Giáo lý nền tảng về hôn nhân và ly dị

Hỏi: Liệu chế độ một vợ một chồng có thích hợp cho xã hội chúng ta? Trong quá khứ, người ta thường giữ đúng lời hứa hôn nhân, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự hiệp thông tâm linh giữa vợ chồng phai nhạt đi theo thời gian hoặc không thể gắn bó được – hoặc thậm chí, nếu một trong hai người vẫn cảm thấy gắn bó nhưng người kia thì không? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Như con nói, xưa kia việc giữ lời hứa sống chung với nhau là điều thông thường hơn bây giờ. Ngày nay điều này không đúng nữa và nhiều tín hữu Cơ đốc giáo xem đây là một dấu hiệu đạo đức đã suy đồi. Tuy nhiên, vấn đề không giản dị như vậy.   

Như ta có giải thích, nhân loại đang được nâng lên một tầng tâm thức cao hơn. Trong thời đại hôm nay, lý tưởng là con người nên có sự hiểu biết hợp lý hơn về các quy luật của Thượng đế hầu họ sử dụng các quy luật này một cách ý thức và tự nguyện đứng thẳng hàng với mục đích của Thượng đế.   

Tiếc thay, đạo Cơ đốc chính thống đã không đáp ứng được tiềm năng cao nhất của mình và đã không đem lại cho con người sự hiểu biết sâu sắc về quy luật Thượng đế. Các giáo hội Cơ đốc đã đặt trọng tâm vào cái nhìn đầy sợ hãi về sự sống và cố gắng bênh vực những giáo điều của quá khứ thay vì truyền rải sự hiểu biết cao hơn cần thiết cho tương lai.

Kết quả là tình trạng hiện tại và ngày càng có nhiều người không còn thỏa mãn với sự tin tưởng mù quáng nữa. Họ không thể mù quáng tuân theo quy luật cùa Thượng đế vì họ không bao giờ được trao sự hiểu biết đích thực về con đường dẫn tới quả vị Ki-tô. Kết cuộc là họ thường nổi loạn, bác bỏ giáo lý và luật lệ của giáo hội mà không thay thế bằng một hiểu biết cao hơn do đã đích thân bước đi trên con đường Ki-tô.   

Nhiều người bây giờ rơi vào trạng thái tâm thức chối bỏ luật lệ cũ, chẳng hạn như lời thề hôn nhân, và họ cho rằng thế nào cũng được. Nói cách khác, nếu mình thích thì cứ việc làm, không có gì sai trái hết. Điều này khiến cho nhiều người, kể cả một số người thật sự tâm linh có tiềm năng biểu hiện tâm Ki-tô, trụ neo trong tâm nhị nguyên và tự ngã phàm phu thay vì nơi cái Ta Ki-tô và Hiện diện TA LÀ. Do đó họ không thấy được một ý nghĩa tâm linh nào trong hôn nhân và thường chấm dứt cuộc hôn nhân từ một động cơ thấp kém. Sau đây ta sẽ cố cho con một cái nhìn cao hơn về hôn nhân và giá trị của lời thề hôn nhân.    

Như ta giải thích khắp trang mạng này, cuộc sống có thể được xem như một con đường tâm linh dẫn về tâm thức Ki-tô. Khi con chấp nhận quan điểm này về đời sống, con nhận ra là tất cả mọi sự xảy đến cho con đều là một cơ hội để con tăng triển. Mỗi hoàn cảnh mà con gặp, mỗi chọn lựa mà con có, sẽ đưa con hoặc một bước gần hơn tâm thức Ki-tô, hoặc một bước xa hơn tâm thức Ki-tô.

Trong mọi hoàn cảnh thường có hai yếu tố. Một là hoàn cảnh sẽ cho con một cơ hội để cân bằng nghiệp quả từ quá khứ và nhờ vậy con thoát khỏi gánh nặng của năng lượng tha hóa đó. Yếu tố kia là hoàn cảnh cho con một cơ hội để học hỏi một điều gì đó về chính con và những trở ngại trong tâm lý con đang ngăn cản con biểu hiện quả vị Ki-tô.

Khi con áp dụng những điều trên vào hôn nhân, con sẽ thấy hôn nhân là một cơ hội tuyệt diệu để quân bình nghiệp quả với một người khác. Hôn nhân cũng là một cơ hội rất tốt để học hỏi về những giới hạn cá nhân của con, hầu con có thể giải phóng tâm lý con khỏi những chướng ngại đang ngăn con khỏi tâm Ki-tô. Nếu con thật sự nhất quyết phát triển tâm linh, con sẽ thấy hôn nhân không chỉ là một chuyện vui thú hay thiết thực, mà thực sự là một cơ hội để khắc phục nghiệp quả cũ cùng những hạn chế tâm lý của mình, hầu con bước một bước dài về hướng quả vị Ki-tô cá nhân.

