Chìa khóa 32: Tương tác bất nhị

Chân sư Thăng thiên Đức Maitreya qua trung gian Kim Michaels.

Bây giờ thì chúng ta tới điểm mấu chốt đã từ lâu nay là lý do duy nhất ngăn cản những người thuộc thành phần mười phần trăm phía trên của nhân loại bước ra cai quản hành tinh này. Điểm này liên quan đến cách con cư xử với người khác, và điều tuyệt đối cơ yếu là những người tâm linh trong thời đại này có quyết tâm không khoan nhượng tìm ra cách đối xử với nhau một cách bất nhị. Chương này sẽ cống hiến một vài gợi ý.

Một trong những dối trá nhị nguyên hấp dẫn nhất là quan niệm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Một dối trá vi tế tương tự khác là quan niệm mọi việc trong vũ trụ vật chất có tính chất thực và thường hằng tối hậu. Và dối trá thứ ba là những chuyện xảy ra trong vũ trụ vật chất có tầm quan trọng thực sự trong thế gian này. Khi ba dối trá này kết hợp với nhau thì con có cơn bão tuyệt hảo khiến con người bị một sinh hoạt trong thế giới vật chất hoàn toàn bao trùm, khiến họ mù quáng và dính mắc tình cảm. Khi đó, con người bắt đầu hành xử như thể kết quả của nỗ lực của họ có tầm quan trọng tối hậu, tỷ dụ như sự sinh diệt, hay tiêu diệt và cứu rỗi, của thế giới. Và vì nỗ lực của họ có một tầm quan trọng vĩ đại như vậy, nên để đạt mục đích, họ được quyền đối xử với người khác một cách hiển nhiên đi ngược lại giáo lý của tôn giáo của họ. Tự ngã của họ lý luận rằng: việc mình bạc đãi người khác đâu có quan trọng vì hành động của mình nhằm mục đích cứu rỗi linh hồn của con người hay cứu rỗi thế giới.

Sự điên rồ dựa trên tôn giáo này giản dị phải chấm dứt, và thày kêu gọi những ai đã đọc quyển sách này hãy đứng lên làm tiên phong cho một nền văn hóa trong đó con người trên trái đất đối xử với nhau như những sinh thể trên cõi tâm linh. Có nghĩa là đối xử không lừa đảo, khuynh loát, giả dối, phán xét, thiếu nhân từ, không dùng tình thương để kiểm soát hay một trong những trò chơi nhị nguyên khác. Thày kêu gọi con người hãy tìm ra cách tương tác với nhau một cách bất nhị.

Sự thực – như thày đã giảng trong các chương trước – là không có gì trong vũ trụ vật chất có tính chất thực tối hậu vì không có gì trong thế giới này đạt được sự thường hằng của thế giới tâm linh. Thế giới này không phải là một mỏ đá nơi con người tạc tượng đá, mà là một bãi chơi cát trong đó những lỗi lầm tương đối dễ xóa bỏ. Do đó, những diễn biến xảy ra trong thế gian này không có tầm quan trọng tối hậu và vĩnh viễn. Sự cứu rỗi của con nhiên hậu không tùy thuộc những hành động vỏ ngoài của con trong thế gian này, mà tùy thuộc trạng thái tâm thức của con. Lẽ tất nhiên, những gì con làm trong thế gian phản ánh trạng thái tâm thức của con, nhưng điểm quan trọng là con chỉ có thể bước vào cuộc sống vĩnh cửu khi con cải tạo tâm thức, chứ không phải hành động vỏ ngoài của mình.

Điều có tầm quan trọng tối hậu không xảy ra bên ngoài con – là kết quả của hành động của con – mà là những gì con cho phép xảy ra bên trong con trước những chuyện xảy ra bên ngoài con – là phản ứng của con. Do đó, con không có cái nhìn đúng khi con coi một sinh hoạt trên trái đất có thể đem lại sự tiêu diệt hay cứu rỗi của thế giới. Ta phải coi trái đất như một rạp hát trong đó mọi chuyện xảy ra chỉ là sân khấu, khung cảnh dàn dựng và dụng cụ sân khấu. Như văn hào Shakespeare – một sứ giả của Đại đoàn Thăng thiên – có nói: “Thế giới là một sân khấu”. Mỗi con người là một diễn viên tạm thời khoác vào một y trang, là xác thân vật lý và cá tính vỏ ngoài. Con biết là những gì được diễn bày trong một vở kịch chỉ là một câu chuyện, vậy mục đích của vở kịch là gì? Ấy, một vở kịch hay có tác dụng chuyển hóa cả diễn viên lẫn khán giả. Thày muốn nói là trái đất là một sân khấu được thiết kế để các diễn viên – con người – có cơ hội tham gia vào vở kịch – trong đó họ có thể đóng bất kỳ vai nào họ muốn – qua đó họ được chuyển hóa và đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn. Điều quan trọng không phải là những tình tiết trong vở kịch, mà là sự chuyển hóa của diễn viên. Tiến trình quan trọng hơn kết quả, hành trình quan trọng hơn điểm đến.

Những người tâm linh trưởng thành cần phát triển một ý niệm thiết thực về điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng. Thí dụ, việc một tôn giáo quy tụ được nhiều tín đồ và chiếm vai trò thượng phong trong một nước hay thế giới, không có tầm quan trọng hoàn vũ. Sự thành công, nhìn từ góc độ tâm linh, không giống sự thành công dưới con mắt đa số nhân gian. Đại đoàn Thăng thiên không hề có ước muốn thấy một tôn giáo chiếm thế thượng phong, vì các thày chỉ coi tôn giáo như một dụng cụ để nâng tâm thức con người. Nếu một tôn giáo – dù nhỏ thế nào – thực sự chuyển hóa con người và giúp họ tới gần tâm thức Ki-tô hơn, thì tôn giáo đó thành công. Nhưng nếu một tôn giáo chỉ dẫn con người tới trạng thái đui mù tâm linh và cuồng tín, thì nó không phải là một thành công, dù nó chinh phục được toàn thể thế giới. Một tôn giáo đạt được gì nếu nó chiếm được toàn thế giới nhưng lại đánh mất linh hồn của các thành viên?

Điều thày muốn nói là mục đích thực của Đại đoàn Thăng thiên là nâng cao tâm thức con người, không phải là đạt một kết quả vỏ ngoài đặc trưng trên trái đất. Các thày quả thật có ước muốn thấy sự thể hiện của một Thời Hoàng kim hòa bình và thịnh vượng, vì một thời đại như vậy sẽ cho con người cơ hội lớn hơn để chú tâm vào việc tăng trưởng tâm linh. Tuy thế, sự khai mở của thời đại này chỉ là một phản ứng phụ của sự tăng triển tâm thức của một khối lượng tới hạn con người. Do đó, mục đích thật của các thày luôn luôn là việc nâng cao tâm thức, và con cũng cần coi đây là mục đích của mình. 

Một thí dụ cực đoan của quan niệm bất quân bình về sinh hoạt thế gian là chiến tranh, trong đó các cá nhân không quan trọng và mọi số lượng cá nhân có thể bị hy sinh để đạt mục đích đánh bại kẻ thù. Sứ mệnh quan trọng hơn con người. Nhưng thày hy vọng là con nay đã thấy quan niệm này hoàn toàn ngược với cách hành xử của Đại đoàn Thăng thiên. Với các thày, sứ mệnh không bao giờ quan trọng hơn con người, vì sứ mệnh chính là con người. Các thày chỉ có quan tâm duy nhất là nâng cao tâm thức con người và các thày không bao giờ giảm thiểu mục đích này để hoàn thành một mục đích vỏ ngoài trên trái đất. Do đó, thày mong muốn các người tâm linh điều chỉnh tư duy của mình và, giống như các thày, không bao giờ coi nhẹ mục đích chân thật nâng cao con người.

Có ích lợi gì chăng nếu các người tâm linh dùng quyển sách này để khai trương một tôn giáo mới và hành xử như thể nó là tôn giáo tối hậu thay thế tất cả các tôn giáo khác, và qua đó đối xử với con người giống như các tôn giáo đã từng đối xử? Sẽ không có ích lợi gì, và do đó điều cơ yếu là các con bỏ công sức điều chỉnh quan niệm của con về mục đích của tôn giáo. Con cần nghiên cứu cách các tôn giáo đối xử với con người và học hỏi các điểm tốt và xấu. Có rất nhiều thí dụ xấu, nhưng cũng có vài thí dụ tốt.

***

Để phát triển các tương tác bất nhị, con cần – như mọi sự – bắt đầu với chính mình bằng cách gỡ cây đà ra khỏi con mắt mình. Nền tảng của tương tác bất nhị là con trước tiên học cách đối xử bất nhị với chính mình. Khi Giê-su dạy con hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho chính mình (Luke 6:31), thì thày thực sự muốn nói là những gì con làm cho người khác, con đã làm cho chính mình. Nếu con đối xử giận dữ với người khác, thì đây là chỉ dấu con giận chính mình trong tiềm thức. 

Bước quan trọng nhất trên bước đường đúng hướng là con không cá nhân hóa cuộc đời mình, tức là con không coi cuộc đời xoay quanh cá nhân mình. Con cần suy ngẫm một cách nghiêm túc bài giảng của thày về bản sắc thực của con, và hoàn toàn thể nhập quan niệm cái ta biết là cốt lõi của con người con. Cái ta biết này hơn thân thể và cá tính vỏ ngoài của con, hơn cả cá tính mà con đã xây dựng qua nhiều kiếp đầu thai. Và khi con bắt đầu nối kết lại với cái ta cao của con, thì con nhận ra là những gì xảy ra trên trái đất không quan trọng bằng sự tiến triển của con trên Con đường Hợp nhất. Do đó, con không được để bất cứ gì trên trái đất đứng giữa con và sự hợp nhất đó, con không được cho phép bất cứ gì ngăn cản con đi bước kế tiếp trên Con đường Hợp nhất. Cách duy nhất để đạt mục đích này là con không bao giờ coi những chuyện xảy ra đều nhắm cá nhân mình, như vậy con khắc phục được sự dính mắc là nguyên do của mọi khổ đau, như Đức Phật đã dạy.

Con cần khắc phục cảm nhận con là một nạn nhân, đây cũng chính là một dấu ấn của tâm thức sa ngã. Vậy con hãy để thày hỏi con một câu hỏi giản dị. Con có một hợp đồng thành văn do Thượng đế ký, nói rằng nếu con đồng ý đầu thai trên trái đất thì con được bảo đảm một số lợi nhuận và được bảo vệ khỏi một số hoàn cảnh không vui? Và nếu con không có một bản hợp đồng như vậy, thì tại sao con lại sống cuộc đời mình như thể con có hợp đồng đó, và qua đó nghĩ rằng con có quyền được hưởng một số điều và bất mãn khi con không được chúng? Nhiều người dường như nghĩ rằng một nhân quyền căn bản là cuộc sống đáp ứng những chờ đợi của họ. Sự thực là quyền căn bản của con là quyền thử nghiệm và trải nghiệm kết quả các chọn lựa của mình, qua đó con vượt lên trên những chờ đợi nhị nguyên, vượt lên trên cả thân phận con người.

