Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Chỉ đạo Thiêng liêng qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ chân sư thăng thiên Đại Chỉ đạo Thiêng liêng – hoặc như dạo sau này thày ưa tên gọi này hơn, Chỉ đạo Thiêng liêng – vì thật sự “Chỉ đạo Thiêng liêng” vượt khỏi mọi sự phân rẽ, mọi đối cực nhị nguyên. Phân biệt giữa lớn với không lớn liệu có ý nghĩa gì chăng?
11.1. Các giai đọan ý thức và tiềm thức của Sứ vụ Thiêng liêng
Con yêu dấu, cho tới điểm này các thày đã cho con những bài truyền đọc bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau về Sứ vụ Thiêng liêng của con. Vừa rồi con đã nghe giảng là có những thời điểm con cần có một số quyết định để bước lên một tầng cao hơn của quả vị Ki-tô. Hầu mở tâm ra cho một sự thay đổi cách mạng, con cần lấy một số quyết định.
Theo một nghĩa nào đó, ít nhất ở những giai đoạn cao hơn, Sứ vụ Thiêng liêng của con hoàn toàn là những quyết định mà con lấy. Các thày đã giảng là có một giai đoạn công phu trong Sứ vụ, có một giai đoạn sáng tạo trong Sứ vụ, có một giai đoạn tiến hóa hay tiệm tiến trong Sứ vụ, và có một giai đoạn cách mạng. Để khiến con bối rối hơn nữa và đưa con – hy vọng như vậy – vào một trạng thái hoang mang huy hoàng, thày muốn đưa ra khái niệm là có một giai đoạn ý thức trong Sứ vụ và một giai đoạn tiềm thức.
Qua khái niệm này thày muốn nói là nếu con nhìn lại đời mình, con có thể thấy con thường bị đẩy vào những tình huống mà con có thể nói là con đã không chọn bước vào một cách ý thức. Nó như tự dưng xảy ra trong hoàn cảnh như vậy, và con không ý thức được tại sao con cần làm vậy và chuyện đó nằm trong Sứ vụ của con như thế nào. Dù sao thì nó vẫn nằm trọn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con vì con đã cần đến trải nghiệm đó. Con có thể nói: “Đúng, trong giai đoạn đó của Sứ vụ, tôi không chọn một cách ý thức những gì mình làm và tôi không cố tình chọn như vậy. Tôi không biết rõ những chọn lựa khác là gì và hậu quả sẽ ra sao.” Con có thể tự hỏi: “Ở giai đoạn đó, tôi đã thật sự chọn lựa hay không?” Thực tế dĩ nhiên là có, con luôn luôn đang chọn lựa. Mọi người trên địa cầu đều không ngừng chọn lựa.
Con có thể nhìn những người ở trạng thái tâm thức rất thấp và cuộc đời của họ dường như chìm trong một tình trạng xáo trộn liên tục. Luôn luôn có những điều kiện vỏ ngoài có vẻ như ép buộc họ làm chuyện này chuyện nọ, hay ép buộc họ cứ luôn bị tê liệt như thể bị tước mất hết khả năng. Con có thể nói: “Đấy, họ đang chọn lựa ở chỗ nào?” Họ có thể không đang chọn lựa trong tình huống trước mắt, nhưng tình huống của họ vẫn là hệ quả của những chọn lựa mà họ đã lấy trong quá khứ. Ngay cả trong tình huống trước mắt, mặc dù họ không đang chọn thị hiện một hoàn cảnh cụ thể, nhưng họ vẫn chọn cách phản ứng hay không phản ứng lại hoàn cảnh.
Khi con chuyển từ giai đoạn tiềm thức vào giai đoạn ý thức, không phải đột nhiên con bắt đầu chọn lựa, mà thật ra con kinh nghiệm là đột nhiên con bắt đầu chọn lựa. Lý do là vì con bắt đầu ý thức nhiều hơn về những chọn lựa mà con đang lấy liên tục. Khi con theo học và thực hành giáo lý của các thày, lúc đầu con trở nên ý thức hơn về phản ứng của mình. Con bắt đầu nhận biết là khi con ở trong một hoàn cảnh nào đó, hoàn cảnh này kích hoạt nơi con một khuôn nếp phản ứng nhất định. Sau đó con bắt đầu nhận xét điều này, và con nhận thức rõ hơn là trong một số hoàn cảnh – hay khi con ở gần một số người – con luôn luôn phản ứng theo cách đó. Và tất nhiên, các thày đã cho con những dụng cụ để đặt câu hỏi: “À, chẳng phải điều này đang chỉ ra là mình có mang một khuôn nếp phản ứng, và khuôn nếp phản ứng này đến từ một loại phàm linh nội tại hay một loại ngã nào đó, có thể là nó còn đi ngược về tuốt ngã gốc, là điểm tôi đã khởi sự giai đoạn phản ứng lại các điều kiện trên trái đất?” Như vậy con có thể dùng các dụng cụ để gia tăng sự nhận biết về cái đứng đằng sau khuôn nếp phản ứng đó. Một khi con thấy cái đứng đằng sau, con có thể thoát ra khỏi nó, thế là con không còn phản ứng cách đó nữa.
