Nhìn sọ người và bông hồng trong nhận biết thuần khiết

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên PadmaSambhava ngày 27/11/2011, nhân một hội nghị tại Sneek, Hòa Lan.

Phật TA LÀ.
PadmaSambhava là tên ta.
Cái Một là lửa của ta.
Bất nhị là sân chơi của ta.
Không gì chế ngự được ta,
vì ta không cầu tiếng thơm,
ta không biết xấu hổ,
và ta không bao giờ như cũ.  

Tại sao khi ta đang giảng thì ta lại bảo sứ giả này cầm một sọ người và một bông hồng? Con thử ngẫm xem ý nghĩa biểu tượng mà loài người đã phóng chiếu vào hai vật này xuyên qua các thời đại là gì.  

Sọ người thường là biểu tượng cho sự chết, ngay cả có lẽ cho bóng tối, cho địa ngục, cho những gì đối chọi với Thượng đế. Bông hồng thường là biểu tượng cho cái đẹp, cho nữ tính thiêng liêng, cho thi ca và những gì gây phấn chấn.  

Thế nhưng trong thời đại khoa học của con, con dư biết rằng sọ người lẫn bông hồng đều được tạo bằng phân tử. Phân tử được tạo bằng nguyên tử, nguyên tử được tạo bằng hạt hạ nguyên tử, và hạt hạ nguyên tử được tạo bằng năng lượng thuần khiết.

Liệu con có nghĩ một hạt nguyên tử trong chiếc sọ người kia biết rằng nó là thành phần của một đơn vị được loài người gọi là sọ người và gán cho một số cảm xúc lẫn một số liên tưởng? Liệu con có nghĩ hạt nguyên tử trong bông hồng kia biết tới ý nghĩa biểu tượng mà con gán cho bông hồng? Không đâu, bởi vì hạt nguyên tử chỉ giản dị là.

Cho nên mục đích của ta là gì khi cầm hai biểu tượng này lên? Đó là để cho con một khung tham chiếu về mục đích của giáo lý đức Phật, về mục đích của giáo lý mà chính ta đã ban truyền khi đem đạo Phật sang Tây Tạng và khởi sự các môn phái bất nhị. Đó cũng là cùng mục đích mà Giê-su đã giảng dạy cũng như tất cả mọi vị thày chân truyền đã cống hiến suốt các thời đại.

Đó là để giúp con thấy được rằng những sự liên kết mà con gán cho các biểu tượng, cho những vật tựa như bông hồng hay sọ người, chẳng qua chỉ là những hình ảnh trong tâm. Chúng chỉ hiện hữu trong tâm. Chúng được tạo ra trong tâm. Chúng chỉ có thể được giải thể nơi chúng được tạo ra, tức là trong tâm – trong tâm của con.

Tâm ảnh được tạo ra như thế nào

Chắc chắn ý nghĩa biểu tượng mãnh liệt được phóng chiếu vào sọ người suốt các thời đại đã không được tạo ra – trong dạng rộng của nó – trong tâm cá nhân con. Phần lớn hệ thống biểu tượng đen tối được tìm thấy trên hành tinh này đã được tạo ra trong tâm của những sinh thể bị rơi vào bẫy của tách biệt. Họ đã phóng chiếu nó lên người khác, và lần hồi họ đã tạo dựng toàn bộ ảo giác này trong tâm thức tập thể. Đa số các con đã đầu thai lần đầu trên địa cầu sau khi ảo giác đó được tạo dựng – cái ảo giác của sự chết trong tâm thức tập thể. Cho nên con đã nhận nó từ ngoài; con đã không chỉ ngồi đó mà tự mình tạo ra nó.

Tuy nhiên, đây là chìa khóa cốt yếu cho những ai muốn hiểu rõ giáo lý của Phật. Cho dù con đã nhận nó từ ngoài hay nó đã khởi phát từ trong tâm con, thì con cần hiểu rằng những gì hiện hữu trong tâm con ngay lúc này đã không thực sự đến từ ngoài. Tâm con đã có đáp lại một sự phóng chiếu từ ngoài, nhưng cái đang hiện điện trong tâm con không phải là sự phóng chiếu đó mà là phản ứng. Cái đang kìm hãm con không phải là hành động của người khác gây ra cho con, mà đó là phản ứng của con đối với mọi xung lực đến từ ngoài tâm con.  

Đây là chìa khóa đích thực cho sự giác ngộ. Tất cả những gì đang cản trở con giác ngộ, đang giữ con kẹt lại trong Biển Luân hồi, “vật đó” đang nằm trong tâm con. Vật đó – phản ứng đó, nhận thức đó, tâm ảnh đó – đã được tạo ra trong tâm con. Và vì vậy, nó chỉ có thể được giải hóa ngay nơi nó được tạo ra: trong tâm con.

Chừng nào con còn phóng chiếu là người khác phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong tâm con, thì con không thể đạt được giác ngộ. Đó là chuyện không thể, y như chiếc sọ người này không thể nào bỗng nhiên biết nói. Chừng nào con còn phóng chiếu là Thượng đế phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong tâm con, chừng nào con còn phóng chiếu là người khác hay tà lực phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong tâm con, thì con không thể đạt đến giác ngộ.

Đổ trách nhiệm cho thày sẽ không giúp con học bài học

Nhưng ở một tầng cấp sâu hơn nữa, có một sự phóng chiếu còn vi tế hơn mọi thứ khác, đó là sự phóng chiếu được thày Maitreya mô tả thật chi tiết trong sách Chìa khóa cho Tự do Tâm linh (Master Keys to Spiritual Freedom) là khi con phóng chiếu rằng vị thày phải chịu trách nhiệm những gì diễn ra trong tâm con.

Chính điều này đã khiến con rời bỏ nơi trú ẩn an toàn, khu Vườn Eden – nếu có thể gọi như vậy – là biểu tượng cho dòng tông các vị đạo sư chân truyền đi trở ngược xuyên qua các hàng ngũ tâm linh cho đến Đấng Sáng tạo. Vườn Eden nhằm mục đích bảo vệ các dòng sống tân lập để họ tìm được nơi vị đạo sư một hệ tham chiếu, hầu họ có thể đối phó với sự khai ngộ không thể tránh khỏi của cõi vật chất được biểu tượng trong Kinh Sáng thế qua hình ảnh quả trái của cây hiểu biết thiện ác.

Đó chính là tâm thức nhị nguyên, như chúng tôi gọi như vậy ở phương Đông. Và như đã được giải thích, đó không chỉ là khi có một sự khác biệt hiện hữu, mà là khi có hai biểu hiện của sự khác biệt có thể đối chọi với nhau, hay bị tách rời khỏi tổng thể. Đây chính là lời gian dối, là ảo tưởng cứ giữ con kẹt lại trong Biển Luân hồi, trong vòng khổ đau – bởi vì con không ngừng phóng chiếu ra là con cần phải thay đổi một cái gì hay một ai đó ở ngoài phạm vi quyền tự quyết cá nhân của con.

Phạm vi quyền tự quyết của con là gì chứ? Đó chính là tâm con! Con không chịu trách nhiệm bất cứ gì ở ngoài phạm vi tự quyết của con. Cho nên con cũng không chịu trách nhiệm những gì diễn ra trong tâm của anh chị em con.

Và như các Thượng sư đã giảng dạy, chừng nào con còn phóng chiếu ra để tìm cách thay đổi người khác – thay đổi tâm họ, thay đổi phản ứng của họ – thì con sẽ không thể nhìn vào chính con. Và nếu con không nhìn vào chính mình thì con không thể thấy được chính những phản ứng, những khuôn nếp trong tâm con đang giam giữ con lại.

Công việc của sa nhân thật dễ dàng

Vì con chẳng thấy hay sao với tất cả những giáo lý chúng tôi đã ban truyền, là sa nhân có một công việc thật dễ dàng khi chúng quyết định chống lại Thượng đế và kéo mọi người xuống vòng xoắn ốc dường như bất tận của hành động và phản ứng? Con chẳng thấy hay sao là chúng chỉ cần làm đúng một chuyện: tạo ra một hành động vượt ngoài những gì con chờ đợi như một sinh thể mới đầu thai trên địa cầu?

Một khi chúng đã khiến con bị chấn động bởi một điều gì đó mà con không chờ đợi, thì con dễ dàng cảm thấy là mình phải phản ứng lại cái đó. Lúc đầu, con chỉ phản ứng chút đỉnh. Nhưng khi chúng cứ tới tấp làm tiếp thì cuối cùng con đã vượt qua một lằn ranh khi con không chỉ phản ứng mà thôi. Giờ đây con bắt đầu nghĩ, bởi vì những chuyện chúng làm là sai trái, cho nên con phải có hành động để chặn đứng sai trái đó và phục hồi điều phải.

