Thoát khỏi tinh thần trốn tránh

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 24/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada, và thày rất vui mừng chào đón con ở tầng cuối cùng của khóa nhập thất của thày. Thày muốn bắt đầu bằng cách duyệt lại những gì thày nói về quan hệ giữa con người trong bài giảng trước. Con nhận ra, khi con đứng lui lại và nhìn các quan hệ giữa con người, thì đại đa số (và thày muốn nói hơn 90 phần trăm) dựa trên, bị thúc đẩy bởi, bị kiểm soát bởi phàm linh nội tại trong những con người liên hệ. Con có thể nhìn tình trạng nhiều gia đình và con thấy sự tương tác giữa những thành viên hoàn toàn bị điều khiển bởi các phàm linh nội tại mà họ đã tu bồi, có khi trong nhiều kiếp. Rất hiếm khi, hay không bao giờ, trong suốt một đời người có những giây phút sáng suốt khi con người liên hệ với nhau một cách trực tiếp, cởi mở, không có phin lọc.

Con thấy là trong nhiều quan hệ tình yêu khi hai người mới gặp nhau và yêu nhau, họ có thể có một giai đoạn cởi mở với nhau. Sau đó, khi mối quan hệ trở nên ổn định, thì phàm linh giành quyền điều khiển. Lẽ tự nhiên, như một đệ tử chân sư thăng thiên, con có thể nhìn các sự kiện này và nói: “Tôi không muốn cả đời còn lại của tôi bị điều khiển bởi phàm linh, trong đó tôi lúc nào cũng phản ứng lại phàm linh của người khác qua phàm linh nội tại của chính tôi.” Lẽ tự nhiên, con muốn cố gắng và dùng những dụng cụ mà các thày đã cung cấp để vượt lên trên những phàm linh mà con có trong các mối quan hệ với người khác.

16.1. Giải thoát khỏi áp lực bên trong

Con có thể tiến thêm một bước nữa và nhìn vào: “Quan hệ của tôi với các chân sư thăng thiên, với con đường tâm linh là gì? Cách tôi quan niệm con đường tâm linh có bị phàm linh ảnh hưởng chăng?” Lẽ dĩ nhiên là phần nào. Trong bài giảng trước, thày có nói là thày muốn giải thoát con khỏi mọi áp lực con cảm thấy khi là đệ tử chân sư thăng thiên đang trên con đường đi tới thăng thiên. Nếu con đứng lui lại và nhìn vào chính mình một cách thành thực, con sẽ thấy là con có một số căng thẳng về điều con phải làm và không được làm khi là đệ tử chân sư thăng thiên.

Ta đã thấy trong quá khứ có tổ chức do chân sư thăng thiên bảo trợ đã dựng lên một văn hóa tập thể dựa trên một số quy luật vỏ ngoài quy định thành viên phải làm gì và không được làm gì. Kết quả là cả tổ chức bị bao trùm bởi một phàm linh tập thể khiến họ phán xét lẫn nhau dựa trên các tiêu chuẩn vỏ ngoài đó. Con cũng thấy điều này nơi nhiều tổ chức tôn giáo, nhưng con cũng thấy nơi nhiều tổ chức chính trị, và trong nhiều khung cảnh khác, trong đó, dĩ nhiên, có gia đình. Con thấy là trong thế giới có khuynh hướng đặt ra một tiêu chuẩn cư xử cho thành viên của một nhóm người, và sau đó phán xử những người không tuân theo chuẩn mực hay sự chờ đợi của tập thể.

Con yêu dấu, con có quyền tự quyết và thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Lẽ dĩ nhiên, con được phép liên hệ với các chân sư thăng thiên với khuôn nếp hiện nay qua một phàm linh nội tại được tạo ra theo một phàm linh tập thể. Tuy nhiên, nếu con muốn tiếp tục quan hệ với các vị thày tâm linh trên căn bản những phàm linh nội tại và phàm linh tập thể đó, thì thày có một yêu cầu. Con hãy để các thày, các chân sư thăng thiên, ra ngoài các trò chơi tâm lý khuynh đảo nhỏ bé của con. Con hãy tìm các thày khác để chơi các trò chơi này với con vì các thày không muốn chơi các trò chơi này.

Chúng ta đã tới điểm trong khóa tu này là nơi tất cả các thày muốn con phải đối diện nhu cầu ngưng các trò chơi này. Con hãy ngưng liên hệ với các thày qua các trò chơi thế gian này, thường do sa nhân xúi giục. Con hãy tạo dựng một quan hệ cá nhân trực tiếp hơn qua đó con tới với các thày với tâm cởi mở và ngây thơ và không nhìn các thày qua các phin lọc. Lẽ dĩ nhiên, có nhiều phàm linh tập thể mà con người đã tạo ra với các vị thày, các khuôn mặt uy quyền, và với người khác. Trong khóa tu học này, các thày đã cho con dụng cụ để nhìn thấy chúng, nhận diện chúng và vượt lên trên chúng. 

Thày muốn con, khi con hoàn tất tầng này của khóa học, dành một chút thì giờ trước khi con bắt đầu tầng thứ bảy với thày Saint Germain để xem xét quan hệ của con với chân sư thăng thiên, nhìn vào các phàm linh mà con có liên quan đến các thày, và sẵn sàng đuổi chúng đi. Thày làm điều này vì sáu vị Thượng sư đầu có mục tiêu chuẩn bị con cho những khai ngộ mà con sẽ nhận được từ Saint Germain. Những khai ngộ này rất liên quan đến cách con thực thi khả năng đồng sáng tạo. Để con thực thi trọn vẹn khả năng đồng sáng tạo, lẽ tự nhiên con cần phắc phục những ảo tưởng ở các tầng tâm thức thấp ngăn cản con không trở nên hoàn toàn sáng tạo vì con nghĩ cách duy nhất để sáng tạo là biểu lộ mình qua một phàm linh nội tại.

Lẽ dĩ nhiên, con không thể thực sự sáng tạo nếu con tìm cách sáng tạo qua một phàm linh nội tại. Con chỉ thực sự sáng tạo khi con đã sạch phàm linh nội tại tới mức có một kẽ hở để ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con chiếu qua và thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của con. Như Giê-su nói: “Tự riêng ta (cái ta thấp, bốn thể phàm) không làm gì được. Chính là Cha ta (Hiện diện TA LÀ) trong ta làm công việc.”

