1 | Biểu thị quyền năng sáng tạo của bạn

Như đã giải thích trong Lời Mở đầu, cuốn sách đầu tiên của bộ sách này là cuốn Uy lực của cái Ta. Chương này tóm tắt những ý chính được trình bày trong sách đó. Nó được viết chủ yếu cho những ai chưa đọc sách Uy lực của cái Ta.

1.1. Vật chất = Năng lượng

Ngay bây giờ, tự nhận biết của bạn đang chú tâm vào một “phần nhỏ” của một thực tại rộng lớn hơn. Phần nhỏ này là cái mà chúng ta thường gọi là “vũ trụ vật chất”. Vũ trụ này chính xác là gì? Năm 1905, Albert Einstein công bố thuyết tương đối được biết nhiều nhất qua phương trình E=mc2. Phương trình này chứng minh là cái mà chúng ta gọi là “vật chất” không phải là một chất tự nó hiện hữu – mà nó do tâm chúng ta dựng nên. Thực ra, vật chất được làm ra từ năng lượng và năng lượng là một dạng rung động.

Hệ quả là vật chất là năng lượng rung động trong một quang phổ đặc thù. Nhưng thực ra rung động nằm trên một dải liên tục vô tận, gồm những rung động thấp mà giác quan chúng ta có thể phát hiện cho tới những rung động cao đến độ chúng ta không phát hiện được bằng giác quan hay thiết bị máy móc. Điều này có nghĩa là có một dải rung động rộng lớn vượt quá cái mà chúng ta gọi là vũ trụ vật chất.

Con người thường chỉ ý thức được một phần nhỏ của toàn bộ quang phổ rung động nhưng điều này không có nghĩa là phần còn lại của dải rung động không có thực. Thực tế là nếu không có một thế giới rộng lớn hơn vượt quá thế giới vật chất, thì thế giới vật chất này không thể hiện hữu. Điều này cũng đã được phương trình của Einstein chứng minh. Chúng ta có thể chia hai vế hai bên dấu bằng bởi cùng một hệ số và chúng ta có được một công thức mới:

Bây giờ thì ta có c2 ở trên và dưới lằn phân số bên phía phải. Vì chúng loại lẫn nhau nên ta có công thức mới như sau:

Công thức mới này nói cho chúng ta biết là mọi thứ đều là năng lượng, m thật sự được tạo thành từ một dạng năng lượng, E, rung động ở một tầng cấp rung động rất cao. Như vậy, thế giới vật chất được tạo ra từ những năng lượng cao và thanh đã giảm độ rung xuống bởi một hệ số hạ giảm rất lớn, là bình phương của vận tốc ánh sáng (c2). Nói cách khác, cái mà chúng ta gọi là thế giới vật chất được cấu tạo từ năng lượng cao mà chúng ta có thể gọi là năng lượng tâm linh.

Điều này nghĩa là thế giới vật chất không tự nó hiện hữu. Thực ra, thế giới vật chất còn không hiện hữu như một đơn vị tách biệt. Nó chỉ có vẻ như thế đối với chúng ta bởi vì với tầng tâm thức hiện nay của chúng ta, chúng ta không nhận ra được các rung động cao. Nhưng đây không phải là cách duy nhất để chúng ta nhận ra sự sống.

1.2. Mọi sự đều là Tâm thức

Dựa trên các thuyết của Einstein, các nhà vật lý học khác đã phát triển môn cơ học lượng tử và họ đã chứng minh là ở tầng cơ bản nhất của vật chất là một dạng tâm thức. Tâm chúng ta có thể tương tác với tâm thức đó, có nghĩa là tâm chúng ta không thể do não bộ vật lý tạo ra. Tâm chúng ta phải hiện hữu trước não bộ. Thật vậy, một số nhà vật lý học đã kết luận là toàn thể vũ trụ là một cái tâm vĩ đại, chứ không phải là một cỗ máy vĩ đại. Điều này có nghĩa tâm thức là thực tại cơ bản.

