Để thực sự hiểu được các chân sư giao tiếp như thế nào với loài người đang đầu thai, bạn cần hiểu rõ Luật Tự quyết. Mục đích cuộc sống chúng ta là phát triển khả năng tự nhận biết, và điều này xảy ra khi chúng ta tương tác với thế gian, hành động qua một số lựa chọn, rồi phải nếm mùi hậu quả những lựa chọn đó. Có thể nói, địa cầu giống như một lớp học rộng lớn nơi chúng ta là những học trò với tiềm năng học hỏi.
Trong khắp vũ trụ vật chất, có nhiều nơi khác cũng là trường học với những đặc tính mỗi nơi mỗi khác. Riêng ở địa cầu, trường học chúng ta khá đăc biệt ở chỗ chúng ta có thể chiêm nghiệm cuộc sống trong vai trò một sinh thể tách biệt – tách biệt khỏi Thượng đế và cũng tách biệt khỏi mọi sinh thể khác – để rồi nhờ chiêm nghiệm đó mà tỉnh ngộ.
Kinh nghiệm này có được là vì năng lượng cấu tạo địa cầu rất dày đặc. Ở nhiều hành tinh khác, năng lượng đã thăng lên một độ cao hơn, khiến cho “vật chất” không nặng nề như ở đây mà trái lại được nhận biết như một chất thanh nhẹ – là ánh sáng tâm linh – vì thế mà không thể ảo tưởng rằng mình là tách biệt. Ngược lại trên địa cầu, chúng ta có quyền chọn cách cảm nhận tách biệt.
Tại sao phải giữ cho mỗi người có thể phủ nhận sự có mặt của các chân sư
Theo Luật Tự quyết, tỷ trọng của năng lượng cấu tạo một hành tinh là kết quả trực tiếp của tâm thức dân cư ở đó. Chắc rồi địa cầu cũng sẽ một ngày nâng cao rung động để không ai còn tin được là vật chất tách rời khỏi Tánh linh, và các chân sư – cùng với nhiều người chúng ta đang hiện thân – đang nỗ lực để đạt được mục đích đó. Nhưng cho tới khi có đủ túc số những con người đã nâng cao tâm thức để kích hoạt sự chuyển vọt này thì các chân sư sẽ phải tôn trọng Luật Tự quyết.
Một hậu quả của điều này là các chân sư sẽ không thể bỗng dưng hiện ra trên trời hoặc bất cứ nơi đâu để chứng minh một cách không thể chối cãi rằng cõi tâm linh có thật. Thay vào đó, các thày chỉ có thể giao tiếp với nhân loại trong sự tôn trọng những người còn tin vào ảo tưởng tách biệt. Nói cách khác, nguyên tắc mà các thày phải noi theo là tôn trọng quyền tự quyết của những con người chưa thấy được chân lý. Những người đó, tức là đa số nhân loại, vẫn có toàn quyền phủ nhận sự hiện hữu của Thượng đế, phủ nhận sự thật của một cõi tâm linh vượt ngoài cõi vật chất, phủ nhận các chân sư, và tất nhiên cũng phủ nhận họ có thể giao tiếp với chân sư.
Trong điều kiện như vậy, các chân sư phải liên lạc với nhân loại một cách nào đó mà những người không tin vẫn có thể bác bỏ. Cho tới giữa thế kỷ 19, các thày vẫn chưa được phép tiết lộ sự hiện hữu của mình qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chẳng hạn như sách viết bởi vì bất cứ ai cũng có thể tìm đọc. Thay vào đó, các thày phải giới hạn việc làm trong một số hội kín, qua đó các thày chỉ tiết lộ cho những thành viên đã được khai mở.
Vào nửa sau của thế kỷ 19, các thày được phép xuất hiện trên một số phương tiện công cộng, như sách vở và các tổ chức công khai rao truyền mối liên hệ với chân sư. Và từ đó đã có một loạt sách viết cùng những dụng cụ tu tập được một số tổ chức hay cá nhân phát hành. Tuy vậy trong mỗi trường hợp, không có bằng cớ hiển nhiên nào chứng minh xuất xứ là từ những đấng đã thăng vượt thế gian vật chất.
