Mối quan hệ trực tiếp của con với các chân sư thăng thiên

Bài truyền giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 5/9/2021, nhân Webinar 2021 cho Hoa kỳ – Hướng tới các quan hệ Thời Hoàng kim.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

TA LÀ với an bình. TÀ LÀ trong an bình. TA LÀ sự an bình. Ta truyền giảng từ an bình. Làm sao có thể có vũ lực trong Phật? Điều này thật không thể, vì Phật vượt khỏi vũ lực. Phật không phản vũ lực mà vượt lên trên vũ lực.

Phật biết gì về các mối quan hệ? Chẳng phải là khi ta còn hiện thân, ta đã bỏ lại vợ hiền cùng con thơ, bỏ lại mọi người để ra đi sống trong rừng giữa thú hoang lẫn con người hoang dại? Đúng vậy, nhưng Phật đã làm gì trong cuộc đời sau đó? Chẳng phải là ta đã thiết lập một cộng đồng và quy tụ các đệ tử đến học từ Phật?

Cho nên ít ra Phật cũng biết đôi điều về mối quan hệ giữa thày và đệ tử. Và tất nhiên trong tư cách một chân sư thăng thiên, ta cũng biết đôi điều về mối quan hệ giữa chân sư thăng thiên và những sinh thể chưa thăng thiên trên địa cầu. Chúng ta hãy bàn về mối quan hệ này. Bởi vì như các thày đã có nói, các thày không hẳn mong con tìm thấy một vị đạo sư trong cõi vật lý, mà hơn thế các thày mong muốn con có khả năng nhận được sự hướng dẫn ngay trong nội tâm của con từ các chân sư thăng thiên.

Việc khám phá mối quan hệ tốt nhất với các chân sư thăng thiên sẽ đòi hỏi nơi con những gì? À, trước hết, con cần suy ngẫm rào cản lớn nhất cho một mối quan hệ trực tiếp với chân sư thăng thiên là việc sùng bái thần tượng. Thần tượng hóa là khi con đặt một ai đó lên làm thần tượng, ở một địa vị cao hơn con đến độ nhân vật đó vượt khỏi tầm với của con.

Vị sứ giả này sống ở vùng quê và khi ông lái xe ra thành phố, ông thường đi ngang một cơ sở Phật giáo, một trong vài cơ sở hiện diện trên đất Đan mạch này. Sau nhiều năm lái xe ngang qua đó, một hôm ông quyết định tra cứu trên mạng internet xem cơ sở này như thế nào. Ông ngạc nhiên tìm ra là cái nhìn của họ về Phật rất khác với những gì ông thường nghĩ người Phật tử nhìn Phật. Họ có cái nhìn rất sùng bái về ta. Không những họ nghĩ rằng ta thật đặc biệt ngay từ lúc sinh ra đời mà ta còn đặc biệt trước cả khi sinh ra đời. Ta thuộc về một hạng người hoàn toàn cách biệt khỏi mọi người khác trên địa cầu, và đó là tại sao ta đã có thể là vị thày độc nhất vô nhị này, tại sao Phật giáo là tôn giáo độc nhất vô nhị sẽ dẫn con người đến một cõi cao siêu hơn.

Sứ giả này thấy rõ chính cách nhìn thần tượng hóa này đã ngăn chặn các Phật tử đó có được một mối quan hệ cá nhân với đức Phật đích thực, vì họ chỉ có thể tương tác với thần tượng mà họ đã tạo ra trong tâm họ. Làm sao họ có thể thực sự bước theo lời dạy chân chính của Phật, và lời dạy chân chính của Phật là gì chứ? À, chẳng phải là ta đã dạy mọi thứ đều là Phật tánh hay sao? Tất cả mọi thứ đều mang Phật tánh ở bên trong. Mỗi con người đều có Phật tánh trong bản thân mình, và điều này có nghĩa là mỗi người đều có tiềm năng trở thành Phật.

Nhưng làm thế nào con trở thành Phật đây? Bằng cách học hỏi và nhận linh hứng, bằng cách đi theo tấm gương của Phật cho tới khi con trở thành một với Phật. Nhưng làm sao con có thể trở thành một với Phật nếu con nghĩ Phật ở quá cao trên con đến độ Phật thuộc về một phạm trù hoàn toàn riêng biệt?

Con thấy đó, trên hành tinh này có một truyền thống rất, rất lâu đời sùng bái thần tượng kiểu đó. Tất nhiên, nó do sa nhân tạo dựng. Sa nhân là những kẻ muốn tự đặt mình vào một phạm trù mà trong cơ bản khác hẳn mọi người khác trên địa cầu. Theo một nghĩa nào đó, đúng là chúng khác mọi người vì tâm thức của chúng thấp hơn hẳn mọi người trên trái đất, nhưng điểm này không khiến chúng đặc biệt mà chỉ khác biệt mà thôi. Chắc chắn nó không khiến chúng cao trội hơn, mặc dù chúng tin là chúng có trí tuệ và hiểu biết cao siêu hơn, hay ngay cả trong một số trường hợp, một số khả năng vượt trội do chúng đã có nhiều thời gian hơn để rèn luyện các khả năng này.

Con thấy sự thần tượng hóa này – được tìm thấy trong biết bao tôn giáo – thật ra là điều mà sa nhân mơ ước. Chúng mới là kẻ mơ ước được thờ phượng y như nhiều người thờ phượng Thượng đế vậy. Chúng là những kẻ muốn trở thành thần thánh trên trái đất, thậm chí loại thần thánh ở cõi bản sắc được con người tôn thờ như những kẻ tự thân đã siêu đẳng – một hạng người đặc biệt mà không ai có thể với tới. Điều này khiến chúng cảm thấy chúng thật đặc biệt, trong khi một chân sư thăng thiên thì không hề có mong muốn cảm thấy mình đặc biệt, không có nhu cầu cảm thấy đặc biệt, thậm chí còn không nghĩ tới chuyện đặc biệt hay có gì đặc biệt nhiều hay ít.

Là học trò của chân sư thăng thiên, con có thể quán chiếu những ý tưởng này. Con có thể nhìn vào bất cứ tôn giáo nào mà con đã lớn lên trong kiếp sống này. Con có thể nhìn vào những tôn giáo mà con đã tiếp cận trong tiền kiếp và nhận diện hiện tượng sùng bái đó. Con có thể nhìn ra làm thế nào những tôn giáo gọi là độc thần (monotheistic) tuyên bố Thượng đế của họ mới là cao trội, và đồng thời họ gán cho Thượng đế này một số đặc tính kỳ thực chỉ phản ánh cái tâm lý chưa giài quyết của chính họ. Con người phóng chiếu ra là Thượng đế cũng giống như họ vậy, cho nên đó là một thượng đế nóng giận ở trên trời, đó là thượng đế thù hằn có ý muốn đập tan mọi kẻ thù và đày đọa những ai cả gan chống đối vào nỗi thống khổ triền miên nơi địa ngục.

