Giáo lý Advaita

Hỏi: Giáo lý của Advaita ở phương Đông gần gũi như thế nào với giáo lý cuả các chân sư thăng thiên về cái Ta Biết? Liệu có vị thày nào của Advaita đã thăng thiên trong 200 năm qua?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels trong Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 8/9/2020.

Các giáo lý của Advaita rất gần với giáo lý mà chúng tôi đã truyền giảng, không những về cái Ta Biết mà về cả nhị nguyên, bất nhị cũng như tư duy cuồng đại. Các giáo lý này không hẳn là đặc thù và cũng không liên hệ đến một số điều kiện cụ thể trên địa cầu như giáo lý mà chúng tôi đang giảng dạy. Tuy nhiên, các giáo lý này ngay từ đầu đã nhận được linh hứng từ các chân sư thăng thiên, và trong 200 năm qua, một số vị thày của Advaita đã thăng thiên, kể cả vị sau cùng là Ramana Maharshi.

Làm thế nào học nhiều giáo lý cùng một lúc mà được ích lợi từ tất cả

Hỏi: Trong một đợt giáo lý trước của chân sư thăng thiên, chủ yếu là Thông thiên học (Theosophy) và Agni Yoga, có khái niệm Manvantara gốc từ Ấn độ giáo. Đó có phải là cùng một thứ với các bầu cõi trong giáo lý mới nhất cuả chân sư?

Theo Wikipedia, Manvantara là một từ Phạn, là từ ghép của manu và antara. Nghĩa đen là khoảng thời gian hay tuổi thọ của một vị Manu. Mỗi chu kỳ Manvantara được tạo ra và cai quản bởi một vị Manu đặc thù, và Manu thì được sinh tạo bởi Brahma, tức là chính đấng Sáng tạo.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2019. Đăng ngày 17/10/2019.

Đấy đấy, con yêu dấu, chúng ta đang gặp phải sự giới hạn của ngôn từ cũng như cách diễn giải mà người ta áp đặt lên ngôn từ. Con sẽ thấy là trong Thông thiên học chẳng hạn, đã có nhiều nối kết hơn giữa Đông và Tây, và vì thế, các chân sư đã mượn một số khái niệm từ các giáo lý và tôn giáo Đông phương để minh họa một số điều không dễ diễn tả trong giáo lý Tây phương vào thời điểm đó. Luôn luôn sẽ có giới hạn khi con cố làm điều này. Mặc dù con có thể bảo là có sự tương đồng giữa khái niệm Mantanvara và khái niệm chu kỳ, cách diễn tả đặc thù này như được hiểu trong Ấn giáo không hẳn ăn khớp với giáo lý mà chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã ban ra về các bầu cõi. Nói rộng ra thì tất nhiên có thể nói, bầu cõi cũng là một hình thức chu kỳ.

Tuy nhiên, con cần hiểu là luôn luôn có một bối cảnh văn hóa nhất định trong mỗi giáo lý được ban ra. Con nhìn xem giáo lý của Ấn giáo được đưa ra ở nơi đâu, xong con nhìn vào văn hóa phương Đông, tư duy của người phương Đông, thì con nhận thấy giáo lý đó được truyền giảng cách đây rất lâu khi tâm thức tập thể ở một trình độ thấp hơn bây giờ. Kiến thức con người cũng ở mức thấp hơn, cho nên những gì có thể được giảng dạy vào thời đó bắt buộc bị giới hạn.

Đó là tại sao – ta có thể nói thế này – có một số điểm tương đồng, nhưng con đừng nên dùng tâm phân tích đường thẳng để so sánh những lời dạy cũ với lời dạy mới, đừng tìm cách đối chiếu xem khái niệm đó trong Ấn giáo có ăn khớp hoàn toàn với khái niệm trong giáo lý hiện thời của chúng tôi hay không. Làm như vậy sẽ không đem lại kết quả đâu. Nếu con thực sự muốn so sánh như vậy, con sẽ cần thấu hiểu hoàn toàn bối cảnh văn hóa và ý nghĩa mà người dân trong nền văn hóa đó gói ghém trong ngôn từ được sử dụng. Tại sao con lại có nhu cầu làm chuyện đó khi con đã lớn lên tại phương Tây vào thời nay?

