Uy lực của cái Ta – Chương 5 – Những câu hỏi căn bản về cái ta

Nếu tâm bạn cởi mở khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ được coi là người đang đi tìm hoặc người đi tìm tâm linh. Tôi nhớ rằng, ngay cả khi còn nhỏ, tôi luôn muốn có câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc đời. Tôi muốn biết thế giới thực sự vận hành như thế nào và tôi muốn biết tại sao tôi ở đây. Giản dị là tôi không thể sống mà không có câu trả lời cho những câu hỏi này, vì vậy tôi đã tiếp tục tìm kiếm cho đến khi tôi tìm thấy giáo lý của các chân sư thăng thiên – và tôi vẫn luôn mở lòng cho những câu trả lời sâu sắc hơn. Bạn có thể đã trải qua cuộc hành trình của chính mình đã dẫn bạn đến điểm này.

Những gì tôi sẽ làm trong chương này là xem xét những câu trả lời của các chân sư thăng thiên cho những câu hỏi lớn trong cuộc sống, thường được gọi là những câu hỏi căn bản. Tôi không nói rằng đây sẽ là câu trả lời cuối cùng, vì các chương sắp tới sẽ tiết lộ các tầng lớp và sắc thái sâu hơn. Nhưng chúng tôi vẫn có thể gợi ý những câu trả lời vượt xa những gì chúng ta tìm thấy được trong hầu hết các giáo lý của tôn giáo hoặc tâm linh.

5.1. Tôi là ai? Cái ta là gì?

Như chúng ta đã thấy, khoa học đã tiết lộ rằng năng lượng là một tầng thực tế sâu hơn vật chất. Các thiên hà và lò nướng bánh đều được tạo ra từ các nguyên tử. Tuy nhiên, các thiên hà và lò nướng bánh mì không tạo ra nguyên tử; chính các nguyên tử tạo ra các thiên hà và lò nướng bánh. Nguyên tử được tạo ra từ các hạt cơ bản, và các hạt này được tạo ra từ các sóng năng lượng. Nói cách khác, vật chất không tạo ra năng lượng; mà chính năng lượng tạo ra vật chất.

Chúng ta đều biết rằng bộ não của chúng ta được tạo ra từ vật chất và suy nghĩ của chúng ta rõ ràng được tạo ra từ các sóng năng lượng. Vì vậy, nếu cho rằng chất xám giữa hai tai của chúng ta lại có thể tạo ra ý thức thì không hợp lý chút nào. Ý thức có thể được xem như một dòng chảy đi vào thế giới vật chất từ một cõi cao hơn. Tâm của chúng ta – không ít thì nhiều – đều là cánh cửa mở cho dòng ý thức tuôn chảy vào. Rõ ràng, bộ não vật lý của chúng ta thực sự có thể thay đổi trạng thái ý thức của chúng ta, và bộ não thực sự tạo ra nhiều thứ mà chúng ta thường gọi là suy nghĩ. Tuy nhiên, tác động của bộ não giống như các miếng phin lọc màu mà bạn đặt trước ánh đèn sân khấu. Chúng không tạo ra ánh sáng trắng; chúng chỉ thay đổi màu sắc.

Các chân sư thăng thiên phân biệt giữa tâm hay ý thức và những suy nghĩ và cảm xúc. Tâm là hộp chứa và tư tưởng là vật chứa trong hộp. Bộ não thực sự có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta, thậm chí tạo ra một số suy nghĩ, nhưng bộ não không tạo ra ý thức. Bạn không phải là suy nghĩ của bạn; bạn là tâm của bạn, là hộp chứa đựng cái ta của bạn.

Vì vậy, bạn không phải là một sinh thể vật chất và sự tự nhân biết của bạn không phải là sản phẩm của vật chất trong bộ não của bạn. Thay vào đó, bạn là một sinh thể phi vật chất chỉ sử dụng cơ thể và bộ não với hai mục đích, đó là trải nghiệm thế giới vật chất từ bên trong và thể hiện khả năng sáng tạo của bạn trong thế giới này.

5.2. Cái ta đến từ đâu?

Các chân sư thăng thiên nói rằng chúng ta là những sinh thể tâm linh đã xuống cơ thể vật chất của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải là những sinh thể tách biệt; chúng ta là phần nối dài của các sinh thể ở trong cõi tâm linh. Những sinh thể này đã tạo ra thế giới vật chất và những cấu trúc cơ bản trong thế giới này. Tuy nhiên, họ đã sáng tạo từ bên ngoài. Sau đó, chúng ta được cử đến đây để tiếp tục quá trình sáng tạo từ bên trong – chúng ta được tạo ra để thành người đồng sáng tạo với cha mẹ tâm linh của chúng ta.

