Để biết sự thật, hãy bỏ tìm kiếm sự thật!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion, ngày 26/11/2011 tại Sneek, Hòa Lan, qua trung gian Kim Michaels.

Ta là Hilarion, Thượng sư của tia sáng thứ năm. Ta đến đây để xây dựng tiếp trên nền tảng mà sư huynh Serapis đã đặt móng. Thật sự, điều mà thày Serapis đã giải thích về kinh nghiệm khóa nhập thất của tia sáng thứ tư là các con cần đạt đến một mức khi các con có điều gì trân quý hơn là cứ vật lộn để mà thuyết phục người khác rằng con đường của mình đúng đắn.   

Vậy thì đâu là yếu tố kết hợp? Trước hết đó là khi học viên ở tia sáng thứ tư nhận ra rằng sự hài hòa, hợp tác, quan trọng hơn là có lý, hơn là chứng minh rằng mình có lý. Nhưng đó cũng là khi học viên bắt đầu nhận ra là một khi đã qua được điểm đạo của tia thứ tư thì mình cũng sẵn sàng đối diện với điểm đạo của tia thứ năm. Và dĩ nhiên, tia thứ năm thường được xem là tia của sự thật.

Và một khi bắt đầu thấy mình cần bỏ lại cái bánh quay miệt mài nơi mình cứ phải gắng sức chứng minh là mình có lý và người khác sai, thì một số các con cũng thấy được là, quan trọng hơn, mình phải tìm được một sự thật cao hơn. Và khi con sẵn sàng tiến hành cuộc điểm đạo của tia thứ năm, con phải đối mặt với câu hỏi mà ta đã đặt ra cho các con thảo luận, là “Sự thật là gì?”  

Khóa nhập thất của tia thứ năm

Và bây giở ở khoá tu của tia thứ năm mà ta trông coi, chúng ta cũng sẽ sắp đặt y như thày Serapis Bey đã mô tả – và hẳn các con đã nhận ra đây là cùng cách sắp đặt cho mỗi khóa ở cả bảy tia sáng. Chúng ta sẽ chia các học viên thành từng nhóm nơi các con sẽ phải đương đầu với câu hỏi này: “Sự thật là gì, ai nắm sự thật, ai nắm sự thật cao hơn, ai có lý, ai sai, cái gì đúng, cái gì sai?”

Và một lần nữa đối với các nhóm, chúng tôi luôn tìm cách sắp xếp trong cùng một nhóm những người có quan điểm trái ngược nhau, hay những người có quan điểm nhiệt thành về sự thật, tha thiết với sự thật. Điều này sẽ tạo ra tiềm năng xung đột, nhưng tất nhiên chúng tôi không có ý gây ra xung đột. Bởi vì chúng tôi không tạo ra xung đột bằng cách xếp mọi người ngồi chung với nhau. Chúng tôi đang cố làm gì đây? Chúng tôi khiến cho mâu thuẫn hiển lộ ra rõ ràng, là những mâu thuẫn cho tới giờ vẫn ngấm ngầm bên trong mỗi người, bởi vì các con chưa thấy được mâu thuẫn đó trong chính tâm mình, trong tâm tiềm thức của mình.  

Và như vậy, khi ngồi chung với người khác cũng có những mâu thuẫn chưa hiển lộ trong tâm thì các con sẽ có xu hướng va chạm, và khi đó thì những xung đột trong tiềm thức được dịp trưng bày ra trong ý thức. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con sẽ ý thức được xung đột hay nguyên nhân xung đột, nhưng ít ra con không thể phủ nhận tác động của xung đột, tức là con không thể đạt được thỏa thuận với người khác.

Dĩ nhiên con có thể thấy trên địa cầu cũng xảy ra điều tương tự như ở cõi tâm linh, khi bao người tâm linh và bao người theo đạo – thậm chí cả các nhà khoa học và nhà duy vật – cũng tranh luận về vấn đề muôn thuở này: “Sự thật là gì, sự thật cao nhất là gì, ai nắm sự thật, ai có lý?”

Chỉ có một sự thật thôi?

Bước cần thiết đầu tiên, tất nhiên, là đối phó với quan niệm: “Có phải chỉ có một sự thật mà thôi?” Và qua thực có rất nhiều học viên đến dự khóa của ta đã từng lớn lên suốt nhiều kiếp đầu thai trong những môi trường nơi họ tin chắc là chỉ có thể có một sự thật duy nhất. Hoặc trái đất phẳng hoặc trái đất tròn, hoặc mặt trăng được tạo bằng pho mát xanh hoặc là không.    