Như vậy con bắt đầu phóng chiếu ra những hành động của chính con. Rồi người khác cũng bắt đầu phản ứng lại hành động của con, và điều này gây sốc cho con nhiều hơn nữa, vì con có cảm tưởng là con chỉ có thiện ý thì tại sao họ lại phản ứng khi con bảo họ phải làm gì? Đấy, con yêu dấu, họ phản ứng lại vì cùng cái lý do mà con phản ứng. Đây là một cơ chế vô cùng giản dị một khi con hiểu – một khi con nhìn thấy, một khi con trải nghiệm, một khi con có khung tham chiếu của một vị đạo sư chân chính. Vị này không ở trong nhị nguyên cho nên có thể chuyển cho con luồng ánh sáng là thuốc giải độc duy nhất cho các độc tố của nhị nguyên.

Thực tế đơn giản là như sau: Con đã được vị đạo sư chân truyền hướng dẫn là khi con dấn thân vào một cõi nơi quyền tự quyết là quy luật tối hậu, thì con không thể cho phép mình mang kỳ vọng về những gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Thế nhưng sự kiện này đã xảy đến cho nhiều người – và con yêu dấu, nó hoàn toàn thông cảm được. Có lẽ con cảm thấy một nét nghiêm nghị trong giọng nói của ta? Đó là vì ta có ý định đâm thủng qua các lớp dày đặc đã được dựng lên trong tâm thức đại chúng. Nhưng mãnh lực này cũng chính là ngọn lửa tình thương của Tia sáng Hồng ngọc vốn chỉ chứa đựng tình thương trìu mến nhất.

Bởi vì chúng tôi, tất cả chúng tôi, đều hiểu rõ việc bước vào cõi đó khó khăn đến chừng nào. Chúng tôi hiểu rõ sự quyến rũ của tâm nhị nguyên vi tế tới chừng nào. Dù sao thì ta cũng không ở đây để lên án và hạ thấp con mà để cho con cái chìa khóa hầu thoát khỏi nhị nguyên. Và chỉ có một chìa khóa mà thôi, đó là nhận ra điều sau đây: Con đã được vị đạo sư hướng dẫn là trong cõi này, quyền tự quyết ngự trị tối cao. Cho nên con có một phạm vi tự quyết của con, và đó là tâm con.  

Tạo một hành động để ảnh hưởng chọn lựa của người khác

Tuy nhiên, có khả năng con dùng tâm mình để tạo ra một hành động và phóng chiếu nó ra bên ngoài tâm con với mục đích cố tình ảnh hưởng tâm người khác. Con biết rõ là con không thể cho phép mình chờ đợi là sẽ không phải gặp chuyện như vậy. Bởi vì hầu như không thể tránh được là con sẽ phải chạm trán với một ai đó ở ngoài tâm con, ở ngoài phạm vi quyền tự quyết của con, sẽ phóng chiếu một hành động chống lại con với mục đích cố tình thay đổi một điều gì đó trong phạm vi tự quyết của con, thay đổi suy nghĩ của con, thay đổi hay ảnh hưởng chọn lựa của con.

Và như vậy, điều xảy ra cho biết bao người là họ dần dần quên mất lời hướng dẫn nói trên. Và một lần nữa, không có sự khiển trách nào ở đây. Đơn giản là chuyện đó đã xảy ra, và nó xảy ra vì con làm một chọn lựa. Như Maitreya đã giải thích trong sách của thày, mỗi dòng sống đều có một lý do riêng để làm chọn lựa đó. Không có lý do nào là sai, không có lý do nào hay hơn lý do kia – đó là lý do của riêng con.

Khi con phát hiện ra lý do cá nhân đó, con có tùy chọn để thay đổi nó. Nhưng con sẽ không thể phát hiện được nó trừ khi con bắt đầu nhìn vào bên trong chính mình. Và để bắt đầu nhìn vào, con phải phá vỡ cái chu kỳ hành động và phản ứng. Và vì vậy con phải nhận ra một sự thật giản dị mà đức Phật đã dạy cũng như tất cả những vị trong dòng tông đức Phật: Cho dù người khác có làm gì con thì cũng không có định luật tự nhiên nào, hay quy luật tâm linh nào, bảo rằng con phải phản ứng lại.

Điều đó con phải hiểu là chỉ nằm độc nhất trong tâm con. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp có một ai đó tấn công con và con có hành động né tránh hay thậm chí tự vệ. Nhưng hành động vỏ ngoài này vẫn không có nghĩa là con phải phản ứng lại bên trong tâm con bằng cách tạo ra những khuôn nếp cảm xúc và lý trí sẽ lưu lại trong tâm ngay cả khi hành động vỏ ngoài đã chấm dứt.

Con thấy đó – như Phật đã chứng tỏ và Giê-su cũng đã chứng tỏ – con hoàn toàn có khả năng ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian, con có thể trải nghiệm những hành động đến với con từ người khác mà không khởi lên một phản ứng nội tại tạo ra một khuôn nếp bên trong chính con. Và khuôn nếp này lần hồi tạo ra một cái trớn cho tới khi khuôn nếp đó, những năng lượng cảm xúc và lý trí đó, trở nên mãnh liệt đến độ con mất sự kiểm soát của tâm con. Con mất sự kiểm soát các phản ứng của con.

Và giờ đây con bắt đầu nghĩ là để bảo vệ bản thân, hay để bảo vệ kế hoạch của Thượng đế, hay để quảng bá một đại nghĩa tối thượng nào đó, con phải ra tay hành động. Con phải thay đổi những ai đang tìm cách thay đổi con, vì bây giờ con đã tin vào lời gian dối rằng có những điều phải và những điều trái. Cho nên những gì mà con trải nghiệm người khác gây cho con là trái, và con phải chỉnh đốn lại sai trái đó.

Bị đánh lừa bởi thiện ý

Con có thấy chăng là biết bao người suốt các thời đại đã có thể mang thiện ý tốt lành nhất để làm công việc của Thượng đế, nhưng họ đã bị đánh bẫy để mà sử dụng những phương thức rõ ràng đi ngược lại kinh sách của chính tôn giáo mình, hay đi ngược lại những gì ai ai cũng biết là cách cư xử phải lẽ đối với người khác? Bởi vì tất nhiên, tất cả các con đều biết theo một nghĩa nào đó, việc một người can thiệp vào quyền tự quyết của một người khác là không phải lẽ. Nhưng con cũng cần biết trong cõi này nơi quyền tự quyết ngự trị tối cao, rằng con sẽ không thể tránh gặp chuyện đó.

Cho nên, thay vì cố thay đổi chọn lựa và hành động của người khác, điều con cần làm là tập trung hoàn toàn vào chính con. Và con tập trung vào việc không phản ứng lại, không tạo ra một khuôn nếp phản ứng. Và khi con lỡ tạo ra những khuôn nếp như vậy – như tất nhiên tất cả chúng ta đều đã làm khi chúng ta đầu thai và phải đối phó với cõi vật lý – thì con nỗ lực gỡ bỏ khuôn nếp đó ngay lập tức.

Nếu con muốn giác ngộ, nếu con muốn thăng thiên trong kiếp này, nếu con muốn đạt được tâm an bình, nếu con muốn hoàn thành tiềm năng cao nhất của con, thì con cần làm một chọn lựa, lấy một quyết định, là bắt đầu tháo gỡ các khuôn nếp hành động và phản ứng. Con cho là con phải phản ứng lại khi người ta làm hay nói một số điều. Con cho là con phải hành động, ngay cả trong dài hạn, do con nghĩ là việc phụng sự Thượng đế có nghĩa là mình phải tìm cách ảnh hưởng người khác. Và như thế, con phóng chiếu ra một tầm ảnh hưởng từ chính tâm con.

Con cần suy ngẫm sự khác biệt tinh tế đó, vì tất nhiên con cần nhận ra rằng quả trái của sự hiểu biết thiện ác tượng trưng cho đặc tính chủ yếu của tâm nhị nguyên: rằng không có câu nói nào là tuyệt đối, không có lập luận nào là tuyệc đối. Con có thể chụp lấy chữ nghĩa và bẻ cong đủ kiểu để biện luận chống lại hay thuận theo bất kỳ quan điểm nào, bất kỳ vấn đề nào.     

Con chẳng thấy các thày thông giáo và Pharisi đã bẻ cong ngôn từ để phản bác lại Ki-tô Hằng sống hay sao, khi Ki-tô đứng ngay trước mặt họ bằng xương bằng thịt? Con chẳng thấy là xuyên qua các thời đại, mọi vị đạo sư chân truyền đều đã phải đối mặt với một số người gọi là đệ tử chỉ đến để tranh cãi ở trình độ chữ nghĩa, để vặn vẹo ngôn từ, để phóng chiếu ra một cách diễn giải nào đó?