Ta có thể xác nhận với con là gần như không có cuộc hôn nhân nào trên địa cầu mà hai người không có nghiệp quả với nhau. Nói cách khác, con phải coi như là con đang có nghiệp quả với người phối ngẫu, và do đó hôn nhân của con là một cơ hội để con cân bằng nghiệp quả đó và giành được tự do của con. Ta cũng có thể xác nhận là tuyệt đối không có hôn nhân nào mà không cho con cơ hội để con phơi bày những bế tắc tâm lý hầu con giải quyết một cách ý thức và bỏ lại đằng sau vĩnh viễn.

Thật ra ta cũng có thể xác nhận với con là hầu hết ai ai cũng đều chọn người phối ngẫu của mình trước khi đầu thai. Mỗi dòng sống chọn vợ hay chồng mình là người sẽ đem lại cho mình cơ hội tốt nhất để cân bằng nghiệp quả và cởi sửa những nút thắt trong tâm lý mình. Nói cách khác, sự hấp dẫn bên ngoài với nhau giản dị chỉ là sự phản ánh một nhận biết sâu xa trong nội tâm rằng con thực sự muốn cân bằng nghiệp quả với người đó, và con thực sự muốn học những bài học mà con có thể khi sống chung với người đó.    

Khi áp dụng cái nhìn này về hôn nhân, con nhận ra là điều cuối cùng mà con muốn làm là chấm dứt cuộc hôn nhân trước khi con hoàn thành mục đích tâm linh mà con đã đề ra cho cuộc hôn nhân. Nói cách khác, con không muốn chấm dứt hôn nhân trước khi con cân bằng mọi nghiệp quả với người phối ngẫu. Và con không muốn chấm dứt hôn nhân trước khi con học xong mọi bài học tâm lý con có thể học được từ người đó. Nếu con chấm dứt quá sớm, tất cả những vấn đề này sẽ chỉ giản dị bám theo con trong quan hệ kế tiếp.

Khi con hiểu sâu sắc ý nghĩa tâm linh của hôn nhân như vậy, con sẽ thấy là rất nhiều người quyết định chấm dứt hôn nhân trước khi họ cân bằng nghiệp quả và học xong bài học. Thật ra, nhiều người còn tạo ra thêm nghiệp chướng và củng cố những bế tắc tâm lý thay vì giải tỏa.   

Điều này xảy ra một phần là vì người ta không hiểu một bên của phương trình hôn nhân là tâm linh, và cũng vì họ bị neo cứng trong ngã thấp kém cũng như những nhu cầu ham muốn ích kỷ của ngã. Điều này khiến họ có nhiều tình cảm tiêu cực đối với người phối ngẫu. Một trong những tình cảm thông thường nhất là cảm thấy người kia có nợ gì đó đối với mình. Điều này không sai, vì con có quyền chờ đợi một quyền lợi gì đó từ người phối ngẫu, cụ thể là một cơ hội cân bằng nghiệp quả và giải quyết tâm lý của con. Nhưng món quà này hiện diện trong mỗi cuộc hôn nhân, với điều kiện là con sẵn lòng đón nhận nó. 

Tiếc thay, điều xảy ra cho nhiều người là họ trụ neo vào những ham muốn thấp kém của tự ngã phàm phu, và họ bắt đầu cảm thấy mình phải được hưởng một số quyền lợi vỏ ngoài từ người kia, và khi người kia không chu toàn được, họ cảm thấy bị dối gạt, đối xử tệ bạc. Và thay vì nhận trách nhiệm về con đường riêng của mình, họ đổ lỗi cho người kia. Tất nhiên, ngay khi con bắt đầu đổ lỗi cho người khác thì sự phát triển tâm linh của con sẽ dừng lại.

Như ta giải thích suốt trang mạng này, mọi thứ đều xoay quanh quyền tự quyết của con. Điều duy nhất có thể đưa con tiến thêm một bước trên đường cá nhân của con là con nhận trách nhiệm về hoàn cảnh hiện tại của con và con có sự chọn lựa cao nhất trong hoàn cảnh đó. Khi con đổ lỗi cho người phối ngẫu về sự trì trệ hay bất mãn của con, tức khắc con cũng từ chối nhận trách nhiệm và do đó con không thể có những chọn lựa sẽ giúp con thăng tiến.