Lý do độc nhất của mọi khổ đau con người là những chờ đợi không thiết thực, và những chờ đợi này do tự ngã con người và các thày giả tạo ra. Các sinh thể này rất khéo léo đặt con người vào một thế bí trong đó họ chờ đợi cuộc đời phải diễn bày một cách nào đó, nhưng chờ mong này hoàn toàn không thiết thực. Do đó, con người bỏ ra toàn cuộc đời theo đuổi củ cà rốt treo lủng lẳng trước mũi mình trong khi không có hy vọng gì đạt tới nó. Con người mang bản án phải sống cuộc đời bất toại nguyện và không hạnh phúc trong đó họ chẳng mấy khi tiến bộ tâm linh vì họ không khắc phục được các chờ mong giả tạo và nhiều khi chỉ giản dị “không thiết sống nữa”.

Như thày có giảng, hành tinh địa cầu hiện nay là một môi trường hỗn tạp, do đó chờ đợi có sự toàn hảo của cõi thiên đường trên trái đất giản dị là điều không thiết thực. Để tránh chờ mong quá nhiều và coi cuộc đời quá hệ trọng, con cần nhận biết một cách có ý thức là không có gì trên trái đất có thực tính tối hậu và có tầm quan trọng vĩ đại. Con giống như một diễn viên trên sân khấu, và thân thể và hoàn cảnh sống bên ngoài của con chỉ là sân khấu cho vở tuồng. Con biết dư là diễn viên trong vở kịch là một người thật khoác lên y phục và trang điểm mặt. Nếu diễn viên thiện nghệ thì có thể tự đồng hóa mình với vai tuồng, thậm chí có thể tạm thời cảm thấy y thực sự là Hamlet. Tuy nhiên, khi vở tuồng chấm dứt thì y trút bỏ bộ y phục và quay trở lại con người thực của y. Nếu người diễn viên không chịu trút bỏ bộ y phục và tiếp tục đóng vai Hamlet bên ngoài rạp hát, thì con sẽ tức khắc coi đây là hiện tượng mất trí. Do đó, như một người tâm linh, con cần tách mình ra khỏi sự điên cuồng tập thể cứ muốn đồng hóa mình với và như vai trò mình đang diễn xuất trên trái đất, qua đó coi cuộc đời quá hệ trọng và coi mọi tình huống như xoay quanh cá nhân mình.

Lý tưởng thì con không bao giờ nên coi mọi chuyện như xảy tới riêng cá nhân mình, vì con cần nhận ra con là một sinh thể tâm linh không thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ chuyện gì xảy ra trên trái đất. Như Giê-su có nói, đừng sợ kẻ có thể giết thân thể, mà sợ kẻ có thể tiêu diệt cả thân thể lẫn linh hồn trong địa ngục (Matthew, 10:28). Nhưng ai có thể tiêu diệt linh hồn con? Con có thể đã được lập trình để tin rằng ác quỷ hay các tà lực khác có quyền năng áp chế con và tiêu diệt linh hồn con, nhưng thày hy vọng là các bài giảng của thày đã giúp con thấy đây không phải là sự thật. Không có lực thế gian nào có thể phá hủy cái ta thật của con – trừ sinh thể có quyền kiểm soát quyền tự quyết của con, tức là chính con. Con là người duy nhất có thể phá hủy linh hồn của con, vì con là người quy định bản sắc của mình. Con quả thật có thể chối bỏ trách nhiệm này và cho phép người khác – kể cả tự ngã của con – lấy quyết định hộ con, và lúc đó họ có tiềm năng phá hủy bản sắc thấp của con. Nhưng con phải cho phép họ làm chuyện này, và con có thể – bất cứ lúc nào – lấy lại quyền quy định bản sắc của mình. Sự thực là không hề có một địa ngục mà con không thể thoát ra – đây là một quan niệm do các thần giả chế ra để dọa con người và khiến họ khuất phục. 

Con cần lấy lại quyền làm chủ tâm mình và quy định lại ý niệm bản sắc của mình, để nhận ra con là một sinh thể tâm linh đang tạm thời đóng một vai trong vở tuồng “Hành tinh Trái đất”. Do đó, con không nên coi nó hệ trọng hơn là con coi một vở tuồng. Con có nghe câu ngạn ngữ “vẻ đẹp nằm trong mắt người thưởng ngoạn”. Giống như vậy, xúc phạm nằm trong tâm người cảm thấy bị xúc phạm. Quả thật là có một số người cố tình muốn xúc phạm con, nhưng con là người quyết định cho phép họ xúc phạm mình và qua đó cho phép họ có quyền lực trên tâm mình. Tâm con là thành quách của con, và cái ta biết cần phải hoàn toàn làm chủ những gì xảy ra trong tâm con.

Điều quan trọng nhất mà mọi người tầm đạo cần nhận ra là không có tương quan nguyên nhân-kết quả trực tiếp giữa những gì xảy ra bên ngoài và bên trong tâm con. Vì mọi chuyện xảy ra bên ngoài chỉ ảnh hưởng được tâm con bằng cách đi xuyên qua con – nếu con chấp nhận lời kêu gọi làm chủ tâm mình. Con là người quyết định để cho hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng tâm mình, và chìa khóa – hay bị lãng quên – để đạt được điều ngự và tự do tâm linh là điều khiển việc ngoại cảnh ảnh hưởng – hay đúng hơn, không ảnh hưởng – tâm mình. Nếu con muốn cai quản cuộc đời mình, thì con phải cai quản cách con đáp ứng lại ngoại cảnh. Con cần tạo cho mình tư duy không bao giờ để ngoại cảnh ép buộc mình có tư tưởng hay tình cảm tiêu cực. Trái lại, con hoàn toàn có tự do chọn lựa cách con phản ứng lại ngoại cảnh. Con không bao giờ cho phép người khác ép con đi vào khuôn nếp phản ứng tiêu cực, và do đó con không bao giờ cho họ quyền lực trên tâm con. Điều này chỉ xảy ra khi con không còn cá nhân hóa đời mình và không coi những gì xảy ra đều xoay quanh cá nhân mình. Trước khi con làm chủ hành động của mình thì con phải làm chủ phản ứng của con.

Những gì người khác làm tới con thì họ chỉ làm tới con người vỏ ngoài mà họ thấy, và con biết con hơn con người đó rất nhiều. Con quả thực nên xem những gì người khác làm tới con, họ không thực sự làm vì họ chống con. Họ chỉ giản dị đóng vai trò của họ trong vở tuồng hành tinh – trải bày qua hành động các vướng mắc tâm lý chưa giải quyết của họ. Ngay khi họ tự đồng hóa họ với vai trò của họ, thì con vẫn không cần đồng hóa với vai trò của mình và nhìn họ như vai trò của họ. Chúng ta hãy đào sâu thêm chủ đề này.

***

Thày có giảng là một sinh thể Ki-tô đi vào cuộc đời để cho con người chọn lựa thực giữa thực tại của Ki-tô và ảo tưởng của phản-Ki-tô. Tuy nhiên, con không thể khiến con người hiểu sự khác biệt bằng suy luận trí năng, do đó con cần chứng minh sự khác biệt. Một cách để làm việc này là chứng tỏ con không phản ứng lại cuộc đời và người khác một cách nhị nguyên. Con không cho phép ngoại cảnh hay người khác tước đi sự an bình nội tâm của con, sự hợp nhất giữa con và con người cao của con. Con nói cùng với Giê-su: “Ông hoàng của thế gian – có nghĩa là toàn bộ các lực nhị nguyên – sẽ tới và không tìm thấy gì nơi con” (John 14:30). Các lực nhị nguyên không tìm thấy dấu vết nhị nguyên hay dính mắc trong con người con qua đó chúng có thể ép con phản ứng một cách nhị nguyên. Nếu con muốn ở trong tâm thái không bị cám dỗ phải phản ứng một cách nhị nguyên, thì con phải bước vào trạng thái tha thứ vô điều kiện và không ngừng.

Giống như mọi trường hợp khác, con phải bắt đầu với chính mình bằng cách tha thứ mình vô điều kiện. Chúng ta hãy xem xét quan niệm tha thứ vô điều kiện. Tự ngã của con và các thày giả đã lập trình con để con tin rằng mọi thứ đều có điều kiện, kể cả tình thương và lòng tha thứ. Đây là hệ quả trực tiếp của tâm thức nhị nguyên, biến mọi quan niệm thành nhị nguyên. Lòng tha thứ thực sự là một quan niệm bất nhị, nhưng tự ngã biến nó thành nhị nguyên bằng cách nói rằng nó phải có một đối cực. Từ đó nảy sinh quan niệm để bụng nhớ những gì người khác làm tới mình, và quan niệm không được cứu rỗi nếu không được tha thứ. Các quan niệm này không có thực trong Thượng đế và chỉ hiện hữu trong bóng tối của tâm nhị nguyên. Con lúc đó có một cấu trúc tư tưởng cho rằng nếu con không được tha thứ thì một chuyện rất tai hại sẽ xảy ra cho con. Nó cũng cho rằng con chỉ được tha thứ khi con hội đủ một số điều kiện trên thế gian, và các điều kiện này do tâm nhị nguyên quy định. Nếu con hội đủ điều kiện thì con được tha thứ, nếu không thì con không được tha thứ.

Nhưng sự thực là lý do con cần được tha thứ là vì con đã ăn trái cấm, là tâm thức nhị nguyên. Nếu con tin lời dối trá nhị nguyên về tha thứ, thì con sẽ không bao giờ tìm thấy tha thứ thực sự. Con sẽ nghĩ là con cần hội đủ một số điều kiện nhị nguyên để được tha thứ. Nhưng sự thực là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết, và do đó Thượng đế đã cho con cơ hội nếm mùi nhị nguyên. Lẽ tất nhiên Thượng đế không muốn con – một phần của chính Ngài – bị vĩnh viễn kẹt trong nhị nguyên. Do đó, Thượng đế sẽ tức khắc tha thứ con ngay lúc con quyết định rời bỏ ảo tưởng nhị nguyên và bước lên một bực cao hơn trên Con đường Hợp nhất.

Con có thấy điều thày muốn nói chăng? Con không cần hội đủ bất cứ điều kiện thế gian nào – bất cứ điều kiện nào do nhị nguyên quy định – để được Thượng đế tha thứ. Cơn mưa vĩnh hằng của lòng tha thứ của Thượng đế rơi xuống kẻ thiện lành và kẻ không thiện lành (Matthew 5:45). Vấn đề là kẻ không thiện lành không thể nhận lãnh cơn mưa vì họ không thể buông bỏ ảo tưởng nhị nguyên của họ. Sự thực là kẻ thiện lành cũng thường không thể nhận lãnh, vì họ nghĩ họ cần hội đủ một số điều kiện vỏ ngoài thì mới được Thượng đế tha thứ. Nhưng, như thày đã cố giảng, lòng tha thứ của Thượng đế không có điều kiện, do đó con chỉ cần buông bỏ những điều kiện nhị nguyên mà con đã cài vào tâm mình thì sẽ nhận được sự tha thứ của Thượng đế – chính những điều kiện này đã khiến con nghĩ là có khoảng cách giữa con và lòng tha thứ của Thượng đế. Một khi con nhận ra khoảng cách đó lại là một ảo tưởng nhị nguyên, thì con sẽ hoàn toàn trầm mình trong ngọn Lửa Tha thứ của Thượng đế. Lúc đó con nhận ra là con không cần phải làm gì trên thế gian để xứng đáng nhận lòng tha thứ của Thượng đế. Con chỉ cần giản dị chấp nhận nó, có nghĩa là con phải ngưng làm một số chuyện thế gian, con cần phải ngưng hành động và phản ứng dựa trên tâm thức nhị nguyên. Mỗi bước con đi về hướng tha thứ dựa trên ảo tưởng nhị nguyên chỉ dẫn con đi sâu thêm vào khu rừng rậm của nhị nguyên.

