11 | Tâm trạng khó xử khi ở trên trái đất

Chân sư Thăng thiên Vairochana qua trung gian Kim Michaels, ngày 23 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

Thày quả thực là vị Phật Thiền định được biết tới như Vairochana. Lẽ tất nhiên, thày cũng là, dưới tầm nhìn của các con, Chân sư Thăng thiên Vairochana. Thày tới đây để cho các con một cái nhìn về cách con có thể tới gần hơn quả vị Phật hành động trên một hành tinh dày đặc như trái đất. Để đạt mục đích này, các thày là các Phật Thiền định trước kia có đưa ra khái niệm là điều ngăn trở con là Phật hành động là các chất độc tâm linh. Thuốc giải các độc tố này là các ngọn lửa cá biệt mà các thày đại diện. Lẽ tất nhiên, giáo lý này không đi ngược lại các giáo lý mà các con đã được trao truyền liên quan đến ngã gốc và các ngã tách biệt xuất phát từ ngã gốc. Con có thể nói một cách chắc chắn là mọi ngã đều dựa trên một, hay nhiều hơn một, chất độc tâm linh.

11.1. Không biết mình là ai

Một số các con biết thày là thuốc giải của chất độc vô minh, và chất giải độc, minh triết của thày là Minh triết Toả khắp. Vô minh là gì? Ấy, nó tất nhiên có rất nhiều hình dạng và dáng vẻ và ta có nhiều cách để diễn tả nó bằng ngôn từ. Chắc chắn một cách diễn tả là nói vô minh là không biết cái ta, không biết mình là ai.

Lẽ tất nhiên, đây có vẻ là một nghịch lý. Các thày đã trao truyền giáo lý về cái Ta Biết đi xuống bốn tầng của bầu cõi chưa thăng thiên. Đây là một giáo lý rất thâm thúy. Một số các con đã nghiên cứu giáo lý này đến độ có cảm giác con hiểu nó bằng trí năng và hầu như coi nó là đương nhiên. Con không hoàn toàn biết giáo lý đó thâm thúy như thế nào, đúng thực là cách mạng như thế nào nếu ta so sánh với đa số các giáo lý có mặt trên trái đất trong suốt chiều dài lịch sử.

Hầu như con có thể sử dụng một giáo lý tâm linh để tạo ra một hình thức vô minh mới khi con cảm thấy, với tâm vỏ ngoài, là con biết giáo lý đó. Do đó, con không tìm một hiểu biết sâu sắc hơn, hay đúng hơn, một trải nghiệm sâu sắc hơn. Con đã hầu như coi cái Ta Biết như một khái niệm khác.

Khi con thực sự xem xét giáo lý về cái Ta Biết, thực sự nắm bắt được nó, trải nghiệm thực tại của nó, thì con nhận ra, con trải nghiệm, là cái Ta Biết chỉ là một khái niệm nhưng nó cũng hơn một khái niệm. Con không thể hoàn toàn thể nhập giáo lý khi con nhìn cái Ta Biết với tâm vỏ ngoài, đặc biệt là tâm trí năng, phân tích. Con chỉ có thể thấy rõ giá trị của giáo lý khi con trải nghiệm mình là một sinh thể vô hình tướng. Khi con có trải nghiệm đó, thì con thấy giá trị của giáo lý, con hoàn toàn thể nhập và áp dụng giáo lý. Khi con còn ngồi nhìn với lý trí, tạo nên khái niệm cái Ta Biết và nhìn nó từ ngoài xa, thì con chưa sử dụng giáo lý.

Ta có thể nói là với mọi giáo lý đã được trao truyền trong suốt chiều dài lịch sử, kể cả giáo lý được Gautama truyền dạy 2,500 năm về trước, thì nếu con dùng giáo lý để tạo một khái niệm chứng thực cảm nhận xa cách, thì con đã dùng sai giáo lý – ít ra, nếu con không cố gắng vươn lên hơn nữa.