16.2. Một phiên bản đặc biệt của phản ứng tháo chạy

Ở tầng cuối mà thày đi với con trên con đường tu, thày muốn nói tới một cơ chế khác đã được các tâm lý gia nhận diện. Thày đã nói tới một cơ chế muốn trốn tránh một số chuyện là tư duy thần diệu qua đó con coi mình là trung tâm vũ trụ và coi mọi việc như xảy đến cá nhân mình. Bây giờ thày muốn nói tới một cơ chế khác mà các tâm lý gia đã gọi là phản ứng chiến đấu hay tháo chạy. 

Ngày hôm nay, nếu con nhìn vào nhiều người trên thế gian thì con thấy là họ tương tác với người khác dựa trên phản ứng chiến đấu. Con người rất, rất nhạy cảm và họ coi mọi việc hướng đến cá nhân họ, do đó họ rất dễ cảm thấy chính cá nhân họ bị tấn công. Khi hó cảm thấy bị tấn công, họ cảm thấy phản ứng tự vệ và đánh trả lại là chính đáng. Họ tự vệ bằng cách đánh lại người kia. Con thấy trong rất nhiều cuộc cãi vã khi một người nói điều gì khiến người kia cảm thấy bị tấn công. Người đó tấn công lại và cuộc cãi vã tiếp tục cho tới khi cả hai cạn tiệt năng lượng (trong nhất thời) và mỗi người đi một nẻo. Nhiều khi, họ trở lại sau đó và tiếp tục cãi vã khi họ đã phục hồi năng lượng.  

Con yêu dấu, lẽ dĩ nhiên hiện tượng này do phàm linh nội tại và một số phàm linh tập thể rất dũng mạnh thúc đẩy. Thày muốn con nhận ra là con là một người tâm linh và con đã là một người tâm linh trong nhiều kiếp. Nhiều người trong số các con đang theo học khóa học này đã đi trên con đường tâm linh từ 2000 năm nay, từ khi Giê-su trao truyền giáo lý về chìa má bên kia, thương yêu kẻ thù, làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình. Con đã cố hết sức theo giáo lý vỏ ngoài của Cơ đốc giáo và con đã tìm cách chế phục phản ứng chiến đấu trong con mà nó cũng ngự trị trong tâm nhiều người trên trái đất. Phản ứng chiến đấu này, lẽ dĩ nhiên, lúc đầu do một phàm linh bên ngoài tạo ra, và phàm linh đã có từ rất, rất lâu trên hành tinh này và do đó đã trở nên rất dũng mãnh. Nó đã được liên tục củng cố và ngày nay vẫn được củng cố bởi những người hành xử như vậy. 

Nhiều người trong số các con, trong suốt 2000 năm qua, đã cố gắng tự giải thoát mình khỏi khuynh hướng đó. Tuy nhiên, vì giáo lý của Giê-su bị bóp méo và tha hóa và vì quá nhiều phần bị loại bỏ, con không nhất thiết đã làm đúng theo những gì Giê-su chỉ dạy. Lẽ dĩ nhiên, Giê-su muốn con đi trên con đường của quả vị Ki-tô trực tiếp với thày trong 2000 năm qua. Nhiều người trong các con đã không tìm được con đường này vì giáo lý vỏ ngoài của Giê-su bị bóp méo và vì các phong trào thần bí bí truyền bị Cơ đốc giáo đàn áp.

Con cần nhận ra là con có phản ứng bản năng theo mô thức chiến đấu hay tháo chạy khi con đối diện sự hung hãn của người khác. Lẽ dĩ nhiên, có một lối phản ứng khác dựa trên quả vị Ki-tô, nhưng khi con chưa thấy con đường của quả vị Ki-tô, con thường không thể thấy làm sao con có thể đáp ứng một cách trực tiếp khi bị tấn công. Do đó, đa số các con đã đi vào khuynh hướng cảm thấy không bao giờ được tỏ ra hung hãn, lúc nào cũng phải chìa má bên kia, làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình, tránh hung hãn khi con chạm mặt sự hung hãn.

Dựa trên hiểu biết vỏ ngoài đã lưu hành sau khi các giáo hội Cơ đốc giáo méo mó được thành hình, thì đây là một phản ứng chừng mực và thực tiễn. Con không thể làm gì khác. Việc con tự kỷ luật mình để không phản ứng một cách hung hãn, không ăn miếng trả miếng, là một thái độ xây dựng. Tuy nhiên, con cần nhận ra là khi con không thể đáp ứng trực tiếp với sự hung hãn, con khó tránh chuyển qua phản ứng tháo chạy. Phản ứng tháo chạy, lẽ dĩ nhiên, là khi con tìm cách tránh xa điều kiện mà con cảm thấy khó khăn hay không chịu được. Con tìm cách tránh xa người tấn công con. Điều này đã phần nào dẫn tới khuôn nếp né tránh mà thày có nói tới trong bài giảng trước, nhưng đề tài này có nhiều khía cạnh hơn nữa.

16.3. Một lối thoát do sa nhân cống hiến

Con yêu dấu, nếu con xem xét 144 tầng tâm thức, thì con thấy là giáo lý mà Giê-su trao truyền 2000 trước đây, là giáo lý vỏ ngoài được ghi lại trong kinh điển, đã thực sự nhắm vào những người có tâm thức dưới tầng 48 nhưng không quá xa tầng 48. Giáo lý được trao truyền với mục đích giúp con người mau chóng vươn lên tầng 48, và sau đó bắt đầu đi theo con đường dẫn tới tầng 96. Điều con cần nhận ra là ở mỗi tầng tâm thức từ 48 đến 96, có một ảo tưởng mà con cần vượt qua. Con cần chế phục một phàm linh tập thể và một phàm linh nội tại trong tâm con.

Ở mỗi tầng con đối diện một thử thách. Thí dụ, khi con ở tầng tâm thức 48, con nhìn đời xuyên qua một phin lọc nào đó. Có nghĩa là khi con chạm mặt một hành động nào đó từ người khác, con có khuynh hướng coi đó là một hành động hung hãn. Ở tầng 48, có một dạng phản ứng chiến đấu hay tháo chạy bình thường ở tầng đó. Ở tầng 48, nếu con có phản ứng chiến đấu thì con sẽ có hành động hung hãn dựa trên cảm xúc tức giận của mình. Rất có thể con sẽ tự bảo vệ khi bị tấn công vật lý.

