Uy lực của cái Ta – Chương 4 – Thế giới hình tướng được sáng tạo như thế nào?

Trong chương này chúng ta sẽ xem xét cái nhìn cơ bản về vũ trụ học của các chân sư thăng thiên, nghĩa là vũ trụ này được sáng tạo như thế nào, tại sao nó được sáng tạo và nó vận hành theo các quy luật cơ bản nào. Tôi biết rằng đề tài này có vẻ lý thuyết và trừu tượng cho một số độc giả, nhưng nó sẽ cho ta một nền móng giúp ta giải thích bản chất thật của cái ta và tiềm năng của cái ta là cánh cửa mở cho một uy lực cao hơn. Nó cũng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn con đường tu thực tế được vạch ra trong phần sau.

4.1. Cấu trúc thứ bậc của vũ trụ

Khoa học đã cho ta thấy là vũ trụ có một cấu trúc thứ bậc. Tất cả mọi thứ ở cấp vĩ mô đều được cấu tạo bằng các phân tử, và do đó chúng chỉ có thể  được sáng tạo trong cái khung của các quy luật  điều hành chức năng của các phân tử. Tuy nhiên phân tử lại được làm bằng các nguyên tử, và như vậy chịu ảnh hưởng của những quy luật điều hành sự vận hành của các nguyên tử và tiếp tục như thế ở các tầng cấp sâu hơn. Các chân sư thăng thiên đồng ý với cấu trúc thứ bậc mà khoa học khám phá thấy, nhưng họ đi xa hơn thế rất nhiều, và rốt cuộc đi tới đấng Sáng tạo, chính là đỉnh của kim tự tháp thứ bậc.

Tuy nhiên, Đấng Sáng tạo được mô tả bởi các thầy thăng thiên rất khác với hình ảnh truyền thống của Thuợng đế. Nó đặc biệt khác với hình ảnh độc thần của một vị Thượng đế toàn nam, ngồi trên ngai vàng lớn màu trắng và phán xét loài người, đưa một số người đến sự đày đọa vĩnh viễn trong địa ngục.

Các thầy thăng thiên phân biệt giữa thế giới mà chúng ta đang sống và thế giới vượt lên trên thế giới đó. Họ nói rằng thế giới của chúng ta là “thế giới của hình tướng”, bởi vì mọi thứ trong đó đều có hình tướng làm cho nó khác biệt với các hình tướng khác. Đây là điều khiến chúng ta có thể bắt đầu với một sự tự nhận biết hạn chế và sau đó phát triển lên mức độ tự nhận biết cao hơn. Nó thậm chí khiến chúng ta có thể tin rằng chúng ta là những sinh thể riêng biệt, có nghĩa là chúng ta tách biệt khỏi Thượng đế, khỏi thế giới vật chất và khỏi những người khác.

Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng có thể giúp chúng ta tăng trưởng sự tự nhận biết. Lý do là chúng ta phát triển sự tự nhận biết bằng cách nhận ra một cách ý thức là chúng ta đang ở trong một trạng thái hạn chế, rằng chúng ta hơn trạng thái đó, và sau đó có một lựa chọn ý thức muốn vươn lên một trạng thái cao hơn. Vì vậy, cho dù trạng thái hiện tại của chúng ta có hạn chế đến đâu, nó vẫn có thể là nền tảng cho sự phát triển của chúng ta.

4.2. Cái vượt lên trên thế giới hình tướng

Một trong những vấn đề cơ bản đối với các chân sư thăng thiên là con người chúng ta đã quá quen với cách nhìn cuộc sống dựa trên thế giới hình tướng – cụ thể là vũ trụ vật chất – và chúng ta đã quá quen với việc giao tiếp bằng lời nói. Rõ ràng từ ngữ được phát triển dựa trên một thế giới của các hình tướng riêng biệt và chúng phù hợp nhất để mô tả các hình tướng tách biệt rõ ràng với các hình tướng khác. Vì các giác quan của chúng ta được thiết kế để hoạt động với sự tương phản, vì vậy từ ngữ được tạo ra và rất phù hợp để mô tả sự khác biệt được xác định rõ ràng hoặc sự khác biệt theo cái nhìn đường thẳng.

