19 | Tự gia tốc vượt lên trên tiêu chuẩn nhị nguyên về sự tinh khiết

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels ngày 5/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Serapis Bey, Thượng sư của Tia sáng thứ Tư. Tia sáng thứ Tư có thể giúp gì cho các con để các con hòa điệu được với các thày? Sẽ không có nhiều người có thể hòa điệu được với Tia thứ Tư, nhưng lẽ tất nhiên luôn luôn có một số sẽ hiểu, sẽ nắm bắt, sẽ hòa điệu, sẽ cộng hưởng được với Tia thứ Tư.

Tia thứ Tư gần như nằm ở điểm kết nối giữa ba tia sáng đầu và ba tia sáng kế tiếp, do đó nó đòi hỏi các con phải bước lên cao hơn. Trước đây thày gọi nó là Tia của Gia tốc, dù rằng theo truyền thống nó được xem là Tia của Tinh khiết. Thật ra cả hai là một bởi vì con đạt được tinh khiết bằng cách nào? Chỉ bằng cách gia tốc sự rung động của cái có rung động thấp hơn, và lẽ dĩ nhiên một rung động thấp hơn là định nghĩa của bợn nhơ. Thật ra không có gì hoàn toàn ô trược theo nghĩa nhị nguyên, nhưng có rung động cao hơn và rung động thấp hơn, và những rung động thấp hơn một mức nào đó là cái mà chúng ta coi là bợn nhơ. Bởi vì dù sao chăng nữa thì tất cả đều là năng lượng, nên năng lượng thấp luôn luôn có tiềm năng gia tốc và trở nên tinh khiết, trở thành năng lượng cao chảy về phía trên. Năng lượng thấp chảy về phía dưới, năng lượng cao chảy về phía trên.

Sẽ có một số người có sự đồng cảm với Tia thứ Tư. Có thể họ thích cái gì tinh khiết, cái thường giản dị, không phức tạp, không bị quấy nhiễu bởi nhiều cách diễn giải hay nhiều khía cạnh khác nhau. Quả thật, khi con nhìn vào rung động, khi con có thể đọc sự rung động, thì diễn giải trí năng đâu còn chỗ đứng nữa? Ta có thể coi đây là một điều mà khoa học đã đem vào thế gian, rằng con có thể đo lường chính xác, được gọi là khách quan, và không cần bàn cãi gì nhiều nữa. Nhiệt độ hoặc là 20 độ hay 40 độ, nhưng con có con số chính xác và lẽ tất nhiên, rung động cũng vậy.

19.1. Dụng cụ để hòa điệu với Tia thứ Tư

Làm sao con hòa điệu với Tia thứ Tư? Lẽ tất nhiên con có thể làm bằng nhiều cách. Các bài chú và bài thỉnh trong quyển Những Khai ngộ thần bí về Ý định, sách của thày trong bộ Con đường dẫn tới Tự điều ngự, đều có thể giúp con hòa điệu, nhưng như các thày khác đã giải thích, các thày đã quyết định cho các con những dụng cụ trông có vẻ giản dị hơn.

Dụng cụ đầu tiên thày muốn trao cho con như sau: Con ngồi yên, khép mắt và rút sự chú ý vào bên trong. Có một trung tâm trong bản thể con. Con có thể thấy trung tâm đó ở bất kỳ đâu, không nhất thiết là luân xa gốc hay luân xa trái tim hay một luân xa đặc thù nào khác. Con rút sự chú ý vào trung tâm đó cho tới khi nó đi vào một điểm mà khoa học gọi là điểm dị biệt – một điểm duy nhất không có nối dài, không có chiều rộng, chỉ có một điểm mà thôi. Con không hình dung điều gì sẽ xảy ra, con chỉ đơn giản cho phép nó xảy ra. Cái xảy ra giống như một nổ bùng với ánh sáng trắng tỏa ra từ điểm đó và ánh sáng thâm nhập hào quang của con, nó thâm nhập trường năng lực của con và nó tỏa ra ngoài từ bản thể của con. Đây là một bài hình dung và thiền tập rất giản dị. Con rút sự chú ý của con vào điểm dị biệt nơi trung tâm và sau đó cho phép ánh sáng nổ bùng ra ngoài.