Lúc đó, nếu con theo lời dạy của Giê-su khuyên nên tránh hung hãn vật lý (con nên chìa má bên kia, con không nên hung hãn) thì con sẽ làm gì? Con sẽ theo phản ứng tháo chạy, cũng bình thường ở tầng 48. Con không thể làm gì khác. Thày không nói điều này để chê trách con; ai ai trong chúng ta đều đã phản ứng như vậy. Điều con cần nhận ra là sa nhân rất xảo quyệt. Thày có nói là họ thích tạo chia rẽ ngay trong tâm con. Họ muốn đẩy con người tới chỗ không kiểm soát được đời sống của mình, tâm hoàn toàn hỗn loạn. Lúc đó, sa nhân có thể bất cứ lúc nào khuấy động họ để họ trở nên tức giận hay phản ứng một cách bất quân bằng. Có người tới điểm giản dị từ chối không chịu chơi trò chơi này nữa. Sa nhân làm gì với những người này? Nếu sa nhân không thể đẩy con người vào phản ứng chiến đấu, thì họ rất xảo quyệt đẩy con người vào phản ứng tháo chạy.

Một mặt sa nhân đưa con gặp một hoàn cảnh hung hãn khó chịu mà hầu như con không thể thoát được trong cõi vật lý. Vì họ không thể khiến con đánh lại, họ cho con một lối thoát khỏi điều kiện mà chính họ đã tạo ra. Như thày có giảng, một số có khuynh hướng theo phản ứng chiến đấu. Họ bị sa nhân làm kẹt trong khuôn nếp phản ứng hung hãn chống lại một hành động hung hãn. Những người không theo khuôn nếp này, thì họ theo (thường khi một cách vô ý thức) một lối thoát mà sa nhân cống hiến ở tầng tâm thức của họ. Điều thày muốn nói là nếu con nhìn vào các tầng tâm thức từ 48 đến 96 (và các tầng tâm thức dưới tầng 48 cũng vậy) thì con thấy ở mỗi tầng có một cơ chế trốn tránh qua đó con trốn tránh hoàn cảnh mà ở tầng đó con cảm thấy không chịu nổi, không thể đối phó nổi.

Con không thể đánh lại hoàn cảnh; con không thể sống mà phải gặp nó hoài do đó con tìm một lối thoát, một cách tránh xa nó. Các cơ chế trốn tránh này ở đâu? Có nhiều ở cõi vật lý. Con có thể thấy, tỷ dụ (thày nghĩ con có thể nhận ra dễ dàng) là chất ma túy và rượu là một trong những cơ chế trốn tránh cơ bản. Có những cơ chế trốn tránh vật lý khác, tỷ dụ như trong thời Trung cổ, con người xây lâu đài và thành quách để họ có thể sống sau những bước tường dày và cảm thấy được bảo vệ khỏi sự hung hãn. Con người cũng tìm cách tránh xa hiểm nguy tiềm tàng bằng cách dời tới những nơi hẻo lánh. Có nhiều người, tỷ dụ, đã bị dính dấp vào chiến tranh và xung đột trong kiếp này hay kiếp trước, nên đã tìm về sống như nông dân ở vùng hẻo lánh để không phải gặp chiến tranh trong kiếp sống này.

Lẽ dĩ nhiên, không có gì sa nhân làm ở cõi vật lý chỉ đơn thuần ở cõi vật lý, do đó họ cũng tạo cơ chế trốn tránh, hay cõi trốn tránh, ở cõi trung giới, cõi cảm xúc, cõi lý trí và ngay cả phần thấp của cõi bản sắc. Con có thể thấy là nhiều người đã tìm ra cách tự bảo vệ khỏi những hình thức hung hãn tệ hại nhất trong kiếp sống này. Con có thể thấy nhiều người trong các nước tiên tiến là nơi hiểm họa chiến tranh rất thấp, đã sống cuộc đời thoải mái, an toàn. Con cũng thấy những người đại phú sống trong những nơi gọi là cộng đồng đóng rào là nơi người khác không thể giản dị bước vào mà cần phải được phép. Có nhiều thí dụ con người đã tìm cách sống cách ly vật lý. Tuy nhiên, không có hành động nào đơn thuần vật lý, do đó có chuyện xảy ra trong tâm song song với hành động vật lý. Hay đúng hơn, ta có thể nói là một phản ứng trong tâm thức đã tạo ra hành động vật lý.

16.4. Trốn tránh trong tâm

Phản ứng trong tâm này được tạo thành như thế nào? Nó được tạo ra khi con có một ước muốn. Con lấy quyết định: “Tôi không bao giờ muốn trải nghiệm điều này nữa.” Vì con không thể hành động hung hãn chống điều đó, nên con đi vào cơ chế trốn tránh, cơ chế tháo chạy, qua đó con tìm cách trốn tránh khỏi nó trong tâm. Con chấp nhận một phàm linh tập thể, con tạo ra một phàm linh nội tại cho con (trong tâm con) một lối thoát hay một cảm giác khuây khỏa khỏi điều kiện vật lý mà con không muốn đối mặt nữa.

Con cần nhận ra là ở mỗi tầng từ 48 đến 96, có một cơ chế trốn tránh sẽ, nếu con dùng nó, buộc con vào cõi trung giới, cõi tư tưởng hay cõi bản sắc. Con bị buộc vào cõi trốn tránh của sa nhân, nơi đó con cảm thấy khuây khỏa và an toàn khỏi một số điều kiện. Con sẽ thấy, tỷ dụ, là ở cõi xúc cảm con được cho cảm giác là nếu con có đủ tiền, con sẽ được bảo vệ. Con thấy có nhiều người giàu có bị trói buộc rất chặt vào cõi này trong thể cảm xúc của họ, và họ cảm thấy an toàn khi họ có đủ tiền. Lẽ dĩ nhiên, thật ra thì không phải là tiền giúp họ cảm thấy an toàn. Đó là một cảm giác, và cảm giác này có trong thể cảm xúc của họ, nhưng nó được tăng cường bởi cái cõi trốn tránh trong thể cảm xúc của hành tinh. Có những sa nhân, tà linh và quỷ dữ ở nơi đó khiến con người cảm thấy an toàn vì như vậy họ bị ru ngủ và không đi trên con đường tới quả vị Ki-tô là nơi họ có thể tìm thấy con Đường Ki-tô, con Đường Tâm linh dựa trên Ki-tô giúp họ đáp ứng những điều kiện mà họ muốn tránh.

