Tầm nhìn tâm linh về việc xâm hại tình dục trẻ em

Hỏi: Xin các chân sư cho biết tầm nhìn tâm linh về ấu dâm là gì? Tại sao ấu dâm lại hiện hữu? Chúng con có thể dùng bài thỉnh nào để loại bỏ ấu dâm khỏi trái đất?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Các thày đã dạy rằng nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện diện chủ yếu là vì có nhiều sinh thể, đặc biệt là sa nhân, đã bị cắt đứt không nhận được ánh sáng trực tiếp từ cõi tâm linh. Vì vậy để có thể nuôi thân và thậm chí sống còn – và hơn nữa để có chút năng lực làm bất cứ việc gì – chúng phải đánh cắp năng lượng từ những ai vẫn còn nhận được năng lượng từ cõi tâm linh. Và một trong những phương cách để đánh cắp năng lượng từ người khác tất nhiên là qua việc cưỡng hiếp hay hành vi tình dục đồi bại nào khác.

Nhưng chúng chỉ có thể đánh cắp một lượng giới hạn nào đó tùy theo người kia mang bao nhiêu năng lượng. Và vấn đề là một số người lớn đã phung phí một phần năng lượng của mình.

Nhưng trẻ em thì khác. Nói chung, trẻ em vẫn còn nhiều năng lực sống trước khi các em bắt đầu hoạt động tình dục hay bắt đầu bước vào lối sống của giới thanh thiếu niên hay của người lớn khiến cho năng lượng bị phung phí. Đó là tại sao có một thành phần những sinh thể không có khả năng nhận ánh sáng từ cõi tâm linh tìm cách đánh cắp năng lượng qua việc quan hệ tình dục với các em. Đó chính là lý do thực sự của vấn đề.

Tất nhiên con có thể thỉnh cầu để loại bỏ tệ nạn này. Con có thể dùng các bải thỉnh cho Astrea, hay nhiều bài khác như bài nguyện cũ cho Đại thiên thần Michael, bài nguyện cho Ánh sáng Vô biên, vân vân. Nhưng con có thể thỉnh gọi sự phán xử đối với những kẻ ấu dâm cũng như các loài quỷ dữ cùng các tà thể đứng đằng sau chúng. Và con có thể thỉnh gọi xã hội sớm thức tỉnh để thực sự nhìn nhận tệ nạn này và ra tay làm nhiều hơn để hạn chế tệ nạn.

Thắng cái ác qua sự không dính mắc

Hỏi: Xin thày nói về vai trò của sự không dính mắc trong quan hệ với cái ác.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Không dính mắc, hay vô chấp, là một khái niệm mà lý trí phàm nhân không thể hiểu được. Đó là một khái niệm vượt khỏi lối suy nghĩ đường thẳng và tâm nhị nguyên.

Một người tầm đạo sẽ được ích lợi rất nhiều nếu hiểu ra là có nhiều khái niệm tâm linh thật sự không thể nào diễn đạt bằng lời. Lý do là vì ngôn từ là một phương tiện đường thẳng, có thể được diễn giải bằng nhiều cách – hay bị hiểu lầm – bởi tâm nhị nguyên. Cho nên để nắm được hoàn toàn – nghĩa là thể nhập – một khái niệm, con cần sử dụng các giáo lý vỏ ngoài vỏn vẹn như một bàn đạp để chứng nghiệm sự thật bên trong qua trực giác. 

Điều này có nghĩa là khi chúng tôi, các chân sư, giảng dạy một giáo lý tâm linh, như giáo lý ta giảng dạy 2000 năm về trước, chúng tôi không bao giờ có ý định đưa ra một lời dạy toàn hảo, bất khả ngộ về sự thật. Chúng tôi biết rõ là không có lời dạy nào diễn đạt bằng ngôn từ mà có thể là sự trình bày trọn vẹn của sự thật. Sự thật không thể diễn tả qua lời nói. Sự thật chỉ có thể được chiêm nghiệm và thể nhập. Có thể nói rằng con không thể biết hay hiểu được sự thật mà chỉ có thể trở thành sự thật mà thôi. Chẳng hạn như câu: “Giê-su nói với người ấy rằng: Ta là con đường, sự thật và sự sống; không ai đến với Cha mà không bởi ta.” (John 14:6)

Câu nói trên là ví dụ điển hình về điều ta đang trình bày. Bao nhiêu tín hữu đạo Cơ đốc bị kẹt trong tâm nhị nguyên đã diễn giải là con người vỏ ngoài của Giê-su Ki-tô, hay đạo Ki-tô, là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi. Nhưng ý nghĩa thực sự là tâm thức Ki-tô – vượt khỏi tâm nhị nguyên đường thẳng – là cách duy nhất để biết Thượng đế và sự thật của Thượng đế. Và con chỉ có thể biết sự thật bằng cách hợp nhất với sự thật và trở thành chính tâm Ki-tô. Không một người nào có thể đến với Cha trừ khi mình hợp nhất với cái ta Ki-tô của mình.    