Như một thí dụ, con hãy xem xét là vào thời của Giê-su người Do Thái tin rằng họ có thể đền bù tội lỗi bằng cách dùng súc vật để tế thần. Nhưng họ phạm tội vì họ không thương cảm mọi sự sống. Vậy làm sao giết súc vật vô tội lại có thể đền bù chuyện này? Con có thể tế thần hàng ngàn gia súc – biến ngôi đền của Thượng đế thành một lò sát sinh – mà không tới gần hơn sự tha thứ của Thượng đế. Cách duy nhất để giải thoát mình khỏi tội lỗi là nâng mình lên khỏi ảo tưởng nhị nguyên đã khiến mình gây tội.

Những người tham gia các tôn giáo và phong trào tâm linh có khuynh hướng rất đậm nét dùng giáo lý vỏ ngoài để dựng lên điều kiện ngăn cản họ chấp nhận là họ đã được Thượng đế tha thứ. Tất cả mọi tôn giáo vỏ ngoài đều dựng lên những điều kiện mà con phải hội đủ trước khi được cứu rỗi hay được tha thứ tội lỗi. Thày hy vọng là con nay đã bắt đầu thấy là những điều kiện này luôn luôn do tâm thức nhị nguyên quy định và thường do các thày giả dựng lên, với mục đích khiến con tin rằng con cần họ và tôn giáo vỏ ngoài để được cứu rỗi hoặc khiến con theo đuổi một mục tiêu bất khả thi. Vậy, một lần nữa, điều kiện duy nhất mà con cần hội đủ để được cứu rỗi và tha thứ là con buông bỏ tất cả các điều kiện nhị nguyên đang đặt con bên ngoài vương quốc Thượng đế – vì chúng khiến con chú tâm vào thế giới bên ngoài và do đó ngăn cản con khám phá vương quốc Thượng đế bên trong mình (lẽ tất nhiên, con cũng cần cân bằng nghiệp quả và trong sạch hóa năng lượng đã tha hóa). Con có thấy chăng, vì lòng tha thứ của Thượng đế vô điều kiện, nên con không cần hội đủ điều kiện nào để nhận lãnh nó? Trái lại, chú tâm vào điều kiện sẽ ngăn cản con nhận lãnh cái được trao vô điều kiện và do đó chỉ có thể nhận vô điều kiện.

***

Trong quan niệm con đường tâm linh có một sự vận hành nội tại mà tự ngã của con và các thày giả sẽ tìm cách lợi dụng để chống phá sự tiến triển của con. Ý niệm của con đường là con hiện đang ở một tầng thấp hơn và con tiến lên một tầng cao hơn. Trong quyển sách này, thày đã khẳng định mục đích chính yếu của con đường tâm linh là tâm thức Ki-tô, và con có thể nhìn chính mình và nhận ra là con chưa ở trong tâm thức Ki-tô. Tự ngã của con có thể dùng điều này để khiến con cảm thấy thiếu khả năng hay cảm thấy tội lỗi vì mình chưa đạt được mục đích. Nói cách khác, tự ngã sẽ tìm cách lấy những gì thày mô tả về Con đường Hợp nhất và biến chúng thành những điều kiện mà con phải thành tựu – qua đó con lại leo lên một cỗ máy chạy bộ nhị nguyên không dẫn tới đâu. Thày gợi ý phương pháp sau đây để tránh chuyện này xảy ra.

Có một cầu thang hình xoắn ốc dẫn con ra khỏi bầu cõi này, và ở trên cao nhất là trạng thái bất tử của sự thăng thiên. Mỗi bậc thang tựơng trưng cho một khai ngộ đặc thù, và muốn đạt khai ngộ, thì con phải nhìn thấu và buông bỏ một ảo tưởng nhị nguyên. Làm sao con đạt khai ngộ? À, con cần phơi bày ảo tưởng nhị nguyên để con thấy nó như nó là. Con phơi bày làm sao? Bằng cách con đã được tạo ra để làm, tức là dùng khả năng đồng-sáng tạo của mình để thử nghiệm.  Thượng đế ban cho con quyền tự quyết và quyền thử nghiệm, và cách tốt nhất để học hỏi là làm một thử nghiệm và sau đó lượng định kết quả. Vũ trụ vật chất giản dị là một bộ máy phản hồi tâm linh vĩ đại được thiết kế để cho con một phản hồi khi con làm công việc đồng-sáng tạo bằng cách cho con một trải bày vật lý của những hình tư tưởng mà con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Sự thách thức là con cần khắc phục nỗi sợ thử nghiệm, để con có thể trở về trạng thái tự nhiên – trạng thái thơ ngây của trẻ thơ – trong đó con yêu thử nghiệm. Con thử nghiệm mà không có cảm xúc tiêu cực nào, con chỉ giản dị học hỏi từ mỗi thí nghiệm, bất kể kết quả của nó. Làm sao con phóng chiếu các hình tư tưởng? Con phóng chiếu qua bốn tầng của tâm, có nghĩa là các hình ảnh sẽ bị nội dung của tâm ảnh hưởng. Con giờ đây đã sống nhiều kiếp trong vũ trụ vật chất, và như chúng ta đã thấy, đây là một môi trường đầy nguy hiểm trong đó hầu như không thể tránh bị tâm thức nhị nguyên ảnh hưởng. Do đó con đã mang vào một số niềm tin nhị nguyên, đã bị một số vết thương tâm lý và tích lũy năng lượng tha hóa trong bốn tầng của tâm, và tất cả những cái này sẽ ảnh hưởng những hình ảnh mà con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Mọi khía cạnh của hoàn cảnh vỏ ngoài của con đều là một phản ánh của những hình tư tưởng mà con giữ trong tâm. Tự ngã của con và các thày giả muốn con nhìn tình trạng này theo quan điểm nhị nguyên, đánh giá thành công và thất bại. Nếu con làm điều gì có một hậu quả kém thoải mái thì con đã làm một lỗi lầm, và nếu cuộc đời của con không đạt được một chuẩn mực thế gian nào đó, thì con đã thất bại.

Nhưng sự thực là tất cả những gì xảy ra cho con đều là một cơ hội để con xem xét những hình tư tưởng của mình, khắc phục một ảo tưởng nhị nguyên và chữa lành một vết thương tâm lý. Do đó một hành động thực sự không phải là một lỗi lầm mà là một cơ hội để con bước lên bực kế tiếp của cầu thang hình xoắn ốc. Mỗi hậu quả giúp con phơi bày ảo tưởng nhị nguyên và vết thương tâm lý đã khiến con phóng chiếu một hình ảnh bất toàn lên tấm gương vũ trụ. Và bằng cách quán sát mình một cách cởi mở, con có thể biến mọi hành động – ngay cả những gì thế gian gọi là lỗi lầm – thành một bàn đạp giúp con tiến bộ. Ngay lúc con bỏ lại đằng sau một ảo tưởng nhị nguyên thì Thượng đế tức khắc tha thứ tất cả những gì con đã làm với trạng thái tâm thức đó (con vẫn phải cân bằng nghiệp, là năng lượng tha hóa, nhưng con được tha thứ ngay tức khắc).

Khi con chấp nhận tiến trình này thì con đi vào trạng thái liên tục tự tha thứ mình, trong đó con không coi những lỗi lầm là vấn đề cá nhân của mình. Thày muốn nói gì khi thày nói con không coi mọi việc xoay quanh cá nhân mình? Như thày đã giảng, cái ta biết có nhiệm vụ quy định ý niệm bản sắc của con. Sau khi con rơi vào tâm thức nhị nguyên thì con bắt đầu tạo hình tư tưởng về con người con nghĩ con là, thay vì tạo ý niệm bản sắc dựa trên một trải nghiệm trực tiếp của thực tại neo chặt trong Hiện diện TA LÀ. Hình tư tưởng đó chỉ giản dị là một hình ảnh mà con đã dán lên chính mình, và tuy nó không thực nhưng nó được duy trì bởi niềm tin của con là nó có thực và thường trực. Thí dụ, nếu con phạm một lỗi lầm, thì con có thể rơi vào cạm bẫy nghĩ rằng: “Tôi là một người xấu”, qua đó con dán hình ảnh một người xấu lên trên bản sắc của con, nghĩ rằng nó có thực và thường trực.

Có một khác biệt cơ yếu khi con nói, “Tôi hành động một cách không xây dựng” và “Tôi là một người xấu”. Ta có thể dễ dàng thay đổi một hành động, trong khi ta coi “người xấu” là một sắc thái thường trực. Con có lẽ đã từng nghe khái niệm “phỉ báng tên Thượng đế”. Ấy, tên của Thượng đế là “TA LÀ” (Exodus 3:14), do đó mỗi khi con gán điều gì giới hạn hay tiêu cực sau các từ “Ta là”, thì con đang phỉ báng tên Thượng đế vì con dùng nó để củng cố một hình ảnh tiêu cực về chính mình, một hình ảnh chối bỏ con là một với Thượng đế.

Khi con nhận ra con hơn mọi hình ảnh mà con đã tạo ra trong thế giới nhị nguyên, thì con có thể mau chóng buông bỏ những hình ảnh giới hạn về mình đó. Lúc đó con có thể phát triển thái độ không lên án mình khi con “phạm một lỗi lầm”, vì làm như vậy chỉ củng cố ý niệm là con xấu một cách thường trực. Thay vào đó, con thẳng thắn nhìn vào bài học mà con có thể học và sau đó buông bỏ niềm tin nhị nguyên đằng sau hành động. Chiến thuật của tự ngã và các thày giả là khiến con tin rằng, một khi con đã phạm một lỗi lầm, thì con mãi mãi mang tội và sẽ không bao giờ giải thoát khỏi nó. Nay thày đã cho con thấy là con được giải thoát ngay giây phút con buông bỏ ảo tưởng nhị nguyên đang giới hạn con. Vậy con hãy ra đi và không phạm tội nữa (John 8:11).

