9 | Đã đến lúc con biểu lộ quả vị Ki-tô

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 22 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su, và thày tới đây hôm nay để trao truyền một phần nữa của những bài giảng mà thày dự định trao truyền trong hội nghị này chung quanh đề tài làm sao là Ki-tô Hằng sống đang hành động. Giờ đây thì các con đã nhận được một bài giảng tuyệt vời và đa diện của Chân sư MORE sớm ngày hôm nay. Bài giảng đó quả thực có nhiều lớp, nhiều tầng cấp để các con suy ngẫm. Con thực sự có thể nói là bài giảng đó diễn tả đầy đủ con đường tâm linh. Nếu con thể nhập hoàn toàn mọi khía cạnh của bài giảng đó, thì câu hỏi là con có cần gì thêm nữa chăng.

9.1. Là Ki-tô mà không cuồng tín

Tất nhiên, vì Chân sư MORE là người trao truyền bài giảng, thì có thêm nữa có thể được trao truyền. Lẽ tự nhiên, giáo lý về ngã gốc cốt yếu cho việc là Ki-tô hành động. Con hãy hình dung một nhóm chiến sĩ Cơ đốc giáo tham dự Thập tự chinh đang ngồi trên yên ngựa bên ngoài một ngôi làng ở miền Trung đông. Họ đặt tâm vào trạng thái hỗn loạn và hầu như đồng thanh hét lên: “Đây là ý muốn Thượng đế!” Sau đó, họ rút kiếm, phi ngựa vào ngôi làng và giết đàn ông, phụ nữ và trẻ em, tin rằng họ làm việc này nhân danh Ki-tô và để phục vụ Ki-tô. Họ có phải là Ki-tô hành động không? À, lẽ dĩ nhiên các con biết là không. Tuy nhiên con cần tự hỏi: “Làm sao tôi có thể là Ki-tô hành động mà không đi vào trạng thái tâm bất quân bằng vì quá hăng hái, quá nhiệt thành, gần như là cuồng tín?”

Chân sư MORE có nói đến các đợt truyền giáo lý chân sư thăng thiên trước, và các đệ tử đã phản ứng như thế nào trong các tổ chức đó. Các thày đã thấy nhiều đệ tử trở nên quá nhiệt thành, quá bất quân bằng trong nhiệt tâm muốn làm một cái gì, khiến họ đã bước ra hành động một cách bất quân bằng, khác cách hành xử của Ki-tô hành động, tuy rằng một số các đệ tử này tin chắc là họ đang biểu lộ quả vị Ki-tô.

Lẽ tất nhiên các thày đã trao cho con chìa khóa cốt yếu để tránh phản ứng đó. Đó là con cần khắc phục ngã gốc và các ngã khác được tạo ra sau ngã gốc. Cái ngã nhất định cần an toàn, lẽ dĩ nhiên, có thể khiến con trở nên cuồng tín. Một khi con đã xây dựng ý niệm an toàn dựa trên một hệ thống hay niềm tin vỏ ngoài nào đó, thì con không muốn mất đi sự an toàn đó. Do đó, con trở nên cuồng tín chống trả tất cả những gì con nghĩ đang đe dọa ý niệm an toàn đó. 

Quả thật con cũng có thể có một ngã nữa, như các thày đã giảng, quan tâm không muốn bị sai, không muốn bị chứng tỏ là mình sai, muốn mình không bao giờ sai. Vì sa nhân cho con cảm tưởng là con sai trong kiếp đầu thai đầu, nên ngã đó lúc nào cũng muốn làm đúng. Một khi nó đã tự thuyết phục chính nó là nó đã làm đúng hay đang làm đúng, thì nó rất, rất ngần ngại xem xét mình có thể bị sai chăng.

9.2. Người tốt khó cứu rỗi nhất

Con yêu dấu, hai ngàn năm trước đây, thày có một lời tuyên bố khá bí hiểm là một tội đồ dễ được cứu rỗi hơn là một phú ông được vào thiên đàng. Lẽ tất nhiên, khi thày nói “phú ông” thì thày không nhất thiết chỉ một người có tiền của, nhưng là một người cảm thấy mình đã làm nhiều điều thiện. Điều nghịch lý mà ta có thể thấy nơi đạo Cơ đốc, các tôn giáo khác hay ngay cả giáo lý chân sư thăng thiên, là đôi khi những người rất, rất khó giúp nhất là những người hoàn toàn tin chắc họ là người tốt và đã làm nhiều điều tốt.

Con hãy nhớ lại lời Chân sư MORE nói về các đệ tử tin chắc là họ xứng đáng được một địa vị trong tổ chức tâm linh vì họ đã lâu năm tham gia tổ chức và chuyên cần theo đúng những thực tập vỏ ngoài và làm đúng mọi chỉ thị. Con có thể thấy một thí dụ, nhưng con cũng có thể vào các giáo đoàn Cơ đốc giáo và thấy những người suốt đời tin chắc là họ đang làm việc thiện theo đúng tinh thần Cơ đốc giáo, họ đang theo lời răn của Ki-tô hãy thương yêu người láng giềng, hãy cư xử tốt với mọi người, hãy tham gia vào công việc từ thiện. Có nhiều vị linh mục Cơ đốc giáo, và nhiều tín đồ không phải là linh mục nhưng đã tham gia vào việc từ thiện theo đúng tinh thần Cơ đốc giáo, cho rằng vì họ đã phụng sự, đã cư xử tốt và suốt đời làm nhiều điều tốt, nên họ bảo đảm sẽ được cứu rỗi trên căn bản những hành động vỏ ngoài đó.

