Con là một nghệ nhân điêu khắc năng lượng thuần khiết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain và thày vô cùng vui mừng trao cho con phần đầu của các cuộc khai ngộ mà con sẽ đi qua dưới thày tại khóa nhập thất của thày có tên là Hang Biểu tượng. Hãy cho thày bắt đầu với phần trình bày về nơi nhập thất này.

Có thể con đã quen thuộc với các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên cùng các giáo lý mô tả chi tiết hơn về nơi nhập thất này. Có thể con đã được thấy hình ảnh những đại sảnh mà người ta bảo là có tạc ghi nhiều biểu tượng huyền bí hay bí truyền mang một số ý nghĩa đặc biệt, và nếu con hiểu các biểu tượng này, con sẽ có khả năng làm thị hiện (kết đọng) bất cứ gì con muốn. Tất nhiên, đó là một lời dạy nhắm tới một mức tâm thức thấp hơn so với những lời dạy các thày trao truyền ngày hôm nay, cho nên các thày đã phải đánh động đến những gì học viên mong muốn ở mức đó. Các vị thượng sư khác đã cố gắng hết sức để giúp con vượt lên trên mức tâm thức đó, cho nên giờ đây con đã sẵn sàng nhận một giáo lý cao hơn.

4.1. Ý nghĩa thật của các biểu tượng

Thật có nghĩa là gì khi gọi khóa nhập thất của thày là hang “biểu tượng”? Để hiểu, con hãy cho thày trở ngược về một lời dạy của nhà hiền triết Hy lạp cổ Plato nhiều năm trước đây. Plato nói rằng có một cõi cao hơn vượt khỏi thế giới vật lý, vật chất, một cõi mà ông gọi là “những hình dạng lý tưởng”. Chúng ta cũng có thể nói, các hình dạng lý tưởng này là những biểu tượng. Chính sự tương tác giữa các hình dạng lý tưởng này nơi cõi cao hơn định đoạt những gì sẽ thị hiện trong cõi vật lý, cũng như những hình tướng mà mọi vật khoác lấy trong cõi vật lý. Đó là một cách mô tả chính xác hơn về Hang Biểu tượng, nhưng hiển nhiên hôm nay chúng ta có thể đi xa hơn nữa.

Các thày đã giảng dạy là con có một cơ thể vật lý, và vượt lên trên, con còn có một cảm thể, một trí thể và một bản sắc thể. Làm thế nào con đồng sáng tạo? Các thày có dạy là con nhận ánh sáng và năng lượng từ Hiện diện TA LÀ của con. Khi năng lượng này đi qua ba thể cao kia, nó sẽ khoác lấy hình tướng của bất cứ cấu trúc, hình ảnh, biểu tượng, hình dạng nào mà con có nơi ba thể đó. Đây thực sự là cách hình dung tiến trình đồng sáng tạo.

Cái mà Plato gọi là “thế giới hình dạng lý tưởng” phần nào là cõi tâm linh, là cõi thăng thiên, nhưng người ta cũng có thể bảo đó là ba thể phàm cao hơn kia của con. Con có một số hình tướng trong ba thể cao này. Quả thật, trong ba thể đó con có thể có một số hình tướng lý tưởng hơn, thuần khiết hơn, tinh xảo hơn, chi tiết hơn những gì thị hiện ra trong cõi vật lý. Thực tế là hầu hết mọi người đều có một hình dạng lý tưởng, một hình ảnh lý tưởng, một biểu tượng lý tưởng nào đó trong ba thể cao. Và bây giờ câu hỏi trở thành như sau: “Tại sao nó không thị hiện ra được trong cõi vật lý?”

4.2. Những người có tầm nhìn chỉ chú trọng đến mình

Khi con nhìn nhân loại, con sẽ biết là con người đang ở rất, rất nhiều tầng cấp tâm thức khác nhau. Hầu hết mọi người trên hành tinh này ở một mức thấp hơn nhiều so với tâm thức mà con có khi con bắt đầu khóa tu này [quyền sách này], ít ra là nếu con đã làm theo sự hướng dẫn của sáu vị thượng sư kia. Con nhìn vào nhiều người và con có thể thấy là trong ba thể phàm cao hơn của họ, không nhất thiết họ đang mang những hình dạng mà Plato gọi là lý tưởng. Họ có một tầm nhìn rất hạn chế, họ có một số hình ảnh và ý tưởng rất méo mó. Tuy vậy, con sẽ thấy là trong ba thể cao của hầu hết mọi người, những hình tướng đó vẫn còn cao hơn những gì được biểu thị trong cõi vật lý, vật chất, ít ra là trong đời sống riêng tư của họ.

Và câu hỏi trở thành: “Cái gì ngăn cản con người thị hiện vào cõi vật lý những hình dạng mà họ mang trong ba thể cao?” Câu hỏi này có thể ứng dụng đồng đều cho một người ở tầng tâm thức thấp nhất cũng như một đệ tử của chân sư thăng thiên ở mức của con. Hiển nhiên, nếu con đi xuống tầng tâm thức thấp nhất, con sẽ thấy là thật ra có những người ở đó có khả năng thị hiện trong cõi vật lý những thứ rất gần với các hình dạng mà họ có trong ba thể cao, và buồn thay, những gì họ có trong ba thể cao quả thực là những hình dạng vô cùng thấp, vô cùng méo mó và ô uế. Con có thể thấy một số người ở mức tâm thức thấp vẫn có được một viễn kiến cao hơn nào đó, chẳng hạn như một ông vua muốn thị hiện một cung điện lộng lẫy. Ông ta có khả năng hình dung ra cung điện đó và cũng có khả năng đem một cái gì gần giống như vậy vào thị hịên vật lý, nhưng tiếc thay, viễn kiến của ông tất nhiên là hoàn toàn vị kỷ. Việc xây dựng cung điện sẽ đòi hỏi sức lao động của hàng vạn người làm nô lệ cho ông.