Khi con chấp nhận khái niệm tha thứ vô điều kiện thì con sẽ không còn cảm thấy bị đe dọa bởi các lỗi lầm của mình nữa, do đó con có thể sẵn sàng nhìn nhận chúng, học bài học và tiến lên làm chuyện khác. Một khi con đã đi vào tiến trình liên tục tha thứ chính mình, thì con có thể chuyển sang liên tục tha thứ người khác. Con đang cư xử như hiện nay vì con đang ở trên một bực nào đó của cầu thang hình xoắn ốc. Con có một số vết tương tâm lý và một số niềm tin nhị nguyên khiến con đôi khi hành động một cách không tương xứng với các lý tưởng cao nhất của con. Nhưng, thay vì lên án mình đã làm như vậy, con cần tha thứ và tiến lên làm chuyện khác. Chuyện này cũng áp dụng cho những người khác.

Ngay cả những người có vẻ xấu ác nhất chỉ giản dị làm những việc mà họ đang làm vì cá tính vỏ ngoài của họ bị ảnh hưởng bởi những vết thương tâm lý và niềm tin nhị nguyên của họ. Thày muốn nói thật rõ là Thượng đế chưa bao giờ tạo ra bất cứ sinh thể xấu ác nào. Thực sự thì không có người xấu hay ác. Có những bản sắc xấu và ác mà tâm thức nhị nguyên đã tạo ra, và một số người đã chọn lựa mang vào những bản sắc đó. Nhưng những bản sắc đó giống như những bộ y phục mà diễn viên mặc vào trong vở tuồng, và đằng sau mặt ngoài đó là cái ta biết của một người đồng-sáng tạo hay một thiên thần của Thượng đế. Mục đích của cuộc sống trên trái đất là vươn lên trên các bản sắc giả và trở thành người mà con thực sự là. Do đó, con luôn luôn cố gắng giải thoát mình khỏi các bản sắc giả. Lòng tha thứ vô điều kiện đối với chính mình và người khác giải thoát con khỏi cảm giác bị đe dọa. Và một khi con không còn cảm thấy bị người khác đe dọa, thì con có nền tảng để tương tác với họ một cách hoàn toàn mới, không nhị nguyên. Điều này dẫn chúng ta tới một quan niệm rất quan trọng.

***

Con chắc có thấy một nhà ảo thuật lôi một con thỏ ra khỏi một cái mũ mà con tưởng rỗng tuếch. Do đó, ảo thuật dựa trên cái thấy. Tương tự, ta có thể nói là thế giới vật chất là kết quả của một trò ảo thuật, là ảo thuật giữ trong tâm một hình tư tưởng và phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con làm ảo thuật trắng khi con giữ trong tâm một hình ảnh chuyển hóa cuộc sống, và ảo thuật đen khi con giữ một hình ảnh tha hóa cuộc sống.

Nếu con giữ trong tâm một hình tư tưởng giới hạn hay tiêu cực về chính mình và các khả năng của mình, thì con thực sự đang áp dụng ảo thuật đen trên chính mình, và con có thể tạo nghiệp với chính mình khi làm vậy. Giống như vậy, khi con phóng chiếu một hình ảnh tiêu cực lên người khác, thì con có thể giới hạn sự phát triển của người đó, tùy theo mức độ yếu kém của người đó. Nhiều người thực sự đang làm ảo thuật đen lên những người mà họ cho là họ thương yêu nhất, như gia đình thân cận. Họ làm vậy khi họ giữ trong tâm hình ảnh nhị nguyên về những người đó, những hình ảnh dựa trên tình thương vị kỷ tìm cách kiểm soát người khác và khiến họ tuân theo ý kiến và đáp ứng nhu cầu của mình.

Điều thày muốn nói là những người tâm linh trưởng thành cần nhận thức tầm quan trọng của những hình tư tưởng mà họ giữ trong tâm về chính họ và người khác. Không có gì quan trọng hơn điều mà Mẹ Mary đã giải thích trong quyển sách của Mẹ, về giữ niệm tinh khôi. Trong thời gian Mẹ Mary nuôi lớn Giê-su, Mẹ luôn luôn nhìn quá cá tính vỏ ngoài và hành vi của Giê-su, và giữ trong tâm viễn quan về sự hoàn thành sứ vụ tâm linh của Giê-su. Mẹ Mary đã phải làm việc này cho tới lúc cuối cùng, ngay cả khi đứng dưới chân cây thập tự.

Khi con giao tiếp với những người tâm linh khác, con cần khắc phục mọi ý niệm cạnh tranh với người khác. Tất cả các con là phần nối dài của Thượng đế, các con đều là những cá nhân độc đáo, do đó hoàn toàn không có nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau. Một lần nữa, những ai trong các con có khả năng cao nhất nên chú tâm vào việc có tinh thần hợp nhất cao nhất. Trong hợp nhất đó, ghen tỵ và cạnh tranh tan biến đi. Con thấy rõ ràng là chỉ khi nào con nâng người khác lên thì con mới thực sự nâng mình lên. Khi con người bước vào mọi sinh hoạt với tinh thần này, thì những nỗ lực của họ sẽ nhân lên lẫn nhau, và đây là ý nghĩa thật của câu chuyện ẩn dụ về nhân lên các ta-lăng. Chúng ta đã quá nhiều lần thấy các người tâm linh đi vào một sinh hoạt tôn giáo với thái độ bất hài hòa với nhau, và do đó nỗ lực của họ vô hiệu hóa và xóa bỏ lẫn nhau và kết quả là sinh hoạt thất bại hay không đạt được tiềm năng cao nhất. Nhưng khi con người sinh hoạt hài hòa, thì các nỗ lực của mỗi người sẽ nhân lên các nỗ lực khác và tổng thể sẽ hơn – có thể hơn rất nhiều – tổng số các thành phần.

Nhưng con phải làm gì khi một sinh hoạt gồm lẫn lộn nhiều loại người, trong đó có những người đang thật sự đi trên Con đường Hợp nhất, và một số khác vẫn còn đi trên con đường tách biệt? Điều thày đã giảng trong quyển sách này là tất cả mọi sinh hoạt tâm linh hay tôn giáo sẽ thu hút những người bị quáng mắt bởi tâm thức nhị nguyên muốn dùng sinh hoạt để hoàn thành các mục tiêu của tự ngã của họ. Một sinh hoạt có thể thu hút những người bị chìm đắm trong tâm thức sa ngã đến độ họ sử dụng sinh hoạt để đạt quyền lực và kiểm soát, thậm chí những người chỉ đơn giản muốn phá hoại tất cả những gì tích cực và tâm linh. Những người này được gọi là những người phá hoại và họ đồng hóa với một bản sắc sa ngã được tạo ra bởi ý muốn phá hủy tất cả những gì xác nhận thực tại và cái đẹp của Thượng đế.

Thày có thể bảo đảm là nhiều sinh hoạt tâm linh đã bị phá hủy bởi những người tìm cầu quyền lực hay muốn tàn phá, vậy ta làm sao tránh được chuyện này? Ta có thể tránh kết quả này bằng cách tạo một môi trường trong đó ta nói thật rõ ràng là mục đích của cộng đồng là đạt cái duy nhất. Điều này bao gồm sự hợp nhất chiều dọc, qua đó mỗi thành viên cố gắng đạt hợp nhất với cái ta cao của mình, và sự hợp nhất chiều ngang, qua đó tất cả các thành viên cố gắng đạt hợp nhất với các thành viên khác. Khi các thành viên của cộng đồng chấp nhận lời khuyên thôi cá nhân hóa cuộc đời của thày, và ngưng cảm thấy bị đe dọa, thì những thành viên còn mắc kẹt trong nhị nguyên sẽ cảm thấy khó kiểm soát được cộng đồng. Do đó, họ thường bỏ đi, và nếu họ không ra đi thì họ sẽ thấy khó đạt được địa vị quyền lực. Một số trong họ cũng có thể sẽ được chuyển hóa khi giao tiếp với những người ít nhị nguyên hơn. Nếu họ từ chối không chuyển hóa, thì sự từ chối này sẽ nhất thiết đưa tới sự xét xử của họ, và họ có thể mất cơ hội đầu thai trở lại trên trái đất. Do đó, mục tiêu nâng tâm thức của nhân loại sẽ được tiến triển khi cho phép những người đó tham gia vào cộng đồng mà không để họ phá hủy sinh hoạt.

***

Làm sao con giữ niệm tinh khôi? Bằng cách luôn luôn giữ viễn quan là đằng sau mặt ngoài và cá tính là cái ta biết. Cái ta biết đó là một phần nối dài của Thượng đế, và con phải tuyệt đối kính trọng nó – trong người khác cũng như trong chính con. Con luôn luôn nhìn quá hành động và tâm thái cận kề của người khác, và con nhìn thấy tiềm năng tâm linh của người đó. Con hình dung người đó thức tỉnh và bỗng nhiên nhận ra những niềm tin và hành động nhị nguyên của mình, vứt bỏ chúng như con trút bỏ một cái áo choàng nặng chĩu đang ngăn trở động tác của con. 

Nhưng giữ niệm tinh khôi không có nghiã là con mù lòa, vì chỉ có tình thương có điều kiện mới khiến con mù lòa. Khi con thương yêu một người có điều kiện, thì “tình thương” của con do ham muốn thúc đẩy, do đó con từ chối không chịu thấy là người đó có thể không đáp ứng được ham muốn của con. Điều này khiến con mù lòa tâm linh, nhưng khi con không còn cá nhân hóa cuộc đời mình và khắc phục nhu cầu kiểm soát người khác, thì con có cái nhìn tâm linh thấu suốt.

Thày không muốn nói là con không nên để ý đến những điểm bất toàn của người khác. Thày chỉ muốn nói là con nên thấy là những bất toàn này tạm bợ và không bao giờ khẳng định là chúng thường hằng. Con luôn luôn thấy là khi một người cư xử một cách nhị nguyên, thì đó là vì cái ta biết đã nhập vào, đã đồng hóa với một bản sắc nhị nguyên. Con nhận ra rằng khi cái ta biết còn giữ chặt sự đồng hóa đó, thì người đó sẽ cư xử một cách nhị nguyên, và do đó con cần thận trọng. Nhưng con không bao giờ cho phép mình thấy tình trạng này thường trực và phán xét người đó là “người xấu”. Con làm tất cả những gì có thể làm để giúp người đó thấy các niềm tin nhị nguyên của họ, nhưng con làm việc này một cách không dính mắc và đầy tình thương. Con không có phận sự thay đổi người khác mà chỉ cho họ một chọn lựa bằng cách giúp họ thấy có cái gì vượt lên trên nhị nguyên. Do đó, con làm hết sức mình và không dính mắc vào những chọn lựa của người khác.

