Quyền tự quyết của con tự quyết đến mức nào?

Nghe bài thu âm

Hỏi: Liệu ý chí tự quyết của tâm thức của con ngay bây giờ có tách rời khỏi linh hồn con, như linh hồn tách rời khỏi Hiện điện TA LÀ? Chẳng hạn, nhiều khi con cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, nhiều khi khác con lại quyết định mình sẽ không là. Nhiều lúc khác nữa, con cảm thấy rất thành tâm, cả quyết và háo hức về con đường tâm linh của mình. Có phải là linh hồn con hiểu điều này rõ hơn cái ta đường thẳng của con, hay là nó cũng bị ràng buộc tương tự như Hiện diện TA LÀ bị ràng buộc bởi quyền tự quyết của linh hồn con?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Nếu con nghiên cứu một số sách về trải nghiệm cận tử (near-death experience) hay những người nhớ lại tiền kiếp, nhớ lại cách dòng sống của mình hoạch định những kiếp đầu thai như thế nào, con sẽ thấy đối với hầu hết mọi người, toàn bộ dòng sống không chỉ là những điều mình nhận biết một cách ý thức, mà là nhiều hơn vậy. Nói cách khác, trước khi con đi vào hiện thân, con có khả năng nhìn lại toàn diện hành trình tiến hóa của con, và con làm điều này một cách không dính mắc. Nhờ vậy, con có thể hoạch định một cách thật hữu lý và chi tiết về những điều con muốn thực hiện trong kiếp kế tiếp.

Khi dòng sống đi vào một xác thân vật lý, nó mất hết ký ức về cái nhìn bao quát này, tức sự nhận biết toàn bộ của nó. Một số người khi còn nhỏ có thể nhớ lại một vài trải nghiệm hay ký ức, nhưng sau đó họ thường quên đi khi họ đâm đầu vào cuộc sống hàng này trong vũ trụ vật chất. Chỉ có những dòng sống đã trưởng thành cao độ về tâm linh trong những kiếp trước mới giữ được phần lớn sự nhận thức và ký ức đó. Tuy vậy, đa số hành giả tầm đạo thường có một trực nhận mạnh mẽ về những điều họ muốn đạt đến trong cuộc đời.

Cho nên có thể nói, khi dòng sống của con đi vào thân xác, ý niệm bản sắc và sự nhận biết của nó trở nên hạn chế hơn rất nhiều so với trước khi hiện thân. Vậy điều gì định đoạt mức nhận biết ý thức của con? 

Như chúng tôi có giải thích, cốt lõi của con là cái Ta Biết. Cái Ta biết khởi đầu với một ý niệm cái ta nhỏ như cái chấm, và khi nó có thêm trải nghiệm trong vũ trụ vật chất, nó sẽ mở rộng ý niệm cái ta này, mở rộng phạm vi nhận biết toàn diện của nó. Nó mở rộng cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Chiều dọc là khi nó tăng cường sự kết nối với Hiện diện TA LÀ, tiến tới sự hợp nhất hoàn toàn với Hiện diện (quả vị Ki-tô cá nhân). Và chiều ngang là khi nó bành trướng tầm hiểu biết về thế giới vật chất cùng sự vận hành của thế giới vật chất. 

Cho nên, tầm nhận biết mà con có trước khi con đầu thai được định đoạt bởi cái Ta Biết đã bành trướng phạm vi cái ta của nó nhiều hay ít. Phạm vi này càng rộng – tức là sự nhận biết càng nhiều – thì con càng thấy nhiều chọn lựa mở ra cho con. Nói cách khác, cái Ta Biết là trung tâm của ý chí tự quyết của con. Cái Ta Biết dù có toàn quyền tự quyết nhưng nó chỉ có thể chọn trong số các chọn lựa mà nó thấy hay tưởng tượng được mà thôi. Và những chọn lựa mà con thấy tùy thuộc vào phạm vi nhận biết của con rộng tới đâu. Hay nói cách khác nữa, khi con hoạch định sứ vụ thiêng liêng cho kiếp kế tiếp, con có thể truy cập toàn bộ tầm nhận biết mà con đã đạt được qua tất cả các kiếp sống.

Vậy điều gì xảy ra khi con đầu thai? Như ta đã giải thích ở nơi khác, cái mà hầu hết mọi người gọi là linh hồn thật ra chỉ là cỗ xe gồm bốn thể phàm mà cái Ta Biết tạo ra để làm phương tiện biểu hiện trong bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất. Cỗ xe 4 tầng này được tạo dựng suốt nhiều kiếp sống, và như ta giải thích, đại đa số con người trên địa cầu đã rơi xuống tâm thức nhị nguyên. Có nghĩa là cỗ xe linh hồn được cấu tạo bằng rất nhiều ảo tưởng của tâm thức nhị nguyên, và nó cũng tồn trữ rất nhiều năng lượng tha hóa. Tất cả những thứ này sẽ giới hạn tầm nhận biết của cỗ xe linh hồn. 