Con thấy đó, có một số người có khả năng hình thành một viễn kiến trong ba thể cao và đem nó vào hiện thực vật lý. Có thể đó không phải là một viễn kiến phá hoại. Con không thể bảo là một số cung điện nguy nga mà con tìm thấy tại hầu hết mọi nước đều nhất thiết là xấu xí hay méo mó, và quả thực một số có thể khá đẹp từ một góc nhìn trần thế nào đó. Tuy vậy, khi con biết các cung điện đó đã được tạo dựng như thế nào thì con thấy những kẻ nảy sinh ra viễn kiến đó đã có một mức tâm thức rất thấp, rất vị kỷ, chỉ chú trọng đến bản thân. Để thị hiện viễn kiến của họ, hẳn là họ đã phải dùng đến sức nô lệ của hàng vạn con người.

Và con thấy là ở một tầng tâm thức thấp kém, người ta quả là có khả năng thực hiện một viễn kiến trong cõi vật lý, nhưng thứ nhất, viễn kiến đó vị kỷ, và thứ hai, cách thực hiện của họ cũng vị kỷ.

4.3. Làm thế nào một thời đại hoàng kim có thể thị hiện

Đối với một đệ tử của chân sư thăng thiên, câu hỏi bây giờ trở thành như sau: “Đó có phải là điều con muốn đạt hay không?” Liệu con có nghĩ là bằng cách theo học khóa tu này, thày sẽ trao cho con một công thức bí mật nào đó, một biểu tượng bí mật nào đó sẽ cho phép con thị hiện bất cứ gì con muốn? Con thấy đó, con yêu dấu, ở tầng khai ngộ đầu tiên tại khóa nhập thất của thày, tất nhiên con đang đối mặt với sự phối hợp giữa Tia thứ Nhất của Ý chí và Quyền năng với Tia thứ Bảy của Tự do. Khi con nhìn vào lịch sử nhân loại, con có thể thấy một số kẻ đã tập trung được một động lượng ý chí và quyền năng rất to lớn nhưng họ lại hoàn toàn mất quân bình về mặt tự do. Nói cách khác, để một ông vua thể hiện được ý chí của mình, ông ta đã phải sử dụng quyền lực, tước mất tự do của hàng vạn người hầu ông xây được cung điện đó, công trình kiến trúc đó.

Hiển nhiên, đây không phải là điều thày sẽ dạy con trong khóa này. Không thể nào thày sẽ dạy con sử dụng sức mạnh của ý chí để lật bỏ quyền tự quyết của người khác, cho dù của đúng một người hay của hàng vạn người. Con yêu dấu, con có hiểu là như các thày đã nói rất nhiều lần, các chân sư thăng thiên tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết hay chăng? Từ một góc nhìn nào đó, con có thể nói mục đích của thày là thị hiện một Thời Hoàng kim trên trái đất, và trong Thời Hoàng kim đó, không một ai sẽ thiếu thốn những thức cần thiết của đời sống và không một ai sẽ phải đau khổ. Phải, đó là mục đích của thày, con yêu dấu, nhưng làm thế nào thày sẽ hoàn thành được chứ? Thày không đang hình dung là Thời Hoàng kim sẽ được biểu hiện bởi một vài ông vua, một vài hoàng đế hay một vài nhà lãnh đạo oai phong nào đó, tuy họ có viễn kiến nhưng lại thực hiện viễn kiến của họ qua sự cưỡng ép, thao túng, tước đoạt quyền tự quyết của những người dân mà họ cai trị. Đó không phải là phương thức thị hiện Thời Hoàng kim mà thày hình dung.

Thày biết con có thể nghĩ: “À, đối với con thì chuyện đó tất nhiên rồi.” Vậy liệu đối với con, chuyện có tất nhiên hay chăng là thày cũng không có ý định thị hiện Thời Hoàng kim qua trung gian một số ít người tâm linh, cho dù với ý định tốt lành, sẽ lấn át ý muốn của đa số dân chúng? Chúng ta đã đề cập đến lớp 10% trên cùng, lớp 80% ở giữa và lớp 10% ở dưới cùng, và lẽ tự nhiên, các sa nhân đang đầu thai và những ai đã bị tâm thức sa ngã chiếm đoạt hết tâm trí, hình thành số 10% có tâm thức thấp nhất này. Đây là những người rất nhiều khi sẽ dùng vũ lực để ép uổng ý chí số 80% dân chúng phải đi theo âm mưu của họ. Nhưng cũng có những đệ tử của chân sư thăng thiên tưởng rằng vì mình thuộc lớp 10% cao nhất thì mình cũng có thể ép uổng ý chí số 80% đó theo viễn kiến và ý định cao hơn của mình.

Các thày đã cố giải thích thật rõ ràng cho con, đặc biệt qua các lời dạy về ngã gốc, về các avatar đến địa cầu, và về cách thức con có thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình và đạt được tiềm năng tâm linh cao nhất của con. Các thày đã cố nói thật rõ qua các lời dạy đó là các thày không muốn con đi ngược lại hay ép buộc ý muốn của đa số quần chúng. Đây không phải là cách thức thày muốn thị hiện Thời Hoàng kim của thày. Và điều này có nghĩa là ở cuối khóa tu này, nếu con làm theo sự hướng dẫn của thày và sẵn lòng bước lên cao hơn qua cả bảy tầng khai ngộ, thì thày sẽ dẫn con lên tới tầng tâm thức 96.

4.4. Cuộc khai ngộ quyết định ở tầng 96

Các thày đã có nói là ở tầng tâm thức 96, con đối mặt với một cuộc khai ngộ quyết định. Ở tầng 96, con sẽ đạt được một mức điều ngự nào đó để bẻ cong được vật chất bằng tâm mình. Do đó con trực diện với khai ngộ chủ yếu như sau: “Liệu con sẽ bước lên mức cao hơn của quả vị Ki-tô nơi con sẽ tìm cách nâng cao tổng thể, hay là con sẽ bắt đầu đi xuống mức thấp hơn nơi con sẽ sử dụng khả năng điều ngự của mình để bẻ gẫy ý chí người khác, để cưỡng ép ý chí người khác?” Đây là cuộc khai ngộ quyết định. Lẽ tự nhiên, mục tiêu của thày là giúp con vượt qua khai ngộ này và bước lên tới mức quả vị Ki-tô.

