Một Phật quan về Hoa Kỳ và việc là Ki-tô trong hành động

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 4, 2007 tức ngày Chủ nhật Phục sinh, tại Washington D.C. (Hoa Kỳ). [Năm 2007 Hoa Kỳ còn tham chiến tại Iraq, nhưng đến cuối năm thì tuyên bố khởi sự rút quân]

Ta Gautama đến đây để chào đón con. Và chắc chắn một số người ở phương Tây sẽ tự hỏi tại sao Phật lại đến can thiệp vào ngày lễ Phục sinh của Ki-tô. Nhưng trên thiên đàng chỉ có Một. Vậy thì làm sao có thể có ngăn cách nào giữa Ki-tô với Phật? Và quả thế, ta đến để cho con Phật quan (Buddhic perspective) về việc là Ki-tô trong hành động.

Vì con thấy đó, con yêu dấu, có sự khác biệt về mức độ – không phải về bản chất – giữa sứ mệnh của Ki-tô và của Phật. Cả hai, theo một nghĩa nào đó, giống như Alpha với Omega. Sứ mệnh của Ki-tô Hằng sống trong hiện thân, của Ngôi Lời nhập thế, là đi ra ngoài tích cực tìm kiếm những ai bị vướng kẹt trong một hộp tư duy hay cái gì khác – hay như cách gọi trong đạo Phật, những ai bị vướng mắc sau tấm màn của Maya, tấm màn của ảo tưởng do Mara, những con quỷ của thế gian và ông hoàng của thế gian này dựng lên.

Vai trò của Ki-tô Hằng sống là đi ra ngoài thách thức ảo tưởng của mọi người để họ được đánh thức trước thực tại là có một cái gì khác, một cách sống khác vượt quá ảo tưởng. Ki-tô phải hướng ngoại, phải năng động, phải thách thức. Và do đó Ki-tô cũng hứng chịu sự giận dữ của những ai không muốn bị thách thức, không muốn thay đổi, không chịu soi gương và nhổ cái đà trong mắt mình.

Và một khi con người đã thức tỉnh và bước theo con đường quả vị Ki-tô, thì họ sẽ mở tâm ra với con đường của Phật, là con đường của sự không dính mắc. Ở điểm hai con đường gặp gỡ và trở thành song song với nhau là nơi dành cho những đệ tử đã trưởng thành hơn, có khả năng nhìn xa hơn hai tôn giáo vỏ ngoài là đạo Cơ đốc và đạo Phật. Họ thấy được là cả Ki-tô lẫn Phật đều đến địa cầu giảng dạy cùng một giáo lý toàn vũ, cùng một con đường phổ quát, chỉ có điều họ giảng dạy trong những bối cảnh văn hóa khác nhau và với những ngôn từ hơi khác.

Khi đệ tử trở nên mất cân bằng

Tuy nhiên vẫn có những sắc thái mà các đệ tử tiên tiến phải biết. Và đây là một điểm ta sẽ trình bày hôm nay. Quả thực một người có thể thức tỉnh với con đường quả vị Ki-tô và nắm bắt được phần nào con đường này, rồi y cất bước, y khởi sự hình thức phụng sự là nhận ra có rất nhiều việc trên thế giới cần thay đổi, còn rất nhiều ảo tưởng cần được thách thức. Và quả vậy, y bắt đầu thách thức các ảo tưởng đó, nhưng luôn luôn có rủi ro là y bị kẹt trong một ngõ cụt khi y trở nên mất cân bằng.

Có nhiều người tâm linh và mộ đạo đã thức tỉnh trước nhu cầu phải làm gì đó, phải đem lại một thời mới tốt đẹp hơn, một dạng xã hội cao hơn, một xã hội tâm linh hơn, hay ngay cả một thời đại hoàng kim. Họ có một trải nghiệm thức tỉnh hay sáng ngộ, họ trở nên nhiệt tâm phụng sự Thượng đế – cho dù họ xem Thượng đế là gì – hay làm việc cho các chân sư thăng thiên. Và họ ném mình vào công cuộc đó với lòng nhiệt huyết, nỗi háo hức to lớn.

Theo một nghĩa nào đó, các thày là chân sư thăng thiên rất thích nhìn thấy con người ở giai đoạn này, bởi vì chắc chắn họ sống động và ngoạn mục hơn là những người chỉ ngồi đó trước màn hình tivi, tưởng rằng mục đích cuộc sống là ăn popcorn và lướt qua các kênh truyền hình cho đến khi bộ não của họ trở nên đờ đẫn đến độ họ khó lòng nặn ra được một ý nghĩ cá biệt nào, vì họ đã bị áp chế bởi tâm thức đại chúng phóng ra từ tivi đến mức họ giống như người chết, một người đã chết về mặt tâm linh.

Nhưng tuy các thày hân hoan dõi nhìn những ai đang thức tỉnh, ta phải nói với con rằng rất nhiều khi các thày lại chứng kiến cùng những người này bước vào ngõ cụt khi họ chọn một cách tiếp cận mất cân bằng trong những việc họ xem là công việc phụng sự Thượng đế, có lẽ cả Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Các thày đã thấy sự thể này trong mọi tôn giáo, khi một tỷ lệ đệ tử trở nên gần như bận tâm quá đáng muốn tạo thay đổi trên thế giới. Và họ nôn nóng, họ “bốc lửa” như họ nói, đến mức họ mất hẳn mọi tầm nhìn lẫn cân bằng.

