Các cuộc biểu tình tại Iran

Hỏi: Thưa thày có điều gì muốn nói về Iran và cuộc nổi dậy tại Iran hay chăng? Liệu thày có thấy là trong tương lai gần, dân chúng Iran sẽ đột phá để giành tự do hay chăng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền dân chủ. Đăng ngày 14/11/2022.

Tình hình tại Iran đáng khích lệ, theo nghĩa là người dân đang khởi sự đứng lên bảo vệ cho bản thân mình và quyền tự do của mình theo một cách mà họ đã không làm trước đây. Nó đáng khích lệ theo nghĩa là, phần lớn, nó do giới phụ nữ điều động. Nó cũng đáng khích lệ theo nghĩa đây là phản ứng tự phát của quần chúng, chứ không do một nhóm lãnh đạo tập trung nào điều khiển.

Hiện có một số nhà bình luận trên thế giới nhìn vào tình hình này và bảo rằng phong trào này không có hy vọng thành công, không có khả năng lật đổ chính quyền vì nó thiếu sự lãnh đạo – không có một nhóm lãnh đạo rõ rệt nào có thể tiếp quản nếu tầng lớp giáo sĩ phải rút lui. Nhưng nhìn từ góc cạnh của một chân sư thăng thiên, điều ta thấy là phong trào này không phải do một thiểu số thượng lưu quyền lực đối địch đang tìm cách lật đổ thiểu số thượng lưu quyền lực nắm quyền, mà đúng hơn đó là một phong trào quần chúng. Và điều này rất đáng khích lệ.

Con hỏi liệu ta có thấy một sự đột phá nào gần kề hay không? Tùy theo con định nghĩa “đột phá” là như thế nào. Liệu ta có thấy chính quyền hiện hữu tại Iran bị lật đổ và được thay thế bởi một chính quyền dân chủ hơn, thì điều này không nhất thiết là kịch bản có xác suất cao nhất. Nó có khả năng xảy ra, nhưng không phải là kịch bản có nhiều khả năng nhất – chắc chắn không trong ngắn hạn. Nhưng rõ ràng là khi càng ngày càng có nhiều người đứng lên với lập trường này thì chính quyền đương nhiệm rốt cuộc hoặc sẽ phải sụp đổ, hoặc sẽ phải nhượng bộ và trao nhiều tự do hơn cho dân chúng.

Một lần nữa, đây là một điều khó tránh khỏi khi tuyệt đại đa số dân chúng Iran đều biết là họ đang bị thành phần lãnh đại tôn giáo áp bức. Họ biết rõ cả đất nước họ đang bị kìm hãm, bị cầm giữ ở một mức nghèo giả tạo do chế độ kềm kẹp, lạc hậu này. Phần lớn quần chúng đều muốn sự thay đổi, nhưng họ chưa thực sự đạt tới điểm sẵn lòng đứng lên đòi sự thay đổi, tự ý đứng lên và tuyên bố: “Chúng tôi không thể chấp nhận chuyện này được nữa.” Và đây chính là những gì mà các chị em phụ nữ đó đang bắt đầu làm.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều thứ mà họ có thể học hỏi – rất nhiều bước đột phá mà họ cần thực hiện như: Chúng ta thực sự phản đối cái gì? Chúng ta thực sự muốn gì? Chúng ta muốn một quốc gia như thế nào? Câu hỏi to lớn không chỉ cho Iran mà còn cho nhiều quốc gia Hồi giáo khác là: Chúng ta có muốn một nền dân chủ thế tục hay không? Hay chúng ta cứ tiếp tục một hình thức thần quyền bị đạo Hồi chế ngự?

Con không thể nào có một nền dân chủ thịnh vượng hiện đại mà lại bị chế ngự bởi một tôn giáo độc nhất như Hồi giáo đang chế ngự quốc gia Iran ngày nay. Điều này không thể làm được. Con cần quyết định, liệu con đã sẵn sàng đoạn tuyệt với đạo Hồi trong các khía cạnh bảo thủ, áp chế nhất của nó hay không? Điều này không có nghĩa là con phải từ bỏ đạo Hồi, nhưng con phải từ bỏ cái phiên bản bảo thủ, lạc hậu của nó. Con có sẵn sàng làm điều đó không? Con có muốn nhiều thịnh vượng hơn, nhiều tự do dân chủ hơn, và con có muốn nó đủ để sẵn lòng từ bỏ các khía cạnh lạc hậu của đạo Hồi không?

Một câu hỏi tương tự cũng được đặt ra cho hầu hết các quốc gia Hồi giáo khác. Không có cách nào xây dựng một quốc gia tân tiến và trù phú mà vẫn bị hạn chế bởi giới luật Sharia cùng các yếu tố lạc hậu khác của đạo Hồi.