Chương 2 – Con sử dụng tâm hay con cho phép tâm sử dụng con

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 12/3/2013.

Nada TA LÀ. Thày vừa là Thượng sư của Tia thứ Sáu, vừa là một trong những đại diện của Mẹ Thiêng liêng cho trái đất. Thày hoàn toàn có thể đảm nhận cả hai chức vụ này bởi vì tất nhiên không có xung đột giữa hai chức vụ, cũng như không có xung đột trong chính tâm thày. Và đây chính là đề tài mà thày mong muốn giảng dạy hôm nay. Vì con thấy đấy, nguyên nhân của tất cả bệnh tật – từ thể lý trí, thể cảm xúc đến cơ thể vật lý – trong bản thể con đều do sự phân chia. Vì sự phân chia làm nảy sinh xung đột giữa hai hay nhiều thành phần với nhau, mà giờ đây con có thể thấy được, hoặc chính các thành phần cũng thấy được là chúng đối chọi với nhau.  

2.1. Trái đất chuyển động cùng với thiên hà

Dựa trên những gì thày Maraytaii đã giảng cho con về tầm nhìn ở tầng cấp thiên hà, là viễn cảnh từ trung tâm thiên hà, con nhìn ra ngoài khoảng không gian bao la này và thấy các vì sao và nhiều hành tinh đang chuyển động nhịp nhàng với nhau thật tuyệt vời, rồi con nhìn xuống, xuống nữa và thấy một hạt bụi nhỏ xíu có tên là trái đất. Từ tầm nhìn thiên hà rõ ràng con thấy trái đất đang di chuyển cùng với trường hấp dẫn của toàn bộ thiên hà và không thể cưỡng lại chính thiên hà. 

Do đó lực hấp dẫn này, như cách con ưa gọi trên trái đất, quả thật đang liên tục kéo trái đất theo cho dù con người trên trái đất có làm gì đi nữa. Chẳng hạn, con có thể quyết định con sẽ đặt một giàn hỏa tiễn khổng lồ ở một phía của trái đất rồi con khai hỏa để trái đất chuyển động ngược chiều với lực hấp dẫn của thiên hà đang kéo trái đất theo. Nhưng cho dù con có đặt bao nhiêu hỏa tiễn đi nữa, con cũng không thể cưỡng lại lực hấp dẫn của toàn bộ thiên hà. Có thể con tạo ra ảo tưởng là con có khả năng cưỡng lại lực hấp dẫn này, nhưng thật sự là con không thể. 

Rồi khi con nhìn thiên hà và toàn thể vũ trụ vật chất, con nhận ra định luật tối thượng là Luật Tự quyết. Tuyệt đại đa số thiên hà và tuyệt đại đa số các hành tinh có sự sống trí năng, tất cả đều đã chọn chuyển động hướng thượng trong đường xoắn ốc đi lên mà các thày gọi là Dòng sông sự Sống và Thánh linh. Không thể đếm hết hàng tỷ sinh thể tự nhận biết đã chọn hợp nhất tâm mình – tức tâm cá thể của mình – với dòng chảy vĩ đại của tâm tổng thể đang liên tục tuôn chảy hướng lên cao. 

Nhưng cũng vì Luật Tự quyết mà có một số hành tinh trong vũ trụ nơi phần lớn các cư dân đã chọn không hòa nhập với Dòng sông sự Sống, với dòng chảy đi lên. Trái đất tất nhiên là một trong các hành tinh này. Và đó là tại sao con thấy rất nhiều tình trạng trên trái đất bị mất cân bằng, gồm những tình trạng trong tự nhiên như thiếu thốn và các thảm họa thiên nhiên. Và cả những tình trạng trong cơ thể vật lý của con người như mệt nhọc và đủ loại bệnh tật khác nhau trong cả thể chất lẫn tinh thần. 

