Giáo lý nền tảng về các quan hệ nghiệp tạo

Hỏi: Con xin thày Giê-su giúp con hiểu rõ hơn về nghiệp quả mà vợ con phải gánh chịu khi cô ấy bị chứng bệnh tâm thần được mô tả là rối loạn lưỡng cực – tên gọi chính thức là bệnh trầm cảm cuồng điên. Con cho rằng cũng có phần nào nghiệp quả của con vì con đã quyết định chăm lo cho cô ấy trong những lúc rất khó khăn… Nhiều khi con cảm thấy bất lực đến độ con không còn cách nào khác hơn là trao hết mọi tình cảm của con cho Thượng đế, và vững tin là con sẽ có dịp hiểu sâu hơn tại sao chứng bệnh đôi khi tàn hại này lại đến với gia đình con… chúng con đã quá mệt mỏi… về lý trí lẫn tình cảm… nhưng về tinh thần thì cảm ơn Chúa… có cái gì đó mà chúng con chưa hiểu được… con có thể cảm được nhưng không biết đó là gì…   

Suốt 23 năm chung sống với nhau, cô ấy đã phải nhập viện mấy lần… có lúc phải buộc chặt cả hai chân hai tay, và có những lúc con không còn nhận ra cô ấy, dường như cô ấy không còn là chính mình… không còn đối xử với chúng con như khi còn thực là cô ấy… yêu thương và từ bi… đúng hơn, cô ấy có thể đổi ngược lại hoàn toàn chỉ trong phút chốc…

Chúng con có thể làm gì để giúp cô ấy, và cô ấy có thể làm gì để tự giúp mình thoát khỏi cái vòng độc hại này? Con biết là ông (Kim Michaels) quen biết Giê-su, và con xin lỗi nếu dạo sau này con đã yếu đuối… nhưng con muốn bỏ lại và bước đi đường con… trừ khi kinh nghiệm này là để nhằm đào tạo lòng kiên nhẫn, sự kiên trì, đức tin cho những công việc lớn hơn sau này… Con chỉ mong ước được hiểu sâu sắc hơn hầu con có thể giúp ích một cách tối ưu mà không khiến cho căn bệnh trầm trọng hơn… con cảm thấy là chúng con đang làm điều đó để giữ sự bình an… nhưng điều này thực sự không phải lẽ. Bao nhiêu năm trời đi khám bác sĩ đã không giúp được gì nhiều vì bác sĩ thấy rõ tình trạng ngày sẽ càng tồi tệ hơn với tuổi tác, và họ cũng tin rằng chỉ có dược phẩm mới giữ được cho cô ấy tương đối “bình thường”… cô ấy vẫn uống thuốc đấy… nhưng thuốc lại khiến cho có lúc lên lúc xuống, chưa kể những vấn đề khác do phản ứng phụ gây ra… Con xin cảm ơn mọi sự giải thích…  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Ta cảm ơn sự thành thực và cởi mở của con và ta cũng cảm ơn con đã đặt một câu hỏi chạm đến rất nhiều đề tài quan trọng.

Hãy để ta bắt đầu với vấn đề nghiệp quả. Như ta có giải thích ở một nơi khác, điều quan trọng đối với tất cả mọi người tầm đạo thời nay là phải hiểu rõ thực tế của luân hồi và nghiệp quả. Nếu con không hiểu quá khứ ảnh hưởng hiện tại của con như thế nào, làm sao con có thể vượt qua quá khứ và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn? Nhưng cũng không kém quan trọng là con cần có hiểu biết đúng đắn về nghiệp quả, và điều đặc biệt quan trọng là tránh rơi vào cái bẫy xem nghiệp quả là một hình phạt hay một điều gì không thể tránh khỏi.  

Một số người đã kết hợp hai ý tưởng lại với nhau, một là những giáo lý từ phương Đông về định mệnh và nghiệp quả, và hai là ý tưởng rằng con người phải hy sinh hay đau khổ để trả giá cho tội lỗi mà mình đã phạm. Và như vậy, họ lý giải rằng nếu có điều gì không hay xảy ra cho họ thì nhất định lý do phải là nghiệp xấu từ những kiếp trước. Và nếu họ cứ ráng chịu đựng khổ đau thì họ sẽ trả hết nghiệp và cuối cùng sẽ được giải thoát. Đây là một ngụy biện thật nguy hại đã khiến cho biết bao hành giả tầm đạo chân thành kéo dài đau khổ của mình một cách vô ích.

