Sự hiểu biết về trường năng lượng của con người đã có từ thuở xa xưa ở phương Đông và từ lâu người ta biết rằng hào quang con người có một số trung tâm nhất định. Những trung tâm này được gọi là luân xa – hay chakra, một từ tiếng Phạn có nghĩa là “bánh xe”. Hiểu biết về luân xa sẽ giúp bạn như thế nào?
Luân xa thực sự là các lối mở, hay cổng ra vào, giữa giải tần số vật chất với giải tần số cao hơn mà người ta thường gọi là cõi tâm linh. Năng lượng có tần số thanh cao tuôn chảy từ cái ta tâm linh của bạn – cái ta cao hơn, tạm gọi là chân ngã – xuống bốn tầng của tâm bạn (bốn thể phàm) thông qua các luân xa. Và cũng thông qua luân xa mà các ấn tượng chảy ngược trở lên, hầu chân ngã có thể trải nghiệm thế giới vật chất qua trung gian bạn. Nhờ thế mà những kinh nghiệm tiến hóa của bạn mới được đưa vào lưu trữ trong căn thể, cung cấp cho bạn cái động lượng sáng tạo để bạn lần hồi đạt được sự điều ngự của tâm trên vật chất.
Yếu tố duy trì sự sống của bạn là một dòng năng lượng tâm linh xối xuống từ chân ngã. Dòng năng lượng này luôn luôn có sẵn, nhưng có một quy luật tâm linh định rằng nếu bạn muốn nhận được điều gì từ trên, thì ở dưới bạn phải có một cái chén để hứng lấy. Và đây chính là nguồn gốc của Chén Thánh, biểu tượng cho cái chén tiếp nhận năng lượng từ trên cao. Cái chén nơi năng lượng của Tánh linh chảy vào chính là bảy luân xa trong hào quang của bạn.
Tại sao lại có bảy luân xa? Như đã trình bày ở những nơi khác, vũ trụ vật chất được tạo ra từ bảy loại năng lượng tâm linh khác nhau, bảy tia sáng. Mỗi tia tương ứng với một trong bảy luân xa chính.
Khi bạn tiếp nhận ánh sáng nơi một luân xa, bạn sẽ dùng ánh sáng này để biểu hiện khả năng sáng tạo của mình. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hàng đầu là liệu bạn có mục đích nâng mọi sự sống đi lên (với động cơ là tình thương) hay chỉ nâng cái ngã tách biệt (với động cơ là sợ hãi).
- Nếu bạn biểu hiện khả năng sáng tạo dựa trên tình thương, bạn sẽ khởi sinh ra một luồng phản hồi gửi ánh sáng trở ngược lên qua luân xa. Luồng này sẽ được chân ngã sinh sôi nẩy nở, khiến ánh sáng đi vào luân xa được khuếch trương và khả năng sáng tạo của bạn được tăng triển.
- Nếu bạn biểu hiện khả năng sáng tạo dựa trên sợ hãi, sẽ không có luồng phản hồi nào trở ngược lên chân ngã và cũng không có gì đề sinh sôi. Thay vào đó, bạn sẽ phát ra năng lượng có tần số thấp, và năng lượng này bắt đầu tích tụ lại trong luân xa. Dần dần, nó sẽ ngăn chặn hay đóng hẳn luân xa lại, và càng ngày sẽ càng có ít ánh sáng từ chân ngã luồn qua được.
Bạn thấy đó, khi tất cả bảy luân xa đều mở, ít ra là một phần, thì sẽ có một dòng năng lượng chảy liên tục từ chân ngã xuống phàm ngã và ngược trở lên. Năng lượng này tạo thành một hình số 8. Càng nhiều năng lượng chảy qua thì bạn sẽ càng tỉnh giác và sáng tạo hơn. Cho nên đối với mỗi hành giả tầm đạo chân thành, việc giữ gìn luân xa cho thuần khiết là một điều quan trọng sống còn. Chính Giê-su cũng từng dạy một truyện ngụ ngôn với ý như thế, về bảy nữ đồng trinh khôn ngoan luôn luôn chuẩn bị sẵn “ngọn đèn” của mình để chờ khi nào chàng rể đến mời đi.