Bản sắc khiến bạn là một cá thể độc đáo là sự nối dài của cái ta cao hơn hay cái ta tâm linh của bạn.. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn cái ta tâm linh này trong chương sau. Tất nhiên, cha mẹ tâm linh của chúng ta là những đứa con hoặc phần nối dài của các sinh thể tâm linh ở một bầu cõi cao hơn, và Chuỗi Sinh thể này đi ngược trở lên tới Đấng Sáng tạo.

Bản sắc khiến bạn là một cá thể độc đáo là sự nối dài của cái ta cao hơn hay cái ta tâm linh của bạn.

Các chân sư thăng thiên nói lên điều mà một số nhà thần bí đã nói từ hàng ngàn năm qua, đó là thực sự chỉ có một cái Ta, cái Ta của Đấng Sáng tạo. Mọi thứ đều được tạo ra từ cái Ta duy nhất hay cái tâm duy nhất này, và do đó không có gì thực sự tách rời khỏi cái tâm duy nhất đó. Chúng ta đã được ban cho một phần hay một đốm sáng của cái tâm duy nhất này, và đây là điều cho chúng ta sự tự nhận biết. Chúng ta có tiềm năng mở rộng sự tự nhận biết này trong khi vẫn giữ được cá thể của mình, nhưng chúng ta không thể làm điều đó với tư cách là những sinh thể tách biệt. Chúng ta chỉ có thể làm điều này bằng cách xem mình là một phần của tổng thể vĩ đại hơn –  của tâm duy nhất.

Ở cấp độ tổng thể, bạn được tạo ra như một phần nối dài của Bản thể của Đấng sáng tạo nhưng bạn có cá thể riêng. Bạn được tạo ra với một tự nhận biết có tính cách cục bộ, hạn hẹp như một điểm và mục đích của bạn là mở rộng sự tự nhận biết này, cho đến khi bạn đạt đến mức độ nhận biết giống như Đấng Sáng tạo đã tạo ra bạn. Lúc đó, bạn có thể bước vào cái Tất cả, hoặc bạn có thể trở thành một Đấng sáng tạo, tạo ra một thế giới hình tướng riêng của bạn. Đây là câu trả lời, một cách tổng quát, tại sao bạn hiện hữu như một cá thể có tự nhận biết.

Ở một cấp độ khác, chúng ta có thể xem xét lý do tại sao bạn ở trong thế giới vật chất này và mục đích của bạn khi đến đây là gì. Ở cấp độ này, bạn là một phần nối dài của cái ta tâm linh của bạn. Bạn được tạo ra để phục vụ như một người đồng sáng tạo với cái ta tâm linh của bạn và cha mẹ tâm linh của bạn. Bạn có sứ mệnh giúp nâng cao sự rung động của cõi vật chất, cho đến khi toàn cõi có thể thăng hoa và trở thành một phần của cõi tâm linh.

Tuy nhiên, mục đích thực sự chính là sự phát triển sự tự nhận biết của bạn. Thế giới vật chất chỉ đơn giản là một môi trường được thiết kế như một sân khấu hoặc phòng thí nghiệm, trong đó những sinh thể tự nhận biết có thể tăng trưởng ý niệm bản ngã của mình. Cha mẹ tâm linh của chúng ta đã sắp đặt một môi trường bên ngoài, và chờ đợi chúng ta dùng môi trường này để mở rộng nhận thức về khả năng sáng tạo, hay đúng hơn là đồng sáng tạo của mình.

Sau đó, chúng ta có thể dần dần làm chủ được môi trường của mình, và như vậy chúng ta tiếp tục xây dựng trên nền tảng đã được cha mẹ tâm linh của chúng ta định ra. Khi chúng ta đạt được khả năng làm chủ này, thì tâm chúng ta sẽ làm chủ vật chất, và khi quá trình này hoàn tất, chúng ta có thể thăng lên cõi tâm linh và trở thành những chân sư thăng thiên. Từ đó, chúng ta có thể chọn chuyển sang các cõi học tập khác, hoặc chúng ta có thể ở lại với trái đất để giúp những sinh thể chưa thăng thiên phát triển.

5.3 Ta liên hệ với Thượng đế ra sao?

Như đã nói rõ, các chân sư thăng thiên nói rằng có một Thượng đế, nhưng Thượng đế của các chân sư thăng thiên rất khác với hình ảnh Thượng đế truyền thống của Cơ đốc giáo. Đấng Sáng tạo không giống chút nào vị Thượng đế xa cách, giận dữ và hay phán xét, sẽ tống chúng ta xuống địa ngục nếu bị chúng ta làm phật lòng. Tuy rằng các chân sư thăng thiên ít khi đề cập tới Cựu Ước kinh, họ nói rằng hai điều răn đầu tiên trong số mười điều răn cho chúng ta một gợi ý quan trọng về một cái nhìn đúng hơn về Thượng đế.

