Chương 3 – Hãy để cảm xúc tuôn chảy

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 13/3/2013.

Quan Âm là tên mà thày đã sử dụng rất lâu khi thày còn hành đạo trên trái đất. Thày được biết đến chủ yếu ở phương Đông. Tuy vậy, từ lâu thày đã đạt được tâm thức của quả vị Phật, và khi con thật sự đạt được quả vị Phật, con đã vượt thăng tất cả nhãn hiệu có thể được gán trên trái đất.

Do đó, ngay chính cái khái niệm cho rằng có một tôn giáo gọi là đạo Phật và tôn giáo này giữ độc quyền nào đó trên đức Phật cùng các giáo lý của Phật, cũng là một sự nhầm lẫn. Vì sự thật là khi con đạt được tầng tâm thức Phật, con trở nên toàn vũ tuyệt đối. Con vượt khỏi tất cả các nhãn hiệu thế gian.

Điều này quả thật được biểu tượng qua một câu chuyện được kể lại nhiều lần với nhiều phiên bản khác khau. Trong câu chuyện đó, thày có một con thuyền Bát nhã, được gọi là con thuyền minh triết, nhờ đó thày có thể đưa mọi người vượt Biển Luân hồi cuồng nộ. Nhưng tại sao Biển Luân hồi lại cuồng nộ? Vì nó bị những cảm xúc hỗn loạn của loài người khuấy động, là những năng lượng cảm xúc hỗn loạn đã được tích tụ từ rất lâu trong trường năng lượng tập thể, trong tâm thức đại chúng.

3.1. Lèo lái vượt biển cảm xúc

Do đó, con cần gì để chèo chống qua biển cảm xúc? Con cần minh triết để giúp con không đi vào đối cực này hay đối cực kia, mà con giữ cho sống thuyền kiên định. Con giữ vững hướng đi mặc dù đôi lúc con phải lèo lái qua những cơn sóng dữ đang ập đến. Nhưng con không tìm cách đánh nhau với chúng, con cũng không khuất phục chúng và để chúng cuốn con thuyền đi. Con dõi mắt theo mục tiêu của mình. Con nhắm hướng bờ biển ở đằng xa, và con tiếp tục lái thuyền theo con đường ngắn nhất hướng về bờ. Bằng cách sử dụng nguyên lý của dòng nước luôn chảy vòng quanh chướng ngại, con nhẹ nhàng lướt qua các con sóng dữ. Đây là làm thế nào minh triết linh động của đức Phật hướng dẫn con luôn tìm thấy Con đường Trung đạo giữa các đối cực.

Con đường Trung đạo là tránh đối cực bên này như thày đã lấy biểu tượng đá bị đóng băng. Con đường Trung đạo là tránh đối cực bên kia như thày đã lấy biểu tượng dung nham nóng chảy không ngừng sủi bọt sôi sùng sục. Nhưng Con đường Trung đạo cũng tránh tâm điểm giữa hai đối cực, là sự thờ ơ, lãnh đạm.

Tất nhiên ở thời đức Phật, Phật đã gặp phải sự thờ ơ của hầu hết mọi người. Trong nhiều trường hợp, họ hoàn toàn tin theo và say mê Ấn giáo đến độ họ đã thờ ơ với một vị Phật tuyên bố có những minh triết mới vượt hẳn giáo lý của các Bà la môn. Đây cũng là điều con thấy tại sao rất nhiều người đã lãnh đạm với thày Giê-su ở thời đó, và con cũng thấy tại sao họ thờ ơ với các chân sư thăng thiên ngày nay. Mặc dù thày có thể cam đoan với con là việc các thày có thể nói trực tiếp qua những bài truyền đọc, qua các sứ giả hiện thân ở đây quả thực là một lực đổi mới to lớn trong bối cảnh tôn giáo trên hành tinh này.

3.2. Khoác vào một vai trò

Chúng ta hãy nhìn vào cảm thể của người nam và người nữ. Các thày đã giải thích con có bốn thể phàm. Thể cao nhất trong bốn thể này là bản sắc thể và sau đó đến trí thể và thứ ba là cảm thể.

Con cần hiểu trong cảm thể, con rất dễ bị lôi kéo theo các hướng khác nhau bởi hai lực thường là đối lập. Nhưng trong nhiều trường hợp, các lực này có lẽ không đối lập như người ta cảm thấy bởi vì sau cùng chúng cũng kéo con về cùng một hướng.

Giờ đây, các thày, các đại diện của Mẹ Thiêng liêng, không có ý định đi sâu vào sự có mặt của những sinh thể trên địa cầu đang tìm cách kiểm soát loài người. Các thày đã có giảng về chủ đề này ở nơi khác, chủ yếu trong quyển sách Chữa lành Mẹ Trái đất [Healing Mother Earth] mà con có thể tìm đọc nếu con quan tâm hơn về vấn đề này. Nhưng điều tuyệt đối cần thiết cho việc chữa lành và tăng triển cá nhân của con là con nhận ra có những thế lực đang đầu thai lẫn không đầu thai đang tìm cách kiểm soát con, và chúng làm điều này bằng cách kiểm soát cả bốn thể phàm của con.

Vì vậy, tất nhiên giáo lý các thày dạy rằng để đầu thai con cần khởi sự tạo ra một loại phàm linh có khả năng phối hợp với cơ thể vật lý, như Đại thượng sư Maha Chohan đã giảng trong sách Trôi theo Dòng sông sự Sống [Flowing with the River of Life]. Những thế lực thao túng con người rất giỏi tạo ra những vai trò đã được định sẵn cho con người đầu thai trên trái đất, và những vai trò này tồn tại như các phàm linh ở tầng bản sắc của hành tinh, tầng bản sắc của tâm thức đại chúng.

Nhiều sinh thể đầu thai lần đầu trên trái đất, cho dù đây là lần đầu thai đầu tiên hay họ xuống đây từ một hành tinh khác, họ cũng chọn khoác lấy một trong các vai trò đã được định sẵn như thể họ đi vào một rạp hát của thế gian, ngắm nhìn các bộ trang phục khác nhau đang được treo trên móc áo, nhìn vào các vai diễn mà họ có thể đóng và nói: “Tôi muốn thử xem tôi sẽ cảm thấy thế nào khi tôi đóng vai đó.”

