Vài điểm chính trong thế giới quan của các chân sư

Thế giới quan của các chân sư phức tạp do có nhiều tầng lớp, trả lời được mọi thắc mắc mà người tâm linh đặt ra về cách thế gian vận hành cũng như về sáng thế. Nhưng muốn nắm được trọn vẹn thì chúng ta không những phải bỏ công tìm hiểu mà còn phải đổi mới các công cụ tư duy của mình. Vì vậy ở đây chỉ xin tóm lược một vài điểm chủ yếu.

Thật ra thế giới quan của chân sư có thể dễ dàng giải thích qua một số khám phá của khoa học hiện đại, tuy nhiên trang mạng này không có ý định dùng lý lẽ để chứng minh tại sao các chân sư hiện hữu, cũng như không thấy cần thiết phải dùng khoa học để kiểm chứng sự hiện hữu đó. Bạn chỉ có thể xác nhận sự hiện diện của các thày cùng giá trị giáo lý các thày qua một kinh nghiệm trực giác nội tâm mà thôi.

Tất cả đều là năng lượng

Chúng ta lớn lên và thấm nhuần một thế giới quan không mấy phù hợp với các khám phá của khoa học, một phần là vì giác quan chúng ta đã tạo ra một hình ảnh quá thuyết phục về một thế giới làm bằng vật chất rắn đặc. Thế nhưng từ năm 1905, Albert Einstein đã phá tan cái nhìn cố hữu đó qua công thức giản dị: E = mc2.   

Thuyết tương đối của Einstein và những thuyết sau đó của ngành vật lý lượng tử chứng minh rằng vật chất rắn đặc thật sự không có. Đó chỉ là sự tạo dựng của lý trí, một tạo dựng dựa trên những cảm nhận của giác quan. Kỳ thực, vật chất không rắn đặc mà hoàn toàn được cấu tạo bằng năng lượng, mà năng lượng thì là một dạng rung động. Năng lượng không có gì rắn đặc hơn một tia sáng hay một gợn sóng trên mặt đại dương – nó không ngừng rung động. Nhưng năng lượng rung động cũng có thể hiện ra dưới hình thức đứng yên, là trường năng lượng, và điều này chính là hình dạng rắn đặc mà giác quan có cảm tưởng nắm bắt.    

Đặc trưng của năng lượng là độ rung. Chẳng hạn, ánh sáng màu đỏ có rung động thấp hơn ánh sáng màu xanh dương. Nghĩa là chúng ta có thể xây dựng một cái thang trải dài từ những rung động thấp cho đến những rung động cao, tựa như gam nốt trong âm nhạc vậy.

Trên cái thang đó, con mắt chúng ta chỉ có thể bắt được một dải rung động giới hạn mà thôi, gọi là ánh sáng nhìn thấy. Nhưng khoa học có thể đo được nhiều hình thức rung động khác vượt ngoài khả năng phát hiện của giác quan. Chẳng hạn ánh sáng hồng ngoại rung động thấp hơn, và ánh sáng cực tím thì cao hơn dải tần số có thể nhìn thấy. Và như vậy khoa học mở ra một thế giới rung động năng lượng vượt khỏi khả năng phát hiện cùa giác quan thể xác lẫn của dụng cụ khoa học hiện đại, với hệ quả là khả năng hiện hữu của một cõi rung động năng lượng vượt ngoài tầm đo đạc của dụng cụ vật lý hiện tại. Hơn thế nữa, cõi này cũng vượt luôn khả năng của mọi loại dụng cụ vật lý trong tương lai. Thật sự, chúng ta đang chạm một điểm mà hầu hết mọi tôn giáo cùng mọi truyền thống tâm linh trong lịch sử đều nói tới, đó là sự hiện hữu của một cõi tâm linh, hay gọi nôm na là cõi trời, vượt trên vũ trụ vật chất.

Trong thế giới quan của chân sư, quả là có một cõi vật chất nơi con người sinh sống, và ở cao hơn có một cõi tâm linh nơi các chân sư hiện diện. Tuy nhiên, không như cách trình bày của một vài tôn giáo, không hề có một lằn ranh bất khả xâm nào giữa hai cõi đó. Cả hai cõi được tạo bằng cùng một chất căn bản, là năng lượng mà thôi. Sự khác biệt không phải ở thể chất, mà ở độ rung. Năng lượng vật chất cũng chính là năng lượng tâm linh mà tần số đã bị hạ giảm từ cao xuống thấp.

