Đã đến lúc bước lên một nhận biết cao hơn về chức năng làm mẹ

Bài giảng của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/8/2020 trong Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng trong hành động qua sự hòa nhập bảy tia sáng.

TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary và ta đến để gửi cho con một số ý nghĩ về chức năng làm mẹ.

Các chân sư từng nói nhiều lần là mỗi thay đổi trên địa cầu khởi sự ở cõi ether nơi tầng bản sắc. Thay đổi xảy ra ở đó trước tiên, rồi từ đó chuyển xuống cõi lý trí, rồi cõi cảm xúc, và sau khi đi qua cõi cảm xúc, cuối cùng nó đi xuống cõi vật lý. Ta muốn chia sẻ với con một vài cảm nghĩ về những gì các chân sư đã làm trong một thời gian rất dài để đem lại một số ý tưởng và hiểu biết xuyên qua ba cõi cao hầu những ý tưởng này có thể sẵn sàng đi xuống cõi vật lý. Qua đó ta muốn nói là đa số phụ nữ sẽ nhận ra những ý tưởng này. Hiển nhiên nhiều phụ nữ đã nhận ra rồi, và nhiều phụ nữ với thiên hướng tâm linh hay mức nhận biết cao hơn cũng đã nhận ra. Nhưng chúng ta đang ở một điểm khi trong thập niên tới, những ý tưởng này sẽ được quần chúng rộng lớn nhìn nhận, có lẽ chưa là đa số, nhưng chắc chắn một túc số đủ để kích hoạt những thay đổi.  

Chúng ta hãy nhìn vào hoàn cảnh của một phụ nữ trên địa cầu đang có mang. Dù đây là lần đầu hay một lần sau, con đang mang thai một đứa bé. Con sắp trở thành mẹ, và tất nhiên con mang niềm hy vọng và mường tượng con mình sẽ lớn lên, trưởng thành và sống một cuộc đời dài lâu. Là mẹ, con muốn thấy gì nơi con mình? Nhìn chung quanh hành tinh, con thấy người mẹ trong nhiều hoàn cảnh đời sống khác nhau. Họ sống trong nhiều nền văn hóa, có những góc nhìn và tin tưởng khác nhau về cuộc sống. Họ mong muốn những điều khác nhau cho con mình tùy theo hoàn cảnh họ đã lớn lên và họ chờ đợi con mình cũng sẽ lớn lên ở đó. Nhưng hãy chưa đi vào chi tiết vội, hảy nhìn chung chung trước cái đã.       

Một người mẹ muốn gì cho con mình? Điều căn bản là muốn con mình có một cuộc sống tốt đẹp. Mỗi người ở trong hoàn cảnh khác nhau có thể định nghĩa “tốt đẹp” không giống nhau, nhưng dù sao thì mọi người mẹ đều muốn con mình có cuộc sống tốt đẹp. Có nghĩa là họ không muốn một số điều xảy ra cho chúng. Họ không muốn chúng chết sớm. Họ không muốn chúng nghiện ma túy, không muốn chúng trở thành tội phạm, không muốn chúng bị gọi đi nghĩa vụ quân sự và bỏ mạng hay bị tàn phế nơi chiến trường. Họ không muốn chúng mắc phải những chứng bệnh nan y chết người, không muốn chúng bị tàn tật hay tổn thương tâm lý đến độ không thể sống hữu ích, không thể học hành, đi làm hay lập gia đình. Chắc chắn có nhiều điều mà một người mẹ không muốn cho con mình.  

Bây giờ hãy nhìn vào tâm trạng của một người sắp làm mẹ. Khi cô ấy nhìn về tương lai và dự kiến điều gì có thể xảy ra – hay không xảy ra – cho con mình, làm thế nào cô ấy xử lý được đây? Như thày Portia có nói, con có thể nhìn lại lịch sử khắp thế giới, có những hoàn cảnh nơi phụ nữ phải sống vô cùng bấp bênh, có thể một đời nghèo khó, hay sống trong vùng xung đột. Cho nên nói chung có nguy cơ con mình phải đối diện với bạo lực và rủi ro. Thời nay ở những nước tương đối trù phú thanh bình, có những phụ nữ có thể mong đợi con mình có cuộc sống khá tốt. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, người mẹ không thể biết được liệu con mình sẽ bị bệnh tật, bị những vấn đề tâm lý ngăn cản chúng được hưởng một cuộc sống bình thường, hữu ích, hoặc bất kỳ những vấn đề nào khác có thể xảy ra. Khi con nhìn dưới mắt người mẹ, con có thể tự hỏi: “Điều gì sẽ định đoạt cuộc sống của con tôi, điều gì sẽ định đoạt đời nó sẽ có đóng góp xây dựng hay là sẽ trắc trở, đau buồn, sầu thảm, hung bạo? Điều gì sẽ quyết định cuộc đời con tôi? Tôi muốn đời nó tốt đẹp nhưng điều gì sẽ định đoạt những nét chính trong đời nó?”                 

Ở điểm này, nhiều người mẹ sẽ nhìn ra một cách ý thức một điều mà họ vốn đã biết nhưng thường chưa nhìn nhận. Khi họ ngẫm nghĩ về tương lai con mình, họ cảm thấy phần nào bất lực không làm gì được. Họ cảm thấy mình rất ít quyền hạn để định đoạt cuộc đời con mình sẽ hữu ích hay không. Hiển nhiên nhiều người mẹ không dám nghĩ đến tương lai con mình chính vì cảm hấy mình không có khả năng làm được gì, và họ tránh không nghĩ tới. Nhưng nếu con suy nghĩ, phụ nữ trong những hoàn cảnh khác nhau trên thế giới có những tin tưởng gì về các yếu tố sẽ ảnh hưởng tương lai con mình? Phải chăng là định mệnh? Là số mạng? Là sự may mắn? Là những chuyện ngẫu nhiên hên xui may rủi? Là ý muốn của Thượng đế như một số phụ nữ tin như vậy, dù đó là Thượng đế này hay Thượng đế kia? Đó có phải là nghiệp chướng như một số phụ nữ, rất nhiều phụ nữ đặc biệt là tại phương Đông, tin như vậy? Điều gì sẽ định đoạt vận mạng, cuộc sống của nó? Nếu thật là tất cả những điều ở trên, cho dù đó là ý muốn của Thượng đế hay nghiệp quả hay sự may rủi, thì với tư cách người mẹ con quả là không thể làm được gì. Nếu con tin rằng ý muốn Thượng đế sẽ ảnh hưởng đến con mình, con có thể cầu nguyện và tin tưởng lời cầu của con sẽ thay đổi ý định của ngài đối với nó, nhưng ngoài chuyện đó ra thì phụ nữ cảm thấy bất lực ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên trên bình diện rộng lớn của tâm ý thức loài người trong cõi vật lý, hiện đang có một sự khai ngộ sắp sửa đột phá, rằng cảm giác bất lực này nơi người mẹ là một ảo tưởng. Nó phát xuất từ một số tin tưởng sai lạc được truyền bá trong tâm thức tập thể. Thậm chí nó phát xuất từ một số tin tưởng đã được cố tình cài đặt vào phụ nữ trong một số bối cảnh văn hóa khác nhau. Cho nên trong thập niên sắp tới, nhiều phụ nữ sẽ có khả năng nhận ra là trong vai trò người mẹ, quả thực là có những điều mà họ có thể làm được để định đoạt cuộc sống mà họ mong muốn cho con mình. Chắc chắn nhiều người sẽ hỏi ngay: “Tôi có thể làm gì được trong cõi vật lý?” Và tại một số nước nghèo hay đang lâm vào cảnh chinh chiến, nhiều phụ nhữ sẽ cảm thấy mình chẳng làm được gì nhiều trên phương diện vật lý bởi vì tương lai thật quá bất định. Tại các nước trù phú hơn, một số phụ nữ sẽ cảm thấy là họ đã làm đủ tất cả những gì họ có thể làm rồi. Họ có cuộc sống vật chất tốt đẹp, bảo đảm, họ sẽ cho con đi học những trường tốt nhất, họ sẽ giúp cho con học hành đến nơi đến chốn rồi có công ăn việc làm trên mức trung bình. Và họ cảm thấy như thế là đủ. Con họ sẽ có một tương lai tương đối bảo đảm, sung túc.  

Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, nếu con nghĩ xa hơn, làm sao chắc chắn đứa con ra đường không bị xe đụng? Không thể biết được, phải không? Cho nên điều con cần nhận ra là cho dù con cảm thấy bất an hay vững tin về tương lai, vẫn có những điều mà con có thể làm để bảo đảm nhiều hơn cho cuộc sống con mình. Có những việc mà con có thể làm để cải thiện cuộc sống của nó bất kể những điều kiện nơi xứ con, bất kể số mạng hay may mắn hay rủi ro hay bất cứ con gọi là gì. Yếu tố này bảo đảm sẽ cải thiện cuộc sống đứa con của con. Vậy yếu tố sẽ cho con quyền năng cải thiện cuộc sống đó là gì?   

Đúng vậy, như chúng tôi đã có nói, đó là sự thừa nhận rằng con người là những sinh thể tâm lý. Hẳn nhiên, đứa con của con sẽ lớn lên trong một số hoản cảnh vỏ ngoài. Sẽ có một số điều kiện vỏ ngoài ảnh hưởng đời sống của nó, và những điều kiện này có thể con sẽ không thay đổi được. Nhưng khi con nhìn cuộc đời một cách thực tế – có thể chính đời con hay đời người khác – con sẽ thấy hai đứa trẻ có thể lớn lên trong những hoàn cảnh rất tương tự, thế nhưng một đứa sống hữu ích còn đứa kia thì không. Con thấy nhiều đứa trẻ lớn lên tại các nước giàu có với đầy đủ mọi thứ, với cả cái thìa bằng bạc ngậm trong miệng như câu thành ngữ quen thuộc vẫn nói. Thế nhưng một số đứa không có khả năng có một cuộc đời xây dựng, hữu dụng. Tại sao như vậy? Tại vì tâm lý của chúng mà thôi. Đâu là sự khác biệt giữa một đứa trẻ lớn lên và trở thành hữu ích với một đứa không làm được vậy? Tất cả là trong tâm lý, trong cách nó tiếp cận cuộc sống, thái độ của nó với cuộc sống, cách nó nhìn cuộc sống, cách nó nhìn chính nó. Đó hoàn toàn là vấn đề nó đã đi vào hiện thân trong những điều kiện tâm lý như thế nào.          

Và đây là điểm mà nhiều phụ nữ nay đã sẵn sàng nhìn nhận. Tại nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã được dạy dỗ, đã được lập trình để tin rằng mình không có khả năng làm gì nhiều để ảnh hưởng tâm lý của mình lẫn tâm lý con mình – đứa trẻ sinh ra đã mang sẵn một tâm lý nào đó rồi và con không làm gì được nhiều. Nhưng đó là lời dối gạt, đó là ảo tưởng mà nhiều phụ nữ nay đã sẵn sàng nhìn thấu. Sự nhìn nhận này có thể khởi sự trên bình diện rộng lớn tại các nước giàu có, nhưng ngay cả tại những nước nghèo hơn, nhiều phụ nữ hiện đang đầu thai đã sẵn sàng chuyển dời tâm thức và nhận ra rằng tâm lý có tầm ảnh hưởng trên mọi lãnh vực cuộc sống. Sự chuyển vọt tâm thức mà phụ nữ có thể làm được là nhìn nhận rằng: “Tâm lý con tôi không hề được tạc vào đá. Con tôi sinh ra với một tâm lý nào đó, nhưng có những điều tôi có thể làm để giúp nó phát triển tâm lý hầu nó có cái nhìn xây dựng hơn về cuộc sống.”

Khi suy ngẫm điều này, thật là không khó khăn gì cho các bà mẹ thấy được rằng những ai có thái độ và cách nhìn xây dựng tich cực về cuộc sống thường có một cuộc đời tốt đẹp hơn thật, ngay cả trên phương diện vật lý. Nhưng đặc biệt họ có một cuộc đời tốt đẹp hơn trên phương diện tâm lý, trong hạnh phúc tâm lý. Có bà mẹ nào mà không muốn con mình hạnh phúc tâm lý? Có bà mẹ nào không muốn con mình hạnh phúc, bình an, bằng lòng với cuộc sống? Sự thật là một số bà mẹ không dám muốn điều này vì chính họ đã lớn lên với những vết thương tâm lý sâu đậm đến độ họ không thể mang ước vọng đó cho con mình. Nhưng đại đa số bà mẹ đều mong muốn con mình sống hữu ích, hạnh phúc. Cho nên không phải là điều quá xa vời – mà ngược lại rất gần kề – khi rất nhiều bà mẹ, một túc số đủ các bà mẹ nơi các nước giàu có, thực hiện một cuộc đột phá, chuyển vọt tâm thức và nhận ra rằng: “Có một điều mà tôi có thể làm cho con tôi sẽ tác động lên từng khía cạnh cuộc sống của nó, đó là giúp cho nó chữa lành và phát triển tâm lý của nó.”  

Và điều này có nghĩa là phụ nữ có thể cởi mở hơn để tìm kiếm những phương cách giúp đỡ tâm lý con mình. Ta cũng biết có một số phụ nữ, đặc biệt tại các nước giàu có hơn, đặc biệt những người bận rộn nghề nghiệp, bận rộn công việc và quen trả tiền cho đủ loại dịch vụ để mình khỏi phải bận tâm, sẽ nói: “Ô, có nghĩa chăng là tôi sẽ đưa con tôi đi chữa bác sĩ tâm lý và bác sĩ đó sẽ lo cho nó?” Nhưng sẽ có rất nhiều phụ nữ khác sẽ nắm lấy trách nhiệm và nói: “Nếu tôi muốn con tôi cải sửa tâm lý, ai sẽ là người làm chuyện đó? Có phải là cha nó? Chắc là không rồi. Liệu tôi sẽ có đủ tiền đưa nó đi chữa trị tâm lý và liệu một nhà tâm lý học sẽ thực sự giúp được nó không? Cũng chắc là không luôn.” Ngón tay con sẽ chỉ tiếp vào ai đây? Ngón tay sẽ chỉ vào ai và bảo: “Đây là người sẽ giúp được con tôi”? Đúng vậy, tất nhiên, ngón tay sẽ chỉ vào chính con. Và một câu hỏi hợp lý sẽ nảy ra ở điểm này: “Nếu tôi muốn giúp tâm lý con tôi, tôi sẽ làm thế nào đây? À ra vậy, tôi phải giúp chính tâm lý của tôi trước tiên cái đã, bởi vì nếu tôi đang mang những thương tích tâm lý thì thứ nhất tôi sẽ không có khả năng giúp con tôi, và thứ nhì, rất có thể tôi sẽ truyền những vấn đề tâm lý của tôi cho nó.”        

