Tránh sử dụng một giáo lý tâm linh chân truyền để ngăn chặn sứ vụ thiêng liêng của mình

Hỏi: Thày yêu dấu, con là một hành giả chuyên cần, như người ta gọi như vậy, trên đường tu tập nội tâm. Con thành tâm đối với thày là Chân sư con cùng hai vị chân sư nữa mà con có liên hệ chặt chẽ hơn bình thường. Con đã phục vụ các chân sư một cách trực tiếp với tư cách là nhân viên của một vị sứ giả của các chân sư khi vị ấy còn họat động. Và con cũng đã nhiệt thành tu tập Ngọn lửa Linh thiêng cùng các giáo lý liên hệ. Ngay lúc này, con cảm thấy bối rối vì con biết trong nội tâm, con cần mở rộng việc phụng sự của con ra thế giới qua ngành phim ảnh. Là một diễn viên, con mong muốn thể hiện Chân ngã của con qua cách đó, cũng như người anh em họ của con cũng sẽ làm tương tự trong vai trò đạo diễn. Nhiều năm trước đây, một đồng sự của thày là thày Saint Germain dũng mãnh, có gọi dự án bộ phim này là “nhằm cách mạng hóa các khuôn nếp tư duy trên thế giới” và chỉ đạo chúng con liên lạc trước tiên với một số người có ảnh hưởng và quyền thế để chúng con có đường vào, rồi sau đó mới tiếp xúc với quần chúng. Chúng con đã phấn đấu và kiên trì hết sức mình, thế nhưng giờ đây chúng con có vẻ đã tiến xa hơn nhưng vẫn thiếu phần tài trợ, thậm chỉ thiếu cả tiền chờ sống qua ngày.

Vậy con xin hỏi, con có phạm luật lệ gì không nếu con sử dụng quyền năng ánh sáng mà con đã học hỏi như một đứa con của Thượng đế, và chuyển nó sang một thế giới đang cần đến điện ảnh và xử sự một cách mà một người Lãnh đạo Đọc bài chú bị cấm không được làm? Con tin rằng có một bài học nào đó cho mọi người qua kinh nghiệm mà con đã phải bỏ qua, khiến con giờ đây lại bị suy sụp, nhiều khi không còn biết nhờ ai và làm gì, nhưng cũng có những lúc khác con lại nhìn thấy thiên đàng ngay trước cửa.

Con cần sự hướng dẫn thưa thày, và dù có tu tập mỗi ngày, con vẫn chưa phát triển được khả năng nghe được thày rõ ràng trực tiếp trong tim con.


Trả lời của chân sư Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Đệ yêu dấu, ta vô cùng thương xót con cũng như rất nhiều dòng sống chân thật khác đã luôn trung thành với các giáo lý của chân sư thông qua một số tổ chức mà các chân sư đã cộng tác trong thế kỷ qua và lâu hơn thế nữa. Con có lý khi nói rằng kinh nghiệm bản thân của con mang một bài học quý giá cho mọi hành giả tìm đạo tâm linh, đặc biệt là các học trò của các chân sư thăng thiên.

Nhiều dòng sống đã được trao cho viễn kiến về mục đích sống cao hơn của họ trong đời, là sứ vụ thiêng liêng của họ, nhưng khi phải đem viễn kiến này vào thực tế vật lý, họ thường tự cảm thấy thiếu sót, hoặc họ cảm thấy thế gian đáp ứng thiếu sót đối với họ. Điều này khiến một số bị nản lòng hay trở nên bối rối. Ta có thể bảo đảm với con rằng con không phải là người duy nhất trong số các học trò của chân sư lâm vào tình trạng khó khăn như thế. Trên thực tế, có quá nhiều người đang gặp bế tắc, và thực sự ta ước gì có thể giúp họ tiến tới.

Thật không may, một số đã không sẵn sàng lắng nghe những gì ta đã nói qua sứ giả này, và ta khen con đã sẵn lòng hỏi ta câu hỏi trên. Thật sự ta có thể cam đoan rằng một số các chân sư khác mà trong quá khứ đã đỡ đầu một số tổ chức khác nhau, rất mong muốn tiếp cận với các thành viên của các tổ chức này để trao cho họ những tiết lộ tuần tự ở mức kế tiếp. Vậy hãy để ta nói với con, cùng mọi người khác có tai để mà nghe, một số ý tưởng để con suy ngẫm.

Ý thứ nhất

Ý tưởng chủ yếu mà con cần suy ngẫm là: Hãy bước tiếp tới. Khi con thấy mình bị kẹt cứng trong chán nản hay bối rối – hoặc trong bất kỳ loại giới hạn nào khác của con người – thường chỉ có một lối thoát duy nhất, đó là thăng vượt trạng thái tâm thức hiện thời để đạt tới một sự hiểu biết cao hơn và một cái nhìn quân bình về tâm Ki-tô. Điều giản dị là khi con đã làm cùng một chuyện trong một thời gian mà vẫn chưa đạt được mục tiêu, thì đã đến lúc con nên thử một phương cách khác. Sự bướng bỉnh và thiếu mềm dẻo sẽ không đưa con lên thiên đàng, nhưng sự linh động uyển chuyển của tâm Ki-tô – là sự linh động không làm sự thật tổn thương – sẽ giúp con đạt được mục tiêu thực sự của mình.

Vấn đề là trước khi con có thể có được tầm nhìn quân bình, con phải sẵn sàng buông bỏ những tin tưởng và kỳ vọng hiện thời của con về cách cuộc sống hoặc đường tu tâm linh phải trải ra làm sao. Và đây chính là điểm mà nhiều hành giả chân thành bị mắc kẹt trong một thời gian, có khi kéo dài cả mấy kiếp sống. Và tiếc thay, họ thường hay sử dụng chính những lời dạy của chân sư để khiến mình kẹt cứng không biết đến bao giờ.