Trong khoảng chuyển tíếp giữa hai kiếp đầu thai, con có thể – nếu con có chút trưởng thành tâm linh – nhìn vào hoàn cảnh của mình với sự nhận biết toàn diện của cái Ta Biết. Nhưng khi con đi vào xác thân, con sẽ bắt đầu nhìn cuộc sống xuyên qua cỗ xe linh hồn, nghĩa là tầm nhận biết của con bây giờ bị hạn chế bởi phin lọc của cỗ xe 4 tầng. Cũng tựa như con đang đứng trên khoang tàu nhìn rộng thênh thang tứ phía, rồi khi con đầu thai con phải mặc vào một bộ đồ lặn chỉ có một lỗ cửa sổ nhỏ xíu để nhìn ra thế giới.   

Vậy giờ con thấy là có hai điều con cần xem xét. Trước hết là mức nhận biết mà cái Ta Biết đã xây dựng suốt nhiều kiếp sống. Con sẽ sử dụng tầm nhận thức này để họach định kiếp kế tiếp của con. Tuy nhiên khi con giáng thế vào một thân xác, con thường đánh mất nhận thức này. Rất nhiều trẻ nhỏ vẫn giữ được một nhận thức nào đó về thời điểm giữa hai cuộc đầu thai, nhưng khi nó lớn lên nó thường sẽ quên mất hết. Cho nên điều xảy ra là tầm nhận biết của con nay bị giới hạn trong những gì con thấy được qua phin lọc của cỗ xe 4 tầng.

Một lần nữa, cái Ta Biết là trụ sở của ý chí tự quyết, và về mặt kỹ thuật, ý chí của con luôn hoàn toàn tự do. Nhưng trên thực tế, cái Ta Biết chỉ có thể chọn một trong số những chọn lựa mà nó nhìn thấy, và đó là tại sao con cảm thấy bị giới hạn bởi cỗ xe linh hồn. Nhiều người tâm linh cảm nhận được mình là nhiều hơn cái linh hồn này, và họ cảm thấy họ có khả năng chọn lựa tốt hơn, tuy nhiên họ không thể – trong ý thức – hình dung hay chấp nhận các chọn lựa mở ra cho họ, và vì thế họ bị kẹt lại. Điều này có thể khơi lên một cảm giác vô vọng. 

Nhưng cái hay của giáo lý Ta Biết là cái Ta Biết KHÔNG phải là linh hồn. Cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết, nghĩa là nó có khả năng tự phóng chiếu ra bất cứ nơi đâu nó muốn. Bất kể trình độ nhận biết của linh hồn là gì, cái Ta Biết luôn luôn có sự lựa chọn là nó có thể ngưng tự đồng hóa toàn diện – một cách cố tình – với cỗ xe 4 tầng. Lúc đó con sẽ có thể tự chiêm nghiệm mình là sự nhận biết thuần khiết, nghĩa là tuy con có ý thức, nhưng con không chiêm nghiệm thế giới qua phin lọc của cỗ xê linh hồn nữa. Con nay chiêm nghiệm rằng con là nhiều hơn linh hồn.  

Một khi con bắt đầu có khung sườn đó, con sẽ ngừng tự đồng hóa với cỗ xe 4 tầng. và điều này sẽ giúp con gạt bỏ nhiều ảo tưởng của tâm thức linh hồn.  Khi con cũng vứt bỏ năng lượng của cỗ xe linh hồn, con sẽ làm sáng tỏ và mở rộng tầm nhìn của con, có nghĩa là con sẽ lần hồi nhìn thấy được sứ vụ thiêng liêng mà cái Ta Biết đã thảo ra trước khi đầu thai. Nói cách khác, cho dù linh hồn con có nhận biết thấp đến đâu đi nữa trong những kiếp trước, con sẽ luôn luôn có sự chọn lựa để vươn lên tới mức nhận biết toàn diện mà cái Ta Biết đã đạt được. Nghĩa là con sẽ luôn luôn có khả năng khám phá và hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con – nếu con áp dụng các giáo lý và dụng cụ tâm linh mà chúng tôi đã cho con.   

Điều ta muốn nói là khi con phân biệt được cái Ta Biết với cỗ xe 4 tầng, con sẽ thấy rằng chính cái Ta Biết mới là “người” chọn lựa. Cái mà hầu hết mọi người gọi là linh hồn thực sự không phải là trụ sở của quyền tự quyết (trừ khi con định nghĩa linh hồn bao gồm cả cái Ta Biết), và chức năng của linh hồn là để hạn chế các chọn lựa mà cái Ta Biết có thể thấy hay mường tượng trong khi đầu thai.

Cũng giống như con đang bước đi trong một toà nhà tối om với một chiếc đèn pin nhỏ xíu và con bước tới hai cánh cửa. Tất nhiên con sẽ nghĩ con phải đi qua cửa này hay cửa kia. Nhưng giả sử có một cánh cửa thứ ba và một cánh cửa thứ tư mà con không nhìn thấy. Chỉ khi nào con mở rộng tầm chiếu của đèn pin thì con mới sẽ thấy được hai cánh cửa kia.

