Đại đoàn Chưởng giáo

Trước tiên chúng ta hãy nhìn từ góc độ địa cầu. Vũ trụ vật chất được cấu tạo bởi những năng lượng rung động trong một khoảng tần số nhất định. Ở ngay trên khoảng tần số này là tầng thấp nhất của cõi tâm linh. Bên trên cõi tâm linh còn nhiều cõi khác nữa, trải ra trong 6 bầu cõi – vì chúng ta là bầu cõi thứ bảy – trải mãi cho tới Đấng Sáng tạo. Trong mỗi bầu cõi đều có một đoàn chưởng giáo, tức một hàng ngũ những đấng tâm linh coi sóc bầu cõi.

Cõi vật chất đã được sinh tạo bởi những đấng ở cõi ngay trên cõi chúng ta, với rung động cao hơn chúng ta một bậc. Những đấng này, chúng ta thường gọi là các chân sư đã thăng thiên. Các chân sư còn sử dụng danh tính “Đại đoàn Thăng thiên”, là toàn thể các đấng ở tất cả các bầu cõi trên chúng ta. Tuy nhiên, phần lớn những đấng này không có tương tác gì với chúng ta ở địa cầu.

Cho nên từ góc nhìn loài người, chúng ta chỉ có thể bàn tới đoàn chưởng giáo ngay trên chúng ta một vài tầng mà thôi. Và sau đây là những đấng quen thuộc nhất:

Các chân sư mới thăng thiên

Khi mới thăng thiên từ thế giới vật chất, vị tân chân sư thường dành thì giờ để làm quen với tầm tỉnh giác mới cùng thế giới tâm linh mà bây giờ thày có khả năng tiếp cận một cách ý thức. Tuy nhiên, những vị nào đã từng giảng dạy loài người từ thời còn chưa thăng hoa thì có thể nhận ngay một trách vụ giáo huấn.    

Các Thượng sư

Có cả thảy bảy tia sáng tâm linh, là những quang phổ năng lượng căn bản cấu tạo vũ trụ vật chất. Để bước trên đường tu tâm linh và có đủ tư cách thăng hoa, chúng ta cần làm chủ, điều ngự cả bảy tia sáng này. Cho nên cũng có thể mô tả đường tu tâm linh như một trình tự qua đó chúng ta phải học qua đủ cả bảy tia sáng.

Để sự tu tập được tốt đẹp, mỗi tia sáng có một số chân sư chủ trì, đây là những vị thày sẽ giúp chúng ta vượt qua những cuộc điểm đạo đặc thù của tia sáng. Vị đứng đầu giáo đoàn đó có tên là Thượng sư (Chohan), và như vậy mỗi tia sáng đều có một Thượng sư, tương tự như vị hiệu trưởng một trường học vậy.    

Thượng sư có thể hiện ra như phái nam hay phái nữ, và không phải vị nào cũng có tương ứng trong phái đối diện. Chẳng hạn một thượng sư nam có thể không có tương ứng phái nữ, bởi vì vị nữ chưa thăng thiên, hoặc vị nữ đã chuyển sang những cõi khác và không còn liên hệ với địa cầu nữa.

Các Đại thiên thần

Có một nhánh đặc biệt nơi cõi thượng thăng sẽ không bao giờ đầu thai là các thiên thần. Thiên thần có nhiều trách vụ khác nhau, nhưng đối với chúng ta, có lẽ hữu ích nhất là trách vụ giúp chúng ta tăng trưởng. Các thiên thần cũng được tổ chức theo bảy tia sáng thành từng đoàn, và mỗi đoàn như thế có một Đại thiên thần đứng đầu. Vậy mỗi tia sáng đều có một Đại thiên thần được ủy nhiệm.

Các Đại thiên thần Archangels đều là phái nam, nhưng các thày cũng có tương ứng phái nữ, gọi là Archeia, chẳng hạn thái cực phái nữ của Đại thiên thần Michael là vị Archeia có tên là Faith.

Các Elohim

Vũ trụ vật chất được tạo thành từ năng lượng của bảy tia sáng khi độ rung động của tia sáng được hạ thấp xuống theo một tỷ lệ nhất định. Một bản mẫu bằng trí năng được dùng làm khuôn để nhào nắn năng lượng đó, và từ đó những kiến trúc nền tảng của vũ trụ vật chất được thành hình.

Những đấng khởi xướng và trông coi tiến trình này thường được gọi là Elohim. Và ở đây cũng như trên, có cả thái cực nam lẫn nữ, chẳng hạn Elohim Hercules có tương ứng nữ là Amazonia.