11.2. Từ giáo lý đến trải nghiệm

Cái gì là phương châm, châm ngôn, câu đầu môi của người đệ tử tâm linh chân chính? Ấy, điều đầu tiên là con cần biết hiểu giáo lý không đủ, con cần trải nghiệm thực tại đằng sau giáo lý. Một giáo lý được diễn tả bằng lời nói, tất nhiên chỉ là một loại bảng chỉ đường, một biểu tượng dẫn tới một trải nghiệm vượt quá ngôn từ. Chỉ khi nào con có trải nghiệm thì con mới tận dụng được giáo lý. Đây có lẽ là vấn đề vô minh lớn nhất nơi các đệ tử tâm linh. Họ nghĩ rằng giáo lý vỏ ngoài, và hiểu nó bằng tâm vỏ ngoài, là đủ. Họ không vượt lên trên ngôn từ để tới trải nghiệm. Phương châm đầu tiên là: “Vượt quá giáo lý để tới trải nghiệm.” Châm ngôn thực mà người đệ tử tâm linh có thể dùng cho mình là: “Bao giờ ta cũng có thể trải nghiệm nhiều hơn.” Bao giờ ta cũng có thể trải nghiệm nhiều hơn!

Thày LÀ vị Phật Thiền định có thuốc giải – kỳ thực, thày thuốc giải của chất độc vô minh. Nếu con hòa điệu với thày, trải nghiệm Hiện diện của thày, thì con có thể khắc phục mọi vô minh. Trên lý thuyết, con có thể hòa điệu với thày, nhập một với thày, và chỉ trong giây khắc mọi vô minh của con sẽ bị thiêu hủy bởi Hiện diện của thày. Các thày không chủ trương điều này vì các con ở đây để có một trải nghiệm, nhiều loại trải nghiệm.

Các thày đã trao truyền giáo lý là khi con xuống trái đất lần đầu, con trải qua giai đoạn trầm mình trong cõi này. Sau đó, con trải qua giai đoạn thức tỉnh, và con xuống đây để có trải nghiệm là con dần dần đi xuống, dần dần trầm mình, và sau đó dần dần thức tỉnh. Con không ở đây để trải nghiệm thức tỉnh trong một khoảnh khắc. Con tới đây để trải nghiệm thức tỉnh dần dần, thức tỉnh từng bước nhỏ bằng cách nâng tâm thức mình lên đến tầng 144.

Ta có thể nói giai đoạn thức tỉnh bắt đầu ở tầng 48 và con dần dần thức tỉnh cho tới khi con tới tầng 144. Con chưa hoàn toàn tỉnh thức khi con ở tầng 144, nhưng lúc đó con đã đạt được tầng tâm thức cao nhất có thể có trên trái đất. Sau đó, con thăng thiên từ trái đất và bước vào một vòng xoắn thức tỉnh lên những tầng tâm thức càng ngày càng cao trong vị thế một chân sư thăng thiên. Các thày là chân sư thăng thiên luôn luôn tiếp tục tăng triển tâm thức. Ngay cả ở cương vị các Phật Thiền định, vẫn có tăng triển. Đó là lý do vì sao thày nói, nếu con muốn tiến một bước quan trọng trong việc khắc phục vô minh, thì con hãy chú tâm vào bất kỳ trải nghiệm nào mà con đang hiện có, lúc nào cũng có nhiều điều khác để trải nghiệm.

11.3. Định nghĩa vô minh

Vô minh là gì? Có vô minh trên một hành tinh tự nhiên chăng? Ấy, có đó, có vô minh theo nghĩa khi con bắt đầu như một sinh thể mới trên một hành tinh tự nhiên, con khởi sự với một nhận biết nhỏ như cái chấm. Sau đó con dần dần nới rộng nhận biết đó ra. Con cũng có thể nói là ngay trên cõi thăng thiên cũng có vô minh, theo nghĩa thày có tự nhận biết như một Phật Thiền định, nhưng thày không phải là đấng Sáng tạo. Thày không ở tầng tự nhận biết của đấng Sáng tạo, do đó thày vô minh vì thày không trải nghiệm những gì có thể trải nghiệm ở tầng tự nhận biết của đấng Sáng tạo. Nhưng con cần hiểu là trên cõi thăng thiên, và ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, không có những loại rào cản ngăn chặn hiểu biết mà con có trên trái đất.

