Yếu tố hấp dẫn và sóng gió trong một quan hệ nghiệp tạo

Hỏi: Khi vũ trụ làm việc để ngăn trở con thì điều này có nghĩa gì? Lực của vũ trụ có vẻ như đang điều khiển các tiềm năng của con người lẫn những gì xảy ra cho con người, lực này là gì? Chẳng hạn gần đây, qua một loạt sự kiện ngẫu nhiên, con gặp được một người mà con cảm thấy một sự hấp dẫn rất mạnh, rất đặc biệt. Con nhận xét thấy có một lực cứ cố khiến chúng con phải ngăn cách, nó ngăn cản chúng con đến gần với nhau. Đây có phải là cõi của Mẹ đang dựng lên chướng ngại? Điều này hình như đi ngược lại quyền tự quyết. Xin thày giúp con nhìn ra một viễn quan cao hơn ở đây.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa Kỳ – Phục hồi nền dân chủ. Đăng ngày 12/11/2022.

Không, vũ trụ không đang làm việc chống lại con. Ta hiểu là nó có vẻ như vậy và nhiều người đã diễn giải theo cách đó. Các thày đã có giảng là con có thể tự xem mình đang sống trong một vũ trụ thân thiện hay một vũ trụ thù địch, và nhiều người thì lại cảm thấy họ đang sống trong một vũ trụ thù địch.

Hẳn là nhiều người đã sống qua câu chuyện của con, theo như con vừa kể là con gặp người kia, con cảm thấy có sự thu hút, nhưng hình như có một lực nào đó cứ khiến cho hai con bị ngăn cách. Ấy, lời giải thích cho sự thể này thật đơn giản: nghiệp quả. Con mang nghiệp từ những kiếp trước và nghiệp này cho con cảm giác bị người kia thu hút, nhưng nó cũng đẩy hai người xa nhau. Có thể là vì một đằng con mong muốn quân bình nghiệp chướng với người kia, nhưng đằng khác con thực sự không muốn đến gần họ vì con không ưa thích họ cùng những gì họ đã gây cho con trong một tiền kiếp. Có thể còn nhiều mối quan hệ nghiệp tạo phức tạp khác nữa cũng đóng một vai trò trong chuyện này.

Thật sự không phải là vũ trụ, cũng không phải là cõi của Mẹ, và nó cũng không đi ngược lại quyền tự quyết, vì đó là kết quả những chọn lựa mà các con – cả hai người – đã lấy trong một tiền kiếp. Đây đơn giản chỉ là vấn đề nhìn nhận là trong những trường hợp này, có một điều gì đó cần được giải quyết. Có nghĩa là con hãy đọc các bài chú để tiêu hủy hay biến hóa năng lượng đã tích tụ, xong con dùng các dụng cụ và kỹ thuật để phơi bày các ngã tách biệt mà con đem theo từ tiền kiếp, và con giải quyết các ngã này. Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là giờ đây con có thể có một mối quan hệ nào đó với người kia, hay cũng có nghĩa là con đi đến kết luận mình không cần thêm một mối quan hệ nữa vì con đã làm tan nghiệp chướng rồi. Vậy ta muốn nói gì ở đây?     

Một trong những hệ quả đáng tiếc mà các thày chứng kiến trong các phong trào tâm linh đủ loại là các phong trào tâm linh thường đem những người có nghiệp chướng từ tiền kiếp đến gần với nhau. Nếu tình cờ họ là người khác phái – hay ngay cả là người cùng phái trong một số trường hợp – họ có thể mang trong tâm ý tưởng là khi họ bị hấp dẫn bởi một ai đó thì họ cần có quan hệ tình dục với người này. Nhưng thường thường chính nghiệp chướng đã khiến con cảm thấy lực hấp dẫn đó vì con muốn giải quyết nghiệp chướng. Và cách hay nhất để giải quyết nghiệp chướng khi con là người tâm linh là dùng bất kỳ dụng cụ tâm linh nào mà con có – trong trường hợp của chúng ta, đó là các bài thỉnh, bài chú và việc giải quyết các ngã tách biệt. Nếu con làm vậy, con thường nhận ra là con không nhất thiết phải có một quan hệ vật lý với người kia, và kỳ thực điều này tốt hơn cho con vì nó giúp con tự do gặp gỡ một người mà Sứ vụ Thiêng liêng của con đã trù hoạch một mối quan hệ.

Nhiều người bị mắc bẫy trong các quan hệ nghiệp tạo này, có khi họ liên tiếp đi từ quan hệ này đến quan hệ khác, và điều này khiến họ bị sao lãng trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ, đôi khi nó còn ngăn cản họ gặp một người mà đáng lý họ có thể có được một mối quan hệ tích cực hơn. Các quan hệ nghiệp tạo thường có thể rất mãnh liệt, ban đầu nó có thể cho con một cảm giác hấp dẫn vô cùng nồng nàn, nhưng sau một thời gian khi tuần trăng mật chấm dứt, đủ loại vấn đề có thể ngóc đầu lên và thường thường cả hai người nhận ra một cách hiển nhiên là họ không ưa thích gì nhau mà còn thù địch nhau một cách mãnh liệt. Tình trạng này có thể gây ra đủ loại xung đột trong quan hệ, đặc biệt là nếu giờ đây họ bị ràng buộc bởi hôn nhân hay họ có con với nhau, và vì vậy họ không thể dễ dàng bước ra khỏi mối quan hệ.

Khi người nữ tăng triển nhanh hơn người nam

Hỏi: Con nhận thấy xu hướng này nơi nhiều phụ nữ đã lập gia đình trong số họ hàng cũng như trong nhóm bạn bè của con, là các chị ấy dường như gặp khó khăn vì chồng mình không bước lên cao hơn. Thường thường, các chị không bằng lòng với cách chồng mình cư xử trong các tình huống. Chẳng hạn, các anh không đủ giao tiếp, không đủ chủ động hay không đủ sáng kiến, và các chị cảm thấy như thể mình luôn luôn là người phải đề nghị những việc cần làm, phải hoạch định và tổ chức các sinh hoạt, phải chăm lo nhà cửa, v. v… Rốt cuộc, dường như các chị cảm thấy vô cùng bực bội, bất mãn đối với chồng mình, và các chị tự hỏi không hiểu phái nam có vấn đề gì sai trái. Xin các thày vui lòng cho biết ý kiến để làm thế nào phụ nữ có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô. Đăng ngày 24/6/2022.

Đây là một hiện tượng phổ biến được thấy ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia dân chủ nơi tâm thức của nhiều người đã tăng triển nhiều hơn. Con sẽ thấy, như chúng tôi đã có nói, một xu hướng chung chung là phái nữ cởi mở hơn phái nam trong sự phát triển cá nhân, thậm chí cả sự phát triển tâm linh hay sự chữa lành tâm lý. Điều này có nghĩa là trong nhiều mối quan hệ có sự phát triển không cân xứng, qua đó người nữ tăng trưởng nhanh hơn người nam, và do vậy sẽ tới một điểm khi người nữ không còn bằng lòng với mức độ tăng triển tâm linh cũng như các sinh hoạt của chồng mình nữa. Các anh không có bất kỳ hứng thú nào làm những việc mà các chị xem là quan trọng.

Hiển nhiên, đây là một tình huống rất cá nhân trong cách con sẽ xử lý như thế nào. Không có một cách thức độc nhất. Đối với một số chị, chị ấy sẽ cần phải ly thân khỏi anh ấy, hoặc sống một mình trong một thời gian, hoặc tìm một người phối ngẫu khác tương hợp hơn với mức tâm thức cùng sự tha thiết tăng triển của mình. Nhưng đối với một số khác, chị ấy có thể tìm ra cách chung sống với anh ấy mà vẫn đeo đuổi được con đường phát triển tâm linh của mình. Và lại có một số người khác nữa có khả năng tạo được cảm hứng nơi chồng mình để anh ấy tích cực hơn trong việc theo đuổi phát triển cá nhân.

Luôn luôn sẽ có những kịch bản cá nhân cho mỗi người, nhưng rõ ràng là nếu có khoảng cách quá lớn giữa hai người trong trình độ tâm thức cũng như trong cách trải nghiệm sự phát triển tâm thức, thì sẽ xảy ra căng thẳng, và rất có thể sẽ tới một điểm khi người phối ngẫu tha thiết phát triển hơn sẽ cảm thấy cần phải tự loại mình ra khỏi mối quan hệ. Ta không bảo là con nên làm vậy, và ta cũng không bảo là con không nên làm vậy.

Đó là sự cân nhắc của mỗi cá nhân, và ta khuyên con không nên vội vã mà nên nỗ lực chữa lành tâm lý của mình càng nhiều càng tốt, gia tăng khả năng trực giác của mình, hầu con không lấy quyết định với tâm vỏ ngoài mà con đạt tới điểm khi quyết định đó đến với con từ bên trong. Con trung hòa về vấn đề này, và quyết định đó hiện ra như một điều phải, một điều đúng lúc, đúng thời.

Tất nhiên, điều này đặc biệt áp dụng cho trường hợp con có con cái. Khi đó, có thể con sẽ cần xem xét kỹ lưỡng việc ở lại trong mối quan hệ để cho con mình một nền dạy dỗ bảo đảm hơn. Nhưng một lần nữa, có nhiều yếu tố cá nhân cho con cân nhắc khi con đơn giản cảm thấy mình cần phải bước tới để có thể trải nghiệm sự tăng triển tối đa. Điều này con sẽ có thể làm được khi con hòa điệu với Sứ vụ Thiêng liêng của con, khi con chữa lành tâm lý của con và cố gắng càng trung hòa càng tốt.

Tại sao một số phụ nữ cứ thu hút những đàn ông lạm dụng mình?

Hỏi: Từ khi còn nhỏ, con đã trải nghiệm rất nhiều sự hung hãn tình cảm từ cha con, rồi khi trưởng thành, con lại bị như vậy từ phái nam. Suốt đời con đã thu hút những người đàn ông khép kín về mặt tình cảm và chỉ chú trọng đến tình dục và dâm ô. Con đã kinh qua hai quan hệ lạm dụng vô cùng tồi tệ. Sau đó con tìm được con đường tâm linh và con đã nỗ lực rất nhiều để cải sửa bản thân cũng như tâm lý của con. Mặc dù con đã giải quyết được rất nhiều về mặt tâm lý nhưng con nghiệm ra là có một phần trong con vẫn muốn một điều gì đó từ loại đàn ông đó. Con ý thức được là loại đàn ông đó không tốt gì cho mình, nhưng con nghiệm thấy – mặc dù có những người đàn ông trìu mến cũng mong muốn con để ý tới họ – là có một phần trong con vẫn muốn nhận được sự chú ý và tiếp xúc từ những đàn ông mà con chỉ có thể có mối quan hệ độc hại.

Xin thày có thể giải thích cho con cơ chế đó vận hành như thế nào? Tại sao cái ngã đó, cái phần đó của con, lại muốn được những đàn ông đó chú ý và tiếp xúc đến như vậy, trong khi họ chỉ cốt ý lấy tất cả những gì họ có thể lấy mà không chia sẻ tình cảm? Cái gì ở trong con khiến con từ chối tình yêu từ những người đàn ông tốt bụng đang ở trong đời con và quan tâm đến con? Tại sao trong số tất cả những người đàn ông đó, con lại chỉ muốn đúng cái anh chàng không thích hợp với con? 

Con hiện không có quan hệ nào và con không dính dáng tới đàn ông nào, nhưng con nghiệm được điều gì xảy ra bên trong. Con nhìn thấy những thành phần trong con, và con muốn được thêm sáng ngộ về nguyên nhân tại sao nó lại xảy ra khi con còn tỉnh táo. Hiện tại, con đang làm thông sạch cả bốn thể phàm bằng cách bước trên con đường bảy tia sáng và con đọc bài thỉnh trong cuốn sách của Mẹ Mary “Course In Abundance” (Khóa tu về sự dồi dào). Xin thày cho con một chút sáng ngộ để con nhìn thấy rõ hơn.  


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Trước hết, con sẽ được ích lợi biết rằng con hoàn toàn không phải là người phụ nữ đầu tiên hay người phụ nữ duy nhất có cơ chế này. Rất, rất nhiều phụ nữ cũng từng có và đang có như vậy – thật ra người ta đã có viết sách về hiện tượng này mà con sẽ được lợi ích nếu con tìm đọc. Những cuốn sách đó có thể bổ sung cho những lời dạy mà chúng tôi đã ban ra về tâm lý, và cũng sẽ giúp con nhận được nhiều nguồn sáng ngộ khác nhau. Bây giờ, hiện tượng mà con nói đến có thể có một số nguyên nhân riêng rẽ, nhưng ta sẽ tập trung vào ít nhất ba nguyên nhân.

Trước hết, một số phụ nữ có một mặc cảm thua kém, họ không cảm thấy là mình xứng đáng. Thường là vì họ không cảm thấy mình xứng đáng được người khác chú ý. Cho nên con thu hút những người đàn ông ngược đãi con, vì mặc dù họ ngược đãi con thật, nhưng ít ra họ chú ý đến con. Và sự chú ý này, cho dù là ngược đãi đi nữa, vẫn còn hơn là sự làm ngơ. Đây là một nguyên do – ta không bảo là nó áp dụng cho mọi phụ nữ, nhưng đó là một nguyên do.

Một lý do khác là trong một tiền kiếp, con đã bị tổn thương trầm trọng bởi phái nam, thường khi bởi một người đàn ông đã gần gũi với con suốt nhiều kiếp đầu thai. Cho nên con mang trong con một cảm nhận sâu xa là con không thể tin tưởng phái nam. Và hiện tượng lạ lùng xảy ra ở đây là sự cảm nhận mình không thể tin đàn ông thường bắt nguồn từ mối quan hệ với một người mà con tin tưởng đến độ con đã mở lòng ra với người đó. Rồi người đó đã lợi dụng sự cởi mở của con để làm hại và khiến con đau đớn. Do đó, con có một cái ngã đã quyết định là mình sẽ không bao giờ mở lòng ra với bất cứ đàn ông nào nữa. Đó là tại sao con đã từ chối những người đàn ông kia mà đáng lý con đã có thể nối kết sâu sắc hơn. Và con lại quan hệ với những người đàn ông này, cho dù là họ hiếp đáp con, nhưng đối với con, đó không phải là yếu tố quyết định. Vì yếu tố quyết định là con không bao giờ có thể có một mối liên hệ sâu xa gì với những người này cho nên không có nguy cơ con mở lòng ra với họ.

Bây giờ có một yếu tố thứ ba có thể xen vào. Đối với một số các con, chuyện này trở ngược về thời chấn thương nhập đời của con, trở ngược về lần đầu tiên con đầu thai trên địa cầu. Khi đó, con đã bị hiếp đáp nghiêm trọng bởi những khuôn mặt thẩm quyền thuộc phái nam. Và lý do con cứ thu hút những đàn ông loại đó có thể, phần nào, do hai nguyên nhân ta vừa đề cập ở trên – nó đã tác động đến tâm lý của con. Nhưng nguyên nhân thật sự là con muốn giải quyết chấn thương nhập đời của con. Do đó, con cứ không ngừng thu hút những đàn ông hiếp đáp con đến độ con khó lòng nào bỏ qua được vấn đề. Nói cách khác, nếu con có một mối quan hệ bình thường, thương yêu, với một người đàn ông, thì có thể con sẽ đẩy vấn đề đó sang một bên, tức là hoặc con sẽ dời chuyện giải quyết chấn thương nhập đời lại một thời gian sau, hoặc con sẽ không giải quyết cho đến hết kiếp này. Cho nên nếu có thể nói như vậy, trong tiềm thức con đã tự ép buộc mình phải đối đầu với vấn đề. 