Một trong những Elohim được cầu thỉnh nhiều nhất là Astrea, là vị Elohim của Tia thứ tư, Tia Thuần khiết, có thể giúp bạn loại bỏ các năng lượng thấp kém hay thế lực đen tối trong từ trường của bạn.

Mặt trời Trung tâm

Mức cao nhất trong cõi thượng thăng mà chúng ta có thể biết, được biểu tượng qua hai đấng có tên là Alpha và Omega. Người ta bảo rằng hai đấng này ngụ nơi “Mặt trời Trung tâm”, nhưng đây không phải là mặt trời vật lý của vũ trụ vật chất đâu, đành tạm gọi là một “địa danh” trong cõi tâm linh.

Như đã trình bày, ở trên bầu cõi chúng ta có cả thảy sáu bầu cõi. Mỗi bầu cõi tạo thành một cấu trúc có tầng cấp, phần nào tương tự như một kim tự tháp. Nơi mỗi bầu cõi có một mặt trời trung tâm là nơi trụ trì của hai đấng Alpha và Omega, và nơi bầu cõi thứ nhất ở trên cùng là mức tối thượng của Alpha và Omega, tức là những đấng biểu hiện trực tiếp Đấng Sáng tạo.

Tuy nhiên, điều bạn cần hiểu là phần trình bày ở trên chỉ là một cách biểu tượng đường thẳng, và tất nhiên với tư duy đường thẳng, chúng ta không thể nào nắm bắt được thực tại tâm linh với vô số chiều kích ở nhiều tầng tâm thức. Cho nên bạn không nên đặt quá nhiều tầm quan trọng cho chữ nghĩa cùng cách diễn đạt, bởi vì cách duy nhất để nắm được thực tại đó là qua sự chứng nghiệm trực tiếp.

Và một điều nữa, các chức vị liệt kê ở đây cần được bạn hiểu trong ý nghĩa trách vụ, nghĩa là đấng đảm nhiệm trách vụ có thể thay đổi với thời gian. Chẳng hạn, vị Đại thiên thần của Tia thứ nhất là một trách vụ đã từng được giao phó cho nhiều vị khác nhau, và đó là lý do tại sao danh tính những vị phụ trách có thể khác biệt trong những bài giáo lý ở những thời điểm khác nhau. 

Một số danh xưng khác

Thần và Nữ thần

Dù các Elohim có khi được gọi là Thần và Nữ thần, nhưng có một số đấng khác đã đạt đến tầng cấp Thần, chẳng hạn Nữ thần Tự do, Nữ thần Công lý (Portia) và Nữ thần Từ bi (Quan Âm).

Các Logos của thái dương hệ

Mỗi thái dương hệ đều có một mặt trời và mỗi mặt trời vật lý có một cặp trưởng lãnh với nhiệm vụ giữ cho mặt trời luôn là một cánh cửa mở giữa cõi vật chất và cõi tâm linh. Nếu vì lý do nào đó, năng lượng ngừng tuôn chảy từ cõi tâm linh vào thái dương hệ thì lập tức sự sống nơi thái dương hệ sẽ không thể tiếp tục. Hai vị trưởng lãnh của mặt trời chúng ta là Helios và Vesta.

Chủ tể Thế gian

Mỗi địa cầu có một đấng giữ trách nhiệm Chủ tể Thế gian. Đấng này phải đạt được quả vị Phật, tức là đã điều ngự không gian. Đây là đấng giữ sự quân bình tâm linh để địa cầu có thể hiện hữu trong không gian. Vị Chủ tể Thế gian cho hành tinh chúng ta là Phật Gautama, hay Phật Thích Ca.  

Đấng Ki-tô của hành tinh hay của cá nhân

Mỗi hành tinh đều có một đấng giữ trách vụ Ki-tô. Tuy rằng Ki-tô mang một ý nghĩa đặc thù trong đạo Cơ đốc, nhưng “Ki-tô” thật sự là một danh hiệu toàn vũ mang ý nghĩa bao quát là tánh hợp nhất giữa Đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài.  Cũng vì vậy mà mỗi khi có ai thăng vượt được ảo tưởng tách biệt thì người ấy được gọi là đã đạt tâm thức Ki-tô, một điều kiện phải có trước khi thăng thiên. Khi Giê-su nói, “Ta là con đường, sự thật và sự sống, và không ai đến với Cha mà không qua ta”, thì thày không ám chỉ bản thân trần thế của thày mà thật sự nói về tâm thức Ki-tô.

Hiện nay, Giê-su là vị nắm giữ trách vụ Ki-tô cho hành tinh chúng ta.  

