Cái nhìn quân bình về tiền bạc

Hỏi: Thưa vâng, con đồng ý là tốt hơn hết nên cất giữ kho báu của mình trên thiên đàng thay vì đeo đuổi của cải vật chất. Nhưng điều con nhận thấy là những người chân chính bước theo chân Giê-su Ki-tô đều rơi vào vòng kiểm soát và thao túng của những kẻ có tiền. Họ bị ràng buộc vào năng lượng tiêu cực của những kẻ này vì họ cần sự giúp đỡ vật chất từ những loại người đó. Con biết điều gì đang xảy ra: những dòng sống tốt thiện bị chúng lạm dụng. Cho nên có quan trọng hay chăng là chúng con có một nguồn thu nhập và tài lực vật chất phải chăng để chúng con không phải tuân theo luật lệ của người khác và bị thao túng trong cõi vật lý? Người ta hay bảo: “Chủ nhân trong nhà mới có quyền đặt luật lệ trong nhà mình, v.v…” và người đó cũng kiểm soát mọi năng lượng trong nhà. Nếu một hành giả tâm linh có một nguồn vật chất nào đó, liệu nó có sẽ bảo vệ cho người đó không bị kẻ khác xâm phạm quyền tự do cầu nguyện theo ý mình trong ngôi nhà của mình?    


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Ta đồng ý với những gì con nói. Con đã đưa ra một số điểm hữu lý. Nhiều tín hữu Cơ đốc đã hiểu lầm lời dạy của ta rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng.

Tiền bạc tự thân nó không có gì sai trái. Tiền bạc chỉ đơn giản là biểu tượng vật chất  cho năng lượng của Thượng đế. Ý định của Thượng đế là năng lượng phải lưu thông, và tiền bạc cũng vậy.

Điều sai trái là sự dính mắc vào tiền bạc. Sự dính mắc vào tiền bạc đã ảnh hưởng sâu xa hầu hết mọi khía cạnh đời sống trên hành tinh này. Khi con người dính mắc với tiền bạc, thực sự họ sẽ rất khó lòng bỏ dính mắc để theo đuổi sự phát triển tâm linh.

Hãy cho phép ta nhắc lại một lời dạy của ta: “Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng đế và sự công chính của ngài, và mọi thứ khác sẽ được thêm vào cho con.” Ngoài những ý nghĩa khác, câu này còn có nghĩa là con không bao giờ được đặt bất cứ khía cạnh nào của đời sống trước sự phát triển tâm linh. Nhiều người, dù là họ có tiền hay không có tiền, bị vướng mắc vào tiền bạc, hoặc những thú vui của thế gian có thể mua được bằng tiền bạc, đến độ họ đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên mục tiêu tăng trưởng tâm linh.    

Ta không có vấn đề gì với những người tâm linh sở hữu một số tiền vừa phải hầu mang lại sự độc lập và tự do cá nhân cho họ. Tuy nhiên, ta phải cảnh báo mọi người rằng điều cực kỳ quan trọng là phải kiếm tiền mà không vi phạm các quy luật và chuẩn mực tâm linh. Điều này vô cùng khó khăn trong thế giới hiện nay vì toàn bộ hệ thống tài chánh đã bị thao túng tới một mức độ mà việc sở hữu tài sản lớn lao khó lòng nào không vi phạm quy luật của Thượng đế. Hơn nữa, việc sở hữu một số tiền lớn gần như luôn luôn dẫn đến sự dính mắc với tiền bạc.

Vì vậy, tốt hơn là con nên có it tiền hơn là kiếm tiền mà làm tổn hại đến sự phát triển tâm linh của con. Điều này không có nghĩa là ta muốn mọi người phải sống nghèo đói, mà đơn giản là ta không muốn mọi người đặt việc kiếm tiền cao hơn việc tìm kiếm tâm linh.

