Một cách tiếp cận không nhằm làm nguôi bệnh tật và cái chết

Hỏi: Con xin hỏi về ý nghĩa của một cái chết kéo dài đau đớn. Người bạn của con vừa mất hôm qua do một khối u trong não. Anh ấy phát hiện ra căn bệnh cách đây bảy tuần và trong suốt thời gian đó anh đã đau đớn rất nhiều. Anh mất hết nhân tính và trở thành giống như loài thực vật. Đâu là ý nghĩa của một cái chết như vậy đối với chúng con? Và làm thế nào chúng con có thể giúp một người thân trong hoàn cảnh như vậy?     


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Đây là một câu hỏi chạm đến rất nhiều đề tài khác nhau. Một phần rất lớn của câu trả lời luôn luôn nằm trong vấn đề nghiệp quả. Có những người là những dòng sống can đảm muốn tiến triển nhanh chóng, và ở những tầng nội tâm của họ hoặc trước khi họ đầu thai, họ đã tình nguyện chuốc lấy một chứng bệnh trầm trọng để cân bằng càng nhiều nghiệp quả càng tốt trong phần đời còn lại, hầu trong kiếp tới họ gặp được một hoàn cảnh tốt hơn. Thậm chí còn có những người chịu đựng một căn bệnh như vậy để cân bằng nghiệp quả một lần chót và hội đủ tư cách thăng thiên.    

Tuy vậy cũng có nhiều yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng, như có những người tình nguyện nhận lấy một căn bệnh ngặt nghèo để phần nào giúp người khác khởi lên lòng từ bi hay mong muốn cứu giúp. Kẻ thù lớn nhất của sự phát triển tâm linh thực sự là lòng vị kỷ, bởi vì khi tự ngã hoàn toàn tập trung vào chính nó, nó biến thành một lỗ đen. Nó biến thành một hệ thống khép kín mà Saint Germain đã có đề cập trong bài giảng tuyệt vời của thày về định luật thứ hai của nhiệt động học.

Và do đó, các vị thày tâm linh của nhân loại đã đề ra rất nhiều phương thức để giúp con người khắc phục tính vị kỷ qua lòng trắc ẩn đối với người khác – họ bị khuấy động đến độ họ sẽ dang tay giúp đỡ người khác thay vì chỉ chú trọng đến bản thân mình. Cho nên quả thực là có những người đã tình nguyện chuốc lấy đủ loại bệnh tật – như trong trường hợp nói trên – hầu khơi lên lòng vị tha nơi người khác. 

Hiển nhiên cũng có những người đã không tình nguyện chuốc lấy bất cứ gì hết, và đơn giản nghiệp quả của họ đã trở nên nặng nề đến độ nó phải bộc lộ ra dưới hình thức một căn bệnh lấy đi mọi khả năng thân xác của họ. Những người như vậy đã không sẵn lòng lắng nghe lời dạy tâm linh – thường là suốt nhiều kiếp qua – và do đó nghiệp quả đã phải giáng xuống để trao cho họ thêm một cơ hội thay đổi hướng đi trong cuộc sống. Chúng tôi là các vị thày của nhân loại, phụng sự địa cầu phần lớn để đưa ra cho mọi người một chọn lựa khác hơn là phải học hỏi qua nghiệp quả. Tiếc thay, chúng tôi chẳng làm được gì nhiều khi người ta cứ nhất định ghi danh theo học Trường đời Cay đắng. 

Cũng có một yếu tố tâm lý nhằm chỉ ra cho mọi người thấy được sự sống là nhiều hơn cuộc sống vật lý. Và đây là một điểm tác dụng trên xã hội hiện đại. Vì con thấy gì trong ngành y khoa hiện đại? Con thấy một cố gắng nhằm tạo ra tình trạng nơi bệnh tật và đau khổ bị cất giấu khỏi con mắt người đời. Gần như con thấy chuyện này ở hai đầu của kiếp người. Đã có những xã hội xem hành vi sinh sản là một đề tài cấm kỵ – đến độ người ta tin rằng trẻ sơ sinh được cò bay đến giao tận nhà, và ngay cả thời nay vẫn có nhiều trẻ em không biết gì về chuyện sinh nở. Nói cách khác, con người bỗng dưng hiện ra trong đời, rồi một ngày kia khi họ chết đi, họ cũng bỗng dưng biến mất khỏi đời.

