Tiềm thức là một đề tài vô cùng phức tạp, cho nên muốn hiểu hay muốn điều ngự tiềm thức không phải là chuyện đơn giản. Hiện có nhiều luận thuyết (trong các môn tâm lý, tự cải tiến hay tâm linh) đưa ra những phương thức giản tiện để giúp bạn vượt qua mọi khó khăn. Tuy nhiên một khi bạn tìm hiểu thêm về tiềm thức, bạn sẽ biết là không có cách giải quyết nhanh chóng. Nhưng bạn cũng sẽ nhìn ra là có một giải pháp dài hạn khả dĩ đưa đến thăng vượt.
Như đã có giải thích, tâm tiềm thức có bốn tầng lớp, tương ứng với bốn tầng bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý. Các tầng này hình thành một cấu trúc có trên có dưới, tức là không có gì ở tầng dưới (như trong tâm vật lý chẳng hạn) có thể đi ngược lại tầng trên (như tâm xúc cảm trong ví dụ này). Tại sao điểm này quan trọng? Xin thưa, nếu bạn muốn điều ngự đời mình, bạn cần chỉ đạo được tiềm thức, bởi vì đối với hầu hết mọi người, chính tiềm thức định đoạt cách bạn phản ứng trong phần lớn các tình huống. Và tiềm thức không là gì khác hơn một chiếc máy tính tinh vi.
Lập một chương trình máy tính
Hãy lấy một trải nghiệm thường tình nào đó. Nếu bạn lặp đi lặp lại trải nghiệm này, bạn sẽ tạo ra trong tiềm thức một “chương trình điện toán” có khả năng hoạt động mà không cần đến tâm ý thức của bạn góp phần vào. Lấy chuyện đi xe đạp chẳng hạn; một khi bạn đã tập được cách đạp xe, bạn sẽ không bao giờ quên nữa. Bạn có thể không đi xe hàng chục năm trời nhưng khi bạn ngồi lên yên xe trở lại, chương trình trong máy tính tiềm thức của bạn sẽ lập tức tiếp quản.
Điều quan trọng ở đây là nếu bạn gặp một tình huống nào đó nhiều lần, và nếu mỗi lần bạn có phản ứng giống nhau, máy tính của tiềm thức sẽ tạo ra một chương trình dựa trên giả thuyết là bạn sẽ luôn luôn muốn có cùng phản ứng đó trong một tình cảnh tương tự. Và một khi chương trình được thiết lập, nó sẽ nằm im trong tiềm thức, chờ dịp kích hoạt khi một tình huống thích hợp xảy ra. Và khi điều này xảy đến, chương trình liền đứng ra thay thế phản ứng của bạn, và nó sẽ làm hết sức để vô hiệu hóa ý chí có ý thức của bạn. Đây là lý do rất nhiều người cảm thấy bất lực khi muốn thay đổi một cách ý thức một số khuôn nếp phản xạ.
Vấn đề lớn là rất nhiều chương trình như thế đã được lập ra trong quá khứ, trong tiền kiếp hay vào thời thơ ấu. Hãy lấy ví dụ một chương trình khá phổ biến. Giả dụ khi còn nhỏ, bạn bị một khuôn mặt uy quyền như một phụ huynh hay một thày giáo mắng mỏ, nhục mạ. Bạn lập ra một chương trình trong tiềm thức để bạn chịu đựng mọi sự hành hạ mà không có lời biện bạch. Đây là một phản ứng bình thường đối với một đứa trẻ không có chọn lựa nào khác, vì nó không thể cãi lại hay bỏ đi nơi khác. Nhưng một khi chương trình đã đặt vào máy tính tiềm thức rồi, chương trình này sẽ ở lại đó suốt đời.
Cho nên khi bạn lớn lên, hoặc nhiều kiếp sau đó, bạn lại gặp một khuôn mặt uy quyền có thói hay mắng mỏ, chương trình tiềm thức được kích hoạt và bạn sẽ phản ứng y như khi chương trình được tạo ra lúc trước. Cái khác là bây giờ bạn đã trưởng thành và bạn có nhiều chọn lựa hơn khi còn nhỏ. Bạn có khả năng đáp lại hay bỏ đi nơi khác, nhưng không, trong chương trình không có những giải pháp này, và nó chỉ có thể lặp lại mãi mãi.
Lối thoát
Cách duy nhất bạn có thể thoát khỏi khuôn nếp là sử dụng tâm ý thức, và đây là chỗ mà nhiều người bị mắc bẫy khi họ dùng một cách thức không mấy hiệu nghiệm hoặc chỉ gây thêm vấn đề cho họ. Cách thức này là sử dụng ý chí có ý thức của mình để gạt bỏ lập trình của tiềm thức. Làm vậy có thể thành công nhưng bạn sẽ phải trả giá.
