Ki-tô và phản Ki-tô – LÀ hay không là

Khi Đấng Sáng tạo quyết định ban quyền tự quyết cho con người đồng sáng tạo, ngài thừa biết họ có thể lạm dụng khả năng sáng tạo của mình. Hậu quả sẽ là một tấm màn được tạo ra từ những năng lực bị tha hóa cùng các tin tưởng sai lạc. Tấm màn sẽ chia cách họ (trong chính tâm họ chứ không phải trên thực tế) khỏi các vị thày tâm linh, khỏi cái ta tâm linh của họ và Đấng Sáng tạo. Rồi họ sẽ quên mất nguồn gốc cùng bản sắc tâm linh và tin rằng chẳng qua mình chỉ là những con thú có tiến hóa, là sản phẩm của di truyền và môi trường. Làm thế nào giảm thiểu rủi ro đây? Và làm thế nào Đấng Sáng tạo có thể bảo đảm họ luôn luôn có sự chọn lựa để trở về bản sắc chân thực của mình cho dù đã rơi xuống những vùng tâm thức tối tăm nhất? Đấng Sáng tạo phải thiết lập một cơ cấu an toàn trên toàn vũ trụ – một giải pháp xem ra thật tài tình.  

Như đã giải thích, Đấng Sáng tạo khởi đầu tiến trình sáng thế bằng cách co rút Bản thể mình vào một điểm dị biệt, mở ra một vùng hư không chung quanh. Nhưng sau đó, ngài lại không ngừng lan rộng để cuối cùng lấp đầy khoảng hư không đó. Nghĩa là trong tiến trình sáng thế có hai lực căn bản, một lực lan ra (Thượng đế Cha) và một lực co lại (Thượng đế Mẹ). Nếu lực lan ra chiếm ưu thế, năng lượng Đấng Sáng tạo sẽ mặc sức bành trướng rồi nổ tung, trong khoảnh khắc lấp đầy khoảng hư không. Còn nếu lực co lại chiếm ưu thế, tất cả sẽ rút sâu vào một lỗ đen và không một cấu trúc nào sẽ có thể tồn tại. Vì mục đích của sáng tạo là cung ứng một nhịp tăng trưởng lần hồi để những người đồng sáng tạo có điều kiện phát triển khả năng tự nhận biết, cho nên phải có một lực nào đó để giữ cán cân thăng bằng giữa hai lực lan ra và co lại, bảo đảm một độ tăng trưởng quân bình sẽ lần hồi dẫn đến mục tiêu tối hậu.

Lực được thiết lập để tạo quân bình này giữa lực lan ra của Cha và lực co lại của Mẹ là đứa Con Một của Thượng đế, tức là tâm Ki-tô toàn vũ, mà Kinh thánh gọi là Ngôi Lời. Đây là tâm toàn vũ vượt trên mọi con người, tuy nhiên một cá nhân vẫn có khả năng chứng đạt hợp nhất với tâm đó để trở thành đấng Ki-tô trong hiện thân, trở thành Ngôi Lời nhập thế. Trên thực tế, tiềm năng cao nhất cho mọi con người là cho phép cái tâm đã từng ngụ nơi Ki-tô Giê-su vào ngụ nơi mình. Và như thế họ sẽ hoàn thành chức năng là người đồng sáng tạo hoàn toàn giác ngộ đã đem tâm ngự trị vật chất, như Giê-su và các vị giác ngộ khác đã làm.   

Tâm Ki-tô là yếu tố kết hợp đằng sau hằng hà biểu thị của thế giới hình tướng.  Tâm Ki-tô chứa đựng bản mẫu cuộc sáng thế, kể cả mục đích của Đấng Sáng tạo cùng mọi quy luật tâm linh lẫn quy luật thiên nhiên. Và như Kinh thánh có dạy, “Không có ngài thì không gì được tạo thành” (John 1:3), nghĩa là đằng sau mọi hình dạng vỏ ngoài là thực tại duy nhất của tâm Ki-tô. Hệ quả của điều này là bạn không bao giờ có thể đánh mất khả năng tìm lại bản sắc chân thực của mình.

Cho dù bạn có rơi xuống một tầng tâm thức thấp hơn hẳn tâm thức nguyên thủy khi bạn được sinh tạo, bạn sẽ không bao giờ bị mất tâm linh hoàn toàn. Bạn LUÔN LUÔN có khả năng vươn về tâm Ki-tô là vị cứu tinh thực sự của nhân loại. Chính Giê-su cũng có đề cập đến tâm Ki-tô nhưng vì chỉ được phép giảng dạy bằng ngụ ngôn, cho nên thày đã dùng một tên gọi biểu tượng là “Nước Trời”. Thật vậy, thày nói rằng Nước Trời ở ngay trong bạn (Luke 17:21), có nghĩa Nước Trời là một trạng thái tâm thức.

Tâm Ki-tô là yếu tố kết hợp, bảo đảm sự hợp nhất giữa Đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài, mà cụ thể nhất là những con người đồng sáng tạo với khả năng tự nhận biết và quyền tự quyết. Vì có quyền tự quyết nên con người phải được cho phép đi ngược lại quy luật Thượng đế. Tuy nhiên, họ không thể đi ngược lại quy luật đó khi họ vận dụng tâm Ki-tô, có nghĩa là tâm Ki-tô có một đối nghịch, là tâm phản Ki-tô.

Tâm phản Ki-tô tạo cơ hội cho người đồng sáng tạo tự tách rời khỏi Thượng đế và các vị thày tâm linh. Làm vậy, họ dựng ra một tấm màn khiến họ tưởng mình bị chia cắt khỏi Đấng Sáng tạo, chia cắt khỏi người khác và chia cắt khỏi hành tinh nơi họ sinh sống. Do vậy mà họ có thể quên mất mục đích sáng tạo của Thượng đế là gì, hoặc họ có thể cố tình đối nghịch lại mục đích đó và từ chối chu toàn chức năng của mình.

Một khi bạn chiêm nghiệm được phần nào tâm Ki-tô, bạn sẽ thấy được tính duy nhất của mọi sự sống, và bạn sẽ không thể làm tổn thương một người khác. Sở dĩ Giê-su dạy bạn hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình là vì thày đã thấm nhuần tính duy nhất của mọi sự sống. Thày biết rõ những gì bạn làm cho người khác thì bạn cũng làm cho chính mình, cho cái ta lớn hơn. Thế nhưng khi bạn bị mắc kẹt trong tâm phản Ki-tô, bạn cứ đinh ninh rằng mình riêng biệt hẳn với cái ta lớn đó, thậm chí rằng cái ta lớn đó không hề có. Từ đó mới nổi lên ảo tưởng rằng bạn có thể làm hại người khác mà mình sẽ không hề chi. Hơn thế, bạn sẽ ảo tưởng rằng việc làm của mình không hề có hậu quả nào, và mình có thể gạt gẫm được vũ trụ, trốn tránh hậu quả.     

Chắc hẳn bạn đã nghe câu hỏi đặt ra trong vở kịch Hamlet nổi tiếng của Shakespeare, “Là hay không là, đó mới là vấn đề”. Câu này có một ý nghĩa thâm sâu, “Là Ki-tô hay không là Ki-tô, đó mới là vấn đề thực sự”. Bạn có tiềm năng là Ki-tô hiện thân, nhưng chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi, liệu tôi sẽ chọn là Ki-tô, hay tôi sẽ chọn không là Ki-tô.