Lẽ tất nhiên, thày có tuyên bố một số câu có thể được diễn giải để mở khóa hiểu biết là điều này không đúng. Vương quốc của Thượng đế ở bên trong ta. Cái gì ở bên trong ta? Đó là tâm hồn của con. Ấy, nếu con không giải quyết tâm lý, khắc phục tất cả các ngã, thì làm sao con vào được vương quốc? Con thấy chăng, điều này, một lần nữa, dính liền với bài giảng của Chân sư MORE về sự tha hóa của đạo Cơ đốc đã tạo ra con đường vỏ ngoài, giấc mơ được cứu rỗi một cách tự động và bảo đảm. Nhiều tín đồ Cơ đốc giáo theo con đường vỏ ngoài này vì họ không có gì khác và hoàn toàn tin tưởng rằng một khi họ làm tất cả những điều vỏ ngoài đó thì họ đương nhiên sẽ được vào vương quốc sau kiếp sống này.

Đây không phải là mối quan tâm chính của bài giảng này của thày, thày chỉ nêu ra như một ví dụ. Mối quan tâm chính của thày, lẽ tất nhiên, là các đệ tử chân sư thăng thiên. Con cần nhận ra ở đây là một số các con, khi con gánh chịu chấn thương nhập đời hay các biến cố tạo nên chấn thương đó, thì sa nhân đã khiến con cảm thấy là con đã làm điều gì sai, hay con đã sai lầm khi có mặt trên trái đất, con đã sai lầm khi tới đây.

9.3. Không muốn bị sai

Chuyện luôn luôn xảy ra là sa nhân đã khiến con cảm thấy là con đã làm một việc gì rất sai trên trái đất đến độ con không bao giờ có thể chuộc lại lỗi đó. Như các thày có giảng, một khía cạnh của ngã gốc là con quyết định: “Tôi không bao giờ muốn trải nghiệm chuyện này nữa.” Con làm gì lúc đó? Con tạo ra một ngã tách biệt, được lập trình để con chắc chắn không bao giờ bị chứng minh là mình sai. 

Con yêu dấu, con đã làm gì sau đó? Qua nhiều kiếp sống, con đã xây dựng động lượng làm những chuyện mà con cho là đúng, bằng cách lúc nào cũng làm chuyện được quy định là đúng bởi nền văn hóa, bởi tôn giáo của con bằng cách làm việc từ thiện, giúp đỡ người khác, vân vân và vân vân. Lẽ tất nhiên, dựa trên con đường vỏ ngoài của đạo Cơ đốc, một số các con có động lượng từ các kiếp trước tin rằng nếu con làm các chuyện vỏ ngoài đó, nếu con phụng sự như vậy, thì con chắc chắn hội đủ điều kiện để thăng thiên.

Các thày đã nói đi nói lại điều gì? Khi con đứng trước cổng vào thiên đàng, nếu con muốn dùng hình ảnh đó (và các thày biết con cần một hình ảnh, nhưng đó chỉ là một hình ảnh) thì con đứng trước cổng vào cõi thăng thiên và con phải chọn lựa đi qua cổng đó. Con phải lấy một chọn lựa và đó phải là một chọn lựa tự do, con yêu dấu. Làm sao con, cái Ta Biết, lấy một chọn lựa tự do? Con chỉ làm được khi con không còn bất cứ ngã nào tô màu viễn quan của con. Cái ngã được lập trình để khiến con cảm thấy mình không bao giờ sai vì đã luôn luôn làm điều tốt, nó đang ngăn cản con thăng thiên – nếu con không buông bỏ được nó. Con không thể thăng thiên nếu con không buông bỏ nó, và con không thể buông bỏ nó nếu con chưa nhìn thấy nó. Lẽ tất nhiên, con không thể nhìn thấy nó nếu con quá sợ thấy điều gì sai trong con người mình. 

Con yêu dấu, con thấy chăng là các thày đã trao truyền giáo lý là các thày thương yêu con vô điều kiện. Các thày chấp nhận con vô điều kiện, nhưng nếu con còn cái ngã không bao giờ muốn bị chứng minh nó sai, thì con không thể thực sự chấp nhận tình thương và sự chấp nhận của các thày. Con sẽ luôn luôn sợ mình sai, cảm giác là có một số điều kiện sẽ khiến con bị sai, ngay cả ý niệm là con có thể sai. Con không thể thăng vượt ý niệm đó nếu con vẫn còn cái ngã đó, vì ngã đó không thể chất vấn lập trình cơ bản, ảo tưởng cơ bản đã tạo ra nó.

Cái ngã không thể chất vấn lập trình đó. Khi con còn nhìn mình xuyên qua phin lọc của ngã đó thì con cũng không thể chất vấn lập trình đó. Con, như cái Ta Biết, có thể bước ra ngoài ngã và thày trao truyền giáo lý đặc trưng này để giúp cái Ta Biết bước ra ngoài ngã đó và nhận ra có hai điều ngăn cản con thăng thiên. Một là con ở trong trạng thái tâm rất tiêu cực, vị kỷ, ích kỷ, lúc nào cũng đấu tranh với người khác, làm bất cứ điều gì con muốn mà không màng hậu quả. Nói cách khác con là một người mà một số các con gọi là người xấu. Có một điều khác ngăn cản con bước vào thiên đàng, đó là con là một người mà một số các con coi là người tốt, con muốn giữ hình ảnh đó đến độ con không chịu chất vấn là trong con có thể có cái gì không “đúng”, theo nghĩa nó không cho phép con bước vào trạng thái thăng thiên.