3.3. Bị chính vai trò kiểm soát

Con khoác vào một vai trò quy định con như một con người và quy định con có thể làm gì và đặc biệt con không thể làm gì như một con người. Nhưng con đã nhập vai, và vở kịch bắt đầu, khuôn mẫu bắt đầu khởi động. Tất nhiên, con biết trong một rạp hát trên địa cầu, con có sẵn một kịch bản và tất cả diễn viên tham gia vở kịch đó phải diễn theo kịch bản này, làm sao họ làm khác được? Không thể diễn ngẫu hứng được. Không thể ném kịch bản đi và diễn theo ý mình muốn, vì điều này sẽ gây xáo trộn cho các diễn viên khác cũng như cho khán giả và cho cả những ai nghĩ họ đang điều hành rạp hát.

Nhưng tất nhiên, nếu con khoác vào một vai trò đã được định sẵn ở tầng bản sắc thì vai trò đó sẽ tạo ra những giới hạn cho những gì có thể diễn ra trong thể tư tưởng của con, tức trí thể, và lần nữa sẽ tạo ra các giới hạn cho những gì có thể diễn ra ở cảm thể của con, điều này lần nữa lại giới hạn những gì con có thể làm với thể vật lý.

Do đó con có thấy không, nếu nhìn lại lịch sử, nhiều xã hội đã có một khuynh hướng rõ rệt tạo ra một lớp thượng lưu? Con có bao giờ tự hỏi tại sao có quá nhiều xã hội trong lịch sử bị một nhóm nhỏ thượng lưu cai trị, trong khi đại đa số người dân hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp phải làm nô lệ và lao động để giữ cho nhóm thượng lưu này ở vị trí đặc quyền, hay họ phải tuân lệnh nhóm này theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như gây chiến với nhóm thượng lưu ở nước khác? Tại sao vậy? Có bao giờ con tự hỏi câu hỏi này không?

Quả thật đó là vì hầu hết các dòng sống hiện đang đầu thai trên trái đất đã chọn khoác lấy những vai trò được định sẵn, những vai trò này đã được quy định ở cõi bản sắc bởi những kẻ tìm cách kiểm soát loài người. Kiểm soát loài người có nghĩa là gì? À, điều này có nghĩa là con kiểm soát những gì người ta sẽ làm trong cõi vật lý để con có thể giữ yên đại đa số quần chúng, con có thể giữ họ trong trạng thái thờ ơ gần như mọi lúc.

Nhưng đôi lúc con có thể hướng họ về cực này hoặc cực kia. Ở một cực, họ có thể bị khích động bởi những cơn giận dữ hay thù ghét nhóm kia đến mức họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đánh bại nhóm kia trong một cuộc chiến. Con có thể thấy điều này ở nhiều cuộc chiến trên trái đất. Nhưng cũng có thể ở cực kia họ lại lạnh lùng, vô cảm với cuộc sống đến mức họ sẵn sàng giết hại dân thường – ngay cả những người không tấn công họ – bởi vì họ đã trở nên quá lãnh cảm, thờ ơ đến mức họ không xem người khác là những con người. Con đã thấy được điều này thể hiện trong nhiều hành động hung ác chống lại loài người ở khắp các thời kỳ.

3.4. Ba phản ứng cảm xúc

Con thấy đấy, những kẻ thao túng làm được điều này bằng việc tạo ra một khuôn mẫu trong cõi bản sắc. Bằng cách định ra những triết lý và ý thức hệ đã được định trước, chúng tạo ra những khuôn mẫu khác quy định cách suy nghĩ của con, và chúng cũng tạo ra những khuôn mẫu quy định cách phản ứng cảm xúc của con. Chúng đã nỗ lực khiến con người rơi vào một trong ba phản ứng cảm xúc mà thày đã mô tả.

Một là cảm thể của con hoàn toàn đóng băng vì vậy con đè nén, hoặc con nghĩ con phải đè nén tất cả mọi cảm xúc để con không còn cảm thấy gì hết. Con hãy nhìn điều này được khuyến khích ở nhiều lãnh vực trong xã hội. Ví dụ trong giới doanh nghiệp, nhiều người được nuôi dạy không bao giờ được bộc lộ bất kỳ cảm xúc nào cho dù người quản lý của họ có làm gì hay nói gì. Nhưng trong nhiều trường hợp, đây là cách duy nhất để đạt được thành công trong giới kinh doanh. Tất nhiên, điều tương tự cũng xảy ra trong nhiều tổ chức khác nơi con phải chấp nhận hoà đồng bằng cách không bao giờ phản đối, không bao giờ lên tiếng, không bao giờ được nói: “Điều này không đúng” hay “Chuyện này không phải”.

Đằng khác, con thấy những kẻ khuynh loát cũng muốn người ta rơi vào phản ứng trong đó thể tình cảm của họ sôi sục như dung nham khi họ liên tục bị kích động, liên tục nóng giận, và chỉ cần một kích động nhỏ thì cơn giận sẽ bùng lên như con thấy trong những cuộc nổi loạn tại nhiều quốc gia. Con cũng thấy điều này ở những sự kiện thể thao mỗi thứ bảy hay chủ nhật.

Nhưng tất nhiên, con cũng thấy nhiều người rơi vào điểm giữa hai cực này – nhưng không phải là Con đường Trung đạo – trong đó họ gần như hoàn toàn thờ ơ với tất cả những gì xảy ra, và phải cần một sự khiêu khích rất lớn mới có thể khuấy động cảm xúc của họ, hay khuấy động tinh thần trách nhiệm của họ đối với các diễn biến trong xã hội.

3.5. Con không thể phớt lờ cảm xúc

Con có nắm được ý thày đang giảng không? Khi nói đến việc chữa lành cá nhân, tất nhiên đây là chủ đề chính của khuôn đúc Bài ca sự Sống, thì cảm xúc của con rất quan trọng, vì thể tình cảm ở ngay trên thể vật lý. Các cảm xúc không chỉ được phóng chiếu trực tiếp lên Ánh sáng Mẫu-Vật trong quang phổ vật chất – và do đó cảm xúc của con chính là khuôn đúc quyết định các đặc điểm vật lý của cơ thể con – nhưng trên hết, cảm xúc của con cũng là chìa khoá để chữa lành.

