Con hơn tâm của con

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Đại thượng sư là chức của thày, là trách vụ mà thày đảm trách. Đây không phải là tên của thày như là một sinh thể cá biệt có tánh Tự do của Thượng đế, nhưng tên của thày không quan trọng, vì bản sắc của thày – cá tính, đặc tính của thày – không quan trọng đối với trách vụ mà thày đảm trách.

Quả thực là khi con nắm giữ trách vụ đó, con đã vượt lên trên cá thể và cá tính, theo nhãn quan của một người đang đầu thai trên trái đất. Con đã buông bỏ cái ngã tách biệt, cái phàm ngã. Con đã phối hợp bảy tia sáng tâm linh đến độ đề cập đến cá thể không còn ý nghĩa gì nữa, khi con nói với hay nói cho những người đang hiện thân.

Các con quả thực có thể biết thày như một sinh thể cá biệt. Thày đương nhiên có đặc tính cá biệt, nhưng con không thể biết chúng qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt của con. Con chỉ biết chúng khi con vượt thăng phin lọc đó và nhập một với thày. Và dĩ nhiên, điều này cũng áp dụng cho các vị Thượng sư của bảy tia sáng.

3.1. Làm sao thực sự biết được một tia sáng tâm linh

Làm sao con biết được một vị Thượng sư? Làm sao con biết được một tia sáng tâm linh? Đúng là các thày có cho con một số đặc tính, nhưng nếu con chú tâm vào các đặc tính đó thì chúng sẽ trở thành một chướng ngại khiến con không biết được tia sáng đó. Bởi vì một tia sáng không thể bị giới hạn bởi đặc tính vỏ ngoài.

Con chỉ biết được một tia sáng khi con nhập một với nó, nhập một với vị Thượng sư, Đại thiên thần hay Elohim của tia sáng đó. Khi con đã nhập một thì con không nhìn tia sáng như con nhìn một vật trên trái đất, tức là con không nhìn nó như một chủ thể tách biệt tìm hiểu từ bên ngoài một khách thể tách biệt, tìm hiểu các đặc tính của nó từ bên ngoài.

Trái lại, con sử dụng khả năng cơ bản nhất mà con có, là khả năng của cái Ta Biết có thể rút ra không đồng hóa với phàm ngã và thay vào đó nhập một với cái gì cao hơn phàm ngã. Và lẽ dĩ nhiên là khi con nhập một với một tia sáng tâm linh hay vị Thượng sư của tia sáng đó, thì con không nhìn tia sáng đó từ bên ngoài. Con không nhìn nó như một vật mà con tìm hiểu.

Con quên mình là một chủ thể tách biệt đang tìm hiểu một vật bên ngoài con, tách biệt khỏi con, đứng riêng khỏi con. Trái lại con hòa tâm thức của con vào tâm thức của vị Thượng sư. Do đó con không nhìn tia sáng từ bên ngoài; con nhìn nó từ bên trong. Con nhìn sự sống từ góc nhìn của tia sáng đó.

Đó là cách làm sao con biết được tia sáng. Đó là cách con biết cuộc sống như thế nào qua cái nhìn của tia sáng. Khi con hòa nhập với Tia sáng thứ Nhất, thì Tia sáng thứ Nhất không còn là một tấm màn. Con có thấy chăng là khi con còn nhìn Tia sáng thứ Nhất như một chủ thể tách biệt tìm hiểu một khách thể bên ngoài, thì con không thể nhìn xuyên qua ánh sáng của tia sáng đó? Nó trở thành một tấm màn và con không thể nhìn xuyên qua tấm màn; do đó, con không nhìn thấy cõi tâm linh, con chỉ nhìn thấy cõi vật chất.