Nhưng đó là sản phẩm của thế giới vật chất và thế giới hình tướng. Con có thấy không, con yêu dấu, trong thế giới hình tướng có một nguyên tắc căn bản? Con hãy thử đối chiếu thế giới hình tướng với thế giới vô hình tướng. Trong thế giới vô hình tướng, không có gì để mà phân biệt, vì phân biệt là sản phẩm của hình tướng. Và ngược lại, chúng ta cũng có thể nói hình tướng là sản phẩm của phân biệt, nghĩa là con tạo ra sự phân biệt trong tâm, rồi phân biệt này trong tâm được “vật chất hóa” thành một hình tướng riêng biệt, đứng riêng rẽ khỏi các hình tướng khác.

Cho nên một hình tướng phải có một hình dạng riêng biệt đứng riêng rẽ khỏi các hình tướng khác. Một vòng tròn sẽ có hình tròn, một ô vuông sẽ có hình vuông, một đường thẳng sẽ có hình thẳng. Không thể nào khác được, con không thể có một hình dạng hình học vừa tròn vừa vuông cùng một lúc – vô lý phải không?

Chính sự phân biệt tạo ra nhu cầu phân biệt, nhu cầu chọn lựa, nhu cầu bảo rằng cái này thế này chứ không là thế kia. Nhưng ngay cả ở cõi tâm linh nơi không có tự ngã, không có nhị nguyên, vẫn có sự khác biệt. Vậy thì tại sao chúng tôi là những thượng sư của bảy tia sáng lại không vật lộn với nhau để xem tia sáng nào là sự thật, tia sáng nào tốt hơn, tia sáng nào có lý?

Bởi vì chúng tôi không rơi vào cái lỗi lầm then chốt mà hầu hết mọi người trên địa cầu đều rơi vào. Con thấy không, chúng tôi nhận ra rằng người ta có thể có khác biệt mà không bắt buộc phải đánh giá cái nào đúng hay sai. Một vòng tròn và một hình vuông, cái nào đúng hơn? Không, chỉ khác nhau thôi.

Con thấy không, quả là có nhiều khía cạnh trong cuộc sống mà con không xét đoán là đúng hay sai, hoặc-thế-này-hoặc-thế-kia. Con có thấy sự khác biệt không? Cái đó hoặc là vuông hoặc là tròn, hoặt là sai hoặc là đúng. Nhiều người cho rằng đó là cùng một thứ, họ cho rằng nếu có hai tôn giáo khác nhau thì chỉ có một trong hai mới có thể đúng thôi.  

Khác biệt không nhất thiết dẫn đến xung đột

Và đó là thử thách đầu tiên mà các con phải đối mặt tại khóa tu của ta. Con phải khắc phục cái xu hướng từ ngàn đời cho rằng phải đúng hay sai, cho rằng chỉ có một sự thật duy nhất, một sự thật cao siêu hơn. Nhưng kỳ thực, con chỉ có thể khắc phục ảo tưởng này bằng cách nhận ra là sự xét đoán bắt nguồn từ tầng mức của nhị nguyên, tâm thức tách biệt, cái tâm thức gọi là tự ngã.

Trong hiện tại, con dùng phân biệt để đứng riêng ra khỏi toàn thể thay vì dùng phân biệt như là những cách khác nhau để biểu hiện toàn thể – những cách khác nhau, những biểu hiện khác nhau khiến cho cái Tất Cả được khuếch trương. Con có thấy là khi con không mù quáng trong nhị nguyên, con thấy được chỉ có một Thượng đế vô hình tướng đang tự biểu hiện qua những hình tướng khác nhau không? Và con cũng thấy là tất cả những biểu hiện khác nhau đó, những hình tướng và sinh thể khác nhau đó, tạo thành một toàn thể rộng lớn hơn?   

Điều này không là cùng một thứ với vô hình tướng, bởi vì sự khác biệt vẫn có mặt, nhưng song song vẫn có một toàn thể, một nhất thể. Cái toàn thể là nhiều hơn tất cả mọi phần nhỏ cộng lại, bởi vì toàn thê không chỉ được tạo bằng các phần nhỏ. Nó còn được tạo bằng Thượng đế duy nhất vô hình tướng được thẩm thấu trong mỗi thành phần. Cho nên khi con có cái nhìn này, khi con không còn nhìn qua cặp kính của nhị nguyên, thì con nhận ra rằng sự phân biệt không nhất thiết phải dẫn đến xung đột.