Như ta cố giải thích suốt trang mạng này, mọi giáo lý tâm linh đều có thể trở thành một cái bẫy cho tâm con. Cho nên ngay cả một giáo lý chân truyền cũng có thể được dùng để xây một cái hộp tư duy ngăn chặn con thăng lên mức kế tiếp của đường tu cá nhân của con. Có thể nói, cốt lõi của đường tâm linh là làm sao thăng vượt cái hình tư tưởng mà con có về con người mà con là, về Thượng đế là gì, và về cách vận hành của thế gian. Tất cả mọi hành giả đều khởi đầu với một cái nhìn và hiểu biết giới hạn. Nhiều người lớn lên và được dạy dỗ một thế giới quan vô cùng hạn hẹp, chẳng hạn như thế giới quan do đạo Cơ đốc chính thống và khoa học duy vật đưa ra.

Nhiều hành giả tìm thấy một giáo lý hay một tổ chức tâm linh có khả năng mở rộng thế giới quan của mình, giúp họ tự phát triển cao hơn rất nhiều. Và bởi vì các giáo lý đó giúp họ tăng trưởng đến như thế, họ nghĩ rằng đó là chân lý tuyệt đối, hoặc là giáo lý tối thượng trên địa cầu, và bởi thế họ sẽ không bao giờ cần bất cứ điều gì khác. Thế là họ dựng lên một hình tư tưởng, một sự chờ đợi, một kỳ vọng rằng nếu họ cứ tiếp tục trên con đường này như họ đã được chỉ dẫn, thì họ sẽ tự động chứng đạt tâm thức Ki-tô.      

Thế nhưng như ta giảng giải suốt trang mạng của ta, không một tổ chức công truyền nào có thể bảo đảm con sẽ đạt được tâm thức Ki-tô bằng cách tuân thủ giáo lý hay tu tập. Lý do là vì tâm thức Ki-tô chỉ có thể thực hiện qua một tiến trình nội tâm, tâm truyền. Dĩ nhiên, một giáo lý công truyền sẽ giúp con rất nhiều, nhưng không một giáo lý hay một sự tu tập công truyền nào có thể tự động sản xuất ra tâm thức Ki-tô. Buồn thay, một giáo lý công truyền còn có thể ngăn cản con đạt được tâm thức Ki-tô, thậm chí một giáo lý chân truyền, kể cả giáo lý được đăng tải công khai trên trang mạng này, cũng có thể bị lạm dụng để tạo ra một hộp tư duy sẽ trói con lại ở một trình độ nào đó trên đường tu của con.  

Ý thứ 2

Ở một mức nào đó trên đường tu, việc đi theo một giáo lý công truyền cũng có ích lợi, nhưng con phải luôn luôn cảnh giác để không rơi vào cạm bẫy tinh vi biến giáo lý công truyền đó thành một cái hộp đóng kín. Chẳng hạn, ở những giai đoạn đầu của đường tu, con phải đương đầu với nhiều sự chống đối từ các tà lực, cho nên con cần phải kiên định, thậm chí còn phải như là cứng ngắc. Nhưng một khi lên những mức cao hơn, chính cái đức tính đã giúp con tới được mức này sẽ mau chóng trở thành một trở ngại.

Các tà lực hoàn toàn hiểu được là bất kỳ giáo lý nào cũng có thể khiến con lạc lối nếu con sử dụng một cách cực đoan. Chúng nhìn thấy một hành giả tu tập rất chăm chỉ, và chúng thì thầm vào tai anh ta, đây là tất cả những gì anh ta cần làm cho đến cuối đời. Và như vậy, hành giả cứ cắm đầu làm đúng một điều đó lâu hơn là anh cần làm, và điều này bắt buộc khiến anh cứng ngắc. Rồi một khi anh đi quá một điểm nào đó, anh sẽ không thể tiến cao hơn bằng sự cứng ngắc được nữa, và sự phát triển của anh ngừng lại. Thế nhưng anh quá tin tưởng anh đi đúng đường nên anh tưởng anh vẫn đang tinh tấn. Chuyện này cứ thế tiếp diễn cho tới khi anh bắt đầu tự hỏi tại sao – nếu anh vẫn làm tất cả mọi điều đúng đắn – tại sao sứ vụ thiêng liêng của anh lại không đang trên đà hoàn thành.

Con cần biết rằng ở những giai đoạn đầu của đường tu, con cần phải kiên trì ra sức vượt qua các tà lực chống đối. Nhưng khi chúng thấy chúng không thể giữ con lại bằng mãnh lực, chúng sẽ thay đổi chiến lược, và bây giờ chúng sẽ dụ dỗ con với những ý tưởng rất tinh tế. Ở những mức cao hơn của đường tu, con cần phải linh động để khôn ngoan hơn các lực chống đối. Trên cơ bản, con cần tiến nhanh đến nỗi các tà lực hay chính tự ngã của con không thể nắm được con. Để làm điều này, con cần sẵn sàng làm theo chỉ thị của cái ta Ki-tô của con từng phút một. Đơn giản, con không thể cho phép tà lực tiên đoán được bước tới của con. Một hành giả quá dễ đoán sẽ là một mục tiêu quá dễ cho tà lực. Nói cách khác, ở những mức cao của đường tu, không có gì sẽ hiệu nghiệm mãi mãi, và vì thế con không thể bám chặt vào bất kỳ quy tắc công truyền nào.  