Rõ ràng một số những điều trên phát xuất từ sa nhân vì chúng là kẻ muốn tiêu diệt hay trừng phạt bất cứ ai chống lại chúng. Con thấy được ở đây, con có thể bắt đầu nhận diện ở đây ảnh hưởng của sa nhân trên các tôn giáo trên địa cầu to lớn đến chừng nào, ngay cả trên nhiều khía cạnh của đạo Phật. Khi con làm vậy thì con có thể khởi sự giải tỏa những ảo tưởng đó khỏi tâm mình. Con còn có khả năng nhận ra là trong những kiếp trước, con đã từng tiếp xúc với hình thức tôn giáo này, với hậu quả là con đã gây dựng một số ngã tách biệt.

Có một thời điểm sứ giả này đã nhận biết là mình mang một cái ngã tách biệt – mà vào thời đó ông chưa gọi là ngã tách biệt – nhưng ông mang trong tâm lý của ông một khía cạnh sợ hãi xúc phạm Thượng đế. Ông sợ mình có thể nói ra hay thậm chí nghĩ ngợi một số chuyện sẽ khiến cho Thượng đế phật lòng. Khi đó ông đã là một đệ tử của chân sư thăng thiên trong một đợt truyền pháp trước, nhưng ông đã bỏ ra một thời gian khá dài vật lộn với ảo tưởng này trước khi ông nhận ra thượng đế đó không thể nào là Thượng đế đích thực. Cái đó bắt buộc phải là một thượng đế giả, vì thực sự, làm thế nào Thượng đế đích thực lại có thể bị xúc phạm bởi bất cứ điều gì trên trái đất?

Thế rồi ông chứng nghiệm được Thượng đế đích thực, Đấng Sáng tạo đích thực vượt khỏi mọi hinh tướng như ông từng mô tả trong một số bài viết của ông. Lý do ông mở tâm ra với sự chứng nghiệm này là vì ông đã vật lộn với hình ảnh Thượng đế đó. Ông đã từng vật lộn với hình ảnh một Thượng đế nóng giận xét đoán, một Thượng đế xa vời ở trên trời muốn được thờ phượng và có khả năng bị con người làm tổn thương. Ông ngộ ra là một sinh thể ở cõi tâm linh không thể nào thực sự bị bất cứ hành vi nào của con người trên trái đất làm cho tổn thương. Làm sao chuyện này có thể hữu lý được khi sinh thể đó vượt khỏi mọi điều trên trái đất? Cho nên ông ngộ ra vị thượng đế có thể bị xúc phạm đó cũng chỉ là sự phóng chiếu của một tâm lý chưa giải quyết, mà nói cho cùng là tâm lý của sa nhân và cũng là tâm lý dễ bị xúc chạm của rất nhiều người trên địa cầu.

Nếu con nhìn sự kiện các tôn giáo độc thần đều bắt nguồn ở vùng Trung Đông, con có thể thấy là ngay cả ngày nay, rất nhiều người ở Trung Đông rất dễ bị xúc chạm. Họ vô cùng nhạy cảm và dễ bị nhục mạ khi có ai đó nói điều gì mà họ cho là không được nói ra. Họ nổi giận, trở nên hằn học và mong muốn trừng phạt những ai làm nhục họ như vậy. Đây là những đặc điểm của một nhóm người đặc thù được chính họ phóng chiếu lên hình ảnh của họ về Thượng đế.

Một khi con nhận ra vấn đề này trong các tôn giáo lớn, con có thể bắt đầu xem xét mối quan hệ của con với các chân sư thăng thiên. Con có thể nhận ra thử thách lớn nhất mà các thày phải đối mặt trong tư cách chân sư thăng thiên là các đệ tử của mình không phải là những tờ giấy trắng tinh khi họ đến với giáo lý. Các con đều đến với một loại gốc tích, một loại hành lý nào đó, các con đã tiếp xúc với một hay nhiều tôn giáo khác nhau, cả trong kiếp này lẫn các kiếp trước. Con đến với một số kỳ vọng và định kiến, con đến với một cái nhìn nhất định về một sinh thể tâm linh là như thế nào và phải như thế nào.

Và nếu con sẵn lòng, con có thể nhận ra là các quan điểm mà con đã khoác vào về Thượng đế cùng các sinh thể tâm linh là sự phản ánh của chính tâm lý chưa giải quyết của con. Con có thể nhận ra hạn chế lớn nhất mà các thày phải đối mặt khi cố giúp con phát triển tâm linh, tất nhiên, là sự phóng chiếu đó đến từ tâm lý chưa giải quyết của con.

Khi con mang một tâm lý chưa giải quyết mà con phóng chiếu lên các thày, và khi một khía cạnh của tâm lý chưa giải quyết đó là con cho rằng các thày toàn hảo và do đó cái nhìn của con về các thày cũng toàn hảo, thì làm thế nào con có thể giải thoát mình khỏi điều này đây? Đó là một thế tiến thoái lưỡng nan. Có hai quan điểm đang khóa sừng chống chọi nhau trong bài toán nan giải này, vì làm thế nào con có thể nhận ra rằng quan điểm của mình về chân sư thăng thiên là giới hạn nếu con nghĩ các thày toàn hảo và cái nhìn của con cũng toàn hảo, hoặc nếu con nghĩ các thày sẽ bị xúc phạm nếu con chất vấn cái nhìn của con về chân sư thăng thiên? Nhiều các con mang cảm nhận vi tế là con không thể chất vấn cái nhìn của mình về chân sư thăng thiên vì con nghĩ đó không phải là một cái nhìn, mà con nghĩ các thày là y như vậy, và con nghĩ các thày sẽ bị xúc phạm nếu con chất vấn cái nhìn của con về các thày.

Một lần nữa, con yêu dấu, các thày đã thăng thiên. Các thày không hề bị xúc phạm bởi bất cứ gì trên trái đất. Không có gì con làm, nói, nghĩ hay cảm thấy có thể xúc chạm được các thày. Điều duy nhất các thày có thể làm nếu con ở trong một tâm thái khiến các thày không thể giúp con ngay lúc này là để yên cho con một mình. Nếu đệ tử của các thày cần nhận thêm nhiều cú giáng từ Trường đời Cay đắng, thì đôi khi các thày phải để yên họ một thời gian cho tới khi họ nhận đủ những cú giáng rồi mở tâm ra để các thày lại có thể giúp được họ trực tiếp hơn.