Và con nhận ra là mỗi dòng sống khác biệt rất có thể giữ sắc thái riêng của mình, và chúng có thể phát triển và phát huy sắc thái riêng của mình mà không mâu thuẫn lẫn nhau, không hạn chế lẫn nhau, không cạnh tranh với nhau. Trong khi đó thì con có thể thấy trên địa cầu, có một số người tự đặt mình vào vị trí thống trị để họ có thể biểu diễn sắc thái của họ một cách vô tội vạ, bởi vì họ đã triệt hạ sắc thái của tất cả những ai thuộc các tầng lớp thấp hơn họ.    

Sự việc này tất nhiên không xảy ra nơi cõi tâm linh. Chúng tôi tuy có một hệ thống thứ bậc, nhưng chúng tôi không xem những ai ở một thứ bậc nào đó bị hạn chế bởi thứ bậc bên trên. Ngược lại là đằng khác, bởi vì trong cõi tâm linh, dòng năng lượng không chảy từ thấp lên cao, trong khi ở địa cầu thì con thấy người dân ở những tầng dưới của kim tự tháp phải cong lưng cày cụm để người ở tầng trên được hưởng lợi sức lao động của người dưới. Và con thấy dòng chảy từ dưới lên trên để cho những kẻ ở trên tha hồ lợi dụng.

Nhưng nơi cõi tâm linh thì hoàn toàn ngược lại, những đấng ở trên đỉnh của kim tự tháp có thể ví như những mặt trời, luôn luôn ban ra và rải xuống cho bên dưới. Và điều này đem lại khả năng, nghị lực, cho các tầng dưới thể hiện sắc thái của mình ngày càng phong phú hơn.  

Không có Thượng đế nóng giận nào trên trời

Cho nên chúng tôi không cảm nhận mình bị hạn chế, giới hạn, bởi những đấng ở trên mình, chúng tôi không cảm nhận có một vị thần nóng giận ở trên trời luôn luôn muốn chúng tôi phải tuân theo mọi ý muốn của vị ấy, bằng không chúng tôi sẽ bị đày xuống địa ngục. Ngược lại, chúng tôi chứng nghiệm được Thượng đế yêu thương vô bờ bến, không ngừng lan toả Bản thể và Ánh sáng của ngài cho chúng tôi. Chúng tôi hứng lấy tất cả và biểu hiện tình thương đó qua những mặt cạnh của viên kim cương là sắc tính của chúng tôi. Viên kim cương này, chúng tôi đã mài cho bóng suốt một thời gian rất dài – nếu người ta có thể nói đến thời gian trong cõi tâm linh – biến nó thành sắc thái độc nhất có một không hai.

Cho nên chúng tôi thấy Thượng đế là người đày tớ tối thượng, bởi vì cao cả nhất là người nào thực sự phụng sự Tất Cả. Trong Thượng đế chỉ có một ý muốn là nâng cao tất cả những thành phần nối dài của ngài. Đồng thời, dĩ nhiên, Thượng đế cũng muốn điều này xảy trong quyền tự quyết. Khi con nhận ra điều này, con cũng nhận ra là sự phân biệt thực ra chỉ có một mục đích, đó là trao cho mỗi dòng sống một môi trường để nó có thể phát huy khả năng tự nhận biết của nó, cho đến khi nó đạt đến cùng một mức như Thượng đế và không còn tự định nghĩa dựa trên khác biệt nữa.  

Khi con bắt đầu hiểu ra điều này, con sẽ ngộ được là vũ trụ vật chất chỉ có một mục đích mà thôi, là tạo điều kiện cho con phát triển khả năng tự nhận biết của mình. Từ đó con sẽ bắt đầu hiểu được – ít nhất một số học viên trên tia sáng thứ năm rốt cuộc sẽ nắm bắt được – rằng câu hỏi “Sự thật là gì?” kỳ thực là một câu hỏi thật vô nghĩa.

Sự thật tối hậu là tính duy nhất

Bởi vì vấn đề không phải là tìm ra sự thật tối hậu hầu bảo đảm mình sẽ lên được thiên đàng khi mình tìm ra. Làm thế nào con lên được thiên đàng? Phải, như Serapis đã chỉ ra, bằng cách con bước vào xoắn ốc thăng thiên, là xoắn ốc nơi con không ngừng tự gia tốc bằng cách thăng vượt trạng thái hiện thời của con. Cho nên nếu con cho là con đã tìm được một chân lý tối thượng – dù là trong đạo Cơ đốc, đạo Phật, đạo Hồi hay một giáo lý của chân sư thăng thiên – thì con không đang gia tốc đâu.

