Giáo lý nền tảng về Tình thương Thiêng liêng, đối chiếu với tình yêu người phàm

Hỏi: Thày Giê-su yêu dấu, chúng con đã nhận được nhiều lời dạy về các đức tính của Thượng đế, cho dù đó là Cha, Mẹ, Minh triết hay Tình thương. Nhưng con thường nghe bạn bè bảo rằng Tình thương là đức tính cao nhất và cũng là điều duy nhất mà con người cần đến. Tình thương có thật sự là đủ để đạt được quả vị Ki-tô và quả vị Phật hay không? Hay có một đức tính cơ bản hơn nữa của Thượng đế – như sự Tự thăng vượt – mà Tình thương chỉ là một phần bổ sung?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 14/11/2012.

Một câu hỏi rất hay – và con đang đi đúng hướng khi con nhắc tới đặc tính tự thăng vượt. Tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào cách con sử dụng ngôn từ. Con thấy không, từ một góc độ nào đó, con có thể bảo tình thương là phẩm cách cốt lõi của đường tu tâm linh, nhưng điều này chỉ đúng nếu con hiểu sự khác biệt giữa tình yêu của người phàm và Tình thương Thiêng liêng, hay Siêu việt.

Phẩm chất thiết yếu của Tình thương Thiêng liêng chính LÀ sự tự thăng vượt – động lực để LÀ HƠN NỮA. Chính phẩm chất này đã là động lực cho Đấng Sáng tạo sáng tạo, hầu ngài trở thành nhiều hơn chính ngài bằng cách tự biểu hiện trong hình tướng cũng như trong hình tướng của các sinh thể đồng sáng tạo có tự nhận biết. Cho nên nếu không có dạng tình thương này thì sẽ không có gì được sinh tạo. Và con cũng có thể nói, chìa khóa chủ yếu để đạt quả vị Ki-tô và quả vị Phật cũng chính là Tình thương Thiêng liêng này, và con chỉ có thể đạt được nó bằng cách trở thành một với dòng chảy của tình thương, Dòng sông sự Sống.

Ngược lại, tình yêu con người, tình yêu phàm phu là loại tình yêu sở hữu. Nó tập trung vào một đối tượng yêu thương và nó muốn chiếm giữ đối tượng đó. Để thực hiện điều đó, nó tìm cách kiểm soát, và điều này chỉ có thể xảy ra bằng cách ngừng tự thăng vượt và do đó bước ra ngoài Dòng sông sự Sống. Tình yêu phàm phu mang kỳ vọng, thậm chí nó còn đòi hỏi là đối tượng phải đón nhận nó, và nó cũng đòi hỏi một sự hồi đáp. Nó chỉ biểu lộ được khi nào một số điều kiện được hội đủ, và điều này chứng tỏ là nó không tự đủ, nó không tồn tại được một mình. Bất cứ gì mà không tự đủ thì sẽ không Thiêng liêng mà khởi lên từ tâm thức tách biệt và thiếu thốn.

Tình thương Thiêng liêng không cần đến đối tượng nào mà được biểu lộ cho mọi sự sống, giống như mặt trời tỏa sáng ra cho tất cả. Nó không cần sở hữu một đối tượng nào và nó luôn luôn tuôn chảy, nó tự biểu lộ một cách hoàn toàn vô điều kiện và trong bất kể điều kiện nào. Nó bằng lòng tự biểu lộ mà không đòi hỏi hay chờ đợi bất cứ sự hồi đáp nào, ngay cả sự đón nhận nào. Nó nhận được niềm vui từ việc nó tuôn chảy, niềm vui từ việc nó là cái nó là.

Điều ta muốn nói là nếu con nỗ lực làm cánh cửa mở cho Tình thương Thiêng liêng – và chân thành cố gắng thăng vượt mọi sự biểu lộ phàm phu của cái gọi là tình yêu – thì quả thực con có khả năng đạt đến quả vị Ki-tô và quả vị Phật. Tuy nhiên, con cũng cần nhận ra là Tình thương Thiêng liêng có rất nhiều cách biểu lộ, nhiều cách thể hiện, và để có được Tình thương Thiêng liêng, con phải điều ngự những cách đó và đạt được khả năng biểu lộ chúng.

