Các chân sư thăng thiên là ai?

Các chân sư thăng thiên là những vị đã vượt lên trên tâm thức loài người và đã cống hiến bản thân để giúp chúng ta cũng sẽ thăng thiên như các thày. Qua lời dạy và các dụng cụ tu tập tâm linh, các thày giúp chúng ta kết nối lại với mục đích nguyên thủy của mình khi mình hiện thân làm người trên quả địa cầu đầy thử thách này.

Chính vì tâm thức cao hơn hẳn chúng ta mà các thày mới có khả năng giúp được chúng ta như vậy. Cho nên nếu chúng ta tưởng mình có thể đứng nguyên ở mức tâm thức cố hữu của mình mà nắm bắt được trọn vẹn các thày, thì e rằng chúng ta chỉ khiến cho sự vượt thăng của mình khó khăn hơn mà thôi. Một vài lời giải thích đơn giản về các thày thật là không thể đủ vào đâu.

Tuy nhiên trong ý nghĩa phổ quát nhất, chúng ta có thể nói rằng các chân sư thăng thiên là những vị thày tâm linh cho mọi người trên trái đất. Các thày đã nhận làm công việc giúp tất cả chúng ta nâng cao tâm thức, cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể. Công việc này không dễ chút nào vì chúng ta ở những trình độ tâm thức rất khác nhau. 

Chỉ cần nhìn qua lịch sử cũng như hiện tại thì sẽ thấy ngay nhân loại đa dạng vô cùng trong các quan điểm, tín ngưỡng cùng cách cư xử. Vì thế các thày không thể chỉ dùng một phương cách giàng dạy độc nhất, mà phải thích ứng phương cách đó với trình độ tâm thức của mỗi người. Nói chung có hai cấp độ:

  • Tuyệt đại đa số con người chưa có tâm thức ở mức sẵn sàng chấp nhận sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên,
  • Và một số ít đã nâng tâm thức mình đến mức có thể thấy được bước tự nhiên kế tiếp của mình trên đường phát triển nội tâm là sự nhận diện các chân sư.

Từ rất lâu, các chân sư đã không ngừng làm việc với địa cầu chúng ta, nhưng các thày đã kín đáo ẩn mặt trong phần lớn thời gian đó. Chúng ta không biết đó thôi chứ các thày đã luôn luôn gieo những hạt mầm thăng tiến vào tâm thức loài người qua những luồng tư tưởng tâm linh hay thực dụng, như qua các phát minh trong các ngành công nghệ, văn hoá hay nghệ thuật. Và như thế, tâm thức tập thể của nhân loại được nâng lên, chẳng hạn khi ý thức về dân chủ xuất hiện, hoặc khi con người nhận thức rõ ràng hơn về những giá trị của quyền sống và quyền làm người.     

Tâm thức tập thể luôn luôn được nâng lên khi có một số ít người mở tâm ra nhận lấy những tư tưởng mới đó, rồi từ đó nó dần dần lan rộng trong quần chúng cho đến khi một sự chuyển vọt xảy đến. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều ví dụ như vậy, như khi dân chủ khai sinh, khi chế độ nô lệ được hủy bỏ, hoặc giới phụ nữ dần dần được hồi phục bình quyền.  

Nay với tâm thức tập thể cao hơn trước, các chân sư đã bắt đầu lộ diện qua một số phương tiện phổ thông như sách vở và mạng internet. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người biết đến các thày, rồi học tập giáo lý các thày một cách ý thức, cũng như sử dụng các dụng cụ tu tập tâm linh được các thày ban ra.

Trang mạng này không có tham vọng nhắm đến tất cả mọi người, mà chỉ xin dành tặng cho những ai có tâm mở đối với các chân sư, sẵn sàng nắm lấy những giáo lý và dụng cụ tu tập được đăng tải ở đây để sử dụng một cách ý thức. Bằng cách áp dụng giáo lý, bạn có khả năng nâng cao tâm thức mình cùng cải thiện hoàn cảnh đời sống của mình. Bạn cũng sẽ có khả năng đóng góp nâng cao tâm thức tập thể và giúp cho địa cầu này vượt qua phần lớn những khó khăn hiện tại. Nhờ đó biết đâu chính bạn cũng sẽ tìm ra phương hướng cho đời mình, một điều mà chắc hẳn bạn đã mong mỏi từ lâu.    