Khi con nhìn mình xuyên qua ngã đó thì con nghĩ là nếu trong con có cái gì không đúng, thì nó chắc hẳn phải sai. Tức là điều này phải có nghĩa là con sai, và do đó con không thể nhìn nó. Điều duy nhất có thể phá bế tắc là cái Ta Biết bằng cách nào đó được cảm hứng, được thúc đẩy để bước ra ngoài ngã đó và thấy nó chỉ là một cái ngã. Nó chỉ là một cái ngã, và chỉ có ngã đó tin rằng con sẽ tự động vào thiên đàng khi con làm các việc tốt. Nó chỉ là một cái ngã, và như tất cả các ngã, nó dựa trên một ảo tưởng. Khi con, cái Ta Biết, nhận ra điều này, thì con nhận ra là ngã đó không phải là con. Con nhận ra là con không thể mang ngã đó theo con vào cõi thăng thiên.

Vì sao con không thể mang nó theo con vào cõi thăng thiên? Vì con không mang nó theo con khi con xuống trần thế. Không ai có thể trở về thiên đàng trừ những ai đã xuống từ thiên đàng. Không có ngã nào – không có ai – có thể trở về thiên đàng trừ cái ta đã đi xuống từ Hiện diện TA LÀ. Chuyện thật giản dị như vậy đó. Đó chỉ là một cái ngã, nhưng thày cần con nhận ra là người tốt, nghĩ mình tốt và đã luôn luôn tốt, có thể là một trở ngại cho việc thăng thiên. Nó chỉ là một ngã khác mà con cần buông bỏ. Nếu con còn muốn làm điều tốt dựa trên ngã đó, thì con không thể là Ki-tô hành động. Vì con đang muốn làm điều tốt để tránh không bị chứng minh mình sai. Nói cách khác, hành động của con có tính chất vị kỷ. Hành động của con trụ chung quanh ngã thấp đó, không phải chung quanh cái ta thật của con. Nó là động cơ thúc đẩy con hành động, không phải là quả vị Ki-tô, không phải là tâm thức Ki-tô.

9.4. Con đã là Ki-tô hành động

Điều này đã được nói ra, và thày muốn đi sang phần khác. Thày nhận ra, như Chân sư MORE có nói, là mỗi khi các thày trao truyền một giáo lý, thì có nhiều người trong các con ngồi nghe, tìm hiểu giáo lý nhưng vẫn có cảm giác có một khoảng cách. Các thày đã trao truyền dụng cụ để con khắc phục ngã gốc và các ngã khác, và khi con làm xong thì khoảng cách sẽ biến mất. Nhưng thày vẫn muốn đưa thêm vài nhận xét ở đây, vì thày muốn con nhận ra là tất cả các con đã là Ki-tô hành động ở một mức nào đó, và đa số các con đã là Ki-tô hành động trong kiếp sống này. Chỉ là con không ý thức điều này, và con không phải lúc nào cũng là Ki-tô hành động. Con đã là Ki-tô hành động một số lần, có thể là với một số các con chỉ xảy ra một ít lần, nhưng tất cả các con đã từng là Ki-tô hành động. 

Điều này lại liên quan đến một khía cạnh khác của đạo Cơ đốc giả, đó là sự sùng bái vĩ đại được dựng lên chung quanh con người thày. Giê-su được đặt lên trên bệ cao như người Con của Thượng đế, một người sinh ra đã toàn hảo, vân vân và vân vân. Một con quái vật rất dũng mãnh đã được tạo ra trong tâm thức tập thể cho rằng muốn là Ki-tô thì con hầu như phải toàn hảo. 

Một số các con cũng đã tạo ra ngã đó, một ngã tương tự. Đúng thực là đa số các con phần nào có ý tưởng là con chỉ có thể được cứu rỗi, vào thiên đàng hay thăng thiên khi con đạt được tiêu chuẩn gần như siêu nhân đó. Do đó, con cảm thấy là khi con chưa hội đủ chuẩn mực đó, hay con không hội đủ tiêu chuẩn trong mọi lúc, thì con không thể là Ki-tô.

Ý niệm nguyên thủy về Ki-tô là gì? Ý nghĩa việc Ki-tô đầu thai, nhập vào xác thịt là gì? Nó có nghĩa là tâm thức Ki-tô có thể được biểu đạt xuyên qua một cỗ xe chưa hoàn toàn sạch những ngã tách biệt đó.

Như các thày đã giảng, cái Ta Biết có khả năng bước ra ngoài ý niệm bản ngã hiện tại của con. Khi điều đó xảy ra thì con là cánh cửa mở để tâm thức Ki-tô tuôn chảy xuyên qua con, để tâm thức Ki-tô tự biểu lộ xuyên qua con. Như thày có nói: “Tự ta không làm được gì, đó là cha ta (Hiện diện TA LÀ, Thánh linh) làm việc.” Nó làm việc khi con có cửa mở trong tâm thức của mình.

Như các thày có giảng, con không thể ép việc này xảy ra. Con thực sự không thể làm gì. Con không thể tạo ra một con đường máy móc tự động dẫn con tới điểm con là cánh cửa mở. Con không cần ép nó xảy ra, con chỉ cần ngưng không ép nó không xảy ra. Sự thực là nó mưa xuống cả người công chính lẫn người bất chính. Tánh linh lúc nào cũng tuôn xuống từ Trên cao. Như thày có nói: “Ta sẽ xin Cha ta và ngài sẽ gửi các con một đấng an ủi khác.” Khi thày thăng thiên, một phần động lượng của thày, Tánh linh của thày, được rải truyền xuống trái đất và nó vẫn tuôn xuống trong suốt hai ngàn năm qua. Con không cần hội đủ điều kiện nào để nhận nó, con cũng không thể ép nó tuôn qua con.