Tất nhiên, mỗi lần con khắc phục một khuôn nếp phản ứng như vậy, con sẽ mở rộng tầm nhận thức, con sẽ có thể nhìn thấy một khía cạnh khác nữa, một diện khác nữa trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Và bỗng nhiên con có khả năng làm nhiều chọn lựa ý thức hơn, vì thay vì bị một khuôn nếp tiềm thức kích hoạt phản ứng nơi mình, con không còn mang khuôn nếp đó nữa. Và do đó con có thể chọn: “Tôi muốn phản ứng thế nào trong hoàn cảnh này, tôi muốn phản ứng thế nào đối với những người này? Liệu tôi có thật muốn phản ứng lại một loại người nào đó hay tôi muốn lựa bỏ họ ra khỏi đời tôi?”
11.2. Sự sáng tạo dựa trên các chọn lựa
Điều con nhận ra ở đây là khi con chuyển sang giai đoạn sáng tạo của Sứ vụ Thiêng liêng, khả năng sáng tạo dựa trên gì? Nó dựa trên việc chọn lựa! Con yêu dấu, đã có một cuộc tranh luận rất lâu đời giữa các triết gia và các nghệ sĩ về đề tài “Sáng tạo bắt nguồn từ đâu?” Con yêu dấu, con có thể nói – và nhiều nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ cũng sẽ nói như vậy – rằng họ nhận được một nguồn cảm hứng. Ngày xưa, người ta hay nói đến các nàng thơ, được xem là những sinh thể phi vật chất gần giống như tiên nữ hay thiên thần, đến đậu trên vai nhà thơ để tạo cảm hứng sáng tác. Hiển nhiên, một số văn sĩ đã cảm được một luồng cảm hứng đích thực chảy qua bản thân mình, thậm chí cả một dòng chảy từ Tánh linh. Trong một số trường hợp, đó quả là một dòng Tánh linh cao, y như con đang trải nghiệm một dòng Tánh linh cao đang chảy qua tâm thức sứ giả này không do chính ông tạo ra bằng tâm thức của ông.
Con có thể nói là nếu con sáng tạo, chẳng phải là có một dòng chảy năng lượng đang đi qua Bản thể con và là cội nguồn của sự sáng tạo đó hay sao? Tất nhiên là có – đây là điều các thày đã gọi là sự đồng sáng tạo. Con nhận diện là con đang thực sự sáng tạo không chỉ bằng cách sử dùng những năng lượng sẵn có trong cõi vật chất và những khả năng sẵn có trong tâm phàm của mình, mà con đang thực sự sáng tạo bằng cách kết nối với một cái gì cao hơn ngã của mình, bằng cách làm cánh cửa mở cho cái đó, và như vậy con cho dòng năng lượng chảy vào bốn thể phàm của con hầu nó biểu lộ ra trong bát cung vật lý. Tất nhiên, dòng chảy này của Tánh linh nếu con muốn gọi như thế, hay luồng cảm hứng này, là một phần không thể thiếu của mọi sáng tạo.
Dù sao thì điểm mà nhiều nghệ sĩ hay triết gia không hiểu hoàn toàn về sáng tạo là họ nghĩ đó là một cái gì xảy ra hoặc không xảy ra, và con không thể làm gì để thay đổi nó được. Trong giới nhà văn, người ta có khái niệm gọi là “tắc ý” (writers block) khi nhà văn bị tắc nghẽn không làm sao viết nổi suốt nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm trời. Con ngồi trước tờ giấy trắng, đang say sưa viết xuống lưu loát thì bỗng nhiên tâm con rơi vào trạng thái tê liệt không thể viết được bất cứ gì.
Điều thày mong con lưu ý là sự sáng tạo đòi hỏi một số quyết định nơi con. Đó không phải là một kinh nghiệm thụ động nơi con thụ động ngồi chờ cảm hứng từ trên trời rơi xuống. Con có thể làm rất nhiều để mở tâm ra đón nhận dòng chảy Tánh linh. Có câu nói rằng: “Thánh linh thổi đâu thì thổi” (John 3:8) để diễn tả là con không thể dùng tâm vỏ ngoài để kiểm soát dòng chảy của Tánh linh. Con không thể dùng tâm vỏ ngoài và một tham vọng phàm phu để cưỡng ép dòng chảy của Tánh linh. Con yêu dấu, nếu con tìm cách ép buộc dòng chảy thì con sẽ không hòa điệu được với Tánh linh, với Thánh linh, với cõi tâm linh, với các chân sư thăng thiên. Con sẽ hòa điệu với các linh thể thấp hơn nơi cõi bản sắc thấp, cõi lý trí hay ngay cả cõi cảm xúc.
Suốt dòng lịch sử, một số nhà văn và nghệ sĩ đã hòa điệu với những cõi thấp đó và đã nhận được một luồng chảy từ các linh thể thấp đó xuyên qua họ, cho phép họ sản xuất – trong một số trường hợp – một lượng văn chương và thông tin to lớn khủng khiếp, hay một lượng họa phẩm, nhạc phẩm hay bất kỳ loại tác phẩm nào khác to lớn khủng khiếp. Đây không phải là những gì các thày gọi là sáng tạo chân chính vì đó không phải là đồng sáng tạo. Nó không đồng sáng tạo với cõi tâm linh mà đồng sáng tạo với một cõi thấp hơn vẫn thuộc về thế gian này.