Đâu là nguyên nhân của sự kiện này, con yêu dấu? À, đó là vì họ không có Phật quan về ý nghĩa thế nào là Ki-tô trong hành động. Là Ki-tô Hằng sống trong hành động, con không thể hoàn toàn không dính mắc đến mức bảo rằng không có gì thực sự quan trọng. Con không thể chui vào tư duy xám mà nghĩ rằng rốt cuộc mọi chuyện sẽ ổn thỏa bởi vì, một cách nào đó, Giê-su hay một đĩa bay UFO sẽ đến cứu nguy hành tinh.

Là Ki-tô Hằng sống trong hành động, con phơi mình ra để người ta nhạo báng và lên án con. Con thường hay đi ngược lại tự ngã của họ, và con làm vậy vì con thực sự quan tâm. Con quan tâm đến độ con sẵn lòng để cho họ chối bỏ, đàn áp con. Thậm chí thày Giê-su còn quan tâm đến mức để họ đóng đinh thày trên thập tự giá hầu cho họ cơ hội nhìn thấy tâm nhị nguyên của họ được trình chiếu ra bên ngoài.

Là Ki-tô Hằng sống, con quan tâm. Đó là tại sao con đi ra ngoài, sẵn lòng làm xao động mọi người. Nhưng việc duy trì lòng quan tâm này là một thế cân bằng rất tế nhị. Vì con rất dễ trở nên bận tâm quá đáng, con bước qua lằn ranh và bị dính mắc muốn đạt một kết quả đặc thù qua hành động của mình. Con trở nên dính mắc muốn tạo một phản ứng đặc thù nơi người khác.

Đây là một lằn ranh rất tinh tế, là lằn ranh giữa việc ở lại trên con đường thẳng và hẹp của Ki-tô, và việc bước ra con đường rộng của phản Ki-tô. Vì con thấy đó, mặc dù con quan tâm về người khác và muốn đánh thức họ, con không bao giờ được quên là Thượng đế đã cho họ quyền tự quyết. Con chỉ cho họ tấm gương của con, cho họ hiểu biết, sáng ngộ, minh triết, Lời Hằng sống sẽ giúp họ tự do chọn lựa rời bỏ tâm thức nhị nguyên. Nhưng con không được dính mắc vào một kết quả đặc thù.

Biểu hiện bên ngoài của sự dính mắc này là những người đếm số. Hội thánh của họ có bao nhiêu thành viên? Môn phái của họ có bao nhiêu thành viên? Con hãy nhìn biết bao tín hữu đạo Cơ đốc tự hào tôn giáo mình lớn nhất thế giới. Nhưng thật  ra đạo Cơ đốc vô cùng đa dạng cho nên con khó lòng xem đó là một tôn giáo nhất thống.

Nhưng điểm bao quát hơn mà ta muốn nói lên là như sau: những ai chơi trò đếm số, so sánh tôn giáo mình với tôn giáo khác – và cảm thấy nhu cầu tôn giáo mình phải hay hơn – hiển nhiên đã chứng tỏ là họ dính mắc. Có thể họ vẫn phục vụ một động cơ trong sáng tương đối, nhưng có một sự dính mắc làm tha hóa động cơ của họ, thậm chí nó mở tâm họ ra với lời dối trá gian manh rằng mục tiêu có thể biện minh cho phương tiện.

Con không ở đây để thay đổi thế giới

Cho nên con yêu dấu, làm thế nào con sẽ bước trên sợi dây chênh vênh của Ki-tô Hằng sống trong hành động mà không rơi xuống quá xa vào một trong hai đối cực nhị nguyên? À, con phải trước tiên giữ vững một sự thật trong tâm con: Là Ki-tô Hằng sống, con không ở đây để chế tạo một thay đổi vỏ ngoài đặc thù trên trái đất! Con không ở đây để đưa Hoa Kỳ tới mức công nhận các chân sư thăng thiên. Con không ở đây để đem lại hòa bình thế giới. Con không ở đây để phơi bày nhóm thượng tôn quyền lực cùng sự khuynh loát nền kinh tế của chúng. Con không ở đây để lật đổ hệ thống ngân hàng quốc tế. Con không ở đây để lật ngược vụ án Roe vs. Wade.

Con hãy để ý là ta không bảo một số việc trên không là mục tiêu chính đáng cần đạt được và cần xảy ra. Nhưng con không ở đây để khiến nó xảy ra. Bởi vì những gì xảy ra trên địa cầu phải xảy ra qua quyền tự quyết của mọi người. Và do đó con thấy tại sao hình thức chính quyền tại Hoa Kỳ – tại sao Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập – bao gồm khái niệm “Chúng ta, nhân dân Mỹ”. Điều con có thể làm trong tư cách Ki-tô Hằng sống là đánh thức mọi người để họ có thể chọn những chọn lựa tốt nhất. Nhưng Ki-tô Hằng sống không hề là một nhà độc tài xông vào giành lấy quyền hành, hay tước quyền từ tay một kẻ độc tài khác mà mình xem là kẻ xấu, kẻ cực ác trong vở tuồng.