3.2. Áp dụng các tia sáng 

Tuy cõi vật chất được tạo bằng năng lượng của bảy tia sáng, nhưng độ rung của các năng lượng đó đã được hạ xuống và chúng khoác vào một độ dày đặc che giấu chúng là biểu hiện của bảy tia sáng. Do đó, con có thể nhìn một tảng đá hay một quả núi và không thấy được là chất liệu trông rắn đặc thực ra được tạo nên bởi ánh sáng. Và không phải chỉ một loại ánh sáng, mà là một pha trộn của cả bảy tia sáng. Và do đó, quả núi trông đồ sộ, rắn đặc và nó che mờ viễn quan của con.

Cũng tương tự, khi con biết là có bảy tia sáng, lúc ban đầu chúng sẽ giống như vật xa cách để con tìm hiểu. Tìm hiểu các tia sáng không có gì sai trái. Tuy nhiên, như thày đã nói, một đệ tử tâm linh có thể chú tâm quá nhiều vào việc tìm hiểu các đặc tính vỏ ngoài của các tia sáng và không nhìn ra chính ánh sáng. Con không nhập một được với ánh sáng vì con quá chú tâm vào việc tìm hiểu các đặc tính vỏ ngoài.

Con có thấy chăng là khi con nhìn các tia sáng dưới góc nhìn của một người chưa sáng ngộ thì con sẽ thấy chúng như bảy chiếc màn ngăn con không nhìn được vào cõi tâm linh. Con có thể nhận ra – ngay cả con trải nghiệm được bằng trực giác – là có những năng lượng vượt quá các chất liệu vật chất mà con phát hiện bằng giác quan. Nhưng khi con tìm cách nhìn quá tấm màn của vật chất, thì con lại thấy một tấm màn nữa, tạo nên bởi bảy tia sáng. Do đó, con rất có thể quá chú tâm vào việc tìm hiểu các tia sáng và đặc tính của chúng, học giáo lý vỏ ngoài, tới độ con không nhìn ra tia sáng, hoặc con quên không vượt quá sự tìm hiểu để đạt được chứng ngộ (gnosis), có nghĩa là “nhập một với”. 

3.3. So sánh Hiểu biết và Chứng ngộ

Đa số con người trên trái đất nhìn xuyên qua phin lọc của cái ngã vỏ ngoài được hình thành dựa trên ảo tưởng tách biệt và các đối cực nhị nguyên nảy sinh khi họ tách ra khỏi cội nguồn của họ. Khi họ tìm hiểu về một vật, thì thực sự họ phóng chiếu những hình ảnh định sẵn, các niềm tin, quan điểm – tức là biểu tượng đã định sẵn – lên vật họ đang tìm hiểu. Đây là điều các nhà vật lý khoa học lượng tử đã nhận ra.

Khi con nhìn sự vật qua phin lọc đó, thì con không thấy nó với hình tướng thuần khiết của nó. Cái con nhìn thấy là rung động của vật phối hợp với các rung động trong tâm con – là phin lọc nhận thức của con. Con đã phóng chiếu phin lọc nhận thức lên vật đó. Khi con phóng chiếu bất cứ hình tư tưởng nào lên một vật thì con không thực sự thấy vật đó. Cái con thấy là một ảo tưởng – một hình ảnh được tạo ra bởi mô thức giao thoa (interference) giữa cái con phóng chiếu và tâm thức đằng sau vật mà con tìm hiểu.

Đây là điều mà thế gian gọi là “hiểu biết” (knowledge), hiểu biết đường thẳng và dựa trên phân tích. Đó không phải là minh triết, không phải là chứng ngộ. Cái con biết chỉ là cách tâm con tương tác với vật. Ta có thể kết luận là tâm của con, tâm con người, có thể trở thành một hệ thống đóng kín vì con không thể nhìn thấy quá những gì con phóng chiếu. Những phóng chiếu của con đã tạo nên một tấm màn dày đặc, một hộp tư duy dày đặc đến độ con không thấy được bất cứ điều gì ngoài hộp đó. Con theo quan điểm thế gian và tưởng là con đã đạt được hiểu biết tối hậu vì con nghĩ là con đã nhét được cả vũ trụ vào hệ thống tư tưởng của con, hệ thống niềm tin của con, hộp tư duy của con.