2.2. Sự phân rẽ của các phàm linh đối nghịch  

Con thấy đấy nguyên nhân của tất cả bệnh tật là có một sự phân rẽ trong bản thể con, có nghĩa là có hai thành phần phân chia chống đối nhau. Điều này có thể xảy ra ở nhiều tầng khác nhau. Tất nhiên, như các thày đã nói có bốn tầng: bản sắc, lý trí, tình cảm và vật lý, nhưng thậm chí có những tầng khác nữa. Vì con có thể tạo ra các phàm linh để thực hiện một việc cụ thể gì đó cho con, nhưng rồi con lại tạo ra một phàm linh khác đối chọi với phàm linh đầu. 

Lấy một ví dụ về điều này, con biết việc nhiều người trong các kiếp trước đã tạo nên một số phàm linh ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, và có lẽ họ có khuynh hướng nổi giận trong một số tình huống nào đó. Nhưng trong các kiếp sống sau, những người này đi theo một tôn giáo hay ngay cả có cái nhìn tâm linh hơn về cuộc đời. Và bây giờ họ quyết định việc người tâm linh, người Cơ Đốc, hay người đạo Phật mà nổi giận thì thật không đúng hay không tâm linh. Nhưng thay vì nhìn vào chính tâm mình, phát hiện phàm linh đã khiến mình tạo nên khuôn đúc phản ứng tức giận ban đầu thì họ lại tạo ra một phàm linh khác để đè nén phàm linh tức giận. Bây giờ con có hai phàm linh được thiết kế với hai mục đích trái ngược, và ngay từ đầu, chúng đã gây chiến với nhau. 

Người ta thường không hay biết về cuộc chiến này vì trong một số trường hợp, người tâm linh rất giỏi việc cho phép một phàm linh đè nén cơn giận của mình đến mức cơn giận hiếm khi xuống đến tâm ý thức. Nhưng thày có thể đảm bảo với con không một phàm linh nào được tạo ra ở cõi vật chất có thể hoàn toàn đánh bại một phàm linh khác. Con có thể có một phàm linh giận dữ. Con có thể đã tạo ra một phàm linh khác để đè nén phàm linh giận dữ. Nhưng phàm linh đè nén này không thể tiêu diệt phàm linh giận dữ. Nó không đủ mạnh để làm vậy. Tại sao nó lại không đủ mạnh? Vì nó không có tự nhận biết. 

Con đã tạo ra phàm linh giận dữ này. Con là nhận biết thuần khiết, con là cái Ta Biết, chính con đã tạo ra phàm linh giận dữ. Con đã tạo ra phàm linh đè nén. Và chỉ có con, người đã tạo ra các phàm linh này, mới có thể giải thể chúng, có thể làm chúng tan rã, có thể để chúng chết đi.  

Điều thày muốn nói ở đây là: Phàm linh đè nén có thể rất mạnh trong việc đè nén phàm linh giận dữ đến mức con không thể nhận ra là con đang nổi giận. Con không nhận ra con có phàm linh giận dữ. Tuy nhiên những phàm linh giận dữ này vẫn nằm trong thể cảm xúc của con. Một phần của nó có thể nằm ở thể lý trí và thậm chí ở cả cõi bản sắc. Con cho rằng điều hợp lý là cuộc sống phải thỏa mãn một số kỳ vọng của con, và nếu nó không thoả mãn được thì việc con nổi giận không có gì quá đáng, vì cuộc sống lẽ ra không được như vậy. 

2.3. Các phóng chiếu ở tiềm thức

Bây giờ con thấy các phàm linh ở các tầng cao hơn vượt khỏi nhận biết ý thức của con bởi vì phàm linh đè nén không vô hiệu hoá được chúng, mà nó chỉ vô hiệu hoá sự nhận biết ý thức của con về chúng. Nó chỉ đè được chúng ở tầng ý thức, nhưng chúng vẫn hoạt động ở các tầng cao. Điều này có nghĩa là con vẫn đang phóng chiếu các hình ảnh và năng lượng vào tấm gương vũ trụ xuyên qua các phàm linh này. Và đó là lý do tại sao tấm gương vũ trụ chỉ có thể phản chiếu lại cho con chính xác những gì con gửi ra. 