Thật khó dùng từ ngữ để mô tả phần thực tại nằm vượt lên trên thế giới hình tướng của chúng ta. Do đó, các thầy đã ít nói về nó, nhưng họ đã đặt cho nó một cái tên: “Tất cả”. Tâm đường thẳng ngay lập tức muốn hỏi thế giới này đến từ đâu, nó được tạo ra khi nào, ai đã tạo ra nó và tại sao. Tuy nhiên, đây là những câu hỏi chỉ có ý nghĩa trong một thế giới có nhiều hình tướng khác nhau, vì chỉ trong một thế giới như vậy, người ta mới có thể tạo ra một dòng thời gian theo đường thẳng. Cái Tất Cả luôn hiện hữu và do đó không có bắt đầu hay kết thúc. Đó là một thế giới không theo đường thẳng, và do đó rất khó hiểu đối với những sinh thể trong một thế giới đường thẳng.

Hình 5 – Khoảng trống không thuộc đường thẳng

Điều quan trọng cần biết là trong Tất Cả không thể có các hình tướng tách biệt. Vì vậy, trong Tất Cả không thể làm những gì chúng ta đang làm bây giờ, cụ thể là bắt đầu với một nhận biết hạn chế và sau đó phát triển tới một trạng thái tâm thức rộng lớn hơn. Do đó, đấng tạo ra thế giới hình tướng của chúng ta đã chọn tạo ra thế giới của chúng ta như một cách để chính ngài phát triển và như một cách để chúng ta phát triển. Để làm được điều này, trước tiên, Đấng Sáng tạo của chúng ta phải tạo ra một bầu cõi có các đặc điểm hơi khác với cái Tất Cả.

4.3. Thế giới của chúng ta được sáng tạo như thế nào

Mỗi thế giới hình tướng được tạo ra bởi một sinh thể, có mức độ tâm thức của một Đấng Sáng tạo. Một đấng Sáng tạo bắt đầu quá trình tạo ra một thế giới hình tướng bằng cách đặt mình ra khỏi Tất cả. Vì chúng ta phải sử dụng các từ ngữ và khái niệm đường thẳng, chúng ta có thể nói rằng đấng Sáng tạo xác định một ranh giới bầu cõi chung quanh chính người. Người tạo ra một bầu cõi tồn tại bên trong Tất Cả, nhưng không có cùng mức độ rung động như Tất Cả. Nó được đặt riêng biệt khỏi toàn bộ.

Hình 6 – Điểm dị thường

Bước tiếp theo, đấng Sáng tạo tự rút lui khỏi không gian bên trong ranh giới này. Đấng Sáng tạo tự rút mình vào một điểm dị thường, và phần còn lại của bầu cõi trở thành một khoảng trống. Một lần nữa, chúng ta có thể nói theo từ ngữ đường thẳng rằng Tất Cả chứa đầy một dạng năng lượng rất cao, điều này không thể tạo ra sự phân chia hoặc tạo ra ấn tượng rằng một thứ gì đó tách rời khỏi Tất Cả. Để tạo ra một thế giới với các hình tướng dường như riêng biệt, trước tiên đấng Sáng tạo phải tạo ra một khoảng không không có năng lượng và không có hình tướng. Nó trống không.

Bước tiếp theo, Đấng Sáng tạo tạo ra năng lượng cơ bản sẽ được sử dụng để xây dựng thế giới hình tướng. Các chân sư gọi nó là ánh sáng Mẫu-Vật hay ánh sáng Mẹ. Sở dĩ gọi nó với cái tên nghe có vẻ nữ tính là vì để tạo ra một thế giới với những hình tướng riêng biệt, Đấng Sáng tạo phải xác định hai lực hoặc nguyên tố riêng biệt.

Đối với bất cứ thứ gì được tạo ra, cần phải có một lực lan ra hoặc bành trướng. Đây là lực mà Đấng Sáng tạo sử dụng để phóng chiếu ra thứ gì đó từ điểm dị thường ở trung tâm của khoảng trống không. Tuy nhiên, nếu lực lan ra này không được cân bằng với lực co lại, thì không có hình tướng nào có thể được tạo ra hoặc duy trì.