Trên cõi thăng thiên, thật sự không có rào cản ngăn chặn hiểu biết nào hết. Con có thể đi bất cứ đâu con muốn. Đó là lý do tại sao, khi ông Mark Prophet thăng thiên như Chân sư Thăng thiên Lanello, lời đầu tiên ông thốt lên là: “Tôi ở bất cứ đâu trong tâm thức Thượng đế.” Ông nhận ra rằng ông nay không còn hiện thân trong cõi vật chất nữa thì ông có thể đi tới bất cứ nơi nào trong tâm thức Thượng đế. Không có rào cản nào ngăn con tới nơi con muốn tới. Lẽ tất nhiên, trên cõi thăng thiên vẫn có tiến trình dần dần nâng cao sự tự nhận biết của mình. Không ai có thể chỉ một bước chuyển từ tâm thức chân sư thăng thiên lên tầng tâm thức của đấng Sáng tạo.

Trên một hành tinh tự nhiên, con cũng tiếp cận hiểu biết, kinh nghiệm, thông tin dễ hơn trên trái đất. Con có thể thăm dò bất cứ gì ở tầng tâm thức đó của hành tinh tự nhiên. Nhưng trên trái đất, vì đã trở thành một hành tinh phi tự nhiên, có nhiều rào cản ngăn cản con hiểu biết, và ngay cả trải nghiệm. Ta có thể nói là nếu con nhìn phía sau của thày thì con thấy một bức màn lớn. Làm sao con tạo vô minh trên trái đất? À, các thày có giảng là khi con đi xuống tầng tâm thức 48, thì con khoác vào một ảo tưởng ở mỗi tầng tâm thức mà con đi xuống, bắt đầu với ảo tưởng ở tầng tâm thức 144, sau đó 143, vân vân. Với mỗi ảo tưởng, coi như con dựng lên một bức màn như bức màn sau lưng thày. 

Công dụng của bức màn này là gì? Khi con đứng bên này bức màn thì con không thể thấy những gì đằng sau nó. Ta có thể nói đây là toàn bộ chức năng của một hành tinh có vật chất dày đặc. Nó cho phép con có một ý niệm bản ngã khiến con không thấy một số chuyện. Mục đích là gì? Mục đích là để con có thể thăm dò tất cả những gì có thể làm được với tự nhận biết và quyền tự quyết.

Quyền tự quyết cho phép con được quyền có bất cứ trải nghiệm nào mà con muốn. Con trải nghiệm bằng cách nào? Bằng cách tạo ra một cái ngã và trải nghiệm thế gian, cuộc đời và chính mình xuyên qua ngã đó. Trên một hành tinh tự nhiên, có một số loại ngã mà con không thể tạo ra, vì trên một hành tinh tự nhiên con có nhận biết cao hơn trên trái đất. Tỷ dụ, con không thể tin rằng con là một sinh thể hoàn toàn tách biệt, và chung quanh con là những sinh thể tách biệt khác.

Con không thể tin rằng con có thể làm người khác tổn thương mà không bị ảnh hưởng. Trên một hành tinh tự nhiên, con trải nghiệm con là một phần của tổng thể, và bất cứ điều gì con làm đều ảnh hưởng tổng thể. Bất cứ điều gì người khác làm đều ảnh hưởng con. Có một số trải nghiệm của ngã mà con không thể có trên một hành tinh tự nhiên. Do đó sự kiện có hành tinh phi tự nhiên hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền tự quyết vì như vậy những ai muốn trải nghiệm một ý niệm bản ngã hạn hẹp hơn có thể đầu thai nơi đó.