Điều này nêu lên câu hỏi là các rung động rất cao đã giảm hạ như thế nào để tới được tầng cấp của vũ trụ vật chất? Và câu trả lời hiển nhiên cho những người tâm linh là công việc này được thực hiện bởi những sinh thể tâm linh ở cõi cao. Những sinh thể này được gọi là “chân sư thăng thiên” trong bộ sách này. Thực ra chỉ có một tâm thức duy nhất, một tâm duy nhất, đó là tâm của đấng Sáng tạo. Nhưng tâm một này đã biểu hiện chính nó như một đại đoàn chưởng giáo tâm linh tạo thành một “chuỗi sinh thể” đi từ đấng Sáng tạo tới tầng rung động thấp nhất là vũ trụ vật chất.

Ai là những sinh thể ở tầng thấp nhất của chuỗi sinh thể này? Ấy, đó chính là chúng ta, những con người. Chúng ta là những nối dài của các chân sư thăng thiên ở cõi tâm linh thấp nhất, cõi ở ngay sát trên thế giới vật chất về mặt rung động. Thực ra, một phần của bản thể chúng ta ngụ vĩnh viễn ở cõi tâm linh. Nó là cái ta cao của chúng ta, còn gọi là Hiện diện TA LÀ.

Chúng ta chính thật là sinh thể tâm linh và chúng ta đã đi xuống vùng năng lượng dày đặc của cõi vật chất và khoác vào những thể được cấu tạo bằng năng lượng của cõi vật chất này. Nhưng tâm chúng ta vẫn là sinh thể tâm linh, nghĩa là chúng ta có tiềm năng ý thức nhận biết mình là ai và từ đâu tới. Khi đạt được nhận biết này, chúng ta cũng có thể hoàn thành mục đích tại sao chúng ta xuống đây, đó là phụng sự trong vai trò người đồng-sáng tạo.

Trái đất được tạo ra bởi một nhóm bảy sinh thể tâm linh gọi là Elohim. Nhưng họ chỉ tạo ra trái đất từ bên ngoài và họ không hoàn tất công trình sáng tạo. Chúng ta là những người đồng-sáng tạo và nhiệm vụ của chúng ta là hoàn tất công trình sáng tạo trái đất từ bên trong. Khi chúng ta phát huy trọn vẹn quyền năng sáng tạo của cái Ta, thì chúng ta có hai khả năng cơ yếu. Tâm chúng ta có thể là cánh cửa để nhận đón ánh sáng tâm linh từ cõi cao, hạ giảm rung động của nó và dùng nó để sáng tạo trong cõi vật chất. Tâm chúng ta cũng có khả năng hình thành các hình tư tưởng và áp chồng chúng lên ánh sáng tâm linh, từ đó chúng ta có thể sáng tạo những cấu trúc vật lý.

1.3. Tự nhận biết nhỏ như cái chấm

Nếu chúng ta là sinh thể tâm linh, thì tại sao hầu hết chúng ta quên sự kiện này và thay vào đó coi mình là những con người bị giới hạn? Câu trả lời là trái đất được thiết kế như một trường học hay một phòng thí nghiệm trong đó chúng ta có thể mở rộng nhận biết mình là ai và tăng triển khả năng sáng tạo mà chúng ta có. Cho nên chúng ta không xuống đầu thai với nhận biết đầy đủ mình là ai. Thay vào đó, chúng ta xuống đầu thai với tự nhận biết nhỏ như cái chấm và việc của chúng ta là dần dần mở rộng tự nhận biết đó. Đây là cách chúng ta tăng triển tự nhận biết cho tới khi chúng ta tốt nghiệp trường học trái đất và trở thành chân sư thăng thiên.

Cốt lõi bản thể của bạn được các chân sư thăng thiên gọi là “cái Ta Biết”. Đây là trụ điểm của khả năng tưởng tượng và ý chí tự quyết của bạn. Cái Ta Biết không phải là một sinh thể tách biệt nhưng là một nối dài của cái ta tâm linh hay Hiện diện TA LÀ. Do đó, nó có khả năng phóng chiếu nó vào bất kỳ hoàn cảnh nào trong thế giới vật chất và trải nghiệm hoàn cảnh đó từ bên trong.