Cho nên con không thể dựa trên ngôn từ để thực sự phân biện giữa sự thật và sai lầm. Con không thể phán đoán một người, con không thể biết rõ một người, dựa trên những lời mà họ nói ra, và đặc biệt những lời mà họ viết xuống. Và do đó con cần vượt xa hơn ngôn từ, và con có khả năng hòa nhập để cảm nhận không những độ rung của người đó mà cả ý định của họ nữa. Con có thể làm điều đó một khi con bắt đầu nhận biết khuôn nếp hành động và phản ứng nơi chính tâm con, và con cũng bắt đầu xây dựng khả năng phân biện, qua đó con cảm được điều này nơi người khác.

Thu hút thày giả

Con có thể tức khắc cảm nhận khi một ai đó đến với con, và có lẽ họ nói ra những lời lẽ dường như trung hòa hay tử tế, nhưng đằng sau có một ý định muốn ảnh hưởng ý chí tự quyết của con, muốn bắt mạch bất kỳ khuôn nếp hành động và phản ứng nào mà con đang mang trong tâm con, rồi tìm cách sử dụng để khiến con phản ứng lại – và như vậy con sẽ làm hành động mà họ muốn phóng chiếu vào tâm con. Cho nên con chẳng thấy hay sao là chừng nào con còn bị mắc kẹt, chừng nào con còn hoàn toàn đồng hóa với khuôn nếp hành động và phản ứng đó – dựa theo định luật muôn đời rằng khi học trò sẵn sàng thì vị thày sẽ xuất hiện – thì con sẽ không thể tránh khỏi bị thu hút bởi, hay chính con là người thu hút mình vào một đạo sư mà chúng ta có thể gọi là thày giả.

Bởi vì tất nhiên, câu nói “khi học trò sẵn sàng thì vị thày xuất hiện” có nghĩa là học trò luôn luôn sẵn sàng cho một vị thày nào đó, và vị thày xuất hiện chính là vị thày mà học trò có khả năng nhìn thấy ở mức tâm thức hiện thời của mình. Vì vậy khi con bị mắc bẫy và đồng hóa toàn diện với khuôn nếp hành động và phản ứng, con chỉ có thể thấy được một đạo sư cũng ở trong cùng khuôn nếp đó, nhưng là một đạo sư đã đưa khuôn nếp đó tới một mức cùng cực hơn con. Do đó vị ấy sẵn sàng phóng chiếu vào học trò của ông những gì họ phải làm, những hành động và phản ứng mà họ phải có đối với giáo lý của ông – hoặc đối với một vấn đề nào đó trong cuộc sống mà ông phóng chiếu ra là họ cần giải quyết.

Cho nên chỉ khi nào con bắt đầu nhìn ra khuôn nếp hành động và phản ứng này trong đời mình thì con mới có thể từ hóa (magnetize) chính con đến một vị thày gọi là chân chính – một cách chọn từ giả tạo, tất nhiên – hay nói cách khác, một đạo sư đã ít nhất bắt đầu nhìn thấy và tách mình ra khỏi sự đồng hóa với những khuôn nếp đó. Đó là lúc con có thể mở tâm ra với một giáo lý đến từ dòng tông của các vị thày chân truyền, là những vị thày không giảng dạy vì họ mang một khuôn nếp hành động và phản ứng mà họ muốn phóng chiếu. Họ giảng dạy vì họ không phóng chiếu – họ chỉ chia sẻ sự Hiện diện của họ tựa như mặt trời chia sẻ ánh sáng của nó.

Mặt trời không chiếu sáng trên trái đất với mục đích ảnh hưởng con người. Mặt trời là mặt trời; nó sẽ tỏa sáng ngay cả khi không có hành tinh nào quay quanh nó, vì nó là một quả cầu tự phát sáng, là cánh cửa mở giữa cõi vật chất và các cõi cao hơn. Nó chỉ đơn giản tỏa sáng vì đó là niềm vui của nó. Vị thày cũng giảng dạy vì đó là niềm vui của thày. Đó là một biểu hiện của con người mà thày là.

Và đây là tại sao một trong những cạm bẫy vi tế cho nhiều học trò là cứ dõi nhìn vào một vị thày nào đó, nhìn vào giáo lý vỏ ngoài, nhìn vào ngôn từ hay cách dùng từ, nhìn vào các ý tưởng, nhìn vào chính vị thày đó – dáng vẻ ngoài của thày, cách ăn mặc của thày, cách cư xử của thày, cái này hay cái nọ của thày – và họ tập trung vào hình thức vỏ ngoài của thày thay vì nhận ra rằng hình thức vỏ ngoài chỉ là một cỗ xe, rằng nó không hẳn quan trọng bằng sự kiện nó đủ trong suốt để cho phép cõi cao chiếu xuyên qua.

Và cho dù hình dạng vỏ ngoài của thày có vẻ không được toàn hảo theo chuẩn mực của con, thì chuẩn mực đó của con cũng là sản phẩm của những khuôn nếp hành động và phản ứng mà con mang trong tâm. Cho nên nếu con tìm cách áp đặt chuẩn mực của con lên thày, thì làm sao vị thày đó có thể hữu dụng cho con được? Bởi vì cách duy nhất để vị thày hữu dụng cho con là con thấy có một ánh sáng tỏa rạng xuyên qua hình dạng vỏ ngoài của thày, rồi con với lấy ánh sáng đó, đi theo ánh sáng đó. Con hãy dõi theo ánh sáng, con yêu dấu. Con biết trong thế gian người ta thường nói: “Dõi theo đồng tiền,” nhưng ta thì nói: “Dõi theo ánh sáng!”

Hãy nhìn vượt xa hơn hình dạng vỏ ngoài của vị thày cùng giáo lý, cho dù giáo lý hay vị đó như thế nào. Hãy bước theo ánh sáng đang chiếu xuyên qua. Chính nhờ ánh sáng đó mà con sẽ có một khung tham chiếu tạo uy lực giúp con thăng vượt các khuôn nếp hành động và phản ứng đang giữ con kẹt lại ở mức tâm thức hiện thời của con. Bởi vì chỉ khi nào con cảm nhận được một cái gì vượt xa hơn đang tỏa chiếu xuyên qua vị thày thì con mới có thể bước ra ngoài các khuôn nếp đó trong tâm con – và như vậy, đột nhiên, con sẽ trải nghiệm được khoảnh khắc nhận biết thuần khiết đó.

Sự quan trọng của nhận biết thuần khiết

Và đâu là tầm quan trọng của việc con trải nghiệm nhận biết thuần khiết? Đó là vì khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết, con trở thành cánh cửa mở cho ánh sáng. Và như vậy con có thể nhận ra là ánh sáng mà cho tới giờ con thấy chiếu xuyên qua vị thày, giờ đây nó có thể chiếu xuyên qua con. Và như vậy con đã sử dụng vị thày trong cách cao nhất, bằng cách nhận ra là khi con bước theo một vị thày cho tới mức hiện thân được lời dạy thì con cũng hiện thân được ánh sáng, rồi con trở thành cái mắt xích kế tiếp trong dây chuỗi các vị thày chân chính.

Chính con cũng trở thành thày cho dù con không toàn hảo. Bởi vì ít ra khi con có được những thoáng hiện của nhận biết thuần khiết vượt khỏi khuôn nếp phản ứng và hành động đó, thì con trở thành một cánh cửa mở cho ánh sáng. Rồi con có thể tỏa ra một lượng ánh sáng nào đó cho ai khác.

Ánh sáng vượt khỏi lời dạy

Khi ta đưa đạo Phật đến Tây Tạng, ta đã thành lập một trường học đào tạo những đạo sư hiểu rằng mục đích của họ không cứ là đem lại một giáo lý vỏ ngoài, mà là chuyển đạt áng sáng trực tiếp đến học trò của mình, vì họ hiểu rằng cho dù giáo lý có hay đến chừng nào thì đó cũng chỉ là chữ nghĩa, và chữ nghĩa thì có thể bị bẻ cong và hiểu lầm.   

Nhưng ánh sáng không thể bị hiểu lầm. Vì học trò hoặc sẽ trải nghiệm được áng sáng, hoặc sẽ không trải nghiệm được chút nào khi y chỉ nhìn thấy những phóng chiếu mà y phóng chiếu vào thày. Cho nên họ biết rằng khi họ có thể quy tụ học trò, chia sẻ Hiện diện của họ, chia sẻ ánh sáng của họ, thì có thể sẽ tới một điểm học trò cũng trải nghiệm được ánh sáng và suy nghiệm xem ánh sáng đến từ đâu – vì y ngộ ra là ánh sáng không đến từ thày mà nó đến xuyên qua thày. Và khi y nắm bắt được thực tại này, y sẽ có thể bước vào sự nhận biết thuần khiết rồi trở thành một cánh cửa mở cho ánh sáng.