Ngược lại, nếu luân xa bị ô nhiễm, bạn sẽ có một dòng năng lượng rất thấp, có khi chỉ đủ để giữ cho cơ thể vật lý sống còn. Thật ra một số người đã đóng hẳn luân xa của mình đến độ họ phải đi đánh cắp năng lượng của người khác thì mới làm được bất cứ chuyện gì, hay thậm chí để mình khỏi chết.
Đặc tính của bảy luân xa chính
Bây giờ đã rõ tại sao việc giữ gìn luân xa thanh khiết là điều quan trọng, đó là để bạn có được dòng năng lượng tối đa. Hầu hết những người quan tâm đến tâm linh đều có ít nhất một luân xa mở rộng vừa phải, và chính điều này cho phép chúng ta nhận ra nhu cầu phát triển tâm linh. Thế nhưng chúng ta cũng thường có ít nhất một luân xa tương đối khép đóng, và điều này khiến mình dường như không thăng vượt được một số khuôn nếp cố hữu.
Vấn đề ở đây là các luân xa có độ mở khác nhau, do đó chúng ta có khuynh hướng biểu hiện khả năng sáng tạo của mình một cách thiếu quân bình. Một thí dụ điển hình là nếu một người có Luân xa Cổ họng (trung tâm của quyền năng) tương đối mở, nhưng Luân xa Tim (trung tâm của tình thương và từ bi) đóng kín, thì người đó sẽ có khuynh hướng biểu hiện quyền năng mà không được tình thương quân bình lại, và điều này nhất định dẫn đến việc lạm dụng quyền hành. Lịch sử thế giới đầy rẫy ví dụ những khốn khổ lầm than mà sự thể này gây ra.
Mỗi luân xa tương ứng với một trong bảy tia sáng tâm linh. Toàn bộ vũ trụ được sinh tạo từ sự phối hợp tần số năng lượng của bảy tia này. Như đã trình bày, hành tinh địa cầu được tạo ra ở khởi đầu trong sự cân bằng hoàn toàn giữa bảy loại năng lượng. Cho nên trong thiên nhiên cũng có sự cân bằng, không có thiên tai và cũng không thiếu lương thực hay tài nguyên. Xác thân con người không bao giờ bị đau ốm hay phải già đi.
Sở dĩ tình trạng cân bằng nguyên thủy đó bị đánh mất là vì loài người qua các thời đại đã biểu hiện khả năng sáng tạo của mình một cách thiếu cân bằng. Mỗi tia trong số bảy tia sáng đều có một số đức tính khi nó thuần khiết. Khi bạn nhận ánh sáng của một tia sáng qua luân xa mình và bày tỏ nó trong tình thương, bạn hoàn toàn có khả năng sáng tạo mà không làm xáo trộn sự quân bình. Nhưng khi bạn xuống thấp hơn tầng mức của tình thương thì bạn sẽ tạo ra sự mất quân bình.
Bao nhiêu những sự mất quân bình mà bạn chứng kiến trên trái đất đều là do loài người đã làm tha hóa các đức tính thanh khiết của bảy luân xa. Cho nên yếu tố khiến cho một luân xa bị đóng kín chính là sự tha hóa các đức tính thanh tịnh của luân xa đó. Trong phần sau đây, xin liệt ra mỗi luân xa với đặc tính riêng.
Tên luân xa và vị trí
Mỗi hệ thống tu tập đều đặt cho luân xa những cái tên có phần hơi khác nhau. Trong trang mạng này, xin sử dụng tên gọi dựa theo giáo lý của các chân sư thăng thiên:
- Luân xa Đỉnh đầu
- Luân xa Mắt thứ ba
- Luân xa Cổ họng
- Luân xa Tim
- Luân xa Đám rối dương
- Luân xa Hồn
- Luân xa Gốc
Hình dạng
Các luân xa thường được mô tả với hình dạng giống như bông hoa có số cánh khác nhau. Có những cách mô tả khác là như cái van, hay thậm chí một động cơ phản lực có cánh bằng kim loại có khả năng mở ra hay đóng lại để điều chỉnh lưu lượng không khí.