Nhưng điều này không có nghĩa là các thày bị xúc chạm. Các thày không bị xúc chạm khi bị con từ chối hay làm ngơ. Các thày không thể bị bất cứ gì xúc chạm. Con có thể nghĩ các thày có thể bị như vậy, con có thể phóng chiếu ra là các thày có thể bị như vậy, con có thể cảm thấy là mình đã xúc chạm các chân sư và do đó con không xứng đáng được tiếp xúc với chân sư. Cho nên con chui vào cái hang nhỏ nơi con cảm thấy buồn rầu tủi thân, và con phóng chiếu lên các thày rằng các thày mới là kẻ đang trừng phạt con vì con đã hư đốn chất vấn một tâm ảnh do chính con tạo ra về các thày. Nhưng các thày nhìn thấy rất rõ các tâm ảnh của con. Và làm sao các thày có thể bị xúc phạm khi con chất vấn một hình ảnh không liên quan gì đến bản thể thực của các thày – ngay cả trong trường hợp không thể xảy ra là các thày có thể bị xúc phạm?

Một lần nữa con thấy đó, các thày không thể giận hờn. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là như đã nói nhiều lần, các thày ở trong một trạng thái tâm thức khác hẳn trong bản chất so với tâm thức của con người chưa thăng thiên. Ta cũng biết đây là một khái niệm thật trừu tượng, ta biết là con không thể nắm bắt được hoàn toàn khi con vẫn con đầu thai, nhưng ít nhất nhiều người trong số các con có thể bắt đầu hé thấy, bắt đầu có một trải nghiệm nào đó về trạng thái tâm thức của các thày, giống như sứ giả này đã trải nghiệm khi ông nhận bài truyền đọc, hay giống như con có thể trải nghiệm khi con lắng nghe bài truyền đọc hay con thiền quán về các thày trong tim con. Và một khi con có trải nghiệm đó, con có thể đạt đến một chứng nghiệm, và ta sẽ cho con chứng nghiệm này từ bên ngoài, nhưng nó sẽ chỉ thực sự có giá trị đối với con khi nào nó cũng đến từ bên trong.

Chứng nghiệm đó là như sau – mối quan hệ của con với chân sư thăng thiên sẽ không giống như mối quan hệ của con với con người. Hạn chế lớn nhất mà các thày phải đối diện khi thiết lập mối quan hệ trực tiếp với con là sự kiện con chụp lấy cách nhìn của con về quan hệ con người rồi chuyển nó sang các thày. Cho nên ví dụ, nhiều các con có thái độ là nếu con là đệ tử của chân sư thăng thiên, nếu con muốn quan hệ trực tiếp với các thày, thì có một số điều con phải làm hay không được làm, một số điều con phải nói hay không được nói, một số điều con phải cảm thấy hay không được cảm thấy, một số chuyện con phải nghĩ hay không được nghĩ.

Các thày đã chứng kiến, đặc biệt trong các tổ chức chân sư thăng thiên trước, các đệ tử có thể trở nên gần như cuống cuồng, gần như điên loạn khi cố sức đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi mà họ phóng chiếu ra là các thày đang phóng chiếu lên họ. Họ cứ tưởng chính các thày đang phóng chiếu tất cả những yêu cầu đó lên họ. Nhưng những yêu cầu này dựa trên những quan hệ giữa con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm thức sa ngã, những cái “phải làm” và những cái “không được làm”, ý thức nghĩa vụ và bổn phận, ý thức mình phải trung thành với người khác, vân vân và vân vân.

Nhưng các thày không mang tâm lý của người phàm, các thày không có tâm lý sa ngã. Tại sao con lại cho rằng các thày phản ứng giống như sa nhân hay cư xử giống như con người? Điều này không hữu lý, không lô-gíc chút nào, và khi con bắt đầu suy ngẫm thì con sẽ có khả năng lần lần thoát mình ra khỏi nó, có nghĩa là ít ra con có thể khởi sự đáp ứng được yêu cầu duy nhất để bắt liên lạc với các thày, đó là một tâm cởi mở, một tâm trung hòa.

Trong tâm con phải có khoảng trống để các thày bước vào, và nếu con cứ mang những cái “phải” và những cái “không được”, những quan điểm cố định, cái nhìn sùng bái thần tượng nói trên, thì đâu là khoảng trống đây? Các thày sẽ không cưỡng ép con, các thày sẽ không hiện ra trong một dạng thị hiện không thể nào chối cãi, ngoại trừ trong một số trường hợp thật hiếm hoi khi việc này nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, là một điều mà con đã quyết định trước khi đầu thai trong kiếp này.

Các thày sẽ không bao giờ vi phạm quyền tự quyết của con người, cho nên các thày sẽ chỉ bắt liên lạc với một sinh thể chưa thăng thiên khi trong tâm con có khoảng trống để các thày bước vào, và điều này không có nghĩa là con phải có một ý định ý thức muốn liên lạc với các thày. Các thày đã chứng kiến nhiều đệ từ tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên rồi họ quyết định: “À, tôi muốn một trải nghiệm trực tiếp, một sự tiếp xúc trực tiếp với các chân sư, tôi muốn nhận được một thông điệp cá nhân từ chân sư,” thế rồi họ nghĩ họ phải làm chuyện này chuyện nọ, phải đọc bài chú, phải cầu nguyện, phải thỉnh gọi các thày. Họ trở nên gần như cuống cuồng, gần như điên loạn làm những chuyện mà họ nghĩ họ cần phải làm để có liên lạc trực tiếp đó.

Nhưng họ đang làm gì chứ? À, họ đang chất đầy tâm họ với tất cả những hoạt động đó, tất cả những ý nghĩ đó, tất cả những lời cầu đó, tất cả những hình dung đó khi họ tưởng tượng việc liên hệ trực tiếp với các thày sẽ tuyệt vời đến chừng nào, khi các thày ban cho họ những khả năng đặc biệt như thế nào, và giờ đây họ trở thành đặc biệt đến làm sao, họ sẽ thực hiện bao điều kỳ diệu mà ai nấy đều ngưỡng mộ, hay bất kỳ mơ tưởng nào mà con người có thể nghĩ đến. Và như vậy, càng ngày họ càng lấp đầy tâm họ với nhiều tiếng ồn ào hơn. Đâu là sự tĩnh lặng, đâu là khoảng trống để các thày bước vào? Cho nên các thày phải lui lại, chờ cho tới khi có lẽ họ sẽ mệt mỏi, sẽ chán ngán tất cả những hoạt động cuồng nhiệt đó, cho tới khi một khoảnh khắc tĩnh lặng hiện ra và đột nhiên mối liên lạc với chân sư thăng thiên xảy đến.

Bây giờ, một thử thách lớn khác mà các thày phải đối diện trong quan hệ với một đệ tử chưa thăng thiên là, tất nhiên, nhiều người chờ đợi việc tiếp xúc với chân sư thăng thiên phải là một trải nghiệm tột đỉnh tuyệt vời, ấn tượng, siêu phàm. Và đúng thế, một số đã có trải nghiệm như vậy, nhưng rất, rất hiếm hoi trải nghiệm đó đến từ chân sư thăng thiên. Họ đã có một cảm giác kịch tính dữ dội như vậy là do, như các thày đã giảng, sự tương phản to lớn giữa trải nghiệm đó và trạng thái tâm thức bình thường của họ. Nhưng thực tế là các thày không hề tìm cách cho con những trải nghiệm ngoạn mục tuyệt vời.

