thương và trí thể lẫn bản sắc thể thì gần như không bị tổn hại gì hết. Điều này có nghĩa là con người có khả năng chịu đựng những loại hà hiếp tồi tệ nhất mà hào quang của mình vẫn không bị sứt mẻ đến độ mình mang theo thương tổn trong những kiếp sau, có thể rất nhiều kiếp sau. Tất nhiên, muốn tới được giai đọan đó không phải là dễ, nhưng cũng không phải là không thể được.       

Lý do ta ban ra những lời dạy này là để giúp con hiểu rằng hầu hết tất cả những ai đã mở tâm ra các giáo lý tâm linh hôm nay đều đã từng mở tâm với giáo lý tâm linh từ nhiều kiếp trước. Họ là những người đã sẵn sàng đầu thai trong nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau, đã từng bị tra tấn, hành hạ, giết hại bởi nhiều khuôn mặt quyền lực, cho dù đó là các lãnh đạo Liên Xô hay lãnh đạo Giáo hội Công giáo cùng nhiều tổ chức và chế độ áp bức khác khắp thế giới.

Điều này có nghĩa là hầu hết những người tâm linh hôm nay đều đã phải, trong tiền kiếp, sống qua ít nhất một số hiện thân là người bị tra tấn và bị giết hại nhưng đã không có khả năng gặp gỡ số phận mình một cách hoàn toàn bình thản, chấp nhận. Do đó, sáng suốt nhất là con nên nghĩ rằng hầu hết mọi dòng sống đầu thai đều đã phải trải qua một kinh nghiệm tương tự.   

Không có lý do gì mà con phải cảm thấy tội lỗi về điều đó. Không có lý do cảm thấy mình không trong sạch hay không xứng đáng. Ta không hề nói ra điều đó để con bắt đầu tự trách mình. Ta nói với con điều đó để khích động con hầu con nhìn vào vấn đề này rồi thừa nhận những sự việc đã xảy ra.

Có cấy ghép trong hào quang

Như ta vừa trình bày, khi con gặp phải chấn thương và tra tấn như vậy, một mảnh của hào quang con, trường năng lượng của con, có thể bị rách ra, để lại một lỗ hổng. Các sa nhân sẽ tìm cách sử dụng lỗ hổng này làm lối vào để chúng cài đặt một cấy ghép trong trường hào quang của con.

Tất cả các con đều biết có một bộ máy y học gọi là máy điều hòa nhịp tim. Máy được cài đặt ngay dưới làn da, gửi tín hiệu điện lực để giúp tim đập đều đặn. Bây giờ con hãy tưởng tượng con có một chiếc máy đánh sai nhịp khiến cho tim con đập lộn xộn. Con tưởng tượng con sẽ bị xáo trộn như thế nào nếu tim con cứ liên tục đập không đều, toàn thân con sẽ bị rối loạn làm sao, và con sẽ khó chịu đến độ hầu như con không thể hoạt động bình thường được nữa.  

Bây giờ con hãy tưởng tượng các tà lực đã đặt một cấy ghép trong cảm thể của con chẳng hạn, và máy này gửi vào cảm thể con một nhịp độ ô trược, khiến cho cảm xúc con liên tục bị xôi sục lên. Tưởng tượng con sẽ khó khăn như thế nào nếu phải sống hết kiếp này tới kiếp khác với nỗi đau đó trong cảm thể. Dĩ nhiên, điều tương tự cũng có thể xảy ra cho trí thể và bản sắc thể của con. Trong trí thể, con có thể mang một cấy ghép liên tục khiến cho mọi ý nghĩ của con cứ xoay quanh một số đề tài, quay vòng tròn mãi mà không dẫn tới đâu. Hay trong bản sắc thể của con liên tục có những tín hiệu phóng ra sự cảm nhận rằng con không xứng đáng.        

Điều ta cần con nhận diện ở đây là hầu hết các con đã trải qua kinh nghiệm này trong tiền kiếp. Nhưng cấy ghép mà ta nói ở đây không phải là một thiết bị máy móc. Đó là cái mà Đại thượng sư trong sách của thày gọi là một phàm linh. Đây là những phàm linh mà chính con đã tạo ra, nhưng cũng có những phàm linh đã được cấy ghép vào bản thân con trong những giai đọan chấn thương tột cùng mà con đã trải nghiệm.  

Điều mà ta cần con nhìn nhận là những phàm linh này không thể được cấy trong con trừ khi chính con đã tạo ra những phàm linh tương tự. Chính con đã lấy một chọn lựa và đã chấp nhận một cái nhìn không trong sáng về bản thân, một cái nhìn không trong sáng về Thượng đế và một cái nhìn không trong sáng về cuộc sống. Do sự chấp nhận những gian dối nham hiểm này mà con đã khởi sự tạo ra phàm linh của mình, để rồi phàm linh này trở thành chính cái phàm linh mà qua đó con phản ứng lại chấn thương hành hạ.  

Nếu chẳng hạn con đã tạo ra một phàm linh về sự bất công và những chuyện oan ức, thì khi con bị tra tấn, con sẽ cảm thấy mình bị oan ức đến độ con sẽ oán giận và căm hận những người đã gây ra cho con, hay chế độ, hay thậm chí cả giáo hội, chẳng hạn. Con thấy nhiều người thời nay nhiệt thành đi theo chủ nghĩa vô thần bởi vì trong một tiền kiếp, họ đã từng bị hành hạ bằng đủ mọi cách bởi Giáo hội Công giáo qua các Tòa án Dị giáo hay các cuộc săn lùng phù thủy, và họ vẫn còn mang trong mình lòng căm thù mãnh liệt đối với giáo hội.   

Rồi con có thể cảm thấy oán giận cả Thượng đế, bởi vì Thượng đế không thể là một thượng đế công bằng – làm thế nào một thượng đế công bằng lại có thể cho phép những điều dã man như vậy diễn ra trên hành tinh? Rất, rất nhiều người đã bị lời dối gạt này đánh lừa. Khi con có phàm linh đó, nó sẽ tiếp quản phản ứng của con trước một tình huống đau thương nào đó. Và điều này sẽ định đoạt những gì xảy ra trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc, bởi vì phản ứng của con phát xuất từ phàm linh thấp kém này sẻ là yếu tố tạo ra lỗ hổng, tạo ra sự phân rẽ khiến cho một mảnh của cỗ xe linh hồn bị xé rách ra. Và đây là lúc một phàm linh khác có thể được cấy vào, mạnh hơn cả phàm linh của con đã tạo ra.  

Thoát khỏi phàm linh cấy ghép

Tại sao ta lại nói những điều này cho con? Bởi vì tất nhiên con sẽ bảo, khi có một thế lực ngoại lai cài đặt một phàm linh vào cỗ xe linh hồn mình, vào trường hào quang của mình, đó là một sự vi phạm quyền tự quyết của con. Đúng vậy, đó LÀ một sự vi phạm quyền tự quyết của con, nhưng chính con đã mở cửa cho nó vào qua quyền tự quyết của con. Một khi con nhìn nhận điều này, con cũng nhìn nhận rằng con có khả năng tức thì thoát ra khỏi phàm linh đó bằng cách chỉ đơn giản nhìn vào nó, nhìn nhận là nó có mặt trong trường năng lượng của mình, và nói rằng, như Giê-su từng nói: “Cút ra sau ta, Satan!”

Con phải sẵn sàng nhìn thấy nó một cách ý thức, nhìn nhận rằng phàm linh này đã là một phần của bản thân con, rất có thể là từ lâu đời, và nó đã điều khiển cách phản ứng của con trong nhiều tình huống trong cuộc sống. Nếu con sợ không dám nhìn nhận, nếu con không sẵn lòng nhìn nhận nó, con sẽ không thể thoát khỏi phàm linh đó. Nếu vậy thì con sẽ phải tiếp tục cư xử như thế cho đến khi con chán ngấy, và lúc đó con sẽ cầu khẩn được giải cứu, để chúng tôi có thể bước vào và cho con thêm một cơ hội để con nhìn thấy phàm linh đó.  

Con yêu dấu, trong số những người nghiện ngập ma túy, có một quan niệm cho rằng họ có thể quay đầu, bỏ nghiện ngập, khi nào họ “chạm đáy”. Đây là một quan niệm phần nào thiếu sót, vì điều thực sự xảy ra là con chỉ có thể quay đầu khi con có những biện pháp để nhận lãnh trách nhiệm về hoàn cảnh của mình. Có những người chạm đáy xong vẫn chết vì ma túy. Thế nhưng có những người quay đầu là vì họ đã chấp nhận một mức độ trách nhiệm nào đó. Đây là việc ta yêu cầu con làm, con hãy sẵn sàng nhìn vào những phàm linh trong bản thân con, nhìn nhận chúng đang ở đó, và ra lệnh cho chúng đi ra.

Điều này không cứ sẽ xảy ra nếu con chỉ nhìn vào phàm linh một lần rồi nói: “Cút ra sau ta, Satan!” Đó là tại sao chúng tôi mới có những bài chú cho Astrea, cho Đại thiên thần Michael, cho Ngọn lửa Tím, và đó là tại sao chúng tôi có những bài thỉnh để các con dùng làm dụng cụ. Con cũng cần nhận ra là một khi phàm linh ngoại lai đã đi mất, con vẫn cần đối phó với phàm linh do con tạo ra đã cho phép phàm linh ngoại lai xâm nhập vào. Đây là một tiến trình không thể xảy ra ngay lập tức. Nó sẽ tốn thời gian, bởi vì con cũng đã bỏ ra nhiều thời gian để tạo dựng phàm linh đó. Nó không thể xảy ra tức thì do hệ quả của chấn thương vật lý; nó đã được gầy dựng trong thời gian.

Điều gì xảy ra khi con cầu thỉnh ánh sáng

Điều này không có nghĩa là tiến trình đó sẽ tốn nhiều kiếp sống hay nhiều thập niên, tuy nhiên nó sẽ mất chút thời gian, chút tìm kiếm nội tâm và sửa đổi bản thân. Ngay cả hôm nay cũng có một số người ở đây cho biết khi họ bắt đầu chỉ dạy người khác về đường tu tâm linh, họ đã đều phải đương đầu với tâm lý nội tại của mình cùng những động lượng cũ, bởi vì đây là điều xảy ra cho mọi người cất bước trên đường đạo. Muốn làm học trò tâm linh phải cần nhiều can đảm, bởi vì khi con bắt đầu thỉnh cầu ánh sáng – như các con vừa làm tại hội nghị này và đã làm trước khi tới đây – ánh sáng sẽ bắt đầu gội rửa bóng tối ra bên ngoài. Bóng tối bị đẩy ra bề mặt khiến con không thể dễ dàng bỏ qua như khi nó còn chôn sâu trong tiềm thức.       

Sẽ tới một giai đoạn trên đường tâm linh khi con cảm thấy mình không làm gì khác hơn là giải quyết những vấn đề trong tâm lý. Hết điều này rồi lại điều khác xuất hiện, và con ra tay cải sửa, rồi con nghĩ: “Bây giờ tôi đã vượt qua được điều này rồi”.  Nhưng điều kế tiếp lại hiện ra ngay ở đó và con có cảm tưởng nó sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng ta bảo con: nó sẽ kết thúc. Nếu không thì con nghĩ làm sao ta thăng thiên được? Con có nghĩ là khi Serapis Bey còn hiện thân, ta là một sinh thể tiến hóa đến độ ta không có tự ngã? Nếu con nghĩ vậy thì con lầm rồi, con yêu dấu. Và tất cả các chân sư thăng thiên khác cũng đều như ta thôi.

Gỡ bỏ tính cá nhân trên đường tâm linh

Chúng tôi đang cố nói với con điều gì đây? “Nếu một người đã làm được thì mọi người đều làm được.” Điều mỗi chúng tôi đã làm là sửa đổi tất cả những nét cá nhân mang theo mình – ta suýt nữa dùng một từ sống sượng quen thuộc mà các con đã đoán được là gì, nhưng ta sẽ nhịn không nói. Tất cả chúng ta phải đối phó với những nét xấu của riêng mình, và khi con cứ kiên trì làm hoài thì, như một số các con đã chia sẻ hôm nay, sẽ đến một lúc khi mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn bởi vì con không còn cá nhân hóa tiến trình đó nữa. Con không coi đó là chuyện cá nhân của mình, con không tự trách cứ mỗi khi con tìm ra còn sót điều gì đó mà con chưa thăng vượt. Con chỉ nhìn vào đó và con nói: “À vậy, đó chỉ là chuyện bình thường trên đường tâm linh. Tôi đã giải quyết nhiều thứ khác trong quá khứ rồi, nào có lý do gì mà tôi không giải quyết được chuyện này?”    

Cuối cùng con sẽ tới một điểm khi con nhìn vào tiềm thức của con, thậm chí con nhìn cả các thế lực bóng tối và nói: “Dưới mặt trời này không có gì mới. Chúng bay nghĩ ra được điều gì nữa đây mà ánh sáng của Ki-tô không thể thăng vượt được?”

Và con công nhận là cho dù các tà lực hay tâm nham hiểm có thể bày ra những gì đi nữa, thì con sẽ thăng vượt tất cả qua ánh sáng và tâm Ki-tô. Một khi con đã chiêm nghiệm được sự thật này nhiều lần, con biết là tiến trình của con đang chạy tốt, rằng con đường tâm linh là thực, và sự thăng thiên là một khả năng đích thực cho những ai cứ tiếp tục bước đi từng bước một. Tất cả các con đều sẵn sàng nhìn nhận sự thật đơn giản này, như thày MORE mới nói hôm qua.

Con không thể bỏ qua một số bước

Không có đường tắt đâu con. Con hãy bỏ ngoài tai những người người thày và những đạo sư hứa hẹn với con một con đường tắt nào đó mà họ bảo sẽ giúp con nhảy được mấy bước. TA LÀ chân sư trông coi tiến trình thăng thiên nơi Đền thờ Thăng thiên. Ta không ngừng trông thấy những người từ địa cầu đến Luxor trong cõi tâm, nghĩ rằng: “Nguyên kiếp này, tôi đã từng là một người tâm linh, tôi đã luôn là một người ngoan đạo thiện lành, tôi đã từng thực hiện điều này và điều kia, tôi đã tu sửa tâm tính mình, tôi đã phục vụ nhiều dạng sống khác nhau. Nhất định tôi đã sẵn sàng thăng thiên!”

Nhưng họ đã bỏ qua một số bước bởi vì họ đã không sẵn lòng nhìn vào mọi nét xấu của họ. Ta phải gửi họ đi dự một trong những khóa nhập thất của các Thượng sư kia và bảo họ: “Con hãy trở lại ta khi nào con sẵn sàng nhìn vào điều này, và điều kia, và điều kia nữa, và điều nọ. Và này, nhân tiện, đừng quên nhắn chân sư MORE dạy con về điều nằm tuốt dưới kia kìa!”

Và họ thường trở nên thất vọng. Đôi khi họ nổi giận, đôi khi nữa họ nói: “Ông không thể là một vị thày tâm linh!” Và họ bỏ đi trong cơn giận dỗi và rất có thể họ sẽ trở về Trường đời Cay đắng, và ta chỉ có thể nhìn theo, bởi vì như Mẹ Mary và Quan Âm có nói, chúng tôi chỉ có thể tôn trọng quyền tự quyết.  

Chúng tôi mong muốn tất cả các con tránh được cách phản ứng này bằng cách nhận ra là không có con đường tắt nào cả. Không một ai trong số chúng tôi đã hội đủ tư cách thăng thiên mà không xem xét mỗi khía cạnh chưa được hóa giải trong tâm lý mình. Đó là điều mà thày Guru Ma của các con đã diễn tả khi thày cho biết thày đã phải xem xét và khắc phục từng điểm dính mắc, hết điểm này tới điểm kia.   

Có một khía cạnh của tự ngã nghĩ rằng: “Tôi sẽ làm tốt hơn Serapis Bey. Tôi không cần phải làm điều này, chắc thày không thực sự có ý đó.” Hay đúng hơn, nó nghĩ: “Điều mà thày đề cập áp dụng cho tất những người kia chứ chắc chắn không phải cho tôi.” Một lần nữa, họ nghĩ là có một con đường tắt.

Con yêu dấu, một trong những trải nghiệm vô cùng lành mạnh mà con có thể học hỏi từ kiếp đầu thai trong cõi vật lý, là mặc dù thể xác vật lý có những khả năng tuyệt vời, vẫn có những điều mà nó không thể làm được. Nếu con nghĩ con có thể đi tới Đại Kim tự tháp tại Giza và con có thể đập đầu vào những khối đá cho đến khi đá vỡ vụn ra thì con sẽ không cần nhiều thời gian lắm để hiểu ra rằng cái đầu của con đã không được thiết kế để dùng làm búa.   

Thật là lành mạnh nếu con có thể sống qua tiến trình này và công nhận Luật Tự quyết có một số khía cạnh mà con không thể ăn gian, không thể thay đổi, không thể luồn lách, không thể phủ nhận. Con không thể xin miễn phép, và con không có cách nào tránh né. Con đã sử dụng quyền tự quyết trong quá khứ và con đã tự do sử dụng quyền đó theo ý con muốn. Vậy thì ngay bây giờ, cũng không có gì hạn chế quyền tự quyết của con ngoại trừ cách con đã sử dụng quyền tự quyết trong quá khứ như thế nào.

Con phải tháo gỡ những chọn lựa cũ của con. Đó là những chọn lựa mà con đã lấy. Con đã lấy những chọn lựa đó vì con muốn có một số trải nghiệm. Con cần nhìn nhận là trải nghiệm mà con có là kết quả của một chọn lựa cụ thể nào đó. Rồi con có thể quyết định là con không còn muốn trải nghiệm đó nữa, và do đó con phải gỡ bỏ chọn lựa của con. Chỉ có khi đó thì con mới sẽ tự do. Và chỉ có khi đó con mới sẽ tự do bước đi về hướng khác, thay vì cứ tiếp tục trong cùng một khuôn nếp, cùng những mẫu số mà con đã thiết lập trong quá khứ.

Đây là một quan niệm mà hầu hết mọi người trên điạ cầu này sẽ không sẵn sàng xem đến. Nhưng ta bảo con, 99 phần trăm những người tâm linh – ta không chỉ nói đến các học trò của chân sư mà mọi người tâm linh nói chung – đã không sẵn sàng nhìn nhận lời dạy mà ta ban cho con ở đây, tức là không hề có con đường tắt nào. Họ vẫn tin rằng có một đạo sư nào đó với quyền năng tuyệt vời sẽ chỉ cho họ một con đường tắt. Tuy nhiên đó chỉ là dối trá. Không có đường tắt nào hết.  

Đây là tinh túy của Luật Tự quyết cho địa cầu. Con hãy nắm lấy nó, hãy chấp nhận nó rồi hãy sử dụng nó để con tự giải thoát, hầu ta có thể chào đón con, ôm con trong cái ôm lớn của con gấu Serapis Bey tại tu viện của ta ở Luxor. Con hãy đi về bình an bởi vì con rất xứng đáng sau khi đã sẵn lòng ngồi đây chịu đựng bài giảng này của ta.

Chương 5 – Quân bằng là chìa khóa để thị hiện

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Portia qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/3/2013.

Portia, THÀY LÀ. Thày giữ một chức vụ tâm linh thường được gọi là Nữ thần Công lý. Nhưng thày cũng là Nữ thần Cơ hội, vì công lý là gì nếu không có cơ hội? Dựa trên những gì con được dạy trên trái đất thì con có thể không thấy ra điều này, vì con thường thấy hình ảnh của Nữ thần Công lý là hình tượng một phụ nữ, một tay cầm cân, tay kia có thể cầm kiếm và có một dải băng bịt kín đôi mắt.

Nhưng tại sao Nữ thần Công lý lại bị bịt mắt? Và tại sao cái cân thày cầm lại mất cân bằng? À, bởi vì loài người bị mất cân bằng. Loài người mất cân bằng trong tâm thức cá nhân, và tâm thức tập thể cũng mất cân bằng. Khi con mất cân bằng, con không có được một cái nhìn trong trẻo, mà con lại nhìn bằng nhận thức ô uế, rồi con phóng chiếu nhận thức này lên mọi thứ xung quanh con.

5.1. Nữ thần Công lý không bị đui mù

Đó cũng là lý do tại sao con người đã phóng chiếu nhận thức mất cân bằng của mình lên Nữ thần Công lý, cho rằng thày chắc hẳn đã đui mù vì thày cho phép nhiều chuyện họ nhìn thấy xung quanh họ xảy ra trên trái đất. Vì nếu Nữ thần Công lý không bị mù, thì làm sao chuyện này hay chuyện kia được phép xảy ra?

Nhưng con thấy đấy, Nữ thần Công lý, chức vụ mà thày đang nắm giữ, liên quan rất ít đến các tiêu chuẩn về công lý mà con người đã tạo ra trên trái đất. Như các thày đã giải thích nhiều lần, khi con ở trong tâm thức tách biệt, con sẽ thấy chính mình đang đối đầu với người khác. Nếu họ không tuân thủ theo cách con nghĩ mọi việc cần phải thế này hay thế kia, thì con sẽ khởi lên mong muốn đánh nhau, huỷ diệt hay trừng phạt họ. Nếu chính con không có quyền năng làm điều này với họ thì con sẽ muốn Thượng đế làm thay con.

Tại sao con không có quyền năng làm điều này? Vì như các thày đã giải thích, một khi con bước vào tách biệt, rõ ràng con bị kẹt trong khuôn mẫu hành động và phản ứng. Khi con phản ứng các tình huống một cách mất cân bằng thì phản ứng của con trở thành một hành động mất cân bằng, rồi con lại phóng chiếu hành động này vào tấm gương vũ trụ. Tấm gương có thể phản chiếu lại điều gì ngoại trừ gửi lại cho con những tình huống vật lý mất cân bằng tương tự?

Con có thể nghĩ người khác đang làm điều bất công với con. Nhưng theo Luật của Thượng đế, họ sẽ không thể làm được điều đó nếu con ở trong trạng thái tâm hoàn toàn hài hoà và cân bằng – trừ khi con đã cân bằng đến độ con tự nguyện hiến thân đem lại phán xử cho những kẻ sẵn sàng hãm hại cả người vô tội. Tuy nhiên, điều này cũng nằm trong phạm vi lớn hơn của Luật Tự quyết.

Vì vậy, thật đúng khi nói rằng không có bất công trong vũ trụ. Vì trên một hành tinh như trái đất, nơi con biết con không ở trong kịch bản lý tưởng – nơi tất cả mọi người đều biết trước như vậy khi họ đầu thai ở đây – thì làm sao con thật sự tạo ra một tiêu chuẩn nói rằng cuộc sống trên hành tinh này phải vận hành theo một chuẩn mực công lý nào đó? Hành tinh này là một phòng thí nghiệm cho phép con người trải bày trạng thái tâm thức hiện thời của họ và, nếu có thể nói như vậy, họ trở thành nghiệp quả cho nhau, là nghiệp quả mà tấm gương vũ trụ gửi trả lại cho họ. 

Con người trên trái đất thường giữ vai trò gửi trả lại cho nhau những điều chính họ đã phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ. Con yêu dấu, làm sao điều này có thể là sự bất công khi con nhận chân là tấm gương không thể gửi lại cho con cái con đã không gửi ra? Có thể con đã gửi ra ở một kiếp trong quá khứ. Có thể con không nhớ con đã gửi ra. Nhưng thật sự con đã làm vậy, nếu không thì nó đã không phản chiếu lại con.

5.2. Tại sao con bị xâm hại 

Tất nhiên, giờ đây khi nói điều này, các thày phải cho phép quyền tự quyết trải bày ra. Đúng vậy, một người có thể làm điều gì đó tới con do họ chọn làm vậy trong hiện tại. Ví dụ, họ có thể xâm hại một đứa trẻ ngây thơ, ngay cả một đứa trẻ đã không chọn có hành động nào trong quá khứ tạo ra quả báo ngày hôm nay. Hay nói cách khác, đứa trẻ đã không tạo nghiệp, có nghĩa là nghiệp quả đang không quay trở lại từ tấm gương vũ trụ. 

Ví dụ, trong tình huống đứa trẻ bị xâm hại, một người lớn đã chọn làm hành động này ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, khi đứa trẻ tình nguyện đầu thai xuống một hành tinh như trái đất thì nó đã biết trước điều nó sẽ gặp phải, do đó đây là kết quả mà nó đã chọn lựa. Con biết một phần lý do con tới đây đó là để sự Ngây thơ Thiêng liêng được hiện thân. Điều này có nghĩa là sẽ có những người bị kẹt trong tâm thức sa ngã sẽ cố xâm hại con theo cách này hay cách khác. Con có hiểu thày đang nói gì không? Con không thể đầu thai trên một hành tinh như trái đất mà không bị xâm hại bởi những người mắc kẹt trong tâm thức sa ngã. Đơn giản là không thể. Đây là điều con biết trước khi con tình nguyện đầu thai xuống đây. 

Thày hoàn toàn hiểu có những người không tình nguyện đầu thai xuống đây bởi vì họ đến từ các hệ thống hành tinh khác hay họ sa ngã từ các bầu cõi trước. Nhưng dù là sa ngã hay được chỉ định cũng là kết quả của những chọn lựa mà con đã làm, và vì vậy một lần nữa con chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn mình có mặt nơi đây. Nếu con tình nguyện xuống đây thì đó là điều con đã chọn. Con đã biết trước con sẽ bị xâm hại bởi những người có tâm thức sa ngã vì ánh sáng con đem tới sẽ khuấy động và khiêu khích họ.

5.3. Duy trì sự ngây thơ

Con đã biết thách đố là con phải đối mặt với một sự xâm hại, nhưng cho dù là sự xâm hại gì thì con vẫn phải giữ nguyên sự ngây thơ hoặc quay trở lại sự ngây thơ càng nhanh càng tốt. Con yêu dấu, vậy sự ngây thơ là gì? Đó là con không có những mong muốn phàm phu về cuộc sống trên trái đất phải như thế nào. Con như dòng nước. Con tuôn chảy. Nếu con tình cờ chảy qua một bờ vực thì con chảy xuống, nhưng rồi con tụ lại và chảy tiếp. Nếu con tình cờ chảy vào một ao tù trong chốc lát thì khi con nhận biết điều này, con vượt lên bờ ao và lại tuôn chảy. Đây là sự ngây thơ. 

Vì con đang luôn luôn tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, tuôn chảy với Thánh Linh, con luôn luôn sẵn lòng đi tới nơi con muốn tới để phụng sự cuộc sống nhiều hơn nữa. Khi con hoàn thành lý do con cần có mặt ở một nơi nào đó, con lại mở tâm tuôn chảy tiếp, cho dù cái giá vỏ ngoài phải trả là gì vì con không đi tìm một điểm đến vĩnh viễn. Con tìm cách trở thành một công cụ khi con đang hiện thân, rồi con tìm cách vượt qua và bước tiếp khi con thấy đã đến lúc. Vì làm sao con có thể thăng vượt và bước tiếp khi con bám vào một điều gì đó trên trái đất, chẳng hạn một cảm nhận bất công, một cảm nhận có cái gì đó con phải chỉnh, có cái gì đó con phải sửa trên trái đất? 

Đối với người tâm linh, việc chấp nhận sự có mặt của các sinh thể sa ngã, của tư duy sa ngã và tâm thức nhị nguyên là điều rất quan trọng. Đây là cách duy nhất khiến con có thể thật sự ra khỏi tình trạng bị mắc kẹt trong những hoàn cảnh bế tắc, những hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, những cái bẫy mà sa nhân đã cố giăng ra để con không thể biểu lộ Quả vị Ki-tô của con và thăng thiên, cũng như khiến con không thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con khi đang đầu thai. Chúng tìm cách làm tê liệt con bằng cách để con tận hưởng cuộc sống thoải mái trên trái đất, hoặc nếu con không được thoải mái, thì con cũng không thăng vượt được một tầng tâm thức nào đó, và vì vậy con không thể biểu lộ Quả vị Ki-tô vì việc biểu lộ Quả vị Ki-tô của con sẽ trở thành mối đe dọa đối với việc kiểm soát hành tinh của chúng.

Ý niệm vi tế mà các thày gọi là tư duy cuồng đại chính là một trong nhiều âm mưu, một trong rất rất nhiều âm mưu của chúng khiến con nghĩ rằng có điều gì sai trong kế hoạch của Thượng đế hay trong luật của Thượng đế. Đó là lý do vì sao cán cân của Nữ thần Công lý mất cân bằng. Đó là lý do Nữ thần Công lý bị bịt mắt, và đó là lý do vì sao nên có một thanh gươm để trừng phạt những kẻ phạm tội, vì trong tư duy cuồng đại luôn có một kẻ gánh tội, là những người đại diện cho sự xấu xa. Họ chính là vấn đề. Họ phải bị đập tan. Họ phải bị tiêu diệt, hay bất kỳ bản án nào con có thể nghĩ ra.

5.4. Công lý thiêng liêng

Chừng nào con còn mang cảm nhận bất công này, con sẽ bị nghiệp quả buộc chặt với trái đất, vì con đang gửi vào tấm gương vũ trụ ý niệm là có cái gì sai ở đây, và con là người có thể phán xét điều gì sai, ai làm sai và chuyện này nên xử lý thế nào. Vì con không tin Thượng đế có thể tìm ra cách giải quyết, con không tin công lý thiêng liêng thực sự được thực thi và thực thi hoàn toàn chính xác. 

Con thấy đấy, công lý thiêng liêng là bất cứ điều gì con gửi ra đều được phản chiếu trở lại con; hoặc nếu con là một trong số những người Ngây thơ Thánh thiện thì cho dù bất cứ điều gì xảy ra với con trên trái đất cũng đều trở thành sự phán xử cho những ai có tâm thức sa ngã, và do đó điều này giúp trái đất tăng trưởng khi họ bị phán xử và loại khỏi hành tinh này. Nhưng một lần nữa, chính con đã chọn vai trò này bằng việc đầu thai trên trái đất, và trách nhiệm của con là duy trì sự ngây thơ hoặc quay trở lại sự ngây thơ, vì chỉ khi đó, khi con có được sự ngây thơ đó con mới có thể tuôn chảy dễ dàng khi Thánh linh kêu gọi con tuôn chảy. 

Chỉ khi con tuôn chảy với Thánh Linh, con mới có thể buông bỏ những phàm linh mà con đã tạo ra trên trái đất, đây là những phàm linh đã cột chặt con vào một nơi nào đó, vào một kiểu tư duy nào đó và vào một tầng tâm thức nào đó. Nếu con không thể tuôn chảy thì con sẽ phải cưỡng lại, vì tuôn chảy là trạng thái tự nhiên của cuộc sống. Khi con ở trong trạng thái ngây thơ thì con đang tuôn chảy. Vì trong sự ngây thơ có gì phải nắm giữ? Có gì phải chỉnh sửa? Con cần phải nắm giữ hình ảnh gì về trái đất khi con biết trong cõi vật lý này mọi thứ thay đổi liên tục, mọi thứ đều chuyển động và nói cho cùng, mọi hình tướng trên trái đất đều không thật? Chúng không có quyền lực gì trên con vì con là một sinh thể tâm linh. Đây là một phần của sự Ngây thơ. Con biết cho dù chuyện gì có thể xảy ra trên trái đất cũng không thể chạm đến con vì con là nhận biết thuần khiết của Tánh Linh hằng sống. 

Vì thày không mù quáng với những điều đang xảy ra trên trái đất nên thày hoàn toàn nhận thức được nhiều điều rất hung bạo ở đây. Nhưng con có thể bước lùi lại trong phút chốc và thấy các sa nhân đã tạo ra chính các hoàn cảnh như vậy bởi vì cách duy nhất chúng có thể gài bẫy con người vào trò chơi hành động-phản ứng là bức hại họ bằng một hành động quá đáng, hay bằng sự bất công đến mức họ cảm thấy phải hành động, phải làm một điều gì đó. Rồi họ rơi vào bẫy, phản ứng lại hành động của sa nhân, tìm cách trừng phạt sa nhân hoặc chỉnh sửa sự bất công. Vì vậy chính họ lại gửi ra một hành động mất cân bằng khiến cho một phản ứng mất cân bằng từ tấm gương vũ trụ buộc phải quay trở lại. 

Công lý toàn vũ là khi con gửi ra một hành động từ một tầng tâm thức nào đó thì hành động đó sẽ được gửi trả lại con và nó sẽ thể hiện bằng những hoàn cảnh mất cân bằng trên trái đất. Một tâm mất cân bằng sẽ dẫn đến một tình huống vật lý mất cân bằng. Nhưng khi con nỗ lực cân bằng bốn thể phàm của mình bằng các công cụ mà các thày đã trao truyền, đó là bốn bài truyền đọc cùng với bốn bài thỉnh trước, thì con có thể phá vỡ trò chơi hành động-phản ứng này.

5.5. Cơ hội để cân bằng nghiệp quả

Thày biết rõ là nhiều người tâm linh quen thuộc với khái niệm nghiệp quả, nói chung là sự trở lại của những hành động mà con đã tạo ra ở kiếp trước. Và nhiều người đã lần lần mang cái nhìn định mệnh cho rằng bất kỳ xung lực nào con tạo ra trong kiếp trước chắc chắn sẽ quay trở lại con trong kiếp này hoặc một kiếp tới. Nhưng không phải như vậy. Luật vũ trụ nói rằng bất kỳ những gì con gửi ra sẽ phải quay lại con chừng nào con còn giữ nguyên trạng thái tâm thức mất cân bằng như khi con gửi ra hành động đó. 

Nhưng nếu con thăng vượt trạng thái tâm thức đó, thì công lý vũ trụ sẽ ra lệnh cho những gì con gửi ra không quay ngược trở về con như một hoàn cảnh vật lý, hoặc con sẽ có các công cụ và sự hiểu biết để chuyển hóa nghiệp quả trước khi nó biểu lộ ở tầng vật lý. Đây là lý do vì sao trong thập niên 1930 người bạn yêu quý của thày, Saint Germain, đã xin sự đặc miễn để có thể công bố sự hiểu biết về ngọn lửa tím và cách sử dụng ngọn lửa này. Đây là lý do các thày đã trao cho con những giáo lý của cả bảy tia sáng. Vì thật sự, mặc dù ngọn lửa tím rất hữu hiệu để tiêu trừ nghiệp quả, nhưng con rất cần thỉnh cầu ánh sáng của cả bảy tia để tiêu trừ nghiệp quả mà con đã tạo ra khi con sử dụng bất cứ tia nào trong bảy tia một cách mất cân bằng. 

Con thấy đấy, ngọn lửa tím quả thật có thể ngăn chặn nghiệp quá khứ quay trở lại ở tầng vật lý nhưng nó không thể chuyển hóa nghiệp ở tầng tình cảm, lý trí và bản sắc. Vì để làm được điều này, con phải thỉnh cầu ánh sáng của một tia cụ thể mà con đã tha hoá khi tạo ra nghiệp đó. 

Điều thày muốn nói ở đây là: Khi con đã dùng dụng cụ của các thày để trong lọc bốn thể phàm, con có thể tới điểm nơi con cảm thấy mình vẫn chưa có được kết quả mà mình hy vọng mặc dù con đã làm nhiều công việc tâm linh – có lẽ làm nhiều hơn những gì thày trao cho con ở đây. Con vẫn chưa đem vào thị hiện những điều mà con muốn thấy, cho dù đó là sức khoẻ hay của cải, là một hoàn cảnh khác hơn, một mối quan hệ khác hơn hay một cơ hội để phụng sự tốt hơn. Con cảm thấy con đang dậm chân tại chỗ. Nhưng con thấy đấy, những gì con cần xem xét lại là con cần nhìn vào tâm thức của chính mình và tìm ra có yếu tố mất cân bằng nào không. 

5.6. Tìm ra những tin tưởng mất quân bằng

Con có thể trong lọc bốn thể phàm nhưng con vẫn duy trì những quan điểm mất cân bằng nào đó, những tin tưởng mất cân bằng nào đó về cuộc sống, như thày đã mô tả, đó là những tin tưởng có gì đã sai trên trái đất này, có một sự bất công nào đó cần phải chỉnh sửa, và mọi người kể cả con cần phải chỉnh sửa sự bất công này. Nhưng con thấy đấy, khi con hành động từ một tư duy mất cân bằng, con không thể thoát khỏi chuỗi hành động-phản ứng. 

Như các thày đã nói, con bị mắc kẹt trong cái vòng khép kín này, trong đó con thật sự đang phản ứng lại những hành động mất cân bằng mà chính con đã gửi ra trong quá khứ. Nhưng con vẫn đang phóng chiếu là người khác phải chịu trách nhiệm cho phản ứng của con, hay Thượng đế hay số phận phải chịu trách nhiệm cho phản ứng của con. Điều duy nhất còn lại là con hãy nhìn vào phản ứng của mình, hãy chịu trách nhiệm về phản ứng của mình và nói: “Tại sao tôi lại phản ứng như vậy?”. 

Nếu con sẵn lòng làm vậy thì con có thể thật sự dùng khả năng mà các thày đã mô tả trước đây, đó là nếu con trụ vào tim mình và hoà điệu với luân xa tim ở giữa ngực, thì con sẽ có một công cụ đo lường rất tốt quả thật có thể giúp con lượng định mọi việc con gặp trên trái đất. Thầy More trong quyển sách Uy lực Sáng tạo Nội tâm [The Creative Power Within] đã giải thích bất cứ khi nào con gặp phải một điều gì – một ý tưởng hay một hoàn cảnh – thì con có thể áp dụng cách đo này: “Liệu việc này có nâng cao hay hạ thấp năng lượng của tôi không?”

Nhưng cũng có một cách khác đó là sử dụng khả năng trực giác, là con hình dung có một cái cân trong luân xa tim, giống như cái cân mà Nữ thần Công lý đang cầm, tức là có hai đĩa cân treo trên một cán cân cân bằng. Và bây giờ con hãy hình dung và cảm nhận: đĩa cân bên này có thấp hơn đĩa cân bên kia hay không, đồng thời con hoà điệu điều này trong tim. Nếu có thì con biết rằng cái gì đó đang kéo đĩa cân xuống. Rồi sau đó con xem lại giáo lý của các thày về tâm thức nhị nguyên, đó là luôn có hai cực. Con thấy việc đĩa cân bị kéo xuống là do một sự mất cân bằng, mất cân bằng ở cả hai đĩa cân. 

Ở một bên, có một quan điểm mà con rất dính mắc, đó là con chắc chắn mình đúng. Dính mắc này tạo ra những năng lượng rất cô đọng ở tâm trí đến mức năng lượng này có một sức nặng kéo một đĩa cân xuống. Nhưng ở đầu bên kia của cán cân có một cực đối lập, đó là con cũng có một quan điểm mất cân bằng, có một điều gì đó con không nhìn thấy, hay một điều gì đó con không xem là quan trọng hay con xem nhẹ nó. Và vì vậy, đĩa cân bên này không đủ nặng để kéo cán cân bên kia xuống. 

Con cân bằng cán cân bằng cách nào? Ấy, có phải cách giản dị nhất là con lấy bớt ở một bên và thêm vào bên kia cho đến khi cả hai bên cân bằng không? Vì ở đây thày không nói về tư duy xám của việc thỏa hiệp, hay con cần phải dễ thương, đáng yêu và tốt bụng với tất cả mọi người. Thầy đang nói về phân biện Ki-tô đích thực là con sẵn lòng nhìn vào sự mất cân bằng ở cả hai bên và chỉnh lại sự mất cân bằng này bằng cách vươn tới tâm Ki-tô. Đây thật sự là những giáo lý và công cụ đầy đủ mà các thày đã trao cho con để đạt được sự phân biện này. Con có thể xem xét thái độ và những tin tưởng của con về cuộc đời rồi điều chỉnh lại chúng bằng cách dùng cột trụ ở giữa cán cân đang giữ hai đĩa cân. Đó là cột trụ Ki-tô được neo ở tảng đá Ki-tô. 

Con thấy đấy, đây là tính nhất thể nơi cột trụ thẳng đứng này và không điều gì có thể làm nó lung lay vì nó sẽ không nghiêng qua bên này hay bên kia. Vì vậy, nó là điểm an trụ. Cái cân, cái đĩa cân đang treo trên một cái cán nằm ngang được tảng đá Ki-tô bất động giữ cân bằng ngay tại tâm điểm. Nhưng thanh ngang đó giữ được hai đĩa cân trong bao lâu? 

5.7. Một ý niệm bản ngã mới qua sự quân bằng

Con yêu dấu, các thày đã nói con đầu thai lần đầu trên trái đất với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm. Bản ngã này so ra quá hạn hẹp đến mức con thật sự không thể đi tới cả hai phía của cán cân, điều này có nghĩa là con không thể trở nên mất cân bằng. Nhưng ngược lại, con lại có một ý niệm tự nhận biết rất hạn hẹp; vậy thì làm sao con mở rộng ý niệm tự nhận biết lên đến tầng 144 được? Đó là bằng cách mở rộng cán cân cuộc sống cá nhân của con theo chiều ngang. 

Cán cân càng dài thì ý niệm bản ngã của con càng rộng, ý niệm bản ngã của con càng bao la thì con càng đến gần tầng 144. Nhưng con yêu dấu, khi con nhìn vào một hình học đơn giản, hình học đòn bẩy đơn giản, thì con thấy khi cái cán nằm ngang trở nên càng lúc càng dài, thì mỗi bên tạo thành một đòn bẩy, có nghĩa là giờ đây chỉ cần một ít trọng lượng cũng khiến cán cân mất cân bằng. 

Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là khi con ở những tầng thấp hơn của đường tu, chẳng hạn như tầng 48 và những tầng cao hơn một chút, con có thể cho phép mình có những quan điểm hơi cực đoan. Con vẫn còn non trẻ, con đang trải nghiệm và con cần thử nghiệm nhiều điều khác nhau để xem cái nào hiệu quả, cái nào không. Không có gì sai ở đây, giống như con thấy ở trẻ nhỏ, chúng bày tỏ những gì chúng nghĩ về điều này hay điều kia của cuộc sống một cách rất dứt khoát, rất chắc chắn, nhưng đây là điều tự nhiên mà trẻ nhỏ thường làm. 

Nhưng con cũng thấy trong nhiều trường hợp khi người ta trưởng thành hơn, họ dẫu sao đã điều tiết được phần nào cái nhìn của mình và nhận biết là có nhiều cách khác nhau để nhìn một sự việc và tất cả các cách nhìn này đều có giá trị trong những hoàn cảnh nào đó. Con có một quan điểm sống tinh tế hơn, cân bằng hơn, rộng lớn hơn. Và đây là điều thày đang tìm cách dạy con. 

Con càng đến gần những tầng tâm thức cao hơn thì việc giữ được trạng thái cân bằng lại càng quan trọng. Vì vậy, ngay cả một sự mất cân bằng nhỏ trong quan điểm sống của con cũng có thể tạo ảnh hưởng khiến một đĩa cân bên này hạ xuống và nâng đĩa cân bên kia lên. Và con yêu dấu, đó là lý do con cảm thấy như đang dậm chân tại chỗ và không thị hiện được điều gì, bởi vì con quá mất cân bằng. Thày có thể cam đoan với con, một khi cán cân của con cân bằng thì con mới có thể thị hiện cái con tìm kiếm.

5.8. Điều gì ngăn con thị hiện

Con thấy đấy, con có thể sẽ nghĩ theo cách này: Khi con trong lọc bốn thể phàm của con trong cõi vật chất, tức là con đang thực hiện việc này ở phần nửa dưới của hình số 8, điểm nối kết của hình số 8 nằm ở đường phân chia giữa thế giới vật chất – tức bốn tầng của thế giới vật chất – và thế giới tâm linh nơi Hiện diện TA LÀ của con neo trụ. 

Khi con trong lọc bốn thể phàm, con đang tạo ra một động lượng, một chuyển động, đi xuyên từ nửa bên dưới của hình số 8, bắt đầu hướng lên phía trên hình số 8, và bây giờ chuyển động này chạm đến điểm nối kết và tạo ra một động lượng đi lên phần trên của hình số 8. Một khi nó lên đến đây, nó sẽ đạt được cái mà các khoa học gia hy vọng đạt được khi họ tìm kiếm hiện tượng siêu dẫn, tức là một dòng năng lượng có thể di chuyển xuyên qua vật chất mà không bị giữ lại. Hay nói cách khác, xung lực mà con gửi vào cõi tâm linh sẽ được Hiện diện TA LÀ của con nhân lên gấp nhiều lần và sau đó xung lực này sẽ quay trở xuống hình số 8 cho đến khi nó chạm điểm nối kết. 

Nhưng có điều là, con càng tiến gần đến Quả vị Ki-tô thì việc giữ cân bằng càng quan trọng. Vì khi con đạt được Quả vị Ki-tô thì con – tức cái Ta Biết, ý niệm bản ngã, ý niệm nhận biết – ở ngay điểm nối kết của hình số 8. Điểm nối kết này là gì? Đó là một điểm dị biệt. Chỗ mất cân bằng ở đâu trong cái điểm nhỏ xíu này? 

Vì vậy, trong các kiếp trước và kiếp này, con có thể đã dùng những dụng cụ tâm linh và làm nhiều điều tốt để tạo ra dòng chảy quay trở lại từ vũ trụ, từ Hiện diện TA LÀ của con. Nhưng khi con càng đến gần Quả Vị Ki-tô, thì ngay cả một sự mất cân bằng nhỏ nhất cũng có thể ngăn dòng chảy trở lại này đi qua được điểm kết nối để bước vào cõi vật lý. 

Thày có thể nói với con là rất rất nhiều người tâm linh đã tạo nhiều phước đức. Họ đã tạo ra cái gọi là thiện nghiệp ở kiếp này hay các kiếp trước. Nghiệp này sẵn sàng đi vào thị hiện ở cõi vật lý. Nhưng tại sao nó lại không đi vào cõi vật lý được? Bởi vì vẫn còn vài sự mất cân bằng. 

Thật ra trong viễn quan cao hơn của con, trong ý chí cao hơn của con, con không muốn dòng chảy tích cực này quay trở lại cõi vật lý bởi vì sự mất cân bằng sẽ tha hoá và hướng sai dòng ánh sáng này. Vì vậy chính con đã muốn giữ dòng ánh sáng lại, hơn là để nó bị tha hoá. Và đây là những gì thày đang tìm cách giúp con nhìn thấy – đó là nhiều người tâm linh thuần thành đã tạo được dòng chảy quay trở lại có thể đi vào cõi vật lý và biểu lộ ở những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn: như sức khỏe, của cải, cơ hội phụng sự. Nhưng dòng chảy này lại không chọc thủng xuống được vì họ vẫn còn mất cân bằng một chút ít nào đó. 

Đối với nhiều người trong các con, đây là sự mất cân bằng rất nhỏ. Và các thày hy vọng với tất cả các bài thỉnh và giáo lý các thày đã ban ra ở đây, cùng với tất cả các bài thỉnh và giáo lý của bảy tia sáng đã được ban ra thành sách và sẽ được tiếp tục xuất bản trong tương lai, các thày có thể cho con động lực giúp con cuối cùng nhìn thấy được sự mất cân bằng là gì, thấy được nó, buông bỏ được phàm linh đó, buông bỏ được quyết định đó, và rồi công lý hoàn vũ sẽ thị hiện trong cuộc sống của con. 

Con yêu dấu, không phải là thày, Portia, hay các thày trong Hội đồng Nghiệp quả đang giữ lại dòng chảy quay trở lại xứng đáng với nỗ lực của con. Chính con đã giữ nó lại bởi vì con không muốn dòng chảy đó bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng rất nhỏ mà con vẫn nắm giữ trong bản thể mình. Con có hiểu không? Đó là tại sao các thày nói không có bất công trong vũ trụ.

5.9. Tìm một viễn kiến cao hơn

Hãy kết nối với viễn kiến cao hơn, với bản thể cao hơn của con. Hãy nhìn ra một sự mất cân bằng hay vài sự mất cân bằng vẫn còn tồn tại. Hãy buông bỏ chúng, con yêu dấu. Hãy buông bỏ chúng. Hãy đến tâm điểm hoàn hảo nơi con đứng tại điểm kết nối của dòng chảy hình số 8 thẳng đứng, và con đứng ở ngay tâm điểm của cán cân tâm thức cân bằng nằm ngang, đây là nơi tâm thức con mở rộng nhất, bao quát nhất, nhưng cũng lại cân bằng nhất. 

Đó là điểm tĩnh lặng nơi con có thể biết được: “Tôi tĩnh lặng và tôi là Thượng đế. Và vì vậy, ở trên tôi thế nào thì ở dưới tôi như vậy.” Và đây là sự thị hiện mà con muốn có. Con không muốn một sự thị hiện mất cân bằng ở bên dưới và sự thị hiện này không phản chiếu những gì ở bên trên. Con muốn Trên sao dưới vậy và đây là lý do, dù con không ý thức về điều này, con cầm nén lại không muốn thị hiện để những gì con biểu hiện trong cuộc sống sẽ không thị hiện một cách mất quân bằng, vì điều này sẽ tạo nên một chuỗi hành động-phản ứng khác mà con sẽ phải cân bằng và giải quyết. 

Con không muốn lặp lại những khuôn nếp này, và đó là lý do tại sao chính con đang cầm nén lại không thị hiện, chờ đến khi con đạt được sự cân bằng toàn hảo sẽ mở toang cửa nước lũ của thiên đàng và đem vào thị hiện dòng chảy hồi quy đã được hứa hẹn: “Và Thượng đế phán rằng: con hãy chứng tỏ ngay đây, hầu ta đổ phước xuống cho con đến độ không có chỗ chứa hết.”

Phước lành này có thể đến, nhưng nó sẽ không đến cho đến khi con sẵn lòng cho nó đến bởi vì con biết con đang cân bằng và có thể nhận được phước lành trong một thái độ cân bằng. Con có hiểu không, con yêu dấu? Con là người chỉ trích mình tồi tệ nhất, nhưng ở một khía cạnh khác, con cũng là người thày tốt nhất của mình, vì con là người quyết định khi nào và bằng cách nào con muốn mọi thứ được thị hiện trong cuộc sống của con. 

Chìa khoá là con trở nên có ý thức hơn về thái độ và những tin tưởng nằm ở tiềm thức của con và bất kỳ sự mất cân bằng nào cũng sẽ ngăn cản sự biểu lộ mà con mong muốn. Tất nhiên con cũng sẽ nhìn vào các mong muốn của mình và đảm bảo chúng không bị mất cân bằng, và tất nhiên cũng không bị mất cân bằng bởi tư duy cuồng đại muốn con chỉnh sửa những bất công bằng cách trừng phạt hay huỷ diệt người khác, hoặc muốn Thượng đế trừng phạt hay huỷ diệt họ. Nếu Thượng đế của con là một vị Thượng đế ngồi tận trên trời, giận dữ và muốn báo thù thì ngay đó, con đang có một sự mất cân bằng to lớn sẽ ngăn cản con thị hiện.

5.10. Đi tìm quân bằng sẽ mở lối cho thị hiện

Thị hiện, con yêu dấu. Con hãy suy ngẫm điều này vì không có một thế lực nào trên thiên đàng sẽ giữ lại quyền năng đồng sáng tạo của con. Con là người đang giữ lại quyền năng này, hoặc xuyên qua một sự mất cân bằng khiến con không thể gửi bất cứ gì lên thiên đàng để nó có thể nhân lên nhiều lần rồi quay trở lại, hoặc bởi vì con biết chưa tới lúc con có thể nhận được dòng chảy quay trở lại và sử dụng nó một cách khôn ngoan. 

Vì vậy, thày nói với con một lần nữa: hãy tìm kiếm cân bằng. Vì chỉ trong cân bằng con mới có thể tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Và như các thày đã hy vọng giúp con hiểu được, tuôn chảy chính là sự sống. Con có thể nghĩ về cái cân như một vật cố định, nhưng không phải vậy. Vì như các thày đã giải thích, có một dòng chảy, một dòng chảy ngầm gọi là Dòng sông sự Sống, là Thánh linh. Và bí quyết để tuôn chảy với dòng chảy này là cái cân cá nhân của con phải cân bằng bởi vì khi chúng không cân bằng, con sẽ đi tới đi lui, đi qua đi lại và tốn rất nhiều năng lượng để cưỡng lại dòng chảy của Dòng sông sự Sống, bắt nó phải tới nơi con nghĩ nó phải tới thay vì con buông mình vào dòng chảy, tuôn chảy với nó, và để cho Tánh linh đưa con tới nơi con có thể phụng sự cao nhất. 

Đây là bí quyết để tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Đó là sự phụng sự vô ngã khi con buông bỏ những mong chờ và khao khát chỉ xoay quanh chính mình, mà con nhận ra con là một phần của tâm thức vĩ đại của Thượng đế, con là một phần của tổng thể, và con ở đây để giúp nâng cao tổng thể, chứ không vì những mục đích vị kỷ. 

Vì vậy, vài người trong các con vẫn còn những mong muốn vị kỷ và mơ ước trở nên nổi tiếng, được công nhận, trở nên giàu có, có quyền lực để chỉnh sửa điều này hay điều nọ, hay thức tỉnh người khác hoặc bất kỳ điều gì khác. Và đây là lý do con đang vô thức giữ lại không cho chúng thị hiện bởi vì những mong muốn của con, viễn kiến của con không cân bằng. 

Con yêu dấu, thày thật sự chỉ có một mong muốn dành cho con, đó là thấy con đạt được sự cân bằng để con có thể tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, khi con có thể hoàn toàn nhận ra là không có bất công trong vũ trụ và con không bị trói buộc bởi bất cứ điều kiện nào trong cõi vật chất. 

Đây là khi con nhận chân được vật chất. Khi con nhận ra: “Tôi không phải là vật chất và tôi không bị trói buộc bởi vật chất”, thì con đạt được một thực tại mới cho nên con cân bằng. Rồi con mới có thể là Trên sao dưới vậy. 

Con yêu dấu, thày ở Trên. Thầy không neo mình trong bát cung vật lý. Đó là tại sao thày không thể thị hiện công lý thiêng liêng ở dưới này. Thầy không thể trở thành Trên sao dưới vậy vì thày đã thăng thiên. Cái đẹp và cái kỳ diệu khi con chưa thăng thiên là con có thể trở nên Trên sao dưới vậy.

Nhưng con không thể trở nên dưới này như con ở Trên kia khi con còn có những tin tưởng, những ham muốn và ý tưởng mất cân bằng về việc vũ trụ phải vận hành như thế nào. Vì vậy, con hãy sẵn lòng tuôn chảy với Tánh linh ở dưới này vì thày có thể đảm bảo với con, con yêu dấu, Hiện diện TA LÀ quả thật tuôn chảy với Tánh linh ở Trên. Hiện diện TA LÀ không tuôn chảy theo những ý tưởng và mong chờ phàm phu. Nó tuôn chảy với Thánh linh. Và đây là chìa khoá để là Trên sao dưới vậy. 

Vì vậy, thày niêm con trong tình thương của Mẹ Công lý Toàn vũ cho trái đất, vì TA LÀ người mẹ này. Tên thày là Portia. Thày chúc con yên bình khi biết rằng không có bất công nào trong vũ trụ. 

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là: Bài ca sự Sống 5 – Biểu hiện

Chương 4 – Chữa lành ở tầng vật lý

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 14/3/2013.

Con yêu dấu, TA LÀ Mẹ Mary. Thày giữ chức vụ của Mẹ Thiêng liêng cho hành tinh trái đất. Thày cũng giữ mỗi người các con trong trái tim thày. Vì không ai đầu thai trên hành tinh này mà không đi qua Trụ sở của Mẹ Thiêng liêng, không ai đầu thai mà không cần thày, người đứng đầu trụ sở, giữ cân bằng tâm linh cho con ở một mức độ nào đó; vì vậy, thày có thể thành thật nói rằng thày dành tình thương cho riêng từng người trong số gần 7 tỉ người đang đầu thai trên trái đất, và thậm chí thày dành tình thương cho cả những người còn ràng buộc với trái đất cho dù họ giờ đây không đang hiện thân trong cơ thể vật lý.

4.1. Con là một dòng sống

Như các thày đã cố gắng giải thích không chỉ trong bài giảng về Bài ca sự Sống mà còn trong nhiều bài giảng khác mà các thày đã ban ra, đó là cuộc sống quả thật có một mục đích. Con không phải là sản phẩm của một trò chơi may rủi. Con cũng không phải là sản phẩm của một vị Thượng đế giận dữ và phán xét sẽ đày con xuống địa ngục nếu con không vận hành như một người máy và mù quáng tuân theo một giáo điều nào đó hay giới lãnh đạo một giáo hội nào đó trên trái đất này. Con là một người đồng sáng tạo tự do như một cá thể của Thượng đế (God-free), con được tạo ra để biểu lộ khả năng đồng sáng tạo theo cách có thể thậm chí làm ngạc nhiên cả đấng Sáng tạo vì con có khả năng đem lại vẻ đẹp và sự sáng tạo qua dòng sống độc đáo của mình.

Thày biết rằng theo truyền thống, những ai cởi mở với khía cạnh tâm linh của cuộc sống đều tin rằng mình là một linh hồn đầu thai trên trái đất. Nhưng nhiều người cũng tin rằng linh hồn này bất biến và nó được Thượng đế tạo ra, vì vậy nó vốn đã toàn hảo. Giờ đây linh hồn này đang hiện thân trên trái đất và vai trò của nó là quay trở lại trạng thái toàn hảo ban đầu. Nhưng đây không phải là một hình ảnh chính xác.

Sự thật là con đã được tạo ra như một dòng sống, có nghĩa là con được tạo ra với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm, giống như điểm kỳ dị mà các khoa học gia cho đó là điểm khởi đầu của vũ trụ vật lý. Rồi từ ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm đó, con sẽ tăng trưởng sự tự nhận biết để đạt tới ý niệm bản ngã vô biên của đấng Sáng tạo.

Vì vậy, con là một dòng-sống (life-stream), tuôn chảy (streaming) từ điểm kỳ dị nhỏ như cái chấm đến sự nhận biết Tất cả và đây là tiềm năng cao nhất của con. Con không được tạo ra trong một trạng thái toàn hảo bất biến mặc dù cốt lõi của con là sự nhận biết thuần khiết, nhưng con vẫn được tạo ra để mở rộng ý niệm bản ngã của mình cho đến khi con đạt được sự nhận biết của một đấng Sáng tạo có khả năng tạo ra vũ trụ của riêng mình, thế giới hình tướng của riêng mình.

Tại sao thày lại nói con là một dòng sống? Tại sao các thày lại nói con sinh ra để tuôn chảy với Dòng sông sự Sống? Vì bệnh tật là gì chứ? Đó là khi có một cái gì làm nghẽn dòng chảy. Ở mức độ bề mặt, cái gì đó đã làm nghẽn dòng chảy năng lượng tâm linh qua bốn thể phàm mà con đang dùng ở đây trên trái đất này. Nhưng ở mức độ sâu xa hơn, cái gì đó đã làm nghẽn con khiến con không thấy chính mình là một dòng sống.

Có lẽ con nghĩ rằng con đã đến từ một trạng thái tĩnh tại. Có lẽ con nghĩ rằng việc con phải nỗ lực để đạt được một trạng thái tĩnh tại sẽ cứu rỗi con và giờ đây con mãi mãi ngồi chơi đàn hạc trên một đám mây hồng. Đây có thật sự là hình ảnh mà con muốn đạt đến không – trạng thái đứng yên vĩnh viễn? Thày nghĩ là không, vì thày biết con được tạo ra như một dòng sống, liên tục tuôn chảy, liên tục tăng trưởng, liên tục mở rộng, liên tục trở nên hơn nữa, liên tục đồng sáng tạo cái hơn nữa.

4.2. Không có trạng thái sức khỏe toàn hảo

Vậy thì, mấu chốt của khuôn mẫu chữa lành của Bài ca sự Sống là gì? Đó là giúp con trở lại điểm nơi con nhìn nhận chính mình là một dòng chảy, nơi con thấy dòng chảy năng lượng của Thượng đế, dòng chảy của Thánh linh, dòng chảy của Dòng sông sự Sống đang tuôn chảy qua bốn thể phàm mà con sử dụng ở đây, ở trong vũ trụ vật lý trên hành tinh trái đất này. Con hãy là dòng chảy đó, hãy tuôn chảy và hãy để Thượng đế tuôn chảy qua con.

Vậy bệnh tật trong cơ thể vật lý là gì? Đó là một thông điệp cho biết con đã không tuôn chảy ở một tầng cấp nào đó, con đã không tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Vì vậy, quả thật, cách duy nhất thật sự chữa lành, cách chữa lành bền vững, đó là quay lại tuôn chảy.

Hãy nhìn vào việc con đã được nuôi dạy để nhìn nhận cơ thể vật lý như thế nào, đó là con cho rằng con vốn dĩ có một tình trạng sức khỏe bình thường, và các con ít nhiều đã kéo dài khá lâu tình trạng sức khoẻ này trong đời. Con nghĩ nếu giờ đây cơ thể con bắt đầu biểu lộ các triệu chứng bệnh tật thì có cái gì đó đã sai và tất nhiên con cần quay lại tình trạng ban đầu, tình trạng khỏe mạnh cố định đó.

Nhưng thày cần nói với con là không bao giờ có tình trạng khỏe mạnh cố định, mặc dù đã có lúc con không cần lo lắng về cơ thể vật lý của mình vì cơ thể này chỉ thực hiện các chức năng của nó để con có thể tiếp tục sống theo cách con nghĩ cuộc sống vốn dĩ như vậy, vì như các thày đã nói, điều này tùy thuộc vào việc con lớn lên trong một xã hội mong muốn kiểm soát con theo nhiều cách.

Điều thày đang nói ở đây là: Các thày đã cố gắng giải thích điều này từ nhiều góc độ và Chân sư MORE đã trình bày tuyệt vời về điều này ở cuối quyển sách của thày [The Creative Power Within]. Điều thày đang nói ở đây là: Con không thể tái tạo một sức khỏe toàn hảo vì con không thể tái tạo cái con chưa từng có. Con chưa từng có một sức khỏe toàn hảo trong cơ thể vật lý của con. Có thể con đã có một tình trạng sức khoẻ mà con nghĩ con không cần phải lo lắng, nhưng đó không phải là sức khoẻ toàn hảo.

Không có gì đứng yên trong vũ trụ vật lý. Mọi thứ đều đang liên tục tuôn chảy và thay đổi. Chỉ có tự ngã, tâm vỏ ngoài, mới tạo nên hình ảnh mọi thứ đứng yên, tạo nên hình ảnh con có thể sở hữu thứ gì đó, con có thể duy trì và giữ nó qua thời gian. Vì thày đã nói với con, không có gì đứng yên trong vũ trụ vật chất. Các thày đã nói, mọi thứ đều là sự phóng chiếu, mọi thứ được phóng chiếu nhiều lần mỗi giây, và màn hình nơi mọi thứ được phóng chiếu lên cũng liên tục chuyển động. Như con biết trong ngành vật lý và thiên văn học thì toàn bộ vũ trụ đang dãn nở.

4.3. Không có gì trong thế giới này đứng yên

Con nghĩ vũ trụ đang dãn nở như thế nào? Con có thể đã được dạy rằng tất cả thiên hà, hàng triệu và hàng tỉ thiên hà đang liên tục di chuyển tách rời khỏi nhau. Nhưng thày nói với con điều này, một số nhà vật lý đã đến gần với sự thật hơn – mặc dù không hoàn toàn là sự thật – khi họ nói rằng tất cả các thiên hà như thể được vẽ lên bề mặt của một quả bóng và quả bóng này đang được thổi lớn lên, và khi quả bóng to ra, dường như các thiên hà đang di chuyển càng lúc càng xa nhau.

Sự thật ở đây là toàn bộ thế giới hình tướng là một dòng tâm thức đang tuôn chảy. Các thày đã nói con chỉ đang sống trong dòng chảy đó, và trái đất chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ vật lý nhưng vũ trụ vật lý này không phải là một vũ trụ đứng riêng rẽ. Thánh linh, Dòng sông sự Sống, là một dòng chảy liên tục. Chính không gian đang liên tục bị kéo dãn và mở rộng, và con cũng đang mở rộng cùng với không gian này. Điều này khiến trái đất xoay xung quanh mặt trời, hay khiến mặt trời xoay xung quanh trung tâm thiên hà của nó, hay khiến toàn thiên hà xoay xung quanh tâm của nó và tất cả các thiên hà chuyển động trong một bản giao hưởng hài hoà của cuộc sống.

Tự ngã của con, các thày giả của những kẻ sa ngã, và ngay cả các giác quan vật lý của con ở mức độ nào đó muốn con nghĩ rằng con có thể nắm giữ một điều gì trong dòng chảy vĩ đại này. Nhưng không có gì đứng yên cả. Tuy nhiên, cái con có thể nắm giữ như cốt lõi bền vững của cuộc sống là nhận biết thuần khiết, nhận biết thuần khiết giúp con thấy mặc dù con đang ở trong bát cung vật lý nơi mọi thứ đang liên tục thay đổi, nhưng con không cần phải liên tục thay đổi theo các hoàn cảnh con thấy xung quanh mình. Thay vào đó, con là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con.

Hiện diện TA LÀ của con không đứng yên. Hiện diện TA LÀ của con đang tuôn chảy cùng với dòng chảy sự sống, và vì vậy nó liên tục thăng vượt chính nó. Do đó, con chỉ cần thay đổi cùng với Hiện diện khi nó thăng vượt chính nó. Con thật sự không cần thay đổi theo các hoàn cảnh đang biến đổi trên trái đất ngoại trừ những thay đổi thẳng hàng với dòng chảy của Dòng sông sự Sống.

4.4. Hai loại thay đổi

Thày có vẻ khó hiểu không? Quả thật thày có ý cho con một câu đố để con nhận ra có hai loại thay đổi. Thày biết con lớn lên mà không biết điều này. Có một sự thay đổi là sự tự thăng vượt, đó là liên tục thăng vượt chính mình và đây là Dòng sông sự Sống. Trong bản thiết kế nguyên thuỷ của các Elohim, trái đất khởi đầu ở một tầng cấp nào đó và sau đó nó sẽ liên tục thăng vượt tầng cấp đó khi những con người hiện thân nơi đây cùng nhau tạo thêm sự dồi dào trong tự nhiên, trong cuộc sống của chính họ và trong xã hội. Đây là sự tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, và tất nhiên, con muốn tuôn chảy với nó.

Nhưng như các thày đã nói nhiều lần, con không có hoàn cảnh lý tưởng trên trái đất. Loài người đã tách chính mình ra khỏi Dòng sông sự Sống, và vì vậy đã tạo ra một vòng xoáy riêng của mình. Đây không phải là vòng xoáy hướng thượng dẫn đến sự thăng vượt. Đây là một vòng xoáy hướng hạ đưa con đến việc thu hẹp các cơ hội khiến mọi thứ bắt đầu tan vỡ thay vì tự thăng vượt. Con có thể thấy những thay đổi này trong xã hội, ngay cả trong tự nhiên ở một mức độ nào đó.

Con yêu dấu, con không cần phải thích ứng với những thay đổi này. Tìm cách thích ứng với những thay đổi như vậy làm tắc nghẽn sự sáng tạo của con vì lúc này con rơi vào lời nói dối cơ bản của cái mà Giê-su gọi là ông hoàng thế gian, đó là Tánh linh phải quy thuận những điều kiện hiện hành trong vật chất.

Đây là điều mà Peter đã nói với Giê-su khi Giê-su kể cho môn đệ những gì sắp xảy ra cho mình. Peter từ chối chấp nhận vì ông nghĩ điều này không tốt nhất cho Giê-su. Và Giê-su đã quay lại quở trách Peter nặng nề – thày có thể đảm bảo với con, Giê-su có thể rất nghiêm khắc: “Satan, hãy lui ra đằng sau ta”. Chính con cũng có thể có dịp dùng câu nói này khi con nhận ra con đang phải chịu một sự phóng chiếu từ tâm thức đại chúng, từ ông hoàng thế gian bảo con rằng: “Ngươi phải thích ứng với hoàn cảnh bất toàn hiện nay trên trái đất”.

4.5. Không chấp nhận bất cứ gì là chung cuộc

Con không bắt buộc phải thích ứng với những hoàn cảnh bất toàn trên trái đất, vì làm vậy sẽ chỉ gây nên bệnh tật trong cơ thể con. Tương tự như vậy, nếu bác sĩ nói: “Anh đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo” hay “ Căn bệnh của chị không thể chữa được”, thì con không bắt buộc phải chấp nhận điều này. Thày không có ý nói con nên từ chối chữa trị y khoa vì đây không phải là những gì thày dạy. Thày dạy con phải tận dụng những cái sẵn có trong xã hội của con, cả hệ thống chữa trị chính thống lẫn những phương pháp chữa trị tự nhiên toàn diện. Thày không nói con nên từ chối các hình thức chữa trị đang sẵn có mà ngược lại con hãy sử dụng mọi cách theo hướng dẫn của trực giác. Nhưng dẫu sao, đừng chấp nhận hình ảnh cơ thể vật lý của con hiện đã vượt ngưỡng nào đó và không bao giờ có thể khoẻ mạnh như trước.

Nhưng hãy trở lại những gì thày đã nói. Con không thể tái tạo sức khỏe toàn hảo vì sức khỏe bất toàn là dấu hiệu cho thấy con đã tách mình ra khỏi Dòng sông sự Sống. Vì vậy, cách chữa lành là quay lại dòng chảy để thay vì cố tái tạo tình trạng sức khỏe như trước, thì con không cố quay ngược kim đồng hồ, ngay cả không quay ngược đồng hồ của cơ thể. Con đang tuôn chảy vào một trạng thái mới, cao hơn con có thể hình dung.

4.6. Định nghĩa về bệnh tật

Vậy thì, bệnh tật là gì? Các thày đã nói con có một sứ vụ thiêng liêng cá nhân mà con đã thảo ra cùng với các cố vấn tâm linh trước khi con đầu thai. Như thày Quan Âm đã nói, có vài trường hợp trong đó một căn bệnh và việc đối mặt với một căn bệnh, hay chữa lành một căn bệnh là một phần của sứ vụ thiêng liêng của con. Trong hầu hết trường hợp, căn bệnh có những lúc không nằm trong sứ vụ thiêng liêng của con, vì vậy con có thể nhìn căn bệnh như dấu hiệu con không đi theo sứ vụ thiêng liêng của mình. Nhưng ngay cả nếu căn bệnh nằm trong sứ vụ thiêng liêng thì nó vẫn là một dấu hiệu và vì vậy giáo lý toàn vũ mà thày muốn trao cho con đó là bất kỳ một căn bệnh vật lý nào cũng là một chỉ báo cho thấy con cần thay đổi một điều gì đó.

Nếu căn bệnh không nằm trong sứ vụ thiêng liêng thì con nên nhìn căn bệnh như một dấu hiệu cho thấy con không tuôn chảy với sứ vụ thiêng liêng, con không hòa điệu với sứ vụ thiêng liêng. Tại sao lại không? Bởi vì con được nuôi dạy để chấp nhận những hình ảnh sai lầm đang quanh quẩn trong tâm thức đại chúng trên trái đất. Con nghĩ cuộc sống nên là thế này, con nên sống theo cách này, cuộc sống nên biểu lộ theo cách này.

Một khía cạnh trong số các tin tưởng này là con cần có sức khỏe để làm việc kiếm sống. Con phải trải qua một tiến trình rất dài để cuối cùng con có được một việc làm, và rồi con tiếp tục làm công việc này trong 30, 40, hay 45 năm cho đến khi con về hưu. Cơ thể con đơn giản cần thích nghi để thực hiện chức năng này cho dù công việc có căng thẳng đến mức nào.

Nhưng con thấy đấy, trong thời đại ngày nay, có hàng triệu người tâm linh đã hiện thân chính là để giúp đem lại một thời kỳ mới tốt đẹp, tiếp cận cuộc sống một cách tâm linh hơn. Sứ vụ thiêng liêng không quy định con làm việc như một người máy suốt 40 hay 45 năm để làm giàu cho một nhóm thượng lưu đặc quyền không bao giờ biết chia sẻ với người khác.

Vì vậy, khi con đi quá xa những điều nằm trong sứ vụ thiêng liêng thì cơ thể con bắt đầu cảnh báo có điều cần phải thay đổi. Điều này có gì phải ngạc nhiên không? Tất nhiên, nếu con thật sự muốn chữa lành, con cần dùng những công cụ mà các thày đã trao cho con – các bài giảng và các khuôn đúc chữa lành này – để giúp con trở lại với viễn quan rõ ràng về sứ vụ thiêng liêng của con. Và đối với nhiều người điều này có nghĩa là họ cần phải sẵn lòng suy ngẫm lại cuộc đời mình, xem xét lại cuộc đời và cách sống của mình. Có thật sự đúng không khi con làm một công việc căng thẳng trong hơn 40 năm? Có thật sự đây là điều con muốn làm trong đời? Vậy thì tại sao con cho phép mình nghĩ rằng đây là điều con phải làm, nghĩ rằng con bị mắc kẹt trong công việc này và không còn chọn lựa nào khác?

4.7. Luôn luôn có một chọn lựa

Con yêu dấu, một trong những thông điệp cơ bản của bất kỳ giáo lý tâm linh chân chính nào đều là: luôn luôn có một chọn lựa. Luôn luôn có một cách nhìn khác về cuộc đời. Luôn luôn có một cách khác tương tác với cuộc đời. Khi con đi theo phương cách này, tầm nhìn của con sẽ mở rộng hơn bất cứ gì con có thể mơ ước trước đây, vì có lẽ con đã lập tức bác bỏ nó là không thực tế trước khi con cho phép mình xét xem nó có thể trở thành hiện thực hay không.

Nhưng thông điệp của ngành y khoa và các cơ sở y tế trên địa cầu hiện nay là như sau: Con được sinh ra để lao động thật hiệu năng. Nếu có trục trặc với sức khỏe của cơ thể, thì các cơ sở y tế sẽ can thiệp và cố gắng giải tỏa các triệu chứng để con có thể trở về với hình thức sinh sống gọi là hiệu năng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc chữa trị không có hiệu quả. Vì những lý do mà chưa ai hiểu được, căn bệnh vẫn không hết và con phải chấp nhận sống chung với nó, phải uống thuốc suốt đời, hoặc con sẽ chết vì căn bệnh đó.

Khi con ngã bệnh, và nếu có thể trước cả khi con ngã bệnh, con yêu dấu, chẳng phải đây là cơ hội để con suy nghĩ lại cách sống đó, cách sống máy móc đó hay sao? Chẳng phải là sẽ tới lúc trong cuộc đời mình, dù mắc bệnh hay không mắc bệnh, con lùi lại và tái xét điều này hay sao? Vì tất nhiên, nếu cơ thể con mắc bệnh và con phải dừng lối sống đầy căng thẳng để tập trung vào việc chữa trị, thì chẳng phải là con có thời gian và không gian – không gian trong tâm con – để con bước lùi lại và suy ngẫm: “Sứ vụ thiêng liêng của tôi là gì? Tiềm năng cao nhất trong kiếp sống này của tôi là gì? Tôi có thể học được gì? Tôi có thể biểu lộ được điều gì? Món quà nào tôi có thể trao tặng cho mọi người quanh tôi hay cho hành tinh này nói chung? Thượng đế có thể đem lại được điều gì qua tôi trong phần đời còn lại của kiếp sống này?”

Thay vì nghĩ: “Ồ, nhưng tôi không có sức khỏe toàn hảo thì làm sao tôi có thể phụng sự cuộc đời”, thì con hãy tập trung vào việc phụng sự. Rồi con sẽ chấp nhận con có đủ sức khoẻ cần thiết để phụng sự. Con chấp nhận điều này như một thực tế vì nay con đã hoà điệu với dòng chảy của sứ vụ thiêng liêng. Con biết con sống không phải để có một cuộc đời thoải mái, không phải để tiêu thụ thật nhiều, mà con sống để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của mình.

Con chấp nhận, đòi hỏi và thỉnh gọi cho sức khỏe thị hiện, cho tiền của và các hoàn cảnh bên ngoài mà con cần có để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng. Đừng có cái nhìn vướng mắc về các hoàn cảnh bên ngoài mà con phải có. Hãy uyển chuyển để đạt đến một viễn quan cao hơn và sẵn lòng bắt đầu biểu lộ tiềm năng cao hơn của con, sứ vụ thiêng liêng của con bằng những gì con có ngay bây giờ, ngay cả nếu con đang có một căn bệnh vật lý.

Hãy làm điều con chưa từng làm trước đây. Hãy dang tay ra giúp mọi người bằng một cách nào đó. Con có thể tham gia vào quá trình giúp những người cùng mắc loại bệnh như con. Hãy giúp họ hiểu về căn bệnh. Hãy giúp họ hiểu nguyên nhân của căn bệnh, ngay cả nguyên nhân vượt khỏi tầng vật lý, nguyên nhân còn nằm ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc.

Con hãy tìm cách nâng cao nhận thức về khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Hãy tìm cách chỉ cho người khác làm cách nào đời sống tâm linh đã xoa dịu căn bệnh của con và có thể cũng xoa dịu được họ. Con yêu dấu, thày không mong muốn cho con một khuôn mẫu chỉ dành riêng cho cá nhân con, mà thày đưa ra nhiều chọn lựa để con có thể dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Luôn có một điều gì đó con có thể làm để vượt lên chính mình. Con có thấy nhiều người khi già đi và mắc bệnh, thì họ càng lúc càng tập trung hơn vào chính mình cho đến khi toàn bộ sự tập trung vào cuộc đời trở nên hạn hẹp đến độ hầu như không ai có thể liên hệ với họ được nữa? Vậy thì mục đích của việc đầu thai là gì nếu con không đặt tập trung ra ngoài bản thân? Làm sao con có thể tuôn chảy với sứ vụ thiêng liêng nếu con chỉ chú tâm vào cái ngã hẹp hòi? Sứ vụ thiêng liêng của con là tìm cách nâng cao tất cả sự sống, bao gồm cả chính con nhưng không phải chỉ một mình con.

4.8. Bí quyết là tuôn chảy

Vậy thì đây là bí quyết, con yêu dấu: Hãy tuôn chảy với cuộc sống. Từ nơi con đang đứng, hãy lập tức tuôn chảy vào thể chất lành mạnh hơn. Rồi tuôn chảy vào sức khoẻ tốt hơn, rồi lại tuôn chảy vào sức khoẻ tốt hơn nữa. Hãy tuôn chảy vào một phản ứng tốt hơn, rồi lại tuôn chảy vào một phản ứng tốt hơn nữa. Hãy tuôn chảy vào một phản ứng dựa trên tình thương hơn là dựa trên sợ hãi. Hãy tuôn chảy vào sự biết ơn. Hãy tuôn chảy vào sự biết ơn cơ hội được sống, được tự nhận biết, được có một cơ thể vật lý qua đó con có thể biểu đạt một điều gì. Hãy tuôn chảy, con yêu dấu. Hãy thay đổi cách con nhìn cuộc đời. Hãy thay đổi cách con nhìn thực tại.

Hãy dùng bài thỉnh của Bài ca sự Sống. Hãy dùng khía cạnh vật lý của bài thỉnh mà thày đã giới thiệu để kêu gọi sức khỏe toàn hảo của cơ thể biểu lộ trong cõi vật lý. Các bộ phận, các hệ thống trong cơ thể, các tế bào và các nguyên tử, tất cả hãy biểu lộ sự toàn hảo. Hãy biểu lộ ngay. Hãy nhìn chúng đang biểu lộ sự toàn hảo. Hãy chấp nhận chúng đang biểu lộ sự toàn hảo. Hãy chấp nhận chúng có khả năng biểu lộ sự toàn hảo. Hãy chấp nhận chúng đang toàn hảo.

Như thày Giê-su đã nói: “Con có tin ta có quyền năng làm được điều này không?” Con có tin Ki-tô trong con, Thượng đế trong con, Hiện diện TA LÀ có quyền năng thị hiện sức khỏe con cần để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con không? Nếu con không tin, con hãy thay đổi quan điểm của mình đi. Con hãy để tâm đến việc thay đổi cảm thể, trí thể và bản sắc thể của con, vì khi con làm sạch trí thể khỏi sợ hãi và nghi ngờ, khi con làm sạch cảm thể khỏi bối rối và ngờ vực, khi con làm sạch bản sắc thể khỏi tin tưởng con là một con người bị giới hạn bởi những hoàn cảnh vật lý, thì con sẽ biết sự thật mà các thày đã dạy: đó là thế giới vật lý, bao gồm cả cơ thể vật lý, chỉ là một ảo ảnh. Sự cứng đặc đó đều là ngụy trang. Không có gì là trường tồn và cơ thể vật lý của con đang được tái tạo nhiều lần mỗi giây. Vậy tại sao lại không thể tái tạo một cơ thể cho có sức khỏe toàn hảo hay một cơ thể với diện mạo và chức năng tươi trẻ hơn?

Điều này có thể làm được. Điều này có thể làm được, nhưng nó chỉ có thể xảy ra qua bốn tầng của tâm con. Vì vậy, nếu con tin điều này không thể xảy ra thì con sẽ chặn không cho nó biểu lộ.

Con có quyền tự quyết khi cho phép những tồn đọng ở lại trong bốn thể thấp của con, và con cũng cho phép những tồn đọng đó ngăn chặn sự biểu lộ những điều trong sứ vụ thiêng liêng của con liên quan đến sức khỏe, tiền của, hoàn cảnh bên ngoài của con. Chỉ có con mới có thể ngăn chặn sự biểu lộ bằng những tin tưởng mà con không dám chất vấn, bằng những nghi ngờ, bằng sự sợ hãi, bằng sự giận dữ và các cảm xúc tiêu cực, bằng sự vô ơn, bằng sự bi quan và không sẵn lòng tuôn chảy với cuộc sống, để thay đổi như cuộc sống cần thay đổi khi Hiện diện TA LÀ của con muốn biểu đạt một thị hiện cao hơn. Chỉ có con mới có thể ngăn chặn sự thị hiện đó.

4.9. Quyết định con sẵn sàng thay đổi

Thày không nói điều này để khiến con cảm thấy tồi tệ và cho con thêm gánh nặng tội lỗi. Thày nói điều này để khuyến khích con lấy quyết định con sẵn lòng thay đổi, thay đổi thái độ và viễn quan của con vì thày tin con nhận thấy được những điều này có khả năng thay đổi cho dù chuyện gì xảy ra ở tầng vật lý. Con có khả năng thay đổi. Con có khả năng luôn luôn thay đổi.

Vì vậy con hãy quyết định: “Tôi sẵn lòng thay đổi”, và con hãy xin thày hay bất cứ đại diện nào khác của Mẹ Thiêng liêng: “Xin hãy giúp con thay đổi. Xin hãy giúp con thấy con có thể thay đổi như thế nào”. Khi Giê-su còn nhỏ và đang trưởng thành, thày đã giữ niệm tinh khôi cho Giê-su và giữ niệm tinh khôi cho tiềm năng Ki-tô và tiềm năng sứ vụ của Giê-su. Lúc đó, thày không biết tường tận về tiềm năng này nhưng thày biết vài điều trong đó và thày đã giữ viễn quan cho Giê-su. Thày cũng giữ viễn quan cho từng người trong các con. Thày sẽ dạy con cách giữ niệm tinh khôi cho chính mình nếu con xin thày, và nếu con sẵn lòng buông bỏ, ngừng lại, không nắm giữ những viễn quan sai lầm mà con đã chấp nhận khi con sống ở kiếp này hay ở nhiều kiếp trước.

Thày là đại diện của Tia Thứ Năm – tia của viễn kiến. Thày sẽ cho con một viễn kiến cao hơn nếu con sẵn lòng nhìn vượt quá tầm nhìn giới hạn hiện nay của con. Nếu không có viễn kiến, loài người sẽ diệt vong. Nếu không có viễn kiến, cơ thể vật lý sẽ chết. Nếu không có viễn kiến, cảm xúc sẽ chết. Nếu không có viễn kiến, tư tưởng sẽ chết. Nếu không có viễn kiến, bản sắc, các ngã sẽ chết. Vì nếu không có viễn kiến, con không thể thăng vượt tự ngã và khi không thể thăng vượt con sẽ bị huỷ diệt bởi cái mà các thày gọi là quy luật thứ nhì của nhiệt động học hay cơn thịnh nộ của nữ thần Kali, hay sức mạnh của thần Shiva, hay ngọn lửa tâm linh đốt cháy mọi thứ đứng yên, mọi thứ không thăng vượt.

Con hãy nhìn vào ngọn lửa đang cháy trong lò sưởi. Hãy nhìn gỗ đang chuyển hoá thế nào, nhìn hình tướng vật lý dường như khá cứng đặc đó được chuyển hoá lên một trạng thái năng lượng cao hơn nơi các nguyên tử rung động với tốc độ cao hơn. Vì vậy, các liên kết phân tử bị phá vỡ và giải phóng các nguyên tử. Một căn bệnh trong cơ thể con là một trạng thái bị cứng đặc trong đó các nguyên tử của cơ thể bị giam trong một khuôn đúc. Bằng việc thỉnh cầu ngọn lửa tâm linh từ các bài thỉnh và bằng việc chuyển dời tâm thức đã giam các nguyên tử trong khuôn đúc đó, con có thể giải phóng các nguyên tử, con có thể giải phóng các tế bào. Nhờ vậy, cơ thể con có thể được tái tạo gần như ngay tức khắc trong một khuôn đúc cao hơn theo viễn quan tinh khôi, niệm tinh khôi mà thày giữ trong tâm, mà Hiện diện TA LÀ giữ cho con. Điều quan trọng là việc con có thể chấp nhận điều gì, con có thể giữ điều gì trong bốn tầng của tâm con. Chỉ có điều đó mới quyết định cái gì sẽ thị hiện trong tầng vật lý.

4.10. Xin sự trợ giúp của Mẹ Mary

Vậy đây là thông điệp của thày: Con hãy học giáo lý của các thày. Con hãy đọc các bài thỉnh. Hãy kêu gọi các thày giúp con chuyển đổi tâm thức. Nhưng trước hết, con hãy làm điều giản dị này: đó là sẵn lòng thay đổi.

Có những người khi mắc bệnh đã nói: “Tôi mất cái gì? Chuyện này có thể tệ hơn đến mức nào?”. Nếu con không còn hy vọng gì nữa, tại sao lại không thử làm một điều hoàn toàn khác mà con chưa từng làm trước đây, và ngay cả nếu con chưa gần cõi chết và may thay trước khi căn bệnh bộc lộ, thì thày hy vọng con có thể thấy nhu cầu cần thử một điều mà con chưa từng làm trước đây: đó là chuyển đổi tâm thức, chuyển đổi cách sống.

Vì vậy, thày quả thật có thể đảm bảo với con khi Giê-su còn nhỏ, nhiều lần thày phải hướng Giê-su ra khỏi con đường tự hoại để quay trở lại con đường tích cực. Thày đôi lúc đã phải khá cứng rắn với Giê-su cho đến khi Giê-su tự mình thấy được sứ vụ trong đời và có thể bắt đầu tự hướng dẫn mình. Thày sẵn lòng làm vậy với con, con yêu dấu, nếu con chịu xin thày, nếu con chịu lắng nghe câu trả lời từ nội tâm khi con tiếp tục đọc các bài thỉnh và học giáo lý của các thày. Thày chắc chắn sẽ tìm ra cách thì thầm vào tai con những gì con cần nghe nếu con sẵn lòng nghe mà không sợ hãi.

Con yêu dấu, không có gì trong bát cung vật lý mà không thể thay đổi. Không có gì không thể thay đổi. Con có nghe thày nói không? Không có gì không thể thay đổi vì không có gì bản thân nó tồn tại mãi mãi. Mọi thứ đều là sự phóng chiếu của một khuôn đúc, một khuôn đúc tư tưởng. Hãy thay đổi khuôn đúc đó và con sẽ thay đổi được cái đó. Đây là luật của Thượng đế.

Con đã không được dạy để hiểu quy luật này nhưng tại sao điều này lại ngăn con không chấp nhận sự thật khi nó được trao cho con? Hãy sẵn lòng chuyển đổi. Hãy đọc các bài thỉnh. Hãy học các giáo lý. Và con sẽ ngạc nhiên khi chẳng bao lâu con nhìn lại đời mình, con kinh ngạc khi thấy con đã thay đổi nhiều thế nào chỉ trong một thời gian ngắn. Con có thể ngạc nhiên khi thấy tình trạng bên ngoài của con thay đổi nhiều thế nào, bao gồm cả sức khoẻ vật lý và tình trạng sung túc, đã thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn.

Hãy chứng tỏ với thày và thày sẽ đổ phước lành cho con – các thày, những đại diện của Mẹ Thiêng Liêng, sẽ đổ phước lành cho con – đến độ tâm con không còn chỗ nhận thêm. Nhưng khi con mở rộng tâm ra thì sẽ có chỗ để nhận phước lành và nó sẽ được thị hiện trong cõi vật lý.

Vì TA LÀ: Chân Sư có quyền năng kết đọng. Thày có mặt ở đây để giúp con làm chủ sự kết đọng mà không sợ hãi. Và thày chào tạm biệt con, hy vọng thày có thể liên tục làm việc với con để giúp con chuyển đổi ý niệm bản ngã lên tiềm năng cao nhất được ghi sẵn trong sứ vụ thiêng liêng của con.

TA LÀ Mẹ Mary. Ta là mẹ của đứa trẻ Ki-tô trong con. Đừng quên ta.

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là: Bài ca sự Sống 4 – Một thân thể mới

Chương 3 – Hãy để cảm xúc tuôn chảy

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 13/3/2013.

Quan Âm là tên mà thày đã sử dụng rất lâu khi thày còn hành đạo trên trái đất. Thày được biết đến chủ yếu ở phương Đông. Tuy vậy, từ lâu thày đã đạt được tâm thức của quả vị Phật, và khi con thật sự đạt được quả vị Phật, con đã vượt thăng tất cả nhãn hiệu có thể được gán trên trái đất.

Do đó, ngay chính cái khái niệm cho rằng có một tôn giáo gọi là đạo Phật và tôn giáo này giữ độc quyền nào đó trên đức Phật cùng các giáo lý của Phật, cũng là một sự nhầm lẫn. Vì sự thật là khi con đạt được tầng tâm thức Phật, con trở nên toàn vũ tuyệt đối. Con vượt khỏi tất cả các nhãn hiệu thế gian.

Điều này quả thật được biểu tượng qua một câu chuyện được kể lại nhiều lần với nhiều phiên bản khác khau. Trong câu chuyện đó, thày có một con thuyền Bát nhã, được gọi là con thuyền minh triết, nhờ đó thày có thể đưa mọi người vượt Biển Luân hồi cuồng nộ. Nhưng tại sao Biển Luân hồi lại cuồng nộ? Vì nó bị những cảm xúc hỗn loạn của loài người khuấy động, là những năng lượng cảm xúc hỗn loạn đã được tích tụ từ rất lâu trong trường năng lượng tập thể, trong tâm thức đại chúng.

3.1. Lèo lái vượt biển cảm xúc

Do đó, con cần gì để chèo chống qua biển cảm xúc? Con cần minh triết để giúp con không đi vào đối cực này hay đối cực kia, mà con giữ cho sống thuyền kiên định. Con giữ vững hướng đi mặc dù đôi lúc con phải lèo lái qua những cơn sóng dữ đang ập đến. Nhưng con không tìm cách đánh nhau với chúng, con cũng không khuất phục chúng và để chúng cuốn con thuyền đi. Con dõi mắt theo mục tiêu của mình. Con nhắm hướng bờ biển ở đằng xa, và con tiếp tục lái thuyền theo con đường ngắn nhất hướng về bờ. Bằng cách sử dụng nguyên lý của dòng nước luôn chảy vòng quanh chướng ngại, con nhẹ nhàng lướt qua các con sóng dữ. Đây là làm thế nào minh triết linh động của đức Phật hướng dẫn con luôn tìm thấy Con đường Trung đạo giữa các đối cực.

Con đường Trung đạo là tránh đối cực bên này như thày đã lấy biểu tượng đá bị đóng băng. Con đường Trung đạo là tránh đối cực bên kia như thày đã lấy biểu tượng dung nham nóng chảy không ngừng sủi bọt sôi sùng sục. Nhưng Con đường Trung đạo cũng tránh tâm điểm giữa hai đối cực, là sự thờ ơ, lãnh đạm.

Tất nhiên ở thời đức Phật, Phật đã gặp phải sự thờ ơ của hầu hết mọi người. Trong nhiều trường hợp, họ hoàn toàn tin theo và say mê Ấn giáo đến độ họ đã thờ ơ với một vị Phật tuyên bố có những minh triết mới vượt hẳn giáo lý của các Bà la môn. Đây cũng là điều con thấy tại sao rất nhiều người đã lãnh đạm với thày Giê-su ở thời đó, và con cũng thấy tại sao họ thờ ơ với các chân sư thăng thiên ngày nay. Mặc dù thày có thể cam đoan với con là việc các thày có thể nói trực tiếp qua những bài truyền đọc, qua các sứ giả hiện thân ở đây quả thực là một lực đổi mới to lớn trong bối cảnh tôn giáo trên hành tinh này.

3.2. Khoác vào một vai trò

Chúng ta hãy nhìn vào cảm thể của người nam và người nữ. Các thày đã giải thích con có bốn thể phàm. Thể cao nhất trong bốn thể này là bản sắc thể và sau đó đến trí thể và thứ ba là cảm thể.

Con cần hiểu trong cảm thể, con rất dễ bị lôi kéo theo các hướng khác nhau bởi hai lực thường là đối lập. Nhưng trong nhiều trường hợp, các lực này có lẽ không đối lập như người ta cảm thấy bởi vì sau cùng chúng cũng kéo con về cùng một hướng.

Giờ đây, các thày, các đại diện của Mẹ Thiêng liêng, không có ý định đi sâu vào sự có mặt của những sinh thể trên địa cầu đang tìm cách kiểm soát loài người. Các thày đã có giảng về chủ đề này ở nơi khác, chủ yếu trong quyển sách Chữa lành Mẹ Trái đất [Healing Mother Earth] mà con có thể tìm đọc nếu con quan tâm hơn về vấn đề này. Nhưng điều tuyệt đối cần thiết cho việc chữa lành và tăng triển cá nhân của con là con nhận ra có những thế lực đang đầu thai lẫn không đầu thai đang tìm cách kiểm soát con, và chúng làm điều này bằng cách kiểm soát cả bốn thể phàm của con.

Vì vậy, tất nhiên giáo lý các thày dạy rằng để đầu thai con cần khởi sự tạo ra một loại phàm linh có khả năng phối hợp với cơ thể vật lý, như Đại thượng sư Maha Chohan đã giảng trong sách Trôi theo Dòng sông sự Sống [Flowing with the River of Life]. Những thế lực thao túng con người rất giỏi tạo ra những vai trò đã được định sẵn cho con người đầu thai trên trái đất, và những vai trò này tồn tại như các phàm linh ở tầng bản sắc của hành tinh, tầng bản sắc của tâm thức đại chúng.

Nhiều sinh thể đầu thai lần đầu trên trái đất, cho dù đây là lần đầu thai đầu tiên hay họ xuống đây từ một hành tinh khác, họ cũng chọn khoác lấy một trong các vai trò đã được định sẵn như thể họ đi vào một rạp hát của thế gian, ngắm nhìn các bộ trang phục khác nhau đang được treo trên móc áo, nhìn vào các vai diễn mà họ có thể đóng và nói: “Tôi muốn thử xem tôi sẽ cảm thấy thế nào khi tôi đóng vai đó.”

3.3. Bị chính vai trò kiểm soát

Con khoác vào một vai trò quy định con như một con người và quy định con có thể làm gì và đặc biệt con không thể làm gì như một con người. Nhưng con đã nhập vai, và vở kịch bắt đầu, khuôn mẫu bắt đầu khởi động. Tất nhiên, con biết trong một rạp hát trên địa cầu, con có sẵn một kịch bản và tất cả diễn viên tham gia vở kịch đó phải diễn theo kịch bản này, làm sao họ làm khác được? Không thể diễn ngẫu hứng được. Không thể ném kịch bản đi và diễn theo ý mình muốn, vì điều này sẽ gây xáo trộn cho các diễn viên khác cũng như cho khán giả và cho cả những ai nghĩ họ đang điều hành rạp hát.

Nhưng tất nhiên, nếu con khoác vào một vai trò đã được định sẵn ở tầng bản sắc thì vai trò đó sẽ tạo ra những giới hạn cho những gì có thể diễn ra trong thể tư tưởng của con, tức trí thể, và lần nữa sẽ tạo ra các giới hạn cho những gì có thể diễn ra ở cảm thể của con, điều này lần nữa lại giới hạn những gì con có thể làm với thể vật lý.

Do đó con có thấy không, nếu nhìn lại lịch sử, nhiều xã hội đã có một khuynh hướng rõ rệt tạo ra một lớp thượng lưu? Con có bao giờ tự hỏi tại sao có quá nhiều xã hội trong lịch sử bị một nhóm nhỏ thượng lưu cai trị, trong khi đại đa số người dân hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp phải làm nô lệ và lao động để giữ cho nhóm thượng lưu này ở vị trí đặc quyền, hay họ phải tuân lệnh nhóm này theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như gây chiến với nhóm thượng lưu ở nước khác? Tại sao vậy? Có bao giờ con tự hỏi câu hỏi này không?

Quả thật đó là vì hầu hết các dòng sống hiện đang đầu thai trên trái đất đã chọn khoác lấy những vai trò được định sẵn, những vai trò này đã được quy định ở cõi bản sắc bởi những kẻ tìm cách kiểm soát loài người. Kiểm soát loài người có nghĩa là gì? À, điều này có nghĩa là con kiểm soát những gì người ta sẽ làm trong cõi vật lý để con có thể giữ yên đại đa số quần chúng, con có thể giữ họ trong trạng thái thờ ơ gần như mọi lúc.

Nhưng đôi lúc con có thể hướng họ về cực này hoặc cực kia. Ở một cực, họ có thể bị khích động bởi những cơn giận dữ hay thù ghét nhóm kia đến mức họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đánh bại nhóm kia trong một cuộc chiến. Con có thể thấy điều này ở nhiều cuộc chiến trên trái đất. Nhưng cũng có thể ở cực kia họ lại lạnh lùng, vô cảm với cuộc sống đến mức họ sẵn sàng giết hại dân thường – ngay cả những người không tấn công họ – bởi vì họ đã trở nên quá lãnh cảm, thờ ơ đến mức họ không xem người khác là những con người. Con đã thấy được điều này thể hiện trong nhiều hành động hung ác chống lại loài người ở khắp các thời kỳ.

3.4. Ba phản ứng cảm xúc

Con thấy đấy, những kẻ thao túng làm được điều này bằng việc tạo ra một khuôn mẫu trong cõi bản sắc. Bằng cách định ra những triết lý và ý thức hệ đã được định trước, chúng tạo ra những khuôn mẫu khác quy định cách suy nghĩ của con, và chúng cũng tạo ra những khuôn mẫu quy định cách phản ứng cảm xúc của con. Chúng đã nỗ lực khiến con người rơi vào một trong ba phản ứng cảm xúc mà thày đã mô tả.

Một là cảm thể của con hoàn toàn đóng băng vì vậy con đè nén, hoặc con nghĩ con phải đè nén tất cả mọi cảm xúc để con không còn cảm thấy gì hết. Con hãy nhìn điều này được khuyến khích ở nhiều lãnh vực trong xã hội. Ví dụ trong giới doanh nghiệp, nhiều người được nuôi dạy không bao giờ được bộc lộ bất kỳ cảm xúc nào cho dù người quản lý của họ có làm gì hay nói gì. Nhưng trong nhiều trường hợp, đây là cách duy nhất để đạt được thành công trong giới kinh doanh. Tất nhiên, điều tương tự cũng xảy ra trong nhiều tổ chức khác nơi con phải chấp nhận hoà đồng bằng cách không bao giờ phản đối, không bao giờ lên tiếng, không bao giờ được nói: “Điều này không đúng” hay “Chuyện này không phải”.

Đằng khác, con thấy những kẻ khuynh loát cũng muốn người ta rơi vào phản ứng trong đó thể tình cảm của họ sôi sục như dung nham khi họ liên tục bị kích động, liên tục nóng giận, và chỉ cần một kích động nhỏ thì cơn giận sẽ bùng lên như con thấy trong những cuộc nổi loạn tại nhiều quốc gia. Con cũng thấy điều này ở những sự kiện thể thao mỗi thứ bảy hay chủ nhật.

Nhưng tất nhiên, con cũng thấy nhiều người rơi vào điểm giữa hai cực này – nhưng không phải là Con đường Trung đạo – trong đó họ gần như hoàn toàn thờ ơ với tất cả những gì xảy ra, và phải cần một sự khiêu khích rất lớn mới có thể khuấy động cảm xúc của họ, hay khuấy động tinh thần trách nhiệm của họ đối với các diễn biến trong xã hội.

3.5. Con không thể phớt lờ cảm xúc

Con có nắm được ý thày đang giảng không? Khi nói đến việc chữa lành cá nhân, tất nhiên đây là chủ đề chính của khuôn đúc Bài ca sự Sống, thì cảm xúc của con rất quan trọng, vì thể tình cảm ở ngay trên thể vật lý. Các cảm xúc không chỉ được phóng chiếu trực tiếp lên Ánh sáng Mẫu-Vật trong quang phổ vật chất – và do đó cảm xúc của con chính là khuôn đúc quyết định các đặc điểm vật lý của cơ thể con – nhưng trên hết, cảm xúc của con cũng là chìa khoá để chữa lành.

Con có thấy không khi con nhìn vào xã hội và nhìn vào ba cách phản ứng mà thày vừa mô tả: con thấy rất nhiều người đạt đến điểm nhận thấy sự nguy hiểm khi để cảm xúc sôi sục như dung nham. Họ thấy sự nguy hiểm khi họ trở nên lạnh giá và vô cảm với khổ đau của người khác đến mức họ im lặng đứng nhìn trong khi cuộc tàn sát người Do Thái xảy ra ngay gần kề. Kết quả là có nhiều người ngày nay không muốn đương đầu với cảm xúc.

Tất nhiên điều này một phần do họ đã lớn lên với suy nghĩ là các cảm xúc của mình chỉ có thể gắn chặt vào một trong những phản ứng này, và họ không được dạy cách giải quyết cảm xúc theo một cách xây dựng hơn. Họ đã được nuôi dạy để tin rằng cảm xúc đại loại giống như kẻ nô lệ cho bất kỳ hoàn cảnh nào xảy ra trong đời. Nếu có sự kiện nào xảy ra trong đời thì họ chỉ biết cảm nhận theo cách đó mà thôi. Và vì dường như họ không thể kiểm soát được hoàn cảnh bên ngoài đang xảy ra, nên họ cũng dường như không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.

À, dĩ nhiên người ta không được dạy rằng cảm xúc chỉ biết chạy trên đường rày mà bản sắc và tư tưởng đã vạch ra. Con có thấy kết quả này không? Nhiều người ngày nay không muốn đương đầu với cảm xúc. Họ thà phớt lờ không để ý đến chúng. Nhưng con không thấy sao, con yêu dấu, nếu một căn bệnh vật lý, một sự mệt mỏi cùng cực hay quá trình lão hóa có mặt trong cơ thể vật lý của con, thì con không thể hy vọng chữa lành nếu con không làm việc trên cảm thể (và tất nhiên cả trí thể lẫn bản sắc thể)?

Con có nhận thấy là con không thể nhảy bước bỏ qua tầng cảm xúc giống như nhiều người trong xã hội hiện đại chỉ muốn đi trực tiếp lên tầng lý trí và bản sắc? Con có thấy nhiều người trên thế giới vận dụng trí óc quá nhiều khi tiếp cận cuộc sống đến mức họ nghĩ rằng tất cả những gì họ cần làm là ngồi xuống và phân tích mọi thứ, kể cả cuộc sống của chính họ, vì họ nghĩ tâm phân tích có thể làm nảy sinh những câu trả lời cho mọi vấn đề? Hay thậm chí có những người đi cao hơn vào tầng bản sắc, nhìn vào các lời dạy triết lý, hay tôn giáo, hay tâm linh để tìm câu trả lời trong đó.

Thày không nói tìm câu trả lời trong các cõi lý trí và bản sắc không có giá trị. Thày chỉ đang nói là nếu con làm vậy và phớt lờ cảm xúc, muốn bỏ qua cảm xúc, thì làm sao con chữa lành được thể vật lý?

3.6. Cảm xúc là chìa khoá để chữa lành

Con có thấy giả dụ con có thể trụ ở tầng lý trí và bản sắc, tại đây con có thể tạo một khuôn đúc tư tưởng hoàn hảo về sức khỏe ở thể vật lý, nhưng bằng cách nào con sẽ chuyển khuôn đúc này xuống tầng vật lý? Chỉ có một cách: đó là con phải đi qua cảm thể. Con không thể dùng tâm phân tích phóng chiếu một khuôn đúc tư tưởng trực tiếp lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con yêu dấu, con không thể làm vậy. Và đó là lý do con thấy nhiều người bị mắc kẹt trong những mưu cầu trí năng đến mức họ nghĩ họ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của thế giới bằng trí năng, nhưng kỳ thực họ tác động rất ít lên cõi vật lý. Họ xa rời, họ chối bỏ cảm xúc đến mức họ không thể chuyển tư tưởng của mình xuống tầng vật lý. Chỉ qua trung gian tầng cảm xúc thì tư tưởng mới có thể đi xuống tầng vật lý.

Do đó, con thấy nhiều người mắc phải những căn bệnh vật lý và trước khi ngã bệnh, họ đã nghĩ họ có thể sống cuộc đời theo một cách nào đó, thường thường dựa trên một hiểu biết trí thức hay một triết lý nào đó. Họ đơn giản đã sống mà không màng tới việc phải giải quyết các cảm xúc, cho dù đó là những cảm xúc nóng giận, lạnh lẽo hay lãnh cảm. Và rồi khi họ mắc phải một căn bệnh vật lý và nhận ra mình cần phải làm một điều gì đó trong cuộc đời, cần phải thay đổi điều gì đó, thì họ vẫn nghĩ họ có thể tìm ra một giải pháp dựa trên phân tích, dù là qua việc sử dụng hoá chất này hay hoá chất kia, một phương pháp phẫu thuật, kiêng khem, hoặc một cách thể dục mới mẻ để chăm sóc cơ thể.

Tuy nhiên, mặc dù sự chữa lành có thể xảy ra phần nào ở tầng vật lý – hay ít ra một vài triệu chứng bên ngoài có thể được che giấu – nhưng cách chữa lành tự nhiên, toàn diện và cao hơn vẫn là giải quyết ở cảm thể. Đúng vậy, tại sao các thày lại mở đầu bài giảng bằng bản sắc thể và trí thể? Bởi vì một khi con thật sự chuyển đổi ý niệm bản sắc và bước ra ngoài tâm phân tích, thì con sẽ giải quyết ở thể tình cảm dễ hơn nhiều.

Một khi con đã học cách dùng giọng nói để cầu thỉnh năng lượng tâm linh và để dòng năng lượng tâm linh này tuôn chảy tự do qua bản sắc thể và trí thể của con, thì dòng năng lượng này rất dễ dàng chảy vào cảm thể vì trong cảm thể dòng năng lượng tâm linh có thể bắt đầu tiêu hủy những năng lượng cảm xúc tồn đọng và nhờ vậy cũng làm sạch và trong lọc cảm thể của con. Nhưng điều thày muốn chỉ cho con ở đây là: Con sẽ không đạt được kết quả cao nhất nếu con không chuyển tới điểm nơi con sẵn lòng nhìn trực tiếp vào cảm thể và nhìn trực tiếp vào các cảm xúc con có trong thể này. Thày sẽ cho con vài gợi ý để thực hiện trong bài giảng này.

3.7. Cảm xúc không phải là của con

Như thày đã nói, nhiều người lớn lên với suy nghĩ là họ không thể làm được gì với cảm xúc của họ và họ cần kìm nén bất cứ điều gì khuấy động khiến cảm xúc tuôn trào. Như các thày đã giảng, chuyện gì xảy ra chứ? À, cảm xúc không phải là của con.

Như Đại thượng sư Maha Chohan đã giải thích, tất cả những cảm xúc tiêu cực, bất hài hòa đều đến từ các phàm linh. Con, tức nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, không cảm nhận những cảm xúc này. Chính các phàm linh đang tạo ra các cảm xúc và con chỉ đang trải nghiệm cảm xúc vì con đang trải nghiệm cuộc sống xuyên qua phin lọc của các phàm linh. Chúng không phải là cảm xúc của con. Nhưng con yêu dấu, làm sao con thấy được điều này nếu con không nhìn vào cảm thể, nếu con không nhìn vào cảm xúc đó? Và làm sao con có thể nhìn vào các cảm xúc nếu con trấn áp hay phớt lờ chúng đi?

Chỉ có một cách duy nhất để thấy những cảm xúc này không phải của con và để con ngừng trốn chạy khỏi chúng, đó là con quay ngược lại và chạy thẳng vào các cảm xúc cho đến khi con đứng bên trong ngọn núi lửa dữ dội đó, hoặc cho đến khi con đứng trên lớp đá cảm xúc băng giá, lạnh ngắt đó. Chỉ khi con kết nối với cảm xúc đó rồi đi xuyên qua nó, thì con mới có thể thấy nó không phải là con. Nó ngay cả không phải là cảm nhận của con.

Cảm xúc này thậm chí cũng không phải là sản phẩm của những tư tưởng đặc trưng đã tạo nên một khuôn nếp phản ứng đối với các hoàn cảnh trên trái đất, bởi vì các tư tưởng thấp hơn, các tư tưởng vị kỷ dựa trên nỗi sợ tách biệt cũng do các phàm linh tạo ra. Thật sự con cũng không phải là cái bản sắc đang cảm thấy mình là con người bị giới hạn, bị giam trong một cái lồng và chỉ biết phản ứng dữ dội khi có ai đó rung lắc cái lồng. Con là nhận biết thuần khiết. Tuy nhiên, làm sao con biết được điều này cho đến khi con trải nghiệm được sự nhận biết thuần khiết?

Có thể nói khi con phóng chiếu chính mình lên tầng bản sắc, tức con là cánh cửa mở giữa cõi tâm linh và bốn cõi của thế giới vật chất, thì con mới trải nghiệm được nhận biết thuần khiết. Nhưng bằng cách nào, con yêu dấu, con lên được đến tầng bản sắc nếu con không đi xuyên qua các cảm xúc? Vì khi con hiện diện trong thân thể vật lý thì tâm ý thức của con trụ tại tầng vật lý. Như các thày đã nói, con có khả năng phóng chiếu chính mình vào bất cứ nơi nào con muốn, nhưng con lại không thể phóng chiếu thẳng vào thể bản sắc. À, theo lý thuyết thì con có thể làm vậy, nhưng đối với hầu hết mọi người điều này không thể được vì họ sẽ bị kéo vào cảm thể khi họ nỗ lực vượt khỏi cơ thể vật lý.

Đại đa số con người không thể đi trực tiếp vào bản sắc thể. Vậy làm sao họ vào được thể bản sắc và trải nghiệm được nhận biết thuần khiết? Chỉ bằng cách đầu tiên đi vào cảm thể, đi vào các cảm xúc rồi đi xuyên qua những cảm xúc này, sau đó đi vào trí thể, đi vào các tư tưởng rồi đi xuyên qua các tư tưởng này, sau đó đi vào bản sắc thể, đi xuyên qua ý niệm bản ngã cho đến khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết. Đây là điều có thể xảy ra với tất cả những ai sẵn lòng đi theo trình tự này và tiếp tục áp dụng nó.

Dĩ nhiên cũng có người có khả năng đi trực tiếp vào tầng bản sắc hay tầng tâm linh, nhưng họ có thể làm vậy bởi vì ở một thời điểm trong quá khứ, họ đã làm sạch cảm thể để cảm thể không lôi kéo họ vào những phản ứng đó.

3.8. Đồng hoá với cảm xúc

Điều các thày đang nỗ lực làm ở đây là giúp con phát triển khả năng và sẵn lòng đi vào cảm xúc, nối kết với cảm xúc và đi xuyên qua chúng. Các thày hiểu thoạt tiên điều này có thể đáng sợ, nhưng đây là lý do thày trao cho con các bài tập để con cầu thỉnh ánh sáng tâm linh. Vì khi con cầu thỉnh và tiếp tục cầu thỉnh ánh sáng tâm linh qua thời gian, thì ánh sáng sẽ bắt đầu làm sạch một số năng lượng tồn đọng đã biến cảm thể của con thành một vùng đất hoang vu lạnh lẽo hoặc thành một núi lửa sôi sục. Và khi cường độ của cảm xúc giảm xuống vài mức, thì con có thể dễ dàng đi vào các cảm xúc này hơn.

Nhưng tất nhiên, các thày biết điều này thậm chí vẫn có thể đáng sợ với những ai không quen đối mặt với cảm xúc, vì vậy các thày sẽ đề nghị nắm tay mỗi người và dẫn các con đi qua quá trình này. Các thày đề nghị con có thể lên khoá nhập thất ở tầng ether của các thày, của những chân sư thăng thiên, những đại diện của Mẹ Thiêng liêng. Con có thể đến học và khi con tới điểm làm điều này ở tâm ý thức thì con đã quen với quá trình này. Con biết được cảm giác như thế nào. Con biết nó không tệ như con nghĩ. Con biết con có thể sống sót khi đi vào địa ngục của cảm xúc vì con sẽ không bị thiêu cháy. Con sẽ không bị thiêu cháy. Con cũng sẽ không bị đóng băng và tê liệt. Sự thật sâu xa mà các thày muốn dạy con là cảm xúc là chìa khoá để chữa lành thân thể vật lý. Tại sao vậy?

Không phải các thày đã nói hay sao khi con khởi sự ở tầng bản sắc, con đối mặt với một cái gì rất nhẹ nhàng tinh khiết, nghĩa là ở tầng này mọi thứ đều dễ thay đổi? Khi con có mặt ở tầng bản sắc, bản sắc của con thay đổi khá dễ. Sau đó, khi con xuống đến tầng lý trí, ý niệm bản sắc của con tạo ra một số giới hạn đối với những lựa chọn con có thể thấy ở tầng lý trí, và điều này cũng tạo ra những giới hạn đối với những nơi mà tư tưởng của con có thể đi đến. Con hãy nhìn vào bao nhiêu người trên thế giới đã quyết định là một tôn giáo phải đưa ra sự thật tối hậu, vì vậy khi họ nỗ lực tìm các câu trả lời thì họ không dám vượt ra ngoài khuôn khổ các học thuyết và giáo điều của tôn giáo đó. Hay con hãy nhìn vào những người đã quyết định rằng chủ nghĩa duy vật đưa ra sự thật tối hậu và do đó họ không dám tìm câu trả lời nằm ngoài khung tham chiếu được quy định bởi quan điểm duy vật về cuộc sống. Dĩ nhiên điều này cũng áp dụng cho các hệ tư tưởng chính trị.

Nhưng khi con xuống tới tầng cảm xúc – và đây là một trong những lý do tại sao người ta sợ cảm xúc – con thấy chúng cứng chắc hơn tư tưởng. Một khi cảm xúc của con bị khoá chặt vào một con đường, giả dụ như một cơn giận – nghĩa là một khi con đã vượt quá ngưỡng của cơn giận – thì con biết việc kéo mình ra khỏi cơn giận sẽ khó hơn nhiều. Và con có hiểu lý do vì sao không?

Hãy xem người ta nói như thế nào về cảm xúc của họ: “Tôi đang giận. Tôi trở nên giận dữ. Anh ấy đã giận dữ”. Con thấy chuyện gì xảy ra ở đây không? Khi con nói “Tôi đang” hay “Tôi là”, con đang dùng một câu khẳng định ở tầng bản sắc, nhưng con đã kéo câu này xuống tầng tình cảm, và giờ đây con nghĩ con là cơn giận. Con chính là cơn giận. Con là một người giận dữ.

Ngay cả con có thể nói họ là những người giận dữ vì họ thường nổi giận, họ đáp trả bằng cơn giận. Đây là cảm xúc mặc định, cảm xúc tự động của họ, giống như những cảm xúc khác mà người ta có thể có khi phản ứng tự động đối với cuộc sống. Tất nhiên, điều này khiến mọi người rất khó thay đổi cảm xúc của mình, vì họ đã đồng hoá với cảm xúc. Nhưng nếu con nói “Tôi cảm thấy giận dữ” – có nghĩa, Tôi là một cái “Tôi” tách biệt với cảm giác giận dữ – thì con sẽ dễ bước ra ngoài cảm xúc đó. Nhưng khi con đồng hoá chính mình như trong câu “Tôi giận dữ” thì làm sao con bước ra ngoài cảm xúc đó? Điều này khó hơn rất nhiều.

3.9. Nhận lãnh trách nhiệm về các cảm xúc

Cảm xúc khó thay đổi hơn tư tưởng, và tất nhiên, như phần lớn các con đã trải nghiệm, tầng vật lý, bao gồm thể vật lý của con sau khi mắc bệnh, khó thay đổi hơn cả cảm xúc. Nhưng điều thày đang nói ở đây là con không thể thay đổi thể vật lý nếu con không thay đổi những cảm xúc của con.

Con cần hiểu điều quan trọng nhất ở đây là cảm xúc chỉ thay đổi được khi con nhận lãnh trách nhiệm. Và nhận lãnh trách nhiệm cho cảm xúc của mình nghĩa là trước hết con không trốn chạy chúng. Con không phớt lờ chúng. Con công nhận chúng có tồn tại. Nhưng một khía cạnh khác của việc nhận lãnh trách nhiệm là con đi vào các cảm xúc cho đến khi con đứng bên trong chúng và trải nghiệm năng lượng cảm xúc xung quanh con nhưng con không phải là năng lượng này.

Con có thấy dường như có sự trái ngược khi nói nhận lãnh trách nhiệm cho cảm xúc của mình thực sự là nhận ra chúng không phải là con? Nhưng đây là kết quả của việc đi vào các cảm xúc và trải nghiệm chúng chỉ là năng lượng đang xoay tít. Chúng thật sự không có ý nghĩa lâu dài, vì như các thày đã nói, cảm xúc là năng lượng đang chuyển động, là e-motion [trong Anh ngữ, emotion là cảm xúc, và e-motion viết tắt cho energy in motion có nghĩa là năng lượng đang chuyển động].

Khi con đồng hoá với cảm xúc, khi con nói: “Tôi đang giận” thì con nghĩ chúng có ý nghĩa dài hạn, phổ quát, rộng lớn. Con nghĩ, khi cơn giận của con trở nên đủ mạnh thì con cần hành động dựa trên cơn giận bởi vì phải có một thay đổi, phải có kết quả vật lý nào đó được biểu lộ. Nói cách khác, khi con vượt qua ngưỡng cửa và thấy rằng “Tôi đang giận”, thì con lập tức bước vào suy nghĩ và cảm xúc là con phải hành động dựa trên cơn giận đó. Con phải bộc lộ nó. Nó phải được bộc lộ ở tầng vật lý bằng một kiểu hành động nào đó.

3.10. Con không cần hành động dựa trên cảm xúc

Nhưng khi con nhìn vào cảm xúc, đi vào cảm xúc và đứng ngay bên trong quả bóng cảm xúc đang cuồn cuộn, thì con thấy là bên trong nó chỉ là sự trống rỗng. Thật vậy, khi đó con thấy được sự tĩnh lặng bên trong năng lượng đang chuyển động như thể con đang đứng ở hạt nhân của một nguyên tử và nhìn các hạt hạ nguyên tử xoay tít xung quanh. Và đó là lúc con trải nghiệm trực tiếp bằng trực giác – con có thể ngộ nhập (gnosis) sự trải nghiệm – rằng năng lượng cảm xúc chỉ là năng lượng. Nó không có ý nghĩa rộng lớn, trọng đại hay dài hạn. Con không cần hành động theo nó. Con không cần chuyển nó thành hành động vật lý.

Con yêu dấu, khi con bắt đầu có trải nghiệm này thì vài điều có thể xảy ra. Con có thể tới điểm con không còn cho phép các năng lượng tiêu cực phóng chiếu lên các tế bào của thể vật lý. Vì vậy, con có thể giải phóng các tế bào khỏi những phóng chiếu liên tục của năng lượng cảm xúc tiêu cực đã khiến các tế bào biểu lộ một căn bệnh vật lý. Và tất nhiên đây là chìa khoá chữa lành thể vật lý, vì như các thày đã nói, mọi thứ đều là sự phóng chiếu của các hình tư tưởng.

Có một sự phóng chiếu – một khuôn đúc bản sắc đặc thù – đang tồn tại trong bản sắc thể của con. Khi ánh sáng từ cái ta tâm linh, tức Hiện diện TA LÀ của con, chảy xuyên qua bản sắc thể, nó khoác lấy hình dạng của khuôn đúc đó. Tương tự như một máy chiếu phim chiếu hình ảnh đó lên trí thể. Nhưng sau đó có một hình ảnh khác trong trí thể và hình ảnh này được phóng chiếu vào các cảm xúc và tại đây, lần nữa, hình ảnh này bị thay đổi bởi những gì có trong cảm thể của con. Rồi hình ảnh cuối cùng được phóng chiếu lên các tế bào của cơ thể vật lý của con.

Làm sao con chữa lành được một căn bệnh vật lý do sự phóng chiếu từ cảm thể nếu con không thay đổi sự phóng chiếu này? Và làm sao con thay đổi sự phóng chiếu này nếu con không đi vào cảm xúc và nhận ra con không cần hành động theo chúng? Chúng chỉ là năng lượng đang xoay tít và thật sự con có khả năng chuyển hoá, tiêu huỷ và nâng chúng lên một rung động cao hơn ở tầng cảm xúc trước khi chúng tuôn chảy vào tầng vật lý.

Đây chính xác là những gì con cần làm bằng cách sử dụng các dụng cụ mà các thày đã cho con qua các bài thỉnh. Khi con đọc lớn ở tầng vật lý, con không chỉ có mặt ở tầng vật lý, mà con còn đi vào cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Con vượt qua khỏi cõi vật lý để đi vào các cõi khác.

Con có thấy điều các thày đang làm ở đây là giải phóng tất cả các khía cạnh trong bản thể của con để con có thể tuôn chảy với Bài ca sự Sống không? Nhưng con có thấy là chừng nào cảm thể con còn bị đóng băng, rõ ràng nó không thể tuôn chảy phải không? Nhưng ngay cả khi cảm thể con là một ngọn núi lửa dữ dội thì nó cũng không tuôn chảy được vì các dòng chảy hỗn loạn của ngọn núi lửa sôi sùng sục có rất ít khả năng cùng nhau chảy về đại dương. Dòng chảy này không theo một ý hướng xây dựng nào, và đó là lý do tại sao nhiều người bị kẹt vào những tình huống ngày càng khó khăn cho đến khi nó bùng nổ thành cơn khủng hoảng và họ bị tê liệt đến độ họ không biết phải làm gì nữa.

3.11. Cách duy nhất là tuôn chảy

Điều các thày muốn làm cho con ở đây là cho con một viễn kiến, đó là việc con có mặt ở đây có một mục đích, con đến trái đất này vì một mục đích. Con không đến trái đất đơn giản để chỉ có những cảm xúc tiêu cực, để chỉ cảm thấy buồn bực về cuộc sống, để cảm thấy cuộc đời không đáp ứng những mong chờ của con và để dành cả cuộc đời cảm thấy chán nản vì cuộc đời đã không như con nghĩ, và vì vậy con liên tục ở trong trạng thái cảm xúc bị khuấy động. Đôi khi con đóng cửa cảm xúc lại đến độ con không còn mong chờ điều gì ở cuộc sống nữa, con nghĩ cuộc sống phải là sự cam chịu cho đến khi con xong phận sự và thoát ra khỏi đây. Nhưng con sẽ không thoát ra được cho đến khi con xuôi chảy khỏi nơi đây cùng với Dòng sông sự Sống. Không có lối thoát nào khỏi cõi đầu thai vật lý. Con sẽ trở lại đầu thai thêm nhiều lần trong những hoàn cảnh càng ngày càng khó khăn hơn cho đến khi con học được cách sử dụng khả năng đồng sáng tạo để tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, để rồi con có thể đồng sáng tạo cách giải thoát của riêng mình thay vì mong chờ một vị cứu tinh từ bên ngoài làm điều này cho con.

Tất nhiên, có một vị cứu tinh từ bên ngoài và đó là Dòng sông sự Sống. Khi con hoà điệu tâm mình và các cảm xúc của mình với Dòng sông sự Sống đó, con sẽ bắt đầu tuôn chảy. Cuộc sống sẽ bắt đầu tuôn chảy. Những cảm xúc lạnh giá bắt đầu tan như con thấy băng tan vào mùa xuân, và rồi đột ngột dòng sông lạnh giá bắt đầu nứt, những khe băng nứt ra và nước bắt đầu chảy xuống hạ nguồn. Rồi nước ấm dần, băng tan, và đột nhiên có những mảng hở trên dòng sông, nước bắt đầu chảy nhanh hơn cho đến khi nó ra đến đại dương. Và dòng sông có mặt, mùa xuân có mặt.

Hoặc con thấy một núi lửa sôi sục thình lình tìm thấy một chỗ thoát vì vậy nó bắt đầu chảy và khi nó chảy, nó nguội dần, rồi đột ngột con tự do khỏi những khuôn đúc của việc đi từ cảm xúc tiêu cực này đến cảm xúc tiêu cực kia, đi từ hoàn cảnh kích động này đến hoàn cảnh kích động kia. Cuộc sống của con giờ đây tự do tuôn chảy, tuôn chảy theo những hướng đi mới để con có thể thay đổi một điều gì.

Thày chắc rằng con đã quen với câu nói nổi tiếng của Albert Einstein: nếu con tiếp tục làm cùng một việc và mong chờ kết quả sẽ khác đi thì con thật điên rồ. Thật vậy, Einstein đã chỉ ra một nguyên lý vũ trụ. Khi con phóng chiếu cùng những khuôn đúc bản sắc vào trí thể, cùng những khuôn đúc tư tưởng vào cảm thể, và cùng những khuôn đúc cảm xúc phóng lên các tế bào và các nguyên tử của thể vật lý, thì không gì có thể thay đổi được.

Căn bệnh biểu lộ trong thể vật lý của con không thể thay đổi vì nó là sự phóng chiếu từ ba thể cao. Vì vậy, nếu con muốn thoát khỏi sự điên rồ này, con phải làm một điều gì khác. Có nghĩa là con phải học cách cho cảm xúc tuôn chảy theo hướng đi lên, chứ không phải đóng băng cảm xúc hay rơi vào các khuôn nếp khuấy động lặp đi lặp lại.

3.12. Ba loại cảm xúc chính

Có hai loại cảm xúc chính vận hành thể cảm xúc của đa số mọi người. Một là sợ hãi khiến con bị tê liệt và đóng băng. Cảm xúc kia là tức giận, khiến con bị khuấy động. Và loại cảm xúc cơ bản thứ ba mà các thày gọi là thờ ơ, tức con không thật sự đóng băng cũng không nóng giận và sôi sục, con chỉ đơn giản không chịu để ý. Con không chịu dùng khả năng tự nhận biết của mình để ý thức môi trường xung quanh con, nhận biết chính mình cũng như tiềm năng tự thay đổi mình.

Khi con đóng băng, con không thể thấy được phải thay đổi như thế nào. Khi con sôi sục, con không thể thấy được phải thay đổi như thế nào. Khi con thờ ơ, lãnh đạm, con có thể thấy cách thay đổi nhưng con sẽ không thay đổi. Vì vậy con tiếp tục phản ứng với cuộc sống mà không chấp nhận rằng con không cần phải tiếp tục phản ứng cùng cách như vậy, vì con có thể thay đổi một điều gì đấy.

Và đây là cái hay của bài thỉnh đối với cảm thể. Khi con đọc bài thỉnh, nó sẽ bắt đầu thay đổi cảm xúc của con. Nó sẽ bắt đầu giúp cho cảm xúc tuôn chảy. Và khi con quyết định ý thức là con muốn cảm xúc tuôn chảy, con muốn đi vào các cảm xúc – đi vào các cảm xúc tiêu cực và với lên cảm xúc tích cực – thì sự thay đổi sẽ bắt đầu xảy ra.

Sự thay đổi này nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào con, vì không bài thỉnh nào có thể đi ngược lại quyền tự quyết của con. Nhưng nếu con hỏi các thày, hỏi một trong những vị nữ chân sư gần với tim con nhất, thì các thày sẽ giúp con tới điểm con có thể quyết định để cảm xúc tuôn chảy. Thày có thể bảo đảm với con một khi con bắt đầu để cảm xúc tuôn chảy trong lúc đang cầu thỉnh, đang đọc tất cả các bài thỉnh, thì các cảm xúc thoạt tiên chỉ đơn giản cần bộc lộ để khôi phục lại dòng chuyển động, nhưng sau đó chúng sẽ bắt đầu chuyển động theo một hướng, và hướng này là hướng đi lên, tích cực. Và khi cảm xúc của con bắt đầu xoay hướng về tầng cao hơn đó, con sẽ không còn phóng chiếu những cảm xúc tiêu cực lên các tế bào trong cơ thể vật lý của con. Bây giờ con sẽ chỉ còn những cảm xúc tích cực.

3.13. Hãy kiên nhẫn

Tất nhiên, thày cần lưu ý con ở đây. Con có lẽ đã sống vô số kiếp sống phóng chiếu ra những cảm xúc tiêu cực vào thể vật lý. Cảm xúc tiêu cực không thể gỡ bỏ được sau chỉ một đêm mặc dù chúng có thể được gỡ bỏ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, khá ngắn so với khoảng thời gian con đã bỏ ra để tạo nên động lực tiêu cực này. Nhưng dẫu sao, một trong những ưu điểm của cảm xúc là cảm xúc không diễn ra ngắn ngủi như tư tưởng, và điều này có nghĩa là chúng có thể cho con một sự quyết tâm tu tập lâu dài hơn.

Ví dụ, con sẽ thấy khi người ta có một mục tiêu tích cực và một cảm nhận tích cực để đạt được mục tiêu đó, thì những cảm xúc này sẽ khiến họ theo đuổi được mục tiêu trong khoảng thời gian rất dài. Đây là cảm nhận thày hy vọng sẽ khơi dậy trong con để con không chỉ đọc các bài thỉnh trong vài ngày và rồi nản chí khi không có phép lạ nào xảy ra.

Con sẽ có cảm nhận tích cực, và cảm nhận này dần dần sẽ được mở rộng và bồi đắp. Con sẽ tiếp tục dùng các dụng cụ của thày, tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm trực giác mới mẻ bằng việc học giáo lý và đọc các bài thỉnh. Con sẽ giản dị tiếp tục không dính mắc vào một kết quả vật lý vì con nhận ra mặc dù phải cần thời gian để đạt được một kết quả vật lý, nhưng chẳng bao lâu con sẽ nhận thấy con đạt được những kết quả ở tầng tình cảm, lý trí và bản sắc, vì con bắt đầu cảm thấy yêu đời và yêu bản thân mình hơn. Con sẽ bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn, con sẽ bắt đầu ngộ ra và chấp nhận mình là một sinh thể tâm linh, và con có mục đích, một mục đích tích cực để có mặt ở đây.

À con yêu dấu, nếu con chỉ cho những bài thỉnh này một cơ hội, cho các thày một cơ hội được hướng dẫn con, thì con sẽ bắt đầu trải nghiệm việc chữa lành ở tất cả mọi tầng của đời con. Đừng quá ám ảnh với một kết quả vật lý đặc thù đến mức con bỏ qua những kết quả khác, vì thật sự việc chữa lành ở tầng vật lý có thể gặp khó khăn, hay ít nhất có thể phải mất thời gian, vì nguyên nhân bị chôn vùi rất sâu ở ba tầng cao hơn.

3.14. Những căn bệnh không thể chữa lành

Có thể có nhiều lý do tại sao con mắc một căn bệnh nào đó: có thể là để giúp người khác học một bài học, hoặc để giữ một cân bằng tâm linh nào đó cho tâm thức tập thể. Vì vậy, có những căn bệnh hay những khuyết tật mà con phải học cách sống chung. Nhưng một phần của sứ vụ thiêng liêng của con trong các trường hợp này là học cách sống chung với căn bệnh theo cách tích cực nhất, để cho dù nếu con có mắc bệnh hay tàn tật, con có thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của mình, con vẫn có thể là một con người tích cực giúp nâng cao tâm thức mọi người xung quanh.

Điều thày đang nói đây là con có thể dần hiểu ra, và các thày sẽ giúp con hiểu ra liệu căn bệnh có là một phần trong sứ vụ thiêng liêng của con. Sau đó, các thày sẽ giúp con học cách ứng phó với tình trạng này theo cách cao nhất. Đôi khi, sự chữa lành có thể xảy ra khi con thật sự làm hoà với căn bệnh. Nhưng nếu con thật sự làm hoà với căn bệnh thì việc con có chữa lành được hay không không còn quan trọng với con nữa, vì con đang sống cuộc đời mà con muốn sống đúng theo sứ vụ thiêng liêng của con, là sứ vụ mà con đã quyết định thảo ra cùng với các vị thày thiêng liêng của con trước khi con đầu thai kiếp này, và đây chỉ là một trong nhiều kiếp đầu thai mà thôi. Do đó, khi con bắt đầu hiểu ra điều này, con đạt được viễn quan vũ trụ là những gì xảy ra cho cá nhân mình không thật sự quan trọng, vì so với phần vụ ngắn hạn của mình trong Nhà hát Địa cầu thì việc hoàn thành mục tiêu dài hạn mới là quan trọng hơn.

3.15. Phép lạ

Quan Âm TA LÀ. Thày là Nữ thần Bi mẫn. Những người mong phép lạ thường cầu nguyện thày. Tuy nhiên, phép lạ luôn luôn là sự chuyển đổi trong tâm thức. Chỉ khi sự chuyển đổi này xảy ra thì mới có phép lạ vật lý. Rồi khi sự chuyển đổi đã thật sự xảy ra, phép lạ ở đâu nếu không phải là ở nơi con nhìn chính cuộc sống như một phép lạ thường xuyên trải bày ra vẻ đẹp lạ thường, mức độ tinh xảo phức tạp hầu như không tài nào hiểu nổi mà con chứng kiến trong toàn bộ cơ thể vật lý, các tế bào, các nguyên tử và các hệ thống của cơ thể. Hay con bắt gặp vẻ đẹp này trong vũ trụ, trong điệu vũ bao la của các thiên hà và các thái dương hệ. Tất cả xung quanh con mới đẹp làm sao. Tất cả bên trong con mới đẹp làm sao. Vì mặc dù cơ thể con người ngày nay có thể chưa phải là bản thiết kế cao nhất, nhưng con vẫn tìm thấy một vẻ đẹp kinh ngạc trong các tế bào, trong các nguyên tử, trong các bộ phận cơ thể con, trong cách mọi thứ được hoà tấu trong vũ khúc vũ trụ này.

Thày biết khi con mắc phải một căn bệnh vật lý, có lẽ con hay tập trung vào những điều hoạt động không tốt. Nhưng thỉnh thoảng, con hãy cho phép mình nhìn ngắm phép lạ của hàng nghìn tỷ tế bào được sắp xếp trong một tổng thể nhất quán và thật sự vận hành khiến cơ thể chuyển động và làm được nhiều điều trong thế giới vật lý. Đây không phải là phép lạ con đang nhìn thấy sao? Đây không phải là phép lạ hay sao khi con nhận ra lúc con không can thiệp vào các chức năng của cơ thể bằng một bản sắc giới hạn, tư tưởng giới hạn và những cảm xúc không có tính xây dựng, thì bốn tinh linh – những tinh linh cơ bản điều khiển sự tăng triển của các thể – có khả năng lẫn ý muốn để biểu lộ bản thiết kế hoàn hảo, thậm chí cả ở thể vật lý?

Con hãy suy ngẫm điều này. Con hãy suy ngẫm những bài giảng khác mà các thày đã ban ra và sẽ còn ban ra. Nhưng trước hết, con hãy đọc các bài thỉnh và trong thâm tâm hãy luôn suy ngẫm đến việc hòa điệu với dòng chảy của Dòng sông sự Sống, vì sự hoà điệu này là chìa khoá để chữa lành tất cả. Cho dù bất cứ ai nói gì, cho dù ai đưa ra cách chữa trị bài bản hay thần kỳ nào, thì thật sự chỉ có một phép màu và đó là tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Con hãy tuôn chảy, tuôn chảy, tuôn chảy, tuôn chảy. Đây là chìa khoá mà thày trao cho con trong khuôn đúc này, khuôn đúc chữa lành mà các thày gọi là Bài ca sự Sống.

Vậy con hãy ca hát với các thày và để năng lượng của mình tuôn chảy. Hãy để tư tưởng của mình tuôn chảy. Hãy để bản sắc của mình tuôn chảy càng lúc càng cao hơn đến khi con trở thành cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ biểu lộ xuyên qua con bản thiết kế hoàn hảo cho kiếp sống này.

Quan Âm TA LÀ, và với lòng biết ơn thày trao cho con sự an bình của thày.

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là: Bài ca Sự sống 3 – Một cảm thể mới

Chương 2 – Con sử dụng tâm hay con cho phép tâm sử dụng con

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 12/3/2013.

Nada TA LÀ. Thày vừa là Thượng sư của Tia thứ Sáu, vừa là một trong những đại diện của Mẹ Thiêng liêng cho trái đất. Thày hoàn toàn có thể đảm nhận cả hai chức vụ này bởi vì tất nhiên không có xung đột giữa hai chức vụ, cũng như không có xung đột trong chính tâm thày. Và đây chính là đề tài mà thày mong muốn giảng dạy hôm nay. Vì con thấy đấy, nguyên nhân của tất cả bệnh tật – từ thể lý trí, thể cảm xúc đến cơ thể vật lý – trong bản thể con đều do sự phân chia. Vì sự phân chia làm nảy sinh xung đột giữa hai hay nhiều thành phần với nhau, mà giờ đây con có thể thấy được, hoặc chính các thành phần cũng thấy được là chúng đối chọi với nhau.  

2.1. Trái đất chuyển động cùng với thiên hà

Dựa trên những gì thày Maraytaii đã giảng cho con về tầm nhìn ở tầng cấp thiên hà, là viễn cảnh từ trung tâm thiên hà, con nhìn ra ngoài khoảng không gian bao la này và thấy các vì sao và nhiều hành tinh đang chuyển động nhịp nhàng với nhau thật tuyệt vời, rồi con nhìn xuống, xuống nữa và thấy một hạt bụi nhỏ xíu có tên là trái đất. Từ tầm nhìn thiên hà rõ ràng con thấy trái đất đang di chuyển cùng với trường hấp dẫn của toàn bộ thiên hà và không thể cưỡng lại chính thiên hà. 

Do đó lực hấp dẫn này, như cách con ưa gọi trên trái đất, quả thật đang liên tục kéo trái đất theo cho dù con người trên trái đất có làm gì đi nữa. Chẳng hạn, con có thể quyết định con sẽ đặt một giàn hỏa tiễn khổng lồ ở một phía của trái đất rồi con khai hỏa để trái đất chuyển động ngược chiều với lực hấp dẫn của thiên hà đang kéo trái đất theo. Nhưng cho dù con có đặt bao nhiêu hỏa tiễn đi nữa, con cũng không thể cưỡng lại lực hấp dẫn của toàn bộ thiên hà. Có thể con tạo ra ảo tưởng là con có khả năng cưỡng lại lực hấp dẫn này, nhưng thật sự là con không thể. 

Rồi khi con nhìn thiên hà và toàn thể vũ trụ vật chất, con nhận ra định luật tối thượng là Luật Tự quyết. Tuyệt đại đa số thiên hà và tuyệt đại đa số các hành tinh có sự sống trí năng, tất cả đều đã chọn chuyển động hướng thượng trong đường xoắn ốc đi lên mà các thày gọi là Dòng sông sự Sống và Thánh linh. Không thể đếm hết hàng tỷ sinh thể tự nhận biết đã chọn hợp nhất tâm mình – tức tâm cá thể của mình – với dòng chảy vĩ đại của tâm tổng thể đang liên tục tuôn chảy hướng lên cao. 

Nhưng cũng vì Luật Tự quyết mà có một số hành tinh trong vũ trụ nơi phần lớn các cư dân đã chọn không hòa nhập với Dòng sông sự Sống, với dòng chảy đi lên. Trái đất tất nhiên là một trong các hành tinh này. Và đó là tại sao con thấy rất nhiều tình trạng trên trái đất bị mất cân bằng, gồm những tình trạng trong tự nhiên như thiếu thốn và các thảm họa thiên nhiên. Và cả những tình trạng trong cơ thể vật lý của con người như mệt nhọc và đủ loại bệnh tật khác nhau trong cả thể chất lẫn tinh thần. 

2.2. Sự phân rẽ của các phàm linh đối nghịch  

Con thấy đấy nguyên nhân của tất cả bệnh tật là có một sự phân rẽ trong bản thể con, có nghĩa là có hai thành phần phân chia chống đối nhau. Điều này có thể xảy ra ở nhiều tầng khác nhau. Tất nhiên, như các thày đã nói có bốn tầng: bản sắc, lý trí, tình cảm và vật lý, nhưng thậm chí có những tầng khác nữa. Vì con có thể tạo ra các phàm linh để thực hiện một việc cụ thể gì đó cho con, nhưng rồi con lại tạo ra một phàm linh khác đối chọi với phàm linh đầu. 

Lấy một ví dụ về điều này, con biết việc nhiều người trong các kiếp trước đã tạo nên một số phàm linh ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, và có lẽ họ có khuynh hướng nổi giận trong một số tình huống nào đó. Nhưng trong các kiếp sống sau, những người này đi theo một tôn giáo hay ngay cả có cái nhìn tâm linh hơn về cuộc đời. Và bây giờ họ quyết định việc người tâm linh, người Cơ Đốc, hay người đạo Phật mà nổi giận thì thật không đúng hay không tâm linh. Nhưng thay vì nhìn vào chính tâm mình, phát hiện phàm linh đã khiến mình tạo nên khuôn đúc phản ứng tức giận ban đầu thì họ lại tạo ra một phàm linh khác để đè nén phàm linh tức giận. Bây giờ con có hai phàm linh được thiết kế với hai mục đích trái ngược, và ngay từ đầu, chúng đã gây chiến với nhau. 

Người ta thường không hay biết về cuộc chiến này vì trong một số trường hợp, người tâm linh rất giỏi việc cho phép một phàm linh đè nén cơn giận của mình đến mức cơn giận hiếm khi xuống đến tâm ý thức. Nhưng thày có thể đảm bảo với con không một phàm linh nào được tạo ra ở cõi vật chất có thể hoàn toàn đánh bại một phàm linh khác. Con có thể có một phàm linh giận dữ. Con có thể đã tạo ra một phàm linh khác để đè nén phàm linh giận dữ. Nhưng phàm linh đè nén này không thể tiêu diệt phàm linh giận dữ. Nó không đủ mạnh để làm vậy. Tại sao nó lại không đủ mạnh? Vì nó không có tự nhận biết. 

Con đã tạo ra phàm linh giận dữ này. Con là nhận biết thuần khiết, con là cái Ta Biết, chính con đã tạo ra phàm linh giận dữ. Con đã tạo ra phàm linh đè nén. Và chỉ có con, người đã tạo ra các phàm linh này, mới có thể giải thể chúng, có thể làm chúng tan rã, có thể để chúng chết đi.  

Điều thày muốn nói ở đây là: Phàm linh đè nén có thể rất mạnh trong việc đè nén phàm linh giận dữ đến mức con không thể nhận ra là con đang nổi giận. Con không nhận ra con có phàm linh giận dữ. Tuy nhiên những phàm linh giận dữ này vẫn nằm trong thể cảm xúc của con. Một phần của nó có thể nằm ở thể lý trí và thậm chí ở cả cõi bản sắc. Con cho rằng điều hợp lý là cuộc sống phải thỏa mãn một số kỳ vọng của con, và nếu nó không thoả mãn được thì việc con nổi giận không có gì quá đáng, vì cuộc sống lẽ ra không được như vậy. 

2.3. Các phóng chiếu ở tiềm thức

Bây giờ con thấy các phàm linh ở các tầng cao hơn vượt khỏi nhận biết ý thức của con bởi vì phàm linh đè nén không vô hiệu hoá được chúng, mà nó chỉ vô hiệu hoá sự nhận biết ý thức của con về chúng. Nó chỉ đè được chúng ở tầng ý thức, nhưng chúng vẫn hoạt động ở các tầng cao. Điều này có nghĩa là con vẫn đang phóng chiếu các hình ảnh và năng lượng vào tấm gương vũ trụ xuyên qua các phàm linh này. Và đó là lý do tại sao tấm gương vũ trụ chỉ có thể phản chiếu lại cho con chính xác những gì con gửi ra. 

Ảo tưởng của nhiều lời dạy phổ biến về khoa tự cứu tâm lý là họ hứa hẹn con có thể đạt được kết quả rất lớn bằng cách thay đổi thái độ ý thức của mình và khoác vào một “thái độ tư duy tích cực”. Nhưng đơn giản điều này không đúng, con yêu dấu. Vì nếu con không đạt đến điểm thấy được các phàm linh ở những tầng cao và con không giải thể chúng một cách ý thức, thì con sẽ đơn giản tạo ra một phàm linh khác, đó là “phàm linh thái độ tư duy tích cực”, và cuối cùng khi con cho phàm linh này đủ năng lượng, có lẽ nó sẽ làm được một chuyện là trấn áp các phàm linh kia ở tầng ý thức mà thôi. 

Vì vậy ở tầng ý thức con nghĩ: “Tôi đang tích cực quá đỗi, tôi đang gửi ra ngoài toàn là năng lượng tích cực, vì vậy tấm gương vũ trụ phải gửi lại cho tôi những hoàn cảnh tích cực”. Và khi con không nhận được hoàn cảnh tích cực thì con chán nản, con nghĩ chắc phải có gì không ổn. Nhưng con đã không nhận ra là tấm gương vũ trụ không chỉ gửi lại những gì ở tầng ý thức của con mà nó còn gửi lại toàn bộ những gì con phóng chiếu ra từ bốn thể phàm của con. 

Bây giờ con thấy thày đang dẫn đến một điều giản dị ở đây: Con không thể cưỡng lại sức kéo của tâm tập thể, tâm đại chúng, đã được tạo ra trên trái đất. Cá nhân con không thể cưỡng lại tâm này. Con có thể cố tạo ra các phàm linh nhằm trấn áp tâm tập thể và các xu hướng giận dữ hoặc hung hãn hoặc bất kỳ xu hướng nào khác của tâm đó, nhưng con sẽ không thành công. Có lẽ ngoại trừ ở tầng ý thức, con mới dối được mình khi nghĩ mình là người tâm linh, người tốt bụng, hay người đáng mến. Nhưng con vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những phàm linh ở các tầng cao hơn của tâm con, những phàm linh này nằm bên dưới tầng nhận biết ý thức, là nơi thường được gọi là tiềm thức. 

2.4. Tìm cách kiểm soát tư tưởng

Con thấy gì ở nhiều người tâm linh, cả những người rất thuần thành và những người đã thiền tập trong nhiều năm? Điều con thấy ở đây là: Họ đã nhận ra một phần những gì họ cần làm để tiến bộ tâm linh là kiểm soát tâm mình, tránh những tư tưởng xáo trộn hoặc có lẽ thậm chí tránh tất cả mọi tư tưởng. Vậy họ đã làm gì? Họ đã tạo ra một phàm linh tìm cách kiểm soát tư tưởng của họ, tìm cách đè nén một số tư tưởng nhất định hay đè nén mọi tư tưởng. 

Nhưng phương pháp này có mấy điểm không xây dựng. Trước hết, con chỉ có thể dùng phương pháp này ở tầng ý thức. Thật ra con có thể thành công trong việc đè nén các tư tưởng ở tầng ý thức khiến con nghĩ con có thể đi vào các tầng thiền sâu và không còn bất cứ một niệm nào. Nhưng điều này không nhất thiết là con đã làm sạch các thể cao của mình. Qua thiền và các phương pháp luyện tập tâm linh khác, một số người đã thành công trong việc làm sạch các thể cao của họ. Nhưng họ đã thành công chỉ vì một lý do duy nhất: Họ đã sẵn lòng nhìn vào mọi thứ diễn ra ở những thể cao này và loại bỏ chúng. Đây là những người sẽ thành công trong việc áp dụng một giáo lý tâm linh cho dù đó là giáo lý gì. 

Tuy nhiên có nhiều người, đặc biệt ở các nước phương Tây hiện đại, đã sử dụng một phương pháp vỏ ngoài và nghĩ rằng điều quan trọng trên hết là phải chế tạo được một kết quả nào đó – và họ không sẵn lòng đi vào các vùng thâm sâu của tâm. Họ quá chú tâm vào việc đạt được một kết quả, và bởi vì họ quá chú tâm vào kết quả – cho dù đó là làm tâm bất động hay cái gì khác – nên họ đã tạo ra một phàm linh có ý định đạt được kết quả đó. Như thày đã nói, phàm linh có thể làm được điều này ở tầng ý thức nhưng nó không thể giải quyết những phàm linh ở các tầng sâu hơn. 

Con thấy nhiều người có ảo tưởng là họ rất tâm linh nhưng không phải vậy, vì họ không giải quyết những gì đang diễn ra ở các tầng sâu hơn. Ý thày giản dị là: Khía cạnh của Bài ca sự Sống, khía cạnh mà thày đang giảng đây, là tầng lý trí. Thày Maraytaii đã nói về tầng bản sắc và thày đang nói về tầng lý trí. Nhiều người tin rằng để kiểm soát được thể lý trí, bằng cách nào đó họ phải kiểm soát tư tưởng của mình – hoặc bằng cách điều khiển chúng phải theo một số khuôn nếp nhất định, hoặc khiến chúng yên lặng hoàn toàn bằng cách ép bỏ mọi tư tưởng. 

2.5. Nguyên nhân tư duy của bệnh tật

Tuy nhiên như thày đã cố gắng giải thích, điều này sẽ chắc chắn tạo ra một sự phân chia trong bản thể của con qua đó con sẽ tạo ra mấy phàm linh giao chiến với nhau. Việc này sẽ hao tổn năng lượng của con. Sự xung đột giữa các phàm linh cũng sẽ tạo ra sự phân chia này và qua thời gian nó sẽ biểu lộ thành một căn bệnh trong thể vật lý. 

Vậy thể vật lý là gì? Đó là một phóng chiếu của tâm. Tất cả đều là tâm. Cơ thể vật lý của con không tồn tại trong một không gian vật lý, như con đã được nuôi dạy để tin vào những hiểu biết khoa học đương đại về vũ trụ – là loại hiểu biết vẫn lệ thuộc quá đỗi vào giác quan vật lý của con người. 

Sự thật sâu xa là, như thày Maraytaii đã nói, mọi thứ đều được tái tạo nhiều lần mỗi giây. Cơ thể con không tồn tại qua thời gian. Nó liên tục được tái tạo bởi một hình ảnh được phóng chiếu vào Ánh sáng Mẫu-Vật. Hình ảnh đó được phóng chiếu qua ba tầng cao hơn của ba thể cao hơn của con và qua cả tâm ở tầng vật lý. 

Chẳng hạn, khi con có một sự phân chia ở tầng lý trí thì sự phân chia này cuối cùng sẽ thấm xuống tầng vật lý. Bây giờ con sẽ có một hình ảnh bất toàn, một hình ảnh với nhiều mâu thuẫn, được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Và điều này sẽ biểu lộ ra thành một loại xung đột nào đó trong cơ thể vật lý khiến các tế bào không thể vận hành đúng chức năng, thậm chí chúng còn có thể tự huỷ hoại hay huỷ hoại các tế bào khác, để rồi cuối cùng con mắc phải một căn bệnh có thể phá huỷ một bộ phận hay một phần cơ thể hoặc ngay cả làm suy sụp toàn bộ cơ thể. Không thể có cách nào khác, vì cơ thể vật lý chỉ có thể trải bày những gì đang được phóng chiếu từ các thể cao. 

Những gì thày đang nói ở đây rất giản dị: Nếu con nghĩ rằng việc chủ động tâm mình có nghĩa là làm yên tất cả mọi tư tưởng thì đó không phải là một cách tiếp cận xây dựng. Điều các thày đề nghị trong phương pháp chữa lành của Bài ca sự Sống là cho con một chọn lựa khác qua đó con không tìm cách áp chế tư tưởng. Con không tìm cách kiểm soát tư tưởng, mà thật ra con cho phép tư tưởng xuôi chảy. 

Vì lý do giản dị là: Con không thể thay đổi bất kỳ điều gì trong quá khứ. Con không thể quay ngược thời gian cũng như thay đổi quá khứ. Con chỉ có thể thực hiện thay đổi ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại. Những gì tâm lý trí làm là nó phóng chiếu một hình tư tưởng, rồi nó phóng chiếu ra là hình tư tưởng này không còn là một hình ảnh mà là chính thực tại. 

Theo một nghĩa nào đó thì câu trên cũng phần nào xác thực vì như thày đã nói, hình tư tưởng được phóng lên Ánh sáng Mẫu-Vật và vì vậy chúng trở thành thực tại tạm thời của con. Nhưng chúng không phải là thực tại theo nghĩa tối hậu. Chúng là những khái niệm. Chúng là những tâm ảnh. 

2.6. Thay đổi hình tư tưởng

Những gì con cần làm để thay đổi ở tầng vật lý đó là thay đổi hình tư tưởng. Nhưng đây là bí quyết. Con không thể thay đổi hình tư tưởng trong quá khứ. Con chỉ có thể thay đổi chúng trong giây phút hiện tại. Và con chỉ có thể làm điều này bằng cách sử dụng khả năng sáng tạo của con. 

Kỳ thực con không thể xóa bỏ một hình tư tưởng. Ngay cả chuyện toan tính xóa bỏ cũng không có tính xây dựng. Nhưng đó là điều tâm con bảo con phải làm, bởi vì tâm tách biệt bị mắc kẹt vào hình thái suy nghĩ nhị nguyên, và trong hình thái suy nghĩ nhị nguyên thì hai cực cơ bản gồm lực lan ra của Cha và lực co lại của Mẹ giờ đây bị xem là hai cực đối lập. Tâm tách biệt, tâm rắn, gắn vào đó một phán xét giá trị cho rằng có tốt và có xấu. Và vì vậy, cái xấu phải bị xóa bỏ để cái tốt chiến thắng. 

Nhưng con thấy đấy, cả hai cực nhị nguyên đó được tạo ra cùng một lúc và chúng phụ thuộc lẫn nhau. Cái này không thể tồn tại mà không có cái kia. Nếu con loại bỏ cái con cho là xấu thì cái tốt cũng không tiếp tục tồn tại. Và vì vậy, con không bao giờ có thể xoá bỏ được cái xấu bằng cách sử dụng tâm nhị nguyên. 

Nhưng những gì tâm làm – những gì tâm lý trí làm rất giỏi – là dùng khả năng của lý trí để phân tích, so sánh, và tạo ra một hệ thống nói rằng: “Những tư tưởng này là tốt, những tư tưởng kia là xấu. Tôi phải tìm cách huỷ diệt các tư tưởng xấu”. Điều tâm nói, mà cũng là sở trường thực sự của nó: “Có một vấn đề tôi phải giải quyết trước khi tôi có thể khoẻ mạnh hay trước khi tôi có thể là người tâm linh. Và vấn đề đó liên quan đến một việc gì sai trật và tôi phải tiến hành chỉnh đốn điều sai trật này bằng cách huỷ diệt cái sai.”

Thế là con bị kẹt trong trò chơi qua đó con tìm cách nhận diện và phơi bày một khuôn đúc tư tưởng mà con cho là sai. Rồi sau đó con tìm cách phá huỷ khuôn đúc tư tưởng này. Nhưng con đang làm gì chứ? Chính những gì thày vừa mô tả ở trên. Có thể có một khuôn đúc tư tưởng không có tính xây dựng và khuôn đúc này giờ đây biến thành một phàm linh và phàm linh này đang liên tục phóng chiếu khuôn đúc đó. Nhưng nếu con dùng tâm để tìm cách giải quyết vấn đề này, con sẽ đơn giản tạo ra một phàm linh khác và phàm linh này được thiết kế để cố phá huỷ phàm linh ban đầu. Như thày đã nói, điều này không dẫn tới một giải pháp. Chữa lành không có nghĩa như những gì con đã tin trên hành tinh này, là nếu một tế bào bị ung thư thì con cần huỷ diệt tế bào đó. 

2.7. Sự chữa lành sáng tạo

Con yêu dấu, con không thể chữa lành qua sự huỷ diệt. Con có vui lòng xem lại câu nói giản dị này và cho phép nó thấm đẫm vào bản thể con không? Vì nếu con muốn được chữa lành và toàn vẹn thì con phải nhận ra con không thể chữa lành bằng cách huỷ diệt. Con rời bỏ sự toàn vẹn qua việc phân chia. Con không thể quay trở lại sự toàn vẹn bằng việc dùng một nỗ lực phân chia để huỷ diệt một sự phân chia khác. Điều này chỉ khiến con gia tốc hành trình đi xuống, rời xa sự toàn vẹn. 

Con phải làm gì đây? Con phải kích hoạt lại khả năng sáng tạo của tâm. Sáng tạo không phải là tìm cách nhận diện một vấn đề và loại bỏ vấn đề đó. Sáng tạo là khi con nói: “A, khuôn đúc cũ kỹ này không còn hữu ích cho tôi nữa. Tôi không muốn nó nữa. Tôi đang tìm kiếm một khuôn đúc cao hơn. Tôi đang thăng vượt khuôn đúc cũ. Tôi đang tái tạo lại ý niệm bản sắc của tôi. Tôi đang tái tạo lại trí thể và những tư tưởng của tôi.” Con có thấy không? 

Bằng việc sáng tạo, con vượt thăng cái cũ. Con không hủy diệt cái cũ. Chẳng hạn làm sao con vượt qua được bệnh ung thư? Không phải bằng cách hủy diệt các tế bào đang biểu lộ bệnh ung thư, vì điều này chỉ làm tăng thêm lực phân chia, sự tự huỷ diệt và sự xung đột giữa các tế bào. Con vượt qua căn bệnh bằng cách yêu thương các tế bào. Con vượt qua căn bệnh bằng cách nhìn vượt quá xung đột vật lý bên ngoài để nhìn vào các bộ phận tình cảm, lý trí và bản sắc đã khiến con phóng chiếu những hình ảnh này lên các tế bào, mà giờ đây đang khiến chúng tự hủy diệt hay hủy diệt những tế bào khác nữa. 

Con có thấy không? Chỉ qua sự sáng tạo con mới thăng vượt các khuôn đúc bị phân chia đã gây nên bệnh tật và xung đột. Nhưng sự sáng tạo là tình thương: tình thương đối với cái hơn nữa, tình thương đối với cái mới, tình thương đối với sự thăng vượt cái cũ. 

2.8. Chọn hòa điệu với tâm nào

Con có thấy những gì thày đang cố nói ở đây? Con, một con người trên trái đất, có một chọn lựa: Con muốn hoà điệu tâm cá nhân con với tâm nào, tâm tập thể nào? Con có muốn hoà điệu tâm con với tâm đại chúng được tạo ra trên trái đất, hay con muốn hoà điệu tâm con với tâm tập thể vĩ đại hơn được tạo ra trong toàn thể vũ trụ? 

Tâm tập thể vĩ đại hơn – tức Thánh linh, Dòng sông sự Sống – là một tâm sáng tạo hướng thượng. Tâm tập thể được tạo ra trên trái đất là tâm phân rẽ có sự xung đột giữa các thành phần – như con cũng thấy biểu lộ qua các nhóm người liên tục tìm cách huỷ diệt lẫn nhau. 

Chừng nào con còn hoà điệu với tâm đó, con sẽ không dễ dàng tìm thấy sự chữa lành. Tất nhiên, con sẽ không tìm thấy sự toàn vẹn. Con có thể phủ lấp các triệu chứng vật lý trong một thời gian nhưng rồi con sẽ chỉ có thể che đậy chúng. Con sẽ không thật sự chữa lành, con sẽ không giải quyết được gì.

Những gì các thày đang trao cho con qua công cụ này của Bài ca sự Sống là một cách trong lọc các tầng của tâm con và do đó bắt đầu hoà điệu tâm cá thể của con với tâm vĩ đại hơn, với Dòng sông sự Sống. Các thày làm điều này bằng cách cho con công cụ này qua đó con có thể dùng uy lực giọng nói của con, uy lực của giọng đọc vần điệu, để cầu thỉnh ánh sáng tâm linh, cầu thỉnh các khuôn đúc âm thanh của Bài ca sự Sống. Điều này sẽ bắt đầu căn chỉnh thẳng hàng các khuôn đúc lặp đi lặp lại được tạo ra trong bốn thể phàm của con và được phóng chiếu vào Ánh sáng Mẫu-Vật tạo nên cơ thể vật lý của con. 

Đây là một phương pháp chữa lành khác. Đây là một phương pháp chữa lành khả dĩ. Có thể không chữa lành ngay lập tức, nhưng rồi lần nữa, nếu con chuyển đổi đủ tâm mình, việc chữa lành có thể xảy ra ngay lập tức. Ngay khi tâm con chuyển tới điểm con không còn phóng chiếu các khuôn đúc gây ra bệnh tật trong cơ thể vật lý, thì ngay lúc đó, cơ thể vật lý của con có thể được tái tạo tức khắc. 

Đó chẳng phải là kết quả hợp lý của lời dạy mà thày đã cho con là mọi thứ trong vũ trụ vật chất đang được phóng chiếu nhiều lần mỗi giây lên Ánh sáng Mẫu-Vật hay sao? Rồi con chẳng thấy hay sao là một khi con thay đổi khuôn đúc thì biểu lộ vật lý sẽ thay đổi ngay lập tức?  

Đây chính là những gì thày Giê-su đã biết khi thày chữa cho người đàn ông có cánh tay bị teo, khi thày thực hiện nhiều việc chữa lành khác được gọi là phép lạ. Đó không phải là phép lạ gì cả. Thày đã có khả năng dùng sự chứng đạt của mình để giúp họ vượt qua khuôn đúc – bước ra ngoài khuôn đúc – mà họ đã phóng chiếu lên thể vật lý. Đó là lý do vì sao Giê-su đã hỏi họ: “Các con có tin ta có quyền năng chữa lành không?” Và khi họ tin thì họ có thể được chữa lành. 

Giờ đây, mặc dù điều này không được ghi lại trong Kinh Thánh nhưng thày phải nói với con, vài người trong số họ lại sa ngã và sau một thời gian, căn bệnh cũ tái phát vì họ đã không thể vun bồi ân sủng mà Ki-tô đã ban phát và tái tạo lại một cách ý thức ý niệm bản ngã của mình. Do đó, sau một khoảng thời gian ngắn, họ lại tái tạo cùng khuôn mẫu và lại phóng chiếu căn bệnh lên thể vật lý. 

Dẫu sao, thày đang nói cho con sự thật này, đó là sự thật Ki-tô. Ki-tô trong con có quyền năng chữa lành ngay tức khắc cơ thể vật lý, cảm thể, trí thể và bản sắc thể của con. 

“Con có tin không?” Vì khi con tin, việc chữa lành sẽ xảy ra y như con tin. Đây là Luật Tự quyết, con yêu dấu. Đây không phải là mơ tưởng. Đây là quy luật. 

2.9. Thách thức tin tưởng

Tuy nhiên, khi nói câu: “Con nên tin điều này” với một ai đó thì tất nhiên không xây dựng lắm. Nhiều người không thể tin vì họ mang quá nhiều hành lý trong bốn tầng của tâm. Họ có quá nhiều năng lượng tha hoá. Họ có quá nhiều tin tưởng nhị nguyên. Và mặc dù thày muốn con biết sự thật này, nhưng đó là lý do thày không muốn con cảm thấy buồn phiền nếu con không thể tin ngay. 

Tuy nhiên, thày biết một số người có thể tin ngay và có thể thay đổi ngay. Và chắc chắn thày sẽ muốn chọn lựa này mở ra cho những ai có khả năng tận dụng cơ hội đó. Nhưng với những ai không thể tin ngay, hãy dùng những dụng cụ mà các thày đã trao truyền. Không chỉ là Bài ca sự Sống, mà nhiều dụng cụ khác mà các thày đã ban ra như: các bài chú, các bài thỉnh, các giáo lý mà con đã học – đặc biệt là các giáo lý của Bảy Thượng sư – rồi con hãy tinh tấn chuyển đổi ý niệm bản ngã của con. Vì chẳng phải là con đang bắt đầu nhận ra bằng việc lắng nghe những lời này và bằng việc đọc các bài thỉnh của Bài ca sự Sống, con có thể chuyển đổi ý niệm bản ngã của mình, và chỉ có con mới có thể làm được điều này hay sao? 

Ki-tô không thể xoay chuyển bản ngã của con giùm con. Chỉ có cái Ta Biết mới có thể xoay chuyển ý niệm bản ngã của con. Nhưng Ki-tô có thể giúp con làm việc thay đổi này dễ dàng hơn khi con quyết định buông bỏ bản ngã cũ. Con là người duy nhất có thể buông bỏ vì con có quyền tự quyết. Con là người duy nhất có thể dùng khả năng của mình – khả năng quay trở lại nhận biết thuần khiết – để nhìn vào trí thể từ bên ngoài và nói: “A, tôi thấy tâm mình đang làm gì. Tôi thấy tâm mình như một cái máy điện toán. Nó được lập trình để thực hiện một số chức năng và nó sẽ tiếp tục mãi việc này một cách vô ý thức cho đến tương lai vô định, trừ khi tôi nhấc chuột lên và bấm vào nơi khác, hay tôi ra khỏi chương trình đã chạy suốt nhiều kiếp sống trong trí thể của tôi. Bây giờ tôi thấy tâm mình đã được lập trình để giải quyết một số vấn đề. Nhưng tôi biết Tôi, cái Ta Biết, không cần giải quyết những vấn đề này. Chúng không cần được giải quyết. Chúng cần được thăng vượt. Chúng cần được bỏ lại đằng sau”. 

Đây là chìa khoá để chữa lành: Đó là con chuyển đổi ý niệm bản ngã ở tầng bản sắc, tầng lý trí, tầng tình cảm và tầng vật lý. Con có tin mình có uy lực làm được điều này không? Vậy thì Bài ca sự Sống và giáo lý của các chân sư thăng thiên có thể giúp con. Nếu con không tin con có uy lực thay đổi ý niệm bản ngã của mình thì các thày không thể giúp con, thày rất tiếc phải nói vậy. 

Nếu vậy con sẽ phải học từ Trường đời Cay đắng cho đến khi con gặp quá nhiều khổ đau đến mức con mở tâm ra và nói: “Chắc chắn phải có một cách sống tốt hơn thế này”. Rồi con bắt đầu tự hỏi mình những khổ đau này đến từ đâu – chúng đến từ sự phân chia trong bản thể của con. Con có thể nhận ra con đã tạo ra những phân chia này, và mặc dù thoạt tiên con khó nhận ra chúng, nhưng con yêu dấu, điều tài tình là những gì con đã tạo ra thì con cũng có uy lực tháo gỡ và hoàn nguyên. 

Con có tin không? Vậy hãy nắm lấy công cụ các thày đã trao cho con. Hãy nắm lấy các giáo lý và chuyển đổi ý niệm bản sắc của mình. Hãy chuyển ra khỏi cái tâm đã nghĩ nó phải làm tất cả những thứ đó, nghĩ nó phải giải quyết tất cả vấn đề đó, nghĩ nó cần cứu người khác hay cứu hành tinh này. Thay vì vậy, hãy tập trung vào việc cứu lấy chính mình bằng cách quay lại sự nhận biết thuần khiết. Vậy con hãy dùng Bài ca sự Sống, nhưng con đừng nghĩ chỉ một công cụ có thể làm tất cả mọi thứ cho con vì nó sẽ không xảy ra một cách tự động. 

Con có tin không? Vậy con hãy nhận mãnh lực của niềm vui, mãnh lực của tình thương, mãnh lực chữa lành từ trái tim thày Nada, Thượng sư của tia Thứ Sáu và cũng là đại diện của Mẹ Thiêng liêng. Vì TA LÀ, TA LÀ chữa lành, TA LÀ toàn vẹn, TA LÀ tâm an bình. Con có tin không? Vì chỉ có vậy thày mới là tất cả những điều đó cho con. 

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là Bài ca sự Sống 2 – Một tâm trí mới

Chương 1 – Tái tạo ý niệm bản ngã

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Maraytaii qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 11/3/2013.

Ma-ray-taii.
Ma-ray-taii.
Ma-ray-taii.

Tên thày là Maraytaii. Thày là đại diện của Mẹ Thiêng liêng. Nếu Mẹ Mary là đại diện của Mẹ Thiêng liêng cho trái đất, thì thày là đại diện của Mẹ Thiêng liêng ở tầng cấp thiên hà cho ngân hà của con. Thày không phải là đại diện cao nhất của Mẹ Thiêng liêng ở tầng cấp thiên hà, nhưng thày là một trong những vị đại diện.

Do đó, thày đến trái đất để đem lại một món quà, một món quà mà thày đem lại trong sự hợp nhất với các vị đại diện khác của Mẹ Thiêng liêng cho trái đất: Portia, Nữ thần Công lý; Nada, Thượng sư của Tia thứ Sáu; Quan Âm, một đại diện của Bi mẫn Thiêng liêng, và dĩ nhiên là Mẹ Mary. Các thày đem đến cho con món quà mà các thày gọi là Bài ca sự Sống.

Đây là món quà từ Nguyên lý Mẹ Thiêng liêng trao tặng cho tất cả mọi người trên trái đất. Món quà có một mục đích giản dị, đó là cho con những giáo lý và những dụng cụ thực tiễn đưa chính con hoà điệu, hợp nhất và cộng hưởng với Bài ca sự Sống. Vậy Bài ca sự Sống là gì? Hãy để thày giải thích.

1.1. Vai trò sáng tạo của âm thanh

Đại thượng sư Maha Chohan trong quyển sách của thày [Xuôi theo Dòng sông sự Sống] đã giải thích bằng cách nào lực đẩy của Thánh linh – bắt đầu ở ngay bầu cõi thứ nhất – đã được tạo ra bởi các sinh thể tự nhận biết sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình để thăng vượt ý niệm bản ngã và tạo nên cái hơn nữa. Bài ca sự Sống là một phần của Dòng sông sự Sống, là sự chuyển động của Thánh linh, nhưng đây là một khía cạnh đặc thù của Thánh linh. Vậy thì cái gì đã khuấy động Ánh sáng Mẫu-Vật để nó khoác lấy một hình tướng cụ thể và duy trì hình tướng đó qua thời gian?

À, đó là cái trên trái đất con gọi là âm thanh. Và con đã từng được dạy rằng khi Thượng đế bắt đầu quá trình sáng tạo, ngài đã phán: “Ánh sáng hãy có mặt”. Nhưng con thấy đấy, đây chỉ là lời giải thích cho một tầng tâm thức nào đó của con người, bởi vì trên trái đất con biết con không thể nói, không thể tạo ra âm thanh, nếu như không có một môi trường trung gian mà qua đó âm thanh có thể lan truyền.

Như vậy con thấy đó, những gì được ghi trong Kinh Sáng thế không phải là hành động sáng tạo đầu tiên. Sự sáng tạo đầu tiên là tạo ra Ánh sáng Mẫu-Vật không phân biệt và vô hình tướng. Việc này không thể làm qua âm thanh bởi vì khi đó không có một môi trường trung gian để âm thanh lan truyền. Và vì vậy, sự sáng tạo đầu tiên được làm xuyên qua nhận thức của Đấng Sáng tạo.

Nhưng một khi Ánh sáng Mẫu-Vật đã có mặt, cần có một lực để khuấy nó lên tạo thành hình tướng và duy trì hình tướng đó. Các thày đã giải thích rằng con là người đồng sáng tạo, con có khả năng hình thành một hình tư tưởng trong tâm và sau đó phóng chiếu hay áp nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Nhưng làm sao con phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật? Con làm điều này qua những gì tương đương với âm thanh, nhưng không nhất thiết là âm thanh có thể nghe được. Thay vì vậy, đó là một sự chuyển động nhịp nhàng có những trình tự được lặp đi lặp lại trong một mô thức, một khuôn đúc.

Và chính sự chuyển động nhịp nhàng này không chỉ khuấy động Ánh sáng Mẫu-Vật để nó khoác lên một hình tướng mà còn khiến cho hình tướng đó liên tục tồn tại do khuôn mẫu được lặp đi lặp lại. Và vì vậy chính sự liên tục lặp lại của khuôn mẫu đã duy trì hình tướng đó.

1.2. Tâm con là một nhạc cụ

Con biết rằng để tạo ra âm thanh, con cần một loại công cụ nào đó. Nhưng công cụ này không cần phải là một công cụ vật lý hay vật chất, vì con biết đấy, nếu mọi thứ trong thế giới vật chất được tạo ra từ âm thanh khuấy động Ánh sáng Mẫu-Vật, thì đã không thể có một công cụ làm bằng vật chất tạo ra hình tướng. Vậy cái gì đã tạo ra công cụ này khi lúc đó chưa có hình tướng?

Con thấy chăng sự sáng tạo bắt đầu ở một tầng cao hơn, nơi đó Hiện diện TA LÀ của con tạo ra một âm thanh, một khuôn đúc chuyển động nhịp nhàng, sau đó nó phóng khuôn đúc này vào tầng bản sắc. Thể bản sắc của con trở thành một công cụ khuếch đại và phóng đại âm thanh vô thinh đó từ Hiện diện của con và rồi lại phóng vào trí thể của con. Trí thể của con bây giờ trở thành công cụ ở tầng cấp sáng tạo đó, và lần nữa nó khuếch đại, có lẽ có chút thay đổi, âm thanh này rồi lại phóng vào thể cảm xúc. Cảm xúc của con có thể bóp méo nó thêm nữa trước khi phóng chiếu vào tầng vật lý. Nơi tầng này, sự phóng chiếu các khuôn đúc nhịp nhàng tạo nên – trong nghĩa đen – thể vật lý của con và cả tình trạng sức khỏe lành mạnh hay bệnh tật của cơ thể con.

Trở lại với Kinh Sáng thế và lời phán của Thượng đế: “Ánh sáng hãy có mặt,” con hiểu là Thượng đế được nhắc đến trong Kinh Sáng thế chính là tầng cấp sáng tạo của các Elohim. Các Elohim đã lấy ánh sáng từ tầng ether, hay tầng bản sắc, sau đó đưa nó vào chuyển động nhịp nhàng, rồi phóng nó vào tầng lý trí, tình cảm và cuối cùng là tầng vật lý. Xong từ ánh sáng giờ đây đã khoác vào rung động của dải tần số vật chất, các Elohim tạo ra trái đất bằng cách lần nữa phóng chiếu một khuôn đúc âm thanh – nếu có thể gọi như vậy – lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

Đây là cách mọi thứ đã được tạo ra. Đây là cách mọi hình tướng có thể được duy trì qua thời gian bởi vì có một khuôn đúc chuyển động nhịp nhàng được áp chồng liên tục lên Ánh sáng Mẫu-Vật, khiến Ánh sáng Mẫu-Vật duy trì hình tướng đó.

1.3. Hình tướng liên tục được tái tạo

Con có hiểu rằng hình tướng mà con thấy trong cõi vật chất không có sự tồn tại liên tục hay tự đủ hay không? Con đã lớn lên và được dạy rằng trái đất đã tồn tại 4.5 tỷ năm. Con đã được dạy rằng có những vì sao và những thiên hà xa xôi, những nguyên tử và phân tử, và nhiều hình tướng khác tồn tại độc lập. Tự thân chúng tồn tại, chúng tồn tại một cách khách quan.

Đây là một ảo tưởng vĩ đại mà loài người sắp sửa sẵn sàng chất vấn và vượt qua, là khi con ngộ ra không có gì là trường tồn, không có gì là thường hằng. Vì tất cả mọi điều con thấy, mọi hình tướng con thấy đang liên tục được tái tạo qua sự chuyển động nhịp nhàng khuấy động Ánh sáng Mẫu-Vật nhằm duy trì hình tướng đó.

Giống như con đang trong rạp chiếu phim, con biết có những hình ảnh đơn lẻ trên một cuộn phim được chiếu rất nhanh đến mức mắt con không nhận ra chúng là những hình ảnh đơn lẻ, mà là một sự chuyển động liên tục, trơn tru. Tất cả các con đã xem những bộ phim trắng đen vào thời kỳ đầu của nền điện ảnh, cử động của diễn viên bị giật nhiều hơn, đơn giản là do mỗi giây có ít hình ảnh được chiếu ra hơn, và vì vậy, mắt con không hoàn toàn bị lừa phỉnh để tưởng đó là những chuyển động liên tục và trơn tru. Con cũng biết rằng lúc đầu người ta gọi điện ảnh là “những hình ảnh di động” (motion pictures) tức là những hình ảnh cố định được đem vào chuyển động. Và con thấy đó, không có gì là thường hằng. Không có gì là tồn tại độc lập, vì chắc chắn phải có một âm thanh nào đó, một khuôn đúc chuyển động nhịp nhàng nào đó đang duy trì hình tướng qua thời gian bằng cách phóng chiếu không ngừng lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

Thày nói ra điều này hoàn toàn không để khiến con hoảng sợ. Vì thày có thể đảm bảo với con là có những sinh thể tâm linh đang nhận lãnh trách nhiệm duy trì cơ cấu khổng lồ đó trong vũ trụ vật chất, bao gồm cả hành tinh trái đất. Thày không có ý bảo rằng toàn thể vũ trụ có thể thình lình biến mất.

1.4. Hy vọng chữa lành

Mục đích của các thày khi cho con bài giảng này là cho con một niềm hy vọng. Bởi vì khi con nhận ra cơ thể vật lý của con không tồn tại liên tục, khách quan, độc lập thì con biết rằng có hy vọng rất lớn bất kỳ bệnh tật nào trong cơ thể cũng có thể được chữa lành. Bệnh tật, thậm chí cả tuổi già, không phải là một tiến trình không thể tránh được, hay không thể đảo ngược. Bất cứ điều kiện nào trong cơ thể con đều được tạo bởi sự phóng chiếu nhịp nhàng các khuôn đúc lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Cơ thể vật lý của con là tầng thấp nhất trong bốn thể phàm, vì vậy bất cứ biểu hiện nào trong cơ thể đều được phóng chiếu qua các tầng bản sắc, lý trí, tình cảm và vật lý của tâm con. Điều này có nghĩa là – nhiều lần trong một giây – có một khuôn đúc rung động nhịp nhàng đang được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật cấu tạo cơ thể vật lý của con. Và nếu khuôn đúc đó thay đổi thì cơ thể con cũng sẽ thay đổi.

Thật ra, làm sao một cơ thể khoẻ mạnh lại có thể mắc bệnh? Đó là do khuôn đúc được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật để tạo nên cơ thể đã bị thay đổi. Thay vì là khuôn đúc hài hoà của một cơ thể khỏe mạnh, giờ đây sự mất hài hoà xâm nhập vào khuôn đúc này và chính điều này làm bệnh tật xuất hiện.

Các tế bào của con không tự thân tồn tại. Chúng là công cụ khuếch đại âm thanh. Chúng là âm thoa cho khuôn đúc được áp chồng lên chúng từ ba thể cao của tâm. Và chỉ khi một sự bất hài hoà nào đó xâm nhập vào một hay tất cả các thể này thì một căn bệnh mới có thể xuất hiện ở tầng vật lý. Nhưng điều này cũng có nghĩa là nếu con có thể thay đổi sự bất hài hòa đó và giúp cho hài hoà trở lại thì con có thể chữa lành bất cứ tình trạng nào trong cơ thể. Thậm chí có thể đảo ngược cả tuổi già. Con có thấy tiềm năng ở đây không?

Con có thể đã xem những bộ phim khoa học giả tưởng, trong các bộ phim này có một công cụ phát ra những tia vô hình có khả năng chữa lành căn bệnh vật lý hầu như tức khắc. Quả thật kỹ thuật này chẳng bao lâu nữa sẽ được đưa vào sử dụng, ít nhất trong hình dạng còn thô sơ. Nhưng con không cần phải chờ đến khi có nền công nghệ vật lý vỏ ngoài như vậy, vì con đã có một kỹ thuật chữa lành cơ thể con bằng cách học sử dụng chính tâm mình cũng như công cụ – kỹ thuật – của chính giọng nói của mình.

1.5. Giải thích Bài ca sự Sống

Bằng cách nào bệnh tật xuất hiện trong cơ thể vật lý là một đề tài phức tạp, vượt quá phạm vi bài giảng này của thày. Những gì các thày trao cho con ở đây là một công cụ giúp điều chỉnh cơ thể vật lý và ba thể cao của con để khiến chúng hòa điệu mật thiết hơn với Bài ca cự Sống.

Như thày đã gợi ý ở phần trước, Bài ca sự Sống này là một phần của Thánh linh do các sinh thể tự nhận biết tạo ra khi thăng vượt chính mình, qua đó họ đã tạo ra một dòng chảy đi lên, một chuyển động đi lên. Có lẽ con cũng biết dòng sông tạo ra một âm thanh, thì tương tự như vậy, Dòng sông sự Sống cũng tạo ra một âm thanh và âm thanh đó là Bài ca sự Sống. Đây là một khuôn mẫu chuyển động nhịp nhàng đã được tạo ra từ hằng hà thiên kỷ trong bầu cõi này và các bầu cõi trước. Đó là một giai điệu tuyệt đẹp, không giống như những giai điệu con nghe trên trái đất, nhưng dẫu sao cũng là một khuôn mẫu rung động nhịp nhàng. Tất nhiên, khuôn mẫu này có nhiều tầng cấp, nhiều mức rung động khác nhau.

Trong vũ trụ vật chất, một bầu cõi chưa thăng thiên, con chưa thể đồng nhịp và hoàn toàn hoà điệu với Dòng sông sự Sống được tạo ở những bầu cõi đã thăng thiên. Nhưng dẫu vậy, con không cần phải hoà điệu hoàn toàn với các bầu cõi cao hơn. Con chỉ cần dùng những giai điệu dựa trên cùng một khuôn đúc để những giai điệu này hoà hợp, có cùng nhịp điệu cơ bản giống như nhịp điệu của Dòng sông sự Sống, của Bài ca sự Sống.

1.6. Nguyên nhân của bệnh tật

Như con biết, trên trái đất có những khuôn nhạc từ đó con có thể tạo ra nhiều giai điệu riêng lẻ từ cùng một mẫu cơ bản, nhưng tất cả các giai điệu riêng lẻ này lại có một sự hoà điệu nào đó với nhau. Và đây chính xác là những gì con thấy trên trái đất. Mỗi thể vật lý, trong dạng nguyên thủy thuần khiết của nó, được tạo ra như một giai điệu riêng lẻ nhưng hoà hợp với Bài ca sự Sống cho địa cầu. Kể từ đó như các thày đã giải thích trong quyển “Chữa lành Mẹ Trái Đất”, nhiều thứ khác đã du nhập vào những biểu hiện thấp hơn, những năng lượng thấp hơn, những khuôn mẫu rung động thấp hơn, tất cả đã làm xáo trộn sự hài hoà ban đầu.

Một cơ thể vật lý không cần phải già đi. Nó cũng không cần phải mắc bệnh. Những biểu hiện này chỉ có thể xảy ra vì trong bốn thể phàm của con đã có những hình tư tưởng bị du nhập vào, và khi chúng được áp chồng lên Ánh sáng Mẫu-Vật thì chúng đã hình thành một khuôn đúc chuyển động bất hài hòa, một khuôn mẫu lạc điệu với Bài ca sự Sống.

Chính sự bất hài hoà này đã khiến cho các tế bào rung động trong một khuôn mẫu chệch nhịp hay lạc điệu. Và vì vậy, đến một lúc các tế bào này không thể được duy trì trong khuôn mẫu nuôi sống được các đơn bào, các bộ phận cơ thể do các đơn bào tạo thành, hay các hệ thống trong cơ thể, thậm chí cả chính cơ thể. Kết quả dẫn đến tuổi già, bệnh tật và cái chết của cơ thể.

Vì vậy, không cần phải biết chi tiết về tất cả các khuôn mẫu bất hài hòa, con vẫn có thể đạt được nhiều kết quả trong việc chữa lành bằng cách sử dụng công cụ mà thày sẽ trao cho con nhằm chỉnh cho các khuôn mẫu chuyển động nhịp nhàng trong bốn thể phàm của con được thẳng hàng với Bài ca sự Sống. Và con có thể thực hiện được điều này bằng cách sử dụng giọng nói vật lý của con để cầu thỉnh những rung động cao hơn từ ba tầng cao của cõi vật chất và từ tầng thấp nhất của cõi tâm linh, để những rung động này sắp thẳng lại các tế bào của con.

Các rung động cao hơn có khả năng – trong nghĩa đen – gia tốc, hay thay thế, hay trong lọc các khuôn đúc thấp hơn, để rồi lập tức bốn thể phàm của con được căn chỉnh đứng thẳng hàng hơn và hài hoà hơn với khuôn đúc mà các thể này đã được tạo lập dựa trên đó lúc đầu. Và đây là điều có thể đem lại sự chữa lành, giúp con khỏe mạnh hơn mặc dù nói cho cùng, con vẫn cần phải nhìn ra các tin tưởng, các quan niệm, các khuôn mẫu mà con đã chấp nhận, hầu con có thể gỡ bỏ chúng một cách ý thức.

1.7. Tái tạo lại ý niệm bản ngã của con

Tất nhiên, việc này là một phần trong những gì 7 vị Thượng sư cùng Đại thượng sư sẽ giảng dạy trong loạt sách về 7 tia sáng, con Đường của 7 Bức Màn, con Đường dẫn đến Tự điều ngự. Nhưng các thày đây, các nữ chân sư, mong muốn trao cho con công cụ này để con có thể bắt đầu sử dụng trong khi con hướng đến một sự hiểu biết ý thức cao hơn về 7 tia sáng và các đức tính thuần khiết cũng như các mặt tha hoá của 7 tia, cùng nhiều tin tưởng vi tế nằm bên dưới những mặt tha hoá này.

Do đó, thày đến cho con phần giáo lý đầu tiên này, là phần thực sự tiêu biểu cho tầng ether hay tầng bản sắc. Mục đích của phần này là giúp con tái tạo lại ý niệm bản ngã của con. Và tất nhiên, các thày đã đưa ra nhiều bài giảng về ý niệm bản ngã và giải thích rằng cốt lõi của bản thể con là điều các thày gọi là cái Ta Biết, không phải là những gì con nhìn nhận như tính cá nhân và nhân cách của con, bởi vì cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết. Đó là cánh cửa mở cho Hiện diện.

Tính cá nhân thật sự của con được neo trong Hiện diện TA LÀ của con và sẽ được biểu đạt từ Hiện diện xuyên qua cái Ta Biết. Và vì vậy, điều đã xảy ra với con người trên trái đất là họ đã tạo ra cái ta vỏ ngoài, mà nhiều người gọi là hồn, và bây giờ họ đâm ra đồng hoá chính mình với cái ta vỏ ngoài, từ đó họ nghĩ đây là con người mà họ là. Và nếu con mang ý niệm bản sắc này thì con bắt buộc phải tiếp tục phóng chiếu dòng tâm thức này xuyên qua khuôn đúc của cái ta vỏ ngoài đó.

Tất nhiên, điều này có nghĩa là nội dung của cái ta vỏ ngoài của con gồm cả những ảo tưởng mà con đã dần dần chấp nhận, sẽ được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật là cái tạo nên cơ thể vật lý của con. Và vì vậy, chừng nào con còn duy trì sự đồng hóa đó với cái ta vỏ ngoài, thì con đơn giản không thể chữa lành những tình trạng của cơ thể vật lý, cho dù đó là bệnh tật hay tuổi già. Làm sao con có thể chữa lành nếu con cứ tiếp tục làm cùng một điều đã tạo ra bệnh tật của con? Chuyện này không thực tế, không phải là một kỳ vọng thiết thực.

Thày biết thày nói điều này thật dễ bởi vì thày là một sinh thể tập trung nơi tầng cấp thiên hà. Và có lẽ con có thể hình dung sẽ thế nào khi nhìn về trái đất từ viễn quan rộng lớn của toàn khắp thiên hà, từ đó con thấy trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ li ti trong tổng thể rộng lớn. Con có cảm nhận được là khi con nhận biết về toàn thiên hà thì con sẽ có một tầm nhìn hoàn toàn khác không?

Một minh hoạ trực quan cho điều này là con biết đấy, toàn bộ thiên hà di chuyển như một tổng thể, và có một lực hấp dẫn khiến cho toàn thiên hà xoay như một khối thống nhất. Con có thấy chăng hàng ngàn, hàng triệu, và hàng tỷ ngôi sao tạo nên thiên hà, nên trái đất của con chỉ là một hạt bụi nhỏ xíu?

Mặc dù trái đất có vẻ ảnh hưởng cơ thể vật lý của con qua trọng lực to lớn của nó, chắc chắn con có thể thấy được trọng lực của trái đất chẳng là gì so với trọng lực của dải thiên hà. Và vì vậy chẳng có hy vọng gì trái đất có thể thay đổi được quỹ đạo của thiên hà. Cho nên từ tầm nhìn của thày, thật dễ nói rằng trừ khi con thay đổi ý niệm bản ngã thì con sẽ không thể chữa lành cơ thể của con.  

Thày cũng biết là khi con đang đầu thai, điều này dường như khó khăn hơn vô cùng. Dẫu vậy, thày hy vọng trao cho con một ý niệm về chỗ đứng tương đối của mọi chuyện. Thày mong giúp con nhận ra là quả thực con có khả năng thay đổi ý niệm bản ngã của mình, và quả thực điều này là cần thiết. Bởi vì trừ khi con thay đổi ý niệm bản ngã của mình – là tầng cao nhất trong bốn thể phàm của con – làm thế nào con sẽ thay đổi được các tầng thấp hơn, vì các tầng này chỉ có thể hoạt động trong khuôn khổ do tầng cao hơn thiết lập?

1.8. Vai trò của các phàm linh đối với sức khỏe

Ý niệm bản ngã của con là khuôn khổ, là tiết tấu cơ bản cho khúc nhạc giao hưởng của đời con. Nếu con không thay đổi ở tầng bản sắc này thì không gì có thể thật sự thay đổi nơi các tầng thấp hơn. Đó là lý do vì sao nền y học ngày nay trên địa cầu có xác xuất thành công hạn chế , vì y học chỉ tìm cách thay đổi ở tầng vật lý bằng cách phẫu thuật cơ thể hay sử dụng hóa chất. Nhưng việc này chỉ diễn ra ở tầng vật lý và vì vậy đóng góp rất ít để thay đổi những gì xảy ra ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc.

Tuy nhiên, con không nhất thiết phải chịu sự hạn chế của kỹ thuật y học hay ý thức hệ y học ngày nay. Con có thể nhận ra là con có bốn thể phàm và con có tiềm năng làm chủ cả bốn thể này. Và khi con làm chủ được bốn thể, con sẽ có thể thay đổi được các tình trạng trong thể vật lý của con vì kết quả luôn đi kèm với nguyên nhân.

Nếu con lấy những gì thày nói ở đây và so sánh với những gì con đã đọc trong sách của Đại thượng sư Maha Chohan thì con có thể đạt thêm một tầng hiểu biết nữa. Vì thày đã nói mỗi hình tướng được một khuôn đúc rung động nhịp nhàng tạo ra bằng cách phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật và hình tướng được duy trì do sự phóng chiếu liên tục khuôn đúc này. Dĩ nhiên, con biết là con đã không đồng sáng tạo hay sáng tạo  cơ thể vật lý của con một cách ý thức. Và con cũng biết là con không đang phóng chiếu bất kỳ khuôn đúc nào lên cơ thể một cách ý thức. Vậy thì bằng cách nào khuôn đúc được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật và khiến cơ thể con liên tục tồn tại? Quá trình này được thực hiện qua cái mà thày Maha Chohan gọi là các phàm linh do con tạo ra, hoặc các phàm linh mà con cho phép đi vào bốn tầng của tâm con.

Có một phàm linh tổng thể mà các chân sư trước đây gọi là “tinh linh của cơ thể” (body elemental). Phàm linh này được tạo ra để giữ vững khuôn đúc chung của cơ thể vật lý. Nhưng cũng có một tinh linh cảm xúc giữ khuôn đúc chung của thể tình cảm. Và có một tinh linh cho thể lý trí và một tinh linh cho thể ether hay còn gọi là thể bản sắc.

Do đó có bốn tinh linh chính phối hợp với nhau tạo ra thể vật lý của con. Những năng lượng tha hoá và những tin tưởng bất toàn có thể khiến các tinh linh này phải oằn mình đến mức chúng không thể vận hành tối ưu. Và nếu vậy, bốn thể của con bị mất thẳng hàng với Dòng sông sự Sống và chúng cũng không thẳng hàng với nhau, và con có thể bị bệnh trong bất cứ thể nào, bao gồm cả bệnh tâm thần, tình cảm lẫn thể chất.

Nhưng bằng cách nào những bệnh này và những khuôn đúc ô uế đó đã xâm nhập vào bản thể của con? Bằng những phàm linh khác, hoặc do chính con tạo ra để đối phó với các trải nghiệm trên trái đất, hoặc con cho phép phàm linh do người khác tạo ra bên ngoài xâm nhập vào, kể cả từ các thày giả và sa nhân.

1.9. Anh em bất hòa

Khi con có nhiều hơn bốn tinh linh ban đầu trong bản thể, có khả năng, như thày Giê-su đã nói, anh em trong nhà bất hoà. Có tranh chấp giữa các thành viên, vì các phàm linh có thể chống đối và gây chiến với nhau. Điều này sau đó đưa đến một số khuôn đúc bất hài hòa từ những phàm linh khác đang tìm cách kiểm soát bốn tinh linh căn bản hoặc tìm cách huỷ diệt lẫn nhau. Và khi chiến tranh xảy ra trong bản thể con thì không khó nhận ra con đang tạo ra đủ loại ảnh hưởng bất hài hòa, chẳng khác gì con thấy một cuộc chiến tranh vật lý trên trái đất có thể tàn phá nặng nề một quang cảnh và thậm chí có thể làm ô nhiễm nơi đó bằng bức xạ kéo dài rất nhiều năm về sau.

Một lần nữa, thày không nói điều này để làm con sợ hãi. Thày nói để cho con một lượng định thực tế là con có những phàm linh bất hài hòa này trong bản thể. Nếu con mắc một căn bệnh vật lý nào đó hay con có các biểu hiện của tuổi già, thì con biết rằng con có những phàm linh đang gây chiến ở cả bốn thể phàm. Và trên hết, một lần nữa con cần phải nhìn vào các phàm linh này, nhận ra những quyết định nào của con đã tạo ra chúng hay đã cho phép chúng xâm nhập từ bên ngoài, sau đó con hãy bỏ quyết định đó đi một cách ý thức để vĩnh viễn xua tan chúng khỏi bản thể của con.

Tất nhiên, các Thượng sư sẽ giúp con thực hiện việc này. Nhưng con cũng có thể khởi sự bằng cách quyết định là con sẵn sàng tái tạo ý niệm bản ngã của mình. Con sẵn sàng khởi sự suy ngẫm điều này và xin các Thượng sư cùng các đại diện của Mẹ Thiêng liêng giúp con thể nhập sự thật rằng con không phải là nhân cách vỏ ngoài của con, con không phải là tự ngã của con, con không phải là ngã tách biệt này. Thay vào đó, con là nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, mà mục đích là làm cánh cửa mở cho Hiện diện.

Và khi con lại đặt ý niệm bản sắc của con thẳng hàng với Hiện diện TA LÀ, và khi con quyết định một cách ý thức là con sẵn sàng để cho bất kỳ khía cạnh nào của cái ta vỏ ngoài chết đi để con trở thành cánh cửa mở cho Hiện diện, thì một điều sâu sắc sẽ xảy đến. Con sẽ bắt đầu lại đứng thẳng hàng với Hiện diện, có nghĩa là giờ đây khuôn đúc hoàn hảo dành cho con và cho bốn thể phàm của con được lưu giữ ở Hiện diện sẽ bắt đầu tỏa sáng xuyên qua bản sắc thể của con. Và rồi nó lại có thể được phóng chiếu lên thể lý trí và cuối cùng, khi con đọc các bài thỉnh mà các thày sẽ ban ra, con sẽ trong lọc tất cả bốn thể phàm của con ở phạm vi rộng hơn, và con có thể bắt đầu hoà điệu bốn thể này với khuôn đúc sức khoẻ lý tưởng được Hiện diện TA LÀ giữ cho con.

1.10. Khôi phục sự hài hòa

Chính sự hoà điệu này sẽ bứng đi một số phàm linh trong bản thể con hoặc giảm bớt ảnh hưởng của chúng, vì vậy con không cho chúng thêm sức mạnh bằng cách tiếp thêm năng lượng cho chúng. Việc này sẽ giải phóng bốn tinh linh, tức bốn phàm linh trong bốn thể phàm của con, để chúng lại có thể đồng thuận với bản vẽ mẫu, là viễn quan tinh khiết, là niệm tinh khôi được cất giữ trong Hiện diện TA LÀ của con. Đây chính là niềm vui của bốn phàm linh này.

Bốn phàm linh này không phải là phàm linh xấu ác, chúng không phải là các phàm linh gây chiến, chúng không làm gì chống lại con. Chúng được tạo ra để hỗ trợ con tăng trưởng khả năng tự nhận biết, và khi con không cần bốn thể phàm nữa, chúng có thể được khen thưởng vì đã hỗ trợ con. Vì vậy việc giúp con biểu lộ khuôn đúc được cất giữ nơi Hiện diện TA LÀ là niềm vui duy nhất của chúng, vì chúng biết đó chính là phần thưởng, là niềm hoan hỉ, là sự phục vụ cao nhất của chúng.

Vậy thì đây là một bài giảng mà nếu con suy ngẫm và thể nhập, sẽ có thể khởi đầu tiến trình biến đổi tâm linh, tiến trình hoá kim. Bởi vì thuật hóa kim đích thực là hoàn thành đúng những gì thày vừa nói: Không có gì trong cõi vật chất tồn tại tự đủ, độc lập. Tất cả là sự phóng chiếu xuyên qua ba thể cao. Và vì vậy, chìa khoá để thay đổi thể vật lý là đem tất cả các khía cạnh của tâm con, tất cả các khía cạnh của bản thể con đặt thẳng hàng, hài hoà với Hiện diện TA LÀ của con. Đó là thuật hoá kim sẽ biến chì của tâm thức con người thành vàng của Tâm thức Ki-tô. Và đó là thuật hoá kim có khả năng biến các hình thái vật lý thành vàng, nhưng đầu tiên sẽ biến đổi thể vật lý của con sang trạng thái sức khỏe cao nhất để giúp con hoàn thành sứ vụ thiêng liêng, công việc thiêng liêng, và nhiệm vụ tâm linh của con trong cuộc sống.

Maraytaii TA LÀ. Thày mong con sẽ thỉnh thoảng dành thời gian và chú tâm đọc lớn tên thày vì điều này sẽ giúp con hòa điệu với Bản thể của thày. Và cũng giúp thể bản sắc của con, ý niệm bản ngã của con hoà điệu với thực tại vũ trụ của toàn bộ sự sống, sự chuyển động đi lên của Thánh linh và chuyển động đi lên của Bài ca sự Sống.

Cho nên thày lại nói:

Ma-ray-taii.
Ma-ray-taii.
Ma-ray-taii.

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là: Bài ca sự Sống 1 – Một bản sắc mới.

Uy lực và tự do

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/2/2013.

TA LÀ chân sư MORE, và thày tự do. Con sẽ tự do với thày chăng? Đó là câu hỏi mà con có thể tự hỏi mình. Và con có thể xem câu hỏi này là cơ hội để đứng lùi lại, xem các bài giảng trước của thày và tự đặt câu hỏi: “Con có thể tự do với Chân sư MORE không?”

Con hãy tưởng tượng con và thày đi vào khu vườn xung quanh khu nhập thất của thày tại Darjeeling. Chúng ta tìm thấy một nơi yên tĩnh, ngồi xuống, và ở đây chỉ có hai thày trò chúng ta. Chúng ta có thể nói bất cứ chuyện gì con muốn. Con sẽ cảm thấy tự do đến đâu trong tình huống đó?

Con có cảm thấy đủ tự do để chia sẻ với thày những quan tâm về cuộc đời, những quan tâm về sự tăng triển của mình, về trạng thái tâm thức của mình? Con có cảm thấy đủ tự do để hỏi bất cứ câu hỏi nào, hay có câu hỏi con ngại hỏi vì con sợ nghe câu trả lời của thày?

Con thấy chăng, điều thày muốn giải thích là khóa nhập thất của Tia thứ Nhất là nơi đầu tiên các sinh thể tâm linh tìm đến khi họ sẵn sàng đi con đường tu cao hơn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chân sư thăng thiên, của các Thượng sư. Điều này có nghĩa là con không cần ở tầng tâm thức thứ 48 khi đến nhập thất với thày. Con cần tới một bước ngoặt, là nơi con thành thật mong muốn điều gì hơn là cứ lặp đi lặp lại những khuôn nếp cũ, như con đã làm trong một thời gian dài.

17.1. Con tự do đến đâu?

Khi con có ước muốn trở nên hơn nữa, con có thể tham dự khóa nhập thất của thày trong các thể cao của mình. Lúc ấy, thày sẽ cố gắng giúp con tùy theo tầng tâm thức của con và ý muốn vượt qua tầng tâm thức đó. Con thấy chăng, ta có thể nói mức độ tự do của con định đoạt khả năng giúp đỡ của thày. Đây là tự do đứng lùi lại và nhìn trạng thái tâm thức hiện nay, phin lọc nhận thức hiện nay, cách nhìn đời của con. Con có sẵn sàng đứng lùi lại, tự do nhìn vào tâm thức hiện nay của mình và nhận ra: “Tôi không còn muốn ở tầng tâm thức này nữa, tôi muốn lên cao hơn?”

Nhiều học viên đến đây có rất ít tự do chất vấn cách họ nhìn cuộc đời. Họ thường cảm thấy kẹt cứng trong một khuôn nếp. Họ chỉ có một cách nhìn cuộc đời. Họ không muốn hay không có khả năng nhận ra cách họ nhìn cuộc đời hiện nay chỉ là một trong nhiều cách và có nhiều cách nhìn khác – và chỉ xem xét các cách này họ mới có cơ hội vượt lên trạng thái tâm thức cao hơn. Vì nếu con tiếp tục nhìn đời theo cách con nhìn hiện nay mà không chất vấn, thì làm sao con có thể bước lên tầng cao hơn? Chuyện giản dị như vậy, phải không con?

Con có cảm thấy đủ tự do để lùi lại và nhìn vào trạng thái tâm thức hiện nay của mình, hoặc hỏi thày: “Chân sư MORE, xin thày chỉ cho con thấy con đang ở tầng tâm thức nào. Xin thày chỉ cho con thấy điều gì đang kềm giữ con ngay bây giờ, ngăn cản con đi bước kế tiếp lên tầng cao hơn.”

17.2. Khuôn nếp phản ứng của con

Con có thể nhận ra yếu tố chính là mức độ con cá nhân hóa những chuyện xảy ra trong cuộc đời mình. Con hãy sẵn sàng nhìn vào đời mình và nhận ra những hoàn cảnh khi người khác nói hay làm điều gì, và con coi điều đó như một tấn công vào chính cá nhân mình. Con cảm thấy người khác tấn công con, chế giễu con, tìm cách miệt thị con, tìm cách làm con xấu hổ, tìm cách làm con tức giận. Và vì vậy, con rơi vào khuôn nếp phản ứng mà con có thể thấy rõ – nếu con chịu nhìn.

Sau đó, con hãy sẵn lòng tự hỏi những phản ứng này từ đâu đến. Khuôn nếp phản ứng này từ đâu đến? Và con hãy nhận ra nó đến từ một chỗ giản dị: nó đến từ các phàm linh mà con đã cho phép xâm nhập vào các thể thấp của con hay con đã tạo ra trong các thể thấp của con.

Khi con biết rằng con là cái Ta Biết – khi con biết con đã trải nghiệm thoáng qua nhận biết thuần túy – con có thể thấy rằng cái Ta Biết, vốn đơn giản là nhận biết thuần túy, không thể thấy những chuyện xảy ra trên thế gian như dính dáng đến cá nhân nó. Bởi vì nó biết nó không phải là thân thể, nó biết nó không phải là tâm phàm, nó biết nó không phải là các phàm linh. Vậy thì đâu có lý do gì con cảm thấy cá nhân mình bị tấn công? Con thấy chăng, cái Ta Biết không xem những chuyện xảy ra dính dáng đến cá nhân nó. Con chỉ thấy một chuyện xảy ra dính dáng đến cá nhân mình khi con nhìn hoàn cảnh xuyên qua phin lọc của một phàm linh.