Tánh linh lúc nào cũng rải xuống. Con chỉ cần có cửa mở trong bốn thể phàm để Tánh linh có thể tuôn vào. Tất cả các con đã có lúc thoáng nhận, vì lý do nào đó, ngã vỏ ngoài được gạt qua bên, cái Ta Biết bước ra ngoài trạng thái tâm bình thường của nó, trạng thái đồng hóa với một ngã vỏ ngoài bình thường của nó, và bỗng nhiên có một cái gì khác tuôn vào. Cái “gì khác” đó, lẽ tất nhiên, là ý nghĩa thế nào là Ki-tô hành động. Đó là lúc con là cánh cửa mở biểu hiện cái gì vượt quá trạng thái nhận biết bình thường của đa số con người. Đa số con người chưa bao giờ trải nghiệm cái gì khác, cái gì cao hơn trạng thái nhận biết bình thường. Thày nói các con trao tặng người khác món quà của sự chấp nhận, nhưng con cũng có thể trao tặng người khác bất cứ trải nghiệm nào vượt quá trạng thái tâm thức bình thường của họ. Đó là biểu đạt Ki-tô, đó là Ki-tô hành động.

9.5. Vượt lên trên hình ảnh cố định về Ki-tô

Việc đó có nhiều hình thức, con yêu dấu, và chìa khóa là mở tâm, là dụng cụ để tâm thức Ki-tô biểu hiện, đó cũng là không chờ mong và không có định kiến là Ki-tô phải biểu hiện hay không được biểu hiện như thế nào. Các thày đã trao cho các con khái niệm là thày đã làm việc đó bằng nhiều cách. Thày đã trao cho một người một ly nước lạnh vì đó là gì người đó cần lúc đó, nhưng thày cũng trao cho người đó cảm giác y được chấp nhận, và đó là điều mà người ấy trước đó chưa từng có, và đó là phần phụ trội vượt quá ly nước.

Có quá nhiều đệ tử tâm linh, và đặc biệt là đệ tử chân sư thăng thiên, đã dùng giáo lý các thày để củng cố một ngã vỏ ngoài là một hậu duệ của ngã gốc. Họ đã tạo ra một hình ảnh rất, rất, rất cố định về thế nào là Ki-tô hành động cho riêng họ cũng như là thày khi thày hiện thân trên thế gian. Nhiều người trong họ sẽ sững sờ nếu họ gặp thày khi thày hiện thân. Niềm tin của nhiều người sẽ bị lung lay, như niềm tin của nhiều Ki-tô-hữu bị lung lay nếu họ thấy thày như thày thực sự là lúc đó.

Điều con có thể làm được, là dùng cái Ta Biết để nhìn tâm mình và thấy các định kiến và chờ đợi Ki-tô phải như thế nào và không được như thế nào. Con thấy trong kinh điển là có những người đã bài bác thày vì thày uống rượu, vì thày sinh ra ở Nazareth, vì thày đã làm chuyện này chuyện kia. Có những người đã bài bác thày vì hình dạng của thày, cách thày phục sức, cách thày cư xử, cách thày phát biểu.

Con yêu dấu, lúc nào cũng sẽ có người tìm thấy lỗi nơi người sứ giả, người đại diện Ki-tô. Điều này tất nhiên bắt nguồn từ sa nhân luôn luôn phán xét Ki-tô Hằng sống. Chính sa nhân và thái độ của họ đã tạo ra thái độ rất phán xét mà con tìm thấy nơi nhiều tổ chức tâm linh, kể cả, lẽ tất nhiên, các tổ chức mà Chân sư MORE đã phơi bày trong bài giảng trước. Con cần trung thực nhìn xem con có một ngã có ý phán xét Ki-tô Hằng sống phải như thế nào, vì đó sẽ là một trong những lý do vi tế nhưng hữu hiệu nhất để đóng cửa không cho Ki-tô tuôn chảy xuyên qua con. Nếu con cảm thấy là cách Thánh linh biểu hiện phải tuân theo chuẩn mực của con, chuẩn mực mà con có trong ngã đó, thì Thánh linh sẽ không thể tuôn chảy. Thánh linh thổi nơi muốn, không phải nơi con muốn, không phải nơi ngã vỏ ngoài muốn và chắc chắn là không phải nơi sa nhân muốn nó tuôn chảy – vì sa nhân không muốn Thánh linh tuôn chảy gì hết.

Điều bí ẩn đơn giản là con có thể nói là sa nhân không muốn Thánh linh tuôn chảy và phần lớn họ đã thành công trong việc này. Vì sao Thánh linh không làm gì để cải sửa việc này, như một câu hỏi đã nêu lên hôm nay? “Vì sao Thượng đế không thay đổi kế hoạch của ngài để thuận theo ý kiến của tôi về vũ trụ?” Đó là cốt yếu của tâm thức sa ngã: “Vì sao Thượng đế không thay đổi để tôi không phải thay đổi?” Con có thể nói là Thánh linh đáng lẽ phải làm điều gì để giải tỏa tình trạng bế tắc mà sa nhân đã đặt hành tinh này vào.

Thánh linh tôn trọng quyền tự quyết, và do đó con có thể nói là câu: “Thánh linh thổi nơi nó muốn” không nói lên một hiểu biết đầy đủ. Câu này được đưa ra để cho thấy là Thánh linh không tuôn chảy theo ý kiến, chờ mong và chuẩn mực của con người. Mặt khác, như thày vừa giảng, Thánh linh luôn luôn tuôn chảy, vấn đề chỉ là khi không có khe mở thì nó không thể biểu đạt trong bát cung vật lý, và đúng thực là ngay cả trong cả ba bát cung trên cũng vậy.