Các thày cố gắng cho con một khung tham chiếu để con thẩm định trạng thái tâm thức hiện thời của con. Các thày cố gắng cho con một sự hướng dẫn có thể giúp con bước lên bước kế tiếp. Cho nên nếu con đang ở tầng tâm thức thứ 60, các thày sẽ cố cho con một xung lực giúp con vươn lên tầng 61. Các thày không tìm cách cho con một loại trải nghiệm tột đỉnh ngoạn mục nào đó mà con có thể có ở những tầng tâm thức cao hơn vì con chưa sẵn sàng nhận lấy, và hầu hết mọi người nếu họ kinh qua trải nghiệm này sẽ cảm thấy choáng ngợp. Sứ giả này đã có được trải nghiệm Thượng đế vô hình tướng vì ông đã sẵn sàng, nhưng ông vẫn tốn nhiều năm trời để suy nghiệm và thể nhập trải nghiệm đó.

Cho nên nói chung, con thường không có trải nghiệm ấn tượng, siêu phàm đó khi tiếp xúc trực tiếp với các thày. Thật ra nhiều người đã nhận được một sự hỗ trợ trực tiếp từ các thày mà không hay biết nó đến từ đâu vì nó có vẻ quá bình thường, nó quá tầm thường đối với họ. Vì vậy con có thể bắt đầu nhìn xem kỳ vọng của con là gì trong việc quan hệ với chân sư. Con có thể bắt đầu xem xét liệu con có mang những kỳ vọng thiếu thực tế đó, những mong muốn trải nghiệm đặc biệt khiến mình cảm thấy mình là đặc biệt, và cũng khiến người khác cảm thấy con là người đặc biệt vì họ đã không có được trải nghiệm đó. Xuyên qua các đợt truyền pháp khác nhau, nhiều đệ tử đã ấp ủ giấc mơ này – là ảo giác mình vĩ đại cao quý khi mơ ước đạt được những khả năng đặc biệt sẽ khiến người ta nể phục, ngưỡng mộ mình. Và không cứ tất cả các đệ tử đó đều là sa nhân mặc dù một số là sa nhân.

Ta đoán con cũng biết là khi một sa nhân đang hiện thân tìm được một giáo lý của chân sư thăng thiên, sa nhân đó chỉ nhìn vào giáo lý cùng các chân sư với ý định: “Làm thế nào cái này có thể giúp tôi ra vẻ là người đặc biệt? Làm thế nào nó khiến tôi cảm thấy đặc biệt? Tôi có thể dùng giáo lý này như thế nào để cất mình lên cao hơn?” Tất nhiên, đó không phải là động lực mà hầu hết các con đều có, nhưng chắc hẳn con có mang một số ngã từ tiền kiếp khi con hứng chịu sự hiếp đáp của sa nhân khiến con tạo ra một số ngã muốn đền bù bằng cách nâng mình lên cao, bằng cách tỏ ra đặc biệt hơn người, hay bằng cách đạt một khả năng nào đó hầu chứng minh sa nhân sai trái. Có thể có những cái ngã đủ loại giống như vậy, và khi con tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên thì những ngã này sẽ muốn dùng giáo lý để thực hiện kỳ vọng của chúng – nhưng tất nhiên đây là một kỳ vọng rỗng tuếch. Cácc thày sẽ không bao giờ cho con cái đó, vì nếu các thày cho con thì chuyện gì xảy ra chứ? Ngã sẽ càng được củng cố, và con sẽ càng đồng hóa nhiều hơn với ngã, khiến con càng khó lòng tách ra khỏi nó và cho nó chết đi.

Cho nên con nhận ra ở đây là các thày, các chân sư thăng thiên, không cảm thấy mình đặc biệt. Tại sao vậy? Con có thể bảo: “Nhưng chẳng phải các chân sư đặc biệt lắm hay sao? Chẳng phải các chân sư ở trong một trạng thái tâm thức cao hơn con người chưa thăng thiên hay sao?” Và đúng thế, các thày có như vậy thật, nhưng vì sao các thày lại ở trong trạng thái tâm thức cao hơn đó chứ? Bởi vì các thày đã thăng vượt nhị nguyên. Cảm nhận mình đặc biệt có thể có mặt ở đâu chứ? Chỉ có thể trong cõi nhị nguyên, vì khi có ai đặc biệt thì điều này ngụ ý một sự so sánh giữa những người đặc biệt và những người không đặc biệt, và đó chính là cốt lõi của nhị nguyên – cái thang điểm đó, sự tương phản đó, sự xét đoán giá trị đó.

Các thày đã thăng vượt cái đó rồi. Thậm chí các thày còn không nghĩ tới chuyện đặc biệt. Các thày không nhìn thấy con là người kém cỏi, thiếu sót hay tội lỗi. Các thày không tìm cách trừng phạt con dù bằng cách nào đi nữa, các thày không tìm cách khiến con cảm thấy xấu hổ. Các thày không tìm cách khiến con phải nhận tội hay khai tội. Các thày chỉ cố giúp con thăng vượt tất cả cái tâm thức phàm phu đó. Cho nên các thày chỉ có một mục đích, một mong muốn thôi là giúp con thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con và cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con thăng thiên. Không hề có một mong muốn nào khác.

Ta cũng biết là trong các đợt truyền pháp trước đã có trọng tâm đặt vào việc phụng sự thày Saint Germain và đem lại thời hoàng kim, và ở đây con cũng có thể nói là các thày có đặt một chút trọng tâm vào công việc này. Tất nhiên là các thày mong muốn con phụng sự, nhưng chỉ khi nào đó là một việc con đã quyết định trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Các thày không tìm cách ép buộc con làm vậy. Các thày không tìm cách khiến con cảm thấy là mình bắt buộc phải làm, mình có bổn phận đối với chân sư. Các thày không tìm cách khiến con cảm thấy là con phải làm chuyện này và không được làm bất cứ gì khác, nhất là bất cứ gì thú vị.

Con thấy là trong tôn giáo, trong các giáo lý tâm linh, có một truyền thống rất lâu đời cho rằng thế giới tự thân nó xấu xa, rằng các sinh hoạt thế tục là tội lỗi, rằng chúng khiến con xao lãng mà xa rời việc tăng triển tâm linh, vân vân và vân vân. Và điều này đã tạo ra cái tư duy mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên bị lạc vào, kể cả sứ giả này trong những năm đầu. Con nghĩ, bây giờ con đã tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên thì con phải tập trung tất cả chú ý của mình vào chuyện này, con phải chú tâm vào việc phụng sự, dù là qua các bài chú hay một cách nào khác, và con không được làm bất cứ gì khác, bất cứ gì đem lại thú vị cho con. Con phải làm tối thiểu để kiếm kế sinh nhai hay làm tròn bổn phận đối với gia đình, nhưng con không được làm bất cứ gì để tìm niềm vui thú.