Nhưng thực tế, tất nhiên, là những gì con tạo ra trong tâm thức thì con cũng phải trải nghiệm trong thế giới vật lý. Bởi vì vũ trụ là một tấm gương. Và điều mà ngành y khoa hiện đại đã làm là cố tạo ra một tình trạng nơi họ có thể chữa trị mọi bệnh tật hay giảm bớt mọi cơn đau để con người không phải trải nghiệm hậu quả trạng thái tâm thức của mình. Bất kỳ chứng bệnh nào cũng là sự hiển thị của một điều kiện nào đó trong tâm thức. Và trong nhiều trường hợp, quả thực bệnh tật có khả năng đưa người bệnh tới điểm nhận ra là mình cần thay đổi, mình cần lượng định lại cuộc sống của mình. Nó có thể kích hoạt sự tăng trưởng tâm linh mà bình thường sẽ không xảy ra nếu họ vẫn luôn mạnh khỏe và chỉ lo thụ hưởng đời sống vật chất bề ngoài. 

Cho nên câu hỏi này gắn liền với một câu hỏi khác về đau khổ. Bởi vì có những người sẽ không chịu học hỏi một cách nào khác. Họ sẽ không học hỏi từ giáo lý tâm linh hay những lời gợi nhắc từ cái ta Ki-tô của họ. Và trong trường hợp đó, cõi vật lý, năng lượng của Mẹ, sẽ trở thành vị thày của họ. Và đó là tại sao cơ thể vật lý của họ bắt đầu biểu lộ ra những điều kiện tâm lý bất toàn ở bên trong.

Đối với một số người chứng kiến người khác phải trải qua sự đau đớn của một căn bệnh ngặt nghèo, họ cũng có thể nhận được ích lợi tâm lý. Hiển nhiên, chúng tôi thà là mọi người học hỏi qua lời dạy tâm linh thay vì phải thấy chính tâm thức mình trình chiếu ra một cách quá khắc nghiệt. Nhưng khi con người không sẵn lòng học hỏi thì chúng tôi phải cho phép Luật Tự quyết trải bày ra để họ thấy được cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và họ không thể thực sự trốn tránh những hậu quả của chọn lựa của mình. Con không thể luôn luôn dùng thuốc giảm đau để làm cho mình tê dại và không còn cảm giác gì nữa.

Về câu hỏi là con có thể làm gì để giúp đỡ những người như vậy, thì câu trả lời là con hãy an bình – để khi con ở bên họ, con không rơi vào cả hai cái bẫy của nhị nguyên, một là nỗi thương xót phàm phu, và hai là niềm tê dại để mình không cảm thấy gì.

Con hãy cho phép mình cảm thấy một niềm an bình nội tâm đem lại cho con lòng trắc ẩn đích thực. Rồi con có thể giúp họ, tạo cảm hứng cho họ lượng định lại cuộc sống, miễn là họ đủ tỉnh táo để làm chuyện đó. Nếu họ đã đi quá mức để có thể tỉnh táo, con có thể, một lần nữa, giữ tâm an bình và giữ sự cân bằng tâm linh cho họ.

Và tất nhiên, chắc chắn con có thể đọc các bài thỉnh và bài chú, để nơi nội tâm, dòng sống đó có thể thức tỉnh mà học được bài học – cho dù tâm vỏ ngoài không còn khả năng học hỏi do đã mất tỉnh táo. Con cũng có thể làm việc với những người chung quanh người bệnh và tìm cách giúp họ lượng định lại đời sống của họ và có được một tầm nhìn tâm linh hơn về cuộc sống.

Khi con trải qua một trận ốm nặng hay con chứng kiến cảnh người thân phải chịu một chứng bệnh hay đau đớn tột cùng – có khi người thân của con suy yếu tới mức con không còn nhận ra họ là con người, hay chắc chắn không phải là con người mà con đã từng quen biết – thì lẽ tự nhiên cảm xúc của con sẽ bị tác động. Nhiều người bị kinh nghiệm đó gây chấn thương, đến độ họ không còn chọn lựa nào khác hơn là đóng chặt cảm xúc mình lại, và mình bị tê đi để không phải chịu đựng nỗi khổ sống qua căn bệnh hay nhìn thấy người thân đau đớn. Điều không thể tránh khỏi là khả năng suy nghĩ minh mẫn của họ sẽ bị che phủ như trong mây mù. 

Một phản ứng thông thường khác là cảm giác vô cùng mạnh mẽ, cảm giác bao trùm lên tất cả rằng mình bị bất lực, mình bị tê liệt không thể làm gì để đem lại thay đổi tích cực – cảm giác rằng chuyện này thật là bất công. Rồi tình trạng bất lực trước hoàn cảnh vỏ ngoài đó thường chuyển thành một nỗi oán hờn bên trong, hay một cơn giận ngày càng dữ dội đến độ cuối cùng nó phải trào ra ngoài và hướng về một ai đó. Một số bệnh nhân đâm ra tức giận đối với người thân hay ngay cả với những người chăm sóc cho mình. Một số khác trút nỗi giận lên Thượng đế, và trong sự phẫn nộ tột cùng, họ thường chất vấn tại sao Ngài lại để cho chuyện đó xảy ra cho họ.