Đó là tại sao ngay từ đầu thày đã đề cập đến vấn đề này, bởi vì đối với thày, việc thiết lập một khung cảnh đúng đắn cho những cuộc khai ngộ mà con sẽ đi qua tại khóa nhập thất của thày thật là quan trọng. Con hẳn cũng biết là các thày đã nâng tâm thức con lên một mức cao hơn hẳn so với khi con mới khởi sự khóa tu. Điều này có nghĩa là thày cần tháo gỡ điều mà Nada đã đề cập khi nói về những mơ mộng hão huyền mà đệ tử tâm linh có thể có. Quả thực đó là một loại mộng tưởng rất phổ biến và rất thuyết phục mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên thường có, là cho rằng khi con bước lên cao hơn trên đường đạo, các khai ngộ sẽ ngày càng dễ dàng hơn. Có nhiều đệ tử tâm linh, đệ tử Thời mới, đệ tử của chân sư thăng thiên, mơ mộng rằng một ngày kia họ sẽ vượt qua một khai ngộ then chốt nào đó, rồi từ đó trở đi mọi chuyện sẽ dễ dãi – và kể như họ đã tới đích. Tất nhiên, chuyện đó không thực tế chút nào. Đó không phải là cách vận hành của con đường khai ngộ.

4.5. Con đường khai ngộ vận hành thế nào

Chúng ta có thể tiếp cận câu hỏi này một cách khác. Ta có thể nói là với tầng khai ngộ thứ 48, con nhìn cuộc sống xuyên qua phin lọc của một số ảo tưởng mà con đã khoác vào. Do đó, khai ngộ dẫn con từ tầng 48 đến 49 đòi hỏi con nhìn vượt quá các ảo tưởng mà con đang có, rồi đi lên một bước cao hơn khi con lột bỏ ảo tưởng chủ yếu của tầng 48. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là khai ngộ ở tầng 96 cũng từa tựa như thế. Con vẫn đang nhìn xuyên qua một số ảo tưởng đáng kể là những ảo tưởng còn sót lại từ tầng 96 đến 144. Con vẫn phải xem xét hoàn cảnh của mình và nhìn cuộc khai ngộ xuyên qua những ảo tưởng đó, và chúng vẫn khiến con bị đui mù.

Tất nhiên con có thể bảo là ở tầng 96, con không còn nhiều ảo tưởng như ở tầng 48. Ở tầng 48, điều khiến con khó nhìn ra cuộc khai ngộ mà con phải đối mặt ở mức đó không phải là tất cả các ảo tưởng trên mức 48, mà là đúng cái ảo tưởng ở ngay mức đó khiến con khó khăn vượt qua khai ngộ. Và ở tầng 96 cũng vậy, không phải tất cả các ảo tưởng mà con đã buông bỏ cho tới nay sẽ khiến con vượt qua khai ngộ dễ dàng hơn, và cũng không phải tất cả các ảo tưởng ở trên mức đó khiến con gặp khó khăn. Cái tạo khó khăn cho con là chính cái ảo tưởng ở mức con đang cố vượt qua. Nhìn ra ảo tưởng ở tầng 96 thật không dễ gì hơn tầng 48. Và cũng vậy, việc nhìn ra ảo tưởng ở tầng 144 sẽ không dễ gì hơn bất kỳ tầng nào khác. Con thấy đó, con yêu dấu, dù con ở tầng nào đi nữa, ảo tưởng ở tầng đó cũng sẽ khó khăn y như ở mọi tầng khác. Cho nên thật là vô nghĩa mà nghĩ rằng khi con tiến bước cao hơn thì đường tu sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tuy vậy, chúng ta có thể nói là từ một góc độ nào đó, ảo tưởng mà con đối diện ở tầng 48 sẽ trực tiếp hơn, hiển nhiên hơn, rõ rệt hơn, dễ thấy hơn rất nhiều khi con phải xác định cách hành xử nào là phải hay không phải. Điều này đúng theo một nghĩa nào đó. Ở những mức tâm thức thấp hơn, có một sự tương phản nhất định về mặt vượt qua khai ngộ giữa cái phải với cái không phải. Con không thể thấy tương phản đó ở tầng 48. Con dễ dàng thấy được tương phản ở tầng 96, nhưng ở tầng 96 con không thể dễ dàng thấy được sự khác biệt giữa việc vượt qua khai ngộ hay không vượt qua.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói là các ảo tưởng ngày càng trở nên vi tế hơn khi con bước lên cao hơn. Ở các tầng cao, việc xác định xem chọn lựa nào là đúng đắn hay không mấy đúng đắn trở nên khó khăn hơn so với các tầng thấp. Con cần buông bỏ mơ mộng cho rằng khi con đến tầng 96, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn kể từ đó. Con cần sẵn lòng đối mặt với cuộc khai ngộ ở mỗi tầng trong số bảy tầng mà thày sẽ cống hiến cho con, và con không được mang hy vọng là một ngày kia thày sẽ trao cho con một công thức tối thượng nào đó sẽ khiến mọi chuyện đều dễ dàng và con có thể thị hiện bất cứ gì con muốn.

4.6. Quân bình trong tự quyết

Con thấy đó, như thày Nada đã có đề cập mấy lần trong các bài giảng của thày, có một nhu cầu thiết yếu là con quân bình ý chí cá nhân của mình với ý chí của người khác cũng như với viễn quan tổng thể về hành tinh. Con có thể nói: “Con là một đệ tử của chân sư thăng thiên và con muốn giúp thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain.” Đây là một mong muốn xây dựng và đáng trân trọng. Con cần xét xem, như Nada cũng có giảng, làm thế nào con có thể có những phàm linh nội tại dựa trên cơ chế bù đắp hay những cơ chế khác, tức là con có một viễn kiến về Thời Hoàng kim của Saint Germain mà lại không đồng thuận với chính viễn quan của thày. Thậm chí thày đã có nói về điểm này trong bài mở đầu của thày sau các bài giảng của Nada, khi thày mong muốn con tẩy sạch khỏi tâm trí con mọi mơ mộng về cách thức Thời Hoàng kim sẽ biểu hiện như thế nào.