Để hiểu điều này, hãy nhìn vào khái niệm về Vụ nổ lớn. Các nhà khoa học nói rằng việc tạo ra vũ trụ vật chất bắt đầu khi tất cả năng lượng bị nén vào một điểm dị thường và sau đó được giải phóng trong một vụ nổ khổng lồ. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, một vụ nổ là một lực lan ra ngoài dẫn đến sự bành trướng mà không hình thành các cấu trúc có tổ chức. Vì vậy, mô hình Vụ nổ lớn chỉ có ý nghĩa nếu có một lực co lại để cân bằng với lực lan tỏa ra. Chỉ bằng cách cân bằng sự lan tỏa, một hình tướng đặc thù mới có thể được tạo ra và duy trì theo thời gian.

Hình 7 – Bầu cõi đầu tiên trong trống không

Các thầy nói rằng Đấng Sáng tạo đã định ra một phần nối dài của Bản thể của mình, cụ thể là năng lượng vũ trụ cơ bản sẽ được sử dụng làm vật liệu xây dựng cho thế giới hình tướng. Điều này đã tạo ra cực đầu tiên, cụ thể là cực giữa Đấng Sáng tạo, đại diện cho yếu tố nam tính, lan tỏa và ánh sáng Mẫu-Vật, đại diện cho yếu tố nữ tính, co lại. Điều này hơi giống với các khái niệm được tìm thấy trong một số tôn giáo, chẳng hạn như các khái niệm của Lão giáo về Âm và Dương.

Một cách khác để nói điều này là lực lan ra đại diện cho ý thức. Một sinh thể tự nhận biết có thể hình thành một hình tư tưởng về hình tướng mà y muốn tạo ra. Sau đó, y có thể gán hoặc phóng chiếu hình tư tưởng này lên ánh sáng Mẫu-Vật, ánh sáng này sau đó khoác lên cái khuôn đúc của hình tướng được hình dung. Do đó, chúng ta có thể nói rằng yếu tố tích cực của sự sáng tạo là ý thức, nó làm cho yếu tố thụ động là năng lượng, khoác lên những hình tướng đặc thù.

Sau khi đã định ra ánh sáng Mẫu-Vật, Đấng Sáng tạo phóng chiếu ánh sáng Mẫu-Vật ra khỏi điểm dị thường, và ngài tạo ra bầu cõi đầu tiên trong khoảng không. Khoảng không trống rỗng, nhưng bầu cõi đầu tiên chứa năng lượng rung động trong một quang phổ nhất định.

4.4. Sự sáng tạo các sinh thể có tự nhận biết

Sau khi đã tạo ra bầu cõi đầu tiên này, đấng Sáng tạo sau đó xác định một số cấu trúc trong bầu cõi. Ngài đã làm như vậy bằng cách hình thành một hình ảnh trong tâm ngài và phóng chiếu hoặc gán nó lên trên ánh sáng Mẫu-Vật. Nói một cách sơ sài, chúng ta có thể so sánh ánh sáng Mẫu-Vật với một màn hình phim. Bản thân nó không có hình ảnh, nhưng nó có khả năng phản chiếu bất kỳ hình ảnh nào được phóng chiếu lên nó.

Bước tiếp theo, Đấng Sáng tạo đã tạo ra một số sinh thể có sự tự nhận biết và gửi hoặc phóng chiếu họ vào bầu cõi đầu tiên. Những sinh thể này được tạo ra từ Bản thể của chính Đấng Sáng tạo, đó là lý do tại sao họ có khả năng tự nhận biết. Tuy nhiên, sự tự nhận biết của họ không phải là sự nhận biết toàn diện của Đấng Sáng tạo; đó là một sự tự nhận biết cục bộ. Những sinh thể đầu tiên này coi bản thân là những cá nhân, điều này cho họ cơ hội bắt đầu với sự tự nhận biết cục bộ và dần dần mở rộng nó, cho đến khi họ đạt đến mức độ của Đấng Sáng tạo trong khi vẫn còn là những sinh thể có cá thể. Mục đích của Đấng Sáng tạo khi tạo ra một thế giới có hình tướng là tạo thêm nhiều người Sáng tạo hơn, điều này cũng khiến đấng Sáng tạo phát triển.