3.4. Tâm bị che mờ bởi hình ảnh

Đây chính là tình trạng của tất cả mọi người khi họ tới học với Đại thượng sư và bảy vị Thượng sư. Các con không đến với các thày với tâm tự do, vì nếu tâm con đã tự do thì con đâu cần đến các thày, phải vậy không con?

Con đến với các thày với tâm bị che mờ bởi các hình ảnh được tạo nên bởi quan niệm của con về thế giới, Thượng đế, và chính con. Câu hỏi cần được đặt ra là con sẵn sàng tới mức nào để các thày, các Thượng sư, thách đố các hình ảnh, niềm tin, và lý thuyết cưng yêu của con về cuộc đời. Khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện. Đây là một quy luật hoàn vũ hướng dẫn sự tương tác giữa các vị thày tâm linh, các vị thày thực sự, và đệ tử đang đầu thai. Nhưng chính con sẵn sàng tới mức nào? Đó là câu hỏi mà ta cần suy ngẫm.

Con thấy chăng là khoa học đã khám phá ra một quy luật giản dị, gọi là quy luật thứ nhì của nhiệt động học (thermodynamics), nói rằng trong một hệ thống đóng kín, các lực đối chọi nhau sẽ mạnh tới độ tất cả cơ cấu của hệ thống đó rút cuộc sẽ bị tan vỡ, cho đến khi không còn gì tồn tại. Vì vậy, khi tâm con trở thành một hệ thống đóng kín thì con sẽ chịu quy luật thứ nhì của nhiệt động học, mà các thày cũng gọi là Trường đời Cay đắng. Khi tâm con còn đóng kín thì con không sẵn sàng đón nhận vị thày tâm linh, và không vị nào trong bảy vị Thượng sư sẽ có thể giúp được con.

Con có thể thu hút một vị thày tâm linh trên trái đất tuyên bố rằng vị ấy có thể giúp con. Con cũng có thể thu hút một vị thày bên ngoài cõi vật lý ở một trong những cõi thấp – hoặc là cõi tình cảm hay cõi lý trí – tuyên bố rằng vị ấy có thể giúp con. Một số vị đó cũng có thể giả danh là chân sư thăng thiên, nhưng các con ơi, sự thực thâm sâu là không có vị thày nào có thể làm gì thay con được. Vị thày chỉ có thể cho con cảm hứng để con tự mình làm một điều gì đó, vì lý do giản dị là con đường tu chân chính là con đường tự điều ngự (self-mastery). Do đó con phải là người chủ động. Thày không thể điều ngự tâm con thay con được! Chỉ có con mới có thể điều ngự tâm con.

3.5. Làm sao con trở thành học viên mà các thày có thể dạy được?

Khi con còn tin rằng con có thể nhét vũ trụ hay các chân sư thăng thiên hay Thượng đế vào trong hộp tư duy của con, thì các thày không tới con được, con là học viên mà các Thượng sư không thể dạy được. Lúc đó, thì các thày chỉ có thể khoanh tay đứng bên ngoài và nhìn con học trong Trường đời Cay Đắng, nơi con sẽ theo các thày giả cho tới khi con chán ngán. Hoặc là con chịu sự hạn chế của cõi vật chất và con học bằng cách thấy những hình tư tưởng của mình được phóng chiếu thành hoàn cảnh sống của mình. Con có thể đi vào một vòng xoắn càng ngày càng hạn chế tự do sáng tạo của mình, cho tới khi con cảm thấy mình không còn cựa quậy được nữa và cuối cùng thì con kêu gào lên để tìm đường thoát, kêu gào rằng cuộc sống này phải có cái gì hơn nữa, phải có một cách sống khác.