Đó là lý do vì sao Thánh linh chờ dịp một người mở cửa để nó tuôn chảy. Khi cửa được mở thì dòng chảy có mặt. Các thày đã trao cho các con nhiều ý tưởng, nhiều dụng cụ, và khi con phối hợp với các dụng cụ về chấn thương nhập đời và ngã gốc, thì con sẽ có thể tiến bộ rất, rất đáng kể. Con có thể tới điểm con bắt đầu là cánh cửa mở rộng hơn và con không cảm thấy bắt buộc phải biểu lộ quả vị Ki-tô. Con không cảm thấy bị bắt buộc làm điều này, con không sợ làm điều này, con không quan tâm về điều này. Con chỉ đơn giản để nó xảy ra và con nhận ra là khi con để nó xảy ra, khi con ở trong trạng thái tâm trung hòa, thì không những dòng chảy sẽ có mặt mà thêm nữa con không có các quan tâm là con có đang làm đúng hay không, làm như vậy có được không, hay có tốt đủ không.

9.6. Phân tích mình một cách quá đáng

Giờ đây, lúc khởi đầu con quả thực có thể thấy một số quan tâm khởi lên, và nhiều người trong các con đã có kinh nghiệm này. Con đứng trước một hoàn cảnh, và con cảm thấy có một dòng chảy khác thường xuyên qua con, khác với tâm thức bình thường của con. Sau đó, con phân tích và lượng định: “Tôi làm như vậy có được chăng? Đó có phải là biểu lộ cao nhất của Ki-tô chăng? Đó có thật là Ki-tô chăng? Tôi có nên không hành động như vậy chăng? Tôi có nên không nói điều đó chăng?”

Con cần phải sẵn sàng nhận ra là khi con bắt đầu dám biểu lộ mình nhiều hơn, thì con sẽ có những thách đố tương tự khởi lên sau đó. Lúc đó, con dùng điều đó như một cơ hội để nhận ra là có một ngã vỏ ngoài khác đang tạo phản ứng đó nơi con. Và con dùng công thức: nhận diện ngã đó, tách mình ra khỏi nó và để nó chết đi – con để nó chết đi, con yêu dấu.

Con thấy chăng, khi con tới điểm con bắt đầu mở tâm hơn để đón nhận dòng chảy của Ki-tô, thì tất cả các mối quan tâm con có đang làm đúng hay không sẽ tan biến đi. Con sẽ tới điểm con nhận ra rằng: “Chuyện đã xảy ra như nó đã xảy ra.”  

9.7. Không có biểu đạt Ki-tô tối hậu

Có một bước quan trọng trước khi con tới điểm đó, đó là con nhận ra là không thể có biểu hiện Ki-tô tối hậu và tuyệt đối, vì lý do giản dị là trái đất là một hành tinh phi tự nhiên. Một biểu hiện của Ki-tô lúc nào cũng xảy ra trong một tình huống cá biệt. Nó được biểu lộ cho con người ở một tầng tâm thức nào đó. Con yêu dấu, nó không có mục đích nâng con người lên tầng tâm thức cao nhất, nó chỉ có mục đích nâng con người lên tầng tâm thức kế tiếp. 

Vậy điều này nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là khi con có bất cứ biểu lộ Ki-tô nào trên thế giới, thì tâm phản-Ki-tô có thể xem nó, phân tích nó và tìm thấy lỗi nơi nó. Đó là điều mà Chân sư MORE đã giảng sáng nay, là có một số đệ tử đã đi vào tâm thái phán xét, thực sự có nghĩa là họ đã dùng tâm phản-Ki-tô để tìm lỗi. Con có thể thấy là một số câu hỏi nêu lên chiều hôm nay được đặt với tầng tâm thức thực sự muốn tìm lỗi nơi giáo lý hay vị thày. Lẽ tất nhiên, đây là điều tâm phản-Ki-tô lúc nào cũng làm.

Con cần nhận ra ở đây là ngoài các ngã của con, mà con mang trong bốn thể phàm, còn có động lượng ở cấp hành tinh của phản-Ki-tô lúc nào cũng tìm cách xen vào và thách thức mọi biểu hiện của Ki-tô, tìm cách hạ thấp nó. Nó có hai mục đích. Con có một người đang là cánh cửa mở để Ki-tô biểu lộ và con có một hay nhiều người đang tiếp nhận sự biểu lộ đó. Các lực phản-Ki-tô, tâm phản-Ki-tô, muốn gieo nghi ngờ vào tâm những người đang nhận món quà để họ bắt đầu nghi ngờ và ngay cả bác bỏ nó. Nó muốn gieo nghi ngờ vào tâm người đang là cánh cửa mở và đang trao món quà để người đó nghi ngờ khả năng làm dụng cụ của Ki-tô trong tương lai, và do đó có thể dần dần quyết định khóa tâm lại hay áp đặt một chuẩn mực vỏ ngoài lên Ki-tô.

Con cần giản dị nhận ra là lực phản-Ki-tô này tất nhiên có khả năng phóng đại hay sử dụng bất cứ ngã nào mà con có. Con thực sự cần nhận ra là dù con đã khắc phục được các ngã trong bốn thể phàm của con, lực này vẫn có thể phóng chiếu tới con từ bên ngoài. Con chỉ cần nhận ra lực này, và biết nó có mặt. Nó sẽ luôn luôn phóng chiếu vào con.