Và khi đó vị thày đã làm xong công việc chuyển đạt ánh sáng, thậm chí chuyển đạt cả giáo lý nữa. Bởi vì giáo lý là gì chứ? Phải chăng là ngôn từ vỏ ngoài? Không đâu, giáo lý chính là ánh sáng, giáo lý là Hiện diện. Vì mọi thứ đều là Phật tánh, cho nên mục đích của Phật đâu có gì khác hơn là để giúp con ngộ ra là con chính là Phật tánh – bằng cách trực tiếp trải nghiệm Phật tánh thay vì ngồi đó trong tâm mình và cho rằng mình đã hiểu Phật tánh là gì.   

Nhưng con chỉ có một tâm ảnh mà thôi, và con say mê tâm ảnh đó đến độ con không muốn cả Phật đến phiền con. Vì con chỉ muốn ngồi đó đánh bóng tấm hình đó, cố làm sao cho nó thật toàn hảo, và do đó con không biết là con đã gặp Phật trên đường, và con không thể nào áp dụng lời khuyên nhủ là con phải “giết Phật khi gặp Phật.”   

Và ý nghĩa câu đó, tất nhiên, là nếu con nhận dạng được Phật trong một hình tướng nào đó ở ngoài con thì tâm ảnh đó sẽ ngăn cản con chứng được Phật tánh của chính con. Và như vậy đức Phật, trong ý định tốt nhất của Phật, đã đột nhiên biến thành phản-Phật. Vị đạo sư, với ý định tốt nhất của vị đó, đột nhiên biến thành phản đạo sư. Đương nhiên, cả Phật lẫn đạo sư không tự nhìn mình theo cách đó, nhưng trong thực tế con lại nhìn họ theo cách đó, vì con từ chối thu nhận, nhập tâm và trở thành giáo lý.

Chìa khoá của giác ngộ

Đây là bài giảng mà các con đã xứng đáng nhận được qua dịp cuối tuần này khi con đi qua nguyên tiến trình mà con đã đi qua trong đời mình, khi con sẵn lòng chất vấn, sẵn lòng nhìn vượt xa hơn, sẵn lòng với tới những lời dạy cao hơn, những tầm hiểu cao hơn, những trải nghiệm cao hơn. Nhưng ta sẽ nói thêm là tất cả các con đều có thể lợi lạc nếu các con thực sự suy nghiệm và nhập tâm bài giảng mà ta đã ban ra biết bao thế kỷ trước, là bài giảng mà gần đây ta đã hướng dẫn sứ giả này tìm lại, về “Tự giải thoát qua cái thấy trong nhận biết trần trụi.”  

Bởi vì một trong những cám dỗ cuối cùng mà con cần khắc phục trên đường tu tâm linh là cứ luôn luôn cố đạt được một trải nghiệm cao siêu, phi phàm. Nhưng con yêu dấu, thực tế là ý tưởng cho rằng con sẽ đạt được một trải nghiệm cao siêu nào đó khi gặp Phật hay được giác ngộ, chính là trở ngại cuối cùng trên đường tới giác ngộ. Vì như ta có nói trong bài giảng, một khi con chứng nghiệm nhận biết thuần khiết, con sẽ thấy đó có thể gọi là nhận biết “bình thường”, theo nghĩa là không có sự tương phản nào cả. Không có nhị nguyên ở đó để tạo ra sự tương phản giữa thấp và cao, giữa sướng và khổ.

Đó là tại sao đức Phật đã cố đưa ra một từ không có đối nghịch nhị nguyên. Cho nên thày đã nói đến “cực lạc”, như người ta đã dịch. Nhưng tất nhiên con vẫn có thể bảo: “Thế nhưng phản cực lạc thì sao? Hay phi cực lạc, hay vô cực lạc?” Và một lần nữa, con lại rơi vào cạm bẫy bẻ cong ngôn từ thay vì vượt khỏi ngôn từ và trải nghiệm trạng thái nhận biết thuần khiết nơi không có cao hay thấp, không có tương phản.  

Và như vậy thậm chí con có thể gọi là “nhận biết thuần khiết” được không? Không được, nhưng làm thế nào con có thể nói về điều gì mà không dùng đến ngôn từ, con yêu dấu? Đây là nỗi khó khăn mà ngay cả chúng tôi là thày chân chính cũng phải đối mặt. Nhưng chúng tôi không xem đó là một vấn đề, vì chúng tôi luôn luôn tìm cách làm nhiều hơn là từ ngữ: chúng tôi chuyển đạt ánh sáng. Mỗi bài truyền đọc được một chân sư thăng thiên ban ra là một biểu hiện của ngọn lửa tâm linh (fohat), trong đó từ ngữ là những cái chén ánh sáng. Một số đệ tử không nhìn ra điều này mà chỉ thấy được từ ngữ.

Nhưng rồi cuối cùng, nhiều người cũng sẽ cảm được là trong đó có nhiều hơn là từ ngữ. Và khi con tiếp tục bước theo cái nhiều hơn đó, tiếp tục bước theo ánh sáng, thì con sẽ đạt tới chìa khóa của giác ngộ. Nơi đó con thấy được rằng mặc dù đạo sư là một cánh cửa mở cho ánh sáng, vị ấy không phải là cánh cửa mở duy nhất, vì ngay bên trong con cũng có một cánh cửa mở khác. Và khi con trở thành cửa mở, đó chính là giác ngộ.

Có một số người muốn nắm lấy giác ngộ và phóng chiếu lên nó một khái niệm cho rằng giác ngộ có một số giai đoạn. Nhưng cũng hữu ích không kém là bảo rằng không có những giai đoạn giác ngộ, mà giác ngộ là khi con ngộ ra sự sống không đứng yên một chỗ, sự sống là thăng vượt. Và như vậy các giai đọan đó chỉ đơn giản là dòng chảy không ngừng của Dòng sông sự Sống, khi con không xem đó là những giai đoạn có thể được đặt lên một thang điểm cao thấp. Bởi vì con đã thăng vượt nhu cầu bảo rằng: “Ồ, tôi đang đứng ở tầng giác ngộ thứ 33, cho nên tôi cao hơn tất cả những ai đang đứng dưới tôi.”

Nhưng khi đó thì hiển nhiên, con chưa giác ngộ, phải không? So sánh liệu có ích chi? Lập ra thang điểm có ích gì? Phải, ở một mức tâm thức nào đó thì người ta cần làm vậy. Nhưng sẽ tới một điểm khi con vượt quá nhu cầu này, và con không quan tâm đến cả chuyện mình có giác ngộ hay đang ở tầng này tầng nọ. Con chỉ lo biểu lộ ánh sáng, để cho ánh sáng chảy xuyên qua con, chia sẻ Hiện diện của con mỗi ngày càng nhiều hơn mà không có mục đích gì hết.  

Bởi vì sẽ tới một điểm khi con buông bỏ mục đích. Ở một giai đọan nào đó thì có mục đích là một điều phải lẽ, nhưng sẽ phải tới một điểm khi con buông cả khái niệm mục đích, một mục đích mà con ra sức đạt được – vì con buông bỏ ý niệm có một cái gì tách biệt với con mà con cần đi tới.

Thay vào đó, con là người mà con là. Con là cánh cửa mở cho bất kỳ biểu hiện nào mà Tánh linh quyết định biểu hiển. Con sẵn lòng mở miệng nói mà không biết điều gì sẽ được thốt ra qua cửa miệng. Cho nên thỉnh thoảng con sẽ ngạc nhiên, và người khác cũng sẽ ngạc nhiên như con, bởi những điều con nói.

Và đó chính là dòng chảy của Tánh linh, con yêu dấu. Tất cả các con đều mang tiềm năng làm cánh cửa mở. Nếu con thấy sứ giả này là cánh cửa mở thì con đừng rơi vào cạm bẫy sùng bái thần tượng, mà hãy dõi bước theo ánh sáng cho đến khi con nhìn thấy ánh sáng trong con. Bởi vì con sẽ thấy chính con cũng là cửa mở.

ĐÓ là lời dạy muôn đời, vượt thời gian. Đó cũng là món quà của ta hôm nay. Với tình yêu của ta, ta niêm con lại trong tim ta.

Để biết sự thật, hãy bỏ tìm kiếm sự thật!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion, ngày 26/11/2011 tại Sneek, Hòa Lan, qua trung gian Kim Michaels.

Ta là Hilarion, Thượng sư của tia sáng thứ năm. Ta đến đây để xây dựng tiếp trên nền tảng mà sư huynh Serapis đã đặt móng. Thật sự, điều mà thày Serapis đã giải thích về kinh nghiệm khóa nhập thất của tia sáng thứ tư là các con cần đạt đến một mức khi các con có điều gì trân quý hơn là cứ vật lộn để mà thuyết phục người khác rằng con đường của mình đúng đắn.   