Con thấy chăng, ngay cả khi con đã kêu gào tìm đường thoát, thì không nhất thiết là các Thượng sư có thể giúp con. Yếu tố thiết yếu, đặc tính thiết yếu của một người sẵn sàng theo học các Thượng sư là con nhận ra rằng con phải chất vấn chính nhận thức của mình, con phải chất vấn cách con nhìn cuộc đời.

Do đó, ta có thể nói rằng bước đầu tiên trên con đường tu học theo các Thượng sư là con nhìn nhận là mình vô minh. Con thật sự nhìn nhận rằng dù con có một bồ kiến thức to lớn theo quan điểm thế gian nhưng kiến thức này đang tạo một nhà tù xung quanh tâm con và kềm giữ con lại. Quan niệm bình thường trong thế gian về vô minh là có điều gì con không biết. Định nghĩa này có phần đúng, có cái gì đó con không biết, nhưng tại sao con không biết điều đó?

Thật ra không phải vì bình chứa tâm con trống trơn mà con không biết cái gì con không biết. Đó chính là vì bình chứa tâm con quá đầy, khiến con không thể nhìn thấy những gì ngoài nội dung tâm con. Vậy trước khi con tới được điểm mà các Thượng sư có thể làm bất cứ điều gì để giúp con, thì ít nhất con cần phải có một cảm nhận vi tế là con cần chất vấn nội dung của bình chứa tâm của con hoặc con cần nhìn vượt lên trên nội dung đó. Ít nhất con cần phải có can đảm chất vấn một số những lý thuyết cưng yêu của mình, một số niềm tin sâu thẳm của con, một số điều mà con coi là đương nhiên.

Các Thượng sư chúng tôi hiểu rằng khi con tới điểm này lần đầu, con chưa sẵn sàng chất vấn tất cả mọi niềm tin của con. Nếu con chất vấn tất cả các niềm tin cùng một lúc, con sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, con sẽ cảm thấy như không biết mình là ai nữa. Lẽ dĩ nhiên, đó là vì con đã tạo ra một ý niệm bản sắc dựa trên những niềm tin đó.

3.6. Giữ chặt các ý tưởng của mình

Các thày không đòi hỏi con vứt bỏ tất cả các niềm tin cùng một lúc. Nhưng các thày yêu cầu con sẵn sàng nhìn vào một số niềm tin, và sẵn sàng để cho từng vị Thượng sư chất vấn một số niềm tin của con. Nếu con không chịu làm như thế, thì các thày không thể giúp con. Nhưng nếu con khư khư ôm chặt các ý tưởng của con, nói theo ngôn từ của Thiền Phật giáo thì các thày phải để con ngồi đó ôm chặt ý tưởng của mình, cho tới khi tâm con mở ra một chút để con chịu nhìn vượt lên trên một số ý tưởng của mình. Lúc đó, các thày có thể bắt đầu làm việc với con, các Thượng sư có thể nhập cuộc và nói: “Con hãy chất vấn ý tưởng này đi.” Và các thày dùng điểm đó như điểm khởi đầu. Bất cứ điều gì mà con chịu chất vấn, các thày sẽ dùng nó như điểm khởi đầu, cho tới khi con chất vấn xong xuôi ý tưởng đó và mở tâm chịu chất vấn một ý tưởng khác. Rồi dần dần, các thày sẽ dẫn con tiến thêm bước nữa và bước nữa, cho tới khi con tới những ý tưởng then chốt quy định ý niệm bản sắc của con. Những ý tưởng này không phải là nội dung trong bình chứa cái ta mà chính là thành của bình chứa cái ta. Đó là lúc con bắt đầu ngưng không tự đồng hóa với các niềm tin của mình. Con bắt đầu nhận ra con không phải là các niềm tin của mình; con hơn các niềm tin của mình.

