Một cái nhìn xây dựng hơn về sự tức giận

Hỏi: Con đã đi trị liệu để chữa lành một số sự việc đau buồn mà con đã trải qua khi còn nhỏ. Con đi khám một bác sĩ trị liệu gestalt rất giỏi. Cũng như con, bác sĩ này đồng ý với rất nhiều giáo lý trên trang mạng này. Gần đây, con đã nhận được một số thông điệp lẫn lộn từ vũ trụ. Rất nhiều những kỹ thuật hiện đại được dùng để chữa trị tâm lý khuyến khích người bệnh đi vào bên trong và cảm nhận sự giận dữ đã bị kìm nén trong nhiều năm. Con nghe nói, đôi khi sự tức giận là điều lành mạnh, đó là một phần của cuộc sống làm người. Cũng có sự cần thiết cho những người đã làm mình tổn thương biết rằng mình tức giận về hành vi của họ một cách lành mạnh. Nhận thức hiện tại của con hoàn toàn phù hợp với điều đó. Tực giận thực sự là gì? Nếu tức giận không lành mạnh thì tại sao cảm xúc này lại “dính chặt” vào bản thể mình? Nói cách khác, tại sao chúng ta là con người lại có tức giận nếu đó là một cảm xúc không lành mạnh?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Hãy cho ta bắt đầu với lời khen ngợi con đã đi trị liệu. Như ta đã nói trước đây, nếu những hình thức trị liệu hiện đại đã có 2000 năm trước đây thì ta đã bảo tất cả các môn đệ của ta gia nhập một hình thức trị liệu nào đó rồi. Những chướng ngại và vết thương trong tâm lý là một trong những cản trở chính yếu trong việc phát triển tâm linh, cho nên nếu mình đã có sẵn các phương tiện để chữa lành những vết thương đó thì tại sao lại không dùng? Không dùng cũng giống như từ chối uống thuốc penicillin để chữa bệnh viêm phổi vậy. 

Ta hiểu sự bối rối của con về sự tức giận, vì vậy hãy để ta chia sẻ một số suy nghĩ về đề tài này với con. Trước hết, các kỹ thuật trị liệu hiện đại khuyến khích người bệnh đi vào bên trong và tiếp xúc với nỗi tức giận bị kềm nén, đó là một điều đúng đắn. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhớ rằng tất nhiên mục đích để làm như vậy không phải là để khiến cho người đó trút giận lên người khác. Nói cách khác, mục đích của các hình thức trị liệu này không phải để khiến con nổi cơn thịnh nộ và hành hung bất cứ ai con gặp, mà để giúp con chạm được những cảm xúc bị đè nén bên trong hầu con nhận diện chúng và từ đó giải quyết chúng một cách xây dựng. Có một sự khác biệt hiển nhiên giữa việc trút giận lên đầu người khác và việc cho họ biết là mình tức giận hành vi của họ.

Cảm giác, hay cảm xúc, có thể được mô tả như là năng lượng đang chuyển động. Nếu con học tập bài giảng của ta về bốn tầng của vũ trụ vật chất, con sẽ thấy ta nói về cảm thể. Cảm thể có chức năng lấy xuống những ý tưởng được hình thành trong trí thể và khiến chúng chuyển động hầu chúng có thể thị hiện trong cõi vật chất. Do đó, chức năng của cảm xúc là tuôn chảy, và nếu con cố kềm nén cảm xúc lại, con sẽ làm nghẽn dòng chảy tự nhiên của năng lượng qua tâm thức con. Điều này sẽ chắc chắn tạo ra một số vấn đề tâm lý khác nhau, và người bệnh sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu sử dụng kỹ thuật trị liệu để bước vào bên trong và giải hóa những điểm tắc nghẽn hầu năng lượng cảm xúc tuôn chảy lại tự nhiên. 

