3 | Khắc phục nỗi sợ sai trái

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 19/5/2018 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

Thày là chân sư thăng thiên Mẹ Mary, và thày muốn xây đắp thêm trên nền tảng những lời dạy của bài giảng vừa rồi. Thày đã xin con thử hình dung là con được nâng lên tới tầng mức của thày và nhìn xuống địa cầu, nhìn vào tất cả mọi nhóm người và thấy họ đều mang một trạng thái tâm thức nào đó. Họ đều có một số điểm tắc nghẽn trong bốn thể phàm khiến các thày khó lòng đưa ra một thông điệp chạm được tâm ý thức của họ. Thày cũng đã xin con nhìn vào bản thân con cũng như cách con đã lập ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình từ một trạng thái tâm thức cao hơn tâm thức con mang lúc con bước vào kiếp đầu thai này. Điều thày muốn trình bày tiếp ở đây là trong công việc mà các thày đang làm có một nỗi khó khăn cơ bản, theo nghĩa là khi giảng dạy về cách phát hiện và thực hiện Sứ vụ Thiêng liêng, hiển nhiên các thày phải trình bày một cách tổng quát để lời dạy có thể áp dụng cho nhiều người khác nhau.

Con phải công nhận là khi con lập ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình, đó là một tiến trình hoàn toàn cá nhân. Con gặp gỡ các chân sư cùng các vị hướng dẫn thăng thiên của con và chúng ta cùng nhìn vào dòng sống của con. Chúng ta nhìn vào những dòng sống khác mà con có mối liên hệ, qua nghiệp quả hay những loại liên hệ nào khác, và chúng ta thiết lập một kế hoạch cá nhân cho con. Lẽ tự nhiên trong một bài giảng như thế này, các thày không thể trình bày cho mỗi con Sứ vụ riêng của từng người. Điều con cần làm là sử dụng lời dạy tổng quát để khám phá ra Sứ vụ cá nhân của mình – và con sẽ làm thế nào đây?

Con yêu dấu, con chỉ có thể làm được từ bên trong. Thày cũng biết trên thế giới có rất, rất nhiều người tâm linh chân thành muốn biết mục đích đời mình là gì, cho dù con gọi đó là Sứ vụ Thiêng liêng hay một cái tên nào khác. Có lẽ chính con cũng đã làm chuyện này, hay con biết có ai đã tìm đến các nhà thần thông đủ loại, từ đồng bóng, nhà chiêm tinh cho đến người đọc sấm và thày bói tarot… bất kể, để xin họ ban cho con những lời chỉ dẫn mà con xem – nếu có thể nói như vậy – là lời chỉ dẫn không thể nhầm lẫn đối với tâm vỏ ngoài của con, theo nghĩa là con có thể nghe được bằng tai. Con yêu dấu, dựa theo đó thì con có thể nói: “À bây giờ chúng ta đã có một sứ giả do các thày bảo trợ, tại sao chúng ta không chỉ yêu cầu vị sứ giả truyền đọc dùm từ các chân sư thăng thiên và nói cho mỗi người biết về Sứ vụ Thiêng liêng của chúng ta, mỗi người 10 hay 15 phút gì đó?”

Ngoài vấn đề thời gian giới hạn, trên lý thuyết thì chuyện này có thể làm được. Các thày sẽ cho phép con đặt câu hỏi và các thày sẽ trả lời, và tiện thể các thày có thể đọc những lời tiên tri loại đó cho cá nhân từng người. Con yêu dấu, con hiểu là nếu các thày làm chuyện này thì thật sự nó sẽ phần nào đánh bại mục đích của Sứ vụ Thiêng liêng của con chứ? Vì lý do đó, các thày không khuyến khích là một khi con đã đến tầng mức này của đường tu tâm linh, con lại tìm đến bất cứ ai để xin họ nói cho con biết con cần phải làm gì, con là ai, con phải hành xử ra sao, đâu là Sứ vụ Thiêng liêng và mục đích của con, các tiền kiếp của con là gì hay điều này điều nọ. Những thứ đó thuộc về một mức tâm linh khác.

Thày không chỉ trích bất cứ ai làm chuyện đó, nhưng thày muốn chỉ ra cho con thấy rằng giáo lý mà thày trao truyền ở đây không nhắm vào mức tâm linh đó. Chúng ta có thể gọi đó là tầng mức của những người tìm cầu một sự kích động, một loại hào hứng vượt ra ngoài cuộc sống thường nhật, gần như là một loại giải trí vậy. Chúng ta có thể gọi đó là “tâm linh tiêu khiển”, nhưng các thày không muốn tỏ vẻ tiêu cực hay phê phán vì mỗi người phải đi theo con đường mà mình cần đi. Mong rằng, lần hồi, họ sẽ nâng cao tâm thức của họ. Điều thày muốn chỉ ra cho con là đối với các con đã mở tâm ra với lời dạy này, thì các con đã nâng tâm thức mình vượt khỏi tầng mức cần đến những thứ đó. Cho nên con cần nhìn nhận một điều thật đơn giản. Như thày đã nói tối qua, con đã bước vào kiếp sống hiện tại ở một tầng tâm thức nào đó. Đúng, thày đã cảnh báo là con không được quá dính mắc với tâm đường thẳng, nhưng tất nhiên các thày cũng đã cho con một lời dạy đường thẳng là trên địa cầu có thể có 144 tầng tâm thức.