Con không thể ép buộc Thánh linh, tuy nhiên con cũng không thể nhận được Thánh linh bằng cách ngồi chờ. Con tìm ra con đường trung đạo, con đường thẳng và hẹp nơi con giải quyết các chấn thương riêng của mình, khắc phục các phàm linh nội tại, những cái ngã nội tại, và nhờ vậy độ cởi mở trong tâm con được gia tăng. Con cũng cần trở nên ý thức hơn là con phải chọn trở thành cánh cửa mở, con phải chọn “làm” cánh cửa mở trong một số hoàn cảnh đặc thù. Nó đòi hỏi con lấy quyết định ý thức đó. Đó có thể là nhiều quyết định ý thức khác nhau, và như các chân sư khác có đề cập sáng nay, con sẵn lòng là Ki-tô trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó. Con sẵn sàng nhìn nhận là con có khả năng đó, con sẵn sàng với lên một ý tưởng cách mạng nào đó, hay ngay cả chỉ là một ý tưởng cao hơn mức tâm thức hiện thời của con một bực, hay cao hơn tâm thức những người chung quanh con một bực.
Con phải lấy quyết định này để mở tâm con ra. Sau đó, một khi con đã thông sạch tâm trí cùng bốn thể phàm hầu tạo khoảng trống cho ý tưởng thâm nhập vào, một khi con đã lấy quyết định ý thức là con sẵn lòng làm cánh cửa mở, thì khi đó Thánh linh sẽ chảy xuyên qua con. “Thánh linh thổi đâu thì thôi” có nghĩa là bất cứ khi nào có một khe mở, Thánh linh sẽ chảy qua đó vì các thày có quá nhiều điều muốn biểu đạt từ cõi tâm linh đến độ các thày không thể khó tính kén chọn: “À, người này không xứng đáng làm cánh cửa mở.” Ngay khi có một cánh cửa mở ra, các thày sẽ lập tức biểu đạt qua người đó một điều gì thích hợp với hoàn cảnh, thích hợp với mức tâm thức của người đó, vân vân.
Con thấy đó, con yêu dấu, trái với một ý tưởng đôi khi được truyền tụng trong giới học trò của chân sư thăng thiên, không cứ là có một số người sẽ xứng đáng làm công cụ cho Thánh linh và một số người khác thì không. Một số có thể không cởi mở, một số có thể không sẵn lòng một cách ý thức, nhưng tất cả mọi người đều xứng đáng một khi họ nỗ lực chuyên tâm. Đây không phải là một câu lạc bộ chỉ dành riêng cho hội viên.
11.3. Khai ngộ trong Thời đại Song ngư
Thường có một tâm thức rất lâu đời ngay cả trong giới đệ tử tâm linh, trở ngược lại từ thử thách của Thời đại Song ngư, là những gì con thấy đã xảy ra cho Giê-su. Thày Giê-su đã đến đây để nêu gương là mọi người đều có khả năng khoác vào tâm thức Ki-tô. Thế rồi sa nhân đã thành lập Giáo hội Công giáo, tạo ra hình ảnh Giê-su là hiện thân độc nhất của Ki-tô, ngụ ý rằng không ai khác có thể làm được vậy. Làm sao người ta tin được chuyện này? Tại sao biết bao người đã ở lại trong Giáo hội Công giáo, nhiều khi còn tái đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác trong Giáo hội Công giáo? Tại sao biết bao người Công giáo vẫn tin vào chuyện đó?
Tất nhiên đó là vì họ đã không hội đủ điều kiện và đã không vượt qua được khai ngộ của Thời đại Song ngư, là khắc phục sự sùng bái thần tượng do sa nhân tạo ra khi bảo rằng chỉ có một số người mới xứng đáng. Con cần dần dần nhìn ra quyền tự quyết là quyền tự quyết, và tự nhận biết là tự nhận biết. Mọi sinh thể tự nhận biết – tức là tất cả mọi người đầu thai trên địa cầu – đều có một đốm sáng của tâm thức Đấng Sáng tạo. Không có một đốm sáng nào của tâm thức Đấng Sáng tạo có thể xứng đáng hơn một đốm khác. Tất cả các con tự thân đều xứng đáng bởi con có tự nhận biết. Câu hỏi có thể đặt ra là: “Con đã chứng đạt đến đâu, con đến từ đâu, bốn thể phàm của con cởi mở và được chữa lành đến đâu?” Đây không phải là vấn đề xứng đáng, mà là vấn đề rộng mở để đón nhận Tánh linh.
Trong Thời đại Song ngư có thử thách phải khắc phục hình ảnh giả trá do sa nhân tạo ra là có sự phân chia giữa người có và người không có, giữa người xứng đáng và người bất xứng, giữa giai cấp quý tộc và giai cấp dân giã cùng tất cả mọi người dân khác – quá nhiều những phân chia như vậy. Hiển nhiên con cũng thấy sự thể này trong các phong trào tâm linh, thường hay sùng bái vị đạo sư của mình, cho rằng đạo sư là một người thật đặc biệt với một cái gì không ai khác có được – vì nếu không thì làm sao họ thành đạo sư hay sứ giả chứ? Họ là đạo sư hay sứ giả – một đạo sư hay một sứ giả chân chính – là vì chính họ đã bước trên đường đạo và đã chữa lành bốn thể phàm đến mức họ có thể nhận được một cái gì từ trên, nhưng điều này vẫn không biến họ thành một người xứng đáng hơn mà chỉ có nghĩa là họ đã tiến xa hơn trên đường tu. Tất cả các con đều xứng đáng như nhau, tất cả đều có một tiềm năng đồng đều để nâng cao tâm thức, chữa lành bốn thể phàm của mình và trở thành cánh cửa mở.