Sau đó, con cần nhận ra là con không cần làm gì cả. Con không cần tự bảo vệ mình. Con không cần tìm cách phản bác nó. Con không cần tìm cách trả lời các câu hỏi được nêu lên từ trạng thái tâm này, vì, như thày có giảng, các câu hỏi này không bao giờ có giải đáp. Nếu con tìm cách trả lời một câu hỏi, thì bảy câu hỏi khác sẽ bật ra. Con chỉ cần nhận biết là lực đó có mặt, nhận ra nó như nó là và để nó đi xuyên qua con. Khi con chưa hóa giải các ngã thì nó sẽ không đi xuyên qua con mà sẽ chạm một trong các ngã đó và phóng đại nó lên. Khi con đã hóa giải các ngã thì con chỉ để nó đi xuyên qua con. Như thày có nói: “Chuyện ấy quan hệ gì tới con, con hãy theo thày.” Lúc ban đầu, con sẽ được trợ giúp nếu con quay về hướng thày và thực sự hình dung là con để cho nó đi xuyên qua con và chú tâm vào thày. Con còn không chú ý tới nó nữa.

Giờ đây, tất nhiên đây là một thăng bằng tế nhị vì tự ngã của con muốn nghĩ là nó không thể sai lầm và do đó con không bao giờ cần chú ý đến các lời chỉ trích. Đôi khi con cần chú ý đến phản hồi của người khác. Con có thể tập phân biện trường hợp một người giản dị phát biểu mối quan tâm của họ, và trường hợp lời chỉ trích đến từ tâm phản-Ki-tô. Con có thể tập nhận ra sự khác biệt. Một người có thể phản hồi để cho con thấy cách họ phản ứng ở tầng tâm thức của họ. Điều này có thể giúp con điều chỉnh cách con phát biểu khi con tiếp cận những người này, dựa trên hiểu biết về trình độ tâm thức của họ. Khi con cảm thấy là lời chỉ trích đơn giản phát xuất từ phản-Ki-tô đang tìm cách hạ bệ con, thì con chỉ để nó đi xuyên qua con.

Khi thày nói là con cần mở tâm đón nhận phản hồi của người khác, thì thày cũng nói điều này một cách thận trọng, vì con không nên phân tích mình quá đáng. Con cần là cánh cửa mở, cần giữ tâm trung hòa, cần ở trong trạng thái tâm trung hòa và để Tánh linh tự biểu lộ. Thành thực mà nói, đây chính là thách thức lớn nhất khi con bắt đầu có thêm quả vị Ki-tô. Con cần không đóng tâm mình nhưng cũng đừng phân tích quá đáng vì như vậy sẽ mất đi tính linh động tự phát. Đây là một thăng bằng tế nhị. Thày phải đối đầu khó khăn này khi thày hiện thân trên trái đất, tất cả các thày đều gặp khó khăn này trước khi thăng thiên. Con cần đối mặt khó khăn này và giải quyết theo cách của riêng con vì (một lần nữa) không có một biểu hiện tuyệt đối của quả vị Ki-tô. Do đó, con cần nhận ra rằng bất kể hình thức Ki-tô nào mà con có thể thể hiện đều không sai trái. Rất có thể là có một cách thể hiện Ki-tô cao hơn, nhưng điều này không có nghĩa cách con thể hiện là sai. Con không cần đi vào tư duy thắc mắc: “Làm vậy có sai chăng?”

Con cần buông bỏ tư duy này, con yêu dấu, và mặc dù con đã làm tan biến một ngã nào đó, con thực sự sẽ tới điểm con cần lấy quyết định một cách ý thức: “Tôi sẽ không tham dự vào chuyện này nữa, tôi sẽ còn không chú tâm tới nó nữa. Tôi chú tâm là cánh cửa mở và tôi cho phép người khác phản ứng bất cứ cách nào họ muốn.”

9.8. Muốn giúp người khác quá mức

Khi con đạt được một phần quả vị Ki-tô và rất muốn giúp đỡ người khác, thì việc này có thể là một trở ngại cho đường quả vị Ki-tô của con. Khi đó con có tâm thái: “Làm sao tôi có thể giúp người khác.” Vị sứ giả này đã có tâm thái này trong nhiều kiếp sống, kể cả kiếp này, ngay cả sau khi ông đã trở thành sứ giả. Làm sao ông có thể giúp người khác tốt nhất và làm sao ông không gây trở ngại cho Tánh linh thể hiện xuyên qua ông?

Suy ngẫm chuyện này tất nhiên là điều chính đáng, nhưng con phải tìm ra điểm cân bằng tế nhị. Con trước tiên cần làm việc để khắc phục các ngã vỏ ngoài của mình để con được giải thoát khỏi chúng và không cảm thấy bắt buộc phản ứng lại người khác. Con cần tới điểm con thực sự không phản ứng lại người khác và việc họ chấp nhận hay không chấp nhận những gì họ được cống hiến xuyên qua con. Con quan sát, con có thể học hỏi từ những gì con quan sát nhưng con không phản ứng. Con không cảm thấy phải thay đổi chính mình dựa trên phản ứng của họ vì con nhìn nhận là phản ứng của họ là sản phẩm của trình độ tâm thức của họ, kể cả những ngã mà họ chưa giải tỏa.

Nhiều người sẽ tới con khi con đạt được một phần quả vị Ki-tô và họ mang một ngã chưa được giải tỏa, và ngã này pha màu cách họ nhìn con đường tâm linh. Họ đã dùng giáo lý trên con đường tâm linh để củng cố và công nhận giá trị của ngã đó. Giờ đây, họ tới con và họ muốn con cũng công nhận giá trị của ngã đó. Có khi họ giận dữ, có khi họ thất vọng, có khi họ bắt đầu tố cáo con không là đại diện thật của Ki-tô khi con không công nhận cái ngã mà họ không chịu tách rời và buông bỏ. Con cần nhận ra điểm này. 