Con có thấy không khi con nhìn vào xã hội và nhìn vào ba cách phản ứng mà thày vừa mô tả: con thấy rất nhiều người đạt đến điểm nhận thấy sự nguy hiểm khi để cảm xúc sôi sục như dung nham. Họ thấy sự nguy hiểm khi họ trở nên lạnh giá và vô cảm với khổ đau của người khác đến mức họ im lặng đứng nhìn trong khi cuộc tàn sát người Do Thái xảy ra ngay gần kề. Kết quả là có nhiều người ngày nay không muốn đương đầu với cảm xúc.

Tất nhiên điều này một phần do họ đã lớn lên với suy nghĩ là các cảm xúc của mình chỉ có thể gắn chặt vào một trong những phản ứng này, và họ không được dạy cách giải quyết cảm xúc theo một cách xây dựng hơn. Họ đã được nuôi dạy để tin rằng cảm xúc đại loại giống như kẻ nô lệ cho bất kỳ hoàn cảnh nào xảy ra trong đời. Nếu có sự kiện nào xảy ra trong đời thì họ chỉ biết cảm nhận theo cách đó mà thôi. Và vì dường như họ không thể kiểm soát được hoàn cảnh bên ngoài đang xảy ra, nên họ cũng dường như không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.

À, dĩ nhiên người ta không được dạy rằng cảm xúc chỉ biết chạy trên đường rày mà bản sắc và tư tưởng đã vạch ra. Con có thấy kết quả này không? Nhiều người ngày nay không muốn đương đầu với cảm xúc. Họ thà phớt lờ không để ý đến chúng. Nhưng con không thấy sao, con yêu dấu, nếu một căn bệnh vật lý, một sự mệt mỏi cùng cực hay quá trình lão hóa có mặt trong cơ thể vật lý của con, thì con không thể hy vọng chữa lành nếu con không làm việc trên cảm thể (và tất nhiên cả trí thể lẫn bản sắc thể)?

Con có nhận thấy là con không thể nhảy bước bỏ qua tầng cảm xúc giống như nhiều người trong xã hội hiện đại chỉ muốn đi trực tiếp lên tầng lý trí và bản sắc? Con có thấy nhiều người trên thế giới vận dụng trí óc quá nhiều khi tiếp cận cuộc sống đến mức họ nghĩ rằng tất cả những gì họ cần làm là ngồi xuống và phân tích mọi thứ, kể cả cuộc sống của chính họ, vì họ nghĩ tâm phân tích có thể làm nảy sinh những câu trả lời cho mọi vấn đề? Hay thậm chí có những người đi cao hơn vào tầng bản sắc, nhìn vào các lời dạy triết lý, hay tôn giáo, hay tâm linh để tìm câu trả lời trong đó.

Thày không nói tìm câu trả lời trong các cõi lý trí và bản sắc không có giá trị. Thày chỉ đang nói là nếu con làm vậy và phớt lờ cảm xúc, muốn bỏ qua cảm xúc, thì làm sao con chữa lành được thể vật lý?

3.6. Cảm xúc là chìa khoá để chữa lành

Con có thấy giả dụ con có thể trụ ở tầng lý trí và bản sắc, tại đây con có thể tạo một khuôn đúc tư tưởng hoàn hảo về sức khỏe ở thể vật lý, nhưng bằng cách nào con sẽ chuyển khuôn đúc này xuống tầng vật lý? Chỉ có một cách: đó là con phải đi qua cảm thể. Con không thể dùng tâm phân tích phóng chiếu một khuôn đúc tư tưởng trực tiếp lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con yêu dấu, con không thể làm vậy. Và đó là lý do con thấy nhiều người bị mắc kẹt trong những mưu cầu trí năng đến mức họ nghĩ họ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của thế giới bằng trí năng, nhưng kỳ thực họ tác động rất ít lên cõi vật lý. Họ xa rời, họ chối bỏ cảm xúc đến mức họ không thể chuyển tư tưởng của mình xuống tầng vật lý. Chỉ qua trung gian tầng cảm xúc thì tư tưởng mới có thể đi xuống tầng vật lý.

Do đó, con thấy nhiều người mắc phải những căn bệnh vật lý và trước khi ngã bệnh, họ đã nghĩ họ có thể sống cuộc đời theo một cách nào đó, thường thường dựa trên một hiểu biết trí thức hay một triết lý nào đó. Họ đơn giản đã sống mà không màng tới việc phải giải quyết các cảm xúc, cho dù đó là những cảm xúc nóng giận, lạnh lẽo hay lãnh cảm. Và rồi khi họ mắc phải một căn bệnh vật lý và nhận ra mình cần phải làm một điều gì đó trong cuộc đời, cần phải thay đổi điều gì đó, thì họ vẫn nghĩ họ có thể tìm ra một giải pháp dựa trên phân tích, dù là qua việc sử dụng hoá chất này hay hoá chất kia, một phương pháp phẫu thuật, kiêng khem, hoặc một cách thể dục mới mẻ để chăm sóc cơ thể.

Tuy nhiên, mặc dù sự chữa lành có thể xảy ra phần nào ở tầng vật lý – hay ít ra một vài triệu chứng bên ngoài có thể được che giấu – nhưng cách chữa lành tự nhiên, toàn diện và cao hơn vẫn là giải quyết ở cảm thể. Đúng vậy, tại sao các thày lại mở đầu bài giảng bằng bản sắc thể và trí thể? Bởi vì một khi con thật sự chuyển đổi ý niệm bản sắc và bước ra ngoài tâm phân tích, thì con sẽ giải quyết ở thể tình cảm dễ hơn nhiều.