Ta có thể nói một cách tổng quát nhất là vô minh có mặt khi con có rào cản ngăn chặn những gì con có thể thấy, có thể biết, có thể trải nghiệm. Con tạo ra một ngã hạn hẹp bằng cách khoác vào các ảo tưởng, dựng lên rào cản trong tâm mình, để có một số chuyện con không thể thấy. Đó là cách con có trải nghiệm trầm mình. Luật tự quyết cho phép con đi hết những gì con có thể tưởng tượng trên con đường giới hạn ý niệm bản ngã của mình. Tuy nhiên, các thày đã giảng là khi đó con sẽ trải nghiệm các hậu quả của chọn lựa của mình khi ánh sáng Mẫu-Vật biểu hiện những gì con phóng chiếu lên nó xuyên qua ý niệm bản ngã của con. Đúng, điều này quả thật đúng, nhưng việc này có một khía cạnh khác. Đó là con cũng sẽ trải nghiệm chính mình.

11.4. Trải nghiệm chính mình

Ta có thể nói có hai khía cạnh, alpha và omega, khi con là người đồng-sáng tạo. Trong các bài giảng trước, các thày đã chú tâm nhiều đến quyền tự quyết. Con có quyền tự quyết, con có ý chí lấy chọn lựa. Con có ý chí phóng chiếu lên ánh sáng Mẫu-Vật và đồng-sáng tạo. Khía cạnh alpha là con có tự nhận biết. Lẽ tất nhiên, tự nhận biết có thể có nhiều nghĩa.

Sự tự nhận biết mà con có trên cõi thăng thiên cao hơn rất nhiều sự tự nhận biết mà con có trên một hành tinh tự nhiên, và sự tự nhận biết này cao hơn rất nhiều cái con có trên trái đất. Tuy nhiên, bất kể loại ngã nào mà con tạo ra, bất kể độ vô minh mà ngã đó có, con không thể hoàn toàn mất tự nhận biết. Con có thể giới hạn nó, ta có thể nói con có thể giới hạn khía cạnh tự (ngã), nhưng con vẫn sẽ có một hình thức nhận biết. Con không chỉ trải nghiệm những gì Ánh sáng Mẫu-Vật biểu hiện những gì con phóng chiếu lên nó qua cái ngã, con cũng trải nghiệm chính mình xuyên qua ngã đó.

Ta có thể nói là cái Ta Biết, là nhận biết thuần khiết, thực sự cần trải qua một tiến trình. Khi cái Ta Biết được tạo ra, nó không biết nó phải làm gì với chính nó trong tư cách một sinh thể không hình tướng. Nó cần trải nghiệm hành trình trầm mình vào một hình thức ngã hạn hẹp và sau đó dần dần thức tỉnh. Chỉ khi nó đã trải qua tiến trình trầm mình và thức tỉnh thì nó mới có thể hoàn toàn chấp nhận nó là một sinh thể vô hình tướng. Chỉ khi nó trải nghiệm trở lại nó là một sinh thể vô hình tướng, và hoàn toàn chấp nhận nó là một sinh thể vô hình tướng, thì nó mới có thể thăng thiên. Nói cách khác, cái Ta Biết không thể được tạo ra và ngay sau đó quyết định thăng thiên.

Điểm chủ yếu trong ý niệm cái Ta Biết là nó thăm dò các lãnh vực của quyền tự quyết cho tới khi nó chán ngán những trình độ biểu hiện quyền tự quyết có thể có trong một bầu cõi chưa thăng thiên – và sau đó nó thăng thiên. Sau đó, nó bắt đầu thăm dò quyền tự quyết ở một tầng cấp mới, lần này nó nhập một với Hiện diện TA LÀ. Hiện diện TA LÀ có một tầm nhìn hoàn toàn khác sau khi đã gửi một phần của chính nó vào bầu cõi chưa thăng thiên, tầm nhìn này nó không thể có nơi cõi thăng thiên. Ta có thể nói đây là mục đích vì sao các bầu cõi chưa thăng thiên được tạo ra, ngay cả vì sao các bầu cõi được tạo ra với độ dày đặc ngày càng cao vì như vậy chúng cho con một tầm nhìn khác. Hiện diện TA LÀ có được một tầm nhìn khác khi gửi một phần của chính nó xuống trải nghiệm các cõi dày đặc hơn từ bên trong.