Vấn đề với cảm xúc là chúng chỉ đơn giản tạo ra sự chuyển động cho bất cứ gì đi vào cảm thể từ trí thể. Nói cách khác, cảm thể không phân biệt, nó không phân biện là điều đó có tốt hay xấu, đúng hay sai, xây dựng hay hủy hoại bản thân. Cảm xúc chỉ đơn giản tác động bất cứ gì đi vào cảm thể từ trí thể. Đó là tại sao con cần phải có một sự kiểm soát nào đó, bằng cái tâm ý thức, trên cảm xúc của con.

Trong một số tình huống, sự biểu lộ tức giận có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, và do đó việc kềm chế tức giận trong trường hợp này là giải pháp ít tệ hơn. Vấn đề xuất hiện khi người ta liên tục kềm chế tức giận thay vì tìm cách giải quyết nguyên nhân của tức giận trong trí thể, và có thể cả trong bản sắc thể là thể ether nơi neo giữ bản sắc của con.

Sự thật đơn giản là cho dù tức giận là một cảm xúc nhưng tức giận không phát xuất từ cảm thể. Nó phát xuất dưới hình thức những ý tưởng trong trí thể, đặc biệt là những ý tưởng khiến con nghĩ rằng cuộc sống phải như thế này hay như thế khác, và nếu tình huống bên ngoài không đúng như mong đợi thì nhất định phải có điều gì đó không ổn. Những ý tưởng này có thể khiến con nghĩ rằng nếu thế gian không đối xử với con theo cách mà con nghĩ con phải được đối xử, thì một sự bất công đã xảy ra và có ai đó phải là người đáng trách. Rồi điều này tạo ra ý tưởng là có người nọ là người đáng trách, và cảm xúc tức giận được xối ra khiến con muốn trừng phạt hay tìm cách trả đũa người đó.    

Vấn đề là hầu hết mọi người không hiểu cảm xúc xuất phát từ ý tưởng như thế nào. Họ chưa học cách tiếp cận với trí thể và khám phá tiến trình hình thành ý tưởng. Họ chưa nỗ lực xem xét những tin tưởng và thái độ nền tảng của họ đối với đời sống và nhìn xem những thái độ này khởi sinh ra ý tưởng cụ thể như thê nào, là những ý tưởng sẽ gây ra một số cảm xúc nhất định, ví dụ như tức giận. Nói cách khác, hầu hết mọi người đều không hiểu rõ những gì xảy ra ở mức tiềm thức trong tâm mình, mà cả cảm thể lẫn trí thể thì đều nằm bên dưới mức nhận biết ý thức của đa số con người. Cho nên điều xảy ra cho hầu hết mọi người là khi họ trải nghiệm một tình huống đi ngược lại sự chờ đợi của mình, họ sẽ không thấy được những ý tưởng đã kích hoạt cảm xúc. Họ chỉ đơn giàn trải nghiệm cảm thể của họ nổi lên đùng đùng và họ cảm thấy tức giận.  

Nhưng ngay lúc đó, cơn giận đã được sản sinh, ngọn lửa đã bùng lên và con chỉ còn cách cố gắng dập tắt ngọn lửa. Tâm ý thức của con nay sẽ phải chọn lựa nó sẽ làm gì với cơn tức giận. Một số người không đủ tự chủ để tránh khỏi bộc lộ cơn tức giận qua hành vi, vì vậy họ sẽ phản ứng đủ mọi cách. Hành vi của họ sẽ gây ra phản ứng tiêu cực từ người khác, phản hồi lại trên họ. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy tiêu cực ngày càng tạo thêm tức giận. Khi năng lượng động cảm không ngừng chồng chất, một xoắn ốc năng lượng hình thành trong trường năng lượng của con, trong cảm thể của con. Rốt cuộc, xoắn ốc này có thể mãnh liệt đến nỗi nó sẽ áp đảo mọi nỗ lực của con nhằm kiểm soát nó, và đó là khi con hoàn toàn mất tự chủ. Đây là nguyên nhân khiến cho một số người mắc phải bệnh tức giận kinh niên mà họ không làm sao kềm giữ.    