Khi con rơi vào cái bẫy nghĩ rằng con ở đây để tạo ra môt kết quả đặc thù – khi con ở đây để lật đổ chế độ của nhóm này hay nhóm kia, của tà lực này hay tà lực kia – thì con làm gì chứ? À, con làm điều mà Giê-su đã mô tả, rằng thế giới là một sân khấu và cuộc sống là một vở tuồng với nhiều vai khác nhau. Trên thế giới có nhiều vai đóng được quy định theo tâm thức nhị nguyên. Và có một vai do tâm rắn tạo ra nhằm đặc biệt gài bẫy những ai đã thức tỉnh con đường quả vị Ki-tô nhưng chưa đạt được sự cân bằng. Và họ khoác lấy vai này, tưởng rằng khi mình là đại diện của Ki-tô thì mình phải giao chiến, phải tiêu diệt các đại diện của phản Ki-tô, phải chống lại hành vi của những kẻ mình xem là đại diện của phản Ki-tô, hầu tạo ra một kết quả đặc thù.

Con có thấy cái bẫy này vi tế lắm không? Thật quá dễ dàng để một người đã thức tỉnh con đường tâm linh – đang bốc lửa muốn phụng sự Thượng đế và chính nghĩa của Ki-tô – bước vào vai trò đó mà không hay biết mình đang làm gì. Thế rồi họ đi trật đường, có khi hàng chục năm trời, nghĩ rằng mình đang làm việc cho Thượng đế, cho các chân sư thăng thiên, nhưng kỳ thực họ chỉ đơn giản diễn thêm một vai tuồng nhị nguyên, hầu như không đóng góp gì cho việc làm đích thực của chân sư thăng thiên là nâng cao mọi người khỏi tâm thức nhị nguyên.

Con có thấy điều ta nói? Quan tâm chủ yếu của các thày không phải là đem lại hòa bình thế giới, kéo Hoa Kỳ ra khỏi Iraq, lật ngược vụ án Roe vs. Wade, hay lật đổ nhóm thượng tôn tài chính. Quan tâm chủ yếu của các thày là đánh thức con người khỏi sự mù quáng do tâm thức nhị nguyên gây ra, vì khi con người thức giấc khỏi nhị nguyên, họ sẽ có những chọn lựa đúng đắn. Và như vậy một khi nhị nguyên được chinh phục thì mọi thứ khác sẽ tự nhiên rơi vào đúng chỗ. Con có thấy không? Như Ki-tô có nói: “Trước hết hãy tìm vương quốc Thượng đế và sự công chính của ngài, rồi mọi chuyện kia sẽ được bồi thêm cho con.”

Không dính mắc vào kết quả đặc thù

Qua hàng thiên niên kỷ, các thày đã chứng kiến những ai đi theo một tôn giáo chân chính – từ giáo lý của Abraham, giáo lý của Moses, qua giáo lý của chính ta trong tư cách là Phật, rồi giáo lý của Giê-su cho đến giáo lý của các chân sư thăng thiên – phải, các thày đã chứng kiến làm thế nào con người đã cất bước đi theo những lời dạy đó, nhưng với sự nóng lòng quá đáng, họ đã trở nên dính mắc với việc chế tạo những kết quả vỏ ngoài. Họ đã đi vào ngõ cụt tìm cầu trước tiên những chuyện của thế gian thay vì cố đạt được mục tiêu thực sự là thể nhập trọn vẹn giáo lý mà họ đi theo – thể nhập cho đến khi họ trở thành chính giáo lý, trở thành một với giáo lý, trở thành một với vị thày.

Và nếu con cố đạt trước hết mục tiêu hợp nhất đó và việc sử dụng đúng đắn các khả năng sáng tạo – nghĩa là sử dụng các khả năng sáng tạo của con một cách cân bằng – thì kết quả vỏ ngoài có thể sẽ được bồi thêm cho con, hay cũng có thể là không. Bởi vì một lần nữa, ý muốn của Thượng đế là con người có quyền tự quyết và họ được phép biểu hiện quyền tự quyết này trên trái đất. Chắc chắn các chân sư thăng thiên mong muốn nhìn thấy một số kết quả vỏ ngoài, và nói cho cùng, các thày mong muốn nhìn thấy vương quốc Thượng đế và Thời Hoàng kim của Saint Germain thị hiện trong vật lý trên trái đất. Nhưng những thứ đó không thể xảy đến qua việc con làm sai cách. Vì như Giê-su diễn tả: “Với con người thì không thể, nhưng với Thượng đế thì có thể, vì đối với Thượng đế mọi chuyện đều khả dĩ.”

Vậy đâu là điểm thứ nhì con phải suy ngẫm để tìm thấy cân bằng? Chính là điều ta từng giảng dạy trong tư cách là Phật – sự không dính mắc. Không dính mắc không giống như không quan tâm hay thờ ơ. Vì đúng là khi ta chứng quả Phật, không phải là ta không dính mắc đến độ thờ ơ. Và đó là tại sao ta đã không chỉ ở lại trong Niết bàn để trải nghiệm trạng thái cực lạc mà các thày vừa đề cập hồi nãy.

Ta đã tình nguyện trở lại địa cầu và giảng dạy, và qua đó ta đã phơi mình cho các thế lực trên trái đất tấn công. Không phải là các thế lực này có khả năng chạm đến ta, nhưng dẫu sao ta vẫn phải bước đi trong thế giới nhị nguyên và xử lý các đệ tử đến với ta ở đủ loại tầng tâm thức nhị nguyên khác nhau. Và mặc dù có rất ít ghi chép về điều này, nhưng ta có thể cam đoan với con là một số đệ tử này đến gặp mặt ta còn bị vướng kẹt rất sâu trong tâm thức nhị nguyên, và họ đã làm những chuyện với ta y hệt như một số môn đồ của Giê-su đã làm với Giê-su – như được minh họa qua cách cư xử của Peter muốn áp đặt hộp tư duy của ông lên Ki-tô Hằng sống, để Ki-tô Hằng sống bị ép uổng phải tuân theo hộp tư duy đó. Cho nên cũng có những đệ tử muốn ép uổng Phật Hằng sống phải nằm gọn trong hộp tư duy của họ thay vì cho phép Phật dẫn họ vượt ra khỏi hộp.

