Là sứ giả trong Thời đại Bảo bình

Hỏi: Con ngạc nhiên khi được biết là các chân sư thăng thiên đôi khi nói cho người nghe những gì họ muốn nghe, thay vì thách đố các tin tưởng của họ. Thày có thể cho con một tầm hiểu sâu hơn về lý do tại sao như vậy? Hơn nữa, các giáo lý về bất nhị liên hệ thế nào với cái nhìn đó? Liệu một người ở trong tư duy nhị nguyên có thể nào trở thành sứ giả?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Một trong những sự thật cơ bản về việc khải thị hay truyền đạt từ cõi tâm linh là người giữ vai trò sứ giả sẽ chỉ hữu dụng cho các chân sư thăng thiên khi người đó trung hòa về một đề tài nào đó. Cho nên nếu người truyền đạt có một ham muốn hay một quan điểm mạnh mẽ, thì người đó sẽ dễ dàng bắt sóng từ những sinh thể nơi các cõi thấp. Sẽ có những sinh thể sẵn sàng nói bất cứ gì người ta muốn nghe để thu hút sự chú ý và do đó cũng thu hút ánh sáng tâm linh của những người này. Ý ta muốn nói là một người với tư duy đen trắng hay một người với tư duy xám đều không thích hợp để làm sứ giả.

Là một người tầm đạo, con cần quyết định liệu con có muốn nhận thông điệp từ những sinh thể nói cho con nghe những gì con muốn nghe – và như vậy cũng sẽ xác nhận hộp tư duy của con và khiến con khó nhìn vượt ra ngoài – hay con sẽ muốn nhận thông điệp từ những sinh thể nói với con những gì con cần nghe hầu con thăng vượt hộp tư duy của con. Chỉ các chân sư thăng thiên mới tự do nói cho con những điều con cần nghe vì các thày không cần bất cứ gì từ con. Các thày tự đủ về mặt tâm linh và không cần đến ánh sáng của con.

Tuy nhiên các thày, các chân sư thăng thiên, thỉnh thoảng cũng đã nói cho người ta nghe những gì họ muốn nghe, vì một khi họ đóng chặt tâm họ lại về một tình trạng nào đó – chẳng hạn như lòng kiêu mạn tâm linh – thì chọn lựa duy nhất còn lại cho các thày là đưa ra những lời sẽ khuếch đại tình trạng đó lên để khiến nó lộ ra rõ hơn và họ sẽ dễ nhìn thấy hơn. Ví dụ trong quá khứ, các thày đã có đưa ra những lời lẽ nhằm khuếch đại tư duy cuồng đại nơi một số người, khiến họ cảm thấy họ là đệ tử cao cấp nhất trên hành tình này. Tuy thế, các thày đã không bao giờ làm vậy mà không đồng thời ban truyền những lời dạy nhằm thách đố tình trạng đó và trao cho họ một phương cách thăng vượt tình trạng đó. Cho nên thử thách của họ là liệu họ sẽ chỉ bắt lấy những gì họ muốn nghe và bỏ qua những gì họ không muốn nghe.

Tuy nhiên với Thời đại Bảo bình vừa khai mạc, một sự xoay chuyển đã xảy ra. Do đó các thày sẽ không còn dùng cách thức đó nữa và sẽ chỉ nói cho mọi người những gì họ cần nghe, hầu họ có được một khung tham chiếu để thách đố các ảo tưởng của tự ngã. Đồng thời, điều này cũng có nghĩa là các thày không còn có thể sử dụng bất kỳ sứ giả nào không trung hòa.

Nếu có ai vô cùng mong muốn thấy một quan điểm là đúng thì người đó không thể giúp được các thày nữa. Nếu họ có những dính mắc cá nhân kiên cố, đặc biết nếu họ tự cho mình là tốt đẹp hơn người hay không thể sai lầm, thì họ không thể làm sứ giả cho các thày được nữa. Nếu họ có những ác cảm cá nhân, không hoàn toàn trung hòa và không khoan dung đối với mọi người, thì họ không thể được dùng làm sứ giả nữa. Nói cách khác, trong thời đại của tự do, các thày cần đến những sứ giả đủ tự do để nhận được thông điệp mà không thêm vào bất cứ màu sắc nhị nguyên nào. Tất nhiên, luôn luôn sẽ có một sự tô màu nào đó do cá tính cùng gốc gác văn hóa của người đó, nhưng màu sắc này không giống như màu sắc nhị nguyên.      

Con thấy đó – phải không con? – điều hợp lý là muốn trở thành một sứ giả chính đáng trong thời đại tự do, con phải trước tiên đạt được một trình độ tự do bản thân cao độ. Con cần nhìn nhận là trong Thời đại Song ngư vừa qua, tư duy cuồng đại là một trong những thách đố lớn nhất mà con người cần vượt qua. Cho nên các thày đã, và đã có thể, ủy nhiệm một số vị sứ giả vẫn còn trong tư duy đó. Những vị đó đã được phép “tô màu” giáo lý của tổ chức họ với tư tưởng cuồng đại cho rằng có một cuộc chiến giữa thiện và ác. Nhưng đồng thời, tổ chức đó cũng đã đưa ra những lời dạy hướng đến một tâm thức vượt khỏi đấu tranh nhị nguyên.