Con muốn giúp thị hiện những gì chứ? Đó có phải là Thời Hoàng kim như thày nhìn, hay là Thời Hoàng kim như con nhìn – có lẽ dựa trên một số hình ảnh phổ biến đang chạy lông bông trong tâm thức tập thể? Nói thật trong nhiều trường hợp, đó là những hình ảnh dựa trên những gì sa nhân mường tượng cho một thời vàng son, nghĩa là họ mường tượng chính họ sẽ nắm lấy quyền kiểm soát. Cái nhìn của sa nhân về thời hoàng kim là sẽ có một vài người lãnh đạo tạo dựng những xã hội vô cùng tinh vi và phức tạp được áp đặt lên ý chí của đa số quần chúng. Một số những sa nhân này còn thành thật tin rằng một xã hội như vậy sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, vì chúng không thể tin là con người có khả năng biết mình muốn gì hay mình có viễn quan như thế nào về một xã hội tốt đẹp hơn. Tất nhiên đây không phải là viễn quan của thày.

Viễn quan của thày là thị hiện một thời hoàng kim dựa trên tâm thức tập thể được nâng cao hầu đa số dân chúng trên địa cầu có được một viễn quan cho một xã hội tốt đẹp hơn. Con người sẽ thật sự có được một nhận thức bên trong, một sự chấp nhận bên trong, rằng một xã hội như vậy có khả năng thị hiện, và nó đang thị hiện, đang trên đà thị hiện. Đây là điều mà con đã chứng kiến tại rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới khi trong vòng khoảng 100 năm qua, người dân đã tiến bộ rất, rất xa khi họ chấp nhận rằng sự trù phú vật chất là một khả năng mà nước họ có thể đạt được. Con có thể thấy là ba thế hệ về trước, thế hệ ông bà cố của những người dân đó đã không thể nào tin và chấp nhận là xã hội ngày nay có thể hiện hữu. Họ sẽ coi xã hội hôm nay là một giấc mơ hão huyền thật xa vời.

Viễn quan của thày là nâng cao mọi người, và làm thế nào chúng ta thực hiện được chứ? Chúng ta thực hiện không bằng cách cưỡng ép mọi người, mà bằng cách khiến cho lớp 10% ở trên cùng nâng cao viễn kiến của mình, để các con là những người đang đầu thai, đang tham gia vào tâm thức tập thể, có thể kéo đa số đi lên. Không phải là con sẽ ép buộc họ phải nhìn thấy, mà con khiến cho họ có khả năng nhìn thấy. Rồi họ sẽ bắt đầu nhìn thấy và chấp nhận một viễn kiến cao hơn. Vậy con cần làm gì – nếu có thể nói như vậy – để con đặt ý chí của con cho thẳng hàng với ý chí của Saint Germain? Phải, ở đây con cần nhìn nhận là không bao giờ có hoàn cảnh nào mà con, như một người đồng sáng tạo, có thể thị hiện bất cứ gì mình muốn mà không xét đến mình là một phần của một tổng thể rộng lớn hơn.

4.7. Ý chí cá nhân và ý chí rộng lớn hơn

Các thày đã giảng dạy là một số trong các con là avatar đến địa cầu từ một hành tinh tự nhiên. Các thày có nói là trên một hành tinh tự nhiên, vật chất bớt dày đặc hơn, và cũng dễ dàng hơn rất nhiều để con có viễn kiến ở những tầng cao hơn của tâm và thị hiện viễn kiến đó trong cõi vật lý. Nhưng các thày cũng có nói là trên một hành tinh tự nhiên, con không ở trong tâm thức nhị nguyên, cho nên con không bị rơi vào ảo tưởng tách biệt khiến con nghĩ mình là một cá nhân tách biệt sinh sống giữa những cá nhân tách biệt khác. Con không bị ảo tưởng là hành vi của mình đối với người khác không ảnh hưởng gì đến mình. Con biết mình là một phần của tổng thể. Và đối với các cư dân nguyên thủy của địa cầu cũng vậy, họ biết điều đó trước khi sa nhân đến đây.

Nhưng có một sự khác biệt giữa một avatar và một cư dân nguyên thủy, theo nghĩa là các cư dân nguyên thủy đã chưa phát triển được một cá thể mạnh mẽ như các avatar đến địa cầu từ một hành tinh tự nhiên. Đó là lý do tại sao con thấy 80% dân chúng trên trái đất bị tâm thức tập thể ảnh hưởng rất nhiều. Và đó cũng là tại sao các thày nói đến việc nâng cao tâm thức tập thể để cho những người đó, những người thuộc số 80% này, nắm bắt được viễn kiến do số 10% ở trên cùng khởi xướng. Dĩ nhiên, trong số 10% trên cùng đó cũng có một số là dân cư nguyên thủy đã phát triển tới mức đó. Điều thày muốn nói ở đây là khi con đến địa cầu như một avatar, con đã không đến với viễn kiến mình là một loại lãnh đạo chuyên chế sẽ cưỡng bách ý chí của dân chúng.

Con đã đến đây với viễn kiến là mình sẽ tạo cảm hứng cho người khác. Con cũng đã đến đây với sự hiểu biết, với kinh nghiệm từ một hành tinh tự nhiên là mình không dùng khả năng đồng sáng tạo của mình trong chốn không người, như thể việc mình làm không ảnh hưởng đến ai khác. Con dùng khả năng đồng sáng tạo dựa trên ý chí của con nhưng ý chí này không phải là một ý chí tách biệt. Nó đứng thẳng hàng, đồng thuận với tổng thể, với một viễn quan rộng lớn hơn – trước tiên là với Hiện diện TA LÀ của con. Con có thể nói: “Làm thế nào một vị đồng sáng tạo tân lập trên một hành tinh tự nhiên có thể đồng thuận ý chí của mình với một viễn quan toàn bộ khi y chỉ có một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm?” Phải, y không thể, nhưng y có thể đồng thuận ý chí cá nhân với ý chí của Hiện diện TA LÀ của y. Khi con làm vậy, Hiện diện TA LÀ của con sẽ đứng thẳng hàng với tổng thể, với viễn quan toàn bộ của hành tinh đó. Và do đó, con không sử dụng ý chí của mình để đi ngược lại ý chí của những vị đồng sáng tạo khác chung quanh con. Ở mức này, đây là một điểm rất quan trọng mà con cần ghi nhớ.