Bằng cách kết hợp với cái ta Ki-tô của con, con sẽ dần dần hết dính mắc vào những thứ của thế gian. Điều này sẽ không xảy ra nếu con cố tình kiềm chế những ham muốn của con đối với các đồ vật thế gian, mà sẽ xảy ra vì cái ta Ki-tô của con sẽ giúp con nhận ra rằng sự sống là nhiều hơn những thú vui vật chất. Rồi con sẽ bắt đầu ham muốn những thứ của Tánh linh nhiều hơn những thứ của thế gian.

Nếu con so sánh điều này với một bài giảng mới đây của ta về cách đối phó với cái ác, con có thể thấy được một sự thật sâu sắc. Suốt các thời đại, biết bao người tầm đạo đã tin rằng thế giới là chiến trường cho cuộc giao tranh vĩ đại giữa hai lực lượng thiện và ác. Họ thường tin rằng mục đích của đường tu tâm linh là làm thế nào đánh bại cái ác bằng cách sử đụng vũ lực tâm linh, và thậm chí cả vũ khí của thế giới vật chất. Hay họ tin rằng bằng cách chối bỏ những thứ của thế gian, họ sẽ tự động mở cửa ra Tánh linh.

Kỳ thực, chìa khóa tối hậu – chìa khóa duy nhất – để chiến thắng cái ác là không dính mắc. Con không đánh nhau với cái ác. Con chỉ đơn giản bước xa ra. Con trở thành hoàn toàn không dính mắc với mọi biểu hiện của cái ác – kể cả ý tưởng là con phải đánh bại cái ác. Dù ông hoàng của thế gian có ném vào con bất cứ gì, con cũng từ chối không tham gia vào trò chơi của y. Con từ chối nhập vào cuộc chơi và như vậy con đứng ngoài cuộc đấu tranh cuồng đại giữa thiện và ác. Đó là vì sao ta đã nói: “”Nhưng ta nói cùng các người rằng: Đừng cưỡng chống kẻ ác, nhưng nếu có ai tát vào má phải của người, hãy đưa má bên kia cho họ luôn.” (Matthew 5:39)

Nhưng con hãy lưu ý, không dính mắc với điều ác không có nghĩa là con nhắm mắt trước điều ác. Nó có nghĩa là con thăng vượt điều ác và giúp người khác cũng làm tương tự. Nói cách khác, thay vì giao chiến với nó bằng vũ lực vật chất, con chiến đấu bằng sức mạnh tâm linh, có nghĩa là con chuyển hóa nó thành ánh sáng. Điều ta muốn nói là mặc dù cuộc giao tranh cuồng đại giữa thiện và ác có thực, giao tranh này chỉ diễn ra trong tâm của những con người bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên.  

Hay nói cách khác, chính ý thức đấu tranh mới tạo ra và duy trì cuộc đấu tranh. Và nguồn gốc của ý thức đấu tranh là sự đính mắc vào những thứ của thế gian. Khi con biểu hiện tính không bám mắc, con vươn lên khỏi cuộc giao chiến giữa hai thế lưc nhị nguyên của thế giới. Con không còn quan tâm là thiện hay ác sẽ thắng bởi vì con muốn Thượng đế thắng. Con ngộ ra là Thượng đế vượt khỏi cái thiện và cái ác do tâm nhị nguyên định nghĩa.

Ghi nhận cái ác mà không tăng cường cái ác

Hỏi: Giê-su, có thật là chúng ta thu hút những gì chúng ta cảm thấy hoặc sự rung động của những thứ đó không? Nếu vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nhìn một vật vô thức và không thêm gì cho nó? Con đọc trên trang mạng này là Thượng đế không thể nhìn vào các cuộc chiến của chúng ta vì sẽ có hại nếu bước vào rung động đó một cách sáng tạo. Con đoán là chúng ta chia sẻ một phần khả năng sáng tạo của Thượng đế vì ngài đã tạo ra chúng ta theo hình ngài.  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Một câu hỏi quan trọng chạm đến vấn đề chủ yếu trên hành tinh này. Như ta có giải thích trong trang mạng này, các dòng sống của con người được sinh tạo ra để đồng sáng tạo với Thượng đế. Từ Hiện diện TA LÀ của con, có một dòng năng lượng tâm linh liên tục xối xuống, chảy xuyên qua dòng sống của con. Con hướng năng lượng này bằng sự chú tâm của con, thậm chỉ cả sự chú tâm tiềm thức. Ánh sáng xối qua dòng sống của con sẽ khuếch đại bất cứ gì nó chạm vào, và như thế con sẽ tăng cường bất cứ gì mà con trao cho năng lượng. Con có thể trao năng lượng qua cả những dính mắc tiềm thức của con, như sợ hãi hay thù ghét.