11.4. Tôn trọng quyền tự quyết của chính mình
Khi con làm vậy, con sẽ cảm thấy Tánh linh tuôn chảy xuyên qua con, như quả thật nhiều người trong các con đã cảm nhận được ở một mức độ nào đó. Điểm thày muốn nhấn mạnh ở giai đoạn này là con phải lấy một quyết định, đúng hơn nhiều quyết định, nhưng con phải lấy quyết định là con sẵn lòng làm cánh cửa mở, con sẵn lòng nhận được một điều gì và sẵn lòng biểu đạt điều đó – bất kể phản ứng của người khác là gì. Thày hiểu rất rõ, các thày đều hiểu rất rõ, là trước khi con đến được điểm có thể nói: “Tôi sẽ biểu đạt điều này cho dù chuyện gì xảy ra,” thì con cần chữa lành tâm lý con phần nào. Chắc chắn con cần xem xét và tách ra khỏi ngã gốc, là ngã được tạo ra khi con bị sa nhân trấn áp tàn bạo trong kiếp đầu thai đầu tiên và quyết định là mình sẽ không bao giờ nhận chịu rủi ro này nữa. Có thể sẽ có một giai đoạn khi con phải khắc phục nỗi sợ hãi này để con sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Con yêu dấu, khi con bắt đầu nhìn vào ngã gốc và tách mình ra khỏi nó, con sẽ cảm nhận là lòng sợ hãi hậu quả, ý niệm rủi ro, tan biến mất. Con có thể đạt tới điểm nhận ra là mình không còn cơ chế đền bù, không còn mong muốn trừng phạt sa nhân. Con cũng không có mong muốn được người khác chấp nhận hay công nhận, vì con không còn sự bất an trong bản thân khiến con muốn được người khác chấp nhận. Con có thể đạt tới điểm con nhìn nhận là mình hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết. Khi con tôn trọng quyền tự quyết của người khác, điều này có nghĩa là lúc con phát biểu để thể hiện một ý tưởng cao hơn, thì con cũng để cho mọi người tự do phản hồi hay không phản hồi theo bất cứ cách nào họ muốn.
Con cũng có thể nhận ra là trong khi con tôn trọng quyền tự quyết của người khác (và hầu hết các con đều tôn trọng) thì con cũng cần có một sự tôn trọng bình đẳng đối với quyền tự quyết của chính con, và điều này có nghĩa là con phải quyết định là các chọn lựa của con sẽ độc lập với chọn lựa của người khác. Con sẽ không rơi vào một phản ứng tiêu cực đối với hành động của mình chỉ vì có ai đó không chấp nhận hay bác bỏ con. Con sẽ không bảo: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ nói lên gì nữa.” Con không phải có phản ứng tiêu cực nào hết, và con không cần cảm thấy bị người khác chối bỏ nếu họ không chấp nhận những gì con nói.
Con có thể đạt tới điểm, con yêu dấu, khi vấn đề không còn đặt ra là con có ở trong tâm thái nhị nguyên nghĩ rằng mỗi khi con phát biểu thì người khác phải có phản ứng, và phản ứng này sẽ tích cực hay tiêu cực. Con có thể đạt tới điểm thậm chí con không nghĩ cả tới phản ứng có thể như thế nào. Ngay từ đầu, con đã để cho người khác tự do muốn phản ứng thế nào cũng được vì con biết chính con đã tự do không phản ứng tiêu cực lại phản ứng của họ.
Con có thể đạt tới điểm con không tự biểu đạt vì con muốn cứu nguy thế giới, thay đổi người khác hay được người khác chứng thực. Con chỉ tự biểu đạt vì đây là sự biểu đạt con người mà con là, Bản thể cao hơn của con, và đó chính là điều đem lại cho con niềm vui tột bực trên trái đất.
Con yêu dấu, thày có thể cam đoan với con là khi con đến được điểm này, khi con nhận biết một cách ý thức là con nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, sẽ có một dòng chảy từ Hiện diện TA LÀ và những gì chảy xuyên qua con là một biểu hiện của cá thể tâm linh của con. Tuy nó được lọc qua cá thể mà con mang ở dưới này, nhưng nó vẫn giữ được một yếu tố tinh khiết nào đó biểu hiện cá tính đích thực của con. Rồi thì con sẽ trải nghiệm một niềm vui lớn hơn mọi niềm vui con đã từng trải nghiệm khi con chỉ hành động qua ngã phàm phu. Thật sự không có hoạt động nào con làm dựa trên ngã phàm phu có thể đem lại cho con một niềm vui như thế, cũng như cảm nhận tràn đầy mà con có khi con cảm được dòng chảy của Tánh linh và biết rằng con đang đồng sáng tạo.
11.5. Tự thân đó đã là phần thưởng
Đó là tại sao khi con đến được điểm này, việc biểu đạt Bản thể cao hơn của con tự thân nó đã là một phần thưởng. Cho nên Giê-su mới nói: “Con có muốn phần thưởng trên thiên đàng hay phần thưởng dưới trái đất?” Con nhận ra đây là phần thưởng trên thiên đàng và nó cao hơn tất cả mọi phần thưởng con có thể nhận được trên trái đất. Do đó con có khả năng giải thoát người khác. Con có khả năng giải thoát chính mình, và cuối cùng con có thể trụ trong trạng thái liên tục mở rộng với Tánh linh. Con không đang phán xét, đánh giá hay phân tích, mà con chỉ đang biểu đạt bất cứ gì đến với con.