11.5. Cho con người một khung tham chiếu

Vì sao con người trên trái đất vô minh? À, đó là vì họ vẫn ở trong giai đoạn trầm mình. Giờ đây, thể theo lời bài cầu thỉnh tuyệt diệu mà các con đã đọc trước bài truyền đọc này, và lẽ dĩ nhiên bài truyền đọc của Gautama là căn bản của bài cầu thỉnh đó, thì nhiều người trong các con đã đến trái đất như một avatar. Các con đến từ các hành tinh tự nhiên. Con tới trái đất, và khi con tới đây con có trong tâm ý tưởng là con đến đây để giải thoát con người khỏi khổ đau, khỏi vô minh. Con thấy từ hành tinh tự nhiên là trên một hành tinh phi tự nhiên, con người có một ý niệm bản ngã thấp hơn nhiều. Họ bị mắc bẫy trong một hình thức vô minh tạo ra khổ đau.

Khổ đau này không có trên hành tinh tự nhiên, do đó con nghĩ: “Con người bị mắc bẫy trong vô minh, và tôi cần đến đây, tôi muốn đến đây để giúp họ giải thoát khỏi vô minh.” Như Gautama đã giảng trong bài truyền đọc [được ấn hành trong quyển Chữa lành chấn thương tâm linh, cùng với bài cầu thỉnh được nêu lên ở trên], trước khi con thăng thiên như một avatar, con cần khắc phục ý muốn đó. Con cần làm hòa với luật tự quyết. Con cần làm hòa với sự kiện con người có quyền chọn lựa ở trong một ý niệm bản ngã giới hạn những gì họ có thể thấy. Họ có quyền có trải nghiệm đó. Con không ở đây để thay đổi trải nghiệm của họ, để ép buộc họ phải thay đổi. Con ở đây để cho họ một khung tham chiếu.

Đây là một điều cơ yếu mà con cần nhận ra trên con đường tới quả vị Phật, vì khi con còn duy trì ý tưởng là con (như sinh thể mà con thấy con là) ở đây để tạo thay đổi hay để áp đặt thay đổi lên trái đất, thì con không thể là Phật cũng như là Ki-tô Hằng sống. Con sẽ hành động xuyên qua các ngã vỏ ngoài đó. Con yêu dấu, con cần nhận ra là khi con xuống đây, khi con bị chấn thương nhập đời và tạo ra ngã gốc và các ngã khác, thì ngã gốc và tất cả các ngã bắt nguồn từ ngã gốc đã được tạo ra trong vô minh.

Con có nghe câu Giê-su nói về người mù dắt người mù. Ấy, khi con còn hành động xuyên qua ngã gốc và các ngã tách biệt khác, thì con là người mù đang tìm cách dắt người mù. Họ có thể mù hơn con, nhưng kỳ thực sự khác biệt này tương đối và chẳng có bao nhiêu giá trị. Khi con vẫn còn bị mù quáng bởi ngã gốc (là một ngã phản ứng, nó phản ứng lại các điều kiện con trải nghiệm trên trái đất), thì con không thể thoát khỏi các điều kiện thế gian. Con yêu dấu, nếu con không giải thoát khỏi điều kiện thế gian, thì làm sao con giúp người khác giải thoát?

Con đang tìm cách nâng họ ra khỏi trạng thái vô minh của họ và mang vào trạng thái vô minh của con. Đây không phải là cách hành xử của Phật. Phật là người, trước tiên, cải sửa chính mình để khắc phục vô minh mà con khoác vào sau khi con tới trái đất. Một lần nữa, thày không lên án con. Con không làm gì sai trái. Chuyện giản dị là như một avatar đầu thai xuống trái đất, để có thể làm tấm gương cho người khác noi theo, thì con phải trầm mình vào trái đất. Con làm việc này bằng cách tạo ra ngã gốc sau khi bị cú sốc khi con trải nghiệm sự tương phản giữa một hành tinh tự nhiên và một hành tinh phi tự nhiên.