Những sinh thể đầu tiên bắt đầu với ý niệm bản sắc cục bộ, tập trung vào môi trường nơi họ sống, một môi trường mà đấng Sáng tạo đã tạo ra cho họ. Nếu phải bắt đầu trong một khoảng trống không thì sẽ rất đáng sợ cho một sinh thể mới. Một người mới được tạo ra làm sao có thể tưởng tượng được các cấu trúc và tự tạo ra chúng? Vì vậy, một sinh thể mới được bắt đầu sống trong một môi trường được xác định trước, và sau đó y dần dần học về khả năng sáng tạo của chính mình trong môi trường đó. Khi sinh thể này biết hơn về khả năng sáng tạo của mình, thậm chí y có thể bắt đầu thay đổi môi trường của mình theo viễn quan của chính mình. 

Đây là một nguyên tắc áp dụng cho tất cả những sinh thể tự nhận biết trong một thế giới có hình tướng, bao gồm chính chúng ta. Tất cả các sinh thể này đều bắt đầu với một sự nhận biết cục bộ về bản sắc, và họ bắt đầu trong một môi trường được xác định trước. Bằng cách đáp ứng với môi trường của họ, họ dần dần học được khả năng sáng tạo của mình. Tất cả những sinh thể tự nhận biết đều có những khả năng sáng tạo cơ bản giống như Đấng Sáng tạo – nhưng không ở cùng một mức độ. Họ có khả năng hình thành một hình tư tưởng và sau đó phóng chiếu hình ảnh đó lên ánh sáng Mẫu-Vật, làm cho ánh sáng mang hình tướng thực hoặc vật lý của hình ảnh.

Tất cả những sinh thể tự nhận biết cũng có ý chí tự do hoàn toàn, có nghĩa là họ có khả năng hình thành bất kỳ hình tư tưởng nào mà họ có thể tưởng tượng được. Họ cũng có khả năng và quyền phóng chiếu bất kỳ hình ảnh nào họ có thể tưởng tượng được lên ánh sáng Mẫu-Vật. Tuy nhiên, bởi vì họ sống bên trong một môi trường nhất định, chắc chắn họ phải trải nghiệm những hình ảnh mà họ phóng chiếu lên ánh sáng Mẫu-Vật như là một phần của môi trường vật chất của họ. Chính qua tiến trình hình thành hình ảnh, lấy quyết định phóng chiếu hình ảnh nào lên ánh sáng Mẫu-Vật, và sau đó trải nghiệm hậu quả của quá trình này mà chúng ta phát triển sự tự nhận biết của mình.

4.5. Sự tiếp nối của các bầu cõi

Chúng ta hãy quay trở lại bầu cõi đầu tiên. Những sinh thể trong bầu cõi này bắt đầu bằng cách khám phá khả năng sáng tạo của mình, dần dần làm chủ được môi trường của mình và bắt đầu xác định môi trường của chính mình. Tuy nhiên, khi họ làm điều này, họ cũng cảm nhận được từ bên trong là họ là một phần nối dài của một Thực tại vĩ đại hơn. Khi nhận biết rõ hơn về mối liên hệ của mình với Đấng Sáng tạo, họ bắt đầu xây dựng cảm nhận mình là một với Đấng Sáng tạo.

Khi mỗi cá nhân đạt được sự hợp nhất này, họ nhận thức được rằng “Nếu Đấng Sáng tạo là nguồn gốc của tôi, thì tất cả những sinh thể khác trong bầu cõi của tôi phải đến từ cùng một nguồn gốc.” Do đó, tính hợp nhất theo chiều dọc trở thành tính hợp nhất theo chiều ngang, và tất cả các sinh thể trong bầu cõi đầu tiên bắt đầu cảm thấy đồng nhất với nhau, trong khi vẫn giữ được cá thể riêng của họ (thật ra là họ đạt được tính cá nhân thực sự như là một phần của một tổng thể lớn hơn).

