Còn hay không còn tự ngã

Hỏi: Hình như 144 tầng tâm thức trên địa cầu có thể được chia ra làm ba cấp độ khác nhau: dưới tầng thứ 48, từ 48 đến 96, và từ 96 đến 144. Vậy nếu đúng như vậy, ở mỗi tầng mỗi chúng ta sẽ phải đối mặt với một mức điểm đạo tâm Ki-tô khác nhau. Trong lần điểm đạo về thử thách của Ki-tô, liệu chúng ta có thể đối mặt với sự thoáng hiện của toàn bộ cấu trúc của tự ngã thay vì chỉ thấy thêm một cái ngã phải cởi bỏ? Hay đây chỉ là thêm một ảo tưởng khiến chúng ta, sau khi đã nhìn thấy toàn cấu trúc của tự ngã, tin rằng chúng ta đã biết hết tất cả và không cần tiếp tục thách thức cái hộp tư duy của chúng ta về tâm thức Ki-tô?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 – Tăng trưởng Phân biện Ki-tô của Bạn. Đăng ngày 13/01/21.

Đây là ảo tưởng mà nhiều người đã rơi vào trong suốt thời gian qua, đặc biệt là những người đã đạt đến một địa vị nào đó là thày tâm linh, là thành viên của một tổ chức tâm linh, hay một địa vị trong một phong trào tâm linh, hoặc bất cứ gì khác. Có rất nhiều người như vậy tự cho mình, hoặc các môn đồ của họ hoặc chính họ cũng tin là họ không còn sót lại chút tự ngã nào. Đôi khi điều này không sai theo định nghĩa của họ về tự ngã, nhưng đó không có nghĩa là họ không còn chút tâm lý nào phải xem xét, bởi vì như chúng tôi có nói, cho mỗi tầng trong số 144 tầng tâm thức đều có một ảo tưởng, một cái ngã tách biệt dựa trên ảo tưởng đó. Con cần phải tiếp tục xem xét khi nào con vẫn còn hiện thân.

Chúng tôi đã từng nói là con có khả năng vượt qua bất kỳ giới hạn nào miễn là con sẵn sàng xem xét nó. Nếu con khiến cho con tin rằng con không còn chút tự ngã nào hay tâm lý chưa giải quyết, và do đó con không cần phải xem đến tâm lý mình, thì con sẽ không vượt lên trên tầng tâm thức đó được. Con có thể đã đạt tới một tầng tâm thức khá cao, nhưng nếu con không vượt quá tầng này thì con sẽ không phát huy hết tiềm năng cao nhất của con. Rất có thể là con sẽ không thượng thăng đâu. Thực tế là khi con lên đến các tầng cao hơn của phân biện Ki-tô, con bắt đầu thấy rằng ở mỗi tầng có một cái ngã tách biệt nhất định cần được hóa giải. Con nhận ra là con vẫn còn sót lại một số ngã tách biệt. Điều này không làm con phiền hà; nó không có nghĩa là con cảm thấy con không thể biểu đạt được chính mình. Con nhận ra rằng luôn luôn có điều gì đó mà con cần xem đến – con luôn luôn xem xét cách phản ứng của con trước các tình huống. Nếu con sẵn lòng làm điều này, đó là lúc con sẽ thành công.

Bất cứ khi nào con ngừng lại ở một điểm, con sẽ không tiến xa hơn điểm đó. Chỉ giản dị vậy thôi.

Ta biết trên địa cầu có một giấc mơ rất xa xưa là con có thể đạt tới một trạng thái tâm thức cao tối hậu. Nhưng con yêu dấu, đó chỉ là một ảo tưởng mà các sinh thể sa ngã đã phóng chiếu lên, và được nhiều người tâm linh đầy thiện chí củng cố thêm vào. Con có thể thấy đa số các phong trào tâm linh hay tôn giáo đều có niềm tin như thế. Người đạo Cơ đốc sẽ bảo: “Giê-su không có tự ngã.” Người đạo Phật sẽ bảo: “Phật không có tự ngã.” Người đạo Hồi sẽ bảo: “Tiên tri của chúng tôi không có tự ngã.” Trong nhiều phong trào tâm linh khác cũng vậy – trong Summit Lighthouse, người ta tin rằng vị sứ giả không có tự ngã. Trong I AM Movement, người ta tin rằng các sứ giả không có tự ngã. Trong Thông thiên học, người ta tin rằng bà Blavatsky không có tự ngã, vân vân và vân vân.

Con hãy tự xem mình là may mắn khi con đang tham gia vào một sinh hoạt mà vị sứ giả ở đây không cảm thấy nhu cầu phải tuyên bố là mình không có tự ngã, và cũng không muốn người khác nghĩ như vậy. Đó là lý do chúng tôi mới có thể đưa ra những lời giáo lý này. Vì nếu không, con sẽ đến một điểm khi con không thể tiến xa hơn được nữa.