So với cõi vật chất chỉ có một dải tần số hạn chế thì cõi tâm linh có một dải tần số rộng lớn hơn rất nhiều. Thường chúng ta không thể nhận thấy năng lượng tâm linh vì giác quan đã bị điều chỉnh để chỉ bắt được rung động của cơ thể, mà chúng ta gọi là vật chất rắn đặc. Các chân sư không bảo rằng vật chất không hiện thực, mà chỉ dạy rằng vật chất là năng lượng rung động trong một dải tần số nhất định, và ở ngoài dải đó có dải tần số khác rộng lớn hơn gấp bội.     

Nếu chúng ta cứ tiếp tục dùng giác quan mà chiêm nghiệm mọi thứ, và nếu dụng cụ khoa học không tài nào phát hiện được năng lượng tâm linh, thì làm sao chúng ta hy vọng nhận biết được cõi tâm linh đây? Vẫn được chứ, vì chúng ta có một dụng cụ vượt ngoài giác quan. Dụng cụ đó chính là tâm, nhưng là một khía cạnh đặc biệt của tâm.  

Chủ nghĩa duy vật khoa học đã dựng lên một hàng rào giữa tâm và vật, nhưng hàng rào này đã bị phá sập trong thập niên 1920 khi ngành vật lý lượng tử khám phá cấu tạo của vật chất là những hạt hạ nguyên tử mà tâm con người có khả năng tương tác. Chủ nghĩa duy vật vốn quan niệm rằng một nhà thử nghiệm khoa học là một quan sát viên hoàn toàn khách quan, không ảnh hưởng gì đến hiện tượng được quan sát. Họ bảo phải làm vậy để loại bỏ mọi tác động của tâm con người, vì theo họ, tâm người vốn chủ quan.

Nhưng mơ mộng đó về một quan sát viên khách quan đã bị cơ học lượng tử đánh đổ. Ở những tầng sâu nhất của vật chất nơi rung động khoác lên hình dạng vật chất “rắn đặc”, không hề có quan sát viên khách quan. Tâm của người thử nghiệm chính là một thành phần không rời của một “toàn cảnh đo đạc” nơi tâm quan sát góp phần sáng tạo những gì được quan sát.

Các chân sư giải thích là tâm người quan sát thực ra là một trường năng lượng. Những hiện tượng hạ nguyên tử được quan sát cũng là một trường năng lượng. Và dụng cụ được sử dụng để quan sát (máy gia tốc hạt) cũng là một trường năng lượng. Khi cả ba trường năng lượng này tương tác, chúng tạo ra một mô thức giao thoa, và “vật” được quan sát chẳng qua chỉ là cái mô thức đó.

Nói cách khác, một nhà khoa học dù tận tụy đến mấy cũng không thể quan sát một hạt hạ nguyên tử như nó thực là. Ông ta chỉ quan sát một hiện tượng được tạo dựng phần nào bởi chính tâm của ông, và hiện tượng đó đã bị tâm ông ảnh hưởng. Một số triết gia cũng đi đến kết luận tương tự, như Immanuel Kant nói rằng chúng ta không thể thấy vật như nó là, mà chỉ thấy được một cái gì đó đã bị tác động bởi phin lọc nhận thức của mình.

Điều này có nghĩa, chúng ta không thể thực sự hiểu thế gian, hoặc thực sự quan sát thế gian, nếu mình chưa tìm hiểu tâm mình cùng những phương thức mà tâm sử dụng để đồng sáng tạo thế gian. Những giáo lý và dụng cụ tu tập của chân sư đăng tải trên trang web này có mục đích giúp bạn làm điều đó, qua sự hiểu biết và điều ngự tâm mình.  

Nhân tiện xin nói thêm, cơ học lượng tử đã chứng minh giấc mơ quan sát khách quan của chủ nghĩa duy vật không thể thực hiện được nếu chúng ta loại trừ tâm ra, mà ngược lại chúng ta phải thấu hiểu tâm. Vậy thì tâm đáng lý phải là lãnh vực khoa học quan trọng hơn cả, bởi vì không có gì không bị tâm ảnh hưởng. Và tất nhiên, tâm chính là đề tài chủ yếu của khoa học tâm linh.   