Con cũng cần nhìn nhận là mặc dù các thày có nói là việc thị hiện những gì mình muốn dễ dàng hơn trên một hành tinh tự nhiên, điều đó không có nghĩa là con có thể có bất kỳ viễn kiến nào con muốn và thị hiện viễn kiến đó. Ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, vẫn có một số điều có thể gọi là “điều kiện”, về cách thức con sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình. Một số người sẽ gọi đó là những giới hạn, nhưng thày ưa dùng từ này hơn vì một lý do đặc biệt.

4.8. Làm cho ý chí thấp đồng thuận với ý chí cao

Vì vậy, thày muốn cho con viễn kiến là trên một hành tinh tự nhiên, con không sáng tạo trong hư vô. Con là một nghệ nhân, và thày dùng từ này vì thày muốn đối chiếu với một loại nghệ nhân mà con quen thuộc trên địa cầu – một nhà điêu khắc. Một nghệ sĩ điêu khắc không làm việc với không khí để nặn ra hình dạng; y làm việc với một vật liệu cụ thể. Có nghĩa là khi con xem đến việc đồng sáng tạo một bức tượng, con phải trước tiên dùng sức mạnh ý chí để chọn lựa loại vật liệu nào mà con sẽ dùng. Ngay cả thời xưa, các nhà điêu khắc đã có nhiều loại vật liệu để sử dụng. Họ có thể dùng đất sét. Đất sét là một vật liệu rất mềm, rất dễ nặn thành gần như bất kỳ hình dạng nào. Nếu con thiếu kiên nhẫn và muốn thị hiện thật nhanh thì con dùng đất sét. Vấn đề là đất sét sẽ không giữ được lâu dài, và cho dù nó được nung nóng, tuổi thọ của nó cũng sẽ hạn chế.

Một khi con có nhiều kinh nghiệm điêu khắc hơn, con có thể nói là nhu cầu thị hiện dễ dàng một viễn kiến nào đó sẽ không còn quan trọng lắm đối với con. Vì giờ đây con muốn thị hiện một cái gì có tuổi thọ dài hơn, có nghĩa là con cần chọn một vật liệu bền bỉ hơn. Con có thể chọn đá vôi chẳng hạn. Nó khó nặn tạc hơn đất sét nhưng nó lâu bền hơn, tuy vậy nó không lâu bền nhất và cũng không là vật liệu đẹp nhất. Đá hoa cương lâu bền hơn nhiều, nhưng cũng rất khó đẽo. Đá cẩm thạch dễ đẽo hơn đá hoa cương và, như nhiều người đồng ý, lại mang một vẻ đẹp, một màu sắc, một ánh sắc mỹ lệ hơn.

Con thấy được ở đây, như thày vừa nói, một trong những mơ mộng mà nhiều đệ tử tâm linh thường có, là họ nghĩ bằng cách đạt được một số khả năng thần diệu, họ có thể bù đắp cho sự mất mát mà họ đã cảm thấy khi họ gặp sa nhân lần đầu và bị sa nhân bài bác, Họ mơ ước thị hiện được một cái gì đó ngoạn mục đến độ không ai có thể bác bỏ, không ai có thể làm ngơ. Khi con biết là mình đang ở trên địa cầu nơi vật chất có độ dày đặc nào đó, con sẽ thấy ngay chuyện này cũng không là một ước mơ thực tế.  Cho nên ở tầng đầu tiên này, thày cần con – và thày biết thày đã làm chuyện này trước đây rồi – nhưng thày vẫn cần con lấy một quyết định ý thức là mình sẽ để cho những giấc mơ xa vời kia chết đi. Con hãy để cho chúng ra đi, bởi vì điều con muốn làm ở mức này là con muốn sử dụng sức mạnh ý chí để chọn lựa vật liệu mà con sẽ dùng hầu thị hiện tác phẩm nghệ thuật của con.

Con sẽ có thể nói: “Nhưng liệu con đã có một viễn kiến rõ ràng về những gì con muốn thị hiện hay chưa?” Thày sẽ trả lời: “Có, con đã có một viễn kiến rõ ràng khi con thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng về những điều con muốn thị hiện trong kiếp sống này.” Không phải là chuyện con ngồi đây với mức tâm thức hiện thời của con, viễn kiến hiện thời của con, rồi quyết định với tâm vỏ ngoài là mình muốn thị hiện cái gì, mà là chuyện con quyết định với tâm ý thức là con muốn đặt cái tâm ý thức đó đứng thẳng hàng với ý chí cao hơn mà con đã dùng để thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng, thẳng hàng với ý chí cao hơn của Saint Germain cùng viễn quan của thày cho Thời Hoàng kim. Đây là việc mà thày cần con làm ở mức này. Thày cần con xem xét điều này. Thày cần con xem xét những giấc mơ cùng bất kỳ mong muốn nào, viễn kiến nào mà con có thể đã có khi muốn cưỡng ép ý chí của loài người trên địa cầu, ngay cả vì lợi ích của họ.

4.9. Xem mình là một nghệ nhân

Thày cần con thực hiện một sự xoay chuyển trong tâm con khi con bắt đầu xem mình là một nghệ sĩ và đời mình là một tác phẩm nghệ thuật. Đối với nhiều người trong số các con, điều này sẽ đòi hỏi con điều chỉnh to tát, vì cho tới giờ con đã nhìn đời con một cách khác. Một số trong các con có trong đầu một lãnh vực hoạt động đặc thù nào đó mà con muốn bước vào, hoặc con đã bước vào, hoặc con mơ ước bước vào, nơi con có thể phụng sự xã hội. Đó có thể là lãnh vực chính trị, có thể là giáo dục, là khoa học, là kinh tế, là truyền thông, là nhiều thứ khác nữa. Đó cũng có thể là lãnh vực gia đình, chăm sóc gia đình, nuôi nấng con cái và nhiều thứ nữa. Con đã có xu hướng nhìn cuộc đời xuyên qua một phin lọc dựa trên lãnh vực mà con chú ý. Trong nhiều trường hợp, con đã có xu hướng nhìn vào những phương cách hoạt động thực tế của lãnh vực đó. Chẳng hạn trong chính trị, nền chính trị vận hành ra sao? Mình phải cần gì để dấn thân vào chính trị? Hay chẳng hạn mình cần làm gì để trở thành một vị dân cử?