Giản dị là con hãy sử dụng các khái niệm mà con có ở đây, sử dụng các giáo lý mà chúng tôi ban ra lúc này, và tận dụng nó một cách tối ưu. Nếu con cởi mở với giáo lý mà chúng tôi đang giảng dạy, con cần nhận ra rằng tiết lộ tuần tự là một tiến trình tuần tự, và sẽ có những thời điểm khi chúng tôi phải thoát ra khỏi giáo lý cũ nếu muốn đưa giáo lý lên một mức cao hơn. Giáo lý cũ đó đã được đẩy xa tối đa trong khả năng hạn chế của ngôn từ cũng như của bối cảnh văn hóa. Và chúng tôi phải bắt đầu lại ở một mức cao hơn và không quan tâm đến những gì mình đã giảng dạy trước kia, như khi có người nhìn vào đó và diễn giải, “Đây hình như là một điểm khác biệt hay một điểm mâu thuẫn”.

Chúng tôi không thể đưa ra giáo lý ở mức cao hơn mà không đánh mất một số học trò cứ dùng tâm đường thẳng để tìm điểm mâu thuẫn. Chúng tôi đã quyết định là, giản dị, mình không thể lo lắng về chuyện đó. Con sẽ thấy là trong quá khứ, chúng tôi đã có xu hướng đưa một đợt truyền pháp đến một điểm khi hoặc vị sứ giả, hoặc các đệ tử, không thể thăng vượt được mức tâm thức đó nữa. Và như vậy, chúng tôi đã phải bỏ lại tổ chức đó và khởi sự một tổ chức mới có nhiều tự do hơn để vươn lên cao hơn. Đây là một điều mà chúng tôi vẫn có thể làm ngày hôm nay. Tuy nhiên, vì sứ giả này và rất nhiều đệ tử đã sẵn lòng bước lên cao hơn mấy lần rồi, cho nên chúng tôi đã không cần phải làm vậy.

Chúng tôi đã có thể bước lên một trình độ cao hơn, như vài năm trước đây với giáo lý về bất nhị, hay với giáo lý về cái Ta Biết, rồi giáo lý về phàm linh nội tại, giáo lý về ngã tách biệt cũng như quyển sách “Những cuộc đời của tôi”. Mỗi lần như vậy, sẽ có một số học trò sử dụng tâm đường thẳng để so sánh lời giảng mới với lời giảng cũ. Ho sẽ phát hiện những điều gì đó có vẻ là mâu thuẫn từ góc cạnh của tâm đường thẳng. Thay vì bước vào sâu hơn và nhìn vượt khỏi những mâu thuẫn bề ngoài để đạt được hiểu biết thâm sâu, thì họ lại dùng tâm vỏ ngoài chú mục vào những điểm mà họ xem là xung khắc, và họ phóng vào đó ý tưởng cho rằng những điểm này bắt buộc phải có vấn đề.

Lời khuyên của ta luôn luôn là như sau: Con hãy nhận ra là mặc dù giáo lý của các đợt truyền pháp trước vẫn có thể có giá trị, nhưng đó là kết quả của một tiến trình tiết lộ tuần tự. Cho nên ta sẽ nói với con, những giáo lý mới nhất mà con mở tâm ra để nhận lấy, chính là giáo lý mà con nên ôm lấy và tận dụng.

Con vẫn có thể tìm hiểu các lời dạy cũ bởi vì lời dạy đó vẫn còn chính đáng, tuy nhiên con đừng sử dụng tâm phân tích đường thẳng để tìm kiếm những sự khác biệt hay mâu thuẫn mà con cho là có thật. Thay vào đó, con hãy nhìn vượt khỏi tâm đường thẳng, hãy sử dụng trực giác để vươn tới một cách hiểu cao hơn về các vấn đề. Nếu con làm vậy, con sẽ có khả năng học hỏi nhiều giáo lý cùng một lúc mà vẫn rút tỉa lợi ích từ tất cả các giáo lý đó. Lợi ích này sẽ không đến qua tâm phân tích đường thẳng, mà qua tâm trực giác.