Chúng ta là ai?

Theo lời dạy của các chân sư, các khám phá trên đưa tới kết luận tự nhiên là thế giới vật chất giống như một cái máy giả thực tại (reality simulator). Vật chất rắn đặc mà chúng ta thấy thật ra không rắn đặc. Mọi thứ trên địa cầu được tạo bằng năng lượng rung động, nhưng khi chúng ta nhìn nó qua phin lọc nhận thức của giác quan và cái tâm vỏ ngoài, nó hiện ra như một thế giới vật chất rắn đặc. Chính điều này khiến cho đa số con người tin mình bị giới hạn bởi khả năng ít ỏi của cơ thể vật lý, thậm chí con tưởng tâm mình là sản phẩm của não bộ vật lý.

Các chân sư dạy rằng chúng ta là những sinh thể tâm linh, nghĩa là cốt lõi của tâm mỗi người đã được sinh tạo trong cõi tâm linh. Sau đó chúng ta mới đi xuống vùng năng lượng vật chất nơi tâm mình nhập vào xác thân vật lý dày đặc. Sau một thời gian dài, đa số chúng ta đã quên mất nguồn gốc tâm linh của mình, rồi tin chắc như đinh đóng cột vào hai loại ảo tưởng phổ biến trên địa cầu, đó là (1) ảo tưởng mình là kẻ có tội do một Thượng đế giận dữ sinh ra, và (2) ảo tưởng mình là những sinh thể hoàn toàn vật chất, một loại thú vật đã tiến hóa.      

Con người quên mất nguồn gốc của mình, một mặt là do đã sử dụng quyền tự quyết của mình một cách thiếu quân bình, và mặt khác vì bị khuynh loát bởi một số sinh thể cực kỳ ích kỷ muốn lập thành một giai cấp thượng lưu quyền lực. Con đường tâm linh mà các chân sư chủ trương nhằm giúp chúng ta tự giải thoát khỏi cả hai loại ảnh hưởng này.

Dù chúng ta đã quên mất nguồn gốc tâm linh nhưng chúng ta không thể đánh mất khả năng tìm lại nhận thức đó. Vậy thì bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể khởi sự một tiến trình, gọi là đường tu tâm linh, nhằm giải thoát bản thân khỏi những ảo tưởng đang trói buộc đa số chúng ta vào trái đất. Tất nhiên hành trình này sẽ không nhanh chóng, nhưng chắc chắn đó là một hành trình thực tiễn sẽ thay đổi lớn lao ngoài sức tưởng tượng cách chúng ta kinh nghiệm cuộc sống trên địa cầu.

Kinh nghiệm đời sống

Tại sao có người hạnh phúc, hài lòng với đời mình trong khi người khác lại buồn khổ, bất mãn? Tại sao có người nhìn đời tích cực nhẹ nhõm trong khi người khác như phải quằn lưng gánh vác cuộc đời? Chúng ta đều sống trên cùng một hành tinh, vậy tại sao trải nghiệm khác nhau như vậy?   

Các chân sư dạy rằng quả thật là có một môi trường vật lý gọi là địa cầu. Tất cả chúng ta đều sống ở đây, và tuy rằng hoàn cảnh ở mỗi nước mỗi khác, nhưng tựu trung, tâm chúng ta đều có cùng một cơ cấu vận hành. Tâm chúng ta tương tác với môi trường, nhưng cái tạo ra trải nghiệm nội tâm KHÔNG PHẢI là hoàn cảnh bên ngoài mà là hoàn cảnh bên trong.

Môi trường chúng ta sống là một trường năng lượng. Tâm chúng ta, kể cả tâm vô thức, cũng là trường năng lượng. Hai người khác nhau có thể có cùng hoàn cảnh bên ngoài, nhưng kinh nghiệm cuộc đời tùy thuộc vào những gì xảy ra bên trong tâm mỗi người, kể cả những lớp tiềm thức của tâm. Đó là lý do tại sao hai người gặp cùng ngoại cảnh mà nội cảnh lại khác nhau.  