Trong nhiều trường hợp, con đã từng nhìn vào vấn đề như thế, giống như vị sứ giả này chẳng hạn khi ông còn ở tuổi thiếu niên. Ông đã có một viễn kiến bước vào chính trường tại Đan Mạch nơi ông sinh trưởng, và trở thành thủ tướng xứ đó. Con yêu dấu, thày có thể nói với con là với sự chứng đạt của ông trong tiền kiếp, nếu ông đã dành trọn chú tâm vào việc này thì ông đã có thể trở thành Thủ tướng Đan Mạch thật, nhưng đó không phải là viễn kiến cao nhất trong Sứ vụ Thiêng liêng của ông. Rất may ông đã có thể xem xét chính trị và nhận ra đó là lãnh vực của sự thỏa hiệp. Ở đó, con không thể nhìn vào các nguyên lý cao hơn, nhìn vào viễn kiến cao hơn về những gì thực sự cần thị hiện, mà con phải xét đến những gì có khả năng thành hình trong một tình hình chính trị nhất định. Thường khi con phải đổi chác, phải thỏa hiệp để có được một vị thế quyền lực. Ông đã nhìn ra là ông không sẵn sàng thỏa hiệp, và do đó ông đã quyết định không theo đuổi một sự nghiệp chính trị.

Thày biết, rất nhiều người trong số các con cũng đã làm một điều tương tự trong lãnh vực của con. Con đã nhìn vào các cơ chế vận hành ở đó, con đã nhận ra một số điều mà con không muốn làm, một số thỏa hiệp mà con không sẵn sàng bước vào, và do đó con đã trở nên chán nản. Thày không nói là con phải làm điều mà sứ giả này đã làm và từ bỏ lãnh vực mình quan tâm. Rất có thể đối với đa số các con, Sứ vụ Thiêng liêng của con chính là việc theo đuổi lãnh vực quan tâm đó. Tuy nhiên, để thực sự đem lại những điều mà con muốn đem lại trong Sứ vụ Thiêng liêng, con cần phải khắc phục cảm giác chán nản đó, cảm giác rằng những cơ chế vận hành của những điều con muốn thị hiện trên địa cầu thật quá khó khăn, quá méo mó, quá thiếu quân bình, đến nỗi con không muốn tiếp xúc chút nào với lãnh vực đó, hoặc con không thấy làm thế nào mình có thể thị hiện được điều gì cao hơn trong lãnh vực đó.

4.10. Tránh chán nản

Con hiểu chứ khi Nada bảo rằng sự chán nản là dụng cụ thiện xảo nhất trong hộp dụng cụ của ác quỷ? Sa nhân đã cố hết sức để làm tha hóa mọi lãnh vực sinh hoạt của con người trên hành tinh này, chính là với mục tiêu khiến cho những ai bắt đầu có được chút phân biện Ki-tô phải nhìn vào lãnh vực đó, nhìn vào sự tha hóa đó, nhìn thấy những mất quân bình đó, nhìn thấy những thỏa hiệp đó, rồi trở nên chán nản đến độ họ không muốn bỏ sức ra đem lại thay đổi. Con yêu dấu, con có thấy rất nhiều đệ tử tâm linh bị dằn vặt giữa hai lực kéo-đẩy này, hai đối cực này hay không? Một đằng, con mơ mộng về những cách con muốn thị hiện một cái gì thật quan trọng. Đằng khác, con lại bị chán nản và cảm thấy không có gì mình có thể làm được trên thực tế để đem lại thay đổi. Con có thấy hai đối cực đó tương tác với nhau như thế nào không?

Sự kiện con thấy những thỏa hiệp cùng khó khăn đó khiến con bị chán nản, nhưng chính điều đó – hầu con có thể tiếp tục sống trên hành tinh này – lại đẩy con đi vào mộng mơ và nghĩ rằng có một công thức thần diệu, một biểu tượng huyền bí nào đó sẽ cho phép con đâm xuyên qua mọi thỏa hiệp để vẫn thị hiện được thành quả kỳ diệu, ngọan mục. Con có thấy bao nhiêu người trong số các con đã bị dằng xé giữa hai lực đó, và chuyện này đã không nhất thiết dễ dàng hơn khi con tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên? Các thày cho con một viễn kiến về những gì có khả năng thành hiện thực, các thày đã nhấn mạnh rằng chính con là người có thể khiến nó xảy ra. Thế nhưng con vẫn thấy điều mà Chân sư MORE có nói đến trong một bài giảng trước, là cái “khoảng cách” – khoảng cách giữa giáo lý và trạng thái tâm thức của con, cuộc sống bình thường của con cùng những gì con nghĩ con có khả năng thị hiện.

Mong muốn của thày với bảy tầng khai ngộ này là giúp con khắc phục, đóng lại khoảng cách đó hầu không còn kẽ hở nào giữa những giáo lý mà các thày ban truyền và những gì mà thực tế con thấy mình có khả năng thị hiện trong đời mình. Nhưng thày sẽ không làm vậy bằng cách cho con một cây gậy thần. Thày sẽ làm vậy bằng cách giúp con xoay chuyển tâm thức.