Một khi con đã học cách dùng giọng nói để cầu thỉnh năng lượng tâm linh và để dòng năng lượng tâm linh này tuôn chảy tự do qua bản sắc thể và trí thể của con, thì dòng năng lượng này rất dễ dàng chảy vào cảm thể vì trong cảm thể dòng năng lượng tâm linh có thể bắt đầu tiêu hủy những năng lượng cảm xúc tồn đọng và nhờ vậy cũng làm sạch và trong lọc cảm thể của con. Nhưng điều thày muốn chỉ cho con ở đây là: Con sẽ không đạt được kết quả cao nhất nếu con không chuyển tới điểm nơi con sẵn lòng nhìn trực tiếp vào cảm thể và nhìn trực tiếp vào các cảm xúc con có trong thể này. Thày sẽ cho con vài gợi ý để thực hiện trong bài giảng này.

3.7. Cảm xúc không phải là của con

Như thày đã nói, nhiều người lớn lên với suy nghĩ là họ không thể làm được gì với cảm xúc của họ và họ cần kìm nén bất cứ điều gì khuấy động khiến cảm xúc tuôn trào. Như các thày đã giảng, chuyện gì xảy ra chứ? À, cảm xúc không phải là của con.

Như Đại thượng sư Maha Chohan đã giải thích, tất cả những cảm xúc tiêu cực, bất hài hòa đều đến từ các phàm linh. Con, tức nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, không cảm nhận những cảm xúc này. Chính các phàm linh đang tạo ra các cảm xúc và con chỉ đang trải nghiệm cảm xúc vì con đang trải nghiệm cuộc sống xuyên qua phin lọc của các phàm linh. Chúng không phải là cảm xúc của con. Nhưng con yêu dấu, làm sao con thấy được điều này nếu con không nhìn vào cảm thể, nếu con không nhìn vào cảm xúc đó? Và làm sao con có thể nhìn vào các cảm xúc nếu con trấn áp hay phớt lờ chúng đi?

Chỉ có một cách duy nhất để thấy những cảm xúc này không phải của con và để con ngừng trốn chạy khỏi chúng, đó là con quay ngược lại và chạy thẳng vào các cảm xúc cho đến khi con đứng bên trong ngọn núi lửa dữ dội đó, hoặc cho đến khi con đứng trên lớp đá cảm xúc băng giá, lạnh ngắt đó. Chỉ khi con kết nối với cảm xúc đó rồi đi xuyên qua nó, thì con mới có thể thấy nó không phải là con. Nó ngay cả không phải là cảm nhận của con.

Cảm xúc này thậm chí cũng không phải là sản phẩm của những tư tưởng đặc trưng đã tạo nên một khuôn nếp phản ứng đối với các hoàn cảnh trên trái đất, bởi vì các tư tưởng thấp hơn, các tư tưởng vị kỷ dựa trên nỗi sợ tách biệt cũng do các phàm linh tạo ra. Thật sự con cũng không phải là cái bản sắc đang cảm thấy mình là con người bị giới hạn, bị giam trong một cái lồng và chỉ biết phản ứng dữ dội khi có ai đó rung lắc cái lồng. Con là nhận biết thuần khiết. Tuy nhiên, làm sao con biết được điều này cho đến khi con trải nghiệm được sự nhận biết thuần khiết?

Có thể nói khi con phóng chiếu chính mình lên tầng bản sắc, tức con là cánh cửa mở giữa cõi tâm linh và bốn cõi của thế giới vật chất, thì con mới trải nghiệm được nhận biết thuần khiết. Nhưng bằng cách nào, con yêu dấu, con lên được đến tầng bản sắc nếu con không đi xuyên qua các cảm xúc? Vì khi con hiện diện trong thân thể vật lý thì tâm ý thức của con trụ tại tầng vật lý. Như các thày đã nói, con có khả năng phóng chiếu chính mình vào bất cứ nơi nào con muốn, nhưng con lại không thể phóng chiếu thẳng vào thể bản sắc. À, theo lý thuyết thì con có thể làm vậy, nhưng đối với hầu hết mọi người điều này không thể được vì họ sẽ bị kéo vào cảm thể khi họ nỗ lực vượt khỏi cơ thể vật lý.

Đại đa số con người không thể đi trực tiếp vào bản sắc thể. Vậy làm sao họ vào được thể bản sắc và trải nghiệm được nhận biết thuần khiết? Chỉ bằng cách đầu tiên đi vào cảm thể, đi vào các cảm xúc rồi đi xuyên qua những cảm xúc này, sau đó đi vào trí thể, đi vào các tư tưởng rồi đi xuyên qua các tư tưởng này, sau đó đi vào bản sắc thể, đi xuyên qua ý niệm bản ngã cho đến khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết. Đây là điều có thể xảy ra với tất cả những ai sẵn lòng đi theo trình tự này và tiếp tục áp dụng nó.

Dĩ nhiên cũng có người có khả năng đi trực tiếp vào tầng bản sắc hay tầng tâm linh, nhưng họ có thể làm vậy bởi vì ở một thời điểm trong quá khứ, họ đã làm sạch cảm thể để cảm thể không lôi kéo họ vào những phản ứng đó.

3.8. Đồng hoá với cảm xúc

Điều các thày đang nỗ lực làm ở đây là giúp con phát triển khả năng và sẵn lòng đi vào cảm xúc, nối kết với cảm xúc và đi xuyên qua chúng. Các thày hiểu thoạt tiên điều này có thể đáng sợ, nhưng đây là lý do thày trao cho con các bài tập để con cầu thỉnh ánh sáng tâm linh. Vì khi con cầu thỉnh và tiếp tục cầu thỉnh ánh sáng tâm linh qua thời gian, thì ánh sáng sẽ bắt đầu làm sạch một số năng lượng tồn đọng đã biến cảm thể của con thành một vùng đất hoang vu lạnh lẽo hoặc thành một núi lửa sôi sục. Và khi cường độ của cảm xúc giảm xuống vài mức, thì con có thể dễ dàng đi vào các cảm xúc này hơn.

Nhưng tất nhiên, các thày biết điều này thậm chí vẫn có thể đáng sợ với những ai không quen đối mặt với cảm xúc, vì vậy các thày sẽ đề nghị nắm tay mỗi người và dẫn các con đi qua quá trình này. Các thày đề nghị con có thể lên khoá nhập thất ở tầng ether của các thày, của những chân sư thăng thiên, những đại diện của Mẹ Thiêng liêng. Con có thể đến học và khi con tới điểm làm điều này ở tâm ý thức thì con đã quen với quá trình này. Con biết được cảm giác như thế nào. Con biết nó không tệ như con nghĩ. Con biết con có thể sống sót khi đi vào địa ngục của cảm xúc vì con sẽ không bị thiêu cháy. Con sẽ không bị thiêu cháy. Con cũng sẽ không bị đóng băng và tê liệt. Sự thật sâu xa mà các thày muốn dạy con là cảm xúc là chìa khoá để chữa lành thân thể vật lý. Tại sao vậy?