Không dính mắc là chìa khóa của quả vị Phật. Và không dính mắc là chìa khóa của quả vị Ki-tô. Và sự không dính mắc này đến từ cái hiểu mà ta vừa trình bày. Mục tiêu đích thực của các chân sư thăng thiên cho trái đất này là nâng cao tâm thức con người vượt ra khỏi nhị nguyên để họ với lên và khám phá Lời Hằng sống bên trong họ, và như vậy họ sẽ lấy những quyết định đúng đắn một cách tự nhiên – do họ có được cái mà một số môn đệ của ta sau này gọi là “sơ tâm”, là cùng cái tâm được Giê-su mô tả khi thày nói rằng trừ khi con trở thành như trẻ nhỏ thì con không thể vào được Nước Trời.

Tại sao sơ tâm là chìa khóa

Tại sao vậy chứ? Vì con có cái tâm trong sáng – tâm không dính mắc, tâm không thành kiến – không tìm cách ép uổng thế gian để nó nằm gọn trong hộp tư duy của con, không tìm cách ép uổng Thượng đế và Lời Hằng sống vào hộp tư duy của con. Con sẵn lòng xuôi chảy với Lời Hằng sống, sẵn lòng làm cánh cửa mở và cho phép Lời Hằng sống biểu đạt xuyên qua con, tức con chính là Dòng sông sự Sống, con xuôi chảy với dòng sông đó, rồi như vậy ánh sáng của dòng sông có thể chảy xuyên qua con và đánh thức người khác.

Con không thực sự tin là Giê-su lẫn ta đã đánh thức con người qua lập luận trí thức, phải không con? Con không thực sự tin là các thày khôn ngoan đến độ có thể đánh bạt trí thông minh của những kẻ thách đố các thày, phải không con? Chắc hẳn con đã đọc trong Kinh thánh là thày Giê-su đã khiến cho trí thông minh của người Pha-ri-si lẫn các thày thông giáo bị lúng túng, nhưng đến khi thày rời khỏi thì họ lại quay ngay về với kinh điển của họ và tìm ra những câu trích dẫn sẽ giúp họ đạp đổ hay phớt lờ những gì thày vừa nói, và qua đó họ cũng phủ nhận thày là Ki-tô Hằng sống.

Đạo Phật KHÔNG là một tôn giáo vô Thượng đế

Nếu con nghiên cứu lịch sử đạo Phật, con cũng biết là ta từng đặt vấn đề với các nhà Bà là môn trong đạo Ấn – họ cũng kiểm soát người dân của họ giống như giới tu sĩ đạo Do Thái vào thời Israel cổ. Và cũng vậy, họ đã chối bỏ ta bằng cách trích dẫn kinh Veda cùng mô hình vũ trụ của họ. Nhiều người trong số họ chối bỏ ta vì ta không nói đến Thượng đế hay các khái niệm siêu hình.

Con yêu dấu, tại sao ta lại không đề cập? À, ta có thể nói chắc với con là lý do không phải – như một số Phật tử hiện đại tin như vậy – là vì ta không công nhận sự hiện hữu của Thượng đế. Không, ta thực sự có công nhận Thượng đế cùng sự hiện hữu của Thượng đế là nguồn cội của mọi sự sống. Nhưng ta cũng biết chìa khóa để vươn lên khỏi cuộc vật lộn nhị nguyên đã tiếp diễn trong lãnh vực tôn giáo là giúp mọi người đạt được một trải nghiệm nội tâm của tánh linh sự thật, của Lời Hằng sống. Bởi vì một khi họ có được trải nghiệm nội tâm này thì họ sẽ ít khả năng bị mắc bẫy trong cuộc vật lộn nhị nguyên nhằm chứng minh kinh điển này mới đúng, hoặc cách diễn giải kia mới hữu lý và hay hơn – trong khi kỳ thực mọi cách diễn giải kinh điển đều sai lạc vì chúng khởi lên từ tâm thức nhị nguyên.

Mục đích của ta là trước hết nối kết con người với Lời Hằng sống ngay bên trong họ, vì khi đó ai nấy sẽ có thể có một cách tiếp cận hoàn toàn mới về chủ đề Thượng đế cùng chủ đề thiên đàng và các khái niệm siêu hình. Cho nên ta đã quyết định chọn một thế đứng vô cùng thực tiễn nói rằng, trên cơ bản, chừng nào con người còn bị vướng kẹt trong ảo tưởng của Mara thì làm thế nào họ có thể biết chắc bất cứ gì về cõi tâm linh? Và vì vậy, nếu chúng ta muốn hiểu biết về các đề tài này thì chúng ta phải bước vào nội tâm, tạo được mối liên lạc trực tiếp với cõi tâm linh, rồi sau đó chúng ta mới có nền tảng thích đáng để nói chuyện về Thượng đế.