Vậy thì đâu là yếu tố kết hợp? Trước hết đó là khi học viên ở tia sáng thứ tư nhận ra rằng sự hài hòa, hợp tác, quan trọng hơn là có lý, hơn là chứng minh rằng mình có lý. Nhưng đó cũng là khi học viên bắt đầu nhận ra là một khi đã qua được điểm đạo của tia thứ tư thì mình cũng sẵn sàng đối diện với điểm đạo của tia thứ năm. Và dĩ nhiên, tia thứ năm thường được xem là tia của sự thật.

Và một khi bắt đầu thấy mình cần bỏ lại cái bánh quay miệt mài nơi mình cứ phải gắng sức chứng minh là mình có lý và người khác sai, thì một số các con cũng thấy được là, quan trọng hơn, mình phải tìm được một sự thật cao hơn. Và khi con sẵn sàng tiến hành cuộc điểm đạo của tia thứ năm, con phải đối mặt với câu hỏi mà ta đã đặt ra cho các con thảo luận, là “Sự thật là gì?”  

Khóa nhập thất của tia thứ năm

Và bây giở ở khoá tu của tia thứ năm mà ta trông coi, chúng ta cũng sẽ sắp đặt y như thày Serapis Bey đã mô tả – và hẳn các con đã nhận ra đây là cùng cách sắp đặt cho mỗi khóa ở cả bảy tia sáng. Chúng ta sẽ chia các học viên thành từng nhóm nơi các con sẽ phải đương đầu với câu hỏi này: “Sự thật là gì, ai nắm sự thật, ai nắm sự thật cao hơn, ai có lý, ai sai, cái gì đúng, cái gì sai?”

Và một lần nữa đối với các nhóm, chúng tôi luôn tìm cách sắp xếp trong cùng một nhóm những người có quan điểm trái ngược nhau, hay những người có quan điểm nhiệt thành về sự thật, tha thiết với sự thật. Điều này sẽ tạo ra tiềm năng xung đột, nhưng tất nhiên chúng tôi không có ý gây ra xung đột. Bởi vì chúng tôi không tạo ra xung đột bằng cách xếp mọi người ngồi chung với nhau. Chúng tôi đang cố làm gì đây? Chúng tôi khiến cho mâu thuẫn hiển lộ ra rõ ràng, là những mâu thuẫn cho tới giờ vẫn ngấm ngầm bên trong mỗi người, bởi vì các con chưa thấy được mâu thuẫn đó trong chính tâm mình, trong tâm tiềm thức của mình.  

Và như vậy, khi ngồi chung với người khác cũng có những mâu thuẫn chưa hiển lộ trong tâm thì các con sẽ có xu hướng va chạm, và khi đó thì những xung đột trong tiềm thức được dịp trưng bày ra trong ý thức. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con sẽ ý thức được xung đột hay nguyên nhân xung đột, nhưng ít ra con không thể phủ nhận tác động của xung đột, tức là con không thể đạt được thỏa thuận với người khác.

Dĩ nhiên con có thể thấy trên địa cầu cũng xảy ra điều tương tự như ở cõi tâm linh, khi bao người tâm linh và bao người theo đạo – thậm chí cả các nhà khoa học và nhà duy vật – cũng tranh luận về vấn đề muôn thuở này: “Sự thật là gì, sự thật cao nhất là gì, ai nắm sự thật, ai có lý?”

Chỉ có một sự thật thôi?

Bước cần thiết đầu tiên, tất nhiên, là đối phó với quan niệm: “Có phải chỉ có một sự thật mà thôi?” Và qua thực có rất nhiều học viên đến dự khóa của ta đã từng lớn lên suốt nhiều kiếp đầu thai trong những môi trường nơi họ tin chắc là chỉ có thể có một sự thật duy nhất. Hoặc trái đất phẳng hoặc trái đất tròn, hoặc mặt trăng được tạo bằng pho mát xanh hoặc là không.    

Nhưng đó là sản phẩm của thế giới vật chất và thế giới hình tướng. Con có thấy không, con yêu dấu, trong thế giới hình tướng có một nguyên tắc căn bản? Con hãy thử đối chiếu thế giới hình tướng với thế giới vô hình tướng. Trong thế giới vô hình tướng, không có gì để mà phân biệt, vì phân biệt là sản phẩm của hình tướng. Và ngược lại, chúng ta cũng có thể nói hình tướng là sản phẩm của phân biệt, nghĩa là con tạo ra sự phân biệt trong tâm, rồi phân biệt này trong tâm được “vật chất hóa” thành một hình tướng riêng biệt, đứng riêng rẽ khỏi các hình tướng khác.

Cho nên một hình tướng phải có một hình dạng riêng biệt đứng riêng rẽ khỏi các hình tướng khác. Một vòng tròn sẽ có hình tròn, một ô vuông sẽ có hình vuông, một đường thẳng sẽ có hình thẳng. Không thể nào khác được, con không thể có một hình dạng hình học vừa tròn vừa vuông cùng một lúc – vô lý phải không?

Chính sự phân biệt tạo ra nhu cầu phân biệt, nhu cầu chọn lựa, nhu cầu bảo rằng cái này thế này chứ không là thế kia. Nhưng ngay cả ở cõi tâm linh nơi không có tự ngã, không có nhị nguyên, vẫn có sự khác biệt. Vậy thì tại sao chúng tôi là những thượng sư của bảy tia sáng lại không vật lộn với nhau để xem tia sáng nào là sự thật, tia sáng nào tốt hơn, tia sáng nào có lý?

Bởi vì chúng tôi không rơi vào cái lỗi lầm then chốt mà hầu hết mọi người trên địa cầu đều rơi vào. Con thấy không, chúng tôi nhận ra rằng người ta có thể có khác biệt mà không bắt buộc phải đánh giá cái nào đúng hay sai. Một vòng tròn và một hình vuông, cái nào đúng hơn? Không, chỉ khác nhau thôi.

Con thấy không, quả là có nhiều khía cạnh trong cuộc sống mà con không xét đoán là đúng hay sai, hoặc-thế-này-hoặc-thế-kia. Con có thấy sự khác biệt không? Cái đó hoặc là vuông hoặc là tròn, hoặt là sai hoặc là đúng. Nhiều người cho rằng đó là cùng một thứ, họ cho rằng nếu có hai tôn giáo khác nhau thì chỉ có một trong hai mới có thể đúng thôi.  

Khác biệt không nhất thiết dẫn đến xung đột

Và đó là thử thách đầu tiên mà các con phải đối mặt tại khóa tu của ta. Con phải khắc phục cái xu hướng từ ngàn đời cho rằng phải đúng hay sai, cho rằng chỉ có một sự thật duy nhất, một sự thật cao siêu hơn. Nhưng kỳ thực, con chỉ có thể khắc phục ảo tưởng này bằng cách nhận ra là sự xét đoán bắt nguồn từ tầng mức của nhị nguyên, tâm thức tách biệt, cái tâm thức gọi là tự ngã.

Trong hiện tại, con dùng phân biệt để đứng riêng ra khỏi toàn thể thay vì dùng phân biệt như là những cách khác nhau để biểu hiện toàn thể – những cách khác nhau, những biểu hiện khác nhau khiến cho cái Tất Cả được khuếch trương. Con có thấy là khi con không mù quáng trong nhị nguyên, con thấy được chỉ có một Thượng đế vô hình tướng đang tự biểu hiện qua những hình tướng khác nhau không? Và con cũng thấy là tất cả những biểu hiện khác nhau đó, những hình tướng và sinh thể khác nhau đó, tạo thành một toàn thể rộng lớn hơn?   

Điều này không là cùng một thứ với vô hình tướng, bởi vì sự khác biệt vẫn có mặt, nhưng song song vẫn có một toàn thể, một nhất thể. Cái toàn thể là nhiều hơn tất cả mọi phần nhỏ cộng lại, bởi vì toàn thê không chỉ được tạo bằng các phần nhỏ. Nó còn được tạo bằng Thượng đế duy nhất vô hình tướng được thẩm thấu trong mỗi thành phần. Cho nên khi con có cái nhìn này, khi con không còn nhìn qua cặp kính của nhị nguyên, thì con nhận ra rằng sự phân biệt không nhất thiết phải dẫn đến xung đột.

Và con nhận ra là mỗi dòng sống khác biệt rất có thể giữ sắc thái riêng của mình, và chúng có thể phát triển và phát huy sắc thái riêng của mình mà không mâu thuẫn lẫn nhau, không hạn chế lẫn nhau, không cạnh tranh với nhau. Trong khi đó thì con có thể thấy trên địa cầu, có một số người tự đặt mình vào vị trí thống trị để họ có thể biểu diễn sắc thái của họ một cách vô tội vạ, bởi vì họ đã triệt hạ sắc thái của tất cả những ai thuộc các tầng lớp thấp hơn họ.    