Tia ánh sáng tương ứng
Các chân sư dạy rằng mỗi luân xa tương ứng với một tia sáng tâm linh đặc thù. Mỗi luân xa được thiết lập với chức năng làm cánh cửa mở cho các đức tính tâm linh của tia sáng để biểu hiện qua trung gian phàm ngã của bạn. Khi tất cả mọi luân xa đều hoạt động tối ưu, bạn sẽ có dòng sáng tạo tối đa mà bạn sẽ biểu hiện một cách quân bình. Sự quân bình bảo đảm có dòng phản hồi chảy trở ngược lên chân ngã của bạn nơi nó sẽ được sinh sôi và gửi trở xuống. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tăng trưởng khả năng sáng tạo theo cấp số nhân – miễn là bạn duy trì được sự quân bình.
Màu sắc
Mỗi luân xa có một màu săc đặc thù. Trong các hệ thống khác nhau, màu sắc này được mô tả khác biệt. Như có một hệ thống phổ thông mô tả luân xa thấp nhất là màu đỏ trong khi Luân xa Tim được cho là màu xanh lá cây. Trang mạng này không có ý nói rằng hệ thống này đúng hay hệ thống kia sai, mà xin mô tả các luân xa trong cùng màu sắc với tia sáng tâm linh tương ứng.
Đức tính thuần khiết
Mỗi luân xa có một số đức tính thuần khiết do tia sáng tương ứng định ra. Nếu bạn nhận ra là mình có khả năng biểu hiện một số đức tính được liệt kê, bạn có thể lượng định xem luăn xa nào của mình có phần thanh khiết hơn. Nếu bạn thấy thiếu sót một số đức tính nào đó thì đây là dấu hiệu luân xa tương ứng chưa mở hẳn. Làm vậy rồi, bạn có thể sử dụng các dụng cụ thăng vượt để thanh lọc luân xa đó. Sau đây là mô tả từng luân xa.
Luân xa Đỉnh đầu
Thường được xem là tia sáng của minh triết, giác ngộ và tự hiểu biết, tuy nhiên ở mức sâu hơn, đây là luân xa đem lại khả năng nhận rõ tính không thực của ngã tách biệt cũng như ảo tưởng của ý niệm tách biệt. Qua Luân xa Đỉnh đầu, con người chiêm nghiệm sự thật cơ bản rằng mọi sự sống đều là một, và không có gì có thể tách rời khỏi Đấng Sáng tạo hiện diện khắp mọi nơi. Một đức tính khác của một Luân xa Đỉnh đầu thuần khiết là sự cởi mở đối với hiểu biết siêu việt, và sự chứng nghiệm rằng chân lý có nhiều cách diễn tả chính đáng khác nhau, nhưng mọi diễn tả đều tụ về cùng một thực tại bất nhị nằm bên dưới.
Các mặt tha hóa của Luân xa Đỉnh đầu:
Mặt tha hóa của Luân xa Đỉnh đầu là minh triết giả hiệu, khi con người tưởng là mình biết tất cả, hay mình nắm một chân lý tối hậu. Ảo tưởng này là hệ lụy của ảo tưởng nhị nguyên, lầm tưởng rằng thực tại có thể chia ra thành từng phần riêng biệt, và tâm tách biệt có quyền và có khả năng định ra phần nào là đúng, phần nào là sai.
Sự tha hóa của Luân xa Đỉnh đầu thường được thấy nơi những người tin tuyệt đối là mình đúng – đặc biệt những ai đã trở nên cuồng tín – và sẵn sàng cưỡng ép người khác phải tuân theo ý mình. Một sự tha hóa khác là chủ nghĩa trí thức, qua đó người ta sẵn sàng tranh cãi để ủng hộ hay chống đối một ý tưởng mà không chịu vượt lên trên ý tưởng đó để trực nghiệm Tánh linh vượt mọi ngôn từ.