Hãy lấy một ví dụ cụ thể. Có anh kia mang sẵn một chương trình trong tiềm thức khiến anh luôn tin mình kém cỏi, và mỗi khi tình huống kích hoạt tin tưởng đó, cảm xúc lại đau nhói lên quá sức chịu đựng của anh. Vì anh tin anh không có cách nào trốn tránh nỗi đau, anh chỉ thấy một cách duy nhất để bớt đau là làm cho tâm mình tê dại. Anh nốc một ly rượu hay tìm một lối thoát tạm bợ nào khác, nhưng anh chỉ rơi thêm vào những tình huống khiến mình càng cảm thấy kém cỏi.
Rồi một ngày kia có điều gì đó khiến anh hiểu ra là anh không thể tiếp tục say rượu, và anh nhất quyết không uống nữa. Anh dùng sức mạnh ý chí có ý thức để tự cảnh giác mỗi khi thèm rượu, rồi anh bác bỏ và gạt đi cơn thèm. Lúc đầu, chiến lược này đòi hỏi một nỗ lực phi thường, nhưng sau một thời gian, nó trở nên dễ dàng hơn. Lý do là vì anh đã tạo ra một chương trình tiềm thức mới nhằm bãi bỏ chương trình cũ.
Vấn đề hiển nhiên là chương trình cũ vẫn nằm nguyên ở đó trong tâm tiềm thức của anh. Cái mới đã gạt bỏ được cái cũ trong một vài tình huống mà anh đã gặp, nhưng bất cứ lúc nào một tình huống mới có thể hiện ra khiến chương trình cũ lại hiệu nghiệm trở lại, gạt bỏ chương trình mới sang một bên. Nếu thế thì anh sẽ lại rơi vào thói cũ mà thôi.
Vậy có phương cách nào khác hay không? Thưa có, và đó là sử dụng khả năng của tâm ý thức để vén lên bức màn của tiềm thức và nhìn thẳng vào cái chương trình nguyên thủy đã khiến mình cảm thấy kém cỏi. Một khi thấy rõ nó là gì thì cũng thấy nó bắt nguồn từ một quyết định cụ thể. Và một khi thấy được quyết định này là sai lầm, anh ta có thể dùng khả năng của tâm ý thức để thay thế bằng một quyết định tốt đẹp hơn, và chương trình cũ tiêu tan.
Đây là một phương cách khả thi. Nói cho đúng, đó là phương cách khả thi duy nhất để tiến bước vững chãi trên con đường điều ngự bản thân – và cũng là nền tảng để điều ngự mọi hoàn cảnh trong thế giới vật chất. Chỉ có một vấn đề nhỏ là nó không nhanh chóng. Nó cần thời gian và nỗ lực, nhưng trên hết, nó cần mình phải sẵn sàng nhìn sâu vào tiềm thức và quyết định sáng suốt hơn.
Hiểu cách thăng vượt các chương trình tiềm thức
Bây giờ hãy trở lại trường hợp anh bạn nghiện rượu do mặc cảm tự ti. Uống rượu là một hành vi vật lý, được kích hoạt bởi một chương trình tiềm thức nơi tâm vật lý, khiến cho cơ thể thèm thuồng cảm giác tê dại do rượu đem lại. Và mặc dù cơn thèm có thể khó giải quyết hay đòi hỏi biện pháp vật lý, ở nguyên thủy nó được kích hoạt bởi một chương trình của tâm. Mỗi chương trình của tâm đều khởi nguồn từ một tin tưởng, cho nên cách hiệu nghiệm để đánh bại chương trình là khiến cho tin tưởng bước ra khỏi tiềm thức, lộ diện trong ý thức, rồi được thay đổi một cách ý thức.
Ở mức xác thân, có thể có những tin tưởng bảo rằng chuyện uống rượu để giải tỏa nỗi đau là chính đáng hay cần thiết. Nhưng sâu bên dưới là nỗi bất lực thoát khỏi nỗi đau tinh thần, cho nên chỉ có một cách là loại trừ mọi cảm giác. Một khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ thấy rõ chương trình này dựa trên tin tưởng là bạn không thể thoát khỏi nỗi xúc cảm đau đớn. Điều này phần nào không sai, bởi vì ở mức vật lý, bạn không thể giải quyết hay chấm dứt một xúc cảm đau đớn. Tuy nhiên, cái Ta Biết không phải lả tâm vật lý. Cái Ta Biết là cái gì nhiều hơn tâm vật lý.