Thày vẫn biết một số người sẽ nói ngay lập tức: “Ủa, có nghĩa chăng là những người như vậy sẽ làm bất cứ gì họ muốn?” Đúng vậy, có nghĩa là họ sẽ làm bất cứ gì “họ” muốn, nhưng không phải bất cứ gì mà tự ngã của họ muốn. Khi người ta bảo: “Ồ, anh kia có thể làm bất cứ gì anh ấy muốn,” người ta thường ngụ ý anh đó là một người tuân theo tự ngã, anh có thể làm bất cứ gì mà tự ngã muốn cho dù hậu quả có là gì đối với người khác. Lẽ tự nhiên khi con hành xử từ cái ta cao hơn của con và cái ta cao đó trụ trong sự hợp nhất, nó sẽ không làm gì gây tổn thương cho người khác. Nó sẽ làm điều gì khiến cho người khác bị xốn xang hay khích động, bởi vì đó có thể là cách duy nhất có hy vọng đánh thức được họ.
Tất nhiên, một lần nữa con có thể nói, liệu Hiện diện TA LÀ của con sẽ ngồi dậy và bảo: “À há, tôi biết chính xác cách nào tôi có thể bấm trúng cái nút mà người đó nhạy cảm.” Không, Hiện diện TA LÀ của con không làm vậy. Nó chỉ tự biểu đạt chính nó, và sự biểu đạt này khác xa mức tâm thức của người kia đến độ người kia trải nghiệm như một sự khích động. Hiện diện TA LÀ không tìm cách cố tình khích động, mà nó chỉ tự biểu lộ như nó là. Đó là vì sao con có thể đạt tới điểm, ngay cả khi người kia bị khiêu khích và nổi giận hay chối bỏ con, thì con vẫn không bị dao động. Con cho phép họ có phản ứng mà họ đang có, nhưng con không cho phép phản ứng này khiến lần sau con không muốn làm cánh cửa mở nữa.
Vậy thì con cần những gì để đạt tới điểm làm cánh cửa mở và biểu hiện một yếu tố của bản thể cao hơn của con, do đó cũng biểu lộ những khía cạnh sáng tạo hơn, tiềm năng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con? Một lần nữa, đây là vấn đề chọn lựa và ngày càng làm thêm nhiều chọn lựa có ý thức. Điều thày muốn trình bày với con là con đạt tới điểm con cần kinh qua một giai đoạn ngày càng ý thức hơn về sự kiện con đang lựa bỏ, con đang chọn ra những gì mình không cần nữa.
11.6. Lựa bỏ khỏi đời mình
Nhiều người trong các con đã làm việc đó để bước chân trên đường tu nhưng con có thể ý thức hơn về tiến trình này. Con cảm nhận là một hoạt động mình đã từng tham gia hay một số người mình đã từng dành thời gian với họ, quả thật khiến con bị xao lãng. Thày cũng biết là con có thể đáp lại với tâm vỏ ngoài: “Nhưng chẳng phải Giê-su đã dạy là chúng con cần đạt tới điểm mình nhìn lại đời mình mà không có tiếc nuối nào hay sao? Bởi vì bất cứ gì chúng con sống qua đều là trải nghiệm chúng con cần có.” Phải, con yêu dấu, điều đó đúng – khi con nhìn lại quá khứ. Nhưng con yêu dấu, điều đó không có nghĩa là bởi vì con không cần nuối tiếc những việc mình đã làm trước đây thì con cũng cần tiếp tục làm cùng những việc đó cho tới mãn kiếp này.
Điều thày muốn nói là khi con bước vào giai đoạn ý thức hơn này, con cần nhận thức hành tinh này là một hành tinh rất đa dạng. Trên hành tinh có rất, rất nhiều sinh hoạt khác nhau. Một số sinh hoạt có thể rất hào hứng, nhưng một số khác là do sa nhân cố tình lập ra trong mục đích duy nhất là đánh lạc hướng mọi người khỏi con đường tăng triển tâm linh hay Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Có rất, rất nhiều sinh hoạt trên địa cầu mà hầu hết mọi người đều xem là những trải nghiệm hay hoạt động bình thường, chính đáng, thậm chí còn là sáng tạo, nhưng mục đích duy nhất của chúng, thực sự, là khiến con bị phân tâm, xao lãng – chúng hút năng lượng cùng sự chú ý của con vào những chuyện có thể vui nhộn, có thể bổ ích hay ngay cả có vẻ lợi lạc và vị tha. Nhưng đối với con, đó là một sự phân tâm lôi kéo sự tập trung của con ra khỏi Sứ vụ Thiêng liêng cùng các khía cạnh sáng tạo hơn của Sứ vụ.
Lẽ tự nhiên, tất cả các con đều đã lựa bỏ nhiều thứ ra khỏi đời mình vì con cảm thấy chúng không giúp ích gì cho sự tăng triển tâm linh. Còn có nhiều hoạt động và nhiều thái độ hơn nữa mà con có thể lựa bỏ khi con trở nên ngày càng ý thức và càng làm thêm nhiều chọn lựa ý thức. Các thày có nói là con sẽ không bao giờ nhìn thấy toàn bộ Sứ vụ Thiêng liêng của con vì thật ra nó được định đoạt mỗi khi con có chọn lựa. Dù sao thì khi con mở tâm ra tiến trình này – ngay cả khi con chỉ đào sâu cái gì làm cho mình xao lãng, cái gì không – thì con sẽ bắt đầu đạt được một tư thế tập trung hơn.