Nếu con nhìn vào lịch sử hay ngay cả gia đình của con, mẹ của con, cha của con, con thấy được bao nhiêu trường hợp cha mẹ truyền lại tâm lý tổn thương cho con cái, hay ít nhất cũng tác động sâu xa tâm lý con mình. Vậy thì điều hợp lý để giúp con cái, hay thậm chí để tránh làm hại nó, cách hay nhất có phải chăng là con cần tìm cách giải quyết tâm lý của chính con? Nhưng khoan đã. Đứa con của con có phải là người duy nhất sẽ được hưởng lợi từ việc con giải quyết tâm lý của con? Không, tất nhiên con cũng sẽ hưởng lợi, vì khi con giải quyết tâm lý, con sẽ thỏa nguyện hơn với cuộc sống, và ta trong vai trò Mẹ Thiêng liêng cho địa cầu, ta rất mong muốn điều này cho mọi người mẹ. Hơn thế nữa kìa, ta mong muốn cho tất cả mọi người. Cần có sự tỉnh ngộ là mặc dù các yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng cuộc sống, yếu tố chủ yếu vẫn là tâm lý của mình. Và sự tỉnh ngộ tiếp ngay sau là tâm lý con người không hề được tạc vào đá. Và sự tỉnh ngộ kế tiếp, mỗi con người ngoại trừ một số rất ít bị tổn thương vô cùng trầm trọng, đều có chọn lựa nắm lấy quyền cai quản tâm lý của mình, có những biện pháp chữa lành vết thương và giải quyết những bế tắc đủ loại đang ngăn cản mình có một cuộc sống tâm lý lành mạnh.        

Và điều này có thể dẫn tới một sự tỉnh ngộ nữa, nằm trong cái mà chúng tôi gọi là tính nhân bản căn bản và cốt yếu. Tính nhân bản cốt yếu giúp con nhận ra rằng nhiều người có cuộc sống rất khó khăn do tâm lý của họ, rằng con có khả năng thay đổi tâm lý và con có thể hành động ý thức để thay đổi tâm lý. Đây là tiềm năng mà nhiều người sẵn sàng nhìn nhận như là một nhu cầu tự hiện thực (self-actualisation). Đây cũng là một điều mà đa số các nền dân chủ hiện đại cần nhìn nhận là bước tiến bộ cần thiết sắp tới, là vượt xa hơn phúc lợi vật chất để đem lại phúc lợi tâm lý.

Nhưng còn thêm một điều tỉnh ngộ nữa, dựa trên sự lượng định về nhân loại. Quốc gia nào, xã hội nào hiện có sức khỏe thể chất cao nhất? Các con đều biết rõ. Người ta đã đặt ra một chỉ số để đo đạc chuyện này. Người dân nước nào khỏe mạnh nhất? Nước nào có hệ thống chăm sóc sức khỏe, hay cả một cách tiếp cận sức khỏe phát triển cao nhất và do đó chăm sóc người dân tốt nhất? Rồi con có thể hỏi khác đi một chút: “Chỉ nhìn vào sức khỏe thể xác liệu có đủ hay chăng?” Hiển nhiên là không rồi. Phải cần xét cả sức khỏe tâm lý nữa chứ. Các nước đang làm gì trong lãnh vực này? Liệu các nước đã nhìn ra đây là một vấn đề vĩ đại? Liệu họ đã tìm hiểu và thực sự nhìn nhận tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý? Mọi nước cho tới giờ đều đã nhìn nhận sức khỏe thể xác là quan trọng để có cuộc sống tốt đẹp, hữu ích. Nhưng gần như chưa có quốc gia nào công nhận trọn vẹn rằng sức khỏe tâm lý con quan trọng hơn gấp bội. Và đây là một sự thay đổi có thể xảy ra nếu giới phụ nữ lên tiếng đòi hỏi do quan tâm cho con em của mình. Phụ nữ sẽ nói: “Chúng ta phải thay đổi. Chỉ lo điều kiện vật lý cho con cái thật là không đủ nữa. Quan trọng hơn hẳn là phải lo những điều kiện tâm lý.” Ở một mức nào đó, tiến trình này đã bắt đầu xảy ra tại một vài nước, nhưng vẫn chưa có sự chuyển vọt cần thiết hầu trở thành một ưu tiên hàng đầu của xã hội.

Vậy cái gì có thể thúc đẩy thay đổi này? Phải, lực thúc đẩy chính là cá nhân mỗi người phụ nữ chuyển vọt tâm thức mình và nói: “Đâu là những dụng cụ tâm lý hiện có để tôi áp dụng trước tiên trên bản thân tôi và sau đó áp dụng trên con tôi?” Nhìn vào tình hình ngay cả tại các nước dân chủ tiên tiến nhất, hầu hết phụ nữ sẽ nhanh chóng đi đến kết luận là hiện không có nhiều phương tiện để họ sử dụng. Chắc chắn đã có một số it được tìm thấy trong sách và khoá huấn luyện và này kia nọ, nhưng thật là không nhiều, và chắc chắn là ít hơn nhu cầu. Và điều này có thể dẫn đến một sự tỉnh thức, ngay cả một đòi hỏi: “Chúng tôi muốn những phương tiện tâm lý tốt hơn. Chúng tôi muốn hiểu biết cao hơn về tâm lý so với những gì chúng tôi đã nhận được từ ngành tâm lý truyền thống và ngành tâm lý trị liệu truyền thống.”

Nhìn vào vấn đề này một cách thực tế ngay cả tại những nước giàu có nhất, liệu phụ nữ sẽ có đủ phương tiện tài chánh để bỏ ra nhiều năm đi khám bác sĩ tâm lý mỗi tuần, trả khoản phí rất cao cho một tiếng đồng hồ trị liệu với kết quả giới hạn? Người mẹ nào có khả năng chi trả cho con mình đi trị liệu như vậy? Vậy có thực tế lắm không nếu phụ nữ phải đi theo con đường trị liệu truyền thống hầu giúp con mình có cuộc sống tâm lý tốt đẹp? Thưa không. Vậy thì giải pháp thực tế duy nhất là gì? Đó là tìm ra một số cách tiếp cận tâm lý mới mà mỗi cá nhân có thể tự áp dụng lấy. Con không cần sự giúp đỡ của một nhà trị liệu đã học năm năm đại học, đã tìm hiểu tâm lý học mà nhiều khi vẫn chưa giải quyết được tâm lý chính mình.

Điều con cần là một người có kinh nghiệm thực tiễn, một sự chín chắn sành sỏi, có khả năng nói với con: “Tôi đã tự cải sửa bản thân tôi. Tôi đã nỗ lực hiện thực bản thân, đã chữa lành tâm lý, đã phát triển khả năng lẫn tiềm năng cá nhân suốt nhiều năm. Tôi đã tìm ra những dụng cụ này, những giáo lý này. Những phương tiện này đã giúp được tôi, tôi nghĩ nó cũng sẽ giúp được bạn.” Và cả một phong trào mới có thể khơi dậy khi ngày càng nhiều phụ nữ tìm học một phương thức thực tiễn để trị liệu và phát triển tâm lý mà họ có thể áp dụng trước hết trên bản thân xong trên con cái mình, một phương thức thiết thực, rẻ tiền và thích hợp với cuộc sống hàng ngày. Khi mức cầu đã có thì mức cung sẽ phải theo, và con sẽ thấy nguyên một công nghiệp hoàn toàn mới trồi dậy. Một phong trào hoàn toàn mới có thể lan rộng. Hiện nay ở một mức độ nào đó, đã có phong trào tự cải thiện bản thân, thiền tỉnh thức và một số phương pháp tự nhận biết, nhưng phong trào này có thể mở rộng ra các lãnh vực tâm lý, liệu pháp tâm lý, phát triển cá nhân. Tất nhiên một số phụ nhữ sẽ ưa thích một cách tiếp cận tâm linh, nhưng nhiều người khác sẽ muốn một phương thức phổ thông hơn, không liên quan đến tâm linh trực tiếp hay lộ liễu.     