Mọi thứ trong vũ trụ đều có mục đích và một mục đích duy nhất mà thôi, là giúp con tăng triển. Thượng đế không hề có ý muốn trừng phạt các lỗi lầm đã qua của con, cho nên điều vô cùng quan trọng là con cần nhận ra sự thật rằng nghiệp quả không phải là một hình thức trừng phạt. Nghiệp quả là một cơ hội để tăng triển và con luôn luôn phải nhìn vấn đề như thế. Con thử nghĩ xem, tại sao một Thượng đế yêu thương lại muốn con đau khổ, và làm thế nào đau khổ lại có thể bù đắp cho những lỗi lầm đã qua? Thượng đế chỉ mong muốn con bỏ lại những lỗi lầm này đằng sau để con được tự do trở về nhà là vương quốc của ngài.

Con đã từng tạo ra nghiệp khi con có những quyết định bất toàn, và những quyết định này là kết quả của một trạng thái tâm thức giới hạn. Những quyết định đó đã tạo ra một khối lượng năng lượng tha hóa nào đó, và để tái lập quân bình cho vũ trụ, năng lượng phải được tái chế để trở lại thuần khiết như ban đầu. Trước khi con có thể thượng thăng vĩnh viễn vào cõi tâm linh, con phải phục hồi tất cả mọi năng lượng mà con đã làm cho tha hóa trong mọi kiếp sống của con. Con cũng sẽ phải giải quyết mọi điều tin tưởng nhị nguyên trong tâm lý con – những tin tưởng đã khiến con làm nhơ năng lượng. Cho tới khi điều này xảy ra, nghiệp của con – gồm cả năng lượng tha hóa lẫn tâm lý chưa giải quyết – sẽ giống như một sợi dây cao su kéo buộc dòng sống của con về trái đất.

Do đó, việc hồi trả một phần nghiệp của con là một cơ hội cho dòng sống của con được giải thoát. Công việc này gồm hai phần, một là con phải thăng vượt trạng thái tâm thức đã khiến con tạo nghiệp, và hai là con phải thanh lọc năng lượng.

Vượt qua trạng thái tâm thức cũ thường là công việc khó khăn nhất vì nhiều người có khuynh hướng trốn tránh trách nhiệm phải thực sự thay đổi chính mình từ bên trong. Họ thường đặt trọng tâm vào cái giằm trong mắt người khác thay vì tìm kiếm cái xà trong mắt mình. Đúng ra, nếu con thăng vượt được tâm thức cũ của con trước khi nghiệp quả quay trở lại thì con sẽ rất dễ dàng thanh lọc năng lượng và tránh được xáo trộn trong đời mình. Thậm chí còn có thể nói, chỉ khi nào một người không tỏ dấu hiệu gì muốn thăng vượt một tâm thức nhất định thì nghiệp quả mới đập trở lại với nguyên mãnh lực của nó. Điều này xảy ra như một lời cảnh tỉnh đối với những dòng sống mà không một cách nào khác có thể với tới. Khi quả báo xảy ra thì đó là nỗ lực cuối cùng để đánh thức dòng sống về sự cần thiết phải khắc phục một khiếm khuyết nào đó trong tâm lý mình.   

Về thanh lọc năng lượng, đây là một tiến trình cơ học không khó thực hiện, đặc biệt là khi con đã thăng vượt tâm thức cũ và do đó con không còn làm tha hóa thêm năng lượng. Để biến hóa năng lượng ô nhiễm, con chỉ cần đơn giản cầu thỉnh năng lượng tâm linh có tần số cao từ trên xuống hầu nó nâng cao độ rung của năng lượng ô nhiễm. Điều này có thể thực hiện qua một số nghi thức tâm linh, như được giải thích trên trang Hộp Dụng cụ Thăng vượt. Tuy nhiên, con cũng có thể đạt được nhiều kết quả duy chỉ bằng cách đáp lại nghiệp quả với một thái độ tích cực, xem nghiệp quả là một cơ hội để con tăng triển và sửa đổi.

Bây giờ con có thấy được làm thế nào người ta có thể khiến cho mọi chuyện khó khăn hơn hay không? Nếu họ không sẵn sàng thăng vượt tình trạng tâm thức cũ – đặc biệt là nếu họ không xem cuộc đời là một cơ hội tăng triển – thì rất có thể họ sẽ không thấy quả báo là một lời cảnh tỉnh. Họ sẽ cưỡng lại nghiệp quả, có lẽ họ sẽ xem đó là một sự trừng phạt, hay họ có thể phản ứng tiêu cực bằng nhiều cách, và những cách phản ứng này sẽ dễ dàng trở thành cái cớ để họ không nhìn vào tâm lý của mình.