Đa số chúng ta được dạy dỗ rằng cách duy nhất để cải thiện kinh nghiệm đời sống là thay đổi ngoại cảnh. Chúng ta được dạy dỗ rằng kinh nghiệm bên trong chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh bên ngoài. Nếu nghĩ vậy thì thật là thối chí, bởi vì trong đời hẳn sẽ có một số điều kiện sống – kể cả những người chung quanh mình – mà mình không có khả năng thay đổi. Từ đó sẽ cảm thấy bất lực vì các chọn lựa để cải tiến đời mình trông ra thật giới hạn.

Nhưng chúng ta không nên thất vọng bởi vì có một lối thoát hiển nhiên. Đó là nhận ra rằng nội cảnh mới thật sự định đoạt kinh nghiệm sống của mình, và chúng ta có tiềm năng điều ngự cái tâm đó. Khi làm vậy, chúng ta sẽ cải thiện kinh nghiệm sống cho dù ngoại cảnh không thay đổi. Nhưng hơn thế, chân sư còn dạy rằng một khi tâm được điều ngự thì chính những hoàn cảnh bên ngoài cũng có thể thay đổi tốt hơn. Muốn hiểu điểm này, cần hiểu thế gian được sáng tạo thế nào.

Sáng tạo địa cầu

Chân sư dạy rằng hành tinh của chúng ta được bảy vị chân sư thăng thiên sáng tạo, gọi là các Elohim. Các thày dùng năng lượng tâm linh mà các thày đã phú cho bảy loại rung động khác nhau. Sau đó các thày kết hợp viễn kiến, sử dụng quyền năng tâm mình để phóng chiếu viễn kiến đó vào năng lượng tâm linh ban sơ qua những chiếc khuôn đúc tạo sinh. Năng lượng lấy hình tướng của những hình ảnh phóng chiếu ra, và đó là phương thức mà hình thể được tạo dựng.

Địa cầu nguyên thủy do các Elohim tạo ra có rung động cao hơn bây giờ rất nhiều. Như được gợi ý trong một số huyền thoại sáng thế, con người nguyên thủy có đời sống tinh thần cao hơn. Vào thời thuần khiết ban sơ đó, chúng ta có khả năng đồng sáng tạo mọi thứ mình cần qua quyền năng tâm mình, tức là chúng ta không phải làm việc nặng nhọc để nuôi cơ thể.  

Nhưng qua một tiến trình sẽ được giải thích ở một phần khác, chúng ta đánh mất tỉnh giác về quyền năng sáng tạo ban đầu của mình và rơi xuống một tầng tỉnh giác thấp hơn để rồi quên mất nguồn gốc của mình. Từ đó tới nay, chúng ta đã đồng sáng tạo ra tất cả mọi hạn chế và xung đột được thấy ngày nay, và đó là lý do chúng ta phải “làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn”.

Nói cách khác, loài người đã dùng cái mẫu nguyên thủy thanh cao của các Elohim rồi đồng tạo ra hoàn cảnh bất toàn hiện tại của mình. Nhưng không nên nản lòng, vì nếu chúng ta đã tạo ra hoàn cảnh này bằng cách phóng chiếu hình ảnh ô uế, thì chúng ta cũng có khả năng tháo gỡ bằng cách chiếu chồng lên những hình ảnh thanh khiết. Vậy điều chúng ta cần làm trước hết là thanh tẩy tâm mình cho không còn hình ảnh cùng năng lượng ô uế.

Chúng ta có thể làm điều này cho cá nhân mình. Với hệ thống tu tập mà các thày chỉ dạy, chúng ta sẽ cải thiện trước hết kinh nghiệm sống của mình, rồi sau đó cải thiện hoàn cảnh cá nhân. Thời nay với ngày càng nhiều người cùng đi trên hành trình tâm linh, chúng ta cũng sẽ cải thiện được hoàn cảnh chung trên toàn địa cầu mà tâm thức tập thể đã gây ra. Như vậy, nâng cao tâm thức cá nhân cũng sẽ năng cao tâm thức tập thể.   

Các chân sư đã trao cho chúng ta một phương pháp thiết thực, không những để hồi phục sự thanh khiết nguyên thủy của địa cầu, mà còn để xây dựng tốt đẹp hơn nữa. Các Elohim chỉ đặt nền tảng, còn chúng ta với khả năng đồng sáng tạo mới có thể làm cho địa cầu tốt đẹp hơn nữa.   