Điều thày muốn nói là mặc dù cả hai loại phản ứng đều có thể hiểu được, nhưng câu hỏi thật sự là liệu cách phản ứng như vậy sẽ có giảm bớt nỗi đau và cải thiện tình trạng thể chất của mình hay không, hay nó sẽ chỉ khiến cho mọi sự tồi tệ hơn?

Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, không hề vô cảm trước nỗi thống khổ của loài người. Kỳ thực, trong cương vị đại diện đấng Ki-tô Toàn vũ cho địa cầu, quả thực là ta cảm được – ở một tầng nhất định trong bản thể của ta – niềm khổ đau của từng con người trên trái đất. Như ta đã nói cách đây 2000 năm: “Hễ các người làm điều gì cho một ai hèn mọn nhất trong anh em của ta, thì các người đã làm điều đó cho chính ta” (Matthew 25:40).

Nhưng ta cũng nhận biết trọn vẹn rằng ta là nhiều hơn nỗi đau khổ, và mỗi người trên địa cầu cũng nhiều hơn nỗi đau khổ. Cho nên ta thấy được rõ ràng là để con người trên trái đất thoát khỏi khổ đau, họ cần kết nối lại với thực tại rằng họ cũng là nhiều hơn vậy – một thực tại mà ta từng mô tả: “Và họ sẽ không bảo, Kìa ở đây! hay kìa ở đó! Bởi vì con hãy nhìn, vương quốc Thượng đế ở ngay trong con.” (Luke 17:21)

Vì vậy, tuy rằng các chân sư có lòng từ bi siêu phàm đối với mọi con người đang đau khổ, nhưng chúng tôi không bao giờ bị chìm đắm trong lòng trắc ẩn và luôn luôn cầm giữ niệm tinh khôi rằng con người sẽ nâng cao tâm thức và khăc phục được những giới hạn vỏ ngoài của mình.

Chỉ bằng cách đi vào bên trong mà con mới có thể kết nối với cái ta toàn vẹn của con. Cái ta này là nhiều hơn cái ngã giới hạn bị kẹt trong thân xác vật lý, là cái thân xác đang trải qua một cơn bệnh hay đang chứng kiến một thân xác khác trải qua cơn bệnh. Đạt đến sáng ngộ này là một vấn đề nâng cao tâm thức, nâng cao tầm hiểu của con về cuộc sống. Và nó đòi hỏi một mức suy luận sáng suốt về sự tình – một điều con không thể làm được khi tinh thần con bị suy sụp về cả mặt lý trí lẫn tình cảm, hay khi con cho phép cảm xúc của mình trào ra điên cuồng trong sự nóng giận và đổ lỗi. Ta hoàn toàn hiểu được là lời dạy này sẽ không giúp được mọi người, nhưng con hãy cho phép ta gợi ra một phương thức cho những ai vẫn còn khả năng suy nghĩ thấu đáo. 

Như ta đã giải thích ở một nơi khác, cảm xúc của con ở một tầng thấp hơn thể lý trí. Cho nên khi con đóng chặt cảm xúc mình lại, hay con để mặc cho nó chạy cuồng loạn, nguyên nhân thực sự nằm trong trí thể của con. Và nguyên nhân là vì con không thể nhìn ra ý nghĩa của tình huống, con không thể hiểu được – và do đó con không thể chấp nhận – tại sao nó lại xảy ra. Con cảm thấy tình huống bị áp đặt lên con một cách bất công bởi một thế lực bên ngoài, cho dù đó là cuộc sống, là số mạng hay Thượng đế.  

Hãy để ta gợi ý nguyên do tại sao quá nhiều người trong xã hội hiện đại không thể hiểu và không thể chấp nhận đau khổ, đó là vì cả hai hệ tư tưởng đang thống trị xã hội này – ta muốn nói là cả đạo Cơ đốc chính mạch lẫn nền khoa học duy vật – không có khả năng đem lại cho họ câu trả lời xác đáng. Vì họ không có câu trả lời cho nên trí thể của họ bị tê liệt và họ không thể kiểm soát cảm thể của họ.