Hãy để ta nhắc cho con bốn phẩm cách cơ bản của Tình thương Thiêng liêng. Như Mẹ Mary có giải thích, mọi thứ được sinh tạo do sự tương tác giữa hai lực lan ra và co lại. Tuy nhiên để tạo vật được bền vững, phải có sự cân bằng giữa hai lực đó, và chính tâm Ki-tô là chìa khóa cho thế cân bằng này. Khi có cân bằng, tình thương sẽ tuôn chảy từ Cha xuyên qua Thánh linh và áp chồng niệm tinh khôi lên Ánh sáng Mẹ. Cũng vì vậy mà con có truyền thống ba ngôi trong đạo Cơ đốc – Cha, Con và Thánh linh – với sự bổ sung của Mẹ Thiêng liêng. Mỗi ngôi như vậy biểu tượng cho một phẩm cách của Tình thương Thiêng liêng:

  • Cha tượng trưng cho Tình thương Thiêng liêng biểu hiện như quyền năng hay ý chí.
  • Con tượng trưng cho Tình thương Thiêng liêng biểu hiện như minh triết hay quân bình.
  • Thánh linh tượng trưng cho Tình thương Thiêng liêng biểu hiện như tình thương, nhưng một tình thương tự thăng vượt, giải thoát sự sống khỏi mọi ràng buộc.
  • Mẹ tượng trưng cho Tình thương Thiêng liêng biểu hiện như sự thanh tịnh trinh nguyên, hay niệm tinh khôi.

Bốn phẩm cách này tương ứng với những lời dạy của các chân sư về ngọn lửa ba nhánh. Như Mẹ Mary có giải thích, năng lượng từ Hiện điện TA LÀ của con đi xuống trước tiên vào Căn phòng Mật thất của tim con nằm sau luân xa tim. Nó đi xuống dưới dạng ánh sáng thuần khiết được biểu tượng qua màu trắng, tương ứng với Mẹ và Trinh nguyên Thượng đế. Sau đó nó chia làm ba chùm lửa tâm linh, gọi là ngọn lửa ba nhánh. Một nhánh màu xanh, tượng trưng cho Cha và Quyền năng Thượng đế. Một nhánh màu hoàng kim, tượng trưng cho Con và Minh triết Thượng đế. Và nhánh thứ ba màu hồng, tượng trưng cho Thánh linh và Tình thương Thượng đế.

Điểm quan trọng là kích cỡ của ngọn lửa ba nhánh của con sẽ định đoạt khả năng sáng tạo của con – nó định đoạt bao nhiêu ánh sáng có thể chảy xuống từ Hiện diện TA LÀ vào bốn thể phàm. Nếu một trong bốn khía cạnh của ngọn lửa nơi tim trở nên mất cân bằng, con sẽ có xu hướng dùng sai khả năng sáng tạo của mình, và điều này sẽ giảm kích cỡ của ngọn lửa ba nhánh, tức là giảm kích thước của ống dẫn mà ánh sáng phải đi qua. Vì vậy, con sẽ nhận được ít ánh sáng sáng tạo hơn, và điều này sẽ kéo thấp tâm thức con xuống và hướng sự chú ý xa khỏi cái ta cao hơn của con.

Cách duy nhất để lật ngược xu hướng này và thực sự tăng triển tâm linh là tạo quân bình trong ngọn lửa ba nhánh để cả bốn khía cạnh của nó tuyệt đối hài hòa, nghĩa là chúng sẽ biểu hiện Tình thương Thiêng liêng trong thị hiện thay vì thị hiện sự mất cân bằng qua quyền năng phàm phu, khôn ngoan phàm phu, tình yêu phàm phu hay cái mà con người phàm phu định nghĩa là thanh khiết. Điều này chỉ thực hiện được bằng cách đạt tới phân biện Ki-tô, tức chìa khóa hiểu biết đâu là sự biểu hiện cân bằng, đâu là sự biều hiện mất cân bằng của bốn phẩm cách vừa kể. Đó là tại sao ta thường hay nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng trên trang mạng này.

Một khi con đã cân bằng ngọn lửa ba nhánh của con, con có thể bắt đầu cố gắng đạt cân bằng trên mỗi tia sáng trong số bảy tia sáng tâm linh cấu tạo vũ trụ vật chất. Mỗi tia sáng tương ứng với một trong bảy luân xa chính, và các tia sáng được liệt ra như sau:

  • Tia thứ nhất: quyền năng và ý chí Thượng đế.
  • Tia thứ hai: minh triết và cân bằng Thượng đế.
  • Tia thứ ba: tình thương và sự hiến tặng vô vị lợi của Thượng đế.
  • Tia thứ tư: thuần khiết và hợp nhất với mục địch cùng định luật cao hơn của Thượng đế.
  • Tia thứ năm: sự thật và khả năng chữa lành của Thượng đế, phục hồi cho tất cả trở về niệm tinh khôi.
  • Tia thứ sáu: phụng sự và sáng tạo vô vị lợi của Thượng đế.
  • Tia thứ bảy: tự do và độc lập của Thượng đế.