Tất nhiên chúng tôi đã có giảng dạy về ngã tách biệt, và rõ ràng cơ chế nói trên dựa trên một cái ngã tách biệt, hoặc trong nhiều trường hợp, trên mấy cái ngã tách biệt mang sẵn một số niềm tin về bản thân con và về quan hệ của con với đàn ông. Có thể con tin là mình không thể tin tưởng đàn ông, có thể con tin là mình không thật sự xứng đáng sống với một người đàn ông cho nên mình phải chịu đựng sự lạm dụng của họ, có thể con tin là mình không xứng đáng được người khác chú ý. Và cũng có thể có những niềm tin khác nữa, vì mỗi cá nhân đều có những niềm tin khác nhau. 

Nhưng nếu con sử dụng những giáo lý mà chúng tôi đã ban ra trong sách “Healing Your Spiritual Traumas” (Chữa lành chấn thương tâm linh) cũng như một số sách khác*, con sẽ có khả năng tiến bước. Một lần nữa, con có thể được ích lợi nếu con đọc thêm sách về đề tài này, vì nó có thể giúp con tìm cách trị liệu, hoặc có lẽ nó sẽ giúp con tìm ra một nhóm gặp gỡ của phụ nữ nơi con có thể tâm tình. Thật ra đang có một nhu cầu lập ra những nhóm hỗ trợ cho những phụ nữ đã có mối quan hệ lạm dụng với phái nam trong kiếp này. Con thử nhìn xem con có thể tìm được một nhóm như vậy hay không, hoặc con đứng ra thành lập một nhóm nếu con không thể tìm thấy.   

* [Những cuốn sách này gồm có 4 quyển: Healing Your Spiritual Traumas, Fulfilling Your Divine Plan, Fulfilling Your Highest Spiritual Potential, và Making Peace with Being on Earth]

Làm thế nào ngừng cãi vặt

Hỏi: Các chân sư thăng thiên có thể vui lòng nói rộng hơn về đề tài cãi vặt giữa các cặp vợ chồng? Đó nhiều phần có là một phàm linh tập thể hay một phàm linh cá nhân? Đâu là những yếu tố chính yếu để thăng vượt thói này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Điều tạo ra hiện tượng cãi vặt là một con quái vật, một con quỷ, một phàm linh tập thể vô cùng mạnh mẽ. Thật ra cãi vặt không chỉ xảy ra giữa các cặp nam nữ mà còn trong nhiều loại quan hệ khác giữa con người. Gần như thể người ta bị rơi vào cái mà chúng ta có thể gọi là một trạng thái thôi miên, qua đó người ta bị thôi miên, như thể cái nhìn của một người về người kia bị khoá cứng. Nhưng có một điều khác cũng bị khóa cứng là cái nhìn của họ về chính họ trong mối tương quan với người kia. Chẳng hạn con có thể có một cặp vợ chồng không ngừng cằn nhằn với nhau, và cả hai người đều có cùng ý nghĩ. Họ nghĩ: “Ồ, chồng tôi hay vợ tôi cứ như vậy đó, cho nên tôi không thể là gì khác hơn đối với anh ấy hay cô ấy.”

Ấy, nếu cả hai đều cùng nghĩ như vậy thì làm thế nào họ sẽ có thể bước ra khỏi tình trạng đó đây? Bởi vì điều mà cả hai đều đang bảo là: “Tôi không thể thay đổi vì người phối ngẫu của tôi không chịu thay đổi.” Đây chính là trạng thái bất lực cùng cực. Khi con cho rằng con không thể thay đổi gì trừ khi một cái gì ở ngoài con thay đổi, thì con đang tỏ ra bất lực một cách tột cùng. Không có gì trong đời con mà con có thể làm chủ được – đấy là điều con đang nói. Và đó là tại sao người ta mở tâm thức của họ ra cho những quái vật hay những con quỷ tập thể kia. Họ kỳ thực bảo rằng: “Tôi không muốn thay đổi chính tôi, tôi không muốn lãnh trách nhiệm thay đổi chính tôi. Do đó tôi muốn con quỷ kia chiếm lĩnh đời tôi để tôi không phải lấy bất kỳ quyết định thay đổi nào.” Đương nhiên, họ không nói vậy một cách ý thức nhưng họ nói vậy trong tiềm thức.

Khi cả hai đều rơi vào trạng thái đó thì mối quan hệ có thể đi tới đâu? Nó không thể đi tới đâu ngoài chuyện càng ngày càng cãi vặt nhiều hơn nữa. Điều con thấy trong một số cặp là sự cằn nhằn trách móc nhau lên tới một mức độ nào đó nhưng nó không tồi tệ hơn. Nó không biến thành một mối xung đột có thể dẫn tới ly dị, mà nó chỉ khiến cho cả hai dừng lại ở mức đó suốt 10, 20, 30, 40, 50 năm trời. Và họ đang làm gì chứ? Họ đang lấy năng lượng của họ đem nuôi béo cho con quỷ cứ ngồi yên đó ngày càng béo phì hơn nữa. Con có muốn xem hình con quỷ giống gì không? Con vào xem các bộ phim Star Wars đầu tiên có nhân vật tên là Jabba the Hutt thì con sẽ có một chút ý niệm về hình dạng của những con quỷ hay quái vật đó. Chúng chỉ mê mải hút hết năng lượng của người ta và càng ngày càng béo hơn, và thực sự chúng còn xấu xí hơn cả những gì được miêu tả trong phim.

Vậy thì họ có thể làm gì để phá vỡ tình trạng này? Buồn thay, khi người ta bị rơi vào tình cảnh đó, thật khó lòng nào mà thoát ra được. Một cách để phá vỡ là họ leo thang xung đột rồi quyết định ly dị nhau. Điều này ít ra sẽ phá vỡ khuôn nếp. Còn cách kia, tất nhiên, là cả hai người có thể quyết định bước theo con đường tâm linh. Hoặc nếu họ đã có biết về con đường tâm linh thì họ có thể nhìn vào hiện tượng cãi vặt này và nói: “Này, liệu chúng ta có muốn tiếp tục như thế này hay không?”

Ở đây có cái bẫy sẽ ngăn cản rất nhiều sự thay đổi trong mối quan hệ, khi cả hai người quyết định: “Tôi không thể thay đổi mối quan hệ trừ khi phối ngẫu của tôi cũng sẵn lòng thay đổi. Vì phối ngẫu của tôi không sẵn lòng thay đổi, cho nên tôi không thể làm gì hết.” Một lần nữa, đây là sự từ chối nhận lãnh trách nhiệm.

Nhưng luôn luôn có cái gì đó mà con có thể làm. Con có thể thay đổi tâm thức của con. Con có thể nhìn nhận là thói cãi vặt đó đến từ một ngã tách biệt. Con có thể sử dụng các dụng cụ của chúng tôi để nhận diện ngã này, để nhìn ra nó là gì, nhìn ra niềm tin nào đang đứng đằng sau nó trong trường hợp cá nhân của con. Nó liên quan đến cách con nhìn chính con cũng như cách con nhìn người khác phái. Cách con nhìn các mối quan hệ. Cách con nhìn chính con trong một mối quan hệ. Khi con nhận diện niềm tin đó, con có thể để cho ngã chết đi. Con không cố thay đổi người phối ngẫu của con. Con không cố thay đổi ngay cả tình huống vỏ ngoài. Con không cố giải quyết một vấn đề. Con chỉ để cho ngã đó chết đi, cái ngã đã khiến con tham gia vào quá trình cãi vã.

Con yêu dấu, có thể nào chỉ có một người cãi nhau hay không? Thế nào là âm thanh của một người cãi nhau chứ? Nó giống như âm thanh của một bàn tay – im phăng phắc. Bởi vì không có gì được gửi trả về. Nếu con không gửi trả về cái gì cho phối ngẫu của con, liệu người ấy có thể tiếp tục cãi vã được không? À, một số người sẽ bảo là có thể chứ, trong một thời gian. Nhưng cuối cùng thì chuyện cãi vặt có vui thú gì không khi người kia không đáp lại?

Nhưng thật không quan trọng chút nào nếu người kia có ngừng cằn nhằn hay không, vì như chúng tôi đã có nói, nếu con thay đổi chính con, nếu con thay đổi trạng thái tâm thức của con, một trong hai chuyện sẽ xảy ra. Hoặc người phối ngẫu của con cũng sẽ thay đổi, hoặc con sẽ thay phối ngẫu.

Trong cả hai trường hợp, nó vẫn tốt hơn là con ở lại trong một quan hệ không đi tới đâu, ít nhất nếu con là một người đang bước chân trên đường tu tâm linh. Bởi vì nếu con thực sự nghiêm túc muốn tinh tấn tối đa trên đường tu và hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con không thể cho phép mình ở lại trong một quan hệ không đem lại tăng triển tâm linh. Con không thể ở lại trong một quan hệ bị khóa chặt vào một khuôn nếp nhất định. Con không thể ở lại với một người phối ngẫu không sẵn lòng nhận trách nhiệm bản thân mình, không sẵn lòng tăng trưởng, xem xét tâm lý mình và cải sửa tâm lý đó. Con yêu dấu, con không thể. Con không thể tinh tấn tối đa và hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con nếu con bị khóa chặt trong một mối quan hệ bế tắc. Có thể con sẽ tiếp tục một thời gian nếu con có con cái và không muốn khiến gia đình bị đổ vỡ. Nhưng con không thể làm vậy suốt đời nếu con có ý định tăng triển tối đa.

Giáo lý nền tảng về các quan hệ nghiệp tạo

Hỏi: Con xin thày Giê-su giúp con hiểu rõ hơn về nghiệp quả mà vợ con phải gánh chịu khi cô ấy bị chứng bệnh tâm thần được mô tả là rối loạn lưỡng cực – tên gọi chính thức là bệnh trầm cảm cuồng điên. Con cho rằng cũng có phần nào nghiệp quả của con vì con đã quyết định chăm lo cho cô ấy trong những lúc rất khó khăn… Nhiều khi con cảm thấy bất lực đến độ con không còn cách nào khác hơn là trao hết mọi tình cảm của con cho Thượng đế, và vững tin là con sẽ có dịp hiểu sâu hơn tại sao chứng bệnh đôi khi tàn hại này lại đến với gia đình con… chúng con đã quá mệt mỏi… về lý trí lẫn tình cảm… nhưng về tinh thần thì cảm ơn Chúa… có cái gì đó mà chúng con chưa hiểu được… con có thể cảm được nhưng không biết đó là gì…   

Suốt 23 năm chung sống với nhau, cô ấy đã phải nhập viện mấy lần… có lúc phải buộc chặt cả hai chân hai tay, và có những lúc con không còn nhận ra cô ấy, dường như cô ấy không còn là chính mình… không còn đối xử với chúng con như khi còn thực là cô ấy… yêu thương và từ bi… đúng hơn, cô ấy có thể đổi ngược lại hoàn toàn chỉ trong phút chốc…

Chúng con có thể làm gì để giúp cô ấy, và cô ấy có thể làm gì để tự giúp mình thoát khỏi cái vòng độc hại này? Con biết là ông (Kim Michaels) quen biết Giê-su, và con xin lỗi nếu dạo sau này con đã yếu đuối… nhưng con muốn bỏ lại và bước đi đường con… trừ khi kinh nghiệm này là để nhằm đào tạo lòng kiên nhẫn, sự kiên trì, đức tin cho những công việc lớn hơn sau này… Con chỉ mong ước được hiểu sâu sắc hơn hầu con có thể giúp ích một cách tối ưu mà không khiến cho căn bệnh trầm trọng hơn… con cảm thấy là chúng con đang làm điều đó để giữ sự bình an… nhưng điều này thực sự không phải lẽ. Bao nhiêu năm trời đi khám bác sĩ đã không giúp được gì nhiều vì bác sĩ thấy rõ tình trạng ngày sẽ càng tồi tệ hơn với tuổi tác, và họ cũng tin rằng chỉ có dược phẩm mới giữ được cho cô ấy tương đối “bình thường”… cô ấy vẫn uống thuốc đấy… nhưng thuốc lại khiến cho có lúc lên lúc xuống, chưa kể những vấn đề khác do phản ứng phụ gây ra… Con xin cảm ơn mọi sự giải thích…  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Ta cảm ơn sự thành thực và cởi mở của con và ta cũng cảm ơn con đã đặt một câu hỏi chạm đến rất nhiều đề tài quan trọng.

Hãy để ta bắt đầu với vấn đề nghiệp quả. Như ta có giải thích ở một nơi khác, điều quan trọng đối với tất cả mọi người tầm đạo thời nay là phải hiểu rõ thực tế của luân hồi và nghiệp quả. Nếu con không hiểu quá khứ ảnh hưởng hiện tại của con như thế nào, làm sao con có thể vượt qua quá khứ và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn? Nhưng cũng không kém quan trọng là con cần có hiểu biết đúng đắn về nghiệp quả, và điều đặc biệt quan trọng là tránh rơi vào cái bẫy xem nghiệp quả là một hình phạt hay một điều gì không thể tránh khỏi.  

Một số người đã kết hợp hai ý tưởng lại với nhau, một là những giáo lý từ phương Đông về định mệnh và nghiệp quả, và hai là ý tưởng rằng con người phải hy sinh hay đau khổ để trả giá cho tội lỗi mà mình đã phạm. Và như vậy, họ lý giải rằng nếu có điều gì không hay xảy ra cho họ thì nhất định lý do phải là nghiệp xấu từ những kiếp trước. Và nếu họ cứ ráng chịu đựng khổ đau thì họ sẽ trả hết nghiệp và cuối cùng sẽ được giải thoát. Đây là một ngụy biện thật nguy hại đã khiến cho biết bao hành giả tầm đạo chân thành kéo dài đau khổ của mình một cách vô ích.

Mọi thứ trong vũ trụ đều có mục đích và một mục đích duy nhất mà thôi, là giúp con tăng triển. Thượng đế không hề có ý muốn trừng phạt các lỗi lầm đã qua của con, cho nên điều vô cùng quan trọng là con cần nhận ra sự thật rằng nghiệp quả không phải là một hình thức trừng phạt. Nghiệp quả là một cơ hội để tăng triển và con luôn luôn phải nhìn vấn đề như thế. Con thử nghĩ xem, tại sao một Thượng đế yêu thương lại muốn con đau khổ, và làm thế nào đau khổ lại có thể bù đắp cho những lỗi lầm đã qua? Thượng đế chỉ mong muốn con bỏ lại những lỗi lầm này đằng sau để con được tự do trở về nhà là vương quốc của ngài.