Đấy như các thày đã nói, con đã thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng từ một mức tâm thức cao hơn mức hiện tại của con. Nếu con đã quyết định là có một số trải nghiệm con muốn kinh qua vì các thày sẽ giúp con sạch hết lỗi lầm để sẵn sàng bước tới, thì không những đó là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng mà đó còn là một hoạt động vô cùng tâm linh cho con. Chúng sẽ chỉ thúc đẩy chứ không cản trở sự tăng triển tâm linh của con. Cho nên con không thể mang thái độ trắng đen đó mà cho rằng mọi sinh hoạt thế gian đều là phản tâm linh và con phải kềm chế chúng lại. Đặc biệt con không nên có thái độ đó.

Ta nhận thấy là ta đang sử dụng các từ “phải” với “không được”, nhưng dù sao đi nữa, thật sẽ không xây dựng cho con nếu con mang thái độ là các thày đang áp đặt con phải làm gì hay không được làm gì, rằng các thày đang bắt con không được cho phép mình hưởng thụ mà chỉ được sống tối thiểu cuộc đời thế gian, và con không được thực sự hưởng thụ vì như vậy sẽ chứng tỏ con không phải là người tâm linh. Con yêu dấu, con không cần chứng tỏ cho các thày rằng con là người tâm linh, và con không cần chứng tỏ điều đó qua hoạt động vỏ ngoài. Các thày đã chứng kiến những người tìm ra giáo lý chân sư, gia nhập một tổ chức rồi bỏ ra không biết bao nhiêu giờ đọc chú, tham dự hội nghị, tham dự các buổi lễ và tất cả những thứ đó. Họ tuân thủ tất cả những thứ vỏ ngoài đó nhưng họ không vui thú. Không có niềm vui nào trong việc làm đó mà họ chỉ làm do bổn phận.

Đâu là cái tư duy đằng sau cách hành xử như vậy? Đó là điều các thày đã từng đề cập, là sự kiện nhiều người mộ đạo tìm cách mặc cả với Thượng đế. “Chúa ơi, con đang thờ phượng ngài như một tín đồ ngoan đạo. Con đang xưng tội với ngài đây. Con không đang làm gì thú vị cả. Con đang sám hối. Con đang làm đúng tất cả mọi điều quy định, và Chúa ơi, khi nào con làm vậy đủ lâu, khi nào con đã khiến mình bị đau đớn đủ nhiều, thì đương nhiên ngài sẽ phải cho con lên thiên đàng.” Nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã tìm cách mặc cả với các thày: “Khi nào con đọc xong tất cả các bài chú này để cứu nguy thế giới, khi nào con tự chế không làm tất cả những chuyện kia, thì thày phải cho con thăng thiên,” hoặc “thày phải biến con thành một người đặc biệt,” hoặc “thày phải cho con một chứng ngộ gì đó.”

Con yêu dấu, con không thể mặc cả với chân sư thăng thiên. Tại sao con không thể? Trước hết vì như các thày có nói, con không thể dùng vũ lực để xông lên thiên đàng. Nhưng thêm vào đó, vì các thày không muốn thấy con tìm cách dùng vũ lực xông lên thiên đàng, vì các thày biết rõ cách duy nhất để thăng thiên là buông bỏ. Một lý do nữa là muốn mặc cả, phải có điều gì đó mà cả hai bên đều mong muốn. Nhưng trên địa cầu liệu có điều gì mà một chân sư thăng thiên có thể mong muốn hay chăng?

Biết bao nhiêu các con đã bị cái nhìn tôn giáo truyền thống kia ảnh hưởng và cho rằng Thượng đế, đấng Thượng đế tối cao của vũ trụ, cần được thờ phượng bởi những con người trên hành tinh nhỏ bé này, và do đó họ phải đến nhà thờ mỗi chủ nhật, phải quỳ gối và lẩm nhẩm những lời cầu nguyện đã được định sẵn, như thể Thượng đế cần chuyện đó, như thể ngài cần sự chú ý hay năng lượng của con người. À, ai mới là kẻ cần đến chú ý và năng lượng của con người? Sa nhân, tà lực, là những kẻ không có khả năng tự mình nhận được năng lượng từ một nguồn cao hơn.

Các thày đã thăng thiên là vì các thày nhận năng lượng trực tiếp trong bản thể mình từ một nguồn cội cao hơn. Các thày tự đủ. Các thày không cần bất kỳ năng lượng nào từ ngoài mình. Các thày không cần sự chú ý từ ngoài mình. Các thày có cần gì nữa hay muốn gì nữa chăng? Không gì nữa, tuyệt nhiên không có gì nữa. Một khi đã thăng thiên thì không cần gì nữa từ địa cầu. Các thày không cần con chú ý. Các thày không cần ai thờ phượng, cho nên làm sao con có thể mặc cả với các thày đây? Làm sao con có thể cống hiến điều gì để các thày nói: “Ừ há, người này đã cho ta điều ta muốn, cho nên ta sẽ cho người đó thăng thiên?” Làm sao các thày có thể cho con thăng thiên? Làm sao các thày có thể cho phép con thăng thiên? Đây hoàn toàn là sự chọn lựa tự quyết của con dựa trên sự buông bỏ mọi dính mắc với địa cầu.

Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là không có một khối lượng bài chú nào mà con có thể đọc để hội đủ tư cách thăng thiên. Điều này không có nghĩa là con không cần đọc chú để biến hóa năng lượng, nhưng tự thân bài chú không thể đưa con lên cõi thăng thiên, vì trong tâm con cần có một sự giải quyết, là buông bỏ mọi dính mắc, buông bỏ mọi ham muốn và đạt tới điểm con có thể ngoái nhìn lại trái đất mà không còn gì níu kéo con trở xuống đó. Con có thể ngồi dưới cây Bồ đề, con có thể nhìn tất cả ma quỷ của Mara, tất cả mọi thế lực của thế gian này diễn hành trước mắt, và cho dù chúng có làm gì, nói gì, bày ra những gì, cho dù chúng có làm gì với nhau, có làm gì tới con người, thì không có gì ở đây, không có gì trong đó mà con phản ứng lại.

Điều này không thể thực hiện được bằng vũ lực, không thể đạt được bằng bài chú, và không thể làm được bằng học tập. Con chỉ có thể đạt được qua một sự nhận biết nhạy bén giúp con nhìn ra các ảo tưởng và từ bỏ chúng. Đó là sự buông bỏ, buông bỏ, buông bỏ sau khi buông bỏ sau khi buông bỏ. Có lúc nào sự buông bỏ sẽ ngừng lại chăng? Có, sau khi con thăng thiên, nhưng ngay cả khi đó, con vẫn buông bỏ cái ý niệm bản sắc giới hạn như một chân sư thăng thiên để đạt đến một bản sắc cao hơn nữa như một chân sư thăng thiên. Các thày đã có nói là con thăng thiên trong tư cách Ki-tô, nhưng sau khi thăng thiên một thời gian, con có thể đạt đến mức quả vị Phật. Nhưng con chỉ làm được vậy bằng cách buông bỏ ý niệm bản sắc giới hạn để vươn lên một ý niệm bản sắc cao hơn.