Khi những sinh thể trong bầu cõi đầu tiên đạt được sự duy nhất này, họ có thể gia tốc năng lượng được sử dụng để xây dựng bầu cõi đầu tiên (nâng cao độ rung của nó). Đây là một quá trình theo đó toàn bộ bầu cõi thăng thiên lên một trạng thái cao hơn, và thấy được rõ ràng bầu cõi được tạo ra từ Bản thể của Đấng Sáng tạo. Vì vậy, trong khi các sinh thể vẫn xem mình là những sinh thể có cá thể riêng, họ không còn có thể tin rằng họ tách rời khỏi Đấng Sáng tạo hoặc tách rời khỏi nhau. Và không ai còn có thể tin rằng bầu cõi đầu tiên được tạo ra từ một chất bị tách ra khỏi Đấng Sáng tạo hoặc có sự tồn tại của chính nó. Bầu cõi đầu tiên sau đó đã trở thành một phần vĩnh viễn của cái mà chúng ta, theo quan điểm của chúng ta, gọi là thế giới tâm linh.

Sau khi những sinh thể trong bầu cõi đầu tiên làm cho bầu cõi của họ thăng thiên, họ đã đạt được mức độ điều ngự. Họ không ở cùng mức độ tự nhận biết như Đấng Sáng tạo, nhưng họ đã vượt xa mức tâm thức khi họ bắt đầu. Để cho những sinh thể này có cơ hội phát triển khả năng điều ngự của mình, Đấng Sáng tạo sau đó đã xác định một bầu cõi thứ hai trong khoảng không.

Tuy nhiên, thay vì tạo ra các cấu trúc trong bầu cõi thứ hai, Đấng Sáng tạo đã cho phép các chân sư thăng thiên từ bầu cõi đầu tiên tạo ra các cấu trúc trong bầu cõi thứ hai. Và thay vì gửi phần nối dài của chính mình vào bầu cõi thứ hai, đấng Sáng tạo cho phép các chân sư từ bầu cõi đầu tiên tạo ra phần nối dài của bản thể của họ, rồi gửi chúng vào môi trường mà họ đã tạo ra trong bầu cõi thứ hai. Như vậy, các chân sư từ bầu cõi thứ nhất đã trở thành “thượng đế” hay cha mẹ tâm linh cho sinh thể trong bầu cõi thứ hai.

Quá trình tạo một bầu cõi mới khi bầu cõi trước đó đã thăng thiên vẫn tiếp tục. Các thầy nói rằng vũ trụ vật chất là bầu cõi thứ bảy của những bầu cõi này. Điều quan trọng cần hiểu là mỗi lần một bầu cõi mới được thành lập, năng lượng cơ bản của bầu cõi đó dày đặc hơn so với năng lượng cơ bản của bầu cõi trước đó. Điều này, có nghĩa là các sinh thể trong bầu cõi dày đặc dễ cảm thấy là bầu cõi mình bị tách khỏi Đấng Sáng tạo và tự tồn tại một mình. Điều này giải thích tại sao hiện nay con người có thể tin vào hai ảo tưởng cổ điển mà nhân loại đã tin:

• Tôn giáo truyền thống, nói rằng có một vị Thượng đế, nhưng ngài là một vị Thượng đế xa xôi ngồi cao trên trời. Thế giới vật chất bị ngăn cách với vương quốc của Thượng đế bởi một rào cản, và chúng ta chỉ có thể vượt qua nó với sự trợ giúp của một số yếu tố ngoại lai được kiểm soát bởi tôn giáo vỏ ngoài.

• Chủ nghĩa duy vật, cho rằng không có Thượng đế và vật chất có thể tự tồn tại, nghĩa là nó không cần gì ngoài bản thân để tồn tại. Vì vậy, vũ trụ vật chất không được tạo ra bởi một sinh thể thông minh theo một kế hoạch đã được hình thành từ trước. Nó ra đời thông qua một quá trình hoàn toàn duy vật, được thúc đẩy bởi các sự kiện ngẫu nhiên và một tập hợp các quy luật tự nhiên mà không ai định nghĩa.