Thày Saint Germain có nói (Xuôi theo Dòng sông sự Sống) là khu nhập thất chính của thày được gọi là Hang Biểu tượng. Thày có khả năng giúp con nhìn thấy biểu tượng đang kìm hãm con, đang hạn chế con. Nhưng giáo lý này đã được đưa ra trước khi Đại thượng sư giảng về các phàm linh. Vì vậy, bây giờ con thấy tuyến phản ứng đầu tiên thực sự là phàm linh. Nhưng tất nhiên phàm linh được tạo ra từ một khuôn đúc tư tưởng, đó là cái thày Saint Germain gọi là biểu tượng vì nó là chỉ là một biểu tượng. Nó không có thật. Nó chỉ là một khuôn đúc tư tưởng được tạo ra trong tâm. Và nó được tạo ra dựa trên một cái nhìn hạn hẹp, chọn lọc về cuộc đời.

Do đó, con có thể thấy là khi một phàm linh được tạo ra, nó được tạo ra dựa trên một biểu tượng, dựa trên một cách nhìn cá biệt về cuộc đời. Đây là một cách nhìn đời mà con chấp nhận vì một điều gì đó đã xảy ra cho con trên trái đất, hoặc con đã quyết định tạo ra để đối phó với một số tình huống trên trái đất.

17.2. Đối phó với tự tấn công

Thày đã nói gì với con trước đây? Hành tinh này là một hành tinh đen tối với nhiều sa nhân hiện thân và nhiều sinh thể bị kẹt trong tâm thức sa ngã. Họ chỉ có thể thấy mình như sinh thể tách biệt, họ chỉ có thể thấy mình đối lập với người khác, ganh đua với người khác, luôn tìm cách nâng mình lên bằng cách hạ người khác xuống. Khi con biểu lộ bất cứ tính sáng tạo nào, bất cứ tính tâm linh nào, họ cảm thấy bị đe dọa và do đó họ muốn miệt thị con. Đó là lý do vì sao, ngay từ lúc con hiện thân ở đây và dám biểu lộ động lực sáng tạo của mình, con đã bị chế giễu, miệt thị và tấn công qua nhiều cách: thể chất, tình cảm, tư tưởng và thậm chí ở tầng bản sắc.

Con đã làm gì, khi con là một dòng sống mới đến đây với những ý định tốt đẹp nhất và cảm thấy mình như một đứa trẻ ngây thơ, rồi con đã bị tấn công dữ dội bởi những người lớn này. Họ chỉ có một mong muốn là miệt thị, khóa miệng hoặc tiêu diệt con, nếu họ cần tiêu diệt con, để ngăn cản con biểu lộ động lực sáng tạo của con.

Điều con đã làm là con không biết phải hành xử ra sao, và do đó con đã tạo ra một phàm linh để đối phó với tình huống này. Phàm linh này được tạo ra dựa trên ý niệm bản ngã hạn chế mà con có lúc đó. Và do đó, con đã không thể nhìn tình huống một cách rõ ràng bằng Hiện diện TA LÀ của con. Con đã quên rằng con là cái Ta Biết, tức là nhận biết thuần khiết và do đó không cần phải phản ứng với bất cứ chuyện gì xảy ra trên trái đất nhưng có thể cho phép Hiện diện phản ứng.

Con đã tin rằng con phải phản ứng với mọi chuyện xảy ra trên trái đất với mức độ tự nhận biết lúc đó của con. Do đó, con đã phản ứng nhưng vì con không biết phản ứng như thế nào, không muốn phản ứng, và không thấy có cách phản ứng nào xây dựng hay hữu ích, nên con đã tạo ra một phàm linh để phản ứng thay con. Và phàm linh được tạo ra dựa trên mức độ tâm thức, cách nhìn cuộc đời qua cái ta mà con mang lúc đó. Như vậy, trên bản chất nó là một phàm linh hạn hẹp. Nó chỉ có một số ít chọn lựa khi phản ứng lại tình huống.

Một khi phàm linh được tạo ra, nó bị khóa trong khuôn đúc đã tạo ra nó, đã quy định nó. Nó không có khả năng tự nhận biết để thăng vượt khuôn đúc đó, vì vậy nó chỉ có thể tiếp tục phản ứng lại tình huống một cách giản dị theo cùng một khuôn nếp. Nhưng nó có thể đi tới những hình thái ngày càng cực đoan của khuôn nếp, thí dụ nếu khuôn nếp đó là sự tức giận, thì nó có thể ngày càng tức giận nhiều hơn, cho tới khi con gần như lúc nào cũng tức giận, lúc nào cũng sẵn sàng la chửi khi có bất cứ điều gì cản trở hay làm con khó chịu.

17.4. Thấy những phàm linh đang phản ứng thay con 

Khi các học viên đến khóa nhập thất của thày và bị mắc kẹt trong những khuôn đúc này, thì thày có thể – nếu họ đã học qua sáu bước đầu tiên mà thày đã mô tả trong các bài giảng trước – đưa họ đến khóa nhập thất của thày Saint Germain tại Hang Biểu tượng. Nơi đây, các thày có thể chỉ cho học viên thấy trên một màn ảnh là chính các phàm linh đã phản ứng khi họ nhìn sự việc như tấn công cá nhân họ.

Tất nhiên, phản ứng không phải lúc nào cũng là tức giận. Nhiều khi có những cảm xúc khác. Nhiều người tâm linh cảm thấy xấu hổ hay bị chế giễu khi chọ cảm thấy không được người khác chấp nhận. Trước hết, các thày chỉ cho học viên thấy là phản ứng của họ không phải là một phản ứng sáng tạo, một kết quả của lựa chọn. Họ chỉ đơn giản phản ứng một cách tự động, và trong một số trường hợp, họ hoàn toàn rút lui không dùng khả năng tự nhận biết và để phàm linh làm chủ phản ứng của mình.

Các thày chỉ cho họ thấy phàm linh phản ứng ra sao . Các thày chỉ cho họ thấy phàm linh trông như thế nào, thường thì không đẹp đẽ lắm đâu. Sau đó, các thày cho thấy phàm linh phản ứng ra sao, nhưng các thày cũng cho thấy cái gì phóng tới khiến phàm linh phản ứng. Các thày cho thấy cái phóng tới không phải là một phản ứng sáng tạo vì hành động tấn công, chế giễu hay miệt thị không phải là một phản ứng sáng tạo từ người kia.

Người kia cũng đã cho phép một phàm linh làm chủ tâm họ, và do đó chính phàm linh hung hãn này đang tấn công con. Và nay con phản ứng lại nó với một phàm linh hung hãn của chính mình hay với một phàm linh thụ động quy phục sự tấn công. Phàm linh thụ động tìm cách giải quyết bằng cách giữ nó trong tâm, đưa đến tự trách mình, hay cảm thấy mình ngu ngốc, cảm thấy bị chế giễu, xấu hổ hoặc giận mình tại sao không tự vệ hay tấn công lại.

Con thấy chăng, khi con tới khóa nhập thất của thày Saint Germain và nhìn lên màn ảnh, con thấy là phản ứng của con là một phàm linh, nhưng tấn công cũng là một phàm linh. Như vậy, có một phàm linh tấn công con và có một phàm linh khác phản ứng lại cuộc tấn công. Khi con đã học qua sáu cấp của khóa nhập thất của thày, thì thường con sẵn sàng nhận ra thật là vô nghĩa nếu con cho phép cuộc đời mình và sự chú ý của mình bị tiêu hao trong những cuộc phàm linh tấn công và tự vệ chống lại sự tấn công của phàm linh khác. Con nhận ra điều này tiêu hao cuộc đời và sự chú ý của con, và con quyết tâm nói rằng; “Ngưng lại! Tôi sẽ không cho phép phàm linh tước đi tự do của tôi.”

Và tất nhiên, con có thể tiến thêm bước nữa và nhìn vào phàm linh đang điều khiển đời mình – là phàm linh chính mà con cho phép làm chủ phản ứng của mình trước hoàn cảnh sống đang bận tâm con. Con nhận ra rằng cách duy nhất để thực sự thoát khỏi phàm linh là con phải lấy quyết định không cho phàm linh này kiểm soát phản ứng của mình trước loại tình huống này nữa. Vì con thực sự sẵn sàng sử dụng uy lực và ý chí của mình để lấy quyết định sáng tạo về cách phản ứng trước những tình huống này.

17.5. Lấy quyết định sáng tạo

Thày muốn nói gì khi nói tới quyết định sáng tạo? Đó là khi con có tự do phản ứng theo cách mà con chưa từng làm trước đó. Con tự do phản ứng theo cách con muốn phản ứng, không để một phàm linh nào làm chủ phản ứng của con. Con sẵn sàng quyết định và nói: “Vâng, tôi thấy là tôi đã tạo ra một phàm linh. Tôi thấy rằng trong quá khứ tôi đã phản ứng nhiều lần theo cách này trong tình huống như thế. Nhưng tại sao bây giờ tôi lại bị ràng buộc bởi cách mà tôi phản ứng trong quá khứ? Đây không phải là tự do quyết định. Tôi không dùng sức mạnh ý chí của mình khi tôi cho phép một phàm linh làm chủ phản ứng của tôi bởi vì tôi không muốn lựa chọn. Vậy bây giờ, tôi lấy lại sức mạnh ý chí của mình, và tôi sẵn sàng lựa chọn. Vì tôi nhận ra phàm linh mà tôi tạo ra nhiều kiếp trước đây, đã được tạo ra với trạng thái tâm thức của tôi vào lúc đó, ý niệm bản ngã của tôi vào lúc đó. Nhưng tôi đã tăng triển. Tôi đã mở rộng ý niệm bản ngã của mình. Vì vậy, tôi có khả năng và ý muốn phản ứng một cách chín chắn hơn, có ý thức hơn và có nhận biết nhiều hơn so với trước đây.

Con có thấy chăng? Tự do có thể bị mất nếu không chịu lấy quyết định. Nhưng không thể có tự do nếu không chịu lấy những quyết định có ý thức, có chủ tâm và có cân nhắc. Con có thể nghĩ tự do là cái gì đó thụ động, là trạng thái không có gì bên ngoài cản trở con. Nhưng đây không phải là tự do.

Tự do là một lực tích cực. Phải có uy lực mới có tự do, và uy lực chỉ có thể phát huy qua ý chí. Con không thể có tự do bằng cách thụ động và hy vọng không ai tấn công mình. Vì điều đó sẽ không xảy ra trên trái đất này, ít nhất là trong tương lai gần. Vẫn còn quá nhiều dòng sống có tâm thức sa ngã đang hiện thân trên trái đất, và họ sẽ tấn công con. Cuộc sống của họ bị các phàm linh làm chủ, và các phàm linh này được tạo ra bởi một khuôn đúc hung hãn và tấn công. Hiện nay họ không thể sống cách nào khác.

Khi con nhận ra các điều này, con bắt đầu ngưng cá nhân hóa cuộc đời mình. Vì con nhận ra rằng những người đang tấn công hay chế giễu con không thực sự chế giễu cá nhân con. Thậm chí họ còn không thấy con, vì họ chỉ thấy con qua phin lọc của phàm linh đang khống chế tâm thức họ. Phàm linh này nhìn sự việc qua khuôn đúc đã quy định nó. Thật ra điều phàm linh thấy là thấy cái khuôn đúc. Nó không nhìn thấy con thực sự là ai. Nó không có khả năng nhìn thấy con thực sự là ai. Nó chỉ đơn giản nhìn thấy mô thức được tạo ra trong tâm nó khi nó gặp con, trường năng lượng của con, hay phàm linh đang làm chủ cuộc đời con.

Con thấy chăng, phàm linh trong người kia không nhìn thấy con. Người kia không có ý thức, không có nhận biết. Không ai có thể tấn công, chế giễu hay miệt thị con nếu họ hoàn toàn nhận biết họ là một sinh thể tâm linh. Vì lúc đó, họ cũng sẽ nhận biết rằng con là một sinh thể tâm linh. Và tại sao một sinh thể tâm linh lại đi miệt thị một sinh thể tâm linh khác? Nhưng một phàm linh thì sẵn sàng miệt thị một phàm linh khác hay một sinh thể tâm linh khác. Người kia không thấy con là một sinh thể tâm linh, họ chỉ thấy một ảo ảnh được tạo ra trong tâm họ khi phin lọc nhận thức của họ tiếp xúc với con.

17.6. Ngưng cá nhân hóa cuộc đời mình

Khi con biết điều này – khi con bắt đầu nhận ra điều này, khi con bắt đầu nhìn thấy nó – con có thể nói: “Nếu họ không tấn công cá nhân tôi, tại sao tôi lại cá nhân hóa chuyện này? Tôi nhận ra nếu có người khác ở trong hoàn cảnh của tôi, họ cũng sẽ tấn công người đó nếu người đó đang làm những gì tôi đang làm. Vì vậy, đòn tấn công này không thực sự nhắm vào cá nhân tôi. Tại sao tôi lại cảm thấy cá nhân mình đang bị tấn công?”

Lúc đó con nhận ra rằng con, cái Ta Biết – nhận biết thuần khiết – không cảm thấy cá nhân nó bị tấn công. Chính phàm linh mà xuyên qua đó con nhìn tình huống, đang cảm thấy cá nhân nó bị tấn công. Con có thể nói là cá nhân phàm linh đang bị tấn công bởi một phàm linh khác. Hoặc con có thể nói phàm linh của con được tạo ra để cảm thấy cá nhân nó bị tấn công, và để đối phó với loại tình huống này một cách đặc trưng và cá nhân. Nhưng khi con nhận ra con không phải là phàm linh, con thấy được là con không cần cảm nhận những gì phàm linh cảm nhận. Mặc dù phàm linh coi chuyện này là một tấn công cá nhân, con không cần nhìn giống nó.

Cái “ta” đang phản ứng với tình huống là ai? Nó có phải là cùng cái “ta” đang hỏi câu hỏi này không? Và khi con nhận ra con có khả năng tự hỏi, cái ta nào đang phản ứng với tình huống, thì con nhận ra có một cái ta là cái Ta Biết và có một cái ta chỉ là phàm linh – và cái ta nghĩ nó là phàm linh không có thật. Phàm linh không có thật.

Do đó, con nhận ra con không bị ràng buộc bởi phản ứng của phàm linh. Con không bị ràng buộc bởi khuôn đúc. Con có thể quyết định sáng tạo nhìn vào khuôn đúc, xem nó hạn chế con như thế nào và nói: “Tôi không muốn nhìn tình huống qua khuôn đúc này. Tôi muốn nhìn nó một cách sáng tạo hơn. Tôi muốn có tự do nhìn tình huống với tầm nhìn cao hơn và do đó phản ứng từ tầm nhìn cao hơn.”

Đây là lúc con bắt đầu đạt được tự do, tự do ý chí, tự do biểu lộ uy lực của mình. Vì các phàm linh con tạo ra đang làm gì? Chúng đang hạn chế uy lực của con. Chúng nói rằng con không thể phản ứng với tình huống một cách sáng tạo, con phải phản ứng y như những lần trước bởi vì con phải phản ứng qua phàm linh. Con không biểu hiện quyền năng sáng tạo của mình nếu con để phàm linh phản ứng. Con càng tạo ra nhiều phàm linh, con càng hạn chế uy lực sáng tạo từ Hiện diện TA LÀ chảy qua con. Hiện diện TA LÀ làm điều này như một hồng ân cho con, để con không củng cố phàm linh hơn nữa, không để chúng hoàn toàn làm chủ cuộc đời con.

17.7. Đánh mất sự ngây thơ của mình 

Tất nhiên, những phàm linh đang tấn công con không phải là phàm linh sáng tạo. Chúng được tạo ra bởi sa nhân lúc ban đầu để ngăn cản con biểu hiện quyền năng sáng tạo của con. Sa nhân có kinh nghiệm là nếu họ tấn công những người ngây thơ thiêng liêng một cách tàn ác và bất công, thì một tỷ lệ nào đó – đúng thực là một tỷ lệ cao – sẽ bị chấn thương, bị chấn động đến độ bị lừa và đánh mất sự ngây thơ của mình, vì nghĩ rằng phải phản ứng lại đòn tấn công với một tầng mức tâm thức tương tự như tâm thức của kẻ tấn công. Vì vậy, họ nghĩ rằng họ phải tạo ra phàm linh với cùng tầng mức tâm thức để phản ứng lại những phàm linh đang tấn công.

Sư vận hành này rất tinh vi. Khi con đang ở trong tình trạng thơ ngây, con không thể nào đẩy ngược một đòn tấn công có tầng mức tâm thức thấp. Con chỉ có thể đẩy ngược một đòn tấn công bằng cách vô hiệu hóa hay chặn nó với năng lượng ở một tầng tương đương hay thấp hơn. Hành động lúc nào cũng tạo ra phản ứng. Đây là quy luật của một bầu cõi chưa thăng thiên. Và đó là lý do vì sao con dễ rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng khi có một hành động tấn công con ở một tầng rung động nào đó, con phải chống lại nó bằng một phản ứng có cùng độ rung và cùng tầng tâm thức. Và đây là nguyên nhân khiến con mất đi sự ngây thơ thiêng liêng của mình.

Vậy thày muốn nói gì đây? Phải chăng thày muốn nói, để giữ sự ngây thơ, con phải cho phép sa nhân liên tục tấn công con? Đó quả thực là điều thày muốn nói. Vì đâu có sao đâu nếu họ tấn công con và con giữ mình trong suốt để cú đánh đi xuyên qua con? Sự ngây thơ tối hậu là sự trong suốt, khi ấy bất cứ gì họ phóng tới con với tâm thức sa ngã sẽ đi xuyên qua con, bởi vì trong con không có cái gì có cùng tần số rung động cho nó tương tác.

Vì vậy thực tế sâu sắc là tà lực, sa nhân không thể buộc con phản ứng lại chúng. Chính con đã chọn lựa phản ứng ở cùng tầng cấp tâm thức. Chúng rất không ngoan lừa con nghĩ rằng phản ứng ở tầng đó cần thiết và chính đáng. Giống như chúng đã dụ những người tốt thuộc Cơ đốc giáo tham gia thánh chiến, nghĩ rằng giết đàn ông, phụ nữ và trẻ em theo đạo Hồi để giải phóng Jerusalem là điều chính đáng. Trong khi sự thực là các cuộc thánh chiến chỉ là một cuộc xung đột lớn do sa nhân và tà lực tạo ra để nuôi dưỡng phàm linh và ngăn cản con người không biểu hiện được quả vị Ki-tô bằng cách kéo họ vào một cuộc xung đột bất tận.

Con không có tự do khi con bị kéo vào chuỗi hành động-phản ứng tiếp diễn mãi mãi. Khi con đến cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày, thày tìm cách giúp con thấy điều này. Một số sẽ không thấy được, và họ phải rời khóa nhập thất và quay trở lại Trường đời Cay đắng. Một số khác sợ hãi đến độ phải trở lại quán cháo từ thiện một thời gian và nhận sự chữa lành.

Một số khác nhìn thoáng thấy những phàm linh mà họ đã tạo ra và chuyện này tạo ra một vết sẹo. Khi nhìn thấy phàm linh của mình, họ phản ứng mạnh đến độ họ tạo ra một phàm linh mới. Lúc đó, họ quay trở lại tầng đầu tiên của khóa nhập thất của thày và học trở lại từ đầu, vừa học vừa nhận sự chữa lành. Hoặc họ đi đến khóa nhập thất của một trong các Thượng sư khác, nơi họ có thể nhận sự chữa lành hoặc tình thương hoặc bất cứ điều gì họ cần, cho đến khi họ sẵn sàng trở lại cấp thứ bảy. Lúc ấy họ có thể bình tĩnh nhìn vào phàm linh đang kìm hãm họ ở tầng tâm thức này và nói: “Ngươi lừa ta đủ rồi. Ngươi sẽ không kiểm soát cuộc đời của ta thêm nữa. Ngươi sẽ không kiểm soát phản ứng của ta đối với loại tình huống này nữa, và từ nay ta sẵn sàng quyết định một cách ý thức phải phản ứng như thế nào.”

17.8. Thay đổi các mối quan hệ của con

Con yêu dấu, có nhiều học viên đến khóa nhập thất của thày mà không có ý thức về những gì thày đang nói với con ở đây. Một phần lý do thày nói với con là để giúp con lưu giữ lại một số ký ức ý thức về các khai ngộ này, để con có thể áp dụng chúng dễ hơn trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng thày cũng có thể nói với con là nhiều học viên đã bắt đầu áp dụng những khai ngộ này mà không biết một cách ý thức là chúng từ đâu đến. Và tác dụng của việc đến khóa nhập thất của thày, và đạt được sự khai ngộ ở cấp thứ bảy, là học viên sẽ bắt đầu cố ý thay đổi phản ứng của mình đối với một số tình huống.

Điều này thường xảy ra trong mối quan hệ với một người khác, như cha mẹ, vợ, chồng, bạn bè hay con cái. Cũng có thể là người đồng nghiệp. Con đã gặp khó khăn khi đối xử với họ – có khi suốt nhiều năm hay nhiều chục năm – nhưng nay con chợt nhận ra rằng con không muốn tiếp tục mối quan hệ dựa trên khuôn nếp cũ này nữa.

Con đột nhiên nhận ra rằng người kia sẽ không thay đổi. Vậy nếu muốn quan hệ thay đổi, thì ai là người phải thay đổi? Người đó là con vì con ý thức hơn. Con có nhiều nhận biết hơn. Con sẵn sàng lấy quyết định hơn. Và do đó, con có thể đột nhiên nhìn vào mối quan hệ và nói: “Nếu mối quan hệ này thay đổi, và đó là điều tôi muốn, thì tôi là người phải làm điều gì đó để thay đổi cách nó vận hành. Và điều đó có nghĩa là tôi phải thay đổi phản ứng của tôi và cách tôi đối xử với người kia.”

Con yêu dấu, lúc đó con sẽ thấy rằng khi con quyết định thay đổi một cách cố ý và ý thức cách con đối xử với người kia, thì một trong hai chuyện sẽ xảy ra: hoặc người kia sẽ ngạc nhiên và bắt đầu thay đổi, hoặc, nếu người kia không thay đổi và tiếp tục phản ứng như trước, thì nhiều khi con sẽ thấy con giản dị ngưng mối quan hệ đó và chuyển sang tình trạng không phải đối mặt với loại người này.

Có những trường hợp con có lý do đặc biệt để tiếp tục duy trì mối quan hệ. Đặc biệt là khi đó là quan hệ với con cái, vợ chồng, và tất nhiên cha mẹ. Lúc đó, con sẽ thấy rằng dù người kia không thay đổi, con đã thay đổi nhiều đến độ hành vi người kia không còn làm phiền con nữa vì con không còn coi hành vi này tấn công cá nhân con. Điều này có nghĩa là con tiếp tục có mối quan hệ với người đó, nhưng con sẽ thấy mình rút lui khỏi người đó và chỉ duy trì quan hệ tối thiểu. Nhưng khi con tiếp xúc với họ, con có thể duy trì một phản ứng không cá nhân. Con có thể để người đó nói huyên thuyên như họ đã làm suốt mấy chục năm bởi vì con biết họ bị mắc kẹt trong một khuôn nếp.

Nếu đó là cha mẹ hoặc con cái của con, con thương yêu họ, con chấp nhận họ như họ là, và sau đó con chấp nhận rằng có lẽ họ sẽ không thể thay đổi trong suốt phần còn lại của cuộc đời họ. Và con nhận ra rằng con không có phận sự buộc họ thay đổi, cho dù họ là một người thân thiết với con. Con có thể cho phép mình là mình. Con có thể cho phép người kia là họ bởi vì con chấp nhận Luật Tự quyết.

Con chấp nhận rằng con đã sử dụng quyền tự quyết của mình khi con thay đổi phản ứng của mình. Con sẽ tiếp tục sử dụng quyền tự quyết bằng cách không cho phép bị tâm thức rắn lừa và nghĩ rằng con có trách nhiệm thay đổi người kia. Con cho phép người kia tiếp tục lặp lại những khuôn nếp cũ vì người đó không sẵn sàng sử dụng quyền tự quyết của mình. Nhưng con vẫn sử dụng quyền tự quyết của con bằng cách tiếp tục phản ứng với người kia một cách không cá nhân.

Con không coi cá nhân mình đang bị tấn công. Con duy trì tự do của mình. Và để duy trì phát triển tâm linh của mình, có khi con cần giữ phản ứng không cá nhân với người kia trong một thời gian dài để nó dần dần neo chặt trong bốn thể phàm của con. Và sẽ có một lúc con chứng minh cho chính mình là con có thể đương đầu với người đó, đối phó với người đó, mà không trở lại những khuôn nếp cũ mà con đã lặp đi lặp lại qua nhiều kiếp.

17.9. Không cá nhân hóa và không có nhân tính

Một lần nữa, con không nên dính mắc vào hoàn cảnh bên ngoài và kết quả của hoàn cảnh đó. Đây là một bước cốt yếu để có tự do. Một trong những cách chính mà sa nhân và những người trong tâm thức rắn dùng để cám dỗ con đi vào khuôn nếp hành động-phản ứng, là khiến con tin rằng con phải đạt được một kết quả – một kết quả vật lý – nào đó. Họ thường dùng tư duy cuồng đại cho rằng có một đại nghĩa cao cả đòi hỏi một kết quả nào đó phải được thể hiện.

Con yêu dấu, Adolf Hitler đã làm gì để lừa đối đa số dân Đức và khiến họ tin rằng trong sạch hóa chủng tộc Aryan là điều cốt yếu? Các nhà lãnh đạo cộng sản quốc tế đã làm gì để lừa dối biết bao nhiêu người và khiến họ tin rằng giết và tra tấn người khác để đem lại thiên đàng cộng sản là điều chính đáng?

Con có nghĩ rằng một người tiếp cận tâm linh của mình có thể giết hay tra tấn người khác chăng? Chuyện này không thể làm được. Chuyện này chỉ xảy ra khi người đó cho phép một phàm linh làm chủ phản ứng của mình. Vì sao người đó lại làm vậy? Đó là vì họ tin chắc là một kết quả nào đó hoàn toàn cần thiết để hoàn thành đại nghĩa cuồng đại, và do đó họ cần làm những điều mà họ không thể làm như một con người. Do đó, họ xóa cá nhân tính của họ bằng cách để một phàm linh làm chủ phản ứng và hành động của họ. Do đó, họ có thể tách cá nhân họ khỏi hành động, như vậy họ không thấy là họ đang tra tấn hay giết một con người. Họ nghĩ, vì lý do nào đó, người bị giết hay bị xô đẩy vào buồng hơi ngạt là một loài thấp hơn con người, một loài không phải là người.

Các con thấy chăng, điều thày muốn nói là con cần không cá nhân hóa cuộc đời mình. Nhưng quan niệm không cá nhân hóa có thể đi quá đà và trở thành từ bỏ nhân tính của mình và của người khác. Con cần nhận ra là phản ứng cá nhân – khi con xem cá nhân mình bị tấn công – và phản ứng vô nhân – khi con nghĩ người khác không phải là con người – đều là phản ứng của phàm linh.

Khi con bắt đầu nhận ra điều này thì con bắt đầu thực sự giải thoát mình khỏi khuôn nếp hành động-phản ứng. Con thoát khỏi sự lừa dối của sa nhân, và phản ứng chống lại hai loại sa nhân: sa nhân tấn công bằng vũ lực trắng trợn, và sa nhân tấn công con bằng lừa dối. Với loại thứ hai, con không biết mình đang bị tấn công và bị ép vào một khuôn nếp.

Khi con tới cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày, thì con đã ở tầng tâm thức nơi con có khả năng dùng lý luận để thấy cách quyền lực bị lạm dụng. Con nhận ra cách khiến con người lạm dụng quyền lực là cá nhân hóa mọi việc xảy ra cho mình đồng thời lại từ bỏ nhân tính trong cách mình đối xử với người khác. Thí dụ, người Đức trong Thế chiến thứ Hai coi những điều mà họ nghĩ người Do Thái làm cho họ và cho nước Đức là tấn công cá nhân họ. Đồng thời, họ coi người Do Thái không phải là người để nghĩ rằng họ không đang giết người khi họ giết người Do Thái.

17.10. Thái cực nhị nguyên

Con có thấy phản ứng này chăng? Trong tâm thức nhị nguyên, lúc nào cũng có hai đối cực. Và đó là lý do vì sao con có cả hai khi con bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên. Con bị hoàn toàn mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên khi con cá nhân hóa phản ứng của mình đối với những gì con nghĩ người khác đang làm, nhưng con không cá nhân hóa hành động của con đối với họ. Vì con nghĩ họ không có quyền coi hành động của con là tấn công cá nhân họ. Vì họ là người xấu.

Do đó, con không nhận ra rằng khi con bạo tàn với họ, con cũng sai y như họ. Khi con nhận ra điều này, con có thể dùng lý luận cao để thoát khỏi phản ứng, và con bất thần ngộ ra: “Tôi không thể buộc tội họ dùng bạo lực đối với tôi trong khi chính tôi cũng đang dùng bạo lực đối với họ. Đây là đạo đức giả.”

Đây là lúc khả năng lý luận có thể giúp con thoát khỏi khuôn nếp phản ứng này. Nhưng con không làm được điều này khi con còn nhìn tình huống xuyên qua phàm linh vì phàm linh không thể lý luận xa hơn khuôn đúc của nó. Phàm linh không có ý thức cá nhân và nhiều phàm linh được tạo ra từ một khuôn đúc coi một nhóm người không có nhân tính. Phàm linh không thể phá vỡ khuôn đúc. Chúng không thể nghĩ một cách sáng tạo.

Vì vậy, khi con còn hoàn toàn đồng hóa mình với phàm linh và nhìn tình huống qua chúng, con không thể nhận ra mình đang đạo đức giả. Ví dụ, con không nhận ra rằng con đang tự xưng là một tín đồ Cơ đốc tốt trong khi việc giết phụ nữ và trẻ em Hồi giáo hoàn toàn đi ngược lại các điều răn của Ki-tô.

Bây giờ con – khi con cảm nhận tâm linh của mình – có thể thấy điều này. Nhưng khi con từ bỏ nhân tính của mình khi cho phép các phàm linh làm chủ cuộc đời mình, thì con không thể thấy điều này. Vì thực sự lúc đó con không còn là một sinh thể tâm linh nữa. Con đã trở thành một người phàm phản ứng với nỗi sợ bị người phàm khác đe dọa.

Chỉ khi nào con chợt nhận ra nhân tính cao của mình – tâm linh của mình – con mới bắt thấy mình đang làm gì và lý luận rằng con không thể cho phép mình tự xưng là người tín đồ Cơ đốc tốt, nếu con vi phạm điều răn của Ki-tô. Cũng vậy, con không thể tự xưng mình đang phục vụ một lý tưởng cao, đồng thời giết, tra tấn, miệt thị, chế giễu hay kỳ thị người khác. Vì họ cũng là sinh thể tâm linh, và một sinh thể tâm linh không thể đối xử một cách vô nhân đạo với một sinh thể tâm linh khác. Chuyện này đơn giản không thể có được.

17.11. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của mặc cảm tội lỗi

Đây là điều mà thày Saint Germain và thày muốn con đạt được khi con ở cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày. Các thày không nhằm giúp con hoàn toàn thoát khỏi khuôn nếp hành động-phản ứng, nhưng các thày muốn giúp con nhận ra một cách ý thức phàm linh nào đã khiến con phản ứng một cách vô nhân với người khác và với chính mình. Sau đó, các thày giúp con ý thức kinh nghiệm của mình khi con thấy phàm linh đó, thấy nó không phải là mình, thấy nó không thật, và từ đó quyết định hoàn toàn buông bỏ nó mà không cảm thấy tội lỗi vì đã tạo ra nó.

Đây thường là một thách đố lớn đối với các thày, vì có nhiều học viên nhận ra họ đã đối xử bất nhân với người khác. Và họ khó nhìn nhận điều này mà không bị một phàm linh khác cướp quyền phản ứng của họ. Phàm linh này đã được họ tạo ra từ nhiều kiếp trước. Họ đã nhiều lần nhập vào phàm linh chỉ biết phản ứng với mặc cảm tội lỗi và tự trách vì phàm linh này được tạo ra dựa trên khuôn đúc đó.

Các sa nhân rất thiện nghệ trong việc tạo ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, khi con tạo ra một phàm linh phản ứng vô nhân đạo và một phàm linh khác tự trách mình đã phản ứng vô nhân đạo. Hậu quả là con rất khó nhận ra phàm linh đầu vì con biết rằng phàm sau sẽ chiếm lấy phản ứng của con và khiến con cảm thấy khó chịu đến độ không chịu nổi.

Khi con đến cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày, con đã đi qua sáu cấp kia và đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tình thương từ các thày và các Thượng sư khác nên con đã sẵn sàng nắm lấy tay các thày và nhìn cả hai phàm linh, và thấy rằng sự tự trách không đến từ Thượng đế vì Hiện diện TA LÀ của con không trách cứ con bất cứ điều gì con đã làm trên trái đất này. Nó thấy rằng tất cả đều không thật; vì hành tinh này chỉ là một phần của bãi chơi cát toàn vũ. Vì vậy, không có điều gì trên trái đất này thường hằng, có thật. Và nếu nó không thường hằng và có thật, thì tại sao con phải mang nó theo như một phần của dòng sống mình? Cái gì đang mang nó theo con? Chính là một phàm linh trong tâm con đang mang nó theo.

17.12. Xóa bỏ sử liệu akasha

Đây là lúc các thày đưa con trở lại khóa nhập thất của thày, và con có thể thấy trong kho sử liệu akasha toàn bộ tình huống gồm các quyết định tạo ra phàm linh tự trách và phàm linh giữ con trong khuôn nếp hành động-phản ứng. Lúc đó con có thể dùng động lượng đọc chú của bảy tia sáng – mà lúc đó con đã gầy dựng được, vì nếu không con đã không lên đến được tầng này của khóa nhập thất – để đi vào kho sử liệu akasha. Và bằng cách phóng một tia ánh sáng rất tập trung, chính xác giống như tia sáng la-de, con có thể xóa sử liệu nguyên thủy trong kho sử liệu akasha.

Lúc đó con thấy sự thực rằng khi một điều được xóa khỏi sử liệu akasha, con đã hoàn thành yêu cầu như Thượng đế nói: “Ta sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của họ nữa.” Và đó là lúc con có thể gạt bỏ và thực sự phá tan khuôn đúc tư tưởng đã tạo ra phàm linh, đã giữ tình huống trong thể ký ức của con, và liên tục sử dụng nó để trách móc con đã sai lầm trong quá khứ. Khi con đã thăng vượt tâm thức khiến con lựa chọn như thế trong quá khứ, không còn lý do để con phải ghi nhớ chuyện này trong các thể thấp của mình. Vì thành tựu tích cực của sự thăng vượt tầng mức tâm thức đó bây giờ là một phần của căn thể (causal body) của con.

Con có hiểu chuyện này chăng? Căn thể không lưu trữ ký ức tiêu cực. Nó chỉ lưu trữ thành tựu, bài học tích cực con đã học. Và đó là lúc không còn sử liệu nữa, và đây là kinh nghiệm cuối cùng các thày tìm cách cho con ở cấp thứ bảy của khóa nhập thất. Thày Saint Germain và thày muốn giúp con có cái biết bên trong – kinh nghiệm trực tiếp – biết rằng con có thể hoàn toàn tự do thoát khỏi một tình huống tiêu cực trong quá khứ. Con có thể hoàn toàn thăng vượt cái con nghĩ là một sai lầm và biến nó thành một kinh nghiệm tích cực, một kinh nghiệm hỗ trợ sự sống, hỗ trợ tăng trưởng.

Lúc này một số các con có thể nhận ra, tuy có thể không biết một cách ý thức, là khi con nhìn lại cuộc đời mình, con nhận ra hồi còn thơ ấu, con có một sự lạc quan, một khả năng nhìn đời nhẹ nhàng, một cảm nhận nội tâm rằng không có điều gì thật xấu, không có lỗi lầm nào nặng đến độ con không hàn gắn được. Cảm giác đó không nhất thiết là niềm tin mình đã không làm điều sai lầm, nhưng lỗi lầm nào cũng có thể làm tốt trở lại, thăng vượt, bỏ lại đằng sau.

Con cũng có thể nhận ra rằng con có khuynh hướng tự trách mình, vì nhiều đệ tử tâm linh có ý muốn làm điều tốt rất mạnh, đến độ họ cũng có khuynh hướng trách cứ mình khi họ phạm lỗi. Phản ứng này tất nhiên là của phàm linh, nhưng thày muốn nói tới một sự kiện sâu sắc hơn. Con là cái Ta Biết, và cái Ta Biết kết nối với Hiện diện TA LÀ. Và như vậy, con biết là ở tầng mức của Hiện diện TA LÀ, mọi chuyện trên trái đất đều có thể biến thành một kinh nghiệm tích cực.

17.13. Cuộc sống có thể là một vòng xoáy đi lên

Khi con ý thức hơn về cái biết nội tâm này – tất nhiên, thày đang tìm cách giúp con ý thức nó qua việc dạy con giáo lý vỏ ngoài này – thì lúc đó con có thể ý thức sự kiện cuộc sống trên trái đất – ngay cả trong tình trạng hiện nay của hành tinh này – cuộc sống trên trái đất có thể trở nên một trải nghiệm hoàn toàn tích cực. Con đi từ trải nghiệm học hỏi tích cực này sang trải nghiệm học hỏi tích cực khác và con liên tục thăng vượt chính mình trong một vòng xoáy đi lên. Và thật vậy, buổi lễ tốt nghiệp từ khóa nhập thất của thày, trước khi thày có thể gửi con đến khóa nhập thất của đức Lanto trên Tia thứ Hai, sẽ chỉ diễn ra khi con nắm bắt được điều này, khi con cảm nhận – kinh nghiệm – rằng cuộc sống có thể là một trải nghiệm tích cực.

Điều đó không có nghĩa là con đã xóa sạch tiềm thức của mình, bốn tầng của tâm, khỏi mọi phàm linh và mọi khuôn mẫu quá khứ đang ngăn trở bước tiến của con. Nhưng nó có nghĩa là ở một mức độ nào đó của con người con, con có cái biết nội tâm dựa trên kinh nghiệm rằng cuộc sống có thể tích cực. Và tất nhiên, đó là hy vọng của các thày, bảy Thượng sư và Đại thượng sư, rằng khi con đến tầng 96, con sẽ giữ chặt trong tâm cái biết cuộc sống là một vòng xoáy đi lên. Để sa nhân không thể cám dỗ con rời vòng xoáy đi lên này, để con tiếp tục vượt thăng chính mình. Vì con đã trải nghiệm những cạm bẫy của sa nhân trên bảy tia sáng không thể ngăn cản bước tiến của con, sự tự vượt thăng của con.

Thày cảm thấy một niềm hân hoan rất lớn khi đệ tử đạt trình độ này và tốt nghiệp khóa nhập thất của thày. Và thày có thể mời thày Lanto đến và cầm tay người đệ tử. Và thày đứng nhìn con đi với thày Lanto trên cây cầu ánh sáng từ khu nhập thất của thày đến khu nhập thất của thày Lanto, và thày chỉ giản dị nhìn con bước đi, giống như hình nhân vật chính cưỡi ngựa đi vào ánh chiều tà trong một số cuốn phim. Con cùng với thày Lanto đi vào dòng ánh sáng, và thày đứng lại, đôi khi cảm thấy một giọt nước mắt hạnh phúc khi biết thày đã hoàn thành công việc của mình là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Thày đã dẫn người đệ tử đi xa nhất mà người đệ tử có thể đi được trong khóa nhập thất của thày, và trong niềm thương yêu và hân hoan thày chứng kiến người đệ tử tiến lên tầng kế tiếp.

Vì thày là Thượng sư của khóa nhập thất thứ nhất. Thày biết thày không phải là người đưa đệ tử đi hết con đường dẫn tới thăng thiên. Thày là Thượng sư thứ nhất. Có thể nói thày là người làm công việc nhơ bẩn nhất, vì chắn chắn là khi con đã trải qua khóa nhập thất của thày, con đã được thanh lọc phần nào. Đó là lý do vì sao con sẵn sàng nhận những chỉ dẫn cao hơn đang chờ đợi con tại khóa nhập thất của thày Lanto.

Thày đã chọn là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Thày hoàn toàn an bình với vị trí của mình và những thách thức và khó khăn của nó. Thày hoàn toàn yêu Tia thứ Nhất của uy lực và ý chí. Nhưng thật ra, thày yêu động lực sáng tạo, và không điều gì khiến thày vui bằng việc giúp các dòng sống mở khóa quyền năng sáng tạo của họ, để họ sẵn sàng lấy quyết định sáng tạo thay vì quyết định máy móc. Chúng không thực sự là chọn lựa, mà là không-chọn lựa, điều mà Giê-su gọi là chọn lựa Chết.

Đến đây là đủ cho kỳ truyền đọc này. Thày sẽ trở lại với một vài nhận xét nữa về Tia thứ Nhất, đúng hơn là nhiều hơn một vài nhận xét. Vì còn một số đặc tính của Tia thứ Nhất mà thày muốn đưa ra dưới một dạng mà các con có thể nghiên cứu ở tầng vật lý, ở mức nhận biết ý thức. Thày là chân sư MORE và thày mãi mãi HƠN NỮA.

Uy lực và an bình

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Hôm nay thày đến đây để cho các con bài giảng kế tiếp trong bộ này để giúp con lĩnh hội – không phải chỉ hiểu bằng lý trí – và trải nghiệm sự rung động và các đức tính của Tia thứ Nhất.

Dĩ nhiên một đức tính cơ bản của Tia thứ Nhất là uy lực. Nhưng khi thày nói tới uy lực, nhiều đệ tử tức khắc liên tưởng tới quyền lực trên trái đất. Vậy con hãy để thày góp ý thế nào là uy lực thực sự. Khi con nhìn vào trái đất, đặc biệt là lịch sử, con thấy có những người có quyền lực vật lý lớn trên người khác. Do đó, con có thể có một tiêu chuẩn là những người có quyền lực độc đoán như vậy là người có uy lực. Tuy nhiên, xét theo định nghĩa bất nhị, thì những người này không có uy lực chút nào.

Các con yêu dấu, nếu con muốn có một hình ảnh so sánh thì con có thể nhìn vào một tổ kiến. Chắc con cũng biết là tổ kiến có tổ chức rất thứ bậc. Có một con kiến chúa trên đỉnh của tháp quyền lực, có kiến khác là chiến sĩ, và đa số là kiến thợ không thực sự có ý chí riêng biệt và ý muốn riêng biệt. Con có thể cho là kiến chúa có nhiều quyền lực trong tổ kiến. Nhưng con là một con người, con có thể lấy một cái xẻng và chỉ vài phút sau đập nát tổ kiến khiến không thể xây dựng lại như trước.

15.1. Uy lực thực sự là gì?

Khi con tiến lên tầm nhìn của chân sư thăng thiên, thì con thấy những người được coi là quyền uy nhất trên trái đất không khác gì con kiến chúa trong tổ kiến, và quyền lực của họ không ra gì so với uy lực của các Elohim, hay khi so sánh với uy lực hiện diện trên các hành tinh không có những biểu hiện thấp như trên trái đất. Có những hành tinh trong vũ trụ vật chất nơi có những người đã phát triển uy lực của tâm đến mức, nếu họ xuất hiện trên trái đất, họ chỉ cần xua tay là có thể tiêu diệt đội quân hùng mạnh nhất từ xưa tới nay. Do đó, con thấy điều mà con người gọi là uy lực không phải là uy lực thực sự. Nó chỉ là uy lực trong một bối cảnh nào đó, vì như con cũng biết – qua thuyết tương đối nổi danh của Einstein – tất cả đều tương đối, ít nhất là trong vũ trụ vật chất.

Quyền uy trên người khác trong tổ kiến trái đất có phải là uy lực thực sự chăng? Không phải đâu con. Như thày hay nói, nếu vị thày tâm linh là một con kiến thì con hãy nghe nó. Vậy con hãy học từ thí dụ tổ kiến là quyền lực trên thế giới vật chất không ra gì khi so sánh với quyền năng sáng tạo của Thượng đế.

Dĩ nhiên, điều thày muốn giảng qua lời chỉ dẫn này là cho con thấy mục đích của con Đường Bảy bức Màn là giúp con mở khóa quyền năng thật của con, quyền năng sáng tạo đến từ Hiện diện TA LÀ của con. Hiện diện của con khao khát cho quyền năng này tuôn chảy xuyên qua con khi con trở thành cánh cửa mở.

Mục đích của con Đường Bảy bức Màn không phải là nâng mình lên để có quyền uy theo tiêu chuẩn đánh giá của người phàm, mà là để con trở thành cánh cửa mở cho quyền uy của Thượng đế. Nhưng con có thấy chăng, quyền uy của Thượng đế muốn biểu lộ trên trái đất, nhưng nó sẽ không biểu hiện theo kỳ vọng và tiêu chuẩn con người. Đó là lý do vì sao khi con còn ôm chặt những kỳ vọng và tiêu chuẩn, tâm của con sẽ là cánh cửa đóng. Trong tiềm thức, con đặt điều kiện bắt quyền năng sáng tạo của Thượng đế phải biểu hiện qua con như thế nào, và như thế các van trên luân xa của con sẽ khép lại và quyền năng Thượng đế sẽ không chảy qua được. Vì đương nhiên là uy lực Thượng đế, tuy toàn năng, sẽ không vi phạm quyền tự quyết.

15.2. Mơ ước có quyền năng đặc biệt

Các con hãy để thày nói về một vấn đề mà thày hay cần giải quyết ở khóa nhâp thất của thày, đó là có nhiều đệ tử mơ ước có quyền năng đặc biệt. Không nhất thiết là quyền năng vật lý, nhưng là quyền năng tâm linh hay tâm lý. Rất nhiều đệ tử mơ ước trổ tài làm phép lạ để thuyết phục mọi người về thực tại của cõi tâm linh và con đường tâm linh, hay giá trị của giáo lý, hay của vị thày tâm linh, và ngay cả sự hiện hữu của chân sư thăng thiên. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên mơ ước có ngày các chân sư thăng thiên xuất hiện như một biểu hiện vật lý không thể phủ nhận, để mọi người thấy là các thày có thật, và như vậy các đệ tử là người đã sớm nhận ra các thày đã đúng ngay từ đầu.

Con yêu dấu, hầu hết những mơ ước và mong chờ này đều xuất phát từ tự ngã, và các nhà tâm lý gọi chúng là “ảo tưởng vĩ đại”, mơ ước mình bất thần thay đổi giống như trong các truyện thần thoại “nhà nghèo thành phú ông”. Con bất thần thay đổi nhờ một phép lạ nào đó, và nay mọi người coi con là một người đặc biệt, cao cả. Con yêu dấu, các thày không hành xử như vậy với đệ tử. Các thày không mong muốn nâng đệ tử lên một địa vị cao cả, theo định nghĩa của tiêu chuẩn thế gian về uy lực và khả năng đặc biệt. Các thày mong muốn đệ tử là cánh cửa mở cho uy lực thật sự. Nhưng uy lực thật sự không giống điều con chờ đợi dựa trên tiêu chuẩn thế gian. Vậy bây giờ thày muốn dẫn con đi một cuộc hành trình tìm về nguồn gốc của ước mơ này, ảo tưởng vĩ đại này.

Thành thật mà nói thì đa số những người tâm linh hay ngoan đạo trên trái đất có những ảo tưởng vĩ đại như vậy, và những người không tâm linh và không ngoan đạo cũng vậy. Con hãy nhìn trường hợp Liên Xô và thấy có bao nhiêu người mơ ước giấc mơ thống trị và vượt trội toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản. Con hãy nhìn trường hợp Đức Quốc xã và thấy bao nhiêu người mơ ước giấc mơ chủng tộc Aryan vượt trội mọi sắc tộc và nước Đức cai trị toàn cầu. Và con hãy nhìn biết bao người tâm linh và Thời đại Mới mơ ước vị thày tâm linh của mình được nhìn nhận như người duy nhất sẽ cứu rỗi nhân loại. Hay con hãy nhìn biết bao nhiêu người ngoan đạo mơ ước tôn giáo, giáo hội hay giáo phái của mình được coi là cao cả nhất.  Biết bao nhiêu người Cơ đốc giáo tin rằng Giê-su sẽ trở lại và minh chứng giáo phái của họ là giáo phái thật duy nhất của đấng Ki-tô. Ôi, đều là ảo tưởng vĩ đại, các con yêu dấu.

Các con đã qua những tầng đầu ở khóa nhập thất của thày, bây giờ các con tới tầng thứ sáu là nơi Tia thứ Nhất phối hợp với Tia thứ Sáu. Các con cần xem xét các ảo tưởng vĩ đại và tự hỏi chúng từ đâu tới.

15.3. Cảm thấy bất lực

Thày có giảng là khi các con đầu thai lần đầu xuống trái đất, con bị các sa nhân cố ý ruồng bỏ một cách ác độc. Họ làm tất cả những gì họ có thể làm để miệt thị khả năng sáng tạo của con, để khiến con dập tắt các khả năng này. Và hậu quả của việc này là gì? Khi con dập tắt khả năng sáng tạo và quy phục tiêu chuẩn, hay quyền lực vật lý, của sa nhân, thì con cảm thấy thế nào? Con cảm thấy bất lực. Con cảm thấy mình chỉ là một cá nhân và không thể đương đầu nổi cơ cấu quyền lực của sa nhân.

Làm sao một cá nhân có thể đương đầu nổi cơ cấu quyền lực của Liên Xô, Đức Quốc xã, hay các đế quốc trong quá khứ? Con thấy chăng, cảm giác bất lực đã tới như song sinh của cảm giác bị ruồng bỏ. Sau đó, sau nhiều kiếp cảm thấy bất lực, con nảy sinh ước muốn có một quyền lực thần kỳ từ ngoài đến và cải sửa mọi chuyện cho hoàn mỹ. Và đây là nguyên nhân sâu xa của ảo tưởng vĩ đại.

Các sa nhân dĩ nhiên đã rất khôn khéo móc nối với cảm xúc này và tạo ra ảo tưởng một cứu tinh bên ngoài. Con thấy điều này rất rõ nơi Cơ đốc giáo. Giê-su đến để chứng minh, qua hành động của thày, quyền năng mà tất cả mọi người đều có khi họ để uy lực của Thượng đế chảy xuyên qua họ. Đó là lý do vì sao thày nói những ai tin thày – hay đúng hơn là những ai dám chứng tỏ tầng tâm thức mà thày biểu lộ – sẽ làm được công việc mà thày làm. Nhưng đã có bao nhiêu người dám làm chuyện này? Không có ai, vì họ đã bị sa nhân lừa dối và ép buộc nhìn Giê-su như một ngoại lệ thay vì một tấm gương. Và nay họ chờ Giê-su trở lại và cải sửa mọi chuyện cho hoàn mỹ, nhưng họ không biết rằng Giê-su, vì tôn trọng Luật Tự quyết, đang ngồi trên thiên đàng chờ họ noi theo gương thày và để uy lực của Thượng đế chảy xuyên qua họ.

Tái lâm của Ki-tô không phải là Giê-su trở lại thế gian trong một biểu hiện không thể phủ nhận, mà là hàng chục ngàn hàng triệu người bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô cá nhân của họ. Đó là ý nghĩa thật của tái lâm của Ki-tô. Đó là Ki-tô tái lâm trong con, như các thày đã giảng trong nhiều quyển sách.

Con có thể làm gì để vượt qua cảm giác bất lực này? Con có thể cảm thấy điều thày sắp nói mâu thuẫn, nhưng thực ra chỉ có một cách duy nhất để vượt qua cảm giác bất lực là kết hợp Tia thứ nhất và Tia thứ sáu để tâm hoàn toàn bình an với sự bất lực. Trong quá khứ tâm con không bình an với điều này. Con cảm thấy cảm giác bất lực khi mình chạm trán sa nhân và những lạm dụng quyền lực trắng trợn của họ, là một điều không phải, không công bằng. Và hậu quả là gì? Hậu quả là con tin một lời dối trá khác của sa nhân. Các thày đã phơi bày sự dối trá này một cách chi tiết trong một quyển sách (Chữa lành Mẹ địa cầu), nhưng thày muốn cho con một tóm lược trong bài giảng này.

15.4. Không có gì sai lầm cả

Bản chất của lời dối trá này là sa nhân đã phóng chiếu ảo tưởng là kế hoạch vận hành vũ trụ của Thượng đế có điều gì không ổn. Cách Thượng đế thiết kế vũ trụ có sai lầm. Thượng đế đã sai lầm khi cho con và các sinh thể tự nhận biết quyền tự quyết, vì quyền này cho con người cơ hội đi vào tâm thức nhị nguyên và bị lạc đường. Sa nhân phóng chiếu là Thượng đế đã sai lầm.

Nhưng, như các thày đã giảng, thực sự là cách duy nhất giúp con gia tăng tự nhận biết là có quyền tự quyết hoàn toàn. Cách duy nhất để con trở thành Thượng đế, là mục tiêu của cuộc sống, là con có quyền tự quyết, sử dụng nó, và nhận ra quyền tự quyết luôn luôn tự do vì lúc nào con cũng có thể xóa bỏ một quyết định cũ bằng một quyết định mới. Con không bao giờ có một lựa chọn có thể lấy đi quyền thay đổi lựa chọn đó. Nhưng sa nhân đã phóng chiếu là có điều gì không ổn, và giờ đây có một tà lực có khả năng lật đổ quyền uy của Thượng đế trong vũ trụ. Như các thày đã giảng trong quyển sách Chữa lành Mẹ Địa cầu, có hai loại sa nhân: một loại dùng lừa dối, và do đó ít khi bị lộ diện, và loại kia dùng bạo lực và lạm dụng quyền lực.

Con bây giờ vào thế trên đe dưới búa, bị tấn công bởi sa nhân lạm dụng quyền lực vật lý và sa nhân thày rắn, thày giả, lan truyền ảo tưởng rằng có cái gì không ổn – nhưng con sẽ là người chỉnh sửa. Con sẽ làm điều mà Thượng đế chính Ngài không làm được, và do đó con phải tham gia trận chiến cuồng đại giữa thiện và ác. Và do đó con phải tìm cách có tối đa quyền lực, hoặc hỗ trợ quyền lực cho các sa nhân đang tìm cách chỉnh sửa vấn đề.

Con yêu dấu, nhiều người dân Liên Xô không sùng đạo, nhưng họ thực sự đã tin vào một giáo điều cốt lõi của thuyết Mác-xít là chuyên chính vô sản, là giấc mơ không tưởng của khuynh hướng cộng sản-xã hội cho rằng con, đám đông bất lực, phải chỉnh sửa vấn đề bằng cách ủng hộ cách mạng cộng sản.

Dĩ nhiên là cách mạng cộng sản do một nhóm nhỏ thượng lưu quyền lực lãnh đạo, và họ không bao giờ có ý định trao quyền cho giai cấp vô sản. Họ luôn luôn muốn giữ đặc quyền của giới thượng lưu, như con đã thấy tại Liên Xô, khi họ dành quyền giết tất cả những người mà họ nghĩ đang đe dọa địa vị của họ. Thực sự là qua các vụ giết chóc này, họ đã dùng năng lượng – năng lượng sống chảy ra từ các vụ tra tấn và giết chóc – để củng cố quyền lực của họ, và của những quỷ dữ nấp sau lưng họ và cho họ quyền lực vỏ ngoài.

15.5. Đấu tranh cuồng đại 

Điều thày muốn nói giản dị là: có nhiều hình thức của trận chiến, cuộc đấu tranh cuồng đại này. Con thấy nó trong đa số tôn giáo. Con thấy nó trong nhiều giáo lý Thời đại Mới. Con thấy nó ngay cả trong một số giáo lý mà các thày đã trao truyền trong thế kỷ vừa qua, vì các thày bắt buộc phải dạy một số giáo lý nhằm giúp một số người lên tầng tâm thức cao hơn. Đó là lý do các thày trước đây đã không thể trực diện thách đố tư duy cuồng đại, vì con người không thể chấp nhận ở tầng tâm thức lúc đó.

Nhưng khi con đã học qua năm tầng đầu ở khóa nhập thất của thày thì con đã sẵn sàng dùng khả năng lý luận để xem xét trận chiến cuồng đại và tư duy cuồng đại đằng sau nó. Dĩ nhiên là thày sẽ giúp con làm việc này, nhưng con cũng sẽ được chân sư Nada chỉ dẫn. Thày Nada sẽ tới khóa nhập thất của thày hoặc con sẽ đi qua khóa nhập thất của thày Nada bên trên Ả Rập Xê-út. Các thày sẽ giúp các đệ tử đã sẵn sàng xem xét tư duy cuồng đại đó. Điều đầu tiên con cần là hiểu sự khác biệt giữa uy lực thực sự và uy lực tâm linh, như thày có đề cập ở đầu bài. Con có thể nhìn vào cuộc đời Giê-su, chẳng hạn, và thấy là thày có quyền năng siêu nhân – theo định nghĩa hiện nay của con người. Hiển nhiên là nếu thày có quyền năng này, thày có thể dễ dàng tránh bị bắt giữ. Thày có thể, bất cứ lúc nào, thoát khỏi nhà tù hay gọi các thiên thần tới giải cứu thày. Khi thày bị treo trên thập tự, chính thày cũng có nói là thày có thể ra lệnh Đức Cha phái thiên thần tới giải thoát thày.

Vậy tại sao Giê-su không dùng quyền năng này? Tại sao thày lại để bị hành hạ và đóng đinh trên thập tự? Đó là vì uy lực của Thượng đế không biểu hiện trong trống không. Như thày có nói, uy lực của Thượng đế không có mục đích biểu hiện một số điều kiện trên trái đất. Uy lực của Thượng đế tôn trọng một thực tế giản dị: trái đất là một lớp học.

Quy luật tối hậu trên trái đất là Luật Tự Quyết. Uy lực Thượng đế sẽ không xuống trái đất và thay đổi mọi thứ trong xã hội con người, cho dù là để thể hiện viễn quan của Thời đại Hoàng kim. Uy lực của Thượng đế sẽ không áp đặt Thời đại Hoàng kim lên nhân loại, vì nhân loại phải đồng-sáng tạo Thời đại Hoàng kim bằng cách sử dụng khả năng đồng-sáng tạo của mình. Mục đích không phải là biểu hiện Thời đại Hoàng kim theo một thiết kế vật lý vỏ ngoài. Mục đích là giúp con người nâng cao tâm thức. Đó mới là mục đích cao hơn.

Con thấy Giê-su và nhiều vị khác đã đạt được điều ngự tâm linh đã quy phục Luật Tự quyết và làm mọi chuyện cần thiết, mọi chuyện thích hợp hoàn cảnh, để nâng cao tâm thức con người, không phải qua một bước nhảy vĩ đại lên một tầng tối hậu, mà từ tầng hiện tại lên tầng kế tiếp.

Các thày có nói là 2,000 năm trước, Giê-su chỉ truyền giáo lý thích hợp cho tầng tâm thức con người lúc đó. Thày không tới để truyền giáo lý tối hậu, và thày đã không truyền giáo lý tối hậu. Đức Phật 2,500 năm trước đây cũng vậy.  Và ngày nay các thày cũng không truyền giáo lý tối hậu. Các thày chỉ truyền giáo lý đủ để giúp những người sẵn sàng lên tầng tâm thức kế tiếp, nhưng các thày cũng mong là giáo lý sẽ giúp họ có động lượng và hiểu biết, nếu họ tiếp tục trên con đường, để đi đến tận tầng thứ 144.

15.6. Để quyền tự quyết trải bày

Khi con tới điểm nhận chỉ dẫn ở tầng Tia Thứ Sáu của Tia thứ Nhất, bước đầu là con phải nhận ra viễn quan rộng lớn là quyền tự quyết phải được phép trải bày ra. Như một người tâm linh, con có thể thấy một số chuyện trên trái đất không đạt được tiềm năng cao nhất của chúng. Những điều này tạo ra nhiểu đau khổ, bất công. Có nhiều lạm dụng quyền lực. Nhưng con thấy chăng, điều này không có nghĩa là con nên tham gia một trận chiến cuồng đại chống lại những người mà con coi là nguyên nhân của bất công.

Nếu con muốn có một hình ảnh minh họa điều thày đang nói, thì con có thể xem thí dụ của những cuộc nổi dậy trong hai năm vừa qua trong những nước Ả Rập. Các cuộc nổi dậy này được gọi là Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng con cũng thấy là tại các nước Ai Cập, Tunisia, Libya và nay Syria, lật đổ một nhà độc tài không bảo đảm có dân chủ, tiến bộ, hòa bình. Và lý do rất giản dị. Dân chủ và hòa bình chỉ có được khi tâm thức đại chúng được nâng lên tới chỗ bắt đầu vượt thăng tư duy cuồng đại.

Thày không muốn nói là tư duy cuồng dại không thể có mặt trong một nước dân chủ, vì điều này được chứng minh quá rõ ràng bởi nước Hoa Kỳ. Điều thày muốn nói là một quốc gia phải bắt đầu từ bỏ tư duy cuồng đại thì mới có thể thể hiện dân chủ thật sự. Và điều này hiển nhiên chưa xảy ra ở các nước Ả Rập. Phương trình khá giản dị: khi dân một nước lật đổ một nhà độc tài, họ không chứng tỏ là họ đã từ bỏ tư duy cuồng đại. Đó là lý do cuộc bạo động chỉ tạo hoàn cảnh để có thêm xung đột giữa các nhóm người trong nước đó.

Con có thấy điều này ở Hoa Kỳ chăng? Hoa Kỳ có một Hiến chương phần nào được chân sư thăng thiên bảo trợ, dựa trên một số lý tưởng chân chính và bất nhị. Tuy thế, Hoa Kỳ được khai sinh qua một cuộc cách mạng đẫm máu, qua một cuộc chiến hung bạo chống lại Đế quốc Anh, và điều này đã tạo hoàn cảnh cho cuộc Nội Chiến đã gần xé nát dân tộc Mỹ. Chỉ nhờ có một số người lãnh đạo và nhiều người trong dân chúng đã chịu vượt lên trên tư duy cuồng đại mà Hiệp chủng quốc được duy trì và Hoa Kỳ sống sót như một dân tộc dưới Thượng đế.

15.7. Một phân tích sâu sắc về lịch sử

Thày Nada và thày dùng khả năng phóng chiếu sử liệu Akasha lên một màn ảnh để chỉ cho đệ tử một số giai đoạn lịch sử và phân tích sâu sắc những diễn tiến và nguyên do sâu xa. Các thày có thể cho thấy là các thiên thần sa ngã và thày giả đứng đằng sau nhiều diễn biến đó. Các thày cũng cho thấy cách hai nhóm sa nhân – nhóm dùng bạo lực vật lý và nhóm dùng lừa đảo – hoạt động để tạo tình trạng phe nào thắng cũng không quan trọng, vì kết quả vẫn là dân chúng bị đàn áp bởi giới thượng lưu sa nhân. Trong nhiều trường hợp, cuộc tranh chấp chỉ là một cuộc chiến nhị nguyên giữa hai nhóm sa nhân, và kết quả ra sao thì sa nhân vẫn nắm quyền, như con có thể thấy trong cuộc Cách mạng Pháp, Cách mạng Bôn sê víc, và nhiều thí dụ khác.

Khi người đệ tử thấy điều này, họ bắt đầu nhận ra là họ không mong có quyền lực vật lý cho họ khả năng bước vào một hoàn cảnh và thay đổi nó tức khắc. Họ nhận ra rằng nếu họ bước vào một hoàn cảnh và sử dụng quyền năng tâm linh, thì quyền năng tâm linh sẽ hỗ trợ – và do đó cho thêm sức mạnh – một phe sa nhân. Dĩ nhiên, đây là một lạm dụng và tha hóa trầm trọng quyền năng tâm linh. Dĩ nhiên các đệ tử đã tới tầng này của khóa nhập thất của thày không muốn dùng quyền năng tâm linh để hỗ trợ sa nhân đang chống lại mục tiêu của Thượng đế.

Lúc đó người đệ tử nhận ra việc có quyền năng tâm linh lớn trong khi vẫn còn viễn quan giới hạn là một điều rất nguy hiểm cho họ. Vì nếu họ có quyền năng đó, viễn quan giới hạn sẽ khiến họ lạm dụng quyền lực, và như thế cho sa nhân thêm rất nhiều năng lượng tâm linh, giúp chúng kiềm tỏa con người hơn nữa.

Khi người đệ tử thấy điều này, họ nhận ra họ thực sự cần xây dựng một viễn quan cao hơn. Thày Nada rất thiện nghệ trong việc giảng và chỉ cho người đệ tử thấy là chìa khóa để có viễn quan cao hơn, chìa khóa để tăng trưởng khả năng phụng sự với tâm thức Ki-tô, là trước tiên đạt được sự bình an nội tâm. Và điều này đạt được bằng cách xem xét Luật Tự Quyết và cách nó trải bày, và vì sao phải cho phép nó trải bày.

Con có thể nhìn lịch sử trái đất và thấy rằng dân chúng đã bị áp bức bởi một thiểu số thượng lưu, tình trạng này vẫn xảy ra ở một số nơi hiện nay. Dân chúng bị nghèo đói, không được công lý của tòa án, sống dưới chế độ độc tài quân phiệt có thể làm bất cứ điều gì mà không phải tội, hay các hình thức lạm dụng quyền lực khác. Con có thể có ước muốn giải thoát con người khỏi các tệ nạn này. Con có thể có ước muốn dẹp tan giới thượng lưu quyền lực đang áp bức dân chúng.

15.8. Bài học cốt yếu trên con đường tâm linh

Nhưng nếu con nhìn sâu hơn, con thấy là những tệ nạn kia xảy ra vì người dân chưa chịu nâng tâm thức mình lên. Họ chưa chịu nhìn vào sự bất lực và nhận ra một điều giản dị: bất lực theo nghĩa vật lý không dính dáng gì tới quyền năng tâm linh, vì quyền năng tâm linh đến từ bên trong. Con không cần xin phép một thẩm quyền thế gian để đi vào nội tâm, tìm thấy vương quốc mà Giê-su nói có ở trong con, và bắt đầu là cánh cửa mở cho sự biểu hiện uy lực đến từ vương quốc này.

Không một thẩm quyền nào trên trái đất có thể cản con làm chuyện này. Đây là bài học cốt yếu trên con đường tâm linh. Điều này áp dụng cho những người đang bị áp bức, cũng như là cho chính con. Con không cần xin phép bất cứ thẩm quyền nào trên trái đất để mở tâm và cho phép uy lực của Hiện diện TA LÀ tuôn chảy xuyên qua con. Thày Nada và thày sẽ giúp con lĩnh hội và thể nhập bài học này.

Lúc đó, con thấy lý do vì sao dân chúng bị áp bức bởi nhà độc tài tàn ác nhất, chỉ giản dị là: Luật Tự quyết bắt buộc rằng nếu con người không chịu học từ bên trong, thì họ sẽ phải học từ bên ngoài. Nếu họ không chịu học lời chỉ dẫn của chân sư thăng thiên, thì họ sẽ phải học từ Trường đời Cay đắng. Và trong Trường đời Cay đắng, con người sẽ chỉ đổi hướng nhìn khi vị cay đắng lên cao đến độ họ không chịu nổi nữa, và họ chịu nhìn về chính mình và nói: “Tôi có thể làm gì để thay đổi tình trạng này? Tôi có thể thay đổi gì trong chính tôi, thay vì cứ nghĩ rằng điều kiện bên ngoài phải thay đổi?”

15.9. Quyền tự quyết trải bày ra sao

Tại sao con là một đệ tử tâm linh? Tại sao con tham dự khóa nhập thất của thày? Tại sao con đang đọc hay nghe bài giảng này? Đó là vì từ rất lâu rồi con đã quyết định sẵn sàng nhìn vào bên trong mình. Thày Nada và thày có thể dựa trên ý muốn này để giúp con thấy là tất cả mọi chuyện đang xảy ra trên trái đất và trong suốt lịch sử, đều là sự trải bày của quyền tự quyết.

Không điều gì có thể xảy ra cho con người mà không phản ánh trạng thái tâm thức của họ. Và khi người dân một quốc gia nâng tâm thức mình lên quá một mức nào đó thì chính thể độc tài phải được thay thế bởi một hình thức chính quyền cao hơn.

Thay vì một nhóm thượng lưu quyền lực thay thế một nhóm khác – nhóm sau có thể còn tàn ác hơn nhóm trước – thì một sự chuyển vọt xảy ra, đưa đến một hình thức chính quyền cao hơn. Lúc đầu không nhất thiết là hình thức chính quyền lý tưởng, nhưng là một hình thức cao hơn. Sau đó, dân chúng lại nâng tâm thức lên hơn nữa, và một hình thức chính quyền cao hơn lại thể hiện, và vòng xoáy đi lên cứ tiếp tục về hướng Thời đại Hoàng kim. Lúc đó, con có thể nhìn trái đất và nói:  “Con thấy thiết kế của Thượng đế thật tài tình khi cho quyền tự quyết được trải bày.” Sau đó, con nhìn vào ảo tưởng của tư duy cuồng đại, ảo tưởng cho rằng thiết kế của Thượng đế có điều gì sai lầm căn bản, và nói: “Tôi không còn tin bạn nữa. Tôi thấy cái giả đằng sau bạn.” Lúc đó, con có thể bình yên với chuyện đang là.

Sau đó, con có thể đi sâu thêm nữa và nhìn vào cảm giác bị hất hủi khi sa nhân miệt thị nỗ lực sáng tạo của con lúc con đầu thai lần đầu. Con nhận ra tình huống này không tránh được, vì sa nhân có quá nhiều kiểm soát trên trái đất và vì con ở trong trạng thái tâm thức tương đối non nớt.

Ở đây, chúng ta sẽ không đào sâu lý do tại sao con xuống đây, và tại sao nhiều người trong chúng con đã xuống đây khi chưa sẵn sàng đối phó với các sa nhân, vì điều này đã được giảng tường tận trong quyển sách của thày Maitreya (Chìa khóa cốt yếu của tự do tâm linh). Điều thày muốn nói ở đây là: Khi con nhìn chuyện đã xảy ra, con nhận ra đây giản dị là một hậu quả không tránh được. Cảm giác bị hất hủi khi con con xuống trái đất lần đầu là cái giá phải trả của việc con xuống đây.

Con có thể đi sâu thêm chút nữa, và thấy là con đến đây với ước muốn thay đổi một số chuyện theo viễn quan của mình. Lúc đó, đặc biệt dưới sự hướng dẫn của thày Nada, con có thể chất vấn viễn quan này. Thày Nada có nhiều động lượng trên Tia thứ Sáu nên rất thiện nghệ trong việc giúp con nhận ra sự khác biệt giữa phụng sự thật và phụng sự giả, giữa phụng sự phát xuất từ bình an nội tâm hoàn toàn và phụng sự phát xuất từ bất an, nghĩa là từ ý niệm có cái gì sai lầm cần được chỉnh sửa.

15.10. Đừng hạn chế Hiện diện TA LÀ

Trong loạt bài này, thày có nói tới tiêu chuẩn của sa nhân, và lý do vì sao không thể áp dụng tiêu chuẩn vào sự sáng tạo. Con có thấy chăng, liên quan đến tư duy cuồng đại, là khi con muốn thay đổi một điều gì đó theo một viễn quan đã định sẵn, con không thể là cánh cửa mở cho quyền năng sáng tạo của Hiện diện TA LÀ của mình. Lý do là con muốn đặt một viễn quan lên trên điều mà Hiện diện TA LÀ có thể và phải biểu lộ xuyên qua con, và viễn quan này dựa trên một cái nhìn hạn hẹp vì con đang hiện thân trong cõi vật lý.

Đó là lúc con nhận ra, khi con hiện thân trong một hành tinh dày đặc như trái đất, con không thể tránh bắt đầu với một tầm nhìn hạn hẹp. Đó là lý do vì sao tiến trình học cách biểu hiện khả năng đồng-sáng tạo của con gồm hai phần. Con phải học về năng lượng sáng tạo của bảy tia sáng và học cách biểu hiện bảy tia. Nhưng mặt khác, để biểu lộ bảy tia một cách sáng tạo, con cũng cần khắc phục những khái niệm giả tha hóa bảy tia mà sa nhân đã tạo ra.

Như thày có nói, trên một hành tinh như trái đất con không phát triển theo kịch bản lý tưởng. Trong kịch bản thực sự mà con phải đối đầu, con bắt đầu với một viễn quan hạn chế, trong lọc viễn quan này qua nhiều bước và tầng lớp, cho tới khi con trở thành cánh cửa hoàn toàn mở ở tầng tâm thức 96. Trong tiến trình này, con đã buông bỏ một số khía cạnh của tâm thức sa ngã và tiêu chuẩn sáng tạo mà họ áp đặt qua tư duy cuồng đại và quan niệm thiết kế của Thượng đế có điều sai lầm. Do đó, con không thể phụng sự thực sự nếu tâm con chưa an bình trọn vẹn. Thày Nada và thày không chờ đợi con đạt được an bình trọn vẹn ở tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày. Nhưng các thày mong đặt được nền tảng giúp con hiểu tầm quan trọng của việc khắc phục tư duy cuồng đại, đạt được tâm bình an, và phụng sự trong trạng thái bình an thay vì trạng thái sợ hãi, giận dữ, hận thù hay kích động.

15.11. Một bước ngoặt trọng yếu trên đường tu 

Các con yêu dấu, các thày đã thấy đệ tử tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên và hăng say đọc bài chú với lòng hận thù sa nhân và biểu hiện nào đó của thiên thần sa ngã trên trái đất – như họ hình dung. Qua đó, việc đọc chú của họ đã có phần tha hóa ánh sáng. Các thày không muốn thấy điều này tiếp tục, vì nó tạo nghiệp cho người đệ tử, và cũng có phần tạo nghiệp cho các thày, tuy các thày có thể giảm nghiệp này bằng cách giới hạn uy lực chảy xuyên qua bài chú khi người đệ tử đọc với tâm không trong sáng.

Đây là một tầng quan trọng của khóa nhập thất của thày. Các đệ tử không có khả năng chất vấn tư duy cuồng đại không thể đi quá tầng này của khóa nhập thất. Có một số đệ tử tới chỗ này và phải trở lại Trường đời Cay đắng vì họ cần trải nghiệm thế nào là chiến đấu người khác vì tư duy cuồng đại. Họ chưa chán ngán kinh nghiệm này nên chưa thực sự nhận ra niềm mong ước vượt qua tư duy cuồng đại của họ.

Có lẽ con đã bắt đầu nhận ra một sự thực giản dị: con có thể rời con Đường Bảy bức Màn bất cứ lúc nào cho tới tầng 96, nhưng bảy tầng đầu trong khóa nhập thất của thày là những điểm quan trọng nhất. Đây là nơi con có thể quyết định bỏ đường tu và trở về Trường Đời Cay đắng.

Thày phải nói tầng thứ sáu là nơi nhiều đệ tử – không phải đa số, nhưng khá nhiều đệ tử – quyết định, qua việc không chịu chất vấn tư duy cuồng đại, trở về Trường đời Cay đắng và tranh đấu chống một bất công cuồng đại nào đó. Thày hy vọng rằng sau một hay nhiều kiếp sống, họ có thể trở lại khóa nhập thất của thày. Nhưng khi họ trở lại, nhiều khi họ có nhiều nghiệp quả cần giải quyết trước khi có thể mở tâm đón nhận lời chỉ dẫn của thày.

15.12. Đệ tử kẹt trong tranh chấp quyền lực 

Có đệ tử tới khóa nhập thất của thày với động lượng từ nhiều kiếp có địa vị quyền uy trên trái đất. Những đệ tử này không nhiều. Đa số đệ tử đi vào con đường tâm linh đã quyết định từ nhiều kiếp trước không tham gia vào tranh chấp quyền lực trên trái đất. Do đó họ thường chấp nhận một đia vị thấp kém trong xã hội. Hoặc họ đã sống trong tu viện hay rút ra khỏi cuộc đời. Nhưng cũng có người – như chính thày trong nhiều kiếp – đã tham gia vào các giới quyền lực trên trái đất. Những người này, như chính thày, không tránh bị lôi kéo vào các cuộc tranh giành quyền lực.

Trường hợp những đệ tử này là một thách đố khác cho thày, vì họ cần học cùng bài học, nhưng không tự lên án mình vì đã tham gia vào tranh giành hay lạm dụng quyền lực. Thày có nói là trong kiếp thày đầu thai như Thomas More, thày đã lạm dụng quyền lực và đã từng hành quyết một số người mà thày cho là phỉ báng Thượng đế. Thày có thể bảo đảm với con là một thách đố lớn cho thày sau kiếp sống đó là nhìn nhận mình đã lạm dụng quyền lực mà không cảm thấy tủi hổ đến độ bỏ cuộc.

Thày đã làm được điều này vì, như con thấy trong lịch sử, trong cùng kiếp đó thày đã từ chối không dùng quyền lực chống lại nhà vua, và ngược lại để nhà vua hành hạ và hành quyết mình. Qua đó, thày đã bắt đầu tiến trình chất vấn sự lạm dụng quyền lực. Tuy thế, chất vấn nó trong tâm thày vẫn là một thách đố lớn. Vì dĩ nhiên nhìn ra sự lạm dụng quyền lực nơi người khác luôn luôn dễ hơn là nhìn ra sự lạm dụng quyền lực từ chính mình.

Một lần nữa, thày Nada và thày có thiết kế một số dụng cụ nhằm giúp những đệ tử đã có những chức vụ quyền uy trong những kiếp cuối, để họ nhận ra bài học toàn vũ là con không đẩy mạnh mục tiêu của các chân sư thăng thiên và mang lại Thời đại Hoàng kim bằng cách sử dụng quyền lực trong đấu tranh cuồng đại.

Đây là một bài học khó, nhưng khi đệ tử tới chỗ này, thì các thày có dụng cụ và kinh nghiệm để giúp họ vượt qua trở ngại. Nhưng có một số tới khóa nhập thất, và không những họ có động lực lạm dụng quyền lực, có khi ngay cả trong kiếp này, nhưng họ lại ngạo mạn không chấp nhận là mình sai. Dĩ nhiên là con có thể thấy trên trái đất hai đặc tính này đi cùng với nhau. Những người có nhiều quyền lực nhất thường rơi vào một ảo tưởng khác do sa nhân phóng chiếu cho rằng muốn duy trì vị thế quyền lực thì mình lúc nào cũng phải đúng.

Khắc phục tư duy này là một thách đố đặc biệt, một khai ngộ đặc biệt, và đó là một lý do tại sao Giê-su lại để nhóm thượng lưu quyền lực hành hạ và sỉ nhục. Thày làm điều này không phải chỉ để mang họ ra xét xử; nhưng thực là để thày chứng minh cho chính mình và các thày tâm linh của thày là thày đã buông bỏ niềm tự hào đó. Do đó, thày bảo đảm với con là chấp nhận cho các thiên thần sa ngã, sa nhân đang đầu thai, miệt thị, chế giễu, sỉ nhục, nói đủ điều không thật về mình, với mục đích rạng danh Ki-tô, thực sự là một phần của tiến trình khai ngộ.

Nếu con thấy mình đã trải nghiệm bị chế giễu và hành hạ trong kiếp này, thì con hãy tươi lên. Vì khi con học cách nhìn vào điều này mà không dính mắc – chỉ đơn giản nhận ra đó là Luật Tự Quyết trải bày – thì con tiến một bước lớn trên con đường tu của con. Con sẵn sàng để Luật Tự quyết trải bày, nhờ đó những người đang chế giễu con có cơ hội thấy tại sao họ muốn chế nhạo người khác và từ đó bắt đầu chất vấn trạng thái tâm thức của mình. Nhưng con cũng được cơ hội chứng tỏ con sẵn sàng bị chế giễu, vì con sẵn sàng bước lên trạng thái tâm thức cao hơn trong đó con không quá coi trọng nó, con không để những lời chế giễu của người khác ngăn cản con thực hiện sứ vụ thiêng liêng và biểu hiện năng lượng sáng tạo của mình.

Đây là một khai ngộ cực kỳ quan trọng, dó đó thày Nada và thày sẽ giúp con thấy là con có thể nhận sự chế giễu của thế gian mà không dính mắc. Con thực sự có thể học cách buông bỏ ý thức cá nhân trong cuộc sống. Nhưng thày đang đi quá nhanh, vì đây là đề tài của bài chỉ dẫn tới của thày. Vì làm sao con có tự do khi con coi những gì xảy ra với con đều nhắm vào cá nhân mình? Chuyện này không thể làm được. Chính vì vậy, thày Saint Germain và thày đã thiết kế một số phương pháp để giúp đệ tử lên tầng cao hơn. Vậy thày sẽ trở lại để cho con tầng chỉ dẫn đó.

Uy lực và chữa lành

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 6/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Các con hãy để thày nói rộng thêm điều thày đã giảng về bữa tiệc mà các thày dành cho những người đã tới chỗ quyết định sẵn sàng gia tốc chính họ. Thày đã so sánh nó với bữa tiệc kiên tín thường được tổ chức cho thanh thiếu niên khi họ xác nhận đức tin Cơ đốc của họ.

Tất nhiên, thày biết rằng nhiều thanh thiếu niên trên thế giới coi đây là một buổi lễ truyền thống, một hình thức cho phép họ có bữa tiệc và quà tặng. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa là con đã thực sự trưởng thành và có thể xác nhận một cách ý thức đức tin Cơ đốc của mình.

Tất nhiên, thày không yêu cầu con xác nhận bất cứ điều gì bằng đức tin. Đức tin đâu có dính dáng gì đến điều thày dạy, vì thày dạy qua kinh nghiệm. Và khi con trải nghiệm, con cần gì phải tin vào điều mà con chưa trải nghiệm? Tin một trải nghiệm có thể có giúp con mở tâm trí và trái tim đón nhận trải nghiệm, nhưng mục đích tối hậu là con có được trải nghiệm.

13.1. Một giai đoạn tăng triển mãnh liệt

Khi con thực hiện cam kết này, con bước vào giai đoạn có thể sử dụng quyền năng mà con đã khám phá để gia tốc ý niệm bản ngã. Con có thể gia tăng tốc quá ý niệm bản ngã trước. Nhiều đệ tử bước vào một thời kỳ mà những gì họ trải nghiệm trong khóa nhập thất của thày tương tự với những gì họ trải nghiệm trong cuộc sống có ý thức. Thông thường, khi một người trải qua buổi lễ trong khóa nhập thất của thày, thì họ không nhớ buổi lễ với tâm ý thức của họ, nhưng họ nhận ra con đường tâm linh là một cơ hội lớn để gia tốc mình.

Những người biết tới giáo lý của các thày thì thường nghiên cứu giáo lý một cách sốt sắng hơn và thực hành kỹ thuật đọc chú đọc thỉnh một cách nhiệt thành hơn trước. Điều này thường đưa họ vào một giai đoạn tăng triển rất mạnh mẽ giúp họ rũ bỏ nhiều điều kiện cũ, rũ bỏ phần lớn hành trang mà họ đã mang theo mình, thường khi từ nhiều kiếp. Đây là một tiến trình tăng triển vượt bậc, một gia tốc mãnh liệt.

13.2. Tới khóa nhập thất của các Thượng sư khác

Thêm vào đó, sau khi con trải qua buổi lễ xác nhận con thực sự sẵn sàng gia tốc mình, con không còn bị giới hạn ở trong khóa nhập thất của thày. Khi con chưa làm lời cam kết, con chỉ có thể tham dự khóa nhập thất của Tia thứ Nhất, vì đây là nơi thử thách sự sẵn sàng gia tốc của con. Như thày đã mô tả, khi con mới tới khóa nhập thất của thày, thày tìm cách dẫn con tới điểm lấy quyết định đó. Nhưng khi con chưa lấy quyết định đó, con không thể đi đâu khác; con không thể thực sự tới các khóa nhập thất của các Thượng sư khác. Nhưng một khi con lấy quyết định đó, con có thể đi tới các khóa nhập thất mà con cần, để vượt qua một nấc thang, một khó khăn trên con đường tu của con.

Một số đệ tử đến khóa nhập thất của Đức Lanto để học mở rộng khả năng suy luận của mình vì họ cần suy luận để gia tốc vượt qua một số hành trang trong quá khứ. Có đệ tử khác tham dự khóa nhập thất của thày Paul người thành Venice, để trải nghiệm và hấp thụ tình thương nhiều hơn, để gia tăng khả năng chấp nhận họ xứng đáng được yêu thương. Tất nhiên, tại thời điểm này, cũng có đệ tử khác đi tới khóa nhập thất của thày Serapis Bey, để được nhiều giúp đỡ trong việc sử dụng uy lực gia tốc, Ngọn lửa Gia tốc, Ngọn lửa Thanh khiết, để gia tốc bản thân vượt xa quá khứ.

13.3. Con không thể thăng thiên bằng cách tuân theo các quy tắc

Tuy nhiên thày Serapis cũng sẽ cho những đệ tử này ý niệm rất rõ ràng rằng tại thời điểm này trên con đường tu cá nhân của họ, những gì Ngọn lửa Thanh khiết và Gia tốc có thể giúp họ có giới hạn. Vì dù Serapis là vị thày chính của pháp thăng thiên và xoáy ốc thăng thiên – cuộn xoáy thăng thiên – thày nói rõ là lúc này người đệ tử chưa sẵn sàng bước vào vòng xoáy thăng thiên. Và lý do rất đơn giản: Con không thể thăng thiên bằng cách tuân theo các quy tắc.

Các thày là chân sư thăng thiên có thể cho con một giáo lý, một giáo lý vỏ ngoài trên trái đất. Giáo lý này có giá trị, nhưng điều này không có nghĩa là con có thể thăng thiên bằng cách học hỏi giáo lý vỏ ngoài này. Một số đệ tử đã lấy một giáo lý vỏ ngoài có giá trị và dùng nó để tạo ra quy tắc. Và có đệ tử thực sự tin với tâm ý thức rằng họ sẽ thăng thiên nếu họ tiếp tục tuân theo các quy tắc, đọc các bài chú, làm điều này và tránh điều kia. Nhưng không phải như vậy đâu.

Họ tin điều này với tâm vỏ ngoài của họ vì ở các tầng sâu trong tâm họ, họ chưa cam kết gia tốc bản thân và do đó không thể tham dự khóa nhập thất của thày Serapis. Và họ đã không học được bài học là họ không thể thăng thiên bằng cách tuân theo quy tắc. Vì thăng thiên là gì? Đó là một tiến trình sáng tạo. Con chỉ có thể thăng thiên bằng cách mở khóa trọn vẹn quyền năng sáng tạo của mình, trước tiên là qua bảy tia sáng và sau đó xa hơn nữa là qua các tia bí mật và quả vị Ki-tô. 

Chỉ khi nào con biểu lộ một cách sáng tạo những gì Hiện diện TA LÀ muốn biểu lộ qua con, thì con mới biểu lộ được đầy đủ món quà mà Hiện diện TA LÀ muốn cho trái đất này xuyên qua con. Và lúc đó con sẵn sàng thăng thiên. Vì con thấy chăng, Hiện diện TA LÀ không gửi con xuống đây để tạo nghiệp, cân bằng nghiệp quả và ra đi. Hiện diện gửi con đến đây với mục đích tích cực, mục tiêu tích cực là đem một món quà, là cánh cửa mở để đem món quà của nó cho trái đất.

Chỉ khi nào Hiện diện thỏa mãn là nó đã cho trọn vẹn món quà của nó, thì con – cái Ta Biết, dòng sống hiện thân trong cõi này – mới có thể thăng thiên, vì lúc đó con mới hoàn thành mục đích trở nên cánh cửa hoàn toàn mở. Bức vẽ của con quá hạn hẹp và bảng màu của con bị giới hạn bởi những điều kiện mà con người vỏ ngoài của con đã chấp nhận, và con nghĩ những điều kiện này phải giới hạn, kiểm soát và điều khiển cách con biểu lộ sự sáng tạo của mình.

13.4. Con có nhu cầu chữa lành

Sau khi con đã ở với thày Serapis Bey và học bài học này, con quay trở lại khóa nhập thất của thày. Và bây giờ thày bắt đầu dạy bước thứ năm, tất nhiên là bước sử dụng tia chữa lành. Và sau đó thày cho con hiểu rằng con cần được chữa lành. Thày giúp con thấy rằng mặc dù con đã dùng Ngọn lửa Tinh khiết để gia tốc rất nhiều vượt quá tầng tâm thức trước của mình, con chỉ có thể gia tốc mình bằng Ngọn lửa Tinh khiết tới một mức nào đó mà thôi. Bởi vì con vẫn còn một số vết thương trong tiềm thức, ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc của tâm mình.

Có thể nói, chúng giống như những cái neo thả đằng sau chiếc thuyền của con. Và khi con tăng tốc độ của động cơ, con cảm thấy có cái gì cản trở không cho thuyền đi về phía trước. Vì làm thế nào con có thể chờ đợi con thuyền đi về phía trước với tốc độ tối đa, nếu con có một số neo treo sau thuyền? Bây giờ là lúc tạm dừng việc gia tốc và thay vào đó hãy thành thật soi mình trong gương và nói: “Con cần chữa lành chỗ nào?”

Nhưng trước khi chúng ta thực sự xem xét chi tiết cách con cần được chữa lành và những gì con cần được chữa lành, trước tiên chúng ta cần trả lời câu hỏi vì sao con cần được chữa lành. Đây là một câu hỏi mà nhiều đệ tử chưa thực sự cân nhắc với tâm ý thức của mình. Đúng thực là nhiều đệ tử sẽ chống không chịu xem xét điều này với tâm ý thức của họ. Lý do một phần là tiêu chuẩn do các thày giả tạo ra, vì tiêu chuẩn đó khiến nhiều người tin rằng nếu họ tuân theo một số quy tắc – một số giáo điều – bằng cách lấy một thái độ nào đó, họ chắc chắn đủ điều kiện để thăng thiên hoặc để đạt cái mà họ định nghĩa là mục tiêu tối hậu của nỗ lực tâm linh của họ.

Thày có thể nói với con rằng có rất nhiều người trong các phong trào tâm linh và tôn giáo tin rằng nếu họ tuân theo các quy định của tôn giáo hay đạo sư của họ, họ sẽ tự động lên được cõi tâm linh. Tất nhiên, điều này không đúng, vì một lần nữa mọi chuyện là một tiến trình sáng tạo. Để biểu lộ trọn vẹn sự sáng tạo của con, con cần nhìn vào các điều kiện, vết thương và hạn chế đã ngăn cản sự biểu lộ quyền năng sáng tạo của con từ Hiện diện TA LÀ.

13.5. Tại sao con bị thương?

Con cần chữa lành những vết thương nào và tại sao con cần phải xem xét chúng? Trong bài trước thày có nói chuyện con đi vào vườn hồng và được chữa lành khi trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Nhưng một lần nữa, ngay cả tình thương vô điều kiện cũng không thể chữa lành mọi vết thương của con và lý do rất đơn giản. Con không thể chữa lành một vết thương nếu con không ý thức nhận ra nguyên nhân tạo ra nó. Nguyên nhân tạo ra vết thương là một sự việc bên ngoài đã kích động một kinh nghiệm nội tâm. Và vì kinh nghiệm nội tâm này, con lấy một quyết định.

Chính quyết định này đã thiết lập một điều kiện trong tâm con và điều kiện này giới hạn sự biểu lộ sáng tạo của con. Con đã lập ra điều kiện nhưng có thể con không hoàn toàn nhận biết có ý thức quyết định là gì và hậu quả của nó ra sao. Nhưng để giải thoát mình khỏi quyết định này, con phải ý thức nhận biết quyết định cũ và hậu quả của nó. Sau đó, con phải thay thế một cách ý thức quyết định cũ bằng một quyết định mới, dựa trên tầng tâm thức cao hơn của con hiện nay. Lúc này là lúc các đệ tử cần hiểu tại sao họ bị đả thương trên trái đất.

Con hiểu rằng khi một đệ tử đến khóa nhập thất của thày, dòng sống đó đã trải nghiệm trước đó khóa nhập thất của thày và do đó không có vấn đề chấp nhận lời giảng này. Nhưng thày đang giảng bài này trong một cuốn sách mà con đọc với tâm ý thức của mình, ngay khi con không nhớ gì về khóa nhập thất của thày. Vì vậy, thày sẽ yêu cầu con thành thật và tự trả lời câu hỏi này: Con có đang đọc các bài chú và bài thỉnh mà các thày đã cho các con không? Con có thói quen hàng ngày kêu gọi Đại thiên thần Michael bảo vệ con chưa? Nếu con chưa làm các chuyện này, thày chỉ đơn giản yêu cầu con đừng đọc hoặc nghe phần còn lại của bài giảng này. Vì nó có thể quá những gì con chấp nhận ở mức độ nhận thức có ý thức của con, và lý do rất đơn giản. Khi con đọc các bài chú và bài thỉnh xin bảo vệ tâm linh, sau một thời gian, con sẽ tạo ra một động lượng. Động lượng này, kết hợp với những chỉ dẫn mà con nhận được khi nhập thất với thày, sẽ cho con ý niệm rằng Đại thiên thần Michael có khả năng bảo vệ con khỏi bất cứ mọi lực có mặt trên trái đất.

Khi con biết mình được bảo vệ khỏi một lực nào đó, con có thể ý thức nhìn nó, nhận ra nó có mặt, và nhận ra nó đã ảnh hưởng mình trong quá khứ và con cần gia tốc để vượt qua ảnh hưởng đó. Nhưng con chỉ làm được điều này nếu con ý thức nhìn vào lực này và xem xét điều gì trong tâm lý mình khiến mình dễ bị nó tấn công.

13.6. Không cần phải sợ hãi

Con có thấy sự vận hành đơn giản này chăng? Thày không có ý định dọa con với bất cứ điều gì ở đây. Sợ hãi không có chỗ đứng trong phương pháp giảng dạy của thày. Đôi khi thày cho phép đệ tử sợ hãi trong một thời gian, nếu họ quá dính mắc với nó đến độ thày không thể hướng dẫn họ bằng cách nào khác. Tất nhiên, thày không thể đòi hỏi mọi người thoát sạch sợ hãi trước khi họ tới khóa nhập thất của thày. Nhưng điều này không có nghĩa là thày dùng sợ hãi để hù dọa mọi người.

Thày không có ý khiến con sợ hãi. Và đó là lý do tại sao thày muốn con thành thực và nhận ra rằng chỉ khi nào con xây dựng đủ động lượng cầu thỉnh sự bảo vệ tâm linh, con mới sẵn sàng ý thức đón nhận lời chỉ giáo mà thày cho con bây giờ. Thày tin tưởng rằng nếu con đang đọc hoặc nghe những lời này, con đã có một số động lượng cầu thỉnh sự bảo vệ tâm linh. Do đó, thực tế như sau: Không thể hiện thân trên trái đất mà không bị tổn thương. Đơn giản là không thể được. Chính Đại thượng sư đã mô tả là tất cả các thày, những người đã từng hiện thân, đã phải quy phục cái mà thày gọi là tâm thức chết. Tâm thức chết vô cùng mạnh mẽ trên trái đất,và không cách chi con hiện thân trên trái mà không bị nó đả thương hay không quy phục nó tới một mức độ nào đó.

Quy phục tâm thức chết nghĩa là gì? Nếu con nhìn vào các đệ tử trong các phong trào tâm linh hay Thời đại Mới, con sẽ thấy rằng một số tin rằng họ không cần nhìn vào những gì đen tối, tỷ dụ như tà lực, hoặc các lực xấu ác hoặc ác quỷ. Ho nghĩ nếu họ chỉ tập trung vào điều tích cực, thì họ vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình. Họ thực sự – nhiều người trong số họ – tin rằng thật nguy hiểm nếu họ chú ý vào các tà lực vì sẽ cung cấp cho chúng nguồn năng lượng củng cố chúng.

Tất nhiên con cũng đã nghe câu ngạn ngữ “Cái gì con chống lại sẽ tồn tại.” Nhưng con thấy đấy, những gì con chống lại sẽ tồn tại vì khi con chống cự nó, con cho nó năng lượng. Nhưng con có thể nhìn mà không chống cự. Nói cách khác, con có thể nhìn tà lực mà không phản ứng nghĩ rằng phải đánh nhau với chúng. Và khi con cầu thỉnh sự bảo vệ tâm linh từ Đại thiên thần Michael, con không đánh nhau với tà lực. Con bao bọc mình khỏi năng lực chúng phóng tới con. Đây không phải là chống lại chúng, vì không cho chúng thêm năng lượng.Vì vậy, khi con không phản ứng bằng sợ hãi hoặc tức giận, thì con không chống lại tà lực và con đang không tiếp thêm năng lượng cho chúng.

13.7. Nhìn nhận tà lực có mặt

Tại sao nhìn nhận sự tà lực có mặt lại quan trọng? Đó là vì, như Đại thượng sư đã giải thích, tâm thức chết bao phủ hành tinh này như một đám mây đen. Cách duy nhất để biểu hiện một tâm thức tâm linh cao trên trái đất là giải thoát mình khỏi ảnh hưởng của tâm thức chết, và con không làm được điều này nếu con không ý thức về nó. Con không thể tiến tới tự điều ngự nếu con không làm chủ cái ta, có nghĩa con cần vượt quá tất cả những lực và điều kiện đang tìm cách giới hạn cái ta.

Sẽ có lúc con không thể tiến bộ hơn trên con đường tâm linh nếu con không nhìn nhận tà lực có mặt. Các tà lực này đã đả thương con đến độ con không thể gia tốc hơn nữa, và con chỉ tiến triển khi con xem xét những vết thương và quyết định của con khi bị tà lực tấn công.

Nếu con không nhìn nhận tà lực có mặt và thấy chúng ảnh hưởng con ra sao thì con đã và đang quy phục tà lực và tâm thức chết. Thày có thể đảm bảo với con rằng rất nhiều người trong các phong trào tâm linh và Thời đại Mới cảm thấy rất thoải mái, cảm thấy rằng họ rất tâm linh vì họ rất tích cực và rất tốt. Nhưng trên thực tế họ đã quy phục tâm thức chết.

Có thể nói là họ đã thỏa thuận với ác quỷ – tất nhiên không phải một cách ý thức nhưng trong tiềm thức – và nói thế này: “Nếu ta không gia tốc mình quá một mức nào đó, thì ngươi sẽ không tấn công ta.” Khi con thỏa thuận như vậy thì ác quỷ sẽ để con yên. Vì nó không có vấn đề gì khi con ở trong một phòng trào tâm linh và cảm thấy mình thánh thiện, hoàn toàn tin tưởng rằng mình là một người tâm linh tốt. Nếu con không gia tốc mình về hướng quả vị Ki-tô thì ác quỷ sẽ để con yên và để con cảm thấy thoải mái. Nhưng con có thấy chăng, con sẽ không tiến triển quá một điểm nào đó.

13.8. Nỗi sợ từ các tiền kiếp

Câu hỏi rất đơn giản: “Tại sao có rất nhiều người trong các phong trào tâm linh và Thời đại Mới không chịu nhìn nhận tà lực có mặt, không chịu nhìn chúng và không làm gì để giải thoát khỏi ảnh hưởng của chúng?” Một phần là do lười biếng – lười biếng tâm linh – vì họ thực sự không muốn gia tốc mình quá một mức nào đó. Nhưng cũng có lý do sâu xa hơn, đó là sợ hãi.

Họ đã trải nghiệm trong tiền kiếp là khi họ đến một điểm nào đó trên con đường tu, khi họ bắt đầu vươn lên trên tầng tâm thức đại chúng, thì tà lực sẽ tấn công họ. Họ có ký ức là họ đã bị tà lực tấn công trong quá khứ. Vì vậy, họ có ý niệm rằng gia tốc quá một tầng cấp nào đó thật nguy hiểm vì khi đó họ trở thành mục tiêu của những đòn tấn công rất độc ác, cá nhân và trực tiếp.

Bởi vì họ không sẵn sàng trực diện nỗi sợ hãi này, họ đã thỏa thuận với tà lực, nói rằng: “Nếu ta không gia tốc mình, ngươi sẽ để ta yên trong kiếp sống này.” Một số người có thể cần một thời gian yên ổn như thế. Thày không tranh luận điều này; thày không lên án bất cứ ai. Thày chỉ nói đơn giản rằng thày không thể giúp bất cứ ai vượt qua một tầng tâm thức, một tầng trên con đường tâm linh, trừ phi người đó sẵn sàng nhìn nhận một điều: “Tôi đã bị tổn thương và tôi cần xem xét tại sao tôi bị tổn thương vì đây là cách duy nhất để chữa lành vết thương.”

13.9. Ác mộng kinh hoàng nhất của tà lực

Bây giờ thày cho con thức ăn cho tâm ý thức của con, mà nếu con đã theo tiến trình đọc các bài thỉnh bài chú và học các bài giảng trước của thày, thì con có thể dùng tâm ý thức này để nối kết với cái biết bên trong của con. Khi đó, những gì thày nói ở đây sẽ không khiến con sợ hãi, không khiến con nghi ngờ, con không cần phải tranh luận hay bác bỏ nó. Con hòa điệu với trái tim mình, và con cảm thấy có thực tại ở đây và đã đến lúc con phải nhìn vào nó.

Thực tế đơn giản trên hành tinh trái đất là thế này: Hiện nay các tà lực tin rằng họ đang kiểm soát hành tinh này. Sư thực sâu xa là họ không kiểm soát được, vì hành tinh này không phải là một đơn vị biệt lập; nó là một phần của toàn bộ vũ trụ vật chất. Và như các thày đã giải thích, toàn bộ vũ trụ vật chất nằm trong một vòng xoáy đi lên bởi vì có vô số hành tinh khác nơi cư dân đã đưa hành tinh của họ vào một vòng xoáy đi lên. Và điều này, như Đại thượng sư đã giải thích, đã tạo ra sức mạnh của Thánh linh kéo cả vũ trụ vật chất lên cao, tất nhiên là trong đó có hành tinh trái đất.

Hành tinh trái đất đi chậm hơn dòng chuyển động đi lên chung của vũ trụ, và đó là lý do khiến các tà lực tin vào ảo tưởng họ đang kiểm soát hành tinh này. Và họ thực sự có một tầm kiểm soát lớn vì họ đã khiến được biết bao nhiêu người quy phục tâm thức chết.

Bây giờ thì điều gì có thể phá vỡ sự kiểm soát này? Đó là khi có những cá nhân gia tốc tâm thức họ quá một tầng nào đó và bắt đầu đạt được và dám biểu hiện quả vị Ki-tô. Bài học chính con học từ đời Giê-su là thày là một gương chính yếu, một nguyên mẫu, của một người đã gia tốc tâm thức quá tiêu chuẩn và tâm thức đại chúng, và biểu hiện một mức cao của quả vị Ki-tô – và thày dám bày tỏ điều đó.

Tất nhiên, con thấy điều gì đã xảy ra cho Giê-su. Thày bị khủng bố một cách tàn bạo và rốt cuộc bị giết một cách rất tàn nhẫn. Lý do là nếu chỉ một cá nhân đạt được và biểu hiện quả vị Ki-tô, thì tầm kiểm soát của tà lực trên hành tinh này sẽ bị giảm thiểu.

Nay con thử tưởng tượng 10.000 người biểu hiện quả vị Ki-tô giống như Giê-su đã biểu hiện, và có thêm nhiều triệu người nữa biểu hiện quả vị Ki-tô ở mức thấp hơn, thì con có thể thấy được đây sẽ là ác mộng kinh hoàng nhất của tà lực. Và như chính Giê-su đã nói, hiện nay có 10.000 người đang hiện thân có tiềm năng thể hiện mức độ cao của quả vị Ki-tô trong kiếp này của họ. Và có hàng triệu người khác có tiềm năng thể hiện một mức độ nào đó của quả vị Ki-tô trong kiếp này. Nhiều người trong số này đã bắt đầu bày tỏ quả vị Ki-tô của mình, nhưng nhiều người khác thì chưa làm được vì họ bị mắc kẹt ở tầng tâm thức nơi họ không dám hoàn toàn gia tốc mình để biểu hiện quả vị Ki-tô. Bởi vì, do kinh nghiệm các kiếp trước, họ sợ những gì sẽ xảy ra khi họ làm như vậy.

Bên trong tâm họ biết rằng các đòn tấn công sẽ xảy ra lúc họ bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô của mình, và họ biết rằng sẽ bị tấn công dồn dập và ác độc. Tuy nhiên, nếu con đã đến điểm này trên con đường tu cá nhân của mình, thì con đã sẵn sàng nhìn nhận rằng mặc dù các đòn tấn công sẽ xảy ra, nhưng con chỉ bị tổn thương nếu trong tâm con còn điều kiện, là những vết thương và điều kiện con đã chấp nhận khi con lấy một quyết định trong quá khứ. Do đó, nếu con sẵn sàng giải quyết các vết thương và quyết định này, con sẽ trở nên trong suốt trước những đòn tấn công và bất cứ điều gì họ phóng tới con sẽ chỉ lướt xuyên qua con mà thôi.

13.10. Quyền lực giới hạn của tà lực

Con hãy để thày cho con một ý niệm đo lường. Con hiểu chăng là tà lực đã tự cắt rời khỏi cõi tâm linh? Điều này có nghĩa là chúng chỉ có thể làm việc với các năng lượng ở một tầng nào đó của cõi vật chất. Mọi chuyện con làm đều được thực hiện bằng năng lượng. Khả năng sáng tạo của con, uy lực của con, được quy định bởi số lượng năng lượng con có thể tiếp cận, và độ rung của năng lượng mà con có thể tiếp cận.

Các thày đã giải thích rằng vũ trụ vật chất có bốn tầng. Là một người sống trên trái đất, con biết cơ thể vật lý của con chỉ có thể hoạt động trong một phạm vi khả năng nào đó. Lý do là cơ thể vật chất của con chỉ có thể sử dụng năng lượng trong một quang phổ nào đó. Cõi tình cảm có tần số rung động cao hơn. Tuy nhiên, các mức năng lượng thấp hơn trong cõi tình cảm không có chút sức mạnh nào để ảnh hưởng được cõi lý trí. Cũng vậy, các tần số trong cõi lý trí cũng có giới hạn, và những tần số này không thể ảnh hưởng cõi bản sắc. Tất nhiên, không điều gì trong bốn tầng của vũ trụ vật chất có thể ảnh hưởng Hiện diện TA LÀ của con. Đó là lý do vì sao Hiện diện TA LÀ của con không bị tổn thương bởi bất cứ điều gì con đã làm, đã gặp phải hay trải nghiệm trên trái đất.

Con có thể nhận ra một điều rất giản dị. Khi con ngừng đồng hóa mình với xác thân vật lý (và nếu con là một đệ tử tâm linh, và chắc chắn con là thế, con đã ngừng đồng hóa mình hoàn toàn với thân xác), thì con không thể bị tổn thương bởi bất cứ điều gì xảy ra cho thân xác. Tất nhiên, con sẽ bị ảnh hưởng nhưng dòng sống của con – con người thấp của con – sẽ không bị tổn thương bởi bất cứ điều gì xảy ra cho thân xác. Khi con gia tốc ý niệm bản ngã tới mức con không đồng hóa mình với cảm xúc, thì con không thể bị tổn thương bởi bất cứ năng lực nào phóng tới con trong cõi tình cảm. Khi con không còn đồng hóa mình với tư tưởng, con không thể bị tổn thương bởi những năng lực hướng tới con trong cõi lý trí. Và khi con không còn đồng hóa mình là con người bị giới hạn và tách biệt, con không thể bị tổn thương bởi những lực ở các tầng thấp của cõi bản sắc.

Con thấy chăng, vấn đề là con tập trung ý niệm bản sắc ở đâu. Nhiều người trên trái đất hoàn toàn tập trung vào xác thân vật lý và đồng hóa mình với nó. Vì vậy, nếu cơ thể của họ bị giết hoặc bị bệnh, họ bị tổn thương sâu đậm trong tâm hồn. Và họ mang theo vết thương đó từ kiếp này sang kiếp khác, thường khi đầu thai với nỗi sợ lớn bị giết hoặc bệnh tật.

Tất nhiên là cũng có những người hoàn toàn đồng hóa với cảm xúc của họ, và cả đời họ tìm cách tránh những cảm xúc tiêu cực, tìm cách tránh bị khinh miệt, vân vân. Có người khác đồng hóa mình nặng với trí tuệ của họ và họ sống cả đời là học giả hay người trí thức hoàn toàn đồng hóa với tư tưởng của mình và luôn tìm cách tránh bị chứng minh là sai trong các cuộc tranh luận trí thức – hoặc tìm cách chứng minh người khác sai để chứng minh họ giỏi hơn.

13.11. Một ý niệm bản sắc đúng đắn

Là một đệ tử tâm linh, nhiệm vụ của con là nâng cao ý niệm bản sắc, để buông không đồng hóa mình với thân xác, buông không đồng hóa mình với tình cảm, buông không đồng hóa mình với tư tưởng và cuối cùng, buông bỏ bất kỳ ý niệm bản sắc thấp hay tách biệt nào. Con đồng hóa mình đúng đắn với nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, chính là nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, và do đó nó không thể bị tổn thương hay bị ảnh hưởng bởi các năng lực thấp trong cõi vật chất.

Cái Ta Biết không được cấu tạo bằng năng lực của cõi vật chất. Khi con nhìn nhận điều này một cách ý thức, con không thể bị tổn thương bởi bất cứ điều gì hướng tới con trong cõi vật chất. Tất nhiên tà lực chỉ có thể có mặt trong cõi vật chất. Chúng chỉ có thể phóng tới con năng lực của cõi vật chất – và do đó, khi con tới điểm không đồng hóa với vật chất – thì con trở nên trong suốt. Con đáp ứng yêu cầu mà Giê-su mô tả, khi thày nói: “Ông hoàng của thế gian sẽ đến và không tìm thấy gì trong tôi để nắm.” Vì vậy, bất cứ điều gì họ phóng tới con – bất kỳ đòn tấn công nào họ đánh vào con – sẽ đi xuyên qua con.

Thày giải thích điều này để cho con mục tiêu mà con cần hướng tới khi tu tập. Tất nhiên, thày biết là con chưa tới đích, và đó là lý do vì sao con cần thỉnh cầu sự bảo vệ tâm linh. Con vẫn có những vết thương và những sự đồng hóa khiến con dễ bị tấn công bởi tà lực. Đó là lý do tại sao con thỉnh cầu sự bảo vệ tâm linh: Để tạo ra một lá chắn năng lượng tần số cao bao bọc trường năng lượng của con, để các đòn tấn công không dễ dàng xâm nhập vào con. Chúng chỉ vào được nếu con có những dính mắc tạo ra cánh cửa mở trong lá chắn bao bọc trường năng lượng của mình. Đây là những dính mắc mà con cần giải quyết ở tầng tâm thức này, là những dính mắc khiến con dễ bị tà lực đen tối tấn công nhất.

13.12. Vì sao con bị đả thương trong quá khứ

Con hãy để thày giải thích vì sao con bị đả thương khi con mới tới trái đất. Nếu con xem lại tình trạng khi con lần đầu xuống hành tinh trái đất, con sẽ thấy, như các thày đã nói, rằng hầu hết các con không xuống trái đất khi hành tinh này còn trong điều kiện lý tưởng, nguyên sơ của nó. Hầu hết các con, những người hiện thân ngày nay, đã xuống sau khi hành tinh này đã rơi xuống một tầng thấp hơn. Điều này có nghĩa là khi lần đầu tiên con xuống trái đất, sa nhân đã có mặt trên trái đất.

Chúng tất nhiên có mục tiêu kéo tất cả các dòng sống đến đây vào một vòng xoáy đi xuống. Vì đây là cách tối hậu để chúng hy vọng chứng minh là Đấng Sáng Tạo sai, bằng cách chứng minh quyền tự quyết không khả thi vì nó khiến các linh hồn đi theo vòng xoán đi xuống và rốt cuộc bị lạc đường. Đây là toàn bộ kế hoạch của chúng, như các thày đã giải thích trước đây [sách Chữa lành cho Trái Đất Mẹ].

Điểm mà thày muốn nói là khi hầu hết các con xuống trái lần đầu thì sa nhân đã có mặt ở đây. Con đến đây để biểu hiện một món quà tích cực nhằm nâng cao hành tinh này. Nhưng các sa nhân hiện thân không muốn món quà đó chút nào, vì như thày đã giải thích, chúng tất nhiên xem sự thể hiện quả vị Ki-tô là một mối đe dọa đối với chúng.

Ngay khi con đầu thai trên trái đất và bắt đầu biểu hiện quyền năng sáng tạo của mình, tà lực đã tấn công con rất ác độc để đẩy con tới chỗ quyết định không dùng quyền năng sáng tạo của mình nữa. Chúng chế giễu hay tấn công con ác độc đến độ con đã quyết định giới hạn hay dẹp bỏ quyền năng sáng tạo của mình vì con muốn tránh phản ứng tiêu cực này.

Con yêu dấu, con lấy quyết định này là điều rất dễ hiểu. Chính thày cũng đã quyết định như vậy khi thày bắt đầu hiện thân trên trái đất. Tất cả các chân sư thăng thiên khác đã từng hiện thân ở đây cũng đã làm vậy. Tất cả chúng ta đều bị sửng sốt bởi sự hung ác của tà lực, đến nỗi chúng ta rơi vào trạng thái chấn động, trạng thái chấn thương. Lúc đó, con không còn khả năng tiếp xúc cảm giác sâu sắc nhất, phản ứng sâu sắc nhất của con đối với cuộc sống trên hành tinh này.

Nhưng nếu con có thể tiếp xúc cảm giác đó, thày có thể đảm bảo với con là cảm giác sâu đậm nhất mà con có về cuộc sống trên trái đất là cảm giác bị chấn động, bị chấn thương bởi sự ác độc của sa nhân khi họ bác bỏ khả năng sáng tạo của con. Đây là vết thương sâu đậm nhất của con.

Thày nói cho con điều này vì dây là một điều quan trọng con cần ghi nhớ. Thày nhận ra là lúc này con chưa sẵn sàng giải quyết vết thương đó, vì con chỉ làm điều này sau này. Trên thực tế, con sẽ làm điều này sau tầng 96. Nhưng điều quan trọng cơ bản con nên biết là vết thương đầu tiên con nhận được trên trái đất là sự bác bỏ tàn nhẫn khả năng sáng tạo của con. Và nói chung là mọi vết thương khác sau đó chỉ đơn giản là biến thể của vết thương ban đầu này. Có thể nói là tất cả những vết thương sau đó là phản ứng lại sự bác bỏ sáng tạo của con lần đầu ấy.

13.13. Vết thương con cần chữa lành ngay bây giờ

Khi con hiểu điều này một cách ý thức, con có thể thấy rằng, trước hết, mục tiêu của con là trở lại tình trạng con là cánh cửa rộng mở và có thể thể hiện sự sáng tạo của mình. Nhưng con cũng thấy nhu cầu đối phó với các vết thương đó. Một lần nữa, con không cần phải giải quyết vết thương sâu nhất vào lúc này.

Nhưng con cần nhận ra con không thể gia tốc mình quá tầng tâm thức hiện nay cho tới khi con thấy vết thương đang kềm con lại bây giờ, đang ngăn con đi bước kế tiếp.

Đây là cái neo đang treo sau con thuyền của con và con cần phải xem xét ngay bây giờ. Con yêu dấu, không thể đi đường tắt được. Con không thể đơn giản cắt dây neo. Con cần phải nhảy xuống nước, lặn dưới nước và lần theo dây neo cho đến khi con thấy cái neo. Sau đó, khi con thấy cái neo, con nhận ra nó dựa trên một quyết định – con thấy nó giống như cái chốt giữ chiếc neo. Và khi con kéo cái chốt đó, chiếc neo sẽ được thả ra. Nhưng để kéo được chốt, con phải thấy được quyết định cũ và làm lại quyết định mới.

Tất nhiên, thày sẽ giúp làm điều này trong khóa nhập thất của thày khi con đến mức độ này. Một lần nữa, thày sẽ đưa con vào căn phòng với màn ảnh nơi đó con có thể rà hào quang của con. Con có thể thấy vết thương con phải giải quyết lúc này, quyết định nào trong quá khứ – thường là con đã củng cố quyết định này trong kiếp này – hiện đang kìm hãm sự biểu lộ sáng tạo của con.

Con có thể cảm nhận điều này bằng cách nhìn vào cuộc đời mình trong kiếp sống này. Có lẽ con đã nhớ, nếu không thì con sẽ nhớ, con đã từng bị chế giễu hoặc miệt thị vì khả năng sáng tạo của con và quyết định không biểu hiện khả năng đó? Thày không nói rằng đây nhất thiết phải là một cuộc tấn công ác độc. Nó có thể đến từ những người có thiện chí tưởng biết cách biểu hiện sáng tạo làm sao cho hợp tiêu chuẩn. Dù sao thì con cũng đã tiếp xúc với một tiêu chuẩn khiến con dẹp bỏ sự sáng tạo, biểu hiện sáng tạo của con.

Thày cần con sẵn sàng nhìn vào điều này. Và tất nhiên, khi con học bài giảng này và các bài giảng khác, khi con tiếp tục thực hành các bài chú và yêu cầu được đưa đến khóa nhập thất của thày ban đêm, thày sẽ dần dần giúp con. Đây không phải là điều thày có thể trình bày trong một cuốn sách, vì mỗi người mỗi khác. Thày sẽ giúp con tiếp xúc với vấn đề cá nhân của con. Con đã có quyết định nào kìm hãm quyền năng sáng tạo của mình trong cuộc đời này, ngưng không biểu hiện mình một cách sáng tạo? Mặc dù một lúc nào đó con có thể có ước mơ sáng tạo nhưng con lại nghĩ: “Ồ, tôi không thể làm được điều đó, hoặc tôi không thể kiếm sống bằng việc làm sáng tạo, vì vậy tôi phải đi vào một lĩnh vực khác kiếm sống tốt hơn.”

Con yêu dấu, thày không nói rằng con nên từ bỏ công việc con đang làm và trở thành một nghệ sĩ. Nhưng thày cũng không nói con không nên từ bỏ công việc con đang làm và trở thành một nghệ sĩ. Thành thật mà nói, từ bỏ công việc đang làm và làm một việc gì khác không phải là điều quan trọng. Vấn đề cốt yếu là tiếp xúc với quyết định đã giới hạn sự biểu lộ sáng tạo trong tâm lý con. Con không cần phải là một nghệ sĩ để biểu lộ mình một cách sáng tạo. Con có thể có một công việc thoạt trông rất bình thường nhưng con vẫn có thể biểu lộ sự sáng tạo qua nó. Tuy nhiên, khi con bắt đầu mở khóa sự sáng tạo của mình, con sẽ thấy con chuyển từ công việc bình thường sang một công việc có nhiều cơ hội cho sự biểu lộ sáng tạo hơn.

13.14. Tiếp xúc với ước mơ của con

Tuy nhiên, ý của thày ở đây là: Nếu con sẵn sàng nhìn vào điều này, nếu con sẵn lòng nhìn vào cuộc đời mình, nếu con sẵn sàng yêu cầu sự giúp đỡ của thày và sự chỉ đạo của thày, thì thày sẽ giúp con. Hiện diện TA LÀ của con sẽ giúp con, và người bào huynh yêu quý của thày, thày Hilarion, sẽ giúp con, khi con tham dự khóa nhập thất của thày ấy, nơi con có thể nhận ra một cách ý thức ước mơ sáng tạo của con là gì. Con có thể nhận biết một cách ý thức sự kiện nào trong cuộc sống đã thực sự khiến con chối bỏ giấc mơ đó, coi nó là viển vông và quyết định ngưng sự biểu lộ sáng tạo của mình. Sau đó, con có thể tới điểm mà con nói: “Tôi lúc đó thật sự không cần lấy quyết định đó, nhưng chắc chắn bây giờ tôi không cần giữ quyết định này nữa. Do đó, tôi quyết định giải phóng sự biểu lộ sáng tạo của mình. Tôi sẵn sàng biểu lộ mình.” Sự biểu lộ sáng tạo, như thày đã nói, không chỉ là vẽ tranh hay viết sách, làm thơ hay thế này thế nọ. Có nhiều cách để sáng tạo. Đưa ra những ý tưởng mới giúp cải thiện một số khía cạnh của cuộc sống hoặc xã hội, đây chính là sáng tạo. Bất cứ cách nào để làm việc giỏi hơn hay cải thiện cuộc sống đều là sáng tạo.

Điều quan trọng đối với con ở thời điểm này trên con đường tu là tiếp xúc với khả năng sáng tạo có sẵn trong con, lòng yêu thích biểu lộ sáng tạo dưới một dạng nào đó. Một lần nữa, thày không nói rằng con cần phải thay đổi nghề và kiếm sống qua sáng tạo. Nhưng ít nhất hãy dám ước mơ. Dám thể hiện nó bằng một cách nào đó. Dám sáng tạo. Ban đầu có thể là những bước nhỏ, nhưng hãy dám sáng tạo. Và sau đó hãy sẵn sàng xem xét con đã chấp nhận trong tâm những tiêu chuẩn nào mà con nghĩ cần áp dụng vào sự sáng tạo của mình. Vì đây là tiêu chuẩn của sa nhân.

Như thày đã nói, con không thể áp dụng tiêu chuẩn vào sự biểu lộ sáng tạo, vì biểu lộ sáng tạo đem lại điều gì mới. Và làm sao một điều mới có thể bị giam hãm và quy định trước bởi một tiêu chuẩn? Phải chăng điều này quá rõ ràng khi con sử dụng khả năng suy luận của mình?

Làm thế nào cuộc sống có thể cải thiện trên trái đất trừ khi có một cái gì mới, hay một số ý tưởng mới xuất hiện? Nếu không có chỗ cho điều mới, con sẽ có một xã hội trì trệ, ví dụ như con đã thấy trong xã hội phong kiến ở Châu Âu thời trung cổ. Trong hơn vài trăm năm, điều kiện sống hầu như không được cải thiện. Có rất ít chỗ cho sáng tạo, vì mọi thứ đều bị khóa chặt bởi một tiêu chuẩn mà sa nhân đã áp đặt qua công cụ bên ngoài là Giáo hội Công giáo, giai cấp quý tộc và các vua chúa. Họ muốn duy trì vị trí đặc quyền của họ trong xã hội bất chấp những đau khổ gây ra cho dân chúng.

13.15. Tiềm năng sáng tạo của con

Vậy thì con hãy sẵn sàng là một thành phần của tầng lớp tâm linh sáng tạo ưu tú, những người sẽ không để nhóm thượng lưu quyền lực ngăn chặn sự biểu lộ sáng tạo của mình. Đây là việc làm của con. Đây là tiềm năng của con trong kiếp sống này. Nếu nó không phải là tiềm năng của con, con đã không tìm thấy giáo lý này. Con đã không đang đọc và nghe những lời này.

Thày là Chân sư MORE. Thày là thượng sư của Tia sáng thứ Nhất của biểu lộ sáng tạo. Thày nói với con: “Con có tiềm năng là một thành phần của giới ưu tú sẽ giúp hành tinh này làm một bước nhảy vọt vĩ đại vào Thời đại Hoàng Kim của Saint Germain.” Đây là lý do tại sao con chọn hiện thân lần này. Đây là lý do tại sao con đã chịu đựng hiện thân nhiều lần trên hành tinh này trong suốt 2,000 năm qua: để bảo đảm Giê-su hoàn thành việc thiết lập khuôn mẫu, nguyên mẫu cho thời đại Song Ngư với những người biểu lộ quả vị Ki-tô. Con ở đây để bảo đảm thời đại Song Ngư sẽ tiến tới thời đại Bảo Bình khi cả ngàn người sẽ thể hiện và biểu lộ quả vị Ki-tô trên hành tinh này.

Đây là mục đích sâu xa khiến các thày ra mắt những cuốn sách này. Mục đích là giúp những người này mở khóa khả năng sáng tạo của họ, để họ có thể biểu lộ khả năng sáng tạo của mình trong việc đưa hành tinh này nhập vào khuôn đúc Thời đại Hoàng kim mà thày Saint Germain giữ trong tâm – mà tất cả các thày giữ trong tâm. Vì các thày đều là một trong nỗ lực nâng trái đất này vào Thời đại Hoàng kim. Các con là một với các thày trong nỗ lực đó, và thày có mặt ở đây để giúp con mở khóa sự nhận biết có ý thức rằng con là một phần của nỗ lực này. Vì khi con nhận biết có ý thức điều này, con có thể gia tốc sự biểu lộ sáng tạo của mình. Con có thể gia tốc quá trình chữa lành vết thương đang kìm hãm sự biểu lộ sáng tạo đó.

Ôi con yêu dấu, thày rất hân hoan khi thấy đệ tử tại khóa nhập thất bắt đầu mở khóa quyền năng sáng tạo của họ và bắt đầu dám biểu lộ những quyền năng sáng tạo đó – không chỉ ở khóa nhập thất mà còn trong cuộc sống có ý thức của họ. Thật là niềm vui lớn khi các thày thấy đệ tử dám vượt ra khỏi khuôn khổ mà họ đã thấm nhuần từ khi thơ ấu, dám làm điều gì đó khác biệt và dám biểu hiện điều cái hơn nữa.

13.16. Tìm sự trợ giúp của Mẹ Mary

Thày chỉ ước thày có thể giúp mỗi đệ tử tới điểm đó. Nhưng đôi khi thày phải nhìn nhận rằng khả năng giúp đỡ của thày có giới hạn. Và tất nhiên, đây là lúc thày làm điều mà mọi vị tướng giỏi đều làm: gọi quân tiếp viện. Thực sự có những đệ tử tại khóa nhập thất của thày gặp khó khăn vượt qua một vết thương đang cản trở sự sáng tạo của họ. Và lúc đó thày nhờ tới người chị yêu dấu của thày, Mẹ Mary, là người đại diện của Mẹ Thiêng liêng cho trái đất.

Mẹ Mary có khả năng ôm đệ tử vào vòng tay và giữ chặt đệ tử đó, như con thấy trong tranh vẽ mẹ Mary ôm bé sơ sinh Giê-su. Nhưng tất nhiên, những bức tranh và bức tượng con thấy trên trái đất không sánh được vẻ đẹp thực sự trong suốt của Mẹ Mary. Tuy nhiên, con có thể tưởng tượng hoàn toàn phó thác mình trong vòng tay của Mẹ Thiêng liêng, trong tình thương vô điều kiện mà Mẹ của Thượng đế dành cho con, khi Mẹ Mary ôm con trong vòng tay.

Con cảm được hào quang chữa lành thấm vào trường năng lượng của mình, lập tức nhắm vào vết thương con đang cần giải quyết, chiếu năng lượng chữa lành của Mẹ vào vết thương đó, khiến con nhìn nó mà không cảm thấy nỗi đau xúc cảm dữ dội như trước kia. Con nhìn nó với viễn quan tinh khôi của Mẹ và thấy nó thực sự chỉ là một vết thương. Nó chỉ là một quyết định.

Con đã lấy một quyết định, nhưng con không trở thành quyết định đó. Quyết định tạo ra một phàm linh, như Đại thượng sư đã giảng, nhưng con không trở thành phàm linh đó. Do đó, con không phải vĩnh viễn nhìn quyết định này xuyên qua phin lọc nhận thức của phàm linh. Tất nhiên, đây là nguyên nhân khiến con đau đớn. Đây là lý do khiến con nghĩ rằng con không thể nào xóa bỏ quyết định đó vì phàm linh không thể nào xóa bỏ quyết định đó. Phàm linh chỉ có thể nhìn quyết định và cảm thấy đau đớn, vì nó được tạo ra từ nỗi đau của kinh nghiệm chấn thương ban đầu khi sự sáng tạo của con bị bác bỏ.

Mẹ Mary sẽ giúp con bước ra ngoài nỗi đau – ra ngoài phàm linh – và nhận ra một thực tế giản dị. Thượng đế không bác bỏ sự sáng tạo của con. Các sa nhân cũng không thực sự bác bỏ nó vì chúng không thấy được sự sáng tạo của con. Chúng không thấy nó như nó là. Chúng chỉ cảm thấy sự biểu lộ sáng tạo của con làm xáo trộn cảm giác kiểm soát của chúng, và do đó chúng phản ứng theo cách duy nhất mà sa nhân biết.

Con yêu dấu, con có bao giờ kinh nghiệm mình là một đứa trẻ phải chạm trán một con chó dữ? Có thể là một con chó bị xích hoặc sủa sau hàng rào, nhưng nó sủa và gầm gừ với con. Và con có thể đã tìm cách nói chuyện với nó với giọng nhẹ nhàng, nhưng nó tiếp tục sủa và gầm gừ với con. Có con chó con có thể dỗ dịu bằng cách nói chuyện với nó, nhưng có con khác, con không làm thế được. Và đó là lúc con nhận ra rằng một con chó tức giận sẽ luôn luôn làm chuyện chó điên thường làm: sủa và gầm gừ bất kể con nói gì.

Vậy thì con phải làm gì? Con chỉ có thể bỏ đi. Nhưng con không cảm thấy con chó giận dữ đang bác bỏ sự biểu lộ sáng tạo của con, vì con nhận ra chó điên chỉ đơn giản là chó điên. Các sa nhân cũng tương tự như vậy thôi. Chúng chỉ có thể phản ứng như một con chó điên. Bất cứ khi nào chúng cảm thấy ai đang biểu lộ điều gì sáng tạo, chúng liền cảm thấy bị đe dọa và làm những gì chúng luôn luôn làm: Chúng tìm cách đập nó xuống. Nhưng không phải vì chúng ghét cá nhân con. Thậm chí chúng còn không nhìn thấy sự độc đáo của con người con và sự biểu lộ sáng tạo của con. Vì chúng chỉ nhìn thấy những hình ảnh được tạo ra trong tâm trí của chúng và hình ảnh thì không liên quan gì đến thực tế của sự biểu lộ sáng tạo của con.

13.17. Tách rời sáng tạo ra khỏi kết quả

Khi con ở trong vòng tay Mẹ Mary và thấy điều này, con có thể thấy rằng con đã lấy quyết định vì nghĩ rằng con đang hiện thân nên phải chấp nhận tiêu chuẩn mà sa nhân phóng chiếu lên con. Nói cách khác, con nghĩ phải nhìn biểu lộ sáng tạo của mình qua phin lọc bác bỏ của họ, thay vì nhìn biểu lộ sáng tạo của mình qua nhận biết thuần khiết mà con là.

Con có nhận ra vì sao con tin điều này? Đó chính là vì con đầu thai xuống trái đất này với ý định thay đổi một số chuyện. Con tới đây với ý muốn tặng một món quà tích cực, đem lại đổi thay, nâng hành tinh lên một trạng thái cao hơn. Con có mục đích này là điều rất dễ hiểu – vì nếu không tại sao con lại tình nguyện xuống một môi trường dày đặc như thế này?

Thật vậy, như thày đã nói, con có mặt ở đây để đem hành tinh này vào Thời đại Hoàng kim. Nhưng cần nhận ra là một điều đơn giản: đem hành tinh đến gần Thời đại Hoàng kim hơn không tùy thuộc vào phản ứng của sa nhân và tâm thức chết trước nỗ lực sáng tạo của con. Con không tới đây để thay đổi các dòng sống. Có phải chăng là thày đã nói trước đây về nhu cầu vượt qua mong muốn thay đổi ý kiến người khác? Con không tới đây để thay đổi ý kiến sa nhân. Sự thành công của biểu lộ sáng tạo của con không tùy thuộc vào phản ứng hay sự chấp nhận hay không chấp nhận từ những người mang trạng thái tâm thức sa ngã – vì họ sẽ luôn luôn bác bỏ.

Sự thành công của biểu lộ sáng tạo của con chỉ dựa trên một điều: con đã biểu lộ nó. Khi con biểu lộ sáng tạo của mình, thì con đã thành công, vì biểu lộ chính là thành công. Phản ứng từ người khác không quan trọng. Và đây là những gì con nhận ra khi con ở trong vòng tay yêu thương của Mẹ Mary. Đây là viễn quan tinh khôi, khái niệm tinh khôi.

13.18. Làm sao nâng địa cầu

Con thấy chăng, điều gì chắc chắn sẽ nâng cao trái đất? Này nhé, nếu con có một căn phòng tối và muốn tăng ánh sáng trong phòng, con phải làm gì? Con đem nhiều ánh sáng vào hơn. Và mỗi khi con mang nhiều ánh sáng hơn, con giảm bóng tối. Không thể nào khác hơn, vì bóng tối là sự thiếu ánh sáng. Con thấy chăng, mỗi khi con biểu lộ quyền năng sáng tạo của mình, con giúp gia tăng ánh sáng trên hành tinh này và đưa nó tới gần Thời đại Hoàng kim hơn.

Nhưng con cũng thấy gì trong căn phòng tối khi con tăng ánh sáng? Lúc đầu mọi thứ đều có màu xám. Nhưng khi ánh sáng tăng thêm, sẽ có tương phản lớn hơn giữa các vùng có tia sáng mặt trời chiếu thẳng xuống sàn nhà và các vùng trong bóng tối. Sẽ có tương phản lớn hơn giữa ánh sáng và bóng tối. Đây là những gì con thấy trên hành tinh trái đất hiện nay.

Đó là lý do vì sao con bị tấn công dữ dội bởi sa nhân và những người vẫn còn bị mắc kẹt trong tư duy sa ngã. Đây là lý do vì sao con có thể bị tấn công khi con bắt đầu công khai biểu lộ quả vị Ki-tô của mình. Nhưng thày không yêu cầu con công khai biểu lộ quả vị Ki-tô của con. Thày chỉ đơn giản yêu cầu con biểu lộ nó cho chính mình, để con có thể bắt đầu tiến trình mở khóa khả năng sáng tạo của mình.

Khi con tới điểm chữa lành được vết thương lớn, con sẽ thấy biểu hiện của mình không được đánh giá bởi sự bác bỏ của những người có tư duy sa ngã. Vì con có quyền biểu lộ khả năng sáng tạo của mình, mặc dù thực tế là sẽ có người kịch liệt bác bỏ nó và tấn công con một cách ác độc. Nhưng con có thể tiếp tục là chính mình, vì Mẹ của Thượng đế – người có thẩm quyền tối hậu trên trái đất – đã cho phép con biểu lộ sự sáng tạo thiêng liêng của con. Chính Đấng Sáng tạo – người có thẩm quyền tối hậu trong thế giới hình tướng – đã cho phép con là chính mình và là cánh cửa rộng mở để biểu lộ Hiện Diện TA LÀ Của Con.

Con yêu dấu, khi con được phép của Thượng đế và Mẹ của Thượng đế, thì tại sao con lại cần sự cho phép của sa nhân, những người đã tự cắt đứt mình ra khỏi Thượng đế và đã bác bỏ và khủng bố Mẹ của Thượng đế và con cái của Mẹ? Tại sao con cần họ cho phép? Và nếu con không cần họ cho phép, tại sao con lại để sự bác bỏ của họ ngăn cản con trao món quà biểu hiện sáng tạo của con cho hành tinh này, món quà mà con đến đây để trao tặng, món quà là tiềm năng cao nhất mà con có thể cống hiến?

Khi con bắt đầu nắm bắt điều này trong tâm ý thức của mình, con bắt đầu chữa lành vết thương. Con bắt đầu chấp nhận vai trò thực sự của mình là biểu lộ sự sáng tạo của mình. Con tới đây để trải qua tiến trình tu của con Đường Bảy bức Màn, theo đó con dần dần trở thành một cánh cửa ngày càng rộng mở để biểu hiện cái hơn nữa, cái HƠN NỮA mà TA LÀ.

Uy lực và gia tốc

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Trong bài giảng này, thày sẽ nâng các lời hướng dẫn lên một mức cao hơn. Trong các bài trước thày đã mô tả cách thày giúp những dòng sống lần đầu tới khóa nhập thất của thày ở Darjeeling. Thày mô tả là đa số đệ tử mới tới phải qua một giai đoạn sơ khởi trong đó thày giúp họ nhận ra nhu cầu là họ cần nhìn quá những gì họ chờ đợi nơi một vị thày tâm linh, nơi một đệ tử tâm linh, và nơi một nhập thất tâm linh. Những chờ đợi này chính là thế giới quan và tiêu chuẩn của họ. Vì thày không thể giúp những người muốn ép buộc thày phải tuân theo những chờ đợi của họ, thay vì sẵn sàng để cho thày dẫn họ ra ngoài hộp tư duy hiện nay của họ.

Thày có mô tả là thày tìm cách lý luận với họ, vì tất cả mọi người đều có khả năng lý luận một mức trên tầng tâm thức hiện nay của họ. Thày mô tả là thày tìm cách cho người đệ tử cảm thấy mình được thương yêu, và nhận ra là thày không phê phán họ chút nào, vì thày chỉ có một mục đích là giúp họ vươn lên các tầng tâm thức cao hơn.

11.1. Chữa lành trong Vườn Tình thương

Thày cũng mô tả là nhiều đệ tử – sau khi đã nhận ra nhu cầu nhìn quá tiêu chuẩn và bắt đầu dùng khả năng lý luận – cần một thời gian để được chữa lành qua việc kinh nghiệm tình thương. Đó là lý do thày có một khu vườn rất rộng chung quanh khu nhập thất của thày, và vì khu này tọa lạc trên cõi bản sắc nên khí hậu không là vấn đề. Vì khí hậu do thày và các phụ tá chăm lo khu nhập thất tạo ra.

Thày và các phụ tá đã tạo ra một khu vườn rất rộng có nhiều khóm hoa, cây cỏ nức mùi thơm, suối nước và vòi nước, và dĩ nhiên cũng có nhiều loài chim ca hát không ngừng. Thày có nói tới con chim nhỏ màu xanh của sự tử tế nhưng trong vườn của thày cũng có nhiều loài chim khác. Thày có một phần của khu vườn trồng nhiều hoa hồng và có nhiều chim hót một cách khiến người đệ tử cảm nhận được rung động của tình thương.

Dĩ nhiên hoa hồng mà con biết tới trên trái đất có mùi thơm gần rung động của tình thương nhất. Khi con ngửi hoa hồng, con tới gần rung động của tình thương hơn những gì con có thể trải nghiệm qua khứu giác. Sau khi người đệ tử đã ở khóa nhập thất của thày một thời gian thì tới lúc các vị ấy cần ngửi hoa hồng. Lúc đó, các đệ tử đi ra ngoài vườn, chọn một nơi họ thích và ngồi đó hấp thụ mùi thơm của hoa và tiếng hót của chim. Thày dĩ nhiên có người phụ tá biết đọc rung động của từ trường và luân xa con người, và biết thật chính xác họ cần nghe, ngửi, thấy và cảm những gì để được chữa lành tốt nhất.

Các đệ tử có khi ngồi trong khu vườn rất lâu, vì thực sự khóa học không thể tiến xa hơn nếu con chưa trải nghiệm tình thương đích thực, là tình thương vượt lên trên điều kiện. Tình thương này vượt lên trên tình thương con thường trải nghiệm trên trái đất. Trên trái đất con đã quá quen thuộc ý tưởng tình thương của người khác đối với mình lúc nào cũng có điều kiện. Con cần phải xứng đáng, con cần phải hội đủ một số điều kiện thì mới được nhận tình thương. Nhưng sự thực là sự chữa lành tối hậu đến từ trải nghiệm tình thương vô điều kiện.

Lúc ban đầu con có thể cảm nhận tình thương vô điều kiện của thày, nhưng mục đích tối hậu là con trải nghiệm trực tiếp tình thương vô điều kiện của Hiện diện TA LÀ của con, là nguồn tình thương vô điều kiện cho con. Tình thương này, dĩ nhiên, là tình thương của đấng Sáng tạo, tình thương mà đấng Sáng tạo dành cho tất cả những nối dài có tự nhận biết của ngài. Do đó, con không thể tạo ra nó. Con chỉ có thể là cánh cửa mở nhận nó, nhưng nó là tác nhân tối hậu chữa lành.

11.2. Chối bỏ tình thương vô điều kiện

Có những người đã bị lập trình quá nặng bởi điều kiện trên trái đất nên họ khó chấp nhận tình thương vô điều kiện khi lần đầu tới khóa nhập thất của thày. Đây là một thách đố cho thày. Vì làm sao con có thể giúp một người cảm được tình thương, khi người đó có quá nhiều điều kiện liên quan tới tình thương – tình thương phải được biểu hiện như thế nào, một người phải sống theo đúng tiêu chuẩn nào trước khi có thể mở lòng để thực sự trải nghiệm tình thương?

Con nhìn trái đất và thấy là con đã bị lập trình để nghĩ rằng con phải hội đủ một số điều kiện trước khi con có thể nhận tình thương, và nhiều đệ tử đã gán điều này lên Thượng đế và nghĩ Thượng đế là người có nhiều điều kiện nhất. Vì tình thương của Thượng đế đúng lý phải đặc biệt – đặc biệt hơn tình thương của con người – do đó nếu con phải hội đủ một số điều kiện mới nhận được tình thương của người phàm, thì con sẽ phải hội đủ nhiều điều kiện khắt khe hơn nữa mới mong nhận được tình thương cao hơn của Thượng đế.

Một số đệ tử lý luận như vậy khi họ tới thày. Dĩ nhiên là thày có thể tìm cách dùng lý trí để khuyên bảo họ. Nhưng câu hỏi là: liệu họ có thể tới chỗ buông bỏ lâu đủ những điều kiện của họ để trải nghiệm – không phải chỉ hiểu mà thực sự trải nghiệm – tình thương vô điều kiện?

Thày đã giảng là ở tầng tâm thức 48, con phải đối mặt với nhu cầu nhìn quá tiêu chuẩn của mình. Khi con chấp nhận chịu nhìn quá tiêu chuẩn của mình thì con có thể tiến lên tầng 49. Điều này không có nghĩa là con đã buông bỏ hết mọi tiêu chuẩn, vì bình thường con chỉ làm được điều này khi con tới tầng 96, và có khi còn phải cao hơn nữa. Nhưng nó có nghĩa là con đã trải nghiệm nhìn vào chính mình và cuộc đời từ một trạng thái tâm thức cao hơn trạng thái được quy định bởi tiêu chuẩn. Lúc đó con tiến lên tầng 49.

Ở tầng này, con phải học cách dùng khả năng lý luận để chất vấn một cách ý thức một phần của tiêu chuẩn và trải nghiệm cảm giác buông bỏ phần đó. Một lần nữa, không có nghĩa là con buông bỏ hết mọi tiêu chuẩn, nhưng con đã trải nghiệm tiến trình buông bỏ một phần tiêu chuẩn. Lúc đó con tiến lên tầng 50.

Tầng 50 là nơi con phải đối mặt nhu cầu trải nghiệm tình thương vượt lên trên điều kiện. Không có nghĩa là con buông bỏ hết mọi điều kiện, nhưng có nghĩa là con trực tiếp trải nghiệm tình thương vượt lên trên điều kiện hiện nay của con. Và nếu con chưa trải nghiệm điều này thì con không thể lên tầng 51. Điều này không thể xảy ra được.

11.3. Quan hệ giữa con và Thượng đế 

Đối với một số đệ tử, đây là một thách đố lớn, vì con phải nghĩ lại cách con nhìn Thượng đế và quan hệ của con với Thượng đế. Dĩ nhiên là trái đất có một truyền thống rất lâu đời – lâu đời nếu tính theo chiều dài kiếp người, nhưng không lâu nếu so sánh với toàn bộ thời gian có sự sống thông minh trên trái đất – miêu tả Thượng đế như một thượng đế giận dữ và phê phán ở trên trời. Có rất nhiều người trên trái đất hiện nay đã bị lập trình bởi tiêu chuẩn này, bởi ý do sa nhân phóng chiếu là đây là hình ảnh thực duy nhất của Thượng đế, và ai chất vấn hình ảnh này sẽ mang tội thóa mạ thần linh.

Các con yêu dấu, có một sự kiện giản dị là tâm thức con không thể nào vươn cao hơn hình ảnh của con về Thượng đế. Con có thể tới khóa nhập thất của thày với hình ảnh một Thượng đế giận dữ và phê phán. Con có thể tiến triển qua hai tầng đầu, nhưng con sẽ không thể đi quá tầng 50 nếu con giữ hình ảnh Thượng đế giận dữ và phê phán và nhất định phóng chiếu hình ảnh này lên thày; muốn thày là một vị thày giận dữ và phê phán sẽ phạt nặng khi con làm lỗi.

Các con yêu dấu, nhiều đệ tử đã tới khóa nhập thất của thày với trạng thái tâm thức sợ làm lỗi hơn là yêu làm cái hơn nữa. Thày có nói về tiêu chuẩn. Bản chất của tiêu chuẩn là nó quy định hai cực: tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai. Hầu hết mọi người đã bị lập trình để đánh giá như vậy mọi khía cạnh của đời sống, tâm thức, tình cảm, tư tưởng và hình ảnh mình là ai.

Nhất định là phải có đúng và sai, đúng vậy chăng? Sai, con yêu dấu! Trong thực tại của Thượng đế không có đúng sai. Những khái niệm nhị nguyên do tâm thức tách biệt, tâm thức phản-Ki-tô tạo ra. Con sẽ không bao giờ biết Thượng đế thật nếu con nhất định phóng chiếu hình ảnh này lên Thượng đế.

11.4. Chân sư MORE không phải là một vị thày giận dữ

Con sẽ không bao giờ biết Chân sư MORE thật nếu con nhất định phóng chiếu hình ảnh này lên thày, như nhiều người tự nhận là đệ tử chân sư thăng thiên đã và đang làm. Họ muốn thày là một vị thày giận dữ và phê phán. Thày không phải là một vị thày như vậy. Thày chưa bao giờ như vậy. Trong mấy chục năm trước, thày đã để đệ tử phóng chiếu hình ảnh này lên thày, nhưng thày sẽ không để chuyện này xảy ra nữa. Thày sẽ công khai bác bỏ hình ảnh này và tố cáo các đệ tử đó là người không chịu nhìn vào – hay đúng hơn là không chịu trải nghiệm – thực tại của thày.

Thày không phải là vị thày giận dữ và phê phán. Thày là vị thày thương yêu vô điều kiện và thày sẽ hỗ trợ con vô điều kiện. Nhưng cách thày hỗ trợ con và sự tăng triển của con là giúp con thăng vượt các điều kiện của mình, vì thày không phải là người kềm con lại. Thượng đế không kềm con lại; ma quỷ không kềm con lại. Cái kềm con lại trên con đường tu chính là các điều kiện của con, những điều kiện mà con đã quy định và chấp nhận. Thày đồng ý là ma quỷ đã quy định nhiều điều kiện mà con đã chấp nhận, và do đó ma quỷ đã gián tiếp kềm con lại. Nhưng ma quỷ không có quyền lực trên con trừ phi con cho nó quyền lực đó bằng cách chấp nhận một số điều kiện.

Con sẽ không bao giờ biết thày nếu con phóng chiếu hình ảnh một Thượng đế giận dữ và phê phán lên thày và nghĩ rằng thày giống vậy. Con yêu dấu, con sẽ không bao giờ biết thày. Và đây là một gánh năng trên tim thày, thày phải thành thật nói vậy. Vì dĩ nhiên thày biết thày là ai. Thày biết thày có thể cống hiến đệ tử rất nhiều. Và thày thấy họ ngồi đó và bị kẹt vì không buông bỏ lâu đủ các điều kiện của mình để trải nghiệm, dù chỉ một thoáng, tình thương vô điều kiện mà thày cảm nhận đang tuôn chảy qua thày từ đấng Sáng tạo, và từ Hiện diện TA LÀ trực tiếp xuống tới họ.

Thày thấy thày trở thành cánh cửa mở cho tình thương đó khi các đệ tử tới khóa nhập thất của thày. Và họ ngồi đó và không chịu nhận nó vì họ nhất định nắm giữ điều kiện nào đó miêu tả họ không xứng đáng – vì thày là người quy định điều kiện mà họ không hội đủ. Thực ra chính họ đã quy định các điều kiện này, nhưng họ phóng chiếu lên thày là thày là người đã quy định chúng. Họ cho rằng thày là người đã giữ lại và không cho họ tình thương vì thày đã quy định những điều kiện quá khắt khe mà họ không hội đủ được. Nhưng thày không có điều kiện. Mọi người tới khóa nhập thất của thày với điều kiện của chính họ.

Có trường hợp đệ tử ở rất lâu trong vườn hồng mà vẫn không cảm được tình thương. Vì giản dị là họ không chịu ngửi mùi hoa hồng và trải nghiệm khu vườn.

11.5. Tia thứ Nhất của uy lực sáng tạo

Đệ tử tới thày trong tâm như có một bản nhạc – tựa như một đĩa nhạc rè cứ lặp đi lặp lại – lặp lại những điều kiện. Họ nhìn khóa nhập thất của thày và nghĩ: “Tôi phải hội đủ những điều kiện nào đây? Tôi không thể phạm lỗi ở đây; tôi đang tham dự một khóa nhập thất tâm linh.”

Vì họ quá quan tâm đến việc tránh phạm lỗi nên họ không dám làm gì cả. Và vì sao đây là một vấn đề? Đây là một vấn đề vì thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Trong quá khứ, Tia thứ Nhất được miêu tả là tia của uy lực và ý chí, nhưng đó là vì uy lực và ý chí là thành phần thiết yếu của nỗ lực sáng tạo.

Con không thể sáng tạo bất cứ cái gì nếu con không phóng uy lực ra ngoài, và con không thể sáng tạo bất cứ cái gì nếu con không có ý chí sáng tạo. Do đó con có thấy chăng là thày không muốn con nhìn uy lực và ý chí như đức tính cố định, như tiêu chuẩn mà con phải sống theo. Thày đã nói gì về tiêu chuẩn? Nó giết sự sáng tạo. Nhưng con có nghĩ thày, là Chân sư MORE, Thượng sư của Tia thứ Nhất của Nỗ lực Sáng tạo, muốn giết sự sáng tạo của con? Nếu con nghĩ vậy, thì thày có thể bảo đảm với con là con sẽ thấy điều này không đúng nếu con chịu dùng khả năng lý luận của mình.

Thày không phải là người muốn giết sự sáng tạo của con. Tự ngã của con, các tà lực và thày giả muốn làm điều này, nhưng thày thì không, vì thày, chân sư MORE, chỉ muốn con hơn nữa. Và con hơn nữa qua sự sáng tạo. Và con chỉ sáng tạo khi con sẵn sàng thử nghiệm. Và con chỉ sẵn sàng thử nghiệm khi con nhìn vào nỗi sợ phạm lỗi và tự hỏi: “Có điều gì con yêu thích hơn nỗi sợ phạm lỗi không? Trong con có sự yêu thích nào mạnh hơn nỗi sợ phạm lỗi không?”

Thày không muốn nói tới lòng yêu thích muốn mình đúng dựa trên một tiêu chuẩn thế gian, tuy rằng đây có khi là một điểm khởi đầu. Thày muốn nói tới tình yêu thương cái gì hơn mọi tiêu chuẩn. Vì chỉ khi con vượt lên trên tiêu chuẩn con mới có thể sáng tạo.          

Nếu ngồi trong vườn hồng không giúp được người đệ tử, thì thày có một khu khác trong khu nhập thất của thày. Chắc con cũng có nghe đến kho sử liệu akasha. Kho sử liệu akasha có thể coi như một trường năng lượng có độ rung rất thanh hay cao, vượt rất xa các rung động trong cõi vật chất. Những rung động này có khả năng ghi nhận tất cả mọi diễn biến, mọi hành động xảy ra trong vũ trụ vật chất, do đó tất cả những điều này được ghi lại như hình ảnh, giống như cuộn phim có thể xem lại.

Kho sử liệu akasha đặc biệt hữu dụng khi một dòng sống rời bỏ xác thân và duyệt xét lại cuộc đời vừa qua của mình. Vì nhiều khi dòng sống đã quên hay có một cái nhìn méo mó về những chuyện đã xảy ra. Do đó, các thày có thể trở về kho sử liệu và chiếu lại hoàn cảnh thực, vì cái gì được ghi nhận trong kho sử liệu chỉ là sự kiện đã xảy ra, không có những cảm xúc và trải nghiệm nội tâm của những người trong cuộc.

Khi người đệ tử thấy những gì được ghi trong kho sử liệu akasha, y trải nghiệm chuyện xảy ra một cách hoàn toàn trung hòa không cảm xúc. Y có thể nhìn câu chuyện một cách khách quan – thấy nó như nó là – do đó giúp y dễ dàng buông bỏ, ghi nhận điều xảy ra và được chữa lành. Dĩ nhiên, có sử liệu khác ghi nhận các cảm xúc và các rung động này cũng cần được xóa bỏ trước khi người đệ tử thực sự buông bỏ.

11.6. Vẽ lên tấm vải vẽ của tiềm thức

Trong khu nhập thất của thày, thày cũng có một căn phòng có một màn ảnh 180 độ có thể chiếu lên bất cứ hình ảnh nào. Thày cũng có một dụng cũ giống như máy rà hình, tương tự như máy rà hình trong bệnh viện trên trái đất nhưng tinh vi hơn. Máy này có thể rà tiềm thức – gồm các thể xúc cảm, lý trí và bản sắc của tâm – của người đệ tử. Tác dụng là màn ảnh lớn trở nên một tấm vải vẽ trên đó người đệ tử có thể vẽ bất cứ gì mình muốn. Tiến trình xảy ra như sau.

Người đệ tử ngồi xuống và máy rà hình rà tâm của y. Máy rà hình phát hiện tất cả các điều kiện mà người đệ tử có trong tiềm thức. Sau đó, máy phát lên màn ảnh một tấm vải vẽ trắng giống như tấm vải vẽ của người họa sĩ. Tuy nhiên, kích thước của tấm vải vẽ – và con nên nhớ là màn ảnh rất lớn và chiếm nửa căn phòng – được chiếu như một phần màu trắng trên màn ảnh tùy thuộc vào những điều kiện mà người đệ tử có trong tâm. Càng nhiều điều kiện, tấm vải vẽ càng nhỏ.

Bên cạnh người đệ tử có một bảng pha màu gồm cọ và màu, và bảng pha màu này cũng tùy thuộc các điều kiện. Càng nhiều điều kiện, càng ít màu ít cọ. Có đệ tử chỉ có một cọ và chỉ có màu đen để vẽ trên một tấm vải vẽ trắng nhỏ – có khi nhỏ đến độ hầu như không có chỗ để vẽ gì vào.

Người đệ tử được giao công việc vẽ lên tấm vải vẽ màu trắng – vẽ gì cũng được. Một số đệ tử coi đây là một thách đố lớn. Những người có nhiều điều kiện nhất có tấm vải vẽ nhỏ nhất và ít màu nhất, nhưng tuy vậy họ không biết phải chọn màu gì, họ không thể quyết định vẽ cái gì. Họ nhìn thày với con mắt hoảng sợ và muốn thày nói họ phải vẽ gì lên tấm vải vẽ của đời mình. Họ muốn có quy luật, tiêu chuẩn mà họ có thể áp dụng, và như vậy biết chắc là mình đang làm đúng và không làm gì sai.

Nhưng con yêu dấu, con có thấy chăng: ở đây không có đúng sai. Vì mục đích không phải là vẽ một bức tranh. Mục đích là giúp con thẩm định các điều kiện đang hạn chế sự sáng tạo của mình.

Thày rời căn phòng để lại người đệ tử một mình, và trở lại một lúc sau để xem người đệ tử đã vẽ gì. Có khi thày trở lại nhưng y không vẽ được gì cả. Lúc đó thày cho y thêm thì giờ. Nhưng vẫn có một số đệ tử bị giam trong điều kiện đến độ họ không dám vẽ gì cả. Có người thày không thể giúp được và đành phải gửi trả họ về quán ăn miễn phí là nơi họ có thể đi thêm một vòng nữa và nhận được chút ít hơn những gì họ có thể nhận lúc này.

Với những đệ tử đã vẽ được một cái gì, thì thày tìm cách giúp họ bằng cách hỏi: “Khi con vẽ hình này – khi con nhìn hình này – thì năng lượng của con lên hay xuống? Con có phản ứng gì? Trạng thái tâm của con thế nào khi con vẽ và nhìn hình?”

Thày giúp họ thấy đây không phải là một kỳ thi khảo hạch. Đây không giống các chương trình truyền hình trong đó có một số giám khảo đưa ra những lời bàn vô duyên về những gì người khác sáng tạo. Thày không ở đây để bàn về tấm hình của con. Thày ở đây để giúp con thấy trạng thái tâm mình và thấy mức độ tự do – hay nhiều khi là thiếu tự do – của mình khi biểu lộ chính mình một cách sáng tạo.

11.7. Sáng tạo qua các luân xa

Sau khi thày đã giúp người đệ tử tiếp cận cảm xúc của mình, thì thày hỏi y đánh giá tiềm năng sáng tạo của mình. Hay nói cách khác, con có thể làm hơn những gì con đã làm chăng? Nhiều khi người đệ tử trả lời: “Con có thể làm hơn nếu con có một tấm vải vẽ lớn hơn và nhiều màu hơn”. Lúc đó là lúc thày giúp y thấy rằng thày không phải là người giới hạn kích thước tấm vải vẽ và số màu: đó là chính các điều kiện của người đệ tử. Thày có thể chỉ cho y thấy – và chiếu lên màn ảnh – cách điều kiện hạn chế biểu hiện sáng tạo.

Thày có thể chiếu lên màn ảnh từ trường và các luân xa của người đệ tử. Thày có thể cho thấy biểu hiện sáng tạo vận hành ra sao qua các luân xa. Thày có thể cho thấy là mỗi luân xa có những cái được gọi là cánh hoa, vì luân xa có thể so sánh với một đóa hoa. Nhưng những cánh hoa này thực sự là những van hay cổng cho ánh sáng vào. Trong nhiều trường hợp người đệ tử đã đóng hầu hết các cổng này trong luân xa, do đó có rất ít ánh sáng chảy xuyên qua luân xa.

Sau đó, thày cho thấy những luân xa có cổng bị tắc nghẽn. Và thày cho thấy là sự tắc nghẽn được tạo ra bởi điều kiện mà người đệ tử đã chấp nhận. Và thày cho thấy là nếu điều kiện được buông bỏ thì có nhiều ánh sáng chảy qua luân xa hơn, và lúc đó tấm vải vẽ sẽ rộng lớn và số màu sẽ tăng lên. Qua cách này, thày có khi – đúng thật là thường khi – giúp người đệ tử thấy được một số điều kiện và dần dần buông bỏ chúng để mở rộng tấm vải vẽ và gia tăng số màu trong bảng pha màu.

Nhiều đệ tử đáp ứng rất tốt, và họ hăng hái làm công việc buông bỏ điều kiện để tăng kích thước bức vải vẽ. Dĩ nhiên là thày cho họ thấy bức vải vẽ có tiềm năng lớn thế nào. Thày có thể cho họ thấy khi họ sẵn sàng – có nghĩa là họ thấy mà không quá nản chí – những bức hình mà các đệ tử khác đã vẽ. Thày chỉ cho thấy những bức hình đẹp tuyệt vời khi đệ tử dùng được toàn bộ bức vải vẽ và bảng pha màu.

Nhưng thày cũng cho họ thấy là các đệ tử này đã bắt đầu với một bức vải vẽ rất nhỏ và một bảng pha màu giới hạn, giống như họ vậy. Qua đó, thày chỉ cho thấy sự khác biệt giữa tiềm năng sáng tạo và khả năng sáng tạo hiện nay của họ, và cho thấy chính các điều kiện và không gì khác đã hiển nhiên hạn chế tiềm năng sáng tạo của họ.

Đây là một công việc rất hữu ích, và người đệ tử thường đáp ứng rất tốt. Cũng có người không buông bỏ được hình ảnh Thượng đế giận dữ và phê phán, và tiếp tục chối cãi họ không phải là người đã quy định điều kiện của họ. Có khi những đệ tử đó phải trở lại xếp hàng trong quán ăn miễn phí. Cũng có người phải trở lại Trường Đời Cay đắng vì họ không chịu nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời mình.

11.8. Quyết định gia tốc

Ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày – ở tầng tâm thức 50 – công việc của con là tình thương. Công việc của con là trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Nhưng trải nghiệm tình thương thực sự chỉ đặt nền móng cho bước kế tiếp. Bước kế tiếp là sử dụng Tia thứ Tư, được coi là tia của tinh khiết. Nhưng tinh khiết là gì? Đó là điều xảy ra khi cái có độ rung thấp được gia tốc lên độ rung cao hơn.

Làm sao con khiến một cái gì trở nên tinh khiết? Bằng cách gia tốc độ rung của nó. Do đó, con sẽ phải tới chỗ nhìn nhận một cách ý thức con thương yêu cái gì hơn nữa – con thương yêu sự biểu hiện sáng tạo của mình, bản thể cao của mình, và tiềm năng sáng tạo của mình. Và con yêu tiềm năng này nhiều đến độ con sẵn sàng nhìn chính mình và thấy cái gì hạn chế sự biểu hiện sáng tạo chính là những điều kiện mình đã chấp nhận và cho phép hiện hữu trong tâm thức.

Lúc đó con lấy quyết định: “Vâng, con sẵn sàng gia tốc mình vượt lên trên các điều kiện này. Con sẵn sàng gia tốc ý niệm bản ngã vượt lên trên tiêu chuẩn con đã chấp nhận. Con bây giờ thấy tiêu chuẩn này dựa trên tâm thức sa ngã, tâm thức phản-Ki-tô. Con sẽ không bị hạn chế bởi tiêu chuẩn này nữa. Con muốn gia tốc ý niệm bản ngã vượt lên trên tiêu chuẩn đó, và con gia tốc mình vượt lên trên tiêu chuẩn đó.”

Nhưng con có thấy chăng, con không thể lấy quyết định này nếu con chưa trải nghiệm, ít nhất là một thoáng, tình thương vô điều kiện. Con yêu dấu, tại sao lại như vậy? Vì trở nên hơn nữa là một tiến trình sáng tạo, và một tiến trình sáng tạo thì không ép uổng được. Nó không thể dựa trên sợ hãi, nó phải dựa trên tình thương. Con thương yêu cái hơn, do đó con sẵn sàng gia tốc mình lên một tầng cao hơn để cái hơn đó chảy qua con.

Chắc con đã bắt đầu thấy là Hiện diện TA LÀ của con là nguồn gốc của sự sáng tạo của con, và Hiện diện TA LÀ muốn thể hiện đầy đủ sự sáng tạo của nó như món quà giúp nâng trái đất lên một mức cao hơn. Nhưng Hiện diện TA LÀ của con chỉ có thể thể hiện sự sáng tạo của nó qua con. Con có tiềm năng – con, cái Ta Biết – có tiềm năng trở về trạng thái nhận biết thuần khiết, khi đó con trở thành cánh cửa mở, cánh cửa hoàn toàn mở. Và con thấy vì tiêu chuẩn của con, vì các điều kiện của con, con chưa là cánh cửa mở hoàn toàn. Con chỉ mở cánh cửa một phần, đôi khi chỉ mở chút xíu.

Khi con nhận ra điều này – khi con trải nghiệm tình thương vô điều kiện của Hiện diện TA LÀ dành cho con và muốn biểu hiện qua con – thì con có thể lấy quyết định từ cốt lõi bản thể mình. Quyết định này không đi qua phin lọc của cái ta vỏ ngoài và cá tính, vì cái ta vỏ ngoài đựa trên sợ hãi và chỉ có thể quyết định dựa trên sợ hãi. Con yêu dấu, Tia thứ Nhất là tia của ý chí, và ý chí thật dựa trên tình thương – ngược với ý chí giả dựa trên sợ hãi.

Ở đây có một điểm tế nhị con cần xem xét. Có đệ tử tới khóa nhập thất của thày quá sợ lấy quyết định sai nên họ không chịu lấy bất cứ quyết định gì. Họ muốn thày nói cho họ biết phải làm gì. Với các đệ tử này, thày không làm được gì khác hơn là gửi họ về quán ăn miễn phí. Thày chỉ có thể khởi sự tích cực làm việc với một đệ tử khi đệ tử này ít nhất chịu lấy quyết định. Nhưng dĩ nhiên lúc đầu – đặc biệt là các đệ tử đã xuống dưới tầng tâm thức thứ 48 – họ chỉ có thể lấy quyết định dựa trên sợ hãi.

11.9. Quyết định dựa trên sợ hãi

Thày muốn nói gì khi thày nói tới quyết định dựa trên sợ hãi? Đó là một quyết định phản ứng lại điều gì con cảm thấy bị áp đặt lên con. Con hãy nhìn cuộc đời mình và thấy có những điều kiện mà con cảm thấy đang hạn chế con. Đó có thể là người khác, có thể là cha mẹ con, người phối ngẫu, thày giáo hay một người có uy quyền, nhưng con cảm thấy họ quy định một số hàm số – họ đặt trên con môt số yêu cầu – và con lấy một quyết định né tránh phản ứng tiêu cực từ các người đó.

Đó là một thí dụ điển hình của một quyết định dựa trên sợ hãi. Con sợ phản ứng tiêu cực, do đó con lấy quyết định né tránh nó. Hầu hết các quyết định của con là quyết định né tránh; con tìm cách né tránh không cho chuyện xấu xảy ra. Tuy thế, lấy những quyết định này còn tốt hơn là không quyết định gì cả, vì ít nhất con đang hành động. Lúc đó, thày có thể làm việc với con và hướng quyết định con về hướng khác bằng cách giúp con nhận ra tiêu chuẩn, lý luận với con và dẫn con tới chỗ con nhận ra con cần trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Và do đó, con cần buông bỏ điều kiện để chấp nhận tình thương.

Một khi một người đã trải nghiệm một thoáng tình thương vô điều kiện, y có thể dùng lý luận để bắt đầu hiểu là có một mức quyết định không do sợ hãi, không để né tránh cái xấu. Con lấy quyết định tích cực dựa trên tình thương yêu cái hơn nữa và lòng mong muốn trải nghiệm một cái gì tích cực, một cái gì tốt.

Vì dĩ nhiên khi con bị giam trong sợ hãi, con nghĩ là bất cứ quyết định nào cũng sẽ dẫn tới điều xấu. Vì con quá chú tâm tới tiềm năng của chuyện xấu nên con không thấy sự thực hiển nhiên là một quyết định cũng có thể dẫn tới điều tốt. Nó có thể dẫn tới tiến bộ, nhưng không lấy quyết định không dẫn con tới đâu hết.

11.10. Sự thực về ý chí Thượng đế

Đây là ý chí cao. Ý chí của Thượng đế hoàn toàn tích cực. Con yêu dấu, con hãy nghĩ xem. Con có thực sự nghĩ là Thượng đế sợ hãi? Nếu con tin vào hình ảnh thượng đế giận dữ và phê phán thì con đã gián tiếp tin rằng thượng đế sợ hãi. Vì nếu thượng đế giận dữ, thì nỗi giận này từ đâu tới? Nó tới từ sợ hãi. Nếu thượng đế phê phán, thì nhu cầu phê phán này từ đâu tới? Nó tới từ sợ hãi. Con thấy chăng, hình ảnh phổ biến của một Thượng đế giận dữ và phê phán ở trên trời thực sự là một hình ảnh dựa trên sợ hãi. Nó miêu tả Thượng đế như một Thượng đế hành xử dựa trên sợ hãi.

Dĩ nhiên là ma quỷ ước mơ là Thượng đế sợ ma quỷ và quyền lực của ma quỷ. Quả thực có người trên trái đất tin điều này, tin rằng ma quỷ có quyền năng nào đó khiến Thượng đế phải sợ. Nhưng dĩ nhiên là Thượng đế thật, Thượng đế thật của tình thương vô điều kiện, không sợ bất cứ cái gì. Trong ngài không có sợ hãi.

Ý chí của Thượng đế không dựa trên sợ hãi; quyết định của Thượng đế không dựa trên sợ hãi. Và ý chí của Thượng đế là con có quyền tự quyết, và ý chí của Thượng đế là con thực thi quyền tự quyết theo ý con muốn. Nhưng ý chí và viễn quan cao nhất của Thượng đế là con thực thi quyền tự quyết dựa trên tình thương và tất cả quyết định của con giúp con trở nên hơn nữa, giúp bầu cõi vật chất trở nên hơn nữa, sẽ rốt cuộc giúp đấng Sáng tạo trở nên hơn nữa. Đây là tiến trình của sự sống trong đó mọi thứ đều trở nên hơn nữa.

Tiến trình này đã tạm thời bị đảo ngược trên trái đất, và trái đất quả thực đã là một trường học cho nhiều dòng sống bị giam trong tâm thức sợ hãi. Nó là một loại chặng giữa thiên đàng và địa ngục. Trái đất không phải là một hành tinh cao, như thày đã từng nói trước đây.

Điều thày muốn nói là sẽ có một lúc con phải dùng ý chí để gia tốc mình vượt lên trên tiêu chuẩn của mình, cái tiêu chuẩn đang hạn chế sự sáng tạo của mình. Nhưng ý chí này, quyết định này không thể dựa trên tâm vỏ ngoài thấm đậm sợ hãi. Nó phải dựa trên tình thương vì chỉ như vậy nó mới gia tốc ý niệm bản ngã của con.

Có nghĩa là con có thể thực sự tới chỗ đã bắt đầu con đường đi lên, nhưng con vẫn nghĩ mục đích của con đường tu là kiện toàn cái ta vỏ ngoài và khiến cái ta vỏ ngoài sống theo tiêu chuẩn nào đó. Con nghĩ rằng nếu con kiện toàn cái ta vỏ ngoài theo tiêu chuẩn đó, thì thày sẽ phải chấp nhận con – cái ta vỏ ngoài – và Thượng đế phải chấp nhận cái ta vỏ ngoài. Đó là điều mà Giê-su đã giảng trong ẩn dụ về bữa tiệc cưới:

Con tưởng con có thể nhập tiệc cưới mà không mặc áo cưới. Áo cưới được dệt bằng tình thương; nó không được làm bằng sợ hãi.

Con có thể có hình ảnh một hiệp sĩ thời Trung cổ đội mũ sắt và mặc áo giáp sắt che khắp thân. Đây không phải là áo cưới, đây là một dụng cụ dựa trên sợ hãi được thiết kế để bảo vệ con khỏi những cú đánh mà con sợ sẽ tới. Chỉ khi nào con buông bỏ nỗi sợ và dệt chiếc áo không đường may, chiếc áo cưới, thì con mới bắt đầu thăng vượt sợ hãi. Và chỉ lúc đó con mới vào được tiệc cưới.

11.11. Một tiệc mừng ở Darjeeling

Dĩ nhiên là lúc này con chưa thể vào tiệc cưới, vì chiếc áo không đường may – chiếc áo cưới – phải được dệt với chỉ của cả bảy tia sáng. Tuy nhiên – một khi con đã thoáng trải nghiệm tình thương vô điều kiện – con đã thực sự bắt đầu công việc dệt áo cưới của mình. Và con sẽ tiếp tục kiện toàn nó, đây chỉ là một cách nói, khi con tiến dần lên tầng 96.

Sẽ có lúc cách duy nhất để tiến triển là con quyết định gia tốc ý niệm bản ngã, không phải là vượt lên trên mọi tiêu chuẩn nhưng chắc chắn là vượt lên trên tiêu chuẩn của con lúc đó, và quyết định này phải dựa trên tình thương. Khi con lấy quyết định này, thày cảm thấy một niềm vui trong tim lớn đến độ thày không diễn tả nổi. Khi một đệ tử đã trải nghiệm tình thương vô điều kiện và quyết định gia tốc mình dựa trên tình thương, thì đây là một cơ hội để ăn mừng ở khóa nhập thất của thày.

Đây thực sự là mục đích của công việc của các thày; đây là một phần thưởng quý giá. Không có nghĩa là thày đã làm xong công việc với người đệ tử đó, nhưng có nghĩa đây là một bước cơ yếu trên con đường tu. Và đây là một lý do quá lớn để vui mừng, nên thày luôn luôn tổ chức một tiệc mừng người đệ tử. Giống như những lễ thuộc một số truyền thống Cơ đốc giáo mà con thấy trên trái đất, khi một em trẻ được chứng minh, và sau đó có một bữa tiệc trong đó em được nhận quà và nhiều lời chúc tụng. Thày có một buổi lễ không hoàn toàn giống nhưng tương tự để ăn mừng sự tiến triển của người đệ tử, và thày phải nói, với khá nhiều nghi thức long trọng.

Và thày mong mỏi con có được buổi lễ đó. Thày mong muốn thấy con tới chỗ cảm được tình thương vô điều kiện tới từ cõi cao ngay cả khi con tỉnh thức và ý thức .

Uy lực và tình thương

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 4/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Thày muốn cho con một lớp hiểu biết khác về khả năng suy luận cao. Như các thày đã nói, trái đất ở tình trạng thấp hơn kịch bản lý tưởng rất nhiều. Do đó, khi con tới con Đường Bảy bức Màn và ghi danh với thày là Thượng sư thứ nhất, con không tới với tâm trong trắng; con mang theo mình một quá trình.

Con đã tích lũy quá trình này khi con sống trên trái đất, là một môi trường rất ô nhiễm. Trái đất bị ô nhiễm không phải chỉ do những gì nhân loại đã đồng sáng tạo trong suốt mấy ngàn năm, mà chính yếu là do quan điểm và giáo lý của các sinh thể mà ta có thể gọi là thày giả. Họ đã được phép đầu thai trên hành tinh này từ rất lâu rồi, và do đó đã ảnh hưởng tất cả mọi khía cạnh của đời sống trên trái đất. Không có khía cạnh nào của đời sống trên trái đất không bị ảnh hưởng bởi tư duy các thày giả đó, mà các thày cũng đã gọi là sa nhân. Tư duy này là tâm thức nhị nguyên, được đại diện một cách ẩn dụ bởi con rắn trong Vườn Địa đàng.

9.1. Lời dối trá mình có thể trở thành một thượng đế

Còn câu chuyện truyền thuyết, con rắn nói với E-và là nếu cô ăn trái cấm thì cô sẽ không “chắc chắn chết” nhưng sẽ trở thành như một thượng đế “biết tốt và xấu”. Như các thày có giảng chi tiết trước đây, cách giải thích câu chuyện ẩn dụ này giản dị là: Khi con trở thành một thượng đế, con nghĩ con có khả năng quy định cái gì tốt cái gì xấu. Nói cách khác, bản chất của tâm thức rắn là nó tạo ra một tiêu chuẩn giả về tốt và xấu, sau đó nó nói nếu con sống theo tiêu chuẩn vỏ ngoài này – tìm cách tránh xấu làm tốt – con được bảo đảm lên thiên đàng.

Khi đệ tử tới khóa nhập thất của thày ở Darjeeling, họ không nhiều thì ít mang tư duy sa ngã này. Ho đều đã chấp nhận một tiêu chuẩn nào đó, và họ nghĩ có thể tới khóa nhập thất của thày và áp đặt tiêu chuẩn của mình lên thày.

Các con yêu dấu, có những đệ tử tới khóa nhập thất của thày trong thể cao của họ mà vẫn dính mắc vào tiêu chuẩn của mình và nhất định áp đặt tiêu chuẩn này lên thày. Khi họ thấy thày không chịu tuân theo tiêu chuẩn thì họ suy luận ngay thày là một thày giả hay thày tu không đủ cao để dạy họ, và do đó họ giận dữ bỏ đi.

Các vị đó nghĩ họ từ bỏ thày là hoàn toàn chính đáng, tuy rằng họ từ bỏ thày dựa trên một ảo tưởng, trong khi thày thực sự là thật vì thày đã thăng vượt tư duy sa ngã. Tư duy này đã giam các đệ tử đó đến độ họ không nhận ra là thày cho họ một khung tham chiếu vượt lên trên tư duy sa ngã. Họ còn không nhận ra rằng họ cần vươn ra ngoài hộp tư duy đóng kín của tâm họ. Họ không thấy được giá trị của một vị thày có thể cống hiến một khung tham chiếu vượt lên trên tư duy sa ngã. Vì họ chỉ muốn tìm một vị thày công nhận tiêu chuẩn dựa trên tâm thức rắn.

9.2. Sử dụng khả năng lý luận

Các con có thấy chăng là thày không thể giúp các đệ tử đó? Đó là lý do vì sao điều đầu tiên mà thày muốn giảng trong bài này là nếu con muốn trở thành người mà chân sư thăng thiên có thể dạy được, thì con phải sẵn sàng dùng khả năng lý luận của mình ở bất kỳ tầng tâm thức nào. Con cần dùng khả năng lý luận để nhận ra một điều giản dị: là mức nhận biết hiện nay của con tạo thành cái hộp chung quanh tâm con, một hộp tư duy. Cách duy nhất để vượt quá tầng tâm thức hiện nay và lên tầng kế tiếp là con với tới cái gì bên ngoài hộp tư duy hiện nay của mình. Bất kỳ ai đã vươn lên tầng tâm thức cao hơn trong quá khứ đều đã dùng cách này. Bất kỳ ai có thể vươn lên tầng tâm thức cao hơn trong tương lai sẽ phải dùng cách này. Không ai có thể gian lận được.

Con có nhận ra rằng đây là một bài học của khoa học về các luật thiên nhiên? Không ai có thể gian lận luật trọng lực. Nếu con đứng trên một tòa nhà cao hay một vách đá cao và bước ra ngoài thì con sẽ rơi xuống. Con cần bước ra ngoài một tòa nhà cao bao nhiêu lần để chấp nhận là trọng lực sẽ biến con thành một vết đỏ trên sàn đất dưới kia? Con cần phải trải qua bao nhiêu kiếp bị giam trong một hộp tư duy để nhận ra rằng con đường giả đưa tới cứu rỗi mà các thày giả hứa hẹn sẽ không tự động đưa con lên thiên đàng sau kiếp này?

Điều thày muốn nói là: bất kể con đang ở tầng tâm thức nào, con có khả năng lý luận để nhận ra là nó tạo thành một hệ thống đóng kín – một hộp tư duy đóng kín – và cách duy nhất để vươn lên tầng kế tiếp là tìm một vị thày có thể cho con một cái gì bên ngoài hộp tư duy, ngoài tầng tâm thức hiện tại của con. Lúc đó, nếu con nắm lấy sợi dây cứu sống đó, con có thể dùng nó để kéo mình lên tầng trên của đường tâm linh.

Con có thấy chăng, khi con đang ở dưới tầng tâm thức 48, thì tầng tâm thức hiện nay của con giống như cát lún, và con càng vùng vẫy thì càng lún nhanh hơn. Chỉ có một cách thoát là ngừng vùng vẫy và để tâm lắng yên xuống, nhờ vậy con có thể thấy có người đang cho con một sợi dây. Khi con nắm sợi dây này, con có điểm cố định giúp con tự kéo mình lên.

Thày muốn con dùng khả năng lý luận để nhận ra thày là một vị thày thật. Thày đang cho con một sợi dây. Nhưng nếu con cho phép mình dính mắc vào một tiêu chuẩn giả hay một giáo lý giả khiến con không chấp nhận thày hay một số khía cạnh giáo lý của thày, thì dĩ nhiên là thày không giúp con được. Thày sẽ phải giản dị tôn trọng Luật Tự quyết, là điều thày sẵn sàng làm với tất cả lòng yêu thương, và để con buông sợi dây và do đó rơi trở lại vào cát lún của tầng tâm thức hiện nay của con.

Tuy nhiên, thày có tình thương vô điều kiện – vì thày đã thăng vượt tất cả điều kiện. Do đó, dù con chối bỏ thày, thày vẫn sẽ luôn luôn có mặt khi con muốn trở lại và xin thày giúp. Vậy, cho những ai chịu dùng khả năng lý luận của mình để nhận ra là Chân sư MORE đang cho họ một cái gì vượt lên trên hộp tư duy của họ, chúng ta hãy xem làm sao tận dụng những gì thày cống hiến.

9.3. Phản ứng cao và phản ứng thấp

Để bắt đầu, con hãy nhận ra rằng khi con nhận lời hướng dẫn từ một vị thày tâm linh, trong con sẽ có hai phản ứng. Con có thể tự hỏi tại sao như vậy, nhưng nếu con dùng lý luận thì con sẽ nhận ra rằng cho tới khi con thăng thiên, trong con luôn luôn có một sự phân chia. Vì có một yếu tố nào đó – mà ta có thể gọi là tự ngã hay tâm thức con người – giữ con hiện thân trên trái đất.

Như thày đã giảng, trái đất là một hành tinh rất dày đặc. Có rất nhiều hành tinh trong vũ trụ ở tầng tâm thức cao hơn trái đất. Con yêu dấu, trái đất là một hành tinh rất dày đặc. Có nghĩa là ngày nào con còn hiện thân ở đây, phải có một yếu tố nào đó của tâm thức con người giữ con trong thân thể vật lý này.

Nếu con buông bỏ tất cả trong một khoảnh khắc, con sẽ giản dị không giữ nổi chú tâm vào thân thể nữa, và do đó con sẽ thăng thiên và bỏ lại tấm thân. Điều thày muốn nói là: bất kể tầng tâm thức của con, khi con nhận lời hướng dẫn từ tầng tâm thức kế tiếp, trong con sẽ luôn luôn có hai phản ứng. Một là phản ứng cao, khao khát cái gì hơn nữa, cao hơn tầng tâm thức hiện nay. Thứ hai là phản ứng thấp, muốn chối bỏ cái cao hơn để biện minh tại sao nên bám víu vào tầng tâm thức hiện nay, cách nhìn cuộc đời hiện nay, cách nhìn con đường tâm linh hiện nay.

Bất kể tầng tâm thức của con, con chỉ cần giản dị dùng khả năng lý luận mà con sẵn có để nhận ra điều này. Như thày có nói nhiều lần, con có thể học cách hòa điệu với trái tim của con, nhưng con cũng có thể hòa điệu với khía cạnh khác của con người con, kể cả các luân xa khác. Lúc đó, con học cách phân biện phản ứng nâng con lên và phản ứng chống lại lời hướng dẫn của thày. Có một phản ứng muốn nhập một với vị thày, và có phản ứng muốn chối bỏ, tránh xa và lẩn trốn vị thày. Phản ứng này sẽ muốn biện minh tại sao con tiếp tục tránh xa vị thày thay vì chấp nhận lời hướng dẫn và dùng nó để thăng vượt tầng tâm thức hiện nay của con.

9.4. Phản ứng chối bỏ vị thày

Chúng ta hãy xem xét phản ứng chối bỏ vị thày và lời hướng dẫn của thày. Phản ứng này dựa vào đâu? Nó luôn luôn dựa trên một tiêu chuẩn mà con đã chấp nhận với tâm vỏ ngoài, và tiêu chuẩn này luôn luôn – con yêu dấu, luôn luôn – do tâm rắn thiết kế.

Thày đang cố ý khiến con bị chấn động vì thày muốn con có cơ hội cảm thấy hai phản ứng trong con khi nghe lời khẳng định này. Bất kể tiêu chuẩn nào con đã chấp nhận trên trái đất, tiêu chuẩn này luôn luôn dựa trên hay bị ảnh hưởng bởi tâm rắn.

Thày biết rằng khi các đệ tử lần đầu tới khóa nhập thất của thày, họ khó chấp nhận được điều này. Thày đã rất nhiều lần thấy đệ tử đến với một tiêu chuẩn mà họ tin có giá trị và có thẩm quyền tối hậu – và họ chờ đợi thày tuân theo tiêu chuẩn này hay xác nhận nó có giá trị. Nhưng con có thấy chăng, nếu tiêu chuẩn của con có thể đưa con lên thiên đàng, thì con đâu cần thày hướng dẫn, phải không con?

Do đó, thày biết rằng, vì con đã tới khóa nhập thất của thày, con chưa sẵn sàng để lên thiên đàng. Sự kiện con tới khóa nhập thất của thày cho thấy tiêu chuẩn của con sẽ không đưa con lên thiên đàng được. Do đó, thày không thể giúp con vươn lên tầng tâm thức cao hơn bằng cách xác nhận hay tuân theo tiêu chuẩn của con. Thày phải chất vấn tiêu chuẩn của con nếu thày muốn giúp con.

Con có thấy điều này chăng? Một lần nữa, con chỉ cần sử dụng khá năng lý luận của con. Không một vị thày nào có thể giúp con vươn lên tầng cao hơn bằng cách xác nhận tiêu chuẩn mà con có ở tầng tâm thức hiện nay của con. Chuyện thật giản dị như vậy.

9.5. Một tiêu chuẩn tôn giáo hay tâm linh

Thày muốn nói rõ là đa số đệ tử tới khóa nhập thất của thày đã tham gia vào một phong trào hay tổ chức tôn giáo hay tâm linh. Đa số đã dùng phong trào và giáo lý để xây dựng một tiêu chuẩn và dùng nó để đánh giá hành động và nỗ lực sáng tạo của mình. Trong quá khứ, các thày đã truyền giáo lý qua một số sứ giả và đã công khai giới thiệu mình là chân sư thăng thiên. Có lúc, các thày đã quy định một số luật lệ cấm hay cho phép đệ tử làm một số điều. Trong một số trường hợp, các thày đã quy định nhiều luật lệ đến độ không thể nào áp dụng hết được. Mục đích các thày rất giản dị: nếu con người không chịu nghe lời hướng dẫn nội tâm, nếu họ không chịu buông bỏ dính mắc vào tiêu chuẩn vỏ ngoài, thì làm sao các thày giúp họ được?

Các con có thấy chăng một kết quả điển hình của tiêu chuẩn vỏ ngoài là con muốn có quy luật cho mọi thứ. Con muốn có một quy luật và khi con tuân theo quy luật, con là người tốt và Thượng đế phải nhận con vào thiên đàng. Những ai không tuân theo quy luật sẽ bị kết án khổ hình vĩnh viễn trong địa ngục. Đây là một lập luận nhị phân đơn giản. Có hay không. Tốt hay xấu. Bật hoặc tắt. Và đây là tâm nhị nguyên. Các thày phải làm gì, khi có đệ tử muốn có luật lệ để họ nghĩ rằng, nếu họ tuân theo hết các quy luật trên trái đất, thì họ sẽ tự động hội đủ điều kiện để thăng thiên? Các thày có thể làm gì để giúp người đệ tử vượt lên trên tư duy đó? Các thày có thể giảng về đề tài này, nhưng nếu đệ tử không chịu nghe thì các thày phải làm gì? Chọn lựa duy nhất của các thày là tạo ra nhiều luật lệ đến độ khi người đệ tử muốn thỏa mãn ước muốn có luật lệ thì họ không thể kham nổi. Và nếu họ cố gắng tuân theo tất cả các quy luật, thì họ trở nên tê liệt và không còn nhúc nhích được nữa. Họ thu mình vào một cái hộp quá nhỏ, và đột nhiên nhận ra cái hộp chật hẹp quá, và cái gì đó trong con người họ hét lên xin được thoát khỏi luật lệ.

9.6. Vì sao tự ngã không thể cho con tự do

Các con hãy cho thày giảng một điều bất ngờ. Cái gì trong con hét lên muốn có tự do? Trên trái đất mọi người đồng ý thế nào là người có tự ngã lớn. Con thấy nhiều người có tự ngã lớn làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần biết đến hậu quả trên người khác. Con thấy các nhà độc tài trong lịch sử có quyền lực tuyệt đối. Họ có thể làm bất cứ gì họ muốn, họ có thể giết bất cứ ai cản trở hay chống đối họ – và họ thực sự đã giết hàng triệu người. Con nhìn các chuyện này và có thể nghĩ là họ có quyền tự do, nhưng đây không phải là tự do. Thày sẽ giảng điều này rõ hơn.

Tự ngã không thể cho con tự do. Nếu con nhìn vào tâm lý của các nhà độc tài đó, con sẽ thấy là tuy họ có vẻ có tự do hành động – vì họ có thể làm bất cứ điều gì mà không bị trừng phạt – nhưng họ không thực sự có tự do. Tâm họ không có tự do vì bị đóng khung bởi những quy luật mà họ tạo ra và dùng để phán xét người khác. Con có thể nói là tự ngã muốn làm bất cứ gì nó muốn mà không bị trừng phạt, nhưng tự ngã không thật sự khao khát tự do, vì nó không biết tự do là gì. Và nó sẽ không bao giờ biết được.

Con có thấy chăng, định nghĩa tự do của tự ngã không phải là vượt lên trên quy luật. Tự ngã tìm cách cho mình tự do bằng cách quy định một bộ luật có tiêu chuẩn hai hàng. Một tiêu chuẩn áp dụng cho người khác và tiêu chuẩn kia áp dụng cho tôi, như vậy tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn mà không bị trừng phạt nhưng người khác thì không được làm vậy; người khác phải chấp nhận là tôi có quyền làm bất cứ gì tôi muốn.

Con có thấy chăng, một lần nữa, con chỉ cần dùng lý luận để thấy rằng tự ngã có thể có tự do làm gì nó muốn, nhưng tâm nó không có tự do? Vì trong tâm có bộ luật với tiêu chuẩn hai hàng, và con phải tuân theo tiêu chuẩn này để được tự do do tiêu chuẩn quy định. Do đó, tuy tự ngã đã quy định được một tiêu chuẩn cho nó quyền làm dường như bất cứ gì nó muốn, nó vẫn bị mắc kẹt trong tiêu chuẩn. Sẽ có một lúc con cảm thấy bị giam cầm trong chính tiêu chuẩn của mình.

Con có thể thấy điều này trong tâm lý của những người có vẻ đã đạt được quyền lực tuyệt đối trên trái đất. Họ tới chỗ nhận ra họ thực sự bị giam trong hệ thống mà họ đã tạo ra. Vì họ không thể tự cho phép đi ngược lại tiêu chuẩn đã cho họ quyền lực tuyệt đối. Họ không thể cho phép mình biểu lộ nhược điểm, hay nhân tính. Họ phải sống đúng theo hình ảnh lãnh tụ tuyệt đối mà họ đã tạo ra. Và sẽ có lúc họ thức tỉnh và nhận ra họ đã tạo ra một cái lồng bằng vàng cho chính họ, và cái lồng dường như càng ngày càng thu hẹp, và họ không thể nhúc nhích được nữa.

9.7. Cái gì trong con khao khát tự do?

Cái gì trong con thật sự khao khát tự do? Đó là cái mà các thày gọi là cái Ta Biết vì nó là một nối dài của Hiện diện TA LÀ của con. Nó là Tánh linh (Spirit), và Tánh linh luôn luôn cảm thấy bị giam hãm khi nó phải quy thuận vật chất. Không thể có cách nào khác. Vì sao vậy? Vì Tánh linh có tự do sáng tạo.

Tự do sáng tạo không phải là tự do làm bất cứ gì con muốn dựa trên một bộ luật được quy định trong thế giới hình tướng. Con có thấy chăng là quy luật được định ra bởi một cái gì có hình tướng, và một khi con chấp nhận chúng là quy luật, con không thể thay đổi hình tướng đó? Hình tướng bị giam trong một khuôn đúc, và khi con còn tin vào quy luật thì con không thể thăng vượt nó. Nhưng Tánh linh không được tạo ra để bị giam trong hình tướng. Tánh linh được tạo ra để sáng tạo hình tướng, và nó luôn luôn tạo hình tướng hơn những gì nó sáng tạo trước đó, bằng cách học hỏi từ những sáng tạo này.

Con có thấy chăng là sự sáng tạo – động lực sáng tạo của Tánh linh – tạo ra hình tướng nhưng nó không bị giam lâu trong hình tướng, mà dùng kinh nghiệm sáng tạo hình tướng đó để tạo ra một hình tướng hơn trước đó? Khi con theo tiến trình này – sáng tạo, học hỏi và sau đó sáng tạo cái hơn nữa – con tăng trưởng sự tự nhận biết của mình. Đây là mục đích sự sống. Đây là cách sự sống tiến bộ: qua tiến trình sáng tạo.

Các thày giả đã khiến con người tin rằng họ phải giết động lực sáng tạo của họ. Khi con tìm cách tuân theo quy luật thì con ngừng sáng tạo. Con không thể nào sáng tạo bằng cách tuân theo quy luật được quy định dựa trên hình tướng vì như vậy con không thể thăng vượt hình tướng. Và làm sao con sáng tạo được nếu con không thăng vượt hình tướng đang hiện hữu? Điều này không thể xảy ra. Đó không phải là sáng tạo

Các thày giả đã tạo ra một tiêu chuẩn giả – một niềm tin giả – cho rằng nếu con muốn lên thiên đàng thì con phải tuân theo một bộ luật được quy định bởi một thẩm quyền tối hậu, chẳng hạn như vị thượng đế giận dữ ở trên trời, mà ba tôn giáo đơn thần đã tôn vinh từ mấy ngàn năm nay. Khoa học duy vật cũng đề cao một hình ảnh tương tự khi chủ trương có những quy luật thiên nhiên bất biến.

Đúng thực là có quy luật thiên nhiên. Đấng Sáng tạo đã sử dụng một số nguyên tắc sáng tạo. Nhưng con có thể học cách sử dụng những nguyên tắc này một cách càng ngày càng sáng tạo hơn để nâng cao toàn thể. Đây là sáng tạo, trong khi định nghĩa quy luật thiên nhiên và quy luật Thượng đế như một chiếc áo khóa tay giam chặt sự sáng tạo, thì không phải là sáng tạo. Đây là tâm thức chết mà Giê-su đã nói tới. Nó không phải là tâm thức Sống, tâm thức Ki-tô tìm cách nâng cao mọi sự sống.

9.8. Sử dụng quy luật thiên nhiên một cách sáng tạo

Làm sao con nâng cao mọi sự sống? Con hãy nhìn vấn đề với lý luận đường thẳng. Ta hãy lấy thí dụ vấn đề nghèo đói trên trái đất. Nếu con dùng lý luận đường thẳng, phiến diện thì con có thể nói có nghèo đói vì thiếu tiền. Do đó, nếu có thêm tiền thì mọi người sẽ có đủ tiền để mua những gì họ cần. Nhưng làm sao gia tăng số lượng tiền tệ? Con có thể làm chuyện này một cách giả tạo, như một số quốc gia và cơ quan đã định làm. Nhưng hậu quả không tránh được là cái được gọi là lạm phát, và giá trị đồng tiền sẽ giảm đi. Do đó, tuy con có thêm tiền, nhưng con không thể mua thêm hàng hóa với tiền đó.

Đâu là cách đúng để giải quyết nạn nghèo đói? Giải pháp đúng là gia tăng sự dồi dào trên trái đất. Nhưng dồi dào không phải là tiền. Sự dồi dào không có được bằng cách in thêm tiền. Sự dồi dào có được nhờ óc sáng tạo, nhờ đó con học cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên và quy luật thiên nhiên tốt hơn.

Ở đầu bài thày có đề cập tới quy luật trọng lực và nói rằng nếu con từ trên một tòa nhà cao bước ra ngoài khoảng không thì con sẽ rơi xuống đất. Và điều này đúng. Con thấy là trong mấy ngàn năm, con người nghĩ rằng bay như chim là điều không tưởng. Nhưng con cũng thấy là con người đã học cách sử dụng quy luật thiên nhiên để vô hiệu hóa trọng lực, và do đó con có thể dùng máy bay để bay trong không khí. Và con thấy là phát minh sáng tạo này – cách sử dụng quy luật thiên nhiên một cách sáng tạo – đã mở ra cả một nên công nghệ tạo nên sự giàu có, sự dồi dào.

Thành quả trên được thành hình nhờ áp dụng quy luật thiên nhiên một cách sáng tạo, chứ không phải bằng cách mù quáng tuân theo luật lệ. Vì nếu không ai dám nghĩ một cách sáng tạo thì con người sẽ vẫn chỉ đi bộ dưới đất, và thèm thuồng ngẩng nhìn chim bay, nghĩ rằng bay trên trời là một giấc mơ ngoài tầm với.

9.9. Tách sáng tạo khỏi kết quả vật lý

Con yêu dấu, khi đệ tử lần đầu tới khóa nhập thất của thày, thì thách đố lớn nhất của thày là đưa họ tới chỗ chấp nhận để thày dẫn họ vượt lên trên tiêu chuẩn hiện nay của họ. Vì con có thấy chăng là tiêu chuẩn mà con đã chấp nhận trên trái đất này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là giới hạn sự sáng tạo của con để con không dùng sự sáng tạo của mình để vươn lên tầng tâm thức cao hơn?

Con yêu dấu, điều quan trọng không phải là con dùng khả năng sáng tạo để tạo ra kết quả nào đó trên trái đất. Các thày là chân sư thăng thiên quả thật có ý muốn giúp con người dùng óc sáng tạo để nâng xã hội lên cao hơn, như các thày đã từng làm qua khoa học kỹ thuật và một số cách khác. Nhưng quan tâm chính của các thày, như thày đã có nói, không phải là kết quả vỏ ngoài. Quan tâm chính của các thày là con học cách sử dụng khả năng sáng tạo để vươn lên tầng tâm thức kế tiếp. Các thày không có mục đích thay đổi chuyện vỏ ngoài. Các thày muốn con thay đổi ý niệm bản ngã vì chỉ khi nào con thay đổi ý niệm bản ngã, con mới từ tầng tâm thức 49 vươn lên tầng 50 được.

Con có thấy điều này chăng? Con không cần tạo ra kết quả vỏ ngoài nào cả để vươn lên tầng cao hơn. Nhưng con có cần thay đổi ý niệm bản ngã của mình. Con không thể làm điều này bằng cách tuân theo quy luật của tiêu chuẩn hiện nay của con, vì tiêu chuẩn này sẽ giữ ý niệm bản ngã của con ở cùng tầng tâm thức. Do đó, cách duy nhất để tái tạo ý niệm bản ngã của con là sử dụng khả năng sáng tạo của mình.

Khi đệ tử lần đầu tới khóa nhập thất của thày, công việc đầu của thày là khiến họ bỏ qua một bên tiêu chuẩn của họ – những quy luật của họ – để nối kết lại với khả năng sáng tạo của mình. Thày có thể bảo đảm với con là không ai trên trái đất hoàn toàn nối kết với khả năng sáng tạo của mình. Và chắc chắn là không có một đệ tử nào tới khóa nhập thất của thày mà nhận biết hoàn toàn khả năng sáng tạo của mình. Do đó, công việc của thày là giúp đệ tử bắt đầu nối kết với khả năng sáng tạo của họ để hiểu rằng có cái gì cao hơn tầng tâm thức hiện nay của họ, và họ có tiềm năng vươn lên tầng này. Không phải do thày làm thay họ, nhưng bằng cách họ dùng khả năng sẵn có trong họ, khả năng sáng tạo của chính họ.

Con có thấy chăng là có nhiều người tâm linh hay ngoan đạo đã chấp nhận một tiêu chuẩn cho rằng họ cần một vị thày hay một vị cứu tinh bên ngoài làm điều gì đó giúp họ? Do đó, họ đã tới khóa nhập thất của thày, và nghĩ rằng thày, Chân sư MORE, sẽ cho họ một liều thần dược hay một công thức thần diệu giúp họ đột nhiên lên tầng tâm thức cao hơn.

9.10. Chôn khả năng xuống đất

Có một điểm vi tế mà con có thể nhận ra bằng cách dùng khả năng lý luận của con. Vì quả thực là con cần một cái gì bên ngoài tầng tâm thức hiện nay của con. Con cần sợi dây treo từ trên xuống mà con có thể nắm và kéo mình ra khỏi bãi cát lún. Do đó, đúng là con cần một vị thày ở tầng tâm thức cao hơn con, có thể cho con một khung tham chiếu cao hơn tầng tâm thức hiện nay của con. Nhưng điều này không có nghĩa là vị thày sẽ làm công việc hộ con. Vị thày sẽ cho con điều con cần, nhưng con phải thể nhập nó. Như Giê-su có giảng trong bài ẩn dụ, con phải tăng trưởng các đồng tiền mà con nhận được thay vì chôn nó xuống đất.

Chôn đồng tiền xuống đất có nghĩa gì? Nó có nghĩa lấy giáo lý mà thày dạy con rồi ép nó phải thuận theo tiêu chuẩn hiện nay của con, những quy luật hiện nay của con. Qua đó, con sẽ biến giáo lý của thày thành một quy luật khác, nghĩ rằng nếu con làm điều này và tránh làm điều kia, thì chắc chắn con sẽ lên tầng cao hơn.

Nhưng con có thấy chăng, thày không dạy con giáo lý để con biến nó thành một quy luật. Thày dạy con giáo lý để chất vấn một quy luật nào đó và giải thoát khả năng sáng tạo của con. Con sẽ không lên thiên đường bằng cách tuân theo quy luật – đây là một hiểu lầm tai hại của đa số tôn giáo cũng như là một số giáo lý tâm linh. Con chỉ lên được thiên đường bằng cách đồng-sáng tạo một ý niệm bản ngã cao hơn và bỏ đi hồn ma cuối cùng của tự ngã đang trói buộc con vào thân thể vật lý.

9.11. Phương trình tình thương và sợ hãi 

Con hãy để thày cho con một cách nhìn khác. Ở phần trên thày có nói tới các nhà độc tài có quyền lực tuyệt đối và trên mặt hành động, có thể làm bất cứ gì họ muốn. Nhưng nếu con theo lời dạy của Giê-su: “Hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho mình”, thì ý nghĩa sâu của lời giảng này là gì? Ý nghĩa sâu của nguyên tắc này là gì? Ý nghĩa giản dị là: những gì con làm cho người khác, con đã làm cho chính mình trong tâm thức mình.

Làm sao con có thể ép buộc một người khác? Con chỉ có thể ép buộc người khác khi con đã ép buộc mình phải tuân theo một tiêu chuẩn trong tâm mình. Do đó, con có thấy chăng là một nhà độc tài không thể nô lệ hóa người khác mà không tự nô lệ hóa mình. Y có thể không bị nô lệ trên mặt vật lý, như những người dân, nhưng y bị nô lệ một cách dũng mãnh hơn nhiều, vì y bị nô lệ trong ba tầng cao của tâm. Y bị nô lệ trong cảm xúc, tư tưởng, và ý niệm bản ngã.

Thày có thể nói với con là nô lệ tinh thần mãnh liệt hơn nô lệ thể xác. Vì khi con bị nô lệ thể xác, con biết con đang bị nô lệ và con ao ước được tự do. Nhưng khi tâm con bị nô lệ, con bị tiêu chuẩn làm mù quáng đến độ không biết có một cách sống khác, bên ngoài tiêu chuẩn. Do đó con không ao ước tự do một cách ý thức, tuy rằng có một phần của con ao ước tự do. Cuối cùng thì con có thể hòa điệu với phần này của con, và nhận ra rằng con là Tánh linh đang bị giam trong tâm phàm. Sau đó, con có thể hòa điệu với Tánh linh.

Thày sẽ cho con một tiêu chuẩn giản dị. Thày có nói về việc hòa điệu với trái tim và nhận ra là một chuyện gì đó nâng năng lượng lên hay hạ năng lượng xuống. Nay thày thêm một khía cạnh nữa. Năng lượng lên hay xuống thực sự có nghĩa gì? Cái nâng năng lượng là tình thương, cái hạ năng lượng là sợ hãi.

Do đó, con có một thước đo giản dị để đánh giá mọi chuyện trong cuộc đời. Con hãy nhìn lại chính mình và xem con nhìn đời như thế nào; con cảm thấy gì trước một số hoàn cảnh trong cuộc đời. Con hãy nhận ra bất kỳ điều kiện nào hạn chế con đều có một nguyên nhân. Con quen nghĩ rằng điều kiện bên ngoài là nguyên nhân và cảm nhận bên trong là hậu quả. Nhưng, như các thày đã cố giảng nhiều lần, sự thực ngược lại. Chính cảm nhận bên trong là nguyên nhân nguyên thủy và điều kiện bên ngoài chỉ giản dị là hình ảnh phóng chiếu của cái gì xảy ra trong tâm thức.

Điều khó khăn là con không có ý thức những gì xảy ra ở các tầng xúc cảm, lý trí và bản sắc của tâm, vì vậy con không thấy được là tâm thái nơi ba tầng cao của tâm đã tạo ra hoàn cảnh bên ngoài. Do đó, con không thấy rằng khi con phản ứng lại hoàn cảnh bên ngoài, con đang phản ứng lại cái gì con đã tạo ra. Cái tiêu chuẩn – và thày dùng chữ “tiêu chuẩn” để làm con giật mình, vì nay thày muốn con phận biệt tiêu chuẩn thấp, vỏ ngoài, và cây gậy chỉ đường cao, tuyệt đối – mà thày muốn con chấp nhận là bất kỳ cái gì hạn chế con đều do con tạo ra khi con sử dụng khả năng sáng tạo qua sự sợ hãi.

Con thực sự có nhiều cách biểu lộ khả năng sáng tạo. Nhưng ngoài các hình thức biểu lộ cá biệt, thì đặc tính chung là: con đang biểu lộ khả năng sáng tạo với thái độ thương yêu hay với thái độ sợ hãi? Con có thấy chăng, khi con nhìn vào hình thức cá biệt thì có thể kết quả bên ngoài không khác nhau mấy. Tỷ dụ, con có thể nhìn hai người vẽ tranh và không thấy khác biệt trong cách họ vẽ, nhưng một người đang vẽ trong trạng thái sợ hãi trong khi người kia thì vẽ trong trạng thái thương yêu. Tất cả mọi sinh hoạt trên trái đất đều như thế.