3.1. Xoay chuyển tâm thức có nghĩa là gì

Để làm ví du, chúng ta thử lấy một người bước vào hiện thân ở tầng 67, và người đó có tiềm năng chứng được tầng 120 trong kiếp này. Điều này có vẻ như một bước nhảy rất lớn trong tâm thức, nhưng đối với rất nhiều các con đang ở mức này của đường tu tâm linh, đó thật không là một bước nhảy lớn lắm. Một số các con có thể đã đi vào hiện thân ở gần tầng 96 và thật sự có tiềm năng đạt đến tầng 144 trong kiếp này – không phải tất cả các con nhưng một số. Con không cần lo lắng mình đang đứng ở đâu theo nghĩa đó, vì thày chỉ đang cho con một ví dụ là con bước vào ở một mức nào đó và con có tiềm năng vươn lên một mức cao hơn. Toàn bộ mục tiêu của Sứ vụ Thiêng liêng là dẫn con kinh qua một loạt những sáng ngộ nội tâm, giải quyết tâm lý và trải nghiệm vỏ ngoài sẽ tạo điều kiện cho sự tăng triển tâm thức đó từ mức thấp nhất lên tiềm năng cao nhất.

Việc xoay chuyển tâm thức đòi hỏi những gì nơi con? Con yêu dấu, nếu có một khuôn mặt thẩm quyền nào đó ở bên ngoài tiết lộ cho con biết đây là Sứ vụ của con, đây là những gì đúng lý con phải làm, thì liệu điều này sẽ xoay chuyển tâm thức của con hay không? Không đâu con! Sự kiện một khuôn mặt thẩm quyền bảo con phải làm gì rồi con cố làm theo như vậy, sẽ không đem lại xoay chuyển tâm thức. Hơn thế nữa, cho dù con nhận được chỉ bảo là chẳng hạn trong Sứ vụ, con phải trở thành một nhà khoa học hạt nhân cống hiến một khám phá mới sẽ thay đổi cách sản xuất năng lượng trên địa cầu, thì rất có thể con sẽ quyết định với tâm vỏ ngoài là mình sẽ học môn vật lý hạt nhân với mục tiêu đó trong đầu, nhưng thày có thể đảm bảo với con là con sẽ không thể tìm ra khám phá đó.

Để khám phá một điều gì, hay ngay cả để nhận ra những tầng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng cá nhân của mình, con cần đưa tâm thức của con đi lên. Đó là tại sao việc khám phá Sứ vụ Thiêng liêng không phải là một việc con có thể làm trong một bước mà thôi. Đó là một tiến trình lần hồi, tuần tự, sẽ tiếp tục suốt đời con. Con thấy đó, con yêu dấu, con ở tầng 67 khi con mới bước vào kiếp này và con có tiềm năng đạt tới tầng 120, nhưng con không cần quan tâm đến chuyện này khi con đang ở những giai đoạn sơ khởi của đường tu.

Hãy giả sử con khám phá đường tu tâm linh ở tuổi 18 và trong thời gian đó con đã tinh tấn cao hơn tầng 67 một chút và con đang ở tầng 70. Quan tâm chủ yếu của con không phải là đạt tới tầng 120 mà là đạt tới tầng 71. Xong khi con đạt được thì con cố bước lên tầng 72 và cứ như vậy. Điều thày nói tới ở đây là một điểm rất nhiều các con có thể không nghĩ đến nhưng kỳ thực tất cả các con đều đã biết một khi con suy nghĩ thật sự. Cái biết và cái hiểu về một giáo lý tâm linh không đồng nghĩa với sự xoay chuyển tâm thức.

Con có thể dùng tâm phân tích đường thẳng để biết và hiểu một lời dạy tâm linh một cách trí thức, nhưng con vẫn chưa thật sự chuyển dời từ tầng 70 lên tầng 71. Chỉ khi nào con xoay chuyển tâm con thì con mới có khả năng nhìn thấy và thực hành tầng kế tiếp của Sứ vụ Thiêng liêng. Con có thấy điều thày đang nói? Điều quan trọng là con nhận ra rằng việc phát hiện và thực hiện Sứ vụ của con là một tiến trình tác động qua lại sẽ tiếp diễn suốt đời con.

3.2. Không cần hốt hoảng

Đó là vì sao một số các con có thể sẽ nhìn lại đời mình và thắc mắc: “Liệu tôi đã đi theo Sứ vụ của tôi, liệu tôi đã làm gì sai sót hay không? À, thế cái lần tôi yêu người đó nhưng rốt cuộc mối quan hệ không đi tới đâu thì sao? Liệu có nghĩa chăng là một khía cạnh quan trọng trong Sứ vụ của tôi giờ đây bị chết yểu do quan hệ không thành? Hay có thể là do tôi đã lầm lỗi khi mình còn trẻ, hay tôi đã không học hành đến nơi đến chốn, hay tôi đã không tìm được việc làm kia?” Con có thể gần như rơi vào một tâm trạng hốt hoảng. Con hiểu là các thày không có ý trao cho con khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng để con rơi vào một trạng thái căng thẳng, hoảng sợ chứ con?   

Con cần nhìn nhận ở đây là con có thể nhìn ngược dòng đời và nói: “Liệu tôi có đã theo đúng Sứ vụ của mình hay không?” Nhưng thày sẽ hỏi: “Liệu con đã xoay chuyển tâm thức của con từ khi con bước vào kiếp đầu thai cho đến mức tâm thức hiện tại của con hay không?” Tất cả các con đều đã làm chuyện này, cho nên thày sẽ nói: “À như vậy thì chắc chắn con đã đi theo Sứ vụ Thiêng liêng của con rồi.” Có thể con chưa dời chuyển tâm thức nhiều đủ như con có khả năng dời chuyển. Toàn bộ mục tiêu của các thày khi trao cho con giáo lý này tất nhiên là để khiến con dời chuyển tâm thức đến điểm con bắt kịp mức tâm thức mà con đã có thể đạt được trong lý tưởng nếu con tinh tấn tối đa. Một số các con có thể hơi bị chậm trễ so với mức con đã có thể đạt đến, nhưng con có khả năng bắt kịp mau chóng bằng cách áp dụng những lời dạy mà các thày ban cho con. Nhưng đồng thời, con cũng đừng nên nuôi kỳ vọng là nếu con sử dụng giáo lý mà các thày đã ban ra (trong quyển sách này) thì chỉ trong vòng sáu tháng hay một năm, con sẽ thấy viễn quan toàn diện của Sứ vụ Thiêng liêng hiện ra trước mắt với nguyên một đoàn thiên thần thổi kèn bên sau.