Điều này sẽ khiến cho họ đau khổ, và khi làm vậy thì họ lại tha hóa thêm năng lượng, tạo thêm nghiệp chướng trong khi không làm gì để thanh lọc năng lượng của nghiệp báo. Con có thấy điều ta muốn nói không? Hai điều sai không tạo nên một điều đúng. Con không thể quân bình nghiệp cũ bằng cách cảm thấy đau khổ do nghiệp quả. Làm vậy sẽ chỉ tạo thêm nghiệp, và cứ thế nó trở thành một vòng xoáy tự bồi thêm sức mạnh, kéo con ngày càng xa hơn khỏi tâm thức Ki-tô.

Mục đích của ta khi ta dẫn con qua nguyên phần trình bày ở trên là chỉ ra cho con tầm quan trọng là con không bao giờ được nghĩ rằng con phải chịu đựng lâu dài một tình huống nào đó vì con đã mang nghiệp với một người. Cũng không kém quan trọng là con phải tránh rơi vào cái bẫy mà nghĩ rằng qua sự khổ đau, cuối cùng con sẽ trả hết nghiệp và được tự do bước đi tiếp. Ngược lại là đằng khác, con sẽ tự giam mình chặt chẽ hơn trong một trạng thái giới hạn, thường con sẽ gây thêm nghiệp mới với một người mà con đang có sẵn mối quan hệ nghiệp tạo. Mục đích của mọi tình huống là giúp con tăng trưởng qua sự thăng vượt bản thân. Do đó con hãy đừng cố chịu đựng mà con hãy cố học hỏi bài học và bước tới trong tâm thức. Chịu đựng không có ích gì. Toàn bộ mục đích là để con học được bài học.     

Bây giờ ta sẽ nói tới các mối quan hệ. Mục đích của mọi thứ trong thế gian là để tăng triển và đây cũng là trường hợp của các mối quan hệ. Vậy thì nếu một quan hệ không đem lại tăng triển ít nhất cho một bên, thì thử hỏi tiếp tục quan hệ có được mục đích gì hay không? Nếu đó là một mối quan hệ nghiệp tạo thì hai người đã ở bên nhau trong những kiếp trước. Họ tạo nghiệp với nhau do một người, hay cả hai người, ở trong một trạng thái tâm thức nào đó. Nếu quan hệ hiện tại không tăng trưởng, đó là vì một hay cả hai người đã không thăng vượt tâm thức cũ. Do đó, rất có thể là cả hai sẽ tạo thêm nghiệp thay vì quân bình nghiệp. Điều ta muốn chỉ ra qua lời giải thích này là sự sai lầm của lối suy nghĩ cho rằng một mối quan hệ phải kéo dài suốt đời, hay con phải chịu đựng một mối quan hệ đã mất hết chức năng (có nghĩa là không còn tăng trưởng nữa) hầu con có thể quân bình nghiệp quả. Thật là sai lầm khi lý luận rằng con sẽ tự động quân bình nghiệp quả bằng cách kiên nhẫn và nhịn nhục lâu dài.

Nhưng ta cũng xin nói rõ là con không bao giờ được dùng lời dạy này để trốn chạy một mối quan hệ. Lời dạy này không được là cái cớ để con không chịu tu sửa bản thân hầu giúp cho mối quan hệ thành công. Nếu con đang ở trong một mối quan hệ khó khăn, con có thể chắc chắn là con đã mang nghiệp với người đó, và điều này bao gồm cả năng lượng bị tha hóa lẫn những vấn đề chưa giải quyết trong tâm lý của con.  

Cho nên con phải xem đây là một cơ hội để tăng triển. Muốn sử dụng cơ hội này, con phải nỗ lực một cách chân thành để khám phá ra tâm thức nào đã khiến con tạo nghiệp với người đó trong một tiền kiếp. Điều này thường tương đối dễ dàng nếu con xét xem điều gì về người đó đang làm cho con bực bội nhiều nhất – mặc dù ta luôn luôn cảnh giác mọi người là phải đi tìm những nguyên nhân sâu xa đằng sau các vẻ ngoài. Con hãy tự hỏi tại sao cách cư xử của người kia khiến con bực bội đến như vậy. Đâu là cơ chế tâm lý trong con khiến con bực bội. Đâu là cái thông điệp ẩn giấu mà đúng lý con phải học được về chính con qua việc xem xét cách phản ứng của con đối với người kia?