Khi con thiện nghệ hơn trong việc nhận diện và nhìn thấu suốt các bản sắc nhị nguyên, thì con có thể bắt đầu cư xử với người khác như họ là con người thật của họ, và con nói chuyện với họ mà không xác nhận các bản sắc nhị nguyên của họ. Trong một số trường hợp, làm như vậy cũng đã đủ để người đó vuột ra khỏi sự đồng hóa với bản sắc bên ngoài và nối kết lại với cái ta tâm linh của họ. Con hãy suy ngẫm là có biết bao nhiêu người đã lớn lên với một cá tính nào đó, tỷ dụ như là một người chuyên bắt nạt người khác. Khi các người khác cho phép họ bị người đó bắt nạt, khi họ rút vào bên trong hay chống lại người bắt nạt, thì họ xác nhận hình ảnh mà người bắt nạt có về chính mình. Nhưng khi con từ chối đối xử với người đó giống như người thông thường đối xử với một người chuyên bắt nạt – khi con chìa má bên kia – thì con không xác nhận hình ảnh mà người đó có về chính họ. Và điều này cho người đó một cơ hội – có thể là lần đầu tiên trong đời – bước ra ngoài bản sắc tạm bợ, xem xét nó và tự hỏi: “Đây có phải là con người thật của tôi chăng, hay tôi hơn cái bản sắc này?”

Khi những thành viên trưởng thành nhất của một sinh hoạt tâm linh luôn luôn tìm cách vươn lên trên nhị nguyên và luôn luôn tìm cách đi vào hợp nhất bất nhị với nhau, thì họ có thể tạo một môi trường trong đó nhị nguyên không thể nảy nở, và do đó những người còn bị nhị nguyên làm mù quáng không thể chơi những trò chơi tự ngã. Thí dụ, trong một sinh hoạt tâm linh luôn luôn nói về tự ngã và tâm thức nhị nguyên, ta có thể chờ đợi là tất cả mọi thành viên đều cố gắng khắc phục sự mù quáng của mình. Do đó, không có lý do gì phải cả nể và tránh phơi bày ra ánh sáng khi một thành viên cư xử một cách nhị nguyên. Nhưng con có thể làm việc này mà không có cảm xúc tiêu cực, và như vậy con không cho người đó một cái cớ để phản ứng lại với tình cảm tiêu cực.

Một khuôn nếp quá thông thường là con thấy một bất toàn nơi người khác nhưng không nói gì. Khi người đó tiếp tục cư xử như vậy thì con càng ngày càng thêm bực bội, cho tới khi con không thể giữ trong bụng nữa. Con lúc đó thách thức người đó, nhưng con thách thức với một bùng nổ năng lượng tiêu cực. Người kia phản ứng lại năng lượng tiêu cực của con và cảm thấy con không biết điều, và do đó có thể phớt lờ, phản luận hay chối bỏ thông điệp của con. Nói cách khác, khi con có cảm xúc tiêu cực, thì con cho tự ngã của người kia một cái cớ tuyệt hảo để phớt lờ không nghe sự thực đằng sau hành động và lời nói của con. Qua lối tương tác này, hai bên thường bị lừa vào một vòng xoáy hướng hạ giữa họ, cắt đi sự giao tiếp và nuôi dưỡng xung đột nhị nguyên. Trái lại, nếu con diễn bày các quan sát của mình mà không có dấu vết tiêu cực hay phán xét, thì con không cho tự ngã của người kia một cái cớ để chối bỏ thông điệp của con. Tự ngã lúc nào cũng có thể tìm ra một cái cớ, nhưng con có xác suất lớn hơn nhiều là người kia sẽ thực sự lắng nghe những gì con nói thay vì để cho tự ngã gạt phăng đi.

Con hãy ghi nhớ là con có quyền phát biểu là hành động và lời nói của người khác có tác động ra sao trên con. Nếu con không còn cá nhân hóa cuộc đời mình, con có thể tránh phản ứng bằng cách muốn người kia bị tổn thương. Không cá nhân hóa cuộc đời không có nghĩa là con không có cảm xúc, nhưng nó có nghĩa là con không bị chìm đắm vào cảm xúc và bị nó làm mù quáng. Do đó, con chỉ đơn giản mô tả cảm xúc của mình mà không tìm cách tổn thương người kia. Và khi con không lên án người kia và chỉ giản dị nói lên việc làm của người đó đã ảnh hưởng con ra sao, thì con có xác suất cao hơn đánh động được con người thật của người kia, có thể đang trốn tránh đằng sau một bức tường phòng thủ nhị nguyên.

Lẽ đương nhiên, ta có thể viết cả một quyển sách về cách tương tác với người khác, nhưng điều chính yếu mà thày muốn nói là khi con người không còn cá nhân hóa cuộc đời họ, thì họ cũng không cá nhân hóa mối liên hệ với người khác. Và khi họ không còn cảm thấy bị người khác đe dọa, thì đa số các trò chơi tự ngã tan biến đi. Mục đích chung của một sinh hoạt bất nhị là đem con người vào hợp nhất. Do đó, con có thể liên hệ với người khác với thái độ căn bản muốn đi vào hợp nhất với họ trong tâm Ki-tô, và con có thể chờ đợi là họ cũng đồng ý đi vào hợp nhất với con. Khi con phóng ra thông điệp, “Hãy đi vào hợp nhất với tôi trong Ki-tô”, thì con ít xác suất thu hút những người rất dính mắc vào tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Vì những người đó không hề có ý định từ bỏ những bản sắc tách biệt của họ để đi vào hợp nhất với người khác trong Ki-tô.

***

Trong quyển sách này, thày đã giải thích rõ ràng là có một số sinh thể đã sa ngã từ một cõi cao hơn và vì đã quá đồng hóa với bản sắc sa ngã của họ, nên họ rất khó tách ý niệm bản ngã của họ khỏi tâm thức nhị nguyên. Lẽ tất nhiên, các sinh thể đó lúc nào cũng còn tiềm năng thức tỉnh, và đó là lý do vì sao một số các sinh thể đó vẫn còn được phép đầu thai trên trái đất, và cũng là lý do vì sao họ được phép gia nhập các tổ chức tâm linh nơi họ giao lưu với những người đang chân thành đi trên Con đường Hợp nhất. Tuy nhiên, con cũng nên thực tế và nhận ra là, bất kể con làm gì, có thể con sẽ không thể chuyển hóa những người đó. Do đó, con nên luôn luôn ghi nhớ là con không ở đây để thay đổi hay cứu rỗi người khác. Con ở đây để cống hiến họ một cơ hội để họ tự thay đổi, bằng cách cho họ thấy có cái gì khác tâm thức nhị nguyên. Và có khi, điều duy nhất mà con có thể làm là cho phép họ hành hạ con để bản sắc nhị nguyên của họ phơi bày ra rõ ràng.

Khi con đạt phân biện Ki-tô thì con có thể thấy là một số người hoàn toàn đồng hóa với tâm thức nhị nguyên, và họ thể hiện nó bằng cách kiểm soát người khác và tiêu diệt những ai không chịu bị kiểm soát. Lúc đó con có thể thách thức họ một cách rất thẳng thắn, giống như Giê-su đã làm khi gọi các thày thông giáo và Pha-ri-si là con của ác quỷ (John 8:44). Tuy nhiên, thày gợi ý là khi con chưa đạt được một trình độ tâm thức Ki-tô cao, thì con nên có phương cách tế nhị hơn và không bao giờ gọi một người khác là sa nhân hay thiên thần sa ngã. Tự ngã quá dễ lạm dụng những quan niệm này và gọi bất cứ ai không đồng ý với nó là thiên thần sa ngã. Đây tất nhiên là một hình thức ảo thuật đen sẽ tạo nghiệp cho con.

Thày gợi ý là các người tâm linh tạo một văn hóa trong đó mọi người có thể cởi mở nói về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Qua đó, ta có thể nói một người cư xử một cách nhị nguyên mà không phán xét và gán cho người đó một nhãn hiệu thường trực. Thày gợi ý là con đối xử với mọi người như họ là cái ta biết đang tạm thời bị kẹt trong một ý niệm bản sắc nhị nguyên. Con giữ niệm tinh khôi và làm tất cả những gì con có thể nghĩ để giúp người đó thức tỉnh và nhận ra họ hơn rất nhiều cái bản sắc vỏ ngoài đó. Một lần nữa, con hãy ghi nhớ là kết quả không quan trọng. Con chỉ ở đây để cho người khác một cơ hội chọn lựa. Nếu người đó chọn giữ chặt bản sắc nhị nguyên của họ, thì các thành viên của tổ chức tâm linh có quyền ngăn không cho họ chiếm địa vị quyền lực trong tổ chức. Con cũng có quyền trực diện họ với cơ hội cuối cùng để họ chọn từ bỏ một lối hành xử nhị nguyên – mà con phơi bày thật rõ ràng cho họ thấy – hoặc bị mời ra khỏi sinh hoạt.

***

Như thày có trình bày ở trên, con nên luôn luôn ghi nhớ là tự ngã có khuynh hướng lạm dụng mọi khái niệm. Tự ngã có thể dễ dàng dùng những khái niệm này để phán xét người khác, thậm chí để cảm thấy hơn người khác. Tự ngã cũng có thể dùng chúng để loại trừ những ai không đồng ý với nó bằng cách phán xét họ là thiên thần sa ngã không còn hy vọng cải tạo. Tuy nhiên, đối cực của phán xét (muốn loại trừ một số người) là khuynh hướng có cảm xúc dính mắc vào việc thay đổi hay cứu rỗi một người khác.

Thày có giảng là có nhiều sinh thể trong cõi tâm linh sa ngã vì họ đi theo lãnh đạo của họ. Vì các sinh thể này không tự họ chọn lựa chống lại Thượng đế, họ thường tìm được con đường tâm linh và tương đối dễ dàng bắt đầu vươn lên khỏi nhị nguyên. Tuy thế, điều cuối cùng họ khắc phục thường là sự dính mắc với lãnh đạo của họ. Để có thể khắc phục sự dính mắc đó, họ thường phải đầu thai cùng với người lãnh đạo và chọn lựa buông bỏ một cách có ý thức. Điều này thường đòi hỏi những sinh thể này thấy được là người lãnh đạo bị kẹt trong tâm thức sa ngã và buông bỏ người lãnh đạo một cách có ý thức. Tuy thế, điều này rất khó làm trừ phi con hiểu trọn vẹn điều thày giải thích trong sách. Cho nên, một số người đã tiếp tục đi theo một lãnh đạo từ kiếp này sang kiếp khác mà không có khả năng giải thoát mình và tiến đi bước tiếp.

Cũng có một số sinh thể cho phép mình sa ngã vì họ dính mắc với một sinh thể khác đã sa ngã. Họ không mù quáng đi theo người lãnh đạo nhưng cho phép mình sa ngã vì nghĩ rằng họ có thể cứu vớt sinh thể kia. Một số các sinh thể này nay đã tiến lên những tầng cao của con đường tâm linh, nhưng như thày đã giải thích, quả vị Ki-tô là trở nên tự túc trong tâm linh. Và con không thể nào tự túc được nếu con dính mắc vào bất cứ một sinh thể nào khác. Con phải cho sinh thể kia quyền tự quyết hoàn toàn vì nếu không con như thể đang dùng ảo thuật đen để ép uổng sinh thể kia phải thức tỉnh. Điều thày muốn nói là có sự khác biệt vi tế giữa việc giữ niệm tinh khôi, cho người kia tự do hoàn toàn và việc giữ một viễn kiến dựa trên mong muốn muốn cứu vớt người khác. Một số dòng sống đi xuống từ cõi tâm linh với sứ vụ cứu rỗi và một số trong những người này trong khi hiện thân đã dính mắc muốn cứu vớt một người khác. Ngay cả những người bắt đầu hiện thân trên trái đất và đã tăng trưởng tâm thức, cũng đã phát triển những mối dây ràng buộc như thế. Điều thày muốn nói là sẽ tới điểm trên con đường quả vị Ki-tô khi con phải buông bỏ tất cả những dính mắc đó. Như Giê-su đã nói, những ai yêu cha hay mẹ hay anh chị em nhiều hơn Ki-tô không xứng đáng theo thày – có nghĩa giản dị là con không thể đạt được tự túc tâm linh khi còn dính mắc với người khác (Luke 14:26).