Thày không muốn nói là con cần đi trở ngược và xem xét mỗi tầng từ 48 đến 96 và tìm ra cơ chế trốn tránh của con. Thông thường thì con không còn một cơ chế trốn tránh ở mỗi tầng, nhưng con cũng còn một số hình thức của cơ chế trốn tránh.  Điều này, lẽ dĩ nhiên, dính liền với điều thày nói ở đầu bài, là cách con chơi một số trò chơi với ý tưởng thày giáo. Con yêu dấu, thực tế đơn giản là nhiều người đã dùng giáo lý tôn giáo hay tâm linh làm căn bản của cơ chế trốn tránh cá nhân của họ.

Con có thể thấy những hình thức cực đoan của hiện tượng này, tỷ dụ như các nhóm Cơ đốc giáo cực chính thống tin chắc là chỉ mình họ có cách diễn giải Thánh kinh chính xác. Họ nghĩ rằng vì niềm tin này, họ được bảo đảm sẽ được cứu rỗi. Nhiều người trong các nhóm đó tin rằng sự cứu rỗi đã gần kề vì bất cứ lúc nào Giê-su sẽ hiện ra trên trời, mang họ lên thiên đàng, gửi hết các người còn lại xuống địa ngục và sau đó cuộn thế giới lại như một cuộn giấy. Đây là cơ chế trốn tránh của họ. Có một số điều kiện trên thế giới mà họ không đối phó nổi, và để tránh giải quyết những vấn đề này, họ tạo ra niềm tin là bởi vì họ thuộc vào nhóm tôn giáo vỏ ngoài đó, họ sẽ được cứu rỗi. Niềm tin này khiến họ cảm thấy an toàn.

Con hiểu chăng là mục đích của bất cứ cơ chế trốn tránh nào là khiến con cảm thấy an toàn. Nó cũng ngăn cản con thăng vượt chính mình vì nếu con cảm thấy an toàn, thì tại sao con lại cần thăng vượt chính mình và đi trên con đường quả vị Ki-tô? Con chỉ cần ở lại tầng tâm thức đó và chờ vị cứu tinh bên ngoài tới và cứu con.

Con có thể thấy tín đồ nhiều tôn giáo khác cũng đã làm tương tự. Nếu con nhìn giáo lý của các nhóm Thời đại mới, con sẽ thấy là nhiều người đã chế ra những giáo lý chỉ giản dị là cơ chế trốn tránh. Con hãy lấy thí dụ sự cuồng loạn xảy ra trước năm 2012 vì có nguời cho rằng lịch cổ của người Maya chấm dứt vào năm đó. Con có thấy là biết bao nhiêu người tin rằng một biến cố trọng đại sẽ xảy ra, và vì họ là những người đã tiên đoán trước nên họ sẽ có một địa vị nổi bật sau đó. Đây là một cơ chế trốn tránh khiến con người cảm thấy an toàn, giúp họ cảm thấy họ có thể đương đầu được với đời sống trên trái đất lúc này vì họ đã tạo ra trong tâm trí họ hoàn cảnh sẽ xảy ra trong tương lai gần hay xa.

16.5. Con không cần cơ chế trốn tránh nữa

Thực tế là con đang sống trên một hành tinh rất tăm tối, rất khó khăn. Có nhiều điều kiện trên trái đất khó đối phó ở mặt tình cảm, tư tưởng và bản sắc. Để có thể sống ở đây, gần như không tránh được việc con cần tạo ra một cơ chế trốn tránh để con có thể cảm thấy yên ổn, an toàn. Con có thể cảm thấy phần nào quân bằng trong thế giới rất khó khăn này.

Con yêu dấu, một lần nữa thày không chê trách con. Không có gì đáng chê trách khi con tạo ra một cơ chế trốn tránh. Thày chỉ giản dị nói là ở tầng này của con đường tu, khi con chuẩn bị có liên hệ trực tiếp với Saint Germain và học cách sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình, đã đến lúc con nhìn vào các cơ chế trốn tránh hiển nhiên nhất của con và nhận ra con không cần chúng nữa ở tầng tâm thức này. Khi con đã đạt được một tầng quả vị Ki-tô nào đó, thì con không cần cơ chế trốn tránh nữa vì các điều kiện thế gian mà con cảm thấy không thể đương nổi khi con ở tầng tâm thức 48 hay thấp hơn, nay con không còn cảm thấy như vậy nữa.

Khi con đã có phần nào phân biện Ki-tô, con có thể đối phó với hoàn cảnh một cách xây dựng mà không cảm thấy quá tải. Con yêu dấu, nếu ta nói một cách thẳng thắn không vị nể, thì nếu con nhìn vào phong trào Thời đại mới, thì 98 phần trăm sinh hoạt của các nhóm đó chỉ là cơ chế trốn tránh. Điều này có vẻ sửng sốt, và nhìn dưới góc độ nào đó nó quả thật sửng sốt. Lẽ dĩ nhiên, khi con nhìn vào các tôn giáo chính thức thì tình hình cũng tương tự. Khi con nhìn vào các tổ chức chính trị, thì cũng tương tự. Nhiều người trong hai trăm năm qua tin vào chủ nghĩa Mác-xít qua nhiều hình thức cũng đã tự tạo cho họ một cơ chế trốn tránh. Có người khác cũng làm như vậy bằng cách suy tưởng một xã hội lý tưởng tương lai và họ là người tiên phong vì chỉ có họ mới thấy ra tương lai đó.

Như phần nối dài của bảy khai ngộ mà con đã nhận từ thày và các khai ngộ mà con đã nhận từ các Thượng sư khác, thày cần con sẵn sàng đứng lui lại và xem xét cơ chế trốn tránh cá nhân của con. Như một chuẩn bị để bắt đầu các khai ngộ với Saint Germain, thày cần con xem xét cách con đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để củng cố một cơ chế trốn tránh sẵn có mà con đã mang trong nhiều kiếp.

Một trong những cơ chế trốn tránh chính yếu của những tín đồ tôn giáo là niềm tin rằng tôn giáo của họ có chân lý duy nhất, tuyệt đối hay cao nhất. Niềm tin này khiến họ cảm thấy khác những người không thuộc tôn giáo họ. Nó khiến họ tin rằng họ là những người được bảo đảm cứu rỗi trong khi những người khác thì có thể sẽ không được cứu rỗi hay chắc chắn sẽ không được cứu rỗi.