Lần hồi con sẽ càng chú tâm và nhìn thấy rõ hơn vai trò đặc trưng mà con muốn cống hiến trong kiếp này là gì. Xong con sẽ cảm nhận rõ hơn: “Ồ, hoạt động này thật ra không hỗ trợ việc làm mà tôi đến đây để làm. Kỳ thực nó đang tước mất sự tỉnh thức cùng năng lượng của tôi ra khỏi việc làm.” Bỗng nhiên tự dưng con nhận ra: “Bây giờ là lúc tôi cần lựa bỏ cái này đi.” Nhận thức tự phát này sẽ không đến với con cho tới khi con quyết định một cách ý thức là con sẵn lòng xét xem hoạt động nào chỉ là một xao lãng và hoạt động nào thật sự nằm trong Sứ vụ của con.
Điều này mang nhiều hệ quả, và theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là cho hết phần còn lại của đời con và cho tới khi con thăng thiên, con sẽ lựa bỏ đi một số thứ không còn phù hợp với mức tâm thức con đã vươn tới. Thày chỉ đơn giản muốn con nhận biết nhu cầu mở tâm ra để thỉnh thoảng con lui lại một bước, nhìn cuộc đời và tự hỏi: “Tôi thực sự đang ở đây để làm gì?”
11.7. Lựa bỏ những sinh hoạt tâm linh
Đối với nhiều người trong các con, một phần của đường tu tâm linh là tham gia vào một số hoạt động mà con có thể xem là tâm linh, bổ ích, vân vân. Thày không hề trách cứ con đã tham gia, nhưng nhiều các con sẽ thấy là tới một điểm con sẽ nhận ra là con không cần đến chúng nữa. Chúng không thực sự là lý do tại sao con có mặt ở đây, không phải là những gì con tới đây để đem lại.
Con thấy đó, khi con nhìn vào lãnh vực tâm linh hay phong trào Thời Mới, nhiều người chỉ ham tò mò. Như các chân sư khác có đề cập, họ nhảy vào đủ loại sinh hoạt từ việc đọc hào quang, bói toán, chiêm tinh học, bói bài tarot, cái này cái nọ cho tới việc đọc tiền kiếp, thần thông, bất kỳ… Có hẳn một hiện tượng gồm những sinh hoạt được người ta trình bày là tâm linh nhưng mục đích chủ yếu của hầu hết đơn giản chỉ là khiến cho người tâm linh bị lạc đường khỏi mục tiêu tâm linh và Sứ vụ của mình. Một lần nữa, có thể là một số các con đã có nhận thức về một số tiền kiếp hay con tò mò muốn biết tiền kiếp của mình là gì, nhưng liệu điều này – việc bỏ thời gian và năng lượng để cố tìm hiểu mình là ai trong một kiếp trước – có thật thiết yếu cho Sứ vụ Thiêng liêng của con hay không?
Câu hỏi này cũng có thể đặt ra cho nhiều sinh hoạt khác. Nhiều người tâm linh đã trải qua một thời kỳ đeo đuổi những thứ như chiêm tinh học, số học, hay bất kể chuyện gì khác, nhưng cuối cùng thì con có thể đạt tới điểm nhận ra: “Tôi không cần cái này nữa, tôi không cần nó nữa ở mức tâm thức hiện thời của tôi.” Và khi đó, con có thể chú tâm ngày càng nhiều hơn vào những chuyện thiết yếu.
11.8. Ý định thay đổi người khác
Thế rồi tất nhiên, còn có một cám dỗ khác cũng phổ biến, vì nếu con đã đến đây như một avatar, con cũng đến với một mong muốn cải thiện địa cầu. Như sứ giả này đã ngộ ra sau khi ông nhận được các lời dạy mới nhất về ngã gốc, chính mong muốn cải thiện địa cầu này kỳ thực đã là điều ông cần khắc phục bằng cách đến địa cầu. Ông đã không khắc phục được nó trên một hành tinh tự nhiên cho nên ông đã chọn xuống trái đất, một hành tinh khó thay đổi quá đỗi, hầu tạo cho mình một cơ hội cùng cực để vượt qua mong muốn thay đổi người khác – và nói cho cùng, để thay đổi bất cứ gì.
Con yêu dấu, con nhận thấy đó, có một sự khác biệt cơ bản giữa ý định thay đổi người khác và việc làm cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ tự biểu đạt xuyên qua con. Phải thật tinh tế thì mới hiểu được điều này, vì lẽ tự nhiên, các chân sư thăng thiên mong muốn nhìn thấy thay đổi trên địa cầu, nhìn thấy hành tinh này vươn lên tới mức con người không còn khổ đau mà lại tăng triển tâm linh một cách ý thức. Các thày đã vượt quá mức tâm thức nhị nguyên cho nên không còn ý định nhị nguyên dựa trên tư duy cuồng đại muốn đem lại một thay đổi lớn lao nào đó. Sự khác biệt ở chỗ là các thày hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết.
Nếu con đã đến địa cầu với ý định thấp hơn kia, con có thể bảo đó là một ý định nhân từ và thày sẽ không bác bỏ điều này. Đúng là một ý định nhân từ, nhưng không theo nghĩa tối hậu vì con vẫn dính mắc. Con đến đây với ý định đó, và một cách vi tế, nó vẫn nằm trong tư duy cuồng đại. Nó không cuồng đại theo cách cực đoan mà con thấy nơi sa nhân khi chúng sẵn sàng giết hại người khác để đeo đuổi đại nghĩa tối hậu của chúng. Không như sa nhân, con không tin rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng dầu sao thì con vẫn cho rằng việc nhẹ nhàng thúc ép người khác để khiến họ khắc phục khổ đau của họ là một việc tốt. Đây chính là điều con cần vượt qua ở đây trên trái đất.