Ta thấy nhiều tín hữu Cơ đốc giáo đã bước vào tâm thức gạt sang một bên sự tìm kiếm tâm linh cá nhân và thay vào đó họ đã tập trung vào việc kiếm tiền và của cải vật chất. Nhiều người đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật một cách siêng năng, và họ nghĩ rằng một cách nào đó khi họ đi lễ, đóng góp vào quỹ chung hay tặng tiền cho cộng đoàn, họ có thể bù lại sự thiếu vắng tâm linh trong tim họ.

Hãy để ta nhắc con lời dạy của ta rằng một người không lợi lộc gì khi nắm được cả thế giới mà lại đánh mất linh hồn của mình. Hãy để ta nhắc con câu chuyện ngụ ngôn của người đàn ông kia đi dự tiệc cưới mà không mặc quần áo cưới. Tiệc cưới biểu tượng cho tâm thức Ki-tô, quả vị Ki-tô cá nhân mà mọi người phải đạt được trước khi bước vào Nước trời.

Nếu con nghĩ là con có thể bỏ qua nhu cầu khoác lên quả vị Ki-tô cá nhân của con và mua được vé vào cửa thiên đàng bằng cách tặng tiền cho một giáo hội vỏ ngoài, thì ta phải nói với con là con đang làm hại dòng sống của con. Thượng đế không tôn trọng cá nhân, bất kể địa vì mà cá nhân đó nắm giữ trong một tổ chức hay một hệ thống nào của con người. Con không thể mua vé vào cửa thiên đàng. Thật không may, nhiều người giàu có đã quá quen thói mua chuộc bất cứ gì mà họ ham muốn trên trái đất đến độ họ cũng tưởng là tiền bạc sẽ mở cửa thiên đàng. Điều này hoàn toàn không đúng. Đây thật sự là một trong những ảo tưởng  nguy hiểm nhất trong thế giới này.

Một lần nữa, như ta đã nói nhiều lần trên trang mạng này, sự quân bình là chìa khóa cho sự phát triển tâm linh đích thực. Có những con đường có vẻ đúng đắn cho con người nhưng lại là con đường dẫn đến sự chết. Thật ra có hai con đường có vẻ đúng đắn cho con người, đó là hai đối cực do cái tâm nhị nguyên tương đối tạo ra. Tâm nhị nguyên khiến cho con người suy nghĩ theo cách trắng đen rồi đẩy mọi thứ đến cùng cực.

Trong lãnh vực tiền bạc, cả hai con đường nghèo đói khốn khổ lẫn giàu có thừa thãi đều là cực đoan. Nhiều tín hữu Cơ đốc đã dùng lời dạy của ta về con lạc đà với người giàu có để đeo đuổi sự nghèo túng tột cùng. Nghèo đói sẽ không nhất thiết đưa con vào thiên đàng, y hệt như tiền bạc cũng không đưa con vào, hoặc ngăn cản con vào thiên đàng.

Điều sẽ đưa con vào thiên đàng là tâm thức Ki-tô. Đối với một số người, sự nghèo khó có thể là một con đường để đạt tâm thức Ki-tô bởi vì khi không có tiền của, nó có thể cho mình cảm giác tự do không bị ràng buộc vào vật chất. Tuy nhiên, nếu con có của cải vừa phải, nếu con không bị vướng mắc, nó cũng cho con sự tự do để con theo đuổi phát triển tâm linh.

Con đường chân chính là con đường trung đạo. Đó là khi con người cố gắng chu toàn những bổn phận thế gian của mình mà không bị bám mắc vào tiền bạc hoặc các thú vui của thế gian. Con hãy đi tìm trung đạo trong mọi thứ, kể cả mọi thứ liên quan đến tiền bạc.

Khi ta còn bước chân trên mặt đất, ta đã có nói: “Ta là con đường, sự thật và sự sống.” Thừ thuở đó, ta đã tăng trưởng, và hôm nay ta nói: “Ta là trung đạo, sự thật và sự sống.”