Như thày vừa nói, con sẽ không thấy được trọn vẹn Sứ vụ của mình ở bất kỳ điểm nào trong đời con cho tới khi con sẵn sàng rời kiếp hiện thân. Khi đó, con sẽ nhìn thấy giai đoạn chót của nó. Con luôn luôn nhìn thấy từng chặng một. Tại sao vậy? Vì như thày nói, mục đích của Sứ vụ Thiêng liêng là để dời chuyển tâm thức con lên cao hơn. Làm thế nào con dời chuyển tâm thức chứ, con yêu dấu?

3.3. Không có chuyện cứu rỗi tức thì

Đây là một điểm mà rất, rất nhiều người tâm linh đã hiểu lầm. Nhiều người cho rằng việc bước lên một mức cao hơn trên đường tu tâm linh – cho dù họ giải thích cách nào hay diễn đạt cách nào đi nữa – chỉ là chuyện thu hoạch cái hiểu đó. Rồi khi họ có cái hiểu toàn diện, chân lý tuyệt đối, giáo lý tâm linh đẹp lộng lẫy đó, thì đùng một cái, họ sẽ giác ngộ.

Con yêu dấu, nếu con nhìn vào toàn bộ phong trào tâm linh Thời Mới, đa số người ta vẫn còn ngồi chờ “cái đùng” đó, nhưng nó sẽ không bao giờ đến. Việc dời chuyển tâm thức từ tầng 70 lên tầng 71 không phải là chuyện nhận được một sáng ngộ tối hậu nào đó. Ngay cả nếu con biết và hiểu mọi chuyện một cách trí thức, làm thế nào con sẽ chuyển dời tâm thức chứ? Kỳ thực con chuyển dời tâm thức bằng cách sử dụng mức tâm thức mà con đang có, nhưng một cách cao hơn hầu con thăng vượt mức đó.

Con có hiểu điều thày đang nói? Con không thể dời chuyển tâm thức từ tầng 70 lên 71 bằng cách tìm cầu một sáng ngộ tối hậu nào đó. Con cần một sáng ngộ con có thể nắm bắt với tầng 70 nhưng nó sẽ đưa con lên tầng kế tiếp. Đó không phải là một sáng ngộ hay một hiểu biết tối hậu. Quá nhiều người chạy theo sáng ngộ tối hậu đó. Họ cứ đuổi theo và đuổi theo mãi, họ đi từ vị thày này tới vị đạo sư khác, rồi từ đạo sư này tới vị thày khác, mong rằng vị này nắm được sáng ngộ tối hậu đó, cái sáng ngộ thứ 10 hay thứ 11 hay thứ 99, hay bất kỳ điều gì mà họ tìm kiếm. Con yêu dấu, đó không phải là cách thức con tăng triển trên đường tu.

Nếu con biết được mọi khía cạnh của Sứ vụ Thiêng liêng, nếu có ai đó bảo cho con biết, thì có xác suất cao là điều này sẽ ngăn cản con thực hiện Sứ vụ của con, vì như thày đã nói, mục đích chủ yếu của Sứ vụ là dời chuyển tâm thức. Con dời chuyển bằng cách sử dụng hiểu biết và sáng ngộ mà con đang có ở một tầng mức, nhưng con sẵn lòng nhìn xa hơn rồi có được một sáng ngộ trực giác sẽ đưa con lên tầng mức cao hơn. Đây không phải là chuyện hiểu, vì như các thày đã giảng, khi con hiểu một cái gì đó thì con đang nhìn nó từ xa. Con chỉ dời chuyển tâm thức khi con có một trải nghiệm trực giác, thần bí, trọn vẹn và bao hàm tất cả. Con yêu dấu, điều thật sự xảy ra là ở tầng 70 đó, con đang tự trải nghiệm mình một cách nào đó. Xong có một điều gì xảy đến thách thức cách nhìn của tầng 70. Nó thách thức những gì con cảm thấy thoải mái ở tầng 70. Xong trong khi con vẫn sẵn lòng xem xét nó mặc dù có một phần của tự ngã đang cảm thấy bực dọc với lời dạy, thì đó là lúc con có trải nghiệm nội tâm, trực nhận, qua đó con trải nghiệm sự thật của nó. Và trong khi con làm điều này, con cũng dời chuyển cách con trải nghiệm chính mình một chút. Thế là giờ đây con ở tầng 71. Đây không phải là một tiến trình trí thức mà một tiến trình trực giác. Đây là tiến trình dời chuyển chính bản sắc của con chứ không phải gia tăng cái hiểu trí năng.

3.4. Trải nghiệm sự xoay chuyển nội tâm

Con thấy đó, con yêu dấu, mặc dù các thày có nói là có những người tập trung trong cảm thể của mình, những người tập trung trong trí thể và những người trong bản sắc thể, đây không phải là chuyện dời điểm tập trung của tâm ý thức. Thật ra đây là chuyện dời chuyển ý niệm bản sắc của con. Đây là chuyện xảy ra ngay cả khi con tập trung vào tầng vật lý và con không nhận biết mình có một thể bản sắc. Con vẫn có khả năng đi từ một trạng thái tâm thức thấp hơn lên một trạng thái cao hơn bằng cách dời chuyển sự nhận biết mà không ý thức. Tất nhiên, khi con tập trung chú ý nhiều hơn vào thể bản sắc, con sẽ ngày càng ý thức nhiều hơn thời điểm con dời chuyển bản sắc của mình. Và như vậy con sẽ tiến bộ nhanh hơn vì con có thể sẵn lòng dời chuyển bản sắc một cách ý thức, con có thể tìm đến những sáng ngộ sẽ giúp con dời chuyển bản sắc.