Để có thể phóng chiếu mình vào thân vật lý, trước tiên cái Ta Biết phải phóng chiếu nó vào một cái “ta” được tạo bằng năng lượng của cõi vật chất. Một khi cái Ta Biết ở trong cái ta như thế, nó sẽ nhìn cuộc đời qua phin lọc nhận thức của cái ta đó. Điều này giải thích tại sao chúng ta có thể quên nguồn gốc tâm linh của mình và lại tin rằng chúng ta là những con người bị giới hạn. Một khi ở trong cái ta vật chất, mọi điều chúng ta “thấy” qua cái ta đó đều xác nhận chúng ta là những sinh thể vật chất bị giới hạn.

Tuy thế chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn quên mình đã tới từ một cõi bên ngoài thế giới vật chất và ngã vật chất. Đó là lý do tại sao có biết bao nhiêu người khao khát đi tìm một thế giới cao hơn hay khao khát muốn hiểu biết khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Việc chúng ta quên cội nguồi tâm linh của mình không sai trái và cũng chẳng tội lỗi. Thực ra chúng ta tăng triển tự nhận biết qua chu trình quên mình là ai và sau đó dần dần thức tỉnh nhận ra bản sắc thật của mình.

1.4. Hiện diện TA LÀ của bạn

Bạn có mặt ở đây vì Hiện diện TA LÀ của bạn gửi cái Ta Biết xuống đây. Hiện diện TA LÀ có hai mục đích khi gửi một phần nối dài của nó xuống cõi vật chất.

Một mục đích là nó muốn trải nghiệm thế giới vật chất từ bên trong vì trải nghiệm này giúp cho Hiện diện có được một tầm nhìn quý giá về thế giới tâm linh và giúp nó biết nó là ai. Có nghĩa là không có điều gì bạn trải nghiệm trong kiếp này hay các kiếp trước là vô bổ. Ngay cả khi bạn trải nghiệm một hoàn cảnh rất khó chịu, Hiện diện TA LÀ của bạn có thể học từ đó bằng cách xác nhận: “Tôi hơn thế này.” Và bạn có thể vượt thăng trải nghiệm – bất cứ trải nghiệm nào – khi bạn thức tỉnh nhận ra sự thật bạn là cái Ta Biết, bạn là nhận biết thuần khiết không thể bị đổi thay bởi bất cứ gì trên trái đất.

Mục đích thứ hai là Hiện diện TA LÀ muốn tăng triển khả năng đồng-sáng tạo của nó và nó làm điều này bằng cách biểu hiện những khả năng sáng tạo này qua cái Ta biết. Lẽ tất nhiên điều này chỉ có thể xảy ra trọn vẹn sau khi cái Ta Biết thức tỉnh và thấy mình là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ. Đấy là lúc bạn có thể biểu thị trọn vẹn tiềm năng sáng tạo của mình, là điều mà Giê-su mô tả khi thày nói: “Những điều này con người không làm được nhưng với Thượng đế mọi điều đều làm được.”

Giê-su và các chân sư tâm linh khác đã tới để cho chúng ta thấy toàn bộ tiềm năng sáng tạo của chúng ta. Chúng ta không thể biểu thị tiềm năng này khi chúng ta còn xem mình là những con người. Nhưng khi chúng ta thức tỉnh nhận ra bản sắc thật của mình, chúng ta trở thành cánh cửa mở mà không con người nào có thể đóng lại. Mục đích của bộ sách này là giúp bạn phát triển trọn vẹn quyền năng sáng tạo của bạn. Điều này chính xác nghĩa là gì?

1.5. Bảy tia sáng tâm linh

Ở phần trước chúng tôi nói mọi sự trong vũ trụ vật chất được làm nên từ năng lượng tâm linh được hạ giảm độ rung xuống. Einstein nói hệ số hạ giảm là một hằng số toán học nhưng trên thực tế có bảy hệ số hạ giảm. Các chân sư thăng thiên dạy rằng có bảy tia sáng tâm linh đóng vai trò hạ giảm năng lượng tâm linh xuống tầng cấp rung động có thể dùng để hình thành những gì mà chúng ta thấy là vật thể vật chất.