Ảo tưởng của nhiều lời dạy phổ biến về khoa tự cứu tâm lý là họ hứa hẹn con có thể đạt được kết quả rất lớn bằng cách thay đổi thái độ ý thức của mình và khoác vào một “thái độ tư duy tích cực”. Nhưng đơn giản điều này không đúng, con yêu dấu. Vì nếu con không đạt đến điểm thấy được các phàm linh ở những tầng cao và con không giải thể chúng một cách ý thức, thì con sẽ đơn giản tạo ra một phàm linh khác, đó là “phàm linh thái độ tư duy tích cực”, và cuối cùng khi con cho phàm linh này đủ năng lượng, có lẽ nó sẽ làm được một chuyện là trấn áp các phàm linh kia ở tầng ý thức mà thôi. 

Vì vậy ở tầng ý thức con nghĩ: “Tôi đang tích cực quá đỗi, tôi đang gửi ra ngoài toàn là năng lượng tích cực, vì vậy tấm gương vũ trụ phải gửi lại cho tôi những hoàn cảnh tích cực”. Và khi con không nhận được hoàn cảnh tích cực thì con chán nản, con nghĩ chắc phải có gì không ổn. Nhưng con đã không nhận ra là tấm gương vũ trụ không chỉ gửi lại những gì ở tầng ý thức của con mà nó còn gửi lại toàn bộ những gì con phóng chiếu ra từ bốn thể phàm của con. 

Bây giờ con thấy thày đang dẫn đến một điều giản dị ở đây: Con không thể cưỡng lại sức kéo của tâm tập thể, tâm đại chúng, đã được tạo ra trên trái đất. Cá nhân con không thể cưỡng lại tâm này. Con có thể cố tạo ra các phàm linh nhằm trấn áp tâm tập thể và các xu hướng giận dữ hoặc hung hãn hoặc bất kỳ xu hướng nào khác của tâm đó, nhưng con sẽ không thành công. Có lẽ ngoại trừ ở tầng ý thức, con mới dối được mình khi nghĩ mình là người tâm linh, người tốt bụng, hay người đáng mến. Nhưng con vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những phàm linh ở các tầng cao hơn của tâm con, những phàm linh này nằm bên dưới tầng nhận biết ý thức, là nơi thường được gọi là tiềm thức. 

2.4. Tìm cách kiểm soát tư tưởng

Con thấy gì ở nhiều người tâm linh, cả những người rất thuần thành và những người đã thiền tập trong nhiều năm? Điều con thấy ở đây là: Họ đã nhận ra một phần những gì họ cần làm để tiến bộ tâm linh là kiểm soát tâm mình, tránh những tư tưởng xáo trộn hoặc có lẽ thậm chí tránh tất cả mọi tư tưởng. Vậy họ đã làm gì? Họ đã tạo ra một phàm linh tìm cách kiểm soát tư tưởng của họ, tìm cách đè nén một số tư tưởng nhất định hay đè nén mọi tư tưởng. 

Nhưng phương pháp này có mấy điểm không xây dựng. Trước hết, con chỉ có thể dùng phương pháp này ở tầng ý thức. Thật ra con có thể thành công trong việc đè nén các tư tưởng ở tầng ý thức khiến con nghĩ con có thể đi vào các tầng thiền sâu và không còn bất cứ một niệm nào. Nhưng điều này không nhất thiết là con đã làm sạch các thể cao của mình. Qua thiền và các phương pháp luyện tập tâm linh khác, một số người đã thành công trong việc làm sạch các thể cao của họ. Nhưng họ đã thành công chỉ vì một lý do duy nhất: Họ đã sẵn lòng nhìn vào mọi thứ diễn ra ở những thể cao này và loại bỏ chúng. Đây là những người sẽ thành công trong việc áp dụng một giáo lý tâm linh cho dù đó là giáo lý gì. 

Tuy nhiên có nhiều người, đặc biệt ở các nước phương Tây hiện đại, đã sử dụng một phương pháp vỏ ngoài và nghĩ rằng điều quan trọng trên hết là phải chế tạo được một kết quả nào đó – và họ không sẵn lòng đi vào các vùng thâm sâu của tâm. Họ quá chú tâm vào việc đạt được một kết quả, và bởi vì họ quá chú tâm vào kết quả – cho dù đó là làm tâm bất động hay cái gì khác – nên họ đã tạo ra một phàm linh có ý định đạt được kết quả đó. Như thày đã nói, phàm linh có thể làm được điều này ở tầng ý thức nhưng nó không thể giải quyết những phàm linh ở các tầng sâu hơn. 