16.6. Trốn tránh không nhìn vào chính mình

Con có thể thấy là cơ chế trốn tránh cho con người một cái cớ để nói: “Nhưng tôi thuộc vào phong trào vỏ ngoài này, tôi tin vào giáo lý vỏ ngoài này, tôi không làm những chuyện họ nói tôi không được làm, và tôi làm hầu hết các chuyện mà họ nói tôi phải làm. Do đó, tôi là một thành viên ngoan đạo của giáo lý vỏ ngoài này, và do đó tôi không cần xem xét một số điều trong tâm lý của tôi. Tôi không cần nhìn vào cái đà trong chính mắt tôi.”

Đây là tác động chính yếu của các cơ chế trốn tránh đặc biệt áp dụng cho tôn giáo. Phàm linh tập thể này rất, rất mạnh trên hành tinh này. Con không thể nào đã đầu thai trên hành tinh này, bất kể dài lâu, mà không bị nó ảnh hưởng. Thày đặc biệt nói với con, như thày đã nói trước đây, là nhiều người trong các con đã chấp nhận lý tưởng không hung hãn của Cơ đốc giáo mà không nhận được trọn vẹn giáo lý về quả vị Ki-tô. Do đó con cảm thấy bị mắc kẹt, con cảm thấy bất lực. Con bị đặt vào hoàn cảnh hung hãn nhưng con không thể phản công một cách hung hãn, do đó con cảm thấy lý tưởng tôn giáo của mình đã khiến mình bất lực.

Kết quả là con cảm thấy cần trốn tránh điều mà con không thể thay đổi, điều mà con không thể đối phó. Điều mà các thày, cả sáu Thượng sư, đã dạy con trong khóa này là con không bao giờ bất lực. Không có hoàn cảnh nào trên trái đất mà con không thể đối phó được bằng cách khắc phục phàm linh nội tại đã khiến con phản ứng lại điều kiện đó với phản ứng chiến đấu hay tháo chạy. Con thấy là con cần nhìn: “Đâu là những điều kiện trên trái đất mà con cảm thấy con không thể đối phó được, con không thể sống với?” Khi con nhận ra điều kiện đó thì con có thể bắt đầu nhận diện cơ chế trốn tránh mà con đã tạo ra để tới điểm biết là mình đang hiện thân ở cõi vật lý, biết là điều kiện này có mặt trên trái đất, nhưng con có được cơ chế này để cảm thấy an toàn. Con cảm thấy con có thể ổn định cuộc sống dù rằng điều kiện kia vẫn còn trên trái đất.

Con yêu dấu, thày cần con xem xét như vậy vì nếu con liên hệ với các chân sư thăng thiên và với Hiện diện TA LÀ của con qua phin lọc của các cơ chế trốn tránh, con sẽ không thể bắt đầu thực thi vai trò đồng sáng tạo thật của mình. Đúng thực là một số các con có trong Sứ vụ Thiêng liêng việc đối phó với cơ chế khiến con cảm thấy có chuyện không thể chịu đựng nổi. Làm sao con có thể đối phó với điều kiện đó nếu cách con nhìn nó bị pha màu bởi cơ chế trốn tránh khiến con muốn tránh xa điều kiện đó? Không phải là con cần trải nghiệm chiến tranh, chẳng hạn, ở cõi vật lý nhưng có thể là con có nhiệm vụ thách thức một khía cạnh nào đó của tâm thức tạo ra chiến tranh. Con sẽ không làm được chuyện này nếu con còn cơ chế trốn tránh khiến con không muốn xem xét chiến tranh vì con không muốn trải nghiệm lại chấn thương mà con trải qua trong quá khứ khi chạm trán chiến tranh. Con yêu dấu, con thấy chăng khuôn nếp đó?

16.7. Tinh thần trốn tránh ngăn chặn Sứ vụ Thiêng liêng

Để thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của con và giúp nâng hành tinh này lên trên một tầng tâm thức nào đó, con phải sẵn sàng nhìn vào tâm thức đó ở các tầng bản sắc, tư tưởng, và tình cảm. Con cần xem xét các ảo tưởng của chính con và các ảo tưởng tập thể liên quan đến tâm thức đó. Sau đó, con vượt qua nó trong chính con và con thách thức tâm thức tập thể bằng cách đọc bài chú bài thỉnh hay đứng lên phơi bày một điều gì đó. Điều kiện đầu tiên mà con cần thực hiện là con không còn tìm cách trốn tránh điều kiện mà con muốn thay đổi. Con không thể thay đổi điều gì bằng cách tránh xa nó, vì cách duy nhất để thay đổi một điều là xem xét nó và đi vào trong nó. Con không thể đi vào trong điều gì khi con muốn tránh xa nó trong các thể tình cảm, tư tưởng hay bản sắc. Đó là lý do vì sao từ thời cổ xưa người ta đã nói là cách duy nhất để vượt qua sợ hãi là đối mặt nó.

Các thày đã cho con dụng cụ để giúp giải quyết vấn đề. Các thày đã dẫn con đến tầng tâm thức nơi con không còn bị sợ hãi thúc đẩy. Con nhận ra khi con xem xét các nỗi sợ của mình, chúng không làm con choáng ngợp như trước khi con bắt đầu khóa học. Con toàn toàn có khả năng nhìn thẳng vào chúng và xem xét cách con đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên như một loại cơ chế trốn tránh để con cảm thấy an toàn vì con đang học giáo lý này.

Thày cần con nhận ra là một số người trong các con đã đi vào trạng thái tâm qua đó con cảm thấy tất cả những gì con cần làm là xem xét tâm lý cá nhân của chính mình. Nếu con khắc phục mọi thứ trong tâm lý cá nhân, thì con không cần xem xét các khía cạnh của tâm lý tập thể.

Nhiều người trong các con trong quá khứ đã bị dính líu vào chiến tranh, và đã cảm thấy chiến tranh là một quái vật vĩ đại trên hành tinh, và cá nhân con không thể làm gì để giải quyết vấn đề. Con đã tạo ra cơ chế trốn tránh qua đó con không thực sự muốn nhìn vào chiến tranh và tâm thức đã tạo ra chiến tranh. Con đã dùng giáo lý của các thày để khiến con tin rằng con không cần xem xét nó, con chỉ cần xem xét tâm thức của mình mà thôi. Con yêu dấu, khi con tiến lên những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, con cần trực diện các quái vật tập thể đó. Đây là điều Giê-su đã làm trong sứ vụ công chúng của thày. Thày không nói là con cần bắt đầu làm việc này ngay lúc này, vì thành thật mà nói, đây là việc con cần làm khi con đã đi quá tầng 96 – bằng hành động vỏ ngoài của con. Ngay lúc này, con cần nhận ra cơ chế trốn tránh và cơ chế này ảnh hưởng cách con nhìn con đường tu như thế nào. Con cũng cần nhận ra là con không thể nào hoàn toàn sáng tạo khi con còn một cơ chế trốn tránh.