Con yêu dấu, đây là những điểm quan trọng mà con cần ghi nhớ. Khi con nhận được quyển sách này, khi con khởi sự thực hành với nó, con đừng nên quá háo hức, quá vội vàng. Hãy dành thời gian để quán chiếu những sáng ngộ mà các thày đang cho con. Xem xét ý nghĩa của chúng chứ không chỉ hiểu băng trí năng, và tìm đến cái trải nghiệm xoay chuyển đó nơi con trải nghiệm ở bên trong sự thật của những lời thày nói.

Con yêu dấu, trên hành tinh này có một truyền thống rất, rất lâu đời là những vị đạo sư, những trường bí giáo. Người ta tin rằng có một vị đạo sư hay một cơ sở nào đó, và nếu con là một học trò thì con có thể đến đó tu học. Con cố là một học trò chuyên cần, và trường học hay đạo sư sẽ dẫn con qua một tiến trình khai ngộ qua đó con lần lần nâng cao tâm thức. Con yêu dấu, điều hoàn toàn có thể xảy ra là ngay cả khi con theo học một vị đạo sư hay một trường bí giáo chân chính và con nghĩ mình đang tinh tấn do đã gia tăng hiểu biết vỏ ngoài, nhưng con vẫn không đang chuyển dời tâm thức của con. Sự xoay chuyển tâm thức chỉ có thể xảy ra từ bên trong, nó không xảy ra vì có ai đó nói cho con một điều gì – cho dù con có một đạo sư chân chính nói cho con biết điều gì đó về trạng thái tâm thức của con hay phơi bày một khía cạnh tự ngã của con. Nếu con không nhận được sự xác nhận từ bên trong, nếu con không trải nghiệm sự thật của điều đó ngay bên trong, thì nó sẽ không xoay chuyển tâm thức của con.

Điều tương tự cũng áp dụng cho tất cả mọi giáo lý mà các thày đã trao truyền qua sứ giả này hay các sứ giả khác. Con có thể học hỏi, nghiên cứu, con có thể hiểu chúng với tâm vỏ ngoài, con có thể có khả năng trích dẫn chúng, nhưng liệu nó có sẽ xoay chuyển tâm thức con hay không? Không con ạ, trừ khi con trải nghiệm được ở bên trong. Trừ khi con sẵn sàng, như các thày có dạy, để cho cái Ta Biết bước ra ngoài bốn thể phàm của con, với lên Hiện diện TA LÀ của con, với lên các chân sư thăng thiên và trải nghiệm trực tiếp sự hiện hữu của một thực tại cao hơn tâm vỏ ngoài. Chỉ có khi đó thì con mới xoay chuyển.

3.5. Nỗi sợ sai trái

Điểm thày nói với con tối qua là xét xem có điều gì mà con đã trở nên thoải mái và đang ngăn cản con thấy được giai đoạn kế tiếp trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Lẽ tự nhiên, điều này có thể hoàn toàn cá nhân. Một số các con đã nhận được các sáng ngộ đó, và một số khác thì chưa nhận được và tự hỏi tại sao như vậy, nhưng thày sẽ cho con một lời dạy chung áp dụng cho tất cả các con. Lời này không nhằm áp chế sáng ngộ cá nhân của con, nhưng thày muốn chỉ ra cho con là có một điều, một tâm lý áp dụng cho mọi người trên địa cầu và do đó cũng áp dụng cho mọi người tâm linh.

Con yêu dấu, đâu là điều mà tất cả các con đều thoải mái? À, tất cả các con đều đã tìm được một mức độ thoải mái nào đó với ý tưởng là nếu con làm một số việc và không làm một số việc khác thì con không thể sai trái, con sẽ được yên ổn, con sẽ được chấp thuận. Có một nỗi sợ đã được lập trình trong mọi con người trên địa cầu – vì đây là một hành tinh dày đặc – rằng con có thể sai trái. Nó đến từ đâu? Nỗi sợ hãi đó đến từ đâu? Lẽ tự nhiên, nó đến từ sa nhân, và ngay từ khi chúng bắt đầu hiện thân trên hành tinh này, chúng đã tạo ra toàn bộ tư duy có cái đúng và cái sai – đó chính là tinh túy của nhị nguyên. Chỉ có một sự thật duy nhất và do đó mọi sự thật khác đều phải sai, như thày vừa trình bày hôm qua. Điều này áp dụng cho quá nhiều lãnh vực của cuộc sống, và như các thày đã từng nói, điều duy nhất mà sa nhân thật sự cần làm để tha hóa mọi chuyện trên địa cầu là phóng chiếu ra khái niệm phân biệt giữa đúng và sai. Một số chuyện thì đúng, một số chuyện thì sai.

Một khi tâm con người mang vào sự phán xét nhị nguyên tương đối đó thì tự động tiếp theo sau, con người cũng bắt đầu tạo dựng nỗi lo sợ là mình sai. Giờ đây các thày đã cho con giáo lý rằng nhiều người trong các con – ở đây thày đang nói chung chung chứ không chỉ các con – nhiều người tâm linh đã đến địa cầu như là avatar. Con đã đến đây để tạo một sự khác biệt tích cực cho hành tinh, rồi con đã trải nghiệm cách đối xử hung hãn của sa nhân khi chúng đánh gục con. Đâu là thông điệp mà chúng gửi cho con? Rằng con đã sai lầm khi con đến đây trên trái đất, con đã sai lầm khi con là chính con như một avatar trên trái đất, con đã sai lầm khi con biểu lộ con người thực của con, sự sáng tạo thực của con trên trái đất. Sự kiện đó đã cho con cái mà các thày gọi là chấn thương nhập đời. Và để đương đầu với cái đó, để sống còn về mặt tâm lý, con đã tạo ra điều mà các thày đã đề cập: những cái ngã nội tại, ngã gốc. Một phần của ngã gốc trong tất cả các con là con đã quyết định không muốn phải liên tục trải nghiệm cảm nhận là mình sai.