Có một số chân sư thăng thiên phụng sự trong mỗi tia của bảy tia. Tầng cao nhất là tầng của các Elohim và các thày là những sinh thể lúc đầu đã hạ thấp rung động của năng lượng tâm linh cho tới khi có đủ chất liệu để xây dựng hành tinh trái đất. Các Elohim vẫn tiếp tục phụng sự bằng cách gửi năng lượng tâm linh xuống cõi vật chất, nhưng giờ đây thì việc này chủ yếu xảy ra xuyên qua chúng ta.

Tầng kế tiếp là là tầng của các Đại thiên thần phục vụ như một loại trung gian hay sứ giả giữa chúng ta và cõi tâm linh. Điều này cần thiết vì chúng ta đã quên nguồn cội tâm linh của mình và vì vậy không thể dùng trực tiếp năng lượng tâm linh. Các Đại thiên thần phụng sự bằng cách cho chúng ta năng lượng dưới dạng bảo vệ tâm linh, chữa lành hay những dạng khác.

Tầng kế tiếp là tầng của các Thượng sư là những vị giáo học của mỗi tia sáng tâm linh. Vai trò chính của các thượng sư là đến với chúng ta ở tầng tâm thức hiện thời của chúng ta và sau đó dần dần tìm cách thức tỉnh chúng ta để chúng ta nhận biết bản sắc thật của mình và tiềm năng sáng tạo của mình. Bảy vị Thượng sư đã bảo trợ bộ sách này cùng với Đại thượng sư Maha Chohan là vị trưởng giáo của cả bảy tia sáng.

Chìa khóa để tự điều ngự là biết bảy tia sáng tâm linh và phát triển trọn vẹn khả năng đồng-sáng tạo của bạn. Mỗi tia có một số đặc tính tích cực và bạn biểu thị quyền năng sáng tạo của mỗi tia qua các đặc tính tích cực của nó. Ví dụ, Tia thứ Nhất là tia của quyền năng sáng tạo và ý chí, nghĩa là bạn tìm cách sáng tạo điều gì có lợi ích cho tất cả mọi người thay vì chỉ lợi ích cho chính mình như một sinh thể tách biệt. Khi làm thế, biểu hiện sáng tạo của bạn chỉ có tác dụng tích cực mà thôi. Kết quả là quyền năng sáng tạo của bạn sẽ được nhân lên và bạn sẽ cảm thấy càng ngày càng tự do.

Mỗi tia cũng có những tha hóa của chúng. Ví dụ, tha hóa của Tia thứ Nhất là mong muốn kiểm soát người khác và ép người khác tuân theo mình. Khi bạn biểu hiện quyền năng tiêu cực qua những ham muốn và xúc cảm thấp, thì kết quả là năng lượng tâm linh bị hạ giảm hơn khi bạn biểu hiện qua đặc tính tích cực rất nhiều. Điều này có nghĩa là nỗ lực sáng tạo của bạn sẽ không được nhân lên, và kết quả là bạn cảm thấy kém tự do.

1.6. 144 tầng tâm thức

Các chân sư thăng thiên dạy rằng khi một sinh thể tự nhận biết mới lần đầu tiên đầu thai trên trái đất, thì người ấy xuống với một tầng tâm thức đặc thù. Có tất cả 144 tầng tâm thức có thể có được trên trái đất. Khi bạn đạt tới tầng 144, bạn đã học xong các bài học trên trái đất và bạn có thể thăng thiên. Nếu bạn xuống tầng tâm thức thấp nhất, bạn không thể đầu thai trên trái đất nữa và bạn phải đi tới những thế giới thấp hơn hành tinh này.