Một số người khác, thường noi theo lời dạy và thái độ của tôn giáo mình, tin rằng việc có cảm xúc hay biểu lộ cảm xúc tức giận luôn luôn là điều sai trái. Do đó họ vận dụng tất cả sức mạnh ý chí của họ để cố kìm nén tức giận. Một số sẽ làm điều này thành công trong một thời gian, nhưng một lần nữa, một xoắn ốc năng lượng lại bắt đầu hình thành trong tâm tiềm thức và cuối cùng nó sẽ trở nên mãnh liệt đến độ chính ý chí có ý thức của họ cũng không thể cầm giữ được. Một số người có khả năng tự chủ mạnh mẽ đến mức họ có thể kềm nén sự tức giận suốt một đời người, thế nhưng làm như vậy sẽ tác động lên tinh thần và cơ thể họ bằng nhiều cách. Rất nhiều bệnh tật chỉ đơn giản là hiệu ứng vật lý của những cảm xúc bị đè nén, kể cả tức giận. Điều ta muốn nói là cách đối phó của nhiều tín hữu Cơ đốc giáo, cụ thể là kềm chế mọi sự tức giận, không phải là cách lành mạnh nhất. 

Có hai điều con có thể làm để có được một cách tiếp cận xây dựng đối với sự tức giận. Điều đầu tiên là sử dụng một số kỹ thuật trị liệu hiện đại để phơi bày nỗi tức giận bị kềm nén và giải tỏa những cảm xúc này vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là con biểu lộ tức giận cách nào để không gây ra vòng xoáy tiêu cực giữa con và người khác. Nói cách khác, trút giận lên người khác thật là không lành mạnh, trong khi điều lành mạnh là bày tỏ niềm tức giận trong một khung cảnh được quản lý. Một số kỹ thuật chữa bệnh hiện đại, kể cả trị liệu gestalt, có thể giúp con chạm được nỗi tức giận của mình và bày tỏ ra trong một cách khả dĩ tái lập lại dòng chảy năng lượng xuyên qua cảm thể của con.    

Vấn đề với những kỹ thuật trị liệu đó là mặc dù việc biểu lộ tức giận có thể giúp con tái lập một dòng chảy năng lượng đúng đắn, nỗi tức giận vẫn phóng ra một khối năng lượng tha hóa. Như ta có giải thích suốt trang mạng này, có một dòng năng lượng xối chảy liên tục từ cái ta tâm linh của con xuống các tầng cấp của tâm con. Khi con bước vào những ý tưởng và cảm xúc tiêu cực, con làm cho năng lượng bị tha hóa và năng lượng này sẽ ở lại trạng thái tha hóa này cho tới khi con làm gì đó để khiến nó thanh khiết trở lại.    

Chính năng lượng tha hóa này tích tụ trong trường năng lượng của con tạo ra cái xoắn ốc tiêu cực khiến cho dòng chảy năng lượng bị tắc nghẽn. Vì vậy khi việc điều trị giải toả được chỗ nghẽn này thì đó là một điều rất tốt, tuy nhiên việc biểu lộ tức giận không hề biến hóa năng lượng tiêu cực. Do đó, điều sẽ vô cùng ích lợi cho con, cho nhân loại nói chung và cả cho toàn thể hành tinh, nếu các nhà trị liệu hiện đại hiểu biết hơn về nhu cầu phải biến hóa năng lượng tiêu cực. Đây chính là lý do tại sao các chân sư thăng thiên đã ban ra một số kỹ thuật tâm linh để biến hóa năng lượng, kể cả Ngọn lửa Tím và những bài cầu nguyện tràng hạt mà con có thể tìm thấy trong trang dụng cụ tâm linh. Do đó ta mạnh mẽ khuyến cáo mọi người nên phối hợp việc trị liệu với các kỹ thuật nhằm biến hóa năng lượng. Làm vậy sẽ đẩy nhanh rất nhiều tiến trình chữa lành bệnh và đem lại kết quả tốt đẹp hơn.    