Đây là một hướng phát triển rất quan trọng. Con có thể đọc cầu thỉnh, có viễn kiến về hướng phát triển đó, và con cũng có thể bắt đầu thực hiện, tạo ra nhu cầu và đáp ứng nhu cầu. Một số trong các con đã có kinh nghiệm trong các loại dịch vụ huấn luyện, tự cải tiến, hay trong ngành tâm lý truyền thống, cho nên nhiều người có khả năng tham gia bằng nhiều cách. Không những phụ nữ mà phái nam cũng có thể nhập cuộc trong các vai trò trị liệu, huấn luyện, viết lách và nhiều nữa. Đầu tiên, trọng tâm có thể là sự phát triển bản thân với tư cách là một người mẹ muốn giúp con mình phát triển thành những cá nhân hữu dụng. Dài hạn hơn, rõ ràng là nhu cầu này cần tăng trưởng tới mức trở thành một ưu tiên của xã hội và một dịch vụ bình thường của hệ thống sức khỏe thể chất, và nhiều hơn nữa. Thẳng thắn mà nói, có rất nhiều phụ nữ nay đã mở tâm ra để nhìn nhận: “Tôi không thể chờ cho xã hội làm điều này vì khi đó con tôi đã quá tuổi trưởng thành rồi. Tôi cần bắt đầu ngay bây giờ, cần làm gì đó ngay bây giờ. Cho nên tôi sẽ xông ra làm.”        

Giới phụ nữ có thể tụ họp lại, lập thành đoàn nhóm, những nhóm hỗ trợ cho nhau để giúp nhau phát triển tâm lý mình và cũng phát triển con mình. Có rất nhiều phương cách. Ở nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau, con sẽ cần thử nghiệm để tìm ra phương cách thích hợp nhất cho mỗi nơi. Ta không nói là chỉ có một cách thực hiện, hay cách thực hiện của chân sư là cách hay nhất. Sáng kiến cần nẩy ra từ khắp toàn cầu. Một số ý tưởng hiện đã có mặt rồi nhưng cần được góp lại thành những phương pháp, những pháp trị liệu, những cách tiếp cận thiết thực. Đây là một sự phát triển vô cùng quan trọng. Chắc chắn nó sẽ khởi đầu tại các nước giàu có vì ở đó người ta có nhiều thời gian rảnh rỗi và được tự do quan tâm. Người ta có tiền bạc và tài nguyên, cho nên nó có thể lan rộng như những vòng nước trên mặt hồ.

Trên dài hạn sẽ phát triển tới đâu? Như chúng tôi đã có đề cập, nó sẽ phát triển tới mức khi con bắt đầu nhận ra các nhu cầu tự hiện thực của mình, và con mở tâm ra với nhiều hình thức tư tưởng tâm linh. Đến một lúc, để tự hiện thực một cách trọn vẹn, con sẽ cần nhận ra là con không phải là một sinh thể vật lý, một sinh thể vật chất. Vì nếu không, con sẽ không thể có tiềm năng tự hiện thực. Một con bò hay một con khỉ không thể nào tự hiện thực mà chỉ một con người mới có thể tự hiện thực. Và điều này sẽ mở rộng cửa cho rất nhiều phụ nữ bước vào cái nhìn tâm linh. Một số phụ nữ đã sẵn cởi mở như vậy rồi, nhưng trong thập niên tới đây, rất, rất nhiều phụ nữ hơn nữa sẽ mở ra với nhiều cách tiếp cận tâm linh mới. Một lần nữa, sẽ không chỉ có một phương cách chiếm ưu thế mà sẽ có nhiều nguồn tư tưởng phổ quát mà giới phụ nữ sẵn lòng xem đến.

Đầu tiên là ý tưởng về luân hồi. Chúng tôi đã có đề cập điểm này rồi. Ý tưởng này vô cùng quan trọng hầu giải đáp một số câu hỏi mà các bà mẹ đặt ra. Chẳng hạn như ta đã nói, khi con suy tính tương lai của con cái, con biết chúng luôn luôn có rủi ro gặp tai nạn hay gặp khó khăn khả dĩ đưa đời chúng vào một đường rày tiêu cực, thậm chí đẩy chúng kết liễu cuộc đời. Nếu con hiểu rằng chúng đã từng sống và tạo ra nghiệp quả trong nhiều kiếp sống, thì đó chính là nguyên nhân kết lại thành những sự kiện tiêu cực hôm nay. Con có thể tự hỏi: ”Vậy thì tôi có thể làm gì với nghiệp chướng của con tôi từ tiền kiếp?” Theo nhiều truyền thống tâm linh, dĩ nhiên con có thể làm nhiều điều để hoán chuyển nghiệp này trước khi nó thị hiện trong cõi vật lý. Học trò của các chân sư thăng thiên trong nhiều đợt truyền pháp đã làm như vậy từ nhiều năm qua, như đọc bài chú, thỉnh ngọn lửa tím để biến hóa nghiệp quả của con cái. Nhưng nhiều phụ nữ hơn nữa có thể mở tâm ra: “Tôi có thể sử dụng một số dụng cụ tâm linh để biến hóa nghiệp quả của con tôi trước khi nghiệp đi vào cõi vật lý và thị hiện thành sự cố bất hạnh”.

Có một câu hỏi khác mà nhiều phụ nữ đặt ra mặc dù không hoàn toàn ý thức hay không nói ra, đó là câu hỏi giản dị: “Tại sao con tôi lại như vậy?” Ở đây chúng ta không chỉ nói đến các đặc điểm ngoại hình. Đa số bà mẹ đều nhận thấy quan hệ của mình vời con cái tùy thuộc rất nhiều vào cá tính của đứa con, hay nói cách khác, tâm lý của nó. Nhiều bà mẹ nhận thấy quan hệ với một đứa con, hay ngay cả với mọi đứa con, có sự giới hạn trên phương diện gần gũi, cởi mở. Tại sao vậy? Một lý do quan trọng là tâm lý mà nó đã tạo ra trong tiền kiếp và mang theo trong kiếp này, nhưng không chỉ có vậy, vì quan hệ với đứa con cũng tùy thuộc vào tâm lý của người mẹ. Cho nên khi con chấp nhận ý tưởng luân hồi, con thấy được là trong tiền kiếp của con, con cũng đã có một số trải nghiệm mà con hiện đem theo trong kiếp này – một số điều kiện tâm lý, bế tắc, vết thương hay xu hướng. Con có một khuôn nếp phản ứng khiến con luôn luôn phản ứng một cách nhất định, và đứa con biết rõ là nó có thể nhấn nút nào để kích động phản ứng đó nơi con.

Cho nên con có thể khởi sự nắm lại chủ quyền của mình với ý nghĩ: “Được rồi, tôi nhìn thấy quan hệ của tôi với nó đang theo một khuôn nếp, và nguyên nhân những khuôn nếp trong tâm lý nó cũng như những vết thương, bế tắc và khuôn nếp trong tâm lý tôi. Vậy liệu tôi có bắt buộc phải sống mãi với những khuôn nếp này? Liệu khuôn nếp sẽ hạn chế quan hệ của tôi với nó cho đến khi một trong hai người qua đời? Hay là tôi có thể làm gì khác?” Và tất nhiên, con nhận ra là con có khả năng làm cái gì khác. Con có khả năng thay đổi nền tảng quan hệ, nhưng chỉ khi nào cả hai người đều thay đổi tâm lý mình. Đôi khi tâm lý đứa con có thể khó lòng thay đổi, nhưng với xã hội ngày càng tiến bộ, sự nâng cao ý thức sẽ khiến cho tiến trình này ngày càng dễ dàng hơn. Trẻ con sẽ được học ngay ở lớp mẫu giáo rằng chúng có khả năng đương đầu với tâm lý của chúng. Con sẽ thấy là bắt đầu từ thập niên tới và sau đó, xã hội sẽ ngày càng chấp nhận ý tưởng rằng mọi quan hệ giữa con người đều tùy thuộc vào tâm lý của các đương sự. Đó là một yếu tố trong tầm khả năng của con. Ngay cả khi con không thay đổi được tâm lý con mình, nhưng nếu con thay đổi tâm lý của con thì con vẫn thay đổi được quan hệ của con với nó.  