Mỗi người trong các con đã tìm ra cách riêng của mình để tạo dựng ý niệm: “Nếu tôi đứng yên trong vòng ranh giới nhất định này thì tôi sẽ không sai trái.” Tất nhiên, điều này đi ngược trở về thời điểm con bị chấn thương nhập đời nhưng con cũng có thể nhìn vào kiếp sống này. Con có thể thấy là con đã lớn lên và được xã hội dạy dỗ để có một số ranh giới. Nếu con ở trong vòng ranh giới đó thì con sẽ được xã hội nơi con sinh trưởng chấp nhận, con sẽ theo đúng chuẩn mực và xã hội sẽ không lên án con. Mọi người chung quanh, gia đình con cũng như môi trường của con sẽ không chê trách nếu con ngồi yên trong những ranh giới đó.

Điều thày chỉ ra cho con là tất cả các con đều mang những niềm tin vi tế đó, những cấu trúc cùng khuôn đúc trong bốn thể phàm, bảo rằng: “Nếu tôi ngồi yên trong những ranh giới này thì tôi không thể sai trái.” Thế rồi con cũng cảm nhận là chừng nào mình đứng trong ranh giới đó thì mình sẽ thoải mái. Con thoải mái là con không sai lầm theo những chuẩn mực của xã hội, tức rốt cuộc cũng là chuẩn mực của sa nhân. Con yêu dấu, bất kỳ xã hội nào mà áp đặt – lập trình công dân của mình – cái ý tưởng là có một số chuyện đúng và một số chuyện sai, thì xã hội đó đang bị sa nhân ảnh hưởng.

3.6. Chất vấn cái không thoải mái

Bây giờ lẽ tự nhiên, một số người nghe câu trên với tâm đường thẳng sẽ nói: “Liệu có nghĩa chăng là thày đang bảo không có gì đúng lẫn không có gì sai, và người ta có thể làm bất cứ gì họ muốn?” Tất nhiên là không! Như các thày đã từng nói, bất kỳ xã hội nào cũng phải quy định ra một số ranh giới. Hiển nhiên, ra đường giết người là không đúng. Điều thày nói tới ở đây không hẳn là về cách hành xử vỏ ngoài, mà nhiều hơn về cách cư xử nội tâm qua những niềm tin, những thái độ, nội dung của lời nói. Nói cách khác, vấn đề thực sự ở đây mà thày muốn con lưu ý là những gì đã được lập trình, cài đặt, trong các chuẩn mực mà mọi xã hội đều có, bảo rằng một số ý tưởng thì chấp nhận được còn một số ý tưởng khác thì sai trái. Nếu con tin vào những ý tưởng này thì con sai trái, và nếu con lên tiếng về những ý tưởng này thì con còn sai trái hơn nữa. Và nếu con dùng những ý tưởng này để hành động và thay đổi đời con thì con sai trái thực thụ.    

Lẽ tự nhiên, ở đây các thày không bảo người tâm linh đi ra ngoài kia làm đủ chuyện bất hợp pháp hay sai trái theo tiêu chuẩn bình thường của sự biết điều. Điểm các thày nói đến ở đây là con cần xét xem có những ý tưởng nào mà con sẽ không thoải mái chất vấn.

Nếu con sẵn lòng xem xét ở mức cá nhân, con sẽ có thể dần dần nhìn ra là có một số ý tưởng – cho dù chúng đến trong kiếp này hay trở về nhiều kiếp trước – mà con sẽ cảm thấy ray rứt nếu con phải chất vấn. Một cách để phơi bày sự thể này là đọc quyển sách Những kiếp sống của tôi, và con sẽ thấy nhiều người cảm thấy trong sách có những ý tưởng đã khiến họ day dứt do họ phải chất vấn những niềm tin hiện có. Tất nhiên là còn nhiều ví dụ khác như vậy, và thường khi giáo lý của các thày cũng có cùng tác động như thế.

Nếu con có thể nhận diện một ý tưởng mà con không muốn chất vấn – mà con cho là đương nhiên, mà con tin là một sự thật cao hơn – thì thày có thể cam đoan với con là cái đó nằm trong khuôn khổ thoải mái của con. Nó xuất phát từ sự kiện là nếu con không chất vấn ý tưởng đó thì con sẽ cảm thấy mình không thể sai trái, và chính điều này khiến con thoải mái.

Nếu con chất vấn ý tưởng đó, con sẽ hết thoải mái do con lo sợ mình có thể sai lầm và bị chê trách. Cho dù nỗi sợ này là gì đi nữa đối với cá nhân con – dựa trên trải nghiệm mà con đã có trong tiền kiếp khi con bị người ta bức hại thật khắc nghiệt – thì con lo sợ mình phải khui cái “hộp đầy sâu bọ” này ra và mình không thể biết trước điều gì sẽ xảy đến.

3.7. Quả vị Ki-tô và Sứ vụ Thiêng liêng của con

Điều thày mong chỉ ra cho con ở đây là nhiều người trong các con – là những người đã bước chân trên đường tâm linh một thời gian dài và đạt đến một mức tâm thức nào đó – các con đã tới điểm khi thử thách của con là biểu lộ một cách ý thức hơn quả vị Ki-tô mà con đã đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng. Quả vị Ki-tô là gì? À, có nhiều cách định nghĩa, nhưng như thày Giê-su đã nêu ra mấy lần, quả vị Ki-tô là sự thách thức hiện trạng. Khi Ki-tô đi vào hiện thân, mục đích chủ yếu của Ki-tô Hằng sống trong hiện thân là thách thức hiện trạng và khiến cho con người nhận ra mình có một chọn lựa khác hơn là một trạng thái tâm thức đã trở thành một hệ thống khép kín. Thày có thể bảo đảm với con là đối với tất cả các con đã mở tâm ra những lời dạy này và đã đạt được một mức trưởng thành nào đó trên đường tu, thì các con đều đã đặt vào Sứ vụ của mình một yếu tố quả vị Ki-tô nào đó.