16.8. Là người đồng sáng tạo

Là người đồng sáng tạo với Hiện diện TA LÀ có nghĩa gì? Nó có nghĩa con là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con. Thế nào là cánh cửa mở? Nó có nghĩa con không ngăn chặn những nơi mà Ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ có thể chảy qua. Nếu con có một cơ chế trốn tránh nói rằng con không muốn xem xét một điều kiện nào đó, thì làm sao Ánh sáng của Hiện diện TA LÀ có thể chảy vào điều kiện đó? Ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy qua bốn thể phàm của con. Nó chảy qua cây cầu của sự chú ý có ý thức của con. Nếu con không chịu đặt sự chú ý ý thức của con vào một số điều kiện, thì Ánh sáng của Hiện diện TA LÀ không thể chảy qua nó vì không có sự kết nối giữa điều kiện và tâm của con. Do đó, không có sự kết nối giữa điều kiện và Hiện diện TA LÀ vì tâm của con là cái đứng giữa làm trung gian.

Điều đơn giản là đã đến lúc trong khóa học này con cần nhận ra là con đã tới trình độ không còn cần các cơ chế trốn tránh nữa. Con yêu dấu, một số trong các con có thể cảm thấy là, một lần nữa, thày đã chỉ con một điều con chưa làm đủ, một điều con cần khắc phục, một điều con thiếu sót, một điều con không làm tốt đủ. Đây không phải là điều thày đang làm. Thày đang chỉ cho con thấy là, qua quá trình học khóa học này và sẵn sàng vươn lên từ tầng 48 tới tầng này, con đã tiến triển rất nhiều. Con đã vươn lên cao hơn rất nhiều tâm thức của đa số con người trên hành tinh này.

Thày biết rằng, đã nhiều lần trong tâm vỏ ngoài con chưa nhìn nhận điều này. Các thày thường thấy hai khuynh hướng nơi các đệ tử tâm linh. Các thày thấy có một số đệ tử rất sốt sắng muốn cảm thấy họ đã đạt được điều gì, họ đã tiến bộ trên con đường tu, và điều này khiến họ hơn người khác. Đây là những người chưa khắc phục mặc cảm tự tôn. Họ có thể dùng giáo lý chân sư thăng thiên để xây dựng một sự kiêu hãnh tâm linh, cũng là một cơ chế trốn tránh. Họ cảm thấy mình hơn người khác. Đa số đệ tử của các thày không rơi vào thành phần này, nhưng lại rơi vào thành phần những người chưa hoàn toàn khắc phục mặc cảm tự ti. Những người này có khuynh hướng không thấy một cách ý thức những thành đạt và thành quả của mình.

Con yêu dấu, dù con có trong thành phần nào chăng nữa, thày cần con tới điểm không còn vấn đề tự tôn hay tự ti, thổi phồng thành đạt của mình thay hạ thấp thành đạt của mình. Điều quan trọng là phải thiết thực và nhận ra là bây giờ con đã tới một tầng cao trên con đường tâm linh. Điều này có nghĩa là có một số điều con không còn cần nữa. Con có thể nhìn chúng và con nói: “Tôi không cần điều này nữa.”

Khi con biết con không bất lực, khi con biết không có điều gì trên trái đất quy định được con, khi con biết bất cứ phản ứng nào cũng là một phàm linh nội tại và khi con biết cách khắc phục phàm linh nội tại, thì tại sao con lại cần trốn tránh bất cứ điều kiện nào trên trái đất? Con biết điều kiện chỉ có thể ảnh hưởng con qua phản ứng của con, mà phản ứng này dựa trên một phàm linh nội tại. Nếu con đuổi được phàm linh, điều kiện không thể ảnh hưởng ba thể cao của con và do đó tại sao con lại phải sợ khi xem xét nó? Tại sao con cần trốn tránh xem xét nó?

Con có thể đi vào một điều kiện ở tầng bản sắc, thấy nó ảnh hưởng bản sắc con ra sao, và nó ảnh hưởng bản sắc người khác ra sao. Con có thể đi vào điều kiện ở tầng tư tưởng, và xét xem điều kiện ảnh hưởng thể tư tưởng của con ra sao, và người khác đã chế ra những biện minh cầu kỳ như thế nào ở tầng tư tưởng. Con có thể đi vào thể tình cảm của mình, xét xem điều kiện ảnh hưởng con ra sao và thấy người khác đã dựng lên nỗi sợ hãi và thù ghét mạnh đến độ họ không thể đối phó với nó và do đó đã tìm cách trốn tránh điều kiện này. Con có thể thấy có người khác đã bị mắc kẹt trong phản ứng chiến đấu hung hãn chống lại các điều kiện này. Sau đó, khi con đã giải thoát mình khỏi các phản ứng trong chính tâm của con, thì con tự do thách thức chúng mỗi khi con có cơ hội.

16.9. Một cơ hội chưa từng có để giúp người khác

Con yêu dấu, con có nhận ra là con đang sống trong một thời đại trong đó mọi con người có cơ hội chưa từng thấy để biểu lộ chính họ dùng dụng cụ phi thường, mà con thể nào cũng đã biết tới, gọi là mạng Internet? Con có cơ hội, chưa từng có trong các thời đại trước, nói lên sự thực của mình như mình thấy ở tầng tâm thức hiện nay của con. Thày sẽ không nói con vào chi tiết con cần làm gì, nhưng con hãy nhìn những phương tiện hiện có trên mạng Internet và xem con có thể dùng mạng Internet để nói lên những khai ngộ mà con đạt được trong khóa học này hay trong giáo lý chân sư thăng thiên. Nếu con nhìn vào ứng dụng Facebook, thì con thấy có nhiều người (trong đó có một số trong các con) hay lặp lại những câu nói rất, rất dễ thương hay phim ngắn về chuyện này chuyện nọ, các chuyện này chỉ giản dị là chuyện vô bổ, một hình thức cơ chế trốn tránh nhằm giúp con người nhất thời cảm thấy dễ chịu.