Thày không khuyên con làm bài tập này suốt ba tiếng đồng hồ mỗi lần. Có thể con chỉ nên làm bài tập này ba lần khi con bắt đầu để không bị quá tải. Bài tập này có nhiều sức mạnh giúp con cảm nhận sự chiếu tỏa của Tia thứ Tư của Tinh khiết, là ánh sáng trắng đến độ nó trắng hơn bất cứ thứ gì con thấy trong bát cung vật lý. Nếu con có bất cứ chứng bệnh nào trong thân thể, thì con có thể làm bài tập này và chú tâm vào nơi đau trong cơ thể và cho phép ánh sáng tỏa rạng ra. Con không ép ánh sáng hay đẩy ánh sáng ra, con chỉ đơn giản rút sự chú ý vào điểm duy nhất đó, và sau đó con cho phép thày, là Thượng sư của Tia thứ Tư, tỏa rạng ánh sáng trắng ra.

19.2. Tâm đường thẳng muốn khiến mọi chuyện phức tạp

Một lần nữa, đây là một bài tập giản dị, nhưng sự giản dị thường là chìa khóa của thay đổi. Thay đổi, vượt thăng không phức tạp. Con không thể vượt thăng bằng cái tâm muốn khiến mọi chuyện thêm phức tạp vì như vậy nó cảm thấy cao trội hay tinh vi và cảm thấy nó đã tìm ra cách dùng sức mạnh để xông vào thiên đường. Đó là điều tâm muốn làm, không cứ là tự ngã nhưng tâm đường thẳng cũng vậy. Dù các thày nói về tâm đường thẳng, nhưng các thày không muốn tố cáo tâm đường thẳng. Tâm đường thẳng có chỗ đứng của nó, có chức năng của nó. Nó có thể giúp con làm nhiều, nhiều chuyện trong thế giới vật chất.

Khoa học, như con được biết đến, phần lớn dựa trên tâm đường thẳng. Lẽ tất nhiên đó cũng là lý do vì sao khoa học ngày nay đã tạo ra những vấn đề có thể trở nên mối đe dọa lớn cho tương lai của hành tinh này, cho dù đó là chiến tranh nguyên tử hạch nhân, nạn ô nhiễm hay bất kỳ vấn đề nào khác. Tâm đường thẳng có một chức năng. Nó có một chỗ đứng, nhưng nếu cho phép nó cai quản thì nó phải tạo ra vấn đề. Nó sẽ gây vấn đề. Do đó tâm đường thẳng sẽ không dẫn con vào thiên đàng. Một khi con tìm ra con đường tâm linh và bắt đầu học một giáo lý tâm linh, thì tâm đường thẳng có thể bắt đầu tin rằng nó có thể đưa con lên thiên đàng vì tâm đường thẳng nhìn mọi chuyện theo một cách nào đó.

Có thể con đã có nghe câu ngạn ngữ tiếng Anh: nếu dụng cụ duy nhất mà con có là cái búa thì con sẽ nghĩ tất cả mọi vấn đề đều là cái đinh. Tâm đường thẳng chỉ có dụng cụ duy nhất là sự phân tích, lý luận. Cho nên nó nghĩ mọi vấn đề đều có thể giải quyết được bằng phân tích, lý luận, tìm hiểu vấn đề. Tâm đường thẳng nghĩ rằng một khi nó hiểu vấn đề, thì nó có thể giải quyết vấn đề bởi vì nếu con có hiểu biết đường thẳng thì con sẽ thấy một giải pháp đường thẳng. 