Ta công nhận là sẽ có một số đứa trẻ khó lòng được giúp đỡ khi chúng còn nhỏ vì chúng cần phải trưởng thành. Chúng cần phải ra đời và trải nghiệm cuộc đời trước khi sẵn sàng và sẵn lòng nhìn vào tâm lý của chúng. Một số sẽ cảm thấy mẹ mình đang cố áp đặt tiến trình thay đổi lên chúng, cho nên dĩ nhiên là con cần không được cưỡng ép chúng. Tuy nhiên, hầu hết mọi đứa trẻ đều có thể được giúp đỡ một khi người mẹ đã giải quyết được bế tắc của mẹ trước khi cố giúp con mình. Khi con đã giải quyết các khuôn nếp tâm lý của con, con sẽ bớt mong muốn cưỡng ép đứa con bởi vì bây giờ con không còn cố giải quyết vấn đề của nó hầu tránh né đương đầu với vấn đề của con – ngược lại với nhiều bà mẹ thời nay chưa hiểu được chuyện này. Con có thể nhìn vào khuôn nếp, có lẽ ngay cả khuôn nếp của chính mẹ của con khi con còn bé và đã khiến cho bà tức giận, và vì bà không thích tức giận cho nên bà đã cố ép buộc con phải thay đổi cách cư xử để bà không phải tức giận.

Tất nhiên đây không phải là mô thức mà con muốn lặp lại với con của con. Con muốn tiếp cận một cách khác và nói: “Trước tiên, hãy để tôi cải sửa tâm lý của tôi trước khi tôi tìm cách thay đổi tâm lý nó, để tôi chắc chắn là tôi không đang cố ép uổng bất cứ gì lên nó hầu tôi né tránh đương đầu với chính tôi. Nói cách khác, tôi sẽ gỡ bỏ cái xà trong mắt tôi trước khi lo đến cái giằm trong mắt con tôi.” Trong một số trường hợp, có khi con chỉ cần gỡ bỏ cái giằm trong mắt con trước khi xem đến cái xà trong mắt nó, bởi vì không phải lúc nào đứa con cũng có ít bế tắc tâm lý hơn cha mẹ. Ngược lại là đằng khác, thời nay rất nhiều trẻ con bị vấn đề tâm lý nhiều hơn là cha mẹ. Lý do phần nào là vì như chúng tôi có mô tả, lịch sử địa cầu trong mấy trăm năm gần đây đã đầy rẫy chiến tranh và xung đột, khiến cho rất nhiều linh hồn bị tổn thương trầm trọng trong tiền kiếp. Và họ bước vào kiếp sống hôm nay với mong muốn hàn gắn vết thương tâm lý của họ, và họ tự hỏi: “Tôi sẽ muốn đầu thai ở đâu đây?”

Phải, rất nhiều người sẽ muốn đầu thai tại một nước giàu có nơi họ có nhiều xác suất hơn để cải sửa tâm lý, nhưng họ cũng sẽ cố tìm bậc cha mẹ thích hợp và họ nghĩ: “Tôi muốn làm con của người cha người mẹ không mang quá nhiều vết thương tâm lý như tôi, để cha mẹ còn dư ra một ít tự do mà giúp tôi.” Đương nhiên đây không phải là trường hợp của mọi người bởi vì cũng có nhiều đứa trẻ tâm linh như các con đây có ít vấn đề hơn cha mẹ mình, và như vậy chính các con lại có tiềm năng giúp đỡ cha mẹ các con, hoặc it ra các con có thể thoát ly khỏi cha mẹ để không cho các vấn đề tâm lý của cha mẹ định đoạt đời mình. Nhưng nói chung, có một xu hướng rõ ràng tại các nước giàu có là nhiều trẻ em sinh ra với những bế tắc tâm lý trầm trọng từ tiền kiếp với hy vọng tìm được bậc cha mẹ có khả năng tạo cơ hội cho chúng hàn gắn và chữa lành.  

Và như vậy, đó cũng là một cách thể hiện tính nhân bản cốt yếu khi phụ nữ bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của câu hỏi: “Tại sao con tôi lại như vậy?” Hỏi như thế thì sẽ dễ chấp nhận ý tưởng luân hồi nhiều hơn, bởi vì luân hồi có khả năng to lớn để giải thích tại sao một đứa trẻ lại như vậy, tại sao nó mang một số vết thương tâm lý không có cách giải thích nào khác. Chúng ta đã có bàn tới xu hướng hiện thời trên thế giới dựa trên hiểu biết của khoa tâm lý, là khi xã hội và thậm chí cả thân nhân trong gia đình thường hay đổ lỗi cho cha mẹ về các vấn đề tâm lý của trẻ con. Tức là nếu đứa con không biết tự lo lấy hay học hành thành đạt, thì đó phải là lỗi của cha mẹ – hoặc gen của cha mẹ không được tốt lắm, hoặc là cách dạy dỗ tồi tệ. Nhưng như đã nói, điều đó không phải lúc nào cũng đúng mà ngược lại là đằng khác. Con nhìn vào một đứa trẻ và con thấy rõ nó mang vết thương tâm lý rất sâu. Một vết thương thật sự sâu sắc chỉ có thể phát xuất từ một chấn thương vật lý trầm trọng tạo ra chấn thương tâm lý. Con dõi nhìn cuộc sống của nó thì thấy nó lớn lên trong một quốc gia trù phú, một gia đình khá giả với đời sống ổn định, và con không thấy có lúc nào trong suốt buổi thơ ấu nó đã từng gặp phải chấn thương to tát đến như vậy. Thế nhưng vết thương thì nằm chình ình ở đó, ngăn cản nó có được một cuộc đời hữu dụng. Giải thích làm sao đây? Đúng vậy, chỉ có luân hồi mà thôi.   

Vì vậy, chức năng làm mẹ và một nhận thức sắc bén nơi người mẹ sẽ là hai yếu tố giúp cho phụ nữ mở tâm ra với nhiều ý tưởng tâm linh phổ quát. Bây giờ con có thể hỏi: “Nhưng thưa Mẹ Mary, tại sao thày lại giảng bài học này cho con?” Bởi vì, ít ra là trong phần thế giới theo đạo Cơ đốc, người ta biết ta là mẹ của Giê-su. Và tất nhiên khi con mở tâm ra với luân hồi, có lẽ con cũng mở ra với ý tưởng là ta đã hiện thân làm người mẹ vật lý của Giê-su cách đây 2000 năm, và từ đó ta đã thượng thăng và trở thành một chân sư thăng thiên. Bây giờ khi con ngẫm nghĩ về tính nhân bản cốt yếu của con người, các chân sư có nói rằng tinh thần nhân bản không những là sự công nhận các quyền căn bản – những gì được quyền hay không được quyền xảy ra cho một đứa trẻ trong cõi vật lý – mà cả những cơ hội, cơ hội của con người, cơ hội của trẻ nhỏ. Vậy khi con nâng cao nhận thức về vai trò người mẹ, con cũng nhìn vào: “Đâu là những cơ hội cho con tôi? Làm thế nào tôi có thể cải thiện cơ hội cho con tôi?” Chắc chắn con sẽ cải thiện cơ hội cho nó bằng cách giúp nó chữa lành tâm lý, nhưng liệu còn điều gì khác nữa mà con có thể làm đề cải thiện cơ hội cho con mình, để ảnh hưởng “phẩm chất” của những đứa con mà mình sắp có? Hẳn sẽ có những phụ nữ trên thế giới có thể học được từ tấm gương của ta.