Con không thể có những chọn lựa này vì con đã đẩy con vào một trạng thái tâm thức nơi con cho rằng chỉ người kia mới cần chọn lựa. Và chừng nào người kia không thay đổi, con cũng nghĩ là con không thể thay đổi. Tất nhiên đây là sự dối gạt lớn nhất của tự ngã phàm phu, vả đó chính là dối gạt mà tự ngã của con, như kẻ thù bên trong, và các tà lực như kẻ thù bên ngoài, sẽ sử dụng để đánh bẫy con vào trạng thái tâm thức hiện thời và ngăn cản con bước được bước kế tiếp trên con đường cá nhân.

Điều ta đang cố giải thích ở đây là bất kỳ hôn nhân nào, cho dù nó có vẻ không như ý thế nào đi nữa đối với tự ngã, nó vẫn tạo cơ hội cho dòng sống của con tăng triển. Nếu con đã quyết định cưới một người, con phải chấp nhận rằng dòng sống của con có một lý do tâm linh vô cùng chính đáng để thúc đẩy tâm vỏ ngoài của con lấy quyết định đó.

Con nên tin rằng dòng sống của con thực sự muốn cân bằng nghiệp quả và học hỏi một số bài học từ hôn nhân này. Do đó khi nào những mục đích tâm linh sâu xa này chưa thực hiện, con sẽ làm hại sự phát triển tâm linh của con nếu con chấm dứt hôn nhân. Điều đặc biệt nguy hiểm là nếu con chấm dứt hôn nhân do tự ngã bị thất vọng với những thiếu sót gán cho người phối ngẫu. Điều này sẽ chỉ cột con chặt hơn vào gọng kềm của tự ngã, khiến con khó phát triển hơn. Điều ta muốn nói là nếu con đã có lời thề hôn nhân, con nên giữ đúng lời thề đó bằng cách trung thành với người phối ngẫu, tận tụy nỗ lực để cân bằng nghiệp quả và học xong bài học. 

Con có hỏi điều gì sẽ xảy ra khi sự hiệp thông tâm linh giữa hai người bị phai nhạt hay không còn nữa. Như ta đã nói, luôn luôn có một mục đích tâm linh trong một hôn nhân. Điều này không nhất thiết có nghĩa là hai người phải cảm thấy hiệp thông tâm linh hoặc ngay cả thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Cuộc hôn nhân có thể vô cùng không như ý từ một quan điểm vỏ ngoài, nhưng đó vẫn có thể là cơ hội để cân bằng nghiệp quả và giải quyết tâm lý.

Vi vậy con nên tiếp cận hôn nhân với ý định rõ ràng là con sẽ thực hiện hai mục đích nói trên. Nó sẽ giúp con chịu đựng dễ dàng hơn mọi hoàn cảnh hôn phối và những điều không như ý không thể tránh khỏi trong bất cứ mối quan hệ nào giữa con người. Nó cũng sẽ gia tăng xác suất cả hai người sẽ dần dần cân bằng nghiệp quả và giải quyết tâm lý mình. Và như thế, hai con sẽ bắt đầu hỗ trợ cho nhau và tìm được sự hiệp thông tâm linh. Nói cách khác, không một hôn nhân nào sẽ thành công nếu con không thành tâm nỗ lực để nó thành công.

Sau khi trình bày những điều trên, phải công nhận là một hôn nhân có thể đi tới một điểm không còn đáp ứng được mục đích tâm linh nữa. Trong trường hợp này, việc chia tay và đi theo hướng mới có thể là điều có lợi cho sự phát triển tâm linh của cả hai người. Ta biết điều này sẽ làm cho nhiều tín hữu đạo Cơ đốc kinh ngạc vì họ còn nhớ những lời dạy của ta trong Kinh thánh. Hãy cho phép ta giải thích tường tận hơn.   

Trước hết, bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng phải thích ứng với tâm thức những người nhận giáo lý. Khi ta hiện thân 2000 năm trước đây, nhiều người đàn ông thường ly dị vợ mình khi người vợ không còn trẻ trung, đẹp đẽ nữa. Họ sẽ cưới vợ trẻ mới để thỏa mãn các đòi hỏi dục vọng. Do điều kiện xã hội vào thời đó, một phụ nữ gần như không thể tự lo liệu được kế sinh nhai của mình, và do đó nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh đó không còn chọn lựa nào khác hơn là bán thân mình, một nghề bị xã hội cực kỳ lên án và xem là tội lỗi.  