Một khía cạnh nữa của việc quân bình nghiệp quả là con phải cư xử với người kia với một thái độ tích cực để con không tạo thêm năng lượng tha hóa, cho dù mối quan hệ có khó khăn đến chừng nào. Nếu con đã thành thật cố hết sức để đáp ứng những yêu cầu này – như người đặt câu hỏi này rõ ràng đã chứng tỏ được – thì con cần phải xem xét sâu hơn nữa.   

Đến đây ta sẽ nói chung chung về những người đang gặp khó khăn trong quan hệ vì người bạn đời của mình mắc bệnh tâm thần trầm trọng. Bất kỳ một chứng bệnh tâm thần nào, kể cả rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), cũng liên quan đến một sự phân chia trong linh hồn (soul division), có nghĩa là một cái gì ngoại lai đã xâm nhập vào trường năng lượng của dòng sống. Đó có thể là một tà thể ngoại lai (outside entity) hay một bản sắc giả hiệu (pseudo identity) do dòng sống tạo ra trong tiền kiếp. Ta đã có giải thích về điều này trong câu trả lời của ta về phân chia linh hồn cũng như những giáo lý về tâm thần phân liệt (schizophrenia) và nghiện ngập.   

Tuy nhiên, trách nhiệm của cái Ta Biết là phải cai quản trường năng lượng của chính nó, cho nên lý do duy nhất một tà thể ngoại lai có thể xâm nhập vào dòng sống là vì cái Ta Biết đã từ bỏ trách nhiệm của nó. Nguyên nhân có thể rất dễ hiểu, chẳng hạn một chấn thương trầm trọng trong một tiền kiếp, nhưng cũng có thể là một lỗi lầm nghiêm trọng hay một sự nổi loạn chống lại Thượng đế mà cái Ta Biết không sẵn sàng nhìn nhận. Dù nguyên nhân là gì, vấn đề đang ngăn cản dòng sống trở lại toàn vẹn là cái Ta Biết đã rút lui, đã bỏ rơi trách nhiệm cai quản của nó, và đã cho phép một tà thể khác tiếp quản, ít ra là đôi khi.

Điều ta muốn nói ở đây là ta vô cùng thương xót những người gặp phải vấn đề này, tuy nhiên sự thương xót không thể biến thành sự đồng tình, bởi vì như vậy sẽ chỉ giúp cho người đó tiếp tục duy trì tình trạng bất toàn của họ. Lòng từ bi đích thực là sự kêu gọi hành động, để con làm hết sức con hầu giúp cho người kia khắc phục được tâm trạng tê liệt, giành lại quyền ngự trị trên trường năng lượng của mình và do đó tống khứ kẻ ngoại xâm.

Nếu con ở trong mối quan hệ với một người mang bệnh tâm thần, có thể đó là do một số nguyên nhân:

  • Con mang nghiệp với người đó vì trong một tiền kiếp con đã gây chấn thương trầm trọng cho người đó.
  • Con mang nghiệp với người đó vì trong một tiền kiếp con đã làm công cụ khiến cho người đó phạm vào lỗi lầm nghiêm trọng.
  • Con mang nghiệp với người đó vì trong một tiền kiếp con đã làm công cụ khiến cho người đó nổi loạn chống lại Thượng đế hay quy luật của Thượng đế.
  • Con không có nghiệp với người đó nhưng con đã đi vào quan hệ này để tạo cơ hội tăng triển cho người đó. Con muốn giúp người đó và động lực của con là tình thương.
  • Con không có nghiệp với người đó nhưng con đã đi vào quan hệ này để học hỏi một số bài học mà con muốn học. Thường con có thể trực nhận được nguyên do tại sao như thế, nhưng điều này không thật sự quan trọng. Bất kỳ quan hệ nào cũng là một cơ hội tăng trưởng, và đối với con điều này có thể mang hai ý nghĩa:
  • Con đang có cơ hội phát triển bản thân. Do đó con phải nỗ lực học hỏi mọi bài học mà con có thể học được từ quan hệ này. Nó bao gồm việc khám phá và chữa lành những sự mất quân bình trong linh hồn con do người kia làm cho hiển hiện lên. Nhưng nó cũng bao gồm con học cách cư xử với người khác để giúp họ có năng lực tăng trưởng thay vì giúp họ cứ giữ nguyên như cũ.
  • Người kia đang có cơ hội phát triển bản thân. Nhưng sự khác biệt ở đây là con không thể ép buộc người khác phải học một bài học. Con chỉ có thể tìm cách giúp cho người đó học hỏi dễ dàng hơn mà thôi. Con có thể làm hết sức mình để tạo cơ hội cho người kia học hỏi, nhưng nếu họ bỏ qua mọi cơ hội thì sẽ tới một điểm khi mối quan hệ không còn phục vụ mục đích xây dựng nào nữa. Có thể đã đến lúc con phải bước ra đi, và nếu con là một người tầm đạo chân thành đang trung thực muốn học những bài học của mình, trực giác của con sẽ nói cho con biết đó là lúc nào. Để được trợ giúp về điểm này, con hãy nỗ lực hòa điệu với cái ta Ki-tô của con.