Nếu một lời dạy công truyền có giá trị, nó sẽ giúp con tăng trưởng, và mục đích thực sự của một giáo lý công truyền là giúp con tinh tấn tới một mức con có thể nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ cái ta Ki-tô và các vị thày tâm linh của con. Vấn đề là những chờ đợi, định kiến cùng hình tư tưởng của con đã tạo thành một bức tường ngăn cản con nghe được sự hướng dẫn từ chân sư, hoặc nó khiến con không tin tưởng những gì con nghe thấy bên trong.

Hộp tư duy của con càng đóng chặt – và nếu tình cảm con càng bám mắc vào giáo lý cùng tổ chức công truyền – thì cái hộp sẽ càng trở nên kín mít đối với sự chỉ dẫn của chân sư. Thực tế đáng buồn là các thày không thể giao tiếp với nhiều học trò của mình, cho dù nhiều người đã theo học giáo lý công truyền của chân sư từ nhiều thập niên. Những người này đã sử dụng giáo lý của chân sư để bịt lỗ tai lại, không nghe sự hướng dẫn tâm truyền, tương tự như các thày thông giáo và người Pha-ri-si thuở xưa đã dùng kinh Torah để bịt tai không nghe những lời dạy cập nhật mới mẻ của ta.

Khi con thấy mình bị bế tắc, không thấy được phải đi đường nào, thì con phải coi như con đang bị ngăn chặn bởi các kỳ vọng và hình tư tưởng mà ngoại tâm con (ngoại tâm gồm cả tự ngã) đang cầm giữ. Cho nên nếu con thực sự muốn tinh tấn, con cần phải lùi lại và có một nỗ lực ý thức để nhìn ra ngoài hộp tư duy của con. Để làm điều này, con phải sẵn sàng tra vấn hay buông bỏ bất kỳ – và tất cả – tin tưởng hiện thời của mình. Ta không bảo con phải bỏ mọi tin tưởng – ít ra là không phải tất cả cùng một lúc – mà ta bảo con phải sẵn sàng từ bỏ chúng. Nếu con không sẵn sàng từ bỏ thì con đang bám mắc, và sự bám mắc là nguyên nhân của mọi khổ đau, như đức Phật đã chỉ ra hàng ngàn năm trước.  

Ý thứ 3

Ở các cấp thấp trên đường tâm linh, hành giả bắt buộc bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên. Vì vậy, cho dù hành giả tìm được và đi theo một giáo lý tâm linh chân truyền, người đó sẽ tạo dựng một hình tư tưởng của giáo lý cũng như cách đúng đắn để tuân thủ giáo lý. Nhưng hình tư tưởng này bắt buộc sẽ, ít nhất một phần, dựa trên tâm thức nhị nguyên. Khi con phát triển tâm Ki-tô, con sẽ đến một điểm mà con không thể tiến xa hơn cho tới khi con sẵn sàng bỏ lại hộp tư duy của con. Con phải giải thoát cái nhìn của con về đường tâm linh khỏi các yếu tố nhị nguyên.

Một đặc điểm của trạng thái tâm nhị nguyên là nó giam giữ con trong cái nhìn đen trắng về đường đạo. Nói cách khác, con sẽ nghĩ rằng cái này hoàn toàn đúng và cái kia hoàn toàn sai, và nếu con cứ tiếp tục làm những gì được xác định là đúng thì con sẽ tự động được cứu rỗi. Cho nên cái khung tư duy nhị nguyên thật là xơ cứng, bởi thế cho nên cách duy nhất để phát triển quá một mức nào đó trên đường tu là phải buông bỏ tư duy nhị nguyên bằng cách trở nên linh động. Nhưng sự linh động này không được xây trên bãi cát luôn di động của tâm thức phàm phu, mà phải dựa trên tảng đá của Ki-tô, vì Ki-tô biết rõ làm sao uyển chuyển từng lúc mà không nguy hại đến các nguyên lý vượt thời gian.

Để tiến xa hơn một mức nào đó, con phải sẵn sàng đánh mất đời sống của mình – tức là ý niệm cuộc sống phải như thế nào – để giành được cách sống cao hơn của quả vị Ki-tô cá nhân của mình. Đây là một cuộc điểm đạo rất tinh tế mà mọi hành giả cao cấp sẽ phải đối mặt, và con sẽ không ngừng đối mặt với sự khai ngộ này khi nào con vẫn còn đầu thai làm người. Và như ta từng nói, ai tìm cách cứu đời sống mình – tức là cái hộp tư duy hiện thời của mình – sẽ đánh mất nó, tức là sẽ đánh mất sự sống trong hướng phát triển liên tục. Điều khôn ngoan là nên suy ngẫm về sự kiện một hành giả có thể thất bại ở bất cứ một trình độ nào trên đường tu. Thất bại trên đường tâm linh có nghĩa là con trở nên bám mắc đối với trình độ tinh tấn hiện thời của con và từ chối vượt thăng nó, từ chối vượt thăng cái hình ảnh mà con có về con người con là.     

Có một sự cám dỗ tinh tế khi nghĩ rằng nếu mình càng bước lâu trên đường tu, nếu mình càng thực hiện được nhiều công việc vỏ ngoài trên đường tu, thì mình sẽ càng ít rủi ro thất bại. Nhưng nhiều hành giả cao cấp vẫn thất bại vì họ nghĩ họ không thể thất bại, và do đó họ nghĩ họ không còn cần phải thăng vượt. Tuy nhiên, ta nói với con là trên con đường cá nhân của con, có những điểm mấu chốt mà con phải sẵn sàng chết trên thập tự giá, nghĩa là con sẵn sàng  buông bỏ mọi mong đợi và định kiến về đời mình, hay đường tu của mình phải trải ra như thế nào. Nếu con không chịu để cho tiêu đi ý niệm phàm phu này về đời sống, con sẽ không thể tái sinh trong ý thức sống cao hơn của tâm thức Ki-tô. Lý do là vì con cố bám giữ một cái nhìn nhị nguyên do ngoại tâm tạo ra, và con từ chối đứng thẳng hàng với cái nhìn cao hơn cũng như ý chí của dòng sống của con và Hiện diện TA LÀ.  

