Sự Sa ngã của loài người

Khi cái Ta Biết lần đầu tiên bước xuống cõi vật chất, bạn chỉ có một ý niệm tự nhận biết rất hạn chế. Bạn là phần nối dài của Hiện diện Ta Là của bạn nhưng bạn không ý thức điều đó, cũng như bạn không ý thức về cá thể tâm linh của mình. Bạn không biết gì về các quy luật của Thượng đế, cho nên bạn vi phạm những quy luật này và làm tha hóa năng lượng tâm linh mà không hề hay biết. Có vẻ như chuyện này không mấy công bằng khi bạn phải chịu trách nhiệm về những quy luật mà bạn không biết, tuy nhiên điều thực sự xảy ra đã không hẳn là như vậy.

Đối với một người đồng sáng tạo tân lập, việc bước xuống cõi vật chất lần đầu tiên không giống như là mình bị quăng vào một khu rừng rậm mà không có địa bàn. Thật ra, người đó bước vào một bầu cõi được che chở an toàn dưới sự trông coi của một vị thày đến từ cõi tâm linh ở ngay trên vũ trụ vật chất. Vị thày sẽ hướng dẫn người đó và giải thích một cách ưu ái rằng mọi hành động đều mang hậu quả. Vị thày cũng nhận trách nhiệm về nghiệp quả của học trò, nghĩa là khi trò học xong bài học thử nghiệm, vị thày sẽ quân bình nghiệp quả đã phát sinh để trò có thể tiếp tục tu học mà không bị những lầm lỗi của mình cản bước.  

Nhiều tôn giáo trên thế giới vẫn còn giữ những truyền thuyết hay hình ảnh của thời lý tưởng đó. Ví dụ phổ biến nhất ở Tây phương là câu chuyện Vườn Eden. Câu chuyện kể lại bằng thần thoại một sự kiện đã xảy ra cho mỗi con người trên địa cầu, nghĩa là Adam và Eva không phải là hai sinh thể độc nhất có mặt nơi Địa đàng. Mỗi người trong chúng ta đều từng khởi đầu trong trạng thái tâm ở vườn Địa đàng dưới sự trông nom trực tiếp của một vị thày tâm linh. Thế nhưng như câu chuyện kể tiếp, con người bắt đầu hồ nghi vị thày mình và do đó phải rời khỏi khu vườn. Kỳ thực, họ không hề bị đuổi ra khỏi vườn, mà đơn giản họ đã kéo thấp độ rung của tâm thức, khiến cho họ mất hẳn ý thức về Địa đàng và cũng mất liên lạc với thày. 

Sau khi trò không còn liên hệ với thày nữa, luật tâm linh quy định rằng thày không thể tiếp tục mang hộ nghiệp quả cho trò. Thày không thể chịu trách nhiệm về nghiệp quả của trò một khi trò không còn được mình trông coi. Khi chưa chia cách, người đồng sáng tạo còn được học hỏi về hậu quả việc làm dưới sự hướng dẫn trìu mến của thày. Nhưng sau Bước Sa ngã, người đồng sáng tạo phải tự học lấy qua tấm gương vũ trụ. Tấm gương này phản hồi lại cho mỗi người tất cả những gì người đó đã gửi ra vũ trụ qua việc làm của mình. Và Kinh Sáng thế mô tả sự kiện đó như sau, “Người sẽ làm lụng đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Genesis 3:19). 

Nói cách khác, trong Kế hoạch A lý tưởng, người đồng sáng tạo sẽ không bao giờ phải nếm mùi đau khổ phàm thế vì luôn luôn nhận được hướng dẫn của một vị thày làm tấm đệm giữa họ và nghiệp quả của họ. Nhưng khi họ bị mất liên hệ với thày thì Kế hoạch B phải được kích hoạt. Một khi không còn sẵn sàng nhận sự chỉ dẫn nữa thì người đồng sáng tạo phải tự học lấy bài học nhân quả. Đó gọi là Trường đời Cay đắng để đối lại với Trường Chỉ đạo Thiêng liêng.  

Người đồng sáng tạo đã tự cách ly khỏi thày tất nhiên sẽ không còn nhận được hướng dẫn nữa. Cứ thế, họ tạo thêm nghiệp quả và phải tự gánh lấy. Luật quân bình nói rằng nếu bạn tạo nghiệp trong cõi vật chất, bạn sẽ không thể thăng trở lại cõi tâm linh cho đến khi nghiệp quả được quân bình. Khi vẫn còn trong lớp học tâm linh, người đồng sáng tạo có một cơ thể tương đối thuần khiết, không hề biết già hay đau ốm. Nhưng một khi nghiệp quả chồng chất thì cơ thể vật lý bắt đầu già đi và biểu hiện bệnh tật, khiến cho mạng sống ngày càng ngắn ngủi, và do đó nghiệp quả không thể được quân bình trước khi thân xác qua đời. Tới điểm này thì Kế hoạch C phải nhập cuộc, nghĩa là con người sẽ phải tái đầu thai để có thêm nhiều cơ hội chuộc lại nghiệp cũ. Chính vì vậy mà bạn sẽ tiếp tục đầu thai trên địa cầu cho tới khi bạn học xong mọi bài học và quân bình đủ số nghiệp quả.