Bây giờ ta sẽ nói đến bước thứ nhì của tiến trình chữa lành bệnh. Như ta đã trình bày, cảm xúc của con phát xuất từ ý tưởng. Nếu con thực sự muốn chữa lành tâm lý mình, thật là không đủ nếu con chỉ chạm được nỗi tức giận, biểu lộ tức giận và biến hóa năng lượng tiêu cực do tức giận sản sinh ra. Sau khi con đã đi qua tiến trình giải quyết nỗi tức giận và tái lập một dòng chảy năng lượng đúng đắn xuyên qua cảm thể, con cần bước lên tầng mức kế tiếp, đó là đi vào trí thể và phát hiện những ý tưởng và thái độ đã dẫn tới tức giận. Xong con cần nhận ra là những ý tưởng đó khởi lên từ một số quyết định mà con đã từng có về cách con nhìn bản thân mình, về cách con nhìn Thượng đế và cách con nhìn quan hệ của con với Thượng đế. Khi con phơi bày những ý tưởng này, con mới có thể khởi sự thay thế các quyết định đã gây ra giới hạn và dẫn tới tức giận bằng những quyết định tốt hơn.  

Những điều ta đang nói ở đây là một tiến trình để làm chủ moi bộ phận của bản thân con, kể cả trí thể và ý thức bản sắc của con. Tiến trình này thực sự là con đường đưa đến quả vị Ki-tô cá nhân, và khi con bước đi trên con đường này, con sẽ lần hồi thay thế mọi thái độ và tin tưởng gây giới hạn bằng những tin tưởng cao hơn. Ở cuối tiến trình đó, con sẽ hoàn toàn điều ngự được bản thân, hầu con có thể đáp ứng bất cứ điều gì xảy ra trong thế gian mà không phản ứng theo cách sai khiến của những bế tắc trong cảm thể, những quyết định gây giới hạn trong trí thể hay ngay cả cái ý thức bản sắc hạn hẹp trong thể ether. Khi đó, con sẽ thực sự sống đúng với câu nói rằng ông hoàng của thế gian cứ việc tới nhưng y sẽ không cầm được bất cứ gì nơi con hầu thao túng hay kiểm soát được con.    

Khi con đạt được sự tự do nội tại này, con sẽ không bao giờ cảm thấy tức giận phàm phu mà hầu hết mọi người đều trải qua. Đó là một hình thức tức giận luôn luôn xuất phát từ một cảm nhận bất công hay một cảm nhận trách móc. Phải có ai đó đã làm điều gì sai trái và họ xứng đáng bị trách cứ về hành vi của họ, và con sẽ cho họ biết điều đó một cách không chối cãi. Hình thức tức giận này luôn luôn nẩy sinh từ một ý muốn trừng phạt một ai đó, qua một biện pháp vật lý hay một biện pháp tình cảm để khiến họ phải đau khổ vì cách họ đã đối xử với con – kể cả việc con tự trừng phạt và tự khiến mình đau khổ vì những lỗi lầm mà dường như con đã phạm vào.     

Nhân tiện đây cũng nói thêm, nếu một nỗi tức giận không nhắm vào một người nào nhất định (chẳng hạn như vì sợ hãi) cuối cùng nó sẽ chĩa trở về con. Đó là tại sao nhiều người đã từng bị lạm dụng hồi còn nhỏ thường hay cảm thấy một niềm tức giận – thường che giấu – đối với chính mình. Những người này cần nỗ lực tha thứ bản thân mình và biến hóa nỗi tức giận.

Quả thật, con hoàn toàn có khả năng thoát khỏi sự tức giận phàm phu. Nhưng con cũng nên biết tới những nhận xét của ta về sự khác biệt giữa tức giận phàm phu và sự thịnh nộ thần thánh.

Cuối cùng, hãy cho ta nói rằng sự tức giận không “dính chặt” vào con người tâm linh của con hay vào cái Ta Biết. Nó chỉ dính chặt vào tâm nhị nguyên mà thôi. Cho nên chìa khóa để vượt qua tức giận phàm phu là vươn lên khỏi trạng thái tâm thức đó, gạt bỏ con người cũ của tâm nhị nguyên và bước vào con người mới của tâm Ki-tô. Đó chính là tiến trình mà ta giảng dạy suốt trang web này.