Con có thấy điều ta muốn nói không? Có bao nhiêu hành giả tìm được một giáo lý hay tổ chức tâm linh, nhờ đó mà họ nhảy một bước khổng lồ trên đường tu. Nhưng một cách vô ý thức, họ lại dùng cùng những giáo lý đó để tạo ra một hộp tư duy, và khi đến lúc phải để cho con bê vàng chết đi thì họ lại không thể buông nó ra. Một số thì quá sợ hãi để cho nó ra đi, một số khác thì quá tự kiêu, còn một số thì quá lười biếng. Ta sẽ nói lại một lần nữa.

Một số người tìm thấy đường tu và họ dùng một giáo lý hay tổ chức công truyền để nặn ra một cái khuôn mà mọi hành giả chính trực phải rập theo. Họ tự hào họ hội đủ mọi tiêu chuẩn vỏ ngoài, và họ sẽ nhất định sẽ cứ như thế mãi mãi. Họ thường dùng quan điểm của mình để phán xét những ai không thể làm đúng theo các chuẩn mực cao cả của họ, và như thế họ dựng lên một ý niệm vi tế là họ thuộc về một giai cấp các đệ tử cao minh nhất.

Nhưng khi tới lúc phải bước lên những cấp độ cao hơn trên đường tu, cách nhìn của họ trở thành một cái bẫy. Những hành giả này cảm thấy nếu họ thay đổi cách tu tập thì họ sẽ chểnh mảng, và niềm tự hào của họ bị sứt mẻ. Và nếu họ không chịu bỏ niềm tự hào đó thì họ không có lựa chọn nào khác hơn là phải tiếp tục làm y như vậy hoài hoài. Đáng buồn thay, họ sẽ bị kẹt lại ở mức này, hoặc họ tuột xuống hố thẳm của sự mù quáng tâm linh là hậu quả đương nhiên của tự hào. Họ có thể hoàn toàn tin chắc là họ cao hơn mọi người khác, thế nhưng họ không có khả năng nhận ra đấng Ki-tô Hằng sống, y như các thày thông giáo và người Pha-ri-si thuở trước. Đó là lý do ta từng gọi là đạo đức giả.  

Một số người tìm ra một giáo lý và cảm thấy giáo lý đó là một ốc đảo an toàn giữa một thế gian đầy bất an. Khi theo giáo lý công truyền, họ tin rằng mình sẽ được cứu rỗi, và vì vậy họ sẽ lánh xa loài ma quỷ của sợ hãi đã từng ám ảnh họ. Việc tuân theo một giáo lý chân truyền cũng là một thành trì chống lại sợ hãi. Vấn đề là con không thể vào được nước Trời bằng cách tự cách ly khỏi những nỗi sợ hãi của con. Con chỉ vào được nước Trời bằng cách chinh phục sợ hãi, và để chinh phục, con phải sẵn sàng đối mặt với chúng.

Mục đích của một giáo lý chân truyền không bao giờ là để mãi mãi cách ly con khỏi sợ hãi. Mục đích là cho con một bờ bến an toàn để con có thể bồi sức hầu đối mặt với sợ hãi. Nhưng nếu con không hiểu được điều này, hoặc nếu con không chịu đối diện với sợ hãi, thì con sẽ bám víu vào sự yên trí của giáo lý công truyền rồi dùng đó để biện minh cho sự từ chối đối mặt. Tiếc thay, tuy rằng chiến lược này có giá trị trong các giai đoạn đầu, nó sẽ không bao giờ đưa con xa hơn những bước đầu này. Vấn đề là các hành giả này sợ làm lỗi đến nỗi họ không dám thử một cái gì mới. Nhưng nếu không thử thì con không thể tiến bước. Nếu con không chịu nhận rủi ro lầm lỗi thì con không thể thành công.  

Một số người tìm thấy một giáo lý công truyền xong nhận thấy mình theo nó quá dễ dàng thay vì mình phải cố gắng tự suy nghĩ một mình. Họ sẵn lòng để cho một đạo sư hay một tổ chức bên ngoài suy nghĩ dùm họ, và lần hồi họ nghiện ngập cái cảm giác an toàn đó, y hệt như người nghiện ma túy vậy.  

Nhưng một lần nữa, một giáo lý chân truyền nhằm cho con một thời gian nghỉ ngơi để con có thể bồi dưỡng sức lực cũng như khả năng phân biện sự thật bên trong mình. Khi con đạt tới một mức nào đó trên đường tu, con sẽ không thể tiến thêm cho đến khi con sẵn sàng bắt tay vào công việc khó khăn là phân biện sự thật trong nội tâm, thay vì trông chờ một giáo huấn hay một vị thày bên ngoài.

Thông thường đối với các hành giả này, họ muốn bám vào ý tưởng là họ có thể tiếp tục tin, hoặc làm, cùng những chuyện đó suốt đời. Đại khái, họ nói với cái ta Ki-tô của họ cũng như với các chân sư: “Đừng làm phiền tôi với sự hướng dẫn tâm truyền. Tôi đã có giáo lý và tổ chức vỏ ngoài này rồi, nó cho tôi tất cả mọi thứ tôi cần”. Và cứ thế, họ tiếp tục nhảy múa chung quanh con bê vàng thay vì để cho những kỳ vọng phàm phu của họ bị tiêu hủy trong ngọn lửa của Thượng đế – là ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ không phải là chính nó.