Con yêu dấu, thày nhận ra là một lần nữa các thày đã phóng tới con thật nhiều khái niệm. Con không cần chú tâm ngay lúc này đến tất cả những gì thày nói ở đây. Con cần tìm ra một điều trong bài truyền đọc mà con cảm thấy ứng dụng cho con ngay lúc này và con thể nhập điều đó. Con chấp nhận là các điều khác mà thày nói áp dụng cho người khác ở các tầng tâm thức khác. Có khi một số điều mà thày nói không còn áp dụng cho con vì con đã vươn lên trên tầng tâm thức đó. Có khi có những điều sẽ áp dụng cho con trong tương lai khi con đã vươn lên một tầng tâm thức nào đó.

9.9. Không có khoảng cách giữa con và Tánh linh

Như Chân sư MORE có nói, các thày bị giới hạn khi thuyết giảng bằng ngôn từ. Quả thực con cần tới điểm con không tìm cách là Ki-tô dựa trên một cảm nhận xa cách, dựa trên một khoảng cách. Khi con khắc phục ngã gốc và các ngã khác, khi con tới điểm mà Chân sư MORE mô tả là con không coi con đường tâm linh xoay quanh cá nhân mình, đó là lúc không còn cơ chế trong tâm con tìm cách lọc lựa những gì đến từ Tánh linh. Lúc đó ngay cả ý niệm là con “ở đây” và Tánh linh ở “trên kia” cũng không còn nữa. Tánh linh đang gửi đến con một cái gì tuôn chảy xuyên qua tâm con. Con có thể vượt qua cảm giác tách biệt. Nhiều người trong các con không thể nắm bắt điều thày đang giảng nhưng một số có thể. Tất cả các con rốt cuộc sẽ có thể nắm bắt điều đó.

Sẽ có một điểm không có cấu trúc nào trong tâm khiến con nghĩ là con phải hành xử như thế nào khi con là Ki-tô Hằng sống. Do đó, con không nhìn sự việc qua tâm trí, con chỉ giản dị trải nghiệm là có khe mở, có dòng chảy và sau đó con trải nghiệm dòng chảy đang xảy ra.

Vị sứ giả này đã nhiều lần được hỏi là ông trải nghiệm thế nào khi nhận một bài truyền đọc và ông đã tìm cách giải thích một cách tương tự. Không phải là ông thấy ông ở dưới đây, thày ở trên kia và thày đang rải truyền ngôn từ từ cõi thăng thiên, ông nghe được trong tâm và phát biểu ra. Không phải vậy, ông và thày đạt được trạng thái Hợp nhất, và ngôn từ tuôn chảy xuyên qua tâm vị sứ giả và ông nghe thấy chúng cùng lúc với khi chúng được nói ra, vì không có khoảng cách. Do đó, khi không có khoảng cách, thì không có chỗ để tâm thức của con, tâm thức của người khác và tâm thức sa ngã xen vào tiến trình. Trong tiến trình không có khoảng cách. Không có cấu trúc, không có cơ chế. Đó là một dòng chảy trực tiếp, một biểu đạt trực tiếp và con không phân tích nó trước khi nó xảy ra, vậy con cần gì phân tích khi nó đã xong? Con chỉ để nó tuôn chảy và sau đó để nó là như nó là, để con là như con là, để người khác là như họ là. Hãy để họ phản ứng theo cách họ phản ứng. Khi con trung hòa khi món quà được trao tặng, thì nó xứng đáng được trao tặng. 

Lẽ tất nhiên, người khác chỉ có thể nhận đầy đủ món quà khi họ trung hòa, nhưng trách nhiệm của con là giữ mình trung hòa. Giữ người khác trung hòa không phải là trách nhiệm của con. Trách nhiệm của con là trao món quà, là cánh cửa mở để trao tặng món quà. Con không có trách nhiệm cách người khác nhận nó. Đó là trách nhiệm của họ. Khi con đã thấy rõ điều này trong tâm mình, thì con có thể tránh các cám dỗ và phóng chiếu rất rất vi tế đến từ sa nhân muốn đem con tới điểm lần biểu đạt quả vị Ki-tô đó là lần cuối con cả gan để chuyện này xảy ra xuyên qua con.

9.10. Biểu lộ Ki-tô trên mạng

Thày thực sự có một điều nữa mà thày muốn trao truyền, đó là chúng ta đã tới điểm các thày đã trao truyền đủ giáo lý xuyên qua vị sứ giả này. Trong những người đang theo học giáo lý này, có một số mới gia nhập, một số khác đã học giáo lý này được một thời gian, nhưng các con đã sẵn sàng bắt đầu biểu lộ quả vị Ki-tô một cách trực tiếp hơn. Lẽ tất nhiên, có rất, rất nhiều cách để làm việc này nhưng chắc chắn một trong những cách đó là qua mạng Internet.

Trong khóa học về quả vị Ki-tô của thày (sách Chìa khóa chính yếu để đạt quả vị Ki-tô cá nhân) thày đã đề ra cho những ai hoàn tất khóa học công việc viết lại câu chuyện cuộc đời mình. Với hiện tượng viết blog trong thời hiện đại, tại sao không viết câu chuyện này như một blog?