Con đã từng tạo ra nghiệp khi con có những quyết định bất toàn, và những quyết định này là kết quả của một trạng thái tâm thức giới hạn. Những quyết định đó đã tạo ra một khối lượng năng lượng tha hóa nào đó, và để tái lập quân bình cho vũ trụ, năng lượng phải được tái chế để trở lại thuần khiết như ban đầu. Trước khi con có thể thượng thăng vĩnh viễn vào cõi tâm linh, con phải phục hồi tất cả mọi năng lượng mà con đã làm cho tha hóa trong mọi kiếp sống của con. Con cũng sẽ phải giải quyết mọi điều tin tưởng nhị nguyên trong tâm lý con – những tin tưởng đã khiến con làm nhơ năng lượng. Cho tới khi điều này xảy ra, nghiệp của con – gồm cả năng lượng tha hóa lẫn tâm lý chưa giải quyết – sẽ giống như một sợi dây cao su kéo buộc dòng sống của con về trái đất.

Do đó, việc hồi trả một phần nghiệp của con là một cơ hội cho dòng sống của con được giải thoát. Công việc này gồm hai phần, một là con phải thăng vượt trạng thái tâm thức đã khiến con tạo nghiệp, và hai là con phải thanh lọc năng lượng.

Vượt qua trạng thái tâm thức cũ thường là công việc khó khăn nhất vì nhiều người có khuynh hướng trốn tránh trách nhiệm phải thực sự thay đổi chính mình từ bên trong. Họ thường đặt trọng tâm vào cái giằm trong mắt người khác thay vì tìm kiếm cái xà trong mắt mình. Đúng ra, nếu con thăng vượt được tâm thức cũ của con trước khi nghiệp quả quay trở lại thì con sẽ rất dễ dàng thanh lọc năng lượng và tránh được xáo trộn trong đời mình. Thậm chí còn có thể nói, chỉ khi nào một người không tỏ dấu hiệu gì muốn thăng vượt một tâm thức nhất định thì nghiệp quả mới đập trở lại với nguyên mãnh lực của nó. Điều này xảy ra như một lời cảnh tỉnh đối với những dòng sống mà không một cách nào khác có thể với tới. Khi quả báo xảy ra thì đó là nỗ lực cuối cùng để đánh thức dòng sống về sự cần thiết phải khắc phục một khiếm khuyết nào đó trong tâm lý mình.   

Về thanh lọc năng lượng, đây là một tiến trình cơ học không khó thực hiện, đặc biệt là khi con đã thăng vượt tâm thức cũ và do đó con không còn làm tha hóa thêm năng lượng. Để biến hóa năng lượng ô nhiễm, con chỉ cần đơn giản cầu thỉnh năng lượng tâm linh có tần số cao từ trên xuống hầu nó nâng cao độ rung của năng lượng ô nhiễm. Điều này có thể thực hiện qua một số nghi thức tâm linh, như được giải thích trên trang Hộp Dụng cụ Thăng vượt. Tuy nhiên, con cũng có thể đạt được nhiều kết quả duy chỉ bằng cách đáp lại nghiệp quả với một thái độ tích cực, xem nghiệp quả là một cơ hội để con tăng triển và sửa đổi.

Bây giờ con có thấy được làm thế nào người ta có thể khiến cho mọi chuyện khó khăn hơn hay không? Nếu họ không sẵn sàng thăng vượt tình trạng tâm thức cũ – đặc biệt là nếu họ không xem cuộc đời là một cơ hội tăng triển – thì rất có thể họ sẽ không thấy quả báo là một lời cảnh tỉnh. Họ sẽ cưỡng lại nghiệp quả, có lẽ họ sẽ xem đó là một sự trừng phạt, hay họ có thể phản ứng tiêu cực bằng nhiều cách, và những cách phản ứng này sẽ dễ dàng trở thành cái cớ để họ không nhìn vào tâm lý của mình.

Điều này sẽ khiến cho họ đau khổ, và khi làm vậy thì họ lại tha hóa thêm năng lượng, tạo thêm nghiệp chướng trong khi không làm gì để thanh lọc năng lượng của nghiệp báo. Con có thấy điều ta muốn nói không? Hai điều sai không tạo nên một điều đúng. Con không thể quân bình nghiệp cũ bằng cách cảm thấy đau khổ do nghiệp quả. Làm vậy sẽ chỉ tạo thêm nghiệp, và cứ thế nó trở thành một vòng xoáy tự bồi thêm sức mạnh, kéo con ngày càng xa hơn khỏi tâm thức Ki-tô.

Mục đích của ta khi ta dẫn con qua nguyên phần trình bày ở trên là chỉ ra cho con tầm quan trọng là con không bao giờ được nghĩ rằng con phải chịu đựng lâu dài một tình huống nào đó vì con đã mang nghiệp với một người. Cũng không kém quan trọng là con phải tránh rơi vào cái bẫy mà nghĩ rằng qua sự khổ đau, cuối cùng con sẽ trả hết nghiệp và được tự do bước đi tiếp. Ngược lại là đằng khác, con sẽ tự giam mình chặt chẽ hơn trong một trạng thái giới hạn, thường con sẽ gây thêm nghiệp mới với một người mà con đang có sẵn mối quan hệ nghiệp tạo. Mục đích của mọi tình huống là giúp con tăng trưởng qua sự thăng vượt bản thân. Do đó con hãy đừng cố chịu đựng mà con hãy cố học hỏi bài học và bước tới trong tâm thức. Chịu đựng không có ích gì. Toàn bộ mục đích là để con học được bài học.     

Bây giờ ta sẽ nói tới các mối quan hệ. Mục đích của mọi thứ trong thế gian là để tăng triển và đây cũng là trường hợp của các mối quan hệ. Vậy thì nếu một quan hệ không đem lại tăng triển ít nhất cho một bên, thì thử hỏi tiếp tục quan hệ có được mục đích gì hay không? Nếu đó là một mối quan hệ nghiệp tạo thì hai người đã ở bên nhau trong những kiếp trước. Họ tạo nghiệp với nhau do một người, hay cả hai người, ở trong một trạng thái tâm thức nào đó. Nếu quan hệ hiện tại không tăng trưởng, đó là vì một hay cả hai người đã không thăng vượt tâm thức cũ. Do đó, rất có thể là cả hai sẽ tạo thêm nghiệp thay vì quân bình nghiệp. Điều ta muốn chỉ ra qua lời giải thích này là sự sai lầm của lối suy nghĩ cho rằng một mối quan hệ phải kéo dài suốt đời, hay con phải chịu đựng một mối quan hệ đã mất hết chức năng (có nghĩa là không còn tăng trưởng nữa) hầu con có thể quân bình nghiệp quả. Thật là sai lầm khi lý luận rằng con sẽ tự động quân bình nghiệp quả bằng cách kiên nhẫn và nhịn nhục lâu dài.

Nhưng ta cũng xin nói rõ là con không bao giờ được dùng lời dạy này để trốn chạy một mối quan hệ. Lời dạy này không được là cái cớ để con không chịu tu sửa bản thân hầu giúp cho mối quan hệ thành công. Nếu con đang ở trong một mối quan hệ khó khăn, con có thể chắc chắn là con đã mang nghiệp với người đó, và điều này bao gồm cả năng lượng bị tha hóa lẫn những vấn đề chưa giải quyết trong tâm lý của con.  

Cho nên con phải xem đây là một cơ hội để tăng triển. Muốn sử dụng cơ hội này, con phải nỗ lực một cách chân thành để khám phá ra tâm thức nào đã khiến con tạo nghiệp với người đó trong một tiền kiếp. Điều này thường tương đối dễ dàng nếu con xét xem điều gì về người đó đang làm cho con bực bội nhiều nhất – mặc dù ta luôn luôn cảnh giác mọi người là phải đi tìm những nguyên nhân sâu xa đằng sau các vẻ ngoài. Con hãy tự hỏi tại sao cách cư xử của người kia khiến con bực bội đến như vậy. Đâu là cơ chế tâm lý trong con khiến con bực bội. Đâu là cái thông điệp ẩn giấu mà đúng lý con phải học được về chính con qua việc xem xét cách phản ứng của con đối với người kia?

Một khía cạnh nữa của việc quân bình nghiệp quả là con phải cư xử với người kia với một thái độ tích cực để con không tạo thêm năng lượng tha hóa, cho dù mối quan hệ có khó khăn đến chừng nào. Nếu con đã thành thật cố hết sức để đáp ứng những yêu cầu này – như người đặt câu hỏi này rõ ràng đã chứng tỏ được – thì con cần phải xem xét sâu hơn nữa.   

Đến đây ta sẽ nói chung chung về những người đang gặp khó khăn trong quan hệ vì người bạn đời của mình mắc bệnh tâm thần trầm trọng. Bất kỳ một chứng bệnh tâm thần nào, kể cả rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), cũng liên quan đến một sự phân chia trong linh hồn (soul division), có nghĩa là một cái gì ngoại lai đã xâm nhập vào trường năng lượng của dòng sống. Đó có thể là một tà thể ngoại lai (outside entity) hay một bản sắc giả hiệu (pseudo identity) do dòng sống tạo ra trong tiền kiếp. Ta đã có giải thích về điều này trong câu trả lời của ta về phân chia linh hồn cũng như những giáo lý về tâm thần phân liệt (schizophrenia) và nghiện ngập.   

Tuy nhiên, trách nhiệm của cái Ta Biết là phải cai quản trường năng lượng của chính nó, cho nên lý do duy nhất một tà thể ngoại lai có thể xâm nhập vào dòng sống là vì cái Ta Biết đã từ bỏ trách nhiệm của nó. Nguyên nhân có thể rất dễ hiểu, chẳng hạn một chấn thương trầm trọng trong một tiền kiếp, nhưng cũng có thể là một lỗi lầm nghiêm trọng hay một sự nổi loạn chống lại Thượng đế mà cái Ta Biết không sẵn sàng nhìn nhận. Dù nguyên nhân là gì, vấn đề đang ngăn cản dòng sống trở lại toàn vẹn là cái Ta Biết đã rút lui, đã bỏ rơi trách nhiệm cai quản của nó, và đã cho phép một tà thể khác tiếp quản, ít ra là đôi khi.

Điều ta muốn nói ở đây là ta vô cùng thương xót những người gặp phải vấn đề này, tuy nhiên sự thương xót không thể biến thành sự đồng tình, bởi vì như vậy sẽ chỉ giúp cho người đó tiếp tục duy trì tình trạng bất toàn của họ. Lòng từ bi đích thực là sự kêu gọi hành động, để con làm hết sức con hầu giúp cho người kia khắc phục được tâm trạng tê liệt, giành lại quyền ngự trị trên trường năng lượng của mình và do đó tống khứ kẻ ngoại xâm.

Nếu con ở trong mối quan hệ với một người mang bệnh tâm thần, có thể đó là do một số nguyên nhân:

  • Con mang nghiệp với người đó vì trong một tiền kiếp con đã gây chấn thương trầm trọng cho người đó.
  • Con mang nghiệp với người đó vì trong một tiền kiếp con đã làm công cụ khiến cho người đó phạm vào lỗi lầm nghiêm trọng.
  • Con mang nghiệp với người đó vì trong một tiền kiếp con đã làm công cụ khiến cho người đó nổi loạn chống lại Thượng đế hay quy luật của Thượng đế.
  • Con không có nghiệp với người đó nhưng con đã đi vào quan hệ này để tạo cơ hội tăng triển cho người đó. Con muốn giúp người đó và động lực của con là tình thương.
  • Con không có nghiệp với người đó nhưng con đã đi vào quan hệ này để học hỏi một số bài học mà con muốn học. Thường con có thể trực nhận được nguyên do tại sao như thế, nhưng điều này không thật sự quan trọng. Bất kỳ quan hệ nào cũng là một cơ hội tăng trưởng, và đối với con điều này có thể mang hai ý nghĩa:
  • Con đang có cơ hội phát triển bản thân. Do đó con phải nỗ lực học hỏi mọi bài học mà con có thể học được từ quan hệ này. Nó bao gồm việc khám phá và chữa lành những sự mất quân bình trong linh hồn con do người kia làm cho hiển hiện lên. Nhưng nó cũng bao gồm con học cách cư xử với người khác để giúp họ có năng lực tăng trưởng thay vì giúp họ cứ giữ nguyên như cũ.
  • Người kia đang có cơ hội phát triển bản thân. Nhưng sự khác biệt ở đây là con không thể ép buộc người khác phải học một bài học. Con chỉ có thể tìm cách giúp cho người đó học hỏi dễ dàng hơn mà thôi. Con có thể làm hết sức mình để tạo cơ hội cho người kia học hỏi, nhưng nếu họ bỏ qua mọi cơ hội thì sẽ tới một điểm khi mối quan hệ không còn phục vụ mục đích xây dựng nào nữa. Có thể đã đến lúc con phải bước ra đi, và nếu con là một người tầm đạo chân thành đang trung thực muốn học những bài học của mình, trực giác của con sẽ nói cho con biết đó là lúc nào. Để được trợ giúp về điểm này, con hãy nỗ lực hòa điệu với cái ta Ki-tô của con.

Khi con ở trong mối quan hệ với một người mang bệnh tâm thần, con cần luôn luôn lưu ý điều sau đây. Người đó bị bệnh do một sự thiếu toàn vẹn trong dòng sống. Nhưng nguyên nhân là vì họ đã không sẵn sàng nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm cho hoàn cảnh của mình và giành lại chủ quyền mà mình đã đánh mất trong quá khứ. Con không thể ép buộc một người như thế trở nên toàn vẹn. Họ chỉ có thể phục hồi sự toàn vẹn qua một quyết định ý thức của ý chí. Nếu họ khăng khăng từ chối không chịu sử dụng sức mạnh ý chí của mình thì rất có thể không gì sẽ giúp họ được nữa.  

Tuy nhiên, liệu con đã làm hết sức mình để giúp người kia đạt đến bước ngoặt để họ sẵn sàng sử dụng ý chí và giành lại chủ quyền hay không? Con cần luôn nhớ rằng một người đã mất đi sự toàn vẹn sẽ dùng đủ mọi cái cớ để trốn tránh trách nhiệm và trốn tránh sử dụng ý chí. Một người như vậy thường hay dùng ý chí mạnh mẽ để tránh phải sử dụng ý chí hầu thay đổi tình trạng của mình. Nói cách khác, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để biện minh cho những cái cớ họ không thể tự chủ thay vì họ nỗ lực tự chủ. Trong tình trạng hiện nay của khoa học còn hiểu biết giới hạn, việc đưa ra chẩn đoán rằng đây là bệnh tâm thần có thể trở thành một cái cớ toàn hảo để họ không nỗ lực tự chủ. Người ta quá dễ dàng chấp nhận căn bệnh vượt ngoài vòng kiểm soát của bệnh nhân, và vì vậy sẽ uống thuốc để làm tê căn bệnh mà không đối diện với vấn đề cơ bản nằm bên dưới.