Đây là lúc con mở tâm đón nhận ý tưởng cái “ta” mà con là không phải là cái ta vỏ ngoài được quy định bởi các niềm tin và kinh nghiệm sống trong thế gian này. Con vượt quá cái ta vỏ ngoài đó, con vượt quá các hình tướng thế gian, con vượt quá các hoàn cảnh thế gian. Đây là lúc con bắt đầu nhận ra con có khả năng đứng ra ngoài phàm ngã của mình. Dù là lúc đầu con chỉ trải nghiệm trong một thoáng giây, nhưng con có thể trải nghiệm một trạng thái tâm thức trong đó con nhìn một vật không qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt. Và như thế con không phóng chiếu gì hết lên vật đó.

Con đột nhiên có một thoáng biết, dù là một thoáng biết ngắn ngủi, là con đang trải nghiệm vật đó như nó là. Đó là lúc con thật sự bắt đầu tiến trình thật của hiểu biết, tiến trình thật của chứng ngộ. Khi con còn nhìn một vật qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt, thì con sẽ phải thấy là vật đó tách biệt khỏi con, và con không thể nhập một với nó hay tâm thức đằng sau nó. Con không thể nhập một với Thượng sư của một tia sáng khi con còn nhìn và thấy tia sáng, qua phin lọc nhận thức. Chỉ khi nào con bước ra ngoài phin lọc nhận thức – và thoáng nhận ra Thượng sư thật sự là ai, và không nhìn Thượng sư qua phin lọc nữa – thì lúc đó con mới thực sự biết tia sáng đó. Lúc đó, con có thể tiến thêm bước nữa, con có thể nhân lên những khả năng mà con đã được phú cho và con dần dần nhập một với tia sáng. Khi con nhập một với Tia sáng thứ Nhất và Thượng sư là Chân sư More thì tia sáng này không còn tạo ra tấm màn che mờ nhãn quan của con về cõi tâm linh. Bấy giờ, khi con là một với Tia sáng thứ Nhất, nó không che mờ nhãn quan của con, vì con nhìn xuyên qua nó.

Và như vậy, con tiến một bước gần hơn tới thiên đàng bằng cách nhập một với một trong bảy tia sáng thiêng liêng.

3.7. Một dòng suối róc rách

Khi con đi xa hơn trên đường tu qua bảy tia sáng, con có cái nhìn càng ngày càng rõ hơn về cõi tâm linh, về thực tại tâm linh. Sau đó con bắt đầu bước vào sự hợp nhất sẽ dẫn con tới tầng tâm thức thứ 96. Đó là lúc con phải chọn lựa, hoặc là con tiếp tục nâng cao cái ngã tách biệt – ngay cả dùng hiểu biết mà con gặt hái đuợc với bảy tia sáng để làm chuyện này – hoặc là con bước lên một viễn quan cao hơn qua đó con tìm cách nâng cao mọi sự sống vì con bắt đầu nhận ra rằng mọi sự sống là bản thể thật của mình.

Chỉ có một cái ta. Chỉ có một cái tâm; chỉ có một tâm thức. Chỉ có một Tánh linh (Spirit), và đó là Thánh Linh (Holy Spirit) đang nâng cao tất cả mọi sự sống, đang kéo mọi sự sống theo nó, giống như một dòng sông chảy về biển cả vô tận.

Thày sẽ chấm dứt bài giảng này bằng cách gợi ý là nếu con muốn biết Thánh linh là gì ­– Tánh linh Duy nhất, Tánh linh Sáng tạo, Dòng sông sự Sống – thì con hãy chiêm nghiệm hình ảnh một dòng suối róc rách. Nếu gần nơi con ở có một dòng suối thì con hãy ra đó. Con hãy ngả lưng bên bờ suối và lắng nghe. Nếu không thì thày biết chắc là con có thể tìm được một băng thâu thanh tiếng róc rách của một dòng suối. Con hãy cho phép mình tĩnh lặng, con hãy cho phép mình lắng nghe âm thanh của dòng suối.