Lẽ tất nhiên, “vấn đề” tăng triển tâm linh không có giải pháp đường thẳng. Chỉ có tâm đường thẳng mới xem tăng triển tâm linh là một vấn đề. Nó nói: “Tôi đang ở đây. Đáng lẽ tôi không được ở đây. Đáng lẽ tôi phải ở trong một trạng thái tâm linh cao hơn. Thế nào cũng có một trình tự đường thẳng tới trạng thái đó, và nếu tôi hiểu ra cơ chế đưa tới trình tự đó thì lúc ấy tôi sẽ có thể vào thiêng đàng.” Lẽ tất nhiên, các thày đã cho các con khái niệm về con đường tâm linh và 144 tầng tâm thức, đây là điều mà tâm đường thẳng rất thích. Các thày cũng đã nói rất nhiều lần là các con không tiến bộ được trên con đường tâm linh bằng cách hiểu. Điều quan trọng là xoay chuyển tâm thức và điều này không thể thực hiện bằng hiểu biết trí năng. Điều đã xảy ra cho hầu hết mọi người là họ đã đi xuống dưới tầng tâm thức 48. Họ đã đi vào tách biệt. Họ đã bị choáng ngợp và mù quáng bởi trạng thái tâm thức nhị nguyên nơi đó có một thước đo với hai đối cực cực đoan. Khi con theo lối suy luận nhị nguyên này thì con nghĩ một đối cực là vấn đề, là điều kiện cần khắc phục, và đối cực kia là giải pháp, là điều kiện cần đạt tới. Tâm đường thẳng sẽ suy nghĩ: “Làm sao chúng ta có thể tiêu trừ vấn đề? Làm sao chúng ta có thể đem lại giải pháp?”

19.3. Tâm đường thẳng không thể thăng vượt chính nó

Như Phật khi xưa tìm cách dạy con người khái niệm Trung đạo, giải pháp không phải là một trong hai đối cực nhị nguyên. Giải pháp là thăng vượt thước đo, thăng vượt tầng mức tâm thức thấy có hai đối cực. Tâm đường thẳng không làm sự thăng vượt này vì chính nó đã quy định các đối cực, quy định thước đo và tâm đường thẳng không thể thăng vượt chính nó. Nó có thể lý luận trên một số đề tài nhưng nó không thể thăng vượt chính nó. Cái Ta Biết có thể thăng vượt chính nó vì nó có tự nhận biết, trong khi tâm đường thẳng giống như một máy tính nhưng nó là một máy tính tinh vi có thông minh nhân tạo và do đó có thể thích ứng.

Tâm đường thẳng có thể học thêm và thêm nữa. Nó có thể thích nghi với một số điều kiện. Con gần như có thể coi tâm đường thẳng giống như một trong những rô-bốt mà con người đã chế tạo và có vẻ như có khả năng suy nghĩ như con người. Con có thể nói là con rô-bốt suy nghĩ giống cách hầu hết con người nghĩ vì họ nghĩ với tâm đường thẳng. Dẫu thế, một máy tính không thể vượt quá lập trình của nó, nó không thể vượt thăng lập trình của nó, và tâm đường thẳng cũng vậy. Cái Ta Biết có thể vượt thăng chính nó, vì nó không có lập trình khi nó nhận ra nó là nhận biết thuần khiết.

Điều gì giúp con trải nghiệm nhận biết thuần khiết? Như các thày đã nói, điều cốt yếu là tinh lọc các thứ trong bốn thể phàm của con đang lôi kéo sự chú ý của Cái Ta Biết vào ngã tách biệt, vào phin lọc nhận thức, vào ý niệm bản ngã đó. Khi con đã trong lọc đúng mức, thì Cái Ta Biết có thể rút ra khỏi ngã tách biệt dễ dàng hơn.

19.4. Bài tập để làm rối tâm đường thẳng

Thày cho con một bài tập khác có thể giúp con với chuyện này. Một lần nữa, con hãy ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, và bây giờ con tưởng tượng, con hình dung con đang đứng ở một nơi hoàn toàn bằng phẳng, một mặt phẳng hoàn toàn bằng phẳng, tuyệt đối bằng phẳng, và nó mở rộng về mọi hướng tới tận xa nhất mà con có thể nhìn. Bây giờ con hãy rút sự chú ý vào bên trong, vào trung tâm của bản thể của con. Con không tỏa rạng ánh sáng mà để sự chú ý đi xuyên qua trung tâm bản thể của con và sau đó đi ra ngoài trên mặt phẳng bằng phẳng. Con rút sự chú ý vào bên trong nhưng thay vì đi thẳng ra ngoài, con đi xuyên qua trung tâm và sau đó đi ra ngoài về mọi hướng. Có thể là tập trung nơi hai mắt sẽ giúp con dễ hình dung nhất. Hai mắt con kéo về trung tâm và ánh mắt của con đi xuyên qua trung tâm tới cả hai hướng, tới lui, vào trong ra ngoài, vào trong ra ngoài, vào trong ra ngoài.