Những tầng lớp của tâm

Như chân sư đã giải thích, thế giới vật chất được tạo nên bằng cách lấy năng lượng từ cõi tâm linh rồi kéo độ rung thấp xuống. Chỉ có các chân sư mới có quyền năng làm điều này và đó là chức năng của các thày. Khi đưa năng lượng xuống tần số vật chất, các thày trao cho chúng ta một phần năng lượng đó – là nguồn sinh lực đằng sau mọi nỗ lực đồng sáng tạo – để chúng ta toàn quyền sử dụng.   

Trong ý định nguyên thủy, chúng ta là người đồng sáng tạo với chân sư. Khi tiếp nhận dòng năng lượng sáng tạo từ chân sư, chúng ta phóng chồng lên hình ảnh của tâm mình để tạo ra hình thể. Có nghĩa là nguyên vũ trụ vật chất này được đứng vững nhờ dòng năng lượng tâm linh do các thày cho tuôn chảy xuống cõi vật chất. Đây không những là dòng sinh lực để chúng ta sống còn, mà còn là dòng tâm thức để chúng ta tự nhận biết. Đa số nhân loại không hay biết gì về năng lượng sáng tạo này, và cũng không nhận được nhiều lắm. Nhưng là người tu tập theo chân sư thì khác, chúng ta sử dụng năng lượng một cách tỉnh giác hơn và do đó nhận được nhiều ánh sáng hơn để mình sáng tạo nhiều hơn.

Muốn tăng trưởng khả năng sáng tạo, chúng ta phải sẵn sàng xem xét nội dung tâm mình, vì ở đó đang tồn tại một số điều kiện có thể ngăn cản dòng sáng tạo chảy xuống. Tức là chúng ta phải sẵn sàng xem xét mọi tin tưởng mình đang có, không chỉ ý thức mà cả tiềm thức, bởi vì những lớp tâm tiềm thức này ảnh hưởng sâu đậm khả năng sáng tạo cùng kinh nghiệm sống của mình.

Các thày dạy rằng con người có bốn tầng trong tâm phàm:

  • Tầng ý thức, nơi chúng ta nhận biết ý tưởng cùng cảm xúc của mình, và lấy những quyết định ý thức.
  • Tầng cảm xúc, nơi cảm xúc trú ngụ.
  • Tầng lý trí, nơi ý tưởng trú ngụ, trong đó có nhiều ý tưởng tiềm thức.
  • Tầng bản sắc, nơi chúng ta cảm nhận sâu xa mình là ai.

Phần lớn sinh hoạt nơi ba tầng cao (tình cảm, lý trí, bản sắc) đều ẩn khuất khỏi sự nhận biết ý thức, và điều này tác động chúng ta rất sâu đậm. Chẳng hạn, chúng ta có những khuôn nếp trong tâm khiến mình luôn phản ứng một cách nhất định trước một tình huống nào đó, nghĩa là mình đánh mất khả năng phản ứng ý thức, hay không biết ngừng lại để thay đổi cách phản ứng. Nhưng một khi bước vào đường tu tâm linh thì có một yếu tố trở nên vô cùng quan trọng, đó là giành lại quyền quyết định ý thức khỏi sự chi phối của tiềm thức, và tự tháo gỡ khỏi các cơ cấu tiềm thức đang giới hạn mình.  

Cách sắp xếp làm bốn tầng kể trên đi từ ý thức vào tiềm thức, vậy bây giờ chúng ta hãy thử sắp lại theo độ rung năng lượng. Khi làm vậy, thứ tự sẽ lật ngược, và chúng ta sẽ hiểu trọn vẹn hơn. Như đã trình bày, ở trên cõi vật chất có một cõi tâm linh. Cõi này được tạo bằng cùng một “chất” với cõi vật chất, chỉ khác ở độ rung động cao hơn mà thôi. Độ rung động này bị kéo thấp xuống khi chảy vào cõi vật chât, hay nói cách khác, có một dòng năng lượng chảy từ cõi tâm linh xuống cõi vật chất, tuy nhiên trước khi xuống được cõi vật chất hay vật lý thì nó phải chảy qua ba cõi khác.  