Ki-tô toàn vũ

Mỗi hành tinh có một chân sư giữ trách vụ biểu tượng cho tâm thức Ki-tô toàn vũ nơi hành tinh đó. Cho địa cầu, vị này là Maitreya. Thày Maitreya chính là vị chân sư được mô tả – một cách méo mó và thô – qua nhân vật “Thượng đế” trong câu chuyện Vườn Eden trong Kinh thánh. Sự thật đằng sau huyền thoại này là Maitreya từng là vị thày, và hiện nay vẫn là vị thày, chủ trì ngôi trường tâm linh – có khi cũng gọi là Trường Bí giáo – nơi mọi dòng sống phải kinh qua để chuẩn bị cho cuộc đầu thai trên địa cầu hầu có đủ khả năng đương đầu với những khai ngộ được biểu tượng qua sự dày đặc của địa cầu.

Các vị Thày của Nhân loại

Đây là những vị trông coi mức phát triển tổng quát của tâm thức loài người, định đoạt những phương cách hay nhất để truyền dạy các bài học toàn vũ cũng như những giáo lý mới cần ban hành ở một thời điểm nào đó, dựa trên trình độ tinh tấn – hay thiếu tinh tấn – của tâm thức tập thể. Trách vụ này hiện được giao phó cho Giê-su và Kuthumi.

Hội đồng Nhân quả và các vị Chủ tể Nghiệp quả

Các chân sư dạy dỗ nhân loại thường có hai cách giáo huấn. Đối với những ai đã mở tâm với giáo lý tâm linh, các thày luôn khuyến khích chúng ta sử dụng giáo lý để tự quan sát rồi tự thăng vượt. Nhưng đối với những ai chưa bén nhạy với giáo lý thì các thày sẽ để yên cho chúng ta tự thân chiêm nghiệm lấy những hậu quả vật lý của tâm thức mình. Đây chính là Trường đời Cay đắng mà nhiều người cũng gọi là “nghiệp quả xấu”.     

Để trông coi luồng giáo huấn qua bài học nghiệp quả, có một hội đồng được thành lập gồm 8 vị chân sư. Điều cần hiểu là cho dù người ta hay gọi là “nghiệp quả xấu” nhưng kỳ thực nghiệp quả không hề có mục đích trừng phạt một ai. Trái lại, giáo dục là chủ đích duy nhất. Chân sư cố tìm cách dạy dỗ những người do ảo ảnh mà tự đẩy mình ra ngoài tầm tác động của các giáo lý tâm linh.

Cũng vì vậy mà Hội đồng Nhân quả có quyền nán giữ lại một biện pháp nhân quả nào đó nếu nhận thấy đương sự đã học được, hoặc sắp sửa học được, bài học cần học. Ngược lại, Hội đồng cũng có thể kích hoạt nghiệp quả sớm hơn đối với những người bị trôi cuốn vào một vòng xoáy đi xuống và đang đối xử tồi tệ với người khác.

Nói vậy để hiểu rằng công việc của Hội đồng vô cùng phức tạp. Các thày không những phải cân nhắc nghiệp quả cá nhân của từng dòng sống, mà còn phải xét đến nghiệp quả của từng đoàn nhóm hay toàn nhân loại nói chung. Các thày cũng là những vị quyết định ai sẽ là người sắp đầu thai, và đã có những trường hợp xảy ra khi một dòng sống bị khước từ tái đầu thai trên địa cầu vì đã lạm dụng các cơ hội thăng vượt trước đây.  

Hội đồng Nhân quả cũng có nhiệm vụ giáo huấn trực tiếp chúng ta trong khoảng cách giữa hai kiếp đầu thai. Cùng với các vị thày tâm linh khác, các vị trong Hội đồng giúp mỗi dòng sống thảo ra những nét chính của kiếp tới bằng cách trù định xem hoàn cảnh đời sống nào sẽ hữu ích nhất cho dòng sống. Mục đích là để giúp cho dòng sống học được những bài học cần thiết và biểu lộ Sứ vụ Thiêng liêng của mình, tức là mòn quà mà dòng sống đem đến cho cuộc đời.

Hiện các thành viên của Hội đồng Nhân quả là: Đại chỉ đạo Thiêng liêng, Nữ thần Tự do, Pallas Athena, Nada, Portia (Nữ thần Công lý), Quan Âm (Nữ thần Từ bi), Elohim Cyclopea và Vajrasattva.

Các đức Phật Thiền định

Trong truyền thống đạo Phật, đây là những vị Phật “bản sơ”, tức là chưa từng hiện thân như Phật Gautama. Ở cõi tâm linh có cả thảy sáu vị, mỗi vị biểu tượng cho liều thuốc giải độc của một loại độc tố tâm linh. Bằng cách cầu thỉnh Hiện diện của Phật Thiền định, bạn sẽ được trợ giúp để thăng vượt được độc tố.