Các đệ tử chân sư thăng thiên có thể nào dùng mạng Internet để chia sẻ một số các sáng ngộ thật, các sáng ngộ thách thức, mà con đã đạt được khi là đệ tử chân sư thăng thiên và khi theo học khóa học này? Con hãy suy ngẫm chuyện này. Một lần nữa, thày không muốn con phải cảm thấy hổ thẹn nếu con chưa làm, nhưng mặt khác thày muốn đủn con một chút về hướng thấy là con nay đã sẵn sàng nói lên sự thực của mình như con thấy nó. Con không cần phải đợi các điều kiện vỏ ngoài thuận tiện. Con chỉ cần lấy quyết định và chấp nhận là con có một điều gì mà hầu hết mọi người trên hành tinh này không có. Con có sáng ngộ, con có nhận biết, con có nhiều tự do hơn. Do đó, con có thể giúp người khác và có thể một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con là làm điều này.

Một lần nữa, một khi con đã loại cơ chế trốn tránh thì con nhận ra là con đã có cơ chế trốn tránh khiến con cảm thấy con không cần, con không nên, hay con sẽ gặp nguy hiểm nếu con thách thức các ảo tưởng và dối trá của sa nhân. Do đó, bất kể lý cớ nào mà con đã tạo ra cho mình, cơ chế trốn tránh căn bản nhất, khó loại trừ nhất, của con là con cảm thấy: “Ồ, thật ra tôi không cần biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi, ít nhất là chưa làm ngay bây giờ, hay không qua cách này hay cách nọ, hay bằng cách thách thức điều kiện này hay điều kiện nọ.” Cơ chế trốn tránh căn bản là cơ chế khiến con cảm thấy con làm đúng, con được an toàn khi con không biểu hiện quả vị Ki-tô của con, hay con chưa làm ngay bây giờ, hay con không biểu hiện nó cách này hay cách khác.

Con yếu dấu, nếu con chịu nhìn vào cơ chế này và vượt lên trên nó, thì con sẽ sẵn sàng để nhận những chỉ dẫn của thày Saint Germain. Con nhận ra là khi con đưa ra một lời hướng dẫn, con nhắm vào một trình độ nào và do đó chỉ có những người đã lên tới trình độ đó mới nhận được lợi ích của lời chỉ dẫn. Thày Saint Germain sẽ không đưa ra lời chỉ dẫn cho tầng 48. Mục đích của thày là dẫn con tới tầng 96 và đặt con vững vàng trên con đường tới quả vị Ki-tô sẽ dẫn con tới tầng 144. Thày sẽ giả sử là con tới khóa nhập thất sẵn sàng đón nhận các chỉ dẫn mà thày đã sửa soạn cho con.

Nếu con chưa sẵn sàng thì con vẫn có thể đọc quyển sách của thày Saint Germain với trí vỏ ngoài, con có thể đọc các bài thỉnh và làm các thực tập, nhưng con sẽ không nâng tâm thức mình lên. Do đó, con sẽ không thể biểu lộ khả năng đồng sáng tạo của mình. Con không thể là người có thuật biến hóa huyền bí. Con sẽ không đạt được khả năng kết đọng những thay đổi mà thày Saint Germain sẽ dạy con. Có thể nói là sáu Thượng sư đầu chỉ giản dị chuẩn bị con tới khóa học của thày Saint Germain. Lẽ dĩ nhiên, các thày cũng đã chuẩn bị con cho chính các thày, vì nếu con chưa hoàn tất các khai ngộ do Chân sư MORE trình bày, thì con chưa sẵn sàng tới thày Lanto, vân vân và vân vân.

16.10. Vượt qua sự nản chí

Một đề tài mà thày muốn trình bày trong phần cuối này là sa nhân, như thày đã nói, thích tạo cho con một hoàn cảnh và sau đó khiến con cảm thấy con không có lối trốn thoát. Họ cũng thích tạo cho con một hoàn cảnh mà con cảm thấy con có lối thoát ra, con có cảm tưởng có thể tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình hay cho hành tinh – và sau đó các chuyện này không xảy ra và con cảm thấy nản chí. Người ta có câu: thối chí là dụng cụ sắc bén nhất trong hộp dụng cụ của ác quỷ. Nếu con nhìn lịch sử các tôn giáo trên trái đất một cách thành thực, thì con thấy rất, rất nhiều người đã cải đạo theo một tôn giáo, đã cảm thấy đầy lạc quan và hy vọng, và sau đó, có thể là sau nhiều kiếp theo tôn giáo đó, họ bị thất vọng và cảm thấy thối chí.

Các thày có nói là có nhiều người hiện sống trong thế giới Tây phương theo thuyết vô thần hay chống Cơ đốc giáo vì trong nhiều kiếp sống họ đã tin và áp dụng những nghi thức của đạo Cơ đốc giáo. Sau nhiều kiếp sống họ nhận ra rằng họ không được cứu rỗi sau kiếp đó mà phải đầu thai trở lại, thì họ bỏ cuộc không theo Cơ đốc giáo nữa, trở nên thối chí và theo khuynh hướng vô thần, duy vật hay hình thức chối bỏ tôn giáo khác. Thày muốn làm một cố gắng nhỏ giúp con đến được điểm không rơi vào bẫy của hình thức thối chí mà sa nhân muốn con rơi vào.

Con yêu dấu, nếu con đã theo học khóa học này (con đã nghiên cứu các bài truyền đọc và đọc các bài thỉnh ít nhất trong chín ngày) thì con đã tiến bộ đáng kể trên con đường tâm linh. Có thể con không cảm thấy như vậy, dù rằng đa số học viên theo học khóa này đã cảm thấy tiến cao hơn, và khóa này đã đáng công sức học. Con nhận ra tâm thức của con đã chuyển vọt. Những người trong các con chưa cảm thấy vậy, thì con có thể nhận ra bằng cách chuyển đổi thái độ của con về đời sống trên trái đất như thày có trình bày trong các bài giảng trước, nhưng thày sẽ bình luận thêm về chủ đề này ở đây.