Con thấy nhiều người có ảo tưởng là họ rất tâm linh nhưng không phải vậy, vì họ không giải quyết những gì đang diễn ra ở các tầng sâu hơn. Ý thày giản dị là: Khía cạnh của Bài ca sự Sống, khía cạnh mà thày đang giảng đây, là tầng lý trí. Thày Maraytaii đã nói về tầng bản sắc và thày đang nói về tầng lý trí. Nhiều người tin rằng để kiểm soát được thể lý trí, bằng cách nào đó họ phải kiểm soát tư tưởng của mình – hoặc bằng cách điều khiển chúng phải theo một số khuôn nếp nhất định, hoặc khiến chúng yên lặng hoàn toàn bằng cách ép bỏ mọi tư tưởng. 

2.5. Nguyên nhân tư duy của bệnh tật

Tuy nhiên như thày đã cố gắng giải thích, điều này sẽ chắc chắn tạo ra một sự phân chia trong bản thể của con qua đó con sẽ tạo ra mấy phàm linh giao chiến với nhau. Việc này sẽ hao tổn năng lượng của con. Sự xung đột giữa các phàm linh cũng sẽ tạo ra sự phân chia này và qua thời gian nó sẽ biểu lộ thành một căn bệnh trong thể vật lý. 

Vậy thể vật lý là gì? Đó là một phóng chiếu của tâm. Tất cả đều là tâm. Cơ thể vật lý của con không tồn tại trong một không gian vật lý, như con đã được nuôi dạy để tin vào những hiểu biết khoa học đương đại về vũ trụ – là loại hiểu biết vẫn lệ thuộc quá đỗi vào giác quan vật lý của con người. 

Sự thật sâu xa là, như thày Maraytaii đã nói, mọi thứ đều được tái tạo nhiều lần mỗi giây. Cơ thể con không tồn tại qua thời gian. Nó liên tục được tái tạo bởi một hình ảnh được phóng chiếu vào Ánh sáng Mẫu-Vật. Hình ảnh đó được phóng chiếu qua ba tầng cao hơn của ba thể cao hơn của con và qua cả tâm ở tầng vật lý. 

Chẳng hạn, khi con có một sự phân chia ở tầng lý trí thì sự phân chia này cuối cùng sẽ thấm xuống tầng vật lý. Bây giờ con sẽ có một hình ảnh bất toàn, một hình ảnh với nhiều mâu thuẫn, được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Và điều này sẽ biểu lộ ra thành một loại xung đột nào đó trong cơ thể vật lý khiến các tế bào không thể vận hành đúng chức năng, thậm chí chúng còn có thể tự huỷ hoại hay huỷ hoại các tế bào khác, để rồi cuối cùng con mắc phải một căn bệnh có thể phá huỷ một bộ phận hay một phần cơ thể hoặc ngay cả làm suy sụp toàn bộ cơ thể. Không thể có cách nào khác, vì cơ thể vật lý chỉ có thể trải bày những gì đang được phóng chiếu từ các thể cao. 

Những gì thày đang nói ở đây rất giản dị: Nếu con nghĩ rằng việc chủ động tâm mình có nghĩa là làm yên tất cả mọi tư tưởng thì đó không phải là một cách tiếp cận xây dựng. Điều các thày đề nghị trong phương pháp chữa lành của Bài ca sự Sống là cho con một chọn lựa khác qua đó con không tìm cách áp chế tư tưởng. Con không tìm cách kiểm soát tư tưởng, mà thật ra con cho phép tư tưởng xuôi chảy. 

Vì lý do giản dị là: Con không thể thay đổi bất kỳ điều gì trong quá khứ. Con không thể quay ngược thời gian cũng như thay đổi quá khứ. Con chỉ có thể thực hiện thay đổi ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại. Những gì tâm lý trí làm là nó phóng chiếu một hình tư tưởng, rồi nó phóng chiếu ra là hình tư tưởng này không còn là một hình ảnh mà là chính thực tại. 