Nhiều Phật tử sau đó và nhiều Phật tử thời nay đã không hiểu được điều này, cho nên họ nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo vô Thượng đế. Và điểm này, tất nhiên, rất hợp ý một số người phương Tây, vì họ đã bị đốt cháy bởi lửa địa ngục và diêm sinh của những nhà thuyết pháp trong đạo Cơ đốc chính thống và cực chính thống, đến độ họ sẵn sàng đổ cả chậu nước dơ của giáo hội mà không dè trong chậu nước có một đứa bé, và họ chối bỏ luôn cả Thượng đế. Thế là họ quay sang đạo Phật trong ý muốn né tránh không muốn nhắc đến hai chữ T.Đ. mà họ nhất định không để vuột qua miệng họ.

Con không thể đạt được giác ngộ bằng cách xem giác ngộ là một tiến trình không kết thúc bằng sự hợp nhất với Thượng đế. Và đây là điểm các Phật tử thời nay có thể học được từ Giê-su, khi Giê-su nói lên công khai sự hợp nhất của thày với Thượng đế: “Ta với Cha ta là một.” Đúng là như vậy, chính ta cũng nói lên một điều tương tự, vì ta chẳng nói rằng mọi thứ đều là Phật tánh hay sao? Phật tánh chẳng phải là một cách khác để mô tả Thượng đế, mô tả LOGOS, là nguồn cội của tất cả hay sao? Quả thực những ai là đệ tử tâm linh nhạy bén có thể học được một số điều từ tấm gương của Phật. Và như con thấy trong bài thỉnh tuyệt vời mà các con vừa đọc, quả thực có một sự tương đồng giữa lời lẽ của Ki-tô với lời lẽ của Phật. Ngôn từ chỉ khác đôi chút nhưng ý tưởng được diễn tả thì giống nhau.

Đạo Phật phương Tây không phải là giải đáp

Ta khuyên con nên học một số kinh Phật giáo như Kinh Pháp Cú và một số kinh khác, từng quyển một, khi nào con thấy cảm hứng. Nhưng ta không muốn con rơi vào cạm bẫy tưởng rằng con phải trở thành một Phật tử trong thế giới Tây phương. Vì ta phải thẳng thắn nói với con là có nhiều người ở phương Tây tự nhận mình là Phật tử hay là người theo đạo Phật, nhưng họ tự hại thân khi họ đi theo một dạng Phật giáo Đông phương chẳng hạn như Phật giáo Tây Tạng. Và ta phải nói với con hai điều về hiện tượng này khiến ta hơi lo lắng – nếu dĩ nhiên một vị Phật không dính mắc có thể lo lắng về bất cứ chuyện gì.

Như đã xảy ra với đạo Cơ đốc, đạo Phật cũng đã phát triển khác xa với các ý tưởng ban đầu của ta. Và một trong những điều đã xảy ra trong đạo Phật – tương tự như trong đạo Cơ đốc và tất cả mọi tôn giáo khác – là một số khía cạnh của đạo Phật đã tập trung quá đáng vào các nghi thức vỏ ngoài. Con thấy một ví dụ điển hình nhất là Phật giáo Tây Tạng, họ có chùa chiền trang trí thật công phu, những bánh xe cầu nguyện để tín đồ quay không ngừng, tưởng rằng qua thiết bị máy móc này họ sẽ tăng triển tâm linh một cách nào đó. Ta không nói là không có tác dụng, nhưng tác dụng thật ít ỏi so với khi con đọc kinh và phú cho bài kinh ngọn lửa của tim con – như con cũng biết rõ sự khác biệt giữa bài cầu nguyện đọc máy móc với bài cầu nguyện đọc lên bằng tất cả trái tim nhiệt thành.

Cho nên đúng vậy như con thấy, Phật giáo Tây Tạng có quá nhiều nghi thức đến độ hầu như họ đã đánh mất cốt lõi những lời dạy ban đầu của ta. Điều này không có nghĩa là không có ai hiểu được cốt lõi đó, nhưng ta phải nói với con, số người này không nhiều lắm – không nhiều bằng số đạo sư đủ loại với cái tên lạ lẫm được quá nhiều người tầm đạo tại phương Tây sùng kính.

Một điều nữa mà ta muốn đề cập với con, con yêu dấu, là Phật giáo Tây Tạng đã không hoàn toàn đi lạc đường. Nhưng Phật giáo được phát triển ở Tây Tạng là có lý do. Và có một lý do vì sao Tây Tạng bị cô lập từ bao nhiêu năm trời, là vì ở đó có một mạn đà la những con người mang một tư duy đặc thù. Cho nên, ý ta muốn nói là như sau: Phật giáo Tây Tạng không thích hợp lắm cho tư duy người Tây phương vốn rất khác với tư duy người Tây Tạng.

Và ta cũng nói qua một điểm nữa – vì trong tương lai ta sẽ trình bày chi tiết hơn – rằng Phật giáo Tây Tạng đã quả thực trở thành một cái hộp tư duy khép kín, một hệ thống khép kín. Và đây chính là tại sao quốc gia Tây Tạng đã trở thành nạn nhân – điều không thể tránh được – của định luật thứ hai của nhiệt động học. Và thế lực ngoại lai nhảy vào xâm chiếm là những đoàn quân Trung quốc. Ta hoàn toàn không dung túng hay biện minh cho cuộc xâm lăng của Trung quốc, nhưng ta chỉ muốn chỉ ra sự kiện lô-gíc là nếu Phật giáo Tây Tạng đã không trở thành một cái hộp khép kín thì cuộc xâm lăng đã không xảy ra.