Con cứ thong thả làm bài tập này. Con không cần làm nhanh. Lúc mới đầu, con có thể cảm thấy rất bị rối, mất phương hướng, thậm chí rất khó thực hiện, nhưng sau khi tập một lúc, con sẽ thấy là sự chuyển động đi vào bên trong đi ra bên ngoài khiến tâm đường thẳng bị rối và con có thể tới được điểm cảm thấy một sự yên tĩnh nào đó, một sự im lặng nào đó trong tâm. Lúc ấy, con thôi không chú tâm đi vào bên trong đi ra bên ngoài nữa. Con chỉ chú tâm vào sự yên tĩnh đó, con mở rộng sự chú ý của con ra ngoài trên mặt phẳng bằng phẳng không có hình tượng gì đặc biệt. Con đơn giản để chú ý của con đi ra ngoài và tiếp tục ra ngoài, kéo giãn nó ra xa thật xa và xa tối đa và sau đó con dần dà, chậm rãi kéo sự chú ý vào bên trong trở lại. Con có thể lặp lại nhiều lần. Hoặc con có thể đơn giản cho phép sự chú ý của con nghỉ ngơi khi con đã kéo nó ra xa tối đa, nếu con cảm thấy làm vậy tự nhiên hơn.

Một lần nữa, đây là một bài tập rất giản dị, hay ít nhất nó có vẻ giản dị. Tâm sẽ không thể nắm được mục tiêu của bài tập. Nó sẽ nói: “Mục đích là gì vậy? Bài tập này dẫn tới đâu? Bài tập này đem lại gì cho tôi?” Con thấy chăng, ý chính của bài tập là không có ý gì, bài tập không có mục đích, không có chỉ tiêu mà con phải đạt. Con chỉ trải qua tiến trình và cho phép nó trải bày. Khi thày nói không có mục đích gì, lẽ tất nhiên, thày muốn nói là không có mục đích mà tâm đường thẳng có thể nắm bắt được.

Con sẽ thấy là ngoài thế gian có nhiều kỹ thuật thiền định luôn luôn hứa hẹn là con sẽ đạt được một thành quả nếu con tập theo đúng kỹ thuật. Thày sẽ không hứa hẹn thành quả, thày sẽ nói là nếu con cảm thấy bài tập thu hút con, thì con cứ tập. Nếu nó không thu hút con, thì con quên nó đi. Nếu con quyết định tập, thì con hãy dành chút thời giờ và xem chuyện gì xảy ra. Thay vì bắt đầu với một mục đích và tiến tới mục đích, con hãy coi mục đích của bài tập chỉ là thử nghiệm, tham gia tiến trình và xem nó trải bày ra sao. Một lần nữa, tâm đường thẳng sẽ phản đối: “Hãy định ra mục đích để tôi nhắm tới. Làm sao tôi biết được cách tới đó nếu tôi không biết tôi đi đâu?”

Con thấy chăng, tâm đường thẳng không đi đâu cả. Đấy chính là ý nghĩa bài tập và cũng có thể nói là con cũng không đi đâu cả. Cũng có thể là con sẽ đi, khi an bình hiện ra khi tâm đường thẳng bị vô hiệu hóa, khi con trải nghiệm con là nhận biết thuần khiết không có đặc tính và không có nối dài nhất định trong không gian. Nó không tập trung vào một điểm, nó không có biên giới, nó chỉ là nhận biết thuần khiết.