Làm sao bạn biết được là thật?
Nếu bạn nghiên cứu cuộc tranh luận giữa hai phe vô thần và hữu thần, hẳn bạn cũng thấy rõ cuộc tranh luận có thể kéo dài hàng thế kỷ về sự hiện hữu của Thượng đế mà không phe nào đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Lý do là bởi bản chất lý trí con người, người ta có thể tranh cãi mãi mãi mà không đạt được một giải đáp cuối cùng.
Có cách nào đi xa hơn tình trạng bế tắc đó của trí não? Thưa có, đó là khả năng trực giác. Bạn chỉ có thể chấp nhận sự hiện hữu của chân sư qua một kinh nghiệm nội tâm, trực nhận hoặc thần bí. Bạn sẽ biết mà không cần bất cứ lý lẽ nào do tư duy đường thẳng cung cấp.
Vậy làm sao bạn biết được giáo lý trên trang web này xuất phát thật sự từ chân sư? Bạn sẽ chỉ biết được nếu rung động của trang này đánh động một cái gì đó nơi nội tâm bạn. Nếu bạn không cảm thấy gì thì có lẽ bạn nên thôi đọc và đi tìm một giáo lý nào khác đồng điệu với tâm bạn hơn.
Còn đối với những bạn bén nhạy trực giác, có một cách khá dễ để biết được đâu là thật hay giả. Khi đọc, bạn hãy hoà điệu nơi con tim và quan sát xem bạn chiêm nghiệm giáo lý như thế nào. Năng lực vi tế bên trong bạn có dâng lên hay là bị kéo xuống? Nếu năng lực đi lên thì hẳn đây là dấu hiệu rất tốt rằng giáo lý này sẽ giúp bạn nâng tâm thức.
Các chân sư giao tiếp thế nào?
Chân sư có nhiều cách giao tiếp với con người. Thật sự chúng ta không nên phân tích quá chi ly và bỏ chân sư vào những cái hộp của lý trí đường thẳng – là loại lý trí sẽ khiến cho chân sư không giúp đỡ mình được– nhưng chúng ta có thể chia cách thức giao tiếp thành hai loại: trực tiếp và gián tiếp.
Cách gián tiếp có thể được ví như đài phát thanh hay đài truyền hình. Các thày không ngừng phát ra một số năng lượng cùng những thông điệp từ cõi thượng thăng. Nhưng điều quan trọng cần hiểu ở đây, chúng ta không thể nhận bắt những tín hiệu này bằng tâm thức “bình thường” của mình. Tâm chúng ta có khả năng bắt được những sóng đó, nhưng không ở mức tâm thức bình thường mà chỉ ở một mức cao hơn. Cho nên bất cứ ai nâng cao tâm thức đều có khả năng bắt sóng từ chân sư.
Trong lịch sử đã có nhiều người sử dụng được khả năng này. Trong nhiều trường hợp, các đương sự hoàn toàn không ý thức tư tưởng từ đâu đến, cho nên gọi đó là cảm hứng, nàng thơ hay nàng nhạc. Một số người cả đời chỉ nhận được linh hứng đúng một lần, trong khi một số người khác có thể hòa điệu thường xuyên hơn. Nhưng nói chung, chính qua sự phát sóng liên tục như vậy mà các chân sư đã có thể đem lại nhiều tư tưởng mới vào thế gian vật lý để đẩy mạnh tiến hóa của nhân loại.
Ngoài cách gián tiếp nói trên, các chân sư cũng giao tiếp với con người một cách trực tiếp. Điều này chỉ xảy ra với những người đã nhận ra sự hiện hữu của các thày. Đã có những trường hợp người ta nhận được thông điệp, viết thành sách nhưng không nói rõ nguồn gốc. Và cũng có khi người ta công khai nhìn nhận nội dung là từ chân sư, như trong trường hợp một chân sư giảng dạy trực tiếp qua một sứ giả đang hiện thân làm người. Cách thức này thường được gọi là thông điệp hay “bài truyền đọc”. Thông điệp là khi sứ giả biên chép lại, còn bài truyền đọc là khi sứ giả dùng giọng nói của mình để đọc to, có khi trước mặt một cử tọa.