Sự việc này tất nhiên không xảy ra nơi cõi tâm linh. Chúng tôi tuy có một hệ thống thứ bậc, nhưng chúng tôi không xem những ai ở một thứ bậc nào đó bị hạn chế bởi thứ bậc bên trên. Ngược lại là đằng khác, bởi vì trong cõi tâm linh, dòng năng lượng không chảy từ thấp lên cao, trong khi ở địa cầu thì con thấy người dân ở những tầng dưới của kim tự tháp phải cong lưng cày cụm để người ở tầng trên được hưởng lợi sức lao động của người dưới. Và con thấy dòng chảy từ dưới lên trên để cho những kẻ ở trên tha hồ lợi dụng.

Nhưng nơi cõi tâm linh thì hoàn toàn ngược lại, những đấng ở trên đỉnh của kim tự tháp có thể ví như những mặt trời, luôn luôn ban ra và rải xuống cho bên dưới. Và điều này đem lại khả năng, nghị lực, cho các tầng dưới thể hiện sắc thái của mình ngày càng phong phú hơn.  

Không có Thượng đế nóng giận nào trên trời

Cho nên chúng tôi không cảm nhận mình bị hạn chế, giới hạn, bởi những đấng ở trên mình, chúng tôi không cảm nhận có một vị thần nóng giận ở trên trời luôn luôn muốn chúng tôi phải tuân theo mọi ý muốn của vị ấy, bằng không chúng tôi sẽ bị đày xuống địa ngục. Ngược lại, chúng tôi chứng nghiệm được Thượng đế yêu thương vô bờ bến, không ngừng lan toả Bản thể và Ánh sáng của ngài cho chúng tôi. Chúng tôi hứng lấy tất cả và biểu hiện tình thương đó qua những mặt cạnh của viên kim cương là sắc tính của chúng tôi. Viên kim cương này, chúng tôi đã mài cho bóng suốt một thời gian rất dài – nếu người ta có thể nói đến thời gian trong cõi tâm linh – biến nó thành sắc thái độc nhất có một không hai.

Cho nên chúng tôi thấy Thượng đế là người đày tớ tối thượng, bởi vì cao cả nhất là người nào thực sự phụng sự Tất Cả. Trong Thượng đế chỉ có một ý muốn là nâng cao tất cả những thành phần nối dài của ngài. Đồng thời, dĩ nhiên, Thượng đế cũng muốn điều này xảy trong quyền tự quyết. Khi con nhận ra điều này, con cũng nhận ra là sự phân biệt thực ra chỉ có một mục đích, đó là trao cho mỗi dòng sống một môi trường để nó có thể phát huy khả năng tự nhận biết của nó, cho đến khi nó đạt đến cùng một mức như Thượng đế và không còn tự định nghĩa dựa trên khác biệt nữa.  

Khi con bắt đầu hiểu ra điều này, con sẽ ngộ được là vũ trụ vật chất chỉ có một mục đích mà thôi, là tạo điều kiện cho con phát triển khả năng tự nhận biết của mình. Từ đó con sẽ bắt đầu hiểu được – ít nhất một số học viên trên tia sáng thứ năm rốt cuộc sẽ nắm bắt được – rằng câu hỏi “Sự thật là gì?” kỳ thực là một câu hỏi thật vô nghĩa.

Sự thật tối hậu là tính duy nhất

Bởi vì vấn đề không phải là tìm ra sự thật tối hậu hầu bảo đảm mình sẽ lên được thiên đàng khi mình tìm ra. Làm thế nào con lên được thiên đàng? Phải, như Serapis đã chỉ ra, bằng cách con bước vào xoắn ốc thăng thiên, là xoắn ốc nơi con không ngừng tự gia tốc bằng cách thăng vượt trạng thái hiện thời của con. Cho nên nếu con cho là con đã tìm được một chân lý tối thượng – dù là trong đạo Cơ đốc, đạo Phật, đạo Hồi hay một giáo lý của chân sư thăng thiên – thì con không đang gia tốc đâu.

Hiện tại con đang sử dụng một giáo lý công truyền để tạo ra một khung sườn, một cái hộp tư duy, hay một vũ khí để dùng chống lại người khác trong mong muốn ích kỷ tự nâng mình lên cao hơn người khác. Trên địa cầu, quá nhiều lần “sự thật” đã bị dùng làm một thứ vũ khí để bào chữa cho việc mình tấn công người khác. Nhưng con sẽ không tốt nghiệp được lớp mẫu giáo của tia sáng thứ năm cho đến khi con hoàn toàn bỏ được khuynh hướng sử dụng “sự thật” để hạ thấp người khác.   

Bởi vì thế nào là sự thật tối hậu? Đó là: mọi sự sống là một, và Thượng đế, Đấng Sáng tạo, muốn mọi sự sống tăng trưởng, vượt thăng lên và trở về trong duy nhất. Cho nên nếu con bị kẹt trong ý tưởng rằng trên địa cầu có một sự thật có thể được định nghĩa và đứng riêng rẽ khỏi mọi “sự thật” khác, thì con cũng bị kẹt trong tin tưởng rằng sự thật là tương đối. Con đã lấy một sự thật tương đối và đã nâng nó lên vào vị trí sự thật tuyệt đối. Nhưng sự thật tuyệt đối, tất nhiên, là Tánh linh của Thượng đế. Sự thật tuyệt đối là sự duy nhất của toàn bộ thế giới khác biệt. Cho nên nếu con lấy một thành phần và trao cho nó giá trị tuyệt đối thì trên căn bản, con đã hiểu lầm chính bản chất của thế giới khác biệt.   

Điều này chỉ có thể bắt nguồn từ tự ngã, nó chỉ có thể bắt nguồn từ tách biệt. Thật là không có cách giải thích nào khác cho dù người ta có thể nghĩ ra đủ mọi cách giải nghĩa hay minh chứng giả tạo nào đó.

Sự thật vượt ngoài ngôn ngữ

Có một điều nữa con cần nhận ra trên tia sáng thứ năm – hầu con có thể bước ra khỏi lớp học mẫu giáo của các nhóm thảo luận sơ khởi – là sự thật tối hậu không thể nói lên được bằng lời. Bởi vì ngôn từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, con luôn luôn có thể bẻ cong, vặn vẹo ngôn từ để chứng minh bất cứ điều gì con muốn chứng minh. Và đây chính là cuộc điểm đạo được minh hoạ qua câu chuyện của Eva và con rắn. Trong truyện, rắn cho Eva quả trái từ cây của hiểu biết thiện ác. Tất nhiên như ta đã có nói, đây là sự hiểu biết tương đối của hai đối cực nhị nguyên chỉ có thể hiện hữu trong mối quan hệ với nhau.   

Nói một cách tương đối, sự thật chỉ là sự thật khi nó đối lập với sai lầm hay giả trá. Đó là tại sao khi con bị kẹt ở mức tìm kiếm sự thật tối hậu và tưởng rằng mình đã tìm thấy sự thật tối hậu trên địa cầu, thì con sẽ rất dễ bị cám dỗ sử dụng nó để phán xét người khác, hoặc là để cố kiểm soát người khác, hoặc nếu họ không chịu để cho con kiểm soát thì con sẽ cố trừng phạt hay tiêu diệt họ.  

Đây là một khuôn nếp mà con thấy đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần khắp nơi trên thế giới. Con hãy nhìn các tổ chức tôn gíáo như đạo Cơ đốc và đạo Hồi gây ra bao cuộc chiến, hay hai thành phần của cùng một tôn giáo, Công giáo và Tin Lành, giao chiến với nhau vì cũng tranh chấp như vậy. Con hãy nhìn chủ nghĩa cộng sản tự xưng mình là chân lý tối hậu rồi tuyên chiến với mọi người, và họ không ngần ngại giết hại hàng triệu người để xác lập chân lý của mình là chân lý thống trị.  

Con thấy, con yêu dấu, sự thật tuyệt đối và sự thật thống trị không hẳn giống nhau. Nếu con cho rằng khi con còn hiện thân trên địa cầu, con đã tìm được một sự thật tuyệt đối có thể được định nghĩa như là một hệ thống trong thế gian này, thì con chỉ chứng tỏ là con chưa nắm được sự thật tuyệt đối là gì. Kỳ thực con không tìm kiếm một sự thật tuyệt đối mà chỉ tìm kiếm một sự thật thống trị hầu con sử dụng để áp chế người khác. Và đúng vậy, đây là sự tranh giành quyền lực mà con chứng kiến nơi quá nhiều phong trào tôn giáo và chính trị, thậm chí cả phong trào chủ nghĩa duy vật.

Con sẽ không lên cao hơn được lớp mẫu giáo của tia sáng thứ năm cho tới khi con thấy được sự phù phiếm của nỗ lực sử dụng một sự thật tương đối để làm vũ khí chống lại người khác. Và con thấy được điều này khi con hòa điệu vào chân lý tuyệt đối vượt khỏi mọi ngôn từ, chân lý tuyệt đối nơi sự sống là một và Thượng đế nâng cao tất cả.