Hiện tại con đang sử dụng một giáo lý công truyền để tạo ra một khung sườn, một cái hộp tư duy, hay một vũ khí để dùng chống lại người khác trong mong muốn ích kỷ tự nâng mình lên cao hơn người khác. Trên địa cầu, quá nhiều lần “sự thật” đã bị dùng làm một thứ vũ khí để bào chữa cho việc mình tấn công người khác. Nhưng con sẽ không tốt nghiệp được lớp mẫu giáo của tia sáng thứ năm cho đến khi con hoàn toàn bỏ được khuynh hướng sử dụng “sự thật” để hạ thấp người khác.   

Bởi vì thế nào là sự thật tối hậu? Đó là: mọi sự sống là một, và Thượng đế, Đấng Sáng tạo, muốn mọi sự sống tăng trưởng, vượt thăng lên và trở về trong duy nhất. Cho nên nếu con bị kẹt trong ý tưởng rằng trên địa cầu có một sự thật có thể được định nghĩa và đứng riêng rẽ khỏi mọi “sự thật” khác, thì con cũng bị kẹt trong tin tưởng rằng sự thật là tương đối. Con đã lấy một sự thật tương đối và đã nâng nó lên vào vị trí sự thật tuyệt đối. Nhưng sự thật tuyệt đối, tất nhiên, là Tánh linh của Thượng đế. Sự thật tuyệt đối là sự duy nhất của toàn bộ thế giới khác biệt. Cho nên nếu con lấy một thành phần và trao cho nó giá trị tuyệt đối thì trên căn bản, con đã hiểu lầm chính bản chất của thế giới khác biệt.   

Điều này chỉ có thể bắt nguồn từ tự ngã, nó chỉ có thể bắt nguồn từ tách biệt. Thật là không có cách giải thích nào khác cho dù người ta có thể nghĩ ra đủ mọi cách giải nghĩa hay minh chứng giả tạo nào đó.

Sự thật vượt ngoài ngôn ngữ

Có một điều nữa con cần nhận ra trên tia sáng thứ năm – hầu con có thể bước ra khỏi lớp học mẫu giáo của các nhóm thảo luận sơ khởi – là sự thật tối hậu không thể nói lên được bằng lời. Bởi vì ngôn từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, con luôn luôn có thể bẻ cong, vặn vẹo ngôn từ để chứng minh bất cứ điều gì con muốn chứng minh. Và đây chính là cuộc điểm đạo được minh hoạ qua câu chuyện của Eva và con rắn. Trong truyện, rắn cho Eva quả trái từ cây của hiểu biết thiện ác. Tất nhiên như ta đã có nói, đây là sự hiểu biết tương đối của hai đối cực nhị nguyên chỉ có thể hiện hữu trong mối quan hệ với nhau.   

Nói một cách tương đối, sự thật chỉ là sự thật khi nó đối lập với sai lầm hay giả trá. Đó là tại sao khi con bị kẹt ở mức tìm kiếm sự thật tối hậu và tưởng rằng mình đã tìm thấy sự thật tối hậu trên địa cầu, thì con sẽ rất dễ bị cám dỗ sử dụng nó để phán xét người khác, hoặc là để cố kiểm soát người khác, hoặc nếu họ không chịu để cho con kiểm soát thì con sẽ cố trừng phạt hay tiêu diệt họ.  

Đây là một khuôn nếp mà con thấy đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần khắp nơi trên thế giới. Con hãy nhìn các tổ chức tôn gíáo như đạo Cơ đốc và đạo Hồi gây ra bao cuộc chiến, hay hai thành phần của cùng một tôn giáo, Công giáo và Tin Lành, giao chiến với nhau vì cũng tranh chấp như vậy. Con hãy nhìn chủ nghĩa cộng sản tự xưng mình là chân lý tối hậu rồi tuyên chiến với mọi người, và họ không ngần ngại giết hại hàng triệu người để xác lập chân lý của mình là chân lý thống trị.  

Con thấy, con yêu dấu, sự thật tuyệt đối và sự thật thống trị không hẳn giống nhau. Nếu con cho rằng khi con còn hiện thân trên địa cầu, con đã tìm được một sự thật tuyệt đối có thể được định nghĩa như là một hệ thống trong thế gian này, thì con chỉ chứng tỏ là con chưa nắm được sự thật tuyệt đối là gì. Kỳ thực con không tìm kiếm một sự thật tuyệt đối mà chỉ tìm kiếm một sự thật thống trị hầu con sử dụng để áp chế người khác. Và đúng vậy, đây là sự tranh giành quyền lực mà con chứng kiến nơi quá nhiều phong trào tôn giáo và chính trị, thậm chí cả phong trào chủ nghĩa duy vật.