Là sứ giả trong Thời đại Bảo bình

Hỏi: Con ngạc nhiên khi được biết là các chân sư thăng thiên đôi khi nói cho người nghe những gì họ muốn nghe, thay vì thách đố các tin tưởng của họ. Thày có thể cho con một tầm hiểu sâu hơn về lý do tại sao như vậy? Hơn nữa, các giáo lý về bất nhị liên hệ thế nào với cái nhìn đó? Liệu một người ở trong tư duy nhị nguyên có thể nào trở thành sứ giả?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Một trong những sự thật cơ bản về việc khải thị hay truyền đạt từ cõi tâm linh là người giữ vai trò sứ giả sẽ chỉ hữu dụng cho các chân sư thăng thiên khi người đó trung hòa về một đề tài nào đó. Cho nên nếu người truyền đạt có một ham muốn hay một quan điểm mạnh mẽ, thì người đó sẽ dễ dàng bắt sóng từ những sinh thể nơi các cõi thấp. Sẽ có những sinh thể sẵn sàng nói bất cứ gì người ta muốn nghe để thu hút sự chú ý và do đó cũng thu hút ánh sáng tâm linh của những người này. Ý ta muốn nói là một người với tư duy đen trắng hay một người với tư duy xám đều không thích hợp để làm sứ giả.

Là một người tầm đạo, con cần quyết định liệu con có muốn nhận thông điệp từ những sinh thể nói cho con nghe những gì con muốn nghe – và như vậy cũng sẽ xác nhận hộp tư duy của con và khiến con khó nhìn vượt ra ngoài – hay con sẽ muốn nhận thông điệp từ những sinh thể nói với con những gì con cần nghe hầu con thăng vượt hộp tư duy của con. Chỉ các chân sư thăng thiên mới tự do nói cho con những điều con cần nghe vì các thày không cần bất cứ gì từ con. Các thày tự đủ về mặt tâm linh và không cần đến ánh sáng của con.

Tuy nhiên các thày, các chân sư thăng thiên, thỉnh thoảng cũng đã nói cho người ta nghe những gì họ muốn nghe, vì một khi họ đóng chặt tâm họ lại về một tình trạng nào đó – chẳng hạn như lòng kiêu mạn tâm linh – thì chọn lựa duy nhất còn lại cho các thày là đưa ra những lời sẽ khuếch đại tình trạng đó lên để khiến nó lộ ra rõ hơn và họ sẽ dễ nhìn thấy hơn. Ví dụ trong quá khứ, các thày đã có đưa ra những lời lẽ nhằm khuếch đại tư duy cuồng đại nơi một số người, khiến họ cảm thấy họ là đệ tử cao cấp nhất trên hành tình này. Tuy thế, các thày đã không bao giờ làm vậy mà không đồng thời ban truyền những lời dạy nhằm thách đố tình trạng đó và trao cho họ một phương cách thăng vượt tình trạng đó. Cho nên thử thách của họ là liệu họ sẽ chỉ bắt lấy những gì họ muốn nghe và bỏ qua những gì họ không muốn nghe.

Tuy nhiên với Thời đại Bảo bình vừa khai mạc, một sự xoay chuyển đã xảy ra. Do đó các thày sẽ không còn dùng cách thức đó nữa và sẽ chỉ nói cho mọi người những gì họ cần nghe, hầu họ có được một khung tham chiếu để thách đố các ảo tưởng của tự ngã. Đồng thời, điều này cũng có nghĩa là các thày không còn có thể sử dụng bất kỳ sứ giả nào không trung hòa.

Nếu có ai vô cùng mong muốn thấy một quan điểm là đúng thì người đó không thể giúp được các thày nữa. Nếu họ có những dính mắc cá nhân kiên cố, đặc biết nếu họ tự cho mình là tốt đẹp hơn người hay không thể sai lầm, thì họ không thể làm sứ giả cho các thày được nữa. Nếu họ có những ác cảm cá nhân, không hoàn toàn trung hòa và không khoan dung đối với mọi người, thì họ không thể được dùng làm sứ giả nữa. Nói cách khác, trong thời đại của tự do, các thày cần đến những sứ giả đủ tự do để nhận được thông điệp mà không thêm vào bất cứ màu sắc nhị nguyên nào. Tất nhiên, luôn luôn sẽ có một sự tô màu nào đó do cá tính cùng gốc gác văn hóa của người đó, nhưng màu sắc này không giống như màu sắc nhị nguyên.      