Mối quan hệ các thày mong muốn là như thế nào? À, các thày mong muốn một mối quan hệ mà trước hết, con cởi mở để nhận được một điều gì đó từ các thày. Con mở tâm ra để nhận những gì các thày thấy sẽ giúp con vươn lên từ tầng tâm thức hiện thời của con lên tầng kế tiếp. Điều này có nghĩa là nếu con muốn như vậy từ các thày, con cần nhìn vào các kỳ vọng của con. Làm đệ tử của chân sư thăng thiên có nghĩa là gì, và quan hệ với các thày có nghĩa là gì? Con có thể nhận được gì từ các thày? Con muốn điều gì từ các thày? Con chờ đợi những gì? Liệu con chờ đợi như ta đã nói, một loại trải nghiệm siêu phàm nào đó khi con gặp chân sư? Liệu con chờ đợi các thày sẽ hiện ra trước mắt con và trao cho con những chỉ dẫn cụ thể sẽ khiến con cảm thấy mình thật đặc biệt, đặc biệt hơn người khác?

Nếu con có những kỳ vọng như thế thì chúng sẽ chặn nghẽn khả năng của các thày để giao tiếp với con một cách trực tiếp hơn, vì kỳ thực con sẽ làm ngơ hay bác bỏ những điều các thày nói. Con sẽ nghĩ: “Ồ, cái này không thể đến từ chân sư thăng thiên. Nó không đúng với kỳ vọng của tôi về những gì một chân sư thăng thiên phải nói với tôi, cách chân sư phải phát biểu như thế nào và phải hiện ra như thế nào.”

Một lần nữa, ở những mức sơ khởi trên đường tu, nhiều khi các thày sẽ không cho con một sự giao tiếp trực tiếp vì con không cởi mở với nó, cho nên các thày sẽ cố giao tiếp với con qua những người khác. Đó là vì sao nếu vị sứ giả là một con kiến thì con hãy lắng nghe nó, vì con chưa sẵn sàng nghe thấy các thày trực tiếp.

Nhưng vấn đề tệ nhất cho các thày, trở ngại khó khăn nhất cho các thày là loại đệ tử có thành kiến rất cố định về mối quan hệ của họ với các thày phải như thế nào. Trong một số môn phái Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, người ta có khái niệm “nắm chặt, giữ chặt lấy quan điểm của mình.” Đó là vì các vị thày Phật giáo đó nhận thấy nhiều người đến tu tập với quan điểm và niềm tin có sẵn, và họ cứ nắm chặt lấy như thể đó là chuyện sinh tử. Các vị thày đó đã nhận ra là loại học trò này không cởi mở.

Các thày đã nói điều này nhiều lần và ta sẽ nói lại một lần nữa, nếu con thực sự muốn có quan hệ với các thày, con hãy xem xét bản thân mình. Hãy xem xét quan điểm của mình. Liệu con có một số quan điểm thật kiên cố? Những quan điểm mà con bám lấy rất chặt? Mà con cảm thấy nhu cầu phải bênh vực? Mà con cảm thấy phải bác bỏ bất cứ ai chất vấn hay không chia sẻ quan điểm của mình? Liệu con có một ý tưởng rất, rất kiên cố về những gì một chân sư thăng thiên phải nói hay không được nói? Trong trường hợp đó, nếu con sẵn lòng thành thật với chính mình, con sẽ biết là con không cởi mở với một sự tương tác trực tiếp với các chân sư thăng thiên.

Suốt nhiều năm trời với những đợt truyền pháp khác nhau của chân sư thăng thiên, các thày đã chứng kiến một khuôn nếp nhất định cứ diễn đi diễn lại hoài hoài. Chẳng hạn các thày thấy một nhóm học trò – có thể là một nhóm học trò từ một quốc gia nào đó – và dựa trên văn hóa cùng lịch sử của quốc gia này, họ mang sẵn một quan điểm mà họ vô cùng gắn bó. Nó vô cùng quan trọng trong nền văn hóa của họ. Họ giữ chặt ý tưởng là nó phải đúng, do đó vì chân sư là bậc cao siêu chắc chắn phải biết rõ sự thật, cho nên chân sư không bao giờ được nói gì sẽ chất vấn điều họ tin là cái nhìn tối hậu về một sự việc nào đó.

Khi các thày nói ra một điều gì chất vấn niềm tin đó thì các thày từng thấy nguyên nhóm học trò xác quyết: “Ồ, sứ giả này không phải là sứ giả đích thực, bởi vì một chân sư thăng thiên đích thực không thể nào nói ra lời này.” Thế là họ rút ra khỏi giáo lý. Các thày từng thấy những cá nhân cũng hành xử tương tự bởi nhiều lý do khác nhau. Thường là vì trong tâm lý của họ, họ chạm trán với một điều gì mà họ không sẵn sàng xem xét hay từ bỏ, mà các thày thì lại nói ra những lời chất vấn cái đó, cho nên họ phải gạt bỏ lời nói của các thày. Có một số học trò đến với giáo lý của chân sư thăng thiên với một số ngã tách biệt mà họ không sẵn sàng xem xét, không sẵn sàng buông bỏ. Họ đã tạo ra một ngã tách biệt khác bảo rằng: “Tôi không phải từ bỏ điều này.” Họ không phải xem xét nó vì họ nghĩ người ta có thể thăng thiên mà không cần xem xét khía cạnh này của tâm lý mình. Họ tin rằng họ có thể làm những chuyện khác, chẳng hạn như nếu họ thỉnh đủ số lượng lửa tím thì họ sẽ không cần nhìn vào điều này trong tâm lý họ mà vẫn có thể thăng thiên.

Rất nhiều lần các thày đã nói gì? Con không thể thăng thiên với một tâm lý chưa giải quyết. Một chân sư thăng thiên không có tâm lý chưa giải quyết. Con thấy có những người bị phật lòng vì điều này. Đó là những người trong một đợt truyền pháp trước – khi có lời dạy được đưa ra là con có thể thăng thiên sau khi cân bằng 51% nghiệp chướng của mình – đã hiểu lời đó theo nghĩa đen, nghĩa là nếu có ai cân bằng được 51% nghiệp của mình thì người đó có thể thăng thiên, và một khi họ thăng thiên thì họ trở thành một chân sư thăng thiên. Nhưng nếu con biết một số người đã băng qua tấm màn cuộc đời sau khi được sứ giả đợt truyền pháp đó cho biết là họ đã cân bằng 51% nghiệp chướng, thì con sẽ dễ dàng thấy được là họ vẫn còn một số tâm lý chưa giải quyết. Điều mà họ không sẵn lòng xem xét là liệu họ có thể thực sự trở thành chân sư thăng thiên khi họ vẫn còn tâm lý chưa giải quyết? Hiển nhiên là không.