Nếu con gửi năng lượng tâm linh của con vào một hình tướng hay một khuôn đúc nào đó trong một thời gian đủ dài, con sẽ tạo ra một lượng năng lượng nhất định trong năng trường cá nhân của con, và nó sẽ bắt đầu hình thành một lực hấp dẫn. Lực này sẽ thu hút những năng lượng tương tự như con từ môi trường chung quanh, hay nó sẽ tạo ra một ống dẫn giữa năng trường cá nhân của con với năng trường của hành tinh. Mẹ Mary có giải thích điều này chi tiết hơn trong quyển sách “Chữa lành Mẹ Địa cầu” (Healing Mother Earth).

Các tà lực trên hành tinh đã cố dùng những sự kiện ta vừa trình bày để chế ngự con người. Cách chúng làm là đun đẩy con người vào những tình huống nơi con người cảm thấy bị bắt buộc phải chọn một trong hai thái độ cực đoan, nghĩa là nếu làm thì bị thiệt mà không làm cũng bị thiệt. Ta xin giải thích. 

Thực tế đơn giản là con sẽ tăng cường bất cứ gì con phóng năng lượng vào. Các tà lực đã thiết lập vô số những sinh hoạt trên địa cầu để khiến cho con người phản ứng lại bằng đủ loại cảm xúc tiêu cực. Dù con có lo sợ điều gì, tức giận hay muốn hưởng lợi điều gì, con cũng sẽ tăng cường cho điều đó bằng cách con trao năng lượng cho nó. Do đó mỗi khi con phản ứng lại sự có mặt của cái ác bằng cảm xúc tiêu cực thì con nuôi sống cái ác – ngay cả khi con tưởng con đang làm biện pháp chống ác. 

Khi con kẹt trong tâm thức nhị nguyên, con sẽ lý luận rằng để không tăng cường cái ác, cách hiển nhiên nhất là mình hãy tránh tập trung chú ý vào bất cứ điều gì xấu ác, bất toàn. Con nghĩ, nếu mình không cho nó năng lượng thì mình sẽ không củng cố cho nó, đúng không? Nhưng vấn đề là con không thể thoát khỏi ảnh hưởng của cái ác bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước sự có mặt của nó. Cái mà con không biết có khả năng, và sẽ, làm hại con.   

Vậy nếu con chọn phản ứng làm ngơ, hay phủ nhận, sự hiện hữu của cái ác, con vẫn bị ảnh hưởng trong tiềm thức bởi các tà lực trên địa cầu. Thật không có cách nào khác: nếu con bỏ qua không biết tới một cái bướu ung thư, con sẽ chỉ giúp nó bành trướng thêm ở dưới bề mặt.

Có rất nhiều người tâm linh và người theo tôn giáo, đặc biệt trong phong trào Thời Mới, chối bỏ thực tế của cái ác. Nhưng họ sẽ không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng một cách vi tế bởi những tin tưởng bất toàn, nghĩa là họ trao năng lượng cho cái ác mà không ý thức được. Như ta đã nói, con có thể tăng cường cái ác bằng cách cho nó sự chú tâm của con, nhưng con cũng có thể tăng cường cái ác qua tâm tiềm thức của con. Và nếu con làm ngơ hay phủ nhận cái ác hiện hữu, các tà lực sẽ – ta nói rõ, SẼ – tìm được đường xâm nhập vào tiềm thức của con hầu đánh cắp ánh sáng tâm linh của con.

Cho nên trong tâm thức nhị nguyên, có vẻ như nếu con làm thì không ổn, mà con không làm cũng không xong. Rốt cuộc, dù con có giao chiến hay nhắm mắt trước cái ác, con cũng đang củng cố cho nó. Vậy con làm gì được đây? Con có thể làm điều mà ta đã mô tả khắp trang mạng này, là vươn lên khỏi trạng thái tâm thức nhị nguyên. Con có khả năng khoác lên tâm Ki-tô để mà nhìn vượt khỏi các đối cực nhị nguyên, qua đó con sẽ thực hành được lời kêu gọi của ta là khôn ngoan như rắn và vô hại như bồ câu (Matthew 10:16). 