Con thấy đó, có rất, rất nhiều đại nghĩa khắp thế giới được miêu tả theo một cách để thu hút chú ý của người tâm linh. Khi con nhận biết là cuộc sống có một khía cạnh tâm linh, có một con đường tâm linh và có tiềm năng thị hiện một thời đại hoàng kim thì, một lần nữa, con đã buộc cái đó vào ý muốn đã đưa con xuống hành tinh này. Cho nên con lý luận với tâm vỏ ngoài: “Chắc chắn tôi ở đây để thay đổi địa cầu. Tôi ở đây để đem lại một thay đổi tích cực. Tôi có thể làm gì đây? À, có đại nghĩa này, có đại nghĩa kia, và có thêm đại nghĩa kế tiếp nữa kìa.”
Nhiều người trong các con đã kinh qua một giai đoạn với quá nhiều thứ mình muốn làm để cải thiện tình trạng trái đất đến độ con bị kiệt sức. Chú ý của con bị phân tán mỏng vì có quá nhiều đại nghĩa con muốn giúp quảng bá. Con yêu dấu, con có nhận ra đây không phải là điều sẽ có thể đưa con lên những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng hay không, bởi vì không một người nào trong các con đang ở đây để giải quyết tất cả mọi vấn đề trên trái đất? Không một người nào trong các con có thể làm được chuyện này! Khi con hiện thân trong cõi vật lý, con bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Mỗi ngày vẫn chỉ có 24 tiếng đồng hồ, và con cần ngủ một số giờ trong số đó. Con chỉ có một số giờ nhất định để thức, một lượng chú ý nhất định, một lượng năng lượng nhất định để bỏ vào một công việc nào đó.
Điều thày muốn nói là ở những giai đoạn sơ khởi của đường tu, điều này hoàn toàn tốt thôi – con vô cùng nhiệt tình, con muốn giúp chuyện này chuyện nọ rồi chuyện kia nữa, rồi cứ thế con ôm quá tải. Một khi con bắt đầu chuyển sang giai đoạn ý thức hơn của Sứ vụ, giai đoạn sáng tạo hơn, con cần xem xét ngay cả những đại nghĩa đang thịnh hành ở ngoài kia. Con có thể phản bác: “Đó không phải là những trò giải trí do sa nhân dựng lên mà là những công cuộc đáng làm.” Có lẽ có người đã ghi vào Sứ vụ của họ ý định đeo đuổi những công cuộc như vậy, nhưng con cần cân nhắc: “Liệu những tầng cao của Sứ vụ đang bảo tôi cống hiến năng lượng của mình cho những công cuộc này chăng?” Một khi con bắt đầu thành thật xem xét và sẵn sàng lựa bỏ những việc nào không thuộc vào Sứ vụ cao hơn của con, thì con sẽ bắt đầu có một viễn quan minh mẫn hơn về trọng tâm của mình, về chuyên môn của mình, về lãnh vực nơi con có khả năng tạo được thay đổi.
Thế rồi con có thể lần hồi lựa bỏ tất cả những hoạt động không còn góp phần vào đó. Và con sẽ thấy là tâm con sẽ ngày càng hòa điệu, càng tập trung, càng đứng thẳng hàng, càng hài hòa với Hiện diện TA LÀ của con. Và do đó con sẽ cảm thấy một niềm vui và một quyết tâm ngày càng lớn hơn. Đây không thực sự là một ý chí vỏ ngoài mà đơn giản là một mong muốn tự phát để tập trung vào lãnh vực đó hầu đem nó vào hiện thực.
11.9. Tập trung nhưng không mất quân bình
Điều vừa rồi, con yêu dấu, không nên được diễn giải là con trở thành loại người giống như hình ảnh nhà bác học ngông cuồng, một người không bao giờ rời phòng thí nghiệm, mê mải viết công thức trên bảng đen để giải phương trình, quên hết mọi sự và không biết làm công việc gì khác. Như các thày đã nói, con vẫn có thể sống một cuộc đời tương đối bình thường, năng động trong xã hội. Con vẫn làm những gì con cần làm, có lẽ kiếm sống, nuôi con, bất kỳ công việc gì khác.
Chỉ có điều là trong tâm con, con biết có một hoạt động là trọng điểm chính yếu. Cũng có thể con biết là việc nuôi dạy con cái là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Cũng có thể có một lãnh vực mà con cần học hỏi nghiên cứu vì con có tiềm năng đưa ra một số ý tưởng mới. Những thứ đó không xung khắc với nhau. Con chỉ nhận ra đó là một phần của Sứ vụ, có thể việc làm và sự nghiệp của con cũng nằm trong Sứ vụ. Gia đình, con cái của con là một phần của Sứ vụ và cả lãnh vực học hỏi nữa. Con yêu dấu, tham dự khóa học này hay tham dự khóa học kia, hay chạy đôn chạy đáo có thể không nằm trong Sứ vụ của con, cho nên con có thể lựa bỏ những thứ này đi.
Một lần nữa, một sự cân bằng cần được tìm thấy. Con không thể cứ tập trung hoài hoài vào một thứ thôi. Khi con tăng triển tâm thức ngày càng cao hơn, con có thể trở nên ngày càng tập trung hơn, nhưng con vẫn cần chút thời gian để thư giãn, để làm gì khác hơn.