Làm sao bạn biết được những giáo lý này có thích hợp với bạn hay không? Bạn chỉ biết được trong nội tâm mà thôi, qua trực giác. Nếu bạn đã sẵn sàng nhận giáo lý này thì hẳn bạn cũng đã phát triển trực giác rồi. Vậy bạn hãy thử hòa điệu với cảm giác trong tim mình khi bạn học tập giáo lý và thử nghiệm các dụng cụ tu tập ở đây. Nếu giáo lý thích hợp thì bạn sẽ biết ngay trong tim mình. 

Các chân sư thăng thiên dạy trực tiếp thế nào?

Các chân sư đã công khai giảng dạy trực tiếp từ hơn một thế kỷ nay qua một số vị sứ giả khác nhau. Gọi là “lời dạy trực tiếp” nhưng là lời dạy được phát biểu qua một người làm trung gian, như sau:

  • Lời dạy được công khai nhìn nhận là của các chân sư, chứ sứ giả không phải là tác giả những lời đó.
  • Lời dạy được truyền đạt qua tâm sứ giả và do đó có thể nhuốm một ít màu sắc văn hóa từ phía sứ giả, nhưng lời dạy vượt trội hẳn khả năng tư duy hiện hữu trong tâm sứ giả.  

Trong quá khứ, các chân sư đã từng sử dụng nhiều người làm trung gian trong nhiều vai trò sứ giả khác nhau, nhưng những lời dạy trực tiếp nhất thường là những “bài truyền đọc”. Trong phương thức này, sứ giả được huấn luyện để nâng tâm thức mình lên đến mức có thể đồng điệu với chân sư, hầu chân sư dùng tâm và giọng nói của sứ giả để phát biểu trực tiếp lời mình. Lời dạy được gọi là “bài truyền đọc” vì đó chính là chân sư đọc qua sứ giả.

Xin nhấn mạnh đây không phải là đồng bóng, vì vị sứ giả của chân sư không ở trong trạng thái xuất vía, mà trái lại hoàn toàn sáng suốt, tỉnh thức suốt bài đọc. Sứ giả có khả năng chấm dứt buổi đọc bất cứ lúc nào. Vì giữ được tâm trung dung cho nên không có vấn đề cố tình tô màu hay bóp méo lời dạy.

Tuy vậy, vì lời dạy dược chuyển qua tâm sứ giả cho nên nó phải dựa vào ngôn ngữ, kiến thức cùng văn hóa của sứ giả. Chẳng hạn, nếu sứ giả hiểu biết rất ít về cơ học lượng tử thì chân sư không thể phát biểu về đề tài đó. Chân sư chỉ có thể sinh sôi những gì đã có sẵn trong tâm thức sứ giả mà thôi.

Hẳn điều này sẽ giới hạn những gì chân sư có thể phát biểu, nhưng đó cũng có thể là một điểm lợi cho những ai có cùng văn hóa với sứ giả vì lời dạy trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là không một sứ giả nào có khả năng chuyển đạt mọi loại giáo lý mà các thày muốn truyền dạy. Không một sứ giả hay một tổ chức nào đã, hoặc sẽ, có thể dành độc quyền tiếng nói của các chân sư.

Tại sao giáo lý chân sư hữu ích cho chúng ta?

Lợi ích tiềm tàng lớn nhất nằm ở chỗ các chân sư có tâm thức cao hơn hẳn chúng ta trên cơ bản. Các thày đã vượt lên trên mọi quan điểm hay thành kiến, mọi loại ích kỷ, sợ hãi hay ảo tưởng của con người. Các thày cũng vượt trên mọi sự phân biệt trên trái đất, dù là những nhân vật quyền uy, những tổ chức, quốc gia hay truyền thống văn hoá. Các thày chỉ mong muốn giúp đỡ mọi người bất kể người đó là ai. Vấn đề duy nhất là mọi người có mở tâm ra để được giúp đỡ hay không mà thôi.   