Những giáo lý và dụng cụ tu tập đăng tải trên trang web này tiếp nối truyền thống giảng dạy trực tiếp của các chân sư. Từ năm 2002, tôi, Kim Michaels, đã nhận được bài đọc lẫn công cụ tu tập từ các thày, và tuy rằng tôi đã làm việc này từ nhiều năm, tôi vẫn có cảm giác đang tập sự. Tôi thiển nghĩ địa cầu quả là một mái trường, và khi nào mình còn ở đây thì việc học tập sẽ còn tiếp diễn.
Trong một số tổ chức, người nhận bài đọc có tên là “sứ giả”. Thành thật mà nói, theo thiển ý của tôi, đây là một vai trò thật hèn mọn. Nhưng tiếc thay, một số tổ chức lại có khuynh hướng thần tượng hóa, biến sứ giả thành một người quan trọng hơn mọi thành viên khác, gần như là tụ điểm nối kết với chân sư. Nhưng tôi thì xem mình là một cánh cửa mở mà thôi. Tôi biết rõ mỗi người trong chúng ta đều có khả năng hòa điệu và liên lạc trực tiếp với các thày, và mục đích của trang web này chính là để bồi sức cho mọi người đạt được điều đó.
Bài truyền đọc là gì?
Đối với nhiều người tâm linh, tiến trình giao tiếp với chân sư thường có tên chung là “mở kênh” (channeling), nhưng từ này lại chứa đựng rất nhiều hiện tượng khác nhau một trời một vực. Vì vậy tôi xin trình bày những điều xảy ra khi tôi nhận sóng từ chân sư. Tôi hoàn toàn không có ý định so bì mà chỉ muốn trình bày sự kiện một cách chân thực.
Bài truyền đọc là khi tôi hòa điệu tâm tôi với Hiện diện của một vị chân sư nào đó. Tôi không xuất vía và trở nên vô thức, vì theo chỗ tôi hiểu, các chân sư không hợp tác với kênh xuất vía. Đó là vi phạm quyền tự quyết, bởi vì người đồng bóng không ý thức được ai sẽ nhập hồn, sẽ làm gì hay nói gì trong buổi lên đồng. Riêng tôi thì hoàn toàn tỉnh thức trong nguyên tiến trình. Vả lại tôi đã được học tập để giữ tâm mình hoàn toàn trung dung, thuần khiết, để mọi ý tưởng cùng cảm xúc cá nhân của mình không can dự vào.
Thường thường, tôi không ý thức trước những gì chân sư sẽ nói trong bài đọc, nhưng cũng có khi tôi cảm nhận được đề tài sẽ là gì, và tôi hay nhận thấy một cái mầm ý tưởng đã được truyền trước đó vào tôi để tôi có thể bắt đầu. Một khi bài truyền đọc khởi sự, công vịêc của tôi là giữ vững tâm hòa điệu với chân sư mà không bị chia trí bởi tiếng động chung quanh (tôi đã từng đọc trước những cử tọa đông đến trăm người và ở nơi công cộng) hoặc cả những tiếng động trong tôi. Nhiều khi tôi hoàn toàn không biết trước chân sư sẽ nói gì, nhưng dù cho bài đọc kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, tôi vẫn giữ được một nội dung trơn tru từ đầu đến cuối – một điều mà cái trí vỏ ngoài của tôi không có khả năng làm được.
Tôi không nhận được thông điệp của chân sư dưới hình thức lời nói mà tôi nghe được trong tâm rồi lặp lại. Tôi cũng không nhìn thấy chữ viết hiện ra trước mắt để mà đọc lên. Tôi chỉ hòa điệu với một dòng tâm thức vượt khỏi mọi hình thức từ ngữ đường thẳng. Dòng tâm thức này được diễn đạt thành lời bởi chính tâm tôi. Tôi có thể nghe được từng lời thốt ra khi phát biểu, nhưng tất nhiên, tôi hoàn toàn có khả năng ngừng lại bất cứ lúc nào nếu tôi muốn.
Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của một bài truyền đọc không phải là lời nói, mà là dòng ánh sáng tâm linh tuôn ra trong lời nói. Cái trí đường thẳng có thể nắm bắt được ý nghĩa, nhưng nếu bạn chỉ đọc, hoặc nghe, một bài truyền đọc với thuần lý trí thì bạn sẽ bỏ lỡ phần quan trọng nhất là ánh sáng.
Vì tôi đã làm công việc này từ rất lâu nên tôi cũng phần nào quen thuộc, nhưng gần đây tôi có một kinh nghiệm lý thú. Trong một buổi hội đàm, tôi nhận bài đọc của Đại thượng sư (Mahachohan). Trong cử tọa có một người lần đầu tham dự nên bán tín bán nghi. Sau khi tôi đọc xong, ông ta bảo tôi rằng theo ông, không một người nào có thể nói chuyện cả tiếng đồng hồ với một giọng dũng mãnh đến như vậy, và đến chót lại còn tăng cường độ lên một bực. Tôi phải công nhận là ông nói đúng, và về điểm này tôi xin trình bày thêm như sau.
Bài truyền đọc thường kéo dài hơn một tiếng, và suốt bài đọc, tôi ở trong thế đứng. Tuy vậy tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, dù là mệt thể chất, cảm xúc hay tinh thần. Trái lại tôi cảm thấy mình tràn trề sinh lực và tâm thức sáng rõ hơn một bực. Nếu như tôi cảm thấy kiệt quệ thì đó mới thật là đáng lo, bởi vì như vậy có nghĩa vị đọc bài cho tôi đã hút mất năng lượng của tôi. Nhưng không, các chân sư đã cho tôi thêm thật nhiều ánh sáng và đồng thời các thày cũng gửi tràn ngập ánh sáng cho cử tọa. Nếu bạn muốn tận dụng ích lợi của một bài truyền đọc thì bạn nên cố bắt được phần ánh sáng, tốt nhất là bằng cách lắng nghe băng ghi âm.
Tâm thức sứ giả có thay đổi thông điệp không?
Tâm thức chân sư cao hơn tâm thức bình thường ở địa cầu rất nhiều. Khác biệt lớn nhất ở chỗ các thày không suy nghĩ với lý trí đường thẳng. Các thày có sự nhận biết hình quả cầu. Mà tâm quả cầu thì khó lòng nào diễn tả được hết thành lời nói.
Tức là thông điệp của chân sư bắt buộc sẽ bị tô màu bởi ngôn từ được sử dụng cùng gốc gác văn hóa của sứ giả. Thêm vào đó, nếu sứ giả tin tưởng mãnh liệt vào điều gì đó thì sẽ không thể truyền đạt những tư tưởng đối chọi với tin tưởng này. Đó là lý do tôi luôn luôn cố gắng là một “cánh cửa mở”, nghĩa là tâm tôi sẽ không chứa đựng bất cứ gì có thể bóp méo thông điệp.
Tôi từng gặp nhiều người cho rằng sứ giả giỏi là một người có khả năng diễn tả hoàn toàn ý chân sư mà không thêm vào màu sắc. Nhưng qua kinh nghiệm bản thân và được chứng kiến một số sứ giả khác, tôi phải kết luận rằng chúng ta cần hiểu vấn đề này sâu sắc hơn. Không thể nào có chuyện tâm thức sứ giả không ảnh hưởng thông điệp được, bởi vì cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ vốn là một tiến trình vô thức.
Thêm vào đó, bởi vì tôi không xuất vía cho nên chân sư sẽ phát biểu qua khả năng ý thức của tôi. Chân sư chỉ có thể sinh sôi những gì đã có sẵn trong tâm thức tôi, và một cách tự nhiên, tôi sẽ dùng những từ ngữ và khái niệm mà tôi quen thuộc. Cũng vì vậy mà chân sư không thể truyền đọc về một đề tài hoàn toàn xa lạ đối với tôi bởi vì chẳng có gì để mà sinh sôi.