Thực tế đơn giản – một thực tế mà nhiều hành giả không thấy – là ngay cả một giáo lý chân truyền cũng có thể bị lạm dụng để tạo ra một cái hộp đóng kín. Cho nên nhiều học trò chân thành của chân sư đã dùng giáo lý chân sư để đi theo con đường tuy “đúng đắn với con người nhưng lại là con đường chết”. Thật là một điều đáng buồn khi nhiều người cầu tìm tâm linh đã dùng một giáo lý chính đáng để tự đóng hộp mình, để rồi cuối cùng họ bắt đầu đi theo con đường tay trái. Đây là sự phản bội hoàn toàn đối với lòng tin của các chân sư đã đỡ đầu công bố một giáo lý nào đó. Nếu con nghĩ rằng ta cùng các chân sư khác hài lòng về sự thể này thì rõ ràng con không biết chân sư mà chỉ tưởng là mình biết.

Sự thật mà con không thể tránh khỏi là thực chất của đường tâm linh là sự tự thăng vượt. Bất cứ khi nào con dùng một giáo lý vỏ ngoài để tự biện minh rằng mình không cần thăng vượt thì ngay lúc đó con đang theo tà đạo. Như thế con không còn là một đệ tử thực sự của chân sư. Con đã trở thành một người phản-đệ tử, và con sẽ bắt buộc cất bước đi theo một người phản-thày. Ta có thể chắc chắn với con là ta không nói quá đáng hay ta ra vẻ cường điệu đâu. Thực tế trần truồng là nhiều đệ tử lâu năm đang đi sai đường, nhưng họ lại dùng giáo lý vỏ ngoài để ru ngủ cho mình là những hành giả có trình độ cao nhất trên địa cầu. Và các chân sư thì hầu như không có cách nào đánh thức họ về sự điên rồ của họ.  

Cách duy nhất để phá vỡ khuôn nếp này là phải sẵn sàng biết khiêm tốn mà tra vấn những tin tưởng lâu đời của mình về đường tâm linh. Ta không bảo con phải bỏ một lời dạy cố hữu và đi theo lời dạy mới như trang mạng này. Ta bảo con phải bỏ những tin tưởng đang làm nghẽn sự tiếp xúc của con với cái ta Ki-tô của con hầu con nhận được sự hướng dẫn từ bên trong.

Và ta có thể bảo đảm với con là nếu con đã đi theo và tu tập một giáo lý tâm linh chân truyền trong một thời gian dài mà vẫn không có sự liên lạc rõ ràng với cái ta Ki-tô của mình, thì chỉ có một lý do mà thôi. Con có một số tin tưởng và chờ đợi đang chặn nghẽn sự hướng dẫn nội tâm. Cho nên con hãy cần sẵn sàng để cho những giới hạn này ra đi; hãy vui lòng để chúng chết đi hầu con có thể sống đời đời trong ánh sáng của Sự thật Ki-tô.  

Ý thứ 4

Sự khác biệt vi tế mà nhiều hành giả thường bỏ qua là một giáo lý vỏ ngoài quả là có khả năng giúp họ tiến bước. Nhưng điều này chỉ hiệu nghiệm một thời gian và sau đó thì nó sẽ cản trở bước tiến. Cách duy nhất thoát khỏi ngõ cụt này – cũng là cách duy nhất để không trượt lùi trên đường đạo – là mình thăng vượt hình tư tưởng của mình. Và để làm điều này, con phải sẵn sàng để cho mọi thành phần của hình tư tưởng đó chết đi khi con nhận được sự thúc giục của hướng dẫn nội tâm. Và như ta đã nói, con càng bám giữ hình tư tưởng thì con sẽ càng khiến cho sự hướng dẫn nội tâm bị tắc nghẽn – và nó tạo ra một tình trạng tiến thoái lưỡng nan.   

Cho nên ta đề nghị một điều giản dị. Ở cuối quyển sách “The Christ is born in you” (Ki-tô ra đời trong con), ta có đưa ra một bài tập mà qua đó ta giúp hành giả không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ ý niệm nghĩa vụ, bất kỳ cảm nhận nào là mình phải làm điều gì, hay phải làm theo một cách nào đó. Đây là một bài tập hữu ích bởi vì chỉ bằng cách buông bỏ định kiến mà con mới làm cho ngoại tâm tĩnh lặng hầu nghe được cái ta Ki-tô của con. Vì vậy con hãy sẵn sàng từ bỏ mọi ý tưởng rằng con phải làm điều gì đó cho chân sư, và hoàn toàn sẵn lòng từ bỏ luôn mọi ý tưởng về cách thực hiện điều đó.  

Ta có thể nói với con là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà ta thấy là một hành giả nhận được viễn kiến đúng đắn về những việc mà người đó phải làm trong kiếp này, nhưng lại dùng một giáo lý công truyền – hay đúng hơn, một cách hiểu nhị nguyên về giáo lý đó – để dựng lên một kỳ vọng không thực tế về cách thực hiện. Và như thế con rơi vào tình trạng “một ngôi nhà bị chia rẽ chống lại mình”. Dòng sống của con biết viễn kiến đó là gì và cũng biết mình phải thực hiện làm sao, nhưng ngoại tâm thì lại dựng lên một viễn kiến khác bởi vì nó đã dùng một giáo lý vỏ ngoài – hay một số quy tắc cứng ngắc do giáo lý này vạch ra – để xác định cách thực hiện mục tiêu.     