Và con không thể tin vào lời gian trá bảo rằng con có thể làm công việc của Thượng đế mà lại hạ thấp một phần khác của sự sống. Con biết con chỉ làm được công việc của Thượng đế khi con cố nâng cao toàn thể, bởi thế cho nên rất có thể con sẽ thách thức nhưng con sẽ không bao giờ tìm cách hạ thấp người ta, bởi vì con nhận ra rằng như vậy con cũng đang hạ thấp toàn thể. mà toàn thể thì chẳng qua cũng là chính con, phần rộng lớn của con.  

Khúc rẽ

Và sẽ tới một điểm trong tiến trình của khóa tu của tia thứ năm khi các con nhận ra rằng sư tranh giành quyền lực để đạt được cái gọi là sự thật tối hậu, hoàn toàn vô ích. Lúc đó các con sẽ nói với ta: “Hilarion, chúng con đã thấy rồi, chúng con thấy được trong suốt bao nhiêu thời đại người ta đã đấu tranh như thế, chúng con cũng thấy được là chân lý tối hậu vượt khỏi tầm mức của trần thế và không thể diễn tả bằng ngôn từ, nhưng bây giờ chúng con làm gì đây?”

Và phương pháp ta chỉ cho các con luôn luôn giống như vậy. Tạm thời các con phải từ bỏ chính khái niệm sự thật. Con hãy lưu ý, ta không nói con phải bỏ sự thật, nhưng con phải bỏ cái khái niệm là có một sự thật là đối cực của sai lầm.

Ban đầu, điều này khiến cho các học viên vô cùng bối rối, bởi vì từ quá lâu các con đã phải không ngừng vươn lên tìm kiếm một sự thật khi con nỗ lực nâng mình lên qua bốn tia sáng đầu. Và các con nghĩ rằng tiến trình sẽ tiếp tục như thế, các con sẽ tìm kiếm sự hiểu biết ngày càng cao hơn sẽ có ngày đưa con đến chân lý tối hậu. Thế nhưng bây giờ ta lại nói với con: Con hãy từ bỏ cái ý tưởng là có một chân lý tối hậu.   

Và sau sự bối rối ban đầu, và đôi khi thậm chí cả sự phản đối, các con sẽ đạt tới một điểm khi con nói:”Được rồi, tôi không đồng ý với chân sư. Tôi không hiểu thày nói gì. Nhưng tôi cảm được thày nắm cái gì đó mà tôi không nắm được. Dù sao thì thày cũng là chân sư và tôi thì chẳng là gì. Cho nên chắc hẳn phải có gì đó trong những điều thày dạy. Hay là tôi cứ thử tạm thời để cho tâm mình hoàn toàn giải phóng khỏi quan niệm là mình phải lượng định mọi ý tưởng xem có đúng hay sai? Hay là tôi cứ để cho tâm mình thư giãn, bấp bênh một lát rồi xem chuyện gì xảy ra?”    

Ở ngay điểm này, học viên có khả năng bước ra khỏi cái tâm thức muốn thu hẹp sự thật trong một hệ thống nhị nguyên nơi sai và đúng đối chọi với nhau. Rồi con có khả năng chứng nghiệm Tánh linh của Sự thật. Và khi con chứng nghiệm điều này, bỗng nhiên con thấy: “À, có một sự thật, có một sự thật tối hậu, nhưng nó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình tướng, mọi sự khác biệt.”

Và con có thể thấy được điều ta vừa nói ở trên, rằng con không cần nhìn vào khác biệt và dùng sự xét đoán để nhận biết cái này đúng và mọi cái khác biệt đều sai. Bởi vì con thấy được mục đích của thế giới hình tướng là để năng cao toàn thể, và do đó, mọi cái gọi là sự thật được diễn tả trên địa cầu đều có tiềm năng nâng con người lên cao hơn.

Ngay cả một giáo lý cốt ý được thảo ra bởi những sinh thể đang tìm cách lừa dối nhân loại, ngay cả một giáo lý như thế cũng có thể được con sử dụng để con tự nâng mình lên cao hơn – khi con nhìn thấu được sự giả trá của tư tưởng và quan niệm, khi con nhìn thấy những tư tưởng này không bắt nguồn từ duy nhất mà từ tách biệt.

Mục đích thật sự của một giáo lý

Và như vậy các học viên bắt đầu có một cái nhìn về sự thật thực tế hơn – có thể nói là thực dụng hơn – khi các con nhận ra mục đích của bất cứ giáo lý nào, của bất cứ hệ thống tư tưởng nào, thật sự là để giúp mọi người thăng vượt trình độ tâm thức của mình. Và làm thế nào con thăng vượt được tâm thức của con?

Con làm vậy qua cách mà Serapis đã mô tả, qua đó con đang di chuyển vòng tròn theo một định hướng nào đó, thì bây giờ con biến di chuyển tròn thành một xoắn ốc đi lên. Và như vậy, mục đích của một hệ thống tư tưởng, như một tôn giáo hay một gíáo lý tâm linh, là gì? Mục đích là để giúp con tạo ra một cái đà chuyển động mà qua đó con bắt đầu chuyển vọt, chứ con không chỉ thờ ơ ngồi yên một chỗ và cứ tưởng rằng mình không có khả năng hiểu biết bất cứ gì.      

Con đang chuyển động, nhưng chừng nào con còn chuyển động trong cùng một hệ thống thì con chỉ có thể đi vòng tròn. Một khi con hé hiểu được điều này và nhận ra rằng giá trị thật sự của một giáo lý biểu hiện qua ngôn từ là để con thăng vượt ngôn từ, thì bỗng nhiên sẽ có một lực đẩy đi lên. Và như vậy, động lượng được hướng lên thành xoắn ốc, và nó đẩy con tiến lên cao hơn với tốc độ rất lớn.

Giê-su có nói, “Ta ước gì là con hoặc nóng hoặc lạnh,” bởi vì những ai nóng hay lạnh đều có một động lực, một động cơ. Động lực có thể nhắm sai hướng, nhưng con vẫn đang di chuyển. Nếu bỗng nhiên con có thể đột phá và thấy được nhu cầu phải lên cao hơn, phải thăng vượt giáo lý vỏ ngoài, thì lòng nhiệt thành của con có thể được chuyển thành một bước tiến về phía trước.

Nhưng tất nhiên, một cách khác cũng hiệu quả là con tìm con đường trung đạo, qua đó con có thể không mấy nhiệt huyết hay sôi nổi, nhưng con vẫn tiến bước đều đặn vì con không ngừng nỗ lực thăng vượt mức tâm thức hiện hữu của mình, và con nhận biết tất cả với tâm thuần khiết, với cái tâm “trẻ thơ”, với tâm tỉnh giác trần truồng.  

Các vị thày tâm linh chân chính

Và đây là lúc các học viên trên tia sáng thứ năm bắt đầu vượt qua cuộc điểm đạo. Các con bắt đầu thấy được rằng việc tìm cách thiết lập một chân lý hay một tôn giáo thống trị trên địa cầu thật là vô nghĩa. Các vị thày tâm linh chân chính là những vị cố giúp con thấy được là con sẽ không thăng tiến bằng cách tuân theo một hệ thống, mà con thăng tiến bằng cách thăng vượt hệ thống, bằng cách sử dụng hệ thống như một phương tiện để kích thích tâm trí hầu con vượt lên trên ngôn từ vỏ ngoài.

Rồi bỗng nhiên, con hé thấy cái viền trên vạt áo của Thượng đế. Con chiêm nghiệm Tánh linh Sự thật, nằm vượt khỏi mọi sự khác biệt và đồng thời lại hiện hữu cùng khắp qua các hình tướng khác biệt. Và lúc đó con nhận ra một nguyên tắc vĩnh cửu: Mục đích tối hậu là sự duy nhất.

Con không thể nhập vào duy nhất bằng cách chạy trốn khỏi một “vật” nào đó. Con có thể tin là có một ác quỷ sẽ kéo con xuống địa ngục.Nhưng nếu cuộc tìm kiếm tôn giáo hay tâm linh của con được thúc đẩy bởi mong muốn chạy trốn khỏi ác quỷ thì con sẽ không chạy về phía Thượng đế đâu – theo ý nghĩa vô hình tướng. Con sẽ chạy về phía một thượng đế giả hiệu, là hình ảnh của một thượng đế đối chọi với ác quỷ.

Và như vậy khi con nhận ra là con không còn chạy trốn nữa – bởi vì con không có nhu cầu chạy trốn bất cứ gì và thay vào đó con chạy về hướng sự duy nhất – thì con đã chuyển vọt được lực chuyển động của con. Bây giờ con đang đi đúng hướng.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là con có thể tiếp tục chạy về hướng duy nhất mãi mãi, bởi vì sẽ tới một điểm cao hơn khi con cần nhận ra là con sẽ không bao giờ bắt kịp được duy nhất. Làm sao con có thể chạy về hướng một cái gì hiện diện khắp mọi nơi? Nhưng đây là một cuộc điểm đạo mà con không thể thực hiện trên tia sáng thứ năm, mà phải dành lại cho các tia sáng cao hơn tại các khóa nhập thất của các tia này.