19.5. Cốt lõi của con đường tâm linh ở các tầng cao

Có nhiều đệ tử, đặc biệt là trong các đợt truyền giáo trước, đã nghĩ rằng Tia thứ Thư rất nghiêm khắc, rằng thày là người rất trọng kỷ luật. Thật vậy không, tại sao họ lại nghĩ thế? Họ nghĩ thế vì họ chưa nhận được giáo lý về các ngã tách biệt, cho nên họ không thật sự hiểu cơ chế vận hành mà các thày đã trao truyền – rằng cốt lõi của tăng triển tâm linh là tới chỗ nhận ra các ngã tách biệt và buông bỏ chúng. Do đó, họ nghĩ họ phải ép mình vào kỷ luật, cố gắng kiểm soát tâm, áp chế tâm, đi theo một con đường tu được xác định rõ ràng. Họ nhìn con đường tâm linh khác với các con. Một lần nữa, các thày không chỉ trích, các thày không tìm lỗi, các thày chỉ giản dị cho thấy là với tiến trình tiết lộ tuần tự, các thày có thể trao truyền một hiểu biết càng ngày càng cao hơn về con đường tu.

Như các thày đã nói, từ tầng tâm thức 48 tới tầng 96, con cần có kỷ luật, chú tâm để nâng mình lên khỏi tâm thức đại chúng. Khi con đã thoát đủ sức hút xuống của tâm thức đại chúng, thì con có thể lợi lạc hơn nếu con xét lại cách con nhìn con đường tu. Con hiểu là ở đây thày không bác bỏ những gì được dạy trong các đợt truyền giáo trước. Rõ ràng là con không thể tiến lên khỏi tâm thức đại chúng nếu con lười biếng, không tập trung hay thiếu miên mật. Con không thể tà tà trong việc tăng triển tâm linh vì tâm thức đại chúng sẽ liên tục kéo con xuống. Con cần có đủ chú tâm và quyết tâm để vun bồi một động lực kéo con lên khỏi trọng lực hút xuống của tâm thức đại chúng.

Một khi con đã làm được phần nào, thì con có thể áo dụng những giáo lý mà các thày đã trao truyền về cái Ta Biết và các ngã tách biệt. Con nhận ra là điều quan trọng không phải là cái Ta Biết đập dí các ngã tiềm thức để chúng phải phục tùng, dùng kỷ luật để ép các ngã tiềm thức hay dồn nén các ngã tiềm thức. Việc dồn nén và ép tâm tiềm thức vào kỷ luật có thể là một việc thích đáng lúc ban đầu, vì nếu không nó sẽ lôi kéo con theo quá nhiều hướng. Nhưng một khi con vượt lên trên sức hút của tâm thức đại chúng, thì con sẽ được lợi lạc nhiều nếu con xoay chuyển cách tu và nhận ra rằng cốt yếu của tăng triển tâm linh không do ép uổng bất cứ gì, mà do buông bỏ.

Con tới điểm thấy được một ngã tách biệt. Con thấy nó có tác dụng gì khi nó khiến con bị kẹt trong việc liên tục lặp lại không ngừng một khuôn nếp phản ứng. Con thấy ảo tưởng khiến con nghĩ con phải tiếp tục phản ứng như thế, đây là cách phản ứng duy nhất, thậm chí có thể đây là cách duy nhất để là một đệ tử tâm linh. Con thấy đây là một ảo tưởng. Con thấy ảo tưởng cho rằng có một vấn đề con phải giải quyết. Sau đó, con giản dị buông bỏ, con để cho ngã chết đi. Khi con để cho ngã chết đi, giả dụ ở tầng 96, thì con tức khắc lên tầng 97. Con không phải nỗ lực để lên tầng 97. Vì khi ngã đó chết, khi năng lượng được chuyển hóa, thì con sẽ lên tầng trên một cách tự nhiên. Do đó, sẽ có một điểm, và điểm này có thể xảy ra trước tầng 96, khi con xoay chuyển cách con tiếp cận con đường tâm linh, khi con nhận ra điều quan trọng không phải là cưỡng chế bất cứ điều gì.

19.6. Cái Ta Biết đến từ tâm thức Ki-tô

Điều quan trọng là buông bỏ và bắt đầu quán chiếu, như các thày đã nói, là cái Ta Biết quả thật là tâm thức Ki-tô bởi vì nó từ tâm thức Ki-tô mà ra. Tâm thức Ki-tô là tâm thức một. Tâm thức Ki-tô một cách tự nhiên tìm đường tới gần cái một hơn. Ở tầng 64, con gần cái một hơn khi con ở tầng 63. Cho nên khi con giải quyết một ngã ở tầng 63, thì cái Ta Biết vươn lên tầng kế tiếp một cách tự nhiên. Con không cần áp chế. Con không cần ép tâm theo kỷ luật. Con vươn lên một cách tự nhiên.