Tình trạng này phản ánh rõ rệt thái độ ngược đãi phụ nữ trong nhiều nền văn hóa suốt bao nhiêu ngàn năm. Nhiều người đàn ông xem phụ nữ như một món hàng mà họ có thể vứt bỏ khi không còn hữu dụng. Trong khuôn khổ nỗ lực của ta nhằm phục hồi một vai trò xứng đáng cho phụ nữ – như được giải thích ở nơi khác – ta thấy cần phải lên tiếng thật mạnh mẽ chống lại ly dị. Điều này một phần là để bảo vệ phụ nữ, phần khác để giúp đàn ông tránh khỏi nghiệp quả hành hạ phụ nữ, vì điều này sẽ gia tăng sự mất quân bình giữa hai khía cạnh nam và nữ trong chính bản thể họ và chặn đứng sự tăng trưởng tâm linh của họ.  

Thời nay, một người nữ có khả năng chu toàn cuộc sống của mình mà không cần đến chồng. Xã hội cũng có pháp luật bảo về quyền lợi của phụ nữ sau khi ly dị cũng như nhiều dịch vụ xã hội hơn. Cho nên sẽ không đúng nữa khi nói rằng ly dị đi ngược lại quy luật của Thượng đế hay lời dạy của ta. Con có thể ly dị một cách hợp pháp khi cuộc hôn nhân không còn đáp ứng mục đích tâm linh nữa. Điều này đặc biệt hữu lý khi trong hôn nhân có sự lạm dụng thể xác hay tình cảm. Về mặt này, phải nói là việc phá hoại hay ngăn trở sự phát triển tâm linh của một người khác là hình thức lạm dụng nghiêm trọng nhất.

Tuy nhiên, ta phải cảnh giác mọi người là hầu hết mọi vụ ly dị xảy ra thời nay không hợp lệ trong nghĩa tâm linh. Đa số người ta ly dị vì tự ngã mình cảm thấy bị bất mãn, tổn thương trong hôn nhân, như giải thích ở trên. Cho nên ly hôn là một quyết định nghiêm trọng chỉ nên thực hiện sau khi đã cân nhắc lâu dài, kỹ lưỡng, và tốt hơn hết nên đến từ một mặc khải trực giác từ cái ta Ki-tô.   

Ta thực sự khuyên những ai đang nghĩ tới việc ly hôn nên trước hết có những nỗ lực để bảo đảm mục đích tâm linh cuả hôn nhân được thực hiện – trong đó gồm cả việc sử dụng Ngọn lửa Tím để tiêu hủy nghiệp chướng và làm hết sức để học được bài học về tâm lý. Phần khác nữa là con nên xem đến việc tham khảo những dịch vụ tư vấn hoặc liệu pháp hôn nhân và thành tâm nỗ lực để cải tiến cuộc hôn nhân. Trước khi con lấy đuyết định dứt khoát, ta cũng khuyến cáo con nên thực hiện kinh cầu 33 ngày và cố hòa điệu với cái ta Ki-tô của con.   

Bây giờ cho phép ta nhận xét về đoạn này trong Matthew 19:

3 Người Pharisi cũng đến gần để thử ngài, nói rằng: Một người đàn ông đuổi vợ mình vì bất cứ lý do gì có đúng luật không? 4 Và ngài trả lời và nói; các người chưa đọc hay sao, rằng đấng đã tạo ra họ ở ban đầu đã tạo họ là nam và nữ, 5 Và vì lý do đó mà một người nam phải lìa cha mẹ, phải kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ cùng là một thịt? 6 Qua đó họ không còn là hai mà chỉ là một thịt. Vậy điều gì Thượng đế đã kết hợp với nhau, đừng để con người phân rẽ.   

Câu chủ yếu là không người nào được phân rẽ điều gì mà Thượng đế đã kết hợp với nhau. Ý nghĩa nội tâm của câu này là con không được cho phép tự ngã và tâm nhị nguyên của con khiến con ly dị người phối ngẫu trước khi cuộc hôn nhân hoàn thành mục đích tâm linh mà dòng sống của con đã quyết định. Nói cách khác, một uy quyền cao hơn (mà ta gọi là “Thượng đế” trong câu nói) – nghĩa là dòng sống của con với sự hội ý của các vị thày tâm linh của con – đã kết hợp con với người phối ngẫu để thực hiện một mục đích nhất định. Con nên giữ lòng thủy chung với mục đích này cho tới khi nó hoàn thành. Và con không được cho phép cái tâm thấp kém và những ham muốn của tâm thấp kém (mà ta gọi là “con người” trong câu nói) khiến con đi chệch khỏi mục đích tâm linh của cuộc hôn nhân.