Điều này chắc chắn sẽ làm tắt đi khả năng sáng tạo thực sự của dòng sống, và vì vậy dòng sống sẽ từ chối làm theo. Con thấy không, sứ vụ thiêng liêng của con chỉ có thể được hoàn thành khi con thể hiện sắc tính thiêng liêng của mình – được neo giữ nơi Hiện diện TA LÀ của con – qua công việc mình làm. Nếu con dùng một giáo lý công truyền để thiết lập những luật lệ hay chờ đợi cứng ngắc về cách thực hiện mục tiêu mình, thì con sẽ tước mất cơ hội cho sắc thái con được thể hiện qua công việc của con.

Cho nên ngoại tâm sẽ đánh nhau với cái Ta Biết của con – con sẽ đánh nhau để bóp nghẹt khả năng sáng tạo là chìa khóa cho con hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của mình – và như thế mục tiêu sẽ không đạt được. Hành giả nỗ lực đạt tới một mục tiêu rất đáng làm, nhưng lại cố gắng làm với một cách thức mà cả cái ta Ki-tô lẫn cái Ta Biết của con không thể chấp nhận, và do đó nó phá hoại chính những nỗ lực vỏ ngoài của nó. Cái ta Ki-tô biết rõ hành giả sẽ không bao giờ đạt tới mục tiêu qua khả năng của ngoại tâm, cho nên cái ta Ki-tô thực sự đang tìm cách gửi một thông điệp đến ngoại tâm.  

Lối thoát duy nhất khỏi bế tắc này là vượt qua sự chia rẽ trong ngã bằng cách buông bỏ hình tư tưởng được giữ trong ngoại tâm. Và điều này thường đòi hỏi hành giả buông bỏ một số – hay có lẽ tất cả – những kỳ vọng đã được xây đắp khi mình dấn thân vào giáo lý hay tổ chức công truyền. Ít nhất, hành giả phải sẵn sàng buông bỏ mọi kỳ vọng. Chìa khóa là cái Ta Biết chứng thực được mình là sự tỉnh giác thuần khiết.

Ý thứ 5

Con hỏi: “Con có phạm luật lệ gì không nếu con sử dụng quyền năng ánh sáng mà con đã học hỏi như một đứa con của Thượng đế, và chuyển nó sang một thế giới đang cần đến điện ảnh và xử sự một cách mà một người Lãnh đạo Đọc bài chú chú bị cấm không được làm?”

Trước hết, việc sử dụng thành tựu của mình để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng luôn luôn hợp luật – đó chính là chức năng của thành tựu tâm linh. Thế nhưng con phải bảo đảm rằng ngoại tâm con nằm thẳng hàng với viễn kiến về mục tiêu mà cái Ta Biết và cái ta Ki-tô cất giữ.

Có hợp luật không khi con theo đuổi mục tiêu bằng cách đi ngược lại các luật lệ vỏ ngoài của một cộng đồng tâm linh? Chắc chắn là có – với điều kiện cái ta Ki-tô của con bảo con làm vậy và con chắc chắn không phải tự ngã đang dụ dỗ con. Thế nhưng trong hầu hết trường hợp, chính ngoại tâm con bảo con mù quáng tuân thủ luật lệ công truyền mà không lắng nghe cái ta Ki-tô. Con cần suy ngẫm lời dạy của ta về ngày sa-bát và câu ta từng nói, “Sa-bát được tạo ra cho con người, chứ con người không được tạo ra cho sa-bát.” Câu này cũng áp dụng cho mọi luật lệ do bất kỳ tôn giáo nào đặt ra. Để biểu lộ và thể hiện quả vị Ki-tô của con, con phải sẵn sàng thăng vượt mọi giới hạn do con người đặt ra. Con phải sẵn lòng để cho chúng chết đi hầu giải thoát dòng sống của con khỏi gông cùm của chúng và vượt lên trên. Dòng sống của con, trong nghĩa đen, đang bị đóng đinh trên thập tự giá của những mong muốn phàm phu, nhị nguyên, mà ngoại tâm con đã chấp nhận. Cho nên ngoại tâm con và các thế lực của thế gian này đã đóng đinh dòng sống của con vào cây thập tự.

Điều này bao gồm cả những hạn chế nội tâm được tạo ra bởi ngoại tâm và tự ngã của con. Và nó cũng bao gồm những hạn chế vỏ ngoài tạo ra bởi thế gian, kể cả bởi một cộng đồng tôn giáo nào đó. Tất nhiên, con cần tìm thấy một sự quân bình, và ở các mức thấp của đường tu, con có thể cảm thấy luật lệ vỏ ngoài rất hữu ích. Nhưng sẽ tới lúc con không thể phát triển thêm cho đến khi con vượt qua cuộc điểm đạo và con sẵn sàng bước theo hướng dẫn của nội tâm thay vì luật lệ, quy tắc vỏ ngoài.

Ý thứ 6

Việc hoàn thành sứ vụ thiêng liêng không thể đo được bằng các chuẩn mực thành công của thế gian. Nhìn từ thế gian, sứ mạng của ta thời ta hiện thân là một thất bại, nhưng nhìn từ góc độ tâm linh, đó là một sự thành công. Vì vậy con không nên rơi vào cạm bẫy nghĩ rằng thành công cá nhân của con có thể đo bằng chuẩn của thế gian – đăc biệt là chuẩn của các giới làm phim điện ảnh.