Một khía cạnh khác của việc này là khi con dính mắc tình cảm muốn cứu vớt người khác, thì con giản dị không thể không cá nhân hóa quan hệ của con với họ và do đó con không thể có được quan hệ bất nhị mà thày nói tới. Những người tâm linh trưởng thành nhất phải nỗ lực vượt qua những dính mắc đó để họ có thể cho phép người khác thực thi quyền tự quyết của họ mà không coi cá nhân mình bị tổn thương khi người khác không lấy những chọn lựa mà họ nghĩ người khác nên lấy.

***

Một yếu tố cơ yếu của cách tiếp cận tâm linh bất nhị là tìm cách giao tiếp với nhau vượt lên khuôn khổ của những trò chơi nhị nguyên mà con người thường dùng. Và một phương hướng chính đáng là đặt mọi sự giao tiếp trên lòng nhân từ.

Bên phương Đông, danh tính Maitreya được liên kết với lòng nhân từ (metta), nhưng thày là hiện thân của lòng nhân từ thiêng liêng vô điều kiện. Lòng nhân từ này vượt lên trên các đối cực nhị nguyên. Một khía cạnh là nó vượt lên trên cảm xúc thế phàm như sợ, giận, đổ lỗi hay bất cứ cảm xúc nào khác tìm cách hạ người khác xuống thay vì nâng họ lên. Lớp mười phần trăm bên trên lẽ tự nhiên cần tìm ra một phương cách giao tiếp thoát khỏi những cảm xúc đó và điều này sẽ bắt đầu xảy ra một cách tự nhiên khi con người bắt đầu buông bỏ yếu tố cá nhân trong cuộc sống mình như thày đã mô tả rồi. Sự thật là nhiều người tâm linh ngày nay đã tiến bộ rất nhiều trong việc phát triển một phương cách giao tiếp với nhau không còn những dạng thiếu nhân từ hiển nhiên.

Đáng tiếc thay, nhiều người tâm linh đã rơi vào đối cực nhị nguyên ngược lại như thày đã mô tả ở trước là họ trở nên thụ động. Họ nghĩ rằng nhân từ là không bao giờ thách thức người khác, có nghĩa là mình phải chấp nhận bất cứ gì họ làm. Như thày đã giải thích, làm thế không phải là tình thương thật cũng không phải là lòng nhân từ thật. Lòng nhân từ thật là khi con không muốn người khác bị mắc bẫy trong một ảo tưởng nhị nguyên. Con cho họ mọi cơ hội để trải nghiệm có một chọn lựa khác, có cái gì trên nhị nguyên. Con làm điều này dù nó đòi hỏi con phải rất thẳng thắn và rất cứng rắn khi con thách thức ảo tưởng của tự ngã của họ.

Suy cho cùng, tự ngã có một mục tiêu rõ ràng là không để bị phơi bày, thách thức hay nói ngược lại. Do đó, nó sẽ nói là nếu con thách thức một người khác thì con đang không nhân từ với người đó. Nhưng con chỉ đang “không nhân từ” với tự ngã của họ, trong khi con đang rất mực nhân từ với con người thật của họ. Vì con người thật là cái ta biết và con đang vô cùng nhân từ khi con giúp nó thoát khỏi ngục tù của tự ngã. 

Sự thật là khi con giúp người khác thấy những tin tưởng nhị nguyên của họ, con đang cực kỳ nhân từ với họ. Điều này đặc biệt đúng với những người bị quá kẹt trong nhị nguyên đến độ họ hành động một cách xấu ác vì họ không thấy được họ đang hành động như thế hay vì họ không hề quan tâm. Những người đó sẽ có khuynh hướng chống lại sự thách thức của con, thường là một cách hung hãn và điều này khiến nhiều người tâm linh rút lui và buông xuôi. Tuy nhiên những ai thật sự có tình thương và lòng nhân từ vô điều kiện sẽ tiếp tục thách thức nhị nguyên mà không dính mắc vào phản ứng của người khác.

***

Con cần minh định thật rõ là con có quyền là nhân chứng cho sự thật mà con thấy, ngay cả khi cần phơi bày và thách thức niềm tin nhị nguyên của người khác. Con có quyền là Ki-tô trên trái đất bất kể số người bị tự ngã làm mù quáng nói ngược lại với con. Con cần làm điều này mà không chế thêm dầu vào ngọn lửa tranh chấp nhị nguyên và do đó con phải hành động mà không có chút tính cá nhân nào. Con phải cố gắng không để mình bị lôi kéo vào phản ứng nhị nguyên cho dù người khác phản ứng một cách nhị nguyên.

Lúc nào cũng có hai phản ứng nhị nguyên, một là phản ứng với cảm xúc tiêu cực, hai là rút lui và im lặng. Con phải bỏ cả hai phản ứng này. Tùy xem người kia bị vướng mắc sâu như thế nào trong nghị nguyên con sẽ làm điều gì có khả năng cao nhất để vực người đó ra khỏi ảo tưởng. Với một số người con sẽ thành công nếu con rất dịu dàng và cảm thông. Với một số người khác có thể cách hay nhất là con rất hứng khởi và tạo nhiều cảm hứng cho họ, trong khi với một số người khác nữa thì con lại cần hành động một cách rất thẳng thắn nhưng không bị xúc cảm chi phối.

Một khía cạnh của việc thức tỉnh người khác là tự ngã của họ đã dựng lên một bức tường kiên cố chung quanh tâm của họ, và con phải tìm được cách đâm thủng bức tường để chạm tới cái ta biết ở bên trong. Cái ta biết này giống như nàng công chúa trong câu truyện thần thoại người đẹp ngủ trong rừng. Công chúa bị bà mẹ ghẻ xấu ác tức là tự ngã làm mê ngủ và giờ đây cô mê ngủ đằng sau lớp lớp bụi gai – là những ảo tưởng nhị nguyên và vết thương tâm lý. Điều thày muốn nói là thường khi cái ta biết tự đồng hóa sâu đậm với bản sắc nhị nguyên đến độ nó không thể đánh thức nó ra khỏi cơn mê ngủ. Do đó, con phải tìm ra phương cách đâm thủng các hàng rào phòng thủ để chạm tới cái ta biết và giúp nó thấy được là có một chọn lựa khác nhị nguyên.

Dù đây là một vấn đề cá nhân, thày phải nói với con rằng đối với nhiều người mắc kẹt trong nhị nguyên, cách duy nhất để con chạm tới họ là con phải rất thẳng thắn và hoàn toàn không nhượng bộ. Thật vậy con phải đứng trên tảng đá Ki-tô theo đúng nghĩa đen của nó và không cho phép những người này lay chuyển con. Nhiều người kẹt cứng trong trò chơi tự ngã muốn kiểm soát người khác đến độ trong vô thức của họ, họ sẽ tìm cách kiểm soát con khi con thách thức họ. Nếu con nhượng bộ họ để họ kiểm soát con vì con nghĩ rằng con phải có lòng nhân từ, con chỉ củng cố thêm niềm tin của họ vào các tin tưởng của tự ngã. Ví dụ như trường hợp những người mắc kẹt trong tinh thần tự cao, khi con nhượng bộ họ con đương nhiên củng cố ảo tưởng là họ cao cấp hơn con.

Cách duy nhất để giải thoát người khác là thách thức họ và tiếp tục làm thế mà không bao giờ để họ bịt miệng mình. Con phải chống lại những nỗ lực bịt miệng của họ nhưng con không đấu tranh nhị nguyên với họ. Con làm như thế bằng cách con không bao giờ tìm cách chứng minh họ sai nhưng con chỉ giản dị nói lên sự thật của con, nói đi nói lại nhiều lần nếu cần thiết. Đây quả thực là cách duy nhất chạm tới được những người hoàn toàn bị mắc kẹt trong tự ngã của họ, và đó là lý do vì sao Giê-su đã rất cứng rắn chống lại những thày thông giáo và Pha-ri-si. Làm như thế sẽ luôn thành công chăng? Chắc chắn là không, và đó là lý do tại sao con phải minh định rõ là con không làm thế để thay đổi người khác nhưng để cho họ có cơ hội chọn lựa thay đổi. Do đó, khi con cho họ cơ hội này, nỗ lực của con đã là thành công – bất kể người khác đáp ứng ra sao.  

Đối với những người ít mắc kẹt trong tự ngã, có khi con chỉ cần khôn khéo hơn tự ngã của họ, làm cho nó bị ngỡ ngàng khi con đáp ứng một cách bất nhị. Tự ngã rất giỏi dùng lô-gíc nhị nguyên để chống trả mọi thách thức và biện minh cho niềm tin và hành động của nó. Con thật sự không bao giờ thắng được tự ngã khi dùng trí năng để phân tích và suy nghĩ. Con sẽ không bao giờ thắng được một cuộc tranh cãi nhị nguyên và khi sự tương tác của con với một người khác nằm trong khuôn khổ nhị nguyên thì mục đích tâm linh đã bị mất. Cho nên con phải vượt lên trên suy nghĩ nhị nguyên và dùng một dạng lô-gíc bất nhị. Đó là lý do tại sao một số vị thày tâm linh dạy bằng công án, là các câu đố mà người học trò không thể hiểu được bằng trí phân tích.

Thường khi con có thể giúp người khác khi con đưa ra những công án liên quan đến đời sống thực. Điều này có nghĩa là con phải đặt những câu hỏi giúp họ nhìn chính họ và cuộc sống của họ một cách mới lạ, vượt lên trên cách suy nghĩ cố hữu của họ. Khi con đã bắt đầu đạt được phân biện Ki-tô và một sự hiểu biết vững chắc về sự khác biệt giữa nhị nguyên và bất nhị, thì điều này không khó làm. Khi con gỡ cái đà khỏi mắt mình, thì con sẽ thấy rõ ràng cách giúp người khác khắc phục ảo tưởng của họ. Nhị nguyên luôn luôn có hai đối cực, có nghĩa là không có một quan điểm nhị nguyên nào tự nó độc lập, lô-gíc và nhất quán. Khi một tin tưởng nhị nguyên bị đẩy tới mức tột cùng lô-gíc thì những khiếm khuyết của nó sẽ bị phơi bày ra.