4.11. Chọn trung gian nghệ thuật

Xoay chuyển đầu tiên mà thày yêu cầu con thực hiện là con xoay chuyển cách con tiếp cận cuộc sống thành một cách tiếp cận nghệ thuật. Tất nhiên thày sẽ cho con bảy tầng, nhưng ở tầng cấp đầu tiên này, điều đó có nghĩa là con chọn lựa trung gian nghệ thuật mà con muốn sử dụng. Đâu là phương tiện nghệ thuật mà con muốn sử dụng để biểu đạt sự sáng tạo của con? À, trên địa cầu có trung gian nghệ thuật nào? Con sẽ nói: “Đó, có vật chất, mọi thứ đều là vật chất.” Và thày sẽ trả lời: “Có thật vậy không?”

Các thày đã đưa ra nhiều lời dạy về đề tài này qua các tầng tu học trước. Con có thể nhìn thế giới ở mức vĩ mô nơi mọi thứ được coi là vật chất. Xong con có thể đi xuống mức vi mô của các phân tử, mức của nguyên tử, mức của hạt hạ nguyên tử, mức của các làn sóng năng lượng thuần khiết. Con có thể thấy mọi thứ không là vật chất vì vật chất là một mô thức giao thoa, một mô thức giao thoa vô cùng phức tạp, của những làn sóng năng lượng. Đâu là trung gian sáng tạo? Có phải là vật chất hay là năng lượng? Hay có lẽ đó là một chất vi tế hơn cả cái mà người thường gọi là năng lượng?  

Con thấy không, cái mà thế giới khoa học gọi là năng lượng là một thứ gì giống như điện lực hay ánh sáng mặt trời, nhưng đó vẫn là một chất vật lý – ít ra là phần nào. Có một năng lượng vi tế hơn, là năng lượng tình cảm, năng lượng lý trí, năng lượng ở tầng cấp bản sắc và năng lượng ở tầng cấp tâm linh. Đó là những tầng năng lượng vi tế hơn. Có một cách để nhìn vấn đề này không như cách con nhìn năng lượng trên địa cầu. Chúng chỉ đơn giản là những tín hiệu bật-tắt tí hon – gần giống như khi con nhìn thấy trên màn hình tivi hay máy tính có chiếc diode nhỏ, hoặc bật hoặc tắt. Khi bật, diode có thể khoác vào nhiều màu sắc khác nhau, và nhiều chiếc diode sẽ tạo chung một hình ảnh trên màn hình.

Con yêu dấu, khi con xem tivi, chẳng hạn một bộ phim chiến tranh, liệu con có nghĩ những gì con thấy trên màn ảnh thực sự là những người thật đang chạy quanh bắn súng vào nhau không? Dĩ nhiên là không, bởi vì con dư biết là những gì con nhìn thấy trên màn ảnh tivi chỉ là hình ảnh. Rồi khi con quay mặt khỏi màn hình, hay có lẽ ngay cả khi con nhìn vào chiếc máy tivi, khi con nhìn lên tường sau lưng tivi, nhìn những bức tranh treo trên tường, nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy có nhà hay có đồng ruộng, cây cối – khi con nhìn tất cả những thứ đó, mà con gọi là “thế giới thực”, thì tất cả những thứ con đang thấy là gì? Đó có phải là những vật thực được cấu tạo bằng vật chất, hay chúng thật sự cũng chỉ giống như những hình ảnh mà con vừa thấy trên màn hình tivi nơi có một đơn vị tí hon đang bật hay tắt, và thật nhiều những đơn vị như thế hợp chung lại thành một mô thức phức tạp mà tâm con chuyển thành bức tranh treo trên tường?

4.12. Tại sao khó lòng thị hiện điều mình muốn

Con yêu dấu, tại sao lại có một khoảng cách giữa những gì con có thể hình dung trong viễn quan và những gì con có thể thị hiện? Đó là vì nếu con đang cố thị hiện một cái gì đó dựa trên những biểu tượng và hình dạng đã có sẵn trong thế giới vật chất, thì con sẽ gặp phải sự cưỡng kháng và chống đối toàn diện, không những từ tâm thức tập thể mà cả từ chính vật chất.

Tự thân vật chất trở nên đông đặc thành một hình dạng. Chúng ta có thể nói là năng lượng hoàn toàn lỏng và có thể khoác lấy bất kỳ hình dạng nào, nhưng rồi một biểu tượng, một hình ảnh được phóng chồng lên năng lượng đó. Khi đó, năng lượng bị kéo thấp xuống cõi vật chất nơi nó trở thành cái mà con gọi là vật chất, và vật chất này bị khóa chặt vào hình dạng đó, khóa chặt vào khuôn đúc đó.

Khi con tìm cách lật bỏ khuôn đúc đó đi, có một sự kháng cự xảy ra, vì một khi năng lượng đã khoác lấy một hình dạng nào đó thì sẽ có kháng cự chống lại sự thay đổi. Đây không nhất thiết là một sự kháng cự có ác ý, nhưng khi một tinh linh (elemental being) đã khoác lấy hình dạng một cái cây thì tinh linh cũng đã được thấm nhuần nhu cầu muốn duy trì hình ảnh đó. Do đó mới có một sự kháng cự, ngay cả từ thiên nhiên hay bất cứ gì trong cõi vật lý, chống lại sự thay đổi. Đó là tại sao thày cần con bắt đầu cuộc xoay chuyển này, và tất nhiên thày sẽ nói nhiều hơn về điểm này trong các bài tới.

Ở đây thày cần con nhận ra trong ý thức rằng với cương vị một nghệ sĩ trên hành tinh địa cầu, con phải đối diện với một công việc vô cùng khó khăn do độ dày đặc của vật chất. Sự cưỡng chống vô cùng mạnh mẽ. Tâm thức tập thể dày đặc, và con không sáng tạo trong những điều kiện lý tưởng. Cho nên con cần rất, rất thận trọng khi chọn lựa trung gian mà con sẽ sử dụng để tạo ra tác phẩm điêu khắc của con. Thày cam đoan với con là con không muốn chọn trung gian vật chất, là trung gian của những hình dạng vĩ mô, rồi tìm cách thị hiện ở tầng mức đó.