Có thể có ai đó đã cân bằng hơn 51% nghiệp của mình và không phải trở lại đầu thai, nhưng người đó vẫn phải bỏ ra một thời gian trước khi trở thành chân sư thăng thiên, vì trước tiên họ phải giải quyết xong tâm lý cái đã. Như Mẹ Mary có giảng, phần 51% nghiệp chướng là nghiệp con mang với người khác và phần 49% là nghiệp con mang với chính con dưới dạng tâm lý chưa giải quyết, nhưng phần này thì con có thể cân bằng mà không đầu thai. Đối với hầu hết mọi người, nếu họ ở trong hiện thân thì họ sẽ cân bằng nhanh hơn là khi đứng ngoài hiện thân. Nhưng đối với một số người, họ đã chọn làm vậy và do đó họ sẽ tốn một số thời gian.

Có người bám quá chặt vào những điều được nói trong các đợt truyền pháp trước đến độ họ đã chối bỏ khi các thày chất vấn điều đó trong đợt truyền pháp này. Họ chối bỏ sứ giả này. Họ chối bỏ các thày vì các thày không nói những điều mà họ nghĩ các thày phải nói.

Nhiều người khác trong các đợt truyền pháp khác nhau có cùng những dính mắc đó vào một số quan điểm, một số góc nhìn đến độ họ đến với giáo lý cốt yếu là để xác chứng các niềm tin kiên cố của họ. Và khi không nhận được xác chứng thì họ tìm ra một lý cớ nào đó để chối bỏ giáo lý.

Nhiều người bị rơi vào một khuôn nếp đặc trưng là họ tìm thấy một lời dạy, họ chấp nhận sứ giả là vị sứ giả của đợt truyền pháp đó, và họ tin đó là vị sứ giả đích thực nhận được lời truyền đọc từ chân sư thăng thiên. Nhưng rồi xuyên qua sứ giả, các thày chất vấn một trong những quan điểm mà họ không sẵn sàng từ bỏ hay tra vấn.

Thế là họ lý luận: “Ồ hỏng rồi, chuyện gì đã xảy ra cho sứ giả rồi. Khi chúng ta bước vào tổ chức này, chúng ta đã không sai lầm nhận định sứ giả này là vị sứ giả chân chính. Nhưng giờ đây có chuyện gì đã xảy đến và sứ giả này không còn là sứ giả chân chính nữa. Ông ấy hay bà ấy đã bị tước mất trách vụ và hiện đang liên lạc với hàng ngũ thày giả hay những kẻ mạo danh. Cho nên chúng ta phải rời tổ chức và bác bỏ bất cứ lời dạy nào từ một thời điểm nào đó trở đi.” Các thày đã chứng kiến sự kiện này mấy lần trong mấy đợt truyền pháp, mỗi lần đại khái với cùng những lập luận như thế. Và tại sao chứ? Bởi vì đó là cùng cái tâm lý chưa giải quyết nơi đệ tử khiến họ phải bác bỏ sứ giả hầu họ không phải nhìn vào cái đà trong mắt họ.

Đây là một điểm con có thể cảnh giác nơi chính mình, con có thể nhìn xem: “Liệu tôi có một niềm tin nào mà tôi bám chặt đến độ tôi không muốn các chân sư thăng thiên thách đố?” Và nếu con có mang loại niềm tin đó thì con có thể nói: “À, không thể nào chính tôi trong tư cách cái Ta Biết đang bám chặt lấy quan điểm đó, bởi vì cái Ta Biết không thể bám vào bất cứ quan điểm nào trên địa cầu, cho nên đây chỉ có thể là một cái ngã tách biệt. Và nếu tôi muốn tinh tiến, tôi sẽ phải xem xét ngã tách biệt này và đạt tới điểm có thể buông nó ra, buông cho nó chết đi, buông quan điểm đó và ngộ ra là phải có một cách hiểu biết cao hơn. Và tôi muốn hiểu biết cao hơn này thay vì cứ bám giữ cái hiểu biết giới hạn kia.”

Nói cho cùng, điều gì sẽ giúp con hội đủ tư cách để thăng thiên? Phải chăng là bám giữ ý tưởng của mình, ôm chặt lấy ý tưởng, hay là buông nó ra? Chỉ bằng cách buông bỏ thì con mới có thể trở về trạng thái mà cái Ta Biết đã đi xuống thế gian và do đó cũng sẽ thăng lên. Như Giê-su đã diễn tả thật hùng hồn cách đây 2000 năm: “Chỉ duy nhất con người đã đi xuống từ thiên đàng mới có thể thăng trở lại lên thiên đàng.”

Con muốn gì từ một mối quan hệ, từ mối quan hệ của con, mối quan hệ cá nhân của con với các chân sư thăng thiên? Con muốn gì? Không phải cái mà sa nhân muốn hay cái mà sa nhân muốn con muốn. Không phải cái mà người đời muốn hay cái mà họ muốn con muốn. Không phải cái mà tự ngã hay ngã tách biệt của con muốn hay cái mà nó muốn con muốn. Không, con muốn gì chứ? Ở mức tâm thức hiện thời của con, với mức nhận biết hiện thời của con, mức nối kết hay không nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, trải nghiệm hiện thời hay thiếu trải nghiệm của con về sự nhận biết thuần khiết, con muốn gì chứ? Con có muốn bước lên bực thang kế tiếp trên cái thang 144 bực? Nếu con muốn vậy thì cái cơ chế, cơ học của chuyện này thật giản dị. Ngay bây giờ con đang mang một ảo tưởng mà con không thể nhìn thấy. Chỉ bằng cách nhìn ra ảo tưởng đó và đón nhận một tầm nhìn cao hơn – cao hơn một chút thôi – thì con mới có thể vươn lên bước kế tiếp. Con không thể nhảy từ nơi con đang đứng lên thẳng tầng 144. Con phải đi qua tất cả mọi bước, từng bước một.

Con muốn gì chứ? Nếu con muốn sự tăng triển này thì con không thể nắm chặt vào các ý tưởng của mình. Con không thể nắm chặt vào ảo tưởng đã ngăn con vươn lên bước kế tiếp mà đồng thời lại vươn lên được bước kế tiếp. Con không thể ăn hết bánh mà lại vẫn còn bánh. Con không thể có được đức Phật của con mà lại thần tượng hóa đức Phật. Con không thể có được các chân sư thăng thiên của con mà lại phóng chiếu những đặc tính nhân phàm hay sa ngã lên chân sư thăng thiên. Đơn giản là có những thứ không thể đi đôi với nhau.