Các con ở đây là để thách thức hiện trạng một cách nào đó. Không cứ một cách tối hậu khi con đem lại một ý thức hệ mới, cách mạng, sẽ thách thức các ý thức hệ hiện hữu. Đối với nhiều người trong các con, con làm vậy ở mức cá nhân khi con thách thức cách nhìn của người chung quanh về một số vấn đề hay khía cạnh đời sống. Cách thức con đã trù liệu việc làm này có thể rất cá nhân, nhưng tất cả các con đều có yếu tố này trong Sứ vụ của mình. Điểm thày muốn dẫn con tới là con nhận ra rằng để có thể thực sự thấy và thực hiện điều này, con cần phải sẵn lòng nhìn vào nỗi sợ sai trái của con. Con cần nhận diện đây là một thành phần không thể thiếu của chấn thương nhập đời, một thành phần dính liền với ngã gốc. Như thày đã có nói, đây là lãnh vực mà các thày đã trao cho con rất nhiều dụng cụ trước khi đưa ra lời dạy về Sứ vụ Thiêng liêng, vì bây giờ con có thể cầm lấy quyển sách Chữa lành chấn thương tâm linh và dùng sách để nỗ lực chữa lành nỗi sợ sai trái đó.

Lẽ tự nhiên, con yêu dấu, con phải đạt tới điểm nhìn nhận sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên lẫn các sinh thể sa ngã. Con nhận ra là các thày, các chân sư thăng thiên, muốn kéo con đi lên thoát khỏi mọi giới hạn. Còn sa nhân thì muốn kéo con đi xuống và giữ con kẹt lại trong các giới hạn đó. Con có thể bắt đầu tự hỏi câu này: “Tôi sẽ muốn sống phần đời còn lại của tôi dựa theo cách nào?” Liệu con sẽ muốn sống dựa trên nỗi sợ sai lầm theo tiêu chuẩn sa nhân, hay dựa trên sự nhận biết khi con thấu hiểu giáo lý của chân sư rằng con không bao giờ sai trái khi con thách thức ý tưởng của sa nhân? Thế gian có thể bảo là con sai, nhưng các thày thì chắc chắn sẽ không bảo vậy.

Điều thật quan trọng là con hãy xem xét điều này. Không cứ là con phải ngay lập tức làm vậy một cách tối hậu, vì như thày đã nói, con hiện ở một tầng tâm thức nào đó và quan tâm chủ yếu của con là leo lên tầng kế tiếp, và điều này thường không là một bước lớn kinh khủng. Câu hỏi đặt ra là, nỗi sợ hãi sai trái mà con đang đương đầu ngay lúc này là gì chứ? Đâu là cái ý tưởng mà con có thể biểu lộ ở mức tâm thức hiện thời sẽ dẫn con lên mức cao hơn, và nỗi sợ sai trái đang ngăn cản con biểu lộ ý tưởng này như thế nào?

3.8. Thách thức ý tưởng ở mức cá nhân

Con yêu dấu, ở trên thày vừa nói rằng Sứ vụ Thiêng liêng là một tiến trình tác động qua lại. Sau đây là một ví dụ nữa: Giả thử gia đình con mang sẵn một cách nhìn, một thái độ nào đó về cuộc sống. Có một thành viên trong gia đình mang tiềm năng vươn lên cao hơn trong kiếp này nhưng bị mắc kẹt trong quan điểm đó. Một phần Sứ vụ của con là giúp cho người ấy chất vấn và vượt ra khỏi niềm tin đó, nhưng con lại sợ làm như vậy vì con cảm thấy các thành viên khác trong gia đình sẽ kết án con. Câu hỏi đặt ra là: “Làm thế nào con sẽ vươn lên mức kế tiếp của Sứ vụ Thiêng liêng?” Liệu con sẽ có thể vươn lên mức kế tiếp của Sứ vụ mà không bày tỏ tầm hiểu cao hơn mà con đã ngộ và không trao cái hiểu đó cho người kia?

Con yêu dấu, con không thể. Con không thể vươn lên mức cao hơn mà không thách thức chính mình. Tại sao vậy? Con yêu dấu, bởi vì con có thể nói: “Nếu tôi bày tỏ những sáng ngộ này của tôi thì một số người trong gia đình sẽ giận tôi và họ sẽ phản ứng tiêu cực.” Thày sẽ nói vô cùng thẳng thắn với con là chỉ khi nào con bày tỏ tầm hiểu đó của con và trải nghiệm phản ứng đó của họ thì con mới bị bắt buộc phải xoay chuyển nhận thức và thái độ của mình. Chỉ bằng cách đương đầu thách thức đó, trải nghiệm thách thức đó, thì con mới có thể dời chuyển lên mức kế tiếp.

Con thấy đó, con yêu dấu, vấn đề không phải là con nhận được một hiểu biết trí thức. Không phải là chuyện con có một sáng ngộ cao hơn mọi người trong gia đình rồi con nghĩ: “Vì tôi có sáng ngộ này nên tôi đã dời chuyển lên một mức tâm thức cao hơn họ.” Có thể con đã dời chuyển lên một mức tâm thức cao hơn họ nhưng con chưa dời chuyển lên mức kế tiếp của con, và con sẽ không lên được mức kế tiếp cho tới khi con bày tỏ sáng ngộ của con, con trải nghiệm phản ứng của họ, rồi sau đó con giải quyết phản ứng nội tại nơi chính con đối với họ.