Con sẽ không lên cao hơn được lớp mẫu giáo của tia sáng thứ năm cho tới khi con thấy được sự phù phiếm của nỗ lực sử dụng một sự thật tương đối để làm vũ khí chống lại người khác. Và con thấy được điều này khi con hòa điệu vào chân lý tuyệt đối vượt khỏi mọi ngôn từ, chân lý tuyệt đối nơi sự sống là một và Thượng đế nâng cao tất cả.

Và con không thể tin vào lời gian trá bảo rằng con có thể làm công việc của Thượng đế mà lại hạ thấp một phần khác của sự sống. Con biết con chỉ làm được công việc của Thượng đế khi con cố nâng cao toàn thể, bởi thế cho nên rất có thể con sẽ thách thức nhưng con sẽ không bao giờ tìm cách hạ thấp người ta, bởi vì con nhận ra rằng như vậy con cũng đang hạ thấp toàn thể. mà toàn thể thì chẳng qua cũng là chính con, phần rộng lớn của con.  

Khúc rẽ

Và sẽ tới một điểm trong tiến trình của khóa tu của tia thứ năm khi các con nhận ra rằng sư tranh giành quyền lực để đạt được cái gọi là sự thật tối hậu, hoàn toàn vô ích. Lúc đó các con sẽ nói với ta: “Hilarion, chúng con đã thấy rồi, chúng con thấy được trong suốt bao nhiêu thời đại người ta đã đấu tranh như thế, chúng con cũng thấy được là chân lý tối hậu vượt khỏi tầm mức của trần thế và không thể diễn tả bằng ngôn từ, nhưng bây giờ chúng con làm gì đây?”

Và phương pháp ta chỉ cho các con luôn luôn giống như vậy. Tạm thời các con phải từ bỏ chính khái niệm sự thật. Con hãy lưu ý, ta không nói con phải bỏ sự thật, nhưng con phải bỏ cái khái niệm là có một sự thật là đối cực của sai lầm.

Ban đầu, điều này khiến cho các học viên vô cùng bối rối, bởi vì từ quá lâu các con đã phải không ngừng vươn lên tìm kiếm một sự thật khi con nỗ lực nâng mình lên qua bốn tia sáng đầu. Và các con nghĩ rằng tiến trình sẽ tiếp tục như thế, các con sẽ tìm kiếm sự hiểu biết ngày càng cao hơn sẽ có ngày đưa con đến chân lý tối hậu. Thế nhưng bây giờ ta lại nói với con: Con hãy từ bỏ cái ý tưởng là có một chân lý tối hậu.   

Và sau sự bối rối ban đầu, và đôi khi thậm chí cả sự phản đối, các con sẽ đạt tới một điểm khi con nói:”Được rồi, tôi không đồng ý với chân sư. Tôi không hiểu thày nói gì. Nhưng tôi cảm được thày nắm cái gì đó mà tôi không nắm được. Dù sao thì thày cũng là chân sư và tôi thì chẳng là gì. Cho nên chắc hẳn phải có gì đó trong những điều thày dạy. Hay là tôi cứ thử tạm thời để cho tâm mình hoàn toàn giải phóng khỏi quan niệm là mình phải lượng định mọi ý tưởng xem có đúng hay sai? Hay là tôi cứ để cho tâm mình thư giãn, bấp bênh một lát rồi xem chuyện gì xảy ra?”    

Ở ngay điểm này, học viên có khả năng bước ra khỏi cái tâm thức muốn thu hẹp sự thật trong một hệ thống nhị nguyên nơi sai và đúng đối chọi với nhau. Rồi con có khả năng chứng nghiệm Tánh linh của Sự thật. Và khi con chứng nghiệm điều này, bỗng nhiên con thấy: “À, có một sự thật, có một sự thật tối hậu, nhưng nó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình tướng, mọi sự khác biệt.”

Và con có thể thấy được điều ta vừa nói ở trên, rằng con không cần nhìn vào khác biệt và dùng sự xét đoán để nhận biết cái này đúng và mọi cái khác biệt đều sai. Bởi vì con thấy được mục đích của thế giới hình tướng là để năng cao toàn thể, và do đó, mọi cái gọi là sự thật được diễn tả trên địa cầu đều có tiềm năng nâng con người lên cao hơn.

Ngay cả một giáo lý cốt ý được thảo ra bởi những sinh thể đang tìm cách lừa dối nhân loại, ngay cả một giáo lý như thế cũng có thể được con sử dụng để con tự nâng mình lên cao hơn – khi con nhìn thấu được sự giả trá của tư tưởng và quan niệm, khi con nhìn thấy những tư tưởng này không bắt nguồn từ duy nhất mà từ tách biệt.