Con yêu dấu, con có nhớ câu nói cổ: “Ly nước nửa đầy hay nửa vơi?” Câu này có nghĩa là trên một hành tinh như trái đất, rất rất dễ thấy một số điều kiện tiêu cực khiến con nhận định đời sống không thể chịu đựng được, có quá nhiều vấn đề và tiến triển quá chậm. Con thấy nhiều người tin vào các lời tiên tri tiêu cực và nghĩ rằng có tai họa nào đó sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, và do đó không có lý do để trở thành Ki-tô đang hành động. Một lần nữa đây là một cơ chế trốn tránh. Con yêu dấu, có một tâm thức nghèo đói rất mạnh trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên, con biết có hàng tỷ người sống trong nạn nghèo đói. Vì sao vậy? Vì họ bị mắc kẹt trong phàm linh tập thể về nghèo đói và thiếu thốn, mà ta có thể gọi là “thái độ thiếu hụt”. Phàm linh này do sa nhân tạo ra. Ngay từ ban đầu, họ đã tạo ra thái độ thiếu hụt đó vì cuộc sống của họ dựa trên một sự thiếu hụt. Tại sao vậy? Họ không nhận được Ánh sáng từ cõi thăng thiên, từ Hiện diện TA LÀ của họ. Họ bị bắt buộc phải làm những chuyện họ làm để ăn cắp ánh sáng từ bốn cõi thấp của vũ trụ vật chất, và do đó họ lúc nào cũng có trải nghiệm thiếu hụt. Lúc nào cũng thiếu hụt năng lượng, thiếu hụt tiền bạc, thiếu hụt mọi thứ. Con cần nhận ra đây là một phàm linh tập thể rất mạnh, và rất có thể con đã bị nó ảnh hưởng và đã tạo ra một phàm linh nội tại cho rằng có cái gì đó thiếu sót, có cái gì đó thiếu hụt, có cái gì vắng mặt, có cái gì đó không tốt đủ hoặc trên hành tinh, trong cuộc đời mình hay trong tâm thức mình. 

Con yêu dấu, thày không quan tâm việc con thay đổi hành tinh. Thày còn không quan tâm hoàn cảnh bên ngoài của con. Điều thày quan tâm là giúp con nhận ra là nếu con còn nhìn qua phin lọc của phàm linh nội tại này, con sẽ chỉ thấy cái thiếu sót, con sẽ chỉ thấy cái tiêu cực. Con có thể thấy tất cả những biện minh tại sao con không tốt đủ, tại sao con chưa tiến bộ đủ trên con đường tu, tại sao con chưa thăng vượt điều này điều nọ, tại sao con không đạt được trong khóa học này điều con chờ đợi khi bắt đầu khóa học. Con yêu dấu, thày đã nói gì trước đây? Khi con nghe tới Sứ vụ Thiêng liêng lần đầu, con nhìn vào Sứ vụ Thiêng liêng dựa trên tầng tâm thức con có lúc đó, và con có những chờ đợi làm sao con sẽ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng. Giống như vậy, khi con bắt đầu học khóa này, con ở một tầng tâm thức thấp hơn ngày hôm nay. Con mong chờ khóa học này sẽ đem lại cho con điều gì đó dựa trên tâm thức đó.

Ngày hôm nay con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn và điều giản dị là con sẵn sàng nhìn vào sự mong chờ trước kia của con và nói: “Tôi không cần bạn nữa vì tôi đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn và bây giờ tôi sẵn sàng nhìn khóa học, nhìn con đường tâm linh, nhìn chính mình dựa trên tầng tâm thức hiện nay của tôi.” Con yêu dấu, nếu con sẵn sàng làm bước chuyển vọt này, thì con có thể quyết định một cách ý thức – và con sẽ cần một quyết định có ý thức; điều đó sẽ không giản dị xảy ra vì con đã theo học khóa này hay làm chuyện gì khác – là con sẽ có một thái độ tích cực, một cách tiếp cận tích cực, một cái nhìn tích cực về mình, về con đường tâm linh và về sự thành đạt tâm linh của mình.

Các thày đã nói gì trong suốt khóa học này? Bất cứ phản ứng nào của con không dựa trên tình thương, không tích cực, đều đến từ phàm linh nội tại. Nếu con có phản ứng với khóa học này, với chính con, với tiến triển tâm linh qua các thiếu sót của mình, thì phản ứng này không phải là con. Không phải là cái Ta Biết đã phản ứng như vậy vì cái Ta Biết biết là không có gì trên trái đất có thể quy định nó. Đây là một phàm linh nội tại đang phản ứng, vậy con hãy sẵn sàng nhìn phàm linh nội tại này và sử dụng các dụng cụ và thủ tục mà các thày đã cung cấp để buông bỏ nó. Lẽ dĩ nhiên, con có quyền tự quyết. Nếu con muốn sống phần còn lại cuộc đời trên hành tinh này với một thái độ tiêu cực, với một cảm nhận thiếu hụt, thì thày sẽ tôn trọng quyền tự quyết của con. Nếu như vậy thì con không sẵn sàng đón nhận những khai ngộ mà Saint Germain cống hiến, và con sẽ không hưởng được lợi lạc gì dù con vẫn đọc quyển sách và các bài thỉnh.

Con không thể là một người đồng sáng tạo khi con ở trong trạng thái thiếu hụt. Con chỉ có thể là người đồng sáng tạo khi trong tâm con biết: “Tự con không làm được điều gì, chính đấng Cha trong con đang làm và với Thượng đế điều gì cũng có thể làm được.” Giê-su nói điều này 2000 năm trước đây. Nếu con đường tới quả vị Ki-tô được duy trì, thì con người đã có thể tới điểm không những chỉ tin và hiểu mà thực sự trải nghiệm sự thực hằng sống là con có thể đồng sáng tạo hoàn cảnh sống tốt hơn cho chính mình và đóng góp đồng sáng tạo hoàn cảnh tốt hơn cho thế giới. Con đã đóng góp xây dựng hoàn cảnh tốt hơn cho thế giới bằng cách vươn lên tầng tâm thức mà con đạt được ngày hôm nay. Con hãy cho phép mình công nhận điều này, cho phép mình cảm thấy, biết, và trải nghiệm là mình đã tiến triển.

Do đó, con yêu dấu, thày chỉ còn một công việc cuối. Công việc này không dựa trên các khai ngộ mà con đã nhận từ thày, mà dựa trên những gì con đã nhận được từ tất cả các Thượng sư. Đây không phải là điều chỉ mình thày, Nada, nói mà là điều cả sáu vị: Chân sư More, Lanto, Paul người Venice, Serapis Bey, Hilarion, và thày đồng nói: “Con, người giúp việc tốt và trung thành, đã làm việc giỏi. Con đã trung thành làm nhiều chuyện, bây giờ con hãy sẵn sàng để Saint Germain biến con thành người ngự trị trên nhiều chuyện.”