Nếu con vượt lên trên mọi chi tiết cùng các tín điều quen thuộc và nếu con bỏ sang một bên những gì con nghĩ về Giê-su và về đạo Cơ đốc, có một điều con có thể chắc chắn, đó là Giê-su đã là một đứa trẻ với tiềm năng phi thường. Nó có một cơ hội phi thường để làm điều gì đó trong đời sẽ tác động thế giới một tích cực, một cách lớn lao. Vậy nếu con là một người mẹ có sự nhận thức nhạy bén hơn trung bình, liệu con có muốn là mẹ của một đứa trẻ, hay của mấy đứa trẻ, với cơ hội tác động tích cực lên thế giới? Và con sẽ nghĩ: “Làm thế nào để được như vậy? Làm thế nào tôi trở thành mẹ của một đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt và một tiềm năng to lớn?” Phải rồi, con sẽ phải làm như ta đã làm cách đây 2000 năm, và điều này tất nhiên đã không được ghi lại trong kinh sách. Con sẽ phải sẵn lòng tự cải sửa chính mình, không những tâm lý của con, bởi vì đó không chỉ là vấn đề chữa lành vết thương tâm lý và những khuôn nếp phản ứng. Đó là vấn đề phát triển tâm lý của mình để nâng nó lên những tiềm năng cao hơn của tâm lý con người. Trong thuật ngữ mà chúng tôi sử dụng, điều đó có nghĩa là con sẽ phải bước đi trên đường tu tâm linh, và con sẽ phải nỗ lực một cách cố tình và ý thức để tự nâng mình lên một trạng thái tâm thức cao hơn mức bình thường của mọi người. Cách đây 2000 năm, một phụ nữ trung bình sẽ không sinh được đứa bé Giê-su đâu con. Nếu điều đó xảy ra thì quả là một tai họa cho cả người mẹ đó lẫn cho Giê-su. Người mẹ đó cần phải có một tâm lý đã được giải quyết ở một mức độ nào đó rồi. Vậy mức giải quyết đó là gì?  

Thật vậy, ta đã phải giải quyết tâm lý của mình rốt ráo đến độ không còn một điểm nào có thể tác động tiêu cực đến Giê-su. Ta phải giải quyết rốt ráo đến độ ta có thể hoàn toàn chú tâm vào sự hòa điệu với tiềm năng của Giê-su và làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ cho tiềm năng đó. Điều này ta phải quyết định trước khi có thể sinh ra Giê-su, và có những quyết định đã xảy ra trong cả những tiền kiếp trước đó nữa. Hiện có rất nhiều phụ nữ đã từng cải sửa tâm lý của mình trong kiếp này và đạt được một trình độ giải quyết nào đó, cho nên sứ vụ thiêng liêng của họ trong kiếp này là sinh ra một đứa trẻ với một tiềm năng nhất định, một tiềm năng cao hơn. Nhiều phụ nữ đó đang sinh sống tại các nước giàu có, nhưng không phải tất cả. Vì thế hiện có một số lớn phụ nữ chưa ý thức được điều này, nhưng họ có khả năng tỉnh ngộ và tự hỏi: “Vậy tôi có thể làm gì để chuẩn bị sinh ra một đứa trẻ như thế?”       

Câu trả lời hiển nhiên vượt khỏi cả vấn đề giải quyết tâm lý. Con hãy nâng cao tâm thức, hãy cất bước trên con đường tâm linh, hãy đạt tới mức hiểu được một con người cần phải làm gì để nâng cao tâm thức và phát huy tiềm năng tâm linh của mình. Có những phụ nữ có khả năng làm được chuyện này trong vòng thập niên tới và có những phụ nữ khác sẽ làm được trong một tương lai xa hơn. Thực sự là có hẳn một lớp phụ nữ có khả năng lần hồi vươn tới mức này. Con đã tiến lên một bước để nhận ra tiềm năng tâm linh này, tiềm năng phát triển tâm linh. Con có thể cầu thỉnh điều này. Một số các con có thể giúp đỡ những phụ nữ khác qua việc tư vấn, huấn luyện, trị liệu, hội thảo, bất cứ điều gì mà con có thể làm để hoàn thành tiềm năng đó. Cho nên có rất nhiều việc mà con có thể làm. Rất, rất nhiều việc có thể được thực hiện trong 10 năm tới đây để khởi lên một sự đột phá, mà qua đó các bà mẹ sẽ mở tâm ra, nhìn xa hơn các quan điểm truyền thống, các niềm tin truyền thống, các hệ tư tưởng truyền thống và nhìn vào điều này: “Tôi có thể làm gì để cải thiện cuộc sống của con tôi, và tất nhiên cùng lúc cũng cải thiện cuộc sống của tôi? Tôi có thể làm gì để cải thiện quan hệ của tôi với con tôi, hay quan hệ của những đứa con tôi với nhau?” 

Đã có bao nhiêu bà mẹ sinh con đầu lòng được tận hưởng những giây phút thần tiên chỉ có hai mẹ con và dành trọn sự chăm soc cho đứa con đó. Và họ mong có đứa con thứ hai để hai đứa chơi với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu nhau. Ngờ đâu rất nhanh chóng, hai đứa bắt đầu cãi lộn, đánh nhau, cạnh tranh với nhau. Và kết quả là những xung đột rất sâu sắc giữa anh chị em.

Làm sao con có thể hiểu được chuyện đó nếu con không biết về luân hồi? Con không nhận ra rằng hai linh hồn này rất có thể đã có những xung đột gay gắt trong một kiếp trước mà chúng đã đem theo mặc dù là anh chị em trong cùng một gia đình, là con của cùng một người mẹ và đáng lý phải thương yêu nhau. Nhưng trong tiền kiếp, chúng ta đã thù ghét nhau, và bây giờ con lại rơi vào hoàn cảnh là liệu con sẽ chịu đựng tình trạng này cho tới khi chúng rời mái ấm gia đình, hay con sẽ tìm cách giải quyết? Con sẽ làm gì được đây? Được chứ, con có thể dùng các phương tiện tâm lý để chữa lành tâm lý hai đứa con, con có thể dùng dụng cụ tâm linh để tiêu hủy nghiệp quả giữa hai đứa và đưa chúng vào một con đường tích cực, qua đó chúng có thể vượt khỏi các khuôn nếp mà chúng đã mang theo từ tiền kiếp, nghĩa là trên căn bản, hoặc chúng sẽ tự gỡ nhau ra khỏi mối quan hệ và đi con đường riêng, hoặc chúng sẽ giải quyết các mối bất đồng và tạo dựng một quan hệ xây dựng với nhau. Nhưng trong cả hai trường hợp, chúng sẽ thoát khỏi cảnh xung đột triền miên có nguy cơ tàn phá cuộc đời của chúng trong mấy kiếp tới.    

Một lần nữa con có thể hỏi: “Là một phụ nữ, tôi có thể làm gì để bảo đảm tôi không có những đứa con như vậy?” Như ta đã nói, con hãy nâng cao tâm thức, hay ít ra nâng cao tâm thức đến một mức mà nếu con có đứa con như vậy, con sẽ giúp được nó và tránh không phản ứng tiêu cực. Cho nên con thấy đó, con yêu dấu, thông điệp căn bản mà ta phóng chiếu vào tâm thức tập thể ở đây là trong chức năng làm mẹ có rất nhiều điều mà người ta không nhìn thấy. Đã đến lúc con người bước lên một nhận thức cao hơn về chức năng làm mẹ. Và khi ta nói rằng trong chức năng làm mẹ có nhiều điều mà con mắt vật lý không thấy được, thì ta cũng nói thêm rằng có nhiều điều mà ý thức bản ngã của người mẹ không nhìn thấy được.