Chỉ khi nào con đương đầu với vấn đề này và tìm được cách khắc phục các khuôn nếp, các nỗi sợ, các dính mắc, cách phản ứng trong cảm xúc lẫn lý trí của con, chỉ khi đó con mới dời chuyển tâm thức lên mức kế tiếp. Con yêu dấu, đó là tại sao thày nói với con ở đây là để bước lên cao hơn và thực sự nhìn ra nhiều khía cạnh hơn của Sứ vụ một cách ý thức, con cần bước vào tâm thái không sợ nhận trải nghiệm, ngay cả khi trải nghiệm khiến con mất thoải mái, ngay cả khi nó khiến con sợ hãi. Con vẫn sẵn lòng nhận lấy trải nghiệm vì con nhận ra chỉ trong trải nghiệm thì con mới có thể xử lý các bế tắc trong tâm lý mình, nhìn ra chúng, rồi thăng vượt chúng.

3.9. Sự tăng triển đòi hỏi con tương tác với người khác

Các thày đã trao cho con biết bao dụng cụ, con yêu dấu, để thăng vượt các điểm bế tắc trong tâm lý. Con đã có đủ dụng cụ để thăng vượt chúng, nhưng điều mà nhiều các con không nhận ra là con không thể ngồi đó trong phòng riêng của mình, đọc sách và đọc thỉnh miên man rồi chứng được sự tăng triển tối đa. Con có thể trải nghiệm tăng triển bằng cách đó nhưng con cần có sự xen kẽ, sự tương tác giữa việc tu tập tâm linh và việc trải nghiệm thực tế nơi con bị thách đố, con bị thử thách, và con nhìn thấy một phản ứng trong con.

Tất nhiên đây cũng là điều mà thày vừa đề cập về nhiều người đi xem thày bói hay đồng bóng. Họ đọc sách về mục đích của cuộc sống và Sứ vụ Thiêng liêng nhưng họ lại không sẵn sàng làm công việc. Họ muốn ngồi yên nơi họ cảm thấy thoải mái. Đấy, như các thày đã từng nói, sự thoải mái và con đường tâm linh không thực sự tương hợp với nhau. Và chắc chắn hành tinh này cũng không thực sự tương hợp với sự thoải mái. Con cần thực hiện sự xoay chuyển đó khi con nói: “Tôi là ai? Tôi có là một học trò của chân sư thăng thiên hay không? Tôi có là một người quyết tâm tinh tấn tối đa trong kiếp này hay không? Nếu tôi là một người như vậy thì tôi không cần thoải mái.”

Đây không phải là chuyện thoải mái – thày không đang bảo con phải hành hạ bản thân – mà đây là chuyện nhận ra trong tâm lý con có một yếu tố mong muốn ngồi yên nơi mình thoải mái, mong muốn trốn chạy những thứ khiến mình bị day dứt. Chỉ bằng cách nhận diện cái đó và đâm thẳng vào nó – tức là sẵn lòng bước vào tình huống và trải nghiệm phản ứng của mình – chỉ khi đó thì con mới có thể nhìn thấy điểm bế tắc trong tâm lý con. Con không thể thấy nó từ xa một cách trí thức, mà con cần bước vào trong đó và trải nghiệm nó, xong con có thể dùng các dụng cụ mà các thày đã ban cho để khắc phục nó, để nhận diện ra ngã, để tách mình ra khỏi ngã và để cho ngã chết đi. Đây chính là cách vận hành của tiến trình tăng triển.

3.10. Đường tu tâm linh không dễ

Đó là một lời dạy sẽ khiến cho một số người nản lòng vì có lẽ trong nhiều năm trên đường tu tâm linh, họ đã bám vào cái lý tưởng được phóng chiếu lên tâm thức tập thể cho rằng sự tinh tấn tâm linh chỉ là một tiến trình hoàn toàn dễ dàng, tích cực và phấn chấn. Con yêu dấu, ý tưởng đó – cho rằng đường tu tâm linh không đòi hỏi khó nhọc, không đòi hỏi con hạ mình xuống chạm trán với tâm lý của mình – tất nhiên đã được sa nhân phóng chiếu ra hầu giữ chặt con người ở mức họ cứ luôn nhìn ra ngoài chính họ mà không bao giờ thực sự soi gương để nhìn vào bên trong tâm lý họ.

Hiển nhiên là con đã vượt quá mức đó rồi, vì nếu không thì con đã không đáp ứng được lời dạy này. Thày chỉ đơn giản giúp con nhận thức là con có khả năng dời chuyển một cách ý thức, vì con nhận ra là cho dù sa nhân có phóng chiều gì lên con, cho dù người khác có phóng chiếu gì lên con, thì con không bao giờ sai lầm khi con xoay chuyển tâm thức. Con không bao giờ sai lầm khi con dời chuyển tâm thức lên cao hơn.

Một khi con chấp nhận điều này trọn vẹn, một khi con trải nghiệm trọn vẹn sự thật của điều này, thì con sẽ có thể thực sự bước vào một giai đoạn mới trong cách tương tác của con với các chân sư thăng thiên, nơi các thày sẽ trở thành khung tham chiếu của con thay vì sa nhân hay người đời – hay thậm chí cả những cái ngã, những ngã tách biệt, những phàm linh nội tại – làm khung tham chiếu cho con. Con có thể bắt đầu nhận ra là các thày không bực dọc, không tức giận, không nóng lòng, không tìm cách lên án hay chỉ trích con.

3.11. Tại sao các chân sư không lên án con

Con yêu dấu, thày biết rất rõ là có những học trò của chân sư thăng thiên tin rằng, và cũng có những tổ chức của chân sư thăng thiên có nền văn hóa tập thể nơi giáo lý của chân sư được dùng để củng cố cho ý niệm sai và đúng. Đã có những tổ chức chân sư thăng thiên nơi thành viên quá quan tâm đến những chuyện ăn mặc, nói năng, đi đứng, biểu thị, suy nghĩ, cảm xúc như thế nào cho đúng đắn, rồi họ lên án lẫn nhau cũng như họ tự lên án chính họ mỗi khi họ không làm đúng theo một số tiêu chuẩn vỏ ngoài.