Chìa khoá để điều phục mỗi tia sáng là trở thành một với Dòng sông sự Sống, hầu Tình thương Thiêng liêng có thể tự biểu lộ qua mỗi luân xa của con theo nhu cầu. Và như vậy con đạt được sự điều ngự cả bảy tia sáng – một giai đọan chủ yếu trong quả vị Ki-tô.

Con đã nhận xét khá đúng về nhiều người tầm đạo thời nay, là họ không nhận ra bản chất cùng các phẩm chất của Tình thương Thiêng liêng. Cho nên họ đã nhầm lẫn nghĩ rằng họ chỉ cần tình yêu mà thôi, nhưng họ không thấy điều họ cần là Tình thương Thiêng liêng trong đủ cả bảy cách biểu hiện chính yếu của nó. Thay vào đó, họ tìm cách biểu lộ tình yêu của người phàm, thường được ngụy trang là tình thương tâm linh.

Về điểm này, ta cần chỉ ra cho con là thập niên 1960 được nhiều người tâm linh xem là thập niên quyết định, đánh dấu một bước ngoặt trong bước tiến hóa tâm linh của nhân loại. Điểm này có chút sự thật trong đó, nhưng không nhiều như người ta thường nghĩ. Thực tế là trong thập niên 1960, một số năng lượng và lời dạy tâm linh đã được truyền rải vào bốn thể phàm của năng trường trái đất cũng như vào tâm thức tập thể của nhân loại. Các năng lượng và lời dạy này nhằm giúp con người khắc phục các điểm nghẽn trong dòng chảy của Tình thương Thiêng liêng, và quả thực, tiềm năng vào lúc đó rất lớn.

Tiếc thay, như xảy ra quá thường trên trái đất, tiềm năng cao nhất đó đã không thành hình. Lý do là vì tất cả các thày giả trên hành tinh đã nỗ lực chống lại sự truyền rải của các chân sư, và do khuynh hướng của tự ngã con người, các thày giả đã tương đối thành công. Quả là đã có nhiều người nhạy cảm được các năng lượng mới đánh thức dậy, nhưng thế rồi họ lại bị các thày giả cùng tự ngã của họ đánh lừa, khiến họ biểu lộ tình thương dưới dạng tình yêu phàm phu, thay vì thăng vượt trạng thái tâm thức cũ để biểu hiện Tình thương Thiêng liêng.

Chẳng hạn, một điểm tắc nghẽn đã cản trở dòng chảy tự do của Tình thương Thiêng liêng là khi con người không sẵn sàng biểu lộ tình cảm của mình cho nhau, mà một cách biểu hiện là thái độ dồn nén của nhiều người không chịu bày tỏ tình thương của mình qua thân thể vật lý, từ việc ôm ấp cho đến tình dục. Các thày giả đã thành công biến nhiều người thức tỉnh đó thành những kẻ nổi loạn chống lại các chuẩn mực tình dục của xã hội – một sự nổi loạn thật vô nghĩa – để họ tưởng rằng muốn biểu lộ tình thương nhiều hơn thì họ phải tình dục tự do. Thế là tự ngã con người – vốn không bao giờ thấy đủ khi nó tìm cầu bất kỳ loại khoái cảm nào của thế gian – trở thành một đồng minh đưa đẩy nhiều người tâm linh vào con đường quanh co của phong trào “tình yêu tự do”, thay vì bước vào phong trào giải phóng tình yêu để nó thăng vượt tình dục phàm phu.

Một ví dụ điển hình cho sự thể này là bài hát nổi tiếng của ban nhạc The Beatles với điệp khúc “Tất cả điều bạn cần là tình yêu, tình yêu là tất cả điều bạn cần.” Thật ra bài hát này được thiết kế – không phải một cách ý thức bởi người viết nhạc, mà bởi một thày giả đã phóng nó ra từ một cõi thấp – để cài đặt một cái móc tâm lý vào tâm thức mọi người. Cùng với nhiều ca khúc khác của The Beatles và các ban nhạc khác, cái móc này đã đẩy nhiều người tâm linh chân thành vào con đường lòng vòng khi họ nổi loạn chống lại xã hội, hay họ rút ra khỏi xã hội qua việc sử dụng ma túy, tình dục vô độ, nhạc rock và lối sống lập dị – thay vì thay đổi trong nội tâm để giúp xã hội thăng vượt đi lên.

