Người tâm linh và quan hệ cá nhân

Hỏi: Trong đời con – và con biết cũng là trường hợp của những người tâm linh khác mà con quen biết – chúng con không có nhiều quan hệ, nếu không muốn nói là không có quan hệ nào. Xin các chân sư cho biết cảm nghĩ về điều này – về các quan hệ tình cảm cá nhân cũng như bất kỳ mối quan hệ nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2018. Đăng ngày 11/9/2019.

Con yêu dấu, như người ta thường nói, thói quen cũ rất khó bỏ. Hiển nhiên nhiều người tâm linh hôm nay đã từng là người tâm linh trong nhiều kiếp trước. Nếu con nhìn trở ngược thời gian, con thấy người tâm linh ngày xưa thường làm gì? Phải, họ rút khỏi xã hội, họ sống trong một hang đá trên núi Himalaya, nơi một trường bí giáo hay một tu viện. Thật sự có nhiều người tâm linh đã sống ẩn dật suốt nhiều kiếp, hoặc trong những khung cảnh im lặng, thanh vắng, ngăn nắp nơi họ không phải tiếp xúc với những vấn đề của cuộc sống năng động ngoài đời.    

Nhiều người trong số các con đã chọn đầu thai trong kiếp này nhưng các con đem theo mình một xu hướng lâu đời, theo một nghĩa nào đó, muốn sống trong một môi trường nơi mình cảm thấy thoải mái. Con có nhu cầu mọi thứ phải trong tầm kiểm soát và có một số thử thách của thế gian mà con không muốn phải đương đầu. Con đem xu hướng này với con tới độ con trở thành người hướng nội, thích lẻ loi. Ta không nói là nhất thiết có điều gì không ổn trong mọi trường hợp, hay là con không nên cư xử như vậy. Đối với một số người, đây có thể là một điều thích hợp cho họ, ít nhất trong một thời gian cho đến khi họ đạt được một giải pháp nội tâm.

Con cần hết sức thận trọng và con nên dùng những dụng cụ và giáo lý tâm linh để hòa điệu với sứ vụ thiêng liêng của con, và xét xem con đã quyết định mình phải có nhiều tương tác hơn với người khác hay không. Hiển nhiên, điều nguy hiểm khi con tự cô lập là tâm con có thể trở thành một căn phòng khép kín vì con không nhận được phản hồi từ bên ngoài để dùng làm khung chuẩn.  

Con cần nhận ra ở đây là ngay cả một người có trình độ phân biện Ki-tô và hòa điệu Ki-tô cao độ với Hiện diện TA LÀ, vẫn có thể được nhiều lợi ích khi tương tác với người khác – it nhất là vì việc biều lộ quả vị Ki-tô của mình phần nào là phải giúp đỡ người khác. Làm sao con có thể giúp được nếu con không cảm nhận được họ đang ở mức tâm thức nào? Nói cách khác, nếu sứ vụ thiêng liêng của con (như đối với hầu hết các con) phần nào là phải chứng tỏ tâm Ki-tô và đóng góp những ý tưởng có thể giúp người khác chuyển đổi tâm thức họ, làm thế nào con sẽ làm tròn được nếu con không hòa điệu với trình độ tâm thức của họ?  

Đó là lý do con cần phải sẵn sàng xét xem: Phải chăng tôi đang tự cô lập hầu tránh né một điều gì đó? Trong trường hợp này, con đã có những dụng cụ để nhìn vào “điều gì trong chấn thương nhập đời của tôi đã khiến tôi quyết định là bởi vì người khác đã hại tôi cho nên tôi không muốn đối đãi với người khác”, rồi từ đó con vượt qua chấn thương của con. Nói cách khác, con cần đi tới một điểm nơi con có thể xác định rằng lý do con không có nhiều quan hệ không phải là một phương cách tránh né hay trốn chạy sự đối mặt, bởi vì con đã khắc phục được những vết thương tâm lý khiến con cảm thấy cần tháo chạy.

Một khi con làm được điều đó, con sẽ thấy được: Liệu sứ vụ thiêng liêng của tôi định rằng tôi phải tiếp tục sống tương đối cô đơn, hay liệu sứ vụ của tôi định rằng tôi phải vào đời và tương tác nhiều hơn với người khác? Nói cách khác, ta muốn con đạt đến một điểm khi con nhận biết trong thâm tâm của con vấn đề này có ý nghĩa gì với con, và liệu con cần tiếp tục sống cô độc hay đã đến lúc con cần tương tác nhiều hơn với người khác.