Điều ta muốn nói là nếu con thật sự muốn giúp người đó, có thể con sẽ cần bắt buộc họ phải đối diện với vấn đề. Con có thể làm bằng nhiều cách, nhưng tất cả mọi cách đều liên quan đến quyền của con trong việc thiết lập ranh giới cho những gì con có thể chấp nhận trong một mối quan hệ. Tùy hoàn cảnh cụ thể, một điều chính đáng là con nói rõ những gì con có thể, hay không thể, dung thứ trong cách cư xử của người kia. Con có quyền yêu cầu họ làm hết sức mình, kể cả việc sử dụng những dụng cụ tâm linh mà khoa học chưa công nhận để thay đổi tình trạng này. Con có quyền yêu cầu người đó chứng tỏ là họ sẵn sàng thay đổi và sẽ nỗ lực thay đổi.

Tuy nhiên để điều này thực sự có hiệu quả, rất thường khi con không được cho người kia một lối thoát mà qua đó họ có thể trốn tránh nhận lấy trách nhiệm, lấy lại tự chủ. Cho nên nhiều khi con sẽ phải nói rõ là nếu con không thấy động thái nào giải quyết được vấn đề, kể cả phải ngừng hẳn một số hành vi cụ thể nào đó, thì con sẽ chấm dứt quan hệ và bước đi đường con.   

Ta cũng biết là trong một số trường hợp, điều này vẫn không đủ để người đó thức tỉnh, và vì thế khi con chọn cách này, có thể con sẽ phải kết thúc mối quan hệ. Nhưng nếu con đã làm tất cả những gì con có thể làm để học hỏi chính những bài học của con và giúp cho người kia học hỏi bài học của họ, thì có thể đây là kết qủa tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Ngay cả nếu người kia không tăng trưởng qua kinh nghiệm này, riêng con vẫn có thể bước vào những cơ hội tăng trưởng mới. Và trong một số trường hợp, cách hành xử thẳng thắn này nhằm thiết lập ranh giới có thể là cách duy nhất để đánh thức một người, giúp người đó thực sự đối phó với vấn đề thay vì tìm cách che giấu các triệu chứng.  

Một số người có thể bảo rằng hành động cứng rắn như vậy là vi phạm quyền tự quyết của người kia. Tuy nhiên đó là một cách lý luận thô sơ, bởi vì người mắc bệnh tâm thần đã trao quyền tự quyết của họ cho một tà thể ngoại xâm rồi. Con không tìm cách kiểm soát người đó như tà thể ngoại xâm kia đang làm. Con chỉ cố xóc nảy lên để họ bước ra khỏi tình trạng tê liệt tâm linh hầu họ có thể tự do sử dụng quyền tự quyết của họ như trước. Thêm vào đó, chính con cũng có quyền tự quyết của con mà con có bổn phận phải sử dụng. Nếu con ở lại trong một quan hệ với một người bệnh tâm thần mà không bao giờ đặt ra ranh giới cho những gì con sẽ, hay không thể, dung thứ thì chính con đang đình chỉ quyền tự quyết của con.  

Người kia đã làm vậy rồi, thế nhưng nếu con cho phép quyết định đó của họ khiến con cũng đình chỉ quyền tự quyết của con thì con sẽ tạo nghiệp. Con không chịu trách nhiệm về những chọn lựa của người kia, nhưng con sẽ chịu trách nhiệm khi con để cho chọn lựa của họ tác động lên chọn lựa của con như thế nào. Cho nên con hãy cẩn thận đừng sử dụng tâm trạng tê liệt của người kia làm cái cớ để con bước vào, hay ở lại, trong tâm trạng tê liệt của con. Đừng bao giờ cho phép tự ngã của con sử dụng một người từ chối tăng trưởng làm cái cớ để con không tăng trưởng. Con chịu trách nhiệm về cuộc đời của con, kể cả khi con cho phép người khác tác động lên con.  

Ta cũng xin nói thêm là đối với nhiều người tâm linh, cách giao tiếp trực tiếp, thẳng thắn cũng chính là bài học mà họ đã đến đây để học trong kiếp này. Như ta có giải thích khắp trang mạng này, con đã đầu thai ở một thời điểm quyết định trong lịch sử địa cầu. Chúng ta đang chuyển tiếp từ thời đại Song ngư cũ sang thời đại Bảo bình mới. Để chuyển tiếp thành công, mỗi người cần tỉnh giấc để nhận ra tiềm năng tâm linh của mình. Thế nhưng nhiều người lại không chịu thức giấc bởi vì làm vậy sẽ đòi hỏi họ nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời cũng như về hành tinh của họ – nó sẽ đòi hỏi họ phải thay đổi. Họ thường hay cưỡng lại một cách tích cực và vì thế, cách duy nhất để đánh thức họ dậy là biểu đạt một cách trực tiếp, có khi khích động. Đó là tại sao con đã thấy ta có cách hành xử rất thẳng thừng, sống sượng đối với loại người từ chối không chịu thức giấc như các thày thông giáo và người Pha-ri-si chẳng hạn.

Có rất nhiều người tâm linh đã hiện thân trong thời điểm này vì mong muốn đánh thức con người, nhưng họ lại không hoàn thành được vai trò này chính vì họ ngại nói thẳng với những người còn đang ngủ yên về mặt tâm linh. Điều này cũng bình thường thôi. Nếu con là người tâm linh thì bình thường con rất tôn trọng người khác cũng như quyền tự quyết của họ, cho nên con ngại nói thẳng. Tuy nhiên, nói thẳng để đánh thức họ mở mắt ra với sự sống vĩnh hằng thì không phải là vi phạm quyền tự quyết. Trái lại, đó là một bước cần thiết để ngăn chặn các dòng sống bị lạc đường.

Nhiều người tâm linh có vai trò quan trọng trong sự thức tỉnh sắp tới cần học cách cư xử thẳng thắn hầu đáp ứng được lý do họ có mặt ở đây. Và điều này có nghĩa là họ phải khắc phục xu hướng nhượng bộ người khác hầu giữ hòa khí và yên ổn. Thật sự, có cả những dòng sống mong muốn học hỏi bài học này đến độ họ sẽ cố tình bước vào những quan hệ vô cùng khó khăn để buộc mình phải đối mặt với bài học đó. Đối với người hiểu biết thì một lời nói như vậy cũng đủ rồi.

Tại sao hầu hết quan hệ tình yêu lại tan vỡ

Hỏi: Chúng ta chứng kiến hầu hết quan hệ tình yêu đều thất bại. Tại sao con số thất bại lại lớn đến thế và đâu là những nguyên lý mà quan hệ trong thời đại mới nên theo?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Đây là một chủ đề rất rộng lớn, bao quát, và các chân sư sẽ từ từ đưa ra thêm lời dạy cụ thể về các mối quan hệ. Nhưng điều có thể nói được ở thời điểm này là sự thất bại của mọi mối quan hệ con người đều do sự mất cân bằng giữa các yếu tố nam và nữ nơi mỗi người trong quan hệ.

Vì vậy con thường thấy người ta – trong sự mù quáng của mình – bước vào phản ứng của tự ngã là đổ lỗi cho người kia. Và điều này liên quan đến những điều phải có và những điều không được có. Bởi vì khi con có sự mất cân bằng giữa hai khía cạnh nam và nữ trong bản thân con, con cũng có một hình ảnh sai lệch về những gì phải có mặt hay không được có mặt trong mối quan hệ cũng như trong đời con.

Con tạo ra một chiếc hộp tư duy, và người đầu tiên mà con đặt vào hộp tư duy này là chính con. Do sự mất cân bằng đó, con cảm nhận là con không toàn vẹn, phần nào thiếu hụt. Và như vậy khi con bước vào một mối quan hệ, con cũng bước vào với tâm thức khiếm khuyết, thiếu sót một thứ gì đó, và con cần phải đạt được thứ đó từ mối quan hệ. Con tìm kiếm một người có thể khiến cho con toàn vẹn, để họ bù đắp cho điều mà con cảm thấy thiếu sót, khiếm khuyết nơi bản thân con. Và do đó, con dựng lên một sự chờ đợi rằng người kia phải làm hay không được làm một điều gì đó, hầu tự ngã của con cảm thấy nó trọn vẹn và an toàn.     

Thế nhưng khi con học hỏi giáo lý về tự ngã, con sẽ thấy rõ đây là một cuộc tìm kiếm vô vọng. Vì tự ngã sẽ không bao giờ cảm thấy trọn vẹn và an toàn được – chỉ có cái Ta Biết của con mới có thể cảm thấy trọn vẹn và an toàn. Bởi vì con chỉ có thể cảm thấy mình trọn vẹn và an toàn khi con ngừng tìm kiếm bất cứ thứ gì, kể cả người khác, trong cõi vật chất để bổ sung cho mình đầy đủ. Thay vào đó, con yêu dấu, con hãy chuyển sự chú ý của mình để nhìn ra sự trọn vẹn đến từ chính cái Ta cao hơn của con, và cái Ta này thì đã sẵn viên mãn trong cách Thượng đế tạo lập ra nó như là sự nối dài của chính ngài.

Và như vậy, con có thấy chăng là khi con cho phép con bước vào cái trường bóp méo thực tại của tự ngã, con sẽ tưởng là con bất toàn, con tưởng là người kia sẽ phải bổ sung cho con, và do đó họ phải làm chuyện này và không được làm chuyện nọ hầu con cảm thấy trọn vẹn, làm chủ được mọi chuyện. Thế nhưng trong sự mù quáng, con không thấy được là những người mà con thu hút cũng bị mắc kẹt trong tự ngã như con – bởi vì nếu con hoàn toàn trụ vững nơi cái Ta cao hơn thì con đã không thu hút những loại quan hệ như thế.

Cho nên khi con bị tự ngã làm cho đui mù, con sẽ thu hút những người cũng bị đui mù bởi tự ngã, cho nên hoặc là họ sẽ khuếch đại sự mất cân bằng nơi con – để nó hiện ra rõ hơn – hoặc họ sẽ rơi vào cực đoan đối nghịch với cực đoan của con, và như vậy sự mất cân bằng của con cũng sẽ hiện ra rõ hơn.

Một mối quan hệ dựa trên sự khiếm khuyết gần như bắt buộc phải gập ghềnh, gai góc ngay từ đầu. Và thật vậy, con sẽ thấy nhiều mối quan hệ kết thúc rất nhanh chóng khi cả hai bên đổ lỗi cho bên kia là đã không làm đủ những gì đáng lý phải làm. Và do đó, họ đã có lý khi họ cắt đứt quan hệ và đổ lỗi cho cái giằm trong con mắt của người kia thay vì nhìn vào cái đà trong mắt mình.   

Một số quan hệ đạt được một thế quân bình nào đó khi cả hai người đều học được cách không nhấn trúng cái nút của tự ngã nơi người kia, và như vậy họ bước vào một tư thế có thể gọi là thỏa hiệp đình chiến, coi như là một nền hòa bình tương đối cho phép cả hai người duy trì một mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên, đây là loại quan hệ không đem lại tăng trưởng tâm linh, hay ít ra đem lại tăng trưởng rất chậm. Sau cả một đời quan hệ với nhau, rất có thể họ chỉ tăng triển được một phần rất nhỏ tiềm năng phát triển của họ, là tiềm năng mà họ có trong kiếp này nếu họ đã sẵn lòng hơn nhìn vào cái đà trong mắt mình.

Con là một người tâm linh cần nhận ra là khi con có xung đột trong quan hệ với người khác, con cần tìm kiếm cái đà trong mắt con. Con cần xem xét tình trạng cân bằng giữa nam và nữ trong chính con.   

Con cần sử dụng những giáo lý cùng những dụng cụ mà chúng tôi đã trao cho con, như các bài nguyện tràng hạt và các bài thỉnh khác, về sự cân bằng hai khía cạnh nam và nữ nơi bản thân con, hầu con có thể tìm thấy một quan hệ quân bình với người bạn của con, cho dù đó là một mối quan hệ thông thường giữa người nam và người nữ, hay ngay cả quan hệ với cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp hoặc bất cứ ai mà con quan hệ một cách chung chung.

[Ghi chú: Bạn cũng có thể dùng Bài thỉnh để yêu thương mình, hầu chữa lành cảm giác không toàn vẹn.]

Giáo lý nền tảng về hôn nhân và ly dị

Hỏi: Liệu chế độ một vợ một chồng có thích hợp cho xã hội chúng ta? Trong quá khứ, người ta thường giữ đúng lời hứa hôn nhân, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự hiệp thông tâm linh giữa vợ chồng phai nhạt đi theo thời gian hoặc không thể gắn bó được – hoặc thậm chí, nếu một trong hai người vẫn cảm thấy gắn bó nhưng người kia thì không? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Như con nói, xưa kia việc giữ lời hứa sống chung với nhau là điều thông thường hơn bây giờ. Ngày nay điều này không đúng nữa và nhiều tín hữu Cơ đốc giáo xem đây là một dấu hiệu đạo đức đã suy đồi. Tuy nhiên, vấn đề không giản dị như vậy.   

Như ta có giải thích, nhân loại đang được nâng lên một tầng tâm thức cao hơn. Trong thời đại hôm nay, lý tưởng là con người nên có sự hiểu biết hợp lý hơn về các quy luật của Thượng đế hầu họ sử dụng các quy luật này một cách ý thức và tự nguyện đứng thẳng hàng với mục đích của Thượng đế.   

Tiếc thay, đạo Cơ đốc chính thống đã không đáp ứng được tiềm năng cao nhất của mình và đã không đem lại cho con người sự hiểu biết sâu sắc về quy luật Thượng đế. Các giáo hội Cơ đốc đã đặt trọng tâm vào cái nhìn đầy sợ hãi về sự sống và cố gắng bênh vực những giáo điều của quá khứ thay vì truyền rải sự hiểu biết cao hơn cần thiết cho tương lai.

Kết quả là tình trạng hiện tại và ngày càng có nhiều người không còn thỏa mãn với sự tin tưởng mù quáng nữa. Họ không thể mù quáng tuân theo quy luật cùa Thượng đế vì họ không bao giờ được trao sự hiểu biết đích thực về con đường dẫn tới quả vị Ki-tô. Kết cuộc là họ thường nổi loạn, bác bỏ giáo lý và luật lệ của giáo hội mà không thay thế bằng một hiểu biết cao hơn do đã đích thân bước đi trên con đường Ki-tô.   

Nhiều người bây giờ rơi vào trạng thái tâm thức chối bỏ luật lệ cũ, chẳng hạn như lời thề hôn nhân, và họ cho rằng thế nào cũng được. Nói cách khác, nếu mình thích thì cứ việc làm, không có gì sai trái hết. Điều này khiến cho nhiều người, kể cả một số người thật sự tâm linh có tiềm năng biểu hiện tâm Ki-tô, trụ neo trong tâm nhị nguyên và tự ngã phàm phu thay vì nơi cái Ta Ki-tô và Hiện diện TA LÀ. Do đó họ không thấy được một ý nghĩa tâm linh nào trong hôn nhân và thường chấm dứt cuộc hôn nhân từ một động cơ thấp kém. Sau đây ta sẽ cố cho con một cái nhìn cao hơn về hôn nhân và giá trị của lời thề hôn nhân.    