Có hai khía cạnh thày muốn con chú tâm tới. Khía cạnh thứ nhất là dòng suối luôn luôn tuôn chảy. Con hãy chiêm nghiệm sự kiện con không thể ngưng không cho dòng sông tuôn chảy. Con không thể ngưng dòng nước chảy; nó mãi mãi chảy, tiếp tục chảy và không bao giờ ngừng.

Con có thể nghĩ rằng cái trí của con có thể nghĩ ra một kế hoạch đắp đập ngăn sông, nhưng nước sẽ tiếp tục dâng lên cho đến khi nó tràn qua đập. Không có đập nào vươn được tới trời, nhưng nước thì sẽ dâng lên mãi. Do đó, bất kể con người cố làm cách gì để đắp đập Dòng sông sự Sống – đây là điều mà hầu hết các hệ thống tư tưởng thế gian đều muốn làm – sẽ có một lúc nước tràn qua đập.

Khi con chiêm nghiệm là dòng sông chảy liên lục, thì con có thể nhận ra, con có thể nhìn thấy và trải nghiệm, sự vô ích tuyệt đối – sự phù phiếm tuyệt đối – của ý tưởng cho rằng con có thể ngăn dòng chảy, con có thể đắp đập dòng sông, con có thể ép nó vào một khuôn đúc bắt nó đứng yên. Tánh linh Duy nhất, Thánh linh, sẽ không bao giờ khép mình vào bất kỳ khuôn đúc nào do tâm tách biệt tạo ra! Nó sẽ mãi mãi tiến tới, nó sẽ mãi mãi thăng vượt, và nó sẽ mãi mãi tuôn chảy.

Nếu con muốn tiến tới, nếu con muốn thoát ra khỏi ngục tù do con tự dựng lên, thì con phải sẵn sàng tuôn chảy. Các Thượng sư chúng tôi đang có mặt để giúp con tuôn chảy. Các thày không có mặt để cho con kiến thức cố định về mỗi tia sáng, để rồi con có thể ngồi đó và cảm thấy mình khôn hơn, giỏi hơn người khác vì con có hiểu biết về các tia sáng tâm linh trong khi họ không có. Nếu đó là cách con nhìn bảy tia sáng, thì con đã hiểu sai về bảy tia và về con đường tu tập.

3.8. Sóng gió trong cuộc đời con

Các thày không mong muốn học viên trở nên kiêu ngạo, hãnh diện cho rằng họ cao hơn những ai không biết đến các chân sư thăng thiên. Điều này không quan trọng với các thày vì các thày là những người đã thoát khỏi tâm thức nhị nguyên của tự ngã và không hề mong muốn tách mình ra khỏi người khác hoặc muốn mình giỏi hơn người khác. Nếu con muốn biết các thày, thì con phải sẵn sàng tuôn chảy với các thày, vì các thày lúc nào cũng đang tuôn chảy. Các thày không đứng yên một chỗ, vậy con nên chiêm nghiệm sắc thái này của dòng sông, sự liên tục, sự lao tới phía trước không ngừng của dòng sông về hướng mục tiêu tối hậu là hợp nhất với đại dương của cái ta. Sau đó con hãy bước sang sắc thái kế tiếp.

Con hãy chiêm nghiệm tại sao dòng sông lại róc rách. Đó là vì dòng sông, nước của dòng sông đang chảy qua những hòn đá nằm dưới lòng sông. Khi nước chảy qua các hòn đá, nó tạo một xoáy rối và xoáy rối tạo nên âm thanh róc rách.

Những hòn đá trong dòng sông là biểu tượng của những niềm tin trong bình chứa cái ta, những niềm tin dựa trên nhị nguyên, những hình tư tưởng thấy mình là một chủ thể tách biệt đang tìm hiểu một đối tượng tách biệt.