Mục đích thật sự của một giáo lý

Và như vậy các học viên bắt đầu có một cái nhìn về sự thật thực tế hơn – có thể nói là thực dụng hơn – khi các con nhận ra mục đích của bất cứ giáo lý nào, của bất cứ hệ thống tư tưởng nào, thật sự là để giúp mọi người thăng vượt trình độ tâm thức của mình. Và làm thế nào con thăng vượt được tâm thức của con?

Con làm vậy qua cách mà Serapis đã mô tả, qua đó con đang di chuyển vòng tròn theo một định hướng nào đó, thì bây giờ con biến di chuyển tròn thành một xoắn ốc đi lên. Và như vậy, mục đích của một hệ thống tư tưởng, như một tôn giáo hay một gíáo lý tâm linh, là gì? Mục đích là để giúp con tạo ra một cái đà chuyển động mà qua đó con bắt đầu chuyển vọt, chứ con không chỉ thờ ơ ngồi yên một chỗ và cứ tưởng rằng mình không có khả năng hiểu biết bất cứ gì.      

Con đang chuyển động, nhưng chừng nào con còn chuyển động trong cùng một hệ thống thì con chỉ có thể đi vòng tròn. Một khi con hé hiểu được điều này và nhận ra rằng giá trị thật sự của một giáo lý biểu hiện qua ngôn từ là để con thăng vượt ngôn từ, thì bỗng nhiên sẽ có một lực đẩy đi lên. Và như vậy, động lượng được hướng lên thành xoắn ốc, và nó đẩy con tiến lên cao hơn với tốc độ rất lớn.

Giê-su có nói, “Ta ước gì là con hoặc nóng hoặc lạnh,” bởi vì những ai nóng hay lạnh đều có một động lực, một động cơ. Động lực có thể nhắm sai hướng, nhưng con vẫn đang di chuyển. Nếu bỗng nhiên con có thể đột phá và thấy được nhu cầu phải lên cao hơn, phải thăng vượt giáo lý vỏ ngoài, thì lòng nhiệt thành của con có thể được chuyển thành một bước tiến về phía trước.

Nhưng tất nhiên, một cách khác cũng hiệu quả là con tìm con đường trung đạo, qua đó con có thể không mấy nhiệt huyết hay sôi nổi, nhưng con vẫn tiến bước đều đặn vì con không ngừng nỗ lực thăng vượt mức tâm thức hiện hữu của mình, và con nhận biết tất cả với tâm thuần khiết, với cái tâm “trẻ thơ”, với tâm tỉnh giác trần truồng.  

Các vị thày tâm linh chân chính

Và đây là lúc các học viên trên tia sáng thứ năm bắt đầu vượt qua cuộc điểm đạo. Các con bắt đầu thấy được rằng việc tìm cách thiết lập một chân lý hay một tôn giáo thống trị trên địa cầu thật là vô nghĩa. Các vị thày tâm linh chân chính là những vị cố giúp con thấy được là con sẽ không thăng tiến bằng cách tuân theo một hệ thống, mà con thăng tiến bằng cách thăng vượt hệ thống, bằng cách sử dụng hệ thống như một phương tiện để kích thích tâm trí hầu con vượt lên trên ngôn từ vỏ ngoài.

Rồi bỗng nhiên, con hé thấy cái viền trên vạt áo của Thượng đế. Con chiêm nghiệm Tánh linh Sự thật, nằm vượt khỏi mọi sự khác biệt và đồng thời lại hiện hữu cùng khắp qua các hình tướng khác biệt. Và lúc đó con nhận ra một nguyên tắc vĩnh cửu: Mục đích tối hậu là sự duy nhất.

Con không thể nhập vào duy nhất bằng cách chạy trốn khỏi một “vật” nào đó. Con có thể tin là có một ác quỷ sẽ kéo con xuống địa ngục.Nhưng nếu cuộc tìm kiếm tôn giáo hay tâm linh của con được thúc đẩy bởi mong muốn chạy trốn khỏi ác quỷ thì con sẽ không chạy về phía Thượng đế đâu – theo ý nghĩa vô hình tướng. Con sẽ chạy về phía một thượng đế giả hiệu, là hình ảnh của một thượng đế đối chọi với ác quỷ.