Các thày thấy có một số đệ tử không tin như vậy. Họ không chấp nhận điều đó, vì họ cả tin vào lời dối gạt của sa nhân rằng họ có thể tìm cách gian lận để lên thiên đàng. Một số sa nhân vẫn tin là chúng có thể tìm ra cách thay đổi quan điểm của Thượng đế vì chúng xem đó là quan điểm của Thượng đế, là sự phán xét của Thượng đế đối với chúng. Chúng nghĩ là ngài đã phán xét chúng, ngài đã cưỡng ép chúng phải sa ngã, và chúng phóng chiếu ra là một sinh thể bên ngoài đã gây chuyện đó cho chúng. Và do đó để quay trở về trạng thái cũ, chúng phải thay đổi sinh thể bên ngoài đó, phải thay đổi quan điểm cùng sự phán xét của sinh thể đó đối với chúng. Và chúng vẫn nghĩ là chúng có thể tìm ra cách làm chuyện này vì chúng vẫn chưa nhìn nhận là chính những chọn lựa của chúng mới khiến chúng sa ngã, và sự thay đổi duy nhất mà chúng cần làm là thay đổi các chọn lựa đó đi, thay đổi cái tâm lý đó đi.

Cho nên chính chúng mới cần thay đổi. Đây là một sự thay đổi nội tâm cần phải xảy ra, và không một nỗ lực gian lận hay khuynh đảo nào sẽ đem chúng lên thiên đàng. Và đối với các con cũng vậy, các đệ tử của chân sư thăng thiên. Con không thể khuynh loát các thày, con không thể đánh lừa các thày, con không thể mặc cả với các thày. Con không thể khiến các thày thương hại con. Tại sao như thế? Vì các thày không muốn con lên thiên đàng trong tư cách một con người – nếu giả dụ điều này có thể xảy ra.

Các thày muốn con trở thành chân sư thăng thiên như các thày đang là, và con chiêm nghiệm sự tự do cùng niềm vui không sao tưởng tượng nổi mà các thày đang cảm thấy, vì nó vượt khỏi mọi cảm giác mà con có được trên địa cầu. Các thày không thể nào truyền đạt được cảm giác này cho con, chắc chắn là không thể qua ngôn từ. Nhưng các thày hy vọng có thể trao cho con một hé thoáng là trên cõi thăng thiên có một điều gì đó mà con mong muốn hơn bất cứ gì trong tâm thức nhân phàm. Và làm thế nào con đạt được chứ? Bằng cách từ bỏ tâm thức nhân phàm. Yêu cầu chỉ có vậy thôi. Các dính mắc đều đến từ tâm thức nhân phàm. Chúng phải được buông bỏ. Con thử nhìn xem con có đang bám giữ cái gì không. Đâu là cách duy nhất để giải thoát khỏi cái đó? Nếu con cứ nắm chặt một cái gì trên địa cầu thì con cũng buộc chặt con vào địa cầu. Đâu là cách duy nhất để được tự do? Có phải đó là thay đổi một cái gì trên địa cầu hay là đơn giản buông tay ra và để cho nó rơi xuống?

Chính sự buông tay này sẽ giải thoát con khỏi dính mắc. Chừng nào con còn nắm chặt ý tưởng của mình, làm sao con có thể thoát khỏi chúng đây? Điều này không thể. Cho dù con có tìm cách thao túng thế giới, thao túng người khác, Thượng đế hay các chân sư thăng thiên đến chừng nào, thì con cũng không thể thoát ra được. Chỉ có một cách mà thôi, và để giúp con tìm đường trở về, các thày cống hiến cho con một mối quan hệ trực tiếp với các thày. Nhưng các thày không thể cưỡng ép con, các thày sẽ không cưỡng ép con. Con mới là người phải đáp ứng các yêu cầu bằng cách tiếp nhận lời dạy của các thày, đem ra áp dụng và buông những gì ngăn cách con với các thày.

Con không thể có một mối quan hệ trực tiếp với các thày xuyên qua tự ngã của con hay các ngã tách biệt, mà chỉ bằng cách vượt khỏi ngã tách biệt và ngộ ra sự nhận biết thuần khiết của con. Nhận biết thuần khiết là một tâm thái trung hòa. Nó không mang đặc tính những quan điểm kiên cố, quan điểm đối cực hay cảm xúc mãnh liệt. Ta là Phật. Ta trụ trong một tâm thái trung hòa so với tâm thái nhị nguyên. Đề mô tả nó đầy đủ, ta có thể dùng những từ khác, nhưng những từ này sẽ ích gì cho con? Ta sẽ mô tả là nó khác biệt với tâm thái của con để con có thể nhìn ra đây thực là cái con muốn. Trong số các con có ai là avatar thì đang mong mỏi trở về với tâm thái tự nhiên hơn mà con từng có trên một hành tinh tự nhiên. Và con có khả năng có được tâm thái này, con có thể có nó ngay trên hành tinh này nhưng chỉ khi nào con buông bỏ những gì đang ngăn cách con khỏi nó.

Với lời này, ta đã trao cho con những gì ta muốn trao trong bài truyền giảng này. Ta có thể nói nhiều hơn nữa, và rất nhiều điều hơn nữa sẽ được ban truyền. Sứ giả này đã nỗ lực tu tập trong một thời gian dài để sẵn sàng nhận được một lời dạy trực tiếp hơn từ ta, nó có thể sẽ được ban truyền trong một tương lai không quá xa. Ta có rất nhiều điều để trao cho con cùng những ai trên địa cầu cởi mở với một lời dạy trực tiếp từ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

Giờ đây ta cũng gửi lời cảm tạ của ta cũng như tất cả các thày đến tất cả các con đã tham dự buổi hội nghị này. Một lần nữa, các thày đã đạt được những gì các thày mong muốn đạt được, các thày đã vượt quá mức tối thiểu mà các thày mong muốn đạt được, qua số người cùng sự sẵn lòng của các con mở tâm ra, buông bỏ định kiến để nhận được lời dạy.

Các thày rất biết ơn điều đó. Một lần nữa, nó đã xoay chuyển tâm thức tập thể, nó đã giải thoát nhiều người là những con người sáng tạo hơn, cởi mở với các ý tưởng mới về quan hệ. Và với thời gian, nó sẽ tỏa rộng giống như những vòng tròn trên mặt nước và thực sự mở ra khả năng càng ngày càng có nhiều người hòa điệu với mối quan hệ của Thời Hoàng kim. Họ có khả năng mở tâm ra để thử nghiệm mối quan hệ này, và trải nghiệm một dạng quan hệ mới hơn và cao hơn không dựa trên vũ lực, mà dựa trên dòng chảy tự do của năng lượng sáng tạo của Thượng đế. Với lời này, ta biết ơn và niêm các con trong sự an bình hoan hỉ của đức Phật mà ta là.