Theo một nghĩa nào đó thì câu trên cũng phần nào xác thực vì như thày đã nói, hình tư tưởng được phóng lên Ánh sáng Mẫu-Vật và vì vậy chúng trở thành thực tại tạm thời của con. Nhưng chúng không phải là thực tại theo nghĩa tối hậu. Chúng là những khái niệm. Chúng là những tâm ảnh. 

2.6. Thay đổi hình tư tưởng

Những gì con cần làm để thay đổi ở tầng vật lý đó là thay đổi hình tư tưởng. Nhưng đây là bí quyết. Con không thể thay đổi hình tư tưởng trong quá khứ. Con chỉ có thể thay đổi chúng trong giây phút hiện tại. Và con chỉ có thể làm điều này bằng cách sử dụng khả năng sáng tạo của con. 

Kỳ thực con không thể xóa bỏ một hình tư tưởng. Ngay cả chuyện toan tính xóa bỏ cũng không có tính xây dựng. Nhưng đó là điều tâm con bảo con phải làm, bởi vì tâm tách biệt bị mắc kẹt vào hình thái suy nghĩ nhị nguyên, và trong hình thái suy nghĩ nhị nguyên thì hai cực cơ bản gồm lực lan ra của Cha và lực co lại của Mẹ giờ đây bị xem là hai cực đối lập. Tâm tách biệt, tâm rắn, gắn vào đó một phán xét giá trị cho rằng có tốt và có xấu. Và vì vậy, cái xấu phải bị xóa bỏ để cái tốt chiến thắng. 

Nhưng con thấy đấy, cả hai cực nhị nguyên đó được tạo ra cùng một lúc và chúng phụ thuộc lẫn nhau. Cái này không thể tồn tại mà không có cái kia. Nếu con loại bỏ cái con cho là xấu thì cái tốt cũng không tiếp tục tồn tại. Và vì vậy, con không bao giờ có thể xoá bỏ được cái xấu bằng cách sử dụng tâm nhị nguyên. 

Nhưng những gì tâm làm – những gì tâm lý trí làm rất giỏi – là dùng khả năng của lý trí để phân tích, so sánh, và tạo ra một hệ thống nói rằng: “Những tư tưởng này là tốt, những tư tưởng kia là xấu. Tôi phải tìm cách huỷ diệt các tư tưởng xấu”. Điều tâm nói, mà cũng là sở trường thực sự của nó: “Có một vấn đề tôi phải giải quyết trước khi tôi có thể khoẻ mạnh hay trước khi tôi có thể là người tâm linh. Và vấn đề đó liên quan đến một việc gì sai trật và tôi phải tiến hành chỉnh đốn điều sai trật này bằng cách huỷ diệt cái sai.”

Thế là con bị kẹt trong trò chơi qua đó con tìm cách nhận diện và phơi bày một khuôn đúc tư tưởng mà con cho là sai. Rồi sau đó con tìm cách phá huỷ khuôn đúc tư tưởng này. Nhưng con đang làm gì chứ? Chính những gì thày vừa mô tả ở trên. Có thể có một khuôn đúc tư tưởng không có tính xây dựng và khuôn đúc này giờ đây biến thành một phàm linh và phàm linh này đang liên tục phóng chiếu khuôn đúc đó. Nhưng nếu con dùng tâm để tìm cách giải quyết vấn đề này, con sẽ đơn giản tạo ra một phàm linh khác và phàm linh này được thiết kế để cố phá huỷ phàm linh ban đầu. Như thày đã nói, điều này không dẫn tới một giải pháp. Chữa lành không có nghĩa như những gì con đã tin trên hành tinh này, là nếu một tế bào bị ung thư thì con cần huỷ diệt tế bào đó. 