Khi con ở trong mối quan hệ với một người mang bệnh tâm thần, con cần luôn luôn lưu ý điều sau đây. Người đó bị bệnh do một sự thiếu toàn vẹn trong dòng sống. Nhưng nguyên nhân là vì họ đã không sẵn sàng nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm cho hoàn cảnh của mình và giành lại chủ quyền mà mình đã đánh mất trong quá khứ. Con không thể ép buộc một người như thế trở nên toàn vẹn. Họ chỉ có thể phục hồi sự toàn vẹn qua một quyết định ý thức của ý chí. Nếu họ khăng khăng từ chối không chịu sử dụng sức mạnh ý chí của mình thì rất có thể không gì sẽ giúp họ được nữa.  

Tuy nhiên, liệu con đã làm hết sức mình để giúp người kia đạt đến bước ngoặt để họ sẵn sàng sử dụng ý chí và giành lại chủ quyền hay không? Con cần luôn nhớ rằng một người đã mất đi sự toàn vẹn sẽ dùng đủ mọi cái cớ để trốn tránh trách nhiệm và trốn tránh sử dụng ý chí. Một người như vậy thường hay dùng ý chí mạnh mẽ để tránh phải sử dụng ý chí hầu thay đổi tình trạng của mình. Nói cách khác, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để biện minh cho những cái cớ họ không thể tự chủ thay vì họ nỗ lực tự chủ. Trong tình trạng hiện nay của khoa học còn hiểu biết giới hạn, việc đưa ra chẩn đoán rằng đây là bệnh tâm thần có thể trở thành một cái cớ toàn hảo để họ không nỗ lực tự chủ. Người ta quá dễ dàng chấp nhận căn bệnh vượt ngoài vòng kiểm soát của bệnh nhân, và vì vậy sẽ uống thuốc để làm tê căn bệnh mà không đối diện với vấn đề cơ bản nằm bên dưới.

Điều ta muốn nói là nếu con thật sự muốn giúp người đó, có thể con sẽ cần bắt buộc họ phải đối diện với vấn đề. Con có thể làm bằng nhiều cách, nhưng tất cả mọi cách đều liên quan đến quyền của con trong việc thiết lập ranh giới cho những gì con có thể chấp nhận trong một mối quan hệ. Tùy hoàn cảnh cụ thể, một điều chính đáng là con nói rõ những gì con có thể, hay không thể, dung thứ trong cách cư xử của người kia. Con có quyền yêu cầu họ làm hết sức mình, kể cả việc sử dụng những dụng cụ tâm linh mà khoa học chưa công nhận để thay đổi tình trạng này. Con có quyền yêu cầu người đó chứng tỏ là họ sẵn sàng thay đổi và sẽ nỗ lực thay đổi.

Tuy nhiên để điều này thực sự có hiệu quả, rất thường khi con không được cho người kia một lối thoát mà qua đó họ có thể trốn tránh nhận lấy trách nhiệm, lấy lại tự chủ. Cho nên nhiều khi con sẽ phải nói rõ là nếu con không thấy động thái nào giải quyết được vấn đề, kể cả phải ngừng hẳn một số hành vi cụ thể nào đó, thì con sẽ chấm dứt quan hệ và bước đi đường con.   

Ta cũng biết là trong một số trường hợp, điều này vẫn không đủ để người đó thức tỉnh, và vì thế khi con chọn cách này, có thể con sẽ phải kết thúc mối quan hệ. Nhưng nếu con đã làm tất cả những gì con có thể làm để học hỏi chính những bài học của con và giúp cho người kia học hỏi bài học của họ, thì có thể đây là kết qủa tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Ngay cả nếu người kia không tăng trưởng qua kinh nghiệm này, riêng con vẫn có thể bước vào những cơ hội tăng trưởng mới. Và trong một số trường hợp, cách hành xử thẳng thắn này nhằm thiết lập ranh giới có thể là cách duy nhất để đánh thức một người, giúp người đó thực sự đối phó với vấn đề thay vì tìm cách che giấu các triệu chứng.  

