Câu hỏi về chủ nghĩa tối giản (minimalism)

Hỏi: Con muốn biết là chủ nghĩa tối giản (minimalism) hay chủ nghĩa tối thiểu, có nhận được cảm hứng từ các chân sư thăng thiên hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Không. Và lý do là vì tất nhiên trong Thời đại Hoàng kim, con người sẽ không tối giản. Họ sẽ muốn hơn nữa, họ sẽ nỗ lực để có hơn nữa, họ sẽ không ngừng tìm cách thăng vượt và tăng triển. Bởi vì đó là cách xã hội phát triển.

Con thấy đó, con yêu dấu, có một tâm thức rất quỷ quyệt, rất tinh tế – hay ta có thể nói – tâm thức gian xảo của rắn, đã được cài đặt vào thế giới phương Tây. Tâm thức này được tạo ra phần nào bởi chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tư bản không kềm chế của những người tìm cách làm giàu ngày càng giàu hơn, sở hữu ngày càng nhiều hơn cùng một thứ. Và tâm thức này bảo rằng việc con muốn hơn nữa là chuyện sai trái, vì con đang dùng hết tài nguyên của hành tinh, hay ở phương Tây người ta tiêu thụ quá đáng trong khi ở các nước thế giới thứ ba thì người ta đói nghèo. Rõ ràng là trong Thời Hoàng kim, rất nhiều tình trạng như vậy sẽ chuyển đổi. 

Nhưng một trong những chuyển đổi lớn nhất sẽ xảy đến là trong Thời Hoàng kim sẽ có thêm rất nhiều tài nguyên. Có nghĩa là mọi người khắp thế giới sẽ đều có thể có một mức sống vật chất tươm tất. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là ai ai cũng sẽ sống như vua chúa, mà có nghĩa là mọi người sẽ không chỉ có đủ mà sẽ có nhiều hơn là đủ.

Và đó là tại sao chủ nghĩa tối thiểu không đến từ các chân sư thăng thiên. Đó là một hình thức tự phủ nhận, nó rất dễ khiến cho con người phủ nhận tiềm năng tiến bộ tâm linh của mình. Bởi vì trên thực tế, khi con tiến bộ tâm linh, khi con nâng cao tâm thức của mình đến tầng 96 và cao hơn nữa, con sẽ muốn hơn nữa. Không nhất thiết con sẽ muốn có nhiều hơn cùng một thứ, nhưng con sẽ muốn có nhiều hơn những gì con đang có.

Con có thể nói là sẽ có một dạng cao hơn của chủ nghĩa tối thiểu, qua đó con người không còn chú tâm vào khía cạnh vật chất của cuộc sống. Họ sẽ chú tâm vào các khía cạnh tâm linh của cuộc sống, cho nên họ sẽ chỉ cần của cải vật chất vừa đủ để có lối sống mà họ mong muốn rồi tập trung vào sự tìm kiếm tâm linh. Họ sẽ không dành quá nhiều thời gian và nỗ lực để kiếm tiền, để mua thêm nhiều đồ dùng, hay có nhà lầu xe hơi hay cái này cái nọ. Nhưng họ sẽ có đủ và không cảm thấy thiếu thốn bất cứ gì.

Nhưng điều đó khác hẳn chủ nghĩa tối thiểu, vì chủ nghĩa tối thiểu muốn tạo ra một triết lý, rồi phóng chiếu ra là con người phải bước vào một vai trò và cứ theo đó mà hành xử. Đây chủ yếu cũng là những gì chủ nghĩa cộng sản từng làm. Trong bài truyền đọc hồi nãy, ta có nói là chủ nghĩa đó cố tạo dựng một lý tưởng quy định con người Sô viết phải như thế nào. Và sa nhân thì mê làm chuyện này lắm. Chúng đã làm chuyện này suốt chiều dài lịch sử, như ý tưởng một người đạo Cơ đốc phải hành xử ra sao. Hiện còn rất nhiều người vẫn cố sống làm sao cho đúng với một lý tưởng bảo rằng: đây là cách sống mà một tín đồ ngoan đạo Cơ đốc, hay đạo Hồi, hay đạo Phật, hay đạo Ấn, hay đạo Sikh hay bất cứ gì khác, phải sống như thế nào. Ngoài ra còn có đại nghĩa bảo vệ môi trường, nó định ra những gì con phải làm để giữ cho dấu chân cacbon được tối thiểu. Người ta dựng lên tất cả những lý tưởng đó.

Nhưng thực sự, điều các chân sư khuyến khích con làm là con hãy nâng cao tâm thức của mình, con tập trung vào việc tăng triển tâm linh. Và khi con tập trung vào việc tăng triển tâm linh thì con sẽ tự nhiên tìm được một sự quân bình trong lối sống vật chất của con, chứ không phải vì con tự ép buộc mình phải sống theo một lý tưởng giả tạo được người ta lập ra.

Đơn giản là con tự nhiên không chú tâm vào các khía cạnh vật chất của cuộc sống, cho nên liệu sẽ quan trọng lắm không nếu con lái loại xe nào, hay chiếc xe sẽ cho con địa vị nào trong xã hội, hay nó sẽ vượt tốc độ quy định bao nhiêu cây số, hay động cơ của nó sẽ to đến chừng nào, hay điều này điều nọ? Tất cả những thứ đó không ăn nhập gì với con nữa.

Cho nên đó là một hình thức quân bình mà con tự tìm ra, trong khi chủ nghĩa tối thiểu không phải là một lối sống quân bình. Các chân sư luôn luôn khuyến khích sự quân bình trong mọi khía cạnh của đời con.