Cả hai ảo tưởng này đều được xây dựng trên ảo tưởng sâu hơn gây ra bởi phạm vi giới hạn của các giác quan vật lý của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể phát hiện những rung động trong quang phổ tạo nên vật chất. Chúng ta không thể trực tiếp thấy rằng vật chất là một phần của chuỗi rung động liên tục lớn hơn, khiến chúng ta dễ lầm tưởng rằng chỉ có vật chất mà thôi, vật chất tồn tại tự nó hoặc vật chất tách rời khỏi Tánh linh. Con đường của nhà thần bí là một quá trình nâng cao tâm thức, cho đến khi chúng ta có những trải nghiệm trực tiếp, thần bí phá tan cái ảo tưởng nguyên thủy này của con người. 

4.6. Giới thiệu các tia sáng tâm linh

Chúng ta đã thấy rằng chúng ta có thể lấy công thức nổi tiếng của Einstein và áp dụng một phép toán đơn giản, nhờ đó chúng ta có được công thức mới này:

Như đã đề cập, công thức này cho chúng ta thấy rằng vũ trụ vật chất được tạo ra từ năng lượng của một rung động cao hơn, và năng lượng này sau đó bị giảm đi bởi một tỷ lệ nào đó. Tuy nhiên, những gì Einstein đã định nghĩa là c2 chỉ là yếu tố cuối cùng trong số những yếu tố giảm thiểu như vậy.

Các thầy thăng thiên dạy rằng bầu cõi mà chúng ta đang sống được tạo ra từ ánh sáng tâm linh đã được giảm độ rung bởi bảy yếu tố giảm thiểu. Những yếu tố này cũng có thể được mô tả như bảy loại năng lượng tâm linh, và chính sự kết hợp của bảy loại năng lượng này tạo nên quang phổ tần số vật chất.

Bảy loại năng lượng này được các thầy thăng thiên gọi là bảy tia. Các thầy dạy rằng mọi thứ trong vũ trụ vật chất đều được tạo ra từ sự kết hợp của cả bảy tia. Ví dụ, hành tinh trái đất được tạo ra bởi bảy sinh thể tâm linh, được gọi là Elohim. Những sinh thể này đến với nhau trong bầu cõi tâm linh và kết hợp những nỗ lực sáng tạo của họ để xác định một bản mẫu tinh thần cho hành tinh của chúng ta. Khi bản mẫu đã được xác định, họ bắt đầu quá trình dần dần gán bản mẫu lên trên ánh sáng Mẫu-Vật. Và động lực chủ yếu trong quá trình này là năng lượng và phẩm chất của bảy tia. Điều này xảy ra một phần nhờ sức mạnh của âm thanh, khi các  Elohim sử dụng những âm thanh đặc thù để tạo ra những rung động nhịp nhàng, điều này dần dần khiến năng lượng khoác lên hình tướng của bản mẫu của họ. (Ban đầu là Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Thượng đế và Ngôi Lời là Thượng đế.)

Mặc dù điều này nghe có vẻ giống như một quá trình đường thẳng, nhưng trên thực tế, nó phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng ta là bảy tia có thể được coi là tạo thành bảy lớp rung động “tách biệt” năng lượng của thế giới vật chất khỏi cõi tâm linh. Vì vậy, khi chúng ta cố gắng nhìn vào thế giới tâm linh, nó như thể có bảy bức màn ngăn cách chúng ta không nhìn được rõ ràng cõi tâm linh, giống như chúng ta đang nhìn qua bảy tấm kính màu. Chừng nào tâm thức của chúng ta còn chịu ảnh hưởng của ảo tưởng tách biệt, chúng ta không thể nhìn thấu qua năng lượng của bảy tia, có nghĩa là chúng ta không thể nhìn thấy rõ ràng cõi tâm linh. Chúng ta chỉ nhìn thấy những mảnh kính màu trong kính vạn hoa của cái Ta.

Điều này có nghĩa là con đường nâng cao tâm thức của chúng ta để làm chủ cái Ta là một quá trình tu tập thông qua bảy tia, bắt đầu với tia đầu tiên và kết thúc với tia thứ bảy.

Qua tiến trình ngộ mỗi tia sáng, chúng ta thực sự hòa điệu tâm của mình với tia sáng đó và trở thành một với sự rung động của nó.