Con cũng hãy ghi nhận rằng chồng và vợ có thể trở thành cùng một thịt. Ý nghĩa tâm linh thực sự của câu đó là vợ chồng có tiềm năng bước lên một mức kết hợp cao hơn, một sự kết hợp tâm linh nội tại. Nếu cả hai người nỗ lực siêng năng để giải hóa nghiệp quả và tâm lý, họ sẽ có thể giúp nhau đạt được cân bằng giữa hai khía cạnh nam và nữ của bản thể họ. Khi thực hiện được cân bằng này trên phương diện cá nhân, hai người sẽ vươn lên một mức kết hợp cao hơn rất nhiều so với những gì có thể. Sự kết hợp này giữa vợ và chồng là biểu tượng cho kết hợp giữa dòng sống và cái ta tâm linh. Quả thật, nó sẽ giúp cả hai người đạt đến kết hợp nội tâm đó, và do đó một cuộc hôn nhân phát huy được tiềm năng cao nhất có thể là một lực đẩy tâm linh tuyệt vời cho cả hai người.    

Ta cần nói rõ là không phải cuộc hôn nhân nào cũng sẽ đạt được sự kết hợp cao độ đó. Nhưng ta cũng cảnh giác con là đa số các cuộc hôn nhân đều có tiềm năng này. Nói cách khác, điều xảy ra rất thường là người ta hay gặp điều bất mãn trong những năm đầu mới lấy nhau. Bất mãn là do mỗi người đều không không trọn vẹn và họ kỳ vọng người kia sẽ giúp mình cảm thấy trọn vẹn. Khi cảm giác trọn vẹn không ở đó, thật là dễ rơi vào lời dối trá của tự ngã bảo con rằng con đã chưa tìm được người phối ngẫu thích hợp, và con chỉ cần tìm được người đó thì con sẽ tức khắc được hưởng hạnh phúc tràn trề.    

Nhưng đó là lời gian dối. Dù con có cưới người tâm đầu ý hợp – ngọn lửa song sinh của con – thế nhưng chừng nào nghiệp quả và những vấn đề tâm lý chưa giải tỏa thì hạnh phúc đó cũng sẽ không có được. Hầu hết các cuộc hôn nhân đều có tiềm năng kinh nghiệm được sự trọn vẹn đích thực, nhưng trọn vẹn này chỉ có thể đến khi cả hai người có sự trọn vẹn cá nhân, có nghĩa là đã giải quyết một số nghiệp quả và tâm lý nào đó.   

Điều ta muốn nói là có những hoàn cảnh khi con cần phải chấm dứt một cuộc hôn nhân hầu thăng tiến sự phát triển tâm linh của cả hai người, hoặc ít nhất một trong hai người mong muốn phát triển tâm linh. Tuy nhiên, con sẽ vô cùng khôn ngoan nếu con có một nỗ lực chân thành và hết mình để giúp cho cuộc hôn nhân thực hiện được tiềm năng cao nhất của nó trước khi con quyết định ly dị. Nếu con lià bỏ người phối ngẫu trước khi giải quyết tâm lý con, có nhiều xác suất con sẽ thu hút một người phối ngẫu khác cũng lại khơi lên cùng những vấn đề tâm lý nơi con. Vậy thì tại sao con không cố giải quyết với người đầu tiên? Một khi con đã giải quyết tâm lý mình thì điều thận trọng là con có thể chia tay. Tuy nhiên, nếu con đã giải quyết tâm lý thì rất có thể cuộc hôn nhân đầu đã trở thành toại nguyện đến độ con không có lý do để chia tay nữa.  

Nói cách khác, con không bao giờ được ly dị vì tự ngã con muốn chạy trốn khỏi những điều không vừa ý. Thật là không có ích gì đeo đuổi một cái cầu vòng gọi là hôn nhân, bởi vì ta cam đoan với con là ở cuối cầu vòng không có hũ vàng nào cả. Con chỉ nên ly dị khi con biết – cái biết sâu thẳm ở bên trong – rằng đã tới lúc con phải chọn một hướng đi mới tốt đẹp hơn trong nghĩa tâm linh đích thực.