Và như vậy, tiềm năng của thập niên 1960 đã không thành hình và một phần của tiềm năng đó vẫn chưa thành hình cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên trong những năm sau đó, tình trạng này đã được sửa chữa phần nào nhờ sự xuất hiện của một nhóm người tầm đạo tâm linh trưởng thành hơn với khả năng phân biện Ki-tô sâu sắc hơn.

Tiếc thay, nhiều người tâm linh ngày nay vẫn tin rằng tất cả những gì mà họ cần để tăng triển tâm linh là biểu lộ tình yêu, nhưng họ lại định nghĩa tình yêu này theo cách người phàm. Thường thường đó là một dạng tình yêu nhu mì, dịu dàng và hiền từ không bao giờ thách thức một ai, và do đó cũng không thể giải thoát được một ai khỏi dây buộc của tự ngã. Như ta vừa giải thích, nếu con muốn tăng triển tâm linh đích thực, trước tiên con phải điều ngự – và phải làm cánh cửa mở để biểu hiện – bốn phẩm chất cơ bản, rồi sau đó bảy phẩm chất của Tình thương Thiêng liêng trong tất cả mọi cách biểu hiện của nó. Quả thực đây mới là tất cả những gì con cần.

Tình yêu phàm phu sẽ không đưa con tới đâu, cho dù có biết bao người đã tự lừa dối mình rằng tình yêu phàm phu sẽ dẫn họ lên thiên đàng hay một trạng thái tâm thức cao vời vợi. Một lần nữa, đây là một mưu toan có chủ ý làm chậm bước cuộc đột phá có tiềm năng xảy ra trong thời đại này. Để tránh không lại bị lầm lẫn bước vào con đường lòng vòng của tình yêu phàm phu, con cần hiểu tự ngã của con đang tìm cách đánh lừa con như thế nào. Con hãy khởi sự bằng cách hiểu tư duy xám (gray thinking) của tự ngã là thế nào, xong con hãy tìm hiểu tất cả các bài giảng của ta về tự ngã. Nếu con không vươn lên khỏi tình yêu của tự ngã – là tình yêu đặt mình ở trung tâm, mặc dù nó ngụy trang rất giỏi – thì con sẽ không có hy vọng bước vào dòng chảy của Tình thương Thiêng liêng.

Như ta đã cố gắng giải thích khắp trang mạng này, tâm thức Ki-tô không phải là một lực thụ động sẽ bỏ con lại trong một trạng thái giới hạn. Đó là một lực chủ động, tích cực, xông vào trong thế gian, gặp gỡ mọi người ở ngay đó, và nếu cần, nó sẽ thách thức ảo tưởng của họ để trao cho họ một sự chọn lựa – là hoặc đi theo Ki-tô Hằng sống, hoặc cứ tiếp tục đi theo phản-Ki-tô. Đây là một chọn lựa mà họ sẽ không có cho đến khi họ gặp được Ki-tô Hằng sống hay Sự Thật của Ki-tô. Cho nên Tình thương Thiêng liêng không chấp nhận để cho một điều kiện nào ngăn chặn dòng chảy của nó, và nó tìm cách giúp mọi người vượt qua mọi điều kiện của họ. Tuy nhiên, tình thương vô điều kiện cũng không dính mắc với cách phản ứng của con người, cho nên nó sẽ thách thức rồi để cho họ tự do quyết định, ngược hẳn với tình yêu phàm phu cần phải kiểm soát.

Cách hay nhất để khắc phục các điểm nghẽn cho Tình thương Thiêng liêng là sử dụng các bài nguyện của Mẹ Mary. Tất cả những bài đó sẽ tháo gỡ những điểm đang ngăn chặn tình thương, nhưng ta đặc biệt khuyên con nên dùng bài Thỉnh thanh tẩy trái tim và bài Thỉnh thương yêu chính mình.

Để điều ngư tình thương trên bảy tia sáng, con phải quán chiếu đặc tính của mỗi tia sáng và làm việc với vị chân sư trong mỗi tia. Cách hay nhất để làm điều này là sử dụng các bài chú cho bảy tia sáng.