Và như vậy khi con nhận ra là con không còn chạy trốn nữa – bởi vì con không có nhu cầu chạy trốn bất cứ gì và thay vào đó con chạy về hướng sự duy nhất – thì con đã chuyển vọt được lực chuyển động của con. Bây giờ con đang đi đúng hướng.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là con có thể tiếp tục chạy về hướng duy nhất mãi mãi, bởi vì sẽ tới một điểm cao hơn khi con cần nhận ra là con sẽ không bao giờ bắt kịp được duy nhất. Làm sao con có thể chạy về hướng một cái gì hiện diện khắp mọi nơi? Nhưng đây là một cuộc điểm đạo mà con không thể thực hiện trên tia sáng thứ năm, mà phải dành lại cho các tia sáng cao hơn tại các khóa nhập thất của các tia này.

Cuộc khủng hoảng tâm lý-tâm linh

Và như vậy mục đích của ta ở đây là để chỉ cho con thấy cách hoàn thành cuộc điểm đạo của tia sáng thứ năm. Nhưng ta nói những điều này không chỉ cho riêng con. Ta muốn biểu đạt, và ta trụ neo ngọn lửa cùng ánh sáng ở đây, bởi vì đây cũng là điều mà cả xã hội Tây phương cần hiểu – nếu xã hội Tây phương muốn thực hiện những gì mà Serapis đã nói tới và bước lên mức cao hơn. Đơn giản, con cần phải vượt qua cái nhìn sai lạc cho rằng phải có một sự thật cao hơn, qua đó con luôn luôn đưa ra cảm tưởng là con cố giải quyết một vấn đề bằng cách khiến mọi người phải chấp nhận sự thật cao hơn đó.  

Nhưng con cũng cần đi xa hơn cách nhìn cho rằng xứ Hòa Lan này đã quá tiến bộ trong cách chính quyền điều hành quốc gia, đến độ các con phải ngừng tìm cầu một sự thật tôn giáo hay một sự thật ý thức hệ nào đó, và trở thành hoàn toàn thực dụng. Các con phải tìm được con đường trung đạo, là nhận ra mình cần nỗ lực gia tốc.

Và vì thế, đây không phải là chuyện tìm cầu một sự thật tôn giáo, mà tìm ra những nguyên tắc tự nhiên, phổ quát sẽ giúp mọi người thăng vượt tình trạng tâm thức hiện thời của họ, giúp họ xoay đổi đời họ để tiến về phía trước trong một xoắn ốc hướng thượng có hẳn mục tiêu lẫn phương hướng. Cần giúp họ hiểu cách làm sao tiến từng bước một, từng nấc một trên cái thang hình xoắn ốc dẫn họ đến mục tiêu, hầu họ không phải sống trọn đời một cách vô nghĩa và không làm sao khắc phục nổi các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay một tâm bệnh nào khác tuôn ra từ cảm giác vô dụng.   

Bởi vì làm sao con không cảm thấy vô dụng khi đời con không có ý nghĩa và chẳng có gì thực sự quan trọng? Tất nhiên là con sẽ cảm thấy mình vô dụng nếu con tin tưởng như thế và con đã được dạy dỗ như thế. Cho nên một xã hội tân tiến, một xã hội khai sáng, không thể nuôi nấng trẻ em mình với tư duy này. Đối với con em mình, phải có một giải pháp nào khác vượt lên trên tôn giáo truyền thống, vượt lên trên mọi chủ nghĩa chính trị, vượt lên trên chủ nghĩa duy vật, và đưa ra được trong tinh thần đại đồng đường hướng tiến hóa của sự sống cùng những phương pháp thực hiện thực tiễn.

Đây là thử thách mà phương Tây đang phải đối diện, hay đúng hơn đang không đối diện ngay bây giờ mà sẽ phải đối diện để thăng vượt không chỉ cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại mà thôi. Bởi vì ta nói với các con, cuộc khủng hoảng lớn nhất tại các nước Tây phương không phải là khủng hoảng tài chánh. Khủng hoảng lớn nhất tại Tây phương là khủng hoảng tâm lý-tâm linh. Và một ngày nào khi mọi người đã quên bẵng cuộc khủng hoảng tài chánh thì cuộc khủng hoảng tâm lý-tâm linh sẽ vẫn còn nguyên đây. Nó sẽ còn đó và sẽ tồi tệ hơn nữa, cho đến khi một sự chuyển vọt xảy ra trong cách người ta đặt vấn đề – không phải là câu hỏi “Sự thật là gì?” mà là “Cái tôi là gì?” – con người là gì, tôi là gì?