Chức năng làm mẹ không chỉ có cái “tôi”. Làm mẹ nhiều hơn cái tôi. Thông thường, nhiều phụ nữ bước vào vai trò làm mẹ từ quan điềm coi mình là trung tâm. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Một là họ đã không tính có thai, cho nên khi họ rơi vào tình cảnh có con, họ cảm thấy như bị cưỡng bách rồi trở nên vị kỷ do phải đối phó với một tình huống ép buộc. Hai là họ có kế hoạch có con nhưng lại mang ý muốn vị kỷ rằng con mình phải như thế này hay như thế kia. Nhiều người trong số các con đã sống trong một khung cảnh gia đình như vậy khi người mẹ có định kiến cứng nhắc về cuộc đời của con mình, về những chuyện nó phải làm hay không được làm. Đó chỉ là vì đối với người đó, chức năng làm mẹ không là gì hơn bản ngã, cái ngã tách biệt, cái cá tính vỏ ngoài.  

Khi con nhìn vào lịch sử và đi trở ngược về quá khứ, ngay cả tại các quốc gia dân chủ hiện đại, con sẽ thấy người mẹ từng có những kỳ vọng lớn hơn về con mình, đặc biệt là về con gái. Các bà mẹ thường có nhiều kỳ vọng cho con gái hơn là cho con trai và vì vậy họ thường cho con gái ít tự do hơn. Cho nên trong quá khứ, cuộc đời đứa con gái thường phải theo đúng kỷ cương, phải đạt được kỳ vọng của mẹ mình, thậm chí kỳ vọng của gia đình họ hàng và cả nền văn hóa. Ngược lại tại các nước giàu có và tiến bộ hơn, phụ nữ đã đạt được không những sự tự do thể chất hay kinh tế, mà cả tự do tâm lý, tức là họ có quyền sống đời mình không theo khuôn mẫu hay sự chờ đợi của mẹ mình. Nhiều phụ nữ đã tự giải phóng khỏi các kỳ vọng này, và nhiều bà mẹ cũng đã giảm bớt những kỳ vọng truyền thống để con mình được tự do hơn.

Con thử nhìn sang các nước khác như các xứ Hồi giáo vùng Trung đông, cả Ấn độ, Trung quốc và nhiều nước khác. Thậm chí Nam hàn là một quốc gia dân chủ hiện đại, nhưng trong sự lượng định của chúng tôi, vẫn có những kỳ vọng mạnh mẽ từ phía cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, đối với con mình và đặc biệt là con gái. Ở những nước này, con cái phải sống theo sự trông chờ đó mà phụ nữ rất khó lòng thoát ra khỏi. Một lần nữa, đây là một vấn đề mà con có thể đọc bài thỉnh để giải hóa.    

Về điểm này, phụ nữ tại các nước Tây phương có thể kết nối với phụ nữ tại các nước khác hầu giúp họ vượt qua vấn đề này. Hãy giúp họ tăng trưởng tới mức họ nhận ra tính nhân bản cốt yếu của mình và nói: “Tôi có quyền đi xa hơn sự chờ đợi của mẹ tôi, của cha tôi, của gia đình và xã hội của tôi, và sống cuộc đời của mình. Tôi có quyền đưa đời mình tới một nơi mà cha mẹ tôi và thế hệ của cha mẹ không thể tưởng tượng hay hình dung được. Tôi có quyền đưa xã hội của tôi vượt ngoài những gì xã hội có thể tưởng tượng hay hình dung. Đây là tính nhân bản cao hơn, tính nhân bản cốt yếu, là tiềm năng cao hơn của tôi.”

Con thấy có quá nhiều điều mà con có thể làm được chứ? Con có thể viết sách. Rất, rất nhiều phụ nữ khắp thế giới có thể viết sách về tình trạng của mình, về tiến trình tăng triển, về kinh nghiệm bản thân, về các thử thách mình phải vượt qua. Người vợ của vị sứ giả này vừa đọc được một quyển sách do một phụ nữ tại Ả-rập Xê-út viết về câu chuyện cô ấy đã làm vỡ tung một số điều cấm kỵ. Cô ấy lái xe rồi bị bắt bỏ tù, cuối cùng cô phải rời xứ ra đi nhưng cô vẫn ghi lại những bước mình đã trải qua hầu nhiều phụ nữ khác có thể học hỏi. Nhưng tại các nước giàu có, phụ nữ cũng có thể viết lại câu chuyện từng trải của mình, và làm cách nào họ đã khắc phục giới hạn để mà vượt qua. Mà cũng không cứ là phải viết sách. Họ có thể viết blog hay đăng bài trên internet. Họ có thể làm phim điện ảnh, thực hiện chương trình truyền hình. Rất nhiều điều có thể khởi lên từ đó vì con có thấy chăng là trong mấy thập niên qua, ngày càng có nhiều phụ nữ lên tiếng, không cứ là về những đề tài chính trị hay triết lý to lớn – cho dù là họ cũng có thể làm vậy – mà về hoàn cảnh riêng của họ và những phương thức để vượt qua đủ mọi loại hạn chế? Con có thấy chăng đây sẽ là nguồn cảm hứng lớn lao cho giới phụ nữ? Đây là một việc vô cùng cần thiết!    

Cũng cần có những loại báo chí khác hơn là loại tạp chí phụ nữ truyền thống không hơn gì những công cụ quảng cáo cho cái nhìn truyền thống về phụ nữ, về vai trò của phụ nữ, về cách trang phục bề ngoài, cách trang điểm sắc đẹp để quyến rũ tình dục phái nam và những thứ như thế. Cần có những phương tiện phát biểu cho người phụ nữ đích thực để họ kể những câu chuyện thật về sự phấn đấu cũng như sự khắc phục các hạn chế mà họ phải chịu đựng. Đây sẽ là nguồn cảm hứng to lớn cho mọi phụ nữ khác, không những tại các vùng giàu có trên thế giới mà ở cả những vùng khác nơi phụ nữ có thể tìm đọc. Ngày nay, truyền hình đã đến với hầu hết mọi nơi trên thế giới và trở nên rất sáng giá ngay cả tại các nước nghèo hơn nơi phụ nữ có khả năng xem truyền hình. Và nếu con xem các bộ phim truyền hình về phụ nữ do các hãng lớn tại Hollywood sản xuất, con sẽ phải nói rằng những bộ phim này hoàn toàn xa rời đời sống thực sự của phụ nữ cũng như hoàn cảnh của họ nơi các xứ nghèo. Và tất nhiên con nói rất đúng.          

Tuy nhiên đối với phụ nữ tại xứ nghèo, việc theo dõi các bộ phim truyền hình như thế cũng không hoàn toàn vô ích bởi vì họ có thể thấy được cuộc sống của phụ nữ ở các nước kia khác xa đời sống của họ như thế nào. Phụ nữ trong phim sao mà quá đầy đủ sung túc đến độ họ không cần bỏ thì giờ ra để lo lắng tới đời sộng vật chất. Hình như họ chỉ lo lắng về bạn trai của họ và liệu họ sẽ có đủ quan hệ với phái nam mà thôi. Và phụ nữ ở xứ nghèo xem thấy vậy thì hiểu ra là người ta có thể có cuộc sống vật chất đầy đủ mặc dù nhân vật trong phim thật sự chẳng có gì là thông minh hay tinh tế, mà ngược lại còn vô cùng ích kỷ. Và họ nghĩ, tại sao chúng tôi không thể có được cuộc sống như vậy ở xứ chúng tôi?