Con thấy đó – phải không con? – điều hợp lý là muốn trở thành một sứ giả chính đáng trong thời đại tự do, con phải trước tiên đạt được một trình độ tự do bản thân cao độ. Con cần nhìn nhận là trong Thời đại Song ngư vừa qua, tư duy cuồng đại là một trong những thách đố lớn nhất mà con người cần vượt qua. Cho nên các thày đã, và đã có thể, ủy nhiệm một số vị sứ giả vẫn còn trong tư duy đó. Những vị đó đã được phép “tô màu” giáo lý của tổ chức họ với tư tưởng cuồng đại cho rằng có một cuộc chiến giữa thiện và ác. Nhưng đồng thời, tổ chức đó cũng đã đưa ra những lời dạy hướng đến một tâm thức vượt khỏi đấu tranh nhị nguyên.

Thời đại Bảo bình này sẽ chỉ biến thành một Thời đại Hoàng kim nếu đại đa số người tâm linh thăng vượt tư duy cuồng đại. Cho nên các thày sẽ không còn dùng bất kỳ sứ giả nào chưa thăng vượt được tư duy đó hay chưa có nỗ lực chân thành để thăng vượt nó. Bất cứ ai nhấn mạnh đến tranh đấu nhị nguyên và khuyến khích người khác tự xem mình là người tranh đấu cho cái thiện để chống lại cái ác, không phải là một sứ giả chân chính. Con không thể là một sứ giả trong Thời đại Bảo bình nếu con nghĩ con chống lại bất cứ ai hay bất cứ gì. Con cần thuận theo sự thật thay vì chống lại những gì con định nghĩa là dối trá bằng tư duy nhị nguyên.

Trong quá khứ, các chân sư thăng thiên đã ban ra nhiều giáo lý được thích ứng với những người còn trong tư duy nhị nguyên, và vì vậy các thày sẽ ngừng không đặt trọng điểm vào đó nữa mà sẽ tập trung vào giáo lý cho tư duy Thời đại Bảo bình dựa trên hợp nhất. Bởi vì chỉ trong hợp nhất mới có tự do, trong khi trong tách biệt chỉ có thể có giam hãm.

Nhưng tư duy cuồng đại cũng không thể được khắc phục bằng cách bước vào tư duy xám. Cho nên bất cứ sứ giả nào nhấn mạnh sự đồng đều mà không có phân biện Ki-tô thì, tương tự như trên, cũng sẽ không hữu dụng trong vai trò một sứ giả chân chính. Phân biện Ki-tô là một thế cân bằng tinh tế giữa hai yêu cầu: vừa không rơi vào một đối cực nhị nguyên, vừa không đứng giữa. Phân biện Ki-tô là thăng vượt nguyên cái thang điểm nhị nguyên và trải nghiệm một sự thật vượt ra ngoài ngôn từ. Nhưng một khi con biết sự thật đó rồi, con sẽ có khả năng nhận được những ngôn từ ít nhất không mang màu sắc nhị nguyên khi chúng đi qua tâm con.

Tất nhiên, điều này không đảm bảo là những ngôn từ đó sẽ không khoác vào một màu sắc nhị nguyên khi chúng đi qua tâm của người đọc. Tuy nhiên, đó không là mối quan tâm cho các thày vì các thày tôn trọng quyền tự quyết và không bị dính mắc vào cách người ta tiếp nhận giáo lý của các thày như thế nào. Các thày chỉ đơn giản cố tìm cách làm cho con đường thật dễ hiểu, và các thày mãn nguyện khi biết rằng mình đã trao cho mọi người một cơ hội để vượt thăng nhị nguyên. Nếu người ta thích đi rong thêm một vòng, hoặc trong một cực đoan phán xét nhị nguyên dựa trên hình dạng vỏ ngoài, hoặc trong cực đoan ngược lại là lòng hòa hoãn thiếu hẳn tính phân biện, thì cũng chịu thôi.   

Con có thực sự thấy những gì ta nói? Câu hỏi cơ yếu là liệu con – bất kể con là sứ giả hay đệ tử – con có hiểu được là sự thật Ki-tô vượt khỏi bất kỳ hệ thống nào tìm thấy trên trái đất, thậm chí vượt khỏi cả sự diễn tả của ngôn từ hay không? Cho nên nếu con có bất kỳ thành kiến nào muốn chứng thực một hệ thống, một triết lý hay ngay cả một thái độ nhất định, thì con sẽ không cởi mở với lời dạy của chân sư thăng thiên. Thay vào đó, con sẽ mở tâm ra với các sinh thể chưa thăng thiên, và quả vậy, họ sẽ xác nhận hệ thống của con.