Do đó, mặc dù họ có thể đang rất xúc động và khó lòng kểm chế cơn xúc động một khi nó đã vượt ngoài tầm kiểm soát, câu trả lời thực tiễn duy nhất là họ phải bắt đầu thay đổi cái nhìn của mình về bệnh tật và đau đớn. Nó đòi hỏi họ phải vượt xa hơn cái nhìn về cuốc sống mà cả tôn giáo lẫn khoa học đang đưa ra.

Bắt đầu ở đâu đây? À, không có cách bắt đầu nào hay hơn là quyển sách của Mẹ Mary nơi thày giải thích thực tại cơ bản của cuộc sống:

  • Tâm con có khả năng hình thành tâm ảnh.
  • Con đã được ban cho quyền tự quyết hình thành bất cứ tâm ảnh nào con muốn.
  • Vũ trụ được cấu tạo bằng một chất gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật. Chất này có khả năng khoác vào bất kỳ hình dạng nào.
  • Ánh sáng Mẫu-Vật tạo thành một loại gương vũ trụ. Bất cứ tâm ảnh nào con giữ trong tâm – ngay cả ở dưới mức ý thức – cũng sẽ được áp chồng lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và ánh sáng sẽ khoác vào hình dạng vật chất tương ứng với tâm ảnh của con.
  • Cho dù con cầm giữ tâm ảnh nào trong tâm đi nữa, cuối cùng con sẽ trải nghiệm nó dưới hình thức những hoàn cảnh vật chất trong đời con.
  • Chìa khóa để thay đổi hoàn cảnh vật chất của con là thay đổi tâm ảnh trong tâm, nghĩa là trong cả bốn tầng của tâm con.

Ta cũng biết thế giới quan nói trên thật là đối chọi với thế giới quan mà cả tôn giáo lẫn khoa học đều đưa ra cho nhân loại. Thế giới quan mà con đã được dạy dỗ khi lớn lên đã được thiết kế để trấn an con và khiến con nghĩ rằng con không có quyền làm chủ vận mạng cũng như các hoàn cảnh vật lý của mình. Điểm này đã được giải thích tường tận hơn ở những nơi khác và ta sẽ không bàn sâu hơn ở đây.

Nếu con bị bệnh và đến tham vấn một vị tu sĩ, vị đó sẽ bảo con cầu nguyện, và nếu cầu nguyện không đem lại kết quả thì dường như con không có cách nào khác nữa. Nếu con đi tham vấn một bác sĩ, vị ấy sẽ bảo con sử dụng y học hiện đại, và nếu y học không đem lại kết quả thì con cũng không có cách nào khác. Cả hai hệ thống tín ngưỡng đều nhằm trấn an con, khiến cho con nguôi dịu, bằng cách bác bỏ sự kiện con chính là kẻ mang trách nhiệm bệnh tình của mình, bác bỏ bệnh tật là cách thức mà các điều kiện trong tâm con trình chiếu ra ngoài, và con có khả năng thay đổi điều kiện vật lý bằng cách thay đổi điều kiện nội tâm.

Vấn đề là cả hai nền triết lý đó đã dạy con người rằng họ không mang trách nhiệm tối hậu về đời họ, và đây là một thông điệp mà tự ngã con người rất thích nghe. Cho nên ta hiểu rõ là nhiều người sẽ khó lòng xoay chuyển và công nhận rằng BẤT KỲ tình huống vật chất nào cũng đều do tâm tự tạo ra và do đó cũng có thể được tâm tháo gỡ bằng cách thay đổi tâm.

Con có thấy điều ta nói ở đây? Tôn giáo bảo con rằng bệnh tật là do hoàn cảnh bên ngoài gây ra và nếu cầu nguyện không đem lại kết quả, con sẽ không còn chọn lựa nào khác. Khoa học bảo con rằng bệnh tật là do hoàn cảnh bên ngoài gây ra và nếu y học không đem lại kết quả, con cũng không có chọn lựa nào khác. Cả hai đều dẫn đến sự tê liệt, và như ta vừa giảng ở trên, đau khổ là do sự tê liệt như vậy gây ra.

Thế giới quan mà ta gợi ý ở đây loại bỏ tình trạng tê liệt đó bằng cách chủ trương bất kỳ hình thức khổ đau nào cũng mang sẵn tiềm năng học hỏi một bài học quan trọng trong đời, một bài học sẽ hữu ích cho con xa hơn cả kiếp này cùng tâm trạng đau khổ hiện thời của con. Tất nhiên, cái giá con phải trả là con phải chấp nhận mình mang trách nhiệm tối hậu về cuộc đời mình. Nhưng một khi con làm điều đó, con sẽ không bao giờ cảm thấy bất lực, tê liệt nữa. Và như thế, khổ đau hoặc sẽ giảm bớt, hoặc sẽ được thay thế bởi niềm vui khi con chú tâm vào tăng trưởng tâm linh.