Thời đại Bảo bình này sẽ chỉ biến thành một Thời đại Hoàng kim nếu đại đa số người tâm linh thăng vượt tư duy cuồng đại. Cho nên các thày sẽ không còn dùng bất kỳ sứ giả nào chưa thăng vượt được tư duy đó hay chưa có nỗ lực chân thành để thăng vượt nó. Bất cứ ai nhấn mạnh đến tranh đấu nhị nguyên và khuyến khích người khác tự xem mình là người tranh đấu cho cái thiện để chống lại cái ác, không phải là một sứ giả chân chính. Con không thể là một sứ giả trong Thời đại Bảo bình nếu con nghĩ con chống lại bất cứ ai hay bất cứ gì. Con cần thuận theo sự thật thay vì chống lại những gì con định nghĩa là dối trá bằng tư duy nhị nguyên.

Trong quá khứ, các chân sư thăng thiên đã ban ra nhiều giáo lý được thích ứng với những người còn trong tư duy nhị nguyên, và vì vậy các thày sẽ ngừng không đặt trọng điểm vào đó nữa mà sẽ tập trung vào giáo lý cho tư duy Thời đại Bảo bình dựa trên hợp nhất. Bởi vì chỉ trong hợp nhất mới có tự do, trong khi trong tách biệt chỉ có thể có giam hãm.

Nhưng tư duy cuồng đại cũng không thể được khắc phục bằng cách bước vào tư duy xám. Cho nên bất cứ sứ giả nào nhấn mạnh sự đồng đều mà không có phân biện Ki-tô thì, tương tự như trên, cũng sẽ không hữu dụng trong vai trò một sứ giả chân chính. Phân biện Ki-tô là một thế cân bằng tinh tế giữa hai yêu cầu: vừa không rơi vào một đối cực nhị nguyên, vừa không đứng giữa. Phân biện Ki-tô là thăng vượt nguyên cái thang điểm nhị nguyên và trải nghiệm một sự thật vượt ra ngoài ngôn từ. Nhưng một khi con biết sự thật đó rồi, con sẽ có khả năng nhận được những ngôn từ ít nhất không mang màu sắc nhị nguyên khi chúng đi qua tâm con.

Tất nhiên, điều này không đảm bảo là những ngôn từ đó sẽ không khoác vào một màu sắc nhị nguyên khi chúng đi qua tâm của người đọc. Tuy nhiên, đó không là mối quan tâm cho các thày vì các thày tôn trọng quyền tự quyết và không bị dính mắc vào cách người ta tiếp nhận giáo lý của các thày như thế nào. Các thày chỉ đơn giản cố tìm cách làm cho con đường thật dễ hiểu, và các thày mãn nguyện khi biết rằng mình đã trao cho mọi người một cơ hội để vượt thăng nhị nguyên. Nếu người ta thích đi rong thêm một vòng, hoặc trong một cực đoan phán xét nhị nguyên dựa trên hình dạng vỏ ngoài, hoặc trong cực đoan ngược lại là lòng hòa hoãn thiếu hẳn tính phân biện, thì cũng chịu thôi.   

Con có thực sự thấy những gì ta nói? Câu hỏi cơ yếu là liệu con – bất kể con là sứ giả hay đệ tử – con có hiểu được là sự thật Ki-tô vượt khỏi bất kỳ hệ thống nào tìm thấy trên trái đất, thậm chí vượt khỏi cả sự diễn tả của ngôn từ hay không? Cho nên nếu con có bất kỳ thành kiến nào muốn chứng thực một hệ thống, một triết lý hay ngay cả một thái độ nhất định, thì con sẽ không cởi mở với lời dạy của chân sư thăng thiên. Thay vào đó, con sẽ mở tâm ra với các sinh thể chưa thăng thiên, và quả vậy, họ sẽ xác nhận hệ thống của con.

Họ làm vậy chính là vì họ chưa đạt đến một trình độ điều ngự cho phép họ nhìn vượt quá nhị nguyên và thoát khỏi tâm phán xét – hay cái tâm thiếu phán xét – không có khả năng trực tiếp biết được sự thật. Cho nên các sinh thể này vẫn tin vào ảo tưởng cốt lõi cho rằng sự thật có thể được nhận biết qua ý tưởng và khái niệm thay vì bằng chứng ngộ (gnosis). Họ vẫn tin là con – như một chủ thể – có thể biết một khách thể, một đối tượng, qua một khái niệm trong tâm con. Kỳ thực, con sẽ chỉ thực sự biết được một khi cái Ta Biết của con hòa nhập với tâm thức đã kết đọng (precipitate) đối tượng đó, để hàng rào giữa chủ thể và khách thể tan biến.

Ai ai cũng có thể đạt đến sự chứng ngộ đó, nhưng đối với hầu hết mọi người, làm vậy sẽ tốn thời gian. Tuy nhiên, điều hầu hết mọi người có thể đạt được rất nhanh chóng là một cái hiểu về hai đối cực nhị nguyên cùng nhu cầu không để chúng lừa dối mình. Khi con bắt đầu hiểu bằng cách nào tâm nhị nguyên đã đánh lừa loài người từ hằng hà thiên kỷ, thì con sẽ khó lòng nào đưa một hệ thống thế gian lên địa vị cao trội rồi dùng hệ thống đó để phán xét người khác. Thay vào đó, con sẽ bắt đầu nhìn xa hơn những loại hệ thống vỏ ngoài như vậy, thậm chí vượt xa hơn cả ngôn từ. Và khi học trò sẵn sàng cho một lời dạy cao hơn, thì đúng vậy, vị thày sẽ xuất hiện dưới dạng này hay dạng khác.

Đối với một học trò bị tâm nhị nguyên làm cho mù quáng, một vị thày bất nhị sẽ hiện ra như một con kiến, vì vị thày này sẽ không xác chứng cho cái nhìn cuồng đại của học trò. Vì vậy mới có lời khuyên muôn đời: “Nếu vị thày là một con kiến, con hãy lắng nghe!”