Họ làm vậy chính là vì họ chưa đạt đến một trình độ điều ngự cho phép họ nhìn vượt quá nhị nguyên và thoát khỏi tâm phán xét – hay cái tâm thiếu phán xét – không có khả năng trực tiếp biết được sự thật. Cho nên các sinh thể này vẫn tin vào ảo tưởng cốt lõi cho rằng sự thật có thể được nhận biết qua ý tưởng và khái niệm thay vì bằng chứng ngộ (gnosis). Họ vẫn tin là con – như một chủ thể – có thể biết một khách thể, một đối tượng, qua một khái niệm trong tâm con. Kỳ thực, con sẽ chỉ thực sự biết được một khi cái Ta Biết của con hòa nhập với tâm thức đã kết đọng (precipitate) đối tượng đó, để hàng rào giữa chủ thể và khách thể tan biến.

Ai ai cũng có thể đạt đến sự chứng ngộ đó, nhưng đối với hầu hết mọi người, làm vậy sẽ tốn thời gian. Tuy nhiên, điều hầu hết mọi người có thể đạt được rất nhanh chóng là một cái hiểu về hai đối cực nhị nguyên cùng nhu cầu không để chúng lừa dối mình. Khi con bắt đầu hiểu bằng cách nào tâm nhị nguyên đã đánh lừa loài người từ hằng hà thiên kỷ, thì con sẽ khó lòng nào đưa một hệ thống thế gian lên địa vị cao trội rồi dùng hệ thống đó để phán xét người khác. Thay vào đó, con sẽ bắt đầu nhìn xa hơn những loại hệ thống vỏ ngoài như vậy, thậm chí vượt xa hơn cả ngôn từ. Và khi học trò sẵn sàng cho một lời dạy cao hơn, thì đúng vậy, vị thày sẽ xuất hiện dưới dạng này hay dạng khác.

Đối với một học trò bị tâm nhị nguyên làm cho mù quáng, một vị thày bất nhị sẽ hiện ra như một con kiến, vì vị thày này sẽ không xác chứng cho cái nhìn cuồng đại của học trò. Vì vậy mới có lời khuyên muôn đời: “Nếu vị thày là một con kiến, con hãy lắng nghe!”

Giê-su giảng về đồng bóng

Hỏi: Thưa thày Giê-su, quan điểm của thày về đồng bóng (channeling, hay truyền kênh) là như thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Giáo lý trên trang web này giải thích rằng tạo vật của Thượng đế được tạo bằng năng lượng. Các tạo vật của Thượng đế có nhiều tầng lớp chỉ phân biệt qua rung động. Tâm con người có khả năng hoà điệu với những tầng khác nhau của tạo vật Thượng đế. Bằng cách điều chỉnh rung động bắt sóng trong tâm thức mình, một người có thể nhận được những ý tưởng hay thông điệp từ những cõi khác.

Có một vài cõi tuy vượt ngoài vũ trụ vật lý nhưng lại có rung động quá thấp để thuộc về thế giới tâm linh. Một trong những cõi đó được các thày gọi là cõi cảm xúc hay cõi tình cảm. Có rất nhiều sinh thể cư ngụ trong cõi này. Trên địa cầu, con có thể thấy nhân loại có nhiều trạng thái tâm thức khác nhau thì ở cõi cảm xúc cũng như vậy.

  • Ở các tầng thấp nhất của cõi cảm xúc, con tìm thấy những sinh thể rõ ràng có ý đồ xấu xa. Chúng cố tình tìm cách thao túng con người cho đủ loại mục đích khác nhau, kể cả đánh cắp năng lượng tâm linh của con người.
  • Ở các tầng giữa của cõi cảm xúc, con tìm thấy những sinh thể không có ý định xấu xa nhưng chỉ đơn giản hành động do vô minh. Ở những tầng cao hơn của cõi cảm xúc, con tìm thấy những sinh thể đã đạt được một mức hiểu biết tâm linh nào đó. Chúng có thể có vẻ thông thái hay tiến hóa cao siêu đối với một người trong thế giới vật chất.
  • Những sinh thể này có thể không có ý gì xấu xa và chúng cũng có thể đưa ra những lời chỉ dẫn hay giảng dạy chứa đựng một chút yếu tố chân lý. Tuy nhiên, con phải tự đặt câu hỏi tại sao chúng lại cư ngụ trong cõi cảm xúc và tại sao chúng chưa thăng thiên lên cõi tâm linh. Lý do là do một số nguyên nhân tâm lý, chúng đã bị kẹt lại ở tầng mức này của tạo vật Thượng đế. Do đó, nếu con tiếp tục hiệp thông với những sinh thể loại này, con có nguy cơ bị kẹt lại ở cùng một mức như chúng.  
  • Khi đã là học trò thì con khó lòng vươn cao hơn tâm thức của thày mình. Cho nên khi con chọn vị thày tâm linh của con, con muốn chọn ra một vị là chân sư thăng thiên. Nếu con muốn phát triển tâm linh tối đa và cũng thăng thiên lên cõi tâm linh, tại sao con lại chọn thày cư ngụ ở một cõi thấp hơn? Tất nhiên, nếu con chỉ muốn “giải trí tâm linh” thì rất nhiều sinh thể ở cõi cảm xúc sẽ là những tay lão luyện để nói cho con nghe đúng những lời mà tự ngã của con muốn nghe.