Luân xa Mắt thứ ba
Thường được xem là trụ sở của sự thật và viễn kiến – nhưng viễn kiến về điều gì? Mắt thứ ba là chỗ trụ của viễn kiến đơn nhất, như được minh họa trong câu nói của Giê-su, “Nếu mắt con đơn nhất, toàn thân con sẽ tràn ngập ánh sáng”. Viễn kiến đơn nhất chính là viễn kiến Ki-tô nhìn thấu suốt qua mọi nhị nguyên. Đây là sự chứng ngộ rằng tất cả mọi cách diễn đạt “sự thật” trong cõi vật chất đều thiếu sót so với Tánh linh Sự Thật, có nghĩa là để chạm được chân lý, chúng ta phải vượt trên mọi cách diễn đạt vỏ ngoài.
Làm được vậy thì sẽ thấy mọi phân chia đều không thật, và hiểu được mình phải nâng cao mọi sự sống. Đây là tính phân biện Ki-tô, khả năng nhận diện tức thì và nhìn thấu qua mọi gian dối của nhị nguyên, bởi vì nhị nguyên luôn chỉ nâng một bên và dìm bên kia xuống. Điều này được phản ánh trong câu chuyện Vườn Eden khi rắn gieo ngờ vực vào tâm Eva với lời dụ dỗ, “Ông bà chắc chắn sẽ không chết đâu”. Với một Luân xa Mắt thứ ba đã thuần khiết, bạn nhìn thấu lý luận gian manh của rắn. Bạn cũng thấy rõ mọi hình tướng của cõi vật chất đều tạm bợ, và bạn trụ trong niệm tinh khôi rằng mọi người cùng mọi điều kiện sẽ được chuyển hóa.
Những mặt tha hóa của Luân xa Mắt thứ ba:
Tha hóa của luân xa này là sự thiếu viễn kiến, thiếu khả năng phân biện giữa Chân lý bất nhị và vô số những “sự thật” nhị nguyên, vốn tạo lòng ngờ vực, tuyệt vọng rằng sự thật không thật có. Đó cũng là sự lầm tin rằng chỉ có một sự thật duy nhất là sự thật của mình. Do tin rằng mình nắm sự thật duy nhất đó mà đâm đầu giao chiến với bất cứ ai ủng hộ một ý thức hệ khác biệt, thậm chí còn cảm thấy việc phê phán và tiêu diệt những tư tưởng đối lập là cần thiết và có chính nghĩa. Sự tha hóa của Luân xa Mắt thứ ba biểu hiện nơi những người hay phê phán người khác hoặc ý kiến khác mình, lại còn chụp mũ họ là người xấu, mà không biết rằng tất cả chỉ là hình tướng phù du.
Luân xa Cổ họng
Thường được xem là trụ sở của quyền năng và ý chí, tuy nhiên nếu hiểu sâu sắc hơn thì là nơi trụ của nghị lực sáng tạo. Đây là ý muốn tự biểu thị – tuy nhiên trong dạng thuần túy là sự biểu thị sắc thái tâm linh. Một Luân xa Cổ họng thuần khiết sẽ khơi dậy nghị lực sáng tạo, được biểu hiện qua sự sốt sắng trải nghiệm cho dù kết quả trải nghiệm không thể đoán trước. Đây cũng là thái độ sẵn sàng nhập vào dòng sống và tích cực học hỏi từ mỗi kinh nghiệm.
Luân xa Cổ họng thanh khiết khiến cho con người cảm thấy mọi việc đều có tầm quan trọng, cuộc đời vô cùng hứng thú, và mỗi cá nhân có khả năng thật sự thay đổi cục diện. Luân xa Cổ họng cũng là trụ sở của ý muốn nâng cao toàn thể thay vì chỉ nâng cao chính mình.
Những mặt tha hóa của Luân xa Cổ họng:
Khi tha hóa, nghị lực sáng tạo trở thành nỗi sợ hãi những gì mình không nắm biết, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực nhằm kiểm soát mọi tình huống, kể cả kiểm soát người khác. Đương sự sợ hãi không dám tiến hành những công việc không bảo đảm trước được kết quả, và khi đó, tất nhiên khả năng sáng tạo bị thui chột.