2.7. Sự chữa lành sáng tạo

Con yêu dấu, con không thể chữa lành qua sự huỷ diệt. Con có vui lòng xem lại câu nói giản dị này và cho phép nó thấm đẫm vào bản thể con không? Vì nếu con muốn được chữa lành và toàn vẹn thì con phải nhận ra con không thể chữa lành bằng cách huỷ diệt. Con rời bỏ sự toàn vẹn qua việc phân chia. Con không thể quay trở lại sự toàn vẹn bằng việc dùng một nỗ lực phân chia để huỷ diệt một sự phân chia khác. Điều này chỉ khiến con gia tốc hành trình đi xuống, rời xa sự toàn vẹn. 

Con phải làm gì đây? Con phải kích hoạt lại khả năng sáng tạo của tâm. Sáng tạo không phải là tìm cách nhận diện một vấn đề và loại bỏ vấn đề đó. Sáng tạo là khi con nói: “A, khuôn đúc cũ kỹ này không còn hữu ích cho tôi nữa. Tôi không muốn nó nữa. Tôi đang tìm kiếm một khuôn đúc cao hơn. Tôi đang thăng vượt khuôn đúc cũ. Tôi đang tái tạo lại ý niệm bản sắc của tôi. Tôi đang tái tạo lại trí thể và những tư tưởng của tôi.” Con có thấy không? 

Bằng việc sáng tạo, con vượt thăng cái cũ. Con không hủy diệt cái cũ. Chẳng hạn làm sao con vượt qua được bệnh ung thư? Không phải bằng cách hủy diệt các tế bào đang biểu lộ bệnh ung thư, vì điều này chỉ làm tăng thêm lực phân chia, sự tự huỷ diệt và sự xung đột giữa các tế bào. Con vượt qua căn bệnh bằng cách yêu thương các tế bào. Con vượt qua căn bệnh bằng cách nhìn vượt quá xung đột vật lý bên ngoài để nhìn vào các bộ phận tình cảm, lý trí và bản sắc đã khiến con phóng chiếu những hình ảnh này lên các tế bào, mà giờ đây đang khiến chúng tự hủy diệt hay hủy diệt những tế bào khác nữa. 

Con có thấy không? Chỉ qua sự sáng tạo con mới thăng vượt các khuôn đúc bị phân chia đã gây nên bệnh tật và xung đột. Nhưng sự sáng tạo là tình thương: tình thương đối với cái hơn nữa, tình thương đối với cái mới, tình thương đối với sự thăng vượt cái cũ. 

2.8. Chọn hòa điệu với tâm nào

Con có thấy những gì thày đang cố nói ở đây? Con, một con người trên trái đất, có một chọn lựa: Con muốn hoà điệu tâm cá nhân con với tâm nào, tâm tập thể nào? Con có muốn hoà điệu tâm con với tâm đại chúng được tạo ra trên trái đất, hay con muốn hoà điệu tâm con với tâm tập thể vĩ đại hơn được tạo ra trong toàn thể vũ trụ? 

Tâm tập thể vĩ đại hơn – tức Thánh linh, Dòng sông sự Sống – là một tâm sáng tạo hướng thượng. Tâm tập thể được tạo ra trên trái đất là tâm phân rẽ có sự xung đột giữa các thành phần – như con cũng thấy biểu lộ qua các nhóm người liên tục tìm cách huỷ diệt lẫn nhau. 

Chừng nào con còn hoà điệu với tâm đó, con sẽ không dễ dàng tìm thấy sự chữa lành. Tất nhiên, con sẽ không tìm thấy sự toàn vẹn. Con có thể phủ lấp các triệu chứng vật lý trong một thời gian nhưng rồi con sẽ chỉ có thể che đậy chúng. Con sẽ không thật sự chữa lành, con sẽ không giải quyết được gì.

Những gì các thày đang trao cho con qua công cụ này của Bài ca sự Sống là một cách trong lọc các tầng của tâm con và do đó bắt đầu hoà điệu tâm cá thể của con với tâm vĩ đại hơn, với Dòng sông sự Sống. Các thày làm điều này bằng cách cho con công cụ này qua đó con có thể dùng uy lực giọng nói của con, uy lực của giọng đọc vần điệu, để cầu thỉnh ánh sáng tâm linh, cầu thỉnh các khuôn đúc âm thanh của Bài ca sự Sống. Điều này sẽ bắt đầu căn chỉnh thẳng hàng các khuôn đúc lặp đi lặp lại được tạo ra trong bốn thể phàm của con và được phóng chiếu vào Ánh sáng Mẫu-Vật tạo nên cơ thể vật lý của con. 