Ta không có ý muốn đưa ra một lời khẳng định tuyệt đối để lên án đồng bóng hay truyền kênh là luôn luôn nguy hiểm. Tuy nhiên, ta biết có một số hành giả Thời mới ưa nghĩ rằng việc liên hệ với đồng bóng không có gì nguy hiểm. Ta phải nói thẳng thắn với con là nghĩ như vậy không đúng. 

Trong ý nghĩa rộng nhất, đồng bóng có thể mô tả như một tiến trình trong đó một người bật máy thu thanh của tâm thức mình lên và bắt sóng một tầng nào đó trong số các tầng của tạo vật Thượng đế ở ngoài vũ trụ vật lý. Tuy nhiên nếu con nghĩ rằng tất cả mọi thứ ở ngoài vũ trụ vật lý đều là tốt và tâm linh thì con đang mắc vào một ảo tưởng vô cùng nguy hiểm.

Để thấy ảo tưởng này nguy hiểm thế nào, con chỉ cần nhìn vào hành vi của con người. Tại sao con nghĩ có những người hành động xấu ác rõ ràng? Lý do là vì họ đã hòa điệu tâm thức của họ vào một tầng thấp của tạo vật Thượng đế. Chẳng hạn con cũng biết Adolf Hitler say mê huyền bí như thế nào. Kỳ thực ông là cái kênh cho những tà lực thao túng và sử dụng ông ta cho mục đích của chúng. Chỉ cần nhìn vào cuộc đời và cái chết của Hitler, con sẽ thấy hiển nhiên đồng bóng không phải là một hoạt động an toàn. 

Một số người đã cho phép tà lực từ cõi trung giới ảnh hưởng, thậm chí chiếm hữu tâm thức của mình. Những người như thế thường làm công cụ cho tà lực, dù cố ý hay vô tình, dù biết rõ hay là không biết.

Điều ta đang cố giải thích là nếu con cho rằng đồng bóng là an toàn, con đã rơi vào một cực đoan. Cực đoan đối nghịch là những người không bao giờ dám bật máy thu thanh của tâm thức họ để bắt sóng ở ngoài vũ trụ vật chất. Cả hai loại người này đều tiếp cận sự phát triển tâm linh một cách thiếu cân bằng.  

Nếu con nhìn vào hầu hết người tâm linh trên địa cầu, con sẽ thấy chỉ có một lý do duy nhất tại sao họ lại tâm linh. Đó là vì họ đã bật tâm thức họ lên để hòa điệu với cõi tâm linh. Qua sự hòa điệu này, họ nhận được tuệ giác, sự hiểu biết và đôi khi nhiều loại thông điệp từ cõi tâm linh.

Nhiều người trên địa cầu đã mở tâm ra, hoà điệu với cái gì đó vượt khỏi vũ trụ vật chất, và trong những thập niên sắp tới, số người này sẽ ngày càng đông đảo hơn. Tâm cởi mở này là một phần rất lớn trong kế hoạch tâm linh nhằm nâng cao tâm thức nhân loại. Nói chung, ta không muốn con người đóng chặt tâm mình lại, thế nhưng ta cũng khuyên mọi người cân nhắc xem mình muốn liên lạc với tầng cõi nào, với đài phát thanh nào.