Một dòng sống mới lần đầu tiên đi xuống ở tầng tâm thức thứ 48. Nó sẽ đi xuống một môi trường học hỏi được bảo vệ dưới sự giám sát trực tiếp của bảy vị Thượng sư. Nếu nó tuân theo khóa học vạch ra, nó sẽ dần dần nâng tâm thức của nó từ tầng tâm thức 48 lên tầng 96. Trong tiến trình nâng cao tâm thức này, nó sẽ học cách dùng mỗi tia sáng cho tới khi nó điều ngự tất cả các tia và có thể biểu thị các tia một cách quân bình. Sau đó nó tiến lên những tầng học hỏi cao hơn vượt trên tầng 96.

Tuy nhiên, một dòng sống có thể quyết định dùng khả năng đồng-sáng tạo của mình cho mục tiêu ích kỷ. Có nghĩa nó có thể đi xuống hay rơi xuống thấp hơn tầng tâm thức thứ 48. Bình thường điều này có nghĩa là dòng sống đó mất đi sự tiếp xúc trực tiếp với các thày tâm linh của mình. Thay vào đó nó sẽ học bằng cách chứng kiến vũ trụ vật chất hành xử như một tấm gương, gửi trả lại cho nó hoàn cảnh vật lý tương ứng với tầng tâm thức của nó. Đó là lý do tại sao hầu hết con người trên trái đất thấy đời sống là một sự vật lộn qua đó lúc nào họ cũng đang đối chọi với thiên nhiên, người khác hay ngay cả Thượng đế. Đây là điều mà các chân sư thăng thiên gọi là Trường đời Cay đắng.

1.7. Về cuốn sách này

Mục đích của bộ sách này là cống hiến mọi người một lời nhắc nhở từ bên ngoài về con đường nội tâm chân chính để đạt được tự điều ngự. Cuốn sách đầu tiên của bộ sách, cuốn Uy lực của cái Ta, giới thiệu tổng quát con đường tâm linh, bao gồm những giải thích sâu xa hơn về những khái niệm đề cập ở trên.

Cuốn sách này gồm hai phần. Phần Một gồm một loạt bài thuyết giảng do chính Đại Thượng sư trao truyền và như đã nói, thày là trưởng giáo của tất cả các tia. Các bài giảng của thày sẽ cho bạn những tuệ trí quý giá và những dụng cụ để đi trên con đường tự điều ngự và nó cũng cho bạn nền tảng tốt để tham gia bài tập ở Phần Hai. Nó cũng cho bạn nền tảng tốt để dùng mỗi cuốn sách sau đó.

Phần hai của cuốn sách sẽ giới thiệu tổng quát về bảy tia sáng tâm linh và các Thượng sư phục vụ như những vị thày tâm linh của mỗi tia. Nó cũng cống hiến bạn những bài tập thực tiễn giúp bạn cầu thỉnh năng lượng thanh khiết của bảy tia sáng trong thời gian bảy tháng.

Mỗi cuốn sách sau đó trong bộ sách sẽ được dành cho một tia sáng. Như đã giải thích, bạn cần sử dụng cả bảy tia để đạt được tự điều ngự và mở khóa toàn bộ quyền năng sáng tạo của mình. Cho nên, bạn sẽ rốt cuộc cần tất cả các cuốn sách sau đó. Tuy nhiên, khi bạn hoàn tất khóa học bảy tháng này, bạn có thể có trực giác biết mình cần làm việc ngay với một trong bảy tia sáng. Nếu vậy, lẽ dĩ nhiên bạn có thể tìm học sách của tia đó thay vì bắt đầu với Tia thứ Nhất.

Trừ khi bạn có cảm nhận mạnh mẽ mình cần làm việc với một tia sáng, thì bạn nên bắt đầu với cuốn đầu tiên về Tia thứ Nhất và tuần tự học tiếp tất cả các cuốn sau theo thứ tự. Đây là cách tốt nhất để tiến tới tầng tâm thức 96. Tiến trình này cũng thích ứng với bạn dù bạn đang ở tầng tâm thức nào hiện nay.