Những người có Luân xa Cổ họng ô nhiễm thường lao vào trò tranh giành quyền lực để cố kiểm soát cho sự việc đạt được kết quả mình muốn. Nhưng điều này bóp chết cái lực sống trong mỗi sự sống luôn mong muốn thăng vượt lên, và cuối cùng chỉ có tự ngã được cảm thấy an toàn trong sự nắm giữ và sỡ hữu cái gì nó muốn trong thế gian. Hậu quả là đương sự muốn sở hữu luôn cả người khác – một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột trong nhân loại. Trong những trường hợp nhẹ, người đó sẽ sợ sáng tạo, cảm thấy bất lực và tin rằng cuộc đời không còn gì đáng làm, hay mình có đóng góp cũng chẳng đưa tới đâu.
Luân xa Tim
Một điểm quan trọng cần hiểu là ba luân xa nằm ở phần cao của cơ thể là trụ sở của cái thường được gọi là tâm trí, đặc biệt là khả năng hình thành những suy nghĩ, những giải thích rõ ràng và chi tiết. Khác hẳn là ba luân xa nằm ở phần dưới của cơ thể, là trụ sở của cảm xúc với xu hướng lưu chảy mà không nhất thiết giải thích được tại sao. Cảm xúc chảy theo những gì nó cảm thấy đúng đắn, hoặc (nếu bị tha hóa) nó cảm thấy thích thú. Luân xa Tim nằm ở ngay giữa ba luân xa cao và ba luân xa thấp, lý do là vì bạn chỉ có thể quân bình tâm trí và cảm xúc, quân bình não trái và não phải, qua một Luân xa Tim thuần khiết.
Luân xa Tim thường được xem là trụ sở của tình thương, từ bi, bác ái, và khả năng thưởng ngoạn cái đẹp và tính vị tha. Tuy nhiên trong cách hiểu sâu xa, Luân xa Tim là nơi trụ của sự quân bình. Đằng sau Luân xa Tim là một luân xa thứ 8, gọi là Phòng kín của Tim. Chính ở luân xa này mà ánh sáng từ chân ngã của bạn xối xuống. Sau đó ánh sáng đi vào Luân xa Tim để từ đó được phân phối đến các luân xa khác. Điều này có nghĩa là nếu Luân xa Tim bị ô nhiễm bởi những biểu hiện ô uế của tình thương, thì ánh sáng truyền đến các luân xa kia cũng sẽ bị vấy bẩn ngay từ đầu.
Tình thương có thể được xem như cái lực giữ thăng bằng cho sự sống, tạo sự quân bình giữa hai thái cực của tạo hóa – là lực lan ra (dương, hay Cha) và lực co lại (âm, hay Mẹ). Nếu hai lực này không hài hòa thì sẽ có xu hướng đẩy một trong hai ra cực điểm. Mất quân bình có nghĩa là hoặc lan ra quá xa và bị nổ tan tành, hoặc không xa đủ, tức là không đạt thành quả và tự tiêu diệt do co lại quá trớn.
Một Luân xa Tim thuần khiết cho bạn khả năng chứng nghiệm tính vô điều kiện, tức là thực tại vượt khỏi hai đối cực do tâm nhị nguyên dựng ra. Nếu nhị nguyên có mặt, bạn sẽ cảm thấy nó ngay, cho dù bạn có thể chưa thanh lọc Luân xa Mắt thứ ba và Luân xa Đỉnh đầu, là hai luân xa cho bạn khả năng giải thích cặn kẽ. Đơn giản, bạn cảm thấy những gì có điều kiện là “không ổn” vì bạn đã chứng nghiệm trong tim bạn bản chất vô điều kiện của Thượng đế và của thực tại.