Khi con bắt đầu hòa điệu với đề tài này thì con sẽ thấy là có nhiều sinh hoạt trên trái đất bắt nguồn từ sợ hãi. Và con có thể phân biện điều này bằng cách tự hỏi: “Chuyện này nâng năng lượng của tôi lên hay hạ năng lượng xuống?” Khi con nhìn một sinh hoạt trên trái đất thì con biết, con cảm nhận, là nó đang hạ năng lượng của con xuống. Sau đó, con có thể lý luận là sinh hoạt đó dựa trên sợ hãi.

9.12. Sáng tạo vượt lên trên sợ hãi

Đây là bước tới mà con cần thấy. Sợ hãi là bạn đồng hành không thể tránh của việc áp dụng một tiêu chuẩn khi con dùng khả năng sáng tạo của mình. Ngay lúc con chấp nhận tiêu chuẩn, với cái nhìn nhị nguyên, con lượng định xem mình đang tuân thủ hay vi phạm tiêu chuẩn. Tác dụng chung là tạo nơi con nỗi sợ không thể tránh, sợ vi phạm tiêu chuẩn và sợ những hậu quả nghiêm trọng quy định bởi tiêu chuẩn. Vì tiêu chuẩn không chỉ nói: “Làm điều này, đừng làm điều kia.” Tiêu chuẩn luôn luôn có hai mặt: phần thưởng khi tuân theo nó và hình phạt khi vi phạm nó.

Con yêu dấu, con có thấy chăng? Trong kịch bản lý tưởng, khi một dòng sống mới xuống đầu thai, thì không có tiêu chuẩn nhị nguyên. Dòng sống được quyền tự do tuyệt đối làm gì nó muốn, sau đó nó được sự hướng dẫn và tình thương của một chân sư thăng thiên giúp nó thấy hậu quả của hành động, nỗ lực sáng tạo, của nó. Sau đó nó đánh giá những hậu quả này và nói: “Tôi không muốn cái này, tôi muốn cái kia nhiều hơn.” Và nó điều chỉnh cách nó sử dụng khả năng sáng tạo. Trong tiến trình này không có sợ hãi. Làm sao lại có sợ hãi khi mình biết mình có thể thăng vượt bất kỳ quyết định nào trước đó của mình? Con hãy nghe câu này một lần nữa: “Làm sao lại có sợ hãi khi mình biết mình có thể thăng vượt bất kỳ quyết định nào trước đó của mình và thay bằng một quyết định tốt hơn?

Đây là chuyện xảy ra trong Trường Bí giáo. Đây là chuyện xảy ra khi con đi theo con Đường Bảy Tia sáng mà không có tiêu chuẩn giả của các thày giả. Con có thể đi từ tầng 48 lên tầng 96 mà không sợ hãi. Dĩ nhiên là chúng ta không có kịch bản lý tưởng trên trái đất, do đó con có sợ hãi và con phải đối phó với tiêu chuẩn.

Đó là lý do vì sao, khi đệ tử tới khóa nhập thất của thày, điều đầu tiên thày phải làm là giúp họ chất vấn tiêu chuẩn của họ. Thày phải giúp họ đứng ra ngoài tiêu chuẩn của họ, nhìn nó từ bên ngoài, và nhận ra rằng mặc dù tiêu chuẩn này cho tự ngã họ một số điều thuận lợi – bằng cách khiến tự ngã cảm thấy được an toàn – họ cảm thấy bị giam cầm trong tiêu chuẩn đó. Cái Ta Biết của họ, Tánh linh, cảm thấy bị giam cầm trong tiêu chuẩn đó.

Đó là lúc con bắt đầu thấy là nếu con có thể bỏ lại đằng sau tầng tự ngã đó, con có thể vươn lên một tầng tâm thức mới nơi con thoát khỏi tiêu chuẩn cũ của con. Con có thể vẫn còn một tiêu chuẩn nào đó, nhưng ít ra, con thoát khỏi một số hạn chế đã giam cầm mình.

9.13. Tiêu chuẩn giả nhị nguyên

Con có thấy chăng là tiêu chuẩn của tâm thức nhị nguyên, tâm thức rắn, áp đặt lời dối trá tinh vi là con bị giới hạn – bị giam hãm – bởi các lựa chọn quá khứ của mình. Việc tạo ra một tiêu chuẩn ngụ ý rằng một số chọn lựa của con đã sai lầm theo nghĩa tối hậu. Các chọn lựa này vi phạm tiêu chuẩn, do đó chính việc con dùng quyền tự quyết một cách sáng tạo đã khiến con vi phạm tiêu chuẩn.

Đây là lời dối trá do rắn áp đặt. Do đó, lời hứa ngầm là nếu con ngưng dùng quyền tự quyết của mình một cách sáng tạo – và thay vào đó giam quyền tự quyết vào một tiêu chuẩn vỏ ngoài – thì con sẽ được bảo đảm lên thiên đàng. Vì Thượng đế phải chấp nhận con khi con sống theo tiêu chuẩn do rắn quy định trên trái đất.

Đây là lời dối trá tiềm ẩn đằng sau con đường giả. Họ nói: Bạn sai lầm – bạn đã phạm một lỗi lầm – khi bạn dùng khả năng sáng tạo của mình. Do đó, cách duy nhất tránh xuống địa ngục là ngừng sáng tạo và làm theo quy luật sẽ đưa bạn lên thiên đàng. Nhưng con yêu dấu, con có thấy đây là lời dối trá chăng?

Con có bắt đầu thoáng thấy chăng là toàn bộ mục đích cuộc đời là để con học cách dùng khả năng sáng tạo của mình để tự thăng vượt liên tục và trở nên hơn nữa? Con có thấy chăng là rắn nói là con không thể tự thăng vượt, con không thể thăng vượt chọn lựa cũ của mình? Do đó, rắn nói rằng con có thể vào thiên đàng bằng cách tuân theo quy luật thay vì thăng vượt ý niệm bản ngã của mình. Rắn nói rằng con có thể kiện toàn ý niệm bản ngã hiện nay của mình bằng cách tuân theo quy luật vỏ ngoài.

Cách duy nhất để vào thiên đàng là thăng vượt ý niệm bản ngã hiện nay của mình, và cách duy nhất để thăng vượt ý niệm bản ngã hiện nay của mình là dùng khả năng sáng tạo để tái tạo một ý niệm bản ngã mới, một ý niệm bản ngã cao hơn. Con làm điều này bằng cách học hỏi từ chọn lựa quá khứ và sau đó chọn lựa tốt hơn. Con không làm điều này bằng cách từ chối chọn lựa, từ chối học hỏi, hay nghĩ rằng con có thể tuân theo một tiêu chuẩn vỏ ngoài. Con có thể dùng lý luận để hiểu ra sự thực này. Thày nói với con một cách cả quyết tuyệt đối. Thày là Chân sư MORE. Thày đã thấy hàng triệu đệ tử tới khóa nhập thất của thày. Và thày biết là con không thể tới khóa nhập thất của thày nếu con không có khả năng lý luận mà thày đề cập. Do đó, con có thể bắt đầu tiến trình thay đổi toàn diện cái nhìn của mình về cuộc đời và nhận ra con không tăng triển – con không lên thiên đàng, con không thăng thiên – bằng sợ hãi, mà chỉ tăng triển bằng tình thương. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của con – nhiệm vụ chính yếu của con – lúc này là giải thoát khả năng sáng tạo của mình để con có thể sử dụng nó trong tình thương thay vì sợ hãi.

9.14. Sáng tạo trong tình thương 

Tiêu chuẩn vỏ ngoài đã khiến rất nhiều người sử dụng khả năng sáng tạo của họ trong sợ hãi vì lúc nào họ cũng phản ứng lại tiêu chuẩn. Họ tìm cách né tránh điều gì hoặc bù đắp cho một hành động quá khứ.

Nhưng con không cần bù đắp cho những chọn lựa quá khứ. Con cần học hỏi từ những chọn lựa này và thăng vượt tầng tâm thức lúc ấy. Có gì cần bù đắp đâu trong bãi chơi cát trên trái đất? Con cần thăng vượt ý niệm bản ngã thay vì tiếp tục đồng-sáng tạo qua bản ngã đó. Đây là điều một đệ tử tâm linh cần làm.

Một lần nữa, con hãy dùng khả năng cảm nhận điều gì nâng cao hay hạ thấp năng lượng. Con hãy bắt đầu áp dụng nó vào cách con nhìn cuộc đời và tiêu chuẩn của con. Và con hãy nhận ra là tiêu chuẩn của mình – ít ra là một số khía cạnh của nó mà con có thể thấy – dựa trên sợ hãi. Con hãy bắt đầu xem xét con sợ điều gì. Con hãy tiếp cận nỗi sợ này. Con hãy cảm nhận là chỉ nghĩ về nó thôi cũng đã hạ năng lượng của mình. Sau đó, con hãy nhận ra là bất kỳ điều gì hạ năng lượng đều đến từ sợ hãi, và bất kỳ điều gì đến từ sợ hãi cản trở, giới hạn, giết chết sự sáng tạo.

Thày là Chân sư MORE, thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Tia này đã được gọi là tia của uy lực và ý chí, nhưng cái mà con thấy trên trái đất là sự lạm dụng quyền lực dựa trên một tiêu chuẩn, một tiêu chuẩn hai hàng có một bộ luật cho nhóm thượng lưu và một bộ luật cho người thường.

Dĩ nhiên là cũng có khái niệm ý muốn của Thượng đế, mà nhiều người cho là cái áo khoá tay. Vì khi con tuân theo ý muốn của Thượng đế, con phải từ bỏ quyền tự quyết của mình. Nhưng con yêu dấu, ý muốn của Thượng đế là con có quyền tự quyết! Quyền này được cho không! Thượng đế cho con quyền tự quyết và ý muốn của Thượng đế là con được tự do dùng nó.

Nhưng thực thi quyền tự quyết có nghĩa giản dị là con nhìn vào kết quả của lựa chọn quá khứ của mình. Và sau đó con đánh giá: Tôi muốn nhiều thêm kết quả này hay tôi muốn điều gì cao hơn kết quả này? Và nếu con muốn điều gì cao hơn, thì con dùng chọn lựa quá khứ của mình để học hỏi cách tái tạo chính mình và đồng-sáng tạo cái hơn nữa. Đây là cách con dần dần nâng cao quyền tự quyết của mình để nó thực sự tự do. Vì con biết bất kể điều gì con đã chọn trước đây, con có thể thăng vượt mức tâm thức đó và chọn cái gì cao hơn. Con không bị ràng buộc bởi chọn lựa quá khứ của mình. Con không bị ràng buộc bởi quy luật. Con không bị ràng buộc bởi một tiêu chuẩn vỏ ngoài trên trái đất.

Thày mong rằng khi con học xong các bài giảng này, con sẽ bắt đầu hiểu quyền tự quyết là gì. Bây giờ thì thày đã cho con đủ và có thể quá những gì con hấp thụ được, do đó thày sẽ niêm bài giảng này cho tới khi thày dạy bài tới. Ngay bây giờ thì con hãy xem xét các nỗi sợ của mình, và nhận ra rằng chìa khóa để tiến bộ trên con đường tâm linh là tránh xa sợ hãi và tiến vào tình thương. Không thể có cách nào khác hơn. Vì phải chăng là Giê-su đã nói là quy luật quan trọng nhất là yêu Thượng đế với tất cả trí óc, trái tim và linh hồn? Và làm sao con có thể yêu Thượng đế nếu con nghĩ đây là một bạo chúa chỉ muốn hạn chế ý chí mà y đã ban cho con?

Con không thể thương yêu một thượng đế mà con sợ. Con chỉ có thể yêu Thượng đế bằng cách thăng vượt và tới chỗ trong tâm thức con chỉ còn tình thương. Vì ông hoàng của thế gian sẽ tới và sẽ không tìm ra nỗi sợ nào trong con khiến y có thể nắm lấy và bắt con phải tuân theo tiêu chuẩn của rắn. Vì con chỉ có tình thương của sự hiểu biết là con có thể thăng vượt mọi chọn lựa quá khứ. Và do đó con có tự do – lúc nào cũng tự do là hơn nữa.

Uy lực và minh triết

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Và thày là chân sư của uy lực. Do đó, trong bài giảng này, thày sẽ nói về cách dụng uy lực và cách sử dụng uy lực đúng. Khó khăn mà con gặp phải là trong cuộc sống trên trái đất này, con đã gặp nhiều trường hợp lạm dụng uy lực và rất ít khi thấy uy lực sử dụng đúng. Do đó, con đã tới chỗ chấp nhận khung tham chiếu giả cho rằng trên trái đất này, sự thành công hay uy lực được đánh giá qua kết quả hay hậu quả vật lý mà nó tạo ra.

Người ta cho rằng người có uy lực là người làm được việc, bất kể những tổn hại và hậu quả khác trên người khác. Tỷ dụ, con có thể coi một vị tướng đánh bại quân địch là người có uy lực, tuy nhiều người bị thiệt mạng hay chịu đau khổ. Hay con cũng có thể coi một nguyên thủ quốc gia thực hiện được một số chuyện vỏ ngoài là có uy lực, nhưng không biết cái giá mà người dân nước đó hay nước khác phải trả.

Con biết chăng, thày là Thượng sư của Uy lực nhưng thày không đánh giá uy lực dựa trên kết quả vật lý trên trái đất. Đối với thày, kết quả vật lý không quan trọng chút nào. Câu này có thể khiến nhiều đệ tử tâm linh kinh ngạc. Đó là vì họ nhìn Tia thứ Nhất của uy lực xuyên qua phin lọc của tiêu chuẩn thế gian, tiêu chuẩn giả về uy lực.

7.1. Mục đích cuộc đời là sự tăng triển của con 

Các thày đã nói điều gì nhiều lần? Vũ trụ vật chất là một lớp học, một môi trường học hỏi. Vũ trụ là một tấm gương toàn vũ. Những gì con phóng ra ngoài sẽ được phản chiếu lại dưới dạng hoàn cảnh vật lý. Nhưng tại sao lại phản chiếu lại con những gì con phóng ra? Mục đích giản dị là để phơi bày một cách không thể chối cãi những gì con không thấy được trong tiềm thức hay tâm ý thức của mình. Và vì sao vũ trụ lại làm vậy? Vì mục đích cuộc sống là tăng triển tâm thức con người.

Con có thể so sánh với một công nghệ là kính thực tại ảo (virtual reality goggles). Con đeo một cặp kính thực tại ảo vào và không còn thấy căn phòng chung quanh con nữa. Con chỉ còn thấy cái gì được chiếu trước mắt con trên màn ảnh bên trong cặp kính. Cái con thấy không phải là môi trường thực, mà chỉ là một môi trường tạo ra bởi một máy điện toán – tức là một môi trường ảo, giả. Thày có thể bảo đảm với con là nếu con có thể thấy như thày thấy, thì con sẽ thấy môi trường vật lý trên hành tinh trái đất cũng giả như môi trường trong cặp kính thực tại ảo.

7.2. Kết quả vỏ ngoài không có ý nghĩa

Hành tinh trái đất chỉ giản dị là một phóng chiếu của tâm thức. Các thày đã nói về các bầu cõi chưa thăng thiên, nhưng con đang sống trong bầu cõi chưa thăng thiên cuối. Trong một bầu cõi chưa thăng thiên, không có gì thật một cách tối hậu, không có gì trường tồn, vì đây chỉ là một môi trường thử nghiệm. Do vậy, không có gì trường tồn – không có gì trở nên thực tại tối hậu – cho tới khi bầu cõi thăng thiên. Vì con đang sống trong một môi trường không có thực tính tối hậu, thì tại sao thày, hay tất cả các sinh thể thăng thiên khác, lại quan tâm đến kết quả vật lý mà con tạo ra hay không tạo ra? Điều này hoàn toàn vô nghĩa với các thày.

Con có thấy chăng là các thày đã nhất quán giảng là con đường bên ngoài là con đường giả không đưa tới cứu rỗi và con đường bên trong mới là con đường thực? Trong hình thức thô sơ của con đường vỏ ngoài, con nghĩ là con chắc chắn được cứu rỗi vì con là một thành viên của một tôn giáo vỏ ngoài. Trong hình thức tinh vi hơn, con nghĩ là con chắc chắn được cứu rỗi vì con là đệ tử chân sư thăng thiên, đã làm hết những chuyện vỏ ngoài và đạt được một số kết quả vỏ ngoài.

Nhưng các thày đã lặp lại nhiều lần là trạng thái tâm thức của con sẽ quyết định con có được cứu rỗi hay không, con có thăng thiên hay không, con có vào cõi tâm linh hay không. Con sẽ không vào cõi tâm linh cho tới khi con đạt tầng tâm thức 144. Con sẽ không đạt tầng này nếu con nghĩ chỉ cần tạo ra một số kết quả bên ngoài nào đó. Sư thực là con sẽ không từ tầng 48 lên tấng 49 nếu con nghĩ chỉ có kết quả bên ngoài là quan trọng.

7.3. Hậu quả của sự lạm dụng uy lực 

Thày muốn con nhận ra là cách duy nhất để đi xuống thấp hơn tầng tâm thức 48 là con bắt đầu lạm dụng quyền lực. Con bắt đầu lạm dụng quyền lực khi con dùng động lượng của mình, những thành tựu trên bảy tia sáng để khởi lên ý định hung hãn muốn tạo ra một kết quả bên ngoài bằng cách kiểm soát hay áp lực người khác. Đó là cách khiến con đi xuống dưới tầng tâm thức 48.

Dù con sa ngã ở tầng 48 hay cao hơn, thì cách duy nhất khiến tâm thức sa ngã là con dính mắc vào một kết quả bên ngoài nào đó đến độ con sẵn sàng dùng sức mạnh – thày cũng coi lừa dối là dùng sức mạnh – để khiến người người khác tuân theo cái nhìn của mình về chuyện gì phải xảy ra hay không xảy ra. Đó là lý do vì sao các sinh thể sa ngã lần đầu ở bầu cõi thứ tư. Đó là lý do vì sao một số tiếp tục sa ngã ở bầu cõi thứ năm, thứ sáu và nay ở bầu cõi thứ bảy này.

Đó là lý do vì sao họ đã lôi kéo được nhiều người đầu thai lần đầu vào bầu cõi thứ bảy bước vào vòng xoáy đi xuống của họ, khiến những người này theo họ vào tâm thức sa ngã.

Bản chất của tâm thức sa ngã là sự lạm dụng quyền lực để khiến người khác dùng quyền tự quyết của họ làm theo cái nhìn của mình – dù rằng đó không phải là cái nhìn của họ. Hoặc con có thể tìm cách ép họ phải chấp nhận cái nhìn của mình và bỏ đi cái nhìn của cá tính thiêng liêng của họ. Đó là tâm thức sa ngã. Không có cách nào mô tả nó khác hơn.

7.4. Biết là mình thuộc một tổng thể

Con là một sinh thể cá biệt. Con đã được ban cho quyền tự quyết cá nhân. Con có quyền thử nghiệm quyền tự quyết này và khả năng sáng tạo của mình. Như thày đã giảng trong hai bài đầu, ở tầng 48 con đúng lý phải thử nghiệm khả năng sáng tạo của mình. Nhưng các con có thấy chăng, thử nghiệm quyền năng sáng tạo không có nghĩa là làm bất cứ điều gì mình muốn, vì có một điểm vi tế mà ta phải xem xét.

Con thấy chăng, tuy con là một sinh thể cá biệt có quyền tự quyết, nhưng con không được sinh ra như một sinh thể cá biệt sống một mình trong môi trường. Lúc nào con cũng hiện hữu chung và chia sẻ môi trường với những sinh thể cá biệt có tự nhận biết khác. Do đó, con không bao giờ ở trong hoàn cảnh có thể làm bất cứ cái gì mình muốn mà không cần quan tâm đến hậu quả.

Khi thày nói điều này thì thày biết là những đệ tử đã bị tâm thức nhị nguyên ảnh hưởng quá nhiều sẽ không hiểu ngay được điều thày nói. Vì trong kịch bản lý tưởng, khi một sinh thể lần đầu xuống một hành tinh như trái đất ở tầng tâm thức 48, thì nó là một sinh thể cá biệt, nhưng nó không tự coi nó như là một sinh thể tách biệt. Con biết con liên hệ với cái gì lớn hơn mình. Con biết là có những sinh thể khác trong môi trường, và con cũng cảm thấy mình có liên hệ với họ. Do đó, con là một phần của tổng thể, và bất cứ điều gì con làm ảnh hưởng đến tổng thể – và ngược lại tổng thể cũng ảnh hưởng đến con. Do đó, bất cứ điều gì con làm cũng ảnh hưởng chính mình.

Khi con xuống ở tầng 48, con không thấy điều này hạn chế quyền tự quyết hay quyền năng sáng tạo của mình. Con coi như điều đương nhiên là con sống trong một môi trường và con biểu lộ quyền năng sáng tạo của mình trong môi trường đó – không phải như một sinh thể tách biệt có thể làm bất cứ gì mình muốn. Trong bài giảng trước thày gọi đây là sự ngây thơ thiêng liêng, khiến con có trực giác mình thuộc một tổng thể. Bất cứ điều gì con làm ảnh hưởng đến tổng thể và mỗi người trong tổng thể, kể cả chính mình. Vì con thấy mình là một biểu hiện của tổng thể.

7.5. Nhìn mình như một sinh thể tách biệt

Có một khác biệt căn bản giữa kịch bản lý tưởng và thái độ của các đệ tử khi họ đến khóa nhập thất của thày ở Darjeeling và ghi danh học khai ngộ của Tia thứ Nhất. Vì khi con đầu thai vào một hành tinh như trái đất nơi tâm thức con người đã xuống dưới kịch bản lý tưởng, con không thấy mình là một sinh thể nối kết với sinh thể khác. Con thấy mình là một sinh thể tách biệt. Như một sinh thể tách biệt, con nghĩ con có thể tách nguyên nhân ra khỏi hậu quả. Con nghĩ con có thể hành động mà không ảnh hưởng đến chính mình.

Con nghĩ có thể làm một điều mà con thấy có ảnh hưởng rõ trên người khác và môi trường, nhưng con lại nghĩ nó sẽ không ảnh hưởng đến chính mình. Đây chính là bản chất của ảo tưởng tách biệt. Cái mà các thày gọi là tâm thức nhị nguyên biện minh cho ảo tưởng này, từ đó nó biện minh cho những hành động dựa trên ảo tưởng này. Như thày đã nói trước đây, ảo tưởng là tin rằng mình có quyền áp lực người khác nhân danh một đại nghĩa nào đó – tỷ dụ như cứu rỗi thế giới hay truyền bá một ý thức hệ.

Nhưng con thấy chăng, cái sai lầm trong lý luận này là khái niệm có “người khác”. Vì khi con xuống trong sự ngây thơ thiêng liêng, con không thấy những sinh thể có tự nhận biết khác trong môi trường là người khác, theo nghĩa họ tách biệt với mình. Con thấy mọi người là một phần của tổng thể và con là một phần của tổng thể. Con thấy như điều hiển nhiên là những gì con làm ảnh hưởng đến người khác và tuy con có quyền ảnh hưởng người khác, nhưng con không có quyền áp lực họ.

Khi thày nói “có quyền”, thày muốn nói tới quy luật toàn vũ mà Giê-su đã khai bày: Hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho con. Quy luật này giản dị như sau: Cái gì tốt nhất cho con và cho người khác là cái gì tốt nhất cho tổng thể. Tuy nhiên, có khác biệt tinh tế là ở tầng 48 – khi con xuống như một người đồng-sáng tạo mới – con không có kinh nghiệm về quyền năng sáng tạo của mình. Vậy làm sao con có được kinh nghiệm này? Con chỉ có được kinh nghiệm bằng cách thử nghiệm, và đó là lý do vì sao các sinh thể mới đi xuống trong một môi trường được bảo bọc, mà các thày gọi là Trường Bí giáo.

7.6. Mục đích của Trường Bí giáo 

Trường Bí giáo do một vị chân sư thăng thiên giám sát. Chắc con cũng biết là truyền thuyết Vườn Địa đàng trong Sáng-thế Ký (Genesis) là biểu tượng của một Trường Bí giáo. Con chắc cũng biết là Trường Bí giáo được gọi là Đia đàng do một chân sư thăng thiên là thày Maitreya giám sát. Điều thày muốn nói là: trong Trường Bí Giáo, trong môi trường được bảo bọc đó, con có thể làm tuyệt đối bất kỳ điều gì với quyền năng sáng tạo của mình. Con có thể tự do thử nghiệm vì các chân sư giám sát Trường Bí Giáo đã tạo ra một môi trường ảo nằm bên trong môi trường ảo vĩ đại của vũ trụ vật chất.

Trong môi trường đó con có thể làm bất kỳ điều gì con muốn mà không tạo ra hậu quả lâu dài, không tạo ra nghiệp quả lâu dài cho mình. Đó là gì vị chân sư của Trường Bí Giáo cho con một môi trường an toàn giống như một bãi cát nơi đó con có thể làm bất kỳ điều gì con muốn. Con không thể đả thương cát, con không thể đả thương chính mình, con không thể đả thương những trẻ em khác đang chơi trong bãi cát.

Nơi đó con có thể học hỏi mà không tạo hậu quả lâu dài cho chính mình. Con học hỏi mà không tạo nghiệp quả sẽ trở ngược về và đả thương con. Lý do là vì con học dưới sự hướng dẫn trực tiếp của vị thày thăng thiên. Và lý do mà vị thày đó xóa được nghiệp quả mỗi cuối ngày là vì thày giúp con nhìn kết quả của hành động sáng tạo của mình và ngay lúc đó học bài học của ngày sáng tạo đó. Vì một khi con đã học xong bài học, thì đâu có lý do gì nữa để con phải chịu nghiệp quả quay về ám ảnh con? Vì dĩ nhiên mục đích của nghiệp quả, giống như mọi chuyện khác, là giúp con học hỏi.

7.7. Mục đích của nghiệp quả 

Nghiệp quả chỉ cần thiết khi con không chịu nhìn hậu quả của hành động của mình vào cuối ngày học dưới sự hướng dẫn của vị thày. Do đó, con không tạo nghiệp trong Trường Bí giáo. Nhưng một khi các đệ tử quyết định không cho phép vị thày cho xem hậu quả của những nỗ lực sáng tạo của mình – thay vào đó họ che dấu vị thày – thì họ không thể ở lại trong Trường Bí Giáo. Khi đó, làm sao họ học được liệu hành động của họ có hậu quả hay không? Tuy thế nếu hành động của họ có hậu quả tức khắc, thì làm sao họ học được vì trong nhiều trường hợp họ sẽ tự hủy hoại tức khắc? Đó là lý do vũ trụ được thiết lập khiến cho khi con hành động, hành động này có hậu quả vật lý tức khắc trên môi trường và người khác; nhưng nó có thể không có hậu quả vật lý tức khắc trên con. Thay vào đó, con phóng ra một xung lực nghiệp, một xung lực năng lượng, đi vào các tầng cao của vũ trụ vật chất là cõi bản sắc, lý trí và tình cảm. Xung lực đi qua ba tầng này, trước khi chúng trở về con ở tầng vật lý, biểu hiện như một hoàn cảnh vật lý.

Lý do có sự trì hoãn này là để con có cơ hội nâng cao tâm thức mình trong khoảng cách thời gian trước khi nghiệp báo trở về con. Khi nghiệp báo trở về, con có thể làm điều mà thày giảng trong bài trước: con có thể đáp ứng với một mức tâm thức cao hơn tâm thức khi con phóng xung lực ra ngoài. Bằng cách này, phản ứng của con với nghiệp báo sẽ ở tầng cao hơn, có nghĩa là bây giờ con tạo ra một xung lực nghiệp mới ở một tầng cao hơn. Khi xung lực kế tiếp quay trở về, con ở tầng cao hơn lúc đầu. Do đó, con vẫn tiến bộ, dù rất chậm và khó khăn, và thường với nhiều đau khổ. Tuy thế chính con đã lựa chọn rời khỏi Trường Bí giáo.

7.8. Trở lại Trường Bí giáo của Maitreya

Hầu hết mọi người trên trái đất đã rời Trường Bí giáo. Điều con đang làm bây giờ – khi con tới đây ghi danh với Thượng sư Tia thứ Nhất – là con ghi danh trở lại Trường Bí Giáo của thày Maitreya. Nhưng để con có thể trở lại trường, để con hội đủ điều kiện trở lại Trường Bí giáo của thày Maitreya, con phải gom đủ điều kiện bằng cách đi trên con Đường Bảy bức Màn, con Đường bảy Tia sáng dưới sự hướng dẫn của bảy Thượng sư. Lúc đó, khi con tới tầng 96, con sẽ ghi danh với Đại thượng sư, Và khi con đạt được khai ngộ này thì con vào trở lại Trường Bí giáo của thày Maitreya, và thày sẽ dẫn con đi đoạn đường cuối tới tầng tâm thức 144.

Dĩ nhiên là nếu con muốn đạt được khai ngộ ở tầng 96 và trên nữa thì con phải chấp nhận không che giấu bất cứ gì với vị thày. Vì nếu con tìm cách che giấu thì con sẽ sa ngã một lần nữa. Khi đó con sẽ phải trở lại từ đầu, theo học Trường đời Cay đắng cho tới khi con trở lại tầng 48 và ghi danh với Thượng sư Tia thứ Nhất và từ đó đi trở lên.

Có một số dòng sống đã làm điều này nhiều lần. Họ sa ngã xuống tầng tâm thức thấp nhất hay gần đó. Vòng xoắn đi xuống mà họ tạo ra trở nên càng ngày càng mạnh khiến họ rốt cuộc không chịu nổi nữa. Lúc đó, họ bắt đầu nâng tâm thức cho tới khi họ tới tầng 48. Sau đó họ ghi danh với các Thượng sư và dần dần tiến lên dưới bảy tia sáng. Khi họ tới chỗ phải ngưng giấu giếm vị thày, thì lại có điều gì đó mà họ không chịu phơi bày với vị thày. Do đó, họ lại sa ngã và bắt đầu lại từ đầu.

Điều thày không muốn thấy là các con là những người đã ghi danh vào khóa học này – mà các thày đã công bố lần đầu trong cõi vật lý khi cho xuất bản bộ sách này – bị rơi vào khuôn nếp đó. Thầy muốn thấy con phá vỡ khuôn nếp nếu con đã bị ở trong đó, hay không bị nó hút vào nếu con chưa ở trong đó, và con sẽ tới tầng 96 và hoàn toàn sẵn sàng để đạt khai ngộ. Đó là lý do thày cho con lời hướng dẫn này. Thật ra đa số đệ tử sẽ thấy lời hướng dẫn này quá tầng tâm thức của họ. Tuy thế, những điều quá tầng tâm thức trên mặt thực hành vẫn có thể hiểu được, suy luận được.

7.9. Trực giác đi đôi với suy luận

Mặc dù các thày thường xuyên khuyên các con nên tập để trực giác – là cảm giác nội tâm, cũng là sự thơ ngây – bén nhạy hơn, nhưng trực giác đi đôi với lý luận. Lý luận không phải là kẻ thù của tăng trưởng tâm linh; vì nếu con không biết lý luận, thì cách tăng trưởng duy nhất là trải nghiệm tất cả mọi việc. Các con yêu dấu, khi con nhìn cuộc đời hiện đang biểu lộ trên trái đất, chắc con cũng thấy là có một số hành động không có tính cách tâm linh và không giúp con người phàt triển tâm linh? Nhưng con làm sao biết được là một hành động gây tổn hại cho sự phát triển tâm linh của con?

Trong bài giảng trước, thày dạy con một thước đo giản dị: “Sinh hoạt này nâng năng lượng của tôi lên hay hạ năng lượng của tôi xuống?” Đây là một khả năng trực giác, một khả năng trải nghiệm. Con phải sống trong hoàn cảnh thì mới biết là nó hạ thấp hay nâng cao năng lượng của mình. Như vậy có nghĩa là nếu con muốn biết, tỷ dụ, là ăn cắp của người khác nâng hay hạ năng lượng, thì con phải thử mới biết được. Con sẽ phải thử nghiệm chiến tranh và bị mạng vong. Con sẽ phải thử giết người. Con sẽ phải thử nghiệm tất cả mọi sinh hoạt có thể có trên trái đất. Và con có biết là con cần bao nhiêu kiếp để trải nghiệm tất cả những chuyện có thể làm trên trái đất?

Dĩ nhiên là con người càng ngày càng chế thêm nhiều sinh hoạt. Con có thể thấy là hiện nay có không biết bao nhiêu sinh hoạt không thể tưởng tượng được một thế kỷ trước đây, tỷ dụ như trong lãnh vực công nghệ điện toán. Con có thể thấy là con cần vô vàn kiếp sống để trải nghiệm hết mọi chuyện. Do đó, cách duy nhất để không phải trải nghiệm mọi hoàn cảnh là sử dụng khả năng lý luận cao. Đây chính là phương pháp mà vị anh em lẫy lừng của thày là Saint Germain đã đem xuống hành tinh này, tỷ dụ như trong kiếp đầu thai như Francis Bacon là người đã thiết lập nền tảng của phương pháp khoa học. Phương pháp này chủ trương rằng khi con đã làm một số thí nghiệm đưa tới cùng kết quả, con có thể suy luận là điều này sẽ xảy ra trong tất cả hoàn cảnh tương tự. Tỷ dụ, nếu con đã có một hay nhiều kiếp đầu thai như một người nghèo phải ăn cắp để sống, sau khi con đã đầu thai ở hai hay ba nước khác nhau, con có thể suy luận là con không cần phải đầu thai ở tất cả mọi nước trên trái đất, nhưng có thể nói rằng: “Đầu thai vào một môi trường như vậy không giúp tôi phát triển tâm linh, và tôi không cần trải nghiệm tất cả các môi trường này. Tôi có thể suy luận rằng: thế này là quá đủ rồi. Do đó, tôi muốn rời bỏ tầng tâm thức này.”

Bây giờ chúng ta hãy bước thêm một bước nữa và xem xét trường hợp một người có thể đầu thai vào mấy chục ngàn hoàn cảnh trên trái đất mà vẫn ở cùng tầng tâm thức 48. Nhưng con có thực sự cần đầu thai mấy chục ngàn kiếp để nhận ra rằng con không muốn ở tầng tâm thức 48 nữa, mà muốn lên tầng 49? Không, con không cần làm vậy nếu con dùng khả năng suy luận cao của tâm Ki-tô. Lúc đó, con có thể nói: “Thế này là quá đủ rồi. Tôi nay đã biết đủ về tầng tâm thức 48 rồi. Tôi đã khám phá đủ tầng này của tòa nhà rồi. Tôi sẵn sàng tìm ra cầu thang để đi lên tầng trên, nơi tôi có cái nhìn bao quát hơn về môi trường chung quanh và nhiều tự do hơn để sáng tạo.”

Về chuyện quyền lực và lạm dụng quyền lực, con có cần trải nghiệm mọi hình thức lạm dụng quyền lực – trong cương vị hung thủ hay nạn nhân? Hay con dùng khả năng lý luận để nói: “Thưa Chân sư MORE, xin thày chỉ cho con quyền lực được lạm dụng như thế nào. Xin thày chỉ cho con thấy lạm dụng quyền lực vận hành như thế nào để con vượt lên trên nó và vươn lên tầng kế tiếp.”

7.10. Học hỏi khi ở dưới tầng 48

Điều mà thày cho con ở đây giản dị là một khung tham chiếu. Trên trái đất này, con được phép lạm dụng quyền lực bằng cách ép buộc người khác phải phản ứng. Trong Trường đời Cay đắng, con có quyền làm điều này. Con có hiểu chăng?

Các thày là chân sư thăng thiên không áp dụng những quy tắc luân thường đạo lý thông thường của xã hội. Các thày không nói rằng giết người là hợp luân thường đạo lý, nhưng các thày nói rằng với những người ở dưới tầng tâm thức 48, đưa ra một tiêu chuẩn đạo đức cao là điều vô nghĩa.

Nếu con muốn áp dụng thành công tiêu chuẩn này, thì con cần dùng khả năng suy luận. Và nhiều người ở dưới tầng tâm thức 48 không biết dùng khả năng suy luận cao. Họ chỉ thấy những gì có lợi cho họ, nhìn từ góc độ tâm thức hiện tại của họ. Họ không thể tự hỏi có cái gì tốt cho họ dựa trên một quan điểm cao hơn mức tâm thức hiện tại của họ.

Điều mà thày muốn giải thích là: khi một người chưa có hay chưa tác động được khả năng suy luận cao, thì nói với y chuyện phải trái, chuyện phải làm, chuyện phải tránh, là điều vô nghĩa. Điều duy nhất mà chúng ta cần quan tâm là: làm sao y sẽ học hỏi khi ở tầng tâm thức hiện tại? Và điều thày muốn nói là: nếu y không dùng khả năng suy luận – mà mọi người đều có, ngay khi ở tầng tâm thức thấp – thì y chỉ có thể học bằng một cách duy nhất. Cách đó là để y làm bất cứ gì y muốn, dựa trên tầng tâm thưc hiện tại của y, và trải nghiệm nghiệp báo vật lý trở ngược về từ tấm gương vũ trụ.

Nếu một người ở một tầng tâm thức thấp đến độ y nghĩ có quyền giết một người khác để tước đoạt tiền hay tài sản của người đó, và lúc đó có một người tới xua tay nói: “Ngươi không được phép làm chuyện này”, thì con có thấy chăng là điều này không ích lợi gì? Người đang muốn giết người sẽ không chịu học hỏi, vì y không có khả năng suy luận. Do đó, y chỉ có thể học bằng một cách duy nhất, đó là giết người và sau đó chịu nghiệp báo.

Con có thấy chăng tuy hành động giết người là điều sai theo quan điểm cao, nhưng ở tầng tâm thức nào đó, chỉ có cách đó con người mới học hỏi? Thày có thể bảo đảm với con là luật nhân quả áp dụng rất chính xác, do đó nếu một người bị một người ở, tỷ dụ, tầng tâm thức thứ 10 giết, thì người bị giết cũng ở một tầng tâm thức rất thấp. Người đó đã giết người trong một kiếp trước và chuyện xảy ra bây giờ là kết quả của nghiệp báo. Con có thấy chăng: cả người giết lẫn người bị giết đang giản dị học bằng cách duy nhất họ có thể học, đó là thấy nghiệp báo của trạng thái tâm thức của họ?

Đó là lý do vì sao con thấy nhiều người trên trái đất bị giam trong những khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại. Họ không tác động khả năng suy luận có thể giúp họ nói: “Tôi chán sống thế này quá rồi. Nhất định phải có một cách sống tốt hơn. Cuộc đời phải có gì hơn nữa. Nhất định phải có một cách học hỏi cao hơn.” Lúc đó, họ có thể dùng khả năng suy luận để tìm ra một giáo lý giúp họ hiểu là có một phản ứng cao hơn cách do tầng tâm thức hiện tại và phàm linh ở đó sai khiến, vì phàm linh này chỉ biết phản ứng một cách mà thôi.

7.11. Phàm linh con tạo ra không thể tự thăng vượt

Con có thấy chăng, như thày đã từng giảng, là khi con xuống dưới tầng 48, những gì tiên đoán về con sẽ trở thành sự thật, vì tâm con là một hệ thống đóng. Con phóng ra một xung lực, và khi tấm gương vũ trụ phản chiếu nó trở về, con phản ứng lại với cùng tầng tâm thức, tạo nên một xung lực khác – và cứ tiếp tục như thế. Đó là vì con tạo ra xung lực qua một phàm linh, và con phản ứng lại xung lực quay trở về với cùng phàm linh đó. Phàm linh này không thể thăng vượt chính nó.

Đây là một điểm rất quan trọng, rất cơ yếu, mà Đại thượng sư đã giảng trong quyển sách của thày [Quyển Trôi theo Dòng sông sự Sống]. Phàm linh mà con tạo ra không thể thăng vượt chính nó vì nó không có khả năng lý luận vượt quá tầng tâm thức của nó và khuôn đúc quy định nó. Nhưng con, cái Ta Biết, có khả năng lý luận vượt lên trên phàm linh. Do đó, cho dù con đang ở một tầng tâm thức nào – tỷ dụ tầng tâm thức thấp nhất – con vẫn giữ được khả năng rút mình ra khỏi phàm linh đang điều khiển cách con nhìn cuộc đời.

Do đó, tuy con không nhất thiết nối kết được với biểu hiện cao nhất của tâm Ki-tô, nhưng con có thể nối kết với tâm Ki-tô ở trên tầng tâm thức hiện tại của con và nhận ra có tầng tâm thức cao hơn. Nếu con nhìn nhận điều này, nếu con hành động theo đó, thì con có thể dần dần phá vỡ vòng vây của phàm linh đang kềm giữ tầm nhìn và sự chú ý của con, giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Đây là một khả năng cơ yếu, một cứu tinh giúp con thoát vòng xoáy đi xuống mà con đã tạo ta khi con lạm dụng quyền lực ở bất cứ tầng nào.

Con có thể lý luận rằng cách con dùng quyền lực đã đưa con tới tình trạng hiện nay. Và điều duy nhất giúp con thoát khỏi tình trạng hiện nay là học dùng quyền lực một cách cao. Điều này sẽ giúp con lên tầng kế tiếp. Sau đó, con lại dùng khả năng lý luận để tiến thêm bước nữa, sau khi đã trải nghiệm việc dùng quyền lực ở tầng cao hơn này.

Con sẽ tới điểm trở lại tầng 48. Lúc đó, con có thể hòa điệu với thày và học dùng quyền lực cùng với khả năng suy luận, bằng cách nghe thày giảng về cách dùng quyền lực đúng và sai. Và đây dĩ nhiên là một phần lý do vì sao thày giảng loạt bài này.

Thày chấm dứt bài gỉảng này và xin con khởi động khả năng nhận diện năng lượng đang lên hay xuống trong con. Con hãy bỏ chút thì giờ xem xét chuyện xảy ra trên thế giới, tỷ dụ như đọc sách về một giai đoạn sôi động của lịch sử, như giai đoạn chiến tranh hay cách mạng và những lạm dụng quyền lực lúc đó. Sau đó, con hãy xem xét: năng lượng nơi tim con lên hay xuống khi con xem xét một hình thức biểu lộ quyền lực nào đó? Khi con nhìn vào cách các nhân vật như Hitler, Napoleon hay một số nhân vật nổi danh khác biểu lộ quyền lực, thì chuyện gì xảy ra với năng lượng nơi tim mình? Năng lượng lên hay xuống? Điều này sẽ giúp con đo lường, và chuẩn bị con cho bài giảng tới của thày.

Uy lực và Ý chí

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/2/2013.

TA LÀ Hơn Nữa (More). TA LÀ chân sư. Do đó TA LÀ chân sư của Hơn Nữa. Và thày tới đây để cho con thấy làm sao trở nên hơn nữa với Tia sáng thứ Nhất. Thày sẽ bắt đầu với một khái quát. Các con dĩ nhiên là quen thuộc với giáo lý có 144 tầng tâm thức. Con biết rằng mục đích của loạt bài giảng này, và mục đích của bộ sách mà các thày cho ra mắt, là để chỉ cho con cách đi từ tầng 48 lên tới tầng 96 bằng cách điều ngự các khai ngộ của bảy tia sáng.

Chúng ta hãy xem xét chuyện gì xảy ra khi các con xuống trái đất lần đầu. Như các thày đã nói, khi con xuống trái đất lần đầu tiên, con xuống ở tầng tâm thức 48, nếu con là một dòng sống mới. Trong kịch bản lý tưởng, chuyện gì xảy ra với dòng sống đó? Dòng sống đó xuống với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm và ý niệm là nó nối kết với một cái gì lớn hơn – dù nó không thấy rõ ràng Hiện diện TA LÀ của nó – và nó xuống với mong muốn thử nghiệm các khả năng sáng tạo của nó.

Do đó, ở tầng 48, khả năng quan trọng nhất mà con có một cách tự nhiên, trong kịch bản lý tưởng, là ý chí muốn thử nghiệm. Đó là ý chí muốn thử cái gì mới, và nhìn xem vũ trụ vật chất – mà ta có thể coi là một máy phản hồi vĩ đại – đáp ứng ra sao. Bất cứ cái gì con gửi ra sẽ được tấm gương vũ trụ phản chiếu lại con.

Nếu con nhìn ý chí muốn thử nghiệm dưới một góc độ hơi khác, thì trạng thái tâm thức đó là gì? Đó phần nào là cái mà đức Phật gọi là “sơ tâm” (beginner’s mind). Đó là cái tâm mà Giê-su nói tới khi thày nói rằng trừ phi con trở thành trẻ thơ, con không thể bước vào vương quốc. Trạng thái tâm của con ở tầng 48 là sự ngây thơ, một sự ngây thơ thiêng liêng.

5.1. Tầm quan trọng của sự ngây thơ 

Trong kịch bản lý tưởng, con tiến lên qua các bước khai ngộ của bảy tia sáng mà không mất đi sự ngây thơ này. Dĩ nhiên là con sẽ có thêm kinh nghiệm, nhưng điều này không khiến con mất đi sự ngây thơ, tuy con chắc chắn trưởng thành hơn và khôn ngoan hơn trên một số phương diện. Nhưng con vẫn còn ngây thơ, theo nghĩa con không có những ý định không trong sạch, ích kỷ muốn hạ thấp sự sống khác. Và con cũng không phải tiếp xúc các dòng sống khác có ý muốn chê bai con và các nỗ lực sáng tạo của con.

Con có thấy chăng là trong kịch bản lý tưởng, con có thể mở rộng khả năng sáng tạo của mình, tăng trưởng nhận biết về khả năng sáng tạo của mình, mà không bao giờ phải gặp tư duy – tức là tâm thức – muốn chê bai và phê phán con dựa trên một tiêu chuẩn tương đối, nhị nguyên, theo đó con phải hoặc đúng hoặc sai? Và khi con làm điều gì sai thì có nghĩa là con có cái gì sai.

Dĩ nhiên là con đã tiếp cận với chính trạng thái tâm thức đó trong kiếp này và, thày bảo đảm với con, trong nhiều kiếp trước trên hành tinh này. Con chỉ cần nhìn lại quá trình của trái đất để thấy rằng tâm thức phán xét, đánh giá, chê bai đã thấm đẫm sự sống trên hành tinh này từ khi có lịch sử con người – và thày có thể bảo đảm với con là rất lâu trước đó nữa.

Như các thày đã nói, trái đất hiện nay không theo kịch bản lý tưởng. Ý mà thày muốn gieo như hạt mầm vào tâm trí con là mục đích của con Đường Bảy bức Màn không phải là để tâm đạt được một số khả năng tinh vi làm chủ vật chất qua đó con có thể tạo ra những hiện tượng khác thường nhìn thấy được, khiến người khác nể phục. Mục đích cũng không phải là đạt được sự minh triết đặc biệt nào, sự tinh xảo đặc biệt nào trong chuyện này hay chuyện kia. Mục đích chính của con đường của bảy tia sáng trong tình trạng hiện nay của trái đất chính thực là: lấy lại sự ngây thơ và biểu lộ các năng lượng sáng tạo của bảy tia sáng trong sự ngây thơ hoàn toàn.

Đây dĩ nhiên là một ngã rẽ mới mà nhiều đệ tử tâm linh không nhận ra. Từ hơn một trăm năm nay các thày đã công khai truyền dạy giáo lý của các chân sư thăng thiên qua trung gian nhiều sứ giả và tổ chức. Nhưng ít ai nhận ra là mục đích thật của con đường tu là lấy lại sự ngây thơ đã bị đánh mất, sự ngây thơ thực sự là thiên đàng trên trái đất.

5.2. Thiên đàng bị đánh mất

Làm sao con biểu hiện thiên đàng trên trái đất? Phải chăng là Giê-su có nói là Nước Trời ở trong con? Như vậy phải chăng điều hợp lý là cách biểu hiện thiên đàng trên trái đất là đạt được một trạng thái tâm thức nào đó? Và tâm thức ở Vườn Địa đàng là tâm thức gì? Trước khi con ăn trái cấm và tự đưa mình ra khỏi thiên đàng là Trường Bí giáo của thày Maitreya, con ở trong trạng thái ngây thơ. Đó là một trạng thái ngây thơ thiêng liêng trong đó con tự do thử nghiệm khả năng sáng tạo của mình mà không đánh giá chúng dựa trên một tiêu chuẩn do tâm thức tách biệt nhị nguyên tạo ra.

Con thấy chăng, cái con gặp khi con xuống trái đất là tiêu chuẩn do sa nhân tạo ra, được đặc biệt tạo ra để phá tan sự ngây thơ của những kẻ ngây thơ thiêng liêng. Nó được tạo ra để đảm bảo rằng một khi con đánh mất sự ngây thơ ấy, con sẽ khó lòng lấy lại được.

Con có thấy chăng là lấy lại sự ngây thơ trong môi trường hiện tại trên trái đất, khi con bị tấn công không ngừng bởi người khác hay tà lực tăm tối, là điều rất khó khăn? Hay con bị tấn công bởi đám phàm linh mà thày Đại thượng sư đã phơi bày, đang lởn vởn trong tâm thức tập thể, lúc nào cũng chực dụ dỗ con tham gia vào một cuộc đấu tranh, một trò chơi nào đó để chứng minh điều gì đó đúng hay người khác sai.

Con yêu dấu, hãy nhìn cuộc đời. Con có nhận ra tâm thức này và thấy là nó đã thấm đẫm mọi khía cạnh của xã hội, của sự tương tác giữa con người, và chính con cũng đã gặp nó? Vậy con hãy nghe thày nói là tình trạng của con ngày nay ngược lại với kịch bản nguyên thủy. Trong kịch bản lý tưởng, con khởi đầu với sự ngây thơ, sau đó con tăng trưởng và duy trì sự ngây thơ, đồng thời trở nên trưởng thành và khôn ngoan hơn. Nhưng bây giờ, khi con tới với thày và mong muốn được khai ngộ với Tia thứ Nhất, thì mình có tình trạng gần như đối ngược. Bây giờ con khôn ngoan và trưởng thành, theo nghĩa là con biết nhiều chuyện và có nhiều kinh nghiệm sống trên trái đất, nhưng con đã đánh mất sự ngây thơ.

Con không nên chờ đợi thày có thể giúp con lấy lại sự ngây thơ ở tầng 48, ở khai ngộ đầu tiên. Thày, như Thượng sư đầu tiên, thực sự không thể làm được chuyện này. Con chỉ có cơ hội lấy lại sự ngây thơ của mình khi con đi qua cả bảy tia sáng và đạt tới tầng 96, là nơi con hoàn toàn lấy lại sự ngây thơ khi con xuống trái đất lần đầu.

Đó là lý do vì sao con có thể đạt sự khai ngộ ở tầng 96 mà không dùng những khả năng sáng tạo của mình một cách ích kỷ, hay tệ hơn là một cách hung hãn, với mục đích kiểm soát người khác hay đấu tranh cho một lý tưởng cuồng đại nào đó. Điều này giúp con có một viễn quan dài hạn. Và con cần ghi nhớ một điều quan trọng, đó là – khi con đi trên con Đường Bảy bức Màn – mỗi bước con đi trên con đường tu, con tiến lại gần hơn sự ngây thơ. Con cần suy xét: “Cái gì ngay bây giờ đang lấy đi sự ngây thơ của mình, ở tầng tâm thức hiện tại của mình?”

5.3. Học hỏi ngoài hành động vật lý

Đây quả thực là một điều quan trọng mà con cần ghi nhớ. Có thể là ngay bây giờ con không có một ý niệm rõ ràng, có ý thức, về trạng thái ngây thơ. Có thể là con không thể trải nghiệm, dù chỉ một thoáng, điều mà thày muốn nói khi thày nói tới sự ngây thơ thiêng liêng. Đó là vì tâm con quá đầy những phàm linh đang liên tục hú hét như sài lang, tìm cách kéo con ra khỏi sự ngây thơ. Và cũng có phàm linh khác nói năng với miệng lưỡi tinh vi của rắn, tìm cách dụ dỗ con rơi vào những khuôn nếp cũ, cũng kéo con ra khỏi sự ngây thơ thiêng liêng là quyền bẩm sinh của con.

Tuy nhiên, trong bài giảng này thày sẽ dẫn con đi bước đầu. Con có nhớ là các thày có nói về Trường đời Cay đắng. Và tuy các thày là chân sư thăng thiên có thể giúp đôi chút những người đang ở dưới tầng 48 bằng cách cho họ vài chỉ thị, nhưng thực sự là họ đang ở trong Trường đời Cay đắng cho tới khi họ tới tầng 48. Chỉ khi nào họ từ tầng 47 bước lên tầng 48 thì họ mới hoàn toàn xong xuôi với Trường đời Cay đắng và ghi danh vào con Đường Bảy bức Màn. Đó là lúc họ có thể tham dự các khóa nhập thất trên cõi bản sắc của các thày, và qua đó đạt được cái biết nội tâm vì họ ghi nhớ nội dung bài học, tuy họ không nhớ được chi tiết các chỉ thị.

Lúc đó họ có thể tỉnh giấc với một cái biết nội tâm, tuy họ không nhớ vị thày đã nói gì và dạy điều gì. Nhưng họ biết là có cái gì đó thật, biết có cái gì đó đúng và muốn áp dụng nó vào đời mình. Lúc đó, tâm thức họ chuyển dời và họ ý thức được điều đó.  

Điều thày muốn nói rất giản dị. Trong Trường đời Cay đắng, con chủ yếu học qua hành động. Con hành động và thấy hậu quả – hay ít nhất là con gặp một kết quả vật lý – và sau đó con có cơ hội học hỏi hay không học hỏi bằng cách lượng định kết quả. Nhưng khi con lên đến tầng 48, con không còn chủ yếu học hỏi qua hành động vật lý bên ngoài. Tiến trình học hỏi của con lúc đó xảy ra bên trong – trong tâm con – bằng cách con lượng định những gì xảy ra trong tư tưởng và cảm xúc của con, hơn là hành động vật lý, tuy con dĩ nhiên vẫn sống trong cuộc đời. Quan tâm chính lúc đó là học hỏi bằng những cách khác hơn là hành động vật lý.

Chắc con cũng thấy là học hỏi qua hành động vật lý là một cách học rất khổ nhọc. Vì con gửi đi một xung lực tới tấm gương vũ trụ, và sẽ có một khoảng thời gian trước khi xung lực trở ngược về con dưới hình dạng một cảnh ngộ vật lý. Nếu con không nhớ xung lực mà con đã gửi đi thì con không nhận ra sự liên hệ giữa xung lực này và nghiệp quả vật lý đang quay ngược trở lại. Và do đó con không dễ nhận ra là con cần thay đổi tâm thức như thế nào để tránh không bị nghiệp quả từ vũ trụ quay ngược về mình. Vậy chuyện gì xảy ra khi con tốt nghiệp Trường đời Cay đắng và vào Trường Chỉ đạo Nội tâm? Lúc đó con bắt đầu có cái biết nội tâm khiến con không cần phải có nhiều hành động vật lý. Vì con có thể nhận ra và tỉnh ngộ: “À há, cái này không đưa tới kết quả tốt, cái này không dẫn tôi tới nơi tôi muốn đến trong cuộc đời này.” Tại đây, thày muốn con nhận ra khai ngộ đầu tiên mà con sẽ gặp ở tầng tâm thức 48.

5.4. Khai ngộ đầu tiên ở tầng 48

Chắc con có nghe nói là Tia thứ Nhất hay được gọi là tia sáng của uy lực và ý chí. Con có thể thấy là khi con xuống trái đất ở tầng 48 như một dòng sống mới, thì dĩ nhiên là con phải thí nghiệm. Con phải tạo một viễn quan, sau đó con phải dùng ý chí phóng chiếu hình ảnh đó lên Ánh sáng Mẫu-Vật để tạo ra một phản hồi nào đó từ Ánh sáng Mẫu-Vật.

Con cảm thấy con cần biểu lộ uy lực khi con là một đệ tử mới. Nhưng khi con không ở trong kịch bản lý tưởng, thì thực sự là con cần kềm lại sự biểu lộ uy lực của mình và cân nhắc trước khi con biểu lộ điều gì. Con dĩ nhiên cũng biết là Tia thứ Nhất, giống như các tia khác, tương ứng với một luân xa. Và luân xa tương ứng với Tia thứ Nhất là luân xa cổ họng, nằm ở trên trung tâm phát âm.

Do đó, một trong những cách chủ yếu để biểu lộ uy lực là bằng giọng nói, và đặc biệt là bằng lời nói. Dưới tầng 48, con chủ yếu học hỏi qua hành động vật lý, nhưng ở tầng 48 và bảy tầng trên đó, con cần chú tâm đến cách con biểu lộ uy lực qua luân xa cổ họng và lời nói. Như Giê-su có nói: “Qua lời nói con sẽ được minh chính; qua lời nói con sẽ bị lên án”. Đây là một nguyên tắc quan trọng mà con cần ghi nhớ – tuy không có ai ngồi đây để lên án con cả. Thày là chân sư More, thày không lên án con. Thày muốn con nhận biết có ý thức một khả năng mà con đã có và đã sử dụng, để con tới mức mở tâm đón nhận lời chỉ dạy của thày. Đó là khả năng cảm nhận năng lượng nơi luân xa trái tim của con.

Nếu con chú tâm vào luân xa tim của con, con sẽ có thể cảm nhận có ý thức là năng lượng đang dâng lên hay hạ xuống. Con cũng có thể cảm nhận điều này khi con nghe bài truyền đọc này, tức là con cảm thấy năng lượng dâng lên cao hơn bình thường. Con cảm được một dòng chảy đi lên, một chuyển động đi lên. Con cũng có thể cảm thấy nó như một vòng xoắn ốc đang lên dần từ khi con bắt đầu nghe hoặc đọc bài giảng này. Con dĩ nhiên sẽ nhận ra là tác dụng mạnh nhất xảy ra khi con nghe lời giảng, nhưng ngay cả khi con đọc hay chú tâm, con cũng cảm được là năng lượng đang dâng lên hay hạ xuống. 

Đây là một khả năng mà con đã sử dụng nhiều lần trong đời, nhưng có thể con không biết đến nó một cách ý thức. Dù vậy, nó là một thước đo cơ yếu giúp con đi từ tầng 48 lên tầng 96: con chỉ cần giản dị cảm nhận điều gì đang nâng lên hay hạ xuống năng lượng nơi tim con.

5.5. Cách con sử dụng lời nói 

Điều thày muốn con làm là có ý thức hơn khi con áp dụng khả năng này vào việc phát ngôn, tức là nội dung lời nói và cách con nói. Con dĩ nhiên đã nhận ra là con biết ngay khi người khác nói với một giọng khiến con phản ứng và cảm thấy năng lượng xuống thấp, có thể khiến con cảm thấy giận hay bực bội. Con đôi khi cũng cảm thấy được là điều người khác nói khiến con cảm thấy xuống tinh thần, chán chường hay không xứng đáng.

Con biết là điều đang xảy ra rất giản dị. Những người này đang phóng một làn sóng năng lượng tới con, và khi nó vào trường năng lượng của con, nó tức khắc có tác dụng nâng lên hay hạ xuống năng lượng của con. Sau đó, con có thể làm ngược lại và nhận ra là cách con nói với người khác cũng phóng một xung lực năng lượng vào trường năng lượng của họ và gây một tác dụng.

Dĩ nhiên là có nhiều tác dụng vi tế xảy ra, nhưng ở đây thày chỉ muốn con chú tâm vào một lượng định giản dị: năng lượng của con đang dâng lên hay hạ xuống? Điều mà con có thể nhận ra, khi con nghĩ và hòa điệu với việc này, là điều con nói với người khác cũng có một tác dụng tức khắc trên con. Lời nói của con không chỉ ảnh hưởng người khác; nó ảnh hưởng luôn cả chính con. Đây là khai ngộ đầu ở tầng thứ 48. Con hãy nhận ra cách con dùng lời nói và giọng nói như một phương tiện chuyên chở năng lượng, một máy phát sóng năng lượng gửi tới người khác và có thể tới toàn vũ trụ.

Dĩ nhiên là các thày cũng đã giảng về tầm quan trọng của việc thỉnh cầu năng lượng tâm linh qua luân xa cổ họng, là luân xa uy lực, khi con đọc các bài chú và bài thỉnh. Một lợi ích lớn khi con đọc bài chú bài thỉnh – và khi con biết đọc cách nào hữu hiệu nhất – là con sản xuất và phóng đi làn sóng năng lượng có tác dụng nâng mọi sự sống lên. Và nó cũng có tác dụng nâng chính con lên.

Do đó, khi con đọc bài chú bài thỉnh, con tự tạo một khung tham chiếu giúp con biết khi nào giọng nói của con nâng cao năng lượng hay ngược lại. Có nghĩa là con dùng những gì con cảm thấy trên chính con khi con đọc bài chú bài thỉnh như một khung tham chiếu rất hữu hiệu để lượng định cách con dùng trung tâm uy lực trong các hoàn cảnh sống khác.

Con sẽ bắt đầu cảm thấy tức khắc là điều con nói và giọng nói có thể hạ năng lượng con xuống tức khắc. Và đây là lúc con cần nhận ra điều này một cách ý thức. Như thày đã nói trong bài giảng đầu, sẽ có một lúc con cần lấy một quyết định có ý thức: “Điều này có đưa tôi đến nơi tôi muốn tới không, hay sẽ cản trở sự tiến bộ của tôi?” Dĩ nhiên là điều gì hạ năng lượng của con, hay phóng ra một xung lực năng lượng hạ năng lượng của người khác, sẽ không đưa con tới chỗ con muốn tới – nếu con muốn đi từ tầng 48 lên tầng 96.

5.6. Mô thức luẩn quẩn hành động-phản ứng

Nếu con muốn thăng vượt tâm thức hiện tại của con thì con không muốn ở trong Trường đời Cay đắng là nơi con học bằng cách phóng tâm thức hiện tại của con về phía tấm gương vũ trụ và thấy cái gì quay ngược về con. Con muốn đi theo một vòng xoắn tích cực trong đó con bắt đầu hành động và phản ứng dựa trên một tâm thức cao hơn tâm thức hiện thời của con.

Con có thấy một quy luật tự nhiên giản dị chăng? Vũ trụ là một tấm gương. Nếu con gửi ra một xung lực năng lượng ở một tần số rung động tương ứng với một tầng tâm thức nào đó, thì cái gì sẽ quay ngược về con? Đó là một phản ứng cùng tần số rung động. Và điều gì sẽ xảy ra khi phản ứng từ vũ trụ quay ngược trở về con? Con sẽ phản ứng lại phản ứng này với tâm thức của con lúc đó, có nghĩa là con lại tạo một xung lực ở cùng tầng tâm thức. Tới bao giờ con mới thoát cỗ máy lôi cuốn khiến con liên tục phản ứng lại một phản ứng của một phản ứng của một phản ứng – có thể đã bắt đầu từ rất lâu trước đó như một hành động. Nhưng sau đó thì chỉ toàn là phản ứng.  

Con phải tìm ra một cách để phá vỡ cái vòng phản ứng này, nhưng con làm sao đây? Con phải làm chủ tâm mình một cách ý thức, để lần sau khi tấm gương vũ trụ gửi trả  điều gì, con sẽ không phản ứng với cùng tầng tâm thức đã tạo ra xung lực. Trái lại, con có thể phản ứng ở tầng cao hơn, có nghĩa là con tạo ra một xung lực ở tầng tâm thức cao hơn – và đây là điều con gửi ra ngoài, như vậy điều được trả về cũng cao hơn. Đâu có cách nào khác để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn của phản ứng lại phản ứng, phải không con?

Con thấy chăng, để thay đổi phản ứng, con phải ngừng không phản ứng nữa và thay vào đó, hành động ở tầng cao hơn. Nhưng con chỉ làm được điều này khi con vươn lên một tầng tâm thức cao hơn. Và bước đầu trong tiến trình này là gì? Như thày đã nói, đó là thẩm định mọi thứ con gửi ra, đặc biệt là lời nói, và cân nhắc: câu này nâng năng lượng lên hay hạ xuống?

Đây là chỗ chúng ta phải bắt đầu khi con tới và ghi danh vào khóa nhập thất của thày ở Darjeeling. Ở đó, thày quả thực có một căn phòng trong đó mình có khả năng thấy được xung lực năng lượng mà con gửi ra qua giọng nói. Chắc chắn là con cũng đã thấy trên trái đất ứng dụng trên máy điện toán vẽ ra hình nhiều màu trên màn ảnh khi con chơi nhạc. 

Thày có một căn phòng hình cầu, và nửa quả cầu đó là một màn ảnh vĩ đại chiếu lên những hình ảnh dựa trên những âm thanh mà con gửi đi về phía màn ảnh. Qua đó, con có thể thấy tác dụng của âm thanh mà con gửi đi với giọng nói của mình. Cách giảng huấn này rất có hiệu quả với những người chưa bao giờ nghĩ tới điều này và tác hại mà lời nói con người có thể gây ra khi gửi đi những xung lực trái điệu và chát chúa làm xáo trộn tất cả mọi sự sống.

5.7. Uy lực của giọng nói con người

Chắc hẳn con có nghe tới những nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của một số loại nhạc trên cây cỏ, khả năng học hỏi của trẻ em, hay hình kỷ hà trên mặt nước. Con biết là âm thanh có uy lực, và cách dũng mãnh nhất mà con tạo âm thanh là bằng giọng nói.

Dĩ nhiên là con không để ý đến những chuyện này. Con dùng lời nói suốt ngày, và con nghĩ tác dụng duy nhất là những gì có thể thấy và nghe được. Lời con nói có tác dụng trực tiếp gì trên người khác chăng, có ảnh hưởng cách họ phản ứng và trả lời lại con chăng? Nhưng con hãy nghĩ xem, một xung lực năng lượng được gửi đi sẽ lan ra như những vòng trên mặt nước, và sẽ đi rất rất xa khắp vũ trụ, tạo ra nhiều tác dụng rất sâu xa.  

Nếu con có thể cùng thày bay lên trên bầu khí quyển của trái đất, và nếu con có thể thấy, như thày có thể thấy, những làn sóng âm thanh do con người tạo ra, thì con sẽ thấy một hình ảnh khá giống hình ảnh địa cầu ban đêm chụp từ vệ tinh cho thấy các khu vực, đặc biệt chung quanh các thành phố lớn, giống như mạng ánh sáng tinh vi. Con sẽ thấy là các làn sóng âm thanh do nhân loại tạo ra cũng hợp thành những hình kỷ hà tinh vi, dĩ nhiên là tập trung vào các thành phố lớn nơi nhiều người tụ tập.

Nếu con có thể thấy hình dạng và màu sắc của các làn sóng âm thanh đó, con sẽ thấy tác dụng tại hại mà con người tạo ra hàng ngày bằng lời nói. Con sẽ rất kinh ngạc. Và nếu con có thể thấy tác dụng này, thì con sẽ nhận ra là con sống trong một nồi cháo năng lượng được liên tục tạo ra và củng cố bởi lời nói con người.

Con sẽ nhận ra là có những cách nói tạo ra vòng xoắn năng lượng đi xuống, nhập vào các vòng xoắn năng lượng tiêu cực của hành tinh. Do đó các vòng xoắn này trở thành đường hai chiều, vì người nói không chỉ gửi đi năng lượng mà còn nhận ngược lại năng lượng từ các vòng xoắn của tâm thức tập thể. Do đó mở đường cho các phàm linh trong tâm thức tập thể xâm nhập trường năng lượng của mình.

Con có đã từng trải nghiệm nơi chính mình, hay thấy nơi người khác, là có lúc con bị giam hãm trong một khuôn nếp khiến con không thể ngừng nói về một số đề tài? Giống như là họ không tự kềm chế được; họ phải nói cái gì đó; họ phải nói về đề tài đó. Và mỗi ngày họ lại phải nói thêm về đề tài đó, và phải tiếp tục cũng cố nó tuy họ không có gì mới để nói. Ho cứ phải lặp đi lặp lại hoài chuyện đó vì nó khuấy động năng lượng.

5.8. Ảnh hưởng của phàm linh hung hãn

Thày có thể bảo đảm với con là mỗi khi – và thày muốn nói thực sự là mỗi khi – con cảm thấy bắt buộc phải nói một số chuyện, đặc biệt là chuyện không tích cực, thì đó là vì trường năng lượng của con đã bị một phàm linh hung hãn xâm nhập. Nó muốn con nói chuyện này vì như vậy nó được năng lượng. Đây là một điều mà con sẽ học nhận ra, bằng cách thẩm định năng lượng lên hay xuống nơi tim. Mỗi khi năng lượng xuống, thì con biết là năng lượng đó đi đâu. Và con sẽ học nhận ra là khi năng lượng bị hút ra khỏi tim, thì có một phàm linh hung hãn đang hút năng lượng ra khỏi trường năng lượng của con.

Đó là lý do vì sao con có thể nhận ra mô thức là khi con nói điều gì hay với người nào một cách giận dữ hay khinh miệt, con cảm thấy mình tạm thời có thêm uy lực, giống như là cơn giận hay sự khích động cho con thêm uy lực, cho giọng nói nhiều sức mạnh hơn thường ngày. Nhưng cái giá con phải trả là khi sự bùng nổ hết thì cảm giác xung khởi – một sự xung khởi giả tạo – cũng biến mất. Khi đó, giống như với tất cả mọi xung khởi giả tạo, con sẽ cảm thấy xuống tinh thần. Con có thể học nhận ra mô thức xung khởi và xuống tinh thần này và nhận ra trạng thái gọi là xung khởi – và ngay cả khi con nói với sức mạnh của phàm linh hung hãn – không thực sự nâng năng lượng của con lên. Con có thể học nhận ra rằng tuy có sức mạnh nào đó tuôn chảy qua con, đó không phải là năng lượng cao. Do đó, tuy con phóng ra nhiều dung lượng hơn, nhiều năng lượng hung hãn hơn, nhưng nó không nâng năng lượng nơi tim con lên – và nó cũng không nâng độ rung của năng lượng.

Con yêu dấu, con sẽ thấy có sự khác biệt giữa tần số và âm lượng của sóng âm thanh. Một âm thanh thấp có tần số thấp vẫn có thể nghe to. Nhưng tần số không cao hơn khi con nâng âm lượng lên.

5.9. Tự nhận biết nhưng không cảm thấy tội lỗi

Thày cần con bất đầu xem một cách nhẹ nhàng cách mình nói, xem cách con dùng giọng nói, và nhận ra là nó nâng cao hay hạ thấp năng lượng của mình. Nhưng thày không cần con – thày không muốn con – lên án, chỉ trích, hay trừng phạt mình. Con yêu dấu, con có hiểu chăng là các thày là thày tâm linh cần giữ một thăng bằng tế nhị? Các thày không thể giúp con nếu không chỉ cho con thấy những điều con cần sửa. Nhưng khi con mới bắt đầu nhận chỉ thị của các thày, có thể là khi các thày chỉ cho con thấy điều con cần sửa, thì con kết nối với một số mô thức tâm lý trong tâm mình. Như thày đã nói, con không thể sống trên hành tinh này mà không tiếp xúc với cái năng lượng rất hung hãn và lên án này.

Khi thày nói với con về nhu cầu thẩm định cách con dùng giọng nói, có thể là con có khuôn nếp trong trường năng lượng khiến con nhận ra là con đã không dùng giọng nói của mình một cách cao nhất. Điều này có thể nối kết với những vết thương xúc cảm khiến con nghĩ con phải cảm thấy tội lỗi, phải lên án mình, phải cảm thấy giận mình, phải sợ chuyện gì sẽ xảy ra, có thể là thày, Chân sư More, sẽ lên án con. Nhưng thày không lên án con. Thày không phán xét con. Thày không có nhu cầu phán xét con. Đây không phải là đức tính của Tia thứ Nhất hay các tia khác.

Thày chỉ tìm cách giúp con ý thức rõ hơn, để con quyết định con muốn tiếp tục khuôn nếp cũ hay thăng vượt nó một cách ý thức, bằng cách nhận ra rằng: “Cái này không phù hợp với tôi nữa. Nó không biểu hiện con người tôi nữa. Nó không phản ánh hình ảnh tôi có về mình nữa. Vì tôi đã trải nghiệm sự hiện diện của Chân sư MORE, và tôi biết Chân sư MORE không lên án, chỉ trích hay chê bai tôi.”

Con yêu dấu, con có thấy chăng là thày chỉ muốn nâng con lên. Thày là một chân sư thăng thiên. Thày không muốn hạ thấp bất cứ sự sống nào. Thày chỉ mong muốn nâng mọi sự sống lên. Con xứng đáng để được nâng lên. Con đã sẵn sàng để được nâng lên vì nếu không, con đã không đọc hay nghe bài giảng này. Chuyện giản đị như vậy đó.

5.10. Phương trình của sự xứng đáng

Con có hiểu chăng phương trình rất giản dị? Nếu con đã sẵn sàng nghe lời thày dạy, thì con đã xứng đáng thăng vượt, con có khả năng thăng vượt tầm tâm thức hiện tại của mình. Do đó chỉ còn một câu hỏi mà thôi. Con có muốn thăng vượt tầng tâm thức hiện tại của con không? Thày cho con biết giải đáp giản dị là gì. Nếu con muốn nghe bài giảng này thì con cũng có uy lực để thực thi nó. Con chỉ cần muốn một cách ý thức thực thi lời thày giảng và bỏ lại đằng sau ý niệm bản ngã cũ, phàm linh cũ, ở tầng tâm thức hiện tại của con.

Thày không chờ đợi là đa số người đọc hay nghe bài giảng này có thể bỏ lại đằng sau phàm linh của họ. Những chữ thày nói ở đây chỉ có mục đích giúp con hòa điệu tâm thức của con với Hiện diện của thày, giúp con có thể ban đêm tham dự nhập thất của thày. Vì chính nơi đó là nơi thày giúp con thấy được phàm linh, và sau đó tách mình ra khỏi nó. Vì, con yêu dấu, chắc con đã nhận ra là thăng vượt phàm linh không khó. Con chỉ cần nhìn thấy nó từ bên ngoài, như vậy con thấy nó không phải là con. Và khi con biết phàm linh không phải là con, thì con có thể cho nó chết đi mà con không chết. Con sẽ tái sinh với một ý niệm bản ngã cao hơn.

Thày có rất nhiều kinh nghiệm với tiến trình này. Thày có nhiều kinh nghiêm giúp đệ tử trải qua tiến trình này. Có thể là con không ý thức là con đang theo tiến trình này, nhưng thày bảo đảm với con là khi con ghi danh theo học với thày – bằng cách đọc các bài thỉnh trong quyển sách này và xin được dẫn tới khóa nhập thất ở Darjeeling ban đêm – thì con sẽ đi theo tiến trình này.

Thày sẽ giúp con. Thày đang giúp con. Thày đã giúp con. Vì nếu không làm sao con có thể hòa điệu với bài giảng này bằng tâm vỏ ngoài của con? Nguyên nhân dẫn tới hậu quả. Nếu con chưa sẵn sàng ở các tầng cao của tâm con – ở các tầng bản sắc, lý trí và tình cảm – thì con đã không thể tìm ra và học giáo lý này ở tầng ý thức.

Con chỉ cần hòa điệu với sự sẵn sàng và ý muốn đã có mặt nơi các tầng cao của tâm con, và nhận ra rằng, như thày đã nói trước đây, khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện. Có nghĩa là vì thày đã xuất hiện trước mắt con ở tầng ý thức, thì con biết là thày đã làm việc với con ở ba tầng cao một thời gian rồi, trước khi con có thể nhận ra thày. Do đó, con đã sẵn sàng đem những thành đạt ở ba tầng cao hơn xuống tâm ý thức của con và nhận ra con là đệ tử của Chân sư MORE.

Con xứng đáng là đệ tử của thày. Con đã xứng đáng rồi, bằng không con đã không nhận được bài giảng này. Vậy con hãy bỏ đi nhu cầu chỉ trích hay chê bai mình. Con hãy áp dụng phương pháp thiết thực và tự hỏi: Làm thế này thành công hay không thành công? Chuyện này nâng cao hay hạ thấp năng lượng? Lời nói của tôi có đưa tôi đến nơi tôi muốn tới hay không?

Nếu con thấy khuôn nếp nói năng nào không đưa con tới chỗ con muốn tới, thì con hãy xin thày – với tâm ý thức của con – dẫn con tới khóa nhập thất Darjeeling và giúp con vượt qua chúng. Con sẽ ngạc nhiên – nếu con chịu đọc lời cầu nguyện đơn giản và bài thỉnh – thấy rằng con sẽ dễ dàng buông bỏ những khuôn nếp cũ, và con sẽ bắt đầu chuyển hóa cách nói chuyện của mình sau một thời gian ngắn. Thực sự là có lý do tại sao các thày tâm linh rất ít nói. Vì thực sự là không có nhiều điều đáng nói.

Thày không muốn nói là thày muốn các đệ tử của thày im lặng. Nhưng những điều cần nói ít hơn những điều được nói ra hàng ngày rất nhiều. Vì nhiều điều được nói ra không phải là từ hai con người đối thoại với nhau; đó là phàm linh hung hãn nói với nhau qua trung gian con người. Và thày tin rằng đây là một trò chơi mà con không còn muốn chơi nữa.

Thày là một chân sư có thể giúp con phá tan vòng xoắn cũ, để con xây dựng một vòng xoắn tích cực trong đó giọng nói của con chỉ nâng cao năng lượng của mình và của mọi sự sống chung quanh con. Giọng nói con sẽ đột nhiên trở thành cánh cửa mở để năng lượng của bảy tia sáng biểu lộ trong cõi vật chất. Năng lượng này sẽ gia tốc độ rung của mọi năng lượng trong cõi vật chất. Con sẽ trở thành thiện nghệ trong việc này.

Con có thể sử dụng giọng nói như một sức mạnh nâng mọi thứ lên, một sức mạnh hơn tất cả những gì mà nhân loại đã từng có. Sức mạnh này sẽ giúp lan tỏa ánh sáng, chuyển hóa địa cầu và thị hiện ở cõi vật lý Thời Hoàng kim của Saint Germain, vị anh em lừng lẫy của thày. Đúng vậy, đây là tiềm năng cao nhất của giọng nói con người. Con có tiềm năng này, và thày LÀ vị chân sư có thể dạy con thực hiện tiềm năng, nếu con sẵn sàng. Và thày tin là con sẽ sẵn sàng khi con bắt đầu nhận ra uy lực thực của giọng nói con người, thực sự là cánh cửa mở đón nhận giọng nói của Thượng đế, khiến con sẽ nói: “Vì miệng của Thượng đề đã nói điều này, Amen.”

Đồng-sáng tạo một cách có ý thức

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 9/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Chúng ta hãy tóm lược thông điệp mà thày muốn trình bày trong quyển sách này.

Lẽ đương nhiên, thông điệp chính là con là một người đồng-sáng tạo với Thượng đế. Con được thiết kế để đồng-sáng tạo. Và con đồng-sáng tạo như thế nào? Con đồng-sáng tạo vì con có tự nhận biết. Nhờ có tự nhận biết, con có khả năng hình thành một hình ảnh trong tâm – hình ảnh về một cái gì mà con không kinh nghiệm qua giác quan vật lý và tâm thức vỏ ngoài. Nói cách khác, con có thể hình thành một hình tư tưởng, một khuôn đúc tư tưởng của một cái gì chưa hiện hữu như một biểu hiện vật lý.

Lẽ đương nhiên, hình tư tưởng mà con hình thành bị hạn chế bởi trí tưởng tượng của con. Và trí tưởng tượng của nhiều người bị hạn chế bởi những gì họ thấy, những gì họ kinh nghiệm qua giác quan vật lý và tâm vỏ ngoài của họ. Tuy thế, con là một sinh thể tự nhận biết, và con có tiềm năng hình thành bất cứ hình tư tưởng nào, bất cứ khuôn đúc tư tưởng nào, có thể hình dung được và có được.

Thượng đế đã không quy định bất cứ hạn chế nào cho sự tự nhận biết và trí tưởng tượng của con. Chúng hoàn toàn tự do, chúng vô tận và chúng không có giới hạn. Điều duy nhất có thể hạn chế trí tưởng tượng của con là những giới hạn mà con cho phép có mặt trong bầu tâm thức của con.

Như vậy, con đồng-sáng tạo bằng cách hình thành một hình tư tưởng và sau đó dùng sự tự nhận biết của mình để phóng chiếu hình này lên ánh sáng Mẫu-Vật. Khi sự phóng chiếu này đi xuyên qua cả bốn tầng của vũ trụ vật chất – tầng bản sắc, lý trí, tình cảm và vật lý – thì con đồng-sáng tạo một hình tướng vật lý. Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lên hình tướng vật lý đó, và con thấy được nó qua giác quan và tâm thức vỏ ngoài của con.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào con bắt đầu tiến trình đồng-sáng tạo, thì con tạo ra một cái gì đó. Nếu con tạo trong thể bản sắc của mình một hình tư tưởng mình là ai, thì con không tránh được là sự tự nhận biết của con – dòng tâm thức chảy xuyên qua con – sẽ chảy qua khuôn đúc này. Và do đó, nó sẽ được phóng chiếu lên ánh sáng Mẫu-Vật trong cõi bản sắc. Lẽ đương nhiên, điều tương tự cũng áp dụng cho cõi lý trí và cõi tình cảm.

19.1 Con không thể ngừng đồng-sáng tạo

Điều thày muốn con nhận ra là lúc nào con cũng đang đồng-sáng tạo. Có thể nói là cái giá mà con phải trả như một người đồng-sáng tạo có tự nhận biết, là con không thể ngưng đồng-sáng tạo vì con không thể ngưng có ý thức. Lẽ đương nhiên, con có thể nhìn vào hành tinh trái đất và thấy là nhiều người đã dùng nhiều cách, trong đó có hóa chất, để khiến mình mất ý thức hay thay đổi trạng thái tâm thức, và như vậy họ không thật sự có ý thức.

Tuy nhiên, dù con đang ngủ hay đang không có ý thức vật lý, nhưng tâm tình cảm, lý trí và bản sắc của con không ngủ và không mất ý thức. Con lúc nào cũng tạo ra hình tư tưởng ở một tầng nào đó của bản thể của con, và dòng chảy tâm thức từ Hiện diện TA LÀ sẽ chảy xuyên qua các hình ảnh này, và do đó chúng được phóng chiếu lên ánh sáng Mẫu-vật ở tầng này. Do đó, dù con đang không sáng tạo một cấu trúc vật lý có thể thấy được bằng giác quan, nhưng con vẫn đang đồng-sáng tạo một cấu trúc tình cảm, một cấu trúc tư tưởng, hay một cấu trúc bản sắc hay ether.

Điểm mà thày muốn giảng trong quyển sách này là tất cả những gì con đồng-sáng tạo ở các tầng bản sắc, lý trí và tình cảm tạo ra cái mà thày gọi là phàm linh. Các phàm linh này trở thành một phần của bản thể toàn bộ của con, một phần của phần thấp của bản thể mà nhiều người gọi là hồn (soul).

Do đó, khi con tạo ra một phàm linh như thế, thì ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ – dòng tâm thức từ Hiện diện TA LÀ của con – sẽ chảy xuyên qua nó, và do đó con sẽ không ngừng đồng-sáng tạo xuyên qua phàm linh này. Điều này không có nghĩa là mỗi lúc con đều đồng-sáng tạo một phàm linh mới, nhưng nó có nghĩa là khi dòng nhận biết của con chảy xuyên qua một phàm linh nào đó, thì con sẽ củng cố phàm linh này và do đó nó trở nên càng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Và do đó, giá trị của giáo lý này là nó giúp con làm điều mà thày đã giảng trong các bài trước, tức là đi trên con đường tâm linh một cách có ý thức hơn nhiều. Trong hầu hết những giáo lý đã được trao truyền xuống hành tinh này trước đây, con người chỉ được giảng một phần thực chất của con đường tâm linh. Và do đó, họ không có được khái niệm mà thày đã trao cho con, là con đã tạo ra trong quá khứ các phàm linh này và chúng đã trở thành một phần của bản thể con, và nếu con tự đồng hóa với chúng thì con không thể giải thoát mình khỏi chúng.

Vì khi con còn tự đồng hóa với một phàm linh nào đó, thì tâm thức con sẽ chảy xuyên qua nó. Điều này sẽ có hai tác dụng. Khi dòng tâm thức của con chảy xuyên qua một phàm linh, thì con không thể đồng thời thấy nó là một phàm linh và nhìn nó từ bên ngoài. Nhưng nếu con không thấy nó, thì con không thể giải thoát mình khỏi nó. Cùng một lúc, khi dòng tâm thức của con chảy xuyên qua phàm linh, thì năng lượng của con bị hút vào nó và con củng cố nó, do đó con khó rút tâm thức mình ra khỏi nó và nhìn thấy nó từ bên ngoài.

19.2. Con không phải là phàm linh

Trong kịch bản này, điều cứu chúng ta, như thày đã giải thích nhiều lần, là cái Ta Biết thật sự có khả năng phóng chiếu nó vào bất cứ chỗ nào nó muốn. Có nghĩa là bất cứ lúc nào con cũng có thể phóng chiếu mình ra khỏi một phàm linh nào đó, hoặc con có thể rút mình ra khỏi một phàm linh nào đó, để sự tự nhận biết của con không tập trung vào phàm linh và dòng tâm thức của con không chảy xuyên qua phàm linh đó.

Bây giờ khi thày nói với con điều này, thì lẽ đương nhiên con vẫn còn phàm linh trong bầu bản thể của con, bầu tâm thức của con. Con sẽ tự động rút con ra khỏi chúng chỉ vì con nghe hay đọc những dòng chữ này. Nhưng điều thày muốn nói với con là khi con có khái niệm này trong tâm và chấp nhận nó, con có thể nâng con đường tu của mình lên một mức hoàn toàn mới. Một khi con ý thức sự kiện có các phàm linh hiện hữu trong bầu tâm thức của con, thì con có thể quyết định một cách có ý thức là con sẽ bắt đầu tiến trình rút mình không tự đồng hóa với các phàm linh, nhờ vậy con có thể thấy được phàm linh từ bên ngoài.

Bây giờ thày có thể đảm bảo với con là nếu con đã sẵn sàng nhận giáo lý này, thì con đã khởi sự làm chuyện này rồi. Con đã sẵn sàng phần nào chịu nhìn vào cái đà trong chính mắt mình. Điều này có nghĩa là trong kiếp này, và có lẽ trong các kiếp trước, con đã có những trường hợp qua đó con bất thình lình nhận ra một phàm linh. Có thể là con không nhận diện đó là một phàm linh giống như thày giảng ở đây, tuy nhiên con cũng đã bỗng nhiên chuyển vọt. Con đã nhìn vào chính mình và nói: “Tôi không muốn như thế này nữa. Tôi không muốn tiếp tục lặp đi lặp lại các khuôn nếp cũ này nữa. Tôi muốn thay đổi. Tôi muốn hơn thế này.”

Và cũng có thể, con nhận ra là con đã trải nghiệm điều này trong kiếp này – khi con thấy điều gì đó một cách có ý thức – và có lẽ con đã trải nghiệm là khi con ý thức thấy có cái gì đó không phải là mình, thì gần như ngay tức khắc con có thể xoay chuyển ra khỏi nó, và nhờ vậy con không còn tự đồng hóa với nó nữa. Và lẽ đương nhiên, bước cốt yếu để tiến lên một tầng cao hơn trên con đường tâm linh là tới được điểm con không còn tự đồng hóa với phàm linh chính đại diện cho tầng tâm thức hiện tại của con.

19.3. Củng cố một phàm linh giả

Như thày đã giải thích, có 144 tầng tâm thức trên trái đất, và con có thể hình dung chúng như một cầu thang hình xoắn ốc, với mỗi bậc thang là một bậc tâm thức. Để có thể tiến cao hơn trên con đường tu, thì con phải đi từ bậc này lên bậc kia trên cầu thang này. Và cách duy nhất để đi từ bậc này lên bậc trên là con ngưng không tự đồng hóa mình với phàm linh ở bậc đó.

Như vậy, mục đích của thày khi trao truyền quyển sách này chính là để dạy con giáo lý này, để con có thể bắt đầu đi một cách có ý thức trên con đường rút ý niệm bản sắc của mình ra khỏi các phàm linh. Vì chỉ làm vậy con mới thực sự tiến bộ.

Thày có thể nói với con rằng có nhiều triệu người trên trái đất này đã tìm hiểu tâm linh trong một thời gian dài, có thể là trong nhiều thập niên hay trong nhiều kiếp. Có thể họ đã học giáo lý tâm linh hay thực hành kỹ thuật tâm linh. Nhưng thày có thể nói với con là có một số trong những người này chưa đi qua tiến trình mà thày vừa mô tả.

Quả thật là có nhiều người tâm linh đã đi qua tiến trình ngưng tự đồng hóa mình với một phàm linh – buông bỏ phàm linh này – và vượt lên nó. Nhưng quả thật cũng có nhiều người đang đi trên con đường tâm linh hay đang tham gia vào các phong trào tôn giáo, họ đã học một giáo lý, đã thực tập một kỹ thuật hay nghi thức tôn giáo nào đó, nhưng họ chưa tới chỗ tự giải thoát mình khỏi phàm linh. Và do đó, một chuyện rất đơn giản đã xảy ra. Thay vì thăng vượt phàm linh, tất cả những nỗ lực mà họ đã bỏ ra để học và thực hành tâm linh thực sự đã củng cố phàm linh ở tầng đó của đường tu và tầng đó của tâm thức.

Như vậy, con có thể thấy một người, giả dụ là người đó tìm thấy con đường tâm linh ở tầng tâm thức 56. Người đó có thể đã thực tập chuyên cần một kỹ thuật nào đó và đã học giáo lý tâm linh trong nhiều năm. Nhưng người đó chưa thực sự thăng vượt phàm linh, chưa buông bỏ phàm linh của tầng tâm thức 56. Thay vào đó, người đó đã hướng sự nhận biết của mình xuyên qua phàm linh này. Và điều này có nghĩa là khi người đó tập trung sự nhận biết của mình trên con đường tâm linh và trên giáo lý tâm linh, thì người đó đã thực sự dạy dỗ phàm linh ở tầng 56, để nó có vẻ trở nên tâm linh hơn. Điều này cho người đó cảm tưởng là đã tiến bộ trên con đường tâm linh, nhưng thật ra không phải cái Ta Biết của người đó tiến bộ; mà chỉ là phàm linh của người đó tiến bộ mà thôi. Như thày đã cố giải thích, phàm linh không cần tiến bộ tâm linh, vì nó không bao giờ lên được Thiên đàng. Chỉ có cái Ta Biết mới lên được Thiên đàng, và con chỉ lên được cõi tâm linh khi con ngưng tự đồng hóa mình với bất kỳ phàm linh nào thuộc cõi vật lý, hay đúng hơn, thuộc cõi vật chất, bao gồm các cõi bản sắc, lý trí, tình cảm và vật lý.

Như vậy con thấy là con có thể đi trên con đường tu giả trong một thời gian dài và bị các thày giả – và chính tự ngã và các phàm linh của con – lừa gạt, khiến con thực sự nghĩ rằng con đang tiến triển về hướng mục đích tối hậu của sự tìm cầu tâm linh của con. Nhưng trên thực tế, con đang không tiến triển gì cả. Con, cái Ta Biết của con, đang đứng yên tại chỗ, vì con vẫn còn tự đồng hóa mình với một phàm linh.

19.4. Cảm xúc tiêu cực xuất phát từ phàm linh

Bây giờ, điều này không có nghĩa là con cần cảm thấy chán nản và nghĩ rằng con đã uổng phí nỗ lực của mình. Vì khi con ngưng tự đồng hóa mình với phàm linh này, thì lúc đó con có thể tiến nhanh lên tầng cao hơn nhờ những nỗ lực mà con đã làm. Tuy nhiên chuyện này chỉ xảy ra khi con ngưng tự đồng hóa mình với phàm linh mà con đã dạy dỗ, và sẵn sàng rũ bỏ nó. Nếu con không chịu rũ bỏ nó và cho nó chết đi, thì con sẽ tiếp tục củng cố nó, và cái Ta Biết mà con là sẽ không thể tiến lên cao hơn trên con đường tu chân chính dẫn tới thăng thiên.

Như vậy, đây quả thực là một đề tài hệ trọng mà tất cả những người tìm cầu tâm linh cần suy ngẫm nếu họ muốn đạt kết quả tốt. Nhưng một lần nữa, các thày là chân sư thăng thiên không muốn con xem bất cứ điều gì hệ trọng đến độ cảm thấy nặng chĩu. Thày không dạy con bài này để khiến con cảm thấy nặng nề. Thày không dạy con bài này để khiến con sợ là con đã làm điều gì sai hoặc cảm thấy xấu hổ vì đã không tiến bộ nhiều hơn. Thày dạy con bài này để giúp con tự giải thoát khỏi tất cả những cảm xúc này. Vì những cảm xúc này từ đâu đến? Chúng đến từ một phàm linh nào đó trong trường năng lượng của con, trong tâm con. Cái Ta Biết không cảm thấy sợ hãi, chán nản, xấu hổ, hãnh diện hay hơn người khác. Đó chỉ có thể là cảm xúc của một phàm linh, và phàm linh này đã được lập trình với một khuôn đúc tư tưởng khiến nó cảm xúc như vậy.

19.5. Tại sao con nhất thời cần một phàm linh

Một trong những điều mà các thày đã giảng một cách nhất quán là Hiện diện TA LÀ đã gửi cái Ta Biết xuống đầu thai trên trái đất vì nó muốn trải nghiệm thế giới vật chất từ bên trong. Và khi con bắt đầu con đường tâm linh ở tầng 48, thì con chưa biết mình là cái Ta Biết, và con chưa có khả năng giản dị là cánh cửa mở, là tấm kính trong, mà không có cá tính hay cá thể vỏ ngoài. Do đó, con cần một cái ta để có thể biểu lộ chính mình, để hòa hợp và tương tác với thân thể vật lý. Và khi con tạo ra và khoác lên cái ta này, thì con thật sự đã tạo ra một phàm linh.

Điều này không thể tránh được, đây chỉ giản dị là tiến trình đầu thai. Con không thể đầu thai như một dòng sống mới mà không tạo ra một, hay đúng hơn là nhiều phàm linh. Chuyện này hoàn toàn tự nhiên và phải phép. Nhưng chuyện có thể xảy ra là con bị mắc kẹt vào sự đồng hóa với các phàm linh đó, thay vì đi theo tiến trình cho phép một phàm linh chết đi, thăng vượt lên tầng tâm thức kế tiếp, và sau đó lại cho phép phàm linh ở tầng tâm thức này chết đi, và thăng vượt lên tầng kế tiếp và cứ tiếp tục như thế.

Nói cách khác, thay vì tiến một cách liên tục và có ý thức lên các tầng tâm thức cao hơn, thì bây giờ con lại bị mắc kẹt vào việc củng cố một phàm linh nào đó, dựa trên ảo tưởng rằng con có thể bằng cách nào đó phát triển hay kiện toàn phàm linh đó cho tới khi nó được Thượng đế chấp nhận. Và như vậy, con có ảo tưởng là con có thể nhập vào trạng thái thăng thiên mà vẫn còn tự đồng hóa với phàm linh đó, thay vì đi vào trạng thái thăng thiên bằng cách từ bỏ hồn ma cuối cùng của bất cứ phàm linh nào trong phàm ngã của con.

Như vậy, con thấy sự khác biệt cơ bản giữa con đường tu nội tâm chân chính tự thăng vượt và con đường tu giả vỏ ngoài tìm cách kiện toàn một phàm linh nào đó. Phàm linh này không phải là một linh thể có tự nhận biết đã từ trên đi xuống, mà là một phàm linh không có tự nhận biết được tạo ra ở dưới này. Và như thày đã giảng, điều này không có nghĩa là phàm linh đó không có đôi chút tâm thức, nhưng nó không có sự tự nhận biết, và đây là lý do vì sao nó không thể tự thăng vượt một cách có ý thức. Đây là khả năng cốt yếu của cái Ta Biết: khả năng tự thăng vượt một cách có ý thức.

Nhưng lẽ đương nhiên, con không thể thăng vượt ý niệm bản ngã của mình nếu con không thấy là ý niệm bản ngã này chỉ là một cái ngã, một phàm linh, nó không phải là con. Như vậy, chìa khóa mở mọi khóa là khả năng rút mình ra khỏi ý niệm bản ngã hiện tại của mình. Con đã có khả năng này rồi, nhưng con không dùng nó một cách có ý thức. Và đây thực sự là chìa khóa đưa sự tu tập của con lên một mức cao hơn, và gia tốc nó vượt quá bất cứ những gì con mơ ước trước đây. Vậy thì bây giờ con hãy để thày cho con vài hướng dẫn.

19.6. Phàm linh điều khiển tình hình thế giới như thế nào

Nếu con chấp nhận bài giảng của thày về sự hiện hữu của rất nhiều phàm linh trên trái đất, thì con có được một tầm nhìn mới về lịch sử thế giới cũng như là về sự tương tác giữa con người. Hãy để thày đưa ra một ví dụ điển hình. Nếu con nhìn vào vùng Trung đông, thì con sẽ thấy là ở đó có những người tự đồng hóa mình rất chặt chẽ với một chủng tộc hay nhóm sắc tộc. Con cũng biết là trong một thời gian dài có sự xung đột giữa người Do thái và Ả rập. Và cũng có xung đột giữa nhiều nhóm Ả rập, hoặc giữa người Do thái và người Palestine trong quốc gia Do thái. Nhưng nếu con nhìn vào lịch sử, thì con có thể thấy rằng xung đột này đã kéo dài từ rất, rất lâu. Sự thực là nó đã diễn ra từ khi có lịch sử được chép lại, vì nó đã được đề cập tới trong Cựu ước kinh, có ghi lại những tranh chấp giữa các bộ tộc khác nhau.

Như vậy con có thể thấy chăng là chuyện xảy ra tại Trung đông là những người đã và đang gây chiến với nhau đã tạo ra nhiều phàm linh tập thể? Và trải qua thời gian nhiều ngàn năm, họ đã nuôi béo những phàm linh này bằng sự chú ý và năng lượng tâm lý-tâm linh của họ, khiến các phàm linh này càng ngày càng lớn mạnh hơn tới mức chúng có thể hoàn toàn khống chế cá tính của một người trung bình.

Nếu con nhìn vào những người đã lớn lên trong một môi trường như thế, thì con sẽ thấy rằng có nhiều người thật ra không có đời sống cá nhân. Đúng là họ có một số đặc tính cá biệt, nhưng họ tự đồng hóa rất mạnh mẽ với cái mà họ nghĩ là chủng tộc, tôn giáo, hay nhóm sắc tộc của họ. Nhưng thực sự là họ đã tự đồng hóa với phàm linh tập thể đã được tạo ra từ rất lâu nay và được củng cố suốt mấy ngàn năm qua. Và khi họ tự đồng hóa hoàn toàn với phàm linh này thì có nghĩa là phàm linh khống chế họ tới mức họ không thể nào tưởng tượng là họ có thể bước ra ngoài vòng đai được quy định bởi cái mà họ nghĩ là tôn giáo hay nền văn hóa của họ. Do đó, họ không thể tưởng tượng là họ có thể khác – hoặc hơn – hình ảnh con người mà xã hội đã gán cho họ từ khi họ lớn lên.

Và như vậy, con có thể thấy là những người này có thể sống cả cuộc đời mà không thực sự làm một chọn lựa thực sự tự do hay một hành động cá nhân tự do. Họ sống cả đời bị không chế bởi phàm linh tập thể đến độ họ quả thực là những con bò sữa bị vắt năng lượng, và năng lượng này dùng để nuôi dưỡng và củng cố phàm linh đó. Một số phàm linh này đã trở nên dũng mãnh đến độ chúng nhìn nhân loại như bò sữa để vắt năng lượng. Và đó là lý do vì sao chúng khuấy động xúc cảm của con người, khiến họ xung đột với những nhóm khác và qua đó họ – qua lòng giận dữ và thù hận của họ – đem năng lượng nuôi con quái thể, con phàm linh.

19.7. Nhận ra những phàm linh vi tế hơn

Bây giờ, lẽ đương nhiên thày nói với con điều này vì một lý do rất giản dị. Con không đang bị phàm linh tập thể khống chế đến độ không còn có được quyết định cá biệt hay hành động cá biệt. Nếu con đã bị một phàm linh như vậy khống chế – và lẽ đương nhiên, chúng có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới – thì con đã không thể cầm đọc quyển sách này. Quả thật là giản dị như vậy. Và con nên cảm thấy khích lệ vì điều này cho thấy là con đã khám phá ra tiến trình ngưng tự đồng hóa mình với phàm linh và nâng mình lên trên nó một cách có ý thức.

Vì sao thày lại có thể nói như vậy? Vì chắc chắn là con đã lớn lên ở một nơi có phàm linh tập thể. Có thể con có người trong gia đình hoàn toàn tự đồng hóa với nó. Có thể đa số người trong thành phố, quốc gia, nền văn hóa nơi con sống hoàn toàn tự đồng hóa với phàm linh tập thể đó. Nhưng nếu con cũng đã tự đồng hóa mình với nó thì con đã không là một người tâm linh, con đã không thể mở quyển sách này và không thể đi theo con đường tâm linh. 

Do đó, điều thày muốn nói là con đã bắt đầu tiến trình này, nhưng khi con có ý thức về nó, thì con có thể gia tốc hơn rất nhiều. Và lẽ đương nhiên đây chính là mục đích của thày khi thày cho ra mắt quyển sách này.

Dù thày có nói là con không bị phàm linh tập thể trong khu vực con sống hoàn toàn khống chế, nhưng con không nên hiểu là con không bị ảnh hưởng bởi bất cứ phàm linh nào. Trái lại, con nên cẩn thận nhận ra một khác biệt. Vì con là một người tâm linh, con không bị các phàm linh tập thể thông thường trên trái đất không chế. Con không hoàn toàn tự đồng hóa mình với phàm linh tập thể chế ngự nền văn hóa nơi con lớn lên.

Tuy nhiên, có những phàm linh tập thể khác không dễ nhận diện qua các đặc tính bề ngoài như chủng tộc, tôn giáo, nhóm sắc tộc, quốc gia, phái tính vân vân. Những phàm linh này đã tìm được cách lẩn trốn hầu hết mọi người vì họ không nhận ra chúng là phàm linh. Thày đã mô tả một trong những phàm linh này, đó là phàm linh rất hung hãn muốn chứng minh người khác sai và mình đúng. Nhưng có nhiều phàm linh tương tự. Người ta không nhận ra chúng vì chúng không liên kết với đặc tính vật lý, nhưng với những đặc tính vi tế hơn trên mặt tình cảm và lý trí mà hầu hết mọi người không nhận ra vào lúc này.

Tuy nhiên, như một người tâm linh, con có thể đã bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều phàm linh loại này. Sự thực là nhiều người đã bị ảnh hưởng – hay bị ảnh hưởng nhiều hơn – bởi các phàm linh đó khi họ tham gia những nhóm tâm linh. Vì đúng thực là có nhiều nhóm tâm linh, tôn giáo hay Thời đại Mới đang hoạt động hiện nay bị dính liền với một loại phàm linh tập thể. Do đó rất có thể là có nhiều người đã bị trói buộc nhiều hơn với một phàm linh tập thể khi họ theo học một giáo lý tâm linh hay tham gia một tổ chức tâm linh.

Tuy nhiên, ngoài các phàm linh tập thể, lẽ đương nhiên là cũng có những phàm linh cá biệt mà con đã tạo ra. Và tuy con có thể đã thăng vượt một số phàm linh này, nhưng dĩ nhiên là vẫn còn các phàm linh khác đang ảnh hưởng con.

Vì sao thày lại có thể nói chắc như vậy? Thày nói vậy vì con đang đầu thai trên trái đất và đang đọc quyển sách này. Nếu con không bị phàm linh nào ảnh hưởng, thì con đã thăng thiên, và thày với con đã đối mặt nói chuyện với nhau, và thày không có nhu cầu giảng con bài này.

19.8. Tự giải thoát mình khỏi phàm linh 

Con có thấy chăng là lúc nào con cũng phải đối phó với một phàm linh nào đó cho tới khi con dứt bỏ hồn ma cuối cùng và thăng thiên? Đây giản dị là thực tế của con đường tâm linh trên trái đất. Một lần nữa, không có lý do gì để con cảm thấy chán nản, sợ hãi hay xấu hổ về chuyện này. Con chấp nhận nó là như vậy, và con quyết định sẽ mài sắc khả năng nhìn thấu suốt phàm linh càng nhanh càng tốt và nhờ vậy tự giải thoát khỏi chúng.

Dĩ nhiên đây không phải là một tiến trình mà con chỉ cần được chỉ dạy là xong. Các thày là Thượng sư có nhiều cách giúp con. Các sách mà các thày sắp công bố sẽ giúp con, cũng như là các bài giảng trước của các thày. Tuy nhiên, tiến trình này có một sắc thái cá nhân, vì con phải là người thấy được nó trong tâm thức mình.

Dĩ nhiên, con có thể nghe giảng từ bên ngoài về một phàm linh chung nào đó. Con cũng có thể có – nếu con tiếp xúc trực tiếp với một vị thày tâm linh hiện sống hay với một chân sư thăng thiên bằng trực giác – một hình ảnh mô tả làm sao phàm linh đó đã khoác lên một hình tướng cá biệt trong con. Qua đó, con biết được là con đang bị một phàm linh ảnh hưởng, và con biết đặc tính của phàm linh đó. Nhưng đây chưa phải là sự xoay chuyển tâm thức khi con rút cái Ta Biết ra khỏi phàm linh. Lúc đó con thấy được phàm linh từ bên ngoài, và con thấy được nó không phải là con. Các thày có thể mô tả cho con tiến trình này, nhưng thực sự là nó không thể dạy được. Có thể nói là nó đã được cài đặt vào cái Ta Biết của con, nhưng con phải tự mình khám phá ra nó qua sự trải nghiệm. Và chỉ khi nào con trải nghiệm nó một lần đầu – một cách hoàn toàn có ý thức – thì con mới thực sự hiểu những gì thày nói.

Có thể là con đã hiểu những điều thày nói rồi, nhưng cũng có thể con chưa hiểu. Nếu con chưa hiểu thì con không nên chán nản. Con cứ tiếp tục suy ngẫm đề tài này và dùng các dụng cụ mà các thày đã công bố và sẽ tiếp tục công bố, như vậy con càng lúc càng tiến gần chỗ con giảm thiểu lực hút từ tính (magnetic pull) của phàm linh đó. Lúc đó, cái Ta Biết sẽ tự rút nó ra khỏi phàm linh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và tưởng như tự phát.

Các con có thấy điều thày nói chăng? Sự việc cái Ta Biết chuyển động không ngừng và nhìn cuộc sống một cách có ý thức dưới nhiều góc độ khác nhau là điều tự nhiên. Đó là lý do vì sao con đã đi tìm con đường tâm linh. Đó là lý do vì sao con đã tìm ra quyển sách này. Đó là vì cái Ta Biết lúc nào cũng đi tìm một cái gì khác – một cái gì mới – dù nó không biết nó tìm cái gì.

Đây là một điều tự nhiên vì, như các thày đã giảng, cái Ta Biết là khía cạnh TA SẼ LÀ của Hiện diện TA LÀ, nó là khía cạnh nói rằng: “Ta sẽ là điều này”. Nhưng một khi nó đã trải nhiệm điều này là thế nào, thì nó sẽ nói: “Ta sẽ là điều kia”, và nó sẽ dời qua cái gì khác để trải nghiệm cái kia đó. Đây là lý do vì sao chuyện tự nhiên là con tự đồng hóa với một phàm linh nào đó và trải nghiệm cuộc sống xuyên qua phin lọc nhận thức của phàm linh đó trong một thời gian. Nhưng chuyện tự nhiên khác là con không ở lại với phàm linh đó nhưng xoay chuyển sang một tầm nhìn khác.

19.9. Bắt phàm linh phải lộ diện 

Chỉ khi nào phàm linh thu được đủ động lượng (momentum) thì nó mới có thể tạo một lực hút từ tính trên sự chú ý của con để ép con chú tâm xuyên qua nó trong một thời gian. Đó là cách duy nhất nó có thể làm để giam con ở tầng đó trong một thời gian. Đó là lý do vì sao con thấy một phàm linh hung hãn sẽ tìm cách giữ con ở lại tầng đó một cách hung hãn. Khi con đã bắt đầu nhận ra điều này, con sẽ thực sự cảm nhận được lực hung hãn đó. Thày đoán là đa số các con, là người đang đọc quyển sách này, đã cảm thấy điều này một số lần trong đời mình.

Các con hãy nhìn lại quá khứ và sẽ dễ dàng nhận ra những lúc con cảm thấy có cái gì đang kéo con hay đẩy con về một hướng nào đó. Cái đó đang tìm cách ép con hay thuyết phục con làm điều gì mà con cảm thấy không phải – một điều mà con thực sự không cảm thấy là mình. Con sẽ thấy là con đã bị lực này ảnh hưởng con suốt cuộc đời, và con đã nhận ra nó. Vậy thì con chỉ giản dị có ý thức hơn về nó, và mỗi khi con cảm thấy sự hung hãn đó thì con biết là có một phàm linh đang ảnh hưởng con.

Nhưng thay vì con làm những chuyện mà con đã làm cho tới lúc này, tức là chạy xa khỏi nó, kháng cự lại nó hay ngay cả đánh nhau với nó, thì nay thày muốn con làm một chuyện khác. Thày muốn con chỉ giản dị nói với chính mình: “À, đây là một phàm linh đang lẩn trốn tôi. Tôi sẽ bắt nó phải lộ diện để tôi có thể thấy nó và như vậy tôi ngưng không tự đồng hóa mình với nó, để nó không còn quyền lực trên tôi nữa. Tôi sẽ dùng những dụng cụ mà Đại thượng sư và bảy vị Thượng sư đã cho tôi, để tôi có thể lôi những phàm linh đó ra khỏi nơi ẩn náu, và tôi có thể thấy chúng không phải là tôi và nhờ vậy tôi tự giải thoát mình khỏi ảnh hưởng của chúng.”

Đây là tiềm năng mà con có được khi con thực sự hội nhập các bài giảng của thày trong quyển sách này và áp dụng nó cùng với giáo lý mà con sẽ nhận được từ bảy vị Thượng sư trong những quyển sách tới. Điều thày muốn cho con ở đây là một khai thị tổng quát, và thày cũng sẽ cho con một dụng cụ tổng quát mà con có thể dùng khi con đi trên con đường từ Tia thứ Nhất qua hết bảy tia sáng cho đến khi con tới tầng tâm thức 96. Con thực sự cũng có thể dùng khai thị và dụng cụ này quá tầng 96.

19.10. Phàm linh và tự ngã

Bây giờ, trước khi thày chấm dứt bài giảng này thì có một chủ đề mà thày muốn bình luận ngắn. Khi con đọc quyển sách này, thì trong tâm con có thể dấy lên một câu hỏi: Những phàm linh mà thày nói ở đây có phải chăng chính là tự ngã (ego)? Phàm linh và tự ngã liện hệ ra sao?

Câu trả lời tùy thuộc vào tầng tâm thức của con. Ở các tầng tâm thức thấp, khi con hoàn toàn tự đồng hóa mình với một phàm linh, thì không có sự khác biệt đáng kể nào giữa tự ngã và phàm linh chủ yếu đang khống chế con. Nếu xét trên mặt thực tiễn thì chúng là một.

Tuy nhiên, khi con thăng vượt một phàm linh nào đó, thì con bỏ phàm linh đó lại. Khi năng lượng đã bị phàm linh đó tha hóa được chuyển hóa, và khi khuôn đúc tư tưởng đã bị con phá tan, thì phàm linh đó không còn nữa. Nó thực sự là đã chết. Nhưng sự sai lầm là khi con nghĩ bởi vì con đã vượt qua một phàm linh nào đó và con đã giải thoát mình khỏi phàm linh đó, thì giờ đây con được giải thoát khỏi tự ngã. Vì tự ngã không phải là phàm linh; nó hơn phàm linh.

Điều mà thày cố giảng trong quyển sách này là khi con đi trên con đường tâm linh về hướng tầng tâm thức 144, thì sẽ có một phàm linh ở mỗi tầng. Có nghĩa là khi con thắng được một phàm linh ở tầng nào đó, con sẽ chuyển lên nhìn cuộc sống xuyên qua phàm linh ở tầng kế tiếp. Thách đố lúc đó là con có thấy nhu cầu giải thoát mình khỏi phàm linh đó luôn không? Hay con lại bắt đầu quy trình củng cố phàm linh đó qua sự chú ý của con?

Nhưng dù sao chăng nữa thì cũng có một phàm linh, và điều này có nghĩa là con sẽ không hoàn toàn giải phóng khỏi phàm linh cho tới khi con tới tầng 144, đúng hơn là khi con vượt thăng tầng đó. Lý do là để con có thể dính liền với một thân thể thì con cần một loại phàm linh có khả năng hội nhập với thân thể vật lý.

Con có thể đang cảm thấy điều thày muốn giảng ở đây hơi bí ẩn hay trừu tượng. Nhưng con có thể thấy được là có nhiều phàm linh và khi con thăng vượt một phàm linh thì phàm linh đó chết đi. Nhưng con vẫn chưa là một sinh thể thăng thiên, có nghĩa là con vẫn còn tự ngã. Ta có thể định nghĩa tự ngã là cái giữ con hiện thân và giữ con không đi vào trạng thái thăng thiên.

19.11 Các tầng của tự ngã

Bây giờ, có nhiều cách để định nghĩa tự ngã, nhưng ở đây thày không muốn bàn nhiều về từ ngữ và định nghĩa. Điều thày muốn nói là có nhiều tầng của tự ngã. Cái được nhiều người gọi là tự ngã – có nhiều thày tâm linh và tâm lý gia cũng coi đây là tự ngã – là cái mà thày gọi là tự ngã thấp, tức là tự ngã ở dưới tầng 48, tự ngã đó hung hãn và muốn kiểm soát người khác. Nhưng cũng có một tự ngã ở giữa tầng 48 và 96, và tự ngã đó chú tâm vào việc nâng nó và con lên như một sinh thể cá biệt. Sau đó cũng có tự ngã ở giữa tầng 96 và 144, tự ngã này chú tâm vào việc phụng sự người khác, nâng cao tổng thể, nhưng nó vẫn chưa làm các chuyện này hoàn toàn với sự nhận biết của một chân sư thăng thiên.

Con có thể khó nhận ra điều này. Nhiều người tâm linh đã nhận ra được tự ngã thấp, là tự ngã hung hãn, và nghĩ rằng khi họ không còn những khuynh hướng đó nữa thì họ đã giải thoát khỏi tự ngã. Cũng có người đã tới điểm nhận ra tự ngã cá biệt, và họ nghĩ rằng là khi họ vượt lên trên tự ngã này, thì họ đã giải thoát khỏi tự ngã và đã giác ngộ.

Nhưng những đệ tử có minh triết thực sự thì nhận ra là ta chưa hoàn toàn giải thoát khỏi tự ngã cho tới khi ta thăng thiên, vì cần có cái gì buộc ta lại cõi vật lý và thân thể vật lý. Nói cách khác, khi con không còn tự ngã, thì con không thể duy trì mình trong một thân thể vật lý; con trở thành một chân sư thăng thiên.

Thày không muốn đi sâu hơn vào đề tài này, vì các thày sẽ có những bài giảng khi thời gian và chu kỳ thuận tiện. Nhưng thày muốn con lấy ra được một điểm này: thay vì con nhìn cuộc sống hay con đường tâm linh như một tiến trình có một mức đến tối hậu trên trái đất – con có thể gọi đây là giác ngộ hay tên gì khác – thì con chuyển sang nhìn con đường tâm linh như một tiến trình liên tục.

Con đường tâm linh quả thực có một mục đích, mà chúng ta đã định nghĩa là điểm thăng thiên, nhìn từ tầm nhìn chưa thăng thiên. Nhưng khi con chưa bước vào cõi thăng thiên thì con theo một tiến trình trong đó con cần tự vượt thăng không ngừng. Có nghĩa là con thăng vượt một phàm linh nào đó và chiến thắng tầng tự ngã ở đó.

Do đó, nếu con coi là con chưa thoát khỏi tự ngã cho tới khi thăng thiên, thì điều này sẽ giúp con trên con đường tu. Đó là cách duy nhất để con không bị mắc bẫy những khía cạnh vi tế của tự ngã tương ứng với những tầng tâm thức cao. Các thày thực sự mong muốn các đệ tử đã nhìn nhận pháp của các thày tránh được tình trạng đã xảy ra cho một số người tâm linh, kể cả những người đã tự cho mình là đạo sư tâm linh. Vì họ đã lên tới một tầng tâm thức cao trong số 144 tầng tâm thức, nhưng họ bị ngưng ở tầng đó vì họ tưởng là họ đã đạt được trạng thái tối hậu, nơi mà họ không còn cần tự thăng vượt nữa.

Các con yêu dấu, lúc nào cũng có nhu cầu tự thăng vượt, vì tự thăng vượt là sự sống. Tự thăng vượt là Thánh linh. Và TA LÀ sự sống. TA LÀ Thánh Linh. TA LÀ Đại thượng sư.

19.12. Một dụng cụ để đối phó với phàm linh

Dụng cụ tâm linh mà thày cung cấp trong quyển sách này tương đối giản dị. Con có thể dùng nó như một lời cầu nguyện đơn giản, mà con có thể nói thầm hay nói ra tiếng. Con có thể dùng từ ngữ của riêng con hay dùng những câu sau đây:

Ôi Đại thượng sư, xin thày chỉ cho con thấy phàm linh đang kềm giữ con ngay lúc này và quyết định nào của con đã tạo ra nó.

Ôi Đại thiên thần Michael, xin thày trói chặt phàm linh này, để nó không ảnh hưởng con hay bất cứ phần nào của sự sống.

Hiện diện TA LÀ hùng mạnh, xin phá tan khuôn đúc tư tưởng đằng sau phàm linh này.

Ôi Mẹ Mary, xin giúp con hoàn toàn xuôi theo Dòng sông sự Sống.

Tự điều ngự không ngừng

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Thày đến đây để cho các con thêm một gợi ý nữa sẽ giúp con đi theo cầu thang vòng xoắn ốc của bảy tia sáng dưới sự chỉ dạy của bảy vị Thượng sư.

Thày đã nói là trước mặt con là một hành trình trong đó con chạm trán và vượt thăng các phàm linh mà con đã tạo ra, hoặc đã do tâm thức đại chúng tạo ra khi nhân loại lạm dụng bảy tia sáng. Do đó, hôm nay thày muốn các con chú ý đến hai điểm: thứ nhất, thày muốn củng cố những điều mà thày đã giảng về bản chất của Thánh linh, tức là nó luôn luôn tuôn chảy, nó là một dòng suối. Nó không phải là một linh thể đứng yên. Nó là một Tánh linh luôn luôn tuôn chảy, tự thăng vượt, nó không bao giờ y nguyên dù chỉ trong một tích tắc.

Điểm thứ hai mà các con cần ghi nhớ là con cần khắc phục các phàm linh tách biệt đó. Như thày đã giảng, điều này có nghĩa là con sẽ phải tạo ra một cái ta mới, một phàm linh mới. Giữa tầng 48 và 96, con nhất định phải làm điều này vì đó chính là nhiệm vụ của con: thử nghiệm khả năng đồng-sáng tạo của mình, thử nghiệm với bảy tia sáng, và xây dựng một cái ta có một số khả năng điều ngự bảy tia sáng. Tuy nhiên, điều mà thày muốn các con ghi nhớ là con không tạo ra một cái ta đứng yên. Con tạo ra một cái ta có thể tuôn chảy với Thánh linh.

17.1. Kiện toàn phàm linh

Con thấy chăng, các thày giả trên trái đất đã tìm cách bày ra nhiều mưu đồ tinh xảo để dụ người tìm đạo chân thật – những người đã lên trên tầng 48, những người đã không đi vào nhị nguyên – đi vào một ngõ bí khiến họ ngừng tăng triển hoặc có thể càng ngày càng rơi sâu vào tách biệt. Một trong những mưu đồ chính của họ là lời dụ dỗ, được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau vi tế, cho rằng con có thể tạo ra một cái ngã tách biệt, một phàm linh có thể đi lên cõi tâm linh. 

Nếu con nhớ lại những gì thày giảng trong các bài trước, thì con sẽ thấy đây dĩ nhiên là giấc mơ tối hậu của tự ngã, của các sa nhân và các phàm linh tách biệt. Theo định nghĩa, một phàm linh tách biệt phải chịu luật sinh diệt, nhưng nó mơ được bất tử. Nó mơ hội đủ điều kiện nào đó giúp nó được Thượng đế chấp nhận và được phép tham dự tiệc cưới với Ki-tô.

Nhưng như Giê-su đã nói: “Không ai có thể lên thiên đàng mà không từ thiên đàng xuống”. Sinh thể duy nhất có thể lên thiên đàng là cái Ta Biết, và nó chỉ làm được điều này khi nó đã lột bỏ hết tất cả các lớp da rắn của các phàm linh tách biệt. Những phàm linh giả này giống như những con rắn bò dưới đất và đưa ra lý luận gian dối vi tế, dụ dỗ con nghĩ rằng con sẽ trở thành giống một thần nhân có thể lên thiên đàng. Nếu con nhớ sự tích thần linh cổ Hy lạp trên đỉnh Olympus, thì con thấy là họ không cao thượng lắm, họ hay tranh giành và bày ra nhiều mưu mô. Đó chính là biểu tượng của những cái ngã tách biệt mà sa nhân tìm cách tạo ra và cho rằng có thể trở nên bất tử. Nhưng không có gì có thể lên Thiên đàng ngoại trừ những gì đã từ Thiên đàng xuống, đó là nhận biết thuần khiết. Do đó, con sẽ không bao giờ có thể đem những phàm linh tách biệt này theo con lên thiên đàng, cho dù chúng có vẻ rất hoàn hảo dựa trên tiêu chuẩn thế gian nào đó.

17.2. Một cái nhìn giả về sự hoàn hảo

Con có thấy chăng vấn đề của cái ngã tách biệt? Một phàm linh tách biệt có thể nhất thời tăng triển. Con hãy suy nghĩ kỹ điểm này. Một phàm linh tách biệt có thể được thiết kế để tăng triển và nới rộng, con có thể xem đây là nó tự kiện toàn. Do đó, con có thể đến với một tôn giáo hay một giáo lý tâm linh và tạo ra một lý tưởng trong tâm con cho rằng nếu con cứ tiếp tục áp dụng giáo lý này, con sẽ tới chỗ đạt được một trạng thái hoàn hảo, một trạng thái tối hậu nào đó, và sau đó con sẽ được phép vào thiên đàng. Hoặc là con sẽ đạt được giác ngộ, hoặc bất cứ mục đích nào của tôn giáo đó.

Nhưng con ơi, con sẽ không được cứu rỗi, con sẽ không đạt được giác ngộ, con sẽ không thăng thiên, bằng cách tạo ra một cái ngã cố định và hoàn hảo. Sự hoàn hảo trên Thiên đàng không giống những gì mà hầu hết mọi người coi là hoàn hảo. Vì con người có khuynh hướng xem sự hoàn hảo là một cái gì cố định. Vì nếu một cái gì đó hoàn hảo, thì làm sao nó có thể cải thiện được? Nếu nó có thể cải thiện được, thì nó không thể hoàn hảo – đây là lối lý luận của tâm thức rắn.

Nhưng các thày là những người đã thoát khỏi tâm thức rắn, các thày biết sự hoàn hảo thực sự là tuôn chảy với Tánh linh. Trạng thái tối hậu duy nhất là trạng thái tự nhận biết của đấng Sáng tạo, nhưng con sẽ không thể đạt được trạng thái này khi còn đầu thai trên trái đất. Con cũng không thể đạt được nó cho tới khi con thành tựu tất cả các khai ngộ của tất cả các bầu cõi ở trên bầu cõi của con hiện nay. Do đó, đạt được mức tự nhận biết của đấng Sáng tạo không phải là điều con cần quan tâm đến lúc này. Vì ngay cả tâm thức của đấng Sáng tạo, dĩ nhiên cũng không đứng yên. Bởi vì, nếu nó đứng yên, thì tại sao nó lại sáng tạo ra thế giới hình tướng từ Bản thể của nó?

Con thấy chăng, không có gì đứng yên cả. Hoàn hảo là thăng vượt liên tục. Đây là định nghĩa thực của sự hoàn hảo. Đó là lý do vì sao Thánh linh hoàn hảo. Vì nó không có mục đích đạt được một trạng thái cố định tối hậu. Mục đích của nó là tự thăng vượt liên tục và bất tận. Do đó, nó không bao giờ tìm cách giữ chặt cái cũ, vì nó luôn luôn sẵn sàng lột bỏ da rắn cũ và thăng vượt lên một trạng thái mới.

Đây là điều thày khẩn thiết khuyên con nên suy ngẫm. Vì có một khác biệt rất cơ bản giữa việc đi theo con Đường của Bảy Tia sáng với mục đích tạo ra một cái ta hoàn hảo, dựa trên một định nghĩa cố định của sự hoàn hảo, và mục đích khác là tạo ra một cái ta uyển chuyển có thể luôn luôn và dễ dàng tuôn chảy với Thánh linh bằng cách tự thăng vượt liên tục quá tầng 96.

17.3. Giữ chặt cái ta tách biệt

Trong một bài trước thày có giảng về tâm thức chết, và nói đến trường hợp những người đã tới tầng 96 mà không chịu buông bỏ phàm ngã mà họ đã tạo ra. Họ nghĩ rằng họ sẽ chết nếu họ buông bỏ nó, vì họ đã quá tự đồng hóa với nó. Nhưng con thấy chăng, đó là vì họ đã có mục đích tạo ra cái ngã cố định muốn đạt được một tiêu chuẩn hoàn hảo nào đó. Và khi họ nhận ra là cái ngã mà họ đã tạo ra sẽ không thể vào thiên đàng, và họ phải để cho nó chết đi, để có thể vượt thăng và vào thiên đàng như trạng thái nhận biết thuần khiết, thì họ khởi lên lòng oán giận.

Họ muốn nắm giữ cái ngã tách biệt và biểu lộ quyền năng qua cái ngã đó. Đó là lúc họ bắt đầu muốn áp chế người khác với quyền năng mà họ đã đạt được với bảy tia sáng. Và dĩ nhiên đó là lòng kiêu hãnh dẫn tới sa ngã. Và sa ngã xảy ra ngay tức khắc.

Vậy con nên cẩn thận suy ngẫm điều này. Con cần có mục đích khi con đi trên con Đường của Bảy Tia sáng. Nhưng con đừng để các thày giả trên trái đất lường gạt con để con quy định một mục đích cố định, dựa trên một tiêu chuẩn nào đó do họ thiết lập – một tiêu chuẩn mà họ đã thiết kế và quy định dựa trên tâm thức tách biệt và nhị nguyên lúc nào cũng so sánh mọi chuyện với con mắt phán xét giá trị nhị nguyên.

Nếu con cố gắng đi trên con Đường của Bảy Tia sáng để trở nên giỏi hơn người khác dựa trên một phán xét giá trị nhị nguyên nào đó thì con sẽ tạo khó khăn cho mình. Con có thể có động cơ lớn thúc đẩy con đi trên đường tu, giống như một số đệ tử. Con có thể sẵn sàng hy sinh nhiều chuyện để đạt được ý niệm hơn người đó. Nhưng khi đến lúc phải buông bỏ cái ngã mà con đã tạo ra thì con sẽ phải đương đầu với toàn thể sức mạnh của tâm thức chết. Bởi vì lúc đó con phải đối diện cái gì? Con phải đối diện sự kiện là trong tâm thức tập thể, một tập đoàn khổng lồ các phàm linh tách biệt đó đã được tạo ra, và chúng đều không muốn chết. 

Do đó, nếu con đã tạo ra một phàm linh tách biệt khi con đi trên con Đường của Bảy Tia sáng, thì con sẽ tự buộc mình vào nỗi sợ chết đó. Do đó, con sẽ phải khắc phục toàn bộ động lực của cái chết mới buông bỏ được ngã tách biệt. Điều này dĩ nhiên là có thể làm được, vì khi con biết con là nhận biết thuần khiết thì con có thể buông bỏ bất cứ ngã nào, nhưng thày phải nói với con là rất hiếm đệ tử làm được điều này. Các đệ tử nào đã học cách buông bỏ phàm linh tách biệt tại mỗi tầng trên con đường tu sẽ dễ thành công hơn nhiều. Nhờ vậy khi họ lên tới tầng 96, họ không phải đối đầu với động lực chết của toàn hành tinh, mà chỉ đối đầu với động lực ở tầng đó mà thôi. Đây là một bước nhỏ hơn nhiều, và do đó họ sẽ dễ dàng tuôn chảy qua nó.

Và họ sẽ tiếp tục tuôn chảy qua tầng 96, lên tầng 97, 98, và cao hơn nữa cho tới khi bỗng nhiên họ tới tầng 144. Lúc đó, buông bỏ cái ngã, cái hồn ma cuối cùng, cũng sẽ không phải là một thay đổi lớn, và con có thể dễ dàng tuôn chảy vào vòng xoắn thăng thiên, đi qua cổng ngọc trai để vào trạng thái thăng thiên. Con thấy chăng, buông bỏ mọi chuyện cùng một lúc là điều rất khó. Buông bỏ từng chút một ở mỗi cấp dễ hơn nhiều.

17.4. Luôn luôn sợ mình sai

Do đó, thày chúc con thuận buồm xuôi gió trên con đường của bảy vị Thượng sư. Thày hy vọng là thày đã giúp con đặt nền móng giúp con đi con đường tu này dễ dàng hơn. Đúng thực là chỉ có cái ngã tách biệt mới đánh giá theo thang điểm đúng sai. Con có hiểu là khi con tạo ra một cái ngã tách biệt từ tâm thức nhị nguyên, con đã tạo ra một cái ngã tin rằng nó chỉ có thể được Thượng đế chấp nhận khi nó đạt được một tiêu chuẩn hoàn hảo và không bao giờ sai trái dựa trên tiêu chuẩn đó? Có nghĩa là cái ngã tách biệt đó lúc nào cũng sợ mình sai.

Các con có biết là có những dòng sống đã tới chỗ bắt đầu quay trở lại, họ có ước muốn lên cao hơn, họ có khao khát gặp được một vị thày chân chính. Nhưng khi họ gặp vị Thượng sư đầu tiên là Chân sư MORE – hay El Morya là tên trước đây của thày – thì họ giản dị không thi hành nổi những chỉ thị của Chân sư MORE. Họ còn không thực sự thấy được Chân sư MORE. Do đó họ phải dán lên Chân sư MORE hình ảnh một vị thày rất nghiêm khắc trọng kỷ luật. Vì họ quá sợ vị thày nghiêm khắc với cái nhìn thấu suốt này chứng minh họ sai nên thay vì chào đón giáo lý và sự giúp đỡ của thày, họ lại tìm cách lẩn trốn thày.

Vậy các thày đã phải làm gì trong quá khứ? Các thày đã phải cho các đệ tử này một vị thày vỏ ngoài, kể cả một tổ chức vỏ ngoài để họ có thể tiếp tục tin rằng họ là đệ tử của El Morya, nhưng thực sự họ chưa bao giờ thấy được vị Morya thực, Chân sư MORE thực, vì họ chỉ có thể nhìn thày như một hình ảnh cứng ngắc. Họ không thể thấy được là thày hơn rất nhiều hình ảnh cứng ngắc do tâm thức thấp tạo ra.

Con thấy chăng, chân sư MORE không phán xét con dựa trên thang điểm đúng và sai. Chân sư MORE không hề mong muốn chứng minh con sai. Thày cũng không hề mong muốn thấy con chứng minh mình đúng. Chân sư MORE, giống như tất cả các Thượng sư khác, chỉ quan tâm một chuyện: là con sẵn sàng thăng vượt tầng tâm thức hiện tại của con, thăng vượt ý niệm bản ngã hiện tại của con, cho phép phàm linh hiện tại của con chết đi và tuôn chảy vào một ý niệm bản ngã khác, cao hơn.

17.5. Một tầng hiểm nghèo trên đường tu 

Phàm linh tách biệt được tạo ra từ tiêu chuẩn nhị nguyên. Trong nó, trong chính mẫu đồ thiết kế ra nó, có sự phân chia giữa đúng sai. Nó tin rằng nếu nó bị chứng minh là nó sai thì một tai họa nào đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu nó được chứng minh là nó đúng thì một điều tốt lành nào đó sẽ phải xảy ra. Do đó, nó tin rằng nó có thể ép Thượng đế phải chấp nhận nó khi nó chứng minh nó đúng. Và nó tìm cách chứng minh nó đúng bằng cách duy nhất mà nó biết: bằng cách so sánh nó với người khác dựa trên tiêu chuẩn đã tạo ra nó. Do đó, nó tìm cách chứng minh nó đúng bằng cách chứng minh người khác sai, bằng cách kéo người khác xuống. Lý luận cơ bản trong tiềm thức của phàm linh tách biệt là: “Nếu tôi có thể chứng minh là tất cả các phàm linh khác đều sai, thì tôi chắc chắn phải đúng và Thượng đế sẽ phải chấp nhận tôi.” Nhưng dĩ nhiên không phải vậy. Do đó, con đừng đến với các Thượng sư với ước mong chứng minh con đúng. Và con nên đặc biệt cảnh giác khi con có mong muốn chứng minh người khác sai. 

Nhưng thày muốn nói con điều này: có một điểm thấp hơn trên con đường tu, nơi con chú tâm vào việc chứng minh người khác sai và lúc nào cũng đấu đá với người khác. Tuy đây chắc chắn là một điểm thấp hơn trên con đường tu và không thể dẫn con tới trạng thái thăng thiên – không thể dẫn con quá tầng 96, và thực sự không thể dẫn con tới gần tầng 96, vì nó không thể dẫn con quá tầng 48 bao xa – nhưng đó không phải là tầng hiểm nghèo nhất trên con đường tu. Tầng nguy hiểm nhất trên con đường tu là khi con tới gần tầng 96, nhưng vẫn còn mắc kẹt trong mong muốn chứng minh mình đúng dựa trên một tiêu chuẩn nào đó.

Thày thực sự nói với con là, nếu con nhìn vào những người ở dưới tầng tâm thức 48, thì con thấy là những người ở những tầng thấp nhất không phải là những người có thể được coi là thô sơ nhất, nhìn theo một góc độ nào đó. Họ chính thực là những người tinh tế khôn ngoan nhất, vì họ là những người tin chắc rằng họ đúng và tiêu chuẩn của họ đúng.

Do đó, con cũng thấy có những đệ tử đã đi quá tầng 48 và tiến gần tới tầng 96, nhưng họ bắt đầu tự đồng hóa với phàm ngã tách biệt mà họ đã tạo ra, và tin rằng cái ngã tách biệt đó đúng, theo tiêu chuẩn mà họ không chịu từ bỏ. Vì họ chưa nhìn thấu bản chất thật của tiêu chuẩn đó. Các thày rất khó tiếp cận các đệ tử này.

Họ thường là đệ tử rất sốt sắng, sẵn sàng hy sinh và chịu khó để tiến lên tầng kế tiếp. Và con phần nào có thể làm như vậy giữa tầng 48 và 96, vì ở các tầng này con đang tìm cách đạt được sự điều ngự bảy tia sáng. Khi con làm điều này, con tạo ra một cái ngã tách biệt, một phàm linh tách biệt, hay ít nhất là một phàm linh cá biệt, một cái ngã cá biệt.

17.6. Tiêu chuẩn giả được tạo ra như thế nào

Các đệ tử mà các Thượng sư khó tiếp cận nhất là những người đã xây dựng lòng kiêu hãnh mà họ không thấy vì họ nghĩ họ đúng. Và họ không chịu chấp nhận một trong những tỉnh ngộ quan trọng nhất trên con đường tu, đó là không có tiêu chuẩn nào quy định trên trái đất có thể đưa con lên thiên đàng. Vì những tiêu chuẩn nhị nguyên tách biệt này không thể nào hiện hữu trên thiên đàng.

Do đó, con đang không chứng minh con đúng dưới mắt các Thượng sư vì các thày không ở trong tâm thức nhị nguyên. Con chỉ đang chứng minh con đúng dưới mắt phàm linh tách biệt mà con đã tạo ra – phàm linh được tạo ra dựa trên một tiêu chuẩn đặc trưng của con. Do đó, phàm linh này không thể thấy bất cứ cái gì vượt lên trên tiêu chuẩn. Nó không bao giờ thấy là tiêu chuẩn có điều gì sai. Nó không bao giờ thấy là tiêu chuẩn có bất cứ hạn chế nào. Nó không bao giờ thấy là tiêu chuẩn được tạo ra bằng cách loại trừ một số thành phần của bức tranh thực tại rộng lớn hơn.

Con hãy để thày so sánh với một hình ảnh mà con quen thuộc. Con biết cái la bàn, và con biết là nếu con đứng ở trung tâm la bàn, con có thể chia chu vi la bàn ra thành 360 góc độ, giống như con có thể chia chu vi vòng tròn thành 360 độ. Khi con đứng ở trung tâm chiếc la bàn cá nhân của con và có thể nhìn tất cả 360 độ mà không đặc biệt chú tâm vào bất cứ góc độ nào, và không có nhu cầu loại trừ góc độ nào, thì con đạt được giác ngộ, con sẵn sàng thăng thiên.

Nhưng này các con, điều xảy ra cho các phàm linh thấp là chúng định ra một tiêu chuẩn. Và chúng định tiêu chuẩn bằng cách nào? Bằng cách loại trừ, ngăn chặn một số góc độ bằng cách dán nhãn chúng là sai, giả hay xấu ác trên phương diện nào đó. Do đó, chúng tạo ra một tiêu chuẩn bằng cách loại trừ một hoặc nhiều trong số 360 góc độ của chu vi là những gì có thể nhìn thấy trên trái đất.

Và khi con quy định một số góc độ nào đó là sai, và do đó không chịu nhìn chúng, thì theo định nghĩa con sẽ có một cái nhìn hạn chế, chọn lọc, chủ quan, thiên lệch, và thiếu sót về sự sống. Nhưng xa hơn nữa, con cũng sẽ luôn luôn có thể chứng minh là cái ngã tách biệt – phàm linh tách biệt – của con đúng. Vì con thấy chăng là khi con chấp nhận định nghĩa một số góc độ sai và không được nhìn tới, thì đương nhiên là con sẽ không thể nhận ra là phàm linh, phin lọc nhận thức, mà xuyên qua đó con nhìn thực tế, có giới hạn và đang cho con cái nhìn hạn chế và méo mó về tổng thể sự sống.

17.7. Chứng minh mình “đúng”

Con có thấy chăng là, nếu con sẵn sàng loại bỏ một số góc độ trên chu vi của vòng tròn sự sống, thì con luôn luôn có thể chứng minh là cái ngã, vốn chỉ bao hàm những góc độ còn lại, là đúng. Nhưng con có bắt đầu thấy chăng là, khi con chưa thấy được toàn bộ chu vi của tâm thức có thể có được trên trái đất, thì con chưa giác ngộ, và con chưa sẵn sàng thăng thiên?

Vậy làm sao con thấy được toàn bộ chu vi? Bằng cách nhận ra con là cái Ta Biết, và cái Ta Biết không có tính cá biệt nào trụ trong nó khiến nó cần loại bỏ một số góc độ. Do đó, con là nhận biết thuần khiết. Và khi con là nhận biết thuần khiết, thì con có thể nhìn bất cứ cái gì và tất cả mọi thứ. Con không cần loại bỏ bất cứ cái gì. Con không cần phán xét bất cứ cái gì.

Và khi con sẵn sàng nhìn bất cứ cái gì thì không có cái gì có quyền lực trên con. Vì dĩ nhiên là khi con quy định cái gì đó là sai và không chịu nhìn nó, thì cái mà con không chịu nhìn có quyền lực trên con. Nó quy định con, vì con nghĩ rằng nếu con nhìn vào nó, hoặc con có những đặc tính của nó, thì con sẽ sai theo nghĩa tối hậu.

Do đó, cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ bị sai là nhìn vào đáy sâu của nỗi sợ, và nhận ra nó chỉ là một góc độ khác trên chu vi của la bàn sự sống. Do đó, thay vì chú tâm vào một tiêu chuẩn, con để cho kim của la bàn xoay một cách tự do.

Nhưng con có thấy chăng là khi con chặn một số góc độ trên la bàn, thì mũi kim của la bàn không thể xoay tự do được? Và như vậy thì con đang làm gì? Con đang ngăn chặn không để cái Ta Biết thể hiện tiềm năng lớn nhất của nó. Vì tiềm năng lớn nhất của cái Ta Biết là trở nên mũi kim la bàn luôn luôn chỉ hướng Bắc. Nó luôn luôn chỉ ngôi sao bắc đẩu là Hiện diện TA LÀ. 

Con làm cách nào để giống như Odysseus, phải bôn ba khắp bốn biển đầy hiểm nghèo nhưng vẫn trở về nhà được? Anh ta đã làm gì? Anh đã đi tới những điểm trên la bàn cá nhân của anh nơi anh đã loại bỏ một số góc độ trên chu vi. Anh đã diệt trừ các ác thú, các phàm linh, các sinh vật thần thoại, và nhờ vậy anh mở rộng chu vi, khiến cho mũi kim la bàn có thể xoay tự do. Và khi anh đả thông được cả chu vi thì kim la bàn có thể xoay đủ vòng tròn. Lúc đó, sau khi đã xoay một lúc, thì một cách tự nhiên nó tìm ra vị trí lý tưởng của nó là chỉ thẳng về hướng Bắc.

17.8. Sử dụng một la bàn giả

Khi con có một la bàn tốt có kim chỉ đúng hướng Bắc, thì con dễ tìm đường về nhà hơn. Nhưng nếu con có một la bàn mà kim không thể xoay tự do và do đó không chỉ đúng hướng Bắc, thì làm sao con tránh không bị lạc trên biển cả? Con yêu dấu, con có thấy chăng là khi con có gì ngăn chặn trên chu vi của la bàn, thì kim la bàn chỉ xoay được tới chỗ nào đó mà thôi? Lúc đó, vì con thấy kim la bàn đã ngừng lại, nên con tưởng là nó đã chỉ con về hướng Bắc. Con liền lái thuyền về hướng đó, con hướng hành trình đời con về hướng đó. Nhưng nếu kim la bàn không chỉ đúng hướng Bắc, thì làm sao con có thể đi đúng hướng được?

Lúc đó, con sẽ đi về đâu? Con không đi về hướng sao bắc đẩu của bản thể, của Hiện diện TA LÀ của con. Con sẽ đi đúng về hướng các khu mà con đã ngăn chặn trên chu vi, là những gì con không chịu nhìn tới. Do đó, con sẽ đi về hướng các phàm linh tách biệt mà con đã tạo ra, chúng đang nằm yên chờ phục kích con, giống như những tiên chim trong thần thoại Hy lạp có tiếng hát quyến rũ hớp hồn. Và chẳng bao lâu thì thuyền con sẽ đắm vì chạm vào vách đá.

Và sau khi con đã bị đắm thuyền nhiều lần, thì con rốt cuộc tới chỗ nhận ra là có thể có điều gì mà con không thấy, có lẽ tiêu chuẩn của con có điều gì sai – chứ không phải có điều gì sai với những người không theo đúng tiêu chuẩn.

Điều thày muốn nói là các thày là các Thượng sư không muốn con phải làm cuộc hành trình hỗn loạn trong đó con cứ bị đắm thuyền liên miên. Các thày muốn cho con một con đường suôn sẻ qua đó các thày hướng dẫn con nhìn vào chu vi của la bàn cá nhân của con. Nhưng các thày sẽ giúp con nhìn khi còn sớm sủa, để con không bị đâm vào vách đá và đắm thuyền, và ngược lại vượt qua được các bước khai ngộ.

Do đó, thay vì con đi trên một con đường tu trúc trắc dẫn con từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, từ lần đắm thuyền này sang lần đắm thuyền khác, thì con đường tu của con trở thành vòng xoắn ốc suôn sẻ đi lên. Con đi lên từng bậc nhỏ của cầu thang xoắn ốc và con không phải té xuống nhiều bậc. Thay vào đó, con có thể tiếp tục vững chãi đi lên đều đặn. 

Đó là viễn quan về đường tu của con mà các thày giữ trong tâm các thày, khi con tới với các thày và quyết định ghi danh vào, không phải là Trường đời Cay đắng, mà là Trường của Bảy bức Màn, Trường của Bảy Tia sáng, trường của Bảy Thượng sư. Và trường này dĩ nhiên do thày giám sát, vì thày là Thượng sư thứ tám, thày LÀ Đại thượng sư.

Vượt lên trên ý định hung hãn

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Thày đến đây để tiếp tục bằng cách xây dựng tiếp trên nền tảng của các bài giảng trước. Thày đã giảng là có một khuynh hướng hình thành một ý định hung hãn tìm cách thay đổi người khác. Đây là một khuynh hướng đã bắt đầu với những sa nhân đầu tiên và họ, cùng những người đã bị mắc bẫy họ và tham gia vào vòng xoáy hướng hạ, đã duy trì khuynh hướng này trong các bầu cõi trước và trong bầu cõi này.

Mưu đồ của các sa nhân này là gì? Họ chỉ giản dị muốn lôi kéo càng nhiều người và càng nhiều dòng sống vào vòng xoáy hướng hạ của họ. Nếu có thể, họ sẽ lôi kéo tất cả mọi sinh thể có tự nhận biết vào vòng xoáy hướng hạ. Lẽ dĩ nhiên điều này không thể làm được, vì có rất nhiều sinh thể trong bầu cõi này đã gia nhập vòng xoáy hướng thượng, vòng xoáy thăng thiên chính là Thánh linh.

Tuy nhiên, các sa nhân chỉ được phép đầu thai vào một số hành tinh tương đối ít. Đây là một hành động nhân từ đối với họ và một hành động thử thách những dòng sống cần loại thử thách này. Sa nhân có thể duy trì ảo tưởng sẽ có một ngày họ thành công và chứng minh là Thượng đế sai bằng cách khiến tất cả các sinh thể có tự nhận biết sa ngã. Và như thế, Thượng đế sẽ bắt buộc phải thay đổi cách ngài đã thiết kế kế hoạch nâng cao nhận biết và tự nhận biết. Do đó, khi con là một đệ tử tâm linh trên con đường tu, con cần thấy cách hành xử của sa nhân.

15.1. Khuynh hướng phớt lờ tà lực

Như thày có giảng, trong kịch bản lý tưởng con có thể đi theo con Đường của Bảy bức Màn giữa tầng tâm thức 48 và 96 mà không phải đối phó với tâm thức sa ngã, không phải đối phó với bất cứ ai đang tìm cách ảnh hưởng con một cách hung hãn. Mọi chuyện chỉ xảy ra giữa con và vị thày tâm linh. Nhưng vì hành tinh trái đất không là kịch bản hay môi trường lý tưởng, con sẽ phải nhận ra – và trong tư thế một đệ tử tâm linh con cần nhận ra – là con sẽ phải đối phó với tâm thức sa ngã ở mỗi tầng cho tới tầng 96 và ngay cả trên đó nữa, nhưng sau tầng 96 thì con đối phó với nó một cách khác.

Bây giờ thày muốn con nhìn vào nhiều phong trào tâm linh có mặt trên hành tinh này, và con quả thực sẽ thấy nhiều nhóm không dạy về sa nhân và tà lực. Con sẽ thấy là nhiều người tâm linh muốn phớt lờ những chủ đề này và còn khó chịu khi phải đối mặt với sự kiện tà lực có tiềm năng hiện hữu.

Có người nói rằng con phải chú tâm vào những điều tích cực mà thôi, vì nếu con chú tâm vào những điều tiêu cực, thì con cho chúng thêm sức mạnh. Con yêu dấu, con không nhất thiết cho tà lực thêm sức mạnh khi con nhận biết chúng. Con cho chúng thêm sức mạnh nếu con sợ hay tìm cách đánh nhau với chúng. Nhưng thày có thể nói với con một cách tuyệt đối chắc chắn là con cũng cho chúng sức mạnh khi con phớt lờ hay phủ nhận chúng.

Vì con thấy chăng, hành động phớt lờ một cái gì và phủ nhận nó hiện hữu không có tính chất thụ động. Đây là một hành động tích cực vì một lý do giản dị: đó là vì tà lực hung hãn. Chúng tìm cách ảnh hưởng bất cứ ai trên hành tinh này. Do đó, con không thể sống trên hành tinh này mà không bị một lực hung hãn phóng vào con.

Và làm sao con có thể phớt lờ hay phủ nhận lực này? Con chỉ có một cách là hướng một lực ngược lại khiến con mù quáng không thấy cái gì đang phóng tới con. Con có thể hiểu điều này giản dị qua sự vận hành của sóng, cùng với hiểu biết cơ bản rằng mọi thứ đều là năng lượng và năng lượng chuyển động như làn sóng. Và khi hai làn sóng gặp nhau, chúng tạo ra một mô thức giao thoa (interference). Điều này có nghĩa là một làn sóng có thể xóa bỏ hay thay đổi sự rung động của một làn sóng khác.

Cái đang phóng tới con từ các sa nhân và tâm thức tập thể là một dòng sóng năng lượng. Nếu con giữ tâm trung dung và chăm chú, con sẽ nhận ra năng lượng này. Do đó con chỉ có thể phớt lờ hay phủ nhận nó bằng cách phóng ra một dòng năng lượng ngược lại. Dòng năng lượng này sẽ không vô hiệu hóa dòng năng lượng tiêu cực, mà chỉ vô hiệu hóa nó ở mức tâm ý thức của con, khiến con không ý thức về nó. Và như vậy con có thể phớt lờ hay phủ nhận tà lực.

Tuy nhiên chúng vẫn ảnh hưởng tiềm thức của con. Và thày có thể nói với con một cách hoàn toàn chân thực rằng thày có khả năng nhìn vào hàng triệu người đang chân thành đi tìm tâm linh trên hành tinh này, và thày có thể bảo đảm với con rằng khi họ không ý thức về tà lực, thì họ thật sự đang bị tà lực đó ảnh hưởng.

15.2. Trái đất là một trong những hành tinh thấp

Lẽ dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là họ cảm nhận được ảnh hưởng này vì nhiều người không cảm nhận được. Và lý do một phần là như thày đã giàng, họ đã phóng ra một năng lượng ngăn chặn tâm ý thức của họ nhận ra sự tấn công của các tà lực. Nhưng lý do khác là một khi tà lực đã đưa con vào con đường giả, con đường không thể dẫn con tới tâm thức Ki-tô và sự thăng thiên, thì chúng sẽ không nhất thiết để con yên, nhưng sẽ khiến con tiếp tục ở trong ảo tưởng là con đang đi đúng đường.

Đó là lý do tại sao con có thể thấy là ở thế giới Tây phương, nhiều người theo Cơ đốc giáo hoàn toàn tin chắc rằng Chúa Giê-su sẽ đến và cứu rỗi họ vì họ là những người được tuyển chọn vì thuộc một giáo hội nào đó hay vì đã tuyên bố Giê-su là Chúa và đấng Cứu thế của họ. Tương tự như vậy, con có thể thấy nhiều người tâm linh tin rằng nếu họ nhân từ và thương yêu tất cả mọi người và không chú tâm tới bất cứ những gì tiêu cực, thì chắc chắn sẽ có một ngày họ đạt được giác ngộ.

Tất cả đều là một sự gian dối mà sa nhân đã tạo ra để đặc biệt gài bẫy những người đã bắt đầu thức tỉnh, nhưng chưa nhận ra sự thực tuyệt đối rằng con đường tâm linh, con đường dẫn tới giác ngộ hay thăng thiên, là một con đường có ý thức. Con không thể đi trên con đường này mà không có ý thức. Con không thể đi trên con đường tu mà tiếp tục phớt lờ hay phủ nhận bất cứ điều gì.

Và con yêu dấu, con không thể đi trên con đường tâm linh trên hành tinh trái đất mà không thấy và nhìn nhận rằng hành tinh nơi con đang sống là loại hành tinh nào. Trái đất không phải là một hành tinh lý tưởng. Nó là một hành tinh nhiều hiểm nguy. Nó là một trong những hành tinh thấp trong vũ trụ vật chất, không phải là hành tinh thấp nhất, nhưng là một trong những hành tinh thấp. Và con cần thấy điều này, con cần nhận ra điều này. Thày không nói là con cần phải sợ tà lực. Thày không nói là con cần đánh nhau với chúng. Nhưng con cần nhận ra chúng vì chỉ như vậy con mới đáp ứng được lời kêu gọi của Giê-su: “Các con hãy khôn ngoan như rắn và vô hại như bồ câu.”

Có nhiều người tâm linh nghĩ rằng họ vô hại như bồ câu, nhưng con không thể vô hại như bồ câu nếu con không khôn ngoan như rắn, và nhìn thấu những con rắn đang tìm cách dẫn con vào ngõ bí không đưa tới sự tự vượt thăng thật sự. Ngõ bí này dẫn vào con đường tự động trong đó con nghĩ rằng vì con làm theo một số yêu cầu vỏ ngoài, nên con không cần nhìn vào cái đà trong chính mắt mình, và con có thể được cứu rỗi một cách tự động bằng cách là thành viên của giáo phái này hay giáo phái nọ, vì con theo vị đạo sư này hay vị đạo sư nọ, hay vì con tập theo kỹ thuật này hay kỹ thuật nọ. Chuyện đơn giản là con đường tu không phải như thế.

15.3. Tại sao tà lực tấn công con

Bây giờ ta hãy trở lại mưu đồ của sa nhân, và thấy là nó gồm hai phần. Mục đích đầu của sa nhân là tấn công mọi dòng sống trên trái đất với một lực hung hãn. Bằng sức mạnh vật lý nếu có thể, nhưng trong thế giới hiện nay họ không dễ hành hung con người bằng vũ lực được, ít nhất là tại một số nơi trên thế giới. Và do đó, họ dùng các phương tiện tâm lý để tấn công các thể lý trí, tình cảm và lẽ dĩ nhiên thể bản sắc của con.

Vậy họ tấn công với mục đích gì? Họ không muốn tiêu diệt con. Mục đích của họ là khiến con phản ứng lại sự tấn công. Đây là mục đích đầu tiên của họ. Họ không muốn gì hơn là lôi kéo con vào trò chơi hành động và phản ứng, trong đó họ hành động và con phản ứng lại, và sau đó lại có hành động và phản ứng khác. Và chẳng bao lâu con sẽ rơi vào vòng xoáy hướng hạ, quên đi mục đích tâm linh của mình khi con quyết định xuống đây. Đây là cách chính yếu mà sa nhân dùng để lôi kéo con xuống dưới tầng tâm thức 48, xuống trạng thái tâm thức hung hãn mà thày đã đề cập tới, khi con lúc nào cũng cảm thấy mình đang bị tấn công và cần chống trả lại.

Bây giờ, nếu sa nhân không lôi kéo được con vào trò chơi này, hay không giữ được con tiếp tục chơi trò chơi đó vì con không chịu tham gia những trò chơi hung hãn đó, thì kế hoạch thứ nhì của họ là đưa con tới một mức khiến con cảm thấy thoải mái, cảm thấy mình là người tâm linh hay ngoan đạo, cảm thấy mình sẽ được cứu rỗi và đang làm điều đúng. Và sau đó họ muốn giữ con ở đó mãi mãi.

Con thấy không, thày đã giảng gì về Thánh linh? Thày đã giảng gì về con đường tu chân chính? Đó là Dòng sông sự Sống lúc nào cũng thăng vượt chính nó, liên tục và mãi mãi. Do đó nếu con đứng yên ở một tầng nào đó, thì con có thể cảm thấy mình được cứu rỗi và là người tâm linh. Nhưng con sẽ không tăng triển nếu con không tự thăng vượt mình và do đó con không tiến gần tới điểm thăng thiên và bị kẹt trong thế giới vật chất. Nếu sa nhân không khiến con đi xuống được thì ít nhất họ muốn con bị mắc kẹt. Lúc đó họ cảm thấy đang kiểm soát được con, và họ quả thật đang kiểm soát được con.

Bây giờ chúng ta hãy trở về sự kiện là khi con cho phép mình bị thu hút vào trò chơi hành động-phản ứng khi con phản ứng lại ý định hung hãn của sa nhân, đây là lúc con xuống dưới tầng tâm thức 48. Bài giảng này của thày có mục đích hướng tới những ai đã xuống dưới tầng 48, cũng như là những ai đang bắt đầu trèo từ tầng 48 lên tầng 96.

15.4. Khi phàm linh phản ứng lại phàm linh khác

Bây giờ, nếu con nhớ lại những gì thày giảng lúc trước, con sẽ thấy một sự kiện đơn giản. Sa nhân làm gì khi họ tấn công con với một lực hung hãn? Lực đó là gì? Đó chính là cái mà thày đã giảng trong đoạn trước: đó là một phàm linh. Sa nhân đã tạo ra một phàm linh xông tới tấn công con. Nhưng khi con phản ứng lại sự tấn công này, bằng cách tháo chạy hay tấn công lại, thì con tạo ra cái gì? Ấy, con cũng tạo ra một phàm linh. Con tạo ra một phàm linh của riêng mình. Và mỗi bước con đi xuống dưới tầng 48, con tạo ra một phàm linh mới.

Chuyện gì xảy ra khi một người xuống tới tận đáy vực thẳm và kêu lên: “Không, tôi không thể tiếp tục sống như thế này nữa?” Đó là lúc con quyết định không tạo thêm một phàm linh khác nữa, và ngừng không nuôi dưỡng những phàm linh mà con đã tạo ra. Con có thể không ý thức điều này, nhưng thực sự đó chính là chuyện xảy ra.

Vậy con cần làm gì để leo trở lên cầu thang xoáy ốc dẫn tới tầng tâm thức 96? Con phải đi theo hành trình đối đầu các phàm linh mà con đã tạo ra và diệt trừ chúng, giống như thánh George diệt trừ con rồng.

Một số các con biết là Đại thượng sư trong một kiếp trước đã hiện thân như thi sĩ Homer, người viết kịch bản Hy lạp Iliad và Odyssey. Truyện Odyssey là gì? Đó là một thông điệp ẩn dụ, một biểu tượng của hành trình mà mọi linh hồn phải đi qua. Odysseus giản dị là biểu tượng của mọi dòng sống, phải rời nhà đi nơi xa cho đến khi gặp gỡ, đối đầu và khắc phục từng phàm linh mà chính mình đã tạo ra. Và chỉ khi đó, con mới có thể về nhà, bằng cách tiếp xúc trực tiếp bằng nội tâm với Hiện diện TA LÀ và cái Ta Ki-tô của mình, với các chân sư thăng thiên. Chỉ khi đó thì cuộc hành trình của con mới tới khúc quanh nơi con biết là con đã thăng vượt tâm thức xem mình là một sinh thể tách biệt và mất liên lạc, bị những sinh thể tách biệt và mất liên lạc khác chống đối.

Con thấy chăng, phần nào trong con đang cảm thấy bị các tà linh đen tối do sa nhân tạo ra chống đối? Ấy, đó chỉ là những phàm linh mà con đã tạo ra. Vì chỉ phàm linh tách biệt mới cảm thấy bị phàm linh tách biệt khác chống lại. Tánh linh Duy nhất (the One Spirit), Tánh linh không phân chia, Tánh linh không thể phân chia, Thánh linh (Holy Spirit), không cảm thấy bị các phàm linh tách biệt chống đối, bởi vì nó biết nó vượt lên trên chúng, nó ngoài tầm với của chúng. Bởi vì ngay khi nó cảm nhận sự tấn công thì nó làm gì? Nó không phủ nhận chuyện đó. Nó không đánh lại. Nó chỉ giản dị thăng vượt chính nó để trở thành trong suốt đối với lực đang phóng tới.

15.5. Bắt đầu con đường tu chân chính

Giờ đây, mục đích của thày khi cho ra cuốn sách này là chuẩn bị cho con nhận sự khai ngộ của bảy vị Thượng sư, để con có thể bắt đầu con Đường của Bảy bức Màn leo từ tầng tâm thức 48 lên tầng 96. Vậy thì con cần gì để bắt đầu con đường này? Con đang sống trong bát cung vật lý (physical octave) của hành tinh trái đất. Các thày, những chân sư thăng thiên, đã trao truyền một số giáo lý có thể đọc được trong sách và trên mạng Internet. Con có thể tìm thấy các giáo lý này. Bình thường thì con sẽ không tìm gặp được giáo lý cho tới khi con xuống tận đáy vực thẳm và quyết định quay đầu và mong muốn cái gì hơn những vật lộn. Tuy nhiên, con có thể tìm thấy giáo lý khi con chưa tới tầng tâm thức 48 vì lẽ dĩ nhiên, làm sao con có thể leo trở lên tầng tâm thức 48 nếu con không có một khung tham chiếu nào đó?

Do đó điều mà thày đang cố giải thích ở đây là: trước khi con có thể tiến lên trên tầng 48, con phải tiêu trừ những phàm linh mà con đã tạo ra ở dưới tầng này. Nhưng ngoài các phàm linh của riêng con, có một phàm linh khác mà con cần tiêu trừ, đó là phàm linh mà thày có mô tả ở phần trên, là phàm linh cảm thấy bị đe đọa, cảm thấy cần phóng chiếu vào tâm người khác và muốn thay đổi người khác thay vì thay đổi chính mình.

Con hãy lắng nghe điều thày đang nói – không phải chỉ đọc các giòng chữ, mà lắng nghe những gì thì thày muốn nói giữa hai giòng chữ, giữa các chữ. Có ba giai đoạn trong số 144 tầng tâm thức, nhưng có hai giai đoạn chính: dưới tầng 48 và trên tầng 96. Sự khác biệt tuyệt đối là trước khi con tới tầng 96, con leo con đường tu như một sinh thể cá biệt. Điều này có ý nghĩa giản dị là: con cần hoàn toàn chú tâm vào việc thay đổi chính mình và không tìm cách thay đổi bất kỳ ai khác.

Con cần chú tâm vào lý tưởng mà Giê-su đã đề ra cách đây 2000 năm, là cái giằm trong mắt người anh em con cũng không quan tâm tới, vì con đang tập trung mọi sự chú ý vào cái đà trong chính mắt mình. Sau khi con đi qua tầng 96 thì con bước sang một giai đoạn khác trong đó con không cần nâng cái ngã cá biệt lên nữa. Sự thực là con cần khả năng và quyết tâm hy sinh mạng sống, hy sinh cái ngã cá biệt, những thành quả cá biệt, để nâng tất cả sự sống lên. Nhưng đây là một sự chuyển dời mà con chỉ có thể thực hiện ở tầng 96 và cao hơn.

15.6. Biện minh cho các phàm linh thấp

Vậy chuyện gì xảy ra dưới tầng 48? Đó là khi con tha hóa các tầng tâm thức cao, các tầng trên tầng 96, bằng cách phóng ra một phàm linh hung hãn. Con bắt đầu tạo ra những phàm linh hung hãn có mục đích điều khiển tâm người khác. Nhưng con không những chỉ làm thế mà con còn biện minh là mình làm vì một đại nghĩa cao cả, rằng con làm điều đó để đóng góp vào sự nghiệp của Thượng đế, chớ không phải vì lý do ích kỷ. Đây chính là phàm linh con cần tiêu trừ trước khi con có thể vươn lên trên tầng 48. Đó là lý do vì sao thày nói với con, một cách rõ ràng nhất có thể diễn đạt được bằng lời: “Nếu con muốn lên tới tầng tâm thức 96, nếu con muốn theo con đường tu tâm linh chân chính, nếu con muốn hội đủ điều kiện để đạt khai ngộ dưới sự hướng dẫn của bảy vị Thượng sư, thì con phải hội đủ một điều kiện này: con hãy ngưng chú tâm vào việc thay đổi người khác hay thay đổi thế giới! Con hãy rút lại mọi chú tâm muốn thay đổi bất cứ gì bên ngoài con. Thay vào đó, con hãy tập trung hết sự chú ý vào việc thay đổi trạng thái tâm thức của chính mình, tiêu trừ những phàm linh mà con đã tạo ra và thể hiện những bài học tích cực của bảy tia sáng, ngõ hầu xây dựng cái ta cá biệt.”

Con sẽ không thể lên tới tầng 96 bằng cách thay đổi thế giới hay người khác. Con sẽ chỉ lên tới đó như một cá nhân. Sau đó ở tầng 96, có một sự chuyển đổi. Nhưng con không cần quan tâm điều này trong lúc này, vì lý do giản dị là nếu con đang đọc hay nghe những lời giảng này, thì bước kế tiếp trên con đường tu cá nhân của con là con tập trung vào các khai ngộ của bảy vị Thượng sư. Con đừng đánh lừa mình và cho rằng con không cần được bảy vị Thượng sư khai ngộ.

Thày đã nói là có thể con đã ở trên tầng tâm thức 48, và do đó con có thể tiến nhanh. Nhưng con vẫn cần đủ khiêm nhường, thực tiễn và trung thực để bắt đầu ở mức khởi đầu, bắt đầu với vị Thượng sư của Tia thứ Nhất và dần dần học lên cao hơn, như vậy con không nhảy bước và bỏ sót bất cứ phàm linh nào còn lởn vởn trong tiềm thức của mình, vì nếu không sau này chúng sẽ xuất hiện và tìm cách nuốt chửng con, vì quả thực chúng tăng trưởng khi có thể ẩn núp.

Con thấy chăng, hậu quả của lời thày dạy trong phần trước giản dị là, dù con có phớt lờ hay phủ nhận sự hiện hữu của những tà linh đen tối hay những phàm linh mà con đã tạo ra, chúng vẫn phóng năng lượng vào tiềm thức của con, và điều này có nghĩa là những phàm linh nào đang lởn vởn trong đó sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những nơi ẩn nấu được duy trì vì con không chịu nhìn vào chính mình.

Không chịu nhìn vào tâm thức và tiềm thức của mình, là cách chắc chắn nhất để nuôi dưỡng những phàm linh trong đó. Và chúng sẽ tiếp tục tăng trưởng cho tới khi con quyết định ngưng cố ý phớt lờ và soi rọi ánh sáng của Hiện diện TA LÀ, ánh sáng của bảy tia sáng, vào những hang động trong tiềm thức, xối rửa những phàm linh này ra ánh sáng để con nhìn thấy chúng. Và sau đó, dưới sự hướng dẫn thiện nghệ của bảy vị Thượng sư, con sẽ tiêu trừ từng phàm linh một.

15.7. Con không đơn độc một mình

Con không cần phải sợ chuyện này, vì con sẽ không phải đối đầu với tất cả phàm linh cùng một lượt, và con sẽ không phải đối đầu với bất cứ phàm linh nào cho tới khi con sẵn sàng tiêu trừ nó. Và con cũng không phải đối đầu nó một mình. Con đang đi trên con đường tu của bảy vị Thượng sư. Đây là điều các thày cống hiến con trong cuốn sách này và các cuốn sách tới, và các thày đã đưa con vào con đường này qua cuốn đầu của bộ sách này.

Do đó, con thấy chăng, con không đi một mình. Con sẽ không phải đối đầu các phàm linh một mình. Con sẽ có một vị Thượng sư ở bên con. Con cũng sẽ có vị Đại thiên thần và Elohim của tia sáng đó bên con. Như vậy, nếu con sẵn sàng, con sẽ có mọi sự hướng dẫn, mọi dụng cụ và kiến thức cần thiết để nhìn thấu các phàm linh và tiêu trừ chúng từng con một.

Tuy nhiên con không thể bắt đầu con đường tu cho tới khi con ít nhất nhìn nhận một phàm linh khiến con hướng sự chú tâm của mình ra bên ngoài. Đây là yêu cầu duy nhất. Bởi vì, con yêu dấu, đây là một sự thật giản dị. Các thày, bảy vị Thượng sư, và thày là người thứ tám, các thày là những vị thày tâm linh chân chính của nhân loại. Các thày được chưởng giáo đoàn hoàn vũ giao cho nhiệm vụ nâng cao các dòng sống trên trái đất. Nhưng các thày tìm cách nâng cao cái gì? Các thày tìm cách nâng cao cái mà Giê-su đã nói tới, khi thày nói với Nicodemus rằng không có ai có thể thăng thiên trở về thiên đàng mà không từ thiên đàng đi xuống trước đó. Và cái đi xuống từ thiên đàng chính là cái Ta Biết, là trạng thái nhận biết thuần khiết. Cái mà con đã tạo ra sau đó là cái ngã tách biệt, là một ý niệm bản sắc tách biệt gồm nhiều phàm linh đơn lẻ. Các thày, các Thượng sư, không có trách vụ nâng cao các phàm linh đó. Đây không phải là công việc của các thày, và các thày sẽ không làm sai thiên chức của mình.

Các thày sẽ không giúp con nâng cao cái ngã tách biệt. Do đó, nếu con chưa nhận ra mục tiêu thật của con đường tu là nâng cao cái ta chân chính, thì các thày chưa thể khởi sự giúp con. Và yêu cầu duy nhất để con nhận ra điều này, là con nhìn nhận sự kiện là con ở đây để nâng mình lên tới tầng 96. Và điều này đòi hỏi con ngưng chú tâm vào việc thay đổi bất cứ ai và bất cứ điều gì ở bên ngoài con. Điều này đã bắt đầu rõ ràng đối với con chưa?

Thày hy vọng là nó đã rõ cho những ai đã sẵn sàng. Và với những ai chưa sẵn sàng, thì vị thày chưa thật sự hiện ra với họ, phải không con? Vì con không thấy được thày. Con không nghe được thày. Con không thật sự nhận ra thông điệp đang tuôn chảy từ đây.

Con vẫn còn quá tự đồng hóa với một trong những phàm linh tách biệt mà con đã tạo ra, nên con đã đến với con đường tâm linh và nghĩ rằng con sẽ được trợ giúp để nâng cao và kiện toàn phàm linh đó, cho tới khi nó được Thượng đế chấp nhận và được cho phép vào thiên đàng. Nhưng, như Giê-su đã nói, con sẽ không vào được tiệc cưới nếu không mặc áo tiệc cưới. Và áo tiệc cưới là chiếc áo con dệt khi con đi tới tầng tâm thức 96 và cao hơn nữa. Và điều này, thày bảo đảm với con, là một tiến trình mà không ai gian lận được.

15.8. Công nhận giá trị của phàm linh

Thày hiểu rất rõ là khi con nhìn thế giới và chính con xuyên qua phin lọc của một phàm linh tách biệt, thì con nghĩ rằng con có thể khiến thế giới tuân theo con. Khi con tìm cách thay đổi thế giới hay người khác thì mục đích của con là gì? Con đang tìm cách khiến thế giới hay người khác công nhận giá trị của cái ngã tách biệt của con, phàm linh tách biệt của con. Vì con nghĩ rằng – hay đúng hơn, cái ngã tách biệt và tự ngã nghĩ rằng – nếu toàn thể thế giới công nhận sự toàn hảo của phàm linh của con, thì Thượng đế sẽ phải cho phép nó vào Thiên đàng. Nhưng con thấy chăng, đây là ảo tưởng chủ yếu trên con đường tu.

Khi con quá đồng hóa với phàm linh tách biệt và bị nó làm mù quáng, thì con nghĩ rằng phàm linh này có thể lừa Thượng đế. Con nghĩ rằng con có thể khiến Thượng đế, các chân sư thăng thiên, trong đó có các vị Thượng sư, nhìn đời xuyên qua phin lọc nhận thức của phàm linh, nhưng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra, con yêu dấu. Các thày sẽ không bao giờ công nhận phin lọc nhận thức của con là sự thật. Và các thày cũng sẽ không bao giờ cho phép phàm linh tách biệt được vào cõi cao của các trường bí giáo và các khóa nhập thất ở cõi bản sắc của các thày .

Các thày không ở đây để nâng cao phàm linh tách biệt. Các thày không ở đây để nâng cao cái ngã không thật của con. Các thày ở đây để nâng cao cái ta thật của con. Đây là công việc của các thày. Đây là tình thương của các thày. Các thày có tình thương vô tận và vô điều kiện cho cái ta thật của con.

Các thày cũng có tình thương vô tận và vô điều kiện cho cái ngã không thật của con, và đó là lý do vì sao các thày nhìn thấu tất cả những ảo tưởng của nó. Do đó, các thày sẽ không cho phép các phàm linh tách biệt đem điều kiện của chúng vào cõi tâm linh, cõi của vô điều kiện và vô tận.

Con có thấy chăng, con có thấy chăng đây là cái thật; cái thật mà TA LÀ? Vì TA LÀ Đại thượng sư.

Bị ảnh hưởng bởi tâm thức chết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 6/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Trong bài này chúng ta hãy tìm hiểu thêm về tâm thức chết. Thầy cần con nhìn lại cuộc đời mình. Thầy cần con bắt đầu nhận ra là tâm thức chết đã ảnh hưởng con bằng nhiều cách, có khi hiển nhiên, có khi không hiển nhiên. Con có thể nghĩ – và đây là một chuyện thông thường nơi con người trên trái đất, ngay cả những người tâm linh – là tâm thức chết có tính chất thụ động. Con có thể đã tin rằng không còn gì nữa sau khi chết. Chết giống như một giấc ngủ ngàn thu, như quả thực nhiều khoa học gia duy vật đã nói.

Tuy nhiên thày có thể bảo đảm với con là tâm thức chết không phải là một lực thụ động. Nó là một lực cực kỳ hung hãn, nhưng nó thực sự có khả năng ngụy trang, cho nên hầu hết mọi người không nhận ra là họ bị nó tấn công 24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, 365 ngày mỗi năm trong suốt cả đời họ. Và ngay cả trong tất cả mọi kiếp đầu thai của họ trên hành tinh này, là nơi tâm thức chết ảnh hưởng tất cả mọi thứ, đến độ rất khó tìm được một điều gì không bị nó ảnh hưởng. Do đó, dĩ nhiên là hậu quả sâu sắc và vi tế nhất của tâm thức chết là khi mọi người bị nó bao trùm trong một thời gian quá dài như vậy thì họ không còn một khung tham chiếu (frame of reference) nào cho họ biết là có một cái gì bên ngoài tâm thức chết. Và họ cũng không thấy được cái đó, không kinh nghiệm được nó trong đời sống hàng ngày của họ.

13.1. Kinh nghiệm nội tại về Thánh linh

Đây dĩ nhiên là một chức năng chủ yếu của tôn giáo, hay đúng hơn, của tâm linh. Đó là dẫn con người tới chỗ trải nghiệm trực tiếp Thánh linh (Holy Spirit) từ trong nội tâm, trải nghiệm tâm thức của sự sống, Dòng sông sự Sống. Để con người không những biết bằng trí năng là có cái gì ở ngoài tâm thức chết nhưng thực sự trải nghiệm điều đó. Chỉ khi nào con trải nghiêm có cái gì ở ngoài tâm thức chết, thì con mới thực sự có được một khung tham chiếu. Hiểu biết trí thức không thể chuyển đổi tâm thức của con; con chỉ chuyển đổi tâm thức khi con có kinh nghiệm nội tại trực tiếp là có cái gì vượt quá tâm thức chết.

Do đó, điều đáng lý xảy ra là tất cả các tôn giáo thật phải dẫn con người đi trên một con đường giúp họ tuần tự nâng cao tâm thức qua nhiều mức độ. Trên con đường đó, họ sẽ vứt bỏ một số ảo tưởng của tâm thức chết, cho tới khi rốt cuộc họ trải qua một buổi lễ hay một nghi thức và có kinh nghiệm thoát khỏi trạng thái tâm thức bình thường bị tâm thức chết ảnh hưởng rất nặng, và trải nghiệm cái gì hơn nữa.

Cái hơn nữa này, con cũng có thể nghe thấy trong giọng nói của thày, hay con “nghe” thấy giữa hai giòng chữ khi con đọc bài giảng này. Và con biết qua lời thày giảng là có cái gì hơn nữa, là thày LÀ HƠN NỮA. Con biết là thày hơn tâm thức chết, và vì thày không ở trong tâm thức chết, nên thày không bị bó buộc phài tuân theo nó. Thày hoàn toàn không có ý định tuân theo nó, và thày sẽ không tuân theo nó. Do đó, nếu con có những kỳ vọng mà con phóng chiếu lên thày và bảy vị Thượng sư, là các vị thày tâm linh, thì các thày sẽ không giúp được con, trừ phi con chịu xét lại những kỳ vọng này. Và trừ phi con chịu, như một hành động tiên quyết trong khóa học này, để cho các thày phá tan các kỳ vọng của con bằng cách không làm theo chúng, thách đố chúng, và cố ý vượt lên trên chúng. Con có thấy chăng đây là một điều cơ yếu, một điều hoàn toàn cơ yếu, trên con đường tâm linh? Con không thể tự mình thoát khỏi tâm thức chết một khi con đã bị bao trùm trong nó. Tâm con đã trở thành một hệ thống đóng. Vì tác dụng tối hậu của tâm thức chết là nó là một hệ thống đóng cắt đứt khỏi năng lực ban sự sống của Dòng sông sự Sống, của Thánh linh.

13.2. Từ tách biệt đến duy nhất

Tâm thức chết bao gồm vô số phàm linh giả, vô số phàm linh tách biệt, và chúng không thể nhìn thấy Thánh linh. Nếu chúng thấy và nhìn nhận Thánh linh, thì ngay tức khắc chúng sẽ không còn tồn tại như phàm linh tách biệt. Con yêu dấu, con có thấy điều này chăng? Con có ít nhất thoáng thấy điều này chăng? Con không thể cùng một lúc vừa tách biệt vừa hợp nhất được. Con không thể nào vừa có ổ bánh vừa ăn nó.

Đây là một bước ngoặt cơ yếu trên con đường tâm linh khi con nhận ra là nếu con muốn một cái gì hơn cái con hiện có, thì con không thể tiếp tục ở trong trạng thái tâm thức hiện tại của mình. Con không thể tiếp tục thoải mái nếu con muốn tăng triển tâm linh. Vì tâm thức chết quả thực có thể khiến con người thoải mái đến độ họ tin chắc rằng nếu họ tiếp tục làm những gì họ đang làm ngay lúc này – và tiếp tục tin những gì họ đang tin ngay lúc này, và tiếp tục đi nhà thờ mỗi chủ nhật – thì Thượng đế sẽ giản dị phải cứu rỗi họ và đưa họ lên thiên đàng.

Tuy nhiên, tâm thức chết cũng có thể, lẽ dĩ nhiên, khiến con người vô cùng bất an. Và điều này sẽ xảy ra do định luật thứ nhì của nhiệt động học, chính là vòng xoắn ốc tự củng cố qua đó mọi sự sẽ tự củng cố, cho dù đó là lực tách ra hay bên ngoài cái Duy nhất. Do đó, tâm thức chết sẽ phải trở nên càng ngày càng cực đoan cho tới khi nó khiến con càng ngày càng cảm thấy bất an.

Tuy thế, điều gì cũng có hai mặt alpha và omega, và có người sẽ thoải mái trong khi người khác sẽ trở nên vô cùng bất an. Và dĩ nhiên là những người đang thoải mái sẽ không muốn thay đổi, phải không con? Vì tại sao họ lại phải thay đổi, khi họ đang thoải mái nghĩ rằng một ngày nào đó Giê-su sẽ từ trên trời hiện xuống và cứu rỗi họ? Hoặc là một vị cứu tinh nào khác sẽ tới làm công việc của họ thay cho họ.

13.3. Một phương cách khác với vật lộn

Do đó, sau khi con người đã thoải mái trong một thời gian, thì tất nhiên là sau đó họ sẽ bắt đầu bị cuốn vào vòng xoắn hướng hạ, và vòng xoắn này sẽ gia tăng cường độ cho tới khi họ không còn chịu nổi nữa và nhận ra rằng: “Tôi không thể tiếp tục như thế này, chuyện gì đó phải thay đổi!” Sau đó, họ bắt đầu nhìn sự việc một cách thiết thực, và nói: “Tôi có thể thử kiểm soát thế giới chung quanh tôi, nhưng phải chăng là tôi đã làm chuyện này rồi và chẳng được kết quả gì, chỉ bị kẹt cứng như hiện nay. Tôi cảm thấy chẳng đi được đâu hết và cuộc đời của tôi là một sự vật lộn không ngừng, vì tôi lúc nào cũng phấn đấu chống lại cái gì đó bên trong tôi.” 

Sau đó họ tỉnh ngộ và nói: “Có phương cách nào khác vật lộn này chăng? Có lối sống nào khác việc tìm cách thay đổi một người hay một chuyện bên ngoài mình? À, quả thực là có. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi quyết định nhìn vào tấm gương và lấy cái đà ra khỏi mắt mình và thay đổi tâm thức của mình?”

Khi con tới điểm đó thì con nhận ra là con không thể thay đổi tâm thức của mình mà vẫn thoải mái và tiếp tục tin những gì con đang tin ngay lúc này.  Bất kể những niềm tin và mong đợi mà con có về cuộc đời, về tâm linh, về tăng triển tâm linh, và về các chân sư thăng thiên, con không thể tiếp tục duy trì chúng và đồng thời tiến bộ trên con đường tu. Con có hiểu điều thày đang nói chăng?

Có nhiều người đã biết đến các chân sư thăng thiên từ mấy chục năm nay, đã học giáo lý và thực hành các nghi thức. Nhưng nhiều người trong số đó chưa bước lên con đường tu thực sự vì họ vẫn quan niệm con đường tu của các chân sư thăng thiên là một con đường vỏ ngoài, tức là họ làm một số chuyện vỏ ngoài và học giáo lý vỏ ngoài nhưng không cần nhìn vào chính họ. Họ cho rằng họ không cần thực sự thay đổi tâm thức của họ. Và do đó, đây vẫn là tâm thức chết. Con có thể biết các chân sư thăng thiên, con có thể học giáo lý của các thày và thực tập các nghi thức của các thày, nhưng con vẫn ở trong tâm thức chết.

13.4. Hạt Ngọc trai Quý giá

Con có thể nghĩ mình đã đi trên con đường tu hàng mấy chục năm, nhưng con vẫn có thể ở trong tâm thức chết. Và con sẽ tiếp tục ở trong tâm thức chết cho tới khi con làm điều mà thày đã nói trong các bài giảng trước, và nhận ra rằng con đang nhìn mọi chuyện xuyên qua một phin lọc nhận thức và phin lọc nhận thức này bị ảnh hưởng bởi tâm thức chết. Và cách duy nhất để con tăng triển vượt qua mức tâm thức hiện tại của mình là con sẵn sàng để cho một vị thày tâm linh chất vấn phin lọc nhận thức đó. Vị thày này không ở trong hộp tư duy của con và cũng không ở trong tâm thức chết. 

Đây là điều mà các thày, các Thượng sư của bảy tia sáng, có thể cống hiến cho con. Các thày có thể cho con một khung tham chiếu. Các thày có thể hứa với con là các thày sẽ chất vấn một cách có hệ thống những kỳ vọng của con. Các thày sẽ chất vấn sự thoải mái của con. Các thày sẽ chất vấn tâm thức chết. Và nếu con sẵn sàng gắng chịu được chuyện này thì các thày có thể giúp con. Và nếu con không sẵn sàng gắng chịu được chuyện này, các thày sẽ không thể giúp con. Nếu con không sẵn sàng chịu đựng thì các thày sẽ không giúp được con. Lúc đó con sẽ phải đi nơi khác. Hoặc con tiếp tục ở lại chỗ cũ, và hoàn toàn tin tưởng là con đang tu đúng và một ngày nào đó – bỗng nhiên – con sẽ thăng thiên.  

Nhưng thày có thể cho con biết là có người đã trong nhiều kiếp chờ đợi giây phút bỗng nhiên đó mà vẫn chưa thăng thiên. Và do đó, lý do các thày đã thăng thiên chính là vì các thày đã ngừng không chờ đợi giây phút bỗng nhiên đó, các thày đã ngừng không đi tìm cây gậy thần và thay vào đó bắt đầu nhìn vào chính mình. Khi con sẵn sàng thì các vị thày thật trong số các chân sư thăng thiên sẽ hiện ra trong đời con dưới hình thức này hay hình thức khác – có thể bắt đầu bằng một quyển sách, hay một giáo lý vỏ ngoài – nhưng sau đó sẽ trực tiếp ở trong tim con. Lúc đó con sẽ nghe tiếng các thày, cảm nhận các thày, cảm nhận sự hiện diện của các thày, cảm nhận sự rung động của các thày.

Và khi con cảm nhận sự rung động của một vị chân sư thăng thiên là lúc con đạt được một khung tham chiếu vượt lên trên ngôn từ và vượt lên trên mọi chuyện có thể viết vào một quyển sách. Đó thực sự là một cơ hội vô giá, là Hạt Ngọc trai Quý giá, giúp con vươn lên cao hơn và hòa điệu tâm thức của mình với rung động của các thày. Và qua đó con cho phép các thày nâng con lên, để con có thể vươn lên trên tâm thức chết. 

13.5. Tâm thức chết là một lực hung hãn

Nếu con nhìn lại cuộc đời mình thì con sẽ thấy là tâm thức chết đã ảnh hưởng con bằng nhiều cách. Con hãy nhìn hình thức rõ rệt nhất là hành động vật lý bên ngoài. Khi con là một trẻ thơ, có phải chăng là con có từng bị các trẻ em khác trêu ghẹo? Có phải chăng là con có từng bị bao vây? Có phải chăng là con có từng bị trẻ em khác tìm cách dọa nạt con hay tấn công con? Đó là những thí dụ của sự hung hãn của tâm thức chết.

Lẽ dĩ nhiên con cũng có thể thấy điều này trên bình diện rộng lớn hơn. Tội ác, tỷ dụ như có ai muốn chiếm đoạt tài sản hay giết hại con, đều là biểu hiện của tâm thức chết. Trên bình diện lớn hơn nữa là các nhà cầm quyền muốn đàn áp chính dân mình hay chinh phục các nước khác. Cả nền văn hóa chiến tranh đã có mặt trên hành tinh từ rất lâu cũng vậy.  Tại sao con phải lớn lên lo sợ là có hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử do ai đó bấm nút phóng lên và bay tới tiêu diệt con và toàn thể quốc gia của con? Đó là biểu hiện của tâm thức chết. Nỗi sợ hãi chiến tranh, sợ hãi tai ương, là biểu hiện của tâm thức chết.

Do đó, con biết là suốt đời con, con đã bị tâm thức chết ảnh hưởng dưới nhiều hình thức. Nếu con lớn lên ở các nước Tây phương – là một phần tân tiến hơn, văn minh hơn, giàu có hơn của thế giới – thì có thể con không tiếp cận những biểu hiện thấp của tâm thức chết, nhưng chắc chắn là con cũng biết đến chúng. Và con biết đó là tâm thức chết vì nó hiển nhiên là một lực hung hãn. Và điều thày muốn nói với con là quả thực tâm thức chết là một lực hung hãn.

13.6. Cảm thấy mình hơn người khác

Như vậy, con sẽ thấy ở đây một điều rất giản dị. Thày đã giảng về 144 tầng tâm thức. Thày có nói là giữa tầng 48 và 96, con đi theo con Đường của Bảy Tia sáng, con Đường của Bảy bức Màn. Thày cũng có giảng là con có thể đi xuống dưới tầng 48, xuống tầng 47 và dưới hơn, bằng cách tha hóa bảy tia sáng.

Khi con nhìn vào những người đã đi vào tiến trình tha hóa này, thì con thấy ở các tầng cao nhất, ở tầng 47 hay dưới hơn, những người đó đã tha hóa Tia thứ Nhất. Ở các tầng kế tiếp con có những người đã tha hóa Tía thứ Nhất và Tia thứ Hai. Và dĩ nhiên là ở các tầng thấp nhất là những người đã tha hóa tất cả bảy tia sáng. Đó là những người đã trở nên càng ngày càng hung hãn, càng ngày càng tự tin là họ đúng, càng ngày càng sẵn sàng đàn áp và kiểm soát người khác bằng nhiều cách.

Điểm tương đồng nơi những người ở dưới tầng tâm thức 48 là họ có khuynh hướng tách mình ra khỏi người khác. Họ thích tự đặt mình vào một thành phần riêng biệt, đặc biệt hơn và cao cấp hơn người khác. Con có thể thấy nhiều khía cạnh của khuynh hướng này.

Con có thể thấy điều này nơi một số phong trào chính trị, tỷ dụ những người trong Liên bang Sô viết đã lớn lên tin rằng họ hơn những người sống ở các nước không cộng sản. Con có thể thấy cùng hiện tượng với chế độ Đức Quốc xã. Con cũng có thể thấy điều này nơi nhiều tôn giáo.

Có bao nhiêu người trong số người con biết tin rằng họ hơn người khác vì họ thuộc vào tôn giáo này hay tôn giáo nọ? Hay ngay cả vì họ thuộc vào phong trào tâm linh này hay phong trào nọ, hay ngay cả vì họ biết giáo lý của chân sư thăng thiên mà không ai khác biết đến, và do đó họ hơn những ai không thuộc vào phong trào hay không biết đến giáo lý đó.

Nhưng đó chính là tâm thức chết. Đó là mức độ thấp của tâm thức chết. Đó là chỗ con nghĩ rằng con hơn người khác vì một đặc tính thế gian nào đó. Trong Dòng sông sự Sống con còn không có thì giờ để xem xét người này giỏi hơn người kia vì chuyện này hoàn toàn vô nghĩa. Con luôn luôn chú tâm thăng vượt chính mình và giúp mọi sự sống khác tự thăng vượt.

13.7. Con phải trả giá khi cho mình hơn người khác

So sánh có lợi ích gì đâu? Trong Dòng sông sự Sống không có sự so sánh. Ngay cả ý tưởng điều này tốt hơn hay xấu hơn, cao hơn hay thấp hơn, cũng không có. Làm sao có thể có được khi con biết mọi người đều là một và tất cả đều là biểu hiện của cái Một. Và con quả thực có thể thấy là khi con rơi vào tâm thức nghĩ mình hơn người khác, thì tự động con sẽ phải trả một cái giá, như với mọi thành phần khác của tâm thức chết. Bởi vì khi con đi vào tâm thức chết thì con phải trả một cái giá, con phải gánh chịu hậu quả của việc mình làm. Và cái giá con phải trả là sẽ luôn luôn có điều gì đó mà con phải bù đắp.

Vì con thấy được sự thực vi tế này: cái Ta Biết xuất phát từ bản thể của chính đấng Sáng tạo. Nó biết nó xuất phát từ cái Một, và do đó nếu nó muốn đi vào tách biệt thì nó phải biện minh và giải thích. Đây là cái giá mà con phải trả. Con lúc nào cũng phải duy trì sự biện minh này và khi con đi vào tâm thức muốn mình hơn người khác, thì lẽ dĩ nhiên ngay lập tức con sẽ cảm thấy bị đe dọa bởi những người khác mình, những người có vẻ hơn mình, xét theo một thước đo nào đó mà con đã thiết lập.

Đã có một thời nhiều người ở Hoa Kỳ coi người có nước da màu đen thấp kém hơn người da trắng trên mọi phương diện. Sau đó, khi người da đen bắt đầu tham dự các môn thể thao và chơi giỏi hơn người da trắng thì người da trắng cảm thấy bị đe dọa. Nhưng lẽ dĩ nhiên tâm thức chết lúc nào cũng tìm ra một lối thoát. Nó có thể tạo ra tiêu chuẩn mới để con có thể tiếp tục cảm thấy mình vẫn hơn người khác.

Tuy nhiên, chắc con cũng thấy điều thày muốn nói: đó là con luôn luôn cảm thấy bị đe dọa. Và con phải làm gì để tránh mối đe đọa này? Con phải khóa chặt vào lực hung hãn – đã có mặt trên trái đất từ khi các sa nhân đầu tiên xuống đây – luôn luôn tìm cách phóng chiếu ra ngoài, tìm cách kiểm soát người khác và kềm giữ họ lại bằng cách nào đó. 

Cách thấp nhất để làm việc này dĩ nhiên là dùng vũ lực, kềm tỏa người khác bằng phương tiện vật lý, như con đã thấy nơi các chính quyền độc tài từ thời đế quốc La mã cho tới sau này – và ngay cả trước đó nữa – khi họ tìm cách đàn áp con người bằng vũ lực. Tuy nhiên, những người tâm linh, đa số những người đã mở tâm ra đón nhận bài giảng này, thì đã thăng vượt nhu cầu và ham muốn đàn áp người khác bằng vũ lực.

Nhưng con có thể vẫn còn vài tàn dư của tâm thức đó. Thí dụ, vẫn có người tin rằng cần phải duy trì một quân đội mạnh, như nhiều người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng tâm linh nhưng lại tin rằng Hoa Kỳ cần duy trì một quân đội vượt trội đủ sức đi tới bất cứ đâu trên thế giới và chiến đấu cho bất kỳ ý tưởng nào được đề cao. Nhưng con yêu dấu, những điều này cần phải bỏ đi khi con tiến gần hơn tới cái Một. Đúng thực là trên Thiên đường không có quân đội, bất kể những gì đã được ghi trong kinh Khải huyền hay các kinh sách khác cho rằng có một lực hung hãn trên đó. Trên đó chỉ có, như Đại thiên thần Michael đã nói, sự bất di dịch của những người đứng trên Tảng đá của Ki-tô và không thể bị tâm thức phản-Ki-tô lay chuyển.

13.8. Tùng phục tâm thức chết

Điều thày muốn nói là như sau. Các con là những người đã mở tâm ra chịu nghe bài giảng này thì không còn muốn đàn áp hay kiểm soát người khác bằng vũ lực. Các con đã tự nâng mình lên trên nhu cầu dùng vũ lực như là một cái gì chính đáng, ít nhất trên phương diện cá nhân. Tuy nhiên con vẫn có thể còn sót lại một tàn dư tiêu biểu của khía cạnh thấp hơn của tâm thức chết, đó là mong muốn chứng minh người khác sai, muốn chứng minh một số ý kiến sai, muốn thấy người khác bị hạ nhục, vạch trần, hạ bệ hay bị phán xét.

Tâm thức chết là một lực rất, rất hung hãn, và thày muốn con nhìn lại đời mình và nhận ra là ngoài những lực vật lý trực tiếp, thấy rõ, con đã tiếp cận một lực hung hãn vi tế hơn ngay khi con nhập vào tử cung của mẹ con, đã ảnh hưởng xúc cảm và tư tưởng của con. Đó là một phóng chiếu liên tục lên thể tình cảm của con, tìm cách khuấy động và kích động con rơi vào những cảm xúc thấp dựa trên sợ hãi chứ không dựa trên tình thương.

Và cao hơn nữa là một phóng chiếu liên tục lên thể lý trí của con, khiến con rơi vào những suy nghĩ, những khuôn nếp suy nghĩ tạo thành các vòng khép kín khiến tâm của con chạy loanh quanh vì con lúc nào cũng phóng chiếu là sự thay đổi cần phải xảy ra ở ngoài kia, những người khác là người cần thay đổi, ngõ hầu mục tiêu cao cả của con, bất kể con định nghĩa nó thế nào, được hoàn thành.

Đó chính là điều mà thày cần con bắt đầu nhận ra, là con đã tiếp cận lực này trong nhiều nhiều kiếp trên hành tinh này. Con yêu dấu, nó đã tấn công con không ngừng nghỉ. Trong suốt tất cả các kiếp đầu thai của con, nó đã đập vào con, đập vào các luân xa của con, đập vào tiềm thức của con. Cho tới khi, như trường hợp của tất cả chúng ta đã đầu thai vào hành tinh này, con chịu tùng phục nó, con chịu thua, và nói: “Thôi được rồi, tôi chịu đầu hàng để tôi có được chút yên ổn cho phần còn lại của kiếp sống này.” 

Con có nghĩ là các thày là chân sư thăng thiên đã không chịu ảnh hưởng của lực này và đã không tùng phục nó vào lúc nào đó? Con để ý thấy là có một số chân sư đã có những kiếp đầu thai như những nhân vật lịch sử nổi danh và có thể được coi là người xuất sắc hơn người thường. Nhưng con cũng để ý thấy là dù các thày đã có một số kiếp đầu thai như vậy nhưng cũng đã có – nếu con nhìn dòng thời gian một cách đường thẳng và lô-gíc – những lúc đầu thai không nổi danh chút nào.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các thày đã không đầu thai. Tất cả các thày đã có rất nhiều kiếp đầu thai như những người hay được coi là bình thường, không có gì đặc biệt. Và thày có thể nói chắc với con là tất cả các thày, trong các kiếp sống đó, đã có lúc phải chịu tùng phục tâm thức chết và lực hung hãn đó. Thày nói điều này vì thày muốn con hiểu là các thày đã trải qua những gì con đã trải qua. Các thày đều hiểu rõ là lực này hung hãn như thế nào, và các thày biết rất khó không tùng phục nó. Thày muốn con hiểu điều này vì thày muốn con nhận ra là các thày hoàn toàn không phê phán hay lên án con.

13.9. Giác ngộ mà không cảm thấy tội lỗi

Các thày hiểu là ở chỗ này lúc nào cũng có một nguy cơ, một nguy cơ cho người thày tâm linh. Cho tới lúc này, con có thể đã sống cả cuộc đời mà không nhận ra các vấn đề mà thày đang nêu ra. Do đó, chuyện gì sẽ xảy ra khi thày nêu lên là con có trong tâm thức con một thành phần của tâm thức chết? Con có thể nhìn vào gương và thấy: “Ồ, tôi đã ở trong tâm thức này, tôi đã bị tâm thức này ảnh hưởng”. Con cũng có thể thấy là con đã cho phép mình trở nên một biểu hiện của tâm thức đó, làm cho người khác một số điều mà họ đã làm cho mình. 

Do đó, điều lúc nào cũng xảy ra là: có một số đệ tử tâm linh thấy ra điều này nhưng ngay tức khắc phủ nhận nó. Và điều này sẽ cản trở sự tiến bộ của họ. Có một số khác chịu nhìn vào những khuyết điểm của mình, nhưng lại quá sốt sắng khiến họ tự lên án mình và cảm thấy tội lỗi. Điều này cũng sẽ cản trở sự tiến bộ của họ.

Con có thấy điều thày muốn nói chăng? Tâm thức chết tìm cách tạo ra thế kẹt cứng khiến các thày, là các vị thày tâm linh chân chính, không thể nâng con lên được. Khi các thày giúp con nhận ra tâm thức chết, thì tâm thức chết sẽ dùng điều đó để kềm con lại trên con đường tu, để hạ thấp con xuống, hay dụ dỗ con phủ nhận, để rồi con không thực sự vượt lên trên tâm thức chết được.

Và đây dĩ nhiên không phải là điều mà thày và các Thượng sư mong muốn. Các thày muốn con nhìn nhận một cách công khai, tự do và có ý thức là có tâm thức chết trên hành tinh này. Nhưng các thày không muốn con phủ nhận nó hay cảm thấy tội lỗi, vì điều đó sẽ cản trở sự tiến bộ của con. Vì quả thực cả hai thái độ phủ nhận lẫn cảm thấy tội lỗi đều là biểu hiện của tâm thức chết. Con không thể vượt qua tâm thức chết bằng cách dùng tâm thức chết. Thày hy vọng là điều này đã hiển nhiên cho những ai đã mở tâm đón nhận các bài giảng này của thày.

Vậy con đừng có thái độ phủ nhận. Con cũng đừng cảm thấy tội lỗi và lên án mình. Con không tệ hơn bất cứ ai khác đã từng đầu thai trên hành tinh này. Hành tinh này là một hành tinh đen tối nơi tâm thức chết rất mạnh. Và điều giản dị là không thể đầu thai trên hành tinh này mà không tùng phục hay thỏa hiệp với tâm thức chết một cách nào đó. Chưa từng có ai đầu thai ở đây mà không bị ảnh hưởng bởi tâm thức chết. Con có thể nghĩ, tùy theo truyền thống tôn giáo của con, là Giê-su, Phật hay Krishna không tùng phục tâm thức chết. Nhưng thày nói con, ba vị này đều đã từng có những tiền kiếp trong đó họ tùng phục tâm thức chết. 

13.10. Vượt lên trên tâm thức chết

Con có hiểu chăng là con giản dị không thể nào đầu thai ở đây mà không tùng phục tâm thức chết một cách nào đó, vì nếu không thì dòng sống của con, cái Ta Biết của con, không thể nhập vào một thân thể vật lý trên một hành tinh như trái đất này? Điều này không thể xảy ra được.

Vậy điều thày nói ở đây là: con hãy quên đi sự kiện là con đã vào tâm thức chết. Con đừng cảm thấy tội lỗi. Con đừng phủ nhận điều đó. Nó không quan trọng. Đó là một sự kiện. Con không thể nào nhảy vào biển mà không bị ướt. Con đừng vì thế mà cảm thấy tội lỗi. Con đừng bơi trong biển và nói: “Tôi không bị ướt, tôi không bị ướt!” Con hãy chấp nhận sự kiện con đã chịu tùng phục tâm thức chết và mọi người đều đã làm như thế, nhưng bây giờ đã đến lúc con quay lại và nói:

“Con đồng ý rồi, con thấy rồi, con chấp nhận rồi, bây giờ làm sao con vượt qua nó? Đại thượng sư, bảy vị Thượng sư, các thày hãy chỉ đường cho con. Con sẵn sàng vươn lên trên tâm thức chết. Con nhận ra rằng ngay bây giờ con không thấy được con đã bị tâm thức chết ảnh hưởng như thế nào. Con muốn thày dạy con. Con muốn thày chỉ cho con thấy. Con muốn lên cao hơn. Và con sẵn sàng nhìn vào chính mình và nhìn vào những kỳ vọng, những hình tư tưởng và phin lọc nhận thức của con. Và con sẵn sàng để thày chất vấn chúng. Có thể là con chưa đủ sức để thày chất vấn chúng cùng một lúc, nhưng con sẵn sàng để thày chất vấn từng mảnh một, để con có thể dần dần lên cao hơn trong khi vẫn giữ được sự liên tục của ý niệm mình là ai.”

Con yêu dấu, con đang đọc hay nghe bài giảng của thày. Con đang trải nghiệm bài giảng của thày xuyên qua phin lọc nhận thức mà con đang có ngay bây giờ. Thày biết điều này. Thày thấy điều này. Thày không ở trong phin lọc nhận thức của con. Thày không có một phin lọc nhận thức dựa trên tâm thức chết. Đó là lý do vì sao thày là một chân sư thăng thiên.

Do đó, thày thấy rất rõ những khó khăn mà con phải đương đầu. Thày không chờ đợi con tỉnh giác và đập tan phin lọc nhận thức trong một khoảnh khắc. Bởi vì tất cả chúng ta, khi còn đang đầu thai, đã tạo nên một cái ta cho chúng ta, không những một ý niệm bản sắc mà còn một ý niệm liên tục. Do đó, nếu con đột nhiên rũ bỏ ý niệm bản ngã đó, con sẽ bị khủng hoảng trầm trọng vì không biết mình là ai nữa, và sẽ gần như chắc chắn phải vào bệnh viện tâm thần vì con không còn biết sinh hoạt trong đời nữa. Và lẽ dĩ nhiên các thày không muốn thấy đệ tử phải vào bệnh viện tâm thần, hay quyết định rút lui khỏi thế gian vì không còn khả năng sinh hoạt trong đời.

13.11. Tâm linh trong Thời đại Bảo bình 

Con thấy chăng, các chân sư thăng thiên không khuyến khích các đệ tử rút lui khỏi thế gian, rút lui khỏi đời sống năng động. Các thày khuyến khích các con vừa đi trên con đường tâm linh vừa gia nhập cuộc sống trên hành tinh này. Các thày muốn con chứng minh lối sống này, vì đây là đặc tính tâm linh của Thời đại Hoàng kim của Saint Germain. Trong Thời đại Song ngư, một mẫu đồ khả thi là có một số người rút lui khỏi thế gian, sống ẩn tu trong hoang vu như Giê-su đã làm, hay trong hang động Hi Mã Lạp Sơn, và chú tâm trở về nội tâm và thiền quán về Thượng đế, vì như vậy họ có thể giữ cán cân tâm linh cho đa số. Nhưng mẫu đồ tu này không còn áp dụng trong Thời đại Bảo bình. Thời đại Bảo bình là thời đại của Thánh linh, và Thánh linh tuôn chảy xuyên qua nhiều người. Đây cũng là thời đại của cộng đồng trong đó con tham gia vào đời sống.