Điều răn thứ nhất nói: “Trước mặt ta, ngươi không được có thần nào khác”, có nghĩa là chúng ta không bao giờ cho phép bất kỳ “thần” (hay tôn giáo) do con người tạo ra đứng giữa chúng ta và trải nghiệm trực tiếp, thần bí về đấng Thượng đế tối thượng. Điều này gắn liền với điều răn thứ hai, có nội dung: “Ngươi không được mang vào mình bất kỳ hình tượng khô chết nào.” Các chân sư nói rằng điều này không chỉ đề cập đến các thần tượng làm bằng gỗ, đá hoặc vàng. Ý nghĩa sâu xa hơn là bất kỳ hình ảnh tâm linh nào mô tả hình tướng của Thượng đế. Theo các chân sư thăng thiên, Đấng Sáng tạo là nguồn gốc của mọi hình tướng, nhưng như vậy, Đấng Sáng tạo hoàn toàn vượt ra ngoài mọi hình tướng.

Con người chúng ta có khuynh hướng sử dụng những gì chúng ta thấy được trong thế giới hữu hình để suy luận về những điều trong thế giới vô hình. Điều này đặc biệt không hữu ích khi nói đến Thượng đế. Theo nghĩa đen, không có gì – không có “vật” nào – trong thế giới hình tướng có thể mô tả chính xác Đấng Sáng tạo vượt ra ngoài hình tướng. Tuy nhiên, nếu tâm của chúng ta dính chặt vào một hình ảnh tư tưởng nào đó về Thượng đế, thì điều này sẽ khiến tâm chúng ta không có được một trải nghiệm thần bí về Đấng Sáng tạo thật. Bản chất của một trải nghiệm thần bí là nó đưa chúng ta vượt ra khỏi cái hộp tư duy hiện tại của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ muốn một trải nghiệm thần bí phù hợp với những hình ảnh và niềm tin bên trong cái hộp tư duy của chúng ta, thì tâm của chúng ta không có tự do để có một trải nghiệm bên ngoài chiếc hộp.

Đấng Sáng tạo là nguồn gốc của mọi hình tướng, nhưng như vậy, Đấng Sáng tạo hoàn toàn vượt ra ngoài mọi hình tướng.

Quả thực con người có thể kinh nghiệm Bản thể của đấng Đấng Sáng tạo. Tuy nhiên, một khi đã có kinh nghiệm này, hiển nhiên việc tìm cách mô tả Đấng Sáng tạo qua lời nói hoặc hình ảnh của thế gian là điều hoàn toàn vô nghĩa.

Mối quan hệ của bạn với Đấng sáng tạo là gì? Bạn là một phần nối dài của Đấng Sáng tạo, do đó bạn là một phần của toàn bộ Bản thể của Đấng Sáng tạo. Điều này có nghĩa là Thượng đế thật không phán xét bạn. Đấng Sáng tạo đã ban cho bạn một phần của Bản thể của chính ngài, và sau đó ngài đã cho bạn hoàn toàn tự do để làm gì bạn muốn với phần đó. Một vị Thượng đế đầy tính phán xét và kiểm soát sẽ không bao giờ cho bạn tự do như thế. Vì vậy, Thượng đế thật thương yêu bạn với một tình thương hoàn toàn vượt lên trên tình thương có điều kiện mà hầu hết chúng ta chỉ biết đến trên trái đất này. Một Đấng Sáng tạo vượt lên trên hình tướng, thương yêu bạn với một tình thương vô điều kiện, phải chăng đây là một điều hoàn toàn hợp lý?

5.4 Ta sẽ đi về đâu; chuyện gì xảy ra sau khi ta chết?

Một lần nữa, câu hỏi này có thể được trả lời ở nhiều mức độ. Trong cái nhìn rộng lớn, bạn là một đấng sáng tạo đang thành. Do đó, bạn đang ở trong tiến trình mở rộng tự nhận biết của mình, cho đến khi bạn đạt đến mức độ của một đấng Sáng tạo.

Tuy nhiên, ở mức độ trước mắt hơn, nhiệm vụ của bạn là làm chủ được môi trường vũ trụ vật chất, cụ thể là hành tinh trái đất. Một khi bạn làm chủ được rồi, bạn có thể thăng lên cõi tâm linh và trở thành một chân sư thăng thiên. Vì vậy, mối quan tâm trước mắt là làm thế nào  làm chủ khả năng đồng sáng tạo của bạn và hội đủ điều kiện để thăng thiên, điều mà chúng tôi sẽ đề cập trong các chương tới.