Ba cõi “trung gian” này chính là cõi vận hành của ba tầng cao của tâm – cõi bản sắc ở tầng cao nhất là cõi vận hành của bản sắc, cõi lý trí là cõi vận hành của tầng lý trí, và cõi cảm xúc của tầng cảm xúc. Như vậy khi năng lượng tâm linh chảy xuống, trước hết nó bị kéo thấp xuống độ rung của cõi bản sắc. Năng lượng gặp gỡ những khuôn đúc tạo sinh nằm ở nơi đây và khoác lấy hình dạng của khuôn, là những hình dạng bản sắc. Chẳng hạn nếu chúng ta xem mình là một loài thú tiến hoá, thì tự động cái khuôn bản sắc này sẽ hạ thấp năng lượng xuống, hạn chế khả năng sáng tạo.

Sau khi chảy qua cõi bản sắc, năng lượng lại bị kéo thấp xuống độ rung của cõi lý trí. Một lần nữa, nó lại biến dạng theo những khuôn đúc tạo sinh nằm ở đây là tư tưởng. Chẳng hạn nếu nghĩ mình chỉ là sinh vật thuần vật chất thì ý tưởng này sẽ giới hạn khả năng sáng tạo của mình đáng kể.  

Năng lượng chảy tiếp xuống cõi cảm xúc, và y như trên, nó lại lấy hình dạng của các khuôn đúc của tình cảm. Chỉ sau khi đi qua ba cõi, năng lượng mới xuống đến cõi thấp nhất là tầng ý thức của tâm, và bây giờ thì chúng ta mới có khả năng sử dụng nó một cách ý thức. Nhưng vì nó đã chảy qua ba tầng cõi nơi nó đã bị thâu hẹp lại, cho nên ý thức ở cõi thấp hơn chỉ thấy được sót lại rất ít chọn lựa.

Hiển nhiên, những khuôn đúc nằm sâu nhất trong chúng ta là ở cõi bản sắc. Một khi năng lượng tâm linh đã khoác lấy hình tướng của khuôn bản sắc thì cõi thấp hơn là lý trí sẽ không có khả năng đi ngược lại hình tướng đó.

Cũng vậy, cảm xúc không thể nào đi ngược lại những khuôn nếp sinh tạo của lý trí. Và bởi vì cảm xúc thường sôi sục hỗn độn, nên chúng ta sẽ không ý thức được tác động của những cái khuôn lý trí này. Đó là tại sao nhiều người khi bị cuốn xoáy trong cơn bức xúc nóng giận cảm thấy hoàn toàn bất lực, không làm sao vận dụng được tâm ý thức để nhận diện những khuôn nếp nằm sẵn ở trên đã tạo ra phản ứng ở dưới. Và họ biến thành kẻ nô lệ của khuôn nếp, phản ứng máy móc và mù quáng trước ngoại cảnh.    

Vậy thì bạn thử suy ngẫm xem về quyền tự do chọn lựa. Giả thử bạn có một bản sắc hạn hẹp, nó sẽ giới hạn những gì bạn nghĩ bạn có thể hoàn thành trong đời sống. Mọi ý tưởng của bạn ở tầng dưới sẽ bị nhốt trong ranh giới mà bản sắc đã vạch ra, và trong tiềm thức, bạn sẽ bác bỏ một số ý tưởng là không thực tế. Xuống dưới hơn, cảm xúc của bạn chỉ có thể sinh sản trong cái khung mà ý tưởng đã dựng lên, khiến bạn phản ứng trong sự sợ hãi hay sự giới hạn. Khi cuối cùng bạn đối mặt với một tình huống bên ngoài, phản ứng của bạn hầu như đã hoàn toàn được định trước bởi những cái khuôn ở ba cõi trên. Bạn có rất ít khả năng dùng ý thức của mình ở cõi dưới để đi ngược lại khuôn nếp hầu sử dụng quyền tự do của mình. Nhưng nếu bạn đi theo đường tu của các chân sư, bạn sẽ có thể từ từ lấy lại khả năng chọn lựa tự do và ý thức.

Thay đổi tâm thức đại chúng

Như vậy, đường tu mà các chân sư giảng dạy giúp chúng ta lấy lại quyền làm chủ trên cả bốn tầng của tâm. Chúng ta biến các trói buộc tiềm thức thành ý thức, rồi chúng ta hóa giải chúng. Kết quả tức thì là mình tự giải thoát khỏi những khuôn nếp xúc cảm đang hủy hoại mình. Xa hơn, sẽ tự giải thoát khỏi những khuôn nếp tư tưởng đang hạn chế mình. Và với thời gian, sẽ phát hiện và thay đổi một cách ý thức những khuôn nếp bản sắc đang tước đoạt quyền sống của mình.