Nhận ra điều này rồi, bạn có thể suy nghĩ rằng nếu nỗi đau khởi nguồn từ tầng cảm xúc, thì bạn có thể vén thêm tấm màn lên để nhìn vào cảm thể một cách ý thức. Nếu bạn giải quyết được vấn đề ở đó thì nỗi đau tinh thần sẽ không còn nữa, và bạn cũng không còn lý do gì làm tâm mình tê dại.
Tất nhiên, chiến lược này cũng có một nhược điểm, bởi vì khi bạn bắt đầu dùng ý thức nhìn vào cảm thể, bạn sẽ gặp tận mặt xúc cảm đau đớn nằm ở đó, và điều này có thể vừa đáng sợ vừa quá sức chịu đựng. Thật sự, nhiều người sẽ chỉ bước vào cảm thể bởi vì một nguyên cớ nào đó (như nghiện rượu chẳng hạn) đã gây ra quá nhiều nỗi đau tinh thần đến độ họ chấp nhận đau đớn ngắn hạn để thay đổi cuộc sống dài hạn.
Các dụng cụ thăng vượt còn cho bạn một chọn lựa khác. Như đã có giải thích, một chương trình của tiềm thức khởi nguồn từ một tin tưởng. Tin tưởng này giống như một hòn đá ném xuống dòng suối, rồi sỏi nhỏ lẫn bùn đất sẽ tụ lại chung quanh, khiến cho bạn nhìn từ hạ nguồn không thể thấy được hòn đá.
Tuy nhiên, “bùn đất” trong tâm chỉ đơn giản là năng lượng. Ở nguyên thủy, năng lượng này đến từ cái ta tâm linh, rồi bị hạ thấp độ rung, bị tha hóa, bởi những tin tưởng gây giới hạn. Khi bạn nhìn vào cảm thể, đầu tiên bạn sẽ gặp một đống năng lượng cảm xúc, khiến bạn bị choáng ngợp không thấy được tin tưởng sai lầm lẩn trốn đằng sau cái đống đó.
Các dụng cụ thăng vượt sẽ cho bạn khả năng nâng cao rung động của năng lượng qua sự chuyển hoá hay tái tạo phẩm chất. Và như thế, bạn sẽ có thể bước sâu vào cảm thể mà không còn cảm thấy đau đớn, hay bớt đau hơn, hầu phơi bày tin tưởng nằm bên dưới dễ dàng hơn.
Là người đã dùng thử cả những cách trị liệu truyền thống lẫn không truyền thống, tôi (Kim Michaels) có thể bảo đảm với bạn rằng các dụng cụ thăng vượt có khả năng cải thiện đáng kể mọi tu tập khác của bạn.
Nhưng trước khi bàn quá xa, hãy trở về với tiến trình trước mặt. Một khi bạn phơi bày một tin tưởng gây giới hạn nơi tâm cảm xúc, bạn sẽ thấy nó chỉ là kết quả của một xung lực đến từ tâm lý trí. Chẳng hạn, tâm cảm xúc có thể tin rằng trong một số tình huống, bạn thực sự kém cỏi và bạn không thể có phản ứng nào khác hơn là cảm thấy tự ty. Nhưng khi bạn xem xét tin tưởng này, bạn sẽ thấy nó đến từ niềm tin rằng bạn bị bế tắc, không có chọn lựa nào khác. Và khi bạn xem xét niềm tin này đến từ đâu, nó dẫn bạn vào tâm lý trí. Một lần nữa, bạn sẽ gặp một số năng lượng tha hóa, nhưng thay vì gây cho bạn đau đớn trong cảm xúc, nó sẽ chỉ khiến bạn nghi ngờ, bối rối. Và một lần nữa, năng lượng này có thể được giải thể bằng các dụng cụ thăng vượt.
Rồi bạn sẽ phơi bày ra những tin tưởng sâu thẳm hơn nơi tâm lý trí, thường thường liên quan tới một cách nhìn nào đó về thế giới. Trong thế giới quan này, bạn chia con người làm hai loại: những người bề trên (các khuôn mặt uy quyền) và những người bề dưới thấp kém, không làm sao ngoi lên khỏi vị thế hiện tại của mình.