Cho nên con thấy đó, việc đem hệ thống khép kín của Phật giáo Tây Tạng xuất khẩu sang phương Tây không thực sự là con đường thích hợp. Và việc lưu đày đức Đạt lai Lạt ma và cố giữ lấy truyền thống Tây Tạng cũng không phải là con đường thích hợp. Bởi vì nếu Đạt lai Lạt ma hay người kế vị có bao giờ trở lại Tây Tạng thì chuyện này không thể xảy ra trong cùng một tình trạng như khi ra đi. Vì trừ khi có sự tự thăng vượt thì tình trạng của Tây Tạng không thể thay đổi đến mức đức Đạt lai Lạt ma có thể trở về nước.

Không dính mắc là chìa khóa cho tương lai nước Mỹ

Vậy bây giờ hãy để ta đi hết vòng tròn và trở lại với công việc các con đang làm ở buổi hội nghị này, công việc các con đang làm với bài thỉnh vừa qua. Và bài thỉnh đó thật là một nghi thức độc đáo chưa bao giờ được thấy trong suốt lịch sử ghi chép của hành tinh này. Ta không nói ra điều này để tạo bất kỳ niềm tự hào hay tự tôn nào, mà chỉ để công nhận: Đã bao giờ từng có một sáng kiến mãnh liệt đến như vậy để kết hợp lời dạy của Ki-tô với lời dạy của Phật?

Và sự độc đáo của nghi thức trên là những gì Mẹ Mary vừa mô tả, là nó đã đập vỡ các khối ở Trung Đông để ánh sáng từ bán cầu phía Đông có thể chảy sang bán cầu phía Tây. Và công việc các con đã làm trong hội nghị này là đập bể các chướng ngại chặn nghẽn luồng chảy ánh sáng vào bán cầu phía Tây, ngay đây tại Washington D.C.

Vì như các con thấy rõ, chính phủ Hoa Kỳ đã rơi vào đúng cái bẫy mà ta vừa mô tả trong bài giảng này. Quốc gia này đã được thày Saint Germain thành lập để đại diện cho ánh sáng của Ki-tô trong thế giới, đại diện cho sự thật của Ki-tô và ánh sáng của Ki-tô. Cho nên Hoa Kỳ có một vai trò hành xử không những như một thành lũy của tự do, mà còn là một đại sứ cho tự do, để đem đến khắp thế giới nền tự do cùng với một hình thức chính phủ khai sáng hơn.

Nhưng nước Mỹ đã trở nên mất cân bằng không kém gì các đệ tử ta mô tả hồi nãy, cứ tưởng rằng mình phải làm vậy bằng cách giao chiến với những kẻ mình xem là đại diện cho phản Ki-tô – cho dù đó là Đức Quốc xã, Liên Xô, Trung quốc hay khủng bố Hồi giáo. Ta không đang bảo là trên thế giới không có những thế lực đại diện cho phản Ki-tô, nhưng ta sẽ đơn giản nói – một lần nữa – là nếu con nghĩ con có thể đem lại Nước Trời qua bạo động và vũ lực quân sự để tiêu diệt mọi thế lực phản Ki-tô, thì con đã không hiểu lời dạy của Ki-tô. Vì chẳng phải là Giê-su đã dạy, đừng cưỡng lại cái ác mà hãy chìa má bên kia? À, làm thế nào con có thể chìa má bên kia và tiếp tục chìa má khi họ cứ tát con hết lần này đến lần khác? Con yêu dấu, con có khả năng làm được, nhưng chỉ khi nào con có được sự không dính mắc của Phật, không phải sao?

Bởi vì nếu không, khi họ đánh con lần đầu – hay lần thứ mười – con sẽ nổi giận và nghĩ mình phải làm gì đó để chặn họ lại. Nhưng con thấy không, điều mà Hoa Kỳ đã nên làm sau vụ 9/11 là – theo nghĩa đen và cũng theo nghĩa bóng và nghĩa tâm linh – chìa má bên kia. Và hành động này đã có thể đóng góp nhiều hơn cho việc phán xử các thế lực phản Ki-tô so với bất kỳ biện pháp quân sự nào tốn đến hàng tỷ và hàng ngàn tỷ đô la. Và những ngàn tỷ đó đã có thể dùng ích lợi hơn trong việc nuôi sống bầy chiên của Ki-tô.

Sự thức tỉnh mà thày Saint Germain vừa nói đến quả thực là sự thức tỉnh của dân tộc Mỹ trước thực tế là cho dù họ có một sứ mệnh và được Saint Germain đỡ đầu, họ đã đưa sứ mệnh này đi lầm hướng khi họ trở nên mất cân bằng, quá nôn nóng, quá chú tâm và dính mắc vào những kết quả vỏ ngoài đặc thù. Cho nên thay vì với tay lên vương quốc Thượng đế cùng sự công chính của ngài, thì họ đã tìm cách dùng sức mạnh quân sự vượt trội để ép buộc một kết quả mà họ tưởng phải xảy ra.