Con phải khôn ngoan như rắn vì con phải biết là xấu ác có xảy ra. Đây là cách duy nhất để con tránh chấp nhận những dối trá đã xâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống trên hành tinh này. Chỉ khi đó con mới tách khỏi tà lực và đứng riêng ra độc lập.   

Song song, con cũng cần vô hại như là bồ câu hầu con không phản ứng lại xấu ác bằng những cảm xúc tiêu cực. Con chỉ đơn giản giữ tâm cho không dính mắc, không bị quấy rầy dù chúng có ném gì vào con, như ta đã làm khi bị cám dỗ trong đồng hoang vắng (Matthew 4). Con đẩy lui cái ác và phơi bày những gian dối làm nền tảng cho nó, nhưng con không dính líu tới nó trong tình cảm hay vướng mắc vào giao tranh với nó.

Bản thân con không thể làm gì để loại bỏ xấu ác, như Đại thiên thần Michael có giàng dạy. Tuy nhiên con có thể đưa ra những lời cầu gọi sáng suốt để ủy quyền cho các chân sư thăng thiên thay mặt con đương đầu với cái ác. Khi con khôn ngoan như rắn và vô hại như bồ câu, con có thể cho phép Thượng đế trong con tiêu hủy cái ác thay vì chính con ra tay chiến đấu bằng tâm vỏ ngoài.

Đúng là Thượng đế trong nghĩa cao nhất không nhìn xuống những bất toàn trên địa cầu vì quyền năng sáng tạo của Thượng đế sẽ gia tốc cho bất cứ gì mà quyền năng ấy đặt vào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thượng đế sẽ tăng cường cho xấu ác hay khiến nó kéo dài mãi mãi. Nếu sự chú ý của ngài được tập trung vào một hình tướng bất toàn, quyền năng sáng tác bao la của ngài sẽ gia tốc – trong nghĩa đen – độ rung của năng lượng khiến năng lượng trở về trạng thái thuần khiết nguyên thủy của nó, và hình tướng bất toàn đó sẽ bị xóa bỏ. Đó là lý do Thánh kinh nói rằng Thượng đế chúng ta là một ngọn lửa tiêu hủy tất cả ngoại trừ chính nó.

Nhưng song song, Thượng đế cũng có những vị đại diện, là những cá thể của ngài, có thể nhìn vào những bất toàn trên địa cầu mà không khuếch đại hoặc tiêu hủy. Các sinh thể này tên gọi là chân sư thăng thiên, và công việc của chúng tôi là giúp cho những người anh em chưa thăng thiên của chúng tôi từ từ tách rời khỏi những gian dối và bất toàn trên địa cầu. 

Tại sao Thượng đế lại không chỉ tiêu hủy các bất toàn đó cho xong chuyện? Vì đó sẽ vi phạm chính Luật Tự quyết của ngài. Thượng đế đã ban quyền tự quyết cho các dòng sống con người và như vậy họ có quyền tạm thời trải nghiệm những bất toàn này. Ngài cho họ thời gian để họ đạt đến kết luận là việc vi phạm quy luật của ngài cuối cùng sẽ không lợi ích gì cho họ. Và ngài còn gửi cả các chân sư thăng thiên xuống trong vai trò thày tâm linh hầu giúp nhân loại học bài học này.

Cho nên có thể nói, Thượng đế trong nghĩa cao nhất đã đơn giản rút khỏi hành tinh địa cầu sau khi loài người sa ngã. Ngài không nhìn xuống các bất toàn trên địa cầu, những các vị đại diện của ngài thì tiếp tục nhìn vào và cố gắng giúp con người vượt lên khỏi sự dối trá đang nuôi dưỡng cái ác. Như ta đã nói, chìa khóa chủ yếu để vươn lên khỏi bất toàn là phải khôn ngoan như rắn hầu có thể quyết định một cách ý thức rằng mình sẽ tách rời khỏi sự bất toàn, và song song phải vô hại như bồ câu, hầu bỏ lại sự bất toàn một cách tự nguyện và không hối tiếc. “Còn người, hãy theo ta” (John 21:22).

Chúng tôi, các chân sư, có quyền năng loại bỏ mọi xấu ác khỏi hành tinh này. Nhưng chúng tôi không thể làm được cho tới khi có đủ túc số những người đã tách mình ra khỏi xấu ác. Con không thể tách ra khỏi xấu ác nếu con không nhìn thấu những dối trá của xấu ác. Và con không thể nhìn thấu nếu con không nhìn vào xấu ác. Cho nên chìa khóa là phải nhìn với tính phân biện Ki-tô rồi quyết định thăng vượt chính cái tâm thức đã sinh sản ra xấu ác: tâm thức nhị nguyên.