Tại sao cần hiểu biết cái ta?

Bạn hãy thử nhìn xem, bạn đang trải nghiệm đời mình như thế nào? Rất có thể bạn đang gặp một số hoàn cảnh mà bạn cảm thấy gò bó, như thể chúng đang sai khiến mình vậy. Và ban tự hỏi, “Làm cách nào tôi có thể thăng vượt được hoàn cảnh này đây?”   

Nếu bạn suy xét bằng trí khôn thường tình, hẳn bạn sẽ nghĩ cách duy nhất để vượt qua một hạn chế nào đó là thay đổi hoàn cảnh bên ngoài đã gây ra hạn chế đó. Nói cách khác, chỉ có một cách để thay đổi trải nghiệm về cuộc sống là phải thay đổi ngoại cảnh. 

Vấn đề với cách nhìn này là trong đời thiếu gì những yếu tố mà mình dường như không thể kiểm soát, hoặc có rất ít quyền hạn kiểm soát. Và như vậy, bài toán đặt ra thật là hắc búa: Làm thế nào tôi có thể thay đổi trải nghiệm về đời sống nếu tôi không thể kiểm soát những yếu tố ngoại cảnh mà tôi nghĩ đang chi phối trải nghiệm của tôi?  

Làm sao thoát được bế tắc, thoát được vòng luẩn quẩn này đây? Hay là chúng ta thử đặt câu hỏi một cách khác đi: “Có thật là các yếu tố ngoại cảnh sai khiến tôi, hay chúng CHỈ có thể sai khiến nếu tôi nghĩ chúng có khả năng sai khiến mình?” Nói cách khác, ai sai khiến ai, và ai nắm giữ quyền hạn sai khiến? Quyền hạn này có nằm bên ngoài mình (có nghĩa chúng ta sẽ hoàn toàn bó tay không làm gì được) hay là nó nằm trong tâm mình (có nghĩa chúng ta CÓ KHẢ NĂNG làm được cái gì đó),

Có thật là những “vật” trong vũ trụ vật chất có quyền hạn trên chúng ta, hay là chúng chỉ có quyền hạn cho tới một mức nào đó mà chúng ta cho phép chúng? Có thể chăng chìa khoá cho bài toán này nằm ở chỗ chúng ta cần hiểu sâu sắc hơn mình là ai?

Vậy thì bạn là ai đây? Bạn thử nghĩ xem, lỡ cái gì định đoạt trải nghiệm cuộc sống của bạn ngay lúc này chỉ đơn giản là một cái ngã? Tất nhiên đó là một cái ngã tin rằng hoàn cảnh bên ngoài là có thực và có khả năng sai khiến bạn – hay nói đúng hơn, sai khiến ngã.

Khi đặt câu hỏi khác đi như thế, chúng ta mở ra một cách nhìn mới về cuộc đời. Những gì bạn đang trải nghiệm ngay lúc này chẳng qua chỉ là do bạn đang nhìn cuộc đời qua một cái ngã nào đó. Nhưng đây có phải là cách duy nhất để trải nghiệm cuộc đời hay không?

Và bạn thử nghĩ, lỡ cái ngã này tương tự như một phin lọc nhận thức, như bạn đang đeo một cặp mắt kính màu vàng vậy? Bạn đeo kính vàng nhìn lên trời xanh dương mà cứ nhất định là trời màu xanh lá cây. Phải chăng là bạn chưa từng nhìn trời mà không đeo kính, như là có ai đã đeo kính áp tròng màu vàng lên mắt bạn ngay từ khi bạn chào đời? Tất nhiên là bạn sẽ lớn lên luôn tin chắc rằng màu trời thật sự là xanh lá cây, và bạn sẽ không thể tưởng tượng được có cách nào khác để trải nghiệm màu trời.