Và khi các con nghe nói là thời Hoàng kim là thời đại của cộng đồng thì con đừng hiểu lầm. Các thày không nói tới việc tạo dựng một tôn giáo mới sẽ là tôn giáo uy thế nhất trong Thời Hoàng kim. Đây không phải là viễn quan của các chân sư thăng thiên, vì các con đã thấy là trong Thời đại Song ngư đã có các tôn giáo giành độc quyền: “Chúng tôi là tôn giáo chân chính duy nhất. Chúng tôi là tôn giáo duy nhất có thể đưa quý vị lên Thiên đàng”. Do đó, họ tìm cách kéo mọi người vào tôn giáo của họ, và họ tìm cách mô tả tất cả các tôn giáo khác là giả. Các con có thấy chăng đó chỉ là một biểu hiện của tâm thức chết mà thày đã nói tới, nó muốn con cảm thấy mình hơn người khác? Đây không phải là mẫu đồ của Thời đại Bảo bình. 

Cộng đồng có nghĩa là tụ họp trong tình thần hợp nhất. Làm sao con có thể hòa hợp trong hợp nhất khi con muốn đứng riêng ra? Con có thể nghĩ là mình đang hòa hợp với một nhóm nhỏ. Nhưng cái giá con phải trả là con sẽ tách mình rất xa khỏi người khác. Và thày có thể nói một cách chắc chắn tuyệt đối là trong những tôn giáo hay phong trào tâm linh có tâm thức này – tự cho mình là tôn giáo chân chính duy nhất và do đó hơn tất cả các tôn giáo khác – ngay cả tín đồ của họ cũng không thể hòa hợp được. Làm sao họ có thể hòa hợp khi văn hóa cơ bản của phong trào dựa trên sự chia rẽ? Làm sao con có thể làm vậy được?

Con cũng có thể, nếu con xem xét một cách trung thực, nhìn vào các phong trào chân sư thăng thiên và đệ tử chân sư thăng thiên và thấy là các đệ tử đã không hòa hợp được. Đó chính là vì tổ chức hay văn hóa, giống như biết bao nhiêu tôn giáo và phong trào tâm linh khác, đã dựa trên tinh thần tách mình ra khỏi người khác. Vì vậy điều các thày mong muốn trong Thời đại Bảo bình là các đệ tử hòa hợp trong hợp nhất với cộng đồng rộng của toàn thể nhân loại bằng cách đóng vai trò tích cực trong xã hội, đồng thời chứng minh tính chất tâm linh của mình.

13.12. Tách ra khỏi tâm thức chết

Do đó, con có thấy chăng đây lại là một thách đố tinh vi của tâm thức chết? Thày cần các con nhận ra là mình đã tiếp cận tâm thức chết. Thày cần các con quyết định là con muốn tách ra khỏi tâm thức chết. Trong tiến trình này, con sẽ trải qua một giai đoạn con phải tách mình ra khỏi những người đang ở trong tâm thức đại chúng. Khi đi qua tiến trình này, con sẽ phải trải qua một giai đoạn mà con phải tách mình ra khỏi tất cả những người đang ở trong tâm thức đại chúng. Giống như câu của Thánh kinh: “Tách riêng ra và trở thành một nhóm người tách biệt và được chọn lựa, đã chọn Thượng đế”. Bởi vì các con đã chọn vươn lên một lý tưởng cao hơn những gì người trong tâm thức đại chúng có thể thấy.

Do đó, con cần tách riêng ra để có thể lên cao hơn. Nhưng thày muốn con biết ngay từ khởi đầu là mục đích tối hậu không phải là con tiếp tục tách mình riêng ra. Nhưng con sẽ tới một điểm khi con đã tách mình đủ ra khỏi tâm thức chết và không còn bị nó kéo xuống hay làm mù quáng. Đó là lúc con không còn ở trong hang núi nữa mà bước ra ngoài xã hội, tích tực tham gia vào xã hội và thể hiện tâm thức sống. Và có thể con đã tới chỗ con có thể sống một đời sống tích cực mà vẫn biểu lộ được tâm linh của mình.

Cái mà thày đề nghị giản dị là giúp con tự giải thoát thêm khỏi tâm thức chết để con có thể biểu lộ tâm linh của mình rõ hơn nữa. Với những ai chưa tới chỗ này thì thày đề nghị con tách ra, đứng qua một bên; không phải là tự xé banh mình ra – tuy rằng tự ngã của con sẽ cảm thấy nó đang bị xé banh ra, đang bị phá vỡ ra từng mảnh. Bởi vì các thày là thày tâm linh có thể làm gì được khi tự ngã tin rằng nó biết tất cả và nó nắm tất cả trong tầm kiểm soát của nó dựa trên hệ thống niềm tin này hay hệ thống niềm tin nọ? Các thày phải phá vỡ nó, các thày cần phá vỡ nó từng mảnh một, bởi vì con không thể chế ngự toàn thể nó cùng một lúc. 

Do đó, con cần thấy được là: “À, đây là một mảnh của nó. Hôm nay tôi thấy được mảnh này. Hôm nay tôi có thể chế ngự phần này. Tôi không cần quan tâm đến phần còn lại ngay bây giờ, bởi vì tôi biết mình đã tiếp cận được với một vị thày tâm linh thật, vị này thấy được toàn bộ và có thể dẫn tôi đi từng bước một, theo các nấc thang vòng xoắn ốc của con đường tâm linh cho cá nhân tôi.”

Điều thày muốn nói trong bài giảng này là: con hãy bắt đầu suy ngẫm về việc con đã tiếp cận tâm thức chết là một lực hung hãn tấn công những cảm xúc và tư tưởng của con, tạo ra những vòng luẩn quẩn, hay đúng hơn là những vòng xoắn đi xuống, hút tư tưởng, cảm xúc, năng lượng tâm lý của con vào những khuôn nếp tưởng chừng không thoát ra được. Thày cần con bắt đầu nhận ra một số các khuôn nếp mà con nhìn thấy được, và sau đó, khi thày và các Thượng sư dẫn con đi lên các nấc thang của bảy bức màn, bảy tia sáng, các thày sẽ giúp con thấy thêm nữa.

Nhưng ngay lúc này thì thày cần con nhận ra một khuôn nếp. Con có nhận ra trong con có sự mong muốn tách mình ra khỏi người khác và mong muốn cảm thấy mình hơn người bằng cách thấy người khác bị chứng minh là sai, hay những gì họ tin bị chứng minh là sai? Con có thấy điều này không? Con có thấy là con đã bị nó ảnh hưởng chăng? Con có thấy là con đã tự mình tham dự vào việc này bằng cách nào đó? Và nếu con có làm, thì con hãy nhìn nhận điều đó. Con hãy tìm cách có ý thức hơn về nó, và thày sẽ khai triển thêm trong bài giảng tới của thày.

Tâm thức chết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư, và hôm nay thày đến đây để cho các con một bài giảng về tâm thức chết, và làm sao con có thể bắt đầu tạo nên một phương cách tốt hơn để phản ứng lại nó, hay đúng hơn, để ngưng không phản ứng lại nó. Vì dĩ nhiên điều mà tâm thức chết mong muốn nhất là dụ con phản ứng, tương tác với nó, và thậm chí là đánh nhau với nó hay tìm cách diệt trừ nó.

Điều này dĩ nhiên hoàn toàn trái ngược với Thánh linh, là Tánh linh của sự Sống, không muốn con đánh nhau, không muốn con chống đối, không muốn con tiêu diệt bất cứ ai, bất cứ vật gì hay coi rẻ bất cứ phần nào của sự sống. Thánh linh muốn con tuôn chảy với Tánh linh, tuôn chảy với sự sống, vì Tánh linh chính là sự sống. 

Vì như thày đã giảng, quả thực là trong tất cả các bầu cõi trước – và trong thời gian rất dài từ lúc bầu cõi của con được thành hình – nỗ lực gộp chung của tất cả các sinh thể có tự nhận biết đã thăng vượt chính họ và trở nên hơn nữa, đã tạo thành dòng chảy hướng thượng của Thánh linh. Đó chính là Dòng sông sự Sống kéo mọi thứ theo nó. Và quả thực là cả trái đất cũng được kéo theo dòng chảy của Thánh linh.

11.1. Dòng sông sự Sống không bao giờ đứng yên

Chắc con cũng biết, nếu con suy nghĩ sâu về vấn đề này, là trái đất không chỉ đi vòng quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình bầu dục, và do đó trở lại điểm khởi đầu mỗi khi nó đi xong một vòng quay. Vì con phải biết là toàn thể vũ trụ đang nới rộng ra và các thiên hà mỗi ngày tách xa nhau hơn. Điều này có nghĩa là mặt trời của các con không đứng yên trong vũ trụ. Mặt trời di động theo một đường, và đường này không phải là đường thẳng.

Như thế có nghĩa là mặt trời di động và kéo theo các hành tinh với nó, quả đất đang di động theo một quỹ đạo hình bầu dục chung quanh mặt trời, thì quả đất không đứng yên trên quỹ đạo, và quỹ đạo không đứng yên. Mặt trời di động, vì vậy quả đất di động trong không gian theo một con đường giống như một vòng xoắn, một vòng xoắn rất phức tạp, nhưng tuy vậy vẫn có thể mô tả được bằng toán học. Trong một thời gian không xa nữa, con đường này sẽ được mô tả bằng toán học. Điều này sẽ mở ra thêm nhiều khám phá khoa học quan trọng mới, nhưng đây không phải là đề tài của bài giảng này.

Điều con cần nhận ra giản dị là: Dòng sông sự Sống là một dòng chảy liên tục, lúc nào cũng tuôn chảy. Không có gì trong Dòng sông sự Sống đứng yên. Nhưng con cũng nên để ý là Dòng sông sự Sống không chỉ đơn giản chuyển động theo quan niệm chuyển động mà con có khi con quan sát vũ trụ vĩ mô qua giác quan. Theo quan niệm này con có thể dời từ một điểm này sang một điểm khác, nhưng con vẫn giống như trước. Nhưng đây không phải là loại chuyển động con tìm thấy trong Dòng sông sự Sống. Vì với Dòng sông sự Sống, sự chuyển động luôn thăng vượt chính nó.

Nó không phải chỉ di động theo đường ngang và vẫn giống y nguyên như cũ. Trong Dòng sông sự Sống con thăng vượt, con tăng triển, con gia tốc, con nhân gấp bội năng khiếu của mình và con trở nên hơn nữa. Và đây là tinh túy của tâm thức sống, tâm thức của sự sống, Dòng sông sự Sống.

11.2. Tâm thức chết là gì?

Bây giờ, con giữ ý niệm này trong đầu và nghe thày cho con một bài giảng cô đọng về tâm thức chết:

(15 giây im lặng)

Vậy là con vừa nếm được thế nào là tâm thức chết. Vì tâm thức chết là điều con trải nghiệm trong khoảng yên lặng đó. Vì dĩ nhiên, khi con đang đọc hay nghe bài giảng này, sau câu mở đầu của thày, con chờ đợi có cái gì đó tiếp theo, một lời giảng, một hình ảnh, một mô tả nào đó về tâm thức chết. Do đó, khi sự chờ đợi của con không được đáp ứng vì có khoảng yên lặng, con có một phản ứng trong tâm, phải không con?

Phản ứng đó, nếu con xem xét nó, nếu con quan sát nó, thì con sẽ thấy nó thuộc về tâm thức chết. Bởi vì, con chờ đợi gì? Con đang hòa điệu cùng nhịp giảng của thày và thày cho con hiểu là thày sắp mô tả tâm thức chết. Do đó, trong tâm con có một sự chờ đợi. Nếu con suy nghĩ kỹ, con có thể thấy là tâm thức chết có hai khía cạnh.

Thứ nhất là có cái biết đằng sau tâm thức chết là cuộc sống là một tiến trình liên tục không ngừng. Sâu thẳm trong bản thể của con, con biết ý nghĩa của sự sống là Dòng sông sự Sống không ngừng thăng vượt chính nó. Đây là một cái biết nội tại đến từ sự kiện cái Ta Biết là một nối dài của Hiện diện TA LÀ, là một nối dài của các chân sư thăng thiên, đi ngược trở lên tới tận đấng Sáng tạo.

Đấng Sáng tạo đã tạo ta các phần nối dài của ngài chính là để cho chúng cơ hội gia tốc ý niệm tự nhận biết của chúng. Vì vậy, đó chính là mục đích cao nhất của sự có mặt của con: gia tốc sự tự nhận biết của mình và tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Do đó, con không thể – dù con có thể làm mờ nhạt khả năng ý thức của mình – con không thể trốn tránh cái biết nội tâm là cuộc sống là một tiến trình liên tục, cuộc sống được tạo ra như một tiến trình liên tục.

Do đó tâm thức chết không thể nào hoàn toàn vứt bỏ cái biết nội tâm này. Nó có thể che phủ nó, nó có thể ngụy trang nó, nó có thể làm lệch hướng nó. Nhưng nó không thể hoàn toàn dập tắt tiếng nói của cái biết nội tâm là cuộc sống được tạo ra như một tiến trình liên tục không ngừng.

Nhưng bây giờ tâm thức chết có thể làm gì? Nó có thể khiến con tạo ra sự chờ đợi là tiến trình này phải như thế nào, bước kế tiếp phải đi tới chỗ nào, và đi tới mục đích tối hậu nào. Tâm thức chết có thể làm điều này, nhưng nó làm bằng cách nào? 

11.3. Bị lệch hướng bởi cái chết

Tâm thức chết chỉ làm được điều này vì nó chính là sự kháng cự chống lại cái liên tục không ngừng của Dòng sông sự Sống. Khi con kháng cự cái liên tục không ngừng của Dòng sông sự Sống, thì con tạo ra một khoảng cách, một khoảng không, giữa điểm con đang ở và điểm con ở nếu con theo Dòng sông sự Sống. Trong khoảng cách, khoảng không đó có chỗ trống để con tạo nên sự chờ đợi là sự sống phải như thế nào và phải đi về đâu. Để minh họa điều này bằng một thí dụ từ đời sống hàng ngày trên trái đất, con hãy hình dung những người đi xem một trận đấu thể thao mỗi ngày Thứ Bảy, một trận đá banh hay môn gì khác. Trước khi con đi dự trận đấu, con có một sự chờ đợi, một hy vọng là chuyện gì sẽ xảy ra và chuyện gì sẽ không xảy ra. Con muốn đội của con thắng. Đó là mục đích tối hậu mà con muốn đạt được. Trong thời gian trước trận đấu, con khấp khởi chờ trận đấu bắt đầu, và nói: “Bây giờ tôi phải làm chuyện này để sẵn sàng, bây giờ tôi phải làm chuyện kia để sẵn sàng, bây giờ tôi phải tới chỗ này để đậu xe và đi vào cầu trường, vân vân và vân vân.”

Do đó, lúc nào cũng có khoảng cách giữa con và trận đấu, con cố gắng đoán trước chuyện sắp xảy ra, con chờ đợi chuyện gì con muốn xảy ra và chuyện con hy vọng sẽ không xảy ra. Rất có thể con ngồi xem trận đấu mà vẫn bị quá vướng bận bởi sự chờ đợi của mình và không còn thưởng thức trận đấu nữa, cho tới khi nó chấm dứt và con biết là đội của con đã thắng hay không. Rất có thể là con ngồi nhìn từng pha của trận đấu, hy vọng đội kia không làm bàn, hy vọng đội nhà làm bàn.

Nhưng điều thày muốn chỉ cho con thấy là cũng có những lúc, khi người khán giả chỉ giản dị xem trận đấu và bị hoàn toàn thu hút bởi trận đấu, thì họ có thể tuôn chảy với trận đấu. Và lúc đó họ quên đi sự chờ đợi là chuyện gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Cũng có thể là họ quên không nghĩ tới mục đích tối hậu là ai thắng, vì họ thưởng thức tiến trình của trận đấu.

Quả thực đây là dịp để nhiều người, mỗi ngày Thứ Bảy, được thoáng thấy Thánh linh khi họ bị thu hút bởi một trận tranh tài thể thao, tuy bình thường họ không thể nào hòa điệu được với Thánh linh. Dĩ nhiên, đây không phải là cách cao nhất để hòa điệu với Thánh linh. Nhưng khi con bị thu hút vào một việc gì, thay vì đứng tách rời ra và nghĩ về nó – tức là trải nghiệm nó xuyên qua cái trí, phin lọc của cái trí, và các sinh hoạt, chờ đợi và hình tư tưởng của cái trí – thì đó cũng phần nào là hòa điệu với Thánh linh.

Bởi vì khi con tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, trong kinh nghiệm sống của con đâu là chỗ để con đút vào những chờ mong, sợ hãi, lo lắng, quan tâm và phê phán muốn chuyện này phải xảy ra và chuyện kia không xảy ra? Con yêu dấu, không có chỗ trống đó vì con đang tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống.

11.4. Vượt lên trên nhu cầu phán xét

Phải, thày cũng hiểu là có khi con cần lên kế hoạch và tiên đoán chuyện sắp xảy ra. Nhưng đây là chuyện khác. Có một sự khác biệt tinh tế giữa việc tiên đoán chuyện sắp xảy ra, lấy quyết định tỉnh trí và hợp lý và việc ngồi yên đánh giá mọi sự dựa trên một thang giá trị về điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra, về điều gì đúng hay không đúng, về điều gì tốt hay xấu – và những quan tâm khác mà con người có trong tâm mình.

Con yêu dấu, thày muốn con lưu ý một khía cạnh của tâm thức chết, đó là khuynh hướng cho rằng con phải phán xét, phân tích và đánh giá tất cả mọi chuyện đang xảy ra chung quanh mình – người khác đang làm gì và nói gì, chuyện gì đang xảy ra trên thế giới, người này hay người kia đang làm gì, những người nổi danh đang làm gì hay đang không làm gì, họ cưới ai hay không cưới ai, và những chuyện tương tự.

Thày không muốn nói là con không nên theo dõi những chuyện xảy ra chung quanh mình. Nhưng một lần nữa, có sự khác biệt tinh tế giữa nhận biết mà không phán xét, và trạng thái lúc nào cũng phán xét, chỉ trích, đánh giá điều này tốt điều kia xấu. Sau đó coi rẻ những gì được coi là xấu vì tự ngã thích cảm giác nó không thể nào xấu như các người xấu nếu nó không làm những gì người xấu đang làm.

Nhưng con thấy chăng, đây không phải là Dòng sông sự Sống. Bởi vì lúc đó con ở trong một khoảng cách, và trong khoảng cách đó có đủ loại ý kiến, phán xét, đánh giá đúng sai, mong chờ. Điều này khiến con xa rời sự sống. Con không còn hoàn toàn tiếp cận tiến trình sự sống. Con không còn thực sự vui hưởng cuộc sống, vui hưởng nhìn nó trải bày ra. Và đây không phải là tiềm năng cao nhất của con.

Vì làm sao con có thể hoàn toàn sáng tạo, nếu con không theo lời gọi của Giê-su là hãy trở nên trẻ thơ vì chúng có thể vào nước Trời, vì nước Trời là trạng thái tâm thức khi con trôi theo dòng chảy của sự sống. Con có thấy là tâm thức chết muốn con lúc nào cũng đang phê phán chính mình và hành vi của mình, dáng vẻ mình ra sao, mặc quần áo trông thế nào, và những thứ tương tự.

11.5. Tiêu chuẩn chết

Điều tâm thức chết đã làm là dựng lên một tiêu chuẩn thế gian cho rằng làm người thì phải như thế nào. Ngay từ khi con còn trong bụng mẹ, con đã bị lập trình để sống một cách vô thức (và sau này có ý thức) theo bất kỳ tiêu chuẩn nào đã được nền văn hóa của con quy định. Con đã tới chỗ nghĩ rằng muốn trở thành một người tốt thì con phải đạt được tiêu chuẩn đó.

Do đó khi con tìm ra con đường tâm linh và giáo pháp của các chân sư thăng thiên, con lại đem – một cách vô thức – lối suy nghĩ đó áp dụng lên giáo lý của các thày. Con nghĩ rằng cách con tuân thủ giáo lý của các chân sư thăng thiên, cách con tới gần sự thăng thiên, là con phải trở nên một người tâm linh tốt sống theo một tiêu chuẩn nào đó. Tiêu chuẩn này có thể không giống y hệt tiêu chuẩn của gia đình hay xã hội của con, nhưng nó vẫn là một tiêu chuẩn vỏ ngoài mà con đã đem vào trong tâm vỏ ngoài của con. Và con dùng cái trí vỏ ngoài để đánh giá liên tục mọi hành động của mình: “Điều này có đúng không? Tôi sống như vậy có được không? Tôi có thực sự là người tâm linh nếu tôi làm điều này chăng? Nếu tôi nói điều này, mọi người có sẽ phê phán tôi là người không tâm linh chăng?”

Con có thấy chăng là trong tâm con có một khoảng cách nơi đó có một quan tòa đang ngồi và phán xử mọi hành động, lời nói và ngay cả suy nghĩ và cảm xúc của con. Con yêu dấu, quan tòa đang ngồi phán xử các ý tưởng và cảm xúc sâu kín nhất của con là ai vậy?

Ấy, nhiều người tin đạo phóng chiếu quan tòa đó hoặc là ác quỷ hoặc là Thượng đế. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên lại phóng chiếu đó là các chân sư thăng thiên. Nhưng con ơi, chỉ có một người biết các ý tưởng sâu kín nhất của con, đó chính là con.

Thày là Đại thượng sư. Thày là một chân sư thăng thiên, thày có tự do của Thượng đế. Thày không ngồi trên đây xem xét những ý tưởng và cảm xúc sâu kín của mỗi người trong 7 tỷ người sống trên trái đất. Và Chân sư MORE hay thày Saint Germain cũng vậy. Họ chú tâm vào cái họ là, tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống và trải bày dòng sống của họ. Họ chú tâm vào các mục tiêu của thời hoàng kim. Nhưng đây không phải là các mục tiêu mà họ có trong tâm vỏ ngoài, thích chỉ trích và lúc nào cũng đánh giá mọi thứ. Họ, các Thượng sư, không ngồi trên đây nhìn xuống các con, phán xét con dựa theo tiêu chuẩn nào đó và chỉ trích con khi con làm điều gì sai. Đó không phải là cách các thày làm việc. Đó không phải là lối các thày suy nghĩ.

Con có thấy chăng đây là một cấu trúc hoàn toàn do con người tạo ra, và các thày đã thăng thiên vì các thày đã gia tốc vượt lên trên tâm thức đó? Và điều duy nhất mà các thày mong muốn cho con là con thấy được trạng thái tâm thức đó như nó là, như là tâm thức chết tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống. Nó hiện hữu trong khoảng cách giữa cái Ta Biết và Dòng sông sự Sống.

11.6. Vượt lên trên tâm thức chết

Khi con thấy điều này thì con có thể làm điều mà các thày đã làm: gia tốc mình để vượt lên trên nó. Niềm vui của các thày, mong muốn của các thày, là thấy con tới chỗ nhận ra nhu cầu gia tốc để vượt quá tâm thức chết, lúc đó con sẽ nói với các thày, các Thượng sư:

“Xin thày chỉ đường cho con! Con sẵn sàng đi theo con đường mà các thày đã đi và đã chứng minh. Con sẵn sàng đi theo con Đường của Bảy bức Màn, con Đường của Bảy Tia sáng. Xin thày hãy chỉ cho con đường đi, con sẽ đặt một bàn chân trước bàn chân kia và làm theo mỗi lời hướng dẫn mà con nhận được, dù rằng con không thấy nó sẽ dẫn con tới đâu, dù rằng nó không hoàn toàn tương ứng với mong đợi của con. Vì con bắt đầu nhận ra rằng mong đợi của con rất hạn hẹp.”

“Nền văn hóa của con, cách con nhìn cuộc đời bị hạn chế và ảnh hưởng bởi tâm thức chết một cách vi tế. Con không nhận ra tất cả các lối mà tâm thức chết đã ảnh hưởng tâm thức con, nhưng con bắt đầu nhận ra là tâm thức của con bị ảnh hưởng bởi tâm thức chết và con muốn thoát khỏi ảnh hưởng này. Và con biết con chỉ thoát được nếu con có một khung tham chiếu từ các sinh thể đã gia tốc chính họ vượt lên trên tâm thức chết. Đó là lý do tại sao con sẵn sàng đi theo các thày, các Thượng sư. Xin thày chỉ cho con bước kế tiếp, và con sẽ đi bước kế tiếp đó”. 

Đó là lúc con sẵn sàng học với các Thượng sư, với các chân sư thăng thiên, chứ không phải các chân sư giả danh, các vị thày tâm linh giả danh, hay thiên thần nào đó từ một thái dương hệ hay thiên hà hay phi thuyền nào đó xuống trái đất để hướng dẫn nhân loại.

11.7. Tâm thức chết và nhu cầu kiểm soát

Con có biết chăng là trong vũ trụ này có những sinh thể đã thể nhập tâm thức chết đến độ họ đã nhận ra một số giới hạn của tâm thức chết? Và do đó, họ đã nhất quyết dùng những giới hạn này để nô lệ hóa và kiểm soát tất cả những sinh thể có tự nhận biết khác. Con đã bắt đầu thấy chăng là những kẻ lừa đảo thuộc chưởng giáo đoàn giả này sẽ dùng tâm thức chết với tất cả sự tinh vi của nó để trói buộc con? 

Khi con là một người tâm linh bắt đầu khao khát một cái gì vượt lên trên những gì thế giới vật chất có thể cống hiến, thì các thày giả sẽ tới và chỉ cho con một con đường tu giả khiến con chờ đợi, một chờ đợi rất đơn giản, là nếu con đi theo con đường tu ấy, thì một ngày kia như một phép lạ con sẽ bỗng nhiên chuyển hóa thành một sinh thể toàn hảo. Con sẽ đạt được giác ngộ, đạt được tâm thức toàn vũ, hay con sẽ thăng thiên. Hoặc là con sẽ chuyển dời sang chiều kích thứ 5 hay thứ 27.

Con có thể thấy là trong khoảng cách đó, các thày giả có thể xây dựng đủ loại tôn giáo giả và giáo lý tâm linh giả. Họ rất giỏi tạo ra kỳ vọng là họ sẽ đưa con tới đích. Nhưng con có biết chăng tại sao họ sẽ không bao giờ đưa con tới đích? Con có bắt đầu thấy được tại sao họ sẽ không bao giờ đưa con tới đích? Bởi vì cái được tạo ra trong khoảng cách giữa con và Dòng sông sự Sống không thể giúp con thăng vượt khoảng cách đó và trở về Dòng sông sự Sống.

Điều mà các thày giả đã làm là tạo ra cảm tưởng có cái gì sai trái trong vũ trụ, và đó là lý do tại sao con tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống. Con thấy chăng, họ tạo ra cảm tưởng là có cái gì sai trái bên ngoài con và đó là lý do tại sao con bị tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống.

Tại sao con lại bị họ lừa? Con đã bắt đầu tỉnh ngộ và nhận ra lòng khao khát trở về Dòng sông sự Sống. Con có thể không hiểu là con muốn trở về Dòng sông sự Sống, nhưng con khao khát một cái gì vượt lên trên cái ngã vỏ ngoài của con. Con biết là chắc hẳn phải có cái gì đó, và con khao khát nó. Lúc đó, các thày giả không còn khả năng giữ con chú tâm vào trái đất và thế gian nữa, do đó họ tìm cách làm lệch hướng sự khao khát của con. Nhưng con chưa tới chỗ thấy rõ ràng cái mà mình muốn tìm. Con chưa hiểu hay thấy là chính cảm giác tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống là điều con đang khao khát. Và đấy chính là thiên đàng, thiên đàng bị đánh mất.

11.8. Con đường tu giả vỏ ngoài

Vì con không nhìn ra điều đó, nên các thày giả khiến con tin rằng có cái gì sai trái ở bên ngoài con. Có vấn đề nào đó trong thế giới này, trong vũ trụ này, cần phải giải quyết – đó có thể là kế họach của Thượng đế bị trục trặc gì đó, khiến thuyền bị vỡ và thiên thần sa xuống, hay bất cứ vấn đề gì khác, như tội tổ tông hay lý thuyết nào khác. Các thày giả tìm cách kéo con gia nhập nỗ lực giải quyết vấn đề đó bằng cách thay đổi người khác, hoặc họ tìm cách thu hút con vào ý nghĩ con chỉ cần đi theo con đường tu nào đó, thực tập một lối nào đó, tiếp tục đi theo vị thày vỏ ngoài nào đó, thì sẽ có một ngày con tự động đạt được mục đích.

Nhưng con có thấy chăng là họ hứa hẹn sẽ có một ngày con lấp được khoảng cách nhờ một phép kỳ diệu nào đó xảy ra ở bên ngoài con? Con hãy nhìn phong trào điên rồ đang diễn ra cho tới lúc này về đề tài năm 2012. Ồ, trái đất sẽ chuyển vọt vào chiều kích thứ 5, và tâm thức mọi người sẽ được nâng lên và mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Đúng là trái đất có thể sẽ chuyển vọt sang một chiều kích khác vào một thời điểm nào đó, nhưng vì sao sự chuyển vọt này lại xảy ra? Có phải chăng vì có người hành tinh khác đáp phi thuyền xuống đây và gia tốc hành tinh này?

Không phải đâu con, chuyện này chỉ có thể xảy ra khi con người trên hành tinh này gia tốc tâm thức của mình, và điều này thì mỗi người phải tự làm. Và điều này phải được làm không phải “ngoài kia”, mà “trong này”. Vấn đề trong vũ trụ là con đã tạo ra một khoảng cách giữa tâm thức con đang hiện có và trạng thái mà con muốn là, nếu con tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống.

Vấn đề đối với riêng con là con muốn lấp đầy khoảng trống đó và khoảng trống chỉ hiện hữu ở một nơi mà thôi: đó là trong tâm con. Bởi vì con không hề tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống, con chỉ nghĩ là con đang tách biệt. Con chỉ tự tách biệt mình trong tâm của mình mà thôi. Và do đó, nơi duy nhất mà con có thể lấp đầy khoảng trống là nơi mà con đã tạo ra khoảng trống: đó là trong tâm của con.

Không có vấn đề nào trong vũ trụ này mà con cần giải quyết và sau đó mọi vấn đề sẽ biến mất. Ta có thể nói vấn đề duy nhất cần giải quyết là các con, mỗi người, cần lấp khoảng trống để các con có thể tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Có nghĩa là việc đầu tiên con cần làm là thấy đây là mục đích thật của con. Đây chính là điều con khao khát. Con chỉ giản dị khao khát tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống, thay vì đứng bên ngoài nó và nhìn nó chảy qua cạnh bên mình. Và sau đó, con phải bắt đầu tiến trình tháo gỡ những hình tư tưởng và những mong đợi đã tạo nên khoảng cách và cho con cảm tưởng là con tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống.

11.9. Hãy nhìn vào bên trong cái Ta của con

Và bước đầu tiên mà con cần làm để khởi sự tiến trình thu hẹp khoảng cách và phá tan bức màn ngăn cách con khỏi Dòng sông là gì? Bước đầu tiên con cần làm là: con phải ngưng không chú ý tới việc thay đổi cái gì xảy ra bên ngoài con, và thay vào đó chú ý tới chuyện gì đang xảy ra bên trong con. Con phải, như Giê-su đã nói 2,000 năm trước đây: “Vì sao con nhìn vào cái giằm trong mắt người anh em mà không nhìn vào cái đà trong mắt mình?”

Rất có thể là người anh em con có một khoảng cách giữa tâm thức của y và Dòng sông sự Sống. Rất có thể là y có rất nhiều thứ khiến y ngăn cách khỏi Dòng sông sự Sống. Nhưng con có thấy chăng là đa số con người trên trái đất không nhìn người anh em của họ như vậy. Họ nhìn người anh em họ và nói rằng y có điều gì sai trái dựa trên một tiêu chuẩn thế gian.

Và con thấy chăng, cho dù con sống đúng theo tiêu chuẩn thế gian của chính con một cách tuyệt đối toàn hảo, con vẫn không ở trong Dòng sông sự Sống. Con vẫn  tách rời khỏi Dòng sông sự Sống vì chính tiêu chuẩn đã tách con ra. Vậy làm sao con có thể giúp người anh em của con bằng cách ép buộc y sống theo tiêu chuẩn của con, khi tiêu chuẩn này không phải là tiêu chuẩn của y và không cần phải là tiêu chuẩn của y?

Bởi vì mọi người đều có quyền tự quyết. Và vì có luật tự quyết nên mỗi người trong chúng con, cả 7 tỷ người chúng con, đã tạo ra một tiêu chuẩn riêng cho mình. Dĩ nhiên là có nhiều điểm tương đồng giữa các tiêu chuẩn của những người sống trong cùng xã hội hay nền văn hóa. Tuy nhiên mỗi người trong chúng con có phin lọc nhận thức của riêng mình, qua đó con nhìn cuộc đời và qua đó con phán xét và đánh giá mọi thứ kể cả chính mình. Con có quyền tạo ra phin lọc này vì nó cho con một kinh nghiệm Sống độc đáo.

Ngay lúc này, con đã tạo ra một phin lọc nhận thức đã tách con ra khỏi Dòng sông sự Sống. Điều này hoàn toàn khế hợp với Luật Tự quyết. Thày không có vấn đề gì cả với chuyện này. Thày sẽ không hăm dọa bỏ con vào lửa và lưu huỳnh của địa ngục nếu con không nghe lời thày. Nếu con không nghe lời thày thì con sẽ tiếp tục ở lại với phin lọc nhận thức hiện tại của mình và sẽ tiếp tục tách khỏi Dòng sông sự Sống. Nếu đó là điều con mong muốn trải nghiệm trong kiếp này hay trong 10,000 kiếp nữa hay trong 2 triệu năm nữa, thì thày sẽ vẫn ở đây khi con sẵn sàng trở về con Đường của Hợp nhất.

11.10. Áp đặt một tiêu chuẩn lên vị thày

Nhưng nếu ngay bây giờ con đã sẵn sàng đi theo con đường đó, thì con hãy lắng nghe những gì thày nói và ngưng phê phán những gì thày nói dựa trên một tiêu chuẩn đang ngăn cản không cho con làm theo những điều thày nói. Hoàn toàn không có ích lợi gì nếu con đến với một vị thày tâm linh, nhưng lại muốn áp đặt tiêu chuẩn của con lên vị thày và giáo lý của thày.

Bởi vì mục đích có một vị thày tâm linh, ít ra là một vị thày tâm linh chân chính, là để giúp mình thăng vượt tiêu chuẩn của mình. Làm sao vị thày làm được điều này nếu con áp đặt tiêu chuẩn của mình lên vị thày hay trên giáo lý của thày, và như thế con không nghe được lời giảng của thày, mà chỉ nghe một phiên bản được lọc lựa cho phù hợp với tiêu chuẩn của con? Điều này hoàn toàn vô lý, nếu con cho mình là một đệ tử tâm linh chân chính muốn tiến lên trên con đường tu.

Nếu con muốn tìm tâm linh như một trò tiêu khiển giải trí thì có vô số thày tâm linh giả sẽ cho con cái này, suốt ngày đêm, và bao lâu mà con muốn. Một lần nữa, thày không có vấn đề gì với chuyện này. Nhưng thày muốn nói rõ ở đây là các thày là 8 vị Thượng sư không phải là đạo sư dạy tâm linh tiêu khiển. Nếu con muốn môn tâm linh giúp con có cảm giác thoải mái thì con phải đi nơi khác. Các thày sẽ không giúp được con cho tới khi con sẵn sàng thăng vượt tâm thức của mình, thăng vượt chính mình để lấp khoảng trống và trở về với Dòng sông sự Sống. 

Nếu con đã sẵn sàng thì thày sẽ mở vòng tay hân hoan chào đón con. Nếu con chưa sẵn sàng thì thày không có một tiêu chuẩn theo đó thày đánh giá con. Thày chỉ giản dị chấp nhận sự kiện là con muốn kinh qua trải nghiệm đó trong một thời gian, và thày giữ trong tim sự sẵn sàng chào đón con trở lại, bất cứ khi nào con quyết định là con sẵn sàng và con muốn HƠN NỮA, con muốn một kinh nghiệm sống sâu sắc và phong phú hơn những gì con đang có với tiêu chuẩn hiện tại của con.

Và như vậy thày sẽ coi là những ai trong chúng con đi tiếp và học các bài giảng tới của thày là đã lấy quyết định muốn hơn cái tiêu chuẩn của mình, và do đó muốn tìm một đạo sư, một vị thày tâm linh có thể giúp mình vượt lên trên tiêu chuẩn đó. Và vị thày đó cũng có thể giúp con thu hẹp khoảng trống và tiến tới càng ngày càng gần mục đích mà các con nay đã thấy được, đó là tuôn chảy với Dòng sông sự Sống.

Kịch bản tâm linh trên trái đất

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 4/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Trong bài giảng này chúng ta sẽ nhìn vào sự tương phản giữa kịch bản lý tưởng về sự tăng triển của một người đồng-sáng tạo mới, và kịch bản hiện đang là thực tại trên hành tinh trái đất.

Như các thày đã giảng, một người đồng-sáng tạo mới, ban đầu xuống ở tầng tâm thức thứ 48. Ở tầng này, con có một ý niệm nội tại, một trực giác là con nối kết với một cái gì lớn hơn mình. Và cái lớn hơn này, dĩ nhiên, là Hiện diện TA LÀ của con. Con cũng được một vị thày tâm linh hướng dẫn – dĩ nhiên, đây là trong kịch bản lý tưởng. Do đó, con tiếp cận một cách ý thức với vị thày tâm linh, và vị này sẽ hướng dẫn con đi trên Tia sáng thứ Nhất, và sau đó trên các Tia sáng kế tiếp khi con tiếp tục tiến lên.

Chuyện xảy ra trong kịch bản lý tưởng là con tiến từ tầng tâm thức 48 lên tầng 49. Khi con tiến lên thì con tạo ra một phàm linh. Sau đó con cho phép phàm linh này tái sinh thành phàm linh cao hơn và điều này cho phép con tiến lên tầng tâm thức kế tiếp. Con hãy ghi nhận là trong kịch bản lý tưởng này, không có khái niệm mà ngày nay trên trái đất con gọi là cái chết. Con thực sự không cần cho phàm linh cũ chết đi, hiểu theo nghĩa chết của trái đất.

9.1. Một cái nhìn tâm linh về cái chết

Con thấy chăng, con đã nhìn cái chết như một cái gì kết thúc vĩnh viễn cuộc sống, phá vỡ nó, ngưng nó lại. Con đã coi cái chết như một cái gì do một lực bên ngoài áp đặt lên con.

Tuy nhiên, trong kịch bản lý tưởng con không cần trải qua tiến trình cho phép phàm linh cũ chết đi, theo nghĩa sự tồn tại của nó bị chấm dứt, đây là một sự áp đặt lên con và là một mất mát hay một sự dứt đoạn tâm thức. Thay vào đó, con nhận ra là con chỉ giản dị cho phép mình tái sinh vào một ý niệm bản ngã cao hơn.

Do đó, ta có thể nói là từ tầng tâm thức 48 tới tầng 96, con rất suôn sẻ cho phép một phàm linh thăng vượt thành phàm linh kế tiếp – và kế tiếp, và kế tiếp, và kế tiếp. Tiến trình này không đưa tới một sự ngưng lại đột ngột, giống như khi con liên tưởng tới cái chết ngày nay. Con chỉ giản dị chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tới và con, như một người đồng-sáng tạo, dễ dàng thấy được là có sự liên tục giữa phàm linh ở tầng tâm thức này và phàm linh ở tầng tâm thức kế tiếp.

Như thày đã nói trước đây, điều này giúp con thấy được là con đang xây dựng một phàm linh liên tục thay vì đi từ phàm linh này sang phàm linh kế tiếp. Cùng lúc, nếu con tiếp cận một vị thày tâm linh, thì vị ấy sẽ chuẩn bị con để con biết rằng khi con tới tầng 96, con phải trải qua một sự thay đổi đột ngột. Vì ở tầng này con thực sự phải “hy sinh mạng sống mình cho một người bạn” như Giê-su đã nói. 

Con cần phải có tình thương lớn hơn khiến con muốn hy sinh phàm linh mà con đã tạo ra trong 48 tầng tâm thức đầu tiên. Vì phàm linh này không thể đưa con quá tầng 96, vì nó là một phàm linh chú tâm vào việc nâng cao chính nó như là một linh thể cá biệt. Nếu con muốn thăng vượt và đi xa hơn tầng 96, con cần bắt đầu tạo ra một phàm linh mới có mục đích lớn hơn là chỉ nâng cao cá nhân mình, mà có mục đích nâng cao tổng thể.

Trong kịch bản lý tưởng, sự thay đổi này đột ngột hơn những gì con trải nghiệm trước đó, nhưng nó vẫn không giống những gì con hình dung về cái chết hiện nay. Vì thực sự, đây không phải là một sự mất mát đối với cái Ta Biết. Vì nhận thức của con càng ngày càng mở rộng khi con tiến gần tới tầng 96, nên con cũng ý thức sự kiện con sẽ không chết khi phàm linh chết vì con hơn phàm linh. Phàm linh không phải là con. Con đã không tạo ra một cái “ta”, con cũng đã không tái tạo mình thành phàm linh. 

Con ý thức sự kiện phàm linh chỉ là một cỗ xe mà con dùng để biểu hiện mình trong thế giới vật chất. Do đó, con biết là dù phàm linh này có chết đi, con vẫn không chết. Ngay cả sự chấm dứt tâm thức cũng không có. Sẽ không có một thay đổi hay mất mát đột ngột. Có nghĩa là con có thể, khi con nhận ra điều này, buông bỏ cái cũ một cách suôn sẻ. Con có thể hy sinh mạng sống của mình cho một cứu cánh lớn hơn việc nâng cao cá nhân mình. Do đó, con có thể chuyển tiếp qua giai đoạn kế tiếp một cách suôn sẻ.

9.2. So sánh kịch bản lý tưởng và kịch bản hiện hành

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét kịch bản mà con phải đối mặt hiện nay, khi con bắt đầu theo con đường tâm linh một cách có ý thức hơn trước đó. Điều con có trên trái đất hiện nay chắc chắn không phải là kịch bản lý tưởng. Nó khác rất xa kịch bản lý tưởng. Dĩ nhiên là lý do thày cho ra quyển sách này trước khi thày cho phép bảy vị Thượng sư ra sách cho mỗi tia sáng là để sửa soạn con, để con dễ thành công hơn khi con gặp bảy tia sáng và các khai ngộ của bảy tia sáng.

Quả thực là trong kịch bản lý tưởng, con không phải đương đầu với những gì mà trong bài giảng trước thày đã gọi là phàm linh hung hãn. Trong kịch bản lý tưởng, con liên tiếp tạo ra một số phàm linh khi con tăng triển từ tầng 48 đến tầng 96. Nhưng các phàm linh này có hai đặc tính đáng chú ý. Thứ nhất là chúng biết là con có thể lấy xuống đủ năng lượng từ bên trong chính con để thúc đẩy nỗ lực sáng tạo. Do đó, con không cần lấy bất cứ gì từ bên ngoài con, từ các dòng sống khác, có nghĩa là loại phàm linh này không có gì hung hãn. Thêm vào đó, các phàm linh mà con tạo ra đều có mục đích chung là tăng triển tới một trạng thái tâm thức cao hơn. Con không tạo ra một phàm linh đứng yên; con tạo ra một phàm linh muốn tăng triển và muốn chuyển tiếp sang một giai đoạn cao hơn.

Điều này khác xa tình trạng khi con rơi vào tâm thức nhị nguyên, khi con bắt đầu thấy mình là một sinh thể tách biệt. Để hiểu rõ hơn tiến trình này, con cần nhận ra một cơ chế tâm lý vi tế. Trước khi con rơi xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn, con có ý niệm nội tại là con nối kết với cái gì lớn hơn bản thân con. Có nghĩa là để có thể xuống tâm thức tách biệt qua đó con thấy mình là sinh thể tách biệt, thì con phải chối bỏ là con có nối kết với cái gì lớn hơn bản thân mình.

Nhưng cái Ta Biết được tạo ra như một nối dài của Hiện diện TA LÀ, một nối dài của các chân sư thăng thiên và tối hậu là một nối dài của Bản thể của đấng Sáng tạo. Do đó con phải cố ý chối bỏ sự nối kết với cái gì lớn hơn bản thân mình. Và để làm được điều này, con cần phải biện minh cho sự chối bỏ này. Con phải tìm ra một cách để biện minh với chính mình tại sao con rời bỏ con đường đưa tới sự hợp nhất càng ngày càng sâu với cái gì lớn hơn, và thay vào đó quẹo sang con đường đưa tới sự tách biệt càng ngày càng sâu. Đó là chỗ con tìm cách nâng cao cái ngã tách biệt – không phải như một sinh thể nối kết có quyền năng sáng tạo càng ngày càng cao – nhưng là một sinh thể tách biệt với quyền năng càng ngày càng mạnh để kiểm soát bằng vũ lực môi trường của mình.

9.3. Làm sao con tạo ra một phàm linh hung hãn

Khi con đi vào tách biệt và chối bỏ sự nối kết với cái gì lớn hơn chính mình, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu con chối bỏ là con nối kết với cái gì lớn hơn chính mình thì con sẽ lấy năng lượng từ đâu để thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của mình? Con không thể lấy từ cái gì lớn hơn chính mình khi con đã chối bỏ là con nối kết với nó. Có nghĩa là con đã khóa sự nối kết và dòng năng lượng chảy xuyên qua nó, như vậy có nghĩa là con phải lấy năng lượng từ một nguồn khác.

Dĩ nhiên là con vẫn cần năng lượng để làm bất cứ việc gì, và như vậy có nghĩa là bây giờ con cần lấy năng lượng từ nơi con đang chú tâm, tức là cõi vật chất. Điều này có nghĩa là con cần lấy năng lượng từ các dòng sống khác vẫn còn nối kết với cội nguồn của họ. Do đó con phải tìm cách dùng vũ lực hay lừa đảo để các dòng sống này cho con năng lượng của họ. Điều này có nghĩa là lúc đó con tạo ra một loại phàm linh mới không chú tâm vào việc lấy năng lượng từ bên trong và cũng không chú tâm vào việc tăng triển lên một tầng cao hơn tầng hiện tại của nó.

Trái lại, con tạo ra một phàm linh chú tâm vào việc lấy năng lượng từ thế giới chung quanh nó, và nó cũng chú tâm vào việc khuếch trương nó thành một sinh thể quyền uy trong thế gian. Nói cách khác, thay vì con tìm cách trở nên hơn cái con đang là, thì nay con có một phàm linh tìm cách trở nên nhiều hơn cái nó đã là rồi – nó muốn có nhiều quyền uy hơn để làm những gì con có thể làm trong cõi vật chất.

Điều mà con có thể thấy là sau lần sa ngã đầu tiên, những sinh thể sa ngã vào tâm thức tách biệt đã tạo ra vô số phàm linh dựa trên ảo tưởng tách biệt. Đây là những phàm linh tách biệt tìm cách ảnh hưởng các dòng sống khác một cách hung hãn. Cách chúng hành xử, ý đồ của chúng hoàn toàn nhằm vào việc lấy năng lượng từ người khác một cách hung hãn. Một số làm chuyện này bằng vũ lực rõ rệt, một số dùng sự sợ hãi và một số thì dùng sự lừa đảo. Nhưng chúng đều nhắm tới cùng một mục đích: đó là phóng chiếu khuôn đúc của chúng một cách hung hãn, cái khuôn đúc tư tưởng đã tạo ra chúng, phóng lên các dòng sống khác với mục tiêu kiểm soát họ.

9.4. Khắc phục phàm linh giả

Con thấy là trong kịch bản lý tưởng con có 48 tầng khi con đi theo con Đường của Bảy Tia sáng. Ở mỗi tầng có một phàm linh. Để tiến từ một tầng lên tầng kế tiếp, con cần phải bỏ phàm linh đó lại và đón nhận phàm linh ở tầng kế tiếp. Nhưng những phàm linh đó không muốn kiểm soát tâm con một cách hung hãn, do đó tiến trình này dễ thực hiện – trong kịch bản lý tưởng.

Nhưng trên trái đất ngày nay con không có kịch bản lý tưởng. Trong kịch bản hiện nay con có những phàm linh giả được tạo ra ở mỗi tầng tâm thức từ 48 lên 96.

Nói cách khác, cứ mỗi bước con tiến lên trên con Đường của Bảy Tia sáng đều có một phàm linh giả. Và phàm linh giả này sẽ hung hãn tìm cách ngăn chặn không cho con đi bước kế tiếp trên đường tu. Nó sẽ tìm cách giữ con ở mức hiện thời của con và giữ con ở đó vĩnh viễn.

Thêm vào đó có nhiều sinh thể đã đi xuống dưới tầng tâm thức 48, và đây là một điều mà con không cần phải đối phó trong kịch bản lý tưởng. Nhưng điều con có hiện nay trên trái đất là có nhiều sinh thể đã xuống dưới tầng 48, và dĩ nhiên là họ cũng đã tạo ra phàm linh giả, hung hãn, ở mỗi tầng từ tầng 48 xuống tới tầng thứ nhất là tầng tâm thức thấp nhất.

Điều con có hiện nay là sự tương tác đáng chú ý giữa các phàm linh giả ở trên tầng 48 và các phàm linh hung hãn ở dưới tầng này. Hiện nay, để có thể đi từ một tầng tâm thức lên tầng kế tiếp, không những con phải đối phó với phàm linh mà con đã tự tạo ra ở tầng tâm thức hiện tại của con, mà con cũng phải đối phó với phàm linh giả ở tầng này, cộng thêm phàm linh hung hãn ở tầng tương ứng dưới tầng tâm thức 48.

Tỷ dụ, nếu con đang ở 10 tầng trên tầng 48, thì nơi đó có một phàm linh mà ta có thể gọi là phàm linh thật của tầng đó, đó là phàm linh mà con dùng như cỗ xe để lên tầng kế tiếp. Nhưng cũng có một phàm linh giả muốn biện minh tại sao con không nên tiến lên tầng kế tiếp. Ngoài ra lại có một phàm linh hung hãn ở 10 tầng dưới tầng 48, phàm linh này muốn hung hãn lôi kéo con vào khuôn đúc của nó.

9.5. Phàm linh giả và phàm linh hung hãn

Đây là sự khác biệt. Phàm linh giả ở 10 tầng trên tầng 48 có mục đích biện minh cho con thấy tại sao con không cần lên cao hơn tầng tâm thức đó. Nhưng phàm linh hung hãn thì có mục đích lôi kéo con vào một trận chiến nhị nguyên với một đối thủ nào đó.

Phàm linh giả ở tầng 48 tới 96 vẫn chú tâm vào con như một dòng sống cá biệt vì con đang trong tiến trình tăng triển như một dòng sống cá biệt. Do đó, phàm linh giả này sẽ nói với con: “Bạn không cần tăng triển vượt quá tầng này, đây là tất cả những lý do tại sao bạn không nên tăng triển. Bạn phải ở lại đây và vui hưởng tầng này và mở rộng nhận biết của bạn ở tầng này mà thôi.” Nó vẫn không nhắm vào điều gì bên ngoài con; nó chỉ nhắm vào con mà thôi.

Nhưng phàm linh hung hãn tương ứng ở dưới tầng tâm thức 48 thì lại bị giam hãm trong tâm thức nhị nguyên. Nó thấy nó bị một kẻ thù bên ngoài chống lại nó, và do đó nó thấy nó lúc nào cũng đang trong một trận chiến liên tục với kẻ thù bên ngoài này. Khi con đi từ tầng 48 xuống các tầng tâm thức thấp nhất, thì con sẽ càng tìm thấy những phàm linh bị kẹt trong tâm thức mà các thày đã gọi là tâm thức cuồng đại (epic mindset). Đây là quan niệm cho rằng có một cuộc chiến giữa các lực tối hậu của thiện và ác, tỷ dụ như quan niệm truyền thống coi Thượng đế như một vị thần, và quan niệm coi ác quỷ là một vị thần đối nghịch lại Thượng đế. Vậy con thấy được sự khác biệt.

Vẫn có một phàm linh giả chú tâm vào con như một dòng sống cá biệt, nhưng lại có một phàm linh hung hãn khiến con không chú tâm vào mình nữa mà chú tâm vào chuyện đối phó với một đối thủ bên ngoài. Ở một mức nào đó, thì đối thủ này là người khác, ở mức khác thì nó là một tà lực đen tối nào đó, nhưng ở mức thấp nhất, đối thủ của con thực sự là Thượng đế. Vì lúc đó con nghĩ rằng – giống như các sa nhân đã sa vào ảo tưởng nguyên thủy – Thượng đế đã sai lầm và đã tạo ra một thiết kế sai cho vũ trụ. Và con nghĩ công việc của con là cải sửa sai lầm của Thượng đế và làm lại cho đúng, bằng cách ép buộc người khác phải theo viễn quan cứu rỗi của con.

9.6. Sự tăng triển của tổng thể 

Con có thể thấy là ở các tầng dưới tầng 48, có một hình ảnh đối ngược của các tầng tâm thức từ 96 đến 144. Khi con tiến từ tầng 96 lên tầng 144, con phải khắc phục và đối phó với các phàm linh hung hãn đó. Và con không những phải khắc phục chúng trong tâm mình mà thôi, nhưng con cũng phải góp công vào việc tiêu trừ các phàm linh này – trói buộc chúng, xét xử chúng và tối hậu là đập tan khuôn đúc của chúng – khi con tiến lên tâm thức cao hơn.

Do đó, sự tăng triển cá nhân của con từ một tầng lên tầng kế tiếp tạo sự dễ dàng cho các dòng sống khác tăng triển vượt quá phàm linh hung hãn và các ảo tưởng đằng sau nó. Do đó, con giúp toàn bầu cõi của hành tinh trái đất tăng triển để sau cùng tới một điểm, như các thày đã giảng, khi mức độ của cả 144 tầng tâm thức đều được nâng lên, lúc đó mức thấp nhất hiện nay sẽ không còn được phép có mặt trên trái đất nữa. Lúc đó, các sinh thể ở mức đó sẽ phải đi nơi khác và qua đó trái đất sẽ được giải thoát khỏi lực hút xuống của các dòng sống đó. Tuy nhiên, chúng ta hãy không nên bàn quá xa về chuyện này, vì chủ điểm của bộ bài giảng này là giúp con tăng triển từ tầng 48 đến tầng 96.

9.7. Theo đường tu một cách có ý thức

Thày sẽ nói một cách khác. Dĩ nhiên là con đã có nhiều kiếp sống. Trong những kiếp đó, con đã theo con đường tâm linh bằng cách này hay cách khác, tuy con có thể ý thức hay không ý thức điều này. Do đó, rất có thể là trong các kiếp trước, con đã lên tới các tầng tâm thức giữa tầng 48 và 96. Tuy vậy, con đã tìm ra quyển sách này và đang đọc nó, như vậy có nghĩa là con đã tới điểm trên con đường tu cá nhân của con khi con sẵn sàng không còn bước đi một cách hầu như hoàn toàn vô ý thức nữa mà là bước đi một cách có ý thức và chủ ý.

Như vậy có nghĩa là dù con đang ở, tỷ dụ, tầng tâm thức thứ 72, con không thể nhảy một cách có ý thức vào tầng này và bắt đầu con đường tu ở đó. Thay vào đó, thái độ xây dựng nhất là có sự khiêm nhường và óc thực tế để nhận biết rằng con cần bắt đầu ở mức cơ bản. Con cần bắt đầu với khai ngộ đầu tiên mà một dòng sống mới xuống nhận được ở tầng 48. Đó là điểm con được khai ngộ ở Tia thứ Nhất, với tia này gồm cả hai khía cạnh alpha và omega của sự khai ngộ. Khi con qua được thử thách này, con sẽ lên tầng 49, ở đó Tia thứ Nhất vẫn là khía cạnh alpha nhưng Tia thứ Hai là khía cạnh omega. Dĩ nhiên là sau đó con tiến tới nơi Tia thứ Nhất là alpha và Tia thứ Ba là omega, và cứ tiếp tục như vậy.

Khi con sẵn sàng đi qua tiến trình học hỏi này với mỗi vị trong bảy vị Thượng sư mà không lo lắng mình đang ở tầng nào, thì con sẽ đi qua các bước này một cách ý thức. Điều này sẽ có hai tác dụng. Tác dụng đầu tiên là con ý thức nhiều hơn về sự khai ngộ và sự khai ngộ này được neo chặt vào mọi tầng của bản thể con. Những gì con đã đạt được trong các kiếp trước được neo chặt vào ba thể cao của con – thể bản sắc, thể tư tưởng và thể cảm xúc – nhưng không nhất thiết trong thể vật lý của con, bằng không con đã có ý thức về chúng ngay lúc này. Con cần đem những thành tựu mà con đã đạt được trong quá khứ xuống tầng ý thức để con có thể sử dụng chúng một cách ý thức. Và đây là điều con sẽ đạt được khi con đi qua các tầng đó.

Khía cạnh quan trọng khác của việc con bắt đầu ở tầng 48 với Tia thứ Nhất, là con sẽ giúp người khác đi qua tiến trình này dễ dàng hơn. Đó là vì con đóng góp vào động lực đi qua con Đường của Bảy Tia sáng và đây là một phần của động lực của Thánh linh cho trái đất. Con quả thực sẽ giúp người khác hòa điệu với Thánh linh dễ dàng hơn, và như thế giúp họ thăng vượt tầng tâm thức hiện thời của họ, bằng cách hòa điệu với động lực do con và tất cả những sinh thể khác trên trái đất tạo ra khi trải qua các khai ngộ của bảy tia sáng.

9.8 Hai mức động cơ thúc đẩy

Điều này không có nghĩa là các thành tựu và động lực mà con đã gặt hái trong các kiếp trước không có lợi ích gì cho con, cho tới khi con đạt tới tầng tâm thức mà con đã đạt được trong các kiếp trước. Nếu con đã có động lực, tỷ dụ ở tầng 72, thì con sẽ dễ dàng đạt được các khai ngộ ở dưới tầng đó. Do đó, con sẽ đi nhanh hơn một người bắt đầu ở tầng 48 hay ở một tầng dưới đó.

Điều mà các thày đề nghị trong quyển sách này, và sau đó trong sách của mỗi vị Thượng sư, là phác họa một con đường mà ai ai trên trái đất đều có thể đi theo, bất kể họ đang ở tầng tâm thức nào. Nói cách khác, một người ở tầng tâm thức thấp nhất cũng có thể bắt đầu với những khai ngộ mà các thày đang và sẽ mô tả ở Tia thứ Nhất, và sau đó có thể tăng triển thêm từ đó. Dĩ nhiên các thày chỉ có thể làm một chuyện là phác họa ra con đường, những bước mà con phải theo, và thứ tự của những bước này.

Nhưng các thày không thể cung cấp ý muốn đi theo con đường tu. Đó là trách nhiệm của con, trách nhiệm của một mình con. Do đó, các thày dự trù sẽ có hai mức động cơ thúc đẩy. Khi con xuống dưới tầng 48, con đi vào – hay đúng hơn là con tạo ra – một vòng xoắn hướng hạ. Dĩ nhiên là đã có nhiều sinh thể khác đã tạo ra vòng xoắn hướng hạ trên trái đất, và do đó khi con xuống dưới tầng 48, con sẽ bị buộc vào các vòng xoắn đó. Con sẽ bị chúng hút vào, và như vậy vòng xoắn của riêng con sẽ gia tốc. Tuy nhiên, con vẫn phải lấy quyết định ở mỗi bước là con muốn đi xuống, do đó tuy có từ lực (magnetic force) kéo con xuống, con vẫn phải quyết định đi xuống.

Dĩ nhiên là như vậy cũng có nghĩa là để đảo ngược tiến trình và bắt đầu đi trở lên thì con cũng phải lấy quyết định đi trở lên. Điều gì sẽ khiến con lấy quyết định này? Nếu con đã xuống dưới tầng 48, thì thông thường con sẽ tới một điểm mà có người gọi là “xuống tới đáy vực”. Đây là lúc mọi chuyện tới cường độ khiến con không còn chịu nổi nữa; con không thể sống với chính mình, con không thể sống với những điều kiện mà con phải đối đầu trong thế giới vật chất. 

9.9. Vượt quá hoàn cảnh bất toại nguyện

Tình trạng trên đưa đến cái mà ta có thể gọi là động cơ thúc đẩy tiêu cực vì con cảm thấy bị hoàn cảnh bên ngoài ép con vào một tình trạng mà con không thể chịu nổi nữa. Tuy các thày gọi đây là động cơ thúc đẩy tiêu cực nhưng nó cũng vẫn là một động cơ thúc đẩy – nếu con chịu làm một điều. Nếu con chịu nhìn vào chính mình và nói: “Cái ta không chịu nổi hoàn cảnh hiện tại nữa là ai? Ai không chịu nổi nữa? Có thể nào có nhiều hơn một cái ta ở đây?”

Nói cách khác, có sự khác biệt giữa cái ta thật của con và cái ta đang kinh nghiệm nó không chịu nổi hoàn cảnh hiện tại. Nếu con chịu tự đặt câu hỏi này thì con có thể mở tâm đón nhận lời dạy của thày. Nghĩa là, ở tầng tâm thức hiện tại của con, bất kể tầng đó là tầng nào, con đã tạo ra một phàm linh. Phàm linh đó không phải là con vì con vẫn là cái Ta Biết, là nhận biết thuần khiết. Con đã không trở thành phàm linh đó. Con chỉ đang nhìn – đang nhận thức – cuộc đời xuyên qua phin lọc nhận thức của phàm linh đó. Do đó, không phải là con không chịu nổi hoàn cảnh, mà là phàm linh không chịu nổi hoàn cảnh.

Tại vì nó đã tự đưa nó vào ngõ bí – một tình trạng mắc kẹt vì mâu thuẫn nội tại (catch-22) – mà có vẻ không có lối thoát dù rằng nó nhìn đủ mọi hướng. Và quả đúng là nếu con nhìn hoàn cảnh qua phin lọc nhận thức của phàm linh, thì con không thể thoát được – thật sự là không có lối thoát. Nhưng có một lối thoát, đó là con nhận ra rằng: “Con không phải là phàm linh, con Hơn phàm linh”. Và điều này có nghĩa là con có tiềm năng tiến lên tầng tâm thức cao hơn, nhưng làm sao con làm được điều này?

Con chỉ có một cách để làm được điều này: con phải để cho phàm linh hiện tại của con chết đi! Con hãy tin lời thày: vì phàm linh này là một phàm linh hung hãn, nó sẽ trải nghiệm chuyện này như một cái chết, như con hiểu cái chết trên trái đất – nơi mà mọi hệ thống tư tưởng, mọi triết lý, mọi tôn giáo, ngay cả hầu hết các giáo lý tâm linh đều bị ảnh hưởng bởi tâm thức chết, tâm thức của tách biệt và nhị nguyên.

Đó là lý do vì sao con phải nhìn nhận một sự kiện đơn giản. Trong kịch bản không lý tưởng hiện nay – dù con ở dưới tầng 48 hay giữa tầng 48 và 96 – cách duy nhất giúp con tăng triển lên tầng kế tiếp của con đường tu là con phải đối phó với phàm linh tiêu cực và hung hãn tương ứng với tầng hiện tại của con. Nếu con muốn giải thoát khỏi lực kéo xuống của phàm linh này, con phải nhìn vào phàm linh của con, con phải thấy là phàm linh này khác với cái Ta Biết của con, khác với con người thật của con. Con phải cố ý và có ý thức nói với phàm linh này: “Tôi không phải là bạn, tôi không muốn nhìn đời xuyên qua phin lọc mà bạn là. Tôi nhìn nhận là bạn không thật, và tôi sẵn sàng cho bạn chết đi để tôi được tự do tiến lên tầng cao hơn.”

Đây là cách duy nhất giúp con thực sự bỏ lại đằng sau tầng tâm thức thấp hơn và tiến lên tầng kế tiếp. Con nên nhớ đây không phải là cách làm trong kịch bản lý tưởng, nhưng con không đang ở trong kịch bản lý tưởng, con không đang ở trong một môi trường lý tưởng. Con đang ở trong một môi trường đầy hiểm nghèo thấm đẫm nặng nề bởi tâm thức chết. Làm sao con đối phó với tâm thức chết là đề tài của bài giảng tới của thày, nhưng bây giờ thì thày đã cho con nhiều chuyện để con suy ngẫm lắm rồi.

Hãy để các phàm linh cũ chết đi

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/12/2012.

TA là Đại thượng sư. Trong bài giảng này, chúng ta lại xem xét câu hỏi: “Thánh linh (Holy Spirit) là gì?” Chúng ta xem xét chủ đề và tìm giải đáp một cách tuần tự để các con hiểu rõ hơn chủ đề rất quan trọng này.

Chúng ta hãy trở lại khái niệm 144 tầng tâm thức và sự kiện một người đồng-sáng tạo mới sẽ bắt đầu ở tầng thứ 48. Sau đó, nếu vị ấy quyết định nâng tâm thức mình lên và đi theo con Đường Bảy bức Màn, con Đường của Bảy Tia sáng, thì vị ấy sẽ tuần tự theo bảy tia sáng tiến dần tới tầng 96.

7.1 Phàm linh và bảy tia sáng 

Như thày đã giảng, mọi việc con làm đều làm với năng lượng. Mọi việc con làm đều làm bằng tâm thức. Khía cạnh năng lượng là cái mà các thày đã gọi là ánh sáng Mẫu-Vật. Con hình thành một khuôn đúc trong tâm của con, và sau đó con cho phép dòng tâm thức của con chảy xuyên qua khuôn đúc và như vậy con phóng chiếu khuôn đúc này lên trên ánh sáng Mẫu-Vật, sau đó ánh sáng sẽ khoác lên hình tướng.

Bất cứ mọi thứ có tâm thức chảy xuyên qua nó đều được tâm thức khiến trở nên sinh động. Điều con thực sự đang làm là sáng tạo một phàm linh. Các thày đã có mấy bài giảng về đề tài này rồi. Các thày đã giảng là một người đồng-sáng tạo mới thường mang cái mà các thày gọi là một vai tuồng đã được định sẵn để làm nền tảng bắt đầu nỗ lực sáng tạo của mình. Tuy nhiên, khi con tiếp tục đồng-sáng tạo xuyên qua vai tuồng này, con dần dần bắt đầu tạo ra một phàm linh. Phàm linh này không có tự nhận biết như con, nhưng nó vẫn là một linh thể. Nó là một sinh thể có một ý niệm nhận biết nào đó, một loại bản năng sinh tồn, và do đó tự trong nó có ham muốn tăng triển.

Điều xảy ra là khi con tiến lên qua ba tia sáng đầu thì con giản dị chỉ thử nghiệm khả năng sáng tạo của mình. Ở Tia sáng thứ Nhất, con có niềm vui thử nghiệm. Ở Tia sáng thứ Nhì, con có ý muốn thẩm định kết quả mà con tạo ra có đúng như điều con mong muốn hay không. Ở Tia sáng thứ Ba, con có tình thương, tình thương này có thể đơn thuần là lòng yêu thích sáng tạo nhưng rốt cuộc sẽ trở nên lòng yêu thích sáng tạo cho một mục đích cao hơn.

Từ đó con tiến tới điểm gia tốc ở Tia sáng thứ Tư và bắt đầu thẩm định những gì con đã đồng-sáng tạo dựa trên một tiêu chuẩn bên ngoài con. Vì con đang cố gắng hoàn thành một mục đích cao hơn, một điều gì có ảnh hưởng tích cực trên sự sống bên ngoài phạm vi của cái ta. Tiến trình này tiếp tục ở các Tia sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, đưa con tới tầng tâm thức thứ 95-96. Đây là chỗ con đối diện một khai ngộ: con có muốn nhảy một bước vĩ đại – một bước tiến nhảy vọt – hay là con muốn tiếp tục củng cố những gì con đã tạo ra trước đó.

7.2 Con không phải là phàm linh con đã tạo ra

Nhưng con đã tạo ra cái gì? Con đã tạo ra một cái ngã vỏ ngoài, và đó là một phàm linh. Nhưng một điểm cực kỳ quan trọng trong quan niệm cái Ta Biết là, tuy chính cái Ta Biết đã tạo ra phàm linh vỏ ngoài, nhưng cái Ta Biết không phải là phàm linh đó. Cái Ta Biết không trở thành phàm linh và không bị thay đổi bởi phàm linh. Cái Ta Biết được tạo ra như cánh cửa mở và nó vẫn luôn luôn là cánh cửa mở, không hơn không kém.

Thử thách của con lúc đó – khi con đã hoàn thành các khai ngộ của bảy tia sáng – giản dị là: con có chấp nhận để phàm linh mà con đã tạo ra chết đi, để con có thể tái sinh với một ý niệm bản ngã cao hơn? Đó là điều mà Giê-su đã hàm ý một cách ẩn dụ khi thày nói với Nicodemus là chỉ có người xuống từ Thiên đường mới có thể trở lên Thiên đường. Người xuống từ Thiên đường là cái Ta Biết. Chỉ có cái Ta Biết mới có thể thăng thiên trở về cõi tâm linh.

Phàm linh mà con đã tạo ra, mà nhiều người gọi là linh hồn (soul), không thể thăng thiên. Con yêu dấu, nó không thể thăng thiên. Cái có thể thăng thiên là những kinh nghiệm tích cực mà con đã có được xuyên qua phàm linh này và các kinh nghiệm trở nên một phần của căn thể (causal body) của con (xem quyển Uy lực của cái ta). Nhưng chính phàm linh thì không thể thăng thiên; con phải cho nó chết đi thì cái Ta Biết mới lên được một mức cao hơn, vượt quá tầng 96 để hướng tới tầng 144.

Điều cần xảy ra ở tầng 96 là con phải cho phép phàm linh mà con đã tạo ra chết đi, nhờ vậy mà con có thể – như Giê-su đã nói – tái sinh, tái sinh từ nước. Khi con tái sinh từ nước, con mang vào một cái ngã mới, cái ngã này dĩ nhiên không hoàn toàn khác biệt cái ngã cũ. Nhưng nó rõ ràng là một cái ngã mới và con có ý thức nó là một cái ngã mới.

Sau đó con bắt đầu phát triển về hướng tầng 144. Lúc đó, con lại tạo nên một cái ngã, một phàm linh. Khi con tới tầng 144, giống như Giê-su đã chứng minh trên thập tự giá, con bị tê liệt, con bị đóng đinh, và con nhận ra là con đã bị đóng đinh bởi chính tạo vật của mình. Do đó, khi con đang treo lơ lửng trên cây thập tự, thì con nhận ra là không có ai sẽ tới và cứu con khỏi chính tạo vật của mình và giải thoát con khỏi phàm linh mà con đã tạo ra. Chính con là người phải dứt bỏ hồn ma và để cho phàm linh này chết thêm lần nữa, nhờ vậy con được tái sinh, tái sinh từ lửa trong nghi thức của Ngọn lửa Thăng thiên gia tốc bản thể con bằng cách phá tan khuôn đúc của phàm linh đã dẫn con tới điểm đó.

7.3 Thánh linh được tạo ra như thế nào

Khi thày mô tả tiến trình mà con trải qua như một người đồng-sáng tạo trên trái đất, thì con thấy đây cũng là tiến trình đã lặp đi lặp lại trong các bầu cõi trước. Giống như con, các sinh thể có tự nhận biết bắt đầu với một ý niệm tự nhận biết nhỏ như cái chấm. Sau đó họ dần dần mở rộng ý niệm tự nhận biết đó ra bằng cách tạo ra một phàm linh. Phàm linh này không nhất thiết là một phàm linh đen tối hay tà ác; nó có thể là một phàm linh đẹp và sáng được tạo ra từ động lực tích cực do các dòng sống đó đã xây dựng được. Tuy thế nó vẫn là một phàm linh mà con phải để cho chết đi hầu cái Ta Biết có thể vươn lên cao hơn và tiến gần hơn tới sự hợp nhất tối hậu với đấng sáng tạo ra nó, với cội nguồn của nó. Trong trường hợp của con là người đang sống trong cõi vật chất, cội nguồn này là Hiện diện TA LÀ của con.

Tất cả các sinh thể trong tất cả các bầu cõi trước đều đã đi qua tiến trình này: bắt đầu bằng cách tạo ra một phàm linh từ bảy tia sáng, rồi cho phép nó chết đi, tái sinh, rồi bắt đầu làm việc với các tia sáng cao hơn – mà các thày trước đây đã gọi là các tia sáng bí mật – cho tới khi tạo nên một phàm linh khác. Sau đó, cho phép phàm linh này chết đi và tái sinh từ lửa của Ngọn lửa Thăng thiên. Cuối cùng là gia tốc thành những dòng sống bất tử trong cõi tâm linh, là cõi thăng thiên, thay vì cõi chưa thăng thiên. Toàn bộ tiến trình này là một phần của tiến trình tạo nên Thánh linh (Holy Spirit).

Ngay khi con đang tạo ra phàm linh trước khi thăng thiên, thì con đã đóng góp vào sự tăng triển của bầu cõi của con. Con đem xuống ánh sáng vào bầu cõi. Lúc đầu, cho tới tầng thứ 96, con đem xuống ánh sáng của bảy tia sáng, và sau đó là ánh sáng của các tia sáng cao hơn. Con đang đóng góp vào việc xây dựng và nâng cao bầu cõi của con, xây dựng động lực thăng thiên của bầu cõi của con. Cái thực sự làm cho tánh linh thiêng liêng, cái đóng góp vào Thánh linh, là khi con thấy một cách có ý thức phàm linh con đã tạo ra và con ý thức chọn lựa cho nó chết đi để con được tái sinh.

Đó là lúc con đóng góp vào Thánh linh (Holy Spirit), vào Tánh linh Duy nhất (One Spirit), vì khi con để phàm linh cũ chết đi, con đã bước gần hơn tới cái duy nhất. Đóng góp cuối cùng của con vào Thánh linh là lúc con cho phép hồn ma cuối cùng chết đi và con gia tốc vào Ngọn lửa Thăng thiên. Tuy nhiên, mỗi lần con rút cái Ta Biết ra khỏi một phàm linh, nhìn thấy phàm linh từ bên ngoài – thấy nó không phải là cái ta thực của mình – và cho phép nó chết đi một cách ý thức, thì con đóng góp vào động lực hướng thượng qua đó các Đốm sáng Tánh linh tách biệt, là các phần cá biệt của đấng Sáng tạo, bước một bước gần hơn tới sự hợp nhất với đấng Sáng tạo. Và con bắt đầu thấy đó chính là Thánh linh.

7.4 Con có động lực bẩm sinh muốn Hơn nữa 

Đấng Sáng tạo quyết định tạo ra những phần nối dài riêng biệt của Bản thể của ngài, gửi chúng xuống với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm, khác xa ý niệm cái Ta toàn khắp, quả cầu, không theo đường thẳng, của đấng Sáng tạo. Đấng Sáng tạo biết là các Đốm sáng Tánh linh này có thể bị lạc trong chính những tạo vật của chúng. Chúng có thể tự đồng hóa với tạo vật của chúng và như vậy ở trong đó mãi mãi nếu không có một cơ chế nào khiến chúng luôn luôn tăng trưởng, luôn luôn tìm cách trở về nguồn. Mục đích của sự sáng tạo chính là để các Đốm sáng Tánh linh này đi ra và sau đó trở về nguồn. Không phải là trở về thành hư vô mà trở về Hơn khi chúng đi ra. Và đây là cách khiến sự sáng tạo mở rộng và cách khiến Thượng đế được khuếch đại.

Ý muốn trở nên Hơn nữa, ý muốn mở rộng hơn, đã có sẵn trong dòng sống của con. Đó chính là ý muốn đã thúc đẩy đấng Sáng tạo sáng tạo lúc khởi thủy, tạo ra một thế giới hình tướng, tạo ra những đốm sáng cá biệt của Bản thể của ngài, để chúng trở thành Hơn nữa trong tiến trình đi ra và trở về nguồn, nhưng trở về Hơn khi đi ra.

Bên trong con có động lực muốn trở nên Hơn nữa và đó là lý do vì sao con đồng-sáng tạo. Đó là lý do vì sao con hình thành một hình ảnh và thấm đẫm nó với tâm thức, thấm đẫm nó với Tánh linh. Đó cũng là lý do vì sao bất cứ phàm linh nào con tạo ra đều có động lực muốn trở nên Hơn nữa, muốn mở rộng, muốn tăng trưởng và muốn thêm cường độ.

Điều này trở nên quan trọng khi con nhìn lại tiến trình qua đó quyền tự quyết tự trải bày. Con bây giờ bắt đầu nhận ra là khi con bắt đầu ở tầng tâm thức thứ 48 và quyết định đi lên, thì con quả thực đã tạo ra một phàm linh có ý muốn mở rộng và tăng trưởng.

Nhưng con cũng nên ghi nhận một điểm quan trọng. Khi con theo tiến trình khai ngộ với bảy vị Thượng sư, thì khả năng cơ yếu mà con học được là gì? Đó là khả năng rút ánh sáng của bảy tia sáng từ bên trong con – hay đúng hơn là từ Hiện diện TA LÀ của con – qua cánh cửa mở của cái Ta Biết và đem tới cái ngã vỏ ngoài, là phàm linh mà con đang sáng tạo. Khi con tạo ra phàm linh giữa tầng 48 và 96 thì phàm linh biết là nó có thể lấy được ánh sáng, nó có thể lấy được động lực giúp nó tăng triển, từ bên trong nó. Đây là một tiến trình sáng tạo, vì con không cần lấy bất cứ gì từ các dòng sống khác hay từ thế giới vật chất để thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của mình. Con biết là con có thể lấy ánh sáng từ bên trong, qua động lực mà con tạo ra khi con dùng bảy tia sáng.

7.5 Để phàm linh chết đi một cách ý thức  

Khi con tiến dần về hướng tầng 96 thì phàm linh mà con tạo ra đó càng ngày càng trở nên hùng mạnh trong việc sử dụng bảy tia sáng. Nếu con theo đúng các chỉ dẫn của các vị Thượng sư thì con càng ngày càng không dính mắc vào phàm linh mà con tạo ra, con biết rằng nó chỉ là một cỗ xe, biết rằng nó là một đày tớ mà con tạo ra và con – tức là cái Ta Biết – là người chỉ huy.

Con không cho phép phàm linh này mang một tự ngã riêng của nó. Con dần dần tới điểm, khi con tới gần tầng 96, con càng ngày càng nhận ra rằng mỗi lần con bước lên một tầng tâm thức cao hơn, con làm được việc này bằng cách cho phàm linh cũ chết đi và con tái sinh với một phàm linh mới cao hơn phàm linh cũ vì nó được tái sinh từ nước.

Khi con tới tầng 96 thì con đã quen thuộc với tiến trình cho cái cũ chết đi mà không nắm giữ nó vì con biết rằng con sẽ được tái sinh Hơn thế nữa. Do đó, ở tầng 96 con có thể khá dễ dàng buông bỏ hoàn toàn động lực mà con có với bảy tia sáng, và con nhận ra rằng con muốn cái gì cao hơn, chính là các tia sáng bí mật. Các tia sáng cao không nhằm mục đích sáng tạo hình tướng vật chất, nhưng có mục đích sáng tạo cái gì vượt lên trên hình tướng vật chất và như thế góp phần vào việc nâng cao tâm thức tập thể, thay vì tạo ra những biểu hiện vật lý thấy được qua giác quan. Điều đáng tiếc là có thể có dòng sống không nhận ra tiến trình cho cái cũ chết đi, và vẫn chú tâm vào việc nới rộng và khuếch đại phàm linh khiến nó càng ngày càng tạo thêm biểu hiện vật lý. Dòng sống đó không thấy một cách ý thức là nó phải để cho cái cũ chết đi.

Do đó, khi dòng sống đó tới tầng 96 và phải đối diện nhu cầu cho cái cũ chết đi thì nó bị một cú sốc và có thể lấy quyết định không để cho cái cũ chết đi. Nó không chịu dứt bỏ hồn ma đó, nó muốn giữ nó lại. Nó muốn dùng động lực đã gặt hái được để chứng minh khả năng tâm làm chủ vật chất và tạo ra những hiện tượng làm choáng mắt những người mới tu. Do đó, một dòng sống có thể trở nên dính mắc vào phàm linh và quyết định không chịu buông bỏ nó, và điều này khiến dòng sống đó sa ngã.

7.6 Chuyện gì xảy ra khi sinh thể sa ngã

Khi con sa ngã ở tầng 96 thì con sa xuống mức thấp nhất, nhưng không có nghĩa là con không có động lực. Con thực sự có rất nhiều động lực trong việc sử dụng bảy tia sáng, nhưng nay con đã tha hóa động lực đó và dùng nó với mục đích hoàn toàn vị kỷ vì con không dùng nó để tăng triển từ bên trong. Con tìm cách nắm giữ những gì con có, và do đó đột nhiên con cảm thấy bị đe dọa. Lúc đó, con nghĩ con phải dùng quyền năng của mình để chế ngự môi trường, chế ngự các dòng sống khác, chế ngự ngay cả Mẹ Thiên nhiên. Lúc đó, con trở nên người mà Giê-su đề cập tới khi thày nói: “Nếu ánh sáng trong vị đó là bóng tối, thì bóng tối này lớn biết bao.”

Đột nhiên, ánh sáng mà con gặt hái được trên con Đường Bảy Tia Sáng đã trở thành bóng tối và con không còn đi trên con đường tự thăng vượt nữa. Con đi trên con đường tà đạo tìm cách tạo hiện tượng vỏ ngoài và nắm giữ các hiện tượng đó. Do đó, ánh sáng mà con gặt hái được trở thành bóng tối, và con lúc đó trở thành một thày phù thủy tà đạo sử dụng năng khiếu, động lực của mình với mục đích hoàn toàn vị kỷ. Do đó con bị cắt đứt khỏi dòng chảy của Tánh linh, là dòng chảy của tinh thần tự thăng vượt, là Thánh linh.

Điều này có nghĩa là lúc đó con không còn nhận được ánh sáng từ bảy tia sáng. Vậy con phải làm gì? Hoặc con phải chịu quy luật thứ hai của nhiệt động học (thermodynamics) và dần dần trở về điểm số không, nơi không có năng lượng để làm bất cứ việc gì. Hoặc con phải đi theo con đường của các thày phù thủy tà đạo, ăn cắp ánh sáng từ cõi vật chất. Có nghĩa là ăn cắp ánh sáng từ những dòng sống khác, từ những ai vẫn còn nhận được ánh sáng từ bên trong họ.

Lẽ dĩ nhiên con cũng có thể sa ngã ở bất cứ tầng nào giữa tầng 48 và tầng 96. Do đó có nhiều sinh thể có động lực khác nhau cho ngã tách biệt của họ. Điều con cần hiểu là khi con xuống dưới tầng nhận biết thứ 48, bất kể ở tầng nào, thì phàm linh mà con đã tạo ra cho tới điểm đó bây giờ trở thành một phàm linh không còn thấy được là nó có thể nhận năng lượng từ bên trong chính nó.

Phàm linh đó ngay tức khắc trở ngược thành, hoặc bị chuyển hóa thành, một phàm linh biết nó phải lấy ánh sáng từ bên ngoài nó. Tuy thế nó vẫn còn động lực cơ bản của mọi sự sống, động lực có thể nói là của chính tâm thức, là động lực muốn gia tăng, động lực muốn Hơn nữa.

7.7 Vì sao phàm linh trở nên hung hãn

Bây giờ thì ta có một phàm linh có động lực muốn trở nên Hơn nữa, nhưng không thể trở nên Hơn nữa bằng cách lấy năng lượng từ bảy tia sáng từ bên trong nó. Vậy phàm linh này phải làm gì? Nó phải tìm cách trở nên Hơn nữa bằng cách lấy năng lượng ở tầng nó đang sống trong cõi vật chất. Bây giờ nó trở thành một phàm linh có bản chất hung hãn phải lấy, và sẽ lấy, ánh sáng từ các phàm linh khác. 

Đó là lý do vì sao lúc đó ta có một phàm linh không thể sống và để yên cho người khác sống. Tự nó không có sự sống, sự sống của Tánh linh. Nó đã trở thành loại người mà Giê-su đã đề cập khi thày nói tới những người đã chết theo nghĩa tâm linh: “Hãy để cho người chết chôn người chết của họ”.

Đó là những người không còn đi trên con đường tự thăng vượt từ bên trong, nhưng đang đi theo con đường tà đạo muốn lấy từ bên ngoài. Và lẽ dĩ nhiên, họ phải lấy ánh sáng bằng lừa đảo hay bằng vũ lực. Đó là lý do vì sao ta có, như các thày đã nói trước đây, hai loại sa nhân:

1. Sa nhân dùng vũ lực trắng trợn để lấy ánh sáng từ người khác.

2. Sa nhân dùng lừa đảo để khiến người khác tự nguyện dâng cho họ năng lượng của mình.

Bây giờ thì các con hiểu được giáo lý cơ bản là Thánh linh chính là Tánh linh của sự tự thăng vượt bằng cách lấy năng lượng từ cõi tâm linh và nhân lên vốn liếng đó, do đó không cần lấy gì từ tầng mình đang sống, và chỉ cống hiến năng lượng cho tầng đó. Ta cũng có linh thể chết, linh thể không có sự sống. Linh thể chết muốn lấy năng lượng từ tầng nó đang sống, vì nó không thể lấy được từ bên trong nó; nó cũng không thể lấy được từ cõi cao hơn vì nó không còn là cánh cửa mở.

Do đó, chỉ có một Thánh linh duy nhất luôn luôn tiến gần hơn tới cái một. Trong khi đó thì có rất nhiều phàm linh tách biệt, thực sự là linh thể chết càng ngày càng tách xa khỏi cái một khi chúng càng lấy thêm quyền năng về chúng. Mỗi lần chúng lấy từ một người, chúng tách xa hơn sự hợp nhất với người đó. Vì làm sao con có thể dùng vũ lực hay lừa đảo để lấy từ người khác mà lại tiến gần hơn tới hợp nhất với người đó? Điều này giản dị là không thể có được. Các con đã bắt đầu thấy điều này chưa?

Bài giảng này là nền tảng cho những gì thày sẽ giảng trong các bài tới. Thày để con suy ngẫm bài giảng này vì nó có thể khiến nhiều người sững sờ, trong đó có những người đã lớn lên trong khung cảnh các tôn giáo truyền thống, và ngay cả những người quen thuộc với nhiều triết lý tâm linh hay thuộc khuynh hướng được gọi là Thời đại Mới; và ngay cả nhiều người có biết tới giáo lý chân sư thăng thiên. Thày để con suy ngẫm bài giảng này, và thày sẽ trở lại với bài giảng tới khi thời gian sẵn sàng. 

Hai loại linh thể

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Trong bài này chúng ta sẽ xem xét câu hỏi: Thánh linh (Holy Spirit), Tánh linh Duy nhất (the One Spirit), Dòng sông sự Sống là gì?

Các con đã có bài giảng của các thày (xem quyển Uy lực của cái ta) mô tả cách đấng Sáng tạo ban đầu tạo ra một khoảng hư không bằng cách tự rút mình vào một điểm dị thường, và sau đó tự phóng chiếu ra thành bầu cõi thứ nhất. Sau khi bầu cõi thứ nhất thăng thiên, thì nó trở nên nền tảng để tạo ra bầu cõi thứ hai, và cứ như vậy cho đến bầu cõi mà các con đang sống, trong đó có vũ trụ vật chất. Điều mà con cần hiểu là: Thượng đế đã không một mình tạo ra thế giới hình tướng.

Đấng Sáng tạo đã không ngồi trên như một đấng Sáng tạo toàn năng và xa cách, và tạo ra thế giới hình tướng từ bên ngoài. Tiến trình sáng tạo gồm hai phần; trong tiến trình này đấng Sáng tạo Duy nhất tạo ra các phần nối dài của chính mình, cá biệt và có tự nhận biết, gửi chúng xuống bầu cõi mới nhất, và sau đó họ đồng-sáng tạo thế giới hình tướng từ bên trong, tạo nên dòng chảy hình số tám với đấng Sáng tạo.

Do đó, chúng ta thấy là các nối dài có tự nhận biết của đấng Sáng tạo, trên căn bản cũng sáng tạo giống như đấng Sáng tạo đã làm. Vì đấng Sáng tạo đã tạo ra gì khi ngài tạo ra những nối dài của chính mình? Đấng Sáng tạo là gì?

5.1 Tánh linh sáng tạo như thế nào?

Đấng Sáng tạo là một Tánh linh (Spirit). Tánh linh sáng tạo như thế nào? Con quen nhìn tiến trình này từ góc độ thế giới vật chất trong đó – vì nhiều lý do mà ở đây chúng ta không cần khai triển – con đã bị điều kiện hóa, bị lập trình để nhìn vũ trụ vật chất như cái gì tách biệt khỏi Tánh linh. Trong tâm con, con có hình ảnh vi tế Thượng đế là một Tánh linh, nhưng Thượng đế đã sáng tạo một thế giới hình tướng không phải là Tánh linh, và thế giới này tách biệt với Tánh linh.

Quan niệm này rất sai sự thực và nó không giúp con phát triển tâm linh. Các thày là chân sư thăng thiên hiểu rất rõ là có nhiều trình độ tâm thức, và nếu con đang ở một tầng tâm thức nào đó thì con sẽ không hiểu được sự thực mà thày trao truyền ở đây. Do đó các thày hiểu rằng có một số người cần giữ chặt hình ảnh vật chất và Tánh linh tách biệt với nhau. Vì chỉ qua cách đó thì họ mới trải nghiệm được điều họ muốn; tức là trải nghiệm mình là một sinh thể tách biệt, tách rời khỏi các sinh thể khác. Lẽ đương nhiên, Luật Tự quyết phải được phép trải bày ra, để những người đó trải nghiệm được điều họ muốn cho tới khi họ chán ngán không còn muốn nữa.

Tuy nhiên sự thật sâu sắc mà thày muốn tiết lộ cho những ai đã sẵn sàng, những ai có tai để nghe có mắt để thấy, là Tánh linh không thể sáng tạo cái gì tách biệt khỏi Tánh linh. Tánh linh không thể nào sáng tạo cái không phải là Tánh linh. Vậy, Tánh linh sáng tạo như thế nào? Tánh linh (Spirit) sáng tạo bằng cách tạo ra các linh thể (spirit) khác.

Đấng Sáng tạo vượt lên trên mọi hình tướng, hiểu theo nghĩa hình tướng nhìn từ bên trong thế giới hình tướng. Tuy nhiên, để sáng tạo thế giới hình tướng, đấng Sáng tạo không tạo ra một hình tướng tách biệt với chính ngài. Đấng Sáng tạo là một Tánh linh (Spirit), và chỉ có thể tạo hình tướng bằng một cách là tạo ra một linh thể (spirit). Linh thể này được tạo ra qua hai giai đoạn.

Đầu tiên, đấng Sáng tạo phải mường tượng một khuôn đúc, một hình kỷ hà, mà thày Saint Germain cũng gọi là một biểu tượng. Sau đó, đấng Sáng tạo cho phép dòng sống của chính Bản thể ngài, tâm thức ngài và Tánh linh của ngài chảy qua khuôn đúc này. Khuôn đúc trở nên sống động nhờ Tánh linh của đấng Sáng tạo và do đó nó trở thành một linh thể có hình tướng khác biệt. Linh thể này bây giờ có trách nhiệm duy trì hình tướng đó.

5.2 Linh thể và tự nhận biết

Khi con nhìn đời từ bên trong bầu cõi vật chất thì con hay chia ra vật chất vô tri giác và các sự sống sinh động. Điều này tương tự – tuy ta đừng nên theo quá sát nghĩa – với những gì đấng Sáng tạo làm. Đấng Sáng tạo tạo ra các hình thể vô tri giác được một linh thể duy trì, linh thể này có tâm thức (consciousness) nhưng không có tự nhận biết (self-awareness). Sau đó, đấng Sáng tạo tạo ra những sinh thể đồng-sáng tạo, có hình tướng và như vậy họ bắt đầu như một khuôn đúc trong tâm của đấng Sáng tạo, được ngài phú cho một Tánh linh, nhưng phần Tánh linh này cô đặc và có cường độ cao đến độ họ có tự nhận biết. Vậy bây giờ chúng ta có những linh thể có nhận biết nhưng không có tự nhận biết, và những Tánh linh có tự nhận biết. 

Do đó, con có thể thấy một khác biệt quan trọng. Một linh thể “vô tri giác”, theo lối nói thông thường, không thể thăng vượt khuôn đúc cơ bản từ đó nó được tạo ra. Nó không thể nào, một cách cố ý và có ý thức, thăng vượt chính nó, tái tạo chính nó, hay tự quy định lại chính nó. Điều này không có nghĩa là linh thể đó không thể tiến hóa; nó quả thực có thể tiến hóa theo quan niệm luật tiến hóa trong thiên nhiên. Nó có thể tiến hóa trong phạm vi các thông số đã được quy định bởi khuôn đúc ban đầu của nó, có nghĩa là nó có thể trở thành hơn khuôn đúc này. Nó có thể thu thập năng lượng, ngay cả tâm thức và do đó nó có thể có thêm quyền lực, và độ tinh xảo. Nhưng nó không thể thay đổi chính nó một cách cố ý và có ý thức.

Ta có thể nói là nó không thể trở thành một cái gì mới một cách cách mạng và siêu vượt. Nhưng một Tánh linh có tự nhận biết và có “tri giác”, một sinh thể đồng-sáng tạo, thì có khả năng bước lùi lại, nhìn chính mình và quyết định nó muốn hơn cái gì nó đang là lúc đó. Và vì vậy, nó có thể làm lại chính nó, tái tạo chính nó và thăng vượt chính nó.

Điều này có ý nghĩa rất sâu sắc. Tánh linh đồng-sáng tạo có cùng khả năng như đấng Sáng tạo, tức là nó có thể tạo ra một khuôn đúc trong tâm của nó và hướng dòng tâm thức của nó chảy xuyên qua khuôn đúc. Như thế, một Tánh linh đồng-sáng tạo có thể tạo ra hình tướng, ngay cả một hình tướng mới chưa từng thấy. Linh thể vô tri giác không có khả năng hình dung hay tưởng tượng một cái gì vượt quá khuôn đúc của nó. Nó có đủ tâm thức để biết là nó hiện hữu, nó muốn sinh tồn và muốn tăng trưởng bằng cách thu thập thêm năng lượng, thêm tâm thức, và nó cũng có thể tăng trưởng trong khuôn khổ khuôn đúc đã định ra nó.

Một Tánh linh đồng-sáng tạo có thể hình dung, tưởng tượng một khuôn đúc mới. Nhưng dĩ nhiên là khả năng hình dung của một Tánh linh đồng-sáng tạo cũng có giới hạn, và những giới hạn này được ấn định bởi khuôn đúc đã định ra nó. Do đó, con có thể thấy là có hai giai đoạn trong sự tiến hóa, sự tăng trưởng của một Tánh linh đồng-sáng tạo. Trong giai đoạn đầu nó chú tâm vào việc sáng tạo hình tướng, trong giai đoạn nhì nó nhận ra rằng muốn tạo ra hình tướng hoàn toàn mới thì nó phải tái tạo chính nó. 

5.3 Tự tái tạo như một Tánh linh

Điều thày vừa giảng có liên hệ tới giáo lý của các thày về 144 tầng tâm thức có thể có trên trái đất (xem quyển Uy lực của cái ta). Các thày đã giảng là khi một dòng sống mới  – đồng nghĩa với gì thày gọi là Tánh linh đồng-sáng tạo  – xuống đầu thai lần đầu trên trái đất, thì nó bắt đầu ở tầng tâm thức thứ 48. Sau đó dòng sống này kinh qua tiến trình mà các thày gọi là Con Đường Bảy bức Màn qua đó nó học hỏi về khả năng đồng-sáng tạo của mình và tăng trưởng khả năng đó bằng cách dùng bảy tia sáng tâm linh, với kết quả là nó vươn lên tới tầng nhận biết thứ 96.

Đó là giai đoạn con khám phá khả năng đồng-sáng tạo của mình, khả năng tạo ra hình thể. Khi con làm vậy thì con cũng mở rộng sự tự nhận biết của mình, nhưng thông thường thì con không làm điều này một cách có ý thức. Sự tự nhận biết của con, ý niệm bản ngã của con được mở rộng qua các kinh nghiệm mà con có khi con tương tác với vũ trụ vật chất, khi con đồng-sáng tạo – khi con định ra một khuôn đúc trong tâm, làm cho nó trở nên sinh động với tâm thức, gửi nó đi, phóng chiếu nó ra, và nhìn thấy ánh sáng Mẫu-Vật khoác lên hình tướng của hình ảnh.  

Nhưng sẽ tới một lúc, khi con tới tầng 96, thì điều cốt yếu mà con cần làm, nếu con muốn vượt quá mức đó, là con phải bước lui lại, nhìn vào chính mình và nhận ra một điều cơ yếu. Cho tới điểm đó, con đã đồng-sáng tạo và làm thật đúng những gì chờ đợi nơi con. Con đã đồng-sáng tạo trong phạm vi các tham số được ấn định bởi khuôn đúc ban đầu, đã được quy định bởi cha mẹ tâm linh của con và ghi lại trong Hiện diện TA LÀ của con. Nhưng nay đã tới lúc con hòa điệu hoàn toàn tâm mình vào khuôn đúc nhưng đồng thời cũng nhận ra là bước tới trên con đường tu của con là mở rộng và tái tạo khuôn đúc một cách cố ý và có ý thức. Vì đây chính thực là ý nghĩa của Con Đường của Quả vị Ki-tô.

5.4 Cái Ta sẵn sàng thăng thiên

Thày giảng bài này vì thời nay có nhiều người đã trải qua các giai đoạn học hỏi cách dùng khả năng đồng-sáng tạo với bảy tia sáng. Họ đã làm việc này trong các kiếp trước và đã thu thập được nhiều động lực, động lực đồng-sáng tạo, trên bảy tia sáng. Con có thể thấy là mục đích của các thày hiện nay là cho các con một bộ sách, mỗi quyển do một vị Thượng sư, nhằm giúp các người đồng-sáng tạo học dùng các đức tính của bảy tia sáng một cách cố ý và có ý thức.

Một khía cạnh của mục đích của các thày khi phát hành bộ sách này là giúp các người đồng-sáng tạo theo đuổi tiến trình tăng trưởng từ tầng tâm thức 48 đến tầng 96. Một mục đích khác của các thày là giúp những ai đã xuống dưới tầng 48 đi trở lên tầng 48 là nơi họ đã rơi xuống, để nay tiếp tục tiến trình dang dở và như vậy mau chóng trở lại tầng 96.

Nhưng lý do vì sao thày giảng bài này ở đầu bộ sách chính là để cho những ai đã trải qua tiến trình học hỏi về bảy tia sáng trong các kiếp trước, có thể theo học với các vị Thượng sư, nhưng theo học ở một mức cao hơn những người vẫn còn ở dưới tầng tâm thức thứ 96. Con có thể nhận ra là mục đích của mình không phải chỉ là đồng-sáng tạo với bảy tia sáng nhưng thực ra là đồng-sáng tạo cái khuôn đúc đã định ra cái “ta” của mình, ý niệm bản ngã của mình, và làm việc này một cách cố ý và có ý thức. Tức là con không chú tâm quá đáng vào việc tạo ra hình thể, nhưng chú tâm vào việc tạo ra một cái Ta sẵn sàng để thăng thiên.  Nhưng trước khi con thăng thiên, con sẵn sàng biểu lộ chính mình trong cõi vật chất mà không chú tâm vào việc tạo hình thể hoặc tạo trải nghiệm đặc thù cho cái Ta. Nhưng ngược lại, chú tâm vào việc nâng tâm thức – nâng sự nhận biết của tổng thể, nâng tâm thức đại chúng – bằng cách thách đố các linh thể, các phàm linh đã tạo nên tâm thức đại chúng. Vì sao các phàm linh lại tạo nên tâm thức đại chúng sẽ chính là đề tài của bài giảng tới của thày.

Con hơn tâm của con

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Đại thượng sư là chức của thày, là trách vụ mà thày đảm trách. Đây không phải là tên của thày như là một sinh thể cá biệt có tánh Tự do của Thượng đế, nhưng tên của thày không quan trọng, vì bản sắc của thày – cá tính, đặc tính của thày – không quan trọng đối với trách vụ mà thày đảm trách.

Quả thực là khi con nắm giữ trách vụ đó, con đã vượt lên trên cá thể và cá tính, theo nhãn quan của một người đang đầu thai trên trái đất. Con đã buông bỏ cái ngã tách biệt, cái phàm ngã. Con đã phối hợp bảy tia sáng tâm linh đến độ đề cập đến cá thể không còn ý nghĩa gì nữa, khi con nói với hay nói cho những người đang hiện thân.

Các con quả thực có thể biết thày như một sinh thể cá biệt. Thày đương nhiên có đặc tính cá biệt, nhưng con không thể biết chúng qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt của con. Con chỉ biết chúng khi con vượt thăng phin lọc đó và nhập một với thày. Và dĩ nhiên, điều này cũng áp dụng cho các vị Thượng sư của bảy tia sáng.

3.1. Làm sao thực sự biết được một tia sáng tâm linh

Làm sao con biết được một vị Thượng sư? Làm sao con biết được một tia sáng tâm linh? Đúng là các thày có cho con một số đặc tính, nhưng nếu con chú tâm vào các đặc tính đó thì chúng sẽ trở thành một chướng ngại khiến con không biết được tia sáng đó. Bởi vì một tia sáng không thể bị giới hạn bởi đặc tính vỏ ngoài.

Con chỉ biết được một tia sáng khi con nhập một với nó, nhập một với vị Thượng sư, Đại thiên thần hay Elohim của tia sáng đó. Khi con đã nhập một thì con không nhìn tia sáng như con nhìn một vật trên trái đất, tức là con không nhìn nó như một chủ thể tách biệt tìm hiểu từ bên ngoài một khách thể tách biệt, tìm hiểu các đặc tính của nó từ bên ngoài.

Trái lại, con sử dụng khả năng cơ bản nhất mà con có, là khả năng của cái Ta Biết có thể rút ra không đồng hóa với phàm ngã và thay vào đó nhập một với cái gì cao hơn phàm ngã. Và lẽ dĩ nhiên là khi con nhập một với một tia sáng tâm linh hay vị Thượng sư của tia sáng đó, thì con không nhìn tia sáng đó từ bên ngoài. Con không nhìn nó như một vật mà con tìm hiểu.

Con quên mình là một chủ thể tách biệt đang tìm hiểu một vật bên ngoài con, tách biệt khỏi con, đứng riêng khỏi con. Trái lại con hòa tâm thức của con vào tâm thức của vị Thượng sư. Do đó con không nhìn tia sáng từ bên ngoài; con nhìn nó từ bên trong. Con nhìn sự sống từ góc nhìn của tia sáng đó.

Đó là cách làm sao con biết được tia sáng. Đó là cách con biết cuộc sống như thế nào qua cái nhìn của tia sáng. Khi con hòa nhập với Tia sáng thứ Nhất, thì Tia sáng thứ Nhất không còn là một tấm màn. Con có thấy chăng là khi con còn nhìn Tia sáng thứ Nhất như một chủ thể tách biệt tìm hiểu một khách thể bên ngoài, thì con không thể nhìn xuyên qua ánh sáng của tia sáng đó? Nó trở thành một tấm màn và con không thể nhìn xuyên qua tấm màn; do đó, con không nhìn thấy cõi tâm linh, con chỉ nhìn thấy cõi vật chất.

3.2. Áp dụng các tia sáng 

Tuy cõi vật chất được tạo bằng năng lượng của bảy tia sáng, nhưng độ rung của các năng lượng đó đã được hạ xuống và chúng khoác vào một độ dày đặc che giấu chúng là biểu hiện của bảy tia sáng. Do đó, con có thể nhìn một tảng đá hay một quả núi và không thấy được là chất liệu trông rắn đặc thực ra được tạo nên bởi ánh sáng. Và không phải chỉ một loại ánh sáng, mà là một pha trộn của cả bảy tia sáng. Và do đó, quả núi trông đồ sộ, rắn đặc và nó che mờ viễn quan của con.

Cũng tương tự, khi con biết là có bảy tia sáng, lúc ban đầu chúng sẽ giống như vật xa cách để con tìm hiểu. Tìm hiểu các tia sáng không có gì sai trái. Tuy nhiên, như thày đã nói, một đệ tử tâm linh có thể chú tâm quá nhiều vào việc tìm hiểu các đặc tính vỏ ngoài của các tia sáng và không nhìn ra chính ánh sáng. Con không nhập một được với ánh sáng vì con quá chú tâm vào việc tìm hiểu các đặc tính vỏ ngoài.

Con có thấy chăng là khi con nhìn các tia sáng dưới góc nhìn của một người chưa sáng ngộ thì con sẽ thấy chúng như bảy chiếc màn ngăn con không nhìn được vào cõi tâm linh. Con có thể nhận ra – ngay cả con trải nghiệm được bằng trực giác – là có những năng lượng vượt quá các chất liệu vật chất mà con phát hiện bằng giác quan. Nhưng khi con tìm cách nhìn quá tấm màn của vật chất, thì con lại thấy một tấm màn nữa, tạo nên bởi bảy tia sáng. Do đó, con rất có thể quá chú tâm vào việc tìm hiểu các tia sáng và đặc tính của chúng, học giáo lý vỏ ngoài, tới độ con không nhìn ra tia sáng, hoặc con quên không vượt quá sự tìm hiểu để đạt được chứng ngộ (gnosis), có nghĩa là “nhập một với”. 

3.3. So sánh Hiểu biết và Chứng ngộ

Đa số con người trên trái đất nhìn xuyên qua phin lọc của cái ngã vỏ ngoài được hình thành dựa trên ảo tưởng tách biệt và các đối cực nhị nguyên nảy sinh khi họ tách ra khỏi cội nguồn của họ. Khi họ tìm hiểu về một vật, thì thực sự họ phóng chiếu những hình ảnh định sẵn, các niềm tin, quan điểm – tức là biểu tượng đã định sẵn – lên vật họ đang tìm hiểu. Đây là điều các nhà vật lý khoa học lượng tử đã nhận ra.

Khi con nhìn sự vật qua phin lọc đó, thì con không thấy nó với hình tướng thuần khiết của nó. Cái con nhìn thấy là rung động của vật phối hợp với các rung động trong tâm con – là phin lọc nhận thức của con. Con đã phóng chiếu phin lọc nhận thức lên vật đó. Khi con phóng chiếu bất cứ hình tư tưởng nào lên một vật thì con không thực sự thấy vật đó. Cái con thấy là một ảo tưởng – một hình ảnh được tạo ra bởi mô thức giao thoa (interference) giữa cái con phóng chiếu và tâm thức đằng sau vật mà con tìm hiểu.

Đây là điều mà thế gian gọi là “hiểu biết” (knowledge), hiểu biết đường thẳng và dựa trên phân tích. Đó không phải là minh triết, không phải là chứng ngộ. Cái con biết chỉ là cách tâm con tương tác với vật. Ta có thể kết luận là tâm của con, tâm con người, có thể trở thành một hệ thống đóng kín vì con không thể nhìn thấy quá những gì con phóng chiếu. Những phóng chiếu của con đã tạo nên một tấm màn dày đặc, một hộp tư duy dày đặc đến độ con không thấy được bất cứ điều gì ngoài hộp đó. Con theo quan điểm thế gian và tưởng là con đã đạt được hiểu biết tối hậu vì con nghĩ là con đã nhét được cả vũ trụ vào hệ thống tư tưởng của con, hệ thống niềm tin của con, hộp tư duy của con.

3.4. Tâm bị che mờ bởi hình ảnh

Đây chính là tình trạng của tất cả mọi người khi họ tới học với Đại thượng sư và bảy vị Thượng sư. Các con không đến với các thày với tâm tự do, vì nếu tâm con đã tự do thì con đâu cần đến các thày, phải vậy không con?

Con đến với các thày với tâm bị che mờ bởi các hình ảnh được tạo nên bởi quan niệm của con về thế giới, Thượng đế, và chính con. Câu hỏi cần được đặt ra là con sẵn sàng tới mức nào để các thày, các Thượng sư, thách đố các hình ảnh, niềm tin, và lý thuyết cưng yêu của con về cuộc đời. Khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện. Đây là một quy luật hoàn vũ hướng dẫn sự tương tác giữa các vị thày tâm linh, các vị thày thực sự, và đệ tử đang đầu thai. Nhưng chính con sẵn sàng tới mức nào? Đó là câu hỏi mà ta cần suy ngẫm.

Con thấy chăng là khoa học đã khám phá ra một quy luật giản dị, gọi là quy luật thứ nhì của nhiệt động học (thermodynamics), nói rằng trong một hệ thống đóng kín, các lực đối chọi nhau sẽ mạnh tới độ tất cả cơ cấu của hệ thống đó rút cuộc sẽ bị tan vỡ, cho đến khi không còn gì tồn tại. Vì vậy, khi tâm con trở thành một hệ thống đóng kín thì con sẽ chịu quy luật thứ nhì của nhiệt động học, mà các thày cũng gọi là Trường đời Cay đắng. Khi tâm con còn đóng kín thì con không sẵn sàng đón nhận vị thày tâm linh, và không vị nào trong bảy vị Thượng sư sẽ có thể giúp được con.

Con có thể thu hút một vị thày tâm linh trên trái đất tuyên bố rằng vị ấy có thể giúp con. Con cũng có thể thu hút một vị thày bên ngoài cõi vật lý ở một trong những cõi thấp – hoặc là cõi tình cảm hay cõi lý trí – tuyên bố rằng vị ấy có thể giúp con. Một số vị đó cũng có thể giả danh là chân sư thăng thiên, nhưng các con ơi, sự thực thâm sâu là không có vị thày nào có thể làm gì thay con được. Vị thày chỉ có thể cho con cảm hứng để con tự mình làm một điều gì đó, vì lý do giản dị là con đường tu chân chính là con đường tự điều ngự (self-mastery). Do đó con phải là người chủ động. Thày không thể điều ngự tâm con thay con được! Chỉ có con mới có thể điều ngự tâm con.

3.5. Làm sao con trở thành học viên mà các thày có thể dạy được?

Khi con còn tin rằng con có thể nhét vũ trụ hay các chân sư thăng thiên hay Thượng đế vào trong hộp tư duy của con, thì các thày không tới con được, con là học viên mà các Thượng sư không thể dạy được. Lúc đó, thì các thày chỉ có thể khoanh tay đứng bên ngoài và nhìn con học trong Trường đời Cay Đắng, nơi con sẽ theo các thày giả cho tới khi con chán ngán. Hoặc là con chịu sự hạn chế của cõi vật chất và con học bằng cách thấy những hình tư tưởng của mình được phóng chiếu thành hoàn cảnh sống của mình. Con có thể đi vào một vòng xoắn càng ngày càng hạn chế tự do sáng tạo của mình, cho tới khi con cảm thấy mình không còn cựa quậy được nữa và cuối cùng thì con kêu gào lên để tìm đường thoát, kêu gào rằng cuộc sống này phải có cái gì hơn nữa, phải có một cách sống khác.

Con thấy chăng, ngay cả khi con đã kêu gào tìm đường thoát, thì không nhất thiết là các Thượng sư có thể giúp con. Yếu tố thiết yếu, đặc tính thiết yếu của một người sẵn sàng theo học các Thượng sư là con nhận ra rằng con phải chất vấn chính nhận thức của mình, con phải chất vấn cách con nhìn cuộc đời.

Do đó, ta có thể nói rằng bước đầu tiên trên con đường tu học theo các Thượng sư là con nhìn nhận là mình vô minh. Con thật sự nhìn nhận rằng dù con có một bồ kiến thức to lớn theo quan điểm thế gian nhưng kiến thức này đang tạo một nhà tù xung quanh tâm con và kềm giữ con lại. Quan niệm bình thường trong thế gian về vô minh là có điều gì con không biết. Định nghĩa này có phần đúng, có cái gì đó con không biết, nhưng tại sao con không biết điều đó?

Thật ra không phải vì bình chứa tâm con trống trơn mà con không biết cái gì con không biết. Đó chính là vì bình chứa tâm con quá đầy, khiến con không thể nhìn thấy những gì ngoài nội dung tâm con. Vậy trước khi con tới được điểm mà các Thượng sư có thể làm bất cứ điều gì để giúp con, thì ít nhất con cần phải có một cảm nhận vi tế là con cần chất vấn nội dung của bình chứa tâm của con hoặc con cần nhìn vượt lên trên nội dung đó. Ít nhất con cần phải có can đảm chất vấn một số những lý thuyết cưng yêu của mình, một số niềm tin sâu thẳm của con, một số điều mà con coi là đương nhiên.

Các Thượng sư chúng tôi hiểu rằng khi con tới điểm này lần đầu, con chưa sẵn sàng chất vấn tất cả mọi niềm tin của con. Nếu con chất vấn tất cả các niềm tin cùng một lúc, con sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, con sẽ cảm thấy như không biết mình là ai nữa. Lẽ dĩ nhiên, đó là vì con đã tạo ra một ý niệm bản sắc dựa trên những niềm tin đó.

3.6. Giữ chặt các ý tưởng của mình

Các thày không đòi hỏi con vứt bỏ tất cả các niềm tin cùng một lúc. Nhưng các thày yêu cầu con sẵn sàng nhìn vào một số niềm tin, và sẵn sàng để cho từng vị Thượng sư chất vấn một số niềm tin của con. Nếu con không chịu làm như thế, thì các thày không thể giúp con. Nhưng nếu con khư khư ôm chặt các ý tưởng của con, nói theo ngôn từ của Thiền Phật giáo thì các thày phải để con ngồi đó ôm chặt ý tưởng của mình, cho tới khi tâm con mở ra một chút để con chịu nhìn vượt lên trên một số ý tưởng của mình. Lúc đó, các thày có thể bắt đầu làm việc với con, các Thượng sư có thể nhập cuộc và nói: “Con hãy chất vấn ý tưởng này đi.” Và các thày dùng điểm đó như điểm khởi đầu. Bất cứ điều gì mà con chịu chất vấn, các thày sẽ dùng nó như điểm khởi đầu, cho tới khi con chất vấn xong xuôi ý tưởng đó và mở tâm chịu chất vấn một ý tưởng khác. Rồi dần dần, các thày sẽ dẫn con tiến thêm bước nữa và bước nữa, cho tới khi con tới những ý tưởng then chốt quy định ý niệm bản sắc của con. Những ý tưởng này không phải là nội dung trong bình chứa cái ta mà chính là thành của bình chứa cái ta. Đó là lúc con bắt đầu ngưng không tự đồng hóa với các niềm tin của mình. Con bắt đầu nhận ra con không phải là các niềm tin của mình; con hơn các niềm tin của mình.

Đây là lúc con mở tâm đón nhận ý tưởng cái “ta” mà con là không phải là cái ta vỏ ngoài được quy định bởi các niềm tin và kinh nghiệm sống trong thế gian này. Con vượt quá cái ta vỏ ngoài đó, con vượt quá các hình tướng thế gian, con vượt quá các hoàn cảnh thế gian. Đây là lúc con bắt đầu nhận ra con có khả năng đứng ra ngoài phàm ngã của mình. Dù là lúc đầu con chỉ trải nghiệm trong một thoáng giây, nhưng con có thể trải nghiệm một trạng thái tâm thức trong đó con nhìn một vật không qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt. Và như thế con không phóng chiếu gì hết lên vật đó.

Con đột nhiên có một thoáng biết, dù là một thoáng biết ngắn ngủi, là con đang trải nghiệm vật đó như nó là. Đó là lúc con thật sự bắt đầu tiến trình thật của hiểu biết, tiến trình thật của chứng ngộ. Khi con còn nhìn một vật qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt, thì con sẽ phải thấy là vật đó tách biệt khỏi con, và con không thể nhập một với nó hay tâm thức đằng sau nó. Con không thể nhập một với Thượng sư của một tia sáng khi con còn nhìn và thấy tia sáng, qua phin lọc nhận thức. Chỉ khi nào con bước ra ngoài phin lọc nhận thức – và thoáng nhận ra Thượng sư thật sự là ai, và không nhìn Thượng sư qua phin lọc nữa – thì lúc đó con mới thực sự biết tia sáng đó. Lúc đó, con có thể tiến thêm bước nữa, con có thể nhân lên những khả năng mà con đã được phú cho và con dần dần nhập một với tia sáng. Khi con nhập một với Tia sáng thứ Nhất và Thượng sư là Chân sư More thì tia sáng này không còn tạo ra tấm màn che mờ nhãn quan của con về cõi tâm linh. Bấy giờ, khi con là một với Tia sáng thứ Nhất, nó không che mờ nhãn quan của con, vì con nhìn xuyên qua nó.

Và như vậy, con tiến một bước gần hơn tới thiên đàng bằng cách nhập một với một trong bảy tia sáng thiêng liêng.

3.7. Một dòng suối róc rách

Khi con đi xa hơn trên đường tu qua bảy tia sáng, con có cái nhìn càng ngày càng rõ hơn về cõi tâm linh, về thực tại tâm linh. Sau đó con bắt đầu bước vào sự hợp nhất sẽ dẫn con tới tầng tâm thức thứ 96. Đó là lúc con phải chọn lựa, hoặc là con tiếp tục nâng cao cái ngã tách biệt – ngay cả dùng hiểu biết mà con gặt hái đuợc với bảy tia sáng để làm chuyện này – hoặc là con bước lên một viễn quan cao hơn qua đó con tìm cách nâng cao mọi sự sống vì con bắt đầu nhận ra rằng mọi sự sống là bản thể thật của mình.

Chỉ có một cái ta. Chỉ có một cái tâm; chỉ có một tâm thức. Chỉ có một Tánh linh (Spirit), và đó là Thánh Linh (Holy Spirit) đang nâng cao tất cả mọi sự sống, đang kéo mọi sự sống theo nó, giống như một dòng sông chảy về biển cả vô tận.

Thày sẽ chấm dứt bài giảng này bằng cách gợi ý là nếu con muốn biết Thánh linh là gì ­– Tánh linh Duy nhất, Tánh linh Sáng tạo, Dòng sông sự Sống – thì con hãy chiêm nghiệm hình ảnh một dòng suối róc rách. Nếu gần nơi con ở có một dòng suối thì con hãy ra đó. Con hãy ngả lưng bên bờ suối và lắng nghe. Nếu không thì thày biết chắc là con có thể tìm được một băng thâu thanh tiếng róc rách của một dòng suối. Con hãy cho phép mình tĩnh lặng, con hãy cho phép mình lắng nghe âm thanh của dòng suối.

Có hai khía cạnh thày muốn con chú tâm tới. Khía cạnh thứ nhất là dòng suối luôn luôn tuôn chảy. Con hãy chiêm nghiệm sự kiện con không thể ngưng không cho dòng sông tuôn chảy. Con không thể ngưng dòng nước chảy; nó mãi mãi chảy, tiếp tục chảy và không bao giờ ngừng.

Con có thể nghĩ rằng cái trí của con có thể nghĩ ra một kế hoạch đắp đập ngăn sông, nhưng nước sẽ tiếp tục dâng lên cho đến khi nó tràn qua đập. Không có đập nào vươn được tới trời, nhưng nước thì sẽ dâng lên mãi. Do đó, bất kể con người cố làm cách gì để đắp đập Dòng sông sự Sống – đây là điều mà hầu hết các hệ thống tư tưởng thế gian đều muốn làm – sẽ có một lúc nước tràn qua đập.

Khi con chiêm nghiệm là dòng sông chảy liên lục, thì con có thể nhận ra, con có thể nhìn thấy và trải nghiệm, sự vô ích tuyệt đối – sự phù phiếm tuyệt đối – của ý tưởng cho rằng con có thể ngăn dòng chảy, con có thể đắp đập dòng sông, con có thể ép nó vào một khuôn đúc bắt nó đứng yên. Tánh linh Duy nhất, Thánh linh, sẽ không bao giờ khép mình vào bất kỳ khuôn đúc nào do tâm tách biệt tạo ra! Nó sẽ mãi mãi tiến tới, nó sẽ mãi mãi thăng vượt, và nó sẽ mãi mãi tuôn chảy.

Nếu con muốn tiến tới, nếu con muốn thoát ra khỏi ngục tù do con tự dựng lên, thì con phải sẵn sàng tuôn chảy. Các Thượng sư chúng tôi đang có mặt để giúp con tuôn chảy. Các thày không có mặt để cho con kiến thức cố định về mỗi tia sáng, để rồi con có thể ngồi đó và cảm thấy mình khôn hơn, giỏi hơn người khác vì con có hiểu biết về các tia sáng tâm linh trong khi họ không có. Nếu đó là cách con nhìn bảy tia sáng, thì con đã hiểu sai về bảy tia và về con đường tu tập.

3.8. Sóng gió trong cuộc đời con

Các thày không mong muốn học viên trở nên kiêu ngạo, hãnh diện cho rằng họ cao hơn những ai không biết đến các chân sư thăng thiên. Điều này không quan trọng với các thày vì các thày là những người đã thoát khỏi tâm thức nhị nguyên của tự ngã và không hề mong muốn tách mình ra khỏi người khác hoặc muốn mình giỏi hơn người khác. Nếu con muốn biết các thày, thì con phải sẵn sàng tuôn chảy với các thày, vì các thày lúc nào cũng đang tuôn chảy. Các thày không đứng yên một chỗ, vậy con nên chiêm nghiệm sắc thái này của dòng sông, sự liên tục, sự lao tới phía trước không ngừng của dòng sông về hướng mục tiêu tối hậu là hợp nhất với đại dương của cái ta. Sau đó con hãy bước sang sắc thái kế tiếp.

Con hãy chiêm nghiệm tại sao dòng sông lại róc rách. Đó là vì dòng sông, nước của dòng sông đang chảy qua những hòn đá nằm dưới lòng sông. Khi nước chảy qua các hòn đá, nó tạo một xoáy rối và xoáy rối tạo nên âm thanh róc rách.

Những hòn đá trong dòng sông là biểu tượng của những niềm tin trong bình chứa cái ta, những niềm tin dựa trên nhị nguyên, những hình tư tưởng thấy mình là một chủ thể tách biệt đang tìm hiểu một đối tượng tách biệt.

Con cần vứt các niềm tin này. Con cần sẵn sàng để cho các Thượng sư giúp con nhìn mỗi hòn đá trong dòng tâm thức của mình, nhận ra nó thực sự là gì, nhận ra ảo tưởng nhị nguyên đằng sau nó. Sau đó, con lấy nó ra, vứt nó đi và nói: “Tôi không cần cái này trong dòng tâm thức của tôi nữa.”

Sau đó, khi con tiến bước qua bảy tia sáng, đi từ tầng tâm thức 48 lên tới tầng 96, thì con càng ngày càng vứt thêm nhiều hòn đá, và chuyện gì sẽ xảy ra? Chuyện sẽ xảy ra là dòng tâm thức của con càng ngày càng yên lặng. Và không còn tiếng ồn ào của các xoáy rối trong tâm con nữa.

Ta có thể nói là Dòng sông sự Sống đang tuôn chảy xuyên qua tâm con – vì nếu không thì con không thể đang sống. Nhưng con đang kháng cự lại dòng chảy và đó là lý do vì sao con không thấy. Con không thấy được quá các xoáy rối được tạo nên khi dòng nước của sự sống chảy qua các hòn đá. Và tâm của con quá hỗn loạn, quá tràn đầy tiếng ồn ào của lý trí và cảm xúc nên con không thấy được gì quá tiếng ồn ào được tạo ra trong tâm con.

Khi con vứt đi hết hòn đá này tới hòn đá kia, thì các xoáy rối không còn nữa. Sẽ tới một lúc con an trụ vào sự tĩnh lặng đằng sau tiếng róc rách của dòng suối, tiếng róc rách trong tâm, tiếng lảm nhảm liên tục không ngừng của tự ngã. Như thày đã nói, đó là lúc con bắt đầu thấy mà không thấy xuyên qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt. Đây là cái thấy thuần khiết, thấy như thật, nhận thức trần trụi, nhận thức thuần khiết.

3.9. Lắng tâm xuống

Mục tiêu đầu tiên thày muốn con nhắm tới là con khiến tâm mình lắng yên xuống, để con có thể thấy mọi vật như chúng là. Để con có thể thấy bảy tia sáng như chúng thật sự là và các Thượng sư như các thày thật sự là; mà không phóng chiếu hình tư tưởng nào lên những gì con muốn biết. Xa hơn nữa là mục đích rộng lớn hơn là nhập một, thay vì nhìn mọi thứ từ một khoảng cách. Đây là phần giáo lý đầu tiên mà thày muốn trao cho con. Có nhiều điều con cần chiêm nghiệm trong phần này, nhưng cũng sẽ còn rất nhiều điều khác nữa trong những phần tới.

Thày cảm ơn con đã chú tâm tới điểm này trên dòng sông, nhưng con hãy nhận ra rằng ngay lúc con chú tâm tới một điểm trên dòng sông thì điểm này đã di động. Dòng nước sự sống sẽ tiếp tục tuôn chảy. Hòn đá thì đứng tại chỗ, do đó nếu con chú tâm vào hòn đá, thì con sẽ là một vật đứng yên. Và con sẽ cảm thấy cuộc đời tuôn chảy bên mình, giống như dòng nước sự sống đang tuôn tràn qua đầu con. Nhưng con sẽ tới điểm con có thể bỏ không ôm hòn đá nữa và tuôn chảy theo dòng nước, và lúc đó con sẽ không còn cảm thấy mình bị cho ra rìa hay bị cuộc đời bỏ lại đằng sau.

Nếu con sẵn sàng tuôn chảy theo cuộc sống, thì đâu thể nào con bị bỏ lại đằng sau? Chỉ cái gì đứng yên mới có thể bị bỏ lại đằng sau.

TA LÀ Đại thượng sư, và thày luôn luôn chuyển động, luôn luôn thăng vượt, luôn luôn trở nên HƠN NỮA. Thày không chỉ ở trong Dòng sông sự Sống; THÀY LÀ Dòng sông sự Sống cho hành tinh trái đất.

Biết là lời kêu gọi của các con SẼ có kết quả

Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 12/3/2012.

Ta là Ki-tô Hằng Sống.

Các con yêu dấu, tạo sao mình cứ nói về Ki-tô Hằng Sống? Đó là vì, khi họ sát hại xác thân ta 2,000 năm trước đây, họ tưởng là họ đã giết ta. Từ ngày đó, họ đã tìm cách giết giáo lý và gương sống của ta để không ai dám làm theo những lời ta dạy, tức là những ai tin ta thì hãy tiếp tục làm công việc mà ta đã làm và có thể làm những công việc quan trọng hơn nữa, vì ta đã về với cha ta. Và như vậy, ta đã dọn đường cho những người khác theo ta và thể hiện tâm Ki-tô trên trái đất, đứng lên triệt để chống lại các lực phản Ki-tô, phản ý chí, phản chiến thắng, phản tình thương, phản minh triết.

Các con yêu dấu, khi các con đọc một bài nguyện, bài thỉnh hay bài chú cho bất cứ nơi nào hay điều kiện nào trên thế giới, các con có thể tự hỏi: “Ta ngồi nơi đây một mình, đọc một bài nguyện, thì có kết quả gì? Ngay cả nếu ta gia nhập một nhóm và cùng đọc một bài nguyện, thì có kết quả gì?” Các con yêu dấu, kết quả tùy thuộc vào cách con kêu gọi – thái độ con ra sao, con quả quyết ra sao, con hiểu biết trong nội tâm vững chắc ra sao khi con kêu gọi.

Vì, các con yêu dấu, các thày đã nói nhiều lần là tất cả mọi chuyện trong cõi vật lý đều xoay quanh quyền tự quyết của con người. Các con yêu dấu, điểm cốt yếu của quyền tự quyết là gì? Phải chăng chính là việc con lấy quyết định? Do đó, các con yêu dấu, nếu các con chỉ ngồi xuống và đọc một bài nguyện mà không lấy quyết định tại sao mình làm như vậy và mình là ai, thì kết quả sẽ không khả quan lắm. Nhưng quyết định của con càng vững chắc bao nhiêu thì uy lực của bài nguyện sẽ càng lớn bấy nhiêu, và bài nguyện, viễn quan của con, tâm của con sẽ càng có ảnh hưởng lớn trên tâm thức đại chúng.

Khó khăn lớn nhất trên con đường tâm linh

Các con yêu dấu, khó khăn lớn nhất của người đang đi trên con đường tâm linh là gì? Các con yêu dấu, đó chính là các con phải khắc phục được sức kéo xuống của tâm thức đại chúng đang tìm cách khiến con làm những gì mọi người khác đều làm – tức là theo chuẩn mực, làm những gì người khác đang làm, làm những gì được coi là bình thường. Giống như những gì người ta đã làm với ta 2,000 năm trước đây, tức là ngăn chặn không cho ta đi quá xa sự bình thường, không cho ta nổi bật khỏi đám đông, không cho ta đứng lên tỏ thái độ triệt để rốt cuộc đã dẫn ta đến bị đóng đinh trên thập tự.

Do đó, các con yêu dấu, lúc nào cũng có một lực đang tìm cách kéo con xuống, kéo con vào tâm thức đại chúng, làm những gì mà mọi người khác đều làm. Nhưng, các con yêu dấu, nếu các con nhìn lịch sử thế giới thì sẽ thấy lúc nào cũng có hai lực đang vận hành. Một bên là lực kéo xuống của tâm thức đại chúng kéo mọi người làm theo những gì mọi người khác đều làm. Nhưng nếu mọi người tiếp tục làm như vậy, thì nền văn minh con người sẽ theo một vòng xoáy đi xuống dẫn đến sự hủy diệt của nó, theo quy luật thứ nhì của nhiệt động học.

Do đó, các con yêu dấu, cái gì đã khiến nhân loại tiến bộ? Các con yêu dấu, chỉ có một điều thôi, đó là đã có những cá nhân dám KHÔNG theo tâm thức đại chúng, dám chống lại sức hút kéo xuống, hấp lực của tâm thức đại chúng và qua đó nêu một gương sáng, đưa ra một ý mới, làm một hành động nào đó giúp nền văn minh con người tiến lên một bước, và rốt cuộc khiến tâm thức đại chúng chuyển vọt, khiến mọi người bắt đầu nhận ra họ có thể hơn những gì họ nghĩ họ có thể là vài năm hay vài chục năm trước đó.

Các con yêu dấu, khi mọi người ở Châu Âu tin rằng quả đất phẳng thì niềm tin này có nhiều hậu quả tinh vi và sâu đậm trên cách con người suy nghĩ, cách con người nghĩ họ có thể làm được gì trên trái đất này. Khi tâm thức đại chúng chuyển vọt và con người bắt đầu nhận ra rằng quả đất tròn và là một phần của một vũ trụ rộng lớn hơn rất nhiều, thì điều này đã khai mở giai đoạn tăng trưởng mà các con đã thấy trong thời Phục Hưng và sau đó trong thời Cách mạng Công nghiệp, và cuộc cách mạng về khoa học và hiểu biết đã mang xã hội loài người tới mức hiện nay.

Tuy nhiên, như các thày đã nói trước đây, tiến trình phát triển này chính nó cũng đã trở thành một vòng tròn khép kín, và hiện nay đang là nguy cơ kéo xã hội loài người vào một vòng xoáy đi xuống – nếu các người tâm linh đang đầu thai với chính mục đích này không chịu đứng lên nói lên khía cạnh tâm linh của sự sống. Hành động này sẽ khiến tâm thức đại chúng chuyển dời khỏi quan niệm duy vật để nhận ra rằng sự sống có một khía cạnh tâm linh, và nếu thiếu phần tâm linh này thì cuộc đời chúng ta sẽ không trọn vẹn, bất kể tài sản vật chất mà ta có được.

Như vậy, các con yêu dấu, như đã nói trước đây, khi con đọc một bài nguyện, con cần đọc với tâm thức chiến thắng, tức là con biết một người hay một nhóm nhỏ CÓ KHẢ NĂNG khiến tâm thức đại chúng chuyển vọt, và qua đó trị liệu được tâm thức đại chúng. Và con đọc bài nguyện với thái độ TA LÀM ĐƯỢC và TA SẼ LÀM vì TA LÀ! Đó là lúc con – như một người tâm linh – nhận ra mình đang tiến bước trên con đường giúp con dần dần nới rộng, nâng cao và hoàn chỉnh ý niệm TA LÀ ai.

Đọc bài nguyện với tâm an lạc

Các con yêu dấu, qua các bài giảng tuyệt vời trong các quyển sách của Mẹ Mary (Một Khóa học về Trù phú) các con biết về bốn thể phàm của con người. Con biết rằng khi con đọc một bài nguyện, con đọc qua thể vật lý trong cõi vật lý, và do đó nó có ảnh hưởng trong cõi vật lý vì nó đi vào cõi vật lý. Nhưng con không chỉ đọc bài nguyện với miệng con mà thôi. Con cần sự tham gia của ba thể cao – cảm thể, trí thể và bản sắc thể.

Do đó, nơi cảm thể, con cần có an lạc để không nghi ngờ là bài nguyện sẽ có kết quả hay không. Con hoàn toàn an lạc vì con biết con không phải là người đang hành động – chính là Thượng đế đang hành động xuyên qua con. Như ta đã nói, có chuyện đối với con người không thể làm được, nhưng với Thượng đế mọi chuyện đều làm được. Như vậy, khi con biết là con đang làm công việc của Thượng đế khi con đọc bài nguyện trong cõi vật lý, thì uy lực của Thượng đế sẽ vận hành qua bài nguyện, và do đó con không còn nghi ngờ gì nữa, tâm con an lạc và cảm thể của con an tịnh.

Làm sao con đạt được an lạc trong cảm thể của con? Con chỉ đạt được điều này khi con đạt được an lạc trong trí thể của con, vì trí thể cao hơn cảm thể. Do đó, các con yêu dấu, con cần hiểu bằng lý trí rằng có uy lực cao hơn những uy lực mà con thấy được trong thế giới vật lý. Vì con là người tâm linh, con biết rằng thế giới vật chất chỉ là một hình tướng – nó không phải là thực tại tối hậu vì nó chỉ là hậu quả của nguyên nhân sâu xa hơn trong các cõi cao là cõi cảm xúc, tư tưởng và bản sắc. Do đó, con có thể biết và hiểu bằng trí năng rằng uy lực của Thượng đế sẽ mạnh hơn khi nó chảy xuống cõi vật lý qua trung gian những người đang sống trong cõi vật lý. Đó là cách con làm được công việc mà ta đã làm – khi con biết con là một với ta và ta đang ngồi bên tay phải của Thượng đế – và qua đó con mở trói uy lực từ cõi cao để nó chảy xuyên qua con xuống cõi dưới để chúng ta làm một – trên sao dưới vậy.

Và khi con biết điều này bằng trí năng thì trí năng của con sẽ cai quản được cảm xúc. Vậy làm sao con biết được, bằng trí năng, là con có thể là một với ta? Con chỉ làm được điều này khi con đi vào thể bản sắc của con, và chuyển đổi ý niệm bản sắc mà con có từ khi lớn lên – rằng mình chỉ là một con người phải làm theo đám dông, và mình chỉ có khả năng và quyền năng hạn hẹp trong thế giới vật lý này. Các con yêu dấu, các con biết là mình hơn thế, và các con đã biết điều này suốt đời rồi, nhưng nhiều người trong chúng con chưa chuyển vọt sang cái biết nội tâm tuyệt đối và cả quyết là mình là một sinh thể tâm linh. Con là một đại diện của Ki-tô Hằng Sống. Con chính là Ki-tô Hằng Sống đang hiện thân. Con là Ki-tô Hằng Sống dưới trần như TA LÀ Ki-tô Hằng Sống ở trên.

Một khi con đã cả quyết như vậy, và nhiều người trong số các con đã gần tới điểm này, thì con sẽ biết trong bản sắc thể của mình là con không phải là một người thường đang ngồi đây đọc bài nguyện. Không phải vậy đâu, con đang ngồi đây như Ki-tô Hằng Sống đang hiện thân và đọc bài nguyện. Và do đó, uy lực tràn ra từ các lời sẽ lớn hơn những gì một người thường hay một nhóm người thường có thể đạt được.

Các con yêu dấu, con có thể qui tụ một triệu người đang ở mức tâm thức đại chúng và khiến họ đọc một bài nguyện. Điều này quả thật sẽ có kết quả, nhưng kết quả này không lớn bằng lời nguyện của một nhóm nhỏ biết và chấp nhận họ là Ki-tô Hằng Sống đang hiện thân. Các con yêu dấu, đây là điều mà các thày mong muốn các con đạt được – các con là một thiểu số nhỏ và chắc các con có lúc tự hỏi làm sao mình có được một ảnh hưởng tích cực trên đám đông.

Nhận ra cái duy nhất tiềm tàng trong mọi sự sống

Các con yêu dấu, các con chỉ có được ảnh hưởng tích cực trên đám đông khi nhận ra rằng bên dưới mọi hình tướng bề ngoài trong thế gian là cái duy nhất tiềm tàng trong mọi sự sống. Khi con biết con là Ki-tô Hằng Sống, con biết con là một với ta ở Trên. Nhưng khi con là một với ta, con cũng là một với cội nguồn của mình, là một với đấng Sáng tạo của mình. Mọi sự sống đều phát sinh từ tâm thức của đấng Sáng tạo, từ Ánh sáng Mẫu-Vật. Do đó, các con biết là tất cả sự sống là một, và khi con nhận ra cái duy nhất này thì con nhận ra rằng một người có thể ảnh hưởng đám đông vì đám đông chỉ là biểu hiện của cái duy nhất.

Và do đó, quả thực là một người có khả năng – qua việc đứng lên nói lên một sự thực nào đó – đóng một vai trò quyết định trong việc chuyển dời tâm thức của cả xã hội, cả một quốc gia, và ngay cả toàn hành tinh, sang một mức nhận biết mới. Bởi vì mọi người đã thấy nơi người đó một trạng thái nhận biết cao hơn, một dấn thân cao hơn cho sự thật, và đây là một thí dụ quá dũng mãnh khiến họ không thể bỏ qua được. Rồi nó sẽ đột phá và tâm thức đại chúng sẽ chuyển vọt lên một mức. 

Các con yêu dấu, đây chính là cách tiến bộ đã xảy ra ở cấp hành tinh – qua một người, hay một nhóm người, đứng lên nói lên một sự thật cao hơn, và khiến tâm thức đại chúng chuyển dời một chút. Và sau đó, một người khác hoặc một nhóm khác dựa trên kết quả này và đứng lên nói lên một hiểu biết cao hơn nữa, hay một hiểu biết tương tự áp dụng vào một lãnh vực khác của xã hội. Và một lần nữa, tâm thức đại chúng lại chuyển dời thêm chút nữa.

Các con yêu dấu, các con nhìn vào trái đất, xã hội, hay một lục địa và tự hỏi: “Khi ta nhìn vào thực trạng thế giới vật lý, làm sao ta có thể thay đổi các chuyện như nạn nghèo đói, xáo trộn chính trị, tham nhũng, và biết bao vấn đề hiện hành khác nữa?” Nhưng ta nói các con, giống như tất cả mọi thay đổi đã xảy ra trên hành tinh này, điểm khởi đầu bắt buộc là tâm thức, và điểm khởi đầu phải là tâm thức của những người có trình độ tâm linh trưởng thành nhất, có thể là những người giống như các con, nhưng cũng có thể là nhiều người khác tuy bề ngoài không có vẻ tâm linh nhưng lại đạt được một trình độ nội tâm cao khiến họ có thể là công cụ chuyển đổi xã hội.

Do dó, các con không nhất thiết phải nghĩ là mình phải đi ra ngoài và gia nhập một đảng phái chính trị, vì có thể đang có những người sẵn sàng làm chuyện này nhưng họ cần một sự thúc đẩy tâm linh giúp họ quyết định đứng lên nói lên sự thật. Nhưng mặt khác thì các con cũng không nên tự giới hạn mình, và nếu các con cảm thấy tiếng gọi từ nội tâm thúc đẩy mình tham gia vào bất cứ chuyện gì xảy ra trong xã hội, thì các con nên nghe theo. Nhưng điều ta muốn nói là: điều quan trọng là giữ niệm tinh khôi là những người thích hợp sẽ đứng lên đúng lúc để chuyển dời tâm thức đại chúng lên một mức độ cao hơn, và qua đó đem tiến bộ đến xã hội.

Giữ một viễn quan

Các con nên giữ một viễn quan trong đời sống thường nhật của mình và cố gắng – trong tâm mình – nâng ý niệm bản sắc của mình tới mức nhìn ra mình là đại diện của Ki-tô Hằng Sống trong quốc gia mình. Con giữ viễn quan là con đang nâng cao tâm thức đại chúng – là Thượng đế đang qua con nâng cao tâm thức đại chúng, là Giê-su đang qua con nâng cao tâm thức đại chúng. Vì, các con yêu dấu, có phải là ta đã nói: “Nếu ta được nâng lên, ta sẽ kéo mọi người theo ta”? Vì sao ta lại có thể nói vậy? Đó là vì ta biết sự sống là một, có nghĩa là mọi người dính liền với nhau trong tâm thức, là tâm thức đại chúng.

Và ta cũng biết là tâm thức đại chúng kéo mỗi cá nhân xuống, nhưng khi một người vượt qua được sức hút kéo xuống đó, thì người đó lại kéo cả tâm thức đại chúng lên. Và đây là một lực mà không có lực nào trong cõi vật lý có thể cưỡng lại, dù chúng trông rất dũng mãnh dựa trên uy quyền thế gian của chúng. Các con yêu dấu, một người có tâm Ki-tô có thể và sẽ chuyển đổi cả tâm thức đại chúng, nhưng 10 ngàn người có tâm Ki-tô đang đầu thai thì làm được nhiều hơn vô vàn – và đây là viễn quan mà các thày giữ trong tâm. Đây là viễn quan mà các thày yêu cầu con giữ trong tâm mình – viễn quan các người có tâm Ki-tô trong mọi lãnh vực xã hội, trong mọi quốc gia trên khắp các lục địa, thức tỉnh và đứng lên để nhận ra tại sao mình có mặt nơi đây và quyết định thể hiện định mệnh này.

Hoà điệu với Ki-tô bên trong, một kỹ thuật thực dụng

Chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng nguyên thủy bằng Anh ngữ ngày 22/1/2012.

Ta hiểu hoàn toàn là trang mạng này không thể trả lời các câu hỏi riêng tư của các con. Nhưng ta sẽ không để các con trong tình trạng khốn khó. Các con có khả năng hiệp thông trực tiếp với ta. Việc thiết lập sự hiệp thông này sẽ mất chút thời gian và nỗ lực. Tuy nhiên nếu con áp dụng bài tập sau đây, tiến trình này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Bài tập sau đây là một kỹ thuật hình dung được thảo ra để giúp con nhận được câu trả lời cá nhân cho bất cứ thắc mắc nào của con. Trước khi con thực hành bài tập, ta khuyến cáo mạnh mẽ là con nên dùng một phương tiện thích hợp để tự niêm phong khỏi các năng lượng của tâm thức tập thể (một kỹ thuật như vậy được mô tả trên Trang chỉ dẫn Bảo vệ Tâm linh).

Con cần hiểu là trên thế gian có rất nhiều thế lực muốn ngăn cản con nhận được câu trả lời chân chính. Nếu các thế lực đó không thể cản con tìm cách hiệp thông với ta, thì chúng sẽ cố đưa ra cho con những giải đáp và tư tưởng giả trá. 

Con cũng cần nhận rõ là ngay trong tâm con (kẻ thù bên trong hay tâm xác thịt) cũng có những lực lượng sẽ cố cản trở sự hiệp thông này. Những thế lực này sẽ tìm cách cho con những trả lời mà chúng muốn con có. Khuynh hướng chung của con người là chỉ nghe thấy những gì mình muốn nghe. Con phải tỉnh giác về khuynh hướng này hầu con có thể từ từ xây dựng khả năng phân biện sẽ giúp con nhìn thấu những lời giải đáp bất toàn và nhận biết những câu trả lời đến thẳng từ ta.

Một kỹ thuật thực dụng

Bài tập này sẽ giúp con rất nhiều trong việc xây dựng khả năng phân biện và hiệp thông.

1. Vào trong một căn phòng yên tĩnh nơi con không bị quấy rầy một thời gian (ít nhất 10-15 phút). Ngồi trên một chiếc ghế thoải mái hầu con không cảm thấy phiền toái trong cơ thể.

2. Dành ra 5-10 phút để tự niêm phong khỏi các năng lượng bất toàn (sử dụng các kỹ thuật được mô tả trong trang Bảo vệ Tâm linh).

3. Hình dung ra các thiên thần của Đại thiên thần Michael đang bao quanh trường năng lượng cá nhân của con. Có 4 thiên thần, mỗi phía có một thiên thần. Các thiên thần này cao 3,6 mét, cầm thanh kiếm rực cháy với ngọn lửa màu xanh chói sáng. Các thiên thần đó dõng mãnh với khả năng bảo vệ con khỏi các thế lực thế gian.

4. Quay sự chú ý vào chân ngã nằm ngay trên đầu con. Âm thầm đọc lời xác định như sau:

“Nhân danh Giê-su Ki-tô, con cầu thỉnh một bức tường ánh sáng màu trắng rực rỡ chung quanh thân thể con, tâm con và trường năng lượng của con. Con chấp nhận cho năng lượng này niêm phong con khỏi những thứ của thế gian. Bây giờ con cầu thỉnh một ngọn lửa màu tím đốt cháy bên trong bức tường ánh sáng và tiêu hủy mọi năng lượng bất toàn trong chính con.”

Con hãy dành ra một chốc lát để cảm thấy con đã hoàn toàn niêm phong khỏi năng lượng của thế gian.

5. Khi con cảm thấy an bình, con hãy tập trung chú ý vào trung tâm lồng ngực ở độ cao của trái tim vật lý. Hình dung một ngọn lửa tâm linh bùng cháy trong lồng ngực. Ngọn lửa tâm linh này không cần nhiên liệu để cháy. Đó là ngọn lửa không mồi.

6. Chú tâm vào ngọn lửa này và cho phép sự chú ý đi vào bên trong ngọn lửa. Đằng sau ngọn lửa, con nhìn thấy một khung cửa. Đi vào khung cửa. Ngay sau khi đi qua khung cửa, con đi vào một đường hầm. Khi con tiến về phía trước, con nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

7. Con hãy đi tiếp tới cho đến khi con ra khỏi đường hầm và con bước vào ánh sáng.

8. Bây giờ con thấy con đã bước vào một khu vườn tuyệt đẹp. Khu vườn được bao quanh bởi những rào cây cao. Trong vườn có những bồn hoa và lối đi tuyệt đẹp. Ở trung tâm khu vườn là một đài phun nước rì rào êm ái. Khắp vườn có chim chóc ca hót vui vẻ.

9. Khi con bước vào khu vườn này, con cảm thấy mọi quan tâm về thế gian tan biến hết. Càng đi vào sâu hơn thì con càng cảm thấy nhẹ nhàng và an bình hơn.

10. Con chỉ đơn giản bước tới và để cho cảm giác an bình thư thái của vườn thấm hết mọi ưu phiền lo lắng. Khi con cảm thấy hứng khởi và yên tịnh, con hãy dành một chút thời giờ để nhìn chung quanh.

11. Nhìn chung quanh, con thấy hai chiếc ghế được khắc trong đá. Con cho phép con ngồi xuống một chiếc ghế và cảm thấy thoải mái. Sau đó con hãy chú tâm vào tim con và nhắm mắt lại. Con thư giãn và cảm thấy hoàn toàn an bình trong khu vườn xinh đẹp này. Thật ra, con có cảm giác đây là nhà của con.

12. Bây giờ con hãy tưởng tượng con mở mắt ra và nhìn vào chiếc ghế trước mặt. Ngạc nhiên thay, con nhận thấy có ai đang ngồi trên ghế đó. Con nhìn kỹ hơn và con nhận ra đó chính là ta, thày Giê-su của con, đang ngồi trước mặt con.

13. Con hãy cho phép con thoải mái trong sự hiện diện của ta.

14. Bây giờ con hãy tập trung chú ý vào trái tim của ta và cảm thấy tim ta đang tỏa ra một tình thương vô điều kiện cho con. Dành một chút thời gian để chấp nhận là ta yêu thương con vô điều kiện.

15. Sau đó con hãy để cho tình thương vô điều kiện của ta thấm vào con, và con cảm thấy nó tiêu hủy mọi điều bất toàn, không thực, như thế nào. Đây quả là tình thương toàn hảo tống khứ mọi sợ hãi và mọi cảm xúc bất toàn khác.

16. Trong khi con đang ngồi trước mặt ta và hoàn toàn đắm chìm trong tình thương của ta, hãy cho phép con nghĩ lại hoàn cảnh của mình trên địa cầu. Đừng để mình bị xáo trộn bởi bất cứ khía cạnh nào của hoàn cảnh đó, mà chỉ đơn giản đưa hoàn cảnh đó vào tầm nhận biết ý thức của mình trong giây lát. Sau đó, hãy nhìn ta một lần nữa, và trong tâm, con hãy hình thành một câu hỏi thầm lặng. Đừng hỏi ta con phải làm gì trong trong hoàn cảnh của con, vì con phải dùng quyền tự quyết của con để chọn việc phải làm. Hãy yêu cầu ta mở ra cho con một cách hiểu sâu sắc hơn về tình huống hầu con có thể biết được việc đúng đắn cần làm.

17. Sau khi con hình thành câu hỏi, hãy gửi đến cho ta.

18. Sau đó nhắm mắt lại và chú tâm vào tình thương của ta. Hãy cho phép con chìm đắm trong tình thương đó đến độ con quên hết mọi quan tâm trên thế giới.

19. Sau một thời gian chìm đắm trong tình thương của ta, sự chú ý của con sẽ tự nhiên quay trở lại câu hỏi. Con chỉ đơn giản chú tâm vào trái tim của ta và lắng nghe câu trả lời. Nếu con không nhận được câu trả lời tức thì, hãy đừng bị bận tâm. Con chỉ chú tâm vào tình thương vô điều kiện của ta và cho phép mình chìm đắm trong tình thương đó bao lâu cũng được.

20. Khi con cảm thấy đã thẩm thấu tất cả những gì có thể, khi con cảm thấy tim con như cái chén đã ngập đầy tình thương của ta đến độ tràn cả ra ngoài, con hãy hình dung con lặng lẽ rời khỏi khu vườn đẹp đẽ và bước trở về qua đường hầm.

21. Bây giờ con đang ngồi trên ghế trong phòng con. Con hãy dành ra một vài giây lát để trở về trạng thái tâm thức bình thường của con.

Lúc đầu, con có thể sẽ không nhận được câu trả lời ngay lập tức qua bài tập này. Có thể sẽ cần thời gian để câu trả lời đến được tâm ý thức của con. Con hãy tỉnh thức và cố dành ra một chút thời gian mỗi ngày để lắng nghe từ bên trong. Sau một thời gian, có khi vài giờ, vài ngày hay thậm chí vài tuần, câu trả lời sẽ đến với con.

Con hãy lập lại bài tập này thường xuyên nếu con muốn. Nếu con thực sự muốn trả lời về một tình huống cụ thể, con hãy lập lại bài tập mỗi ngày một lần cho tới khi con nhận đủ sự hướng dẫn nội tâm.

Ta thực sự khuyên con luôn luôn có một cuốn sổ và bút ngay bên cạnh khi con làm bài thực tập này. Sau bài tập hình dung, con hãy dành chút thì giờ để ghi lại những ý nghĩ hay cảm nhận đến với con. Nếu con làm điều này trong mỗi thực tập, con sẽ ngạc nhiên trước những sự hướng dẫn mà con nhận được.   

Mục đích của bài tập là để giúp con hòa điệu tâm thức của con với ta. Sau khi làm điều này một thời gian, có thể con sẽ cảm thấy mình có khả năng đạt được mức hòa điệu đó ngay cả trong những sinh hoạt thường nhật của mình. Nếu vậy thì rất tốt. Ta mong muốn con có sự hiệp thông với ta một cách liên tục và tự động.

Nhìn sọ người và bông hồng trong nhận biết thuần khiết

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên PadmaSambhava ngày 27/11/2011, nhân một hội nghị tại Sneek, Hòa Lan.

Phật TA LÀ.
PadmaSambhava là tên ta.
Cái Một là lửa của ta.
Bất nhị là sân chơi của ta.
Không gì chế ngự được ta,
vì ta không cầu tiếng thơm,
ta không biết xấu hổ,
và ta không bao giờ như cũ.  

Tại sao khi ta đang giảng thì ta lại bảo sứ giả này cầm một sọ người và một bông hồng? Con thử ngẫm xem ý nghĩa biểu tượng mà loài người đã phóng chiếu vào hai vật này xuyên qua các thời đại là gì.  

Sọ người thường là biểu tượng cho sự chết, ngay cả có lẽ cho bóng tối, cho địa ngục, cho những gì đối chọi với Thượng đế. Bông hồng thường là biểu tượng cho cái đẹp, cho nữ tính thiêng liêng, cho thi ca và những gì gây phấn chấn.  

Thế nhưng trong thời đại khoa học của con, con dư biết rằng sọ người lẫn bông hồng đều được tạo bằng phân tử. Phân tử được tạo bằng nguyên tử, nguyên tử được tạo bằng hạt hạ nguyên tử, và hạt hạ nguyên tử được tạo bằng năng lượng thuần khiết.

Liệu con có nghĩ một hạt nguyên tử trong chiếc sọ người kia biết rằng nó là thành phần của một đơn vị được loài người gọi là sọ người và gán cho một số cảm xúc lẫn một số liên tưởng? Liệu con có nghĩ hạt nguyên tử trong bông hồng kia biết tới ý nghĩa biểu tượng mà con gán cho bông hồng? Không đâu, bởi vì hạt nguyên tử chỉ giản dị là.

Cho nên mục đích của ta là gì khi cầm hai biểu tượng này lên? Đó là để cho con một khung tham chiếu về mục đích của giáo lý đức Phật, về mục đích của giáo lý mà chính ta đã ban truyền khi đem đạo Phật sang Tây Tạng và khởi sự các môn phái bất nhị. Đó cũng là cùng mục đích mà Giê-su đã giảng dạy cũng như tất cả mọi vị thày chân truyền đã cống hiến suốt các thời đại.

Đó là để giúp con thấy được rằng những sự liên kết mà con gán cho các biểu tượng, cho những vật tựa như bông hồng hay sọ người, chẳng qua chỉ là những hình ảnh trong tâm. Chúng chỉ hiện hữu trong tâm. Chúng được tạo ra trong tâm. Chúng chỉ có thể được giải thể nơi chúng được tạo ra, tức là trong tâm – trong tâm của con.

Tâm ảnh được tạo ra như thế nào

Chắc chắn ý nghĩa biểu tượng mãnh liệt được phóng chiếu vào sọ người suốt các thời đại đã không được tạo ra – trong dạng rộng của nó – trong tâm cá nhân con. Phần lớn hệ thống biểu tượng đen tối được tìm thấy trên hành tinh này đã được tạo ra trong tâm của những sinh thể bị rơi vào bẫy của tách biệt. Họ đã phóng chiếu nó lên người khác, và lần hồi họ đã tạo dựng toàn bộ ảo giác này trong tâm thức tập thể. Đa số các con đã đầu thai lần đầu trên địa cầu sau khi ảo giác đó được tạo dựng – cái ảo giác của sự chết trong tâm thức tập thể. Cho nên con đã nhận nó từ ngoài; con đã không chỉ ngồi đó mà tự mình tạo ra nó.

Tuy nhiên, đây là chìa khóa cốt yếu cho những ai muốn hiểu rõ giáo lý của Phật. Cho dù con đã nhận nó từ ngoài hay nó đã khởi phát từ trong tâm con, thì con cần hiểu rằng những gì hiện hữu trong tâm con ngay lúc này đã không thực sự đến từ ngoài. Tâm con đã có đáp lại một sự phóng chiếu từ ngoài, nhưng cái đang hiện điện trong tâm con không phải là sự phóng chiếu đó mà là phản ứng. Cái đang kìm hãm con không phải là hành động của người khác gây ra cho con, mà đó là phản ứng của con đối với mọi xung lực đến từ ngoài tâm con.  

Đây là chìa khóa đích thực cho sự giác ngộ. Tất cả những gì đang cản trở con giác ngộ, đang giữ con kẹt lại trong Biển Luân hồi, “vật đó” đang nằm trong tâm con. Vật đó – phản ứng đó, nhận thức đó, tâm ảnh đó – đã được tạo ra trong tâm con. Và vì vậy, nó chỉ có thể được giải hóa ngay nơi nó được tạo ra: trong tâm con.

Chừng nào con còn phóng chiếu là người khác phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong tâm con, thì con không thể đạt được giác ngộ. Đó là chuyện không thể, y như chiếc sọ người này không thể nào bỗng nhiên biết nói. Chừng nào con còn phóng chiếu là Thượng đế phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong tâm con, chừng nào con còn phóng chiếu là người khác hay tà lực phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong tâm con, thì con không thể đạt đến giác ngộ.

Đổ trách nhiệm cho thày sẽ không giúp con học bài học

Nhưng ở một tầng cấp sâu hơn nữa, có một sự phóng chiếu còn vi tế hơn mọi thứ khác, đó là sự phóng chiếu được thày Maitreya mô tả thật chi tiết trong sách Chìa khóa cho Tự do Tâm linh (Master Keys to Spiritual Freedom) là khi con phóng chiếu rằng vị thày phải chịu trách nhiệm những gì diễn ra trong tâm con.

Chính điều này đã khiến con rời bỏ nơi trú ẩn an toàn, khu Vườn Eden – nếu có thể gọi như vậy – là biểu tượng cho dòng tông các vị đạo sư chân truyền đi trở ngược xuyên qua các hàng ngũ tâm linh cho đến Đấng Sáng tạo. Vườn Eden nhằm mục đích bảo vệ các dòng sống tân lập để họ tìm được nơi vị đạo sư một hệ tham chiếu, hầu họ có thể đối phó với sự khai ngộ không thể tránh khỏi của cõi vật chất được biểu tượng trong Kinh Sáng thế qua hình ảnh quả trái của cây hiểu biết thiện ác.

Đó chính là tâm thức nhị nguyên, như chúng tôi gọi như vậy ở phương Đông. Và như đã được giải thích, đó không chỉ là khi có một sự khác biệt hiện hữu, mà là khi có hai biểu hiện của sự khác biệt có thể đối chọi với nhau, hay bị tách rời khỏi tổng thể. Đây chính là lời gian dối, là ảo tưởng cứ giữ con kẹt lại trong Biển Luân hồi, trong vòng khổ đau – bởi vì con không ngừng phóng chiếu ra là con cần phải thay đổi một cái gì hay một ai đó ở ngoài phạm vi quyền tự quyết cá nhân của con.

Phạm vi quyền tự quyết của con là gì chứ? Đó chính là tâm con! Con không chịu trách nhiệm bất cứ gì ở ngoài phạm vi tự quyết của con. Cho nên con cũng không chịu trách nhiệm những gì diễn ra trong tâm của anh chị em con.

Và như các Thượng sư đã giảng dạy, chừng nào con còn phóng chiếu ra để tìm cách thay đổi người khác – thay đổi tâm họ, thay đổi phản ứng của họ – thì con sẽ không thể nhìn vào chính con. Và nếu con không nhìn vào chính mình thì con không thể thấy được chính những phản ứng, những khuôn nếp trong tâm con đang giam giữ con lại.

Công việc của sa nhân thật dễ dàng

Vì con chẳng thấy hay sao với tất cả những giáo lý chúng tôi đã ban truyền, là sa nhân có một công việc thật dễ dàng khi chúng quyết định chống lại Thượng đế và kéo mọi người xuống vòng xoắn ốc dường như bất tận của hành động và phản ứng? Con chẳng thấy hay sao là chúng chỉ cần làm đúng một chuyện: tạo ra một hành động vượt ngoài những gì con chờ đợi như một sinh thể mới đầu thai trên địa cầu?

Một khi chúng đã khiến con bị chấn động bởi một điều gì đó mà con không chờ đợi, thì con dễ dàng cảm thấy là mình phải phản ứng lại cái đó. Lúc đầu, con chỉ phản ứng chút đỉnh. Nhưng khi chúng cứ tới tấp làm tiếp thì cuối cùng con đã vượt qua một lằn ranh khi con không chỉ phản ứng mà thôi. Giờ đây con bắt đầu nghĩ, bởi vì những chuyện chúng làm là sai trái, cho nên con phải có hành động để chặn đứng sai trái đó và phục hồi điều phải.

Như vậy con bắt đầu phóng chiếu ra những hành động của chính con. Rồi người khác cũng bắt đầu phản ứng lại hành động của con, và điều này gây sốc cho con nhiều hơn nữa, vì con có cảm tưởng là con chỉ có thiện ý thì tại sao họ lại phản ứng khi con bảo họ phải làm gì? Đấy, con yêu dấu, họ phản ứng lại vì cùng cái lý do mà con phản ứng. Đây là một cơ chế vô cùng giản dị một khi con hiểu – một khi con nhìn thấy, một khi con trải nghiệm, một khi con có khung tham chiếu của một vị đạo sư chân chính. Vị này không ở trong nhị nguyên cho nên có thể chuyển cho con luồng ánh sáng là thuốc giải độc duy nhất cho các độc tố của nhị nguyên.

Thực tế đơn giản là như sau: Con đã được vị đạo sư chân truyền hướng dẫn là khi con dấn thân vào một cõi nơi quyền tự quyết là quy luật tối hậu, thì con không thể cho phép mình mang kỳ vọng về những gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Thế nhưng sự kiện này đã xảy đến cho nhiều người – và con yêu dấu, nó hoàn toàn thông cảm được. Có lẽ con cảm thấy một nét nghiêm nghị trong giọng nói của ta? Đó là vì ta có ý định đâm thủng qua các lớp dày đặc đã được dựng lên trong tâm thức đại chúng. Nhưng mãnh lực này cũng chính là ngọn lửa tình thương của Tia sáng Hồng ngọc vốn chỉ chứa đựng tình thương trìu mến nhất.

Bởi vì chúng tôi, tất cả chúng tôi, đều hiểu rõ việc bước vào cõi đó khó khăn đến chừng nào. Chúng tôi hiểu rõ sự quyến rũ của tâm nhị nguyên vi tế tới chừng nào. Dù sao thì ta cũng không ở đây để lên án và hạ thấp con mà để cho con cái chìa khóa hầu thoát khỏi nhị nguyên. Và chỉ có một chìa khóa mà thôi, đó là nhận ra điều sau đây: Con đã được vị đạo sư hướng dẫn là trong cõi này, quyền tự quyết ngự trị tối cao. Cho nên con có một phạm vi tự quyết của con, và đó là tâm con.  

Tạo một hành động để ảnh hưởng chọn lựa của người khác

Tuy nhiên, có khả năng con dùng tâm mình để tạo ra một hành động và phóng chiếu nó ra bên ngoài tâm con với mục đích cố tình ảnh hưởng tâm người khác. Con biết rõ là con không thể cho phép mình chờ đợi là sẽ không phải gặp chuyện như vậy. Bởi vì hầu như không thể tránh được là con sẽ phải chạm trán với một ai đó ở ngoài tâm con, ở ngoài phạm vi quyền tự quyết của con, sẽ phóng chiếu một hành động chống lại con với mục đích cố tình thay đổi một điều gì đó trong phạm vi tự quyết của con, thay đổi suy nghĩ của con, thay đổi hay ảnh hưởng chọn lựa của con.

Và như vậy, điều xảy ra cho biết bao người là họ dần dần quên mất lời hướng dẫn nói trên. Và một lần nữa, không có sự khiển trách nào ở đây. Đơn giản là chuyện đó đã xảy ra, và nó xảy ra vì con làm một chọn lựa. Như Maitreya đã giải thích trong sách của thày, mỗi dòng sống đều có một lý do riêng để làm chọn lựa đó. Không có lý do nào là sai, không có lý do nào hay hơn lý do kia – đó là lý do của riêng con.

Khi con phát hiện ra lý do cá nhân đó, con có tùy chọn để thay đổi nó. Nhưng con sẽ không thể phát hiện được nó trừ khi con bắt đầu nhìn vào bên trong chính mình. Và để bắt đầu nhìn vào, con phải phá vỡ cái chu kỳ hành động và phản ứng. Và vì vậy con phải nhận ra một sự thật giản dị mà đức Phật đã dạy cũng như tất cả những vị trong dòng tông đức Phật: Cho dù người khác có làm gì con thì cũng không có định luật tự nhiên nào, hay quy luật tâm linh nào, bảo rằng con phải phản ứng lại.

Điều đó con phải hiểu là chỉ nằm độc nhất trong tâm con. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp có một ai đó tấn công con và con có hành động né tránh hay thậm chí tự vệ. Nhưng hành động vỏ ngoài này vẫn không có nghĩa là con phải phản ứng lại bên trong tâm con bằng cách tạo ra những khuôn nếp cảm xúc và lý trí sẽ lưu lại trong tâm ngay cả khi hành động vỏ ngoài đã chấm dứt.

Con thấy đó – như Phật đã chứng tỏ và Giê-su cũng đã chứng tỏ – con hoàn toàn có khả năng ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian, con có thể trải nghiệm những hành động đến với con từ người khác mà không khởi lên một phản ứng nội tại tạo ra một khuôn nếp bên trong chính con. Và khuôn nếp này lần hồi tạo ra một cái trớn cho tới khi khuôn nếp đó, những năng lượng cảm xúc và lý trí đó, trở nên mãnh liệt đến độ con mất sự kiểm soát của tâm con. Con mất sự kiểm soát các phản ứng của con.

Và giờ đây con bắt đầu nghĩ là để bảo vệ bản thân, hay để bảo vệ kế hoạch của Thượng đế, hay để quảng bá một đại nghĩa tối thượng nào đó, con phải ra tay hành động. Con phải thay đổi những ai đang tìm cách thay đổi con, vì bây giờ con đã tin vào lời gian dối rằng có những điều phải và những điều trái. Cho nên những gì mà con trải nghiệm người khác gây cho con là trái, và con phải chỉnh đốn lại sai trái đó.

Bị đánh lừa bởi thiện ý

Con có thấy chăng là biết bao người suốt các thời đại đã có thể mang thiện ý tốt lành nhất để làm công việc của Thượng đế, nhưng họ đã bị đánh bẫy để mà sử dụng những phương thức rõ ràng đi ngược lại kinh sách của chính tôn giáo mình, hay đi ngược lại những gì ai ai cũng biết là cách cư xử phải lẽ đối với người khác? Bởi vì tất nhiên, tất cả các con đều biết theo một nghĩa nào đó, việc một người can thiệp vào quyền tự quyết của một người khác là không phải lẽ. Nhưng con cũng cần biết trong cõi này nơi quyền tự quyết ngự trị tối cao, rằng con sẽ không thể tránh gặp chuyện đó.

Cho nên, thay vì cố thay đổi chọn lựa và hành động của người khác, điều con cần làm là tập trung hoàn toàn vào chính con. Và con tập trung vào việc không phản ứng lại, không tạo ra một khuôn nếp phản ứng. Và khi con lỡ tạo ra những khuôn nếp như vậy – như tất nhiên tất cả chúng ta đều đã làm khi chúng ta đầu thai và phải đối phó với cõi vật lý – thì con nỗ lực gỡ bỏ khuôn nếp đó ngay lập tức.

Nếu con muốn giác ngộ, nếu con muốn thăng thiên trong kiếp này, nếu con muốn đạt được tâm an bình, nếu con muốn hoàn thành tiềm năng cao nhất của con, thì con cần làm một chọn lựa, lấy một quyết định, là bắt đầu tháo gỡ các khuôn nếp hành động và phản ứng. Con cho là con phải phản ứng lại khi người ta làm hay nói một số điều. Con cho là con phải hành động, ngay cả trong dài hạn, do con nghĩ là việc phụng sự Thượng đế có nghĩa là mình phải tìm cách ảnh hưởng người khác. Và như thế, con phóng chiếu ra một tầm ảnh hưởng từ chính tâm con.

Con cần suy ngẫm sự khác biệt tinh tế đó, vì tất nhiên con cần nhận ra rằng quả trái của sự hiểu biết thiện ác tượng trưng cho đặc tính chủ yếu của tâm nhị nguyên: rằng không có câu nói nào là tuyệt đối, không có lập luận nào là tuyệc đối. Con có thể chụp lấy chữ nghĩa và bẻ cong đủ kiểu để biện luận chống lại hay thuận theo bất kỳ quan điểm nào, bất kỳ vấn đề nào.     

Con chẳng thấy các thày thông giáo và Pharisi đã bẻ cong ngôn từ để phản bác lại Ki-tô Hằng sống hay sao, khi Ki-tô đứng ngay trước mặt họ bằng xương bằng thịt? Con chẳng thấy là xuyên qua các thời đại, mọi vị đạo sư chân truyền đều đã phải đối mặt với một số người gọi là đệ tử chỉ đến để tranh cãi ở trình độ chữ nghĩa, để vặn vẹo ngôn từ, để phóng chiếu ra một cách diễn giải nào đó?

Cho nên con không thể dựa trên ngôn từ để thực sự phân biện giữa sự thật và sai lầm. Con không thể phán đoán một người, con không thể biết rõ một người, dựa trên những lời mà họ nói ra, và đặc biệt những lời mà họ viết xuống. Và do đó con cần vượt xa hơn ngôn từ, và con có khả năng hòa nhập để cảm nhận không những độ rung của người đó mà cả ý định của họ nữa. Con có thể làm điều đó một khi con bắt đầu nhận biết khuôn nếp hành động và phản ứng nơi chính tâm con, và con cũng bắt đầu xây dựng khả năng phân biện, qua đó con cảm được điều này nơi người khác.

Thu hút thày giả

Con có thể tức khắc cảm nhận khi một ai đó đến với con, và có lẽ họ nói ra những lời lẽ dường như trung hòa hay tử tế, nhưng đằng sau có một ý định muốn ảnh hưởng ý chí tự quyết của con, muốn bắt mạch bất kỳ khuôn nếp hành động và phản ứng nào mà con đang mang trong tâm con, rồi tìm cách sử dụng để khiến con phản ứng lại – và như vậy con sẽ làm hành động mà họ muốn phóng chiếu vào tâm con. Cho nên con chẳng thấy hay sao là chừng nào con còn bị mắc kẹt, chừng nào con còn hoàn toàn đồng hóa với khuôn nếp hành động và phản ứng đó – dựa theo định luật muôn đời rằng khi học trò sẵn sàng thì vị thày sẽ xuất hiện – thì con sẽ không thể tránh khỏi bị thu hút bởi, hay chính con là người thu hút mình vào một đạo sư mà chúng ta có thể gọi là thày giả.

Bởi vì tất nhiên, câu nói “khi học trò sẵn sàng thì vị thày xuất hiện” có nghĩa là học trò luôn luôn sẵn sàng cho một vị thày nào đó, và vị thày xuất hiện chính là vị thày mà học trò có khả năng nhìn thấy ở mức tâm thức hiện thời của mình. Vì vậy khi con bị mắc bẫy và đồng hóa toàn diện với khuôn nếp hành động và phản ứng, con chỉ có thể thấy được một đạo sư cũng ở trong cùng khuôn nếp đó, nhưng là một đạo sư đã đưa khuôn nếp đó tới một mức cùng cực hơn con. Do đó vị ấy sẵn sàng phóng chiếu vào học trò của ông những gì họ phải làm, những hành động và phản ứng mà họ phải có đối với giáo lý của ông – hoặc đối với một vấn đề nào đó trong cuộc sống mà ông phóng chiếu ra là họ cần giải quyết.

Cho nên chỉ khi nào con bắt đầu nhìn ra khuôn nếp hành động và phản ứng này trong đời mình thì con mới có thể từ hóa (magnetize) chính con đến một vị thày gọi là chân chính – một cách chọn từ giả tạo, tất nhiên – hay nói cách khác, một đạo sư đã ít nhất bắt đầu nhìn thấy và tách mình ra khỏi sự đồng hóa với những khuôn nếp đó. Đó là lúc con có thể mở tâm ra với một giáo lý đến từ dòng tông của các vị thày chân truyền, là những vị thày không giảng dạy vì họ mang một khuôn nếp hành động và phản ứng mà họ muốn phóng chiếu. Họ giảng dạy vì họ không phóng chiếu – họ chỉ chia sẻ sự Hiện diện của họ tựa như mặt trời chia sẻ ánh sáng của nó.

Mặt trời không chiếu sáng trên trái đất với mục đích ảnh hưởng con người. Mặt trời là mặt trời; nó sẽ tỏa sáng ngay cả khi không có hành tinh nào quay quanh nó, vì nó là một quả cầu tự phát sáng, là cánh cửa mở giữa cõi vật chất và các cõi cao hơn. Nó chỉ đơn giản tỏa sáng vì đó là niềm vui của nó. Vị thày cũng giảng dạy vì đó là niềm vui của thày. Đó là một biểu hiện của con người mà thày là.

Và đây là tại sao một trong những cạm bẫy vi tế cho nhiều học trò là cứ dõi nhìn vào một vị thày nào đó, nhìn vào giáo lý vỏ ngoài, nhìn vào ngôn từ hay cách dùng từ, nhìn vào các ý tưởng, nhìn vào chính vị thày đó – dáng vẻ ngoài của thày, cách ăn mặc của thày, cách cư xử của thày, cái này hay cái nọ của thày – và họ tập trung vào hình thức vỏ ngoài của thày thay vì nhận ra rằng hình thức vỏ ngoài chỉ là một cỗ xe, rằng nó không hẳn quan trọng bằng sự kiện nó đủ trong suốt để cho phép cõi cao chiếu xuyên qua.

Và cho dù hình dạng vỏ ngoài của thày có vẻ không được toàn hảo theo chuẩn mực của con, thì chuẩn mực đó của con cũng là sản phẩm của những khuôn nếp hành động và phản ứng mà con mang trong tâm. Cho nên nếu con tìm cách áp đặt chuẩn mực của con lên thày, thì làm sao vị thày đó có thể hữu dụng cho con được? Bởi vì cách duy nhất để vị thày hữu dụng cho con là con thấy có một ánh sáng tỏa rạng xuyên qua hình dạng vỏ ngoài của thày, rồi con với lấy ánh sáng đó, đi theo ánh sáng đó. Con hãy dõi theo ánh sáng, con yêu dấu. Con biết trong thế gian người ta thường nói: “Dõi theo đồng tiền,” nhưng ta thì nói: “Dõi theo ánh sáng!”

Hãy nhìn vượt xa hơn hình dạng vỏ ngoài của vị thày cùng giáo lý, cho dù giáo lý hay vị đó như thế nào. Hãy bước theo ánh sáng đang chiếu xuyên qua. Chính nhờ ánh sáng đó mà con sẽ có một khung tham chiếu tạo uy lực giúp con thăng vượt các khuôn nếp hành động và phản ứng đang giữ con kẹt lại ở mức tâm thức hiện thời của con. Bởi vì chỉ khi nào con cảm nhận được một cái gì vượt xa hơn đang tỏa chiếu xuyên qua vị thày thì con mới có thể bước ra ngoài các khuôn nếp đó trong tâm con – và như vậy, đột nhiên, con sẽ trải nghiệm được khoảnh khắc nhận biết thuần khiết đó.

Sự quan trọng của nhận biết thuần khiết

Và đâu là tầm quan trọng của việc con trải nghiệm nhận biết thuần khiết? Đó là vì khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết, con trở thành cánh cửa mở cho ánh sáng. Và như vậy con có thể nhận ra là ánh sáng mà cho tới giờ con thấy chiếu xuyên qua vị thày, giờ đây nó có thể chiếu xuyên qua con. Và như vậy con đã sử dụng vị thày trong cách cao nhất, bằng cách nhận ra là khi con bước theo một vị thày cho tới mức hiện thân được lời dạy thì con cũng hiện thân được ánh sáng, rồi con trở thành cái mắt xích kế tiếp trong dây chuỗi các vị thày chân chính.

Chính con cũng trở thành thày cho dù con không toàn hảo. Bởi vì ít ra khi con có được những thoáng hiện của nhận biết thuần khiết vượt khỏi khuôn nếp phản ứng và hành động đó, thì con trở thành một cánh cửa mở cho ánh sáng. Rồi con có thể tỏa ra một lượng ánh sáng nào đó cho ai khác.

Ánh sáng vượt khỏi lời dạy

Khi ta đưa đạo Phật đến Tây Tạng, ta đã thành lập một trường học đào tạo những đạo sư hiểu rằng mục đích của họ không cứ là đem lại một giáo lý vỏ ngoài, mà là chuyển đạt áng sáng trực tiếp đến học trò của mình, vì họ hiểu rằng cho dù giáo lý có hay đến chừng nào thì đó cũng chỉ là chữ nghĩa, và chữ nghĩa thì có thể bị bẻ cong và hiểu lầm.   

Nhưng ánh sáng không thể bị hiểu lầm. Vì học trò hoặc sẽ trải nghiệm được áng sáng, hoặc sẽ không trải nghiệm được chút nào khi y chỉ nhìn thấy những phóng chiếu mà y phóng chiếu vào thày. Cho nên họ biết rằng khi họ có thể quy tụ học trò, chia sẻ Hiện diện của họ, chia sẻ ánh sáng của họ, thì có thể sẽ tới một điểm học trò cũng trải nghiệm được ánh sáng và suy nghiệm xem ánh sáng đến từ đâu – vì y ngộ ra là ánh sáng không đến từ thày mà nó đến xuyên qua thày. Và khi y nắm bắt được thực tại này, y sẽ có thể bước vào sự nhận biết thuần khiết rồi trở thành một cánh cửa mở cho ánh sáng.

Và khi đó vị thày đã làm xong công việc chuyển đạt ánh sáng, thậm chí chuyển đạt cả giáo lý nữa. Bởi vì giáo lý là gì chứ? Phải chăng là ngôn từ vỏ ngoài? Không đâu, giáo lý chính là ánh sáng, giáo lý là Hiện diện. Vì mọi thứ đều là Phật tánh, cho nên mục đích của Phật đâu có gì khác hơn là để giúp con ngộ ra là con chính là Phật tánh – bằng cách trực tiếp trải nghiệm Phật tánh thay vì ngồi đó trong tâm mình và cho rằng mình đã hiểu Phật tánh là gì.   

Nhưng con chỉ có một tâm ảnh mà thôi, và con say mê tâm ảnh đó đến độ con không muốn cả Phật đến phiền con. Vì con chỉ muốn ngồi đó đánh bóng tấm hình đó, cố làm sao cho nó thật toàn hảo, và do đó con không biết là con đã gặp Phật trên đường, và con không thể nào áp dụng lời khuyên nhủ là con phải “giết Phật khi gặp Phật.”   

Và ý nghĩa câu đó, tất nhiên, là nếu con nhận dạng được Phật trong một hình tướng nào đó ở ngoài con thì tâm ảnh đó sẽ ngăn cản con chứng được Phật tánh của chính con. Và như vậy đức Phật, trong ý định tốt nhất của Phật, đã đột nhiên biến thành phản-Phật. Vị đạo sư, với ý định tốt nhất của vị đó, đột nhiên biến thành phản đạo sư. Đương nhiên, cả Phật lẫn đạo sư không tự nhìn mình theo cách đó, nhưng trong thực tế con lại nhìn họ theo cách đó, vì con từ chối thu nhận, nhập tâm và trở thành giáo lý.

Chìa khoá của giác ngộ

Đây là bài giảng mà các con đã xứng đáng nhận được qua dịp cuối tuần này khi con đi qua nguyên tiến trình mà con đã đi qua trong đời mình, khi con sẵn lòng chất vấn, sẵn lòng nhìn vượt xa hơn, sẵn lòng với tới những lời dạy cao hơn, những tầm hiểu cao hơn, những trải nghiệm cao hơn. Nhưng ta sẽ nói thêm là tất cả các con đều có thể lợi lạc nếu các con thực sự suy nghiệm và nhập tâm bài giảng mà ta đã ban ra biết bao thế kỷ trước, là bài giảng mà gần đây ta đã hướng dẫn sứ giả này tìm lại, về “Tự giải thoát qua cái thấy trong nhận biết trần trụi.”  

Bởi vì một trong những cám dỗ cuối cùng mà con cần khắc phục trên đường tu tâm linh là cứ luôn luôn cố đạt được một trải nghiệm cao siêu, phi phàm. Nhưng con yêu dấu, thực tế là ý tưởng cho rằng con sẽ đạt được một trải nghiệm cao siêu nào đó khi gặp Phật hay được giác ngộ, chính là trở ngại cuối cùng trên đường tới giác ngộ. Vì như ta có nói trong bài giảng, một khi con chứng nghiệm nhận biết thuần khiết, con sẽ thấy đó có thể gọi là nhận biết “bình thường”, theo nghĩa là không có sự tương phản nào cả. Không có nhị nguyên ở đó để tạo ra sự tương phản giữa thấp và cao, giữa sướng và khổ.

Đó là tại sao đức Phật đã cố đưa ra một từ không có đối nghịch nhị nguyên. Cho nên thày đã nói đến “cực lạc”, như người ta đã dịch. Nhưng tất nhiên con vẫn có thể bảo: “Thế nhưng phản cực lạc thì sao? Hay phi cực lạc, hay vô cực lạc?” Và một lần nữa, con lại rơi vào cạm bẫy bẻ cong ngôn từ thay vì vượt khỏi ngôn từ và trải nghiệm trạng thái nhận biết thuần khiết nơi không có cao hay thấp, không có tương phản.  

Và như vậy thậm chí con có thể gọi là “nhận biết thuần khiết” được không? Không được, nhưng làm thế nào con có thể nói về điều gì mà không dùng đến ngôn từ, con yêu dấu? Đây là nỗi khó khăn mà ngay cả chúng tôi là thày chân chính cũng phải đối mặt. Nhưng chúng tôi không xem đó là một vấn đề, vì chúng tôi luôn luôn tìm cách làm nhiều hơn là từ ngữ: chúng tôi chuyển đạt ánh sáng. Mỗi bài truyền đọc được một chân sư thăng thiên ban ra là một biểu hiện của ngọn lửa tâm linh (fohat), trong đó từ ngữ là những cái chén ánh sáng. Một số đệ tử không nhìn ra điều này mà chỉ thấy được từ ngữ.

Nhưng rồi cuối cùng, nhiều người cũng sẽ cảm được là trong đó có nhiều hơn là từ ngữ. Và khi con tiếp tục bước theo cái nhiều hơn đó, tiếp tục bước theo ánh sáng, thì con sẽ đạt tới chìa khóa của giác ngộ. Nơi đó con thấy được rằng mặc dù đạo sư là một cánh cửa mở cho ánh sáng, vị ấy không phải là cánh cửa mở duy nhất, vì ngay bên trong con cũng có một cánh cửa mở khác. Và khi con trở thành cửa mở, đó chính là giác ngộ.

Có một số người muốn nắm lấy giác ngộ và phóng chiếu lên nó một khái niệm cho rằng giác ngộ có một số giai đoạn. Nhưng cũng hữu ích không kém là bảo rằng không có những giai đoạn giác ngộ, mà giác ngộ là khi con ngộ ra sự sống không đứng yên một chỗ, sự sống là thăng vượt. Và như vậy các giai đọan đó chỉ đơn giản là dòng chảy không ngừng của Dòng sông sự Sống, khi con không xem đó là những giai đoạn có thể được đặt lên một thang điểm cao thấp. Bởi vì con đã thăng vượt nhu cầu bảo rằng: “Ồ, tôi đang đứng ở tầng giác ngộ thứ 33, cho nên tôi cao hơn tất cả những ai đang đứng dưới tôi.”

Nhưng khi đó thì hiển nhiên, con chưa giác ngộ, phải không? So sánh liệu có ích chi? Lập ra thang điểm có ích gì? Phải, ở một mức tâm thức nào đó thì người ta cần làm vậy. Nhưng sẽ tới một điểm khi con vượt quá nhu cầu này, và con không quan tâm đến cả chuyện mình có giác ngộ hay đang ở tầng này tầng nọ. Con chỉ lo biểu lộ ánh sáng, để cho ánh sáng chảy xuyên qua con, chia sẻ Hiện diện của con mỗi ngày càng nhiều hơn mà không có mục đích gì hết.  

Bởi vì sẽ tới một điểm khi con buông bỏ mục đích. Ở một giai đọan nào đó thì có mục đích là một điều phải lẽ, nhưng sẽ phải tới một điểm khi con buông cả khái niệm mục đích, một mục đích mà con ra sức đạt được – vì con buông bỏ ý niệm có một cái gì tách biệt với con mà con cần đi tới.

Thay vào đó, con là người mà con là. Con là cánh cửa mở cho bất kỳ biểu hiện nào mà Tánh linh quyết định biểu hiển. Con sẵn lòng mở miệng nói mà không biết điều gì sẽ được thốt ra qua cửa miệng. Cho nên thỉnh thoảng con sẽ ngạc nhiên, và người khác cũng sẽ ngạc nhiên như con, bởi những điều con nói.

Và đó chính là dòng chảy của Tánh linh, con yêu dấu. Tất cả các con đều mang tiềm năng làm cánh cửa mở. Nếu con thấy sứ giả này là cánh cửa mở thì con đừng rơi vào cạm bẫy sùng bái thần tượng, mà hãy dõi bước theo ánh sáng cho đến khi con nhìn thấy ánh sáng trong con. Bởi vì con sẽ thấy chính con cũng là cửa mở.

ĐÓ là lời dạy muôn đời, vượt thời gian. Đó cũng là món quà của ta hôm nay. Với tình yêu của ta, ta niêm con lại trong tim ta.

Để biết sự thật, hãy bỏ tìm kiếm sự thật!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion, ngày 26/11/2011 tại Sneek, Hòa Lan, qua trung gian Kim Michaels.

Ta là Hilarion, Thượng sư của tia sáng thứ năm. Ta đến đây để xây dựng tiếp trên nền tảng mà sư huynh Serapis đã đặt móng. Thật sự, điều mà thày Serapis đã giải thích về kinh nghiệm khóa nhập thất của tia sáng thứ tư là các con cần đạt đến một mức khi các con có điều gì trân quý hơn là cứ vật lộn để mà thuyết phục người khác rằng con đường của mình đúng đắn.   

Vậy thì đâu là yếu tố kết hợp? Trước hết đó là khi học viên ở tia sáng thứ tư nhận ra rằng sự hài hòa, hợp tác, quan trọng hơn là có lý, hơn là chứng minh rằng mình có lý. Nhưng đó cũng là khi học viên bắt đầu nhận ra là một khi đã qua được điểm đạo của tia thứ tư thì mình cũng sẵn sàng đối diện với điểm đạo của tia thứ năm. Và dĩ nhiên, tia thứ năm thường được xem là tia của sự thật.

Và một khi bắt đầu thấy mình cần bỏ lại cái bánh quay miệt mài nơi mình cứ phải gắng sức chứng minh là mình có lý và người khác sai, thì một số các con cũng thấy được là, quan trọng hơn, mình phải tìm được một sự thật cao hơn. Và khi con sẵn sàng tiến hành cuộc điểm đạo của tia thứ năm, con phải đối mặt với câu hỏi mà ta đã đặt ra cho các con thảo luận, là “Sự thật là gì?”  

Khóa nhập thất của tia thứ năm

Và bây giở ở khoá tu của tia thứ năm mà ta trông coi, chúng ta cũng sẽ sắp đặt y như thày Serapis Bey đã mô tả – và hẳn các con đã nhận ra đây là cùng cách sắp đặt cho mỗi khóa ở cả bảy tia sáng. Chúng ta sẽ chia các học viên thành từng nhóm nơi các con sẽ phải đương đầu với câu hỏi này: “Sự thật là gì, ai nắm sự thật, ai nắm sự thật cao hơn, ai có lý, ai sai, cái gì đúng, cái gì sai?”

Và một lần nữa đối với các nhóm, chúng tôi luôn tìm cách sắp xếp trong cùng một nhóm những người có quan điểm trái ngược nhau, hay những người có quan điểm nhiệt thành về sự thật, tha thiết với sự thật. Điều này sẽ tạo ra tiềm năng xung đột, nhưng tất nhiên chúng tôi không có ý gây ra xung đột. Bởi vì chúng tôi không tạo ra xung đột bằng cách xếp mọi người ngồi chung với nhau. Chúng tôi đang cố làm gì đây? Chúng tôi khiến cho mâu thuẫn hiển lộ ra rõ ràng, là những mâu thuẫn cho tới giờ vẫn ngấm ngầm bên trong mỗi người, bởi vì các con chưa thấy được mâu thuẫn đó trong chính tâm mình, trong tâm tiềm thức của mình.  

Và như vậy, khi ngồi chung với người khác cũng có những mâu thuẫn chưa hiển lộ trong tâm thì các con sẽ có xu hướng va chạm, và khi đó thì những xung đột trong tiềm thức được dịp trưng bày ra trong ý thức. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con sẽ ý thức được xung đột hay nguyên nhân xung đột, nhưng ít ra con không thể phủ nhận tác động của xung đột, tức là con không thể đạt được thỏa thuận với người khác.

Dĩ nhiên con có thể thấy trên địa cầu cũng xảy ra điều tương tự như ở cõi tâm linh, khi bao người tâm linh và bao người theo đạo – thậm chí cả các nhà khoa học và nhà duy vật – cũng tranh luận về vấn đề muôn thuở này: “Sự thật là gì, sự thật cao nhất là gì, ai nắm sự thật, ai có lý?”

Chỉ có một sự thật thôi?

Bước cần thiết đầu tiên, tất nhiên, là đối phó với quan niệm: “Có phải chỉ có một sự thật mà thôi?” Và qua thực có rất nhiều học viên đến dự khóa của ta đã từng lớn lên suốt nhiều kiếp đầu thai trong những môi trường nơi họ tin chắc là chỉ có thể có một sự thật duy nhất. Hoặc trái đất phẳng hoặc trái đất tròn, hoặc mặt trăng được tạo bằng pho mát xanh hoặc là không.    

Nhưng đó là sản phẩm của thế giới vật chất và thế giới hình tướng. Con có thấy không, con yêu dấu, trong thế giới hình tướng có một nguyên tắc căn bản? Con hãy thử đối chiếu thế giới hình tướng với thế giới vô hình tướng. Trong thế giới vô hình tướng, không có gì để mà phân biệt, vì phân biệt là sản phẩm của hình tướng. Và ngược lại, chúng ta cũng có thể nói hình tướng là sản phẩm của phân biệt, nghĩa là con tạo ra sự phân biệt trong tâm, rồi phân biệt này trong tâm được “vật chất hóa” thành một hình tướng riêng biệt, đứng riêng rẽ khỏi các hình tướng khác.

Cho nên một hình tướng phải có một hình dạng riêng biệt đứng riêng rẽ khỏi các hình tướng khác. Một vòng tròn sẽ có hình tròn, một ô vuông sẽ có hình vuông, một đường thẳng sẽ có hình thẳng. Không thể nào khác được, con không thể có một hình dạng hình học vừa tròn vừa vuông cùng một lúc – vô lý phải không?

Chính sự phân biệt tạo ra nhu cầu phân biệt, nhu cầu chọn lựa, nhu cầu bảo rằng cái này thế này chứ không là thế kia. Nhưng ngay cả ở cõi tâm linh nơi không có tự ngã, không có nhị nguyên, vẫn có sự khác biệt. Vậy thì tại sao chúng tôi là những thượng sư của bảy tia sáng lại không vật lộn với nhau để xem tia sáng nào là sự thật, tia sáng nào tốt hơn, tia sáng nào có lý?

Bởi vì chúng tôi không rơi vào cái lỗi lầm then chốt mà hầu hết mọi người trên địa cầu đều rơi vào. Con thấy không, chúng tôi nhận ra rằng người ta có thể có khác biệt mà không bắt buộc phải đánh giá cái nào đúng hay sai. Một vòng tròn và một hình vuông, cái nào đúng hơn? Không, chỉ khác nhau thôi.

Con thấy không, quả là có nhiều khía cạnh trong cuộc sống mà con không xét đoán là đúng hay sai, hoặc-thế-này-hoặc-thế-kia. Con có thấy sự khác biệt không? Cái đó hoặc là vuông hoặc là tròn, hoặt là sai hoặc là đúng. Nhiều người cho rằng đó là cùng một thứ, họ cho rằng nếu có hai tôn giáo khác nhau thì chỉ có một trong hai mới có thể đúng thôi.  

Khác biệt không nhất thiết dẫn đến xung đột

Và đó là thử thách đầu tiên mà các con phải đối mặt tại khóa tu của ta. Con phải khắc phục cái xu hướng từ ngàn đời cho rằng phải đúng hay sai, cho rằng chỉ có một sự thật duy nhất, một sự thật cao siêu hơn. Nhưng kỳ thực, con chỉ có thể khắc phục ảo tưởng này bằng cách nhận ra là sự xét đoán bắt nguồn từ tầng mức của nhị nguyên, tâm thức tách biệt, cái tâm thức gọi là tự ngã.

Trong hiện tại, con dùng phân biệt để đứng riêng ra khỏi toàn thể thay vì dùng phân biệt như là những cách khác nhau để biểu hiện toàn thể – những cách khác nhau, những biểu hiện khác nhau khiến cho cái Tất Cả được khuếch trương. Con có thấy là khi con không mù quáng trong nhị nguyên, con thấy được chỉ có một Thượng đế vô hình tướng đang tự biểu hiện qua những hình tướng khác nhau không? Và con cũng thấy là tất cả những biểu hiện khác nhau đó, những hình tướng và sinh thể khác nhau đó, tạo thành một toàn thể rộng lớn hơn?   

Điều này không là cùng một thứ với vô hình tướng, bởi vì sự khác biệt vẫn có mặt, nhưng song song vẫn có một toàn thể, một nhất thể. Cái toàn thể là nhiều hơn tất cả mọi phần nhỏ cộng lại, bởi vì toàn thê không chỉ được tạo bằng các phần nhỏ. Nó còn được tạo bằng Thượng đế duy nhất vô hình tướng được thẩm thấu trong mỗi thành phần. Cho nên khi con có cái nhìn này, khi con không còn nhìn qua cặp kính của nhị nguyên, thì con nhận ra rằng sự phân biệt không nhất thiết phải dẫn đến xung đột.

Và con nhận ra là mỗi dòng sống khác biệt rất có thể giữ sắc thái riêng của mình, và chúng có thể phát triển và phát huy sắc thái riêng của mình mà không mâu thuẫn lẫn nhau, không hạn chế lẫn nhau, không cạnh tranh với nhau. Trong khi đó thì con có thể thấy trên địa cầu, có một số người tự đặt mình vào vị trí thống trị để họ có thể biểu diễn sắc thái của họ một cách vô tội vạ, bởi vì họ đã triệt hạ sắc thái của tất cả những ai thuộc các tầng lớp thấp hơn họ.    

Sự việc này tất nhiên không xảy ra nơi cõi tâm linh. Chúng tôi tuy có một hệ thống thứ bậc, nhưng chúng tôi không xem những ai ở một thứ bậc nào đó bị hạn chế bởi thứ bậc bên trên. Ngược lại là đằng khác, bởi vì trong cõi tâm linh, dòng năng lượng không chảy từ thấp lên cao, trong khi ở địa cầu thì con thấy người dân ở những tầng dưới của kim tự tháp phải cong lưng cày cụm để người ở tầng trên được hưởng lợi sức lao động của người dưới. Và con thấy dòng chảy từ dưới lên trên để cho những kẻ ở trên tha hồ lợi dụng.

Nhưng nơi cõi tâm linh thì hoàn toàn ngược lại, những đấng ở trên đỉnh của kim tự tháp có thể ví như những mặt trời, luôn luôn ban ra và rải xuống cho bên dưới. Và điều này đem lại khả năng, nghị lực, cho các tầng dưới thể hiện sắc thái của mình ngày càng phong phú hơn.  

Không có Thượng đế nóng giận nào trên trời

Cho nên chúng tôi không cảm nhận mình bị hạn chế, giới hạn, bởi những đấng ở trên mình, chúng tôi không cảm nhận có một vị thần nóng giận ở trên trời luôn luôn muốn chúng tôi phải tuân theo mọi ý muốn của vị ấy, bằng không chúng tôi sẽ bị đày xuống địa ngục. Ngược lại, chúng tôi chứng nghiệm được Thượng đế yêu thương vô bờ bến, không ngừng lan toả Bản thể và Ánh sáng của ngài cho chúng tôi. Chúng tôi hứng lấy tất cả và biểu hiện tình thương đó qua những mặt cạnh của viên kim cương là sắc tính của chúng tôi. Viên kim cương này, chúng tôi đã mài cho bóng suốt một thời gian rất dài – nếu người ta có thể nói đến thời gian trong cõi tâm linh – biến nó thành sắc thái độc nhất có một không hai.

Cho nên chúng tôi thấy Thượng đế là người đày tớ tối thượng, bởi vì cao cả nhất là người nào thực sự phụng sự Tất Cả. Trong Thượng đế chỉ có một ý muốn là nâng cao tất cả những thành phần nối dài của ngài. Đồng thời, dĩ nhiên, Thượng đế cũng muốn điều này xảy trong quyền tự quyết. Khi con nhận ra điều này, con cũng nhận ra là sự phân biệt thực ra chỉ có một mục đích, đó là trao cho mỗi dòng sống một môi trường để nó có thể phát huy khả năng tự nhận biết của nó, cho đến khi nó đạt đến cùng một mức như Thượng đế và không còn tự định nghĩa dựa trên khác biệt nữa.  

Khi con bắt đầu hiểu ra điều này, con sẽ ngộ được là vũ trụ vật chất chỉ có một mục đích mà thôi, là tạo điều kiện cho con phát triển khả năng tự nhận biết của mình. Từ đó con sẽ bắt đầu hiểu được – ít nhất một số học viên trên tia sáng thứ năm rốt cuộc sẽ nắm bắt được – rằng câu hỏi “Sự thật là gì?” kỳ thực là một câu hỏi thật vô nghĩa.

Sự thật tối hậu là tính duy nhất

Bởi vì vấn đề không phải là tìm ra sự thật tối hậu hầu bảo đảm mình sẽ lên được thiên đàng khi mình tìm ra. Làm thế nào con lên được thiên đàng? Phải, như Serapis đã chỉ ra, bằng cách con bước vào xoắn ốc thăng thiên, là xoắn ốc nơi con không ngừng tự gia tốc bằng cách thăng vượt trạng thái hiện thời của con. Cho nên nếu con cho là con đã tìm được một chân lý tối thượng – dù là trong đạo Cơ đốc, đạo Phật, đạo Hồi hay một giáo lý của chân sư thăng thiên – thì con không đang gia tốc đâu.

Hiện tại con đang sử dụng một giáo lý công truyền để tạo ra một khung sườn, một cái hộp tư duy, hay một vũ khí để dùng chống lại người khác trong mong muốn ích kỷ tự nâng mình lên cao hơn người khác. Trên địa cầu, quá nhiều lần “sự thật” đã bị dùng làm một thứ vũ khí để bào chữa cho việc mình tấn công người khác. Nhưng con sẽ không tốt nghiệp được lớp mẫu giáo của tia sáng thứ năm cho đến khi con hoàn toàn bỏ được khuynh hướng sử dụng “sự thật” để hạ thấp người khác.   

Bởi vì thế nào là sự thật tối hậu? Đó là: mọi sự sống là một, và Thượng đế, Đấng Sáng tạo, muốn mọi sự sống tăng trưởng, vượt thăng lên và trở về trong duy nhất. Cho nên nếu con bị kẹt trong ý tưởng rằng trên địa cầu có một sự thật có thể được định nghĩa và đứng riêng rẽ khỏi mọi “sự thật” khác, thì con cũng bị kẹt trong tin tưởng rằng sự thật là tương đối. Con đã lấy một sự thật tương đối và đã nâng nó lên vào vị trí sự thật tuyệt đối. Nhưng sự thật tuyệt đối, tất nhiên, là Tánh linh của Thượng đế. Sự thật tuyệt đối là sự duy nhất của toàn bộ thế giới khác biệt. Cho nên nếu con lấy một thành phần và trao cho nó giá trị tuyệt đối thì trên căn bản, con đã hiểu lầm chính bản chất của thế giới khác biệt.   

Điều này chỉ có thể bắt nguồn từ tự ngã, nó chỉ có thể bắt nguồn từ tách biệt. Thật là không có cách giải thích nào khác cho dù người ta có thể nghĩ ra đủ mọi cách giải nghĩa hay minh chứng giả tạo nào đó.

Sự thật vượt ngoài ngôn ngữ

Có một điều nữa con cần nhận ra trên tia sáng thứ năm – hầu con có thể bước ra khỏi lớp học mẫu giáo của các nhóm thảo luận sơ khởi – là sự thật tối hậu không thể nói lên được bằng lời. Bởi vì ngôn từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, con luôn luôn có thể bẻ cong, vặn vẹo ngôn từ để chứng minh bất cứ điều gì con muốn chứng minh. Và đây chính là cuộc điểm đạo được minh hoạ qua câu chuyện của Eva và con rắn. Trong truyện, rắn cho Eva quả trái từ cây của hiểu biết thiện ác. Tất nhiên như ta đã có nói, đây là sự hiểu biết tương đối của hai đối cực nhị nguyên chỉ có thể hiện hữu trong mối quan hệ với nhau.   

Nói một cách tương đối, sự thật chỉ là sự thật khi nó đối lập với sai lầm hay giả trá. Đó là tại sao khi con bị kẹt ở mức tìm kiếm sự thật tối hậu và tưởng rằng mình đã tìm thấy sự thật tối hậu trên địa cầu, thì con sẽ rất dễ bị cám dỗ sử dụng nó để phán xét người khác, hoặc là để cố kiểm soát người khác, hoặc nếu họ không chịu để cho con kiểm soát thì con sẽ cố trừng phạt hay tiêu diệt họ.  

Đây là một khuôn nếp mà con thấy đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần khắp nơi trên thế giới. Con hãy nhìn các tổ chức tôn gíáo như đạo Cơ đốc và đạo Hồi gây ra bao cuộc chiến, hay hai thành phần của cùng một tôn giáo, Công giáo và Tin Lành, giao chiến với nhau vì cũng tranh chấp như vậy. Con hãy nhìn chủ nghĩa cộng sản tự xưng mình là chân lý tối hậu rồi tuyên chiến với mọi người, và họ không ngần ngại giết hại hàng triệu người để xác lập chân lý của mình là chân lý thống trị.  

Con thấy, con yêu dấu, sự thật tuyệt đối và sự thật thống trị không hẳn giống nhau. Nếu con cho rằng khi con còn hiện thân trên địa cầu, con đã tìm được một sự thật tuyệt đối có thể được định nghĩa như là một hệ thống trong thế gian này, thì con chỉ chứng tỏ là con chưa nắm được sự thật tuyệt đối là gì. Kỳ thực con không tìm kiếm một sự thật tuyệt đối mà chỉ tìm kiếm một sự thật thống trị hầu con sử dụng để áp chế người khác. Và đúng vậy, đây là sự tranh giành quyền lực mà con chứng kiến nơi quá nhiều phong trào tôn giáo và chính trị, thậm chí cả phong trào chủ nghĩa duy vật.

Con sẽ không lên cao hơn được lớp mẫu giáo của tia sáng thứ năm cho tới khi con thấy được sự phù phiếm của nỗ lực sử dụng một sự thật tương đối để làm vũ khí chống lại người khác. Và con thấy được điều này khi con hòa điệu vào chân lý tuyệt đối vượt khỏi mọi ngôn từ, chân lý tuyệt đối nơi sự sống là một và Thượng đế nâng cao tất cả.

Và con không thể tin vào lời gian trá bảo rằng con có thể làm công việc của Thượng đế mà lại hạ thấp một phần khác của sự sống. Con biết con chỉ làm được công việc của Thượng đế khi con cố nâng cao toàn thể, bởi thế cho nên rất có thể con sẽ thách thức nhưng con sẽ không bao giờ tìm cách hạ thấp người ta, bởi vì con nhận ra rằng như vậy con cũng đang hạ thấp toàn thể. mà toàn thể thì chẳng qua cũng là chính con, phần rộng lớn của con.  

Khúc rẽ

Và sẽ tới một điểm trong tiến trình của khóa tu của tia thứ năm khi các con nhận ra rằng sư tranh giành quyền lực để đạt được cái gọi là sự thật tối hậu, hoàn toàn vô ích. Lúc đó các con sẽ nói với ta: “Hilarion, chúng con đã thấy rồi, chúng con thấy được trong suốt bao nhiêu thời đại người ta đã đấu tranh như thế, chúng con cũng thấy được là chân lý tối hậu vượt khỏi tầm mức của trần thế và không thể diễn tả bằng ngôn từ, nhưng bây giờ chúng con làm gì đây?”

Và phương pháp ta chỉ cho các con luôn luôn giống như vậy. Tạm thời các con phải từ bỏ chính khái niệm sự thật. Con hãy lưu ý, ta không nói con phải bỏ sự thật, nhưng con phải bỏ cái khái niệm là có một sự thật là đối cực của sai lầm.

Ban đầu, điều này khiến cho các học viên vô cùng bối rối, bởi vì từ quá lâu các con đã phải không ngừng vươn lên tìm kiếm một sự thật khi con nỗ lực nâng mình lên qua bốn tia sáng đầu. Và các con nghĩ rằng tiến trình sẽ tiếp tục như thế, các con sẽ tìm kiếm sự hiểu biết ngày càng cao hơn sẽ có ngày đưa con đến chân lý tối hậu. Thế nhưng bây giờ ta lại nói với con: Con hãy từ bỏ cái ý tưởng là có một chân lý tối hậu.   