11.6. Không thể tránh được chấn thương nhập đời

Các thày đã trao truyền khái niệm là nhiều người trong các con đã bị sa nhân tấn công rất hung hãn. Điều này là sự thật, nhưng ngay cả trên một hành tinh phi tự nhiên không có sa nhân, một avatar khi đi xuống một hành tinh như vậy cũng bị chấn thương nhập đời vì sự tương phản giữa một hành tinh tự nhiên và một hành tinh phi tự nhiên quá lớn, và con không thể chuẩn bị khi còn đang ở trên hành tinh tự nhiên. Con giản dị không thể trải nghiệm, khi ở trên hành tinh tự nhiên, thế nào là sống trên một hành tinh phi tự nhiên. Con phải đầu thai xuống hành tinh phi tự nhiên để có thể trải nghiệm điều đó, và kinh nghiệm đó sẽ cho con một cú sốc.

Nhiều cư dân nguyên thủy của trái đất không trải nghiệm một cú sốc tương tự vì họ đã sống trên trái đất và đã trải nghiệm sự tuột dốc dần dần dẫn tới điểm sa nhân có thể đầu thai ở đây. Họ bị cú sốc, gọi là chấn thương địa cầu, khi họ gặp sa nhân. Ngay cả nếu con không gặp sa nhân, thì con, như một avatar, cũng vẫn bị chấn thương nhập đời khi con đầu thai xuống một hành tinh phi tự nhiên.

Con không có lý do gì để hối tiếc những gì đã xảy ra. Điều quan trọng là con nhận ra là chỉ khi nào con thức tỉnh khỏi những ảo tưởng của ngã gốc, thì con mới có thể hoàn thành mục tiêu mà con có khi con xuống hành tinh này. Con không thể là Ki-tô hành động, con không thể là Phật hành động. Con không thể đem lại ánh sáng, con không thể là tấm gương, con không thể cho con người một khung tham chiếu. Con không thể giúp họ thoát khỏi vô minh vì con bị mắc kẹt trong hình thức vô minh của chính mình.

Ngã gốc giúp con làm gì? Nó cho phép con quên đi cú sốc ở trên trái đất, dù đó là chấn thương do sa nhân tạo ra hay chỉ vì con trải nghiệm một tương phản. Cú sốc lớn đến độ nó khiến con cảm thấy, nó khiến con nghĩ: “Tạo sao tôi lại tới hành tinh này?” Điều này khiến con bất an nhưng lúc đó con không có câu giải đáp, và do đó con đã tạo ra ngã gốc như một bức màn, như một rào cản. 

Giờ đây, khi con còn nhìn cuộc sống trên trái đất xuyên qua ngã gốc, thì con không thấy cú sốc, con không thấy chấn thương. Lẽ tất nhiên, nó vẫn còn đó. Đó là lý do vì sao con không thể hoàn thành mục tiêu khiến con tới đây trừ khi con dùng kinh nghiệm cao hơn mà con đạt được trên trái đất và sự tăng trưởng mà con đã đạt được ở đây để đi trở về chấn thương nhập đời, nhìn nó và làm hòa với sự việc con ở trên trái đất bằng cách của riêng con.

11.7. Giải đáp chuyện khó xử về việc sống trên trái đất

Ta có thể nói là trước khi con xuống đây như một avatar, con có trong tâm một lý do khiến con muốn tới đây. Khi con xuống đây và trải nghiệm đời sống ở đây như thế nào, thì con bắt đầu hoài nghi lý do đó. Điều con cần làm bây giờ ở tầng tâm thức hiện tại của con là đi trở về, nhìn lý do khiến con tới đây và giải đáp tình trạng khó xử mà con phải chạm trán khi ở đây. Điều này giản dị có nghĩa là con cần nhìn lý do khiến con tới đây dưới một ánh sáng mới. Con cần phải thấy là một số khía cạnh của lý do khiến con tới đây dựa trên điều mà Gautama đã gọi, trong bài truyền đọc của thày, là ham muốn quá đáng. Con cần tới điểm con buông bỏ nó, con từ bỏ nó, con quẳng nó đi để con không còn dính mắc vào những gì con hoàn thành hay không hoàn thành trên trái đất.