Cuộc khủng hoảng tâm lý-tâm linh

Và như vậy mục đích của ta ở đây là để chỉ cho con thấy cách hoàn thành cuộc điểm đạo của tia sáng thứ năm. Nhưng ta nói những điều này không chỉ cho riêng con. Ta muốn biểu đạt, và ta trụ neo ngọn lửa cùng ánh sáng ở đây, bởi vì đây cũng là điều mà cả xã hội Tây phương cần hiểu – nếu xã hội Tây phương muốn thực hiện những gì mà Serapis đã nói tới và bước lên mức cao hơn. Đơn giản, con cần phải vượt qua cái nhìn sai lạc cho rằng phải có một sự thật cao hơn, qua đó con luôn luôn đưa ra cảm tưởng là con cố giải quyết một vấn đề bằng cách khiến mọi người phải chấp nhận sự thật cao hơn đó.  

Nhưng con cũng cần đi xa hơn cách nhìn cho rằng xứ Hòa Lan này đã quá tiến bộ trong cách chính quyền điều hành quốc gia, đến độ các con phải ngừng tìm cầu một sự thật tôn giáo hay một sự thật ý thức hệ nào đó, và trở thành hoàn toàn thực dụng. Các con phải tìm được con đường trung đạo, là nhận ra mình cần nỗ lực gia tốc.

Và vì thế, đây không phải là chuyện tìm cầu một sự thật tôn giáo, mà tìm ra những nguyên tắc tự nhiên, phổ quát sẽ giúp mọi người thăng vượt tình trạng tâm thức hiện thời của họ, giúp họ xoay đổi đời họ để tiến về phía trước trong một xoắn ốc hướng thượng có hẳn mục tiêu lẫn phương hướng. Cần giúp họ hiểu cách làm sao tiến từng bước một, từng nấc một trên cái thang hình xoắn ốc dẫn họ đến mục tiêu, hầu họ không phải sống trọn đời một cách vô nghĩa và không làm sao khắc phục nổi các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay một tâm bệnh nào khác tuôn ra từ cảm giác vô dụng.   

Bởi vì làm sao con không cảm thấy vô dụng khi đời con không có ý nghĩa và chẳng có gì thực sự quan trọng? Tất nhiên là con sẽ cảm thấy mình vô dụng nếu con tin tưởng như thế và con đã được dạy dỗ như thế. Cho nên một xã hội tân tiến, một xã hội khai sáng, không thể nuôi nấng trẻ em mình với tư duy này. Đối với con em mình, phải có một giải pháp nào khác vượt lên trên tôn giáo truyền thống, vượt lên trên mọi chủ nghĩa chính trị, vượt lên trên chủ nghĩa duy vật, và đưa ra được trong tinh thần đại đồng đường hướng tiến hóa của sự sống cùng những phương pháp thực hiện thực tiễn.

Đây là thử thách mà phương Tây đang phải đối diện, hay đúng hơn đang không đối diện ngay bây giờ mà sẽ phải đối diện để thăng vượt không chỉ cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại mà thôi. Bởi vì ta nói với các con, cuộc khủng hoảng lớn nhất tại các nước Tây phương không phải là khủng hoảng tài chánh. Khủng hoảng lớn nhất tại Tây phương là khủng hoảng tâm lý-tâm linh. Và một ngày nào khi mọi người đã quên bẵng cuộc khủng hoảng tài chánh thì cuộc khủng hoảng tâm lý-tâm linh sẽ vẫn còn nguyên đây. Nó sẽ còn đó và sẽ tồi tệ hơn nữa, cho đến khi một sự chuyển vọt xảy ra trong cách người ta đặt vấn đề – không phải là câu hỏi “Sự thật là gì?” mà là “Cái tôi là gì?” – con người là gì, tôi là gì?

Tôi có chỉ là một sinh thể vật chất, chỉ là một người mang tội, hay tôi là nhiều hơn thế? Liệu tôi có tiềm năng là nhiều hơn thế không? Liệu xã hội chúng ta có tiềm năng là nhiều hơn một chính quyền phúc lợi tân tiến cứ tưởng là mình có thể ném tiền vào mọi vấn đề xã hội, tâm linh hay tâm lý – và chờ đợi vấn đề sẽ tự động giải quyết? Bởi vì người ta nghĩ một vấn đề tâm lý không khác gì một vấn đề trục trặc máy móc. Khi con có một vấn đề máy móc, con chỉ cần tìm ra bộ phận hư hỏng rồi thay thế bộ phận đó đi. Nhưng đó không phải là cách tâm lý vận hành.      

Bởi vì tâm lý của một con người không thể chia ra thành từng bộ phận nhỏ. Tâm lý là một toàn thể – đó chính là định nghĩa của một con người. Đó là một toàn thể, và nếu con nghĩ con có thể phân chia người đó ra thành từng mảnh nhỏ thì con sẽ không thễ chữa lành cái toàn thể. Con không thể chữa lành toàn thể bằng cách chữa lành một bộ phận hay cắt bỏ bộ phận đó đi. Con chỉ có thể chữa lành toàn thể bằng cách gia tốc toàn thể lên một tầng mức cao hơn.

Đó là nguyên lý phổ quát của tia sáng thứ năm, và đó cũng là tại sao chúng tôi cũng đã gọi tia này là tia của sự toàn vẹn. Bởi vì một khi con giải thoát tâm con khỏi nỗ lực tìm cầu một sự thật dựa trên phân biệt, thì tâm con sẽ tự do nắm lấy sự toàn vẹn đằng sau mọi xung đột, đằng sau những cặp đối nghịch nhị nguyên mà trước đó con nhìn thấy mà cứ tưởng là chỉ có thế. Trong tâm đó, thay vì con đi tìm sự thật, con lại tìm cách nâng cao một sự thật tương đối cho nó cao hơn mọi sự thật khác. Con cố biến một sự thật tương đối thành tuyệt đối, thay vì con thăng vượt cái tư duy đang nhìn vào sự thật tương đối rồi ngộ ra là sự thật, như một toàn thể, không có đối cực. Bởi vì con nhìn thấy toàn thể và chỉ muốn nâng cao toàn thể.  

Vậy đó là bài giảng của ta. Đó là ánh sáng mà ta đã trụ neo, là ngọn lửa fohat đã tắt, để cho ngôn từ được ánh sáng dẫn dắt vào tâm thức tập thể nơi nó sẽ đâm thủng các hàng rào mà mỗi người cũng như xã hội đã dựng lên chung quanh tâm mình hầu bác bỏ sự thật.

Phải, ta là Hilarion, ta sử dụng quyền của mình với tư cách là Thượng sư của Tia sáng Thứ năm, đại diện cho tất cả các thứ bậc trong tia thứ năm, tỏa chiếu ánh sáng của ta xuyên qua các thể vật lý của tất cả các con.

Và như vậy, ta nói: “Sự thật là gì?”

“Ta là sự thật!”

Và con cũng là sự thật – nếu con khám phá cái TA LÀ trong con là ai. Vậy con hãy khám phá cái TA LÀ này, và khám phá rằng cái TA LÀ trong con là thành phần của toàn thể cái TA LÀ, cái TA LÀ rộng lớn. Và vì vậy khi con biết được điều này, con sẽ cố nâng cao mỗi thành phần của toàn thể, vì đó là cách duy nhất nâng cao toàn thể. Và nâng cao toàn thể là cách duy nhất để nâng cao mỗi thành phần. Con không tự nâng mình lên như một thành phần riêng lẻ, một thành phần tách biệt. Con chỉ có thể tự nâng mình lên bằng cách nâng toàn thể, bằng cách là đầy tớ của tất cả.

ĐÂY LÀ SỰ THẬT – nếu sự thật có thể diễn tả bằng lời nói. Con có thể phủ nhận nếu con muốn, con có thể biện bác nếu con muốn, bởi vì con có quyền tự quyết, con có tự do trói con vào cái bánh quay triền miên đang cố nâng cao một sự thật tương đối thành tuyệt đối.

Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ thành, cho tới khi con nhận ra là sự nhiệt thành của mình có thể chuyển hóa thành cái xoắn ốc hướng thượng khi con từ bỏ mong muốn dựng lên một sự thật duy nhất, một sự thật được biểu lộ, làm sự cao hơn.

TA LÀ sự thật. Bởi vì ta, Hilarion, đã đến trong sự hợp nhất với Ki-tô, và do đó ta cũng là con đường, sự thật và sự sống. Thế là xong.