Vậy chúng ta có thể mô tả vấn đề cốt lõi của nhân sinh quan là như sau:

  • Chúng ta trải nghiệm cuộc sống qua một phin lọc nhận thức.
  • Chúng ta không biết đó chỉ là một trong nhiều phin lọc có thể có.
  • Chúng ta nghĩ rằng những gì mình thấy qua phin lọc là cách duy nhất để trải nghiệm cuộc sống.
  • Chúng ta nghĩ rằng những gì mình thấy qua phin lọc là thực tại.

Và bây giờ chúng ta có thể thấy rõ, ngoại cảnh sai khiến được mình chẳng qua là do mình tin rằng cái gì mình thấy qua phin lọc là một thực tại đứng ngoài độc lập với mình.

Khi bạn bắt đầu nhận ra rằng cái nhìn của mình về đời sống chỉ là sản phẩm một cái ngã, một phin lọc nhận thức nào đó, thì cả một vùng trời lạ thường mở ra cho bạn. Bây giờ bạn có thể đặt câu hỏi đổi đời: “Cái ngã hiện thời của tôi có phải là cách duy nhất để nhìn cuộc đời, hay là có cách nhìn nào khác – một cách nhìn sẽ giúp tôi thăng vượt các hạn chế hiện tại của mình?”

Nhìn chung quanh, bạn có thể dễ dàng nhận thấy nhiều người không nhìn đời giống mình. Dễ hiểu thôi, bởi vì họ trải nghiệm cuộc sống qua những cái ngã, những phin lọc nhận thức khác bạn. Đó là lý do bạn cảm thấy khó lòng đồng ý với họ, hay ngay cả giao tiếp với họ. Nếu bạn đeo kính vàng còn họ đeo kính đỏ thì làm sao đồng ý với nhau về màu trời?  

Hiểu vậy rồi, chúng ta sẽ làm gì đây? Đầu tiên chúng ta có thể khởi sự một tiến trình tinh luyện, mở rộng những phin lọc nhận thức của mình bằng cách tìm hiểu thêm về các đề tài đời sống và tâm linh. Việc làm này, nhiều người trong chúng ta đã từng làm khi học hỏi giáo lý tâm linh. Nhờ lãnh hội sâu sắc hơn các khía cạnh tâm linh của đời sống, chúng ta thay đổi được nhận thức về cuộc đời.      

Tuy nhiên chúng ta cũng thấy được phương cách này có một số hạn chế. Chẳng hạn, nhiều người tâm linh vẫn còn mang một số tính nết hay thói quen mà họ không thể nào vượt bỏ được. Không những thế, có khi chúng ta còn dùng cả giáo lý tâm linh để dựng lên một phin lọc nhận thức mới, khiến mình bị hạn chế y như trước tuy rằng hình thức có thể khác. Một số còn bị kéo vào vòng tranh luận khi cố thuyết phục người khác rằng “phin lọc nhận thức của tôi mới đúng, phin lọc của anh sai” – một cuộc tranh cãi đã kéo dài từ rất lâu trên hành tinh này. Thậm chí một số còn cảm thấy mình hơn người do thày mình hay giáo lý của mình đã đem lại cho mình những nhận thức cao siêu hơn mọi người khác.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là việc học tập giáo lý tâm linh là sai trái, hay việc mở rộng phin lọc nhận thức là vô ích. Nhưng đó phải chăng chỉ là một giai đọan nhất thời, và trên đường tu tâm linh còn nhiều giai đoạn khác cao hơn? Nếu thật vậy thì những giai đoạn kế tiếp sẽ là gì?

Có lẽ đã đến lúc bạn cần tự đặt một câu hỏi khác hơn: “Liệu tôi có thể trải nghiệm cuộc sống mà không qua bất cứ một phin lọc nhận thức nào không?” Nói cách khác, có thể nào tôi thăng vượt mọi phin lọc nhận thức thay vì chỉ mở rộng phin lọc? Và câu này dẫn tới một câu khác nữa: “Ở cốt lõi, tôi là gì?”