Đây là một phương pháp chữa lành khác. Đây là một phương pháp chữa lành khả dĩ. Có thể không chữa lành ngay lập tức, nhưng rồi lần nữa, nếu con chuyển đổi đủ tâm mình, việc chữa lành có thể xảy ra ngay lập tức. Ngay khi tâm con chuyển tới điểm con không còn phóng chiếu các khuôn đúc gây ra bệnh tật trong cơ thể vật lý, thì ngay lúc đó, cơ thể vật lý của con có thể được tái tạo tức khắc. 

Đó chẳng phải là kết quả hợp lý của lời dạy mà thày đã cho con là mọi thứ trong vũ trụ vật chất đang được phóng chiếu nhiều lần mỗi giây lên Ánh sáng Mẫu-Vật hay sao? Rồi con chẳng thấy hay sao là một khi con thay đổi khuôn đúc thì biểu lộ vật lý sẽ thay đổi ngay lập tức?  

Đây chính là những gì thày Giê-su đã biết khi thày chữa cho người đàn ông có cánh tay bị teo, khi thày thực hiện nhiều việc chữa lành khác được gọi là phép lạ. Đó không phải là phép lạ gì cả. Thày đã có khả năng dùng sự chứng đạt của mình để giúp họ vượt qua khuôn đúc – bước ra ngoài khuôn đúc – mà họ đã phóng chiếu lên thể vật lý. Đó là lý do vì sao Giê-su đã hỏi họ: “Các con có tin ta có quyền năng chữa lành không?” Và khi họ tin thì họ có thể được chữa lành. 

Giờ đây, mặc dù điều này không được ghi lại trong Kinh Thánh nhưng thày phải nói với con, vài người trong số họ lại sa ngã và sau một thời gian, căn bệnh cũ tái phát vì họ đã không thể vun bồi ân sủng mà Ki-tô đã ban phát và tái tạo lại một cách ý thức ý niệm bản ngã của mình. Do đó, sau một khoảng thời gian ngắn, họ lại tái tạo cùng khuôn mẫu và lại phóng chiếu căn bệnh lên thể vật lý. 

Dẫu sao, thày đang nói cho con sự thật này, đó là sự thật Ki-tô. Ki-tô trong con có quyền năng chữa lành ngay tức khắc cơ thể vật lý, cảm thể, trí thể và bản sắc thể của con. 

“Con có tin không?” Vì khi con tin, việc chữa lành sẽ xảy ra y như con tin. Đây là Luật Tự quyết, con yêu dấu. Đây không phải là mơ tưởng. Đây là quy luật. 

2.9. Thách thức tin tưởng

Tuy nhiên, khi nói câu: “Con nên tin điều này” với một ai đó thì tất nhiên không xây dựng lắm. Nhiều người không thể tin vì họ mang quá nhiều hành lý trong bốn tầng của tâm. Họ có quá nhiều năng lượng tha hoá. Họ có quá nhiều tin tưởng nhị nguyên. Và mặc dù thày muốn con biết sự thật này, nhưng đó là lý do thày không muốn con cảm thấy buồn phiền nếu con không thể tin ngay. 

Tuy nhiên, thày biết một số người có thể tin ngay và có thể thay đổi ngay. Và chắc chắn thày sẽ muốn chọn lựa này mở ra cho những ai có khả năng tận dụng cơ hội đó. Nhưng với những ai không thể tin ngay, hãy dùng những dụng cụ mà các thày đã trao truyền. Không chỉ là Bài ca sự Sống, mà nhiều dụng cụ khác mà các thày đã ban ra như: các bài chú, các bài thỉnh, các giáo lý mà con đã học – đặc biệt là các giáo lý của Bảy Thượng sư – rồi con hãy tinh tấn chuyển đổi ý niệm bản ngã của con. Vì chẳng phải là con đang bắt đầu nhận ra bằng việc lắng nghe những lời này và bằng việc đọc các bài thỉnh của Bài ca sự Sống, con có thể chuyển đổi ý niệm bản ngã của mình, và chỉ có con mới có thể làm được điều này hay sao? 