Rồi bạn có thể tự hỏi niềm tin đó từ đâu đến, và nó sẽ dẫn bạn vào tầng bản sắc, là tầng sâu nhất của tâm phàm. Ở đây, rất có thể bạn sẽ phơi bày ra một niềm tin sâu hơn nữa, rằng trên căn bản bạn chỉ là một sinh thể hạn chế, bất lực. Bạn cũng có thể tìm thấy niềm tin rằng mình là một con người với tất cả những giới hạn của người phàm phu. Hoặc bạn có thể tìm ra niềm tin rằng bạn thuộc về một giai cấp sinh thể phải phục dịch cho một giai cấp cao hơn mình.
Một lần nữa, bạn sẽ đối mặt với những năng lượng vô cùng dày đặc, trọng trược, nhưng chúng cũng có thể được chuyển hóa. Một khi bạn chất vấn các niềm tin mà bạn gặp gỡ, bạn có thể nhận biết được mình là cái Ta Biết, là sự nối dài của Hiện diện TA LÀ của mình. Và thật là chuyện vô nghĩa nếu muốn đánh giá chính mình trên căn bản một thước đo nhị nguyên, tương đối, chia con người thành cao với thấp. Bạn là một sinh thể độc nhất, và khi bảo là độc nhất thì không thể đem ra so sánh. Bạn cũng có thể nhận biết mình là một sinh thể tâm linh mà không một giới hạn thế phàm nào có thể ảnh hưởng.
Hiển nhiên, nơi bốn tầng của tâm chứa đựng nhiều tin tưởng sai lạc, được vun bồi suốt nhiều kiếp đầu thai. Bạn cũng sẽ phải đối mặt với tâm thức tập thể, cũng được bồi đắp từ rất lâu. Mặc dầu vậy, với kiên trì và bằng cách sử dụng mọi phương tiện sẵn có (như các kỹ thuật trị liệu và tự lực bổ sung cho các dụng cụ thăng vượt) bạn có thể tiến bước. Khi nghĩ rằng các tin tưởng tiềm thức đã mất bao nhiêu kiếp để tạo dựng, thật là điều đáng kinh ngạc khi bạn có khả năng vượt qua tất cả chỉ trong một kiếp – nếu bạn thực sự chuyên cần.
Tự ngã gây rối như thế nào
Bạn nên biết là tự ngã sẽ khiến cho tiến trình trên phức tạp hơn nếu bạn không hiểu rõ tự ngã vận hành thế nào. Vấn đề căn bản là tự ngã sẽ chỉ sai khiến được bạn khi nó có thể ẩn núp khỏi tầm nhận biết ý thức của bạn. Và nơi nào là nơi tốt nhất để nó lẩn trốn? Trong tâm tiềm thức, dĩ nhiên. Và điều này có nghĩa, tự ngã sẽ mong muốn tiềm thức tiếp tục tiềm ẩn như cũ.
Có một bài giảng quan trọng nơi Giê-su giải thích cách tự ngã giành lấy quyền quyết định của bạn, nhưng vẫn có một số quyết định mà chỉ có bạn mới có thể lấy được. Bạn cần ghi nhớ điều này, vì cách duy nhất để vô hiệu hóa tự ngã là hiểu rằng trong quá khứ, bạn đã từng quyết định rằng có những quyết định bạn không muốn lấy, và vì vậy bạn đã cho phép tự ngã quyết định dùm bạn. Thậm chí bạn đã tạo ra tự ngã để nó làm chuyện đó.
Cách duy nhất để bạn phá vỡ sự kềm kẹp của tự ngã là quyết định một cách ý thức là bạn sẵn sàng lấy những quyết định đó. Ấy nhưng khi ở khởi đầu bạn quyết định từ chối quyết định, bạn tưởng rằng mình không có chọn lựa nào tốt cả, và cũng không có chọn lựa nào mà không đem lại cảm xúc tiêu cực. Khi sử dụng các dụng cụ thăng vượt ở đây, bạn có khả năng vô hiệu hóa năng lượng cảm xúc, và vì thế khi bạn hòa điệu với chân ngã, bạn có thể nhìn thấy nhiều chọn lựa khác hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu ra rằng mình luôn luôn có giải pháp giúp mình tăng trưởng.
Tâm xác thịt
Để vẽ ra toàn bộ bức tranh của tâm tiềm thức, chúng ta cần xét đến bộ phận mà các chân sư gọi là tâm xác thịt. Ngay trong tên gọi cũng đã hàm ý một tầng trong tâm liên quan đến các chức năng của cơ thể vật lý. Chẳng hạn, bạn không cần dùng đến ý thức để bảo tim đập hay tế bào sản xuất protein. Bạn thử tưởng tượng, nếu phải ý thức từng hoạt động của hàng tỷ tế bào và phải ra lệnh cho chúng hoạt động, thì có lẽ bạn sẽ không còn sức chú tâm ý thức nào để làm bất cứ việc gì khác, chứ đừng nói tới chuyện vui hưởng cuộc đời.