Đây là điểm mà nhiều người đã theo học các khóa tu tập về thuật thị hịên kết đọng (precipitation) và thuật dùng tâm điều khiển vật chất, đã bị thất bại và không đạt được kết quả mà họ mong muốn. Họ đã khởi đầu ở tầng vật lý với một mong muốn, thường dựa trên sự bù đắp. Họ bắt đầu ở tầng vật lý xong họ quyết định với tâm vỏ ngoài: “Tôi muốn thị hiện căn nhà tuyệt đẹp này.” Xong họ đã tìm cách – dù họ có biết về ba cõi cao của tâm phàm hay không – sử dụng sức mạnh của tâm để phần nào phóng chiếu ra vũ trụ và khiến nó quay ngược trở về như một thị hiện vật lý. Thày không bảo là chuyện này không thể làm được cho những thứ đơn giản như một căn nhà, nhưng cho những thứ nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con thì đó không phải là một cách tiếp cận xây dựng.      

Con không thể khởi đầu với những hình dạng đã có sẵn trong cõi vật lý rồi cố làm cho nó tốt hơn hay cố kiện toàn nó. Là một đệ tử của chân sư thăng thiên, con có thể bảo là con sẽ quyết định với tâm vỏ ngoài: “Tôi muốn thị hiện một căn nhà tuyệt đẹp.” Xong con tạo ra viễn kiến cao nhất mà con có thể nghĩ ra về căn nhà đó. Xong con tập trung vào tâm bản sắc. Con phóng chiếu hình ảnh đó từ tâm ý thức vào tâm bản sắc, xong con hình dung ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy xuyên hình ảnh đó, chảy xuống cõi lý trí, rồi xuống cõi tình cảm, rồi xuống cõi vật lý. Xong dựa trên những điều mà các thày đã nói, con nghĩ rằng sau khi con đã làm xong tất cả những bước đó thì tạo vật của con sẽ phải thị hiện nơi cõi vật lý. Điều thày nói với con là mặc dù chuyện đó có thể xảy ra, nhưng đó không phải là quả vị Ki-tô.

4.13. Chọn điểm khởi đầu

Quả vị Ki-tô là con không khởi đầu ở cõi vật lý. Con không khởi đầu ở mức vật lý với những điều kiện hiện hành và cố hình dung ra cách thức làm sao cho chúng tốt đẹp hơn. Quả vị Ki-tô là khi con nói: “Các điều kiện trong cõi vật lý không lý tưởng. Tại sao chúng không lý tưởng? Bởi vì có ai đó đã có một viễn kiến hạn chế, một viễn kiến nảy sinh từ nhị nguyên, một viễn kiến có thể đã nảy sinh từ tâm thức sa ngã, và họ đang phóng chiếu hình ảnh này lên năng lượng thuần khiết. Do đó, nếu chúng ta muốn thực sự thay đổi sự thể trong cõi vật lý, chúng ta cần vươn lên một viễn kiến cao hơn. Chúng ta cần giải phóng tâm mình khỏi sự ràng buộc vào những gì đang sẵn thị hiện, hầu chúng ta không khép tâm lại, mà chúng ta có thể mở tâm ra để nhận được một viễn kiến cao hơn từ trên.”  

Viễn quan của thày về Thời Hoàng kim cao hơn tất cả những gì hầu hết mọi người trên trái đất có thể mường tượng được. Do đó không có chuyện lấy những thứ đã có sẵn và làm cho nó đẹp hơn hay công phu hơn hay tinh xảo hơn. Thày đã có đề cập đến những người, những đệ tử của chân sư thăng thiên, đã mơ mộng về những thành phố mỹ lệ với đường phố lát vàng và những tòa nhà cũng làm bằng vàng. Họ chiêm ngưỡng một số đền thờ cổ Hy Lạp cùng những dinh thự tuyệt đẹp hiện có trên trái đất ngày nay, và họ phóng chiếu trong tâm những thành phố với đại lộ còn rộng hơn nữa và cao ốc còn cao hơn nữa, lát vàng hay làm toàn bằng vàng.

Nhưng đó không phải là viễn quan của thày về thành phố trong Thời Hoàng kim. Viễn quan của thày rất, rất khác. Điều thày muốn nói là như sau: Nếu con khởi sự với một cái gì đã sẵn thị hiện và sử dụng làm nền tảng cho những gì con có thể đồng sáng tạo, thì con đang tạo ra khó khăn và kháng cự rất lớn cho con. Có thể con sẽ thị hiện được một cái gì đó theo cạch đó, nhưng đó không phải là cái con đã hình dung trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Đó sẽ không là tiềm năng cao nhất của con, và đó cũng sẽ không là quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô vượt ra ngoài hiện trạng, chứ không làm cho hiện trạng công phu hơn và do đó cũng chai cứng hơn.

Thày cần con làm cuộc xoay chuyển này. Thày cần con khởi sự xoay chuyển và bắt đầu tự xem mình là một nghệ nhân, nhưng con không đang đẽo tượng từ vật chất. Con không đang lấy một tảng đá rồi tạc đẽo cho tới khi con có một bức tượng. Con đang điêu khắc bằng cách sử dụng năng lượng thuần khiết, năng lượng vi tế hơn trong cõi bản sắc cao, mà đôi khi các thày gọi là cõi ê-the để chỉ rõ năng lượng đó vượt khỏi cõi vật lý.

Con đang khởi sự với một khoảng không gian trống rỗng, một trang vở trắng xóa, một trạng thái trinh nguyên. Có những tín hiệu bật-tắt là những đơn vị năng lượng nhỏ nhất có thể có trong cõi chưa thăng thiên của con. Con đang khởi sự với màn hình hoàn toàn trống trải đó và con sắp sửa vươn lên để nắm lấy viễn quan trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Xong một khi con có viễn quan đó, con sẽ chồng nó lên màn hình trống trải, rồi đem nó xuống qua các tầng bản sắc, lý trí và tình cảm đưa vào cõi vật lý.

Đây không phải là một viễn quan dựa trên những gì con nhìn thấy chung quanh con ngay bây giờ. Đây không phải là một viễn quan dựa trên những gì đang thị hiện, mà những gì có khả năng thị hiện – nếu viễn quan của con sạch bong không có gì đã sẵn thị hiện.