Cho nên khi con khám phá con đường tâm linh, nhiệm vụ đầu tiên của con là sắp đặt lại nhân cách vỏ ngoài và ý thức tự quyết của con cho đứng thẳng hàng với sự nhận biết rộng lớn hơn và sự chọn lựa sâu xa hơn của cái Ta Biết. Một khi nhân cách và nhận biết đã phù hợp với cá thể đích thực của Ta Biết, con mới có thể bắt đầu xây tiếp để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng và thể hiện khả năng sáng tạo mà Thượng đế đã ban cho con. Cũng có thể nói, nhiệm vụ hàng đầu của con là khiến cho cái Ta Biết ý thức được nó thực là ai, thay vì cứ tưởng nó bị giới hạn bởi cỗ xe 4 tầng của nó.   

Con có đề cập đến cảm giác vô vọng và con đã nhiều lần chọn là con sẽ “không là”. Đây là điều mà nhiều người tầm đạo cũng gặp phải, bởi vì đó là một phần không thể thiếu của con đường tâm linh. Ta sẽ giải thích tại sao.

Trong suốt nhiều kiếp trước, đa số con người đã tạo ra một động lượng mỗi khi mình chọn lựa. Nếu con đã chọn một cách phản ứng trong một tình huống nào đó, và nếu con cứ tăng cường chọn lựa này suốt nhiều kiếp, con sẽ tạo ra một khuôn nếp phản ứng. Như thày Gautama có giải thích trong một bài giảng then chốt, bất cứ gì mà con tập trung chú ý vào sẽ thấm nhuần một dạng tâm thức nào đó, và nó có thể tạo dựng ra một con “quái vật”. Điều này trong một số giáo lý huyền bí được gọi là “kẻ ngụ trên ngưỡng cửa”. Lý do có cái tên này là vì quái vật ngụ trên ngưỡng cửa của một mức tâm thức mới. Cho nên để vượt lên khỏi mức tâm thức hiện thời, con sẽ phải đối mặt và khắc phục kẻ ngụ trong những lực đẩy cũ của con, là những lực tàn dư đã buộc chặt con với mức tâm thức hiện thời.

Nếu con so sánh điều này với câu hỏi muôn thuở của Hamlet: “Là hay không là”, chúng ta có thể nói rằng trong những kiếp trước con đã xây dựng một động lượng khi chọn không-là. Để vượt lên mức cao hơn, con phải khắc phục những động lượng này. Hầu hết những người không tâm linh có thể sống cả đời mà không gặp những lực cũ đó, tức “kẻ ngụ” đang chắn ngưỡng cửa. Nhưng đối với người tâm linh thì khác, nếu mình muốn thăng tiến thì nhất định sẽ phải gặp mặt một hay nhiều “kẻ ngụ” của mình. Và khi con làm vậy, trong một thời gian con sẽ cảm thấy sức nặng của động lượng không-là mà kẻ ngụ được tạo ra từ đó.

Động lượng này được tạo bằng những tin tưởng nhị nguyên của tự ngã lẫn những động lượng của năng lượng thấp, và nó sẽ cho con cảm giác là con không thể sống mà không có nó, và con – tức là sự tự nhận biết của con – sẽ chết nếu con “giết con rồng của kẻ ngụ”. Chìa khóa để vượt qua cảm giác vô vọng này là chiêm nghiệm cái biết thuần khiết. Qua đó, con sẽ nhận ra rằng điều tự ngã vừa nói với con là thật. Thật thế, sự tự nhận biết do tự ngã và kẻ ngụ dựng lên sẽ chết đi, nhưng điều này không có nghĩa là CON sẽ chết, bởi vì con không là cỗ xe 4 tầng, mà con là cái TA Biết, tức là cái biết thuần khiết, và con không thể chết khi kẻ ngụ chết.     

Đây là cách đích thực duy nhất để con tách con ra khỏi kẻ ngụ và buông bỏ nó, dù là nó có thể chết vì đói hay nó bị trói lại và được Đại thiên thần Michael hóa giải. Và một khi một kẻ ngụ nào đó bị giết chết, con sẽ cảm thấy một niềm tự do mới sẽ kéo dài cho tới khi con vượt lên tầng kế tiếp và gặp mặt kẻ ngụ kế tiếp. Tuy nhiên, một khi con ý thức được tiến trình này rồi, càng ngày con sẽ càng thấy dễ tránh khỏi sự đồng hóa với kẻ ngụ. Con chỉ đơn giản thấy nó là như thế và buông bỏ nó một cách vô điều kiện.  

Một lần nữa, tự ngã và kẻ ngụ sẽ có tác dụng giới hạn những chọn lựa mà con thấy được, hoặc giới hạn khả năng/ý muốn của con để chọn lựa tốt hơn quá khứ. Cho nên chúng ta có thể nói, cho tới khi nào con vượt qua những động lượng cũ, con sẽ không có tự do chọn lựa. Điều ta muốn nói là mặc dù ta không ngừng bảo con là con có quyền tự quyết, nhưng con nên xét xem quyền tự quyết của con thật sự tự quyết đến mức nào. Và tất nhiên, tự do chọn lựa của con sẽ tùy thuộc vào tầm nhìn, tầm nhận biết và ý niệm cái ta của con.