Như ta giải thích khắp trang mạng này, cuộc sống có thể được xem như một con đường tâm linh dẫn về tâm thức Ki-tô. Khi con chấp nhận quan điểm này về đời sống, con nhận ra là tất cả mọi sự xảy đến cho con đều là một cơ hội để con tăng triển. Mỗi hoàn cảnh mà con gặp, mỗi chọn lựa mà con có, sẽ đưa con hoặc một bước gần hơn tâm thức Ki-tô, hoặc một bước xa hơn tâm thức Ki-tô.

Trong mọi hoàn cảnh thường có hai yếu tố. Một là hoàn cảnh sẽ cho con một cơ hội để cân bằng nghiệp quả từ quá khứ và nhờ vậy con thoát khỏi gánh nặng của năng lượng tha hóa đó. Yếu tố kia là hoàn cảnh cho con một cơ hội để học hỏi một điều gì đó về chính con và những trở ngại trong tâm lý con đang ngăn cản con biểu hiện quả vị Ki-tô.

Khi con áp dụng những điều trên vào hôn nhân, con sẽ thấy hôn nhân là một cơ hội tuyệt diệu để quân bình nghiệp quả với một người khác. Hôn nhân cũng là một cơ hội rất tốt để học hỏi về những giới hạn cá nhân của con, hầu con có thể giải phóng tâm lý con khỏi những chướng ngại đang ngăn con khỏi tâm Ki-tô. Nếu con thật sự nhất quyết phát triển tâm linh, con sẽ thấy hôn nhân không chỉ là một chuyện vui thú hay thiết thực, mà thực sự là một cơ hội để khắc phục nghiệp quả cũ cùng những hạn chế tâm lý của mình, hầu con bước một bước dài về hướng quả vị Ki-tô cá nhân.

Ta có thể xác nhận với con là gần như không có cuộc hôn nhân nào trên địa cầu mà hai người không có nghiệp quả với nhau. Nói cách khác, con phải coi như là con đang có nghiệp quả với người phối ngẫu, và do đó hôn nhân của con là một cơ hội để con cân bằng nghiệp quả đó và giành được tự do của con. Ta cũng có thể xác nhận là tuyệt đối không có hôn nhân nào mà không cho con cơ hội để con phơi bày những bế tắc tâm lý hầu con giải quyết một cách ý thức và bỏ lại đằng sau vĩnh viễn.

Thật ra ta cũng có thể xác nhận với con là hầu hết ai ai cũng đều chọn người phối ngẫu của mình trước khi đầu thai. Mỗi dòng sống chọn vợ hay chồng mình là người sẽ đem lại cho mình cơ hội tốt nhất để cân bằng nghiệp quả và cởi sửa những nút thắt trong tâm lý mình. Nói cách khác, sự hấp dẫn bên ngoài với nhau giản dị chỉ là sự phản ánh một nhận biết sâu xa trong nội tâm rằng con thực sự muốn cân bằng nghiệp quả với người đó, và con thực sự muốn học những bài học mà con có thể khi sống chung với người đó.    

Khi áp dụng cái nhìn này về hôn nhân, con nhận ra là điều cuối cùng mà con muốn làm là chấm dứt cuộc hôn nhân trước khi con hoàn thành mục đích tâm linh mà con đã đề ra cho cuộc hôn nhân. Nói cách khác, con không muốn chấm dứt hôn nhân trước khi con cân bằng mọi nghiệp quả với người phối ngẫu. Và con không muốn chấm dứt hôn nhân trước khi con học xong mọi bài học tâm lý con có thể học được từ người đó. Nếu con chấm dứt quá sớm, tất cả những vấn đề này sẽ chỉ giản dị bám theo con trong quan hệ kế tiếp.

Khi con hiểu sâu sắc ý nghĩa tâm linh của hôn nhân như vậy, con sẽ thấy là rất nhiều người quyết định chấm dứt hôn nhân trước khi họ cân bằng nghiệp quả và học xong bài học. Thật ra, nhiều người còn tạo ra thêm nghiệp chướng và củng cố những bế tắc tâm lý thay vì giải tỏa.   

Điều này xảy ra một phần là vì người ta không hiểu một bên của phương trình hôn nhân là tâm linh, và cũng vì họ bị neo cứng trong ngã thấp kém cũng như những nhu cầu ham muốn ích kỷ của ngã. Điều này khiến họ có nhiều tình cảm tiêu cực đối với người phối ngẫu. Một trong những tình cảm thông thường nhất là cảm thấy người kia có nợ gì đó đối với mình. Điều này không sai, vì con có quyền chờ đợi một quyền lợi gì đó từ người phối ngẫu, cụ thể là một cơ hội cân bằng nghiệp quả và giải quyết tâm lý của con. Nhưng món quà này hiện diện trong mỗi cuộc hôn nhân, với điều kiện là con sẵn lòng đón nhận nó. 

Tiếc thay, điều xảy ra cho nhiều người là họ trụ neo vào những ham muốn thấp kém của tự ngã phàm phu, và họ bắt đầu cảm thấy mình phải được hưởng một số quyền lợi vỏ ngoài từ người kia, và khi người kia không chu toàn được, họ cảm thấy bị dối gạt, đối xử tệ bạc. Và thay vì nhận trách nhiệm về con đường riêng của mình, họ đổ lỗi cho người kia. Tất nhiên, ngay khi con bắt đầu đổ lỗi cho người khác thì sự phát triển tâm linh của con sẽ dừng lại.

Như ta giải thích suốt trang mạng này, mọi thứ đều xoay quanh quyền tự quyết của con. Điều duy nhất có thể đưa con tiến thêm một bước trên đường cá nhân của con là con nhận trách nhiệm về hoàn cảnh hiện tại của con và con có sự chọn lựa cao nhất trong hoàn cảnh đó. Khi con đổ lỗi cho người phối ngẫu về sự trì trệ hay bất mãn của con, tức khắc con cũng từ chối nhận trách nhiệm và do đó con không thể có những chọn lựa sẽ giúp con thăng tiến.

Con không thể có những chọn lựa này vì con đã đẩy con vào một trạng thái tâm thức nơi con cho rằng chỉ người kia mới cần chọn lựa. Và chừng nào người kia không thay đổi, con cũng nghĩ là con không thể thay đổi. Tất nhiên đây là sự dối gạt lớn nhất của tự ngã phàm phu, vả đó chính là dối gạt mà tự ngã của con, như kẻ thù bên trong, và các tà lực như kẻ thù bên ngoài, sẽ sử dụng để đánh bẫy con vào trạng thái tâm thức hiện thời và ngăn cản con bước được bước kế tiếp trên con đường cá nhân.

Điều ta đang cố giải thích ở đây là bất kỳ hôn nhân nào, cho dù nó có vẻ không như ý thế nào đi nữa đối với tự ngã, nó vẫn tạo cơ hội cho dòng sống của con tăng triển. Nếu con đã quyết định cưới một người, con phải chấp nhận rằng dòng sống của con có một lý do tâm linh vô cùng chính đáng để thúc đẩy tâm vỏ ngoài của con lấy quyết định đó.

Con nên tin rằng dòng sống của con thực sự muốn cân bằng nghiệp quả và học hỏi một số bài học từ hôn nhân này. Do đó khi nào những mục đích tâm linh sâu xa này chưa thực hiện, con sẽ làm hại sự phát triển tâm linh của con nếu con chấm dứt hôn nhân. Điều đặc biệt nguy hiểm là nếu con chấm dứt hôn nhân do tự ngã bị thất vọng với những thiếu sót gán cho người phối ngẫu. Điều này sẽ chỉ cột con chặt hơn vào gọng kềm của tự ngã, khiến con khó phát triển hơn. Điều ta muốn nói là nếu con đã có lời thề hôn nhân, con nên giữ đúng lời thề đó bằng cách trung thành với người phối ngẫu, tận tụy nỗ lực để cân bằng nghiệp quả và học xong bài học. 

Con có hỏi điều gì sẽ xảy ra khi sự hiệp thông tâm linh giữa hai người bị phai nhạt hay không còn nữa. Như ta đã nói, luôn luôn có một mục đích tâm linh trong một hôn nhân. Điều này không nhất thiết có nghĩa là hai người phải cảm thấy hiệp thông tâm linh hoặc ngay cả thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Cuộc hôn nhân có thể vô cùng không như ý từ một quan điểm vỏ ngoài, nhưng đó vẫn có thể là cơ hội để cân bằng nghiệp quả và giải quyết tâm lý.

Vi vậy con nên tiếp cận hôn nhân với ý định rõ ràng là con sẽ thực hiện hai mục đích nói trên. Nó sẽ giúp con chịu đựng dễ dàng hơn mọi hoàn cảnh hôn phối và những điều không như ý không thể tránh khỏi trong bất cứ mối quan hệ nào giữa con người. Nó cũng sẽ gia tăng xác suất cả hai người sẽ dần dần cân bằng nghiệp quả và giải quyết tâm lý mình. Và như thế, hai con sẽ bắt đầu hỗ trợ cho nhau và tìm được sự hiệp thông tâm linh. Nói cách khác, không một hôn nhân nào sẽ thành công nếu con không thành tâm nỗ lực để nó thành công.

Sau khi trình bày những điều trên, phải công nhận là một hôn nhân có thể đi tới một điểm không còn đáp ứng được mục đích tâm linh nữa. Trong trường hợp này, việc chia tay và đi theo hướng mới có thể là điều có lợi cho sự phát triển tâm linh của cả hai người. Ta biết điều này sẽ làm cho nhiều tín hữu đạo Cơ đốc kinh ngạc vì họ còn nhớ những lời dạy của ta trong Kinh thánh. Hãy cho phép ta giải thích tường tận hơn.   

Trước hết, bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng phải thích ứng với tâm thức những người nhận giáo lý. Khi ta hiện thân 2000 năm trước đây, nhiều người đàn ông thường ly dị vợ mình khi người vợ không còn trẻ trung, đẹp đẽ nữa. Họ sẽ cưới vợ trẻ mới để thỏa mãn các đòi hỏi dục vọng. Do điều kiện xã hội vào thời đó, một phụ nữ gần như không thể tự lo liệu được kế sinh nhai của mình, và do đó nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh đó không còn chọn lựa nào khác hơn là bán thân mình, một nghề bị xã hội cực kỳ lên án và xem là tội lỗi.  

Tình trạng này phản ánh rõ rệt thái độ ngược đãi phụ nữ trong nhiều nền văn hóa suốt bao nhiêu ngàn năm. Nhiều người đàn ông xem phụ nữ như một món hàng mà họ có thể vứt bỏ khi không còn hữu dụng. Trong khuôn khổ nỗ lực của ta nhằm phục hồi một vai trò xứng đáng cho phụ nữ – như được giải thích ở nơi khác – ta thấy cần phải lên tiếng thật mạnh mẽ chống lại ly dị. Điều này một phần là để bảo vệ phụ nữ, phần khác để giúp đàn ông tránh khỏi nghiệp quả hành hạ phụ nữ, vì điều này sẽ gia tăng sự mất quân bình giữa hai khía cạnh nam và nữ trong chính bản thể họ và chặn đứng sự tăng trưởng tâm linh của họ.  

Thời nay, một người nữ có khả năng chu toàn cuộc sống của mình mà không cần đến chồng. Xã hội cũng có pháp luật bảo về quyền lợi của phụ nữ sau khi ly dị cũng như nhiều dịch vụ xã hội hơn. Cho nên sẽ không đúng nữa khi nói rằng ly dị đi ngược lại quy luật của Thượng đế hay lời dạy của ta. Con có thể ly dị một cách hợp pháp khi cuộc hôn nhân không còn đáp ứng mục đích tâm linh nữa. Điều này đặc biệt hữu lý khi trong hôn nhân có sự lạm dụng thể xác hay tình cảm. Về mặt này, phải nói là việc phá hoại hay ngăn trở sự phát triển tâm linh của một người khác là hình thức lạm dụng nghiêm trọng nhất.

Tuy nhiên, ta phải cảnh giác mọi người là hầu hết mọi vụ ly dị xảy ra thời nay không hợp lệ trong nghĩa tâm linh. Đa số người ta ly dị vì tự ngã mình cảm thấy bị bất mãn, tổn thương trong hôn nhân, như giải thích ở trên. Cho nên ly hôn là một quyết định nghiêm trọng chỉ nên thực hiện sau khi đã cân nhắc lâu dài, kỹ lưỡng, và tốt hơn hết nên đến từ một mặc khải trực giác từ cái ta Ki-tô.   

Ta thực sự khuyên những ai đang nghĩ tới việc ly hôn nên trước hết có những nỗ lực để bảo đảm mục đích tâm linh cuả hôn nhân được thực hiện – trong đó gồm cả việc sử dụng Ngọn lửa Tím để tiêu hủy nghiệp chướng và làm hết sức để học được bài học về tâm lý. Phần khác nữa là con nên xem đến việc tham khảo những dịch vụ tư vấn hoặc liệu pháp hôn nhân và thành tâm nỗ lực để cải tiến cuộc hôn nhân. Trước khi con lấy đuyết định dứt khoát, ta cũng khuyến cáo con nên thực hiện kinh cầu 33 ngày và cố hòa điệu với cái ta Ki-tô của con.   

Bây giờ cho phép ta nhận xét về đoạn này trong Matthew 19:

3 Người Pharisi cũng đến gần để thử ngài, nói rằng: Một người đàn ông đuổi vợ mình vì bất cứ lý do gì có đúng luật không? 4 Và ngài trả lời và nói; các người chưa đọc hay sao, rằng đấng đã tạo ra họ ở ban đầu đã tạo họ là nam và nữ, 5 Và vì lý do đó mà một người nam phải lìa cha mẹ, phải kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ cùng là một thịt? 6 Qua đó họ không còn là hai mà chỉ là một thịt. Vậy điều gì Thượng đế đã kết hợp với nhau, đừng để con người phân rẽ.   

Câu chủ yếu là không người nào được phân rẽ điều gì mà Thượng đế đã kết hợp với nhau. Ý nghĩa nội tâm của câu này là con không được cho phép tự ngã và tâm nhị nguyên của con khiến con ly dị người phối ngẫu trước khi cuộc hôn nhân hoàn thành mục đích tâm linh mà dòng sống của con đã quyết định. Nói cách khác, một uy quyền cao hơn (mà ta gọi là “Thượng đế” trong câu nói) – nghĩa là dòng sống của con với sự hội ý của các vị thày tâm linh của con – đã kết hợp con với người phối ngẫu để thực hiện một mục đích nhất định. Con nên giữ lòng thủy chung với mục đích này cho tới khi nó hoàn thành. Và con không được cho phép cái tâm thấp kém và những ham muốn của tâm thấp kém (mà ta gọi là “con người” trong câu nói) khiến con đi chệch khỏi mục đích tâm linh của cuộc hôn nhân.

