Chân ngã hay đức Thánh linh?

Hỏi: Thế nào là đấng Quan sát Im lặng (Silent Observer), là đấng bay lơ lửng trên bản thân mình, có vẻ tách biệt khỏi mình nhưng lại là toàn bộ con người mình? Đó có phải chăng là Chân ngã, cái Ta cao hơn hay là sự thể hiện của Thánh linh? Làm thế nào tìm lại kinh nghiệm sống này đã bị đánh mất hoặc có vẻ như ẩn giấu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Đó là một cách mô tả thật thi vị về một kinh nghiệm tâm linh mà nhiều hành giả chân thành đã có và mọi hành giả chân thành nên cố gắng có. Mỗi tôn giáo hay triết lý tâm linh đều tìm cách mô tả kinh nghiệm này, và có nhiều cách để diễn tả kinh nghiệm này thành lời. Hãy cho phép ta gợi cho con một trong số rất nhiều cách diễn đạt đó.

Như đã giải thích ở nhiều nơi khác trên trang mạng này, bản thể của con là một sự cá thể hóa (individualization) của bản thể Thượng đế. Con được sinh tạo theo hình ảnh của Thượng đế và giống như Thượng đế, có nghĩa là bậc cha mẹ tâm linh của con đã lập ra cá thể từ chính bản thể mình, đó là Hiện diện TA LÀ của con. Tuy nhiên, Thượng đế có hai khía cạnh như được diễn đạt qua biểu tượng Thái cực của Đạo giáo. Hiện diện TA LÀ của con là thái cưc Dương hay nam của dòng sống của con, và cái Ta Biết là thái cực Âm hay nữ.   

Hiện diện TA LÀ của con được tạo bằng năng lượng với một độ rung động rất cao, cao hơn nhiều so với năng lượng trong vũ trụ vật chất. Vì vậy, Hiện diện TA LÀ không thể đi xuống vũ trụ vật chất. Cái đi xuống vũ trụ này là cái Ta Biết, và để làm điều này, cái Ta Biết khoác vào những chiếc áo vỏ ngoài là phàm ngã và xác thân vật lý. Tuy nhiên, thử thách lớn đối với cái Ta Biết là làm thế nào duy trì được sự tiếp xúc với Hiện diện TA LÀ khi đang chìm đắm trong năng lượng dày đặc của vũ trụ vật chất.   

Nếu cái Ta Biết đi xuống thấp hơn tầng tâm thức thứ 48, nó sẽ chỉ duy trì được mối liên lạc này qua trung gian một khía cạnh khác của chính con, là cái mà nhiều giáo lý tâm linh gọi là cái ta cao hơn (higher self). Ta sẽ gọi phần này của con là cái ta Ki-tô (Christ self), bởi vì ta là Ki-tô đã được phái xuống với con để chứng tỏ cho con thấy là mỗi con người đều có tiềm năng kết hợp với cái ta Ki-tô này ngay cả khi cư ngụ trong một thân xác vật lý.   

Chìa khóa cho mọi loại kinh nghiệm tâm linh là con phải bước vào bên trong nội tâm và tìm cách liên lạc với cái ta Ki-tô của con. Hầu hết mọi người đều có một mức độ liên lạc nào đó với cái ta này – thường được gọi là trực giác. Tuy nhiên khi con mở rộng mối liên lạc với cái ta Ki-tô, con có khả năng chứng nghiệm Hiện diện TA LÀ của con. Lúc đầu, Hiện diện TA LÀ sẽ có vẻ như một vị quan sát im lặng. Nhưng khi con mở rộng mối liên lạc hơn nữa, con có thể “nghe” thấy cái ta Ki-tô hay Hiện diện TA LÀ của con đang nói chuyện với con dưới dạng lời nói, ý tưởng, hình ảnh hay ngay cả rung động.

Hiện dịên TA LÀ của con là một cá thể của Bản thể lớn hơn mà loài người gọi là Thượng đế. Con có khả năng có được một trải nghiệm trực tiếp về Bản thể của Thượng đế. Điều này đã xảy ra cho rất nhiều người tâm linh khắp các thời đại. Thậm chí chứng nghiệm đó đã xảy ra một cách tự phát nơi một số người không tự xem mình là tâm linh.

Cho nên, từ “quan sát im lặng” có thể chỉ Hiện diện TA LÀ cá nhân của con tức là cá thể của Thượng đế, hoặc nó cũng có thể chỉ bản thể rộng lớn hơn của Thượng đế.

Làm thế nào con có thể tìm lại kinh nghiệm này? Bằng cách tăng trưởng trực giác của mình và nhờ đó tăng trưởng mối liên lạc ý thức với cái ta Ki-tô. Và khi con bắt đầu tăng trưởng liên lạc đó và bắt đầu chuyển dời ý niệm bản sắc của mình ra khỏi tâm nhị nguyên để hướng về tâm Ki-tô, con sẽ liên lạc mật thiết hơn với cái ta tâm linh của con.

Đâu là những bước thực tiễn để tiến tới mục tiêu này? Trên cơ bản, mọi triết lý hay hệ thống tâm linh đều nhắm đến mục tiêu này đây. Con hãy sử dùng trực giác, kỹ thuật hòa điệu, cùng các bài chú, bài thỉnh mà chúng tôi đã trao truyền.

Con hãy chuyên cần sử dụng một hệ thống hay một kỹ thuật trong một thời gian. Khi con cảm thấy đến lúc chín muồi, con hãy thỉnh cầu sự hướng dẫn nội tâm xem con có cần tìm một hệ thống cao hơn hoặc tinh luyện, cải tiến cách tu tập hệ thống hiện thời cuả con. Con đừng trở nên cứng nhắc và rơi vào cái bẫy cho rằng nếu cứ áp dụng mãi một kỹ thuật hay hệ thống suốt đời thì con sẽ tự động được cứu rỗi. Mục đích của bất kỳ hệ thống nào là để tăng triển độ nối kết của con với cái ta Ki-tô hầu con nhận được một sự tiết lộ tuần tự và hằng sống về đường tu cá nhân của con dẫn tới Thượng đế.