Khi chúng ta khai ngộ được tia đầu tiên, chúng ta thực sự hòa điệu tâm của mình với tia đầu tiên và trở thành một với sự rung động của nó (hoặc chúng ta cũng có thể nói rằng tâm của chúng ta bắt đầu rung động đồng bộ với tia đầu tiên). Khi sự hòa điều này xảy ra, tia sáng đầu tiên sẽ không còn tạo thành một bức màn che khuất tầm nhìn của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ có thể nhìn thấu năng lượng của tia sáng đầu tiên và có được tầm nhìn rõ ràng hơn về khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Chúng ta cũng sẽ trở thành một cánh cửa rộng mở cho những năng lượng của tia sáng đầu tiên truyền qua cái Ta, có nghĩa là chúng ta sẽ gia tăng uy lực của cái Ta.

Quá trình này sau đó có thể tiếp tục qua tất cả bảy tia, cho đến khi chúng ta bắt đầu thấy được sự duy nhất đằng sau tất cả các hiện tượng nhìn thấy được. Bây giờ chúng ta có thể nhìn xuyên qua các bức màn, và do đó chúng ta thấy được sự duy nhất đằng sau sự đa dạng. Đây là cái mà các thầy thăng thiên gọi là tâm thức Ki-tô. Quá trình này dần dần sẽ giúp chúng ta hoàn toàn làm chủ được cõi vật chất, nghĩa là chúng ta thực sự có thể làm những việc mà Giê-su đã làm. Chúng ta có thể tạo hình ảnh tinh khiết hơn và gán chúng lên trên ánh sáng Mẫu vật, nhờ đó chúng ta có thể ghi đè lên trên các hình ảnh không tinh khiết hiện đang hạn chế trái đất, chẳng hạn như dịch bệnh hoặc tài nguyên hạn chế.

Con đường khai ngộ bảy tia sáng nằm dưới sự dẫn dắt của các chân sư thăng thiên đặc biệt là các vị Thượng sư hay Chohans. Thượng sư là một vị chân sư,  “vị thày trưởng nhiệm” cho một tia đặc biệt. Trong một phần kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về các tia sáng và con đường khai ngộ, Con đường của Bảy Tấm màn che.

4.7. Bốn tầng của thế giới

Để tạo nền tảng tốt hơn cho các chương sắp tới, chúng tôi sẽ thêm một lớp thông tin phức tạp nữa. Như đã được giải thích, một bầu cõi mới được tạo ra từ năng lượng ở một mức độ rung động nào đó. Khi các sinh thể tự nhận biết sống trong bầu cõi nâng cao tâm thức của họ, họ cũng nâng cao độ rung của bầu cõi của mình, cho đến khi nó thăng thiên và trở thành một phần của thế giới tâm linh.

Nói cách khác, khi một bầu cõi được tạo ra, một năng lượng cơ bản được xác định. Đây là năng lượng thấp nhất hoặc dày đặc nhất được tìm thấy trong bầu cõi đó. Như đã nói, đối với mỗi bầu cõi mới, năng lượng cơ bản dày đặc hơn so với bầu cõi trước đó. Điều này có nghĩa là đối với bầu cõi của chúng ta, có một khoảng cách khá lớn giữa năng lượng cơ bản và năng lượng của thế giới tâm linh.

Thực tế là không thể nào hạ thấp ngay lập tức năng lượng có mức rung rất cao của cõi tâm linh xuống mức rung thấp của năng lượng cơ bản của chúng ta. Hơn nữa, ngay cả khi làm được, các sinh thể trong cõi vật chất không thể thăng hoa lên cõi tinh thần được nếu họ phải vượt qua một khoảng cách rung động quá lớn như vậy. Do đó, quá trình hạ độ rung xuống được thực hiện trong bốn giai đoạn. Điều này có nghĩa là có bốn tầng, đôi khi được gọi là “quãng tám,” trong cõi vật chất. Hãy để chúng tôi mô tả sơ sài về bốn tầng này bằng cách so sánh chúng với việc xây dựng một tòa nhà.