Một phần nào đó, tâm xác thịt chỉ đơn giản là một máy siêu điện toán điều khiển các chức năng của một cơ thể cực kỳ phức tạp được Tánh linh sử dụng như phương tiện biểu hiện trong thế giới vật chất. Vấn đề hiện ra khi chiếc siêu máy tính đó xử sự như một sinh vật riêng rẽ, tựa như trong sách truyện khoa học viễn tưởng.
Nghĩa là điểm mấu chốt là như sau: Bộ não xác thịt là một máy tính nhằm giúp bạn sử dụng cơ thể vật lý, nhưng nếu bạn không để ý – và tất nhiên không ai trong chúng ta đã được dạy dỗ điều này – kẻ phục dịch có thể trở thành chủ nhân. Và nhất định chuyện này sẽ ngăn cản bạn tăng trưởng tâm linh.
Trong nhiều tôn giáo và ngay cả một số giáo lý tâm linh, cơ thể vật lý được mô tả là xấu xa, hay ít nhất cũng là kẻ thù của sự tinh tấn tâm linh. Các chân sư không hề dạy như vậy. Các thày dạy rằng cơ thể vật lý là phương tiện cho chúng ta tinh tấn tâm linh, và như thế chúng ta cần tôn trọng và chăm sóc nó. Song song, chúng ta cũng không được cho phép cơ thể cùng những ham muốn của nó điều khiển đời sống mình.
Chúng ta sẽ làm được điều này nếu nhận thức chiếc máy tính điều hành cơ thể thật ra không biết suy nghĩ. Nó đơn giản chỉ biết thi hành các chương trình, và nó sẽ tiếp tục chạy mãi cho đến khi tâm ý thức chúng ta đặt ra những lằn ranh. Cơ thể có một số nhu cầu căn bản, và bộ não xác thịt sẽ tìm cách đáp ứng các nhu cầu đó mà không cần cân nhắc các vấn đề nhân đạo hay tinh thần.
Ví dụ, một nhu cầu căn bản của cơ thể là sự an toàn, và đối với tâm xác thít, không có gì sai trái nếu bạn ra tay giết người, hoặc bạn vô hiệu hóa một mối đe dọa nào đó, kể cả khi đó là một người. Một số nhà độc tài hay trùm ăn cướp có thể sát hại bừa bãi bất cứ ai họ coi là đe dọa mà không cần nghĩ xem đe dọa đó có hợp lý hay không. Lý do là vì những người như vậy đã cho phép bộ não xác thịt chiếm lấy đời họ – ít ra là ở khía cạnh này.
Một ví dụ khác là thức ăn. Tâm xác thịt sẽ ăn bất cứ gì có sẵn mà nó thích, và nó sẽ ăn nhiều tối đa. Nó không biết tự hạn chế, và đây là trường hợp những người ăn quá mức hoặc ăn những thức độc hại chỉ vì họ bị sai khiến bởi tâm xác thịt.
Một ví dụ nữa là nhu cầu sinh sản truyền giống. Tâm xác thịt không có giới hạn nào về tình dục, và không những thế, nó còn được lập trình để tìm kiếm tình dục tối đa với càng nhiều người càng tốt. Một số người tự xem mình là sành điệu khi họ cố tình đi ra ngoài chuẩn mực một người phối ngẫu duy nhất, nhưng khi làm vậy, họ không biết rằng họ đang bị tâm xác thịt điều khiển.
Vậy làm thế nào tránh được tâm xác thịt cai quản đời mình đây? Điều này là một phần tự nhiên trong tiến trình bước vào tâm tiềm thức. Tâm xác thịt đúng ra phải là kẻ phục dịch cho bạn, có nghĩa bạn là người định ra các ranh giới nơi nó được phép sinh hoạt tình dục chẳng hạn. Thế nhưng ở một thời điểm trong quá khứ, một số người đã quyết định họ không muốn lấy quyết định ý thức về chuyện này, và như thế họ đã để yên cho tâm xác thịt thay thế họ điều khiển cơ thể. Đứng đằng sau quyết định buông xuôi này là một niềm tin tưởng. Một khi bạn phơi bày tin tưởng đó ra, bạn sẽ lấy lại chủ quyền khỏi sự chi phối của tâm xác thịt và các lằn ranh ý thức của bạn sẽ được tái thiết lập.