Sau hết, có một số người đã bắt đầu vượt lên trên nhị nguyên, và con có thể giúp họ bằng cách cho họ thêm cảm hứng. Tuy thế nhiều người trong nhóm này lại bị rơi vào một trạng thái tuyệt vọng và trầm cảm. Họ thường cảm thấy cuộc sống trên thế gian này tệ hại đến độ họ không thiết có mặt ở đây nữa. Để thức tỉnh họ, con cần vững chắc trong sự lạc quan và chống lại hàng triệu lý cớ của họ bằng nhiệt tâm trùm khắp. Những người này thường không làm điều gì xấu cần phải phơi bày. Vấn đề của họ là họ không làm gì cả và giúp họ thoát ra khỏi trạng thái tê liệt tâm linh này là cả một sự khó khăn. Nhiều người sẽ hiểu và đồng ý với mọi điều mà con nói về con đường tâm linh nhưng họ không muốn làm gì hết với các điều này. Cho nên, con cần thật cứng rắn và kiên trì để vực họ ra khỏi sự thụ động đó. Đó là lý do tại sao Giê-su nói giúp những người nóng hay lạnh dễ hơn là giúp những người âm ấm (Khải huyền 3:15-16).

Quả thực con có thể tạo ra một môi trường trong đó mọi người có thể trao đổi một cách cởi mở và tự do về tự ngã và các lề thói của nó khiến nó khó lẩn trốn và che giấu các trò chơi của nó. Và khi một môi trường như thế đã được vài người thiết lập, nó có thể là chất xúc tác để lan truyền tới các tổ chức tâm linh rộng lớn hơn. Rốt cuộc, toàn bộ giọng điệu thảo luận tôn giáo toàn cầu có thể thay đổi và đặt căn bản trên lòng nhân từ thật sự – một lòng nhân từ đầy thương yêu nhưng không bao giờ chấp nhận bất cứ điều kiện nào cho phép tự ngã ẩn núp.

***

Khi con có một nhóm người quyết tâm theo Con Đường Hợp nhất và đang trong tiến trình thôi cá nhân hóa cuộc đời họ, thì con có thể tạo ra cái mà nhiều người tâm linh ao ước và Đại đoàn Thăng thiên muốn thể hiện trên trái đất, đó chính là một cộng đồng tâm linh thật sự. Nhiều người bị thu hút bởi các phong trào tâm linh và tôn giáo chính thực là vì họ mong ước có được một cộng đồng tâm linh như cộng đồng đang hiện hữu trên cõi tâm linh mà họ còn giữ được trong ký ức nội tâm. Cộng đồng nghĩa là “đến với nhau trong hợp nhất” và điều này lẽ tất nhiên chỉ đạt được khi thành viên là những cá nhân đi theo Con Đường Hợp nhất. Chỉ khi con đạt được một mức độ hợp nhất với cội nguồn của con, với cái ta cao của con, thì con mới có thể đạt được hợp nhất với người khác.

Nhưng thày phải nói với con rằng, giống như với mọi thứ khác, tâm nhị nguyên có thể hủ hóa khái niệm cộng đồng và tạo ra một ao ước cộng đồng giả. Trong quá nhiều trường hợp, các phong trào tâm linh hay tôn giáo đã thị hiện một cộng đồng giả trong đó những người lãnh đạo tạo nên một đẳng cấp nắm quyền tuyệt đối và các thành viên khác chỉ nhắm mắt đi theo. Đây là sự trải bày của sự vận hành tương tác mà thày đã mô tả ở phần trước, giữa những người muốn được cao hơn người khác và những người không muốn lấy quyết định. Đáng tiếc thay, các cộng đồng tôn giáo đã thường trở thành nơi cư trú cho hai loại người này khiến cộng đồng bị suy mòn bởi các trò chơi quyền lực và biểu hiện khác của tự ngã.

Một cộng đồng như thế thường trở nên càng ngày càng cứng nhắc và chú trọng vào các quy luật vỏ ngoài. Nó tạo ra một hình tư tưởng về người thành viên lý tưởng và ép buộc mọi người chui vào khuôn mẫu đó. Hậu quả là những người tầm đạo trưởng thành hơn cảm thấy họ phải mặc một chiếc áo tù khóa tay để có thể hòa đồng với tập thể, và họ quyết định rút lui. Như thày đã nói, hợp nhất không có nghĩa là giống nhau. Con không giúp người khác phát triển tâm linh bằng cách ép họ phải loại bỏ cá tính của họ. Con giúp họ bằng cách giúp họ chạm tới cái ta cao của họ và cho phép họ biểu hiện cá tính thiêng liêng của họ.

Có một ước mơ phổ biến nơi một số người tâm linh về một sự cứu rỗi tập thể mà con được hưởng bằng cách giản dị làm thành viên của một cộng đồng vỏ ngoài và tuân thủ những quy luật của nó. Dù được ngụy trang khéo léo thế nào chăng nữa, đây giản dị chỉ là giấc mơ không thiết thực của tự ngã về một cứu rỗi tự động trong đó Thượng đế phải chấp nhận tự ngã khi nó đáp ứng một số điều kiện thế gian. Như thày đã giảng trong sách này, Con đường Hợp nhất là con đường cá thể. Tuy thế, khi con bắt đầu khám phá cá tính tâm linh của mình, thì con sẽ không cảm thấy bị đe dọa khi con ở trong một cộng đồng và làm việc với người khác.

Thời Bảo bình là thời đại của cộng đồng, và đã đến lúc con vượt lên trên hình ảnh của người tâm linh đi độc hành độc bộ hay ngồi đơn độc trong hang núi. Quả thực thách đố của thời đại này là những người tâm linh hiện thân và biểu hiện cá tính của họ trong lúc cùng làm việc trong cộng đồng. Thày có thể khẳng định với con là trong cõi tâm linh các thày đều là những cá thể, nhưng các thày đều làm việc với nhau trong tinh thần cộng đồng chân chính. Lý do là vì các thày đã khắc phục mọi biểu hiện của tự ngã, kể cả ý muốn vi tế muốn tách mình ra khỏi người khác đã khiến một số người tâm linh tìm nơi vắng vẻ cô đơn. Có hai lý do chính khiến người đi tìm tâm linh cần một cộng đồng:

  • Thực tế giản dị là – như thày đã tìm cách giải thích nhiều lần – con sẽ không thị hiện quả vị Ki-tô trọn vẹn trừ khi con giúp những người khác và điều này hiển nhiên phải xảy ra trong một môi trường cộng đồng.
  • Con cần những người khác để giúp con thấy điều con không thể thấy từ bên trong hộp định kiến của chính mình. Hiển nhiên, khi con tương tác với những người đang nỗ lực đi trên Con đường Hợp nhất, thì các con có thể giúp lẫn nhau khắc phục nhị nguyên.

***

Một khuôn mẫu cho một cộng đồng tâm linh là cộng đồng mà Phật và Giê-su đã thiết lập, nhưng trong thời Bảo bình con cần tiến thêm một bước nữa. Cả Giê-su lẫn Phật đều ở mức chứng đạt rất cao so với các môn đồ và do đó hai thày ở vị thế lãnh đạo hiển nhiên. Hai thày cư xử như những vị thày và tất cả các thành viên khác là đệ tử. Trong thời đại này, có nhiều người hơn tới gần mức biểu hiện quả vị Ki-tô, và các thày không muốn những người này thành lập những nhóm đệ tử nho nhỏ hoạt động độc lập với nhau. Trên cõi tâm linh, các thày đều đã đạt quả vị Ki-tô và đều làm việc chung với nhau, và mô hình này cần được lập lại trên trái đất. Để chuyện này có thể xảy ra được, một cộng đồng cần được tạo ra trong đó nhiều người có quả vị Ki-tô cao có thể chia sẻ vai trò lãnh đạo và hướng dẫn.

Quả thực, một cộng đồng lý tưởng sẽ nhận ra chân lý trong lời của Giê-su nói rằng tự mình không làm được gì cả (John 5:30) nhưng chính là đấng Cha trong thày làm hết mọi việc (John 14:10). Do đó, thành viên của một cộng đồng tâm linh chân chính – ngay cả những người tâm linh tiên tiến nhất (hay đúng hơn, đặc biệt là những người tâm linh tiên tiến nhất) – biết là tự mình họ, họ không làm được gì cả. Chính đấng Thánh thần làm mọi việc qua các cá nhân, và đấng Thánh thần thổi nơi nào ngài muốn (John 3:8).

Trong một hoàn cảnh, đấng Thánh thần sẽ đưa ra một ý qua trung gian một người và trong hoàn cảnh khác, đấng Thánh thần có thể dùng một người khác. Nói cách khác, thay vì theo khuôn mẫu cũ của thời đại trước với một nhóm lãnh đạo cố định không được thay thế hay thách thức, thì một cộng đồng Bảo bình xem đấng Thánh thần là lực lãnh đạo chân chính, và họ cho phép đấng Thánh thần dùng bất cứ ai cho mỗi công tác cá biệt. Như thế trường hợp lý tưởng là có một nhóm người trong cộng đồng đủ trưởng thành về tâm linh để làm dụng cụ cho đấng Thánh thần và họ có thể bước vào và bước ra vai trò lãnh đạo tùy theo sự hướng dẫn đến từ trên.

Tuy thế một cộng đồng như vậy phải nhìn nhận rằng đấng Thánh thần có thể dùng bất cứ ai và như một vị thày tâm linh thường thích nói, “Nếu vị thày là một con kiến, hãy nghe lời nó.” Nói cách khác, một cộng đồng chân chính phải nhìn nhận rằng chức vụ trong một tổ chức vỏ ngoài không bao giờ được che phủ sự lãnh đạo chân chính của đấng Thánh thần. Cho nên, nếu đấng Thánh thần dùng một người có vẻ không quan trọng để mang lại một ý mới, ý này phải được dùng.  Không cần mất thì giờ trơi chò trơi tự ngã cổ hủ cho rằng một ý kiến chỉ có giá trị khi nó được trình bày và được chấp nhận bởi một “người quan trọng.”

Lẽ tất nhiên, một cộng đồng như thế phải dựa trên phân biện Ki-tô cho nên tự ngã con người, sa nhân và thần linh giả không thể lấn chiếm. Cho dù đấng Thánh thần có thể dùng bất cứ ai, nhưng không phải bất cứ điều gì có vẻ tâm linh đều đến từ đấng Thánh thần duy nhất. Nó có thể đến từ vô số phàm linh nhị nguyên.

Tại sao có nhiều cộng đồng tâm linh thất bại hay trở nên cứng nhắc? Như thày đã đề cập ở trước, đó là vì khi nó lớn tới một mức nào đó, thì nó sẽ thu hút những người bị mù quáng trong sự tìm cầu quyền lực và kiểm soát nhị nguyên. Từ đó lãnh đạo thế phàm khởi lên và thay thế lãnh đạo của đấng Thánh thần. Một cộng đồng tâm linh chân chính nhận ra rằng trách nhiệm cơ bản của mình là thiết lập và duy trì sự nối kết trực tiếp với cõi tâm linh và Đại đoàn Thăng thiên. Do đó, một cộng đồng như thế trở thành một tiền đồn của Đại đoàn Thăng thiên và các thày là những vị lãnh đạo thật. Cộng đồng không cho phép sự khởi sinh của một nhóm lãnh đạo bị mù quáng bởi nhị nguyên nhưng cộng đồng cho phép Đại đoàn Thăng thiên lãnh đạo qua trung gian của đấng Thánh thần.