Không phải các thày đã nói hay sao khi con khởi sự ở tầng bản sắc, con đối mặt với một cái gì rất nhẹ nhàng tinh khiết, nghĩa là ở tầng này mọi thứ đều dễ thay đổi? Khi con có mặt ở tầng bản sắc, bản sắc của con thay đổi khá dễ. Sau đó, khi con xuống đến tầng lý trí, ý niệm bản sắc của con tạo ra một số giới hạn đối với những lựa chọn con có thể thấy ở tầng lý trí, và điều này cũng tạo ra những giới hạn đối với những nơi mà tư tưởng của con có thể đi đến. Con hãy nhìn vào bao nhiêu người trên thế giới đã quyết định là một tôn giáo phải đưa ra sự thật tối hậu, vì vậy khi họ nỗ lực tìm các câu trả lời thì họ không dám vượt ra ngoài khuôn khổ các học thuyết và giáo điều của tôn giáo đó. Hay con hãy nhìn vào những người đã quyết định rằng chủ nghĩa duy vật đưa ra sự thật tối hậu và do đó họ không dám tìm câu trả lời nằm ngoài khung tham chiếu được quy định bởi quan điểm duy vật về cuộc sống. Dĩ nhiên điều này cũng áp dụng cho các hệ tư tưởng chính trị.

Nhưng khi con xuống tới tầng cảm xúc – và đây là một trong những lý do tại sao người ta sợ cảm xúc – con thấy chúng cứng chắc hơn tư tưởng. Một khi cảm xúc của con bị khoá chặt vào một con đường, giả dụ như một cơn giận – nghĩa là một khi con đã vượt quá ngưỡng của cơn giận – thì con biết việc kéo mình ra khỏi cơn giận sẽ khó hơn nhiều. Và con có hiểu lý do vì sao không?

Hãy xem người ta nói như thế nào về cảm xúc của họ: “Tôi đang giận. Tôi trở nên giận dữ. Anh ấy đã giận dữ”. Con thấy chuyện gì xảy ra ở đây không? Khi con nói “Tôi đang” hay “Tôi là”, con đang dùng một câu khẳng định ở tầng bản sắc, nhưng con đã kéo câu này xuống tầng tình cảm, và giờ đây con nghĩ con là cơn giận. Con chính là cơn giận. Con là một người giận dữ.

Ngay cả con có thể nói họ là những người giận dữ vì họ thường nổi giận, họ đáp trả bằng cơn giận. Đây là cảm xúc mặc định, cảm xúc tự động của họ, giống như những cảm xúc khác mà người ta có thể có khi phản ứng tự động đối với cuộc sống. Tất nhiên, điều này khiến mọi người rất khó thay đổi cảm xúc của mình, vì họ đã đồng hoá với cảm xúc. Nhưng nếu con nói “Tôi cảm thấy giận dữ” – có nghĩa, Tôi là một cái “Tôi” tách biệt với cảm giác giận dữ – thì con sẽ dễ bước ra ngoài cảm xúc đó. Nhưng khi con đồng hoá chính mình như trong câu “Tôi giận dữ” thì làm sao con bước ra ngoài cảm xúc đó? Điều này khó hơn rất nhiều.

3.9. Nhận lãnh trách nhiệm về các cảm xúc

Cảm xúc khó thay đổi hơn tư tưởng, và tất nhiên, như phần lớn các con đã trải nghiệm, tầng vật lý, bao gồm thể vật lý của con sau khi mắc bệnh, khó thay đổi hơn cả cảm xúc. Nhưng điều thày đang nói ở đây là con không thể thay đổi thể vật lý nếu con không thay đổi những cảm xúc của con.

Con cần hiểu điều quan trọng nhất ở đây là cảm xúc chỉ thay đổi được khi con nhận lãnh trách nhiệm. Và nhận lãnh trách nhiệm cho cảm xúc của mình nghĩa là trước hết con không trốn chạy chúng. Con không phớt lờ chúng. Con công nhận chúng có tồn tại. Nhưng một khía cạnh khác của việc nhận lãnh trách nhiệm là con đi vào các cảm xúc cho đến khi con đứng bên trong chúng và trải nghiệm năng lượng cảm xúc xung quanh con nhưng con không phải là năng lượng này.

Con có thấy dường như có sự trái ngược khi nói nhận lãnh trách nhiệm cho cảm xúc của mình thực sự là nhận ra chúng không phải là con? Nhưng đây là kết quả của việc đi vào các cảm xúc và trải nghiệm chúng chỉ là năng lượng đang xoay tít. Chúng thật sự không có ý nghĩa lâu dài, vì như các thày đã nói, cảm xúc là năng lượng đang chuyển động, là e-motion [trong Anh ngữ, emotion là cảm xúc, và e-motion viết tắt cho energy in motion có nghĩa là năng lượng đang chuyển động].

Khi con đồng hoá với cảm xúc, khi con nói: “Tôi đang giận” thì con nghĩ chúng có ý nghĩa dài hạn, phổ quát, rộng lớn. Con nghĩ, khi cơn giận của con trở nên đủ mạnh thì con cần hành động dựa trên cơn giận bởi vì phải có một thay đổi, phải có kết quả vật lý nào đó được biểu lộ. Nói cách khác, khi con vượt qua ngưỡng cửa và thấy rằng “Tôi đang giận”, thì con lập tức bước vào suy nghĩ và cảm xúc là con phải hành động dựa trên cơn giận đó. Con phải bộc lộ nó. Nó phải được bộc lộ ở tầng vật lý bằng một kiểu hành động nào đó.