Một số người có thể bảo rằng hành động cứng rắn như vậy là vi phạm quyền tự quyết của người kia. Tuy nhiên đó là một cách lý luận thô sơ, bởi vì người mắc bệnh tâm thần đã trao quyền tự quyết của họ cho một tà thể ngoại xâm rồi. Con không tìm cách kiểm soát người đó như tà thể ngoại xâm kia đang làm. Con chỉ cố xóc nảy lên để họ bước ra khỏi tình trạng tê liệt tâm linh hầu họ có thể tự do sử dụng quyền tự quyết của họ như trước. Thêm vào đó, chính con cũng có quyền tự quyết của con mà con có bổn phận phải sử dụng. Nếu con ở lại trong một quan hệ với một người bệnh tâm thần mà không bao giờ đặt ra ranh giới cho những gì con sẽ, hay không thể, dung thứ thì chính con đang đình chỉ quyền tự quyết của con.  

Người kia đã làm vậy rồi, thế nhưng nếu con cho phép quyết định đó của họ khiến con cũng đình chỉ quyền tự quyết của con thì con sẽ tạo nghiệp. Con không chịu trách nhiệm về những chọn lựa của người kia, nhưng con sẽ chịu trách nhiệm khi con để cho chọn lựa của họ tác động lên chọn lựa của con như thế nào. Cho nên con hãy cẩn thận đừng sử dụng tâm trạng tê liệt của người kia làm cái cớ để con bước vào, hay ở lại, trong tâm trạng tê liệt của con. Đừng bao giờ cho phép tự ngã của con sử dụng một người từ chối tăng trưởng làm cái cớ để con không tăng trưởng. Con chịu trách nhiệm về cuộc đời của con, kể cả khi con cho phép người khác tác động lên con.  

Ta cũng xin nói thêm là đối với nhiều người tâm linh, cách giao tiếp trực tiếp, thẳng thắn cũng chính là bài học mà họ đã đến đây để học trong kiếp này. Như ta có giải thích khắp trang mạng này, con đã đầu thai ở một thời điểm quyết định trong lịch sử địa cầu. Chúng ta đang chuyển tiếp từ thời đại Song ngư cũ sang thời đại Bảo bình mới. Để chuyển tiếp thành công, mỗi người cần tỉnh giấc để nhận ra tiềm năng tâm linh của mình. Thế nhưng nhiều người lại không chịu thức giấc bởi vì làm vậy sẽ đòi hỏi họ nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời cũng như về hành tinh của họ – nó sẽ đòi hỏi họ phải thay đổi. Họ thường hay cưỡng lại một cách tích cực và vì thế, cách duy nhất để đánh thức họ dậy là biểu đạt một cách trực tiếp, có khi khích động. Đó là tại sao con đã thấy ta có cách hành xử rất thẳng thừng, sống sượng đối với loại người từ chối không chịu thức giấc như các thày thông giáo và người Pha-ri-si chẳng hạn.

Có rất nhiều người tâm linh đã hiện thân trong thời điểm này vì mong muốn đánh thức con người, nhưng họ lại không hoàn thành được vai trò này chính vì họ ngại nói thẳng với những người còn đang ngủ yên về mặt tâm linh. Điều này cũng bình thường thôi. Nếu con là người tâm linh thì bình thường con rất tôn trọng người khác cũng như quyền tự quyết của họ, cho nên con ngại nói thẳng. Tuy nhiên, nói thẳng để đánh thức họ mở mắt ra với sự sống vĩnh hằng thì không phải là vi phạm quyền tự quyết. Trái lại, đó là một bước cần thiết để ngăn chặn các dòng sống bị lạc đường.

Nhiều người tâm linh có vai trò quan trọng trong sự thức tỉnh sắp tới cần học cách cư xử thẳng thắn hầu đáp ứng được lý do họ có mặt ở đây. Và điều này có nghĩa là họ phải khắc phục xu hướng nhượng bộ người khác hầu giữ hòa khí và yên ổn. Thật sự, có cả những dòng sống mong muốn học hỏi bài học này đến độ họ sẽ cố tình bước vào những quan hệ vô cùng khó khăn để buộc mình phải đối mặt với bài học đó. Đối với người hiểu biết thì một lời nói như vậy cũng đủ rồi.