Và đây là ích lợi của truyền thông, vì mặc dù chương trình chì là văn hóa đại chúng không có chất lượng cao gì đặc biệt, nhưng nó vẫn đưa ra một góc nhìn khác biệt. Cho nên phụ nữ cần phải chia sẻ những câu chuyện thật của mình, không phải là loại chuyện đã được Hollywood đánh bóng, mà những chuyện thật của con, những phấn đấu thật của con. Con có thể nói: “Nhưng tôi đã lớn lên trong một xã hội với nhiều thuận lợi và chắc chắn tôi chưa phải nếm mùi nghèo khổ thiếu thốn. So với các điều kiện mà phụ nữ phải sống tại Ả-rập Xê-út hay Ấn độ và Bangladesh, câu chuyện của tôi có giá trị gì cho họ?” Nhưng họ vẫn có thể rút tỉa cảm hứng từ sự kiện con đã phải đối đầu với một số giới hạn của riêng con mà con đã khắc phục được, và điều này sẽ thúc đẩy họ suy nghĩ: “Ừ nhỉ, tôi cũng có khả năng khắc phục các giới hạn của tôi cho dù không giống hẳn.”

Bởi vì con đã khắc phục giới hạn của con như thế nào? Bằng cách con tự cải sửa, con cải sửa tâm lý của con, và con yêu dấu, con có thể hỏi làm thế nào một phụ nữ sống trong cảnh nghèo khó có thể cải sửa tâm lý? Nhưng thực tế là nếu con hiểu chút đỉnh về tâm lý, liệu việc tự cải sửa có tốn một đồng xu nào hay không? Con chỉ cần dành ra một chút thời gian đây đó trong ngày và con sẽ tinh tấn. Cho nên con không nên có quan điểm tiêu cực rất phổ biến là cho rằng con không thể làm gì được, hay dù con có làm gì thì cũng không có tác dụng nào cả. Con cần ghi nhớ lời của đức Phật khi thày ra khỏi niết bàn và bị bọn quỷ Mara thử thách. Chúng bảo rằng không ai sẽ hiểu được giáo lý của Phật, nhưng thày trả lời như con cũng biết: “Vẫn có một số người sẽ hiểu được, vẫn có một số người sẽ được lợi.” Cho nên có một số phụ nữ sẽ nhận được cảm hứng từ con, vậy liệu có đáng để con lên tiếng và góp mặt với đời?     

Hơn nữa, con sẽ học hỏi khi con góp mặt, khi con đóng góp những câu chuyện của con và con quan sát cách con phản ứng trước sự phản hồi của người khác. Đây là một cơ hội để con tăng triển. Khi con nhìn lại lịch sử thời phong trào phụ nữ đòi quyền đi bầu, hay thời phong trào giải phóng phụ nữ, con sẽ thấy phụ nữ đã không thể đạt được những thành quả đó nếu họ đứng riêng từng cá nhân. Họ chỉ đạt được khi họ hội tụ lại, hỗ trợ lẫn nhau, cộng tác với nhau, không phải như phái nam khi phái nam cộng tác, mà như phái nữ trong cách cộng tác đặc biệt của phái nữ. Sự tác động trên thế giới đã vô cùng to lớn nhưng tiềm năng tác động thì lại to lớn hơn, là tiềm năng gần như vô hạn khi phụ nữ hội tụ lại và làm việc chung với nhau.  

Phái nam thường tập trung nhiều hơn vào vẻ ngoài, vào các điều kiện vỏ ngoài như tôn giáo, đảng phái chính trị, xuất xứ chủng tộc, màu da, những thứ như vậy. Còn phái nữ có tiềm năng nhìn xa hơn tất cả những thứ vỏ ngoài đó để nối kết ở mức con tim, ở mức trực giác, và như vậy họ có thể hình thành một tình chị em vượt khỏi mọi lằn ranh vỏ ngoài. Phái nam không thể làm được điều đó, ít nhất là không trong một tương lai gần kề. Nhưng phải nữ thì có thể làm được. Một số các con đã làm được rồi, nhiều phụ nữ cũng làm được rồi, nhưng trong 10 năm tới đây, điều này sẽ có tiềm năng đột phá rộng lớn, vượt qua rất nhiều lằn ranh khác chưa từng được vượt qua. Đây là một trong những tiềm năng lớn nhất để thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain.

Chắc chắn nam giới cũng sẽ có vai trò trong việc thị hiện Thời Hoàng kim nhưng trong thực tế của những vấn đề thực tiễn hàng ngày, phụ nữ mới là lực chuyển đổi, vì nếu không thì sẽ không có sự chuyển đổi. Vậy thì liệu các con sẽ chỉ lái xe tại xứ Ả-rập Xê-út, hay các con sẽ lái sự chuyển đổi tại Ả-Rập Xê-út? Và tại Iran, tại Ấn độ, Bangladesh, Trung quốc, Đan mạch, Hoa kỳ, Nam Mỹ, châu Phi và tại bất cứ đâu nữa? Các con là phụ nữ sẽ lái chiếc xe chuyển đổi hay không? Đó là câu hỏi, thậm chí là thách thức mà ta đưa ra cho các con. Ta không muốn các con cảm thấy tiêu cực về vấn đề này, mà ta muốn các con nhìn vào cơ hội rồi nói: “Tôi có thể làm được gì? Tôi có thể làm được gì để cải thiện cuộc sống của con tôi?” Nếu con không có con cái hay nếu con cái đã lớn khôn, con có thể tự hỏi: “Tôi có thể làm được gì để cải thiện cuộc sống của những đứa trẻ khác cũng như mẹ của chúng? Tôi có thể làm gì để cải thiện cuộc sống của phụ nữ khắp thế giới?”

Con có thể làm được một cái gì. Có một lời gian dối nữa mà sa nhân luôn luôn phóng chiếu vào con và con sẽ nhận thấy nếu con nhìn vào chính mình một cách trung thực. Khi con nghe hay đọc những bài truyền đọc này, con có thể cảm thấy vô cùng hứng khởi, phấn chấn, nhưng chỉ một thời gian sau có một phản ứng sẽ đến với con: “Ồ, tôi chẳng làm gì được đâu. Tôi là cái gì? Tôi nghĩ tôi là cái gì? Tôi làm được gì đây?” Nhưng con có thể nói lên cùng với Phật Gautama: “Có những việc mà tôi làm được.” Và dù con có làm gì thì vẫn tốt hơn là không có gì, bởi vì thế giới có thay đổi là do có người làm gì, và nhiều cái làm nhỏ quả thật đã và sẽ thay đổi thế giới. Nhiều học trò của chân sư thăng thiên vốn tìm kiếm một sự thay đổi nhảy vọt lớn lao và bây giờ thì chúng ta đang nói tới Thời Hoàng kim. Nhưng Thời Hoàng kim sẽ đến được nhờ rất nhiều những bước nhỏ, rất nhiều thay đổi nhỏ ở đây và ở đó. Và 500 năm nữa sẽ vẫn còn có người ngồi chờ Thời Hoàng kim bởi vì họ chưa nhận ra là thời đó đã đến và có mặt. Ngày hôm nay cũng có những người không công nhận những tiến bộ to lớn đã được hoàn thành trong 500 năm qua, ít ra là tại một số nước, vì họ không nhìn ra. Họ đã không thay đổi trong tâm họ. Nhưng ta có thể bảo đảm với con là 500 năm nữa đây, con sẽ khó lòng nhận ra hành tinh này của chúng ta, bởi vì khi đó, Thời Hoàng kim sẽ thực sự trên đà thị hiện tiềm năng cao nhất của nó.    

Và với lời này, ta cảm ơn sự chú ý của các con, sự cởi mở để làm đài phát thanh cho ta, và ta niêm ấn con trong tình thương của trái tim mẹ ta. Trong ý nghĩa tâm linh, con là con của ta và ta muốn làm điều tốt nhất cho con. Ta đã tự hỏi ta có thể làm gì được thì bài truyền đọc này cùng nhiều bài truyền đọc khác là cách biểu hiện của ta. Ta mong muốn giúp con tự giải thoát và sống một cuộc đời thoả nguyện khi con biết con đang hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của mình cũng như tiềm năng cao nhất của mình, bằng cách chữa lành mọi chấn thương tâm linh và làm hoà với việc hiện diện trên trái đất.