Như sứ giả này được nhắc nhở sáng nay, sau khi đức Phật đạt đến giai đoạn giác ngộ và nhập niết bàn, thày đã bước trở ra khỏi niết bàn, đi vào xã hội và thiết lập một đạo tràng nơi thày khởi sự giảng dạy. Có nhiều đệ tử gia nhập và thày đã giảng dạy. Đây là vị Phật đã chứng quả giác ngộ nhưng dẫu vậy, mỗi năm thày chỉ dạy chín tháng mà thôi, còn ba tháng kia thày sống ẩn dật và thiền định. Nói cách khác, thày làm một việc gì khác hơn, thày nghỉ ngơi và thư giãn khỏi việc giảng dạy. Một lần nữa, con cần thực tế và nhìn nhận là cho dù con có chú tâm đến đâu thì để có được một cuộc sống tương đối năng động, bình thường, con cũng cần dành ra thời gian để làm gì đó chỉ giản dị là thư giãn. Con đưa tâm mình ra khỏi các hoạt động kia của cuộc sống bởi vì, ít ra cho tới khi con đạt đến những tầng nhận biết cao nhất, tâm con cần được xả hơi.
Thật ra thày có thể nói là ngay cả ở tầng tâm thức thứ 144, tâm con không thể cứ chú tâm vào cùng một chuyện hoài hoài. Con cần bước ra ngoài, con cần xả hơi. Một ví dụ là các nhà khoa học, suốt nhiều tuần lễ họ có thể tập trung vào một vấn đề nhất định để cố giải một bài toán vật lý, họ không ngừng viết công thức và này kia nọ. Thế rồi tâm họ mệt mỏi đến độ họ chịu thua, họ đi câu cá, và trong khi họ đứng đó với cần câu trong tay thì đùng một cái, lời giải đến với họ trong một tia chớp trực giác.
Con cần cả alpha lẫn omega, qua đó con chú tâm trong một thời gian, rồi con cần bước vào omega là khi con thư giãn và làm việc gì khác. Một số các con có thể tìm được thế quân bình này khi có lúc con sẽ tập trung vào công việc của mình, và có lúc khác con sẽ thư giãn với gia đình để nó trở thành một phần trong việc nuôi dạy con cái. Một số người khác có thể cần những loại sinh hoạt khác hơn, như đi vào thiên nhiên, làm gì đó khác lạ sẽ đơn giản kéo tâm họ ra khỏi tập trung. Con hãy lựa bỏ những hoạt động nào không nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng con đừng trở nên cứng nhắc hay cuồng tín đến độ bỗng nhiên, như một số học trò của chân sư thăng thiên đã làm, con cho rằng bất cứ lúc nào trong ngày con cũng phải đang học tập giáo lý, hoặc nếu không thì con phải đang đọc chú đọc thỉnh.
11.10. Sống năng động trong xã hội
Con thấy đó, nhiều người tìm thấy đường tu tâm linh và bỗng nhiên họ quyết định tham gia một khóa nhập thất và họ sẽ khoanh chân thiền định càng nhiều giờ càng tốt. Một số người tại Ấn Độ cũng có khái niệm đi lên hang đá trên núi Himalaya để ngồi đó một mình trong một thời gian rất dài. Đối với một số người, đây có thể là một việc chính đáng, nhưng con đừng dùng ví dụ này để diễn giải là nó cũng chính đáng cho mọi người.
Như các thày có nói, nhiều người trong số các con trong kiếp đầu thai này đã tình nguyện, và đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình, là con sẽ chứng tỏ cách làm thế nào người ta có thể bước chân trên đường tu tâm linh mà vẫn sống một cuộc đời năng động trong xã hội. Ở đây các thày không bàn đến chuyện con rút lui khỏi xã hội, rút lui khỏi gia đình hay rút lui khỏi các sinh hoạt khác, mà các thày chỉ muốn nói là trong thế giới cũng như trong đời con, có nhiều hoạt động trên cơ bản là chuyện xao lãng, phân tâm. Chúng có thể là những công cuộc đáng thực hiện nhưng con không ở đây để đặt trọng tâm vào đó.
Khi con bước lên cao hơn, con cần ghi nhớ trong tâm là càng ngày con sẽ càng bắt đầu thu hoạch một viễn quan chọn lọc hơn về những gì con cần tập trung trong kiếp này, những gì mà chính con đã chọn chú tâm vào. Xong con chỉ lựa bỏ đi những hoạt động nào không phù hợp với viễn quan đó, nhưng con vẫn duy trì một cách sống bình thường như con vẫn sống, hoặc có lẽ con sẽ thay đổi cách sống đôi chút để nhổ đi những loại sinh hoạt đang làm tiêu hao năng lượng cùng sự chú ý của con.
Con yêu dấu, con nhìn vào thế giới và thấy có rất nhiều cách để đo đạc sở hữu của con người. Chẳng hạn: “Thế nào là một người giàu có? Có phải là một người có rất nhiều tiền, rất nhiều tài sản vật lý? Có phải là một người có nhiều tài năng? Có phải là một người có nhiều thì giờ?” Ấy, thày sẽ nói đó là một người có sự chú ý, sự chú ý còn sót lại để tập trung vào những điều quan trọng mà người đó muốn cống hiến. Con cần lưu ý đến sự kiện là trong thế gian có rất nhiều hoạt động đang lôi kéo sự chú ý của con, nhưng con hãy giữ cho sự chú ý của mình được tập trung vào điểm trọng tâm của Sứ vụ Thiêng liêng của mình.
Và như vậy, thày đã trao cho con những gì thày muốn trao trong bài giảng này, và thày cảm ơn con đã trao sự chú ý của con cho thày.