Ki-tô không thể xoay chuyển bản ngã của con giùm con. Chỉ có cái Ta Biết mới có thể xoay chuyển ý niệm bản ngã của con. Nhưng Ki-tô có thể giúp con làm việc thay đổi này dễ dàng hơn khi con quyết định buông bỏ bản ngã cũ. Con là người duy nhất có thể buông bỏ vì con có quyền tự quyết. Con là người duy nhất có thể dùng khả năng của mình – khả năng quay trở lại nhận biết thuần khiết – để nhìn vào trí thể từ bên ngoài và nói: “A, tôi thấy tâm mình đang làm gì. Tôi thấy tâm mình như một cái máy điện toán. Nó được lập trình để thực hiện một số chức năng và nó sẽ tiếp tục mãi việc này một cách vô ý thức cho đến tương lai vô định, trừ khi tôi nhấc chuột lên và bấm vào nơi khác, hay tôi ra khỏi chương trình đã chạy suốt nhiều kiếp sống trong trí thể của tôi. Bây giờ tôi thấy tâm mình đã được lập trình để giải quyết một số vấn đề. Nhưng tôi biết Tôi, cái Ta Biết, không cần giải quyết những vấn đề này. Chúng không cần được giải quyết. Chúng cần được thăng vượt. Chúng cần được bỏ lại đằng sau”. 

Đây là chìa khoá để chữa lành: Đó là con chuyển đổi ý niệm bản ngã ở tầng bản sắc, tầng lý trí, tầng tình cảm và tầng vật lý. Con có tin mình có uy lực làm được điều này không? Vậy thì Bài ca sự Sống và giáo lý của các chân sư thăng thiên có thể giúp con. Nếu con không tin con có uy lực thay đổi ý niệm bản ngã của mình thì các thày không thể giúp con, thày rất tiếc phải nói vậy. 

Nếu vậy con sẽ phải học từ Trường đời Cay đắng cho đến khi con gặp quá nhiều khổ đau đến mức con mở tâm ra và nói: “Chắc chắn phải có một cách sống tốt hơn thế này”. Rồi con bắt đầu tự hỏi mình những khổ đau này đến từ đâu – chúng đến từ sự phân chia trong bản thể của con. Con có thể nhận ra con đã tạo ra những phân chia này, và mặc dù thoạt tiên con khó nhận ra chúng, nhưng con yêu dấu, điều tài tình là những gì con đã tạo ra thì con cũng có uy lực tháo gỡ và hoàn nguyên. 

Con có tin không? Vậy hãy nắm lấy công cụ các thày đã trao cho con. Hãy nắm lấy các giáo lý và chuyển đổi ý niệm bản sắc của mình. Hãy chuyển ra khỏi cái tâm đã nghĩ nó phải làm tất cả những thứ đó, nghĩ nó phải giải quyết tất cả vấn đề đó, nghĩ nó cần cứu người khác hay cứu hành tinh này. Thay vì vậy, hãy tập trung vào việc cứu lấy chính mình bằng cách quay lại sự nhận biết thuần khiết. Vậy con hãy dùng Bài ca sự Sống, nhưng con đừng nghĩ chỉ một công cụ có thể làm tất cả mọi thứ cho con vì nó sẽ không xảy ra một cách tự động. 

Con có tin không? Vậy con hãy nhận mãnh lực của niềm vui, mãnh lực của tình thương, mãnh lực chữa lành từ trái tim thày Nada, Thượng sư của tia Thứ Sáu và cũng là đại diện của Mẹ Thiêng liêng. Vì TA LÀ, TA LÀ chữa lành, TA LÀ toàn vẹn, TA LÀ tâm an bình. Con có tin không? Vì chỉ có vậy thày mới là tất cả những điều đó cho con. 

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là Bài ca sự Sống 2 – Một tâm trí mới