Như Gautama có giảng, con vẫn còn trói buộc giá trị của mình vào thành quả, vào việc mình làm, vào kết quả mà con tạo ra. Giờ đây thì con đã trải nghiệm độ dày đặc của trái đất, và con nhận ra là con không thể nào tạo được kết quả mà trước khi con đến đây con nghĩ con có thể hoàn thành. Thay vì bị bất toại nguyện, con cần tới điểm con làm hòa với sự kiện là con tới đây để tăng trưởng, và đây là cách nhanh chóng nhất giúp con tăng trưởng, khi con có tâm thái trước khi con xuống đây. Con cần làm hòa với việc con đã tới đây, đã sống ở đây, đang ở đây ngay lúc này. Nếu con chưa làm hòa với việc mình tới đây, và mình đang ở đây, thì con không thể làm hòa với việc rời khỏi nơi này vì con nghĩ còn chuyện gì đó con cần thành tựu mà con chưa thành tựu. Khi con còn cảm giác đó, và vì con là một người đồng-sáng tạo rất nhiệt thành, thì con không thể ra đi.

Khi con xuống đây như một avatar, đó là vì con có ước muốn tăng trưởng lớn lao và điều này có nghĩa con không thể để chuyện gì dang dở, chưa hoàn thành. Nếu như một avatar con đã định cho mình một mục đích ở tầng thấp, thì con nghĩ mục đích đó phải được hoàn thành trước khi con đi bước tiếp. Điều các thày kêu gọi con làm là đạt được một tầng trưởng thành hơn như một avatar, và nhận ra là có hai cách bước tiếp khi mình có một mục đích. Một cách là hoàn thành mục đích cho tới khi con thấy trải nghiệm như thế đủ rồi, cách kia là nhìn mục đích và nhận ra nó không phải là mục đích cao nhất. Nó không thực sự biểu đạt con người mà con là. Do đó, con giờ đây thấy là khi con từ bỏ mục đích đó, thì con thấy một mục đích cao hơn. Con thấy mục đích cao nhất luôn luôn là tăng trưởng sự tự nhận biết. Đó là lúc con tới điểm làm hòa với việc giá trị của con dựa trên con người mà con là, dựa trên Hiện diện TA LÀ thay vì dựa trên những thành đạt, cho dù những thành đạt này được tạo ra trên trái đất hay trên một hành tinh tự nhiên.

Những thành đạt của con trong bầu cõi chưa thăng thiên này không quy định giá trị của con. Con người mà con là mới quy định giá trị của con. Đây là một hình thức vô minh đặc trưng mà con có trước khi con tới đây. Con không hoàn toàn nắm bắt và chấp nhận là con có giá trị vì con là chính mình chứ không phải do những gì con làm.

Giờ đây các thày nhận ra đây là một thách thức rất vi tế cho các người đồng-sáng tạo. Lẽ tự nhiên, con được tạo ra với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm. Làm sao con nới rộng ý niệm bản ngã đó? Bằng cách làm, bằng cách đồng-sáng tạo. Con trải qua một giai đoạn trong đó ý niệm giá trị của con như một người đồng-sáng tạo trong một bầu cõi chưa thăng thiên dính liền với những gì con đồng-sáng tạo, những kết quả mà con tạo ra. Điều mà các thày giản dị muốn con nhận biết là có một lúc con cần bước lên một tầng cao hơn và bắt đầu giải thoát mình khỏi ý niệm giá trị của mình dính liền với kết quả tạo ra. Con cần tới điểm con bắt đầu vui hưởng tiến trình đồng-sáng tạo thay vì kết quả của việc đồng-sáng tạo.

Đây là một chủ đề mà thày sẽ để các vị thày khác khai triển, vì thày đã trao cho các con những gì thày muốn trao.