Một khía cạnh khác nữa của vấn đề này là con không được để cho mình cảm thấy sự tiến triển của sứ mạng mình có thể bị thế gian giới hạn. Để biểu lộ quả vị Ki-tô, con phải đạt tới mức con quyết định rằng con sẽ KHÔNG để cho bất cứ gì – ở trong cũng như ở ngoài – ngăn cản mình bước đi bước kế tiếp của mình trên đường tu. Nói cách khác, nếu con có một viễn kiến thì con cứ việc đi tới mục tiêu với bất kỳ phương tiện hợp pháp nào mà con có. Con không để cho sự thiếu hụt tài chánh ngăn con làm những gì con có thể làm – và luôn luôn có những điều con có thể làm – kể cả là con có thể tự tu sửa.

Con hãy nhớ câu phương châm này của một vị đồng sự quý mến của ta, “Hãy làm đúng (chánh nghiệp) mà không vướng mắc thành quả việc làm”.

Ý thứ 7

Ta xin nhắc lại lần nữa, mỗi khi con thấy bế tắc thì đó là vì có một điều gì đó con chưa buông bỏ, một điều gì đó con chưa hàng phục. Và lý do con chưa buông bỏ là một hình tư tưởng về đường tu phải như thế nào – một hình ảnh mà cho tới giờ con chưa chịu chất vấn, hay con nghĩ nó không cần chất vấn. Như ta nói với con, khi con tiến tới tâm Ki-tô, con phải sẵn sàng chất vấn và nhìn xa hơn bất kỳ, và mọi, tin tưởng, quan điểm, chờ mong của mình. Bất cứ điều gì mà con không sẵn sàng nhìn xa hơn sẽ tự động trở thành cái hộp tư duy giam cầm tâm con.

Cho nên con hãy lùi lại, buông bỏ sự cảm nhận về những điều con cần làm cũng như cách làm.  Hãy buông ý niệm rằng con phải cứu nguy thế giới, rằng số phận thế giới tùy thuộc vào hành động của con, hay đại nghĩa của các chân sư nằm trên vai con. Hãy suy ngẫm về sự kiện Thượng đế đã cho mọi người quyền tự quyết. Vì thế con không trách nhiệm về sự cứu rỗi của người khác. Nhưng ngược lại, chỉ có con mới trách nhiệm về sự cứu rỗi của con.

Xin con hiểu rằng có sự phân biệt vi tế ở đây. Các chân sư không đang đầu thai trong thế gian, cho nên để địa cầu thay đổi, chỉ những ai đang đầu thai mới có thể đem lại thay đổi. Nhưng sự thay đổi cần thiết không thể do ngoại tâm đem lại. Khi con vướng mắc vào một hình tư tưởng nào đó, con bắt đầu nghĩ rằng con là người hành động, người hoàn thành. Và chính những người tưởng mình phải cứu nguy thế giới mới khiến cho người ta có câu, “Con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý muốn tốt”. Kỳ thực, con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng ý muốn của con người, những ý muốn nhị nguyên.

Chìa khóa là con cần bỏ lại mọi kỳ vọng phàm phu và khiến cho ngoại tâm đứng đồng điệu với dòng sống và cái ta Ki-tô của con. Khi đó, con sẽ có thể nói, “Ta và Cha ta – nghĩa là Hiện diện TA LÀ – là một” và “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta cũng làm việc như vậy”. Đây là cách duy nhất để đem lại thay đổi thực sự cho địa cầu. Nếu con muốn đem giáo lý của chân sư vào thế giới, bước đầu tiên là con phải thể nhập với giáo lý và bước đi trên đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Con không thể dạy về quả vị Ki-tô cho tới khi con đạt được một mức độ nào đó của quả vị Ki-tô. Con chỉ có thể dạy về quả vị Ki-tô qua sự làm gương.

Ý thứ 8

Đối với các chân sư thăng thiên, việc cứu vớt địa cầu không quan trọng bằng việc cứu vớt dòng sống của con. Và cách duy nhất để cứu dòng sống của con là giúp con đạt được tâm Ki-tô. Cho nên mục đích chủ yếu của con là đạt được tâm thức Ki-tô – thậm chí sự hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con hay cứu nguy thế giới cũng chỉ là thứ yếu so với mục đích đó. Ở những mức cao trên đường tu, con phải đặt ưu tiên cho thật rõ ràng. Con phải trước hết sẵn sàng tìm nước Trời, tức là tâm thức Ki-tô. Và tất nhiên, một khi con đặt việc tìm nước Trời lên hàng đầu thì mọi thứ khác, tức là sứ vụ thiêng liêng của con và cứu nguy thế giới, sẽ được bồi thêm vào cho con.

Con có thấy được sự khác biệt vi tế? Ngay cả mục đích rất đáng làm là bước đi trên đường tâm linh, hoàn thành sứ vụ thiêng liêng hay cứu nguy thế giới cũng có thể trở thành cái bẫy nếu con đặt những thứ đó lên trên việc chứng đạt tâm thức Ki-tô. Khi nào con còn điều gì quan trọng hơn tâm thức Ki-tô thì con không thể đạt tâm thức Ki-tô. Và khi nào con chưa đạt tâm thức Ki-tô thì con không thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con và cứu nguy thế giới. Cho nên con phải để cho mọi mục tiêu khác chết đi – con phải sẵn sàng mất ý niệm sống của mình – để đạt được sự sống vĩnh hằng của tâm thức Ki-tô. Đây là tiến trình mà Kim Michaels đã đi qua trước khi đủ tư cách để làm sứ giả cho ta.