Con cũng hãy ghi nhận rằng chồng và vợ có thể trở thành cùng một thịt. Ý nghĩa tâm linh thực sự của câu đó là vợ chồng có tiềm năng bước lên một mức kết hợp cao hơn, một sự kết hợp tâm linh nội tại. Nếu cả hai người nỗ lực siêng năng để giải hóa nghiệp quả và tâm lý, họ sẽ có thể giúp nhau đạt được cân bằng giữa hai khía cạnh nam và nữ của bản thể họ. Khi thực hiện được cân bằng này trên phương diện cá nhân, hai người sẽ vươn lên một mức kết hợp cao hơn rất nhiều so với những gì có thể. Sự kết hợp này giữa vợ và chồng là biểu tượng cho kết hợp giữa dòng sống và cái ta tâm linh. Quả thật, nó sẽ giúp cả hai người đạt đến kết hợp nội tâm đó, và do đó một cuộc hôn nhân phát huy được tiềm năng cao nhất có thể là một lực đẩy tâm linh tuyệt vời cho cả hai người.    

Ta cần nói rõ là không phải cuộc hôn nhân nào cũng sẽ đạt được sự kết hợp cao độ đó. Nhưng ta cũng cảnh giác con là đa số các cuộc hôn nhân đều có tiềm năng này. Nói cách khác, điều xảy ra rất thường là người ta hay gặp điều bất mãn trong những năm đầu mới lấy nhau. Bất mãn là do mỗi người đều không không trọn vẹn và họ kỳ vọng người kia sẽ giúp mình cảm thấy trọn vẹn. Khi cảm giác trọn vẹn không ở đó, thật là dễ rơi vào lời dối trá của tự ngã bảo con rằng con đã chưa tìm được người phối ngẫu thích hợp, và con chỉ cần tìm được người đó thì con sẽ tức khắc được hưởng hạnh phúc tràn trề.    

Nhưng đó là lời gian dối. Dù con có cưới người tâm đầu ý hợp – ngọn lửa song sinh của con – thế nhưng chừng nào nghiệp quả và những vấn đề tâm lý chưa giải tỏa thì hạnh phúc đó cũng sẽ không có được. Hầu hết các cuộc hôn nhân đều có tiềm năng kinh nghiệm được sự trọn vẹn đích thực, nhưng trọn vẹn này chỉ có thể đến khi cả hai người có sự trọn vẹn cá nhân, có nghĩa là đã giải quyết một số nghiệp quả và tâm lý nào đó.   

Điều ta muốn nói là có những hoàn cảnh khi con cần phải chấm dứt một cuộc hôn nhân hầu thăng tiến sự phát triển tâm linh của cả hai người, hoặc ít nhất một trong hai người mong muốn phát triển tâm linh. Tuy nhiên, con sẽ vô cùng khôn ngoan nếu con có một nỗ lực chân thành và hết mình để giúp cho cuộc hôn nhân thực hiện được tiềm năng cao nhất của nó trước khi con quyết định ly dị. Nếu con lià bỏ người phối ngẫu trước khi giải quyết tâm lý con, có nhiều xác suất con sẽ thu hút một người phối ngẫu khác cũng lại khơi lên cùng những vấn đề tâm lý nơi con. Vậy thì tại sao con không cố giải quyết với người đầu tiên? Một khi con đã giải quyết tâm lý mình thì điều thận trọng là con có thể chia tay. Tuy nhiên, nếu con đã giải quyết tâm lý thì rất có thể cuộc hôn nhân đầu đã trở thành toại nguyện đến độ con không có lý do để chia tay nữa.  

Nói cách khác, con không bao giờ được ly dị vì tự ngã con muốn chạy trốn khỏi những điều không vừa ý. Thật là không có ích gì đeo đuổi một cái cầu vòng gọi là hôn nhân, bởi vì ta cam đoan với con là ở cuối cầu vòng không có hũ vàng nào cả. Con chỉ nên ly dị khi con biết – cái biết sâu thẳm ở bên trong – rằng đã tới lúc con phải chọn một hướng đi mới tốt đẹp hơn trong nghĩa tâm linh đích thực.

Tu tập quả vị Ki-tô trong khi có gia đình

Hỏi: Con tự hỏi, có thể nào theo đuổi quả vị Ki-tô cá nhân khi mình thành hôn và chăm lo cho gia đình? Con bị giằng xé bởi câu hỏi này vì một phần trong con vẫn giữ hình ảnh là mình phải rời bỏ cách sống của mình trong xã hội hiện đại, thế nhưng khi con cầu nguyện và thiền định thì dòng sống của con lại cảm thấy an bình nhất khi ý nghĩ lập gia đình đến với con. Xin thày có ý nghĩ gì cho con suy ngẫm?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Như ta đã có giải thích trên trang mạng này, hầu hết mọi người đều bị kẹt trong tâm nhị nguyên dựa trên sự tách biệt và tương đối. Kết quả là nhiều người đã tạo ra một hình tư tưởng cho rằng nếu mình là một người thực sự tâm linh thì mình phải sống theo một cách nhất định nào đó – như phải rút hẳn ra khỏi xã hội và sống trong tu viện, hay tuân thủ một số luật lệ vỏ ngoài mà tôn giáo đó đã thiết lập. Cho nên ta hiểu được tại sao nhiều người lại nghĩ rằng để theo đuổi con đường quả vị Ki-tô cá nhân, mình phải sống như một vị sư nam hay sư nữ.

Tuy nhiên như ta cũng đã cố giải thích khắp trang mạng này, không một hộp tư duy nào do tâm con người tạo ra có thể chứa được, hay giam giữ được Ki-tô Hằng sống. Thật ra, một trong những công việc chủ yếu của một sinh thể Ki-tô là chứng tỏ cho mọi người là con có thể có cách sống vượt ra khỏi những chiếc hộp tư duy của họ. 

Cho nên thật sự không có một cách sống chuẩn mực nào cho một người bước đi trên con đường Ki-tô, hay một cách chuẩn mực để biểu hiện tâm Ki-tô. Mỗi con đường đều là một con đường cá nhân, và khi con càng ngày càng đạt thêm phẩm chất Ki-tô, con sẽ bắt đầu thể hiện cá thể tâm linh chân thực của con nhiều hơn. Con sẽ bắt đầu là con người thật của mình cho dù người đời có muốn con là như thế nào.

Cho nên thật là không thể đặt ra một tiêu chuẩn rồi bảo rằng chỉ những người nào sống theo tiêu chuẩn đó mới là người có tâm Ki-tô, hay là người thật sự tu theo con đường quả vị Ki-tô. Có rất nhiều người, để đạt được và biểu hiện tâm Ki-tô của mình, đã từng phải vượt ra ngoài sự mong đợi của thế gian hoặc những quy ước của xã hội. Đó là tại sao ta đã từng thách đố rất nhiều khuôn phép, tục lệ trong xã hội nước Israel thuở trước, chẳng hạn như khi ta chữa bệnh cho một người đàn ông vào ngày sa-bát và tuyên bố là ngày sa-bát phải phục vụ con người chứ con người không phục vụ ngày sa-bát.

Một điều cần cân nhắc nữa là để thực sự đạt được quả vị Ki-tô, con cần cân bằng nghiệp quả mà con đã tạo ra trong tiền kiếp. Nghiệp quả có thể khiến cho một số người cần phải lập gia đình và nuôi con. Con cũng cần giải quyết mọi tắc nghẽn trong tâm lý mình, và cũng thế, việc lập gia đình có thể là cách hiệu quả nhất để thực hiện điều này. Hay là có thể trong sứ mạng tâm linh của con, con đã thề nguyện là mình sẽ đưa một số dòng sống nào đó đi vào hiện thân như là con mình. Nói cách khác, con đường dẫn con đến quả vị Ki-tô có thể đòi hỏi con phải tham gia vào xã hội theo rất nhiều cách khác nhau.

Cho nên điểm mấu chốt về quả vị Ki-tô là con không thể nào đặt ra một chuẩn mực vỏ ngoài nào. Vì vậy, con không thể quyết định với tâm vỏ ngoài, phân tích, nhị nguyên của con là con phải bước đi như thế nào trên đường tu cá nhân của mình. Nếu con tạo ra chuẩn mực vỏ ngoài đó, như nhiều người sùng đạo thường làm, con sẽ đi theo con đường có vẻ đúng đắn dưới mắt thế gian nhưng cuối cùng sẽ là con đường chết.

Con chỉ có thể bước theo quả vị Ki-tô bằng cách vượt ra ngoài tâm nhị nguyên và nhận được sự chỉ đạo nội tâm từ cái ta Ki-tô. Để nhận được chỉ đạo rõ ràng nhất, sẽ vô cùng ích lợi cho con nếu con dùng các kỹ thuật đăng tải trên trang dụng cụ, như những bài chú để cầu thỉnh sự bảo vệ đối với những can thiệp từ ngoài, kỹ thuật biến hóa năng lượng bất toàn trong năng trường của mình, cũng như một kỹ thuật hòa điệu với cái ta Ki-tô của mình.

Trong những giai đoạn khởi đầu trên đường tu quả vị Ki-tô, thường con sẽ nhận được chỉ đạo nội tâm dưới dạng những sáng ngộ trực giác. Một cách để lượng định xem những sáng ngộ này có đúng đắn hay không là nhìn xem liệu sáng ngộ đó có đem lại cho con một cảm nhận an bình hay một cảm giác mâu thuẫn, xung đột trong tâm. Mỗi khi con nhận thấy mâu thuẫn nội tâm, con biết là con đã không nhận được sáng ngộ cao nhất, và do đó con không nên lấy quyết định dựa trên tâm trạng giằng xé này, mà thay vào đó, con nên quyết tâm để có được cái nhìn trực quan rõ ràng hơn. Khi con có sáng ngộ đúng đắn, con sẽ cảm thấy nội tâm mình an bình – không giống như cảm giác là mình có thể làm những gì mà tâm nhị nguyên muốn mình làm. Con sẽ đạt được một cái biết mạnh mẽ nơi nội tâm là mình cần làm gì.

Con nên luôn luôn nhớ rằng tâm nhị nguyên là nhị nguyên, và nó dẫn đến xung đột, phân rẽ. Còn tâm Ki-tô thì đơn nhất, và nó loại trừ xung đột, đem lại an bình cho con.  Cho nên con hãy đi tìm viễn quan hợp nhất của tâm Ki-tô. Hãy nhớ lời ta nói, rằng nếu mắt con đơn nhất thì toàn thân con sẽ tràn ngập ánh sáng. Ý nghĩa là khi con đạt được viễn quan đơn nhất của tâm Ki-tô, con sẽ tràn ngập ánh sáng của Thượng đế. Ánh sáng này không bao giờ thất bại!

Với địa cầu bước vào Thời đại Bảo bình, một điều sẽ ngày càng quan trọng hơn là đưa tôn giáo ra khỏi những nơi thờ phượng và hội nhập nó vào cuộc sống hàng ngày của mọi người. Vì vậy có nhiều dòng sống đã có lời nguyện là mình sẽ bước trên con đường quả vị Ki-tô trong khi vẫn nuôi nấng gia đình hay tham gia vào xã hội. Hiển nhiên, sống như vậy sẽ khó khăn hơn là sống trong một môi trường bảo bọc, nhưng đây chính là một phần quan trọng của đời sống tâm linh trong thời đại mới.    

Con sẽ thành công hơn rất nhiều nếu con làm hòa với việc nuôi nấng gia đình và khắc phục sự xung đột nội tâm khi con cảm thấy đời sống gia đình cản trở sự phát triển tâm linh của con. Thay vào đó, con hãy nhìn xem tại sao con lại cảm thấy như vậy và nhận ra rất có thể đó chỉ là tàn tích của nền văn hóa Thời đại Song ngư, hoặc là tàn tích từ một tiền kiếp khi con sống đời ẩn dật hơn. Quả thực, làm thế nào con có thể đạt được quả vị Ki-tô mà không khắc phục những phân rẽ đó? Liệu một tâm lý phân rẽ với chính nó sẽ có bao giờ là Ki-tô Hằng sống được?

Khi con có thể ôm trọn ý tưởng rằng đời sống gia đình là chìa khóa cho quả vị Ki-tô của con, con sẽ tiến bước nhanh hơn đến Ki-tô trong khi vẫn có thể vui hưởng cuộc sống gia đình – và qua đó con cũng sẽ giúp cho gia đình con vui hưởng cuộc sống đó. Quá nhiều người tâm linh đã khiến cho bản thân mình cùng gia đình mình bị khổ sở khi mình sống với gia đình mà cứ nghĩ mình phải đang ở trong tu viện. Con hãy buông bỏ những ý nghĩ đó đi và hãy an bình với cuộc sống cùng nơi mình đang sống.

Làm thế nào tìm được người bạn đời “thích hợp”

Hỏi: Làm thế nào tìm được người bạn đời thích hợp? Liệu người ta nên không làm gì hết và chờ cho đến khi có người thích hợp bước vào đời mình, hay người ta nên tìm kiếm một cách tích cực cho dù không biết rõ tìm ở đâu hay tìm ai?

Có câu thành ngữ này giông giống nhất với một lời khuyên là câu: “Bạn phải hôn một trăm con cóc thì mới tìm ra một con biến thành hoàng tử (hay công chúa), nhưng trong tâm con lại bị dội bởi câu đó. Đâu là cách tiếp cận đúng đắn nhất từ một góc cạnh tâm linh?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 26/10/2010.

Từ một khía cạnh tâm linh, cả hai cách tiếp cận thụ động và năng động như con vừa mô tả đều không xây dựng lắm. Thay vào đó, ta sẽ khuyên một cách tiếp cận chủ động, theo nghĩa là con tập trung vào sự tăng trưởng tâm linh của chính con. Con hãy lưu ý câu ta từng nói cách đây 2000 năm nhưng vẫn còn áp dụng được cho mọi điều con mong muốn trong cuộc sống: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thượng đế, thì tất cả những thứ kia sẽ được bồi thêm cho con.” (Matthew 6:33)

Thay vì mang trong tâm ý tưởng “tìm kiếm” người bạn đời thích hợp, con hãy thay đổi cái nhìn đó thành “từ hóa” [thu hút qua từ trường] người bạn đời thích hợp. Như chúng tôi, các chân sư thăng thiên, giảng dạy suốt trang mạng này, mọi thứ con nhìn thấy trên địa cầu là sự trải bày của tâm thức loài người. Mọi sự xảy ra trong đời con là sự trải bày của trạng thái tâm thức của chính con.

Tìm kiếm Nước Trời là ẩn dụ cho sự tìm kiếm tâm thức Ki-tô. Cho nên thay vì tập trung vào những gì con muốn từ ngoại cảnh, con hãy tập trung vào việc nâng cao tâm thức của mình, rồi qua đó con sẽ thu hút một cách không khó nhọc những gì con thực sự mong muốn.

Hầu hết mọi người đều bị lạc đường khi đi tìm người bạn đời “thích hợp” ở điểm là họ cho rằng người “thích hợp” đó là một người không khiến cho họ phải cải sửa bản thân. Họ tìm kiếm một người bạn đời sẽ bù đắp cho những khía cạnh chưa giải quyết trong tâm lý họ, hầu họ có thể cảm thấy mình trọn vẹn hay hạnh phúc mà không cần phải xem xét cái xà trong mắt mình. Nếu thật sự họ có thể tìm được một người như vậy, cuộc sống có thể sẽ thoải mái thật, nhưng sự tăng trưởng tâm linh sẽ bị thiệt hại.