Bạn có thể cho đây là một giới hạn, nhưng theo tôi hiểu thì không phải vậy. Như được giải thích ở nơi khác, trên địa cầu có cả thảy 144 tầng tâm thức, và tuy rằng bài truyền đọc của chân sư có thể được hiểu ở cả 144 tầng, thông địêp sẽ hữu ích nhất cho những ai cùng chia sẻ một số đặc tính với sứ giả, như về tâm thức, gốc gác văn hóa hay tâm linh. Nói cách khác, chân sư chọn một sứ giả cốt ý là để chạm được một loại cử tọa nào đó, và vì vậy ngôn từ cùng khái niệm của sứ giả sẽ không là một trở ngại khi cử tọa đã sẵn chia sẻ cùng tâm trạng với sứ giả. Nhưng đồng thời cũng có một điều bạn cần hiểu, cả sứ giả lẫn cử tọa không được nghĩ rằng đây là cách DUY NHẤT mà chân sư có thể phát biểu.
Mục đích của chân sư là dùng một sứ giả nào đó để giúp một loại cử tọa đặc thù thăng vượt hộp tư duy và tâm thức hiện tại. Điều khó khăn là thông điệp đến từ một cõi ở ngoài hộp tư duy, và chúng ta phải vươn theo thông điệp này mà đi lên thay vì kéo nó xuống, nhét nó vào hộp tư duy. Tôi đã từng gặp nhiều người chỉ muốn chân sư xác nhận cho họ những điều mà họ muốn nghe, và tôi thiển nghĩ chúng ta cần luôn cảnh giác để giữ tâm mình mở rộng, đón nhận những luồng tư tưởng vượt ngoài hộp tư duy của mình.
Khi truyền đọc, một thông điệp quả cầu luôn bị biến dạng thành ngôn từ đường thẳng. Cho nên để tận dụng ích lợi của bài truyền đọc, bạn cần vượt qua cái trí phân tích và đánh động khả năng trực giác của mình. Xin nhấn mạnh hơn nữa, điều quan trọng nhất trong bài truyền đọc KHÔNG PHẢI là từ ngữ được dùng, bởi vì cái trí đường thẳng sẽ luôn luôn tìm được đủ cách để tranh luận trên từ ngữ. Bạn cần nhận ra cái gì đó đến thẳng từ cõi trên, rồi sử dụng cái đó làm phương tiện nâng cao tâm thức, cho tới khi bạn chiêm nghiệm được các thày trực tiếp nơi nội tâm sâu xa. Tôi mong rằng các bài truyền đọc của tôi sẽ giúp bạn chứng nghiệm được điều này, và tôi cũng mong bạn sẽ không bao giờ cho phép chúng giới hạn sự giao tiếp nội tâm của bạn.
Để kết thúc chủ đề này, xin nói thêm là có khi tôi cũng nhận được thông điệp mà tôi ghi thẳng xuống thay vì đọc lên rồi ghi lại sau. Những dụng cụ tu tập như các bài chú hay bài thỉnh, thường được chép thẳng xuống như vậy, nhưng cũng có trường hợp bài cầu thỉnh dựa theo một bài truyền đọc.
Trước khi chia tay, xin gửi bạn đoạn trích sau đây từ một bài giảng của thày Giê-su về bốn cõi của vũ trụ vật chất, trong đó có lời cảnh báo về cách giao tiếp với những cõi trên.
Lời cảnh báo của Giê-su
Tâm con người có khả năng hoạt động như chiếc máy radio. Như ta vừa nói, có rất nhiều làn sóng vô tuyến xâm nhập vào căn phòng mà con đang ngồi. Nếu con bật máy lên, con có thể bắt được từng làn sóng bằng cách quay cái nút. Máy radio biến sóng năng lượng thành âm thanh nghe thấy, mà con nhận biết là những đài phát thanh khác nhau. Tâm con có khả năng tựa như chiếc máy radio vậy, nó có thể bắt sóng của mọi tầng cấp vũ trụ vật chất. Nó cũng có thể bắt được các tầng cấp trong cõi tâm linh. Nói cách khác, tâm con người có khả năng vượt ra ngoài cõi vật chất để đồng điệu với những sinh thể trí năng ở các cõi cảm xúc, tư tưởng, bản sắc, hoặc cả cõi tâm linh nữa.