Hơn thế nữa, khi con chuyên tâm học hỏi và khám phá bài học ẩn giấu sau mỗi tình huống vỏ ngoài, rất có thể con sẽ khắc phục được nguyên nhân đã tạo ra căn bệnh vật chất. Và điều này có thể khiến cho căn bệnh dù trầm trọng đến đâu cũng biến mất – trong nghĩa đen – như trong phép lạ. Kỳ thực chẳng có phép lạ gì cả, mà chỉ là sự ứng dụng những định luật tự nhiên vượt ngoài mức hiểu biết hiện thời của cả khoa học lẫn tôn giáo.   

Thực tế là khi người bệnh chấp nhận một trong hai hệ thống tín ngưỡng đang thống trị xã hội hiện đại, kết quả tất yếu sẽ là sự tê liệt. Điều này sẽ ngăn chặn mọi cách giải quyết điều kiện nội tâm đã tạo ra căn bệnh, và do đó nó sẽ ngăn chặn việc chữa trị. Con thử nhìn xem biết bao người tin vào bác sĩ khi họ nghe tin bệnh tình của mình không có cách chữa. Và khi họ chấp nhận như vậy, họ cũng chặn đứng khả năng giải quyết nguyên nhân căn bệnh.

Con cần hiểu rõ là ở đây ta không nói đến niềm hy vọng hão huyền mà quá nhiều nhà truyền đạo Cơ đốc cổ võ. Việc cầu nguyện – ngay cả khi toàn thể họ đạo cầu nguyện cho con – cũng không đủ đâu. Liệu con có thấy việc đó chỉ thể hiện hệ thống tín ngưỡng nhằm trấn an con và làm cho con nguôi dịu khi bảo rằng đức Chúa Trời, đức Mẹ Mary hay chính thày sẽ phải chữa bệnh cho con qua một phép lạ? Kỳ thực, chính con mới là người đem đến “phép lạ”, tức là phép lạ của tâm khi một chuyển đổi của tâm cũng chuyển đổi các điều kiện vật chất.

Con có thấy chăng là cả khoa học lẫn tôn giáo đều bảo con thế giới vật chất là thực, và các điều kiện vật chất có một thực tại tối hậu hay chăng? Nhưng điều thày nói với con là thế giới vật chất chỉ mang một sắc diện tạm thời, và thực tại của nó không hơn gì chính thực tại mà con đã trao cho nó trong tâm con. Mọi đau khổ trên địa cầu là do tâm con người tạo ra. Và cái do tâm tạo ra có thể được tâm gỡ bỏ – nhưng chỉ khi nào tâm con chuyển hóa thành tâm Ki-tô. Điều này sẽ chỉ xảy ra khi con khám phá và chấp nhận trọn vẹn vương quốc Thượng đế nằm bên trong chính con, và vương quốc này nằm trong tầm tay của con, nghĩa là con có khả năng nâng cao tâm thức ngay bây giờ và thay đổi các điều kiện vỏ ngoài của con ngay bây giờ.

Khi đó, con sẽ có khả năng giữ lấy niệm tinh khôi, hoặc cho con, hoặc cho người khác – như Mẹ Mary có giải thích trong sách của thày. Đây là điều dũng mãnh nhất mà con có thể làm cho người khác, và nó đòi hỏi con không bao giờ chấp nhận bất kỳ giới hạn vật lý nào là thực, mà ngược lại con luôn luôn trụ tâm trong viễn quan tích cực và hiểu biết tuyệt đối – vượt khỏi mọi tín ngưỡng bình thường – rằng Ánh sáng Mẫu-Vật rốt cuộc sẽ trải bày ra hình ảnh toàn hảo mà con đã phóng chồng lên nó. Tuy nhiên, muốn giữ được niệm tinh khôi một cách trọn vẹn, con không thể là một ngôi nhà phân rẽ, và đó là tại sao con phải gắng sức giải quyết các điều kiện tâm lý đã tạo ra căn bệnh ở khởi thủy. Một khi con ngộ được điều ta mô tả ở đây – một sự chứng ngộ vượt khỏi tín ngưỡng, vì nó sử dụng chìa khóa của hiểu biết đích thực – con sẽ nắm được chân lý trong câu nói của ta, rằng đối với con người thì việc đó không thể, nhưng đối với Thượng đế thì tất cả mọi việc đều có thể. Nguyên trang mạng này chỉ nhắm mục đích giúp con khám phá và chấp nhận thực tại đó. Vậy con hãy học hỏi và đem ra áp dụng