Con cần vứt các niềm tin này. Con cần sẵn sàng để cho các Thượng sư giúp con nhìn mỗi hòn đá trong dòng tâm thức của mình, nhận ra nó thực sự là gì, nhận ra ảo tưởng nhị nguyên đằng sau nó. Sau đó, con lấy nó ra, vứt nó đi và nói: “Tôi không cần cái này trong dòng tâm thức của tôi nữa.”

Sau đó, khi con tiến bước qua bảy tia sáng, đi từ tầng tâm thức 48 lên tới tầng 96, thì con càng ngày càng vứt thêm nhiều hòn đá, và chuyện gì sẽ xảy ra? Chuyện sẽ xảy ra là dòng tâm thức của con càng ngày càng yên lặng. Và không còn tiếng ồn ào của các xoáy rối trong tâm con nữa.

Ta có thể nói là Dòng sông sự Sống đang tuôn chảy xuyên qua tâm con – vì nếu không thì con không thể đang sống. Nhưng con đang kháng cự lại dòng chảy và đó là lý do vì sao con không thấy. Con không thấy được quá các xoáy rối được tạo nên khi dòng nước của sự sống chảy qua các hòn đá. Và tâm của con quá hỗn loạn, quá tràn đầy tiếng ồn ào của lý trí và cảm xúc nên con không thấy được gì quá tiếng ồn ào được tạo ra trong tâm con.

Khi con vứt đi hết hòn đá này tới hòn đá kia, thì các xoáy rối không còn nữa. Sẽ tới một lúc con an trụ vào sự tĩnh lặng đằng sau tiếng róc rách của dòng suối, tiếng róc rách trong tâm, tiếng lảm nhảm liên tục không ngừng của tự ngã. Như thày đã nói, đó là lúc con bắt đầu thấy mà không thấy xuyên qua phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt. Đây là cái thấy thuần khiết, thấy như thật, nhận thức trần trụi, nhận thức thuần khiết.

3.9. Lắng tâm xuống

Mục tiêu đầu tiên thày muốn con nhắm tới là con khiến tâm mình lắng yên xuống, để con có thể thấy mọi vật như chúng là. Để con có thể thấy bảy tia sáng như chúng thật sự là và các Thượng sư như các thày thật sự là; mà không phóng chiếu hình tư tưởng nào lên những gì con muốn biết. Xa hơn nữa là mục đích rộng lớn hơn là nhập một, thay vì nhìn mọi thứ từ một khoảng cách. Đây là phần giáo lý đầu tiên mà thày muốn trao cho con. Có nhiều điều con cần chiêm nghiệm trong phần này, nhưng cũng sẽ còn rất nhiều điều khác nữa trong những phần tới.

Thày cảm ơn con đã chú tâm tới điểm này trên dòng sông, nhưng con hãy nhận ra rằng ngay lúc con chú tâm tới một điểm trên dòng sông thì điểm này đã di động. Dòng nước sự sống sẽ tiếp tục tuôn chảy. Hòn đá thì đứng tại chỗ, do đó nếu con chú tâm vào hòn đá, thì con sẽ là một vật đứng yên. Và con sẽ cảm thấy cuộc đời tuôn chảy bên mình, giống như dòng nước sự sống đang tuôn tràn qua đầu con. Nhưng con sẽ tới điểm con có thể bỏ không ôm hòn đá nữa và tuôn chảy theo dòng nước, và lúc đó con sẽ không còn cảm thấy mình bị cho ra rìa hay bị cuộc đời bỏ lại đằng sau.

Nếu con sẵn sàng tuôn chảy theo cuộc sống, thì đâu thể nào con bị bỏ lại đằng sau? Chỉ cái gì đứng yên mới có thể bị bỏ lại đằng sau.

TA LÀ Đại thượng sư, và thày luôn luôn chuyển động, luôn luôn thăng vượt, luôn luôn trở nên HƠN NỮA. Thày không chỉ ở trong Dòng sông sự Sống; THÀY LÀ Dòng sông sự Sống cho hành tinh trái đất.