Trước hết, tiến trình này sẽ cải thiện kinh nghiệm sống của chúng ta. Chúng ta lấy lại khả năng chọn lựa những phản ứng tốt đẹp trước mọi tình huống ngoại cảnh, và nhờ thế đạt được an bình nội tâm. Nhưng xa hơn, chúng ta sẽ được cả khả năng thay đổi ngoại cảnh chung quanh và đồng sáng tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi có nhiều người cũng làm được vậy, tâm thức và hoàn cảnh sống tập thể sẽ cải thiện theo (như chúng ta đã thấy xảy ra ở môt số nơi).   

Trên mặt tập thể, nhân loại cũng có bốn tầng của tâm y như mỗi chúng ta có bốn tầng trong tâm cá nhân. Tần số rung động của bốn tầng tập thể này cấu tạo thành vũ trụ vật chất. Sống trong xã hội, con người thường bị các khuôn nếp phản ứng tập thể đó áp đảo, khuất phục. Ví dụ như ở vùng Trung Đông, người dân ở đó khó lòng thoát khỏi sự oán giận khi mình bị ngập đầu trong năng lực căm hờn tràn lan khắp nơi chốn.  

Khi cất bước trên đường tu tâm linh, chúng ta sẽ tuần tự gỡ bỏ mọi ảnh hưởng của tâm thức tập thể trên tâm mình. Như khi giải thoát tình cảm mình khỏi năng lượng của nóng giận, thì lập tức trong tâm sẽ không còn chút năng lượng nào mà sự nóng giận tập thể có thể chụp lấy để mà áp đảo, khuất phục ý chí chúng ta.

Tất nhiên là khi sống trong tập thể, chúng ta sẽ không tránh được ảnh hưởng của tâm thức tập thể. Tuy nhiên một khi đã tự tháo gỡ khỏi sức hút của tâm tập thể, mối quan hệ của chúng ta với tập thể sẽ trở thành lợi lạc cho tập thể. Trước kia thì bị tập thể chế ngự, nhưng bây giờ với tâm thức cao hơn, chúng ta có khả năng tác động ngược trở lại, tức là đóng góp để nâng cao tâm thức mọi người, giảm bớt – và cuối cùng gỡ bỏ – những sinh hoạt đang hủy hoại địa cầu.

Các chân sư rất rõ ràng về điểm này: chìa khoá để cải thiện điều kiên sống trên địa cầu là nâng cao tâm thức của tập thể. Tại sao? Bởi vì mọi điều kiện tiêu cực trên thế giới đều do tâm tập thể đồng tạo ra. Lấy bạo lực chẳng hạn, nó không ngừng tái tạo và sinh sản bởi vì năng lực tâm linh chảy xuống tập thể cứ bị các khuôn nếp bạo lực nơi lý trí và cảm xúc làm cho ô uế.

Chìa khoá để thay đổi các điều kiện vật chất không nằm trong nỗ lực thay đổi vật chất, mà trong sự cải thiện ở ba tầng cao khiến cho cải thiện vật chất thị hiện dễ dàng hơn. Chẳng hạn, chúng ta không thể áp đặt một thể chế dân chủ khi tâm thức tập thể chưa sẵn sàng, thế nhưng một khi tâm thức đã nâng cao thì một thể chế dân chủ sẽ dễ dàng thành hình.

Và đây là lý do tại sao các chân sư nói rằng chỉ cần một số nhỏ những người tâm linh trở nên tỉnh giác để kích hoạt những thay đổi to lớn trong xã hội và cuối cùng sẽ thay đổi cả bộ mặt hành tinh vật lý. Nhiều người tâm linh đang đầu thai cảm nhận khá rõ rằng đây là mục đích đầu thai của mình trong thời đại hôm nay. Chúng ta có mặt ở đây để đem lại một số thay đổi quan trọng và đóng góp khởi hiện một thời hoàng kim. Các chân sư đã trao cho chúng ta giáo lý cùng những dụng cụ tu tập dũng mãnh nhất để chúng ta làm tròn mục đích sống của mình – mục đích sống này chính là lý do chúng ta đầu thai.