Một khi con chứng đạt quả vị Ki-tô cá nhân của con, con sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ hay mong chờ nào nữa. Con sẽ để cho sắc thái thiêng liêng của con biểu hiện qua con, bởi vì con sẽ biết rằng, “Đứa Con chẳng tự mình làm được việc gì, chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy” (John 5:19). Đứa con ở đây là dòng sống đứng thẳng hàng với Hiện diện TA LÀ của nó.

Ý thứ 9

Con không thể đem các mong muốn, quan điểm hay hình tư tưởng phàm phu của con lên thiên đàng. Cho nên con không thể vào được thiên đàng cho đến khi con bỏ chúng lại. Bám giữ chúng sẽ khiến con không vào được thiên đàng. Con không thể tìm thấy chìa khóa vào thiên đàng nếu con bám giữ những gì con có. Con chỉ tìm thấy chìa khóa nếu con buông bỏ mọi điều giả. Và trước khi con có đủ phân biện để biết chân giả khác nhau thế nào, con nên khôn ngoan đặt thành mục tiêu là không bao giờ tạo ra một cái hộp tư duy đóng kín.

Để tránh tạo ra hộp đóng kín chung quanh tâm mình – một chiếc hộp mà cái ta Ki-tô của con không thể thâm nhập vào – con phải sẵn sàng luôn luôn vươn tới hiểu biết cao hơn, nghĩa là con không bao giờ cho phép mình tưởng rằng sự tin tưởng của mình có thể là tuyệt đối, tức là không thể mở rộng ra qua sự hướng dẫn nội tâm. Nói cách khác, đừng bao giờ để cho một giáo lý, một vị thày hay một tổ chức công truyền đứng chắn ngang giữa con và vị thày nội tâm của cái ta Ki-tô.

Ta thực sự mong ước những học trò lâu năm của các chân sư suy ngẫm những ý tưởng này, cho nên ta hy vọng mọi người sẽ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với người khác. Ta xin xác nhận với con là các chân sư thăng thiên vô cùng quan tâm khi thấy quá nhiều học trò lâu năm của mình đã sử dụng giáo lý của chân sư – được ban cho các con một cách vô giới hạn – để tạo ra những hộp tư duy đóng kín. Điều này không những sẽ ngăn họ hoàn tất sứ vụ thiêng liêng, mà còn ngăn họ đạt được quả vị Ki-tô. Chỉ vì lý do này thôi mà các giáo lý được truyền đạt suốt thế kỷ qua đã không tác động được hành tinh này như mong muốn.  

Tình trạng này có thể chỉnh sửa, và có thể chỉnh sửa nhanh chóng. Nhưng nó sẽ chỉ xảy ra khi các học trò lâu năm của các chân sư sẵn sàng để cho các kỳ vọng trước đây chết đi rồi sống lại trong ngọn lửa của Sự thật Hằng sống – là phép báp-têm bằng lửa – mà họ chỉ có thể nhận được từ chính cái ta Ki-tô của họ.

Ý thứ 10

Ta mong các học trò lâu năm sẽ suy ngẫm những lời giảng của ta về nguồn gốc của cái ta Ki-tô và thiền quán về ý nghĩa sâu thẳm của lời giảng đó. Nó chứa đựng một lời dạy chưa từng được ban truyền trong quá khứ, và đây là một ví dụ điển hình tại sao giáo lý chân sư cần được tiết lộ một cách tuần tự theo nhịp tiến của nhân loại.

Rõ ràng, bài giảng vừa rồi của ta nhân dịp Giáng sinh nhắm đến người đạo Cơ đốc, vì vậy ta chỉ có thể đưa ra những lời dạy cơ bản. Tuy nhiên đối với các học trò lâu năm, các con cần hiểu rõ là nhiều vị chân sư thăng thiên đã “bẻ thành từng mảnh” Tánh linh của mình để hình thành những cái ta Ki-tô của các anh em chưa thăng thiên. Vì vậy không phải mọi hành giả đều có cái ta Ki-tô là thành phần của Tánh linh của ta. Điều quan trọng là hành giả cần hòa điệu tâm thức mình với vị chân sư đã ban cho mình món quà sự sống dưới hình thức cái ta Ki-tô.

Cho nên nếu con là một học trò lâu năm của các chân sư, con nên xét xem con sẽ trung thành với một giáo lý vỏ ngoài hay là với nguồn gốc của giáo lý đó. Ta không bảo rằng con cần phải rời bỏ một tổ chức con đã tham gia. Nhưng ta nói rằng con cần sẵn sàng rời bỏ tổ chức đó nếu con nhận được chỉ thị từ bên trong. Và nếu con đã sử dụng các giáo lý cũ để xây dựng một hộp tư duy đóng kín, thì làm sao con sẽ nghe được sự hướng dẫn nội tâm này đây?

Ta cũng muốn nói rằng tất cả mọi học trò lâu năm của chân sư có thể hưởng lợi rất nhiều khi sử dụng các bài chú và bài thỉnh để bổ sung cho những kỹ thuật mà họ đã từng dùng trong những tổ chức trước. Tại sao con lại đi máy bay cánh quạt khi máy bay phản lực đã được đem vào thế gian? Với tình hình nghiêm trọng trên địa cầu hiện nay, các chân sư cần tất cả mọi học trò của mình sử dụng các kỹ thuật mạnh mẽ nhất hiện có.

Thành thật mà nói, ta còn rất nhiều điều muốn nói với các học trò lâu năm, nhưng nếu những gì ta vừa nói ở đây không mở tai họ để họ nghe được ta là ai, thì ta ngờ rằng sẽ chẳng có gì khác làm được chuyện đó. Một lời nói thôi cũng đủ cho người trí tuệ – hoặc những ai coi mình là trí tuệ.