Tôi có chỉ là một sinh thể vật chất, chỉ là một người mang tội, hay tôi là nhiều hơn thế? Liệu tôi có tiềm năng là nhiều hơn thế không? Liệu xã hội chúng ta có tiềm năng là nhiều hơn một chính quyền phúc lợi tân tiến cứ tưởng là mình có thể ném tiền vào mọi vấn đề xã hội, tâm linh hay tâm lý – và chờ đợi vấn đề sẽ tự động giải quyết? Bởi vì người ta nghĩ một vấn đề tâm lý không khác gì một vấn đề trục trặc máy móc. Khi con có một vấn đề máy móc, con chỉ cần tìm ra bộ phận hư hỏng rồi thay thế bộ phận đó đi. Nhưng đó không phải là cách tâm lý vận hành.      

Bởi vì tâm lý của một con người không thể chia ra thành từng bộ phận nhỏ. Tâm lý là một toàn thể – đó chính là định nghĩa của một con người. Đó là một toàn thể, và nếu con nghĩ con có thể phân chia người đó ra thành từng mảnh nhỏ thì con sẽ không thễ chữa lành cái toàn thể. Con không thể chữa lành toàn thể bằng cách chữa lành một bộ phận hay cắt bỏ bộ phận đó đi. Con chỉ có thể chữa lành toàn thể bằng cách gia tốc toàn thể lên một tầng mức cao hơn.

Đó là nguyên lý phổ quát của tia sáng thứ năm, và đó cũng là tại sao chúng tôi cũng đã gọi tia này là tia của sự toàn vẹn. Bởi vì một khi con giải thoát tâm con khỏi nỗ lực tìm cầu một sự thật dựa trên phân biệt, thì tâm con sẽ tự do nắm lấy sự toàn vẹn đằng sau mọi xung đột, đằng sau những cặp đối nghịch nhị nguyên mà trước đó con nhìn thấy mà cứ tưởng là chỉ có thế. Trong tâm đó, thay vì con đi tìm sự thật, con lại tìm cách nâng cao một sự thật tương đối cho nó cao hơn mọi sự thật khác. Con cố biến một sự thật tương đối thành tuyệt đối, thay vì con thăng vượt cái tư duy đang nhìn vào sự thật tương đối rồi ngộ ra là sự thật, như một toàn thể, không có đối cực. Bởi vì con nhìn thấy toàn thể và chỉ muốn nâng cao toàn thể.  

Vậy đó là bài giảng của ta. Đó là ánh sáng mà ta đã trụ neo, là ngọn lửa fohat đã tắt, để cho ngôn từ được ánh sáng dẫn dắt vào tâm thức tập thể nơi nó sẽ đâm thủng các hàng rào mà mỗi người cũng như xã hội đã dựng lên chung quanh tâm mình hầu bác bỏ sự thật.

Phải, ta là Hilarion, ta sử dụng quyền của mình với tư cách là Thượng sư của Tia sáng Thứ năm, đại diện cho tất cả các thứ bậc trong tia thứ năm, tỏa chiếu ánh sáng của ta xuyên qua các thể vật lý của tất cả các con.

Và như vậy, ta nói: “Sự thật là gì?”

“Ta là sự thật!”

Và con cũng là sự thật – nếu con khám phá cái TA LÀ trong con là ai. Vậy con hãy khám phá cái TA LÀ này, và khám phá rằng cái TA LÀ trong con là thành phần của toàn thể cái TA LÀ, cái TA LÀ rộng lớn. Và vì vậy khi con biết được điều này, con sẽ cố nâng cao mỗi thành phần của toàn thể, vì đó là cách duy nhất nâng cao toàn thể. Và nâng cao toàn thể là cách duy nhất để nâng cao mỗi thành phần. Con không tự nâng mình lên như một thành phần riêng lẻ, một thành phần tách biệt. Con chỉ có thể tự nâng mình lên bằng cách nâng toàn thể, bằng cách là đầy tớ của tất cả.

ĐÂY LÀ SỰ THẬT – nếu sự thật có thể diễn tả bằng lời nói. Con có thể phủ nhận nếu con muốn, con có thể biện bác nếu con muốn, bởi vì con có quyền tự quyết, con có tự do trói con vào cái bánh quay triền miên đang cố nâng cao một sự thật tương đối thành tuyệt đối.

Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ thành, cho tới khi con nhận ra là sự nhiệt thành của mình có thể chuyển hóa thành cái xoắn ốc hướng thượng khi con từ bỏ mong muốn dựng lên một sự thật duy nhất, một sự thật được biểu lộ, làm sự cao hơn.

TA LÀ sự thật. Bởi vì ta, Hilarion, đã đến trong sự hợp nhất với Ki-tô, và do đó ta cũng là con đường, sự thật và sự sống. Thế là xong.