Một người với Luân xa Tim thuần khiết sẽ cảm nhận sâu xa trong nội tâm mình sự duy nhất của mọi sự sống, và từ đó có khả năng phân biện giữa điều gì “ổn” khi mọi sự sống được nâng lên, và điều gì “không ổn” khi chỉ có một phần nâng lên và phần kia bị kéo xuống. Nơi Luân xa Tim, bạn có thể nhận ra điều nào là điều phải, cho dù lý trí bạn (các luân xa cao) chưa thể giải thích tại sao, và cũng vậy, bạn sẽ nhận ra khi nào ba luân xa thấp bị lòng vị kỷ thúc đẩy, và như vậy bạn đạt được quyền năng quân bình các luân xa.
Những mặt tha hóa của Luân xa Tim:
Tha hóa chính của Luân xa Tim là sự thiếu quân bình, nhưng nó có thể diễn tả bằng nhiều cách vi tế. Có một cách thường gọi là tình yêu, nhưng kỳ thực chỉ là nỗ lực sở hữu và kiểm soát người khác. Đưa đến cùng cực, nó có thể biểu hiện qua sự thù ghét và ý muốn trừng phạt hay tiêu diệt những ai từ chối bị kiểm soát. Chẳng hạn, nhiều người đem lòng thương yêu nhưng lại tỏ ra muốn sở hữu đối tượng mình yêu thương.
Một cách tha hóa khác là tin rằng mọi phương tiện đều chính đáng để đạt được mục đích, có nghĩa là khi mình say đắm một “chính nghĩa” rồi thì mình có quyền cưỡng ép hoặc giết hại người khác để phục vụ chính nghĩa. Hình thức tha hóa này của tình thương đã gây ra những tội ác tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Ít có ai ngoan cố bằng những người bị lòng cuồng tín làm cho Luân xa Tim bị mất quân bình. Đây cũng chính là lý do khiến người ta tin rằng mình phải giết người để chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thượng đế.
Luân xa Đám rối dương
Thường được xem là trụ sở của an bình, nhưng là “sự an bình vượt mọi hiểu biết”, vì sự hiểu biết có được là qua các luân xa cao hơn tim. Cho nên đây là nội tâm không dao động khi không một hình tướng nhị nguyên nào còn khả năng lôi kéo mình, là sự tĩnh lặng thâm sâu dù đang đứng giữa cảnh binh đao sôi động, là khi chúng ta cảm được lực lôi kéo vào vòng chao đảo của giận dữ mà vẫn trụ vững nơi trung tâm, không nhập cuộc.
Khi an định như vậy thì mới có thể thật sự quên mình phục vụ tha nhân, vì khi đó mới có trực giác đem lại sự hài hòa trong mọi tình huống. Và tất nhiên, hài hòa là chìa khóa để giúp con người vượt lên trên những vật lộn nhị nguyên hầu tìm đến điểm chung. Một người với Luân xa Đám rối dương thuần khiết, nhất là khi các luân xa cao cũng đã thuần khiết, sẽ có biệt tài kết hợp mọi người để luôn luôn tìm được điểm gặp gỡ chung.
Những mặt tha hóa của Luân xa Đám rối dương:
Tha hóa dễ thấy nhất của Luân xa Đám rối dương là sự nóng giận và dao động, thể hiện qua cách cư xử hung hãn nhằm cưỡng ép người khác thay đổi, hoặc trừng phạt những ai chống cự lại. Đây là sự bất an vượt mọi hiểu biết, bởi vì không có cách nào bình tĩnh lý giải với một người có một Luân xa Đám rối dương xao động. Trong cơn nóng giận, đượng sự hành xử mù quáng, lầm lỡ để rồi lại hối tiếc, kể cả những chuyện mà ai ai cũng thấy là sai trái nhưng đương sự thì hoàn toàn không biết trong cơn đui mù lúc đó.