Sự mù quáng toàn diện của lớp thượng tôn quyền lực

Và tất nhiên, con thấy được những kẻ nêu gương, những kẻ thể hiện trạng thái tâm thức đó đến độ cùng cực, chính là các thành viên của lớp thượng tôn quyền lực. Vì ta có thể cam đoan với con, tuyệt đại đa số những người đó tuyệt đối tin rằng họ đang làm điều phải. Nhiều người còn tin là họ đang làm công việc của Thượng đế hay phục vụ đại nghĩa của Ki-tô. Vì họ thực sự tin là họ cao trội hơn người khác, cho nên họ phải cai trị mọi người, cai trị đất nước này.

Nhưng điều này hoàn toàn đi ngược lại mục đích thực sự mà ta vừa mô tả ở trên, cụ thể là các thày có mục đích đánh thức loài người, trong khi các thế lực phản Ki-tô, các thày giả của phản Ki-tô, muốn ép buộc mọi người phải đi vào cái mà họ gọi là Nước Trời theo tiêu chuẩn nhị nguyên của họ. Phải, các con đã đạt được một chiến thắng ở hội nghị này, một chiến thắng làm mềm nhũn cái tư duy cứng nhắc đã giam cầm Washington D.C. và toàn bộ chính phủ liên bang Hoa Kỳ, đã khiến họ đui mù với Trung đạo – là con đường Trung đạo đã có thể tránh được nỗi xấu hổ của cả nước trong cuộc chiến Iraq. Cho nên các con đã dọn sạch một con đường may ra sẽ giúp cho chính phủ Mỹ khởi sự quay trở về – hay đúng hơn, lần đầu tiên bắt đầu tìm kiếm – con đường Trung đạo.

Với chiến thắng đạt được ở hội nghị này, các con đã hình thành một thái cực Omega cho chiến thắng đạt được trong tháng qua bởi nhiều người khắp thế giới qua Bài thỉnh Hiện tại Vĩnh hằng. Và điều này đã cho phép các thày tạo ra một mạn đà la vô cùng quyền năng, một cơn lốc năng lượng vô cùng mãnh liệt, nhờ vậy tất cả ánh sáng được cầu thỉnh bởi nhiều người khắp thế giới qua bài thỉnh trước giờ đây có thể được hội tụ lại, tập trung lại, vào nơi có nhu cầu lớn nhất ngay lúc này, tức là ở Washington D.C. đây.

Và như vậy con đã tham gia vào việc hình dung ánh sáng đi xuống trên Tượng đài Washington, lan tỏa đến mọi cơ quan của chính phủ liên bang, làm dịu đi cái tư duy đông đặc, những cái hộp tư duy, những mối vướng mắc với một thế giới quan đặc thù cho rằng thế giới phải tuân theo hộp tư duy hiện thời của mình thay vì với lên Lời Hằng sống, vượt khỏi mọi hộp tư duy và thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình.

Như Mẹ Mary và El Morya vừa trình bày, sự thật là để có một thay đổi đích thực ở vùng Trung đông, phải có trước tiên một thay đổi đích thực ở Hoa Kỳ. Vì nước Mỹ bây giờ đã dấn quá sâu vào Trung Đông – qua vụ can thiệp ở Iraq, liên hệ với Israel và nhiều nước khác – cho nên không có cách nào đem lại tình trạng hòa bình ở Trung Đông mà không có sự tham gia của Mỹ.

Nhưng không có cách đem lại hòa bình trừ khi Hoa Kỳ tỉnh trí lại, trước hết bước vào Trung Đạo và tìm được cân bằng, nhận ra ý nghĩa đích thực của việc làm đại diện cho Ki-tô trên thế giới là gì, thay vì mắc bẫy rơi vào một trong hai vai trò nhị nguyên do tâm rắn quy định. Cho nên ta cho các con và mọi người khắp thế giới biết rằng các con đã đạt được và xứng đáng được nhận một sự rải truyền ánh sáng thật hi hữu vào ngày Chủ nhật Phục sinh hôm nay, một tia sáng được các thày phóng ra về nơi có nhu cầu lớn nhất, tức là ngay đây ở thủ đô nước Mỹ.

Một đặc ân từ Chủ tể Thế gian

Qua bài thỉnh này, các con đã nhận được một đặc ân từ trái tim ta. Vì ta phải nói với con là trách vụ của ta, trách vụ tâm linh mà ta được ủy nhiệm, có tên là Chủ tể Thế gian. Có nghĩa là, trong nghĩa đen, ta cầm giữ thế giới cùng đời sống của mọi người trên thế giới trong tay mình. Sợi dây pha lê nối kết mỗi người trên địa cầu với Hiện diện TA LÀ của họ đi qua trái tim ta, và do đó xuyên qua trái tim của Phật mà mọi người có tiềm năng biểu lộ ngọn lửa Thượng đế trên địa cầu.

Vậy đặc ân ta ban cho các con hôm nay là ta sẽ neo trụ Hiện diện của ta nơi tòa nhà Quốc hội, dưới mái vòm của phòng rotunda trong tòa nhà Quốc hội. Và nếu có ai khắp thế giới sẵn lòng thì họ có thể neo trụ một phần ngọn lửa Thượng đế của họ ở đó biểu lộ qua tim ta và Hiện diện của ta. Vậy ta yêu cầu những ai nghe hoặc đọc bài truyền đọc này hãy hình dung là ta đang ngồi trong tư thế hoa sen ngay trung tâm tòa nhà Quốc hội. Và các con ngồi quanh ta trong tư thế hoa sen. Đừng để ý đến các thượng nghị sĩ và dân biểu đi ngang qua thấy đây là một cảnh tượng kỳ lạ. Hãy không dính mắc, vì chúng ta ở đây trong Hiện tại Vĩnh cửu. Và ta sẽ ở lại đây trong Hiện tại Vĩnh cửu vượt khỏi thời gian lẫn không gian.