Và sau sự bối rối ban đầu, và đôi khi thậm chí cả sự phản đối, các con sẽ đạt tới một điểm khi con nói:”Được rồi, tôi không đồng ý với chân sư. Tôi không hiểu thày nói gì. Nhưng tôi cảm được thày nắm cái gì đó mà tôi không nắm được. Dù sao thì thày cũng là chân sư và tôi thì chẳng là gì. Cho nên chắc hẳn phải có gì đó trong những điều thày dạy. Hay là tôi cứ thử tạm thời để cho tâm mình hoàn toàn giải phóng khỏi quan niệm là mình phải lượng định mọi ý tưởng xem có đúng hay sai? Hay là tôi cứ để cho tâm mình thư giãn, bấp bênh một lát rồi xem chuyện gì xảy ra?”    

Ở ngay điểm này, học viên có khả năng bước ra khỏi cái tâm thức muốn thu hẹp sự thật trong một hệ thống nhị nguyên nơi sai và đúng đối chọi với nhau. Rồi con có khả năng chứng nghiệm Tánh linh của Sự thật. Và khi con chứng nghiệm điều này, bỗng nhiên con thấy: “À, có một sự thật, có một sự thật tối hậu, nhưng nó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình tướng, mọi sự khác biệt.”

Và con có thể thấy được điều ta vừa nói ở trên, rằng con không cần nhìn vào khác biệt và dùng sự xét đoán để nhận biết cái này đúng và mọi cái khác biệt đều sai. Bởi vì con thấy được mục đích của thế giới hình tướng là để năng cao toàn thể, và do đó, mọi cái gọi là sự thật được diễn tả trên địa cầu đều có tiềm năng nâng con người lên cao hơn.

Ngay cả một giáo lý cốt ý được thảo ra bởi những sinh thể đang tìm cách lừa dối nhân loại, ngay cả một giáo lý như thế cũng có thể được con sử dụng để con tự nâng mình lên cao hơn – khi con nhìn thấu được sự giả trá của tư tưởng và quan niệm, khi con nhìn thấy những tư tưởng này không bắt nguồn từ duy nhất mà từ tách biệt.

Mục đích thật sự của một giáo lý

Và như vậy các học viên bắt đầu có một cái nhìn về sự thật thực tế hơn – có thể nói là thực dụng hơn – khi các con nhận ra mục đích của bất cứ giáo lý nào, của bất cứ hệ thống tư tưởng nào, thật sự là để giúp mọi người thăng vượt trình độ tâm thức của mình. Và làm thế nào con thăng vượt được tâm thức của con?

Con làm vậy qua cách mà Serapis đã mô tả, qua đó con đang di chuyển vòng tròn theo một định hướng nào đó, thì bây giờ con biến di chuyển tròn thành một xoắn ốc đi lên. Và như vậy, mục đích của một hệ thống tư tưởng, như một tôn giáo hay một gíáo lý tâm linh, là gì? Mục đích là để giúp con tạo ra một cái đà chuyển động mà qua đó con bắt đầu chuyển vọt, chứ con không chỉ thờ ơ ngồi yên một chỗ và cứ tưởng rằng mình không có khả năng hiểu biết bất cứ gì.      

Con đang chuyển động, nhưng chừng nào con còn chuyển động trong cùng một hệ thống thì con chỉ có thể đi vòng tròn. Một khi con hé hiểu được điều này và nhận ra rằng giá trị thật sự của một giáo lý biểu hiện qua ngôn từ là để con thăng vượt ngôn từ, thì bỗng nhiên sẽ có một lực đẩy đi lên. Và như vậy, động lượng được hướng lên thành xoắn ốc, và nó đẩy con tiến lên cao hơn với tốc độ rất lớn.

Giê-su có nói, “Ta ước gì là con hoặc nóng hoặc lạnh,” bởi vì những ai nóng hay lạnh đều có một động lực, một động cơ. Động lực có thể nhắm sai hướng, nhưng con vẫn đang di chuyển. Nếu bỗng nhiên con có thể đột phá và thấy được nhu cầu phải lên cao hơn, phải thăng vượt giáo lý vỏ ngoài, thì lòng nhiệt thành của con có thể được chuyển thành một bước tiến về phía trước.

Nhưng tất nhiên, một cách khác cũng hiệu quả là con tìm con đường trung đạo, qua đó con có thể không mấy nhiệt huyết hay sôi nổi, nhưng con vẫn tiến bước đều đặn vì con không ngừng nỗ lực thăng vượt mức tâm thức hiện hữu của mình, và con nhận biết tất cả với tâm thuần khiết, với cái tâm “trẻ thơ”, với tâm tỉnh giác trần truồng.  

Các vị thày tâm linh chân chính

Và đây là lúc các học viên trên tia sáng thứ năm bắt đầu vượt qua cuộc điểm đạo. Các con bắt đầu thấy được rằng việc tìm cách thiết lập một chân lý hay một tôn giáo thống trị trên địa cầu thật là vô nghĩa. Các vị thày tâm linh chân chính là những vị cố giúp con thấy được là con sẽ không thăng tiến bằng cách tuân theo một hệ thống, mà con thăng tiến bằng cách thăng vượt hệ thống, bằng cách sử dụng hệ thống như một phương tiện để kích thích tâm trí hầu con vượt lên trên ngôn từ vỏ ngoài.

Rồi bỗng nhiên, con hé thấy cái viền trên vạt áo của Thượng đế. Con chiêm nghiệm Tánh linh Sự thật, nằm vượt khỏi mọi sự khác biệt và đồng thời lại hiện hữu cùng khắp qua các hình tướng khác biệt. Và lúc đó con nhận ra một nguyên tắc vĩnh cửu: Mục đích tối hậu là sự duy nhất.

Con không thể nhập vào duy nhất bằng cách chạy trốn khỏi một “vật” nào đó. Con có thể tin là có một ác quỷ sẽ kéo con xuống địa ngục.Nhưng nếu cuộc tìm kiếm tôn giáo hay tâm linh của con được thúc đẩy bởi mong muốn chạy trốn khỏi ác quỷ thì con sẽ không chạy về phía Thượng đế đâu – theo ý nghĩa vô hình tướng. Con sẽ chạy về phía một thượng đế giả hiệu, là hình ảnh của một thượng đế đối chọi với ác quỷ.

Và như vậy khi con nhận ra là con không còn chạy trốn nữa – bởi vì con không có nhu cầu chạy trốn bất cứ gì và thay vào đó con chạy về hướng sự duy nhất – thì con đã chuyển vọt được lực chuyển động của con. Bây giờ con đang đi đúng hướng.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là con có thể tiếp tục chạy về hướng duy nhất mãi mãi, bởi vì sẽ tới một điểm cao hơn khi con cần nhận ra là con sẽ không bao giờ bắt kịp được duy nhất. Làm sao con có thể chạy về hướng một cái gì hiện diện khắp mọi nơi? Nhưng đây là một cuộc điểm đạo mà con không thể thực hiện trên tia sáng thứ năm, mà phải dành lại cho các tia sáng cao hơn tại các khóa nhập thất của các tia này.

Cuộc khủng hoảng tâm lý-tâm linh

Và như vậy mục đích của ta ở đây là để chỉ cho con thấy cách hoàn thành cuộc điểm đạo của tia sáng thứ năm. Nhưng ta nói những điều này không chỉ cho riêng con. Ta muốn biểu đạt, và ta trụ neo ngọn lửa cùng ánh sáng ở đây, bởi vì đây cũng là điều mà cả xã hội Tây phương cần hiểu – nếu xã hội Tây phương muốn thực hiện những gì mà Serapis đã nói tới và bước lên mức cao hơn. Đơn giản, con cần phải vượt qua cái nhìn sai lạc cho rằng phải có một sự thật cao hơn, qua đó con luôn luôn đưa ra cảm tưởng là con cố giải quyết một vấn đề bằng cách khiến mọi người phải chấp nhận sự thật cao hơn đó.  

Nhưng con cũng cần đi xa hơn cách nhìn cho rằng xứ Hòa Lan này đã quá tiến bộ trong cách chính quyền điều hành quốc gia, đến độ các con phải ngừng tìm cầu một sự thật tôn giáo hay một sự thật ý thức hệ nào đó, và trở thành hoàn toàn thực dụng. Các con phải tìm được con đường trung đạo, là nhận ra mình cần nỗ lực gia tốc.

Và vì thế, đây không phải là chuyện tìm cầu một sự thật tôn giáo, mà tìm ra những nguyên tắc tự nhiên, phổ quát sẽ giúp mọi người thăng vượt tình trạng tâm thức hiện thời của họ, giúp họ xoay đổi đời họ để tiến về phía trước trong một xoắn ốc hướng thượng có hẳn mục tiêu lẫn phương hướng. Cần giúp họ hiểu cách làm sao tiến từng bước một, từng nấc một trên cái thang hình xoắn ốc dẫn họ đến mục tiêu, hầu họ không phải sống trọn đời một cách vô nghĩa và không làm sao khắc phục nổi các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay một tâm bệnh nào khác tuôn ra từ cảm giác vô dụng.   

Bởi vì làm sao con không cảm thấy vô dụng khi đời con không có ý nghĩa và chẳng có gì thực sự quan trọng? Tất nhiên là con sẽ cảm thấy mình vô dụng nếu con tin tưởng như thế và con đã được dạy dỗ như thế. Cho nên một xã hội tân tiến, một xã hội khai sáng, không thể nuôi nấng trẻ em mình với tư duy này. Đối với con em mình, phải có một giải pháp nào khác vượt lên trên tôn giáo truyền thống, vượt lên trên mọi chủ nghĩa chính trị, vượt lên trên chủ nghĩa duy vật, và đưa ra được trong tinh thần đại đồng đường hướng tiến hóa của sự sống cùng những phương pháp thực hiện thực tiễn.

Đây là thử thách mà phương Tây đang phải đối diện, hay đúng hơn đang không đối diện ngay bây giờ mà sẽ phải đối diện để thăng vượt không chỉ cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại mà thôi. Bởi vì ta nói với các con, cuộc khủng hoảng lớn nhất tại các nước Tây phương không phải là khủng hoảng tài chánh. Khủng hoảng lớn nhất tại Tây phương là khủng hoảng tâm lý-tâm linh. Và một ngày nào khi mọi người đã quên bẵng cuộc khủng hoảng tài chánh thì cuộc khủng hoảng tâm lý-tâm linh sẽ vẫn còn nguyên đây. Nó sẽ còn đó và sẽ tồi tệ hơn nữa, cho đến khi một sự chuyển vọt xảy ra trong cách người ta đặt vấn đề – không phải là câu hỏi “Sự thật là gì?” mà là “Cái tôi là gì?” – con người là gì, tôi là gì?

Tôi có chỉ là một sinh thể vật chất, chỉ là một người mang tội, hay tôi là nhiều hơn thế? Liệu tôi có tiềm năng là nhiều hơn thế không? Liệu xã hội chúng ta có tiềm năng là nhiều hơn một chính quyền phúc lợi tân tiến cứ tưởng là mình có thể ném tiền vào mọi vấn đề xã hội, tâm linh hay tâm lý – và chờ đợi vấn đề sẽ tự động giải quyết? Bởi vì người ta nghĩ một vấn đề tâm lý không khác gì một vấn đề trục trặc máy móc. Khi con có một vấn đề máy móc, con chỉ cần tìm ra bộ phận hư hỏng rồi thay thế bộ phận đó đi. Nhưng đó không phải là cách tâm lý vận hành.      

Bởi vì tâm lý của một con người không thể chia ra thành từng bộ phận nhỏ. Tâm lý là một toàn thể – đó chính là định nghĩa của một con người. Đó là một toàn thể, và nếu con nghĩ con có thể phân chia người đó ra thành từng mảnh nhỏ thì con sẽ không thễ chữa lành cái toàn thể. Con không thể chữa lành toàn thể bằng cách chữa lành một bộ phận hay cắt bỏ bộ phận đó đi. Con chỉ có thể chữa lành toàn thể bằng cách gia tốc toàn thể lên một tầng mức cao hơn.

Đó là nguyên lý phổ quát của tia sáng thứ năm, và đó cũng là tại sao chúng tôi cũng đã gọi tia này là tia của sự toàn vẹn. Bởi vì một khi con giải thoát tâm con khỏi nỗ lực tìm cầu một sự thật dựa trên phân biệt, thì tâm con sẽ tự do nắm lấy sự toàn vẹn đằng sau mọi xung đột, đằng sau những cặp đối nghịch nhị nguyên mà trước đó con nhìn thấy mà cứ tưởng là chỉ có thế. Trong tâm đó, thay vì con đi tìm sự thật, con lại tìm cách nâng cao một sự thật tương đối cho nó cao hơn mọi sự thật khác. Con cố biến một sự thật tương đối thành tuyệt đối, thay vì con thăng vượt cái tư duy đang nhìn vào sự thật tương đối rồi ngộ ra là sự thật, như một toàn thể, không có đối cực. Bởi vì con nhìn thấy toàn thể và chỉ muốn nâng cao toàn thể.  

Vậy đó là bài giảng của ta. Đó là ánh sáng mà ta đã trụ neo, là ngọn lửa fohat đã tắt, để cho ngôn từ được ánh sáng dẫn dắt vào tâm thức tập thể nơi nó sẽ đâm thủng các hàng rào mà mỗi người cũng như xã hội đã dựng lên chung quanh tâm mình hầu bác bỏ sự thật.

Phải, ta là Hilarion, ta sử dụng quyền của mình với tư cách là Thượng sư của Tia sáng Thứ năm, đại diện cho tất cả các thứ bậc trong tia thứ năm, tỏa chiếu ánh sáng của ta xuyên qua các thể vật lý của tất cả các con.

Và như vậy, ta nói: “Sự thật là gì?”

“Ta là sự thật!”

Và con cũng là sự thật – nếu con khám phá cái TA LÀ trong con là ai. Vậy con hãy khám phá cái TA LÀ này, và khám phá rằng cái TA LÀ trong con là thành phần của toàn thể cái TA LÀ, cái TA LÀ rộng lớn. Và vì vậy khi con biết được điều này, con sẽ cố nâng cao mỗi thành phần của toàn thể, vì đó là cách duy nhất nâng cao toàn thể. Và nâng cao toàn thể là cách duy nhất để nâng cao mỗi thành phần. Con không tự nâng mình lên như một thành phần riêng lẻ, một thành phần tách biệt. Con chỉ có thể tự nâng mình lên bằng cách nâng toàn thể, bằng cách là đầy tớ của tất cả.

ĐÂY LÀ SỰ THẬT – nếu sự thật có thể diễn tả bằng lời nói. Con có thể phủ nhận nếu con muốn, con có thể biện bác nếu con muốn, bởi vì con có quyền tự quyết, con có tự do trói con vào cái bánh quay triền miên đang cố nâng cao một sự thật tương đối thành tuyệt đối.

Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ thành, cho tới khi con nhận ra là sự nhiệt thành của mình có thể chuyển hóa thành cái xoắn ốc hướng thượng khi con từ bỏ mong muốn dựng lên một sự thật duy nhất, một sự thật được biểu lộ, làm sự cao hơn.

TA LÀ sự thật. Bởi vì ta, Hilarion, đã đến trong sự hợp nhất với Ki-tô, và do đó ta cũng là con đường, sự thật và sự sống. Thế là xong.

Vượt qua tấn tuồng cuộc đời bằng cách chuyển từ phản ứng sang hành động

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 31/12/2009 qua trung gian Kim Michaels.

Phật TA LÀ. Gautama TA LÀ và TA LÀ tỉnh thức. Ta đến để nói với con rằng, con cũng vậy, tốt hơn là con nên tỉnh thức nếu con muốn vượt qua những cuộc điểm đạo của năm 2010 này, mà như ta đã trình bày năm ngoái vào ngày đầu năm, sẽ là Năm của Ngôi Con. Là năm mà nhân loại phải đối mặt với điểm đạo của Ngôi Con – tức Tâm thức Ki-tô – và do đó phải đối mặt với điểm đạo về sự cần thiết đạt được Tâm thức Ki-tô hầu phân biện giữa chân và bất chân.

Con để ý ta không nói “thật và giả”, bởi vì thật và giả là từ ngữ mà loài người đã sử dụng từ bao lâu nay để chỉ những thứ trong cõi nhị nguyên. Và tất nhiên, trong năm tới, điều cần thiết là mỗi người cần bước lên khỏi nhị nguyên và, trên hết, học cách phân biện là có một cõi vượt khỏi nhị nguyên, có một mức tâm thức có thực – và nó không ở trong cái cõi luôn luôn có hai đối cực chống đối lẫn nhau.

Và như thế, tâm thức bất nhị này không có đối cực, bởi vì Thượng đế không có đối cực, Phật không có đối cực. Không có cái gì có thể gọi là phản Thượng đế tuy rằng dĩ nhiên con có thể nghĩ ra từ này. Cũng vậy, không hề có phản Phật cho dù con cũng có thể nghĩ ra từ đó. Vì con thấy không, cái gì không phải là Phật chỉ đơn giản không là Phật. Cái gì không phải là Thượng đế thì không là Thượng đế, có nghĩa cái đó bị chia cách khỏi Thượng đế, chia cách khỏi Phật. Thế nhưng khi Thượng đế ở mọi nơi và khi tất cả đều là Phật tánh, làm sao có gì thực sự chia cách khỏi Phật? Làm sao có gì thực sự chia cách khỏi Thượng đế?

Điều này tất nhiên không thể xảy ra trên thực tế, nó chỉ có thể xảy ra trong cõi nhị nguyên, nơi con có thể định nghĩa hai đối cực rồi bảo rằng Thượng đế là một đối cực, và ác quỷ – hay phản Thượng đế hay bất kỳ con muốn gọi tên là gì, thậm chí là vật chất – là đối cực kia, và do đó là chống đối, là chia cách khỏi Thượng đế. Nhưng ảo tưởng này tất nhiên không hiện hữu tự nó. Nó chỉ hiện hữu trong tâm của những ai đã quyết định bước vào cõi của nhị nguyên. Và tại sao lại có những dòng sống muốn bước vào cõi này?

Con luôn luôn có thể thay đổi phản ứng của mình

Như Giê-su, như Đại chỉ đạo Thiêng liêng, như Astrea và như Serapis Bey gần đây có giải thích thật cặn kẽ, họ làm vậy vì họ không sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về bản thân họ. Thế nào là nhận lấy trách nhiệm về bản thân? Đơn giản có nghĩa là con sẵn sàng nhận diện và nhìn nhận một cách ý thức một sự thật duy nhất, là sự thật nền tảng cho sự tăng triển trên con đường tâm linh để bước vào vòng xoắn ốc thăng thiên. Đây là sự thật khiến cho các chân sư có thể làm việc với con trên một căn bản cá nhân thay vì con ở lại Trường đời Cay đắng, hay ở lại trường học của giáo lý công truyền, của những tổ chức và đạo sư công truyền nơi con có thể tìm thấy một đạo sư chân chính hay không chân chính, nhưng trong mọi trường hợp, nơi con sẽ bị hấp dẫn bởi loại đạo sư hay giáo lý vang dội trong tâm thức hiện thời của con.

Vì con thấy đó, khi con chưa nhận trách nhiệm về mình thì con chưa sẵn sàng tra vấn tâm thức hiện thời, nhận thức hiện thời của con. Và như vậy, làm sao con có thể thu hút một đạo sư vượt lên trên tầng tâm thức đó? Chuyện này không thể làm được. Đây là một trong những sự thật quá hiển nhiên, nó đáng lý phải hiển nhiên nhưng lại không hiển nhiên chút nào cho những ai chưa chịu nhận lãnh trách nhiệm và do đó còn nhìn tất cả mọi thứ với nhận thức ô nhiễm.

Vậy thì điều gì là điều con bắt buộc phải nhận ra trước khi con có thể là học trò cá nhân của các chân sư thâng thiên? Đó chính là: Mọi thứ trong thế giới hình tướng đều là sự biểu hiện của tâm thức, là một tạo vật của tâm thức. Không có gì – ta nhắc lại, không có gì – trong thế giới hình tướng, dù là trong cõi tâm linh hay vũ trụ vật chất, mà có sự hiện hữu độc lập hay khách quan. Không có gì đã đi vào hiện hữu mà không được sinh tạo bởi một vị đồng sáng tạo với khả năng tự nhận biết. Vị đó trước tiên hình dung ra một hình tư tưởng, rồi sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình để áp chồng hình tư tưởng này lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và ánh sáng này khoác lấy hình dạng của hình tư tưởng.

Không có cách nào khác để đồng sáng tạo. Ngay cả Đấng Sáng tạo cũng sáng tạo cách này, cũng như mọi vị đồng sáng tạo khác từ mọi thời – trong bầu cõi này hay trong những bầu cõi trước cho tới lần sáng tạo đầu tiên. Không có cách nào khác để sáng tạo. Và như vậy, con đường tâm linh khởi sự khi con đạt tới điểm sẵn sàng chất vấn nhận thức cho rằng những gì mình nhận biết trong vũ trụ vật chất là thực – là có sự hiện hữu độc lập, nghĩa là hiện hữu một cách độc lập khỏi tâm thức – và như vậy nó trường tồn hay bất biến, hay chỉ thay đổi rất chậm do một tiến trình vượt ngoài tầm kiểm soát của con, cho dù tiến trình này là Thượng đế hay thiên thần trên trời, hay định luật thiên nhiên, hay quy trình tiến hóa, hay bất kỳ huyền thoại nào khác mà con người đã nghĩ ra để giải thích mọi sự ở chung quanh mà qua đó con người thấy cả hình dáng của trường tồn lẫn hình dáng hiển nhiên của biến đổi.

Tuy nhiên, vì không chịu nhận trách nhiệm về bản thân, con người phải phóng chiếu ra là mọi thứ đều trường tồn và hiện hữu độc lập. Và cùng lúc, họ cũng phải phóng chiếu là những thay đổi mà họ không thể chối cãi phải đến từ một tiến trình nào đó ở bên ngoài họ mà họ không thể kiểm soát. Nhưng thực sự, liệu có cái gì trong thế giới của họ – trong thế giới cá nhân của họ – mà họ hoàn toàn không thể kiểm soát không? Có, có chứ – nhưng chỉ ở mức tâm thức hiện thời của họ mà thôi. Nhưng nếu con sẵn sàng thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con, thăng vượt nhận thức hiện thời của con, thăng vượt cái hộp tư duy hiện thời của con, thì hoàn toàn sẽ không có gì trong thế giới của con mà con không thể gia tốc lên một tầng cao hơn bằng cách sẵn lòng gia tốc chính tâm thức của con.

Con có thể nhìn vào thế giới chung quanh, nhìn vào hoàn cảnh cá nhân, và con cỏ thể thấy nhiều điều trong đời mình mà dường như con không có quyền năng ảnh hưởng hay thay đổi, do chúng tùy thuộc vào định luật thiên nhiên mà hình như con không thể thay đổi, hoặc chúng tùy thuộc vào người khác và những chọn lựa tự quyết của họ. Nhưng con thấy đó, con vẫn có quyền năng thay đổi một thứ. Con có quyền năng thay đổi cách con phản ứng trước tình huống ngoại cảnh, trước cách cư xử của người khác.

Khởi đầu của con đường tâm linh

Và con khởi đầu khi con tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể gia tốc phản ứng của mình để tôi không bị những hoàn cảnh, hành động, lời nói của người khác buộc tôi phải phản ứng tiêu cực? Làm thế nào gia tốc ra khỏi khuôn nếp phản ứng cũ? Làm thế nào ra khỏi cách vận hành cố hữu của tâm thức phản ứng?” Khi con bắt đầu đặt ra những câu hỏi này, đó là lúc con có thể khởi sự con đường tâm linh.

Ban đầu, có vẻ như con chỉ thay đổi được cách phản ứng đối với hoàn cảnh hay người khác, nhưng ta cam đoan với con là các thày – là các chân sư thăng thiên đã từng trải qua cùng tiến trình như con, đã khởi đầu ở một tâm thức vô cùng nhị nguyên rồi đã tự gia tốc vào Xoáy ốc Thăng thiên – các thày đã chứng minh, chứng minh nhiều lần và thêm nhiều lần rằng khi con gia tốc các phản ứng của con, con sẽ đạt tới điểm không còn gặp phải một số tình huống hay một số loại người nữa. Và con yêu dấu, có thật là khó hiểu lắm không khi con đã nhận được rất nhiều lời dạy của các thày về sự kiện vũ trụ này là một tấm gương phản chiếu lại cho con những gì con gửi ra ngoài?

Nếu con gửi ra ngoài ý tưởng là con luôn bị người ta đổ tội oan ức, thì dựa trên hình tư tưởng mà con có trong tâm, vũ trụ sẽ suy ra điều gì? Đúng vậy, vũ trụ sẽ suy ra là con muốn kinh nghiệm một tình huống có ai đó buộc tội con. Và như thế, vũ trụ sẽ chiều theo và gửi đến con loại người buộc tội đó. Và con có thể rơi vào vòng xoáy ốc muôn thuở là tìm cách tự minh oan trước lời buộc tội của họ, hay tìm cách bác bỏ họ, hay tự bào chữa, hay thậm chí tìm cách thay đổi quan điểm của họ – nhưng con vẫn đang phản ứng đó con.

Con có thấy chăng là những gì khiến con phản ứng không phải là tình huống bên ngoài độc lập với tâm thức con? Con đang phản ứng lại sự phản ứng của tấm gương vũ trụ đối với những hình ảnh mà con đã gửi ra. Hẳn con có biết về luật nhân quả, còn gọi là luật của hành động và phản ứng. Vậy thì con biết phản ứng luôn luôn đi theo sau hành động. Thế nhưng khi con không nhận trách nhiệm về mình, con không thấy được là cái chuỗi sự kiện đó đã khởi sự với một hành động của con, tức là những hình tư tưởng mà con cho phép hiện hữu nơi thể bản sắc của con, rồi con phóng nó ra vào tấm gương vũ trụ, và những gì trở ngược lại con chính là sự phản ứng do hành động của con.

Khi con không nhìn nhận điều này, con sẽ chỉ nhìn vào những gì xảy ra bên ngoài con, rồi con cho rằng cách người khác đối xử với mình là hành động của họ. Rồi con cho rằng hành động của họ bắt buộc con phải phản ứng một cách nào đó, thường thường nó bắt con phản ứng một cách nhất định bất kể động lực cá nhân của con là gì, chẳng hạn con phải tự biện minh hay buộc ngược lại người ta. Và con cho rằng vì con không thể thay đổi hành động của họ, con sẽ không có cách nào thăng vượt hoàn cảnh của con. Nhưng con có thấy là lý do con cảm thấy mình bất lực là vì con đã lẫn lộn hành động với phản ứng? Con nghĩ con phản ứng lại hành động của họ, nhưng sự thật ở đây – sự thật nói lên khác biệt giữa những học trò chân chính của chân sư thăng thiên với những ai không phải là học trò chân chính, cho dù họ có thể tự nhận hoặc tin chắc thế nào đi nữa – là nhận ra một điều mà thôi, đó là khi con nhận trọn vẹn trách nhiệm về bản thân thì con sẽ KHÔNG BAO GIỜ phản ứng lại bất cứ gì!

Khi con hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng tâm mình, con thấy rằng Thượng đế đã ban cho con quyền tự quyết. Và dù điều gì xảy ra cho con trên địa cầu, con có tự do chọn lựa những gì xảy ra trong tâm con – bất kể những gì xảy ra bên ngoài thân con và tâm con. Và như vậy khi con trách nhiệm bản thân con, con ngộ ra rằng con hoàn toàn không có nhu cầu phản ứng lại bất cứ gì. Không có một định luật tự nhiên nào bắt con phải phản ứng lại những tình huống mà con gặp trong vũ trụ vật chất, bởi vì con có tiềm năng gia tốc vào một tâm thức cao hơn, nơi con không phản ứng mà con hành động. Bởi vì dù chuyện gì xảy ra bên ngoài, con vẫn chọn lựa được tâm thức của mình. Và con chọn hành động dựa theo tâm thức mình, chứ KHÔNG dựa theo tâm thức người khác. Và đó là tại sao con sẽ không bao giờ bị giới hạn bởi tâm thức và quyền tự quyết của người khác, vì CHÍNH CON, trong mọi tình huống con phải đương đầu và bất kể chọn lựa của người khác, con tự do chọn lựa hành động của mình, tâm thức của mình.

Giành lại thế chủ động

Không ai cấm con nhìn vào chính con rồi tự hỏi: “Tại sao tôi cứ gặp hoài những loại người này? Có điều gì trong tôi mà tôi chưa nhìn thấy cứ khiến mình phải gặp lại họ hoài hoài? Có bài học nào mà mình chưa hấp thụ khiến mình cứ phải đi thi lại dài dài cho đến khi mình thuộc bài?” Lúc đó con có thể nhìn vào chính mình, làm sáng tỏ cái đó là gì – có thể là một vết thương từ quá khứ, một tin tưởng nào đó – và con có thể thăng vượt nó, con có thể tự gia tốc để vượt khỏi nó. Và khi con làm được vậy, con sẽ không còn nhu cầu phản ứng nữa, và con sẽ tự do chọn lựa hành động. Thậm chí khi con gặp lại người kia cư xử y hệt như trước, như họ buộc tội con hay làm bất cứ gì khác, con sẽ không phản ứng lại họ. Con chọn! Và vì vậy con HÀNH ĐỘNG. 

Và bây giờ họ không là người nắm chủ động nữa, vì con đã giành lại thế chủ động khỏi tay họ qua hành động của con – là những hành động không hề bị điều chỉnh cho phù hợp với tâm thức hay hành động của họ, mà là hành động xuất phát từ sự sáng tạo nội tại mà con vốn có, từ nguồn sáng tạo nằm trong Hiện diện TA LÀ của con – và bây giờ con có khả năng khởi lên những cách ứng đối sẽ khiến họ hoàn toàn bối rối, y như Giê-su đã khiến cho các thày thông giáo và người Pha-ri-si bị bối rối, hay nếu con có học đạo Phật kỹ lưỡng, tương tự như ta đã khiến người Bà-la-môn trong đạo Ấn bị bối rối vào thời của ta. Họ tưởng họ đã tìm ra tất cả, tưởng chỉ có họ mới hiểu đúng kinh cổ, mới tuân thủ nghi lễ và truyền thống, nhưng họ chỉ làm cho Lời Hằng Sống bị vô hiệu hóa, như Giê-su đã chỉ ra cho họ sau này.

Tâm thức cáo buộc người anh em đã có từ lâu trước khi bầu cõi này được tạo lập, trước cả khi vũ trụ vật chất được sáng tạo. Nó đã hiện diện trên địa cầu, không ngay từ đầu nhưng suốt một thời gian rất dài. Đó chỉ đơn giản là một sự khai ngộ thuộc về các bầu cõi tiếp theo sau bầu cõi có các sinh thể sa ngã đầu tiên quyết định dấn thân vào năng lượng cáo buộc hầu kéo mọi người rơi xuống với chúng. Có thể nói đó là phần nào những khai ngộ của trường đời cay đắng, và cũng vậy nhưng theo một cách khác, đó cũng là phần nào những khai ngộ của trường bí giáo của chân sư thăng thiên. Bởi vì tất nhiên các thày sẽ làm việc với con để giúp con nhìn thấu những điểm tinh tế của năng lượng cáo buộc, nhưng các thày chỉ có thể giúp con được nếu con đã tới mức sẵn sàng nhìn nhận tất cả đều là tạo vật của tâm thức.

Và khi đó, con sẽ nhìn ra một sự thật rất giản dị sẽ giúp con vươn lên trên năng lượng cáo buộc vì chính tâm con sẽ không bắt đầu suy nghĩ về chuyện cáo buộc. Con có thấy cách thức nó diễn ra thế nào không: có ai đó nóng giận tiến về phía con, họ buộc tội con đã làm điều gì đó. Con lập tức phản ứng lại năng lượng cáo buộc bằng cách đóng tâm con lại, đóng các luân xa lại và không muốn nhận vào năng lượng. Ngay sau đó, tâm con bắt đầu duyệt qua nội dung của lời buộc tội. “Có gì thực trong lời này? Có thật là tôi đã làm chuyện đó không? Hay tôi không làm? Không, tôi đã không làm, tôi sẽ bào chữa thế nào đây? Làm sao để người ta tin tôi? Chuyện này sẽ hại đến danh giá của tôi như thế nào?” Và tất cả những câu hỏi như thế mà con có thể nghĩ ra cứ lặp đi lặp lại trong tâm con.

Một khi tâm con vùi đầu vào chi tiết lời buộc tội, con đã dấn sâu vào vòng xoắn ốc hướng hạ – và kẻ buộc tội đã đặt con vào đúng cái thế mà họ muốn. Nhưng khi con ngộ ra rằng mọi sự đều do tâm thức tạo dựng – và do đó mọi sự có mặt trên địa cầu là sự biểu hiện thành hình tướng của một trạng thái tâm thức nào đó – thì con sẽ nhìn những lời đó từ một góc độ khác, có đúng thế không? Vì bây giờ con nhận ra là lời buộc tội của người kia rất có thể không liên quan gì tới con, tới hành vi của con hay tình trạng tâm thức của con. Nó có thể chỉ là sản phẩm của tâm thức người đó và vì vậy không có chút thực thể nào. Và tất nhiên ở đây, chúng ta cần xem đến một điều tinh tế đã cho phép kẻ cáo buộc cứ quay tiếp vòng xoáy cáo buộc rồi đánh bẫy mọi người kẹt vào đó hết lần này tới lần khác.

Vì con thấy không, một khi con đã rơi vào vòng nhị nguyên, con sẽ có một số tin tưởng, cảm xúc hay động lực, một số hành vi không mấy cao đẹp – và người kia sẽ dùng những điều này để buộc tội con. Và bây giờ con cảm thấy nếu những chuyện đó có thật – bởi vì con đã làm những chuyện đó, đã có những ý nghĩ, tình cảm hay động lực đó – thì con không thể đơn giản làm ngơ lời cáo buộc. Và tất nhiên là nó chính xác. Con không thể làm ngơ, nhưng có một điều con có thể làm được là tự nhủ: “Tôi sẽ không phản ứng lại lời buộc tội bằng sự biện minh. Tôi sẽ tự xét mình một cách trung thực. Nếu tôi thấy tôi đã có những hành vi, động lực, tình cảm, ý nghĩ hay quan điểm không trong sáng, không tối ưu, thì tôi sẽ tự tu sửa lấy mình. Nhưng tôi sẽ hoàn toàn làm ngơ người tố cáo. Tôi sẽ không bào chữa. Tôi sẽ không buộc ngược lại. Tôi sẽ nhìn vào chính mình, tôi sẽ tách ra khỏi người tố cáo vì lời buộc và năng lượng của họ sẽ không giúp tôi nhìn vào bên trong và tiếp xúc với các vị thày tâm linh của tôi hầu nhận được sự hướng dẫn nội tâm sẽ giúp tôi nhìn thấy cái xà trong mắt mình.”

“Như vậy tôi sẽ tách mình ra khỏi năng lượng và tâm thức của người buộc tội. Tôi sẽ làm việc với các thày tâm linh của tôi. Tôi sẽ tìm xem có điều gì trong tâm thức mình cần thay đổi. Và tôi sẽ thay đổi nó. Và tôi sẽ tự gia tốc để vượt lên trên nó. Và tôi sẽ nhìn lại người kia và xem họ còn buộc tôi nữa không, và nếu họ còn, tôi sẽ giải quyết chuyện này ở tầng tâm thức cao hơn mà tôi vừa vươn tới, là tầng tâm thức nơi người kia không còn lý do nào để buộc tôi nữa.”

Con yêu dấu, con có thấy cái cạm bẫy mà bao lần con đã rơi vào khi con bị buộc tội là con có một trạng thái tâm thức nào đó, con đã đáp lại ở cùng tầng tâm thức đó hay không? Và con bị vướng kẹt, con rơi vào cái bẫy của phản ứng nhị nguyên chỉ có thể tạo ra một vòng xoáy đi xuống. Điều ta muốn nói với con ở đây là con không chỉ làm ngơ trước những điều người ta nói, nhưng con phải trung thực và nhìn xem có điều gì đúng trong lời đó hay không. Và con đừng phản ứng ở tầng tâm thức đó, mà ngược lại hãy rút về, đứng sang một bên, làm việc trên chính mình, nhìn vào chính mình, làm việc với các thày tâm linh. Và khi con thấy lời buộc tội có điều gì đúng đắn thì con hãy bỏ công ra cho tới khi con tự gia tốc vượt lên trên. Và sau đó nếu cần thiết, con có thể trở lại giải quyết với người đã buộc con.

Nhưng cũng có thể con nhận ra là chuyện giải quyết với người kia sẽ chẳng đem lại được gì xây dựng bởi vì con đã thăng vượt tâm thức đó rồi. Có khi, vì con đã thăng vượt tâm thức, con có thể trở lại người cáo buộc để khiến họ nhận ra con đã vượt tâm thức cũ của con. Và có thể nó sẽ khiến người kia cũng muốn thăng vượt tâm thức của họ. Con và họ có thể bắt đầu một quan hệ mới ở một cấp độ mới. Nhưng nếu con tìm ra là họ vẫn không sẵn sàng thăng vượt tâm thức cáo buộc, thì trong rất nhiều trường hợp, chẳng có ích gì mà con cố bác bỏ lập luận của họ, hay tự biện bạch, hay cố thay đổi quan điểm của họ.

Quả vị Ki-tô và quả vị Phật

Bởi vì nếu người buộc tội không sẵn sàng làm điều con vừa làm, làm sao con sẽ đạt được điều gì xây dựng đây? Con thấy không, một người buộc tội con có thể đã chỉ ra điều gì đó không ổn trong con và như thế con có thể nắm lấy cơ hội mà học hỏi. Nhưng con cũng cần biết, dù người kia nhìn thấy điều dở trong con, có thể họ chưa có được tâm thức nhìn nhận mọi vật là biểu hiện của tâm thức. Và con thấy một sự thật giản dị ở đây. Người ta bảo rằng nếu con thấy thói xấu nơi người khác thì chính con cũng có thói xấu đó. Câu này không hoàn toàn đúng với mọi người, bởi vì một khi con có tâm thức Ki-tô, con có thể thấy thói xấu hay cái giằm trong mắt người anh em mà nhận xét của con vẫn đúng – nó sẽ đúng khi con có tâm Ki-tô.

Nhưng trong tâm thức Ki-tô, con không bao giờ cáo buộc một ai, bởi vì con đã thăng vượt năng lượng cáo buộc sinh ra từ nhị nguyên – và vì thế Ki-tô không cáo buộc. Có một sự khác biệt quan trọng nhưng vi tế giữa việc chỉ ra một điều cần chỉnh đốn và làm cùng như vậy với một năng lượng cáo buộc nhằm hạ thấp đối tượng. Ki-tô chỉ có một mục đích mà thôi là nâng người kia lên. Và như vậy khi con chỉ ra một điều gì cần sửa đổi, con hãy nói một cách xây dựng vì con muốn giúp người kia thăng vượt nó.

Kẻ buộc tội thì không muốn đối tượng của họ thăng vượt. Họ chỉ muốn kéo người kia xuống, và đó là động lực, là ý định của họ, đó là năng lượng mà họ phóng vào người khác. Cho nên con yêu dấu, khi con đã giải thoát khỏi những bợn nhơ trong tâm thức, con sẽ tới điểm nhìn thấy rõ hơn. Như Giê-su có nói, khi con đã gỡ được cái xà trong mắt mình thì con sẽ thấy rõ những gì diễn ra trong tâm thức người khác. Và nếu con thấy một người sẵn sàng để cho con làm việc với họ thì con hãy hết sức giúp họ. Nhưng nếu con thấy người đó chưa tới mức chấp nhận được tất cả đều là biểu hiện của tâm thức, thì có những trường hợp con có thể lấy biện pháp khác hơn – như khi Giê-su thách đố các thày thông giáo và người Pha-ri-si, hay lật đổ bàn ghế của bọn đổi tiền – hoặc con cũng có thể để mặc cho người ta yên thân. Không có cách đúng hay sai bởi vì trên đường tu có nhiều giai đoạn khác nhau.

Có giai đoạn gọi là giai đoạn của Ki-tô, con đường dẫn đến quả vị Ki-tô, khi bình thường con sẽ đi ra thế gian và hoặc con tìm cách giúp đỡ mọi người, hoặc con đặt vấn đề với những ai không chịu tiến tới cao hơn. Nhưng sau giai đoạn này là giai đoạn của quả vị Phật, như khi con thấy ta đã không tích cực đi ra ngoài, ta lánh xa xã hội và thiết lập một đạo tràng sống biệt lập. Khi ta để cho học trò tự nguyện đến với ta, ta được lợi điểm là có thể từ khước những ai chưa sẵn sàng, là những người chưa chứng ngộ một điều thiết yếu là cái chìa khóa để gia nhập đạo tràng của ta, đó là sẵn sàng nhận ra mọi thứ là sự biểu hiện của tâm thức. Và như vậy, con yêu dấu, con hãy lắng nghe – chìa khóa cho sự tiến bộ cá nhân của con có thể tìm thấy trong tâm thức con.

Con có thấy là ngày nay trên thế giới, ngay cả những người tâm linh cũng bị mắc kẹt trong cái tâm thức mà kẻ cáo buộc người anh em đã tạo ra, cái vòng xoắn ốc hướng hạ nơi họ chỉ chú tâm vào người khác, chú tâm vào việc cải sửa người khác? Họ tưởng là họ phải cải tổ thế giới và con người, thậm chí phải đưa ra lời phán xét hay lên án hay lật mặt người khác. Và như vậy, họ luôn luôn ở trong tâm trạng muốn thay đổi tâm thức người khác thay vì tâm thức của mình.

Điều này tất nhiên cũng tốt thôi. Con có quyền tự quyết, con có quyền ở trong tâm thức đó và nếm mùi những trải nghiệm mà con cần trong tâm thức đó. Nhưng ta với tư cách là Phật, có quyền định ra một tăng đoàn đứng biệt lập khỏi tâm thức cáo buộc, và do đó ta có quyền định ra một điều kiện gia nhập mà qua đó những ai không sẵn sàng thừa nhận họ cần thay đổi tâm thức của chính họ – thay vì cố thay đổi tâm thức người khác – sẽ không đủ tư cách, không đủ sẵn sàng để gia nhập tăng đoàn của Phật và nhận được giáo huấn trực tiếp của ta.

Như vậy họ có thể đứng ngoài và tiếp nhận những hình thức giáo huấn khác, chẳng hạn giáo huấn mà con có thể nhận được ngày nay từ tôn giáo công truyền đạo Phật hoặc các giáo lý tôn giáo hay tâm linh công truyền nào khác. Nhưng con sẽ thấy, ngay cả thời nay trong truyền thống đạo Phật cũng có những vị thày chân chính đã chứng đạt tâm thức cao hơn, và mỗi vị đó đều có những tiêu chuẩn cá nhân cho những ai được phép gia nhập vòng đệ tử riêng, vòng đệ tử điểm đạo.

Và tất nhiên giống như Phật, con không bắt buộc phải làm việc với bất cứ ai đến gõ cửa nhà con. Con yêu dấu, cái đó chính là sự điểm đạo của Ki-tô, khi với tư cách Ki-tô con làm giống như Giê-su đã làm, là tiếp nhận bất cứ ai bất kể tâm thức của họ. Con tiếp nhận người hủi lở, con tiếp nhận người có đủ loại tật nguyền, con tiếp nhận người bị quỷ ám – đủ mọi loại người bị kẹt trong đủ loại niềm tin. Ki-tô đi ra ngoài thế gian và bất cứ ai Ki-tô gặp, Ki-tô cũng sẽ ứng xử với người đó tùy theo khả năng sáng tạo bên trong, khả năng phân biện nội tâm và trình độ tâm Ki-tô của người đó. Điều này hoàn toàn chấp nhận được vì đó là lý do Ki-tô đi ra ngoài thế gian.

Nhưng ở mức của Phật thì Phật đã lập ra một tăng đoàn đứng biệt lập, và do đó học trò phải trải qua một số cuộc điểm đạo trước khi được phép gia nhập. Điều cốt yếu ở đây là để được cứu xét là học trò của Phật, người muốn đạt quả vị Phật phải trước tiên chấp nhận rằng mọi thứ trong thế giới hình tướng đều là biểu hiện của tâm thức. Và do đó mọi thứ mà CON gặp trong thế giới hình tướng là một biểu hiện của tâm thức con – nếu con phản ứng lại.

Hành động và phản ứng

Cho nên khi nào con thấy con còn phản ứng lại bất cứ điều gì trong thế gian này, con cần biết rằng trong tâm thức con vẫn còn một cái gì đó chưa được rũ bỏ, chưa chữa lành hay chưa thanh lọc – và đó là tại sao con mới phản ứng. Chỉ giản dị có vậy! Bởi vì nếu trong con không có gì tương ứng thì con sẽ không phản ứng. Con sẽ hành động, nhưng con sẽ không vướng mắc vào hành động. Và đây là sự khác biệt giữa hành động và phản ứng. Khi con phản ứng, con có sự vướng mắc vào một thành quả. Và nếu thành quả này không đạt được, con sẽ có một phản ứng vừa cảm xúc vừa lý trí, tiêu cực, bất an, không quân bình, không thương yêu.

Nhưng khi con hành động, con không vướng mắc vào thành quả. Và do đó hành động mang sẵn chiến thắng của nó, sự hoàn thành trọn vẹn của nó, thành công của nó, niềm vui của nó. Con thấy đó khi con phản ứng, con nghĩ sự thành công hay thất bại của phản ứng tùy thuộc vào những sự việc trong thế gian. Nhưng khi con thăng vượt tâm thức phản ứng và vươn lên tâm thức hành động từ bên trong, con ngộ ra là hành động để biểu thị những gì con biểu thị tự nó đã là chiến thắng. Không cần bất cứ gì khác, không cần thành quả nào trong tâm của người khác, trong hành động của người khác, trong hành động của xã hội hay trong thế giới rộng lớn, không gì là cần thiết nữa.

Con như là mặt trời cảm thấy vui mừng tỏa chiếu ánh sáng. Mặt trời không nhìn xuống trái đất để tìm xem có ai đang phải che chắn ánh nắng, ai đang trốn tránh tìm bóng rợp, ai đang đeo kính râm hay bôi kem chống nắng hay đang làm bất cứ gì. Mặt trời không quan tâm đến phản ứng, nó tiếp tục tỏa sáng vì niềm vui tỏa sáng. Và đó là tâm thức của hành động, ngược với tâm thức phản ứng là khi con không vui trong việc làm mà chỉ chờ thành quả, chờ phản ứng của người khác trước khi con định được là con nên vui hay buồn.

Cho nên đâu là chìa khóa để thăng vượt tâm thức phản ứng này? Đó là nhận ra rằng phản ứng của con phát xuất từ cách con nhận thức tình huống. Phản ứng là kết quả, là hậu quả, của nhận thức. Và như vậy khi con nhận diện tất cả là biểu hiện của tâm thức, con cũng nhận diện phản ứng của con đối với tình huống là sản phẩm của cách con nhận thức tình huống. Nhận thức ở đây, tất nhiên, đi xa hơn là nhận biết của giác quan, vì nó đi sâu vào phản ứng của cảm xúc, vào cách con suy nghĩ về tình huống, và vì thế nó đi xa hơn thế nữa, tuốt vào bên trong cách con nhìn cuộc đời rộng lớn, cái tư duy vi tế, cái thế giới quan được lưu trữ trong thể bản sắc của con.

Cho nên cách đây 2500 năm, ta đã nói thế này ngay đoạn mở đầu của Kinh Pháp cú: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, đau khổ sẽ theo sau.”

Nhận biết ô nhiễm với nhận biết thuần khiết khác nhau thế nào? Phải, ta vừa gợi ý cho con đó. Bất cứ khi nào con phản ứng trước một tình huống, con biết là con đang nhận thức tình huống đó với nhận biết ô nhiễm. Nhưng làm thế nào vượt qua được nhận biết ô nhiễm để có nhận biết thuần khiết? Bằng cách con nhận ra bất kỳ nhận biết nào phát xuất từ nhị nguyên thì nó vốn đã ô nhiễm trong bản chất. Điều này tất nhiên thật là khó. Bởi vì hầu hết mọi dòng sống trên địa cầu đã ngụ trong tâm thức nhị nguyên từ quá lâu đến độ mất hết mọi ý thức về nhận biết thuần khiết. Nhưng như ta đã giải thích nhiều lần, trong cốt lõi, cái Là của con chính là trạng thái tâm thức thuần khiết đó. Suốt bao nhiêu thời đại, tâm thuần khiết này đã được mọi truyền thống thần bí và tâm linh giảng dạy, xưa hơn cả kinh Veda, trở ngược về thời Atlantis và Lemuria, thậm chí cả những nền văn hóa xưa cổ hơn nữa.

Các nhà thần bí mọi thời đều biết khi con vượt ngoài nhận biết giác quan – sự nhận biết đến từ tâm vỏ ngoài do cảm xúc chi phối, sự nhận biết ở mức ý tưởng, ngay cả sự nhận biết đến từ ý thức bản sắc là mình sống trong thế gian này – khi con vượt qua tất cả những thứ đó thì con chứng nghiệm nhận biết thuần khiết. Con có thể gọi đó là cái ta ý thức, cái Ta Biết, hay bất cứ tên gọi nào mà con muốn. Nhưng thực tế là khi con vượt khỏi mọi ý niệm bản ngã thì đó là sự nhận biết thuần khiết.

Nhận biết thuần khiết này không thể bị bất cứ gì trong cõi nhị nguyên, bất cứ gì trong thế giới hình tướng làm ô nhiễm. Và như vậy con có thể hòa điệu với cốt lõi của chính con. Và khi con chiêm nghiệm sự nhận biết thuần khiết và biết con là nhiều hơn cái ngã vỏ ngoài chỉ nhận thức thế gian theo cách của nó, thì con sẽ bắt đầu trụ neo trong nhận biết thuần khiết. Và lúc đó con cũng bắt đầu nhận thức thế gian mà không rời nhận biết thuần khiết của con.

Duy trì sự nhận biết thuần khiết

Con không thấy hay sao, nhiều người chỉ kinh nghiệm được nhận biết thuần khiết thoáng hiện ra thật ngắn ngủi, xong ngay sau đó, có khi chỉ ít hơn một giây, họ lại trở về nhận thức thế giới qua nhân cách vỏ ngoài? Trong nhiều trường hợp, họ lấy những niềm tin tôn giáo của họ rồi đặt chồng lên trên nhận thức thuần khiết, cứ đinh ninh rằng kinh nghiệm ngắn ngủi kia xác nhận điều này hay điều nọ trong giáo lý hay giáo điều của tôn giáo họ. Con thấy có những nhà thần bí đạo Cơ đốc sau khi trải nghiệm nhận biết thuần khiết, lại cắt nghĩa kinh nghiệm này trong cái nhìn cố hữu của tín điều đạo Cơ đốc mà chính họ chưa thăng vượt được. Con cũng thấy những sự kiện tương tự trong đạo Phật, đạo Ấn, đạo Hồi và tất cả mọi nơi khác. Thậm chí con còn thấy những người tự nhận là vô thần trải qua một kinh nghiệm nhận biết thuần khiết xong cố cắt nghĩa từ một quan điểm khoa học nào đó rằng đấy chỉ là trò ảo thuật của bộ não, hay là một phản ứng hoá học hay điện từ hên xui may rủi.

Nhưng khi con sẵn sàng tra vấn nhận thức hiện thời của mình, sẵn sàng nhận ra là có nhiều cách nhìn một tình huống hay nhìn thế giới, sẵn sàng nhận ra là các chân sư thăng thiên có nhận biết thuần khiết, sẵn sàng kêu gọi các thày giúp đỡ, thì các thày chắc chắn sẽ giúp con phơi bày các điều ô uế nơi nhận thức. Và khi con sẵn sàng nhìn thẳng vào những ô uế này và thăng vượt chúng, sẵn sàng đi mút tiến trình mà chân sư đã mô tả là con đường tâm linh chân chính, thì con sẽ lần hồi đến được một điểm nơi con sẽ duy trì được sự tỉnh giác thuần khiết mà không bị lập tức rơi trở lại nhận thức vỏ ngoài.

Và điều này có nghĩa là bây giờ con có thể bắt đầu nhìn vào chính mình, cơ thể mình, tình cảnh riêng của mình và thậm chí cả thế giới, qua sự tỉnh giác thuần khiết. Con bắt đầu thấy có một cách khác để nhìn cuộc sống, khác hẳn cái nhìn của ngã vỏ ngoài, của nhân cách vỏ ngoài, của phin lọc nhận thức vỏ ngoài, của nhận thức ô nhiễm. Lúc đầu, đó sẽ là một tiến trình dường như phân liệt (schizophrenic) vì có lúc con có cái nhìn thăng vượt rồi chỉ lúc sau con lại trở về cái nhìn vỏ ngoài, khiến con nghi ngờ những gì con thấy. Cái này có thật không? Liệu thực tại của chân sư thăng thiên có khác hẳn những gì mình đã lớn lên và tin tưởng, những gì mình đã nhìn thấy từ bao năm, thậm chí cả những gì mình tin tưởng là chân lý của một tôn giáo hay lời dạy công truyền?

Con thấy đó, con yêu dấu, có nhiều người tự xem mình là học trò của chân sư thăng thiên nhưng trong suốt bao nhiêu thập niên đã chỉ học hỏi những giáo lý công truyền vỏ ngoài, họ không có khả năng hay mong muốn đi xa hơn để chiêm nghiệm nhận biết thuần khiết. Họ đã dùng giáo lý công truyền đó để tạo ra một hộp tư duy mới, một thế quân bình mới như Giê-su đã giải thích tường tận. Và bây giờ khi họ chiêm nghiệm nhận biết thuần khiết, họ phải đối diện với thực tế là cái nhìn của các chân sư thăng thiên khác xa với cái nhìn cố hữu của họ dựa trên một giáo lý công truyền của chính các chân sư.

Tuy nhiên họ chưa hề đi xa hơn giáo lý! Họ đã không vươn lên cao hơn tâm thức của họ, đã không chất vấn nhận thức của họ. Cho nên họ đã hình thành một nhận thức dựa trên giáo lý công truyền thay vì Tánh linh vượt trên mọi chữ nghĩa vỏ ngoài. Và do đó, bây giờ họ mới nhận ra là các chân sư không nhìn như họ đã học nhìn. Và họ phải đối mặt với thử thách – liệu họ sẽ chất vấn, không cứ là giáo lý công truyền, nhưng chất vấn nhận thức của họ về giáo lý công truyền? Liệu họ sẽ sẵn sàng từng bước đạt tới nhận biết thuần khiết hầu vượt xa hơn cái nhận thức về giáo lý công truyền mà họ đã học và xem là chân lý tuyệt đối không thể sai sót?

Đó là cách mà ngay cả giáo lý của chân sư cũng có thể trở thành một cái bẫy cho những học trò nào không sẵn lòng liên tục chất vấn nhận thức của mình. Vì con thấy đó, con có thể là thành viên của một tổ chức hay giáo lý công truyền mà không cần chất vấn nhận thức của mình – như con bắt buộc phải làm trước khi được gia nhập tăng đoàn của Phật, hay trước khi con được bước vào lớp nhập thất của Đại đoàn Chưởng giáo như các thày đã mô tả nhiều lần.

Làm thế nào người ta bị kẹt trong nhận thức

Nếu con không muốn tra vấn nhận thức thì hiển nhiên con tin rằng nhận thức của con hoàn toàn chính xác, hoàn toàn thực. Con đâu làm gì khác hơn được? Ta tin cậy hầu hết các con đều thấy được điều này. Nếu con không chất vấn nhận thức, con sẽ tin là nhận thức hiện thời của con về cuộc sống – hay về một tình huống cụ thể nào đó – là thực, trọn vẹn, chính xác. Ta tin cậy con phải thấy được là nếu con không chất vấn nhận thức thì con không thể vượt lên trên nhận thức đó. Mà nếu con không vượt lên trên nhận thức thì làm sao con nhận ra sự thật mà ta đã bày tỏ trong Kinh Pháp cú cách đây 2500 năm – rằng nhận thức xuất phát từ một thể của tâm sâu xa hơn, thể bản sắc, là cái nhìn của con nơi tầng bản sắc về chính con và cuộc sống?

Chính sự nhận biết sâu xa này nơi bản sắc đã nhào nặn cách con tiếp cận cuộc sống theo lý trí và cảm xúc. Tiếp cận theo lý trí và cảm xúc khiến con nhìn các tình huống một cách nào đó, và điều này khiến con có tâm trạng nào đó, chẳng hạn con cảm thấy mình bị kết án bất công, cảm thấy mình cần phải phê phán người khác, cần phải phản ứng giận dữ khi tình thế không đúng ý hay bất cứ tâm thái nào khác. Và khi con ở trong một tâm thái thấp như vậy, nếu con không chịu chất vấn nhận thức của mình thì trong tâm thái đó, nhận thức của con là cao nhất.

Và nếu nhận thức của con là cao nhất, con sẽ không thể vượt lên trên nó, con không thể vượt lên trên tâm thái thấp đó. Con không thể phơi bày cái trạng thái cao hơn kia để nhận ra chính nó đã làm ô nhiễm nhận thức con từ trong sâu, và nó đã khiến con nhìn cuộc đời với nhận thức ô nhiễm. Và nhận thức ô nhiễm này thì lại sản xuất tâm thái thấp kém nơi con bị kẹt. Thế là tâm thái thấp trở thành một cơ chế khép kín, một vòng phản ứng luẩn quẩn đóng chặt nơi con không ngừng phản ứng lại với cuộc đời.

Như ta đã nói ở phần đầu, con phản ứng lại những gì con phóng ra tấm gương vũ trụ. Con phản ứng lại những phản ứng của chính con do cái nhìn của con về cuộc đời tạo ra. Cho nên con bị kẹt trong một vòng xoắn ốc bất tận, phản ứng lại phản ứng của con lẫn phản ứng của người khác. Tất cả đều là phản ứng của nhau. Làm sao con bao giờ thoát ra khỏi cảnh này? Làm sao CON bao giờ thoát khỏi vòng xoáy phản ứng của CON?

Con sẽ chỉ được tự do khi nào con ngừng nhìn vào người khác hầu tìm cách thay đổi tâm thức họ, và nhìn nhận rằng chìa khóa cho tự do của CON là thay đổi tâm thức của CON. Và chìa khóa để thay đổi tâm thức của con là chất vấn nhận thức của con – là đi sâu vào tầng mức của nguyên nhân và nhìn xa hơn tầng mức của kết quả, đi vào tầng mức của hành động và nhìn vượt khỏi tầng mức của phản ứng. Bởi vì con sẽ không thể thay đổi phản ứng cho đến khi con thay đổi hành động. Có thể nói phản ứng là nhận thức ô nhiễm. Cái tâm trạng do nhận thức tạo ra ở các tầng cảm xúc và lý trí, đó là phản ứng.

Còn tầng mức của hành động nằm bên trên, ở thể bản sắc, là cách con nhìn cuộc đời và chính con, là quan hệ của con với cuộc sống, quan hệ của con với mọi người, quan hệ của con với Ánh sáng Mẫu-Vật, quan hệ của con với Thượng đế. Đây là nhận thức sâu sắc của con, là cái khiến con hành động bằng cách phóng ra một hình ảnh vào tấm gương vũ trụ nằm ở ngoài tầng cảm xúc, ở ngoài tầng tư tưởng – tức là ở ngoài tầm mức mà hầu hết mọi người có thể nhận biết. Và làm sao con có thể nhận biết những gì nằm ngoài cảm xúc và tư tưởng nếu con không bắt đầu chất vấn nhận thức của mình? Chuyện này giản dị không thể làm được, và đó là tại sao cái bẫy thật là trọn vẹn.

Những kẻ cáo buộc người anh em biết rõ là một khi chúng có thể ép buộc mọi người, ép buộc các dòng sống bước vào chu kỳ phản ứng bất tận, thì con người sẽ không bao giờ thoát ra được – trừ khi mình chịu chất vấn nhận thức của mình. Và bằng cách khiến cho mọi người luôn luôn bận rộn lo phản ứng lại cuộc đời, chúng sẽ tạo ra một vòng ốc xoắn hướng hạ vũ bão đến độ hầu hết mọi người không bao giờ có khả năng chất vấn nhận thức của mình, vì mình quá chắc chắn nhận thức này đúng đắn và không cần chất vấn. Vả lại ai ai cũng đều có cùng cái nhìn như thế.

Cho nên một khi phần lớn dân cư trên một hành tinh xem cuộc đời là sự phấn đấu không ngừng thì làm sao có ai đây sẽ bước lui lại để chất vấn cách nhận thức đó? Có ai sẽ đứng ra đặt câu hỏi: “Có thật cuộc đời là phấn đấu? Cuộc đời có bắt buộc phải phấn đấu không? Hay chỉ nhận thức của mình về phấn đấu đã tạo ra phấn đấu, bằng cách phóng hình ảnh cuộc đời phấn đấu ra tấm gương vũ trụ?”

Nhận biết thuần khiết là gì?

Hẳn con đã nghe truyện kể rằng xưa kia ta là con vua, lớn lên trong một khung cảnh bảo bọc nơi ta không có dịp nhận thức về bệnh và chết. Cho nên ta lớn lên với một nhận thức hạn hẹp, một chiều, có thể gọi là trong lành hơn nhận thức của hầu hết mọi người trên địa cầu. Con đã nghe là nhận thức của ta về một cụ già đã khiến cho ta ngộ ra là nhận thức cố hữu của mình thật là giới hạn. Và tuy rằng nhận thức đó thuần khiết hơn một người trung bình, cuối cùng thi nó không thuần khiết lắm vì giản dị ta đã bỏ qua không biết đến một số thực tế tạm thời của hành tinh. Đó không thật sự là nhận thức thuần khiết.

Nhận thức thật sự thuần khiết không đạt được bằng cách gạt bỏ những bất toàn, mà nhìn xuyên qua bất toàn, nhìn xa hơn bất toàn, và nhìn xem có gì vượt cả sự nhận thức – ngay cả nhận thức rằng cuộc đời là phấn đấu. Con cũng biết, sau khi nhận ra điều này, ta đã rút vào rừng, sống một cuộc đời khổ hạnh, hành hạ thân tâm mình, tìm cách kiềm chế tâm trí. Cho tới khi ta ngộ ra rằng ngay cả những thứ đó cũng sẽ không dẫn ta đến nhận thức thuần khiết.

Cái gì đã khiến ta vượt lên trên mức đó và chứng đạt quả vị Phật? Đó là vì ta đã tới điểm sẵn sàng chất vấn TỪNG khía cạnh của nhận thức – nhận thức mà ta đã có khi lớn lên, nhận thức về lối sống và triết lý khổ hạnh. Ta sẵn sàng đặt lại vấn đề tất cả, và khi ta bắt đầu đặt lại vấn đề, ta cũng bắt đầu nhận ra những mô thức vận hành khiến cho sự nhận biết ô nhiễm trở thành một chu kỳ bất tận không dẫn tới đâu. Đó là lúc ta bắt đầu chiêm nghiệm sự nhận biết thuần khiết mà trong đạo Phật gọi là Samadhi, hay Nirvana. Rồi nhờ thế ta lần hồi duy trì được nhận biết thuần khiết cho dù mình vẫn làm lụng công việc hàng ngày, và khi đó ta nhận thức thế gian từ tầng mức của nhận biết thuần khiết.

Như vậy ta nhìn thấy, ta bắt đầu nhìn thấy sự nhận biết ô nhiễm chính là nhận biết nhị nguyên khi có hai đối cực phải hiện diện. Trông ra thì tưởng chừng chúng hoàn toàn có thực, cái đối cực này không thể hiện hữu mà không có cái kia. Và do đó theo một nghĩa nào đó, cái này cũng thực như cái kia, tạo ra cảm tưởng là cái ác cũng thực như Thượng đế, rằng ác quỷ có quyền năng – có thường hằng, có thực thể. Và như vậy, ta bắt đầu nhìn vượt lên trên nhận thức nhị nguyên. Ta bắt đầu thấy được là có một cách tham gia vào cuộc sống – ngay cả cuộc sống năng động trong một thế gian tràn đầy bất toàn – mà vẫn không bị cuốn hút vào nhận thức nhị nguyên nơi người ta phải gắn nhãn cho mọi thứ theo một thang điểm nhị nguyên tương đối với hai đối cực – một cái là thiện, cái kia là ác; cái này là đúng, cái kia là sai; cái là thật, cái là không thật hoặc giả; cái là đẹp, cái là xấu; cái này dễ chịu, cái kia khó chịu.

Ta bắt đầu thấy được có gì vượt ngoài nhận thức nhị nguyên. Ta thấy nhận thức nhị nguyên là nhận thức ô nhiễm khi người ta nhận biết một cái gì nhưng không thật nhận biết vì sự nhận biết đã bị ô nhiễm. Và do đó, người ta không thể tách rời hành động nhận thức với hành động gắn nhãn, lượng định, phê phán. “Hãy đừng xét đoán để mình khỏi bị xét đoán, vì con xét đoán người ta thế nào thì con cũng bị xét đoán như thế”. Con có thấy chăng là con sẽ bị chính con xét đoán qua tâm thức của con? Và như vậy, cách con xét đoán người khác khi con đang đầu thai trên địa cầu cũng là cách con sẽ xét đoán chính mình khi con bước ra khỏi kiếp đầu thai và duyệt lại đời mình – là khi con nhìn vào chính mình qua cái tâm thức mà con đã nhìn người khác. 

Ta bắt đầu nhìn ra là vượt lên trên cách nhận thức này – cái nhận thức khiến mình như phải phê phán, gắn nhãn và lượng định tất cả – có sự nhận biết thuần khiết, một cách nhận thức mà qua đó ta không gạt bỏ những bất toàn trên địa cầu. Ta không gạt bỏ tính không thực của thế gian, nhưng ta không phán xét nó, không dán nhãn nó. Và như vậy, ta không phản ứng lại nó trong sự cảm xúc, như cảm thấy bị đe dọa, cảm thấy khó chịu hay ghê tởm, hay cảm thấy nó không được có mặt ở đó. Thực sự, ta nhìn vượt khỏi nó. Và vượt khỏi hình tướng bên ngoài, ta nhìn thấy Phật tánh, Ánh sáng Mẫu-Vật, sự THANH TỊNH, thực tại rằng tất cả được sinh tạo từ ánh sáng của Thượng đế. Và vì vậy nó có tiềm năng rũ bỏ hình ảnh ô uế, hình tướng ô uế, để được gia tốc vào sự thuần khiết – là thuần khiết của tâm thức Ki-tô, thuần khiết của tâm thức Phật, thuần khiết của tâm thức Thượng đế.

Và như vậy, ta đến được một điểm của tâm thức Phật nơi ta có thể duy trì Nirvana, duy trì Samadhi, cho dù ta đang tham gia vào mọi sinh hoạt đời sống. Con không cần phải ngồi đó thiền quán với mắt nhắm để trụ trong Samadhi hay Nirvana. Con luôn mang nó theo con, và con luôn nhìn tất cả xuyên qua tâm thức thuần khiết. Con vẫn thấy mọi bất toàn của thế gian, nhưng con không dán nhãn chúng, con không phê phán chúng, con không phản ứng lai chúng. Con chỉ nhìn thấy chúng, nhưng con thấy chúng là vô thường, con thấy chúng là không thực. Và con không phản ứng lại cái không thực, cái bất toàn. Thay vào đó, con HÀNH ĐỘNG, dựa trên sự chứng ngộ là mỗi bất toàn có thể được gia tốc vào thuần khiết, vào một trạng thái cao hơn. Khi đó, con có thể vào đời và hành động để nâng cao mọi sự sống, thay vì tìm cách kết án một sắc thái nào đó của sự sống rồi tìm cách triệt tiêu nó đi.

Sự lừa dối đằng sau mọi tấn tuồng

Con có thấy đây là sự lừa dối của kẻ cáo buộc người anh em hay không? Đây là sự lừa dối nền tảng đằng sau tất cả những tấn tuồng cuồng đại mà các thày cho tới nay đã phơi bày một cách rất cẩn trọng. Tấn tuồng cuồng đại khiến con tin rằng có cái gì đó xấu xa hay ác hại, và cái đó cần bị triệt tiêu. Nhưng khi con muốn triệt tiêu xấu ác thì con đã khởi đầu một phản ứng chống lại xấu ác – điều này sẽ không thể xóa bỏ khổ đau trên địa cầu mà sẽ chỉ gia tăng khổ đau. Và vì vậy, cách duy nhất để “xoá bỏ” “xấu ác” là thăng vượt tâm thức nhị nguyên hầu con có thể hành động trong tâm thức bất nhị, và do đó con tìm cách gia tốc các điều kiện mà người ta gọi là xấu ác, gia tốc nó vào thanh tịnh bằng cách nâng cao mọi sự sống thay vì lên án, chê trách, miệt thị, triệt tiêu.

Đây là sự khác biệt giữa những ai đã thăng thiên và những ai chưa thăng thiên. Là sự khác biệt giữa những ai đi theo con đường của tình thương và những ai còn bị mắc kẹt trong cái nhìn sợ hãi khi họ cảm thấy nhu cầu phải phê phán, bài bác, tiêu diệt.

Làm thế nào con thăng thiên? Bằng cách tự gia tốc và bước đến một điểm nơi con có thể nói với Giê-su: “Còn ta, khi ta thăng lên khỏi địa cầu, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.” Thế Giê-su có nói, ta sẽ chỉ kéo những người tốt lên với ta và đuổi người xấu xuống địa ngục? Không, Giê-su không nói thế, mà thày nói: “Ta sẵn sàng gia tốc để nâng cao mọi sự sống”, và đó là tại sao thày đã có thể thăng thiên. Đó là vì thày đã tự gia tốc khỏi cái tâm thức cáo buộc đã chia cắt sự duy nhất bất khả phân chia của Thượng đế thành hai đối cực, rồi dán nhãn cho một đối cực là tốt – được vào Nước Trời – và đối cực kia là xấu – không được vào Nước Trời – và do đó phải bị tiêu diệt bởi những ai muốn vào Nước Trời. Bởi vì khi tiêu diệt xấu ác, con tưởng là con sẽ đủ tư cách để vào Nước Trời. Đó chính là sự lừa dối của các tấn tuồng cuồng đại. Có quá nhiều người đã từng tin vào, và vẫn tin vào, sự dối gạt đó. Họ vẫn tin là họ có thể tìm đường để được chấp nhận vào Nước Trời bằng cách khăng khăng giữ lấy tâm thức nhị nguyên – nghĩa là họ từ chối khoác vào cái áo cưới nơi họ sẽ hoàn toàn không bạo động, không nhị nguyên, không phê phán, không lên án, không bài bác, mà chỉ cố gia tốc mọi sự sống vào thanh tịnh.

Con có thấy chăng là ta không yêu cầu con trở nên đui mù? Ta không yêu cầu con gạt bỏ những bất toàn đầy rẫy trong thế gian, nhưng ta yêu cầu con đừng khiến chúng trở thành trường tồn trong tâm con. Bởi vì khi con phản ứng lại chúng thì con làm gì? Phải, nếu con biết cái gì đó là không thực và con là thực, tại sao con lại có nhu cầu phản ứng hay chống đối lại? Tại sao con có nhu cầu phản ứng lại một cái gì không thực? Cho nên con không phản ứng vì thấy mình bị đe dọa, hay mình tức giận, sợ hãi hay bất cứ một cảm xúc tiêu cực nào khác. Con chỉ đơn giản nhìn nó, và con hành động – bằng hành động không dựa trên hình dạng hay hình tướng bề ngoài, mà dựa trên nguồn sáng tạo nội tâm tự phát từ cái ta cao hơn của con, từ Hiện diện TA LÀ của con, từ tất cả mọi tầng của các sinh thể tâm linh ở ngay trên con nối dài cho tới Đấng Sáng tạo.

Thay vì phản ứng, con hành động trong một hành động được tưới bởi nguồn suối sáng tạo đó. Và vì con không phản ứng lại hình tướng, con không ban cho nó sự trường tồn, con không ban cho nó thực chất. Và như vậy, hành động của con không nhắm tới triệt hạ và hủy diệt, mà chỉ nhắm tới gia tốc vào sự thuần khiết mà con thấy vượt khỏi hình tướng. Đây là nhận thức thuần khiết khi con nhìn cái gì đó và thấy đó là một biểu hiện không thực, và con không bị lôi cuốn vào phản ứng muốn gắn nhãn cho nó là xấu, dở hay ác – như người đời thường làm. 

Con yêu dấu, các thày đã cho con nhiều lời dạy để giúp con vươn lên khỏi tâm thức của kẻ cáo buộc, tâm thức của những tấn tuồng cuồng đại. Đúng một năm trước đây, các thày đưa ra khái niệm những tấn tuồng đời sống và chỉ ra cho con sự cần thiết phải thăng vượt chúng nếu con muốn bước lên cao hơn, tức là nếu con quả thật mong muốn trở thành một sức mạnh nhằm gia tốc địa cầu vào xoắn ốc thăng thiên vào năm 2012 và xa hơn nữa. Nếu con thực sự muốn hình thành tăng đoàn của Phật, con cần phải thăng vượt các tấn tuồng của con, như ta và các chân sư khác đã chỉ ra rõ ràng, và cả Saint Germain nữa trong bài giảng quan trọng của thày. Đối với các con tha thiết muốn vượt qua tấn tuồng của mình, rất có thể con sẽ có lý do để học tập lại bài đó một lần nữa.

Bởi vì các thày nhận thấy trong số các con có những người không sẵn sàng khắc phục tấn tuồng của mình và thậm chí đã bác bỏ toàn bộ khái niệm đó, bác bỏ nhu cầu phải vượt qua tấn tuồng, hay từ chối nhìn nhận là mình có những tấn tuồng cần vượt qua. Tất nhiên theo Luật Tự quyết, điều này các thày hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng các thày chỉ muốn nói: Nếu thế thì các thày không thể nhận con vào tăng đoàn mà các thày đang thiết lập. Khi cách đây 2500 năm học trò xin gia nhập tăng đoàn của ta, họ phải khảo thí, tức là có một tiến trình lựa lọc, phân loại giữa những người sẵn sàng chất vấn nhận thức và tấn tuồng của mình, với những người không sẵn sàng. Những người không sẵn sàng phải đứng lại ở ngoài. Họ đã phản ứng bằng nhiều cách, một số cảm thấy mình bị hất hủi, một số khác thì công kích Phật cùng các đệ tử của Phật bằng đủ mọi cách mà kinh sách Phật giáo không ghi lại cho nên người đời sau không biết rõ.

Nhưng ta có thể cam đoan với con yêu dấu, tất cả mọi việc ta làm hay những lời ta nói vào thời đó đã không được các Bà la môn trong đạo Ấn chấp nhận hay chấp thuận. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi ta, hay bởi những người trong số đệ tử của họ không chịu chất vấn nhận thức của mình. Đã có rất nhiều cãi vã, công kích, buộc tội đối với ta, đối với sinh mạng và đệ tử của ta. Có rất nhiều chuyện xảy ra, như con thấy với Giê-su cũng từng bị công kích, lên án. Bởi vì như ta đã nói, cái tâm thức này đã có từ ngàn xưa. Con đừng nghĩ là ta đã tránh được nó, bởi vì nó có đó. Nhưng tất nhiên ta không bận tâm vì nó, ta không dính mắc vào nó, cho nên ta không phản ứng lại nó. Ta chỉ giản dị đi giảng dạy để cố giúp những ai chịu thăng vượt tầng mức tâm thức đó, và ta đặt trọng tâm giúp đỡ những ai ta có thể giúp đỡ bởi vì họ sẵn sàng tự giúp họ. Họ sẵn sàng nhìn vào chính họ, đặt vấn đề nhận thức của họ thay vì coi đó là tối thượng, vượt ngoài mọi chất vấn.

Hình tư tưởng tia chớp từ Đông sang Tây

Và bây giờ, như thông lệ, ta sẽ kết thúc bài giảng hôm nay bằng một hình tư tưởng có thể giúp con có một vai trò đắc lực hầu đưa nhân loại qua cuộc điểm đạo của Ngôi Con, Tâm thức Ki-tô – là tâm thức phân biện giữa chân và bất chân, và tất nhiên điều này đòi hỏi con có sự nhận biết thuần khiết không dán nhãn và không phê phán mà ta vừa trình bày ban nãy.

Ta mong muốn con hình dung Ki-tô đang bước vào thế gian này như lời của Giê-su – tựa như tia chớp từ Đông sang Tây. Và tia chớp phóng ra thế giới như một thanh gươm hai lưỡi chém xuyên qua những tấm màn ảo ảnh, tấm màn của Maya. Những tấm màn này có thể xem là những tấm rèm mà các thày giả và sa nhân đã treo lên để chúng ẩn nấp đằng sau. Có những tấm rèm dày đặc đến độ không thể nhìn xuyên qua, và cũng có những tấm khác đã trở nên phần nào trong suốt khiến con có thể nhìn thấy những cái bóng đang di chuyển đằng sau.

Con hãy hình dung Thanh gươm của Ki-tô, Lời Hằng sống, sẽ phóng ra và chặt đứt những sợi dây dùng để treo rèm, và những tấm rèm rơi xuống, để lộ những gì đằng sau. Phơi bày tầng lớp thượng tôn quyền lực, phơi bày những kẻ đang thao túng bằng đủ mọi cách, vì chúng đã có thể giấu mặt khỏi loài người thì nay chúng sẽ bị phơi trần. Tấm rèm sẽ rơi xuống và mọi người sẽ thức tỉnh và nói, “Nhìn kìa, hoàng đế không mặc áo. Bây giờ chúng ta thấy rõ y rồi – y không còn trùm trong tấm màn ảo ảnh của y được nữa, cái hỏa mù của Maya, của gian trá và lừa gạt.”

Con hãy giữ hình tư tưởng này, con yêu dấu! Con hãy nhớ đến nó mỗi khi con gặp một tình huống mà con biết có sự lừa dối. Và con hãy gọi lên một lời gọi ngắn gọn do con nghĩ ra, gửi về Ki-tô và Phật. Con hãy cầu thỉnh Thanh gươm của Ki-tô tách chân ra khỏi bất chân, cắt những tấm màn để chúng rơi xuống, và mọi người thấy phơi bày ra sự thực và sự không thực – và như vậy, cái không thực sẽ đứng đó trần truồng cho cả thế giới được thấy. Ta khuyên con hãy hình dung như vậy.

Và với lòng biết ơn đối với các con đã kiên trì giữ vững sự quân bình cho lời giảng này, ta nói: “Tốt lắm, những con người phụng sự tốt lành và trung thực, các con đã trung thực trong một số công việc, thì ta sẽ nỗ lực cho con cai quản nhiều điều trong những năm sắp tới.” Và như vậy, hãy được niêm phong trong nhận thức thuần khiết vô biên bất nhị của Phật. Hãy gọi ta để ta ban cho con nhận thức thuần khiết của Tâm Phật, là tâm biết tất cả đều là Phật tánh và do đó thấy được sự khác biệt giữa sự thực thuần khiết của Phật tánh và sự không thực của các ảo tưởng Maya luôn đến cám dỗ con – cám dỗ con làm điều gì? Cám dỗ con phản ứng lại cái không thực bằng đủ cách! Bởi vì bất kỳ phản ứng nào cũng khiến con bị kẹt trong vòng xoắn ốc của không thực. Cho nên con hãy là Phật – nhất định không phản ứng, nhất định bước vào con đường tâm linh hầu ta có thể dạy con cách HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG từ nhận thức thuần khiết.

Vậy hãy được niêm phong trong an bình của ta, trong sự an bình không hề thụ động, và không là cái an bình mà nhiều người cho là an bình, mà là an bình năng động, vô hạn, không để cho sự thể đứng yên một chỗ, không để cho con người bị kẹt cứng trong cái xoắn ốc nơi họ nghĩ cuộc đời là đau khổ. Và đó là lý do ta đã bước ra khỏi Nirvana – để giảng dạy cho loài người là có một chọn lựa khác hơn là sự khổ đau. Và ta khuyên CON hãy làm tương tự. Hãy dạy dỗ họ, hãy chứng tỏ cho họ là có một chọn lựa khác hơn là khổ đau. Các con đều có khả năng đạt được thanh thản trong tâm, khả năng nhìn cuộc sống với một niềm vui vô biên, bất tận! Hãy được niêm phong trong niềm vui của Phật. Vì khi con thấy được Phật tánh, làm sao con không vui được? Cho nên TA LÀ Niềm vui Bất tận.

Ghi chú: Các bài thỉnh sau đây đã được soạn thảo đặc biệt để được sử dụng cùng với bài truyền giảng trên:
Thỉnh cầu sự phân biện giữa phản ứng và hành động
Thỉnh cầu cách ứng xử đối với tâm thức cáo buộc
Thỉnh cầu bước theo chân Phật để nhận biết thuần khiết

Biết Sứ vụ Thiêng liêng qua cấu trúc kết tinh của sự chỉ đạo thiêng liêng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Đại chỉ đạo Thiêng liêng qua trung gian Kim Michaels ngày 14/12/2009.

Ê-U-TÂY (ngân đọc 14 lần). Nếu có thể làm được thì ta đã nâng con lên trong tâm thức để con thấy được vũ trụ từ tầm nhìn cao vượt của một sinh thể vũ trụ. Đại chỉ đạo Thiêng liêng TA LÀ, và ta là một sinh thể vũ trụ. Con có hiểu một sinh thể vũ trụ là gì chăng?

À, con hãy kiểm xem phản ứng của con trước câu hỏi đó. Con có chực trả lời là “Có” chăng? Bởi vì nếu con trả lời “Có”, ta phải nói với con là con không thể “hiểu” được một sinh thể vũ trụ. Tâm phân tích đường thẳng không thể thấu hết, không thể trải rộng khắp những vùng rộng lớn của một sinh thể vũ trụ. Cho nên đây không phải là vấn đề hiểu, mà là biết – là chiêm nghiệm, hòa nhập và đạt được cái mà người xưa gọi là ngộ (gnosis).

Cho nên nếu có thể, ta sẽ nâng con lên để con thấy được – dù chỉ là trong khoảnh khắc – cái nhìn của một sinh thể vũ trụ. Ta sẽ nâng con lên cùng với ta, lên cao mãi qua Bản thể của ta, xuyên qua cấu trúc kết tinh (crystalline) mà TA LÀ. Ta sẽ đưa con lên đến tận cùng cho tới chóp đỉnh của kim tự tháp kết tinh của Bản thể ta. Và đỉnh này là một điểm duy nhất, một điểm dị biệt (singularity), con yêu dấu, nằm cân xứng trên khối hình vuông màu trắng ở giữa Alpha và Omega trong Mặt trời Trung tâm Vĩ đại.

Một sinh vật vũ trụ là một sinh vật vũ trụ bởi vì đấng ấy – không phải là nam hay nữ như con có thể hình dung trên trái đất – đã nâng cao tâm thức, khả năng tự nhận biết cho tới mức biết được mình khởi nguồn từ điểm dị biệt, tức là điểm gặp gỡ nơi trung tâm dòng chảy hình số 8 giữa Alpha và Omega. Điểm gặp gỡ này, điểm dị biệt này là cánh cửa, là cổng vào, là cửa ngõ mở ra giữa thế gian hình tướng này với Đấng Sáng tạo đã tạo ra thế gian từ Bản thể của ngài.

Chắc chắn con có thể nói, “Không có ngài thì không có tạo vật nào được tạo ra”. Chắc chắn điều đó có nghĩa là Bản thể Đấng Sáng tạo ở khắp mọi nơi, ở ngay trong thế gian hình tướng, thế nhưng không nơi nào trong thế gian hình tướng, ngoại trừ trong mặt trời trung tâm đó, có một lối mở trực tiếp vào Bản thể Đấng Sáng tạo. Cho nên đây là nơi mà mệnh lệnh của Đấng Sáng tạo được ban phát ra cho thế giới hình tướng: “Hãy có ánh sáng! Hãy làm ra con người theo hình ta và giống ta, và hãy cho con người quyền cai trị trên địa cầu, trên thế giới hình tướng, trên vũ trụ vật chất.”

Một tầm nhìn vũ trụ

Nếu ta có thể đặt con, dù chỉ một giây, ngồi lên khối hình vuông màu trắng và nhìn ra vũ trụ rộng lớn trước mặt – với hàng tỷ dải ngân hà, hàng tỷ tầng lớp, bầu cõi và gian phòng – nếu con có thể thấy được trong một khoảnh khắc thì cuộc sống của con, cái nhìn của con về cuộc sống, sẽ tức khắc thay đổi. Con hãy lưu ý lời ta vừa nói. Cái nhìn của con về cuộc sống CHÍNH LÀ cuộc sống của con – cho đến khi con nhận ra là con nhiều hơn cái nhìn đó, con nhiều hơn bất cứ cái nhìn nào, nhiều hơn bất cứ ý niệm nào về bản ngã mà con đã tạo ra để có thể biểu đạt, chiêm nghiệm trong thế giới hình tướng.

Con không thể chiêm nghiệm được mặt trời trung tâm, khối vuông màu trắng, sự Hiện diện dỗ dành, hàn gắn và hoàn toàn viên mãn của Alpha và Omega, con không thể chiêm nghiệm điều đó với tư cách một con người tự xem mình là con người. Vậy thì làm thế nào con chiêm nghiệm được thực tại tối hậu, điểm khởi đầu của thế giới hình tướng? Con có thể chiêm nghiệm được bởi vì cốt lõi bản thân con là sự nối dài của chính Bản thể Đấng Sáng tạo.

Cốt lõi này của chính con đã được biết đến – đúng hơn, được chứng nghiệm – bởi những nhà thần bí đích thực của mọi thời đại. Con sẽ thấy nó được nói đến và mô tả bằng lời trong kinh Veda cổ, trong Lão giáo, trong Phật giáo, trong Cơ đốc giáo, đôi khi giấu mặt, đôi khi hiển hiện hơn. Nhưng trong mọi lời dạy tâm linh, thần bí của nhân loại – Kabala, Sufi… – đều có nó đến, đó là cái gì nằm ở ngay cốt lõi bản thể con, cái gì đó khiến con ý thức là con hiện hữu như một sinh thể cá biệt. Bởi vì đúng vậy, con là một cá thể, con là một nối dài của Đấng Sáng tạo đã khoác lấy sắc thái riêng.

Con hãy lưu ý sự khác biệt tinh tế đã phát sinh ra một sự lừa dối tinh vi. Cá thể (individuality) không nhất thiết có nghĩa là tách biệt (separation). Con không được sinh tạo như một sinh thể tách biệt, một cái ngã tách biệt. Con được sinh tạo như một cá thể với một cái nhìn đặc thù, nhìn thế giới hình tướng từ một điểm nhìn đặc thù. Nhưng điểm này không là một điểm tách biệt trong không gian hay thời gian. Đó là một điểm dị biệt bởi vì, thật sự, mọi điểm trong không gian đều là một điểm dị biệt nếu nó ý thức được chính nó là sự nối dài của Bản thể Đấng Sáng tạo.

Và đây là tiềm năng của con để nâng cao khả năng tự nhận biết của con, cho tới khi con đạt được sự nhận biết viên mãn của Đấng Sáng tạo. Trái với một vài giáo lý, điều này không có nghĩa là con sẽ mất đi cá thể. Bởi vì ngay cả Đấng Sáng tạo cũng có cá thể – tuy là một cá thể vượt xa mọi con người trên trái đất, vượt cả các chân sư thăng thiên đến độ con không thể mường tượng được.

Thế nhưng Đấng Sáng tại của con đã tạo ra Vũ trụ này là sự biểu hiện của khả năng sáng tạo và cá thể của ngài. Có những cách khác để xây dựng một vũ trụ, và các nhà khoa học của các con đã bắt đầu nhận ra rằng vũ trụ đặc thù của các con tùy thuộc vào một loạt những hằng số (constants) được cân xứng một cách tinh tế đến độ dạng sống cụ thể của con – đặc biệt là dạng sống dựa trên carbon cấu tạo cơ thể vật lý của con – không thể hiện hữu nếu bất kỳ một trong những hằng số cốt yếu đó thay đổi một chút xíu.

Điều này không có nghĩa là nếu các hằng số đó khác đi thì đã không có sự sống, mà có những dạng sống khác. Nhưng Đấng Sáng tạo của con đã chọn cách cân xứng hằng số như thế này để tạo ra dạng sống đặc thù mà con thấy trong vũ trụ của các con. Sự thật là con có thể đi đến các thiên hà và hệ thế giới khác, ngay cả trong thế giới hình tướng của con, nơi con sẽ tìm thấy những dạng sống khác bởi vì ở đó thế quân bình hơi khác đi. Dù sao thì điều ta muốn nói là như sau: Đấng Sáng tạo của con là một cá thể đi ra từ cái Tất Cả của Thượng đế, và con là một cá thể đí ra từ cái Tất Cả của Đấng Sáng tạo của con. Con có tiềm năng nâng cao khả năng tự nhận biết của mình cho tới khi con đạt cùng mức tâm thức như Đấng Sáng tạo, và khi đó con sẽ hội đủ tư cách để sinh tạo vũ trụ hình tướng riêng của con là sự biểu đạt của bản thân con, của cá thể con, khả năng sáng tạo của con. Đó là tại sao con là một vị đồng sáng tạo. Con học hỏi bằng cách đồng sáng tạo với Đấng Sáng tạo của con cho tới khi con trở thành một đấng sáng tạo có khả năng quy định tạo vật của con.

Cốt lõi con người của con

Vậy thì cái gì là cốt lõi trong con có khả năng tăng triển khả năng tự nhận biết? Phải, đó chính là điểm dị biệt, là sự nối dài chỉ to bằng cái chấm của Bản thể Đấng Sáng tạo. Chúng tôi, các chân sư, đã gọi đó là cái Ta Biết, hay cái ta ý thức. Nhưng những giáo lý tâm linh khác thì có thể gọi khác – là “atman” hay bất cứ cái tên nào khác.

Trừ khi con thích chẻ tóc làm đôi thì ngôn từ sử dụng không quan trọng lắm. Điều quan trọng là cho dù tên gọi có là gì, ở trong con có một cốt lõi khiến con ý thức – không phải ý thức về một dạng ngã nào đặc biệt – bởi vì cái Ta Biết này không phải là một cái ngã như loại ngã mà con đã tạo ra để biểu đạt trong thế gian hình tướng. Ngã loại đó có hình tướng vì nó được dùng để biểu đạt. Nhưng cái Ta Biết thì không có hình tướng: đây là sự nhận biết thuần khiết.

Con hãy lưu ý, tâm đường thẳng phân tích không thể nắm bắt được khái niệm cái Ta Biết. Con không thể nắm khái niệm của cái Ta Biết nếu con thấy đó là một khái niệm. Đó không phải là một khái niệm. Nhưng khi chúng tôi giảng dạy cho con thì phải diễn tả bằng lời nói và bị ràng buộc trong giới hạn cùa lời nói. Và khi diễn tả bằng lời nói thì lập tức tâm phân tích đường thẳng sẽ chụp lấy, biến nó thành khái niệm – thành một cái gì mà con có thể mô tả, gói ghém trong lời nói, tranh cãi thuận hay nghịch, hoặc gọi là thật hay giả.

Nhưng con thấy không, chúng tôi giảng dạy cho con về cái Ta Biết vì biết là một số trong các con sẽ hiểu. Các con hiểu vì các con đã chiêm nghiệm chính mình như cái Ta Biết, khác hẳn tất cả mọi cái ngã đặc thù mà các con đã tạo ra, bởi vì cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết. Và có những người trong số 10% tâm thức hàng đầu trong nhân loại cũng đã chiêm nghiệm được một cách tự nhiên – hoặc qua những cách tu tập như thiền quán, trầm mặc – sự nhận biết thuần khiết này, mà qua đó cái Ta Biết tự chiêm nghiệm mình là nhiều hơn bất cứ cái ngã nào mà nó đã tạo ra trong thế giới hình tướng, và do đó nó chiêm nghiệm là nó tự do. Nó không thể bao giờ bị ràng buộc bởi bất cứ gì trong thế giới hình tướng – trừ khi nó bước vào một cái ngã và tự đồng hoá hoàn toán với ngã riêng biệt đó, và khi làm vậy, nó nhìn thế giới từ bên trong ngã nhìn ra, nhìn thế giới qua phin lọc của ngã đó, và vì vậy nó có thể tạm thời quên đi nó là nhiều hơn, quên đi nó là nhận biết thuần khiết.

Quả là có nhiều người trên hành tinh này, đại đa số trong nhân loại, chưa bao giờ trải nghiệm được nhận biết thuần khiết. Chúng tôi thừa biết là nếu con chưa trải nghiệm nhận biết thuần khiết bao giờ thì những lời dạy về cái Ta Biết sẽ chỉ là thêm một khái niệm cho con, thêm một dịp cho tâm phân tích đường thẳng nhào nặn. Tùy trạng thái tâm thức của con, tùy những tấn tuồng của con, tùy những hiểu biết hay sự thiếu hiểu biết của con, con sẽ phóng chiếu đủ mọi hình ảnh lên trên các lời dạy về cái Ta Biết. Con có thể làm bất cứ gì con muốn với nó, con có thể đóng đinh nó lên cây thập tự, gọi nó bằng tên này hay tên nọ, biến nó thành thần tượng tạc trên đá – thay vì con làm điều lý tưởng mà con cần làm, là nhìn thấu vào chiều sâu của lời dạy tâm linh, tức là đi xa hơn ngôn từ, đi xa hơn lời nói cho tới khi con chứng ngộ Tánh linh ở đằng sau lời nói.

Thượng đế là một Tánh linh, và những ai thờ phượng ngài phải thờ phượng ngài trong tánh linh và sự thật. Muốn biết được Thượng đế thì phải biết ngài trong Tánh linh, bởi vì con không thể biết Thượng đế qua tâm hữu hạn. Thượng đế là vô hạn và không thể hiểu được qua tâm hữu hạn. Đây là một sự thực giản dị, nhưng vẫn còn nhiều người cứ đầu thai đi đầu thai lại trong các cộng đồng tôn giáo – thậm chí đã từng có chân trong các tổ chức tâm linh hay thần bí từ nhiều thập niên – mà vẫn chưa hiểu được ý niệm giản dị này là phải vượt qua giáo lý vỏ ngoài, phải đi thẳng tới Tánh linh và chứng ngộ bằng Táng linh. Và qua đó con biết được, chiêm nghiệm được sự duy nhất đó.

Không thể hiểu được nhận biết thuần khiết

Điều hay ho của cái ta ý thức là sự kiện nó là nhận biết thuần khiết. Đó là lý do nó có thể tự phóng chiếu vào một ý niệm bản ngã giới hạn và thực sự tin tưởng – và chiêm nghiệm như một cái gì hoàn toàn đáng tin cậy – rằng con là một con người giới hạn, một người phàm phu tội lỗi. Nếu con muốn có trải nghiệm này thì con hoàn toàn có khả năng có được, bởi vì cái ta ý thức có thể bước vào một cái ngã như thế và trải nghiệm thế giới từ bên trong ngã đó.

Nhưng sự tuyệt diệu của cái ta ý thức là sự kiện nó luôn luôn chỉ là nhận biết thuần khiết mà thôi, và vì vậy nó cũng có khả năng tự phóng chiếu về hướng kia. Thay vì phóng xuống các độ rung thấp kém, nó có thể tự phóng chiếu y như vậy lên những tầng rung động cao hơn, do đó nó tự phóng chiếu vào hợp nhất với một sinh thể tâm linh, thậm chí vào cả Mặt trời Trung tâm Vĩ đại – và xa hơn nữa để chứng nghiệm Đấng Sáng tạo, vì dù sao nó cũng chỉ như một giọt nước lấy ra từ đại dương tâm thức của Đấng Sáng tạo.

Cho tới khi con vượt ra khỏi tâm đường thẳng phân tích, cho tới khi con vượt ra khỏi ngã tách biệt, thì sự hiện hữu của con như một nối dài của bản thể Đấng Sáng tạo – tức như sự nhận biết thuần khiết – sẽ đơn giản chỉ là một khái niệm lý thuyết. Con có thể tranh cãi chống hay thuận. Có những người đã từng tranh cãi chống lại hay thuận theo đủ loại khái niệm tâm linh hết kiếp này tới kiếp khác. Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, kính trọng quyền tự quyết. Nếu người ta mong muốn có trải nghiệm đó mãi mãi thì họ có quyền làm như vậy trong khuôn khổ Định luật Tự quyết. Nhưng chúng tôi sẽ không dùng khả năng chú ý của mình để cố giúp họ, bởi vì họ đã tự đặt mình dưới sự chi phối của luật tác dụng và phản tác dụng – tức là Trường đời Cay đắng.

Họ có thể tự nhận mình là người theo đạo. Họ có thể đã phát triển một thái độ xem mình thánh thiện hơn người khi họ nghĩ mình hiểu biết mọi chuyện hơn mọi ai khác, do mình đã dựng lên một hệ thống tín ngưỡng toàn hảo đến độ mọi thứ và ngay cả Đấng Sáng tạo cũng có thể được nhét vào trong đó. Cho nên định luật đã được lập ra để đảm bảo bất cứ gì họ gửi ra tấm gương vũ trụ sẽ được gửi trả về cho họ y như vậy. Và họ sẽ tiếp tục gặt những gì họ đã gieo cho đến khi họ chán ngán và bảo: “Cuộc sống nhất định phải là gì nhiều hơn những thứ tôi đang trải nghiệm ngay bây giờ.” Và khi con đạt tới điểm đó, khi con muốn nhiều hơn những gì tấm gương vũ trụ gửi trả về, thì ở điểm đó con mới có thể khởi sự con đường tâm linh nơi các chân sư có thể giúp con.

Chúng tôi có thể cho con những lời dạy được thiết kế để nâng tâm thức, nâng hiểu biết của con lên. Chúng tôi có thể cho con những kỹ thuật và dụng cụ được thảo ra để giúp con thỉnh cầu năng lượng tâm linh. Và như vậy con có thể cất bước trên hành trình vén lên tấm màn, vén màn Maya, cho đến khi con bắt đầu nhìn xuyên thấu qua được. Nhưng khi nhìn xuyên thấu tấm màn Maya, con sẽ thấy gì đây? Không phải như một số người kỳ vọng, con sẽ không thấy vương quốc tuyệt diệu của thiên đàng trên đó với tất cả những nét đẹp đẽ mà con đã từng nghe hay từng đọc.

Con hãy để ý điều thày nói ở đây hầu con không lẫn lộn với một số hình ảnh trong tâm đường thẳng. Quả thật đã có những người trên địa cầu có được trải nghiệm đích thực về các cõi tâm linh, và họ đã bước trở xuống để mà kể lại. Nhưng điều ta muốn nói là khi con khởi sự đường tu tâm linh, khi con bắt đầu phá thủng tấm màn Maya đang che phủ tâm con, điều con nhìn thấy không phải là một quang cảnh huy hoàng nào đó của cõi tâm linh nơi tất cả mọi thứ đều đẹp, mặc dù vẻ đẹp là có thực. Không, điều con nhìn thấy trước tiên là những thoáng hiện của nhận biết thuần khiết, của tâm thức thuần khiết, nơi cái ta ý thức của con – mà cho tới giờ nó chỉ ý thức mình là một con người – giờ đây bắt đầu thấy mình là nhiều hơn một con người. Cái ta ý thức bắt đầu trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết khiến nó ý thức là nó sẽ không bao giờ có thể bị hạn chế trong thế giới hình tướng này, hay bất kỳ một ý niệm bản ngã nào được tạo ra trong đó.

Không có gì có thể cầm giữ cái ta ý thức của con, và đó là điều mà cái ta ý thức nhận ra khi nó trải nghiệm nó là nhận biết thuần khiết vượt khỏi mọi cái ngã trong thế gian – sự nhận biết trinh nguyên, không chút ô nhiễm. Đây là điều mà con bắt đầu nhìn thấy. Có những truyền thống tâm linh, chẳng hạn như đạo Phật ở phương Đông, với một số kỹ thuật cùng phương pháp đã được thời gian thử nghiệm để giúp hành giả làm cho tâm tĩnh lặng cho đến khi mình trải nghiệm nhận biết thuần khiết.

Sứ vụ Thiêng liêng của con

Mục đích của tất cả các vị thày chân chính ở phương Đông đã là đưa đệ tử tới mức họ trải nghiệm được nhận biết thuần khiết, tâm thức thuần khiết. Nhiều dụng cụ và kỹ thuật như vậy, nhiều hệ thống như vậy, đều chính đáng và giá trị, nhưng chúng chính đáng và giá trị chủ yếu cho những loại linh hồn, những loại dòng sống có xu hướng đầu thai ở phương Đông và nhắm nhiều hơn đến việc trải nghiệm cuộc sống – một hình thức sùng bái của Yoga.

Các dòng sống chủ yếu đầu thai tại phương Tây nhắm nhiều hơn đến cuộc sống năng hoạt. Họ muốn tìm hiểu, họ là những con người thực tế và thực dụng, họ không chỉ ở đây để trải nghiệm mà để đồng sáng tạo – không chỉ để nhận thức mà để phóng chiếu một viễn quan cao hơn lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Nếu con sinh trưởng ở phương Tây, rất có thể đó là vì – ít ra trong kiếp đầu thai này – con đã không chỉ mong muốn trải nghiệm thụ động mà còn đồng sáng tạo chủ động. Đây là một nhận thức quan trọng cho những ai muốn khám phá và hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình trong kiếp hiện thân này.

Sứ vụ Thiêng liêng chính xác là gì? Đó là một kế hoạch được lên khuôn trong một trạng thái tâm thức vượt ra khỏi tất cả mọi đặc điểm thường có nơi con người trên địa cầu. Khi con thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng với sự hợp tác của các thày tâm linh của con, con không mang cái ngã mà con đã tạo dựng suốt trong nhiều kiếp sống, con không nhìn cuộc sống từ bên trong một loại ngã như thế. Cái Ta Biết của con đã bước ra ngoài cái ngã biểu cảm mà con đã tạo dựng suốt nhiều kiếp sống. Do đó, con nhìn thấy thật rõ những giới hạn của ngã đó. Con thấy rõ những điểm nó cần cải thiện, nhưng con cũng thấy các tin tưởng mà dần dà nó đã chấp nhận, cũng như cách thức mà các tin tưởng đó phải được thăng vượt trước khi con có thể bước lên một trải nghiệm cao hơn, đặc biệt trước khi con có thể trở thành một vị đồng sáng tạo đích thực sẽ giúp đồng sáng tạo vương quốc của Thượng đế trên địa cầu thay vì một loại biểu hiện nào khác.  

Con có thấy chúng tôi đã nói gì về cái Ta Biết? Cái Ta Biết không thể ngừng biết, và do đó cái Ta Biết không thể ngừng đồng sáng tạo. Cho dù cái Ta Biết tự đồng hóa là con người thấp kém nhất trên địa cầu, con người ích kỷ nhất, thô sơ nhất – một kẻ bệnh hoạn chuyên chú đi xâm hại người khác – thì ngay cả con người đó cũng đồng sáng tạo liên tục bằng cách sử dụng khả năng của tâm phóng chiếu hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Những hình ảnh này thấp kém, hoàn toàn không đồng thuận với viễn quan cao hơn về vương quốc Thượng đế trên địa cầu, nhưng chúng vẫn là một hình thức đồng sáng tạo. Bởi vì cách thức chúng được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật cũng giống y như một hình ảnh cao đẹp hơn.

Cái ta ý thức của con chính là con người mà nó nghĩ nó là. Nó là con người mà nó đã đồng hóa là như vậy, theo nghĩa là nó đồng sáng tạo xuyên qua ý niệm bản ngã mà nó đang có ngay lúc đó và nó tự đồng hóa với cái đó. Bất kỳ hình ảnh nào mà hiện hữu trong mô thức, trong cấu trúc của ngã, thì đó cũng là hình ảnh mà dòng ánh sáng của cái ta ý thức sẽ chiếu qua. Và những hình ảnh này hình thành cuộn phim của ngã tách biệt được trình chiếu trên màn ảnh của Ánh sáng Mẫu-Vật.

Con đừng bị bề ngoài lừa dối. Trong cách thức, người tâm linh nhất trên trái đất đồng sáng tạo cũng không khác gì người ở mức tâm thức thấp nhất. Cả hai đều có một cái ta ý thức làm cánh cửa mở cho ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy xối xuống dải tần số của cõi vật chất. Cả hai đều đồng hóa mình với một cái ngã nào đó, một hộp tư duy nào đó, và họ đều phóng chiếu ánh sáng xuyên qua các hình ảnh trong hộp tư duy đó. Điểm khác biệt duy nhất là ý niệm bản ngã đó thanh khiết đến độ nào, đồng thuận đến độ nào với Hiện diện TA LÀ, hay là nó hoàn toàn sai trệch đối với Hiện diện TA LÀ.

Cho nên chắc chắn một người chứng đạt tâm linh cao sẽ có một ý niệm bản ngã đồng thuận hơn hẳn với Hiện diện TA LÀ của mình, và kết quả là khe hở sẽ lớn hơn để ánh sáng có thể chảy xối vào ý thức vỏ ngoài của người đó. Và như thế, người đó cũng sẽ có nhiều uy lực đồng sáng tạo hơn – như Giê-su đã chứng tò khi thày vực người chết sống lại, chữa lành chân tay kẻ tật nguyền, thanh tẩy thân thể người cùi hủi và thực hiện nhiều việc làm khác gọi là phép lạ – và đây là những việc làm mà kẻ ở mức tâm thức thấp nhất trên địa cầu không thể làm được. Nhưng con cần hiểu là tâm thức không khác biệt trong tính chất, mà chỉ khác cường độ, khác khối lượng.

Một bước cần thiết

Khi con đạt tới chỗ con muốn hơn nữa, khi con mong muốn một con đường cao hơn, khi con có được nhận thức là có lẽ đời mình có một chủ ý, có lẽ mình đã lên kế hoạch cho đời mình – và con mong muốn biết kế hoạch đó là gì, con muốn thấy rõ ràng là con có thể thực hiện kế hoạch đó một cách ý thức – thì ở điểm đó, con cần đi một bước tuyệt đối cần thiết. Con sẽ không bao giờ phát hiện được Sứ vụ Thiêng liêng của mình trong ý thức cho tới khi con ý thức được cơ chế của nhận thức.

Nhận thức là cạm bẫy vĩ đại cho cái ta ý thức. Một khi con đã tạo ra một ngã tách biệt, một khi cái ta ý thức của con đã bước vào tạo vật đó, hộp tư duy đó, và đã tự đồng hóa với cái đó, thì nó sẽ tin rằng những gì nó nhận thức xuyên qua hộp tư duy không phải là nhận thức mà là thực tại. Đó không phải là một tấm hình về cách vận hành của thực tại – không, đó chính là thực tại. Chính đó – ở ngay đó – là lằn ranh phân chia những người có thể được chân sư thăng thiên trợ giúp và những người không thể được chân sư thăng thiên giúp đỡ. Lằn ranh phân chia này là sự ngộ ra rằng nhận thức của mình – nhận thức ngay bây giờ của mình về cuộc sống – không phải là cao nhất. Đó không phải là cách nhìn duy nhất về cuộc sống.

Đâu là thực tế mà chúng tôi đã giải thích nhiều lần trong các bài truyền đọc, đâu là điểm chủ yếu mà chúng tôi đã diễn tả và giảng giải? Đó là sự kiện con hiện đang ở một trạng thái tâm thức thấp hơn các chân sư thăng thiên, và để vượt băng qua điểm mấu chốt sẽ dẫn con vào trạng thái thăng thiên, con cần nâng cao tâm thức của con. Con cần thanh tẩy khỏi tâm thức con mọi yếu tố phàm phu không thể đi lọt qua lỗ hổng.

Bao nhiêu lần chúng tôi đã nhắc nhở điều này bằng đủ mọi cách? Liệu có khó hiểu lắm không mối liên hệ giữa nhận thức của con và trạng thái tâm thức hiện thời của con? Liệu có khó nắm bắt lắm không sự kiện là con đang ở trong một trạng thái tâm thức thấp hơn – mà ta tin con nhận chân được – cho nên nhận thức của con mới không tinh khiết. Nó không thể tinh khiết. Nếu nó tinh khiết thì con đã không ở trong một trạng thái tâm thức thấp, vì trạng thái tâm thức thấp của con giống như một cặp mắt kính màu đang tô màu lên nhận thức và cái ta ý thức thì lại nhìn xuyên qua cặp kính màu đó. Và do đó, mọi thứ mà con nhìn thấy trong thế gian này được trang thái tâm thức đó, hộp tư duy đó, tô màu.

Đây là sự nhìn nhận then chốt sẽ đưa một người vào những cõi nơi chúng tôi, các chân sư thăng thiên, sẽ để ý và nói: “À, đây là một học trò mà chúng ta có thể làm việc được.” Con hãy lưu ý rằng việc tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên, gia nhập một tổ chức vỏ ngoài hay đọc bài chú bài nguyện nhiều giờ liền, tất cả những thứ đó tự thân nó sẽ không giúp con hội đủ tư cách để trở thành một đệ tử mà chúng tôi có thể làm việc trực tiếp ở mức nội tâm. Rất nhiều thành viên của các tổ chức tâm linh vẫn chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ nội tâm, trực tiếp với chúng tôi – đó là vì sao họ vẫn tham gia tổ chức vỏ ngoài và gắn bó với các giáo lý vỏ ngoài. Đó cũng là vì sao họ không thể, hoặc không muốn, nhìn xa hơn giáo lý, để họ trực tiếp nghe được, trải nghiệm được Hiện diện của chúng tôi.

Trở thành một đệ tử chân chính bằng cách tra vấn nhận thức của mình

Vậy thì con cần những gì để trở thành một đệ tử chân chính – một đệ tử có thể nắm bắt Sứ vụ Thiêng liêng của mình một cách ý thức thay vì hoàn thành Sứ vụ đó một cách không ý thức, như nhiều người trong số các con đã làm? Nhiều người là thành viên của các tổ chức tâm linh đã làm vậy, vì họ đã đi theo Sứ vụ của họ ở những mốc quan trọng trong đời, rồi khi phải lấy những quyết định thật quan trọng, họ đã cảm được một sự hướng dẫn giúp họ chon lựa đúng đắn. Chỉ có điều là họ không nhìn thấy toàn cảnh rộng lớn, họ không thấy được hoạch định của họ, họ không hiểu tại sao họ đã chọn lựa như vậy và tại sao nó lại quan trọng đến vậy. Họ đã không hiểu những điều họ có ý định muốn học từ một hoàn cảnh cụ thể, măc dù trong nhiều trường hợp, họ cũng đã học được qua Trường đời Cay đắng.

Tuy nhiên, đối với con là người sẵn lòng tốt nghiệp Trường đời Cay đắng, con phải làm gì và phải nhìn thấy gì đây? Con phải đạt tới mức con sẵn lòng tra vấn nhận thức của con, tức là con sẵn sàng nói: “Giê-su yêu dấu, Mẹ Mary yêu dấu, Đại chỉ đạo Thiêng liêng yêu dấu, Saint Germain yêu dấu, Chân sư MORE yêu dấu” – bất kể vị chân sư nào mà con cảm thấy gần gũi nhất với tim con, con phải nói – “Thày hãy dạy con, thày hãy chỉ con những gì mà con chưa thấy với nhận thức hiện thời của con, với trạng thái tâm hiện thời của con. Xin thày hãy vén lên bức màn mà nhận thức hiện thời của con đã tạo ra để con nhìn thấy xa hơn, để con thấy con là hơn nữa, thấy sự thật là hơn nữa, thấy Tánh linh là hơn nữa, và thày trong cương vị chân sư thăng thiên cũng là hơn nữa, là nhiều hơn cái hình ảnh mà con đang có về thày ngay lúc này. Bởi vì con sẽ biết thày trong tánh linh và sự thật, chứ không qua một hình ảnh nào đó bị nhận thức hiện thời của con hạn chế.”

Con thử nghĩ xem tại sao bao nhiêu chân sư đã nói: “TA LÀ NHIỀU HƠN thế này”? Bởi vì cho những ai trong số các con đã sẵn sàng, đã đến lúc con bước lên cao hơn và nhận ra rằng con là hơn nữa y như các chăn sư là hơn nữa. Con là nhiều hơn nhận thức của mình. Nhưng con sẽ không thấy được con là nhiều hơn nhận thức cho đến khi con mở tâm ra và nhìn nhận: “Có một cái gì đó mà tôi không thấy. Nhận thức của tôi bị pha màu bởi trạng thái tâm thức hiện thời của tôi, thậm chí bởi giới phái, chủng tộc, tôn giáo, xuất xứ, quốc tịch của tôi.”

Ngay cả tâm phân tích đường thẳng của con cũng có thể giúp con thấy rằng nhận thức của con bị tô màu – nếu con xem xét con đã được dạy dỗ như thế nào để nhìn cuộc sống theo một cách nào đó tùy theo tôn giáo, hệ thống chính trị, chủng tộc, quốc gia hay bất kỳ yếu tố nào khác. Và khi con gặp người khác đã lớn lên trong một môi trường khác, con nhận ra là họ nhìn cuộc sống một cách khác – một chút xíu hay có thể rất nhiều – so với cách con đã được dạy dỗ. Và điều này sẽ giúp con nhận ra là cách con nhìn cuộc đời chỉ là một trong nhiều cách – không phải là cách duy nhất và cũng không nhất thiết là sự thật duy nhất.

Làm thế nào con sẽ bao giờ biết được sự thật, sự thật đích thực? Chỉ khi nào con nhìn nhận là những gì con xem là sự thật ngay lúc này không phải là sự thật tối hậu. Đó là một cái gì bị tô màu bởi nhận thức của con, một tâm ảnh, một hình ảnh trong tâm. Đó chính là khởi đầu của minh triết, khởi đầu của con đường tâm linh, là khi con có thể nhận được hướng dẫn của các chân sư thăng thiên. Đó là khi con có thể bắt đầu vén lên bức màn hầu thấy được Sứ vụ Thiêng liêng của con một cách ý thức, con bắt đầu xuôi chảy với Dòng sông sự Sống thay vì cứ mò đường trong đêm tối, đôi khi lạng quạng đụng trúng Sứ vụ của mình, nhưng thường khi thì bị hụt mất những cơ hội quan trọng mà con không nhìn thấy, vì con chỉ thấy được những gì con muốn thấy, những gì tự ngã con muốn con thấy, hoặc chính con trong cương vị cái ta ý thức muốn trải nghiệm.

Làm thế nào con thăng thiên?

Ta đã ban ra một bài chú sẽ mở khóa căn thể của ta cho những ai sẵn lòng muốn biết ta trong cương vị là Đại chỉ đạo Thiêng liêng, là một sinh thể vũ trụ, là cấu trúc kết tinh cứ trải mãi lên cho tới Thượng đế, cho tới Đấng Sáng tạo, cho tới Mặt trời Trung tâm, cho tới khối vuông ở giữa Alpha và Omega. Tuy nhiên, bài chú này không có gì bảo đảm là những ai đọc chú, ngay cả khi họ đọc nhiều lần, sẽ vén được bức màn. Con phải sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của Omega – là nhìn nhận những giới hạn của nhận thức. Con phải sẵn sàng nhìn xa hơn nhận thức để thấy một cái gì con chưa thấy bao giờ, thấy một cái gì tự ngã con không muốn con thấy, thấy một cái gì mà người thân của con có thể không muốn con thấy – vì họ không muốn mất con, họ không muốn con vươn lên cao hơn họ, họ không muốn con mạnh dạn bước đi về một nơi mà chưa một người nào đã chạm chân, như câu ngạn ngữ thường nói.

Con chẳng thấy hay sao, cách duy nhất mà chúng tôi, các chân sư thăng thiên, có thể giúp con là nếu con sẵn lòng nhìn thấy những gì con không thấy? Chỉ đạo thiêng liêng là gì? Đó có phải là một bộ áo tù trói tay trói chân con? Đó có phải là khi con quyết định con muốn sự chỉ đạo thiêng liêng, thì ta sẽ đòi hỏi con phải trao cho ta quyền tự quyết của con, hầu con trở thành như một người máy hay một con múa rối trên sợi dây mà ta điều khiển?

Con có nghĩ là ta ngồi trên đây giống như một nhà độc tài chỉ muốn chiếm đoạt quyền tự quyết của con và ra lệnh cho con phải làm gì mỗi bước trong đời sống hàng ngày? “Mua bộ quần áo này, làm việc này, ăn món này, không được ăn món kia, đi đây, đi đó.” Con có nghĩ là một sinh thể vũ trụ muốn quản lý từng chi tiết nhỏ nhặt trong đời con và chiếm đoạt quyền tự quyết của con? Con có nghĩ là việc chiếm đoạt quyền tự quyết sẽ giúp con tăng triển trên đường tâm linh? Làm thế nào việc chiếm đoạt quyền tự quyết của con có thể giúp con đi bước cốt yếu để thăng thiên, để con trở thành một bậc thày hay một chân sư – đó là con nắm lấy trách nhiệm toàn diện và cuối cùng về trạng thái tâm của mình và cách con sử dụng quyền tự quyết của mình?

Làm thế nào việc bắt ép con có thể giúp con nhận lấy trách nhiệm cho bản thân con? Con không thể bị ép buộc phải nhận lấy trách nhiệm cho chính mình – vì nếu đúng như vậy thì ác quỷ cũng đã ép buộc được mọi người thăng thiên từ lâu rồi. Bởi vì đó chính là muc đích của y – chứng minh rằng quả thực con có thể thăng thiên bằng vũ lực. Nhưng chuyện đó không thể làm được, vì nếu được thì chính ác quỷ cũng đã thăng thiên, nhưng hẳn là y chưa thăng thiên và sẽ không bao giờ thăng thiên, bởi vì không ai có thể thăng thiên bằng vũ lực, không ai có thể bị buộc phải thăng thiên.

Con chỉ có thể thăng thiên bằng cách sẵn lòng nhận trách nhiệm về bản thân mình, nhìn nhận rằng nhận thức của mình bị ô nhiễm bởi hộp tư duy, bởi tấn tuồng cá nhân, bởi những tấn tuồng cuồng đại mà dần dà con đã chấp nhận. Những tấn tuồng cuồng đại đó là do ác quỷ tạo ra để giữ chặt con trong cái bẫy của tâm thức thấp kém, hầu con không bao giờ có thể nắm bắt thực tại mình là nhiều hơn cái ngã tách biệt cứ đinh ninh là nó phải giao chiến trong vở tuồng cuồng đại.

Con là NHIỀU HƠN tất cả mọi ý niệm bản ngã được tạo ra trong thế gian này vì con là nhận biết thuần khiết. Nếu con là một bản ngã còn dính lại bất kỳ đặc tính thế gian nào, con sẽ không thể, CON sẽ không bao giờ có thể thăng vượt thế gian này. Nhưng con CÓ KHẢ NĂNG thăng vượt thế gian như tất cả những vị đã từng thăng thiên trước con đã chứng minh. Nhưng cái gì thăng thiên chứ? Không phải ngã phàm phu đâu. Không một người nào sẽ thăng trở về thiên đường trừ phi đó là người đã đi xuống từ thiên đường. Và “người” đã đi xuống từ thiên đường chính là cái ta ý thức, là nhận biết thuần khiết.

Thế nhưng khi con thăng trở về thiên đường bằng cách nhận biết cái ta của mình là sự nhận biết thuần khiết, thì con cũng nhận biết các trải nghiệm của mình trong thế giới hình tướng. Và như vậy, con là nhiều hơn khi con thăng lên so với khi con đi xuống, tuy con không khác cái đã đi xuống – con chỉ là nhiều hơn thế. Con mang nhiều hơn cái phẩm cách cơ bản mà con đã được phú cho, tức là cá thể được neo trụ nơi Hiên diện TA LÀ của con.

Thế nào là chỉ đạo thiêng liêng?

Cho nên ta là một sinh thể vũ trụ, TA LÀ một với ngọn lửa chỉ đạo thiêng liêng, nhưng chỉ đạo thiêng liêng là gì chứ? Đó không phải là một lời chỉ dẫn cụ thể phải làm thế này hay làm thế kia, phải tin thế này hay tin thế kia. Chỉ đạo Thiêng liêng là một dòng tâm thức hằng sống. Con đã nghe nói ta từng là đạo sư riêng của Saint Germain nhưng ta không là đạo sư đầu tiên của Saint Germain. Thày từng có nhiều đạo sư khác trước khi thày vươn lên một mức tâm thức sẵn lòng nhận ra những hạn chế nhận thức của thày. Và đó là lúc thày đã có thể tận dụng sự chỉ đạo thiêng liêng mà ta ban cho thày. Hẳn con đã nghe nói là Saint Germain đã thăng thiên bằng cách lấy một triệu quyết định đúng đắn. Ấy nhưng đó không phải là những quyết định kiểu như khi ta bảo thày “Làm việc này đi” và thày cứ nhắm mắt tuân theo. Đó là những quyết định nơi thày phải trực diện với một chọn lựa khi tâm vỏ ngoài không làm sao biết được cái gì đúng, cái gì sai.

Và như vậy, Saint Germain đã hòa điệu vào bên trong – bên trong cái ta là của thày – hòa điệu với Hiện diện mà ta là, với dòng tâm thức mà ta là. Và như vậy, thày đã đọc được rung động mà ta là, và qua việc đọc rung động đó, thày đã có thể nhận ra cái có vẻ là hai chọn lựa khác nhau đối với tâm vỏ ngoài, thực ra chẳng cái nào là chọn lựa đúng đắn. Cả hai chỉ biểu trưng cho đối cực này hay đối cực kia trên nấc thang nhị nguyên của tâm thức. Và như vậy, bằng cách trụ vững trong chỉ đạo thiêng liêng, thày đã có thể nhìn thấy một chọn lựa thứ ba mà trước đó thày không thể. Và thày biết đó là chọn lựa đúng đắn trong hoàn cảnh đặc thù đó.

Con có thấy chăng chìa khóa cốt yếu ở đây? Khi con đối mặt với một tình huống trong thế giới này nơi con nghĩ: “Tôi phải chọn giữa hai đối cực, hai cực đoan, hai hướng hành động”, thì nếu nhận thức của con ô nhiễm, con sẽ nhìn tình huống đó qua nhận thức của con. Nhận thức đó sẽ tối thượng đối với trạng thái tâm của con, con sẽ nghĩ nhận thức của mình là chính xác, cho nên con sẽ chọn lựa dựa trên nhận thức đó, và con sẽ chọn một trong hai cực đoan nhị nguyên. Vì nhận thức của con ô nhiễm, con sẽ không thể thấy bất cứ gì vượt khỏi hai đối cực nhị nguyên đó. Vì vậy mà bất kỳ chọn lựa nào con lấy cũng sẽ không là chọn lựa cao nhất có thể có.

Con vẫn có thể học hỏi từ đó, nhưng con hoc hỏi qua Trường đời Cay đắng chứ không qua Trường Chỉ đạo Thiêng liêng. Bởi vì con đã không bước vào, không đặt chân vào Trường Chỉ đạo Thiêng liêng khi con không sẵn lòng nhìn xa hơn nhận thức của mình và hòa điệu với Hiện diện của ta. Con không hòa điệu với Hiện diện của ta khi con nói: “Thưa Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, con phải làm thế này hay thế khác?” bởi vì ta là một sinh thể vũ trụ không ở trong trạng thái nhị nguyên.

Cho nên con không đến với ta và xin ta chỉ dẫn con chọn lựa cụ thể như thế nào. Thay vào đó, con hãy đến với ta và hỏi ta: “Đại Chỉ đạo Thiêng liêng yêu dấu, hãy cho con thấy Hiện diện chân thực của thày. Con sẽ nhận ra dòng chảy tâm thức của thày, con sẽ nhập một với dòng chỉ đạo thiêng liêng đó, con sẽ đi theo dòng chỉ đạo thiêng liêng đó lên tới cấu trúc kết tinh hình tháp mà thày là, cho đến khi con ngồi trên khối vuông màu trắng ở giữa Alpha và Omega, và như vậy con sẽ có được một tầm nhìn vũ trụ về hoàn cảnh của con trên địa cầu – hầu sau đó con thấy được những gì con hiện không thấy, hầu con nắm bắt được chọn lựa đích thực, chọn lựa Ki-tô trong hoàn cảnh đó. Chọn lựa Ki-tô vượt khỏi các đối cực nhị nguyên – mà con nhận chân là do nhận thức của con tạo ra, cái nhận thức khởi lên từ các tấn tuồng của con, thậm chí còn bị tô màu bởi các tấn tuồng của tâm thức sa ngã, là tâm thức phản Ki-tô khiến con cho rằng con chỉ có hai chọn lựa do nhị nguyên quy định. Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, hãy vén bức màn lên để con nhìn xa hơn nhị nguyên và thực sự thấy được sự minh bạch của chỉ đạo thiêng liêng.”

Thày giả và đệ tử giả

Con yêu dấu, đó là lúc ta có thể giúp con. Đó là lúc ta có thể là đạo sư của con – khi con sẵn lòng nhìn thấy sự lừa dối, thiên vị, nhị nguyên của chính nhận thức của mình, cái mà con đã từng tin chắc là nó chính xác. Con sẵn lòng đón nhận cơn sốc sững sờ khi con chợt nhìn ra nhận thức của mình hạn chế như thế nào, thiên vị như thế nào, sai lạc như thế nào, và xa rời như thế nào so với nhãn quan của chân sư thăng thiên cùng thực tại của Ki-tô. Đây có thể là một cú sốc dữ dội. Và khi con khởi sự tiến trình vén màn, con sẽ kinh qua nhiều cú sốc như vậy.

Khi con sẵn lòng chịu đựng cú sốc nhìn thấy nhận thức của mình bị chất vấn, bị phơi bày là sai lạc, thì đấy chính là dấu ấn của một đệ tử đích thực của chân sư thăng thiên. Ngược lại, những ai chỉ tìm kiếm sự xác nhận rằng nhận thức của mình là xác đáng – những ai chỉ muốn nghe lời xác nhận cái mình muốn thấy, và cái mình muốn thấy là chân lý tuyệt đối, thậm chí còn là chỉ đạo thiêng liêng – thì những người đó không phải là đệ tử, đệ tử của chân sư thăng thiên. Họ là đệ tử của hàng ngũ thày giả, những kẻ phô trương mình là chân sư thăng thiên và hứa hẹn với con là họ sẽ đưa con lên thiên đàng mà con không cần phải lấy cái xà ra khỏi mắt con, cái xà của nhận thức ô nhiễm khiến con nhìn thực tại theo một kiểu nào đó, rồi nghĩ rằng đó chính là thực tại chứ không phải là cái tâm ảnh mà con đã đặt trước Thượng đế chân thực.

Có hằng hà vô số những kẻ mạo danh trong hàng ngũ giả trá đó. Thậm chí còn có những kẻ, một vài người trong số họ, tự nhận mình là Đại Chỉ đạo Thiêng liêng. Nhưng nếu con nhìn họ với cái nhìn nội tâm, nếu con đọc lời họ nói, nếu con chịu đọc rung động của họ, thì con sẽ thấy là họ không rõ ràng. Họ mơ hồ, tối tăm, có cái gì đó che giấu, cái gì đó mà con không thể nhìn ra. Và họ sẽ phóng chiếu lên con rằng con không thể thấy cái đó là vì tâm thức con không tinh khiết, và đó là tại sao con phải nhắm mắt tuân theo sự chỉ dẫn của họ. Nhưng ta nói với con: đó là một lời dối trá!

Cái ta ý thức của con có khả năng – ngay tức thì bây giờ – hòa điệu với Hiện diện của các chân sư thăng thiên chân chính, nếu con sẵn lòng nhìn nhận là nhận thức của mình, nhận thức của tâm vỏ ngoài, chỉ là đúng vậy mà thôi: nhận thức! Và nếu con chịu với xa hơn, cái ta ý thức của con có khả năng trải nghiệm được nhận biết thuần khiết, trải nghiệm nhận biết thuần khiết của chân sư thăng thiên.

Ta không là một sinh thể mờ ám. Không có che đậy. Ta không hề có mong muốn che giấu bất cứ gì khỏi con. Khi con hòa điệu với Hiện diện của ta, con có thể thấy trọn vẹn sinh thể mà ta là, con có thể thấy từng khía cạnh của cấu trúc kết tinh của ta. Không có gì che khuất khỏi con. Và nếu con sẵn lòng xuôi theo dòng chảy tâm thức của ta, con có thể đi tận tới Mặt trời Trung tâm – và xa hơn nữa, tới chính Đấng Sáng tạo. Không có gì ẩn giấu khỏi con trong chỉ đạo thiêng liêng, và nếu con nghĩ là có thì con không đang giáp mặt với chỉ đạo thiêng liêng.

Nếu có điều gì mờ ám, che đậy, một điều gì giận dữ hay sợ hãi, thì đó không phải là chỉ đạo thiêng liêng. Làm sao mà có được giận dữ trong chỉ đạo thiêng liêng? Liệu con nghĩ rung động của ta ngay bây giờ có là rung động giận dữ, hay con nghĩ đó là rung động của thực tế, và đơn giản ta chỉ đang chém xuyên qua sự dày đặc của tâm thức con, và như vậy ta cho con cơ hội hòa điệu với Hiện diện của ta nếu con chịu?

Hiển nhiên, con có thể ngồi đó với nhận thức ô nhiễm của mình, và con có thể phóng chiếu một hình ảnh lên ta, lên lời ta nói, lên rung động của ta. Con có thể thấy đó là giận dữ, con có thể thấy đó là một mưu toan khơi lòng sợ hãi trong con, nhưng đây chỉ là thực tại. Thực tại cho con một sự đồng cảm, để con đồng lượng định cái gì là thực, cái gì là rung động thực của chân sư, cái gì là rung động thực của một sinh thể vũ trụ. Vì ta là Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, TA LÀ một sinh thể vũ trụ, TA LÀ THUẦN KHIẾT, TA LÀ THỰC.

Chính con, cái ta ý thức của con, cũng thực. Và con có thể biết là ta thực – nếu con sẵn lòng nhìn vượt qua nhận thức ô nhiễm, không thực. Liệu con có sẵn sàng biết ta như ta là, hay con sẽ hài lòng với một kẻ giả mạo nói cho con nghe những điều con muốn nghe và quả quyết với con rằng: “Ồ nhất định rồi, nhất định nhận thức của bạn là thực, cách nhìn của bạn là thực”? Nếu đó là điều con muốn, ta sẽ cúi đầu tôn trọng hoàn toàn quyền tự quyết của con. Ta sẽ vui lòng để cho con phóng chiếu bất cứ hình ảnh nào con muốn lên bài giảng này.

Hãy cho ta một tuần cửu nhật

Nhưng từ điểm này trở đi, ta sẽ chỉ nói với những ai sẵn lòng bước xa hơn nhận thức của mình, sẵn lòng tìm biết Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Vì ta đến đây với một đề nghị. Nếu con sẵn lòng tìm biết Sứ vụ Thiêng liêng của con, con hãy dành ra một tuần cầu nguyện cửu nhật (novena) cho ta. Con hãy dùng bài chú của ta, đọc chú 14 lần nỗi ngày, nghe bài truyền đọc này nếu con muốn – hay chỉ nghe một vài đoạn nếu con có thì giờ – để con hòa điệu với rung động của ta đang thực sự tuôn chảy như một cấu trúc kết tinh xuyên qua những lời đó. Con hãy hòa điệu với hiện diện của ta. Đọc bài chú, xong ngồi đó với một quyển sổ và một tờ giấy trắng tinh, rồi ghi xuống bất cứ gì khởi lên trong con, bất cứ gì khởi lên mà không phân tích, không xét đoán, không lượng định. Ghi xuống và để yên cho nó chảy.

Nếu con làm vậy trong vòng 33 ngày, con sẽ có được một tầm nhìn khác hơn về bản thân, về đời con, về đường tâm linh và về Sứ vụ Thiêng liêng của con. Những gì được tỏ lộ sẽ tương ứng với sự sẵn lòng của con nhìn xa hơn nhận thức hiện thời của con, sẵn lòng nhận diện các hạn chế trong nhận thức, nhận diện cái cơ chế mà con sẽ cần hầu vượt khỏi trạng thái tâm hiện thời, vượt khỏi nhận thức khởi lên từ một trạng thái tâm cao hơn tức là cái nhìn về cuộc sống từ tầng mức ether, tầng mức bản sắc của con. Hãy sẵn lòng nhìn ra cách tiếp cận cuộc sống sâu xa hơn mà con đang có, xong hãy sẵn lòng nhìn vượt qua đó, nhìn thấy các giới hạn của nó, nhìn thấy rằng có một cách khác để nhìn cuộc sống – một cách Ki-tô để nhìn cuộc sống. Một cách cao vượt hơn hẳn cách của con người, đến độ tâm vỏ ngoài không làm sao hiểu thấu được. Nhưng cái ta ý thức thì có khả năng trải nghiệm cái đó, hợp nhất với cái đó, nhìn xuyên qua cái đó. Và như vậy, con sẽ có thể biểu đạt nó qua tâm vỏ ngoài cùng cơ thể vật lý của con. Con có thể sống nó, con có thể đồng sáng tạo thực tại cao hơn, nhưng trước tiên con phải hòa điệu với nó và trải nghiệm nó, và biết được đó là chính bản thể chân thực của con.

Và như vậy, bài giảng của ta đã xong, chén của con đã ngập, tràn cả ra ngoài. Một số các con, nếu con trung thực, sẽ nhận thấy luân xa của mình đã tràn đấy từ một lúc rồi, đến độ con không thể nào nhận thêm ánh sáng nữa, và vì vậy con đã trải qua nhiều loại cảm giác khó chịu và con chỉ muốn bài này chấm dứt. Thậm chí có cả những người không thể nghe nổi toàn bộ bài giảng này vì ánh sáng sẽ khuấy động chất liệu riêng của họ, khuấy động lên sự miễn cưỡng của họ khi phải nhìn xa hơn nhận thức, và do đó giản dị là họ phải ngừng lại vì không thể chịu nổi thêm nữa.

Trường đời Cay đắng không là một nơi dễ chịu chút nào. Chúng tôi cống hiến cho con một giải pháp khác hơn. Nếu con chấp nhận lời đề nghị của ta, ta sẽ cho con một ý niệm chỉ đạo thiêng liêng. Nhưng con phải nhìn vượt ra khỏi mong muốn thấy hệ thống tin tưởng của mình, thế giới quan của mình, thậm chí cả nhận thực hiện tại của mình, được xác nhận. Và ta cũng phải cảnh báo con, nếu con muốn nhận được chỉ đạo thiêng liêng đích thực, con sẽ phải thăng vượt mọi ham muốn, mọi nhu cầu sử dụng bất kỳ hình thức bói toán nào, bất kỳ phương sách máy móc nào mà con nghĩ sẽ đem lại cho mình câu trả lời, đặc biệt là những phương sách hay kỹ thuật đem lại cho con câu trả lời “có” hay “không”, bởi vì “có” và “không” cần được nhận rõ là thuộc về cõi nhị nguyên.

Nhưng bất kỳ phương sách hay kỹ thuật nào mà qua đó con đặt câu hỏi và tìm cầu trả lời cũng cần được nhận diện là bị giới hạn bởi chính câu hỏi của con. Và câu hỏi của con thì là sàn phẩm của trạng thái tâm cùng nhận thức hiện thời của con. Cho nên làm thế nào con có thể đặt những câu hỏi vượt ra ngoài trạng thái tâm cùng nhận thức? Thực tế đơn giản là con không thể, và do đó những câu trả lời con nhận được qua các loại kỹ thuật đó không thể đưa con vượt khỏi trạng thái tâm cùng nhận thức của con. Và như vậy sẽ có rủi ro rất lớn là chúng sẽ chỉ khiến cho trạng thái tâm cùng nhận thức của con đông đặc lại, cho đến khi con tưởng đó là dạng nhận thức duy nhất, đó là nhận thức cao nhất, là chân lý duy nhất. Và chính khi đó là lúc con bị kẹt vào thế tiến thoái lưỡng nan khi con không thể hòa điệu với bất cứ gì vượt khỏi hộp tư duy của con, và cái hộp này giờ đây giống như cái hầm giữ tiền kín mít của ngân hàng mà không gì từ cõi tâm linh có thể xuyên thủng qua.

Ta, Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, không thể làm việc lâu lắm với một cái tâm không sẵn lòng chất vấn nhận thức của nó mà lại muốn những câu trả lời máy móc từ cõi nhị nguyên. Làm sao một cái tâm như vậy thấu suốt được cấu trúc kết tinh mà ta là, dòng tâm thức mà TA LÀ, tiếng nói vô thinh do cấu trúc kết tinh tạo ra và gửi đến toàn bộ vũ trụ như một dòng tâm thức tuôn chảy?

À, cái này còn vượt cả âm nhạc của những quả cầu. Đối với những ai sẵn lòng hòa điệu, đó là một âm thanh thật tế nhị, thật đẹp đẽ, thật truyền cảm đến độ nó sẽ nâng con bay vút lên đôi cánh của muôn thiên thần, nếu có thể nói như vậy. Và con sẽ bay bổng lên theo tiếng nói vô thinh đó, ngày càng hòa nhập vào những biểu hiện cao hơn nữa, rồì cứ thế nâng lên mãi cho tới cấu trúc kết tinh. Trong chốc lát, con có thể nghĩ là khi lên tới đỉnh sẽ có một hình dạng nào rõ ràng hơn, một sinh thể nào rõ nét hơn, là Đại Chỉ đạo Thiêng liêng hay chăng? Nhưng khi con đến được đỉểm cao nhất là đỉnh chóp của kim tự tháp, con không còn nhìn lên nữa. Con quay lại và con nhìn xuống thấy toàn bộ cấu trúc, và con ngộ ra toàn bộ cấu trúc đó chính là Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, mỗi tầng của nó, mỗi thành phần của nó, bởi vì nó là một tổng thể, một tổng thể không làm sao phân ra được – và đó là sự chỉ đạo thiêng liêng. Con có thể là một phần của chỉ đạo thiêng liêng đó, nhưng chỉ khi con biết được sự nhận biết thuần khiết, khi con tự biết chính mình như điểm gặp gỡ giữa Đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài.

Chỉ đạo thiêng liêng là một ngọn lửa đẹp vô ngần, đến độ ta đã thương yêu nó từ những thuở xa xôi không thể nào đếm hết. Thuở đó ta cũng từng là một sinh thể cá biệt, ta cũng từng có một khả năng tự nhận biết cục bộ. Ta đã không đầu thai trên địa cầu hoặc ngay cả trong vũ trụ vật chất hay bầu cõi của con, mà trong một bầu cõi cao hơn. Nhưng ta đã phải nâng cao tâm thức của mình cho đến khi ta nghe được âm thanh tuyệt diệu đó, chẳng khác gì ngọn đèn hải đăng gọi ta trở về nhà. Và khi ta thiền định về âm thanh đó, hòa nhập vào nó và bước theo nó, ta nhận chân đó là ngọn lửa của chỉ đạo thiêng liêng, là rung động của chỉ đạo thiêng liêng, là dòng chảy của chỉ đạo thiêng liêng. Và ta quyết định là ta muốn biết rõ từng khía cạnh, từng cách biểu đạt mà chỉ đạo thiêng liêng có thể có. Và như vậy, ta đã hợp nhất với nó cho tới khi ta thăng vượt giai đọan làm sinh thể cá biệt để đạt đến tầng tâm thức của một sinh thể vũ trụ, cầm giữ trách vụ, ngọn lửa, viễn quan chỉ đạo thiêng liêng cho nguyên cả một vũ trụ. Thế nhưng ta vẫn có khả năng thị hiện sự Hiện diện của mình ở bất cứ nơi nào trong cấu trúc kết tinh đó trải rộng khắp vũ trụ.

Hiển nhiên là có những khu vực dày đặc đến độ không một sinh thể nào ở đó có thể hòa điệu với chỉ đạo thiêng liêng. Tuy nhiên, chỉ đạo thiêng liêng đứng ngoài cả thời gian lẫn không gian, và vì vậy nó có mặt mọi nơi. Con là một cái ta ý thức. Nếu con nhìn xa hơn nhận thức của mình và trạng thái tâm mình, và nếu con hòa điệu vào nhận biết thuần khiết mà con là, thì nhận biết thuần khiết đó có thể hòa điệu với chỉ đạo thiêng liêng. Và con sẽ có thể biết được ta y như ta biết con. Bởi vì kẻ biết với kẻ được biết trở thành một trong định ngộ, tức là trong sự duy nhất giữa Đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài, giữa hai khía cạnh nam và nữ của Thượng đế. Nơi đó, những ai ở trong cõi Mẹ, trong cõi của biểu đạt, được tỉnh ngộ để nhận biết mình là nối dài của Cha, và như vậy bên trong họ, cả Cha lẫn Mẹ là một. Ta niêm phong con, con yêu dấu, trong món quà của chỉ đạo thiêng liêng – nếu con chịu bước theo đó cho đến khi về nhà. Bởi vì ta ở nhà.

Bốn tầng của tâm

Một bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su

Ta muốn gửi các con một bài dạy căn bản về ý nghĩa thật của câu ta từng nói về “nhiều gian trong căn nhà Cha ta”. Câu này đã khiến nhiều người bối rối, và ta hoàn toàn thông cảm. Câu này là ví dụ điển hình về những giới hạn trong hiểu biết và từ vựng được sử dụng cách đây 2000 năm. Ta đã có ít cơ hội giảng giải cho người thời đó về một sự thật vô cùng thâm sâu mà mọi người tầm đạo tâm linh cần lãnh hội. Vậy bây giờ ta sẽ dùng hiểu bíết và từ vựng thời nay để làm điều đó.     

Trong thế giới ngày nay, hầu hết mọi người đều biết là có năng lượng. Hầu hết cũng biết năng lượng là một hình thức rung động. Hầu hết đã nghe nói tới thuyết tương đối của Albert Einstein, qua đó mọi thứ trong vũ trụ đều được tạo bằng năng lượng. Tiếc thay, hầu hết cũng chưa thật sự hấp thụ được những hệ quả to lớn của khám phá này. Và vì vậy, họ đã không có nỗ lực nào để thay đổi thế giới quan của mình hầu đáp ứng với thực tế nơi tất cả đều là năng lượng.  

Sự thật đơn giản là toàn bộ vũ trụ được tạo ra từ một chất căn bản duy nhất. Trong quá khứ, người ta gọi đó là ether. Ý niệm ether đã được đạo Phật cùng một số triết lý biết đến từ nhiều thế kỷ. Vào thời trung cổ tại Âu châu, các nhà giả kim (alchemist) cũng đã có biết đến – và có thể nói trong một số trường hợp, họ đã thực sự là những nhà khoa học thực nghiệm đầu tiên. Có cả những nhà vật lý chấp nhận khái niệm ether, cho tới khi một thí nghiệm đáng tiếc đã không tìm được tác động vật chất nào của ether – nhưng lý do họ không tìm được là vì ether không có đặc tính vật chất nào cả.

Từ đó, đa số nhà vật lý đã bỏ rơi khái niệm ether, một quyết định thật đáng tiếc cho khoa học. Vì quyết định này mà họ không thể hiểu được năng lượng một cách trọn vẹn, Họ thừa biết năng lượng là rung động, nhưng rung động chỉ hiện hữu nếu có một môi thể rung động. Như sóng biển không thể hiện hữu nếu không có biển. Cho nên sẽ không có sóng năng lượng, và cũng không có vũ trụ vật chất, trừ khi có một cái gì đó để rung động.      

Cái gì đó rung động chính là chất căn bản mà Thượng đế đã sử dụng để sinh tạo toàn thể thể giới hình tướng. Chất này được mô tả trong Thánh kinh qua câu “Và Đức Chúa Trời phán, hãy có ánh sáng.” Ánh sáng cũng có thể mô tả là diện nữ của Thượng đế Cha-Mẹ. Ánh sáng là Mẹ Thiêng liêng, thân thể của Mẹ Thiêng liêng, là Đấng sinh ra mọi hình tướng được chiếu hình lên Mẹ bởi ý muốn của Cha qua tâm của Con. Hình tướng được biểu hiện và nuôi dưỡng bởi quyền năng của Thánh linh, như Mẹ Mary yêu dấu có giảng dạy. Ánh sáng Mẹ còn có tên gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật.

Như con biết, ánh sáng mà con nhìn thấy là những sóng ánh sáng, rung động trong một dải tần số nhất định. Ánh sáng màu đỏ rung động ở tần số thấp hơn ánh sáng màu xanh hay màu tím. Và con cũng biết, có những tần số thấp hơn hay cao hơn ánh sáng nhìn thấy. Mắt con người không thấy được những tần số này cho dù chúng có thực không kém gì ánh sáng đỏ hay xanh.  

Đặc biệt cho bài này, chúng ta hãy dùng khái niệm căn bản: tất cả đều là rung động. Như vậy thì trong thế giới hình tướng, không hề có hàng rào bất khả xâm phạm nào. Mọi thứ đều là cùng một chất, chỉ khác chúng rung động ở những tần số, hay mức độ, khác nhau mà thôi. Tất cả đều được tạo bằng sóng năng lượng, và khác biệt duy nhất giữa Trời và Đất là độ rung của sóng năng lượng.

Câu “Nhà Cha ta có nhiều gian” thật sự có nghĩa như thế: nhà Cha ta là một tấm thảm năng lượng liên tục, một tấm thảm những rung động liên tục. Tấm thảm liên tục ấy có từng phân đoạn, và mỗi phân đoạn là một nhóm tần số. Mỗi phân đoạn là một gian trong căn Nhà của Thượng đế. Trong số đó, có một phân đoạn được con người gọi là vũ trụ vật chất. Ở ngoài cõi này là cái mà con người gọi là cõi tâm linh, hay Trời. Nhưng ngay trong cõi tâm linh cũng có nhiều phân đoạn nữa.

Bốn thể phàm của con

Qua bài này, ta muốn giúp các con hiểu rằng trong vũ trụ vật chất có mấy phân đoạn như thế. Nói chính xác, có cả thảy bốn phân đoạn, hay cõi, trong vũ trụ vật chất. Cõi mà mọi người đều quen thuộc là vũ trụ làm bằng vật chất. Đây là thế giới mà con có thể nhận biết qua giác quan vật lý của mình. Nó được tạo bằng những rung động trong một dải tần số mà giác quan vật lý có khả năng phát hiện. Lý do phát hiện được là vì cơ thể con được tạo bằng những năng lượng tương tự trong cùng dải tần số. Nói cách khác, cái gì làm bằng vật chất thì phát hiện được rung động của vật chất và chỉ những rung động đó thôi. Điều này giải thích tại sao các nhà vật lý kia đã không thể tìm thấy ether qua dụng cụ vật chất.

Bên trên cõi vật chất có ba phân đoạn nữa vẫn thuộc về cái gọi chung là vũ trụ vật chất. Khi từ cõi vật chất con đi lên phân đoạn trên, con bước vào một cõi có thể gọi là cõi cảm xúc. Ở trên nữa là cõi tư tưởng, và trên nữa là cõi bản sắc.  

Trong nhiều tôn giáo cùng triết lý lâu đời, như Phật giáo, Hy lạp cổ hay giáo lý huyền bí của các nhà giả kim, bốn cõi này được mô tả là bốn góc của Địa cầu, với tên gọi là đất, nước, không khí, lửa. Khái niệm này liên hệ với ý tưởng cổ xưa về hình vuông xuất phát từ hình tròn. Hình tròn biểu tượng cho Trời, vô tận và không có phân chia – nếu chúng ta dùng ý niệm không gian và thời gian. Nó tương ứng với ether.

Còn hình vuông biểu tượng cho Địa cầu, đúng hơn, cho vũ trụ vật chất. Vũ trụ vật chất là cõi của thời gian và không gian, được tạo ra bằng cách lấy cõi vô tận của hình tròn mà chia thành bốn hướng, bốn chiều kích, tức là bốn tọa độ của không gian và thời gian.  

Để con dễ hình dung, ta sẽ nói đến mối tương quan với tâm con người. Ta đã giảng trong trang mạng này là tất cả mọi thứ đều được nuôi giữ duy bằng một dòng năng lượng của Thượng đế tuôn chảy từ cõi tâm linh xuống vũ trụ vật chất. Trong mỗi con người, năng lượng tuôn xuống từ cái ta tâm linh xuyên qua những lớp tiềm thức cho tới khi nó chạm tâm ý thức. Năng lượng chảy xuống từ cõi tâm linh và đầu tiên nó vào cõi lửa. Một số giáo lý huyền bí gọi cõi này là bát cung ether, hay thể nhớ. Ta muốn gọi đó là cõi bản sắc. Đây là phần của tâm con cất giữ ký ức mọi trải nghiệm trong thế giới vật chất. Nó cũng cất giữ ý niệm bản sắc mà con đã xây dựng qua nhiều kiếp sống suốt hành trình của dòng sống con trong thế gian này. Khi năng lượng sự sống lần đầu tiên nhập vào tâm con, tức bản thân con, nó chảy qua bản sắc của con, và do đó nó bị bản sắc tô màu. Bản sắc con cũng bao gồm cách con nhìn thế giới, nhìn Thượng đế, quan hệ của con với thế giới và quan hệ của con với Thượng đế. Cho nên nó là cái nền tảng cho con phản ứng với cuộc đời trong cõi này.

Sau khi chảy qua bản sắc thể của con, nó nhập cõi không khí. Một số giáo lý gọi là cõi trí. Ta muốn gọi đó là cõi tư tưởng. Ở cõi này, năng lượng bị các tư tưởng của con về chính con và về thế giới tô màu. Tư tưởng con phần lớn được định đoạt bởi bản sắc con, nhưng vì chúng nằm ở một tầng thấp hơn trong tâm con, chúng mềm lỏng hơn, dễ thay đổi hơn những hình ảnh vùi sâu nơi bản sắc. Nói cách khác, tư tưởng có thể thích ứng hay bị ảnh hưởng bởi những tình huống cụ thể mà con gặp trong đời. Có thể nói, bản sắc định đoạt cách con nhìn đời rộng lớn, còn tư tưởng là cách con hiểu từng chi tiết trong tấm ảnh lớn đó. Bản sắc quyết định cách con nhìn thế giới, còn tư tưởng quyết định cách con nghĩ tưởng thế giới vận hành làm sao.

Sau khi năng lượng chảy qua thể tư tưởng, nó nhập vào cõi cảm xúc. Đây là cảm thể, chứa đựng cảm xúc của con về chính con và về thế giới. Cảm xúc chỉ đơn giản là năng lượng trong chuyển động, và chúng là tiền thân của hành động thể xác. Cho nên cảm xúc định đoạt cách con biến tư tưởng thành hành động. Có thể nói, một mình tư tưởng không có khả năng dẫn tới hành động. Tư tưởng chỉ đơn thuần là ý nghĩ, và để chuyển ý nghĩ thành hành động vật lý, tư tưởng cần đến hai đặc tính của cảm xúc, là phương hướng và cường độ. Cảm xúc con sẽ hướng tư tưởng con vào một hành động cụ thể, và cường độ cảm xúc sẽ định đoạt sức mạnh của hành động.  

Bước chót là khi năng lượng nhập vào bộ não cùng hệ thần kinh của cơ thể vật lý. Ở tầng này, cảm xúc của con được chuyển thành hành động, và hành động được định đoạt bởi phương hướng và cường độ của cảm xúc đứng đằng sau. Tất nhiên, phương hướng và cường độ của cảm xúc bị định đoạt bởi tư tưởng, và tư tưởng thì bị định đoạt bởi ý niệm bản sắc cùng thế giới quan của con.

Vậy con đã thấy, dòng chảy tự nhiên của năng lượng là tuôn xuống từ cái ta tâm linh qua thể bản sắc nơi nó bị thế giới quan của con tô màu. Năng lượng chảy tiếp vào thể tư tưởng nơi nó bị tư tưởng tô màu. Năng lượng lại chảy nữa vào thể cảm xúc nơi nó khoác lấy phương hướng cùng cường độ do cảm xúc định đoạt. Và cuối cùng, năng lượng chuyển thành hành động vật lý mà bộ não, hệ thần kinh cùng cơ thể đem ra thi hành.  

Người ta có thể ví nguyên tiến trình này như máy chiếu phim. Ánh sáng tuôn ra từ cái ta tâm linh giống như ánh sáng trắng tinh của bóng đèn trong máy chiếu. Các thể bản sắc, tư tưởng và cảm xúc giống như ba cuộn phim, và ánh sáng bị hình ảnh trên ba cuộn phim liên tiếp tô màu. Sau khi đi qua cả ba cuộn, ánh sáng được chiếu lên màn ảnh. Màn ảnh này chính là cái phần của tâm con ngụ trong vũ trụ vật chất. Đây là tâm ý thức của con và một số thành phần của tìềm thức con. Nó neo cứng vào trong não và hệ thần kinh của con.

Bốn tầng của vũ trụ vật chất

Hiểu được năng lượng vận chảy như thế qua tâm con, con cần đem hiểu biết này vào toàn thể vũ trụ vật chất. Vũ trụ vật chất cũng có bốn bát cung, hay tầng mức, khác nhau – bốn thể khác nhau.  Chúng tương đương với bốn tầng của tâm con, bởi vì thật sự vũ trụ chỉ đơn giản là một gian trong căn nhà, trong tâm của Thượng để. Như tâm con, vũ trụ vật chất được tạo bằng năng lượng cơ bản của Thượng đế tuôn chảy qua các cõi bản sắc, tư tưởng và cảm xúc trước khi nó thị hiện trong cõi vật chất.

Khi con hiểu rằng dòng năng lượng cơ bản này chảy xuyên qua bốn tầng của vũ trụ vật chất, thì con sẽ hiểu tầng thấp nhất, tầng của vật chất, là kết quả của những nguyên nhân tiềm ẩn hiện diện nơi ba tầng cao, là các thể cảm xúc, tư tưởng và bản sắc. Có thể nói vũ trụ vật chất chỉ đơn giản là sự phóng chiếu của hình ảnh nằm sẵn nơi ba tầng cao. Thực sự, vũ trụ vật chất không là gì hơn những hình ảnh được chiếu lên màn ảnh của một rạp chiếu bóng.

Khi con suy ngẫm điều này, con sẽ hiểu ngay rằng con có thể – và con bắt buộc phải – thay đổi vũ trụ vật chất bằng cách thay đổi ba tầng cao của nó. Đối với cá nhân con, nếu con muốn thay đổi hoàn cảnh đời mình, con phải bắt đầu bằng cách thay đổi cảm xúc, tư tưởng và bản sắc của con. Chỉ khi nào con thay đổi những hình ảnh nằm trong ba thể cao thì con mới có thể thay đổi hình ảnh hiện ra trong thế giới vật chất. Cũng vậy, trên bình diện hành tinh, chìa khóa để loại bỏ khổ đau loài người là thanh lọc thể cảm xúc, tư tưởng cùng bản sắc của toàn thể hành tinh, bởi vì hành tinh vật chất chỉ là hình chiếu của những hình ảnh lưu trữ nơi những cõi cao.

Địa cầu đã được tạo ra bởi bảy đấng tâm linh gọi là Elohim. Các Elohim luôn duy trì hình ảnh một địa cầu toàn hảo, và hình ảnh này vẫn còn đó. Tuy nhiên, hình ảnh toàn hảo đó đã bị tạm thời che phủ bởi một hình ảnh bất toàn được phóng chiếu qua các thể bản sắc, tư tưởng lẫn cảm xúc của nhân loại. Đây là cái mà tâm lý học gọi là vô thức tập thể.

Nguyên nhân thực sự của khổ đau

Bây giờ ta muốn chỉ cho con thấy tại sao địa cầu có quá nhiều biểu hiện bất toàn và tại sao con người phải chịu quá nhiều đau khổ đến thế. Lý do là ba thể cao của loài người đã bị ô nhiễm bởi một bản sắc bất toàn, những tư tưởng bất toàn và những cảm xúc không trong sạch.   

Như mẹ yêu dấu của ta giải thích trong bài kế tiếp, mọi điều nơi cõi Trời đều được định ra theo quy luật Thượng đế. Cho nên nếu một sinh thể tâm linh đi ngược lại quy luật Thượng đế thì y sẽ không thể ở lại cõi Trời. Mẹ ta cũng giảng dạy rằng trong vũ trụ vật chất, người ta có khả năng đi ngược lại quy luật Thượng đế. Lý do là vì vũ trụ vật chất được thiết lập như một lớp học cho các dòng sống đang học tập để vươn lên trở thành giống như Thượng đế. Thượng đế đã phú cho các dòng sống này quyền tự quyết và cái khung sườn để họ thử nghiệm năng lượng của ngài.

Vì vậy, các định luật của vũ trụ vật chất cho phép con người đi ngược lại quy luật Thượng đế mà không phải rời cõi này. Nói cách khác, họ có thể dùng quyền tự quyết của họ để chú tâm vào những hình ảnh không phù hợp với các nguyên tắc mà Thượng đế đã sử dụng để thiết lập thế giới hình tướng. Con người có quyền tạo dựng bản sắc riêng, xem mình là một thể sống tách biệt với Thượng đế, là sinh thể vật chất thay vì tâm linh. Họ có quyền tạo ra những hình tư tưởng lệch lạc so với sự thật và thực tại Thượng đế. Họ có quyền nếm trải những cảm xúc là sự tha hóa của cảm thức chân thật của Thượng đế. Và khi họ lao vào những bất toàn như vậy, họ có khả năng biến đổi vũ trụ vật chất và tạo dựng một thế giới biểu hiện bất toàn.

Tuy nhiên khi Thượng đế ban cho con người quyền tự quyết, ngài cũng đặt ra một khuôn khổ có chức năng một chiếc van an toàn, hầu không một ai có thể phá hủy được vũ trụ vật chất. Nói cách khác, tuy con người có toàn quyền làm bất cứ gì mình muốn với năng lượng Thượng đế, họ sẽ bắt buộc phải trải nghiệm chính những hoàn cảnh sống mà họ đã tạo ra với năng lượng đó. Nếu họ tham gia vào tư tưởng hay cảm xúc bất toàn, họ sẽ sinh sản những điều kiện cũng bất toàn như thế trong thế giới vật chất, và khả năng sáng tạo của họ sẽ bị giới hạn bởi những gì họ tạo ra. Làm gì thì chịu nấy.  

Có thể nói, Thượng đế đã thiết kế vũ trụ vật chất như một tấm gương. Nó giống như một màn ảnh chiếu phim, phản ánh những gì được chiếu lên nó xuyên qua tâm con người. Cho nên bất cứ hình ảnh nào con giữ nơi những tầng cao của tâm con, nó sẽ định đoạt các điều kiện đời sống mà con trải nghiệm trong thế giới vật chất. Nếu con có một hình ảnh bất toàn, con sẽ tạo ra một biểu hiện bất toàn mà tự nó nhất định sẽ hủy hoại. Tựa như con xây cất một Tháp Babel vậy, nó nhất định phải sụp đổ do chính sức nặng của nó.

Ở khởi thủy của địa cầu, các sinh thể tự nhận biết mang tâm thức cao hơn con người bây giờ. Trong tâm thức đó, các dòng sống này tiếp xúc một cách ý thức với cái ta tâm linh cùng những vị thày tâm linh của mình. Con người sử dụng quyền tự quyết của mình để thử nghiệm với năng lượng của Thượng đế, và khi làm vậy, họ thường lầm lỗi, tạo ra những biểu hiện bất toàn. Tuy nhiên vì họ biết rõ quy luật sáng thế, họ có khả năng nhận ra bất toàn, thừa nhận sai lầm, và lập tức thay thế kết quả bất hảo bằng kết quả tốt đẹp hơn.  

Nhưng sau khi Con Người Sa ngã, loài người đánh mất liên lạc với cái ta tâm linh cùng các vị thày tâm linh của mình, và vì vậy họ cũng không còn biết gì về quy luật sáng thế nữa. Họ quên mất quy luật rằng bất cứ gì mình tạo ra trong cõi vật chất chỉ đơn giản là sự phóng chiếu những hình ảnh được cầm giữ nơi ba thể cao hơn. Và như thế, họ cũng mất luôn hiểu biết rằng họ có khả năng thay đổi điều kiện vũ trụ vật chất bằng cách thay đổi nội dung các thể cao.   

Thế là con người bắt đầu tin rằng các điều kiện trong thế giới vật chất là vĩnh viễn, vượt ngoài tầm kiểm soát ý thức của mình. Họ bắt đầu xem mình là nạn nhân của những tình huống mà họ không hề gây ra. Họ bắt đầu coi mình là nô lệ của những thế lực ngoài vòng kiểm soát. Nếu nhìn dưới một khía cạnh nào đó thì quả thật là họ không sai. Đúng vậy, vì khi không chịu thay đổi cảm xúc, tư tưởng cùng bản sắc của mình, thì tất nhiên họ không thể thay đổi thế giới vật chất, và họ trở thành nạn nhân của điều kiện đời sống. Kẹt một nỗi là một khi mình đã tạo ra các điều kiện đó thì bây giờ mình phải tháo gỡ nó đi.

Chính vì đã quên, đã từ chối trách nhiệm về hoàn cảnh của mình như vậy mà họ đã tạo cơ hội cho một số sinh thể từ các bầu cõi cao hơn – những sinh thể đã đối nghịch lại quy luật Thượng đế – đầu thai trên địa cầu. Trong bài giảng, đức Mẹ Mary cũng mô tả sự kiện này.  

Con thấy đó, có sự khác biệt căn bản giữa thử nghiệm quyền tự quyết của mình (và lầm lỗi khi mình làm vậy) với cố tình đối nghịch lại quy luật cùng ý chỉ sáng tạo của Thượng đế. Như Mẹ Mary có mô tả, một số sinh thể trong cõi tâm linh đã chủ tâm nghịch lại quy luật cùng ý chỉ sáng tạo của Thượng đế. Xong chúng bị sa xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn, và cuối cùng một số đã đầu thai ở địa cầu.  

Những sinh thể đó đã khuynh loát nhiều người tin vào lời gian dối rằng tự do tối hậu chỉ có thể đạt được khi mình đi ngược lại quy luật Thượng đế. Chúng đã lừa dối tinh vi để gạt gẫm con người vi phạm quy luật Thượng đế, đồng thời tin rằng những hậu quả xấu mà mình gặt hái là không thể tránh được, thậm chí còn do Thượng đế làm ra.

Khi loài người rơi vào tâm thức thấp hơn, đó là khởi đầu cho một tiến trình ô nhiễm nơi bốn thể phàm của mọi người trên trái đất cũng như của tâm thức tập thể. Và điều này dẫn đến những điều kiện bất hảo dưới hình thức khổ đau, thiên tai cùng tai ương đủ loại.

Tất cả những gì con có thể thấy trong thế giới vật chất chỉ đơn giản là sự phản chiếu các thể cao hơn. Cả ba thể cao đó đã bị ô nhiễm và chứa đựng hình ảnh bất toàn. Nhưng có một thể đã hoàn toàn bị tà lực chiếm đoạt là cảm thể. Thể này là thể cốt yếu cho những ai muốn kiểm soát thế giới vật chất, bởi vì đó là cơ quan hoán chuyển tư tưởng thành hành động xác thân.

Bản chất của cảm xúc là lấy hình dạng của bất cứ hình ảnh nào được trí thể chiếu vào nó. Cảm xúc là năng lượng chuyển động, mà năng lượng thì không có ý niệm gì về đúng hay sai. Khi nó được hướng tới một hành động, nó sẽ tuôn vào đó mà không xét tới hậu quả. Cho nên nếu tà lực đã chiếm đoạt cảm thể một người, chúng có thể thao túng cho người đó làm bất cứ gì mà không xét đến hậu quả, không cân nhắc phải trái. Đây là nguồn gốc của hội chứng “Nếu thích thú thì cứ việc làm”, là hội chứng dựa trên lời dối gạt tinh vi rằng nếu mình cảm thấy ưa thích điều gì thì điều đó không thể sai trái.    

Vậy bây giờ con đã thấy, có những thế lực không ngừng ra sức thao túng con người qua cảm thể. Một cách để chúng thực hiện điều này là khiến cho cảm thể con người luôn luôn dao động, rồi dần dần chúng bồi thêm cường độ cho tới khi người đó không thể cưỡng lại năng lực cảm xúc được nữa. Cảm xúc trào ra thành hành động, và đây là hiện tượng khi những cá nhân, những nhóm người, thậm chí cả quốc gia, cảm thấy bó buộc phải làm những hành động mà họ bình thường không bao giờ làm. Đây là nguyên nhân chủ yếu của chiến tranh. Trong suốt thời gian dẫn đến chiến tranh, con sẽ thấy cảm thể của cả một nước bị kích động tới mức người ta cảm thấy phải làm một cái gì đó, và cái đó là phải chiến đấu chống lại kẻ thù được coi là đã gây ra kích động.

Các sinh thể trí năng trong cả bốn cõi

Có điều quan trọng nữa ta muốn giảng cho con trong bài này là nơi cả bốn cõi của vũ trụ vật chất, có những sinh thể trí năng tự nhận biết. Con người là những sinh thể trí năng sống trong cõi vật chất. Nơi ba cõi cao hơn cũng có những sinh thể trí năng. Một số những sinh thể đó chưa từng hiện thân trong một thể xác vật lý. Còn một số khác thì đã từng đầu thai nhưng hiện đang cư ngụ ở những cõi khác của vũ trụ vật chất.

Tiến trình tự nhiên của các dòng sống là đi xuống một xác thân vật lý để thử nghiệm cõi vật chất, và giúp Thượng đế đồng sáng tạo tầng cấp này của thế giới hình tướng. Một khi đã hoàn thành mục đích hiện thân trong vũ trụ vật chất, dòng sống sẽ thăng lên cõi tâm linh. Nói cách khác, nếu một dòng sống còn ngụ, hoặc bị kẹt lại, nơi bốn cõi vật chất, cảm xúc, tư tưởng hay bản sắc, thì đây không phải là chuyện tự nhiên. Như trường hợp một dòng sống bị mất quân bình khiến cho một hay nhiều thể của mình bị tha hóa, thì dòng sống đó có thể bị kẹt lại trong vũ trụ vật chất, không có khả năng thăng lên cõi tâm linh..   

Bốn thể phàm tương ứng với bốn nguồn lực của Cha, Con, Mẹ và Thánh linh. Cha tương ứng với bản sắc thể, Con với trí thể, Mẹ với cảm thể, và Thánh linh với xác thể. Nếu một dòng sống bị mất quân bình trong cả bốn thể phàm, nó sẽ bị kẹt lại trong cõi vật chất, và nó sẽ mãi tái đầu thai trong một loạt thân xác khác nhau. Nếu một dòng sống đạt được quân bình xác thể nhưng không trong ba thể kia, nó có thể bị kẹt lại nơi cảm thể. Nếu nó đạt được quân bình xác thể và cảm thể, nó có thể bị kẹt lại nơi trí thể, và nếu nó quân bình được cả ba thể thấp thì nó có thể bị ket lại nơi bản sắc thể.

Nếu con muốn thật sự hiểu tại sao ta giảng dạy bài này, con cần nhận rõ rằng cả bốn cõi của vũ trụ vật chất chỉ khác nhau về rung động. Cho nên khi học bài này, con đừng rơi vào cái bẫy của lối suy nghĩ đường thẳng. Chẳng hạn, vì cõi vật chất có độ rung thấp nhất và các cõi kia có độ rung cao hơn, con dễ nghĩ lầm rằng ba cõi kia nằm cao hơn, vượt ngoài cõi vật chất. Nhưng nghĩ vậy không chính xác đâu.      

Ngay trong căn phòng con đang ngồi, có rất nhiều làn sóng vô tuyến đang hiện hữu trong cùng một khoảng không gian. Các sóng vô tuyến này tồn tại trong cùng một không gian với cơ thể con, với tường, bàn ghế và không khí trong phòng. Cũng vậy, những tần số rung động khác nhau có thể tồn tại trong cùng một không gian. Điều ta muốn nói là cõi vật chất tồn tại ở ngay cùng một chỗ với các cõi khác – cảm xúc, tư tưởng và bản sắc.

Điều quan trọng cần nhận rõ ở đây là giữa bốn cõi không hề có hàng rào bất khả xâm nào. Nói cho đúng, các cõi đó còn có thể trùng lấp nhau nữa. Chẳng hạn, rất có thể ở một khu vực nào đó của cõi vật chất, các rung động được biến đổi để chúng cộng hưởng với rung động ở một cõi khác.

Tâm con người có khả năng hoạt động như chiếc máy radio. Như ta vừa nói, có rất nhiều làn sóng vô tuyến xâm nhập vào căn phòng mà con đang ngồi. Nếu con bật máy lên, con có thể bắt được từng làn sóng bằng cách quay cái nút. Máy radio biến sóng năng lượng thành âm thanh nghe thấy, mà con nhận biết là những đài phát thanh khác nhau. Tâm con có khả năng tựa như chiếc máy radio vậy, nó có thể bắt sóng của mọi tầng cấp vũ trụ vật chất. Nó cũng có thể bắt được các tầng cấp trong cõi tâm linh. Nói cách khác, tâm con người có khả năng vượt ra ngoài cõi vật chất để đồng điệu với những sinh thể trí năng ở các cõi cảm xúc, tư tưởng, bản sắc, hoặc cả cõi tâm linh nữa.

Một hệ quả của lời dạy này là nếu con cố bắt liên lạc với sinh thể trí năng ở những cõi khác, con cần biết rằng không phải ai ai ở đó cũng thiện lành. Rất có thể một số đã từng cố tình đối nghịch lại các quy luật của Thượng đế, và họ sẽ cố lôi kéo con làm điều tương tự. Những lý do khiến họ làm vậy được giải thích trong bài giảng của đức Mẹ Mary.

Đã từng có một thời cả bốn cõi đều có những sinh thể thiện lành trú ngụ ở đó. Thế nhưng cõi cảm xúc bây giờ bị ô nhiễm, tha hóa đến độ không còn ai tốt nữa. Tất cả mọi sinh thể nơi cõi cảm xúc đều đã mất quân bình, họ tin rằng mục tiêu có thể biện minh cho mọi phương tiện, và phương châm của họ là “nếu thích thú thì cứ việc làm tới”. Trên địa cầu có nhiều người hiện thân tâm thức này bởi vì cảm thể họ bị mất quân bình do đồng cảm với cõi cảm xúc. Và họ trở thành nô lệ cho bọn thao túng đang hoành hành ở đó.

Cõi tư tưởng cũng bị ô nhiễm nặng nề, nhưng vẫn còn một số sinh thể không ác ý. Tuy vậy, rất nhiều trong số đó còn bị kẹt trong cách suy nghĩ rằng họ có thể hiểu được mọi chuyện bằng lý trí. Thậm chí, một số còn đinh ninh họ thông hiểu thế gian hơn cả Thượng đế và do đó họ hiểu rõ hơn Thượng đế phải vận hành vũ trụ làm sao. Đây là sự kiêu căng của trí thức, và con sẽ thấy trên địa cầu cũng có nhiều người hiện thân lòng tự kiêu này. Lý do là vì trí thể của họ đã đồng tình với những sinh thể tự kiêu nơi cõi tư tưởng. 

Cõi bản sắc là cõi tương đối trong sạch nhất, cho dù cũng bị ô nhiễm bởi một ý niệm bản sắc sai lầm. Ở đây có những sinh thể tự xem mình tách biệt với Thượng đế, và họ phóng chiếu cái nhìn này vào tâm thức loài người. Nhưng song song cũng có những sinh thể trong cõi ether giữ vững được bản sắc đúng đắn rằng mình là sinh thể tâm linh.

Các thày trong Đại đoàn Thăng thiên giáo hóa để phục vụ loài người. Các thày sẵn sàng giao tiếp với bất cứ ai để giúp họ tiến bước trên đường tu tâm linh. Khi địa cầu còn trong sáng, các thày đã có thể hiện ra trước con người trong cõi vật chất, và ai nấy đều có thể gặp gỡ, đàm đạo với các thày. Điều này xảy ra không phải vì các thày đã hiện ra trong một thể xác vật lý, mà vì tâm thức con người thời đó còn trong trắng đến độ có thể nhận biết các thày trong “thân thể” tâm linh của các thày. Với giác quan vật lý, họ nhìn thấy được thân tâm linh của các thày.

Nhưng ngày nay, những sự mất quân bình mà loài người tạo ra đã kéo thấp độ rung của toàn cõi vật chất, và việc nhận biết các thày đã trở nên khó khăn hơn. Con người không thể nhận biết các thày qua giác quan của cơ thể, trừ những trường hợp hiếm hoi khi các thày mượn tạm một thân thể vật chất.

Cho nên muốn giao tiếp với Đại đoàn Thăng thiên trong thế giới hiện đại, con phải nâng cao tâm thức, và điều này có nghĩa con phải quân bình cả bốn thể phàm của mình. Con chỉ tạo được quân bình bằng cách đạt đến trung đạo của tâm thức Ki-tô. Nếu con không quân bình trong tâm Ki-tô thì con sẽ không liên lạc được với Đại đoàn Thăng thiên. Nhưng tiếc thay, con vẫn có khả năng liên hệ với các sinh thể trú ngụ nơi các cõi phàm. Con đừng quên rằng chúng bị kẹt lại ở đó chính vì chúng đã mất quân bình trong một hay nhiều thể. Cho nên nếu con muốn giao tiếp một cách an toàn với cõi trên, con cần phải vươn lên tâm thức Ki-tô, và điều này có nghĩa con phải quân bình cả bốn thể phàm của con.

Thiên đàng hay Địa ngục trên địa cầu

Qua bài giảng này ta còn có một mục đích nữa, là chỉ cho con thấy cả bốn tầng của vũ trụ vật chất đều tồn tại chung trong cùng không gian. Khác biệt duy nhất là độ rung. Vì tâm con người có khả năng điều khiển ánh sáng Thượng đế, nó có thể hạ thấp hoặc nâng cao độ rung của ánh sáng. Điều ta muốn nói là con người có khả năng thay đổi những rung động của thế giới vật chất để cộng hưởng với rung động của một trong mấy cõi kia.

Ví dụ, có nhiều khu vực trên hành tinh này, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi một số đông dân cư đã gia tăng sự mất quân bình nơi cảm thể mình đến nỗi toàn khu vực phải rung động ở tần số của cõi cảm xúc. Cõi cảm xúc hiện có những biểu hiện thấp kém nhất trong số các cõi. Một số khu vực của cõi cảm xúc đã thực sự trở thành cái mà người ta xem là Địa ngục. Cho nên trên địa cầu cũng có nhiều nơi với độ rung như cõi cảm xúc. Thực sự đó là những nơi Địa ngục Trần gian.  

Tương tự như vậy, có một số khu vực rung ở cùng tần số với cõi tư tưởng, chẳng hạn các học viện nơi người ta tôn vinh trí thức con người nhưng lại phủ nhận trí tuệ vượt trội của tâm Ki-tô. Và cuối cùng, có những khu vực được cống hiến cho sinh hoạt tâm linh, đồng điệu với cõi ether và cả với cõi tâm linh. Những nơi này chính là Thiên đàng Hạ thế.

Cho nên một lần nữa con thấy đó, con người có khả năng tạo dựng thực tại của mình. Con tạo ra thực tại qua quyền năng của tâm, nhưng để hiểu làm thế nào, con cần phải nhận ra rằng tâm con có đến mấy tầng. Tâm phàm của con rất giống một chiếc radio chỉ biết khuếch đại những tần số vô tuyến để giác quan có thể bắt được. Những gì con sáng tạo trong tâm phàm được định đoạt bởi những gì con tiếp nhận vào trong tâm từ các cõi cao hơn của tâm.   

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chiếc radio của tâm con sẽ bắt tần số của đài phát thanh nào? Nó sẽ đồng tần số với cái ta Ki-tô, hay nó đồng tần số với những sinh thể ở các cõi thấp? Ngay hôm nay con phải chọn con phục vụ cho ai. Con phải chọn gian phòng trong căn nhà của Cha ta nơi con muốn sống, và cách con chọn là đặt chú tâm vào một tầng cõi đặc thù nào đó. Nếu con còn mất quân bình nơi một thể thấp, con sẽ chú tâm vào cõi vật chất, cảm xúc hay tư tưởng. Nếu bản sắc thể của con còn mất quân bình, con sẽ chú tâm vào cõi bản sắc mà không lên được cao hơn. Nhưng nếu cả bốn thể phàm của con được quân bình thì con sẽ vươn lên cao hơn cõi bản sắc để hòa điệu với Đại đoàn Thượng thăng. Khi đó con sẽ trở thành cánh cửa mở cho rung động và chân lý nơi Thiên đàng xối xuống địa cầu. Con có khả năng trở thành cánh cửa mở đó để Lời Hằng sống chảy vào thế gian.   

Tia thứ Ba: Con luôn luôn xứng đáng nhận tình thương

Bài truyền đọc do Đại thiên thần Charity cùng với Paul người Venice, ngày 18/4/2009, qua trung gian Kim Michaels.

“Và dù ta nói với giọng của con người và của thiên thần, nhưng nếu không có lòng từ thiện, thì ta không là gì cả.” Con yêu dấu, những lời trên đáng suy ngẫm. Các con mới nghe một bản nhạc truyền đạt sự hùng vĩ của sự rung động của đại thiên thần. TA LÀ Charity (Từ thiện). Các con yêu dấu, thày đến đây để cho các con ý niệm từ thiện thực sự là gì.

Thực sự thì từ thiện không hẳn là chữ đúng, nhưng vì ngôn ngữ có giới hạn nên không có một từ nào bày tỏ một cách đúng đắn rung động đằng sau nó. Các con, dùng ngôn ngữ và sự hiểu biết của mình, có thể tìm ra một từ thích hợp hơn, và đúng thực, đó là “vô điều kiện tánh”. Đây là sự rung động được bày tỏ qua Tia thứ Ba, bình thường được gọi là Tia thứ Ba của Tình thương.

Tình thương, như nhiều từ khác, với thời gian đã mang một lớp vỏ nhị nguyên khiến nó trở nên hầu như vô dụng. Do đó, tình thương vô điều kiện, lẽ dĩ nhiên là một khái niệm thích hợp hơn. Nhưng tại sao không chỉ giản dị gọi là vô điều kiện tánh?

Dòng Sông sự Sống là gì? Nó là sự biểu lộ vô điều kiện của bất cứ đặc tính nào của Thượng đế. Không ai có thể nào tiến xa hơn trên con đường tâm linh mà không thực sự hòa điệu với sự rung động của vô điều kiện tánh – giống như con đã nghe thày Lanto giảng, hòa điều với sự rung động của minh triết.

Có rất nhiều người trong các phong trào tâm linh và tôn giáo hiểu được nhu cầu vươn lên trên lòng ích kỷ, tính vị kỷ và các hình thức biểu lộ thấp khác. Điều mà họ tìm cầu là hòa điệu với sự rung động của tình thương, nhưng đó là tình thương nhị nguyên là đối cực của sợ hãi, giận dữ, hận thù. Lẽ đương nhiên tình thương, theo nghĩa thiêng liêng, không có đối cực vì nếu nó có đối cực thì nó đã không thiêng liêng.

Như Chân sư MORE đã nói, sa nhân có ảo tưởng vĩ đại là họ đang chống đối Thượng đế. Ta chỉ có thể chống đối cái gì thuộc cõi nhị nguyên, do đó họ chỉ chống đối một hình ảnh khô chết của Thượng đế. Nhiều người không chống đối gì cả nhưng họ muốn đi vào tình thương. Nhưng nếu con muốn hòa điệu với một hình ảnh khô chết, thì làm sao con có thể chạm được tình thương thật sự? Như thày Lanto đã giải thích, điều này không thể xảy ra được.

7.1. Con hãy suy ngẫm vô điều kiện tánh

Do đó, ta cần suy ngẫm về vô điều kiện tánh. Vô điều kiện tánh. Đó thực sự là lý do vì sao các thày đã trao truyền khái niệm rằng ở một mức nào đó của con đường tâm linh, con cần ngưng ý muốn thay đổi chính mình. Cách duy nhất để vượt qua ảo tưởng cuối cùng của cái ta tách biệt là chấp nhận chính mình – một cách vô điều kiện – như gì con là.

Khi các thày giảng về hai tia đầu, con đã nghe về nhu cầu làm bước chuyển vọt này. Thày, cùng với thày Paul người Venice, tới đây để cho con tầm nhìn của Tia thứ Ba.

Làm sao con có thể tiến lên Tia thứ Tư của tinh khiết nếu con không hòa điệu với vô điều kiện tánh? Phải chăng chính điều kiện đã biểu hiện bợn nhơ trong tâm và thân thể con – ngay cả trong thân vật lý của trái đất, mà ta có thể thấy qua bao nhiêu sự bất quân bằng và thiên tai trong môi trường thiên nhiên?

Một lần nữa, không có công thức bí mật hay thần bí nào có tác dụng tự động. Khái niệm con không thể và không xứng đáng biểu lộ tình thương, khái niệm đó chính là vấn đề.

Tình thương là một lực vô điều kiện muốn được biểu lộ. Con không cần làm gì để trở thành cánh cửa mở cho vô điều kiện tánh biểu lộ. Có điều kiện nào mà con cần hội đủ chăng để biểu lộ cái vô điều kiện – tình thương vô điều kiện tự nó tuôn chảy và tuôn chảy và thăng vượt và tăng triển và biểu lộ, bất kể điều kiện như thế nào?

Một lần nữa, con có thấy chăng là điều này không thể xảy ra, điều này hoàn toàn phi lý và chỉ có cái ta tách biệt mới có thể tin như vậy? Con hơn cái ta tách biệt. Khi con còn nắm chặt khái niệm là con cần tới một trạng thái toàn hảo nào đó – trước khi con xứng đáng và có khả năng nhận lãnh tình thương của Thượng đế tuôn chảy xuyên qua con – khi con còn thấy mình tách biệt với dòng chảy của tình thương, thì tình thương không thể tuôn chảy. Nó sẽ không chấp nhận bất cứ điều kiện nào.

Con có quyền chấp nhận điều kiện cho chính mình. Nhưng con đừng rơi vào cạm bẫy của tâm thức vi tế của những sinh thể đã hoàn toàn tự đồng hóa với tâm thức nhị nguyên, và do đó đã cao ngạo tin rằng họ đang là một đối cực chống lại Thượng đế. Con không thể hạn chế Thượng đế, con không thể hạn chế tình thương, con không thể hạn chế sự biểu hiện của tình thương.

Hoặc con để nó tuôn chảy, hay nó sẽ tuôn chảy vòng quanh con. Không thể có cái gì ở giữa. Con có thể nghĩ có cái gì ở giữa, vì con người từ rất lâu đã tạo ra hình ảnh nhị nguyên, tương đối của tình thương, như là đối cực của hận thù, giận dữ, sợ hãi v.v.. Một số người đã trở nên thiện nghệ trong việc tạo một bề ngoài thương yêu và nhân từ.

Con có thể thấy ở nhiều nơi, ngay cả ở trung tâm chữa lành này, là có một số người đã rất thiện nghệ trong việc tạo một hình ảnh, như người đại diện một tổ chức thế gian. Hoặc con có thể tìm tới những người khiêm tốn suốt ngày đứng giúp người khác bước qua vũng nước chữa lành, và con có thể tìm thấy nơi họ một biểu lộ tình thương không gượng dối, không điều kiện. Biểu lộ này được tảy rửa trong ước muốn giúp người khác.

7.2. Khắc phục nỗi sợ bị ruồng bỏ

Tình thương không muốn sở hữu. Khi nó không muốn sở hữu, thì cũng có nghĩa nó không cần được đền đáp. Con hãy xem xét nỗi sợ biểu lộ tình thương vì sợ bị ruồng bỏ. Khi con có nỗi sợ bị ruồng bỏ, thì con chưa hòa điệu với sự rung động của vô điều kiện tánh. Khi tình thương được biểu lộ vô điều kiện, thì làm sao con có thể sợ bị ruồng bỏ?

Làm sao tình thương vô điều kiện có thể bị ruồng bỏ? Tình thương vô điều kiện tự nó đầy đủ. Nó vui sướng khi chỉ đơn giản được biểu lộ, khi nó tự biểu lộ, khi nó tuôn chảy.

Khi con nghĩ con phải biểu lộ tình thương cho một người mà thôi – và con muốn tình thương đó được người đó đón nhận, ngay cả là được đón nhận một cách nào đó – thì con đang không ở trong dòng chảy của tình thương vô điều kiện. Con đang hòa điệu với rung động thấp của tình thương có điều kiện. Con vẫn có thể có tình thương đối với một người khác, con vẫn có ý muốn biểu lộ tình thương đó, nhưng con chưa đạt tới tiềm năng cao nhất. Con sợ bị ruồng bỏ, hay con muốn sở hữu, hay được đền đáp một cách nào đó.

Khi con nghĩ con cần điều gì từ một người khác hay từ nguồn nào đó trong vũ trụ vật chất, thì con cảm thấy thiếu thốn. Con có tâm thức thiếu hụt. Con nghĩ con thiếu điều gì, và người nào khác phải tới để lấp đi sự thiếu hụt đó, lấp đi lỗ hổng đó, để con có thể trọn vẹn. Đó là một ảo tưởng.

Ngay cả khái niệm ngọn lửa song sinh – tức là có một người là ngọn lửa song sinh của con và do đó ngọn lửa song sinh đó là tình thương toàn hảo có thể khiến con trọn vẹn – đó cũng không phải là mức hiểu biết cao nhất. Ngọn lửa song sinh tâm linh thực sự của con là cái ta cao của con, là Hiện diện TA LÀ của con. Chỉ khi nào con hợp nhất với thì con mới đầy đủ, mới trọn vẹn.

7.3. Vô điều kiện tánh và sự chữa lành

Những điều trên soi sáng ra sao khái niệm chữa lành? Nó có nghĩa là con không thể tự chữa lành khi còn trong tâm thức cho rằng mình cần chữa lành. Con không thể trở nên trọn vẹn với tâm thức thấy mình không trọn vẹn.

Cách duy nhất để thoát ra khỏi thế tiến thoái lưỡng nan này là thăng vượt ảo tưởng là con không trọn vẹn. Điều này thoạt nghe giống như một thế tiến thoái lưỡng nan khác. Làm sao con có thể thăng vượt ảo tưởng mình không trọn vẹn khi mình đang cảm thấy mình không trọn vẹn?

Nhưng sự thực là con có thể làm được – khi con nhận ra sự kiện con là ai. Con là một sinh thể có tự nhận biết, và như Chân sư MORE đã giảng, con đã được ban cho quyền tự quyết hoàn toàn. Con có tự do sáng tạo mọi trải nghiệm mà con mong muốn trải nghiệm. Làm sao con tạo ra một trải nghiệm? Bằng cách khoác vào một bộ y phục, một vai trò, và nghĩ: “Đây là người TA LÀ”. Như các thày đã giảng, dù con có đồng hóa mình với ý niệm bản sắc tách biệt đó biết bao nhiêu chăng nữa, thì con vẫn là gì con là.

Con có tiềm năng nhận ra và thừa nhận con là ai. Con có tiềm năng nói: “Không phải là một lực bên ngoài – đây có thể là rắn, hay lực bên ngoài nào khác, cũng có thể là Thượng đế vỏ ngoài muốn trừng phạt tôi – đã khiến tôi rơi vào cảm nhận mình không trọn vẹn. Đó là kết quả của một số chọn lựa mà tôi đã lấy.”

Khi con nhận ra chính con đã chọn lựa rơi vào cảm nhận không trọn vẹn, thì điều hợp lý là con có quyền năng thay đổi những chọn lựa đó. Con có thể thay đổi chúng bằng chọn lựa khác đem con trở lại với trọn vẹn, hay đúng hơn, mang con ra khỏi ảo tưởng là con đã tách biệt khỏi sự trọn vẹn. Vì đúng thực, làm sao con có thể tách biệt khỏi cái vô điều kiện?

“Vô điều kiện” có nghĩa là có mặt khắp nơi. Con không thể tìm ra một chỗ nơi đó tình thương vô điều kiện của Thượng đế vắng mặt. Điều này không thể có được.

Con giống như con cá chối bỏ nó đang ướt. Thày cũng biết là loài cá thường được coi là không thông minh, nhưng tuy thế, con cũng thấy nếu một con cá nghĩ như vậy thì thật là lếu láo.

Lẽ dĩ nhiên, con nhận ra là tự ngã không khôn ngoan lắm – tuy nó nghĩ nó khôn ngoan, tuy có người nghĩ nó khôn ngoan. Đúng thực là con có thể, như một số người đã làm, man trá tạo cho mình một đia vị khiến nhiều người trong thế gian coi tự ngã của con khôn ngoan hay xuất sắc một lối nào đó. Tuy thế, khi con có thể bắt đầu cười tự ngã, thì con đã bắt đầu tách ra khỏi nó.

7.4. Vô điều kiện tánh trong quan hệ con người

Đúng thực là có nhu cầu nhìn nhận tình thương không phải là tình yêu lứa đôi trịnh trọng mà con thấy mô tả trong phim, kịch, sách hay tranh vẽ. Con yêu dấu, ta không nên nhìn tình thương với thái độ trịnh trọng.

Nếu con coi tình thương trịnh trọng, thì đó chỉ có thể là tình thương có điều kiện. Khi con hòa điệu với tình thương vô điều kiện của Thượng đế, con chỉ đơn giản trôi theo Dòng Sông sự Sống. Do đó, con chỉ cảm thấy vui mừng.

Con hãy xem xét tình cảnh con nghĩ con thương yêu một người khác, nhưng con không cảm thấy vui mừng. Con cảm thấy căng thẳng, con sợ bị ruồng bỏ, hay con cảm thấy người kia phải thương con trở lại và phải cư xử một cách nào đó. Con thực sự đang tìm cách – nếu con thành thật với chính mình – giới hạn người kia thay vì cho người kia tự do. Con có thấy chăng là tình thương vô điều kiện không bao giờ tìm cách giới hạn ai cả, mà chỉ muốn tất cả mọi người trở nên HƠN NỮA, và tự do trôi theo Dòng Sông sự Sống? Vậy làm sao con có thể tạo trong tâm hình ảnh là chỉ có một người duy nhất trên trái đất xứng đáng được nhận lãnh tình yêu của con, và con nhất định tình yêu này phải được đáp trả? Nếu không được vậy thì con rơi vào trạng thái kịch cỡm mà con thấy trong các vở kịch là con muốn chết thay vì bị ruồng bỏ. Con có thấy sự hài hước trong đó chăng? Đây đúng là một màn trong một hài kịch thiêng liêng, như người xưa nói, tuy đây không phải là sự thiêng liêng thực sự mà chỉ là một hình ảnh của sự thiêng liêng do con người tạo ra.

Con hãy cười sự trịnh trọng của mình khi con nghĩ tới tình yêu. Con hãy trút bỏ bộ áo diễn kịch của vai trò người tình trịnh trọng. Con hãy đơn giản trút bỏ nó! Con hãy trở nên người tình vui vẻ vì con nhận ra con là người yêu dấu của một người tình vĩ đại, là Người Tình Thiêng liêng thương yêu con như người yêu dấu của ngài.

Đúng thực là cái ta cao của con, Hiện diện TA LÀ của con, chính là Người Tình Thiêng liêng của con, thương yêu con như người con yêu dấu duy nhất. Nếu con muốn nhận được tình yêu cho chính cá nhân mình, con đừng nên tìm nơi một người khác vì không ai cho con được. Con hãy tìm nơi cái ta cao của con. Con hãy đầy đủ trong tình yêu đó.

Lúc đó con có thể, khi con đã hoàn toàn chào đón và chấp nhận sự đầy đủ đó, tiến thêm bước nữa và nhập một với dòng chảy của tình thương. Qua đó, con trở thành một với Người Tình Thiêng liêng, và nay con trở thành Người Tình Thiêng liêng đang hiện thân – là cánh cửa mở cho dòng chảy của tình thương. Con là cánh cửa mở cho lực thương yêu mọi sự sống và tìm cách nâng cao mọi sự sống. Lúc đó làm sao con có thể rơi vào cạm bẫy của ảo tưởng cho rằng tình yêu của con phải chuyên chú vào một người mà thôi?

Có phải chăng là thày đang nói là con không thể có môt quan hệ thương yêu giữa một người nam và một người nữ? Không, thày không nói vậy. Thày chỉ nói là con sẽ không bao giờ có một quan hệ thành công, một quan hệ thể hiện được tiềm năng cao nhất của nó, nếu con không tự giải thoát khỏi lớp vỏ của điều kiện tánh – và qua đó con cũng giải thoát người bạn đường của con. Quan hệ của con trở nên một quan hệ vui vẻ, vui đùa, tuôn chảy không bị gò bó bởi giới hạn, điều kiện, mong chờ, lên án, và cảm nhận tình yêu không được đáp trả.

7.5. Vì sao con muốn lên thiên đàng?

Như Chân sư MORE có nói, nếu cách con sống đời tâm linh không dựa trên sự vui mừng, thì tâm linh đâu có nghĩa lý gì? Vì sao con muốn lên thiên đàng nếu con nghĩ thiên đàng sẽ khiến con khổ sở? Vì sao con lại muốn có một quan hệ tình yêu nếu con nghĩ nó sẽ khiến con khổ sở?

Con hãy thay đổi nhận thức của mình. Con hãy bước ra ngoài điều kiện tánh và chào đón vô điều kiện tánh. Con có cảm thấy là con không thể buông bỏ tình yêu đối với một người nào đó? Đó chính là một điều kiện. Nếu con còn bám chặt nó, thì con sẽ khổ sở và có thể con cũng khiến người kia khổ sở luôn.

Lẽ dĩ nhiên, thày là biểu hiện của tình thương vô điều kiện của Thượng đế và thày thương yêu con vô điều kiện – dù con chọn muốn mình khổ sở. Tình thương của thày không có điều kiện, và do đó con sẽ nhận tình thương đó bất kể con nghĩ gì về chính mình. Dù con có nghĩ – vì điều gì con đã làm hay đã không làm – là con không xứng đáng nhận tình thương của thày, nhưng không phải vậy.

Nếu con không thể buông bỏ cảm nhận mình không xứng đáng – nếu con đã học pháp, đã đọc các bài nguyện, hay đã thực tập thiền hay các hình thức thực tập tâm linh khác mà vẫn cảm thấy bị kẹt trong một điều kiện nào đó – thì con có một chọn lựa cuối. Con hãy ngưng tìm cách thoát ra khỏi điều kiện, con hãy chào đón nó.

Chuyện gì xảy ra khi con đi vào một trạng thái rung động thấp, khi con chấp nhận một điều kiện nào đó? Con chấp nhận rằng, vì điều kiện đó, con không thể để cho tình thương tuôn chảy tự do và vô điều kiện. Nó phải được biểu hiện hay không được biểu hiện tùy theo một tiêu chuẩn nào đó. Đó chính là điều khiến con cảm thấy không trọn vẹn. Con khóa dòng chảy từ thể cao của con, dòng chảy của vô điều kiện tánh chảy xuống từ Hiện diện TA LÀ của con đang tìm cách nâng mọi sự sống lên. Đó chính là lý do vì sao con cảm thấy khổ sở. Con cảm thấy, vì điều kiện này hay điều kiện kia, con không thể thương yêu.

Do đó, con hãy thương yêu điều kiện đang khiến con nghĩ con không thể thương yêu. Con hãy thương yêu cảm nhận mình đang khổ sở. Nếu con có thể thương yêu điều mà nhiều người cho là không thể thương yêu, thì con không còn tách biệt với dòng chảy của tình thương. Chắc hẳn là một ngày nào đó, con sẽ thức tỉnh và nói: “Hay quá, tôi không còn khổ sở nữa.” Lúc đó, con hãy đi theo niềm hân hoan của mình.

7.6. Hãy nghĩ tới việc sử dụng uy lực của âm nhạc

Các thày, là đại diện của Tia thứ Ba, muốn lưu ý con về uy lực của âm nhạc. Hầu hết các con đã nhận ra là, trong suốt cuộc đời mình, có những bản nhạc nâng cao tâm hồn mình và giúp mình hòa điệu. Có thể là con không nhận ra điều này với tâm vỏ ngoài, nhưng các bài nhạc đó đã giúp con hòa điệu với một rung động bên ngoài tâm thức bình thường của con, qua đó giúp con hoà điệu với một rung động vượt quá điều kiện của con. Nếu con cảm thấy tâm hồn bay bổng qua âm nhạc, thì con hãy dùng âm nhạc. Con hãy tìm loại nhạc nâng tâm hồn con lên vì nó biểu lộ dòng chảy của Dòng Sông sự Sống.

Con đừng chỉ nghe những khúc nhạc đó khi con lái xe, rửa chén hay làm những việc tay chân khác. Con hãy thỉnh thoảng vào một căn phòng nơi con có thể ở một mình và không bị quấy rầy. Con hãy bắt đầu bản nhạc, tắt đèn, nằm xuống giường sao cho chỉ có tối thiểu trọng lực kéo thân thể con xuống. Sau đó con cho phép âm nhạc đưa con theo dòng chảy của nó cho tới khi con nhận ra mình tới không gian thiêng liêng của vô điều kiện tánh. Con bỗng nhiên nghe thấy đằng sau bài nhạc âm thanh của chính sự sống. Con yêu dấu, khi con nghe âm thanh đó, tiếng ngân của vũ trụ, con sẽ có được, một lần nữa, một sự đồng-đo lường, một trải nghiệm của tình thương thực sự khi nó vô điều kiện.

Con có thể dùng trải nghiệm này để có một cái nhìn khác về cuộc đời và thấy là điều kiện tánh lấy đi cảm giác nổi lềnh bềnh khi không có điều gì lôi kéo con về một điều kiện nào đó, một vai trò và bộ y phục trong màn kịch của vũ trụ vật chất. Đây không phải là trốn tránh – khi con dùng nó không để trốn chạy các vấn đề mà con đang phải đương đầu. Con dùng nó để có một tầm nhìn khác về các vấn đề của mình, để con nhận ra con không một với vấn đề. Con hơn nữa, vì con đã trải nghiệm là con hơn nữa.

Con có nghĩ chăng là người yêu kịch nghệ mà thày nói tới có thể nổi lềnh bềnh trong không gian kỳ diệu? Không đâu, vì y quá chìm đắm trong chính mình và các điều kiện của y, và không thể buông bỏ chúng. Nhưng con thì con có thể! Cái ta thật của con có thể trải nghiệm vô điều kiện tánh. Chỉ khi nào con đã trải nghiệm , thì con mới thật sự biết là có cái gì bên ngoài thế giới điều kiện. Chỉ khi nào con biết nó, thì con mới có thể tiến lên bước tới là nhập một với nó. Lúc đó con thấy mình trước tiên là đối tượng của tình thương của Người Tình Thiêng liêng, sau đó con nhập một với Người Tình Thiêng liêng và con thấy – con là cánh cửa mở của – tình thương muốn được biểu lộ đối với mọi sự sống. Đây là chìa khóa để vượt qua ý niệm tình thương giả, tình thương có điều kiện.

7.7. Thân thể không phải là kẻ thù của con

Con không thể giản dị ép mình phải thương yêu một người hay thương yêu căn bệnh của mình, hay ép tình thương của mình biểu lộ cách nào khác. Con chỉ có thể hòa điệu với trạng thái vô điều kiện và để nó tuôn chảy – để nó tuôn chảy.

Con yêu dấu, điều này nghĩa là gì? Khi con nghĩ về nó một cách trung thực, con sẽ thấy là có rất nhiều chuyện trên thế gian mà con không muốn thấy, con co rút lại trước chúng, con rút lui khỏi chúng, con mong muốn chúng không hiện hữu. Chắc chắn đây là điều hiểu được, khi ta thấy tình trạng của thế giới.

Tuy nhiên, thực tế là khi có điều gì con không muốn thấy, thì con nghĩ, con cảm thấy, con có cảm giác là con không thể biểu lộ tình thương với cái đó. Con cảm thấy là cái đó không xứng đáng được thương yêu. Con phải là vị quan tòa và phải giữ lại tình thương để nó không tuôn chảy qua con tới điều kiện đó hay người đó hay nhóm người thuộc tôn giáo hay chủng tộc đó, hay bất cứ cái gì khác phân chia con người.

Khi con bắt đầu khóa dòng chảy của tình thương, thì chuyện gì đương nhiên sẽ xảy ra? Con người của con, thể thấp của con, trở thành một hệ thống khép kín. Khi đặc tính này lan qua bốn thể phàm của con và tới thể vật lý, thì con bị bệnh.

Lúc đó con nghĩ là thân thể của con đang chống đối lại con. Con sợ không dám nhìn vào tình trạng thân thể, con mong muốn không thấy nó, con muốn chạy trốn nó, như thày Lanto đã giảng. Con nghĩ con không thể nào thương yêu điều đang tàn phá thân thể của con.

Con đang làm gì trong tiến trình này? Con đang nói là những tế bào bị ung thư, con không thể thương yêu chúng. Nhưng các tế bào này đang làm gì? Chúng đang trải bày một trạng thái tâm thức đã khiến con khóa dòng chảy của tình thương. Khi con nói là con không thể thương yêu các tế bào đang trải bày tâm thức đó, thì làm sao các tế bào đó có thể giải thoát chúng khỏi bệnh trạng đó?

Con phải nhận ra là tế bào không có sự tự nhận biết giống như con. Chúng chỉ có thể trải bày những gì được phóng chiếu lên chúng. Khi con phóng chiếu một hình ảnh không thương yêu khiến chúng mang một bệnh – hoặc bệnh ung thư hay bệnh nào khác – và sau đó con củng cố thêm bằng cách phóng chiếu hình ảnh khác là các tế bào đó phải bị tiêu diệt và bứng ra khỏi thân thể con – vì con không thương yêu chúng, có thể con tức giận hay thù hận chúng – thì làm sao các tế bào đó thoát được hai gánh nặng mà con đặt lên chúng?

Con là người duy nhất có thể phá được vòng lẩn quẩn đó. Con làm điều này bằng cách nhận ra là chính sự thiếu thốn tình thương đã khiến các tế bào của con trải bày thành căn bệnh. Cách chữa lành thật sự duy nhất là tái lập dòng chảy của tình thương – và con phải là người làm công việc tái lập đó. Con yêu dấu, con không cần phải thương yêu căn bệnh. Nhưng con cần thương yêu các tế bào để con thương yêu chúng thoát căn bệnh – thoát để tự do phơi bày trạng thái cao hơn của sự duy nhất, của sự khỏe mạnh toàn hảo.

Như thày Lanto đã giảng, ta có thể thấy minh triết ở khắp nơi. Có minh triết trong các tế bào của con. Chúng không có tự nhận biết, nhưng chúng có minh triết của Mẹ Thiêng liêng biết cách thể hiện sức khỏe toàn hảo – nếu chúng được phép trải bày đặc tính bên trong chúng. Có phải chăng là Thượng đế đã viết luật của ngài lên tạng phủ của con? Khi con thương yêu các tế bào tự do, chúng sẽ biết cách rũ bỏ bệnh ung thư hay các chứng bệnh khác và trải bày tình trạng khỏe mạnh tự nhiên của chúng.

7.8. Tình thương của thày lúc nào cũng sẽ có mặt

Thày đang ngưng lại để ghi nhận dòng tâm thức trở ngược về từ các con – các sợ hãi và nghi ngờ những gì các thày đã nói với con trong bài này và các bài trước. Thày đang hấp thụ tâm thức đó. Sự kiện con nghi ngờ lời thày, con sợ không dám đem ra áp dụng, không có nghĩa là thày không thương yêu con. Thày thương yêu con bất kể con phản ứng ra sao hay không phản ứng lại lời nói và sự rung động của thày. Tình thương của thày vô điều kiện, vượt thời gian. Nếu con không thể chấp nhận nó lúc này, thì con đừng lo lắng. Con không cần chê trách mình vì con không thể tức khắc chấp nhận điều con nghe thấy.

Thày muốn con biết là thày sẽ luôn luôn có mặt. Tình thương của thày sẽ luôn luôn có mặt. Nếu con không thể chấp nhận nó lúc này, thì bất cứ lúc nào con có thể chấp nhận nó, con đừng rơi vào cạm bẫy của ảo tưởng cho rằng vì con không thể chấp nhận thày trong quá khứ, thì con cũng không thể chấp nhận thày bây giờ, vì con không xứng đáng. Con đừng nên tạo ra thêm những lớp ảo tưởng bên trên ảo tưởng.

Con hãy nhớ lời thày: tình thương của thày vô điều kiện. Con không cần hội đủ điều kiện nào để xứng đáng nhận lãnh nó. Con chỉ có hai chọn lựa: hoặc con chấp nhận, hoặc con chối bỏ. Tình thương thày vô điều kiện, do đó nếu con chối bỏ nó, thày không bị ảnh hưởng bởi sự chối bỏ đó.