Một tha hóa khác mà có người xem là tính hiếu hòa, nhưng thực sự chỉ là tính thụ động, từ chối có lập trường trong mọi hoàn cảnh. Người bị tha hóa như vậy thường nhận vai mình là nạn nhân, chỉ biết phản ứng trước những thế lực từ ngoài và từ chối nhận trách nhiệm cuộc đời mình. Một số khác đánh mất mọi cá thể đến độ mình hùa theo đám đông để hành động mù quáng, hay mình mù quáng đi theo một lãnh tụ quyền uy. Một nét tha hóa khác là đui mù tưởng rằng bạo hành và vũ lực có thể là một giải pháp khả thi, có khi còn là cách phản ứng hợp lý nhất, thậm chí là cách phản ứng duy nhất.
Luân xa Hồn
Thường được xem là trụ sở của tự do, tha thứ và công lý, tuy nhiên hiểu sâu xa hơn thì Luân xa Hồn là nơi trụ các đức tính vui đùa, sẵn sàng đón nhận cuộc đời như trong câu nói của Giê-su, “Trừ khi con trở thành như một trẻ thơ thì con không thể vào được Vương quốc”.
Khi bạn thể hiện Luân xa Hồn thuần khiết, bạn cảm nhận cuộc đời tốt thiện trong bản chất. Bạn có mặt trong đời để biểu lộ chính mình và nô đùa với tất cả. Bạn không lo lắng về đời sống hay khắc khoải về tương lai. Bạn hoàn toàn tin cậy Tánh linh sẽ che chở mình và Mẹ sẽ nuôi dưỡng mình. Bạn tràn ngập niềm tự do phơi phới, bạn mong muốn thưởng thức cũng như tô thắm cuộc đời qua sự bày tỏ sáng tạo.
Những mặt tha hóa của Luân xa Hồn:
Sư tha hóa chủ yếu của Luân xa Hồn là xu hướng nhìn cuộc đời với thái độ cực kỳ hệ trọng. Điều này biểu hiện qua sự tha hóa của cả tự do lẫn công lý, và cả hai phối hợp lại khiến bạn cảm nhận cuộc sống là cuộc tranh đấu triền miên, thậm chí bạn phải phấn đấu chống lại một lực lượng bất công đang tìm cách tước đoạt tự do của bạn.
“Hãy cười nhạo ác quỷ thì hắn sẽ chạy đi mất”, câu châm ngôn này quả là chí lý, bởi vì khi bạn xem điều gì quá nghiêm trọng thì bạn trao cho nó quyền hạn tác động trên bạn. Tất nhiên trên đời cũng có nhiều chuyện bất công hạn chế tự do của bạn, vậy có nghĩa chăng là bạn nên xem nhẹ tất cả? Nói cho đúng, bạn cần giữ quân bình, và Giê-su có một nói câu khác cũng chí lý không kém, “Hãy khôn ngoan như rắn và vô hại như bồ câu”. Quả thật, bạn cần tìm sự quân bình giữa ngây thơ và thái độ nghiêm trọng quá đáng khiến bạn cảm thấy không thể nào tự do được nếu bạn chưa đổi được những điều kiện của thế gian vốn đã sẵn tạm bợ.
Sự tha hóa cùng cực của Luân xa Hồn là tư duy cuồng đại, qua đó người ta đinh ninh rằng thế giới là một cuốc chiến vĩ đại giữa thiện và ác, và mọi phương tiện đều chính đáng hầu đánh bại phe ác. Hậu quả là một sự vô cảm toàn diện đối với mạng sống, dẫn đến những sự dã man không kể xiết đối với con người. Và như mọi chuyện, vô cảm đối với người khác xuất phát từ vô cảm đối với chính mình.
Khi Luân xa Hồn của bạn bị ô nhiễm, bạn thường nghĩ rằng một vấn đề mà có mặt trên thế giới là do người ta không coi trọng nó như bạn. Nhưng khi khắc phục được sự mất quân bình này, bạn sẽ hiểu ra rằng vấn đề đó cứ vẫn tiếp tục chỉ vì người ta coi trọng nó quá đáng, và như vậy họ tưởng rằng thế giới vật chất có quyền năng trên cả Tánh linh của họ. Kỳ thực, tất cả chúng ta đều là những sinh thể tâm linh, và một trong những công tác sau cùng của chúng ta trên điạ cầu là chứng tỏ rằng mọi điều kiện vật chất không thể hạn chế Tánh linh cùng sự biểu hiện Tánh linh trong thế gian. Chìa khóa của tự do là cho phép chân ngã mình biểu thị qua chính mình, để sự nô đùa của con-người-trẻ-thơ thiêng liêng được biểu lộ, vì con người đó biết rõ nó là một với Cha. Cùng với Thượng đế thì mọi chuyện đều hoàn thành.