3.10. Con không cần hành động dựa trên cảm xúc

Nhưng khi con nhìn vào cảm xúc, đi vào cảm xúc và đứng ngay bên trong quả bóng cảm xúc đang cuồn cuộn, thì con thấy là bên trong nó chỉ là sự trống rỗng. Thật vậy, khi đó con thấy được sự tĩnh lặng bên trong năng lượng đang chuyển động như thể con đang đứng ở hạt nhân của một nguyên tử và nhìn các hạt hạ nguyên tử xoay tít xung quanh. Và đó là lúc con trải nghiệm trực tiếp bằng trực giác – con có thể ngộ nhập (gnosis) sự trải nghiệm – rằng năng lượng cảm xúc chỉ là năng lượng. Nó không có ý nghĩa rộng lớn, trọng đại hay dài hạn. Con không cần hành động theo nó. Con không cần chuyển nó thành hành động vật lý.

Con yêu dấu, khi con bắt đầu có trải nghiệm này thì vài điều có thể xảy ra. Con có thể tới điểm con không còn cho phép các năng lượng tiêu cực phóng chiếu lên các tế bào của thể vật lý. Vì vậy, con có thể giải phóng các tế bào khỏi những phóng chiếu liên tục của năng lượng cảm xúc tiêu cực đã khiến các tế bào biểu lộ một căn bệnh vật lý. Và tất nhiên đây là chìa khoá chữa lành thể vật lý, vì như các thày đã nói, mọi thứ đều là sự phóng chiếu của các hình tư tưởng.

Có một sự phóng chiếu – một khuôn đúc bản sắc đặc thù – đang tồn tại trong bản sắc thể của con. Khi ánh sáng từ cái ta tâm linh, tức Hiện diện TA LÀ của con, chảy xuyên qua bản sắc thể, nó khoác lấy hình dạng của khuôn đúc đó. Tương tự như một máy chiếu phim chiếu hình ảnh đó lên trí thể. Nhưng sau đó có một hình ảnh khác trong trí thể và hình ảnh này được phóng chiếu vào các cảm xúc và tại đây, lần nữa, hình ảnh này bị thay đổi bởi những gì có trong cảm thể của con. Rồi hình ảnh cuối cùng được phóng chiếu lên các tế bào của cơ thể vật lý của con.

Làm sao con chữa lành được một căn bệnh vật lý do sự phóng chiếu từ cảm thể nếu con không thay đổi sự phóng chiếu này? Và làm sao con thay đổi sự phóng chiếu này nếu con không đi vào cảm xúc và nhận ra con không cần hành động theo chúng? Chúng chỉ là năng lượng đang xoay tít và thật sự con có khả năng chuyển hoá, tiêu huỷ và nâng chúng lên một rung động cao hơn ở tầng cảm xúc trước khi chúng tuôn chảy vào tầng vật lý.

Đây chính xác là những gì con cần làm bằng cách sử dụng các dụng cụ mà các thày đã cho con qua các bài thỉnh. Khi con đọc lớn ở tầng vật lý, con không chỉ có mặt ở tầng vật lý, mà con còn đi vào cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Con vượt qua khỏi cõi vật lý để đi vào các cõi khác.

Con có thấy điều các thày đang làm ở đây là giải phóng tất cả các khía cạnh trong bản thể của con để con có thể tuôn chảy với Bài ca sự Sống không? Nhưng con có thấy là chừng nào cảm thể con còn bị đóng băng, rõ ràng nó không thể tuôn chảy phải không? Nhưng ngay cả khi cảm thể con là một ngọn núi lửa dữ dội thì nó cũng không tuôn chảy được vì các dòng chảy hỗn loạn của ngọn núi lửa sôi sùng sục có rất ít khả năng cùng nhau chảy về đại dương. Dòng chảy này không theo một ý hướng xây dựng nào, và đó là lý do tại sao nhiều người bị kẹt vào những tình huống ngày càng khó khăn cho đến khi nó bùng nổ thành cơn khủng hoảng và họ bị tê liệt đến độ họ không biết phải làm gì nữa.

3.11. Cách duy nhất là tuôn chảy

Điều các thày muốn làm cho con ở đây là cho con một viễn kiến, đó là việc con có mặt ở đây có một mục đích, con đến trái đất này vì một mục đích. Con không đến trái đất đơn giản để chỉ có những cảm xúc tiêu cực, để chỉ cảm thấy buồn bực về cuộc sống, để cảm thấy cuộc đời không đáp ứng những mong chờ của con và để dành cả cuộc đời cảm thấy chán nản vì cuộc đời đã không như con nghĩ, và vì vậy con liên tục ở trong trạng thái cảm xúc bị khuấy động. Đôi khi con đóng cửa cảm xúc lại đến độ con không còn mong chờ điều gì ở cuộc sống nữa, con nghĩ cuộc sống phải là sự cam chịu cho đến khi con xong phận sự và thoát ra khỏi đây. Nhưng con sẽ không thoát ra được cho đến khi con xuôi chảy khỏi nơi đây cùng với Dòng sông sự Sống. Không có lối thoát nào khỏi cõi đầu thai vật lý. Con sẽ trở lại đầu thai thêm nhiều lần trong những hoàn cảnh càng ngày càng khó khăn hơn cho đến khi con học được cách sử dụng khả năng đồng sáng tạo để tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, để rồi con có thể đồng sáng tạo cách giải thoát của riêng mình thay vì mong chờ một vị cứu tinh từ bên ngoài làm điều này cho con.

Tất nhiên, có một vị cứu tinh từ bên ngoài và đó là Dòng sông sự Sống. Khi con hoà điệu tâm mình và các cảm xúc của mình với Dòng sông sự Sống đó, con sẽ bắt đầu tuôn chảy. Cuộc sống sẽ bắt đầu tuôn chảy. Những cảm xúc lạnh giá bắt đầu tan như con thấy băng tan vào mùa xuân, và rồi đột ngột dòng sông lạnh giá bắt đầu nứt, những khe băng nứt ra và nước bắt đầu chảy xuống hạ nguồn. Rồi nước ấm dần, băng tan, và đột nhiên có những mảng hở trên dòng sông, nước bắt đầu chảy nhanh hơn cho đến khi nó ra đến đại dương. Và dòng sông có mặt, mùa xuân có mặt.

