Ý thức sở hữu liên quan tới gia đình

Hỏi: Con nghĩ là khắp nơi trong xã hội, người ta thường tin chắc rằng khi một người thân, một người mà chúng ta yêu thương qua đời, thì đó là một nỗi đau buồn lớn lao, không thể bù đắp được. Chúng ta cần học cách tách mình ra khỏi tin tưởng này để thay thế tin tưởng sai lầm bằng tin tưởng đúng đắn. Ngoài ra cũng có sự mất mát những người họ hàng hay bạn bè còn đang hiện thân. Bản thân con đã trải nghiệm nỗi sợ hãi và đau đớn này. Khi học tập giáo lý của các chân sư thăng thiên, con vẫn không có khả năng đương đầu với hoàn cảnh này, do một tin tưởng nào đó mà con vẫn chưa thể nhìn thấy. Con không sẵn sàng trực diện với hoàn cảnh đó, và khi nó xảy ra, con không hòa hợp và yêu thương. Niềm tin nào nằm đằng sau nỗi đau khổ khủng khiếp đó mà con người phải trải qua trên hành tinh địa cầu dày đặc này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2021 – Tăng triển Phân biện Ki-tô. Đăng ngày 13/1/2021.

Một lần nữa, đây là một niềm tin bắt nguồn từ sa nhân. Và con có thể thấy nó diễn bày ra ở nơi rất nhiều lãnh tụ trong quá khứ. Con thấy những lãnh tụ đã tự đặt mình vào vị thế quyền lực tối cao của một nhà độc tài, được dân chúng tôn thờ gần như là một vị thần. Thế nhưng họ biết rõ là mặc dù quần chúng xem mình là thần, khi nào họ còn ở trong một xác thân sinh diệt thì cũng sẽ đến lúc xác thân đó không thể duy trì sự sống, và họ sẽ phải chết. Nhưng họ không thỏa mãn với chuyện đạt được danh vọng tuyệt đỉnh chỉ trong một kiếp sống. Họ muốn để lại một sự nghiệp, một di sản. Và trong phần di sản đó, họ muốn mọi người vẫn phải gắn bó với họ, đến độ cảm thấy cái chết của họ là một mất mát không thể bù đắp. Họ muốn mọi người phải đau buồn thật lâu dài sau khi họ chết. Tất cả chỉ là chuyện xây đắp tự ngã mà thôi, xây đắp ý thức mình là một người thật đặc biệt. Chuyện đó khởi sự như thế đó.

Nhưng nó cũng đã được củng cố bởi một niềm tin khác, một lần nữa cũng do sa nhân truyền bá, mà con có thể tìm thấy trong câu nói thường tình: “Cha mẹ tôi là ông này bà nọ”, “Con cái tôi đã thực hiện được chuyện này chuyện kia”. Tất cả các con đều nói “cha mẹ của tôi, con cái của tôi, anh chị em của tôi”. Có một ý thức sở hữu nào đó liên quan đến gia đình. Và khi con lớn lên trên một hành tinh dày đặc như thế này, phần nào con cũng không thể tránh khỏi hấp thụ tinh thần đó. Tất nhiên, có một số nền văn hóa đưa cường độ sở hữu lên cao hơn nữa, khi người ta gần như thờ phụng gia đình của mình, và cấu trúc gia đình được xem là khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống con người.

Giờ đây khi con bước đi trên đường tu tâm linh và đạt tới những mức cao hơn của quả vị Ki-tô, đương nhiên con nhận ra con là một sinh thể tâm linh. Con đã sống rất, rất nhiều kiếp sống trên địa cầu này. Không phải lúc nào con cũng đã có cùng cha mẹ hay cùng anh chị em mà con đang có trong kiếp này, hay cùng những đứa con mà con có trong kiếp này. Đó không phải là cha mẹ của con, con cái của con – con không thuộc về họ và họ không thuộc về con. Đây chính là ý thức sở hữu mà con có thể bắt đầu tra vấn. Rồi con có thể nhận ra là gia đình không thể định nghĩa được con, và tất nhiên, con có quyền vượt ra khỏi gia đình con. Và con sẽ phải làm vậy hầu thể hiện và biểu lộ quả vị Ki-tô. Con không thể ở lại trong vòng giới hạn của những gì mà gia đình xem là bình thường.

Hiển nhiên còn có một yếu tố khác nữa, đặc biệt là ở phương Tây nơi luân hồi đã bị phủ nhận từ khi Giáo hội Công giáo tuyên bố vào năm 553 rằng luân hồi là tà giáo. Cho nên đã có một chấn thương vô cùng sâu đậm đối với cái chết, khi người ta cho rằng con người chỉ có một kiếp sống mà thôi, một cơ hội duy nhất để bảo đảm sự cứu rỗi của mình. Sau khi con chết, con sẽ ra đi khỏi hành tinh này vĩnh viễn, hoặc con sẽ lên thiên đàng hoặc con sẽ xuống địa ngục. Điều này phóng chiếu ra ý tưởng là khi cha mẹ con qua đời, con sẽ không bao giờ gặp lại cha mẹ nữa. Và dĩ nhiên, trong nền văn hóa duy vật đã khởi lên, cha mẹ con sẽ ngừng tồn tại khi qua đời – con sẽ ngừng tồn tại khi con qua đời. Như vậy thì làm sao không cảm thấy mất mát cho được? Nó đi kèm với mất mát trong nhận biết cũng như mất mát về bản sắc. Mà sự nhận biết cá nhân chính là năng khiếu quý giá nhất mà con có được. Cho nên, một lần nữa, nếu con thấy cần, con nên tìm đọc một số cuốn sách đã được viết ra về trải nghiệm cận tử.

Qua trải nghiệm cận tử, rất nhiều người đã chứng kiến xác thân mình chết đi nhưng chính mình thì không ngừng hiện hữu, và họ đã tiếp tục có một cuộc sống ở một cõi khác. Nhiều người như vậy đã trở về, đã “sống trở lại”, và họ giải thích là không hề có đau buồn đối với người kinh qua cái chết. Họ không đau buồn do mình không sống nữa, mà ngược lại, họ thường cảm thấy nhẹ nhõm thanh thản. Họ được bao bọc trong tình thương, họ gặp lại những người thân trong quá khứ hoặc những vị hướng dẫn tâm linh của họ, và họ ở trong một cõi cao hơn, thú vị, khoan khoái hơn khi họ còn ở trên trái đất. Con thật không cần đau buồn giùm họ đâu, vì họ chẳng mất mát gì khi họ không còn sống trong cõi này.

Và khi con nhận ra điều đó, con cũng nhận ra: “Ừ nhỉ, mình đang đau buồn chuyện gì đây?” Trong nhiều trường hợp, con đau buồn không phải vì bản thân con cảm thấy đau buồn, cũng không phải vì cha mẹ con sẽ được khuây khỏa nhờ con đã đau buồn, mà bởi vì nền văn hóa của con đã tạo ra cái ý tưởng là con phải biểu lộ sự đau buồn vì như vậy sẽ chứng tỏ là con yêu thương cha mẹ con đến chừng nào. Và nếu con không làm vậy thì người ta sẽ chê trách con.

Vậy thì tại sao con đau buồn? Là để bảo vệ một bộ mặt mà văn hóa của con đòi hỏi nơi con. Và khi con bắt đầu nhìn ra điều này, con cũng có thể bắt đầu buông nó ra. Con có thể dùng các dụng cụ tâm linh của chân sư để phơi bày những cái ngã đó nơi chính con, và con chỉ cần nói: “Thôi vậy là đủ rồi. Tôi cho nó chết đi.”