***

Thày có thể giảng nhiều hơn về đề tài thiết lập một cộng đồng tâm linh, nhưng thày quả thật đã trao truyền đủ cho những ai có tai để nghe và mắt để thấy. Thày không có ý định dùng quyển sách này để đem lại một bộ luật về việc thiết lập một cộng đồng tâm linh. Điều này chỉ dẫn tới việc tạo nên một cấu trúc cứng nhắc buộc con người tuân theo luật lệ vỏ ngoài và dẹp bỏ cá nhân tính.

Mục đích của vũ trụ vật chất là cho những người đồng-sáng tạo của Thượng đế và các dòng sống khác cơ hội sử dụng khả năng đồng-sáng tạo của họ và nhận phản hồi qua hoàn cảnh vật lý và qua các sinh thể khác. Khi các sinh thể tăng triển tâm Ki-tô thì hành động của họ thẳng hàng với mục tiêu của đấng Sáng tạo một cách tự phát, và điều này cũng khiến họ đi vào hợp nhất với các sinh thể khác. Nhiều sinh thể vẫn còn đang thí nghiệm với việc biểu hiện khả năng và quy định bản sắc của mình, do đó chuyện tự nhiên là họ không có nhiều khả năng cộng tác với người khác. Nhưng những sinh thể trưởng thành nhất đã bắt đầu nhận ra họ là ai – là các phần cá biệt của một Sinh thể lớn hơn – và như vậy đã có thể bắt đầu biểu hiện khả năng sáng tạo trong khuôn khổ rộng lớn hơn của viễn quan và mục tiêu của đấng Sáng tạo. Khi ta hiểu điều này một cách đúng đắn, thì ta sẽ không thấy điều này giới hạn nỗ lực sáng tạo của mình, và đòi hỏi mình dẹp bỏ cá nhân tính.

Chỉ tâm thức nhị nguyên mới vẽ vời như thể đây là sự va chạm giữa cá tính con người. Sự thực là cá tính tâm linh của con được quy định bởi các sinh thể tâm linh có khả năng quy định hàng tỷ cá tính mà không tạo ra xung đột nào. Vì sao các thày sinh hoạt hài hòa trên cõi tâm linh? Bởi vì các thày đã hợp nhất với cá tính thiêng liêng của mình, và qua đó các thày bổ túc lẫn nhau một cách tự nhiên và không cố gắng. Cá tính của các thày không xóa bỏ hay đối chọi cá tính của người khác. Các cá tính phóng đại nhau lên và do đó các thày có thể sáng tạo rất nhiều hơn khi làm việc chung thay vì hành động riêng lẻ. Các thày không cảm thấy đây là một sự phiền toái hay hy sinh, vì các thày hoàn toàn vui sướng khi thấy các biểu lộ cá tính người khác, và các thày rất hân hoan khi cùng nhau sáng tạo. Khía cạnh Alpha của việc đồng-sáng tạo là con đồng-sáng tạo trong sự hài hòa với cái ta cao của con. Khía cạnh Omega là con đồng-sáng tạo trong sự hài hòa với các huynh đệ tâm linh, mà con cảm thấy đang cùng ở trong hợp nhất.

Việc đi vào hợp nhất trên trái đất là nền tảng xây dựng dòng chảy hình số tám chân chính giữa cõi tâm linh và cõi vật chất. Các con ở dưới này có thể hình thành cực Omega cho cực Alpha của Đại đoàn Thăng thiên. Và chỉ khi nào một số lượng tới hạn con người kết hợp trong tình đoàn kết tâm linh thực sự, thì vương quốc Thượng đế mới thị hiện trên trái đất vật lý. Vì sao con nghĩ Giê-su nói: Một lần nữa, ta nói với các con, nếu hai người trong các con trên trái đất đồng ý những gì họ cầu xin, thì họ sẽ nhận được từ Cha ta trên thiên đàng. (Matthew 19:19)?

Vũ trụ vật chất không được tạo ra để một sinh thể có thể nâng mình lên vị trí cao hơn tất cả người khác – dù một số sa nhân có vẻ nghĩ như vậy. Vũ trụ vật chất chỉ trở thành vương quốc Thượng đế khi một số lượng tới hạn con người họp nhau lại trong tinh thần đoàn kết tâm linh thật sự. Câu trích lời Giê-su trong đoạn trước cũng không mô tả toàn bộ vấn đề, vì cụm từ “hai người trong các con” không chỉ giản dị chỉ hai người. Cụm từ đó ám chỉ con người – mỗi cá nhân cũng như là như tập thể – khắc phục ảo tưởng nhị nguyên để đạt được điều mà Giê-su mô tả trong một đoạn trích khác: Ánh sáng của thân thể là con mắt: do đó khi con mắt của con là một, thì toàn thân thể tràn đầy ánh sáng; nhưng khi con mắt ác độc, thì thân thể của con đầy bóng tối. (Luke 11:34)

Khi viễn quan của nhân loại vẫn còn bị phân chia bởi ảo tưởng nhị nguyên, thì toàn hành tinh sẽ đầy bóng tối. Nhưng khi thành phần mười phần trăm phía trên tập họp cùng nhau với một viễn quan duy nhất – viễn quan của Ki-tô – và quyết tâm hợp nhất, thì cộng đồng của họ – rốt cuộc sẽ bao gồm toàn hành tinh – sẽ tràn đầy ánh sáng. Do đó, việc thành lập một cộng đồng tâm linh chân chính vượt thăng mọi biên giới và phân chia nhị nguyên, là công việc quan trọng nhất mà nhóm mười phần trăm phía trên có thể làm được trong thời đại này. Do đó, thày nói với con: “Con hãy đi vào hợp nhất với ta trong Ki-tô” và sau đó đi vào hợp nhất giữa các con.

***

Thày biết là có nhiều người cảm thấy là thày đã trình bày quá nhiều thông tin khiến các con choáng ngợp. Thày cũng biết là có một số người cảm thấy thày chưa trao đủ thông tin. Nhiều người sẽ cảm thấy tinh thần trách nhiệm cao độ trong việc tăng trưởng chính mình và giúp đỡ người khác, thậm chí nâng toàn hành tinh vào vương quốc Thượng đế. Nhiều người trong số các người có tinh thần trách nhiệm nhất sẽ cảm thấy mong muốn thành công, và họ mong muốn nhận được hướng dẫn rõ ràng hơn những gì thày đã trao truyền.

Thày hiểu ước muốn đó, nhưng thày muốn con nhìn quá nó. Thày không có mục đích qua quyển sách này dạy các con làm mọi việc. Tại sao vậy? Bởi vì thày không muốn phát hành một quyển sách – giống như những gì đã xảy ra quá bao lần với các kinh điển tôn giáo – sẽ thay thế tâm Ki-tô của con. Thày không có ý định cho con một cái cớ để tuân theo luật lệ vỏ ngoài thay vì đi tìm hợp nhất với cái ta cao của con. Mục đích của thày là thức tỉnh con để con đi Con đường Hợp nhất, và cho con đủ chỉ dẫn để con neo chặt mình vào con đường quả vị Ki-tô chân chính.

Con hãy ghi nhận những gì thày đã giảng ở trên, là quả vị Ki-tô có nghĩa con trở nên tự lực tâm linh. Điều này có nghĩa con không cần một quyển sách hay một đạo sư bên ngoài để dạy con phải làm gì và làm cách nào. Con nhận những hướng dẫn đó từ bên trong, từ cái ta cao của con. Do đó, mọi việc con làm trở nên sự biểu lộ chân thật của con người con là, tức là một cá nhân độc đáo mà Thượng đế đã tạo ra và cá nhân độc đáo mà con đã đồng-sáng tạo dựa trên nền móng thiêng liêng của con.

Thày không muốn biến con thành một con trừu mù quáng đi theo thày. Ước muốn của thày là thấy con biểu lộ sự tròn đầy của quả vị Ki-tô cá biệt, độc đáo của con, qua đó con có thể biểu hiện – dưới này – sự tròn đầy mà con là trên kia. Do đó, thày không thể nói cho con biết con phải là Ki-tô như thế nào. Vì khi con là Ki-tô, thì con sẽ ngưng hành động qua bản sắc nhị nguyên được tạo ra trong thế giới này. Con lúc đó chỉ hành động xuyên qua bản sắc trọn vẹn của con, là sự kết hợp toàn hảo giữa bản sắc Alpha, được neo chặt trong Hiện diện TA LÀ, và bản sắc Omega ở bên trên mọi sắc thái nhị nguyên. Do đó, con có thể thật sự nói “Ta và Cha ta là một” và “Cha ta làm việc và ta làm việc”.

Sự thách đố của quả vị Ki-tô là không có tiêu chuẩn nào trong việc là Ki-tô – và đây là một điều tự ngã không thể hiểu và chấp nhận. Do đó, những ai vẫn còn mắc kẹt trong nhị nguyên sẽ muốn thày định ra luật lệ, để họ cảm thấy, khi họ theo sát các luật lệ này, thì họ sẽ là Ki-tô. Quả vị Ki-tô là cá tính tuyệt đối, nhưng cá tính đó hài hòa với tổng thể. Do đó, quả vị Ki-tô chân chính cần được biểu lộ qua việc giúp đỡ người khác, nâng cao tổng thể. Như thày có giảng, chính việc từ chối khai ngộ này đã khiến một số sinh thể sa ngã, và kết quả là trái đất đã đi vào một vòng xoáy hướng hạ. Do đó, để khắc phục sự sa ngã, một số lượng tới hạn con người cần đạt được khai ngộ này và khoác vào quả vị Ki-tô trọn vẹn trong khi vẫn đi trên trái đất trong thân thể vật lý.

Khi con bị mắc kẹt trong nhị nguyên, thì con làm một số việc vì con có một hình tư tưởng khiến con nghĩ con phải làm việc này hay việc kia. Con làm vậy để tránh bị trừng phạt hay để nhận một phần thưởng – con hành động để nhận một phản ứng. Quả vị Ki-tô có nghĩa là con buông bỏ mọi hình tư tưởng nhị nguyên về chính mình, về con là ai và con phải cư xử như thế nào. Thay vào đó, con làm việc con làm như một biểu hiện của con người con là – là cá tính thiêng liêng của con và bản sắc Ki-tô của con. Con không còn hành động vì tương quan trừng phạt-phần thưởng nhị nguyên nhưng con hành động vì tình thương thuần khiết muốn biểu hiện con người của con và để phụng sự tất cả. Con lúc đó tôn thờ Thượng đế trong tâm linh và sự thực thay vì nhảy múa quanh con bê vàng của bản sắc nhị nguyên. Con không còn một hình tư tưởng giữa cái ta cao và cái ta thấp của con, nhưng để cho bản sắc Alpha biểu hiện tự do xuyên qua bản sắc Omega. Do đó, hai khía cạnh Alpha và Omega của con người con đã họp nhau trong sự hài hòa toàn hảo, điểm khởi đầu và điểm chấm dứt đã nhập một trong HIỆN TẠI vĩnh cửu.