Nếu con tìm người bạn đời dựa trên trạng thái tâm thức hiện thời của con, kết quả tất yếu sẽ là gì? Con sẽ thu hút một người bạn đời tương ứng với mức tâm thức hiện thời của con. Điều này không có gì là dở – nếu con xem mọi chuyện như là cơ hội để tăng trưởng.

Nói cách khác, con đã thu hút người bạn đời đó vì tính tình của họ có thể làm nổi bật ra trong con chính xác những đặc điểm mà con cần thăng vượt để tiến về quả vị Ki-tô. Cho nên nếu con sử dụng quan hệ này như một cơ hội để tự thăng vượt, thì đây sẽ là một bước tiến trên đường tu của con. Tuy nhiên, nếu con rời bỏ “con cóc” đó và bắt đầu chạy đi tìm “con cóc đặc biệt trong số một trăm con”, thì con sẽ không tiến bộ mà sẽ chỉ thu hút cùng một loại người bạn đời như thế. Ta cam đoan với con là chuyện đó có thể lặp lại hơn một trăm lần qua nhiều kiếp đầu thai. Và tất nhiên, hoàn toàn không có gì bảo đảm là sau khi hôn một trăm con cóc, sẽ có một con biến thành hoàng tử hay công chúa. Nếu con nghi ngờ lời ta nói, con thử ra cái ao gần nhà nhất và khởi sự hôn cóc mà xem.

Điều ta muốn nói là hầu hết mọi người đều cho rằng mình đã sẵn sàng cho người bạn đời “thích hợp”. Thế nhưng đối với tuyệt đại số, điều này không đúng. Đa số sẽ phải đi qua một hoặc nhiều mối quan hệ cũng như một tiến trình tự thăng vượt chân thành, hầu có thể đạt đến một trạng thái tâm thức khả dĩ từ hóa được một người bạn đời “thích hợp” cho mình trong kiếp này.

Vậy chúng tôi muốn nói gì qua chữ “người bạn đời thích hợp” chứ? Đúng vậy, con có một Sứ vụ Thiêng liêng cho kiếp này, và trong sứ vụ có hoạch định là con sẽ đạt được một mức tâm thức nào đó, rồi sẽ phụng sự đời sống ở mức tâm thức đó. Cho nên người bạn đời “thích hợp” cho con là người có khả năng giúp con đi bước chót dẫn con đến mức tâm thức mà con đã hoạch định cho kiếp này, và cũng là người sẽ giúp con phụng sự cuộc sống trong khả năng cao nhất của con. Thay vì chữ “thích hợp” với ý nghĩa tương đối, ta ưa dùng chữ “người bạn đời tâm linh” nhiều hơn.

Tuy nhiên, do con cần phải kinh qua một tiến trình để có thể từ hóa người bạn đời tâm linh của con – và do điều này thường đòi hỏi con sống qua mấy mối quan hệ – con cũng có thể nói là người bạn đời hiện tại của con luôn luôn là người bạn đời “thích hợp” cho con. Con đã từ hóa, đã thu hút, người đó vì họ là cơ hội lý tưởng để con đi bước kế tiếp trên đường tu cá nhân, và nếu con học được bài học cao nhất mà con có thể học từ mối quan hệ này, thì con đã tiến gần hơn đến việc từ hóa người bạn đời tâm linh của con. Vậy thì có gì dở đâu?

Cho nên nếu con cảm thấy con chưa tìm thấy người bạn đời “thích hợp”, con hãy nhận ra là con cần nhiều nỗ lực hơn để cải sửa tâm lý của mình. Xong con hãy ngừng mơ mộng mình sẽ tìm thấy hũ vàng ở cuối cầu vồng của trò chơi hẹn hò. Con hãy xắn tay áo lên và dồn hết nỗ lực để chữa lành tâm lý mình, để con tìm ra chính con. Tuyệt đối không có cách nào để con tìm được người bạn đời tâm linh cho đến khi con đã tìm ra chính con, cho đến khi con gần thể hiện được tiềm năng cao nhất của con trong kiếp này. Cho tới khi con tìm được Nước Trời trong bản thân con, cũng như sự công chính khi con mở khóa tiềm năng cao nhất trong kiếp này, thì cuộc tìm kiếm người bạn đời “thích hợp” sẽ không thu hút được người bạn đời tâm linh.

Đi tìm người bạn đời “thích hợp” mà không cố tự cải sửa cũng tựa như con cố đặt xe ngựa trước con ngựa vậy. Điều này không thể làm được. Điều CÓ THỂ làm được là con sử dụng những dụng cụ tâm linh nhằm chữa lành tâm lý được đăng tải trên trang mạng này và ở những nơi khác.

Tất nhiên, cách này sẽ chỉ hiệu quả nếu con thực sự sẵn lòng đi tìm người bạn đời “thích hợp” của con, có nghĩa là con sẵn lòng thực hiện những thay đổi cần thiết trên bản thân trước khi con thu hút được người bạn đời tâm linh thay vì một người chỉ phản ánh lại tâm lý chưa giải quyết của con. Dạng quan hệ cao nhất sẽ không xuất hiện trừ khi con làm việc trên tâm tính của mình. Nhiều người không sẵn lòng làm công việc này, cho nên họ tiếp tục mơ mộng một người bạn đời toàn hảo đến độ họ không phải tu sửa tâm tính. Khi nào con còn mơ mộng, thì con sẽ còn phóng chiếu những đức tính y như con tưởng là mình mong muốn mà không bao giờ có dịp đối chiếu với thực tế.

Đương nhiên, nếu ĐÓ là kinh nghiệm mà con muốn có cho tới hết kiếp này, ta sẽ không phản đối, vì ta tôn trọng Luật Tự quyết. Và trong trường hợp đó, con sẽ không cần lời khuyên của ta, và ta cũng không có lời khuyên nào cho con. Nhưng nếu ngược lại, con muốn chiêm nghiệm sự sống trong tiềm năng cao nhất của con – trong đó có việc thu hút người bạn đời tâm linh, và nhiều hơn thế nữa – ta có thể cống hiến rất nhiều cho con, bởi vì một trong những mục đích của Thời đại Bảo bình là nối kết những ai với tiềm năng cao nhất để họ hợp lại và chứng tỏ rằng một mối quan hệ tâm linh đích thực có thể thành công. Trong một quan hệ như thế, cả hai người đều nhân ta-lăng của mình lên cũng như nhân ta-lăng của người phối ngẫu, và họ đạt đươc một sự kết hợp cao hơn đa số người khác cho tới giờ.

Khi nào thời điểm thích hợp, Mary Magdalene – giờ đây là chân sư thăng thiên Magda – và chính ta sẽ ban ra những lời dạy mới về các mối quan hệ cao hơn. Nhưng không có lý do gì con phải chờ cho tới khi đó, vì hiện nay có nhiều lời dạy đã được ban ra về cách nâng cao tâm thức. Cho nên con hãy nỗ lực trở nên một người bạn đời tiềm năng tốt nhất, thì ta tin rằng rốt cuộc con sẽ thu hút được người bạn đời tâm linh của con. Hãy tìm thì con sẽ tìm thấy – câu này thật chí lý, nhưng chỉ khi nào con tìm kiếm ở trong chính mình.

Giáo lý nền tảng về quan hệ khi người bạn đời chống đối niềm tin tâm linh của bạn

Hỏi: Con cầu xin thày giúp con. Hoặc nếu chân sư hay Kim có thể trả lời thì con sẽ vô cùng biết ơn. Con là một người làm vợ và làm mẹ với mấy đứa con nhỏ, con đã đi trên hành trình tâm linh từ nhiều năm nay. Đã có một thời con tin đạo Cơ đốc Phúc âm (evangelical Christianity) là câu trả lời cho con. Con được “cứu rỗi”, gặp chồng con ở đó, kết hôn và sinh con. Con vẫn yêu chồng con tha thiết và con không có ý muốn sống xa anh ấy. Tuy nhiên, sự thức tỉnh nội tâm đã dẫn con đến giáo lý này, và con biết sâu trong tim mình đây là chân lý. Con không đang cố thuyết phục chồng con về lẽ thật trong những lời dạy này vì anh ấy là một tín đồ Cơ đốc đã “tái sinh”, một người đàn ông tốt, nhưng anh ấy không thực sự cởi mở và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ loại giáo lý nào không ăn khớp với kinh điển trong sách. Con cố sống trọn với tình thương vô điều kiện và lời dạy chân thực của Giê-su trong khi con bước đi trên đường tu riêng của con dẫn đến tâm Ki-tô.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chúng con đang gây ra cãi vã trầm trọng mỗi ngày. Chồng con nay đã hiểu là con không còn là người tin đạo theo đúng Kinh thánh nữa. Con hoàn toàn không muốn nói dối hay giữ bí mật nào đối với anh ấy – nhưng càng ngày con càng bị anh ấy tra khảo về niềm tin của con y như ở trạm công an vậy. Con tuyệt vọng, con không thể sống như thế này. Con sẽ không từ bỏ Chân lý để mong được chấp thuận và yêu thương, nhưng con yêu chồng và yêu con của con tha thiết, và con khiếp sợ là con sẽ mất cả chồng lẫn con, hoặc chồng con của con sẽ mất con, nhất là nếu gia đình chồng, một gia đình theo đạo Tin lành cực chính thống, cũng hùa theo anh ấy mà tra khảo con.

Hiện con không còn gia đình phía bên con nữa. Con lớn lên trong Giáo hội Lã mã và từ rất lâu con đã rời khỏi cách thờ phượng thần tượng đó, cho nên con đã mất đi sự hỗ trợ và tình thương của gia đình con. Con cảm thấy mình giống như Peter đi bộ trên mặt nước và chìm nghỉm. Con sợ hãi và cô đơn, rất nhiều ý nghĩ đen tối đang xâm nhập tâm con mà không phải là từ Thượng đế. Con không biết phải làm gì và phản ứng thế nào, nói làm sao. Con đã tìm xem thày Giê-su từng phản ứng như thế nào trước những lời buộc tội như khi thày phải đứng trước mặt Pilate, nhưng con thật sự không biết phải cư xử thế nào trong tình huống ngặt ngèo như thế này. Xin, xin thày giúp con. Làm thế nào con yêu được chồng con, làm thế nào sống an bình và biểu lộ an bình của Thượng đế giữa tình trạng này? Con phải làm gì đây?

Hiện giờ con kiệt quệ đến nỗi ngay cả chuyện thiền định và tìm kiếm câu trả lời trong tâm thức Ki-tô của con, con cũng không làm nổi.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 17/9/2010.

Trước tiên, con cần phải có quyết định chắc chắn là con sẽ không bao giờ lấy một quyết định có thể thay đổi đời mình trong khi con đang ở trong một tâm trạng rối loạn. Một khi con quyết định như thế rồi, con sẽ cảm thấy cường độ rối loạn của mình giảm xuống phần nào.

Việc tiếp theo mà con cần làm là nhìn nhận rằng trong bất kỳ tình huống nào mà con cảm thấy tê liệt và mất hết phương hướng nội tâm, cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ có một điều gì đó trong tình huống đó mà con không sẵn lòng nhìn vào.

Khi nào còn có điều gì mà con không sẵn lòng nhìn vào, thì con không thể nhận được sự chỉ đạo nội tâm rõ ràng. Có nghĩa là mức rối loạn của con sẽ chỉ gia tăng, cho đến khi nó dẫn đến môt cuộc khủng hoảng hay sụp đổ nào đó. Do đó, con cần nhìn ra đây là một vòng xoắn ốc đi xuống, và để phá vỡ vòng đi xuống này, con cần làm một điều gì đó mà con chưa làm cho tới nay.

Làm sao con phá vỡ được? Bằng cách lấy quyết định ý thức là con sẵn sàng nhìn vào mọi khía cạnh của tình huống. Cho nên, thay vì cưỡng lại sự chỉ đạo nội tâm, giờ đây con sẽ mở tâm trí và trái tim ra để nhận chỉ đạo nội tâm. Và khi đó, cái ta Ki-tô và các vị thày hướng dẫn con sẽ có căn bản để làm việc, thay vì trong lúc này phải tôn trọng quyền tự quyết của con và lui ra.

Làm thế nào con có thể tìm ra điều gì mà con chưa sẵn lòng nhìn vào? Trong mọi tình huống, hiển nhiên và trước nhất, con cần nhìn vào các nỗi sợ hãi của mình. Mọi sợ hãi là sợ hãi cái chưa biết, và cái chưa biết là cái mà con chưa sẵn lòng nhìn vào. Nếu con đã nhìn vào nó và đã tìm kiếm sự chỉ đạo Ki-tô, thì nó đã là cái biết rồi, và con đã giải quyết được nỗi sợ hãi của con.

Như luôn luôn, ta sẽ sử dụng câu hỏi đặc thù của con để đưa ra một lời dạy có thể hữu ích cho nhiều người, cho nên một vài điều ta nói ở đây sẽ không áp dụng trực tiếp cho người đặt câu hỏi. Tuy nhiên có một điều sẽ áp dụng được, đó là khi lá thư của con chứng tỏ rõ ràng con đang bị tê liệt vì con đang có hai nỗi sợ trái ngược nhau: Con sợ làm hại đến đường tu quả vị Ki-tô của con, và con sợ quan hệ của mình sẽ chấm dứt. Cho nên, hai nỗi sợ phối hợp lại có nghĩa là không có cách nào để con vừa bước trên đường tu mà vừa tiếp tục mối quan hệ.

Lý do con có nỗi sợ hãi đó là vì con tin rằng câu trả lời tùy thuộc vào thái độ cùng quyết định của chồng con. Vì thế con đã tự cho phép mình tin rằng kết cục của tình trạng này nằm ngoài tầm tay con, và không có gì mà con chọn làm sẽ thay đổi được tình thế. Thế nhưng ta muốn mọi người hiểu là con KHÔNG BAO GIỜ ở trong một tình thế mà con không có chọn lựa.

LUÔN LUÔN có điều gì đó mà con có thể làm, và đó là giành lấy quyền kiểm soát hoàn toàn trên cách phản ứng của mình đối với tình huống. Một khi con kiểm soát được phản ứng của con, con sẽ thấy là các nỗi sợ của con không còn nữa, và cách con tiếp cận tình huống sẽ hoàn toàn thay đổi. Và bằng cách tự giải phóng mình để tìm ra một cách đáp ứng tình huống cao hơn, rất có thể – không chắc chắn nhưng rất có thể – là con cũng sẽ giải phóng chồng con để anh ấy tìm ra một cách đáp ứng cao hơn. Con ở trong một quan hệ và trong quan hệ luôn luôn có hai người. Cho nên cách phản ứng của chồng con không chỉ là sản phẩm của tâm lý anh ấy, mà cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi phản ứng của con, và phản ứng này đến từ tâm lý con.