Các chân sư nhìn thế gian từ một tầm góc khác hẳn chúng ta, và điều này vô cùng quý báu ở chỗ chúng ta được trao một cái khung chuần với ba sự thật căn bản:

  • Có một tâm thức vượt cao hơn và xa hơn tâm thức con người bình thường. Hẳn là có cái gì đó ở bên ngoài hộp tư duy giới hạn của chúng ta.
  • Mỗi sinh thể tự nhận biết (self-aware being) có sẵn tiềm năng vượt lên trên tâm thức con người bình thường để đạt đến tâm cao của chân sư. Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng đó, nhưng muốn vậy, chúng ta phải trở nên tỉnh giác hơn bây giờ.
  • Có một hệ thống tu tập để đưa chúng ta từ bất cứ tầng tâm thức nào trong hiện tại đến sự tỉnh giác bao la của tâm thức thăng hoa. Mỗi chúng ta đều có khả năng trở thành chân sư thăng thiên, và khi đó chúng ta cũng thăng vượt được mọi khổ đau cùng hạn chế của loài người. Con đường này có tên là đường tu tâm linh.   

Khả năng tự nhận biết cao độ là cách giúp chúng ta vượt lên trên mọi vấn đề cùng hạn chế cá nhân. Đó cũng là cách duy nhất để giúp địa cầu vượt lên trên mọi vấn đề do con người gây ra – mà mọi vấn đề của địa cầu đều do con người gây ra cả. Điều này chúng ta làm được bởi vì mỗi chúng ta là phân tử của tâm thức tâp thể, và khi nâng tâm thức cá nhân thì chúng ta cũng kéo cả tập thể đi lên.

Biết vậy nhưng tâm thức rộng lớn của chân sư là điều khó đạt nhất đấy. Tại sao thế? Vì khi nào chúng ta còn bị tấm màn ảo tưởng của nhận thức con người che chắn, thì chúng ta rất khó nắm bắt được cái gì không có màn che. Chúng ta luôn có khuynh hướng đánh giá mọi thứ dựa trên cái nhìn giới hạn cố hữu, muốn gò ép mọi điều mới vào những cái khuôn cũ để xác nhận những điều mình đã sẳn tin là sự thật.

Thói quen này từng được nhà hiền triết Cổ Hy Lạp Plato minh họa trong ngụ ngôn hang đá. Trong hang đá ngụ ngôn, có một nhóm người bị xiềng xích quay mặt vào tường, đối lưng với cửa hang. Ngoài hang có người ta đi lại bình thường, nhưng kẻ bị xiềng trong hang thì chỉ thấy được bóng chiếu trên tường. Người trong hang cố hết sức nắm được thực tại ngoài hang, nhưng vô ích, vì họ chỉ thấy được những cái bóng của thực tại mà thôi.

Con người có khuynh hướng muốn xác nhận những điều mình đã sẵn tin tưởng, cho nên chúng ta thường chụp lấy bất cứ tư tưởng nào, dù là từ tôn giáo, triết học, ý thức hệ chính trị hay giáo lý tâm linh. Và rất có thể bạn cũng sẽ mượn lời dạy của các chân sư để củng cố cho những điều bạn sẵn tin, nhưng nếu chẳng may bạn làm vậy thì sẽ không thể nào thoát được tâm thức hiện hữu của mình.

Và đây là vấn đề chúng ta phải trực diện: Liệu chúng ta sẽ cố gò ép lời dạy của chân sư vào trong cái hộp tư duy kín mít của mình, hay chúng ta sẽ dùng lời dạy đó để tra vấn các ảo tưởng và mở rộng cái hộp đó ra? Nếu chúng ta chọn cách thứ nhất thì sẽ không thể nào nâng tâm thức lên một bậc được. Còn nếu chọn cách thứ hai thì hộp tư duy sẽ ngày càng rộng rãi hơn cho đến khi nó không còn tồn tại được nữa, và lúc đó chúng ta sẽ được quyền thênh thang bước ra khỏi cái hang của Plato để nhìn thực tại với con mắt của chân sư.

Mục đích duy nhất của trang mạng này là để giúp bạn cất bước trên con đường tâm linh đó, để nó dẫn bạn tới một tầng tỉnh giác cao hơn. Bài vở trong trang này sẽ chỉ dẫn tường tận về từng giai đoạn trên đường, nhưng nói cho cùng thì chỉ có bạn mới có thể quyết định cất bước, quyết định sử dụng những giáo lý được trình bày. Và dù bạn có quyết định thế nào đi nữa thì các chân sư cũng sẽ hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của bạn.