Con hãy cẩn thận xem xét điều thày đang nói. Có lúc con cần dùng khả năng của tâm để kỷ luật chính nó. Đúng vậy, con lúc đó có dùng sức mạnh. Con dùng vũ lực để trấn áp những ngã tách biệt đang kéo con xuống, kéo con vào những thói quen cũ, những khuôn nếp phản ứng cũ. Con nói: “Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống thế gian này. Tôi muốn một cuộc sống tâm linh hơn.” Sau đó con triệt hạ những điều đang kéo con vào đời sống thế phàm và làm vậy có ích lợi trong một thời gian. Điều con đang làm là dùng tâm để trấn áp tâm, để ép tâm vào kỷ luật, áp chế tâm. Con có thể đạt đôi chút tiến bộ, nhưng con không thể đi xa hơn một mức nào đó. Con chắc chắn không thể đi quá tầng 96 bằng vũ lực.

“Con không thể dùng vũ lực để xông vào thiên đàng,” như Giê-su đã nói. Thày Giê-su cũng nói: “Kẻ hung bạo muốn cưỡng chiếm vương quốc thiên đàng bằng vũ lực, dùng vũ lực cưỡng ép mình vào tâm thức Ki-tô.” Điều này không thể làm được. Nếu con tới tầng 96 mà vẫn còn tìm cách dùng vũ lực thì con sẽ không đạt được sáng ngộ ở tầng này và do đó con sẽ bắt đầu đi xuống, đẩy mình đi xuống bằng vũ lực. Con có thể nghĩ con đang tiến triển vì con cảm thấy mình càng lúc càng giỏi hơn trong việc áp chế mình, nhưng con không đang vươn lên một tầng tâm thức cao hơn. Con chỉ đang bồi đắp cái ngã tâm linh mà con đã tạo ra từ tầng 48 tới tầng 96. Thậm chí con còn có thể rơi vào tâm thức sa ngã khi con nghĩ mục tiêu tối hậu là xây dựng một ngã tâm linh tinh vi nhất chưa ai làm được và sau đó chắc chắn Thượng đế phải cho phép con vào thiên đàng.

19.7. Gia tốc lên tinh khiết

Điều quan trọng con cần quán chiếu là con sẽ tới điểm con cần thăng vượt vũ lực, không dùng tâm đường thẳng để đè nén tâm đường thẳng hay thậm chí đè nén các ngã tiềm thức không nhất thiết lúc nào cũng đường thẳng. Trong một số trường hợp, chúng chỉ hỗn loạn và thiếu tập trung, chuyển từ ngã này sang ngã kia. Đây là một sự xoay chuyển quan trọng khi con rời bỏ cách tiếp cận dựa trên vũ lực. Đây là lúc con có thể thực sự gia tốc, gia tốc vào tinh khiết.

Con ngẫm nghĩ lý luận rất giản dị này: Tinh khiết là một đặc tính thiêng liêng. Làm sao con bước ra ngoài tinh khiết? Con ép mình rời tinh khiết.  Có lý chăng nếu con phải ép mình trở về tinh khiết? Không đâu, bởi vì một đặc tính thiêng liêng là một điều kiện tự nhiên. Như thày đã nói, tâm thức Ki-tô một cách tự nhiên tìm về với cái một. Bất cứ đặc tính thiêng liêng nào cũng tự nhiên tìm về cái một.

Khi con ngưng cưỡng bách mình rời cái một, thì cái Ta Biết một cách tự nhiên bắt đầu trở về hợp một với Hiện diện TA LÀ. Điều này xảy ra một cách tự nhiên. Nó không cần cố gắng vì con cần ngừng sự cố gắng đã ép con ra khỏi trạng thái tự nhiên. Đây là điều nhiều, nhiều người tâm linh khắp mọi nơi trải qua các thời đại không nắm bắt. Lẽ tất nhiên có một số người hiểu. Một số người nắm bắt được. Cũng đã có các giáo lý mô tả phương pháp không cố gắng, không dựa trên vũ lực. Tiếc thay, nhiều giáo lý trong số này không có khái niệm về các ngã tách biệt và khái niệm cái Ta Biết có thể đứng ra ngoài các ngã tách biệt và để cho chúng chết đi. Do đó, nhiều giáo lý trong số các giáo lý đó khó thực hành đối với một số người, đặc biệt là các người có tư duy Tây phương đường thẳng, vì họ gần như không thể khắc phục khuynh hướng nghĩ rằng họ phải làm chuyện này với cái tâm.