Vào thời buổi đó, đó là những vật liệu mà các thày phải sử dụng. Trong một số trường hợp như đã kể lại, các thày đã phải khuếch đại niềm tin đó nơi mọi người để nó trở thành cùng cực đến độ cuối cùng người ta mới chịu chất vấn nó. Con yêu dấu, với những lời dạy mà con đã có, con có thể rất nhanh chóng bước vượt qua tất cả những thứ đó và nhận ra là các thày – các chân sư thăng thiên đích thực – đã vượt khỏi nhị nguyên. Các thày không phán xét con dựa trên tiêu chuẩn đúng hay sai. Các thày không chỉ trích, các thày không kết án con. Các thấy chấp nhận con hoàn toàn – chính con – mỗi người trong các con. Các thày chấp nhận con như con là, một cách vô điều kiện. Các thày chỉ có một mong muốn duy nhất là giúp con trở nên nhiều hơn cái con là, bằng cách con dời chuyển bản sắc của con đi lên.

Con yêu dấu, thày thực sự mong ước là con sẽ có thể nhìn chính mình với cùng sự chấp nhận vô điều kiện mà thày nhìn con. Thày biết là nếu con áp dụng các dụng cụ mà các thày đã trao, con sẽ có khả năng bước lên điểm đó. Thày biết là con không thể bước lên điểm đó bằng cách thày bảo con, và thày không đang bảo con điều này để khiến con nghĩ là con không thể tự chấp nhận mình, con yêu dấu. Con thấy tự ngã có thể chụp lấy bất kỳ lời dạy nào rồi khiến con nghĩ: “Mẹ Mary nói là tôi cần chấp nhận chính mình vô điều kiện, nhưng tôi không làm được, cho nên tôi phải sai trái.”

Đây là loại suy tưởng chạy lòng vòng mà con có khả năng nhận diện, và con nhận ra đó chỉ đơn giản là một cái ngã tách biệt. Như vị sứ giả này có bày tỏ tối qua, trong tâm con người có một phần được lập trình để tạo dựng các vấn đề rồi phóng chiếu là con phải giải quyết vấn đề. Đấy, cũng có một phần của tâm là ngã tách biệt, được lập trình để phóng chiếu ra là con sai trái, và nó chụp lấy bất kỳ ý tưởng nào đến với con để quay ngược ý tưởng và chứng minh: “Phải, đây là thêm một cách nữa mà tôi sai trái – tôi không đáp ứng nổi tiềm năng cao nhất của mình, tôi thật kém cỏi.”

Con yêu dấu, tất cả các con đều không kém cỏi. Con đang đứng ở đúng nơi con cần đứng, vì con đang đứng ở điểm trên đường tu nơi con sẵn sàng bước lên bước kế tiếp, và đó là điều các thày chú trọng. Các thày không so sánh con với một chuẩn mực nào. Con đừng có mảy may ý nghĩ là các thày bảo là cho tới khi con đạt đến tầng tâm thức 144 thì con vẫn sai trái. Con yêu dấu, con đang bước chân trên đường tu; điều quan trọng là con tiếp tục bước từng bước một và dời chuyển đi lên. Các thày chấp nhận con như con đang là, chấp nhận con ở mức con đang đứng. Các thày mong ước là con cũng có thể chấp nhận mình như thế, con yêu dấu. Thật ra có một điểm trên đường tu nơi con không thể lên cao hơn được trừ khi con khắc phục tâm đường thẳng. Cũng có một điểm trên đường tu nơi con không thể lên cao hơn được cho tới khi con khắc phục tâm phê phán cứ không ngừng tự chỉ trích.

3.12. Không có chỉ trích nào xây dựng

Trên thế giới có một khái niệm gọi là “chỉ trích xây dựng”, nhưng con yêu dấu, chừng nào con còn ở trong trạng thái tâm thức nhị nguyên thì không có chuyện chỉ trích xây dựng. Chỉ trich là một rung động – cho dù người chỉ ra cái đó có thể “đúng” đến đâu đi nữa. Nếu người đó làm vậy ở mức tâm thức đó thì việc đó vẫn không xây dựng. Đối với bản thân con cũng vậy. Con có thể nghĩ là mình phải phê phán chính mình vì đó là cách con tăng triển. Con yêu dấu, có một cái ngã mang độ rung nhị nguyên của chỉ trích và ngã đó không thể đưa con lên cao hơn trên đường tu.

Sẽ tới một điểm con cần lui lại một bước và nhìn ra đó chỉ là một cái ngã. Không phải là vấn đề ngã đó đúng hay sai khi nó chỉ ra sự kiện, mà là việc nhận diện độ rung của ngã đó không xuất phát từ tình thương – nó xuất phát từ sợ hãi. Cho nên con cần tách mình ra khỏi nó, nhìn vào nó và nói: “Ta không cần đến mi nữa!” Con không cần bước vào một sự phán xét nào hết, thậm chí con cũng không cần chứng minh (như một số các con có khuynh hướng làm) và nói: “À nhưng nó đã có công dụng, nó đã giúp tôi tăng triển trên đường tu.” Có thể nó đã giúp con, nhưng con yêu dấu, điều con cần làm là nhận diện nó và bảo: “Tôi không cần đến ngã này nữa và tôi để cho nó chết đi.”

Con yêu dấu, trên đây là những gì thày muốn truyền cho con bây giờ. Một lần nữa, thày cảm ơn con đã có mặt và đã nhận biết. Tất nhiên, các thày mong mỏi sẽ trao thêm lời dạy khi nào con có dịp thực hành những lời dạy vừa được ban ra và chuyển dời tâm thức lên mức kế tiếp, là nơi con có thể nhận được lời dạy kế tiếp.