Hoặc con thấy một núi lửa sôi sục thình lình tìm thấy một chỗ thoát vì vậy nó bắt đầu chảy và khi nó chảy, nó nguội dần, rồi đột ngột con tự do khỏi những khuôn đúc của việc đi từ cảm xúc tiêu cực này đến cảm xúc tiêu cực kia, đi từ hoàn cảnh kích động này đến hoàn cảnh kích động kia. Cuộc sống của con giờ đây tự do tuôn chảy, tuôn chảy theo những hướng đi mới để con có thể thay đổi một điều gì.

Thày chắc rằng con đã quen với câu nói nổi tiếng của Albert Einstein: nếu con tiếp tục làm cùng một việc và mong chờ kết quả sẽ khác đi thì con thật điên rồ. Thật vậy, Einstein đã chỉ ra một nguyên lý vũ trụ. Khi con phóng chiếu cùng những khuôn đúc bản sắc vào trí thể, cùng những khuôn đúc tư tưởng vào cảm thể, và cùng những khuôn đúc cảm xúc phóng lên các tế bào và các nguyên tử của thể vật lý, thì không gì có thể thay đổi được.

Căn bệnh biểu lộ trong thể vật lý của con không thể thay đổi vì nó là sự phóng chiếu từ ba thể cao. Vì vậy, nếu con muốn thoát khỏi sự điên rồ này, con phải làm một điều gì khác. Có nghĩa là con phải học cách cho cảm xúc tuôn chảy theo hướng đi lên, chứ không phải đóng băng cảm xúc hay rơi vào các khuôn nếp khuấy động lặp đi lặp lại.

3.12. Ba loại cảm xúc chính

Có hai loại cảm xúc chính vận hành thể cảm xúc của đa số mọi người. Một là sợ hãi khiến con bị tê liệt và đóng băng. Cảm xúc kia là tức giận, khiến con bị khuấy động. Và loại cảm xúc cơ bản thứ ba mà các thày gọi là thờ ơ, tức con không thật sự đóng băng cũng không nóng giận và sôi sục, con chỉ đơn giản không chịu để ý. Con không chịu dùng khả năng tự nhận biết của mình để ý thức môi trường xung quanh con, nhận biết chính mình cũng như tiềm năng tự thay đổi mình.

Khi con đóng băng, con không thể thấy được phải thay đổi như thế nào. Khi con sôi sục, con không thể thấy được phải thay đổi như thế nào. Khi con thờ ơ, lãnh đạm, con có thể thấy cách thay đổi nhưng con sẽ không thay đổi. Vì vậy con tiếp tục phản ứng với cuộc sống mà không chấp nhận rằng con không cần phải tiếp tục phản ứng cùng cách như vậy, vì con có thể thay đổi một điều gì đấy.

Và đây là cái hay của bài thỉnh đối với cảm thể. Khi con đọc bài thỉnh, nó sẽ bắt đầu thay đổi cảm xúc của con. Nó sẽ bắt đầu giúp cho cảm xúc tuôn chảy. Và khi con quyết định ý thức là con muốn cảm xúc tuôn chảy, con muốn đi vào các cảm xúc – đi vào các cảm xúc tiêu cực và với lên cảm xúc tích cực – thì sự thay đổi sẽ bắt đầu xảy ra.

Sự thay đổi này nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào con, vì không bài thỉnh nào có thể đi ngược lại quyền tự quyết của con. Nhưng nếu con hỏi các thày, hỏi một trong những vị nữ chân sư gần với tim con nhất, thì các thày sẽ giúp con tới điểm con có thể quyết định để cảm xúc tuôn chảy. Thày có thể bảo đảm với con một khi con bắt đầu để cảm xúc tuôn chảy trong lúc đang cầu thỉnh, đang đọc tất cả các bài thỉnh, thì các cảm xúc thoạt tiên chỉ đơn giản cần bộc lộ để khôi phục lại dòng chuyển động, nhưng sau đó chúng sẽ bắt đầu chuyển động theo một hướng, và hướng này là hướng đi lên, tích cực. Và khi cảm xúc của con bắt đầu xoay hướng về tầng cao hơn đó, con sẽ không còn phóng chiếu những cảm xúc tiêu cực lên các tế bào trong cơ thể vật lý của con. Bây giờ con sẽ chỉ còn những cảm xúc tích cực.

3.13. Hãy kiên nhẫn

Tất nhiên, thày cần lưu ý con ở đây. Con có lẽ đã sống vô số kiếp sống phóng chiếu ra những cảm xúc tiêu cực vào thể vật lý. Cảm xúc tiêu cực không thể gỡ bỏ được sau chỉ một đêm mặc dù chúng có thể được gỡ bỏ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, khá ngắn so với khoảng thời gian con đã bỏ ra để tạo nên động lực tiêu cực này. Nhưng dẫu sao, một trong những ưu điểm của cảm xúc là cảm xúc không diễn ra ngắn ngủi như tư tưởng, và điều này có nghĩa là chúng có thể cho con một sự quyết tâm tu tập lâu dài hơn.

Ví dụ, con sẽ thấy khi người ta có một mục tiêu tích cực và một cảm nhận tích cực để đạt được mục tiêu đó, thì những cảm xúc này sẽ khiến họ theo đuổi được mục tiêu trong khoảng thời gian rất dài. Đây là cảm nhận thày hy vọng sẽ khơi dậy trong con để con không chỉ đọc các bài thỉnh trong vài ngày và rồi nản chí khi không có phép lạ nào xảy ra.

Con sẽ có cảm nhận tích cực, và cảm nhận này dần dần sẽ được mở rộng và bồi đắp. Con sẽ tiếp tục dùng các dụng cụ của thày, tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm trực giác mới mẻ bằng việc học giáo lý và đọc các bài thỉnh. Con sẽ giản dị tiếp tục không dính mắc vào một kết quả vật lý vì con nhận ra mặc dù phải cần thời gian để đạt được một kết quả vật lý, nhưng chẳng bao lâu con sẽ nhận thấy con đạt được những kết quả ở tầng tình cảm, lý trí và bản sắc, vì con bắt đầu cảm thấy yêu đời và yêu bản thân mình hơn. Con sẽ bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn, con sẽ bắt đầu ngộ ra và chấp nhận mình là một sinh thể tâm linh, và con có mục đích, một mục đích tích cực để có mặt ở đây.