Vậy con hãy hình dung cùng với ta là chúng ta đang ngồi đây trong an bình toàn hảo của Phật. Chúng ta không quan tâm đến những gì đang diễn ra trong Hạ viện lẫn Thượng viện. Chúng ta không quan tâm đến những suy tư phi lý của các vị dân cử. Chúng ta không quan tâm đến những quyết định của họ. Chúng ta chỉ lo ở lại trong An bình của Phật, neo trụ ánh sáng này nơi toà nhà Capitol để đối trọng lại.

Mặc dù có một số vị dân cử chắc chắn có thể xem là hiện thân của tâm thức phản Ki-tô, nhưng có nhiều vị dân cử khác của đất nước này có ý định tối ưu và họ đại diện cho tâm thức của dân tộc Mỹ trong trạng thái hôm nay. Không dễ dàng gì cho họ đến Washington D.C. để phải đối mặt với những áp lực dữ dội mà mọi người đang gửi tới họ từ khắp mọi nơi.

Cho nên chúng ta không ở đây để khiến các vị dân cử đó đưa ra những quyết định đặc thù. Chúng ta ở đây để neo trụ An bình của Phật có tiềm năng giải thoát một số vị đó khỏi những áp lực đang kéo họ vào hai đối cực nhị nguyên, và như vậy cho phép họ cảm nhận được một sự tĩnh lặng nội tâm sẽ nối kết họ lại với mục đích ban đầu, với mơ ước ban đầu khi họ lần đầu tiên quyết định ra ứng cử. Có lẽ nó sẽ nối kết họ lại với truyền thống đích thực của những vị sáng lập nước Mỹ cùng các nguyên lý tâm linh của dân tộc Mỹ, để họ nhận ra là họ không phải gục ngã trước áp lực của các nhóm vận động hành lang, các nhóm đặc quyền đặc lợi, của giới truyền thông, của các nghị sĩ khác, của chính đảng phái họ đang muốn họ phải tuân theo đường lối của đảng và chơi trò chính trị của đảng thay vì làm điều phải.

Thay vào đó, họ có khả năng bước vào bên trong chính họ. Họ có khả năng đứng lên bảo vệ những gì họ thực sự tin tưởng, những nguyên tắc chân thực của dân tộc này, và họ có thể nói: “Tôi đã chán những trò chính trị đảng phái. Trong tim tôi biết rõ điều gì là phải, và tôi sẽ theo đó nói lên ý nghĩ của mình trong hội trường này, tôi sẽ theo đó bỏ phiếu. Bởi vì tôi không được người dân bầu lên để làm con múa rối cho nhóm thượng lưu quyền lực. Tôi đã được bầu lên để đại diện cho “chúng ta, nhân dân Mỹ”, và tôi không quên là tôi đến từ “chúng ta, nhân dân Mỹ”. Tôi ở đây để đại diện người dân chứ không phải nhóm thượng tôn quyền lực cùng những trò lũng đoạn của chúng. Tôi sẽ giữ vững lập trường của mình dù chuyện gì có xảy ra. Và tôi sẽ giành lại chính quyền này khỏi tay nhóm thượng tôn quyền lực, trao nó lại cho người dân là người sở hữu chính quyền. Bởi vì tôi là một đại diện chân chính của Saint Germain.”

Các con là những đại diện chân chính của Saint Germain. Và bây giờ con hãy hình dung Ngọn lửa Tự do và Saint Germain cùng Hiện diện của thày đi xuống từ cao trong một luồng ánh sáng, neo trụ Hiện diện của thày ngay trong phòng rotunda của toà nhà Quốc hội. Sau đó sự Hiện diện đó uốn cong giống như vòng cung con thấy ở Saint Louis nơi Tượng đài Washington – giống như một vòng cung ánh sáng tạo ra hai tiêu điểm của Alpha nơi Tượng đài Washington và của Omega nơi toà nhà Quốc hội. Hình ảnh này tượng trưng cho những gì các thày đã nói trong hội nghị này, là sự kết tụ một chính quyền của Thượng đế – tức là một chính quyền nối kết với Thượng đế, đồng thời cũng là một chính quyền ở thái cực Omega, của dân, bởi dân và cho dân. Nhưng vẫn là một quốc gia duy nhất dưới Thượng đế, vì chúng ta là một dân tộc duy nhất dưới Thượng đế.

Và như vậy, con yêu dấu, thế là xong. Công việc của chúng ta đã hoàn tất. Công việc của hội nghị này đã hoàn tất. Với niềm vui to lớn, ta niêm các con trong sự an bình vô biên của Phật. An bình của ta sẽ ở với con. Ta để lại an bình của ta cho con. Con hãy đem an bình của ta theo con bất cứ nơi nào con đi đến. Và khi con cảm thấy sự căng thẳng của cuộc sống thường nhật ập tới, con hãy dành ra một ít thời gian – thỉnh thoảng – để nối kết với An bình của Phật, vì ta sẽ nâng đỡ con khi con đi qua cuộc đời. Ta sẽ nâng đỡ con miễn là quyền tự quyết của con cho phép, miễn là con tiếp tục không dính mắc. An bình. An bình. An bình. An bình.