Như các Thượng sư khác đã nói, một đặc tính thiêng liêng không có sắc thái có thể được quy định bởi tâm đuờng thẳng trên thế gian này hay bởi tâm thức sa ngã. Tinh khiết Thiêng liêng không đối chọi với ô trược. Thực ra trong tâm thức nhị nguyện, có một cực ô trược và một cực được quy định là tinh khiết, nhưng ngay cả cái mà con người định nghĩa là tinh khiết cũng không phải là tinh khiết Thiêng liêng.

19.8. Tiêu chuẩn nhị nguyên về tinh khiết và ô trược

Một lần nữa, như các thày đã nói, đây là vấn đề với nhiều tôn giáo. Họ nghĩ rằng một tôn giáo vỏ ngoài trên trái đất có thể, trong kinh điển giáo điều và văn hóa của họ, quy định một mục tiêu cuối cùng, có thể quy định những cư xử ô trược và những cư xử tinh khiết. Sau đó, họ nghĩ rằng khi đi theo con đường vỏ ngoài đó, con đường phần nào máy móc đó, một ngày kia họ sẽ tinh khiết.

Con sẽ không tinh khiết khi cố gắng đạt một trạng thái tinh khiết nhị nguyên tương đối. Chắc chắn nó có thể khá hơn trạng thái nhị nguyên ô trược khiến con có khuynh hướng tạo nghiệp nặng hơn. Có rất nhiều, rất nhiều người trên trái đất đã theo một tôn giáo, có thể là trong nhiều kiếp sống và đã cố gắng đạt được một trạng thái do tôn giáo đó quy định. Họ đi vào trạng thái tâm cảm thấy vì họ đã làm tất cả những điều mà giáo điều và kinh điển quy định, và vì họ đã không làm tất cả những điều không được làm, do đó họ là người tốt. Họ là tín đồ tôn giáo. Họ là người tâm linh. Họ cũng có thể cảm thấy họ là người tinh khiết và là bậc thánh. Đáng tiếc thay, các chân sư thăng thiên khó tiếp cận những người này nhất, vì họ quá dính mắc vào ý niệm họ là người tốt nên các thày rất khó chỉ cho họ thấy họ không tốt theo một sự lượng định bất nhị. Họ “tốt” đối ngược với “xấu” nhưng đấy là theo thang đo nhị nguyên.

19.9. Không có tiêu chuẩn quy định thế nào là Ki-tô Hằng sống

Trong những đợt truyền giáo trước, các thày đã thấy có các đệ tử bỏ ra nhiều thập niên tìm cách sống theo một lý tưởng, nhưng họ không sẵn sàng bước lên tầng mức cao hơn và nhận ra rằng có một điểm khi cả lý tưởng cũng phải buông bỏ, vì Ki-tô Hằng sống không thể bị ép vào một lý tưởng, một mô hình, một tiêu chuẩn. Không có tiêu chuẩn quy định thế nào là Ki-tô Hằng sống. Bởi chưng Ki-tô Hằng sống là gì? Ki-tô Hằng sống là cánh cửa mở cho gì? Là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ và các chân sư thăng thiên.

Tâm vỏ ngoài, tâm đường thẳng không thể hiểu được Hiện diện TA LÀ hay các chân sư thăng thiên của con muốn làm gì xuyên qua con, muốn đem lại gì xuyên qua con. Tâm đường thẳng muốn lượng định mọi thứ dựa trên một tiêu chuẩn mà tâm đường thẳng có thể nắm bắt, có nghĩa đấy là một tiêu chuẩn thế gian có hai cực với những đặc tính có thể xác định được. Các thày không ở trong bầu cõi chưa thăng thiên, các thày không ở trong tâm thức nhị nguyên. Nếu con dính mắc với tâm đường thẳng và tiêu chuẩn của nó, thì làm sao con có thể là cánh cửa mở cho các thày? Con sẽ có lượng định vi tế như sau: “Điều này phải được biểu hiện, điều này không được biểu hiện.” Lúc ấy, các thày phải tôn trọng quyền tự quyết và bước lùi lại.