Thày sẽ tiếp tục thương yêu con vô điều kiện. Bất kể con lúc này chối bỏ tình thương của thày mạnh mẽ như thế nào chăng nữa, bất cứ lúc nào trong tương lai khi con quyết định trút bỏ bộ y phục, thì tình thương của thày vẫn có đó để con chấp nhận. Tự ngã của con muốn con nghĩ là không thể như thế. Nhưng sự thực là như thế.

Trong quá khứ đã như thế.

Trong tương lai cũng sẽ như thế.

Đó là sự thực về tình thương. Đó là tình thương thực sự. Nếu con muốn tách ra khỏi tình thương của thày, nếu con muốn chối bỏ nó, thì thày vẫn thương yêu con vì con chối bỏ thày. Bất kể con cảm nhận ra sao, con nghĩ gì, thày vẫn thương yêu con.

Tình cảm và tư tưởng là hình ảnh phù du đi qua tâm con người. Con hãy ngưng máy chiếu phim thì con sẽ thấy là màn ảnh cuộc đời vẫn trắng, bất kể hình ảnh nào đã được phóng chiếu lên đó. Cốt lõi con người con, cái Ta Biết của con, là một tấm màn trắng, có nghĩa là dù con được tạo ra với cá thể, con không được tạo ra với điều kiện. Con yêu dấu, con đã không được tạo ra với bất cứ điều kiện nhị nguyên nào.

Con được tạo ra với đặc tính cá biệt vô điều kiện. Thày biết rõ là tâm đường thẳng của con không thể thấu hiểu khái niệm này. Nhưng phải có một cách diễn tả bằng lời khiến con suy nghiệm, cho tới khi con tới điểm chuyển đổi nhận thức. Con nhận ra vô điều kiện tánh có thật, và các điều kiện không có thật, các điều kiện này chỉ đang che khuất tấm màn trắng bằng cách khiến con chú tâm vào những hình ảnh phù du không thể nào thỏa mãn con người thật của con, lòng khát khao tình thương thật của con.

Làm sao bất cứ tình thương nào đến từ cõi vật chất có thể thỏa mãn lòng khao khát tình thương bẩm sinh của con? Lòng khao khát bẩm sinh của con là lòng khao khát nhập một với cái con là, cái ta cao của con. Đó là lòng khao khát trầm mình trong Dòng Sông sự Sống bằng cách thực thi vai trò mà cái ta cao đã tạo ra cho con – đó là một người đồng sáng tạo và thể hiện nước Trời trong vũ trụ vật chất.

7.9. Hãy hòa điệu với tình thương

Lời của thày đến với các con qua trung gian một người đang hiện thân trong cõi vật chất, và điều không thể tránh được khi con hiện thân, là khả năng thương yêu của con có giới hạn. Chắc chắn là không ai đang hiện thân có thể đồng thời ở trong sự viên mãn của tâm thức thăng thiên – cũng là sự viên mãn của vô điều kiện tánh. Con hãy đừng chú tâm vào người sứ giả bên ngoài. Con hãy vượt quá hình tướng bên ngoài, con hãy vượt quá âm thanh của lời nói, con hãy vượt quá ngôn từ.

Con hãy theo ngôn từ như theo một dòng tâm thức dẫn tới sinh thể thật mà TA LÀ. Thày là một với đẳng cấp Tình thương Thượng đế, tình thương vô điều kiện và tất cả các sinh thể đang biểu lộ vô điều kiện tánh đó. Con hãy theo dòng tâm thức đó và nhận ra là khả năng thương yêu của thày quả thật vô biên. Thày có thể nhận lãnh và tiêu trừ bất cứ điều kiện nào mà con muốn buông bỏ. Như phần kết của bài truyền đọc này, thày cho con cơ hội buông bỏ vào dòng tâm thức của thày mọi điều mà con muốn buông bỏ. Con đã nói, với Chân sư MORE: “Đủ rồi, như vậy là đủ rồi”. Do đó, thày sẽ để vị sứ giả đọc những câu sau đây trong lúc con buông bỏ.

[Sứ giả đọc những lời dâng lên từ bên trong;]

Tình thương là một dòng suối tuôn chảy, một suối nguồn của vô điều kiện tánh, giống như dòng nước cứ chảy, chảy qua các tảng đá – ngay cả loại đá cứng nhất – và soi mòn chúng, từng chút từng chút một. Nó mềm mại hơn tảng đá rất nhiều, và tâm đường thẳng không thể hình dung là nó có thể soi mòn tảng đá. Nhưng, tình thương chính như thế. Nó tuôn chảy vô điều kiện, và nếu nó có vẻ như đang không chảy về đâu, nếu có vẻ là con người không nhận nó và không thay đổi, nó vẫn không ngừng chảy. Qua nhiều ngàn năm, nó sẽ soi mòn tảng đá rắn chắc của cái ta tách biệt.

Quả thật Người Tình Thiêng liêng sẽ không bao giờ bỏ rơi người yêu dấu, sẽ không bao giờ ngưng tuôn chảy, sẽ không bao giờ ngưng cho ra. Rốt cuộc các điều kiện khó khăn nhất sẽ bị soi mòn bởi dòng chảy của tình thương, dòng chảy vĩnh hằng, không thể ngăn chặn, vô điều kiện của tình thương. Phải chăng là các điều kiện đều được cấu tạo bởi các thành phần nhỏ hơn, như con biết tảng đá được cấu tạo bởi phân tử và nguyên tử, và nhỏ hơn nữa, bởi các hạt hạ nguyên tử li ti cấu tạo nguyên tử. Tình thương tuôn chảy có thể chỉ bứng đi được một hạt hạ nguyên tử của tảng đá, nhưng tuy thế, đó vẫn là một sự thay đổi.

Tình thương tuôn chảy không nản chí nhưng luôn luôn được khích lệ và do đó cứ tuôn chảy mãi và bứng đi một nguyên tử, và một nguyên tử nữa, và một nữa, và một nữa. Chẳng bao lâu, Dòng Sông sự Sống đục được một khe núi trong nền đá của tâm thức con người. Tuôn chảy, tuôn chảy, tuôn chảy mãi mãi. Con hãy thấy là ngọn núi hùng vĩ nhất cũng bị soi mòn dần dần bởi nước mưa mềm mại từ trời đổ xuống, như giọt nước mưa mềm mại của tình thương rơi xuống người chính đạo và người bất chính, sự xấu xa và sự tốt lành.

Với tình thương, không có gì chính đạo hay bất chính, không có gì xấu xa hay tốt lành. Tình thương tuôn chảy không điều kiện, hoàn toàn không có điều kiện nào. Với tình thương, điều kiện không có thực chất và không thường hằng. Tình thương biết rằng nếu nó tiếp tục tuôn chảy, thì nó sẽ soi mòn những điều kiện khó khăn nhất. Ngay cả những trái tim khô cứng nhất cũng sẽ bị soi mòn bởi dòng chảy không thể ngăn chặn của tình thương.

Một ngày nào đó. trái tim đó sẽ nhìn lại chính nó và nói: “Tại sao tôi cứ tách mình ra khỏi dòng chảy của tình thương? Tôi đã chán ngán kinh nghiệm tách biệt. Bây giờ tôi hiếu kỳ muốn biết tôi sẽ cảm thấy thế nào khi ở trong dòng chảy của tình thương.” Bỗng nhiên nó buông mình vào dòng chảy như đập vỡ nước – và bỗng nhiên Dòng Sông sự Sống bị ngăn chặn từ bao nhiêu kiếp được thoát ra như một bộc phát mà không điều kiện nào, không tự ngã nào – dù là tự ngã cường tráng nhất – có thể ngăn được. Cái ta thực của con tuôn chảy với tình thương và cảm thấy biết bao hân hoan, biết bao tự do khi thoát khỏi điều kiện. Giải thoát hoàn toàn, vô điều kiện.

[Đại thiên thần Charity tiếp tục:]

Vậy các con hãy hít vào [cử tọa hít vào]. Hãy nhận biết điều kiện và trút bỏ nó khi con thở ra [cử tọa thở ra].

Bây giờ các con hãy hít vào và giữ hơi thở, và khi các con thở ra thày sẽ hít vào. Hãy thở ra [cử tọa thở ra trong khi sứ giả hít vào].

Khi thày trao tình thương vô điều kiện, các con hãy hít vào và hít vào tình thương đó [sứ giả thở ra, cử tọa hít vào].

Bây giờ các con hãy trút bỏ, và thày sẽ hít vào điều kiện [cử tọa thở ra trong khi sứ giả hít vào].

Hãy hít vào tình thương [sứ giả thở ra, cử tọa hít vào].

Hãy trút bỏ (cử tọa thở ra trong khi sứ giả hít vào].

Hãy hít vào [sứ giả thở ra, cử tọa hít vào].

Các con bây giờ đã trải nghiệm hơi hít vào và thở ra của tình thương. Tuy thế, TA LÀ không giới hạn bởi không gian và thời gian, và các con có thể lặp lại sự thực hành này bất cứ lúc nào, chẳng hạn như sau khi nghe một bản nhạc đánh thức lại cảm nhận tuôn chảy nơi con.

Các thày, là đại diện Tia thứ Ba, ngợi khen các con đã sẵn sàng đi vào Hiện diện của các thày, và qua đó, tuy có thể các con không nhận ra, các con đã đôi phần tách mình ra khỏi các nỗi sợ của mình. Các con không thể ở trong Hiện diện của Tình thương Vô điều kiện mà vẫn hoàn toàn đồng hóa với nỗi sợ. Sự kiện các con ở đây chứng minh là các con không còn hoàn toàn đồng hóa với cái ta tách biệt. Thày khuyến khích các con đón nhận cái ta mới đó, nó biết con hơn nữa, vì con đã trải nghiệm sự hợp nhất với cái Hơn Nữa.

Các con được niêm phong, nhưng một lần nữa chúng ta lại thấy giới hạn của ngôn từ. Làm sao các con có thể được niêm phong trong cái vô điều kiện? Các con yêu dấu, các con hãy vượt quá ý tưởng muốn được niêm phong, và chỉ trong dòng chảy của tình thương vô điều kiện.

Tia thứ Nhất: Một quan niệm không đường thẳng về nghiệp quả

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 17/4/2009.

TA LÀ HƠN NỮA. Các con phải biết là thày tới mau chóng và ra đi cũng mau chóng. Khi thày đã nói những gì cần nói, thày không quan tâm các phép lịch sự thông thường đòi hỏi phải chấm dứt một cách nào đó. Khi chuyện đã quá đủ, thì thày chuyển sang chuyện khác.

Đây là một lời gợi ý cho tất cả các con. Khi đã quá đủ thì con hãy chuyển sang chuyện khác. Con hãy vứt bỏ cùm xích của bất cứ tâm thức nào mà con đã chấp nhận. Con có quyền có bất cứ trải nghiệm nào mà con muốn, nhưng con phải biết là khi con đã trải nghiệm đủ một kinh nghiệm nào đó, thì con thực sự có thể chuyển sang chuyện khác.

Đó là chìa khóa chủ yếu cho sự chữa lành. Đó là chìa khóa để phục hồi sự chữa lành thực sự. Con hãy nhìn xem con người tìm sự chữa lành như thế nào trên trái đất này. Các con hãy xem xét ngành y khoa mà các con có ngày hôm nay. Họ ngầm hứa hẹn điều gì? Họ hứa hẹn là khi cơ thể con có bệnh, họ có thể cho con một phương pháp máy móc để chữa lành. Con không cần giải quyết tâm thức đã kết đọng thành căn bệnh trong cơ thể. Con không cần xem xét cây đà trong chính mắt mình.

Đó là điều họ hứa hẹn. Có phải chăng đây cũng là điều mà nhiều tôn giáo đã hứa hẹn qua các thời đại? “Nếu quý vị theo tôn giáo của chúng tôi, nếu quý vị tuân theo các luật lệ và quy tắc mà chúng tôi đề ra, thì một ngày nào đó quý vị sẽ được vào nước Trời mà không cần xem xét cây đà trong chính mắt mình.”

Ấy, đó chính là lời hứa hẹn. Đã có bao nhiêu người tin lời hứa hẹn đó để rồi khám phá – sau kiếp sống này – là đây là một lời hứa giả và họ phải trở lại đầu thai trên trái đất? Họ càng ngày càng nghi ngờ các tôn giáo, vì họ thấy tính chất đạo đức giả của tôn giáo khi chính các giáo sĩ cũng tin rằng chỉ cần tuân theo các nghi thức bên ngoài. Họ nghĩ họ có thể làm bất cứ điều gì nếu họ không bị lộ tảy vì có thể trốn sau bình phong của giáo hội, tỷ dụ như trường hợp giáo hội Công giáo và nạn xâm phạm trẻ em tràn lan khắp giáo hội, quả đã xúc phạm những gì Giê-su chủ trương. Phải chăng là Giê-su có nói rằng tội tổn thương trẻ em nặng hơn tội bị đeo gông vào cổ và vứt xuống biển?

Con cũng thấy điều này nơi nhiều giáo hội khác, tỷ dụ như khi một mục sư trong một giáo hội cực chính thống đã bị lật tảy khi nói rằng: “Con có thể là một người của Thượng đế và vẫn có thể có các thú vui bên lề.” Quả là một sự đạo đức giả khi họ tuyên bố có thể đại điện Thượng đế đồng thời nghĩ rằng Thượng đế sẽ không thấy những gì họ che giấu khỏi con mắt người đời. Thượng đế không ở trên trời nhìn xuống con, nhưng Thượng đế bên trong con, đợi khi con tìm cầu Người Tình Thiêng liêng thương yêu con như là người con trai hay con gái yêu dấu.

5.1. Lòng chân thật là căn bản của sự chữa lành

Để phục hồi sự chữa lành thực sự, chúng ta cần bắt đầu với một nền móng vững chắc. Chúng ta cần bắt đầu với Tia thứ Nhất của ý chí của Thượng đế. Vậy, đặc tính của Tia thứ Nhất là gì? Con có thể nghĩ đó là ý chí của Thượng đế, con có thể nghĩ đó là uy lực của Thượng đế, nhưng ta có nên nghĩ tới đặc tính khác là sự chân thật chăng?

Con yêu dấu, phải chăng chân thật là một đặc tính của Tia thứ Nhất? Nó phải chăng là một biểu hiện của ý chí và uy lực cửa Thượng đế? Cốt lõi của lòng chân thật là gì? Phải chăng là sự nhập một với ý chí của Thượng đế? Thượng đế đúng thực là sinh thể chân thật tối hậu – vì Thượng đế không thể che giấu điều gì với chính mình.

Con có lẽ đã nghe người ta dùng lý trí đường thẳng hỏi câu này “Nếu Thượng đế toàn năng, thì Thượng đế có thể tạo chăng một tảng đá lớn đến độ chính ngài không thể nâng lên được?” Thượng đế là cái Một, do đó Thượng đế không thể tạo ra cái gì có thể che giấu khỏi mắt ngài – do đó ngài là tính chân thật. Con hãy xem xét cốt lõi của sự gian dối. Đó là niềm tin có thể che giấu một điều gì đó, có thể nói và làm một đàng và nghĩ một nẻo. Quả thực là khi con rắn nói chuyện với E-và, nó đã giả dạng là một người tới giải phóng, tới để giải thoát nàng khỏi cùm xích của vị thày tâm linh trong vườn địa đàng. Ngay nơi đó nó đã tạo nền móng của bệnh tật – với sự gian dối, với ảo tưởng là có thể che giấu một điều gì đó.

Con hãy xem xét lòng chân thật và luật tự quyết cho con quyền có bất cứ trải nghiệm nào mà con mong muốn, cho con quyền bước lên sân khấu cuộc đời và khoác vào bất cứ bộ áo tuồng nào mà con muốn trải nghiệm. Không có gì sai trái, không có gì tội lỗi – hay bất cứ danh từ nào khác mà người ta muốn dùng – khi con thử khoác vào nhiều bộ áo tuồng trên sân khấu cuộc đời. Thượng đế đã cho con quyền làm điều này.

Khi con bắt đầu tin rằng con bị kẹt trong một bộ áo tuồng nào đó và có một lực bên ngoài ngăn chặn không cho con chuyển sang chuyện khác, thì sự gian dối xuất hiện. Vì sao thày nói đây là sự gian dối? Bởi vì khi con nhìn sự việc một cách thiết thực, thì con nhận ra là Thượng đế đã cho con quyền tự do tuyệt đối thử bất cứ bộ áo tuồng nào mà con mong muốn. Thượng đế không ép con phải thử bất cứ bộ áo tuồng nào, và điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là chính con đã chọn lựa bộ áo tuồng mà con đã mặc vào.

Khi con xây dựng niềm tin là con đã không chọn lựa hoàn cảnh hiện tại của mình – nghĩa là hoàn cảnh hiện tại của con không phải là hậu quả của những chọn lựa trong hiện tại và quá khứ của con – thì con tự đặt mình vào thế kẹt mà các thày đã gọi là thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu con nghĩ là có một lực bên ngoài đã đặt con vào hoàn cảnh hiện tại của mình, thì ai sẽ có thể giải thoát con ra khỏi hoàn cảnh đó? Theo đúng lý luận hợp lý thì phải nói đó là một lực bên ngoài, phải không con? Điều này có nghĩa là con đã trao đi quyền thay đổi hoàn cảnh của con. Con đã tự đặt mình vào thái độ tiêu cực chờ đợi một lực bên ngoài nào đó thay con hành sự. Con đã làm một điều mà con cũng có quyền làm – đó là trao cho một lực bên ngoài quyền tự quyết của mình.

Thày nhắc lại là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết. Con có quyền làm điều trên. Như thày Maitreya đã giảng trong quyển sách của thày, con có quyền quyết định là con không muốn quyết định. Con có thể lấy quyết định là con không muốn quyết định nữa. Lúc đó, con tạo ra hình ảnh khô chết về một quyền lực bên ngoài điều khiển đời con.

5.2. Hãy thận trọng các điểm vi tế của luật tự quyết

Rắn sẽ rỉ vào tai con là con có quyền tạo ra vai tuồng đó, khoác vào bộ y phụ cáo tuồng đó để thử xem thế nào là cảm giác bất lực. Nếu con nhìn với lý trí đường thẳng, thì rắn có vẻ có lý. Nhưng điểm vi tế là một khi con trao đi uy lực của mình, thì làm sao con có thể rũ bỏ bộ áo tuồng? Làm sao con có thể giản dị bỏ nó lại phía sau và cất bước ra đi? Con có thấy điểm vi tế này chăng?

Nếu ta dùng lý luận đường thẳng, phân tích thì ta khó nói là rắn không có lý. Thượng đế đã cho con quyền tự do tuyệt đối và không giới hạn chọn lựa của con. Con có thể thử khoác vào bất cứ bộ áo tuồng nào, và bất kể bộ áo tuồng đó là gì, Thượng đế vẫn chấp nhận con như là sinh thể mà Thượng đế đã tạo ra như một sự nối dài của chính ngài. Bất cứ lúc nào con muốn bỏ đi con người cũ và khoác vào con người mới trong Ki-tô, con người mới trong cái Một, thì Thượng đế sẽ mở tay chào đón con. Thượng đế không giới hạn quyền tự do khoác vào một bộ áo tuồng và sau đó cởi nó ra.

Sự thực là lối lý luận của rắn giới hạn quyền tự do của con. Khi con chấp nhận lời gian dối, ảo tưởng cho rằng có một lực bên ngoài – tỷ dụ như vị Thượng đế giận dữ ở trên trời đã khiến con sinh ra trong tội lỗi – đã kết đọng hoàn cảnh hiện tại của con, thì con không thể giản dị tin rằng con có thể cởi bộ áo tuồng ra, từ bỏ con người cũ, và được tái sinh và trở nên một con người mới trong Ki-tô. Thượng đế đã cho con uy lực và quyền tự do để thực thi uy lực đó, nhưng rắn và tâm thức rắn tìm cách tước đi uy lực đó của con.

Thày, như là người đại diện của Ý chí của Thượng đế, tuyên bố rằng ý chí tối cao của Thượng đế là cho con quyền thực thi quyền tự quyết và tạo ra bất cứ trải nghiệm nào mà con mong muốn, vì như vậy con có cơ hội học hỏi. Đó là lý do vì sao con có thể tách mình ra khỏi cái một và tin vào sự dối trá của rắn và đi theo con đường giả, con đường hướng hạ, càng lúc càng tách mình ra khỏi cái một.

Con có quyền làm chuyện đó. Thày ủng hộ việc con có quyền đó. Nhưng điều thày muốn nói ở đây là ý chí của Thượng đế hoàn toàn không muốn con bị đau khổ vì bị giam cầm trong một ý niệm bản sắc hạn hẹp. Ý chí của Thượng đế không muốn con trở nên ít hơn, theo nghĩa con tự thấy mình ít hơn Sinh thể trong sáng mà Thượng đế đã tạo ra.

5.3. Khía cạnh Alpha và Omega của sự chữa lành

Khía cạnh Alpha của ý chí của Thượng đế cho con quyền tự do chọn lựa tuyệt đối. Khía cạnh Omega của ý chí của Thượng đế muốn con dùng quyền tự do chọn lựa để trở nên hơn nữa, chứ không ít hơn.

Bài học của sự chữa lành thực sự là gì? Sự chữa lành thực sự là gì? Đó là tự chữa lành!

Mục đích sự sống là gì? Đó là sự tăng trưởng cái ta, sự tăng trưởng sự tự nhận biết. Đó chính là toàn bộ mục đích của thế giới hình tướng là nơi con bắt đầu với một ý niệm bản sắc rất địa phương, con tự đồng hóa mình với một hình tướng vật chất, tỷ dụ như thân thể của mình. Ý niệm bản sắc đó có hạn hẹp đến đâu, con vẫn có tiềm năng tăng trưởng sự tự nhận biết cho đến khi con đạt được tâm thức của Đấng mà con là một phần của Đấng đó. Sự tăng trưởng đó là tự tăng trưởng. Thượng đế không áp đặt nó lên con, vì sự tự tăng trưởng không thể bị áp đặt.

Bước khởi đầu của sự tự chữa lành chính thực là con nhận ra con đã chọn lựa tách mình ra khỏi cái Một. Lý do vì sao thân thể hay tâm của con cần chữa lành là vì con đã lấy một số chọn lựa đã giới hạn mình, thay vì mở rộng ý niệm bản ngã của mình. Con bị giam trong một ảo tưởng qua đó con không còn thấy mình là một sinh thể tâm linh đang tạm thời khoác vào một vai tuồng và bộ áo tuồng trong màn kịch của vũ trụ vật chất. Thay vào đó, con nghĩ là con bị giam trong vũ trụ này, bị giam trong vai tuồng nào đó. Khi con làm vậy thì con trao đi quyền năng tự chữa lành của mình.

Làm sao con thực thi được quyền năng đó? Con yêu dấu, khi con đã thực sự hiểu luật tự quyết, thì con nhận ra con có quyền tự do, hoàn toàn tự do. Thượng đế đã cho con một ý chí hoàn toàn tự do. Điều này có nghĩa là, giống như con có quyền chọn khoác vào một bộ áo tuồng nào đó – bất kể bộ áo tuồng này là gì – thì bất cứ lúc nào, con có tự do tuyệt đối tách mình ra khỏi bộ áo tuồng – con chỉ giản dị cởi nó ra, bỏ nó xuống, để cho con người cũ chết đi và được tái sinh với một ý niệm bản ngã mới. Làm như thế là nhìn nhận quyền năng mà Thượng đế đã ban cho con. Chính tự ngã của con và các thày giả, những người có tâm thức rắn, đang tìm cách tước đoạt quyền năng của con bằng cách khiến con tin rằng hoặc con chính bộ áo tuồng hoặc con không thể giản dị cởi nó ra.

5.4. Mở tâm đón nhận một quan niệm mới về nghiệp quả

Khi con nhìn vào tập thể nhân loại, thì con có thể quan sát một lằn ranh phân chia. Nhiều người vẫn hoàn toàn tự đồng hóa với xác thân vật lý và với hoàn cảnh gia đình, văn hóa, quốc tịch, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc hay bất cứ sự phân chia nào khác của môi trường nơi họ lớn lên. Những người có tâm linh cao hơn đã bắt đầu tỉnh giấc khỏi ảo tưởng đó và nhận ra họ hơn những bản sắc vỏ ngoài, nhãn hiệu và phân chia. Tuy nhiên, khi con bắt đầu tỉnh giấc và nhận ra mình hơn nữa, con phải đối mặt với luận điệu gian dối là con không thể giản dị rũ bỏ cái bản sắc cũ. Luận điệu này cho rằng nếu con đã phạm lỗi lầm thì con đã có tội. Con phải đền tội, con phải cân bằng nghiệp quả.

Thày muốn mời con tham dự một cuộc thí nghiệm tư tưởng. Chúng ta hãy lấy một giáo lý được trao truyền ở phương Đông – đây cũng là một giáo lý mà các thày cảm thấy cần giảng dạy trong các đợt truyền giáo trước của giáo lý chân sư thăng thiên – là quan niệm coi nghiệp là một lực bên ngoài. Con đã phạm lỗi trong một kiếp trước và mang một món nợ với sự sống, và do đó cán cân phải được cân bằng lại. Năng lượng mà con đã tha hóa cần phải được cân bằng trở lại.

Quan niệm này không nhất thiết sai. Con có quyền tự quyết làm bất cứ điều gì con muốn. Nhưng cái gì cho con khả năng làm bất cứ điều gì trong thế giới vật chất này? Đó chính là vì con nhận một phần năng lượng tâm linh từ Hiện diện TA LÀ của con, và con biểu hiện nó qua bốn thể phàm của con. Lẽ đương nhiên con chịu trách nhiệm về cách con sử dụng năng lượng đó. Con không thể vĩnh viễn rời bỏ trái đất nếu con chưa nâng lên tất cả năng lượng mà con đã pha màu với rung động của phản tình thương đang giới hạn mọi sự sống.

Con phải tới điểm mà sự hiện diện của con trên trái đất ít nhất phải là một sự quân bằng – con không kéo sự sống xuống. Lẽ dĩ nhiên con không xuống đây để kéo sự sống xuống, và con cũng không xuống đây để vật lộn trong mấy trăm kiếp để rồi trở lại điểm thăng bằng và rời trái đất. Con tới đây để đem lại một món quà tích cực, để đem ánh sáng của mình chiếu vào sự tăm tối của vũ trụ vật chất với mục đích tối hậu là nâng cao toàn bầu cõi, như thày Maitreya có giảng, lên tới điểm nó có thể thăng thiên và thể hiện nước Trời. Chúng ta hãy xem xét sự việc con là một người đồng sáng tạo đã thử nghiệm với quyền tự quyết trong nhiều kiếp sống. Con đã khoác lên một số vai tuồng, con đã đồng hóa mình như một sinh thể tách biệt, và con đã dùng năng lượng mà Hiện diện TA LÀ đã ban cho con để sở hữu và chiếm hữu một số vật cho cái ta tách biệt đó. Có thể là con đã tìm cách nâng nó lên trên người khác, và qua đó đã đạt được chức vị nổi bật trong xã hội cho con cơ hội hạ thấp người khác và coi mình quan trọng hơn người khác.

Lẽ dĩ nhiên có nhiều cách để tạo nghiệp. Con hãy nhìn sự việc một cách thực tiễn và nhận ra rằng không có gì nói ra bằng lời mà không thể bị tâm thức rắn và lý luận rắn bẻ quẹo. Đó chính là bản chất của lý luận rắn, nghĩa là khi con đã ăn trái cấm, thì con sẽ “khôn ngoan như Thượng đế”, con trở thành như Thượng đế, “biết thiện và ác”. Có nghĩa là lúc đó con đi vào tâm thức nhị nguyên và nghĩ rằng – tự ngã con nghĩ rằng – nó có quyền định nghĩa thiện và ác một cách tối hậu.

Đó là lý do vì sao có những tôn giáo trên trái đất tự coi mình là tôn giáo thực duy nhất, và qua đó ấn định niềm tin tuyệt đối là những ai không theo tôn giáo đó sẽ phải bị thiêu đốt vĩnh viễn trong đia ngục. Có những người đã theo một triết lý chính trị và coi nó cao hơn tất cả mọi triết lý khác, và do đó tin rằng diệt trừ tất cả các triết lý khác và áp đặt thể chế của họ lên toàn thế giới là một điều chính đáng.

Tâm thức rắn giam con trong niềm tin là hình tướng mà con thấy trong thế giới vật chất có một thực tại tối hậu. Con không thể giản dị rời bỏ chúng. Con bị đóng đinh bởi hình tướng, bởi hình ảnh, bởi tâm thức. Như cuộc đời của Giê-su đã trải bày, con bước vào vở bi kịch của cuộc đời, và quả thực là chúng có thể “đóng đinh” con. Có vẻ, ngay cả với Giê-su, không thể làm gì khác ngoài thủ vai tuồng đó.

Con hãy nhìn hình ảnh những chặng đường thập tự của Giê-su như truyền thống Công giáo mô tả. Giê-su bị kết án tử hình. Giê-su nhận cây thập tự. Nhưng đây cũng là một hành động thụ động chấp nhận một vật mà người khác giao cho thày. Giê-su té ngã, ai đó giúp Giê-su khiêng cây thập tự, ai đó lau nước mắt của thày, ai đó tìm cách khuyên thày nên bỏ cuộc. Thày bị đóng đinh trên cây thập tự, thày chết, thân xác thày bị đem xuống, thân thày bị chôn xuống mồ. Con yêu dấu, tất cả đều có tính chất thụ động.

Điều gì thiếu sót trong hình ảnh các chặng đường thập tự? Nhiều điều lắm, nhưng đầu tiên là sự kiện Giê-su biết rất rõ chuyện gì có thể xảy ra khi thày chọn bước vào thành Jerusalem. Quan trọng hơn cả là khi thày bị treo trên cây thập tự, thày chọn dứt bỏ hồn ma, qua đó ngay tức khắc rũ bỏ ý niệm cái ta tách biệt và chứng minh rằng mọi người đều có tiềm năng để sinh thể cũ, cái ta cũ chết đi tức khắc. Khi làm vậy con không ngưng hiện hữu, như các thày giả và tự ngã muốn con nghĩ, nhưng con thật sự được tái sinh vào một ý niệm bản ngã cao hơn, cái ta mà con vẫn là trong mắt của Thượng đế.

5.5. Một quan niệm cách mạng về nghiệp quả

Có một thực tại sâu sắc hơn. Con hãy quay trở về quan niệm nghiệp quả, con có thấy ảo tưởng mà tâm thức rắn dán lên quan niệm này? Khi con hiểu là tâm rắn dựa trên sự tách biệt, và khi con tách rời khỏi nguồn cội của mình, thì con phải tin gì về uy lực của Thượng đế? Con phải tin rằng nó chỉ có thể phát xuất từ bên ngoài con.

Khi con xem mình là một sinh thể tách biệt, con không thể chấp nhận là uy lực của Thượng đế có thể đến từ bên trong con. Con dễ rơi vào niềm tin gồm hai cực điểm, một bên là con cần một đấng cứu rỗi bên ngoài, và bên kia là con cần làm điều gì đó trên thế gian này, với tư cách một cái ta tách biệt, để chuộc tội hay cân bằng nghiệp quả.

Con hãy chú ý nghe điều thày đang nói. Con hãy cảnh giác ngay bên giờ, có thể con nên bước lui lại và nhận ra là cái tâm vỏ ngoài, tâm phân tích của con đang đánh lừa con để hoặc con không nghe lời thày nói, hoặc con không nghe ý nghĩa thực của nó. Thày đã nói gì trước đây? Con đã chấp nhận là có điều gì sai trái với con, có vấn đề cá biệt nào đó đang ngăn chặn con bước vào nước Trời. Điều thật sự sai trái với con là khái niệm có điều gì đó sai trái.

Khái niệm này từ đâu tới? Nó tới từ ảo tưởng tách biệt, từ sự thành lập cái ta tách biệt! Ta có thể nói là quả thực có cái gì sai trái với cái ta tách biệt, nếu ta suy nghĩ theo lối nhị nguyên. Nhưng không có gì sai trái với con, sinh thể mà con thực sự là.

Nhìn một cách rộng rãi hơn, ta có thể nói là cũng không có gì sai trái với cái ta tách biệt, vì Thượng đế không có quan niệm đúng và sai. Thượng đế chỉ quan niệm cái gì thật và không thật. Chỉ những gì được tạo ra trong cái một, là biểu lộ của cái một, chỉ có những cái này là có thật. Tất cả những gì được tạo ra trong tâm thức tách biệt không có thật và do đó không thể ảnh hưởng đến phần thật của con người con. Chúng không thể giới hạn nó, không thể nhốt nó vào cái lồng do một vai tuồng, bộ áo tuồng, hình tướng hay ý niệm bản ngã nào đó tạo ra.

Con có bắt đầu thấy nghiệp quả thực sự là gì chăng? Con đã quá quen thuộc, quá bị điều kiện hóa bởi tâm nhị nguyên nên con đã tin rằng thực sự có hai đối cực – và một cực là Thượng đế và cực kia là phản-Thượng đế. Đây chính là sự cao ngạo và lòng kiêu hãnh tâm linh của sa nhân khi họ nghĩ rằng khi họ chống lại Thượng đế thì họ có thể ảnh hưởng Thượng đế hay các sinh thể tâm linh không tách biệt khỏi cái một. Thượng đế không phải là đối cực của sự tách biệt. Thượng đế là cái Một, không phân chia, không thể phân chia, không điều kiện. Làm sao một điều kiện lại có thể chống lại cái vô điều kiện?

Con có thấy chăng là trong cái một không thể có điều kiện? Làm sao con tách ra khỏi cái một? Bằng cách tạo ra điều kiện! Và làm sao con tạo ra điều kiện? Con phải tạo ra hai điều kiện, ít nhất là hai, chống đối lẫn nhau.

Nếu không có sự chống đối, thì con vẫn còn cái một và do đó không có tách biệt.

Thày là chân sư của Ý chí của Thượng đế. Thày có các người bạn yêu dấu ở sáu tia kia. Vậy có nghĩa chăng là thày chống đối thày Saint Germain, vì thày ở tia thứ nhất và thày Saint Germain ở tia thứ bảy, tức là hai cực điểm trên một nấc thang đường thẳng? Điều này làm sao xảy ra được? Có thể nào là Ý chí của Thượng đế chống lại Tự do của Thượng đế, khi ý muốn của Thượng đế là mọi sinh thể đều tự do – và con có tự do khi con nhập một với ý chí của Thượng đế muốn nâng mọi sự sống lên?

Con có thể nghĩ là trong một kiếp trước con đã tạo nghiệp xấu và nếu con muốn thăng thiên, con cần cân bằng nghiệp đó bằng cách tạo ra nghiệp tốt. Nhưng xấu và tốt là hai điều kiện nhị nguyên. Con không thể hóa giải, cân bằng hay phủ định một điều kiện nhị nguyên bằng cách thêm vào điều kiện đối nghịch. Con không thể khắc phục một vấn đề với cùng tâm thức đã tạo ra vấn đề.

Nghiệp quả là gì? Nó được tạo ra khi con dùng khả năng sáng tạo của mình qua phin lọc của cái ta tách biệt, nhị nguyên. Bất cứ điều gì con làm qua phin lọc đó tạo ra nghiệp khiến con tách biệt khỏi cái một. Chính vì con xem mình là một sinh thể tách biệt nên con chú tâm vào cái ta của mình, và do đó có thể đã có hành động vị kỷ hay ích kỷ theo định nghĩa thông thường – và do đó con tạo ra điều mà đa số gọi là nghiệp xấu. Chính ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt đã tạo ra nó.

Nếu vậy thì làm sao con có thể giải trừ bằng cách làm điều gì khác qua cái ta tách biệt? Con có thấy chăng là quan niệm con đã tạo nghiệp xấu với cái ta tách biệt, và nay con cân bằng nghiệp đó bằng cái ta tách biệt, là một điều phi lý, mâu thuẫn? Con càng nỗ lực cân bằng nghiệp do cái ta tách biệt tạo ra, thì con càng củng cố ảo tưởng con là một cái ta tách biệt.

5.6. Khi cân bằng nghiệp quả là một trở ngại cho sự thăng thiên

Con có thể nghĩ là thày nói đi nói lại cùng một chuyện – và thày quả đang làm vậy. Nhưng thày nói điều đó dưới những góc độ hơi khác nhau, vì thày đang cho con một hình tư tưởng kỷ hà. Nếu con không thấy nó từ một góc nhìn này, có thể con sẽ thấy nó từ một góc nhìn hơi khác. Ý chính là: con hãy nhận ra là quan niệm con cần cân bằng nghiệp quả đang củng cố ý niệm con là một sinh thể tách biệt. Phải chăng ngụ ý là con không thể thăng thiên – có nghĩa là, trên căn bản, trở về với cái một – nếu con chưa cân bằng nghiệp quả?

Trong tâm, con nói: “Tôi là một sinh thể tách biệt, và tôi phải tiếp tục là một sinh thể tách biệt, cho tới khi, trong tương lai nào đó, tôi cân bằng hết nghiệp quả như một sinh thể tách biệt và – “bụp” một cái – một ngày nào đó tôi sẽ thăng thiên mà không hiểu rõ vì sao.” Một số trong các con, đã quả thực nhận được từ những lần truyền giáo trước của chân sư thăng thiên một hình ảnh – hay cũng có thể nói là con đã chấp nhận một hình ảnh – là ngay tiến trình thăng thiên cũng có tính chất thụ động trong đó con cân bằng nghiệp quả và mọi chuyện còn lại sẽ tự động xảy ra.

Không phải vậy đâu! Làm sao con thăng thiên? Bằng cách lấy lại quyền năng của ý chí của con! Con có nghĩ chăng là thày, Chân sư MORE, đang đứng trên thiên đàng và tìm cách ép buộc người khác thăng thiên? Thày làm như vậy thì đạt được gì? Những người đó sẽ vào thiên đàng với cùng trạng thái tâm thức mà họ đang hiện có. Các thày không muốn thấy những khuôn mặt buồn bã hay những khuôn mặt kịch cỡm mà ta thấy trên trái đất. Các thày muốn con như con là – trong cái một.

Thày không nói là con trở về thiên đàng giống y như khi con từ thiên đàng xuống thế. Con học hỏi khi con sống trong các cõi dày đặc hơn, con mở rộng ý niệm bản ngã của mình vượt quá khi con được tạo ra. Nhưng vì con trở về trong cái một, con nhận ra là con và các thày không khác nhau. Con là một nối dài của chính Bản thể của các thày.

Điều thày đề nghị với con rất giản dị. Con hãy suy ngẫm là con, như một sinh thể tách biệt, đi tới kết luận là con là một sinh thể tâm linh từ thiên đàng xuống và muốn trở về thiên đàng. Để có thể trở về con phải cân bằng nghiệp quả, do đó con tiến hành công việc với cùng tâm thức tách biệt.

Con có thể tiến triển đôi chút nếu con làm như vậy. Con có thể cân bằng năng lượng. Con có khía cạnh Alpha của trạng thái tâm thức của con mà con dán lên năng lượng, Ánh sáng Mẫu-Vật. Khía cạnh Omega của Ánh sáng Mẫu-Vật mang vào độ rung thấp hơn vì nhận các hình ảnh dán lên nó. Con có thể phần nào làm công việc cân bằng, vì chắc chắn là một hành động vị tha sẽ cân bằng nghiệp quả, theo cách nói của con. Nhưng thày phải nói với con là con không thể hoàn thành tiến trình này nếu con vẫn còn nhìn mình như một cái ta tách biệt. Điều này không thể xảy ra.

Vì sao lại không thể xảy ra? Lý do là điều thày đã giảng – con chỉ có thể vào thiên đàng khi con trở thành một với uy lực của Thượng đế trong con. Con chỉ có thể trở thành một với cái đó khi con chiến thắng cái ta tách biệt.

Con phải chọn lựa thăng thiên. Thăng thiên không phải là chuyện thực thi một số yêu cầu vỏ ngoài rồi – “bụp” một cái – con ở trên cõi thăng thiên. Thăng thiên phải là một quyết định, một chọn lựa.

5.7. Một cách nhanh chóng hơn để vượt lên trên nghiệp quả

Tuy con có thể tiến triển đôi chút với tâm thức của cái ta tách biệt, con hãy xem xét một con đường khác. Con hãy suy ngẫm là thay vì chú tâm vào việc cân bằng nghiệp quả, hay một lực bên ngoài nào khác, con lắng nghe lời dạy của Ki-tô. Có phải chăng là thày đã nói: “Trước tiên hãy tìm cầu Nước Trời và sự công chính của Thượng đế, thì tất cả những thứ kia sẽ được ban thêm cho con.”

Nước Trời là gì? Nó thực là tâm thức Ki-tô dựa trên cái một nơi con có sự công chính – cách sử dụng đúng – của uy lực sáng tạo của mình. Con dùng nó để nâng cái Tất cả lên thay vì cái ta tách biệt. Con hãy suy ngẫm là thay vì chú tâm vào hành động cân bằng nghiệp quả là một hành động vỏ ngoài và có phần máy móc, con chú tâm vào việc chuyển đổi ý niệm bản sắc, hình ảnh về chính mình, cách nhìn cuộc đời. Con trải qua một chuyển đổi kinh thiên động địa vể bản sắc khi con không còn thấy tách biệt nhưng thấy cái một.

Chuyện gì sẽ xảy ra trong tiến trình này? Chuyện sẽ xảy ra là con lấy lại uy lực của mình, con kết nối trở lại với sinh thể cao mà con là và khi đó con có thể nói với Giê-su: “Ta và cha ta là một. Cha ta làm việc cho đến bây giờ, nay ta cũng làm việc như vậy.”

Khi con đi vào trạng thái một đó – ít nhất là một phần của trạng thái một tuy chưa hoàn toàn là quả vị Ki-tô – và con thấy con vẫn còn một ít nghiệp quả, thì con nghĩ công việc cân bằng nghiệp quả đó có khó chăng khi con có uy lực của Thượng đế chảy xuyên qua con và giúp con hoàn thành công việc? Đi con đường tâm linh dễ hơn nhiều khi ta khởi đầu bằng tìm cầu cái một, thay vì tìm cách thực thi một yêu cầu vỏ ngoài như cân bằng nghiệp quả và nghĩ rằng cái một sẽ tự động đến sau. Qua cách đó con giới hạn mình – có thể là trong suốt phần còn lại của kiếp sống này – vào việc sử dụng uy lực chảy xuyên qua cái ta tách biệt, thay vì uy lực của sinh thể cao mà con là.

Ảo tưởng, con yêu dấu – ảo tưởng! Lý luận của tâm rắn vi tế biết bao? Nó rất vi tế khi con nhìn nó từ bên trong cái ta tách biệt. Nó rất lộ liễu khi con vươn lên tâm Ki-tô và đạt được tầm nhìn vô điều kiện giúp con thấy chân lý không diễn tả bằng lời nói hay giáo lý. Con đã theo lời gọi của Ki-tô: “Thượng đế là Tánh linh, và những ai thờ kính ngài phải thờ kính trong Tánh linh và chân lý.”

Khi con biết Tánh linh của Chân lý, con nhận ra sự rung động của chân lý, và con có thước cùng-đo tối hậu, cây gậy chỉ đường tối hậu, cây gậy của Moses, có khả năng rẽ nước Biển Chết – là biểu tượng của tâm thức nhị nguyên. Lúc đó con có thể an toàn vượt qua biển nhưng, khi đoàn quân của cái chết tới sau con, thì nước của tâm thức nhị nguyên của chúng sẽ tràn lên chúng. Chúng bị cuốn đi trong sự náo loạn, trong khi con bước sang bờ bên kia, tới vùng đất của Do Thái, biểu tượng cho cái thật.

5.8. Một quan niệm không đường thẳng về luân hồi

Chắc con có nghe là El Morya, Chân sư MORE, có tiền kiếp là Thomas More, là Thomas Beckett, là vị Chân sư nào đó, hay một nhân vật lịch sử nào đó. Nếu con đi trở ngược dòng thời gian, thì thày có từng đầu thai như Abraham. Nhưng con thấy chăng, Thomas More đã chết, Abraham đã chết. Tuy rằng con có thể nghĩ thày đã từng đầu thai như Abraham, nhưng thày nói là không phải vậy. Vì trước khi có Abraham, TA LÀ.

Vậy phải chăng thày chối bỏ đã có một tiền thân là Abraham? Phải chăng thày chối bỏ giáo lý được trao truyền? Không, thày không chối bỏ. Thày muốn con tiến lên cao hơn và nhận ra là như một sinh thể thăng thiên, thày đã nhập một với Sinh thể cao, mà từ sinh thể đó đã đầu thai như Abraham. Ý niệm bản ngã đã đầu thai như Abraham và những nhân vật kia không còn nữa. Thày HƠN NỮA. Thày đã vươn lên trên mọi ý niệm bản ngã thế gian. Thày đã trút bỏ các bộ áo tuồng. Thay đã đứng trần truồng trước hồ nước chữa lành và đã bước đi qua bờ bên kia. TA LÀ một sinh thể tái sinh, như con cũng có thể tái sinh, con yêu dấu.

Con hãy đi theo niềm hân hoan của mình! Con hãy xem điều gì mang lại cho con niềm vui lớn nhất, vì con sẽ thấy là điều cho con niềm vui lớn nhất là ý niệm là một với cai Ta bên trong của con, với ngọn Lửa Thượng đế của con, với Bản thể tâm linh cao hơn mà từ đó con sinh ra. Con hãy dùng niềm vui đó như thước đo để quyết định làm điều này hay điều kia ở giai đoạn này của cuộc đời của con.

Điều cho con niềm vui lớn nhất là điều mang con đến gần hơn sự hợp nhất với Bản thể cao hơn của con. Nếu có điều gì hạ năng lượng của con xuống, lấy mất sự chú tâm của con, khiến con cảm thấy mình phải làm sao để xứng đáng với một hình ảnh nào đó, mình phải đóng một vai tuồng nào đó, thì con hãy bước lui lại và nói: “Việc này không phải là việc của tôi!”

Những người phái nữ hiện nay đang hòa điệu hơn với con người tâm linh và sứ vụ thiêng liêng của họ hơn là người phái nam. Con cảm nhận là khi một người nam tới gần con và có thể có nhiều thiện ý – nhưng trong tâm người đó có một hình ảnh là con phải như thế nào nếu con chấp nhận đề nghị của y – con cảm thấy là người đó đang tước đi niềm hân hoan của con.

Con hãy bước lui lại và tìm xem đâu là niềm hân hoan của con, và con hãy theo nó – như nhiều người trong các con đã làm. Thày chỉ đơn giản giúp con chú tâm có ý thức là con có thể nhận biết rõ hơn về điều đó, con có thể cảm nhận có ý thức trong tim đâu là niềm hân hoan, cái gì mở rộng bản thể mình, ý niệm bản thể của mình, niềm vui của mình.

Có nhiều cách để thực hiện điều này. Con có thể đạt được qua sự sùng kính, như nhiều người đã làm qua nhiều thời đại, sùng kính Thượng đế, Giê-su, Mẹ Mary, đức Phật, Khrisna hay những vị đại diện tâm linh chân chính khác. Như Ấn giáo mô tả, có nhiều đường dẫn tới Thượng đế, nhiều hình thức yoga. Con hãy theo phương pháp đem lại cho con niềm vui lớn nhất, và đừng xem những người đang theo niềm hân hoan của họ là sai.

Con yêu dấu, thày nói với con là thày là đại diện của Ý chí của Thượng đế vì thày sùng kính vô điều kiện Ý chí của Thượng đế. Thày thương yêu Ý chí của Thượng đế. Thày thương yêu Uy lực của Thượng đế, biểu lộ cùng với tình thương vô điều kiện muốn nâng mọi sự sống lên.

Làm sao con có thể nhập một cách tối hậu với ý chí và uy lực của Thượng đế? Con có thể nào chiếm uy lực của Thượng đế bằng vũ lực của cái ta tách biệt chăng? Không đâu, con chỉ có thể thương yêu ý chí và uy lực – ý chí muốn nâng mọi sự sống lên. Khi con không còn động cơ nào khác, thì uy lực của Thượng đế sẽ tuôn chảy xuyên qua con để nâng mọi sự sống lên.

Con yêu dấu, con hãy được niêm trong tình thương của thày – yêu Ý chí của Thượng đế và yêu con. Ý muốn của Thượng đế là con có quyền tự quyết, và con có thể nghĩ là nếu con lấy chọn lựa “sai” thì thày sẽ không thương yêu con. Nhưng Thượng đế đã cho con quyền tự quyết và do đó – bất kể chọn lựa nào con đã lấy – thày vẫn thương yêu con vô điều kiện.

Lẽ dĩ nhiên, tình thương của thày không ngăn thày là một vị thày nghiêm nghị, không tìm cách khiển trách con, nhưng muốn cho con một thước cùng-đo – mà tâm rắn không thể tranh cãi, bóp méo và bẻ quẹo. Tình thương của thày bất di dịch, như Tảng đá của Ki-tô. Khi con chân thật, con sẽ tìm sự bất di dịch của Tảng đá của Ki-tô để có thể phân biện đâu là thật đâu là giả.

Con yêu dấu, TA LÀ thật. Con có chịu nhìn nhận chăng là con cũng thật? Nếu vậy, con hãy được niêm trong Ngọn lửa của Thực tại.

Hãy để tình thương tuôn chảy!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Elohim Heros và Amora qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/1/2009. Bài này được xếp thành Chương 6 của quyển Làm sao giáo tiếp từ trái tim (How to Communicate from the Heart, Kim Michaels, 2014).

Các thày đến đây như một với cái Duy nhất, thày được gọi là Heros và Amora, là Elohim của Tia sáng Thứ ba, để cống hiến các con một chút hiểu biết và, nếu các con chấp nhận, kinh nghiệm trực tiếp tình thương liên hệ ra sao với giao tiếp từ trái tim.

Tại sao thày lại muốn con đọc bài thỉnh cầu Chiến thắng Quá khứ trước khi nghe bài truyền đọc về tình thương này? Con nhớ là trong bài thỉnh cầu đó con xác định lòng tha thứ triệt để, vô điều kiện, tha thứ mọi chuyện đã xảy ra trong quá khứ giữa con và người khác, giữa con và Thượng đế, và giữa con và Ánh sáng Mẫu-Vật. Khi con neo chặt trong tình thương vô điều kiện thì quá khứ không biến đi nhưng nó không còn ảnh hưởng hiện tại của con – và do đó nó không ành hưởng tương lai của con. Con yêu dấu, vì sao lại như vậy? Đó là vì khi con là Một với ngọn lửa, với Dòng Sông Sự Sống của tình thương vô điều kiện thì con biết là con hơn, hơn vô kể những gì con đã thể hiện trong quá khứ trên quả điạ cầu hạn hẹp này.

Con có thể bước ra ngoài và ngắm nhìn tia nắng phản chiếu trên vũng nước bên đường. Tia nắng đó không đồng hóa mình với vũng nước. Nó biết nó là một tia nắng. Dù con có thể nhìn tia nắng qua cửa sổ nhơ bẩn và thấy tia nắng bị nhuộm màu bởi cửa sổ, nhưng tia nắng chỉ bị nhuộm màu trong mắt của riêng con mà thôi, còn chính nó thì nó biết là nó là một phần của Mặt trời. Con cũng vậy đó, con là một phần nối dài của Mặt trời Hiện diện TA LÀ của con, và từ đó của Mặt trời đấng Sáng tạo ra con. Khi con tự cho phép kết nối lại với thực tại đó thì con sẽ cảm thấy tình thương vô điều kiện của đấng Sáng tạo tuôn chảy trong con. Khi đó thì làm sao con có thể đồng hóa mình với tình huống hay điều kiện đã xảy ra trong quá khứ trên địa cầu này? Con sẽ biết là con hơn thế rất nhiều. Con cũng sẽ biết là người khác cũng hơn các thể hiện mà con đã gặp trong quá khứ. Từ đó con sẽ vượt qua khuynh hướng thường gây xung đột nhất trên thế gian, là khuynh hướng giữ chặt hình ảnh về mình, về người khác, và ngay cả về thế gian và Thượng đế dựa trên quá khứ.

Quá khứ trở thành kho dữ liệu

Qua các bài giảng về tuệ giác và trí năng – trong đó các thày đã giảng là trí năng được tạo ra để hoạt động trong thế giới hình tướng bằng cách tìm ra và phân loại sự khác biệt và phân tích nguyên do trong thế giới hình tướng – con nhận ra chuyện đã xảy ra cho tất cả mọi người là họ tạo ra một kho dữ liệu trong tiềm thức của họ. Đa số không nhận ra sự kiện này, nhưng một số đã bắt đầu vén bức màn và nhận ra làm sao họ tạo những hình ảnh này trong quá khứ.

Một khi kho dữ liệu được thành lập thì một biến cố mới xảy ra sẽ ngay lập tức được so sánh với kho dữ liệu. Khi con gặp một người thì ngay lập tức tiềm thức của con dán cho người đó một nhãn hiệu để xếp họ vào thể loại hay ngăn tủ mà con đã thiết lập dựa trên quá khứ. Khi đó, con biết phải đối xử với người đó ra sao dựa trên cách mà con đã đối xử với người cùng thể loại trong quá khứ.

Con có thể nghĩ là khi một người mới gặp một người khác lần đầu, ít ra là trong kiếp sống này, thì họ sẽ nhìn người đó không định kiến và cho người đó cơ hội chứng tỏ con người thật của mình. Nhưng ít ai làm được chuyện này. Ngược lại, họ tức khắc và vô thức xếp người kia vào một thể loại gọn ghẽ nho nhỏ trong kho dữ liệu trong tiềm thức của họ. Một khi tiềm thức cảm thấy có đủ thông tin để xếp loại người khác thì mình không còn đối xử với người đó như một cá nhân duy nhất nữa. Mình sẽ đối xử với người đó như là mình muốn đối xử – thực ra là mình đã đối xử – với những người tượng tự trong quá khứ.

Căn bản xung đột

Hiện tượng trên, khi đi đến tột cùng, dĩ nhiên là lý do tạo xung đột giữa các nhóm người, tỷ dụ giữa người khác màu da, khác giòng giống, hay giữa nam nữ. Ta gặp một một người và tức khắc lượng định: “Đây là người nam hay nữ?” Nếu vậy thì ta cần phải cư xử một cách nào đó. Ta tự hỏi: “Người này da đen hay da trắng?” và liền quyết định phải cư xử một cách nào đó. “Người này là người Do Thái hay thuộc một chủng tộc mà ta đã từng biết?” Nếu vậy thì ta phải cư xử thích ứng.

Trí năng suy luận như sau: nếu người này thuộc nhóm mấy triệu người da đen hay mấy tỷ phụ nữ, thì chắc chắn họ phải cư xử giống như những người cùng nhóm. Như các thày đã giảng hôm qua, trí năng không có khả năng tiếp cận cái vô biên, cái vô điều kiện của Dòng Sông Sự Sống, nó chỉ hiểu được thế giới hình tướng hạn hẹp trong đó mọi thứ đều được phân loại dựa trên tính chất nào đó. Tính chất đó là gì?

Hãy dùng tuệ giác để nhận định người trí thức

Đây là lúc con cần dùng tuệ giác để nhận định những người trí thức trên thế gian này. Họ là những người thuộc chính quyền, tôn giáo hay khoa học tự cho mình có hiểu biết hơn người. Con hãy quan sát họ, và sau đó nghiên cứu kỹ hơn. Con sẽ thấy là nhiều người trí thức rất thông minh và có thiện ý, nhưng họ cũng hoàn toàn tin chắc, dựa trên trí năng suy luận, là khoa học là cách duy nhất để hiểu thực tại, không có gì ngoài thế giới vật chất, và tôn giáo chỉ là một cái gì không thực do trí tưởng tượng dựng nên.

Cũng giống vậy, con sẽ thấy là có người hoàn toàn tin chắc, dựa trên trí năng suy luận, là chỉ có ý thức hệ hay hệ thống chính trị của họ là có giá trị, và nó sẽ đem nước Trời hay một thiên đàng nào khác tới thế gian này. Dĩ nhiên là trong lãnh vực tôn giáo, con cũng sẽ tìm thấy các nhà thần học hoàn toàn tin chắc là chỉ có tôn giáo của họ là có giá trị, tất cả các tôn giáo khác đều sai, khoa học cũng sai, không có giá trị, vân vân và vân vân.

Khi con xem xét thì sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người đều có một thế giới quan, một cách nhuộm màu định ra bộ màu của kho dữ liệu của họ. Ai ai đều tin chắc kho dữ liệu của mình không chủ quan, và nó là cách duy nhất nhìn đời đúng đắn. Do đó, họ không bao giờ tự hỏi quan niệm căn bản về cuộc đời của họ có đúng hay không. Quan niệm căn bản này chính là nền tảng của kho dữ liệu, nó nhuộm màu mọi thứ trong đó. 

Rơi vào phản tình thương

Khi một người chấp nhận cái nhìn hạn hẹp như vậy thì họ không tránh rơi vào rung động của phản thình thương. Khi con chấp nhận một cái nhìn hạn hẹp và coi nó là sự thực bất biến – và chỉ có nó là đúng –  thì con sẽ phải đối diện sự kiện có nhiều cái nhìn khác trên thế gian này. Do đó, con sẽ bị rơi vào tranh chấp nhị nguyên vì phải bảo vệ quan điểm của mình trước những quan điểm ngược hoặc khác quan điểm của con. Cũng có thể là con muốn đạp đổ những quan điểm đó, hay đi tới muốn đạp đổ hay giết những người chủ trương hay tin vào chúng.

Cảm xúc bị đe dọa bởi quan điểm khác – định kiến giới hạn khác, hay thế giới quan khác – là chỉ dấu phản thình thương. Đó là chỉ dấu con đã bị các thày giả chủ trương phản tình thương quyến rũ, bị cuốn hút bởi tâm thức phản tình thương, và đã để tâm thức này ảnh hưởng kho dữ liệu, có thể là đã cho nó làm nền tảng của kho dữ liệu của con. Nó đã nhuộm màu cốt lõi thế giới quan của con, cách con nhìn thế gian, Thượng đế và người khác. Nó nhuộm màu cách con nhìn chính mình và liên hệ với thế gian, người khác và Thượng đế, và ngay cả cách con liên hệ với chính mình tức là cách con tự đánh giá mình.

Điều mà thày cố trình bày ở đây là khi con rơi vào trạng thái tâm thức đó thì không thể giao tiếp từ trái tim. Như các thày đã nói trước đây, giao tiếp từ trái tim đặt căn bản trên quan niệm duy nhất, tức là cốt lõi con người mình là một với tất cả mọi sự sống. Nếu con muốn tiếp cận cái duy nhất đó – tức là chấp nhận cái duy nhất, cho nó tuôn chảy trong con và biểu lộ qua con – thì con phải chịu chất vấn kho dữ liệu, thế giới quan của con và tự hỏi: “Nó dựa trên tình thương hay phản tình thương?”. Các con yêu dấu, tình thương thật sự, tình thương chân chính, tình thương sống động, là tình thương vô điều kiện.

Vì sao tình thương bị hiểu lầm

Nếu con nhìn thế gian thì sẽ nhận ra là trong số các khả năng hay đặc tính thì tình thương có lẽ bị ngộ nhận nhất. Vần đề là vì con người muốn hiểu tình thương là gì. Con người xem thế nào là hiểu? Họ coi nó là một hoạt động của trí năng được thi hành bằng cách so sánh với những gì có trong kho dữ liệu. Do đó tình thương sẽ bị nhuộm màu bởi thế giới quan là nền tảng của kho dữ liệu. nhưng tình thương cũng bị nhuộm màu bởi các kinh nghiệm cũ về tình thương, hay là cái gì được coi là tình thương, trên địa cầu.

Thực tế là rất ít người trên địa cầu đã trải nghiệm tình thương vô điều kiện trong cõi vật chất.  Ta cũng có thể nói là hình thái trong sạch nhất của tình thương vô điều kiện không thể bộc lộ trên trái đất vì rung động của trái đất quá thô đặc. Tuy thế, ta vẫn có thể thấy vài hình thái – như là bóng dáng – của tình thương vô điều kiện. Đa số chưa trải nghiệm tình thương này, vì họ chỉ biết tình thương có điều kiện, tức là quan niệm trong kho dữ liệu là tình thương phải được bày tỏ như thế nào, được hình thành dựa trên thế giới quan và kinh nghiệm quá khứ của họ.

Khi một người tìm cách hiểu tình thương là gì, thì một cách đương nhiên và không ý thức, họ sẽ dựa trên kho dữ liệu của họ. Nhưng các con đã nhận ra ý của thày chưa? Kho dữ liệu được thiết kế và hình thành bởi trí năng, mà trí năng thì được thiết kế để giúp con người sống trong thế giới hình tướng trong đó mọi vật đều được phân biện do đặc tính và giới hạn của chúng.

Tình thương không có điều kiện.  Làm sao tình thương có thể bị giam vào kho dữ liệu, là cái gì được thiết kế để giúp con người sống trong thế giới vật chất? Các con có thấy chăng là không thể hiểu tình thương vô điều kiện bằng cách đó được. Hoặc là con người không hiểu tình thương là gì – và có nhiều người đã chịu thua không muốn hiểu – hoặc là họ tưởng họ hiểu tình thương là gì. Nhưng thực sự là họ chỉ hiểu một cái gì do kho dữ liệu chế ra và được họ phóng lên Thượng đế.

Hãy để tình thương tuôn chảy

Nếu con có một người trên địa cầu nhìn mặt trời qua cặp kính màu đỏ và tin chắc là mặt trời màu đỏ, trong khi con thì không đeo kính và thấy rõ mặt trời trên bàu trời như thế nào, thì dĩ nhiên là con thấy rõ người ấy buồn cười quá.  Con có thấy chăng là có rất nhiều người trên trái đất đang nhìn thế gian và tình thương qua kính màu? Họ khẳng định rằng tình thương là như vậy, sự sống là như vậy, Thượng đế là như vậy, người khác là như vậy. Những người này không để hòa điệu cùng tình thương vô điều kiện. Họ không thể nhận được nó, họ không thể kinh nghiệm nó.

Họ cũng không thể cho tình thương vô điều kiện, vì họ không thể để cho nó không có điều kiện, và để nó tuôn chảy và biểu lộ qua họ một cách vô điều kiện. Thày không muốn nói là tình thương vô điều kiện lúc nào cũng giống nhau, nhưng trong mọi hoàn cảnh, nó đều thể hiện qua hành động nâng cao người khác lên, tùy trình độ tâm thức của họ lúc đó.

Trong khi đó thì con người luôn luôn tìm cách biểu lộ tình thương theo hình ảnh mà họ có trong kho dữ liệu. Điều này dĩ nhiên có nghĩa là họ sẽ phải điều khiển tình thương. Và cũng có nghĩa là họ tự cắt rời khỏi Dòng Sông Sự Sống, là dòng tình thương vô điều kiện – là cái gì không điều khiển được, không thể điều khiển được, vì nếu như vậy thì nó đã không còn là vô điều kiện nữa.

Nếu con thực sự muốn giao tiếp từ trái tim, thì con hãy suy ngẫm về tình thương vô điều kiện và so sánh nó với ý kiến của con về tình thương. Con phải chịu chất vấn kho dữ liệu của con và nhận ra là nó đã nhuộm màu quan điểm của con về tình thương ra sao. Chính nó đã ngăn cản không cho con mở tâm đón nhận dòng tình thương vô điều kiện, và cũng không kinh nghiệm là con đang được thương vô điều kiện.

Những gì con làm cho người khác

Ki-tô có nói: “Con hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho mình”. Ý nghĩa thực sự của câu này là những gì con làm cho người cho thấy những gì con đã làm cho chính mình – một cách vô ý thức. Khi con thiết lập một kho dữ liệu và dùng nó để phán xét người khác, con có thấy điều đương nhiên là người đầu tiên bị bỏ vào kho dữ liệu chính là con?

Điều tự nhiên là con đã phán xét chính mình trước khi con bắt đầu phóng phán xét này tới người khác. Khi con phán xét người khác thì con đã nhốt mình vào một hộp tư tường khiến con không kinh nghiệm được tình thương vô điều kiện của Nguồn cội của mình. Do đó, con không kinh nghiệm được tình thương vô điều kiện và cứ luôn luôn cố biện minh cho tình thương có điều kiện của mình.

Làm sao vượt qua bế tắc này? Làm sao ngưng cái vòng luẩn quẩn này? Ta có thể bắt đầu bằng cách dùng tâm – không phải là dùng trí năng, nhưng dùng chân tâm – để hiểu vấn đề là gì và nhận ra nhu cầu vượt lên trên kho dữ liệu và tách ra khỏi các phin lọc. Sau đó con cứ tiếp tục tách ra cho tới khi con đứng xa đến độ con có thể nhìn quá các phin lọc, và bắt đầu thấy thế giới thoáng hiện đằng sau các phin lọc, đó chính là thế giới thực.

Lúc đó con sẽ thấy mặt trời như nó thực sự là, thấy chân tâm của con như nó thực sự là, và kinh nghiệm được tình thương vô điều kiện mà chân tâm dành cho con. Con sẽ chợt tỉnh ngộ và nhận ra sự thực tuyệt đối và kỳ diệu là Hiện diện TA LÀ của con không nhìn thế giới qua các phin lọc mà tâm phàm của con đã tạo ra. Đây là một điều không dễ nhận ra ngay, ngay cả khi đã trực diện những điều thày đang giảng. Một người thường cần nhiều năm, có khi là nhiều kiếp, mới có thể tách đủ ra khỏi tự ngã để cái Ta biết của người đó nhận ra là tự ngã không phải lúc nào cũng đúng.

Tự ngã không ảnh hửơng được thực tại

Con hãy nhìn những người đang bị chìm đắm vào một tranh chấp nào đó. Cái Ta biết của họ hoàn toàn đồng hóa với tự ngã và cách tự ngã nhìn cuộc đời. Đối với họ, bảo vệ tôn giáo hay ý thức hệ là một vấn đề sinh tử, và họ có thể đi tới giết người để làm chuyện này.

Con là những người tâm linh nên dĩ nhiên là con đã bắt đầu tách ra khỏi tự ngã, tức là con đã thấy là tự ngã không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng con cũng nên thận trọng và nhận ra điểm tế nhị là các người tâm linh cần nhận ra – cần trải nghiệm – các giới hạn của tự ngã như một sự thực tuyệt đối, không thể chối cãi.

Các con hãy nhớ lại thời Trung cổ khi con người tin rằng vũ trụ rất nhỏ và quả đất là trung tâm vũ trụ. Và các con hãy nhìn lại thời nay khi mọi người từ khi bắt đầu khôn lớn đều biết rằng quả đất chỉ như là một hạt bụi nhỏ trong vũ trụ bao la gồm nhiều tỷ thiên hà. Bây giờ các con hãy thấy là hiện nay có nhiều tỷ người trên địa cầu vẫn bị chìm đắm trong niềm tin rằng nếu họ cầu Thượng đế hay làm một số nghi lễ nào đó, họ sẽ điều khiển được Thượng đế và khiến ngài cho họ gì họ muốn.

Đây chính là điều mà con cần nhận ra – đó là tự ngã hoàn toàn không có quyền gì trên thực tại cả. Tự ngã có thể cả quyết cách nó nhìn thế gian là đúng, nhưng đó vẫn chỉ là một ảo tưởng. Bên ngoài vũ trụ song hành mà tự ngã tự tạo ra có một vũ trụ thực hoàn toàn không bị chi phối bởi nó – giống như Mặt trời không bị ảnh hưởng bởi bất cứ chuyện gì xảy ra trên địa cầu. Con có nghĩ rằng Mặt trời bị ảnh hưởng bởi sự việc hôm nay là một ngày mây mù? Chắc hẳn là con cũng nhận ra là tuy chỗ con ở có vài đám mây, nhưng cũng có rất nhiều vùng đất rộng trên địa cầu đang không có mây.

Tình thương vô điều kiện không có điều kiện

Khi con bị chìm đắm vào thế giới quan của con – tức là khi con bị kẹt trong quan điểm tự ngã và kho dữ liệu bé nhỏ của con là trung tâm vũ trụ – thì con không thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Con yêu dấu, tình thương vô điều kiện không có điều kiện nào hết – tức là nó tỏa xuống tất cả mọi người trên địa cầu 24 tiếng mỗi ngày.

Con thực sự không thể rút vào bất cứ bầu cõi nào – trong thế giới vật chất hay cõi nào khác – mà trong đó không có tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Điều này không thể xảy ra được. Làm sao ngăn được cái gì vô điều kiện? Nó xuyên qua tất cả mọi điều kiện! Con có thể nghĩ là con đang tách ra khỏi nó, nhưng con chỉ tách ra vì con nhìn thế gian qua kho dữ liệu đang nói với con: “Tình thương là thế này thế kia, nó không là thế này thế khác.”

Khi con giao tiếp với người khác, lẽ dĩ nhiên là con giao tiếp qua kho dữ liệu của con. Và người kia giao tiếp với con qua kho dữ liệu của họ. Đó là lý do tại sao con thấy những người có kho dữ liệu hoàn toàn khác nhau hay xung đột với nhau. Đó là lý do tại sao con thấy con người hay tụ họp với những người có kho dữ liệu giống họ, đó là để tránh những xung đột tai hại nhất. Nhưng con cũng thấy là khi mình tụ họp với người có cùng ảo tưởng với mình thì mình khó vượt qua các ảo tưởng này. Khi các người tâm linh hay tôn giáo trên thế giới củng cố cho nhau ảo tưởng của họ thì họ ngăn trở tiến bộ tâm linh của họ – vì họ thuyết phục lẫn nhau là quan điểm của họ về thực tại là chân lý duy nhất.

Hãy đừng đứng tách ra

Các thày đã cố ý không muốn phong trào này có một hình ảnh đậm nét. Các thày không muốn các con cảm thấy mình khác các người tâm linh khác, và dĩ nhiên là sẽ nghĩ mình hơn người khác vì mình có một số giáo lý cao siêu. Các thày muốn các con giao tiếp từ trái tim bằng cách hòa điệu với chân ngã và để kinh nghiệm tình thương vô điều kiện biểu lộ, và sau đó trải nghiệm – không bằng trí năng suy luận mà qua kinh nghiệm trực tiếp – là con hơn cái thể hiện vật chất này.

Lúc đó, con sẽ có thể tạo cho mình thói quen, là mỗi khi con gặp người khác, con không phản ứng theo những gì họ nói, họ làm mà cũng không theo rung động bên ngoài hay trạng thái tâm thức của họ. Trái lại, con tạo thói quen hòa điệu với cái ta vô biên của mình. Con cũng có thể nhận ra rằng người kia – bất kể hình tướng bên ngoài và biểu hiện của họ ra sao – cũng có một cái ta vô biên.

Khi con cảm thấy có xung đột với người khác thì con có thể xin cái ta vô biên của mình giao tiếp với cái ta vô biên của họ, và đem tối đa cảm nhận hợp nhất xuống cái ta-ý-thức của họ. Con sẽ thấy là nhiều xung đột sẽ được giải quyết một sớm một chiều khi họ có tâm thức mới. Và dĩ nhiên cũng là vì chính con cũng có tâm thức mới hai bên không là đối thủ của nhau. Mọi người chắc chắn đều liên đới trong thế giới vô biên, dù rằng có vẻ rất tách biệt trong thế giới vật chất và ảo tưởng này.

Kho dữ liệu đánh bẫy con như thế nào

Tác dụng của kho dữ liệu là tâm vô thức của con lúc nào cũng nỗ lực so sánh mọi chuyện với những gì có trong kho dữ liệu. Những gì có trong kho dữ liệu là những gì đã xảy ra trong quá khứ. Do đó, con không kinh nghiệm giây phút hiện tại như nó đang là. Con không kinh nghiệm thực tại với tâm trẻ thơ, như Giê-su đã giảng. 

Con kinh nghiệm thực tại qua phin lọc của quá khứ chứ không kinh nghiệm giây phút hiện tại. Con phóng chiếu lên thực tại một hình ảnh dựa trên những gì có trong kho dữ liệu. Tất cả mọi thứ trong thế giới vật chất đều được tạo ra từ ánh sáng Mẫu-Vật, là một tấm gương vũ trụ phản chiếu những gì phóng chiếu tới nó. Nếu con cho phép quá khứ phóng chiếu tới giây phút hiện tại rằng thế giới có nhiều người không tốt đang muốn hại mình, thì con sẽ thu hút những người sẵn sàng đóng vai đó.

Người đó có thể có một nhu cầu được hình thành bởi quan điểm thế giới có nhiều người muốn làm nạn nhân, hoặc không muốn tự lấy quyết định và cần người khác lay chuyển và bảo phải làm gì. Đây là hiện tượng tương ứng tức là người có nhu cầu điều khiển người khác sẽ thu hút người có nhu cầu bị điều khiển, làm nạn nhân.

Khi nào thì con sẽ được tự do? Con sẽ được tự do khi con chịu nhìn vào kho dữ liệu và nhìn vào từng hồ sơ từng ngăn tủ trong tiềm thức của con. Con có thể vào đó và dọn dẹp, vứt đi các mảnh tài liệu cũ kỹ và nhận ra con không cần phải giữ tờ biên nhận của tiệm chạp phô 15 năm về trước.

Cũng vậy, quyết định mà con lấy dựa trên những gì xảy ra 15 kiếp về trước cũng không cần ở đó nữa.

Hãy sẵn sàng kinh nghiệm tình thương vô điều kiện

Điều cơ yếu mà thày muốn nói ở đây là con chỉ có thể giao tiếp từ trái tim khi con kinh nghiệm được tình thương vô điều kiện và con sẵn sàng gửi tình thương vô điều kiện đó tới người khác. Con sẵn sàng không phán xét họ, không dán nhãn họ, và cho phép họ là gì họ là ngay lúc này. Khi đó, như thày MORE đã giảng, con cũng sẽ cho phép con là gì con là bất kể người kia chọn lựa ra sao, vì con nhận ra mình có thể chọn phản ứng của mình bất kể trạng thái tâm thức của họ.

Nếu con không làm vậy thì con đã mặc nhiên cho phép tất cả các người đã đối xử với con một cách nào đó trong quá khứ quyết định phản ứng của con đối với người trước mặt đang có vẻ đối xử tương tự. Nhưng người này thực ra chỉ biểu lộ trạng thái tâm thức của mình không liên quan gì đến các người kia trong quá khứ. Người đang đứng trước mặt con không liên hệ gì đến những người mà con đã gặp trong quá khứ, quả thật là không có liên hệ khách quan nào. Các người này chỉ có liên hệ trong tâm con, vì con cứ thu hút một loại người vì con không giải quyết được phin lọc trong kho dữ liệu cho rằng thế giới toàn những người như vậy.

Giao tiếp từ trái tim là thể hiện tình thương vô điều kiện. Tình thương vô điều kiện có nghĩa không lệ thuộc quá khứ. Đây không có nghĩa là con không nhớ quá khứ, mà có nghĩa là con không mang vết thương vết thẹo tình cảm và các định kiến khiến con phản ứng một cách nào đó khi con gặp một người nhấn các nút được tạo ra trong quá khứ.

Hãy tiếp xúc hiện tại ngay lúc này

Con không có nút nào hết. Con có thể nói như sau: “Bất kể chuyện gì xảy ra trong quá khứ, ngay lúc này, tôi không sống lại quá khứ. Tôi sống giây phút hiện tại với tâm như một tấm bảng trắng, với tâm ngây thơ của đứa trẻ.” Khi con làm thế thì con tự giải thoát khỏi khuôn nếp phản ứng cũ và tìm ra một phản ứng cao hơn khi con gặp một hoàn cảnh giống như một hoàn cảnh con đã gặp trước đây. Khi con chứng tỏ con muốn chọn một phản ứng cao hơn thì con mở cửa để tình thương vô điều kiện tràn vào, vì con không tìm cách bảo vệ mình và ngăn chặn người khác. Ngược lại con đang tìm cách nâng người khác lên, và đó chính là điều kiện khiến tâm con mở ra đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện.

Con có thấy là những gì thày vừa nói có vẻ mâu thuẫn chăng? Thày nói là có một điều kiện để tâm con mở ra đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện. Nhưng điều kiện này là con không có điều kiện – tức là con để cho thình thương tuôn chảy và bày tỏ vô điều kiện. Khi con bị các điều kiện của kho dữ liệu và quá khứ giam hãm thì con muốn điều khiển cách tình thương thể hiện qua con. Đó chính là lúc con khóa dòng chảy vì con đã đặt điều kiện là tình thương phải thể hiện ra sao. Tình thương vô điều kiện sẽ rút lại và nói: “Tôi tôn trọng chọn lựa của bạn. Nhưng tôi sẽ có mặt ngay khi bạn quyết định thay đổi chọn lựa, và cho phép tôi tuôn chảy qua bạn.”

Con chỉ có thể có khi con cho

Con có thể phối hợp các điều thày giảng và rút ra hai kết luận quan trọng chăng? Tình thương vô điều kiện muốn được tuôn chảy để nâng mọi sự sống lên. Nếu con ra điều kiện trong tâm con và dùng để phán xét người khác, thì tức là con nói: “Tôi không thể bày tỏ tình thương với một người trừ khi người đó hội đủ một số tiêu chuẩn. Người nào không hội đủ tiêu chuẩn phải bị trừng phạt hay điều khiển.” Như vậy là con đã không cho tình thương một cách tự do và vô điều kiện, và khi con không cho người khác tình thương vô điều kiện, thì tình thương không thể tuôn chảy qua con – và do đó con không kinh nghiệm được tình thương vô điều kiện.

Con có thấy ý nghĩa ẩn dụ trong bài cầu thỉnh: “Vì những gì ta cho, ta chắc chắn sẽ nhận”? Nếu con muốn được tha thứ, hãy tha thứ người khác. Nếu con muốn được tình thương, hãy cho người khác tình thương – nhưng hãy cho vô điều kiện. Tha thứ người khác vô điều kiện thì mình sẽ được tha thứ vô điều kiện. Con có nghe Ki-tô nói: Chớ phán xét, vì mình sẽ bị phán xét. Vì những gì con làm cho người khác thì con sẽ hứng chịu, vì thế giới này chỉ là một tấm gương.

Con hãy sẵn sàng nhận ra là nếu con không kinh nghiệm tình thương vô điều kiện, đó là vì có điều kiện nào đó trong kho dữ liệu của con đang làm nghẽn dòng chảy của nó. Con đang tìm cách điều khiển dòng chảy vì con muốn kềm chế người khác để khiến họ phải quy phục thế giới quan của con, và như thế giúp con cảm thấy thế giới quan của mình không bị đe dọa. Con hãy sẵn sàng chất vấn thế giới quan của con, nhưng thêm nữa con hãy xét xem con có thể rũ bỏ nó luôn chăng. Con hãy quan sát những người đang chìm đắm trong hệ thống tín điều của họ.  Nhiều người không thể đột nhiên rũ bỏ nó, vì làm vậy thì họ sẽ bị khủng hoảng bản sắc, tức là không còn biết mình là ai nữa.

Tâm linh có thật

Ý nghĩa thật của con đường tâm linh là con sẽ dần dần tiến tới chỗ con có thể làm giống như Giê-su khi trên cây thập tự.  Giê-su đột nhiên bừng thấy là mặc dù thày đã đạt được tâm Ki-tô tới một mức cao trong kiếp sống này, nhưng thày vẫn còn chờ mong là mọi phải diễn tiến một cách nào đó. Chính những chờ mong này đã trói buộc thày vào địa cầu. Đó là lúc thày quyết định – đây là hành động buông bỏ tối hậu – để cho quá khứ hoàn toàn chết đi, và đó cũng là lúc thày được tái sinh.

Nếu lúc đó Giê-su không để cho quá khứ chết hết đi, thì con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra? Thày sẽ phải đầu thai trở lại để vượt qua quá khứ đó, cho tới khi thày sẵn sàng chất vấn cách thày nhìn thế giới và nhận ra là nó không có thực.

Có người cho rằng Giê-su vốn là Thượng đế hay là con Thượng đế, và do đó thày được bảo đảm chiến thắng và thăng hoa. Nhưng không có gì bảo đảm cả trong thế giới tự quyết này. Giê-su khi trên thập tự có thể từ chối không rũ bỏ hết quá khứ, và nếu vậy không trở thành Giê-su Ki-tô, tức là tiếp tục là vị mà có người đã gọi là Giê-su người thợ một, tuy rằng thày có thể thổ lộ sự thực là trong kiếp đó Giê-su không hề làm nghề thợ mộc.

Cho mọi người chọn lựa thực

Ta có thể nói mục đích của con đường tâm linh là vượt qua các điều kiện nơi mình để rồi giản dị thấy thế giới như nó là, chấp nhận nó như nó là, chấp nhận là cái gì đang là thể hiện cái không thật, và cái không thật thì không bao giờ thường hằng. Do đó, mỗi lúc con đều cho phép tình thương vô điều kiện thể hiện để mọi người có thể chọn giữa tình thương và phản tình thương.

Con không đi vào rung động của phản tình thương và tìm cách buộc người khác phải chọn lựa một cách nào đó. Con cho họ cơ hội lựa chọn. Con sẵn sàng để tình thương phát biểu rất thẳng thắn – nếu cần – khiến họ phải trực diện chọn lựa đó bằng cách chứng minh rõ ràng  – nếu cần – là họ có thể có chọn lựa khác. Nhưng con không vượt qua lằn ranh và muốn ép buộc họ. Con giữ tự do của mình để con có thể ở trong tình thương vô điều kiện bất kể lựa chọn của họ.

Dĩ nhiên là con có thiện ý muốn giúp người khác –  và con có thể đã bỏ ra nhiều công sức giúp người đó nhận ra điều gì – nhưng nếu họ không chịu nhận ra thì con sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu con có tình cảm tiêu cực hay dính mắc thì con đã không hoàn toàn ở trong tình thương vô điều kiện, và con cần làm việc chỉnh sửa tâm mình. Con cần phải xem lại kho dữ liệu của mình và nhận ra tại sao con đã tạo hình ảnh là người quanh mình – mà con biết là Thượng đế đã cho họ quyền tự quyết – phải phản ứng một cách nào đó, phải chọn lựa một cách nào đó khi con nói hay làm điều gì.  Vì sao con đã cho phép mình cất vào kho dữ liệu, vào thế giới quan của mình, các yếu tố phản tình thương này?

Nếu con không chờ mong thì con không thể bị thất vọng, bất kể người kia làm gì hay không làm. Con có thấy chăng là chỉ khi nào con không bị thất vọng hay bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi người khác thì con mới thật sự có tự do. Chỉ khi đó con mới ở trong tình thương vô điều kiện. Con yêu dấu, làm sao con có tự do? Chỉ có cách duy nhất là ở trong tình thương vô điều kiện. Chỉ ở nơi không điều kiện thì con mới được thật sự tự do.

Hãy nhận Hiện diện của thày

Thêm vào lời nói, thày đã neo chặt Hiện diện của thày là hai yếu tố nam nữ, hai thể hiện nam nữ, của Tia sáng Thứ ba của Tình thương của Thượng đế. Con đã có cơ hội cảm nhận nó, nếu con chấp nhận nó. Nếu con không cảm nhận nó thì con nên biết là Hiện diện của thày vượt qua giới hạn của thế giới vật chất. Bất cứ lúc nào trong tương lai, con đều có thể cảm nhận Hiện diện của thày nếu con chịu mở tâm đón nhận. Nếu con chưa mở tâm được lúc này thì đừng nản chí, đừng để kho dữ liệu chế ra một phán xét. Con hãy nhìn nhận là con cần làm việc tảy rửa các điều kiện đang ngăn chặn con không nhận được tình thương vô điều kiện, và chấp nhận là con xứng đáng được nhận nó. Sau đó, con hãy ra sức làm việc, và nhận ra rằng khi con đã quét dọn đủ số các ngăn tài liệu thì Mặt trời của tình thương vô điều kiện sẽ chiếu sáng xuyên qua đám mây, và con sẽ cảm nhận được nó.

Con yêu dấu, thày LÀ một đấng vượt thời gian và không gian. Con cũng vậy, con vũng vượt thời gian và không gian. Con hiện đang chọn coi mình là một sinh thể bị thời gian và không gian giới hạn – và chọn lựa này hoàn toàn chấp nhận được – nhưng con nên biết đây không phải là chọn lựa duy nhất của con.

Thày niêm con trong ngọn lửa của Tình Thương Vô điều kiện của TA LÀ. Thày niêm các phong trào các người tâm linh đang đi tìm một trạng thái tâm thức cao hơn. Khi con tiếp tục hướng về tình thương vô điều kiện, thì ông hoàng thế gian sẽ tìm đến nhưng sẽ không nắm được gì nơi con. Mặc dù đại diện của hắn có thể gia nhập, nhưng họ sẽ không phá đổ được phong trào này. Họ sẽ ngừng được vòng xoắn đi lên đã hình thành và có tiềm năng gia tốc để trở thành vùng ánh sáng huy hoàng xóa tan màn đêm đang bao phủ quả đất. Đây là ánh sáng soi đường tới một thực tại mới, một cách hội tụ mới, một cách giao tiếp mới đựa trên tình thương vô điều kiện. Thày niêm các con trong tình thương đó.

Nhiều hơn là hiểu biết bằng trí năng

Bài giảng của chân sư thăng thiên Elohim Apollo qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/1/2009. Bài này được xếp thành Chương 4 của quyển Làm sao giáo tiếp từ trái tim (How to Communicate from the Heart, Kim Michaels, 2014).

Tên ta là Apollo, TA LÀ và mọi người biết ta là Elohim của Tia Sáng thứ 2 của sự Minh Triết của Thượng đế. Ta đến đây để giúp các con hiểu ý nghĩa của Tia Sáng thứ 2 trong sự giao tế từ con tim.

Cái khó khăn con phải đương đầu là làm sao giữ được mình LÀ giữa cái tăm tối Không Là đầy dãy trên hành tinh này. Cái Không-Là này đã có mặt trên hành tinh này lâu đến độ các lực đằng sau nó tưởng rằng họ làm chủ hành tinh này và có quyền sở hữu luôn cả hành tinh này.

Họ không ngờ rằng đang có một nhóm người nhỏ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ và chứng minh cho thế giới thấy rằng nhóm người này muốn là tình thương vô điều kiện dù hoàn cảnh bên ngoài có như thế nào chăng nữa.

Sự lạm dụng tôn giáo

Dù rằng con người sẽ đau đớn khi phải đối mặt với các vấn đề cá nhân của mình, con cần nhận ra rằng muốn cho nhân loại tiến lên và vượt qua các giới hạn, thì phải có những người chịu tiên phong làm mũi giáo dẫn đường và chứng minh rằng họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề cá nhân của họ và như thế họ có thể tạo cảm hứng cho người khác làm theo.

Từ bấy lâu nay, các thầy đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần – trong những cảnh huống khác nhau và dùng những từ ngữ khác nhau – các thầy đã nói nhiều lần là trong một thời gian rất là dài những người thầy giả đã dùng tôn giáo để lừa dối con nghĩ rằng con có thể đi vào nước Trời mà không cần phải nhận ra cái xà nhà trong mắt con, không cần phải nhìn thẳng vào tự ngã của con.

Có nguyên cả một tâm thức như thế đè lên trên hành tinh này như một đám mây đen kịt. Có những người tâm linh hàng đầu cũng bị dụ dỗ tin rằng họ có thể tìm ra tôn giáo tối hậu hay người thầy tối hậu sẽ làm hết mọi việc cần làm dùm cho họ.

Hoặc họ tin rằng họ có thể tìm ra một công thức thần sầu giúp cho họ đi vào nước Trời mà không cần phải nhọc công làm cái công việc nhìn vào tự ngã của mình, vứt đi những quyết định cũ sai lầm, lấy những quyết định mới tốt hơn vì họ nhận ra được là những quyết định cũ của họ đã giới hạn họ – dù là chuyện nhận ra mình sai lầm cũng đã làm cho họ đau đớn.

Chỉ khi nào con chịu nhìn vào các lựa chọn cũ của mình trong thái độ trên thì con mới nhận ra được là con to lớn hơn cái bản sắc mà con đã tạo ra qua những lựa chọn cũ này. Con có thể vượt lên trên chúng, bỏ chúng lại đằng sau, vứt chúng vào đống lửa của cái Ta Là của con.

Trái tim đầy những gì?

Thày More đã xây một nền tảng vững chắc khi Thày nói tới ý chí của Thượng đế trong sự giao tiếp bằng trái tim. Thực ra có nhiều người trên thế gian này không muốn giao tiếp bằng trái tim. Ngay cả chuyện nối kết với cái Một của trái tim, họ còn không muốn nữa.

Chúng ta có thể mở rộng sự hiểu biết và nhớ lại lời dạy của Ki-tô. Thày nói rằng cái gì nó đầy ắp trong con tim sẽ tràn ra ngoài cửa miệng. Thật vậy, con tim có thể bị pha màu sắc của sự giận dữ hay tình cảm tiêu cực khác

Lẽ dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là con tim đã dính chặt với cảm xúc tiêu cực đó. Nên nhớ rằng con tim là cái cốt lõi của mình. Không có cái gì trên thế gian này chế ngự được cái cốt lõi. Điều này không có nghĩa là con cứ tiếp tục để cho luân xa trái tim của con bị nhét đầy cái nhìn tiêu cực và những rung động thấp kèm theo.

Con có thể thấy được những người trên thế gian này với con tim biểu lộ sắc thái phản-tình thương. Con tim họ mang cái nhìn cơ bản của họ về cuộc đời và thái độ cơ bản của họ đối với cuộc đời.

Họ có khuynh hướng phản ứng lại với cuộc đời một cách tiêu cực. Hoặc là họ phóng chiếu cái tiêu cực lên người khác. Đó là lúc cái miệng sẽ tuôn ra điều tiêu cực mỗi khi họ ở trong hoàn cảnh không đúng sự mong chờ của họ.

Lẽ dĩ nhiên là sự mong chờ này đến từ cái nhìn cuộc đời của họ. Họ đã chọn lựa nhìn cuộc đời như thế và họ cho rằng cách họ nhìn cuộc đời là sự thật tối hậu. Họ không thấy ra được là đây chỉ là một ảo tưởng không thật của tâm nhị nguyên mà họ tự nguyện cho đó là sự thật. Sau đó họ đã tự ý phóng chiếu cái ảo tưởng này lên trên ánh sáng Mẫu-Vật.

Một khi con tim đã bị pha màu sắc biểu lộ tiêu cực, những người này sẽ không chịu nhìn nhận là nó là ảo tưởng và không nhìn nhận rằng chính mình đã lựa chọn ôm lấy ảo tưởng này.

Ngược lại, họ sẽ phóng chiếu ra hình ảnh cho rằng mọi chuyện thật sự là như vậy. Bởi vì họ đang sống trong một thế giới song song của riêng họ với đầy sợ hãi, giận dữ hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào mà đã họ chọn làm thái độ căn bản của khi tiếp xúc với cuộc đời.

Hãy nhìn vào chính trái tim của con

Các con minh triết hơn vì các con đã bắt đầu trong lọc tim của mình. Các con đã bắt đầu vượt lên cao. Nhưng một số các con vẫn còn một phần nào yếu tố phản-tình thương trong luân xa trái tim khiến các con pha màu cái nhìn về cuộc đời của mình.

Điều Thày muốn giúp con hiểu ở đây là ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con đầu tiên hết đi vào cái phòng bí mật trong tim của con rồi từ đó đi vào luân xa trái tim. Như vậy nếu trong luân xa tim của con có một yếu tố ảo tưởng không-thật, cái không-thật này sẽ pha màu ánh sáng ngay trong sự biểu hiện đầu tiên của nó trong con người thấp của con.

Đó là lý do tại sao rất khó mà thấy được những yếu tố ảo tưởng trong luân xa trái tim vì con cứ tin chắc rằng mọi chuyện nó phải là như vậy thôi. Con không muốn ngừng lại và nghĩ: “Có thể chăng, đây chỉ là một ảo tưởng?”

Con sẽ nghĩ là con không cần phải đặt vấn đề. Con cho rằng con đã giải quyết nhiều chuyện trong tâm lý của mình, con đã buông bỏ nhiều dính mắc, con đã buông bỏ nhiều ảo tưởng, cho nên cái yếu tố này trong con người con không cần phải tra vấn nó đâu.

Con cho rằng yếu tố này dựa trên sự thật. Con cho rằng trong nó có sự thật vì nó được thẩm thấu bởi ánh sáng đến từ Hiện diện TA LÀ. Con thấy được sức mạnh của ánh sáng nhưng lại không thấy được ánh sáng đã bị pha màu bởi cái ảo tưởng nhị nguyên mà con đã chấp nhận là sự thật.

Làm sao con có thể nhìn xuyên suốt và nhận ra được là chúng là những ảo tưởng cốt lõi trong con? Con nhận ra được sự thật khi con gặp một vị thầy sống. Ý của ta là người thày đó không nhất thiết phải là một vị có danh tiếng, chức tước, thẩm quyển hay học vấn cao.

Ý ta muốn nói là con gặp được một vị thày sống giả dạng dưới nhiều hình thái khác nhau. Thày More đã từng nói: “Nếu vị thày là một con kiến, thì hãy theo con kiến đó”, phải không con? Con còn nhớ câu chuyện cổ tích xưa về y trang mới của Hoàng đế trong đó đứa bé nhỏ xíu thốt lên: “Ủa sao hoàng đế đâu có mặc quần áo gì đâu?” 

Khiêm nhường là một đức tính cốt yếu trên con đường tu

“Con có sẵn sàng để cho người chung quanh con nói cho con biết điều mà con không thấy được?” Con có sẵn sàng để thấy một yếu tố ảo tưởng đã ăn sâu trong cốt lõi của con người thấp của con mà con không thấy nó là ảo tưởng và con nghĩ rằng con không cần phải đặt vấn đề với nó?

Những người đi tìm tâm linh muốn biểu hiện trọn vẹn tiềm năng của mình cần có can đảm phơi bày ra công chúng những dính mắc của mình và chứng minh cho mọi người thấy là họ sẵn sàng nhìn vào bất cứ khía cạnh nào của tự ngã của họ và họ sẵn sàng vượt lên trên chúng, vứt chúng lại đằng sau.

Làm như vậy sẽ tạo cảm hứng cho nhân loại tiến cao hơn. Họ sẽ thấy được rằng cái ảo tưởng cho rằng mình sẽ được cứu rỗi tự động mà không cần phải thấy cái xà nhà trong mắt của mình, cái ảo tưởng này quả thực chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Đây là một sự dối trá, một con đường giả không đưa tới cứu rỗi, kéo họ ra khỏi con đường chân chính mà Ki-tô, Phật, Lão tử và bất cứ vị thày tâm linh khác đã chứng minh. Các vị thày này đã thật sự nối kết được và hiểu được mọi sự sống là một.

Nhận từ con tim

Khi con muốn người khác giúp con và nói cho con biết điều mà một mình con không thấy được, lúc ấy con cần bước lên bước kế tiếp. Con cần hiểu ra rằng chỉ có một cách giúp cho con nhìn thấy điều mà bây giờ con không thấy được là con phải vượt lên trên cái trí vỏ ngoài của con. Con phải cho phép người khác giao tiếp với con bằng con tim của họ và con cũng đón nhận họ từ con tim của mình. Giao tiếp là một tiến trình hai chiều, phải không con?

Ít ra thì phải hai chiều nếu muốn thành công. Thày muốn nói với con rằng giao tiếp bằng trái tim chỉ xảy ra nếu có dòng chảy từ Alpha tới Omega, dòng chảy của sự cho và nhận. Người kia  có thể đang muốn nói cho con một điều từ con tim của họ, khi họ đang kết nối với con tim của họ, nhưng nếu chính con không kết nối với trái tim mình và không chịu tiếp nhận từ trái tim mình, thì sự giao tiếp này không đem lại kết quả cho con thấy điều mà con không thấy được.

Lúc đó, con không lên cao được. Con sẽ đi xuống thấp hơn, con sẽ có phản ứng sợ hãi và tìm cách bênh vực cho cái mà mình không thấy được, bênh vực cái ảo tưởng mà mình tưởng là sự thật. Con đã từng thấy điều này lập đi lập lại ngoài đời khi người ta cứ khăng khăng bênh vực ảo tưởng của họ, tranh cãi là nó là sự thật hay cho rằng họ không có nhu cầu đặt vấn đề về các ảo tưởng này. Có khi họ còn đi tới cái cực đoan là tấn công những kia mà họ cho rằng đang tấn công họ hay tấn công ảo tưởng của họ, thế giới quan của họ, tôn giáo yêu dấu của họ hay ý thức hệ chính trị của họ.

Hãy khôn ngoan hơn tự ngã của con

Con cần khôn ngoan hơn. Con cần dùng sự minh triết của Tia sáng thứ 2 và nói: “Con sẽ cao hơn những người bênh vực ảo tưởng của họ. Con sẽ đi vào trái tim của mình. Con sẽ không đi vào cái trí phân tích và tìm cách bênh vực ảo tưởng của mình khi có người đang cố gắng nói cho con biết điều gì từ trái tim của họ.” Đôi khi có những người đang cố gắng nói một điều gì về con mà họ chưa hoàn toàn an trụ nơi trái tim họ. Họ có thể hơi bực bội, hay nóng giận vì họ đã phải chịu đựng con trong một thời gian nào đó. Họ đã chán quá rồi và bây giờ thị họ muốn nói ra. Vì họ bực bội hay nóng giận nên nhiều người vịn vào đó để không chịu lắng nghe họ.

Nhưng thày nói với con, nếu con khôn ngoan thì con sẽ nói, nếu có ai nói điều gì với con, con sẽ bỏ qua những thiếu sót của người đó. Con sẽ bỏ qua sự rung động của họ lúc đó. Con sẽ vượt lên trên các lời nói. Con sẽ đi vào trong tim mình và hỏi: “Có điểm gì trong đây là thật, là điều mình cần nhìn thấy? Người này nói có lý không? Người này có thấy được điều gì bên trong mình mà mình cần phải sửa đổi không, dù là cái thấy của người này không hoàn hảo?”

Con nên khôn ngoan mà nhìn ra một cái bẫy khác của tự ngã. Tự ngã có khuynh hướng dùng cái trí phân tích để tranh luận bênh vực hay chống lại các tin tưởng của con, để tranh luận bênh vực hay chống lại điều gì người khác nói. Con nên có sự minh triết và áp dụng những bài pháp mà các thày đã dạy con về tâm nhị nguyên [Xem các cuốn sách, Giải thoát khỏi Ảo tưởng của Tự ngã, Giải thoát khỏi Trò chơi của Tự ngã, Giải thoát khỏi Bi kịch của Tự ngã]. Con cần nhận ra rằng tâm nhị nguyên có thể chứng minh bất cứ cái gì là đúng. Bởi vì tâm nhị nguyên đặt nền tảng trên khả năng phân tích của trí, là cái trí năng.

Con phải nhận ra sự hạn chế của trí năng. Thày không có ý nói là trí năng là một cái gì xấu mà con phải né tránh. Nó là một phần cần thiết trong tâm con người. Nhưng nó được đặc biệt tạo dựng để xử lý thế giới hình tướng. Như các thày đã giảng dạy rất sâu sắc trong các cuốn sách của Mẹ Mary và Maitreya, thế giới hình tướng có đặc tính là mọi sự vật trông khác nhau, cái này nhìn khác hẳn cái kia khi so sánh chúng với nhau.

Cái trí phân tích được tạo dựng để xử lý những sự khác biệt này. Nó phân tích và phân loại những đặc tính khiến cho hình tướng này khác với hình tướng kia. Nó giúp cho con xét đoán để biết được cái gì tích cực hay không tích cực, cái gì giúp con và mọi sự sống mở rộng ra và cái gì hạn chế con và mọi sự sống. Cái trí có thể làm được một phần nào việc này, đặc biệt là khi nó nằm dưới sự hướng dẫn của con tim.

Lẽ dĩ nhiên, giống như trường hợp mọi khả năng khác, cái trí có thể cho mình là cứu cánh. Con đã từng thấy những người chưa bao giờ kết nối với trái tim của họ. Họ tin rằng cái trí cao cấp và không cần chịu sự điều khiển của trái tim vì cái trí hoàn toàn có khả năng biết được chân lý một mình nó. Như thày đã nói, cái trí được tạo dựng để giúp con phân biệt những vật trong thế giới hình tướng.

Cái trí không thể khám phá ra chân lý tối hậu, sự thật tối hậu. Nó còn không hiểu nổi các khái niệm này. Con đã từng thấy nhiều người bị giam hãm trong cái trí. Họ có thể tranh cãi hàng giờ đồng hồ về một ý tưởng hay thế giới quan, dù là sâu thẳm trong họ, họ biết là chẳng có chân lý tối hậu nào cả và cũng chẳng có một luận cứ tối hậu nào cả. Rốt cuộc thì họ cũng thấy rằng khi dùng cái trí, bất cứ ý kiến nào cũng có thể cãi ngược lại với một ý kiến khác và họ đi đến chỗ tin rằng chẳng có chân lý tối hậu nào cả.

Biết chân lý tối hậu

Làm sao con có thể kết nối được với chân lý tối hậu? Con yêu dấu, chỉ qua con tim của con mà thôi. Như thày More đã nói, chỉ có con tim mới kết nối được với sự thật tối hậu là mọi sự sống là một. Lẽ dĩ nhiên khi con nhận ra điều này, con đã có cái biểu lộ tối hậu của minh triết. Con thấy được là một mặt con có cái biết của cái trí, rất giỏi trông thấy các chi tiết nhưng rất dở không thấy được bức tranh tổng thể, vì chỉ có trái tim mới thấy được cái tổng thể. Lẽ dĩ nhiên là cái trí luôn luôn chú tâm vào những điểm khác biệt, nó đã được tạo dựng để phân tích và phân loại những điểm khác biệt. Do đó, nó không thể thấy, không thể nhìn sâu sắc để nhận ra sự thật bên dưới là mọi sự sống là một.

Những người bị giam hãm trong cái trí thấy họ tách biệt khỏi mọi người, tách biệt khỏi Thượng đế. Rồi thì, sự hiện hữu của Thượng đế và bản thể của Thượng đế trở thành một đề tài tranh luận của trí năng.

Thay vì tìm cách nối kết với Thượng đế, trải nghiệm trực tiếp Thượng đế trong tim mình, thì cái trí tranh cãi xem hình ảnh nào của Thượng đế là hình ảnh tối hậu của vị Thượng đế xa xăm ở bên ngoài con người. Đây là điều mà các nhà trí thức thần học đã làm trong mấy ngàn năm qua. Họ không bước được một bước nhỏ tới sự trải nghiệm trực tiếp về cái duy nhất của Cái Là của Thượng đế.

Vượt lên trên chờ đợi

Câu hỏi mấu chốt là: “Con có muốn giao tiếp với mọi người từ con tim hay không?” Câu trả lời của con sẽ đưa con tới mức minh triết tương ứng. Hoặc là con tiếp tục thấy mình tách biệt với người khác. Hoặc là con thấy hay bắt đầu thấy là bên dưới là mọi sự sống là một. Con có muốn nâng cao tự ngã của mình? Con có muốn bênh vực cho tự ngã tách biệt của mình? Con có muốn bảo vệ cho mình không bị tổn thương? Hay là trong mọi tình huống, con đều tìm cách nâng cao mọi sự sống?

Thày khuyên con nên đọc đi đọc lại nhiều lần những lời giảng của thày More bởi vì trong đó có những chìa khóa tâm linh mà ít ai nhận ra được lần đầu. Thày khuyên con quán các lời của thày More với trái tim của con cho tới khi con nhận ra sự thật bên dưới những lời nói của thày. Khi nào con thật sự trải nghiệm sự thật và sự minh triết của quyền tự quyết, thì con hiểu rằng không có bất cứ lý do gì, không có cái gì biện minh được cho sự chờ đợi rằng mọi sự phải xảy ra như thế này hay như thế kia trên trái đất này. Khi con có minh triết, con cũng hiểu rằng nói như trên không có nghĩa là con sống và nhắm mắt chấp nhận tất cả mọi thứ đang xảy ra mà không có sự phân biện tâm linh.

Thật vậy, làm sao mọi sự có thể thay đổi được nếu không có những người tiên phong muốn có cái gì cao hơn, muốn vượt lên trên những gì đang được biểu hiện ngay bây giờ? Con cần nhận ra rằng con không thể nào thay đổi được mọi chuyện trên trái đất này, nếu con có một chuẩn mực, rồi con so sánh người khác và hành động của họ với chuẩn mực của con, con phê phán họ với cái tâm phê phán phàm phu và con kết luận họ sai trái vì họ không đạt được tiêu chuẩn của con đặt ra cho họ. Những sinh thể sa ngã cũng đã muốn thay đổi trái đất, một số tin rằng họ sẽ cứu rỗi nhân loại qua sự kiểm soát, và áp lực mọi người phải hành động theo một hướng nào đó. Họ cho rằng nếu mọi người sống theo chuẩn mực bên ngoài, họ sẽ được vào cõi Trời.

Tạo cảm hứng thay vì áp lực

Lẽ dĩ nhiên sự thực là chỉ có một cách đi vào nước Trời là nhận ra rằng con chưa bao giờ tách biệt khỏi nước Trời vì mọi sự đều là nước Trời và chỉ có nước Trời mà thôi. Cách duy nhất để trái đất này thay đổi tốt lành hơn không thể dùng áp lực mà phải tạo cảm hứng cho mọi người lấy những quyết định tốt hơn. Những người cho mình là thày là những vị thày giả vì họ đã tách họ ra khỏi cái một của mọi sự sống.

Do đó, họ tìm cảch kiểm soát, áp lực người khác và tước đoạt quyền tự quyết của người khác. Con chỉ có thể bước vào nước Trời bằng sự tự quyết của con. Con chọn đi vào nước Trời, ngược lại với con chọn không muốn đi vào nước Trời. Con yêu dấu, con không thể nào áp lực người khác lấy chọn lựa đó. Con có thể áp lực người khác làm một hành động nào đó, con có thể áp lực họ chấp nhận một số tin tưởng nào đó. Nhưng con không thể áp lực họ là người như thế này hay người như thế kia.

Họ phải lấy quyết định tự do là họ muốn là người như thế đó. Nếu con nghĩ rằng con làm việc cho ánh sáng, cho các chân sư, làm việc để nâng cao toàn thể nhân loại, mà con có cái ý niệm vi tế muốn áp lực người khác chấp nhận một số tin tưởng, thậm chí áp lực họ đi theo một tôn giáo nào đó, thì thực ra con không làm việc cho ánh sáng, con đang chống lại ánh sáng.

Đây là trường hợp của nhiều người có ý hướng tốt trong thế giới tâm linh nhưng lại bị kẹt trong cái ảo tưởng về sự cứu rỗi tự động vỏ ngoài. Các con là những người có trí tuệ, các con phải giải thoát trái tim mình ra khỏi mọi yếu tố của ảo tưởng này để con không bao giờ tìm cách áp lực người khác. Ngược lại, con tìm cách cho họ cảm hứng để chọn lựa hay hơn.

Tại sao thế giới đang như thế này?

Tại sao thế giới đang như thế này? Thế giới này là kết quả của những chọn lựa của tập thể. Chọn lựa của từng cá nhân gộp chung lại với nhiều cá nhân thành chọn lựa tập thể đã tạo ra các điều kiện sống hiện nay. Làm sao thay đổi đây? Chỉ khi nào đủ túc số một nhóm đông đảo cá nhân chọn lựa khác đi vì họ có được sự minh triết lấy một chọn lựa mới tốt hơn. Tuy nhiên con không thể áp lực họ thấy được sự minh triết đó. Con chỉ có thể tạo cảm hứng cho họ qua sự truyền dạy của con. Con dạy như thế nào? Con dạy bằng gương sống của con, con là, con là một với sự minh triết đó.

Con dạy bằng cách con làm gương cho người khác thấy là con sẵn sàng nhìn vào các ảo tưởng, các ảo tưởng trong thế giới chung quanh con (điều này dễ làm và an toàn vì đây là ảo tưởng do người khác tạo ra) và các ảo tưởng bên trong con. Con nhận ra rằng con đã chấp nhận một số ảo tưởng từ bên ngoài tới nhưng chính con cũng đã tạo ra ảo tưởng.

Tại sao con tạo ra một số ảo tưởng? Con tạo ra chúng để con có cái cớ để không tiến lên cao hơn, cái cớ để kềm giữ ánh sáng của mình. Thật ra, con xuống thế gian này để là một ngôi Mặt Trời tỏa rạng ánh sáng đặc thù của con về tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Khi tình thương của con cứ bị bác bỏ liên tục bởi những người đã quên mất là họ là những đứa con của tình thương, con mới quyết định kềm giữ lại ánh sáng của con đối với người phàm phu.

Con phải có lý do tại sao chuyện con kềm giữ ánh sáng là cần thiết và thích ứng. Để làm được chuyện này con đã tạo ra một số ảo tưởng nay đã thâm nhập cốt lõi của tâm phàm của con nơi luân xa trái tim. Như vậy nó đã pha màu cách con nhìn đời, và ngay cả cách con nhìn chính mình.

Không chịu cho

Nếu con ngần ngại và không chịu cho – ở đây thày nói tới tinh thần cho rộng rãi và vô điều kiện – thì con đã tạo ra một ảo tưởng biện minh tại sao con không cho, tại sao con không phải cho, tại sao không thể nào cho được, tại sao cho là không đúng.

Có hàng loạt những ảo tưởng như vậy, nhưng chúng là thế đấy: chúng là ảo tưởng, hỡi con yêu dấu. Con không xuống đây để kềm giữ ánh sáng của mình. Con xuống đây vì con thấy hành tinh này tăm tối bởi vì đa số đã kềm giữ ánh sáng của họ. Con xuống đây để tạo một sự thay đổi! Con không tạo sự thay đổi bằng cách làm y như mọi người là kềm giữ ánh sáng của mình. Thày tin rằng con thấy được điều này. Làm sao con tạo được sự thay đổi? Bằng cách làm điều mà người khác không làm.

Bằng cách con cho vô điều kiện, không có nghĩa là con cho một cách vô minh, mà con cho với sự minh triết. Con không cho người khác ánh sáng và năng lượng của con vì con thương cảm, để giúp người đó tiếp tục ở lại trong trạng thái tâm thức giới hạn của họ. Con cho để nâng cao người kia lên trên trạng thái tâm thức hiện thời của họ. Thậm chí có vài trường hợp trông có vẻ như con đang kềm giữ ánh sáng để tránh không khuyến khích người kia. Nhưng khi con quán chiếu lại với sự minh triết rộng lớn hơn, con hiểu rằng thực sự con đã không kềm giữ ánh sáng của mình.

Đây là trường hợp con định hướng ánh sáng của con, khi con cho, con dùng phương cách thích hợp để tạo cơ hội tối ưu để nâng người đó lên cao bằng cách con tạo cảm hứng cho người đó thấy được là cuộc đời của họ có thể tốt lành hơn, rộng lớn hơn hiện tại. Thực vậy, có những trường hợp con không hạ thấp con xuống cùng mức độ và tâm thức của người kia và đồng cảm với họ. Ngược lại con cho họ ánh sáng của con bằng cách làm gương cho họ thấy là có một trạng thái tâm thức cao hơn. Con sẽ không hạ thấp con xuống cùng mức tâm thức của họ, con nhất định không làm như vậy, dù là họ cố gắng kéo con xuống thấp để họ có cái cớ không phải thay đổi chính họ.

Cho trong minh triết

Có một sự khác biệt vi tế giữa giữ lại và cho trong minh triết mà thày sẽ cố giúp cho con thấy. Giữ lại có nghĩa là con ngừng dòng chảy. Cho trong minh triết nghĩa là con điều khiển dòng chảy theo hướng đem lại kết quả tốt nhất. Làm sao con biết chuyển hướng dòng chảy như thế nào? Nếu con dùng trí phân tích vỏ ngoài thì con không sao biết được. Con biết được khi con nối kết với trái tim và con để cho chân tâm của con điều khiển dòng ánh sáng xuyên qua con. Con yêu dấu đây là cách điều khiển dòng ánh sáng.

Con không tìm cách kiểm soát người khác, đó là điều mọi người làm khi họ sợ. Con luôn luôn tìm cách làm chủ và để cho Thượng đế làm chủ chính tâm của con. Như vậy trong mọi hoàn cảnh, con có thể chọn không phản ứng với một phản ứng lập trình có sẵn, giống như thày MORE đã nói. Con có thể chọn nối kết với trái tim mình và từ đó con đáp ứng với một đáp ứng cao hơn. Đáp ứng đó có mục đích nâng cao tâm thức người kia, dù là khi cần thiết, con cũng có thể chất vấn người đó để họ thấy được là họ cần thay đổi. Một lần nữa, con không xét đoán vấn đề với trí vỏ ngoài. Cái trí này có thể phê phán vi tế và từ đó ngăn chặn dòng chảy.

Đôi khi con nghĩ: “Người này phải thay đổi và người này phải thấy điều này ngay bây giờ và tôi phải cứng rắn với người này.” Những lúc khác, con lại nghĩ: “Ồ, người này đang buồn bực. Tôi không thể nào cứng rắn với người này lúc này. Tôi không thể nói cho họ biết sự thật. Tôi phải lui về và không làm gương cho họ thấy tôi ĐANG LÀ trong trạng thái tâm thức cao.” Con thấy không, một lần nữa, là trong nhị nguyên luôn luôn có hai phân cực ngược nhau và ngay cả cái ảo tưởng của lối suy nghĩ xám đứng giữa. Con phải minh triết thấy ra điều này và lùi về. Lần nữa, con không cần phân tích. Con chỉ nối kết với trái tim và để cho chân tâm biểu lộ xuyên qua con.

Mặt Trời nhiều hơn là một hiện tượng vật lý

Mặt Trời vật lý mà con thấy trên trời thật ra nhiều hơn là một hiện tượng vật lý. Nếu những nhà trí thức khoa học tin rằng họ biết hết mọi chuyện, hay ít ra họ cho rằng chẳng có gì khác ngoài vũ trụ vật chất này, nếu họ dùng khoa học để đo lường tổng số năng lượng phát ra từ Mặt Trời vật lý và sau đó đo lường tổng số những tiến trình nội tại xảy ra bên trong Mặt Trời, họ sẽ thấy giữa hai con số có sự thiếu hụt. Năng lượng sản xuất từ các tiến trình vật lý của Mặt Trời không đủ để giải thích tổng số năng lượng mà Mặt Trời phát ra. Thật ra, Mặt Trời vật lý giản dị chỉ là cánh cửa mở cho ánh sáng từ cõi tâm linh tuôn chảy xuống cõi vật chất. Con cũng vậy, con được tạo dựng ra để là cánh cửa mở như thế.

Con có thể điều khiển ánh sáng đến từ Hiện Diện TA LÀ. nhưng đừng rơi vào cái bẫy tìm cách điều khiển nó với trí phân tích vỏ ngoài, thường dễ rơi vào thói quen phán xét của tâm phàm phu. Ngược lại, con chú tâm vào việc nâng cao mọi sự sống thay vì phán xét là người này phải làm như thế này hay như thế kia. Hãy để ánh sáng tuôn chảy và quan sát xem nó tuôn chảy như thế nào. Hãy quan sát chính mình. “Tôi có đang buông bỏ không? Tôi có đang phán xét người kia một cách vi tế không và sự phán xét này đã ngăn cản không cho ánh sáng biểu lộ xuyên qua tôi với tiềm năng cao nhất của nó?” Rồi từ lần con minh triết hơn khi con vượt lên trên sự thông minh của cái trí và luôn cả sự thông minh của các người thày giả. Họ đã đầu độc mọi khía cạnh của cuộc sống trên trái đất này với lý luận nhị nguyên “tinh vi” của họ.

Con hãy vượt lên trên nhị nguyên – cái mà một số người còn lầm tưởng gọi là minh triết. Con hãy minh triết với sự minh triết của trái tim. Sự minh triết này tuôn chảy từ chân tâm cao của con mà cái Ta Biết của con hiểu được nhưng trí vỏ ngoài của con thì không thể hiểu được.

Kho dữ liệu của con

Nhiều lần những người bị kẹt trong cái trí thấp có thể nghĩ ra những luận cứ để bênh vực điều này hay kiều kia hay điều mới nào khác, những luận cứ mà họ cho rằng không thể nào đả phá nổi. Con có thể thấy chuyện này xảy ra với những thày thông giáo và Pha-ri-si chất vấn Ki-tô và những người Bà là môn chất vấn Phật. Vị nào đã đi vào trong tim và nối kết với cái duy nhất trong mọi sự sống có thể trả lời phá tan mọi luận cứ của những bộ óc ưu tú nhất trên hành tinh này, và không những thể còn làm chấn động luôn cái trí. Kết quả là nó mở trái tim ra để đón nhận một kinh nghiệm trực tiếp, vượt lên trên bất cứ cái gì mà cái trí có thể phân tích và phân loại.

Lấy trách nhiệm làm chủ tâm mình

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 31/12/2008. Bài này được xếp thành Chương 2 của quyển Làm sao giáo tiếp từ trái tim (How to Communicate from the Heart, Kim Michaels, 2014).

Thầy chào đón con trong ngọn lửa HƠN NỮA mà TA LÀ. Nhưng này hỡi con yêu dấu, tại sao Thầy lại là một với ngọn lửa đó? Bởi vì Thầy đã chọn trở thành một với ngọn lửa đó, Thầy đã chọn nhìn nhận TA LÀ ai. Con cũng vậy, con cũng đang lấy những lựa chọn, vì cuộc đời là một chuỗi lựa chọn.

Có người trên trái đất này phủ nhận họ có quyền tự quyết. Nhưng đây không phải là Chân Tâm của họ đã phủ nhận điều này đâu, mà chỉ là tự ngã của họ thôi. Tự ngã không muốn cái Ta Ý Thức của con – là Chân Tâm của con – lấy các quyết định. Tự ngã muốn tiếp tục điều khiển con, và do đó nó không muốn để cái ta ý thức của con quyết định là nó có quyền lựa chọn. Tự ngã không cho con lựa chọn là con có thể vượt quá các giới hạn của cơ thể, hoặc vượt lên trên niềm tin sai lệch là mình là cơ thể. Quá nhiều người vướng mắc tin rằng mình đồng hóa với cơ thể, tức là họ tin rằng họ chỉ là phần vật chất của con người họ.

Đây là sự khác biệt giữa những ai còn đang say ngủ và những ai đã bắt đầu thức tỉnh. Làm thế nào để thức tỉnh? Con thức tỉnh khi con nhận ra rằng mình có quyền lựa chọn – thay vì rơi vào cái khuôn nếp giống như nhiều người cứ lặp đi lặp lại: “Tôi không có quyền lựa chọn” hoặc “Tôi không có lựa chọn nào khác” ngoài hành động mà họ đã làm.

Lúc nào cũng có quyền lựa chọn

Khi con nghe người nào nói câu đó thì con biết ngay rằng họ không sẵn sàng nhận trách nhiệm làm chủ cuộc đời hay hoàn cảnh của mình. Vì một khi con nhận trách nhiệm đó thì con sẽ nhận ra rằng bất kể hoàn cảnh bên ngoài như thế nào, con luôn luôn có quyền lựa chọn trạng thái tâm của mình và chọn có một phản ứng khác hơn phản ứng thông thường của 99 phần trăm người trên hành tinh này. Phản ứng thông thường này cũng có thể đã được lập trình vào tâm con từ khi con còn nhỏ.

Con yêu dấu, có những người đã hiểu sai giáo lý của Đấng Ki-Tô đến độ không nhận ra rằng cốt lõi giáo lý của Giê-Su là con người có quyền lựa chọn. Phải chăng là Ki-Tô đã từng nói: “Đừng chống cự lại cái ác. Hãy chìa má bên kia”.

Có đúng chăng là hầu hết mọi người trên thế gian này đã bị lập trình để chống cự cái ác và ăn miếng trả miếng? Con có thấy chăng là cốt lõi giáo lý của Đấng Ki-Tô là con có tiềm năng và khả năng để chọn chìa má bên kia – ngay khi con vừa bị đánh vào má này?

Giao tiếp từ trái tim

Điều Thầy đang nói liên quan trực tiếp đến chủ đề quyển sách này. Tại sao Thầy lại nói bài mở cho quyển sách này? Đó là vì Thầy là thượng sư của Tia sáng Thứ nhất của Ý chí của Thượng đế. Làm thế nào để khởi sự giao tiếp từ trái tim? Trước hết, con phải quyết định rằng con muốn giao tiếp từ trái tim. Con phải lựa chọn, con phải lấy quyết định, là con muốn giao tiếp từ trái tim.

Nhiều người trong các con sẽ nói ngay là họ muốn giao tiếp từ trái tim. Nhưng chưa chắc con nhận ra rằng con đã bị lập trình từ nhiều kiếp để không giao tiếp từ trái tim. Con chưa nhận ra rằng rất là khó để rũ bỏ cái chương trình này và như thế giao tiếp được với người khác một cách sâu sắc hơn bằng trái tim.

Đây là thực tế mà chúng ta phải chịu khi chúng ta có xác thân vật chất này. Chúng ta chọn giao tiếp ở mức độ nào? Chúng ta có chọn phản ứng theo lập trình có sẵn chăng? Tức là chúng ta sẽ ăn miếng trả miếng hoặc tiếp tục và củng cố những lựa chọn mà ta đã lấy trước kia – trong thời thơ ấu hay trong các kiếp trước. Nếu như vậy thì chúng ta không thực sự lựa chọn có ý thức. Chúng ta chỉ để cho những lựa chọn cũ của mình lặp lại mà không thực sự đứng lên khẳng định mình là ai.

Con phải chọn giao tiếp bằng con người bên ngoài hay bằng con người bên trong. Con chỉ có thể giao tiếp bằng con người bên trong nếu con giao tiếp từ trái tim. Con không thể nào giao tiếp bằng con người bên trong mà chỉ dùng lý trí. Con có thể dùng lý trí để phát biểu những gì con cảm được trong tim nhưng con không thể giao tiếp bằng con người bên trong mà chỉ dùng lý trí.

Cái duy nhất có thực

Con không thể phân tích sự giao tiếp từ trái tim, chia nó ra thành phần nhỏ và bắt chiếc làm theo với cái trí vỏ ngoài luôn luôn phân tích và lý luận theo đường thẳng. Con yêu dấu, điều đó không thể làm được vì một lý do giản dị: đó là muốn giao tiếp từ trái tim thì phải nhận ra rằng cái duy nhất có thật. Muốn giao tiếp từ trái tim thì chỉ có cách là sống trong cái duy nhất, quy thuận cái duy nhất, phụng sự cái duy nhất trong Tất cả — qua đó con nhằm nâng cao Tất cả. Con không thể giao tiếp từ trái tim nếu con chưa quyết định rằng cái duy nhất quan trọng hơn sự tách biệt.

Khi con nhìn vào cuộc đời – khi con nhìn cách mọi người giao tiếp – thì con thấy ngay là khi họ giao tiếp họ không coi cái duy nhất là có thật. Ngược lại, khi giao tiếp họ tìm cách nâng mình lên trên người khác, hay tìm cách kiểm soát người khác, hay tìm cách tránh bị người khác làm tổn thương, hay tìm cách dìm người khác xuống bằng cách chỉ trích, phán xét, hay áp đặt một tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn này dựa trên quan niệm sai lầm rằng nếu ta sống theo một tiêu chuẩn vỏ ngoài của thế gian, thì chắc chắn ta sẽ được vào nước Trời. Nước Trời vượt lên trên thế gian, và dĩ nhiên chuyện này không thể xảy ra. Làm sao ta có thể vào nước Trời bằng cái gì tách biệt khỏi nước Trời? Các con yêu dấu, điều này đương nhiên là không thể xảy ra được.

Nền tảng của sự giao tiếp từ trái tim là nhận ra rằng mọi sự sống là một. Tức là mỗi khi con giao tiếp với một người khác, thì mục đích, mục tiêu, và ước mong của con là nâng người đó lên.

Tự nhận biết

Làm sao con tránh phán xét, làm sao con tránh chỉ trích, làm sao con tránh đổ thừa, làm sao con tránh so sánh người khác với một tiêu chuẩn mà con cho là tốt nhất cho họ? Con hãy suy ngẫm là Tia sáng Thứ nhất là tia sáng của Ý chí và Uy Lực của Thượng đế. Khi con quán sát ý chí của Thượng đế, thì con sẽ nhận ra rằng ý muốn tối hậu của Thượng đế là tạo ra những phần nối dài của Ngài có khả năng tự nhận biết. Nhưng tự nhận biết là gì? Con không thể có tự nhận biết mà không có quyền tự quyết.

Nếu một tự thể không có khả năng lựa chọn, thì nó không phải là một tự thể – nó không có đặc tính riêng biệt, nó không thể chọn nó sẽ là gì. Con chú ý rằng khi Moses gặp Thượng đế trên đỉnh núi và hỏi ngài cho biết tên, thì Thượng đế trả lời rằng: “Yod He Wav He – Ta Sẽ Là Cái Ta Sẽ Là.” Chứ không phải là “Ta Là Cái Ta Là”, như thường được dịch ra. Sự thực là Thượng đế đã không cho Moses tên mình vì Thượng đế là một đấng tự vượt thăng không ngừng. Tức là Thượng đế nói: “Ở mọi lúc, ta tự cho ta quyền trở thành cái gì ta muốn.”

Đó chính là bản chất của quyền tự quyết – tức là mình được chọn mình là ai ở bất cứ lúc nào. Con phải chọn điểm khởi đầu này khi con muốn giao tiếp từ trái tim – tức là con phải chọn lựa con là ai đối với người hoặc nhóm người mà con đang giao tiếp. Con có chọn để mình bị kẹt vào ảo tưởng mình là một cái ta riêng biệt – tức là con tách biệt với họ, con có thể phải đối chọi với họ, họ có thể làm hại con, họ có thể đe dọa con? Hay là con nghĩ là con cần kiểm soát họ để làm chuyện tốt cho chính họ – vì con biết rõ hơn họ cái gì tốt nhất cho họ?

Con thấy không, khi con chọn mình là cái ta tách biệt thì con không thể tôn trọng quyền tự quyết của người khác được. Ở đây khi Thầy dùng chữ “tôn trọng”, Thầy muốn nói chấp nhận hoàn toàn và vô điều kiện quyền tự quyết của người khác. Nếu con không tôn trọng quyền tự quyết thì con không thể thực sự trải nghiệm mình là một với người khác được. Cái duy nhất không thể bị gò ép.

Ta không thể là một với người khác bằng vũ lực hay kiểm soát. Muốn là một thì phải chấp nhận hoàn toàn và vô điều kiện là đấng Sáng tạo đã quyết định tạo ra các phần nối dài của chính mình và cho các phần này cá tính riêng biệt và quyền tự quyết. Do đó, các phần nối dài có khả năng lựa chọn – họ có thể chọn là hơn nữa, là kém hơn, là cái này, hay cái khác.

Tiềm năng cao nhất của con người

Đó là quyết định tuyệt vời – và tối thượng – của đấng đã sáng tạo ra con. Khi con hiểu và chấp nhận điều này một cách trọn vẹn và đầy đủ, thì con có thể hợp một với đấng Sáng tạo – hợp một với ý định và mục đích của đấng Sáng tạo là không ép buộc hay lập trình con người phải đạt một tiêu chuẩn nào đó. Thay vào đó, ngài cho phép con người quyền tự quyết và cơ hội để chọn mình là hơn nữa, chọn là một với người khác, là một với cội nguồn của mình.

Đó chính là kế hoạch cứu rỗi của Thượng đế trong con, của đấng Sáng tạo trong con. Nhưng cái gì đã xảy ra là đã có một số sinh thể đến từ một bầu cõi lúc đó chưa thăng nhưng nay đã thăng đã quyết định nổi loạn chống lại kế hoạch và quyết định của Thượng đế. Họ đã chọn sử dụng quyền tự quyết của họ để nổi loạn. Việc họ chọn tâm thức tách biệt là một chuyện có thể làm được vì họ có quyền tự quyết. Sau đó, họ đã chế ngự được tâm thức tập thể của những sinh thể đầu thai vào hành tinh này và một số hành tinh khác trong vũ trụ (nhưng con chỉ cần quan tâm đến hành tinh này mà thôi, vì con còn kẹt ở đây cho đến khi con học xong bài học và quyết định lấy lại quyền tự quyết của mình).

Nếu con muốn lấy lại quyền tự quyết của mình và thực thi tự do lựa chọn, thì con phải tôn trọng quyết định của đấng Sáng tạo, tức là sự lựa chọn của ngài cho quyền tự quyết cho con và mọi sinh thể có tự nhận biết. Chỉ khi nào con tôn trọng quyền tự quyết của người khác, thì con mới có thể thực sự chấp nhận là mình có quyền tự quyết và mình có quyền chọn là hơn nữa, cho dù hôm qua con có thể đã chọn mình là kém hơn.

Lời nói dối tối hậu của các thầy giả là một khi con đã chọn mình là một cái gì thấp hơn, thì con sẽ không thể từ bỏ cái bản sắc đó nữa, con không thể vứt bỏ nó, con không thể vượt lên trên nó. Khi con hiểu quyền tự quyết, thì con sẽ hiểu – con sẽ chấp nhận và kinh nghiệm – rằng con có quyền nói với Thượng đế nơi con: “Ta sẽ Là cái Ta sẽ Là.” Vì vậy, con có thể chọn từ bỏ cái bản sắc cũ, cho nó chết đi, cho nó biến đi, cho nó đi vào ngọn lửa mà con là.

Con yêu dấu, đó là tiềm năng cao nhất của con, là khả năng chọn mình hơn cái gì mình là một giây trước đây. Đây là cách duy nhất để vượt qua những chướng ngại trong việc giao tiếp, cách này coi mọi sự sống là một và tìm cách nâng mọi sự sống lên thay vì dìm xuống.

Tôn trọng quyền tự quyết của người khác và của chính mình

Khi con thực sự chấp nhận quyền tự quyết và nhận ra là đấng Sáng tạo đã lựa chọn thật sáng suốt, thì con sẽ nhận ra rằng Thượng đế đã ban cho mỗi người quyền được chọn mình là ai. Khi con gặp một người đã có xung đột với con trong quá khứ, nếu con chấp nhận quyền tự quyết của họ thì con chấp nhận họ được Thượng đế ban cho quyền tự do tuyệt đối có trạng thái tâm thức mà họ hiện đang có. Hỡi con yếu dấu, đó là quyền của họ. Thượng đế đã cho họ cái quyền đó.

Trừ phi con bị rơi vào ảo tưởng của các sa nhân – tức là tự cho mình khôn ngoan hơn Thượng đế – thì con nên chấp nhận rằng Thượng đế đã ban cho họ cái quyền đó. Con nên chấp nhận rằng khi họ ở bất kể trạng thái tâm thức nào, họ đang thực thi quyền tự quyết mà Thượng đế đã ban cho họ, tức là họ được quyền chọn là bất cứ cái gì họ muốn. Tuy nhiên, Thượng đế cũng đã sắp đặt vũ trụ vật chất này để khiến mỗi người phải thực sự trải nghiệm trạng thái tâm thức mà mình đã chọn, kể cả những thể hiện vật chất của trạng thái tâm thức đó, vì mọi vật thực sự đều là thể hiện của tâm thức.

Khi con đã hiểu và chấp nhận điều này, thì con sẽ không còn phán xét họ nữa. Con sẽ không cần có trong đầu một mẫu mực mà con nghĩ họ phải tuân theo. Con sẽ để cho họ tự do trở thành bất cứ ai họ muốn ngay lúc đó.

Con làm thế nào để cho họ quyền tự do đó? Con chỉ cần chấp nhận quyền tự quyết của họ y như con chấp nhận quyền tự quyết của con. Khi con chấp nhận rằng họ có quyền ở trong bất cứ trạng thái tâm thức nào, thì con cũng chấp nhận rằng con có quyền ở trong bất cứ trạng thái tâm thức nào mà con chọn. Trạng thái tâm thức mà con chọn hoàn toàn độc lập với lựa chọn của người khác, độc lập ngay cả với lựa chọn tập thể của tất cả mọi người trên trái đất này.

Đó chính là điều mà Giê-su đã chứng minh. Mặc dù tất cả những người ngài gặp trong kiếp sống đó đều chọn không ở trong tâm thức Ki-tô, nhưng ngài vẫn có thể chọn ở trong tâm thức Ki-tô, ngài chọn là Đấng Ki-tô và phô diễn điều đó.

Khi con hiểu rằng con không cần để lựa chọn của người khác ảnh hưởng đến lựa chọn của mình, thì con sẽ kết hợp được hai thái cực Alpha và Omega, tức là con sẽ cho người khác và cho chính mình đều được tự do. Có nghĩa là khi con tiếp xúc với người khác, thì con nên nhớ rằng lúc nào con cũng có thể lựa chọn trạng thái tâm thức của chính mình, cho dù trạng thái tâm thức của họ như thế nào. Con có thể giao tiếp với họ trên căn bản con có quyền tự do lựa chọn trạng thái tâm thức của chính mình – mà không phải cảm thấy rằng trạng thái tâm thức của họ, hay lời nói của họ, buộc con phải phản ứng một cách nào đó.

Nguyên do thông thường của xung đột

Đa số con người xung đột với nhau chính vì đa số tin rằng khi người khác không cư xử hay nói chuyện đúng như những gì mình chờ đợi, thì mình chỉ có một lựa chọn duy nhất là có tình cảm hay tư tưởng tiêu cực, tỷ dụ như sợ hãi, tức giận hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào khác. Phần thiêng liêng của tâm sẽ tức khắc cảm thấy bị mắc kẹt khi có phản ứng tiêu cực. Nhưng nếu con đổ lỗi là họ đã buộc con vào một trạng thái tiêu cực thì con đã không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết của mình tức là nhận trách nhiệm làm chủ mình. Vì con phải nhìn nhận rằng chính con đã lựa chọn có trạng thái tiêu cực đó. Con phải nhìn nhận rằng con có thể dễ dàng chọn một phản ứng khác, một phản ứng cao hơn, một phản ứng dựa trên tình thương thay vì sợ hãi hoặc một trong những sắc thái của sợ hãi. Mọi phản ứng và cảm xúc tiêu cực chính thực đều bắt nguồn từ nỗi sợ đến từ sự tách biệt.

Chìa khóa để vượt qua tất cả những cảm xúc tiêu cực, để tránh bị mắc bẫy và rơi vào những cảm xúc này, là phải đứng lui ra và nói với chính mình: “Ta vẫn có thể chọn cái duy nhất dù họ chọn tách biệt! Nếu họ chọn tự coi họ tách biệt với ta, xem ta là kẻ thù, đối thủ, hay một mối đe dọa, thì ta không bắt buộc phải lấy một lựa chọn tương tự. Lúc nào ta cũng có thể chọn cái duy nhất! Trước hết, ta có thể chọn là một với nội tâm của mình, bằng cách đi trở vào bên trong, vào thánh địa bên trong của mình.”

Thánh địa bên trong của con người

Con yêu đấu, con nên biết về thánh địa bên trong này. Hạt ngọc trai quý giá này có thể xem như là căn phòng bí mật trong tim con, là cốt lõi của tim con. Khi thầy nói “trái tim”, thì con hiểu là thầy không nói tới bộ phận vật lý làm phận sự bơm máu, mà là luân xa tim và cái cốt lõi phía sau nó – là một điểm nhỏ đến mức ai muốn tìm xem nó ở đâu, dùng kính hiển vi tốt nhất mà khoa học chế tạo ra cũng sẽ không thể tìm ra nó được.

Con cần nhận ra điểm đó trong con, đó chính là nơi cõi vật chất và cõi tâm linh gặp gỡ nhau trong con người con. Nơi đó là cốt lõi con người, là nơi con lúc nào cũng có thể trở về để tái lập sự hợp nhất với bản thể cao của mình. Con không nên chỉ xem nó như một điểm nhỏ, mà nên tập để biến nó thành một quả cầu và sau đó tiếp tục nới rộng ra mãi, cho đến khi nó vượt quá phạm vi cơ thể và từ trường khiến con lúc nào cũng được bao bọc trong quả cầu đó và không có gì có thể nhập vào và ảnh hưởng ngoại tâm và ngay cả trí phân biện của con.

Một khi con đã rút vào thánh địa bên trong đó và dùng bản thể cao của con để kết nối với cái duy nhất và nhận ra con là ai, thì con sẽ có thể chọn một phản ứng khác phản ứng bình thường

Con không phải là một người máy

Hỡi con yêu dấu, con có nhớ lại những gì thầy nói ở đầu bài về những người đã chối bỏ họ có quyền tự quyết chăng? Hệ quả là gì? Một người không có quyền tự quyết chỉ là một người máy, một cỗ máy. Đặc tính của cỗ máy là gì? Là nếu con nhấn một nút, thì chắc chắn con nhận được từ cỗ máy một phản ứng nhất định nào đó. Nếu con không nhận được phản ứng đó thì cỗ máy không hoạt động hoàn chỉnh, tức là có điều gì không ổn, cần phải được sửa chữa.

Con là một sinh thể có sáng tạo. Nếu có ai nhấn nút thì con không bắt buộc phải phản ứng một cách tiêu cực, vì con có quyền chọn mình không là một máy điện toán. Con có thể chọn mình là một vị đồng sáng tạo với Thượng đế và con có thể đồng sáng tạo một phản ứng tốt đẹp hơn bằng cách kết nối với bản thể cao của con và nhận ra một cách rõ ràng là cái Hiện diện TA LÀ của con – là cái gì ở bên trên thế giới vật chất này – không thể bị ảnh hưởng bởi một người đang nổi cáu. Nó không bao giờ phản ứng tiêu cực với người khác, bất kể họ làm gì tới con.

Khi con hợp vào cái duy nhất đó, thì đó là nền tảng để con con đồng sáng tạo với bản thể cao của con một phản ứng tích cực, một phản ứng hứng khởi, một phản ứng nhằm nâng người khác lên thay vì chống đỡ, phản công và tìm cách dìm họ xuống, khóa miệng họ hoặc bất cứ phản ứng nào cứ được lặp đi lặp lại mãi.

Hơn nữa, hay không hơn nữa

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể người khác làm hay nói gì, con nên hỏi mình: con muốn mình hơn nữa trong hoàn cảnh đó chăng? Hay là con muốn mình kém đi – có nghĩa là con để cho người kia, hay tự ngã của con hay tâm thức đại chúng điều khiển con và buộc con phải kém hơn con người thực của con, là một vị đồng sáng tạo đã được Thượng đế ban cho khả năng sáng tạo vô biên khi được ngài tạo ra. Đó chính là sự lựa chọn: ngay hôm nay con hãy chọn mình sẽ phục vụ cái gì. Con sẽ phục vụ cái kém hơn, hay con sẽ phục vụ cái hơn nữa?

Nếu con chọn phục vụ cái hơn nữa, thì con hãy tôn trọng quyền tự quyết mà Thượng đế đã cho con để chọn mình là hơn nữa trong mọi hoàn cảnh. Thực tế là khi đa số nhân loại chọn cái kém hơn, thì họ tạo nên một vòng xoáy đi xuống càng ngày càng mạnh khiến cả nhân loại đi vào một cuộc đại suy thoái, giống như chữ được dùng để chỉ nền kinh tế toàn cầu vào những năm 1930.

Con hãy nhận ra là về các mặt tâm lý, xúc cảm và tinh thần, nhân lọai đã ở trong một tình trạng đại suy thoái tâm linh. Nhân loại đã bị kẹt trong đó một thời gian rất dài rồi, khiến con người cảm thấy bất lực và không có khả năng vượt qua các giới hạn. Họ không nhận ra rằng thực sự mọi việc đều là sự thể hiện của tâm thức và chính con người lựa chọn tâm thức của mình. Mỗi người đều có quyền chọn đón nhận điều này điều kia vào tâm thức của mình, tức là để cho các thứ này trở thành một phần con người của mình. Tức là mình đã chọn để chúng quyết định mình là ai, và như vậy chấp nhận là mình không hơn cái bản sắc đang cảm thấy bị kẹt trong vũ trụ vật chất này.

Tiềm năng cao và thấp

Thầy muốn nói gì qua mấy lời bàn lan man này? Thầy đang tìm cách dẫn con tới chỗ nhận ra rằng quyển sách sách này, và cách con sử dụng nó, có một tiềm năng cao và một tiềm năng thấp. Nó có thể chỉ là một quyển sách về tâm linh như nhiều quyển khác mà sau khi đọc xong con cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và nói: “Ồ, sách này hay quá” và sau đó ngay lập tức trở về với các thói quen và khuôn nếp cũ. Hoặc con có thể chọn biến quyển sách này thành một kinh nghiệm đổi đời, qua đó con tiến lên một mức cao hơn và sẽ không bao giờ trở về chỗ cũ nữa. Con đã đặt chân lên tảng đá của tánh Ki-tô trong nội tâm mình một cách vững chắc đến độ con không thể quay về những khuôn nếp và thói quen cũ nữa. Con có lựa chọn này mỗi khi con đọc một quyển sách tâm linh. Nhưng thầy muốn nói với con rằng ngay lúc này, hơn các lần khác trong quá khứ, con cần cân nhắc lựa chọn và tiềm năng đó.

Tất nhiên, thầy là một vị đã thăng hoa. Do đó thầy không bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi những lựa chọn của con, và thầy cũng không hề mong muốn điều khiển con. Thầy và các chân sư đã thăng hoa khác không cần điều gì nơi con cả, khác với các sinh thể trên cõi vô hình giao tiếp qua các đồng bóng. Các thầy không cần tiền bạc của các con, không cần sự chú ý, không cần năng lực, không cần sự phục tùng của các con, không cần các con tôn thờ.

Hỡi con yếu dấu, thầy có tự do như Thượng đế, và vì vậy, thầy có thể cho con quyền tự do trở thành bất cứ cái gì con chọn. Thầy không muốn ảnh hưởng sự lựa chọn của con, nhưng thầy cũng có quyền – một quyền do Thượng đế ban cho – giúp con nhận thức rõ ràng hơn là con có tiềm năng lấy một lựa chọn khác. Con cũng có quyền làm như vậy khi con tiếp xúc với bất cứ ai.

Phá vỡ khuôn nếp cũ

Thầy không có ý nói là ta nên khoan dung và chấp nhận để con người có một trạng thái tâm thức thấp hơn. Khi con nhận ra rằng con không cần phải xuống cùng mức tâm thức của người khác, thì con đã mặc nhiên cho họ thấy là có một lựa chọn cao hơn. Họ chờ đợi con có một phản ứng tiêu cực, và như vậy điều họ tin sẽ được củng cố, tỷ dụ như họ tin rằng họ có thể điều khiển con bằng cách làm cho con sợ hãi, hay tức giận khi họ khiêu khích con.

Khi con lựa chọn giống như các lần trước, bất kể lựa chọn này là gì, và đi theo khuôn nếp cũ, thì con đã củng cố nơi họ và nơi chính con hình ảnh con là một người kém hơn. Nhưng khi con chọn một phản ứng khác – một phản ứng cao hơn – thì con làm họ bị chấn động và nhận ra rằng có điều gì đang xảy ra mà chưa từng xảy ra trước đó, một điều gì mới lạ, khác thường.

Đây là mục đích chính của các thầy khi các thầy truyền đạt giáo lý qua sứ giả. Các thầy chỉ có mục đích đơn giản là giúp con người nhận thấy rằng có một trạng thái tâm thức cao hơn, rằng ai cũng có thể vượt lên trên tâm thức nhị nguyên, vượt lên trên tự ngã và tất cả các khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại mãi.

Con lúc nào cũng có thể lấy một lựa chọn khác. Con có thể chọn là mình hơn một người phàm, hơn một người máy sinh học được lập trình sẵn – một máy điện toán sinh học chỉ có thể phản ứng một cách nhất định khi một số nút được nhấn. Con thực sự có thể chọn tuần tự loại bỏ những nút đó – tức là những chỗ nghẽn, những vết thương, dính mắc – đến độ con không còn nút nào để ông hoàng thế gian này có thể nhấn vào. Hắn không nắm được gì nơi con để hắn điều khiển được con.

Hỡi các con yêu dấu, đó chính là tự do – đó là cách duy nhất để có tự do trên quả địa cầu này. Đó là cách duy nhất để thoát khỏi quả địa cầu này và thăng hoa lên một cõi cao hơn.

Đệ tử giả

Có những người tự coi mình là đệ tử của các chân sư đã thăng hoa, họ đã theo học nhiều đợt truyền pháp của các thầy, họ đã học các bài giảng của các thầy, các bài giảng về hơn nữa, về lựa chọn tốt hơn, nhưng họ là đệ tử giả. Họ đã biến các lời giảng của các thầy thành một hệ thống tín điều tinh tế qua đó ta chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu vỏ ngoài – tỷ dụ như đọc cầu chú, dự các buổi lễ, dự hội nghị, nghiên cứu sách, hoặc nói chuyện hay ăn mặc một cách nào đó, và không lái xe màu đỏ, và tất cả những thứ vỏ ngoài khác – thì họ sẽ chắc chắn được thăng hoa một ngày nào đó. Họ nghĩ rằng một ngày nào đó, không biết do đâu, như một phép lạ, thì bỗng nhiên họ sẽ thăng hoa, mà không cần phải đối mặt với tự ngã của mình và lựa chọn trở nên hơn nữa bằng cách chọn nhìn vào những ảo tưởng của tự ngã và tháo gỡ chúng bằng cách chọn thực tại Ki-tô thay vì ảo tưởng nhị nguyên.

Không có cách nào để tự động thăng hoa cả, vì thăng hoa là một sự lựa chọn! Có một sự lựa chọn cuối cùng, nhưng trước khi con tới mức có thể lấy lựa chọn thăng hoa, thì con sẽ phải lấy nhiều nhiều lựa chọn khác. Vị huynh đệ yêu dấu của thầy là ngài Saint Germain đã chẳng nói rằng sự thăng hoa của ngài là kết quả của hơn một triệu lựa chọn đúng, mỗi lựa chọn là một lựa chọn hơn nữa thay vì kém hơn? Câu này không có nghĩa là Saint Germain đã tham gia một cuộc thi đố, một cuộc khảo hạch nào đó, trên trái đất này. Không có bài kiểm tra trắc nghiệm nào có thể bảo đảm sự thăng hoa của con. Các lựa chọn mà thầy nói ở đây là các lựa chọn sáng tạo, mà sáng tạo là gì vậy? Đó chính là cái hơn nữa. Đây là định nghĩa đơn giản nhất của sự sáng tạo mà con có thể tìm thấy. Cái gì hơn nữađó chính là sự sáng tạo.

Sáng tạo thật sự

Con lấy một lựa chọn sáng tạo khi con chọn là hơn nữa – khi con chọn con hơn cái gì mà người khác muốn con là vì họ muốn con trở về các khuôn nếp cũ của cái kém hơn. Con chọn không chấp nhận điều đó và thay vào đó, con chọn là hơn nữa và thể hiện điều này bằng cách thực sự vượt lên trên và chứng minh rằng cuộc sống có cái gì hơn là cứ lặp đi lặp lại những thói quen cũ như thị phi, đấu khẩu và tranh cãi.

Mình phải tự hỏi tại sao một người có thể mãn nguyện hay hài lòng khi suốt đời họ lặp lại một cách máy móc những khuôn nếp cũ như một cái đĩa nhạc bị rè.

Con yêu dấu, hãy suy gẫm điều này! Con hãy nhớ lại cái đĩa nhạc rè mà con được biết khi còn nhỏ – tuy rằng trong số các con có lẽ có nhiều người đã lớn lên vào thời đại mà các đĩa nhạc đã bị xếp lên đầu tủ để gom bụi. Con hãy nhớ lại lúc mình đang chờ đợi bài hát tiếp tục thì nó lại lặp lại, con mất bao lâu để nhận ra rằng có cái gì không ổn? Con mất bao lâu để bắt đầu cảm thấy hơi căng thẳng và muốn bài hát tiếp tục?

Con có thấy chăng là tâm của con được tạo tác với khả năng sáng tạo, và do đó có một phần tâm con không hài lòng với một cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như một cái đĩa nhạc rè – trừ phi con đã bị rơi vào một trong những vòng lẩn quẩn do các thầy giả dựng lên để làm điên đảo con người. Những người bị rơi vào các vòng lẩn quẩn này không còn ý muốn tiến hơn nữa và do đó không thoát ra được các khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại mãi. Nhưng con thì có thể thoát ra được, vì nếu không con đã không có mặt nơi đây – thậm chí là không có khả năng nghe được các câu nói này của thầy. Và, con yêu dấu, trong tâm con con biết rõ điều đó.

Bước ngoặt và lựa chọn con là

Đó là lý do tại sao thầy nói lại một lần nữa: là con đã đến chỗ con có thể thực sự vươn lên một mức hoàn toàn khác và biến việc đọc quyển sách này thành một bước ngoặt quyết định trong đời con. Mọi chuyện đều đã được an bày. Mọi nhân duyên đều đã có mặt. Con chỉ cần lựa chọn đúng và tiếp tục củng cố lựa chọn này trong tương lai để bất kể chuyện gì xảy ra con cũng sẽ không chịu đi xuống ngay khi cả nhân loại bị vòng xoáy của sợ hãi cuốn xuống, do tình hình kinh tế hay chiến tranh hay bất cứ biến cố gì khác gây nên. Con đã tự đưa mình đến chỗ có thể vĩnh viễn thoát khỏi lực kéo xuống của tâm thức quần chúng. Bất kể điều gì xảy ra bên ngoài sẽ không khiến con bị cám dỗ đi theo vòng xoáy đi xuống, ngược lại con sẽ tiếp tục cứ lên cao và lên cao nữa, luôn luôn chọn mình là hơn nữa, bất kể tình cảnh lúc đó như thế nào – tình cảnh này ở phạm vi riêng con hay phạm vi toàn cầu.

Con đã tới thời điểm đó. Con đang ở thời điểm giống như khi Giê-su bước đến đám người và nói với họ: “Hãy bỏ lưới xuống và theo ta, ta sẽ biến các ngươi thành những tay đánh lưới người.” Con đã sẵn sàng bỏ lưới của con, và các thầy sẽ biến con thành một tay đánh lưới người có khả năng cho mọi người thấy rằng quả thực có hơn nữa.

Con hãy lựa chọn trong tự do. Con đừng lựa chọn vội vã với cái tâm vỏ ngoài. Con hãy dùng việc đọc quyển sách này để đi vào nội tâm, để tiếp xúc phần cốt lõi trong con. Nếu con dùng ngoại tâm để lựa chọn thì con sẽ phải đấu tranh với các thế lực thế gian chống lại lựa chọn của con.

Con hãy cho mình đủ thời gian để lựa chọn. Con hãy dành đủ thời gian để đi vào bên trong mình cho tới khi con tìm lại lúc chính con chọn đầu thai vào thế giới này để mang tới ánh sáng và tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Đó là sự lựa chọn, một lựa chọn tự phát tự nguyện, hoàn toàn hợp nhất, vô điều kiện mà không gì trên thế gian này có thể cưỡng lại. Chỉ khi nào con chọn từ mức độ đó của tâm con, thì sự lựa chọn mới bền vững và vĩnh viễn. Chỉ khi đó con mới , con mới vượt lên trên cái phản-là.

Khi các thầy, là các chân sư đã thăng hoa, đỡ đầu một pháp giảng hay phong trào nào, thì sự đỡ đầu này không máy móc tự động, như một số đệ tử đã lầm tưởng, mà là một sự đỡ đầu sáng tạo. Các thầy sẽ không đỡ đầu hoặc củng cố những lựa chọn được làm với ngoại tâm. Các thầy sẽ không củng cố nỗ lực của con khi con chỉ muốn cho mình dáng vẻ người tâm linh bằng cách áp dụng các quy tắc vỏ ngoài một cách máy móc. Các thầy sẽ củng cố những lựa chọn sáng tạo của con, những lựa chọn được làm từ quan điểm nhất nguyên.

Đó là lời nguyện của thầy, đó là tặng vật của thầy cho con ngày hôm nay. Thầy cống hiến cho con sự tự do trọn vẹn của tình thương vô điều kiện của thầy để con chọn. Bất kể con chọn thế nào, con sẽ vẫn có tình thương vô điều kiện của thầy. Vì nếu không như thế, thì tình thương của thầy đâu có vô điều kiện, và như vậy thì thầy đâu phải là một chân sư đã thăng hoa. Một người thăng hoa là người hoàn toàn tự do, và con cũng được tự do khi con cho mọi sự sống được quyền tự do lựa chọn, vì đó là quyền mà Thượng đế đã ban cho họ.

Thầy cảm ơn con đã chú tâm đọc bài này, thầy cảm ơn con đã sẵn lòng làm cánh cửa rộng mở đón nhận đợt trao truyền này giúp nó đi sâu vào tâm thức đại chúng toàn cầu. Nó thực sự đã tạo nên những làn sóng kinh động các quan niệm chối bỏ quyền lựa chọn, không muốn lựa chọn, không muốn lấy một lựa chọn thực sự thay vì một phản ứng được lập trình. Đó chính là tâm thức mà thầy muốn phá vỡ. Một lần nữa, thầy cảm ơn con, và thầy niêm con yêu dấu của thầy trong ngọn lửa của Ý chí Thượng đế – cũng là ý chí của Thượng đế bên trong con, của Thượng đế mà con .

Hãy chọn vũ trụ song song nơi con muốn sống

Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/11/2008.

[Trước bài truyền đọc, cử tọa đã lắng nghe bải Hợp xướng Hallelujah từ tác phẩm Messiah của G. F. Handel]

“Lạy đức Chúa Trời ở Trên Cao ngự trị toàn năng”. Đó là lời bài hát mà các con vừa nghe, trích từ Kinh thánh. Nhưng ta, Giê-su, đã không đến đây để đánh thức nhân loại về đức Chúa Trời ở Trên Cao là đấng toàn năng. Ta đã đến đây để đánh thức loài người về Thượng đế nội tâm – là đấng tôn trọng Định luật Tự quyết mà chính ngài đã ban ra, và vì vậy ngài không có ý kiểm soát con. Ngược lại, ngài tìm cách giúp con biểu lộ tất cả những gì con là, tất cả những gì con đã được tạo ra để là – thậm chí để con là nhiều hơn cả khi con được tạo ra. Bởi vì Thượng đế của con yêu thích được ngạc nhiên khi nhìn thấy khả năng sáng tạo của những phần nối dài của ngài, con yêu dấu.

Ngài không phải là một bạo chúa trên trời muốn con phải tuân theo một hệ thống tín ngưỡng nào, một nghi thức hay nghi lễ vỏ ngoài nào quy định  cách hành xử của con, để hai thứ đó gặp nhau khi con cầu nguyện hay thờ phượng. Đức Chúa Trời ở Trên Cao – có nghĩa là Thượng đế ở một tầng rung động cao hơn vũ trụ vật chất – vị Chúa Trời đó, vị Thượng đế đó, muốn được biểu lộ xuyên qua con trong một dòng chảy tự nhiên và sáng tạo, một dòng chảy biểu hiện sự sống dồi dào trên địa cầu theo những phương cách luôn luôn mới mẻ.

Ki-tô vượt khỏi mọi quyền uy trên địa cầu

Không phải Thượng đế muốn kiểm soát cách con suy nghĩ và hành xử, mà những kẻ đã mưu toan tự đặt mình làm thần thánh trên địa cầu – hay là vị đại diện duy nhất của Thượng đế trên địa cầu – mới muốn như vậy. Chúng đã len lỏi vào làm thượng tế ở đền thờ – trong sự tha hóa thái cực Alpha của lớp thượng lưu quyền lực. Và chúng đã trở thành kẻ đổi tiền ở đền thờ – trong sự tha hóa của tự ngã, sự tha hóa của khía cạnh nữ, của thái cực Omega.

Luôn luôn đã từng có hai nhóm chính trong lớp thượng lưu quyền lực và các thày giả: những kẻ làm tha hóa lực lan ra của Cha, và những kẻ làm tha hóa lực co lại của Mẹ. Và trong nhiều trường hợp, chúng hình thành một liên minh vô đạo, và con có thể thấy điều này trải bày ra nơi đây tại châu Âu suốt nhiều thế kỷ. Con hãy trở lại với bài hát con vừa nghe hồi nãy, “Vua của các vị vua, Chúa của các vị chúa.” Đấy, câu đó nguyên thủy có nghĩa là Ki-tô vượt khỏi mọi quan niệm và mọi hình chạm do tâm thức phản Ki-tô tạo ra, và do đó, Ki-tô vượt khỏi mọi quyền uy trên trái đất, cho dù đó là quyền uy của vua hay hoàng đế, của chúa hay giáo hoàng, của linh mục hay hồng y hay giám mục. Cho dù là ai cũng không quan trọng, vì Ki-tô vượt khỏi tất cả những người đó. Bởi vì Ki-tô không thể bị tha hóa bởi tâm thức nhị nguyên, Ki-tô không thể bị ép uổng vào một chiếc hộp tư duy do tâm thức phản Ki-tô tạo ra, mà như các chân sư đã dạy nhiều lần, là một tâm thức dựa trên ảo tưởng tách biệt, trong khi Ki-tô thì dựa trên thực tại của duy nhất, là sự duy nhất của mọi sự sống.

Trong duy nhất, không ai là chúa hay là vua trên đầu người khác

Cho nên con thấy đó, khi sự sống là Một thì không có ai nắm quyền kiểm soát. Không ai là chúa trên đầu người khác, không ai là vua trên đầu người khác. Khi người Israel thuở xưa đòi một vị vua, họ chỉ củng cố cho ảo tưởng tách biệt mà thôi – và kỳ thực, không phải người dân Israel đòi vua mà là lớp thượng lưu quyền lực rắp ranh thời đó đã đòi vua, là nhóm người thèm khát quyền lực của các thày thượng tế và muốn tranh giành quyền lực đó. Chúng làm vậy do sự tha hóa của khía cạnh Omega khiến chúng muốn kiểm soát đời sống hàng ngày của người dân, trong khi các thày thượng tế thì muốn kiểm soát tâm trí người dân. Ở đây tại châu Âu, quan niệm cho rằng Ki-tô là vị Vua của mọi vua đã bị tha hóa đến độ chính các nhà vua cũng bắt đầu tuyên bố mình là đại diện của Ki-tô, rằng họ làm trung gian giữa dân chúng và Ki-tô, và Ki-tô đã phong cho họ làm vua, phong cho đứa con trưởng của vua cũ được nối dõi làm vua mới.

Đấy, nếu con đi ngược về những thời cổ xưa thì thuở đó người ta cũng có vua, nhưng người ta không đơn giản phong con của vua lên làm vua. Vua thường được phong chức qua sự môi giới của cõi tâm linh, cho dù đó là một vị tiên tri hay một tiến trình mà qua đó Tánh linh có thể phong vua. Thường khi, tiến trình đó phong một người đã ra đời và lớn lên như một thường dân làm vị vua kế tiếp, hầu vị vua đó biết rõ cuộc sống dân gian là thế nào, thay vì được sinh ra trong lâu đài quyền quý và ngăn cách khỏi quần chúng bình thường, rồi lớn lên trong một môi trường khép kín để được dạy dỗ cho trở thành gần như điên cuồng – nếu có thể nói như vậy theo nghĩa là vô cảm trước sự khốn khổ của dân chúng. Đây chính là một trong những vấn nạn to lớn, có lẽ là vấn nạn lớn trên địa cầu, đặc biệt tại Âu châu.

Tìm Ki-tô Hằng sống trong vương quốc nội tâm

Theo nhiều cách, châu Âu đã được hoạch định để trở thành cái nôi cho những luồng tư tưởng mới, những phát minh mới, những triết lý và ý thức hệ mới, có khả năng đem lại tiến bộ và tự do cho người dân. Và chính vì đó là mục đích thiêng liêng cho vùng đất này mà các thành viên của lớp thượng lưu quyền lực – cả hai nhóm thượng lưu quyền lực, nhóm đang nắm quyền và nhóm rắp ranh muốn nắm quyền – đã tụ tập ở đây và âm mưu phân rẽ mọi người với nhau, và cũng phân rẽ mọi người với Thượng đế nội tâm của họ.

Đó là mô thức mà con thấy chúng sử dụng, lặp đi lặp lại trên lục địa này, và cũng là mô thức được Giáo hội Công giáo hoàn chỉnh một cách xuất sắc khi họ lạm dụng lời dạy của ta về vương quốc nội tâm để tự đặt mình làm kẻ đại diện tinh thần cho Ki-tô trên địa cầu. Họ bảo rằng con chỉ có thể được cứu rỗi và đến được với Ki-tô qua trung gian hệ thống quyền chức của Giáo hội.

Con yêu dấu, đúng thật là con chỉ đến được với Ki-tô qua một hệ thống thứ bậc – và con sẽ thấy là chúng tôi đã thường nói đến việc con xem mình là một thành phần của đoàn chưởng giáo của Ánh sáng – nhưng như ta đã đến để chứng tỏ cách đây 2000 năm, con không cần một hệ thống quyền chức nào trên trái đất để khẳng định sự hợp nhất của con với đoàn chưởng giáo Ánh sáng. Bởi vì Nước Trời ở trong chính con và con nắm chìa khóa của hiểu biết, con có khả năng biết được sự thật trong chính tim con. Và do đó, con không cần đến một thẩm quyền bên ngoài nào để quy định những tín điều và học thuyết mà con phải nghe theo, dựa trên cách diễn giải từng chữ của một bộ kinh đã trở thành lỗi thời trước khi nó được viết xuống.

Bất cứ kinh điển nào cũng lỗi thời trước khi có thể được viết xuống

Chân sư MORE có nói là nếu con vẽ bức chân dung của thày, thì trước khi sơn khô, thày đã tự thăng vượt rồi. Đúng vậy, ta có thể cam đoan với con là ta, Giê-su, đã tự thăng vượt rất nhiều lần trước khi những vị ghi chép Phúc âm ban đầu quyết định đặt bút lên giấy để kể lại cuộc đời của ta. Ngay từ buổi đầu, Giáo hội Công giáo đã đặt làm nền tảng quan niệm giả trá cho rằng người ta có thể bắt ép Ki-tô phải tuân theo những ý tưởng của thế gian, những tin tưởng, những hộp tư duy, những hình chạm của thế gian. Họ đã mưu toan biến Ki-tô Hằng sống thành một hình chạm, và họ đã thành công lôi kéo nhiều người thờ phượng hình tượng đó. Nhiều dòng sống đã không ngừng thờ cúng hình tượng đó suốt 2000 năm qua, hết kiếp này sang kiếp khác, khi họ lại đầu thai trong một nền văn hóa Cơ đốc giáo và cứ tiếp tục phải sống mãi với hình tượng cứng nhắc, quan điểm cứng nhắc đó về Ki-tô.

Thử hỏi một dòng sống sẽ phải bỏ ra bao nhiêu kiếp để ngồi trong một nhà thờ Cơ đốc – ngước nhìn lên tượng Ki-tô bị đóng đinh nơi chính điện – trước khi dòng sống đó bắt đầu cảm thấy là chắc hẳn thông điệp nội tâm của Ki-tô phải nhiều hơn như vậy? À con yêu dấu, đó là một câu hỏi mà ước chi ta có thể trả lời. Nhưng ta nhìn xuống nhân loại và ta phải gãi đầu mà nói: “Làm thế nào mà họ chưa chán ngấy? Làm thế nào mà họ vẫn còn ngồi đó mỗi ngày Chúa nhật, hát cùng những bài thánh ca đó, lắng nghe cùng những bài thuyết pháp đó từ miệng cùng vị linh mục đó – là vị đã nghe theo tiếng gọi đời mình để mỗi Chúa nhật lại đọc đi đọc lại cùng một bài thuyết giảng?” Vị linh mục đó có thể nghĩ mỗi bài giảng đều khác nhau, nhưng đó là cùng một bài giảng, vì nó chỉ làm đặc cứng hình chạm về một đấng Ki-tô bên ngoài, một đấng Ki-tô sẽ trở lại một ngày nào đó để cứu rỗi mình. Nhưng ta muốn con xem ta là Ki-tô nội tâm, là Ki-tô sẽ giúp con tự thăng vượt bản thân để con trải nghiệm được Nước Trời ngay nơi con đang đứng.

Vật lý lượng tử: sự tương tác giữa tâm thức và Tấm gương Vũ trụ

Vậy đâu là tinh túy của thông điệp mà ta giảng dạy 2000 năm về trước? À, con hãy cho ta nhảy vọt trong tâm thức vào thời đại hiện tại để ta giải thích cho con thông điệp của Ki-tô có thể được hiểu như thế nào qua các khám phá của cơ học và vật lý lượng tử.

Ngành vật lý lượng tử đã khám phá và chứng minh là khi con tương tác với vũ trụ vật chất, sự tương tác đó không là tương tác vật lý – nó không vật chất, vì vũ trụ được tạo bằng những hạt hạ nguyên tử nhỏ bé mà thực chất là sóng năng lượng – và tâm thức con có khả năng tương tác với chúng, nghĩa là tâm thức con có khả năng tương tác với tầng cấp cơ bản nhất của vật chất. Và đó, ngay đó, là bằng chứng về những gì ta đã cố giải thích cách đây 2000 năm qua câu: “Hãy làm cho người khác những gì con muốn người khác làm cho con.”

Vì con có thấy chăng, “những gì con làm cho người khác” là một cách biểu đạt của tâm thức con? Và tâm thức con tương tác với tầng cấp cơ bản nhất của vật chất, là cái mà các chân sư gọi là Tấm gương Vũ trụ. Điều mà vật lý lượng tử đã khám phá là trước khi một nhà khoa học thực hiện một quan sát, thì không có hạt vật chất nào đang thị hiện, không có hạt nguyên tử nào đang thị hiện. Con không thể xác định vị trí cùng động lượng chính xác của hạt nguyên tử, bởi vì trước khi quan sát được thực hiện, hạt đó không hề hiện hữu như một định lượng chính xác, mà nó chỉ hiện hữu như một xác suất, một tiềm năng – hơn thế nữa, có nhiều tiềm năng như vậy đang hiện hữu. Và các khoa học gia phát hiện ra một tính bất định cơ bản gắn chặt với bản chất của vũ trụ. Điều này trái ngược hẳn với thế giới quan được đề xướng bởi khoa học duy vật lẫn đạo Cơ đốc truyền thống, và thậm chí trước đó nữa, bởi các tôn giáo truyền thống như đạo Do thái mà ta đã đến để đổi mới.

Hoặc nữa, còn có quan điểm cho rằng con không có ảnh hưởng gì trên cõi vật chất, rằng Thượng đế đã tạo ra thế gian y như vậy, khiến cho biết bao người bị hút vào ảo tưởng coi các điều kiện của thế gian là không thể thay đổi. Vào thời Trung cổ, con người nhìn vào đau khổ của mình rồi kêu gào: “Tại sao Thượng đế lại tạo ra một thế giới khổ đau như thế này?” Nhưng Giáo hội chỉ đưa ra được một câu trả lời: “Đó là một bí ẩn, chúng ta không thể biết được. Chắc hẳn đó phải là ý muốn của Thượng đế muốn chúng ta đau khổ, cho nên chúng ta nên bằng lòng với đau khổ của mình và đừng bắt chước những gì Ki-tô đã nêu gương – biến nước thành rượu, vực cho người chết sống lại, chữa lành kẻ bệnh tật, đi bộ trên mặt nước của tâm thức con người và nâng tâm thức mình lên để trở thành chất rượu của Tâm thức Ki-tô.”

Con có thấy sự điên rồ ở đây chăng? Và con thấy là khoa học đã chứng minh đúng sự thật rằng Thượng đế đã ban cho con người quyền ngự trị trên trái đất, ngài đã ban cho họ quyền tự quyết, và ngài đã ban cho họ một cái tâm có khả năng tương tác với chính Tấm gương Vũ trụ – qua đó những gì họ phóng chiếu lên tầng cấp cơ bản nhất của vật chất sẽ chính là những gì được trình chiếu ra thành hoàn cảnh vật lý nơi họ sinh sống.

Tâm là một chiếc máy thu thanh

Điều mà các nhà vật lý phát hiện là trước khi họ quan sát một hạt nguyên tử, nguyên tử đó không hiện hữu như một hạt, nhưng nó có tiềm năng thị hiện ra ở một vị trí nào đó. Họ có thể tính toán xác suất hạt nguyên tử có thể thị hiện ở một vị trí, nhưng họ không thể biết chắc chắn cho tới khi họ thực hiện quan sát. Tại sao như vậy chứ, con yêu dấu? Là vì chỉ khi nào tâm thức của con tương tác với tầng cấp sâu thẳm của thực tại mà Thượng đế đã tạo ra, chỉ khi đó thì vật mới thị hiện ở mức rung động nơi tâm thức con đang tự đồng hóa.

Như chúng tôi đã có nói, tâm con giống như một máy thu thanh có khả năng bắt sóng nhiều đài phát thanh khác nhau. Nhưng hầu hết mọi người trên địa cầu đã bị điều kiện hóa để điều chỉnh tâm mình, khiến tâm chỉ bắt được quang phổ rung động của vũ trụ vật chất – nó chỉ bắt được đài phát thanh của vũ trụ vật chất mà thôi. Họ bị điều kiện hóa để nghĩ đó là tầng cấp thực tại duy nhất mà họ có thể trải nghiệm, và vượt khỏi cái đó thì không có gì hiện hữu. Hoặc họ nghĩ là có một cái gì vượt ra ngoài, nhưng họ không thể tự ý liên lạc với nó trong tim họ, bởi vì chỉ có linh mục hay giáo hoàng mới có chiếc radio to hơn có khả năng bắt sóng của thiên đàng. Con yêu dấu, ta nói với con là tại toà thánh Vatican hay bất kỳ nơi nào khác, không hề có một chiếc siêu radio nào cả. Bởi vì chỉ có một máy thu thanh duy nhất – một loại máy thu thanh duy nhất trên trái đất này – là cái nằm ngay trong con tim mỗi người, là cái mà mỗi con đều mang trong tim mình.

Con yêu dấu, đó là cách duy nhất con hòa điệu được với thiên đàng. Và những ai cả quyết điều ngược lại chỉ đơn giản là đại diện cho lớp thượng lưu quyền lực đang tìm cách kiểm soát nhân loại, với tâm trạng tách biệt khỏi Thượng đế của chúng. Và chúng biết là sau cùng hết, chúng chỉ có thể kiểm soát được con qua tâm trí bằng cách khiến con tin rằng không có gì hiện hữu bên ngoài nhà tù nơi con đang cư ngụ.

Hoàn cảnh cuộc sống được trải nghiệm theo trạng thái tâm thức của mình

Trở lại với vật lý lượng tử, có một thuyết trong vật lý lượng tử bảo rằng khi một quan sát được thực hiện, thì một sự kiện hay một hạt nào đó trở thành một biểu hiện vật lý trong vũ trụ này. Như vậy câu hỏi được đặt ra là: “Vậy thì các tiềm năng kia có xác suất thị hiện, chúng đã biến đi đâu? Liệu chúng chỉ đơn giản biến mất khi dạng sóng co sụp, hay có thể nào mỗi tiềm năng đó được thị hiện trong một vũ trụ song song?”

Thuyết này có tên là “cách diễn giải đa thế giới”, cho rằng có hằng hà sa số vũ trụ. Và mỗi lần con làm một chọn lựa thì cũng có một bản sao của chính con đang làm một chọn lựa khác trong số các chọn lựa tiềm năng mà con có. Nếu con chọn A, bản sao của con sẽ chọn B, và nó sẽ sống trong một vũ trụ song song để trải nghiệm hệ quả của chọn lựa đó. Con yêu dấu, chuyện này không thực đâu, bởi vì con là một Bản thể, một cái Là duy nhất. Và ta có thể cam đoan với con là ngay cả Thượng đế cũng đã thấy được là con khó lòng nào mang vô số phiên bản như vậy mà vẫn duy trì được một ý niệm toàn vẹn nào đó. Cho nên con chỉ là một cái Là duy nhất, nhưng tất nhiên cái Là đó, Bản thể đó, có nhiều tầng cấp.

Cho nên thực tế là nếu con chọn một chọn lựa nào đó ở đây trong cõi vật lý, thì con không chỉ trải nghiệm hệ quả của chọn lựa đó trong tâm ý thức của con – bởi vì cái tâm rộng lớn của con bao gồm cả các cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc của hành tinh địa cầu. Và con sẽ cũng trải nghiệm hệ quả các chọn lựa của con ở các tầng cấp đó, tùy theo trạng thái tâm thức và con tự đặt mình ở đâu. Bởi vì như thày Maitreya đã giải thích trong sách của thày, tuy chỉ có một tầng cấp trong vũ trụ vật lý, nhưng có nhiều tầng cấp trong các cõi cảm xúc và lý trí, và ngay cả cõi bản sắc – tức cõi êthe – cũng có một số phân chia.

Con là một Bản thể duy nhất hiện hữu trong nhiều chiều kích

Con rất có thể sống trên địa cầu trong một thân xác vật lý nhưng lại mang một trạng thái tâm thức thấp khiến con hòa điệu cảm thể với một tầng khá thấp của cõi cảm xúc. Cho nên hoàn toàn có khả năng là con trải nghiệm một sự cố vật lý nào đó, và trong tâm con, trải nghiệm đó trở thành rất tiêu cực và bị chi phối bởi lòng sợ hãi. Trong khi đó, một người khác có trạng thái tâm thức cao hơn hoà điệu với những tầng cao hơn của cõi cảm xúc, có thể kinh qua cùng hoàn cảnh vật lý của con nhưng trải nghiệm của họ thì khác hẳn – một trải nghiệm ít sợ hãi hơn hẳn.

Điều ta muốn trao cho con ở đây là khái niệm rằng con là một Bản thể duy nhất, một cái Ta duy nhất, nhưng con hiện hữu trong nhiều chiều kích. Và con có thể xem các tầng vật lý, cảm xúc, lý trí và bản sắc của vũ trụ vật chất là những vũ trụ song song, những thế giới song song. Nơi đây trong cõi vật lý, cơ thể của con có thể có một số hành động, nhưng điều sẽ định đoạt trải nghiệm sống của con không phải là hành động vỏ ngoài, mà thực sự là cách con cảm nhận hành động đó, hay hệ quả của hành động đó, cách con trải nghiệm hoàn cảnh của con như thế nào.

Điều ta đang cố giải thích cho con là có một thực tế ở đây, để khi con nhìn vào nhân loại, con thấy được là có nhiều nhóm người có thể được xếp trên một cái thang theo tầng tâm thức của họ. Và mỗi tầng như vậy – nếu có thể nói như thế – đang sống trong một vũ trụ song song. Bởi vì mặc dù tất cả mọi người đều có một cơ thể vật lý, nhưng trong tâm thức họ lại hòa điệu với những tầng khác nhau của cõi cảm xúc và lý trí. Và tầng cấp nơi họ đang bắt sóng sẽ định đoạt cách nhìn của họ về thế giới vật chất cũng như cách họ trải nghiệm cuộc sống – nó sẽ quyết định trải nghiệm sống của họ sẽ như thế nào.

Tâm thức trên thang tần số cao hay thấp

Điểm này liên quan rất nhiều đến lời dạy mà ta đã ban ra trong thời gian qua, tức là con có thể chia loài người thành ba lớp: lớp 10% trên cùng là những người có nhận thức tâm linh cao nhất, lớp 10% dưới cùng là những người vị kỷ nhất, chỉ chú trọng đến bản thân, và số 80% còn lại trong quần chúng nói chung nằm đâu đó ở giữa. Ta muốn con hiểu ở đây là điều định đoạt vị trí của một người trên cái thang nói trên không phải là quyền lực vỏ ngoài mà là trình độ tâm thức của người đó.

Hiển nhiên, những người nắm nhiều quyền lực nhất trên địa cầu không nhất thiết – và thực ra cũng rất hiếm hoi – nằm trong lớp 10% trên cùng. Nhưng lớp 10% trên cùng này không hề cao trội hơn mọi người khác, bởi vì muốn là thành phần của 10% trên cùng, con phải khắc phục được nhị nguyên cũng như nhu cầu xem mình tốt đẹp hơn người. Con cũng không được rơi vào đối nghịch của nó là sự khiêm tốn giả dối, mà con bước vào nhận thức thực tế mà chúng tôi đã nói đến trong các bài truyền đọc vừa qua trong hội nghị này, là con chỉ đơn giản nhận ra mình là ai, rằng mình là một người đồng sáng tạo cùng với Thượng đế. Đó là điều sẽ định đoạt con có nằm trong số 10% trên cùng hay không. Cho nên con không được cho phép tự ngã biến lời dạy này của chúng tôi thành một lời dạy về cao trội, rồi con cảm thấy tự hào, bởi vì nếu vậy thì con vẫn chưa hiểu được lời dạy này đâu.

Quả thực là có những người đã hoà điệu tâm thức mình với các tần số cao hơn, với những đài phát thanh truyền rải chân lý từ cõi các chân sư thăng thiên. Và như vậy, họ cũng nâng cao tâm thức của họ đến mức họ có thể bắt sóng một đài khác hơn là đài phát thanh mà đa số con người sử dụng, chắc chắn khác hơn lớp 10% dưới cùng thường chỉ bắt được đài phát thanh được gọi là địa ngục.   

Bởi vì con thấy đó, quả thực có địa ngục hiện hữu trong cõi cảm xúc. Đó là cõi của những người đã trở thành vị kỷ – đã bị nuốt sống bởi lòng oán giận của họ đối với Thượng đế cũng như đối với bản thân họ – đến độ họ đã tạo ra một cõi nơi oán hận trở nên mãnh liệt, sôi bỏng và được trải nghiệm như những ngọn lửa địa ngục thiêu đốt họ trong nỗi đau đớn triền miên. Đối với những con người bị mắc kẹt trong cõi đó, cho dù họ bị dằn vật triền miên như vậy, nhưng họ không luôn luôn nhận thức được điều đó, vì họ bị cuốn hút trong nỗi oán giận Thượng đế đã tiêu hủy khả năng nhận biết của họ đến độ họ không còn nhận ra là nó khó chịu đến chừng nào, và họ mong muốn thoát ra khỏi đó đến chừng nào.     

Tâm thức là một lực hút

Khi con nhìn vào cái thang của lớp 10% dưới cùng, 10% trên cùng và 80% ở giữa, con thấy trên thang đó có nhiều tầng cấp khác nhau. Và khi con nhìn những người hiện đang đầu thai trong số 10% dưới cùng, con sẽ thấy là những người ở các tầng cấp thấp nhất hiện thân cho một trạng thái tâm thức đặc thù. Những người này hình thành một lực hấp dẫn, một trọng lực, tìm cách lôi kéo tâm trí của mọi người khác xuống tầng tâm thức của họ.

Họ làm vậy không chỉ xuyên qua tâm họ, mà họ làm vậy xuyên qua hành động, bằng cách dính dấp, lôi kéo mọi người vào những cuộc chiến hầu mọi người bị mắc bẫy trong chiến tranh, mắc bẫy trong giao tranh. Và mặc dù có người đã vươn lên được trong danh dự, nhưng nhiều người khác bị rơi xuống những loại xu hướng tồi tệ như thú vật, chẳng hạn họ có thể giết bất cứ ai xem chừng đang cản đường họ, hay chiếm một ngôi làng rồi hãm hiếp tất cả phụ nữ trong làng, hay hoàn toàn coi thường mạng sống với nhiều cách khác nữa. Và như vậy, họ kéo con người xuống mức của thú vật, và họ kéo cả những ai nhìn vào hành vi tàn ác đó rồi nổi giận và tìm cách trả thù. Họ tạo ra một vòng xoáy ốc hướng hạ, và mọi người bị kéo xuống thấp hơn và thấp hơn nữa.     

Có những con người trong số 10% dưới cùng sống trong một vũ trụ đặc thù mà con là người tâm linh không thể nào tưởng tượng nổi. Thật ra ta không khuyến khích con cố tưởng tượng ra cách họ trải nghiệm cuộc sống như thế nào. Bởi vì chính ta đã bước xuống địa ngục – nghĩa là ta đã bước xuống mức tâm thức của họ để tìm cách đưa họ đi lên – nhưng ta chỉ làm công việc đó sau khi ta đã tái sinh, cho nên ta đã rũ bỏ xong thân xác cùng với tâm thức phàm phu. Và chắc chắn ta không khuyến khích con bước xuống tầng mức đó khi con còn đang hiện thân trong một cơ thể vật lý. Chuyện đó chỉ dành riêng cho một số rất ít người, và vì vậy con cần nỗ lực nâng cao tâm thức của mình thay vì đưa nó xuống thấp… trừ khi, tất nhiên, nếu con cần đi xuống để xem xét chính tâm lý của mình trong tiền kiếp và tháo gỡ một quyết định mà con đã lấy khi con còn ở một mức tâm thức thấp hơn. Nhưng con không hòa điệu với tâm thức của người khác, vì con không cần tháo gỡ quyết định của họ, bởi vì chỉ có họ mới làm được việc đó mà thôi.

Lớp 10% trên cùng phải đem lại thay đổi tích cực

Thông điệp mà ta muốn mọi người hiểu ở đây là Thượng đế đã giao cho con người quyền ngự trị trên trái đất. Những ai nằm trong số 10% dưới cùng là những kẻ đui mù, và họ là những kẻ mù đang cố dẫn đầu những kẻ mù khác là quần chúng nói chung. Họ hung hãn, họ hoàn toàn vị kỷ, và con không thể chờ đợi là họ sẽ bỗng dưng thức tỉnh rồi bắt đầu nâng cao tâm thức của họ hay nâng cao tâm thức lớp 80% quần chúng.

Ta không đang nói là đã không có ai trong số 10% dưới cùng từng thức tỉnh, vì chuyện đó đã từng xảy ra nhưng chỉ cho một số rất ít. Cho nên điều ta muốn nói là con không thể chờ đợi những thay đổi tích cực cho hành tinh này từ lớp 10% dưới cùng đó. Vậy thay đổi tích cực phải đến từ đâu? Nhìn vào lớp 80%, con sẽ thấy họ thường theo chân người khác, họ không có một ý thức về cái ta đủ mạnh để đi ngược lại số đông, để từ chối chui vào cái khuôn do xã hội quy định. Vậy thì thay đổi tích cực phải đến từ đâu? Chỉ có thể từ lớp 10% trên cùng, con yêu dấu, và đây là điều con cần nhận ra.

Con hãy nhìn vào ví dụ châu Âu thời Đệ nhị Thế chiến, một cuộc xung đột giết hại hàng triệu người trên lục địa này. Hàng triệu người bị mất người thân yêu, nhà cửa hàng triệu người bị phá hủy, và cả thành phố của họ cũng bị tàn phá, cả quốc gia của họ bị tàn phá. Thế nhưng khi con đi tới một số nơi khác trên cùng lục địa châu Âu, con sẽ tìm thấy nhiều người vẫn sống cuộc sống gần như bình thường trong suốt 5 năm của cuộc chiến. Tại sao vậy, con yêu dấu? Vì họ ở một tầng tâm thức khác so với những người bị liên lụy trực tiếp vào cuộc chiến.

Con không nên tin là mọi chuyện xảy ra chỉ xảy ra như vậy. Tất cả mọi sự xảy ra là sự thị hiện của tâm thức. Có lý do khiến cho một số người tụ hợp lại và đầu thai trong cùng một khu vực, trong cùng những khu vực địa lý, và nơi đó họ đã bị trực tiếp liên lụy vào cuộc chiến. Có lý do khiến cho một số người khác đầu thai ở những nơi khác tại Âu châu và không bị liên hệ trực tiếp đến như vậy. Có một lý do cho sự thể này, và đó là mức tâm thức của họ. Cho nên điều ta đang cố giải thích là ngay cả trong một cuộc xung đột khủng khiếp như Đệ nhị Thế chiến, con sẽ tìm thấy những con người ở những tầng tâm thức khác nhau và họ sẽ có những trải nghiệm rất khác nhau về các biến cố vật lý.   

Vũ trụ song song trong tâm thức

Ngày nay, các con là những người tâm linh – nếu có thể nói như thế này – đang sống trong một vũ trụ song song so với số đông của nhân loại, cũng như so với lớp 10% dưới cùng. Con hãy suy ngẫm sự kiện con đang ngồi trong căn phòng này đây, trong tu viện của một dòng Cơ đốc giáo rất lâu đời với truyền thống tổ chức rất chặt chẽ, cố định. Con hãy suy ngẫm sự kiện con đang ngồi đây lắng nghe một người tự nhận là mình đang nói giọng nói của Giê-su đích thực, và cùng lúc đó ở dưới kia có những vị tu sĩ của dòng tu này đang cử hành thánh lễ ngày Chúa nhật, và họ cũng tự nhận là họ đang thờ phượng Giê-su Ki-tô đích thực, và chắc hẳn họ sẽ vô cùng sửng sốt nếu họ thực sự hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Con có thấy chăng là ngay cả khi con gần gũi như vậy trên phương diện địa lý, con vẫn có thể đang sống trong những vũ trụ song song trong tâm con?    

Cho nên ý tưởng đến từ nền vật lý lượng tử về các vũ trụ song song không sai, duy chỉ có điều đó không phải là những vũ trụ vật lý song song – đó không phải là những vũ trụ song song trong quang phổ rung động vật chất – mà là những vũ trụ song song trong tâm thức. Và đây chính là điều kỳ diệu của hành tinh địa cầu trong cõi vật chất. Nó cho phép mọi người – như thày Maitreya giải thích tường tận hơn trong sách của thày – ở cùng một vị trí địa lý nhưng lại ở trong những vũ trụ song song trong tâm thức.   

Quả vị Ki-tô dời chuyển toàn bộ quang phổ tâm thức

Điều này có nghĩa là có một sự tương ứng giữa vũ trụ song song nơi con sống trong cương vị một người tâm linh, với vũ trụ song song mà lớp 10% dưới cùng trải nghiệm. Có một quy luật của Thượng đế định rằng trước khi một biểu hiện nhị nguyên – một biểu hiện của bóng tối, của xấu ác – có thể được loại bỏ khỏi địa cầu, thì trong số 10% trên cùng phải có một số người đã nâng cao tâm thức tới mức họ đã tự giải thoát khỏi các khía cạnh của tự ngã đang được trình chiếu ra bên ngoài thành các biểu hiện đó của bóng tối.

Họ phải giải thoát khỏi các khía cạnh đó, nhưng họ cũng phải đứng thẳng lưng và tuyên bố: “Biểu hiện này của xấu ác không thể nào chấp nhận được nữa trong thế giới của tôi!” Chỉ khi nào con đứng trên Tảng đá của Ki-tô – vì con đã sẵn lòng loại bỏ cái xà trong mắt con, cái khía cạnh đó của tự ngã đang được trình chiếu vào thị hiện – chỉ khi đó, chỉ khi con đứng trên Tảng đá của Ki-tô, thì con mới có thẩm quyền – hay có thể nói, con mới trao cho Thượng đế thẩm quyền – để loại trừ biểu hiện xấu ác đó khỏi hành tinh, và loại bỏ những kẻ không chịu tự nguyện nâng tâm thức mình lên cao hơn nó.

Con có thấy chăng đây chính là cách tiến bộ xảy ra trên hành tinh này? Phải có những người trong số 10% trên cùng đã đạt đến trình độ quả vị Ki-tô tương ứng với trình độ tha hóa của số 10% dưới cùng. Và chỉ khi nào nhân loại có đủ túc số những con người như vậy – một lượng “tới hạn” những người đã đạt đến mức đó của quả vị Ki-tô – thì hiện tượng tha hóa ở mức đó mới có thể được loại bỏ. Và như vậy, toàn bộ quang phổ tâm thức được dời chuyển lên cao hơn. Nếu con nhìn vào quang phổ của tâm thức con người trên địa cầu, con sẽ hiểu tiến bộ xảy ra như thế nào. Toàn bộ quang phổ được nâng lên cao hơn, và lúc bấy giờ, không những lớp 10% trên cùng có khả năng bước lên một bước cao hơn, mà số 10% dưới cùng cũng không thể bước xuống thấp hơn một mức nào đó vì khi đó họ sẽ bị loại khỏi địa cầu.

Đây là cách duy nhất mà tiến bộ có thể xảy ra. Tiến bộ không thể xảy ra một cách nào khác. Nó không thể xảy ra qua vũ lực. Nó không thể xảy ra do một quốc gia chuyên chế chinh phục cả thế giới rồi cố thiết lập vương quốc Thượng đế bằng vũ lực. Nó không thể xảy ra do một tôn giáo chế ngự cả địa cầu. Nó không thể xảy ra cách nào khác hơn là qua một sự chuyển đổi tâm thức, mà qua đó những ai mang tiềm năng phải đứng dậy, phải thỉnh lấy quả vị Ki-tô của mình, phải thanh tẩy tâm mình cho không còn một số biểu hiện của tâm thức nhị nguyên, rồi họ phải – đồng thanh, đồng tâm và đồng lòng – nói rằng chuyện đó phải chấm dứt, rằng như thế là quá đủ rồi!

Chiến thắng là sự hợp nhất của mọi con tim

Đây là những gì con đã và đang làm khi con bước theo lời dạy của chúng tôi, các chân sư thăng thiên, khi con đọc bài nguyện và bài thỉnh – con đã làm như vậy từng bước một. Nhưng lý do chúng ta đã giành được chiến thắng, như thày Saint Germain có giảng tối hôm qua, là các con đã đến với nhau trong sự hợp nhất. Có lẽ tất cả các con không nhận thức điều này, nhưng các con đã đến trong tâm hợp nhất và tim hợp nhất, trong cùng mong muốn nâng châu Âu vươn lên khỏi quá khứ, vươn lên khỏi bế tắc của quá khứ. Và các con đã sẵn lòng thăng vượt các mối chia rẽ vỏ ngoài mà người ta đã dùng để chia và trị người dân lục địa này từ quá lâu nay. Và quả thật đây là chìa khóa chủ yếu mà con cần nhận thức, mà con cần áp dụng trong đời sống và con cần tiếp tục áp dụng khi các con đến với nhau. Và chúng tôi vô cùng khích lệ khi thấy con sẵn lòng đến với nhau như một cộng đồng.

Con cần thấy là chúng tôi muốn thiết lập ở đây một dòng chảy hình số 8 giữa Âu châu và Hoa kỳ, hầu tạo thành hai thái cực là các đệ tử tại Hoa kỳ và các đệ tử tại Âu châu – và chắc chắn ta cũng kể cả Âu châu miền Đông cho tới nước Nga, và tất cả đều đến với nhau, hình thành sự hợp nhất và dòng chảy hình số 8 rồi gặp nhau. Giao điểm dòng chảy này nằm giữa Đại tây dương nơi thuở xưa đã từng hiện diện nguyên một lục địa nơi ta từng phụng sự và lãnh đạo một dòng tiến hóa tâm linh con người. Thế nhưng nền văn minh đó đã không thể duy trì được ở mức đó, để rồi cuối cùng bị chìm xuống một trình độ tâm thức thấp hơn.

Nhưng tâm thức có khả năng vươn lên trở lại, và động lượng cùng nền khoa học và các tư tưởng đã từng khởi lên trên lục địa đó có thể sẽ lại khởi lên một lần nữa – nhưng chỉ khi nào có những người giữ được sự quân bình tâm linh cho tâm thức đó bằng cách nâng cao tâm thức của chính mình. Cho nên chúng tôi đặc biệt khuyến khích các con hãy hình thành mối liên kết đó – hình thành dòng chảy hình số 8 – và nhìn xem các con có thể làm gì để tạo dựng tinh thần cộng đồng sẽ thực sự kết hợp các con.

Lắng nghe Giê-su ở bên trong

[Giê-su im lặng một lúc]. Ta im lặng vì ta muốn con trải nghiệm rằng thái cực Omega của phát biểu quả thực là im lặng. Con đừng rơi vào cái bẫy mà nghĩ rằng con luôn luôn cần lắng nghe một bài giảng vỏ ngoài, một giọng nói vỏ ngoài. Vì nếu con nghĩ rằng ta, Giê-su, chỉ có thể nói chuyện với con qua trung gian một sứ giả bên ngoài thì con đã hụt mất khía cạnh Omega trong pháp của ta. Bởi vì ta quả thật có thể nói chuyện với mỗi người trong các con ở ngay trong tim con. Nhưng để con nghe thấy ta, con phải tạo ra một khoảng trống im lặng trong tâm con – vì ta không nói to hay nói ầm ĩ, như con tưởng nếu con dựa trên bản nhạc con vừa nghe trước khi ta bắt đầu giảng.

Nhưng một lần nữa, bài hát đó là cách người ta muốn hình dung Ki-tô như một vị vua vẻ vang đến lật đổ tất cả mọi uy quyền trên trái đất. Nhưng con thấy không, ta không hề là một ông vua lớn tiếng đường đường tiến vào các thành phố Israel, mà ta là – có đúng vậy không? – một người hèn mọn cưỡi trên lưng con lừa. Và điều này biểu tượng cho sự kiện ta cũng không đến với con trong một giọng nói oai phong lẫm liệt để ra lệnh cho con. Ta đến như một giọng nói vô cùng nhỏ nhẹ để khích lệ con đạt được một hiểu biết cao hơn, hầu con có thể tự ý có những chọn lựa tốt hơn thay vì bị chỉ bảo phải làm gì.

Ta hoàn toàn không có mong muốn bảo mỗi người trên hành tinh này phải làm gì, vì ngay cả chính ta cũng mong muốn có những giây phút yên tĩnh. Tại sao ta lại chuốc lấy phận sự biết rõ mỗi người trên địa cầu phải cư xử ra sao, để rồi ta phải chịu trách nhiệm về những chọn lựa mà họ lấy, trong khi – theo luật tự quyết – chính ta không có khả năng ảnh hưởng đến trải nghiệm sống của họ? Đã biết bao lần một vị đạo sư tâm linh đã bảo mọi người phải làm gì, chẳng hạn bảo người ta phải lập gia đình với ai đó, rồi khi hôn nhân đổ vỡ – do người đó đã ngây thơ tưởng rằng một khi có đạo sư chỉ bảo thì mọi chuyện đương nhiên phải “hạnh phúc mãi mãi” – thì họ vẫn phải giải quyết vấn đề của họ, rồi họ bất mãn với đạo sư, cảm thấy lời khuyên kia là sai lầm, và họ rơi vào một trạng thái tâm thức tiêu cực.

Đây là một khuôn nếp mà con thấy lặp đi lặp lại nhiều lần với những ai đã đi theo một thẩm quyền bên ngoài, cho dù thẩm quyền đó là gì. Và thật vậy, con thấy là ở ngay nước Đức này đây khi dân Đức vào thập niên 1930 nhân mong muốn đi theo một uy quyền bên ngoài, thì đã có ngay một người xuất hiện để đảm nhiệm vai trò đó cho dân tộc Đức. Hiển nhiên là sau đó, người dân Đức hối hận mình đã đi theo lãnh tụ đó, nhưng bấy giờ họ lại đổ lỗi cho lãnh tụ thay vì nhìn nhận là lãnh tụ chỉ là một biểu hiện của chính tâm thức họ, biểu hiện chính sự từ chối nhận lãnh trách nhiệm của họ.

Cho nên con thấy đó, một lần nữa, nếu tâm thức con ở một mức nào đó thì con sẽ thu hút về phía con – hay đúng hơn, con thu hút bản thân con về phía một vũ trụ song song đặc thù nơi tất cả những gì con giữ trong tâm thức sẽ trải bày ra. Vì vậy đối với con là người tâm linh, điều ta muốn khuyến khích con xem xét là con có thể hòa điệu tâm thức mình vào sự rung động của bào huynh yêu dấu của ta, thày Saint Germain, cũng như viễn quan của thày cho một Thời Hoàng kim tại Âu châu. Xong con hãy chấp nhận Thời Hoàng kim đó chính là thực tại thị hiện trong thế giới của con.

Để việc làm này thành công, con cần, như ta đã nói, nâng cao tâm thức của mình để nó vượt khỏi các biểu hiện của tự ngã không còn chỗ đứng trong Thời Hoàng kim. Và đó là khi ta sẽ cống hiến sự trợ giúp của ta bằng cách làm giọng nói bé nhỏ bên trong – nếu quả thật con thỉnh thoảng dành cho ta một vài giây phút khi con làm cho tâm lắng đọng và con chỉ ngồi đó trong im lặng. Con hãy tắt cái máy iPod đó đi, con yêu dấu! Vì ta không mong muốn cạnh tranh với công nghệ tuyệt diệu đó. Hãy dành cho ta im lặng và ta sẽ cho con sự hướng dẫn. Mình đồng ý rồi chứ? Thế thì ta niêm con trong sự an bình của trái tim ta.

Thành hình tăng đoàn chân chính của Phật

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 29/6/2008.

Phật, pháp, tăng – đây là ba cột trụ của tôn giáo – hay cái người ta gọi là tôn giáo – đạo Phật. Thế nhưng con yêu dấu, ta Gautama đã không đến đây để khởi xướng một tôn giáo. Ta đến đây để chứng tỏ con đường phổ quát dẫn đến sự hợp nhất với Tánh linh – sự hợp nhất giữa Tánh linh và vật chất, cái Một mà con đạt được khi con hoàn toàn tỉnh thức.

Câu hỏi không phải chỉ là “Là hay không là?” mà “Con có muốn tỉnh thức hay con muốn tiếp tục không tỉnh thức?” tức trạng thái mà qua đó – trong tâm trạng không tỉnh thức của con – có một khoảng cách giữa con và thực tại, là thực tại mà con thấy được khi con tỉnh thức. Và trong khoảng cách đó tự ngã có thể lẩn trốn, và con cũng có thể lẩn trốn khỏi các động lượng cũ của con mà con chưa xem xét, như thày MORE vừa giải thích thật hùng hồn.

Vậy thì thực tại của Phật là gì? Cái biết tỉnh thức về Phật là gì? Đó là cái Bản thể – do nó tỉnh thức – thấy được tính duy nhất của mọi sự sống, thấy được thực tại của mọi sự sống khởi lên từ cùng một nguồn cội và cũng sẽ trở về nguồn cội đó khi nó thăng thiên và nhập về cõi tâm linh. Cho nên Phật là sinh thể cầm giữ sự quân bình cho phép những ai chưa tỉnh thức được tiếp tục sinh tồn trong trạng thái không tỉnh thức của họ, thay vì bị tiêu hủy bởi vòng xoáy ốc thăng thiên ngày càng mãnh liệt, là vòng xoáy mà toàn bộ vũ trụ vật chất đã bước vào từ điểm khởi thủy.

Pháp là gì? Pháp là sự nâng cao tất cả mọi chúng sinh, mọi sinh thể tự nhận biết, vào trạng thái tỉnh thức hầu chính họ cũng trở thành Phật. Vậy tăng là gì, cộng đồng là gì? Đó là tập hợp của những ai đã cam kết bước đi trên con đường dẫn đến tỉnh thức toàn diện của Phật, đã quyết tâm không để cho bất cứ gì trong thế giới vật chất ngăn mình chứng quả vị Phật trọn vẹn, cho dù mình vẫn phải đặt trọng tâm trong một cơ thể vật lý. Và như thế, họ có thể biểu hiện ở dưới này những gì họ là ở bên Trên, họ phụng sự để làm cánh cửa mở giữa vật chất và Tánh linh, phụng sự để làm điểm trụ neo cho Tánh linh đưa Ánh sáng chảy xuyên xuống, thắp sáng mọi ngõ ngách tối tăm của địa cầu cho đến khi không còn phàm linh bất toàn nào, không còn ảo tưởng nào của tự ngã có thể trốn tránh khỏi Ánh sáng của Phật chiếu xuyên thấu qua tất cả.

Thế nào là tăng đoàn của Phật?

Khi ta còn ngồi trên trái đất trong một thân xác vật lý, ta đã đưa ra một giáo lý thích ứng với tâm thức con người thời đó, thích ứng với một yếu tố nào đó của tâm thức đại chúng. Cho nên ta biết rõ là không có cách nào diễn tả được trọn vẹn đường tu là thế nào và cộng đồng tu hành phải ra sao. Ta đã phải đưa ra một giáo lý mà con người có khả năng nắm bắt, và như vậy con người cũng đã biến giáo lý của ta thành thêm một tôn giáo khác có tên là Phật giáo.

Và người ta đã dựng lên hình ảnh rằng những ai thuộc về tôn giáo đạo Phật tạo thành một đạo tràng đứng tách biệt khỏi những ai không thuộc về tôn giáo đạo Phật. Và như vậy họ dựng lên một hình ảnh cũng chẳng khác gì tín đồ của các tôn giáo khác đã dựng lên, một hình ảnh phân rẽ, coi tôn giáo mình là chân chính duy nhất. Tuy nhiên thời gian đã trôi qua. Ki-tô đã giáng thế, nhân loại đã vươn lên và giờ đây chúng ta có được một đội ngũ học trò sẵn sàng hiểu Phật-pháp-tăng một cách trọn vẹn.

Nhiều người tâm linh đã tiến gần hơn đến việc thể hiện một cộng đồng như thế. Cho nên con hãy cho phép ta nói lên một số ý nghĩ về tăng đoàn của Phật. Lẽ tự nhiên, khi đến với nhau trong một cộng đồng những người cùng chí hướng – những người có thể tự do nói chuyện với nhau và hỗ trợ cho nhau – thì hẳn điều này sẽ đem lại một cảm giác ấm cúng, an toàn nào đó. Các thày, các chân sư thăng thiên, không nói là các con không thể thành lập một cộng đồng như vậy, một cộng đồng nơi ai nấy đến với nhau, tự do chia sẻ quan điểm với nhau mà biết rằng mình sẽ không bị lên án hay chỉ trích, rằng mình sẽ không phải đối phó với những trò chơi tự ngã thường khiến cho người ta miệt thị lẫn nhau ngay cả khi có ý kiến hay đẹp, hoặc người ta hạ thấp ý kiến của nhau chỉ vì chính mình đã không nghĩ ra được. Cho nên đương nhiên, ta yêu cầu con chấp nhận là con có thể – và con nên – thành lập một cộng đồng như vậy. Nhưng ta yêu cầu con suy ngẫm sự khác biệt vi tế là con không nên biến nó thành một cộng đồng gạt bỏ và đứng tách biệt khỏi cộng đồng rộng lớn của nhân loại nói chung.

Bởi vì Phật là ai chứ? Phật là người biết rằng tất cả mọi thứ đều là Phật tánh, cho nên Phật ở trong mọi người lẫn mọi vật. Vậy thì làm sao con có thể là môn đệ của Phật nếu con đứng riêng ra và bảo rằng Phật chỉ có thể ở trong một số người và không ở trong một số người khác? Các thày mong con thấy rằng cộng đồng mà con thành lập không đứng cô lập khỏi cộng đồng rộng lớn của mọi chúng sinh, mà là một hạt nhân tương tác với cộng đồng rộng lớn, sẵn sàng đi vào xã hội để “rải truyền thông điệp từ mọi mái nhà, sẵn sàng để cho Ánh sáng của mình tỏa rạng hầu ai nấy thấy được công việc tốt lành và biết được chỉ có Cha trong nội tâm mới có khả năng thực hiện những công việc đó”. Và như vậy, họ dần dà nhận ra Thượng đế bên trong họ, nhận ra Phật bên trong họ.

Bởi vì con yêu dấu, cũng tương tự như thế, Phật không phải là một kẻ háo danh muốn được tâng lên cao hơn mọi người. Khi Phật được đánh thức trong lòng một ai đó, người đó sẽ chỉ có một mong muốn và một trọng tâm độc nhất, đó là đánh thức đức Phật trong mọi người khác hầu đức Phật tỉnh giấc trong lòng mọi người. Bởi vì chỉ khi đó thì Phật mới viên mãn.

Một cộng đồng chân thực

Cho nên tăng đoàn, cộng đồng, mà các thày mong muốn thị hiện, sẽ mang đức tính hàng đầu là sự chân thực – rõ ràng và giản dị như vậy. Chân thực với chính bản thân, chân thực với người khác, chân thực với cả những người chưa nhập tăng đoàn của mình vì họ vẫn còn do dự. Để trọn vẹn, tính chân thực không được mang bất kỳ điều kiện nào cho phép tự ngã lẩn trốn. Bởi vì sự chân thực không đặt điều kiện gì cả – chỉ có tự ngã mới đặt điều kiện. Và tự ngã đặt ra những điều kiện đó chính là vì nó có thể lẩn trốn. Đây là thế lực mà con cần khắc phục.

Đâu là chìa khóa của chân thực, con yêu dấu? Đó là khi con ngộ ra là nếu Phật ở mọi nơi, nếu Thượng đế ở mọi nơi, thì không có gì có thể giấu khỏi Thượng đế. Vậy có ích chi mà tìm cách gian dối với giấu giếm? Con đang cố lừa ai đây – chắc chắn là không lừa được Thượng đế, chắc chắn không lừa được Phật, chắc chắn không lừa được các chân sư thăng thiên, chắc chắn không lừa được chính Hiện diện TA LÀ của con. Có thể con sẽ lừa được người khác, nhưng trên hết con đang đánh lừa chính con. Và nếu con muốn chơi trò đó thì đơn giản ta sẽ chỉ yêu cầu con gia nhập rất nhiều tổ chức khác ở ngoài kia vẫn còn bị kẹt trong trò chơi đó, vẫn cho phép – hơn vậy nữa, vẫn khuyến khích – thành viên của họ chơi trò đó.