À con yêu dấu, nếu con chỉ cho những bài thỉnh này một cơ hội, cho các thày một cơ hội được hướng dẫn con, thì con sẽ bắt đầu trải nghiệm việc chữa lành ở tất cả mọi tầng của đời con. Đừng quá ám ảnh với một kết quả vật lý đặc thù đến mức con bỏ qua những kết quả khác, vì thật sự việc chữa lành ở tầng vật lý có thể gặp khó khăn, hay ít nhất có thể phải mất thời gian, vì nguyên nhân bị chôn vùi rất sâu ở ba tầng cao hơn.

3.14. Những căn bệnh không thể chữa lành

Có thể có nhiều lý do tại sao con mắc một căn bệnh nào đó: có thể là để giúp người khác học một bài học, hoặc để giữ một cân bằng tâm linh nào đó cho tâm thức tập thể. Vì vậy, có những căn bệnh hay những khuyết tật mà con phải học cách sống chung. Nhưng một phần của sứ vụ thiêng liêng của con trong các trường hợp này là học cách sống chung với căn bệnh theo cách tích cực nhất, để cho dù nếu con có mắc bệnh hay tàn tật, con có thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của mình, con vẫn có thể là một con người tích cực giúp nâng cao tâm thức mọi người xung quanh.

Điều thày đang nói đây là con có thể dần hiểu ra, và các thày sẽ giúp con hiểu ra liệu căn bệnh có là một phần trong sứ vụ thiêng liêng của con. Sau đó, các thày sẽ giúp con học cách ứng phó với tình trạng này theo cách cao nhất. Đôi khi, sự chữa lành có thể xảy ra khi con thật sự làm hoà với căn bệnh. Nhưng nếu con thật sự làm hoà với căn bệnh thì việc con có chữa lành được hay không không còn quan trọng với con nữa, vì con đang sống cuộc đời mà con muốn sống đúng theo sứ vụ thiêng liêng của con, là sứ vụ mà con đã quyết định thảo ra cùng với các vị thày thiêng liêng của con trước khi con đầu thai kiếp này, và đây chỉ là một trong nhiều kiếp đầu thai mà thôi. Do đó, khi con bắt đầu hiểu ra điều này, con đạt được viễn quan vũ trụ là những gì xảy ra cho cá nhân mình không thật sự quan trọng, vì so với phần vụ ngắn hạn của mình trong Nhà hát Địa cầu thì việc hoàn thành mục tiêu dài hạn mới là quan trọng hơn.

3.15. Phép lạ

Quan Âm TA LÀ. Thày là Nữ thần Bi mẫn. Những người mong phép lạ thường cầu nguyện thày. Tuy nhiên, phép lạ luôn luôn là sự chuyển đổi trong tâm thức. Chỉ khi sự chuyển đổi này xảy ra thì mới có phép lạ vật lý. Rồi khi sự chuyển đổi đã thật sự xảy ra, phép lạ ở đâu nếu không phải là ở nơi con nhìn chính cuộc sống như một phép lạ thường xuyên trải bày ra vẻ đẹp lạ thường, mức độ tinh xảo phức tạp hầu như không tài nào hiểu nổi mà con chứng kiến trong toàn bộ cơ thể vật lý, các tế bào, các nguyên tử và các hệ thống của cơ thể. Hay con bắt gặp vẻ đẹp này trong vũ trụ, trong điệu vũ bao la của các thiên hà và các thái dương hệ. Tất cả xung quanh con mới đẹp làm sao. Tất cả bên trong con mới đẹp làm sao. Vì mặc dù cơ thể con người ngày nay có thể chưa phải là bản thiết kế cao nhất, nhưng con vẫn tìm thấy một vẻ đẹp kinh ngạc trong các tế bào, trong các nguyên tử, trong các bộ phận cơ thể con, trong cách mọi thứ được hoà tấu trong vũ khúc vũ trụ này.

Thày biết khi con mắc phải một căn bệnh vật lý, có lẽ con hay tập trung vào những điều hoạt động không tốt. Nhưng thỉnh thoảng, con hãy cho phép mình nhìn ngắm phép lạ của hàng nghìn tỷ tế bào được sắp xếp trong một tổng thể nhất quán và thật sự vận hành khiến cơ thể chuyển động và làm được nhiều điều trong thế giới vật lý. Đây không phải là phép lạ con đang nhìn thấy sao? Đây không phải là phép lạ hay sao khi con nhận ra lúc con không can thiệp vào các chức năng của cơ thể bằng một bản sắc giới hạn, tư tưởng giới hạn và những cảm xúc không có tính xây dựng, thì bốn tinh linh – những tinh linh cơ bản điều khiển sự tăng triển của các thể – có khả năng lẫn ý muốn để biểu lộ bản thiết kế hoàn hảo, thậm chí cả ở thể vật lý?

Con hãy suy ngẫm điều này. Con hãy suy ngẫm những bài giảng khác mà các thày đã ban ra và sẽ còn ban ra. Nhưng trước hết, con hãy đọc các bài thỉnh và trong thâm tâm hãy luôn suy ngẫm đến việc hòa điệu với dòng chảy của Dòng sông sự Sống, vì sự hoà điệu này là chìa khoá để chữa lành tất cả. Cho dù bất cứ ai nói gì, cho dù ai đưa ra cách chữa trị bài bản hay thần kỳ nào, thì thật sự chỉ có một phép màu và đó là tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Con hãy tuôn chảy, tuôn chảy, tuôn chảy, tuôn chảy. Đây là chìa khoá mà thày trao cho con trong khuôn đúc này, khuôn đúc chữa lành mà các thày gọi là Bài ca sự Sống.

Vậy con hãy ca hát với các thày và để năng lượng của mình tuôn chảy. Hãy để tư tưởng của mình tuôn chảy. Hãy để bản sắc của mình tuôn chảy càng lúc càng cao hơn đến khi con trở thành cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ biểu lộ xuyên qua con bản thiết kế hoàn hảo cho kiếp sống này.

Quan Âm TA LÀ, và với lòng biết ơn thày trao cho con sự an bình của thày.

Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là: Bài ca Sự sống 3 – Một cảm thể mới