Chỉ khi nào con là cánh cửa mở thì các thày mới tuôn chảy xuyên qua con được, và cánh cửa mở có nghĩa trung hòa và trung hòa là một từ khác để chỉ sự tinh khiết. Khi con có ý định tinh khiết, khi con sẵn sàng cho phép các thày biểu lộ bất cứ gì các thày muốn biểu lộ xuyên qua con, thì lúc ấy con là cánh cửa mở. Nếu con có ý định là có một số điều phải được biểu lộ và một số điều không được biểu lộ, hoặc con muốn được biết trước và con muốn lượng định dựa theo tiêu chuẩn của tâm vỏ ngoài thì con không tinh khiết, ý định của con không tinh khiết. Khi con tới những tầng cao hơn của con đường tu, con sẽ được lợi lạc khi quán chiếu chuyện này. Các thày đã nói điều này bằng nhiều cách trước đây, nhưng các thày cố gắng lặp lại, lần này đặt trọng tâm đặc biệt vào chủ đề làm sao kết nối với các thày. 

19.10. Làm sao kết nối với Serapis Bey

Làm sao con kết nối được với thày là Serapis Bey? Con phải có một ý định trung hòa, nghĩa là con có ý định kết nối với thày nhưng con không phóng chiếu một hình ảnh đặc thù là sự kết nối đó phải xảy ra như thế nào, hình thức phải như thế nào, thày phải cư xử ra sao và ngay cả con phải cư xử ra sao. Con trung hòa. Con có ý định kết nối nhưng không có ý định đạt một kết quả đặc thù. Đây là ý định tinh khiết và khi con tới được ý định tinh khiết này bằng cách loại bỏ các ngã tách biệt, thì con thấy rằng nếu con có mối liên hệ với Tia thứ Tư, thì con sẽ kết nối được. Con sẽ trải nghiệm Hiện diện của thày.

Như các Thượng sư khác đã nói, không có gì mà thày giữ lại không cho con. Thày luôn luôn bên con vì như Giê-su đã nói: “Tâm thức Ki-tô ở khắp mọi nơi.” Tia thứ Tư và tất cả các tia khác cũng thế. Lúc ban đầu có Ngôi Lời hay Logos và Ngôi Lời ở bên Thượng đế và Ngôi Lời là Thượng đế. Nếu không có tâm thức Ki-tô hoàn vũ này không gì được làm ra đã được làm ra. Khi sự phân biệt thành hình tướng bắt đầu, nó bắt đầu với sự phân biệt thành bảy tia sáng. Từ bảy tia sáng này tất cả mọi hình tướng được tạo thành. Cho nên như tâm thức Ki-tô ở trong mọi sự, bảy tia sáng cũng thế. Con không thể tách biệt khỏi Tia thứ Tư.

Thày luôn luôn ở nơi con đang ở, con chỉ cần xoay chuyển điểm chú tâm để trải nghiệm Hiện diện của thày. Lẽ dĩ nhiên thày hy vọng và thày biết là một số các con đã trải nghiệm Hiện diện của thày trong khi nghe bài truyền đọc này. Một số các con có thể nghe lại và trải nghiệm Hiện diện của thày. Một số có thể làm các bài tập mà thày mô tả và trải nghiệm Hiện diện của thày. Trải nghiệm Hiện diện của một chân sư thăng thiên là cách kết nối với chân sư thăng thiên đó – không phải là kết nối băng qua một khoảng cách lớn rộng, băng qua một khoảng trống, băng qua một hố sâu, nhưng là trải nghiệm Hiện diện luôn luôn có mặt. Tới đây, thày niêm con trong sự tinh khiết mãi mãi thăng vượt của Tia thứ Tư mà THÀY LÀ.