Tại sao không tạo ra một trang mạng hay một blog lấy giáo lý chân sư thăng thiên và áp dụng vào một lãnh vực cá biệt? Con cũng có thể lấy một lãnh vực cá biệt, tìm kiếm tất cả các giáo lý mà các thày đã trao truyền liên quan đến lãnh vực đó, lấy ra tất cả những điều mà các thày đã nói và để các ý đó vào một trang mạng. Con có thể viết lại một cách trung hòa với ngôn từ của chính con để người đọc không cần phải tin các chân sư thăng thiên hiện hữu, hay con cũng có thể trích dẫn lời các thày nếu con ghi rõ xuất xứ. Có rất nhiều cách con có thể dùng mạng Internet để biểu lộ quả vị Ki-tô, và qua đó tiếp xúc được nhiều người hơn là con có thể tiếp xúc tận mặt. Đây cũng có thể là một cách để con luyện tập cách con biểu lộ quả vị Ki-tô và quan sát những phản ứng khởi lên trong con. Con cũng có thể thành lập, nếu con muốn, một nhóm người để hỗ trợ lẫn nhau. Một số các con có kinh nghiệm dùng máy điện toán và có thể giúp những ai ít có kinh nghiệm, và do đó các con bắt đầu hỗ trợ lẫn nhau. Các con cũng có thể giúp lượng định lẫn nhau, phản hồi tới các người trong nhóm, và qua đó chia xẻ nhiều, nhiều điều. Con có thể tạo ra một hiện diện trên mạng Internet hiện chưa có, chưa bao giờ có mặt trên mạng vì các con tới từ những quá trình khác nhau nhưng cũng có những điểm tương đồng, một sự hợp nhất thâm sâu với những điều các con phát biểu, vì các con đã đạt được một trình độ sáng suốt và nguyên vẹn, đã chữa lành tâm lý và buông bỏ các ngã vỏ ngoài.

Đã đến lúc các thày khuyến khích các con làm công việc này. Lẽ tất nhiên các con có quyền tự quyết. Thượng đế không muốn con người bị ép buộc. Các thày không muốn các con tự ép buộc mình làm việc này nhưng quả thật là một số các con đã sẵn sàng làm việc này dưới hình thức nào đó. Đã đến lúc các con đứng lên và ngưng ý nghĩ là vị sứ giả là người duy nhất phải dựng lên các trang mạng. Con hãy nhận ra là con cũng có tiềm năng, kinh nghiệm và chứng đạt để làm một cái gì đó. Một lần nữa, con nên hiểu rõ. Điều con có thể biểu đạt lúc này không phải là biểu đạt tối hậu của Ki-tô, nhưng khi con biểu đạt nó bây giờ thì con có thể hoàn chỉnh nó. Nếu con không biểu đạt nó lúc này thì con sẽ không có cơ hội hoàn chỉnh và con sẽ không tiến triển.

Con hãy xem xét trở lại tình huống bữa tiệc cưới ở Cana. Lúc đó thày đứng trước một ngã rẽ trong cuộc đời. Thày sẽ bắt đầu sứ vụ công chúng của thày hay thày đình chỉ nó? Ấy, nếu lúc ấy Mẹ Mary không thúc bách thày, thì thày đã không làm được việc đó. Thày đang thúc bách con. Nếu thày không chấp nhận sự thúc bách của Mẹ Mary và cả gan tiến hành sứ vụ của thày, thì có chăng một tấm gương ở đầu thời Song Ngư để con người noi theo? Ấy, có thể là thày sẽ làm sau đó – có thể.

Con không thể biết ngày mai sẽ ra sao. Con chỉ có thể biết hiện tại, con chỉ có thể hành động trong hiện tại. Có thể bây giờ là “hiện tại”, là lúc con đứng lên và biến nước lã của tâm thức thế gian trong một lãnh vực nào đó của cuộc sống thành rượu của tâm thức Ki-tô tuôn chảy xuyên qua con!

Con yêu dấu, tới đây thì thày cảm ơn con đã chú tâm nghe bài giảng này, thày cảm ơn con đã sẵn sàng làm chiếc loa lan tỏa bài giảng này tới tâm thức tập thể của hành tinh, sẽ đem lại kết quả sâu rộng, vượt quá những gì con có thể biết với tâm vỏ ngoài. Quả thực, con có thể nói là sứ vụ công chúng của thày hai ngàn năm trước đây đã là cực alpha, và những gì các thày đang trao truyền qua tiến trình tiết lộ tuần tự này, không chỉ qua vị sứ giả này và còn xuyên qua nhiều vị sứ giả khác, là cực omega. Khởi đầu của thời đại Song ngư – kết cuộc của thời đại Song ngư, nhưng thực sự, thời Song ngư không thể tới kết cuộc trọn vẹn khi chưa có một biểu đạt công chúng của giáo lý thực của Ki-tô.

Con có thể là một thành phần của biểu đạt đó, một phần của làn sóng công chúng khi bỗng nhiên mọi người có cơ hội giáp mặt giáo lý thực của Ki-tô, một cơ hội mà họ không có được trong suốt thời Song ngư. Khi con người được nhận cơ hội đó, thì lúc ấy chung cuộc sẽ tới, không phải là chung cuộc của thế giới, mà là chung cuộc của thời Song ngư. Lúc ấy, hành tinh có thể hoàn toàn bước vào thời Bảo bình. Chúng ta có thể bắt đầu chú tâm xây dựng thời Hoàng kim của Saint Germain thay vì tìm cách đuổi kịp, cứ tìm cách hoàn tất tất cả những điều chưa được hoàn thành trong thời Song ngư.

Con có thể quan tâm là con đã sẵn sàng làm chuyện này chưa, con có xứng đáng làm việc này chưa. Những quan tâm này bắt nguồn từ ngã gốc và các ngã khác. Do đó, thày chỉ có thể nói: “Hãy buông lưới đánh cá và theo ta, và ta sẽ biến con thành người chài lưới đàn ông, đàn bà và trẻ em.”