Con hãy đi ra đó và chơi trò này cho đến khi con chán ngán, rồi khi đó con hãy trở lại với tăng đoàn của Phật. Và như vậy, chúng ta thấy được các mảnh nhỏ đang được ghép lại với nhau, tức là trong thời buổi then chốt này, nhiều người tâm linh có thể đến với nhau trong cõi vật lý và cùng bước lên cao hơn để thể hiện một tấm gương chân chính – không phải là tấm gương duy nhất – nhưng một tấm gương chân chính cho tăng đoàn của Phật trong Thời đại Bảo bình dựa trên nhận thức của nhân loại thời nay.

Phật và khía cạnh Mẹ

Bây giờ ta sẽ trình bày tiếp một số ý nghĩ về quan hệ giữa Phật và Mẹ. Như con có thể nhận xét trong bài thỉnh con vừa đọc* có câu nói rằng: “Không gian của Phật, thời gian của Mẹ, đây là bí ẩn quá tuyệt vời.” Vũ trụ vật chất được khoa học xem là một khoảng không gian trong đó con có thể tìm thấy các hành tinh, các thái dương hệ và các dải thiên hà. Không gian này chính là Phật – nó được tạo ra từ Phật tánh. Không gian là một khoảng không gian được đặt riêng ra khỏi cái Tất Cả của Thượng đế hầu cho phép các hình tướng cách biệt được thị hiện. Trong không gian này, con tìm thấy Ánh sáng Mẫu-Vật đang khoác vào hình tướng.

Với tư cách một sinh thể chưa thăng thiên, con có những khả năng đồng sáng tạo, nhưng tâm con không có quyền năng ảnh hưởng đến không gian, bởi vì con sẽ không thể ảnh hưởng đến không gian cho tới khi con đạt được tâm thức của Phật – và khi đó, con sẽ thăng vượt không gian. Cho nên việc thể hiện khả năng đồng sáng tạo của con bị giới hạn trong khuôn khổ không gian cũng như những cái gọi là định luật tự nhiên chi phối không gian, mà hầu hết chưa được khoa học khám phá hay hiểu được hoàn toàn.

Là một sinh thể chưa thăng thiên, khả năng đồng sáng tạo của con chỉ cho phép con làm việc trên Ánh sáng Mẫu-Vật khi con phóng chiếu hình tướng lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Khi Phật cho phép Bản thể của mình trở thành không gian thì Phật cũng cầm giữ một viễn quan về cách trải bày của không gian đó cùng tất cả mọi thứ trong không gian – Ánh sáng Mẫu-Vật lẫn năng lượng ở trong đó. Không gian được trù định để vươn lên cao hơn theo vòng xoáy hướng thượng mà bào huynh Maitreya của ta đã mô tả trong sách của thày. Rồi sau đó khía cạnh Mẹ của Thượng đế cho phép Ánh sáng của Mẹ trở thành một phương tiện biểu đạt cho các sinh thể tự nhận biết sử dụng quyền tự quyết của họ, và họ sẽ gặt hái những điều kiện vật lý mà chính hình tư tưởng của họ trình chiếu ra. Điều này có nghĩa là trong không gian toàn bộ đó của Phật, rất có thể sẽ có một số khu vực – chẳng hạn như khu vực tập trung quanh hành tinh địa cầu – không theo kịp vòng xoáy hướng thượng của toàn bộ không gian và bị tụt hậu.

Nguồn gốc của thời gian

Con yêu dấu, con có thấy là toàn bộ cõi vật chất đang – và luôn luôn đã từng như vậy – ở trong một vòng xoáy hướng thượng không thể nào ngừng lại? Nhưng do có quyền tự quyết, các cư dân của một hành tinh có thể khiến cho tâm thức mình dày đặc hơn, qua đó họ cũng khiến cho hành tinh của họ dày đặc hơn đến độ nó bị tụt hậu so với vòng xoáy đi lên. Con có thể mô tả sự thể này giống như không gian bị kéo căng ra, hay con có thể hình dung cái gọi là tấm thảm không-thời-gian (space-time continuum) bị kéo giãn ra. Nhưng điều khoa học chưa hiểu được là thời gian không phải là một hàm số tùy thuộc vào không gian. Thời gian là một hàm số tùy thuộc vào quyền tự quyết, bởi vì khi một hành tinh bị tụt hậu so với vị trí nơi đúng lý nó phải đứng trong không gian, thì khoảng cách giữa niệm tinh khôi này với hiện trạng thực tế của nó chính là cái tạo ra thời gian.

Và có thể nói, đó là một chiếc đồng hồ vũ trụ đang bắt đầu tích tắc. Bởi vì như thày Maitreya đã giải thích, một khi con có quyền tự quyết thì quyền tự quyết này không thể không có giới hạn. Con không thể lấy ra một mảnh của Bản thể Đấng Sáng tạo và mãi mãi giữ chặt nó trong một hình tướng bất toàn, cũng như con không thể mãi mãi giữ chặt các sinh thể tự nhận biết khác trong một hình thể bất toàn.

Và như vậy, kim đồng hồ của thời gian bắt đầu quay, và nó sẽ đếm cho tới thời điểm mà những dòng sống đã đem hành tinh vào vòng xoáy hướng hạ bị lỡ mất cơ hội của họ. Và họ bắt buộc bị loại bỏ ra khỏi hành tinh đó để cho phép các cư dân còn lại – mặc dù có thể đã đi theo những kẻ lãnh đạo đui mù – nhận được cơ hội để gỡ mình ra khỏi lực kéo xuống. Các cư dân này được cơ hội chọn con đường đi ngược trở lên để hồi phục hành tinh của họ và – nếu có thể nói như vậy – gia tốc thời gian để hành tinh của họ bắt kịp lại chỗ đứng xứng đáng trong điệu múa vũ trụ, là khi thời gian như con đang trải nghiệm ngừng hiện hữu cho hành tinh đó. Bởi vì thực sự, con yêu dấu, “Thời gian không hề hiện hữu!”

Tha thứ toàn diện là quên tất cả

Bây giờ để tiếp nối với bài giảng của chân sư MORE về ký ức, tức là ký ức cá nhân của con đối chiếu với ký ức vũ trụ trong hồ sơ ở cõi Akasha. Một lần nữa, như thày MORE giải thích, ký ức cá nhân của con đứng riêng biệt, nó được phép không bước theo kịp hồ sơ trên Akasha, là bộ nhớ của vũ trụ nhìn thấy thực tại và ghi nhớ mọi chuyện y như là. Và do đó, khi con bước trên con đường quả vị Ki-tô buông bỏ toàn bộ ngã tách biệt, thì chính con cũng sẽ bắt kịp lại chỗ đứng của con trong không gian nơi đáng lý con phải đứng nếu con đã ở lại với Dòng sông sự Sống và đã xuôi chảy với nó, thay vì bước vào khu rừng rậm của tách biệt rồi bị bỏ lại đằng sau.

Những bóng ma – mà một vài chân sư đã có nói tới – là những ký ức mà con giữ trong những bất toàn của con khi con nhìn xuyên qua phin lọc của tâm thức nhị nguyên thay vì nhìn xuyên qua thực tại của tâm thức Thượng đế vốn tha thứ tất cả. Đó là những bóng ma con phải từ bỏ. Và như vậy, tha thứ toàn diện cũng có nghĩa là buông bỏ ngay cả ký ức về những gì mình coi là lỗi lầm. Đơn giản, con để cho nó bị thiêu hủy đi hầu con không còn bám vào nó nữa, vì nếu con còn bám vào nó thì nó sẽ giữ chặt con lại trong một méo mó thời gian (time warp) – nếu có thể gọi như vậy – vì con tự giam con lại trong thời gian, tức là cái khoảng cách giữa điểm mà đáng lý con phải đứng và điểm mà con đã chọn đứng (hay không chọn đứng).

Con hãy lưu ý trong Kinh thánh có ghi câu này: “Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi của họ nữa.” Phải, Thượng đế không bao giờ ghi nhớ tội lỗi của con, vì Thượng đế chỉ nhớ được thực tại – thực tại rằng vũ trụ vật chất là một bãi chơi cát – bởi vì con đã được ban cho quyền tự do thử nghiệm. Và như vậy, một khi một chọn lựa gây giới hạn được thay thế bởi một chọn lựa cao hơn thì chọn lựa trước không còn hiện hữu nữa. Tinh túy của quyền tự quyết là con chọn một quyết định nào đó, và khi con chọn như vậy, con không thể cùng một lúc chọn một quyết định nào khác. Cho nên con không thể cùng một lúc vừa tỉnh thức vừa không tỉnh thức. Và một khi con buông bỏ ảo tưởng cũ – tức chọn lựa cũ chấp nhận ảo tưởng nhị nguyên – thì con được giải thoát khỏi ảo tưởng đó.

Nó đã ra đi, nó không còn đó nữa, trừ khi con chọn để cho nó ở lại trong ký ức của con, và như vậy con sẽ tái tạo nó hoài hoài, cho đến khi cuối cùng con từ bỏ bóng ma và để cho cái ngã sinh diệt đó chết đi. Vì thế cho nên ngay cả Giê-su khi lên thập tự giá vẫn còn mang một số bóng ma cá nhân mà thày phải buông bỏ, y như bất cứ ai khác đã từng thăng thiên.

Một chiến thắng cho tất cả chúng ta

Và như vậy, thật là một ân huệ và niềm vui rất lớn cho ta được niêm buổi đại hội này, mà ta phải nói đã là một chiến thắng toàn diện cho các chân sư thăng thiên – cũng như cho con là thành phần cuả chân sư thăng thiên mặc dù con chưa thăng thiên, ít ra là trong một vài lãnh vực nhận thức của con. Bởi vì thật sự, con là nhiều hơn rất nhiều những gì con có thể mường tượng, và do đó chỉ có một phần nhỏ của toàn bộ Bản thể của con còn bị kẹt lại ở đây trong vũng lầy này. 

Và khi con hòa nhập vào cái toàn bộ đó, con sẽ có được một tầm nhìn vũ trụ, qua đó con sẽ thấy tất cả những trò chơi của tự ngã thật không đáng kể đến chừng nào. Và đó là khi con có thể để cho các bóng ma chết đi, vì con biết mình là nhiều hơn như vậy, và do đó con sẽ không chết cùng với chúng.

Các con đừng buồn vì đại hội này kết thúc, vì mọi chuyện đều có lúc phải kết thúc. Thay vào đó, các con hãy nhìn xa hơn, hãy nhìn ra là mình đã thiết lập một tăng đoàn vượt thời gian. Bởi vì, con yêu dấu, đây là tăng đoàn của Phật hiện hữu trong không gian – mà không gian thì vượt khỏi thời gian. Cho nên con hãy trụ tâm vào đó! Trụ tâm vào tăng đoàn và vượt thăng cả những khoảng cách địa dư. Giữ lấy mối liên lạc qua những phương tiện công nghệ truyền thông mà con có, rồi thấy được đại hội này tuy đã niêm lại nhưng vẫn chưa chấm dứt, mà lại đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, một chu kỳ khác hơn, ngay cả một chu kỳ cao hơn.

Bây giờ các con hãy đi ra ngoài và thể hiện mình là Omega, và khi con nhân lên những ta-lăng con đã nhận được, chắc chắn các thày sẽ thu hút con – trong làn hơi thở vào – để con tham dự một đại hội nữa, khi con sẽ có thể bước lên cao hơn nữa do con đã đi ra ngoài, con yêu dấu. Bởi vì nếu con đã không đi ra ngoài để chia sẻ với người khác và nỗ lực nâng cao cái Tất Cả, thì các thày đã không thể ban cho con những lời dạy cao hơn. Và con sẽ đứng lại ở đó mà dẫm chân tại chỗ.

Cho nên con có thấy chăng là cả hai đều cần thiết, làn hơi thở vào lẫn làn hơi thở ra, tạo thành điệu múa vũ trụ? Cho nên con hãy đi ra ngoài, vượt ra khỏi cái tư duy quá phổ biến nơi nhiều người tâm linh là muốn rút lui khỏi nhịp sống hối hả của thế gian, tưởng rằng khi con tìm được sự an bình, thanh vắng và tĩnh lặng nơi hang núi thì con cũng sẽ tìm được Phật. Thay vào đó, con hãy học lời dạy của những người đã phụng sự cuộc sống dưới mọi hình thức, và khi họ làm vậy thì bỗng nhiên họ gặp được Phật. Còn có cả vị kia liếm giòi trên vết thương người khác cũng đã chứng được giác ngộ và sự hợp nhất với Phật.

Bởi vì khi con nhìn thấy Phật trong mọi sự sống thì con mới thấy được ta, con yêu dấu. Vì TA LÀ TẤT CẢ và ta ở trong tất cả. Cho nên chừng nào con còn mang tư duy là con chỉ tìm thấy ta ở một số nơi mà không tìm thấy ở nơi khác, làm sao con có thể phát hiện được ta đây? Nơi duy nhất con phát hiện được ta là trong chính con. Cho nên nếu con nghĩ con phải ở đâu khác để khám phá ta, thì con chẳng thấy hay sao là con không thể thấy ta – cho dù ta luôn luôn ở đó, mỉm cười nụ cười của Phật, kiên nhẫn chờ đợi con đến tìm ta ở trong chính con. Bởi vì TA LÀ Phật. Ta là không gian. Ta vượt thời gian. Cho nên ta có tất cả thời gian trong thế gian này, nhưng thế gian thì không có thời gian vô hạn.

Vậy con hãy tỉnh dậy và quyết định là con sẽ với tới cái vượt khỏi thời gian, và con nhìn ra là có một thời điểm khi thời điểm thích hợp là NGAY BÂY GIỜ – không phải ngày mai, không phải trong một giây nữa, mà NGAY BÂY GIỜ. Bởi vì đó là lúc con bước vào HIỆN TẠI Bất Tận và thăng vượt ảo tưởng của không gian, ảo tưởng cho rằng thế giới vật chất có thể ngăn cách con khỏi tính hợp nhất của tăng đoàn. Đó là lúc con biểu hiện tăng đoàn ngay nơi con đang đứng thay vì con tìm nó ở đâu khác.

TA LÀ ở nơi con là. TA LÀ tỉnh thức nơi con tỉnh thức. Liệu con sẽ tỉnh thức nơi TA LÀ? Nếu thế thì con hãy LÀ, và con được niêm trong sự an bình bất tận của ta. Hãy vui mừng trong an bình bất tận của ta. Và khám phá ra là những gì có vẻ là bình an từ góc nhìn của con người thật ra không phải là an bình. An bình là cực lạc của Phật, nơi con vui mừng quá đỗi vì con biết bọn quỷ của Mara không có chút quyền năng nào trên con. Và vì thế con có thể bật cười khi chúng bày trò kéo con vào dính mắc. Và đó là lúc chúng chạy trốn khỏi con, và TA LÀ tất cả những gì còn lại.

* Bài thỉnh INV10: Thỉnh cầu HIỆN TẠI Bất tận.

Hoàng đế bóng tối không mặc quần áo

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama, ngày 31/12/2007 qua trung gian Kim Michaels.

Phật TA LÀ. Ta đến địa cầu này để đem lại hòa bình, nhưng không phải loại hòa bình nhằm biến mọi người thành giống nhau, hay buộc mọi người phải theo một tôn giáo hoặc phải sống một cách nào đó. Con yêu dấu, một nền hòa bình như vậy không thể là hòa bình vì lý do giản dị là khi con tìm cách ép buộc tất cả mọi người vào một hệ thống tư tưởng – dù đó là tôn giáo hay chủ nghĩa cai trị – con tạo ra một hệ thống khép kín sẽ không thể tránh khỏi bị tan rã do những mâu thuẫn nội tại và các thế lực tương phản.  

Lịch sử đã từng chứng kiến một vài xã hội loài người đạt được, trong một số giai đoạn, một sự hài hòa cao độ giữa các tôn giáo khác biệt, và tín đồ của mọi tôn giáo đã có thể chung sống trong thái bình và khoan dung, và xã hội của họ – tức là cộng đồng chung của họ – đã khởi sắc. Và mặc dù người ta không thực sự hiểu được nguyên do, nhưng nguyên do ấy chính là sự đa dạng trong một khuôn khổ hài hòa, khi sự khác biệt giữa các lối sống và các tín ngưỡng tạo ra một sự căng thẳng sáng tạo, và sự căng thẳng này dẫn đến phát triển và thịnh vượng, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thế nhưng con cũng đã chứng kiến khi có một thế lực trở thành thế lực thống trị, tìm cách tiêu diệt sự đa dạng và tạo ra đồng nhất, thì xã hội đó sẽ bước vào một vòng xoáy kéo nó đi xuống, rồi cuối cùng nó sẽ tự hủy diệt, hoặc một cuộc cách mạng sẽ xảy đến đưa xã hội lên một nấc thang tiến bộ cao hơn. Bài học mà chúng ta đều có thể học được từ một xã hội như thời Al-Andalus tại Tây Ban Nha – ngược lại với điều tin tưởng của nhiều người – là sự đồng nhất sẽ không đem lại hòa bình. Và con yêu dấu, thật là quan trọng nếu con hiểu được tại sao.  

Đa dạng không gây ra xung đột

Con có thể hiểu được bằng cách nhìn vào một thực tế thật giản dị. Thượng đế – trước khi bất cứ gì được sinh tạo – là Một. Đây là đồng nhất. Tuy nhiên Thượng đế không muốn tiếp tục là Một. Thượng đế mong muốn sáng tạo, và để sáng tạo bất cứ gì, ngài phải trở nên nhiều hơn Một, cái toàn thể không phân chia. Cho nên ngài biểu hiện chính mình như là thái cực đầu tiên của lực lan ra và co lại – là Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc, Cha và Mẹ, hay bất kỳ danh tính nào mà con muốn gọi.

Từ thái cực đầu tiên này đã nẩy sinh ra toàn bộ sự đa dạng mà con thấy được trong vũ trụ vật chất. Nhưng ta cam đoan với con, con sẽ tìm thấy trong cõi tâm linh một sự đa dạng lớn hơn thế nữa. Cho nên như con thấy, động lực chủ yếu trong sáng tạo là động lực trở thành HƠN NỮA qua sự đa dạng. Con thấy được là ý muốn con người nhằm ép buộc mọi người vào khuôn khổ một hệ thống hay một xã hội nhất định đi ngược lại mãnh lực căn bản của sự sống.

Vì lý do này mà ý muốn phàm phu nhằm ngăn chặn đa dạng sẽ không bao giờ đem lại hòa bình. Đó là một ảo tưởng. Bởi vì con thấy đó, nếu con người đạt được một trạng thái đồng nhất cưỡng ép như vậy, thì những mâu thuẫn nổi lên sẽ là những mâu thuẫn do chính Dòng sông Sự sống, do chính sức mạnh của sự sống, nhất thiết đem lại. Bởi vì Dòng sông Sự sống sẽ tạo ra căng thẳng để rồi cuối cùng căng thẳng phải thị hiện thành đa dạng trong xã hội. Và khi có một thế lực nào đó tìm cách ngăn chặn đa dạng thì xung đột sẽ là kết quả tất yếu, và khi đó con thấy xã hội bị chia ra thành từng phe phái riêng biệt.  

Nếu không có sự khoan hòa đối với đa dạng, các phe phái này sẽ không thể tránh khỏi tuyên chiến với nhau, với khả năng làm cho xã hội bị tan vỡ hay tiêu diệt. Không phải Dòng sông Sự sống đã đem lại xung đột. Không phải đa dạng và khác biệt đã đem lại xung đột. Chính khi con người khoác vào cái tư duy muốn ngăn chặn đa dạng và dựng lên một trạng thái đồng nhất giả tạo, thì hỡi con yêu dấu, xung đột là kết quả không thể tránh khỏi.  

Nhưng nếu ngược lại, con người dồn nỗ lực vào việc trở thành hơn-nữa, dồn nỗ lực vào việc đưa xã hội mình vào trạng thái hơn-nữa, hay trở thành hơn-nữa, thì họ sẽ không còn thì giờ, chú ý hay sức lực để mà xung đột với nhau. Bởi vì khi con biết con sẽ thị hiện được nhiều hơn bằng cách nỗ lực biểu thị khả năng sáng tạo của mình, thì tại sao con lại phải xung đột với láng giềng của con? Tại sao con lại phải cố kiểm soát người khác, tước đoạt của người khác, khi con hiểu rằng mọi người đều có thể tăng trưởng và trở thành hơn nữa? Nền tảng của Thời Hoàng kim chính là khi con người bước vào tâm thức nơi mình chỉ tập trung vào việc trở thành hơn nữa, thay vì tập trung vào ý muốn kiểm soát người khác – bởi vì cái này mới là tâm thức trở thành it hơn.

Tại sao các xã hội hoàng kim đã thoái hóa

Vậy tại sao trong quá khứ khi có những xã hội hoàng kim đạt được phát triển và thịnh vượng, tại sao những xã hội này lại không duy trì cho khuôn mẫu tăng trưởng cứ tiếp diễn? Lời giải đáp ẩn giấu cho câu hỏi này là như sau: trong tất cả mọi thời hoàng kim đã qua, loài người đã không đủ nhận thức về sự kiện có những dòng sống trên địa cầu bị kẹt cứng trong tâm thức nhị nguyên đến độ họ không thể thấy ích lợi nào trong đa dạng và phát triển.

Họ không hề mong muốn một xã hội phát triển, bởi vì khi xã hội càng trở thành hơn-nữa thì sự khác biệt giữa cao và thấp sẽ càng ít đi. Kỳ thực trong một xã hội hoàng kim đích thực, sẽ không có ai được xem là cao hơn, tốt đẹp hơn hay có giá trị hơn người khác. Mọi người sẽ được xem là có giá trị bình đẳng, được quý trọng không phải vì địa vì hay cấp bậc trên địa cầu, mà vì họ sẵn sàng biểu lộ qua bản thân họ cái khả năng sáng tạo tự nhiên mà Thượng đế đã sẵn ban cho họ, và do đó những người sáng tạo nhất sẽ – không phải là được đánh giá cao nhất – mà được trân quý nhất.   

Đây chính là điểm mà những người bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên không muốn chứng kiến trong xã hội, bởi vì trong một xã hội như vậy họ sẽ không có cách gì đạt được địa vị cao cả. Sự kiện họ bị đui mù bởi tâm thức nhị nguyên cũng chính là lý do họ bị cắt đứt khỏi Dòng sông Sự sống và do đó họ không thể biểu hiện khả năng sáng tạo mà họ sẵn có. Họ sẽ không cho phép dòng sáng tạo này tuôn chảy, cho nên trong một xã hội trân quý sáng tạo, họ sẽ không thể đạt được địa vị cao trọng, họ không thể đạt được những địa vị khả dĩ cho họ ảo tưởng là họ tốt đẹp hơn người khác.  

Và bởi vì họ nhất quyết đạt được những địa vị này cho bằng được, bởi vì họ đeo đuổi quyền lực cho bằng được, nên con thấy họ sẽ bắt buộc phải ngừng sáng tạo do họ coi sáng tạo là một mối đe dọa. Vậy thì bằng cách nào những dòng sống này – mà Giê-su gọi là những kẻ lãnh đạo mù quáng, hoặc chúng ta có thể gọi là những dòng sống sa ngã – bằng cách nào họ có thể giựt sập một xã hội hoàng kim và kéo nó xuống xoắn ốc thoái hóa? Phải rồi, họ làm được vậy bằng cách làm tha hóa chính cái lực đẩy xã hội đi lên, tức là cái lực sáng tạo thể hiện ra qua những biểu thị đa dạng.     

Họ lấy sự đa dạng rồi nhào nặn đa dạng qua tâm thức nhị nguyên của họ. Và họ bày ra một hệ tư tưởng, một triết lý, thậm chí cả một văn hoá quần chúng nào đó, nhằm trình bày sự đa dạng như là một mối đe dọa, một nguyên nhân xung đột. Họ chỉ cần kéo được một đoàn nhóm nào đó trong xã hội nghĩ rằng mình đứng riêng biệt khỏi xã hội, rằng bất cứ ai thuộc nhóm nào khác cũng đều đe dọa mình, hay đe dọa xã hội, hay đe dọa tiến bộ, hay đe doạ Thượng đế hoặc bất kỳ điều gì hấp dẫn đối với quần chúng.   

Bởi vì xã hội trong quá khứ đã không đủ cảnh giác về tâm thức nhị nguyên cùng sự tác hại nơi những người bị mù quáng bởi nhị nguyên, nên nhiều xã hội hoàng kim cuối cùng đã bị rơi vào vòng xoáy thoái hóa. Trong vòng xoáy này, con người thay vì coi đa dạng và sáng tạo là nguyên nhân thịnh vượng, lại bước vào tâm thức cho rằng đó là mối đe doạ cho ổn định xã hội.  

Rồi họ tin rằng muốn duy trì được xã hội hoàng kim, duy trì được xã hội và nền văn hóa mà họ đang được hưởng, thì họ phải kềm kẹp dòng sáng tạo mà họ cho là mối đe dọa có thể đảo lộn hiện trạng tốt đẹp của họ. Nhưng kỳ thực, chính đa dạng với sáng tạo mới là yếu tố duy nhất có khả năng bảo đảm sự sống còn lâu dài của một xã hội hoàng kim. Đó là cách duy nhất mà một xã hội có thể xuôi chảy trong Đòng sông Sự sống thay vì trở thành một hệ thống đóng kín phải suy vi do những lực phân rã được mô tả trong định luật thứ hai của nhiệt động học.

Tôn giáo như một cái cớ xung đột

Những gì con thấy vào thời Al-Andalus là một ví dụ điển hình cho sự kiện tôn giáo thường bị sử dụng để làm cái cớ bề ngoài hầu tạo ra căng thẳng giữa các nhóm người. Nhưng xã hội Al-Andalus không là ví dụ duy nhất về một xã hội với văn hoá đang cường thịnh và sáng tạo mà lại bị diệt vong bởi những chia rẽ và tranh chấp tôn giáo. Thật ra vào thời ta hiện thân trên địa cầu, ta cũng đã đầu thai trong một nền văn hóa nơi Ấn giáo đã trở thành nguồn xung đột, nguồn tranh chấp, nguồn mâu thuẫn.      

Nguyên nhân là vì trong Ấn giáo, đã biết bao nhiêu phe nhóm mọc lên, mỗi phe tự xưng mình là nắm được học thuyết cao nhất về vũ trụ và sáng thế. Hiện nay có một số người, đặc biệt là ở Tây phương, xem đạo Phật là một tôn giáo vô Thượng đế, thậm chí là một tôn giáo phủ nhận Thượng đế, nhưng điều này tất nhiên là không phải vậy. Đạo Phật là một cái nhìn vô cùng thực dụng về tâm linh, và khi tâm thức con người còn ít nhiều bị chìm đắm trong nhị nguyên thì họ không có khả năng vượt lên trên tâm nhị nguyên để mà ngộ được một thiên khải nào đó về vũ trụ quan tối thượng. Đối với con người như vậy thì thật là vô nghĩa bàn đến vũ trụ quan xuyên qua phin lọc của tâm nhị nguyên.     

Tốt hơn hết, con yêu dấu, là con hãy làm như Ki-tô từng dạy sau này, đó là xét cái xà trong mắt con thay vì chú mục vào cái giằm trong mắt anh em con, rồi bảo rằng tôn giáo anh ta là tôn giáo của ma quỷ hay là đe dọa ổn định xã hội. Cho nên điều ta đã cố làm là tạo nên một phong trào tâm linh mới hầu con người không còn chú mục vào vấn đế tối hậu về sáng thế, không còn tranh cãi với những ai có quan điểm khác mình về sáng thế, mà thay vào đó, chú mục vào chính tâm mình và tìm cách phần nào điều ngự được tâm mình.

Đây là một cái nhìn thực dụng và thực tế chắc chắn đã góp phần tạo ra một lực ổn định hơn cho xã hội. Do có rất nhiều người chấp nhận đạo Phật và sẵn sàng chuyển đổi tâm mình, cho nên chính sự phát triển tâm thức này của họ đã tạo ra một mãnh lực tâm linh, ngăn chặn được một cuộc đại chiến, một cuộc tranh chấp võ trang bùng nổ trong xã hội. Mãnh lực ổn định này có được là nhờ số đông Phật tử đã dốc lòng điều ngự chính tâm mình, và qua đó họ đã duy trì được sự cân bằng tâm linh tuyệt vời cho xã hội của họ.     

Và ta cho con hình ảnh này vì con là người tâm linh – và cũng có rất nhiều người tâm linh khác trên địa cầu hôm nay sẽ không bao giờ nghe được thông điệp này, và không cứ là họ cần nghe – phải, con là người tâm linh, con có tiềm năng hôm nay trở thành một mãnh lực tâm linh có thể giữ được cán cân quân bình đối với các thế lực của nhị nguyên, là các thế lực mà con biết hiện đang lan tràn địa cầu, đang cố kéo địa cầu xuống vòng xoáy thoái hoá của chiến tranh, đang gây ra những tranh chấp tôn giáo sẽ hủy diệt tiềm năng thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain.   

Điều duy nhất có thể chặn đứng vòng xoáy thoái hóa của bạo động tôn giáo chính là khi những người tâm linh trên địa cầu tự nhủ rằng: “Tôi sẽ không gây chiến với người anh em của tôi. Tôi sẽ nhìn thấu vào chính bản thân tôi và nhận ra là không thể đạt được hoà bình trên thế giới mà lại tiêu diệt những ai không giống mình. Chỉ có thể có hoà bình trên thế giới nếu tôi thoát ra khỏi các thế lực nhị nguyên là nguyên nhân thực sự của tranh chấp”.

Đừng kháng cự lại cái ác – hãy thăng vượt nó

Thật là không đúng – như một số nhà khoa học thời nay vẫn nói – khi bảo rằng tôn giáo là nguyên nhân chiến tranh trên hành tinh này. Không, nguyên nhân thực sự của chiến tranh là tâm thức nhị nguyên dẫn đến tình trạng không dung thứ đa dạng. Tôn giáo chỉ là cái cớ bề ngoài, chứ thật ra người ta lấy sự cố chấp của nhị nguyên rồi đem thể hiện ra ngoài thành tranh chấp võ trang. Người ta tìm cách dùng bạo lực để tiêu diệt một nhóm người khác bị dán nhãn là kẻ thù, nhưng kỳ thực chỉ là những con dê tế thần, là cái cớ để người ta không chịu nhìn vào cái xà trong mắt mình.

Hình ảnh mà ta mong muốn con nắm giữ không chỉ đơn giản là một hình ảnh, mà là sự thật rằng chỉ cần một số người tương đối nhỏ để duy trì sự cân bằng tâm linh cho cả hành tinh và ngăn hành tinh khỏi bị rơi xuống vòng xoáy hướng hạ, thay vì cho phép Dòng sông Sự sống nâng cao hành tinh vào vòng xoáy hướng thượng và thị hiện một xã hội hoàng kim nơi đa dạng sẽ kích hoạt thịnh vượng trên cả hai bình diện vật chất lẫn tâm linh. Sẽ có phát minh mới và sáng tạo mới liên tục đem lại giải pháp mới cho những vấn đề mà trong phin lọc của tâm thức cũ thì dường như hoàn toàn không có giải pháp. Tâm thức cũ được thay thế bởi một tự do mới, một sự sẵn lòng mới để nhìn vào những nan đề dưới ánh sáng mới, và khi đó lời giải đáp sẽ bật ra thật là hiển nhiên. 

Con hãy giữ lấy hình ảnh này – đó chính là sự thực – rằng nếu con sẵn sàng nhìn vào bất cứ gì trong tâm lý con, bất cứ gì có thể kéo con xa lìa khỏi hòa bình, nếu con sẵn sàng xem xét nó, trực diện với nó cho tới khi con hiểu – cho tới khi con thấy được sự giả dối của nó, cho tới khi con thấy nó đang thực sự làm hại con – khi đó con sẽ tức khắc khởi lên ý muốn để cho nó ra đi, ý muốn buông bỏ nó, không muốn tiếp tục củng cố khuôn nếp của nó, bởi vì con thực sự không muốn kháng cự lại khuôn nếp này. Con thấy nó như nó là, hoàn toàn không thực. Và một khi con thấy nó không thực thì con cũng thấy việc kháng cự hoàn toàn không cần thiết, hoàn toàn vô ích. Bởi vì khi một cái gì đó không thực thì kháng cự chẳng có ích gì. Bởi vì khi con kháng cự lại, con sẽ hướng năng lượng về phía nó, và như vậy con đã củng cố cho nó mạnh hơn, con tăng cường cái cảm giác, cái ảo tưởng là nó thực. Con củng cố ảo tưởng khiến cho cái không thực hiện ra là thực, khiến nó hiện ra là có thực chất nào đó giúp cho nó hiện hữu và tiếp tục hiện hữu.    

Thấu hiểu hàng ngũ tà lực

Các chân sư đôi khi có nhắc tới một số dòng sống đã được phép đầu thai trên hành tinh này, và – cùng với một số dòng sống nơi các cõi lý trí và tình cảm – chúng tạo thành một hàng ngũ mà các chân sư gọi là hàng ngũ tà lực. Con yêu dấu, đây là thế lực mà lúc nãy ta có nói là chúng đã phá hủy rất nhiều nền văn minh hoàng kim trong quá khứ.   

Các con là những người tâm linh, rất nhiều người tâm linh, đã đến một giai đoạn mà con thấy cần phải đọc lên những bài chú, hay phải kêu gọi sự phán xét đối với hàng ngũ tà đạo. Đây là một bước cần thiết, không những cho sự phát triển của hành tinh mà cả sự phát triển của chính con. Nhưng nhiều người trong số các con đã đạt đến điểm sẵn sàng tự giải thoát thực sự khỏi những tàn dư cuối cùng rất vi tế của tâm thức nhị nguyên. Và do đó, ta trong cương vị Chủ tể Thế gian – là đấng thực sự nắm giữ sự cân bằng tâm linh cho mọi dòng sống đầu thai trên địa cầu – ta đã quyết định ban cho con một lời dạy vượt khỏi tất cả những gì đã được các chân sư truyền dạy cho tới nay.    

Hãy cho phép ta dẫn con làm thử một thí nghiệm tư tưởng, gọi là để vận động trí tưởng tượng. Con hãy bắt đầu với hình ảnh này đã được sách vở và phim ảnh phổ biến gần đây, là hình ảnh cậu hobbit Frodo nhận lãnh chiếc nhẫn với sứ mạng phải đem nhẫn về nơi sinh tạo ra nhẫn [Lord of the Rings]. Khi cố thực hiện công việc này, cậu ta phải ra sức chiến đấu chống lại một tà lực dường như đang tràn ngập khắp vũ trụ, xuất phát từ một điểm trung tâm. Ở trung tâm này, hình như có một hoàng đế bóng tối đang ngự trị, một tay phù thủy không những chỉ đang điều khiển tà lực, mà còn điều khiển hàng triệu triệu những con Orc cùng những sinh vật khác nữa đang răm rắp tuân lệnh phù thủy.  

Ta mong muốn con thay đổi câu chuyện đi chút đỉnh. Bây giờ con hãy tưởng tượng con đang nhìn ra thế giới và thấy được một số người dường như đang tận tình phá hoại hoà bình và thịnh vượng của thế giới. Con nhìn sâu hơn và con nhận ra họ tận tình như vậy là vì họ ở trong một trạng thái tâm thức đặc thù. Con thấy họ ở trong tâm thức này chủ yếu là vì họ sợ hãi. Họ sợ rằng nếu họ không đeo đuổi một cách hành xử nào đó thì tai họa sẽ ập đến, như phải đời đời bị thiêu đốt dưới hỏa ngục nếu đó là điều khủng khiếp nhất họ có thể nghĩ được.    

Do sợ bị đày xuống địa ngục mà họ sợ cãi lệnh những ai đang ra lệnh họ phải nhân danh Thượng đế mà giết người. Và như vậy con thấy trên địa cầu có một hàng ngũ có thứ bậc, tương tự như những thời đại trước đã từng có những vị lãnh đạo tôn giáo – thậm chí vị lãnh đạo cao nhất như giáo hoàng trong đạo Cơ đốc – ra lệnh cho thuộc hạ của mình phải giao chiến với tín đồ một tôn giáo khác. Khi làm vậy, họ đã khiến cho con người phải giết hại con người nhân danh thượng đế của mình, đồng thời tuyên bố đó là một thượng đế thương yêu đã từng phán lời răn: “Ngươi chớ giết người”, rồi lại gửi đứa con một của mình xuống trần gian để dạy rằng phải giơ má bên kia và thương yêu kẻ lân cận như chính mình.

Cứ theo lô-gíc đó thì nếu con giết người khác nhân danh thượng đế đó, thì con sẽ tránh khỏi cái địa ngục rực lửa chắc chắn sẽ ập xuống địa cầu – khi các tín đồ kia được phép rao truyền tôn giáo của họ một cách thoải mái. Cho nên đúng là có một hàng ngũ của bóng tối trên địa cầu, nhưng khi con là một người tâm linh có tầm nhìn sâu hơn, con có thể thấy được là có một hàng ngũ phi vật chất đang giật dây – nếu có thể nói như vậy – những con rối đang nhảy múa khắp nơi quanh địa cầu. Và ngay cả những người có vẻ nắm quyền hành to lớn như các giáo hoàng và các hoàng đế, chỉ thực là những con rô-bốt dưới quyền sai khiến của một thế lực lớn hơn đứng đằng sau.  

Đối mặt với nỗi sợ hãi hàng ngũ tà lực

Con nên mở tâm tỉnh giác của con ra đối với sự hiện hữu của một thế lực vượt khỏi cõi vật chất. Lúc đầu, con có thể cảm thấy đôi chút sợ hãi thế lực này. Và con có thể nghĩ là nếu có một hàng ngũ bóng tối trên địa cầu thì có lẽ ở những cõi cao hơn – thế giới phi vật chất – có một hàng ngũ còn to lớn và quyền năng hơn nữa, một loại hàng ngũ có quyền năng vô hạn, hay hầu như vô hạn, trên tất cả những ai bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của chúng.

Và ý nghĩ này, tất nhiên, đã khiến cho rất nhiều người trên trái đất – từ mọi tôn giáo kể cả học trò của chân sư thăng thiên – vô cùng sợ hãi mình bị hàng ngũ bóng tối đó ảnh hưởng. Do nỗi sợ này mà con quá quan tâm, con cố giữ cho tâm thức mình trong sáng đến độ con đóng chặt lại – mà không hề hay biết – dòng chảy của Dòng sông Sự sống đang muốn xối qua bản thân con. Con đóng chặt lại khả năng sáng tạo của con khi con nghĩ rằng con phải cẩn trọng không được thử nghiệm khả năng này vì con sợ mở cửa ra cho hàng ngũ tà lực.     

Nhiều người tâm linh đã vượt quá giai đoạn “ngu si hưởng thái bình” và “không nhìn thấy cái ác, không nghe thấy cái ác” đành phải nhận ra sự có mặt của các tà lực này. Và quả thật là có tà lực – ta hoàn toàn không phủ nhận điều này. Hình ảnh mà ta muốn cho con ở đây là thực sự có một hàng ngũ tà lực, một thế lực của bóng tối được tổ chức thành hàng ngũ. Con có thể nhìn xuống trái đất và thấy từng cá nhân bị tà lực này sai khiến và làm cho đui mù, và một số trong bọn họ trở thành, chẳng hạn, những kẻ giết người hàng loạt.     

Ở một số thời điểm trong quá khứ đã từng có một hình thức quy mô hơn như vậy khi toàn bộ xã hội bị rơi vào vòng phù phép của hàng ngũ tà lực, và mọi người trong xã hội đó hợp lực giết hại thành viên của một cộng đồng khác. Và hiển nhiên nếu con muốn một ví dụ điển hình và hiện đại, đó là trường hợp của lực lượng Quốc xã tại Đức. Nhưng nếu con có gan nhìn kỹ hơn, con sẽ nhận ra cùng những yếu tố này trong rất nhiều xã hội khác. Ngay cả nước Mỹ hiện đại cũng có một số người đang nắm giữ quyền chức cao trọng đã rơi vào bùa mê của hàng ngũ tà lực và trở thành những công cụ gây chiến trên bình diện toàn cầu.        

Tuy nhiên, nếu con nhìn xa hơn những người đó – là người bị hàng ngũ tà lực che mắt hay chiếm hoặc – con sẽ thấy vượt trên họ có một hàng ngũ phi vật chất. Nói vậy thì con sẽ nghĩ ngay đến những loại hồn bóng xấu ác, quỷ dữ, hồn ma không xác, hay bất kỳ tên gọi là gì. Nhưng hình ảnh chủ yếu ở đây là những sinh thể hoàn toàn bị mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên, hoàn toàn chú tâm và tận tình trong công cuộc thể hiện một hình thức bóng tối nào đó – cho dù họ thường hay tin rằng họ làm vậy cho phúc lợi của số đông.   

Con hãy hình dung hàng ngũ tà lực này như một kim tự tháp, ở tầng dưới là những biểu hiện vật lý có thể thấy được, rồi ở trên có một tầng cao hơn, rồi lại một tầng cao hơn nữa, cho đến cái đỉnh của kim tự tháp. Con cũng biết kim tự tháp ở chỗ cao nhất chỉ là một điểm duy nhất, cho nên mới có hình ảnh rất phổ biến là đứng ngay đỉnh kim tự tháp tà lực là ác quỷ, hay Sa-tăng, hay Lucifer, hay bất kỳ nhân vật nào đó với danh tính khác nhau tùy theo truyền thống văn hóa hay tôn giáo.     

Một hành trình vào ảo ảnh bóng tối

Bây giờ con hãy tưởng tượng chúng ta đều mặc nguyên bộ áo giáp của Đại thiên thần Michael để trở thành bất khả xâm phạm đối với tà lực. Chúng ta cất bước lên đường giống như Frodo, đi vào thật sâu trong xứ Mordor là vùng sâu thẳm của bóng tối. Chúng ta du hành xuyên qua từng tầng lớp của hàng ngũ tà lực, di chuyển ngày càng cao hơn về phía đỉnh cao của kim tự tháp.  

Và khi đến gần hơn và gần hơn nữa, chúng ta bắt gặp những biểu hiện khác nhau của bóng tối y như Frodo đã gặp trong chuyến hành trình tới Mordor. Và tất nhiên, chúng ta chờ đợi là khi tới tuyệt đỉnh, chúng ta sẽ tìm thấy ngôi đền tối thượng của bóng tối, lâu đài tối thượng nơi chúa tể bóng tối cư ngụ, là nhân vật tối cao trong toàn bộ hàng ngũ tà lực. Và quả vậy, con yêu dấu, khi đâm xuyên qua từng tầng lớp sâu thẳm của bóng tối, chúng ta thấy được một ngôi đền như thế, một kiến trúc với đủ loại hình thù xấu ác, nào rồng rắn, đầu thú, hình tượng của đủ mọi vật có thể tưởng tượng trên trái đất.

Khi bước đến ngôi đền này thì chúng ta thấy cái gì đó lạ kỳ. Chung quanh đền có những sinh thể đang thờ phượng ngôi đền, nhưng họ lại sợ vào đền đến độ họ không bao giờ dám bước vào. Họ luôn luôn chỉ đứng bên ngoài. Những sinh thể này – nếu có thể nói như vậy –là tầng lớp cao nhất trong hàng ngũ tà lực mà chúng ta có thể thấy được từ vị trí bên ngoài ngôi đền. Và chúng ta thấy họ bị thôi miên, hoàn toàn tập trung vào việc quảng bá hay duy trì một ý tưởng đặc thù mà họ tin đã được chính chúa tể bóng tối trao cho họ.

Nhưng chúng ta cũng phát hiện là không một sinh thể nào đã gặp tận mặt chúa tể để nhận được ý tưởng đó hay khuôn mẫu đó từ chúa tể. Họ tin rằng ý tưởng đã được trao cho tổ tiên họ trong một quá khứ xa xôi và họ chỉ giản dị tiếp tục tuân theo những mệnh lệnh đó. Mệnh lệnh được truyền xuống tầng lớp ngay bên dưới, và tầng lớp này sẽ mù quáng tuân hành theo mà cứ tưởng là nó đến thẳng từ chúa tể. Cứ như thế, lệnh được ban xuống cho tới tầng dưới cùng của kim tự tháp. Và bây giờ thì chúng ta có thể thấy, những sinh thể cao cấp nhất mà mình đã gặp trong cuộc hành trình – nếu có thể nói như vậy – tuy rằng họ có quyền hạn to lớn đối với kẻ bên dưới họ nhưng chính họ thì lại bị nỗi sợ hãi sai khiến. Họ không phải là sinh thể quyền lực mà những ai theo họ tưởng lầm.    

Chúng ta nhìn thấu qua họ và thấy họ chỉ là những cái vỏ rỗng tuếch vì họ bị sai khiến bởi sợ hãi. Trong nỗi sợ này, họ chỉ máy móc làm theo những gì họ tưởng là mệnh lệnh của chúa tể họ. Và mặc dầu họ tin chúa tể tà lực là đối trọng của Thượng đế – và do đó cũng quyền năng như Thượng đế – họ thật sự không có bằng chứng nào bởi vì họ chưa từng gặp chúa tể tận mặt. Khi chúng ta nhận ra nỗi sợ hãi này – và tất nhiên chúng ta vẫn còn được toàn bộ áo giáp của Đại thiên thần Michael bảo vệ – chúng ta mới nghĩ: “Ừ nhỉ, có lẽ mình nên làm điều mà tất cả bọn họ vẫn sợ làm. Có lẽ mình nên bước vào ngôi đền và xem mặt mũi của chúa tể bóng tối ra sao, hình như y có quyền năng không kém gì Thượng đế?”    

Và bây giờ, con yêu dấu, chúng ta gom góp tất cả can đảm và bước qua cổng đền, chúng ta gặp một hội trường lớn, và ở cuối hội trường là một chiếc ngai lớn. Nhưng quá đỗi ngạc nhiên, chúng ta khám phá ra là không có ai ngồi trên ngai kia mà chỉ có một chú chuột nhắt đã lẻn vào đền để kiếm đồ ăn, nhưng giờ đây chú không tìm thấy và nhanh như cắt chú chạy đi mất khi chú nghe thấy tiếng chân chúng ta bước tới. Và như vậy, chúng ta đứng ngay trước ngai vàng của bóng tối – và chúng ta chợt hiểu, con yêu dấu. Chúa tể của bóng tối không hề có!  

Hãy ngừng trao quyền cho những gì không thực

Chưa hề bao giờ có một chúa tể tà lực! Chưa bao giờ có một sinh thể xấu ác nào là đối trọng của Thượng đế và do đó có quyền năng như Thượng đế. Con yếu dấu thấy đó, chúng ta nhận ra trong chớp nhoáng là tất cả các tầng lớp của hàng ngũ tà lực đang thờ phượng một ảo ảnh hoàn toàn. Họ đang thờ phương một cái gì không có, một cái gì không có thực chất. Và như vậy chúng ta hiểu được một điều vô cùng thâm sâu. Những sinh thể ở những tầng dưới của kim tự tháp sợ cãi lệnh những tầng trên vì họ tưởng kẻ ở trên có quyền hạn trên họ, và ở một mức độ nào đó thì điều này không sai, bởi vì những kẻ ở trên có một số quyền năng tà thuật mà họ có thể sử dụng để trừng phạt kẻ dưới.

Nhưng chúng ta cũng thấy toàn bộ cấu trúc dẫn đến tầng cao nhất là những sinh thể đứng bên ngoài ngôi đền, và những kẻ này thờ phượng một chúa tể họ nghĩ đang ngự trị bên trong. Họ nghĩ là chúa tể có mặt ở đó, chúa tể là có thật, chúa tể thực sự có quyền hạn trên họ, chúa tể sẽ tiêu diệt họ nếu họ không vâng lời. Nhưng chúng ta thấy những sinh thể này, mặc dù họ có quyền hạn trên kẻ dưới, lại là những sinh thể đáng thương nhất – bởi vì họ nghĩ chúa tể có quyền hạn trên họ. Nhưng vì chúa tể không có ở đó và ngôi đền thì trống rỗng, thật là không có quyền hạn nào đang chi phối họ, và do đó không có ai để mà tiêu diệt họ nếu họ bất tuân.

Và như vậy chúng ta chợt hiểu là hàng ngũ giả dối này – tuy rằng nó có vẻ có quyền hạn trên địa cầu, hay trên các cõi lý trí hay cảm xúc – thật sự không có quyền lực nào hết. Tất cả chỉ là một ảo tưởng, và cái gì không thực thì không thể có quyền lực nào trên cái thực – trừ khi cái thực bị rơi vào ảo ảnh rồi lầm tin rằng bóng tối có thực. Chỉ bằng cách quả quyết rằng bóng tối là thực thì cái thực mới trao quyền cho bóng tối. Và chúng ta chợt nhận ra, những kẻ ở những tầng dưới của kim tự tháp đang sử dụng chính năng lượng của họ để nuôi mãi ảo ảnh. Khi làm vậy, họ gửi gấm năng lượng của họ vào một khuôn tạo sinh giả trá, tức họ cống hiến năng lượng của họ để tạo ra một thế lực, là chính cái thế lực mà những kẻ ở tầng trên sử dụng để kiểm soát họ.      

Nói cách khác, kẻ bị kiểm soát chính là kẻ đã ban bố năng lượng cho kẻ kiểm soát mình. Cho nên nếu kẻ bị kiểm soát chịu ngừng lại, ngừng cung cấp năng lượng cho kẻ thống trị mình, thì họ sẽ tước đi quyền hạn của kẻ thống trị. Và khi con thấy sự thể này được lặp đi lặp lại ở mỗi tầng của kim tự tháp thì con thấy rõ là hoàn toàn không đúng – như được kể lại trong nhiều truyền thuyết khắp thế giới – hoàn toàn không đúng là những kẻ đứng ngay dưới chúa tể bóng tối nhận được quyền lực từ chúa tể.

Vì con thấy đó, không hề có chúa tể nào hết, vậy thì làm sao họ có thể nhận được quyền lực từ một cái gì không có? Con đã thấy rõ, toàn bộ kiến trúc đồ sộ của hàng ngũ tà lực không hề được nuôi dưỡng bởi chúa tể. Họ được nuôi dưỡng bởi những tầng ở ngay bên dưới, và cứ thế tầng tầng lớp lớp xuống mãi cho tới những con người đang đầu thai, tuy không hoàn toàn thiếu vắng ánh sáng và còn có chút thực chất và một chút ánh sáng, nhưng những người này đã bị lừa gạt để làm ô uế ánh sáng của mình qua ảo ảnh, và như vậy chính họ đang nuôi dưỡng toàn bộ kiến trúc to lớn kia của tà lực. Và chúng ta chợt nhận ra là cái ác không có thật, và hình dạng của cái ác không có quyền năng gì trên con người – ngoại trừ những gì con người trao cho bóng tối khi mình làm tha hóa ánh sáng của mình trong ảo ảnh của bóng tối. Những ảo ảnh này, con người tin là có thật.

Vượt qua ảo tưởng bóng tối có quyền năng

Con yêu dấu, các con là người tâm linh, rất nhiều người trong số các con đang đứng ngay ở điểm con sẵn sàng thể nhập được đầy đủ sự thật mà ta vừa trao cho con. Các con sẵn sàng bước tới cái bước sẽ đưa các con, một cách toàn diện và dứt khoát, ra khỏi tầm với của các thế lực nhị nguyên. Bước này sẽ đưa con tới một nơi mà ông hoàng của thế gian có muốn tới cũng không thể nắm được gì trong con, không thể ép buộc con phản ứng tiêu cực rồi đem ánh sáng con ra nuôi sống bóng tối.

Các con đứng ngay ở điểm mà chỉ một bước nữa sẽ giải thoát con, để con có thể ngồi như đức Phật dưới gốc cây mà đối mặt với ma quỷ của Mara, các thế lực của thế gian. Nhưng dù chúng cố cám dỗ hay công hãm con biết mấy, thì trong con không có vướng mắc nào để chúng khiến con trao quyền cho ảo ảnh của chúng. Bởi vì con đã nhìn thấu qua ảo ảnh và con không bị lay động, vì con đã mãi mãi buông bỏ mọi điều không thực.   

Nhiều người trong các con đang đứng ở điểm khi chỉ một sự quay đầu thật nhẹ trong tâm thức cũng sẽ đột nhiên mở ra cho con viễn quan toàn bộ về tính không thực của mọi thứ tối tăm, xấu ác. Điều này, con yêu dấu, sẽ không xóa bỏ ngay lập tức mọi bóng tối trên địa cầu, bởi vì Luật Tự quyết cho phép nhiều người tiếp tục tin vào ảo tưởng của bóng tối, nhưng sự kiện con vượt qua được ảo tưởng đó sẽ bao gồm hai khía cạnh quan trọng.    

Trước hết, tất nhiên, con sẽ thoát khỏi lực lôi kéo của nhị nguyên, thoát khỏi nỗi sợ hãi hàng ngũ tà lực. Con nay neo chặt vào sự an bình bất tận của Phật, sự an bình bất tận của Ki-tô, sự an bình bất tận của Mẹ Thiêng liêng, sự an bình bất tận của Cha Thiêng liêng, sự an bình bất tận của đức Thánh linh. Và do neo chặt vào an bình đó, con có thể bước lên một tầm mức hoàn toàn mới nơi con cầm giữ cân bằng cho địa cầu, hầu con có thể phụng sự như là một đối trọng cho những ai còn bị mù quáng bởi nhị nguyên và còn nghĩ rằng họ phải tuân theo chúa tể của xấu ác cũng như những kẻ ở trên họ trong hàng ngũ tà lực. Họ thường không nhận ra những kẻ này là hàng ngũ tà đạo, mà lại tưởng là chức sắc trong chính tôn giáo mình, hay quan chức trong đảng phái chính trị của mình, hay bất kỳ ảo tưởng nào khác trên địa cầu nhằm lừa gạt họ trao cho tà lực sự vâng lời cùng năng lượng, mà lại cứ tưởng mình đang phục vụ Thượng đế hay những lý tưởng cao thượng nào đó.   

Đây thực sự là cách con giữ được đối trọng cho các thế lực bóng tối khi con nhận ra là chúa tể bóng tối không hề có. Không có thực thể nào trong thế lực bóng tối. Nhưng đồng thời con cũng nhận ra là rất nhiều anh chị em của con trong nhân loại vẫn còn bị đui mù bởi cái ảo ảnh rằng bóng tối có thật, rằng bóng tối thật có quyền năng trên họ. Và con phải nhìn nhận còn rất nhiều người chưa sẵn sàng buông bỏ ảo ảnh này.

Và tại sao họ chưa sẵn sàng chứ con yêu dấu? Bởi vì họ chưa sẵn sàng đoái nhìn tới bóng tối. Họ chưa sẵn sàng công nhận rằng khi họ tham gia vào một cuộc chiến đấu nhị nguyên – cho dù họ tin họ đang chiến đấu cho một chính nghĩa cao đẹp – thì họ cũng đang phục vụ cho hàng ngũ tà lực. Họ sợ phải công nhận điều này vì họ sẽ cảm thấy hối hận, sẽ tự trách móc đến độ mất đến hàng bao nhiêu kiếp để chữa lành vết thương. Ngay cả những người sẵn sàng thừa nhận rằng chiến đấu không bao giờ là chủ trương của Đại đoàn Ánh sáng, thì họ vẫn sợ không dám nhìn tận mặt hàng ngũ tà lực, dõi nhìn lên tuốt cái chóp đỉnh để rốt cuộc phát hiện ở trên đó cũng không có gì và vì vậy không có quyền gì.     

Thật là cần thiết phải có một tỷ lệ nào đó của loài người giữ được cân bằng, hầu giúp cho phần còn lại có đủ thì giờ trau dồi sự chín chắn và lòng dũng cảm để nhìn thẳng vào bóng tối và thấy được nó thật sự là gì, rồi từ đó mới dùng quyền tự quyết của mình để mà từ bỏ. Cần có người giữ cân bằng để cho những ai bị mù quáng bởi bóng tối khỏi nhận chìm cả địa cầu xuống một lốc xoáy bạo động sẽ cản trở sự thị hiện của Thời Hoàng kim.

Hãy giữ viễn tượng thức tỉnh khỏi ảo tưởng bóng tối

Con cần giữ vững viễn tượng là nhân loại sẽ tự kéo mình ra khỏi chu kỳ bạo động và lần hồi tự nâng mình lên tâm thức của Thời Hoàng kim. Viễn tượng mà con cần giữ là ngày càng có nhiều người thức tỉnh, mở mắt ra với các giá trị khoan dung, đa dạng, sáng tạo, và loài người sẽ tìm ra câu giải đáp cho những nan đề của mình qua sáng tạo chứ không phải kiểm soát. Phải tìm ra những giải pháp sáng tạo thay vì cứ lặp đi lặp lại lối suy nghĩ máy móc rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách áp đặt một giải pháp nhất định, một hệ tư tưởng nhất định. Kỳ thực, giải pháp đó không là giải pháp vì nó sẽ chỉ khiến cho cuộc chiến đấu nhị nguyên càng thêm kịch liệt mà thôi.  

Ta mong muốn con giữ vững viễn tượng là sự thức tỉnh này sẽ lan rộng ra như những vòng nước trên mặt hồ. Con hãy hình dung con người hoàn toàn thức tỉnh trước sự thật của ánh sáng và bóng tối – thấy được sự không thực của bóng tối, thấy được sự thực của Thượng đế, sự thực trong lời dạy của Ki-tô bảo rằng với Thượng đế mọi chuyện đều khả dĩ – và nhất định Thời Hoàng kim có thể thị hiện, trồi dậy y như con chim phượng hoàng vươn lên từ ngọn lửa tranh chấp mà con đang chứng kiến trên thế giới.      

Ta mong muốn con giữ vững viễn tượng là nhân loại sẽ thức tỉnh trước giá trị của sáng tạo, giá trị của sự sáng tạo mà mỗi người đã mang sẵn – rằng mọi người sẽ đóng góp phần mình để đưa ra những giải pháp mới lạ, hay hỗ trợ những giải pháp mới lạ, cho những nan đề đã gây ra xung đột từ bao ngàn năm, kể cả, hỡi con yêu dấu, những giải pháp sáng tạo trong địa hạt tôn giáo và tâm linh, hầu tôn giáo không còn là tác nhân gây ra xung đột bạo động làm thế giới rực lửa, không còn gây vòng xoáy mà con người không thể thoát khỏi, và cứ thế họ sẽ giết hại một cách phi lý và máy móc tất cả mọi tín đồ của tôn giáo khác, tựa như những con rô-bốt đã bị tà lực hoàn toàn chiếm dụng.     

Một viễn tượng thức tỉnh

Để giúp con giữ vững viễn tượng đó, ta sẽ trao cho con hình tư tưởng này. Ta nói với con, con yêu dấu, là Phật không rắc rối. Tâm Phật không phức tạp. Thật ra hàng ngũ tà đạo mới cố làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp, bởi vì càng phức tạp bao nhiêu thì con người sẽ càng khó nhìn thấu qua ảo ảnh bấy nhiêu. Cho nên chúng đã xây đắp hết lớp phức tạp này tới lớp phức tạp khác để cố đánh lạc hướng sự chú ý của con hầu con không thấy được sự thật đơn giản là bóng tối không thật.   

Ta đến đây để cho con một hình tư tưởng vô cùng giản dị. Đây là hình tư tưởng một trận mưa tuyết thật dày đặc, có bông tuyết rơi xuống khắp mọi nơi trên địa cầu. Bông tuyết màu hoàng kim khi nhìn từ xa, nhưng khi con nhìn gần hơn, con thấy mỗi bông tuyết đều đặc biệt, như con cũng biết mỗi bông tuyết vật lý đều mang hình dạng độc nhất. Nhưng những bông tuyết này thì không như bông tuyết vật lý. Mỗi bông tuyết thật ra là một tấm gương, và mỗi bông tuyết sẽ rơi xuống trước mặt một người trên trái đất. Và sẽ có đủ bông tuyết để mỗi người có được bông tuyết riêng của mình, tạo thành một tấm gương phản chiếu lại cho người đó những gì đang khiến người đó bị mắc kẹt trong giới hạn, mắc kẹt trong bóng tối. Và như thế, tuyết trao cho mỗi người một cơ hội để mình tự nhìn thấy mình dưới một ánh sáng mới.

Điều này không có nghĩa là mỗi người sẽ giác ngộ tâm Ki-tô hay tâm Phật, mà mỗi người sẽ có một cơ hội lớn hơn trước kia rất nhiều – dù là trong kiếp này hay trong nhiều kiếp trước – để thấy được điều gì trong tâm lý của mình đang giới hạn mình, đang ngăn cản mình là sinh thể mà mình là, đang ngăn chặn mình tiến tới và bước cái bước quyết định trên đường tu tâm linh.  

Thật ra nhiều người chưa tới mức bước lên được tâm Ki-tô hay ngay cả bước lên để nhận ra con đường dẫn tới tâm Ki-tô, con đường toàn vũ đằng sau mọi tôn giáo. Nhưng mỗi người đều có cơ hội bước tới, và nếu mọi người trên địa cầu đều nắm lấy cơ hội này thì hiển nhiên toàn hành tinh sẽ được nâng cao một cách phi thường. Nhưng bởi vì mỗi người đều có quyền tự quyết cho nên không phải ai ai cũng sẽ nắm lấy cơ hội. Nhưng con không cần quan tâm chuyện đó. Điều con giữ vững trong viễn tượng là tấm gương trước mặt mỗi người sẽ không ngừng phản chiếu lại đúng những gì mà người đó đang cần vượt qua để bước tới về hướng giải thoát. Và như vậy, người đó sẽ liên tục đối mặt với những gì họ cần khắc phục, và họ nhận được thật nhiều cơ hội để cuối cùng họ sẽ nhận diện ra con đường. Khi đó, họ sẽ nhìn vào gương và tự nhủ: “Tôi không thể cứ tiếp tục lặp đi lặp lại một cách ngu xuẩn những khuôn nếp cũ. Tôi cần vươn lên cái gì đó mới hơn, cái HƠN NỮA.”   

Đó là viễn tượng mà ta trao cho con. Nếu con giữ vững viễn tượng này – và tất nhiên là con sẽ tiếp tục tu tập bản thân, tu tập để đạt tới mức hoàn toàn buông bỏ ảo ảnh bóng tối, cái ảo ảnh rằng bóng tối có quyền hạn trên con – thì con sẽ tinh tấn khả quan trên mặt cá nhân. Nhưng con cũng có thể giữ vững viễn tượng  cùng sự cân bằng đó cho cả hành tinh và cả nhân loại để tất cả được tinh tấn vượt bực. Và khi đó – như người ta hay nói – sẽ là một bước nhảy vọt lượng tử.

Phật cũng có tình cảm

Hỡi con yêu dấu, ta có thể cam đoan với con là dẫu rằng Phật hoàn toàn không dính mắc với bất cứ biểu hiện nào trên địa cầu, điều này không có nghĩa là Phật không có tình cảm. Ta có những tình cảm tích cực. Ta có những tình cảm rất mãnh liệt đối với mọi người trên địa cầu, bởi vì nếu không thì ta đã không còn giữ trách vụ Chủ tể Thế gian và giữ cân bằng cho chúng sinh. Vì thế, ta cảm thấy một nhiềm vui tự nhiên rất lớn khi ta thấy những ai đang có nỗ lực phi thường để vượt lên trên tâm thức nhị nguyên và tiến gần hơn với tâm Phật.

Ta khen ngợi các con, và ta muốn trao cho con niềm vui trong tim ta, một niềm vui vượt ngoài nhị nguyên và do đó không thể, và không được, tạo ra nơi con niềm kiêu hãnh phàm phu. Niềm vui này phải khiến con vượt xa hơn niềm kiêu hãnh và con nhận ra thực tế là con đã có tinh tấn, là con đã đến gần hơn với an bình, và quả thật các con là những người tiên phong mở đường cho Thời Hoàng kim của Saint Germain.  

Như vậy con hãy tự xem mình là những cánh cửa mở mà qua đó ánh sáng của Đại đoàn Ánh sáng, đại đoàn chân chính, có thể chiếu rọi vào thế gian. Con hãy xem mình là một thành phần của Dòng sông Sự sống, là dòng chảy của cái LÀ, cái lực tập thể của Đại đoàn Ánh sáng đang tìm kiếm một cánh cửa rộng mở để biểu hiện ra thế gian. Nhưng tất nhiên, ánh sáng tôn trọng quyền tự quyết và sẽ chỉ có thể biểu hiện qua những ai sẵn lòng vượt lên trên nhị nguyên, vượt lên trên tâm thức máy móc đang muốn đóng chặt dòng chảy, và mở cửa ra để hợp nhất với dòng sống, để trở thành chính dòng sống. Đây là những người đang từ bỏ ảo mộng kiểm soát của tự ngã, đang sẵn sàng để cho ngọn gió của Thánh linh thổi theo ý muốn Thánh linh, và đi về những nơi chốn mà Thánh linh muốn đưa về, tức là bất cứ nơi nào ích lợi nhất cho Đại đoàn Ánh sáng.   

Trong số các con, rất nhiều người đã sẵn lòng dời chuyển đến một nơi khác, nhưng đặc biệt các con đã sẵn lòng dời chuyển trong tâm thức. Và đây là niềm vui thực sự trong tim Phật, một niềm vui mà ta mong muốn chia sẻ với con tối nay khi chúng ta đang bước ra ngoài chu kỳ cũ, bỏ lại chu kỳ đó như một cái vỏ rỗng, không hối tiếc và cũng không mong mỏi. Trong cuốn phim về thời Al-Andalus, cảm giác toát ra là một niềm mong mỏi u uất về một thời vàng son đã không còn. Và con có thể thấy được nhiều người thời nay nhìn lại quá khứ vàng son rồi nghĩ rằng hiện tại thật là thua kém và tương lai sẽ còn tệ hại hơn.     

Nhưng con – là những học trò của Đại đoàn Ánh sáng – con sẽ để cho mọi nhớ nhung về Thời Hoàng kim thuở trước tan đi, và thay vào đó con sẽ tập trung vào thực tế của Thời Hoàng kim, không những của tương lai, mà Thời Hoàng kim của ngày bây giờ, cái NGAY BÂY GIỜ vĩnh hằng là đồng nhất với tâm thức Phật, nơi ngay cả thời gian không được coi là thật mà là ảo tưởng, và nơi không có sự phân chia nào giữa bây giờ và Thời Hoàng Kim. Thời điểm bây giờ chỉ có thể ở trong cái NGAY BÂY GIỜ vĩnh hằng là nơi Thời Hoàng kim cũng đang thị hiện. Cho nên con hãy chấp nhận viễn tượng là mỗi người trong các con là trung tâm của vũ trụ cá nhân của con, và con hãy sử dụng lời dạy hồi nãy của ta về sự quyết tâm, để con xác quyết ngay bây giờ là trong vũ trụ cá nhân của con, Thời Hoàng kim là một thực tại đang hiển thị!

Và con hãy giữ vững xác quyết này, hầu con không để cho bất kỳ biến cố nào trên thế giới – bất kể chúng hiện ra như thế nào – khiến con bị sao lãng thay vì con hoàn toàn xác quyết và chấp nhận rằng trong vũ trụ cá nhân của con, Thời Hoàng kim của Saint Germain là một thực tại hiển hiện trong cái NGAY BÂY GIỜ vĩnh hằng, đang LÀ mỗi cái bây giờ mà con kinh qua.  Con yêu dấu, ngọn lửa quyết tâm của Phật là nền tảng cho an bình của Phật. Bởi vì với quyết tâm vô hạn, Phật bác bò các thế lực phản hòa bình, và đó là cách Phật giữ được an bình. Và như vậy, trong ngọn lửa của quyết tâm vô hạn, ta niêm ấn con, và ta gửi con làm sứ giả cho ta.

Và ta nói với con, “Hãy đi ra khắp thế giới và biến mọi người thành đệ tử của Phật bằng cách giúp họ thấy được Phật tánh của chính họ!” Và con yêu dấu, con chỉ có thể làm được điều này một cách mà thôi. Không phải bằng cách thuyết giảng giáo lý của Phật mà bằng cách LÀ Phật ngay nơi con đang ở. Con đã được niêm ấn! Được niêm ấn trong lòng biết ơn của ta, niềm vui của ta thấy con phát triển, phát triển về hướng sự tỉnh giác vô tận là tánh Phật, là tâm Phật.  

Một Phật quan về Hoa Kỳ và việc là Ki-tô trong hành động

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 4, 2007 tức ngày Chủ nhật Phục sinh, tại Washington D.C. (Hoa Kỳ). [Năm 2007 Hoa Kỳ còn tham chiến tại Iraq, nhưng đến cuối năm thì tuyên bố khởi sự rút quân]

Ta Gautama đến đây để chào đón con. Và chắc chắn một số người ở phương Tây sẽ tự hỏi tại sao Phật lại đến can thiệp vào ngày lễ Phục sinh của Ki-tô. Nhưng trên thiên đàng chỉ có Một. Vậy thì làm sao có thể có ngăn cách nào giữa Ki-tô với Phật? Và quả thế, ta đến để cho con Phật quan (Buddhic perspective) về việc là Ki-tô trong hành động.

Vì con thấy đó, con yêu dấu, có sự khác biệt về mức độ – không phải về bản chất – giữa sứ mệnh của Ki-tô và của Phật. Cả hai, theo một nghĩa nào đó, giống như Alpha với Omega. Sứ mệnh của Ki-tô Hằng sống trong hiện thân, của Ngôi Lời nhập thế, là đi ra ngoài tích cực tìm kiếm những ai bị vướng kẹt trong một hộp tư duy hay cái gì khác – hay như cách gọi trong đạo Phật, những ai bị vướng mắc sau tấm màn của Maya, tấm màn của ảo tưởng do Mara, những con quỷ của thế gian và ông hoàng của thế gian này dựng lên.

Vai trò của Ki-tô Hằng sống là đi ra ngoài thách thức ảo tưởng của mọi người để họ được đánh thức trước thực tại là có một cái gì khác, một cách sống khác vượt quá ảo tưởng. Ki-tô phải hướng ngoại, phải năng động, phải thách thức. Và do đó Ki-tô cũng hứng chịu sự giận dữ của những ai không muốn bị thách thức, không muốn thay đổi, không chịu soi gương và nhổ cái đà trong mắt mình.

Và một khi con người đã thức tỉnh và bước theo con đường quả vị Ki-tô, thì họ sẽ mở tâm ra với con đường của Phật, là con đường của sự không dính mắc. Ở điểm hai con đường gặp gỡ và trở thành song song với nhau là nơi dành cho những đệ tử đã trưởng thành hơn, có khả năng nhìn xa hơn hai tôn giáo vỏ ngoài là đạo Cơ đốc và đạo Phật. Họ thấy được là cả Ki-tô lẫn Phật đều đến địa cầu giảng dạy cùng một giáo lý toàn vũ, cùng một con đường phổ quát, chỉ có điều họ giảng dạy trong những bối cảnh văn hóa khác nhau và với những ngôn từ hơi khác.

Khi đệ tử trở nên mất cân bằng

Tuy nhiên vẫn có những sắc thái mà các đệ tử tiên tiến phải biết. Và đây là một điểm ta sẽ trình bày hôm nay. Quả thực một người có thể thức tỉnh với con đường quả vị Ki-tô và nắm bắt được phần nào con đường này, rồi y cất bước, y khởi sự hình thức phụng sự là nhận ra có rất nhiều việc trên thế giới cần thay đổi, còn rất nhiều ảo tưởng cần được thách thức. Và quả vậy, y bắt đầu thách thức các ảo tưởng đó, nhưng luôn luôn có rủi ro là y bị kẹt trong một ngõ cụt khi y trở nên mất cân bằng.

Có nhiều người tâm linh và mộ đạo đã thức tỉnh trước nhu cầu phải làm gì đó, phải đem lại một thời mới tốt đẹp hơn, một dạng xã hội cao hơn, một xã hội tâm linh hơn, hay ngay cả một thời đại hoàng kim. Họ có một trải nghiệm thức tỉnh hay sáng ngộ, họ trở nên nhiệt tâm phụng sự Thượng đế – cho dù họ xem Thượng đế là gì – hay làm việc cho các chân sư thăng thiên. Và họ ném mình vào công cuộc đó với lòng nhiệt huyết, nỗi háo hức to lớn.

Theo một nghĩa nào đó, các thày là chân sư thăng thiên rất thích nhìn thấy con người ở giai đoạn này, bởi vì chắc chắn họ sống động và ngoạn mục hơn là những người chỉ ngồi đó trước màn hình tivi, tưởng rằng mục đích cuộc sống là ăn popcorn và lướt qua các kênh truyền hình cho đến khi bộ não của họ trở nên đờ đẫn đến độ họ khó lòng nặn ra được một ý nghĩ cá biệt nào, vì họ đã bị áp chế bởi tâm thức đại chúng phóng ra từ tivi đến mức họ giống như người chết, một người đã chết về mặt tâm linh.

Nhưng tuy các thày hân hoan dõi nhìn những ai đang thức tỉnh, ta phải nói với con rằng rất nhiều khi các thày lại chứng kiến cùng những người này bước vào ngõ cụt khi họ chọn một cách tiếp cận mất cân bằng trong những việc họ xem là công việc phụng sự Thượng đế, có lẽ cả Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Các thày đã thấy sự thể này trong mọi tôn giáo, khi một tỷ lệ đệ tử trở nên gần như bận tâm quá đáng muốn tạo thay đổi trên thế giới. Và họ nôn nóng, họ “bốc lửa” như họ nói, đến mức họ mất hẳn mọi tầm nhìn lẫn cân bằng.

Đâu là nguyên nhân của sự kiện này, con yêu dấu? À, đó là vì họ không có Phật quan về ý nghĩa thế nào là Ki-tô trong hành động. Là Ki-tô Hằng sống trong hành động, con không thể hoàn toàn không dính mắc đến mức bảo rằng không có gì thực sự quan trọng. Con không thể chui vào tư duy xám mà nghĩ rằng rốt cuộc mọi chuyện sẽ ổn thỏa bởi vì, một cách nào đó, Giê-su hay một đĩa bay UFO sẽ đến cứu nguy hành tinh.

Là Ki-tô Hằng sống trong hành động, con phơi mình ra để người ta nhạo báng và lên án con. Con thường hay đi ngược lại tự ngã của họ, và con làm vậy vì con thực sự quan tâm. Con quan tâm đến độ con sẵn lòng để cho họ chối bỏ, đàn áp con. Thậm chí thày Giê-su còn quan tâm đến mức để họ đóng đinh thày trên thập tự giá hầu cho họ cơ hội nhìn thấy tâm nhị nguyên của họ được trình chiếu ra bên ngoài.

Là Ki-tô Hằng sống, con quan tâm. Đó là tại sao con đi ra ngoài, sẵn lòng làm xao động mọi người. Nhưng việc duy trì lòng quan tâm này là một thế cân bằng rất tế nhị. Vì con rất dễ trở nên bận tâm quá đáng, con bước qua lằn ranh và bị dính mắc muốn đạt một kết quả đặc thù qua hành động của mình. Con trở nên dính mắc muốn tạo một phản ứng đặc thù nơi người khác.

Đây là một lằn ranh rất tinh tế, là lằn ranh giữa việc ở lại trên con đường thẳng và hẹp của Ki-tô, và việc bước ra con đường rộng của phản Ki-tô. Vì con thấy đó, mặc dù con quan tâm về người khác và muốn đánh thức họ, con không bao giờ được quên là Thượng đế đã cho họ quyền tự quyết. Con chỉ cho họ tấm gương của con, cho họ hiểu biết, sáng ngộ, minh triết, Lời Hằng sống sẽ giúp họ tự do chọn lựa rời bỏ tâm thức nhị nguyên. Nhưng con không được dính mắc vào một kết quả đặc thù.

Biểu hiện bên ngoài của sự dính mắc này là những người đếm số. Hội thánh của họ có bao nhiêu thành viên? Môn phái của họ có bao nhiêu thành viên? Con hãy nhìn biết bao tín hữu đạo Cơ đốc tự hào tôn giáo mình lớn nhất thế giới. Nhưng thật  ra đạo Cơ đốc vô cùng đa dạng cho nên con khó lòng xem đó là một tôn giáo nhất thống.

Nhưng điểm bao quát hơn mà ta muốn nói lên là như sau: những ai chơi trò đếm số, so sánh tôn giáo mình với tôn giáo khác – và cảm thấy nhu cầu tôn giáo mình phải hay hơn – hiển nhiên đã chứng tỏ là họ dính mắc. Có thể họ vẫn phục vụ một động cơ trong sáng tương đối, nhưng có một sự dính mắc làm tha hóa động cơ của họ, thậm chí nó mở tâm họ ra với lời dối trá gian manh rằng mục tiêu có thể biện minh cho phương tiện.

Con không ở đây để thay đổi thế giới

Cho nên con yêu dấu, làm thế nào con sẽ bước trên sợi dây chênh vênh của Ki-tô Hằng sống trong hành động mà không rơi xuống quá xa vào một trong hai đối cực nhị nguyên? À, con phải trước tiên giữ vững một sự thật trong tâm con: Là Ki-tô Hằng sống, con không ở đây để chế tạo một thay đổi vỏ ngoài đặc thù trên trái đất! Con không ở đây để đưa Hoa Kỳ tới mức công nhận các chân sư thăng thiên. Con không ở đây để đem lại hòa bình thế giới. Con không ở đây để phơi bày nhóm thượng tôn quyền lực cùng sự khuynh loát nền kinh tế của chúng. Con không ở đây để lật đổ hệ thống ngân hàng quốc tế. Con không ở đây để lật ngược vụ án Roe vs. Wade.

Con hãy để ý là ta không bảo một số việc trên không là mục tiêu chính đáng cần đạt được và cần xảy ra. Nhưng con không ở đây để khiến nó xảy ra. Bởi vì những gì xảy ra trên địa cầu phải xảy ra qua quyền tự quyết của mọi người. Và do đó con thấy tại sao hình thức chính quyền tại Hoa Kỳ – tại sao Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập – bao gồm khái niệm “Chúng ta, nhân dân Mỹ”. Điều con có thể làm trong tư cách Ki-tô Hằng sống là đánh thức mọi người để họ có thể chọn những chọn lựa tốt nhất. Nhưng Ki-tô Hằng sống không hề là một nhà độc tài xông vào giành lấy quyền hành, hay tước quyền từ tay một kẻ độc tài khác mà mình xem là kẻ xấu, kẻ cực ác trong vở tuồng.

Khi con rơi vào cái bẫy nghĩ rằng con ở đây để tạo ra môt kết quả đặc thù – khi con ở đây để lật đổ chế độ của nhóm này hay nhóm kia, của tà lực này hay tà lực kia – thì con làm gì chứ? À, con làm điều mà Giê-su đã mô tả, rằng thế giới là một sân khấu và cuộc sống là một vở tuồng với nhiều vai khác nhau. Trên thế giới có nhiều vai đóng được quy định theo tâm thức nhị nguyên. Và có một vai do tâm rắn tạo ra nhằm đặc biệt gài bẫy những ai đã thức tỉnh con đường quả vị Ki-tô nhưng chưa đạt được sự cân bằng. Và họ khoác lấy vai này, tưởng rằng khi mình là đại diện của Ki-tô thì mình phải giao chiến, phải tiêu diệt các đại diện của phản Ki-tô, phải chống lại hành vi của những kẻ mình xem là đại diện của phản Ki-tô, hầu tạo ra một kết quả đặc thù.

Con có thấy cái bẫy này vi tế lắm không? Thật quá dễ dàng để một người đã thức tỉnh con đường tâm linh – đang bốc lửa muốn phụng sự Thượng đế và chính nghĩa của Ki-tô – bước vào vai trò đó mà không hay biết mình đang làm gì. Thế rồi họ đi trật đường, có khi hàng chục năm trời, nghĩ rằng mình đang làm việc cho Thượng đế, cho các chân sư thăng thiên, nhưng kỳ thực họ chỉ đơn giản diễn thêm một vai tuồng nhị nguyên, hầu như không đóng góp gì cho việc làm đích thực của chân sư thăng thiên là nâng cao mọi người khỏi tâm thức nhị nguyên.

Con có thấy điều ta nói? Quan tâm chủ yếu của các thày không phải là đem lại hòa bình thế giới, kéo Hoa Kỳ ra khỏi Iraq, lật ngược vụ án Roe vs. Wade, hay lật đổ nhóm thượng tôn tài chính. Quan tâm chủ yếu của các thày là đánh thức con người khỏi sự mù quáng do tâm thức nhị nguyên gây ra, vì khi con người thức giấc khỏi nhị nguyên, họ sẽ có những chọn lựa đúng đắn. Và như vậy một khi nhị nguyên được chinh phục thì mọi thứ khác sẽ tự nhiên rơi vào đúng chỗ. Con có thấy không? Như Ki-tô có nói: “Trước hết hãy tìm vương quốc Thượng đế và sự công chính của ngài, rồi mọi chuyện kia sẽ được bồi thêm cho con.”

Không dính mắc vào kết quả đặc thù

Qua hàng thiên niên kỷ, các thày đã chứng kiến những ai đi theo một tôn giáo chân chính – từ giáo lý của Abraham, giáo lý của Moses, qua giáo lý của chính ta trong tư cách là Phật, rồi giáo lý của Giê-su cho đến giáo lý của các chân sư thăng thiên – phải, các thày đã chứng kiến làm thế nào con người đã cất bước đi theo những lời dạy đó, nhưng với sự nóng lòng quá đáng, họ đã trở nên dính mắc với việc chế tạo những kết quả vỏ ngoài. Họ đã đi vào ngõ cụt tìm cầu trước tiên những chuyện của thế gian thay vì cố đạt được mục tiêu thực sự là thể nhập trọn vẹn giáo lý mà họ đi theo – thể nhập cho đến khi họ trở thành chính giáo lý, trở thành một với giáo lý, trở thành một với vị thày.

Và nếu con cố đạt trước hết mục tiêu hợp nhất đó và việc sử dụng đúng đắn các khả năng sáng tạo – nghĩa là sử dụng các khả năng sáng tạo của con một cách cân bằng – thì kết quả vỏ ngoài có thể sẽ được bồi thêm cho con, hay cũng có thể là không. Bởi vì một lần nữa, ý muốn của Thượng đế là con người có quyền tự quyết và họ được phép biểu hiện quyền tự quyết này trên trái đất. Chắc chắn các chân sư thăng thiên mong muốn nhìn thấy một số kết quả vỏ ngoài, và nói cho cùng, các thày mong muốn nhìn thấy vương quốc Thượng đế và Thời Hoàng kim của Saint Germain thị hiện trong vật lý trên trái đất. Nhưng những thứ đó không thể xảy đến qua việc con làm sai cách. Vì như Giê-su diễn tả: “Với con người thì không thể, nhưng với Thượng đế thì có thể, vì đối với Thượng đế mọi chuyện đều khả dĩ.”

Vậy đâu là điểm thứ nhì con phải suy ngẫm để tìm thấy cân bằng? Chính là điều ta từng giảng dạy trong tư cách là Phật – sự không dính mắc. Không dính mắc không giống như không quan tâm hay thờ ơ. Vì đúng là khi ta chứng quả Phật, không phải là ta không dính mắc đến độ thờ ơ. Và đó là tại sao ta đã không chỉ ở lại trong Niết bàn để trải nghiệm trạng thái cực lạc mà các thày vừa đề cập hồi nãy.

Ta đã tình nguyện trở lại địa cầu và giảng dạy, và qua đó ta đã phơi mình cho các thế lực trên trái đất tấn công. Không phải là các thế lực này có khả năng chạm đến ta, nhưng dẫu sao ta vẫn phải bước đi trong thế giới nhị nguyên và xử lý các đệ tử đến với ta ở đủ loại tầng tâm thức nhị nguyên khác nhau. Và mặc dù có rất ít ghi chép về điều này, nhưng ta có thể cam đoan với con là một số đệ tử này đến gặp mặt ta còn bị vướng kẹt rất sâu trong tâm thức nhị nguyên, và họ đã làm những chuyện với ta y hệt như một số môn đồ của Giê-su đã làm với Giê-su – như được minh họa qua cách cư xử của Peter muốn áp đặt hộp tư duy của ông lên Ki-tô Hằng sống, để Ki-tô Hằng sống bị ép uổng phải tuân theo hộp tư duy đó. Cho nên cũng có những đệ tử muốn ép uổng Phật Hằng sống phải nằm gọn trong hộp tư duy của họ thay vì cho phép Phật dẫn họ vượt ra khỏi hộp.

Không dính mắc là chìa khóa của quả vị Phật. Và không dính mắc là chìa khóa của quả vị Ki-tô. Và sự không dính mắc này đến từ cái hiểu mà ta vừa trình bày. Mục tiêu đích thực của các chân sư thăng thiên cho trái đất này là nâng cao tâm thức con người vượt ra khỏi nhị nguyên để họ với lên và khám phá Lời Hằng sống bên trong họ, và như vậy họ sẽ lấy những quyết định đúng đắn một cách tự nhiên – do họ có được cái mà một số môn đệ của ta sau này gọi là “sơ tâm”, là cùng cái tâm được Giê-su mô tả khi thày nói rằng trừ khi con trở thành như trẻ nhỏ thì con không thể vào được Nước Trời.

Tại sao sơ tâm là chìa khóa

Tại sao vậy chứ? Vì con có cái tâm trong sáng – tâm không dính mắc, tâm không thành kiến – không tìm cách ép uổng thế gian để nó nằm gọn trong hộp tư duy của con, không tìm cách ép uổng Thượng đế và Lời Hằng sống vào hộp tư duy của con. Con sẵn lòng xuôi chảy với Lời Hằng sống, sẵn lòng làm cánh cửa mở và cho phép Lời Hằng sống biểu đạt xuyên qua con, tức con chính là Dòng sông sự Sống, con xuôi chảy với dòng sông đó, rồi như vậy ánh sáng của dòng sông có thể chảy xuyên qua con và đánh thức người khác.

Con không thực sự tin là Giê-su lẫn ta đã đánh thức con người qua lập luận trí thức, phải không con? Con không thực sự tin là các thày khôn ngoan đến độ có thể đánh bạt trí thông minh của những kẻ thách đố các thày, phải không con? Chắc hẳn con đã đọc trong Kinh thánh là thày Giê-su đã khiến cho trí thông minh của người Pha-ri-si lẫn các thày thông giáo bị lúng túng, nhưng đến khi thày rời khỏi thì họ lại quay ngay về với kinh điển của họ và tìm ra những câu trích dẫn sẽ giúp họ đạp đổ hay phớt lờ những gì thày vừa nói, và qua đó họ cũng phủ nhận thày là Ki-tô Hằng sống.

Đạo Phật KHÔNG là một tôn giáo vô Thượng đế

Nếu con nghiên cứu lịch sử đạo Phật, con cũng biết là ta từng đặt vấn đề với các nhà Bà là môn trong đạo Ấn – họ cũng kiểm soát người dân của họ giống như giới tu sĩ đạo Do Thái vào thời Israel cổ. Và cũng vậy, họ đã chối bỏ ta bằng cách trích dẫn kinh Veda cùng mô hình vũ trụ của họ. Nhiều người trong số họ chối bỏ ta vì ta không nói đến Thượng đế hay các khái niệm siêu hình.

Con yêu dấu, tại sao ta lại không đề cập? À, ta có thể nói chắc với con là lý do không phải – như một số Phật tử hiện đại tin như vậy – là vì ta không công nhận sự hiện hữu của Thượng đế. Không, ta thực sự có công nhận Thượng đế cùng sự hiện hữu của Thượng đế là nguồn cội của mọi sự sống. Nhưng ta cũng biết chìa khóa để vươn lên khỏi cuộc vật lộn nhị nguyên đã tiếp diễn trong lãnh vực tôn giáo là giúp mọi người đạt được một trải nghiệm nội tâm của tánh linh sự thật, của Lời Hằng sống. Bởi vì một khi họ có được trải nghiệm nội tâm này thì họ sẽ ít khả năng bị mắc bẫy trong cuộc vật lộn nhị nguyên nhằm chứng minh kinh điển này mới đúng, hoặc cách diễn giải kia mới hữu lý và hay hơn – trong khi kỳ thực mọi cách diễn giải kinh điển đều sai lạc vì chúng khởi lên từ tâm thức nhị nguyên.

Mục đích của ta là trước hết nối kết con người với Lời Hằng sống ngay bên trong họ, vì khi đó ai nấy sẽ có thể có một cách tiếp cận hoàn toàn mới về chủ đề Thượng đế cùng chủ đề thiên đàng và các khái niệm siêu hình. Cho nên ta đã quyết định chọn một thế đứng vô cùng thực tiễn nói rằng, trên cơ bản, chừng nào con người còn bị vướng kẹt trong ảo tưởng của Mara thì làm thế nào họ có thể biết chắc bất cứ gì về cõi tâm linh? Và vì vậy, nếu chúng ta muốn hiểu biết về các đề tài này thì chúng ta phải bước vào nội tâm, tạo được mối liên lạc trực tiếp với cõi tâm linh, rồi sau đó chúng ta mới có nền tảng thích đáng để nói chuyện về Thượng đế.

Nhiều Phật tử sau đó và nhiều Phật tử thời nay đã không hiểu được điều này, cho nên họ nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo vô Thượng đế. Và điểm này, tất nhiên, rất hợp ý một số người phương Tây, vì họ đã bị đốt cháy bởi lửa địa ngục và diêm sinh của những nhà thuyết pháp trong đạo Cơ đốc chính thống và cực chính thống, đến độ họ sẵn sàng đổ cả chậu nước dơ của giáo hội mà không dè trong chậu nước có một đứa bé, và họ chối bỏ luôn cả Thượng đế. Thế là họ quay sang đạo Phật trong ý muốn né tránh không muốn nhắc đến hai chữ T.Đ. mà họ nhất định không để vuột qua miệng họ.

Con không thể đạt được giác ngộ bằng cách xem giác ngộ là một tiến trình không kết thúc bằng sự hợp nhất với Thượng đế. Và đây là điểm các Phật tử thời nay có thể học được từ Giê-su, khi Giê-su nói lên công khai sự hợp nhất của thày với Thượng đế: “Ta với Cha ta là một.” Đúng là như vậy, chính ta cũng nói lên một điều tương tự, vì ta chẳng nói rằng mọi thứ đều là Phật tánh hay sao? Phật tánh chẳng phải là một cách khác để mô tả Thượng đế, mô tả LOGOS, là nguồn cội của tất cả hay sao? Quả thực những ai là đệ tử tâm linh nhạy bén có thể học được một số điều từ tấm gương của Phật. Và như con thấy trong bài thỉnh tuyệt vời mà các con vừa đọc, quả thực có một sự tương đồng giữa lời lẽ của Ki-tô với lời lẽ của Phật. Ngôn từ chỉ khác đôi chút nhưng ý tưởng được diễn tả thì giống nhau.

Đạo Phật phương Tây không phải là giải đáp

Ta khuyên con nên học một số kinh Phật giáo như Kinh Pháp Cú và một số kinh khác, từng quyển một, khi nào con thấy cảm hứng. Nhưng ta không muốn con rơi vào cạm bẫy tưởng rằng con phải trở thành một Phật tử trong thế giới Tây phương. Vì ta phải thẳng thắn nói với con là có nhiều người ở phương Tây tự nhận mình là Phật tử hay là người theo đạo Phật, nhưng họ tự hại thân khi họ đi theo một dạng Phật giáo Đông phương chẳng hạn như Phật giáo Tây Tạng. Và ta phải nói với con hai điều về hiện tượng này khiến ta hơi lo lắng – nếu dĩ nhiên một vị Phật không dính mắc có thể lo lắng về bất cứ chuyện gì.

Như đã xảy ra với đạo Cơ đốc, đạo Phật cũng đã phát triển khác xa với các ý tưởng ban đầu của ta. Và một trong những điều đã xảy ra trong đạo Phật – tương tự như trong đạo Cơ đốc và tất cả mọi tôn giáo khác – là một số khía cạnh của đạo Phật đã tập trung quá đáng vào các nghi thức vỏ ngoài. Con thấy một ví dụ điển hình nhất là Phật giáo Tây Tạng, họ có chùa chiền trang trí thật công phu, những bánh xe cầu nguyện để tín đồ quay không ngừng, tưởng rằng qua thiết bị máy móc này họ sẽ tăng triển tâm linh một cách nào đó. Ta không nói là không có tác dụng, nhưng tác dụng thật ít ỏi so với khi con đọc kinh và phú cho bài kinh ngọn lửa của tim con – như con cũng biết rõ sự khác biệt giữa bài cầu nguyện đọc máy móc với bài cầu nguyện đọc lên bằng tất cả trái tim nhiệt thành.

Cho nên đúng vậy như con thấy, Phật giáo Tây Tạng có quá nhiều nghi thức đến độ hầu như họ đã đánh mất cốt lõi những lời dạy ban đầu của ta. Điều này không có nghĩa là không có ai hiểu được cốt lõi đó, nhưng ta phải nói với con, số người này không nhiều lắm – không nhiều bằng số đạo sư đủ loại với cái tên lạ lẫm được quá nhiều người tầm đạo tại phương Tây sùng kính.

Một điều nữa mà ta muốn đề cập với con, con yêu dấu, là Phật giáo Tây Tạng đã không hoàn toàn đi lạc đường. Nhưng Phật giáo được phát triển ở Tây Tạng là có lý do. Và có một lý do vì sao Tây Tạng bị cô lập từ bao nhiêu năm trời, là vì ở đó có một mạn đà la những con người mang một tư duy đặc thù. Cho nên, ý ta muốn nói là như sau: Phật giáo Tây Tạng không thích hợp lắm cho tư duy người Tây phương vốn rất khác với tư duy người Tây Tạng.

Và ta cũng nói qua một điểm nữa – vì trong tương lai ta sẽ trình bày chi tiết hơn – rằng Phật giáo Tây Tạng đã quả thực trở thành một cái hộp tư duy khép kín, một hệ thống khép kín. Và đây chính là tại sao quốc gia Tây Tạng đã trở thành nạn nhân – điều không thể tránh được – của định luật thứ hai của nhiệt động học. Và thế lực ngoại lai nhảy vào xâm chiếm là những đoàn quân Trung quốc. Ta hoàn toàn không dung túng hay biện minh cho cuộc xâm lăng của Trung quốc, nhưng ta chỉ muốn chỉ ra sự kiện lô-gíc là nếu Phật giáo Tây Tạng đã không trở thành một cái hộp khép kín thì cuộc xâm lăng đã không xảy ra.

Cho nên con thấy đó, việc đem hệ thống khép kín của Phật giáo Tây Tạng xuất khẩu sang phương Tây không thực sự là con đường thích hợp. Và việc lưu đày đức Đạt lai Lạt ma và cố giữ lấy truyền thống Tây Tạng cũng không phải là con đường thích hợp. Bởi vì nếu Đạt lai Lạt ma hay người kế vị có bao giờ trở lại Tây Tạng thì chuyện này không thể xảy ra trong cùng một tình trạng như khi ra đi. Vì trừ khi có sự tự thăng vượt thì tình trạng của Tây Tạng không thể thay đổi đến mức đức Đạt lai Lạt ma có thể trở về nước.

Không dính mắc là chìa khóa cho tương lai nước Mỹ

Vậy bây giờ hãy để ta đi hết vòng tròn và trở lại với công việc các con đang làm ở buổi hội nghị này, công việc các con đang làm với bài thỉnh vừa qua. Và bài thỉnh đó thật là một nghi thức độc đáo chưa bao giờ được thấy trong suốt lịch sử ghi chép của hành tinh này. Ta không nói ra điều này để tạo bất kỳ niềm tự hào hay tự tôn nào, mà chỉ để công nhận: Đã bao giờ từng có một sáng kiến mãnh liệt đến như vậy để kết hợp lời dạy của Ki-tô với lời dạy của Phật?

Và sự độc đáo của nghi thức trên là những gì Mẹ Mary vừa mô tả, là nó đã đập vỡ các khối ở Trung Đông để ánh sáng từ bán cầu phía Đông có thể chảy sang bán cầu phía Tây. Và công việc các con đã làm trong hội nghị này là đập bể các chướng ngại chặn nghẽn luồng chảy ánh sáng vào bán cầu phía Tây, ngay đây tại Washington D.C.

Vì như các con thấy rõ, chính phủ Hoa Kỳ đã rơi vào đúng cái bẫy mà ta vừa mô tả trong bài giảng này. Quốc gia này đã được thày Saint Germain thành lập để đại diện cho ánh sáng của Ki-tô trong thế giới, đại diện cho sự thật của Ki-tô và ánh sáng của Ki-tô. Cho nên Hoa Kỳ có một vai trò hành xử không những như một thành lũy của tự do, mà còn là một đại sứ cho tự do, để đem đến khắp thế giới nền tự do cùng với một hình thức chính phủ khai sáng hơn.

Nhưng nước Mỹ đã trở nên mất cân bằng không kém gì các đệ tử ta mô tả hồi nãy, cứ tưởng rằng mình phải làm vậy bằng cách giao chiến với những kẻ mình xem là đại diện cho phản Ki-tô – cho dù đó là Đức Quốc xã, Liên Xô, Trung quốc hay khủng bố Hồi giáo. Ta không đang bảo là trên thế giới không có những thế lực đại diện cho phản Ki-tô, nhưng ta sẽ đơn giản nói – một lần nữa – là nếu con nghĩ con có thể đem lại Nước Trời qua bạo động và vũ lực quân sự để tiêu diệt mọi thế lực phản Ki-tô, thì con đã không hiểu lời dạy của Ki-tô. Vì chẳng phải là Giê-su đã dạy, đừng cưỡng lại cái ác mà hãy chìa má bên kia? À, làm thế nào con có thể chìa má bên kia và tiếp tục chìa má khi họ cứ tát con hết lần này đến lần khác? Con yêu dấu, con có khả năng làm được, nhưng chỉ khi nào con có được sự không dính mắc của Phật, không phải sao?

Bởi vì nếu không, khi họ đánh con lần đầu – hay lần thứ mười – con sẽ nổi giận và nghĩ mình phải làm gì đó để chặn họ lại. Nhưng con thấy không, điều mà Hoa Kỳ đã nên làm sau vụ 9/11 là – theo nghĩa đen và cũng theo nghĩa bóng và nghĩa tâm linh – chìa má bên kia. Và hành động này đã có thể đóng góp nhiều hơn cho việc phán xử các thế lực phản Ki-tô so với bất kỳ biện pháp quân sự nào tốn đến hàng tỷ và hàng ngàn tỷ đô la. Và những ngàn tỷ đó đã có thể dùng ích lợi hơn trong việc nuôi sống bầy chiên của Ki-tô.

Sự thức tỉnh mà thày Saint Germain vừa nói đến quả thực là sự thức tỉnh của dân tộc Mỹ trước thực tế là cho dù họ có một sứ mệnh và được Saint Germain đỡ đầu, họ đã đưa sứ mệnh này đi lầm hướng khi họ trở nên mất cân bằng, quá nôn nóng, quá chú tâm và dính mắc vào những kết quả vỏ ngoài đặc thù. Cho nên thay vì với tay lên vương quốc Thượng đế cùng sự công chính của ngài, thì họ đã tìm cách dùng sức mạnh quân sự vượt trội để ép buộc một kết quả mà họ tưởng phải xảy ra.

Sự mù quáng toàn diện của lớp thượng tôn quyền lực

Và tất nhiên, con thấy được những kẻ nêu gương, những kẻ thể hiện trạng thái tâm thức đó đến độ cùng cực, chính là các thành viên của lớp thượng tôn quyền lực. Vì ta có thể cam đoan với con, tuyệt đại đa số những người đó tuyệt đối tin rằng họ đang làm điều phải. Nhiều người còn tin là họ đang làm công việc của Thượng đế hay phục vụ đại nghĩa của Ki-tô. Vì họ thực sự tin là họ cao trội hơn người khác, cho nên họ phải cai trị mọi người, cai trị đất nước này.

Nhưng điều này hoàn toàn đi ngược lại mục đích thực sự mà ta vừa mô tả ở trên, cụ thể là các thày có mục đích đánh thức loài người, trong khi các thế lực phản Ki-tô, các thày giả của phản Ki-tô, muốn ép buộc mọi người phải đi vào cái mà họ gọi là Nước Trời theo tiêu chuẩn nhị nguyên của họ. Phải, các con đã đạt được một chiến thắng ở hội nghị này, một chiến thắng làm mềm nhũn cái tư duy cứng nhắc đã giam cầm Washington D.C. và toàn bộ chính phủ liên bang Hoa Kỳ, đã khiến họ đui mù với Trung đạo – là con đường Trung đạo đã có thể tránh được nỗi xấu hổ của cả nước trong cuộc chiến Iraq. Cho nên các con đã dọn sạch một con đường may ra sẽ giúp cho chính phủ Mỹ khởi sự quay trở về – hay đúng hơn, lần đầu tiên bắt đầu tìm kiếm – con đường Trung đạo.

Với chiến thắng đạt được ở hội nghị này, các con đã hình thành một thái cực Omega cho chiến thắng đạt được trong tháng qua bởi nhiều người khắp thế giới qua Bài thỉnh Hiện tại Vĩnh hằng. Và điều này đã cho phép các thày tạo ra một mạn đà la vô cùng quyền năng, một cơn lốc năng lượng vô cùng mãnh liệt, nhờ vậy tất cả ánh sáng được cầu thỉnh bởi nhiều người khắp thế giới qua bài thỉnh trước giờ đây có thể được hội tụ lại, tập trung lại, vào nơi có nhu cầu lớn nhất ngay lúc này, tức là ở Washington D.C. đây.

Và như vậy con đã tham gia vào việc hình dung ánh sáng đi xuống trên Tượng đài Washington, lan tỏa đến mọi cơ quan của chính phủ liên bang, làm dịu đi cái tư duy đông đặc, những cái hộp tư duy, những mối vướng mắc với một thế giới quan đặc thù cho rằng thế giới phải tuân theo hộp tư duy hiện thời của mình thay vì với lên Lời Hằng sống, vượt khỏi mọi hộp tư duy và thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình.

Như Mẹ Mary và El Morya vừa trình bày, sự thật là để có một thay đổi đích thực ở vùng Trung đông, phải có trước tiên một thay đổi đích thực ở Hoa Kỳ. Vì nước Mỹ bây giờ đã dấn quá sâu vào Trung Đông – qua vụ can thiệp ở Iraq, liên hệ với Israel và nhiều nước khác – cho nên không có cách nào đem lại tình trạng hòa bình ở Trung Đông mà không có sự tham gia của Mỹ.

Nhưng không có cách đem lại hòa bình trừ khi Hoa Kỳ tỉnh trí lại, trước hết bước vào Trung Đạo và tìm được cân bằng, nhận ra ý nghĩa đích thực của việc làm đại diện cho Ki-tô trên thế giới là gì, thay vì mắc bẫy rơi vào một trong hai vai trò nhị nguyên do tâm rắn quy định. Cho nên ta cho các con và mọi người khắp thế giới biết rằng các con đã đạt được và xứng đáng được nhận một sự rải truyền ánh sáng thật hi hữu vào ngày Chủ nhật Phục sinh hôm nay, một tia sáng được các thày phóng ra về nơi có nhu cầu lớn nhất, tức là ngay đây ở thủ đô nước Mỹ.

Một đặc ân từ Chủ tể Thế gian

Qua bài thỉnh này, các con đã nhận được một đặc ân từ trái tim ta. Vì ta phải nói với con là trách vụ của ta, trách vụ tâm linh mà ta được ủy nhiệm, có tên là Chủ tể Thế gian. Có nghĩa là, trong nghĩa đen, ta cầm giữ thế giới cùng đời sống của mọi người trên thế giới trong tay mình. Sợi dây pha lê nối kết mỗi người trên địa cầu với Hiện diện TA LÀ của họ đi qua trái tim ta, và do đó xuyên qua trái tim của Phật mà mọi người có tiềm năng biểu lộ ngọn lửa Thượng đế trên địa cầu.

Vậy đặc ân ta ban cho các con hôm nay là ta sẽ neo trụ Hiện diện của ta nơi tòa nhà Quốc hội, dưới mái vòm của phòng rotunda trong tòa nhà Quốc hội. Và nếu có ai khắp thế giới sẵn lòng thì họ có thể neo trụ một phần ngọn lửa Thượng đế của họ ở đó biểu lộ qua tim ta và Hiện diện của ta. Vậy ta yêu cầu những ai nghe hoặc đọc bài truyền đọc này hãy hình dung là ta đang ngồi trong tư thế hoa sen ngay trung tâm tòa nhà Quốc hội. Và các con ngồi quanh ta trong tư thế hoa sen. Đừng để ý đến các thượng nghị sĩ và dân biểu đi ngang qua thấy đây là một cảnh tượng kỳ lạ. Hãy không dính mắc, vì chúng ta ở đây trong Hiện tại Vĩnh cửu. Và ta sẽ ở lại đây trong Hiện tại Vĩnh cửu vượt khỏi thời gian lẫn không gian.

Vậy con hãy hình dung cùng với ta là chúng ta đang ngồi đây trong an bình toàn hảo của Phật. Chúng ta không quan tâm đến những gì đang diễn ra trong Hạ viện lẫn Thượng viện. Chúng ta không quan tâm đến những suy tư phi lý của các vị dân cử. Chúng ta không quan tâm đến những quyết định của họ. Chúng ta chỉ lo ở lại trong An bình của Phật, neo trụ ánh sáng này nơi toà nhà Capitol để đối trọng lại.

Mặc dù có một số vị dân cử chắc chắn có thể xem là hiện thân của tâm thức phản Ki-tô, nhưng có nhiều vị dân cử khác của đất nước này có ý định tối ưu và họ đại diện cho tâm thức của dân tộc Mỹ trong trạng thái hôm nay. Không dễ dàng gì cho họ đến Washington D.C. để phải đối mặt với những áp lực dữ dội mà mọi người đang gửi tới họ từ khắp mọi nơi.

Cho nên chúng ta không ở đây để khiến các vị dân cử đó đưa ra những quyết định đặc thù. Chúng ta ở đây để neo trụ An bình của Phật có tiềm năng giải thoát một số vị đó khỏi những áp lực đang kéo họ vào hai đối cực nhị nguyên, và như vậy cho phép họ cảm nhận được một sự tĩnh lặng nội tâm sẽ nối kết họ lại với mục đích ban đầu, với mơ ước ban đầu khi họ lần đầu tiên quyết định ra ứng cử. Có lẽ nó sẽ nối kết họ lại với truyền thống đích thực của những vị sáng lập nước Mỹ cùng các nguyên lý tâm linh của dân tộc Mỹ, để họ nhận ra là họ không phải gục ngã trước áp lực của các nhóm vận động hành lang, các nhóm đặc quyền đặc lợi, của giới truyền thông, của các nghị sĩ khác, của chính đảng phái họ đang muốn họ phải tuân theo đường lối của đảng và chơi trò chính trị của đảng thay vì làm điều phải.

Thay vào đó, họ có khả năng bước vào bên trong chính họ. Họ có khả năng đứng lên bảo vệ những gì họ thực sự tin tưởng, những nguyên tắc chân thực của dân tộc này, và họ có thể nói: “Tôi đã chán những trò chính trị đảng phái. Trong tim tôi biết rõ điều gì là phải, và tôi sẽ theo đó nói lên ý nghĩ của mình trong hội trường này, tôi sẽ theo đó bỏ phiếu. Bởi vì tôi không được người dân bầu lên để làm con múa rối cho nhóm thượng lưu quyền lực. Tôi đã được bầu lên để đại diện cho “chúng ta, nhân dân Mỹ”, và tôi không quên là tôi đến từ “chúng ta, nhân dân Mỹ”. Tôi ở đây để đại diện người dân chứ không phải nhóm thượng tôn quyền lực cùng những trò lũng đoạn của chúng. Tôi sẽ giữ vững lập trường của mình dù chuyện gì có xảy ra. Và tôi sẽ giành lại chính quyền này khỏi tay nhóm thượng tôn quyền lực, trao nó lại cho người dân là người sở hữu chính quyền. Bởi vì tôi là một đại diện chân chính của Saint Germain.”

Các con là những đại diện chân chính của Saint Germain. Và bây giờ con hãy hình dung Ngọn lửa Tự do và Saint Germain cùng Hiện diện của thày đi xuống từ cao trong một luồng ánh sáng, neo trụ Hiện diện của thày ngay trong phòng rotunda của toà nhà Quốc hội. Sau đó sự Hiện diện đó uốn cong giống như vòng cung con thấy ở Saint Louis nơi Tượng đài Washington – giống như một vòng cung ánh sáng tạo ra hai tiêu điểm của Alpha nơi Tượng đài Washington và của Omega nơi toà nhà Quốc hội. Hình ảnh này tượng trưng cho những gì các thày đã nói trong hội nghị này, là sự kết tụ một chính quyền của Thượng đế – tức là một chính quyền nối kết với Thượng đế, đồng thời cũng là một chính quyền ở thái cực Omega, của dân, bởi dân và cho dân. Nhưng vẫn là một quốc gia duy nhất dưới Thượng đế, vì chúng ta là một dân tộc duy nhất dưới Thượng đế.

Và như vậy, con yêu dấu, thế là xong. Công việc của chúng ta đã hoàn tất. Công việc của hội nghị này đã hoàn tất. Với niềm vui to lớn, ta niêm các con trong sự an bình vô biên của Phật. An bình của ta sẽ ở với con. Ta để lại an bình của ta cho con. Con hãy đem an bình của ta theo con bất cứ nơi nào con đi đến. Và khi con cảm thấy sự căng thẳng của cuộc sống thường nhật ập tới, con hãy dành ra một ít thời gian – thỉnh thoảng – để nối kết với An bình của Phật, vì ta sẽ nâng đỡ con khi con đi qua cuộc đời. Ta sẽ nâng đỡ con miễn là quyền tự quyết của con cho phép, miễn là con tiếp tục không dính mắc. An bình. An bình. An bình. An bình.

Chìa khóa 32: Tương tác bất nhị

Chân sư Thăng thiên Đức Maitreya qua trung gian Kim Michaels.

Bây giờ thì chúng ta tới điểm mấu chốt đã từ lâu nay là lý do duy nhất ngăn cản những người thuộc thành phần mười phần trăm phía trên của nhân loại bước ra cai quản hành tinh này. Điểm này liên quan đến cách con cư xử với người khác, và điều tuyệt đối cơ yếu là những người tâm linh trong thời đại này có quyết tâm không khoan nhượng tìm ra cách đối xử với nhau một cách bất nhị. Chương này sẽ cống hiến một vài gợi ý.

Một trong những dối trá nhị nguyên hấp dẫn nhất là quan niệm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Một dối trá vi tế tương tự khác là quan niệm mọi việc trong vũ trụ vật chất có tính chất thực và thường hằng tối hậu. Và dối trá thứ ba là những chuyện xảy ra trong vũ trụ vật chất có tầm quan trọng thực sự trong thế gian này. Khi ba dối trá này kết hợp với nhau thì con có cơn bão tuyệt hảo khiến con người bị một sinh hoạt trong thế giới vật chất hoàn toàn bao trùm, khiến họ mù quáng và dính mắc tình cảm. Khi đó, con người bắt đầu hành xử như thể kết quả của nỗ lực của họ có tầm quan trọng tối hậu, tỷ dụ như sự sinh diệt, hay tiêu diệt và cứu rỗi, của thế giới. Và vì nỗ lực của họ có một tầm quan trọng vĩ đại như vậy, nên để đạt mục đích, họ được quyền đối xử với người khác một cách hiển nhiên đi ngược lại giáo lý của tôn giáo của họ. Tự ngã của họ lý luận rằng: việc mình bạc đãi người khác đâu có quan trọng vì hành động của mình nhằm mục đích cứu rỗi linh hồn của con người hay cứu rỗi thế giới.

Sự điên rồ dựa trên tôn giáo này giản dị phải chấm dứt, và thày kêu gọi những ai đã đọc quyển sách này hãy đứng lên làm tiên phong cho một nền văn hóa trong đó con người trên trái đất đối xử với nhau như những sinh thể trên cõi tâm linh. Có nghĩa là đối xử không lừa đảo, khuynh loát, giả dối, phán xét, thiếu nhân từ, không dùng tình thương để kiểm soát hay một trong những trò chơi nhị nguyên khác. Thày kêu gọi con người hãy tìm ra cách tương tác với nhau một cách bất nhị.

Sự thực – như thày đã giảng trong các chương trước – là không có gì trong vũ trụ vật chất có tính chất thực tối hậu vì không có gì trong thế giới này đạt được sự thường hằng của thế giới tâm linh. Thế giới này không phải là một mỏ đá nơi con người tạc tượng đá, mà là một bãi chơi cát trong đó những lỗi lầm tương đối dễ xóa bỏ. Do đó, những diễn biến xảy ra trong thế gian này không có tầm quan trọng tối hậu và vĩnh viễn. Sự cứu rỗi của con nhiên hậu không tùy thuộc những hành động vỏ ngoài của con trong thế gian này, mà tùy thuộc trạng thái tâm thức của con. Lẽ tất nhiên, những gì con làm trong thế gian phản ánh trạng thái tâm thức của con, nhưng điểm quan trọng là con chỉ có thể bước vào cuộc sống vĩnh cửu khi con cải tạo tâm thức, chứ không phải hành động vỏ ngoài của mình.

Điều có tầm quan trọng tối hậu không xảy ra bên ngoài con – là kết quả của hành động của con – mà là những gì con cho phép xảy ra bên trong con trước những chuyện xảy ra bên ngoài con – là phản ứng của con. Do đó, con không có cái nhìn đúng khi con coi một sinh hoạt trên trái đất có thể đem lại sự tiêu diệt hay cứu rỗi của thế giới. Ta phải coi trái đất như một rạp hát trong đó mọi chuyện xảy ra chỉ là sân khấu, khung cảnh dàn dựng và dụng cụ sân khấu. Như văn hào Shakespeare – một sứ giả của Đại đoàn Thăng thiên – có nói: “Thế giới là một sân khấu”. Mỗi con người là một diễn viên tạm thời khoác vào một y trang, là xác thân vật lý và cá tính vỏ ngoài. Con biết là những gì được diễn bày trong một vở kịch chỉ là một câu chuyện, vậy mục đích của vở kịch là gì? Ấy, một vở kịch hay có tác dụng chuyển hóa cả diễn viên lẫn khán giả. Thày muốn nói là trái đất là một sân khấu được thiết kế để các diễn viên – con người – có cơ hội tham gia vào vở kịch – trong đó họ có thể đóng bất kỳ vai nào họ muốn – qua đó họ được chuyển hóa và đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn. Điều quan trọng không phải là những tình tiết trong vở kịch, mà là sự chuyển hóa của diễn viên. Tiến trình quan trọng hơn kết quả, hành trình quan trọng hơn điểm đến.

Những người tâm linh trưởng thành cần phát triển một ý niệm thiết thực về điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng. Thí dụ, việc một tôn giáo quy tụ được nhiều tín đồ và chiếm vai trò thượng phong trong một nước hay thế giới, không có tầm quan trọng hoàn vũ. Sự thành công, nhìn từ góc độ tâm linh, không giống sự thành công dưới con mắt đa số nhân gian. Đại đoàn Thăng thiên không hề có ước muốn thấy một tôn giáo chiếm thế thượng phong, vì các thày chỉ coi tôn giáo như một dụng cụ để nâng tâm thức con người. Nếu một tôn giáo – dù nhỏ thế nào – thực sự chuyển hóa con người và giúp họ tới gần tâm thức Ki-tô hơn, thì tôn giáo đó thành công. Nhưng nếu một tôn giáo chỉ dẫn con người tới trạng thái đui mù tâm linh và cuồng tín, thì nó không phải là một thành công, dù nó chinh phục được toàn thể thế giới. Một tôn giáo đạt được gì nếu nó chiếm được toàn thế giới nhưng lại đánh mất linh hồn của các thành viên?

Điều thày muốn nói là mục đích thực của Đại đoàn Thăng thiên là nâng cao tâm thức con người, không phải là đạt một kết quả vỏ ngoài đặc trưng trên trái đất. Các thày quả thật có ước muốn thấy sự thể hiện của một Thời Hoàng kim hòa bình và thịnh vượng, vì một thời đại như vậy sẽ cho con người cơ hội lớn hơn để chú tâm vào việc tăng trưởng tâm linh. Tuy thế, sự khai mở của thời đại này chỉ là một phản ứng phụ của sự tăng triển tâm thức của một khối lượng tới hạn con người. Do đó, mục đích thật của các thày luôn luôn là việc nâng cao tâm thức, và con cũng cần coi đây là mục đích của mình. 

Một thí dụ cực đoan của quan niệm bất quân bình về sinh hoạt thế gian là chiến tranh, trong đó các cá nhân không quan trọng và mọi số lượng cá nhân có thể bị hy sinh để đạt mục đích đánh bại kẻ thù. Sứ mệnh quan trọng hơn con người. Nhưng thày hy vọng là con nay đã thấy quan niệm này hoàn toàn ngược với cách hành xử của Đại đoàn Thăng thiên. Với các thày, sứ mệnh không bao giờ quan trọng hơn con người, vì sứ mệnh chính là con người. Các thày chỉ có quan tâm duy nhất là nâng cao tâm thức con người và các thày không bao giờ giảm thiểu mục đích này để hoàn thành một mục đích vỏ ngoài trên trái đất. Do đó, thày mong muốn các người tâm linh điều chỉnh tư duy của mình và, giống như các thày, không bao giờ coi nhẹ mục đích chân thật nâng cao con người.

Có ích lợi gì chăng nếu các người tâm linh dùng quyển sách này để khai trương một tôn giáo mới và hành xử như thể nó là tôn giáo tối hậu thay thế tất cả các tôn giáo khác, và qua đó đối xử với con người giống như các tôn giáo đã từng đối xử? Sẽ không có ích lợi gì, và do đó điều cơ yếu là các con bỏ công sức điều chỉnh quan niệm của con về mục đích của tôn giáo. Con cần nghiên cứu cách các tôn giáo đối xử với con người và học hỏi các điểm tốt và xấu. Có rất nhiều thí dụ xấu, nhưng cũng có vài thí dụ tốt.

***

Để phát triển các tương tác bất nhị, con cần – như mọi sự – bắt đầu với chính mình bằng cách gỡ cây đà ra khỏi con mắt mình. Nền tảng của tương tác bất nhị là con trước tiên học cách đối xử bất nhị với chính mình. Khi Giê-su dạy con hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho chính mình (Luke 6:31), thì thày thực sự muốn nói là những gì con làm cho người khác, con đã làm cho chính mình. Nếu con đối xử giận dữ với người khác, thì đây là chỉ dấu con giận chính mình trong tiềm thức. 

Bước quan trọng nhất trên bước đường đúng hướng là con không cá nhân hóa cuộc đời mình, tức là con không coi cuộc đời xoay quanh cá nhân mình. Con cần suy ngẫm một cách nghiêm túc bài giảng của thày về bản sắc thực của con, và hoàn toàn thể nhập quan niệm cái ta biết là cốt lõi của con người con. Cái ta biết này hơn thân thể và cá tính vỏ ngoài của con, hơn cả cá tính mà con đã xây dựng qua nhiều kiếp đầu thai. Và khi con bắt đầu nối kết lại với cái ta cao của con, thì con nhận ra là những gì xảy ra trên trái đất không quan trọng bằng sự tiến triển của con trên Con đường Hợp nhất. Do đó, con không được để bất cứ gì trên trái đất đứng giữa con và sự hợp nhất đó, con không được cho phép bất cứ gì ngăn cản con đi bước kế tiếp trên Con đường Hợp nhất. Cách duy nhất để đạt mục đích này là con không bao giờ coi những chuyện xảy ra đều nhắm cá nhân mình, như vậy con khắc phục được sự dính mắc là nguyên do của mọi khổ đau, như Đức Phật đã dạy.

Con cần khắc phục cảm nhận con là một nạn nhân, đây cũng chính là một dấu ấn của tâm thức sa ngã. Vậy con hãy để thày hỏi con một câu hỏi giản dị. Con có một hợp đồng thành văn do Thượng đế ký, nói rằng nếu con đồng ý đầu thai trên trái đất thì con được bảo đảm một số lợi nhuận và được bảo vệ khỏi một số hoàn cảnh không vui? Và nếu con không có một bản hợp đồng như vậy, thì tại sao con lại sống cuộc đời mình như thể con có hợp đồng đó, và qua đó nghĩ rằng con có quyền được hưởng một số điều và bất mãn khi con không được chúng? Nhiều người dường như nghĩ rằng một nhân quyền căn bản là cuộc sống đáp ứng những chờ đợi của họ. Sự thực là quyền căn bản của con là quyền thử nghiệm và trải nghiệm kết quả các chọn lựa của mình, qua đó con vượt lên trên những chờ đợi nhị nguyên, vượt lên trên cả thân phận con người.

Lý do độc nhất của mọi khổ đau con người là những chờ đợi không thiết thực, và những chờ đợi này do tự ngã con người và các thày giả tạo ra. Các sinh thể này rất khéo léo đặt con người vào một thế bí trong đó họ chờ đợi cuộc đời phải diễn bày một cách nào đó, nhưng chờ mong này hoàn toàn không thiết thực. Do đó, con người bỏ ra toàn cuộc đời theo đuổi củ cà rốt treo lủng lẳng trước mũi mình trong khi không có hy vọng gì đạt tới nó. Con người mang bản án phải sống cuộc đời bất toại nguyện và không hạnh phúc trong đó họ chẳng mấy khi tiến bộ tâm linh vì họ không khắc phục được các chờ mong giả tạo và nhiều khi chỉ giản dị “không thiết sống nữa”.

Như thày có giảng, hành tinh địa cầu hiện nay là một môi trường hỗn tạp, do đó chờ đợi có sự toàn hảo của cõi thiên đường trên trái đất giản dị là điều không thiết thực. Để tránh chờ mong quá nhiều và coi cuộc đời quá hệ trọng, con cần nhận biết một cách có ý thức là không có gì trên trái đất có thực tính tối hậu và có tầm quan trọng vĩ đại. Con giống như một diễn viên trên sân khấu, và thân thể và hoàn cảnh sống bên ngoài của con chỉ là sân khấu cho vở tuồng. Con biết dư là diễn viên trong vở kịch là một người thật khoác lên y phục và trang điểm mặt. Nếu diễn viên thiện nghệ thì có thể tự đồng hóa mình với vai tuồng, thậm chí có thể tạm thời cảm thấy y thực sự là Hamlet. Tuy nhiên, khi vở tuồng chấm dứt thì y trút bỏ bộ y phục và quay trở lại con người thực của y. Nếu người diễn viên không chịu trút bỏ bộ y phục và tiếp tục đóng vai Hamlet bên ngoài rạp hát, thì con sẽ tức khắc coi đây là hiện tượng mất trí. Do đó, như một người tâm linh, con cần tách mình ra khỏi sự điên cuồng tập thể cứ muốn đồng hóa mình với và như vai trò mình đang diễn xuất trên trái đất, qua đó coi cuộc đời quá hệ trọng và coi mọi tình huống như xoay quanh cá nhân mình.

Lý tưởng thì con không bao giờ nên coi mọi chuyện như xảy tới riêng cá nhân mình, vì con cần nhận ra con là một sinh thể tâm linh không thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ chuyện gì xảy ra trên trái đất. Như Giê-su có nói, đừng sợ kẻ có thể giết thân thể, mà sợ kẻ có thể tiêu diệt cả thân thể lẫn linh hồn trong địa ngục (Matthew, 10:28). Nhưng ai có thể tiêu diệt linh hồn con? Con có thể đã được lập trình để tin rằng ác quỷ hay các tà lực khác có quyền năng áp chế con và tiêu diệt linh hồn con, nhưng thày hy vọng là các bài giảng của thày đã giúp con thấy đây không phải là sự thật. Không có lực thế gian nào có thể phá hủy cái ta thật của con – trừ sinh thể có quyền kiểm soát quyền tự quyết của con, tức là chính con. Con là người duy nhất có thể phá hủy linh hồn của con, vì con là người quy định bản sắc của mình. Con quả thật có thể chối bỏ trách nhiệm này và cho phép người khác – kể cả tự ngã của con – lấy quyết định hộ con, và lúc đó họ có tiềm năng phá hủy bản sắc thấp của con. Nhưng con phải cho phép họ làm chuyện này, và con có thể – bất cứ lúc nào – lấy lại quyền quy định bản sắc của mình. Sự thực là không hề có một địa ngục mà con không thể thoát ra – đây là một quan niệm do các thần giả chế ra để dọa con người và khiến họ khuất phục. 

Con cần lấy lại quyền làm chủ tâm mình và quy định lại ý niệm bản sắc của mình, để nhận ra con là một sinh thể tâm linh đang tạm thời đóng một vai trong vở tuồng “Hành tinh Trái đất”. Do đó, con không nên coi nó hệ trọng hơn là con coi một vở tuồng. Con có nghe câu ngạn ngữ “vẻ đẹp nằm trong mắt người thưởng ngoạn”. Giống như vậy, xúc phạm nằm trong tâm người cảm thấy bị xúc phạm. Quả thật là có một số người cố tình muốn xúc phạm con, nhưng con là người quyết định cho phép họ xúc phạm mình và qua đó cho phép họ có quyền lực trên tâm mình. Tâm con là thành quách của con, và cái ta biết cần phải hoàn toàn làm chủ những gì xảy ra trong tâm con.

Điều quan trọng nhất mà mọi người tầm đạo cần nhận ra là không có tương quan nguyên nhân-kết quả trực tiếp giữa những gì xảy ra bên ngoài và bên trong tâm con. Vì mọi chuyện xảy ra bên ngoài chỉ ảnh hưởng được tâm con bằng cách đi xuyên qua con – nếu con chấp nhận lời kêu gọi làm chủ tâm mình. Con là người quyết định để cho hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng tâm mình, và chìa khóa – hay bị lãng quên – để đạt được điều ngự và tự do tâm linh là điều khiển việc ngoại cảnh ảnh hưởng – hay đúng hơn, không ảnh hưởng – tâm mình. Nếu con muốn cai quản cuộc đời mình, thì con phải cai quản cách con đáp ứng lại ngoại cảnh. Con cần tạo cho mình tư duy không bao giờ để ngoại cảnh ép buộc mình có tư tưởng hay tình cảm tiêu cực. Trái lại, con hoàn toàn có tự do chọn lựa cách con phản ứng lại ngoại cảnh. Con không bao giờ cho phép người khác ép con đi vào khuôn nếp phản ứng tiêu cực, và do đó con không bao giờ cho họ quyền lực trên tâm con. Điều này chỉ xảy ra khi con không còn cá nhân hóa đời mình và không coi những gì xảy ra đều xoay quanh cá nhân mình. Trước khi con làm chủ hành động của mình thì con phải làm chủ phản ứng của con.

Những gì người khác làm tới con thì họ chỉ làm tới con người vỏ ngoài mà họ thấy, và con biết con hơn con người đó rất nhiều. Con quả thực nên xem những gì người khác làm tới con, họ không thực sự làm vì họ chống con. Họ chỉ giản dị đóng vai trò của họ trong vở tuồng hành tinh – trải bày qua hành động các vướng mắc tâm lý chưa giải quyết của họ. Ngay khi họ tự đồng hóa họ với vai trò của họ, thì con vẫn không cần đồng hóa với vai trò của mình và nhìn họ như vai trò của họ. Chúng ta hãy đào sâu thêm chủ đề này.

***

Thày có giảng là một sinh thể Ki-tô đi vào cuộc đời để cho con người chọn lựa thực giữa thực tại của Ki-tô và ảo tưởng của phản-Ki-tô. Tuy nhiên, con không thể khiến con người hiểu sự khác biệt bằng suy luận trí năng, do đó con cần chứng minh sự khác biệt. Một cách để làm việc này là chứng tỏ con không phản ứng lại cuộc đời và người khác một cách nhị nguyên. Con không cho phép ngoại cảnh hay người khác tước đi sự an bình nội tâm của con, sự hợp nhất giữa con và con người cao của con. Con nói cùng với Giê-su: “Ông hoàng của thế gian – có nghĩa là toàn bộ các lực nhị nguyên – sẽ tới và không tìm thấy gì nơi con” (John 14:30). Các lực nhị nguyên không tìm thấy dấu vết nhị nguyên hay dính mắc trong con người con qua đó chúng có thể ép con phản ứng một cách nhị nguyên. Nếu con muốn ở trong tâm thái không bị cám dỗ phải phản ứng một cách nhị nguyên, thì con phải bước vào trạng thái tha thứ vô điều kiện và không ngừng.

Giống như mọi trường hợp khác, con phải bắt đầu với chính mình bằng cách tha thứ mình vô điều kiện. Chúng ta hãy xem xét quan niệm tha thứ vô điều kiện. Tự ngã của con và các thày giả đã lập trình con để con tin rằng mọi thứ đều có điều kiện, kể cả tình thương và lòng tha thứ. Đây là hệ quả trực tiếp của tâm thức nhị nguyên, biến mọi quan niệm thành nhị nguyên. Lòng tha thứ thực sự là một quan niệm bất nhị, nhưng tự ngã biến nó thành nhị nguyên bằng cách nói rằng nó phải có một đối cực. Từ đó nảy sinh quan niệm để bụng nhớ những gì người khác làm tới mình, và quan niệm không được cứu rỗi nếu không được tha thứ. Các quan niệm này không có thực trong Thượng đế và chỉ hiện hữu trong bóng tối của tâm nhị nguyên. Con lúc đó có một cấu trúc tư tưởng cho rằng nếu con không được tha thứ thì một chuyện rất tai hại sẽ xảy ra cho con. Nó cũng cho rằng con chỉ được tha thứ khi con hội đủ một số điều kiện trên thế gian, và các điều kiện này do tâm nhị nguyên quy định. Nếu con hội đủ điều kiện thì con được tha thứ, nếu không thì con không được tha thứ.

Nhưng sự thực là lý do con cần được tha thứ là vì con đã ăn trái cấm, là tâm thức nhị nguyên. Nếu con tin lời dối trá nhị nguyên về tha thứ, thì con sẽ không bao giờ tìm thấy tha thứ thực sự. Con sẽ nghĩ là con cần hội đủ một số điều kiện nhị nguyên để được tha thứ. Nhưng sự thực là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết, và do đó Thượng đế đã cho con cơ hội nếm mùi nhị nguyên. Lẽ tất nhiên Thượng đế không muốn con – một phần của chính Ngài – bị vĩnh viễn kẹt trong nhị nguyên. Do đó, Thượng đế sẽ tức khắc tha thứ con ngay lúc con quyết định rời bỏ ảo tưởng nhị nguyên và bước lên một bực cao hơn trên Con đường Hợp nhất.

Con có thấy điều thày muốn nói chăng? Con không cần hội đủ bất cứ điều kiện thế gian nào – bất cứ điều kiện nào do nhị nguyên quy định – để được Thượng đế tha thứ. Cơn mưa vĩnh hằng của lòng tha thứ của Thượng đế rơi xuống kẻ thiện lành và kẻ không thiện lành (Matthew 5:45). Vấn đề là kẻ không thiện lành không thể nhận lãnh cơn mưa vì họ không thể buông bỏ ảo tưởng nhị nguyên của họ. Sự thực là kẻ thiện lành cũng thường không thể nhận lãnh, vì họ nghĩ họ cần hội đủ một số điều kiện vỏ ngoài thì mới được Thượng đế tha thứ. Nhưng, như thày đã cố giảng, lòng tha thứ của Thượng đế không có điều kiện, do đó con chỉ cần buông bỏ những điều kiện nhị nguyên mà con đã cài vào tâm mình thì sẽ nhận được sự tha thứ của Thượng đế – chính những điều kiện này đã khiến con nghĩ là có khoảng cách giữa con và lòng tha thứ của Thượng đế. Một khi con nhận ra khoảng cách đó lại là một ảo tưởng nhị nguyên, thì con sẽ hoàn toàn trầm mình trong ngọn Lửa Tha thứ của Thượng đế. Lúc đó con nhận ra là con không cần phải làm gì trên thế gian để xứng đáng nhận lòng tha thứ của Thượng đế. Con chỉ cần giản dị chấp nhận nó, có nghĩa là con phải ngưng làm một số chuyện thế gian, con cần phải ngưng hành động và phản ứng dựa trên tâm thức nhị nguyên. Mỗi bước con đi về hướng tha thứ dựa trên ảo tưởng nhị nguyên chỉ dẫn con đi sâu thêm vào khu rừng rậm của nhị nguyên.

Như một thí dụ, con hãy xem xét là vào thời của Giê-su người Do Thái tin rằng họ có thể đền bù tội lỗi bằng cách dùng súc vật để tế thần. Nhưng họ phạm tội vì họ không thương cảm mọi sự sống. Vậy làm sao giết súc vật vô tội lại có thể đền bù chuyện này? Con có thể tế thần hàng ngàn gia súc – biến ngôi đền của Thượng đế thành một lò sát sinh – mà không tới gần hơn sự tha thứ của Thượng đế. Cách duy nhất để giải thoát mình khỏi tội lỗi là nâng mình lên khỏi ảo tưởng nhị nguyên đã khiến mình gây tội.

Những người tham gia các tôn giáo và phong trào tâm linh có khuynh hướng rất đậm nét dùng giáo lý vỏ ngoài để dựng lên điều kiện ngăn cản họ chấp nhận là họ đã được Thượng đế tha thứ. Tất cả mọi tôn giáo vỏ ngoài đều dựng lên những điều kiện mà con phải hội đủ trước khi được cứu rỗi hay được tha thứ tội lỗi. Thày hy vọng là con nay đã bắt đầu thấy là những điều kiện này luôn luôn do tâm thức nhị nguyên quy định và thường do các thày giả dựng lên, với mục đích khiến con tin rằng con cần họ và tôn giáo vỏ ngoài để được cứu rỗi hoặc khiến con theo đuổi một mục tiêu bất khả thi. Vậy, một lần nữa, điều kiện duy nhất mà con cần hội đủ để được cứu rỗi và tha thứ là con buông bỏ tất cả các điều kiện nhị nguyên đang đặt con bên ngoài vương quốc Thượng đế – vì chúng khiến con chú tâm vào thế giới bên ngoài và do đó ngăn cản con khám phá vương quốc Thượng đế bên trong mình (lẽ tất nhiên, con cũng cần cân bằng nghiệp quả và trong sạch hóa năng lượng đã tha hóa). Con có thấy chăng, vì lòng tha thứ của Thượng đế vô điều kiện, nên con không cần hội đủ điều kiện nào để nhận lãnh nó? Trái lại, chú tâm vào điều kiện sẽ ngăn cản con nhận lãnh cái được trao vô điều kiện và do đó chỉ có thể nhận vô điều kiện.

***

Trong quan niệm con đường tâm linh có một sự vận hành nội tại mà tự ngã của con và các thày giả sẽ tìm cách lợi dụng để chống phá sự tiến triển của con. Ý niệm của con đường là con hiện đang ở một tầng thấp hơn và con tiến lên một tầng cao hơn. Trong quyển sách này, thày đã khẳng định mục đích chính yếu của con đường tâm linh là tâm thức Ki-tô, và con có thể nhìn chính mình và nhận ra là con chưa ở trong tâm thức Ki-tô. Tự ngã của con có thể dùng điều này để khiến con cảm thấy thiếu khả năng hay cảm thấy tội lỗi vì mình chưa đạt được mục đích. Nói cách khác, tự ngã sẽ tìm cách lấy những gì thày mô tả về Con đường Hợp nhất và biến chúng thành những điều kiện mà con phải thành tựu – qua đó con lại leo lên một cỗ máy chạy bộ nhị nguyên không dẫn tới đâu. Thày gợi ý phương pháp sau đây để tránh chuyện này xảy ra.

Có một cầu thang hình xoắn ốc dẫn con ra khỏi bầu cõi này, và ở trên cao nhất là trạng thái bất tử của sự thăng thiên. Mỗi bậc thang tựơng trưng cho một khai ngộ đặc thù, và muốn đạt khai ngộ, thì con phải nhìn thấu và buông bỏ một ảo tưởng nhị nguyên. Làm sao con đạt khai ngộ? À, con cần phơi bày ảo tưởng nhị nguyên để con thấy nó như nó là. Con phơi bày làm sao? Bằng cách con đã được tạo ra để làm, tức là dùng khả năng đồng-sáng tạo của mình để thử nghiệm.  Thượng đế ban cho con quyền tự quyết và quyền thử nghiệm, và cách tốt nhất để học hỏi là làm một thử nghiệm và sau đó lượng định kết quả. Vũ trụ vật chất giản dị là một bộ máy phản hồi tâm linh vĩ đại được thiết kế để cho con một phản hồi khi con làm công việc đồng-sáng tạo bằng cách cho con một trải bày vật lý của những hình tư tưởng mà con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Sự thách thức là con cần khắc phục nỗi sợ thử nghiệm, để con có thể trở về trạng thái tự nhiên – trạng thái thơ ngây của trẻ thơ – trong đó con yêu thử nghiệm. Con thử nghiệm mà không có cảm xúc tiêu cực nào, con chỉ giản dị học hỏi từ mỗi thí nghiệm, bất kể kết quả của nó. Làm sao con phóng chiếu các hình tư tưởng? Con phóng chiếu qua bốn tầng của tâm, có nghĩa là các hình ảnh sẽ bị nội dung của tâm ảnh hưởng. Con giờ đây đã sống nhiều kiếp trong vũ trụ vật chất, và như chúng ta đã thấy, đây là một môi trường đầy nguy hiểm trong đó hầu như không thể tránh bị tâm thức nhị nguyên ảnh hưởng. Do đó con đã mang vào một số niềm tin nhị nguyên, đã bị một số vết thương tâm lý và tích lũy năng lượng tha hóa trong bốn tầng của tâm, và tất cả những cái này sẽ ảnh hưởng những hình ảnh mà con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Mọi khía cạnh của hoàn cảnh vỏ ngoài của con đều là một phản ánh của những hình tư tưởng mà con giữ trong tâm. Tự ngã của con và các thày giả muốn con nhìn tình trạng này theo quan điểm nhị nguyên, đánh giá thành công và thất bại. Nếu con làm điều gì có một hậu quả kém thoải mái thì con đã làm một lỗi lầm, và nếu cuộc đời của con không đạt được một chuẩn mực thế gian nào đó, thì con đã thất bại.

Nhưng sự thực là tất cả những gì xảy ra cho con đều là một cơ hội để con xem xét những hình tư tưởng của mình, khắc phục một ảo tưởng nhị nguyên và chữa lành một vết thương tâm lý. Do đó một hành động thực sự không phải là một lỗi lầm mà là một cơ hội để con bước lên bực kế tiếp của cầu thang hình xoắn ốc. Mỗi hậu quả giúp con phơi bày ảo tưởng nhị nguyên và vết thương tâm lý đã khiến con phóng chiếu một hình ảnh bất toàn lên tấm gương vũ trụ. Và bằng cách quán sát mình một cách cởi mở, con có thể biến mọi hành động – ngay cả những gì thế gian gọi là lỗi lầm – thành một bàn đạp giúp con tiến bộ. Ngay lúc con bỏ lại đằng sau một ảo tưởng nhị nguyên thì Thượng đế tức khắc tha thứ tất cả những gì con đã làm với trạng thái tâm thức đó (con vẫn phải cân bằng nghiệp, là năng lượng tha hóa, nhưng con được tha thứ ngay tức khắc).

Khi con chấp nhận tiến trình này thì con đi vào trạng thái liên tục tự tha thứ mình, trong đó con không coi những lỗi lầm là vấn đề cá nhân của mình. Thày muốn nói gì khi thày nói con không coi mọi việc xoay quanh cá nhân mình? Như thày đã giảng, cái ta biết có nhiệm vụ quy định ý niệm bản sắc của con. Sau khi con rơi vào tâm thức nhị nguyên thì con bắt đầu tạo hình tư tưởng về con người con nghĩ con là, thay vì tạo ý niệm bản sắc dựa trên một trải nghiệm trực tiếp của thực tại neo chặt trong Hiện diện TA LÀ. Hình tư tưởng đó chỉ giản dị là một hình ảnh mà con đã dán lên chính mình, và tuy nó không thực nhưng nó được duy trì bởi niềm tin của con là nó có thực và thường trực. Thí dụ, nếu con phạm một lỗi lầm, thì con có thể rơi vào cạm bẫy nghĩ rằng: “Tôi là một người xấu”, qua đó con dán hình ảnh một người xấu lên trên bản sắc của con, nghĩ rằng nó có thực và thường trực.

Có một khác biệt cơ yếu khi con nói, “Tôi hành động một cách không xây dựng” và “Tôi là một người xấu”. Ta có thể dễ dàng thay đổi một hành động, trong khi ta coi “người xấu” là một sắc thái thường trực. Con có lẽ đã từng nghe khái niệm “phỉ báng tên Thượng đế”. Ấy, tên của Thượng đế là “TA LÀ” (Exodus 3:14), do đó mỗi khi con gán điều gì giới hạn hay tiêu cực sau các từ “Ta là”, thì con đang phỉ báng tên Thượng đế vì con dùng nó để củng cố một hình ảnh tiêu cực về chính mình, một hình ảnh chối bỏ con là một với Thượng đế.

Khi con nhận ra con hơn mọi hình ảnh mà con đã tạo ra trong thế giới nhị nguyên, thì con có thể mau chóng buông bỏ những hình ảnh giới hạn về mình đó. Lúc đó con có thể phát triển thái độ không lên án mình khi con “phạm một lỗi lầm”, vì làm như vậy chỉ củng cố ý niệm là con xấu một cách thường trực. Thay vào đó, con thẳng thắn nhìn vào bài học mà con có thể học và sau đó buông bỏ niềm tin nhị nguyên đằng sau hành động. Chiến thuật của tự ngã và các thày giả là khiến con tin rằng, một khi con đã phạm một lỗi lầm, thì con mãi mãi mang tội và sẽ không bao giờ giải thoát khỏi nó. Nay thày đã cho con thấy là con được giải thoát ngay giây phút con buông bỏ ảo tưởng nhị nguyên đang giới hạn con. Vậy con hãy ra đi và không phạm tội nữa (John 8:11).

Khi con chấp nhận khái niệm tha thứ vô điều kiện thì con sẽ không còn cảm thấy bị đe dọa bởi các lỗi lầm của mình nữa, do đó con có thể sẵn sàng nhìn nhận chúng, học bài học và tiến lên làm chuyện khác. Một khi con đã đi vào tiến trình liên tục tha thứ chính mình, thì con có thể chuyển sang liên tục tha thứ người khác. Con đang cư xử như hiện nay vì con đang ở trên một bực nào đó của cầu thang hình xoắn ốc. Con có một số vết tương tâm lý và một số niềm tin nhị nguyên khiến con đôi khi hành động một cách không tương xứng với các lý tưởng cao nhất của con. Nhưng, thay vì lên án mình đã làm như vậy, con cần tha thứ và tiến lên làm chuyện khác. Chuyện này cũng áp dụng cho những người khác.

Ngay cả những người có vẻ xấu ác nhất chỉ giản dị làm những việc mà họ đang làm vì cá tính vỏ ngoài của họ bị ảnh hưởng bởi những vết thương tâm lý và niềm tin nhị nguyên của họ. Thày muốn nói thật rõ là Thượng đế chưa bao giờ tạo ra bất cứ sinh thể xấu ác nào. Thực sự thì không có người xấu hay ác. Có những bản sắc xấu và ác mà tâm thức nhị nguyên đã tạo ra, và một số người đã chọn lựa mang vào những bản sắc đó. Nhưng những bản sắc đó giống như những bộ y phục mà diễn viên mặc vào trong vở tuồng, và đằng sau mặt ngoài đó là cái ta biết của một người đồng-sáng tạo hay một thiên thần của Thượng đế. Mục đích của cuộc sống trên trái đất là vươn lên trên các bản sắc giả và trở thành người mà con thực sự là. Do đó, con luôn luôn cố gắng giải thoát mình khỏi các bản sắc giả. Lòng tha thứ vô điều kiện đối với chính mình và người khác giải thoát con khỏi cảm giác bị đe dọa. Và một khi con không còn cảm thấy bị người khác đe dọa, thì con có nền tảng để tương tác với họ một cách hoàn toàn mới, không nhị nguyên. Điều này dẫn chúng ta tới một quan niệm rất quan trọng.

***

Con chắc có thấy một nhà ảo thuật lôi một con thỏ ra khỏi một cái mũ mà con tưởng rỗng tuếch. Do đó, ảo thuật dựa trên cái thấy. Tương tự, ta có thể nói là thế giới vật chất là kết quả của một trò ảo thuật, là ảo thuật giữ trong tâm một hình tư tưởng và phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con làm ảo thuật trắng khi con giữ trong tâm một hình ảnh chuyển hóa cuộc sống, và ảo thuật đen khi con giữ một hình ảnh tha hóa cuộc sống.

Nếu con giữ trong tâm một hình tư tưởng giới hạn hay tiêu cực về chính mình và các khả năng của mình, thì con thực sự đang áp dụng ảo thuật đen trên chính mình, và con có thể tạo nghiệp với chính mình khi làm vậy. Giống như vậy, khi con phóng chiếu một hình ảnh tiêu cực lên người khác, thì con có thể giới hạn sự phát triển của người đó, tùy theo mức độ yếu kém của người đó. Nhiều người thực sự đang làm ảo thuật đen lên những người mà họ cho là họ thương yêu nhất, như gia đình thân cận. Họ làm vậy khi họ giữ trong tâm hình ảnh nhị nguyên về những người đó, những hình ảnh dựa trên tình thương vị kỷ tìm cách kiểm soát người khác và khiến họ tuân theo ý kiến và đáp ứng nhu cầu của mình.

Điều thày muốn nói là những người tâm linh trưởng thành cần nhận thức tầm quan trọng của những hình tư tưởng mà họ giữ trong tâm về chính họ và người khác. Không có gì quan trọng hơn điều mà Mẹ Mary đã giải thích trong quyển sách của Mẹ, về giữ niệm tinh khôi. Trong thời gian Mẹ Mary nuôi lớn Giê-su, Mẹ luôn luôn nhìn quá cá tính vỏ ngoài và hành vi của Giê-su, và giữ trong tâm viễn quan về sự hoàn thành sứ vụ tâm linh của Giê-su. Mẹ Mary đã phải làm việc này cho tới lúc cuối cùng, ngay cả khi đứng dưới chân cây thập tự.

Khi con giao tiếp với những người tâm linh khác, con cần khắc phục mọi ý niệm cạnh tranh với người khác. Tất cả các con là phần nối dài của Thượng đế, các con đều là những cá nhân độc đáo, do đó hoàn toàn không có nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau. Một lần nữa, những ai trong các con có khả năng cao nhất nên chú tâm vào việc có tinh thần hợp nhất cao nhất. Trong hợp nhất đó, ghen tỵ và cạnh tranh tan biến đi. Con thấy rõ ràng là chỉ khi nào con nâng người khác lên thì con mới thực sự nâng mình lên. Khi con người bước vào mọi sinh hoạt với tinh thần này, thì những nỗ lực của họ sẽ nhân lên lẫn nhau, và đây là ý nghĩa thật của câu chuyện ẩn dụ về nhân lên các ta-lăng. Chúng ta đã quá nhiều lần thấy các người tâm linh đi vào một sinh hoạt tôn giáo với thái độ bất hài hòa với nhau, và do đó nỗ lực của họ vô hiệu hóa và xóa bỏ lẫn nhau và kết quả là sinh hoạt thất bại hay không đạt được tiềm năng cao nhất. Nhưng khi con người sinh hoạt hài hòa, thì các nỗ lực của mỗi người sẽ nhân lên các nỗ lực khác và tổng thể sẽ hơn – có thể hơn rất nhiều – tổng số các thành phần.

Nhưng con phải làm gì khi một sinh hoạt gồm lẫn lộn nhiều loại người, trong đó có những người đang thật sự đi trên Con đường Hợp nhất, và một số khác vẫn còn đi trên con đường tách biệt? Điều thày đã giảng trong quyển sách này là tất cả mọi sinh hoạt tâm linh hay tôn giáo sẽ thu hút những người bị quáng mắt bởi tâm thức nhị nguyên muốn dùng sinh hoạt để hoàn thành các mục tiêu của tự ngã của họ. Một sinh hoạt có thể thu hút những người bị chìm đắm trong tâm thức sa ngã đến độ họ sử dụng sinh hoạt để đạt quyền lực và kiểm soát, thậm chí những người chỉ đơn giản muốn phá hoại tất cả những gì tích cực và tâm linh. Những người này được gọi là những người phá hoại và họ đồng hóa với một bản sắc sa ngã được tạo ra bởi ý muốn phá hủy tất cả những gì xác nhận thực tại và cái đẹp của Thượng đế.

Thày có thể bảo đảm là nhiều sinh hoạt tâm linh đã bị phá hủy bởi những người tìm cầu quyền lực hay muốn tàn phá, vậy ta làm sao tránh được chuyện này? Ta có thể tránh kết quả này bằng cách tạo một môi trường trong đó ta nói thật rõ ràng là mục đích của cộng đồng là đạt cái duy nhất. Điều này bao gồm sự hợp nhất chiều dọc, qua đó mỗi thành viên cố gắng đạt hợp nhất với cái ta cao của mình, và sự hợp nhất chiều ngang, qua đó tất cả các thành viên cố gắng đạt hợp nhất với các thành viên khác. Khi các thành viên của cộng đồng chấp nhận lời khuyên thôi cá nhân hóa cuộc đời của thày, và ngưng cảm thấy bị đe dọa, thì những thành viên còn mắc kẹt trong nhị nguyên sẽ cảm thấy khó kiểm soát được cộng đồng. Do đó, họ thường bỏ đi, và nếu họ không ra đi thì họ sẽ thấy khó đạt được địa vị quyền lực. Một số trong họ cũng có thể sẽ được chuyển hóa khi giao tiếp với những người ít nhị nguyên hơn. Nếu họ từ chối không chuyển hóa, thì sự từ chối này sẽ nhất thiết đưa tới sự xét xử của họ, và họ có thể mất cơ hội đầu thai trở lại trên trái đất. Do đó, mục tiêu nâng tâm thức của nhân loại sẽ được tiến triển khi cho phép những người đó tham gia vào cộng đồng mà không để họ phá hủy sinh hoạt.

***

Làm sao con giữ niệm tinh khôi? Bằng cách luôn luôn giữ viễn quan là đằng sau mặt ngoài và cá tính là cái ta biết. Cái ta biết đó là một phần nối dài của Thượng đế, và con phải tuyệt đối kính trọng nó – trong người khác cũng như trong chính con. Con luôn luôn nhìn quá hành động và tâm thái cận kề của người khác, và con nhìn thấy tiềm năng tâm linh của người đó. Con hình dung người đó thức tỉnh và bỗng nhiên nhận ra những niềm tin và hành động nhị nguyên của mình, vứt bỏ chúng như con trút bỏ một cái áo choàng nặng chĩu đang ngăn trở động tác của con. 

Nhưng giữ niệm tinh khôi không có nghiã là con mù lòa, vì chỉ có tình thương có điều kiện mới khiến con mù lòa. Khi con thương yêu một người có điều kiện, thì “tình thương” của con do ham muốn thúc đẩy, do đó con từ chối không chịu thấy là người đó có thể không đáp ứng được ham muốn của con. Điều này khiến con mù lòa tâm linh, nhưng khi con không còn cá nhân hóa cuộc đời mình và khắc phục nhu cầu kiểm soát người khác, thì con có cái nhìn tâm linh thấu suốt.

Thày không muốn nói là con không nên để ý đến những điểm bất toàn của người khác. Thày chỉ muốn nói là con nên thấy là những bất toàn này tạm bợ và không bao giờ khẳng định là chúng thường hằng. Con luôn luôn thấy là khi một người cư xử một cách nhị nguyên, thì đó là vì cái ta biết đã nhập vào, đã đồng hóa với một bản sắc nhị nguyên. Con nhận ra rằng khi cái ta biết còn giữ chặt sự đồng hóa đó, thì người đó sẽ cư xử một cách nhị nguyên, và do đó con cần thận trọng. Nhưng con không bao giờ cho phép mình thấy tình trạng này thường trực và phán xét người đó là “người xấu”. Con làm tất cả những gì có thể làm để giúp người đó thấy các niềm tin nhị nguyên của họ, nhưng con làm việc này một cách không dính mắc và đầy tình thương. Con không có phận sự thay đổi người khác mà chỉ cho họ một chọn lựa bằng cách giúp họ thấy có cái gì vượt lên trên nhị nguyên. Do đó, con làm hết sức mình và không dính mắc vào những chọn lựa của người khác.

Khi con thiện nghệ hơn trong việc nhận diện và nhìn thấu suốt các bản sắc nhị nguyên, thì con có thể bắt đầu cư xử với người khác như họ là con người thật của họ, và con nói chuyện với họ mà không xác nhận các bản sắc nhị nguyên của họ. Trong một số trường hợp, làm như vậy cũng đã đủ để người đó vuột ra khỏi sự đồng hóa với bản sắc bên ngoài và nối kết lại với cái ta tâm linh của họ. Con hãy suy ngẫm là có biết bao nhiêu người đã lớn lên với một cá tính nào đó, tỷ dụ như là một người chuyên bắt nạt người khác. Khi các người khác cho phép họ bị người đó bắt nạt, khi họ rút vào bên trong hay chống lại người bắt nạt, thì họ xác nhận hình ảnh mà người bắt nạt có về chính mình. Nhưng khi con từ chối đối xử với người đó giống như người thông thường đối xử với một người chuyên bắt nạt – khi con chìa má bên kia – thì con không xác nhận hình ảnh mà người đó có về chính họ. Và điều này cho người đó một cơ hội – có thể là lần đầu tiên trong đời – bước ra ngoài bản sắc tạm bợ, xem xét nó và tự hỏi: “Đây có phải là con người thật của tôi chăng, hay tôi hơn cái bản sắc này?”

Khi những thành viên trưởng thành nhất của một sinh hoạt tâm linh luôn luôn tìm cách vươn lên trên nhị nguyên và luôn luôn tìm cách đi vào hợp nhất bất nhị với nhau, thì họ có thể tạo một môi trường trong đó nhị nguyên không thể nảy nở, và do đó những người còn bị nhị nguyên làm mù quáng không thể chơi những trò chơi tự ngã. Thí dụ, trong một sinh hoạt tâm linh luôn luôn nói về tự ngã và tâm thức nhị nguyên, ta có thể chờ đợi là tất cả mọi thành viên đều cố gắng khắc phục sự mù quáng của mình. Do đó, không có lý do gì phải cả nể và tránh phơi bày ra ánh sáng khi một thành viên cư xử một cách nhị nguyên. Nhưng con có thể làm việc này mà không có cảm xúc tiêu cực, và như vậy con không cho người đó một cái cớ để phản ứng lại với tình cảm tiêu cực.

Một khuôn nếp quá thông thường là con thấy một bất toàn nơi người khác nhưng không nói gì. Khi người đó tiếp tục cư xử như vậy thì con càng ngày càng thêm bực bội, cho tới khi con không thể giữ trong bụng nữa. Con lúc đó thách thức người đó, nhưng con thách thức với một bùng nổ năng lượng tiêu cực. Người kia phản ứng lại năng lượng tiêu cực của con và cảm thấy con không biết điều, và do đó có thể phớt lờ, phản luận hay chối bỏ thông điệp của con. Nói cách khác, khi con có cảm xúc tiêu cực, thì con cho tự ngã của người kia một cái cớ tuyệt hảo để phớt lờ không nghe sự thực đằng sau hành động và lời nói của con. Qua lối tương tác này, hai bên thường bị lừa vào một vòng xoáy hướng hạ giữa họ, cắt đi sự giao tiếp và nuôi dưỡng xung đột nhị nguyên. Trái lại, nếu con diễn bày các quan sát của mình mà không có dấu vết tiêu cực hay phán xét, thì con không cho tự ngã của người kia một cái cớ để chối bỏ thông điệp của con. Tự ngã lúc nào cũng có thể tìm ra một cái cớ, nhưng con có xác suất lớn hơn nhiều là người kia sẽ thực sự lắng nghe những gì con nói thay vì để cho tự ngã gạt phăng đi.

Con hãy ghi nhớ là con có quyền phát biểu là hành động và lời nói của người khác có tác động ra sao trên con. Nếu con không còn cá nhân hóa cuộc đời mình, con có thể tránh phản ứng bằng cách muốn người kia bị tổn thương. Không cá nhân hóa cuộc đời không có nghĩa là con không có cảm xúc, nhưng nó có nghĩa là con không bị chìm đắm vào cảm xúc và bị nó làm mù quáng. Do đó, con chỉ đơn giản mô tả cảm xúc của mình mà không tìm cách tổn thương người kia. Và khi con không lên án người kia và chỉ giản dị nói lên việc làm của người đó đã ảnh hưởng con ra sao, thì con có xác suất cao hơn đánh động được con người thật của người kia, có thể đang trốn tránh đằng sau một bức tường phòng thủ nhị nguyên.

Lẽ đương nhiên, ta có thể viết cả một quyển sách về cách tương tác với người khác, nhưng điều chính yếu mà thày muốn nói là khi con người không còn cá nhân hóa cuộc đời họ, thì họ cũng không cá nhân hóa mối liên hệ với người khác. Và khi họ không còn cảm thấy bị người khác đe dọa, thì đa số các trò chơi tự ngã tan biến đi. Mục đích chung của một sinh hoạt bất nhị là đem con người vào hợp nhất. Do đó, con có thể liên hệ với người khác với thái độ căn bản muốn đi vào hợp nhất với họ trong tâm Ki-tô, và con có thể chờ đợi là họ cũng đồng ý đi vào hợp nhất với con. Khi con phóng ra thông điệp, “Hãy đi vào hợp nhất với tôi trong Ki-tô”, thì con ít xác suất thu hút những người rất dính mắc vào tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Vì những người đó không hề có ý định từ bỏ những bản sắc tách biệt của họ để đi vào hợp nhất với người khác trong Ki-tô.

***

Trong quyển sách này, thày đã giải thích rõ ràng là có một số sinh thể đã sa ngã từ một cõi cao hơn và vì đã quá đồng hóa với bản sắc sa ngã của họ, nên họ rất khó tách ý niệm bản ngã của họ khỏi tâm thức nhị nguyên. Lẽ tất nhiên, các sinh thể đó lúc nào cũng còn tiềm năng thức tỉnh, và đó là lý do vì sao một số các sinh thể đó vẫn còn được phép đầu thai trên trái đất, và cũng là lý do vì sao họ được phép gia nhập các tổ chức tâm linh nơi họ giao lưu với những người đang chân thành đi trên Con đường Hợp nhất. Tuy nhiên, con cũng nên thực tế và nhận ra là, bất kể con làm gì, có thể con sẽ không thể chuyển hóa những người đó. Do đó, con nên luôn luôn ghi nhớ là con không ở đây để thay đổi hay cứu rỗi người khác. Con ở đây để cống hiến họ một cơ hội để họ tự thay đổi, bằng cách cho họ thấy có cái gì khác tâm thức nhị nguyên. Và có khi, điều duy nhất mà con có thể làm là cho phép họ hành hạ con để bản sắc nhị nguyên của họ phơi bày ra rõ ràng.

Khi con đạt phân biện Ki-tô thì con có thể thấy là một số người hoàn toàn đồng hóa với tâm thức nhị nguyên, và họ thể hiện nó bằng cách kiểm soát người khác và tiêu diệt những ai không chịu bị kiểm soát. Lúc đó con có thể thách thức họ một cách rất thẳng thắn, giống như Giê-su đã làm khi gọi các thày thông giáo và Pha-ri-si là con của ác quỷ (John 8:44). Tuy nhiên, thày gợi ý là khi con chưa đạt được một trình độ tâm thức Ki-tô cao, thì con nên có phương cách tế nhị hơn và không bao giờ gọi một người khác là sa nhân hay thiên thần sa ngã. Tự ngã quá dễ lạm dụng những quan niệm này và gọi bất cứ ai không đồng ý với nó là thiên thần sa ngã. Đây tất nhiên là một hình thức ảo thuật đen sẽ tạo nghiệp cho con.

Thày gợi ý là các người tâm linh tạo một văn hóa trong đó mọi người có thể cởi mở nói về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Qua đó, ta có thể nói một người cư xử một cách nhị nguyên mà không phán xét và gán cho người đó một nhãn hiệu thường trực. Thày gợi ý là con đối xử với mọi người như họ là cái ta biết đang tạm thời bị kẹt trong một ý niệm bản sắc nhị nguyên. Con giữ niệm tinh khôi và làm tất cả những gì con có thể nghĩ để giúp người đó thức tỉnh và nhận ra họ hơn rất nhiều cái bản sắc vỏ ngoài đó. Một lần nữa, con hãy ghi nhớ là kết quả không quan trọng. Con chỉ ở đây để cho người khác một cơ hội chọn lựa. Nếu người đó chọn giữ chặt bản sắc nhị nguyên của họ, thì các thành viên của tổ chức tâm linh có quyền ngăn không cho họ chiếm địa vị quyền lực trong tổ chức. Con cũng có quyền trực diện họ với cơ hội cuối cùng để họ chọn từ bỏ một lối hành xử nhị nguyên – mà con phơi bày thật rõ ràng cho họ thấy – hoặc bị mời ra khỏi sinh hoạt.

***

Như thày có trình bày ở trên, con nên luôn luôn ghi nhớ là tự ngã có khuynh hướng lạm dụng mọi khái niệm. Tự ngã có thể dễ dàng dùng những khái niệm này để phán xét người khác, thậm chí để cảm thấy hơn người khác. Tự ngã cũng có thể dùng chúng để loại trừ những ai không đồng ý với nó bằng cách phán xét họ là thiên thần sa ngã không còn hy vọng cải tạo. Tuy nhiên, đối cực của phán xét (muốn loại trừ một số người) là khuynh hướng có cảm xúc dính mắc vào việc thay đổi hay cứu rỗi một người khác.

Thày có giảng là có nhiều sinh thể trong cõi tâm linh sa ngã vì họ đi theo lãnh đạo của họ. Vì các sinh thể này không tự họ chọn lựa chống lại Thượng đế, họ thường tìm được con đường tâm linh và tương đối dễ dàng bắt đầu vươn lên khỏi nhị nguyên. Tuy thế, điều cuối cùng họ khắc phục thường là sự dính mắc với lãnh đạo của họ. Để có thể khắc phục sự dính mắc đó, họ thường phải đầu thai cùng với người lãnh đạo và chọn lựa buông bỏ một cách có ý thức. Điều này thường đòi hỏi những sinh thể này thấy được là người lãnh đạo bị kẹt trong tâm thức sa ngã và buông bỏ người lãnh đạo một cách có ý thức. Tuy thế, điều này rất khó làm trừ phi con hiểu trọn vẹn điều thày giải thích trong sách. Cho nên, một số người đã tiếp tục đi theo một lãnh đạo từ kiếp này sang kiếp khác mà không có khả năng giải thoát mình và tiến đi bước tiếp.

Cũng có một số sinh thể cho phép mình sa ngã vì họ dính mắc với một sinh thể khác đã sa ngã. Họ không mù quáng đi theo người lãnh đạo nhưng cho phép mình sa ngã vì nghĩ rằng họ có thể cứu vớt sinh thể kia. Một số các sinh thể này nay đã tiến lên những tầng cao của con đường tâm linh, nhưng như thày đã giải thích, quả vị Ki-tô là trở nên tự túc trong tâm linh. Và con không thể nào tự túc được nếu con dính mắc vào bất cứ một sinh thể nào khác. Con phải cho sinh thể kia quyền tự quyết hoàn toàn vì nếu không con như thể đang dùng ảo thuật đen để ép uổng sinh thể kia phải thức tỉnh. Điều thày muốn nói là có sự khác biệt vi tế giữa việc giữ niệm tinh khôi, cho người kia tự do hoàn toàn và việc giữ một viễn kiến dựa trên mong muốn muốn cứu vớt người khác. Một số dòng sống đi xuống từ cõi tâm linh với sứ vụ cứu rỗi và một số trong những người này trong khi hiện thân đã dính mắc muốn cứu vớt một người khác. Ngay cả những người bắt đầu hiện thân trên trái đất và đã tăng trưởng tâm thức, cũng đã phát triển những mối dây ràng buộc như thế. Điều thày muốn nói là sẽ tới điểm trên con đường quả vị Ki-tô khi con phải buông bỏ tất cả những dính mắc đó. Như Giê-su đã nói, những ai yêu cha hay mẹ hay anh chị em nhiều hơn Ki-tô không xứng đáng theo thày – có nghĩa giản dị là con không thể đạt được tự túc tâm linh khi còn dính mắc với người khác (Luke 14:26).

Một khía cạnh khác của việc này là khi con dính mắc tình cảm muốn cứu vớt người khác, thì con giản dị không thể không cá nhân hóa quan hệ của con với họ và do đó con không thể có được quan hệ bất nhị mà thày nói tới. Những người tâm linh trưởng thành nhất phải nỗ lực vượt qua những dính mắc đó để họ có thể cho phép người khác thực thi quyền tự quyết của họ mà không coi cá nhân mình bị tổn thương khi người khác không lấy những chọn lựa mà họ nghĩ người khác nên lấy.

***

Một yếu tố cơ yếu của cách tiếp cận tâm linh bất nhị là tìm cách giao tiếp với nhau vượt lên khuôn khổ của những trò chơi nhị nguyên mà con người thường dùng. Và một phương hướng chính đáng là đặt mọi sự giao tiếp trên lòng nhân từ.

Bên phương Đông, danh tính Maitreya được liên kết với lòng nhân từ (metta), nhưng thày là hiện thân của lòng nhân từ thiêng liêng vô điều kiện. Lòng nhân từ này vượt lên trên các đối cực nhị nguyên. Một khía cạnh là nó vượt lên trên cảm xúc thế phàm như sợ, giận, đổ lỗi hay bất cứ cảm xúc nào khác tìm cách hạ người khác xuống thay vì nâng họ lên. Lớp mười phần trăm bên trên lẽ tự nhiên cần tìm ra một phương cách giao tiếp thoát khỏi những cảm xúc đó và điều này sẽ bắt đầu xảy ra một cách tự nhiên khi con người bắt đầu buông bỏ yếu tố cá nhân trong cuộc sống mình như thày đã mô tả rồi. Sự thật là nhiều người tâm linh ngày nay đã tiến bộ rất nhiều trong việc phát triển một phương cách giao tiếp với nhau không còn những dạng thiếu nhân từ hiển nhiên.

Đáng tiếc thay, nhiều người tâm linh đã rơi vào đối cực nhị nguyên ngược lại như thày đã mô tả ở trước là họ trở nên thụ động. Họ nghĩ rằng nhân từ là không bao giờ thách thức người khác, có nghĩa là mình phải chấp nhận bất cứ gì họ làm. Như thày đã giải thích, làm thế không phải là tình thương thật cũng không phải là lòng nhân từ thật. Lòng nhân từ thật là khi con không muốn người khác bị mắc bẫy trong một ảo tưởng nhị nguyên. Con cho họ mọi cơ hội để trải nghiệm có một chọn lựa khác, có cái gì trên nhị nguyên. Con làm điều này dù nó đòi hỏi con phải rất thẳng thắn và rất cứng rắn khi con thách thức ảo tưởng của tự ngã của họ.

Suy cho cùng, tự ngã có một mục tiêu rõ ràng là không để bị phơi bày, thách thức hay nói ngược lại. Do đó, nó sẽ nói là nếu con thách thức một người khác thì con đang không nhân từ với người đó. Nhưng con chỉ đang “không nhân từ” với tự ngã của họ, trong khi con đang rất mực nhân từ với con người thật của họ. Vì con người thật là cái ta biết và con đang vô cùng nhân từ khi con giúp nó thoát khỏi ngục tù của tự ngã. 

Sự thật là khi con giúp người khác thấy những tin tưởng nhị nguyên của họ, con đang cực kỳ nhân từ với họ. Điều này đặc biệt đúng với những người bị quá kẹt trong nhị nguyên đến độ họ hành động một cách xấu ác vì họ không thấy được họ đang hành động như thế hay vì họ không hề quan tâm. Những người đó sẽ có khuynh hướng chống lại sự thách thức của con, thường là một cách hung hãn và điều này khiến nhiều người tâm linh rút lui và buông xuôi. Tuy nhiên những ai thật sự có tình thương và lòng nhân từ vô điều kiện sẽ tiếp tục thách thức nhị nguyên mà không dính mắc vào phản ứng của người khác.

***

Con cần minh định thật rõ là con có quyền là nhân chứng cho sự thật mà con thấy, ngay cả khi cần phơi bày và thách thức niềm tin nhị nguyên của người khác. Con có quyền là Ki-tô trên trái đất bất kể số người bị tự ngã làm mù quáng nói ngược lại với con. Con cần làm điều này mà không chế thêm dầu vào ngọn lửa tranh chấp nhị nguyên và do đó con phải hành động mà không có chút tính cá nhân nào. Con phải cố gắng không để mình bị lôi kéo vào phản ứng nhị nguyên cho dù người khác phản ứng một cách nhị nguyên.

Lúc nào cũng có hai phản ứng nhị nguyên, một là phản ứng với cảm xúc tiêu cực, hai là rút lui và im lặng. Con phải bỏ cả hai phản ứng này. Tùy xem người kia bị vướng mắc sâu như thế nào trong nghị nguyên con sẽ làm điều gì có khả năng cao nhất để vực người đó ra khỏi ảo tưởng. Với một số người con sẽ thành công nếu con rất dịu dàng và cảm thông. Với một số người khác có thể cách hay nhất là con rất hứng khởi và tạo nhiều cảm hứng cho họ, trong khi với một số người khác nữa thì con lại cần hành động một cách rất thẳng thắn nhưng không bị xúc cảm chi phối.

Một khía cạnh của việc thức tỉnh người khác là tự ngã của họ đã dựng lên một bức tường kiên cố chung quanh tâm của họ, và con phải tìm được cách đâm thủng bức tường để chạm tới cái ta biết ở bên trong. Cái ta biết này giống như nàng công chúa trong câu truyện thần thoại người đẹp ngủ trong rừng. Công chúa bị bà mẹ ghẻ xấu ác tức là tự ngã làm mê ngủ và giờ đây cô mê ngủ đằng sau lớp lớp bụi gai – là những ảo tưởng nhị nguyên và vết thương tâm lý. Điều thày muốn nói là thường khi cái ta biết tự đồng hóa sâu đậm với bản sắc nhị nguyên đến độ nó không thể đánh thức nó ra khỏi cơn mê ngủ. Do đó, con phải tìm ra phương cách đâm thủng các hàng rào phòng thủ để chạm tới cái ta biết và giúp nó thấy được là có một chọn lựa khác nhị nguyên.

Dù đây là một vấn đề cá nhân, thày phải nói với con rằng đối với nhiều người mắc kẹt trong nhị nguyên, cách duy nhất để con chạm tới họ là con phải rất thẳng thắn và hoàn toàn không nhượng bộ. Thật vậy con phải đứng trên tảng đá Ki-tô theo đúng nghĩa đen của nó và không cho phép những người này lay chuyển con. Nhiều người kẹt cứng trong trò chơi tự ngã muốn kiểm soát người khác đến độ trong vô thức của họ, họ sẽ tìm cách kiểm soát con khi con thách thức họ. Nếu con nhượng bộ họ để họ kiểm soát con vì con nghĩ rằng con phải có lòng nhân từ, con chỉ củng cố thêm niềm tin của họ vào các tin tưởng của tự ngã. Ví dụ như trường hợp những người mắc kẹt trong tinh thần tự cao, khi con nhượng bộ họ con đương nhiên củng cố ảo ưởng là họ cao cấp hơn con.

Cách duy nhất để giải thoát người khác là thách thức họ và tiếp tục làm thế mà không bao giờ để họ bịt miệng mình. Con phải chống lại những nỗ lực bịt miệng của họ nhưng con không đấu tranh nhị nguyên với họ. Con làm như thế bằng cách con không bao giờ tìm cách chứng minh họ sai nhưng con chỉ giản dị nói lên sự thật của con, nói đi nói lại nhiều lần nếu cần thiết. Đây quả thực là cách duy nhất chạm tới được những người hoàn toàn bị mắc kẹt trong tự ngã của họ, và đó là lý do vì sao Giê-su đã rất cứng rắn chống lại những thày thông giáo và Pha-ri-si. Làm như thế sẽ luôn thành công chăng? Chắc chắn là không, và đó là lý do tại sao con phải minh định rõ là con không làm thế để thay đổi người khác nhưng để cho họ có cơ hội chọn lựa thay đổi. Do đó, khi con cho họ cơ hội này, nỗ lực của con đã là thành công – bất kể người khác đáp ứng ra sao.  

Đối với những người ít mắc kẹt trong tự ngã, có khi con chỉ cần khôn khéo hơn tự ngã của họ, làm cho nó bị ngỡ ngàng khi con đáp ứng một cách bất nhị. Tự ngã rất giỏi dùng lô-gíc nhị nguyên để chống trả mọi thách thức và biện minh cho niềm tin và hành động của nó. Con thật sự không bao giờ thắng được tự ngã khi dùng trí năng để phân tích và suy nghĩ. Con sẽ không bao giờ thắng được một cuộc tranh cãi nhị nguyên và khi sự tương tác của con với một người khác nằm trong khuôn khổ nhị nguyên thì mục đích tâm linh đã bị mất. Cho nên con phải vượt lên trên suy nghĩ nhị nguyên và dùng một dạng lô-gíc bất nhị. Đó là lý do tại sao một số vị thày tâm linh dạy bằng công án, là các câu đố mà người học trò không thể hiểu được bằng trí phân tích.

Thường khi con có thể giúp người khác khi con đưa ra những công án liên quan đến đời sống thực. Điều này có nghĩa là con phải đặt những câu hỏi giúp họ nhìn chính họ và cuộc sống của họ một cách mới lạ, vượt lên trên cách suy nghĩ cố hữu của họ. Khi con đã bắt đầu đạt được phân biện Ki-tô và một sự hiểu biết vững chắc về sự khác biệt giữa nhị nguyên và bất nhị, thì điều này không khó làm. Khi con gỡ cái đà khỏi mắt mình, thì con sẽ thấy rõ ràng cách giúp người khác khắc phục ảo tưởng của họ. Nhị nguyên luôn luôn có hai đối cực, có nghĩa là không có một quan điểm nhị nguyên nào tự nó độc lập, lô-gíc và nhất quán. Khi một tin tưởng nhị nguyên bị đẩy tới mức tột cùng lô-gíc thì những khiếm khuyết của nó sẽ bị phơi bày ra.

Sau hết, có một số người đã bắt đầu vượt lên trên nhị nguyên, và con có thể giúp họ bằng cách cho họ thêm cảm hứng. Tuy thế nhiều người trong nhóm này lại bị rơi vào một trạng thái tuyệt vọng và trầm cảm. Họ thường cảm thấy cuộc sống trên thế gian này tệ hại đến độ họ không thiết có mặt ở đây nữa. Để thức tỉnh họ, con cần vững chắc trong sự lạc quan và chống lại hàng triệu lý cớ của họ bằng nhiệt tâm trùm khắp. Những người này thường không làm điều gì xấu cần phải phơi bày. Vấn đề của họ là họ không làm gì cả và giúp họ thoát ra khỏi trạng thái tê liệt tâm linh này là cả một sự khó khăn. Nhiều người sẽ hiểu và đồng ý với mọi điều mà con nói về con đường tâm linh nhưng họ không muốn làm gì hết với các điều này. Cho nên, con cần thật cứng rắn và kiên trì để vực họ ra khỏi sự thụ động đó. Đó là lý do tại sao Giê-su nói giúp những người nóng hay lạnh dễ hơn là giúp những người âm ấm (Khải huyền 3:15-16).

Quả thực con có thể tạo ra một môi trường trong đó mọi người có thể trao đổi một cách cởi mở và tự do về tự ngã và các lề thói của nó khiến nó khó lẩn trốn và che dấu các trò chơi của nó. Và khi một môi trường như thế đã được vài người thiết lập, nó có thể là chất xúc tác để lan truyền tới các tổ chức tâm linh rộng lớn hơn. Rốt cuộc, toàn bộ giọng điệu thảo luận tôn giáo toàn cầu có thể thay đổi và đặt căn bản trên lòng nhân từ thật sự – một lòng nhân từ đầy thương yêu nhưng không bao giờ chấp nhận bất cứ điều kiện nào cho phép tự ngã ẩn núp.

***

Khi con có một nhóm người quyết tâm theo Con Đường Hợp nhất và đang trong tiến trình thôi cá nhân hóa cuộc đời họ, thì con có thể tạo ra cái mà nhiều người tâm linh ao ước và Đại đoàn Thăng thiên muốn thể hiện trên trái đất, đó chính là một cộng đồng tâm linh thật sự. Nhiều người bị thu hút bởi các phong trào tâm linh và tôn giáo chính thực là vì họ mong ước có được một cộng đồng tâm linh như cộng đồng đang hiện hữu trên cõi tâm linh mà họ còn giữ được trong ký ức nội tâm. Cộng đồng nghĩa là “đến với nhau trong hợp nhất” và điều này lẽ tất nhiên chỉ đạt được khi thành viên là những cá nhân đi theo Con Đường Hợp nhất. Chỉ khi con đạt được một mức độ hợp nhất với cội nguồn của con, với cái ta cao của con, thì con mới có thể đạt được hợp nhất với người khác.

Nhưng thày phải nói với con rằng, giống như với mọi thứ khác, tâm nhị nguyên có thể hủ hóa khái niệm cộng đồng và tạo ra một ao ước cộng đồng giả. Trong quá nhiều trường hợp, các phong trào tâm linh hay tôn giáo đã thị hiện một cộng đồng giả trong đó những người lãnh đạo tạo nên một đẳng cấp nắm quyền tuyệt đối và các thành viên khác chỉ nhắm mắt đi theo. Đây là sự trải bày của sự vận hành tương tác mà thày đã mô tả ở phần trước, giữa những người muốn được cao hơn người khác và những người không muốn lấy quyết định. Đáng tiếc thay, các cộng đồng tôn giáo đã thường trở thành nơi cư trú cho hai loại người này khiến cộng đồng bị suy mòn bởi các trò chơi quyền lực và biểu hiện khác của tự ngã.

Một cộng đồng như thế thường trở nên càng ngày càng cứng nhắc và chú trọng vào các quy luật vỏ ngoài. Nó tạo ra một hình tư tưởng về người thành viên lý tưởng và ép buộc mọi người chui vào khuôn mẫu đó. Hậu quả là những người tầm đạo trưởng thành hơn cảm thấy họ phải mặc một chiếc áo tù khóa tay để có thể hòa đồng với tập thể, và họ quyết định rút lui. Như thày đã nói, hợp nhất không có nghĩa là giống nhau. Con không giúp người khác phát triển tâm linh bằng cách ép họ phải loại bỏ cá tính của họ. Con giúp họ bằng cách giúp họ chạm tới cái ta cao của họ và cho phép họ biểu hiện cá tính thiêng liêng của họ.

Có một ước mơ phổ biến nơi một số người tâm linh về một sự cứu rỗi tập thể mà con được hưởng bằng cách giản dị làm thành viên của một cộng đồng vỏ ngoài và tuân thủ những quy luật của nó. Dù được ngụy trang khéo léo thế nào chăng nữa, đây giản dị chỉ là giấc mơ không thiết thực của tự ngã về một cứu rỗi tự động trong đó Thượng đế phải chấp nhận tự ngã khi nó đáp ứng một số điều kiện thế gian. Như thày đã giảng trong sách này, Con đường Hợp nhất là con đường cá thể. Tuy thế, khi con bắt đầu khám phá cá tính tâm linh của mình, thì con sẽ không cảm thấy bị đe dọa khi con ở trong một cộng đồng và làm việc với người khác.

Thời Bảo bình là thời đại của cộng đồng, và đã đến lúc con vượt lên trên hình ảnh của người tâm linh đi độc hành độc bộ hay ngồi đơn độc trong hang núi. Quả thực thách đố của thời đại này là những người tâm linh hiện thân và biểu hiện cá tính của họ trong lúc cùng làm việc trong cộng đồng. Thày có thể khẳng định với con là trong cõi tâm linh các thày đều là những cá thể, nhưng các thày đều làm việc với nhau trong tinh thần cộng đồng chân chính. Lý do là vì các thày đã khắc phục mọi biểu hiện của tự ngã, kể cả ý muốn vi tế muốn tách mình ra khỏi người khác đã khiến một số người tâm linh tìm nơi vắng vẻ cô đơn. Có hai lý do chính khiến người đi tìm tâm linh cần một cộng đồng:

  • Thực tế giản dị là – như thày đã tìm cách giải thích nhiều lần – con sẽ không thị hiện quả vị Ki-tô trọn vẹn trừ khi con giúp những người khác và điều này hiển nhiên phải xảy ra trong một môi trường cộng đồng.
  • Con cần những người khác để giúp con thấy điều con không thể thấy từ bên trong hộp định kiến của chính mình. Hiển nhiên, khi con tương tác với những người đang nỗ lực đi trên Con đường Hợp nhất, thì các con có thể giúp lẫn nhau khắc phục nhị nguyên.

***

Một khuôn mẫu cho một cộng đồng tâm linh là cộng đồng mà Phật và Giê-su đã thiết lập, nhưng trong thời Bảo bình con cần tiến thêm một bước nữa. Cả Giê-su lẫn Phật đều ở mức chứng đạt rất cao so với các môn đồ và do đó hai thày ở vị thế lãnh đạo hiển nhiên. Hai thày cư xử như những vị thày và tất cả các thành viên khác là đệ tử. Trong thời đại này, có nhiều người hơn tới gần mức biểu hiện quả vị Ki-tô, và các thày không muốn những người này thành lập những nhóm đệ tử nho nhỏ hoạt động độc lập với nhau. Trên cõi tâm linh, các thày đều đã đạt quả vị Ki-tô và đều làm việc chung với nhau, và mô hình này cần được lập lại trên trái đất. Để chuyện này có thể xảy ra được, một cộng đồng cần được tạo ra trong đó nhiều người có quả vị Ki-tô cao có thể chia sẻ vai trò lãnh đạo và hướng dẫn.

Quả thực, một cộng đồng lý tưởng sẽ nhận ra chân lý trong lời của Giê-su nói rằng tự mình không làm được gì cả (John 5:30) nhưng chính là đấng Cha trong thày làm hết mọi việc (John 14:10). Do đó, thành viên của một cộng đồng tâm linh chân chính – ngay cả những người tâm linh tiên tiến nhất (hay đúng hơn, đặc biệt là những người tâm linh tiên tiến nhất) – biết là tự mình họ, họ không làm được gì cả. Chính đấng Thánh thần làm mọi việc qua các cá nhân, và đấng Thánh thần thổi nơi nào ngài muốn (John 3:8).

Trong một hoàn cảnh, đấng Thánh thần sẽ đưa ra một ý qua trung gian một người và trong hoàn cảnh khác, đấng Thánh thần có thể dùng một người khác. Nói cách khác, thay vì theo khuôn mẫu cũ của thời đại trước với một nhóm lãnh đạo cố định không được thay thế hay thách thức, thì một cộng đồng Bảo bình xem đấng Thánh thần là lực lãnh đạo chân chính, và họ cho phép đấng Thánh thần dùng bất cứ ai cho mỗi công tác cá biệt. Như thế trường hợp lý tưởng là có một nhóm người trong cộng đồng đủ trưởng thành về tâm linh để làm dụng cụ cho đấng Thánh thần và họ có thể bước vào và bước ra vai trò lãnh đạo tùy theo sự hướng dẫn đến từ trên.

Tuy thế một cộng đồng như vậy phải nhìn nhận rằng đấng Thánh thần có thể dùng bất cứ ai và như một vị thày tâm linh thường thích nói, “Nếu vị thày là một con kiến, hãy nghe lời nó.” Nói cách khác, một cộng đồng chân chính phải nhìn nhận rằng chức vụ trong một tổ chức vỏ ngoài không bao giờ được che phủ sự lãnh đạo chân chính của đấng Thánh thần. Cho nên, nếu đấng Thánh thần dùng một người có vẻ không quan trọng để mang lại một ý mới, ý này phải được dùng.  Không cần mất thì giờ trơi chò trơi tự ngã cổ hủ cho rằng một ý kiến chỉ có giá trị khi nó được trình bày và được chấp nhận bởi một “người quan trọng.”

Lẽ tất nhiên, một cộng đồng như thế phải dựa trên phân biện Ki-tô cho nên tự ngã con người, sa nhân và thần linh giả không thể lấn chiếm. Cho dù đấng Thánh thần có thể dùng bất cứ ai, nhưng không phải bất cứ điều gì có vẻ tâm linh đều đến từ đấng Thánh thần duy nhất. Nó có thể đến từ vô số phàm linh nhị nguyên.

Tại sao có nhiều cộng đồng tâm linh thất bại hay trở nên cứng nhắc? Như thày đã đề cập ở trước, đó là vì khi nó lớn tới một mức nào đó, thì nó sẽ thu hút những người bị mù quáng trong sự tìm cầu quyền lực và kiểm soát nhị nguyên. Từ đó lãnh đạo thế phàm khởi lên và thay thế lãnh đạo của đấng Thánh thần. Một cộng đồng tâm linh chân chính nhận ra rằng trách nhiệm cơ bản của mình là thiết lập và duy trì sự nối kết trực tiếp với cõi tâm linh và Đại đoàn Thăng thiên. Do đó, một cộng đồng như thế trở thành một tiền đồn của Đại đoàn Thăng thiên và các thày là những vị lãnh đạo thật. Cộng đồng không cho phép sự khởi sinh của một nhóm lãnh đạo bị mù quáng bởi nhị nguyên nhưng cộng đồng cho phép Đại đoàn Thăng thiên lãnh đạo qua trung gian của đấng Thánh thần.

***

Thày có thể giảng nhiều hơn về đề tài thiết lập một cộng đồng tâm linh, nhưng thày quả thật đã trao truyền đủ cho những ai có tai để nghe và mắt để thấy. Thày không có ý định dùng quyển sách này để đem lại một bộ luật về việc thiết lập một cộng đồng tâm linh. Điều này chỉ dẫn tới việc tạo nên một cấu trúc cứng nhắc buộc con người tuân theo luật lệ vỏ ngoài và dẹp bỏ cá nhân tính.

Mục đích của vũ trụ vật chất là cho những người đồng-sáng tạo của Thượng đế và các dòng sống khác cơ hội sử dụng khả năng đồng-sáng tạo của họ và nhận phản hồi qua hoàn cảnh vật lý và qua các sinh thể khác. Khi các sinh thể tăng triển tâm Ki-tô thì hành động của họ thẳng hàng với mục tiêu của đấng Sáng tạo một cách tự phát, và điều này cũng khiến họ đi vào hợp nhất với các sinh thể khác. Nhiều sinh thể vẫn còn đang thí nghiệm với việc biểu hiện khả năng và quy định bản sắc của mình, do đó chuyện tự nhiên là họ không có nhiều khả năng cộng tác với người khác. Nhưng những sinh thể trưởng thành nhất đã bắt đầu nhận ra họ là ai – là các phần cá biệt của một Sinh thể lớn hơn – và như vậy đã có thể bắt đầu biểu hiện khả năng sáng tạo trong khuôn khổ rộng lớn hơn của viễn quan và mục tiêu của đấng Sáng tạo. Khi ta hiểu điều này một cách đúng đắn, thì ta sẽ không thấy điều này giới hạn nỗ lực sáng tạo của mình, và đòi hỏi mình dẹp bỏ cá nhân tính.

Chỉ tâm thức nhị nguyên mới vẽ vời như thể đây là sự va chạm giữa cá tính con người. Sự thực là cá tính tâm linh của con được quy định bởi các sinh thể tâm linh có khả năng quy định hàng tỷ cá tính mà không tạo ra xung đột nào. Vì sao các thày sinh hoạt hài hòa trên cõi tâm linh? Bởi vì các thày đã hợp nhất với cá tính thiêng liêng của mình, và qua đó các thày bổ túc lẫn nhau một cách tự nhiên và không cố gắng. Cá tính của các thày không xóa bỏ hay đối chọi cá tính của người khác. Các cá tính phóng đại nhau lên và do đó các thày có thể sáng tạo rất nhiều hơn khi làm việc chung thay vì hành động riêng lẻ. Các thày không cảm thấy đây là một sự phiền toái hay hy sinh, vì các thày hoàn toàn vui sướng khi thấy các biểu lộ cá tính người khác, và các thày rất hân hoan khi cùng nhau sáng tạo. Khía cạnh Alpha của việc đồng-sáng tạo là con đồng-sáng tạo trong sự hài hòa với cái ta cao của con. Khía cạnh Omega là con đồng-sáng tạo trong sự hài hòa với các huynh đệ tâm linh, mà con cảm thấy đang cùng ở trong hợp nhất.

Việc đi vào hợp nhất trên trái đất là nền tảng xây dựng dòng chảy hình số tám chân chính giữa cõi tâm linh và cõi vật chất. Các con ở dưới này có thể hình thành cực Omega cho cực Alpha của Đại đoàn Thăng thiên. Và chỉ khi nào một số lượng tới hạn con người kết hợp trong tình đoàn kết tâm linh thực sự, thì vương quốc Thượng đế mới thị hiện trên trái đất vật lý. Vì sao con nghĩ Giê-su nói: Một lần nữa, ta nói với các con, nếu hai người trong các con trên trái đất đồng ý những gì họ cầu xin, thì họ sẽ nhận được từ Cha ta trên thiên đàng. (Matthew 19:19)?

Vũ trụ vật chất không được tạo ra để một sinh thể có thể nâng mình lên vị trí cao hơn tất cả người khác – dù một số sa nhân có vẻ nghĩ như vậy. Vũ trụ vật chất chỉ trở thành vương quốc Thượng đế khi một số lượng tới hạn con người họp nhau lại trong tinh thần đoàn kết tâm linh thật sự. Câu trích lời Giê-su trong đoạn trước cũng không mô tả toàn bộ vấn đề, vì cụm từ “hai người trong các con” không chỉ giản dị chỉ hai người. Cụm từ đó ám chỉ con người – mỗi cá nhân cũng như là như tập thể – khắc phục ảo tưởng nhị nguyên để đạt được điều mà Giê-su mô tả trong một đoạn trích khác: Ánh sáng của thân thể là con mắt: do đó khi con mắt của con là một, thì toàn thân thể tràn đầy ánh sáng; nhưng khi con mắt ác độc, thì thân thể của con đầy bóng tối. (Luke 11:34)

Khi viễn quan của nhân loại vẫn còn bị phân chia bởi ảo tưởng nhị nguyên, thì toàn hành tinh sẽ đầy bóng tối. Nhưng khi thành phần mười phần trăm phía trên tập họp cùng nhau với một viễn quan duy nhất – viễn quan của Ki-tô – và quyết tâm hợp nhất, thì cộng đồng của họ – rốt cuộc sẽ bao gồm toàn hành tinh – sẽ tràn đầy ánh sáng. Do đó, việc thành lập một cộng đồng tâm linh chân chính vượt thăng mọi biên giới và phân chia nhị nguyên, là công việc quan trọng nhất mà nhóm mười phần trăm phía trên có thể làm được trong thời đại này. Do đó, thày nói với con: “Con hãy đi vào hợp nhất với ta trong Ki-tô” và sau đó đi vào hợp nhất giữa các con.

***

Thày biết là có nhiều người cảm thấy là thày đã trình bày quá nhiều thông tin khiến các con choáng ngợp. Thày cũng biết là có một số người cảm thấy thày chưa trao đủ thông tin. Nhiều người sẽ cảm thấy tinh thần trách nhiệm cao độ trong việc tăng trưởng chính mình và giúp đỡ người khác, thậm chí nâng toàn hành tinh vào vương quốc Thượng đế. Nhiều người trong số các người có tinh thần trách nhiệm nhất sẽ cảm thấy mong muốn thành công, và họ mong muốn nhận được hướng dẫn rõ ràng hơn những gì thày đã trao truyền.

Thày hiểu ước muốn đó, nhưng thày muốn con nhìn quá nó. Thày không có mục đích qua quyển sách này dạy các con làm mọi việc. Tại sao vậy? Bởi vì thày không muốn phát hành một quyển sách – giống như những gì đã xảy ra quá bao lần với các kinh điển tôn giáo – sẽ thay thế tâm Ki-tô của con. Thày không có ý định cho con một cái cớ để tuân theo luật lệ vỏ ngoài thay vì đi tìm hợp nhất với cái ta cao của con. Mục đích của thày là thức tỉnh con để con đi Con đường Hợp nhất, và cho con đủ chỉ dẫn để con neo chặt mình vào con đường quả vị Ki-tô chân chính.

Con hãy ghi nhận những gì thày đã giảng ở trên, là quả vị Ki-tô có nghĩa con trở nên tự lực tâm linh. Điều này có nghĩa con không cần một quyển sách hay một đạo sư bên ngoài để dạy con phải làm gì và làm cách nào. Con nhận những hướng dẫn đó từ bên trong, từ cái ta cao của con. Do đó, mọi việc con làm trở nên sự biểu lộ chân thật của con người con là, tức là một cá nhân độc đáo mà Thượng đế đã tạo ra và cá nhân độc đáo mà con đã đồng-sáng tạo dựa trên nền móng thiêng liêng của con.

Thày không muốn biến con thành một con trừu mù quáng đi theo thày. Ước muốn của thày là thấy con biểu lộ sự tròn đầy của quả vị Ki-tô cá biệt, độc đáo của con, qua đó con có thể biểu hiện – dưới này – sự tròn đầy mà con là trên kia. Do đó, thày không thể nói cho con biết con phải là Ki-tô như thế nào. Vì khi con là Ki-tô, thì con sẽ ngưng hành động qua bản sắc nhị nguyên được tạo ra trong thế giới này. Con lúc đó chỉ hành động xuyên qua bản sắc trọn vẹn của con, là sự kết hợp toàn hảo giữa bản sắc Alpha, được neo chặt trong Hiện diện TA LÀ, và bản sắc Omega ở bên trên mọi sắc thái nhị nguyên. Do đó, con có thể thật sự nói “Ta và Cha ta là một” và “Cha ta làm việc và ta làm việc”.

Sự thách đố của quả vị Ki-tô là không có tiêu chuẩn nào trong việc là Ki-tô – và đây là một điều tự ngã không thể hiểu và chấp nhận. Do đó, những ai vẫn còn mắc kẹt trong nhị nguyên sẽ muốn thày định ra luật lệ, để họ cảm thấy, khi họ theo sát các luật lệ này, thì họ sẽ là Ki-tô. Quả vị Ki-tô là cá tính tuyệt đối, nhưng cá tính đó hài hòa với tổng thể. Do đó, quả vị Ki-tô chân chính cần được biểu lộ qua việc giúp đỡ người khác, nâng cao tổng thể. Như thày có giảng, chính việc từ chối khai ngộ này đã khiến một số sinh thể sa ngã, và kết quả là trái đất đã đi vào một vòng xoáy hướng hạ. Do đó, để khắc phục sự sa ngã, một số lượng tới hạn con người cần đạt được khai ngộ này và khoác vào quả vị Ki-tô trọn vẹn trong khi vẫn đi trên trái đất trong thân thể vật lý.

Khi con bị mắc kẹt trong nhị nguyên, thì con làm một số việc vì con có một hình tư tưởng khiến con nghĩ con phải làm việc này hay việc kia. Con làm vậy để tránh bị trừng phạt hay để nhận một phần thưởng – con hành động để nhận một phản ứng. Quả vị Ki-tô có nghĩa là con buông bỏ mọi hình tư tưởng nhị nguyên về chính mình, về con là ai và con phải cư xử như thế nào. Thay vào đó, con làm việc con làm như một biểu hiện của con người con là – là cá tính thiêng liêng của con và bản sắc Ki-tô của con. Con không còn hành động vì tương quan trừng phạt-phần thưởng nhị nguyên nhưng con hành động vì tình thương thuần khiết muốn biểu hiện con người của con và để phụng sự tất cả. Con lúc đó tôn thờ Thượng đế trong tâm linh và sự thực thay vì nhảy múa quanh con bê vàng của bản sắc nhị nguyên. Con không còn một hình tư tưởng giữa cái ta cao và cái ta thấp của con, nhưng để cho bản sắc Alpha biểu hiện tự do xuyên qua bản sắc Omega. Do đó, hai khía cạnh Alpha và Omega của con người con đã họp nhau trong sự hài hòa toàn hảo, điểm khởi đầu và điểm chấm dứt đã nhập một trong HIỆN TẠI vĩnh cửu.

15 | Tha thứ vô điều kiện và niềm vui 

Bài truyền đọc của Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 26 tháng 11 năm 2006 

15.1. Động lực thăng tiến cơ bản của cuộc sống 

Con yêu dấu, nếu chuông điện thoại của con reo, con có nhấc máy lên nghe không? Khi con nhấc máy lên, con có nghe đủ lâu để ít nhất nhận biết rằng liệu người ở đầu dây bên kia có cho con biết một thông tin quan trọng hay họ đơn giản chỉ đang cố bán cho con một món hàng. Nếu con thật sự nhận ra người gọi cho con một thông điệp thì con có hết sức lắng nghe thông điệp đó và hiểu nó nói gì không? Chắc chắn rằng, con sẽ dành cho cái điện thoại và người gọi đến một sự tôn trọng nào đó. Vì vậy, thày muốn hỏi con: “Tại sao con lại không dành cho chính cuộc sống sự tôn trọng như vậy?”

À con yêu dấu, con sẽ trả lời rằng con chắc chắn tôn trọng cuộc sống, nhưng thày cũng xin hỏi con điều này có thật không. Con thấy không, bản thân cuộc sống cũng như một cái điện thoại. Mọi hoàn cảnh con gặp phải cũng giống như các cuộc gọi từ chính cuộc sống. Nhưng, có quá nhiều hoàn cảnh trong đời mà con không nhấc điện thoại lên để nghe xem hoàn cảnh đó có phải là một thông điệp quan trọng cho con không, một thông điệp có thể giúp con thăng vượt chính mình – hay thăng vượt giới hạn nào đó – để con có thể tự do và trở nên hơn nữa trong Dòng sông sự Sống. 

15.2. Tại sao con cứ gặp đi gặp lại cùng một vấn đề 

Hầu hết mọi người bị bịt mắt khi sống trong đời. Họ ngái ngủ, nửa tỉnh nửa mê với những gì đang diễn ra. Họ không nhận ra cuộc sống là một chuỗi những hoàn cảnh liên tục và mỗi hoàn cảnh đều mang một thông điệp giúp họ lên cao hơn và vượt qua những tin tưởng sai lầm, những nhận thức sai lầm đang giới hạn họ và giới hạn khả năng biểu hiện sự sống qua họ. Rất nhiều người trong các con gặp phải các hoàn cảnh xảy ra nhiều lần trong đời. Con thường gào lên: “Tại sao việc này cứ xảy đến với tôi? Tại sao Thượng đế cứ làm điều này với tôi? Tại sao người khác cứ làm điều này với tôi? Tại sao số phận hay may rủi cứ xảy đến với tôi?” Nhưng con lại không dành thời gian quay lại và nói: “Tại sao tôi làm điều này với chính mình?”. 

Mỗi một hoàn cảnh trong đời giống như một cuộc gọi điện thoại, và cuộc gọi đó gói ghém một thông điệp. Nhưng con thường không màng nhấc điện thoại lên để nghe thông điệp đó. Thậm chí những người nhấc điện thoại lên – những người quả thật cho rằng có lẽ họ cần học một điều gì đó từ những hoàn cảnh này – cũng thường không thật sự lắng nghe thông điệp đằng sau cuộc gọi. Họ không thật sự lắng nghe bằng tai nội tâm để cố gắng hiểu thông điệp, cố gắng hiểu cái mà họ không thể thấy bằng tâm vỏ ngoài. 

Họ lắng nghe thông điệp, họ đánh giá với tâm vỏ ngoài. Vì vậy, họ không thấy thông điệp, họ không nghe thông điệp, vì tâm vỏ ngoài không thấu hiểu được thông điệp đó. Nếu tâm vỏ ngoài của con đã hiểu được thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con, thì tại sao cuộc sống cứ phải mất công gọi điện cho con bằng cách khiến con cứ phải trải nghiệm nhiều lần cùng một hoàn cảnh? 

15.3. Cuộc đời không trừng phạt con 

Cuộc đời đang cố trừng phạt con là một nhận thức hoàn toàn sai lầm của tâm thức con người và tự ngã. Thày có thể bảo đảm với con là chính cuộc sống – và cuộc sống do Thượng đế tạo ra, vì vậy chính Thượng đế – cũng không mong muốn trừng phạt con. Đây là quy luật tuyệt đối: một khi con đã học xong bài học mà con cần học từ một hoàn cảnh cụ thể thì con sẽ không gặp phải hoàn cảnh đó nữa. 

Khi con cứ gặp phải cùng một hoàn cảnh nhiều lần, đó là bởi vì con chưa học xong bài học. Đó là lý do vì sao cuộc sống cứ gọi và cho con nhiều lần cùng một hoàn cảnh để con có thêm các cơ hội – và thêm thêm nữa – học xong bài học. 

Con yêu dấu, thay vì cằn nhằn, thay vì than vãn tại sao chuyện này cứ xảy ra với con hết lần này đến lần khác, thày đề nghị con làm một việc đơn giản: Hãy nhấc điện thoại và lắng nghe thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con. Sau đó hãy học bài học. Hãy giải quyết những tin tưởng mà con cần giải quyết để con bước lên cao hơn. Thày có thể đảm bảo với con – như thể bằng phép thuật – con sẽ không gặp phải hoàn cảnh đó lần nữa. 

Cuộc sống không quá phức tạp. Cuộc sống thật sự rất rất đơn giản. Thông điệp bên dưới mỗi hoàn cảnh con gặp phải trong cuộc đời giản dị là: “Vũ trụ vật chất là một tấm gương”. Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lấy những hình tướng tương ứng với những gì có trong tâm thức con. Chính trạng thái tâm thức của con đã phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật không làm được gì khác ngoài việc phản chiếu lại hình ảnh đó cho con – cả hình ảnh trong tâm ý thức và hình ảnh ở những lớp tiềm thức của tâm con, của các thể tình cảm, lý trí và bản sắc.

Cuộc sống rất đơn giản. Chính cuộc sống là nguyên lý của sự tăng triển – của sự trở nên hơn nữa, của sự tự thăng vượt. Thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con là con có thể trở nên hơn nữa. Bằng cách thấy các giới hạn, thấy các tin tưởng giới hạn của mình – về chính mình, về thế giới và về Thượng đế – con có thể vượt thăng giới hạn đó và lên cao hơn, trở nên hơn nữa trong Dòng sông sự Sống của Thượng đế. 

Rất nhiều người đã tự hỏi ý nghĩa của cuộc sống, mục đích của cuộc sống, bí mật của cuộc sống là gì. Rất nhiều người đã đi tìm hòn đá hóa kim thần diệu (philosopher’s stone), cây đũa thần, con đường tắt sẽ khiến họ đột ngột có được trạng thái hỷ lạc, hay một trạng thái họ nghĩ họ cần để được hạnh phúc. Nhưng con yêu dấu, bí mật của cuộc sống lại rất giản dị – đó là sự thăng vượt. Điều này không có nghĩa là con cần đạt được một trạng thái toàn hảo xa vời vượt quá tầm với của con. Chỉ đơn giản là mỗi lúc con thăng vượt chính mình, con đang trôi theo Dòng sông sự Sống. Con có tiềm năng trải nghiệm niềm vui, sự hỷ lạc, và đây thật sự Dòng sông sự Sống. 

Thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con trong mỗi hoàn cảnh là khi con gặp một giới hạn, nếu con sẵn lòng nhìn vào chính mình và nhìn nhận những tin tưởng khiến con trải nghiệm hoàn cảnh đó như một giới hạn và sau đó buông bỏ tin tưởng đó đi, thì con sẽ vượt lên trên giới hạn đó và hoà vào niềm vui của Dòng sông sự Sống. 

15.4. Hãy thay đổi cách con nhìn quá khứ 

Thày hy vọng bằng việc trao cho con bài giảng này, thày có thể thay đổi cách con nhìn quá khứ của mình. Quá khứ không phải để trừng phạt con. Quá khứ không thật sự muốn nắm giữ con, mặc dù thày biết có nhiều khi quá khứ có vẻ như kiềm giữ con lại hay kéo con vào các khuôn nếp cũ lặp đi lặp lại nhiều lần trong một chu trình dường như vô tận. Sự thật là quá khứ của con, và các hồi ức của con đơn giản chỉ biểu lộ mong muốn của cuộc sống muốn con bước lên cao hơn. 