Điều kế tiếp con cần làm là xem xét nghiêm túc cách con nhìn đường tu cá nhân của mình. Liệu con có, giống như nhiều người khác, nhìn nó như là một con đường vỏ ngoài, qua đó con mở mang kiến thức rồi chấp nhận và tin tưởng một số ý tưởng, chẳng hạn như những giáo lý được tìm thấy trên trang mạng này. Hay liệu con, như ta đã mô tả suốt trang mạng này, bắt đầu nhìn ra cốt lõi đích thực của đường tu cá nhân là một tiến trình xảy ra bên trong con. Nói cách khác, con có thấy một phần cơ yếu của con đường quả vị Ki-tô là đạt được kiểm soát toàn diện trên cách phản ứng của mình trước những điều kiện của thế gian? Đây là thông điệp nền tảng mà các chân sư thăng thiên đã giảng dạy từ thời đức Phật.

Thể hiện quả vị Ki-tô có nghĩa là gì? Có nghĩa là ông hoàng của thế gian không nắm được gì nơi con, vì cho dù y có ném gì vào con, y cũng không thể buộc con có một phản ứng thấp kém hơn tình thương. Tình thương là phương thuốc sẽ tống khứ mọi sợ hãi. Khi con có thể đáp ứng bằng tình thương, con giải phóng cho người bạn đời lẫn chính con tìm ra một cách đáp ứng cao hơn – nếu người kia chọn làm như vậy.

Con có thấy điều ta đang nói không? Một mối quan hệ là một trong những cách hiệu quả nhất để dạy con người kiểm soát phản ứng của mình. Cho nên khi con quan hệ với một người chống đối niềm tin tâm linh của mình, điều này không nhất thiết là một trở ngại trên con đường quả vị Ki-tô của con. Nó có thể – nếu con chọn cách tiếp cận như vậy – là một cơ hội tuyệt diệu để kiểm soát phản ứng của mình và tự dạy mình phản ứng lại mọi tình huống với tình thương. Nói cách khác, con hoàn toàn có khả năng ở lại trong một quan hệ mà vẫn bước đi tiếp trên con đường quả vị Ki-tô. Có thể con còn tinh tấn nhanh chóng hơn trong một quan hệ khó khăn thay vì dễ dàng.

Lý do ta nói điều này là để cho con niềm hy vọng là quả thực con có thể tiếp tục mối quan hệ mà vẫn theo đuổi quả vị Ki-tô. Điều đó sẽ giảm bớt nỗi sợ hãi của con, hầu con có thể xem xét sợ hãi này kỹ lưỡng hơn. Thực tế là nếu con sợ quan hệ sẽ chấm dứt, chính sợ hãi đó có thể khiến con làm tổn hại đến đường tu của con, qua đó ta muốn nói là việc mình cam chịu do mình sợ hãi KHÔNG giống như việc nắm lấy kiểm soát phản ứng. Nhiều người đã cho phép nỗi sợ hãi khiến mình khuất phục, và có người còn nghĩ rằng bởi vì thái độ này không hung hãn cho nên nó giống như một đức tính Ki-tô, nó tâm linh và yêu thương. Nó không phải là cả hai.       .

Cho nên con cần đạt tới một điểm khi con không khuất phục do sợ hãi, và cách duy nhất để làm điều này là nhìn vào nỗi sợ hãi. Vậy thì chúng ta hãy thử xem xét nỗi sợ hãi là mối quan hệ có thể chấm dứt.

Thực tế – một thực tế phũ phàng nhưng không thể tránh được – là hầu hết những người bước đi trên đường tâm linh sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng quan hệ. Điều này đặc biệt đúng cho những mối quan hệ đã khởi đầu trước khi con tìm thấy đường tu hoặc trước khi con tiến một bước dài. Lý do là vì khi con tiến một bước dài, người bạn đời của con sẽ cảm được điều đó. Và nếu người đó không sẵn sàng cùng tiến bước với con thì nó sẽ hiện ra như là mối đe dọa. Khi đó sẽ có nguy cơ là người đó lo sợ đánh mất con, khiến họ tìm cách hạn chế các hoạt động tâm linh của con.

Có nhiều người tầm đạo đã trải qua kinh nghiệm này, và nhiều người cũng đã cho phép nó chấm dứt quan hệ của mình. Tuy nhiên trong tuyệt đại đa số trường hợp, việc chấm dứt như vậy hoặc là không cần thiết, hoặc là quá vội vàng. Hãy cho ta giải thích.

Là một người tầm đạo, điều hoàn toàn hợp lý là con có thể kết thúc một mối quan hệ để nhảy một bước tiến thật dài, hay do hệ quả của một bước tiến thật dài. Ta từng cư xử như vậy khi ta đang thuyết giảng trước đám đông thì mẹ và anh chị em của ta đã bước vào bảo ta nên ngừng lại và xử sự như người bình thường. Ta đã trả lời, những ai lắng nghe và làm y theo lời của Thượng đế là gia đình thực sự của ta. Điều này phần nào cũng sẽ đúng cho bất kỳ người tầm đạo nào – vì sẽ có những thời điểm trên hành trình tâm linh khi con cần bước tới và bỏ lại đằng sau một số người.

Tuy nhiên – và đây là chữ TUY NHIÊN thật lớn – điểm này không bao giờ được sử dụng như một cái cớ để tháo chạy một tình thế khó khăn. Sự thật là nhiều người tầm đạo đã dùng gương của ta để bào chữa cho việc mình kết thúc một mối quan hệ. Họ muốn bước ra khỏi mối quan hệ nhưng lại không sẵn sàng thừa nhận chuyện đó, cho nên khi người bạn đời bắt đầu phản đối hoạt động tâm linh của họ (thường là những hoạt động không cân bằng), thì điều này trở thành một cái cớ thuận tiện để chấm dứt mối quan hệ. Thật là quá dễ đổ lỗi việc đổ vỡ cho người kia đã không chịu chấp nhận các hoạt động tâm linh của mình. Hiển nhiên, đây chỉ đơn giản là ngón bịp bợm cố hữu của tự ngã quy trách nhiệm cho một ai khác, và điều này sẽ không đem lại tinh tấn tâm linh cho dù con có tìm cách biện minh đến đâu.

Nếu con muốn rời khỏi một mối quan hệ, tất nhiên là con có quyền chọn lựa như vậy, nhưng con hãy công nhận đó là chọn lựa của con và đừng quy trách nhiệm cho ai khác.

Vậy con có thấy điều ta muốn nói? Một đằng, con cần giữ trong tâm khả năng là mối quan hệ có thể sẽ kết thúc, nhưng đằng khác con cũng cần tránh quyết định với tâm vỏ ngoài và khiến cho quan hệ chấm dứt quá vội vàng. Làm thế nào tìm ra thế cân bằng đây? Trước hết, con hãy quyết định là con sẽ không có quyết định nào để chấm dứt quan hệ, và sau đó con hãy quyết định là con sẽ ngừng đặt trọng tâm vào việc thay đổi người bạn đời của con, và thay vào đó, con sẽ tập trung tất cả sự chú ý của mình vào việc điều ngự cách phản ứng của chính mình trong quan hệ.

Điểm con muốn hướng tới là đối với con, dù mối quan hệ có tiếp tục hay chấm dứt cũng không quan trọng gì nữa. Bởi vì con đã hoàn toàn làm chủ được phản ứng của mình, cho nên con tìm được sự an bình và hạnh phúc nội tâm một cách độc lập khỏi người kia.

Một khi con tìm được an bình nội tâm này và học được cách chỉ đáp ứng bằng tình thương, rất có thể người bạn đời của con cũng sẽ thay đổi và cuộc khủng hoảng sẽ đi qua. Tuy nhiên, vì tất cả mọi chuyện đều phụ thuộc vào quyền tự quyết, cho nên người kia vẫn có thể không muốn thay đổi. Như vậy, chính người đó sẽ có thể chấm dứt quan hệ, hoặc mối quan hệ sẽ giải thể một cách có vẻ tự nhiên. Điều ta muốn nói ở đây là con hãy đặt trọng tâm vào cách phản ứng của mình và tránh lấy quyết định với tâm vỏ ngoài. Con nỗ lực tìm an bình nội tâm và mặc cho mọi chuyện tự nó trải bày ra.

Điều này có nghĩa là cho dù quan hệ có kết thúc, con sẽ vẫn an bình. Và để đạt tới điểm đó, có thể con sẽ cần nhìn vào nỗi sợ hãi của mình và vượt xuyên qua nó. Cách hay nhất là con hãy tự hỏi, “Điều gì là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho tôi?” Xong con hãy để cho kịch bản đó trình diễn trong tâm con cũng như cách con sẽ đối phó về mặt lý trí lẫn xúc cảm. Bằng cách cho phép con sống qua nỗi sợ hãi, cuối cùng con sẽ đi xuyên qua nó và nhận ra là kịch bản tồi tệ nhất vẫn không đến nỗi đáng sợ như con tưởng. Quả thật, con có khả năng sống sót qua cơn sợ, thậm chí con sẽ vẫn tiến bước nếu nó xảy ra.

Trở về với trường hợp mô tả trong thư, điều cũng cần thiết là xem xét một yếu tố khác nữa mà nhiều người có thể không sẵn lòng nhìn nhận. Thực tế phũ phàng là đạo Cơ đốc cực chính thống (fundamentalist Christianity) hoàn toàn xa cách với thực tại của Ki-tô. Ít phong trào tôn giáo nào trên hành tinh mà lại phán xét một cách hung hãn đến như vậy, có nghĩa là nhiều tín đồ cực chính thống đã mở tâm mình ra cho quỷ địa ngục xâm nhập vào. Những con quỷ này hoạt động ráo riết thông qua nhiều tín đồ cực chính thống, thậm chí cả nhiều nhà thuyết giáo, và thực sự họ bị sử dụng làm công cụ để khuấy động xung đột. Do đó, một điều cần thiết và chính đáng là con sử dụng các bài thỉnh và bài chú mà chúng tôi đã đăng tải trên trang dụng cụ để cầu thỉnh cho chồng con được giải vây khỏi những con quỷ này và được bảo vệ.

Một lần nữa, điều quan trọng là con làm những việc trên mà không sợ hãi, và con có khả năng khắc phục nỗi sợ bằng cách con nhận ra là những con quỷ đó không có quyền năng gì trên con một khi con làm chủ được phản ứng của mình. Tuy nhiên cho tới khi đó, điều quan trọng là con cũng cầu gọi sự bảo vệ và sự cắt đứt những sợi dây buộc trói con, buộc trói con cái, chồng và gia đình của con. Con cũng có thể kêu gọi ta đến phán xét những thế lực đã lạm dụng danh ta hầu biện minh cho những hành vi không Ki-tô. Con hãy sử dụng bài thỉnh Đại thiên thần Michael và bài thỉnh cho kẻ tố cáo người anh em. Nhưng con cũng hãy dùng những bài thỉnh nhẹ nhàng hơn như bài thông sạch con tim, và bài về tình thương vô điều kiện.

Bây giờ đến bước chót. Một khi con đã cầu thỉnh sự bảo vệ và con đã đạt được một khả năng kiểm soát nào đó trên phản ứng của mình, con sẽ cần nói chuyện với chồng con. Tuy nhiên, con cần lưu ý là chuyện này sẽ không khả thi hay sẽ không xây dựng cho tới khi con kiểm soát được phần nào phản ứng của con. Vì nếu không, rất có thể nó sẽ biến thành một cuộc đối đầu khiến cho khủng hoảng chỉ càng leo thang.

Vậy khi tình thế có vẻ mang tính xây dựng, con hãy nói chuyện với chồng con về hai điều. Trước hết, hãy thử hỏi anh ấy xem liệu anh có nghĩ là cách hành xử của anh đối với con phù hợp với lý tưởng của Ki-tô hay không. Liệu anh có thực sự chìa má kia ra, hay anh lại là người cứ đánh con tới tấp trên một má trong khi con chìa má kia? Con hãy cho anh thấy là con không tìm cách thay đổi niềm tin của anh, nhưng anh lại không làm vậy đối với con.

Có thể anh sẽ trả lời là bởi vì con sẽ bị xuống địa ngục do không có đức tin, cho nên anh ấy đang làm y như Giê-su muốn anh làm. Con thử hỏi anh ấy xem liệu anh nghĩ Giê-su có tôn trọng quyền tự quyết của con người hay không? Liệu anh thực sự tin là Ki-tô muốn anh coi thường quyền tự quyết của con? Thử hỏi anh xem anh sẽ cảm thấy thế nào nếu có ai đó hung hãn bắt anh phải chối bỏ niềm tin Cơ đốc giáo của anh? Liệu anh sẽ coi đó là một việc phải? Nếu không thì liệu anh có thấy là nếu anh không muốn ai buộc anh phải thay đổi niềm tin, thì anh cũng nên làm cho người khác những gì anh muốn người khác làm cho anh. Và khi anh tấn công niềm tin của con hung hãn, anh không đang tuân thủ điều răn của ta.

Con cũng hãy hỏi, liệu Ki-tô có muốn anh trù rủa vợ anh, hay là Ki-tô muốn anh tìm ra cách sống chung hòa bình cho dù không cùng chung tín ngưỡng? Con có thể nhắc anh là ta đã dạy mọi tín đồ Cơ đốc hãy thương yêu nhau như ta thương yêu họ, và ta thương yêu mọi người bất kể tôn giáo, và đó là tại sao ta đã dang rộng vòng tay với người Samaritan, người La mã, những người thu thuế và đủ loại người tội lỗi.

Điểm tiếp theo mà con đề cập là tình cảm của anh ấy đối với con. Trước hết, con hãy nói rõ tình cảm của con đối với anh, như con đã mô tả trong thư. Rồi con xin anh thành thật nói cho con biết tình cảm của anh đối với con như thế nào. Hồi đó có thể là hai con đã không bao giờ kết hôn nếu cả hai không được “cứu rỗi”, nhưng bây giờ thì tình cảm của anh ra sao? Liệu anh có yêu con người của con, hay anh yêu con với điều kiện con được “cứu rỗi”? Liệu anh có thể tách rời con người của con và tư cách tín đồ của con? Liệu anh còn yêu con như con thực là, và liệu tình yêu của anh có đủ sâu đậm để cho phép con đi theo một con đường sống mà anh không hiểu? Liệu anh có yêu con đủ để cho con tự do đi theo con đường nội tâm của con, y như con cũng yêu anh đủ để cho anh đi theo con đường của anh?

Nếu anh trả lời là anh yêu con vì con người của con, thì kết luận hiển nhiên là cả hai cần cố gắng tìm ra cách sống với nhau trong tình yêu và tôn trọng, thay vì cứ liên tục cãi vã và đổ lỗi cho nhau. Nếu anh thành thật nói rằng anh không còn yêu con nữa vì con không được “cứu rỗi”, thì hiển nhiên hai con cần nói chuyện xem mối quan hệ này còn ý nghĩa gì nữa không.

Ta cũng hiểu là một cuộc đối thoại mang tính quyết định như vậy có thể khiến con lo lắng, căng thẳng. Đó là tại sao ta đã khuyên con hãy cố gắng điều ngự phản ứng của mình, hầu con có thể nói chuyện với chồng con mà vẫn hoàn toàn an bình cho dù kết cục có như thế nào. Con hãy tìm trước tiên vương quốc của Thượng đế và sự công chính của ngài – có nghĩa là an bình nội tâm và làm chủ phản ứng – và tất cả mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con.