Ta khuyến khích mọi người hãy học cách mở tâm thức ra và hòa điệu với bên ngoài thế giới vật chất, nhưng tất nhiên ta chỉ muốn mọi người học cách hòa điệu với thế giới tâm linh mà không bắt lầm sóng của bất cứ cõi nào thấp hơn. Để làm vậy, con cần đạt được sự phân biện, hầu con biết được cái gì thuộc về thế giới tâm linh và cái gì thuộc về những thế giới thấp kém. Khả năng phân biện này chỉ đạt được bằng cách con khoác vào quả vị Ki-tô cá nhân của con, và vì vậy ta đã cho con thật nhiều dụng cụ và lời dạy để giúp con thực hiện được.

Ta phải thành thực với con là ta nhìn thấy nhiều con người tuyệt vời trong phong trào Thời mới, họ rất cởi mở với ý tưởng rằng nhân loại có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh. Nhưng một số lại cố chiếm thiên đàng bằng vũ lực và họ cố hiệp thông bằng động lực không trong sáng. Trong số những động lực này, có niềm kiêu hãnh, có nhu cầu muốn tự cao, nhu cầu quyền lực và kiểm soát, hay lòng ham muốn nếm thử một hiện tượng lạ lẫm. Nếu con đi tìm sự hiệp thông nội tâm từ một lòng ham muốn quá độ hay với những động lực không trong sạch như thế, con sẽ có nhiều khả năng hòa điệu với một tầng tâm thức thấp hơn cõi tâm linh.

Cho nên con nên vô cùng tỉnh thức về các động lực của con. Cách hay nhất để vượt qua động lực bất toàn là thực tâm nỗ lực bước đi trên con đường xây dựng quả vị Ki-tô cá nhân của con. Trước tiên hãy đi tìm vương quốc của Thượng đế, đi tìm tâm thức Ki-tô, và mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con.

Sự quân bình luôn luôn là chìa khóa của phát triển tâm linh. Có những người sẽ nói, do rủi ro khi liên hệ với tà lực nơi cõi cảm xúc, con không bao giờ được thử nghiệm bất kỳ một hình thức hiệp thông cá nhân nào. Nếu con chấp nhận ý tưởng này, làm sao con sẽ vươn lên được cao hơn một mức nào đó trên đường tu? Nhưng mặt khác, rõ ràng cũng sẽ nguy hiểm nếu con bảo rằng bất cứ ai cũng nên hiệp thông và mọi chuyện sẽ tuyệt đối an toàn.   

Ở một mức nào đó trên đường tu, một người sẽ cần phát triển khả năng vượt ra khỏi vũ trụ vật chất và hòa điệu với cõi tâm linh. Tuy nhiên hoà điệu này chỉ nên xảy ra qua cái ta Ki-tô của người đó. Qua cái ta Ki-tô, con có thể chạm các linh thể và biết được nó có thuộc về Thượng đế hay không.

Nếu con không bao giờ cố hoà điệu, chắc chắn con sẽ không thể thăng tiến quá một mức nào đó, nhưng nếu con cố hoà điệu mà không có phân biện, con sẽ gặp rủi ro. Vì vậy, con hãy tập trung vào việc phát triển tâm Ki-tô và đừng cố ép uổng sự hoà điệu nội tâm. Con chỉ đơn giản xây dựng quả vị Ki-tô và để yên cho vị thày tâm linh của con tìm thấy con khi con sẵn sàng.

Đây là ý niệm mà ta đã mô tả trong chuyện ngụ ngôn về những nữ đồng trinh chuẩn bị để sẵn sàng đón tiếp chú rể. Nếu dòng sống cố cưỡng ép tiến trình này, rất có thể nó sẽ nhận lộn chú rể và cuộc hôn nhân sẽ không còn gì thần thánh nữa đâu.

Một số người bị mắc kẹt trong trạng thái tâm thức duy vật đến nỗi họ không thể hoà điệu với bất cứ gì bên ngoài thế giới vật chất. Nếu con đã vượt lên trên mức đó và đạt tới một mức hoà điệu nào đó, tại sao con không nỗ lực thêm để đạt phân biện Ki-tô? Tại sao con không đảm bảo sự hiệp thông với các chân sư đích thực ở cõi tâm linh thay vì một số sinh thể ở những cõi thấp?

Các chân sư khác và chính ta đều sẵn sàng và mong muốn hiệp thông với bất cứ ai đạt được một mức tâm Ki-tô nào đó. Con hãy tìm các thày với sự phân biện và động lực trong sạch, và con sẽ tìm thấy các thày.