Bất cứ khi nào con bị kéo về quá khứ, thì con hãy xem đây – một lần nữa – như cuộc sống đang gọi điện cho con. Vì cuộc sống luôn gọi cho con chỉ với một mục đích duy nhất, đó là cho con thấy là một lần nữa con có thể vượt qua một giới hạn khác, con có thể thăng vượt nó, con có thể đơn giản buông bỏ và hoà vào Dòng sông sự Sống – và sau đó trở nên hơn nữa bằng cách thăng vượt ý niệm tự ngã cũ. 

Hoàn cảnh quá khứ cứ săn đuổi con là những hoàn cảnh trong đó con phản ứng lại hoàn cảnh bên ngoài theo cách con chấp nhận một tin tưởng giới hạn về chính mình. Tin tưởng này vẫn nằm trong tiềm thức của con, và đó là tại sao – khi con bị kéo về các hoàn cảnh quá khứ – con trải nghiệm sự khó chịu, sự hổ thẹn, hay tội lỗi hay những tình cảm tiêu cực khác gây cho con nỗi đau cảm xúc. Nỗi đau này thậm chí có thể xem như là một lời nhắc nhở. Nó nhắc con chưa học xong bài học của mình, nó nhắc con chưa vượt qua tin tưởng giới hạn của mình. 

Thậm chí nỗi đau còn là một ơn huệ. Nếu có ai đó đang cố gọi điện cho con và cho con thông điệp có thể cứu cuộc đời con thì con có muốn họ tăng âm lượng của máy điện thoại lên nếu họ làm vậy được? Giả sử con không thể nghe thấy điện thoại, nhưng ai đó có thể bấm nút trên điện thoại của họ và bật to âm lượng để con có thể nghe được, con hãy bắt điện thoại và cứu cuộc đời mình. 

Đây là điều chính yếu mà quá khứ làm cho con khi nó nhắc nhở con – hết lần này đến lần khác – về các hoàn cảnh trong đó con đã chấp nhận vài giới hạn. Nếu thoạt tiên con không nghe máy thì cuộc sống sẽ tiếp tục gọi con với âm lượng ngày càng tăng – và do đó nỗi đau cảm xúc cũng tăng dần vì nó cố gắng cuối cùng kéo cho bằng được sự chú ý của con. Thay vì chối bỏ và phủ nhận nỗi đau, con nói: “Được rồi, tôi thấy đủ đau rồi. Tôi sẽ xem xét vấn đề này và vượt qua giới hạn để tôi có thể một lần và mãi mãi vượt qua nỗi đau đó thay vì bị nó đè nặng hết lần này đến lần khác suốt phần đời còn lại hay thậm chí trong nhiều kiếp sống.” 

Thay vì phớt lờ quá khứ hay chối bỏ quá khứ hay tìm cách khiến mình bận rộn với hiện tại hoặc tương lai đến độ không còn thì giờ chú tâm vào quá khứ, quả thực sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu con đơn giản nhấc máy và lắng nghe thông điệp từ quá khứ. Nếu con lắng nghe thông điệp đó, con có thể nhanh chóng nhận ra rằng hoàn cảnh trong quá khứ cứ quay đi quay lại là hoàn cảnh trong đó con chưa nhìn thấu suốt một tin tưởng giới hạn và vì vậy con chưa buông bỏ tin tưởng đó. 

15.5. Quá khứ trở thành khởi đầu 

Vì con chưa buông bỏ tin tưởng đó nên con tiếp tục giữ chặt một tin tưởng bất toàn về chính mình, hay về cuộc đời, hay về Thượng đế, hay về người khác. Thông qua uy lực của tâm, con phóng chiếu tin tưởng giới hạn đó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Tấm gương của Ánh sáng Mẫu-Vật có thể làm gì ngoại trừ phản chiếu lại những hoàn cảnh bên ngoài của con và hoàn cảnh này phản chiếu tình trạng tâm thức của con? 

Quá khứ của con trở thành khởi đầu cho hiện tại và tương lai của con. Những tin tưởng bất toàn mà con đã chấp nhận trong quá khứ đang liên tục được tiềm thức của con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật phải khoác lấy hình tướng của những tin tưởng này và gửi đến cho con những hoàn cảnh và tình huống vật lý phản ánh những tin tưởng đó. 

Ánh sáng Mẫu-Vật không muốn buộc con gặp phải những hoàn cảnh khiến con đau khổ. Ánh sáng Mẫu- Vật là tấm gương vì vậy nó có thể làm gì ngoài việc phản chiếu lại những gì con đã gửi vào nó? Chính năng lực của sự sống không muốn con tiếp tục phóng chiếu cùng những hình ảnh bất toàn lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Đó là lý do tại sao năng lực của sự sống đang cố giúp con thức tỉnh để con có thể thay đổi hình ảnh con giữ trong tâm – và từ đó thay đổi những gì con đang phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. 

Đúng vậy, con yêu dấu, cuộc sống thật sự chỉ giản dị như vậy – nếu con chịu chú ý, nếu con chịu nhấc điện thoại và lắng nghe thông điệp. Thật không may, thày biết vài người thật sự có nhấc điện thoại, nhưng con lại trả lời cùng một cách như khi con nghe đoạn thâu âm đang cố bán cho con một sản phẩm, quảng cáo một dịch vụ hay vận động cho một ứng cử viên chính trị. Ngay lập tức tâm con đóng cứng không nghe hoặc con cúp máy và không nghe nữa. 

Không phải quá khứ đang cố quấy rầy con bằng cách lặp lại cùng một thông điệp. Đơn giản đó chỉ là tấm gương, tấm gương vũ trụ, chỉ tiếp tục phản chiếu lại con cùng một hình ảnh mà con đang gửi ra ngoài. Không phải cuộc đời đang khiến con bực bội. Chính sự cứng ngắc của tâm con và sự không sẵn lòng nhìn vào các tin tưởng của mình để đánh giá liệu những tin tưởng này có hợp lý không và sau đó thay thế những tin tưởng không hợp lý bằng một sự hiểu biết cao hơn xuất phát từ tâm Ki-tô. 

Thày đang cố gắng thức tỉnh con khiến con thấy điều cực kỳ thiết yếu là con phải sẵn lòng nhìn vượt quá những hoàn cảnh bên ngoài trong quá khứ và đi tìm thông điệp nội tâm, bài học nội tâm con cần học từ những hoàn cảnh đó. Nếu con làm vậy một cách chân thật và cởi mở, con sẽ thấy bất cứ khi nào con gặp một hoàn cảnh khiến con đau khổ, đó là vì con đang nắm giữ một tin tưởng bất toàn về chính mình và về cuộc sống. Nếu con thấy được những bất toàn của tin tưởng đó và đạt được sự hiểu biết cao hơn của tâm Ki-tô thì con có thể thay thế tin tưởng giới hạn này bằng nhận biết thật sự con là ai. Điều này sẽ thay đổi hình ảnh con đang phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Và chắc chắn, điều này sẽ thay đổi những gì tấm gương vũ trụ phản chiếu lại con dưới dạng các hoàn cảnh bên ngoài. Những gì thày đang nói với con ở đây không phải là một giấc mơ ban ngày, một lời hứa thiếu thực tế. Những gì thày đang giải thích với con ở đây là quy luật cơ bản nhất của vũ trụ vật chất. Quy luật này Thánh Kinh có nói tới trong câu: gieo gió thì gặt bão. 

15.6. Có một cái gì khác hơn khổ đau 

Luật của Thượng đế rất giản dị. Con có quyền tự quyết làm bất kỳ điều gì con muốn. Con là người đồng sáng tạo với Thượng đế. Con ở đây để học cách sử dụng khả năng sáng tạo của con để tạo ra các hoàn cảnh mà con có thể sống trong đó được, các hoàn cảnh giúp con tăng triển. Con học bằng hai cách. Một là lắng nghe hướng dẫn nội tâm, từ cái ta cao, từ Hiện diện Ta Là, từ các vị thày tâm linh. Nếu con không lắng nghe sự hướng dẫn hay nếu con không dùng tâm lý luận để tìm hướng đi cho chính mình, thì con phải học bằng cách còn lại, đó là Trường đời Cay đắng trong đó con thấy Ánh sáng Mẫu-Vật phản chiếu lại con những hoàn cảnh vật lý biểu lộ những hoàn cảnh trong tâm con. 

Luật của Thượng đế là thế này: Con có quyền tạo ra bất cứ hình tư tưởng nào mà con muốn. Con có quyền phóng chiếu hình tư tưởng đó ra ngoài tâm con. Khi con làm vậy, con chắc chắn sẽ trải nghiệm những hoàn cảnh vật lý biểu lộ hình tư tưởng đó. Con sẽ trải nghiệm những gì con phóng chiếu lên cuộc sống. Con sẽ trải nghiệm những gì con đồng sáng tạo qua uy lực của tâm bằng cách phóng chiếu một hình tư tưởng lên Ánh sáng Mẫu-Vật. 

Thượng đế và chính thày và tất cả các thày tâm linh chắc chắn đều ủng hộ quyền đồng sáng tạo bất cứ hoàn cảnh nào mà con muốn. Nhưng các thày muốn con hiểu nếu con đồng sáng tạo những hoàn cảnh khiến con đau khổ, thì con có chọn lựa khác thay vì tiếp tục tạo ra những hoàn cảnh tương tự. Cách duy nhất để ngừng chu trình lặp đi lặp lại dẫn đến khổ đau là thay đổi nguyên nhân của hoàn cảnh bên ngoài. Thày biết rõ trong lịch sử con người đã ngụy biện đủ cách để làm ra vẻ như họ không thể kiểm soát được hoàn cảnh bên ngoài. Họ cho rằng họ đã không tạo ra hoàn cảnh đó mà Thượng đế, số phận, may rủi hay người khác đã tạo ra những hoàn cảnh này. Sự thật thẳng thắn là chính con đã đồng sáng tạo những hoàn cảnh của mình vì con đã hình thành những hình tư tưởng và đã phóng chiếu những hình tư tưởng này lên Ánh Sáng Mẫu-Vật. 

Cách duy nhất – cách duy nhất tuyệt đối – có thể thay đổi những hoàn cảnh bên ngoài đó là con hãy thay đổi nguyên nhân của hoàn cảnh. Con có đồng ý là nếu con muốn thay đổi kết quả thì con phải thay đổi nguyên nhân tạo ra kết quả đó? Những gì thày đang nói với con chính là hoàn cảnh bên ngoài của con là kết quả. Nguyên nhân của kết quả này là những hình tư tưởng con giữ trong tâm. Cách duy nhất để thay đổi hoàn cảnh bên ngoài là thay đổi các hình tư tưởng đó!

Bằng cách nào con thay đổi những hình tư tưởng trong tâm? À, không có cách nào khác ngoại trừ nhìn những hình tư tưởng này một cách ý thức – thấy chúng dựa trên tâm thức nhị nguyên, dựa trên ảo tưởng của tâm phản Ki-tô – rồi sau đó buông bỏ chúng một cách ý thức, thay thế những ảo tưởng này bằng sự thật Ki-tô. Con hãy chú ý những gì thày đang nói. Vấn đề ở đây không phải là tìm cách nào đó để biện minh cho những tin tưởng con đã chấp nhận trong quá khứ. 

Ồ con yêu dấu, nếu con thành thật nhìn vào điều này, con sẽ thấy có nhiều người khi đối mặt với khả năng họ có một tin tưởng bất toàn, họ sẽ rơi vào phản ứng tự vệ. Phản ứng tự vệ này là một phản ứng mặc định của tự ngã vì giản dị là nó không chịu nhìn nhận là nó có thể sai. Nó rơi vào phản ứng cố gắng bảo vệ hay biện minh cho những tin tưởng của nó. 

Thày hy vọng con có thể thấy nếu con tiếp tục biện minh cho một tin tưởng trong quá khứ, con sẽ đơn giản chỉ bồi đắp cho tin tưởng đó. Con sẽ tiếp tục gửi những hình tư tưởng dựa trên tin tưởng ban đầu vào tấm gương vũ trụ. Tất nhiên, tấm gương vũ trụ có thể làm gì ngoài việc gửi trả lại con cùng một hoàn cảnh mà con đã tạo ra ngay từ đầu? Con yêu dấu, con có nhận ra nếu con tiếp tục làm cùng một việc và mong chờ những kết quả khác nhau thì con sẽ bị kẹt trong sự điên rồ cơ bản của tự ngã con người. Con phải bước ra ngoài những khuôn nếp cũ và sẵn lòng nhìn nhận rằng một số tin tưởng trong quá khứ đang giới hạn chính con. Đây không phải là lợi ích cao nhất của con khi giữ lấy các tin tưởng đó. Ngược lại, lợi ích cao nhất của con là buông bỏ chúng. 

15.7. Con hơn quá khứ của con 

Nhận biết then chốt ở đây là giáo lý nói rằng cốt lõi bản sắc của con là cái Ta Biết. Cái Ta Biết là một đốm sáng của chính Bản thể Thượng đế. Nó chắc chắn nhiều hơn quá khứ của con, hơn bất kỳ hoàn cảnh nào hay bất kỳ tin tưởng nào trong quá khứ. Cái Ta biết có quyền và khả năng mà Thượng đế đã cho con để bước ra ngoài sự đồng hoá của nó với quá khứ. Con có thể làm điều này bất cứ lúc nào, ngay cả bây giờ. 

Thày muốn con hiểu rằng có một thế lực trong thế giới này quyết tâm giữ con mắc kẹt vào sự đồng hoá với quá khứ để con nghĩ con không thể buông bỏ quá khứ. Thậm chí con sợ rằng nếu con buông bỏ quá khứ, con sẽ mất đi chính bản sắc của mình. Thế lực này bao gồm tự ngã cá nhân của con, tự ngã của người khác và toàn bộ thế lực đen tối, thế lực phản Ki-tô mà Giê-su gọi là ông hoàng thế gian. Ông hoàng thế gian sẽ liên tục tới gần con. Ông ta sẽ tới để thấy liệu ông ta có thể khiến con dính mắc với quá khứ để con không giản dị sẵn lòng buông bỏ quá khứ, buông bỏ những tin tưởng bất toàn bằng cách nhìn nhận rằng con hơn bất kỳ một tin tưởng bất toàn nào. 

Con có thật sự đang nghe thày nói không? Con có quyền và khả năng mà Thượng đế đã ban tặng cho con để buông bỏ bất cứ tin tưởng bất toàn nào trong quá khứ. Con làm điều này bằng cách nào? Bằng cách sẵn sàng nhìn vào các tin tưởng, nhìn nhận rằng chúng không có thật, chúng xuất phát từ tâm thức phản Ki-tô. Sau đó, con nhìn nhận rằng con hơn những tin tưởng đó. Tin tưởng đó giản dị chỉ giống như cái áo cũ sờn rách mà con đã mặc vào một lúc nào đó trong quá khứ. Con có thể cởi nó ra bất kỳ lúc nào và ném nó vào lửa, để cho nó cháy, để nó bị thiêu rụi không còn gì nữa. 

Con có thể cởi bỏ ý niệm bản sắc cũ dựa trên tin tưởng đó, và ném nó vào lửa tâm linh của ngọn lửa tím và Ngọn lửa Tha thứ, và con giản dị buông bỏ nó. Ngọn lửa Tha thứ mà các thày còn gọi là ngọn lửa tím hay Ngọn lửa Từ bi, giản dị là bút tẩy vũ trụ cho phép con cởi bỏ ý niệm bản sắc cũ kỹ, sờn rách mà con đã bồi đắp rồi ném nó vào lửa. Thượng đế trong con thật sự là ngọn lửa thiêu huỷ có thể thiêu trụi tất cả ý niệm tự ngã bất toàn mà con đã bồi đắp trong bất cứ kiếp sống trước nào. Con có chọn lựa khác hơn là lặp đi lặp lại mãi các khuôn nếp cũ rích này. Chọn lựa khác là con cởi chiếc áo choàng của ý niệm bản sắc bất toàn và ném nó vào ngọn lửa vui mừng của Thượng đế để nó bị thiêu rụi và con sẽ được tự do như thể bản sắc đó chưa từng tồn tại. 

15.8. Chìa khóa chính yếu để buông bỏ 

Chìa khoá chính yếu để làm điều này là gì? Chìa khoá chính yếu để buông bỏ một ý niệm tự ngã bất toàn là gì? Đó là sẵn lòng tha thứ. Để tự do khỏi quá khứ, con phải tha thứ và con phải tha thứ vô điều kiện. Tự ngã đánh lừa để con nghĩ rằng để con tha thứ được thì cần phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ, nhiều người tin để tha thứ cho người đã làm tổn thương mình thì người đó trước tiên phải bị trừng phạt như thế nào đó. Chỉ khi nào người đó bị trừng phạt đủ thì con mới có thể tha thứ cho họ. Và một số người khác nghĩ rằng nếu người đó thật sự thay đổi, thì mới tha thứ cho họ. Dĩ nhiên đây là một tin tưởng giống như con dao hai lưỡi, trong đó một lưỡi dao hướng vào con và vì vậy có khả năng làm con bị thương nặng. Những gì con làm cho người khác là những gì con làm cho chính mình. Đây là lý do thày Giê-su đã nói với con hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho con. Ý nghĩa sâu sắc đó là con chỉ làm cho người khác những gì con đã làm cho chính con, cả điều tốt lẫn điều xấu. 

Nếu con nghĩ người khác phải đáp ứng những điều kiện nào đó trước khi họ được tha thứ thì con cũng nghĩ con phải đáp ứng những điều kiện trước khi con có thể được tha thứ. Tự ngã của con rất giỏi đưa ra những điều kiện như vậy và đưa ra theo cách mà không ai có thể làm được, gồm cả chính con. Đó là cách tự ngã giữ con bị mắc kẹt trong chu trình không bao giờ muốn tha thứ cho người khác và không bao giờ muốn tha thứ cho chính mình. Tự ngã chủ yếu muốn con tin rằng vì con đã phạm lỗi lầm trong quá khứ, con không thể được tha thứ, con không thể chuộc lỗi, con không bao giờ vượt lên quá khứ và tự do khỏi quá khứ. 

Điều cuối cùng tự ngã muốn con nhận ra là con được Thượng đế trao cho quyền và sức mạnh bỏ đi các bất toàn trong quá khứ. Tự ngã không muốn con nhận ra con có khả năng làm điều này. Nó không muốn con biết con có thể làm điều này bằng cách mở lòng nhìn nhận các tin tưởng bất toàn đã khiến con gặp phải những hoàn cảnh vật lý gây cho con nhiều đau khổ. Con có thấy được chìa khoá chính yếu để vượt lên quá khứ là tha thứ – nhưng không phải tha thứ theo cách thế phàm dựa trên những điều kiện bên ngoài. Không, chìa khoá chính yếu để vượt lên quá khứ là tha thứ vô điều kiện. 

Khi con không tha thứ cho người kia, thật sự con đang nắm giữ hoàn cảnh cũ. Nghĩa là con đang nắm giữ – dù con có ý thức hay không – nỗi đau được tạo ra trong hoàn cảnh đó khi người kia làm tổn thương con. Nỗi đau kéo sự chú ý ý thức của con và kéo con vào việc nhớ lại hoàn cảnh đó. Bất cứ khi nào con nhớ về hoàn cảnh đó, con lại tăng cường tổn thương nguyên thuỷ, nỗi đau nguyên thuỷ và sự giận dữ nguyên thuỷ đối với người kia. Vì vậy, con cột chính mình với quá khứ và con thật sự củng cố quá khứ. 

Khi con không tha thứ cho người kia, con đang hại chính mình vì con đang nắm giữ những hình ảnh và cảm xúc bất toàn, và con đang phóng chiếu chúng lên Ánh sáng Mẫu-Vật.  Ánh sáng Mẫu-Vật lý giải là con muốn trải nghiệm tình huống trong đó người ta làm tổn thương con. Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ làm gì cho con? À, nó không có chọn lựa nào ngoài việc gửi cho con những hoàn cảnh tương lai trong đó người khác làm tổn thương con. Nó thật sự tin rằng đây là những gì con muốn trải nghiệm, dựa vào việc con đang phóng chiếu một hình tư tưởng và cảm xúc về việc người khác làm tổn thương con vào tấm gương vũ trụ. 

15.9. Không tha thứ làm tổn thương con

Cuối cùng con có hiểu là khi con không tha thứ cho người khác, con đang thật sự làm tổn thương chính mình không? Con biện minh như thế nào để không tha thứ cho người khác? Đó có phải là họ không đáp ứng các điều kiện bên ngoài mà tự ngã con đã xác định. Như thể khi người khác không đáp ứng những điều kiện đó, con không thể buông bỏ hoàn cảnh, con không thể tha thứ và vượt lên. 

Con có thấy đây cùng một tâm lý khiến con tổn thương trong hoàn cảnh ban đầu? Chuyện gì đã xảy ra trong hoàn cảnh ban đầu đó là người kia đã làm chuyện gì đó với con. Nhưng không phải những gì họ làm khiến con tổn thương. Đó là những tin tưởng bất toàn con nắm giữ về chính mình và cuộc đời đã khiến con phản ứng với hoàn cảnh theo cách làm tổn thương chính con. 

Những gì thật sự tạo ra nỗi đau trong hoàn cảnh ban đầu đó là con có một tin tưởng biến con thành nạn nhân thụ động. Con nghĩ khi người ta làm điều gì với con, con chỉ có thể đáp trả bằng cảm xúc tiêu cực khiến con đau đớn. Chính tin tưởng này biến con thành nạn nhân trong tình huống ban đầu. 

Thậm chí bây giờ con vẫn nắm giữ tin tưởng con là nạn nhân với suy nghĩ chỉ khi người khác đáp ứng các điều kiện, con mới tha thứ cho họ và buông bỏ hoàn cảnh đó. Bằng việc không tha thứ, con thật sự duy trì hoàn cảnh ban đầu. Con đang phóng chiếu những tin tưởng và cảm xúc từ hoàn cảnh đó lên tấm gương vũ trụ, rõ ràng từ đó gieo gió gặt bão. Con đã phóng chiếu một hình tư tưởng bất toàn lên tấm gương và vì vậy không thể tránh được tạo ra một chuỗi phản ứng chuyển động cuối cùng gửi trả về con các hoàn cảnh vật lý phản chiếu hình tư tưởng đó. 

Cái gì có thể phá vỡ hoàn cảnh này? Chỉ có một cách duy nhất phá vỡ nó, và đó là con nhấc điện thoại lên lắng nghe đủ lâu để nhận ra cuộc sống đang cố dạy con rằng chính những tin tưởng của con khiến con đau khổ. Chỉ bằng cách thay đổi những tin tưởng của mình, con mới phá vỡ chu trình trải nghiệm những hoàn cảnh vật lý đặt con vào một tình huống – trong chính tâm con – trong đó con nghĩ tiềm năng phản ứng duy nhất của con là phản ứng như một nạn nhân và cảm thấy đau đớn. 

15.10. Con hãy lấy lại uy lực của mình để con chọn một phản ứng

Điều duy nhất có thể thay đổi phương trình đó là con thay đổi cách con nhìn phương trình, cách con nhìn cuộc sống, cách con nhìn chính mình. Con phải lấy lại quyền lực của con để con đáp ứng các hoàn cảnh dựa trên một chọn lựa của ngày hôm nay – bây giờ – thay vì một chọn lựa trong quá khứ. Trong quá khứ, con đã chấp nhận một tin tưởng bất toàn về chính mình. Khi con cho phép tin tưởng đó vẫn còn trong tiềm thức, con không thể lấy một chọn lựa con sẽ đáp ứng tình huống mà con sẽ trải nghiệm trong hiện tại như thế nào. Con đã chọn lựa trong quá khứ, và con chỉ có thể lập lại cùng một khuôn nếp hết lần này đến lần khác. 

Những gì có thể phá vỡ hoàn cảnh đó là con biết chuyện gì đang xảy ra, và vì vậy con quyết định quay lại nhìn tin tưởng ban đầu và loại bỏ nó vì nó không có thật. Khi con loại bỏ tin tưởng đó, và lần sau khi con trải nghiệm một tình huống tương tự, con sẽ không còn cái bị đè nặng vai con. Tâm sẽ có thể nói: “Nhưng bạn biết đấy, tôi không phải đáp ứng tình huống này bằng cảm xúc tổn thương, cảm xúc sợ hãi, cảm giác xấu hổ, chỉ trích trừng phạt chính mình và nghĩ tôi là người xấu vì người ta đối xử với tôi như thể tôi là người xấu”. 

Thay vào đó, con có thể nhận ra những gì người khác làm với con là sự phản chiếu trạng thái tâm thức của họ. Đó không phải người kia có hình ảnh bất toàn về con, mặc dù điều này có vẻ là như thế dựa trên tâm vỏ ngoài và hành động của họ. Thật sự, người đó có một hình ảnh bất toàn về chính họ, và người đó đang phóng chiếu hình ảnh đó lên con. Nhưng con không cần chấp nhận hình ảnh của người đó về con. Thượng đế ban cho con quyền sống cuộc đời của mình dựa trên những hình ảnh trong chính tâm con. Con có thể tự do chọn lựa đáp ứng với họ – khi con không chấp nhận những hình ảnh của người khác hay những tin tưởng giới hạn khác đến từ quá khứ của chính con. 

Chìa khoá để buông bỏ những hình ảnh bất toàn mà con đã chấp nhận trong quá khứ hoặc những hình ảnh bất toàn mà người khác đã chấp nhận là gì? Chìa khoá để không bị ảnh hưởng bởi những tin tưởng bất toàn của người khác hay những tin tưởng bất toàn của chính tự ngã trong quá khứ của con là gì? Đó là tha thứ – tha thứ bằng việc hoàn toàn không dính mắc với những gì họ phóng chiếu vào con hay phóng chiếu từ chính tâm thức con. Đó là chấp nhận có sức mạnh tuyệt đối để tha thứ vô điều kiện cho chính mình và người khác và giản dị để buông bỏ tất cả cảm nhận tổn thương, tất cả cảm nhận đau đớn. 

15.11. Không ngừng tha thứ

Thày biết một khi con đã bị kẹt vào vòng xoáy tổn thương và đau đớn, dường như không có lối ra. Thày thật sự đã vượt lên nhân tình thế phàm này và nhiều sinh thể thăng thiên khác cũng vậy. Thày cần nói với con hầu hết mọi người trên trái đất bị mắc kẹt trong một ảo tưởng. Sự thật được nhiều sinh thể thăng thiên chứng minh đó là con quả thật có thể vượt lên vòng xoáy đi xuống từ quá khứ. Con có thể làm vậy bằng cách chuyển đổi quá khứ, không phải bằng cách kiểm soát quá khứ hay kiểm soát người khác. Con chỉ có thể làm vậy bằng cách chuyển đổi cách con nhìn quá khứ để con sẵn lòng buông bỏ tin tưởng mà con đang nắm giữ đến nay. 

Không phải là việc tìm ra cây đũa thần mới có thể giải thoát con khỏi quá khứ. Cây đũa thần là nhận biết ý thức của con và việc con sẵn sàng buông bỏ, buông bỏ nỗi đau, buông bỏ tổn thương, buông bỏ tin tưởng là con cần phản ứng với hoàn cảnh một cách tiêu cực, buông bỏ hoàn toàn xu hướng nghĩ rằng con chỉ có thể phản ứng bằng những cảm xúc tiêu cực trong những hoàn cảnh nào đó. Một khi con đã thật sự bước vào tinh thần tha thứ – và cho phép tinh thần tha thứ đi vào thể thấp của con – con sẽ ở trong trạng thái tha thứ không ngừng. Con đã tha thứ cho chính mình và người khác rồi trước khi họ làm bất cứ điều gì với con. 

Khi người ta làm một điều gì với con – vì thật sự con không thể kiểm soát hành động của người khác – con đã tha thứ cho họ trước đó rồi. Khi con biết họ đã được tha thứ trước đó rồi, con cũng biết con có thể tự do khỏi các phản ứng tiêu cực cho dù người ta có làm gì với con. Con có thể theo lời khuyên uyên thâm của thày Giê-su, đó là con không chống cự cái ác, nhưng khi một người tát con má bên này, con chìa má bên kia. 

Con chỉ có thể chìa má bên kia khi con ở trong trạng thái tha thứ liên tục và vô điều kiện. Khi họ làm một điều gì với con, con không đi vào một phản ứng tiêu cực. Con an trụ trong an bình, con an trụ trong yêu thương, con an trụ trong tha thứ. Con giản dị chìa má bên kia để con có thể cho họ cơ hội nhìn thấy những điều xấu, những bất toàn trong họ. 

15.12. Giúp người khác nhận ra ảo tưởng của họ  

Chuyện gì xảy ra khi một người làm tổn thương con và con phản ứng một cách tiêu cực và tìm cách làm tổn thương lại? Con có công nhận tin tưởng của người kia về con là một người xấu không? Đó có phải chính là tin tưởng trong hầu hết trường hợp khiến họ làm tổn thương con lúc đầu, có nghĩa là họ tin con đã làm điều gì sai và con đáng bị trừng phạt hoặc bị tổn thương? 

Khi con cho phép mình bị tổn thương và phản ứng lại bằng cách cố gây tổn thương cho họ hoặc bảo vệ mình, thì con chỉ củng cố tin tưởng của họ. Con không chỉ củng cố tin tưởng trong tâm của người kia, mà còn củng cố nó trong tâm con. Sau cùng, chỉ vì con có những tin tưởng bất toàn về chính mình nên con cho phép những hành động của họ gây tổn thương con. 

Khi con chìa má bên kia, con phá vỡ vòng xoáy. Khi một người gây tổn thương con, con đáp trả bằng tình thương, con thách thức tin tưởng của họ về con là một người xấu hay con đáng bị trừng phạt. Con cho người kia thấy con là người có thể đáp trả bằng tình thương. Vì vậy, họ buộc phải xem lại hành động của mình và hình ảnh của họ về con. Điều này thường giúp họ bước ra ngoài ảo tưởng của họ để họ thấy họ bị kẹt trong những tin tưởng bất toàn về chính họ và về cuộc đời. Họ nhận được một cơ hội vượt qua những tin tưởng đó. 

Đúng vậy, con yêu dấu, thày biết rõ có người khi con chìa má bên kia, họ sẽ lại làm tổn thương con. Nhưng con thấy đấy khi con chìa má bên kia cùng với tình thương và tha thứ hoàn toàn – tha thứ vô điều kiện – và người kia vẫn làm tổn thương con, thì hành động làm tổn thương con lần thứ nhì sẽ trở thành sự phán xét người đó. Sự phán xét này sẽ tạo ra một phản ứng từ chính cuộc sống khiến người đó trải nghiệm nghiệp quả quay trở lại nhanh hơn từ những gì người đó gửi vào tấm gương vũ trụ. Nghiệp quả quay trở lại này hoặc khiến người đó thức tỉnh hoặc sẽ khiến người đó sau cùng bị phán xét tới điểm họ sẽ không được phép đầu thai trên trái đất cho đến khi họ thay đổi tâm thức. 

Những gì Giê-su thật sự nói đó là nếu người ta làm theo lời khuyên của thày chìa má bên kia và không cưỡng lại cái ác, thì họ cho phép luật của Thượng đế thực thi đầy đủ. Bằng cách làm điều này, luật của Thượng đế sẽ có thể tăng tốc rút cái ác ra khỏi trái đất. Khi con cho phép người khác làm tổn thương con lúc con chìa má bên kia, thì Thượng đế có thể nhập cuộc và rút người đó ra khỏi trái đất. Nhờ đó, con nhanh chóng tới được tình trạng hầu hết những người xấu ác – những người ích kỷ nhất, vị kỷ nhất, duy ngã nhất – sẽ bị rút ra khỏi trái đất. Vì vậy, nhân loại như một tổng thể sẽ đơn giản vượt lên một tầng cao hơn và vượt qua trạng thái tâm thức mà ngày nay con thấy biểu lộ nhiều lần trong một vòng xoáy dường như vô tận làm tổn thương nhau và tìm cách trả thù những tổn thương đó – do đó điều này lại tạo ra một tổn thương mới khiến người kia có lý do tìm cách trả thù. 

15.13. Phá vỡ vòng xoáy trả thù 

Điều này đã tiếp diễn hết lần này đến lần khác trên hành tinh này, đặt biệt ở Trung đông nơi vòng xoáy trả thù và trả thù để trả thù cứ tiếp diễn. Vòng xoáy đi xuống này chỉ được phá vỡ khi người ta quyết định họ đã thấy đủ. Họ sẽ không tiếp diễn chu trình này, và vì vậy họ sẽ làm một điều hoàn toàn khác thay vì đáp trả nỗi đau bằng nỗi đau, sự trả thù và khao khát trừng phạt. Họ sẽ đáp trả bằng tình thương và sự tha thứ vô điều kiện. 

À con yêu dấu, con có thấy bằng cách làm vậy, con sẽ giải phóng mình khỏi các ràng buộc với người đã làm tổn thương con? Khi con nghĩ đến điều này, có ý nghĩa gì không khi một người làm tổn thương con và con lại muốn ràng buộc mình với họ? Nếu con không phải là người thích thú đau thương – thày tin phần lớn các con không phải là kiểu người này – thì tại sao con muốn quay lại và mời họ làm tổn thương con lần nữa? Nếu họ làm tổn thương con, thì đáp trả hợp lý là con đơn giản muốn giải thoát mình khỏi người đó và không bao giờ muốn gặp lại họ. Nếu con đi vào chu trình bị tổn thương và muốn người kia bị trừng phạt, thì con đã trói mình với họ. 

Mong muốn trừng phạt người khác có nghĩa là con chỉ sẵn sàng buông bỏ khi con thấy họ bị trừng phạt. Con tự động trói mình với họ cho đến khi con cảm thấy họ nhận đủ trừng phạt, và việc này có thể không xảy ra trong kiếp này hay thậm chí nhiều kiếp nữa. Điều này cũng giống như cách những người Trung đông đã tạo nên dây trói lẫn nhau để rồi các linh hồn này cứ tiếp tục đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác. Thày đã nói với con trước đây là tôn giáo hay chủng tộc vỏ ngoài không quan trọng, vì người ta sẽ chuyển đổi vị trí để nhiều người kiếp trước là người Đức đã từng gây ra cuộc diệt chủng người Do thái hoặc kiếp trước là người Ả rập đã ngược đãi người Do thái thì kiếp này đầu thai làm người Do thái. Nhiều người Ả rập bây giờ có tiền kiếp là người Do thái. 

Những người này đã không sẵn lòng tha thứ vô điều kiện vì vậy họ đã khiến chính mình cứ lặp đi lặp lại chu trình này. Quả thật có một tâm thức rộng khắp trong thế giới Ả rập tin rằng họ không thể tha thứ cho người Do thái. Có một tâm thức trong cộng đồng người Do thái tin rằng họ không thể tha thứ cho người Ả rập hay người Đức hay các tín đồ Cơ đốc giáo. Khi một người sinh trưởng trong một nền văn hoá nào đó, người này gặp phải một thách thức phải vượt lên trên tin tưởng văn hoá của họ và phải tha thứ vô điều kiện, tha thứ bất kể tin tưởng văn hoá nào. Họ phải nhận ra mình hơn cái tin tưởng văn hoá đó, hơn chủng tộc đó, hơn tôn giáo đó, hơn các liên kết chính trị, hơn các liên kết quốc gia hay hơn bất cứ nhãn hiệu vỏ ngoài nào. Khi con tha thứ bất chấp các nhãn hiệu vỏ ngoài, con cũng giải phóng mình khỏi các nhãn hiệu này. Đó là cách con nâng cao và thăng vượt chính mình để lại hoà vào Dòng sông sự Sống, nhờ đó con trải nghiệm niềm vui vô bờ bến của sự tự thăng vượt liên tục. 

15.14. Dụng cụ Mẹ Mary trao để con vượt qua quá khứ 

Con yêu dấu, thày có thể tiếp tục bài giảng này bất tận bằng cách cho thêm nhiều ví dụ cho thấy con người đã làm tổn thương chính họ như thế nào bằng việc không tha thứ. Nhưng nếu những gì thày nói vẫn chưa đủ để khiến con suy nghĩ đến việc nhìn lại quá khứ theo một cách nhìn khác thì thày nói thêm nữa để làm gì? 

Thày sẽ quay lại phần mở đầu và nói: “Bài giảng này là một cuộc gọi từ Mẹ Vũ trụ. Con hãy nhấc điện thoại lên để nghe thông điệp của Mẹ”. Nếu con cảm thấy con chưa hiểu đầy đủ thông điệp của thày bằng cách đọc và nghe một lần thì thày muốn con nghe lại lần nữa. Thày sẵn lòng lập lại thông điệp nhiều lần cho đến khi con hiểu ý thày. 

Con hãy thử tìm đến thày. Hãy yêu cầu thày hướng dẫn nội tâm cho con. Hãy yêu cầu thày cho con thấy thông điệp đằng sau những tình huống bên ngoài mà con gặp phải. Hãy yêu cầu thày và thày sẽ chỉ cho con – nếu con chịu nhấc điện thoại lên và lắng nghe. Thày chúc con được an lành và thày chúc con một mùa Giáng sinh hạnh phúc. 

Con yêu dấu, Tinh thần Giáng sinh phải chăng chính là Tinh thần Tha Thứ, là Tánh linh đã thức tỉnh con người để họ có thể tái sinh, để lần nữa khởi đầu cuộc sống mới, khởi đầu một ngày mới? Cuộc đời của Ki-tô, sự giáng sinh của Ki-tô phải chăng là một cuộc gọi điện thoại khác của cuộc sống tìm cách thức tỉnh loài người là họ có thể vượt lên quá khứ và vươn lên một ngày mới trong vương quốc của Thượng đế? Thầy niêm con trong Ngọn lửa Tha thứ Vô điều kiện. Khi con tha thứ vô điều kiện, niềm vui sẽ đong đầy. 

15 | Tha thứ vô điều kiện và niềm vui

Bài truyền đọc của Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 26 tháng 11 năm 2006.

15.1. Động lực thăng tiến cơ bản của cuộc sống 

Con yêu dấu, nếu chuông điện thoại của con reo, con có nhấc máy lên nghe không? Khi con nhấc máy lên, con có nghe đủ lâu để ít nhất nhận biết rằng liệu người ở đầu dây bên kia có cho con biết một thông tin quan trọng hay họ đơn giản chỉ đang cố bán cho con một món hàng. Nếu con thật sự nhận ra người gọi cho con một thông điệp thì con có hết sức lắng nghe thông điệp đó và hiểu nó nói gì không? Chắc chắn rằng, con sẽ dành cho cuộc điện thoại và người gọi đến một sự tôn trọng nào đó. Vì vậy, thày muốn hỏi con: “Tại sao con không dành cho chính cuộc sống sự tôn trọng như vậy?”

À con yêu dấu, con sẽ trả lời con chắc chắn tôn trọng cuộc sống, nhưng thày cũng xin hỏi con điều này có thật không. Con thấy đấy, bản thân cuộc sống cũng như một cái điện thoại. Mọi hoàn cảnh con gặp cũng giống như các cuộc gọi từ chính cuộc sống. Nhưng, có quá nhiều hoàn cảnh trong đời mà con không nhấc điện thoại lên để nghe xem hoàn cảnh đó có phải là một thông điệp quan trọng cho con không, một thông điệp có thể giúp con thăng vượt chính mình – hay thăng vượt giới hạn nào đó – để con có thể tự do và trở nên hơn nữa trong Dòng sông sự Sống. 

15.2. Tại sao con cứ gặp đi gặp lại cùng một vấn đề 

Hầu hết mọi người bị bịt mắt khi sống trong đời. Họ ngái ngủ, nửa tỉnh nửa mê với những gì đang diễn ra. Họ không nhận ra cuộc sống là một chuỗi những hoàn cảnh liên tục và mỗi hoàn cảnh đều mang một thông điệp giúp họ lên cao hơn và vượt qua những tin tưởng sai lầm, những nhận thức sai lầm đang giới hạn họ và giới hạn khả năng biểu hiện sự sống qua họ. Rất nhiều người trong các con gặp phải các hoàn cảnh xảy ra nhiều lần trong đời. Con thường gào lên: “Tại sao việc này cứ xảy đến với tôi? Tại sao Thượng đế cứ làm điều này với tôi? Tại sao người khác cứ làm điều này với tôi? Tại sao số phận hay may rủi cứ xảy đến với tôi?” Nhưng con lại không dành thời gian quay lại và nói: “Tại sao tôi làm điều này với chính mình?”

Mỗi một hoàn cảnh trong đời giống như một cuộc gọi điện thoại, và cuộc gọi đó gói ghém một thông điệp. Nhưng con thường không màng nhấc điện thoại lên để nghe thông điệp đó. Thậm chí những người nhấc điện thoại lên – những người quả thật cho rằng có lẽ họ cần học một điều gì đó từ những hoàn cảnh này – cũng thường không thật sự lắng nghe thông điệp đằng sau cuộc gọi. Họ không thật sự lắng nghe bằng tai nội tâm để cố gắng hiểu thông điệp, cố gắng hiểu cái mà họ không thể thấy bằng tâm vỏ ngoài. 

Họ lắng nghe thông điệp, họ đánh giá với tâm vỏ ngoài. Vì vậy, họ không thấy thông điệp, họ không nghe thông điệp, vì tâm vỏ ngoài không thấu hiểu được thông điệp đó. Nếu tâm vỏ ngoài của con đã hiểu được thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con, thì tại sao cuộc sống cứ phải mất công gọi điện cho con bằng cách khiến con cứ phải trải nghiệm nhiều lần cùng một hoàn cảnh? 

15.3. Cuộc đời không trừng phạt con 

Một nhận thức hoàn toàn sai lầm của tâm thức con người và tự ngã là cuộc đời đang cố trừng phạt con. Thày có thể bảo đảm với con là chính cuộc sống – và cuộc sống do Thượng đế tạo ra, vì vậy chính Thượng đế – cũng không mong muốn trừng phạt con. Đây là quy luật tuyệt đối: một khi con đã học xong bài học mà con cần học từ một hoàn cảnh cụ thể thì con sẽ không gặp phải hoàn cảnh đó nữa. 

Khi con cứ gặp phải cùng một hoàn cảnh nhiều lần, đó là bởi vì con chưa học xong bài học. Đó là lý do vì sao cuộc sống cứ gọi và cho con nhiều lần cùng một hoàn cảnh để con có thêm các cơ hội – và thêm thêm nữa – học xong bài học. 

Con yêu dấu, thay vì cằn nhằn, thay vì than vãn tại sao chuyện này cứ xảy ra với con hết lần này đến lần khác, thày đề nghị con làm một việc đơn giản: Hãy nhấc điện thoại và lắng nghe thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con. Sau đó hãy học bài học. Hãy giải quyết những tin tưởng mà con cần giải quyết để con bước lên cao hơn. Thày có thể đảm bảo với con – như thể bằng phép thuật – con sẽ không gặp phải hoàn cảnh đó lần nữa. 

Cuộc sống không quá phức tạp. Cuộc sống thật sự rất rất đơn giản. Thông điệp bên dưới mỗi hoàn cảnh con gặp phải trong cuộc đời giản dị là: “Vũ trụ vật chất là một tấm gương”. Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lấy những hình tướng tương ứng với những gì có trong tâm thức con. Chính trạng thái tâm thức của con đã phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật không làm được gì khác ngoài việc phản chiếu lại hình ảnh đó cho con – cả hình ảnh trong tâm ý thức và hình ảnh ở những lớp tiềm thức của tâm con, của các thể tình cảm, lý trí và bản sắc.

Cuộc sống rất đơn giản. Chính cuộc sống là nguyên lý của sự tăng triển – của sự trở nên hơn nữa, của sự tự thăng vượt. Thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con là con có thể trở nên hơn nữa. Bằng cách thấy các giới hạn, thấy các tin tưởng giới hạn của mình – về chính mình, về thế giới và về Thượng đế – con có thể vượt thăng giới hạn đó và lên cao hơn, trở nên hơn nữa trong Dòng sông sự Sống luôn luôn tuôn chảy của Thượng đế. 

Rất nhiều người đã tự hỏi ý nghĩa của cuộc sống, mục đích của cuộc sống, bí mật của cuộc sống là gì. Rất nhiều người đã đi tìm hòn đá hóa kim thần diệu (philosopher’s stone), cây đũa thần, con đường tắt sẽ khiến họ đột ngột có được trạng thái hỷ lạc, hay một trạng thái họ nghĩ họ cần để được hạnh phúc. Nhưng con yêu dấu, bí mật của cuộc sống lại rất giản dị – đó là sự tự thăng vượt. Điều này không có nghĩa là con cần đạt được một trạng thái toàn hảo xa vời vượt quá tầm với của con. Chỉ đơn giản là mỗi lúc con thăng vượt chính mình, con đang trôi theo Dòng sông sự Sống. Con có tiềm năng trải nghiệm niềm vui, sự hỷ lạc, và đây thật sự Dòng sông sự Sống. 

Thông điệp mà cuộc sống đang cố trao cho con trong mỗi hoàn cảnh là khi con gặp một giới hạn, nếu con sẵn lòng nhìn vào chính mình và nhìn nhận những tin tưởng khiến con trải nghiệm hoàn cảnh đó như một giới hạn và sau đó buông bỏ tin tưởng đó đi, thì con sẽ vượt lên trên ý niệm bị giới hạn và thay vào đó hoà vào niềm hỷ lạc của Dòng sông sự Sống. 

15.4. Hãy thay đổi cách con nhìn quá khứ 

Thày hy vọng bằng việc trao cho con bài giảng này, thày có thể thay đổi cách con nhìn quá khứ của mình. Quá khứ không phải để trừng phạt con. Quá khứ không thật sự muốn nắm giữ con, mặc dù thày biết có nhiều khi quá khứ có vẻ như kiềm giữ con lại hay kéo con vào các khuôn nếp cũ lặp đi lặp lại nhiều lần trong một chu trình dường như vô tận. Sự thật là quá khứ của con, và các hồi ức của con về quá khứ đơn giản chỉ biểu lộ mong muốn của cuộc sống muốn con bước lên cao hơn. 

Bất cứ khi nào con bị kéo về quá khứ, thì con hãy xem đây – một lần nữa – như cuộc sống đang gọi điện cho con. Vì cuộc sống luôn gọi cho con chỉ với một mục đích duy nhất, đó là cho con thấy là một lần nữa con có thể vượt qua một giới hạn khác, con có thể vượt lên trên nó, con có thể đơn giản buông bỏ nó và hoà vào Dòng sông sự Sống – và sau đó trở nên hơn nữa bằng cách thăng vượt ý niệm bản ngã cũ. 

Hoàn cảnh quá khứ cứ săn đuổi con là những hoàn cảnh trong đó con phản ứng lại hoàn cảnh bên ngoài theo cách con chấp nhận một tin tưởng giới hạn về chính mình. Tin tưởng này vẫn nằm trong tiềm thức của con, và đó là tại sao – khi con bị kéo về các hoàn cảnh quá khứ – con trải nghiệm sự khó chịu, sự hổ thẹn, hay tội lỗi hay những tình cảm tiêu cực khác gây cho con nỗi đau cảm xúc.

Thậm chí nỗi đau còn là một lời nhắc nhở. Đó là lời nhắc nhở con chưa học xong bài học, con chưa khắc phục tin tưởng đang giới hạn con. Thậm chí nỗi đau còn là một ơn huệ. Nếu có ai đó đang cố gọi điện cho con và trao cho con một thông điệp có thể cứu cuộc đời con thì con có muốn họ tăng âm lượng của máy điện thoại lên nếu họ làm vậy được? Hãy hình dung con không thể nghe thấy điện thoại, nhưng ai đó có thể bấm nút trên điện thoại của họ và bật to âm lượng để con có thể nghe được, thì con hãy bắt điện thoại và cứu cuộc đời mình. 

Đây là điều chính yếu mà quá khứ làm cho con khi nó nhắc nhở con – hết lần này đến lần khác – về các hoàn cảnh trong đó con đã chấp nhận vài giới hạn. Nếu thoạt tiên con không nghe máy thì cuộc sống sẽ tiếp tục gọi con với âm lượng ngày càng tăng – và do đó nỗi đau cảm xúc cũng tăng dần vì nó cố gắng rốt cuộc kéo cho bằng được sự chú ý của con. Thay vì chối bỏ và phủ nhận nỗi đau, con nói: “Được rồi, tôi thấy đau đủ rồi. Tôi sẽ xem xét vấn đề này và vượt qua giới hạn để tôi có thể chỉ một lần và mãi mãi vượt qua nỗi đau đó thay vì bị nó đè nặng hết lần này đến lần khác suốt phần đời còn lại hay thậm chí trong nhiều kiếp sống.” 

Thay vì phớt lờ quá khứ hay chối bỏ quá khứ hay tìm cách khiến mình bận rộn với hiện tại hoặc tương lai đến độ không còn thì giờ chú tâm vào quá khứ, quả thực sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu con đơn giản nhấc máy và lắng nghe thông điệp từ quá khứ. Nếu con lắng nghe thông điệp đó, con có thể nhanh chóng nhận ra rằng hoàn cảnh trong quá khứ cứ quay đi quay lại là hoàn cảnh trong đó con chưa nhìn thấu suốt một tin tưởng giới hạn và vì vậy con chưa buông bỏ tin tưởng đó. 

15.5. Quá khứ trở thành khởi đầu 

Vì con chưa buông bỏ tin tưởng đó nên con tiếp tục giữ chặt một tin tưởng bất toàn về chính mình, hay về cuộc đời, hay về Thượng đế, hay về người khác. Thông qua uy lực của tâm, con phóng chiếu tin tưởng giới hạn đó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Tấm gương của Ánh sáng Mẫu-Vật có thể làm gì ngoại trừ phản chiếu lại những hoàn cảnh bên ngoài của con và hoàn cảnh này phản chiếu tình trạng tâm thức của con? 

Quá khứ của con trở thành khởi đầu cho hiện tại và tương lai của con. Những tin tưởng bất toàn mà con đã chấp nhận trong quá khứ đang liên tục được tâm tiềm thức của con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật phải khoác lấy hình tướng của những tin tưởng này và gửi đến cho con những hoàn cảnh và tình huống vật lý phản ánh những tin tưởng đó. 

Ánh sáng Mẫu-Vật không muốn buộc con phải gặp những hoàn cảnh khiến con đau khổ. Ánh sáng Mẫu-Vật là tấm gương vì vậy nó có thể làm gì ngoài việc phản chiếu lại những gì con đã gửi vào nó? Chính năng lực của sự sống không muốn con tiếp tục phóng chiếu cùng những hình ảnh bất toàn lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Đó là lý do tại sao năng lực của sự sống đang cố giúp con thức tỉnh chính mình để con có thể thay đổi các hình ảnh con giữ trong tâm – và từ đó thay đổi những gì con đang phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. 

Đúng vậy, con yêu dấu, cuộc sống thật sự chỉ giản dị như vậy – nếu con chịu chú ý, nếu con chịu nhấc điện thoại và lắng nghe thông điệp. Thật không may, thày biết vài người thật sự có nhấc điện thoại, nhưng con lại trả lời cùng một cách như khi con nghe đoạn thâu âm đang cố bán cho con một món hàng, quảng cáo một dịch vụ hay vận động cho một ứng cử viên chính trị. Ngay lập tức tâm con đóng cứng không nghe hoặc con cúp máy và không nghe nữa. 

Không phải quá khứ đang cố quấy rầy con bằng cách lặp lại cùng một thông điệp. Đơn giản đó chỉ là tấm gương, tấm gương vũ trụ, chỉ tiếp tục phản chiếu lại con cùng một hình ảnh mà con đang gửi ra ngoài. Không phải cuộc đời đang khiến con bực bội. Chính sự cứng ngắc của tâm con và sự không sẵn lòng nhìn vào các tin tưởng của mình để đánh giá liệu những tin tưởng này có hợp lý không và sau đó thay thế những tin tưởng không hợp lý bằng một sự hiểu biết cao hơn xuất phát từ tâm Ki-tô. 

Thày đang cố gắng thức tỉnh con khiến con thấy điều cực kỳ thiết yếu là con phải sẵn lòng nhìn vượt quá những hoàn cảnh bên ngoài trong quá khứ và đi tìm thông điệp nội tâm, bài học nội tâm con cần học từ những hoàn cảnh đó. Nếu con làm vậy một cách chân thật và cởi mở, con sẽ thấy bất cứ khi nào con gặp một hoàn cảnh khiến con đau khổ, đó là vì con đang nắm giữ một tin tưởng bất toàn về chính mình và về cuộc sống. Nếu con thấy được những bất toàn của tin tưởng đó và đạt được sự hiểu biết cao hơn của tâm Ki-tô thì con có thể thay thế tin tưởng giới hạn này bằng nhận biết thật sự con là ai. Điều này sẽ thay đổi hình ảnh con đang phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Và chắc chắn, điều này sẽ thay đổi những gì tấm gương vũ trụ phản chiếu lại cho con dưới dạng các hoàn cảnh bên ngoài. Điều thày đang nói với con ở đây không phải là một giấc mơ ban ngày, một lời hứa thiếu thực tế. Điều thày đang giải thích với con ở đây là quy luật cơ bản nhất của vũ trụ vật chất. Quy luật này Thánh Kinh có nói tới trong câu: gieo gió thì gặt bão. 

15.6. Có một cái gì khác hơn khổ đau 

Luật của Thượng đế rất giản dị. Con có quyền tự quyết làm bất kỳ điều gì con muốn. Con là người đồng sáng tạo với Thượng đế. Con ở đây để học cách sử dụng khả năng sáng tạo của con để tạo ra các hoàn cảnh mà con có thể sống trong đó được, các hoàn cảnh giúp con tăng triển. Con học bằng hai cách. Một là lắng nghe hướng dẫn nội tâm, từ cái ta cao, từ Hiện diện Ta Là, từ các vị thày tâm linh. Nếu con không lắng nghe sự hướng dẫn hay nếu con không dùng tâm lý luận để tìm hướng đi cho chính mình, thì con phải học bằng cách còn lại, đó là Trường đời Cay đắng trong đó con thấy Ánh sáng Mẫu-Vật phản chiếu lại con những hoàn cảnh vật lý biểu lộ những hoàn cảnh trong tâm con. 

Luật của Thượng đế là thế này: Con có quyền tạo ra bất cứ hình tư tưởng nào mà con muốn. Con có quyền phóng chiếu hình tư tưởng đó ra ngoài tâm con. Khi con làm vậy, con chắc chắn sẽ trải nghiệm những hoàn cảnh vật lý biểu lộ hình tư tưởng đó. Con sẽ trải nghiệm những gì con phóng chiếu lên cuộc sống. Con sẽ trải nghiệm những gì con đồng sáng tạo qua uy lực của tâm bằng cách phóng chiếu một hình tư tưởng lên Ánh sáng Mẫu-Vật. 

Thượng đế và chính thày và tất cả các thày tâm linh chắc chắn đều ủng hộ quyền đồng sáng tạo bất cứ hoàn cảnh nào mà con muốn. Nhưng các thày muốn con hiểu nếu con đồng sáng tạo những hoàn cảnh khiến con đau khổ, thì con có chọn lựa khác thay vì tiếp tục tạo ra những hoàn cảnh tương tự. Cách duy nhất để ngừng chu trình lặp đi lặp lại dẫn đến khổ đau là thay đổi nguyên nhân của hoàn cảnh bên ngoài. Thày biết rõ trong lịch sử con người đã ngụy biện đủ cách để làm ra vẻ như họ không thể kiểm soát được hoàn cảnh bên ngoài. Họ cho rằng họ đã không tạo ra hoàn cảnh đó mà Thượng đế, số phận, may rủi hay người khác đã tạo ra những hoàn cảnh này. Sự thật thẳng thắn là chính con đã đồng sáng tạo những hoàn cảnh của mình vì con đã hình thành những hình tư tưởng và đã phóng chiếu những hình tư tưởng này lên Ánh Sáng Mẫu-Vật. 

Cách duy nhất – cách duy nhất tuyệt đối – có thể thay đổi những hoàn cảnh bên ngoài đó là con hãy thay đổi nguyên nhân của hoàn cảnh. Con có đồng ý là nếu con muốn thay đổi kết quả thì con phải thay đổi nguyên nhân tạo ra kết quả đó? Những gì thày đang nói với con chính là hoàn cảnh bên ngoài của con là kết quả. Nguyên nhân của kết quả này là những hình tư tưởng con giữ trong tâm. Cách duy nhất để thay đổi hoàn cảnh bên ngoài là thay đổi các hình tư tưởng đó.

Bằng cách nào con thay đổi những hình tư tưởng trong tâm? À, không có cách nào khác ngoại trừ nhìn những hình tư tưởng này một cách ý thức – thấy chúng dựa trên tâm thức nhị nguyên, dựa trên ảo tưởng của tâm phản Ki-tô – rồi sau đó buông bỏ chúng một cách ý thức, thay thế những ảo tưởng này bằng sự thật Ki-tô. Con hãy chú ý những gì thày đang nói. Vấn đề ở đây không phải là tìm cách nào đó để biện minh cho những tin tưởng con đã chấp nhận trong quá khứ.

Ồ con yêu dấu, nếu con thành thật nhìn vào điều này, con sẽ thấy có nhiều người khi đối mặt với khả năng họ có một tin tưởng bất toàn, họ sẽ rơi vào phản ứng tự vệ. Phản ứng tự vệ này là một phản ứng mặc định của tự ngã vì giản dị là nó không chịu nhìn nhận là nó có thể sai. Nó rơi vào phản ứng cố gắng bảo vệ hay biện minh cho những tin tưởng của nó. 

Thày hy vọng con có thể thấy nếu con tiếp tục biện minh cho một tin tưởng trong quá khứ, con sẽ đơn giản chỉ bồi đắp cho tin tưởng đó. Con sẽ tiếp tục gửi những hình tư tưởng dựa trên tin tưởng ban đầu vào tấm gương vũ trụ. Tất nhiên, tấm gương vũ trụ có thể làm gì ngoài việc gửi trả lại con cùng một hoàn cảnh mà con đã tạo ra ngay từ đầu? Con yêu dấu, con có nhận ra nếu con tiếp tục làm cùng một việc và mong chờ những kết quả khác nhau thì con sẽ bị kẹt trong sự điên rồ cơ bản của tự ngã con người. Con phải bước ra ngoài những khuôn nếp cũ và sẵn lòng nhìn nhận rằng một số tin tưởng trong quá khứ đang giới hạn chính con. Đây không phải là lợi ích cao nhất của con khi giữ lấy các tin tưởng đó. Ngược lại, lợi ích cao nhất của con giản dị là buông bỏ chúng. 

15.7. Con hơn quá khứ của con 

Nhận biết then chốt ở đây là giáo lý nói rằng cốt lõi bản sắc của con là cái Ta Biết. Cái Ta Biết là một đốm sáng của chính Bản thể Thượng đế. Nó  nhiều hơn vô tận quá khứ của con, hơn bất kỳ hoàn cảnh nào hay bất kỳ tin tưởng nào trong quá khứ. Cái Ta Biết có quyền và khả năng mà Thượng đế đã cho con để bước ra ngoài sự đồng hoá của nó với quá khứ. Con có thể làm điều này bất cứ lúc nào, ngay cả bây giờ. 

Thày muốn con nhìn nhận rằng có một thế lực trong thế giới này quyết tâm giữ con mắc kẹt vào sự đồng hoá với quá khứ để con nghĩ con không thể buông bỏ quá khứ. Thậm chí con sợ rằng nếu con buông bỏ quá khứ, con sẽ mất đi chính bản sắc của mình. Thế lực này bao gồm tự ngã cá nhân của con, tự ngã của người khác và toàn bộ thế lực đen tối, thế lực phản Ki-tô mà Giê-su gọi là ông hoàng thế gian. Ông hoàng thế gian sẽ liên tục tới gần con. Ông ta sẽ tới để thấy liệu ông ta có thể khiến con dính mắc với quá khứ để con không giản dị sẵn lòng buông bỏ quá khứ, buông bỏ những tin tưởng bất toàn bằng cách nhìn nhận rằng con hơn bất kỳ một tin tưởng bất toàn nào. 

Con có thật sự đang nghe thày nói không? Con có quyền và khả năng mà Thượng đế đã ban tặng cho con để buông bỏ bất cứ tin tưởng bất toàn nào trong quá khứ. Con làm điều này bằng cách nào? Bằng cách sẵn sàng nhìn vào các tin tưởng, nhìn nhận rằng chúng không có thật, chúng xuất phát từ tâm thức phản Ki-tô. Sau đó, con nhìn nhận rằng con hơn những tin tưởng đó. Tin tưởng đó giản dị chỉ giống như cái áo choàng cũ sờn rách mà con đã mặc vào một lúc nào đó trong quá khứ. Con có thể cởi nó ra bất kỳ lúc nào và ném nó vào lửa, để cho nó cháy, để nó bị thiêu rụi không còn gì nữa. 

Con có thể cởi bỏ ý niệm bản sắc cũ dựa trên tin tưởng đó, và ném nó vào lửa tâm linh của ngọn lửa tím và Ngọn lửa Tha thứ, và con giản dị buông bỏ nó. Ngọn lửa Tha thứ mà các thày còn gọi là ngọn lửa tím hay Ngọn lửa Từ bi, giản dị là bút tẩy vũ trụ cho phép con cởi bỏ ý niệm bản sắc cũ kỹ, sờn rách mà con đã bồi đắp rồi ném nó vào lửa. Thượng đế trong con thật sự là ngọn lửa thiêu huỷ có thể thiêu trụi tất cả ý niệm tự ngã bất toàn mà con đã bồi đắp trong bất cứ kiếp sống trước nào. Con có chọn lựa khác hơn là lặp đi lặp lại mãi các khuôn nếp cũ rích này. Chọn lựa khác là con cởi chiếc áo choàng của ý niệm bản sắc bất toàn và ném nó vào ngọn lửa vui mừng của Thượng đế để nó bị thiêu rụi và con sẽ được tự do như thể bản sắc đó chưa từng hiện hữu. 

15.8. Chìa khóa chính yếu để buông bỏ 

Chìa khoá chính yếu để làm điều này là gì? Chìa khoá chính yếu để buông bỏ một ý niệm bản sắc bất toàn là gì? Đó là sẵn lòng tha thứ. Để tự do khỏi quá khứ, con phải tha thứ và con phải tha thứ vô điều kiện. Tự ngã đánh lừa để con nghĩ rằng để con tha thứ được thì cần phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ, nhiều người tin rằng để tha thứ cho người đã làm tổn thương mình thì người đó trước tiên phải bị trừng phạt như thế nào đó. Chỉ khi nào người đó bị trừng phạt đủ thì con mới có thể tha thứ cho họ. Và một số người khác nghĩ rằng nếu người đó thật sự thay đổi, thì mới tha thứ được họ. Dĩ nhiên đây là một tin tưởng giống như con dao hai lưỡi, trong đó một lưỡi dao hướng vào con và vì vậy có khả năng làm con bị thương nặng. Những gì con làm cho người khác là những gì con làm cho chính mình. Đây là lý do thày Giê-su đã nói với con hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho con. Ý nghĩa sâu sắc hơn đó là con chỉ có thể làm cho người khác những gì con đã làm cho chính mình rồi, kể cả điều tốt lẫn điều xấu.

Nếu con nghĩ người khác phải đáp ứng những điều kiện nào đó trước khi họ có thể được tha thứ thì con cũng nghĩ con phải đáp ứng những điều kiện nào đó trước khi con có thể được tha thứ. Tự ngã của con rất giỏi đưa ra những điều kiện như vậy và đưa ra theo cách mà không ai có thể làm được, gồm cả chính con. Đó là cách tự ngã giữ con bị mắc kẹt trong chu trình không bao giờ muốn tha thứ cho người khác và không bao giờ muốn tha thứ cho chính mình. Tự ngã chủ yếu muốn con tin rằng vì con đã phạm lỗi lầm trong quá khứ, con không thể được tha thứ, con không thể chuộc lỗi, con không bao giờ vượt lên quá khứ và tự do khỏi quá khứ. 

Điều cuối cùng tự ngã muốn con nhận ra là con được Thượng đế trao cho quyền và sức mạnh bỏ đi các bất toàn trong quá khứ. Tự ngã không muốn con nhận ra con có khả năng làm điều này. Nó không muốn con biết con có thể làm điều này bằng cách mở lòng nhìn nhận các tin tưởng bất toàn đã khiến con gặp phải những hoàn cảnh vật lý gây cho con nhiều đau khổ. Con có thấy được chìa khoá chính yếu để vượt lên quá khứ là tha thứ – nhưng không phải tha thứ theo cách thế phàm dựa trên những điều kiện bên ngoài. Không, chìa khoá chính yếu để vượt lên quá khứ là tha thứ vô điều kiện. 

Khi con không tha thứ cho người kia, thì thật sự con đang nắm giữ hoàn cảnh cũ. Nghĩa là con đang nắm giữ – dù con có ý thức hay không – nỗi đau được tạo ra trong hoàn cảnh đó khi người kia làm tổn thương con. Nỗi đau kéo sự chú ý ý thức của con và kéo con vào việc nhớ lại hoàn cảnh đó. Bất cứ khi nào con nhớ về hoàn cảnh đó, con lại tăng cường tổn thương nguyên thuỷ, nỗi đau nguyên thuỷ và sự giận dữ nguyên thuỷ đối với người kia. Vì vậy, con cột chính mình với quá khứ và con thật sự củng cố quá khứ. 

Khi con không tha thứ cho người kia, con đang làm hại chính mình vì con đang nắm giữ những hình ảnh và cảm xúc bất toàn, và con đang phóng chiếu chúng lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật phải lý giải là con muốn trải nghiệm tình huống trong đó người ta làm tổn thương con. Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ làm gì cho con? À, nó không có chọn lựa nào ngoài việc gửi cho con những hoàn cảnh tương lai trong đó người khác làm tổn thương con. Nó thật sự tin rằng đây là những gì con muốn trải nghiệm, dựa vào việc con đang phóng chiếu một hình tư tưởng và cảm xúc về việc người khác làm tổn thương con vào tấm gương vũ trụ. 

15.9. Không tha thứ làm tổn thương con

Cuối cùng con có hiểu là khi con không tha thứ cho người khác, con đang thật sự làm tổn thương chính mình không? Con biện minh như thế nào để không tha thứ cho người khác? Đó có phải là họ không đáp ứng các điều kiện bên ngoài mà tự ngã con đã xác định. Như thể khi người khác không đáp ứng những điều kiện đó, con không thể buông bỏ hoàn cảnh, con không thể tha thứ và vượt lên. 

Con có thấy đây chính là cùng một tâm lý khiến con tổn thương trong hoàn cảnh ban đầu? Chuyện gì đã xảy ra trong hoàn cảnh ban đầu, đó là người kia đã làm chuyện gì đó với con. Nhưng không phải những gì họ làm khiến con tổn thương. Đó là những tin tưởng bất toàn con nắm giữ về chính mình và cuộc đời đã khiến con phản ứng với hoàn cảnh theo cách làm tổn thương chính con. 

Điều thật sự tạo ra nỗi đau trong hoàn cảnh ban đầu đó là con có một tin tưởng biến con thành nạn nhân thụ động. Con nghĩ khi người ta làm điều gì với con, con chỉ có thể đáp trả bằng cảm xúc tiêu cực khiến con đau đớn. Chính tin tưởng này biến con thành nạn nhân trong tình huống ban đầu. 

Thậm chí bây giờ con vẫn nắm giữ tin tưởng con là nạn nhân với suy nghĩ chỉ khi người khác đáp ứng các điều kiện, con mới tha thứ cho họ và buông bỏ hoàn cảnh đó. Bằng việc không tha thứ, con thật sự duy trì hoàn cảnh ban đầu. Con đang phóng chiếu những tin tưởng và cảm xúc từ hoàn cảnh đó lên tấm gương vũ trụ, chắc chắn từ đó gieo gió gặt bão. Con đã phóng chiếu một hình tư tưởng bất toàn lên tấm gương và vì vậy không thể tránh được tạo ra một chuỗi phản ứng chuyển động cuối cùng gửi trả về con các hoàn cảnh vật lý phản chiếu hình tư tưởng đó. 

Cái gì có thể phá vỡ hoàn cảnh này? Chỉ có một cách duy nhất phá vỡ nó, đó là con nhấc điện thoại lên lắng nghe đủ lâu để nhận ra cuộc sống đang cố dạy con rằng chính những tin tưởng của con khiến con đau khổ. Chỉ bằng cách thay đổi những tin tưởng của mình, con mới phá vỡ chu trình trải nghiệm những hoàn cảnh vật lý đặt con vào một tình huống – trong chính tâm con – trong đó con nghĩ khả năng phản ứng duy nhất của con là phản ứng như một nạn nhân và cảm thấy đau đớn. 

15.10. Con hãy lấy lại uy lực của mình để con chọn một phản ứng

Điều duy nhất có thể thay đổi phương trình đó là con thay đổi cách con nhìn phương trình, cách con nhìn cuộc sống, cách con nhìn chính mình. Con phải lấy lại uy lực của mình để đáp ứng các hoàn cảnh dựa trên một chọn lựa của ngày hôm nay – bây giờ – thay vì một chọn lựa trong quá khứ. Trong quá khứ, con đã chấp nhận một tin tưởng bất toàn về chính mình. Khi con cho phép tin tưởng đó vẫn nằm trong tiềm thức của con, thì con không thể lấy một chọn lựa là con sẽ đáp ứng tình huống con trải nghiệm trong hiện tại như thế nào. Con đã chọn lựa trong quá khứ, và con chỉ có thể lặp lại cùng một khuôn nếp hết lần này đến lần khác. 

Điều có thể phá vỡ hoàn cảnh đó là con biết chuyện gì đang xảy ra, và vì vậy con quyết định quay lại nhìn tin tưởng ban đầu và loại bỏ nó vì nó không có thật. Khi con loại bỏ tin tưởng đó, và lần sau khi con trải nghiệm một tình huống tương tự thì con sẽ không còn gánh nặng trì kéo con. Tâm con sẽ có thể nói: “Nhưng bạn biết đấy, tôi không cần phải phản ứng với tình huống này bằng cảm xúc tổn thương, cảm xúc sợ hãi, cảm giác xấu hổ, chỉ trích trừng phạt chính mình và nghĩ tôi là người xấu vì người ta đối xử với tôi như thể tôi là người xấu”. 

Thay vào đó, con có thể nhận ra những gì người khác làm với con là sự phản chiếu trạng thái tâm thức của họ. Đó không phải là người kia có hình ảnh bất toàn về con, mặc dù điều này có vẻ là như thế dựa trên tâm vỏ ngoài và hành động của họ. Thật sự, người đó có một hình ảnh bất toàn về chính họ, và người đó đang phóng chiếu hình ảnh đó lên con. Nhưng con không phải chấp nhận hình ảnh mà họ áp đặt lên con. Thượng đế ban cho con quyền sống cuộc đời của mình dựa trên những hình ảnh trong chính tâm con. Con có thể tự do chọn lựa đáp ứng với họ – khi con không chấp nhận những hình ảnh của người khác hay những tin tưởng giới hạn khác đến từ quá khứ của chính con. 

Chìa khoá để buông bỏ những hình ảnh bất toàn mà con đã chấp nhận trong quá khứ hoặc những hình ảnh bất toàn mà người khác đã chấp nhận là gì? Chìa khoá để không bị ảnh hưởng bởi những tin tưởng bất toàn của người khác hay những tin tưởng bất toàn của chính tự ngã trong quá khứ của con là gì? Đó là tha thứ – tha thứ bằng việc hoàn toàn không dính mắc với những gì họ phóng chiếu vào con hay phóng chiếu từ chính tâm thức con. Đó là chấp nhận có sức mạnh tuyệt đối để tha thứ vô điều kiện cho chính mình và người khác và giản dị để buông bỏ tất cả cảm nhận tổn thương, tất cả cảm nhận đau đớn. 

15.11. Không ngừng tha thứ

Thày biết một khi con đã bị kẹt vào vòng xoáy tổn thương và đau đớn, thì dường như không có lối ra. Thày thật sự đã vượt lên nhân tình thế phàm này và nhiều sinh thể thăng thiên khác cũng vậy. Thày cần nói với con hầu hết mọi người trên trái đất bị mắc kẹt trong một ảo tưởng. Sự thật được nhiều sinh thể thăng thiên chứng minh đó là con quả thật có thể vượt lên vòng xoáy hướng hạ từ quá khứ. Con có thể làm vậy bằng cách chuyển đổi quá khứ, không phải bằng cách kiểm soát quá khứ hay kiểm soát người khác. Con chỉ có thể làm vậy bằng cách chuyển đổi cách con nhìn quá khứ để con sẵn lòng buông bỏ tin tưởng mà con đang nắm giữ đến nay. 

Không phải là việc tìm ra cây đũa thần mới có thể giải thoát con khỏi quá khứ. Cây đũa thần là nhận biết ý thức của con và việc con sẵn sàng buông bỏ, buông bỏ nỗi đau, buông bỏ tổn thương, buông bỏ tin tưởng là con cần phản ứng với hoàn cảnh một cách tiêu cực, buông bỏ hoàn toàn xu hướng nghĩ rằng con chỉ có thể phản ứng bằng những cảm xúc tiêu cực trong những hoàn cảnh nào đó. Một khi con đã thật sự bước vào tinh thần tha thứ – và cho phép tinh thần tha thứ đi vào thể thấp của con – con sẽ ở trong trạng thái tha thứ không ngừng. Con đã tha thứ cho chính mình và người khác rồi trước khi họ làm bất cứ điều gì với con. 

Khi người ta làm một điều gì với con – vì thật sự con không thể kiểm soát hành động của người khác – thì con đã tha thứ cho họ trước đó rồi. Khi con biết họ đã được tha thứ trước đó rồi, con cũng biết con có thể tự do khỏi các phản ứng tiêu cực cho dù người ta có làm gì với con. Con có thể theo lời khuyên uyên thâm của thày Giê-su, đó là con không chống cự cái ác, nhưng khi một người tát con má bên này, con chìa má bên kia. 

Con chỉ có thể chìa má bên kia khi con ở trong trạng thái tha thứ liên tục và vô điều kiện. Khi họ làm một điều gì với con, con không đi vào một phản ứng tiêu cực. Con an trụ trong an bình, con an trụ trong yêu thương, con an trụ trong tha thứ. Con giản dị chìa má bên kia để con có thể cho họ cơ hội khác nhìn thấy những điều xấu, những bất toàn trong họ. 

15.12. Giúp người khác nhận ra ảo tưởng của họ  

Chuyện gì xảy ra khi một người làm tổn thương con và con phản ứng một cách tiêu cực và tìm cách làm tổn thương lại? Con có công nhận tin tưởng của người kia về con là một người xấu không? Đó có phải chính là tin tưởng trong hầu hết trường hợp khiến họ làm tổn thương con lúc đầu, có nghĩa là họ tin con đã làm điều gì sai và con đáng bị trừng phạt hoặc bị tổn thương? 

Khi con cho phép mình bị tổn thương và phản ứng lại bằng cách cố gây tổn thương cho họ hoặc bảo vệ mình, thì con chỉ củng cố tin tưởng của họ. Con không chỉ củng cố tin tưởng trong tâm của người kia, mà còn củng cố nó trong tâm con. Sau cùng, chỉ vì con có những tin tưởng bất toàn về chính mình nên con cho phép những hành động của họ gây tổn thương con. 

Khi con chìa má bên kia, con phá vỡ vòng xoáy. Khi một người gây tổn thương con, con đáp trả bằng tình thương, con thách thức tin tưởng của họ về con là một người xấu hay con đáng bị trừng phạt. Con cho người kia thấy con là người có thể đáp trả bằng tình thương. Vì vậy, họ buộc phải xem lại hành động của mình và hình ảnh của họ về con. Điều này thường giúp họ bước ra ngoài ảo tưởng để họ thấy mình bị kẹt trong những tin tưởng bất toàn về chính mình và về cuộc đời. Họ nhận được một cơ hội vượt qua những tin tưởng đó. 

Đúng vậy, con yêu dấu, thày biết rõ có người khi con chìa má bên kia, họ sẽ lại làm tổn thương con. Nhưng con thấy đấy khi con chìa má bên kia cùng với tình thương và tha thứ hoàn toàn – tha thứ vô điều kiện – và người kia vẫn làm tổn thương con, thì hành động làm tổn thương con lần thứ nhì sẽ trở thành sự phán xét người đó. Sự phán xét này sẽ tạo ra một phản ứng từ chính cuộc sống khiến họ trải nghiệm nghiệp quả quay trở lại nhanh hơn từ những gì họ gửi vào tấm gương vũ trụ. Nghiệp quả quay trở lại này hoặc khiến người đó thức tỉnh hoặc sẽ khiến người đó sau cùng bị phán xét tới điểm họ sẽ không được phép đầu thai trên trái đất cho đến khi họ thay đổi tâm thức. 

Những gì Giê-su thật sự nói đó là nếu người ta làm theo lời khuyên của thày chìa má bên kia và không cưỡng lại cái ác, thì họ cho phép luật của Thượng đế thực thi đầy đủ. Bằng cách làm điều này, luật của Thượng đế sẽ có thể tăng tốc rút cái ác ra khỏi trái đất. Khi con cho phép người khác làm tổn thương con lúc con chìa má bên kia, thì Thượng đế có thể nhập cuộc và rút người đó ra khỏi trái đất. Nhờ đó, con nhanh chóng tới được tình trạng hầu hết những người xấu ác – những người ích kỷ nhất, vị kỷ nhất, duy ngã nhất – sẽ bị rút ra khỏi trái đất. Vì vậy, nhân loại như một tổng thể sẽ đơn giản vượt lên một tầng cao hơn và vượt qua trạng thái tâm thức mà ngày nay con thấy biểu lộ nhiều lần trong một vòng xoáy dường như vô tận làm tổn thương nhau và tìm cách trả thù những tổn thương đó – do đó điều này lại tạo ra một tổn thương mới khiến người kia có lý do tìm cách trả thù. 

15.13. Phá vỡ chu trình trả thù 

Điều này đã tiếp diễn hết lần này đến lần khác trên hành tinh này, đặt biệt ở Trung đông nơi chu trình trả thù và trả thù để trả thù cứ tiếp diễn. Vòng xoáy hướng hạ này chỉ được phá vỡ khi người ta quyết định họ đã thấy đủ. Họ sẽ không tiếp diễn chu trình này, và vì vậy họ sẽ làm một điều hoàn toàn khác thay vì đáp trả nỗi đau bằng nỗi đau, sự trả thù và khao khát trừng phạt. Họ sẽ đáp trả bằng tình thương và sự tha thứ vô điều kiện. 

Ấy con yêu dấu, con có thấy bằng cách làm vậy, con sẽ giải phóng mình khỏi các ràng buộc với người đã làm tổn thương con không? Khi con nghĩ đến điều này, có ý nghĩa gì không khi một người làm tổn thương con và con lại muốn ràng buộc mình với họ? Nếu con không phải là người thích thú đau thương – thày tin phần lớn các con không phải là kiểu người này – thì tại sao con muốn quay lại và mời họ làm tổn thương con lần nữa? Nếu họ làm tổn thương con, thì đáp trả hợp lý là con đơn giản muốn giải thoát mình khỏi người đó và không bao giờ muốn gặp lại họ. Nếu con đi vào chu trình bị tổn thương và muốn người kia bị trừng phạt, thì con đã trói mình với họ. 

Mong muốn trừng phạt người khác có nghĩa là con chỉ sẵn sàng buông bỏ khi con thấy họ bị trừng phạt. Con tự động trói mình với họ cho đến khi con cảm thấy họ nhận đủ sự trừng phạt, và việc này có thể không xảy ra trong kiếp này hay thậm chí nhiều kiếp nữa. Điều này cũng giống như cách những người Trung đông đã tạo nên dây trói lẫn nhau để rồi các linh hồn này cứ tiếp tục đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác. Thày đã nói với con trước đây là tôn giáo hay chủng tộc vỏ ngoài không quan trọng, vì người ta sẽ chuyển đổi vị trí để nhiều người kiếp trước là người Đức đã từng gây ra cuộc diệt chủng người Do thái hoặc kiếp trước là người Ả rập đã ngược đãi người Do thái thì kiếp này đầu thai làm người Do thái. Nhiều người Ả rập bây giờ có tiền kiếp là người Do thái. 

Những người này đã không sẵn lòng tha thứ vô điều kiện vì vậy họ đã khiến chính mình cứ lặp đi lặp lại chu trình này. Quả thật có một tâm thức rộng khắp trong thế giới Ả rập tin rằng họ không thể tha thứ người Do thái. Có một tâm thức trong cộng đồng người Do thái tin rằng họ không thể tha thứ người Ả rập hay người Đức hay các tín đồ Cơ đốc giáo. Khi một người sinh trưởng trong một nền văn hoá nào đó, người này gặp phải một thách thức phải vượt lên trên tin tưởng văn hoá của họ và phải tha thứ vô điều kiện, tha thứ bất kể tin tưởng văn hoá nào. Họ phải nhận ra mình hơn cái tin tưởng văn hoá đó, hơn chủng tộc đó, hơn tôn giáo đó, hơn các liên kết chính trị, hơn các liên kết quốc gia hay hơn bất cứ nhãn hiệu vỏ ngoài nào. Khi con tha thứ bất chấp các nhãn hiệu vỏ ngoài, con cũng giải phóng mình khỏi các nhãn hiệu này. Đó là cách con nâng cao và thăng vượt chính mình để lại hoà vào Dòng sông sự Sống, nhờ đó con trải nghiệm niềm vui vô bờ bến của sự tự thăng vượt liên tục. 

15.14. Dụng cụ Mẹ Mary trao để con vượt qua quá khứ 

Con yêu dấu, thày có thể tiếp tục bài giảng này bất tận bằng cách cho thêm nhiều ví dụ cho thấy con người đã làm tổn thương chính họ như thế nào bằng việc không tha thứ. Nhưng nếu những gì thày nói vẫn chưa đủ để khiến con suy nghĩ đến việc nhìn lại quá khứ theo một cách nhìn khác thì thày nói thêm nữa để làm gì? 

Thày sẽ quay lại phần mở đầu và nói: “Bài giảng này là một cú điện thoại từ Mẹ Vũ trụ. Con hãy nhấc điện thoại lên để nghe thông điệp của Mẹ!”. Nếu con cảm thấy con chưa hiểu đầy đủ thông điệp của thày bằng cách đọc và nghe một lần thì thày muốn con nghe lại lần nữa. Thày sẵn lòng lặp lại thông điệp nhiều lần cho đến khi con hiểu ý thày. 

Con hãy thử làm chuyện gì khác thường. Hãy yêu cầu thày hướng dẫn nội tâm cho con. Hãy yêu cầu thày cho con thấy thông điệp đằng sau những tình huống bên ngoài mà con gặp phải. Hãy yêu cầu thày và thày sẽ chỉ cho con – nếu con chịu nhấc điện thoại lên và lắng nghe. Thày chúc con được an lành và thày chúc con một mùa Giáng sinh hạnh phúc. 

Con yêu dấu, Tinh thần Giáng sinh phải chăng chính là Tinh thần Tha Thứ, là Tánh linh đã thức tỉnh con người để họ có thể tái sinh, để lần nữa khởi đầu cuộc sống mới, khởi đầu một ngày mới? Cuộc đời của Ki-tô, sự giáng sinh của Ki-tô phải chăng là một cú điện thoại khác của cuộc sống tìm cách thức tỉnh loài người là họ có thể vượt lên quá khứ và vươn lên một ngày mới trong vương quốc của Thượng đế? Thầy niêm con trong Ngọn lửa Tha thứ Vô điều kiện. Khi con tha thứ vô điều kiện, niềm vui sẽ đong đầy. 

Con có tỉnh thức?

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 20/10/2006 qua trung gian Kim Michaels.

Phật TA LÀ. Gautama là tên ta khi ta bước chân trên địa cầu. Và mặc dù ta vẫn mang tên đó, ta có một cái tên cao hơn mà một ngày ta sẽ tiết lộ cho con khi con sẵn sàng tiếp nhận được do con đã đạt tới sự hòa nhập cao hơn với tên gọi bên trong của con, với bản thể cao hơn của con mà con là.

Con yêu dấu, sau khi ta nhập Niết bàn và trở lại vũ trụ vật chất để giảng dạy, ta có gặp ba người đàn ông sửng sốt trước ánh hào quang an tịnh của ta. Họ sửng sốt trước Ngọn lửa Thượng đế tỏa sáng xuyên qua hình tướng vỏ ngoài của ta. Và họ hỏi ta là gì. Liệu ta có phải là một vị thần, một thiên thần, và một số câu hỏi khác nữa. Trong số các con, có ai biết câu trả lời của ta cho họ? Ta đã nói gì khi họ hỏi “Ông là gì?” [Cử tọa trả lời: “Ta là tỉnh thức!”] Đúng vậy, ta chỉ đơn giản trả lời: “TA LÀ tỉnh thức!” Vậy thì các con yêu dấu, chúng tôi, các chân sư thăng thiên, muốn thấy điều gì nơi các học trò của chúng tôi còn đang hiện thân? [Cử tọa trả lời: “Muốn chúng con là tỉnh thức!”]  

Đúng vậy. Chúng tôi muốn các con tỉnh thức như chúng tôi đã trở nên tỉnh thức. Cho dù chúng tôi đã nhận biết điều này sau khi thăng thiên hay trong khi còn hiện thân nơi cõi vật lý, con có tiềm năng trở nên tỉnh thức ngay khi con còn trên địa cầu. Và do đó con có khả năng thoát khỏi trạng thái ảo tưởng, trạng thái mộng du qua cuộc đời, khi con cảm thấy cuộc sống là một chiếc máy chạy bộ và con cứ chạy tới và chạy tới nữa mà vẫn có vẻ không tới được nơi nào. Và cuộc sống dường như không có mục đích, không có phương hướng hay ý nghĩa gì sâu xa hơn. Con hãy nhìn nhân loại và tự hỏi, “Có bao nhiêu người trên hành tinh này đang phần nào tỉnh thức, ý thức được họ là nhiều hơn những gì họ đang kinh qua trong đời sống mỗi ngày?” và nhờ nhận biết này mà họ thưởng thức cuộc sống sâu sắc hơn.     

Khi con tỉnh thức, có một nhận thức cốt yếu rằng con là nhiều hơn những thị hiện vỏ ngoài đó. Con là nhiều hơn hoàn cảnh vỏ ngoài. Con là nhiều hơn cơ thể vật lý của con. Con là nhiều hơn hạ trí, nhiều hơn cái cá tính vỏ ngoài đã bị thế gian này nhào nặn. Con là nhiều hơn thế. Và điều gì xảy ra khi con biết con là nhiều hơn? Phải, con không hoàn toàn đồng hóa với thế gian này nữa, với phàm nhân của con, với cá tính vỏ ngoài của con, thậm chí với cả tự ngã. Và khi con không còn hoàn toàn đồng hóa với nó nữa, tâm con sẽ không còn bị kẹt lại trong cái hộp tư duy mà tự ngã đã tạo ra. Và như vậy, ít nhất là đôi khi, con có thể bước ra ngoài hộp tư duy đó và nhìn cuộc đời với một tầm nhìn rộng lớn hơn. Con có thể nhìn toàn bộ bức tranh. Con có thể thấy được toàn khu rừng thay vì cứ đập đầu vào một gốc cây.      

Chìa khóa của tự do không phải là thăng thiên

Và đó tất nhiên là chìa khóa của tự do. Chìa khoá của tự do không phải là con vĩnh viễn bỏ lại thân xác vật lý này trong tiến trình thăng thiên. Con yêu dấu, con có đang tỉnh thức? Con có nghe điều ta vừa nói? Chìa khóa của tự do không phải là con bỏ lại vũ trụ vật chất trong tiến trình thăng thiên. Có vẻ như ta đang nói ngược lại những giáo lý trước đây của các chân sư vốn đặt trọng tâm vào việc thăng thiên như là mục đích của cuộc sống. Vậy tại sao bây giờ ta lại nói rằng thăng thiên không phải là chìa khóa của tự do? Bởi vì con không thể thăng thiên nếu con không tỉnh thức.  

Trở nên tỉnh thức không phải là một tiến trình máy móc có thể đạt được qua một số quy tắc, tín điều hay nghi lễ vỏ ngoài nào đó. Đó là một tiến trình sáng tạo chỉ có thể đạt được qua một sự tỉnh thức đã thể nhập, và do đó nó dẫn đến quyết định SỐNG tối hậu – một quyết định không do con sản xuất ra, không phải do ý chí mà có, nhưng một quyết định tự phát từ bên trong vì một hôm con quyết định là con sẵn sàng tỉnh thức. Con sẵn sàng vượt ra khỏi cái trạng thái tâm thức mà cho tới giờ con vẫn là. Con sẵn sàng vươn lên tới trạng thái nhận biết cao hơn khi một phần chú ý của con, một phần cái là của con, một phần ý niệm bản sắc của con, luôn luôn đứng ngoài tình huống hiện thời của con, luôn luôn nhìn về toàn cảnh và nhìn từ một tầm nhìn rộng lớn hơn. Và do đó, con không bao giờ hoàn toàn nhìn cuộc sống từ bên trong hộp tư duy của tự ngã.

Sự nhận biết này sẽ không đến với con một cách tự động. Không phải là cứ ngồi thiền X tíếng đồng hồ mỗi ngày trong X năm trời. Không phải là vấn đề tuân thủ bất cứ lễ nghi nào. Đây là sự nhận biết phải đến từ bên trong. Nhưng đây là một sự nhận biết có thể được trau dồi, bởi con sẵn lòng luôn luôn nhìn vượt ra ngoài tình huống trước mắt, luôn luôn nhìn vượt ra ngoài hộp tư duy hiện thời của tự ngã, hầu con không đồng hóa hoàn toàn với cái hộp đó và bị mắc kẹt trong đó.

Sự nhận biết rằng mình hoàn toàn tỉnh thức là điều mà chúng tôi mong muốn nhìn thấy nơi tất cả các con. Lý do là vì chúng tôi đã trở nên tỉnh thức, chúng tôi đã được tự do, và chúng tôi cũng muốn tất cả các con đạt được cùng tự do này, cùng niềm vui, cùng trạng thái an lạc. Đây là sự an lạc vượt khỏi mọi hiểu biết, mọi điều kiện bên ngoài – bởi vì nó không tùy thuộc vào bất cứ điều kiện nào trong thế gian, bởi vì con nhận ra rằng chìa khóa của an lạc là sự kết nối với nguồn gốc của an lạc. Và nguồn gốc của an lạc không thể tìm thấy trong thế giới vật chất, mà chỉ tìm được trong chính bản thể cao hơn của con mà từ đó nguồn cội sự sống tuôn chảy vào con.

Niết bàn không phải là tiêu diệt

Con yêu dấu, con đã không sinh tạo ra hoàn toàn không có mục đích. Cuộc đời không phải là cái máy chạy bộ. Ta biết rất rõ là một số người theo ta – hay những người tự nhận là Phật tử – đã tạo ra một thế giới quan mà họ bảo là dựa theo lời dạy của ta, một thế giới quan cho rằng cuộc sống chỉ là một tiến trình sinh ra, vươn lên mức tâm thức của Phật, rồi hoà nhập lại, tan biến trở lại vào Niết bàn nơi mình sẽ tiêu diệt. Đây là hư cấu của trí tưởng tượng con người, vì Niết bàn không phải là tiêu diệt. Đó là một tính cách sống cao hơn mà hầu hết mọi người trên địa cầu không thể mường tượng được. Cho nên đối với họ, nhập Niết bàn có vẻ như là tiêu tan. Nhưng người nhập Niết bàn chỉ tan biến khỏi tầm mắt của những ai không tỉnh thức, những ai chưa vượt lên khỏi nhị nguyên.    

Con thấy đó, các giáo lý mà Mẹ Mary và Giê-su đã ban ra về tự ngã và tâm thức nhị nguyên quả là giáo lý tinh túy cho Thời đại Bảo bình. Bởi vì loài người đã sẵn sàng nhận ra sự hiện hữu của tự ngã, sẵn sàng hiểu ra – nếu học hỏi nghiêm túc –bản chất của nhị nguyên và cách nhị nguyên ảnh hưởng tư duy như thế nào, cách nó khiến mình mù quáng trước thực tại, cách nó trói chặt mình vào cái máy chạy bộ khiến mình luôn luôn phải giao chiến với một thế lực đối nghịch mà không bao giờ đạt được mục đích của mình, không bao giờ có thể đột phá và đến được nơi mình muốn đến trong cuộc sống.

Và lý do là vì con đã bị lừa gạt bởi tự ngã và ông hoàng của thế gian, khiến con tin rằng an lạc của con, hạnh phúc của con nằm trong thế gian này. Và như vậy, con được dạy bảo là con phải đeo đuổi hạnh phúc đó và tìm nó trong thế gian. Bởi vì để đạt được hạnh phúc – họ bảo vậy – con phải khắc phục cái thế lực đối nghịch kia, và con đâm đầu vào giao chiến với đối cực ngược lại. Cuộc chiến này có thể kéo dài mãi mãi, cho tới khi con hết thì giờ.  

Bởi vì khi con tham gia vào trận chiến đó, quả là con đang tạo dựng ra kẻ đối đầu với con. Con tự phân cực con ra để trở thành một trong hai đối cực nhị nguyên, con bị mất cân bằng, và con đánh mất trung đạo. Trong thế mất cân bằng này, con tạo ra lực đối lại mỗi nỗ lực của con, vì con phóng chiếu ra một cái nhìn mất cân bằng vào tấm gương vũ trụ, và tấm gương này không làm sao khác hơn là phóng chiếu trở lại cho con một tình huống vật chất cũng mất cân bằng như thế.   

Cho nên, sự tỉnh thức có nghĩa là con nhận ra cách vận hành của tranh đấu nhị nguyên, và con quyết định con sẽ nâng cao nhận biết của mình hầu con nhận biết những lực nhị nguyên trong chính bản thân con, những lực đang phân rẽ con khỏi chính con, phân rẽ phàm nhân của con để nó chống lại chân nhân của con. Và cứ như vậy trong sự phân rẽ đó, con tạo ra những tình huống đối chọi với những mục đích của con.   

Trong một nghĩa nào đó, đây là một ân huệ, bởi vì đó là một cơ năng an toàn được cài đặt sẵn trong vũ trụ vật chất. Nói giản dị, mục đích của cơ năng này là khi con bị mất cân bằng, khi con bỏ rơi con đường trung đạo, chính sự mất cân bằng của con tạo ra một lực đối nghịch sẽ kéo con ngược trở về cân bằng. Cho nên con càng đi xa vào một đối cực – càng cố đẩy để đạt được mục đích mà con đã đặt ra cho mình – thì con sẽ càng tạo ra lực đối nghịch sẽ chống đối nỗ lực của con và tìm cách kéo con về trung điểm.  

Ảo tưởng nhân đôi

Nhưng tất nhiên, con không nhìn như vậy. Con không nhìn thấy là vũ trụ vật chất đang cống hiến cho con một dịch vụ bằng cách nó cố gắng tái lập cân bằng cho con. Nhưng không, con cho phép tự ngã của con bảo con rằng vũ trụ đang chống lại quyền lợi của con – là quyền tự do làm bất cứ gì con muốn bất chấp vũ trụ vật chất, bất chấp quy luật cân bằng. Không những con tạo ra sự mất cân bằng đã tạo ra chống đối, bây giờ con lại chống đối ngay cả sự chống đối mà con đã tạo ra. Và con đinh ninh rằng con đã không tạo ra nó, mà có một thế lực bên ngoài – có thể là ma quỷ hay là người khác – đã tạo ra nó.  

Bây giờ con đang chiến đấu trên hai mặt. Và từ hai mặt trận này, một mặt trận thứ ba sẽ dấy lên, và từ ba mặt trận đó sẽ dấy lên một mặt trận thứ tư. Chẳng bao lâu con bị bao trùm trong các trận chiến nhị nguyên đủ loại, đến độ con không còn sự chú ý nào sót lại để lùi về một bước và thầm nhủ: “Có thể có cách nào hay hơn chăng? Có thể có một cách trung đạo? Có cách nào bước ra khỏi cái máy chạy bộ cứ khiến minh lao vào những trận chiến nhị nguyên, và mình tìm được cách vượt lên trên cuộc tranh đấu?”

Đó là thông điệp của chính cuộc đời của ta. Đầu tiên khi lớn lên, ta đã sống một cuộc đời thế gian, vật chất, rồi ta nhảy sang đối cực ngược lại, ta sống trong rừng, hành hạ bản thân và thể xác vật lý vì ta tưởng thể xác vật lý là kẻ thù và ta phải kỷ luật, kiểm soát nó. Sự thật mà đa số Phật tử chưa hiểu rõ là ta đã thực sự nhận ra rằng thân xác ta cùng thế giới vật chất này không phải là kẻ thù của phát triển tâm linh. Ta thấy được kẻ thù, và nó chính là ta, là phàm nhân của ta, tự ngã của ta, những dính mắc của ta, những kỳ vọng của ta muốn cuộc sống phải thế này hay thế khác.

Cho nên điều mà chúng tôi thực sự mong muốn thấy nơi các học trò của chúng tôi trong thời đại hôm nay là các con nhận biết được điều đó và vượt lên trên những cuộc chiến nhị nguyên trong bản thân mình. Nhưng chúng tôi không chỉ mong muốn cho riêng con được lợi ích, không chỉ riêng con được an lạc hay giải thoát, mà vì trong thời đại này chúng tôi cần có những người sẵn sàng chứng tỏ được con đường tâm linh cho người khác.   

Vậy thì làm thế nào chứng tỏ con đường tâm linh cho người khác? Cách cao nhất không phải là thuyết giảng hay truyền giáo qua những giáo lý trí thức vỏ ngoài. Không, cách cao nhất là con hãy là con người mà con là, con hãy tỉnh thức hầu con có thể tỏa ra cái ánh sáng mà con là. Điều này không có nghĩa là con cần giữ im lặng, bởi vì thật sự chính ta cũng đã giảng dạy. Ta không chỉ đứng nói “TA LÀ tỉnh thức” rồi mặc kệ đó. Nhưng thuở xưa khi ta giảng dạy, ta đã không trình bày theo cách giáo lý được trình bày ngày nay 2500 năm sau,  không phải là lời dạy đã được ghi chép xuống, được dịch thuật rồi lại dịch thuật, được phiên âm rồi lại phiên âm, và như vậy đã bị phần nào loãng đi, tương tự như mọi giáo lý khác đã đi qua tâm trí của rất nhiều người còn vô minh.

Truyền rải Lời Hằng sống

Không, điều ta truyền rải là Lời Hằng sống được phú Ngọn lửa Thượng đế, được phú Bản thể Nội tâm của ta. Ta mong muốn tất cả các con có thể truyền rải Lời Hằng sống này. Và ta không muốn nói con phải đứng trước mặt nhiều người và đọc lên bài truyền đọc của chân sư. Ta muốn nói là khi con nói chuyện với người khác, dù là trong bài thuyết pháp hay cuộc đối thoại thân mật, con hãy nói ra từ Bản thể Nội tâm của con một cách tự do. Con hãy để cho ánh sáng của con tỏa ra, hầu lời nói không còn là chủ yếu, mà lời nói chỉ đơn giản là những chiếc chén thánh chứa đựng ánh sáng.   

Lời nói chuyên chở ánh sáng, đi vào trường năng lượng của người kia, nâng họ lên và chuyển hóa họ. Và đột nhiên họ ngộ ra là có một trạng thái tâm thức khác nữa ngoài tâm thức mộng du trong đời, bởi vì họ thấy được trong con một cái gì đó nhiều hơn. Họ thấy con tỉnh thức, con hào hứng, con hăng hái, con là con người mà con là, con an bình. Họ cảm thấy được sự an lạc của con và họ nghĩ: “Tôi cũng muốn như vậy!” Và con có thể nói với họ: “Bạn cũng có thể có được. Và nếu bạn cho phép tôi gợi ý, đây là con đường tôi đã đi theo. Con đường của bạn sẽ khác con đường của tôi, nhưng ít ra bạn có một khởi điểm”.  

Tất cả các con sẵn lòng học hỏi và thể nhập những giáo lý này đều có tiềm năng đạt đến trạng thái tỏa rạng ánh sáng nội tâm, làm tấm gương cho con đường tâm linh, con đường tự thăng vượt, con đường trở thành nhiều hơn. Thật sự chúng tôi, các chân sư thăng thiên, có khả năng nâng cao mức rung động của một lực trường, và đó là một trong những lý do chúng tôi đã ban ra những bài truyền đọc là sự diễn đạt của Lời Hằng sống. Nhưng con cũng có thể làm được như vậy. Con cũng có thể là cánh cửa rộng mở để nâng cao rung động, gia tốc mọi người, nâng cao tâm thức của họ, hầu họ nhận ra rằng sự sống thực sự là nhiều hơn thế. Và họ nghĩ, nếu anh ấy, nếu chị ấy đã tìm được thì có thể tôi cũng sẽ tìm được.   

Vì như chúng tôi có nói trước đây, Giê-su, Gautama, Krishna, Maitreya, Mẹ Mary, Saint Germain, El Morya, chúng tôi không phải là tấm gương tốt nhất cho mọi người đâu, bởi vì họ đã đặt chúng tôi lên bệ cao rồi và họ nghĩ rằng chúng tôi vượt ra ngoài phạm vi bình thường của con người. Cho nên họ không nghĩ là họ có thể noi theo gương chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi cần đến các con để chứng tỏ con đường tâm linh, hầu họ có thể đồng hóa với con, họ thức tỉnh, nhận linh hứng của con và được nâng lên chỉ do sự hiện diện của con. Bởi vì đây chính là hiện diện, là Hiện diện TA LÀ, nó nâng lên, làm cho thăng hoa, làm cho gia tốc, làm cho sinh sôi, để các khả năng của họ được nhân lên và họ trở thành nhiều hơn.

Cho nên con yêu dấu, chúng tôi, các chân sư thăng thiên, rất cần đến con giữ vai trò làm đối tác cho chúng tôi trong cõi vật chất, làm ngọn lửa tâm linh sinh đôi của chúng tôi, làm cánh cửa mở ở dưới trần gian hầu ánh sáng lớn hơn của chúng tôi có thể chiếu xuyên qua, và nâng cao những ai chưa thấy được một cách sống khác hơn là cứ mộng du trong cuộc đời, cứ sống mãi mà vẫn chưa được nếm một giây phút tỉnh thức và thực sự thưởng thức cuộc đời.     

Vượt qua sự chú trọng chính mình

Tuy nhiên như Mẹ Mary có nói, hầu con đạt được trạng thái này, con phải vượt qua sự tập trung vào ngã, cái ngã nhỏ nhoi, cái ngã hẹp hòi, cái ngã đựng trong hộp. Con phải trau dồi tình yêu rộng lớn hơn. Con phải tìm ra tình yêu lớn nhất của con, tình yêu mà con đã đến tìm ở đây vào thuở ban đầu – là món quà mà con muốn đem đến địa cầu. Là món quà mà con chỉ muốn tỏ lộ ra, và mong muốn của con mãnh liệt – tình yêu đối với món quà này mãnh liệt – đến độ con sẵn lòng đến đây để biểu lộ món quà đó.

Nếu con muốn tỉnh thức, con phải nối kết lại với tình yêu lớn đó và để cho nó lớn thêm, hầu nó trở thành một thỏi nam châm sẽ hút con ra khỏi trạng thái buồn chán, mộng du bình thường của con. Và con tỉnh thức bởi vì con yêu thích tỉnh thức, con yêu thích cảm giác có dòng ánh sáng tuôn chảy qua con. Con yêu thích nhìn thấy sự hưng phấn nơi người khác. Con yêu thích cảm thấy con là một phần của các chân sư thăng thiên cùng nỗ lực của chân sư để nâng cao tâm thức nhân loại.

Cẩn thận cái bẫy của tự ngã biến đường đạo thành cuộc chiến

Tất nhiên có nhiều cái bẫy mà tự ngã đã chế tạo ra để ngăn cản con nối kết lại với tình yêu lớn hơn của con. Một trong những cái bẫy thuộc loại tinh vi là đặt ra một kỳ vọng thiếu thực tế về con đường tâm linh, để khiến con đeo đuổi đường tu một cách mất cân bằng và, như ta đã giảng, con tạo ra một thế lực chống lại con. Đường tâm linh của con thay vì trở thành một tiến trình ngày càng tự do thênh thang, thì nó lại biến thành một cuộc đối đầu liên tục ngày càng gian nan hơn, cho tới khi rốt cuộc con sẽ bị bẻ gẫy trước áp lực, con đầu hàng và nghĩ: “Tôi sẽ không bao giờ muốn dính dáng tới chuyện này nữa.”.  

Nếu con thành thật, con sẽ thấy rất nhiều người tâm linh đã trải qua tiến trình này – họ bị sự căng thẳng bẻ gẫy và họ bỏ cuộc trên đường tu. Hay là họ quyết định rằng đó sẽ là mức tinh tấn mà họ thấy thoải mái rồi, là mức nơi họ muốn phục vụ và họ không muốn lên cao hơn nữa. Một số những người này có một cách nói mà con sẽ nghe thấy rất nhiều lần nếu con lắng nghe. Họ nói: “Tôi không cần thêm một sứ giả, tôi không cần thêm một đạo sư, tôi không cần thêm một tổ chức tâm linh nào nữa, tôi không muốn trải qua những chuyện này một lần nữa.”  

Con yêu dấu, chúng tôi, các chân sư thăng thiên, hoàn toàn đồng ý với cảm nhận “không bao giờ nữa”. Bởi vì chúng tôi không muốn bất cứ ai phải lặp lại cái chu kỳ biến con đường tâm linh thành một chiến trường như thế. Chúng tôi không muốn thấy bất cứ ai lặp lại sai lầm của mình. Nhưng ta phải nói cho con, đằng sau câu “Tôi không cần thêm một sứ giả, đạo sư, tổ chức hay giáo lý nào nữa”, đằng sau câu đó là cái mà Mẹ Mary lẫn chính ta đều đã đề cập, đó là tính vị kỷ, là trọng tâm vào bản thân mình.  

Con hãy nghe câu nói: “Tôi không cần”. Tất cả xoay chung quanh chữ “tôi”. Tất cả là về cái “tôi”. Vì những người này đã trở thành vị kỷ. Và như thế, mục đích con đường tâm linh của họ, của sự tham gia vào một phong trào tâm linh, không phải để vượt lên khỏi sự vị kỷ và phụng sự mọi sự sống. Không, mục đích của họ là tôn vinh cái tôi thấp kém, bào chữa cho cái tôi thấp kém, và đạt được cái gì đó sẽ khiến họ có vẻ cao quý hơn người khác bởi vì họ đã làm tất cả những điều tâm linh kia rồi.  

Nếu con sẵn lòng thành thật, con sẽ thấy tính vị kỷ là kẻ thù thực sự của phát triển tâm linh. Nhưng vẫn không có bảo đảm gì là bằng cách đi theo một giáo lý tâm linh vỏ ngoài – ngay cả một giáo lý chân chính của chân sư thăng thiên – không có gì bảo đảm là giáo lý vỏ ngoài này sẽ đưa con vượt qua tính vị kỷ. Bởi vì điều duy nhất sẽ đưa con vượt qua là quyết định con sẽ sẵn lòng vượt lên trên nó, sẵn lòng tỉnh thức.

Con có quyền LÀ trên địa cầu

Chắc chắn con sẽ bị một số người chối bỏ. Chắc chắn con sẽ bị người khác lên án. Chắc chắn người ta sẽ bảo là con không được phép làm vậy, con không được phép thương yêu và nhân từ, không được phép bình an, không được phép hạnh phúc, không được phép an lạc. “Ơ kìa, bạn nghĩ bạn là gì trong một thế giới nơi mọi chuyện đều nghiêm trọng và ai ai cũng phải vật lộn không ngừng, mà bạn lại tới đây, tỏa ra sự an tịnh đó và tình thương đó và ánh sáng đó – và bạn quấy rầy những người đã đồng hóa mình với cuộc chiến đấu nhị nguyên đến độ họ tin rằng không có cách nào khác?” Và như thế, con sẽ đến và con tỏa ra tình yêu thương này, và họ nhận ra là họ thật sự có một cách khác, nhưng để có được tình yêu này, họ sẽ phải buông bỏ hộp tư duy của họ.         

Và họ sẽ oán giận con. Nhưng con yêu dấu, đó là một phần của thử thách. Chính vì con đã để cho người khác khiến con ngừng tỏa ánh sáng mà con đã rời bỏ con đường tự thăng vượt đích thực, con đường trở thành nhiều hơn. Và như vậy, nhiều người trong số các con bây giờ đang một lần nữa đối mặt với cuộc điểm đạo này.

Liệu con sẽ để cho người khác – cho dù đó là gia đình, hay những người trước kia là đồng môn của con trong cùng một tổ chức tâm linh, hay thế giới nói chung – liệu con sẽ để họ ngăn con tỏa rọi ánh sáng? Hay là cuối cùng con sẽ trở thành mặt trời đó và để cho ánh sáng con chiếu ra ngoài, bất kể thế giới có nghĩ gì và nói gì? Bởi vì rốt cuộc, cho dù thế giới có nói gì đi nữa, con có quyền ở trên trái đất, và trên trái đất con có quyền LÀ tất cả những gì con là ở Bên trên, con có quyền để ánh sáng toả chiếu ra, có quyền làm chứng cho sự thật của con.    

Con có nghe ta nói không? Con có quyền Là Ki-tô, Là Phật, Là Ngọn lửa Thượng đế của con. Con có cái quyền tuyệt đối mà Thượng đế đã trao cho con. Và những ai chống đối con và không muốn con quấy rầy họ, họ không có quyền đòi hỏi như thế, bởi vì họ đã vi phạm quyền tự quyết của họ và đang cố lôi kéo người khác vi phạm giống như họ.

Quyền tự quyết không cho con quyền hủy diệt người khác. Đây chính là điều mà những kẻ bị kẹt trong tâm thức của thiên thần sa ngã sẽ không hiểu được. Họ không có quyền gì giết hại những người làm chứng cho ánh sáng. Họ không có quyền giết hại những người đó trong tình cảm, để khiến những người đó phải tắt ngọn đèn của mình đi, hay cảm thấy tủi hổ đến độ không dám tỏ lộ điều gì vượt ngoài những chuyện tầm thường.    

Con thấy đó, con có quyền Là ở đây. Con có quyền quậy động người khác. Và họ có quyền bị quậy động để họ bắt buộc phải đối diện với chọn lựa này: Là hay không Là. Và cho dù họ có phủ nhận chuyện đó – phủ nhận mình Là, cái Là mà họ thấy nơi con – thì kết quả vẫn sẽ đạt được, và một tiến trình vẫn sẽ khởi sự trong cái Là của họ. Và ta phải nói cho con một điều, trong nhiều trường hợp, khi một linh hồn gặp được một người có ánh sáng tâm linh rồi phủ nhận ánh sáng đó, thì cho tới nhiều kiếp sau họ sẽ không quên được trải nghiệm này. Và trải nghiệm này sẽ quay trở lại, ám ảnh họ cho tới ngày họ sẵn sàng nhìn vào lý do đã khiến mình giận dữ đến vậy. Và quả vậy khi nhìn vào, nhiều người đã vươn lên cao hơn và cất bước đi theo đường tâm linh, tất cả chỉ vì trong một quá khứ xa hay gần, họ đã gặp được một người cả gan bộc lộ ánh sáng của mình.

Con không thể mất gì khi chia sẻ ánh sáng

Con đang gieo hạt giống đó. Có khi hạt giống này phải nằm dưới đất rất lâu trước khi nảy mầm, và có những hạt giống sẽ rơi trên đất cằn, không bao giờ được dịp nảy mầm. Nhưng ta nói với con, không có cuộc gặp gỡ nào mà con để cho ánh sáng mình tỏa ra, là vô ích đâu con. Bởi vì ít nhất, dù phản ứng của người kia là gì, một khi con biểu lộ ánh sáng với tình thương không dính mắc, thì con cũng đã nối liền hình số 8 thành một dòng chảy toàn vẹn. Và ánh sáng của con sẽ được nhân lên, và con sẽ nhận được thêm ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con khiến cho mặt trời trong tim con rực rỡ hơn thêm.    

Khi con Là cái con là, khi con biểu lộ ánh sáng mà không dính mắc, không áp đặt bất cứ luận lý trí thức nào hay quy tắc hay hạn chế nào, thì con không thể vứt ánh sáng cho heo ăn. Con không thể phí phạm ánh sáng đó. Bởi vì ánh sáng được trao ra với sự thuần khiết của tình thương không thể trở ngược lại con với một rung động thấp hơn, dù cho người kia có làm gì, có làm tha hóa một phần ánh sáng đó đi nữa. Đó là chọn lựa của họ. Đó là nghiệp của họ. Nếu ý định của con trong sáng, con sẽ không gây ra nghiệp quả tiêu cực. Con sẽ tạo nghiệp tích cực và ánh sáng của con sẽ nhân lên gấp bội. Bởi vì thật sự, Thượng đế không là một ông chủ bất công, Thượng đế sẽ không trừng phạt con khi con làm việc tốt và những việc tốt lành này được thực hiện một cách vị tha, không dính mắc.

Rồi một ngày con sẽ đạt đến một trạng thái, một tư cách tự do, một sự sẵn lòng để là con người mà con là, khi con vượt khỏi cõi nhị nguyên là cõi nơi con có thể lầm lỗi, nơi có những hành vi đúng và những hành vi sai. Thay vào đó, con sẽ đạt được một mức, một mức cao hơn, nơi cái đúng không còn ngược với cái sai. Và như vậy hành động của con không thể lầm lẫn cho dù bên ngoài có xảy ra điều gì đi nữa. Hành động chia sẻ ánh sáng của con, để cho ánh sáng con chiếu tỏa, không thể lầm lẫn được. Bởi vì con đã ném bánh của con xuống nước, và nó sẽ không quay trở lại như số không, mà nó sẽ quay trở lại với con nhiều hơn gấp bội, nó được nhân lên bởi Hiện diện TA LÀ của chính con cũng như bởi các chân sư thăng thiên mà con là một phần nối dài.     

Làm thế nào trở nên tỉnh thức

Con yêu dấu, trở nên tỉnh thức không phải là chuyện tìm ra thuốc tiên hay một công thức bí mật. Đó là một tiến trình, và tinh túy của tiến trình này là sự quán sát, là sẵn lòng nhìn vào chính mình, nhìn vào cái xà trong mắt mình thay vì chú tâm vào cái giằm, cái hạt bụi trong mắt người khác. Bởi vì khi con sẵn lòng tự quan sát mà không dính mắc, không chỉ cố thấy những gì tự ngã muốn thấy, thì con đã bắt đầu tách mình ra khỏi tự ngã cùng những ảo tưởng của nó.  

Sự tách rời này là chìa khóa cho một nhận biết lớn hơn, là sự nhận biết lớn hơn về chính mình, mà qua đó con nhận ra con là nhiều hơn cái ngã nhỏ nhen này đang sống trong chiếc hộp nhỏ xíu, chỉ chú trọng đến mình và cho rằng toàn bộ vũ trụ phải ở đó để phục vụ cho mình. Thay vào đó, con nhìn vượt khỏi ngã và bắt đầu nhìn thoáng thấy cái Ta Cao rộng mà con là. Và điều này sẽ tái kết nối con lại với tình yêu cao hơn mà con là, tình yêu mà con đã đến trao cho địa cầu.

Và bỗng nhiên, con bắt đầu ngộ ra là mặc dù cuộc sống có những lúc thăng trầm, nhưng có một thực tại thâm sâu đằng sau dáng vẻ bên ngoài. Trong thực tại thâm sâu đó, con thấy cuộc sống trên địa cầu là một cơ hội tuyệt diệu, một món quà tuyệt diệu – một cơ hội tuyệt diệu để con biểu hiện chính con, biểu hiện sự sáng tạo của con, biểu hiện cái là bên trong con, đồng thời nâng cao mọi người khác, điều chỉnh lại thái cực của cả hành tinh cho phù hợp với viễn quan của Thượng đế.

Con hãy lâu lâu dành ra chút thì giờ bước ra ngoài cuộc sống bận rộn hàng ngày để suy ngẫm về cơ hội tuyệt vời được sống trong một cơ thể vật lý trong vũ trụ vật chất này. Hãy nhìn xa hơn tình cảnh hàng ngày của con. Hãy nhìn xa hơn những thử thách. Ta cũng biết đôi khi những khó khăn này rất lớn, hay ít ra chúng có vẻ có chút thực tế. Nhưng lâu lâu con hãy nhìn xa hơn và thấy rằng đằng sau mỗi thử thách là một cơ hội để con tự thăng vượt. Và khi con tìm sự tự thăng vượt, con sẽ không còn nghĩ mình là người hành động phải giải quyết tất cả những vấn đề mà con biết tâm vỏ ngoài không thể giải quyết được. Thay vào đó, con sẽ trầm mình vào dòng sống, để cho ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy xuyên qua con, và ánh sáng này sẽ làm tan biến những vấn đề dường như không thể vượt qua với tâm vỏ ngoài.      

Và như vậy khi con dành thì giờ ra để thưởng thức cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ trở nên dễ thưởng thức hơn đối với con. Và cuộc đời sẽ không còn là cuộc vật lộn nhị nguyên khi trong mỗi lúc con phải giao tranh với những thế lực đối nghịch. Cuộc đời con sẽ trở thành điều mà tất cả chúng tôi đều mong muốn được chứng kiến nơi con, là một vòng xoáy hướng thượng sẽ dẫn con đến tự do lớn hơn và lớn hơn nữa, cho tới khi cuối cùng con sẽ đột phá và đạt được sự không dính mắc toàn vẹn là chìa khóa đích thực của an bình và cực lạc.  

Tiến trình tiết lộ tuần tự

Ta, cũng như tất cả các chân sư, còn nhiều điều khác nữa để nói. Vì chúng tôi đang đứng trong Dòng sông Sự sống, và trong Dòng sông Sự sống, sự tự thăng vượt quả là bất tận, vô hạn. Và vì vậy, giáo lý của chúng tôi cũng không ngừng thăng vượt, không ngừng vượt khỏi mọi cách biểu đạt cũ. Con yêu dấu thấy đó, giáo lý vỏ ngoài không quan trọng lắm đâu, mà trái lại dòng ánh sáng chảy xuyên qua giáo lý vỏ ngoài mới là quan trọng. Con đừng biến giáo lý vỏ ngoài của chúng tôi thành những hình tạc trên đá mà do lòng chung thủy đặt không đúng chỗ con cứ bám giữ lấy mãi – vì con tưởng rằng con phải chung thủy với chân sư bằng cách bám chặt vào những giáo lý vỏ ngoài mà chính chúng tôi đã thăng vượt.   

Làm sao con có thể chung thủy với chúng tôi mà cứ bám vào quá khứ? Cách duy nhất để chung thủy với chúng tôi là bước đi tới cùng với chúng tôi, là tự thăng vượt, là trở nên nhiều hơn khi chúng tôi cũng càng trở nên nhiều hơn. Cho dù qua giáo lý vỏ ngoài hay qua cảm hứng mà con nhận được từ một sứ giả vỏ ngoài, hay hoàn toàn qua một tiến trình nội tâm – tức là con nhận được Lời Hằng sống ngay trong tim con – thì điều quan trọng là chảy xuôi theo.    

Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, không thể bị bỏ vào bất kỳ cái hộp tư duy nào mà tự ngã con người hay bất kỳ một ai trong thế gian tạo ra. Chúng tôi chưa bao giờ ngồi vừa trong một hộp tư duy nào và sẽ không bao giờ ngồi vừa! Con hãy nhìn cuộc đời của chúng tôi mà xem. Đạo Phật không phải tự dưng mà xuất hiện. Đạo Phật là nỗ lực của ta nhằm rung chuyển hộp tư duy do Ấn giáo tạo dựng đang giam hãm con người trong một cái khung vỏ ngoài xơ cứng và tước đoạt quyền tự do Là của họ. Cũng vậy, cuộc đời của Giê-su là một nỗ lực để lay chuyển hộp tư duy của đạo Do Thái, lay động người đạo Do Thái cho văng ra khỏi hộp tư duy do chính họ tạo dựng dựa theo gương của Abraham và Moses, và chính cả hai vị này cũng đã sẵn sàng vượt ra khỏi hộp tư duy của họ, bỏ lại đời sống cũ hầu vươn tới miền đất mới – một miền không phải là một vùng đất ở nơi chốn nào đó mà là một trạng thái tâm thức.      

Có khó khăn gì để mà hiểu ra rằng mọi điều trong giáo lý tâm linh là một biểu tượng cho một sự thật cao hơn? Có khó khăn gì để nhận ra đúng một sự thật này, và từ đó thoát khỏi tàn lực, là cái động lực cũ của cả hành tinh chỉ cứ chú tâm vào thế gian vỏ ngoài thay vì vượt ra khỏi ngôn từ để vươn tới Tánh linh của Sự thật, tới Phật Hằng sống, tới Ki-tô Hằng sống, bỏ lại Phật chết và Ki-tô chết đã bị đóng hộp trong những ngôn từ, những hình ảnh bất di bất dịch?       

Con yêu dấu, đó là chân lý duy nhất mà chúng tôi mong muốn tất cả nhân loại – ít ra là mười phần trăm trên cùng của những người tâm linh nhất – hiểu được. Các con cần hiểu là có một thực tại thâm sâu vượt khỏi mọi cách diễn tả vỏ ngoài, có một chân lý tâm linh vượt khỏi mọi cách biểu hiện chân lý. Nếu con muốn ta gợi ý một sứ vụ cho đời con, con hãy chọn sứ vụ này – đem sự thật đó ra ngoài và giúp cho bất cứ ai mà con gặp thấy được rằng sự thật không chỉ có thế, rằng sự thật là nhiều hơn cách biểu đạt bên ngoài. Cái nhiều hơn đó chính là khi con vươn tới Tánh linh của Sự thật cho đến khi con hòa nhập làm một với Tánh linh, với cái ta cao hơn của con, để rồi trở thành cánh cửa mở cho Tánh linh chảy xối qua lời nói của con.      

Con hãy lấy đó là mục đích đời con – trở thành cánh cửa mở cho Tánh linh Sự thật, hay Tánh linh Tình thương, hay Tánh linh Hòa bình, hay Tánh linh Hướng dẫn Thiêng liêng, hay Tánh linh của bất cứ phẩm cách nào của Thượng đế mà tình yêu cao hơn của con đã phóng con vào vũ trụ vật chất này để con biểu hiện, để con đem lại món quà sẽ nâng cao mọi người ra khỏi trạng thái không nhận biết – là trạng thái mà Giê-su gọi là chết, tức là chết tâm linh.    

Ta phải công nhận các con vẫn còn một thể xác vật lý đang bị vấn đề nghiêm trọng với cái ghế ngồi đau lưng, cho nên ta sẽ tự giới hạn và sẽ không nói nhiều hơn. Ta chỉ xin nói giản dị là buổi chiều hôm nay, trên cõi tâm linh không có một sinh thể thăng thiên nào nhìn xuống buổi nói chuyện này mà không cảm thấy một niềm vui mừng to lớn. Bởi vì trong cách diễn đạt tự do, cách chia sẻ hòa hợp, các con đã đạt được trạng thái từng hiện diện nơi trường bí giáo của Maitreya, là trạng thái kết hợp, là chìa khóa đích thực của học hỏi, của tăng trưởng, của sự vươn lên cao.      

Chúng tôi nhìn buổi họp mặt hôm nay với nỗi hân hoan vui mừng. Và chúng tôi mong đợi những ngày sắp tới. Chúng tôi mong các con sẽ duy trì được Tánh linh này mà – nếu con nghĩ sâu hơn – đó chính là tinh thần hồn nhiên của trẻ nhỏ. Nếu tất cả các con có thể trở thành như trẻ nhỏ thì Giê-su sẽ hiện ra và nói chuyện với các con vào ngày Chủ nhật này. Bởi vì thày đã từng nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở, vì Nước trời thuộc về những ai như con trẻ.” Vì vậy con hãy sẵn sàng bước vào hồn nhiên của trẻ nhỏ, mở tâm ra cho sự thật cao hơn, cho đường hướng nội tâm sẽ dẫn dắt cuộc đời của riêng con, và là sự phụng sự mà chân nhân của con mong muốn đem lại cho nhân loại xuyên qua con. Vậy ta chào từ giã và chúc các con ngủ ngon!

Giữ an bình và đồng thời để cho ánh sáng mình tỏa rạng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 1/10/2006.

Thật vậy, ta là đức Phật ở đỉnh đầu, ở luân xa đỉnh đầu của hành tinh, nơi ta giữ vị trí, trách vụ, là Chủ tể Thế gian (Lord of the World). Ta trông ngóng các cánh hoa sen mở ra – sáu tỷ cánh hoa sen và nhiều hơn nữa của mọi người trên địa cầu là thành phần của đóa hoa sen tuyệt đẹp của Thượng đế.

Để châu Âu hoàn thành vai trò, phải có hội nhập

Thật là một niềm vui lớn cho ta được phát biểu hôm nay. Đối với công việc được hoàn thành qua hội nghị này với cao điểm là lời thỉnh cầu của các con cho sự hợp nhất giữa Đông và Tây, thì bài thỉnh Đông-Tây của Thời Hoàng kim (Golden Age East-West Invocation – WINV02) đã có một ý nghĩa thật to lớn cho lục địa châu Âu này. Bởi vì qua lời thỉnh được đọc lên với trái tim trong sáng của tình thương, ta đã có thể – cùng với nhiều chân sư thăng thiên khác và nhiều thiên thần – xóa bỏ một phần đáng kể những ký ức đã lâu nay cắt đứt và phân rẽ châu Âu thành hai phe Đông và Tây.

Như con thấy mối chia rẽ giữa Đông và Tây trên bình diện hành tinh, thì chắc chắn con cũng thấy được mối chia rẽ này tại Âu châu cho tới rất gần đây. Cho dù biểu tượng vật chất của chia rẽ đã sụp đổ – cụ thể là bức Tường Bá linh và bức Màn Sắt – nhưng vẫn có một điểm tắc nghẽn còn hiện hữu trong các cõi cảm xúc, lý trí, thậm chí cả những vùng thấp của cõi ê-the, và sự tắc nghẽn này đã ngăn cản Đông và Tây tái kếp hợp, hội nhập đích thực với nhau. Và do đó cho tới nay vẫn không có một dòng chảy năng lượng tối ưu giữa hai vùng này của Âu châu.

Tuy nhiên qua công việc được hoàn thành tại hội nghị này cũng như việc đọc bài nguyện tràng hạt của Mẹ Mary, chúng tôi đã có thể thanh tẩy những điểm nghẽn trong cõi tình cảm. Đây là một bước đáng kể. Và khi công việc này được tiếp diễn bởi cá nhân từng người cũng như bởi các hội nghị tương lai mà ta tin tưởng sẽ được tổ chức trên lục địa này, chắc chắn chúng tôi sẽ có thể tiếp tục làm thông sạch các tầng cấp khác.

Nếu Âu châu muốn hoàn thành vai trò đại sứ của mình cho nền hoà bình thế giới, rõ ràng sẽ phải có sự hội nhập giữa Đông và Tây, ngay cả giữa Bắc và Nam. Bởi vì nếu còn chia rẽ, làm thế nào châu Âu sẽ có thể làm vị đại sứ cho hòa bình, làm tiếng nói cho lẽ phải? Vì vậy, giờ đây sự hội nhập giữa Đông và Tây sẽ được gia tốc qua việc giải tỏa các năng lượng tình cảm đó, giải tỏa điểm bế tắc đó đã ngăn cản không cho các dân tộc Âu châu buông bỏ quá khứ của mình và tha thứ lẫn nhau. Và các con sẽ thấy một sự thay đổi trong lãnh vực này. Con sẽ thấy một sự cởi mở lớn hơn, một sự sẵn lòng nhiều hơn để nhìn vào quá khứ và học những bài học cần thiết rồi tha thứ cho nhau.

Thật sự với Liên minh Âu châu mở rộng về hướng Đông, các quốc gia Âu châu đã mở cửa ra cho sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ, kể cả những người di chuyển giữa Đông và Tây để cống hiến kỹ năng của mình hay tìm việc làm. Với lượng trao đổi lớn hơn, con sẽ thấy các rào cản được gỡ bỏ nhiều hơn, hội nhập sẽ gắn bó hơn, thậm chí một ý thức hợp nhất bắt đầu hình thành. Đây chính là ý thức hợp nhất đã thiếu sót từ quá lâu nay trên lục địa này do những phân rẽ giữa quá nhiều quốc gia không ngừng giao chiến hay cạnh tranh với nhau.

Những gì Tây Âu có thể học được từ Đông Âu

Điều hiển nhiên là các nước tại Tây Âu đang vượt xa các nước đằng sau bức Màn Sắt cũ về mặt kinh tế, công nghệ và, ở một mức nào đó, cả về mặt chính trị. Tuy nhiên con không thể bỏ qua thực tế là các nước phương Đông cũng có thể đóng góp đáng kể cho tương lai châu Âu, không chỉ trên phương diện sáng tạo. Đặc biệt, hãy để ta chỉ ra cho con thực tế hiển nhiên là đa số các nước Tây Âu đã trở nên duy vật đến độ họ không thực sự dám nghĩ đến, hay dám bàn đến, tôn giáo cùng vai trò của tôn giáo trong xã hội. Điều này thấy được rất rõ qua cách mà nhiều nước Tây Âu đã xử lý – hay đúng hơn, không xử lý – các xung đột do người tỵ nạn từ các nước Hồi giáo gây ra. Thậm chí họ còn không biết cách có được một cuộc bàn cãi xây dựng về vai trò của tôn giáo trong xã hội.

Các nước Tây phương đã trở nên gần như bất lực khi cần thảo luận công khai về các vấn đề tôn giáo. Và tất nhiên, đây không phải là một tình trạng có thể kéo dài. Vì như con vừa nghe các chân sư khác trình bày ở đây, không thể có một chính quyền đích thực nếu không có tâm linh đích thực. Giải pháp duy nhất cho tình trạng thế giới là một chính quyền của Thượng đế. Nhưng làm thế nào có chính quyền của Thượng đế mà không có Thượng đế? Làm thế nào có chính quyền của Thượng đế ở những nước sợ bàn cãi về Thượng đế, sợ bàn cãi về khả năng một giáo lý tâm linh phổ quát về Luật Thượng đế có thể làm nền tảng cho thể chế dân chủ tự do? Một nền dân chủ như vậy phải công nhận người dân có những quyền không do nhà nước ban bố, mà do một thẩm quyền vượt hẳn mọi quyền lực nhân thế, và do đó cũng không thể bị lung lạc bởi các trò chơi quyền lực nhân thế.

Đây chính là lãnh vực mà các nước Đông Âu cũ có thể đóng góp sáng giá. Vì từ quá lâu các nước này đã bị cộng sản cai trị, cho nên họ biết quá rõ cuộc sống như thế nào khi nhà nước cấm đoán mọi hình thức sinh hoạt tôn giáo, thậm chí còn đàn áp những ai dám theo đạo. Cho nên con sẽ thấy khu vực Đông của Âu châu đang trải qua một mức độ thức tỉnh tâm linh cao hơn khu vực Tây, và nếu hiện tượng này lấy trớn để biến thành sự thức tỉnh tâm linh đích thực – thay vì chỉ là thức tỉnh tôn giáo nơi người dân Đông Âu vẫn bị kẹt trong các tôn giáo cũ – thì nó có thể lan sang phương Tây và tái lập cân bằng giữa một hình thức chính quyền thế tục và một chính quyền của Thượng đế. Xác suất cho sự việc này xảy ra trong hiện thực đã lớn hơn sau khi các rào cản trong cõi cảm xúc được gỡ bỏ, khi những trao đổi về quan điểm, tư tưởng và tình cảm được tự do hơn và người dân cũng cảm thấy tự do hơn để phát biểu cảm nghĩ của mình.

Một chính quyền không có Thượng đế sẽ trở nên chuyên chế

Ngay cả tại Đông Âu, người dân cũng sẽ thấy tự do hơn khi phát biểu cảm nghĩ về điều mà họ xem là chủ nghĩa duy vật phản tâm linh tại phương Tây. Và như vậy, họ sẽ có đủ can đảm đứng lên làm chứng cho điều mà họ đã ngộ ra, tức là một chính quyền phủ nhận Thượng đế không thể tránh khỏi trở thành một chế độ chuyên chế đàn áp người dân. Đây là một quy luật phổ quát mà bất cứ ai sẵn lòng nhìn vào lịch sử đều có thể xác nhận. Tất nhiên có nhiều ví dụ một chính quyền không phủ nhận Thượng đế vẫn trở thành chuyên chế, nhưng nếu người ta công nhận sự hiện hữu của một thẩm quyền cao hơn thì ít ra đó sẽ là một khung tham chiếu vượt khỏi quyền lực con người cùng sự quy định của con người.

Có một tầng mức nơi con người bị hoàn toàn mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên, nơi họ chỉ quan tâm đến chuyện tranh giành, giao chiến với nhau. Họ đặt ra một định nghĩa về cái gì là phải, và theo định nghĩa đó, chính họ là người nắm lẽ phải và bất cứ ai khác với họ đều tự động là trái. Và nếu hai dân tộc hay hai nền văn minh định nghĩa phải-trái một cách nhị nguyên như vậy, làm thế nào họ sẽ tránh được xung đột đây? Làm thế nào họ có thể giải quyết xung đột nếu cả hai bên đều theo cách định nghĩa nhị nguyên, nhân tạo như thế? Cần phải có một thiện chí vượt lên trên nhị nguyên, vươn tới một hiểu biết cao hơn về lẽ phải không do con người hay thể chế đặt ra, không do tâm thức nhị nguyên quy định bảo rằng bất kỳ ý tưởng nào cũng phải có đối nghịch.

Khác biệt giữa nhị nguyên và bất nhị

Khi con vượt lên khỏi nhị nguyên, con thấy rõ có cái không thực. Nhưng cái không thực đó không đối nghịch với cái thực – theo nhãn quan thường tình của con người là một điều trái sẽ đối nghịch với một điều phải. Cái không thực chỉ đơn giản là không thực. Nó đứng ngoài thực tại, nó tách biệt khỏi thực tại. Nhưng nó không đối nghịch và không thể đối nghịch với thực tại. Bởi vì cái thực không thể có đối nghịch. Không gì có thể đe dọa cái thực.

Cho nên bước đầu tiên trên đường tu tâm linh là con vươn lên một cái gì vượt khỏi nhị nguyên. Và đó là điều mà Giê-su đã diễn tả tuyệt vời khi thày nói: “Trước hết hãy tìm vương quốc Thượng đế và sự công chính của ngài.” Đúng vậy, trước hết con hãy tìm “lẽ phải” cao hơn của Thượng đế.

Đó cũng chính là điều ta đã diễn đạt qua Bát chánh đạo. Biết bao nhiêu Phật tử đã hiểu lầm Bát chánh đạo và tưởng rằng con đường đó có thể được định nghĩa theo nhãn quan con người – thế nào là việc làm phải, thế nào là suy nghĩ phải, thế nào là sinh kế phải, vân vân.

Nhưng con thấy đó, định nghĩa thực của Bát chánh đạo là con vươn lên “lẽ phải” của Thượng đế, và lẽ phải này thì vượt khỏi nhị nguyên. Nhưng làm thế nào con vươn đến được lẽ phải đó, lẽ phải cao hơn đó? Con chỉ làm được vậy khi con nhận ra diệu đế rằng bất cứ gì khởi lên từ nhị nguyên sẽ tạo ra đau khổ, và nguyên nhân của đau khổ là lòng ham muốn sai lầm phát xuất từ dính mắc vào những vật của thế gian. Những vật này có thể là thú vui giác quan, hay cũng có thể là ham muốn nắm lẽ phải trong nhãn quan con người, cảm thấy mình tốt đẹp hơn những người mình đã định nghĩa là trái vì họ khác với mình hay có quan điểm ngược với mình.

Trên hành tinh này có biết bao người bỏ ra cả cuộc đời để xây dựng cảm giác vượt trội đó, để cảm thấy mình tốt đẹp hơn người. Họ luôn xem mình trong thế cạnh tranh với người khác. Xu hướng này không chỉ bao gồm những người gọi là bình thường – họ đua đòi với người chung quanh, họ chạy theo căn nhà đẹp hơn, chiếc xe lớn hơn hay nhiều của cải vật chất hơn – mà nó còn chi phối cả lớp thượng lưu quyền lực không ngừng tranh giành quyền lực với những nhóm thượng lưu quyền lực khác mà họ luôn luôn so bì.

Con yêu dấu, con có thể bỏ ra rất nhiều kiếp sống chạy theo cuộc tìm kiếm điên cuồng đó để người đời xem con là “phải”. Hay con có thể vươn lên cao hơn, vươn lên thực tại của lẽ phải Thượng đế. Tuy nhiên, để được “phải” với Thượng đế, con phải sẵn sàng chọn lựa một cách ý thức, cố tình, rằng con sẽ buông bỏ mọi dính mắc vào những thứ của cõi vật chất. Bởi vì chừng nào con còn dính mắc vào ý tưởng mình là “người phải” trong tập thể loài người, rằng mình được người đời yêu mến, rằng mình không bị người đời gạt bỏ hay bị chê cười do niềm tin của minh, do lối sống hay cách hành xử của mình, chừng nào con còn dính mắc vào bất cứ gì, bất cứ hình dáng nào của thế gian, bất cứ địa vị nào trong nhân quần, thì con sẽ không thể tự do để nắm lấy lẽ phải cao hơn của Thượng đế hay biểu đạt được lẽ phải đó.

Cách đây 2500 năm, ta có dạy rằng sự không dính mắc là chìa khóa của an bình nội tâm. Lời giảng đó xác thực. Nó vượt thời gian. Nó vĩnh cửu. Thế nhưng như Giê-su đã chỉ ra, không có một lời dạy nào diễn tả bằng ngôn từ mà không thể bị con người bẻ cong. Bởi vì bất cứ gì nói thành lời cũng có thể bị tâm nhị nguyên chụp lấy, diễn giải theo cách cực đoan này hay cách cực đoan nọ, thậm chí còn có quan niệm sai lầm bảo rằng Trung đạo là cái nằm ngay giữa hai đối cực nhị nguyên.

Ngay cả khái niệm Trung đạo cũng có thể bị diễn giải sai lầm. Bởi vì thật sự, ta không bao giờ dạy rằng con người phải cố đạt trung điểm giữa hai đối cực nhị nguyên. Ta dạy con người thăng vượt toàn bộ cái thang của nhị nguyên, toàn bộ tâm thức nhị nguyên. Và đó là tinh túy của tâm Phật. Nhưng để thăng vượt nhị nguyên, con phải sẵn sàng buông bỏ các ham muốn, các tin tưởng, các dính mắc đã khởi lên từ nhị nguyên. Và như vậy con phải đạt tới điểm con yêu lẽ phải của Thượng đế nhiều hơn lẽ phải của con người.

Nói cho cùng, đây phải là một quyết định có ý thức của con. Đồng ý, không phải ai ai cũng sẵn sàng lấy được quyết định đó, nhưng chắc chắn những ai là người tâm linh thì đã sẵn sàng, hay có thể nhanh chóng trở nên sẵn sàng. Và nếu con suy ngẫm về những ý tưởng trên, con sẽ đạt tới điểm là con cảm thấy một tình yêu tự phát dâng lên trong nội tâm con đối với thực tại cao hơn của Thượng đế, và thực tại này bỗng nhiên khiến con dễ dàng buông bỏ một số dính mắc. Và một khi con ngộ ra là sự buông bỏ dính mắc dễ dàng đến như vậy, con sẽ có thể dùng cái trớn đó để buông bỏ các dính mắc khác ngay khi con phát hiện ra chúng.

Giữ an bình bên trong

Điều không nhất thiết sẽ dễ dàng là làm thế nào luôn luôn biết được cái gì là phải đối với Thượng đế. Lý do là vì không có một luật lệ vỏ ngoài nào trên thế gian có thể định đoạt cái gì là phải trong thực tại tuyệt đối của Thượng đế. Mỗi tình huống, mỗi cá nhân đều khác nhau. Trong tình huống này thì điều phải có thể là thế này, nhưng trong một tình huống khác, mặc dù dáng vẻ bề ngoài có thể tương tự, thì rất có thể cách hành xử ngược lại mới là phải. Và do đó, con không thể biết điều phải bằng cách dùng tâm phân tích để đặt ra luật lệ, là cái tâm ưa dán nhãn: “Trong hoàn cảnh này phải luôn luôn hành xử thế này, và trong hoàn cảnh kia phải luôn luôn hành xử thế kia.”

Con yêu dấu, làm như vậy sẽ không đi đến đâu, vì con đã tự kéo mình vào lãnh vực của trí thức chỉ có khả năng hoạt động trong lãnh vực nhị nguyên. Nhưng con sẽ đạt được rất nhiều bằng cách tu tập sự không dính mắc một cách ý thức. Thật sự khi con không dính mắc vào dáng vẻ bên ngoài, con sẽ không muốn phản ứng theo các tiêu chuẩn của con người về thế nào là điều phải trong tình huống này hay tình huống nọ. Con sẽ có khả năng với lên thực tại cao hơn của Thượng đế, và khi đó, con sẽ hành xử “phải” một cách tự nhiên.

Tuy nhiên để biết cái gì là phải đối với Thượng đế, con phải nhận ra rằng không dính mắc không đồng nghĩa với thờ ơ. Nếu con tìm hiểu đời ta như là đức Phật hiện thân, con sẽ nhận thấy ta đã đi trên đường chứng đạt sự không dính mắc toàn diện với mọi thứ của thế gian. Rồi sau khi đạt được sự không dính mắc đó – thường được nhà Phật gọi là giác ngộ – ta vẫn phải đối mặt với một cuộc khai ngộ mà nhiều Phật tử không hiểu hay không để ý. Vì ta đã phải đối đầu với cám dỗ khi các thế lực của thế gian bảo ta: “Ồ, nhưng những gì ông đã nhìn thấy, những gì ông đã đạt được, thật quá cao siêu, quá phức tạp đối với con người trên địa cầu. Ông sẽ không làm thế nào giải thích được cho họ. Họ sẽ không thể hiểu được. Không một ai sẽ hiểu được ông, cho nên ông đừng mất công bước ra ngoài xã hội để làm chứng cho sự thật của ông. Ông chỉ cần ở lại Niết bàn và phó mặc thế giới cho các thế lực nhị nguyên. Đừng cố khai sáng cho một ai vì họ sẽ không hiểu.”

Đấy, ta chỉ vượt qua được khai ngộ đó bằng cách nối kết với Hiện diện TA LÀ bên trong ta, với chính Brahman. Và qua sự nối kết đó, ta nhận được lời nhắn rõ ràng: “Sẽ có một số người hiểu được.” Thế là ta bước ra ngoài và bắt đầu giảng dạy về chân lý của ta, và quả thực một số người đã hiểu được. Vì thế, con cũng sẽ đối diện với cùng khai ngộ đó. Trước hết, con đối diện với cuộc khai ngộ không dính mắc vào phản ứng của người khác, để khi họ chối bỏ ánh sáng của con, ngọn Lửa Thượng đế của con, sự thật của con, con không bị dính mắc vào phản ứng của họ. Và con không cho phép sự chối bỏ của họ trở thành một cái cớ mà tự ngã có thể sử dụng để lừa gạt con tắt ánh sáng con đi, hay trở nên im lặng và không thách thức những điều không thực trên địa cầu.

Khi con tu tập và đạt được sự không dính mắc đó, con sẽ trực diện với ý tưởng đầy cám đỗ: “Đâu là ích lợi của việc cố gắng khai sáng khi người ta bị chìm quá sâu vào tâm thức nhị nguyên, dường như không quan tâm gì đến những chuyện tâm linh?” Thật là một thế cân bằng vi tế khi con phải trụ vững trong không dính mắc và đồng thời không trở nên thờ ơ, không bỏ cuộc, không biến thành một kẻ cầu an chỉ ngồi đó, để mặc cho thế giới cứ tiếp tục xoay vần mà không làm gì để thách thức những điều không thực. Mỗi người trong các con sẽ phải tìm ra thế quân bình của mình, vì ta nói thật với con, trên thế giới có một xu hướng sùng bái thần tượng cho rằng đối với cá nhân ta thì chuyện bước trên đường tu thật là quá dễ, và chuyện ta chứng ngộ, tìm được thế cân bằng rồi bước ra xã hội để giảng dạy chân lý cũng thật quá dễ.

Cũng vậy, người ta cho rằng thật là quá dễ cho Giê-su chứng đạt rồi bước ra làm chứng cho sự thật của thày. Nhưng ta nói với con, điều đó đã hoàn toàn khó khăn cho Giê-su lẫn cho ta, như nó sẽ khó khăn cho chính con. Tất cả chúng ta đều mang một số yếu tố của thân phận làm người mà chúng ta phải khắc phục, phải bỏ lại, trước khi biểu hiện được một trạng thái tâm thức cao hơn. Và các điều kiện phàm phu mà mỗi chúng ta đều mang chính là những điều kiện mà chúng ta khó nhìn thấy nhất. Cho nên Giê-su đã không sinh ra trong sự viên mãn của quả vị Ki-tô. Ta cũng không sinh ra trong sự viên mãn của quả vị Phật, như con có thể thấy rõ qua cuộc đời của cả hai chúng tôi.

Do đó, chúng tôi cũng đã phải khắc phục những điểm đui mù về chính mình mà chúng tôi không thể nhìn thấy. Và nếu cái không nhìn thấy đã là cái khó khắc phục cho chúng tôi, thì đó cũng là cái khó khắc phục cho con vì con không nhìn thấy. Con có thấy chăng, con yêu dấu, thật là một ảo tưởng to lớn khi cho rằng Giê-su với ta, cùng với các vị thày tâm linh khác, đứng cao hơn con, và đường tu của chúng tôi đã dễ dàng hơn đường của con. Kỳ thực, nó không dễ dàng chút nào. Nhưng chính sự kiện chúng tôi đã thành công phải là một lời khuyến khích để con biết rằng con cũng có khả năng thành công. Bởi vì phương châm từ lâu nay của các chân sư thăng thiên vẫn là: “Cái gì một người có thể làm được thì mọi người cũng làm được.” Thời nay, chúng ta có thể nói: “Cái gì một người có thể Là, thì mọi người cũng có thể Là!” Đúng vậy, chìa khoá không phải là làm, mà là Là.

Làm thế nào làm chứng cho sự thật của con

Hãy để ta cho con ít nhất một lời gợi ý về cách làm thế nào con có thể bước ra ngoài và làm chứng cho sự thật, làm thế nào con để cho ánh sáng của con tỏa sáng trước mọi người đến độ khi họ nhìn thấy việc làm tốt của con, họ sẽ không thấy tác nhân là con người vỏ ngoài của con, mà họ thấy tác nhân thật sự là ánh sáng của Thượng đế bên trong con. Muốn làm được như vậy, con phải không dính mắc mà lại không thờ ơ. Vậy hãy để ta chỉ cho con bí quyết, đó là nếu con cố giữ an bình nội tâm ngay cả khi con thách thức người khác, thì con sẽ luôn luôn ở trong lẽ phải cao hơn của Thượng đế.

Cho nên con hãy tự xem xét mình. Liệu con có cảm thấy miễn cưỡng khi phải đặt vấn đề với một ai không? Liệu con có cảm thấy sợ hãi, tội lỗi hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khi con thách thức người khác? Trong trường hợp này, con thử nghĩ xem là con vẫn còn bị dính mắc với một dáng vẻ vỏ ngoài nào đó đang ngăn cản con thách thức người kia với tâm bình an thực sự của Ki-tô hay của Phật, là những vị đã đạt được sự không dính mắc hoàn toàn. Và con chỉ nhìn vào đó. Con xem xét và con tu sửa. Con đi vào cốt lõi của nó rồi con buông cho nó ra đi.

Liệu con có thật tin rằng Giê-su với ta khi mới sinh ra đã không còn tàn tích nào của tự ngã con người? Ta biết rõ nhiều người theo đạo Phật hay đạo Cơ đốc tin vào chuyện thần tượng hóa như vậy. Nhưng nó không đúng đâu con. Bởi vì quả thực chúng tôi đã có mang một số yếu tố của tự ngã, một số dính mắc và bệnh mù tâm linh mà chúng tôi cần khắc phục. Và làm thế nào chúng tôi khắc phục được chứ? Không như một số vị thày giảng dạy, chuyện đó đã không xảy ra trong một giây phút đột phá vinh quang bước vào Niết bàn. Nó đã xảy ra từng bước nhỏ một. Và phần lớn tiến trình này đã không được người ta ghi chép lại vì đó là một tiến trình nội tâm. Và vào thời điểm chúng tôi giảng dạy, nhân loại cũng chưa sẵn sàng hiểu được nhiều nét của tâm lý con người mà ngày nay nhiều người khắp thế giới nắm bắt được.

Vì lý do đó mà thuở ấy, chúng tôi đã không thể giảng dạy những điều đó. Chúng tôi đã phải đưa ra một giáo lý đơn giản hơn, thích hợp với tâm thức của loài người vào thời buổi tăm tối đó. Nhưng vào thời đại hôm nay, ta có thể nói với con là con đã có sẵn những giáo lý và những dụng cụ để con khắc phục từng dính mắc một cách hệ thống. Và khi con neo chặt vào cái ta cao hơn của con và vào Ngọn lửa Thượng đế của con – và con biết mình là ngọn lửa đó chứ không phải nhân cách vỏ ngoài, hay tự ngã hay cơ thể hay con người mà người khác đã tạo dựng trong tâm họ – thì con sẽ có thể đạt tới điểm con sẵn sàng buông bỏ bất kỳ dính mắc nào ngay khi con thấy nó.

Và con biết là cho dù cái gì khởi lên, con cũng sẽ sẵn sàng buông bỏ nó. Đây là dấu ấn đích thực của một người tầm đạo tâm linh chân chính đã bắt đầu tìm thấy những gì bao nhiêu người khác vẫn tìm kiếm mà không biết mình đang tìm gì. Và như vậy, mặc dù không nhất thiết là con đã hoàn toàn bỏ hết mọi dính mắc, nhưng con vẫn đạt được niềm an bình nội tâm vượt khỏi mọi hiểu biết, vì nó không dựa trên bất kỳ hình thức an toàn vỏ ngoài nào, chẳng hạn như có bom hay đại bác lớn hơn nước khác – hay ngay cả sự an toàn trí thức giả dối cho rằng nếu con là tín đồ của đạo này hay đạo nọ, nếu con theo thế giới quan khoa học này hay khoa học nọ và con hiểu tất cả mọi khái niệm đó một cách trí thức, thì con chắc chắn sẽ được cứu rỗi.

Không, đây là niềm an bình vượt khỏi mọi hình dáng vỏ ngoài, nó không tùy thuộc vào bất kỳ điều kiện nào trong cõi vật chất, và do đó nó không thể bị tước mất bởi bất kỳ điều kiện nào trong cõi vật chất cho dù chuyện gì có xảy ra. Đây chính là sự an bình nội tâm mà ta mong muốn tất cả các con chứng được. Đó cũng là an bình nội tâm mà ta đã chứng đạt trước khi ta khởi sự sứ vụ của ta. Nhưng ta phải nói cho con là con sẽ tinh tấn nhanh chóng hơn nếu con sẵn sàng làm chứng cho sự thật mà con đang thấy cho dù có thể con chưa thấy được sự thật cao nhất.

Giê-su với ta đã nêu cho con một số tấm gương. Chúng tôi đã rút lui khỏi thế giới cho tới khi chúng tôi đạt được một mức tâm thức cho phép mình hoành thành sứ vụ của mình. Nhưng chính vì chúng tôi muốn nêu gương mà sứ vụ của chúng tôi đã phải chạm trán với sự chống đối dữ dội mà mỗi cá nhân các con sẽ không phải đối mặt, vì vào thời đại hôm nay, ưu tiên là nhiều người sẽ cùng chung bước với nhau trên đường tu thay vì chỉ có đúng một người đi bước tiên phong. Cho nên mỗi cá nhân các con không phải đương đầu với cùng lực chống đối mà chúng tôi đã phải đương đầu, và đó là tại sao các con có thể làm chứng cho sự thật ngay cả khi con chưa đạt được sự không dính mắc và an bình nội tâm hoàn toàn.

Và quả thực khi làm vậy, các con sẽ tinh tấn nhiều hơn so với trường hợp con rút khỏi xã hội cho tới khi con đạt trạng thái tâm thức cao hơn. Cho nên con hãy sẵn lòng làm chứng cho sự thật của mình cho dù con chưa toàn hảo, cho dù con vẫn bị bận tâm bởi sự chối bỏ của người khác. Bởi vì nếu con có lòng can đảm đó, sự sẵn lòng đó, chắc chắn con sẽ tiến bộ nhanh hơn, đặc biệt nếu con sẵn sàng xem xét chính mình và nói: “À, nhưng tại sao tôi lại bận tâm với phản ứng của người khác? Liệu có một yếu tố tự ngã đang lẩn trốn đằng sau sự bối rối này? Nếu vậy thì khi tôi nhìn vào nó, tôi sẽ chẳng phát hiện tự ngã rồi buông nó ra hay sao?”  

Đúng vậy, con có thể tự xét mình và nói: “Liệu tôi có đang hoàn toàn thoải mái và an bình khi tôi đứng lên và thể hiện Ngọn lửa Thượng đế của mình, hay tôi vẫn quan ngại phản ứng của người khác?” Nếu con tìm thấy những lo lắng loại đó, con hãy nhìn vào chúng và nói: “Tại sao tôi lại băn khoăn? Tại sao tôi không thể bình an, bởi vì nói cho cùng, nếu tôi đang thể hiện Ngọn lửa Thượng đế của mình, tại sao tôi lại bị bận tâm bởi bất kỳ dáng vẻ bề ngoài nào?” Sự bình an mà con cần đạt được là con có khả năng làm chứng cho sự thật của mình và để ánh sáng con tỏa rạng bất kể điều kiện vỏ ngoài hay phản ứng nào mà con nhận được từ người khác. Con không bị quấy rầy. Họ không lấy mất an bình của con. Con không cảm thấy mình bị chối bỏ vì con không bị dính mắc vào cách phản hồi của họ. Con đơn giản cho phép quyền tự quyết của họ trải bày ra và con để yên cho họ chấp nhận hay từ chối sự thật cao hơn mà họ đã nhìn thấy nơi con.

Một khi con có thể không dính mắc như vậy, không có gì sẽ làm phiền được con nữa. Không có gì sẽ có thể lấy đi sự bình an của con. Ta không muốn con nghĩ rằng con còn quá xa quả vị Phật đến độ con sẽ phải bỏ ra phần còn lại của kiếp này hay nhiều năm, nhiều chục năm trời để đạt được bình an đó, bởi vì đối với đa số các con, chuyện đó không đúng. Con có khả năng chứng được bình an nội tâm đó trong một thời gian tương đối ngắn nếu con tận dụng các giáo lý và dụng cụ con đã có, và con hãy hỏi người khác xem họ đã đạt được bình an như thế nào, xong con hãy chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để bước vào cảm giác an bình nội tâm đó.

Đây là một mục tiêu thực tế – mà các con trong cương vị một cộng đồng trên toàn thế giới có thể đạt được nếu con công khai đặt tâm trí vào đó. Và như vậy, thông điệp chót của ta hôm nay là ta đưa ra thách đố này cho các con. Hãy nắm lấy các dụng cụ mà con đã được trao cho, những bài nguyện, bài thỉnh, bài chú, các bài giảng về tự ngã, nhưng con cũng hãy sẵn sàng trao đổi công khai về đề tài này và đặt câu hỏi. Hãy giúp đỡ lẫn nhau. Tạo cảm hứng cho nhau. Và sẵn lòng cởi mở, trung thực với nhau và nói: “Tôi nghĩ bạn vẫn còn dính mắc và đó là tại sao bạn bị chuyện này quấy rầy bạn. Chúng ta hãy thử nhìn xem chúng ta có thể cùng nhau phát hiện nguyên nhân dính mắc này là gì, hầu nó có thể quy hàng trước Ngọn lửa của An bình Cực lạc.”

Ta đã nói xong phần của ta, và trong khi ta nói, quả thật là ta đã truyền rải một động lực mãnh liệt của Ngọn lửa An bình của Phật. Ngọn lửa chuyển động như một làn sóng trên khắp lục địa này để tiêu hủy một phần của tâm thức và ký ức chiến tranh. Vì vậy ta cũng vô cùng biết ơn sự hiện diện của các con, biết ơn hội nghị này đã thị hiện, hầu ta có thể làm cánh cửa mở đem xuống tác động vô cùng cần thiết này.

Trong niềm tri ân, ta niêm con lại trong Ngọn lửa An bình của Phật. Và ta xin con nhận lấy tiềm năng là Phật của con trước khi con suy nghĩ việc đó có khả thi hay không. Ta ban cho con hòa bình của ta. Ta giao lại cho con hòa bình của ta. Vậy con hãy an bình bằng cách trụ trong an bình của Phật, bằng cách con LÀ an bình của Phật.

Niêm.

Trò chơi của tự ngã phá hoại các cộng đồng tâm linh như thế nào

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 1 tháng 1 năm 2006 qua trung gian Kim Michaels.

Ta, Gautama, là đức Phật nơi Đỉnh đầu của mỗi đệ tử chân chính trên con đường dẫn đến quả vị Phật. Ta đến để chắc chắn rằng con hiểu rõ giáo lý về mối quan hệ giữa Phật và Mẹ. Đúng thực là chìa khóa để chữa lành tâm lý của con và vượt qua quá khứ – cùng mọi dính mắc với quá khứ – là hiểu rằng con không thể khắc phục tâm thức phàm phu bằng cách sử dụng tâm thức phàm phu.

Con thấy đó, con yêu dấu, mọi thứ trong vũ trụ vật chất đều được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật. Bất kỳ vấn đề nào con gặp đều tạo bằng một sự tha hóa của Ánh sáng Mẫu-Vật, tức là ánh sáng đã khoác vào một hình tướng không thẳng hàng với các định luật toàn hảo của Cha, là các định luật toàn hảo của tình thương đang đảm bảo sự tăng triển của mọi sự sống. Cho nên hình tướng bất toàn, sự thị hiện bất toàn, không những hạn chế chính con mà còn hạn chế mọi sự sống.

Một khi ánh sáng của Mẹ đã khoác vào một hình dạng rung động ở dưới độ rung của tình thương, sẽ không có phương thuốc nào trong vũ trụ vật chất có thể hoàn toàn điều trị vấn đề này. Thật ra có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp con tiến bước trên con đường dẫn đến lành bệnh, nhưng không có một phương thuốc tối hậu nào, một loại đá hóa kim nào, một cây đũa thần nào sẽ loại đi các điều kiện bất toàn bằng cách chỉ dùng đến các thế lực có mặt trong vũ trụ vật chất.

Cách duy nhất để giải thoát khỏi quá khứ là con với lên uy lực của Thượng đế ở ngay trong con, uy lực của Thượng đế Cha. Uy lực này là điều ta từng gọi là Phật tánh vào thuở ta được đặc ân trao truyền những lời dạy làm nền móng cho tôn giáo mà ngày nay các con xem là đạo Phật. Thời nay con biết đó là Thượng đế Cha, là lực lan rộng của Cha, hay Hiện diện TA LÀ của con.

Con phải lấy hai quyết định để được chữa lành

Con yêu dấu, chỉ có uy lực của Hiện diện TA LÀ, uy lực của Cha, uy lực của Phật mới có thể giải thoát Ánh sáng của Mẹ khỏi một khuôn đúc bất toàn và nhờ vậy chữa con lành khỏi những vết thương trong tâm lý. Tuy nhiên để uy lực này đi xuống thể phàm của con, con phải sẵn lòng buông bỏ sự dính mắc đối với vết thương, đối với nỗi đau, đối với nỗi khổ. Do đó điều này trở thành một hành động nhân đôi, và nó đòi hỏi con lấy hai quyết định. Con phải quyết định là con sẵn sàng đứng thẳng hàng trong ý chí của Cha. Đây là điều mà Mẹ Mary chứng tỏ khi nói với thiên thần “Không phải ý muốn của con mà ý muốn của Cha được thành tựu.” Đây cũng là điều Giê-su thốt lên khi thày xin Cha lấy chén khỏi tay thày mà vẫn nói “Không phải ý muốn của con mà ý muốn của Cha được thành tựu.”  

Nhưng con phải hiểu đây là ý chí cao hơn của chính con chứ không phải một ý chí xa lạ gì đang tìm cách hạn chế hay giới hạn con. Ngược lại là đằng khác, ý chí cao hơn của con chỉ tìm cách giải thoát con để con là tất cả những gì con là. Và như vậy, để có thể quy phục và đầu hàng ý chí cao hơn của chính mình, con phải sẵn sàng vứt bỏ lời gian dối của các thiên thần sa ngã bảo rằng ý chí Thượng đế trái ngược với ý chí của con, nó hạn chế hay tước mất quyền tự quyết của con. Đây là lời gian dối chúng đã áp đặt lên cuộc tiến hóa của địa cầu từ hàng thiên niên kỷ, và nói thật, đây là lời gian dối mà con phải thách thức trong thời đại hôm nay, con phải tăng triển tâm thức để vượt lên trên nó.  

Bởi vì một khi con hàng phục ý chí cao hơn của chính bản thể con, ánh sáng mới có thể được phóng thích để nó đi xuống thế giới hình tướng. Nhưng sự chữa lành sẽ không trọn vẹn với ánh sáng đi xuống mà thôi, vì con cũng phải sẵn sàng buông bỏ sự dính mắc vào nỗi đau, vào thương tổn, vào niềm oán giận hay không tha thứ đối với những ai đã làm con đau đớn, thậm chí cả lòng không tha thứ đối với Thượng đế hay chính mình. Rồi điều này có thể được thực hiện tốt nhất khi con hiểu rõ tự ngã, hiểu rõ là nó muốn giam giữ con trong cái hộp nhỏ xíu đó nơi con chỉ nghĩ đến mình con, nghĩ đến nỗi đau và các nhu cầu của mình con đến độ con không còn nghĩ đến những thành phần khác của sự sống. Và đúng thực, đó là tại sao cách tốt nhất để tự chữa lành là con tìm cách chữa lành người khác, cống hiến cho người khác.

Các trái tim yêu dấu của ta, khi con tự đặt mình cho thẳng hàng lại với ý chí của Cha, kéo ánh sáng của Cha xuống và đồng thời sẵn sàng phụng sự người khác, thì con sẽ thiết lập một dòng chảy hình số 8. Và khi nó liên tục chảy xối, nó sẽ kéo con – trong nghĩa đen – ra khỏi mọi điều kiện cùng năng lượng bất toàn để dần dần con được chữa lành. Và khi con càng được chữa lành, cường độ của ánh sáng sẽ càng tăng lên. Con có khả năng cầm giữ nhiều ánh sáng hơn, và khi con toả ra nhiều ánh sáng hơn, Thượng đế sẽ nhân lên những gì con cho ra, sẽ nhân lên các ta-lăng của con. Và như vậy, những ai đã có thì sẽ được cho thêm nhiều hơn, cho tới khi mọi sự sống được nâng lên.

Một hiểu biết sâu sắc hơn về thăng thiên

Đây là một lời dạy thiết yếu cho sự chữa lành của con cũng như của hành tinh, nhưng không kém thiết yếu là những gì ta sẽ trình bày cho con trong bài giảng này, cụ thể là làm thế nào con có thể thiết lập Quả cầu Một của Maitreya được hình thành trong Tánh linh Một đích thực. Con sẽ thấy từ thuở khai sinh hành tinh này, hầu hết các phong trào hay tổ chức tâm linh đều nói về sự cần thiết của việc mọi người đến với nhau, cho dù họ gọi đó là cộng đồng, Tăng đoàn của Phật, Thân thể của Chúa hay một giáo hội hay một tôn giáo đặc thù nào đó.

Tại sao việc mọi người đến với nhau quan trọng như vậy? À, như ta vừa giải thích, để con có thể thực sự được chữa lành, con phải vượt qua sự chú tâm vào bản thân mình và tìm cách phụng sự mọi sự sống và chữa lành người khác. Và còn cách nào tốt hơn và hiển nhiên hơn là các con hội tụ lại trong một khung cảnh tâm linh, một tổ chức hay một phong trào tâm linh, để các con có dịp giúp đỡ lẫn nhau chữa lành và tăng triển. Cho nên đây là một mục đích – sự chữa lành của con.

Thế nhưng có một mục đích rộng lớn hơn mà nhiều người chưa hiểu, một mục đích chưa thể thực sự hoàn thành được cho đến thời đại hôm nay. Khi con nhìn lại lịch sử được ghi chép, con sẽ thấy là tôn giáo đã tập trung vào việc cứu rỗi từng cá nhân. Từ nhiều năm, giáo lý của chân sư thăng thiên đã nói đến sự thăng thiên, tập trung vào việc thăng thiên của từng cá nhân. Thực sự việc thăng thiên của cá nhân con là một tiến trình con phải bước đi một mình. Nhưng có một hiểu biết rộng lớn hơn về tiến trình thăng thiên.

Trong các thời đại trước, với độ dày đặc của hành tinh địa cầu lẫn độ dày đặc của tâm thức nhân loại, việc nâng toàn bộ hành tinh lên một mức rung động cao hơn đã không thể làm được. Do đó, các thày đã tập trung vào việc nâng cao từng cá nhân một, hầu những cá nhân này khi họ thăng lên thiên đàng sẽ hình thành một thỏi nam châm ở thiên đàng, và nam châm này sẽ kéo phần còn lại của nhân loại, sẽ gọi nhân loại vươn lên cao hơn. Đây là điểm mà Giê-su đã diễn tả khi thày nói: “Và khi ta thăng lên, ta cũng sẽ kéo mọi người lên với ta.” Cho nên ngay cả trong Thời đại Song ngư, việc cần thiết là tập trung giúp đỡ những ai đã sẵn sàng thực hiện cuộc thăng thiên cá nhân của mình.

Nhưng trong Thời đại Bảo bình, một mục tiêu cao hơn đã nằm trong tầm tay, nếu có đủ số người chịu lắng nghe các lời dạy về cái Một và cống hiến đời mình cho việc thị hiện cái Một ngay dưới này. Khi con đi vào nội tâm và thiết lập dòng chảy hình số 8 mà ta vừa mô tả, con sẽ mở toang cổng nước lũ của thiên đàng. Và khi con thực hiện hành động Omega, con sẽ có thể kéo xuống hành động Alpha của ánh sáng và sử dụng nó ngay dưới này để xây dựng sự kết hợp chiều ngang. Con có một dòng chảy hình số 8 chiều dọc giữa con là người đầu thai với cái Ta cao hơn của con cùng các chân sư thăng thiên ở trên, nhưng con cũng xây dựng một dòng chảy hình số 8 chiều ngang ở dưới này.

Nếu có một số tới hạn những người chịu xây dựng các dòng chảy hình số 8 chiều dọc lẫn chiều ngang – nếu họ đến với nhau trong Quả cầu Một – thì không có sự cần thiết con phải thăng thiên khỏi địa cầu, bởi vì các con có thể cùng nhau nâng cao địa cầu để địa cầu được thanh lọc và trình chiếu ra Vương quốc của Thượng đế, mà các thày cũng gọi là Thời đại Hoàng kim của Saint Germain. Cho nên con thấy đó, việc hội tụ lại với nhau trong một cộng đồng tâm linh thực sự là một bước thiết yếu trong sự tiến bộ của hành tinh và nâng cao tâm thức của nhân loại. Vì thế việc cần thiết là con hiểu được rất nhiều điều về tiến trình hội tụ lại, và chắc chắn các thày sẽ cho con những lời dạy sẽ giúp con làm được vậy.

Một tổ chức tâm linh có thể trở thành một trở ngại cho tăng triển

Ta đến để cho con một lời dạy đặc biệt liên quan đến những ai đã từng tham gia vào bất kỳ tổ chức tâm linh nào trong một thời gian và đã từng rời bỏ tổ chức đó, hoặc vì họ thất vọng, hoặc vì họ có một cảm giác trống rỗng hay khắc khoải nào đó như thể đã đến lúc họ phải ra đi. Đó là vì khi con đã bước trên đường tu tâm linh được một thời gian và đã chú tâm vào sự chữa lành và tăng triển bản thân mình, con sẽ tới một điểm quyết định – được Mẹ Mary giải thích trong quyển sách mới của thày [A Course in abundance hay Khóa học về sự dồi dào] – qua đó con không thể tăng triển thêm nữa bằng cách tập trung vào tăng triển cá nhân của mình.

Cách duy nhất để con tăng triển quá điểm đó là chuyển hướng tập trung của con và tìm cách giúp đỡ người khác. Đối với nhiều đệ tử tâm linh chân thành, đây có thể là một thử thách rất khó khăn vì từ quá lâu họ đã quen tập trung vào việc tăng triển bản thân. Nhiều người trong số đó đã chú tâm vào một cách tiếp cận đặc thù, như cứu nguy hành tinh hay phụng sự các chân sư thăng thiên. Và khi từ lâu con đã tập trung vào một cách tiếp cận, hầu như không thể tránh được là tự ngã của con sẽ xoay sở để dựng lên một số bức tường trong tâm con gây ra một trạng thái xơ cứng. Con trở nên thoải mái với cách tiếp cận của mình, thế là giờ đây con khó lòng từ bỏ cảm giác là con đã đạt được một độ trưởng thành nào đó trên đường tu, con đã biết mọi đường đi lối bước. Con có một cảm giác thoải mái, có lẽ cả một cảm giác an toàn.

Đây là điều con có thể nhận xét trong mỗi tổ chức tôn giáo hay tâm linh trên hành tinh này. Nhiều người đã phụng sự không mỏi mệt và vô cùng nhiệt thành trong một thời gian dài, và họ đã đạt được một vị trí lãnh đạo. Và giờ đây, đột nhiên, một cảm giác thoải mái hay xơ cứng nhen nhúm nổi lên, thế là bỗng chốc tự ngã thuyết phục họ rằng điều quan trọng hơn là họ phải cố giữ lấy vị trí hiện thời của họ trong tổ chức vỏ ngoài, thay vì tái cam kết bước đi bước kế tiếp trên đường tu tâm linh hầu họ có thể vươn tới một tầng mức hoàn toàn mới.

Khi lãnh đạo cảm thấy bị đe dọa

Quả thực đây là tại sao Giê-su có nói rằng người đi đầu sẽ là kẻ đi chót và kẻ đi chót sẽ là người đi đầu. Bởi vì điều gì sẽ xảy ra khi những người giàu kinh nghiệm nhất, những người đã đạt được vị trí lãnh đạo, trở nên cứng nhắc trong cách tiếp cận đường tu hay cách tiếp cận một lời dạy hay một tổ chức? À, ta sẽ nói cho con điều gì sẽ xảy ra. Sự tăng triển của họ sẽ ngừng lại.

Nhưng sẽ có những người chưa ở trong tổ chức lâu đến thế, và họ không xơ cứng, họ vẫn kiên quyết tăng triển. Cho nên họ dùng giáo lý hay tổ chức để tăng triển, và sẽ tới một điểm không thể tránh là họ bắt đầu vượt quá mức chứng đạt tâm linh của các vị lãnh đạo. Không thể tránh khỏi các vị lãnh đạo này bỗng nhiên cảm thấy mình bị đe doạ bởi những người mà họ vẫn xem là cấp dưới trong hệ thống thứ bậc mà họ đã thiết lập trong tâm họ.

Bỗng nhiên họ nhận ra là những thành viên mới này, những cái chồi mới này, muốn nhiều hơn là thụ động đi theo lãnh đạo. Trong một số trường hợp, cũng đúng là những người ít kinh nghiệm hơn này muốn thoả mãn tự ngã, hay có lẽ họ ham muốn uy quyền của những người đang giữ địa vị lãnh đạo, và nếu vậy thì đúng thực là họ không xứng đáng với địa vị đó.

Tuy nhiên, ta phải nói với con là trong hầu hết mọi tổ chức có chút giá trị nào, sẽ có một số người bắt đầu bước ra khỏi tự ngã và thể hiện quả vị Ki-tô, cho nên họ có một khao khát không thể tránh khỏi và không thể cưỡng lại, là họ muốn biểu hiện quả vi- Ki-tô này. Họ thực sự là những người xứng đáng được giữ vị trí lãnh đạo, hay được biểu lộ bằng một cách nào khác quả vị Ki-tô của họ trong khuôn khổ của tổ chức. Và nếu những lãnh đạo đương nhiệm cũng quyết tâm y như vậy trong việc thể hiện quả vị Ki-tô của mình thì sẽ không có xung đột gì hết. Bởi vì thật vậy, mọi người sẽ tìm được chỗ đứng của mình và có thể biểu hiện chứng đạt Ki-tô cùng ngọn lửa Thượng đế của mình. Nhưng nếu các lãnh đạo đương nhiệm đã đánh mất sự quyết tâm tăng triển, thì không thể tránh khỏi họ sẽ cảm thấy bị đe doạ, và vì vậy họ sẽ tìm cách kềm chân những người kia đang gia tăng quả vị Ki-tô.

Thảm họa lớn nhất trong các tổ chức tâm linh

Con yêu dấu, đây là thảm họa lớn nhất trong bất kỳ tổ chức tâm linh nào – khi tiến trình đó nổ thành khủng hoảng và cuộc đối đầu bắt buộc xảy ra. Qua các thời đại, quá nhiều kịch bản đã trải bày ra đến độ nếu ta cố kể cho con thì con sẽ buồn nôn. Con sẽ cảm thấy ghê tởm khi chứng kiến tự ngã, hết lần này sau lần nọ, đã có thể xoay sở để khiến cho những người tầm đạo chân thành rơi vào trò chơi nhị nguyên là cố chứng minh ai là người đúng, ai là kẻ sai, và tự ngã của ai mới là đẹp đẽ hơn.

Các trái tim yêu dấu của ta, điều này đã diễn ra từ quá lâu đến độ các chân sư thăng thiên thấy là quá đủ. Các thày đã nói: “Đủ rồi là đủ rồi. Đã đến lúc các thày thành lập những tổ chức và phong trào trên hành tinh này nơi những trò chơi đó của tự ngã không còn có thể hủy hoại tổ chức, hủy hoại những con người đang thành tâm bước trên đường tu.” Vì vậy các thày yêu cầu những ai trong số các con cởi mở với đợt truyền pháp mới này, những ai mở tâm ra với Quả cầu Một của Maitreya, hãy nhất quyết khắc phục các trò chơi đó của tự ngã, trước tiên là trong chính mình, rồi sau đó tìm cách giúp người khác cũng khắc phục theo.

Ta đang phát biểu một cách nghiêm nghị, vì quả thực ta muốn đến trong tư cách uy lực của Cha, uy lực của Phật, để giúp con đứng thẳng hàng với ý chí cao hơn của chính bản thể con, giúp con thấy được là chính con cũng đã chán ngán các trò chơi này của tự ngã. Từ nhiều tiền kiếp, con đã tham gia vào những phong trào tâm linh. Con đã nỗ lực chân thành, chỉ đề cuối cùng nhìn thấy nỗ lực của mình bị tiêu tan, những hạt ngọc của mình bị ném cho heo ăn, và hạt ngọc bị vồ lấy bởi những con người còn chìm đắm quá đỗi trong trò chơi tự ngã đến độ họ không chịu nhả nó ra.

Chính con cũng đã đạt tới điểm khi con nói “Đủ rồi”, và đây là tại sao con đang đứng ở mức tâm thức này của con. Nhưng ta cũng biết có một số người tâm linh vẫn chưa cởi mở với những lời dạy các thày đang ban truyền vì con đã từng bị quá tổn thương, con đã bị ức hiếp quá sức. Và con đã cho phép mình nhận lấy tổn thương một cách cá nhân, con bị dính mắc vào đó và không sẵn lòng buông nó ra. Con không sẵn lòng đứng thẳng hàng lại với ý chí cao hơn của Cha đang nói rằng: “Con ơi, bây giờ đã đến lúc con về nhà. Đã đến lúc con ngừng chơi trên cát. Đã đến lúc con ngừng vùi đầu dưới cát mà hãy ngẩng đầu, đứng thẳng lên và là chính mình. Hãy bước lên cao hơn! Bỏ lại tất cả nỗi đau cũ, bỏ lại thương tích cũ, và ngộ ra là con đã bị người khác làm tổn thương chính vì họ bị mắc kẹt trong tự ngã, và con cũng đã cho phép mình bị tổn thương vì con mắc kẹt trong tự ngã.”

Giải pháp duy nhất là có ai đó phải bước ra ngoài trò chơi của tự ngã. Và các trái tim yêu dấu, ta kêu gọi con là người bước ra ngoài trò chơi của tự ngã và tái cam kết đi theo đường tu đích thực, đường tu của Hợp nhất. Đây chính là điều các thày muốn chứng kiến trong những năm sắp tới. Đó là tại sao Maitreya đã ban ra Quả cầu Một, mà ta phải nói là một cống hiến vĩ đại nếu con xem xét những gì đang xảy ra ngay lúc này trên hành tinh trong biết bao lãnh vực, khi các trò chơi tự ngã được phép lan tràn khắp nơi đến độ người ta sẵn sàng giết hại hàng triệu người để chứng minh tôn giáo hay chủ nghĩa của mình là đúng.

Món quà đặc biệt của Gautama

Những người tâm linh là triển vọng tốt nhất cho các thày để lật ngược tình trạng này, thiết lập một Quả cầu Một có thể dùng làm tấm gương cho những ai khao khát nhìn thấy hành tinh vươn lên khỏi trò chơi tự ngã và thị hiện Vương quốc Thượng đế, Tăng đoàn của Phật, Vòng tròn của Duy nhất, sự kết hợp của Thân thể Chúa, Thân thể Ki-tô. Cho nên ta, Gautama, khen ngợi tất cả những ai sẽ thức tỉnh trong lời kêu gọi Quả cầu Một của Maitreya, bây giờ lẫn trong tương lai. Ta chúc mừng con đạt tới điểm nhận diện được rằng quả thực có một sự mệnh rộng lớn hơn đang chờ đón con, một sứ mệnh không dành riêng cho một tôn giáo nào mà vượt trên mọi tôn giáo vỏ ngoài. Vì đúng thực, các thành viên của bất kỳ tôn giáo nào hay vô tôn giáo cũng đều được chào đón như nhau trong Quả cầu Một của Maitreya – một khi họ cam kết bước đi trên con đường hợp nhất.      

Cho nên ta, Gautama, đến đây để cống hiến một món quà cho mọi con người tâm linh. Nếu con cho phép, ta sẽ neo trụ một phần của sự An bình của Phật vào luân xa đỉnh đầu của con, và nó sẽ ở lại với con chừng nào con còn kiên quyết với con đường khắc phục mọi dính mắc. Vì thế, bất cứ khi nào con cảm thấy mình phải đối mặt với một hoàn cảnh khó khăn hay một thương tích nan giải trong tâm lý mình, ta yêu cầu con hình dung là con đang ngồi giống như Phật ở luân xa đỉnh đầu của con, và luân xa đỉnh đầu mở lớn như đóa hoa sen nở rộ, và con nhìn thấy Hiện diện của ta đi xuống con, để Phật trong ta và Phật tánh trong con trở thành Một. Điều này sẽ đem lại an bình cho con và sẽ đặt con thẳng hàng lại với Hiện diện TA LÀ của con.  

Vậy thì ta, Gautma, niêm con trong tình yêu của Alpha và Omega. Ta niêm con trong danh của Cha, của Con, của Thánh linh và Mẹ Thiêng liêng, và ta niêm con trong An bình của Phật.

Đạo đức giả không cần ghi danh!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su ngày 5/7/2005 qua trung gian Kim Michaels.

Tự ngã mất hết quyền lực khi con thấy nó thật là gì

Ta là Giê-su. Ta cũng xin bồi thêm thần lực của ta cho phong trào các vị Bảo hộ Ánh sáng Mẹ. Ta đến đây để ở lại với các con, và ta cam kết sẽ khai ngộ cho bất cứ ai sẵn lòng buông bỏ tự ngã của mình – bất cứ ai sẵn lòng vạch trần tự ngã để nhìn thấy nó thật là gì, và như thế tự tách mình và tách cái Ta Biết ra khỏi nhà tù của tự ngã. 

Quá nhiều tín hữu đạo Cơ đốc cho rằng ta là một vị thày dễ tính. Nhưng ta là một vị thày thẳng thắn. Ta không đùa, và ta sẽ không đùa với bất cứ ai đến với phong trào này. Bởi vì nếu con không sẵn lòng buông bỏ tự ngã, con có thể tự do đi nơi khác, nơi người ta sẽ o bế tự ngã của con thay vì giúp con tách rời khỏi tự ngã.

Nhưng khi ta nói ta là một vị thày thẳng thắn, ta không bảo ta là một vị thày không yêu thương. Và điều quan trọng là con nên suy ngẫm về sự khác biệt này, vì thực sự, tình thương của ta là tình thương toàn hảo đánh bật mọi nỗi sợ hãi ra ngoài. Và ta biết thừa là nhiều người rất sợ tự ngã của mình bị phơi bày ra, sợ điều gì đó sẽ xảy ra cho mình khi mình không thể còn ẩn náu đằng sau các lý lẽ khôn ngoan mà cái tâm nham hiểm của Rắn đã nặn ra để lừa gạt các dòng tiến hóa trên hành tinh này.  

Hãy ngừng nhón gót chung quanh tự ngã

Quá nhiều học trò tâm linh đã nhón gót đi vòng quanh, tránh né đề tài tự ngã mặc dù chúng tôi, các chân sư, đã giảng dạy trong mấy tổ chức tâm linh trước rồi. Họ đã sợ rằng nếu tự ngã của họ bị phơi bày, họ sẽ phải trải qua một cơn biến động nào đó, họ sẽ đánh mất giá trị về bản thân, hay bằng nhiều cách, họ sẽ chìm vào một cơn khủng hoảng bản sắc.  

Thật ra con chỉ cần chuyển đổi ý niệm bản sắc của con đi một chút mà thôi. Con cần bắt đầu tự hỏi: “Biết những gì tôi biết về con đường tâm linh – và mục đích đạt được tự do trong tâm thức Ki-tô, mục đích chứng nghiệm được tự do rộng lớn khi mình vượt khỏi và đứng trên tự ngã – biết được những gì tôi biết, thực sự có thành phần nào của tự ngã mà tôi không sẵn sàng từ bỏ hay không, nếu tôi có thể nhìn thấy?” Và ta nghĩ khi con trầm tư về điều này, con sẽ thấy được trong tim con là quả thực không có điều gì mà con không sẵn sàng buông bỏ để đến gần hơn với tình yêu Thượng đế, để là con người mà con là, và biểu hiện con người đó. Khi con nhận ra điều này, con không cần phải sợ tự ngã nữa, hay sợ phải phơi bày tự ngã nữa.

Con sẽ không cần sợ mình phạm lỗi, vì dù con có làm lỗi thì điều đó hoặc sẽ phơi bày một phần của tự ngã, hoặc sẽ giúp con vượt qua tự ngã. Tự ngã không còn bất kỳ quyền năng nào trên con. Nó chỉ có quyền năng nếu con chưa nhìn thấy nó, hay con chưa thấy nó thực sự là ảo tưởng và như vậy con mới chưa thể tách rời khỏi nó. Ngay khoảnh khắc con nhìn thấy nó, và ngay khoảnh khắc con quyết định tách rời khỏi nó, nó sẽ không có quyền năng gì trên con nữa, và con sẽ bước tới đâm xuyên qua nó. Và khi con bắt đầu nhận ra điều này, con sẽ thấy con đường vượt khỏi tự ngã không khó lắm đâu. Đó không phải là một con đường đầy sợ hãi, không là một con đường đáng xấu hổ, không là một con đường nơi mình cảm thấy bại trận hay thua kém do mình vẫn còn khía cạnh này hay khía cạnh nọ của tự ngã.   

Con là nhiều hơn tự ngã rất nhiều. Và ta sẽ nhắc đi nhắc lại cho con rằng con là nhiều hơn. Con là nhiều hơn rất nhiều và đó là điều mà chúng tôi yêu thích. Và khi con nhận ra con nhiều hơn tự ngã đến chừng nào thì việc buông bỏ tự ngã sẽ không là vấn đề nữa. 

Thế đấy, cốt lõi của tự ngã chỉ có vậy – hoặc con không nhìn thấy nó, hoặc con không sẵn sàng bỏ nó đi. Tự ngã luôn luôn cố gắng lẩn trốn. Nó luôn cố nói với con là con không thể đi bước kế tiếp trên đường tu, con không thể bước ra ngoài cửa nhà tù. Nhưng rồi khi con nhận thấy con có khả năng tiến bước trên đường tu, nó sẽ cố bảo con là con thực sự không muốn bước tới hay con không được phép bước tới.

Tự ngã ngăn cản con đi bước kế tiếp

Trong bản chất, tự ngã chính là yếu tố ngăn con đi bước kế tiếp để đến gần hơn với Thượng đế. Thật sự, tự ngã cũng có nhiều đặc tính khác nhưng tinh túy của nó là nó ngăn con đi bước kế tiếp trên đường đạo. Và khi con bắt đầu ngộ ra điều này – và ngộ ra rằng phần lớn cái ta của con hoàn toàn nhất quyết đi bước kế tiếp đó – thì tại sao con lại sợ tự ngã? Tại sao con lại sợ nó được phơi ra? Con phải chào mừng khi thấy nó được vạch trần, bởi vì bây giờ con có thể nói: “À, tôi đã thấy nó rồi. Bây giờ tôi có thể buông nó ra.”  

Như ta có trình bày vào dịp lễ Phục sinh, chìa khóa để vượt qua và bước đi trên đường tu tâm linh là con phải từ bỏ tất cả những thứ gì không thực. Con phải buông nó ra, con phải cho nó ra đi. Nhưng con sẽ không thể buông nó, con sẽ không thể cho nó ra đi cho đến khi con đã sở hữu nó, đã nắm lấy chủ quyền trên nó. Cho nên có thể nói, tự ngã trước tiên sẽ cố ngăn con nắm lấy chủ quyền cái thành phần đó của tự ngã, ngăn con nhìn thấy hoặc nhìn nhận nó. “Phải, cái phần này của tự ngã còn nằm trong bình chứa ngã của tôi.” Và sau đó nếu con thấy nó rồi, nó sẽ cố ngăn cản con buông cho nó ra đi bằng cách khiến con nghĩ rằng con cần đến nó.

Và đây là chìa khóa – nhận ra rằng con sẵn sàng buông cho nó ra đi vì con yêu thích một điều gì khác hơn là ở lại trong vùng an toàn của con. Và ta sẽ có mặt ở đây để giúp tất cả những ai sẵn sàng buông cho tự ngã ra đi. Khi nào thích hợp hơn và các chu kỳ lần lượt trải ra, ta sẽ ban thêm một số giáo lý và dụng cụ tâm linh mới về đề tài này. Nhưng ngay bây giờ ta sẽ nói: “Saint Germain đã tuyên bố rõ ràng là thày sẽ không mất thì giờ với tự ngã của bất kỳ ai nữa. Nếu con muốn là một học trò của Saint Germain và giúp thày thị hiện Thời đại Bảo bình, thì con hãy vứt bỏ tự ngã của con trước khi con tiếp cận với thày.” Đúng thế, ta là vị thày sẽ giúp con vứt bỏ tự ngã đó để con có thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con hầu đồng sáng tạo Thời Hoàng kim với Saint Germain.   

Con đường khiêm tốn toàn diện

Vì vậy ta sẽ treo lên một cái bảng, bởi vì ta đang tìm kiếm những ai sẵn sàng giúp một tay trong việc đồng sáng tạo Thời Hoàng kim. Có thể con đã thấy người ta dựng tấm bảng trước các cơ sở kinh doanh với dòng chữ: “Cần người giúp việc. Ghi danh bên trong.” Ta đang dựng tấm bảng này lên vì ta đang cần sự trợ giúp của con. Và con phải vào bên trong để ghi danh, có nghĩa là con vào trong nội tâm mình, bước vào bên trong, phát hiện tự ngã đó và buông cho nó ra đi.  

Tuy nhiên ta cũng có một số điều kiện. Hai ngàn năm trước đây, ta đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và năng lực để ứng xử với những người không sẵn lòng xét xem là mình có cần thay đổi, là mình có một tự ngã hay không. Đây là những người tự coi mình là toàn hảo, là minh triết, là người được Thượng đế chọn lựa và không cần thay đổi. Chỉ có người khác là có vấn đề, cần thay đổi mà thôi. Bảng hiệu của ta sẽ có dòng chữ lớn: “Cần người giúp việc. Ghi danh bên trong.’ Nhưng bên dưới cũng có hàng chữ nhỏ viết rằng: “Kẻ đạo đức giả miễn đăng ký.”

Con đường mà ta trao cho con là cùng con đường ta đã đưa ra 2000 năm về trước. Đó là con đường khiêm tốn toàn diện. Và ngay cả các môn đệ của ta đã sống ba năm với ta cũng đã không hiểu được trọn vẹn con đường này. Và đó là tại sao họ đã bắt đầu tranh cãi nhau để xem người nào là người cao cả nhất trong bọn họ sau khi ta ra đi. Ngay lúc đó, ta như bị giáng một cú vào đầu khi ta chợt hiểu: “Có nghĩa chăng là sau ba năm trời, họ vẫn chưa hiểu được thông điệp của mình? Họ vẫn chưa thâm nhập và thấy được đường đạo là gì?”  

Ngày hôm nay, tình thế của ta sáng sủa hơn nhiều vì hiện có nhiều người thấy được đường đạo là gì. Đó không phải là con đường đúng đắn cho phàm phu, tức là sự tôn vinh tự ngã, mà là con đường khiêm tốn toàn diện, buông bỏ mọi niềm kiêu hãnh của tự ngã, hầu con có thể bước ra khỏi nó và tự giải thoát. Đây là con đường mà ta trao cho con. Ta trao cho con với tất cả tình yêu thương. Và ta sẽ dẫn dắt con trong tình yêu thương cho tới điểm tự do đó. Nhưng ta cũng phải nói, tình thương không luôn luôn mềm mại, vì có khi con cần một bàn tay cứng rắn để con tỉnh ngộ. Và cách cư xử này của ta đối với con cũng liên quan đến cách con nên tiếp cận với người khác về con đường tâm linh.

Làm thế nào giúp Giê-su đánh thức người đời

Khi con tiếp cận với người khác và còn mắc kẹt phần nào trong tự ngã, con sẽ không nói gì trừ khi người ta hỏi, và điều này cũng hữu lý thôi. Con để yên cho họ hỏi, xong con cho họ điều mà họ cần. Tuy nhiên sẽ tới một điểm khi con đạt được một mức độ kết hợp với cái ta Ki-tô của con, và con có đủ sự tự do để không còn cố áp đặt tin tưởng của tự ngã lên người khác nữa. Trái lại, con thực sự đang sống, đang thở, để giải phóng loài người. Và con không rời Thượng đế của con, con luôn đồng bộ với Tượng đế của con.      

Ở điểm đó, con không còn cần phải bận tâm đến chuyện để cho người ta hỏi rồi mới trả lời, vì bây giờ con nhận ra là trên địa cầu có quá nhiều người còn mê ngủ, còn vướng chặt trong vô minh đến độ họ không biết hỏi cái gì. Họ không biết hỏi như thế nào, thậm chí họ còn không dám hỏi. Vậy thì làm sao họ có thể giải thoát được đây? Họ sẽ không thể giải thoát nếu con cứ ngồi ì ở đó chờ cho họ đặt câu hỏi, và họ sẽ không biết hỏi chuyện gì.

Vì vậy con phải là người chủ động, như ta đã từng làm rất nhiều lần trong đời ta. Ta đã đến với mọi người. Ta sẵn sàng bước ra trước mặt họ, nói khích họ và bảo: “Anh chị đang ngủ say! Anh chị cần thức dậy!” Ta đã sẵn lòng lật bàn của bọn đổi tiền đã len lỏi vào nhà thờ – tức là nhà thờ nội tâm của con tim và tâm trí – để buôn bán những sản phẩm dối gạt của chúng trong ngôi đền Thượng đế.  

Và khi con đạt đến một mức độ nào đó của tâm Ki-tô, con sẵn sàng sử dụng cách tiếp cận này – không nhất thiết một cách thiếu tình thương, nhưng sẽ tới một điểm khi con biết rõ trong thâm sâu cách tiếp cận nào là thích hợp nhất cho mỗi người. Và cho tới khi con nhận được sự hướng dẫn rõ ràng đó, ta gợi ý con nên tiếp cận như thế này: “Anh chị biết là có một cách hay hơn phải không? Anh chị biết là mình không cần sống qua những chuyện này? Anh chị biết là mình không cần phải chịu đựng vấn đề này. Anh chị thật sự có khả năng giải quyết. Anh chị có khả năng buông bỏ nó. Anh chị có muốn biết làm thế nào không?”  

Hay con cũng có thể nói: “Anh chị có biết là tôi cũng từng trải qua cùng vấn đề đó, và đây là cách tôi đã làm để vượt qua. Anh chị có muốn tôi giúp không?” Và nếu họ từ chối, có thể con sẽ thử thêm một lần nữa, tối đa ba lần. Nhưng nếu họ từ chối con ba lần, con hãy rút về và tự nhủ: “Tôi đã làm xong bổn phận của mình đối với dòng sống này, bây giờ tùy dòng sống đó có muốn vươn lên và yêu cầu sự giúp đỡ hay không.”   

Hãy cầu thì sẽ nhận được. Cho nên yêu cầu là một việc làm chính đáng. Nhưng như ta đã nói, nếu dòng sống đó không biết phải hỏi gì, phải yêu cầu gì, thì làm sao họ có thể hỏi được câu hỏi hữu ích? Vậy thì con hãy giúp họ bằng cách đặt câu hỏi cho họ. Giúp họ nhận ra là họ có thể biết nhiều hơn, có thể hỏi nhiều hơn về sự sống. Và nếu con hỏi ta thì ta sẽ, qua cái ta Ki-tô của con, giúp con giúp được người khác. Cho nên, con hãy ghi danh với ta ở bên trong.

Nhận biết sự Tĩnh lặng Bất tận!

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 5/7/2005.

TA LÀ Phật nơi đỉnh đầu,  tĩnh tọa trong thiên bào. Và con sẽ nhìn thấy ta khi Ánh sáng Mẹ được nâng lên đỉnh đầu và ngàn cánh hoa sen mở ra để hiển lộ Hiện diện của ta. Ta đến đây để trao uy lực của tất cả các vị Phật có liên hệ với địa cầu cho phong trào mới của các vị Bảo hộ Ánh sáng Mẹ bởi vì, quả thực, việc bảo hộ cho Ánh sáng Mẹ quan trọng đến như vậy. Đó là chìa khóa chủ yếu để thị hiện Thời Hoàng kim.  

Tại sao thời gian được tạo ra và như thế nào

Có một mối quan hệ quan trọng giữa Mẹ và Phật. Phật giữ sự quân bình cho không gian, trong khi Mẹ giữ sự quân bình cho thời gian. Không gian là gì? Thời gian là gì? Không gian là không gian nơi hình tướng có thể được thị hiện từ hư vô. Thời gian là một cảm nhận khoảng cách. Bình thường con nghĩ về không gian như là một khoảng cách, nhưng thời gian cũng là một khoảng cách, bởi vì kỳ thực, có thể nói là thời gian không hiện hữu. Và tại sao thời gian không hiện hữu? Vì thời gian không thực.  

Thời gian là một cảm nhận khoảng cách so với vị trí trong Dòng sông Sự sống mà đáng lý con đã đứng nếu con không dấn sâu vào tâm thức nhị nguyên và tách mình ra khỏi dòng chảy của Dòng sông Sự sống. Dòng sông cứ tiếp tục chảy khi con bước ra khỏi sông. Và sông cứ chảy tiếp nữa. Và chỗ đứng của con trong dòng sông sẽ tiếp tục bị bỏ trống chừng nào con còn ở lại trên bờ sông của nhị nguyên.

Và đó là cách mà Ánh sáng Mẹ cho phép con tạo ra ảo ảnh tách biệt riêng của con. Thế nhưng Quy luật của Thượng đế quy định rằng ảo ảnh không thể là ảo ảnh mãi mãi, bởi vì Thượng đế thương yêu con, và ngài không muốn con đời đời bị kẹt lại trong nhà tù mà chính con đã dựng lên cho con. Và như vậy, thời gian trở thành một hệ lụy của việc con bước ra khỏi Dòng sông Sự sống.  

Do đó, ngay khi con bước ra khỏi dòng sông đó, kim đồng hồ bắt đầu quay, và con sẽ không thể duy trì ảo ảnh đó mãi mãi. Sẽ đến một thời điểm khi con phải lấy quyết định tối hậu rằng con sẽ phục vụ cho ai. Liệu con sẽ chọn cái chết của sự tự hủy diệt, hay là cái sống của sự tái nhập vào Dòng sông Sự sống? Và khi con lao mình vào dòng sống đó một cách vô điều kiện – là những điều kiện mà con đã sử dụng để biện minh cho việc ở lại trên bờ – thì con sẽ nhanh chóng bắt kịp lại vị trí chính đáng của con trong dòng sông Thượng đế.  

Và khi con về lại chỗ đó, con vượt khỏi thời gian – cho dù con vẫn duy trì sự tập trung vật lý vào địa cầu, con có thể thực sự vượt khỏi thời gian. Và đó là tại sao những ai đã đạt đến giác ngộ đều nhận ra là tất cả mọi thứ trên địa cầu chỉ là tấm màn của Maya, tấm màn ảo ảnh, bởi vì rốt cuộc nó không thực. Đằng sau tất cả những thứ đó là Dòng sông Sự sống, và họ biết phần lớn Bản thể của mình ở trong dòng sông.  

Phật tọa thiền hoa sen

Rất nhiều người trong số các con vẫn tự hỏi: “Sứ vụ của tôi trên địa cầu này là gì? Tại sao tôi ở đây? Tôi đã đến đây để đem lại gì?” Chìa khóa để tìm ra tại sao con ở đây là kết nối lại với Tĩnh lặng của Phật. Đây là điều mà ta ban tặng cho con – sự tĩnh lặng – sự tĩnh lặng của Phật vượt khỏi những xáo động đang diễn ra trong cõi giới này của thời gian, Biển Luân hồi.

Và do đó ta cho con hình ảnh sau đây để con hình dung, khi con thấy mình trong nhịp sống hối hả của chợ búa, và con nhận biết con bị phân tâm, hay căng thẳng hay trĩu nặng, con hãy bước sang một bên và nói: “À, tôi đang bị vướng vào bùn ở đáy hồ. Nhưng bây giờ tôi sẽ tìm ra điểm tĩnh lặng trong tim tôi, tôi sẽ tìm ra hạt giống của hoa sen, và tôi sẽ để cho nó nẩy mầm, gửi một cuống hoa lên mặt nước.”

Và con hình dung Ánh sáng Mẹ màu trắng dâng lên từ gốc lên đến đỉnh đầu, và khi nó tới đỉnh đầu, đóa hoa sen ngàn cánh nở ra. Và bây giờ con đã hết ở trong bùn vì con đang ngồi như là Phật – với Hiện diện của ta chồng lên con – và con đang nổi trên mặt nước. Con đang nổi trên Biển Luân hồi, và không có gì bên dưới mặt nước có thể chạm vào con, bởi vì mặt nước này lặng yên như biển thủy tinh.   

Đó là tĩnh lặng. Và thỉnh thoảng, con hãy dành thời gian bước ra ngoài để tận hưởng tĩnh lặng. Thế gian quá ồn ào. Con hãy tắt máy thu thanh. Tắt âm nhạc. Rút phích điện những chiếc máy làm tiếng động mà người ta đã phát minh ra để ngăn con trải nghiệm Tĩnh lặng Bất tận.    

Kết hợp Phật và Ki-tô

Con đã được nghe về những Ngọn lửa của Thượng đế và ta sẽ giảng dạy thêm một chút cho con. Nhiều người trong số các con đã thắc mắc làm thế nào có một lời dạy tâm linh kết hợp Phật với Ki-tô. Đâu là mối liên hệ giữa Phật và Ki-tô? Này con, Phật và Ki-tô là biểu tượng cho hai trách vụ tâm linh nhằm dẫn dắt cuộc tiến hóa của địa cầu đến cứu rỗi, đến giác ngộ.

Phật và Ki-tô làm điều đó hai cách khác nhau. Phật là đấng ngồi trên mặt Biển Luân hồi, cầm giữ quân bình và viễn quan, cầm giữ sự quân bình toàn hảo cho Ánh sáng Mẹ. Ki-tô là đấng đi xuống Biển Luân hồi đó, đến với những ai bị lạc lối trong vô minh và không có khả năng đặt ra những câu hỏi sẽ giải thoát họ. Và thày ban cho họ một ly nước lạnh nhân danh Ki-tô.   

Điều này không có nghĩa là thày trao cho họ giáo lý tâm linh tối thượng, bởi vì thật sự nhiều người chưa sẵn sàng nhận lấy đâu. Và như vậy, khi Giê-su nói rằng con được quyền đi vào xã hội để lay động những ai còn đang bị kẹt, thày không muốn nói là con phải cho họ giáo lý tâm linh cao nhất mà con có thể với tới. Con cần hòa điệu vào tâm hồn người đó và tự hỏi: “Điều gì sẽ giúp cho dòng sống này bước đi bước kế tiếp? Đây là ly nước lạnh mà ta sẽ tặng họ”. Đó là chức năng của Ki-tô.

Khi con áp dụng điều trên vào khái niệm Ngọn lửa Thượng đế có hai phương diện, con có thể nói rằng ngọn lửa Alpha cũng là ngọn lửa của Phật. Đây là ngọn lửa giữ cân bằng cho địa cầu. Còn ngọn lửa Omega là ngọn lửa của Ki-tô. Đây là ngọn lửa mà con đem đến cho những ai còn lạc lối trong vô minh hầu họ có thể thức tỉnh. Chắc con đã có nghe Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình. Vậy Phật là Hoàng đế của Hòa bình. Phật ngồi trên ngai, cầm giữ viễn quan cho vương quốc, chỉ đạo cho hoàng tử đi vào đời và giải phóng những ai bị sa vào bùn.   

Cho nên, ngọn lửa của Ki-tô là Lời đã hiện thân. Và Giê-su đã chẳng nói hay sao – cho dù thày mang danh là Hoàng tử của Hòa bình – thày đã chẳng nói hay sao: “Đừng tưởng rằng ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến để đem một thanh gươm” (Matthew 10:34)? Vậy thanh gươm này của Ki-tô là gì? Đó là Lời, là Lời hiện thân chẻ đôi cái thực khỏi cái không thực, hầu con người thấy tự ngã của mình và sự không thực của tự ngã, nhờ vậy mới có thể tự do chọn lựa tách mình khỏi tự ngã. Đó là thanh gươm của Ki-tô. Và đó là tại sao, thực sự, Ki-tô đã không đến để đem lại an bình cho thế gian. Thày đã tới để lay chuyển những ai bị kẹt trong vô minh, kẹt trong kiêu hãnh, kẹt trong đạo đức giả, và thách đố họ vươn lên cao hơn.   

Thày đã đến để phân rẽ anh em với anh em, trong ý nghĩa là thày thà nhìn thấy con người xung đột – vì xung đột sẽ phơi bày tự ngã, phơi bày những điều tồi tệ nhất trong họ – hầu họ thấy được khía cạnh này của tự ngã trong họ. Thày thà nhìn thấy loại xung đột đó – xung đột dẫn đến thăng tiến – còn hơn là nhìn thấy mọi người thờ ơ, mê ngủ, như thể tê dại, bước đi trong cuộc sống như người mộng du.  

Và thật vậy, Ki-tô đến để quấy rầy, để khuấy động, để khiến cho con người tỉnh giấc thờ ơ. Thế nhưng, Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình bởi vì chỉ khi nào con sẵn sàng chiến đấu với tự ngã thì con mới đạt được hòa bình đích thực của sự giải phóng khỏi tự ngã. Làm sao có được hòa bình nếu con người còn bị kẹt trong tự ngã? Ki-tô đến để trao cho họ thanh gươm sẽ cho phép họ tách rời cái Ta Biết khỏi tự ngã. Và đó là sự khác biệt giữa những ngọn lửa Thượng đế của con. Con cầm giữ một sự quân bình cho địa cầu, nhưng con cũng đến đây để đem lại một thanh gươm và để là Hoàng tử Hoà bình đó – tức con sẵn sàng lay động những ai tưởng mình an bình nhưng chi là sự bình an giả trá.

Và như vậy, ta đến để đóng góp uy lực hoà bình của ta, uy lực tĩnh lặng, cho những ai sẽ bảo hộ Ánh sáng Mẹ. Bởi vì, thực sự, nếu con chưa bao giờ tiếp xúc với tĩnh lặng của Phật, làm thế nào con có thể bảo hộ Ánh sáng Mẹ đây? Con sẽ chỉ bị lôi cuốn vào thêm một cuộc chiến đấu nhị nguyên khác giữa những con người đắm chìm trong tự ngã của mình.