Toàn thể bộ sách được thiết kế để ai ai cũng dùng được, ngay cả những người đang ở dưới tầng 48. Nhưng lẽ tất nhiên không sách nào có thể làm mọi thứ cho bạn. Sách chỉ là những lời nhắc nhở để bạn ý thức và nếu bạn tận dụng những lời nhắc nhở này, chúng sẽ giúp bạn phát triển sự tiếp xúc nội tâm với Hiện diện TA LÀ của bạn và các chân sư thăng thiên. Điều này giúp bạn nhận được hướng dẫn trực giác từ bên trong, một sự hướng dẫn dành cho riêng bạn và nó vượt lên trên những gì bạn nhận được từ bất cứ sách nào.

1.8. Bài truyền đọc là gì?

Các chương trong Phần Một là những bài truyền đọc trực tiếp từ Đại Thượng sư. Trong Phần Hai, mỗi chương gồm một bài truyền đọc ngắn từ vị Thượng sư của một tia. Bài truyền đọc là một dạng giao tiếp từ các chân sư thăng thiên, qua trung gian một người đã được huấn luyện để tiếp nhận các thông điệp này của các thày. Trong trường hợp của tôi, tôi bắt đầu làm công việc truyền đạt này từ năm 2002 và tôi đã nhận được trên một ngàn thông điệp của các chân sư.

Để nhận được một bài truyền đọc, tôi hòa điệu tâm thức mình với vị chân sư và tôi cảm nhận thày tỏa ra một dòng ánh sáng và tâm thức. Tôi không thực sự thấy hay nghe những dòng chữ nhưng tôi hòa điệu vào dòng ánh sáng và tâm thức của thày và dòng đó được chuyển thành chữ nói trong tâm tôi. Do đó, tôi không biết điều gì đang được nói ra cho tới khi chính tôi nghe mình nói dòng chữ đó. Như vậy có ít rủi ro tâm thức của tôi xen vào hay pha màu thông điệp của thày, vì tùy chọn duy nhất mà tôi có được là ngừng bài truyền đọc.

Điều này không có nghĩa là thày có thể nói bất cứ điều gì thày muốn nói xuyên qua tôi, vì tôi cần phải có chút hiểu biết về các khái niệm mà thày đang đề cập. Chẳng hạn, một chân sư không thể trao truyền một bài giảng có chất lượng về vật lý nguyên tử qua tôi vì tôi không có đủ hiểu biết về đề tài này. Như vậy sự chuyển dịch thông điệp của vị chân sư thành ngôn ngữ quả thực tùy thuộc vào những khái niệm có trong tâm tôi và khả năng dùng từ ngữ của tôi. Nguyên tắc là các vị chân sư sử dụng những gì người sứ giả có trong tâm thức của sứ giả và nhân chúng lên. Lẽ tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là các thông điệp sẽ dễ hiểu hơn cho những ai cùng một nền văn hóa với người sứ giả. Có thể nói người sứ giả đại diện cho một nhóm người, và tâm thức của người sứ giả chuyển dịch thông điệp khiến nó thích ứng với tâm thức người nhận.

Một bài truyền đọc không đơn giản nhằm mục đích đem lại một sự hiểu biết đường thẳng mà tâm vỏ ngoài có thể nắm được. Các chân sư gài nhiều điều vào một bài truyền đọc, trước hết là một dòng ánh sáng tâm linh mà bạn có thể tiếp nhận. Chính thực là dòng ánh sáng này, hơn là các chữ, đã khiến bài truyền đọc là những dụng cụ tuyệt vời giúp bạn tự thăng vượt. Nếu bạn mở tâm ra khi bạn nghe bài truyền đọc hay ngay cả đọc nó, thì nó có thể xoay chuyển tâm thức bạn ngay tức khắc, đặc biệt nếu bạn đã có sẵn đồng cảm với vị chân sư đang nói.

Quả thực bạn có thể tiếp nhận ánh sáng của chân sư khi đọc bài truyền đọc. Nhưng bạn sẽ có một trải nghiệm mạnh hơn khi nghe bản thu âm bài truyền đọc. Trong tiệm sách trên mạng của chúng tôi (www.morepublish.com) bạn có thể mua và tải xuống thu âm của các bài truyền đọc (bằng tiếng Anh) trong cuốn sách này.