Luân xa Gốc
Thường được xem là trụ sở của sự thuần khiết, hy vọng và kỷ luật bản thân, tuy nhiên nếu hiểu sâu xa hơn, Luân xa Gốc chính là mặt tương tác giữa Tánh linh với thân thể và thế giới vật chất. Ở mức Luân xa Gốc, vấn đề đặt ra là liệu bạn có cho phép thế giới vật chất áp đảo Tánh linh, và như vậy giới hạn cách biểu đạt của bạn trong thế gian hay không. Bạn có tin rằng các điều kiện của thế gian vật chất là có thật, thường trực và bất biến, hay là bạn hiểu được mình có khả năng cởi trói quyền năng sáng tạo để gia tốc thế gian vật chất – yếu tố Mẹ – khỏi mọi hoàn cảnh hiện tại?
Với một Luân Gốc thuần khiết, bạn sẽ gỡ mình ra khỏi ảo tưởng cho rằng hình tướng vật chất là có thật, thường trực. Và như thế, bạn không còn bị kẹt trong cái chu kỳ bất tận khiến mình luôn tìm cách thỏa mãn những ham muốn thấp kém, xác thịt, phàm phu. Thay vào đó, bạn sẽ xem thế gian chỉ là một phương tiện để phát triển khả năng tự nhận biết, qua đó bạn tự động xa lánh những sinh hoạt không phục vụ mục đích này. Nhưng đồng thời, bạn cũng hiểu sâu sắc rằng không hề có sự xa lánh, mà chỉ có sự “tâm linh hóa” mọi sinh hoạt cuộc sống.
Khi mọi luân xa đều thuần khiết, bạn sẽ thấy ảo giác cuối cùng cần vượt qua trên hành trình tâm linh là ý niệm có sự phân cách giữa cõi tâm linh và cõi vật chất, giữa sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt vật chất. Thay vào đó, bạn sẽ trụ trong duy nhất, và mọi việc bạn làm đều trở thành những sinh hoạt tâm linh. Làm được vậy thì cũng hoàn thành được mục đích nguyên thủy khi bạn hiện thân làm người, là gia tốc các rung động của toàn thể vũ trụ vật chất lên cao hơn để nó trở thành một phần trường cửu của cõi tâm linh.
Những mặt tha hóa của Luân xa Gốc:
Tha hóa của Luân xa Gốc thường được xem là bợn nhơ và hỗn loạn, nhưng hiểu sâu sắc, đó là sự lầm tin rằng các điều kiện hiện tại là có thật, là điều tự nhiên phải như thế, là vượt ngoài khả năng thay đổi của mình. Bạn bắt đầu tin rằng thế gian tách hẳn khỏi cõi tâm linh, thậm chí còn có thể thuộc về ác quỷ – mình không làm sao thay đổi được thì tốt nhất nên bỏ mặc cho nó làm sao cũng được.
Thậm chí bạn còn tin rằng mình không có quyền là một người tâm linh trong thế gian này, và không được quyền biểu hiện những đức tính tâm linh của mình trong thế gian. Thay vào đó, bạn cho rằng phải chấp nhận và thích nghi với mọi điều kiện hiện hữu, và ở cùng cực, bạn tin chắc rằng mình là một sinh thể hoàn toàn vật chất, một sản phẩm của vũ trụ vật chất, đã đến từ bụi thì phải trở về với bụi. Với tâm thức đó thì không còn hy vọng gì gia tốc lên một trạng thái cao hơn. Thế nhưng sự sống lại là sự gia tốc để không ngừng Hơn Nữa, cho nên Giê-su mới gọi tâm thức này là “chết”, có nghĩa là chết tâm linh.