Một hệ quả của lời dạy này là nếu con cố bắt liên lạc với sinh thể trí năng ở những cõi khác, con cần biết rằng không phải ai ai ở đó cũng thiện lành. Rất có thể một số đã từng cố tình đối nghịch lại các quy luật của Thượng đế, và họ sẽ cố lôi kéo con làm điều tương tự.
Đã từng có một thời cả bốn cõi đều có những sinh thể thiện lành trú ngụ ở đó. Thế nhưng cõi cảm xúc bây giờ bị ô nhiễm, tha hóa đến độ không còn ai tốt nữa. Tất cả mọi sinh thể nơi cõi cảm xúc đều đã mất quân bình, họ tin rằng mục tiêu có thể biện minh cho mọi phương tiện, và phương châm của họ là “nếu thích thú thì cứ việc làm tới”. Trên địa cầu có nhiều người hiện thân tâm thức này bởi vì cảm thể họ bị mất quân bình do đồng cảm với cõi cảm xúc. Và họ trở thành nô lệ cho bọn thao túng đang hoành hành ở đó.
Cõi tư tưởng cũng bị ô nhiễm nặng nề, nhưng vẫn còn một số sinh thể không ác ý. Tuy vậy, rất nhiều trong số đó còn bị kẹt trong cách suy nghĩ rằng họ có thể hiểu được mọi chuyện bằng lý trí. Thậm chí, một số còn đinh ninh họ thông hiểu thế gian hơn cả Thượng đế và do đó họ hiểu rõ hơn Thượng đế phải vận hành vũ trụ làm sao. Đây là sự kiêu căng của trí thức, và con sẽ thấy trên địa cầu cũng có nhiều người hiện thân lòng tự kiêu này. Lý do là vì trí thể của họ đã đồng tình với những sinh thể tự kiêu nơi cõi tư tưởng.
Cõi bản sắc là cõi tương đối trong sạch nhất, cho dù cũng bị ô nhiễm bởi một ý niệm bản sắc sai lầm. Ở đây có những sinh thể tự xem mình tách biệt với Thượng đế, và họ phóng chiếu cái nhìn này vào tâm thức loài người. Nhưng song song cũng có những sinh thể trong cõi ether giữ vững được bản sắc đúng đắn rằng mình là sinh thể tâm linh.
Các thày trong Đại đoàn Thăng thiên giáo hóa để phục vụ loài người. Các thày sẵn sàng giao tiếp với bất cứ ai để giúp họ tiến bước trên đường tu tâm linh. Khi địa cầu còn trong sáng, các thày đã có thể hiện ra trước con người trong cõi vật chất, và ai nấy đều có thể gặp gỡ, đàm đạo với các thày. Điều này xảy ra không phải vì các thày đã hiện ra trong một thể xác vật lý, mà vì tâm thức con người thời đó còn trong trắng đến độ có thể nhận biết các thày trong “thân thể” tâm linh của các thày. Với giác quan vật lý, họ nhìn thấy được thân tâm linh của các thày.
Nhưng ngày nay, những sự mất quân bình mà loài người tạo ra đã kéo thấp độ rung của toàn cõi vật chất, và việc nhận biết các thày đã trở nên khó khăn hơn. Con người không thể nhận biết các thày qua giác quan của cơ thể, trừ những trường hợp hiếm hoi khi các thày mượn tạm một thân thể vật chất.
Cho nên muốn giao tiếp với Đại đoàn Thăng thiên trong thế giới hiện đại, con phải nâng cao tâm thức, và điều này có nghĩa con phải quân bình cả bốn thể phàm của mình. Con chỉ tạo được quân bình bằng cách đạt đến trung đạo của tâm thức Ki-tô. Nếu con không quân bình trong tâm Ki-tô thì con sẽ không liên lạc được với Đại đoàn Thăng thiên. Nhưng tiếc thay, con vẫn có khả năng liên hệ với các sinh thể trú ngụ nơi các cõi phàm. Con đừng quên rằng chúng bị kẹt lại ở đó chính vì chúng đã mất quân bình trong một hay nhiều thể. Cho nên nếu con muốn giao tiếp một cách an toàn với cõi trên, con cần phải vươn lên tâm thức Ki-tô, và điều này có nghĩa con phải quân bình cả bốn thể phàm của con.