Làm chủ môi trường thực sự có nghĩa là gì? Các chân sư thăng thiên nói rằng Giê-su, và nhiều vị thầy tâm linh khác, đã đầu thai để chứng minh tiềm năng mà tất cả chúng ta đều có. Cái gọi là phép lạ của Giê-su hoàn toàn không phải là phép lạ. Chúng là những minh chứng về khả năng tâm làm chủ vật chất mà tất cả chúng ta đều có thể đạt được, khi chúng ta đi trên con đường tâm linh đưa tới thăng thiên. Đó là lý do tại sao Giê-su nói rằng những ai tin thầy sẽ làm những việc mà thầy đã làm, mà còn làm giỏi hơn nữa.

Dựa trên điều này, hầu hết chúng ta có thể nhìn vào cuộc sống của chính mình và nói: “Chà, tôi vẫn chưa tới mức đó đâu.” Và như thế chúng ta tự hỏi chuyện gì xảy ra cho mình sau khi cơ thể chúng ta chết đi. Các chân sư thăng thiên nói rằng tất nhiên chúng ta không chết khi cơ thể chúng ta chết. Chúng ta, với tư cách là những sinh thể tự nhận biết, chắc chắn tồn tại sau cái chết của thân xác và bước vào một cõi khác. Điều này dẫn đến câu hỏi: “Nếu bạn chưa sẵn sàng thăng thiên khi cơ thể bạn chết, thì điều gì sẽ xảy ra?”

Các chân sư thăng thiên trả lời rằng bạn sẽ được cơ hội quay trở lại trong một cơ thể vật chất khác, và quá trình này sẽ tiếp tục trong nhiều kiếp nếu cần thiết, cho đến khi bạn đủ điều kiện để thăng thiên. Đây là quá trình thường được gọi là luân hồi.

Các chân sư nói rằng khi trái đất lần đầu tiên được tạo ra, nó ở trạng thái cao hơn và thuần khiết hơn ngày nay. Những làn sóng sinh thể đầu tiên trên trái đất đã xuống đầu thai trong trạng thái tâm thức cao hơn những gì được coi là “bình thường” ngày nay. Kết quả là họ chỉ cần một kiếp để đủ điều kiện thăng thiên.

Sau khi đa số cư dân trên trái đất rơi xuống trạng thái tâm thức thấp hơn mà chúng ta thấy ngày nay, sự mất cân bằng hiện ra dưới nhiều dạng, và kết quả là con người không thể duy trì một cơ thể vật lý cho suốt quãng đời khởi thủy của mình. Vì lý do này và vì  tâm thức thấp kém khiến cho việc hội đủ điều kiện thăng thiên khó khăn hơn, hầu hết chúng sinh không thể thăng thiên trong một kiếp nữa. Như vậy, luân hồi trở thành một điều tất yếu.

5.5. Tại sao luân hồi quan trọng

Một lý do khiến luân hồi quan trọng là vì nó trả lời một số câu hỏi khó trả lời nếu không có luân hồi. Hầu hết những người quan tâm đến tâm linh có lẽ đều biết rằng tâm lý con người rất phức tạp, nhưng sự phức tạp này từ đâu đến?

Theo triết học duy vật thì trước cơ thể vật chất không có gì c, vì vậy cách giải thích phổ thông là linh hồn chúng ta là sự kết hợp của những đặc tính di truyền và những ảnh hưởng từ môi trường. Tuy nhiên, điều này không giải thích được tại sao một số người có tâm lý phức tạp hơn nhiều so với người khác hoặc lại có một số người ác hơn nhiều so với những người khác?

Ví dụ, hãy nhìn vào một số người ác độc nhất trong lịch sử. Nhiều người trong số họ không có cha mẹ ác độc và họ không trải qua những chấn thương tâm lý lớn trong thời thơ ấu. Một lời giải thích hiển nhiên là những người này là tái sinh của những sinh thể già hơn đã phát triển các vấn đề tâm lý trong nhiều kiếp trước đó. Điều này cũng giải thích tại sao bất kỳ người nào bắt đầu làm việc với tâm lý của mình sẽ khám phá ra một sự phức tạp sâu rộng, với nhiều tầng của vô thức.

Đối với những người chân thành tìm kiếm con đường dẫn tới trạng thái ý thức cao hơn, sự tu tập của chúng ta sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta thừa nhận rằng mình là những sinh thể rất phức tạp bởi vì chúng ta đã tiến hóa qua nhiều kiếp sống. Vì vậy, chúng ta không thể chờ đợi rằng mình có thể tiến bộ trên con đường tu mà không cần phải đối mặt với nhiều tầng lớp của tâm lý mình. Và điều này giúp chúng ta phát triển một cách tu tập thiết thực và dài hạn, thay vì trở thành con mồi ngon cho những phương pháp tu nhanh chóng có trên thị trường tâm linh. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau, khi xem xét kỹ hơn con đường tâm linh, nhưng điều quan trọng là phải nhận thức rằng có luân hồi khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu các khía cạnh thiết thực của con đường tâm linh.

HẾT CHƯƠNG