4 TẦNG CỦA VŨ TRỤ VẬT CHẤT
1.Tầng ether hay bản sắcĐây là tầng cao nhất, nơi bạn tìm thấy các bản mẫu tinh thần cho tất cả các hình tướng trong cõi vật chất. Bạn có thể so sánh nó với tầng cấp của một kiến trúc sư, người nắm giữ viễn quan về bản mẫu tổng thể của tòa nhà.  
2.Tầng lý tríĐây là nơi bạn tìm thấy các kế hoạch cụ thể hơn để thực hiện thành sự thật bản vẽ mẫu của các kiến trúc sư. Hãy so sánh đây với tầng cấp của các kỹ sư, những người lập kế hoạch cụ thể và chi tiết hơn về cách thực sự xây dựng tòa nhà.
3.Tầng cảm xúcĐây là nơi bạn có kế hoạch của những người hỗ trợ tài chính và chủ sở hữu của tòa nhà. Họ đưa ra quyết định bắt đầu quá trình xây dựng, do đó kích động cho mọi sự chuyển động.  
4.Tầng vật lýĐây là nơi bạn tìm thấy các kế hoạch làm việc liên quan tới công việc lao động thực sự để xây dựng tòa nhà.  

Lời giải thích ngắn gọn là bốn tầng của cõi vật chất tương ứng với bốn tầng của tâm bạn: tầng bản sắc, tầng lý trí, tầng cảm xúc và tầng vật lý. Để khai mở toàn bộ uy lực của cái Ta, bạn phải thanh lọc bốn tầng này của tâm, loại bỏ các yếu tố lãm nghẽn không cho ánh sáng tâm linh tuôn chảy thông suốt qua tâm bạn. Tôi sẽ mô tả cách thực hiện điều này trong một phần kế tiếp.

4.8. Chúng ta là những nối dài của các chân sư

Chúng ta được thiết kế để trở thành người đồng sáng tạo. Thế giới của chúng ta được các chân sư thăng thiên sáng tạo ra. Họ ở cõi tâm linh ngay trên chúng ta. Chúng ta là phần nối dài của các thầy, và chúng ta được gửi đến đây để đồng sáng tạo thế giới của chúng ta từ bên trong, cuối cùng nâng nó trở thành một phần của thế giới tâm linh. Do đó, tâm của chúng ta có khả năng để hoàn thành sứ mệnh này.

Chúng ta đồng sáng tạo bằng cách sử dụng những năng lượng cơ bản của bảy tia sáng tâm linh. Theo con đường do các chân sư thăng thiên vạch ra, mỗi tia tạo nên một bức màn che. Khi chúng ta leo lên trên con đường tu, chúng ta sẽ làm chủ được tia này đến tia khác. Chúng ta học cách sử dụng năng lượng sáng tạo của tia sáng đó, và chúng ta hòa điệu tâm của mình với sự rung động của tia. Khi chúng ta đã đi qua tất cả bảy tia sáng, chúng ta đã khai mở toàn bộ uy lực của cái Ta.

Điều phức tạp của bức tranh là có một khoảng cách rất lớn về rung động giữa thế giới tâm linh và vật chất. Như vậy, quá trình hạ thấp năng lượng tâm linh xuống tầng cấp vật chất được thực hiện trong bốn giai đoạn. Kết quả là, chúng ta có các lớp trong tâm, tương ứng với bốn tầng: bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý. Đối với hầu hết mọi người, các tầng cao hơn của tâm nằm ngoài ý thức. Chính trong những tầng vô thức này, chúng ta đã tích lũy những khối làm nghẽn sức mạnh sáng tạo của chúng ta – những mảnh thủy tinh trong kính vạn hoa của cái ta.

Khi chúng ta đi trên con đường của bảy tia sáng, chúng ta xóa sạch các khối nghẽn trong bốn lớp của tâm. Vì vậy, bước đi trên con đường tu của các chân sư thăng thiên là một quá trình hai việc, xóa bỏ các khối nghẽn trong bốn tầng của tâm trong khi điều ngự được bảy tia tâm linh. Khi chúng ta hoàn thành quá trình này, chúng ta sẽ khai mở quyền uy tự nhiên của cái Ta. Sau đó, chúng ta có thể hoàn thành sứ mệnh mà chúng ta chọn khi xuống thế gian này, cụ thể là để giúp đồng sáng tạo một thế giới vượt xa những gì chúng ta đang thấy trên trái đất.

HẾT CHƯƠNG